Ngày 03-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/01: Vì Chúa và cho Chúa – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:38 03/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,

Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:54 03/01/2024

32. Dâng hiến hy sinh chẳng qua là giết dê, bò; nhưng vâng lời là từ bỏ chủ ý của mình, chủ ý trong tâm so với thịt dê bò thì cao quý hơn nhiều. Cho nên đem chủ ý của mình dâng cho Thiên Chúa thì rất có công đức.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:03 03/01/2024
43. PHƯƠNG CHÂU PHƯỜNG CHÂU

Giữa năm đời Đường Chân Quan, thượng dược (1) tấu báo yêu cầu cần có loại dược thảo có tên là “đỗ nhược.”

Có một thượng thư tỉnh ở bộ lang sau khi biết được thì nói:

- “Chuyện này nên nhờ quan viên ở phường Châu lo, nhà thơ lớn Tạ Thiêu không phải có câu thơ “Phương Châu sinh Đỗ Nhược” đó sao.”

Thế là ra lệnh đến phường Châu.

Quan viên phường Châu vừa thấy thì không nín cười được nên cười ha ha, bèn viết trên tờ giấy:

- “Phường Châu không sinh Đỗ Nhược bởi vì do đọc sai thơ Tạ Thiêu, quan thượng thư tỉnh nói đùa như vậy, cười không nổi hung thần bốn phương”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 43:

Vì đọc sai chữ mà quan thượng thư làm trò cười cho bá tánh, chữ “phường Châu và Phương Châu” thì khác nhau xa, “phường Châu là tên địa danh, Phương Châu là tên một loại cây có thể sinh ra loại đỗ nhược để làm thuốc, cả hai đều không ăn nhằm gì đến nhau...

Giữ đạo và sống đạo thì khác nhau cũng xa lắm, nhưng vẫn còn có nhiều người lầm tưởng cả hai là một (!).

Giữ đạo là đem đạo bỏ trong tủ rồi khóa lại kẻo sợ người khác lấy, giống như đem bảo vật cất trong két sắt vậy, cho nên họ không thể đem đạo mà họ đã tin ra giới thiệu cho mọi người, họ vẫn đi lễ đọc kinh nhưng không biết thông cảm cho người khác, họ vẫn tham dự các bí tích nhưng không làm cho bí tích được triển nở trong cuộc sống của họ...

Sống đạo là đem đạo của mình tin mình theo ra giới thiệu cho người khác biết, tức là họ biết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi người anh em bất hạnh khổ đau, họ biết cúi xuống bắt tay chào người ăn xin bên vệ đường khi trong túi mình không có một đồng xu nào để giúp họ...

Người Ki-tô hữu thời nay thì thích sống đạo hơn là giữ đạo, bởi vì họ ý thức rằng đạo mà mình đang tin đang thực hành trong cuộc sống là đạo thật, cần phải loan báo cho mọi người biết và tin như mình vậy, đó cũng là điều mà Đức Chúa Giê-su đã dạy và Giáo Hội liên tục mời gọi chúng ta thực hành đạo trong cuộc sống đời thường của mình.

(1) Thượng dược: chức quan quản lý tất cả các loại thuốc (dược) của hoàng đế dùng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đến mà xem
Lm. Minh Anh
15:34 03/01/2024

GIÀU CÓ HƠN
“Đến mà xem!”.

“Mọi con đường trong cuộc đời đều kết thúc ở nấm mồ. Những con đường tôn giáo, danh vọng và thành công không bao giờ có thể đưa bạn qua thung lũng bóng tối của cái chết. Chỉ con đường Giêsu mới có thể làm được điều đó. Ngài sẽ dẫn bạn đến một nơi đời đời hơn, giàu có hơn, nếu bạn đặt trọn niềm tin vào Ngài!” - Carol Berubee.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Gioan Tẩy Giả quảng đại để các đồ đệ của mình chọn đi con đường Giêsu. Dõi theo vị thầy mới, họ dè dặt hỏi, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; Ngài bảo, “Đến mà xem!”. Họ đã đến, xem, và “ở lại với Ngài”. Kìa! Nào ai biết, nhờ nghĩa cử hào hiệp này, cả thầy trò Gioan Tẩy Giả đã trở nên đời đời hơn, ‘giàu có hơn!’.

Trên đường đời, có rất nhiều cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ sớm rơi vào quên lãng; có những cuộc gặp mà sau khi chia tay, bạn cảm thấy mình nghèo hơn. Nhưng cũng có những cuộc gặp khiến một số người thay đổi cả cuộc đời, chẳng hạn cuộc gặp gỡ của các nhân vật hôm nay, một cuộc gặp gỡ làm cho ‘giàu có hơn’. Đó là cuộc hội ngộ tuyệt vời, bởi lẽ nhiều năm sau, khi viết Tin Mừng, Gioan, người đi theo Chúa Giêsu chiều hôm ấy vẫn còn nhớ chính xác thời điểm, “Lúc đó khoảng giờ thứ mười”, tức chừng bốn giờ chiều.

Tính giản dị của trình thuật khiến người đọc hụt hẫng. Họ muốn biết nhiều hơn những gì các môn đệ đã thấy chiều ấy, họ muốn được mô tả ‘nơi chỗ’ mà vị ‘Thầy mới’ đón tiếp ‘quý khách’ đầu tiên, và nhất là ‘nội dung’ cuộc gặp gỡ giữa Ngài với họ. Thế nhưng, tác giả không nói gì về chủ đề này. Gioan không nói một lời về nơi chỗ hoặc một xác thực nào về diễn biến; chỉ có thời giờ được nói nhưng cũng chỉ đề cập một cách phỏng chừng.

Thế mà cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; vì lẽ, đó là một cuộc gặp đã thay đổi ‘đến mấy’ cuộc đời. Anrê vồn vã thổ lộ, “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” và dẫn Simon em mình đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Philipphê, đến lượt mình, cũng tuyên bố, “Đấng mà sách luật Môisen và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp Ngài!”.

Cảm nhận việc đúng đắn khi đi theo Chúa Giêsu, về sau Gioan viết, “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường!” - bài đọc một. Đi theo Chúa Giêsu, họ trở nên đời đời hơn, ‘giàu có hơn’. Và qua họ, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được loan truyền như Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.

Anh Chị em,

“Đến mà xem!”. Gioan Tẩy Giả đã dun dũi các đồ đệ của mình đến và xem Chúa Giêsu. Có lẽ đó là một trải nghiệm buồn vui lẫn lộn đối với Gioan. Có lẽ Gioan đã cảm thấy mất đi những đồ đệ của mình ở một mức độ nào đó. Nhưng bất kỳ trải nghiệm mất mát nào cũng sẽ được ‘biến đổi và giảm bớt’ nhờ một niềm vui lớn hơn khi biết rằng, mình đang hoàn thành mục đích cuộc đời bằng cách hướng người khác đến với Chúa Kitô. Tình yêu đích thực của người môn đệ Kitô luôn luôn có tính vị tha. Nó luôn tập trung vào Chúa Kitô và luôn hướng người khác đến với Ngài. Gioan đã nêu gương tuyệt vời về nhân đức này để cả thầy lẫn trò trở nên ‘giàu có hơn’. Bạn và tôi được mời gọi hãy làm như vậy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con nghèo đi khi không dám buông bỏ. Cho con biết ‘xô’ những ai đến với con về phía Chúa, hầu con phần nào ‘bớt nghèo!’, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Dùng khả năng và khoa học để tìm kiếm Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
23:37 03/01/2024

Dùng khả năng và khoa học để tìm kiếm Chúa
SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH
(Mt 2, 1-12)

Lễ Hiển Linh “Epiphaino” được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Được nhiều người biết đến với tên gọi là lễ Ba Vua, và do các truyền thống đi kèm, lễ này chủ yếu cử hành việc Đức Kitô Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa, Con Người và là Vua. Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng (Mt 2, 1-12).

Lễ Hiển Linh “Epiphaino” có ý nghĩa quan trọng là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được qua các Đạo Sĩ.

Lễ Hiển Linh cũng mạc khải cho nhân loại biết về thần tính của Đức Giêsu Con Thiên Chua làm người. Người là Vua, là Thiên Chúa được biểu lộ qua 3 lễ vật mà các Đạo Sĩ tiến dâng : Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.

Các Đạo Sĩ đến quỳ gối trước vị vua mà quyền năng bao trùm vạn vật; không phải bằng quân đội và vinh quang cá nhân mà bằng tình yêu vô bờ qua việc phục vụ và tự hiến chính mình, dâng cho Chúa Hài Nhi Vàng. Khi dâng Vàng, các Đạo sĩ nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô, hậu duệ cuối cùng của giòng dõi Đavít, như ngôn sứ Isai đã tiên báo: “Một chồi non sẽ trồi ra từ gốc Giesê, một mầm non sẽ mọc lên từ cội rễ ấy, Thánh Thần của Yavê sẽ ngự trên vị này …” (Is 11, 1-2).

Các Đạo Sĩ cũng dâng cho Chúa Trầm Hương là họ đã nhìn nhận thiên tính của Đức Kitô ngay từ khi hạ sinh. Hương Trầm bay toả lên cao ngụ ý muốn nói : Vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về thế gian này, như Chúa Giêsu đã tuyên bố với Philatô trong cuộc thẩm vấn. Quyền lực mà Chúa Giêsu Kitô có được là do Chúa Cha ban cho và đó là ý nghĩa của lễ dâng trầm hương vì sản vật này dành riêng cho Thiên Chúa trong các nghi lễ tại Đền Thờ.

Thế còn Mộc Dược? Mộc Dược, thứ hương liệu dùng để băng bó vết thương và tẩm liệm xác chết. Khi nhập thể, quả thật Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thông phần vào kiếp con người, chia sẻ vận mệnh của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, ngoại trừ tội lỗi, mà không cần sử dụng đến quyền năng Thiên Chúa. Nên khi dâng Chúa Hài Đồng Mộc Dược là họ tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Các Đạo Sĩ là ba người ngoài Do Thái, được coi là dân ngoại nhưng đã tìm hiểu và tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình. Vì thế ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin.

Tin Mừng chẳng nói thêm gì về các Đạo Sĩ, ngoài việc nói họ đến từ phương Đông. Người ta thường cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, những người có học thức cao này không chỉ phục vụ cho tôn giáo mình mà họ biết rõ các nghi lễ và thực hành, nhưng họ cũng có kiến thức về khoa học rất rộng, nhất là thiên văn, chuyên giải thích các giấc mộng và những dấu hiệu thiên văn. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình.

Đối với các Đạo sĩ này, sự xuất hiện trên trời một hiện tượng thiên văn bất thường (như sao chổi hay sự giao nhau của các hành tinh) là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày sinh của một nhân vật hàng đầu. Thật vậy, ý tưởng rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao nào đó ở trên trời.

Thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ, cũng không nói họ là vua. Trong các bức hoạ hay tranh ghép cổ thời, người ta vẽ hai, ba, bốn ông hay nhiều hơn thế nữa, các Kitô hữu ở phương Đông quen tính đến hơn chục ông. Con số ba theo truyền thống chắc chắn là do ba lễ vật dâng lên cho Chúa Kitô. Ta cũng có thể thấy sự lựa chọn con số này biểu trưng cho Ba Ngôi. Về việc trình bày các Đạo sĩ như là những vị vua, cưỡi trên lưng lạc đà, đầu đội vương miện, có cả đoàn tuỳ tùng đi theo, hình ảnh này là do ngôn sứ Isai đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (…) Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Chúa” (Is 60, 1-6).

Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta, những con người ở thời đại công nghệ với sự phát triển đột phá về trí tuệ nhân tạo học ở nơi các nhà Đạo Sĩ. Họ là những người thông thái, học thức. Họ đã dùng khối óc và con tim, cùng với ơn Chúa ban và chuyên chăm học hỏi mà có được. Họ tính toán để khám phá ra Ngôi Sao xuất. Họ can đảm cất bước lên đường tìm đến đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi là Vua thật cả và trời đất, là Thiên Chúa thật và là người thật, đó là hành trình của các Đạo sĩ.

Việc các Đạo sĩ đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi dạy chúng ta phải biết kiếm tìm Thiên Chúa bằng cả khối óc lẫn con tim. Kiến thức của mình thôi chưa đủ. Như các Đạo Sĩ, họ còn dò hỏi các luật sĩ và tiến sĩ Luật, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh là chính Mạc Khải của Thiên Chúa. Cũng thế, kiến thức của chúng ta không đủ để giải thích tất cả: chúng ta cần phải đọc Kinh Thánh, lắng nghe các ngôn sứ, cả thời xưa lẫn thời nay, để nhờ đó, chúng ta có thể nhận biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và tình yêu Ngài mang đến cho mọi loài thụ tạo. Amen.
 
Tính phổ quát của ơn cứu độ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:40 03/01/2024

TÍNH PHỔ QUÁT CỦA ƠN CỨU ĐỘ
( Lễ Hiển Linh )

Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ (x.1Tm 2,3-4). Họp mừng lễ Hiển linh hay là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, Hội Thánh muốn khẳng định với chúng ta rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh, đồng thời cảnh báo chúng tránh xa thái độ cao ngạo độc quyền chân lý, và mặt khác dạy chúng ta tích cực sẻ chia cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Ơn cứu độ là dành cho tất cả mọi người. Ngôn sứ Isaia loan báo cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem và chư dân Đông Tây, sẽ tay bế tay bồng dìu nhau đến thờ lạy, ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa (x.Is 60,3-5). Thiên Chúa là Đấng công bình và đầy tình lân ái. Người tỏ mình cho mỗi người mỗi cách khác nhau tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của họ. Chúa công bình vì Người tỏ mình cho tất cả mọi người, chẳng trừ một ai. Chúa lân ái nên Chúa tỏ mình bằng nhiều cách thế để mỗi người theo mỗi hoàn cảnh có thể gặp được Người.

Với những người chăn chiên cừu, vốn ít học nhưng đơn sơ chất phác, thì lời loan báo của vị Thiên Sứ cùng với tiếng hát của đoàn cơ binh Thiên Thần trong ánh sáng huy hoàng quả là một sứ điệp không gì bằng. Với các nhà đạo sĩ Đông phương, thì sự xuất hiện một ánh sao lạ trên bầu trời hẳn là một lời mời gọi thiết thực với những “chuyên gia thiên văn”. Còn với các kinh sư, các Thượng tế Do thái giáo, thì thử hỏi có gì quan trọng cho bằng Thánh Kinh. Chúng ta chớ quên việc họ thường mang Lời Chúa được ghi trên các dải vải đính ở tay áo. Thế thì một duyên cớ để họ đọc lại lời của Ngôn sứ Mikêa: “Phần người, hỡi Bêlem...ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5,1), quả là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách tuyệt vời cho họ. Rồi với Vua Hêrôđê, một vị vua trần thế vốn tham quyền cố vị, thì câu hỏi của các nhà đạo sĩ Đông phương: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?” đúng là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách đúng đối tượng.

Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với mọi người theo cách thức Người chọn, phù hợp với từng người theo từng hoàn cảnh, số phận khác nhau của họ. Như thế, ta có thể nói là bất cứ ai cũng đều có thể tìm gặp chân lý, đều có thể tìm đến cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Giáo lý Công Giáo khẳng định rằng ngoài phép rửa bằng nước còn có phép rửa bằng máu và bằng lòng mến. Thánh Công đồng Vatican II dạy chúng ta: “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ của Đức Kitô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi” (MV số 20). Ơn cứu độ là dành cho muôn dân, vì thế chúng ta có thể rút ra một vài hệ luận như tất yếu như sau:

Không được phép độc quyền chân lý: Chân lý không thuộc riêng một ai, một tập thể nào. Khi ta độc quyền chân lý cách này cách khác là khi ta tự biến mình thành ngẫu tượng. Cần phải bỏ dần thái độ cao ngạo tự tôn của một thời quá khứ khi ta đồng hoá mọi niềm tin, tôn giáo khác ta đều là lầm lạc, là ma quỷ, bụt thần… Cần phải minh định rằng “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô” (x.Ga 14,6). Tuy nhiên cũng cần cảnh giác thái độ tự tôn cho rằng “ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ”, một thái độ thiếu tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Khi ta có thái độ độc quyền chân lý là lúc ta tưởng như mình đã nắm trọn vẹn chân lý và hữu ý hay vô tình ta đã rơi vào chước cám dỗ của Satan ngày xưa khi cám dỗ tổ tiên loài người: Cứ ăn trái cấm này đi thì hai ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ (x.St 3,5).

“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6,45). Thiên Chúa tỏ mình cho mỗi người mỗi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên để nhận biết Thiên Chúa, phần phía con người cũng cần có sự đáp trả cân xứng. Một vài thái độ đáp trả cần có đó là:

Một tâm hồn biết lắng nghe: đây là thái độ khiêm nhu chân thành, luôn khao khát tìm về chân, thiện, mỹ. Người có tâm hồn biết lắng nghe là người có tấm lòng thành trước những những gì là chính đáng, là phải đạo. Các nhà đạo sĩ Đông phương và những người mục tử thôn dã lúc bấy giờ là những người có tấm lòng thành. Tấm lòng thành ở đây được hiểu như là sự hướng thượng và hướng thiện. Quân vương Hêrôđê chắc chắn không có tấm lòng thành. Các thượng tế, kinh sư ở thành Giêrusalem lúc bấy giờ thì ta không dám quả quyết nhưng chắc chắn họ thiếu động thái lên đường, ra đi.

Một động thái lên đường, ra đi: Khi đã nhận ra tiếng nói của chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu, thì cần phải lên đường, ra đi. Chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi chúng phải ra đi khỏi cái vị thế hiện tại. Không một ai ở trần gian này có thể nắm được tình yêu vĩnh cửu hay chân lý toàn thiện. Tất thảy đều ở phía trước, chính vì thế cần phải lên đường, ra đi. Các thượng tế và kinh sư ở thành Giêrusalem năm nào dù đã thoáng nhận ra Ánh Sáng cứu độ nhưng vì họ có lẽ quá sợ vua Hêrôđê nên đã không lên đường tìm gặp được Đấng Cứu Thế. Trái lại khi nhận được dấu chỉ mời gọi, các đạo sĩ Đông phương và các mục tử đã biết lên đường, ra đi. Ra đi là chấp nhận từ bỏ. Lên đường là chấp nhận hy sinh và gian khó. Có một cái khó mà không dễ gì vượt qua hay từ bỏ, đó là những tập tục hay truyền thống mang tính nhân loại. Chúng dễ nhận ra sự thật này nơi nhiều người biệt phái, luật sĩ, tư tế thời Chúa Giêsu, khi Người công khai rao giảng tin mừng.

Chân lý đã thực sự hoàn hảo và đầy đủ nơi Chúa Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x.Col 1,15; Dt 1,1-2). Nhưng chúng ta, dù là giáo dân hay giáo sĩ, dù là thần học gia hay “xứng với bậc tông đồ” thì cũng chỉ nhận biết chân lý kiểu như thấy trong tấm gương đồng. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”(1.Cor 13,12).

Ra khỏi tháp ngà tự mãn cho rằng đã nắm được trọn vẹn chân lý, ra khỏi tháp ngà độc quyền chân lý là cách thế tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Hiển linh, Chúa tỏ mình cho muôn dân cách thiết thực, hữu hiệu và khả tín. Không ngừng kiếm tìm và đón nhận chân lý là một thái độ khiêm nhu vừa có tính giải thoát và tính truyền giáo. Sự thật không chỉ giải thoát chúng ta, mà còn có sức cuốn hút những tâm hồn thiện chí. Và như thế sự thật sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau, làm cho chúng ta nên một bằng cách thánh hiến chúng ta, nghĩa là làm cho chung ta thuộc về Thiên Chúa (x.Ga 17,17).

Mừng mầu nhiệm Chúa Hiển Linh, ước gì chúng ta mãi luôn nuôi dưỡng cái tấm lòng thành nơi chúng ta bằng thái độ khiêm nhu biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần không chỉ trong Thánh Kinh, trong các cử hành Phụng vụ, trong lời dạy của Hội Thánh…mà còn trong các biến cố lịch sử, trong các nét đẹp thánh thiêng nơi các niềm tin, tôn giáo ngoài Công Giáo, nơi các nghĩa cử cao đẹp của những người chưa tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa. Lắng nghe không phải để đứng nhìn mà để can đảm lên đường tìm kiếm và đón nhận chân lý. Sự thật toàn vẹn luôn ở phía trước, vì có đó nhiều điều ngay các Tông đồ vẫn chưa thấu hiểu. Chính Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,12-13). Người là Đấng đang mãi hoạt động cho đến ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Tích cực tìm kiếm và đón nhận chân lý là tiền đề tất yếu để ta chia sẻ cho tha nhân hồng ân cứu độ.

Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh, ĐTC nói chiến tranh là điên rồ
Thanh Quảng sdb
16:59 03/01/2024
Đức Thánh Cha tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh, ĐTC nói chiến tranh là điên rồ

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang ở Palestine, Israel, Ukraine và người Rohingya bị đàn áp, đồng thời nhắc lại tình liên đới của ngài với các nạn nhân của trận động đất và đụng máy bay tại Nhật Bản.

(Tin Vatican - Thaddeus Jones)

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới và cứu trợ các nạn nhân chiến tranh, đồng thời nhắc lại rằng “chiến tranh là sự điên rồ” và là sự “thất bại” đối với nhân loại.

Cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh

Phát biểu trước những người hành hương khi kết thúc bài giáo lý của Ngài trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho thảm kịch đang diễn ra ở Palestine và Israel, cũng như cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã gần bước sang năm thứ ba. Đồng thời, ngài nói rằng chúng ta phải nhớ tới các nạn nhân chiến tranh ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt không quên những anh chị em Rohingya đang bị đàn áp.

Hãy mở rộng trái tim chúng ta

Khi ngỏ lời với những người hành hương đến từ Ba Lan, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu Ba lan hãy nhớ đến những người đang di cư vì chiến tranh và nghèo đói, đồng thời cầu nguyện xin Thiên Chúa “ban cho chúng ta một trái tim nhạy cảm trước nhu cầu của người nghèo, những người di cư và tị nạn chiến tranh.

Ngài nói thêm: “Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cha cầu xin Chúa ban ơn bình an, và cha chúc lành cho anh chị em!

Hỗ trợ các nạn nhân động đất ở Nhật Bản

Sau bài giáo lý bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân và những người cứu hộ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Nhật Bản, đồng thời tưởng nhớ các nhân viên cứu hộ đã thiệt mạng trong một vụ va chạm máy bay ở Tokyo.

Số người chết trong trận động đất mừng năm mới đã lên tới 64 người nhưng tình hình rất bất ổn. Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã cảnh báo về những dư chấn nguy hiểm có thể xảy ra. Trận động đất có cường độ 7,6 độ richter tại bán đảo Noto vào ngày đầu năm mới, gây ra sự tàn phá đáng kể.

Hôm thứ Ba, một chiếc Airbus của Japan Airlines đã va chạm với một máy bay của Cảnh sát biển chở hàng hóa khẩn cấp cho các khu vực bị động đất, khiến 4 trong số 5 thành viên phi hành đoàn của Cảnh sát biển trên máy bay thiệt mạng. Tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn của Japan Airlines đều sống sót, nhanh chóng thoát khỏi vụ tai nạn bốc cháy bằng cầu trượt sơ tán.

Đức Tổng Giám Mục Tarcisius Isao Kikuchi của Tokyo đã đảm bảo rằng Giáo hội địa phương sẽ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Giáo hội đã kêu gọi các nhóm hỗ trợ ứng phó khẩn cấp cùng với Caritas Nhật Bản để cứu trợ các nạn nhân.
 
Hai mươi câu hỏi dành cho Đức Hồng Y Fernández
J.B. Đặng Minh An dịch
17:49 03/01/2024


Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ The Catholic Thing, ngài có bài viết nhan đề “Twenty Questions for Cardinal Fernández (and Pope Francis?)”, nghĩa là “Hai mươi câu hỏi dành cho Đức Hồng Y Fernández (và Đức Thánh Cha Phanxicô?)”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đầu năm nay, Đức Hồng Y Daniel Sturla, Tổng Giám mục Montevideo, và Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, lúc đó là Tổng Giám mục La Plata, đã có các Tòa Giám Mục đối diện ở hai bờ một con sông. Giờ đây, hai vị thấy mình đang ở trong những xu hướng đối lập với nhau, vì người trước lo lắng rằng người sau sẽ đẩy Giáo hội vào tình trạng xung đột và hỗn loạn ngay trước lễ Giáng Sinh. “Tôi không nghĩ đây là một chủ đề có thể được đưa ra vào dịp Giáng Sinh,” Đức Hồng Y Sturla nói về Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, là tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc chúc lành cho các cặp “bất hợp lệ” và “đồng giới”. “Quyết định đó đã thu hút sự chú ý của tôi một cách mạnh mẽ, bởi vì đây là một vấn đề gây tranh cãi và nó đang chia rẽ nội bộ Giáo hội.”

Không chỉ Tiber, mà cả ở La Plata.

Hồng Y Fernández và Hồng Y Sturla đều được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong làm tổng giám mục trong năm đầu tiên của ngài, và cả hai vị đều thuộc các tổng giáo phận liền kề với Buenos Aires. Nếu bây giờ Hồng Y Fernandez đã mất đi sự ủng hộ của vị Hồng Y do Đức Thánh Cha Phanxicô phong ở bên kia sông, thì điều đó cho thấy Fiducia Supplicans đã được đón nhận kém đến mức nào. Thế mà, Hồng Y Fernández đã hối hả tăng thêm thảm họa là đẩy toàn bộ Giáo hội vào xung đột và hoang mang về một vấn đề gây tranh cãi chỉ vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, là thời điểm mà tiếng nói tôn giáo được chú ý nhiều hơn trên báo chí thế tục.

Đức Hồng Y Fernández đã có ý áp dụng những hướng dẫn của ngài về cách chúc lành cho “các cặp vợ chồng không hợp lệ” – các cặp sống thử, các “cặp vợ chồng” đa thê, các cặp ngoại tình, các cặp đồng tính, và còn rất nhiều nữa. Hồng Y Fernandez viết hôm thứ Hai 18 Tháng Mười Hai: “Vì vậy, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, sẽ không có phản hồi nào thêm về những cách khả thi để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các phước lành kiểu này”. Nhưng, đến cuối tuần, ngài đã phải trả lời phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha cho The Pillar. Mọi việc đã không diễn ra như kế hoạch. Một trong những người tiền nhiệm của ngài ở Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố Fiducia Supplicans là “tự mâu thuẫn”.

Tại Vatican, vào tuần trước lễ Giáng Sinh - những lời chúc phúc cho người đồng giới được treo cẩn thận bên ống khói, với hy vọng rằng Cha James Martin sẽ sớm có mặt ở đó. Với bụi bặm hiện đã lắng xuống và khiến thế giới phải ghi nhận sự thất vọng của họ, sau đây là một loạt câu hỏi mà Đức Hồng Y Fernández có thể chọn trả lời khi ngài bắt đầu một loạt cuộc phỏng vấn mới để bảo vệ tuyên bố của mình.

Câu hỏi 1: Trong bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật đầu tiên sau khi được bầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự khôn ngoan thần học siêu việt của bà nội, bà ngoại, một chủ đề mà ngài đã quay lại nhiều lần. Sự phân biệt trong tuyên bố của Đức Hồng Y giữa các phước lành “tăng dần” và “giảm dần” có phù hợp với trải nghiệm của những người bà không? Liệu tâm hồn bà có tràn ngập niềm vui Tin Mừng khi hay tin người con rể của bà, là người đã bỏ rơi con gái và các cháu của mình, đã được cha xứ ban phước cùng với cô nhân tình mới không?

Câu hỏi 2: Khi ngài được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha đã viết cho ngài một lá thư cảnh báo ngài chống lại “một nền thần học gắn chặt với bàn làm việc”. Có phải sự phân biệt tinh tế của Fiducia Supplicans – chúc phúc cho “các cặp” chứ không phải là chúc phúc cho “sự kết hợp”- là điều khiến họ trở thành một cặp – là cách mà những người Công Giáo bình thường nhìn nhận sự việc, hay nó giống nhiều hơn với lối ngụy biện trên bàn giấy?

Câu hỏi 3: Fiducia Supplicans tuyên bố là “đổi mới” và “phát triển” trong cách hiểu thần học về phước lành. Những điều mới lạ này “dựa trên tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô”. Phải chăng “tầm nhìn mục vụ” của Đức Thánh Cha hiện nay là một quỹ đạo thần học, tương tự như Kinh thánh, truyền thống và huấn quyền? Liệu một người theo chủ nghĩa tối thượng như vậy còn có thể hiểu được liệu tầm nhìn của giáo hoàng có phù hợp với giáo huấn của Vatican II về giám mục đoàn hay không?

Câu hỏi 4: “Tầm nhìn mục vụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô là gì? Trong bối cảnh Fiducia Supplicans mâu thuẫn với tài liệu Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 2021 về cùng chủ đề, cũng được ban hành với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, làm sao người ta biết được tầm nhìn mục vụ ấy là gì? Hay việc biết đến tầm nhìn mục vụ ấy là một thứ thuyết Ngộ đạo mà Đức Thánh Cha đã không ngừng chỉ trích?

Câu hỏi 5: Fiducia Supplicans hướng dẫn rằng “khi một người xin một phước lành, không nên đặt một phân tích đạo đức toàn diện làm điều kiện tiên quyết để ban phước lành. Vì những người tìm kiếm phước lành không cần phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức trước đó.” Phải chăng theo quan điểm của Bộ Giáo Lý Đức Tin đây là một thực tế phổ biến cần được điều chỉnh? Có ai ở Bộ Giáo Lý Đức Tin đã từng, dù chỉ một lần, chứng kiến một linh mục tiến hành “phân tích đạo đức toàn diện” khi được yêu cầu ban phép lành không? Có linh mục nào, ở bất cứ đâu, từng yêu cầu phải “hoàn thiện về mặt đạo đức” trước khi ban phép lành không? Điều đó thậm chí có thể trông như thế nào? Có thể nào một giáo sĩ rơm đang được tạo ra ở đây?

Câu hỏi 6: Trong cuộc phỏng vấn với Pillar, ngài nói, “Tôi không biết tại thời điểm nào chúng ta đã đề cao cử chỉ mục vụ đơn giản này đến mức chúng ta đánh đồng nó với việc rước lễ. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn đặt ra nhiều điều kiện để được ban phước lành.” Bộ Giáo Lý Đức Tin có biết ai, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào đã “đánh đồng” việc ban phép lành với việc “tiếp nhận Bí tích Thánh Thể” không? Đây có phải là một giáo sĩ rơm khác được tạo ra từ đống cỏ khô của máng cỏ không?

Câu hỏi 7: Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ngài viết rằng, “Một số giám mục đã đề ra các hình thái được nghi thức hóa trong việc chúc lành cho các cặp vợ chồng không hợp lệ, và điều này là không thể chấp nhận được.” Liệu Bộ Giáo Lý Đức Tin có chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Fiducia Supplicans như vậy không, chẳng hạn, giống như Bộ Phụng tự yêu cầu cấp phép cho Thánh lễ Tridentinô được cử hành trong các nhà thờ giáo xứ?

Câu hỏi 8: Fiducia Supplicans trích dẫn Amoris Laetitia rằng “những gì là một phần của việc phân định thực tế trong những hoàn cảnh cụ thể không thể được nâng lên mức độ của một quy luật” bởi vì điều này “sẽ dẫn đến một lối ngụy biện không thể chấp nhận được”. Fiducia Supplicans có ý định thực hiện các phép lành như Amoris Laetitia đã làm khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, tức là việc thực hiện cùng một hành vi lại vừa có thể là thánh thiện lại vừa có thể là tội lỗi, tùy thuộc vào hành vi đó được thực hiện ở đâu? Một hành vi được đánh giá là tội lỗi ở Ba Lan, lại được xem là thánh thiện ở Đức, tội lỗi ở Alberta, nhưng là thánh thiện ở Malta.

Câu hỏi 9: Trong Fiducia Supplicans, ngài viết rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã làm việc về tuyên bố này kể từ trước khi ngài nhậm chức vào tháng 9. Thông tin này có được chia sẻ với các thành viên của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị vào tháng 10, những người đã thảo luận về chính vấn đề này không? Họ có được thông báo rằng ngay cả khi họ quyết định không đề cập đến vấn đề này trong báo cáo cuối cùng của mình thì Bộ Giáo Lý Đức Tin vẫn sẽ mạnh dạn tiến lên không?

Câu hỏi 10: Phải chăng những người quản lý tiến trình Thượng Hội Đồng cho một Giáo hội đồng nghị đã được yêu cầu đừng bận tâm đến việc giải quyết các vấn đề đồng tính trong báo cáo của Thượng Hội Đồng vì Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ giải quyết vấn đề đó bên ngoài tiến trình Thượng Hội Đồng? Phải chăng họ đã chấp nhận loại bỏ các tham chiếu “LGBT” khỏi báo cáo cuối cùng vì biết Bộ Giáo Lý Đức Tin đang lên kế hoạch gì, từ đó đánh lừa các thành viên thượng hội đồng đã đề xuất không?

Câu hỏi 11: Thượng phụ Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất, đã tuyên bố rằng tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin “không có hiệu lực pháp lý đối với các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine” vì nó không tính đến giáo luật, phụng vụ phương đông hoặc sự hiểu biết thần học của riêng họ về phước lành. Bộ Giáo Lý Đức Tin có nhận thức được rằng hướng dẫn của mình hoàn toàn mâu thuẫn với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine dạy rằng “việc ban phép lành của một linh mục hoặc giám mục là một cử chỉ phụng vụ không thể tách rời khỏi phần còn lại của nội dung các nghi thức phụng vụ và không thể giản lược cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của lòng đạo đức riêng tư “?

Câu hỏi 12: Với di sản Byzantine được chia sẻ ở phía đông, Bộ Giáo Lý Đức Tin có xem xét ý nghĩa đại kết của việc ban phép lành xem có thể mâu thuẫn với sự hiểu biết và thực hành của các Giáo hội Chính thống không?

Câu hỏi 13: Một số hội đồng giám mục Phi Châu đã bác bỏ giáo huấn trong Fiducia Supplicans. Thật vậy, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo của Kinshasa, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, đã viết cho các giám mục anh em của mình rằng, “với tư cách là những mục tử của Giáo hội ở Phi Châu, chúng ta có nhiệm vụ phải đưa ra sự minh bạch trong suốt về vấn đề này”. Ngài đề xuất rằng các giám mục Phi Châu đưa ra “sự hướng dẫn dứt khoát cho cộng đồng Kitô hữu của chúng ta” bằng cách “soạn thảo một tuyên bố chung duy nhất của hội đồng”. Có giám mục cao cấp nào của Phi Châu đã được hỏi ý kiến, theo tinh thần đồng nghị, trước khi Fiducia Supplicans được ban hành không?

Câu hỏi 14: Đức Hồng Y Ambongo là thành viên của Hội đồng Hồng Y, nhóm cố vấn nội bộ của Đức Thánh Cha. Hội đồng đã họp tại Rôma vào tháng 12, chỉ vài tuần trước khi Fiducia Supplicans được ban hành. Đức Hồng Y Ambongo có được hỏi ý kiến khi ngài ở Rôma không? Bộ Giáo Lý Đức Tin có hỏi quan điểm của ngài không?

Câu hỏi 15: Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định, sau khi Đức Hồng Y Robert Sarah nghỉ hưu và Đức Hồng Y Peter Turkson bị cách chức, rằng không có các giám mục giáo triều nào đến từ Phi Châu nữa. Liệu Fiducia Supplicans có khác đi không nếu nhóm các giám mục giáo triều hiện tại mang tính đại diện và toàn diện hơn?

Câu hỏi 16: Trong một cuộc phỏng vấn gần đây khác, ngài đã nói về Phi Châu, nơi “có luật trừng phạt đến mức bỏ tù những ai chỉ cần tuyên bố mình là người đồng tính, hãy tưởng tượng như thế thì một phước lành sẽ làm được gì.” Bộ Giáo Lý Đức Tin có xem xét tác động ở Phi Châu của Fiducia Supplicans, rằng có lẽ bạo lực chống Kitô giáo gây chết người có thể gia tăng do dân chúng nhận ra sự chấp thuận của Giáo Hội đối với các kết hiệp đồng giới không? Nếu một giám mục Phi Châu thận trọng không thực hiện Fiducia Supplicans vì các hình phạt dân sự đối với người đồng tính, thì liệu Bộ Giáo Lý Đức Tin có thiếu thận trọng không khi tạo ra ấn tượng toàn cầu rằng Giáo Hội Công Giáo hiện chấp thuận các kết hợp tính dục đồng giới? Hơn 4000 Kitô hữu đã bị giết chỉ riêng ở Nigeria trong năm nay, với khoảng 150 người bị giết vào dịp Giáng Sinh.

Câu hỏi 17: Hiệp thông Anh giáo đã thực sự kết thúc vào năm nay, với việc các Giám Mục đại diện cho hơn 80% người Anh giáo không còn công nhận Tổng Giám mục Canterbury là “công cụ của hiệp thông”. Nguyên nhân gần nhất của sự tan rã là do sự ban phước cho các cặp đồng giới. Phải chăng Bộ Giáo Lý Đức Tin tự tin rằng những hậu quả thảm khốc đối với người Anh giáo sẽ không thể vang vọng trong Giáo Hội Công Giáo?

Câu hỏi 18: Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu sứ vụ Phêrô với ước mơ về một “Giáo hội nghèo dành cho người nghèo”. Có Giáo hội nghèo nào yêu cầu cung cấp Fiducia Supplicans không? Ngược lại, có thể coi Fiducia Supplicans là loại việc mà một Giáo hội giàu có sẽ làm cho người giàu, như người ta có thể thấy ở khu West Side của Manhattan hoặc ở Đức, nơi Giáo hội địa phương giàu có nhất thế giới?

Câu hỏi 19: Ngài đã thông báo rằng ngài sẽ đến Đức để giải quyết một số vấn đề khó khăn do “Tiến Trình Công Nghị” của Đức gây ra, vốn đã bị Vatican nhiều lần lên án. Ngài có nghĩ rằng Fiducia Supplicans sẽ truyền cảm hứng cho người Đức thay đổi đường lối của họ, hay ngược lại càng trở nên bướng bỉnh hơn, khi kỳ vọng rằng như Đức Thánh Cha đã đảo ngược chính mình trong Fiducia Supplicans, thì ngài cũng sẽ đảo ngược chính mình đối với Tiến trình Công Nghị nói chung?

Câu hỏi 20: Trước khi ngài được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo lý năm nay, Đức Hồng Y Eduardo Pironio được kể là người Á Căn Đình nổi bật nhất phục vụ trong Giáo triều Rôma từ những năm 1970 đến 1990. Ngài đã được phong chân phước hai ngày trước khi Đức Hồng Y công bố Fiducia Supplicans. Đức Hồng Y có lấy ngài làm hình mẫu cho việc phục vụ của mình trong Giáo triều Rôma không? Lần sau về thăm nhà, khi đến thăm di tích của ngài, Đức Hồng Y có nghĩ rằng ngài sẽ ban phước lành cho công việc của Đức Hồng Y không, và ngài có nên tự phát xin chúc lành không? Ngài có thể cầu nguyện trước thánh tích với Đức Hồng Y Sturla của Montevideo không?

Source:The Catholic Thing

 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Hồng Y Burke giữa tranh cãi về tiền lương và nhà ở
Đặng Tự Do
17:51 03/01/2024


Vatican cho biết hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Raymond Burke, vài tuần sau khi có một loạt tranh cãi được đưa tin liên quan đến giáo hoàng và vị giám mục 75 tuổi sinh ra ở Mỹ.

Một thông cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đề cập ngắn gọn rằng Đức Giáo Hoàng đã gặp Đức Hồng Y Burke trong một buổi tiếp kiến vào sáng thứ Sáu. Không có lý do nào được đưa ra cho cuộc họp cũng như thông tin chi tiết về cuộc tiếp kiến cũng không được văn phòng báo chí chia sẻ.

Đức Hồng Y hôm thứ Sáu đã từ chối bình luận về cuộc họp. Cuộc họp diễn ra vài tuần sau khi có báo cáo cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tước bỏ các đặc quyền về nhà ở và tiền lương ở Vatican của Đức Hồng Y Burke, trong đó Đức Thánh Cha được cho là đã tuyên bố rằng Đức Hồng Y Burke là nguồn gốc của “sự mất đoàn kết” trong Giáo hội và rằng ngài đang sử dụng các đặc quyền dành cho các Hồng Y đã nghỉ hưu để chống lại Giáo Hội.

Vào cuối tháng 11, Đức Phanxicô đã xác nhận rằng ngài đang có kế hoạch lấy đi căn nhà và tiền lương của vị Hồng Y. Đức Thánh Cha vào thời điểm đó được cho là đã phủ nhận việc ngài gọi Đức Hồng Y Burke là “kẻ thù” của mình.

Người viết tiểu sử về Giáo hoàng Austen Ivereigh đã viết vào cuối tháng 11 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ông rằng tin tức liên quan đến Đức Hồng Y Burke không phải là một thông báo công khai mà là nó đã bị rò rỉ cho báo chí.

Đức Hồng Y Burke được biết đến với những chỉ trích liên quan đến một số quyết định và chỉ thị của Đức Phanxicô. Vào năm 2021, Đức Hồng Y đã đưa ra một tuyên bố 19 điểm liên quan đến tự sắc Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó Đức Hồng Y Burke gọi những hạn chế của Tòa thánh đối với Thánh lễ Latinh truyền thống là “nghiêm khắc và mang tính cách mạng” và đặt câu hỏi về thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong việc thu hồi việc sử dụng nghi thức này.

Đức Hồng Y Burke cũng nằm trong số năm vị Hồng Y đã gửi một danh sách các nghi vấn đến Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan ngại và tìm cách làm sáng tỏ các quan điểm về giáo lý và kỷ luật trước Thượng hội đồng tháng 10 về tính đồng nghị tại Vatican.

Các vị Hồng Y đã đệ trình một phiên bản dubia trước đó cho Đức Phanxicô vào tháng 7, nhưng Đức Thánh Cha đã trả lời bằng những câu trả lời đầy đủ thay vì theo hình thức thông thường là trả lời “có” và “không”, điều này đã khiến các Hồng Y phải gửi yêu cầu sửa đổi để làm rõ. Vào thời điểm đó, các ngài nói: “Các câu trả lời “không giải quyết được những nghi ngờ mà chúng tôi đã nêu ra, nhưng nếu có thì đã làm chúng sâu sắc hơn”.

Đức Hồng Y Burke sau đó nhấn mạnh rằng dubia không nhằm mục đích tấn công chính Đức Phanxicô, nói rằng các câu hỏi chỉ liên quan đến “tín lý và kỷ luật lâu đời của Giáo hội, chứ không phải chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng”.


Source:Catholic News Agency
 
Văn Hóa
Các phép lạ Thánh Thể dưới con mắt một Bác Sĩ Chuyên Khoa Tim, Chương VI
Vũ Văn An
05:02 03/01/2024
VI. Các phép lạ Thánh Thể có thể xảy ra mà bị Giáo quyền phản đối một cách không thể giải thích được: Campoalegre (2006) và Buffalo (2018)

Tôi đã đề cập đến việc Cha Raymundo Reyna Esteban, khi còn là một linh mục trẻ ở Cộng hòa Dominica, đã từng chứng kiến một biến cố lạ lùng có thể xảy ra trước phép lạ Tixtla: một bánh thánh đã được truyền phép, dường như đang chảy máu, tuy nhiên đã bị phá hủy bằng cách để nó hòa tan trong nước, y như đã được yêu cầu bởi giám mục địa phương. Đây chắc chắn là một cốt truyện quan trọng để hiểu sự nhiệt tình “thánh thiện” và sự thiếu “thận trọng” của Cha Rayito khi, nhiều năm sau, ngài lập tức trưng bầy bánh thánh Tixtla đang chảy máu cho sáu trăm nhân chứng đang tham dự Thánh lễ. Bằng cách đó, phép lạ Tixtla mới và còn cần được công nhận - một biến cố lạ lùng thứ hai trong cuộc sống của Cha Rayito - chắc chắn không bị kiểm duyệt. Thay vào đó, nó được bảo vệ khỏi sự thận trọng quá mức mà – chúng ta phải thừa nhận – thường thấy ở các cơ quan chức năng của Giáo hội, một sự thận trọng mà Cha Rayito đáng buồn đã từng trải qua.

Bộ phim tài liệu Úc năm 2017 Máu của Chúa Kitô mà tôi đã đề cập cũng bao gồm một báo cáo về một biến cố lạ lùng đáng tin cậy khác ở Nam Mỹ. Việc này diễn ra tại nhà thờ giáo xứ nghèo Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa ở Campoalegre, miền trung Colombia, thuộc Giáo phận Neiva. Ở đó, trong Tuần Thánh năm 2006, một nữ tu của Dòng Con Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa có trụ sở tại Rôma phát hiện ra rằng một bánh thánh đã được truyền phép dường như đã chảy máu khi được đựng trong một hộp kim loại hình trụ nhỏ. Cha José Fidel Medina Salinas, cha xứ vào thời điểm đó - hiện đang sống tại trụ sở chính của dòng ở Rome - đã xác nhận với tôi tính chính xác của những gì được báo cáo trong phim tài liệu Úc. Ngài nói với tôi rằng Đức Cha Ramón Darío Molina Jaramillo, giám mục của Neiva vào thời điểm đó, rất thận trọng nhưng nhìn chung ủng hộ tính xác thực của biến cố và đề nghị bảo quản bánh thánh trong một nhà tạm một cách hết sức tôn kính. Không có sự phản đối nào đối với một cuộc nghiên cứu khoa học và chỉ vài ngày sau biến cố này, một người bạn bác sĩ của cha xứ đã xác nhận rằng chất lỏng có trên bánh thánh là máu.

Ngay sau đó, như thường lệ ở Nam Mỹ, Bác sĩ Ricardo Castañón Gómez đã tham gia. Vào mùa hè năm 2006, Bác sĩ Castañón đã lấy mẫu thánh tích và bắt đầu điều tra. Cha Fidel nói với tôi rằng những cuộc điều tra đó mang lại những kết quả rất đáng lưu ý, bao gồm cả những phát hiện chưa từng có so với các phép lạ Thánh Thể khác. Tuy nhiên, thật không may, không có kết quả nào được tiết lộ cho công chúng. Hơn nữa, bác sĩ Castañón chưa bao giờ công bố bất cứ tài liệu nào về Campoalegre, cũng như chưa bao giờ nói về nó tại bất cứ hội nghị công khai nào. Tôi cho rằng đó là vì ông chưa bao giờ được chính thức cho phép làm như vậy.

Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng Mike Willesee và nhóm Đài Số Bẩy Úc của ông đã ở Campoalegre vào khoảng giữa năm 2015 và 2016. Ở đó, họ đã phỏng vấn Cha Juan Ricardo Yangua Lapouble, người đã kế vị Cha Fidel làm linh mục chánh xứ tại giáo xứ Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa. Ngoài ra, họ còn quay video khoảnh khắc một mảnh của bánh thánh dính máu năm 2006 vẫn được bảo quản tốt được lấy mẫu để tiến hành các cuộc điều tra mới. Trong bộ phim tài liệu của mình, Willesee sau đó tiếp tục “đâm chúng tôi” bằng một tiết lộ quá đáng. Vào năm 2012, Đức Cha Froilán Tiberio Casas Ortiz đã trở thành giám mục mới của Neiva, thay thế Đức Cha Molina. Vì một lý do nào đó, vị giám mục mới đã có thái độ thù địch với điều được coi là phép lạ thánh thể - đến mức ngài đã đích thân đến Campoalegre và tự mình phá hủy bánh thánh, trước mặt cha xứ chết lặng người, rồi chôn nó trong vườn. Sau đó, Willesee cố gắng liên lạc với Giáo phận Neiva để yêu cầu giải thích nhưng không thành công. Tôi cũng đã viết một lá thư yêu cầu thông tin tương tự vào tháng 8 năm 2020 nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi nào.

Chúng tôi biết thêm rằng nhóm Úc đã điều tra mảnh vỡ do Willesee lấy ở Campoalegre, từ đó thu được một kết quả không thể giải thích được, chính vì lý do này, kết quả này tương thích với các biến cố thực sự lạ lùng khác. Không đi sâu vào chi tiết, bộ phim tài liệu đề cập đến sự hiện diện của các tế bào bạch cầu - và do đó là máu - với DNA có thể nhận biết được, ngay cả với kỹ thuật tốt nhất hiện có trong thời gian gần đây, vẫn thách thức tất cả các xét nghiệm nhận dạng thông thường (Tôi sẽ thảo luận về loại kết quả tái diễn này và ý nghĩa của nó sẽ được mở rộng hơn ở chương sau).

Những gì đã xảy ra ở Campoalegre là một sự kiện chưa từng có: một phép lạ khả hữu đã không còn hiện hữu, mà tài liệu khoa học về nó đã tồn tại lâu hơn nó. Tuy nhiên, kết quả trong các tài liệu này vẫn chưa được tiết lộ hoặc chỉ được tiết lộ sơ bộ liên quan đến các cuộc điều tra của Úc. Biết đâu một ngày nào đó, Giáo quyền sẽ mở lại hồ sơ về Campoalegre để xem xét lại biến cố, bắt đầu từ những dữ kiện khoa học hiện có. Với tư cách một người Công Giáo, tôi hy vọng rằng trường hợp đáng lo ngại này sẽ được làm sáng tỏ và một hành động công lý và đền bù sẽ được thực hiện đối với một hành vi lạm dụng xấu xa có thể có.

Vào giữa tháng 11 năm 2018, tại Nhà thờ Thánh Vincent de Paul ở Springbrook, thuộc Giáo phận Buffalo, bang New York, một bánh thánh đã truyền phép đã vô tình rơi xuống sàn trong Thánh lễ. Một phó tế đã thực hiện thủ tục thông thường mà chúng ta quen thuộc: ông đặt bánh thánh vào bình thủy tinh đầy nước, có nắp kim loại và khóa bình trong nhà tạm. Chỉ vài ngày sau, vào ngày 30 tháng 11, Cha Karl Loeb, cha xứ cùng với một phụ tá kiểm tra lại bình đựng: nước gần như đã bốc hơi hoàn toàn, mặc dù một phần bánh thánh màu trắng chưa hòa tan hoàn toàn hình lưỡi liềm ở phía dưới đã chuyển sang màu đỏ tươi. Màu của chất mới sau đó chuyển sang màu nâu vài ngày sau đó. Có những bức ảnh chất lượng đầy đủ về bánh thánh có sẵn trên mạng làm bằng chứng tài liệu về những gì đã xảy ra. Linh mục giáo xứ ngay lập tức thông báo cho giám mục địa phương, Đức Cha Richard Malone, và Giám Mục Phụ Tá của ngài, Edward Grosz. Câu trả lời thật đáng bối rối: vì bánh thánh đã tan biến (một tiền đề rõ ràng là sai, mâu thuẫn trực tiếp với những bức ảnh có sẵn), Chúa Giêsu không thể hiện diện được nữa, và do đó cần phải tiêu hủy những gì còn sót lại. Hầu hết là Đức Giám Mục Malone đã thúc đẩy theo hướng đó, vì Đức Giám Mục Phụ Tá Grosz sau đó đã nói về những sự thật này với vẻ không hài lòng. Bị ràng buộc bởi lời thề vâng phục vị giám mục của mình, Cha Karl sau đó đã vô cùng miễn cưỡng phá hủy điều có thể là một phép lạ thánh thể.

Tuy nhiên, điều mà Giám mục Malone đã đánh giá thấp là phản ứng của cộng đồng Công Giáo Hoa Kỳ. Tình tiết không hề bị giấu kín: vào tháng 12 năm 2018, mạng truyền hình Công Giáo EWTN hùng mạnh đã dành riêng chương trình có thẩm quyền The World Over cho những gì vừa xảy ra ở Buffalo. Buổi phát sóng bao gồm một cuộc phỏng vấn với Lisa Benzer, một giáo dân ở xứ Thánh Vincent de Paul và một nhân chứng.

Thật ngạc nhiên khi đọc hàng trăm bình luận trực tuyến của các tín hữu Công Giáo trong báo cáo này, tất nhiên, nhiều người trong số họ đến từ những người Công Giáo ở Giáo phận Buffalo. Những điều này giống như một điệp khúc thể hiện sự không tán thành và hoang mang. “Tại sao giám mục không đồng ý thực hiện một số cuộc điều tra đơn giản?” “Tại sao Ngài lại tước đi nguồn ân sủng có thể có của chúng ta?” Chủ đề chung dẫn đến vụ tai tiếng là việc từ chối thực hiện bất cứ thử nghiệm khoa học nào: Có lẽ đó là một sự ô nhiễm tự nhiên, nhưng tại sao lại cấm các cuộc điều tra có thể xác định được điều đó?

Tại sao một giám mục lại muốn phá hủy một phép lạ Thánh Thể có thể xảy ra? Thay vào đó, há một vị giám mục thánh thiện không nên vui mừng và hy vọng rằng khả năng xảy ra một biến cố thực sự lạ lùng trong giáo phận của mình có thể đánh thức lại đức tin hâm hẩm của đoàn chiên của mình hay sao? Điều này không dễ trả lời. Trong một số trường hợp, một giám mục biết rõ đàn chiên và lãnh địa của mình có thể hoặc phải giữ một mức độ hoài nghi lành mạnh đối với những hiện tượng tâm linh “quá mức” sặc mùi dị giáo. Tuy nhiên, cả sự kiện Campoalegre và Buffalo dường như đều không phù hợp với loại đáng ngờ này vì bất cứ lý do cụ thể nào.

Vào cuối năm 2018, Giáo phận Buffalo vướng vào một cơn bão, với Đức Cha Malone bận rộn bảo vệ mình trước cáo buộc che đậy vô số vụ lạm dụng tình dục. Vì lẽ đó, vào tháng 11/2019, Đức Cha Malone đã phải nộp đơn xin từ chức. Có lẽ người ta lo sợ rằng một phép lạ Thánh Thể có thể làm cho giáo phận càng trở thành hiển hiện hơn với giới truyền thông, một điều, ngược lại, sẽ làm nổi bật các thủ tục tố tụng mà giáo phận đang buồn bã cố gắng che giấu?

Đối với trường hợp ở Nam Mỹ, Mike Willesee thay vào đó đã đưa ra giả thuyết về một thành kiến về ý thức hệ: vị giám mục sợ rằng một phép lạ Thánh Thể có thể gây ra “những tranh cãi” trong Giáo hội. Trong Giáo Hội Công Giáo? Những tranh cãi có thể làm gián đoạn cuộc đối thoại đại kết? Chúng ta đừng giấu giếm điều này với nhau, bạn đọc thân mến. Ở đây chúng ta đang bước vào một lãnh thổ mờ mờ ảo ảo, nơi mà việc thiếu đức tin thậm chí có thể biến thành sự căm ghét chống những hồng phúc thánh thiêng nhất mà chúng ta có, và cuối cùng là chống lại chính đức tin.

Thư mục

7NEWS Spotlight. 2019. Science’s Search for Jesus: 7NEWS Spotlight [Khoa học tìm kiếm Chúa Giêsu: Tiêu điểm 7TIN TỨC]. Phim tài liệu. YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=mWmdXqIhjSs.

Phim tài liệu của Mike Willesee từ loạt phim phát sóng Đêm Chúa nhật vào ngày 9 tháng 4 năm 2017, trên Đài Số 7 của Úc. Báo cáo về Campoalegre và hình ảnh di tích được lấy mẫu là từ phút 14:37 đến phút 18:17.

Arroyo, Raymond. 2018. “A Eucharistic Miracle in Buffalo? — The World Over, Television Program [Phép lạ Thánh Thể ở Buffalo? - The World Over, Chương trình truyền hình]” EWTN. YouTube. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2020. https://www.youtube.com/watch?v=X22I-fz8x9U
 
Thánh Gióng & Thánh Gioan Tiền Hô
Nguyễn Trung Tây
12:13 03/01/2024
Nguyễn Trung Tây
Thánh Gióng & Thánh Gioan Tiền Hô

https://www.youtube.com/watch?v=6-vfOAYc2v0

Vào đời Hùng Vương thứ 6, người Ân từ phương Bắc kéo xuống tấn công vương quốc Văn Lang của người Việt Nam. Thế giặc mạnh như chém sắt chẻ tre, người Ân đi tới đâu, làng mạc biến thành bình địa tới đó. Nếu không có chú bé ba tuổi của làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh, vươn mình, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt, một mình một ngựa xông thẳng vào giặc Ân, hiện tình của nước Việt Nam ngày nay có thể đã thay đổi. Điểm lạ lùng là sau khi phá tan giặc ngoại xâm, Phù Đổng Thiên Vương không ghé vào thủ đô Phong Châu diện kiến Vua Hùng Vương. Nhưng thiên tướng cưỡi ngựa sắt lên núi Sóc Sơn, rồi biến mất. Cả một vương quốc Văn Lang không ai được dịp mở lời tri ân tới người hùng tuổi trẻ tài cao.

Chú bé ngày xưa của làng Phù Đổng là một thiên tướng với nhiều đặc điểm lạ kỳ. Một trong những điểm lạ kỳ nhất là chú không màng lợi danh, không để chữ tôi của mình lấn áp chữ tôi của đại cuộc. Chú xuất hiện trong một khoảng thời gian của lịch sử lập quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người trai thời loạn, chú yên lặng bỏ đi. Vua Hùng Vương mến tài, tri ân người hùng lập đền thờ ở làng Phù Đổng. Nhân gian xưng tụng, gọi tên Thánh Gióng.

Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái bị gót giầy đô hộ của người La Mã chà đạp. Vào năm 63 B.C., dưới vó ngựa sắt của đoàn quân viễn chinh La Mã, thống tướng Pompey đặt những bước chân đầu tiên tiến vào kinh thành Giêrusalem. Tình hình chính trị của vùng đất thánh lật sang một trang sử mới, trang sử bị bảo hộ dưới bàn tay sắt bọc nhung của Hoàng Đế Cêsar. Sống trong tình trạng bị ngoại bang đô hộ dầy xéo, người Do Thái vào những năm đầu tiên của công nguyên đêm ngày mong chờ Giavê Thiên Chúa sẽ sai một Đấng Xức Dầu tới. Đấng Xức Dầu này, tương tự như Vua Đavít, sẽ đứng lên lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi vùng đất hứa. Dấu hiệu báo cho dân Do Thái biết Đấng Xức Dầu đã gần đến là sự tái xuất hiện của ngôn sứ Elijah, người đã được đưa về trời bằng một cỗ xe lửa (2Các Vua 2:11). Theo niềm tin, ngôn sứ Elijah sẽ tái xuất hiện, làm người tiền phong, mở đường dẫn lối cho Đấng Xức Dầu đến với dân Do Thái (Malaki 3:1, 23).

Ngày đó rồi cũng đã tới, xuất hiện trong sa mạc qua hình ảnh của ngôn sứ Elijah, ngôn sứ Gioan Tiền Hô mặc áo lạc đà (2Các Vua 1:8), sống bằng mật ong và châu chấu của hoang địa. Tự xưng mình là tiếng kêu trong sa mạc, ngôn sứ Tiền Hô kêu gọi dân chúng thay đổi đời sống, chuẩn bị con đường cho Đấng Xức Dầu. Tiếng kêu gọi của người ngôn sứ đã đánh động lương tâm của nhiều người Do Thái. Đáp trả lại lời mời gọi của tiếng kêu âm vang từ sa mạc, người người từ khắp các làng mạc của miền Nam Giuđê và kinh thành Giêrusalem tiếp tục kéo về vùng đất sỏi, nhận phép thanh tẩy bằng nước sông Giođan từ hai bàn tay của người ngôn sứ sa mạc. Thanh thế của Gioan vào năm thứ nhất Công Nguyên rất lớn. Ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng phải kính nể ngôn sứ Tiền Hô, mặc dầu bản thân của nhà vua bị người ngôn sứ công kích lên án về cuộc hôn nhân giữa ông với người chị dâu Hêrodias.
Bởi vị thế khá đặc biệt của ngôn sứ thanh tẩy, có người lầm tưởng Gioan chính là Đấng Kitô mà họ đang mong đợi (Luca 3:15). Nhưng Gioan Tẩy Giả thẳng thắn lắc đầu phủ nhận. Không những thế, ông còn khẳng định một điều, ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, tiếng kêu dọn đường cho Đấng Kitô (Máccô 1:2-3).

Tương tự như Phù Đổng Thiên Vương, ngôn sứ Gioan Tiền Hô là một người cũng không màng danh lợi, không có những uẩn khúc về cái tôi, cái bản ngã. Cả hai, Thánh Gióng và Gioan Tiền Hô đều hiểu rõ lý do tại sao mình đã xuất hiện trên cõi đời này. Cả hai đều biết nhiệm vụ mình sẽ phải thi hành trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của trăm năm trong cõi trần gian. Bởi hiểu và biết, cả hai đều không chết đuối trong dòng sông với cái bản ngã của riêng mình. Nhưng sau khi hoàn thành sứ mệnh do trời cao trao tặng, cả hai yên lặng bỏ đi. Trong khi Phù Đổng bay lên núi Sóc Sơn rồi biến mất, Gioan Tiền Hô nhún nhường lên tiếng khẳng định thân thế của Đấng Xức Dầu Giêsu qua câu nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, ngay khi nhận ra bóng dáng của Đức Giêsu (Gioan 1:29). Chưa hết, ngày hôm sau, lại một lần nữa, thấy Đấng Mêsia Giêsu đi ngang qua, ngôn sứ Gioan Tiền Hô tái xác nhận với hai người môn đệ về thân thế “Chiên Thiên Chúa” của Ngài. Bởi chứng từ của sư phụ, hai người môn đệ quyết định rời bỏ môn phái Tiền Hô, gia nhập môn phái Giêsu. Thấy hai người môn đệ đi theo những dấu chân của mình, Chiên Thiên Chúa quay lại hỏi, “Các anh đi tìm chi thế?” Anrê và người môn đệ kia trả lời, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Và bắt đầu từ giây phút đó, cả hai người môn đệ của Gioan trở thành hai tân môn đệ của Đức Giêsu (Gioan 1:35-39).

Suy Niệm
Làm người, ai chẳng có bản ngã. Cái tôi của bạn và cái tôi của tôi, cả hai đều được Thiên Chúa ban tặng ngay khi mình vừa được thụ thai trong lòng mẹ. Nhưng nếu tôi không khéo sử dụng cái bản ngã của riêng mình, chữ tôi có thể trở thành con dao hai lưỡi, nguy hại đến tính mạng tâm hồn của người đang sở hữu lưỡi dao.

Khi biết sử dụng cái bản ngã của mình để làm sáng danh Thiên Chúa, hoặc vào những công tác vô vị lợi để xây dựng giáo xứ, hoặc làm việc bác ái lợi ích cho những người anh chị em thiếu may mắn hơn mình, đó là một cái Bản ngã Thiên Đàng, cái bản ngã của Thánh Gióng và của Ngôn Sứ Gioan. Ngược lại, nếu chỉ sử dụng cái tôi cho những sở thích cá nhân của mình, không màng chi đến những lợi ích của tha nhân và của xã hội, cái tôi này không phải là cái bản ngã của Thánh Gióng và Ngôn Sứ Gioan. Cái tôi này chính là cái Bản ngã Hỏa Ngục của người nhà giàu trong câu chuyện dụ ngôn Ông Nhà Giàu và Lazarô của Tin Mừng Luca 16:19-31.

Bởi Thánh Gióng và Thánh Tiền Hô đều sử dụng cái bản ngã của mình cho tha nhân, cho xã hội, và cho đại cuộc, cái tôi của họ là cái Bản ngã Thiên Đàng. Thánh Gióng một mình một ngựa, dẹp tan giặc Ân, đem lại thanh bình, tiếng cười tiếng nói, tiếng chầy giã gạo đêm trăng, và tiếng hát quan họ Bắc Ninh tới vương quốc Văn Lang. Ngôn sứ Tiền Hô, nếu để cái tôi của ngài lên trên đại cuộc, thay vì dẫn người ta đến với Đấng Kitô, ông sẽ làm lơ không giới thiệu Chiên Thiên Chúa đến cho môn đệ của môn phái Tiền Hô và đám đông dân chúng đang lầm tưởng Gioan là Đấng Mêsia; hoặc ông sẽ giơ cao tay ngăn cản hai người môn đệ, trước khi họ có dịp cất bước ra đi lần theo vết chân của Chiên Thiên Chúa. Không! Ngôn sứ Gioan đã không làm như vậy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếng kêu dọn đường trong hoang địa, người ngôn sứ không ngần ngại, không tiếc nuối, nhưng chấp nhận biến mất sau bức màn nhung sân khấu để Chiên Thiên Chúa Giêsu bước lên khán đài chính.

Đẹp thay những cái Bản ngã Thiên Đàng của Thánh Gióng và Thánh Tiền Hô.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin dạy con biết sử dụng cái tôi của riêng con để làm sáng danh Thiên Chúa, sáng danh Thiên Đàng, và sáng danh Đức Kitô.□
 
Tết Con Rồng
Trà Lũ
20:53 03/01/2024
Lá thư Canada

TẾT CON RỒNG

Thời giờ thấm thoát thoi đưa, mới đó tết tây và nay đã bước sang 2024. Thế giới vẫn loạn lạc. Ông Nga vẫn tiếp tục đánh đàn em cũ Ukraine, không cho đàn em bỏ mình mà theo phương tây, Do Thái và Palestine cũng y chang. Lễ Giáng Sinh đã qua, ai cũng ao ước và chúc nhau thanh bình, mà thanh bình thì chưa thấy, chỉ thấy khói lửa mù mịt. Mở máy là thấy khói lửa.

Làng tôi bây giờ họp nhau không còn nói nhiều về chuyện đánh nhau nữa. Ông Nga và ông Do Thái và ông Hồi Giáo đánh nhau ra sao, mở máy là thấy liền, nghĩ mà sợ thiệt.

Mỗi lần làng tôi họp nhau là có bao nhiêu chuyện để nói để chia sẻ. Năm xưa thì gần Tết ta, làng mới dựng cây nêu, năm nay thì ông Từ Hòe cho dựng cây nêu ngay dịp lễ Giáng sinh, ông cho treo thêm cây thông và các đèn ngôi sao. Anh John là người tinh mắt nhất, anh đố mọi người đèn sao kiểu Bắc Kỳ và đèn sao kiểu Nam kỳ khác nhau chỗ nào. Các cụ có để ý việc này không? Ngôi sao Bắc Kỳ thì 2 bên có hình mặt phẳng 5 cạnh, còn sao Nam Kỳ là hai mũi nhọn. Năm nay làng tôi trồng cây nêu rất sớm, vừa để mừng lễ Giáng Sinh vừa để mừng Tết Con Rồng đang tới.

Ông Từ Hòe đố anh John về cái tên Con Rồng có gì đặc biệt. Anh John nghĩ một lúc rồi trả lời ngay: Tên mỗi năm là tên một con giáp, năm vừa qua là năm con mèo, năm mới là năm con rồng. Con rồng tiếng VN còn gọi là Long. Ông bà ta quý tên Long này lắm. Ngoài Bắc thì có Vịnh Hạ Long, trong Nam thì có sông Cửu Long, đầu nước và cuối nước đều có rồng canh giữ. Đúng là đất của Rồng.

Ông Từ Hòe nói thêm về các con vật biểu trưng của từng nước như Mỹ chọn Con Đại Bàng đầu bạc, Pháp chọn con gà trống, Bỉ chọn con sư tử, Thái Lan chọn con voi, Canada chọn con Hải Ly. Con hải ly Canada có công lớn lắm trong việc ngăn sông đắp đập. Tôi có viết một bài dài về công của con hải ly, lâu rồi.

Nhân nói tới Cửu Long, tôi chợt nhớ tới Hà Tiên và đất Nam kỳ, đây là tặng phẩm của sông Cửu Long. Hàng ngàn ngàn năm trước đây là miền biển rộng. Sông Cửu Long chở phù sa từ phía bắc xuống rồi lần lần biến miền đất này trở thành đồng ruộng. Thời tiền chiến người ta đã đào được những đồng tiền vàng La mã ở Óc Eo bên chân núi Ba Thê. Nên ta hiểu rằng thuở xa xưa đầu công nguyên biển đã vô tới Óc Eo. Tức là hồi đó các núi ở Hà Tiên còn nằm ngoài biển. Ở Hà Tiên, kỳ diệu thay, có đủ thứ hết, có một ít hương động của Lạng Sơn,, một ít ngọn đá chơi vơi của vịnh Hạ Long, có một ít núi vôi ở Ninh Bình, một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang, một ít chùa chiền Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Thuận Hóa, một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Long Hải... Theo sử thì 1736 Hà Tiên đã là một văn hiến lớn do Mạc Thiên Tích, con của Mạc Cửu, cầm đầu. Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha, lập ra Chiêu Anh Các. Cha ông là người Trung Hoa, mẹ ông là người VN. Ông đa tài: trị nước, cầm quân, ngoại giao, văn nghệ. Ông rất trọng chữ nôm. Chiêu Anh Các của ông quy tụ được 36 văn sĩ trong đó có 6 vị là người Việt, 30 vị là người Hoa. Tiếc thay, nền văn học Hà Tiên bừng lên rực rỡ được 31 năm. 1771 Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm, Chiêu Anh Các bị tan rã, sách vở bị tiêu tan, rồi Hà Tiên đã thiêm thiếp ngủ trong 150 năm trên bờ vịnh Thái Lan.

Mãi tới năm 1926 Hà Tiên mới sống trở lại với Đông Hồ. Ông là người miền Nam nhưng đã say mê văn chương Miền Bắc qua báo Nam Phong. Đông Hồ Lâm Tấn Phát đã viết cho Nam Phong, đã dùng giọng văn miền Bắc, bỏ hẳn lối lỏng lẻo và bình dân của Hồ Biểu Chánh. Mới 20 tuổi ông đã nổi tiếng với bài Phú Đông Hồ. Ông lập ra Trí Đức Học Xá để dạy tiếng Việt cho những người muốn học. Ông là một nhà văn đầu tiên trong Nam đã bắc cầu thành công cho sự thống nhất văn học dân tộc.

Thật hết sức ngạc nhiên, Mạc Thiên Tích quê Quảng Đông, Lâm Tấn Phát quê Phúc Kiến, cả hai đều qua Nam Việt cùng thời, cả hai đã yêu ngay quê thứ hai của mình và coi quê hương này là quê thứ nhất, cùng tận tâm phục vụ. Bà con với Lâm Tấn Phát là cụ Đông Hồ người cùng đến Hà Tiên một thời với Mạc Cửu. Vợ của Cụ Đông Hồ là nữ sĩ Mộng Tuyết. Về cuối đời hai cụ đã dọn lên Saigon và lập ra Yểm Yểm Thư Trang. Thời 1950 và 1960, khi mới di cư vào Nam tôi có đếm mua sách ở nơi này. Và nhà văn Đông Hồ được mời dạy Việt Văn ở Trướng Đại Học Văn Khoa Saigon môn văn chương VN, và ông đã chết ngay tại giảng đường giữa các môn sinh năm 1969. Đúng y như lời của Lương Khải Siêu:

Chiến sĩ tử y sa trường

Học giả tử y giảng tọa…

Cụ B.95 nghe thơ chữ nho thì giơ tay xin thôi vì cụ chả hiểu gì, cụ xin nghe chuyện thơ VN, xin nghe những thơ bình dân dễ hiểu. Bác Từ Hòe liền chiều ý cụ ngay. Ông nói ông sẽ không bàn chuyện các văn sĩ gốc Hoa nữa, ông xin đọc mấy câu thơ của Bút Tre, cái ông nhà thơ nổi tiếng về những mấy câu chọc cười bằng cách cố tình viết sai để châm biếm chế diễu, như

- Yêu thay chị nữ dân công

Đêm hôm khuya khoắt đem Lộn vào đây

Ông giả bộ muốn nói là chị em phu nữ dân công tải đạn mà đi lộn, mà đâu có lộn, ý ông là chị em ta đem cái khác cơ.

-Chị em phụ nữ giỏi thay

Bắn máy bay Mỹ rớt ngay cửa mình

VC xưa vẫn tuyên truyền là phụ nữ bộ đội giỏi vô cùng, chỉ dùng súng trường mà bắn rớt được máy bay Mỹ, máy bay rơi ngay trước cửa nhà mình. Ông không nói rõ cửa nhà mình mà lại xỏ xiên nói vắn tắt cửa mình.

Anh đi công tác Pờ Lây

Ku dài rằng rặc biết ngày nào ra

Ông cố tình viết sai tên Pleiku, ngắt chữ tầm bậy nên hóa ra có ý tầm bậy…

Bà Cụ B.95 lại lắc đầu, thơ gì mà khó hiểu. Cụ xin chuyện bình dân dễ hiểu. Liền có ngay. Ông Từ Hòe xin kể hai chuyện về đề tài các ông chồng bị tiếng oan:

-Ngày xưa các bà vợ khi đẻ thì rên la vì đau đớn nên khiếu nại với Trời: phụ nữ chúng con mang bầu đã khổ, đến khi đẻ thì còn đau khổ hơn, trong khi chồng chúng con thì luôn luôn sung sướng, sướng từ lúc ấy chúng con cho tới khi chúng con rặn đẻ, thật là bất công, vậy xin trời khi chúng con rặn đẻ thì chồng cũng phải chia sẻ cái đau của phụ nữ chúng con. Nghe có lý và Trời liền cho như vậy. Ngay sau đó tại thôn kia có chị Tèo rặn đẻ, bỗng ông hàng xóm rên la đau đớn to tiếng qúa sức.

- Một em bé đi ngang qua mặt một nhà tiên tri. Ông này rất nổi tiếng vì xưa nay ông nói cái gì cũng trúng hết. Thấy em bé đi ngang ông liền nói: Ta chia buồn với em vì chiều nay em sẽ mồ côi cha. Em bé liền chạy ngay về nhà nói với cha mình tin này. Ông bố nghe tin này thì buồn hết sức, bèn viết chúc thư rồi ngồi chờ chết. nhưng ngay sau đó thì ông hàng xóm tự nhiên lăn đùng ra chết…

Chị Ba Biên Hòa nghe xong hai chuyện rồi nói: Cả hai chuyện của Bác ý là chê đàn ông lăng nhăng nhưng cũng là chê phe liền bà còn lăng nhăng hơn nữa. Thôi thế là huề. Bây giờ xin cho phép tôi trở về mấy câu thơ của Bút Tre trên đây, xin bác Từ Hòe dịch ra tiếng Anh cho nhà tôi hiểu được hết cái ý hay của tiếng Việt.

Ông bồ chữ Từ Hòe liền lắc đầu: Tôi không thể dịch được. Xưa nay không ai dịch được trọn vẹn lời thơ và ý thơ. Nói gì đâu xa, có những câu nói trong tiếng Anh và tiếng Pháp, không dịch được nghĩa đen mà chỉ dịch được ý, chỉ có những câu nói tương đương. Mặt này tôi thấy nhiều câu tương đương hay hơn dịch nghĩa đen mà đúng vô cùng, như

- Travellers tell fine tales / À beau mentir qui vient de loin: đi xa về nhà tha hồ nói phét.

-Travel broadens the mind /Travelling forms a young: đi một ngày đàng học một sàng khôn

-To have chapter and verse: nói có sách mách có chứng

-The second word makes the quarrel: Nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng

-Bonté passe beauté: cái nết đánh chết cái đẹp

Tôi viết đến đây thì nhận được email của ngườ bạn thân. Ông chúc Tết tôi bằng một bài thơ ‘ Tạm biệt Năm Cũ’ của nhà thơ Minh Hồng. Bài thơ khá dài, hay cả ý cả lời. Xin phép Tác giả cho tôi được trích đoạn đầu và đoạn cuôi để chúc tết độc giả của tôi.

…Tôi gói ghém những muộn phiền năm cũ

Gửi chuyến tàu quá khứ ngược thời gian

Tôi góp nhặt những thương mến nồng nàn

Nhờ shipper chuyển giao vào năm mới

……..

Nguyện chúa Xuân là vườn mạch tất cả

Năm mới đã đến xin gửi ngàn lời chúc

Chúc tất cả mọi người luôn Bình An Hạnh Phúc An Khang

Nhà nhà ấm no mừng xuân đến ngập tràn

Mạnh Khỏe An Nhiên và Cát Tường Như Ý

Cả làng nghe xong bài thơ thì vổ tay râm ran. Ai cũng khen và thích bài thơ chúc tết này. Xin đa tạ nhà thơ Minh Hồng.

Nghe xong bài thơ, ông Từ Hòe vừa cười vừa nhìn mọi người: Tôi thấy bụng cồn cào, hình như Cụ B.95 và Chị Ba Biên Hòa đang mời chúng ta ra bàn ăn cỗ tết Con Rồng. Nguyên nói tới cỗ Tết năm nay thì ai cũng hăm hở liền. Các cụ có biết cỗ của làng tôi năm nay có những món gì không? Thưa nhiều lắm, cỗ Bắc cỗ Nam xen lẫn, đặc biệt có 4 món mà tôi thích hết sức, trong bàn tiệc năm mới của làng có 4 món cổ truyền này:

1. Món dưa hành, rất độc đáo: chua thì chua vừa phải, hăng thì cũng hăng vừa phải, mà dòn thì dòn lạ lùng. Từ trong vò lấy ra, hành được cắt rễ, bóc lớp vỏ ngoài và bỏ cái đuôi. Trông trắng ngần và tròn trịa như những viên ngọc tinh khiết.

2. Bát miến gà nóng bỏng trên có chùm trứng non, mấy miếng mề gà và vài miếng tiết luộc thái chỉ, chút lá răm lá ngò,

3. Đĩa bánh chưng. Chưa ăn đã thấy ngon quá sức. Đĩa bánh làm tôi nhớ câu đố ngày xưa còn bé:

Nhị vàng nhân trắng lá xanh,

Chung quanh trồng hành, giữa thả lợn con

Bánh chưng theo lối Bắc phải vuông góc và chín rền. Lâu nay làng tôi không gói bánh chưng nữa vì ở chợ VN bán rất nhiều và rất ngon.. Ngày xưa ông bà mình nấu thiếu lửa nên bánh thường bị hà bị hấy, bây giờ ở Canada này nhà hàng nấu bánh bằng bếp điện, bánh chín rất đều. Cụ Chánh bảo ngày xưa nấu bánh bằng củi phải mất 10 tiếng đồng hồ, khi vớt bánh ra còn phải ép với ván gõ lim và đè bằng cối đá. Nay thì cái bếp điện đã lo cho chúng ta hết. Ăn miếng bánh chưng ngày tết hôm nay như đem quê hương vào lòng.

4. Xong bánh chưng thì ăn tráng miệng bằng chè bà cốt. Món này nấu rất dễ. Lớp cháy của nồi xôi đem nấu với mật ong hay đường thẻ và gừng.

Hồi còn bé ăn cái gì cũng ngon hết sức, có lẽ hồi đó vị giác còn tinh nguyên, những đắng cay cuộc đời chưa làm tê dại khẩu vị của ta.

Trong bữa ăn chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện, nhất là những chuyện cười. Năm mới mà được sung sướng thế này thì sẽ may mắn cả năm.

Kính chúc các cụ Năm Mới Con Rồng mọi phước lành.
 
Cụ Sáu Trần Lục nhà văn đạo lý
Phạm Bá Nha
23:49 03/01/2024

CỤ SÁU TRẦN LỤC NHÀ VĂN ĐẠO LÝ

Tâm trí Lương-Giáo miền Kim Sơn Phát Diệm luôn mang ơn Cha Phêrô Trần Lục về những vần thơ đạo lý dễ nhớ, dễ thuộc. Các cụ xưa ở quê nhà kể lại, chữ nghĩa không thông, nhưng ca vè Cụ Sáu thì làu làu. Cả khi say lúa giã gạo, vớt bèo nuôi lợn, ươm tơ nuôi tằm, đun bếp nấu cơm, cả công việc đồng áng… cũng đem vè Cụ ra ngâm nga, theo từng trường hợp. Thành công của tác giả ở chỗ hợp với tâm lý quần chúng. Người người khen ngợi vui luôn.

THEO THÁNH KINH

Chúa Giêsu người Cha nhân từ từng nêu gương và dạy bảo, đạo yêu thương và bác ái. Chúa quả quyết:
- “Nếu anh em không trở nên trẻ nhỏ thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3)
- “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì anh em cũng làm cho người ta như vậy” (Mt 7. 12)

Đức Mẹ nhận trách nhiệm ‘con dại cái mang’, nên tha thiết nhắn nhủ như mẹ-con khi hiện ra đó đây:
-Đến, Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an (La vang. 1798)
-Ăn năn đền tội xám hối (Fatima. 1917)
-Tìm về nguồn suối trong (Lộ Đức. 1853)

Thay mặt Phát Diệm, Cụ Sáu ca tụng và dạy con chiên bổn đạo ngày đêm sáng tối xa gần lần hạt chung, riêng kính Đức Mẹ Mân Côi, quan thày.
- Cảnh giới vừa tiết trung thu
Gương giăng vằng vặc mây mù vén quang
Giăng là Mẹ Chúa Thiên Đàng
Sáng soi mát mẻ dịu dàng thanh thanh
(Mừng sinh Nhật Đức Bà)

- Dạy về cách lần hạt chung
Là điều rất dễ mà công nhiều
Việc tẻo teo mà công to tát
Ơn trên mưa dào dạt hơn mưa…
(Bản dạy cách lần hạt 15 người)

Cụ Sáu còn dạy vãn ‘Dâng Hoa’ vào các tháng Hoa hay tháng Mân Côi, con ‘dâng hoa’ nào không những dẻo tay mà còn thuộc. Theo nhiều cung trong đó cung ‘Salve Mater’
Mừng Bà rất thánh
Phúc đức no đầy chan hòa
Bà là như neo để cho kẻ đi tàu trông nhờ
Lòng bà nhân đức gồm no đầy ơn sa-ga
Thương xem chúng tôi đang phải mọi chước qủi ma
Ô Maria
Trinh khiết nhiệm màu, chúng con dâng cành hoa trắng
Mửng Đức Mẹ nay trắng tốt hơn tuyết cùng gương
Lòng lành hơn các ngôi sao ở trên tầng mây
Nguyên tuyền trong suốt, dương như bảng tinh sáng láng.
Ô Maria

Hay Ave Maria của Schubert
Con hèn cung kính dâng
Lên trước tòa châu báu
Khong khen bao lời ca Nữ Vương
Đồng trinh no đầy ơn phúc cao sâu
Bóng thiêng liêng bày ra trước tòa thiêng liêng
Hằng tưởng nhớ quê thiên đường
Một mai hồn con lìa xa xác hèn
Về nơi ngàn năm tươi thắm êm đềm
Cùng theo lên trên nơi mây cao sáng trưng
Đầy ơn hát khen Đức Nữ Đồng Trinh
Ave Maria

Giáo Hội khôn ngoan khuyên nhủ ‘rào trước đón sau’ căn cứ vào 10 Điều Răn và 6 Lời Hội Thánh khuyên phải giữ : Khi gia nhập Giáo Hội và chẳng may lỡ phạm đã có phép Hòa Giải

CỤ SÁU PHÁC HỌA TRONG THƠ VĂN

Cho dễ nhớ Cụ Sáu đặt thơ hướng dẫn giáo dân “sống ở đời này” để “ngày sau được lên Thiên Đàng hưởng hạnh phúc đời đởi”.
Mùa Chay, rủ nhau xem “Tuồng Thương Khó”, đến nhà thờ “Ngắm Đứng”.

Ở VN, Cha Trần Lục, theo Lm Trần Công Hoán và ông J. Lê Văn Đức thì Cụ Sáu là người đầu tiên dựng tích ra Tuồng Thương Khó (bắt quân dữ). Dựa theo Thánh Kinh.

Ăn năn sám hối suy nghĩ nhình lên “Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh” trên “Câu Rút” (Thánh Gía).
Ngửa trông lên
Đứng cao chót vót
Ở núi Cala
Là giường Chúa ta
Nằm khi chịu chết…

Dịp Sinh Nhật “Viếng Hang Đá” hát mừng Chúa Con giáng thế, sinh ra đời cứu nhân loại lầm than.
Lạy Chúa Cứu Thế
Con một Chúa Cha
Vốn Chúa sinh ra
Trước phân trời đất
Vì lòng thương thật
Muốn cứu người ta…

Sau Phục Sinh khẩn cầu “Chúa Phirito Sancto (Chúa Thánh Thần) Hiện Xuống” sưởi ấm tâm hồn khô khan nguội lạnh bằng 7 hồng ân cao cả từ Trời.
Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi
Khôn ngoan mầu nhiệm người ta khôn lường
Ngôi Hai xuống thế mở đường
Cho loài người biết rõ rang phân minh
Khi đổi hình, khi chịu phép rửa
Có Ngôi Ba rỡ rỡ trên cao
Bảy ơn Da Vít khen lao
Hát mừng cảm tạ chớ nào không đâu…
Lâu lâu xin lễ lại “Than Mồ” cho ông bà tổ tiên đã đi trước.

Theo gương các Thánh Quan Thầy. Giáo dân Phát Diệm, con gái đặt tên thánh Maria, Anna. Con trai mang thánh Giuse, Gioan Kim. Dễ kính dễ nhớ:

-Cúi đầu lạy Thánh Anna
Phúc Người to tát người ta ai bì
Chúa làm phép lạ uyên vi
Cho người sinh đẻ trong khi đã già
(Mừng Bà Thánh Anna)

-Canh dài gió mát giăng trong
Giấc hòe biếng nhập mà không mơ màng…
Thật là lá ngọc cành vàng
Cao cao chót vót đức càng khiêm cung
(Mừng Ông Thánh Juakinh (Gioan Kim)

Hết bằng văn thơ, lại bằng hình ảnh sống động. Bước vào nhà thờ chính tòa, nhìn lên cung thánh, đập vào mắt là Thánh Tượng Đức Mẹ Mân Côi ở giữa tòa uy nghi và ba hàng mỗi bên là các Thánh Tử Đạo VN. Mục đích các bức điêu khắc này là làm tăng lòng mến của giáo dân.

CỤ SÁU LO GIÚP THỰC HÀNH CÁC VIỆC ĐẠO ĐỨC

Theo Ánh Sáng Phúc Âm nên người Công Giáo qua thi ca bình dân cho Giáo Dân noi theo

Đạo đức gia đình: Con trai con gái khi còn nhỏ cũng khi đã ‘ở riêng’.Con trai thì lo cho sự nghiệp trước, công danh mới tìm sau.
Trai mà muốn cho toàn thân
Mắt trông tay nhắc mặt cân cho rành
Một là tính nó hiền lành
Hai là tính nó tính mìn y chang
Ba là nó có đức tin
Bốn là tính nó tự nhiên thương người
Năm là có tính vui cười
Hòa với mọi người chúng bạn anh em
Sáu là cá tính tự nhiên
Khiêm cung nhuần nhã dưới trên tôn nhường
Bảy là tính nó sẵn sàng
Nghe lời dạy dỗ về đàng nết na… (NAVÂ, c. 381-392)

Con gái luôn chăm sóc, giữ lấy và bảo vệ 4 đức tính quan trọng “công, dung, ngôn, hạnh” cho vẹn toàn
-Cách ăn nết ở về phần nữ nhi
Dậy dậy sớm, thức thức khuya (Công, NTTL. c. 156-157)
-Nữ nhi quần áo nghiêm trang
Ở cho nhiệm nhặt gọn gàng chớ chi (Dung, c. 817-818)

-Nhời nói trọng hơn vàng bạc
Giữ được nhời nói là người khôn ngoan (Ngôn, c. 647-648)
- Nữ nhi nết ở thật rầu
Hơi mà chạm ý giận nhau vùng vằng (Hạnh, c. 193-194)

Cả hai trai gái lúc nào phải coi trọng “Chữ Hiếu”, đạo làm người, đạo làm con, đầu tiên phải giữ tuôn theo cả đời
Hãy lắng tai nghe lờ Chúa hứa
Ai hết lòng thảo hiếu mẹ cha
Sẽ ban phần thưởng này là
Sống lâu dưới thế để mà trả công
Về sau phúc trọng muôn phần
Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi
Mấy lời hiếu tự phải ghi
Chôn lòng mà giữ chớ khi nào rời
(Hiếu Tự Ca. C. 1080-1088)

NHÀ VĂN ĐỒNG QUÊ

Đọc CaVè Cụ Sáu là thấy ngay : Quê hương thanh bình, ruộng đồng tốt tươi, dân làng sung túc ấm no, nhà nhà sống hạnh phúc và ai cũng được giáo dục Kitô giáo. Không nghe nói bỏ nhau, sống thật thà, hiền hòa bên lũy tre xanh. Thật hạnh phúc ấm êm và tươi thắm
Quê hương thanh bình, lo việc nhà việc nhà việc cửa. Ăn uống không cầu kỳ mà ‘ăn chắc mặc bền’ hay ‘thịt chặt miếng to’, ‘rau trồng ngoài vườn’, ‘gà vịt có sẵn trong nhà’, ‘bắt cá dưới ao’. Đâu cần mua kiếm đâu xa.

-Ở nhà say lúa đâm bèo
Tầm tơ thóc gạo tùy chiều mẹ cha (NTTL, c.163-164)
-Trâu bò gà lợn giống gì
Hễ mà tối đến tức thì phải coi (NTTL, c. 169-170)
-Thổi cơm nấu cá nấu canh
Đừng khê, đừng sống đừng tanh các mùi
Gạo thì phải nấu tùy nồi
Nấu canh nấu cá nếm coi cho vừa (NTTL, c. 919-922)
-Muối cà ta cũng phải coi
Không có nữa rồi ủng thối ai ăn
Mắm tương đừng để có mùi
Dưa khú cá ủng thi thôi còn gì? (NTTL, c. 949-950)

Ruộng đồng tốt tươi. Ai cũng chăm lo hết đồng áng đến ruộng vườn. Một năm hai vụ cày bừa đầy kho.
-Ở nhà xay lúa đâm bèo
Tằm tơ thóc gạo tùy chiều mẹ cha (NTTL 163-164)
-Trâu bò gà lợn giống gì
Hễ mà tối đến tức thì phải coi (NTTL 169-170)
-Nhà nghèo bệnh lạ gian nguy
Đã nhung lại quế sâm quy mời hầu (HTC, 137-138)
-Làm sao cho được vuông tròn
Làm cho được rỗi phần hồn với nhau (NAVA 419-420)

Dân làng sung túc ấm no. Không để ai thiếu thốn túng bấn bần hàn. Hàng xóm ‘tối lửa tắt đèn có nhau’.
-Đuốc cầm lọ soi chân ai
Chân mình tri trít đó rồi thì sao
Mắt nhìn bụi diễu con sào
Lại còn vạch mắt người nào làm chi (NTTL.781-784)
-Trên có cho mình giàu có
Mặc ý người sẽ phó trốc tay (NAVA 91-92)
-Khó giàu là phận là tùy
Đã đành là phận cần gì than van (NAVA 99-100)

Nhà nhà sống hạnh phúc có cha có mẹ, ông bà nội ngoại con cháu quây quần bên nhau, chung bữa cơm. Và có giáo dục hành-giữ đạo, cả nhà và họ hàng thân quen
-Làm sao cho được vuông tròn
Làm sao cho rỗi phần hồn với nhau (NAVA, 419-420)
-Phép vợ chồng một xương một thịt
Đền công ơn sống chết cùng nhau (NTVA 27-28)
-Phần hồn thì Chúa sinh ra
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành (HTC 7-8)
Lòng mừng mừng lại thêm lo
Mừng vì con khỏe Chúa cho yên lành (HTC 91-92)
Việc bề ngoài liệu chừng tùy tuổi
Cha dạy con hết nỗi dại khôn (HTC 736-737)

CẢM NHẬN VỀ CHA TRẦN LỤC

Dân quê Phát Diệm hiền lành chất phát nhưng chững chạc về đức tin. Giáo dân sống theo “giáo lý” trong thơ của Cụ Sáu. Chúng tôi xin kể lại mấy trường hợp:
1) Lm Trần Công Hoán, người Phát Diệm, trong sách ‘Tiểu sử cha Sáu, Linh Mục Nam Tước Phát Diệm’, nxb Thánh Gia, Saigon, 1963, kể: Khi Cha Sáu còn sống, vợ một quan lớn ra chơi Phát Diệm, nghe phụ nữ đọc bản vè ‘Hiếu Tự Ca’, lúc đầu bà còn ngồi trên sập, sau trụt dần xuống ngồi chung với chi em nhà quê, nghe thích quá, bà xin các cô đọc đi đọc mãi cho mình nghe. Xong, bà chạy lại xin Cha cho xin mỗi người một bản cho ông nhà đọc. (ttr. 113-114)

2) Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), sau khi viếng mộ Cụ Sáu có cảm đề:
Khoát sắt, thơ son truyền sự nghiệp
Trung trinh hai chữ để gương đời
(Phát Diệm, 25.11.1928)

3) Nhà văn, người Mỹ, gốc Tây Ban Nha, bà là giáo viên nghỉ hưu (không biết tên). Hai ông bà đã từng du lịch 1 tháng ở VN, thích nhất là đến Phát Diệm, kể trong dịp lễ ở Oakland, bắc California cho một người VN: Tôi không ngờ được tại miền quê xa xôi nghèo túng vào thế kỷ I9 một linh mục Việt chưa từng xuất ngoại, đã xây dựng một quần thể Phát Diệm? Tôi thích nhất đó là nét kiến trúc ở đây thể hiện rất hài hòa hai văn hóa Kitô giáo Âu châu và nền văn hóa Viễn đông cổ truyền. Ví dụ, ngôi nhà thờ chính tòa, bức chạm khắc sau bàn thờ làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, theo phong cách văn hóa VN, nhưng cấu trúc cao to thể hiện phong cách Âu châu…
(25.10.2019. https:// www. vanhocconggiao.net /2019 linh muc tran luc

4) Ông Trần Văn Tiên không Công Giáo, nhớ thuộc lòng khi còn học ở Phát Diệm (1938), ba bài thơ “Ca ngợi công đức Cụ Sáu” :
- Ca ngợi công đức Cụ Sáu, 22 câu thơ Lục Bát
- Phát Diệm Vĩ Nhân, 8 câu thơ thất ngôn
- Vịnh đất tổ, 20 câu thơ Lục Bát
(Trần Lục, Canada, 1996, ttr. 499-502)

5) Đức Ông GB Trần Văn Khả viết kết luận bài ‘Nhà thờ chính tòa Phát Diệm: Phần chúng ta cũng phải nối tiếp Truyền Thống cha ông để bảo vệ Đền Thánh ấy, để truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau. (Trần Lục, Canada. Tr. 66)


Kết luận bằng lời cuối diễn văn của Đc GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) :

Thưa các ngài, hãy nghe những lời trong mồ nói ra, còn rõ ràng, còn minh bạch, còn như mới mẻ sau 39 năm vắng tạm vắng bóng người. Và nếu phương kế sức ta, lực ta, tư chất không đủ cho ước vọng được cao xa, thì ít nữa là trước mắt ta, ta hãy luôn luôn trông vào khuân mẫu độc nhất vô nhị tôi vừa vạch ra đó, rồi thì…rồi thì chúng ta mới có thể mong làm được những việ ích quốc lợi dân, mưu sự tiến bộ cho xứ Đông Dương yêu qúi của chúng ta; và cùng nhau góp sức đem lại cho xứ sở một cuộc hưng thịnh vững bền, dọn lối bước vào những cái vận mệnh tối cao và cuộc hạnh phúc đời đời vậy. (Phát Diệm. 24 Juin 1938. JB. Tòng. Trần Lục, Canada, 1996, tr. 547)

Hay lời trong diễn văn của Đc GB Nguyễn Bá Tòng:

Có người cho rằng Cụ Sáu là người hoạt động như thế, khó thể chu tòa nhiệm vụ chính của linh mục. Nhưng nghĩ như thế là lầm. Cụ Sáu là linh mục rất hoàn toàn. Nhiều kinh đọc trong nhà thờ ngày nay là do Cụ Sáu soạn. Cụ sáng tác nhiều bài thơ được các nho tôn phục và nhiều bài giáo lý. Toàn thơ của Cụ Sáu được in thành 4 tập. Tập về điều răn thứ 4 in nhiều lần (Le Père Six, Curé et Baron de Phat Diem. L’Avenir du Tonkin, Hà Nội, 29.11.1938. Sách Trần Lục. Canada, 1996, trích lại, tr.142)

Tài Liệu Tham Khảo

- Lm Nguyễn Gia Đệ: Trần Lục, Canada, 1996
- Mgr Olichon.Le Père Six, Curé et Baron de Phat Diem. L’Avenir du Tonkin, Hà Nội, 1938)
- Lê Đình Bảng : Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo VN. Miền Thơ Huấn Ca.
VN,2009
- VietCatholic News,6.2.2007
 
Church Documents
Thủy 03 Jan 2024
J.B. Đặng Minh An dịch
03:55 03/01/2024
1. Putin đưa ra mối đe dọa đáng lo ngại mới đối với Mỹ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Issues New Ominous Threat to US”, nghĩa là “Putin đưa ra mối đe dọa đáng lo ngại mới đối với Mỹ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Putin đang đe dọa sẽ “đối phó” với Mỹ và các đồng minh phương Tây vì đã hỗ trợ Ukraine trong khi nước này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Nga.

Ukraine tuyên bố rằng Nga đã mất hơn 360.000 binh sĩ kể từ khi Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, bao gồm hơn 253.000 quân chỉ trong năm 2023.

Putin đã gợi ý trong chuyến thăm nhân dịp đầu năm mới với các binh sĩ Nga bị thương ở Mạc Tư Khoa rằng Mỹ và các đồng minh của họ đang đổ máu vì bất kỳ thương vong nào của Nga đã xảy ra trong cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Trả lời câu hỏi về việc “các nước phương Tây giúp đỡ đối phương của chúng ta”, Putin lập luận rằng phương Tây đang hành động chống lại “sự hiện hữu của nước Nga” và nên được coi là “đối phương” thực sự của Mạc Tư Khoa.

Putin hôm thứ Tư được chụp hình trong một cuộc họp ở Mạc Tư Khoa. Nhà độc tài Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây là “đối phương” thực sự của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Putin nói: “Vấn đề không phải là họ đang giúp đỡ đối phương của chúng ta”. “Họ là đối phương của chúng ta. Họ đang giải quyết vấn đề của chính họ bằng chính đôi tay của mình. Đó là tất cả những gì các bạn cần biết. Thật không may, điều này đã xảy ra trong nhiều thế kỷ và vẫn tiếp tục như vậy cho đến ngày nay.”

Ông nói thêm: “Bản thân Ukraine không phải là đối phương của chúng ta”. “Những người muốn phá hủy chế độ nhà nước của Nga và đạt được khát vọng, như người ta nói, là đánh bại Nga về mặt chiến lược trên chiến trường. Họ muốn làm tan rã Nga.”

Tổng thống Nga nói tiếp rằng phương Tây đã “nuôi dưỡng chế độ Kyiv trong một thời gian khá dài” nhằm “tạo ra” chiến tranh.

Putin lập luận rằng Mỹ đang nỗ lực tăng cường “theo cấp số nhân” lượng đạn pháo tới Ukraine, trong khi Nga vẫn đang vượt xa phương Tây trong việc “xây dựng” thiết bị quân sự.

“Vì vậy, mặc dù mục tiêu của họ là đối phó với Nga từ xa xưa, nhưng có vẻ như chúng ta sẽ đối phó với họ nhanh hơn”, Putin nói. “Họ là những người đang cố gắng tiêu diệt Nga bằng cách sử dụng Ukraine… Đó chính là vấn đề.”

Ông nói thêm: “Nhưng họ sẽ thất bại: điều đó đơn giản là không thể, hoàn toàn không thể xảy ra”.

Putin và các đồng minh của ông đã nhiều lần đe dọa phương Tây bằng hành động trả đũa vì đã hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng, trong suốt cuộc chiến kéo dài 22 tháng.

Vào tháng 2 năm 2023, Putin cảnh báo rằng “những người có kế hoạch đánh bại Nga trên chiến trường không hiểu một cuộc chiến hiện đại với Nga sẽ rất khác”, đồng thời nói thêm rằng Nga có “những cách phản ứng” “sẽ không chỉ bị giới hạn trong phạm vi các xe tăng và xe thiết giáp.”

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tháng trước đã cáo buộc Tổng thống Joe Biden cố gắng “tống tiền trắng trợn” để có thêm viện trợ cho Ukraine, cảnh báo rằng cuộc chiến Nga-Ukraine có thể biến “thành một cuộc khủng hoảng và kết quả là Thế chiến III”.

“Chính quyền Tổng thống Biden và sự nuôi dưỡng đầy sợ hãi của họ chắc chắn sẽ nhận được tiền,” Medvedev nói. “Nếu không phải bây giờ thì trong năm tới, họ sẽ tiếp tục công việc kinh doanh chiến tranh của mình bằng mọi giá. Và vì khối bột này, những dòng máu mới sẽ chảy ra, mà gia đình Tổng thống Biden và đám cặn bã của họ phải chịu trách nhiệm”.

2. Ukraine tập trung tấn công các tài sản quý giá của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine to Focus Military on Putin's Prized Possession”, nghĩa là “Ukraine tập trung quân sự vào tài sản quý giá của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết mục tiêu hàng đầu của quân đội ông trong năm mới là cô lập Crimea - bán đảo Hắc Hải quý giá của Nga, nơi đã đóng vai trò là trung tâm quân sự chiến lược kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.

Tháng tới sẽ đánh dấu hai năm cuộc chiến ở Ukraine mà không có dấu hiệu nào cho thấy bên nào sẽ đi đến điểm mà các cuộc giao tranh có thể dừng lại. Putin bắt đầu năm mới bằng việc phát động một loạt cuộc tấn công trên không khắp đất nước, giết chết hàng chục công dân và tấn công cả các mục tiêu dân sự và quân sự Ukraine, trong khi Kyiv được sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, đã thề sẽ không lùi bước trước tình trạng leo thang.

“Chúng tôi có một mục tiêu chiến lược là không xâm lược các vùng lãnh thổ của Nga, nằm sát biên giới đất nước chúng tôi,” ông Zelenskiy nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với tổng biên tập tờ The Economist, Zanny Beddoes.

“Mục tiêu của chúng tôi không thay đổi,” Zelenskiy tiếp tục. “Mục tiêu là cứu vãn và có những bước đi thành công hơn ở Hắc Hải, tiếp tục thành công ở Crimea, phía nam. Tôi không thể cho bạn biết chi tiết, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó. Và để bảo vệ miền đông, cứu Kharkiv, cứu những thành phố rất quan trọng này của Ukraine.”

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết trong cuộc trò chuyện rằng việc cô lập Crimea - nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 - là “cực kỳ quan trọng” đối với Ukraine “vì đó là cách để chúng tôi giảm số lượng các cuộc tấn công từ khu vực đó”.

Kyiv tăng cường các cuộc tấn công vào bán đảo trong nửa cuối năm 2023, bao gồm cả việc tấn công thành công Hạm đội Hắc Hải của Putin và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực, chẳng hạn như Cầu eo biển Kerch, nối bán đảo với đất liền Nga.

Zelenskiy cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng bất kỳ thành công nào mà Kyiv đạt được vào năm 2024 sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự liên tục từ các đồng minh phương Tây. Tổng thống cũng coi cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là cuộc xung đột ở Đông Âu mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu.

“Cho chúng tôi tiền hoặc cho chúng tôi vũ khí, bạn tự hỗ trợ mình”, Zelenskiy nói. “Bạn cứu con cháu của bạn, không chỉ co cháu của chúng tôi mà thôi.”

Ông nói tiếp: “Người Ukraine đang chiến đấu vì thế giới. Đó là câu trả lời và là điều thế giới phải tập trung và thừa nhận.”

Zelenskiy trước đó đã tuyên bố rằng chiến tranh không thể kết thúc trừ khi tất cả lãnh thổ bị tạm chiếm, bao gồm cả Crimea, được trả lại cho Ukraine. Khi được hỏi về bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào trong năm tới, ông nói rằng “đây không phải là thời điểm để thảo luận” vì Kyiv “không có bất kỳ bước cơ bản nào hướng tới hòa bình từ Nga”.

“Tôi không thấy bất kỳ tín hiệu nào về hòa bình,” Zelenskiy nói, đề cập đến yêu cầu chấm dứt chiến tranh của Putin, được chia sẻ tại cuộc họp báo cuối năm thường niên vào tháng trước. “Tôi chỉ thấy những bước đi của một quốc gia khủng bố.”

3. Ba Lan triển khai F-16 khi Nga tăng cường tấn công hỏa tiễn gần biên giới nước này

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Ally Deploys F-16s as Russia Ramps Up Missile Attacks Nearby”, nghĩa là “Đồng minh NATO triển khai F-16 khi Nga tăng cường tấn công hỏa tiễn gần đó.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tư Lệnh quân đội Ba Lan, Tướng Wiesław Kukuła cho biết: Lực lượng vũ trang Ba Lan đã triển khai 4 chiến đấu cơ F-16 tới biên giới phía đông nước này hôm thứ Ba để đáp trả việc Nga gia tăng các cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine.

Động thái này của quân đội Ba Lan diễn ra sau vụ Nga ném bom vào hai thành phố lớn nhất Ukraine là Kyiv và Kharkiv vào đêm thứ Ba, khiến ít nhất 5 thường dân thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Mạc Tư Khoa cũng tiến hành cuộc tấn công trên không lớn nhất trong cuộc chiến vào hôm Thứ Sáu tuần trước, nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.

Sáng thứ Ba, Bộ Tư lệnh Tác chiến Ba Lan cho biết trong một bài đăng rằng “hai cặp chiến đấu cơ F-16 và một máy bay chở dầu của NATO đã được đưa đến” tới biên giới phía đông của nước này để đáp trả đợt tấn công mới nhất của Nga. Vài giờ sau, quân đội Ba Lan cho biết máy bay đã được đưa về căn cứ của họ và hoạt động đã kết thúc “do mức độ đe dọa giảm bớt”.

“Lực lượng vũ trang Ba Lan liên tục giám sát tình hình trên lãnh thổ Ukraine và luôn sẵn sàng bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan,” bài viết tiếp tục.

Ba Lan—một thành viên của liên minh NATO và Liên minh Âu Châu—đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Hỏa tiễn lạc bắn từ hai bên thỉnh thoảng bay tới lãnh thổ Ba Lan, bao gồm cả một hỏa tiễn của Ukraine phát nổ ở vùng lãnh thổ Ba Lan. một thị trấn phía nam Ba Lan vào tháng 11 năm 2022, khiến hai người thiệt mạng.

Hôm thứ Sáu, lực lượng vũ trang Ba Lan báo cáo rằng một “vật thể bay không xác định” đã bay vào không phận nước này trong thời gian Nga ném bom Ukraine, khiến Warsaw phải huy động lực lượng sẵn có để cố gắng xác định vị trí vật thể. Tuy nhiên, các quan chức Điện Cẩm Linh đã bác bỏ những lo ngại mà các quan chức Ba Lan nêu ra, đồng thời yêu cầu phải đưa ra “bằng chứng cứng rắn” rằng vật thể này được phóng từ Nga, theo hãng tin RIA Novosti do nhà nước Nga hậu thuẫn.

Những lo ngại về chiến tranh tràn vào lãnh thổ NATO đã gia tăng trong những tháng gần đây và các đồng minh phương Tây của Kyiv đã tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine trước các cuộc không kích gia tăng của Nga. Tổng thống Joe Biden cảnh báo trong một tuyên bố tuần trước rằng việc từ bỏ viện trợ cho Ukraine và sau đó để Nga giành chiến thắng sẽ làm tăng nguy cơ “Mỹ bị lôi kéo trực tiếp” vào cuộc xung đột.

Kusti Salm, thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Estonia, nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào tuần trước rằng liên minh NATO cần Nga bị “hủy hoại” để bảo đảm hòa bình ở Đông Âu.

“Điện Cẩm Linh cần phải hiểu rằng luật pháp quốc tế và thế giới dựa trên luật lệ vận hành và bạn không thể bẻ cong nó theo ý muốn,” Salm nói.

“Đây là cách duy nhất để vạch ra ranh giới ở đó, để điều này không xảy ra lần nữa”. “Nếu một trong những yếu tố đó không được đáp ứng, thì trong vài năm nữa chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác, không chỉ từ Nga, bởi vì mọi người đều đang học hỏi”.

4. Putin đang chịu áp lực dư luận Nga đòi tấn công quân đội Anh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Under Pressure to Attack British Military”, nghĩa là “Putin chịu áp lực tấn công quân đội Anh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đang được một số nước khuyến khích tấn công quân đội Anh vì đã giúp Ukraine thực hiện cuộc tấn công thành công ở Hắc Hải vào tuần trước.

Hàng chục quân nhân Nga được tuyên bố mất tích hoặc bị thương sau khi tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk lớp Ropucha dài 370 foot bị hỏa tiễn hành trình Ukraine bắn trúng hôm 26/12 tại Crimea. Mạc Tư Khoa thừa nhận thiệt hại về con tàu chở thủy thủ đoàn lên tới 87 quân nhân.

Các hỏa tiễn mà Ukraine sử dụng được cho là do Bộ Quốc phòng Anh cung cấp, Bộ này cũng hỗ trợ Kyiv trinh sát vệ tinh và dẫn đường mục tiêu. Nó đã khiến một số người, trong đó có nhà khoa học chính trị người Nga, Yury Baranchik, khuyến khích Mạc Tư Khoa tấn công tàu chiến HMS Diamond của Anh.

Barinchik cho biết: “Đây là một đòn giáng từ Anh/Mỹ và mong muốn làm gián đoạn nền tảng tích cực từ việc chiếm giữ Marinka, cũng như những thành công gần đây của Lực lượng vũ trang Nga ở mặt trận”.

Theo Sky News, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết sau vụ tấn công: “Việc phá hủy hải quân của Putin mới nhất này chứng tỏ rằng những người tin rằng có sự bế tắc trong cuộc chiến Ukraine là sai lầm”. “Họ không nhận thấy rằng trong 4 tháng qua, 20% Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị tiêu diệt.”

Phát ngôn nhân của Hải quân Hoàng gia Anh từ chối bình luận với Newsweek, tờ báo này cũng đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga.

Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Cancian nói với Newsweek qua email rằng nhận xét của Baranchik là dấu hiệu cho thấy hành vi thông thường của Nga, nơi Putin sẽ không đưa ra lời đe dọa trực tiếp nhưng sẽ nhờ người đại diện thực hiện mệnh lệnh của mình.

Cancian nói: “Rõ ràng, áp lực mà Ukraine gây ra đối với Crimea đang làm tổn thương Nga”. “Logic ở đây mang tính gián tiếp: Vương quốc Anh đã cung cấp hỏa tiễn Storm Shadow cho Ukraine, loại hỏa tiễn mà Ukraine đã sử dụng để tấn công tàu ở Crimea. Nga không thể tấn công lực lượng Anh ở Âu Châu mà không có nguy cơ xung đột với NATO. Tuy nhiên, nó có thể có những người đại diện tấn công lực lượng Anh ở nơi khác.”

Barinchik mong muốn có phản ứng thông qua lực lượng Houthis liên kết với Iran, để đánh chìm tàu Anh hiện đang tham gia chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” gồm 12 quốc gia do Mỹ dẫn đầu

Hoạt động này được triển khai nhằm đáp trả một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hỏa tiễn và hải quân do Houthi dẫn đầu nhằm vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ ngoài khơi bờ biển Yemen. Kể từ năm 2014, lực lượng Houthi đã gây chiến với chính phủ Yemen được phương Tây công nhận và kể từ năm 2015 với liên minh khu vực nghiêng về phương Tây do Ả Rập Saudi lãnh đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi Biển Đỏ là tuyến đường thủy “quan trọng” cần được bảo vệ. Các nước Ả Rập như Ai Cập ngần ngại tham gia hoạt động này, trong khi các nước như Hà Lan và Na Uy đã cung cấp nhân sự nhưng không cung cấp tàu.

Giá xăng tăng do căng thẳng chống phương Tây leo thang xuất phát từ cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine Hamas ở Gaza.

Baranchik nói: “Chúng tôi có thể cung cấp cho lực lượng Houthi các hỏa tiễn chống hạm thích hợp, trong khi phương Tây cung cấp cho Kyiv các chuyên gia liên quan, những người không chính thức phục vụ quân sự trong Lực lượng Vũ trang Ukraine”. “Về nguyên tắc, chúng tôi có thể tăng số tiền đặt cược vượt quá giới hạn với sự hỗ trợ thông tin sơ bộ bắt buộc.

“Đầu tiên, một tin nhắn từ một quan chức Nga đổ lỗi cho Anh về vụ đánh chìm tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk. Sau đó, phóng hai hỏa tiễn từ MiG-31K, hay tốt nhất là từ một chiếc MiG-31I, hoặc hai chiếc Tu-22M2/TU-22M2M—bạn cần xem xét tầm bay của các Hàng Không Mẫu Hạm—và bắn trúng hai chiếc tàu khu trục Diamond của Anh.

“Hãy tự mình làm điều đó. Và chính thức tuyên bố rằng sự kiên nhẫn của Nga với những trò hề của phương Tây đã hết. Luân Đôn sẽ chạy đi khiếu nại với Mỹ”.

Cancian cho biết các mối đe dọa hiện nay liên quan đến tàu hải quân ở Biển Đỏ chỉ mang tính “tượng trưng” do phải mất hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng để hỏa tiễn được gửi từ Nga tới Yemen.

Ông nói: “Lô hàng có thể sẽ phải đi qua Iran, những nước hiện có đường ống hậu cần tới người Houthis”.
 
Thu Trinh News 04 Jan 2024
J.B. Đặng Minh An dịch
19:54 03/01/2024
1. Liên Hiệp Âu Châu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên công ty kim cương Alrosa của Nga

Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty kim cương nhà nước Alrosa của Nga và giám đốc điều hành của công ty này như một phần của lệnh cấm nhập khẩu đá quý vì cuộc chiến Ukraine.

Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 12 đã đồng ý cấm xuất khẩu kim cương từ Nga khi nước này thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm xói mòn kho bạc của Điện Cẩm Linh.

Khối gồm 27 thành viên đã bổ sung Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới và ông chủ của nó, Pavel Marinychev, vào danh sách đen bị cấm thị thực và đóng băng tài sản ở Liên Hiệp Âu Châu.

Liên Hiệp Âu Châu cho biết công ty này – chiếm 90% sản lượng kim cương của Nga – “là một phần quan trọng của ngành kinh tế đang mang lại doanh thu đáng kể cho chính phủ”.

Xuất khẩu kim cương của Nga đạt tổng trị giá khoảng 4 tỷ Mỹ Kim vào năm 2022.

Lệnh cấm của Liên Hiệp Âu Châu có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Giêng đối với kim cương tự nhiên và tổng hợp xuất khẩu từ Nga. Lệnh cấm đối với kim cương của Nga được chế biến ở nước thứ ba sẽ được thực hiện vào tháng 9.

Lệnh cấm được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán miệt mài với các nước G7 để thiết lập một hệ thống truy tìm nguồn gốc kim cương của Nga.

Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới, cho biết hệ thống này cần phải được triển khai để lệnh cấm vận có hiệu lực.

Cho đến nay, Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt 12 đợt trừng phạt chưa từng có đối với Mạc Tư Khoa kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga cho đến nay đã tìm cách thích ứng với các lệnh trừng phạt và sự xáo trộn gây ra. bởi sự xung đột.

2. Ukraine cầu xin thêm các hệ thống phòng không

Các cuộc tấn công chết người đã tấn công các tòa nhà dân cư ở Ukraine và khu vực biên giới Nga hôm thứ Ba khi sự leo thang của các cuộc tấn công trên không cũng làm hàng chục người bị thương và khiến Kyiv phải thúc giục vận chuyển vũ khí phương Tây nhanh hơn.

Nhà chức trách cho biết tổng cộng có 5 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Vụ bắn phá chủ yếu là vào Kyiv và Kharkiv diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi Putin tuyên bố sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công trả đũa sau cuộc tấn công chưa từng có của Ukraine vào thành phố Belgorod của Nga.

“Đối phương đã lên kế hoạch cho đường đi của chúng để gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể. Đây là một vụ khủng bố hoàn toàn được tính toán trước”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói. Ông cho biết kể từ ngày 29/12, Nga đã phóng gần 300 hỏa tiễn và hơn 200 máy bay không người lái nhằm vào Ukraine.

Thống đốc khu vực Belgorod của Nga cho biết vào đầu ngày thứ Tư, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công thành phố Belgorod Các báo cáo ngày hôm trước cho biết một cuộc tấn công của Ukraine đã giết chết ít nhất một người và làm bị thương 7 người.

Belgorod – nằm ở Nga, phía bắc Kharkiv của Ukraine – là điểm tập kết của lực lượng xâm lược Nga nên đã nhiều lần bị quân đội Ukraine tấn công như mục tiêu hợp pháp theo luật chiến tranh.

3. Ukraine quan tâm đến súng laser chống máy bay không người lái của Nhật Bản

Ukraine đã bày tỏ sự quan tâm đến súng laser chống máy bay không người lái của Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn thiết kế nguyên mẫu.

Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản Serhii Korsunskyi đã nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với Glavcom, Ukrinform đưa tin.

“Nhật Bản đang phát triển các hệ thống có khả năng bảo vệ quốc gia này. Và họ thực sự có một ngành công nghiệp khá mạnh tham gia vào lĩnh vực này. Nhật Bản có súng laser chống máy bay không người lái. Nhưng chúng vẫn là mẫu thử nghiệm. Chúng tôi sẽ quan tâm đến chúng và chúng tôi đang thảo luận về mục đích này. Họ có thiết bị điện tử và radar tốt, điều này cũng sẽ được chúng tôi quan tâm”, nhà ngoại giao nói.

Korsunskyi nói thêm rằng Nhật Bản đã tài trợ các thiết bị rà phá bom mìn có giá trị cho Ukraine.

Đại sứ cũng giải thích rằng phía Ukraine đang cố gắng thuyết phục công chúng ở Nhật Bản rằng việc cung cấp viện trợ quốc phòng cho Ukraine là quan trọng vì một số lực lượng chính trị về cơ bản phản đối việc cung cấp hỗ trợ an ninh như vậy. Đại sứ lưu ý: “Điều này không liên quan trực tiếp đến Ukraine. Về cơ bản, họ phản đối việc Nhật Bản bàn giao vũ khí”.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine Kuninori Matsuda đã bảo đảm với người Ukraine trong bài phát biểu đầu năm mới rằng sự hỗ trợ của đất nước ông dành cho Ukraine vào năm 2024 sẽ vẫn không thay đổi.
 
VietCatholic TV
Quân Putin bắn hạ Su-35 của Nga. Ham tuyên truyền, siêu vũ khí Nga vừa đến Ukraine đã bị nổ tung.
VietCatholic Media
15:15 03/01/2024


1. Radar phản pháo mới tinh của Nga trị giá 250 triệu Mỹ Kim bị nổ tung chỉ vài giờ sau khi đến Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's New Counterbattery Radar Blown Up Hours After Arriving in Ukraine”, nghĩa là “Radar phản pháo mới tinh của Nga bị nổ tung chỉ vài giờ sau khi đến Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo Kyiv, Ukraine đã đưa vào sử dụng hệ thống radar phản pháo Yastreb-AV hoàn toàn mới, chỉ vài giờ sau khi Mạc Tư Khoa cho biết họ đã triển khai một trong những hệ thống tìm kiếm pháo binh ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Mạc Tư Khoa đang sử dụng radar phản pháo Yastreb-AV mới của Nga ở Ukraine, được thiết kế để phát hiện các hệ thống pháo binh như HIMARS do Mỹ cung cấp cũng như các loại pháo và súng cối thường được sử dụng bởi chiến binh ở Kyiv.

Điện Cẩm Linh cho biết hệ thống này “tăng hiệu quả bắn của pháo binh và khả năng sống sót trên chiến trường”. Nó được thiết kế để theo dõi hỏa tiễn của đối thủ để lần ngược trở lại bệ phóng, tìm ra vị trí chính xác của hệ thống pháo binh trước khi chuyển thông tin này cho pháo binh của mình.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Ba rằng đây là “hệ thống radar hiện đại nhất của Nga với ăng-ten mảng pha để trinh sát các vị trí bắn pháo binh”. Nó hoạt động cùng với các hệ thống pháo phản lực khác mà Nga đã triển khai trên chiến trường ở Ukraine, chẳng hạn như bộ hệ thống Zoopark được đánh giá cao.

Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, lực lượng đặc biệt của Kyiv cho biết Ukraine đã tấn công hệ thống Yastreb-AV tại một địa điểm ở phía nam đất nước bằng một trong hàng chục HIMARS – là hệ thống pháo binh nằm trong danh sách Yastreb-AV có thể phát hiện.

Ukraine cho biết hệ thống này đã bị “phá hủy”, đồng thời đăng một đoạn clip ngắn cho thấy một máy bay không người lái trinh sát của Ukraine đã theo dõi Yastreb-AV ở vùng nông thôn Ukraine trước thời điểm tấn công.

Không rõ có bao nhiêu hệ thống Yastreb-AV đang được sử dụng ở Ukraine, nhưng quân đội Kyiv cho biết vào tháng 8 họ đã phá hủy một hệ thống Yastreb-AV.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều đang nỗ lực sử dụng hệ thống radar phản pháo của mình hiệu quả hơn đối phương, tìm kiếm và tiêu diệt các hệ thống pháo binh đang đe dọa quân đội của họ.

Với việc cuộc chiến tranh tiêu hao, mệt mỏi sắp kết qua thời điểm hai năm, việc săn lùng các hệ thống radar đối phó của Nga sẽ chỉ quan trọng hơn đối với Ukraine. Các chuyên gia trước đây đã đề xuất với Newsweek rằng việc chống lại một quân đội lớn hơn như Nga, việc Ukraine tấn công vào các hệ thống radar có thể có tác động “không tương xứng” đối với các hoạt động của Nga.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã công bố và khuếch đại nhiều báo cáo về các cuộc tấn công thành công vào hệ thống radar của Nga. Các quan chức Ukraine đã ca ngợi việc phá hủy các hệ thống radar phản pháo Zoopark trị giá 10 triệu Mỹ Kim và chính phủ Anh cho biết vào giữa tháng 7 năm 2023 rằng “chỉ một số ít” các Zooparks mà Nga gửi qua biên giới sang Ukraine vẫn được sử dụng.

Truyền thông Ukraine đưa tin mỗi hệ thống Yastreb-AV mới có thể có giá lên tới 250 triệu Mỹ Kim, đắt hơn đáng kể so với các hệ thống như Zoopark.

2. Mười chiếc Kinzhals bị bắn hạ là kỷ lục: Zaluzhnyi kêu gọi đối tác cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, cho biết sau cuộc tấn công lớn của Nga hôm thứ Ba rằng Ukraine cần thêm hệ thống phòng không Patriot để đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương.

Ông nói: “Hôm nay, Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắn rơi 10 trong số 10 hỏa tiễn đạn đạo 'Kinzhal' Kh-47M2 của Nga với sự trợ giúp của hệ thống Patriot AD. Đây là một kỷ lục. Nếu hỏa tiễn bắn trúng mục tiêu, hậu quả sẽ rất thảm khốc”, ông viết.

Zaluzhnyi cảm ơn các đối tác của Ukraine về hệ thống phòng không Patriot và nói thêm rằng Ukraine cần thêm hệ thống phòng không.

“Không có lý do gì để tin rằng đối phương sẽ dừng lại ở đây. Vì vậy, chúng tôi cần nhiều hệ thống và đạn dược hơn cho chúng”, ông nói.

Các báo cáo trước đó cho biết Kyiv là mục tiêu chính trong cuộc tấn công trên không của Nga hôm 2 Tháng Giêng. Các mảnh hỏa tiễn Nga đã rơi xuống 9 quận của thành phố. Do vụ tấn công, hỏa hoạn đã bùng phát ở hai tòa nhà chung cư ở quận Solomianskyi. Theo số liệu sơ bộ, số người bị thương tăng lên 49 người, trong đó có 2 người thiệt mạng.

Tại vùng Kyiv, cuộc tấn công đã làm hư hại 11 tòa nhà chung cư, 2 trường học, một nhà thờ, một số cơ sở kinh doanh và trung tâm phục hồi chức năng của khu vực. Vụ tấn công đã khiến 2 người trong khu vực thiệt mạng và 16 người khác bị thương.

3. Ba Lan triển khai F-16 khi Nga tăng cường tấn công hỏa tiễn gần biên giới nước này

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Ally Deploys F-16s as Russia Ramps Up Missile Attacks Nearby”, nghĩa là “Đồng minh NATO triển khai F-16 khi Nga tăng cường tấn công hỏa tiễn gần đó.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tư Lệnh quân đội Ba Lan, Tướng Wiesław Kukuła cho biết: Lực lượng vũ trang Ba Lan đã triển khai 4 chiến đấu cơ F-16 tới biên giới phía đông nước này hôm thứ Ba để đáp trả việc Nga gia tăng các cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine.

Động thái này của quân đội Ba Lan diễn ra sau vụ Nga ném bom vào hai thành phố lớn nhất Ukraine là Kyiv và Kharkiv vào đêm thứ Ba, khiến ít nhất 5 thường dân thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Mạc Tư Khoa cũng tiến hành cuộc tấn công trên không lớn nhất trong cuộc chiến vào hôm Thứ Sáu tuần trước, nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.

Sáng thứ Ba, Bộ Tư lệnh Tác chiến Ba Lan cho biết trong một bài đăng rằng “hai cặp chiến đấu cơ F-16 và một máy bay chở dầu của NATO đã được đưa đến” tới biên giới phía đông của nước này để đáp trả đợt tấn công mới nhất của Nga. Vài giờ sau, quân đội Ba Lan cho biết máy bay đã được đưa về căn cứ của họ và hoạt động đã kết thúc “do mức độ đe dọa giảm bớt”.

“Lực lượng vũ trang Ba Lan liên tục giám sát tình hình trên lãnh thổ Ukraine và luôn sẵn sàng bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan,” bài viết tiếp tục.

Ba Lan—một thành viên của liên minh NATO và Liên minh Âu Châu—đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Hỏa tiễn lạc bắn từ hai bên thỉnh thoảng bay tới lãnh thổ Ba Lan, bao gồm cả một hỏa tiễn của Ukraine phát nổ ở vùng lãnh thổ Ba Lan. một thị trấn phía nam Ba Lan vào tháng 11 năm 2022, khiến hai người thiệt mạng.

Hôm thứ Sáu, lực lượng vũ trang Ba Lan báo cáo rằng một “vật thể bay không xác định” đã bay vào không phận nước này trong thời gian Nga ném bom Ukraine, khiến Warsaw phải huy động lực lượng sẵn có để cố gắng xác định vị trí vật thể. Tuy nhiên, các quan chức Điện Cẩm Linh đã bác bỏ những lo ngại mà các quan chức Ba Lan nêu ra, đồng thời yêu cầu phải đưa ra “bằng chứng cứng rắn” rằng vật thể này được phóng từ Nga, theo hãng tin RIA Novosti do nhà nước Nga hậu thuẫn.

Những lo ngại về chiến tranh tràn vào lãnh thổ NATO đã gia tăng trong những tháng gần đây và các đồng minh phương Tây của Kyiv đã tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine trước các cuộc không kích gia tăng của Nga. Tổng thống Joe Biden cảnh báo trong một tuyên bố tuần trước rằng việc từ bỏ viện trợ cho Ukraine và sau đó để Nga giành chiến thắng sẽ làm tăng nguy cơ “Mỹ bị lôi kéo trực tiếp” vào cuộc xung đột.

Kusti Salm, thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Estonia, nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào tuần trước rằng liên minh NATO cần Nga bị “hủy hoại” để bảo đảm hòa bình ở Đông Âu.

“Điện Cẩm Linh cần phải hiểu rằng luật pháp quốc tế và thế giới dựa trên luật lệ vận hành và bạn không thể bẻ cong nó theo ý muốn,” Salm nói.

“Đây là cách duy nhất để vạch ra ranh giới ở đó, để điều này không xảy ra lần nữa”. “Nếu một trong những yếu tố đó không được đáp ứng, thì trong vài năm nữa chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác, không chỉ từ Nga, bởi vì mọi người đều đang học hỏi”.

4. Ukraine chỉ còn lại một số ít xe tăng Leopard của Đức

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Only Has a Few German Leopard Tanks Left: Lawmaker”, nghĩa là “Nhà lập pháp cho biết Ukraine chỉ còn lại một số xe tăng Leopard của Đức.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo chính trị gia và nhà kinh tế người Đức Sebastian Schäfer, quân đội Ukraine chỉ còn lại một số xe tăng Leopard 2A6 đủ khả năng chiến đấu sau khi nhận được 18 chiếc từ Đức vào tháng 3.

Sau khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Hoa Kỳ, Đức và các nước NATO khác đã hỗ trợ để tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia Đông Âu này. Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, trong khi Mỹ là nước ủng hộ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra thì Đức là nước ủng hộ nhiều thứ hai. Vào tháng 11, Bộ Quốc phòng Đức đã công bố gói hỗ trợ mới cho Ukraine trị giá khoảng 1,1 tỷ Mỹ Kim, bao gồm một loạt vũ khí mới.

Trong nỗ lực thay thế các loại vũ khí cũ kỹ thời Liên Xô, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi mua các xe tăng chiến đấu chủ chốt do phương Tây sản xuất, chẳng hạn như Leopards do Đức sản xuất, trước khi những người ủng hộ Ukraine đồng ý giao hàng vào Tháng Giêng năm 2023. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine, khiến Đức phải gửi 18 xe Leopard 2. Ngoài Đức, một số quốc gia khác, bao gồm Canada, Ba Lan và Bồ Đào Nha, cũng đã tặng xe tăng Leopards cho Ukraine.

Lực lượng Nga hôm thứ Sáu đã phát động cuộc tấn công được coi là lớn nhất trên không vào Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Hãng tin AP dẫn lời các quan chức Ukraine cho biết ít nhất 30 dân thường đã thiệt mạng và ít nhất 144 người bị thương trong hàng loạt cuộc tấn công diễn ra trên khắp đất nước. Kể từ đó, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga vẫn tiếp tục, khiến Zelenskiy đưa ra một lời yêu cầu khác về việc cung cấp thêm vũ khí và đạn dược từ các đồng minh phương Tây của Ukraine.

Tuy nhiên, một số xe tăng Leopard được cho là không được sử dụng đang nằm trong kho hoặc cần sửa chữa trước khi được gửi đến Ukraine, làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các xe này. Trước khi Berlin cam kết gửi xe tăng Leopard tới Ukraine, nhà lãnh đạo ngành sản xuất quân sự Đức Rheinmetall đã nói với tờ Bild của Đức rằng kho xe tăng Leopard 1 và Leopard 2 “phải được tháo dỡ hoàn toàn và xây dựng lại”.

Theo truyền thông Đức, Schäfer, người đã phục vụ trong Bundestag của Đức từ năm 2021, gần đây đã viết một lá thư cho các công ty vũ khí sau khi đến thăm một cơ sở sửa chữa xe tăng ở Lithuania vào tháng trước.

Chính trị gia Đảng Xanh đang kêu gọi thực hiện các bước để đưa xe tăng vào hoạt động để lực lượng Ukraine có thể sử dụng chúng trong bối cảnh nước này đang có cuộc chiến kéo dài 22 tháng với Nga.

Schäfer đã viết thư cho các nhà sản xuất vũ khí có liên quan, Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann, nói rằng chỉ một số lượng nhỏ xe tăng vẫn có thể sử dụng được, trang web tin tức Đức Der Spiegel đưa tin.

“Thật không may, cần phải lưu ý rằng chỉ một số lượng rất nhỏ xe tăng chiến đấu chủ lực được giao vẫn có thể được sử dụng bởi Ukraine”, chính trị gia này nói trong bức thư mà Der Spiegel có được. Đại diện của xưởng sửa chữa công nghiệp ở Lithuania nói với truyền thông Âu Châu rằng việc sửa chữa mất “rất nhiều thời gian” vì thiếu phụ tùng thay thế.

Ông Schäfer cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã cố gắng tự sửa chữa xe tăng nhưng nỗ lực này chỉ gây thêm thiệt hại.

Ông cũng kêu gọi đào tạo tốt hơn và hướng dẫn bổ sung cho quân đội Ukraine để tránh sự chậm trễ như vậy trong tương lai, đồng thời nói thêm rằng “cần phải hành động khẩn cấp” để nhanh chóng sửa chữa xe tăng.

5. Nga bắn máy bay phản lực Su-35 của chính mình trên Crimea trong trận hỏa lực thân thiện mới nhất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Hit Own Su-35 Jet Over Crimea in Latest Friendly Fire: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Nga bắn hạ máy bay phản lực Su-35 của chính mình trên bầu trời Crimea trong trận hỏa lực thân thiện mới nhất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo một báo cáo địa phương, lực lượng phòng không Nga đã tấn công một trong những chiến đáu cơ tiên tiến nhất của Mạc Tư Khoa trên vùng Crimea bị sáp nhập.

Kênh Telegram Crimea Wind hôm thứ Ba đưa tin hệ thống phòng không S-400 của Mạc Tư Khoa đã bắn vào máy bay phản lực Su-35 của Nga gần Krasnoperekopsk, một thị trấn ở phía bắc bán đảo Hắc Hải, kênh Telegram Crimea Wind đưa tin hôm thứ Tư, dẫn một nguồn tin quân sự Nga.

Theo dữ liệu do Newsweek tổng hợp và phân tích vào cuối tháng 8 năm 2023, hơn 1/5 số thiệt hại về máy bay và trực thăng có người lái được biết đến của Nga kể từ khi Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022 là do chính họ tự gây ra.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin Nga bắn rơi máy bay Su-35 của chính mình.

Vào tháng 10 năm 2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo về cuộc chiến ở Ukraine rằng lực lượng phòng không Nga “rất có thể đã bắn rơi một trong những” máy bay phản lực Su-35 của chính họ trong một vụ bắn nhầm vào ngày 28 tháng 9 năm 2023 trên bầu trời Tokmak, một thành phố bị tạm chiếm gần tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia.

Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết trong bản cập nhật đó: “Mặc dù Nga đã mất khoảng 90 máy bay cánh cố định kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, nhưng đây có lẽ chỉ là lần mất thứ năm của Su-35S, chiến đáu cơ tiên tiến nhất của Nga được sử dụng rộng rãi”.

Trong một sự việc rõ ràng khác trong tuần này, một máy bay Nga đã vô tình thả một hỏa tiễn xuống một thị trấn ở vùng Voronezh phía tây nước Nga vào sáng thứ Ba, phá hủy nhiều ngôi nhà, các quan chức cho biết.

Trong một lần thừa nhận hiếm hoi, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một trong những chiến đấu cơ của họ đã thả hỏa tiễn xuống làng Petropavlovka, làm hư hại ít nhất sáu tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân. Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một miệng hố lớn trên mặt đất do vụ nổ gây ra và các mảnh vỡ vương vãi khắp nơi.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết: “Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 2 Tháng Giêng,, khi một máy bay của lực lượng không quân đang bay qua làng Petropavlovka ở vùng Voronezh, đã xảy ra vụ thả khẩn cấp đạn dược hàng không”.

“Một cuộc điều tra đang được tiến hành về hoàn cảnh của vụ việc. Một ủy ban đang làm việc tại chỗ để đánh giá bản chất thiệt hại và hỗ trợ khôi phục các tòa nhà,” Konashenkov nói thêm.

6. Thổ Nhĩ Kỳ nói tàu săn mìn của Anh không thể được gửi đến Ukraine

Hai tàu săn mìn của Anh dự định tới Ukraine không thể đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nhấn mạnh như trên hôm thứ Ba, trích dẫn một hiệp ước quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps hồi tháng trước tuyên bố rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã đạt được thỏa thuận mua các tàu lớp Sandown từ Hải quân Hoàng gia Anh khi quốc gia bị chiến tranh tàn phá này phải vật lộn với việc Nga tiếp tục phong tỏa Hắc Hải.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận họ đã thông báo cho các đồng minh NATO rằng các tàu này sẽ không được phép đi qua vùng biển của nước này.

“Các đồng minh có liên quan của chúng tôi đã được thông báo hợp lệ rằng các tàu săn mìn do Vương quốc Anh tài trợ cho Ukraine sẽ không được phép đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đến Hắc Hải chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip cho biết như trên.

Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ - thách thức cái mà họ gọi là “thông tin sai lệch về các tàu săn mìn của Anh” - nhấn mạnh rằng eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa đối với các tàu chiến Nga và Ukraine trong khi xung đột giữa hai nước vẫn tiếp tục, trích dẫn Công ước Montreux năm 1936 chi phối giao thông hàng hải đi qua những vùng nước đó.

Chính phủ Anh trước đó cho biết họ cũng nghĩ rằng công ước sẽ ngăn cản việc chuyển giao tàu ngay lập tức.

Khi được tiếp cận để bình luận, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh đã chỉ ra cuộc họp báo của Shapps ở Luân Đôn vào tháng trước, tại đó Đô đốc Ukraine Oleksiy Neizhpapa nói rằng các tàu này chưa thể được đưa đến Hắc Hải vì Công ước Montreux.

Nhưng Neizhpapa cũng lưu ý rằng các tàu vẫn còn nhiều việc phải làm một khi chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc do mối đe dọa liên tục về mìn ở Hắc Hải.

7. Các hỏa tiễn ATACMS của Hoa Kỳ sắp hết hạn sử dụng nên được gởi đến cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US ATACMS Expiry Date Raises Questions”, nghĩa là “Ngày hết hạn ATACMS của Hoa Kỳ đặt ra câu hỏi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi Kyiv bước vào một năm mới của chiến tranh tiêu hao, đang có nhiều đồn đoán về nguồn cung cấp ATACMS do Mỹ sản xuất trong tương lai mà Ukraine đã sử dụng rất mạnh để chống lại lực lượng Nga ở phía đông và phía nam đất nước.

Kyiv đã ra mắt hỏa tiễn ATACMS của mình trong các cuộc tấn công chớp nhoáng vào các căn cứ quân sự của Nga ở các thành phố Berdyansk và Luhansk vào giữa tháng 10 năm 2023. Hỏa tiễn M39 ATACMS đã tiêu diệt 21 trực thăng của Mạc Tư Khoa. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận xét rằng hỏa tiễn này đã “đã chứng tỏ được bản thân”. “

Tờ New York Times đưa tin, dẫn lời hai quan chức phương Tây cho đến nay, Mỹ đã gửi khoảng 20 hỏa tiễn ATACMS. Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở Âu Châu, nói với Newsweek rằng những hỏa tiễn này đã được Ukraine sử dụng “ngay lập tức và có hiệu quả lớn”.

Với việc cuộc chiến chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, các câu hỏi đang nổi lên về việc sử dụng hỏa tiễn tầm xa trong tương lai, trong đó sự chú ý tập trung vào kho dự trữ ATACMS đã hết hạn của Mỹ.

Ông nói với Newsweek rằng chúng có thể được chuyển tới Ukraine và được sử dụng “rất hiệu quả” để chống lại lực lượng Mạc Tư Khoa.

Ông khẳng định không có lo ngại nào về thời hạn sử dụng của loại hỏa tiễn này.

“Chúng có tác dụng,” ông nói thêm và nhấn mạnh rằng “Tất cả vũ khí cuối cùng sẽ được thay thế bằng vũ khí tốt hơn, sát thương hơn, tiết kiệm chi phí hơn,” nhưng chúng có thể tạo ra sự khác biệt cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Ông nói: “Những hỏa tiễn M39 này tăng thêm tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương mà Ukraine không có được nếu không có sự tài trợ này”.

Tướng Hodges cho biết, rất nhiều điều phụ thuộc vào việc vũ khí đã hết hạn sử dụng bao lâu, nhưng một hỏa tiễn có thể còn tồn tại được nhiều năm sau ngày này. Ông nói thêm rằng việc không gửi ATACMS dựa trên thời hạn sử dụng là một quyết định chính trị chứ không phải là một quyết định liên quan đến an toàn.

Fabian Hinz, nhà nghiên cứu chuyên về phân tích quân sự và quốc phòng Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đồng ý rằng thời hạn sử dụng nhất định không phải lúc nào cũng là chỉ số chính xác về việc hỏa tiễn có hoạt động hay không.

ATACMS cung cấp cho Ukraine được cho là có tầm bắn khoảng 100 dặm. Theo Reuters, khoảng 1.650 hỏa tiễn Block I - loại được cung cấp cho Ukraine - đã được sản xuất trong nhiều thập kỷ kể từ khi chúng được giới thiệu. Hãng tin này đưa tin vào giữa tháng 10 rằng có ít hơn 1.114 đầu đạn M39 và M39A1 vẫn còn trong các kho hàng ở Mỹ, trong đó nhiều đầu đạn đã được sử dụng trong các hoạt động của Mỹ hoặc đã trải qua quá trình sửa đổi.

Ông nói với Newsweek rằng phần quan trọng là giữ cho động cơ của hỏa tiễn đẩy nhiên liệu rắn ở tình trạng tốt. Ông nói, tất cả điều này phụ thuộc vào phẩm chất sản xuất và các điều kiện bảo quản hỏa tiễn, vì nó “không dễ tha thứ cho những vấn đề nhỏ”.

Với ATACMS – sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn một giai đoạn – sẽ cần phải có một số biện pháp kiểm soát phẩm chất, nhưng thời hạn sử dụng “có thể cao hơn so với quảng cáo”, Hinz nói.

Dan Rice cho biết, MGM-140 ATACMS tầm xa hơn vẫn được Mỹ sử dụng, đặt ra một thách thức chính trị và quân sự khác và khó khăn hơn. Ông nói, nhưng có “hàng chục ngàn” hỏa tiễn lỗi thời thuộc nhiều loại khác nhau mà Ukraine có thể bắn từ HIMARS đang chờ bị phá hủy, và Mỹ cũng đang hướng tới Hỏa tiễn tấn công chính xác mới để thay thế ATACMS.

Dan Rice cho biết, với đủ M39, Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp của Nga từ Crimea cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine, còn được gọi là cầu đất liền. Ông nói thêm, từ nơi tiền tuyến hiện đang tọa lạc ở phía nam và phía đông đất nước, M39 ATACMS của Ukraine có thể tới Biển Azov và tấn công vào các tài sản quan trọng trên lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Ông nói, với nhiều ATACMS hơn, Ukraine có thể tấn công “các mục tiêu chính” từ các căn cứ, cơ sở hạ tầng và đội quân của Nga trên lãnh thổ rộng hàng chục ngàn dặm vuông.

Dan Rice cho biết thêm, với gần 1.000 quả đạn con trong mỗi hỏa tiễn M39, càng nhiều ATACMS thì thương vong của Nga càng cao.

Tuy nhiên, các biến thể cụm có tầm bắn ngắn hơn và không phù hợp để tấn công cơ sở hạ tầng hoặc tài sản của Nga gần các khu vực có người ở như thành phố cảng Sevastopol của Crimea, Tướng Hodges nói và cho biết thêm, ATACMS nhiều hơn sẽ cung cấp cho Ukraine các công cụ để làm suy yếu quân đội Nga trên từng dặm vuông của Ukraine, đồng thời khiến sự hiện diện quân sự và hậu cần của nước này ở Crimea không thể đứng vững được. Ông nói không có lý do chính đáng nào để không cung cấp vũ khí.

8. Putin đưa ra mối đe dọa đáng lo ngại mới đối với Mỹ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Issues New Ominous Threat to US”, nghĩa là “Putin đưa ra mối đe dọa đáng lo ngại mới đối với Mỹ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Putin đang đe dọa sẽ “đối phó” với Mỹ và các đồng minh phương Tây vì đã hỗ trợ Ukraine trong khi nước này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Nga.

Ukraine tuyên bố rằng Nga đã mất hơn 360.000 binh sĩ kể từ khi Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, bao gồm hơn 253.000 quân chỉ trong năm 2023.

Putin đã gợi ý trong chuyến thăm nhân dịp đầu năm mới với các binh sĩ Nga bị thương ở Mạc Tư Khoa rằng Mỹ và các đồng minh của họ đang đổ máu vì bất kỳ thương vong nào của Nga đã xảy ra trong cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Trả lời câu hỏi về việc “các nước phương Tây giúp đỡ đối phương của chúng ta”, Putin lập luận rằng phương Tây đang hành động chống lại “sự hiện hữu của nước Nga” và nên được coi là “đối phương” thực sự của Mạc Tư Khoa.

Putin hôm thứ Tư được chụp hình trong một cuộc họp ở Mạc Tư Khoa. Nhà độc tài Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây là “đối phương” thực sự của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Putin nói: “Vấn đề không phải là họ đang giúp đỡ đối phương của chúng ta”. “Họ là đối phương của chúng ta. Họ đang giải quyết vấn đề của chính họ bằng chính đôi tay của mình. Đó là tất cả những gì các bạn cần biết. Thật không may, điều này đã xảy ra trong nhiều thế kỷ và vẫn tiếp tục như vậy cho đến ngày nay.”

Ông nói thêm: “Bản thân Ukraine không phải là đối phương của chúng ta”. “Những người muốn phá hủy chế độ nhà nước của Nga và đạt được khát vọng, như người ta nói, là đánh bại Nga về mặt chiến lược trên chiến trường. Họ muốn làm tan rã Nga.”

Tổng thống Nga nói tiếp rằng phương Tây đã “nuôi dưỡng chế độ Kyiv trong một thời gian khá dài” nhằm “tạo ra” chiến tranh.

Putin lập luận rằng Mỹ đang nỗ lực tăng cường “theo cấp số nhân” lượng đạn pháo tới Ukraine, trong khi Nga vẫn đang vượt xa phương Tây trong việc “xây dựng” thiết bị quân sự.

“Vì vậy, mặc dù mục tiêu của họ là đối phó với Nga từ xa xưa, nhưng có vẻ như chúng ta sẽ đối phó với họ nhanh hơn”, Putin nói. “Họ là những người đang cố gắng tiêu diệt Nga bằng cách sử dụng Ukraine… Đó chính là vấn đề.”

Ông nói thêm: “Nhưng họ sẽ thất bại: điều đó đơn giản là không thể, hoàn toàn không thể xảy ra”.

Putin và các đồng minh của ông đã nhiều lần đe dọa phương Tây bằng hành động trả đũa vì đã hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng, trong suốt cuộc chiến kéo dài 22 tháng.

Vào tháng 2 năm 2023, Putin cảnh báo rằng “những người có kế hoạch đánh bại Nga trên chiến trường không hiểu một cuộc chiến hiện đại với Nga sẽ rất khác”, đồng thời nói thêm rằng Nga có “những cách phản ứng” “sẽ không chỉ bị giới hạn trong phạm vi các xe tăng và xe thiết giáp.”

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tháng trước đã cáo buộc Tổng thống Joe Biden cố gắng “tống tiền trắng trợn” để có thêm viện trợ cho Ukraine, cảnh báo rằng cuộc chiến Nga-Ukraine có thể biến “thành một cuộc khủng hoảng và kết quả là Thế chiến III”.

“Chính quyền Tổng thống Biden và sự nuôi dưỡng đầy sợ hãi của họ chắc chắn sẽ nhận được tiền,” Medvedev nói. “Nếu không phải bây giờ thì trong năm tới, họ sẽ tiếp tục công việc kinh doanh chiến tranh của mình bằng mọi giá. Và vì khối bột này, những dòng máu mới sẽ chảy ra, mà gia đình Tổng thống Biden và đám cặn bã của họ phải chịu trách nhiệm”.

9. Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga dùng gần 300 hỏa tiễn, hơn 200 máy bay không người lái Shahed tấn công Ukraine kể từ 29/12

Kể từ ngày 29/12, Nga đã sử dụng gần 300 hỏa tiễn và hơn 200 máy bay không người lái chiến đấu Shahed để chống lại Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cho biết như trên trong bài phát biểu gởi quốc dân đồng bào hôm thứ Ba 2 Tháng Giêng.

“Cho đến nay, gần một trăm hỏa tiễn các loại đã được phóng và đối phương đã lên kế hoạch cho đường đi của chúng để gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể. Đây là một cuộc khủng bố hoàn toàn có tính toán trước. Và chỉ trong vài ngày qua - từ ngày 29 tháng 12 đến nay - Nga đã sử dụng gần 300 hỏa tiễn và hơn 200 máy bay không người lái 'Shahed' để chống lại Ukraine”, Tổng thống nói.

Theo Tổng thống Zelenskiy, chưa có quốc gia nào khác từng đẩy lùi các cuộc tấn công kết hợp như vậy: cả máy bay không người lái và hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không.

Tổng thống cảm ơn các chiến binh của Lực lượng Không quân Ukraine, các binh sĩ thuộc đội xạ thủ cơ động, xạ thủ phòng không và tất cả những người trên thế giới đã giúp đỡ Ukraine về vũ khí để bảo vệ bầu trời.

Zelenskiy nhấn mạnh: “Thêm nhiều hệ thống phòng không, nhiều hỏa tiễn phòng không hơn là những gì trực tiếp cứu mạng sống.

10. Phần Lan bị tấn công GPS 'chưa từng có'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Nation Hit By 'Unprecedented' GPS Attack”, nghĩa là “Quốc gia NATO bị tấn công GPS 'chưa từng có'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sự nhiễu loạn trong tín hiệu điều hướng GPS hay Hệ thống định vị toàn cầu đã được quan sát thấy ở một số khu vực của Phần Lan, thành viên mới nhất của NATO.

Sự gián đoạn tín hiệu mà phi công cũng như người lái xe gặp phải xảy ra sau những lần nhiễu GPS trước đây làm dấy lên suy đoán về sự liên quan của Nga, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Mạc Tư Khoa đứng sau vụ việc mới nhất.

Cơ quan Giao thông và Truyền thông Phần Lan, gọi tắt là Traficom, cho biết, trục trặc GPS đã được phát hiện ở phía đông và đông nam Phần Lan vào Chúa Nhật, theo hãng tin YLE News của Phần Lan.

Sự gián đoạn được phát hiện trên trang web GPSjam, với quản trị viên John Wiseman mô tả chúng trên X là: “Chưa từng có về số lượng máy bay bị ảnh hưởng và quy mô của khu vực bị ảnh hưởng.”

Trong một tin nhắn tiếp theo, Wiseman cho biết: “Tình hình đã hạ nhiệt trong 24 giờ qua, nhưng vẫn có một số sự can thiệp đáng kể đang xảy ra, điều này thường không thấy ở khu vực này của Phần Lan”.

Giám đốc hàng không Traficom Jari Pöntinen cho biết, nhiễu loạn GPS không ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay vì máy bay được trang bị hệ thống định vị khác.

Pöntinen sẽ không bình luận về việc liệu Nga có liên quan hay không mặc dù ông nói rằng những sự gián đoạn như vậy thường xảy ra gần các khu vực xung đột.

Pöntinen nói: “Đã có những xáo trộn ở Biển Baltic gần Kaliningrad, ở Khu vực Hắc Hải và ở Trung Đông, chẳng hạn như gần Israel”.

Ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, quan chức an toàn hàng không người Pháp Benoît Roturier, nhà lãnh đạo bộ phận điều hướng vệ tinh tại Direction Générale de l'Aviation Civile cho biết Mạc Tư Khoa đứng sau các sự việc gây nhiễu GPS ảnh hưởng đến máy bay trên Phần Lan.

Ông nói với Bloomberg vào tháng 4 năm 2022 rằng mục tiêu khi đó không phải là gây nhiễu hàng không dân dụng mà có thể là tác dụng phụ của việc sử dụng các thiết bị quân sự nhằm bảo vệ quân đội khỏi hỏa tiễn dẫn đường bằng GPS.

Căng thẳng đã gia tăng giữa Helsinki và Mạc Tư Khoa kể từ khi Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023 với việc Helsinki cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng di cư bằng cách đưa người tị nạn đến biên giới của họ - tuyên bố mà Điện Cẩm Linh phủ nhận.

Tuần trước, Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, nói rằng việc Helsinki gia nhập NATO vào tháng 4 khiến Phần Lan dễ bị tổn thương nếu xung đột nổ ra giữa liên minh này và Mạc Tư Khoa.

Trong một tuyên bố với Newsweek, Bộ Ngoại giao Phần Lan đáp lại bình luận của Ulyanov bằng cách nói rằng việc nước này gia nhập liên minh là một phản ứng “đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga và những tác động của nó đối với môi trường an ninh Âu Châu”.

“Hiện tại không có mối đe dọa quân sự trực tiếp nào chống lại Phần Lan. Phần Lan tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine”, tuyên bố nói thêm.
 
20 câu hỏi dành cho ĐHY Fernández về Tuyên ngôn thảm họa Fiducia đang gây chia rẽ Giáo Hội Công Giáo
VietCatholic Media
17:47 03/01/2024


1. Hai mươi câu hỏi dành cho Đức Hồng Y Fernández (và Đức Thánh Cha Phanxicô?)

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ The Catholic Thing, ngài có bài viết nhan đề “Twenty Questions for Cardinal Fernández (and Pope Francis?)”, nghĩa là “Hai mươi câu hỏi dành cho Đức Hồng Y Fernández (và Đức Thánh Cha Phanxicô?)”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đầu năm nay, Đức Hồng Y Daniel Sturla, Tổng Giám mục Montevideo, và Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, lúc đó là Tổng Giám mục La Plata, đã có các Tòa Giám Mục đối diện ở hai bờ một con sông. Giờ đây, hai vị thấy mình đang ở trong những xu hướng đối lập với nhau, vì người trước lo lắng rằng người sau sẽ đẩy Giáo hội vào tình trạng xung đột và hỗn loạn ngay trước lễ Giáng Sinh. “Tôi không nghĩ đây là một chủ đề có thể được đưa ra vào dịp Giáng Sinh,” Đức Hồng Y Sturla nói về Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, là tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc chúc lành cho các cặp “bất hợp lệ” và “đồng giới”. “Quyết định đó đã thu hút sự chú ý của tôi một cách mạnh mẽ, bởi vì đây là một vấn đề gây tranh cãi và nó đang chia rẽ nội bộ Giáo hội.”

Không chỉ Tiber, mà cả ở La Plata.

Hồng Y Fernández và Hồng Y Sturla đều được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong làm tổng giám mục trong năm đầu tiên của ngài, và cả hai vị đều thuộc các tổng giáo phận liền kề với Buenos Aires. Nếu bây giờ Hồng Y Fernandez đã mất đi sự ủng hộ của vị Hồng Y do Đức Thánh Cha Phanxicô phong ở bên kia sông, thì điều đó cho thấy Fiducia Supplicans đã được đón nhận kém đến mức nào. Thế mà, Hồng Y Fernández đã hối hả tăng thêm thảm họa là đẩy toàn bộ Giáo hội vào xung đột và hoang mang về một vấn đề gây tranh cãi chỉ vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, là thời điểm mà tiếng nói tôn giáo được chú ý nhiều hơn trên báo chí thế tục.

Đức Hồng Y Fernández đã có ý áp dụng những hướng dẫn của ngài về cách chúc lành cho “các cặp vợ chồng không hợp lệ” – các cặp sống thử, các “cặp vợ chồng” đa thê, các cặp ngoại tình, các cặp đồng tính, và còn rất nhiều nữa. Hồng Y Fernandez viết hôm thứ Hai 18 Tháng Mười Hai: “Vì vậy, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, sẽ không có phản hồi nào thêm về những cách khả thi để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các phước lành kiểu này”. Nhưng, đến cuối tuần, ngài đã phải trả lời phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha cho The Pillar. Mọi việc đã không diễn ra như kế hoạch. Một trong những người tiền nhiệm của ngài ở Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố Fiducia Supplicans là “tự mâu thuẫn”.

Tại Vatican, vào tuần trước lễ Giáng Sinh - những lời chúc phúc cho người đồng giới được treo cẩn thận bên ống khói, với hy vọng rằng Cha James Martin sẽ sớm có mặt ở đó. Với bụi bặm hiện đã lắng xuống và khiến thế giới phải ghi nhận sự thất vọng của họ, sau đây là một loạt câu hỏi mà Đức Hồng Y Fernández có thể chọn trả lời khi ngài bắt đầu một loạt cuộc phỏng vấn mới để bảo vệ tuyên bố của mình.

Câu hỏi 1: Trong bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật đầu tiên sau khi được bầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự khôn ngoan thần học siêu việt của bà nội, bà ngoại, một chủ đề mà ngài đã quay lại nhiều lần. Sự phân biệt trong tuyên bố của Đức Hồng Y giữa các phước lành “tăng dần” và “giảm dần” có phù hợp với trải nghiệm của những người bà không? Liệu tâm hồn bà có tràn ngập niềm vui Tin Mừng khi hay tin người con rể của bà, là người đã bỏ rơi con gái và các cháu của mình, đã được cha xứ ban phước cùng với cô nhân tình mới không?

Câu hỏi 2: Khi ngài được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha đã viết cho ngài một lá thư cảnh báo ngài chống lại “một nền thần học gắn chặt với bàn làm việc”. Có phải sự phân biệt tinh tế của Fiducia Supplicans – chúc phúc cho “các cặp” chứ không phải là chúc phúc cho “sự kết hợp”- là điều khiến họ trở thành một cặp – là cách mà những người Công Giáo bình thường nhìn nhận sự việc, hay nó giống nhiều hơn với lối ngụy biện trên bàn giấy?

Câu hỏi 3: Fiducia Supplicans tuyên bố là “đổi mới” và “phát triển” trong cách hiểu thần học về phước lành. Những điều mới lạ này “dựa trên tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô”. Phải chăng “tầm nhìn mục vụ” của Đức Thánh Cha hiện nay là một quỹ đạo thần học, tương tự như Kinh thánh, truyền thống và huấn quyền? Liệu một người theo chủ nghĩa tối thượng như vậy còn có thể hiểu được liệu tầm nhìn của giáo hoàng có phù hợp với giáo huấn của Vatican II về giám mục đoàn hay không?

Câu hỏi 4: “Tầm nhìn mục vụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô là gì? Trong bối cảnh Fiducia Supplicans mâu thuẫn với tài liệu Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 2021 về cùng chủ đề, cũng được ban hành với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, làm sao người ta biết được tầm nhìn mục vụ ấy là gì? Hay việc biết đến tầm nhìn mục vụ ấy là một thứ thuyết Ngộ đạo mà Đức Thánh Cha đã không ngừng chỉ trích?

Câu hỏi 5: Fiducia Supplicans hướng dẫn rằng “khi một người xin một phước lành, không nên đặt một phân tích đạo đức toàn diện làm điều kiện tiên quyết để ban phước lành. Vì những người tìm kiếm phước lành không cần phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức trước đó.” Phải chăng theo quan điểm của Bộ Giáo Lý Đức Tin đây là một thực tế phổ biến cần được điều chỉnh? Có ai ở Bộ Giáo Lý Đức Tin đã từng, dù chỉ một lần, chứng kiến một linh mục tiến hành “phân tích đạo đức toàn diện” khi được yêu cầu ban phép lành không? Có linh mục nào, ở bất cứ đâu, từng yêu cầu phải “hoàn thiện về mặt đạo đức” trước khi ban phép lành không? Điều đó thậm chí có thể trông như thế nào? Có thể nào một giáo sĩ rơm đang được tạo ra ở đây?

Câu hỏi 6: Trong cuộc phỏng vấn với Pillar, ngài nói, “Tôi không biết tại thời điểm nào chúng ta đã đề cao cử chỉ mục vụ đơn giản này đến mức chúng ta đánh đồng nó với việc rước lễ. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn đặt ra nhiều điều kiện để được ban phước lành.” Bộ Giáo Lý Đức Tin có biết ai, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào đã “đánh đồng” việc ban phép lành với việc “tiếp nhận Bí tích Thánh Thể” không? Đây có phải là một giáo sĩ rơm khác được tạo ra từ đống cỏ khô của máng cỏ không?

Câu hỏi 7: Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ngài viết rằng, “Một số giám mục đã đề ra các hình thái được nghi thức hóa trong việc chúc lành cho các cặp vợ chồng không hợp lệ, và điều này là không thể chấp nhận được.” Liệu Bộ Giáo Lý Đức Tin có chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Fiducia Supplicans như vậy không, chẳng hạn, giống như Bộ Phụng tự yêu cầu cấp phép cho Thánh lễ Tridentinô được cử hành trong các nhà thờ giáo xứ?

Câu hỏi 8: Fiducia Supplicans trích dẫn Amoris Laetitia rằng “những gì là một phần của việc phân định thực tế trong những hoàn cảnh cụ thể không thể được nâng lên mức độ của một quy luật” bởi vì điều này “sẽ dẫn đến một lối ngụy biện không thể chấp nhận được”. Fiducia Supplicans có ý định thực hiện các phép lành như Amoris Laetitia đã làm khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, tức là việc thực hiện cùng một hành vi lại vừa có thể là thánh thiện lại vừa có thể là tội lỗi, tùy thuộc vào hành vi đó được thực hiện ở đâu? Một hành vi được đánh giá là tội lỗi ở Ba Lan, lại được xem là thánh thiện ở Đức, tội lỗi ở Alberta, nhưng là thánh thiện ở Malta.

Câu hỏi 9: Trong Fiducia Supplicans, ngài viết rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã làm việc về tuyên bố này kể từ trước khi ngài nhậm chức vào tháng 9. Thông tin này có được chia sẻ với các thành viên của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị vào tháng 10, những người đã thảo luận về chính vấn đề này không? Họ có được thông báo rằng ngay cả khi họ quyết định không đề cập đến vấn đề này trong báo cáo cuối cùng của mình thì Bộ Giáo Lý Đức Tin vẫn sẽ mạnh dạn tiến lên không?

Câu hỏi 10: Phải chăng những người quản lý tiến trình Thượng Hội Đồng cho một Giáo hội đồng nghị đã được yêu cầu đừng bận tâm đến việc giải quyết các vấn đề đồng tính trong báo cáo của Thượng Hội Đồng vì Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ giải quyết vấn đề đó bên ngoài tiến trình Thượng Hội Đồng? Phải chăng họ đã chấp nhận loại bỏ các tham chiếu “LGBT” khỏi báo cáo cuối cùng vì biết Bộ Giáo Lý Đức Tin đang lên kế hoạch gì, từ đó đánh lừa các thành viên thượng hội đồng đã đề xuất không?

Câu hỏi 11: Thượng phụ Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất, đã tuyên bố rằng tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin “không có hiệu lực pháp lý đối với các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine” vì nó không tính đến giáo luật, phụng vụ phương đông hoặc sự hiểu biết thần học của riêng họ về phước lành. Bộ Giáo Lý Đức Tin có nhận thức được rằng hướng dẫn của mình hoàn toàn mâu thuẫn với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine dạy rằng “việc ban phép lành của một linh mục hoặc giám mục là một cử chỉ phụng vụ không thể tách rời khỏi phần còn lại của nội dung các nghi thức phụng vụ và không thể giản lược cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của lòng đạo đức riêng tư “?

Câu hỏi 12: Với di sản Byzantine được chia sẻ ở phía đông, Bộ Giáo Lý Đức Tin có xem xét ý nghĩa đại kết của việc ban phép lành xem có thể mâu thuẫn với sự hiểu biết và thực hành của các Giáo hội Chính thống không?

Câu hỏi 13: Một số hội đồng giám mục Phi Châu đã bác bỏ giáo huấn trong Fiducia Supplicans. Thật vậy, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo của Kinshasa, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, đã viết cho các giám mục anh em của mình rằng, “với tư cách là những mục tử của Giáo hội ở Phi Châu, chúng ta có nhiệm vụ phải đưa ra sự minh bạch trong suốt về vấn đề này”. Ngài đề xuất rằng các giám mục Phi Châu đưa ra “sự hướng dẫn dứt khoát cho cộng đồng Kitô hữu của chúng ta” bằng cách “soạn thảo một tuyên bố chung duy nhất của hội đồng”. Có giám mục cao cấp nào của Phi Châu đã được hỏi ý kiến, theo tinh thần đồng nghị, trước khi Fiducia Supplicans được ban hành không?

Câu hỏi 14: Đức Hồng Y Ambongo là thành viên của Hội đồng Hồng Y, nhóm cố vấn nội bộ của Đức Thánh Cha. Hội đồng đã họp tại Rôma vào tháng 12, chỉ vài tuần trước khi Fiducia Supplicans được ban hành. Đức Hồng Y Ambongo có được hỏi ý kiến khi ngài ở Rôma không? Bộ Giáo Lý Đức Tin có hỏi quan điểm của ngài không?

Câu hỏi 15: Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định, sau khi Đức Hồng Y Robert Sarah nghỉ hưu và Đức Hồng Y Peter Turkson bị cách chức, rằng không có các giám mục giáo triều nào đến từ Phi Châu nữa. Liệu Fiducia Supplicans có khác đi không nếu nhóm các giám mục giáo triều hiện tại mang tính đại diện và toàn diện hơn?

Câu hỏi 16: Trong một cuộc phỏng vấn gần đây khác, ngài đã nói về Phi Châu, nơi “có luật trừng phạt đến mức bỏ tù những ai chỉ cần tuyên bố mình là người đồng tính, hãy tưởng tượng như thế thì một phước lành sẽ làm được gì.” Bộ Giáo Lý Đức Tin có xem xét tác động ở Phi Châu của Fiducia Supplicans, rằng có lẽ bạo lực chống Kitô giáo gây chết người có thể gia tăng do dân chúng nhận ra sự chấp thuận của Giáo Hội đối với các kết hiệp đồng giới không? Nếu một giám mục Phi Châu thận trọng không thực hiện Fiducia Supplicans vì các hình phạt dân sự đối với người đồng tính, thì liệu Bộ Giáo Lý Đức Tin có thiếu thận trọng không khi tạo ra ấn tượng toàn cầu rằng Giáo Hội Công Giáo hiện chấp thuận các kết hợp tính dục đồng giới? Hơn 4000 Kitô hữu đã bị giết chỉ riêng ở Nigeria trong năm nay, với khoảng 150 người bị giết vào dịp Giáng Sinh.

Câu hỏi 17: Hiệp thông Anh giáo đã thực sự kết thúc vào năm nay, với việc các Giám Mục đại diện cho hơn 80% người Anh giáo không còn công nhận Tổng Giám mục Canterbury là “công cụ của hiệp thông”. Nguyên nhân gần nhất của sự tan rã là do sự ban phước cho các cặp đồng giới. Phải chăng Bộ Giáo Lý Đức Tin tự tin rằng những hậu quả thảm khốc đối với người Anh giáo sẽ không thể vang vọng trong Giáo Hội Công Giáo?

Câu hỏi 18: Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu sứ vụ Phêrô với ước mơ về một “Giáo hội nghèo dành cho người nghèo”. Có Giáo hội nghèo nào yêu cầu cung cấp Fiducia Supplicans không? Ngược lại, có thể coi Fiducia Supplicans là loại việc mà một Giáo hội giàu có sẽ làm cho người giàu, như người ta có thể thấy ở khu West Side của Manhattan hoặc ở Đức, nơi Giáo hội địa phương giàu có nhất thế giới?

Câu hỏi 19: Ngài đã thông báo rằng ngài sẽ đến Đức để giải quyết một số vấn đề khó khăn do “Tiến Trình Công Nghị” của Đức gây ra, vốn đã bị Vatican nhiều lần lên án. Ngài có nghĩ rằng Fiducia Supplicans sẽ truyền cảm hứng cho người Đức thay đổi đường lối của họ, hay ngược lại càng trở nên bướng bỉnh hơn, khi kỳ vọng rằng như Đức Thánh Cha đã đảo ngược chính mình trong Fiducia Supplicans, thì ngài cũng sẽ đảo ngược chính mình đối với Tiến trình Công Nghị nói chung?

Câu hỏi 20: Trước khi ngài được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo lý năm nay, Đức Hồng Y Eduardo Pironio được kể là người Á Căn Đình nổi bật nhất phục vụ trong Giáo triều Rôma từ những năm 1970 đến 1990. Ngài đã được phong chân phước hai ngày trước khi Đức Hồng Y công bố Fiducia Supplicans. Đức Hồng Y có lấy ngài làm hình mẫu cho việc phục vụ của mình trong Giáo triều Rôma không? Lần sau về thăm nhà, khi đến thăm di tích của ngài, Đức Hồng Y có nghĩ rằng ngài sẽ ban phước lành cho công việc của Đức Hồng Y không, và ngài có nên tự phát xin chúc lành không? Ngài có thể cầu nguyện trước thánh tích với Đức Hồng Y Sturla của Montevideo không?

Source:The Catholic Thing

2. Đây là nơi Kitô hữu tiếp tục đối mặt với bách hại vào năm 2023

Kitô hữu đã bị các nhóm đối nghịch bắt bớ kể từ thời các thánh Tông Đồ, và ở nhiều nơi trên thế giới, Kitô hữu tiếp tục phải đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu từ các chính phủ và các thực thể khác.

Vào ngày 26 tháng 12 lễ Thánh Stêphanô, vị tử đạo Kitô giáo đầu tiên qua đời vào khoảng năm 34 sau Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Kinh Truyền Tin rằng “2.000 năm sau, thật không may, chúng ta thấy rằng cuộc đàn áp vẫn tiếp tục”.

“Vẫn còn những người đó, và có rất nhiều người trong số họ, chịu đau khổ và chết để làm chứng cho Chúa Giêsu, cũng như có những người bị bách hại ở nhiều cấp độ khác nhau vì hành động phù hợp với Tin Mừng, và những người hãy cố gắng mỗi ngày để trung thành, không ngần ngại, với những bổn phận tốt đẹp của mình, trong khi thế giới chế nhạo và rao giảng điều ngược lại”, Đức Thánh Cha nói.

Theo nhiều báo cáo, tự do tôn giáo đang bị thu hẹp trên toàn cầu. Một báo cáo từ nhóm giám sát Open Doors cho thấy cuộc đàn áp Kitô hữu đang ở mức cao nhất trong ba thập kỷ. Nó phát hiện ra rằng một số địa điểm tồi tệ nhất đối với Kitô hữu là Bắc Bắc Hàn, Somalia, Yemen, Eritrea, Libya, Nigeria, Pakistan, Iran, Sudan và Ấn Độ.

Một báo cáo tháng 6 của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho thấy hơn một nửa dân số thế giới sống ở một số quốc gia đang bị đàn áp tôn giáo nghiêm trọng, từ chính phủ hoặc các tổ chức khác. Những kẻ phạm tội tồi tệ nhất bao gồm Nigeria, Pakistan, Afghanistan, Somalia, Ả Rập Saudi và Bắc Bắc Hàn, cùng những quốc gia khác.

Tại 23 trong số 28 quốc gia được liệt kê vào danh mục “đỏ”, phân loại tồi tệ nhất về đàn áp tôn giáo, tình hình trở nên tồi tệ hơn so với báo cáo trước đó.

Dưới đây là bốn ví dụ điển hình về các quốc gia mà Kitô hữu phải đối mặt với cuộc đàn áp tàn khốc vào năm 2023:

Nigeria

Xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Nigeria đã khiến đất nước này trở thành một trong những khu vực nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu trên thế giới. Cuối tuần lễ Giáng Sinh, gần 200 Kitô hữu đã thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố ở bang Plateau của Nigeria.

Thống đốc Plateau Caleb Mutfwang cho biết trong một tuyên bố sau các vụ tấn công: “Chúng tôi có không dưới 17 cộng đồng đã bị những tên cướp và tội phạm này tấn công và đánh sập hoàn toàn”.

Mutfwang nói thêm: “Đó là một Giáng Sinh rất kinh hoàng đối với chúng tôi ở Plateau. “Đợt tấn công đặc biệt này được phối hợp nhịp nhàng với vũ khí hạng nặng.”

Chỉ ba tháng trước đó, vào tháng 9, những kẻ khủng bố đã bắt cóc một mục sư Tin lành và hơn 80 Kitô hữu khác trong các cuộc tấn công vào hai nhà thờ riêng biệt. Một trong những nhà thờ nằm ở phía tây bắc Nigeria và nhà thờ còn lại ở phía bắc miền trung Nigeria.

Hơn 5.000 Kitô hữu đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công ở Nigeria trong suốt năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, nhưng vẫn chưa có con số đầy đủ về những người thiệt mạng vào năm 2023.

Lybia

Việc rao giảng Kitô giáo ở Libya, đặc biệt là khuyến khích người Hồi giáo chuyển sang Kitô giáo, vẫn có thể khiến Kitô hữu phải vào tù ở Libya và nhiều quốc gia có đa số người theo đạo Hồi khác. Vào tháng 4, sáu người Libya, hai người Mỹ và một người Pakistan đã bị bắt ở Libya vì rao giảng Kitô giáo.

Một tuyên bố từ Cơ quan An ninh Nội bộ Lybia cáo buộc các nhà truyền giáo như sau: “Tấn công tôn giáo chân chính của chúng tôi không khác gì các hành động cực đoan và khủng bố, và thông qua giám sát và điều tra, cơ quan này đã theo dõi sự gia tăng các hoạt động thù địch với Hồi giáo chân chính, nhắm vào giới trẻ của chúng tôi thuộc cả hai giới”.

Mozambique

Các báo cáo từ Mozambique cho thấy các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã bắt phụ nữ theo Kitô giáo làm nô lệ tình dục và buộc họ phải chuyển sang đạo Hồi. Những kẻ khủng bố cũng đang giết hại một số người từ chối chuyển sang Hồi Giáo.

Nicaragua

Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega đã đàn áp một cách có hệ thống Giáo Hội Công Giáo bằng cách đóng cửa các trường học Công Giáo và các phương tiện truyền thông Công Giáo. Chế độ cũng đã bắt giữ các thành viên của hàng giáo sĩ.

Vào tháng 12, ngay sau lễ Giáng Sinh, chính phủ đã bắt giữ bốn linh mục Công Giáo. Nhìn chung, chế độ độc tài đã bắt giữ hơn một chục linh mục, trong đó có Giám mục Rolando José Álvarez, người vẫn đang bị giam giữ.

3. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Giới trẻ Kitô Âu châu

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giới trẻ Kitô Âu châu xây dựng một thế giới mới, khác với thế giới hiện nay, nơi mà bạo lực ngày càng bành trướng với bao nhiêu xung đột và chiến tranh.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến 5.000 bạn trẻ Kitô Âu châu, đang tham dự cuộc gặp gỡ lần thứ 46 do Tu viện Đại kết Taizé tổ chức, từ ngày 28 tháng Mười Hai đến ngày 01 tháng Giêng năm tới, 2024, tại Ljubljana, thủ đô cộng hòa Slovenia. Các bạn trẻ đến từ 48 nước và thuộc các hệ phái Kitô khác nhau: Công Giáo, Chính thống, Tin lành, Anh giáo.

Phần lớn họ được trú ngụ trong các gia đình hoặc tại hội trường của 48 giáo xứ ở địa phương, nơi họ nguyện kinh ban sáng. Ban chiều, các bạn trẻ tập họp tại hội trường thể thao Arena Stozice ở Ljubljana để cầu nguyện, suy niệm và hát thánh ca.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Các bạn thân mến, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy tiếng động, trong đó các giá trị của thinh lặng và lắng nghe bị bóp nghẹt. Trong bối cảnh ấy, tôi mời gọi các bạn hãy tái khám phá chiều kích sâu rộng của sự lắng nghe. Lắng nghe là một hành động yêu thương. Nó ở trọng tâm niềm tin tưởng. Nếu không lắng nghe thì ít những gì có thể tăng trưởng hoặc phát triển. Lắng nghe giúp dành chỗ cần thiết cho người khác để hiện hữu. Chúng ta thường có cảm tưởng người nào kêu to nhất thì đáng được nghe. Rất tiếc là ngày nay bạo lực càng bành trướng. Chúng ta sống trong một thời kỳ khó khăn với những xung đột và chiến tranh rải rác trên thế giới, vì không ai lắng nghe nữa. Tôi khuyên các bạn hãy dám xây dựng một thế giới khác, trong một thế giới lắng nghe, đối thoại và cởi mở, “trình bày những giấc mơ khác mà thế giới này không cống hiến, làm chứng về vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, thanh khiết, can đảm, tha thứ, trung thành với ơn gọi, cầu nguyện, chiến đấu cho công lý và công ích, yêu thương người nghèo, tình bạn xã hội” (Christus vivit, n.36).

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến đề tài cuộc gặp gỡ hiện nay ở Ljubljana là “cùng tiến bước”, để cải tiến phẩm chất của cuộc sống trong xã hội, cản trở sự gạt ra ngoài ra, khép kín, loại trừ và bãi bỏ một lớp người. Ngài viết: “Các bạn hãy trở thành những người bắc cầu giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo để đạt được một thế giới bền vững và cởi mở. Chúng ta phải dấn thân sống như Thầy và Chúa Giêsu của chúng ta, Đấng không loại trừ ai khỏi con đường của Ngài”.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Hồng Y Burke giữa tranh cãi về tiền lương và nhà ở

Vatican cho biết hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Raymond Burke, vài tuần sau khi có một loạt tranh cãi được đưa tin liên quan đến giáo hoàng và vị giám mục 75 tuổi sinh ra ở Mỹ.

Một thông cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đề cập ngắn gọn rằng Đức Giáo Hoàng đã gặp Đức Hồng Y Burke trong một buổi tiếp kiến vào sáng thứ Sáu. Không có lý do nào được đưa ra cho cuộc họp cũng như thông tin chi tiết về cuộc tiếp kiến cũng không được văn phòng báo chí chia sẻ.

Đức Hồng Y hôm thứ Sáu đã từ chối bình luận về cuộc họp. Cuộc họp diễn ra vài tuần sau khi có báo cáo cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tước bỏ các đặc quyền về nhà ở và tiền lương ở Vatican của Đức Hồng Y Burke, trong đó Đức Thánh Cha được cho là đã tuyên bố rằng Đức Hồng Y Burke là nguồn gốc của “sự mất đoàn kết” trong Giáo hội và rằng ngài đang sử dụng các đặc quyền dành cho các Hồng Y đã nghỉ hưu để chống lại Giáo Hội.

Vào cuối tháng 11, Đức Phanxicô đã xác nhận rằng ngài đang có kế hoạch lấy đi căn nhà và tiền lương của vị Hồng Y. Đức Thánh Cha vào thời điểm đó được cho là đã phủ nhận việc ngài gọi Đức Hồng Y Burke là “kẻ thù” của mình.

Người viết tiểu sử về Giáo hoàng Austen Ivereigh đã viết vào cuối tháng 11 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ông rằng tin tức liên quan đến Đức Hồng Y Burke không phải là một thông báo công khai mà là nó đã bị rò rỉ cho báo chí.

Đức Hồng Y Burke được biết đến với những chỉ trích liên quan đến một số quyết định và chỉ thị của Đức Phanxicô. Vào năm 2021, Đức Hồng Y đã đưa ra một tuyên bố 19 điểm liên quan đến tự sắc Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó Đức Hồng Y Burke gọi những hạn chế của Tòa thánh đối với Thánh lễ Latinh truyền thống là “nghiêm khắc và mang tính cách mạng” và đặt câu hỏi về thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong việc thu hồi việc sử dụng nghi thức này.

Đức Hồng Y Burke cũng nằm trong số năm vị Hồng Y đã gửi một danh sách các nghi vấn đến Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan ngại và tìm cách làm sáng tỏ các quan điểm về giáo lý và kỷ luật trước Thượng hội đồng tháng 10 về tính đồng nghị tại Vatican.

Các vị Hồng Y đã đệ trình một phiên bản dubia trước đó cho Đức Phanxicô vào tháng 7, nhưng Đức Thánh Cha đã trả lời bằng những câu trả lời đầy đủ thay vì theo hình thức thông thường là trả lời “có” và “không”, điều này đã khiến các Hồng Y phải gửi yêu cầu sửa đổi để làm rõ. Vào thời điểm đó, các ngài nói: “Các câu trả lời “không giải quyết được những nghi ngờ mà chúng tôi đã nêu ra, nhưng nếu có thì đã làm chúng sâu sắc hơn”.

Đức Hồng Y Burke sau đó nhấn mạnh rằng dubia không nhằm mục đích tấn công chính Đức Phanxicô, nói rằng các câu hỏi chỉ liên quan đến “tín lý và kỷ luật lâu đời của Giáo hội, chứ không phải chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng”.


Source:Catholic News Agency