Ngày 06-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 07/01: Khiêm tốn và Tin tưởng - Suy Niệm: Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến.
Giáo Hội Năm Châu
04:10 06/01/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người toàn thân mắc bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh. 14 Rồi Người ra lệnh cho anh không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

Đó là lời Chúa
 
Ta Hài Lòng Về Con
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:57 06/01/2022
Ta Hài Lòng Về Con

(Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa)

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều kết thúc thuật trình Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bằng lời tuyên phán của Chúa Cha: “ Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con” hoặc “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (x.Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22). Chúa Cha hài lòng với Chúa Chúa Giêsu về chuyện gì đây? Dĩ nhiên là về chuyện Chúa Giêsu tự nguyện xếp mình vào hàng đoàn người tội lỗi đang đến để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa bày tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa dù đã mặc lấy xác phàm nhân loại như chúng ta mọi đàng nhưng chẳng hề vương bẩn tội nhơ (x.Dt 4,15). Là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Người hoàn toàn thanh sạch thế mà Người xếp hàng giữa đám người tội lỗi để làm gì? Chắc chắn không phải là để nhờ Gioan làm phép thanh tẩy hầu được nên thanh sạch. Cũng chắc chắn rằng không phải Người cố tình làm gương cho chúng ta về việc hoán cải ăn năn như đã có nhiều nhà tu đức từng suy diễn. Không ai có thể làm gương một việc mà chính mình không thực làm. Như thế chìa khoá vấn đề phải nằm ở chỗ khác.

Mang lấy xác phàm, trở nên giống loài người chúng ta mọi đàng, thì Chúa Giêsu vẫn phải cần có thời gian để hiểu biết ý Chúa Cha cũng như tự nhận thức về căn tính của mình. Các nhà Kitô học đồng thuận với nhau rằng khi còn nằm trong nôi, còn ôm lấy bầu sữa mẹ, thì trẻ Giêsu chưa thể nhận thức được căn tính Thiên Chúa của mình. Và một điều ít ai chối cãi đó là năm lên mười hai tuổi, khi lưu lại Đền thờ Giêrusalem ba ngày nhân chuyến cùng cha mẹ hành hương, thì thiếu niên Giêsu đã ý thức về căn tính Thiên Chúa của mình. Biết mình là Thiên Chúa, thế nhưng để biết sứ vụ của mình là cứu độ nhân loại và cứu độ nhân loại như thế nào thì Chúa Giêsu cũng cần phải có thời gian cần thiết để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha.

Nhiều nhà Kitô học nhìn nhận rằng khi Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại bờ sông Giođan chính là lúc Người tìm ra con đường cứu độ. Nói đến ơn cứu độ, các nhà thần học lẫn tu đức thường dùng hình ảnh cứu vớt người đang chìm dưới sông nước. Không biết bơi mà rơi xuống hố nước sâu thì sự sống như không còn thuộc vào chính bản thân mình. Cần phải có một ai đó độ trì, cứu vớt, may ra mới được sống.

Để cứu độ nhân loại khỏi vũng lầy tội lỗi, Chúa Kitô không đứng bên trên mà kéo. Người đã tự nguyện đi xuống tận đáy sâu kiếp người khi vào trần gian. Đồng thân với con người trong kiếp phàm hèn chưa đủ, Chúa Kitô còn muốn chung phận với loài người trong kiếp tội nhân, dù Người hoàn toàn vô tội. Tình yêu lên đến đỉnh cao khi người ta tự nguyện chung thân, đồng phận với nhau. Chung thân, đồng phận với nhau là một trong những hình thức liên đới đến cùng. Là con chiên tinh tuyền, là người tôi tớ trung thành và nhân hậu, Chúa Kitô đã nhận lấy mọi hậu quả tội lỗi của loài người vào chính bản thân Người. Điều đã được Ngôn sứ Isaia loan báo xưa về “Người Tôi Trung” nay ứng nghiệm nơi chính Chúa Kitô (x.Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11).

Chọn con đường đi xuống để nâng loài người sa ngã lên, sự chọn lựa của Chúa Giêsu đã làm hài lòng Chúa Cha. Đây là một sự chọn lựa phát xuất bởi tình yêu sung mãn. Chúa Thánh Thần với hình chim bồ câu ngự xuống trên Người là một dấu chỉ. Và các tầng trời mở ra, nghĩa là con đường cứu độ nay đã khai mở cho con người. Việc Chúa Giêsu chọn con đường đi xuống giúp chúng ta xác tín những chân lý sau:

1.Không một ai là không có thể được cứu rỗi: Các cứu hộ viên đứng trên bờ sông mà đưa tay ra thì những người ở xa bờ hay đang chìm dưới nước quả là khó có cơ may được cứu. Trái lại khi các cứu hộ viên đã lặn sâu xuống đáy sông thì mọi người đều có thể được cứu sống. Chúa Giêsu đã cúi xuống dưới chân các tông đồ, Người đã cúi xuống dưới chân Giuđa, kẻ đã rắp tâm phản bội Người và Người sẵn sàng cúi xuống dưới chân hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Chỉ cần chúng ta đồng thuận thì Người sẽ nâng chúng ta lên cùng Chúa Cha.

Mọi người đều có thể được cứu rỗi. Một chân lý của niềm tin và của niềm hy vọng. Bất cứ ai, dù trong hoàn cảnh tồi tệ nào đi nữa, thì vẫn luôn có Giêsu Kitô đứng dưới chân để sẵn sàng nâng lên. Chính vì thế mà thất vọng về chính mình là một sự tồi tệ thật đáng trách không kém gì khi ta thất vọng về tha nhân.

2.Trước tiên hãy trách mình, đừng trách tha nhân hay phàn nàn Chúa, nếu giả như chúng ta vẫn mãi mê trong tội. Một trong những thói xấu của người đắm chìm trong tội đó là tìm đủ lý do để bào chữa. Để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình, khi phạm tội, chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tha nhân, cho ma quỷ và có khi cho cả Thiên Chúa. Phải tiên thiên loại trừ việc gán cho Thiên Chúa là tác nhân gây sự xấu vì Thiên Chúa không hề, đúng hơn là không thể cám dỗ một ai. Chúng ta cũng cần chân nhận rằng thần dữ, người xấu hay ngoại cảnh cũng có góp phần nào đó trong tội của chúng ta. Tuy nhiên, các tác nhân ấy chỉ có thể làm tăng giảm mức độ trách nhiệm của chúng ta trên tội của mình. Nhưng không ai khác, chính chúng ta phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm mọi hành vi tội lỗi của mình.

Mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, mở đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, hãy cùng cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa vì đã yêu thương loài người đến cùng. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện đồng hàng với chúng ta trong kiếp tội nhân: cúi mình để cho Gioan làm phép rửa là điểm khởi đầu và điểm kết thúc là thân phận một tội nhân trên thập giá.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 06/01/2022

35. Tự nguyện chết đi cho cái tôi của mình, thì sẽ khiến cho Đấng khác sống trong tôi.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 06/01/2022
60. SỢ HỒ ĐỒ

Doãn Vọng Sơn khi làm tổng đốc nhị Giang (Giang Tô và Giang Nam), thì đã nói đùa với thuộc hạ như sau:

- “Bình thường các vị sợ gì nhất?”

Có người nói sợ hổ lang, có người nói sợ rắn rít...

Doãn Vọng Sơn nói:

- “Những thứ đó ta đều không sợ, ta chỉ sợ người hồ đồ mà thôi”.

(Lữ Viên Tùng Thoại)

Suy tư 60:

Con người ta ai cũng phải sợ một thứ gì đó, có người sợ cọp beo, có người sợ thằn lằn, có người sợ chuột, có người sợ con sâu, có người sợ ma, lại có người sợ người hồ đồ, sợ người nói phét.v.v...

Ai cũng có cái để sợ, bởi vì ai cũng muốn sống mạnh khỏe.

Người Ki-tô hữu vì đức tin và vì yêu mến Thiên Chúa mà không sợ roi vọt, không sợ tù đày, không sợ thú dữ ăn thịt và không sợ chết, nhưng thứ mà họ sợ nhất chính là tội lỗi, bởi vì tội lỗi làm cho họ xa cách Thiên Chúa, tội lỗi làm cho họ bất an trong tâm hồn, tội lỗi làm cho họ sống trong lo sợ, tội lỗi làm cho họ trở thành con cái của ma quỷ, và tội lỗi làm cho họ mất phúc trường sinh...

Tội lỗi là hậu quả của sự bất trung và kiêu ngạo, nên thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Vì tội lỗi nên sự chết đã nhập vào thế gian.” Cho nên, phải sợ tội lỗi mới yêu mến Thiên Chúa được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cửa Trời mở ra
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
23:35 06/01/2022


Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Đấng cao cả, vô cùng tốt lành và thánh thiện, chẳng hề vương chút tội tình… thế mà Ngài lại đến với thánh Gioan, như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc, cướp của giết người và với bao nhiêu người tội lỗi khác… chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.

1. Tại sao Chúa Giê-su vô tội mà lại chịu phép rửa?

Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã từng giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai xuống trần để gánh tội trần gian. Một khi đã gánh tội trần gian thì Chúa Giê-su chấp nhận chịu thanh tẩy cũng như chịu chết vì tội lỗi thế gian…

Thế rồi khi Chúa Giê-su chịu phép Rửa xong, “và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài... ”

2. Tại sao các tầng trời mở ra?

Từ ngày A-đam và E-và phạm tội, Thiên Chúa xua đuổi ông bà ra khỏi địa đàng và cho thiên thần cầm gươm lửa để ngăn không cho ông bà quay trở lại… (St 3,24). Thế là từ đây, tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt. Từ đó, loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và đắm chìm trong cõi chết…

Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Con đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người và Ngài đã bước xuống dòng sông Gio-đan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.”

Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng lại vì tội bất phục tùng của A-đam-cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su, cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là Đấng vô cùng tốt lành thánh thiện đã mang tội lỗi chúng con vào thân, đã hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa vì chúng con; Trong khi đó, chúng con là những người đầy tội lỗi nhưng chẳng biết nhìn nhận tội mình để ăn năn sám hối, thì thật đáng trách.

Xin giúp chúng con khiêm tốn nhận mình là người tội lỗi và thực lòng ăn năn sám hối, nhờ đó, cửa trời cũng sẽ mở ra để đón nhận chúng con vào chốn hồng phúc đời đời. Amen.
 
Nếu Chúa muốn
Lm. Minh Anh
23:53 06/01/2022

NẾU CHÚA MUỐN
“Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch!”.

Pavel Poloz, từng bị lưu đày ở Nga, nhận xét, “Ở Nga, Kitô hữu bị thử thách bởi gian khổ; ở Mỹ, bạn được thử thách bởi tự do. Thử thách bởi tự do khó hơn nhiều! Không ai áp lực trên niềm tin của bạn. Vì vậy, bạn thoải mái, không quá tập trung vào Chúa Kitô, vào sự dạy dỗ của Ngài, cách Ngài muốn bạn sống! Vấn đề ở chỗ, không phải là những gì bạn muốn, nhưng là Chúa muốn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị, khi với Pavel Poloz, chúng ta khám phá một lần nữa ý nghĩa sâu sắc và chân tâm bên dưới chi tiết độc đáo “Chúa muốn” này trong Tin Mừng hôm nay; một chi tiết mà cả ba thánh sử nhất lãm nhất mực không bỏ qua, dù nó chỉ là một phần rất nhỏ trong lời cầu vắn vỏi của người phong cùi thốt ra với Chúa Giêsu, “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch!”.

“Nếu Ngài muốn!”. Điều này đánh dấu một thiên hướng thánh thiện bên trong tâm hồn người mắc bệnh phong. Thiên hướng đó là, anh muốn chính Chúa Giêsu, còn hơn ước muốn được Ngài chữa khỏi. Đối với anh, Chúa Giêsu và thánh ý Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả! “Nếu Chúa muốn!”, chứ không phải anh muốn; qua đó, anh bộc lộ sự nhẫn nại của một con người sẵn sàng đón nhận thập giá đời mình trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho anh. Bởi lẽ, tự thu mình lại và không chấp nhận các vấn đề cũng như khiếm khuyết của mình, tự thân, đã là một trở ngại để được chữa khỏi chúng! Anh xác tín, Chúa muốn thì Chúa làm; bằng không, thì đó vẫn là điều tốt nhất mà Chúa muốn cho vinh quang Ngài nơi thân xác cùi hủi của anh. Anh triệt để tín thác vào lòng thương xót của Ngài!

Một số người sẽ mất kiên nhẫn trong cuộc chiến này! Họ muốn được chữa lành tức khắc hơn là muốn chính Đấng chữa lành. Những phương cách chữa trị như thế có thể chữa lành phần xác nhưng lại khiến cho tâm hồn què quặt, nghèo nàn nếu không nói là ‘sinh bệnh’; và điều này không bao giờ hấp dẫn đối với Thiên Chúa. Sự cởi mở đối với thời gian của Ngài, không bất an với những câu hỏi tại sao Chúa để tôi thế này, hay những đòi hỏi cuộc sống tôi phải dễ dàng hơn… để hoàn toàn phó mặc vào tay Thiên Chúa cho phép bệnh tật chữa lành linh hồn, trước khi linh hồn được giải thoát khỏi sự èo uột của thân xác. Trong mắt Chúa Giêsu, tâm hồn người bệnh thấp hèn này đẹp đẽ biết bao! Có lẽ khi nói lên lời van vỉ chân thành đó, “mặt anh sáng như mặt thiên thần!”.

“Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch!”. Thường khi đến với Chúa, chúng ta hay ồn ào và thích nói nhiều; ở đây, anh chỉ nói những gì cần nói. Một vài từ là đủ, nhưng với điều kiện, kèm theo tâm tình tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng và lòng nhân ái của Chúa. Thực tế, phó mình cho ý muốn của Chúa, đã có nghĩa là phó mình cho lòng thương xót vô hạn của Ngài.

Đến lượt Chúa Giêsu, Ngài nói, “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”. Hình dạng xấu xí của bệnh cùi trở thành biểu tượng cho linh hồn của một tội nhân cần được cứu chuộc! Sự chịu đựng những tác động khốn khổ và biến dạng của tội lỗi giục giã con người bắt đầu lần theo con đường hoán cải và đổi thay. Với những ai vẫn còn cảm thấy nhức nhối về tội lỗi vốn nghiệt ngã trong quá khứ, sẽ có một điều gì đó khi họ không tin tưởng đủ vào một cuộc sống mới; họ cố đến gần Thiên Chúa và thật khó tin rằng, Thiên Chúa đã từng muốn gần gũi họ hơn là chính họ muốn đến gần Ngài; đúng hơn, Ngài khát khao họ! Và đây, sự can thiệp của Thiên Chúa, dứt khoát, vĩnh viễn, tuyệt đối! Chúa Giêsu di chuyển bàn tay của Ngài; Ngài đưa tay ra, chạm vào người phung. Ngài nói, “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”. Từ xác thịt đến linh hồn!

Anh Chị em,

Người phong hủi bị mọi người ruồng bỏ, nhưng anh biết, có một Đấng không bao giờ bỏ anh; vì thế, anh muốn chính Đấng ấy hơn là những gì Đấng ấy có thể chữa anh khỏi. Được Giêsu, anh có được Đấng ban sự sống. Thánh Gioan, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, nói, “Ai có Chúa Con thì có sự sống”. Cũng thế, có Giêsu, chúng ta có tất cả. Chỉ Giêsu mới có thể khỏa lấp mọi khát vọng vô biên của chúng ta. Bởi lẽ, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn; và ý muốn của Ngài luôn là điều tốt nhất. Dù vậy, không phải dễ dàng để chấp nhận điều đó! Đây phải là một quá trình tôi luyện trong đức tin để có thể đón nhận Thiên Chúa và sẵn sàng làm theo ý Ngài. Ước gì mỗi chúng ta cảm nhận được bàn tay của Chúa Giêsu đang di chuyển từ người phong cùi sang linh hồn mình, bàn tay Ngài làm được tất cả; tất cả đều được chữa khỏi, được tha thứ và được cứu chuộc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết phó mình cho Chúa. Con tin chắc, một lúc nào đó, Chúa sẽ không ngần ngại thực hiện điều Chúa muốn trên con, chứ không phải điều con muốn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm những quốc gia nào trong năm 2022?
Nguyễn long Thao
11:18 06/01/2022
Vatican 5/1/2022.- Đầu năm 2022, số trường hợp COVID-19 tăng đột biến ở nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, trong năm 2022 không có chuyến tông du quốc tế chính thức nào của Đức Thánh Cha Phanxicô được xác nhận. Nhưng Ngài bày tỏ ước mong đến thăm một số quốc gia trong năm mới.

Tuy nhiên, ở tuổi 85, ít có khả năng ĐGH có thể tiếp tục lịch trình tông du đến nhiều nước như thời kỳ trước đại dịch.

Qua 9 năm dưới triều đại của Ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hơn 50 quốc gia. Riêng năm 2019, Ngài đã đến thăm 11 quốc gia

Vì COVID-19 bùng phát nên ĐGH không có chuyến tông du nào trong năm 2020. Nhưng ĐGH Phanxicô đã làm nên lịch sử với tư cách là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Iraq vào tháng 3 năm 2021. Tiếp theo là các chuyến tông du đến Hy Lạp, Síp, Slovakia và Budapest để tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế.

Sau đây là những địa điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mong muốn đến thăm vào một thời điểm nào đó trong triều đại của Ngài: Canada, Papua New Guinea và Đông Timor, Argentina, Indonesia, Singapore, Ukraine, Lebanon, Hungary.

Nguyễn Long Thao
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Hiển Linh 06/01/2022 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:44 06/01/2022


Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 2 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, trước đây còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 2 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh, hôm nay mới là lễ Hiển Linh.

Lúc 10h sáng thứ Năm Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Các đạo sĩ đi đến Bêlem. Cuộc hành hương của các vị cũng ngỏ lời với chúng ta, là những người được mời gọi hành trình về phía Chúa Giêsu, vì Người là Sao Bắc Đẩu thắp sáng bầu trời sự sống và hướng dẫn chúng ta tiến tới niềm vui đích thực. Nhưng, cuộc hành hương của các đạo sĩ để gặp gỡ Chúa Giêsu bắt đầu từ đâu? Điều gì đã khiến những người đàn ông phương Đông này bắt đầu cuộc hành trình của họ?

Họ có những lý do rất thuyết phục để không khởi hành. Họ là những nhà thông thái và nhà chiêm tinh, nổi tiếng và giàu có. Khi đạt được sự an toàn về văn hóa, xã hội và kinh tế, họ có thể vẫn hài lòng với những gì họ đã biết và sở hữu. Nhưng thay vào đó, họ đã để cho mình cảm thấy bối rối trước một câu hỏi và một dấu chỉ: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người” (Mt 2: 2). Họ không cho phép trái tim của mình rút lui vào hang động của sự u ám và thờ ơ; họ khao khát được nhìn thấy ánh sáng. Họ không bằng lòng với cuộc sống, nhưng khao khát những chân trời mới và lớn hơn. Mắt họ không dán chặt vào đây bên dưới này; nhưng đôi mắt họ là cửa sổ mở ra thiên đàng. Như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, các đạo sĩ là “những người đàn ông có trái tim không yên nghỉ… Họ tràn ngập sự mong đợi, không hài lòng với thu nhập bảo đảm và vị trí đáng kính của họ trong xã hội… Họ là những người tìm kiếm Thiên Chúa” (Bài giảng ngày 6 tháng 1 năm 2013).

Lòng bồn chồn lành mạnh này đã khiến họ lên đường trên hành trình của mình xuất phát từ đâu? Thưa: Nó được sinh ra từ lòng ao ước. Bí mật của họ là khả năng biết khát khao. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này. Lòng khao khát là điều tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa bùng cháy trong chúng ta; nó thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn những gì trước mắt và những gì có thể nhìn thấy được. Khao khát có nghĩa là đón nhận cuộc sống như một mầu nhiệm vượt lên chúng ta, như một khoảng không luôn tồn tại trên bức tường vẫy gọi chúng ta nhìn vào khoảng không, vì cuộc sống không chỉ là những gì ở đây và bây giờ của chúng ta, mà là một cái gì đó lớn hơn nhiều. Nó giống như một tấm vải trống không trên giá vẽ đang gọi mời màu sắc. Một họa sĩ vĩ đại, Vincent Van Gogh, từng nói rằng nhu cầu của ông đối với Chúa đã thúc đẩy ông ra ngoài trời vào ban đêm để vẽ các vì sao. Vì đó là cách mà Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta: khi tràn đầy khao khát, chúng ta được hướng dẫn, giống như các đạo sĩ, hướng tới các vì sao. Không hề phóng đại, chúng ta có thể nói rằng chúng ta là những gì chúng ta mong muốn. Vì chính những ao ước của chúng ta sẽ mở rộng tầm nhìn và hướng cuộc sống của chúng ta về phía trước, vượt ra khỏi những rào cản của thói quen, vượt ra khỏi chủ nghĩa tiêu thụ tầm thường, vượt ra ngoài một đức tin u sầu và nhạt nhòa, vượt ra ngoài nỗi sợ hãi để có thể tham gia và phục vụ người khác và công ích. Theo lời của Thánh Augustinô, “toàn bộ cuộc đời của chúng ta là việc thực hiện các ao ước thánh thiện” (Bài giảng về Thư thứ nhất của Gioan, IV, 6).

Thưa anh chị em, đối với các đạo sĩ, đối với chúng ta cũng vậy. Hành trình sống và đức tin đòi hỏi một khát vọng sâu xa và lòng nhiệt thành bên trong. Đôi khi chúng ta sống với tinh thần “bến đỗ”; chúng ta đậu lại, không có sự thôi thúc của ao ước đưa chúng ta về phía trước. Chúng ta nên tự hỏi: chúng ta đang ở đâu trên hành trình đức tin của mình? Phải chăng chúng ta đã bị mắc kẹt quá lâu, nép mình bên trong các nghi lễ theo tiền lệ, bề ngoài và hình thức không còn sưởi ấm trái tim của chúng ta và thay đổi cuộc sống của chúng ta nữa? Lời nói và cử hành phụng vụ của chúng ta có còn khơi dậy trong lòng người niềm khao khát hướng về Thiên Chúa, hay chúng chỉ còn là một “ngôn ngữ chết” chỉ nói về chính nó và với chính nó? Thật đáng buồn khi một cộng đồng tín hữu đánh mất ước muốn của mình và bằng lòng với sự “duy trì” hơn là cho phép mình giật mình trước Chúa Giêsu và trước niềm vui bùng nổ và bồi hồi thổn thức của Tin Mừng. Thật buồn khi một linh mục đã khép lại cánh cửa khao khát, thật buồn khi sa vào chủ nghĩa chức năng giáo sĩ, thật đáng buồn.

Sự khủng hoảng đức tin trong cuộc sống của chúng ta và trong xã hội của chúng ta cũng liên quan đến sự lu mờ của lòng khao khát đối với Thiên Chúa. Nó liên quan đến một loại tinh thần uể oải, đến thói quen hài lòng sống từ ngày này qua ngày khác, mà không bao giờ hỏi Chúa thực sự muốn gì ở chúng ta. Chúng ta xem qua các bản đồ trần gian, nhưng quên nhìn lên trời. Chúng ta có rất nhiều thứ, nhưng không khao khát có được lòng ao ước đối với Thiên Chúa. Chúng ta chết kẹt trong các nhu cầu của chính mình, trong những gì chúng ta sẽ ăn và sẽ mặc (x. Mt 6,25), thậm chí đến mức chúng ta để cho lòng khao khát những điều lớn lao hơn bốc hơi. Và chúng ta thấy mình đang sống trong những cộng đồng khao khát mọi thứ, muốn có mọi thứ, nhưng tất cả thường không cảm thấy gì ngoài sự trống rỗng trong tâm hồn: những cộng đồng khép kín gồm các cá nhân, các giám mục, các linh mục hoặc những người nam nữ thánh hiến. Quả thực, việc thiếu ao ước chỉ dẫn đến nỗi buồn và sự thờ ơ, khiến các cộng đoàn buồn bã, các linh mục hay giám mục buồn bã.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: Cuộc hành trình đức tin của tôi diễn ra như thế nào? Đây là một câu hỏi mà chúng ta, mỗi người trong chúng ta, có thể tự hỏi ngày hôm nay. Hành trình đức tin của tôi đang diễn ra như thế nào? Nó đang đậu lại ở một bến đỗ hay nó đang di chuyển? Đức tin, nếu muốn lớn lên, phải bắt đầu lại từ đầu. Nó cần được khơi dậy bởi ao ước đón nhận thử thách khi bước vào một mối quan hệ sống động và linh hoạt với Thiên Chúa. Trái tim tôi có còn cháy bỏng khao khát Chúa không? Hay tôi đã để cho cường lực của thói quen và những thất vọng của bản thân dập tắt ngọn lửa đó? Anh chị em ơi, hôm nay là ngày chúng ta nên hỏi những câu hỏi này. Hôm nay là ngày chúng ta nên quay lại nuôi dưỡng ao ước của mình. Chúng ta sẽ làm như thế nào? Thưa: Chúng ta hãy đến gặp các nhà Đạo sĩ và học hỏi từ “trường phái khao khát” của họ. Họ sẽ dạy chúng ta trong trường phái khát khao của họ. Chúng ta hãy xem xét các bước họ đã thực hiện và rút ra một số bài học từ các vị.

Ngay từ đầu, họ đã cất bước lên đường trước ánh sao đang vươn lên. Các đạo sĩ dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải liên tục cất bước lên đường mỗi ngày, trong cuộc sống cũng như đức tin, vì đức tin không phải là một bộ áo giáp bao bọc chúng ta; thay vào đó, nó là một cuộc hành trình hấp dẫn, một chuyển động liên tục và không ngừng nghỉ, luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa, luôn luôn xác định rõ con đường của chúng ta về phía trước.

Sau đó, tại Giêrusalem, các đạo sĩ đặt câu hỏi: họ hỏi nơi có thể tìm thấy Hài Nhi. Họ dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải đặt câu hỏi. Chúng ta cần lắng nghe cẩn thận những câu hỏi của trái tim và lương tâm chúng ta, vì ở đó Thiên Chúa thường nói với chúng ta. Ngài nói với chúng ta qua các câu hỏi hơn là qua các câu trả lời. Chúng ta phải học cho kỹ điều này: Thiên Chúa nói với chúng ta qua các câu hỏi hơn là qua các câu trả lời. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng băn khoăn trước những câu hỏi của con cái chúng ta, và trước những nghi ngờ, hy vọng và ước muốn của những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Chúng ta cần phải cảm thấy hứng thú trước những câu hỏi.

Sau đó các đạo sĩ thách thức Hêrôđê. Các ngài dạy chúng ta rằng chúng ta cần một đức tin dũng cảm, một đức tin không ngại thách thức luận lý nham hiểm của quyền lực, và trở thành hạt giống của công lý và tình huynh đệ trong các xã hội nơi mà các Hêrôđê hiện đại ngày nay vẫn tiếp tục gieo rắc cái chết và tàn sát những người nghèo và vô tội, trong bối cảnh thờ ơ chung.

Cuối cùng, các đạo sĩ trở lại “bằng một con đường khác” (Mt 2:12). Các ngài thách thức chúng ta đi những con đường mới. Ở đây chúng ta thấy sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn mang đến những điều mới mẻ. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ của Thượng Hội Đồng mà chúng ta đang đảm nhận: cùng đồng hành và lắng nghe lẫn nhau, để Thánh Linh gợi ý cho chúng ta những phương cách và con đường mới để mang Tin Mừng đến tâm hồn những người đang ở xa, thờ ơ hoặc không có hy vọng, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm điều mà các đạo sĩ đã tìm thấy: đó là “một niềm vui lớn” (Mt 2:10). Chúng ta phải luôn tiến lên phía trước.

Vào cuối cuộc hành trình của các đạo sĩ là thời điểm cao trào: khi họ đến đích, “họ quỳ gối xuống và thờ lạy Chúa Hài đồng” (xem câu 11). Họ tôn thờ. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: hành trình đức tin chỉ tìm thấy sức mạnh mới và sự viên mãn khi nó được thực hiện với sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta phục hồi được “sở thích” của mình đối với việc thờ phượng thì niềm khao khát của chúng ta mới được nhen nhóm. Lòng khao khát dẫn chúng ta đến sự tôn thờ và sự tôn thờ làm mới lại lòng khát khao của chúng ta. Vì lòng khao khát của chúng ta đối với Thiên Chúa chỉ có thể lớn lên khi chúng ta đặt mình trong sự hiện diện của Ngài. Vì chỉ một mình Chúa Giêsu mới thỏa mãn được những khao khát của chúng ta. Ngài chữa lành những khao khát của chúng ta khỏi cái gì? Thưa: Khỏi sự chuyên chế của nhu cầu. Thật vậy, tâm hồn chúng ta trở nên ốm yếu bất cứ khi nào những ao uớc của chúng ta chỉ trùng khớp với những nhu cầu của chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa nâng cao những ao ước của chúng ta; Người thanh tẩy những ao ước ấy và loại đi tính ích kỷ trong đó, mở những ao ước ấy ra trước tình yêu thương đối với Người và đối với anh chị em của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta không nên bỏ bê việc thờ phượng, vì lời cầu nguyện trong sự thờ lạy im lặng vốn không quá phổ biến trong chúng ta. Xin cho chúng ta đừng quên sự tôn thờ.

Như thế, giống như các đạo sĩ, chúng ta sẽ có sự chắc chắn hàng ngày rằng ngay cả trong những đêm đen tối nhất, một ngôi sao vẫn tiếp tục tỏa sáng. Đó là ngôi sao của Chúa, Đấng đến chăm sóc nhân loại yếu đuối của chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu trên con đường hướng tới Người. Chúng ta đừng để sự thờ ơ và cam chịu có sức mạnh đẩy chúng ta vào một cuộc sống vô cảm và tầm thường. Hãy để trái tim bồn chồn của chúng ta đón nhận sự bồn chồn của Thánh Linh. Thế giới mong đợi từ các tín hữu một sự bùng nổ nhiệt tình mới đối với những điều trên trời. Giống như các đạo sĩ, chúng ta hãy ngước mắt lên, lắng nghe ước muốn ẩn chứa trong lòng mình, và nhìn theo ngôi sao mà Thiên Chúa làm cho chiếu sáng trên chúng ta. Là những người tìm kiếm không ngừng nghỉ, chúng ta hãy luôn mở lòng ra đón nhận những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Thưa anh chị em, chúng ta hãy ước mơ, hãy tìm kiếm và hãy tôn thờ.
Source:Holy See Press Office
 
Phụng vụ đêm Giáng Sinh tại một nhà thờ ở Chicago đã đi quá xa. Cung thánh bị biến thành vũ trường đèn mờ
Đặng Tự Do
16:54 06/01/2022


Cảm thấy bị xúc phạm trong Thánh lễ Đêm Giáng Sinh hoành tráng có sự góp mặt của các nhạc công nhạc jazz, với các vũ điệu được dàn dựng xung quanh bàn thờ và hiệu ứng ánh sáng sân khấu, một số người Công Giáo đang kêu gọi Hồng Y Blase Cupich hãy chú ý đến những hành vi lạm dụng phụng vụ trong các Thánh lễ Novus Ordo ở Tổng giáo phận Chicago, thay vì áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với các Thánh lễ Latinh Truyền thống đáng được tôn kính. Thánh lễ Novus Ordo là hình thức thánh lễ theo Nghi Thức mới, tức là hình thức thánh lễ sau Công Đồng Vatican II như chúng ta vẫn thường tham dự.

Cha Michael L. Pfleger, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Chicago, đã cử hành Thánh lễ tối ngày 24 tháng 12, được truyền trực tiếp từ Nhà thờ Thánh Sabina, một giáo xứ chủ yếu là người Da đen ở phía Nam của thành phố. Cha Pfleger là cha sở ở đó từ năm 1981.

Nhiều người cho rằng Thánh lễ này đã vượt qua ranh giới để chuyển từ việc thờ phượng sang giải trí. Quan điểm đó được thúc đẩy một phần bởi thực tế là khi nào phụng vụ thực sự bắt đầu. Không có lời chào đầu lễ, cac hành động sám hối hoặc lời cầu nguyện mở đầu, là các Nghi thức đầu lễ bắt buộc phải có của phụng vụ Novus Ordo.

Trong video đăng trên YouTube, Cha Pfleger không xuất hiện trên bàn thờ cho đến sau gần một giờ biểu diễn ca múa nhạc. Một ban nhạc biểu diễn sự kết hợp giữa các bài hát mừng tôn giáo và âm nhạc thế tục, bao gồm “Overjoyed” của Stevie Wonder và “Christmas Time is Here” của Bộ ba Vincent Guaraldi trong khi các vũ công mặc trang phục sặc sỡ múa nhảy xung quanh bàn thờ. Cả cung thánh đã được Cha Pfleger biến thành một vũ trường dưới ánh đèn mờ.

Trong một đoạn chói tai nhất của chương trình, ngay trước khi Cha Pfleger xuất hiện, một người phụ nữ đọc những suy tư về phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và các tệ nạn xã hội khác. Thỉnh thoảng, người phụ nữ lại hét lên, trong khi những nhân vật đứng gần bàn thờ, bao gồm một số người mặc áo choàng có mũ trùm đầu giống áo choàng Ku Klux Klan, kịch tính hóa lời nói của cô ấy.

“'Những người đi trong bóng tối đã nhìn thấy một ánh sáng tuyệt vời.' Nhưng chúng ta có thấy không? Chúng ta nhìn xung quanh và tất cả những gì mắt chúng ta có thể thấy là sự hủy diệt và hỗn loạn, chia rẽ, và thậm chí là cái chết. … Sự căm ghét đang bao trùm khắp đất nước theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Sự phân biệt chủng tộc đã trở nên tự nhiên như không khí mà chúng ta hít thở vậy”.

Trong bài giảng của mình, Cha Pfleger, đã cởi bỏ thánh giá mà ngài vẫn đeo, để đeo một dấu hiệu chống chiến tranh thường thấy trong các cuộc biểu tình phản chiến chống chiến tranh Việt Nam, lủng lẳng trên một chiếc vòng cườm, kêu gọi cộng đoàn nhấc điện thoại di động lên bật đèn chiếu sáng nhà thờ vẫn đang chìm trong tối tăm. Đó là cảnh thường thấy trong các buổi hòa nhạc.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Dublin cho rằng Thay đổi triệt để đang đến trong Giáo Hội
Đặng Tự Do
16:55 06/01/2022


Sau một năm đứng đầu Tổng giáo phận Dublin, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell nói, “Giáo Hội đang có sự thay đổi triệt để”, chúng ta sẽ chứng kiến một sự đổi mới về năng lượng và các hình thức mục vụ mới.

“Với sự cam kết mạnh mẽ của các giáo sĩ và giáo dân, trên toàn bộ đời sống và mục vụ của các cộng đồng giáo xứ, chúng ta sẽ trải qua một sự đổi mới năng lượng và áp dụng các hình thức tiếp cận và mục vụ mới,” vị Tổng Giám Mục 67 tuổi nói với Catholic News Service. Ngài tin rằng sự thay đổi đã và đang xảy ra trong các cấu trúc của Giáo Hội trên khắp thế giới phương Tây.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đang cung cấp cho chúng ta một cách trở thành Giáo Hội, đó là con đường đồng nghị, để cùng nhau tiến bước gần nhau hơn và trở thành một Giáo Hội tràn đầy hy vọng, bất chấp nhiều thử thách.”

Lãnh đạo của giáo phận lớn nhất Ái Nhĩ Lan, với hơn 1 triệu người Công Giáo và 207 giáo xứ, đã mời gọi các tín hữu “cùng tôi bước đi cuộc hành trình này - và bước đi với hy vọng: một hy vọng giải phóng chúng ta để có thể thực hiện các thay đổi căn bản, một niềm hy vọng truyền cảm hứng để chúng ta có tham vọng và hy vọng khuyến khích chúng ta dũng cảm”.

Vào tháng 11, tổng giáo phận đã công bố “Báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm Xây dựng Hy vọng”, một kế hoạch chiến lược để đổi mới mục vụ trong bối cảnh những thách thức lớn như sự sụt giảm các khoản đóng góp và số lượng các linh mục.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Với tư cách là một giáo phận, chúng ta cần kiểm tra xem chúng ta đã chuẩn bị tốt như thế nào để phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội. Tất nhiên, chúng ta phải đối mặt với những thách thức to lớn. Một số hình thức của đời sống Giáo Hội có thể đang chết dần. Một khi chúng ta chấp nhận điều này, không có nghĩa là cam chịu hay bất lực, nhưng là chấp nhận những trách nhiệm mới đối với sứ mệnh truyền giáo”.

Ngài nhận xét rằng “không có kế hoạch đóng gói sẵn nào có thể dùng để giải quyết thực tế mà chúng ta đang thấy trước mắt mình”.

Trong số 312 linh mục hiện đang làm mục vụ tại Tổng giáo phận Dublin, 139 vị trên 70 tuổi, và 116 trong số 312 là các linh mục ở nơi khác đang cho tổng giáo phận mượn. Hiện tại chỉ có hai chủng sinh trong quá trình đào tạo linh mục. Theo thống kê năm 2016, là năm cuối cùng có dữ liệu, 1.1 triệu người trong tổng số 1.57 triệu dân Dublin xác định mình là người Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Farrell nói: “Chúng ta không bất lực khi đối mặt với tương lai. Những thay đổi sẽ xảy ra khi chúng ta cùng làm việc với nhau như một giáo phận. Cơ cấu giáo xứ của chúng ta cần phải phù hợp với mục đích trong tương lai. Sự canh tân cần phải bắt nguồn từ việc suy tư, cầu nguyện và hoán cải, nếu nó muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ một đức tin sống động”.

Ngài mô tả năm đầu tiên của mình trên cương vị Tổng giám mục là “khoảng thời gian tràn đầy hy vọng” vì hành trình đổi mới của tổng giáo phận, thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô về đường lối thượng hội đồng, và vì “chúng tôi tin rằng Giáo Hội của chúng tôi đang được thay đổi theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

“Chúng ta cần mở ra một chương mới trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan. Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, và sẽ có những xung đột, bất đồng và căng thẳng. Những vấn đề này sẽ không được giải quyết bằng lập luận hoặc sức nặng của các con số”.

Ngài cho biết hai cộng đồng quan trọng nhất trong việc truyền lại đức tin là gia đình và giáo xứ. “Những năm kinh nghiệm của tôi ở cấp giáo xứ và giáo phận đã củng cố niềm tin vào giá trị của gia đình. Chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò to lớn đối với việc tái truyền bá phúc âm hóa trong các giáo xứ của chúng ta, đặc biệt là trong giới trẻ và các gia đình”.

Về việc nhiều người xa lánh Giáo Hội do các vụ tai tiếng lạm dụng và mất niềm tin vào hàng giáo phẩm, ngài nói: “Chúng ta phải là một Giáo Hội biết thống hối và bảo đảm rằng không có gì chúng ta từng làm cản trở mối quan hệ giữa một cá nhân tín hữu với Thiên Chúa. Với tư cách là Tổng giám mục của Dublin, tôi ở đây để đóng vai trò của mình trong việc chữa lành những tổn thương trong quá khứ và không ngừng tiếp cận và chào đón mọi người”.
Source:Crux
 
Thách thức khắc nghiệt của Mạc Tư Khoa: Thiết lập Tòa Thượng Phụ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Đặng Tự Do
16:55 06/01/2022


Giáo Hội Chính thống Nga dường như quyết tâm tạo ra căng thẳng thậm chí sẽ dẫn đến rạn nứt bằng cách trực tiếp xem thường và thách thức quyền tài phán của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople.

Chỉ vài ngày sau quyết định của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về việc thành lập “Tòa Thượng Phụ ở Phi Châu”, một hành động khiến Đức Thượng Phụ Theodore của Alexandria đau buồn, theo báo cáo của ertnews.gr, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lại tính đến khả năng thành lập “Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ria Novosti, Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, gọi tắt là DECR, cho biết: “Giáo Hội Chính thống Nga không thể từ chối việc nuôi dưỡng Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đề cập đến việc thành lập gần đây của “Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Phi Châu”, Tổng Giám Mục Hilarion đã biện minh cho điều đó bằng cách nói: “Vào năm 2019, Theodore II, Thượng phụ của Alexandria và Toàn Phi Châu, đã công nhận Giáo Hội Chính thống giáo Ukraine”.

Phát biểu về hậu quả của quyết định này, Giáo Hội Chính thống Nga lưu ý rằng “điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc các tín hữu đồng bào của chúng tôi ở Phi Châu, những người sống trong lãnh thổ giáo luật của Tòa Thượng phụ Alexandria.”

Cuối tháng 12 năm 2021, Thượng hội đồng Chính thống giáo Nga đã công bố quyết định thành lập Tòa Thượng phụ tại Phi Châu.

Tổng Giám Mục Hilarion đích thân tấn công Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói rằng: “Trong bối cảnh Tòa Thượng phụ Constantinople cũng như Tòa Thượng Phụ Alexandria đã tham gia vào cuộc ly giáo, chúng tôi không thể nói không với các giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Alexandria, những người đã nhận ra quan điểm sai lầm của Thượng phụ Theodore, vì thế, chúng tôi đón nhận họ vào trong Giáo Hội của chúng tôi”.
Source:Orthodox Times
 
Người Công Giáo Đức phản đối con đường đồng nghị của hàng giáo phẩm Đức
Vũ Văn An
18:36 06/01/2022

Theo hãng tin CNA, ngày 5 tháng 1, 2022, Đức Phanxicô đã tiếp nhận một bản tuyên ngôn, được sự ủng hộ của hơn 6,000 người Công Giáo, thách thức “Con đường Đồng nghị” của Đức.

Bản Tuyên ngôn có tựa đề là “Khởi đầu Mới: Một Tuyên ngôn Cải cách” đã được đệ trình lên Đức Phanxicô sau buổi yết kiến chung ngày 5 tháng 1, 2022 tại Đại sảnh Phaolô VI trong thành Vatican.



Bản Tuyên ngôn đưa ra một kế hoạch 9 điểm cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức vì cho rằng Con đường Đồng nghị sẽ thất bại trong việc đưa ra một cải cách chân chính.

Con đường Đồng nghị là diễn trình gây ranh cãi kéo dài nhiều năm, qui tụ các Giám Mục và giáo dân để thảo luận đường lối thực thi quyền lực trong Giáo Hội, luân lý tính dục, chức linh mục và vai trò phụ nữ.

Tuyên ngôn trên, tính đến ngày 5 tháng 1, 2022, đã được công bố bằng 11 thứ tiếng và được sự ủng hộ của 5,832 người ở Đức và các nước Châu Âu khác.

Tuyên ngôn viết rằng, “trong việc quá chú trọng tới cơ cấu bên ngoài, Con đường Đồng nghị đã không nắm được trọng tâm cuộc khủng hoảng; nó vi phạm hòa bình của các cộng đoàn, từ bỏ con đường hợp nhất với Giáo Hội hoàn vũ, gây tổn hại cho Giáo Hội trong bản thể đức tin của Giáo Hội, và dọn đường cho ly giáo”.

Bản văn Tuyên ngôn được đăng tải trên trang mạng của Arbeitskreis Christliche Anthropologie (Nhóm Làm việc Nhân học Kitô giáo), tức nhóm từng tổ chức ngày nghiên cứu vào tháng 11 năm ngoái, trong đó, Đức Hồng Y Walter Kasper đã lên tiếng tố cáo các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị vì làm ngơ nhu cầu rao giảng Tin Mừng.

Tháng 6 năm 2019, Đức Phanxicô đã gửi bức thư 19 trang cho các người Công Giáo Đức, thúc giục họ tập chú vào việc rao giảng Tin Mừng trước hiện tượng “sói mòn và xuống dốc đức tin ngày một gia tăng”.

Bản Tuyên ngôn, trong đó có nói rằng lá thư của Đức Giáo Hoàng đã bị các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị “đơn giản làm ngơ”, đã được đại diện của sáng kiến “New Beginning” đệ trình ngày 5 tháng 1, 2022. Một video ghi lại cuộc đệ trình có tại trang Facebook của tổ chức này.

Trong khi viếng Kinh Thành Muôn Thuở, nhóm đã dâng thánh lễ do Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ động Hợp nhất Kitô giáo, và Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđíctô XVI, đồng cử hành.

Năm 2020, Đức Hồng Y Koch vốn nói rằng Đức Giáo Hoàng bày tỏ lo ngại đối với hướng đi của Giáo Hội Đức.

Tuyên ngôn của sáng kiến nhìn nhận việc cần có cuộc “cải tổ nền tảng” của Giáo Hội tại Đức, một Giáo Hội đang đương đầu với cuộc bỏ đi của nhiều người Công Giáo tiếp theo cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Hơn 220,000 người đã chính thức rời bỏ Giáo Hội trong năm 2020. Chỉ có 5.9% người Công Giáo Đức tham dự Thánh Lễ trong năm đó, so với 9.1% năm 2019.

Bản Tuyên ngôn nghi vấn tính hợp lệ của Con đường Đồng nghị, cho rằng nó không đủ điều kiện là một thượng hội đồng theo giáo luật. Nó viết: “Chúng tôi bác bỏ yêu sách của nó đòi lên tiếng thay cho mọi người Công Giáo ở Đức và đưa ra các quyết định có tính trói buộc cho họ. Người giáo dân có liên hệ trong Con đường Đồng nghị là đại diện của các hiệp hội, các hội, và ủy ban với việc tham gia của các phía đệ tam được tham khảo tùy tiện”.

“Các đề nghị và tuyên bố của phong rào này, bất hợp lệ cả trong ơn gọi lẫn đại diện, làm chứng cho việc họ bất tín nhiệm từ trong nền tảng đối với Giáo Hội Bí tích, vốn được thẩm quyền tông đồ thiết lập; các đề nghị của họ, nếu được thi hành, cuối cùng sẽ tạo ra việc tái phân bổ quyền hành theo xu hướng ủy ban, hướng ngoại, thường trực ‘giáo dân’ và việc tục hóa Giáo Hội”.

Bản văn lập luận rằng, bất chấp giọng văn hoa mỹ nói tới các thay đổi triệt để, Con đường Đồng nghị chỉ tìm cách duy trì “hiện trạng” trong Giáo hội Đức, một Giáo Hội nhận được cả hàng tỷ dollars mỗi năm qua thuế Giáo Hội và là chủ nhân ông sử dụng nhiều nhân công thứ hai, chỉ sau nhà nước.

Nó viết, “Dù Con đường Đồng nghị tiếp nhận các quan tâm chân chính đối với Giáo Hội, chiến lược của họ vẫn bảo thủ về cơ cấu và rõ ràng không lưu ý chi tới các diễn trình thống hối và canh tân thiêng liêng”.

“Liên quan tới hình thức xã hội căn bản của Giáo Hội, các đại diện của Con đường Đồng nghị chỉ bận tâm lo duy trì hiện trạng: họ muốn duy trì và bảo tồn mô thức Giáo Hội được định chế hóa cao độ nghĩa là ‘phục vụ khách hàng’ qua thích ứng và hiện đại hóa”.

Bản văn cũng cho rằng Con đường Đồng nghị đã “dụng cụ hóa” cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, phớt lờ giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả của việc phong chức cho phụ nữ làm linh mục, và giảm tầm quan trọng của hôn nhân.

Hội đồng giám mục Đức thoạt đầu thông báo rằng Con đường Đồng nghị sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu có hiệu lực "ràng buộc" - làm dấy lên nhiều lo ngại ở Vatican, sợ rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.

Các giám mục và thần học gia đã bày tỏ sự lo lắng về quá trình này, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing, đã mạnh mẽ bảo vệ nó.

Cuộc họp gần đây nhất của Con đường Đồng nghị đã diễn ra ở Frankfurt, tây nam nước Đức, vào ngày 30 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 2021.

Biến cố trên là phiên họp thứ hai của Cuộc Họp Toàn Thể Thượng hội đồng, cơ quan ra quyết định tối cao của Con đường Đồng nghị. Phiên họp Tòan thể bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân có quyền lực của Công Giáo Đức (ZdK), và đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.

Phiên họp kết thúc đột ngột sau khi bỏ phiếu ủng hộ một bản văn tán thành việc chúc lành cho các cặp đồng tính và thảo luận về việc liệu chức linh mục có cần thiết hay không.

Con đường Đồng nghị thoạt đầu dự kiến kết thúc vào tháng 10 năm 2021, nhưng đã được kéo dài đến tháng 2 năm 2022 do đại dịch. Vào mùa thu, các nhà tổ chức đã thông báo rằng sáng kiến này sẽ được gia hạn một lần nữa đến năm 2023.

Các tác giả của tuyên ngôn “Khởi đầu mới” lập luận rằng Con đường Đồng nghị đã làm ngơ lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Evangelii gaudium năm 2013 kêu gọi tất cả những người đã được rửa tội nhìn nhận rằng họ là “các môn đệ truyền giáo” được mời gọi tham gia việc rao giảng Tin Mừng.

Bản văn viết, “Chỉ một Giáo Hội coi sự trưởng thành và độc lập về thiêng liêng như mục tiêu chính mới có thể ứng phó một cách thực chất và bền vững với kinh nghiệm lạm dụng và che đậy trong tất cả các biến thể của chúng”.

“Chúng tôi rất biết ơn vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên lịch cho một thượng hội đồng thế giới trong đó chính chủ đề này sẽ được bàn tới, và là nơi các nghị quyết có tính ràng buộc nói chung sẽ được đưa ra và dự kiến”.

Vào tháng 10, Đức Giáo Hoàng đã khai mạc giai đoạn đầu tiên của diễn trình tham vấn hoàn cầu kéo dài hai năm dẫn đến cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị.

Hiện vẫn chưa rõ tác động của diễn trình thượng hội đồng hoàn cầu sẽ có đối với Con đường Đồng nghị của Đức. Tháng 5 năm 2020, Đức Cha Bätzing cho biết sáng kiến hoàn cầu sẽ được "bổ sung" bằng diễn trình ở Đức.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập tới các lo ngại về đường đi của Con đường Đồng nghị Đức trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha COPE được phát sóng vào tháng 9 năm ngoái.

Khi được hỏi liệu sáng kiến này có khiến ngài mất ngủ nhiều đêm hay không, Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng ngài đã viết một bức thư dài bày tỏ “tất cả những gì tôi cảm thấy về Thượng hội đồng Đức”.

Trả lời bình luận của người phỏng vấn rằng Giáo hội đã từng đối đầu với những thách thức tương tự trong quá khứ, ngài nói: “Đúng, nhưng tôi cũng sẽ không quá bi thảm. Không có ác ý nào trong nhiều giám mục mà tôi đã nói chuyện với".

“Đó là một mong muốn mục vụ, nhưng là một mong muốn có lẽ không tính đến một số điều mà tôi đã giải thích trong bức thư cần được xem xét”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Têrêsa Với Đức Mẹ Maria
Phó tế Phạm Bá Nha
10:29 06/01/2022
Thánh Têrêsa Với Đức Mẹ Maria

Thánh Têrêsa sinh 2.1.1873 và qua đời vừa 24 tuổi, 30.9.1897. Nhưng là vị thánh đã sớm trưởng thành trong hiểu biết ‘Thiên Chúa tình yêu’ và tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, nên nhanh chóng trở thành Chân Phước (1923) Hiển Thánh (1925), Quan Thày Truyền Giáo(1927) Tiến sỹ Hội Thánh (1917)

Thiên Chúa là tình yêu

‘Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy’ (Ga 4, 16). Những mẩu truyện trong đời được Thánh Nữ kể lại, vì vâng lời, chứng minh tình ỵêu từ nhỏ giữa thánh nữ với Thiên Chúa và Trinh Nữ Maria.

1) Khi còn nhỏ qúa, mẹ chưa cho đi nhà thờ mỗi chiều trong tháng 10, Têrêsa ở nhà với vú nuôi dọn bàn thờ, hai nến hai bên, đọc kinh Mân Côi cho tới khi gia đình về, mới chịu vui chơi

2) Ngày 13.5.1883, Đức Mẹ mỉm cười : khi lên 10 tuổi, có lần, Têrêsa bị mê sảng miên man, cơn bệnh kỳ quái, cả nhà đi vắng, chị Léonie ngoài vườn, Têrêsa ‘rên’, lạnh và run. Nhìn lên Tượng Đức Mẹ, Têrêsa thấy Đức Mẹ mỉm cười, tiến đến gần. Tức thì, sung
sướng quá, Têrêsa khỏi bệnh. Tượng Đức Mẹ mỉm cười luôn luôn bên thánh nữ tới khi qua đời.

Ơn lạ này Thánh Nữ đã ghi lại qua vài vần thơ tự do, qua 5 lần với tên khác nhau, như :

1/ ‘Nước Trời của tôi’ (13 câu, 7.8.1896).

2/ ‘Một mình Đức Kitô (6 câu, 15.8. 1896). 3) ‘Niềm vui của tôi’ (18 câu, 1897) 4) ‘Hỡi

Mẹ Maria, tại sao con yêu Mẹ’ (12 câu, 5. 1897). 5) ‘Đức Mẹ mỉm cười (4 câu, 8.7.1897, lúc người ta khiêng Chị xuống nhà kẻ liệt) :

Khi đời con hé mở
Mẹ đến nở nụ cười
Nay đời con xế chiều
Đến cười nữa Mẹ ơi

3) Ngày 8.5.1884, Rước Lễ Lần Đầu. Hôm đó, Têrêsa không còn cái nhìn bên ngoài nữa. Nhưng là sự kết hợp thực sự, chìm đắm sâu xa. Như giọt nước nhỏ bé giữa đại dương. Hai bên nhìn nhau đắm đuối. Têrêsa được tình yêu Thiên Chúa chiếm đoạt. Đó là hạnh phúc và niềm vui đích thực. Têrêsa khám phá ra cái nhìn của Thiên Chúa với người khác.

4) Lễ Sinh Nhật 25.12.1886, năm 13 tuổi Têrêsa được ơn lạ như sau : Têrêsa ốm yếu sẵn lại bị bối rối vì đa cảm, khi bỏ lưu xá, nhờ bầu cử của hai anh trai đã về Trời trước. Thánh nữ quyết định vào Dòng Kín. Têrêsa gặp Bố ngoài vườn, ngỏ ý và ước nguyện vào Dòng Kín, Bố đồng ý ngay, chỉ ngại con còn nhỏ tuổi. Hai bố con du hành Roma, triều yết Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Ngài rất hài lòng chấp nhận cho bé vào dòng tu. Têrêsa được toại nguyện.

5) Một Chúa nhật kia, khi nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Têrêsa xúc động, như thể máu đang chảy từ vết thương của chính mình. Têrêsa cảm thấy xót xa cùng cực

6) Ngày 1.9. 1887, anh Pranzini bị tử hình, chuẩn bị lên máy chém, bỗng anh chạy lại cầm Thánh Giá trên tay linh mục hôn 3 lần. Têrêsa hy vọng anh được cứu rỗi

Tiến sỹ tình yêu

Trong bài giảng tuyên phong thánh Têrêsa là Tiến sỹ Giáo Hội, 1917, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố : vị tân Tiến Sỹ là Nữ Tu chiêm liệm, trẻ tuổi, nhưng đã trưởng thành trên con đường thiêng liêng, đáng liệt kê vào danh sách các bậc thầy tu đức. Trong các tác
phẩm nổi bật của Thánh Têrêsa, phải kể là khoa học tình yêu. Thánh Nữ đã viết : Bác ái đã mang lại ơn gọi của con. Con hiểu rằng Giáo Hội là thân thể, thì không thiếu một trái tim, nồng cháy tình yêu. Chỉ có tình yêu mới huy động các chi thể khác. Ơn gọi chính là tình yêu.

(Thủ Bản B, 3v)

Yêu mến Đức Mẹ

Tâm hồn thánh nhân luôn phó thác vào Đức Mẹ sau khi được cứu khỏi bệnh hiểm nghèo trên. Mỗi biến cố vui buồn đánh dấu sự tiến bộ rõ rệt yêu mến Đức Mẹ. Vào dòng, Têrêsa càng có dịp tỏ ra yêu mến Đức Mẹ nồng nàn mọi giây phút hơn. Nhất là khi có trách nhiệm phụ trách các linh hồn tập viên. Mỗi khi dọn mình hay cám ơn sau rước lễ, Chị có thói quen là xin Đức Mẹ đón nhận tâm tình của Chị và xin Người dâng chính tấm thân nhỏ bé cho Con Một. Đối với Chị, Đức Mẹ là Mẹ thời thơ ấu hơn là Nữ Vương. Sự liên lạc giữa Chị và Đức Mẹ là trẻ thơ non dại. Têrêsa thích gọi Đứx Me bằng ‘Mẹ’ hơn ‘Má’.

Sứ điệp cho hôm nay

Dịp năm Thánh 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp ‘Đệ Tam Thiên niên sắp Tới’ (Tertio Milennio Adveniente, 10.11.1994): Thánh Têrêsa là chuyên gia tình yêu (scientia amoris). Ngài cũng xác nhận ‘Thiên Chúa là yêu thương’ : Trong năm thứ ba này, ý nghĩa sự ‘Tiến bước về Cha’ phải thúc đẩy tất cả chúng ta đi qua đoạn đường hoán cải sự thật, trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Đoạn đường đó gồm tiêu cực, giải phóng tội lỗi và mọi khía cạnh tích cực trong sự lựa chọn lựa điều thiện, diễn tả bằng giá trị đạo đức cảm nhận được nơi luật tự nhiên và xác định lại trong Phúc Âm. Trong khuôn khổ đó, nên khám phá và tham dự một cách sốt sáng bí tích Thống Hối trong ý nghĩa sâu xa nhất. Việc loan báo hoán cải như một điều kiện thiết yếu của tình yêu Kitô giáo, có tầm quan trọng trong xã hội ngày nay. Vì trong thời buổi chúng ta chính nền tảng của quan điểm về đạo lý cuộc sống, không nhận ra nữa. Đặc biệt năm nay, nên đề cao đức bác ái và nhớ lại lời xác quyết tổng hợp và sắc bén bức thư thứ nhất của Gioan : ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (x. 1Ga 4, 8) (số 50)

Đôi lời kết luận như cảm nhận hương thơm bông hồng từ Thánh Nữ, bằng lời trong Thánh Ca của nhạc sư Phạm Đức Huyến, Dallas, Hoa Kỳ :

ĐK. Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Người dẫn đưa đường đi về Nước Trời
Đưa bao người lạc lối
Mưa hoa hồng đổ xuống trần gian

Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Đang mở cửa Thiên Cung đón mời
Đưa bao người trở về với Chúa
Muôn muôn đời bên Chúa nhân hiền.

1. Ngước trông lên trời cao khấn cầu
Người ban xuống hoa hồng thơm ngát
Từ tòa cao mưa xuống khổ đau
Mưa hương nồng cõi thiêng ngào ngạt.

PHẠM BÁ NHA
 
Văn Hóa
Đâu Có Mùa Xuân
Phó Tế Phạm Bá Nha
22:02 06/01/2022
Đâu Có Mùa Xuân

Ngày 11.12.2018, tổ chức UNICEF - LHQ công bố hiện tình trẻ em trên thế giới. Đây là ‘’danh sách đen’’. Lướt qua, chúng ta cảm thấy các em này từ nhỏ đã nhuốm, trải qua biết bao cực nhọc đau khổ, ‘‘Đâu Có Mùa Xuân”. Danh sách cho biết:

- 50 triệu trẻ em sinh ra không có tên tuổi và không quốc tịch vì không được khai báo

- 11 triệu trẻ em chết trước 5 tuổi, vì có các bệnh không có loại thuốc chích ngừa

- 120 triệu trẻ em bỏ học vì nhiều lý do khác nhau

- 100 triệu trẻ em và vị thành niên sống lang thang trên vỉa hè thành phố.

- 2 triệu trẻ em chết và 6 triệu trẻ em bị thương tích vì chiến tranh đó đây

- 300 ngàn trẻ em bị buộc gia nhập quân đội chiến đấu.

- 14 triệu trẻ em dưới 15 tuổi mồ côi vì cha mẹ chết vì chiến tranh hay bị bệnh liệt kháng.

- 211 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi bị khai thác bóc lột lao động nặng nhọc. Trong hầm đá, quặng mỏ (Mỹ châu Latinh), xưởng dệt thảm, khâu bóng đá, bị chủ xích vào máy dệt, trả nợ thay cho cha mẹ (Ấn Độ, Bacladesh, Pakistan). Các em làm việc, ăn ngủ tại chỗ.

- 1 triệu 200 ngàn trẻ em bị liên lụy trong dịch vụ buôn bán trẻ em mãi dâm. Có tổ chức lời hàng triệu Mỹ kim / năm. Bên Mỹ châu Latinh có nạn giết, bán bộ phận trẻ em bụi đời.

- Hàng triệu trẻ em bị cha mẹ người thân bạo hành, mang thương tích suốt đời.

(ns HN 312, 12. 2018, tr.27)

Diễn văn trước giáo triều 22.12.2018, trong 40 phút, ĐGH Phanxicô đề cập tới :

- Việc Chúa giáng sinh là ánh sáng liên kết : Lần đầu Chúa đến trong khiêm nhường, lần thứ hai, Chúa đến trong vinh quang. Củng cố niềm tin, đừng thất vọng.

- Chúa sinh ra trong bất ổn chính trị và tôn giáo, tranh đấu căng thẳng, và u ám. Chúa sinh ra cho sự chờ đợi của một số người. Số đông từ chối.

Trong diễn văn này, hướng về các trẻ em, nạn nhân nhiều hình thức khác nhau trên thế giới, ĐGH nói, chúng ta quan tâm đến trẻ em hàng ngày thiếu nước, thức ăn và thuốc men. Các em thiếu thốn nghèo đói cùng cực. Bạo lực nhắm vào những người dễ bị tổn thương, trẻ em và phụ nữ. Những cuộc chiến tranh tuyên bố hay không. Tất cả những người bị tra tấn bất công trong xã hội.

Chúng ta đang trải nghiệm một thời tử đạo, khốc liệt tàn bạo hơn thời Roma. Một Néron mới đàn áp tín hữu. Nhóm cực đoan mới nhắm vào nhà thờ, nơi thờ phượng, các thừa tác viên và các thành viên tín hữu. Các phe đảng, nhóm mới cũ, nuôi dưỡng hận thù với Chúa Kitô với Giáo Hội. Có biết bao Kitô hữu đang gánh chịu sự bách hại nặng nề, đẩy ra bên lề, kỳ thị bấy công. Họ chấp nhận cái chết hơn bác bỏ Chúa Giêsu.

ĐGH chủ sự chầu tạ ơn Te Deum, 31.12.1918, tại Đền Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ĐGH nói : Chúa sinh ra để giải thoát, đưa chúng ra ra khỏi tình trạng nô lệ và đem trở lại phẩm giá xứng đáng con Thiên Chúa. Trong Roma có tới hơn 10. 000 vô gia cư, nam nữ trẻ em. Cuộc sống của họ rất phức tạp gặp nhiều khó khăn, vất vưởng lay lứt trên vỉa hè công viên bến xe… Chúa chào đời để biểu lộ tình yêu dành cho người bé mọn, người nghèo và qua đó gieo rắc Nước Trời trên thế giới. (VietCatholic New 31.12.2018)

Trong Tông Huấn ‘’Vui Mừng Hoan Hỷ’’(Gaudate et Exultate, 19.3.2018) ĐGH đặc biệt kêu

gọi nghĩ đến những người xấu số trong xã hội hôm nay.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an

Thế giới nói với chúng ta điều ngược lại : giải trí, thú vui, tiêu khiển và thoát ly thực tế mới

Làm cho cuộc sống dễ chịu. Người thế gian ngoảnh mặt trước vấn đề đau ốm, buồn phiền gia đình hay chung quanh. Thế giới không muốn khóc lóc, đúng hơn, họ không quan tâm đến những tình cảnh đau thương, tìm cách phủ lấp hoặc che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tốn nhiều công sức để chạy trốn đau khổ và tưởng rằng có thể che giấu được thực tại, nhưng thực tế cuộc sống không bao giờ vắng bóng thập giá (Tông Huấn số 75)

Một người biết nhìn các sự vật đúng như sự thật của chúng, biết cảm nhận những đau khổ và muộn phiền, thì mới có thể chạm đến chiều sâu của đời sống và tìm được hạnh phúc chân thật. Người ấy được Chúa Giêsu an ủi chứ không phải thế gian. Người như thế, không sợ chia sẻ đau khổ của người khác và không trốn tránh những hoàn cảnh đau thương. Như thể họ khám phá ra ý nghĩa đau khổ cuộc sống bằng cách giúp đỡ những người đau khổ, cảm thông nỗi thống khổ của người ta mà mang lại sự xoa dịu. Người ấy cảm nhận tha nhân là xương thịt của chính mình mà không sợ đến gần, Chúa Giêsu an ủi chứ không phải thế gian. Người như thế, không sợ chia sẻ đau khổ của người khác và không trốn tránh những hoàn cảnh đau thương. Như thế họ khám phá ra ý nghĩa cuộc sống bằng cách giúp đỡ những người đau khổ

cảm thông nhữn nỗi thống khổ của người ta và mang lại sự xoa dịu. Người ấy cảm nhận nơi tha nhân là thịt và xương của mình và không sợ đến gần. Thậm chí chạm vào các vết thương của họ. Họ cảm thương người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Như thế, người ấy có thể lời khuyên của Thánh Phaolo6 : Hãy khóc với người khóc (Rm 12, 15)

Biết khóc với người khác : Đó là sự thánh thiện (số 76)

Tìm lại mùa xuân. Ngoài lời kêu gọi trên của ĐGH, trong một thế giới và xã hội như thế chúng ta phải làm gì cho những người xấu số bên cạnh mà chúng ta gặp. Xin đọc và suy nghĩ những mẩu tin và truyện sau :

1. ĐGH nêu gương : Ngày 10.12. 2018, ĐGH cắt băng khánh thành phòng khám bệnh y khoa cho những người ăn xin chung quanh đền thờ Thánh Phêrô. Phòng mang tên : Phòng Khám Bệnh, Mẹ Lòng Thương Xót. Phòng ở ngay hàng cột tay trái công trường Thánh Phêrô. Ngày 18.12.2018, ĐGH đến dùng cơm trưa với người vô gia cư do Hội Bóng Đá Ý tổ chức tại câu lạc bộ Bóng Dá. Trong bữa tiệc, ĐGH phát biểu : Belem nghĩa là ‘‘nhà bánh’’. Trong ‘’ngôi nhà’’ này, Chúa muốn gặp gỡ nhân loại. Ngài biết chúng ta cần lương thực để sống. Từ máng cỏ Belem đến phòng tiệc ly ở Giêrusalem. Chúa đã trở thành lương thực trên bàn thờ hàng ngày. Ngài gõ cửa nhà để vào cùng ăn với chúng ta. (x. Kh.3,20)

2. Nhật ký của nữ y tá (+ 2014) kể lại : Hôm ấy, 11.11. 1999, khoảng 8g, trại tôi nhiều việc, bận rộn. Một cụ khoảng 80 tuổi bước vào, và xin cắt chỉ khâu ở ngón tay. Ông nói ông vội vì có hẹn vào lúc 9g. Tôi mời ông ngồi vì phải hơn 1 giờ nữa mới có nngười giúp ông. Tôi thấy ông nhìn đồng hồ vì lúc đó ông bận gì, nên tôi quyết định khám vết thương. Khi khám tôi thấy vết thương ăn da non, thế là tôi nói với bác sỹ khác cắt chỉ, còn tôi săn sóc vết thương cho ông. Tôi hỏi, phải chăng ông hẹn với bác sỹ khác. Ông nói sáng nay ông vội đến nhà dưỡng lão để ăn sáng với vợ. Bà bị alzheimer. Ông vỗ nhẹ vai tôi và nói : Bà không nhận ra tôi, nhưng tôi biết bà là ai.

Khi ông đi rồi, tôi không cầm nổi nước mắt, còn hai cánh tay nổi da gà. Tôi nghĩ rằng

đây là tình yêu tôi muốn có trong đời : Tình yêu chân thật, không thân xác, không lãng mạn. Chân thật là chấp nhận tất cả. Trong những chuyện bông đùa email thỉnh thoản, cũng có thông điệp, hôm nay tôi muốn nói : Những người hạnh phúc nhất là người biết tổ chức những gì mình có. ‘’Sống không phải thoát khỏi trận bão, mà nhảy múa dưới cơn mưa’’.

3. Các nước không cho Chúa Hài Đồng sinh ra. Hai lý do là ý thức cộng sản và chủ nghĩa Hồi Giáo cực doan, hình như bị cấm mừng lễ Giáng Sinh. Đó là các nước :

- Brunei : Nước có 5765 csv, 420.000 dân, 62% là Hồi Giáo. Chỉ được có thể mừng lễ Giáng Sinh trong gia đình. Từ 2015, có lệnh phạt tù từ 5 năm hay tiền, những ai công khai, lớn tiếng mừng Lễ Giáng Sinh. Có video phổ biến cấm người Hồi Giáo tham dự các lễ nghi của Kitô giáo, như dùng thánh giá, thắp đèn cầy, trang hoàng cây Noel, ăn uống vào đêm Noel

- Somalie : Từ 2015, vua Hồi Giáo ra lệnh cấm mừng lễ Giáng Sinh : Tất cả Giáng Sinh và năm mới là đi ngược lại văn hóa Hồi Giáo và làm hại đức tin cộng đồng Hồi giáo.

- Tadjikistan : Từ 2013, nhà cầm quyền cấm TV chiếu phim Noel. Trường học không được trưng cây Noel và nhận quà Noel. Cấm đốt pháo bông, bữa ăn và gây qũi dịp năm mới.

- Arabie Saoudite : Nước cai trị nghiêm nhặt nhất theo Hồi Giáo. Cấm mừng lễ Giáng Sinh. Nên có đụng độ giữa nhóm cởi mở và cực đoan. Noel 2015, trong bệnh viện công cho phép người không Hồi Giáo mừng lễ Giáng Sinh, thì nhóm Hồi Giáo quyết liệt chống.

- Bắc Hàn : Từ 1950, cộng sản đến, tất cả sinh hoạt thờ phượng bị cấm. Tổ chức bảo vệ nhân quyền ước lượng 50.000 đến 70.000 tín hữu trong các nhà tù. Năm 2016, nhà độc tài Kim Jong-Un không những cấm mừng lễ Giáng Sinh đêm 24.12, mà phải mừng sinh nhật bà nội ông là bà Kim Jong-Suk (1949-1919), người đánh bại Nhật và trở thành vợ nhà độc tài đầu tiên Kim II Sung, Bắc Hàn. Bà là ‘’mẹ thánh cuả cách mạng’’.

- Trung Quốc : Có bán ‘vật dụng, cảnh trí ’’ trang hoàng Giáng Sinh, nhắm thu lợi nhuận thương mại kinh tế. Đa số dân chúng coi dịp cuối năm như ‘’lễ hội theo mùa’’ hay ‘‘nét văn hóa hiện đại, theo tây phương’’, là kẻ thù dân tộc. Dưới mắt dân chúng, mừng Giáng Sinh với con mắt dè dặt, thù nghịch. Năm 2014, viện Khoa học Xã Hội phát hành sách có phần ‘các vấn đề gay go nhất’’ : ý tưởng dân chủ du nhập từ tây phương, quyền bá chủ tây phương, phát tán tin tức trên internet, sự tăng trưởng tôn giáo. Nhóm 10 sinh viên Tiến sỹ công bố bài báo tố cáo ‘sùng bái Noel’’ kêu gọi dân chúng ‘tẩy chay Noel’’. Họ cho ‘‘đây là bước tiến mới Kitô hóa’’ đất nước họ.

(ns HN, số 312, 12. 2018, ttr.58-59)

4. Truyện ‘’Cô bé bán diêm’’ (La Petite Fille Aux Allumettes, viết 1845) của văn hào Đan Mạch, Hans Christian Andersen (1805-1875), nhiều người biết : Vào buổi tối mùa thu, khu phố Copenhagnen, Đan Mạch. Trước mặt độ 10 bước, Andersen nghe tiếng khàn khàn vọng ra của cô bé, khoảng 10 tuổi, run rẩy ngồi co ro ngồi trên thềm nhà cao ráo, ánh đèn trong nhà hắt ra. Andersan bước tới, ái ngại, cất tiếng :

- Tối lắm rồi, sao cháu chưa về nhà ngủ?

Cô bé nhích mép : Chú ơi ! Mua hộ cháu bao diêm !

Rồi chỉ tay vào túi vải bên cạnh, em khẩn nài : Cả ngày, cháu chẳng bán được gì. Và chả ai bố thí cho cháu đồng nào. Cô bé rớm rớm nước mắt, thân hình tiều tụy, ốm yếu run lên khi gió lạnh thổi qua.

Sát đến gần, Andersen động lòng, khẽ vuốt mái tóc dài xoắn từng búp trên lưng cô bé : Gia đình cháu đâu cả? Không ai lo cho cháu?

Cô bé buồn, lắc đầu, bùi ngùi kể : Những năm xưa, khi còn sống trong căn nhà xinh đẹp. Từ khi bà em mất, gia sản lụi bại. Gia đình chui rúc trong xó hẹp tối tăm. Nhìn Anderson với vẻ cầu khẩn : Không có tiền, em đâu dám về nhà, sợ ba đánh chết. Thật, em có người cha khắc nghiệt. Hai cha con chen nhau ở trên gác xép tồi tàn, gió rét vẫn chui vào dù bít kín kẽ vách. Về nhà không ích gì.

Lúc này cô bé mang đôi giầy vải mòn của mẹ để lại.

Anderson yên ủi : Cháu đừng lo. Rồi móc túi, đặt một số tiền vào tay bé bỏng của em : Còn bấy nhiêu cho cháu hết. Về nhà mau, kẻo chết cóng.

Đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng : Ôi, lạy Chúa. Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất. Với món tiền này bố con cháu sẽ có nhiều bữa no.

Cô bé đăm chiêu : Chú cho hết, thì tiền đâu chú sống. Hở chú?

Chàng mỉm cười, nụ cười hiền dịu : Cháu khéo lo? Chú còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa. Đầu năm chú trở lại sẽ tặng cháu món quà đặc biệt.

- Ồ, thích quá. Còn cháu, sẽ tặng chú một món quà. À mà tên chú là gì?

- Chú là Anderson. Có bao giờ nghe đến tên ấy chưa?

- Tên chú quen lắm. Có phải chú là thợ mộc, thợ may, hay bác sỹ?

- Không phải. Thế này. Chàng đưa ngón tay vẽ vào không khí…

- A, cô bé reo lên : Cháu hiểu, chú làm nghề bán bút?

Sau đó, Anderson đi du lịch. Một năm sau. Anderson trở lại. Dò hỏi thăm Cô bé bán diêm, thì chủ hiệu quần áo cho biết cô đã chết cóng, lúc nào ở góc giữa 2 ngôi nhà. Ngồi bên cạnh những bao diêm, có 1 bao đã đốt nhẵn. (bđd. Ttr.76-77)

Cuối bài, cũng là cuối năm, cùng đọc thánh thi Te Deum (Lạy Thiên Chúa) xin Chúa giải phóng, mở cửa cho những ai tin tưởng nơi Ngài.

Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng. Tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Chúa là Cha, Đấng trường tồn vạn đại. Hoàn vụ này kính cẩn suy tôn. Trước nhan Chúa các tổng thần phủ phục. Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, đều cảm tạ và cung chúc tôn thờ. Chẳng khi ngừng vang dạy tung hô. Thánh! Thánh! Chí Thánh. Chúa tể càn khôn là Đấng Thánh. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. Bậc tông đồ đồng thành ca ngợi Chúa. Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. Đoàn tử đạo quang huy hùng dung. Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài. Và trải rộng khắp nơi trần thế. Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng. Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng. Và Con Một Ngài chí tôn chí ái. Cùng Thánh Thần. Đấng an ủi yêu thương.

Lạy Đức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống. Ngài là Chúa hiển vinh. Đã chẳng nề mặc lấy xác phàm, nơi cung lòng Trinh Nữ. Hầu giải phóng nhân loại lầm than. Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần. Mở cửa cho những ai tin tưởng. Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha. Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi. Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh. Phúc miên trường vui hưởng vinh quang. Amen.
 
VietCatholic TV
Sứ điệp ĐTC gởi người Công Giáo giữa đại dịch nhân Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Lần Thứ 30 – 11/2/2022
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:16 06/01/2022


Hàng năm vào ngày 11/2, Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

“Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Đức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời”.

Theo ý hướng đó, ngày thứ Sáu 11 tháng 2 tới đây, Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Sứ điệp nhân ngày này, được công bố hôm 4 tháng Giêng, 2022, có chủ đề là một câu trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 6:36) “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Đứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái

Nguyên bản tiếng Ý và bản dịch sang các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Đứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái


Anh chị em thân mến,

Cách đây 30 năm, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân để khuyến khích dân Chúa, các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự ngày càng chú ý hơn đến người bệnh và những người chăm sóc họ. [1]

Chúng ta biết ơn Chúa về những tiến bộ đạt được trong những năm qua tại các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới. Nhiều tiến bộ đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để bảo đảm rằng tất cả những bệnh nhân, cũng như những người sống trong những nơi và những hoàn cảnh nghèo khó và thiệt thòi, có thể nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần, cũng như sự chăm sóc mục vụ có thể giúp họ trải qua bệnh tật trong sự kết hợp với Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Cầu mong Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ ba mươi – mà lẽ ra thánh lễ bế mạc sẽ diễn ra ở Arequipa, Peru, nhưng vì đại dịch coronavirus sẽ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican - giúp chúng ta phát triển trong sự gần gũi và phục vụ người bệnh và những gia đình của họ.

1. Nhân từ như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ ba mươi này là “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), trước tiên khiến chúng ta hướng cái nhìn về Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2: 4); Ngài luôn dõi theo những đứa con của mình với tình yêu của một người cha, ngay cả khi chúng quay lưng lại với Ngài. Lòng thương xót là danh của Thiên Chúa tuyệt hảo; lòng thương xót, được hiểu không phải là một cảm giác ủy mị chợt đến chợt đi mà là một động lực luôn hiện hữu và tích cực, thể hiện chính bản chất của Thiên Chúa. Lòng thương xót kết hợp sức mạnh và sự dịu dàng. Vì lý do này, chúng ta có thể nói với đầy nỗi bồi hồi và biết ơn rằng lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm cả tình phụ tử và tình mẫu tử (x. Is 49:15). Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng sức mạnh của một người cha và sự dịu dàng của một người mẹ; Ngài không ngừng mong muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu, lòng nhân từ của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao về tình yêu thương xót của Chúa Cha dành cho các bệnh nhân là Con một của Thiên Chúa. Biết bao lần các sách Phúc âm đã kể lại những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người mắc nhiều loại bệnh khác nhau! Ngài “đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” (Mt 4:23). Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra quan tâm đến những người đau yếu như vậy, đến nỗi Người coi đó là điều tối quan trọng trong sứ mệnh của các tông đồ, những người được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành những người bệnh (x. Lc. 9: 2).

Một nhà triết học ở thế kỷ 20 gợi ý rằng lý do cho điều này là “Nỗi đau cô lập con người một cách tuyệt đối, và sự cô lập tuyệt đối làm nảy sinh nhu cầu thu hút người khác, kêu gọi người khác”. [2] Khi các cá nhân trải qua sự yếu đuối và đau khổ trong xương thịt của mình do bệnh tật, trái tim của họ trở nên nặng nề, nỗi sợ hãi lan rộng, sự bất định nhân lên và những câu hỏi về ý nghĩa của những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ trở nên cấp bách hơn. Về phương diện này, làm sao chúng ta có thể quên được tất cả những bệnh nhân, những người đã phải trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời dương thế trong cô đơn, trong một phòng chăm sóc đặc biệt, được hỗ trợ bởi các nhân viên y tế quảng đại, nhưng lại phải xa những người thân yêu của họ và những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ? Điều này giúp chúng ta thấy tầm quan trọng của sự hiện diện bên cạnh chúng ta của những chứng nhân cho lòng bác ái của Thiên Chúa, những người, theo gương Chúa Giêsu, là lòng thương xót của Chúa Cha, xoa dầu an ủi và đổ rượu hy vọng lên vết thương của bệnh nhân. [3]

3. Được chạm vào xác thịt đau khổ của Chúa Kitô

Lời mời gọi thương xót như Chúa Cha của Chúa Giêsu có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến tất cả những bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên hỗ trợ và người chăm sóc các bệnh nhân, cũng như rất nhiều tình nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ để hỗ trợ những người đau khổ. Các nhân viên y tế thân mến, sự phục vụ của anh chị em bên cạnh các bệnh nhân, được thực hiện bằng tình yêu và khả năng chuyên môn, vượt qua những giới hạn nghề nghiệp của anh chị em, và trở thành một sứ mệnh. Bàn tay của anh chị em, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô, có thể là dấu chỉ của bàn tay nhân từ của Chúa Cha. Hãy lưu tâm đến phẩm giá tuyệt vời của nghề nghiệp mình, cũng như các trách nhiệm gắn liền với nghề nghiệp đó.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về những tiến bộ mà khoa học y tế đã đạt được, đặc biệt là trong thời gian gần đây; các công nghệ mới đã giúp điều chế các liệu pháp điều trị giúp ích cho các bệnh nhân; các nghiên cứu tiếp tục mang đến các đóng góp có giá trị để loại bỏ các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã mở rộng chuyên môn và kỹ năng của mình rất nhiều. Tuy nhiên, không điều gì trong số những điều này có thể làm cho chúng ta quên đi tính độc đáo của mỗi bệnh nhân, phẩm giá và sự yếu đuối của họ. [4] Bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ, và vì lý do này, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn cản việc lắng nghe bệnh nhân, tiền sử, lo lắng và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, vẫn luôn có thể chăm sóc họ. Luôn có thể an ủi, luôn có thể khiến mọi người cảm thấy sự gần gũi, quan tâm đến người đó hơn là bệnh lý của người đó. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng chương trình đào tạo được cung cấp cho các nhân viên y tế có thể giúp họ phát triển khả năng lắng nghe và liên hệ với những người khác.

4. Các trung tâm chăm sóc như “những ngôi nhà của lòng thương xót”

Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân cũng là một dịp tốt để tập trung sự chú ý của chúng ta vào các trung tâm chăm sóc. Trong nhiều thế kỷ, việc bày tỏ lòng thương xót đối với người bệnh đã khiến cộng đồng Kitô mở ra vô số “nhà trọ của người Samaritanô nhân hậu”, nơi có thể dành tình yêu thương và sự chăm sóc cho những người mắc nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là những người không được đáp ứng nhu cầu sức khỏe vì nghèo đói hoặc vì bị xã hội loại trừ hoặc gặp những khó khăn liên quan đến việc điều trị một số bệnh lý. Trong những tình huống này, trẻ em, người già và những người ốm yếu thường phải trả giá đắt nhất. Thương xót như Chúa Cha, vô số nhà truyền giáo đã kết hợp việc rao giảng Tin Mừng với việc xây dựng bệnh viện, trạm xá và nhà chăm sóc. Đây là những phương tiện quý giá nhờ đó lòng bác ái của Kitô Hữu trở nên hữu hình và tình yêu của Chúa Kitô, qua chứng tá của các môn đệ Ngài, trở nên đáng tin hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ở những khu vực nghèo nhất trên hành tinh của chúng ta, nơi đôi khi cần phải đi một quãng đường dài để tìm các trung tâm điều trị, là những nơi mặc dù với nguồn lực hạn chế, vẫn cung cấp những gì sẵn có. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải tiến bước; ở một số quốc gia, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc đầy đủ vẫn còn là điều xa xỉ. Chúng ta thấy rõ điều này, chẳng hạn, trong sự khan hiếm vắc-xin có sẵn để chống lại Covid-19 ở các nước nghèo; nhưng thậm chí còn thiếu nhiều hơn nữa các phương pháp điều trị cho những căn bệnh cần những loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

Trong bối cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo: chúng là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ; sự hiện diện của các cơ sở này đã làm nổi bật lịch sử của Giáo Hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo Hội với những bệnh nhân và người nghèo, cũng như những tình huống bị lơ là. [5] Có bao nhiêu các vị thành lập các gia đình tôn giáo đã lắng nghe tiếng kêu của anh chị em mình, những người không được chăm sóc hoặc được chăm sóc kém, và đã hết mình phục vụ! Ngày nay, ngay cả ở những nước phát triển nhất, sự hiện diện của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo là một phúc lành, vì ngoài việc chăm sóc cơ thể bằng tất cả các chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể trao tặng món quà bác ái, tập trung vào bản thân người bệnh và gia đình của họ. Vào thời đại mà văn hóa lãng phí còn phổ biến và sự sống không phải lúc nào cũng được thừa nhận là đáng được chào đón và đáng sống, những công trình kiến trúc này, giống như “những ngôi nhà của lòng thương xót”, có thể là mẫu mực trong việc bảo vệ và chăm sóc mọi sự sống, dù là mong manh nhất, từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc tự nhiên của nó.

5. Lòng thương xót mục vụ: hiện diện và gần gũi

Trong ba mươi năm qua, việc chăm sóc sức khỏe mục vụ cũng được ngày càng được công nhận là sứ vụ không thể thiếu. Nếu sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu - kể cả các bệnh nhân, và người có sức khỏe kém - là thiếu sự quan tâm về mặt thiêng liêng, thì chúng ta không thể không cống hiến cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, lời chúc phúc và Lời Chúa, cũng như việc cử hành các bí tích và cơ hội cho một hành trình thăng tiến và trưởng thành trong đức tin. [6] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi các bệnh nhân và chăm sóc mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; đi thăm các bệnh nhân là một lời mời gọi mà Chúa Kitô ngỏ với tất cả các môn đệ của Người. Bao nhiêu người già bệnh tật đang ở nhà chờ người đến thăm! Mục vụ an ủi là một nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa tội, hãy lưu tâm đến lời Chúa Giêsu: “Ta đau yếu và các ngươi đã đến thăm Ta” (Mt 25:36).

Anh chị em thân mến, tôi xin phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Maria, Đấng là Sức Khoẻ của những ai đau yếu, tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ. Cầu xin cho họ khi kết hợp với Chúa Kitô, Đấng gánh chịu nỗi đau của thế giới, có thể tìm thấy ý nghĩa, sự an ủi và tin cậy. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp mọi nơi, để họ giàu lòng thương xót, và có thể cung cấp cho các bệnh nhân sự chăm sóc thích hợp, và đồng thời sự gần gũi huynh đệ của họ.

Với tất cả mọi người, tôi thân ái ban Phép lành Tòa Thánh.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, 10 tháng 12 năm 2021, Lễ Nhớ Đức Mẹ Loreto.



[1] Xem Thánh Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức Hồng Y Fiorenzo Angelini, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Chăm sóc Sức khỏe Nhân viên Y tế, về việc Thành lập Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân (13 tháng 5 năm 1992).

[2] E. Lévinas, «Une éthique de la souffrance», in Souffaces. Corps et âme, épreuves partagées, được biên tập bởi J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, trang 133-135.

[3] Xem Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng chung VIII, Chúa Giêsu người Samaritanô nhân hậu.

[4] Xem Phát biểu trước Liên đoàn Quốc gia về Các Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Nha khoa, ngày 20 tháng 9 năm 2019.

[5] Xem huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật từ Bệnh viện Gemelli, Rome, ngày 11 tháng 7 năm 2021.

[6] Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm (24 tháng 11 năm 2013), 200.


Source:Holy See Press Office
 
CDC họp báo khẩn cấp: Liều tăng cường làm giảm tỷ lệ thác oan vì vi rút tới 90%. Ấn Độ lại nguy to
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:20 06/01/2022


1. Liều tăng cường làm giảm tỷ lệ tử vong của Covid tới 90% so với 2 liều đầu tiên

Hôm thứ Tư 5 tháng Giêng, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, tiêm thêm liều vắc xin tăng cường giúp giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 đến 90% so với chỉ tiêm hai liều đầu tiên.

Trong một cuộc họp báo về coronavirus ở Tòa Bạch Ốc, Walensky đã chia sẻ dữ liệu về hiệu quả của liều tăng cường từ các nghiên cứu được thực hiện ở Israel nơi biến thể Delta vẫn đang chiếm ưu thế.

Dữ liệu mà Walensky trình bày chỉ ra rằng liều tăng cường của vắc-xin Covid-19, giúp giảm lây nhiễm gấp 10 lần so với những trẻ được tiêm chủng hai liều.

Nó giúp giảm bệnh nặng đến 18 lần ở người trên 60 tuổi. Nó giúp bệnh nặng 22 lần ở những người từ 40 đến 59 tuổi. Nó giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 đến 90% so với những người được tiêm chủng hai liều.

Walensky cho biết: “Mặc dù những nghiên cứu này được thực hiện khi Delta là biến thể thống trị ở Israel, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy xu hướng tương tự trong trường hợp của biến thể Omicron.

Kết luận thực hành: Nếu quý vị và anh chị em có thể được tiêm liều tăng cường, hãy tiêm ngay khi có thể.
Source:CNN

2. Lý do tại sao chích vắc xin cả hai liều vẫn bị nhiễm coronavirus

Trong cuộc họp báo về coronavirus ở Tòa Bạch Ốc, Tiến Sĩ Walensky cũng cho biết các biến thể coronavirus vượt qua được các loại vắc-xin là điều bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Vắc xin COVID-19 có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, giống như các loại vắc xin khác, chúng không có hiệu quả 100%.

Vấn đề là những người được tiêm chủng đầy đủ ít có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn những người không được tiêm chủng và nhiễm COVID-19.

Ngay cả khi những người được tiêm chủng đầy đủ phát triển các triệu chứng, họ có xu hướng ít có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những người không được tiêm chủng. Điều này có nghĩa là họ ít có khả năng phải nhập viện và ít có nguy cơ tử vong hơn rất nhiều so với những người không được tiêm chủng.

Cô chỉ ra rằng biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể trước đó của coronavirus và gây ra tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhập viện rất cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho đến nay chỉ ra rằng vắc-xin được sử dụng ở Hoa Kỳ có tác dụng tốt đối với biến thể Delta, đặc biệt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.

Cuối cùng, Tiến Sĩ Walensky nhấn mạnh rằng những người đã chích vắc xin nhưng bị virus vượt qua vẫn có thể lây cho người khác.

Kết luận thực hành: Nếu quý vị và anh chị em thấy mình không khoẻ, không nên đến nhà thờ ngay cả khi mình đã tiêm vắc xin. Quý vị và anh chị em vẫn có thể lây cho người khác. Trước tình hình lây lan kinh hoàng hiện nay của biến thể Omicron, cần thiết là đeo khẩu trang y tế khi đến nhà thờ và các nơi công cộng.
Source:CDC

3. Tỷ lệ dương tính của Covid-19 tăng vọt ở Delhi và Mumbai trong hai ngày qua

Các thành phố Mumbai và New Delhi đã ghi nhận ít nhất 25,831 trường hợp Covid-19 mới trong 24 giờ của ngày thứ Tư 5 tháng Giêng.

Trước đó, vào tối thứ Ba, cả hai thành phố đã ghi nhận tổng cộng 16,341 trường hợp mới.

Delhi hiện có tỷ lệ dương tính là 11.88% với 10,665 trường hợp nhiễm bệnh mới.

Tỷ lệ dương tính, hay thông số R, là tỷ lệ phần trăm những người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút trong tổng thể những người đã được xét nghiệm. Thông số R tại Sydney tính đến ngày thứ 4 tháng Giêng là 18.2%. Nói cách khác, cứ 100 người đi xét nghiệm thì có đến 18 người được xác nhận là nhiễm coronavirus.

Ấn Độ đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể Omicron hôm thứ Tư. Theo bộ y tế, cá nhân này bị tiểu đường và các bệnh lý khác từ trước và được xác nhận là đã nhiễm biến thể Omicron.

Hôm thứ Tư, thành phố Mumbai, trước đây gọi là Bombay, xác nhận rằng 15,166 trường hợp mới đã được ghi nhận trong thành phố trong 24 giờ qua. Thành phố hiện có hơn 61,000 trường hợp dương tính đang phải tích cực điều trị.

Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu tiêm các mũi tăng cường vào ngày 10 tháng Giêng cho các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và những người trên 60 tuổi có các bệnh nền.
Source:CNN

4. Tổng thống Ba Lan xét nghiệm dương tính lần thứ hai

Hôm thứ Tư 5 tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đang tự cô lập.

Đây là lần thứ hai ông Duda, 49 tuổi, vị tổng thống Công Giáo, nhiễm virus. Ông cũng có kết quả dương tính vào tháng 10 năm 2020.

Theo trang web của phủ tổng thống, Tổng thống Duda đã được tiêm phòng đầy đủ và thậm chí đã được tiêm liều vắc xin tăng cường vào tháng 12 vừa qua.

Ngoại trưởng Paweł Szrot đã tweet vào thứ Tư rằng “Tổng thống ổn, không có triệu chứng nghiêm trọng và đang được chăm sóc y tế liên tục”.

Dữ liệu mới nhất của chính phủ Ba Lan cho thấy 17,196 trường hợp được ghi nhận trên khắp đất nước vào hôm thứ Tư, với 632 trường hợp tử vong.
Source:CNN

5. Đức Hồng Y Francisco Alvarez Martinez của Tây Ban Nha qua đời

Đức Hồng Y Francisco Alvarez Martinez, nguyên Tổng giám mục Toledo, giáo phận cổ kính nhất tại Tây Ban Nha đã qua đời hôm mùng 05 tháng Giêng, hưởng thọ 95 tuổi.

Ngài nguyên là Giám mục giáo phận Tarazona, từ năm 1973, rồi được thuyên chuyển qua ba giáo phận khác, trước khi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Toledo, từ năm 1995, rồi thăng Hồng Y năm 2001.

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Martinez, Hồng Y đoàn còn 214 vị, trong đó có 94 vị trên 80 tuổi, và 120 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi. Tuy nhiên, ngày 07 tháng Giêng này, Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, người Chí Lợi, nguyên Tổng giám mục giáo phận Santiago de Chile sẽ tròn 80 tuổi và số Hồng Y cử tri sẽ còn lại 119 vị. Ngài là vị đầu tiên trong số tám Hồng Y sẽ tròn 80 tuổi trong năm nay.

Trong điện văn gởi đến Đức Tổng Giám Mục Francisco Cerro Chaves của tổng giáo phận Toledo, Đức Thánh Cha viết:

Khi nhận được tin tức về cái chết của Đức Hồng Y Francisco Álvarez Martínez, tổng giám mục hiệu tòa của Toledo, tôi xin bày tỏ với hiền đệ cảm xúc của tôi, và xin hiền đệ chuyển tình cảm của tôi đến gia đình, tang quyến, cũng như các linh mục.

Khi nhớ đến vị mục tử xả thân vì Giáo Hội, trong nhiều năm và với niềm tin son sắt, đã hiến thân phục vụ Thiên Chúa và Hội thánh của Người, tôi phó dâng lên Chúa linh hồn ngài và xin Chúa ban cho ngài ơn an nghỉ muôn đời. Xin Chúa Giêsu ban cho ngài triều thiên vinh quang như dấu chỉ của hy vọng của các tín hữu Kitô trong Chúa Phục sinh. Tôi thành tâm ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự qua đi của ngài.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô.


Source:Holy See Press Office

6. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha thứ Tư 5 tháng Giêng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư 05 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 2,000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm nay. Ngồi hàng đầu trong thính đường, có một số người khuyết tật và các đôi tân hôn.

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc thì đến phần tôn vinh Lời Chúa. Trong một thông báo đưa ra hôm 4 tháng Giêng, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết từ nay, không chỉ có các linh mục nhưng cả các nhân viên khác của một số cơ quan Tòa Thánh, nam cũng như nữ, tu sĩ hay giáo dân cũng đảm nhận việc đọc sách thánh. Đoạn sách trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư vừa qua trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 1:20b-21) kể lại việc thiên thần Chúa báo mộng cho thánh Giuse và dạy hãy đón hôn thê Maria về nhà: “Này đây một thiên thần Chúa hiện ra với Giuse trong giấc mộng và nói: ‘Hỡi Giuse con Vua Đavit, đừng sợ nhận Maria hôn thê về với ông. Thực vậy, hài nhi trong lòng Maria đến từ Thánh Linh; Maria sẽ sinh một con trai và ông sẽ đặt tên là Giêsu: thực vậy, Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi’.

Trong bài huấn đức tiếp đó, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ sáu này mang tựa đề: “Thánh Giuse, dưỡng phụ của Chúa Giêsu”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Thánh Giuse, cha của Chúa Giêsu. Các thánh sử Mátthêu và Luca trình bày ngài như cha nuôi của Chúa Giêsu, chứ không phải là cha ruột của Người. Thánh Mátthêu chỉ rõ điều này, tránh dùng công thức “cha của”, được dùng trong gia phả cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu; thay vào đó, ngài định nghĩa Thánh Giuse là “chồng của bà Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng được gọi là Chúa Kitô” (1:16). Mặt khác, Thánh Luca khẳng định điều này bằng cách nói rằng ngài là cha “được cho là” của Chúa Giêsu (3:23), tức là xem ra ngài là cha của Người.

Để hiểu được mối liên hệ cha con được cho là hay hợp pháp của Thánh Giuse, cần phải nhớ rằng vào thời cổ xưa ở phương Đông, định chế nhận con nuôi rất phổ biến, hơn ngày nay. Người ta nghĩ đến trường hợp thông thường ở Do Thái về “luật Lêvi”, như được trình bày trong Đệ nhị luật: “Nếu anh em sống với nhau, mà một trong số họ chết mà không có con trai, thì vợ của người chết sẽ không được kết hôn ngoài gia đình với một người lạ; em trai của chồng sẽ đến với cô ấy, và lấy cô ấy làm vợ, và thực hiện nghĩa vụ của một người em chồng đối với cô ấy. Và con trai đầu lòng mà cô ấy cưu mang sẽ nối nghiệp tên người anh đã chết, hầu cho tên của người đó không bị xóa khỏi Israel”(25: 5-6). Nói cách khác, cha của đứa trẻ này là em rể, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã chết, người cho đứa trẻ mới sinh tất cả các quyền di sản. Mục đích của luật này gồm hai mặt: đảm bảo dòng dõi của những người đã qua đời và bảo tồn di sản. Với tư cách là cha chính thức của Chúa Giêsu, Thánh Giuse thực hiện quyền đặt tên cho con trai mình, thừa nhận cậu về mặt pháp lý. Về mặt pháp lý, ngài là cha, nhưng không phải về mặt sinh sản; ngài đã không sinh ra Người.

Thời xưa, tên là bản tóm tắt căn tính của một người. Thay đổi tên của mình có nghĩa là thay đổi chính mình, như trong trường hợp của Ápraham, tên mà Đức Chúa Trời đã đổi thành "Ápraham", có nghĩa là "cha của nhiều người", "vì", Sách Sáng thế nói, ông sẽ là "cha của nhiều dân tộc ”(17: 5). Điều tương tự cũng đã xảy ra với Giacóp, người sẽ được gọi là “Israel”, nghĩa là “người đấu tranh với Thiên Chúa”, vì ông đã đánh nhau với Thiên Chúa để buộc Người ban phúc cho mình (xem St 32:29; 35:10).

Nhưng trên hết, đặt tên cho ai hoặc một điều gì đó có nghĩa là khẳng định quyền hạn của mình đối với những người hoặc vật được đặt tên, như Ađam đã làm khi đặt tên cho tất cả các loài vật (xem St 2: 19-20).

Thánh Giuse biết rằng, đối với con trai của bà Maria, một cái tên đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn - tên Giêsu được đặt cho Người bởi người cha thật của Người, là Thiên Chúa - “Giêsu”, có nghĩa là “Chúa cứu vớt”; như Thiên Thần giải thích, “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21). Khía cạnh đặc biệt này của Thánh Giuse giờ đây cho phép chúng ta suy gẫm về tình phụ tử và tình mẫu tử. Và tôi tin điều này rất quan trọng: nghĩ về việc làm cha ngày nay. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại có tiếng là mồ côi, phải không? Thật là lạ: nền văn minh của chúng ta là một điều gì đó của trẻ mồ côi, và người ta cảm nhận được tình trạng mồ côi này. Xin Thánh Cả Giuse, người thay thế cho người cha thật là Thiên Chúa, giúp chúng ta hiểu cách giải quyết cảm thức mồ côi đang gây hại cho chúng ta ngày nay.

Đem một đứa trẻ vào đời không đủ để trở thành cha hoặc mẹ của đứa trẻ. “Những người cha không được sinh ra, mà được tạo ra. Một người đàn ông không trở thành một người cha chỉ đơn giản bằng cách đem một đứa trẻ vào đời, mà bằng cách nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ đó. Bất cứ khi nào một người đàn ông chịu nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, thì cách nào đó, họ trở thành cha đối với người đó ”(Tông thư Patris corde). Tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những ai đang mở lòng đón nhận cuộc sống bằng cách nhận con nuôi, đây là một thái độ tốt đẹp và rộng lượng. Thánh Giuse cho chúng ta thấy rằng dây nối kết này không phải là thứ yếu; nó không phải là một hậu ý, không phải. Loại lựa chọn này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, tình phụ tử và tình mẫu tử. Có bao nhiêu trẻ em trên thế giới đang đợi ai đó chăm sóc chúng! Và biết bao nhiêu cặp vợ chồng muốn làm cha, làm mẹ nhưng không thể thực hiện được vì lý do sinh học; hoặc, mặc dù đã có con nhưng họ muốn chia sẻ tình âu yếm gia đình với những người chưa có tình cảm này. Chúng ta không nên sợ chọn con đường nhận con nuôi, chấp nhận “rủi ro” khi chào đón trẻ em. Và ngày nay, với tình trạng mồ côi, có một sự ích kỷ nào đó. Có lần, tôi đã nói về mùa đông nhân khẩu hiện có ngày nay, trong đó chúng ta thấy rằng người ta không muốn có con, hoặc chỉ có một con và không muốn thêm nữa. Và rất nhiều cặp vợ chồng không có con vì họ không muốn, hoặc họ chỉ có một con - nhưng lại có đến hai con chó, hai con mèo… Đúng vậy, chó và mèo thay thế cho những đứa trẻ. Vâng, tôi hiểu điều đó thật buồn cười, nhưng đó là thực tại. Và sự bác bỏ tình phụ tử này làm chúng ta giảm thiểu, nó lấy đi nhân tính của chúng ta. Và theo cách này, nền văn minh trở nên già cỗi và không có tình người, vì nó làm mất đi sự phong phú của tình phụ tử và mẫu tử. Và quê hương của chúng ta chịu thiệt thòi, vì nó không có trẻ em, và, như người ta đã nói một cách hài hước, "và bây giờ ai sẽ trả tiền thuế để trả lương hưu cho tôi, nếu không có con cái?": môt cách hài hước, nhưng đó là sự thật. Ai sẽ chăm sóc tôi? Tôi xin Thánh Giuse ân sủng để đánh thức các lương tâm suy nghĩ về điều này: về việc có con. Tình phụ tử và tình mẫu tử là lẽ viên mãn của đời người. Anh chị em hãy nghĩ về điều này. Đúng là, có tình phụ tử thiêng liêng của những người dâng mình cho Thiên Chúa, và tình mẫu tử thiêng liêng; nhưng những ai sống trên đời và lập gia đình, hãy nghĩ đến việc có con, trao ban sự sống mà chúng sẽ lãnh nhận từ anh chị em cho tương lai. Và ngoài ra, nếu anh chị em không thể có con, hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một rủi ro, đúng thế: có con, một cách tự nhiên hay do nhận nuôi, luôn luôn là một rủi ro. Nhưng sẽ rủi ro hơn nếu không có chúng. Sẽ rủi ro hơn nếu bác bỏ tình phụ tử, hoặc bác bỏ tình mẫu tử, dù là thực chất hay thiêng liêng. Nhưng bác bỏ, một người đàn ông hay một người đàn bà không khai triển cảm thức làm cha, làm mẹ, họ đang thiếu một điều gì đó, một điều căn bản, một điều gì đó quan trọng. Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này, xin làm ơn.

Tôi mong rằng các định chế sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ việc nhận con nuôi, bằng cách giám sát nghiêm túc nhưng cũng đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để giấc mơ của biết bao đứa trẻ cần một gia đình, và của biết bao cặp vợ chồng mong muốn hiến thân trong tình yêu, có thể trở thành sự thật. Cách đây ít lâu, tôi có nghe chứng từ của một người, một bác sĩ – một nghề quan trọng - không có con, và ông và vợ ông quyết định nhận một đứa trẻ làm con nuôi. Và khi đến lúc, họ được đề nghị một em, và họ được cho biết: “Nhưng chúng tôi không biết sức khỏe của đứa trẻ này như thế nào. Có lẽ em có bệnh”. Và ông ta nói - Tôi đã nhìn thấy em rồi - ông nói, “Nếu cô hỏi tôi điều này trước khi đến đây, có lẽ tôi đã nói không. Nhưng tôi đã nhìn thấy đứa trẻ: Tôi sẽ đưa em đi với tôi”. Đây là niềm khao khát được làm cha nuôi, được làm mẹ nuôi. Anh chị em đừng sợ điều này.

Tôi cầu nguyện để không ai cảm thấy thiếu mối dây ràng buộc tình cảm cha con. Và những người chịu ảnh hưởng của cảnh mồ côi, mong họ tiến bước mà không còn cảm giác khó chịu này. Xin Thánh Giuse che chở, và giúp đỡ cho trẻ mồ côi; và xin ngài cầu bầu cho những cặp vợ chồng muốn có con. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để được điều này:

Lạy Thánh Giuse,

ngài là người đã yêu thương Chúa Giêsu bằng tình yêu thương của người cha,

xin ngài gần gũi rất nhiều trẻ em chưa có gia đình

và hằng khao khát có bố có mẹ.

Xin ngài hỗ trợ các cặp vợ chồng không thể sinh con,

giúp họ khám phá ra, qua đau khổ này, một kế hoạch lớn hơn.

Xin ngài bảo đảm để không một ai thiếu một mái ấm, một mối dây nối kết,

một người để chăm sóc họ;

và xin ngài chữa lành lòng ích kỷ của những người khép mình đối với sự sống, xin cho họ biết mở lòng ra đối với tình yêu.

Cảm ơn anh chị em.

Bài có liên quan
 
Quá đáng: Nhân danh cải cách, linh mục mặc như híppi phản chiến, biến cung thánh ra vũ trường đèn mờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:51 06/01/2022

1. Phụng vụ đêm Giáng Sinh tại một nhà thờ ở Chicago đã đi quá xa. Cung thánh bị biến thành vũ trường đèn mờ

Cảm thấy bị xúc phạm trong Thánh lễ Đêm Giáng Sinh hoành tráng có sự góp mặt của các nhạc công nhạc jazz, với các vũ điệu được dàn dựng xung quanh bàn thờ và hiệu ứng ánh sáng sân khấu, một số người Công Giáo đang kêu gọi Hồng Y Blase Cupich hãy chú ý đến những hành vi lạm dụng phụng vụ trong các Thánh lễ Novus Ordo ở Tổng giáo phận Chicago, thay vì áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với các Thánh lễ Latinh Truyền thống đáng được tôn kính. Thánh lễ Novus Ordo là hình thức thánh lễ theo Nghi Thức mới, tức là hình thức thánh lễ sau Công Đồng Vatican II như chúng ta vẫn thường tham dự.

Cha Michael L. Pfleger, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Chicago, đã cử hành Thánh lễ tối ngày 24 tháng 12, được truyền trực tiếp từ Nhà thờ Thánh Sabina, một giáo xứ chủ yếu là người Da đen ở phía Nam của thành phố. Cha Pfleger là cha sở ở đó từ năm 1981.

Nhiều người cho rằng Thánh lễ này đã vượt qua ranh giới để chuyển từ việc thờ phượng sang giải trí. Quan điểm đó được thúc đẩy một phần bởi thực tế là khi nào phụng vụ thực sự bắt đầu. Không có lời chào đầu lễ, cac hành động sám hối hoặc lời cầu nguyện mở đầu, là các Nghi thức đầu lễ bắt buộc phải có của phụng vụ Novus Ordo.

Trong video đăng trên YouTube, Cha Pfleger không xuất hiện trên bàn thờ cho đến sau gần một giờ biểu diễn ca múa nhạc. Một ban nhạc biểu diễn sự kết hợp giữa các bài hát mừng tôn giáo và âm nhạc thế tục, bao gồm “Overjoyed” của Stevie Wonder và “Christmas Time is Here” của Bộ ba Vincent Guaraldi trong khi các vũ công mặc trang phục sặc sỡ múa nhảy xung quanh bàn thờ. Cả cung thánh đã được Cha Pfleger biến thành một vũ trường dưới ánh đèn mờ.

Trong một đoạn chói tai nhất của chương trình, ngay trước khi Cha Pfleger xuất hiện, một người phụ nữ đọc những suy tư về phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và các tệ nạn xã hội khác. Thỉnh thoảng, người phụ nữ lại hét lên, trong khi những nhân vật đứng gần bàn thờ, bao gồm một số người mặc áo choàng có mũ trùm đầu giống áo choàng Ku Klux Klan, kịch tính hóa lời nói của cô ấy.

“'Những người đi trong bóng tối đã nhìn thấy một ánh sáng tuyệt vời.' Nhưng chúng ta có thấy không? Chúng ta nhìn xung quanh và tất cả những gì mắt chúng ta có thể thấy là sự hủy diệt và hỗn loạn, chia rẽ, và thậm chí là cái chết. … Sự căm ghét đang bao trùm khắp đất nước theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Sự phân biệt chủng tộc đã trở nên tự nhiên như không khí mà chúng ta hít thở vậy”.

Trong bài giảng của mình, Cha Pfleger, đã cởi bỏ thánh giá mà ngài vẫn đeo, để đeo một dấu hiệu chống chiến tranh thường thấy trong các cuộc biểu tình phản chiến chống chiến tranh Việt Nam, lủng lẳng trên một chiếc vòng cườm, kêu gọi cộng đoàn nhấc điện thoại di động lên bật đèn chiếu sáng nhà thờ vẫn đang chìm trong tối tăm. Đó là cảnh thường thấy trong các buổi hòa nhạc.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Dublin cho rằng 'Thay đổi triệt để đang đến trong Giáo Hội'

Sau một năm đứng đầu Tổng giáo phận Dublin, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell nói, “Giáo Hội đang có sự thay đổi triệt để”, chúng ta sẽ chứng kiến một sự đổi mới về năng lượng và các hình thức mục vụ mới.

“Với sự cam kết mạnh mẽ của các giáo sĩ và giáo dân, trên toàn bộ đời sống và mục vụ của các cộng đồng giáo xứ, chúng ta sẽ trải qua một sự đổi mới năng lượng và áp dụng các hình thức tiếp cận và mục vụ mới,” vị Tổng Giám Mục 67 tuổi nói với Catholic News Service. Ngài tin rằng sự thay đổi đã và đang xảy ra trong các cấu trúc của Giáo Hội trên khắp thế giới phương Tây.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đang cung cấp cho chúng ta một cách trở thành Giáo Hội, đó là con đường đồng nghị, để cùng nhau tiến bước gần nhau hơn và trở thành một Giáo Hội tràn đầy hy vọng, bất chấp nhiều thử thách.”

Lãnh đạo của giáo phận lớn nhất Ái Nhĩ Lan, với hơn 1 triệu người Công Giáo và 207 giáo xứ, đã mời gọi các tín hữu “cùng tôi bước đi cuộc hành trình này - và bước đi với hy vọng: một hy vọng giải phóng chúng ta để có thể thực hiện các thay đổi căn bản, một niềm hy vọng truyền cảm hứng để chúng ta có tham vọng và hy vọng khuyến khích chúng ta dũng cảm”.

Vào tháng 11, tổng giáo phận đã công bố “Báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm Xây dựng Hy vọng”, một kế hoạch chiến lược để đổi mới mục vụ trong bối cảnh những thách thức lớn như sự sụt giảm các khoản đóng góp và số lượng các linh mục.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Với tư cách là một giáo phận, chúng ta cần kiểm tra xem chúng ta đã chuẩn bị tốt như thế nào để phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội. Tất nhiên, chúng ta phải đối mặt với những thách thức to lớn. Một số hình thức của đời sống Giáo Hội có thể đang chết dần. Một khi chúng ta chấp nhận điều này, không có nghĩa là cam chịu hay bất lực, nhưng là chấp nhận những trách nhiệm mới đối với sứ mệnh truyền giáo”.

Ngài nhận xét rằng “không có kế hoạch đóng gói sẵn nào có thể dùng để giải quyết thực tế mà chúng ta đang thấy trước mắt mình”.

Trong số 312 linh mục hiện đang làm mục vụ tại Tổng giáo phận Dublin, 139 vị trên 70 tuổi, và 116 trong số 312 là các linh mục ở nơi khác đang cho tổng giáo phận mượn. Hiện tại chỉ có hai chủng sinh trong quá trình đào tạo linh mục. Theo thống kê năm 2016, là năm cuối cùng có dữ liệu, 1.1 triệu người trong tổng số 1.57 triệu dân Dublin xác định mình là người Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Farrell nói: “Chúng ta không bất lực khi đối mặt với tương lai. Những thay đổi sẽ xảy ra khi chúng ta cùng làm việc với nhau như một giáo phận. Cơ cấu giáo xứ của chúng ta cần phải phù hợp với mục đích trong tương lai. Sự canh tân cần phải bắt nguồn từ việc suy tư, cầu nguyện và hoán cải, nếu nó muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ một đức tin sống động”.

Ngài mô tả năm đầu tiên của mình trên cương vị Tổng giám mục là “khoảng thời gian tràn đầy hy vọng” vì hành trình đổi mới của tổng giáo phận, thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô về đường lối thượng hội đồng, và vì “chúng tôi tin rằng Giáo Hội của chúng tôi đang được thay đổi theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

“Chúng ta cần mở ra một chương mới trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan. Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, và sẽ có những xung đột, bất đồng và căng thẳng. Những vấn đề này sẽ không được giải quyết bằng lập luận hoặc sức nặng của các con số”.

Ngài cho biết hai cộng đồng quan trọng nhất trong việc truyền lại đức tin là gia đình và giáo xứ. “Những năm kinh nghiệm của tôi ở cấp giáo xứ và giáo phận đã củng cố niềm tin vào giá trị của gia đình. Chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò to lớn đối với việc tái truyền bá phúc âm hóa trong các giáo xứ của chúng ta, đặc biệt là trong giới trẻ và các gia đình”.

Về việc nhiều người xa lánh Giáo Hội do các vụ tai tiếng lạm dụng và mất niềm tin vào hàng giáo phẩm, ngài nói: “Chúng ta phải là một Giáo Hội biết thống hối và bảo đảm rằng không có gì chúng ta từng làm cản trở mối quan hệ giữa một cá nhân tín hữu với Thiên Chúa. Với tư cách là Tổng giám mục của Dublin, tôi ở đây để đóng vai trò của mình trong việc chữa lành những tổn thương trong quá khứ và không ngừng tiếp cận và chào đón mọi người”.
Source:Crux

3. Thách thức khắc nghiệt của Mạc Tư Khoa: Thiết lập Tòa Thượng Phụ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Giáo Hội Chính thống Nga dường như quyết tâm tạo ra căng thẳng thậm chí sẽ dẫn đến rạn nứt bằng cách trực tiếp xem thường và thách thức quyền tài phán của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople.

Chỉ vài ngày sau quyết định của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa về việc thành lập “Tòa Thượng Phụ ở Phi Châu”, một hành động khiến Đức Thượng Phụ Theodore của Alexandria đau buồn, theo báo cáo của ertnews.gr, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lại tính đến khả năng thành lập “Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ria Novosti, Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, gọi tắt là DECR, cho biết: “Giáo Hội Chính thống Nga không thể từ chối việc nuôi dưỡng Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đề cập đến việc thành lập gần đây của “Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Phi Châu”, Tổng Giám Mục Hilarion đã biện minh cho điều đó bằng cách nói: “Vào năm 2019, Theodore II, Thượng phụ của Alexandria và Toàn Phi Châu, đã công nhận Giáo Hội Chính thống giáo Ukraine”.

Phát biểu về hậu quả của quyết định này, Giáo Hội Chính thống Nga lưu ý rằng “điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc các tín hữu đồng bào của chúng tôi ở Phi Châu, những người sống trong lãnh thổ giáo luật của Tòa Thượng phụ Alexandria.”

Cuối tháng 12 năm 2021, Thượng hội đồng Chính thống giáo Nga đã công bố quyết định thành lập Tòa Thượng phụ tại Phi Châu.

Tổng Giám Mục Hilarion đích thân tấn công Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói rằng: “Trong bối cảnh Tòa Thượng phụ Constantinople cũng như Tòa Thượng Phụ Alexandria đã tham gia vào cuộc ly giáo, chúng tôi không thể nói không với các giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Alexandria, những người đã nhận ra quan điểm sai lầm của Thượng phụ Theodore, vì thế, chúng tôi đón nhận họ vào trong Giáo Hội của chúng tôi”.
Source:Orthodox Times