Ngày 04-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 05/01: Đức Tin có là nhờ kinh nghiệm gặp gỡ – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:53 04/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,

Khi ấy, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” Đức Giê-su đá: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:30 04/01/2024

33. Người vâng lời vì khiêm tốn thì không có việc gì khó; người vì lương thiện thì không có chuyện gì khổ.

(Thánh Leo Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vẫn thờ Chúa và vẫn giết Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
03:34 04/01/2024

VẪN THỜ CHÚA VÀ VẪN GIẾT CHÚA
LỄ HIỂN LINH 2023

Không sợ Thiên Chúa chối bỏ, chỉ sợ con người bưng tai bịt mắt để khỏi nhận ra Thiên Chúa mà thôi. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa vẫn chỉ một đường lối, đó là trung thành ngỏ lời với con người.

Chúa sử dụng mọi cách thức, mọi hoàn cảnh, mọi chiều kích để thế giới này, vũ trụ này nói chung và nơi cuộc đời của từng người nói riêng, ghi đậm dấu ấn lòng thương xót của Chúa.

Thiên Chúa luôn tìm cách để gần gũi, để nên một với con người. Vì thế, Thiên Chúa không ngừng yêu thương tỏ mình cho con nguời. Chính Chúa Kitô là bằng chứng lớn lao cho tình yêu ấy.

Về phía con người, lẽ ra phải khát khao, phải vui mừng đón nhận, và đón nhận bằng tất cả niềm hạnh phúc của một thụ tạo được Đấng Tạo Hóa cúi xuống đoái thương, thì ngược lại, họ lại phản bội, lại ghanh ghét, chối từ, lắm lúc muốn thay quyền Thiên Chúa...

Càng là những người nắm quyền hành, mang bộ mặt đạo đức, lại có thể càng là kẻ kiêu ngạo, có khi lại là kẻ chống đối Thiên Chúa.
Ngày Chúa Giêsu giáng sinh, qua thiên thần, Chúa tỏ mình cho các mục đồng. Những người bị coi là thấp bé này, mở lòng đón nhận mạc khải của Chúa. Còn các đạo sĩ ngoại giáo, chỉ bằng ánh sao lạ trên bầu trời phương Đông, Chúa đã ngỏ lời với họ. Các đạo sĩ chân thành đón nhận mạc khải. Bởi vậy, những tâm hồn đơn hèn, khiêm nhu của các mục đồng, của các đạo sĩ hạnh phúc nhiều vì là những người đầu tiên đón nhận Tin mừng Giáng sinh.

Trong khi để ngỏ lời với Hêrôđê và cả thành thánh Giêrusalem, thì không phải chỉ là ánh sao, nhưng "thế giá" bội phần. Bởi tỏ mình qua ánh sao, dù có lạ, có sáng đến đâu, trước sau vẫn chỉ là ánh sao.

Hoàng triều Hêrôđê và Giêrusalem được Thiên Chúa gởi chính con người là bản thân các đạo sĩ mang theo Tin mừng Giáng sinh để ngỏ lời, đồng thời lời Kinh Thánh lại được mở ra: "Hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi, vị lãnh tụ chăn dắt Israen dân Ta sẽ ra đời" (Mk 5, 2; 2 Sm 5, 2; Mt 2, 6). Chúa dành cho Hêrôđê và Giêrusalem vị trí quan trọng trong việc mạc khải mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài.

Thiên Chúa vẫn trung thành và mãi mãi trung thành, dù con người có khép lòng mình lại, khép rất chặt, Thiên Chúa vẫn yêu thương mời gọi, vẫn kiên nhẫn đợi chờ, vẫn tha thiết lấp đầy khát vọng của họ bằng chính sự hiến thân của mình, trao ban chính mình làm gia nghiệp đời đời của họ.

Đáng tiếc cho Hêrôđê và những kẻ thuộc về ông! Tất cả đã không một chút mảy may muốn mở lòng để nhận ra Thiên Chúa đang ngỏ với mình.

Thật chua chát, bởi Hêrôđê và quần thần không là kẻ ngoại, không ở xa xôi, hẻo lánh, tận trời Đông nào, lại ở rất gần nơi Đấng làm người vừa giáng sinh.

Họ không nghèo, không dốt nát như các mục đồng, nhưng đầy đủ phương tiện: nguồn Kinh Thánh nắm trong tay; những nhà thông luật và hiểu biết Kinh Thánh luôn vây quanh, sẵn sàng giải thích Kinh Thánh; phương tiện vật chất có thừa..., lại trở nên những tâm hồn chết lạnh vì thiếu vắng Thiên Chúa.

Hóa ra cái giàu của hoàng triều Hêrôđê lại chính là cái nghèo, nghèo không thể tưởng, ngèo đến mức trần trụi, đáng thương.

Họ chỉ có mỗi bản thân của mình mà thôi.

Ích kỷ đến thế làm sao có thể gặp Thiên Chúa, Đấng chỉ có yêu và xả thân vì yêu.

Ích kỷ đến thế, vì thế cũng độc ác không vừa. Không những ông đóng chặt cửa lòng trước tin vui Chúa Cứu Thế giáng trần, mà còn sợ Ngài tranh giành ngai vàng của ông, đến nỗi thẳng tay thanh trừng sự sống của Ngài.

Không có Thiên Chúa trong lòng mình, không có bất cứ điều gì người ta không dám làm, dù tàn nhẫn đến đâu. Thực tế dù không thể giết Thiên Chúa làm người, Hêrôđê đã giết chết vô vàn trẻ sơ sinh Dothái.

Thế giới vẫn đầy người học rộng, nghiêng cứu giỏi, hoạt bát, tinh ranh… Không thiếu triết gia lý luận sắc bén, người vô thần có quyền to lộng đẹp, chánh trị gia lãnh nhiều chức tước tha hồ thao túng trong bàn tay sắt, nhiều nhà khoa học giỏi, nhiều kẻ thành đạt trong nhung lụa, nhiều kẻ đỗ đạt hết bằng cấp này đến bằng cấp khác… Họ được thế gian coi là xuất chúng, uyên thâm...

Nhưng họ thuộc nòi giống Hêrôđê. Có mấy ai trong họ nhìn thấy ánh sáng từ trời cao chiếu soi cõi lòng. Có mấy ai trong họ nhìn thấy bất cứ một ánh sáng nào của lòng tin, của con đường về hạnh phúc trường cửu...

Dòng dõi Hêrôđê kiêu ngạo, muôn đời vẫn không tìm thấy Thiên Chúa, vẫn sống trong u tối, vẫn là kẻ ngu dốt dù họ đầy những tri thức thực nghệm…

Hãy khiêm nhường như Đạo Sĩ. Xin Chúa ban tình yêu nồng nàn, đức tin đơn sơ, cõi lòng mềm dẻo sẵn sàng để Chúa uốn nắn thành người tha thiết tìm Chúa qua mọi thời gian sống, nơi mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của đời mình.

Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của kẻ đơn sơ, tâm thành, hướng thiện. Ba Đạo Sĩ cúi mình bước vào hang đá kính thờ Hài Nhi không ngai vàng, không quyền lực, nghèo đến nỗi sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ… Nhưng họ có tình yêu, lòng sốt mến, sự chân thành. Họ gặp Đấng là Thiên Chúa của lòng họ.

Chỉ có thiện tâm mới có thể gặp Thiên Chúa, Chân Lý trường tồn của đời người...!

Kẻ không có thiện tâm, dù có tuyên xưng mình thờ Chúa vạn lần, vẫn là kẻ giết Chúa!...

Thờ Chúa và vẫn giết Chúa, tưởng chừng là điều mâu thuẫn, khó nghe. Nhưng nếu cứ mãi đuổi theo lối sống Hêrôđê, điều khó hiểu ấy lại là sự thật!
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:35 04/01/2024
44. NGUYÊN SOÁI SỢ GIÁNG CHỨC

Có một nguyên soái nọ họ Lý, có tên học trò rất nịnh nguyên soái luôn làm thơ để tặng.

Vì nguyên soái họ Lý, nên anh học trò này liên tục nghĩ đến viên tướng nổi tiếng đời Hán là Lý Quảng, hắn ta nghĩ đem Lý nguyên soái và Lý Quảng gộp lại thì sao lại không được đề bạt chứ lên chức chứ, bởi vì trong thơ có rất nhiều câu này: “Hoàng kim hợp đúc Lý tướng quân” (phải nói là “dùng hoàng kim đúc tượng Lý tướng quân” mới đúng).

Không ngờ Lý nguyên soái nghe xong thì giận đùng đùng ra lệnh nằm dưới trướng và đánh cho một trận. Tên học trò một mực kêu oan, Lý nguyên soái giận dữ nói:

- “Năm nay ta mới được phong làm nguyên soái, mà mày lại muốn cho ta bị giáng chức nên đúc tượng, không đánh mày thì đánh ai nữa chứ?

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 44:

Chức quyền của thế gian thì người thế gian ai cũng thích, bởi vì có quyền thế thì tiếng nói của mình mới có giá trị, có địa vị thì uy quyền của mình mới được củng cố, do đó mà ai ai cũng thích tìm cho mình có địa vị trong xã hội.

Cái khổ nhất của người có địa vị cao trong xã hội là không biết lúc nào mình bị giáng chức, bị hạ bệ, bị cho về vườn, bởi vì quyền cao chức trọng của thế gian chỉ là những vòng xiếng xích trói buộc con người ta vào bể khổ mà thôi. Làm tổng thống cũng chỉ có bốn năm, giỏi lắm thì cũng chỉ có tám năm rồi về vườn; làm bề trên thì cũng chỉ có bốn năm, mà có được tín nhiệm thì cũng thêm một hai nhiệm kỳ là cùng, bởi vì không có chức vụ địa vị nào ở thế gian này là đời đời cả…

Nhưng địa vị làm con Thiên Chúa thì đời đời, không sợ bị về vườn, không sợ bị giáng chức, không sợ bị người khác giành giựt, bởi vì ấn tín của bí tích Rửa Tội sẽ đời đời trong linh hồn của chúng ta, ấn tín này được Đức Chúa Thánh Thần bảo chứng và ân sủng của Đức Chúa Ki-tô làm cho thêm dồi dào tốt đẹp, ngày càng có giá trị hơn, không những trước mặt Thiên Chúa mà còn có giá trị trước mặt thiên hạ.

Địa vị làm con Thiên Chúa rất là cao quý, cao quý hơn làm tổng thống, thủ tướng hay chủ tịch, bởi vì chỉ có làm con Thiên Chúa thì người Ki-tô hữu mới được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Ki-tô, tức là trở nên bạn hữu và môn đệ của Ngài.

Tôi là người con của Thiên Chúa và là bạn hữu của Đức Chúa Ki-tô, địa vị của tôi rất cao quý, nhưng tôi có trung tín và hãnh diện với địa vị này hay không, bởi vì có rất nhiều lúc tôi đã đem tội lỗi bôi trét làm cho địa vị làm con Thiên Chúa của tôi trở nên xấu xí như ma quỷ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Những dạng thức tỏ mình của Thiên Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:39 04/01/2024

LỄ HIỂN LINH
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
NHỮNG DẠNG THỨC TỎ MÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Hôm nay, chúng ta long trọng cử hành lễ Hiển Linh. Từ cổ xưa, lễ này được gọi là “Lễ Ánh Sáng” hay “Lễ Ba Vua;” Trong tiếng Hy Lạp lễ Hiển Linh được gọi là Epifania, có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình, hay bày tỏ vinh quang cho loài người. Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về những con đường hay những hình thức Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta:

1. Thiên Chúa tỏ mình qua công trình tạo thành

Thiên Chúa tỏ mình ra qua công trình của Người, đó là công trình tạo thành. Chúng ta có thể nhận biết quyền năng và vinh quang Thiên Chúa qua công trình tạo dựng. Quả thế, thiên nhiên là cuốn sách không ngừng nói về Thiên Chúa:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới.
Đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19,2.3).

Vũ trụ này là kiệt tác của Thiên Chúa. Nhìn ngắm công trình Tạo Hóa, khiến phàm nhân phải tắc lưỡi:
“Non kia ai đắp mà cao
Sông kia ai bới ai đào mà sâu.
Mặt trời sáng chói trăng sao.
Ai khôn đem dán nơi cao chín tầng.
Bò dê và các thú rừng,
Chim bay cá lội vẫy vùng đó đây,
Cỏ cây bông trái tùy thời.
Ai là kẻ có biệt tài dựng nên?
Thưa rằng ấy chính Hoàng Thiên,
Gọi là Tạo Hóa, chính tên Chúa Trời.”

Bởi thế, Newton, một nhà thiên văn vĩ đại, khi nghiên cứu các hành tinh đã quả quyết: “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi.”

Hơn nữa, thiên nhiên là cuốn sách sống động không ngừng nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi loài. Mỗi tạo vật dù là nhỏ bé đều là đối tượng được Thiên Chúa quan phòng che chở. Văn hào Dante cho rằng: “Tình yêu Thiên Chúa làm chuyển động mặt trời và các ngôi sao.”

Thế giới này là món quà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để giúp chúng ta sống tốt và sống hạnh phúc. Đồng thời, Thiên Chúa trao phó cho con người có trách nhiểm bảo vệ, gìn giữ và phát triển công trình tạo thành. Môi trường là ngôi nhà chung của mỗi người. Mẹ trái đất bao bọc và nuôi dưỡng chúng ta. Nếu hủy hoại môi trường là hủy hoại con người. Môi trường sống, con người sống; môi trường chết, con người sẽ chết.

Gần đây, chúng ta chứng kiến thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, đã làm cho người dân Miền Trung phải điêu đứng. Đó là hậu quả của tội phá hoại môi trường và cái giá quá đắt của chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá!

Trước vấn đề ô nhiễm môi trường, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết trong Thông Điệp Laudato Sí rằng:
“Tội chống lại tự nhiên cũng là tội chống lại chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.”

Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát triển môi trường thiên nhiên luôn xanh sạch đẹp theo chương trình của Thiên Chúa.

Như thế, qua cuốn sách này, Thiên Chúa bày tỏ vẻ đẹp, quyền năng và sự khôn ngoan của Người. Nhờ đó, chúng ta nhận biết có Thiên Chúa hiện hữu, quan phòng và tài tình xếp đặt mọi thứ được trật tự và ổn định hài hòa.

2. Thiên Chúa tỏ mình qua Lời

Thiên Chúa còn bày tỏ chính mình cho chúng ta biết qua Lời Chúa, tức là qua Kinh Thánh. Lời Chúa chứa đựng trong Kinh Thánh, được các tác giả Kinh Thánh chép lại bằng ngôn ngữ loài người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là Lời Thiên Chúa nói với con người qua các tiên tri và các tác giả Sách Thánh. Tác giả thư Hípri quả quyết:
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Hr 1,1).

Cũng như đối với con người, qua lời nói ta biết được ý muốn, suy nghĩ, tâm tình của người nói. Cũng thế, Kinh Thánh là cuốn sách mạc khải cho chúng ta biết về chính Thiên Chúa là ai, về ý muốn và tư tưởng của Người. Lời Chúa mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, về con người và thế giới. Lời Chúa còn có vai trò hướng dẫn đời sống mỗi người chúng ta, như Thánh Vịnh nói:
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

Bởi thế, khi cử hành phụng vụ, chúng ta đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa. Lời Chúa là lương thực tâm linh nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Lời Chúa mang lại sự sống đời đời. Nên chúng ta cần phải học hỏi Kinh Thánh để hiểu biết về Thiên Chúa. Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô, như thánh Giêrônimô quả quyết.

3. Thiên Chúa tỏ mình qua Ngôi Lời

Con đường thứ ba, Thiên Chúa tỏ mình qua Người Con là Ngôi Lời nhập thể. Đây là sự tỏ mình, sự mạc khải lớn nhất!

Thư gửi tín hữu Hípri đã có những lời đầy ý nghĩa về mạc khải này:
“Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Hr 1,2-3).

Theo đó, Con Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta. Thiên Chúa vô hình trở thành hữu hình. Ngôi Lời tiền hữu đã đi vào lịch sử. Biến cố này gây ngạc nhiên, làm “xôn xao” vũ trụ và khắp nơi. Thiên Chúa bày tỏ mình qua Người Con là Đức Giêsu. Việc Con Chúa sinh ra là sự hiển linh vĩ đại cho loài người. Thánh Phaolô nói:
“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15).

Sau này, chính Chúa Giêsu quả quyết:
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9),
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

Người là ánh sáng huy hoàng bừng lên chiếu rọi những ai ngồi trong bóng tối (x. Is 60,1-6). Cho nên, biến cố Nhập Thể hay Giáng Sinh là biến cố Thiên Chúa hiển linh, nơi đó Thiên Chúa tỏ mình cho hết mọi người, cho người Do Thái cũng như dân ngoại, cho người cao trọng cũng như người mọn hèn.

Vì thế, mừng biến cố Con Chúa giáng sinh và hiển linh, chúng ta được mời luôn biết tìm kiếm Thiên Chúa qua ba con đường mà Người đã mở ra cho chúng ta. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Kho tàng vô tận
Lm. Minh Anh
14:25 04/01/2024

KHO TÀNG VÔ TẬN
“Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp!”.

Một phụ nữ gặp lại một người bạn của cha cô. Cô rất vui khi kể cho ông nghe về niềm tin của cha mình cũng như cách cha cô đối mặt với đau khổ, thử thách; thậm chí, cái chết. Tuy nhiên, người bạn của cha cô dường như đã sống một cuộc sống khác. Ông cống hiến cho việc tích trữ từng xu và đã rất giàu có; nhưng ông không lạc quan về tương lai như bạn mình. Ông giải thích, “Cha cô có thể lạc quan về thiên đàng chỉ vì một lý do rất đơn giản. Anh ấy đang đi đến kho tàng vô tận của mình. Còn tôi, tôi rời nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một ‘kho tàng vô tận’ mà Philliphê tiết lộ cho Nathanael. Là một người bạn chân chính, Philliphê muốn chia sẻ kho tàng vừa khám phá được, kho tàng Giêsu, “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp!”.

Philliphê nóng lòng chia sẻ Giêsu cho người khác, để kho báu ân sủng cũng đến được với họ. Không ai có thể lấp đầy trái tim con người bằng hạnh phúc và bình an ngoài Giêsu. Trải nghiệm tình yêu, sự bình an và phúc lành của Ngài trong cuộc sống, chúng ta không thể không háo hức thông chia Ngài. Sự nôn nả muốn chia sẻ với người khác ‘kho tàng vô tận’ Giêsu là nguồn cội của mọi ơn gọi tông đồ Kitô!

Ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, Chúa Giêsu bảo chúng ta ra khơi thả lưới. Khi làm vậy, Ngài đang nói với bạn và tôi rằng, “Con hãy trở thành những tay ‘lưới người như lưới cá!’”, vì nhân loại trên thế giới đang rất cần Thiên Chúa, khát khao thoả mãn thiêng liêng, khát khao sự thật và hạnh phúc. Tất cả những điều này chỉ có thể được thoả mãn bởi Chúa Kitô. “Hạnh phúc thay những ai chờ đợi Chúa!” - Thánh Ambrôsiô.

Vậy mà, không ai có thể tặng trao những gì họ không có. Vì thế, trước khi có thể kể cho người khác về Giêsu, chúng ta phải gặp Ngài, biết rõ Ngài. Chỉ khi biết rõ Giêsu, yêu mến Ngài hết lòng, để Ngài bước vào cuộc sống mình, chúng ta mới có thể chia sẻ Ngài như Philliphê, như các môn đệ mọi thời trong suốt dòng lịch sử.

Trong bài đọc hôm nay, Gioan viết, “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật bằng việc làm!”. “Việc làm” ở đây không chỉ là cho đi cái ăn cái mặc, nhưng quan trọng hơn, cho đi Giêsu, ‘kho tàng vô tận’, mà tất cả mọi vật chất trần gian so với nó đều thứ yếu.

Anh Chị em,

“Chúng tôi đã gặp!”. “Gặp” bao hàm việc nhận biết Giêsu là Chúa cuộc sống mình; nhận biết Ngài như một người bạn, trò chuyện với Ngài và chấp nhận Ngài hoàn toàn đến mức có thể tuyên bố như Nathanael, “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”. Hãy đón nhận Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, chia sẻ lòng biết ơn và ước muốn trong lời cầu nguyện hàng ngày; đồng thời, chăm chú lắng nghe những lời thứ tha của Ngài. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta ‘biết đủ’ Ngài để nói về Ngài với người khác, và họ cũng có thể khám phá niềm vui sâu xa được gặp Chúa, cảm nghiệm sự thoả mãn thiêng liêng và tiến tới việc yêu mến Ngài như chúng ta yêu mến.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho đến khi hết thở, đừng bao giờ để con tắt lửa tông đồ! Cho con biết tích trữ ‘từng xu’ cho kho tàng Giêsu, hầu có thể chia sẻ nó cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hiển Linh - Niềm Tin lên đuờng
Lm. Thái Nguyên
17:19 04/01/2024


NIỀM TIN LÊN ĐƯỜNG

Chúa Nhật Chúa Hiển Linh: Mt 2, 1-12

Suy niệm

Tin Mừng Mátthêu cho biết Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì. Bêlem là một thị trấn cách Giêrusalem 10 cây số về phí Nam. Thời xưa nó được gọi là Épratha. Tên “Bêlem” có nghĩa là “nhà bánh”, vì nằm ở một vùng quê mầu mỡ nhiều lúa mì. Đó cũng là nhà và thành của Đavít (1Sm 16,1;17,12; 20,6). Chính từ dòng dõi Đavít mà Thiên Chúa ban Đấng cứu độ cho dân Ngài, như tiên tri Mikha đã loan báo:“Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen” (Mk 5,1). Vì vậy mà dân Do Thái luôn trông đợi.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng kể về các nhà chiêm tinh, gọi là Magi, từ phương Đông đi tìm kiếm Đấng cứu tinh vừa mới giáng sinh, mà họ phát hiện qua ánh sao lạ. Magi là một chi phái Mêđi, là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Ban đầu là một đảng phái chính trị, nhưng về sau trở thành chi phái tư tế. Họ là những người khôn ngoan và thánh thiện, rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh, tin rằng có thể tiên đoán tương lai dựa vào các vì sao, và tin rằng số mệnh một người cũng được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, thì phải chăng Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để tỏ cho con người biết một điều gì đó.

Điều quan trọng trong bài Tin Mừng là các nhà chiêm tinh như đại diện cho các dân ngoại. Matthêu viết theo lối văn khải huyền của người Do Thái, nên ta không thể hiểu mọi chi tiết theo nghĩa đen. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu cho các nhà chiêm tinh biết Con Ngài đã chào đời. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nhận thấy lời mời gọi lên đường để tìm kiếm vị Cứu Chúa của muôn dân. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả để bước đi trong đêm tối, chỉ còn dựa vào ánh sao của niềm tin khi tỏ khi mờ. Họ chỉ gặp được Chúa sau khi trải qua nhiều gian nan thử thách trên đường, và chỉ nhận ra Chúa với cái nhìn đức tin mạnh mẽ, nhất là khi đứng trước cảnh hang lừa tồi tàn. Thiếu đức tin, người ta vẫn thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài.

Các nhà chiêm tinh từ ngàn dặm xa xôi đã lên đường tìm Ðấng Cứu Thế, đang khi Hêrôđê và hàng lãnh đạo Do thái giáo cũng được báo tin, thì lại bình chân như vại. Bởi lẽ các luật sĩ hay biệt phái chỉ thao thức về lề luật; các thượng tế chỉ lo nghi lễ trong đền thờ; các kỳ lão chỉ bận tâm về truyền thống. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo nhưng lại tự mãn và khép kín trong những cơ chế an toàn và cứng nhắc. Còn vua Hêrôđê thì toan tính để khai trừ vị vua mới sinh. Điều này không lạ gì vì ông là người đa nghi và tàn bạo, đã từng giết vợ, mẹ vợ, ba người con trai, và nhiều danh tướng khác. Phản ứng của Hêrôđê là ganh ghét và thù địch, nên cũng tìm cách diệt trừ Đức Giêsu.

Thời nay vẫn có những triết gia chủ trương bất khả tri, coi Thiên Chúa chỉ là một phạm trù siêu việt, nếu Ngài có hiện hữu thì cũng không ăn nhập gì đến thế giới loài người. Vẫn có những nhà khoa học và những người chủ trương vô thần phủ nhận những gì là thần linh, họ cho điều huyền nhiệm cũng chỉ là huyền thoại. Vẫn không thiếu những kẻ có quyền thế tìm cách trù dập chân lý. Đối với họ, vũ trụ thiên nhiên như một đối tượng để nghiên cứu và khống chế, chứ không mang tính siêu nhiên, càng không như một dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng cũng trong thời đại này, dù không là Kitô hữu, vẫn có biết bao người đang rong ruổi tìm kiếm Thiên Chúa. Có ánh sáng nào đó soi chiếu trên đường đời của họ, khiến họ miệt mài phục vụ trong mọi lãnh vực, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, hướng con người đến những giá trị tâm linh, vĩnh cửu.

Còn chúng ta thì sao? Nếu không tỉnh thức, ta dễ tự mãn với những điều mình biết về Thiên Chúa, chẳng còn thao thức kiếm tìm Ngài, nên cũng chẳng quan tâm gì đến những dấu chỉ hay thời điềm. Dường như đời sống đức tin của chúng ta đã được gói gọn trong các câu kinh và nghi thức. Những gì sâu xa nhất cũng đã được hệ thống hóa trong các cử hành phụng vụ, nên ta cảm thấy quá đầy đủ, không cần nhận ra Chúa nơi điều gì khác. Cần có lòng khao khát chân lý và sự thiện hảo như các nhà chiêm tinh, để ta can đảm ra khỏi mình, ra khỏi những an toàn và tiện nghi đang trói buộc mình hằng ngày, để thấy Chúa đang tỏ mình qua mọi biến cố của đời sống, từ thiên nhiên vạn vật đến con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa khắp vũ hoàn,

không chỉ tỏ mình cho Ít-ra-en,

mà còn cho tất cả mọi dân nước,

Chúa vẫn làm sáng lên những ánh sao,

không phải chỉ ở trên trời cao,

mà còn chính ở trong lòng người thế,

để thiên hạ được biết nẻo tìm về.

Chúa đặc biệt tỏ mình cho những ai,

có tâm hồn đơn sơ và ngay chính,

sống công bình và bác ái tận tình,

không ham mê bám víu vào trần thế,

không mơ hồ với cuộc sống lê thê,

không kiêu căng hay ích kỷ hận thù.

Như các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa,

xin cho con dám đi ra khỏi mình,

khỏi định kiến và lười biếng tinh thần,

khỏi tiện nghi và tự mãn bản thân,

để nhận ra Chúa nơi từng tha nhân,

qua dấu chỉ của thiên nhiên vạn vật.

Xin cho con sống niềm tin lên đường,

luôn can trường và chấp nhận đau thương,

để sau khi vượt qua nhiều gai chướng,

được gặp Chúa ở cuối cuộc hành hương,

là niềm vui hạnh phúc chốn thiên đường,

mà lòng con vẫn hằng luôn mong ước.

Xin cho con nên dấu chỉ của Chúa,

là ánh sao giữa đời trong đêm tối,

để âm thầm luôn dẫn lối đưa đường,

là ánh sao hiền lành và khiêm nhượng,

trong phục vụ với tất cả tình thương,

để qui hướng mọi người về với Chúa. Amen.
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,
Giáo Hội Năm Châu
21:11 04/01/2024

Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Đó là lời Chúa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngân khánh Giám mục - Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ_ Bài 1
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
03:27 04/01/2024
HƯỚNG TỚI NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ

- NGUYÊN GIÁM MỤC CHÁNH TÒA GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG,

- NGUYÊN CHỦ TỊCH ỦY BAN PHỤNG TỰ HĐGM VIỆT NAM,

- NGUYÊN ĐẶC TRÁCH HỘI THỪA SAI VIỆT NAM,

- GIÁO SƯ PHỤNG VỤ VÀ LUÂN LÝ TẠI ĐCV THÁNH GIUSE SÀI GÒN,

- NGUYÊN ĐẠI BIỂU GIÁO HỘI VIỆT NAM TẠI CÁC ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ,

- NGUYÊN CHỦ TỊCH ỦY BAN NGHỆ THUẬT THÁNH TRỰC THUỘC HĐGM VIỆT NAM,

- NGUYÊN THÀNH VIÊN HỘI DỒNG GIÁO HOÀNG ĐẶC TRÁCH ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN.

Đức cha PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ được chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Phú Cường ngày 5.11.1998. Thánh nhân tấn phong Giám mục cho ngài tại đền thánh Phêrô, nội thành Vatican ngày 6.1.1999. Khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Phêrô: "Yêu rồi làm".

Cho đến thứ Bảy ngày 6.1.2023 này, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ tròn 25 năm Giám mục. Trong ngày đặc biệt ấy, giáo phận Phú Cường sẽ cùng Đức Cha Phêrô long trọng tạ ơn Chúa trong thánh lễ Tạ ơn mừng Ngân Khánh Giám mục của Đức Cha.

1. Thấy gì nơi Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ?

Là học trò của Đức Cha Phêrô trong nhiều năm, từ khi còn là chú dự tu, rồi chủng sinh, đến khi được chính Đức Cha tấn phong linh mục và thi hành phận vụ của một linh mục dưới sự cai quản của Đức Cha Phêrô cho đến ngày Đức Cha được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chấp nhận đơn nghỉ hưu (25.8.2012), và sau đó chứng kiến sự hiện diện thầm lặng của Đức Cha tại giáo phận nhà, tôi khẳng định, Đức Cha Phêrô rất "truyền thống", rất "sát" với những gì thuộc về giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, rất yêu mến Hội Thánh và giáo phận mà Đức Cha được Chúa mời gọi để phụng sự.

Nhất là những giáo huấn, những bài giảng dành cho các linh, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Phú Cường, Đức Cha Phêrô không những không hề rời xa mà còn bám rất chắc vào Huấn quyền vào Giới luật của Thiên Chúa và Hội Thánh Công Giáo.

Tuy mọi "giáo dục" dành cho dân Chúa tại giáo đoàn mà ngài lãnh trách vụ làm mục tử đều dựa vào mạc khải của Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, và luôn bám vào sức sống của Giáo Luật, của Truyền thống Hội Thánh, lời giảng dạy của Đức Cha Phêrô không thiếu những lý luận, nhất là những tư tưởng sắc bén và mang lại những bổ dưỡng tinh thần qua rất nhiều bài học cao quí cho những ai lắng nghe.

Chẳng hạn, cách đây gần 14 năm, trong một thánh lễ Truyền Dầu, sau khi giải thích ý nghĩa của thứ Năm tuần Thánh và lý do của việc cử hành lễ Dầu và lễ tiệc ly ban chiều, Đức Cha nói đến chức linh mục cộng đồng. Đức Cha nhấn mạnh: "Tất cả các tín hữu, ngay từ lúc được rửa tội, đều được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, nhờ đó họ có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những hy sinh, những của lễ tinh thần và vật chất".

Đến phần nhắn nhủ riêng các linh mục, Đức Cha Phêrô đòi: "Chúng ta hãy đọc đi đọc lại những đoạn Tin Mừng tường thuật những việc Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, đặc biệt khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích truyền chức thánh. Hãy đọc và hãy suy niệm, hãy lắng nghe và đáp trả những tiếng Chúa đang mời gọi chúng ta theo sát bước chân của Người, lăn xả vào việc truyền giáo và tông đồ mục vụ để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ mọi người, chúng ta cũng phải hy sinh tất cả để tiếp tay với Chúa để hoàn thành công việc Người đã khởi đầu".

Sau đây mời anh chị em đọc lại một trong những bài giảng của Đức Cha Phêrô Trần Đinh Tứ. Đó là bài giảng trong thánh lễ Truyền Dầu năm 2010.

Nhân dịp Đức Cha tròn 25 năm Giám mục (1999 - 6.1 - 2023), người biên soạn bài viết này xin ghi lại bài giảng của Đức Cha, trước là xin kính dâng Đức Cha như món quà tinh thần trong dịp lễ Ngân khánh hết sức quý báu và hiếm hoi, không phải Giám mục nào cũng có thể có được. Sau là tỏ lòng tri ân Đức Cha, người đã dẫn dắt người biên soạn bài viết đi qua nhiều giai đoạn của đời tu, kể từ khi mới chập chững bước vào giai đoạn đầu của ơn gọi sống đời tu ấy. Qua đó tất cả những năm tháng được thụ huấn dưới bàn tay Đức Cha, lối sống, lối thể hiện, nhất là thể hiện của lòng trung thực, thẳng thắn, lòng yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô nơi Đức Cha ảnh hưởng không nhỏ trên người viết. Nhân dịp trọng đại này, người biên soạn bài viết muốn tự nhắc nhở mình về lời dạy quý báu mà Đức Cha để lại trong chính cõi lòng suốt nhiều năm.

2. Chúng ta cùng nghe lời dạy của Đức Cha Phêrô.

Bài giảng Lễ Dầu 1.4.2010 tại nhà thờ Lực Điền, hạt Lạc An, giáo phận Phú Cường.

"Quí cha, quí tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu thân mến,

Hôm nay là thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Chiều nay, trong tất cả các nhà thờ xứ sẽ long trọng làm lại nghi thức Chúa đã làm xưa tại nhà Tiệc ly, đặc biệt chú trọng vào việc thiết lập bí tích Thánh Thể.

Sáng nay, mỗi giáo phận, tại nhà thờ chánh tòa hay tại một nhà thờ khác tiêu biểu, (lần này chúng ta chọn nhà thờ Lực Điền thuộc hạt Lạc An của anh chị em đây), trong đó giám mục và các linh mục đại diện cho các miền khác nhau trong giáo phận qui tụ lại trong thánh lễ đồng tế được mệnh danh là lễ Dầu, với mục đích đặc biệt tưởng niệm việc Chúa Giêsu, cũng trong chính ngày thứ Năm Thánh này, đã thiết lập chức linh mục và trao ban cho một số người được hành động nhân danh Chúa Kitô và với tư thế của Chúa Kitô để tiếp tục công cuộc cứu độ nhân loại.

Theo nghi thức, lễ Dầu chỉ được cử hành tại một nhà thờ, và việc Đức Giám Mục đồng tế với các linh mục được coi như là cần thiết và có tính biểu trưng, nói lên sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn trong giáo phận, vì tất cả các ngài cùng được chia sẻ một chức vụ linh mục duy nhất là chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô.

Cũng trong thánh lễ này, Giáo Hội làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và hiến thánh Dầu Thánh, là ba thứ dầu được dùng để cử hành các bí tích và những nghi thức khác thuộc thừa tác vụ linh mục.

Dầu Thánh được dùng trong bí tích Rửa tội, Thêm Sức, phong chức giám mục và linh mục, trong nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ, với mục đích hiến thánh những người và những sự vật dành riêng cho Thiên Chúa.

Dầu Dự tòng dùng để xức những người sắp được rửa tội hầu sửa soạn và ban cho họ những dự kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích.

Còn dầu bệnh nhân được sử dụng khi ban bí tích xức dầu bệnh nhân, hầu nâng đỡ họ trong những lúc đau yếu bệnh tật, đồng thời xóa bỏ những hệ lụy do tội lỗi còn để lại.

Theo giáo lý của Giáo Hội, tất cả các tín hữu, ngay từ lúc được rửa tội, đều được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, nhờ đó họ có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những hy sinh, những của lễ tinh thần và vật chất.

Việc tham dự này được mệnh danh là chức linh mục cộng đồng. Tuy nhiên, khi lập bí tích truyền chức thánh, Chúa Kitô đã muốn tuyển chọn một số người để nâng họ lên, cho họ được hành động nhân danh Người, trong tư thế của Người khi cử hành các bí tích, hầu mang ơn cứu độ đến cho muôn người. Chúng ta gọi các ngài là những linh mục thừa tác, tức những người hành động nhân danh Chúa Kitô, trong tư thế của Chúa Kitô, đại diện Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh là Nhiệm thể của Người. Các vị này được thiết lập lên không vì khả năng cá nhân, nhưng do ơn Chúa chọn gọi; không nhằm lợi ích riêng của cá nhân, nhưng vì lợi ích của cộng đoàn và để phục vụ mọi người.

Vì thế dù được tham dự với tư cách nào vào chức linh mục của Chúa Kitô, chúng ta đều có nhiệm vụ phải ca tụng, ngợi khen và tạ ơn Chúa về ơn trọng đại này. Đó là một trong những ơn quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người. Là giáo dân hay giáo sĩ, tất cả chúng ta cùng được liên kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, vì thế chúng ta cũng phải cộng tác với nhau để việc tham dự này góp phần làm vinh danh Chúa, phát triển Giáo Hội và đem lại lợi ích cho các linh hồn.

Riêng với anh em linh mục,

Hôm nay là ngày đặc biệt của chúng ta. Trong thư gởi các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần thánh năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ký bức thư tại chính nhà Tiệc ly, nơi được coi như là nguyên quán của tất cả các linh mục, khi áp dụng câu thánh vịnh nói về Giêrusalem: "Chúa ghi vào sổ bộ các dân: 'Kẻ này người nọ sinh ra tại đó'" (Tv 87, 6).

Chúng ta hãy hình dung mình đang ở trong nhà Tiệc ly để cầu nguyện và tưởng nhớ đến những sự việc đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, trong bầu khí của bữa tối sau hết, giữa bao băn khoăn lo lắng về cuộc tử nạn sắp tới, về tình yêu cao độ: “Yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1), ngõ hầu có thể hiểu được tâm tình của Chúa Kitô và ý nghĩa những việc Người đã làm.

Chúng ta nên suy nghĩ lại về ơn trọng đại này hầu giúp chúng ta biết cử hành cách sốt sắng Thánh lễ mỗi ngày.

Trước hết, chúng ta cần ý thức rằng Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục vì yêu thương chúng ta, đặc biệt khi đọc lại lời dẫn nhập của thánh Gioan trong tường thuật về bữa Tiệc ly, về việc Chúa rửa chân cho các môn đệ và cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Quả thực, vì yêu thương chúng ta là những người còn ở trần gian, nên Người đã yêu thương tới cùng.

“Tới cùng” ở đây không những có tính thời gian, nghĩa là yêu thương tới lúc chết, yêu thương mãi mãi, nhưng còn chỉ mức độ, nghĩa là yêu thương tới mức chót, tới đỉnh cao nhất.

Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Kitô để cố sống yêu thương: yêu thương các anh em linh mục và yêu thương đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, yêu thương những người chưa thuộc đoàn chiên của Chúa, để giúp họ cũng được gia nhập đoàn chiên, gia nhập cộng đoàn những người được cứu độ.

Chúng ta hãy suy niệm lại cụm từ quen thuộc đã trở thành châm ngôn: “Sacerdos et Victima”, Linh mục và Của lễ, thì sẽ thấy rằng ý niệm hy sinh gắn liền với sứ vụ linh mục. Thật vậy, trong công thức phong chức mà Chúa Kitô đọc trong bữa tiệc ly: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”, đã rõ ràng hàm chứa ý tưởng này. Làm việc này có nghĩa là làm lại những cử chỉ, đọc lại những lời Chúa Kitô đã đọc để truyền phép bánh rượu.

Vậy cả hai lời truyền phép đều nhắc nhở tới hiến tế của Chúa trên đồi Golgotha: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Vì thế, là linh mục chúng ta hãy cố gắng học với Chúa Giêsu cho biết phải hy sinh trong mọi nơi mọi lúc. Chính những hy sinh này sẽ làm cho đời linh mục chúng ta trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa và mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Năm nay cũng là năm Linh mục, chúng ta hãy đọc đi đọc lại những đoạn Tin Mừng tường thuật những việc Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, đặc biệt khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích truyền chức thánh.

Hãy đọc và hãy suy niệm, hãy lắng nghe và đáp trả những tiếng Chúa đang mời gọi chúng ta theo sát bước chân của Người, lăn xả vào việc truyền giáo và tông đồ mục vụ để mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ mọi người, chúng ta cũng phải hy sinh tất cả để tiếp tay với Chúa để hoàn thành công việc Người đã khởi đầu.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Mẹ các linh mục, Mẹ đã theo sát Chúa trên đường khổ giá và can đảm đứng dưới chân thánh giá để nhận những lời trăn trối cuối cùng của Chúa, trong đó có lời nhắn gởi đầy yêu thương dành riêng cho các linh mục: “Đây là con bà … Đây là mẹ con!”.

Xin Mẹ giúp chúng ta có những tâm tình yêu mến, đặc biệt là sự quên mình để phục vụ tha nhân.

Xin tất cả anh chị em tín hữu cũng cầu nguyện cho chúng tôi là giám mục và linh mục của anh chị em, đã được thiết lập để phục vụ anh chị em. Chớ chi chúng ta biết liên kết với nhau để tình thương của Chúa được lan rộng khắp nơi và mọi người được ơn cứu độ. (+ Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG (biên soạn)
 
Church Documents
Thu Trinh News 05 Jan 2024
J.B. Đặng Minh An dịch
19:12 04/01/2024
1. Nga lên kế hoạch mua hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn từ Iran

Đề đốc hay Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Nga đang lên kế hoạch mua hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn từ Iran, một bước đi nhằm tăng cường khả năng của Mạc Tư Khoa nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Năm ngoái, Tòa Bạch Ốc cho biết họ nhận thấy nhiều dấu hiệu hơn cho thấy Nga và Iran đang mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng chưa từng có nhằm giúp Mạc Tư Khoa kéo dài cuộc chiến ở Ukraine cũng như gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Iran.

2. Số người chết sau vụ tấn công hỏa tiễn ở Kyiv tuần trước tăng lên 32

Hôm thứ Năm, nhà chức trách cho biết một cuộc tấn công hỏa tiễn vào tuần trước đã giết chết 32 người ở Kyiv, nâng cao số người thiệt mạng trong vụ tấn công đẫm máu nhất vào thủ đô Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Cuộc tấn công diễn ra vào ngày 29 tháng 12. Nga trong những ngày gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công trên không nhằm vào Ukraine, nước này nói rằng họ có đủ đạn dược để chống chọi với một số cuộc tấn công mạnh mẽ nhưng sẽ sớm cần thêm viện trợ.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết tổng số người chết vì vụ tấn công bằng hỏa tiễn của quân xâm lược vào ngày 29/12 là 32 người.

Ông nói thêm rằng có 30 người bị thương. Chính quyền Ukraine cho biết tất cả 32 người thiệt mạng đều ở trong một nhà kho. Cho đến nay, Nga vẫn chối và cho biết họ chỉ tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự.

Thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, hôm thứ Bảy nói rằng cuộc tấn công ngày 29 tháng 12 là “lớn nhất về thương vong dân sự”.

Lực lượng không quân cho biết, vào ngày hôm đó, Nga đã phóng 158 hỏa tiễn và máy bay không người lái qua Ukraine nhằm nỗ lực áp đảo hệ thống phòng không. Vụ tấn công khiến ít nhất 55 người thiệt mạng và 170 người bị thương.

Ukraine đã trả đũa và khu vực biên giới Belgorod của Nga phải đối mặt với làn sóng tấn công cuối tuần qua, khiến 25 người thiệt mạng - một con số thương vong chưa từng có kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công gần hai năm trước.

3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg triệu tập phiên họp khẩn cấp

Nhà lãnh đạo NATO, Jens Stoltenberg, sẽ triệu tập một cuộc họp giữa các nhà ngoại giao NATO và các quan chức từ Ukraine vào ngày 10 Tháng Giêng, sau một làn sóng không kích dữ dội gần đây của Nga vào nước này, liên minh phòng thủ xuyên Đại Tây Dương cho biết hôm thứ Năm.

Phát ngôn nhân của Nato cho biết cuộc họp, theo hình thức của Hội đồng NATO-Ukraine mới thành lập, được triệu tập theo yêu cầu của Kyiv sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái nhằm vào dân thường, thành phố và thị trấn của Ukraine.

Theo Reuters, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trong thời gian đầu năm mới, với việc Putin cảnh báo rằng một cuộc không kích của Ukraine vào thành phố Belgorod của Nga, mà Mạc Tư Khoa cho rằng đã giết chết 25 dân thường, sẽ “bị trừng phạt”.

4. Việc điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào công ty viễn thông Ukraine Kyivstar' khó khăn hơn vì cơ sở hạ tầng của công ty này đã bị xóa sạch.

Illia Vitiuk, nhà lãnh đạo bộ phận an ninh mạng của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết ông “khá chắc chắn” rằng vụ việc được thực hiện bởi Sandworm, một đơn vị chiến tranh mạng của tình báo quân đội Nga có liên quan đến các cuộc tấn công mạng ở Ukraine và các nơi khác.

Một năm trước, Sandworm đã xâm nhập vào một nhà khai thác viễn thông Ukraine, nhưng bị Kyiv phát hiện vì bản thân SBU đã xâm nhập được vào hệ thống của Nga, Vitiuk cho biết và từ chối nêu tên công ty. Vụ hack trước đó chưa được báo cáo trước đây.

Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận bằng văn bản về nhận xét của Vitiuk.

Một nhóm có tên Solntsepyok, được SBU tin là có liên kết với Sandworm, cho biết họ chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Vitiuk cho biết các nhà điều tra của SBU vẫn đang nỗ lực xác định cách thức Kyivstar bị xâm nhập hoặc loại nhu liệu độc hại ngựa Trojan nào có thể được sử dụng để đột nhập, đồng thời nói thêm rằng đó có thể là hành vi lừa đảo, ai đó giúp đỡ nội bộ hoặc điều gì khác.

Ông nói, khả năng có kẻ phản bội trong không cao, vì tin tặc đã sử dụng nhu liệu độc hại được sử dụng để đánh cắp mật khẩu.

Giám đốc điều hành của Kyivstar, Oleksandr Komarov, cho biết vào ngày 20 tháng 12 rằng tất cả các dịch vụ của công ty đã được khôi phục hoàn toàn trên khắp đất nước. Vitiuk ca ngợi nỗ lực ứng phó sự việc của SBU nhằm khôi phục hệ thống một cách an toàn.

Ông nói rằng tại sao tin tặc chọn ngày 12 tháng 12 vẫn chưa rõ ràng và nói thêm: “Có thể một đại tá nào đó muốn trở thành tướng quân”.

Việc điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào công ty viễn thông Ukraine Kyivstar' khó khăn hơn vì cơ sở hạ tầng của công ty này đã bị xóa sạch.

5. Các tin tặc Nga đã xâm nhập vào Kyivstar của Ukraine ít nhất từ tháng 5 năm ngoái

Giám đốc tình báo mạng của Ukraine nói với Reuters rằng các tin tặc Nga đã xâm nhập vào hệ thống của công ty viễn thông Kyivstar của Ukraine ít nhất từ tháng 5 năm ngoái trong một cuộc tấn công mạng được coi là “cảnh báo lớn” đối với phương Tây.

Vụ hack, một trong những vụ tấn công kịch tính nhất kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga gần hai năm trước, đã đánh sập các dịch vụ do nhà khai thác viễn thông lớn nhất Ukraine cung cấp cho khoảng 24 triệu người dùng trong nhiều ngày kể từ ngày 12 tháng 12.

Trong một cuộc phỏng vấn, Illia Vitiuk, nhà lãnh đạo bộ phận an ninh mạng của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã tiết lộ các chi tiết về vụ hack mà ông cho rằng đã gây ra sự tàn phá “thảm khốc” và nhằm mục đích giáng một đòn tâm lý và thu thập thông tin tình báo.

Ông nói:

Cuộc tấn công này là một thông điệp lớn, một lời cảnh báo lớn, không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với cả thế giới phương Tây hiểu rằng không ai thực sự là không thể chạm tới.

Ông lưu ý Kyivstar là một công ty tư nhân giàu có đã đầu tư rất nhiều vào an ninh mạng.

Ông nói, cuộc tấn công đã xóa sạch “gần như mọi thứ”, bao gồm hàng ngàn máy chủ ảo và PC, đồng thời mô tả đây có thể là ví dụ đầu tiên về một cuộc tấn công mạng mang tính hủy diệt “phá hủy hoàn toàn cốt lõi của một nhà khai thác viễn thông”.

Hiện tại, chúng tôi có thể nói một cách an toàn rằng những kẻ phá hoại đã có mặt trong hệ thống ít nhất kể từ tháng 5 năm 2023.

Tôi không thể nói ngay bây giờ, từ lúc nào họ đã… toàn quyền truy cập: có lẽ ít nhất là từ tháng 11.

Ông nói, SBU đánh giá rằng tin tặc có thể đánh cắp thông tin cá nhân, hiểu vị trí của điện thoại, chặn tin nhắn SMS và có thể đánh cắp tài khoản Telegram với mức độ truy cập mà chúng đạt được.

Phát ngôn nhân của Kyivstar cho biết công ty đang hợp tác chặt chẽ với SBU để điều tra vụ tấn công và sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để loại bỏ rủi ro trong tương lai, đồng thời nói thêm: “Không có thông tin rò rỉ dữ liệu cá nhân và người ghi danh nào được tiết lộ”.

Vitiuk cho biết nó không có tác động lớn đến quân đội Ukraine:

Sau sự việc lớn, đã có một số nỗ lực mới nhằm gây thêm thiệt hại cho người vận hành.

Nói về việc phát hiện máy bay không người lái, nói về phát hiện hỏa tiễn, may mắn thay, không, tình huống này không ảnh hưởng mạnh đến chúng tôi.
 
VietCatholic TV
Hỏa tiễn Ukraine rơi xuống Belgorod, hóa ra là của Nga. Kyiv tấn công các tài sản quý giá của Putin
VietCatholic Media
03:00 04/01/2024


1. Vụ nổ lớn khi HIMARS tấn công Buk-M2 của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Huge Explosion as HIMARS Strike Russian Buk-M2: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine báo cáo về vụ nổ lớn khi HIMARS tấn công Buk-M2 của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Ukraine đã tiêu diệt hệ thống phòng không Buk của Nga ở khu vực tranh chấp phía đông Donetsk của nước này bằng cách sử dụng HIMARS hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, do Mỹ cung cấp. Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy, khi Nga tăng cường oanh tạc trên không vào Ukraine trong lần đầu tiên những ngày đầu năm mới.

Lực lượng đặc biệt Ukraine đã bắn vào một trong các hệ thống hỏa tiễn phòng không Buk-M2 của Nga và một radar bằng HIMARS, Kyiv cho biết hôm thứ Hai, chia sẻ đoạn phim mà họ cho là cho thấy cuộc tấn công vào hệ thống phòng không tầm trung của Nga.

“Thiết bị của đối phương đã bị phá hủy”, lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết trong chú thích ngắn gọn cho video clip.

Ukraine thường xuyên chia sẻ các đoạn phim mà họ cho rằng cho thấy hoạt động của HIMARS do Mỹ tài trợ, đã có mặt ở nước này từ tháng 6 năm 2022. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp 39 HIMARS cho Kyiv trong các gói viện trợ quân sự khác nhau.

Cả hai bên đều coi việc tấn công vào các mạng lưới phòng không hết sức quan trọng của nhau là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là các hệ thống trên mặt đất. Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào ngày 3/12 vừa qua rằng: “Những nỗ lực của cả Nga và Ukraine nhằm vượt qua các hệ thống phòng không trên mặt đất của đối thủ tiếp tục là một trong những cuộc tranh tài quan trọng nhất của cuộc chiến”.

Ukraine đã phá hủy hai hệ thống phòng không Buk có giá trị của Nga ở phía nam và phía đông đất nước bị chiến tranh tàn phá này trong vòng một tuần vào cuối tháng 11, các quan chức Ukraine hồi đầu tháng 12 cho biết.

Theo quân đội Mỹ, các biến thể của Buk có thể là bánh xích hoặc bánh hơi và được thiết kế để hạ gục máy bay, trực thăng, hỏa tiễn hành trình và các mục tiêu khác của đối phương.

Kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống hỏa tiễn Buk đã nhiều lần được nâng cấp và lực lượng vũ trang Nga bắt đầu sử dụng Buk-M2, còn được gọi là SA-17 Grizzly, vào năm 2008.

Theo nhà xuất khẩu nhà nước Nga, Rosoboronexport, Buk-M2 có thể tấn công các mục tiêu trên không từ khoảng cách 3 km đến 45 km.

Điều quan trọng đối với Ukraine là phải tiêu diệt các hệ thống phòng không của Nga cũng như các radar giúp Mạc Tư Khoa xác định vị trí các hệ thống phòng không trên mặt đất của Kyiv. Ukraine dường như đang nhắm vào các hệ thống radar của Nga với lực lượng đặc biệt, HIMARS và máy bay không người lái, James Black, trợ lý giám đốc nhóm nghiên cứu Quốc phòng và An ninh tại chi nhánh Âu Châu của tổ chức nghiên cứu RAND, nói với Newsweek vào tháng 11.

Ông nói thêm rằng việc loại bỏ các radar của Nga cuối cùng sẽ hạn chế khả năng của Mạc Tư Khoa trong việc phát hiện và tấn công vào các tài sản của Ukraine.

Hôm thứ Ba, Kyiv cho biết Nga đã phóng một loạt hỏa tiễn mới vào thủ đô và thành phố phía đông bắc Kharkiv trong đợt tấn công dữ dội mới nhất của cuộc chiến, hiện đã gần chạm mốc 2 năm.

Lực lượng không quân Ukraine hôm thứ Ba cho biết Mạc Tư Khoa đã phát động một “cuộc tấn công hàng loạt” bằng một số loại hỏa tiễn và máy bay không người lái tấn công, và lực lượng phòng không Ukraine đã tiêu diệt 72 mục tiêu đang lao tới, bao gồm 10 hỏa tiễn Kinzhal siêu thanh và 62 hỏa tiễn hành trình.

Vào ngày 29 tháng 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố Điện Cẩm Linh đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhất kể từ khi Điện Cẩm Linh xâm chiếm đất nước này vào tháng 2 năm 2022. Gần 160 hỏa tiễn và máy bay không người lái tấn công đã được phóng vào Ukraine trong cuộc tấn công, ông nói.

Nhà lãnh đạo lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk, cho biết trong một tuyên bố: “Các cuộc tấn công hỏa tiễn vào sáng sớm thứ Ba “lặp lại cuộc tấn công ngày 29 tháng 12”.

Ukraine đã đáp trả cuộc tấn công ngày 29 tháng 12 bằng cái mà Nga gọi là “một cuộc tấn công tổng hợp bừa bãi” vào thành phố biên giới Belgorod của Nga.

Mạc Tư Khoa sau đó cho biết họ đã trả đũa bằng một đợt tấn công khác, bao gồm cả cuộc tấn công vào “các trung tâm ra quyết định và cơ sở quân sự” ở Kharkiv.

2. Ukraine tập trung tấn công các tài sản quý giá của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine to Focus Military on Putin's Prized Possession”, nghĩa là “Ukraine tập trung quân sự vào tài sản quý giá của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết mục tiêu hàng đầu của quân đội ông trong năm mới là cô lập Crimea - bán đảo Hắc Hải quý giá của Nga, nơi đã đóng vai trò là trung tâm quân sự chiến lược kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.

Tháng tới sẽ đánh dấu hai năm cuộc chiến ở Ukraine mà không có dấu hiệu nào cho thấy bên nào sẽ đi đến điểm mà các cuộc giao tranh có thể dừng lại. Putin bắt đầu năm mới bằng việc phát động một loạt cuộc tấn công trên không khắp đất nước, giết chết hàng chục công dân và tấn công cả các mục tiêu dân sự và quân sự Ukraine, trong khi Kyiv được sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, đã thề sẽ không lùi bước trước tình trạng leo thang.

“Chúng tôi có một mục tiêu chiến lược là không xâm lược các vùng lãnh thổ của Nga, nằm sát biên giới đất nước chúng tôi,” ông Zelenskiy nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với tổng biên tập tờ The Economist, Zanny Beddoes.

“Mục tiêu của chúng tôi không thay đổi,” Zelenskiy tiếp tục. “Mục tiêu là cứu vãn và có những bước đi thành công hơn ở Hắc Hải, tiếp tục thành công ở Crimea, phía nam. Tôi không thể cho bạn biết chi tiết, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó. Và để bảo vệ miền đông, cứu Kharkiv, cứu những thành phố rất quan trọng này của Ukraine.”

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết trong cuộc trò chuyện rằng việc cô lập Crimea - nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 - là “cực kỳ quan trọng” đối với Ukraine “vì đó là cách để chúng tôi giảm số lượng các cuộc tấn công từ khu vực đó”.

Kyiv tăng cường các cuộc tấn công vào bán đảo trong nửa cuối năm 2023, bao gồm cả việc tấn công thành công Hạm đội Hắc Hải của Putin và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực, chẳng hạn như Cầu eo biển Kerch, nối bán đảo với đất liền Nga.

Zelenskiy cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng bất kỳ thành công nào mà Kyiv đạt được vào năm 2024 sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự liên tục từ các đồng minh phương Tây. Tổng thống cũng coi cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là cuộc xung đột ở Đông Âu mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu.

“Cho chúng tôi tiền hoặc cho chúng tôi vũ khí, bạn tự hỗ trợ mình”, Zelenskiy nói. “Bạn cứu con cháu của bạn, không chỉ co cháu của chúng tôi mà thôi.”

Ông nói tiếp: “Người Ukraine đang chiến đấu vì thế giới. Đó là câu trả lời và là điều thế giới phải tập trung và thừa nhận.”

Zelenskiy trước đó đã tuyên bố rằng chiến tranh không thể kết thúc trừ khi tất cả lãnh thổ bị tạm chiếm, bao gồm cả Crimea, được trả lại cho Ukraine. Khi được hỏi về bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào trong năm tới, ông nói rằng “đây không phải là thời điểm để thảo luận” vì Kyiv “không có bất kỳ bước cơ bản nào hướng tới hòa bình từ Nga”.

“Tôi không thấy bất kỳ tín hiệu nào về hòa bình,” Zelenskiy nói, đề cập đến yêu cầu chấm dứt chiến tranh của Putin, được chia sẻ tại cuộc họp báo cuối năm thường niên vào tháng trước. “Tôi chỉ thấy những bước đi của một quốc gia khủng bố.”

3. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy cho biết Na Uy sẽ gửi hai chiến đấu cơ F-16 tới Đan Mạch để góp phần đào tạo phi công Ukraine cách sử dụng máy bay do Mỹ sản xuất.

F-16 nằm trong danh sách mong muốn của Ukraine khi nước này tìm cách tăng cường lực lượng không quân trong cuộc chiến với Nga, và Na Uy năm ngoái cho biết họ sẽ cùng Đan Mạch, Hà Lan và các nước khác tặng máy bay.

Bộ trưởng Quốc phòng Bjørn Arild Gram cho biết Na Uy đã cử 10 giảng viên đến Đan Mạch để hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine.

4. 'Hỏa tiễn Ukraine' rơi xuống Belgorod thực ra là của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Ukrainian Missile' Falls on Belgorod, Turns Out to Be Russian Air Defense”, nghĩa là “'Hỏa tiễn Ukraine' rơi xuống Belgorod, hóa ra là phòng không Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một nhà phân tích quân sự Nga, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một động cơ hỏa tiễn từ hệ thống phòng không của Nga xé toạc mái nhà và lao vào phòng trẻ em ở thành phố biên giới Belgorod của Nga.

“Khối phía trên của hỏa tiễn Pantsir-S1 đã bay vào phòng của một đứa trẻ ở Belgorod”, Ian Matveev, nhà phân tích quân sự Nga liên kết với Tổ chức Chống tham nhũng, do nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny thành lập, cho biết trong một bài đăng trên X vào hôm thứ Tư.

Nga đã cáo buộc Ukraine đứng sau một số cuộc tấn công vào Belgorod trong những ngày gần đây và Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Hai tuyên bố sẽ trả đũa. Ukraine chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào Belgorod và hiếm khi bình luận về các cuộc tấn công xảy ra trên đất Nga.

Putin cho biết các cuộc tấn công này là các vụ tấn công nguy hiểm nhất trong khu vực kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 sẽ “phải bị trừng phạt”.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã phóng thêm 12 hỏa tiễn và một số máy bay không người lái vào khu vực phía Nam.

Đoạn clip tương tự đã được đăng trên X bởi một người dùng thân Ukraine, người này nói rằng nó đã được các kênh Telegram của Nga phát tán vì họ tin rằng nó cho thấy sự tàn phá do hỏa tiễn Ukraine gây ra trong thành phố.

“Các kênh của Nga như 'Zhest Belgorod' đã phát tán video và hình ảnh về các mảnh hỏa tiễn làm hư hại tài sản dân sự ở Belgorod. Tuy nhiên, khi họ nhận ra đó là bộ phận đẩy của hỏa tiễn 23Ya6 thuộc hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga, họ đã xóa chúng đi”.

Trung tâm Quân sự Ukraine, một tổ chức công, cũng đưa tin rằng “động cơ tầng 0 của hỏa tiễn đất đối không dẫn đường 57E6 của Nga thuộc hệ thống Pantsir SAM đã xuyên qua mái một ngôi nhà riêng và bay vào phòng trẻ em ở Belgorod”.

“Điều này cho thấy rằng Pantsir SAM được đặt gần các khu dân cư của thành phố.”

Tổ chức này cho biết những sự việc như vậy là “thường lệ” đối với người dân Belgorod.

Hôm thứ Tư, Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, kêu gọi người dân địa phương không đăng ảnh và video về các cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực.

“Các bạn thân mến, tôi thực sự yêu cầu các bạn không chụp ảnh, chia sẻ hay đăng tải bất kỳ video và ảnh nào cho thấy hậu quả của các cuộc ném bom và bất kỳ điều gì liên quan đến hoạt động đặc biệt nói chung. Đây là vấn đề an toàn của chính chúng ta”, ông cho biết của mình.

Chính quyền Nga gọi cuộc chiến ở Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt”.

Demidov cho biết những người đăng tải nội dung như vậy phải sẵn sàng “chia sẻ trách nhiệm” về các cuộc tấn công trong tương lai và những tình huống bi thảm có thể xảy ra nếu hệ thống phòng không của Nga thất bại.

“Điều này tương đương với một tội ác. Đây là sự phản bội! anh ta nói thêm.

5. Một thống đốc khu vực của Nga hôm thứ Tư cho biết ông đã ra lệnh xây dựng lại 9 ngôi nhà trong một thị trấn bị một trong những chiến đấu cơ của Nga vô tình ném bom.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Ba, khi hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng đưa tin về “vụ xả đạn máy bay bất thường” trên làng Petropavlovka ở khu vực phía nam Voronezh.

Alexander Gusev cho biết những ngôi nhà sẽ được xây dựng lại càng sớm càng tốt, đồng thời một trường học nhỏ ở địa phương, một trung tâm nghệ thuật và một tòa nhà hành chính cũng bị hư hại.

Ông cho biết không có ai thiệt mạng nhưng 4 người đã được điều trị vết thương nhẹ và người dân được hỗ trợ tâm lý. Năm xe hơi và một máy kéo cũng bị hư hỏng và chủ sở hữu sẽ được bồi thường.

Gusev nói: “Không một cư dân nào sẽ không được giúp đỡ, chúng tôi sẽ hỗ trợ mọi người nhiều nhất có thể.

Nhà chức trách không cho biết nguyên nhân gây ra vụ việc, bất kể thiệt hại kinh hoàng, và điều này gây bối rối cho quân đội Nga và xảy ra vào thời điểm cảnh giác cao độ ở các khu vực phía Nam gần biên giới với Ukraine.

Trong những ngày trước và sau năm mới, Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái nặng nề nhất vào Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Hôm thứ Bảy, cuộc tấn công xuyên biên giới nguy hiểm nhất của Ukraine trong cuộc chiến đã giết chết 25 người ở Belgorod, gần biên giới, các quan chức cho biết.

6. Liên Hiệp Âu Châu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên công ty kim cương Alrosa của Nga

Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty kim cương nhà nước Alrosa của Nga và giám đốc điều hành của công ty này như một phần của lệnh cấm nhập khẩu đá quý vì cuộc chiến Ukraine.

Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 12 đã đồng ý cấm xuất khẩu kim cương từ Nga khi nước này thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm xói mòn kho bạc của Điện Cẩm Linh.

Khối gồm 27 thành viên đã bổ sung Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới và ông chủ của nó, Pavel Marinychev, vào danh sách đen bị cấm thị thực và đóng băng tài sản ở Liên Hiệp Âu Châu.

Liên Hiệp Âu Châu cho biết công ty này – chiếm 90% sản lượng kim cương của Nga – “là một phần quan trọng của ngành kinh tế đang mang lại doanh thu đáng kể cho chính phủ”.

Xuất khẩu kim cương của Nga đạt tổng trị giá khoảng 4 tỷ Mỹ Kim vào năm 2022.

Lệnh cấm của Liên Hiệp Âu Châu có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Giêng đối với kim cương tự nhiên và tổng hợp xuất khẩu từ Nga. Lệnh cấm đối với kim cương của Nga được chế biến ở nước thứ ba sẽ được thực hiện vào tháng 9.

Lệnh cấm được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán miệt mài với các nước G7 để thiết lập một hệ thống truy tìm nguồn gốc kim cương của Nga.

Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới, cho biết hệ thống này cần phải được triển khai để lệnh cấm vận có hiệu lực.

Cho đến nay, Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt 12 đợt trừng phạt chưa từng có đối với Mạc Tư Khoa kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga cho đến nay đã tìm cách thích ứng với các lệnh trừng phạt và sự xáo trộn gây ra. bởi sự xung đột.

7. Putin đang chịu áp lực dư luận Nga đòi tấn công quân đội Anh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Under Pressure to Attack British Military”, nghĩa là “Putin chịu áp lực tấn công quân đội Anh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đang được một số nước khuyến khích tấn công quân đội Anh vì đã giúp Ukraine thực hiện cuộc tấn công thành công ở Hắc Hải vào tuần trước.

Hàng chục quân nhân Nga được tuyên bố mất tích hoặc bị thương sau khi tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk lớp Ropucha dài 370 foot bị hỏa tiễn hành trình Ukraine bắn trúng hôm 26/12 tại Crimea. Mạc Tư Khoa thừa nhận thiệt hại về con tàu chở thủy thủ đoàn lên tới 87 quân nhân.

Các hỏa tiễn mà Ukraine sử dụng được cho là do Bộ Quốc phòng Anh cung cấp, Bộ này cũng hỗ trợ Kyiv trinh sát vệ tinh và dẫn đường mục tiêu. Nó đã khiến một số người, trong đó có nhà khoa học chính trị người Nga, Yury Baranchik, khuyến khích Mạc Tư Khoa tấn công tàu chiến HMS Diamond của Anh.

Barinchik cho biết: “Đây là một đòn giáng từ Anh/Mỹ và mong muốn làm gián đoạn nền tảng tích cực từ việc chiếm giữ Marinka, cũng như những thành công gần đây của Lực lượng vũ trang Nga ở mặt trận”.

Theo Sky News, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết sau vụ tấn công: “Việc phá hủy hải quân của Putin mới nhất này chứng tỏ rằng những người tin rằng có sự bế tắc trong cuộc chiến Ukraine là sai lầm”. “Họ không nhận thấy rằng trong 4 tháng qua, 20% Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị tiêu diệt.”

Phát ngôn nhân của Hải quân Hoàng gia Anh từ chối bình luận với Newsweek, tờ báo này cũng đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga.

Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Cancian nói với Newsweek qua email rằng nhận xét của Baranchik là dấu hiệu cho thấy hành vi thông thường của Nga, nơi Putin sẽ không đưa ra lời đe dọa trực tiếp nhưng sẽ nhờ người đại diện thực hiện mệnh lệnh của mình.

Cancian nói: “Rõ ràng, áp lực mà Ukraine gây ra đối với Crimea đang làm tổn thương Nga”. “Logic ở đây mang tính gián tiếp: Vương quốc Anh đã cung cấp hỏa tiễn Storm Shadow cho Ukraine, loại hỏa tiễn mà Ukraine đã sử dụng để tấn công tàu ở Crimea. Nga không thể tấn công lực lượng Anh ở Âu Châu mà không có nguy cơ xung đột với NATO. Tuy nhiên, nó có thể có những người đại diện tấn công lực lượng Anh ở nơi khác.”

Barinchik mong muốn có phản ứng thông qua lực lượng Houthis liên kết với Iran, để đánh chìm tàu Anh hiện đang tham gia chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” gồm 12 quốc gia do Mỹ dẫn đầu

Hoạt động này được triển khai nhằm đáp trả một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hỏa tiễn và hải quân do Houthi dẫn đầu nhằm vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ ngoài khơi bờ biển Yemen. Kể từ năm 2014, lực lượng Houthi đã gây chiến với chính phủ Yemen được phương Tây công nhận và kể từ năm 2015 với liên minh khu vực nghiêng về phương Tây do Ả Rập Saudi lãnh đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi Biển Đỏ là tuyến đường thủy “quan trọng” cần được bảo vệ. Các nước Ả Rập như Ai Cập ngần ngại tham gia hoạt động này, trong khi các nước như Hà Lan và Na Uy đã cung cấp nhân sự nhưng không cung cấp tàu.

Giá xăng tăng do căng thẳng chống phương Tây leo thang xuất phát từ cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine Hamas ở Gaza.

Baranchik nói: “Chúng tôi có thể cung cấp cho lực lượng Houthi các hỏa tiễn chống hạm thích hợp, trong khi phương Tây cung cấp cho Kyiv các chuyên gia liên quan, những người không chính thức phục vụ quân sự trong Lực lượng Vũ trang Ukraine”. “Về nguyên tắc, chúng tôi có thể tăng số tiền đặt cược vượt quá giới hạn với sự hỗ trợ thông tin sơ bộ bắt buộc.

“Đầu tiên, một tin nhắn từ một quan chức Nga đổ lỗi cho Anh về vụ đánh chìm tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk. Sau đó, phóng hai hỏa tiễn từ MiG-31K, hay tốt nhất là từ một chiếc MiG-31I, hoặc hai chiếc Tu-22M2/TU-22M2M—bạn cần xem xét tầm bay của các Hàng Không Mẫu Hạm—và bắn trúng hai chiếc tàu khu trục Diamond của Anh.

“Hãy tự mình làm điều đó. Và chính thức tuyên bố rằng sự kiên nhẫn của Nga với những trò hề của phương Tây đã hết. Luân Đôn sẽ chạy đi khiếu nại với Mỹ”.

Cancian cho biết các mối đe dọa hiện nay liên quan đến tàu hải quân ở Biển Đỏ chỉ mang tính “tượng trưng” do phải mất hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng để hỏa tiễn được gửi từ Nga tới Yemen.

Ông nói: “Lô hàng có thể sẽ phải đi qua Iran, những nước hiện có đường ống hậu cần tới người Houthis”.

8. Ba Lan kêu gọi cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine sau các cuộc tấn công chết người

Ngoại trưởng Ba Lan hôm thứ Tư kêu gọi các đồng minh cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine để giúp Kyiv tấn công vào “các bãi phóng và trung tâm chỉ huy” trong bối cảnh làn sóng tấn công mới của Nga.

Một loạt vụ tấn công bằng hỏa tiễn chết người hôm thứ Ba đã tấn công các tòa nhà dân cư ở thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Kharkiv ở phía đông bắc khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục dân thường bị thương.

Hôm thứ Tư, nhà ngoại giao hàng đầu của Ba Lan, Radosław Sikorski, nói trên mạng xã hội rằng phương Tây nên phản ứng “bằng ngôn ngữ mà Putin hiểu”.

Ông kêu gọi các đồng minh cung cấp cho Kyiv “hỏa tiễn tầm xa để có thể tiêu diệt các bãi phóng và trung tâm chỉ huy”.

Ba Lan là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine, với việc chính quyền mới ở Warsaw tăng cường hỗ trợ chính trị cho quốc gia láng giềng.

Sikorski cũng cho biết phản ứng trước việc Nga tấn công Ukraine nên bao gồm việc “thắt chặt” các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa để nước này “không thể chế tạo vũ khí mới với các thành phần nhập lậu”.

Được bổ nhiệm vào tháng 12 với tư cách là ngoại trưởng Ba Lan trong chính phủ mới thân Liên Hiệp Âu Châu, Sikorski đã chọn Ukraine cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình, nơi ông nói rằng phương Tây nên “huy động” nền kinh tế của mình để trang bị vũ khí cho Ukraine.

9. Lính Nga bị đánh đập khi trở về từ Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Beaten Up Upon Returning From Ukraine”, nghĩa là “Lính Nga bị đánh đập khi trở về từ Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết quân đội Nga đã bị đánh đập khi trở về từ tiền tuyến ở Ukraine.

Hôm thứ Hai, ủy ban cho biết họ đang mở vụ án hình sự đối với ba người vì “hành vi côn đồ” sau khi họ tấn công các quân nhân Nga vào đêm giao thừa ở thành phố Chelyabinsk của Nga. Truyền thông địa phương đưa tin người dân đánh người là người Nga di cư.

Vụ việc xảy ra khi có thông tin cho rằng chính quyền Nga đã bắt giữ khoảng 3.000 người di cư ở St. Petersburg vào đêm giao thừa như một phần của một số vụ bắt giữ hàng loạt trên khắp đất nước.

Bắt đầu từ tháng 8, có thông tin cho rằng những người lao động nhập cư có quốc tịch Nga đang bị bắt để chiến đấu trong cuộc chiến chống Ukraine, bắt đầu bằng cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Putin đã ký ban hành các sắc lệnh luật nhằm lôi kéo người di cư có hộ chiếu Nga phục vụ trong quân đội của ông và trong cuộc chiến ở Ukraine. Điều đó bao gồm một nghị định tháng 3 năm 2023 nhằm đơn giản hóa quá trình lấy quốc tịch Nga cho những công dân nước ngoài phục vụ trong quân đội của ông trong khi chiến tranh đang diễn ra ở quốc gia láng giềng.

Ủy ban điều tra cho biết như trên: “Một đám đông người di cư say rượu đã tấn công hai thanh niên xuất ngũ từ tiền tuyến, một binh sĩ bị đánh bằng dùi cui”.

“Người ta cũng lưu ý rằng những người di cư đã xúc phạm vợ của các cựu chiến binh tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt,” nó nói thêm, sử dụng thuật ngữ Putin sử dụng để mô tả cuộc xâm lược Ukraine của ông.

Vào tối thứ Hai, cảnh sát vùng Chelyabinsk báo cáo rằng ba người được cho là “thực hiện hành vi bất hợp pháp chống lại các thành viên tham gia cuộc chiến của Nga ở Ukraine” đã bị bắt giữ.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một thông tin tình báo cập nhật về cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng 9 rằng Nga đã “lợi dụng công dân nước ngoài” để tăng cường nhân lực ở Ukraine trước tình trạng thương vong ngày càng gia tăng.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết phương pháp như vậy có thể được Mạc Tư Khoa sử dụng vì Putin muốn tránh các biện pháp huy động trong nước không được lòng dân trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Konstantin Sonin, một nhà kinh tế chính trị gốc Nga của Đại học Chicago, trước đây đã nói với Newsweek rằng Putin có thể sẽ không dám tuyên bố một cuộc tổng động viên quần chúng rộng rãi bởi vì câu chuyện tuyên truyền mà ông và đoàn tùy tùng đang thúc đẩy là Nga không tiến hành chiến tranh mà đang tiến hành một hoạt động quân sự quy mô hạn chế.

“Đây là những gì ông ấy được cung cấp trong các báo cáo của quân đội và cảnh sát, và đây là ngôn ngữ mà ông ấy nói với cấp dưới của mình và công chúng,” Sonin nói và giải thích rằng ngay cả khi Putin cố gắng tuyển mộ thêm quân nhân cho cuộc chiến, nó sẽ đi kèm với những luận điệu khẳng định không có gì mới xảy ra. “Việc công bố huy động một cách công khai sẽ là một sự thoát ly mạnh mẽ khỏi thế giới quan này, gần giống như vỡ ra từ một bong bóng thông tin.”

10. Ukraine cầu xin thêm các hệ thống phòng không

Các cuộc tấn công chết người đã tấn công các tòa nhà dân cư ở Ukraine và khu vực biên giới Nga hôm thứ Ba khi sự leo thang của các cuộc tấn công trên không cũng làm hàng chục người bị thương và khiến Kyiv phải thúc giục vận chuyển vũ khí phương Tây nhanh hơn.

Nhà chức trách cho biết tổng cộng có 5 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Vụ bắn phá chủ yếu là vào Kyiv và Kharkiv diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi Putin tuyên bố sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công trả đũa sau cuộc tấn công chưa từng có của Ukraine vào thành phố Belgorod của Nga.

“Đối phương đã lên kế hoạch cho đường đi của chúng để gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể. Đây là một vụ khủng bố hoàn toàn được tính toán trước”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói. Ông cho biết kể từ ngày 29/12, Nga đã phóng gần 300 hỏa tiễn và hơn 200 máy bay không người lái nhằm vào Ukraine.

Thống đốc khu vực Belgorod của Nga cho biết vào đầu ngày thứ Tư, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công thành phố Belgorod Các báo cáo ngày hôm trước cho biết một cuộc tấn công của Ukraine đã giết chết ít nhất một người và làm bị thương 7 người.

Belgorod – nằm ở Nga, phía bắc Kharkiv của Ukraine – là điểm tập kết của lực lượng xâm lược Nga nên đã nhiều lần bị quân đội Ukraine tấn công như mục tiêu hợp pháp theo luật chiến tranh.
 
Putin muốn đối đầu với NATO. Sea Baby có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Hạm Đội Hắc Hải.
VietCatholic Media
14:59 04/01/2024


1. Phiên bản mới của thuyền không người lái Sea Baby có thể 'vô hiệu hóa' hệ thống phòng thủ của Hạm Đội Hắc Hải

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Sea Baby Drone Upgrade Could 'Neutralize' Russian Warship Defenses”, nghĩa là “Việc nâng cấp thuyền không người lái Sea Baby của Ukraine có thể 'vô hiệu hóa' hệ thống phòng thủ tàu chiến Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các thuyền không người lái “Sea Baby” của Ukraine dường như có một vũ khí mới trong nỗ lực không ngừng nhằm trấn áp Hạm đội Hắc Hải của Nga, theo một đoạn video mới có nội dung cho thấy các tàu không người lái bắn một loạt đạn không xác định về phía một trong các tàu chiến của Mạc Tư Khoa.

Ukrainska Pravda lần đầu tiên đăng đoạn video, trong đó cho thấy một trong những thuyền không người lái của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, bắn thứ dường như là đạn không điều khiển vào các tàu Nga xuất hiện từ cảng Crimea trong một hoạt động.

Andriy Ryzhenko, thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek rằng phiên bản của bệ phóng hỏa tiễn nhiệt áp RPV-16 “rất có thể” là hệ thống vũ khí mới.

Ryzhenko cho biết, vũ khí này có thể bắn đạn nhiệt áp với “tác động lớn hơn nhiều” so với chất nổ cao thông thường. Phạm vi của hệ thống là khoảng 914 mét.

Ryzhenko tin rằng, mặc dù có công nghệ thấp nhưng những vũ khí như vậy có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Nga nhằm đánh chặn và vô hiệu hóa thuyền không người lái của Ukraine ở Hắc Hải.

Ông nói: “Chắc chắn, chiếc thuyền không người lái này ít nhất có thể thực hiện một số biện pháp tự vệ hoặc làm hư hại một con tàu đang trên đường tấn công”. “Ví dụ: nếu thuyền không người lái này tấn công một tàu Nga và tàu Nga tiến hành phòng thủ chống thuyền không người lái, họ có thể kích hoạt các bệ phóng – có thể có sáu chiếc trên một thuyền không người lái – và làm hỏng tàu hoặc vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của nó.”

“Số lượng rất hạn chế, chỉ có một khẩu súng phóng lựu. Nhưng dù sao, thật tốt khi họ có hệ thống này…Chúng có thể mang lại một giá trị nhất định khi xuyên thủng hàng phòng ngự của đối phương khi thuyền không người lái đang tiếp cận mục tiêu.”

Các thuyền không người lái của Ukraine đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho Hạm đội Hắc Hải của Nga, dù Kyiv thiếu lực lượng hải quân thông thường nhưng Nga vẫn chưa thể thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn vùng biển chiến lược quan trọng. Thuyền không người lái của hải quân đã nhiều lần tấn công các tàu chiến, cơ sở hạ tầng cảng và cầu eo biển Kerch của Nga.

“Vua máy bay không người lái” của Ukraine, Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov, nói với Newsweek vào tháng 8 rằng hạm đội không người lái ven biển đang phát triển của Kyiv “phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động đặc biệt và chắc chắn nó có vai trò trong việc giải phóng khu vực ven biển Hắc Hải bị tạm chiếm tạm thời”.

Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo SBU, nói với Ukrainska Pravda trong tuần này rằng lực lượng này đang “cố gắng đánh bại tất cả các tàu mang hỏa tiễn” ở Hắc Hải. Ông Maliuk cho biết mục tiêu tiếp theo sẽ là tàu ngầm Nga. “Không nên có hạm đội Nga nào ở Crimea cả.”

Maliuk nói thêm rằng sự hiện diện của thuyền không người lái hải quân đã buộc các tàu Nga phải vào cảng, cho phép các hành lang ngũ cốc của Kyiv – một phản ứng đối với việc hải quân Nga liên tục phong tỏa các cảng xuất khẩu phía nam Ukraine – hoạt động.

Ryzhenko cho biết thuyền không người lái trong tương lai của Ukraine có thể còn nguy hiểm hơn. Ông nói: “Trong tương lai, họ có thể thiết kế một thuyền không người lái – có thể giống như một chiếc catamaran – được trang bị hỏa tiễn chống hạm như NSM hay Hỏa tiễn tấn công hải quân”. “Một chiếc NSM chỉ nặng 410kg, và ngay cả Sea Baby cũng có thể chở được 850kg.”

Ryzhenko cho biết thêm, thuyền không người lái kiểu catamaran có thể tăng cường độ ổn định ở những vùng biển động, mang lại độ chính xác và khả năng sát thương cao hơn. “Nếu chúng tôi có thể đặt một hoặc hai hỏa tiễn trên tàu hai thân hoặc bất kỳ loại thuyền không người lái nào khác và bảo đảm triển khai hệ thống này đến gần các cảng của Nga hơn thì điều đó sẽ thực sự tuyệt vời”.

Ông nói: “Trên thực tế, để cung cấp khả năng tấn công khá dễ dàng, chúng tôi không cần liên lạc vệ tinh cho hỏa tiễn, chúng tôi chỉ cần nhìn thấy mục tiêu và nhấn nút”. “Có thể làm được, không phức tạp chút nào. Đây là điều tôi thấy là tiềm năng phát triển tàu không người lái.”

2. Nga tuyên bố đã bắn hạ 12 hỏa tiễn của Ukraine trên vùng Belgorod

Quân đội Nga cho biết họ đã bắn hạ 12 hỏa tiễn của Ukraine trên vùng Belgorod phía nam giáp Ukraine, khi lực lượng của Kyiv tìm cách làm mất mặt Tổng thống Vladimir Putin và chọc thủng lập luận của ông rằng cuộc sống ở Nga vẫn diễn ra bình thường bất chấp cuộc chiến kéo dài 22 tháng.

Thống đốc Belgorod, Vyacheslav Gladkov, cho biết tình hình ở thủ phủ khu vực, còn gọi là Belgorod, vẫn căng thẳng. Gladkov cho biết rằng thành phố đã hứng chịu hai đợt pháo kích vào sáng thứ Tư.

Ông nói thêm: “Hệ thống phòng không đã hoạt động”, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về thiệt hại có thể xảy ra sau khi kiểm tra khu vực vào cuối ngày. Thứ Tư là ngày lễ quốc gia ở Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn hai hỏa tiễn Tochka-U và bảy hỏa tiễn vào khu vực vào cuối ngày thứ Ba, sau đó phóng sáu hỏa tiễn Tochka-U và sáu hỏa tiễn Vilkha vào sáng thứ Tư.

Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Tochka-U do Liên Xô chế tạo có tầm bắn lên tới 120 km. Nó có đầu đạn cỡ lớn có thể mang theo đạn chùm. Ukraine đã nhận được một số bom chùm từ Mỹ nhưng Tochka-U và Vilkha có thể sử dụng bom chùm của riêng họ.

Phía biên giới Nga với Ukraine ngày càng bị tấn công thường xuyên trong những ngày gần đây. Các thị trấn thỉnh thoảng trở thành mục tiêu của hỏa lực pháo binh, hỏa tiễn, đạn súng cối và máy bay không người lái được phóng từ những khu rừng rậm, nơi chúng khó bị phát hiện.

Khi hỏa tiễn và máy bay không người lái tấn công các thành phố của Ukraine, quân đội Kyiv đã nhắm vào thủ phủ vùng Belgorod, nằm cách Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine khoảng 60 dặm về phía bắc.

Belgorod, có dân số khoảng 340.000 người, là thành phố lớn nhất của Nga gần biên giới Ukraine. Nó có thể đạt được bằng các loại vũ khí tương đối đơn giản và di động như nhiều bệ phóng hỏa tiễn.

Hôm thứ Bảy, vụ pháo kích vào Belgorod đã giết chết 25 người, trong đó có 5 trẻ em, trong một trong những cuộc tấn công nguy hiểm nhất trên đất Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa. Một thường dân cũng thiệt mạng hôm thứ Ba trong một loạt hỏa tiễn mới.

Đánh Belgorod và làm gián đoạn cuộc sống thành phố là một cách gây ấn tượng để Ukraine chứng tỏ họ có thể tấn công lại Nga, quốc gia đông hơn và mạnh hơn lực lượng của Kyiv về mặt quân sự.

Chiến thuật này dường như đã đạt được một số thành công, với những dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công đang khiến công chúng, các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà quan sát quân sự lo lắng.

Putin chỉ trích các cuộc tấn công ở Belgorod. “Họ muốn đe dọa chúng ta và tạo ra sự bất ổn trong đất nước chúng ta”, ông nói hôm thứ Hai, hứa hẹn sẽ tăng cường các cuộc tấn công trả đũa.

Trả lời câu hỏi của một người lính hỏi ông về thương vong dân sự ở Belgorod, Putin nói: “Tôi cũng cảm thấy một cơn giận sôi sục”.

Nhiều blogger quân sự Nga đã bày tỏ sự tiếc nuối về việc nước này rút khỏi khu vực biên giới vào tháng 9 năm 2022 sau cuộc phản công nhanh chóng của Ukraine, đồng thời cho rằng Nga cần chiếm thêm lãnh thổ để bảo vệ Belgorod và các khu vực biên giới khác.

Chính phủ Nga đã cố gắng chống lại các cuộc tấn công thành công bằng cách mô tả người Ukraine là “những kẻ khủng bố” đang tấn công bừa bãi vào các khu dân cư trong khi khẳng định quân đội Nga chỉ nhắm vào các kho vũ khí, nhà máy vũ khí và các cơ sở quân sự khác.

Các quan chức Ukraine hiếm khi thừa nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga.

3. Ukraine quan tâm đến súng laser chống máy bay không người lái của Nhật Bản

Ukraine đã bày tỏ sự quan tâm đến súng laser chống máy bay không người lái của Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn thiết kế nguyên mẫu.

Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản Serhii Korsunskyi đã nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với Glavcom, Ukrinform đưa tin.

“Nhật Bản đang phát triển các hệ thống có khả năng bảo vệ quốc gia này. Và họ thực sự có một ngành công nghiệp khá mạnh tham gia vào lĩnh vực này. Nhật Bản có súng laser chống máy bay không người lái. Nhưng chúng vẫn là mẫu thử nghiệm. Chúng tôi sẽ quan tâm đến chúng và chúng tôi đang thảo luận về mục đích này. Họ có thiết bị điện tử và radar tốt, điều này cũng sẽ được chúng tôi quan tâm”, nhà ngoại giao nói.

Korsunskyi nói thêm rằng Nhật Bản đã tài trợ các thiết bị rà phá bom mìn có giá trị cho Ukraine.

Đại sứ cũng giải thích rằng phía Ukraine đang cố gắng thuyết phục công chúng ở Nhật Bản rằng việc cung cấp viện trợ quốc phòng cho Ukraine là quan trọng vì một số lực lượng chính trị về cơ bản phản đối việc cung cấp hỗ trợ an ninh như vậy. Đại sứ lưu ý: “Điều này không liên quan trực tiếp đến Ukraine. Về cơ bản, họ phản đối việc Nhật Bản bàn giao vũ khí”.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine Kuninori Matsuda đã bảo đảm với người Ukraine trong bài phát biểu đầu năm mới rằng sự hỗ trợ của đất nước ông dành cho Ukraine vào năm 2024 sẽ vẫn không thay đổi.

4. Bước tiến mới trong chương trình F-16 của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's F-16 Program Receives New Boost”, nghĩa là “Chương trình F-16 của Ukraine nhận được sự thúc đẩy mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chương trình chiến đấu cơ F-16 non trẻ của Ukraine đã tiến một bước gần hơn đến việc cất cánh.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram hôm thứ Tư tuyên bố rằng Na Uy sẽ gửi hai máy bay phản lực do Mỹ sản xuất để giúp đào tạo phi công Ukraine ở Đan Mạch. Na Uy và các đồng minh NATO ở Âu Châu là Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đều đồng ý cung cấp chung cho Ukraine hàng chục chiếc F-16.

Cùng với Thiếu tướng Rolf Folland, nhà lãnh đạo Lực lượng Không quân Hoàng gia Na Uy, Gram đã bay chuyến bay thử nghiệm cuối cùng trước khi máy bay được gửi đến Căn cứ Không quân Skrydstrup của Đan Mạch, theo hãng truyền thông nhà nước Na Uy NRK. Na Uy cũng được cho là đã cử 10 huấn luyện viên bay tới căn cứ này để hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine.

Gram nói với NRK rằng nỗ lực giúp Ukraine “thành lập một lực lượng không quân chiến đấu hiện đại” sẽ “lớn và lâu dài” nhưng “quan trọng đối với sự ổn định và an ninh trên khắp Âu Châu”.

Mặc dù F-16 không còn là công nghệ tiên tiến nữa, nhưng chúng là một bản nâng cấp đáng kể đối với Ukraine, quốc gia vốn dựa vào phi đội chủ yếu bao gồm các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô kể từ khi Nga xâm chiếm gần hai năm trước.

Putin đã nhấn mạnh rằng việc nâng cấp sẽ không cải thiện vị thế của Ukraine trong cuộc chiến, đồng thời phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông vào tháng 9 rằng việc mua sắm máy bay phản lực “chỉ đơn giản là kéo dài cuộc xung đột”.

Na Uy được cho là đang có kế hoạch tặng từ 5 đến 10 chiếc F-16 của mình cho Ukraine. Tháng trước, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng lô hàng gồm 18 máy bay phản lực từ Hà Lan sẽ sớm được gửi đến.

Tháng trước cũng có thông báo rằng nhóm phi công F-16 đầu tiên của Ukraine đã hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản ở Vương quốc Anh và chuyển sang huấn luyện trên các máy bay phản lực khác ở Đan Mạch.

Năm máy bay phản lực đến Ukraine từ Hà Lan trước đó đã đến một trung tâm huấn luyện bay ở Rumani vào đầu tháng 11. Một số ít phi công Ukraine đã được đào tạo ở Arizona vào đầu năm ngoái.

Hiện chưa rõ khi nào các máy bay này sẽ sẵn sàng tham gia chiến đấu. Hầu hết các ước tính đều đề xuất mốc thời gian không sớm hơn mùa xuân, một phần do quá trình đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ đang diễn ra.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine vào tuần trước rằng việc đưa máy bay vào “tầm ngắm của đối phương” trong khi vẫn “chờ mọi thứ sẵn sàng 100%” sẽ là vô nghĩa.

Ihnat cho biết: “Cơ sở hạ tầng, các phi công hiện đang được đào tạo với những người hướng dẫn, cũng như nhân viên kỹ thuật hàng không là những điều cơ bản mà chúng tôi cần”. “Chúng ta dùng máy bay để chiến đấu với quân xâm lược chứ không phải để đem cất.”

Giáo sư Học viện Không quân Na Uy Lars Peder Haga nói với NRK rằng Nga có thể sẽ cố gắng tìm hiểu nơi cất giữ các máy bay phản lực khi chúng đến Ukraine và “tấn công chúng ngay tại nơi chúng đứng”, đồng thời chỉ ra rằng Mạc Tư Khoa có thể đạt được “chiến thắng lớn về uy tín” bằng cách tiêu diệt máy bay phản lực “trên mặt đất”

5. Đảng của Putin đang thành lập quân đội riêng: Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Party Is Creating Own Private Army: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Đảng của Putin đang thành lập quân đội riêng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, đảng chính trị của Putin đã bắt đầu tuyển mộ cho “quân đội tư nhân” của mình để chiến đấu trong cuộc chiến chống Ukraine.

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết Nước Nga thống nhất, một đảng chính trị bảo thủ nắm giữ nhiều ghế nhất trong quốc hội Nga và ủng hộ ông Putin, đã bắt đầu thành lập một công ty quân sự tư nhân có tên là Hispaniola. Nhóm này trước đây là một phần của tiểu đoàn Vostok liên kết với Nga, một nhóm chiến binh chiến đấu cùng với quân đội Mạc Tư Khoa ở khu vực Donetsk của Ukraine, GUR cho biết.

Cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng và Putin đã nhiều lần dựa vào chiến binh PMC để củng cố chiến tuyến của mình. Kyiv ước tính Mạc Tư Khoa đã mất hơn 250.000 quân chỉ riêng trong năm 2023. Một báo cáo tình báo Mỹ được giải mật hồi tháng 12 ước tính tổn thất của Nga là 315.000 quân kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2/2022.

Yusov cho biết: “Tại các trung tâm tuyển dụng của Hispaniola hoạt động trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, các tình nguyện viên được hứa nhận 220.000 rúp, tức là khoảng 2.391 Mỹ Kim, một tháng để tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến chống lại Ukraine. Hợp đồng ít nhất có thời hạn nửa năm.”

Yusov cho biết trước năm 2023, Hispaniola hoạt động như một “đơn vị tình nguyện của côn đồ bóng đá Nga” ở Vostok. PMC hiện được tài trợ và dưới sự kiểm soát của United Russia.

Các quan chức Kyiv cho biết những tân binh của Hispaniola cũng được hứa “thanh toán bảo hiểm”, chẳng hạn như đưa ra 1 triệu rúp hay 10.869 Mỹ Kim cho những vết thương nhẹ do chiến đấu trong chiến tranh. Ngoài ra, các tân binh của PMC còn được hứa thưởng 5 triệu rúp hay 54.347 Mỹ Kim cho những người phụ thuộc của họ trong trường hợp tử vong.

Yusov cho biết: “Tuy nhiên, động lực tài chính chỉ đóng vai trò lừa gạt. Đối với hầu hết các tân binh, trận chiến đầu tiên là tấm vé một chiều. Người Nga không nhận những người chết và bị thương nặng trong số 'bia đỡ đạn' được tuyển dụng từ chiến trường, họ đưa họ vào danh sách 'người mất tích' để không trả cho người thân những đồng rúp cho người trụ cột gia đình được Mạc Tư Khoa cử ra chiến trường đến chết.

GUR cho biết vào tháng 12 rằng Mạc Tư Khoa đang sử dụng lực lượng từ Tập đoàn Wagner để giúp huấn luyện quân đội của họ chiến đấu trên tiền tuyến ở Ukraine.

Wagner, một công ty quân sự tư nhân do Yevgeny Prigozhin quá cố lãnh đạo, đã chiến đấu bên cạnh quân đội Nga trong phần lớn cuộc chiến ở Ukraine và cũng giúp Putin thiết lập chỗ đứng ở các khu vực Trung Đông và Phi Châu trong những năm gần đây.

Nhóm lính đánh thuê, từng tham gia vào một cuộc binh biến thất bại vào tháng 6 và tương lai không chắc chắn sau cái chết của Prigozhin trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 8, đã nhiều lần bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

6. Putin mong muốn đối đầu với phương Tây để biện minh cho thương vong cao

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Itching for Confrontation With West to Justify High Casualties: ISW,” nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Putin mong muốn đối đầu với phương Tây để bù đắp cho thương vong cao.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Vladimir Putin đang coi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine như một cuộc chiến chống lại phương Tây để biện minh cho những tổn thất to lớn trên chiến trường của quân đội Nga.

Đánh giá đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, diễn ra sau cuộc gặp vào ngày đầu năm mới tại một bệnh viện quân đội nơi Nga điều trị cho các thương binh.

Viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ cho biết ông Putin có thể đang mở rộng mục tiêu chiến tranh của mình “bao gồm cả việc đối đầu với phương Tây trong nỗ lực tạo điều kiện cho việc xây dựng quân đội lâu dài của Nga và biện minh cho sự hy sinh cao độ trên chiến trường”.

Theo số liệu của Ukraine, các lực lượng Nga đã không giành được lãnh thổ lớn nào vào năm 2023 mặc dù phải chịu tổn thất hơn 250.000 quân, trong khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào ngày 30 tháng 12 rằng số thương vong hàng ngày trong 12 tháng qua đã tăng gần 300.

Một báo cáo tình báo Mỹ được giải mật hồi tháng 12 cho biết Nga đã chịu tổn thất 315.000 người kể từ khi bắt đầu chiến tranh và Anh ước tính đến cuối năm 2024, Nga có thể phải chịu tổn thất hơn nửa triệu người.

ISW cho biết hôm thứ Ba rằng những tổn thất lớn như vậy đối với những lợi ích tương đối nhỏ có thể đã thúc đẩy Putin đưa ra “lý do biện minh về mặt ý thức hệ” để tiếp tục cuộc chiến mà ông đã phát động, đánh dấu kỷ niệm hai năm cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2.

ISW cho biết ông Putin cũng giải quyết những lo ngại về việc thiếu nhà ở và bồi thường cho những binh sĩ bị thương, đây là một động thái “để thể hiện mình là một nhà lãnh đạo đồng cảm và tham gia trong thời chiến ngay cả khi dường như đang tăng cường đóng góp để hỗ trợ yêu cầu của ông về việc tăng cường sự hy sinh của người dân”..

“ Những tuyên bố của Putin có thể gợi ý rằng ông ấy đang chuẩn bị một lý do lâu dài để duy trì lực lượng được huy động và tham gia chiến đấu nhằm bảo vệ chủ quyền của Nga trước phương Tây”.

Bản ghi cuộc gặp gỡ của Putin với các binh sĩ được đăng trên trang web của Điện Cẩm Linh và nó cho thấy Putin đã mô tả phương Tây, chứ không phải Ukraine, là “đối phương”.

Khi trả lời câu hỏi của một quân nhân, ông Putin nói rằng Ukraine “tự nó không phải là đối phương” mà chính các tác nhân phương Tây “muốn phá hủy chế độ nhà nước của Nga” mới là đối thủ thực sự.

ISW cho biết: “Cụm từ này ngụ ý rằng Putin nhìn thấy một cuộc xung đột và các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và phương Tây - không phải là một cuộc xung đột và các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine”.

Viện nghiên cứu cho biết: “Putin có thể cố tình và sai lầm coi Ukraine là con tốt không có tác nhân trong cuộc xung đột Nga-phương Tây để che giấu các mục tiêu theo chủ nghĩa bành trướng và theo chủ nghĩa tối đa của ông là thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn hiệu quả của Nga đối với Ukraine”.

7. Cơ quan NATO giúp mua tới 1.000 hỏa tiễn Patriot

Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm của NATO hôm nay cho biết họ sẽ hỗ trợ một nhóm quốc gia có hợp đồng cung cấp tới 1.000 hỏa tiễn tăng cường dẫn đường cho Patriot.

Cơ quan này cho biết:

Cơ quan Mua sắm và Hỗ trợ NATO, gọi tắt là NSPA, sẽ hỗ trợ liên minh các quốc gia, bao gồm Đức, Hà Lan, Rumani và Tây Ban Nha, với hợp đồng cung cấp tổng số lượng lên tới 1.000 Hỏa tiễn tăng cường dẫn đường Patriot.

Hợp đồng bao gồm việc đánh giá phẩm chất các bộ phận được cập nhật, bổ sung nhà cung cấp mới, thiết bị thử nghiệm và phụ tùng thay thế để hỗ trợ hoạt động bền vững trong tương lai. Các quốc gia sử dụng khác dự kiến sẽ được hưởng lợi từ các điều kiện của hợp đồng.

Cơ quan đã trao hợp đồng sản xuất và giao hàng cho Comlog, một liên doanh giữa Raytheon, một doanh nghiệp RTX và MBDA. Để hỗ trợ sản xuất và giao hàng, Comlog sẽ mở rộng năng lực sản xuất hỏa tiễn Gem-T ở Âu Châu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết:

Hợp đồng này chứng minh rằng NSPA, với tư cách là người tạo điều kiện chính cho liên minh, có thể cung cấp thành công các giải pháp đa quốc gia hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các quốc gia, đồng thời củng cố năng lực công nghiệp của Âu Châu.

Thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh và ngành công nghiệp Âu Châu-Đại Tây Dương, NSPA đã cho phép hợp nhất các yêu cầu thông qua việc trao hợp đồng phức tạp này.

Các quốc gia khách hàng đã đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, giảm bớt dấu ấn hậu cần và đang có được các giải pháp cũng như hỗ trợ hiệu quả theo khuôn khổ pháp lý chìa khóa trao tay đã được chứng minh.

8. Nga vây bắt hàng ngàn người di cư để gửi đi chiến đấu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Rounds Up Thousands of Migrants to Send to Ukraine War: Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Nga vây bắt hàng ngàn người di cư để gửi đến chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền Nga đã vây bắt hàng ngàn người bị tình nghi là người di cư bất hợp pháp vào đêm giao thừa, và một số cơ quan báo chí đưa tin nhiều người trong số những người di cư bị giam giữ đã bị buộc phải nhập ngũ để tham gia cuộc chiến chống Ukraine.

Hãng thông tấn RIA Novosti do Điện Cẩm Linh kiểm soát đưa tin rằng chỉ riêng ở St. Petersburg đã có khoảng 3.000 người di cư bị giam giữ. Tờ Kyiv Post cho biết các cuộc đột kích liên quan đến người di cư cũng diễn ra ở Mạc Tư Khoa, Chelyabinsk và các thành phố khác vào đêm giao thừa.

Sau khi bắt đầu cuộc chiến của Putin ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã đưa ra nhiều điều luật khuyến khích người di cư có hộ chiếu Nga phục vụ trong quân đội. Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về đạo luật này là sắc lệnh mà Putin đã ký vào tháng 3, theo đó con đường trở thành công dân trở nên dễ dàng hơn đối với người nước ngoài nếu họ ký hợp đồng nghĩa vụ quân sự một năm trong cuộc chiến ở Ukraine.

Trước đây, Nga cũng bị cáo buộc ép những người di cư bị giam giữ phải nhập ngũ. Vào tháng 8, cảnh sát ở St. Petersburg đã bắt giữ hơn 100 người trong cuộc đột kích vào một kho thực phẩm lớn. Hãng tin kinh doanh RBC của Nga cho biết các quan chức thực thi pháp luật đã ban hành một thủ tục mới có thể được sử dụng trong các cuộc đột kích di cư nhằm đưa những người di cư hiện là công dân Nga đến văn phòng nhập ngũ.

Tờ Kyiv Post viết rằng năm ngoái đã xuất hiện các báo cáo về các cuộc đột kích tương tự vào đêm giao thừa. Tờ báo này cho biết “các cuộc truy quét nhắm vào những người mới nhập quốc tịch Nga nhưng không ghi danh nghĩa vụ quân sự bắt buộc”.

Trong các cuộc đột kích năm nay, một người bị tình nghi là người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ ở Mạc Tư Khoa đã ăn mặc như ông già Noel, tờ Kyiv Post cho biết hãng tin trực tuyến SOTA của Nga đưa tin.

Tờ Moscow Times trích dẫn các báo cáo từ các trang tin tức địa phương Fontanka và Bumaga khi đưa tin về các cuộc vây bắt người di cư trong dịp Năm mới gần đây.

Theo báo cáo, tờ Moscow Times viết: “Một số người di cư, chủ yếu đến từ các nước Trung Á, đã bị triệu tập quân sự ngay tại chỗ, trong khi những người khác bị buộc phải đến văn phòng nhập ngũ của quân đội”.

Viết về các cuộc đột kích đầu năm mới, Reuters lưu ý rằng nhiều người di cư từ các nước Trung Á láng giềng như Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia đến Nga tìm việc làm.

Trong cuộc họp báo thường niên vào tháng 12, ông Putin cho biết có hơn 10 triệu người lao động di cư ở Nga, theo Reuters.

“Đây không phải là vấn đề dễ dàng”, nhà độc tài Nga nói.
 
Căng thẳng từ Tuyên ngôn Fiducia: Linh mục Ý bị vạ tuyệt thông vì gọi ĐTC Phanxicô là ‘kẻ soán ngôi’
VietCatholic Media
16:49 04/01/2024


1. Linh mục người Ý bị vạ tuyệt thông vì gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là ‘kẻ soán ngôi’

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình về một diễn biến không may vừa xảy ra tại Ý liên quan đến Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Bài báo có nhan đề “Italian priest excommunicated for calling Pope Francis a ‘usurper’”, nghĩa là “Linh mục người Ý bị vạ tuyệt thông vì gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là ‘kẻ soán ngôi’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một linh mục người Ý đã bị giám mục địa phương rút phép thông công vì đã nói trong một bài giảng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “không phải là giáo hoàng” và gọi ngài là “kẻ soán ngôi”.

Giáo phận Livorno ở Tuscany đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 1 Tháng Giêng thông báo cho người Công Giáo rằng Cha Ramon Guidetti “đã công khai thực hiện một hành vi ly giáo” trong Thánh lễ và đã phải gánh chịu “vạ tuyệt thông tiền kết”

Đức Giám Mục Simone Giusti đã thông báo cho giáo phận của mình rằng người Công Giáo không được tham dự bất kỳ Thánh lễ nào do vị linh mục bị vạ tuyệt thông cử hành, nếu không họ cũng sẽ “phải chịu hình phạt vạ tuyệt thông rất nghiêm trọng”.

Đức Giám Mục trích dẫn Điều 751, trong đó định nghĩa ly giáo là “từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc hiệp thông với các thành viên của Giáo hội phục tùng ngài”.

Một video được tải lên YouTube cho thấy Cha Guidetti gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là “kẻ soán ngôi” và “thuộc bè tam điểm” trong bài giảng của ngài vào ngày 31 tháng 12 năm 2023, để đánh dấu một năm ngày mất của Đức Bênêđíctô XVI.

Trong bài giảng, vị linh mục còn phủ nhận thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là giáo hoàng trong thập kỷ qua.

Cha Guidetti, 48 tuổi, đã phục vụ từ năm 2017 với tư cách là linh mục chính xứ của Nhà thờ San Ranieri, nằm bên ngoài thành phố ven biển Livorno, cách Rôma khoảng 250 dặm về phía bắc.

Theo một tờ báo địa phương ở Livorno, vị giám mục đã gặp Cha Guidetti trước Giáng Sinh để thảo luận về sự bất đồng quan điểm của ngài và công bố sắc lệnh vạ tuyệt thông chính thức sau hành động được coi là ly giáo công khai của vị linh mục vào ngày 31 tháng 12 vừa qua.

2. Các giám mục Công Giáo Nam Phi bác bỏ cáo buộc của Rabbi trưởng chống Đức Giáo Hoàng

Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Phi bác bỏ những lời cáo buộc của Rabbi trưởng Do thái giáo Nam Phi, Warren Goldstein, cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “cấu kết với những thế lực sự ác” vì lập trường của ngài đối với chiến tranh giữa Israel và Hamas. Các giám mục nói rằng lời tuyên bố của Rabbi trưởng Goldstein “là không đúng sự thật và thiếu khách quan, tỏ ra nghi kỵ và có tính cách ám sát nhân cách”.

Rabbi bày tỏ lập trường này, sau khi có tin của tờ Washington Post về cuộc điện đàm giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Isaac Herzog của Israel, trong đó báo này cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói: “dùng khủng bố để đáp lại khủng bố là điều bị cấm”. Rabbi Goldstein cho rằng “nhận định như thế của Đức Giáo Hoàng có nghĩa là ngài đặt Israel đồng hàng với Hamas. Khi so sánh cuộc chiến chính nghĩa tự vệ của Israel với sự man rợ của Hamas, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập lại những tội của Giáo hoàng Piô XII trong thời Đức Quốc xã đã ủng hộ những thế lực sự ác tìm cách tiêu diệt dân tộc Do thái và phản bội nghĩa vụ của thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo là bảo vệ các tín hữu Kitô trên thế giới khỏi những hành vi oán ghét sát nhân chống người Do thái, mà không ý thức rằng chúng ta cùng ở với nhau trong chiến tranh này”.

Rabbi Goldstein đã đưa ra lời cáo buộc qua một sứ điệp Video được phổ biến trên mạng xã hội, hôm 19 tháng Mười Hai vừa qua.

Thông cáo của các giám mục Công Giáo Nam Phi công bố ngày 23 tháng Mười Hai, với chữ ký của Đức Cha Chủ tịch Sithembela Anton Sipuka, Giám mục Giáo phận Umtata ở Nam Phi, trong đó có khẳng định rằng cả cuộc diệt chủng Do thái và những cuộc tấn công bất ngờ của Hamas chống Israel hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, đều là điều man rợ, và phải phòng ngừa để nó khỏi tái diễn, “nhưng những biến cố ấy không thể bị lạm dụng để bỏ qua và làm tê liệt những người bạn không được phê bình những hành vi vô nhân đạo và bất hợp pháp của quân đội Israel trong cuộc chiến tranh hiện nay”.

Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Phi nhấn mạnh tương quan lâu dài giữa Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do thái, và sự dấn thân của Đức Thánh Cha trong sự đối thoại và cộng tác với người Do thái: “Đứng trước sự đối thoại tôn giáo với dân tộc Do thái và quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và nhà nước Israel, sự công khai tấn công của Rabbi đối với Đức Giáo Hoàng là điều đáng tiếc”.

“Cảm xúc qua đó Rabbi thốt lên những lời như thế làm cho người ta nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng ghét người Do thái, vì Rabbi kêu gọi ngài hãy thống hối, nhưng đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu triều đại Giáo hoàng với cuộc viếng thăm Israel hồi năm 2014, trong đó ngài bày tỏ vui mừng vì người Công Giáo và Do thái được liên kết “bằng một mối liên hệ tinh thần rất đặc biệt” và ngài hứa hoạt động để thăng tiến quan hệ giữa hai bên đã khởi sự từ Công đồng chung Vatican II”.

Các giám mục Nam Phi cũng bênh vực lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh tại Gaza, và nói rằng không những ngài lên án khủng bố nhưng còn lên án sự sử dụng thái quá và bừa bãi của Israel, khiến cho hàng chục ngàn thường dân bị thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đức Giáo Hoàng không chống Israel, nhưng bênh vực hòa bình, công lý và ngài liên đới, cảm thương các nạn nhân bạo lực thuộc cả hai phía”.

3. CẬP NHẬT: 4 linh mục bị bắt trong 2 ngày bởi chế độ độc tài Nicaragua

Tổng cộng có bốn linh mục đã bị bắt chỉ trong hai ngày ở Nicaragua. Từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 12, chế độ Sandinista, do Daniel Ortega đứng đầu, đã bắt cóc các linh mục mà vẫn chưa rõ tung tích của họ.

Đức Cha Silvio José Báez, Giám Mục Phụ Tá của Managua sống lưu vong ở Hoa Kỳ do bị chế độ Ortega đàn áp, đã tố cáo ngày 28 tháng 12 về vụ bắt cóc ba trong số các linh mục này.

Các linh mục gồm có: Đức ông Carlos Avilés, tổng đại diện Tổng giáo phận Managua; Cha Héctor Treminio, chánh xứ Giáo xứ Chúa Kitô ở Esquipulas trong cùng tổng giáo phận; và Cha Fernando Calero, chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande thuộc Giáo phận Matagalpa. Nơi ở của các ngài vẫn không được rõ.

Đức Cha Báez nói: “Tôi phẫn nộ trước vụ bắt cóc bất công ba linh mục yêu quý ở Managua bởi chế độ độc tài tội phạm Sandinista.”

Hôm Chúa Nhật, 31 Tháng Mười Hai, báo chí Nicaragua và luật sư Martha Patricia Molina đưa tin về vụ bắt cóc thêm một linh mục, Cha Marcos Diaz Prado, cha sở của Giáo xứ Thánh Thomas Tông đồ ở Puerto de Corinto thuộc Giáo phận León.

Ngoài 4 trường hợp mới này, Cha Pablo Villafranca, linh mục của Giáo phận Veracruz ở Nindirí (Masaya), cũng thuộc Tổng Giáo phận Managua, đã bị cảnh sát bắt cóc vào ngày 26 tháng 12. Cho đến nay, không có thông tin gì về nơi ở của ngài..

Vào giữa tháng 12, Đức Cha Isidoro del Carmen Mora Ortega của Giáo phận Siuna bị bắt cóc và bỏ tù. Hai chủng sinh cũng bị bọn cầm quyền bắt giữ cùng với Mora mà không có thêm thông tin gì về họ. Ngoài ra, Đức ông Óscar Escoto, tổng đại diện Giáo phận Matagalpa, đã bị bắt và tạm giam trong vài giờ.

Một linh mục khác, Cha Jader Guido, bị bắt vào ngày 24 tháng 12 và sau đó được thả.

Cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo dưới chế độ của Ortega, vợ ông và phó tổng thống Rosario Murillo, đã gia tăng trong những tháng gần đây. Trường hợp tiêu biểu nhất là trường hợp của Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, người đã bị bắt cóc và quản thúc tại gia vào tháng 8 năm 2022 cho đến tháng 2 năm nay khi cuối cùng ngài bị kết án hơn 26 năm tù, bị buộc tội “ kẻ phản bội quê hương.”

Năm 2023 là năm xảy ra nhiều cuộc tấn công nhất nhằm vào Giáo hội ở Nicaragua

Molina, một nhà nghiên cứu người Nicaragua và là tác giả của nghiên cứu “Nicaragua: Một Giáo hội bị đàn áp?”, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngày 28 tháng 12 rằng những người bị bắt “là những linh mục có thâm niên hoạt động mục vụ và rất được giáo dân yêu mến.” Cô cáo buộc rằng chế độ độc tài Sandinista đã bắt giữ họ “không vì lý do gì, không có lệnh bắt giữ”.

“Từ năm 2018 đến năm 2023, Giáo Hội Công Giáo đã phải hứng chịu 756 cuộc tấn công chống lại Giáo Hội ở Nicaragua. Chỉ riêng năm 2023 đã có 291 vụ tấn công được thực hiện. Chúng ta có thể coi năm ngoái là năm có nhiều cuộc tấn công chống lại Giáo Hội Công Giáo nhất trong khoảng thời gian 5 năm gần đây. Chỉ riêng trong tháng 12 năm 2023, 25 hành động thù địch đã được ghi nhận”, Molina nói.

Ngoài các trường hợp bị cưỡng bức mất tích, 177 tu sĩ nam nữ đã bị ngăn cản trực tiếp thực hiện sứ vụ mục vụ của mình, buộc họ phải sống lưu vong.

Molina nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần phát biểu về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo Hội Công Giáo đang phải trải qua ở Nicaragua kể từ tháng 4 năm 2018. Đức Thánh Cha đã so sánh chế độ Sandinista năm nay với các chế độ độc tài “thô tục” đầu thế kỷ 20. Anh ta cũng gọi Ortega là một người “không ổn định”.

Nhà nghiên cứu người Nicaragua lưu ý rằng “Tòa thánh tiếp tục đàm phán với chế độ độc tài, nhưng điều đang diễn ra là gia đình Ortega-Murillo muốn có quyền kiểm soát tuyệt đối việc bổ nhiệm các giám mục hoặc Hồng Y”.