Ngày 06-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Năm 7/1: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này. Suy Niệm của Lm. Giuse Nguyễn Xuân Hiếu, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:58 06/01/2021


Video bắt đầu lúc 7g tối 6/1 (giờ Việt Nam)

PHÚC ÂM: Lc 4, 14-22a

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.

Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.

Đó là lời Chúa.

 
Gắn bó với
Lm. Minh Anh
04:14 06/01/2021
GẮN BÓ VỚI

“Chúa Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước”;

“Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sau bữa tiệc hào phóng, các môn đệ chưa kịp tận hưởng sự ngọt ngào thành công ngoạn mục của Thầy, thì Chúa Giêsu buộc họ xuống thuyền qua bờ bên kia; còn Ngài thì lên núi cầu nguyện. Như vậy, xem ra các môn đệ ‘gắn bó với’ tiếng tăm; Thầy của họ lại ‘gắn bó với’ Cha trên trời.

Cảm xúc của những thành công tức thời không làm dao động đời sống nội tâm của Chúa Giêsu; những lời tung hô và những tràng vỗ tay không làm trệch hướng đôi mắt tâm hồn Ngài vốn luôn quy hướng về ánh mắt Chúa Cha. Với Chúa Giêsu, điều an ủi và nâng đỡ cốt lõi cho tâm hồn Ngài không phải là kết quả huy hoàng gặt hái trong việc tông đồ, nhưng là sự nhiệm hiệp với Cha. Vì thế, dù kết quả sứ vụ có thế nào đi nữa, dễ hay khó, được hay mất, nội tâm của Chúa Giêsu vẫn quân bình; bởi lẽ, động lực bên trong của Ngài vẫn chỉ là một, đó là Chúa Cha. Tinh thần bền bỉ và ý chí kiên định của Ngài không dựa trên những kết quả nhất thời, nhưng dựa trên sự bình an và niềm vui sâu sắc khi ‘gắn bó với’ Cha, thuộc trọn về Cha.

Chúa Giêsu đã bảo vệ cái không gian linh thánh này thật chặt chẽ trong trái tim Ngài bằng một yếu tố then chốt, đó là thời gian. Dành thời gian cho việc cầu nguyện là xây dựng bức tường bảo vệ nơi tôn nghiêm của Thiên Chúa trong tâm hồn mình; thời gian dành riêng cho Chúa là yếu tố tạo nên cơ hội cho việc xây dựng Nước Trời trong tâm hồn mỗi người; cùng lúc, thiết lập Nước Trời chung quanh mình. Từ đó, những gì đã xảy ra trong cuộc đời, thành công hay thất bại; tung hô hay dè bĩu; vỗ tay hay ném đá… tất cả đều là những gì thuộc về bên ngoài, sẽ trôi qua; có thể rất hời hợt, cũng có thể rất viển vông và cũng rất mực phù hoa. Thế nhưng, một điều căn bản còn lại, không bao giờ mất, đó là tấm lòng yêu mến của người con, yêu mến của người môn đệ. Ý thức được điều này, như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ôm lấy những gì là vĩnh cửu, là tự hiến và hoàn hảo trong tình yêu khi chỉ lưu tâm đến việc sống một đời sống ‘gắn bó với’ Thiên Chúa.

Đó là lý do Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện sau phép lạ hiển hách của Ngài. Còn các môn đệ thì sao? Tin Mừng nói, Chúa Giêsu buộc họ xuống thuyền; bởi lẽ, họ đang ‘gắn bó với’ tiếng tăm, với những lời khen. Hụt hẫng, tiếc nuối, họ phải rời bỏ đám đông, ra đi và phải vượt biển đêm khuya; không những thế, họ còn phải lao đao vì ngược gió và lại một phen thất kinh hồn vía khi thấy Thầy đi trên mặt nước, tiến về phía họ khiến họ tưởng là ma. Phản ứng bàng hoàng đó cho thấy, một khi não trạng vụ lợi, cầu danh dấy lên; khi mà ‘tinh thần thế tục’ bắt đầu nhen nhúm, khi tâm con người ‘vọng động’… thì bấy giờ, người ta sẽ đánh mất bình an để từ đó, khó lòng nhận ra những thực tại thánh thiêng chung quanh mình; bằng chứng là cả khi Thầy đang hiện diện ở đó, các môn đệ cũng tưởng là ma; và này, những biến cố xảy ra với họ luôn luôn là ngược gió, chướng khí; và tha nhân lúc bấy giờ, cũng toàn là những con người trái ý.

Một trong những bài kiểm tra các phi hành gia phải trải qua, đó là họ phải làm gì khi gặp sự cố. Khi sự cố xảy ra, câu hỏi đầu tiên họ phải đặt ra là, “Có phải vật này đang bay đúng hướng không?”. Nếu câu trả lời là có, thì sẽ không có nguy hiểm ngay lập tức, họ không cần phải phản ứng thái quá. Khi Apollo 12 cất cánh, nó bị sét đánh; bảng điều khiển bắt đầu phát sáng với các tín hiệu màu cam và đỏ. Lập tức, phi hành đoàn bị cám dỗ “Làm một điều gì đó!”; thế nhưng, ‘Pete’ Conrad, phi công trưởng đã hét lên, “Có phải vật này vẫn bay đúng hướng?”; hai phi hành gia khác trả lời “‘Yes!’, nó đang hướng tới mặt trăng!”, và theo đèn tín hiệu, họ tuần tự giải quyết từng vấn đề. Appolo 12 đã thành công trong lần đáp xuống mặt trăng lần thứ hai của con người.

Anh Chị em,

Trong mọi cảnh huống cuộc đời, không cần đợi đến khi các sự cố xảy ra, nhưng sẽ rất hữu ích nếu chúng ta luôn tự hỏi, “Tôi đang ‘gắn bó với’ cái gì? Tôi đang bay đúng hướng?”. Những câu hỏi thường xuyên này sẽ giúp chúng ta định hướng cuộc sống một cách đúng đắn, thiết lập một trật tự ưu tiên trong đời sống mình; đồng thời, biết điều chỉnh mỗi khi trệch hướng, khi không còn ‘gắn bó với’ Chúa; tắt một lời, khi chúng ta mất bình an, chạy theo hư danh… chỉ vì thiếu cầu nguyện.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để thế gian mê hoặc con bởi những tung hô của nó; xin cho con chỉ biết làm vui lòng Chúa, và một chỉ ‘gắn bó với’ Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phép Rửa Tái Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:48 06/01/2021
Phép Rửa Tái Sinh

Khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu dìm ngụp trong nước, nước bao phủ Người như bóng tối bao trùm vực thẳm. Khi Người bước lên thì Thánh Thần ngự xuống, tiếng Chúa Cha vang lên, lần này không phải để tạo dựng ánh sáng, nhưng để xác nhận con người vừa dìm ngụp trong nước chính là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa hài lòng về Người.

Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa hai giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật 30 năm âm thầm với gia đình tại Nadarét và rao giảng công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đây cũng là gạch nối giữa hai Mùa Phụng Vụ: Giáng Sinh và Thường Niên.

Hôm nay Chúa Nhật I Thường Niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Chúa Giêsu qua các biến cố của đời rao giảng, khởi đầu là sự kiện Chúa chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan. Ông Gioan làm Phép Rửa thì dìm người ta vào trong nước. Đấng đến sau ông làm Phép Rửa thì dìm người ta vào trong Thánh Thần, là quyền năng tạo dựng và ban sự sống của Thiên Chúa, vì Thánh Thần đã ngự xuống trên Người.

Tin Mừng nói đến ba dạng Phép Rửa.

1. Phép Rửa sám hối

Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan "Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối " (Mt 3, 11). Ai chịu Phép Rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phép Rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép Rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, Ngài quyền phép hơn tôi, chính Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và bằng lửa” (Mt 3, 11). Gioan làm Phép Rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế.

2. Phép Rửa mạc khải

Khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép Rửa mạc khải về một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Chính khung cảnh thần hiển của bài Tin Mừng kể là một mạc khải sống động về Ba Ngôi: Chúa Giêsu cúi mình trên dòng nước, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình bồ câu và tiếng Chúa Cha xác nhận “Này là Con Ta yêu dấu”.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc 1, 5) và chịu “phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1, 4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm Phép Rửa sám hối? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo.

Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.

Có ba dấu hiệu bài Tin Mừng mạc khải không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.

Dấu hiệu 1: Trời mở ra.

Sách Sáng Thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa Thiên Đàng đóng lại (St 3, 23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” (Is 64, 1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh Kinh ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.

Dấu hiệu 2: Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.

Sách Sáng Thế có nói:Trước khi tạo dựng trời đất thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Chúa Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành thọ tạo mới” (Gl 6, 15)

Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Ta”.

Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho biết: những ai tin vào Người và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

3. Phép Rửa tái sinh

Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: "Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô." (Cl 2, 12-13).

Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở thành thành viên trong dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.

Bí Tích Thánh Tẩy chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.

Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).

Bí Tích Thánh Tẩy tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Thánh Tẩy cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí Tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí Tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo Hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên là Mùa Phụng Vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.

Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.

Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí Tích Thánh Tẩy để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
 
Chúa chịu phép Rửa vì tội lỗi muôn dân
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
16:05 06/01/2021


(Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa)

Giờ đây, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, cùng đến bên bờ sông Gio-đan để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu phép rửa.
Xin hãy nhìn xem:
Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn cao sang vô lượng, quyền phép vô song, vua chúa trần gian chỉ như cát bụi trước mặt Ngài… đang hòa mình với loài thụ tạo mọn hèn thấp kém để chờ được thanh tẩy trong dòng sông Gio-đan;
Đấng tinh tuyền, thánh thiện và rất đỗi tốt lành… đang đứng chung với những người đê hèn, tội lỗi bày tỏ lòng ăn năn sám hối;
Con Người hoàn toàn vô tội và rất cao cả ấy đã khiêm tốn nài xin một người phàm như Gioan làm phép Rửa cho mình! (Ga 3, 13).

Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế?
Những người thu thuế, trộm cướp, tội lỗi đến xin Gioan tẩy giả làm phép rửa cho mình vì họ là những người có tội; còn Chúa Giê-su thì có tội gì mà phải chịu phép rửa?
Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của muôn người mà Ngài đã mang vào thân; cũng như Chúa Giê-su chịu khổ nạn quá đỗi đau thương và chịu chết thê thảm trên thập giá không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì để đền tội thay và chết thay cho muôn người.

Sự kiện Chúa Giê-su chấp nhận chịu phép Rửa nói lên tâm nguyện Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, chấp nhận mang tội lỗi của nhân loại vào thân, sẵn sàng hy sinh mạng sống để đền tội thay cho muôn người, nhờ đó, nhân loại được giao hòa với Chúa Cha và được sống đời đời trên nơi vinh hiển…
Điều này khiến Chúa Cha rất đỗi hài lòng. Thế là các tầng trời bị đóng lại từ khi nguyên tổ phạm tội giờ được mở ra; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giê-su và Chúa Cha bày tỏ niềm hoan lạc của Ngài và long trọng tuyên bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài" (Mt 3,17).

Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội bất phục tùng của A-đam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút lịch sử này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su mà cửa trời được mở ra, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Từ đây tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, Trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa là Nguồn Cội của mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh Chúa vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng con phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối.
Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng con, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng con thì xin cho chúng con cũng chấp nhận chịu đựng khó khăn gian khổ hằng ngày với Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn.

 
Hội Ngộ Sứ Giả Thiên Đường
LM Nguyễn Trung Tây
16:11 06/01/2021
Em hỏi tôi,

— Cha ơi! Có thiên thần hay không?

Tôi trợn mắt nhìn em,

— Có chứ! Sao lại không!

Em hỏi tới,

— Vậy có bao giờ cha gặp thiên thần chưa?

Tôi gật đầu,

— Có, có gặp thiên thần mấy lần rồi…

Em mến,

Lần đó, tu sĩ leo lên núi cao cho một thánh lễ Giáng Sinh tại một ngôi làng khuất nơi vùng núi đồi hẻo lánh của Bắc Philippines.

Làng xa cách đời sống thị thành vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Thật sự ra không dễ để đặt chân đến được cửa thôn. Bởi làng với khoảng 2000 linh hồn nằm yên lặng trong một khu thung lũng bao phủ chung quanh bởi những ngọn núi cao ngất tô đậm mầu xanh cây rừng và ruộng lúa bậc thang!

Đường đi tới thôn là đường đất, không tráng nhựa! Em có thể nhận ra ngay những con đường đơn sơ như thế không bao giờ hứa hẹn một chuyến du hành thoải mái tới bất cứ ai, kể cả người dân bản xứ! Thật ra nguyên thủy đó là một con đường mòn được tạo ra bởi những bước chân của người làng từ thời tạo thiên lập địa! Rất tiếc đây là phương tiện duy nhất từ bao lâu rồi nối liền thung lũng hoang vắng Cambulo với thị trấn đông dân Banaue! Cả hai đều thuộc tỉnh Ifugao, vùng núi đồi thượng du Philippines.

Trời vùng thượng du mưa liên tục nhiều tuần rồi! Banaue hoàn toàn ướt sũng nước từ khi tôi đặt chân tới phố. Gần hai tuần rồi, tu sĩ vẫn chưa có dịp nhìn thấy một ngày nắng ấm. Tu sĩ cứ thế, uể oải như miếng thịt thối. Thật ra, tu sĩ đang bị SAD. Ồ, không! Tu sĩ không nói là mình đang trải nghiệm một nỗi buồn. Không! Thật ra tu sĩ đang nói về Seasonal Affective Disorder! Vâng, thật thế! Tu sĩ không nói giỡn chơi! Ai mà không nặng nề chân dung nếu phải sống trong những điều kiện thời tiết như thế! Chưa hết! Bởi Trời cao rộng rãi đổ xuống trần gian lênh láng mưa bạc vàng, con đường khúc khuỷu quanh co vùng thung lũng giờ này hóa ra đất bùn trơn trợt! Nếu không cẩn thận, trần gian lại thêm một linh hồn trượt chân, tà tà buông mình rơi thẳng và rơi đều xuống vực sâu thăm thẳm!

Tu sĩ đoán bây giờ em có thể đoán ra tại sao phải mất khoảng cỡ hai tiếng đồng hồ để tu sĩ cuối cùng dừng chân tại bến xe của thôn. Nhưng khoan! Hành trình chưa chấm dứt. Vẫn còn một đoạn đường hình bậc thang đợi chờ phía trước, để tu sĩ vất vả vượt qua. Thế là tu sĩ lại từng bước từng bước cẩn thận bước đi khúc cuối đoạn đường bùn lầy trơn trợt dẫn tới nguyện đường truyền giáo của thôn! Trên đoạn đường chông chênh này, một lần nữa tu sĩ cầu nguyện thiết tha rằng mình sẽ không té ngã lăn quay trên đường đi.

Thiên đàng rõ ràng đã nhận lời kinh nguyện thật thà! Tu sĩ đổ mồ hôi ướt đẫm áo như một con chuột cống dính nước mưa! Nhưng không sao, tu sĩ vẫn sống sót! Quần dài lấm tấm những vết bùn nâu! Tu sĩ cũng vô tình đạp lên một vài đống chất thải nhầy nhụa của thú vật trên mặt đường! Nhưng cũng không sao!? Điều quan trọng là cuối cùng mình cũng đã đặt chân tới cổng làng truyền giáo cho một thánh lễ Giáng Sinh.

Thật sự ra tu sĩ tin tưởng mình sẽ không có cơ hội sống sót nếu được gửi tới vùng đất hoang vắng này cho công tác truyền giáo! Rất thành thực, tu sĩ phải thú nhận điều này! Có thể em sẽ phản ứng với lời thú tội thật thà của tu sĩ. Nhưng cũng chẳng sao, tu sĩ biết mình, điểm mạnh và điểm yếu! Cuộc đời mà... Well! You know! Em biết mà...

Tu sĩ lại càng thêm tin tưởng vào điều này trên đường quay trở về bãi đậu xe chờ đợi một chuyến xe jeepney khác mang tu sĩ quay về phố lớn! Mới bước đi được một vài bực thang, tu sĩ đã nhìn thấy bóng mình thở dài. Một vài hạt mồ hôi từ trên trán lăn tròn vào mắt vẫn không cản che được hình dạng của bến xe jeepney trên đỉnh núi cao vun vút. Riêng tu sĩ, giờ này vẫn còn ì ạch tại đáy thung lũng.

Một lần nữa ta lại thấy ta đang vật lộn với những bước chân trơn trợt, chất thải của thú vật, đầu ngập tràn những tư tưởng hắc ám. Óc người truyền giáo lan man nghĩ ngợi về câu Kinh thánh nổi tiếng của ngôn sứ Isaiah: "Đẹp thay bước chân trên núi đồi của những người ra đi loan báo Tin Mừng" (Isa 52:7)! Well! Nghĩ tới đây, tu sĩ mỉa mai tự nhủ; "Vâng! Đúng thế! Chào mừng bạn tới núi đồi thượng du! Nơi đay nổi tiếng với những cơn mưa và ruộng lúa bậc thang!" “Hãy đến và xem” (John 1:39)! “Vâng, đúng thế, mời bạn đến, và bạn sẽ thấy.”

Sứ giả trời cao, Ảnh NTT

Rồi tu sĩ nhìn lên! Và kìa!

Ngay giữa đường, tu sĩ nhìn thấy em, khoảng 9 hay 10 tuổi thôi! Em yên lặng vác trên đôi vai một bao mì ống to bự! Và ngay sau em khoảng vài bước chân là một em trai khác, nhỏ tuổi hơn, cũng đang vác trên đôi vai nhỏ bé một bao những chai nước suối! Em trai nhỏ dường như chật vật với món hàng đội trên vai. Cả hai đang bước đi những bước chân nhanh nhanh vững chãi!

Giống như cây bị sét đánh ngay khúc thân giữa, tu sĩ tự nhiên thấy mình đứng đó chết lặng!

Hai em nhỏ gồng gánh lương thực cho gia đình nơi vùng thung lũng! Hai em thi hành nhiệm vụ với khuôn mặt nhẫn nại! Không một dấu vết than van trên khuôn mặt!

Riêng tu sĩ, nhà truyền giáo đang bước đi những bước nhẹ tênh nhưng lại gồng gánh trên đôi vai nặng nề tư tưởng bi quan sau một lần thăm viếng mục vụ thôn làng Cambulo tràn đầy sức sống!

Hai em nhỏ dường như chật vật với gánh nặng đời sống gửi tới trên đôi vai vào giây phút tu sĩ gặp ngày hôm đó (hoặc cũng có thể là hằng ngày). Nhưng cả hai chấp nhận cuộc sống với không một nét nhăn nhó trên khuôn mặt!

Hai em trai nhỏ của thôn làng rõ ràng đã dậy tu sĩ một bài học vô giá về đời sống: hãy trân trọng tất cả những món quà cuộc đời đã trao tặng từ những giây phút đầu tiên xuất hiện trong bụng mẹ!

Dừng lại dòng tư tưởng, tu sĩ quay lưng nhìn theo bóng dáng của cả hai vị sứ giả thiên đàng. Nhưng bất chợt như khi bất ngờ hiện đến, cả hai đều đã biến nhanh mất dạng nơi cuối đoạn đường bậc thang trơn trợt.

Tu sĩ tiếp tục bước đi. Nhưng trong tim hạt giống hoán cải bắt đầu nẩy mầm vươn cao.

Tu sĩ bước lên xe jeepney tại trạm xe quay về phố chính. Một lần nữa, tu sĩ lắc lư trên suốt chặng đường dài trong khi bác tài vật lộn với từng mét đoạn đường lầy lội trơn trợt. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, bóng dáng phố sương mù Banaue dần dần xuất hiện nơi cuối đường chân trời. Tu sĩ nhận ra hình dạng tháp cao của nhà thờ.

Thấy tu sĩ bước chân vào nhà xứ, cha xứ và nhiều giáo dân ồn ào cất giọng hỏi thăm,

— Cambulo vui không hả cha? Lễ Giáng Sinh ở đó ra sao?

Chà chà đôi giầy bám đặc bùn nâu trên miếng thảm chùi chân, tu sĩ cười nói,

— Cambulo! Thôn đó tuyệt vời! Nhưng, biết chi không? Tôi đã gặp hai thiên thần trên đường đi…

Vài người lộ vẻ nghi ngờ trên khuôn mặt,

— Không hiểu cha đang nói điều gì! Cha không nói giỡn chơi đó chứ?

Tu sĩ từ tốn giải thích,

— Không, tôi không giỡn! Vâng, thật là bất ngờ... Tôi đã hội ngộ hai sứ giả thiên đàng tại phố nhỏ Cambulo!

Vài người thích thú.

— Wow! Really!

Nhưng cũng có người nửa đùa nửa thật,

— Vậy cha có nhận được thông điệp nào từ trời gửi xuống hay không?

Tu sĩ gật đầu xác nhận,

— Có, có chứ! Chắc chắn là có rồi!

Nguyễn Trung Tây

Banaue - Cambulo, Ifugao, the Philippines
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 06/01/2021

14. Dù lương tâm tôi có thể gánh vác tất cả những tội nó có thể phạm, thì tôi vẫn cứ phải thống hối và tìm đến nép vào lòng Chúa chúng ta, tôi biết Ngài nhân từ biết bao đối với tất cả những lãng tử quay đầu trở về.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 06/01/2021
29. HỔ SỢ LỜI KHUYÊN GIÁO

Hòa thượng và tên cường đạo đang trên đường đi thì gặp một con hổ, tên cường đạo lấy cái cung để chống lại hổ, hổ không sợ; còn hòa thượng thì bất đắc dĩ phải lấy quyển sách khuyên giáo đặt trước mặt con hổ, con hổ sợ hãi, lập tức bỏ chạy mất tiêu.

Hổ con hỏi hổ mẹ tại sao lại sợ, hổ mẹ trả lời:

- “Cường đạo đến thì ta có thể đánh đấu cùng nó; còn hòa thượng thì khuyên giáo ta, ta dùng cái gì để đánh lại ông ta chứ?”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 29:

“Người mạnh thì có kẻ mạnh hơn”, đây là lời khuyên bảo cho những người có tính coi trời bằng vung, và cũng là lời nhắc nhở chúng ta cần phải có sự khiêm tốn trong cuộc sống của mình.

Dùng gậy chống gậy, dùng gươm giáo chống gươm giáo, dùng vũ khí tối tân để chống lại vũ khí tối tân, đó là chuyện bình thường của con người trong mọi thời đại, cho nên chiến tranh mới tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới; nhưng nếu như tất cả mọi người biết nghe lời khuyên bảo của nhau, thì chắc chắn sẽ chặn đứng được lò lửa chiến tranh...

Con hổ là loài dũng mãnh không sợ cung tên của tên cường đạo, nhưng lại bỏ chạy trước quyển sách khuyên giải của lão hòa thượng, thế mời biết lời nói nhẹ nhàng khiêm tốn thì không những giải quyết được vấn đề, mà còn làm cho người khác phải nể phục trong lòng hơn là dùng vũ lực để “nói chuyện” với nhau.

Người Ki-tô hữu dứt khoát là không dùng gậy gộc dao búa để trả thù hoặc để tấn công người khác, nhưng họ sẽ nghe lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là phải tha thứ và đối thoại trong yêu thương thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề, bởi vì con hổ là loài vật không trí khôn mà còn sợ hãi trước lời khuyên giải, huống gì là con người chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Giêng: Phục vụ trong tình huynh đệ
Thanh Quảng sdb
03:24 06/01/2021
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Giêng: Phục vụ trong tình huynh đệ

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện trong tháng 1 năm 2021, trong đó, ngài tập trung vào tình huynh đệ tha nhân, và kêu gọi mọi người thuộc mọi tôn giáo, văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng khác nhau hãy tập chú vào điều cốt yếu: tình yêu thương huynh đệ.

(Tin Vatican)

Video đầu tiên về ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong năm 2021 được phát hành vào thứ Ba (5/1/2021) qua Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha (bao gồm Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể - EYM).

Thông điệp mở đầu năm 2021 tập chú vào “tình huynh đệ nhân loại”: để đối phó với những thách thức mà nhân loại đang phải đối diện, Đức Thánh Cha xin chúng ta hãy mở lòng ra cho nhau và hiệp nhất cùng nhau, với tư cách là con người và như anh chị em, “cùng với mọi người, hãy cầu nguyện theo nền văn hóa, truyền thống và niềm tin của mình...”

Như ĐTC đã nói trong nhiều dịp khác nhau là “Không có một giải đáp nào khác là chúng ta hãy cùng nhau xây dựng tương lai hoặc không có tương lai! Đặc biệt, các tôn giáo không thể chối bỏ nhiệm vụ cấp bách là xây dựng cầu nối giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau”.

Tất cả chúng ta là anh chị em, con một Cha

Con đường hướng tới tình huynh đệ mà Video ĐTC đề xuất bắt đầu với tâm tình rộng mở ra “với Thiên Chúa, Cha của tất cả”, và với việc “nhìn nhận người khác là anh chị em”. ĐTC đã trích dẫn tư tưởng này trong thông điệp mới nhất của ngài - Fratelli tutti: “Chúng ta thâm tín rằng “chỉ với nhận thức này chúng ta không còn mồ côi, mà là anh chị em cùng chung sống trong hòa bình với nhau.” Đối với Đức Thánh Cha, sự khác biệt giữa những người tuyên xưng tôn giáo khác nhau hoặc những người sống theo các truyền thống khác nhau không bị cản trở việc đạt tới một nền văn hóa gặp gỡ, vì xét cho cùng, “chúng ta là anh chị em cùng nhau cầu nguyện.”

Điều cốt yếu của đức tin của chúng ta

Khi theo đuổi tinh thần huynh đệ này, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng, đối với các Kitô hữu, “nguồn gốc của phẩm giá con người và tình huynh đệ nằm trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.” Theo ý này, ĐTC yêu cầu các tín hữu hãy tìm về điều thiết yếu của đức tin chúng ta là: “tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em đồng loại”.

Trong cuộc đối thoại với các tôn giáo như Đức Thánh Cha giải thích trong Fratelli tutti, đây là điều căn bản, vì trong khi những người khác có thể kín múc từ các nguồn khác nhau, thì “đối với chúng ta, những người Kitô hữu, nguồn của phẩm giá con người và của tình huynh đệ nằm trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Nguyên văn ý cầu nguyện tháng Giêng năm 2021 của ĐTC

“Khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa theo Chúa Giêsu, chúng ta hiệp thông với nhau như anh chị em, dù mỗi người cầu nguyện theo nền văn hóa, truyền thống và niềm tin khác nhau...

“Chúng ta là anh chị em cùng nhau cầu nguyện.

"Tình huynh đệ dẫn chúng ta đến việc rộng mở tâm lòng ra với Thiên Chúa, Cha của tất cả mọi người và nhìn thấy nơi tha nhân là anh chị em, để chia sẻ cuộc sống hoặc nâng đỡ, yêu thương và cảm thông nhau.

"Giáo hội coi trọng các tác động của Thiên Chúa trong các tôn giáo khác nhau, nhưng không quên rằng đối với chúng ta, những người theo Thiên Chúa giáo thì nguồn gốc của phẩm giá con người và tình huynh đệ, nằm trong Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô.

"Chúng ta, những người tin Chúa phải trở về với cội nguồn của mình và tập trung vào những gì thiết yếu. Điều cốt yếu đối với niềm tin của chúng ta là sự tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

"Chúng ta hãy cầu xin Chúa thương ban cho chúng ta hồng ân sống trong mối tương giao trọn vẹn với anh chị em của chúng ta thuộc mọi tôn giáo khác nhau, đừng gây chiến với nhau, nhưng biết cầu nguyện cho nhau và rộng mở tâm lòng ra cho mọi người."
 
Do đại dịch coronavirus bùng phát, Đức Thánh Cha không thể rửa tội cho các trẻ sơ sinh
Đặng Tự Do
04:04 06/01/2021


Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Ba 5 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không rửa tội cho các trẻ sơ sinh trong nhà nguyện Sistina vào Chúa Nhật tuần này do đại dịch coronavirus. Thay vào đó, các trẻ sơ sinh sẽ được rửa tội tại giáo xứ địa phương của các em.

Tuyên bố viết:

“Do tình hình nghiêm trọng về y tế hiện nay, như một biện pháp phòng ngừa, lễ rửa tội truyền thống cho trẻ em do Đức Thánh Cha chủ sự trong nhà nguyện Sistina vào Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa sẽ không được cử hành trong năm nay”.

Tử vong tại Ý, tính đến chiều thứ Ba 5 tháng Giêng, đã lên đến 76,329 người chết, trong số 2,181,619 trường hợp nhiễm coronavirus. Đó là con số cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác ở Âu châu. Chính phủ Ý hiện đang xem xét các hạn chế hơn nữa trong bối cảnh làn sóng thứ hai của virus.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu truyền thống rửa tội cho trẻ em trong nhà nguyện Sistina, nơi diễn ra các mật nghị bầu giáo hoàng, vào Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.

Vào ngày lễ năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rửa tội cho 32 trẻ sơ sinh - 17 bé trai và 15 bé gái – con cái của các nhân viên của Vatican.

Ngài thường nói với các bậc cha mẹ rằng họ không nên lo lắng nếu con họ khóc trong Thánh lễ.

“Hãy để bọn trẻ khóc. Đó là một bài giảng đẹp khi một đứa trẻ khóc trong nhà thờ, một bài giảng tuyệt đẹp.”


Source:Catholic News Agency
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Hiển Linh 6/1/2021 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
08:41 06/01/2021


Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh, hôm nay mới là lễ Hiển Linh.

Lúc 10h sáng thứ Tư Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Thánh sử Matthêu cho chúng ta biết rằng các Đạo Sĩ khi đến Bếtlêhem, “thấy hài nhi và Mẹ Người là bà Maria, họ sấp mình xuống thờ lạy” (Mt 2:11). Thờ phượng Chúa không phải là điều dễ dàng; nó không tự động xảy ra. Nhưng nó đòi hỏi một sự trưởng thành tâm linh nhất định và là kết quả của một cuộc hành trình nội tâm đôi khi kéo dài. Thờ phượng Chúa không phải là việc chúng ta làm một cách tự phát. Đúng là con người có nhu cầu tôn thờ, nhưng chúng ta có thể gặp nguy cơ tôn thờ không đúng. Thật vậy, nếu chúng ta không thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ thờ ngẫu tượng - không có con đường trung gian, hoặc là Chúa hoặc các ngẫu tượng; hay nói theo một nhà văn Pháp: “Ai không thờ Chúa, thì thờ ma quỷ” - và thay vì trở thành tín hữu, chúng ta sẽ trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng. Nó chỉ có thể là thế này hay thế kia.

Trong thời đại của chúng ta, điều đặc biệt cần thiết đối với chúng ta, cả với tư cách cá nhân và cộng đồng, là dành nhiều thời gian hơn để thờ phượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần học cách chiêm ngắm Chúa tốt hơn. Chúng ta đã phần nào đánh mất ý nghĩa của lời cầu nguyện thờ phượng, vì vậy chúng ta phải tái lĩnh hội điều đó một lần nữa, cả trong cộng đồng và trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy học một vài bài học hữu ích từ các Đạo Sĩ. Giống như họ, chúng ta muốn sấp mình xuống và thờ phượng Chúa. Phải một lòng một dạ tôn thờ Người, chứ không phải như Hêrôđê đã nói: “xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Không, sự thờ phượng đó không tốt. Sự thờ phượng của chúng ta phải toàn tâm toàn ý!

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cung cấp cho chúng ta ba cụm từ có thể giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa của việc thờ phượng Chúa. Đó là: “ngước mắt lên”, “bắt đầu một cuộc hành trình” và “nhìn”. Ba cụm từ này có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc trở thành người thờ phượng Chúa.

Cụm từ đầu tiên, ngước mắt lên, đến với chúng ta từ tiên tri Isaia. Đối với cộng đồng Giêrusalem, vừa được trở về sau cuộc lưu đày và thất vọng trước những thử thách và gian khổ lớn lao, tiên tri nói với họ những lời khích lệ mạnh mẽ này: “Ngước mắt nhìn tứ phía mà xem” (60: 4). Vị tiên tri kêu gọi họ gạt bỏ những mệt mỏi và phàn nàn sang một bên, vượt thắng trở ngại của một tầm nhìn hạn hẹp, gạt bỏ sự độc tài của bản thân, sự cám dỗ thường xuyên để rút lui vào bản thân và những mối quan tâm của chính mình. Để thờ phượng Chúa, trước hết chúng ta phải “ngước mắt lên”. Nói cách khác, đừng để bản thân bị giam cầm bởi những bóng ma tưởng tượng bóp nghẹt hy vọng, đừng biến những vấn đề và khó khăn trở thành trung tâm của cuộc đời mình. Điều này không có nghĩa là phủ nhận thực tế, hoặc tự huyễn hoặc bản thân rằng tất cả đều tốt đẹp. Ngược lại, đó là cách thức nhìn các vấn đề và những âu lo theo một cách mới, biết rằng Chúa ý thức về những khó khăn của chúng ta, chú ý đến lời cầu nguyện của chúng ta và không thờ ơ với những giọt lệ chúng ta rơi. Cách nhìn những sự việc, trong đó, bất chấp mọi sự vẫn tiếp tục tin cậy nơi Chúa, làm nảy sinh lòng tri ân con thảo. Khi điều này xảy ra, tâm hồn chúng ta trở nên rộng mở để thờ phượng. Mặt khác, khi chúng ta tập trung hoàn toàn vào các vấn đề và không chịu ngước mắt lên nhìn Chúa, thì nỗi sợ hãi và bối rối len lỏi vào tâm hồn chúng ta, làm nảy sinh sự tức giận, hoang mang, lo lắng và trầm cảm. Khi đó, việc thờ phượng Chúa trở nên khó khăn. Một khi điều này xảy ra, chúng ta cần can đảm thoát ra khỏi vòng vây của những kết luận giả định và nhận ra rằng thực tế vĩ đại hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Ngước mắt lên, nhìn xung quanh và xem. Chúa yêu cầu chúng ta trước hết hãy tin cậy nơi Người, vì Người thật sự quan tâm đến mọi người. Nếu Thiên Chúa còn mặc đẹp cho hoa đồng cỏ nội mọc hôm nay, và ngày mai bị ném vào lửa, thì chẳng lẽ Ngài lại không ban cho chúng ta nhiều hơn thế nữa sao? (x. Lc 12:28). Nếu chúng ta ngước mắt lên nhìn Chúa và xem xét mọi sự dưới ánh sáng của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1:14) và luôn ở với chúng ta, mãi mãi (x. Mt 28:20). Luôn luôn.

Khi chúng ta ngước mắt lên nhìn Chúa, những vấn đề trong cuộc sống không biến mất. Không. Nhưng thay vào đó chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để đối phó với chúng. Sau đó, bước đầu tiên hướng tới thái độ thờ phượng là “ngước mắt lên”. Sự thờ phượng của chúng ta là sự thờ phượng của các môn đệ, những người đã tìm thấy nơi Chúa một niềm vui mới và bất ngờ. Niềm vui thế gian dựa trên sự giàu có, thành công hoặc những điều tương tự, là những điều luôn đặt chúng ta ở trung tâm. Ngược lại, niềm vui của các môn đệ của Chúa Kitô dựa trên sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa, bất kể những khủng hoảng chúng ta có thể gặp phải. Niềm tri ân con thảo và niềm vui đánh thức trong chúng ta ước muốn thờ phượng Chúa, Đấng luôn trung tín và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Cụm từ hữu ích thứ hai là bắt đầu một cuộc hành trình. Trước khi có thể tôn thờ Hài nhi ở Bethlehem, các đạo sĩ phải thực hiện một cuộc hành trình dài. Thánh Matthêu kể với chúng ta rằng trong những ngày đó “có mấy nhà Đạo Sĩ từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’” (Mt 2, 1-2). Một cuộc hành trình luôn bao gồm một sự biến đổi, một sự thay đổi. Sau một chặng đường, chúng ta không còn như xưa. Luôn có điều gì đó mới mẻ ở những người đã thực hiện một cuộc hành trình: họ đã học được những điều mới, gặp gỡ những con người và tình huống mới, và tìm thấy sức mạnh nội tâm giữa những khó khăn và rủi ro mà họ gặp trên đường đi. Không ai thờ phượng Chúa mà không trải nghiệm sự trưởng thành từ bên trong trước khi dấn bước trên một cuộc hành trình.

Chúng ta trở thành những người thờ phượng Chúa qua một quá trình tiệm tiến. Ví dụ, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng ở tuổi năm mươi, chúng ta thờ phượng khác với hồi mới ba mươi tuổi. Những ai để cho mình được uốn nắn bởi ân sủng thường tiến bộ theo thời gian: vì thế Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng bề ngoài, chúng ta già đi nhưng bản chất bên trong của chúng ta đang được đổi mới mỗi ngày (x. 2 Cr 4:16) khi chúng ta trưởng thành trong sự hiểu biết cách tốt nhất để thờ phượng Chúa. Từ quan điểm này, những thất bại, khủng hoảng và sai lầm của chúng ta có thể trở thành kinh nghiệm học hỏi: thường thì chúng có thể giúp chúng ta ý thức mạnh mẽ hơn rằng chỉ duy có Chúa mới đáng để chúng ta tôn thờ, vì chỉ có Ngài mới có thể thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất của chúng ta cho sự sống và vĩnh cửu. Với thời gian trôi qua, những thử thách và khó khăn trong cuộc sống được trải nghiệm trong đức tin sẽ giúp thanh tẩy tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta trở nên khiêm nhường hơn và do đó ngày càng cởi mở hơn với Thiên Chúa. Thậm chí ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng có thể giúp chúng ta khiêm nhường và cởi mở với Chúa nếu chúng ta ý thức được mình là tội nhân, và ăn năn vì những điều tồi tệ như vậy. “Nhưng tôi đã làm điều này… Tôi đã làm điều nọ…”. Nếu anh chị em tiếp cận những điều đó với đức tin và lòng ăn năn, với quyết tâm hoán cải, chúng sẽ giúp anh chị em trưởng thành. Thánh Phaolô nói rằng mọi thứ, ngay cả tội lỗi của chúng ta, đều có thể giúp chúng ta trưởng thành về đàng thiêng liêng, và giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Và Thánh Thomas nói thêm: “etiam mortalia”, ngay cả những tội lỗi khốn nạn nhất, xấu xa nhất. Nếu anh chị em đáp lại với lòng ăn năn, điều đó sẽ giúp anh chị em trong cuộc hành trình hướng tới việc gặp gỡ Chúa và thờ phượng Ngài tốt hơn.

Giống như các Đạo Sĩ, chúng ta cũng phải cho phép mình học hỏi từ cuộc hành trình của cuộc đời, được đánh dấu bởi những bất tiện không thể tránh khỏi trong cuộc lữ hành. Chúng ta không thể để sự mệt mỏi, sa ngã và thất bại làm nản lòng. Thay vào đó, bằng cách khiêm tốn nhìn nhận chúng, chúng ta có thể biến chúng thành những cơ hội để tiến về phía Chúa Giêsu. Cuộc sống không phải là để phô trương khả năng của chúng ta, mà là một cuộc hành trình hướng tới Đấng yêu thương chúng ta. Chúng ta không phô trương các nhân đức của mình trong mỗi bước của cuộc sống chúng ta; đúng hơn, với lòng khiêm nhường, chúng ta nên hành trình hướng về Chúa. Bằng cách nhìn chăm chú vào Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để bền đỗ với niềm vui được canh tân.

Và vì vậy chúng ta đến với cụm từ thứ ba: nhìn. Ngước mắt lên; bắt đầu một cuộc hành trình; và rồi nhìn. Thánh sử nói với chúng ta rằng: “Vào nhà, thấy hài nhi và Mẹ Người là bà Maria, họ sấp mình xuống thờ lạy” (Mt 2:10-11). Thờ phượng là một hành động bày tỏ lòng tôn kính dành cho các vị vua và các chức sắc cao trọng. Các đạo sĩ tôn thờ Đấng mà họ biết là vua dân Do Thái (x. Mt 2: 2). Nhưng họ đã thực sự thấy gì? Họ nhìn thấy một hài nhi nghèo hèn cùng với Mẹ Người. Tuy nhiên, những nhà thông thái từ những vùng đất xa xôi này đã có thể nhìn xa hơn những thứ xung quanh thấp hèn đó và nhận ra nơi Hài Nhi đó một sự hiện diện vương giả. Họ có thể “nhìn” vượt lên trên vẻ bên ngoài. Quỳ gối trước Hài Nhi Bethlehem, họ bày tỏ một sự tôn thờ mà trên hết là từ thâm tâm: việc mở những kho báu mà họ đã mang theo làm quà tặng tượng trưng cho sự toàn tâm dâng hiến của họ.

Để thờ phượng Chúa, chúng ta cần phải “nhìn thấu” qua bên ngoài bức màn của những sự hữu hình, mà thường được chứng tỏ là những lừa dối. Hêrôđê và những công dân hàng đầu của Giêrusalem đại diện cho một thế giới nô lệ cho những vẻ bề ngoài và những điều thu hút trước mắt. Họ thấy đó, nhưng họ không thể nhìn thấu được. Vấn đề không phải là họ không tin, không phải như thế; nhưng vấn đề là họ không biết cách nhìn bởi vì họ là những nô lệ cho dáng vẻ bề ngoài và tìm kiếm những gì hấp dẫn. Họ chỉ coi trọng những thứ giật gân, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, nơi các Đạo Sĩ, chúng ta thấy một cách tiếp cận rất khác, một cách mà chúng ta có thể định nghĩa là chủ nghĩa hiện thực thần học - một từ rất “cao”, nhưng hữu ích – đó là một cách nhận thức thực tại khách quan của sự vật và dẫn đến nhận thức rằng Thiên Chúa tránh xa mọi sự phô trương. Chúa khiêm nhường, Ngài giống như hài nhi khiêm nhường đó, tránh xa sự phô trương mà thực chất là sản phẩm của thế gian. Đó là một cách “nhìn” vượt lên trên những gì là hữu hình và giúp chúng ta có thể thờ phượng Chúa, Đấng thường bị che khuất trong những hoàn cảnh hàng ngày, trong những người nghèo và những người ở ngoài rìa. Đó là một cách nhìn mọi thứ mà không bị thu hút bởi âm thanh và cuồng nhiệt, nhưng tìm kiếm trong mọi tình huống những điều thực sự quan trọng, và tìm kiếm Chúa. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta “đừng chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn”. (2Cr 4:18).

Xin Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành những người thờ phượng thật, có khả năng thể hiện qua cuộc sống của chúng ta kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng sao cho mỗi người chúng ta và toàn thể Hội Thánh biết học cách thờ phượng, tiếp tục thờ phượng, thường xuyên thực hiện lời cầu nguyện tôn thờ này, vì chỉ có Chúa mới đáng được tôn thờ.


Source:Holy See Press Office
 
Hãy là ánh sao tỏa sáng. Bài huấn dụ lễ Hiển Linh của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
09:22 06/01/2021
Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh, hôm thứ Tư 6 tháng Giêng mới là lễ Hiển Linh.

Lúc 10h sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, lúc 12g trưa, ngài đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin.

Bài Tin Mừng thuật lại việc các Đạo Sĩ theo ánh sao Bêlem đến triều bái Chúa Hài Đồng như sau:

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Kitô, Đấng là Tình yêu, có thể tỏa sáng nơi những ai chào đón ánh sáng ấy và thu hút người khác. Ánh sáng của Chúa Kitô không chỉ mở rộng bằng lời nói, bằng những phương pháp kinh doanh giả tạo... Không, không phải như thế. Nhưng chính qua đức tin, lời nói, và chứng tá mà ánh sáng của Chúa Kitô được mở rộng. Ngôi sao là Chúa Kitô, nhưng chúng ta cũng có thể và phải là ngôi sao, cho anh chị em của chúng ta, trong tư cách là những chứng nhân cho kho tàng của lòng nhân từ và lòng thương xót vô hạn mà Đấng Cứu Chuộc ban tặng một cách nhưng không cho hết thảy mọi người. Ánh sáng của Chúa Kitô không mở rộng bởi việc chiêu dụ tín đồ, nhưng được mở rộng bởi các chứng tá, bởi sự tuyên xưng đức tin, và cả bằng sự tử đạo.

Vì vậy, điều quan yếu là chúng ta phải chào đón ánh sáng này bên trong chính chúng ta, đón nhận ánh sáng ấy ngày càng nhiều hơn. Khốn cho chúng ta nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sở hữu ánh sáng ấy, và khốn cho chúng ta nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ “quản lý” nó! Chúng ta cũng như các đạo sĩ, được mời gọi luôn để mình bị Chúa Kitô mê hoặc, lôi cuốn, hướng dẫn, soi sáng và hoán cải. Đó là hành trình đức tin. Cầu nguyện và chiêm ngưỡng các kỳ công của Thiên Chúa luôn làm chúng ta tràn đầy niềm vui và kinh ngạc, một sự kinh ngạc luôn mới mẻ. Kinh ngạc luôn là bước đầu tiên để tiến về phía trước trong ánh sáng này.

Chúng ta hãy cầu xin sự che chở của Mẹ Maria trên Giáo Hội hoàn vũ, để Giáo Hội có thể loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô, ánh sáng của mọi dân tộc, ánh sáng của mọi dân nước, khắp cùng bờ cõi trái đất thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi đang theo dõi với sự chú ý và quan tâm đến các sự kiện ở Cộng hòa Trung Phi, nơi các cuộc bầu cử vừa được tổ chức, nơi mà người dân bày tỏ mong muốn tiếp tục con đường hòa bình. Do đó, tôi mời tất cả các bên tham gia một cuộc đối thoại huynh đệ và tôn trọng, từ chối hận thù và tránh mọi hình thức bạo lực.

Tôi bày tỏ tình cảm với các anh chị em của các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống Đông phương, những người, theo truyền thống của họ, ngày mai mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Tôi chân thành gởi đến họ những lời chúc chân thành về một lễ Giáng Sinh thánh thiện, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, là hòa bình và hy vọng của chúng ta.

Vào ngày Lễ Hiển Linh hôm nay, Ngày Thế giới Tuổi thơ Truyền giáo được tổ chức, với sự tham gia của nhiều trẻ em và thanh niên từ khắp nơi trên thế giới. Tôi cảm ơn mỗi người trong số họ, và tôi khuyến khích họ trở thành những chứng nhân vui tươi của Chúa Giêsu, luôn cố gắng kết nối tình anh em giữa những người đồng lứa với họ.

Và tôi gửi lời chào thân ái tới tất cả anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện giao tiếp. Một lời chào đặc biệt được gửi đến Quỹ “Diễn hành Ba Vua”, nhằm tổ chức các sự kiện truyền giáo và liên đới tại nhiều thành phố và làng mạc ở Ba Lan và các nước khác.

Chúc mọi người có một bữa tiệc vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
Bốn hậu quả của Đại Dịch có ảnh hưởng đến Giáo Hội
Vũ Văn An
21:11 06/01/2021

Theo Reid Turner, một người tân tòng và hiện nghiên cứu nhiều về Thánh Nữ Hildergard thành Bingen, Tiến Sĩ Hội Thánh, vị thánh dùng hình ảnh Năm Dã Thú để nói về 5 thời đại đi trước cuộc xuất hiện của Ngụy Kitô, mỗi thời đại đều trải nghiệm một cuộc khủng hoảng tâm linh nhằm gây thiệt hại cho Giáo Hội, đại dịch Covid-19 là một trong những trải nghiệm này. Âm sắc vì thế nghiêng về phía tiêu cực. Tuy nhiên, ở phần kết bài viết, tác giả cho rằng đây là một “silver lining” (niềm hy vọng hay an ủi trong cơn bĩ cực) đối với Giáo Hội (xem https://thefivebeasts.wordpress.com/2021/01/02/4-consequences-of-the-pandemic-that-will-impact-the-church/)



Hao Mòn

Trong một cuộc thăm dò gần đây, của RealClear Opinion Research hợp tác với EWTN News, 20% người Công Giáo tuổi từ 18 tới 34 cho hay đức tin của họ đã giảm đi do đại dịch, với những người trong hạn tuổi 35-54, tỷ lệ này là 10%. Cuộc thăm dò này tiến hành hồi tháng 8, trước khi có việc gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh gần đây. Khi đại dich qua đi, liệu các người Công Giáo có trở lại tham dự Thánh Lễ một cách thường xuyên như trước hay không, thì một linh mục của Tổng giáo phận San Francisco, Cha Illo, cho hay con số sẽ chỉ còn non một nửa. Cha viết:

“Các nhà lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta hy vọng rằng khi các hạn chế đối với Giáo Hội được bãi bỏ, người ta hết thẩy sẽ trở lại với Thánh Lễ, nhưng tôi không thấy như vậy... Trước Covid, 75% người Công Giáo đã không tham dự Thánh Lễ thường xuyên vào Chúa Nhật. Bao nhiêu người thuộc nhóm 25% tham dự sẽ trở lại? Tôi nghĩ chúng ta phải hạ xuống còn từ 5 tới 10% những người Công Giáo mang thẻ” (xem https://www.churchmilitant.com/news/article/a-pessimistic-look-at-church-re-openings-after-covid-19).

Hiện tượng hao mòn vốn là một vấn đề đối với Giáo Hội Công Giáo trước đại dịch từ lâu. Việc các Giám Mục chính thức miễn chước bổn phận tham dự Thánh Lễ trong gần suốt cả năm chắc chắn càng làm nhiều người Công Giáo ra xa lạ đối với Thánh Lễ. Mặt khác, một số Giám Mục xem ra không bận tâm đến việc miễn chước bổn phận mà chỉ đóng cửa các nhà thờ, vô tình triệt tiêu bổn phận tham dự Thánh lễ thường xuyên.

Suy thoái kinh tế lâu dài

Theo ba tác giả Òscar Jordà, Sanjay R. Singh, Alan M. Taylor, các nghiên cứu về đại dịch trước đây cho thấy chúng tạo ra các cuộc suy thoái kinh tế cần đến nhiều năm sau mới phục hồi hoàn toàn (xem https://voxeu.org/article/longer-run-economic-consequences-pandemics). Các cuộc nghiên cứu cũng chứng tỏ các khó khăn và bất trắc kinh tế dẫn đến các sinh suất thấp hơn. Tại Ý, đây là vấn đề trầm trọng trước cả covid-19; vì đối với mỗi vụ hạ sinh được ghi chép có đến 2 vụ qua đời (xem https://www.firstthings.com/article/2020/05/italy-in-crisis).

Theo Nick Corbishley, virút đã làm tan tác kỹ nghệ du lịch ở Âu Châu, ngành mà trước đại dịch, vốn đóng góp 15% vào nền kinh tế Tây Ban Nha, 13% vào nền kinh tế Ý, và 10% vào nền kinh tế Pháp (xem https://wolfstreet.com/2020/03/07/tourism-contributed-10-to-gdp-in-france-13-in-italy-15-in-spain-now-its-in-free-fall/). Đàng khác, Nick Corbishley cũng cho hay: tỷ lệ thất nghiệp ở Âu Châu cao hơn con số được tường trình vì các công nhân bị tạm cho nghỉ việc nhưng nhận tiền của chính phủ vẫn được coi là có việc làm. Ngay nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu, tức Đức, cũng suy thoái.

Thực vậy, theo Soeren Kern, “Cho dù Đức có hết cấm cửa trở lại đi nữa, thì các công ty từng bị cấm cửa cũng không thể tái khởi động được. Người tiêu thụ và các nhà kinh doanh hoàn toàn giao động. Điều này chuốc độc nền kinh tế và việc làm. Nợ quốc gia bùng phát và tiếp tục lên cao thâm thụt. Cả nỗi thất vọng của nhiều người hành nghề tự do, nhà hàng và buôn bán cũng thế. Nền kinh tế Đức đang lao đao đi vào khủng hoảng. Một cơn bão đang đe dọa vào những ngày sau lễ Giáng Sinh (xem https://www.gatestoneinstitute.org/16864/europe-coronavirus-second-wave).

Hiện tượng trên ảnh hưởng đến Giáo Hội ra sao là điều chưa rõ ràng, nhưng với việc vào khoảng 20 giáo phận Hoa Kỳ đã tuyên bố phá sản, quyên góp ít hơn và chồng đống kiện cáo, các Giám Mục buộc phải tái ưu tiên các nguồn lực của mình.

Mất tín nhiệm nơi các nhà cầm quyền chính phủ

Vào khoảng một năm trước đây, thị trưởng San Francisco, London Breed, nói chuyện ở Chinatown, thúc giục người ta tới ăn tại các nhà hàng, lý luận rằng dù virút xuất phát từ Trung Hoa, chúng ta không nên đổ lỗi cho người Trung Hoa. Sau đó, không quá hai tuần, bà ta đã đóng cửa mọi nhà hàng.

Thoạt đầu, các nhà cầm quyền dân sự nói với chúng ta đừng mang khẩu trang nhưng rồi bỗng nhiên, chỉ sau đó ít tuần, họ thay đổi ý kiến. Guillaume de Thieulloy, một ký giả Pháp, nhận định: “Các tuyên bố trái ngược tiếp theo nhau như thế... không thể gợi hứng để người ta tin tưởng các nhà lãnh đạo chính trị của ta hay các chính sách cho là dựa vào khoa học do họ áp đặt” (xem https://lawliberty.org/coronavirus-and-public-trust-the-view-from-france).

Các chính khách và các giới chức Giáo Hội phò di dân bị thách thức lớn về độ đáng tin của họ. Ta hãy nghe Christopher Caldwell nhận định: “một xứ sở được lãnh đạo bởi những người coi việc bảo vệ các biên giới quốc gia là phi pháp về phương diện chính trị sẽ không sẵn sàng đánh trả cơn dịch, một điều vốn đòi phải đặt rào cản giữa những người ta không có lý do chính trị nào để phân cách” (xem https://www.firstthings.com/article/2020/05/italy-in-crisis).

Có người cho rằng điều này sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy dân tộc nhiều hơn. Một nhà báo người Ý, Ernesto Galli della Loggia, nhận định: “cơn dịch hiện nay đang cho thấy, một cách bùng nổ, điều bất cứ ai không bị mê hoặc bởi ý thức hệ đều đã biết: trong những thời khắc sống chết, điều đáng kể là ai nói tiếng nói của bạn, ai chia sẻ quá khứ của bạn, ai quen thuộc với cảnh quang và mùi vị của quê hương bạn, ai hát cùng các bài hát như bạn, và ai cùng văng tục như bạn” (xem https://www.firstthings.com/article/2020/05/italy-in-crisis).

Khủng hoảng xúc cảm

Nhiều thành phố lớn đang mất dần các cơ sở kinh doanh và đang bị lìa bỏ bởi những người giầu có và những người có thể làm việc tại nhà, để những thành phố này nghèo dần, đầy tội ác, và giận dữ. Pháp là một trong những nước hiện rơi vào tình huống này. Cũng Guillaume de Thieulloy đã nhận định: “Sự đe dọa chính là nỗi gận dữ ngày một gia tăng của dân chúng, nhất là những người bị giới hạn trong các căn hộ nhỏ và những nơi chật chội trong khi việc mất trật tự công cộng chung quanh họ từ từ lên cao. Nỗi giận dữ này đã hiển hiện trông thấy: hơn 100,000 đơn khiếu nại hợp lệ đã được đệ nạp chống chính phủ về việc quản trị cơn khủng hoảng một cách đầy tai họa. Nhưng cơn khủng hoảng này có thể leo thang tới bạo động nếu việc cấm cửa tiếp tục kéo dài...”.

Trưng dẫn các đại dịch trong quá khứ, một nhà xã hội học, giáo sư Allen Furr, lên tiếng cảnh cáo khả thể một cuộc khủng hoảng xúc cảm về lâu về dài: “Chúng ta học được từ các cơn dịch SARS và MERS rằng các việc cách ly ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của những người sống cô lập và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Lo âu xao xuyến, lạm dụng ma túy, trầm cảm và giận dữ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi những cơn khủng hoảng này qua đi” (xem http://ocm.auburn.edu/experts/2020/05/051452-effects-pandemic-society.php).

Một nhà dịch tễ học của Havard, Matthew Wilson, cũng lên tiếng cảnh cáo: “Đối với tất cả chúng ta, thoạt đầu bị nhiều bất trắc, cảm thấy mất kiểm soát. Một phần do thông tin hỗn độn nhận được... Các biến cố có tính đe dọa, không kiểm soát được và chứa nhiều bất trắc thực sự gây hại tới sức khỏe tâm thần” (xem https://www.businessinsider.com.au/potential-mental-health-effects-of-coronavirus-pandemic).

Đây không phải là cuộc khủng hoảng xã hội đầu tiên Giáo Hội phải chịu đựng. Đôi khi, ngay các cuộc khủng hoảng cũng dẫn tới việc canh tân trong Giáo Hội, dẫn Giáo Hội trở về với các nền tảng tâm linh và bản sắc lịch sử của mình. Rất có thể đây là niềm hy vọng hay an ủi trong cơn bĩ cực. Như các cụ Việt Nam thường nói “bĩ cực thái lai”.
 
Hỗn loạn diễn ra tại các tòa nhà Quốc Hội ở nhiều tiểu bang, nghiêm trọng nhất là tại Washington
Đặng Tự Do
22:53 06/01/2021
Hôm 6 tháng Giêng, Quốc Hội lưỡng viện đã nhóm họp tại Washington DC dưới quyền chủ tọa của phó tổng thống Mike Pence nhằm chuẩn y hay bác bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 vừa qua.

Hỗn loạn đã xảy ra ở nhiều tiểu bang khác nhau, nơi những người ủng hộ Tổng thống Trump đã biểu tình bên ngoài một số Tòa nhà Quốc Hội.
Tại Sacramento, California, một số người đã bị bắt vì cáo buộc mang theo bình xịt hơi cay và ẩu đả nổ ra giữa hai nhóm ủng hộ Tổng thống Trump và ủng hộ ông Joe Biden bên ngoài Tòa nhà Quốc Hội ở thủ phủ tiểu bang.

Sở Cảnh sát Sacramento đã tweet rằng “Một số cuộc xung đột giữa hai nhóm người biểu tình đã được báo cáo. Các cảnh sát vẫn ở trong khu vực và đang cố gắng giữ các nhóm tách biệt nhau.”

Tờ Star Tribune cho biết tại St. Paul, Minnesota, khoảng 500 người ủng hộ Tổng thống Trump, đội mũ “MAGA” màu đỏ và mang cờ Trump, biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc Hội trước khi lên đường đến biểu tình trước dinh thự của Thống đốc Tim Walz.

Không có vụ bắt giữ nào được thực hiện ở Minnesota tính đến tối thứ Tư.

Tại Santa Fe, New Mexico, các thành viên Quốc Hội tiểu bang đã được di tản khi những người ủng hộ Tổng thống Trump tập trung bên ngoài một cách hòa bình. Người phát ngôn của Thống đốc Michelle Lujan Grisham cho biết không có dấu hiệu nào về các mối đe dọa và tình trạng bất ổn tại Tòa nhà Quốc Hội tiểu bang.

Tại Washington DC, tình hình đã bắt đầu căng thẳng từ sáng sớm khi hàng chục ngàn người tụ tập tại Tòa Bạch Ốc. Trong dịp này, Tổng thống Trump tuyên bố ông không chấp nhận kết quả bầu cử. Đoàn người sau đó đã kéo tới tòa nhà Quốc Hội. Hỗn loạn đã xảy ra tại đây vào khoảng 1:30 chiều, khi những người biểu tình tràn vào Tòa nhà Quốc Hội, đẩy lui cảnh sát vào trong tòa nhà nơi hàng trăm nhà lập pháp - bao gồm cả Phó Tổng thống Mike Pence – đang có cuộc họp.
Lực lượng cảnh sát rút lui vào bên trong phòng họp của Hạ viện, rút vũ khí nhắm vào lối vào nơi những người biểu tình đang tập trung bên ngoài.

Nhiều người đập bể các cửa kính để tìm cách xông vào. Giữa nhiều tiếng hò hét và chen lấn, một phụ nữ được xác định là Ashli Babbitt, cư dân California, nguyên là một sĩ quan không quân trong 14 năm, được đám đông nhấc lên và cô cố gắng chui qua khung cửa kiếng vừa bị đập bể.

Khi cô bắt đầu trèo vào thì một tiếng nổ lớn vang lên và Babbitt ngã ngược lại vào đám đông. Các nguồn tin an ninh nói với tờ New York Post rằng cô đã bị cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc Hội bắn. Người phụ nữ mặc áo màu đỏ, trắng và xanh, được đưa ra khỏi tòa nhà trên cáng, máu chảy ra từ miệng và sau đó được tuyên bố đã chết tại bệnh viện.
Một số người biểu tình khác đã lên được sàn của Thượng viện, và tuyên bố “Trump đã thắng cuộc bầu cử!” Ít nhất hai người đã chiếm lấy chiếc ghế thường do phó tổng thống Pence ngồi.

Phó tổng thống Pence và các nhà lập pháp khác đã được di tản đến nơi an toàn.

Những người biểu tình đã tấn công vào dãy văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lật tung bàn ghế. Một người thích thú ngả người nằm dài gác chân trên bàn làm việc trong văn phòng của Pelosi.
Trước diễn biến này, Tổng thống Trump đã đăng tweet ủng hộ việc thực thi pháp luật.

“Xin hãy ủng hộ cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc Hội và các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta. Họ thực sự đứng về phía đất nước của chúng ta. Xin hãy bình tĩnh!”

Khoảng 4 giờ chiều, các quan chức liên bang và địa phương bắt đầu tái chiếm tòa nhà, đuổi những người biểu tình ra bên ngoài và hộ tống các nhà báo, nhân viên và những người khác đã chui xuống bên trong đến nơi an toàn.

Thị trưởng Washington, DC là ông Muriel Bowser đã công bố lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng.

Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ ông đã xông vào Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư rằng ông “biết nỗi đau của họ” nhưng họ phải “về nhà trong an bình”.

“Tôi biết các bạn cảm thấy thế nào, nhưng hãy về nhà và về nhà trong thanh thản. Tôi biết các bạn đang rất đau. Tôi biết các bạn bị tổn thương,” Tổng thống Trump nói trong một video dài một phút được phát hành trên tài khoản Twitter của mình.

Tổng thống Trump cũng trực tiếp đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống và tiếp tục cáo buộc những gian lận trong cuộc bầu cử.

“Chúng ta đã có một cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi chúng ta. Đó là một cuộc bầu cử long trời lở đất, và mọi người đều biết điều đó, đặc biệt là phía bên kia. Nhưng các bạn phải về nhà ngay bây giờ. Chúng ta phải có hòa bình. Chúng ta phải có luật lệ và trật tự. Chúng ta phải tôn trọng những người bảo vệ luật pháp và trật tự tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta không muốn ai bị thương,” ông nói.


Source:New York Post
 
VietCatholic TV
Phép lạ ngoạn mục tại Á Căn Đình: Cậu bé được cứu sống nhờ một cây Thánh Giá đeo trên ngực
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:03 06/01/2021


1. Phép lạ ngoạn mục tại Á Căn Đình: Cậu bé được cứu sống nhờ một cây Thánh Giá đeo trên ngực

Vài giờ trước khi bắt đầu năm 2021, một cậu bé 9 tuổi người Á Căn Đình đã được thoát chết nhờ một cây thánh giá nhỏ đeo trước ngực khi một viên đạn lạc đâm thẳng vào ngực cậu. Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đây là một sự kiện mà truyền thông địa phương gọi là “Phép lạ của năm mới”.

Theo báo cáo từ văn phòng cảnh sát San Miguel de Tucumán, thủ phủ của tỉnh Tucumán, Tây Bắc Á Căn Đình, “sự kiện diễn ra vào khoảng 10 giờ tối ngày 31 tháng 12 năm 2020: một cậu bé 9 tuổi tên Tiziano, sống tại vùng ngoại ô Las Talitas, đã được cha đưa vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu ở phía nam của thủ phủ Tucumán với một vết thương rất cạn ở ngực do súng bắn ra”.

Báo cáo cho biết: “Sau khi được một số bác sĩ và nhân viên y tế kiểm tra kỹ lưỡng trong 48 phút, cậu bé đã được cho về nhà”.

José Romero Silva, một nhà báo của tờ Telefé, đã có cuộc phỏng vấn với cậu bé vào ngày 1 tháng Giêng để tìm hiểu cách cậu bé đã thoát chết như thế nào: viên đạn găm vào giữa cây thánh giá kim loại nhỏ mà cậu bé nhận được như một món quà từ cha mình. Silva đã đăng trên tờ Telefé một bức ảnh viên đạn cắm chính xác vào cây thánh giá, điều này ngăn viên đạn gây ra bất kỳ thiệt hại thực sự nào, ngoại trừ một vết thương sơ sài ngoài da.


Source:Catholic News Agency

2. Do đại dịch coronavirus bùng phát, Đức Thánh Cha không thể rửa tội cho các trẻ sơ sinh

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Ba 5 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không rửa tội cho các trẻ sơ sinh trong nhà nguyện Sistina vào Chúa Nhật tuần này do đại dịch coronavirus. Thay vào đó, các trẻ sơ sinh sẽ được rửa tội tại giáo xứ địa phương của các em.

Tuyên bố viết:

“Do tình hình nghiêm trọng về y tế hiện nay, như một biện pháp phòng ngừa, lễ rửa tội truyền thống cho trẻ em do Đức Thánh Cha chủ sự trong nhà nguyện Sistina vào Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa sẽ không được cử hành trong năm nay”.

Tử vong tại Ý, tính đến chiều thứ Ba 5 tháng Giêng, đã lên đến 76,329 người chết, trong số 2,181,619 trường hợp nhiễm coronavirus. Đó là con số cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác ở Âu châu. Chính phủ Ý hiện đang xem xét các hạn chế hơn nữa trong bối cảnh làn sóng thứ hai của virus.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu truyền thống rửa tội cho trẻ em trong nhà nguyện Sistina, nơi diễn ra các mật nghị bầu giáo hoàng, vào Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.

Vào ngày lễ năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rửa tội cho 32 trẻ sơ sinh - 17 bé trai và 15 bé gái – con cái của các nhân viên của Vatican.

Ngài thường nói với các bậc cha mẹ rằng họ không nên lo lắng nếu con họ khóc trong Thánh lễ.

“Hãy để bọn trẻ khóc. Đó là một bài giảng đẹp khi một đứa trẻ khóc trong nhà thờ, một bài giảng tuyệt đẹp.”


Source:Catholic News Agency

3. First Things: Chúng ta cười nhạo, nhưng họ cai trị chúng ta

Sohrab Ahmari là biên tập viên của tờ New York Post và là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt “The Unbroken Thread: Discovering the Wisdom of Tradition in an Age of Chaos”, “Sợi chỉ xuyên suốt: Khám phá Sự Khôn Ngoan Của Truyền Thống trong thời đại hỗn loạn”.

Khi kết thúc lời cầu nguyện khai mạc Quốc Hội khóa 117, Dân Biểu Dân Chủ Emmanuel Cleaver, nguyên là một mục sư Tin Lành Giám lý từ Tháng Ba 1972 đến Tháng Sáu 2009, đã nói “Amen và Awomen”. Diễn biến này gây ra một sự nhạo cười trên thế giới. Nhiều người cho rằng Cleaver, từ lúc lọt lòng mẹ đã sống trong một nhà nuôi trẻ mồ côi, không được cha nuôi mẹ dạy nên dốt nát đến mức không hiểu được ý nghĩa của từ Amen. Áp đặt bên cạnh từ Amen, cái từ Awomen, một từ vô nghĩa như thế đối với Kitô Giáo, thì cũng không khác gì đặt bên cạnh câu tụng niệm của các Phật tử “Nam mô A di đà Phật”, cụm từ vô nghĩa “Nữ mô A di đà Phật”.

Nhưng nhiều người không nghĩ đơn giản như thế. Ông ta từng làm mục sư trong hơn 37 năm, nên ông ta chắc chắn biết ý nghĩa của từ Amen. Vấn đề là ông ta cũng như một số lớn các đảng viên đảng Dân Chủ Mỹ chạy theo một thứ chủ nghĩa xét lại về nhiều mặt, trong đó có ý thức hệ về giới tính. Cùng với các đồng viện Dân Chủ quá khích khác Cleaver từng hô hào bỏ các danh từ “Lord”, “Father”, “Son” và chế ra từ “Godself” thay cho “himself”. Họ chủ trương làm dấu thánh giá “in the name of The Creator, Jesus and the Holy Spirit” thay vì “in the name of the Father, the Son and the Holy Spirit”.

Sohrab Ahmari nhìn ra rằng đảng Dân Chủ Mỹ với chương trình nghị sự cực đoan của nó đang đưa nước Mỹ đến chỗ phá sản. Ông có bài nhận định nhan đề “We Laugh, They Rule”, “Chúng ta cười nhạo, nhưng họ cai trị chúng ta” đăng trên First Things ngày 5 tháng Giêng.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



We Laugh, They Rule
by Sohrab Ahmari

Chúng ta cười nhạo, nhưng họ cai trị chúng ta


Không một sự thông minh nào của các bỉnh bút có thể lấy lại được công đạo thoả đáng đối với sự ngớ ngẩn của Dân biểu Emanuel Cleaver trong lời cầu nguyện khai mạc cho Đại hội lần thứ 117 vào hôm Chúa Nhật. Cleaver, một mục sư thuộc Tin Lành Giám Lý, đã kết thúc lời cầu nguyện cho hòa bình quốc gia “nhân danh Thiên Chúa độc thần, Brahma, và vị thần được biết đến với nhiều tên gọi theo nhiều tín ngưỡng khác nhau. Amen và awomen”. Không nghi ngờ gì nữa, các thành viên Quốc Hội sau đó đã bắt tay vào những “awomendments” các dự luật quan trọng [chữ đúng là amendments – những tu chính – chú thích của người dịch].

Trò hề này tự bộc lộ sự lố bịch. Nhưng tôi tự hỏi chúng ta đang đối mặt với phương thức cười nào trong số hai phương thức cười cợt ở đây: Chúng ta có cười với niềm tin rằng nhân dân Hoa Kỳ sẽ kịp thời vượt qua sự điên rồ đó không? Hay phải chăng là tiếng cười chua chát quen thuộc với những dân tộc lâu nay đã quen với việc phải chịu đựng sự cai trị ngu xuẩn? Gần đây, hai hay ba năm trước, tôi đã chọn cái trước; những ngày này, tôi có xu hướng nghĩ đó là cái thứ hai.

Có nghĩa là, tôi lo lắng rằng cả điều này nữa cũng sẽ không trôi qua – ít nhất là trong cuộc đời tôi. Chúng ta cười, nhưng họ cai trị chúng ta.

Chế độ vô lý dựa trên chủ nghĩa xét lại, với những cắt xén ngôn ngữ và phủ nhận hoàn toàn thực tế, có thể tiếp tục được củng cố và mở rộng sự cai trị của nó, mặc dù chúng ta tin tưởng rằng, đến một lúc nào đó, lý trí phải tạo ra đột phá và thức tỉnh mọi người. Như Adrian Vermeule đã châm biếm trên Twitter, “ Những người đã xem trước mắt mình cái trò ‘phi giới tính hóa Latin’ ngu xuẩn đang được bình thường hóa và được tuyên truyền bởi nhiều định chế ưu tú đều bị sốc bởi từ ‘Awomen’, và sững sờ thấy rằng cái từ ấy sắp đi vào từ điển của bạn!”

Đúng như thế. Nói rõ hơn, Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã a dua với lời cầu nguyện của Cleaver bằng một đề xuất loại bỏ tất cả ngôn ngữ ‘phân biệt giới tính’ khỏi các quy luật của Hạ viện, không chỉ có các từ “father, mother, son, daughter, brother, sister” (“cha, mẹ, con trai, con gái, anh trai, em gái”) là những từ sẽ bị thay thế bằng các thuật ngữ phi giới tính như “parent, child, sibling, sibling of parent” (“bậc sinh thành, con cái, anh chị em, anh chị em cùng bậc sinh thành”) nhưng còn nhiều hơn thế. Trò vô nghĩa này xuất phát từ những cuộc hội thảo xét lại vào những năm 1990 theo chiều hướng “loại bỏ định chế gia đình” hiện đang ảnh hưởng đến các chính sách chính thức ở Hạ viện Hoa Kỳ.

Những người bảo thủ và những người trước đây được gọi là những người cấp tiến dòng chính mạch đã từng cười nhạo thứ văn chương khó hiểu và những khái niệm vô nghĩa được rao bán bởi những người như Judith Butler; bây giờ chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tính dục-và-giới tính ít nhiều được thiết kế bởi các mô thức của Butler và những tay sai của họ trong giới truyền thông, Hollywood và các cơ quan nhân sự.

Có thể là chủ nghĩa tự do trong giai đoạn lặp lại của nó hiện nay đang trở nên hung hãn và xét lại hơn bao giờ hết, đẩy nhanh tốc độ và cường độ cách mạng của nó, chính vì nó cảm thấy bản thân nó không an toàn: dễ bị ảnh hưởng bởi những điều phi lý và mâu thuẫn nội tại của chính nó và trước các phong trào phản ứng dữ dội toàn cầu của cánh tả và cánh hữu. Đó là một luận điểm tôi đã tâm đắc từ lâu. Nhưng cho dù có đúng như thế đi nữa, thì cũng không loại trừ khả năng tồn tại một chế độ xét lại kéo dài — một chế độ có khả năng cách ly mạnh mẽ giới tinh hoa của mình khỏi những lời chỉ trích từ bên dưới trong khi trừng phạt những kẻ bất đồng chính kiến trong hàng ngũ những người ưu tú.

Trong trường hợp này, cho dù quần chúng có phẫn nộ hay cười nhạo cái từ “awomen” và việc Hạ viện hủy bỏ các từ “Mom”, “Dad” và “Uncle” đi chăng nữa thì cũng không thành vấn đề: Bất bình đẳng giàu nghèo quá lớn và sự thống trị của nhà cầm quyền - đã tăng phi mã kể từ những đợt khóa cửa COVID-19 - có nghĩa là sự cân bằng của các lực lượng quá chênh lệch đến mức bất kỳ sự chống đối nào của quần chúng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tình trạng bấp bênh kinh tế của tầng lớp trung lưu, các cuộc thanh tra [hồ sơ thuế] của nhà nước, và niềm an ủi, được tìm thấy cách nào đó, trong các phim ảnh khiêu dâm và các thứ ma túy được hợp pháp hóa sẽ loại bỏ tất cả các chống đối của họ.

Trong khi đó, ý kiến của giới tinh hoa đã tự chứng tỏ là hoàn toàn phù hợp với sự kiểm duyệt của Thung lũng Silicon và với các “áp lực đồng nghiệp” mà giới tinh hoa luôn đặc biệt dễ bị tổn thương. Hãy nhìn kỹ sự kiểm duyệt tờ New York Post vào mùa thu này đối với câu chuyện liên quan đến Hunter Biden. Twitter và Facebook đã cấm lưu hành một tin tức lớn như thế bằng một chiêu bài dối trá. Nhưng phần gây sốc nhất là hầu hết các nhà báo lại vỗ tay hoan hô sự kiểm duyệt này như một điều cần thiết cho sức khoẻ của “nền dân chủ”.

Một ngày, các thành viên tích cực của Twitter, được công nhận là những người nắm bắt các vấn đề thời sự, tuyên bố rằng khẩu trang y tế không chỉ là vô dụng trong việc chống lại coronavirus chủng mới, mà còn gây hại — nhưng ngày hôm sau họ lại kiên quyết chạy theo quan điểm hoàn toàn ngược lại. Các phương tiện truyền thông, như Vox, còn đi xa đến mức xóa bỏ hoàn toàn các tường thuật chống khẩu trang y tế của họ trước đó. Các cuộc tụ tập đông người được cho là tương đương với các hành động gây chết người - ngoại trừ khi nói đến các cuộc biểu tình Black Lives Matter, là điều gần đây được Jacob Siegel khoác lác như “một bắt buộc thực tiễn vì vệ sinh đạo đức công cộng”. Cũng thế, giới tính được coi chỉ đơn thuần là một khái niệm xã hội, nhưng đồng thời một số người lại có một cảm giác bẩm sinh rằng giới tính “đúng” của họ xung đột với thể trạng tính dục của họ.

Tất nhiên, chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi những người theo nó phải đề cao những điều vô lý tương tự. Một luận điểm tâm đắc của Ryszard Legutko, và trước ông là Solzhenitsyn, cho rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cấp tiến là những đứa con song sinh của cùng một thế giới quan. Một số người có thể tìm thấy sự an ủi trong thực tế này: Cuối cùng thì chủ nghĩa cộng sản Xô Viết đã sụp đổ sau khoảng bảy thập kỷ. Những ai bi quan hơn thì cho rằng bảy thập kỷ là một khoảng thời gian quá dài và Bộ Chính trị cộng sản Liên sô lúc đó thiếu sự giàu có và năng lực công nghệ của Jack Dorsey, Mark Zuckerberg và Jeff Bezos.

Chúng ta cười nhạo, nhưng họ cai trị chúng ta.


Source:First Things

 
Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha khả quan hơn. Phóng sự đặc biệt Lễ Hiển Linh 6/1 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:56 06/01/2021


Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh, hôm nay mới là lễ Hiển Linh.

Lúc 10h sáng thứ Tư Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Thánh sử Matthêu cho chúng ta biết rằng các Đạo Sĩ khi đến Bếtlêhem, “thấy hài nhi và Mẹ Người là bà Maria, họ sấp mình xuống thờ lạy” (Mt 2:11). Thờ phượng Chúa không phải là điều dễ dàng; nó không tự động xảy ra. Nhưng nó đòi hỏi một sự trưởng thành tâm linh nhất định và là kết quả của một cuộc hành trình nội tâm đôi khi kéo dài. Thờ phượng Chúa không phải là việc chúng ta làm một cách tự phát. Đúng là con người có nhu cầu tôn thờ, nhưng chúng ta có thể gặp nguy cơ tôn thờ không đúng. Thật vậy, nếu chúng ta không thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ thờ ngẫu tượng - không có con đường trung gian, hoặc là Chúa hoặc các ngẫu tượng; hay nói theo một nhà văn Pháp: “Ai không thờ Chúa, thì thờ ma quỷ” - và thay vì trở thành tín hữu, chúng ta sẽ trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng. Nó chỉ có thể là thế này hay thế kia.

Trong thời đại của chúng ta, điều đặc biệt cần thiết đối với chúng ta, cả với tư cách cá nhân và cộng đồng, là dành nhiều thời gian hơn để thờ phượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần học cách chiêm ngắm Chúa tốt hơn. Chúng ta đã phần nào đánh mất ý nghĩa của lời cầu nguyện thờ phượng, vì vậy chúng ta phải tái lĩnh hội điều đó một lần nữa, cả trong cộng đồng và trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy học một vài bài học hữu ích từ các Đạo Sĩ. Giống như họ, chúng ta muốn sấp mình xuống và thờ phượng Chúa. Phải một lòng một dạ tôn thờ Người, chứ không phải như Hêrôđê đã nói: “xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Không, sự thờ phượng đó không tốt. Sự thờ phượng của chúng ta phải toàn tâm toàn ý!

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cung cấp cho chúng ta ba cụm từ có thể giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa của việc thờ phượng Chúa. Đó là: “ngước mắt lên”, “bắt đầu một cuộc hành trình” và “nhìn”. Ba cụm từ này có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc trở thành người thờ phượng Chúa.

Cụm từ đầu tiên, ngước mắt lên, đến với chúng ta từ tiên tri Isaia. Đối với cộng đồng Giêrusalem, vừa được trở về sau cuộc lưu đày và thất vọng trước những thử thách và gian khổ lớn lao, tiên tri nói với họ những lời khích lệ mạnh mẽ này: “Ngước mắt nhìn tứ phía mà xem” (60: 4). Vị tiên tri kêu gọi họ gạt bỏ những mệt mỏi và phàn nàn sang một bên, vượt thắng trở ngại của một tầm nhìn hạn hẹp, gạt bỏ sự độc tài của bản thân, sự cám dỗ thường xuyên để rút lui vào bản thân và những mối quan tâm của chính mình. Để thờ phượng Chúa, trước hết chúng ta phải “ngước mắt lên”. Nói cách khác, đừng để bản thân bị giam cầm bởi những bóng ma tưởng tượng bóp nghẹt hy vọng, đừng biến những vấn đề và khó khăn trở thành trung tâm của cuộc đời mình. Điều này không có nghĩa là phủ nhận thực tế, hoặc tự huyễn hoặc bản thân rằng tất cả đều tốt đẹp. Ngược lại, đó là cách thức nhìn các vấn đề và những âu lo theo một cách mới, biết rằng Chúa ý thức về những khó khăn của chúng ta, chú ý đến lời cầu nguyện của chúng ta và không thờ ơ với những giọt lệ chúng ta rơi. Cách nhìn những sự việc, trong đó, bất chấp mọi sự vẫn tiếp tục tin cậy nơi Chúa, làm nảy sinh lòng tri ân con thảo. Khi điều này xảy ra, tâm hồn chúng ta trở nên rộng mở để thờ phượng. Mặt khác, khi chúng ta tập trung hoàn toàn vào các vấn đề và không chịu ngước mắt lên nhìn Chúa, thì nỗi sợ hãi và bối rối len lỏi vào tâm hồn chúng ta, làm nảy sinh sự tức giận, hoang mang, lo lắng và trầm cảm. Khi đó, việc thờ phượng Chúa trở nên khó khăn. Một khi điều này xảy ra, chúng ta cần can đảm thoát ra khỏi vòng vây của những kết luận giả định và nhận ra rằng thực tế vĩ đại hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Ngước mắt lên, nhìn xung quanh và xem. Chúa yêu cầu chúng ta trước hết hãy tin cậy nơi Người, vì Người thật sự quan tâm đến mọi người. Nếu Thiên Chúa còn mặc đẹp cho hoa đồng cỏ nội mọc hôm nay, và ngày mai bị ném vào lửa, thì chẳng lẽ Ngài lại không ban cho chúng ta nhiều hơn thế nữa sao? (x. Lc 12:28). Nếu chúng ta ngước mắt lên nhìn Chúa và xem xét mọi sự dưới ánh sáng của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1:14) và luôn ở với chúng ta, mãi mãi (x. Mt 28:20). Luôn luôn.

Khi chúng ta ngước mắt lên nhìn Chúa, những vấn đề trong cuộc sống không biến mất. Không. Nhưng thay vào đó chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để đối phó với chúng. Sau đó, bước đầu tiên hướng tới thái độ thờ phượng là “ngước mắt lên”. Sự thờ phượng của chúng ta là sự thờ phượng của các môn đệ, những người đã tìm thấy nơi Chúa một niềm vui mới và bất ngờ. Niềm vui thế gian dựa trên sự giàu có, thành công hoặc những điều tương tự, là những điều luôn đặt chúng ta ở trung tâm. Ngược lại, niềm vui của các môn đệ của Chúa Kitô dựa trên sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa, bất kể những khủng hoảng chúng ta có thể gặp phải. Niềm tri ân con thảo và niềm vui đánh thức trong chúng ta ước muốn thờ phượng Chúa, Đấng luôn trung tín và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Cụm từ hữu ích thứ hai là bắt đầu một cuộc hành trình. Trước khi có thể tôn thờ Hài nhi ở Bethlehem, các đạo sĩ phải thực hiện một cuộc hành trình dài. Thánh Matthêu kể với chúng ta rằng trong những ngày đó “có mấy nhà Đạo Sĩ từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’” (Mt 2, 1-2). Một cuộc hành trình luôn bao gồm một sự biến đổi, một sự thay đổi. Sau một chặng đường, chúng ta không còn như xưa. Luôn có điều gì đó mới mẻ ở những người đã thực hiện một cuộc hành trình: họ đã học được những điều mới, gặp gỡ những con người và tình huống mới, và tìm thấy sức mạnh nội tâm giữa những khó khăn và rủi ro mà họ gặp trên đường đi. Không ai thờ phượng Chúa mà không trải nghiệm sự trưởng thành từ bên trong trước khi dấn bước trên một cuộc hành trình.

Chúng ta trở thành những người thờ phượng Chúa qua một quá trình tiệm tiến. Ví dụ, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng ở tuổi năm mươi, chúng ta thờ phượng khác với hồi mới ba mươi tuổi. Những ai để cho mình được uốn nắn bởi ân sủng thường tiến bộ theo thời gian: vì thế Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng bề ngoài, chúng ta già đi nhưng bản chất bên trong của chúng ta đang được đổi mới mỗi ngày (x. 2 Cr 4:16) khi chúng ta trưởng thành trong sự hiểu biết cách tốt nhất để thờ phượng Chúa. Từ quan điểm này, những thất bại, khủng hoảng và sai lầm của chúng ta có thể trở thành kinh nghiệm học hỏi: thường thì chúng có thể giúp chúng ta ý thức mạnh mẽ hơn rằng chỉ duy có Chúa mới đáng để chúng ta tôn thờ, vì chỉ có Ngài mới có thể thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất của chúng ta cho sự sống và vĩnh cửu. Với thời gian trôi qua, những thử thách và khó khăn trong cuộc sống được trải nghiệm trong đức tin sẽ giúp thanh tẩy tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta trở nên khiêm nhường hơn và do đó ngày càng cởi mở hơn với Thiên Chúa. Thậm chí ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng có thể giúp chúng ta khiêm nhường và cởi mở với Chúa nếu chúng ta ý thức được mình là tội nhân, và ăn năn vì những điều tồi tệ như vậy. “Nhưng tôi đã làm điều này… Tôi đã làm điều nọ…”. Nếu anh chị em tiếp cận những điều đó với đức tin và lòng ăn năn, với quyết tâm hoán cải, chúng sẽ giúp anh chị em trưởng thành. Thánh Phaolô nói rằng mọi thứ, ngay cả tội lỗi của chúng ta, đều có thể giúp chúng ta trưởng thành về đàng thiêng liêng, và giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Và Thánh Thomas nói thêm: “etiam mortalia”, ngay cả những tội lỗi khốn nạn nhất, xấu xa nhất. Nếu anh chị em đáp lại với lòng ăn năn, điều đó sẽ giúp anh chị em trong cuộc hành trình hướng tới việc gặp gỡ Chúa và thờ phượng Ngài tốt hơn.

Giống như các Đạo Sĩ, chúng ta cũng phải cho phép mình học hỏi từ cuộc hành trình của cuộc đời, được đánh dấu bởi những bất tiện không thể tránh khỏi trong cuộc lữ hành. Chúng ta không thể để sự mệt mỏi, sa ngã và thất bại làm nản lòng. Thay vào đó, bằng cách khiêm tốn nhìn nhận chúng, chúng ta có thể biến chúng thành những cơ hội để tiến về phía Chúa Giêsu. Cuộc sống không phải là để phô trương khả năng của chúng ta, mà là một cuộc hành trình hướng tới Đấng yêu thương chúng ta. Chúng ta không phô trương các nhân đức của mình trong mỗi bước của cuộc sống chúng ta; đúng hơn, với lòng khiêm nhường, chúng ta nên hành trình hướng về Chúa. Bằng cách nhìn chăm chú vào Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để bền đỗ với niềm vui được canh tân.

Và vì vậy chúng ta đến với cụm từ thứ ba: nhìn. Ngước mắt lên; bắt đầu một cuộc hành trình; và rồi nhìn. Thánh sử nói với chúng ta rằng: “Vào nhà, thấy hài nhi và Mẹ Người là bà Maria, họ sấp mình xuống thờ lạy” (Mt 2:10-11). Thờ phượng là một hành động bày tỏ lòng tôn kính dành cho các vị vua và các chức sắc cao trọng. Các đạo sĩ tôn thờ Đấng mà họ biết là vua dân Do Thái (x. Mt 2: 2). Nhưng họ đã thực sự thấy gì? Họ nhìn thấy một hài nhi nghèo hèn cùng với Mẹ Người. Tuy nhiên, những nhà thông thái từ những vùng đất xa xôi này đã có thể nhìn xa hơn những thứ xung quanh thấp hèn đó và nhận ra nơi Hài Nhi đó một sự hiện diện vương giả. Họ có thể “nhìn” vượt lên trên vẻ bên ngoài. Quỳ gối trước Hài Nhi Bethlehem, họ bày tỏ một sự tôn thờ mà trên hết là từ thâm tâm: việc mở những kho báu mà họ đã mang theo làm quà tặng tượng trưng cho sự toàn tâm dâng hiến của họ.

Để thờ phượng Chúa, chúng ta cần phải “nhìn thấu” qua bên ngoài bức màn của những sự hữu hình, mà thường được chứng tỏ là những lừa dối. Hêrôđê và những công dân hàng đầu của Giêrusalem đại diện cho một thế giới nô lệ cho những vẻ bề ngoài và những điều thu hút trước mắt. Họ thấy đó, nhưng họ không thể nhìn thấu được. Vấn đề không phải là họ không tin, không phải như thế; nhưng vấn đề là họ không biết cách nhìn bởi vì họ là những nô lệ cho dáng vẻ bề ngoài và tìm kiếm những gì hấp dẫn. Họ chỉ coi trọng những thứ giật gân, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, nơi các Đạo Sĩ, chúng ta thấy một cách tiếp cận rất khác, một cách mà chúng ta có thể định nghĩa là chủ nghĩa hiện thực thần học - một từ rất “cao”, nhưng hữu ích – đó là một cách nhận thức thực tại khách quan của sự vật và dẫn đến nhận thức rằng Thiên Chúa tránh xa mọi sự phô trương. Chúa khiêm nhường, Ngài giống như hài nhi khiêm nhường đó, tránh xa sự phô trương mà thực chất là sản phẩm của thế gian. Đó là một cách “nhìn” vượt lên trên những gì là hữu hình và giúp chúng ta có thể thờ phượng Chúa, Đấng thường bị che khuất trong những hoàn cảnh hàng ngày, trong những người nghèo và những người ở ngoài rìa. Đó là một cách nhìn mọi thứ mà không bị thu hút bởi âm thanh và cuồng nhiệt, nhưng tìm kiếm trong mọi tình huống những điều thực sự quan trọng, và tìm kiếm Chúa. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta “đừng chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn”. (2Cr 4:18).

Xin Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành những người thờ phượng thật, có khả năng thể hiện qua cuộc sống của chúng ta kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng sao cho mỗi người chúng ta và toàn thể Hội Thánh biết học cách thờ phượng, tiếp tục thờ phượng, thường xuyên thực hiện lời cầu nguyện tôn thờ này, vì chỉ có Chúa mới đáng được tôn thờ.


Source:Holy See Press Office
 
Biểu tình rất lớn tại nhiều nơi ở Mỹ. Tràn vào Quốc Hội Liên Bang. Tuyên bố của Tổng thống Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:54 06/01/2021


1. Hỗn loạn diễn ra tại các tòa nhà Quốc Hội ở nhiều tiểu bang, nghiêm trọng nhất là tại Washington

Hôm 6 tháng Giêng, Quốc Hội lưỡng viện đã nhóm họp tại Washington DC dưới quyền chủ tọa của phó tổng thống Mike Pence nhằm chuẩn y hay bác bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 vừa qua.

Hỗn loạn đã xảy ra ở nhiều tiểu bang khác nhau, nơi những người ủng hộ Tổng thống Trump đã biểu tình bên ngoài một số Tòa nhà Quốc Hội.
Tại Sacramento, California, một số người đã bị bắt vì cáo buộc mang theo bình xịt hơi cay và ẩu đả nổ ra giữa hai nhóm ủng hộ Tổng thống Trump và ủng hộ ông Joe Biden bên ngoài Tòa nhà Quốc Hội ở thủ phủ tiểu bang.

Sở Cảnh sát Sacramento đã tweet rằng “Một số cuộc xung đột giữa hai nhóm người biểu tình đã được báo cáo. Các cảnh sát vẫn ở trong khu vực và đang cố gắng giữ các nhóm tách biệt nhau.”

Tờ Star Tribune cho biết tại St. Paul, Minnesota, khoảng 500 người ủng hộ Tổng thống Trump, đội mũ “MAGA” màu đỏ và mang cờ Trump, biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc Hội trước khi lên đường đến biểu tình trước dinh thự của Thống đốc Tim Walz.

Không có vụ bắt giữ nào được thực hiện ở Minnesota tính đến tối thứ Tư.

Tại Santa Fe, New Mexico, các thành viên Quốc Hội tiểu bang đã được di tản khi những người ủng hộ Tổng thống Trump tập trung bên ngoài một cách hòa bình. Người phát ngôn của Thống đốc Michelle Lujan Grisham cho biết không có dấu hiệu nào về các mối đe dọa và tình trạng bất ổn tại Tòa nhà Quốc Hội tiểu bang.

Tại Washington DC, tình hình đã bắt đầu căng thẳng từ sáng sớm khi hàng chục ngàn người tụ tập tại Tòa Bạch Ốc. Trong dịp này, Tổng thống Trump tuyên bố ông không chấp nhận kết quả bầu cử. Đoàn người sau đó đã kéo tới tòa nhà Quốc Hội. Hỗn loạn đã xảy ra tại đây vào khoảng 1:30 chiều, khi những người biểu tình tràn vào Tòa nhà Quốc Hội, đẩy lui cảnh sát vào trong tòa nhà nơi hàng trăm nhà lập pháp - bao gồm cả Phó Tổng thống Mike Pence – đang có cuộc họp.
Lực lượng cảnh sát rút lui vào bên trong phòng họp của Hạ viện, rút vũ khí nhắm vào lối vào nơi những người biểu tình đang tập trung bên ngoài.

Nhiều người đập bể các cửa kính để tìm cách xông vào. Giữa nhiều tiếng hò hét và chen lấn, một phụ nữ được xác định là Ashli Babbitt, cư dân California, nguyên là một sĩ quan không quân trong 14 năm, được đám đông nhấc lên và cô cố gắng chui qua khung cửa kiếng vừa bị đập bể.

Khi cô bắt đầu trèo vào thì một tiếng nổ lớn vang lên và Babbitt ngã ngược lại vào đám đông. Các nguồn tin an ninh nói với tờ New York Post rằng cô đã bị cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc Hội bắn. Người phụ nữ mặc áo màu đỏ, trắng và xanh, được đưa ra khỏi tòa nhà trên cáng, máu chảy ra từ miệng và sau đó được tuyên bố đã chết tại bệnh viện.
Một số người biểu tình khác đã lên được sàn của Thượng viện, và tuyên bố “Trump đã thắng cuộc bầu cử!” Ít nhất hai người đã chiếm lấy chiếc ghế thường do phó tổng thống Pence ngồi.

Phó tổng thống Pence và các nhà lập pháp khác đã được di tản đến nơi an toàn.

Những người biểu tình đã tấn công vào dãy văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lật tung bàn ghế. Một người thích thú ngả người nằm dài gác chân trên bàn làm việc trong văn phòng của Pelosi.
Trước diễn biến này, Tổng thống Trump đã đăng tweet ủng hộ việc thực thi pháp luật.

“Xin hãy ủng hộ cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc Hội và các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta. Họ thực sự đứng về phía đất nước của chúng ta. Xin hãy bình tĩnh!”

Khoảng 4 giờ chiều, các quan chức liên bang và địa phương bắt đầu tái chiếm tòa nhà, đuổi những người biểu tình ra bên ngoài và hộ tống các nhà báo, nhân viên và những người khác đã chui xuống bên trong đến nơi an toàn.

Thị trưởng Washington, DC là ông Muriel Bowser đã công bố lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng.

Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ ông đã xông vào Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư rằng ông “biết nỗi đau của họ” nhưng họ phải “về nhà trong an bình”.

“Tôi biết các bạn cảm thấy thế nào, nhưng hãy về nhà và về nhà trong thanh thản. Tôi biết các bạn đang rất đau. Tôi biết các bạn bị tổn thương,” Tổng thống Trump nói trong một video dài một phút được phát hành trên tài khoản Twitter của mình.

Tổng thống Trump cũng trực tiếp đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống và tiếp tục cáo buộc những gian lận trong cuộc bầu cử.

“Chúng ta đã có một cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi chúng ta. Đó là một cuộc bầu cử long trời lở đất, và mọi người đều biết điều đó, đặc biệt là phía bên kia. Nhưng các bạn phải về nhà ngay bây giờ. Chúng ta phải có hòa bình. Chúng ta phải có luật lệ và trật tự. Chúng ta phải tôn trọng những người bảo vệ luật pháp và trật tự tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta không muốn ai bị thương,” ông nói.


Source:New York Post

2. Hãy là ánh sao tỏa sáng. Bài huấn dụ lễ Hiển Linh của Đức Thánh Cha

Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 3 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh, hôm thứ Tư 6 tháng Giêng mới là lễ Hiển Linh.

Lúc 10h sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, lúc 12g trưa, ngài đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin.

Bài Tin Mừng thuật lại việc các Đạo Sĩ theo ánh sao Bêlem đến triều bái Chúa Hài Đồng như sau:

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Kitô, Đấng là Tình yêu, có thể tỏa sáng nơi những ai chào đón ánh sáng ấy và thu hút người khác. Ánh sáng của Chúa Kitô không chỉ mở rộng bằng lời nói, bằng những phương pháp kinh doanh giả tạo... Không, không phải như thế. Nhưng chính qua đức tin, lời nói, và chứng tá mà ánh sáng của Chúa Kitô được mở rộng. Ngôi sao là Chúa Kitô, nhưng chúng ta cũng có thể và phải là ngôi sao, cho anh chị em của chúng ta, trong tư cách là những chứng nhân cho kho tàng của lòng nhân từ và lòng thương xót vô hạn mà Đấng Cứu Chuộc ban tặng một cách nhưng không cho hết thảy mọi người. Ánh sáng của Chúa Kitô không mở rộng bởi việc chiêu dụ tín đồ, nhưng được mở rộng bởi các chứng tá, bởi sự tuyên xưng đức tin, và cả bằng sự tử đạo.

Vì vậy, điều quan yếu là chúng ta phải chào đón ánh sáng này bên trong chính chúng ta, đón nhận ánh sáng ấy ngày càng nhiều hơn. Khốn cho chúng ta nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sở hữu ánh sáng ấy, và khốn cho chúng ta nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ “quản lý” nó! Chúng ta cũng như các đạo sĩ, được mời gọi luôn để mình bị Chúa Kitô mê hoặc, lôi cuốn, hướng dẫn, soi sáng và hoán cải. Đó là hành trình đức tin. Cầu nguyện và chiêm ngưỡng các kỳ công của Thiên Chúa luôn làm chúng ta tràn đầy niềm vui và kinh ngạc, một sự kinh ngạc luôn mới mẻ. Kinh ngạc luôn là bước đầu tiên để tiến về phía trước trong ánh sáng này.

Chúng ta hãy cầu xin sự che chở của Mẹ Maria trên Giáo Hội hoàn vũ, để Giáo Hội có thể loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô, ánh sáng của mọi dân tộc, ánh sáng của mọi dân nước, khắp cùng bờ cõi trái đất thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi đang theo dõi với sự chú ý và quan tâm đến các sự kiện ở Cộng hòa Trung Phi, nơi các cuộc bầu cử vừa được tổ chức, nơi mà người dân bày tỏ mong muốn tiếp tục con đường hòa bình. Do đó, tôi mời tất cả các bên tham gia một cuộc đối thoại huynh đệ và tôn trọng, từ chối hận thù và tránh mọi hình thức bạo lực.

Tôi bày tỏ tình cảm với các anh chị em của các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống Đông phương, những người, theo truyền thống của họ, ngày mai mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Tôi chân thành gởi đến họ những lời chúc chân thành về một lễ Giáng Sinh thánh thiện, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, là hòa bình và hy vọng của chúng ta.

Vào ngày Lễ Hiển Linh hôm nay, Ngày Thế giới Tuổi thơ Truyền giáo được tổ chức, với sự tham gia của nhiều trẻ em và thanh niên từ khắp nơi trên thế giới. Tôi cảm ơn mỗi người trong số họ, và tôi khuyến khích họ trở thành những chứng nhân vui tươi của Chúa Giêsu, luôn cố gắng kết nối tình anh em giữa những người đồng lứa với họ.

Và tôi gửi lời chào thân ái tới tất cả anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện giao tiếp. Một lời chào đặc biệt được gửi đến Quỹ “Diễn hành Ba Vua”, nhằm tổ chức các sự kiện truyền giáo và liên đới tại nhiều thành phố và làng mạc ở Ba Lan và các nước khác.

Chúc mọi người có một bữa tiệc vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!


Source:Holy See Press Office