Ngày 02-01-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:27 02/01/2025

14. Con người ta bình thường đều có những tật xấu, nếu không muốn sửa đổi thì không cảm thấy tật xấu ấy ghê gớm, giống như con chim ở trong lồng, nếu không muốn bay ra thì cũng không cảm thấy cái lồng nhỏ hẹp.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:32 02/01/2025
30. TÁN THÀNH NHAN HỒI CHẾT

Có một thư sinh rất lười nhác thường giận dữ vì sách quá nhiều, một lần nọ đang đọc sách “luận ngữ”, lúc đọc đến tiết Nhan Uyên (1) chết, bèn vỗ tay tán thưởng nói:

- “Chết rất hay, chết quá đẹp”.

Có người hỏi tại sao, anh ta trả lời:

- “Nếu ông ta không chết thì lại viết trên Nhan Hồi dưới Nhan Hồi, tôi làm sao đọc hết được, như vậy thì mệt chết tôi luôn hả !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 30:

Học trò thì lúc nào cũng ngán bài vở, nhất là đến ngày thi, dù có siêng năng hay lười biếng học thì cũng rất lo và hồi hộp. Nhưng học trò giỏi thì không bao giờ chán khi đọc sách, bởi vì họ ý thức được việc đọc sách là việc của sĩ tử.

Có những người Ki-tô hữu khi đọc sách thánh thì cảm thấy chán ngán, bởi vì họ cứ thấy lập đi lập lại mấy chữ ân sủng, chúc lành, khôn ngoan, khiêm nhường.v.v...mà không thấy những gì là yêu đương với lãng mạn, cũng như không nhìn thấy bối cảnh lâm ly bi đát của câu chuyện, thế là họ cho việc đọc sách thánh là mất thời giờ quý báu của mình. Đọc sách, dù là sách thánh hay sách khoa học, hay các sách văn hóa khác thì cũng luôn giúp ích cho trí tuệ của con người, làm cho họ có tầm nhìn xa hơn về thế giới và trí óc hiểu biết thêm nhiều về kiến thức.

Đọc sách thánh và các sách đạo đức khác là làm cho đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu ngày càng tiến đến sự trọn lành, nó cũng làm cho người Ki-tô hữu nhận ra thánh ý của Thiên Chúa qua từng câu từng chữ trong sách thánh, để họ trở nên con người mới trong ân sủng của Ngài.

Việc đọc thêm sách để tham khảo, để mở mang kiến thức đối với học sinh lười là một cực hình, nhưng việc đọc sách thánh đối với người Ki-tô hữu là một niềm vui và an ủi, vì trong sách thánh họ tìm thấy nguồn suối ân sủng của Thiên Chúa ban cho họ sự sống đời đời...

(1) Còn có tên là Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử (521-490 trước công nguyên.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 03/01: Gioan – Giới thiêu Chúa Giêsu – Lm. Gioan Baotixita Đặng Nhật Trường, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:35 02/01/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Hôm sau, khi ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

Tôi đã không biết Người, nhưng tôi đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en.” Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’ Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

Đó là lời Chúa
 
Hiểu biết thần học
Lm Minh Anh
14:12 02/01/2025
HIỂU BIẾT THẦN HỌC
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”.

“Dòng suối máu chảy ra từ động mạch của Đấng Emmanuel; những tội nhân bị nhấn chìm dưới dòng máu lũ đó, nó cuốn sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Tên trộm hấp hối vui mừng khi thấy nguồn suối đó trong ngày của hắn; và tôi, cũng đê tiện như hắn, tẩy sạch mọi tội lỗi của mình. Chiên Con yêu dấu hấp hối, bửu huyết của Ngài sẽ không bao giờ mất đi sức mạnh của nó cho đến khi toàn thể Hội Thánh được cứu chuộc!” - William Cowper.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng thứ tư, Gioan Tẩy Giả chưa bao giờ làm phép rửa cho Chúa Giêsu như trong Matthêu, Marcô hay Luca; thay vào đó, Gioan chứng kiến việc Thánh Thần ngự xuống; để hôm sau, đưa tay chỉ Chúa Giêsu cho các đồ đệ và nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Quả là một ‘hiểu biết thần học’ sâu sắc!

Tại sao có sự khác biệt này giữa các Phúc Âm? Thật khó để trả lời, nhưng một điều hiển nhiên là, Gioan Tẩy Giả đã được mặc khải một sự hiểu biết tâm linh lạ lùng; rằng, Giêsu là “Chiên Thiên Chúa!”. Chỉ Tin Mừng thứ tư có ‘danh hiệu’ này và cũng chỉ ‘môn đệ vô danh’ - “người được Chúa Giêsu yêu” - tiết lộ mặc khải này. Rõ ràng, Tin Mừng Gioan đã nêu bật sự ‘hiểu biết thần học’ mà chỉ mình Gioan Tiền Hô được mặc khải.

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!” cũng là lời chủ tế cất lên khi đưa cao Mình Thánh Chúa trong lễ Tạ Ơn; cộng đoàn đáp, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!” - lời viên đại đội trưởng. Trình thuật này không có trong Tin Mừng Gioan, nhưng phụng vụ đã tài tình kết hợp hai trình thuật này để có một ý nghĩa thâm trầm tuyệt vời dù thoạt đầu, chúng rất riêng lẻ; thậm chí tương phản nhau.

Sự kết hợp ý vị này thể hiện một ‘sự thật kép’. Trước hết, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Thời Cựu Ước, tội nhân cần một con vật đổ máu để đền tội thay. Nhưng “Máu các con bò, con dê không thể xoá được tội lỗi!” - thư Do Thái; vì thế, Chiên Thiên Chúa phải đổ máu. “Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi!” - bài đọc một; và kết quả là “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Tiếp đến, “Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Không ai xứng đáng để Chúa ngự vào; tuy nhiên, chúng ta không chỉ được phép đón Chúa, mà còn chủ động đến với Ngài. Bất xứng của con người không là trở ngại cho việc Thiên Chúa giữ mối tương quan với nó hay việc nó liên hệ với Ngài. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta thật xứng đáng; Ngài yêu cầu chúng ta trở nên xứng đáng để hiểu biết, tìm kiếm và chào đón Ngài.

Anh Chị em,

“Đây Chiên Thiên Chúa!”. Chiên Thiên Chúa đã lấy máu từ trái tim bị đâm thâu của Ngài để rửa sạch tội lỗi chúng ta. “Hãy học từ Gioan Tẩy Giả khi không cho rằng chúng ta đã biết Chúa Giêsu, rằng chúng ta đã biết mọi điều về Ngài. Không phải vậy! Hãy dừng lại với Tin Mừng, thậm chí có thể chiêm ngưỡng một biểu tượng của Chúa Kitô, một “Khuôn Mặt Thánh Thiện”. Chiêm ngưỡng bằng đôi mắt và hơn thế, bằng trái tim; và hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng nói với chúng ta bên trong rằng: Chính Ngài - Con Thiên Chúa - đã trở thành Chiên Con, bị hiến tế vì tình yêu!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, suối máu Chúa tuôn trào, tội lỗi của tên trộm và của nhân loại được tẩy sạch. Dạy con hiểu biết tình yêu Chúa hơn, hầu con bớt đê tiện và nên thánh mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Miền Giuđê
Lm Vũđình Tường
17:14 02/01/2025
Mười hai chi tộc Israel được vua Saul qui tụ, trở nên thịnh vượng, có thế lực. Saul là vị vua lập quốc. David lên thay khi vua cha qua đời. Sau David thì đến Salomon. Ta thán trong dân chúng do cần tài chánh, nhân lực trong việc xây dựng nhiều công trình lớn. Tăng thuế hàng năm và trai trẻ hàng năm phải lao công không lương cho việc xây dựng. Salomon mất, con là Rehoboam lên thay, toàn dân yêu cầu giảm thuế. Ý kiến bô lão không hợp í vua. Vua chọn nghe theo tiếng nói của thành phần trẻ. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi nhà vua cưới vợ, hoàng hậu thờ thần ngoại lai, thần Baal. Rehoboam tăng thêm thuế, bắt dân phục dịch nhiều hơn cho việc xây đền đài cho thần Baal. Đất nước bị chia đôi. Mười chi tộc phía bắc tách riêng tạo thành vương quốc phương Bắc có tên là Israel. Hai chi tộc còn lại là Giuđê và Benjamin tạo thành vương quốc phương Nam, lấy tên là Giuđê. Thành thánh Jêrusalem và Bêlem thuộc về phương nam. Giuđê vừa là tên một chi tộc vừa là tên nước.

Tội lỗi là nguyên nhân gây nên chiến tranh, anh em cắn cấu, chia bè, kéo phái, chém giết lẫn nhau. Tội thờ ơ thờ Thiên Chúa đã là vô ơn lắm rồi vì nhận ơn mà không biết dâng lời tạ ơn. Quan trọng hơn cả, tội đáng chết, là tội thờ ngẫu tượng. Bỏ Thiên Chúa hằng sống đi thờ bò vàng do tay con người đúc, tạc nên. Vì vô ơn, vì cậy vào sức riêng, Thiên Chúa để mặc họ vì thế không bao lâu sau nước phương Bắc bị ngoại bang đô hộ và mấy trăm năm sau nước phương Nam cũng rơi vào tình trạng đó. Dân ngoại cai trị cả mười hai chi tộc, bắt tù đầy, nô lệ. Từ bỏ đường lối công chính là đường lối Chúa để đi theo í muốn cá nhân. Chọn theo tà thần là đường lối dẫn đến coi thường công lí, ham địa vị, danh vọng, tửu sắc là chọn con đường dẫn đến diệt vong, tự huỷ diệt. Gc 4:1-4.

Kinh Thánh nhắc đến việc Đức Kitô thuộc dòng dõi vua David, thuộc chi tộc Giuđê là chi tộc trung thành với Giavê Thiên Chúa. Đức Kitô sinh ra tại Belem miền Giuđê. Ba nhà chiêm tinh cũng đến vùng Belem miền Giuđê. Có thể nói chi tộc Giuđê là chi tộc trung thành với Giavê Thiên Chúa hơn mọi chi tộc khác. Đức Kitô chọn sanh ra tại Bêlem để nhắc mọi chi tộc nên trung thành với Thiên Chúa. Đức Kitô chọn sanh ra tại Bêlem, một vùng quê nghèo, hẻo lánh, nhỏ bé, vô danh, ít người qua lại và không có gì đặc sắc cho biết mọi sự trên đời đều là hư vô. Có Chúa, Belem trở lên lừng danh qua nhiều bài thánh ca hát mừng Chúa Giáng Sinh. Những bản thánh ca này được ca vang trên môi miệng mọi người dù tin hay không tin. Tất cả đều vui ca, ngợi khen, chúc tụng Chúa. Thiên Chúa uy quyền làm cho nơi hẻo lánh, hoang vu thành thánh địa, mà ai cũng ước ao viếng thăm một lần trong đời. Vùng đất hẻo lánh hoang vu đón hài nhi Giêsu, Vua Bình Anh. Mảnh đất này cũng chào đón ba vua trần gian, hay còn được biết đến như là ba nhà chiêm tinh. Họ từ giã quê hương, dấn thân ra đi miền xa, tìm đến bái kính, thờ lậy Vua Bình An. Ba nhà chiêm tinh nghĩ Vua Bình An sinh ra trong hoàng cung nên tìm đến vua địa phương Hêrôđê hỏi tin tức. Hêrôđê đã không giúp được mấy, ngoại trừ lời hứa dối trá, gian xảo.

Đức Kitô chọn sanh ra nơi hoang vu, hẻo lánh cho biết Ngài chọn dân nghèo, chọn nơi hoang vu, hẻo lánh, vùng hoang địa, bắt đầu từ số con số zêrô, số không, để qui tụ tâm hồn thiện tâm như lời ca vang của ca đoàn thiên thần. Nơi hoang vu có tiếng ca vang thiên thần, có sự hiện diện của dân mục đồng. Đại diện cho dân nghèo, bị xã hội coi thường là mục đồng. Đại diện cho thành phần trí thức, có thế giá, địa vị trong xã hội, nhưng sống khiêm như là ba nhà chiêm tinh. Đức Kitô quy tụ tâm hồn thiện tâm, thành phần khiêm nhường.

Từ giã Hêrôđê, ba nhà chiêm tinh lại được ánh sao xuất hiện chỉ đường. Gặp được Vua Bình An, họ tiến dâng Vua Bình An vàng ròng, nhũ hương và mộc dược. Lòng chân thành, ước ao thờ kính Vua Bình An được thiên sai chấp nhận, hỗ trợ, sai ánh sao đêm dẫn đường đi và về đến quê hương bằng an.

Cuộc đời rao giảng công khai của Đức Kitô cho biết Ngài không trông mong vàng ròng, nhũ hương và mộc dược. Ngài từ chối vật chất, chức tước, danh vọng. Sứ mạng của Đức Kitô nơi trần gian là mang lại bình an cho những tâm hồn bất an; bạn với tâm hồn cô đơn; chữa lành và băng bó con tim rỉ máu; thương ban lời an ủi; chia sẻ cuộc đời vất vả, gánh nặng; vác trên vai mang về kẻ lạc đường; là cửa chuồng che chở đàn chiên khỏi bị thú dữ làm hại. Cho kẻ đói ăn, khát uống, rách rưới ăn mặc. Đức Kitô không độc quyền làm những công việc này; trái lại Ngài mở rộng, mời gọi mọi tâm hồn thiện tâm, khiêm nhường phục vụ, cùng chung tay, cộng tác với Đức Kitô để xoa dịu u sầu trong cuộc sống. Tất cả những ai cộng tác với Đức Kitô thực hành đức ái trong cuộc sống đều nhận được lời Ngài hứa ban: bình an trong tâm hồn ngay tại đời này và sự sống trường sinh khi họ hoàn tất cuộc lữ hành trần thế.

Món quà cao quí mà Vua Bình An tìm kiếm, mong chờ nơi mỗi người Kitô hữu là con tim chân thành, bàn tay đỡ nâng, đôi chân rao giảng Tin Mừng, lời nói giao hoà, nối kết, cổ võ cho hoà bình, công lí, tiếng gào kêu gọi thống hối trở về cùng Thiên Chúa. Tất cả đều cần làm với tấm lòng khiêm nhu.

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Châu Á: chương trình nghị sự năm 2025
Vũ Văn An
13:45 02/01/2025

Tạp chí AsiaNews vừa cho đăng tải các biến cố đáng nhớ diễ ra trong năm 2025 tại Á Châu, đại khái bao gồm: Năm bắt đầu từ hôm nay sẽ tràn ngập các sự kiện, ngày kỷ niệm và các vấn đề quan trọng: từ Expo Osaka đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Philippines. Vào tháng 5, Đức Phanxicô và Thượng phụ Bartholomew có thể sẽ có chuyến thăm đại kết đến Ni-xê-a để kỷ niệm 1,700 năm ra đời của Kinh Tin Kính Ni-xê-a. Đóng góp của các hợp tác xã vào sự phát triển và sự tan chảy của các sông băng [glaciers] là chủ đề của các Năm quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức.



Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2025 là Năm quốc tế của các hợp tác xã để nêu bật sự đóng góp của hình thức tổ chức kinh tế này vào sự phát triển.

Với biến đổi khí hậu, theo đề xuất của Tajikistan, năm 2025 sẽ là Năm quốc tế về bảo tồn sông băng (glaciers), với một ngày đặc biệt, ngày 21 tháng 3, là Ngày thế giới về sông băng, bắt đầu từ năm nay.

Vào năm 2025, Malaysia sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN - tổ chức chính trị, kinh tế và văn hóa tập hợp mười quốc gia Đông Nam Á.

Vào năm 2025, Nam Phi sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của G20.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2025 sẽ được tổ chức tại Brazil, vào ngày chưa xác định.

BẦU CỬ

Ngày 2 tháng 3 và ngày 28 tháng 3: bầu cử quốc hội tại Tajikistan

Ngày 12 tháng 5: bầu cử giữa nhiệm kỳ cho Quốc hội Philippines và cuộc bầu cử đầu tiên tại Khu tự trị Bangsamoro ở Mindanao Hồi giáo (BARMM)

Trước tháng 7: bầu cử chung của Viện Tham mưu, thượng viện của Quốc hội Nhật Bản

Tháng 10 năm 2025: bầu cử quốc hội tại Iraq

Ngày 23 tháng 11: tổng bầu cử tại Singapore

Tháng 12 năm 2025: bầu cử quốc hội tại Kyrgyzstan

Tại Bangladesh, chính phủ lâm thời do Mohammad Yunus lãnh đạo đã hứa sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm 2025 và đầu năm 2026.

CÁC BIẾN CỐ

Triển lãm Thế giới 2025: từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 13 tháng 10, Nhật Bản sẽ tổ chức Triển lãm Thế giới tại Osaka, tập trung vào chủ đề "Thiết kế Xã hội Tương lai cho Cuộc sống của Chúng ta"

Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á về Sức khỏe Hoàn cầu: Ngày 26-27 tháng 5 tại Hồng Kông

Hội chợ Quyền của Ki-tô giáo Châu Á: Ngày 1-2 tháng 9 tại Bangkok, Thái Lan, một biến cố tập chú vào quyền của các Ki-tô hữu ở Châu Á

LỄ KỶ NIỆM TÔN GIÁO

Tết Nguyên Đán: 29 tháng 1. Đây là sự khởi đầu của Năm Rắn theo lịch Trung Quốc và Việt Nam, năm nay gắn liền với gỗ

Ramadan: 28 tháng 2-29 tháng 3

Pesach: Người Do Thái ăn mừng Lễ Vượt Qua, bắt đầu từ tối ngày 12 tháng 4

Năm nay, lễ Phục sinh rơi vào ngày 20 tháng 4, trùng hợp là cùng ngày trong cả lịch Gregory (Công Giáo và Thệ phản cùng theo) và lịch Julian (được các Giáo hội Đông phương tuân giữ)

Lễ Phật giáo Vesak: 12 tháng 5

Ngày lễ Diwali của người Hindu: 21 tháng 10

SỰ KIỆN CỦA GIÁO HỘI

Ngày 1 tháng 1: Hôm nay, Hồng Y Felipe Neri Ferrao, tổng giám mục của Goa và Darman (Ấn Độ), tiếp quản vị trí lãnh đạo Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC)

Ngày 27-29 tháng 3: Đại học Gregorian ở Rome tổ chức "Missio Dei trong thế giới ngày nay", Hội nghị Quốc tế về Truyền giáo, đánh dấu kỷ niệm 150 năm thành lập Viện Truyền giáo của Lời Chúa

Ngày 9 tháng 5: tại Rome, lễ kỷ niệm các vị tử đạo mới, những chứng nhân của đức tin, trong Năm Thánh

Cuối tháng 5: Thượng phụ Constantinople Bartholomew và Đức Giáo Hoàng Phanxicô có kế hoạch thực hiện một cuộc hành hương chung đến Ni-xê-a, ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, để đánh dấu kỷ niệm 1,700 năm của Công đồng, nơi mà Kinh Tin Kính Ni-xê-a về bản chất thần linh của Chúa Giêsu đã được khẳng định. Địa điểm hiện nằm trong khu vực Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, rộng lớn hơn.

28 tháng 7-3 tháng 8: Đại lễ cho thanh thiếu niên tại Rome

4-5 tháng 10: Đại lễ của thế giới truyền giáo tại Rome

28 tháng 12: Bế mạc Đại lễ tại các giáo phận trên toàn thế giới

BIẾN CỐ THỂ THAO

11 tháng 7-3 tháng 8: Giải vô địch thể thao dưới nước thế giới tại Singapore

13-21 tháng 9: Giải vô địch điền kinh thế giới tại Tokyo

KỶ NIỆM

1925 (lễ kỷ niệm 100 năm)

Phong trào Ba mươi tháng Năm tại Trung Quốc: Ngày 30 tháng 5 năm 1925, một cuộc biểu tình ở Thượng Hải phản đối chủ nghĩa đế quốc nước ngoài và điều kiện làm việc đã bùng nổ thành bạo lực, đánh dấu bước ngoặt cho phong trào dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.

1975 (50 năm)

Khmer Đỏ lên nắm quyền ở Campuchia: Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, thiết lập một chế độ dẫn đến cái chết của hàng triệu người.

Chiến tranh Việt Nam kết thúc: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, với sự sụp đổ của Sài Gòn, Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đánh dấu sự thống nhất đất nước dưới sự cai trị tàn bạo của cộng sản, khiến hàng triệu người liều chết bỏ nước ra đi.

Tuyên bố của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Ngày 2 tháng 12 năm 1975, sau khi nắm quyền kiểm soát đất nước, Pathet Lào đã bãi bỏ chế độ quân chủ và thành lập chế độ cộng sản.

2000 (25 năm)

Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon: Ngày 24 tháng 5 năm 2000, Israel đã hoàn tất việc rút quân khỏi miền nam Lebanon, chấm dứt 18 năm chiếm đóng.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000: Vào tháng 6 năm 2000, các nhà lãnh đạo của Bắc và Nam Triều Tiên đã gặp nhau lần đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới sự hòa giải giữa hai nước.
 
Người Công Giáo lên tiếng về lệnh cấm mạng xã hội của Úc: Một khoảng trống trong đời sống tâm linh của trẻ em chúng ta
Vũ Văn An
14:23 02/01/2025

Nguồn: perfectlab/Shutterstock


Jonah McKeown của hãng tin CNA, ngày 2 tháng 1 năm 2025, tường trình rằng Các nhà lập pháp Úc đã gây chấn động khắp thế giới gần đây khi thông qua một đạo luật — đạo luật đầu tiên thuộc loại này trên thế giới — cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, X và TikTok.

Đạo luật sửa đổi về an toàn trực tuyến (Độ tuổi tối thiểu sử dụng mạng xã hội) năm 2024, được Quốc hội Úc thông qua vội vã và được thông qua vào cuối tháng 11, dự kiến có hiệu lực vào ngày 10 tháng 12 năm 2025. Đạo luật này áp dụng mức phạt hàng chục triệu đô la đối với các công ty truyền thông xã hội nếu họ không xác minh đầy đủ độ tuổi của người dùng và thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn trẻ em dưới 16 tuổi có tài khoản.

Kế hoạch này đã nhận được cả lời khen ngợi và chỉ trích từ nhiều nơi trên thế giới khi các nhà bình luận có nhiều hậu cảnh và hệ tư tưởng khác nhau — bao gồm nhiều người Công Giáo — cố gắng đánh giá tính phù hợp của lệnh cấm như vậy và liệu trên thực tế, lệnh cấm này có thực sự hữu hiệu hay không.

Tổng giám mục Peter Comensoli của Melbourne, người đứng đầu tổng giáo phận lớn nhất của Úc, nói với CNA rằng Giáo hội tại Úc đang tích cực tham gia vào việc ủng hộ và chủ động giúp đỡ các bậc cha mẹ bảo vệ con cái của họ trong phương diện trực tuyến, bao gồm cả những tác động tiêu cực tiềm ẩn của phương tiện truyền thông xã hội và việc sử dụng điện thoại thông minh. Ngài cho biết tổng giáo phận đã thực hiện các bước để đào tạo giáo viên và phụ huynh về tầm quan trọng của "an toàn mạng" và năm nay đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về an toàn điện tử với hơn 120 nhà giáo dục từ khắp tổng giáo phận để lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực này về những cách tốt nhất để làm việc với học sinh sử dụng công nghệ.

Tổng giám mục nhấn mạnh vai trò quan trọng của cha mẹ là những nhà giáo dục chính của con cái họ, những người mà ngài cho biết nên tham gia tích cực vào việc bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại trực tuyến, đặc biệt là nội dung khiêu dâm và bắt nạt trên mạng.

“Các bậc phụ huynh chia sẻ với tôi rằng thật khó để bảo vệ con cái họ khỏi những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội khi họ cảm thấy rằng họ đang từ chối con cái mình thứ mà bạn bè của chúng đều đang sử dụng”, ĐC Comensoli trả lời CNA bằng văn bản cho các câu hỏi.

“Tuy nhiên, có rất nhiều ví dụ về các lĩnh vực trong cuộc sống mà cộng đồng đã nêu rõ rằng trẻ em cần được bảo vệ. Rượu và lái xe là hai ví dụ nảy ra trong đầu khi luật pháp hạn chế quyền truy cập của trẻ em… Tôi thấy mạng xã hội cũng tương tự như vậy. Việc có cả thế giới trong tầm tay có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp, nhưng trẻ em cần thời gian để trưởng thành để có thể hiểu đúng cách sử dụng nó một cách hữu hiệu”.

Một bản đệ trình vào tháng 6 năm 2024 từ Hội đồng giám mục Công Giáo Úc như một phần của quá trình đánh giá Đạo luật an toàn trực tuyến năm 2021 của quốc gia, do ĐC Comensoli ký với tư cách là chủ tịch Ủy ban về sự sống, gia đình và cam kết công cộng của các giám mục Úc, chủ yếu tập trung vào nhu cầu “cấp thiết” là bảo vệ trẻ em khỏi nội dung khiêu dâm trực tuyến.

Trong bản đệ trình, các giám mục đã thúc giục chính phủ thực hiện xác minh độ tuổi đối với nội dung khiêu dâm trực tuyến, đồng thời ủng hộ việc trao quyền cho cha mẹ nhiều hơn thông qua giáo dục và các nguồn lực. Các giám mục cũng viết rằng các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý về nghĩa vụ chăm sóc để ngăn chặn trẻ em truy cập vào nội dung có hại.

ĐC Comensoli bình luận với CNA rằng một cách tiếp cận lành mạnh đối với công nghệ như phương tiện truyền thông xã hội có nghĩa là coi nó không chỉ là "nguồn gây hại" mà còn là một công cụ để "chia sẻ Chúa Kitô với thế giới". Nhưng giống như tất cả các công cụ, "chúng ta phải học cách sử dụng chúng đúng cách", ĐC Comensoli nói.

Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng cách nói rằng Giáo hội có thể giúp những người trẻ tuổi vun đắp mối quan hệ lành mạnh với công nghệ bằng cách thúc đẩy sự suy tư tâm linh và áp dụng các nhân đức chính - tiết độ, thận trọng, công bằng và kiên cường - vào các tương tác trực tuyến.

"Giáo hội có nhiều điều để cung cấp cho thế giới khi tìm cách tương tác tốt hơn với công nghệ. Một điều chúng ta có thể làm là tiếp tục cung cấp cho thế giới nơi yên tĩnh để chúng ta có thể chiêm nghiệm về trái tim của Chúa Kitô - chính Chúa Kitô đã kêu gọi chúng ta yêu thương người lân cận như chính mình", ngài giải thích.

‘Cố gắng thay đổi chuẩn mực xã hội’

Dany Elachi, một người cha Công Giáo có năm người con đến từ Sydney, đã đóng vai trò lớn trong việc vận động lệnh cấm mạng xã hội thông qua một liên minh gồm những phụ huynh quan tâm khác mà ông dẫn đầu có tên là Heads Up Alliance, một liên minh ủng hộ rằng cha mẹ nên trì hoãn việc cho con cái họ tiếp cận mạng xã hội. Ông đã làm chứng trước các nhà lập pháp Úc vào tháng 10 và nhiệt tình thúc giục họ hành động táo bạo để bảo vệ trẻ em khỏi những tác động có hại của việc tiếp xúc sớm với mạng xã hội.

Elachi nói với CNA rằng ban đầu phong trào của họ được hình thành như một phương tiện để tập hợp những phụ huynh Công Giáo có cùng chí hướng lại với nhau để ủng hộ việc trường học trở thành môi trường không có điện thoại thông minh và cũng để chống lại áp lực văn hóa của bạn bè khi các bậc phụ huynh cảm thấy họ phải cho con nhỏ của mình sử dụng điện thoại.

Phong trào của họ đã thu hút được sự chú ý khi ngày càng có nhiều phụ huynhts đã tìm kiếm một giải pháp thay thế cho quan niệm phổ biến về điện thoại thông minh trong khi cũng không muốn con cái họ bị cô lập mà không có lựa chọn nào để tương tác. Nhóm đã tìm cách xây dựng cho các gia đình và trẻ em những cách thay thế để xây dựng cộng đồng và kết nối.

Elachi ghi nhận cuốn sách "The Anxious Generation" của tác giả người Mỹ Jonathan Haidt đã khơi dậy các cuộc trò chuyện ở Úc về lệnh cấm mạng xã hội có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông cho biết lệnh cấm "chưa bao giờ thực sự nằm trong tầm ngắm của chúng tôi; nó thậm chí không nằm trong danh sách mong muốn của chúng tôi".

"Một năm trước, nếu bạn nói với tôi rằng vào cuối năm 2024, Úc sẽ có luật nâng độ tuổi tối thiểu được sử dụng mạng xã hội lên 16, tôi sẽ không tin bạn", Elachi nói.

Khi được hỏi về thực tế thực sự của việc ngăn trẻ em Úc sử dụng mạng xã hội, Elachi cho biết trước khi luật có hiệu lực, các công ty truyền thông xã hội và nhà lập pháp sẽ tìm cách xác minh độ tuổi của người dùng "mà không xâm phạm quá nhiều đến quyền riêng tư".

Lệnh cấm mạng xã hội mới đã nhận được sự chỉ trích ở một số nơi, với những người chỉ trích đặt câu hỏi về cách chính xác mà các công ty truyền thông xã hội có thể xác minh độ tuổi của mọi người dùng mà không cần thực hiện các bước như sử dụng cơ sở dữ liệu ID quốc gia hoặc quét (scan) khuôn mặt của người dùng, cả hai đều khiến những người ủng hộ quyền riêng tư phải tạm dừng. Một "phương pháp mã hóa ẩn danh" đang được xem xét, theo đó điện thoại của người dùng sẽ chứa một "mã thông báo" ẩn danh đảm bảo với công ty truyền thông xã hội về độ tuổi của người dùng và không có gì khác.

Elachi cho biết bất kể quyết định nào được đưa ra trên mặt trận công nghệ, điều quan trọng đối với ông là bản thân luật tồn tại như một "ranh giới".

“Việc coi luật là biểu tượng, là khát vọng sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới các bậc phụ huynh và gia đình rằng bất cứ đứa trẻ nào sử dụng mạng xã hội ở độ tuổi 12, 13 hoặc 14 đều không phù hợp. Về cơ bản, chúng ta thực sự đang cố gắng thay đổi chuẩn mực xã hội xung quanh việc sử dụng mạng xã hội”, Elachi cho biết.

Ngoài ra, ông cho biết, ông hy vọng luật sẽ buộc hoặc ít nhất là khuyến khích các công ty mạng xã hội “phát triển các nền tảng không gây nghiện cho trẻ em, không bóc lột trẻ em”.

Elachi cho biết chính qua kinh nghiệm của bản thân với tư cách là một người cha đã khuất phục trước áp lực phải mua cho con gái nhỏ một chiếc điện thoại thông minh, ông nhận ra rằng mình “ngây thơ” khi mong đợi con mình “tự mình vượt qua sức mạnh” của mạng xã hội. Ông cho biết ông thường thấy con gái nhỏ nhắn nhắn tin cho bạn bè dưới chăn khi đáng lẽ cô bé phải ngủ.

“Điện thoại thông minh đang tạo ra khoảng trống trong đời sống tinh thần của trẻ em chúng ta. Đó là điều cuối cùng mà chúng làm vào ban đêm, [thay vì] đọc một lời cầu nguyện biết ơn trước khi đi ngủ… chúng ta đang mất đi khả năng ngồi yên, chúng ta đang mất đi khả năng suy gẫm… Bởi vì từng phút của mỗi ngày đều bị hút vào những tiện ích trong tay chúng ta,” Elachi nói.

“Tôi chỉ muốn khuyến khích các bậc cha mẹ hãy giữ vững lập trường, tìm kiếm cộng đồng, tạo ra một cộng đồng nếu họ phải làm vậy, với những bậc cha mẹ có cùng chí hướng khác trong trường học của họ, ở thị trấn hoặc vùng ngoại ô của họ, và giữ vững mối quan hệ đó. Không có quy tắc nào bắt buộc bạn phải khuất phục trước việc đưa điện thoại cho con mình khi con 10 tuổi. Chúng ta chỉ làm như vậy vì chúng ta cảm thấy áp lực khi mọi người khác làm như vậy.”

‘Cảm thức liên đới’

Jim Schroeder, một người Công Giáo và là nhà tâm lý học trẻ em có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với CNA rằng ông tin rằng Úc đang “đi đúng hướng” với lệnh cấm phương tiện truyền thông xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi — một phản ứng quyết liệt nhưng có khả năng là cần thiết khi ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội có thể gây hại như thế nào đối với não đang phát triển.

Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy đã nhiều lần nhấn mạnh đến những rủi ro sức khỏe do mạng xã hội gây ra, ban hành một khuyến cáo dài 25 trang vào năm 2023, trong đó ông thừa nhận cả những lợi ích tiềm tàng (như kết nối xã hội và thể hiện bản thân) và những tác hại đáng kể (bao gồm trầm cảm, lo âu và các vấn đề về hình ảnh cơ thể) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.

Đồng tình với Elachi, Schroeder cho biết những luật như thế này gửi đi thông điệp về những gì xã hội coi trọng và có thể cung cấp một "lý do được chấp thuận" cho những bậc cha mẹ muốn hạn chế quyền truy cập của con mình vào thứ mà họ cho là có hại — mang lại cho cha mẹ "cảm thức liên đới... mà trước đây họ không có".

Schroeder cho biết nhiều bậc cha mẹ, dù là người Công Giáo hay không, có xu hướng tập trung sự chú ý của họ vào việc đảm bảo con cái họ không tiếp nhận nội dung có hại hoặc không phù hợp trực tuyến, đây là một mục tiêu tốt. Nhưng ông cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội, bất kể nội dung là gì, có thể gây hại cho sự phát triển thần kinh của trẻ em, đặc biệt là trong "giai đoạn phát triển não bộ diễn ra trước giữa độ tuổi 20".

Schroeder, một người cha của tám đứa con, khuyến nghị rằng các bậc cha mẹ nên ưu tiên sức khỏe toàn diện của trẻ em — thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần — hơn là sự tiện lợi và khả năng tiếp cận mà công nghệ mang lại. Và nếu điều đó có nghĩa là phải chờ đợi để mua cho con mình một chiếc điện thoại thông minh cho đến khi chúng 16 hoặc 18 tuổi, con cái của họ có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc bắt kịp công nghệ mới nhất, ông cho biết.

“Mọi người, khi tôi hoặc những người khác nói và viết về điều này, có thể dễ dàng có nhận thức rằng chúng tôi hoàn toàn phản đối công nghệ. Và thực tế là điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi sử dụng nó hàng ngày trong cuộc sống của mình và tôi nghĩ rằng nó có rất nhiều công dụng tuyệt vời”, Schroeder cho biết.

“Nhưng cho đến khi chúng ta, với tư cách là một xã hội, hiểu được khi nào, ở đâu và như thế nào chúng ta nên sử dụng nó, chúng ta phải thực sự cẩn thận về nơi chúng ta sẽ đến, bởi vì chúng ta đang mở ra rất nhiều thứ mà chúng ta thậm chí không muốn bắt đầu khám phá”.
 
Năm Thánh 2025: Những quyết tâm và nguồn lực cho năm mới
J.B. Đặng Minh An dịch
16:28 02/01/2025

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Jubilee 2025: New Year’s Resolutions and Resources”, nghĩa là “Năm Thánh 2025: Những quyết tâm và nguồn lực cho năm mới”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Năm Thánh 2025 bắt đầu vào Đêm Giáng Sinh năm 2024, với việc mở Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, và sẽ kết thúc vào ngày 6 Tháng Giêng năm 2026, khi cánh cửa đó của Vương cung thánh đường Vatican đóng lại. Chủ đề của năm thánh này là Peregrinantes in Spem (Những người hành hương trong hy vọng), và giống như mọi lễ kỷ niệm khác kể từ khi Đức Giáo Hoàng Bonifaciô VIII khai mạc việc thực hành năm thánh vào năm 1300, Năm Thánh 2025 có mục đích tăng cường trải nghiệm của chúng ta về ân sủng của Chúa—về cuộc sống thiêng liêng—đang hoạt động trong và xung quanh chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể hợp tác với ân sủng luôn hiện diện đó để mỗi người chúng ta giúp biến năm thánh này thành thời gian đổi mới tinh thần trong Giáo hội?

Một số gợi ý:

Hãy đào sâu sự hiểu biết của bạn về hy vọng Kitô giáo. Hy vọng, một trong ba nhân đức đối thần, không phải là sự lạc quan, là một thứ sản phẩm mong manh hơn nhiều—đặc biệt là trong một thế giới dường như đang lao ra khỏi tầm kiểm soát. Ngược lại, hy vọng “không bao giờ làm thất vọng” vì hy vọng dựa trên “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Thông điệp thứ hai của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, Spe Salvi (Được cứu trong hy vọng), đã khám phá lời khẳng định của Thánh Phaolô này một cách sâu sắc và tao nhã. Vì vậy, hãy cố gắng đọc (hoặc đọc lại) và cầu nguyện về Spe Salvi trong Năm Thánh 2025, có thể với sự hỗ trợ của lời bình luận của cố linh mục Richard John Neuhaus về thông điệp này.

Đóng khung mỗi ngày với lời cầu nguyện hàng ngày chính thức của Giáo hội. Phụng vụ Giờ kinh là phương tiện cổ điển mà Giáo Hội Công Giáo dùng để thánh hóa mọi ngày trong suốt cả ngày. Hàng triệu người Công Giáo đã được giới thiệu về một hình thức đơn giản hóa của hành trình cầu nguyện hàng ngày này thông qua công trình tuyệt vời do các biên tập viên của Magnificat thực hiện, sách cầu nguyện ghi danh hàng tháng hiện có sẵn bằng chín ngôn ngữ. Ngược lại, Phụng Vụ Các Giờ Kinh đầy đủ có thể giống như một cỗ máy mã hóa Enigma, với các “cánh quạt” khác nhau của lịch phụng vụ hàng năm, lịch của các thánh và chu kỳ bốn tuần của các thánh vịnh. Thật may mắn, những ai muốn cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh đầy đủ giờ đây có thể làm như vậy bằng cách tham gia cộng đồng cầu nguyện trực tuyến tại DivineOffice.org hoặc bằng cách tải xuống ứng dụng iBreviary (cũng chứa các văn bản Thánh lễ cho mỗi ngày). Phụng Vụ Các Giờ Kinh hàng ngày là kho báu của trí tuệ Kitô giáo trải dài hai thiên niên kỷ.

Đắm mình vào Kinh thánh. Nhận ra ý định của Công đồng Vatican II là khôi phục Kinh thánh cho mọi người trong Giáo hội không được hỗ trợ bởi các hình thức học thuật và thuyết giáo về Kinh thánh coi Kinh thánh là thứ cần phải mổ xẻ thay vì thưởng thức. Hai nguồn tài nguyên khổng lồ sẽ giúp bạn đào sâu cuộc gặp gỡ với lời Chúa được viết ra trong Năm Thánh này—và do đó giúp bạn nhìn thế giới qua lăng kính Kinh thánh: Catholic Study Bible – Người Công Giáo Học Hỏi Kinh Thánh do Ignatius vừa mới xuất bản (với các ghi chú và bình luận mở rộng của Scott Hahn, Curtis Mitch và những người khác) và Kinh thánh của Word on Fire (một bộ bảy tập dự kiến có các bình luận từ hai thiên niên kỷ của các nhà văn Kitô giáo, trong đó bốn tập đầu tiên hiện đã có).

Hãy tìm hiểu cuộc đời các vị thánh. Voices of the Saints: A 365-Day Journey – Tiếng Nói Của Các Thánh – Cuộc Hành Trình 365 Ngày của Bert Ghezzi cung cấp cho độc giả một người bạn đồng hành hàng ngày trong cuộc hành hương hy vọng của năm nay, trong khi Saints, Angels & Demons: An A-to-Z Guide to the Holy and the Damned - Các Thánh, Thiên Thần Và Quỷ Dữ: Một Hướng Dẫn Từ A Đến Z Cho Thánh Nhân Và Những Kẻ Bị Nguyền Rủa của Gary Jansen là một tập bản đồ toàn diện hơn về thế giới siêu nhiên: thế giới thực sự bao quanh và thâm nhập vào những gì những người hoài nghi hoan hỉ gọi là “thế giới thực”.

Hãy tìm hiểu sâu hơn về Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê. Năm Thánh 2025 sẽ bao gồm lễ kỷ niệm 1700 năm thành lập Công Đồng Nicê đầu tiên, nơi đã ban cho chúng ta Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn đọc cho đến ngày nay—Kinh Tin Kính là nền tảng của sự chính thống Kitô giáo. Hãy tìm hiểu kỹ hơn bằng cách dành thời gian trong năm Thánh này với cuốn sách dễ hiểu và đầy tính khai sáng của Giám mục Robert Barron, Light from Light: A Theological Reflection on the Nicene Creed, hay Ánh sáng từ Ánh sáng: Suy ngẫm Thần học về Kinh Tin Kính Nicea.

Thực hiện Giờ Thánh Thường xuyên. Hàng tháng, hoặc thậm chí hàng tuần, hãy dành thời gian yên tĩnh trước Mình Thánh Chúa để cầu nguyện thầm và đọc sách tâm linh. Cuốn sách Return to Me: Visits to the Tabernacle của Lynda Rozell – Trở Về Với Ta: Những Chuyến Viếng Thăm Nhà Tạm sẽ là người bạn đồng hành đáng hoan nghênh—hoặc là một lời thúc đẩy nhẹ nhàng.

Khám phá lại Hy vọng trong Bí tích Hòa giải. Việc viếng thăm Chúa Kitô hàng tháng trong tòa giải tội sẽ là một kỷ luật tuyệt vời trong năm thánh này, củng cố chúng ta cho công việc truyền giáo mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi trong Bí tích Rửa tội.


Source:First Things
 
Phép lạ Thánh Thể ở DIJON, PHÁP, 1430
Đặng Tự Do
18:35 02/01/2025

Trong Phép lạ Thánh Thể ở Dijon, một phụ nữ đã mua một chiếc bình đựng Mình Thánh vô tình vẫn còn chứa Mình Thánh. Người phụ nữ quyết định dùng dao để lấy Mình Thánh ra, Máu sống bắt đầu nhỏ giọt, khô ngay lập tức, để lại hình ảnh Chúa đang ngồi trên ngai vàng hình bán nguyệt với một số dụng cụ liên quan đến Cuộc Khổ Nạn ở bên cạnh.

Bánh Thánh vẫn còn nguyên vẹn trong hơn 350 năm, cho đến khi bị những người cách mạng phá hủy vào năm 1794.

Các tài liệu của giáo phận Dijon cho biết chi tiết như sau: Vào năm 1430, tại Monaco, một phụ nữ đã mua một chiếc bình đựng Mình Thánh Chúa từ một người bán đồ cũ.

Rất có thể là nó đã bị đánh cắp vì nó vẫn còn chứa Bánh Thánh để tôn thờ. Người phụ nữ, rất thiếu hiểu biết về Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, đã quyết định lấy Bánh Thánh ra khỏi bình đựng bằng một con dao. Bất ngờ, Bánh Thánh bắt đầu nhỏ giọt Máu sống, máu khô ngay lập tức, để lại hình ảnh Chúa đang ngồi trên ngai vàng hình bán nguyệt với một số dụng cụ của Cuộc Khổ Nạn ở bên cạnh.

Người phụ nữ, bồn chồn, đã đến gặp Kinh Sĩ Anelon. Sự việc nhanh chóng đến tai Đức Giáo Hoàng Eugene IV, người đã tặng bình đựng Mình Thánh kỳ diệu cho Công tước Phillip xứ Borgogna, người sau đó đã tặng nó cho thành phố Dijon. Chúng ta biết chắc chắn rằng vào năm 1794, Mình Thánh kỳ diệu vẫn còn ở Vương cung thánh đường Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng vào ngày 9 tháng 2 năm đó, thành phố Dijon đã trưng dụng nhà thờ để thánh hiến nó thành đền thờ của giáo phái mới “la Raison”, tức là của “nữ thần lý trí”.

Bánh Thánh kỳ diệu đã bị đốt cháy. Có nhiều tài liệu và tác phẩm nghệ thuật minh họa cho phép lạ, Ví dụ, một trong những cửa sổ kính màu của Nhà thờ Dijon trong đó mô tả cảnh chính của phép lạ.


Source:The Real Presence
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt Ba Vua: người hành hương
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:28 02/01/2025
Khuôn mặt Ba Vua: người hành hương

Chiều ngày áp lễ mừng Chúa Giêsu giáng sinh, 24.12.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh hành hương với nghi thức mở cánh cửa Năm Thánh 2025 ở đền thờ Thánh Phero bên Vatican. Trong nếp sống Giáo Hội Công Giáo Năm Thánh là năm hồng ân, sự thường theo chu kỳ mỗi 25 năm.

Sách Kinh Thánh Levitikus ( Lev 25) viết thời xa xưa Cựu ước theo thông lệ cứ 50 năm sẽ diễn ra năm ân xá hồng ân.
8 “ (Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm.9 Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi.
10 Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.11 Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa.12 Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng.” (Levi 25,8/12)

Đây là hình ảnh mẫu gương kinh thánh còn để lại về nếp sống Năm Thánh.

Theo đó năm 1300 dưới thời Đức Thánh Cha Bonifatius ( 1294/1303) Năm Thánh thứ nhất trong Giáo Hội Công Giáo được thiết lập, theo dự định cứ 100 năm lại sẽ có Năm Thánh tiếp theo.

Năm 1324 dưới thời Đức Giáo Hoàng Clementus VI. sửa đổi thành 50 năm có lại Năm Thánh

Từ năm 1470 thời Đức Thánh Cha Phaolô II. ấn định cứ 25 năm lại có Năm Thánh.

Trung tâm của Năm Thánh là cuộc hành hương về giáo đô Vativcan bên Roma bước qua cửa Năm Thánh ở đền thờ Thánh Phero. Đền thờ Laterano, đền thờ Thánh Phaolo ngoại thánh, đền thờ Đức Bả cả, và các hang toại đạo.Và cũng ở các nhà thờ chính tòa các giáo phận trên thế giới cùng các nơi thánh địa hành hương.

Năm Thánh 2025 bắt đầu từ ngày lễ mừng Chúa giáng sinh 24.12.2024 kéo dài cho tới ngày lễ mừng kính Ba Vua, lễ Chúa hiển linh, ngày 06.01.2026.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết kêu gọi nói về đề tài chủ đích ý nghĩa Năm Thánh 2025:

“ Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được truyền trao cho mình, đồng thời giúp mọi người lấy lại sức mạnh và sự chắc chắn mới để hướng về tương lai với một tinh thần cởi mở, một tâm hồn tín thác, và tầm nhìn rộng lớn. Năm Thánh sắp tới có thể góp phần to lớn vào việc khôi phục bầu khí hy vọng và tin tưởng như một khúc dạo đầu của sự đổi mới và tái sinh mà tất cả chúng ta đều cho là cấp bách; đó là lý do tại sao Huynh đã chọn chủ đề của Năm Thánh là Những người lữ hành của niềm Hy vọng. Điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng phục hồi cảm thức về tình huynh đệ đại đồng và không nhắm mắt làm ngơ trước thảm trạng nghèo đói tràn lan, ngăn cản hàng triệu người nam nữ, người trẻ và trẻ em sống xứng đáng với phẩm giá con người. Ở đây, Huynh đặc biệt nghĩ đến nhiều người tị nạn buộc phải rời bỏ xứ sở của họ. Ước gì tiếng nói của người nghèo được lắng nghe trong suốt thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh, điều này có nghĩa là hãy trả lại quyền hưởng dùng hoa màu từ đất đai cho tất cả mọi người. Như Kinh Thánh dạy, “Sản phẩm tự nhiên của đất trong năm sa-bát sẽ nuôi các ngươi, tôi tớ nam nữ của các ngươi, người làm thuê của các ngươi, khách trọ nhà các ngươi; tóm lại các người trú ngụ nơi các ngươi. Còn gia súc và dã thú ở trong đất các ngươi, thì tất cả hoa lợi của đất sẽ là lương thực cho chúng” (Lv 25, 6-7).( Đức Thánh Cha Phanxico, Thư hành hương Năm Thánh 2025, ngày 11.02.2022).

Cách đây hơn hai ngàn năm, ngay từ lúc Chúa Giêsu mới sinh ra ở cánh đồng Bethlehem trong hang chuồng xúc vật đã có những người hành hương đến thăm viếng hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa.

Đoàn người hành hương đến Bethlehem thăm viếng Hài Nhi Giêsu từ nơi phương xa, theo Kinh Thánh thuật lại là những nhà Đạo Sĩ, mà quen gọi là Ba Vua “Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". ( Mt 2,1/12).

Theo khoa khảo cứu lịch sử những vị Đạo sĩ nầy là những nhà thông thái bên xã hội Đông phương. Họ thuộc tầng lớp thầy cả tôn gíao, và cũng là những vị có kiến thức về thiên văn nhìn sao trời để suy niệm chiết giải tiên đoán điều gì thần bí xảy diễn ra vượt qúa khỏi sự hiểu biết thông thường của trí khôn con người.

Họ nhìn thấy một ngôi xuất hiện sáng lạ thường trên bầu trời. Ngôi sao lạ đó sau này theo khoa học thiên văn khảo cứu tìm hiểu đó là sự trùng hợp của sao Jupiter và sao Saturn trên đường di chuyển chập lại gặp nhau vào khoảng năm 7. Trước Chúa giáng sinh.

Ngôi sao Jupiter biểu tượng là ngôi sao của vị vua, và ngôi sao Saturn là ngôi sao ở vùng Palaestina. Nên các Vị Đạo sĩ vùng phương đông xứ Baylon suy hiểu nhận ra ở vùng trời đất nước Do Thái một vị Vua đã sinh ra. Vì thế lần theo ánh sáng ngôi sao lạ, họ đến Jerusalem hỏi tìm đường: Vua mới sinh ra ở đâu? ( Mt 2,2). Và từ đó hành trình đi tiếp đến Bethlehem, nơi hài nhi Giesu sinh ra.

Họ đã trải qua cuộc hành trình đường dài với nhiều khúc đoạn khác nhau cùng với những thông tin tiên báo từ thời xa xưa các Ngôn sứ của Thiên Chúa đã nói về nơi sinh ra của vị Vua mới sinh ra. Những thông tin kinh thánh cùng ánh sao soi dẫn đường đã truyền cảm hứng cho họ càng có động lực khao khát với tình yêu mến lên đường hành hương đi tìm muốn nhìn tận mắt Vị Vua Giesu mới sinh ra.

“ Những tín hiệu phát tỏa ra từ ngôi sao chiếu sáng đó là một sự điệp niềm hy vọng cho những người sống trong mong chờ, khi họ ngắm ánh sáng ngôi sao nhận ra sự chữa làn bình an từ nơi đó lan tỏa ra. Những nhà Đạo sĩ, như trong phúc âm Thánh Mattheo thuật lại, họ không chỉ là những nhà nhìn ngắm sao trời để chiết giải đọc sứ điệp ẩn chứa từ ngôi sao. Họ là những nhà thông thái. Họ là những người năng động vượt qua biên giới của tôn giáo truyền thống, đi tìm kiếm sự thật, tìm kiếm Thiên Chúa chính thực. Họ đã truyền đi cảm hứng sự khôn ngoan và thể hiện cả sự thông thái khoa học theo trí óc suy tưởng như có thể.

Không biết rõ có bao nhiêu vị Đạo sĩ ngày xưa cách đây hơn hai ngàn đã hành hương đến thăm viếng hài nhi Giêsu ở Bethlehem. Nhưng trong dòng lịch sử thời gia đã có truyền thống lý giải theo con số ba phù hợp với ba vùng châu lục thế giới theo sự hiểu biết ngày xưa: Phi Châu, Á Châu và Â châu. Vì thế có tên Ba Vua.

Trong ý nghĩa nước của Chúa Giêsu không có sự khác biệt phân biệt mầu da chủng tộc cùng tiếng nói văn hóa nguồn gốc. Nhân loại cùng hợp nhất trong và qua nhờ Chúa Giesu, mà sự phong phú giầu sang không bị loại bỏ mất đi.

Sau này Ba Vua còn được suy diễn mang ý nghĩa về biểu tượng cho ba giai đoạn đời sống của con người: Thanh thiếu niên, trưởng thành và cao niên lớn tuổi. Suy hiểu này nói lên một ý tưởng đầy đủ tuyệt vời về những chặng đường hình thái đời sống con người nơi đời sống cộng đoàn liên kết với Chúa Giêsu, và đồng thời tìm nhận ra ý nghĩa riêng của mình cùng sự hiệp nhất nội tâm.

Những nhà thông thái khôn ngoan bên Đông phương ngày xưa đã thực hiện một khởi đầu. Họ đại diện cho sự lên đường của con người hướng tới Chúa Giêsu Kitô. Họ khai mở ra một cuộc (hành hương) rước kiệu xuyên suốt dòng lịch sử. Họ không chỉ đại diện cho những con người đã đi tìm kiếm gặp Chúa Giesu Kitô. Nhưng họ là khuôn mặt biểu tượng cho sự trông mong chờ đợi nơi sâu thẳm nội tâm của nếp sống tinh thần con người, cho sự chuyển động của các tôn giáo và của trí óc suy hiểu con người hướng về Chúa Kiô” ( Joseph Ratzinger,Benedictô 16., JESUS VON NAZARETH, Prolog die Kindheitsgeschichten.,chương 4. Die Weisen aus dem Morgenland. tr. 105/ 106, Herder 2012).

Kinh Thánh cũng như sử sách không nói đến tên tuổi của các nhà Đạo sĩ hành hương đến kính viếng hài nhi Giesu ngày xưa ở Bethlehem. Nhưng từ thế kỷ thứ sáu Giáo Hội bên phương Tây gọi tên ba nhà Đạo sĩ:

Caspar, người mang qùa tặng Mộc dược. Mộc dược là vị khô cứng đắng lấy từ cây biến chế thuốc mang đến hiệu qủa chữa lành bệnh. Qua đó muốn nói đến sau này Chúa Giêsu là thầy thuốc chữa lành vết thương tâm hồn cùng thể xác con người.

Melchior, người mang qùa tặng vàng. Chất Vàng dấu chỉ tượng trưng cho sự bái kính tôn thờ vua. Đấng Cứu Thế là vị Vua được tôn kính bằng những lễ vật qúi gía trên trần gian

và Balthasar, người mang qùa tặng Nhũ hương tỏa hương thơm trong lễ nghi kính thờ thần thánh. Tặng hài nhi Giêsu nhũ hương. Chất hương thơm dâng kính nói lên lòng tôn thờ yêu mến cho Thiên Chúa, và qua đó qua đó xua đuổi thần ma qủi dữ quấy nhiễu đời sống con người.

Lễ Ba Vua
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long








 
Văn Hóa
Huấn đạo theo Thánh Kinh, Chương Mười Hai
Vũ Văn An
16:11 02/01/2025


Huấn đạo theo Thánh Kinh


Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ


Chương Mười hai: Loạt bài về việc củng cố cuộc hôn nhân của bạn

12.1 Hôn nhân - Kế hoạch của Thiên Chúa để thiết lập Vương quốc của Người trên Trái đất

Tham khảo: “Cuộc sống trong tinh thần” của D. Martin Lloyd-Jones; Eph. 5:18-6:9
Tín lý/Nguyên tắc: Eph. 1:1-4:21
Ứng dụng/Thực hành: Eph. 4:22-32
Bản văn: Eph. 5:22-33

Mục tiêu của Thiên Chúa

( Hs. 4:6-7; Mt. 6:9-13) Sự thiếu hiểu biết cho phép Satan kiểm soát cuộc sống của chúng ta, kiểm soát gia đình chúng ta và thiết lập vương quốc gian ác của hắn trên trái đất này thông qua chúng ta; trong khi đó, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thẩm quyền của Người để thiết lập vương quốc và ý muốn của Người trên trái đất này.

( 2 Tm. 3:16-17; Dt. 5:14-16; Gcb.1:2-4) Nhờ khéo léo sử dụng Lời Thiên Chúa, nhờ đức tin nơi lời Người, chúng ta trở thành những người chiến thắng. Không còn bị gia phả, môi trường, hoàn cảnh sống chi phối, mà chúng ta trở nên trọn vẹn, được Thiên Chúa Thánh Thần kiểm soát, không thiếu thứ gì.

(Cn. 1:7-9). Vì vậy, cha mẹ phải học hỏi các nguyên tắc của Thiên Chúa, làm gương, dạy dỗ con cái cũng như vậy, làm gia tăng sự công chính và thống trị hệ thống trái đất này. Kinh nghiệm này làm cho chúng ta đủ điều kiện để cai trị và trị vì trong cõi đời đời.

(St. 1:28; St. 2:24; Gl. 6:1,4-5) Gia đình là đơn vị đào tạo cơ bản, là lớp học tuyệt vời để giảng dạy, là nơi sản sinh ra sự sáng tạo, là trung tâm hình thành các mối quan hệ giữa con người với nhau, là nơi trú ẩn trong cơn bão táp, và là đơn vị tiếp chuyển mãi mãi sự thật được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, mối quan hệ vợ chồng là rất quan trọng để thiết lập những sự thật của Thiên Chúa như được chứng tỏ trong cuộc sống gia đình.

(Mk. 4:5-6; Eph. 6:11-13) Để các giáo hội, để Thân Thể Chúa Kitô, gia tăng khả năng đứng vững, thánh khiết và vững mạnh, các gia đình phải được phục hồi theo các nguyên tắc của Thiên Chúa, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Quan điểm cho sự thay đổi hợp Kinh Thánh

Các nguyên tắc sau đây là nền tảng cho bước đi Kitô giáo của chúng ta và phải làm nền cho tất cả những suy nghĩ và lý luận của chúng ta:

(Ga. 14:21; Mt. 21:28-31) Bằng hành động theo ý muốn, chúng ta làm theo những gì Lời Thiên Chúa phán bất kể cảm xúc của mình ra sao.

(Ga. 3:21; Mt. 7:24) Bằng hành động chứ không phải bằng cảm xúc, chúng ta bày tỏ tình yêu thương của mình. Hãy nhớ rằng, cái tôi cũ có được sự sống từ cảm xúc (một khu vực màu mỡ mà Satan nhận được của nuôi dưỡng cho hắn). Không cho hắn cơ sở.

(Ga. 14:27; Ga. 15:11; Ga. 16:22-24) Sự bình an và vui mừng của chúng ta không tùy thuộc vào người khác, vào đồ vật, của cải hay hoàn cảnh sống mà chỉ tùy thuộc vào việc làm theo những gì Thiên Chúa bảo phải làm.

(Edk. 18:20) Trách nhiệm của tôi không phải của tôi mà của Thiên Chúa trong việc tạo ra sự thay đổi ở người khác.

(Mt. 7:1-5) Thẩm quyền duy nhất mà tôi có quyền phán xét là phán xét và thay đổi bản thân mình trước: sau đó, tôi có thể giúp đỡ và ảnh hưởng đến người khác.

(Rm. 8:28) Bất kể kết quả hay việc người khác làm gì, nếu tôi đáp ứng theo Kinh Thánh, Thiên Chúa sẽ biến tình thế thành có lợi cho tôi.

(2 Tm. 2:23-26; Đnl. 8:2) Bực tức là tín hiệu cho thấy tôi phải thay đổi; hoàn cảnh hay người khác không tạo nên tinh thần của tôi mà chỉ bộc lộ những gì trong lòng tôi.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Mt. 7:5

Các thao luyện huấn đạo

Trở thành người thực hành Lời Thiên Chúa đòi hỏi:

• Các việc sùng kính: Tiếp xúc hàng ngày với Thiên Chúa Cha để có đời sống thiêng liêng và của nuôi dưỡng. (Mt. 4:4; Ga. 15:5) Xem Phần A.12, “Các đăng tải đáng tin cậy”.

• Các thay đổi: Hàng ngày kiểm tra cách đi lại và nói chuyện của mình để đảm bảo phản ứng theo Kinh Thánh trước những đối đầu trong cuộc sống ( Eph. 4:22-24; 1Cr.11:26-32)

• Các hành động: Tách mình ra khỏi thế gian và theo đuổi kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn trong việc đánh mất chính mình bằng cách đáp ứng nhu cầu của người khác, bắt đầu từ gia đình bạn, rồi đến người góa bụa, trẻ mồ côi, v.v. (1 Ga. 2:15-17; Dt. 10:25; Gcb.1:26-27)

• Các bài đọc được đề nghị: Đơn vị 1 của cuốn Strengthening Your Marriage [Củng cố hôn nhân của bạn] [15] [Mack1].

12.2. Nguyên tắc thẩm quyền

(St. 2:16-17) Cây Sự Sống: Sự sống đời đời tùy thuộc vào việc tuân phục và phục tùng để sống theo Lời Thiên Chúa, thẩm quyền của Người cũng như các nguyên tắc đạo đức và luân lý của Người - đời sống siêu nhiên.

(Ga. 6:35) Cây Biết Thiện và Ác: Độc lập với Thiên Chúa, Đấng là sự sống, không phục tùng thẩm quyền của Người, nhưng dựa vào khả năng ý thức và chủ ý của chính mình để phân biệt thiện và ác - sự sống tự nhiên.

Lựa chọn: Con người được trao quyền và khả năng lựa chọn, phục tùng chính quyền hay không. Hành động lựa chọn là điều làm nên con người thực sự. Trong St. 3:6, chuỗi quyền lực của Thiên Chúa đã bị vi phạm. Hành động tự nguyện phục tùng Ba Ngôi, Ađam phục tùng Thiên Chúa, Evà phục tùng Ađam đều cần thiết để hoàn thiện con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Là đại diện của Thiên Chúa trên trái đất, người đàn ông kết hợp với vợ mình để thiết lập vương quốc và ý muốn của Thiên Chúa trên trái đất - đời sống siêu nhiên của đức tin, đức cậy và đức mến.

Kế hoạch cứu chuộc để thành lập Giáo hội

(St 3:15-16,20) Lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa ban cho Evà để trở thành phương tiện của tiến trình cứu chuộc, “mẹ của mọi sinh linh”. Ở đây, một lần nữa, Evà được bảo phải phục tùng Ađam và Ađam phải thực thi thẩm quyền của mình.

(St. 2:7,18; St. 2:22-24) Đàn ông được tạo ra từ những yếu tố trần thế, đàn bà được tạo ra từ bản chất của đàn ông - những chiếc xương sườn che trái tim đàn ông.

Người phụ nữ là bản chất, là mẹ của sự sống, là người ban sự sống. Vì vậy, nàng có những chiều kích tâm linh lớn lao hơn và chiều sâu cần thiết để bù đắp những “sự thiếu sót” ở người đàn ông. Người đàn ông không trọn vẹn và cần người phụ nữ hoàn thiện họ để thành lập hội thánh.

(Eph. 5:22-25) Ađam là người bảo vệ sự sống, được trao quyền thống trị. Người đàn ông phải thực hiện quyền kiểm soát và quyền hạn để bảo vệ vợ mình khỏi bất cứ tổn hại nào vì hiệu năng tinh thần của chàng phụ thuộc vào nàng.

(2Cr. 4:10-12) Cả hai vợ chồng đều phải hành động theo tiến trình cứu chuộc: hằng ngày chết đi trước những phản ứng của xác thịt, đáp ứng nhu cầu của nhau, giúp loại bỏ những cặn bã của nhau, trở nên một xương thịt trong tâm trí và tinh thần. (Xem thêm Phần 5.3, “Điều gì tạo nên một người đàn ông”)

(Dt. 5:8-9) Qua đau khổ, chúng ta học được sự vâng phục, trở nên hoàn thiện như Chúa Giêsu. (Xem thêm Phần 9.2, “Tội lỗi, Bản ngã, Đau khổ”)

Viễn ảnh

(Eph. 5:16-21) Cái ác vẫn còn trừ khi chúng ta thay thế nó bằng những hành động chính đáng. Say rượu là say sưa với những ý tưởng của thế gian, những triết lý của thế gian (TV, phim ảnh, tạp chí, v.v.), sống theo cảm xúc, bằng sự khôn ngoan trần tục, phản ứng bằng xác thịt thay vì phản ứng theo Kinh Thánh trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

(Rm. 12:1-2; Eph. 4:22-24) Việc cam kết là rất quan trọng và tất cả đều bắt đầu từ tâm trí. Đẩy ra và vứt bỏ rác rưởi của bản thân, những ý tưởng của thế gian, và sống và hành động theo những sự thật của Thiên Chúa.

(Pl. 2:3-4) Kitô hữu là người được tư tưởng, hiểu biết, suy ngẫm điều khiển: phát triển tinh thần ân cần lưu ý đến lợi ích và sự quan tâm của người khác.

(Eph. 1:17-19) Trong sâu thẳm con người mình, chúng ta phải biết rõ ràng mình là ai, mình là gì và chúng ta có thể làm gì trong Chúa Kitô, Đấng là sự khôn ngoan, sức mạnh và khả năng của chúng ta. Ở trong Chúa Kitô, chúng ta bắt đầu sống nhờ ân sủng Thiên Chúa.

• Trong bản thân chúng ta là những người thiếu suy nghĩ, ích kỷ, lấy mình làm trung tâm, cá nhân chủ nghĩa, tự khẳng định, cố chấp, bất bình với những lời chỉ trích, thiếu kiên nhẫn với quan điểm của người khác và có xu hướng độc tài, quá nhạy cảm và thường “bỏ đi” khi có chuyện xảy ra theo cách của chúng ta.

• Bản thân chúng ta không có gì đáng khoe khoang; tất cả chúng ta đều bị nguyền rủa, tất cả đều hư mất, tất cả là tội nhân. Vì vậy, chúng ta có điều kiện tốt để từ bỏ mọi quyền cá nhân và tìm kiếm sự phát triển và nâng cao toàn bộ cũng như mọi bộ phận khác. (Xem Phần 5.2, “Biến đổi bản ngã tự nhiên”)

(Ga. 13:12; Ga. 14:21; Mt. 20-28) Nguyên tắc kiểm soát là: Chúa Kitô là Thiên Chúa của đời sống chúng ta. Đây là những gì quy định và chi phối chúng ta. Cuộc đời của Người là tấm gương của chúng ta. Chúng ta phải phục vụ lẫn nhau vì Thiên Chúa Giêsu đã dạy chúng ta làm như vậy. Người đã hy sinh mạng sống, và với lòng biết ơn, chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Người để danh Người được nhận ra và tôn vinh qua hành vi của chúng ta.

(1 Cr. 3:11-13; Pl. 2:12-13) Những việc làm và lý do nằm ngoài Lời Thiên Chúa luôn dựa trên sự sợ hãi. Tiêu chuẩn của con người là tâm trí bị giác quan cai trị, dẫn đến sợ hãi, bệnh tật, lo lắng, cay đắng, v.v. Hãy nuôi dưỡng nỗi sợ xúc phạm đến Thiên Chúa cho đến khi mọi suy nghĩ, mọi hình ảnh và mọi hành động đều do chính Thiên Chúa khởi xướng.

(1 Pr. 2:21-24) Chúng ta sống cuộc sống này không phải vì đó là việc nên làm hay vì người khác đang làm, mà vì Chúa Giêsu đã làm điều đó như một tấm gương cho chúng ta noi theo. Giống như Thiên Chúa, chúng ta trao phó mọi điều tiêu cực: giận dữ, cay đắng, xúc phạm và những điều tương tự - cho Thiên Chúa. Bây giờ chúng ta có tinh thần tự do để đối phó với những thử thách trong cuộc sống theo Kinh Thánh.

(Pl. 2:5-8) Sự vâng phục tột cùng của Chúa Giêsu, sự phục tùng Đức Chúa Cha, thậm chí cho đến chết, ban cho chúng ta sức mạnh và thẩm quyền để làm điều tương tự khi chúng ta phục tùng người khác, hy sinh nhu cầu của bản thân để đáp ứng nhu cầu của người khác.

(Dt. 13:20-21) Một tâm trí bị những ý tưởng, bản chất và đường lối của Thiên Chúa thống trị là một tâm trí được Lời Thiên Chúa cai trị, không bao giờ sẵn sàng thất bại vì nó có nội dung siêu nhiên.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Pl. 2:3-4 và hãy suy gẫm câu này.

Cởi bỏ/Mặc vào: Đọc Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi” và Đơn vị 2 của Củng cố Hôn nhân của Bạn [15] [Mack1], và lập danh sách những thất bại được ghi lại trong bài đọc của bạn.

12.3 Phục tùng-Hành vi đem lai sự trọn vẹn

Phục tùng theo Kinh Thánh

Tự nguyện đặt mình dưới quyền làm chủ của Chúa Giêsu Kitô để Người sống cuộc sống của Người trong và qua chúng ta, chúng ta sử dụng những ân tứ và tài năng thiên phú của mình để trở thành phước lành cho người khác nhằm thiết lập mục đích của Người trên mặt đất.

Vì vậy, toàn bộ cuộc sống, mọi hành động của mỗi người đều phải được thể hiện bằng tinh thần phục tùng. Chúng ta không tự tạo ra mình được. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để hoàn thành mục đích của Người. Vì vậy, Thiên Chúa chính là nguồn gốc của khả năng suy nghĩ, nói năng, hành động của chúng ta - mọi hơi thở của chúng ta đều phát xuất từ Người.

Vì vậy, nhờ quyền năng và sự chu cấp của Thập Giá, như với Ađam thứ nhất, chúng ta có quyền lựa chọn ăn Cây Sự Sống - một hương vị của ân sủng siêu nhiên - giúp chúng ta có thể hy sinh lợi ích riêng của mình để đáp ứng nhu cầu của những người khác: một hành động tự hiến.

Hoặc chúng ta có thể chọn tham gia vào Cây Biết Thiện Ác, rèn luyện ân sủng tự nhiên, sức mạnh ý chí và trí tuệ tự nhiên để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống - trở thành một vị thần không có Thiên Chúa và ân sủng siêu nhiên của Người - một quá trình chết.

Vì tất cả chúng ta đều bắt đầu cuộc sống với bản chất sa ngã, nên chúng ta phải chuyển từ tinh thần độc lập sang tinh thần phụ thuộc, vâng phục Thiên Chúa - lời của Người. Và bắt đầu một cuộc sống vâng phục như Thiên Chúa của chúng ta, Đấng không biết gì và không làm gì cho đến khi Người nghe được từ Cha Người. Chúng ta cũng phải làm như vậy: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (Xem Phần 5.2, “Biến đổi bản ngã tự nhiên”)

Trật tự và Hòa hợp

(Eph. 5:21-23) Mọi người đều có bổn phận phải phục tùng nhau, nhưng người vợ có bổn phận đặc biệt là phải phục tùng chồng mình. Không phải với tư cách là nô lệ của chàng, mà là nô lệ của Chúa Kitô, phục tùng như một biểu hiện của sự phục tùng Thiên Chúa - không phải vì lợi ích của con người, mà là vì lợi ích của Thiên Chúa.

(St. 1:26) Con người được tạo ra trước tiên, được làm Thiên Chúa tể của vạn vật, được đặt vào vị trí lãnh đạo, quyền hạn và quyền lực để đưa ra các quyết định, phán quyết.

(1Pr. 3:7) Vì vai trò của mình, người đàn ông được trở nên mạnh mẽ hơn về mặt thể chất để trang bị cho mình khả năng canh giự, bảo vệ, tôn trọng và kính trọng vợ mình. Với tư cách là đầu của vợ, chủ gia đình, Thiên Chúa ban cho người đàn ông những khả năng và quyền hạn để hoàn thành trách nhiệm của mình.

(St. 2:23-24) Thiên Chúa tạo ra người phụ nữ để 'bổ sung' cho người đàn ông, bù đắp 'sự thiếu sót' ở người đàn ông. Con người không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn với vợ, với gia đình mình và trong mọi vấn đề cơ bản. Vì vậy, con người cần được giúp đỡ. Vợ chàng phải hỗ trợ chàng, giúp đỡ chàng trong mọi việc, khuyến khích, khuyên nhủ và an ủi chàng, nhờ đó giúp chàng hoạt động một cách hiệu quả với tư cách là Thiên Chúa tể của vạn vật. Thiên Chúa đã đặt người đàn ông vào vị trí này, đây không phải là ý tưởng của người đàn ông.

(1 Tm. 2:11-15; St. 3:16) Quyền lực chiếm đoạt, tự đặt mình như một vị thần vào vai trò lãnh đạo. Sau khi sa ngã, sự phục tùng của phụ nữ đối với đàn ông ngày càng tăng.

(1Cr. 11:3) Chúng ta đang giải quyết trật tự sáng tạo của Thiên Chúa, chứ không phải sự bình đẳng giữa nam và nữ. Trật tự sáng tạo là kế hoạch của Thiên Chúa, không phải của người đàn ông. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là đồng vĩnh cửu. Nhưng vì mục đích cứu rỗi, Chúa Con đã phục tùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần phục tùng Chúa Con và Chúa Cha. Tương tự như vậy, chúng ta phải có cùng một tinh thần, hoàn thành vai trò của mình để trở thành hội thánh, mang lại sự cứu rỗi. Vì vậy, người phụ nữ tự nguyện phục tùng để hoàn thiện người đàn ông, để an ủi, củng cố, khuyến khích, thực hiện mục đích cứu rỗi. Người đàn ông phải từ bỏ lợi ích riêng của mình để đáp ứng nhu cầu của vợ mình.

Vấn đề thẩm quyền

Một giới tính [unisex], chủ nghĩa duy nữ, sự hung hãn của phụ nữ thách thức kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Ngày nay có vấn đề về thẩm quyền và danh dự. Mọi người đang mất đi sự kính trọng. Việc mất sự kính trọng thực sự bắt đầu từ trong gia đình, trong mối quan hệ hôn nhân. Gia đình là trung tâm của đời sống và xã hội nhằm thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa (khôi phục lại các nguyên tắc về thẩm quyền và sự phục tùng) nhằm mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Trật tự sáng tạo

Thiên Chúa ra lệnh và qui định người vợ phải phục tùng chồng, vốn là đầu của vợ như Chúa Giêsu là đầu của hội thánh. Tội lỗi bắt đầu với việc Satan thách thức thẩm quyền của Thiên Chúa. Như vậy, tội nguyên tổ là muốn độc lập với Thiên Chúa và làm thần của chính mình, tức là nổi loạn; nổi loạn giống như tội phù thủy.

• (Eph. 1:19) Quyền năng vĩ đại của Người ở trong chúng ta để mang lại sự kết hợp hữu cơ và quan trọng cũng như mối quan hệ mật thiết trong hội thánh.

• (Eph. 4:16) Một khía cạnh của sự kết hợp này là vai trò của người vợ phụ thuộc và hỗ trợ chồng, làm cho thân xác, sự kết hợp, xây dựng chính mình trong tình yêu thương lớn lên. Đây là bản chất thực sự của hôn nhân Kitô giáo - mỗi người xây dựng lẫn nhau trong tình yêu. Đó là sự sống duy nhất, giống như sự sống của hội thánh trong mối quan hệ với người đứng đầu là Chúa Kitô. Vì vậy, thông qua sự phụ thuộc và phục tùng, cuộc sống vẫn trôi chảy. Sự phụ thuộc có liên quan đến sự phục tùng đòi hỏi tinh thần khiêm tốn - mỗi người đáp ứng nhu cầu của người kia. Một tinh thần độc lập ngăn chặn dòng chảy cuộc sống. Như Chúa Kitô nuôi dưỡng và yêu mến Hội thánh, người chồng cũng nuôi dưỡng và yêu thương vợ mình như vậy. Vì vậy, khi người vợ vâng phục, nàng trao sự sống cho chồng mình, một điều giúp chàng giữ gìn, bảo tồn, bảo vệ và che chắn cho vợ mình. Làm khác đi là tự chuốc lấy thất bại.

• (St. 2:22-24) Người nữ được lấy từ người nam để làm người hỗ trợ, bổ sung, tạo nên sự trọn vẹn và trọn vẹn của thân xác.

• (1Cr.12:25; Rm. 12:14-17) Vợ đối với chồng như thân thể đối với đầu, như hội thánh đối với Chúa Kitô. Nó là một sự thống nhất hữu cơ, sống động. Vợ chồng không phải là hai vương quốc liên kết bằng một hiệp ước, trong tình trạng căng thẳng, có thể tranh chấp. Người vợ không bao giờ được phép hành động độc lập với chồng, nếu không sẽ dẫn đến hỗn loạn và bối rối. Vợ không được hành động trước chồng. Sự chủ động và lãnh đạo cuối cùng thuộc về người chồng nhưng các hành động luôn phải có sự phối hợp. Hành động phối hợp mang lại sự trọn vẹn và trọn vẹn “một thịt” cần được chứng minh cho thế giới.

• (1Cr. 12:25-27) Như Hội thánh đối với Thiên Chúa, vợ đối với chồng, thể hiện tinh thần thiết yếu của Kitô giáo, xây dựng nhau trong tình yêu. Mỗi gia đình là một đơn vị, học tập, rèn luyện để xây dựng bản thân trong tình yêu thương, làm gương cho người khác và giúp đỡ các gia đình khác.

Viễn ảnh

(Edk. 18:20; Ga. 16:8) Hội thánh đối với Chúa Kitô thế nào, vợ đối với chồng mình cũng như vậy, để không ai được làm điều trái với lương tâm mình. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành động đạo đức của mình và mỗi người đều phục tùng Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy vâng theo lương tâm trong mọi hoàn cảnh, nhưng điều đó không có nghĩa là giữ vững ý kiến riêng của mình. Rất dễ nhầm lẫn cái này với cái kia. Người chồng không được áp đặt ý kiến của mình, những ý kiến đó vợ không cần phải chấp nhận. Người vợ không được vâng phục chồng đến mức điều này cản trở mối quan hệ của nàng với Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

(1Pr. 3:1-5) Người vợ có thể đưa ra ý kiến của mình, nhưng nếu người chồng bướng bỉnh thì nàng phải tuân theo sự cai trị của chàng. Để duy trì sự hòa thuận và dịu dàng, người vợ có thể đi đến cùng cực, hy sinh bản thân vì Chúa Kitô, không vi phạm các nguyên tắc của Thiên Chúa.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Eph. 4:22-24

Việc sùng kính: Chọn những câu Kinh Thánh của riêng bạn từ tờ này và làm Khuôn khổ Nghiên cứu và Áp dụng Kinh thánh về ít nhất ba câu.

Cởi bỏ/Mặc vào: Đọc Đơn vị 2 của cuốn Củng cố Hôn nhân của Bạn [15] [Mack1]. Lập một danh sách các thất bại tương ứng nhằm thực hiện Mục A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi”.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Syrskyi: Kyiv thắng lớn tái chiếm Chasiv Yar. Kursk: 38.000 lính Nga tử trận. Tấn công khủng bố ở Mỹ
VietCatholic Media
02:44 02/01/2025


1. Shamsud Din Jabbar là ai? Những gì chúng ta biết về nghi phạm tấn công New Orleans

Nghi phạm bị cáo buộc lái xe đâm vào đám đông đang dự lễ mừng năm mới hôm thứ Tư, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương, đã được xác định là Shamsud-Din Bahar Jabbar, nhiều quan chức nói với tờ The New York Times.

Chiếc xe vận tải nhỏ đã lao vào đám đông tụ tập tại phố Canal và Bourbon vào khoảng 3:15 sáng. Đây là vụ tấn công thứ hai vào người dân trong mùa lễ hội mà một chiếc xe được sử dụng làm vũ khí. Vào ngày 20 tháng 12, một người đàn ông đã lái xe vào một khu chợ Giáng Sinh ở Magdeburg, Đức, giết chết năm người và làm bị thương hàng trăm người khác.

Ngoài những người tử vong mới nhất, ít nhất 35 người bị thương, bao gồm cả hai cảnh sát của Sở Cảnh sát New Orleans.

FBI cho biết họ đang điều tra vụ việc theo hướng đây là một hành động khủng bố.

Sở Cảnh sát New Orleans cho biết nghi phạm đã nổ súng vào cảnh sát sau khi xe dừng lại. Chiếc xe tải mà anh ta lái được mua vào tháng 8, theo hồ sơ mà Newsweek xem xét.

Cảnh sát đã nổ súng đáp trả và nạn nhân đã bị trúng đạn, cảnh sát cho biết trong một bản tin. Sau đó, nạn nhân được tuyên bố đã tử vong.

Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát New Orleans Anne Kirkpatrick cho biết nghi phạm nam “đã cố gắng cán qua càng nhiều người càng tốt”. Bà cho biết vụ việc là kết quả của “hành vi cố ý”.

“Đêm qua chúng tôi có hơn 300 cảnh sát ở đây. Và vì tư duy cố ý của kẻ thủ ác đã đi vòng qua rào chắn của chúng tôi để thực hiện hành vi này, hắn ta đã quyết tâm tạo ra cảnh tàn sát và thiệt hại mà hắn ta đã gây ra,” Kirkpatrick nói.

Alethea Duncan, đặc vụ phụ trách FBI New Orleans, cho biết các thiết bị nổ tự chế cũng được tìm thấy trong khu vực.

Thống đốc Louisiana Jeff Landry, trên X, : “Một hành động bạo lực khủng khiếp đã xảy ra trên phố Bourbon vào sáng sớm nay. Xin hãy cùng Sharon và tôi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và những người ứng cứu đầu tiên tại hiện trường. Tôi kêu gọi tất cả mọi người gần hiện trường tránh xa khu vực này.”

Tổng chưởng lý Louisiana Liz Murrill, trên X: “Nhiều người trong chúng ta thức dậy sáng nay với tin tức đau lòng về vụ thảm sát cố ý tàn bạo những người vô tội đang ăn mừng năm mới ở New Orleans. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ và sẽ bảo đảm họ được công lý cho hành động kinh hoàng này.”

Các quan chức thực thi pháp luật và chính phủ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo khác vào lúc 11 giờ sáng theo giờ CST.

Công chúng được yêu cầu tránh xa phố Bourbon về phía bắc từ phố Canal đến phố Dumaine, cũng như tránh xa phố Royal về phía đông và phố Dauphine về phía tây cho đến khi có thông báo mới.

FBI sẽ là cơ quan chủ trì cuộc điều tra.

Bất kỳ ai có thông tin có thể hỗ trợ được yêu cầu liên hệ với Văn phòng FBI New Orleans bằng cách gọi đến số, hay 504, 816-3000 hoặc gửi email đến tips@fbi.gov.

[Newsweek: Who is Shamsud Din Jabbar? What We Know About New Orleans Attack Suspect]

2. Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết: Nga đã mất hơn 38.000 quân ở Kursk

Quân đội Nga đã mất hơn 38.000 quân và hơn 1.000 thiết bị kể từ khi Ukraine bắt đầu tấn công vào Tỉnh Kursk của Nga, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 1 tháng Giêng.

Tuyên bố của Syrskyi được đưa ra sau chuyến thăm của ông tới Tỉnh Kursk của Nga để khen thưởng quân đội Ukraine đang phục vụ trong khu vực.

Vị tướng này cho biết thêm rằng hơn 700 quân nhân Nga đã bị bắt trong cuộc tấn công của Ukraine.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiêu diệt những kẻ xâm lược. Không quan trọng chúng có hộ chiếu Nga hay Bắc Hàn. Cuộc chiến vẫn tiếp tục”, Syrskyi nói.

Ukraine bắt đầu cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk vào ngày 6 tháng 8, chiếm được khoảng 1.300 km2 lãnh thổ, theo Kyiv. Các lực lượng Ukraine đã mất quyền kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ đã chiếm được ban đầu khi giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn trong khu vực. Kyiv hy vọng sẽ sử dụng lãnh thổ Nga bị tạm chiếm làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga.

Nga cũng đã điều động khoảng 12.000 lính Bắc Hàn trong khu vực kể từ tháng 8 để hỗ trợ đẩy lùi lực lượng Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 23 tháng 12 rằng hơn 3.000 binh lính Bắc Hàn đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi họ được điều động ở Tỉnh Kursk.

Theo nghị sĩ Nam Hàn Lee Sung-kwon, thương vong của họ có liên quan đến việc họ thiếu hiểu biết về địa hình và chiến tranh máy bay điều khiển từ xa hiện đại.

[Kyiv Independent: Russia has lost over 38,000 troops in Kursk Oblast, Syrskyi says]

3. Bản đồ chiến tranh tiết lộ Ukraine đang giành lại các vị trí đã mất ở Thành phố pháo đài quan trọng

Quân đội Ukraine đã giành lại các vị trí đã mất xung quanh Chasiv Yar, theo báo cáo, khi một bản đồ cho thấy tình hình mới nhất xung quanh thành phố Donetsk có vị trí chiến lược quan trọng.

Lực lượng Nga đã tập hợp lực lượng tại thành phố này, nằm trên một ngọn đồi nhìn ra con đường hướng tới Sloviansk và Kramatorsk, khiến nơi đây trở thành mục tiêu quan trọng trong nỗ lực của Mạc Tư Khoa nhằm kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng Ukraine đã đạt được tiến triển ở trung tâm Chasiv Yar cũng như những nơi khác trong khu vực Donetsk. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.

Khả năng giữ vững Chasiv Yar của Ukraine có hậu quả đáng kể đối với khu vực này của mặt trận, đặc biệt là sau nhiều tuần Nga giành được thắng lợi dần dần. Nga được cho là đang xây dựng lực lượng dự bị đối diện thành phố để tấn công nhiều hơn. Vị trí chiến lược của thành phố đã cho phép lực lượng Ukraine giữ vững thành phố và gây ra tổn thất nặng nề cho Nga.

ISW cho biết đoạn phim định vị địa lý vào thứ Hai cho thấy các thành phần của Sư đoàn Nhảy dù số 98, gọi tắt là VDV của Nga tấn công vào quân đội Ukraine ở trung tâm Chasiv Yar.

Trong khi đó, các kênh Telegram thân Nga cho biết quân đội Mạc Tư Khoa đã tiến vào một quận ở phía bắc thành phố và chiếm giữ nhà ga xe lửa mặc dù ISW cho biết chưa có xác nhận nào về những tuyên bố này.

Tuần trước, Viktor Trehubov, phát ngôn viên của nhóm quân chiến lược và tác chiến Khortytsia của Ukraine đang chiến đấu trong khu vực, cho biết Nga đang tích lũy lực lượng dự bị đối diện thành phố để tiến hành các hoạt động tấn công tiếp theo. Ông lưu ý rằng vị trí của thành phố nhìn ra con đường hướng tới Sloviansk-Kramatorsk đã cho phép lực lượng Ukraine giữ vững thành phố và gây ra tổn thất nặng nề cho Nga.

Lực lượng Nga đang nhắm vào một nhà máy vật liệu chịu lửa nhưng “lính Ukraine hiện đang đánh bại và đẩy lùi các cuộc tấn công của họ”, ông cho biết theo RBC Ukraine.

Trehubov cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng Nga đang tấn công các khu vực đô thị Chasiv Yar, băng qua Kênh đào Siverskyi Donets-Donbas và tiếp tục cố gắng tấn công nhà máy vật liệu chịu lửa.

Nhưng Ukraine vẫn giữ được nhà máy, đây là vị trí phòng thủ quan trọng và cường độ các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở này đã giảm nhẹ, ông nói thêm.

ISW cho biết hôm thứ Hai rằng: “Gần đây, lực lượng Ukraine đã giành lại được các vị trí đã mất ở trung tâm Chasiv Yar trong bối cảnh lực lượng Nga tiếp tục các hoạt động tấn công ở khu vực xung quanh”.

Một trong những bản đồ của họ đánh dấu những thắng lợi của Ukraine cũng như những tuyên bố của các nguồn tin Nga. Một bản đồ khác cho thấy những bước tiến của Ukraine ở phía tây bắc Toretsk, cách khoảng 20 dặm về phía nam và gần Pokrovsk, cách 50 dặm về phía tây nam. Bản đồ của Newsweek cũng cho thấy những bước tiến của Nga gần Kurakhove, Vuhledar và Velyka Novosilka.

Viktor Trehubov, phát ngôn nhân của nhóm Khortytsia ở Ukraine cho biết: “Thành phố này thực sự đang chống đỡ”.

ISW cho biết vào thứ Hai: “Các lực lượng Ukraine gần đây đã giành lại các vị trí đã mất ở trung tâm Chasiv Yar trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục các hoạt động tấn công ở khu vực xung quanh.”

Bình luận của Trehubov cho thấy Nga sẽ tiếp tục nỗ lực tấn công Chasiv Yar. “Chasiv Yar là một trong những mục tiêu chính của họ, vì đó là một ngọn đồi”, ông nói, theo Suspilne, “từ đó có một con đường thẳng đến Sloviansk-Kramatorsk”.

Điều này cho thấy cuộc chiến giành quyền kiểm soát Donetsk sẽ tiếp tục diễn ra vào năm mới, đặc biệt là khi Ukraine có thể giành lại các vị trí đã mất ở Toretsk.

[Newsweek: War Map Reveals Ukraine Recapturing Lost Positions In Critical Fortress City]

4. Zelenskiy nói Tổng thống đắc cử Donald Trump ‘muốn, có khả năng đạt được hòa bình và chấm dứt sự xâm lược của Putin’

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu trong video chúc mừng năm mới rằng không ai có thể tặng hòa bình cho đất nước ông như một món quà, nhưng ông tin rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Ukraine trong cuộc chiến ngăn chặn cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Trong bài phát biểu dài 20 phút, Zelenskiy cảm ơn Hoa Kỳ đã cung cấp nhiều loại thiết bị quân sự quan trọng, bao gồm 39 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 301 khẩu pháo Howitzer và hơn 300 triệu đơn vị đạn dược.

Zelenskiy nói thêm rằng ông “không nghi ngờ gì rằng Tổng thống Mỹ mới sẵn lòng và có khả năng đạt được hòa bình và chấm dứt hành động xâm lược của Putin”.

“Tổng thống đắc cử Donald Trump hiểu rằng điều đầu tiên là không thể nếu không có điều thứ hai. Bởi vì đây không phải là một cuộc chiến đường phố mà bạn phải làm dịu cả hai bên. Đây là sự xâm lược toàn diện của một quốc gia điên rồ chống lại một quốc gia văn minh,” Zelenskiy nói. “Và tôi tin rằng chúng ta, cùng với Hoa Kỳ, có khả năng thực hiện sức mạnh đó.”

Zelenskiy cũng nhớ lại các cuộc trò chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Tổng thống Joe Biden và “tất cả những người ủng hộ chúng tôi tại Hoa Kỳ”.

Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể nhất cho Ukraine trong số các quốc gia phương Tây kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022. Tính đến tháng 12 năm 2024, Hoa Kỳ đã cam kết hơn 60 tỷ đô la viện trợ quân sự và 26 tỷ đô la hỗ trợ tài chính cho Ukraine, vượt xa các đóng góp của các nhà tài trợ lớn khác như Đức, hay 11,4 tỷ đô la, và Vương quốc Anh, hay 10,1 tỷ đô la.

[Kyiv Independent: Zelensky says Trump 'willing, capable of achieving peace and ending Putin’s aggression']

5. Zelenskiy chia buồn sau vụ tấn công kinh hoàng bằng xe tải ở New Orleans

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ tấn công bằng xe chết người tại thành phố New Orleans, Hoa Kỳ vào ngày đầu năm mới.

Một tài xế xe tải ở New Orleans cố tình đâm vào đám đông vào ngày 1 tháng Giêng, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Chính quyền Hoa Kỳ đang điều tra vụ việc theo hướng có thể là một vụ tấn công khủng bố.

“Kinh hoàng trước vụ tấn công ở New Orleans, Hoa Kỳ, nơi đã cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội và khiến nhiều người bị thương”, Zelenskiy viết trong bài đăng trên X.

“Chúng tôi tin rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho hành động khủng khiếp này sẽ bị đưa ra công lý. Bạo lực, khủng bố và bất kỳ mối đe dọa nào đối với mạng sống con người đều không có chỗ trong thế giới của chúng ta và không được dung thứ.”

Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, gọi tắt là FBI cho biết đã xác định được nghi phạm là một cựu chiến binh 42 tuổi đến từ Texas. Người đàn ông này đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng với cảnh sát.

FBI cho biết họ không tin rằng tài xế là người duy nhất chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.

“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và cầu chúc tất cả những người bị thương sớm bình phục”, Zelenskiy nói.

“Ukraine đứng về phía người dân Mỹ và lên án bạo lực.”

Bình luận của Zelenskiy được đưa ra sau khi Ukraine phải hứng chịu loạt tấn công năm mới của chính mình. Nga đã phóng hơn 100 máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine vào ngày 1 tháng Giêng, khiến hai người thiệt mạng tại thủ đô Kyiv.

[Kyiv Independent: Zelensky offers condolences after deadly New Orleans truck attack]

6. Các sĩ quan Nga dừng lại để họp vội. Đó là lúc một chiếc HIMARS của Ukraine nổ súng.

Một nhóm sĩ quan Nga được cho là đã tụ tập để họp vội vã dọc theo một con đường gần Tokmak, chỉ cách tiền tuyến 15 dặm về phía nam ở miền nam Ukraine bị Nga tạm chiếm vào hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai,. Cuộc họp lẽ ra phải diễn ra nhanh chóng giữa các chỉ huy đã biến thành một cuộc tắm máu khi tình báo Ukraine phát hiện ra cuộc tụ họp này—và một Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao đã khai hỏa.

Theo Tổng cục Tình báo Ukraine, năm xe đã bị đốt cháy và ba đại úy người Nga đã tử nạn: những người này đến từ quân đoàn tình báo, phòng không và bộ binh. Đây là cuộc tấn công HIMARS thứ hai trong ba ngày nhằm vào các sĩ quan Nga gần tuyến đầu của cuộc chiến tranh kéo dài 34 tháng của Nga với Ukraine.

Một cuộc pháo kích vào ngày Giáng Sinh vào một sở chỉ huy tại thành phố Lgov, gần khu vực do Ukraine kiểm soát ở Kursk, miền tây nước Nga, có thể đã giết chết hoặc làm bị thương các chỉ huy của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 của Nga. “Ấn tượng dữ dội này là một phần của chiến dịch làm suy yếu khả năng của quân đội đối phương”, Trung tâm Truyền thông Chiến lược Ukraine khoe khoang.

Việc hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất của Ukraine, có khả năng bắn hỏa tiễn dẫn đường chính xác xa tới 57 dặm, nhắm vào Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 là điều hợp lý. Đơn vị này đã ở tuyến đầu trong cuộc phản công tốn kém của Nga nhằm xóa sổ vị trí nhô ra rộng 250 dặm vuông của Ukraine tại Kursk là điều hợp lý.

Không rõ tại sao quân đội Ukraine lại phân công một trong những chiếc HIMARS quý giá của họ để tiêu diệt ba viên đại úy ở Tỉnh Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, một vùng đất tương đối hẻo lánh hiện nay khi cuộc giao tranh đã chuyển sang phía đông và phía bắc.

Có khả năng các nhà hoạch định chính sách Ukraine đang cố gắng ngăn chặn người Nga tổ chức một cuộc tấn công ở Zaporizhzhia, mặc dù khó có thể chiếm được nhiều lãnh thổ do lực lượng Nga ở phía nam rất ít, nhưng vẫn có thể buộc bộ tham mưu Ukraine phải chuyển hướng các nguồn lực ít ỏi khỏi phía đông và phía bắc.

Lưu ý mô hình các cuộc đột kích của Ukraine ở phía nam. Ngoài việc tấn công cuộc họp của các đại úy, ban giám đốc tình báo Ukraine và bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt có thể đã cử những kẻ phá hoại để cho nổ tung một tuyến hỏa xa quan trọng qua Tokmak vào ngày 15 tháng 12, được cho là đã phá hủy một đoàn tàu chở nhiên liệu trong quá trình này và làm gián đoạn hậu cần của Nga trong khu vực.

Bằng cách nhắm vào các cơ sở hạ tầng hậu cần và chỉ huy quan trọng, lực lượng Ukraine có thể đánh bại một cuộc tấn công có thể xảy ra ở phía nam của lực lượng Nga trước khi nó bắt đầu. Với thông tin tình báo tốt, sẽ dễ dàng hơn nhiều để ngăn chặn một cuộc tấn công bằng một vài cuộc tấn công chính xác hơn là đối đầu với nó bằng lính đánh lính, xe tăng đánh xe tăng trên chiến trường.

[Forbes: Russian Officers Pulled Over For A Hasty Meeting. That’s When A Ukrainian HIMARS Opened Fire.]

7. Tập Cận Bình nói với Putin rằng hai nước luôn tiến về phía trước ‘tay trong tay’

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi lời chúc mừng năm mới với Putin vào ngày 31 tháng 12.

Theo hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Nga luôn cùng nhau tiến triển trên “con đường không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.

Ông Tập nói thêm rằng “sự tin cậy chính trị lẫn nhau và sự phối hợp chiến lược giữa hai bên đã liên tục tiến lên một tầm cao mới dưới sự chỉ đạo chiến lược của hai nhà lãnh đạo”.

Trung Quốc đã thắt chặt quan hệ với Nga kể từ khi Điện Cẩm Linh bắt đầu cuộc chiến toàn diện với Ukraine, mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Nga.

Kể từ tháng 2 năm 2022, Putin đã đến Trung Quốc hai lần - lần đầu tiên chỉ vài ngày trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và lần thứ hai vào tháng 5 năm 2024.

Theo đại sứ Điện Cẩm Linh tại Bắc Kinh, Igor Morgulov, người đã phát biểu với giới truyền thông Nga vào ngày 27 tháng 12, Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nga vào năm tới.

Morgulov cho biết trong khi các kế hoạch cho một số sự kiện song phương đang được hoàn thiện, chuyến thăm của Tập Cận Bình vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Điều có thể nói, và điều này không phải là bí mật, là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự kiến sẽ đến Nga vào năm tới”, ông nói thêm.

[Kyiv Independent: China's Xi tells Putin two countries always move forward 'hand in hand']

8. Các nhà khoa học nổi tiếng là nạn nhân của cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào ngày đầu năm mới ở Kyiv

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Oksen Lisovyi thông báo hai nạn nhân thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga vào Kyiv vào ngày 1 Tháng Giêng là một cặp vợ chồng làm việc như các nhà khoa học.

Nhà thần kinh học nổi tiếng Ihor Zyma và tiến sĩ khoa học sinh học Olesia Sokur đã thiệt mạng trong vụ tấn công, Lisovyi cho biết trên Facebook. Zyma và Sokur là vợ chồng.

Lisovyi cho biết: “Gia đình này đã dành gần như toàn bộ cuộc đời cho khoa học”.

Zyma là nhà nghiên cứu cao cấp và phó giáo sư tại Viện Sinh học và Y học thuộc Đại học Quốc gia Taras Shevchenko ở Kyiv. Sokur cũng làm việc tại Viện với tư cách là phó giám đốc công tác khoa học và là thành viên của Hội đồng Học thuật.

“Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới người thân và bạn bè của những người đã khuất, cũng như tất cả những ai đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng vào sáng nay,” Lisovyi nói.

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Kyiv vào sáng ngày 1 tháng Giêng, giết chết hai người và làm bị thương sáu người khác, bao gồm hai phụ nữ mang thai. Cuộc tấn công cũng làm hư hại một tòa nhà của Ngân hàng Quốc gia Ukraine.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng khoa học Ukraine. Theo một nghiên cứu do Ecole Polytechnique Federale de Lausanne, gọi tắt là EPFL công bố vào ngày 11 tháng 12, 23,5 phần trăm các nhà khoa học vẫn đang sống tại Ukraine đã mất quyền truy cập vào thông tin đầu vào quan trọng cho nghiên cứu của họ và 20,8 phần trăm không thể tiếp cận trực tiếp với tổ chức của họ.

Khoảng 18% các nhà khoa học Ukraine đã rời khỏi đất nước trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Nga

[Kyiv Independent: Prominent scientists among victims of New Year's Day drone attack in Kyiv]

9. Lửa thiêu rụi kho dầu của Nga sâu đằng sau chiến tuyến

Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một kho dầu của Nga nằm sâu đằng sau tiền tuyến ở Kursk, theo tờ Kyiv Independent. Kho dầu ở Yartsevo thuộc vùng Smolensk của Nga đã bốc cháy vào ngày 31 tháng 12 sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa. Khu vực này cách Kursk khoảng 500 km.

Cuộc tấn công của Ukraine vào kho dầu của Nga ở Smolensk có ý nghĩa quan trọng vì nó đại diện cho những nỗ lực ngày càng tăng của Kyiv nhằm phá hoại các cơ sở dầu mỏ của Nga và ngược lại, gây tổn hại đến sản lượng xuất khẩu chính của họ, vốn đã tài trợ cho nỗ lực chiến tranh. Do những cuộc tấn công này, sản lượng dầu thô trung bình hàng ngày của Nga vào năm 2024 đạt 1.254 tấn mỗi ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2005. Việc Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa trong các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã cho phép Kyiv tiến hành các cuộc tấn công theo bản chất này.

Nhiều vụ nổ ở Smolensk và thành phố Oryol phía tây cũng được nghe thấy vào đêm qua. Vasily Anokhin, thống đốc Smolensk, sau đó đã xác nhận vụ cháy như trên và cho biết “mảnh vỡ của một trong những máy bay điều khiển từ xa đã rơi xuống lãnh thổ của một kho dầu. Kết quả là, một vụ tràn nhiên liệu đã xảy ra và một đám cháy bắt đầu ở nhiên liệu và chất bôi trơn.”

Anokhin cho biết lực lượng Nga đã ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và các dịch vụ cấp cứu đã được điều động. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 68 UAV của Ukraine đã bị bắn hạ trong đêm, trong đó có 10 chiếc ở khu vực Smolensk, theo báo Kyiv Post đưa tin.

Nằm cách thủ đô của Nga gần 400 dặm, Smolensk có chung đường biên giới với nhiều khu vực ở Nga và Belarus. Roman Zakharov, nhà lãnh đạo quận Yartsevo, cũng xác nhận sự hiện diện của đám cháy tại kho dầu sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa bằng cách chuyển tiếp tin nhắn của Anokhin trên Telegram.

Cuộc tấn công vào một kho dầu ở Smolensk này là một trong nhiều cuộc tấn công của Ukraine vào các kho dầu của Nga trong những tháng gần đây, một nỗ lực nhằm xóa sổ các nguồn tài nguyên của Mạc Tư Khoa đang tài trợ cho cuộc chiến. Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Oryol, phía bắc Kursk, và đánh trúng một kho dầu mà Kyiv cho biết là cung cấp cho quân đội Nga vào tuần trước. Ukraine cũng đã tấn công cùng một kho dầu ở Oryol vào đầu tháng này trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa khác dẫn đến các vụ nổ.

Trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, tài khoản WarTranslated (Dmitry) đã viết: “'Bạn có một cuộc gọi nhỡ.' Vào ngày 31 tháng 12, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã nhắm vào một kho dầu ở quận Yartsevo thuộc vùng Smolensk của Nga. Ngay sau cuộc tấn công, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát. Thống đốc Vùng Smolensk tuyên bố rằng tất cả máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ thành công và vụ hỏa hoạn là do các mảnh vỡ rơi xuống”.

Igor Sushko, một người Ukraine sống tại Hoa Kỳ, đã viết: “Nga: Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công các kho dầu ở khu vực Smolensk và Orlov.”

Người ta vẫn chưa biết thiệt hại ở kho dầu Smolensk sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực chiến tranh và xuất khẩu của Nga.

[Newsweek: Fire Rips Through Russian Oil Depot Deep Behind Front Line]

10. Quân đội Nga chịu 427.000 thương vong vào năm 2024, Syrskyi tuyên bố

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 30 tháng 12 rằng lực lượng Nga đã có khoảng 427.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương trong năm nay, chủ yếu là trong các trận chiến ở Tỉnh Donetsk.

“ Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công 'sóng người' liên tục, chịu tổn thất kỷ lục. Tuần trước, lực lượng Nga đã mất khoảng 1.700 người thiệt mạng và bị thương mỗi ngày”, Syrskyi cho biết trên Telegram sau khi đến thăm các đơn vị bị gọi nhập ngũ tại Donetsk.

Lực lượng Nga đã tiến quân với tốc độ nhanh chóng vào cuối năm 2024, áp sát các thị trấn quan trọng của Donetsk như Pokrovsk, Toretsk hoặc Kurakhove với cái giá phải trả là tổn thất kỷ lục. Các trận chiến dữ dội cũng tiếp diễn ở Kursk của Nga, và Kyiv đã cảnh báo về khả năng Nga tiến quân ở phía nam Ukraine.

Ukraine tuyên bố rằng quân đội Mạc Tư Khoa chịu thương vong cao nhất vào tháng 11 và tháng 12, khiến tổng thiệt hại của Nga trong toàn bộ cuộc chiến lên tới gần 790.000 người vào cuối năm.

Các con số không thể được xác minh độc lập. Mạc Tư Khoa không tiết lộ quy mô tổn thất chiến tranh của mình nhưng cho rằng chúng thấp hơn so với Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã mất 43.000 binh sĩ trên chiến trường kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, ngoài ra còn có 370.000 người bị thương.

[Kyiv Independent: Russian military suffers 427,000 casualties in 2024, Syrskyi claims]

11. Putin ra lệnh cho chính phủ Nga và ngân hàng hàng đầu hợp tác với Trung Quốc về công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo

Putin đã chỉ đạo chính phủ Nga và ngân hàng nhà nước Sberbank phát triển quan hệ đối tác về công nghệ trí tuệ nhân tạo, gọi tắt là AI với Trung Quốc, theo hướng dẫn được công bố trên cổng thông tin điện tử của Điện Cẩm Linh vào ngày 1 tháng Giêng.

Liên minh giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã giúp Nga tiếp cận được công nghệ và thiết bị vốn bị phương Tây chặn lại do lệnh trừng phạt do cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Tuy nhiên, trong tâm thức của người Nga, người Tàu ở một vị trí thấp kém, đặc biệt là về mặt tri thức. Chính vì thế, trong thông điệp đầu Năm Mới, Putin đã phải cảnh cáo các cá nhân và cơ quan của Nga tiếp tục khinh bỉ người Tàu.

Putin yêu cầu chính phủ và Sberbank “bảo đảm hợp tác sâu hơn nữa với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.

Sberbank được giao nhiệm vụ dẫn đầu nỗ lực phát triển AI của Nga.

Các lệnh trừng phạt quốc tế đã hạn chế khả năng phát triển ngành công nghiệp AI của Nga. Các nhà sản xuất vi mạch lớn không còn xuất hàng sang Nga do các hạn chế, mặc dù quốc gia này vẫn mua sản phẩm thông qua bên bán thứ ba ở các quốc gia khác.

Tổng giám đốc điều hành Sberbank German Gref cho biết vào năm 2023, Nga rất khó có thể thay thế các đơn vị giải quyết đồ họa, gọi tắt là GPU, vi mạch thiết yếu cho quá trình phát triển AI.

Putin cho biết vào ngày 11 tháng 12 rằng ông muốn phát triển một Mạng lưới Liên minh AI mới với các thành viên của BRICS và các quốc gia quan tâm khác. Sberbank tuyên bố rằng các hiệp hội AI từ Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã tham gia mạng lưới.

BRICS là khối các nền kinh tế mới nổi thường được coi là đối trọng với thế giới do phương Tây dẫn đầu.

Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với Nga kể từ khi Điện Cẩm Linh bắt đầu cuộc chiến toàn diện với Ukraine, mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng năm mới với Putin vào ngày 31 tháng 12, nói rằng “sự tin cậy chính trị lẫn nhau và sự phối hợp chiến lược giữa hai bên đã liên tục tiến lên một tầm cao mới dưới sự chỉ đạo chiến lược của hai nhà lãnh đạo”.

[Kyiv Independent: Putin orders Russian government, top bank to cooperate with China on AI tech]

12. Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi cấm nhập khẩu LNG của Nga vào Liên Hiệp Âu Châu

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG từ Nga.

Thông tin này được đưa ra để phản hồi lại bài báo trên tờ Financial Times có đề cập rằng các nước Liên Hiệp Âu Châu đã nhập khẩu một lượng LNG kỷ lục từ Nga vào năm 2024.

Sybiha gọi tình huống này là “không thể chấp nhận được”.

“Nhập khẩu LNG của Nga vào Liên Hiệp Âu Châu phải bị cấm như một phần của các lệnh trừng phạt tiếp theo và thay thế bằng nguồn cung từ Hoa Kỳ và các đối tác khác. Có đủ khí LNG trên thị trường để không tài trợ cho chế độ tội phạm Nga với hành vi xâm lược, tội ác chiến tranh và các cuộc tấn công hỗn hợp.”

Mười quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu đã đề xuất thắt chặt lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, bao gồm cả LNG, cũng như các tổ chức giúp Mạc Tư Khoa lách các hạn chế hiện hành.

[Ukrainska Pravda: Ukraine's foreign minister calls for ban on Russian LNG imports to EU]

13. Các sĩ quan Nga được huấn luyện để tấn công Nhật Bản, Nam Hàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh với NATO, Financial Times đưa tin

Tờ Financial Times đưa tin vào ngày 31 tháng 12, trích dẫn các tài liệu mà các nguồn tin phương Tây cung cấp cho hãng tin này, Nga đã phát triển các kế hoạch tấn công nhằm vào các địa điểm dân sự và quân sự ở Nhật Bản và Nam Hàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh với NATO.

Các kế hoạch bị rò rỉ, được lập ra từ năm 2008 đến năm 2014 để huấn luyện sĩ quan quân đội cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở sườn phía đông của Nga, được cho là vẫn được coi là “có liên quan đến chiến lược của Nga” cho đến ngày nay.

Các tài liệu nêu ra 160 mục tiêu tiềm năng, bao gồm cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự như đường sá, cầu, nhà máy và các cơ sở quân sự tại Nhật Bản và Nam Hàn, hai nước đồng minh của NATO.

Kế hoạch nêu chi tiết cách tấn công các mục tiêu này có thể bảo vệ sườn phía đông của Nga trong một cuộc xung đột rộng lớn hơn bằng cách phá vỡ “việc tập hợp lại quân đội tại các khu vực có mục đích tác chiến”.

Các mục tiêu quân sự được xác định trong các kế hoạch bao gồm sở chỉ huy trung ương và khu vực của quân đội Nhật Bản và Nam Hàn, các cơ sở radar, căn cứ không quân và các cơ sở hải quân. Các mục tiêu cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm đường bộ, cầu và đường hầm xe lửa.

Các địa điểm quan trọng khác bao gồm nhà máy lọc nhiên liệu, các cơ sở công nghiệp như nhà máy thép và nhà máy hóa chất ở Busan, Nam Hàn và 13 nhà máy điện, bao gồm một khu phức hợp hạt nhân ở Tokai, Nhật Bản.

Mặc dù các kế hoạch được soạn thảo từ năm 2008 đến năm 2014, cả Nga và NATO hiện đều công khai thảo luận về khả năng xảy ra chiến tranh.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng vào ngày 16 tháng 12, cho biết Nga cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm cả “một cuộc xung đột tiềm tàng với NATO trong thập niên tới”.

Belousov cáo buộc NATO chuẩn bị cho chiến tranh, trích dẫn các hành động như bổ nhiệm đại diện tại Kyiv và ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập Liên minh vào tháng 7 năm 2024.

Ở phía Đại Tây Dương, các Ngoại trưởng NATO Âu Châu đã bắt đầu thảo luận về việc tăng dần mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh từ 2% lên 3% GDP vào năm 2030.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đặc biệt ủng hộ việc tăng ngân sách quốc phòng, ông nói: “Nếu Putin tấn công, chúng ta cần có khả năng tiến hành chiến tranh”.

[Kyiv Independent: Russian officers trained for attacks on Japan, South Korea in event of war with NATO, FT reports]
 
Kế ly gián của Putin trước tin Đức Thánh Cha thăm Ukraine. Phép lạ Thánh Thể ở DIJON, PHÁP, 1430
VietCatholic Media
18:33 02/01/2025


1. Phái đoàn Vatican đến Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Mới đây, một phái đoàn của Tòa Thánh đã đến Iznik, bên Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nước này, trong năm 2025 sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea.

Iznik là tên hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ của cổ thành Nicea xưa kia. Đức Thánh Cha sẽ cùng với Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople ở Istanbul, đến thành phố lịch sử này. Nguồn tin địa phương xác nhận chuyến đi của Phái đoàn Vatican với báo “Die Presse”, số ra ngày 27 tháng Mười Hai vừa qua ở Vienne bên Áo.

Phái đoàn Tòa Thánh cùng với Tòa Thượng phụ Chính thống xác định một thời điểm thuận tiện để hai vị thủ lãnh Giáo hội gặp gỡ và kỷ niệm Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội. Theo báo chí, rất có thể cuộc gặp gỡ của hai vị sẽ diễn ra vào tháng Năm năm tới. Thêm vào đó, còn có sự thỏa thuận và phối hợp với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara. Thị trấn Iznik cách Istanbul hai giờ đi xe về hướng nam.

Theo báo Die Presse, dư luận phấn khởi về cuộc viếng thăm nói trên của Đức Thánh Cha, đặc biệt là các giới chức địa phương, các chủ khách sạn và những người bán đồ kỷ niệm, vì biến cố đại kết Kitô này và sau đó có thể thu hút các du khách.

Đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có phần phức tạp hơn: tất cả những gì đề cao lịch sử trước thời đế quốc Ottoman ở miền Anatolia bị coi là tế nhị. Giống như Đền thờ Santa Sophia ở Istanbul, thành Iznik và những di tích Kitô giáo Roma đã khơi dậy những lo sợ và nhạy cảm của những thành phần quốc gia chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dinh thự của Hoàng đế Constantino, nơi diễn ra Công đồng chung đầu tiên, chưa được khai quật hoặc nghiên cứu. Đền thờ Santa Sophia ở trung tâm thành Iznik, cũng là nơi diễn ra Công đồng chung thứ VII hồi năm 787, đã bị biến từ bảo tàng viện thành Đền thờ Hồi giáo năm 2011.

Công đồng chung Nicea năm 325 đã hình thành nòng cốt kinh Tin kính của Kitô giáo. Nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ ý muốn tham gia kỷ niệm biến cố này tại Nicea. Công đồng này là một cột mốc trên hành trình của Giáo hội cũng như của nhân loại.

Cho đến nay, Tòa Thánh chưa chính thức thông báo hoặc xác nhận việc Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài đã thăm nước này lần đầu tiên hồi năm 2014.

Tòa Thượng phụ chung của Chính thống tại Istanbul thì ở trong một vị thế khó khăn: đối với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thượng phụ chỉ được nhìn nhận là thủ lãnh của khoảng hai ngàn tín hữu Chính thống ở Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải là thủ lãnh của Chính thống giáo thế giới. Tuy nhiên, sự kiện đó không phải là một chướng ngại cản trở Đức Thánh Cha đến Iznik để tham dự lễ kỷ niệm.

2. Kế ly gián: 3 nhà lãnh đạo Âu Châu, và Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được điện tín mừng năm mới từ Putin

Điện Cẩm Linh cho biết các nhà lãnh đạo của ba nước Âu Châu cũng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được điện tín chúc mừng năm mới từ Putin.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nằm trong số những người “được chúc mừng nồng nhiệt... vào dịp Giáng Sinh và năm mới 2025 sắp tới”, Mạc Tư Khoa cho biết.

Trong khi hầu hết các nước Âu Châu vẫn giữ quan hệ lạnh nhạt với Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine nổ ra, một số ít vẫn duy trì quan hệ ngoại giao tích cực ở nhiều mức độ khác nhau.

Orban vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa bất chấp cuộc xâm lược Ukraine của Nga, thường xuyên chỉ trích các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga và chặn viện trợ quân sự cho Kyiv.

Serbia vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Mạc Tư Khoa và phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, tiêu thụ khoảng 2,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, trong đó tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cung cấp khoảng 2 tỷ.

Erdogan muốn duy trì mối quan hệ tích cực với cả Nga và Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho dầu của Nga chảy vào Liên minh Âu Châu kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, giúp Điện Cẩm Linh lách được các lệnh trừng phạt của khối này.

Cùng lúc đó, Erdogan đã công khai ủng hộ chủ quyền của Ukraine và chính quyền của ông đã cung cấp viện trợ đáng kể cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Mặc dù không có tên trong danh sách chính thức, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với truyền thông nhà nước Nga rằng Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng đã nhận được tin nhắn từ Putin.

Dưới sự lãnh đạo của Fico, Slovakia đã có bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại, dừng cung cấp quân sự cho Ukraine từ kho dự trữ của Quân đội Slovakia và áp dụng chính sách thân thiện hơn với Nga.

Fico gần đây cũng tuyên bố ông đã chấp nhận lời mời của Điện Cẩm Linh tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Mạc Tư Khoa vào tháng 5 năm sau.

Đức Giáo Hoàng đã gây ra những trannh cãi ở Ukraine với những phát biểu khuyến khích người dân Ukraine có “lòng can đảm” để đàm phán vì hòa bình.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 15 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi Nga và Ukraine là “anh em”, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi hòa bình trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

“Họ là anh em, anh em với nhau. Hãy để họ đi đến sự hiểu biết. Chiến tranh luôn là một thất bại. Hòa bình cho toàn thế giới,” Đức Giáo Hoàng nói trong chuyến viếng thăm đảo Corsica của Pháp.

Là kẻ chủ động trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Điện Cẩm Linh liên tục coi cuộc xâm lược này là nỗ lực tái hợp hai quốc gia thành “một dân tộc”, dựa trên nhiều tuyên bố lịch sử sai trái.

Trước cuộc xâm lược, Putin đã viện dẫn hình ảnh trong Kinh thánh, mô tả hai nước là “anh em” và so sánh mối quan hệ của họ với mối quan hệ của Cain và Abel.

[Kyiv Independent: 3 European leaders, Pope Francis receive New Year telegrams from Putin]

3. Phép lạ Thánh Thể ở DIJON, PHÁP, 1430

Trong Phép lạ Thánh Thể ở Dijon, một phụ nữ đã mua một chiếc bình đựng Mình Thánh vô tình vẫn còn chứa Mình Thánh. Người phụ nữ quyết định dùng dao để lấy Mình Thánh ra, Máu sống bắt đầu nhỏ giọt, khô ngay lập tức, để lại hình ảnh Chúa đang ngồi trên ngai vàng hình bán nguyệt với một số dụng cụ liên quan đến Cuộc Khổ Nạn ở bên cạnh.

Bánh Thánh vẫn còn nguyên vẹn trong hơn 350 năm, cho đến khi bị những người cách mạng phá hủy vào năm 1794.

Các tài liệu của giáo phận Dijon cho biết chi tiết như sau: Vào năm 1430, tại Monaco, một phụ nữ đã mua một chiếc bình đựng Mình Thánh Chúa từ một người bán đồ cũ.

Rất có thể là nó đã bị đánh cắp vì nó vẫn còn chứa Bánh Thánh để tôn thờ. Người phụ nữ, rất thiếu hiểu biết về Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, đã quyết định lấy Bánh Thánh ra khỏi bình đựng bằng một con dao. Bất ngờ, Bánh Thánh bắt đầu nhỏ giọt Máu sống, máu khô ngay lập tức, để lại hình ảnh Chúa đang ngồi trên ngai vàng hình bán nguyệt với một số dụng cụ của Cuộc Khổ Nạn ở bên cạnh.

Người phụ nữ, bồn chồn, đã đến gặp Kinh Sĩ Anelon. Sự việc nhanh chóng đến tai Đức Giáo Hoàng Eugene IV, người đã tặng bình đựng Mình Thánh kỳ diệu cho Công tước Phillip xứ Borgogna, người sau đó đã tặng nó cho thành phố Dijon. Chúng ta biết chắc chắn rằng vào năm 1794, Mình Thánh kỳ diệu vẫn còn ở Vương cung thánh đường Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng vào ngày 9 tháng 2 năm đó, thành phố Dijon đã trưng dụng nhà thờ để thánh hiến nó thành đền thờ của giáo phái mới “la Raison”, tức là của “nữ thần lý trí”.

Bánh Thánh kỳ diệu đã bị đốt cháy. Có nhiều tài liệu và tác phẩm nghệ thuật minh họa cho phép lạ, Ví dụ, một trong những cửa sổ kính màu của Nhà thờ Dijon trong đó mô tả cảnh chính của phép lạ.


Source:The Real Presence

4. Chính phủ Nam Hàn tuyên bố quốc tang trong bảy ngày

Chính phủ Nam Hàn đã tuyên bố quốc tang trong bảy ngày cho đến nửa đêm thứ Bảy, sau vụ tai nạn.

Các bàn thờ tưởng niệm sẽ được dựng lên tại địa điểm xảy ra tai nạn và tại 17 thành phố và tỉnh, bao gồm Hán Thành và thành phố Gwangju ở phía tây nam. Tổng thống lâm thời Choi Sang-mok hay Thôi Tương Mục cho biết:

Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ đến thăm các bàn thờ tưởng niệm chung để thương tiếc các nạn nhân và chia buồn với gia đình những người đã khuất.

Tổng thống Thôi đang chỉ huy nhóm kiểm soát thảm họa tập trung thay cho thủ tướng, người thường chịu trách nhiệm dựa trên một hướng dẫn được lập ra sau vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng.

Tổng thống Thôi cho biết ông “rất đau lòng” trước vụ tai nạn máy bay thương tâm, thừa nhận sự căng thẳng mà vụ tai nạn gây ra cho công chúng vốn đã phải vật lộn với những thách thức kinh tế.

Theo hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Tổng thống Thôi đã đưa ra những nhận xét này khi chủ trì một cuộc họp kiểm soát thảm họa tại Hán Thành. Trong cuộc họp, ông đã nói:

Gửi tới toàn thể công dân đáng kính của đất nước, với tư cách là quyền tổng thống, tôi vô cùng đau lòng khi chúng ta phải đối mặt với thảm kịch không lường trước được này trong bối cảnh kinh tế khó khăn gần đây.

Trong cuộc họp, Tổng thống Thôi, người cũng là phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và bộ trưởng tài chính, đã tái khẳng định cam kết của chính phủ trong việc điều động mọi nguồn lực sẵn có để hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng và những người sống sót bị thương.

Ông cũng cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân vụ tai nạn và nhanh chóng công bố kết quả điều tra cho gia đình nạn nhân và công chúng một cách minh bạch.

Chúng tôi sẽ công khai minh bạch tiến độ điều tra vụ tai nạn, ngay cả trước khi kết quả cuối cùng được công bố, và thông báo cho gia đình nạn nhân.

[The Guardian: South Korean government declares seven-day national mourning period]