Ngày 11-01-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lắng nghe tiếng Chúa
LM. Anphong Trần Đức Phương
16:50 11/01/2009
LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA

(CHÚA NHẬT II QUANH NĂM)

Từ Chúa Nhật trước, chúng ta đã bước vào Mùa Quanh Năm với Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Hôm nay, chúng ta mừng Chúa Nhật II quanh năm (Chu kỳ năm B). Chủ điểm của Chúa Nhật này là ‘Tiếng Chúa gọi mỗi người chúng ta làm việc tông đồ cho Chúa.’

Bài đọc I (Samuel 3, 3-10; 19) nói đến việc Chúa gọi Samuel đi làm tiên tri cho Chúa. Khi nhận ra tiếng Chúa, Samuel đã mau mắn đáp lại: “Lạy Chúa xin hãy nói, con nghe đây!” Bài Phúc Âm (Gioan 1, 35-42) nói đến việc Chúa gọi hai anh em ông Anrê và Phêrô theo Chúa. Trong Bài đọc II (Corintô 6,13-15, 17-20), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là những tín hữu của Chúa, là chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa, là đền thờ Chúa Thánh Thần, chúng ta không được sống đời sống vô luân, nhưng phải sống thánh thiện, xứng đáng con cái thật của Chúa.

Qua các thời đại, Thiên Chúa thường gọi một số người để làm các công việc đặc biệt Chúa trao phó. Trong Cựu Ước, Chúa gọi Abraham, Môsê, Davit, các tiên tri v.v… Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã gọi 12 tông đồ. Đó là những ơn gọi đặc biệt, và việc Chúa gọi và chọn ai cũng là một việc nhiệm mầu của Chúa. Chúa gọi và chọn người Chúa muốn. Tuy nhiên, Chúa vẫn tôn trọng tự do của mỗi người; tùy theo mỗi người có quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi hay không (Matthêu 19,16…), và có cố gắng sống xứng đáng và trung thành với Ơn Gọi của mình hay không.

Thánh Luca (Luca 6,12-16) có kể lại việc Chúa Giêsu đã “ra núi cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa Cha. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông và gọi là Tông Đồ.” Điều này cho thấy việc chọn 12 Tông Đồ là việc rất quan trọng. Trong số 12 tông đồ Chúa chọn, đa số làm nghề chài lưới, có người làm nghề thu thuế; lại có Giuđa Itcariot là kẻ phản bội; sau này, Matthia được chọn để thay thế (Cv. 1, 15-26). Chúa cũng chọn Phaolô làm Tông Đồ cho Chúa ngay chính lúc ông này (lúc đó còn tên là Saolô) đang trên đường đi bách hại đạo Thánh Chúa (Cv. 9, 1…)

Trải qua lịch sử của Giáo Hội, Chúa cũng chọn một số người để chuyên làm việc tông đồ cho Chúa qua các địa vị khác nhau: Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ. Mỗi trường hợp đều do sự nhiệm mầu của tình yêu Chúa. Chẳng ai dám tự phụ mình là người xứng đáng. Dù có những Ơn Gọi rất đặc biệt, như trường hợp của Đức Hồng Y Avery Dulles (1918-2008) con của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles, đã gia nhập Đạo Công Giáo lúc 22 tuổi, đã từng là Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ, năm 1946 giải ngũ, vào Dòng Tên, chịu chức Linh mục năm 1956, và dâng hiến cả cuộc đời để nghiên cứu, viết nhiều sách về thần học, trở nên rất nổi danh tại Hoa Kỳ về đời sống thánh thiện và nhiệt thành truyền giáo (giống như Ơn Gọi của Linh mục Bác Sĩ Cổ Tấn Hưng ở Việt Nam); Cha Bao Yuanjin, hiện sống âm thầm truyền giáo ở Trung Quốc; Cha Charles de Foulcauld (1858-1916), lập dòng Tiểu Đệ và Tiểu Muội, và rất nhiều trường hợp khác.

Nhưng không phải chỉ các Giáo sĩ hay Tu sĩ mới được mời gọi làm việc tông đồ cho Chúa, mà mọi tín hữu đều có ơn gọi riêng của mình để làm tông đồ cho Chúa cách này hay cách khác. Nhìn công việc truyền giáo bao la, Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít…” (Matthêu 9, 37), nhưng trong thực tế, Chúa chỉ chọn có 12 người chính thức làm Tông đồ, sau này thêm ông Phaolô. Vậy, làm sao công việc rao giảng Phúc Âm của Chúa đã có thể lan rộng nhanh chóng suốt cả Đế Quốc Rôma rộng lớn thời đó? Chính là nhờ sự cộng tác quảng đại của các giáo dân thời bấy giờ. Đó là việc Tông Đồ Giáo Dân.

Qua các thời đại cho đến ngày nay, vẫn có những người làm tông đồ giáo dân rất tích cực. Có những vị là những Tông Đồ Giáo Dân rất nổi danh như Antoine Federic Ozanam (Chân Phước) (1813-1835, học giả nổi tiếng của Pháp, lập Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn, chuyên giúp đỡ những người nghèo trên thế giới; Bác sĩ Thomas A. Dooley (Hoa Kỳ, 1927-1961) đã hy sinh cả cuộc đời giúp đồng bào Việt Nam mới di cư từ Miền Bắc vào Miền Nam, và sau đó mở nhà thương giúp bao bệnh nhân tại Lào; Frank Duff (Ái Nhĩ Lan, 1889-1980) lập Hội Đạo Binh Đức Mẹ, chuyên lo công việc thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân, các gia đình đang gặp khó khăn; Chiara Lubich (người Ý, 1920-2008) thành lập hội Focolore để cổ võ tinh thần hòa hợp giữa mọi người thuộc các sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo khác nhau.

Trong Giáo Hội, luôn có những Hội Đoàn hoạt động tông đồ rất tích cực cho mọi lứa tuổi, như Đạo Binh Đức Mẹ, Liên Minh Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Sinh Công Giáo, Cursillo, Opus Dei, Tông Đồ Fatima, Hồn Nhỏ, Hội Bảo Trợ Ơn Gọi v.v… Ngoài ra, còn có các Tu Hội Đời quy tụ chính những giáo dân sống giữa đời, liên kết đặc biệt với nhau để làm việc tông đồ.

Tất cả các Hội Đoàn đều có mục đích giúp thánh hóa bản thân và rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa cách này hay cách khác, nơi chính gia đình của mình, nơi sở làm, nhà máy, xưởng thợ, trường học, trong mọi môi trường sống hằng ngày của mỗi người.

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin Chúa cho mọi người chúng ta luôn ý thức nhiệm vụ truyền giáo mà chúng ta phải chu toàn; xin cho chúng ta luôn biết ‘lắng nghe tiếng Chúa gọi’, trở nên những tông đồ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo bao la trong thế giới chúng ta hiện nay.
 
Còn chăng cáo thuở ban đầu lưu luyến ấy?
Anmai, CSsR
17:28 11/01/2009
LỄ CHÚA GIÊSU LÀM PHÉP RỬA (Is 55, 1-11; 1 Ga 5,1-9; Mc 1, 7-11)

Người ta vẫn thường nói hay đúng hơn là người ta vẫn thường thích cái gì là mới, còn những gì là cũ người ta lại ít trân trọng. Thử hỏi trong nhân gian được mấy người chơi đồ cổ. Chưa chắc chơi đồ cổ vì đã thích đồ cổ vì có thể thích được nổi tiếng hay nắm giữ trong tay tài sản quý chứ thật sự để mà quý mến, để mà trân trọng chắc được mấy người ? Người ta vẫn thường ví cho những cái mới được trân trọng bằng câu nói: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy !”. Vậy thì sau “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” con người sẽ ra sao ? Thường thì phai dần và nhạt dần theo năm tháng nếu như ta không dừng lại để nhìn, để xem lại vấn đề để mà trân trọng, để mà quý mến.

Một người tu sĩ, ngày khấn dòng với biết bao nhiệt huyết, biết bao nhiêu ơn Thánh, đặc biệt là Thần Khí Chúa sẽ rất quyết tâm, rất cương quyết với lời tuyên khấn của mình. Đơn giản nhất một lời khấn mà người tu thường khấn đó là sự khó nghèo. Sau ngày khấn là những ngày hội nhập với cộng đoàn, cộng đồng vì mãn thời gian Tập Viện. Những ngày ấy riêng về khoản khó nghèo thôi, thử hỏi được mấy người sống được cái thuở ban đầu đơn sơ của đời tu hay là cứ vun vén về cho mình đầy phòng. Nếu thi thoảng không đặt mình xem lại mình về những lời mà mình tuyên khấn thì cũng sẽ quên và lại vun vén, vơ vét cho mình đầy vật chất.

Một linh mục, trong cái ngày được đặt tay để nhận ơn Thánh trong sứ vụ của mình sao mà hay quá ! “Con có hứa vâng phục Giám mục và bề trên hợp pháp của con không ?” khi nghe Giám mục chủ sự Thánh lễ truyền chức hỏi thì tất cả các ứng sinh nhanh nhảu đáp “Thưa con hứa !”. Và nữa, “con hãy nhận lấy lễ vật này mà dâng lên Thiên Chúa, con hãy rập đời sống con theo Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa”. Khi ấy, lòng trào dâng ơn Thánh và niềm vui, ứng sinh phấn khởi thưa vâng để lãnh nhận sứ vụ linh mục cao cả mà Thiên Chúa thương ban. Thế nhưng, cuộc đời vị linh mục đâu đơn giản như mọi người nghĩ, đâu thanh thản như mọi người thấy. Những lúc bình lặng của cuộc đời thì không sao nhưng thử hỏi những lúc gặp gian nan thử thách thì cái thuở ban đầu, cái mối tình giữa vị Thiên Chúa mà bao lâu nay vị linh mục theo đuổi còn được bao nhiêu ?

Hai vợ chồng trẻ cũng thế ! Những ngày đầu đến với nhau, cưới nhau sao mà vui quá, sao mà hạnh phúc quá, sao mà quấn quýt bên nhau thế nhưng rồi những ngày sau đó ra sao ? Những ngày chồng ốm, vợ bệnh, con đau còn có còn chăng cái thuở ban đầu, cái vẻ đẹp của ngày mới cưới, cái hồn thiêng của lời thề hứa khi cử hành bí tích Hôn phối chăng ? Những ngày mới quen nhau, những ngày mới yêu nhau, những ngày mới cưới sao mà nó hay quá nhưng khi cưới rồi nó như thế nào ?

Và rồi, trước khi tuyên lời khấn dòng, hứa sống sứ vụ linh mục hay thề hứa sống đến ngày “răng long đầu bạc” tuỳ theo ơn gọi của mình mỗi kitô hữu phải sống cái Bí Tích Thanh Tẩy hay còn gọi là Phép Rửa mà mỗi người lãnh nhận. Phép Rửa mà chúng ta khi lãnh nhận, căn cốt nhất của Phép Rửa ai ai cũng biết đó là lòng tin, tin nhận vào Đức Giêsu Kitô là Chúa. Như Thánh Gioan trong thư của Ngài vừa nhắc nhở chúng ta:

Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta
”. (1 Ga 5, 1-4)

Thánh Gioan nói rất rõ ràng chứ không mập mờ, không hai ý. Ngài nói rõ ràng: Tin là yêu mến ! Đơn giản có thế thôi !

Thật ra mà nói, không đơn giản và không dễ chút nào cả.

Như người tu sĩ, linh mục cũng thế, thuở ban đầu quá tin nên quá yêu mến ! Đơn giản quá sức nhưng dần dà, thời gian trôi theo năm tháng có còn tin, có còn yêu mến như ngày đầu như đã nói không mới là chuyện quan trọng.

Như hai vợ chồng, ban đầu cũng tin, cũng yêu mến nhưng thời gian dần trôi có còn tin, có còn yêu mến hay không mới là chuyện cần bàn.

Hôm nay, nhân cái ngày mà Chúa Giêsu ra sông Giođan để cho ông Gioan để lãnh nhận Phép Rửa cũng là dịp, là duyên để mỗi người chúng ta nhìn lại Phép Rửa mà chúng ta tin nhận. Cái thuở ban đầu, cái mối tình đẹp giữa ta và anh Hai Giêsu mà ta tin theo còn được bao nhiêu hay là nó cũng nhạt dần, nó cũng phai dần.

Ngày hôm nay, không chỉ ở thành thị, đời sống tôn giáo, lòng tin - cậy - mến vào Thiên Chúa bị giảm sút mà cả ở thôn quê. Điều này gợi lên cho ta nhiều suy nghĩ. Một thực trạng hết sức đau lòng đó là ở những vùng quê nghèo, ban đầu họ theo Chúa, họ tin Chúa rất dễ thương. Sau bao năm tháng, vị linh mục đặc trách cùng với giáo dân miệt mài xây cho cộng đoàn giáo xứ ngôi Thánh Đường thật to, thật lộng lẫy, thật khang trang nhưng lượng giáo dân đến tham dự Thánh Lễ, cử hành các Bí Tích nó cứ giảm dần theo năm tháng. Được biết một ngôi nhà thờ thật là to, tốn không biết bao nhiêu công sức mới tạo dựng. Tưởng chừng ngôi nhà thờ ấy sẽ đáp ứng, sẽ thoả mãn nhu cầu Phụng Vụ nhưng nào ngờ, ngày thường chỉ có loe ngoe vài mạng nên phải dùng tầng hầm của ngôi Thánh Đường đó để dâng lễ ! Không chỉ một mà cũng có nhiều Thánh Đường bây giờ rơi vào tình trạng đáng buồn này.

Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ là mỗi người chúng ta đã không còn đi đúng đường lối mà Thiên Chúa chỉ dạy, lòng tin mà lòng mến mà Thánh Gioan đã nói. Ngôn sứ Isaia đã nói với chúng ta qua bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”. (Is 55, 8-11)

Chúng ta, thường rơi vào căn bệnh của chúng ta, rơi vào cái lý luận cùn của chúng ta chứ chúng ta không đi theo đường lối của Thiên Chúa. Tư tưởng của ta lúc nào cũng khác xa tư tưởng của Thiên Chúa vậy mà chúng ta cứ tưởng chúng ta hơn Chúa mới là lạ !

Isia đã không nhắc nhớ chúng ta sao ?

Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.
Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.
(Is 5, 2-3)

Chúng ta vẫn cứ mãi cắm cúi đi tìm những cái gì mà không làm cho chúng ta được sống như Chúa nói. Chúng ta vẫn đi tìm cho chúng ta những thứ gì mà sẽ mất ngày mai.

Nhà thơ Tuý Linh đã để lại cho chúng ta câu thơ rất hay:

“Sống trong cuộc đời này không phải để giành giật
Những gì mà ta sẽ mất ngày mai
”.

Vâng ! Chúng ta nhận Phép Rửa nhiều năm nhưng chúng ta vì lý do này lý do khác đã nhạt nhẽo với tình yêu thuở ban đầu của Thiên Chúa. “Cái thuở ban đầu lưu luyến” giữa ta và Chúa còn đơn sơ, còn mộc mạc, còn dễ thương, còn chân thành như cái ngày mới nhận Phép Rửa hay không ? Điều này chỉ có ta và Chúa biết mà thôi.

Hôm nay, xin Chúa nhắc nhớ chúng ta về Phép Rửa mà ta đã tin nhận. Nhận Phép Rửa là Tin, Tin ấy lại biểu lộ ở Tình Yêu. Xin Chúa là Vua Tình Yêu đến và ở lại với mỗi người chúng ta để ngày mỗi ngày chúng ta yêu Chúa và yêu anh chị em đồng loại hơn.
 
Thiên Chúa hứa với chúng ta mốn quà phong phú nhất
Tú Nạc
17:30 11/01/2009
Chúa chịu phép rửa (Isaiah 55:1-11; John 5:1-9; Mark 1: 7-11)

Sự khan hiếm, thực sự hoặc phải hứng chịu, là nguồn gốc của sợ hãi và bạo lực tràn lan trên thế giới. Sự khan hiếm hoạc hạn chế có thể dẫn đến những hìng thức hiển nhiên – khan hiến thực phẩm, nguồn nước, tài nguyên. Ở mức độ cao hơn, Thiên Chúa dừơng như có thể hạn chế và sẵn sàng, và có thể chỉ dành một phần nào sự lựa chọn. Trong tâm trí sợ hãi và trái tim của nhiều người, cuộc sống là một sự đấu tranh sinh tồn để đạt được những gì chúng ta cần, hoặc nghĩ đến những điều chúng ta muốn trứơc một người nào khác giành trước chúng ta.

Nhưng thông điệp Isaiah vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác, Thiên Chúa là Chúa của sự độ lựợng và phong phú.Những biểu tượng của nước, rượu, sữa và lương thực được dùng để minh chứng món quà của cuộc sống và là nguồn thức ăn tiếp tục – thậm chí ai đó bị sa sút hoặc bị phá sản cũng được mời đến dự phần miễn phí – Thiên Chúa không hẹp lượng và cũng không đưa ra những trở ngại vô lý theo điều kiện của mỗi người. Thiên Chúa đã chuẩn bị đầy đủ cho chúng ta với tất cả nhũng gì mà chúng ta cần, nhưng chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sang đón nhận.

Và đó là một mặt của vấn đề, trong việc bộc lộ, bản tính bao dung và độ lượng của Người, Thiên chúa thử thách chúng ta để thực hiện y như vậy, vì chúng ta, ai nấy đều có phần việc để làm. Bằng việc xua đuổi sợ hãi và ảo tưởng của sự khan hiếm và giới hạn ra khỏi tâm trí của chúng ta, chúng ta có thể mở những nắm tay xiết chặt một cách thoải mái những gì chúng ta cất giấu cho chúng ta. Đó là thực tế những gì mà chúng ta cần nghe trong lúc kinh tế gieo neo và đầy thử thách này. Có đầy đủ cho mỗi người và chúng ta có thể giúp đỡ để mang những gánh nặng cho người khác. Không ai được phó thác hoặc bỏ lai phía sau.

Nhưng nó sẽ yêu cầu sự đáp lại và lòng hy sinh đúng mức bởi mỗi người. Đó là khi nào chúng ta từ bi và độ lượng mà quyền năng của Thiên Chúa có thể được biểu hiện cho chúng ta và thông qua chúng ta. Và cho đến lúc sự thiếu thốn hay khả năng sử dụng của Thiên Chúa - ảo tưởng đó nên tan biến như sương mù. Thiên Chúa luôn hiện diện với tất cả chúng ta, chúng ta không được giấu giếm Thiên Chúa cho những ai có hành động đúng dắn và những quan điểm trung thực. chúng ta có thể tự thứ tha những oán thù nếu chúng ta nhận thức bài học đó. Isaiah đoan kết với chúng ta rằng ngôn sứ của Thiên Chúa – sáng tạo và từ bi – được tuôn tàn trên thế giới và nó sẽ không báo động sự rút lui cho đến khi nó hoàn thành mục đích cùa nó. Và mục đích của nó là một thế giới của công lý, bình đẳng và hòa bình, nơi ấp ủ yêu thương và chia sẻ là những nguyên tắc thống trị.

Người ta giành được sự ra đời lần thứ hai với tư cách là caon Thiên Chúa bằng phung7 tiện cùa tình yêu – tình yê Thiên Chúa và tha nhân. John thật thà một cách vụng về với lời yêu cầu của mình rằng Chúa Jesus là Đức Christ. Đối với john, niếm tin có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn bản than, ý muốn và tự nguyện để được hun đúc giống nhũ hình ảnh của Đức Kitô. Điều răn của Chúa không đặt nặng là chống lại sự lừa dối – tình têu – nhưng tình yêu có nghĩa là cho đi tất cả bản thân, tình yêu là một thứ "vũ khí" mà chúng ta có thể chiến thắng và chinh phục thế giới. Tất cả những ý nghĩa đơn giản khác, níu kéo chúng ta chìm sâu hơn trong nỗi thống khổ của điều kiện con người

Nước, linh hồn, và máu mà John nói, tất cả được liên kết với lễ rửa của Chúa Jesus. Ngài đã phải chịu thử thách và bị cám dỗ, và Ngài đã biết vâng lời qua sự đau khổ. Và máu Ngài, máu giao ước vĩnh cửu của cuộc sống – Ngài đã sẵn sàng đổ ra vì lợi ích của muôn người. bầu trời xé toang, và tiếng nói của Thiên Chúa là dấu hiệu quan trọng xuyên lục địa của sự kiện này. Ranh giới giữa thiên đàng và thế gian tan biến trong giây lát, tạo sự trong sáng mà tu sỹ đang bước vào lĩnh vực con người.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, nó chỉ là sự bắt đầu. Tân ước chỉ nhấn mạnh tới một số đoạn mà chúng ta được mời đến trong mối quan hệ cùng là con cái – để trở nên con cái Chúa bởi sự chấp nhận. Thiên chúa không keo kiệt, và Chúa Jesus cũng không – cả hai đều hứa với chúng ta món quà phong phú nhất trên hết tất cả: giá trị tinh thần thiêng liêng của những món quà đến với những ai nhận nó với lòng thành tín. Tại sao chúng ta lại đeo đuổi những mục đích bất kỳ nào khác?

(Nguồn "Regis College – Toronto School of Theology")
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khước từ quyền sống của người khác là phủ nhận quyền sống của chính mình
Linh Tiến Khải
14:35 11/01/2009
Từ ngày 27 tháng 12 năm vừa qua không lực Israel đã liên tục dội bom và oanh kích các điểm trọng yếu của lực lượng Khamas, vì lực lượng này đã bắn hàng trăm hỏa tiễn Kassam vào các làng Ashqelon, Sderot và Netivot của Israel nằm gần biên giới dải Gaza. Các vụ dội bom và oanh kích của quân đội Israel đã khiến cho hơn 700 người Palestine thiệt mạng, trong đó có cũng hàng trăm trẻ em, và làm cho hơn 3.000 người khác bị thương. Từ đầu tuần qua hàng trăm xe tăng của Israel cũng đã vượt biên giới tấn công và bao vây thành phố Gaza. Mục đích của Israel là phá hủy đường hầm buôn khí giới với Ai Cập và triệt hạ các cứ điểm bắn hỏa tiễn Kassam của lực lượng Khamas. Có ba trường học do Liên Hiệp Quốc điều hành bị trúng bom, nặng nhất là trường học gần Jabalyia, khiến cho 42 người chết và 55 người bị thương, và hai trường học khác tại Khan Younes. Các vụ phong tỏa Gaza và hai tuần giao tranh vừa qua đã khiến cho cuộc sống của người Palestine vô cùng khốn khổ: không điện nước hơi đốt và thực phẩm. Các nhà thương không có đủ thuốc men và phương tiện săn sóc hàng ngàn người bị thương. Tổ chức Hồng Thập Tự Quốc Tế đã báo động tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong vùng Gaza. Tổ chức Liên Hiệp Quốc cho biết mặc dù được tiếp tế thực phẩm, nhưng 80% trên tổng số 1,4 triệu người Palestine sống tại Gaza không có khả năng sinh sống.

Kể từ khi lực lượng Khamas lên nắm quyền tại Gaza năm 2007, chính phủ Israel đã ra lệnh phong tỏa và đóng cửa mọi ngã thông thương với Gaza và chỉ cho phép các xe chở đồ cứu trợ được qua biên giới. Ngày mùng 7 tháng giêng vừa qua Israel đã chấp thuận ngưng bắn 3 tiếng mỗi ngày và thủ tướng thủ tướng Ehud Olmert đã cho phép mở hành lang nhân đạo để cho các đoàn xe tiếp vận chở xăng dầu và ngũ cốc vào Gaza cũng như tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho dân chúng, nhưng thời gian qúa ngắn không đủ cho công tác cứu trợ.

Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh của 177 nước đến trao đổi các lời chúc mừng đầu năm mới sáng ngày mùng 8 tháng giêng, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tái kêu gọi ngưng chiến tại Thánh Địa. Ngài cầu mong vùng này có các nhà lãnh đạo có khả năng đem lại hòa bình cho dân chúng. Trước đó trong buổi đọc kinh Truyền Tin với tín hữu trưa ngày lễ Hiển Linh Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi hòa bình cho Thánh Địa. Ngài mạnh mẽ khẳng định rằng: "Thù hận và khước từ đối thoại chỉ đưa tới chiến tranh”. Đức Thánh Cha khích lệ các sáng kiến và nỗ lực của tất cả những ai đang giúp đỡ người Israel và người Palestine chấp nhận ngồi vào bàn đối thoại hòa đàm với nhau.

Trước đó các Thượng Phụ, Giám Mục và giới lãnh đạo các Giáo Hôi Kitô Giêrusalem cũng đã ra thông cáo chung kêu gọi giới hữu trách của hai bên ngưng mọi hành động bạo lực chỉ gây tàn phá và chết chóc thương đau cho nhau, và tìm giải quyết vấn đề bằng các phương thế hòa bình. Các vị đặc biệt kêu gọi phía người Palestine chấm dứt các chia rẽ và xung khắc giữa các phe nhóm và để quyền lợi của người Palestine lên trên hết. Ngoài ra các vị cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế làm tất cả những gì có thể để giúp chấm dứt các cuộc tàn sát này.

Chương trình ngưng bắn và hòa đàm do tổng thống Ai Cập Mubarak và tổng thống Pháp Sarkozy đề nghị xem ra được các nước Âu châu, các nước A rập, người Palestine và người Israel chấp thuận. Nhưng lực lượng Khamas từ chối và thủ tướng Olmert của Israel tuyên bố Israel nhất quyết đạt mục đích cản ngăn các hoạt động khủng bố của Khamas chống lại Israel và việc buôn bán khí giới lậu với Ai Cập. Lực lượng Khamas không chấp nhận nghị quyết ngưng chiến tức khắc do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp thuận. Về phía Israel các tướng lãnh quân đội đồng ý với cuộc thương thuyết hòa đàm, nhưng ngoại trưởng Tzipi Livni và thủ tướng Ehud Olmert thì nhất định tiếp tục chiến tranh để triệt hạ lực lượng Khamas. Lý do chính là vì Israel sẽ có các cuộc bầu cử vào ngày mùng 10 tháng 2 tới đây. Trong khi chính quyền Palestine của tổng thống Abu Mazen cũng hết nhiệm kỳ trong tháng giêng này.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vì sáng ngày mùng 8 tháng giêng vừa qua từ miền nam Libăng đã có nhiều hỏa tiễn Katyusha được bắn sang mạn đông Galilea gây ra nhiều thiệt hại, đặc biệt tại làng Nahariya. Lực lượng chủ mưu có lẽ không phải là nhóm Hezbollah, mà là Mặt trận giải phóng Palestina hoạt động ở miền nam Libăng. Dân chúng miền nam Libăng và vùng Galilea lo sợ chiến tranh tái bùng nổ như hồi năm 2006 khiến. Hồi đó quân Hezbollah đã bắn 4.000 hỏa tiễn Katyusha và Israel đã liên tục bỏ bom miền Nam Libăng. Chiến tranh đã khiến cho hơn 1.200 người Libăng đa số là thường dân bị chết, và 160 binh sĩ Israel thiệt mạng.

Thật ra nút thắt của cuộc chiến là sự kiện cả hai phe không bên nào chịu chấp nhận ngưng bắn. Israel thì đòi Khamas phải ngưng bắn hỏa tiễn sang Israel và thôi mua khí giới và đưa du kích quân lậu vào từ Ai Cập, trong khi lực lượng Khamas thì đòi Israel thôi phong tỏa và oanh kích Gaza. Ngoài ra lực lượng Khamas được Iran và Siria yểm trợ vẫn duy trì lập trường xóa tên Israel khỏi bản đồ thế giới. Đây là yêu sách không tưởng, vì tuy chỉ có hơn 4 triệu dân, trên bình diện quân sự Israel dư sức đương đầu với 100 triệu dân của các nước A rập bao quanh. Do đó chỉ có một nguyên tắc có giá trị thôi: đó là hãy sống và để cho người khác sống. Hãy chung sống hòa bình, vì khước từ quyền sống của người khác cũng có nghĩa là phủ nhận quyền sống của chính mình.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng chục ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng
LM Trần Đức Anh, OP
14:43 11/01/2009
VATICAN -. Chiều 10-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ hàng chục ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Con đường này tại Roma. Ngài ca ngợi thành quả thiêng liêng và khích lệ các thành viên gia tăng vun trồng tình hiệp nhất.

Hiện diện trong cuộc gặp gỡ có ĐHY Giám quản Roma và ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và hàng chục Giám Mục. Ông Kiko Arguello, sáng lập Phong trào đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và giới thiệu lên ngài các cộng đoàn: bắt là Cộng đoàn các thánh Tử đạo Canada, gồm 49 người lớn và 100 người con. Đây là cộng đoàn đầu tiên của Phong trào này được thành lập tại giáo xứ Các thánh Tử Đạo ở ngoại ô Roma cách đây 40 năm với mục đích dẫn đưa những người đã xa lìa Kitô giáo trở về cùng Giáo Hội. Hai vị cũng nói về thành quả mà Chúa Thánh Linh khơi dậy trong 40 năm lịch sử Con đường Tân Dự Tòng.

Ông Kitô cũng giới thiệu 15 cộng đoàn Con đường Tân Dự Tòng, mỗi cộng đoàn có từ 30 đến 60 người ở Roma. Họ đã hoàn tất hành trình Tân Tự Tòng, và với sự đồng ý của các cha sở cũng như ĐHY Giám quản Roma, họ sẵn sàng lên đường như những ”cộng đoàn truyền giáo” tại vùng vùng rất khó khăn và bị tục hóa ở ngoại ô Roma, trợ giúp các cha sở tại đây. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, không phải 1 cá nhân hay 1 gia đình, nhưng là cả một cộng đoàn cùng nhau ra đi truyền giáo. Ngoài ra có 200 gia đình lưu động mới và 700 giáo lý viên lưu động phụ trách Con đường Tân dự tòng tại nhiều quốc gia cũng hiện diện. Các giáo lý viên này họp thành ban huấn luyện và giảng huấn. Khi được giới thiệu, các cộng đoàn được mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Ông Kikô cho biết các gia đình trong Con đường Tân Dự Tòng thường đông con, trung bình là 5 người.

Hiện nay, Con đường Tân Dự Tòng hiện diện tại 120 quốc gia 5 châu, với 20 ngàn cộng đoàn tại hơn 5.500 giáo xứ. Riêng tại Italia có 5 ngàn cộng đoàn với tổng cộng 200 ngàn người lớn, không kể đông đảo các trẻ em. Tại Roma có 500 cộng đoàn tại 103 giáo xứ. Ngoài ra, có 72 đại chủng viện của Con đường Tân Dự tòng đào tạo các LM hoạt động theo hướng đi của Con đường. Thêm vào đó có 4 ngàn nữ tu chiêm niệm xuất phát từ Con đường này.

Hồi tháng 6 năm ngoái (2008), qui chế của Con đường Tân Dự Tòng đã được Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân phê chuẩn chung kết, và được nhìn nhận như một ”phương thức hoạt động ở giáo phận nhắm khai tâm Kitô giáo và giáo dục trường kỳ về đức tin” (Qui chế, số 1).

Ngỏ lời với mọi người sau bài đọc Tin Mừng, ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu thành quả thiêng liêng Giáo Hội đã gặt hái được qua phương pháp của Con đường Tân Dự Tòng. Bao nhiêu năng lực tông đồ tươi mát đã được khơi dậy nơi các linh mục và giáo dân! Bao nhiêu người nam nữ và các gia đình trước kia đã xa lìa cộng đoàn Giáo Hội hoặc bỏ thực hành đời sống Kitô, nhưng đã tìm lại được niềm vui đức tin và hăng say làm chứng tá Tin Mừng nhờ những lời giảng và hành trình tái khám phá bí tích rửa tội!

ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các vị lãnh đạo và thành viên Con đường Tân Dự Tòng luôn nỗ lực phát triển sự hiệp nhất, tuân theo chỉ dẫn của các vị Chủ Chăn và ngài nhấn mạnh rằng: ”Sự hiệp nhất của các môn đệ Chúa là điều thuộc về yếu tính của Giáo Hội và là điều kiện không thể thiếu để hoạt động truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội được phong phú và đáng tin cậy.. Trong khi tôi khích lệ anh chị em hãy tiếp tục theo đuổi sự dấn thân này, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy gia tăng sự gắn bó với tất cả các chỉ thị mà ĐHY Giám quản, người cộng tác trực tiếp của tôi trong việc chăm sóc giáo phận. Sự hội nhập của Con đường vào chương trình mục vụ của Giáo Phận và sự hiệp nhất với các thực tại khác của Giáo Hội sẽ mưu ích cho toàn thể dân Chúa và làm cho nỗ lực của giáo phận thêm phong phú hơn trong việc canh tân việc rao giảng Tin Mừng trong thành phố chúng ta”.

Sau cùng, ĐTC đề cao một thành quả thiêng liêng khác, đó là có đông đảo các LM và tu sĩ xuất thân từ các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng, và đang dấn thân hoạt động tông đồ trong các giáo xứ và giáo phận, hoặc như những nhà truyền giáo lưu động tại nhiều quốc gia. (SD 10-1-2009)
 
Những cơ sở tiếp tế quan ngại cho thường dân trong vùng giao chiến Israel - Hamas
Tú Nạc
15:18 11/01/2009
OTTAWA – Những cơ sở tiếp tế Công giáo đã đưa ra những quan ngại về số thường dân ở Gaza vì chiến tranh ngày càng khốc liệt giữa Israel và Hamas.

Tổ Chức Phát triển và Hòa Bình Công Giáo Canada (The Canadian catholic Organization and Peace) và Hội Phúc Lợi Cận Đông Công Giáo Canada (Catholic Near East Welfare Association Canada) đã dẫn lời kêu gọi của DGH Benedict XVI là ngưng bắn lập tức vô điều kiện.

"Tại thời điểm này, lời yêu cầu và sự quan tâm chủ yếu của chúng tôi là số thường dân mắc kẹt trong vùng giao tranh giữa Israel và Hamas," giám đốc chương trình Phát Triển và Hòa Bình Quốc Tế (Development and Peace program,) Gilio Brunell đã nói.

"Lưu ý 4,000 người Kitô giáo ở Gaza là điều quan trọng,"Carl Hetu, tổng thư ký CNEWA đã lên tiếng, người mà đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của những tồ chức Công giáo dàn xếp hòa bình và hòa giải.

Brunelli nói rằng ông nhận thấy những căn nguyên phức tạp của cuộc xung đột, nhưng ông đã nhấn mạnh "cả hai phía phải buông vũ khí của mình vô điều kiện." Cuộc sống của hàng chục ngàn người không có công ăn việc làm vì cuộc chiến tranh đã gây ra.

"Hoàn cảnh rất tồi tệ, nhiều người phải nằm trên đường phố vì không ai có thể giúp đỡ họ."

Brunelli nói quân đội Israel đang làm cản trở những tổ chức nhân đạo và những nhà báo vào Gaza. Khoảng 1.5 triệu người đang sống ở đó đã can kiệt lương thực và khan hiếm nước, điện đã bị cắt và nhiên liệu dùng cho máy phát điện không còn.

"chúng tôi muốn tất cả hai bên phải tôn trọng những công ước quốc tế, và những tổ chức nhân đạo được tiếp xúc với những nạn nhân của cuộc xung đột,"Brunelli nói.

Theo những báo cáo của Jerusalem Post, quân đội Israel đang cho vận chuyển những xe tải cứu trợ nhân đạo, nhưng Hetu nói quân đội Israel đã chặn tiếp tế ở bên ngoài khoảng hai tháng trước ngày xâm chiếm 28 tháng 12 năm 2008.

Khi cả hai Hetu và Brunelli bày tỏ những quan tâm về những cuộc tấn công hỏa tiễn từ phe Hamas vào những thường dân Israel rằng đã dẫn đến cuộc xâm chiếm này, họ cũng lưu ý Israel mở lối vào cho việc chăm sóc y tế, thực phẩm và nước uống.

Hetu nói để thuyết phục người ta ủng hộ việc cứu trợ nhân đạo ở Gaza thật là khó khi mà cuộc đấu tranh được mô tả như một cuộc xung đột tôn giáo. Ông hồi tưởng một nguồn tin cho biết nơi mà một quân nhân Do Thái và một chiến binh Hamas cả hai đang cầu nguyện xin Chúa cho phía bên của mình thắng.

Những cơ sở tiếp tế lo lắng về những dân thường kẹt trong vùng giao tranh. Nhũng người Kitô giáo đang cầu nguyện cho hào bình, sự chú ý đến việc cứu trợ từ những tổ chức Công giáo như CNEWA và Development and Peace tới mọi người là điều cần thiết, không phân biệt tôn giáo.
 
Giám Đốc AsiaNews được giải thưởng báo chí Giuliano Ragno 2008
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:53 11/01/2009
Milan (AsiaNews) – Cha Bernardo Cervellera, nhà truyền giáo của PIME (Học viện Giáo Hoàng Truyền giáo Hải ngoại), được công nhận là người đã "lưu tâm một cách thiết tha, sắc sảo và tỉ mỉ đối với các sự kiện ở Á Châu". Hôm thứ Bảy 10/01 ngài đã nhận được "giải thưởng Giuliano Ragno dành cho báo chí", giải thưởng được đặt ra nhằm tưởng nhớ một nhà báo vĩ đại và là và Phó giám đốc tờ "Avvenire", người đã sớm qua đời vào năm 1998.

Giải thưởng này được tạp chí Công Giáo cùng với gia đình Ragno thiếp lập để trao giải thưởng hàng năm cho ký giả đã xuất sắc trong việc viết ra những sự kiện và các vấn đề trên vũ đài quốc tế. Giải thưởng năm 2008 đã được trao tại văn phòng của Milan của "Avvenire", trong bầu khí đơn sơ và giản dị của tình bè bạn, với sự hiện diện của Enrica, quả phụ của Giuliano, các con, các cháu họ, và Giám đốc "Avvenire", Dino Boffo, ký giả Elio Maraone, và các đồng nghiệp khác.

Bà Enrica nói rằng giải thưởng năm 2008 “là lần thứ mười”, cũng là 40 năm "Avvenire" hoạt động: trong số những người nhận giải từ năm 1998 đến nay, chúng ta phải công nhận "một sự cống hiến cho công việc và sự hiện diện mang tính cách nhà nghề trong tất cả những người tham gia vào tờ báo". Trước đó, Giám đốc Boffo cho hay rằng: "Cha Cervellera cũng đại diện cho các lý tưởng của báo chí mà giải thưởng thiết lập", ông nhấn mạnh đến những đóng góp của nhà truyền giáo đối với "Avvenire" trong các lĩnh vực tường thuật, phân tích, xã luận, đặc biệt là các chủ đề tinh tế như mối quan hệ ngoại giao giữa Giáo Hội và Trung Quốc.

Cha Cervellera nhắc lại đề nghị của Giuliano Ragno cho một bài tường thuật từ Libăng đã bắt đầu mang đến sự cộng tác của ngài với "Avvenire". Sau đó ngài nói đến tình yêu của mình dành cho Á Châu, nơi không còn là điểm đến "kỳ lạ", nhưng là nơi tham gia tích cực vào nền kinh tế và chính trị thế giới. Nhờ đóng vai trò "hòa giải văn hóa" của người công Giáo, những người trong lĩnh vực này là nhà truyền giáo đích thực – Á Châu được kêu gọi mở ra chính nó đối với văn hóa của nhân quyền và tự do tôn giáo.

Cha Cervellera, nhà truyền giáo của PIME, là giám đốc của Thông Tấn Xã Tin Tức Á Châu "AsiaNews" từ năm 2003. Sinh ra tại Grottaglie (Taranto) ngày 20/08/1951, ngài đã là chủ bút của "Mondo E missione". Từ năm 1997 đến 2002, ngài điều hành Thông Tấn Xã "Fides". Từ 1995-1997, ngài sống tại Bắc Kinh, nơi ngài giảng dạy lịch sử văn minh Phương Tây tại trường Đại học Beida.

Được biết, từ cuối năm 2007, khi sự kiện Tòa Khâm Sứ và Giáo xư Thái Hà nổ ra ở Việt Nam, Thông Tấn Xã Tin Tức Á Châu (AsiaNews) đã luôn đồng hành cùng VietCatholic trong việc loan báo cho thế giới biết về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam cũng như những bách hại, ngược đãi của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với người Công Giáo.
 
Bà mẹ và bốn cô con gái cùng tử đạo là kiểu mẫu của gia đình Kitô giáo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:54 11/01/2009
Mexico City (CNA). - Trong số năm gia đình mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn như là vai trò kiểu mẫu cho Hội nghị Thế giới các Gia đình lần thứ 6 có gia đình của Maria Teresa Ferragud Roig, người đã chịu chết vì đạo cùng với bốn cô con gái trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Theo Thông Tấn Xã AVAN, Maria Teresa, người được sinh ra ở Algemesi, đã được 83 tuổi vào ngày 25/10/1936, vào ngày Lễ Kitô Vua, bà xin được tháp tùng bốn cô con gái, đều là các nữ tu chiêm niệm đến nơi hành quyết. Bà cũng đã xin những người hành quyết cho bà được hành quyết sau cùng, để khích lệ từng cô con gái của bà can đảm chết cho đức tin. Năm người phụ nữ đã chết vào ngày đó ở Alzira (Valencia) và năm 2001 đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cùng với 229 vị tử vì đạo khác của vụ ngược đãi các tôn giáo vào năm 1936.

Ramón Fita, một viên chức thuộc Ủy ban Giáo phận về án phong thánh cho Thông Tấn Xã AVAN cho hay rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lựa chọn gia đình Ferragud như là một gia đình kiểu mẫu của gia đình Kitô giáo là "một niềm vui cho giáo phận của chúng tôi và cho Giáo Hội hoàn vũ". Fita cho hay bốn cô con gái của Maria Teresa Ferragud đã ẩn náu ở nhà trong thời gian cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra. Các binh lính đã bắt các nữ tu, nhưng bà mẹ "muốn đi theo họ và không để họ bị bỏ rơi", bà nói với những người hành hình: ‘Bất cứ nơi nào con gái tôi đến, thì tôi cũng đến’.

Ba trong số các nữ tu, Maria Jesus, Maria Felicidad và Maria Veronica là nữ tu Dòng Thánh Clare Hèn Mọn, trong khi cô thứ tư, Josefa, là nữ tu Dòng Thánh Augustinô Đi chân đất.

Bốn gia đình khác được chọn đóng vai trò kiểu mẫu của Hội nghị Thế giới các Gia đình gồm gia đình Basilio và Emilia, những người sống ở thế kỷ 4 ở Thổ Nhĩ Kỳ và đã có chín người con, bốn người trong họ đã hiển thánh; Thượng Nghị sĩ Gordiano Silvia và phu nhân Silva, là song thân của Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (540-604), những người sống trong thế kỷ 6; Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quaatrochi của thế kỷ 20, là cặp vợ chồng đầu tiên cùng được phong á thánh; Chân phước Louis Martin và Marie Zelie Guerin, những người sống trong ở thế kỷ 19 và là song thân của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Hội nghị Thế giới các Gia đình lần thứ 6 sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 18/01 tại Mexico City.
 
Nhiều tranh luận tiếp tục về lý do con số các nữ tu giảm
Bùi Hữu Thư
17:11 11/01/2009

Nhiều tranh luận tiếp tục về lý do con số các nữ tu giảm



Cindy Wooden, Catholic News Service

VATICAN
(CNS) – Các thống kê cho thấy chắc chắn con số các nữ tu đã suy giảm rất nhiều trong 50 năm qua, nhưng vẫn có nhiều cuộc tranh luận về các lý do gây nên sự thuyên giảm này.

Câu hỏi này được nêu lên mới đây bởi Nhật Báo L'Osservatore Romano, tờ báo của Tòa Thánh, yêu cầu một linh mục nghiên cứu một cuốn sách do một linh mục khác viết về hiện tượng này.

Linh mục Ý Dòng Clara Angelo Pardilla, tác giả cuốn "Các Tu Sĩ, Hôm Qua, Hôm Nay và Ngày Mai” (Religious Yesterday, Today and Tomorrow,) cho hay lý do chính về sự suy giảm là nhiều tu sĩ hiểu nhầm giáo huấn của Công Đồng vatican II và để mất cá tính.

Cha nêu lên một chứng cớ là con số các tu sĩ đã khấn – cả nam lẫn nữ -- đã suy giảm rất nhiều kể từ Vatican II, ngoại trừ trong các dòng chiêm niệm vẫn mặc áo dòng và sống một đời sống cộng đồng chặt chẽ.

Nhưng Linh Mục Giancarlo Rocca, một học giả về lịch sử các dòng tu, phân tích luận đề của cha Padilla trong một bài bỉnh bút đăng trong báo Vatican.

Cha Rocca đồng ý với cha Pardilla là các dữ kiện khiến cho có sự suy giảm gồm có các chủ nghĩa vật chất, tục hóa, và phong trào chống lại quyền bính vào cuối thập niên 1960 và con số con cái trong các gia đình suy giảm.

Nhưng cha nói việc hiểu nhầm Công Đồng Vatican II không thể là nguyên nhân chính, vì tại nhiều nơi, con số suy giảm ngay từ thập niên 1930, trước khi Công Đồng được khai mở năm 1962.

Với cha Father Rocca, điều chính yếu là việc giải phóng phụ nữ.

Ngài nói, trước đây, sự lựa chọn cho phụ nữ chỉ là lấy chồng hay đi tu. Không có gì ngạc nhiên là các dòng tu bị ảnh hưỏng nhiều nhất là những dòng chuyên về giáo dục và y tế -- hai nghề trước đây chỉ dành cho các phụ nữ độc thân.

Sơ Carol Regan, bề trên tổng quyền của Dòng Holy Union of the Sacred Hearts và một thành viên của Uỷ Ban Điều Hành Hiệp Hội Quốc tế các Bề Trên Tổng Quyền, nói, “gán cho việc hiểu nhầm Vatican II là lý do của sự suy giảm thì quá dễ dàng."

Đối với Dòng Holy Union, rất mạnh tại Pháp và Bỉ, Sơ Regan nói, “sự suy giảm con số các tập sinh bắt đầu ngay từ thập niên 1950, có lẽ ngay cả vào cuối thập niên 1940, nói cách khác ngay sau Thế Chiến Thứ II với tất cả những thảm họa xẩy đến với lục điạ Âu Châu. Phong Trào phụ nữ và các lựa chọn rộng rãi hơn hiển nhiên đã khiến cho phụ nữ thay đổi thái độ về đời sống tu trì.

Sơ Regan nói dòng của sơ chỉ còn phân nửa con số của năm 1965, nhưng đang phát triển tại Phi Châu, nhất là tại Cameroon và Tanzania.

Sơ Đa Minh Phương Nhi từ Houston đang mời gọi các Thiếu Nhi tìm hiểu đời sống tu trì trong Thánh Lễ ngày 10/1/09 tại GX/CTTD Arlington


Khóa Tĩnh Huấn các nữ tu Miền Trung Đông Hoa Kỳ tại Dòng MTG Đà Lạt Fairfax, VA 2008
 
Bốn Mươi Năm Sự Sống Con Người
Vũ Văn An
23:16 11/01/2009
Bốn Mươi Năm Sự Sống Con Người

Bốn mươi năm sau, thông điệp Sự Sống Con Người vẫn là thông điệp thời danh nhất nhưng có lẽ được hiểu biết ít nhất trong lịch sử. Đó là nhận định của Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney. Theo ngài, giáo huấn của Giáo Hội trong lãnh vực này tiếp tục bị người đời coi là không thể áp dụng nổi, là không ăn nhậu gì với họ, thậm chí còn vô trách nhiệm nữa. Đó quả là cái nhìn hết sức sai lầm về phương diện luân lý và là nguồn gốc gây nhiều căng thẳng đối với cuộc sống vợ chồng. Như đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI mới đây cho hay: “Nếu thực hành tính dục trở thành thuốc mê giúp người ta buộc được người bạn đời trở thành nô lệ cho dục vọng và ý thích của mình, không hề tôn trọng chút nào đối với chu kỳ của người mình yêu, thì điều cần bênh vực không còn phải chỉ là quan niệm về tình yêu nhưng trước tiên phải là phẩm giá của con người”. Đức Hồng Y nói tiếp: “Giáo Hội luôn bác bỏ bất cứ can thiệp vào thân xác hay hành vi vợ chồng nào chủ yếu tách biệt việc tạo tình khỏi việc tạo sống. Giáo huấn này đặt cơ sở trên các chân lý trường cửu và phổ quát về con người nhân bản, về tính dục, về hôn nhân và gia đình”.

Quan điểm của Đức Phaolô VI

Mấy lời trên của Đức Hồng Y Pell là để giới thiệu tờ truyền đơn do Văn Phòng Sự Sống của Tổng Giáo Phận Sydney phân phối, tựa là “Humanae Vitae: a letter about life-giving love” (Sự Sống Con Người: một lá thư về tình yêu trao ban sự sống) nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ban hành bức Thông Điệp thời danh kia. Tờ truyền đơn này cho hay: trước khi thông điệp này được ban hành, nhiều người bị hướng dẫn sai đến độ tin rằng Giáo Hội sẽ nới rộng giáo huấn về vấn đề ngừa thai, nhất là về việc dùng thuốc viên ngừa thai. Niềm tin ấy đem đến nhiều bối rối và chia rẽ giữa các người Công Giáo. Điều đáng buồn là phần lớn các cuộc thảo luận lúc ấy, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, chỉ nhằm gây nóng mà không gây sáng cho người đọc. Cả ngày nay nữa, nhiều người vẫn chưa có dịp được nghe điều giáo huấn Công Giáo thực sự nói gì về hôn nhân, tính dục và con cái.

Nhìn trở lui, ta thấy bất cứ chờ đợi thay đổi nào trong giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai đều không thực tiễn. Vì việc bác bỏ ngừa thai luôn là phần thường hằng trong đời sống và đức tin của Giáo Hội, và mới đây đã được tái khẳng định bởi Đức Piô XI (Casti Connubii, 1930) và chính Công Đồng Vatican II. Thực ra, mọi hệ phái Kitô Giáo đều nhất trí chống lại việc ngừa thai, cho tới mãi thập niên 1930, Giáo Hội Anh Giáo mới rời hàng ngũ và sau đó được một số hệ phái khác đi theo. Người ta gây áp lực rất mạnh đòi Đức Phaolô VI phải bước theo khuynh hướng ấy, trong số ấy, só sự thúc ép của đa số thành viên trong ủy ban đặc biệt do Đức Giáo Hoàng thiết lập để cố vấn cho ngài về vấn đề này. Ủy ban đặc biệt ấy có sự tham gia của nhiều cặp vợ chồng, một số bác sĩ và khá nhiều chuyên gia thần học. Nhưng dù chăm chú lắng nghe và xem sét khuyến cáo của họ, Đức Phaolô vẫn thấy ngài có nhiệm vụ phải chăn dắt Dân Chúa bước theo con đường nhất quán với giáo huấn thường hằng của Giáo Hội. Chỉ vì giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, tính dục và con cái vừa có tính phổ quát vừa vượt thời gian.

Suy tư của một cặp vợ chồng

Giêrêmi, 31 tuổi, làm nghề thợ mộc tâm sự: “Khi quyết định lấy nhau, chúng tôi nhất quyết luôn mở cửa đón chào sự sống mới. Khởi đầu, chúng tôi không mấy rõ ràng về các hy sinh mình phải làm, nhưng phần thưởng thì lại dễ tưởng tượng. Những phần thưởng như niềm vui được bồng bế đứa con lần đầu; được nhìn mỗi đứa con lớn lên, bắt đầu biết mỉm cười khi nghe tiếng cha, chạy lại đón cha đi làm về và thưa với cha, như cháu Michael, đứa con thứ ba hay thưa với tôi lúc cháu mới hai tuổi đầu: “con yêu ba lắm, suốt ngày suốt đêm!”. Gia đình chúng tôi chỉ có một nguồn thu nhập, nên việc có khả năng có thêm con luôn là vấn đề đối với chúng tôi, vì khả năng tài chánh của chúng tôi rất giới hạn. Tuy nhiên, việc ấy cũng đã trở thành một phần thưởng, một niềm sảng khoái bí ẩn, vì hiếm khi có tiền dư, nhưng chúng tôi không bao giờ thiếu tiền. Vả lại các con vẫn luôn là phần thưởng tối hậu đối với chúng tôi.

Catarina, 31 tuổi, làm vợ và làm mẹ cho hay: “Ở tuổi 22, tôi rất sợ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi mình sẵn sàng chào đón sự sống và không biết mình phải xoay xở ra sao. Thế rồi tôi thấy rằng phó thác cho ý Chúa luôn là phần thưởng to lớn hơn cả. Học trở lại làm con trẻ, tin tưởng nắm tay Chúa và bước theo nẻo đường Người muốn tôi đi đã đem lại niềm an bình trên. Tôi thấy mở cửa chào đón sự sống đôi khi cũng có nghĩa là mở cửa chào đón cái chết, chết nhiều lần trong một ngày cho chính mình và đôi khi cảm nghiệm cái chết của một đưa con khi sẩy thai. Thai nghén mang lại thật nhiều thánh giá: đau buổi sáng, sầu buồn buổi chiều, lên cân, lên kí… rồi đau đẻ và chính lúc sinh, sao mà khủng khiếp và đau đớn đến thế! Mỗi lần kinh qua những chuyện ấy tôi chỉ muốn ước chi được làm việc khác và tự hỏi liệu có cách nào khác không? Nhưng nào đâu có cách gì khác! Bạn phải chịu đựng thôi. Tuy nhiên, tôi thấy phần thưởng “nặng kí” hơn hy sinh nhiều lắm, phải hơn tới bẩy lần rưỡi chắc! Chúa không bao giờ bị người ta qua mặt về lòng độ lượng của Người.

Hậu quả bản thân và văn hóa của ngừa thai

Thông điệp Sự Sống Con Người đưa ra nhiều lời cảnh cáo về các hậu quả tiêu cực thuộc bản thân và văn hóa của việc phổ thông chấp nhận ngừa thai. Đức Phaolô VI tiên đoán rằng một cách tổng quát, ngừa thai sẽ hạ thấp nền luân lý trong xã hội, gia tăng các bất trung phu phụ, mất lòng kính trọng đối với phụ nữ và các cơ quan công quyền sẽ bắt buộc người dân phải ngừa thai. Thời ấy, ai cũng bác bỏ các tiên đoán ấy, nhiều người, cả trong Giáo Hội, còn chế riễu các nhận định ấy nữa. Họ cho rằng ngài là người cản đường tiến bộ và hạnh phúc con người. Chuyện các tiên tri bị người cùng thời chỉ trích xem ra đã quá thông thường! Nhưng bốn mươi năm qua, quả tình việc ngừa thai trở thành phổ biến và các tiên đoán của Đức Phaolô đã trở thành sự thực.

*Ngừa thai khiến cho việc làm tình ‘vô tội vạ’ trở nên dễ dàng hơn. Chính vì thế mà các vụ làm tình ngoài hôn nhân đã gia tăng khủng khiếp và cùng với chúng là vô số các vụ ly dị, thai nghén ‘ngoài kế hoạch’, phá thai và bệnh hoa liễu. Trong các nước cho phép ngừa thai, nạn phá thai đã gia tăng chứ không giảm thiểu.

* Nhiều dấu hiệu cho thấy lòng kính trọng đối với phụ nữ đã giảm đi. Các nghiên cứu gần đây cho thấy: 40% thiếu nam thuộc lớp tuổi 16-17 đã cố ý lục lọi các trang mạng khiêu dâm; một trong sáu người đàn ông Úc mua dâm vào một thời điểm nào đó trong đời; và 20% phụ nữ trình báo đã bị cưỡng bức hay đe doạ phải tham gia các sinh hoạt tính dục mà họ không muốn.

Nhiều phụ nữ đã phải một mình mang lấy gánh nặng do các phản ứng phụ về thể lý và tâm lý của thuốc viên ngừa thai đem lại, như tính khí thất thường, hết ham làm tình, lên cân, gia tăng nguy cơ ung thư và đột qụy.

Ngay trong các cuộc hôn nhân trước đây vốn lành mạnh, thuốc viên ngừa thai khiến một số phụ nữ cảm thấy mình bị chồng rẫy bỏ hay coi thường. Trái lại, khi dùng các phương pháp tự nhiên, phụ nữ thấy chồng họ hiểu họ hơn và biết đánh giá được chu kỳ sinh nở tự nhiên của họ, các thời kỳ không sinh nở cũng như các nhu cầu thể lý và xúc cảm luôn thay đổi của họ.

* Tại khắp các nước đang phát triển, các chương trình cưỡng bách kiểm soát dân số đang sử dụng thuốc ngừa thai, mà không đếm xỉa gì tới các nhậy cảm văn hóa và tôn giáo của nơi đó, hay nguyện vọng muốn giải quyết các nhu cầu khẩn trương hơn như nạn đói, nạn nghèo và bất ổn chính trị. Xin đơn cử trường hợp cực đoan là Trung Hoa với chính sách một con và thói quen cưỡng bức phá thai. Oái oăm thay, trong nhiều quốc gia đã phát triển, tỷ suất sinh đẻ xuống thấp hơn mức thay thế dân số đến độ họ đang tự “ngừa thai” để tự loại mình ra khỏi cuộc hiện sinh. Theo Liên Hiệp Quốc, tỷ suất sinh nở dưới mức thay thế dân số sẽ xẩy ra tại 75% thế giới phát triển vào năm 2050.

Sở dĩ Đức Phaolô tiên đoán được các hậu quả tai hại trên không hẳn vì ngài có khả năng siêu thường nhìn thấu tương lai, mà chỉ vì Ngài được Chúa Thánh Thần soi sáng. Các lời cảnh cáo của ngài đã trở thành sự thực vì ngài hiểu rõ ngừa thai đi ngược lại kế hoạch Thiên Chúa muốn ta sống và yêu thương tốt xiết bao. Ngài không nói: nghừa thai sai vì các hậu quả xấu của nó, nhưng ngài muốn nói rằng nó đem lại hậu quả xấu vì nó sai.

Bản chất hôn nhân và tính dục

Muốn hiểu tại sao ngừa thai la việc sai lầm, ta phải hiểu hôn nhân và tính dục hệ ở điều gì? Ta biết hôn nhân là cộng đoàn sống và yêu thương. Tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà có mục đích giúp chúng ta thoáng nhìn thấy tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho mỗi người chúng ta. Thông điệp Sự Sống Con Người giải thích rằng: tình yêu phu phụ bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng vốn “là tình yêu”. Vợ chồng được mời gọi yêu thương nhau cùng một cách như Thiên Chúa yêu thương ta nghĩa là bằng một tình yêu tự do, trọn vẹn, trung thành và nhiều hoa trái.

Điều ấy đã được phát biểu trong các lời thề hứa mà hai vợ chồng đã long trọng cam kết trước mặt Chúa và cộng đoàn:

* Hiến mình cho nhau trong hôn nhân (tự do, trọn vẹn)

* Yêu thương và kính trọng nhau suốt đời (trung thành)

* Yêu thương chấp nhận con cái và dưỡng dục chúng theo luật Chúa Kitô và Giáo Hội (nhiều hoa trái).

Tình yêu nào cố ý loại bỏ bất cứ điều nào kể trên sẽ không phải là tình yêu phu thê. Tình yêu phu thê đòi được nuôi dưỡng trong mọi chiều kích của nó, nếu ta muốn nó vững mạnh.

Tính dục là tình yêu trao ban sự sống

Thông điệp Sự Sống Con Người dạy rằng tính dục có hai ý nghĩa không thể nào tách biệt được nhau. Nó là hành vi kết hợp đầy yêu thương giữa đôi vợ chồng. Nó cũng là hành vi hợp tác một cách cởi mở và độc đáo với Thiên Chúa trong việc tạo ra sự sống mới. Tính dục vì thế vừa có tính kết hợp vừa có tính phụ tạo (procreative); vừa trao ban tình yêu vừa trao ban sự sống.

Nó không phải là một tùy thể; một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa là: kếp hợp tính dục tham dự vào chính quyền lực trao ban sự sống của Chúa. Mục đích của tính dục là để sau cùng nói rằng hôn nhân là liên hệ sống với nhau và yêu thương nhau suốt đời. Trong “Thần Học Thân Xác”, Đức Gioan Phaolô II nói rằng thân xác con người có ngôn ngữ đặc thù và độc đáo riêng. Trong ngữ cảnh hôn nhân, tính dục là ngôn ngữ thân xác (body language) nói lên các lời thề nguyền khi kết hôn, nghĩa là cam kết yêu thương nhau cách tự do, trọn vẹn, trung thành và nhiều hoa trái.

Nếu ta tự ý tách biệt các chiều kích trao ban tình yêu (kết hợp) và chiều kích trao ban sự sống (phụ tạo) của tính dục bằng cách ngừa thai, ta đã thay đổi hẳn ý nghĩa hành vi tính dục của ta. Hành vi cố ý triệt sản trong lúc giao hợp đã thay đổi hẳn chữ “có” của công thức kết hôn thành “không có”. Nó đi ngược hẳn ngôn ngữ thân xác của hai vợ chồng, như thể muốn nói: “anh trao cho em trọn con người anh, trừ khả năng sinh sản” hay “em chấp nhận trọn con người anh ngoại trừ khả năng sinh sản của anh, bởi em không muốn chấp nhận khả thể có con với anh”.

Bất kể hai vợ chồng yêu thương nhau ra sao, nhưng nếu họ ngừa thai, họ không thể hiến mình cho nhau một cách tự do, trọn vẹn, trung thành và với nhiều hoa trái theo gương Chúa Kitô. Họ liều mình chỉ coi nhau như dụng cụ gây khoái cảm hơn là người yêu của nhau.

Họ cũng loại Thiên Chúa khỏi việc tạo tình của họ. Tính dục có mục đích nói lên tình yêu trao ban sự sống của Thiên Chúa trong thế gian. Khi nó sẵn sàng tiếp nhận khả thể sinh ra những đứa con, nó chính là không gian thánh thiêng của Thiên Chúa. Ngừa thai là đóng cửa đối với Thiên Chúa.

Các cặp vợ chồng được mời gọi kính trọng ý nghĩa của tính dục và lời thề hứa lúc kết hôn bằng cách tránh né bất cứ điều gì có thể ngăn cản không cho họ mở lòng ra với nhau và mở lòng chào đón khả thể có những sự sống mới.

Mỗi một và mọi hành vi tính dục cần phải sẵn sàng mở ra chào đón khả thể có con nếu hai vợ chồng muốn trung thực với lời hứa lúc kết hôn của họ. Chỉ mở lòng chào đón khả thể có con trong một vài giai đoạn nào đó của cuộc sống lứa đôi thì không đủ, vì như thế hóa ra ta muốn nói mình có thể trung thành với nhau suốt cuộc hành trình hôn nhân nhưng không cần mỗi một và mọi hành vi giao hợp phải cùng thực hiện với nhau.

Tuy nhiên, điều trên không có nghĩa: vợ chồng chỉ được làm tình với nhau khi họ còn hy vọng có con với nhau. Nó chỉ có nghĩa: họ chỉ nên làm tình với nhau khi họ muốn làm mới lại cam kết kết hôn và do đó, mở lòng ra chào đón khả thể có mang.

Ai cũng biết, vợ chồng có thể làm tình trong thời gian người vợ không thể thụ thai theo chu kỳ kinh nguyệt mà không hề vi phạm cam kết kết hôn chút nào. Sự kiện không có thai nghén tiếp theo hành vi làm tình kia là kết quả việc làm của Chúa, chứ không phải việc của họ.

Các phương pháp tự nhiên

Các phương pháp tự nhiên nhằm kiểm soát việc sinh nở rất hợp luân lý. Cặp vợ chồng được dạy phải theo dõi các dấu hiệu có thể có thai và không thể có thai trong chu kỳ rụng trứng của người đàn bà, để họ có thể giao hợp đúng lúc hoặc là để tránh thai nghén hoặc là để có thai.

Các phương pháp hiện đại tự nhiên nhằm kiểm soát việc sinh nở hiện rất hữu hiệu. Các phương pháp này có thể thành công với bất cứ phụ nữ nào, kể cả những người có kinh kỳ không đều, đang cho con bú hay tiền tắt kinh. Bạn có thể học hỏi thêm vấn đề này tại trang mạng www.totalgift.org

Dùng các phương pháp tự nhiên để cách quãng các lần thai nghén vì các lý do chính đáng có khác với việc sử dụng các phương tiện ngừa thai. Vợ chồng nào dùng phương pháp tự nhiên chỉ giữ mình (abstain) không giao hợp lúc có thể mang thai, trong khi các cặp vợ chồng ngừa thai thì triệt sản hành vi giao hợp lúc có thể mang thai. Không như cặp vợ chồng dùng phương pháp tự nhiên, các cặp ngừa thai đã cố ý làm một điều gì đó thay đổi hẳn ý nghĩa hành vi tính dục của họ; họ thực hiện một điều ngăn cản họ không hoàn toàn mở cửa chào đón nhau và chào đón khả thể tạo ra sự sống mới.

Quyết định tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, tính dục và gia đình không hẳn là không có thách thức. Nhưng dù không ai nên giả đò cho rằng việc ấy dễ dàng, với Thiên Chúa ở bên chúng ta, việc ấy vừa có thể làm được vừa đem lại cho ta thỏa mãn hân hoan.

Christopher West, trong “Good News About Sex and Marriage” (Tin Mừng về Tính Dục và Hôn Nhân), nói rằng: “Thực hành Kế Hoạch Hóa Gia Đình Cách Tự Nhiên đòi phải tự kiểm soát, tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng nơi Chúa, trung thực và đối thoại cởi mở, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì nhau. Nhưng tình yêu không hề hấn gì vì các hành vi ấy. Tình yêu chính là các hành vi ấy”.

Đức Phaolô II cố gắng dạy ta rằng lạm dụng tính dục là lạm dụng nhau. Bài học này có thể khó học và khó dạy. Đúng là và quan trọng là người Công Giáo ‘phải nghe theo lương tâm mình’. Nhưng lương tâm ta không hoàn hảo, ta cần phải luôn cố gắng huấn luyện, đào luyện lương tấm ấy cách đúng đắn. Người Công Giáo không được tự ý quyết định điều sai điều đúng. Lương tâm ta phải tuân theo các nguyên tắc chân lý và công chính như đã được mạc khải trong Sách Thánh, theo lời dạy của Giáo Hội (Xem Đức HY Pell, God and Caesar, Connor Court Publishing: Baccus Marsh VIC, tr. 48).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI mới đây dạy rằng giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai tuy gây tranh cãi nhưng hết sức chủ yếu đối với tương lai nhân loại. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm công bố Thông Điệp này, tưởng ai cũng nên nhìn kỹ xem Giáo Hội thực sự dạy ta điều gì liên quan đến ngừa thai. Cởi mở với giáo huấn này là cởi mở với sự sống và tình yêu, với người phôi ốgẫu của ta và với Chúa.

Bốn Mươi Năm Đọc Lại

Ta có thường xuyên ý thức một cách đầy đủ được rằng mối liên hệ yêu thương sẽ dẫn tới trách nhiệm nặng nề làm cha làm mẹ hay không? Hay, nói cách khác, nếu bạn đang sống trong liên hệ với một người khác, có bao giờ bạn tự hỏi xem hai người có chịu trở thành cha mẹ cả hay không? Vì ý thức đến chức phận làm cha làm mẹ phải được coi là chủ yếu đối với mối liên hệ. Đây là một chân lý luôn được Giáo Hội giảng dạy, và là một chân lý nòng cốt của thông điệp “Sự Sống Con Người” (Humanae Vitae). Rất tiếc người ta đã không đọc thông điệp để đời này của Đức Phaolô VI cách đó, ít nhất cũng vì bản dịch thông điệp đó sang tiếng Anh.

Theo tiến sĩ Janet Smith, giáo sư thần học luân lý của Đại Chủng Viện Thánh Tâm tại Detroit, phần của thông điệp nói tới “conscia paternitas” (làm cha mẹ có ý thức) đã được bản tiếng Anh dịch thành “làm cha mẹ có trách nhiệm” (responsible parenthood). Theo bà, dịch là “làm cha mẹ có ý thức” sẽ chính xác hơn, điều mà chính Đức Gioan Phaolô II đã cố gắng truyền đạt trong các trước tác của ngài, nhất là trong cuốn “Tình Yêu và Trách Nhiệm” (Love and Responsibility).

Tháng rồi, lên tiếng tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, Tiến Sĩ Smith nói rằng mặc dù lối dịch “làm cha mẹ có trách nhiệm” tự nó vẫn tốt, nhưng rõ ràng mang ý nghĩa duy dụng (utilitarian) trong tiếng Anh, liên hệ tới việc thực thi tốt bổn phận làm cha làm mẹ, hay giữ cho tầm cỡ của gia đình trong vòng có thể quản trị, chăm sóc được. Thay thế nó bằng lối dịch “làm cha mẹ có ý thức” sẽ chuyên chở tốt hơn bản chất đích thực của liên hệ phu thê. Bà giải thích như sau: “Nếu người ta ý thức được sự kiện này là tính dục sẽ dẫn tới không phải chỉ là một hài nhi nhưng là việc trở thành cha mẹ với một ai khác, họ sẽ theo đuổi liên hệ tính dục một cách có trách nhiệm hơn. Nếu tôi sẽ làm cha mẹ với một ai đó, tôi phải yêu người đó một cách minh nhiên và tôi phải tự ý khẳng nhận con người đó. Nhờ thế, tôi sẽ chọn làm bạn trăm năm một ai đó sẵn sàng và đủ tư cách làm cha làm mẹ. Tôi chọn con người đó vì các đức tính tốt của họ chứ không phải chỉ vì các thèm muốn tính dục của tôi”.

Tiến sĩ Smith nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II coi thèm muốn tính dục là phần rất quan trọng trong việc kiếm ra người phối ngẫu (điều được ngài gọi là “nguyên liệu” của tình yêu), nhưng ngài thêm rằng thèm muốn ấy phải được “chứng nghiệm bằng nhân đức của con người” vì hai ý chí cuối cùng sẽ cùng nhau trở thành cha mẹ. Tiến Sĩ Smith cho rằng ý thức việc mình làm cha mẹ sẽ “hướng dẫn các quyết định của hai người trong các vấn đề tính dục, giúp họ cảm nghiệm được nhiều thiện hảo có tính bản thân, trong đó có sự trưởng thành về việc tự làm chủ lấy mình cũng như khả năng chọn được người phối ngẫu tốt”.

Sử dụng kiểu nói “làm cha mẹ có ý thức” cũng giúp người ta không quá chú ý đến con người mình, mà tập chú vào ơn gọi làm cha làm mẹ. Theo Tiến Sĩ Smith, “Điều ấy có nghĩa: bạn thực sự hiểu rõ có khả năng đưa vào hiện sinh một hữu thể nhân bản mới là điều tuyệt diệu xiết bao, và xét trong căn bản, bạn quả thực là người cùng sáng tạo với Thiên Chúa, như kiểu nói rất hay của Đức Gioan Phaolô II, bạn quả thực đã đem vào thế gian một cái gì đó có giá trị vô song, và bạn quả đã chọn được con người khác này, người bạn đời này làm người để cùng dấn thân với bạn trong vấn đề này”.

Giáo huấn trên càng sắc cạnh đối với xã hội ngày nay, trong đó, tính dục đã bị cắt rời ra khỏi ý nghĩa và mục đích chân thực của nó, trở thành phương tiện giải trí hơn là việc phụ tạo (procreation). Như nhiều người khác, Tiến Sĩ Smith qui tội cho ngừa thai đã tạo ra việc cắt rời trên, dẫn tới niềm tin lầm lạc rằng làm tình và có con là hai sinh hoạt hoàn toàn khác nhau. Bà cho rằng “nhiệm vụ tìm ra một bạn đường tính dục rất khác với việc tìm ra một người cha một người mẹ tương lai, nên bạn thẩm định đối tượng chọn lựa một cách rất khác nhau”.

Thế đối với những cặp vợ chồng không có con thì sao? Liệu giáo huấn trên có còn đúng hay không? Tiến Sĩ Smith cho rằng vẫn đúng và điều ấy đã được chứng nghiệm qua “sự thất vọng sâu xa” của những cặp vợ chồng hiếm con. Bà cho rằng “cấu trúc trong mối liên hệ vẫn như nhau” và “dù bạn không có con, bạn vẫn có một mối liên kết cha mẹ (parental bond) đối với nhau”. Theo vị nữ tiến sĩ hiện giữ ghế giáo sư của Cha Michael J. McGivney về các Vấn Đề Sự Sống tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm này, Đức Gioan Phaolô II thường viết rằng “làm cha mẹ có ý thức” là chủ đề chính yếu của “Sự Sống Con Người” (Humanae Vitae). Vấn đề ấy quan trọng đến nỗi Tiến Sĩ Smith dự tính yêu cầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thay đổi lối dịch thuật ngữ “conscia paternitas” qua tiếng Anh.
 
Top Stories
Aufbau der Mikrokreditprojekte in einigen Diözesen in Vietnam
LM.Jos. Đinh Huy Hưởng
02:15 11/01/2009
Aufbau der Mikrokreditprojekte in einigen Diözesen in Vietnam

Bericht von Caritas Saigon

Die Organisation „Ärzte für die Dritte Welt“, eine vor 20 Jahren von Jesuitenpater Bernhard Ehlen gegründete NGO, zielt auf Unterstützung der armen Menschen in Afrika und Asien und Lateinamerika ab, hauptsächlich im Gesundheitswesen. Durch Vermittlung von Pfarrer Joseph Dinh Huy Huong ist Pater Bernhard seit 11 Jahren mehrmals nach Vietnam gekommen und hat dort mehrere Projekte unterstützt:

• ein Ausbildungszentrum in der Gemeinde Can Gio bei Saigon,

• ein Krankenhaus in der Diözese Vinh, (Kosten: knapp 10 Milliarden VND)

• je ein Ausbildungszentrum für Näherinnen in Phat Diem und Bac Ninh,

• ein Ausbildungszentrum in Bac Hai, Diözese Xuan Loc, unter Leitung der Schwestern des Heiligen-Kreuz-Ordens,

• ein Ausbildungszentrum für Rattan- und Bambusflechterei in Nha Trang,

• ein Wohnheim für arme Studenten in Quy Nhon,

• mehrere Wasserreservoirs in der Diözese Can Tho,

• Hilfe für Flutopfer im Mekong-Delta sowie in den Diözesen Hue, Quy Nhon, Nha Trang, Bui Chu, Phat Diem, Thanh Hoa und zuletzt in Hung Hoa.

Seit 2007 ist Pater Bernhard im Ruhesatnd. Trotzdem engagiert er sich weiterhin für die katholische Kirche und die Armen, insbesondere für die ethnische Bevölkerung in Vietnam. Dabei ist es ihm wichtig, den Leuten eher eine Angel als Fische zu geben. Er hat Mikrokreditprojekte von jeweils Euro 100,000 in den Diözesen Dalat und Vinh Long aufgebaut, um im Lauf von 3 Jahren die Armen hauptsächlich in ihrer Tier- und Pflanzenzucht zu unterstützen. Mikrokreditprojekte wurden auch in den Gemeinden Tu Dinh und Thien An in der Diözese Saigon eingerichtet. Die Armen bekommen einen Kredit mit einem sehr niedrigen Zins. Die in Raten zurückbezahlten Gelder werden als Mikrokredite für andere Arme wieder eingesetzt. Wegen der Unsicherheit bei der Rückzahlung der Kredite zögern einige Diözesen noch, Mikrokredite in ihr Programm anzufangen. Auf jeden Fall sind die Mikrokreditprojekte in den Diözesen Vinh Long und Da Lat sehr erfolgreich, nicht zuletzt dank des Einsatzes der Bischöfe Peter Nguyen Van Nhon und Thomas Nguyen Van Tan, sowie der tatkräftigen Kooperation der Caritas-Direktoren Priester Duong Cong Ho und Nguyen Van Don und der vielen Ordensschwestern.

Vom 14.11.2008 bis zum 06.12.2008 hat Pater Bernhard Vietnam zum 5. Mal besucht. Sein Bruder, der Jesuitenpater Peter Ehlen, Philosophieprofessor in München, hat ihn begleitet. Am 14.11.2008 hat Joseph Dinh Huy Huong, Caritas-Direktor der Diözese Saigon, sie empfangen und mit ihnen gearbeitet und zwar in dem Krankenhaus, in dem er zu dieser Zeit stationär behandelt wurde. Danach hat der Priester Markus Nguyen Duc Huynh, Mitglied der Caritas Saigon, als Vertreter von Joseph Dinh Huy Huong die deutschen Patres beim Besuch mehrerer Diözesen begleitet. Zuerst sind sie nach My Tho gefahren. Dort hat der Priester Peter Tran Anh Trang, Caritas-Direktor der Diözese My Tho ihnen die Projekte des Jahres vorgestellt. Danach haben sie Vinh Long besucht, wo der Bischof und der Caritas-Verband das Mikrokreditkprojekt sehr erfolgreich gestaltet haben, mit Hilfe der wertvollen Mitarbeit der Ordensschwestern, die über langjährige Erfahrung in diesem Bereich verfügen. In Da Lat wird das Mikrokreditprojekt bei der ethnischen Bevölkerung ebenfalls sehr erfolgreich gehandhabt. Mit großer Freude erzählt der Bischof Peter Nguyen Van Nhon: „Früher musste die ethnische Bevölkerung Kredite mit sehr hohen Zinsen aufnehmen. Jetzt bekommen sie Kredite mit sehr niedrigen Zinsen, so dass sich ihr Leben hoffentlich bald verbessern wird. Das ist eine Gottesgnade.“ In der Diözese Kontum hat Pater Bernhard die armen Studenten finanziell unterstüzt. In Zukunft wird er bei dem Bau eines Studentenwohnheims und bei der Einrichtung von Mikrokreditkprojekten für die arme ethnische Bevölkerung helfen. Bischof Michael Hoang Duc Oanh hat die Patres zu verschiedenen Dörfern der ethnischen Bevölkerung begleitet. Als sie mit eigenen Augen die bettelarmen Menschen sahen, waren sie sehr gerührt und versprachen, ihnen bald zu einem besseren Leben zu helfen. Danach besuchten sie die Diözese Vinh. Hier hatten sie die Einrichtung eines Krankenhauses unterstützt. Dort arbeiten zur Zeit zwei Ärztinnen, die Ordensschwestern sind, zusammen mit anderen Mitschwestern des Heiligen-Kreuz-Ordens der Diözese. Da das Krankenhaus erst neulich fertig eingerichtet wurde, kommen noch nicht so viele Patienten zu ihnen. Die Reise führte weiter zum Ausbildungszentrum für Näherinnen in Phat Diem. Die Patres waren sehr erfreut über die beruflichen Erfolge der Kursteilnehmerinnen. In Bac Ninh haben sie das ebenfalls erfolgreiche Ausbildungszentrum für Näherinnen und Strickerinnen besucht, das von den Schwestern des Mutter-der-Vereinigung Ordens geleitet wird. Zuletzt besuchten die Patres Bischof Joseph Hoang Van Tiem in Bui Chu und Bischof Joseph Vu Van Thien in Hai Phong. Beide Bischöfe sind dabei, die Daten zu prüfen, um eventuell nächstes Jahr Mikrokreditprojekt aufzubauen.

Als Abschluss haben die Patres die Ha Long Bucht und die Hauptstadt Hanoi besucht. Nach 2 Wochen harter Arbeit sind sie nach Deutschland zurückgeflogen. Sie waren sehr erschöpft von der langen und beschwerlichen Reise, aber die Gewissheit, dass Ihr Engagement so vielen armen Menschen Erleichterung bringt, erfüllt sie mit großer Freude.

2009-01-11

Joseph Dinh Huy Huong

Tel: 84-8-8492577 Mobile: 0913.168.299

josephhuong@gmail.com
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hóa đến với người nghèo và khuyết tật
MTG Thanh Hóa
01:23 11/01/2009
NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ THANH HÓA ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ KHUYẾT TẬT

Dịp lễ Giáng sinh và Năm mới Dương lịch là một thời điểm thuận tiện cho sự sẻ chia niềm vui, tình thương mến và sự cảm thông chân thành đến với những người nghèo khổ, bất hạnh. Đó cũng là cơ hội tốt đẹp để quý chị em Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa trao tặng 1.600 phần quà cho 1.600 người nghèo và người khuyết tật thuộc 50 giáo xứ trong Giáo phận Thanh Hóa.

“Trở thành cánh tay nối dài…” là một trong những sứ vụ của người Nữ tu Mến Thánh Giá. Với tâm tình này, hiện nay, Hội Dòng đã là cầu nối của một số tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, như: Hội Bác ái Phanxicô (người nghèo, người khuyết tật …), Hội Sara người khuyết tật, Hội Savice (trẻ em nghèo vượt khó), Hội Tông đồ Tỉnh Dòng Đa Minh Thánh Tâm – Houston, nhóm tình thương Houston, Hội Hope To Day và Hội VNSSA. Chị em trong Hội Dòng sẵn sàng là trung gian để trao ban tình thương của Chúa qua sự ưu ái của Quý vị đến các anh chị em nghèo khổ trong Giáo Phận. Mang đến cho họ không những chỉ là những món quà vật chất, mà là cả niềm vui của sự sẻ chia, niềm cảm thông chân thành…Nỗi đau riêng như được hoà vào niềm đau chung, mỗi người như được bớt đi gánh nặng của sự cô đơn, gánh nặng của sự tủi hờn và mặc cảm, đó chính là món quà vô giá, lâu bền mà chị em trao tặng trong dịp Lễ Giáng Sinh và Năm Mới này.

Đến với mỗi giáo xứ, các chị tìm đến với những gia đình khó khăn, những bệnh nhân hiểm nghèo để thăm hỏi, động viên an ủi bằng tất cả lòng yêu thương chân tình. Mang thông điệp của Chúa Hài Đồng, mang theo những tia sáng của niềm vui, niềm hy vọng từ Nguồn Sáng Thật của Đức Kitô để sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá trong thân xác bệnh hoạn và cô đơn. Được cộng tác với các Hội Bác ái, những tổ chức từ thiện, là hướng hoạt động của ban Bác ái Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Trong thực tế hiện nay, những người đói khổ, các bệnh nhân, những người khuyết tật, trẻ em thất học. . . vẫn đang là gánh nặng đau lòng của xã hội và Giáo Phận. kết quả mà chị em trong Hội Dòng đã và đang làm cũng mới chỉ là sự động viên tinh thần mà thôi. Sự nghiệp vì người nghèo phải là sự cộng tác của nhiều người, của nhiều tấm lòng hảo tâm và nhiều tổ chức bác ái, từ thiện ngày càng được tăng cường hơn nữa.

Thay lời cho tất cả các đối tượng mà chị em có cơ hội phục vụ trong năm qua, xin hết lòng tri ân Quý vị trong Ban điều hành và Quý ân nhân của Hội Dòng, đặc biệt Hội Bác Ái Phanxicô, đã tin tưởng tạo nhiều điều kiện cho chúng tôi chu toàn bổn phận phục vụ của mình. Xin Chúa trả công và ban ơn bội hậu cho lòng hảo tâm của Quý vị. Ước mong sự nâng đỡ này sẽ mang đến sức mạnh tinh thần lớn lao cho những con người bất hạnh, để họ được vui sống và đủ sức vươn lên giữa kiếp nghèo…

Hội Dòng MTG Thanh Hóa

10/626 Bà Triệu - Trường Thi-TP. Thanh Hóa

Đt. 037 3855 610-E-mail: hdmtgth@hn.vnn.vn
 
Thân Hữu Taxi mở tiệc Xuân giúp các em mồ côi và khuyết tật tại Việt Nam
Trần Văn Cảnh
15:38 11/01/2009
PARIS - Tối 10.01.2009, Thân hữu Taxi mở « Tiệc Xuân Thân Hữu giúp các em mồ côi và khuyết tật tại Việt Nam ». Hơn 500 thân hữu đã tới tham dự.

Trong phong hoá Việt Nam về tương thân tương ái, có nhiều sinh hoạt được nhiều hội khác nhau thực hiện: « nghĩa sương » chẩn cấp thóc gạo cho những người nghèo, « tư cấp » qui tụ những người trong làng thành hội tư để tư giúp, tư cấp lẫn cho nhau, « bách nghệ » qui tụ những người cùng nghề để ăn lệ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong các việc hiếu việc hỷ, làm ăn, gây vốn, mua bán. THÂN HỮU TAXI là một trong năm nhóm LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP đã sớm nhất và đầy đủ nhất tái tạo lại được trên đất Pháp cái phong hoá tương thân tương ái « bách nghệ » của phong tục xã hội Việt Nam. Ðiều này thành rất hiển nhiên và rõ rệt khi ta đọc lại lời kể sau đây của PHAN KẾ BÍNH, trong VIỆT NAM PHONG TỤC về «HỘI BÁCH NGHỆ»: « Dân làng thường hay có hội bách nghệ. Hội bách nghệ là bao nhiêu người trong làng làm chung một nghề gì, hoặc thợ mộc, hoặc thợ nề, hoặc thợ sơn, thợ sắt, v. v…. Người làm nghề nào vào hội ấy, cho cử một người làm trưởng hội hoặc mỗi năm cắt lượt nhau làm trưởng một lần, để chứa việc hội. Mỗi năm hội tại nhà trưởng ăn lệ với nhau một kỳ. Ngày ăn lệ hội to làm bò, hội nhỏ làm lợn, trước hết lễ thánh sư, rồi thì hội tụ ăn uống chơi bời với nhau. Chủ ý hội thì chỉ cốt để liên lạc cái tình ý đồng sự với nhau, trong hội ai có việc hiếu, hỉ thì hội cũng có lệ mừng, phúng, hoặc giúp đỡ tiền nong cho nhau. Hội thường hay lập ra họ mua bán, trước là giúp đỡ, sau là lấy lời. Cái lời ấy để làm vốn công của hàng hội, khi nào nhiều vốn rồi thì hội lại tìm nhiều kế ra mà sinh lời nữa, rồi mỗi năm chia cho nhau một đôi chút. Hoặc hàng hội muốn lấy danh tiếng với làng thì cung tiến về sự thần, như cúng cái nghi mon tàu, hoặc cúng cờ cúng tán, cúng áo đại trào, v.v…. Cúng thứ gì thì đề tên của hội vào thứ ấy, thế là danh giá. Hội cũng đặt ra có đàn anh, có đà nem, có người giữ sổ, có người giữ tiền công, cũng như một xã hội nhỏ vậy. Tục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để bênh vực nhau, cứu giúp nhau. Vậy thì cái chủ ý cũng hay mà lại có thể sinh lợi để làm được sự công ích nữa». (Phan Kế Bính; Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 147-148)

Chính trong cái tình «tương thân tương ái» ấy, mà, đây là lần thứ 12, từ 1998 đến 2009 hôm nay, Nhóm Thân hữu Taxi đã liên tục tổ chức « Tiệc Xuân Thân Hữu » cho các thân hữu đạo đời lương giáo, mà đa số, từ 90 đến 95% là lương, để gặp gỡ vui xuân và gây quĩ giúp các hội thiện ở quê hương Việt Nam.

1998 hơn 300 thân hữu đã đến dự tiệc giúp quĩ xây dựng Thánh Ðịa La Vang.
1999, giúp hai trại cùi Kontum và Nghệ An. 2000, trên 500 thân hữu đẵ hưởng ứng tiệc xuân giúp các trại cùi Nha Trang, Pleiku, Cái sắn, Banmêthuột và Nghệ An.
2001, giúp các trại mồ côi Phú Nhuận, Củ Chi và Xuân Lộc. 2002, giúp các trại mồ côi Phú Nhuận, Củ Chi và Xuân Lộc.
2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009 các thân hữu Taxi tiếp tục truyền thống vui xuân và cứu trợ các em mồ côi, các trại phong cùi và khuyết tật ở Việt Nam, với sự tham dự trên 500 thân hữu.

Từ cửa vào nhà hàng, ông Hội Trưởng Trần Bá Lạc và các anh em trong nhóm tiếp tân đã tươi cười đón tiếp các thân hữu, bạn bè, quí khách. Khoảng 50 bàn tiệc, mỗi bàn 12 người, đã được dọn sẵn. Trên bàn vài món khai vị và nước uống đã đầy đủ, như tiếp tay cùng ban tổ chức, đón chào quí khách. Ngoài những thức ấy, trên mỗi bàn, một tờ thực đơn in mầu, giới thiệu những món sẽ được hầu tiếp thực khách. Và ba tờ giấy in sẵn một số bài hát quen thuộc về Tết Việt Nam, chắc hẳn để mọi người cùng tham dự góp vui.

21 giờ. Thực khách đông đủ, một gương mặt quen thuộc, ông Nguyễn Đình Chiểu, cựu chủ tịch Nhóm Thân Hữu Taxi, xuất hiện. Ông chào mừng mọi người và giới thiệu chương trình dạ tiệc với sự góp vui của hai nghệ sĩ tài danh Paris, Ca sĩ Thanh Thanh và ca sĩ Anh Sơn. Ông giới thiệu những vị hiện diện, từ Đức Ông Mai Đức Vinh, Thầy Phó Tế Tạ Đình Chung, Giáo sư Trần Văn Cảnh trong Ban Đại Diện Liên Ngành Liên Đới của Giáo Xứ Việt Nam Paris, đến các bạn bè thân hữu, đa số đến từ Paris, nhưng cũng có nhiều vị đến từ các tỉnh nước Pháp. Thậm chí có những vị đến từ Bỉ, Thụy Sĩ, và cả từ Việt Nam. Rồi ông mời Đức Ông Mai Đức Vinh ngỏ lời khai mạc.

Từ một bàn cuối phòng, Đức Ông tiến ra giữa Nhà Hàng. Vui vẻ, ngài tỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã đến tham dự Tiệc Xuân Thân Hữu do Nhóm Thân Hữu Taxi, mà ngài là tuyên úy. Ngài nhắc lại tinh thần truyền thống « tương thân tương trợ » trong văn hóa việt nam mà Nhóm Thân Hữu Taxi đã hàng năm thực hiện. Ngài chúc mừng NĂM MỚI KỶ SỬU 2009 HẠNH PHÚC, THỊNH VƯỢNG sắp đến cho mọi người. Ngài chúc mọi người một bữa tiệc vừa thân hữu vừa vui vẻ vừa ngon miệng.

Một tàng pháo tay vang dội khắp nhà hàng. Rồi theo lời mời của ông Nguyễn Đình Chiểu, mọi người lấy tờ nhạc, cùng đồng ca bản « Ly Rượu Mừng »: Ngày xuân nâng chén, ta chúc cho nhau,…
Theo lời giới thiệu và đề nghị của Ông Nguyễn Nguyễn Đình Chiểu, ông Trần Bá Lạc, Chủ Tịch Nhóm Thân Hữu Taxi, trình bày về ý nghĩa của bữa Tiệc Xuân Thân Hữu Taxi 2009.

Là một người rất cẩn trọng, ông Chủ Tịch Trần Bá Lạc từ từ mở tở diễn văn, mà ông đã dọn sẵn. Rồi tươi cười ông hướng về quan khách và cao giọng nói:

Trọng kính Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh,
Kính thăm toàn thể quí vị quan khách,
Các bạn đồng nghiệp thân mến,

Anh em Thân Hữu Taxi chúng tôi rất cảm động trước sự hiện diện đông đảo của quí vị trong bữa Tiệc Xuân Thân Hữu này. Đối với chúng tội, đêm nay không chỉ là đêm thân hữu, mà còn là đêm của Tình Thương và Nhân Ái. Chính sự hiện diện của quí vị đã nói lên tấm lòng bao dung mà quí vị đã dành cho các em mồ côi và những người kém phần may mắn bên quê nhà.

Kính thưa quí vị,
Anh em Thân Hữu Taxi chúng tôi chỉ là gạch nối của quí vị, để đem tình yêu thương của quí vị đến cho các em mồ côi bên nhà. Chính quí vị mới là những người giúp đỡ, mang lại cho các em những nụ cười và sự hồn nhiên của tuổi thơ, nhất là trong những ngày đón xuân này. Cũng trong tâm tình này, trong bữa tiệc đêm nay, có phần Xổ Số Tombola với mục đích giúp thêm cho các em. Xin quí vị rộng tay ủng hộ, bằng cách mua số.

Trước khi dứt lời, đại diên cho anh em Thân Hữu Taxi và các em mồ côi, tôi xin kính chúc Đức Ông và quí Ân Nhân, cùng toàn thể quí vị một năm mới an khang, thịnh vượng và dồi dào sức khoẻ. Tôi cũng không quên chúc quí vị một đêm dạ vũ thật vui tươi và một bữa tiệc ngon miệng.
Sau cùng, với rất nhiều cố gắng, nhưng không khỏi có những thiếu sót, chúng tôi thành thật xin quí vị lượng tình tha thứ. Xin chân thành cảm ơn quí vị.


Một tràng pháo tay rền vang khắp nhà hàng.
Tiệc thân hữu bắt đầu.

Cùng với các món ăn được bưng ra hầu thực khách, ca đoàn Thân Hữu Taxi góp vui qua nhiều bản hát xuân.
Rồi dạ vũ bắt đầu, với dàn nhạc và hai ca sĩ thời danh, Anh Sơn và Thanh Thanh.

Tiệc Xuân Thân Hữu của Nhóm Thân Hữu Taxi là một niềm hy vọng cho các em mồ côi ở quê nhà Việt Nam, như lời ông Trần Bá Lạc rằng « mang lại cho các em những nụ cười và sự hồn nhiên của tuổi thơ, nhất là trong những ngày đón xuân này ». Trong tinh thần của niềm hy vọng ấy, xin tặng các anh em Thân Hữu Taxi Paris, các thân hữu và các em bài thơ: « Ngày xuân hy vọng ».

Gương trong hồ nước, tráng bóng trời
Cỏ hoa khoe sắc, trải khắp nơi
Chim ca ríu rít, chào muôn lối
Nhi đồng áo mới, nở nụ cười

Nụ cười dấu diếm một niềm tin
Lời nói chia phần vạn tâm tình
Ánh mắt trao nhau niềm hy vọng
Câu ca nhắn nhủ chữ thiêng linh

Em thương mến ai, đợi chờ ai ?
Em mong ước gì, trong tương lai ?
Em tin cái gì, tin ai chứ ?
Em hy vọng gì ở ngày mai ?
 
Trường Công Giáo theo Giáo luật
Gioan Lê Quang Vinh
17:39 11/01/2009
Khi nghe tin nhà nước VN chấp nhận “xã hội hoá giáo dục”, nhiều người mừng rỡ. Mừng vì hy vọng Giáo Hội Công giáo được cho mở trường dạy học. Nhờ đó, Giáo Hội góp phần canh tân và hoàn thiện nền giáo dục vốn đã mang quá nhiều tật bệnh từ lâu. Quản Trọng ngày xưa nói rằng “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”. Kế một năm không gì bằng trồng lúa. Kế mười năm không gì bằng trồng cây. Kế trăm năm không gì bằng trồng người. Quản Trọng thật thông minh, nói thật chí lý. Nhưng trồng mà không biết dưỡng thì còn tai hại hơn là bỏ mọc hoang. Bên cạnh nỗi vui mừng vị tha và nhân ái ấy, không thiếu những kẻ chờ “xã hội hoá giáo dục” để nhảy vào kiếm sống. Vậy làm sao phân biệt ai có tâm muốn “thụ nhân” (trồng người) và ai muốn bẻ cành kiếm lợi?

Chỉ làm một con tính nhỏ thôi là thấy rõ kinh doanh giáo dục là kinh doanh béo bở nhất. Mở một trung tâm ngoại ngữ, lấy danh nghĩa nào đó có vẻ uy tín, một tên trường trước 75 hay một dòng tu, hay dùng vài chiêu quảng cáo là chiêu mộ được từ 150 đến 200 học viên ngay (khoảng 6 đến 8 lớp). Mỗi học viên mỗi tháng đóng 200 ngàn đồng. Vậy là “nhà cái” có ngay từ ba chục đến bốn chục triệu dễ dàng. Nếu tăng học phí lên thì con số lợi nhuận sẽ tăng vọt, có kinh doanh nào béo bở hơn! Hay là mở đại học chẳng hạn, chỉ cần nhận 600 sinh viên cho năm đầu tiên, mỗi sinh viên đóng bốn triệu đồng, thì nhà trường đã có ngay gần hai tỷ rưỡi. Có kinh doanh nào ngon ăn như thế? Thực tế có người chưa hề dạy học chính thức ở trường nào bao giờ cũng có ý định mở trường để “chấn hưng giáo dục”! Do tính chất phức tạp nhiều lợi nhuận, ai cũng làm giáo dục được (?) nên cần có những tiêu chí để phân biệt đâu là giáo dục chân chính và đâu là lợi dụng làm ăn, để xã hội còn có cơ may phát triển.

Người Công giáo, và cả người ngoại giáo nữa, có khuynh hướng thích học trường Công giáo, vì họ tin vào chất lượng giảng dạy và lương tâm người làm giáo dục. Nhưng thế nào là trường Công giáo? Định nghĩa này rất quan trọng. Xã hội cần nhận biết rõ ràng để tránh những kẻ cơ hội nhảy vào làm rối tung tất cả, và rồi các trường Công giáo sau này cũng bị mang tiếng lây. Giáo Luật điều 803 định nghĩa: “Trường học được gọi là Công giáo khi được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội hay một công pháp nhân trong Giáo Hội điều khiển, hoặc được Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn kiện.” Hiểu như thế thì cho đến nay, Việt nam chưa có trường Công giáo thật sự, trừ một số nhà trẻ do các dòng nữ đảm trách, nhưng những nhà trẻ ấy cũng chưa danh chính ngôn thuận là “trường Công giáo”. Gần đây, thấy phong trào mở trung tâm ngoại ngữ “có ăn”, một vài nhóm người Công giáo cũng mở trung tâm dạy Anh văn, và tự quảng cáo lập lờ để người khác hiểu là trường Công giáo. Có lẽ Giáo Hội địa phương cần theo dõi và có tiếng nói chính thức để không xảy ra tình trạng lạm dụng danh nghĩa. Và khi danh nghĩa bị lạm dụng, người đi học bị thiệt thòi đã vậy, mà còn uy tính các trường Công giáo tương lai cũng bị ảnh hưởng lây. Khi bản quyền sở tại chưa lên tiếng, thì người học chưa có thể chấp nhận trung tâm này hay trường nọ là trường Công giáo được.

Khoản (2) của điều 803 Giáo Luật còn qui định: “Việc huấn luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ trên những nguyên tắc của giáo lý công giáo. Các giáo viên phải trổi vượt về giáo lý chân chính và đời sống thanh liêm.” Chúng tôi cho rằng điểm khác biệt giữa trường Công giáo và các trường khác là ở chỗ nguyên tắc của giáo lý Công giáo phải được áp dụng. Nguyên tắc của giáo lý Công giáo là sự liêm chính, lòng bác ái, là mục tiêu cao cả của việc giáo dục… Khi người ta mở trường để tạo lập sự nghiệp tài chánh riêng hay để đề cao cá nhân, thì các nguyên tắc của giáo lý Công giáo chưa được áp dụng. Khi mở trường mà người ta chấp nhận “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, để sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc tối thiểu của công lý và bác ái thì có lẽ trường học ấy có vấn đề! Là người dạy học đã nhiều năm ở bậc trung học, đại học và các trung tâm ngoại ngữ, chúng tôi biết chắc chắn rằng hiện nay chưa có qui chế cho Giáo Hội Công Giáo mở trường chính thức tại Việt nam, cũng như chưa có văn bản của Đấng bản quyền địa phương công nhận trường nào là Công giáo. Do đó, người học cần phải xem xét kỹ các loại quảng cáo không ai kiểm soát được hiện nay.

Ðiều 804 Giáo Luật khoản (3) qui định: Bản Quyền sở tại phải lưu tâm để các giáo viên dạy tôn giáo trong các trường, kể cả các trường không công giáo, được trổi trang về đạo lý chân chính, về chứng tá đời sống Kitô Giáo và về khoa sư phạm. Để chuẩn bị cho nền giáo dục Công giáo ngày mai, thì ngay từ bây giờ, các thành phần dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam cần quan tâm để thực thi qui định này của Giáo Luật.
 
Thư Mục Vụ giáo phận Hải Phòng nhân dịp Xuân Kỷ Sửu 2009
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
17:41 11/01/2009
THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
NHÂN DỊP XUÂN KỶ SỬU 2009


Kính gửi các Cha,
Các Tu sĩ, các Chủng sinh, các Ban Hành giáo và Anh Chị Em tín hữu

Chúng ta đang hân hoan đón chào xuân mới Kỷ Sửu. Mùa xuân luôn tượng trưng cho sức sống, cho tình yêu và hạnh phúc. Mùa xuân cũng mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa là Đấng điều khiển vũ trụ, là nguồn mạch của mọi ơn lành. Khi xác tín rằng Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi loài, chúng ta cùng thực thi tình liên đới giữa mọi thành viên trong gia đình nhân loại, để công bình bác ái được thiết lập và cổ võ khắp nơi. Trong tình yêu mến và hiệp thông, chúng ta hãy đón xuân mới với những việc làm thiết thực và với tinh thần siêu nhiên.

1- Đón xuân với tâm tình đức tin: Ngày xuân cũng là ngày cầu nguyện. Chúng ta dâng lên Chúa những ngày đầu xuân để xin Ngài thánh hóa mọi dự tính của chúng ta trong năm mới. Với ơn chúc lành và hướng dẫn của Thiên Chúa, với những nỗ lực cố gắng của bản thân, chúng ta hy vọng sẽ đạt được nhiều thành quả trong cuộc sống. Việc đón chào những ngày đầu năm mới trong tâm tình cầu nguyện tạ ơn, sẽ tạo nên định hướng tốt cho những hoạt động của cuộc sống hằng ngày.

2- Đón xuân với tâm tình gia đình: Gia đình là tổ ấm, là chốn ai đi xa đều thao thức nhớ về. Trong truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta, ngày xuân là ngày sum họp mọi thành viên trong gia đình. Đây cũng là dịp thể hiện đạo hiếu đối với các bậc có công sinh thành dưỡng dục. Trong Thư Mục vụ 2008, với chủ đề “môi trường giáo dục gia đình công giáo”, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy góp phần thăng tiến đời sống hôn nhân gia đình, làm cho gia đình trở thành môi trường giáo dục đức tin, giáo dục nhân cách và giáo dục văn hóa. Củng cố gia đình bền vững chính là xây dựng Giáo Hội và xã hội tương lai. Như tôi đã đề cập trong Thư mục vụ Lễ Giáng Sinh vừa qua, việc cầu nguyện tại gia đình là một ưu tiên mục vụ của Giáo phận chúng ta trong năm 2009 này. Chương trình này đã được thực hiện tại một số giáo xứ. Hy vọng những thực hành đạo đức đơn sơ này sẽ góp phần sưởi ấm tình yêu hôn nhân và liên kết mọi thành viên gia đình trong tình mến.

3- Đón xuân với tình liên đới: Trong sứ điệp nhân ngày thế giới cầu cho hòa bình năm 2009, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI đã đề cập tới tình trạng suy thoái kinh tế hoàn cầu hiện nay, đồng thời Ngài kêu gọi mọi tổ chức cũng như mọi cá nhân hãy cùng nhau xây dựng tình liên đới, chia sẻ tinh thần vật chất cho những người thiếu thốn. Theo Đức Thánh Cha, một trong những nguyên nhân của nghèo đói là con người chỉ lo làm giàu mà quên những chuẩn mực đạo đức và thiếu tình liên đới với nhau. Cùng với nghĩa cử chia sẻ, mọi người còn có trách nhiệm quan tâm đến nhau, nhất là những thành viên của cùng một gia đình, một hội đoàn hay một tổ chức. Sự nâng đỡ tinh thần sẽ làm cho người khác cảm thấy bớt cô đơn, nhờ đó họ thêm niềm hy vọng vào cuộc sống. Giáo phận chúng ta vẫn có thói quen làm việc từ thiện bác ái trong dịp năm hết tết đến, hy vọng những thực hành này sẽ được cổ võ và mang nhiều hiệu quả hơn trong dịp tết năm nay.

4- Đón xuân với nỗ lực bài trừ tệ nạn và tật xấu: Những phương tiện thông tin cho thấy tình trạng tội ác trong xã hội ngày càng đáng lo ngại. Nhiều trẻ vị thành niên đã tham gia băng đảng cướp giật, trộm cắp và giết người. Nạn cờ bạc, nghiện ngập như những khối ung nhọt trong xã hội, chưa có dấu hiệu giảm bớt, trái lại còn trở nên nghiêm trọng hơn. Những tụ điểm hút chích ma tuý, những nhóm thanh niên chơi bời sa đọa ngày càng nhiều. Để có cuộc sống lành mạnh, mỗi công dân nói chung và mỗi tín hữu nói riêng cần cộng tác để đẩy lui ảnh hưởng xấu của những tệ nạn này, nhất là nơi giới trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Những bậc cha mẹ, những thành viên Ban hành giáo cần làm gương cho giới trẻ, đồng thời giáo dục can ngăn để con em mình sống lành mạnh, phù hợp với lương tâm đạo đức và giáo huấn của Giáo Hội.

Với ước mong mọi người cùng đón chào mùa xuân mới trong hạnh phúc an vui, tôi xin kính chúc các Cha và mọi thành viên trong gia đình Giáo phận được dồi dào ơn Chúa, tràn đầy niềm vui và luôn an bình.

Hải Phòng ngày 10 tháng 01 năm 2009
Giám mục Hải Phòng
 
Sinh viên Công giáo Huế vui xuân Kỷ Sửu
Josephus Nguyễn
20:11 11/01/2009
HUẾ, Việt Nam (11 – 1 – 2009) – Tết Nguyên Đán đã gần kề, hòa chung không khí của hàng triệu con tim Việt Nam nô nức đón tết cổ truyền, các bạn sinh viên tại Huế cũng có buổi họp mặt xuân Kỷ Sửu tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận, số 6 - Nguyễn Trường Tộ - TP.Huế.

Đến với buổi Họp mặt đầu Xuân lần này có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huê Sté Nguyễn Như Thể, Quý Cha, Sơ Thécla Trần Thị Giồng – Tiến sĩ tâm lý giáo dục – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, nhà doanh nghiệp trẻ Phan Danh Tuấn Anh, Quý tu sĩ nam nữ cùng gần 1200 bạn sinh viên lương giáo đang theo học tại Đại học Huế.

Đây là một dịp họp mặt lớn nên ngay từ những ngày đầu của năm 2009, các bạn thuộc Ban Điều Hành (BĐH) đã xúc tiến công tác chuẩn bị từ khâu gửi thông báo, giấy mời tới Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Sơ, Quý Ân nhân và các bạn sinh viên cho tới việc tập duyệt các tiết mục văn nghệ... Bạn Pet Trần Văn Kim, trưởng BĐH cho biết: “đã gần một tháng nay các bạn trong BĐH phải thường xuyên họp mặt, lên chương trình,… chỉ mong được mọi người chung tay, góp sức cho công việc được thuận tiện”.

Mùa cuối năm cũng là lúc các bạn sinh viên bận rộn với công việc thi cử, nhưng gần 1200 sinh viên tụ họp về nơi đây đã phần nào nói lên tinh thần và lòng mến Chúa của các bạn sinh viên. Tại buổi sinh hoạt Vui xuân Kỷ Sửu, các bạn sinh viên được nghe những chia sẻ về “Hành trang dẫn đến thành công” của anh Phan Danh Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Đào tạo doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh. Anh Tuấn Anh đã gửi gắm tới các bạn sinh viên Huế những kinh nghiệm của bản thân để trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt như hiện tại. “Là một người từng trải, vượt qua chính những thất bại mình đã thấy được sức mạnh của Đức tin Kitô Giáo. Chính Đức tin đã giúp mình thành công” – anh tâm sự.

Những buổi nói chuyện như thế này luôn được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn sinh viên năm cuối, sắp rời trường Đại học để đến với lớp học trường đời. Rất nhiều câu hỏi được các bạn sinh viên đưa ra trong cuộc thảo luận và cũng chính tự những câu hỏi bổ ích đó đã trang bị thêm cho các bạn sinh viên những kĩ năng, những kinh nghiệm thiết thực để vào đời. “Em được biết ngoại giao là một yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công. Vậy cần phải chuẩn bị những gì về ngoại giao khi chúng em đang là sinh viên?” là câu hỏi của bạn Trần Cẩn – Sinh viên Khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Phú Xuân đưa ra trong buổi thảo luận. Và câu trả lời dành cho bạn Trần Cẩn đó là: “Giao tiếp là sự gặp gỡ của hai con người, giữa hai tâm hồn. Chính vì thế khi giao tiếp chúng ta không chỉ dừng lại ở những cái bắt tay, thăm hỏi một cách xã giao mà cần giao tiếp một cách chân thành. Bên cạnh đó cần tham gia các buổi sinh hoạt để giúp mình thêm tự tin, tham gia các cuộc hội thảo, nói chuyện với những chuyên gia để cập nhật kiến thức mới… chính những điều này sẽ giúp ích rất lớn trong việc thiết lập các mối quan hệ và đặc biệt có lợi cho chúng ta sau này.”

Không khí của buổi họp mặt càng trở nên sôi động với Chương trình bốc thăm trúng thưởng “Cây xuân Kỷ Sửu” cùng rất nhiều quà tặng của Quý CĐ và Quý Ân Nhân gửi tới các bạn sinh viên nhân dịp đầu xuân. Xen kẽ với các con số may mắn còn có sự góp mặt của các tiết mục văn nghệ do các hội Dòng Thánh Tâm, Dòng Con Đức Mẹ vô nhiễm, Dòng Con Đức Mẹ đi viếng... Bạn Trần Thị Huệ - sinh viên Khoa Tiếng Trung - Trường Đại học Ngoại ngữ tâm sự: “Đến với buổi họp mặt này mình cảm thấy rất vui. Vui vì được vui xuân với Quý Cha, Quý Sơ và vui hơn khi được nghe những lời chúc Happy new year từ các bạn sinh viên công giáo”.

Sau buổi sinh hoạt, chúng tôi có cuộc nói chuyện với cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến - Đặc trách sinh viên Công giáo Huế về vấn đề Đức tin, Cha cho biết: “Đức tin cần phải bắt nguồn từ tâm”. Điều mà cha Đặc trách sinh viên Huế trăn trở nhất đó là hiện tại các bạn sinh viên công giáo tại Huế vẫn ít lui tới các buổi sinh hoạt của SV Công giáo. “Mong rằng trong năm mới này sẽ có nhiều bạn sinh viên Công giáo đến với các buổi sinh hoạt để các bạn có thời gian hun đúc thêm Đức tin và giúp các bạn có những phút nhìn lại mình để từ đó sống quãng đời sinh viên có ý nghĩa hơn” - Cha nói.

Chương trình vui xuân khép lại trong tiếng cười giòn tan của các bạn sinh viên. Buổi họp mặt đầu xuân đã cho các bạn thêm những kỉ niệm về thời sinh viên và có thêm những niềm vui trước khi lên đường về quê ăn tết cùng gia đình. Bạn Maria Nguyễn Thị Tuyết Trinh, sinh viên Khoa luật trường ĐH Khoa học Huế tâm sự: “Về nhà em sẽ kể cho mọi người về phong trào sinh viên Huế và đặc biệt là buổi vui xuân đáng nhớ này”.
 
Dòng Đồng Công VN tại Hoa Kỳ có thêm 2 tân linh mục
Leô Huyến
20:22 11/01/2009
Đến muôn đời, xin cảm tạ Hồng ân Chúa...

Vì Người thực hiện biết bao kỳ công trên chúng con
” (Tv 93).

Sáng thứ bẩy vừa qua, ngày 10.01.2009, lúc 10g30, tại Nhà nguyện của Tỉnh dòng Đồng Công Hoa Kỳ ở thành phố Carthage - tiểu bang Missouri, Đức Cha James Vann Johnston, Jr., Giám mục Giáo phận Springfield - Cape Girardeau đã chủ sự Thánh lễ trao Thừa tác vụ Linh mục cho hai thầy Đaminh M. Nguyễn Hoan Lương CMC và Laurenxô M. Nguyễn Châu Hy CMC.

Thánh lễ trao Thừa tác vụ linh mục cho hai thầy đã diễn thật trang nghiêm, nhưng lại đơn gọn chỉ trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Trong Thánh lễ này, có 53 linh mục dòng triều đồng tế; trong đó đặc biệt có cha Benedict Nenaan - đại diện trường Triết học Conception, MO., cha Joe Palamo – Giám đốc linh hướng Đại chủng viện Notre Dame, New Orleans, LA., cha Gregeo Hudson Chánh xứ Saint Anne, Carthage, MO., cha Chánh xứ dòng Phanxicô tại Palacious, TX., cùng 3 cha người Mỹ khác. Cũng thấy có mặt cha Đaminh Nguyễn Trung Truyền - chánh xứ Tân Hóa, Bảo Lộc, thuộc Giáo phận Đà lạt, và 4 linh mục Đồng Công đến từ Việt Nam. Nghe nói hầu hết các cha các thầy Tỉnh dòng Đồng Công Hoa Kỳ đều đã quy tụ về Nhà tỉnh dòng trong dịp vui mừng này, chỉ trừ các vị đang phải phụ trách các Cộng đoàn cách quá xa Nhà dòng.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự có mặt của một số nữ tu Đaminh và Trinh Vương đến từ Houston, TX và Springfield, MO. Vui nhất trong Đại lễ này đương nhiên là Bà cố cùng đông đảo anh chị em và thân nhân của thầy Hoan Lương, từ Bay city, TX đến; và Ông bà cố của thầy Châu Hy và sơ Têrêxa Kim Liên thuộc dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp em ruột của thầy Hy, đến từ Bảo Lộc, Việt Nam. Chúng tôi nhận ra một số giáo dân đến từ giáo xứ Nữ Vương Tử Đạo Việt Nam, Denver, Colorado, thuộc Giáo phận Denver và đến từ giáo xứ Kitô Vua, Fortworth thuộc Giáo phận Fortworth, TX. Đây là những giáo dân của các xứ đạo trên mà hai thầy đã từng phục vụ trước đây. Thật ân tình!

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ nhỏ xinh, ốp gỗ tiệp một màu vàng nhạt, hôm nay được trang hoàng đơn sơ nhưng tuyệt đẹp với hai dải vải màu cam và xanh trời sậm uốn lượn ngang Cung thánh. Có nhiều bình bông tươi đầy nghệ thuật, đa sắc mầu, nghe đâu do chính tay các thầy CMC trình bày. Trên Cung thánh, dưới chân tượng Chúa Tử Nạn, người ta đọc được hàng chữ đỏ nổi bật: “Here I am, God, I come to do your will” (Heb.10:9).

Lễ nghi và Thánh nhạc hôm nay gần như hoàn toàn bằng Anh ngữ, các thầy hát rất tuyệt vời. Nghi thức gây xúc động nhất chính là lúc hai thầy phó tế nằm phủ phục trên đất, trong khi Cộng đoàn phụng vụ hát Kinh cầu các Thánh bằng Anh ngữ. Hai vị nằm sấp đó, như dấu chỉ chết cho đời và sẵn lòng tự hiến trọn vẹn cho Sứ mệnh Linh mục cao cả, trong tay Chúa và Giáo hội. Sau những Nghi thức thánh hiến trên hai tân chức, Đức Giám Mục và Linh mục đoàn ôm hôn hai Tân linh mục như một dấu hiệu hiệp nhất huynh đệ, cả hai cha mới đã bật khóc.

Có một điều đáng ghi nhận là: Thật hân hạnh cho hai thầy và cho dòng Đồng Công nói riêng cũng như cho giới Công giáo Việt Nam Hải ngoại chúng ta nói chung, vì hai cha Hoan Lương và Châu Hy đây là hai Tân linh mục đầu tiên thuộc Giáo phận Springfield này được Đức Cha Johnston truyền chức, kể từ khi Ngài chính thức nhận chức Giám mục chính tòa Giáo phận Springfield - Cape Girardeau. Cũng chỉ cách đây mấy tuần, ngày 20.12.2008, cũng lại chính Ngài, lần đầu tiên với tư cách Giám mục Giáo phận, đã trao Thừa tác vụ phó tế cho ba thầy Đồng Công khác là Đaminh M. Trung Chánh, Philiphê M.Thanh Cao và Marcô M. Tiến Hóa.

Trong bài giảng, cách riêng dành cho hai Tiến chức linh mục hôm nay, Đức Cha căn dặn người linh mục hôm nay hãy cố gắng theo gương 72 môn đệ xưa mà ra đi làm chứng cho Tin Mừng, nhân danh Chúa Kitô linh mục, trong tinh thần phục vụ, yêu thương và khiêm nhường.

Sau Thánh lễ, Đức Cha, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và khoảng hơn 200 Khách quý đã xuống Nhà ăn để dự bữa tiệc chung vui với Nhà dòng. Đến lúc này thì Đức Cha ở giữa Cộng đoàn như một người bạn thân. Nụ cười, ánh mắt, cử chỉ, lời nói của Ngài đối với Nhà dòng và Quý khách đều đượm nét vui tươi thắm tình. Đặc biệt hôm nay, dù chưa đến Tết Việt Nam, Nhà ăn của Tỉnh dòng Đồng Công cũng đã được trang trí đầy tinh thần lễ hội của dân tộc với nhiều đèn lồng đỏ, câu đối; và thêm hàng chữ cắt khéo: “You are Priests for ever – Con là Linh mục đời đời”.

Được biết một số thân nhân, bạn bè của hai cha mới đã đến Tỉnh dòng từ hôm trước, để phụ giúp Nhà dòng chuẩn bị cho Ngày Hồng Phúc hôm nay; kể cả mấy quý vị đó đã không ngần ngại xắn tay áo lên, nhào dzô bếp… Thiển nghĩ âu cũng là một nét đẹp chung mang dấu ấn phục vụ của những người con cái Chúa.

Dù thời tiết khá se lạnh, nhiệt kế chỉ xuống tới 20◦F tại tiểu bang miền Trung nước Mỹ này, nhưng hình như mọi người tham dự đều cảm thấy ấm lòng, vui tươi và phấn khởi, như bầu trời vẫn luôn trong xanh của thành phố nhỏ Carthage trong Ngày thánh ân đáng nhớ này.

Kính chúc hai Cha mới tràn đầy ân sủng của Trời cao trong Ngày Đại Hồng Phúc, luôn sống thánh đức và nhiệt thành như Lòng Chúa hằng ước mong.

Nghe nói: ngoài hàng chục Tân linh mục mới chịu chức năm 2008 tại Nhà Mẹ Đồng Công Việt Nam và Tỉnh dòng Đồng Công Hoa Kỳ, hiện dòng Đức Mẹ Đồng Công đang có trên dưới 60 Đại chủng sinh đang theo học tại một số Đại chủng viện trong và ngoài nước. Như vậy, quả là hứa hẹn một Mùa gặt bội thu cho Mẹ Giáo hội.

Ước được như vậy, nhờ ơn Chúa!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thượng bất chính - Hạ tất loạn
LM. Vĩnh Sang, DCCT
01:31 11/01/2009
THƯỢNG BẤT CHÍNH, HẠ TẤT LOẠN

Chiều qua, tôi có việc đi ra Sài-gòn, ngồi trên taxi, trao đổi vài câu chuyện với người tài xế. Rồi vì chuyến xe của tôi ra đường Nguyễn Huệ, nên chúng tôi bị hút ngay vào chuyện “phố hoa” Nguyễn Huệ.

Người ta đã bắt đầu làm giàn, đã phân lô và đang làm những con trâu bằng rơm bằng rạ, chắc mọi người phải miệt mài và vất vả lắm vì ngày Tết đã gần kề. Người nghệ sĩ phải sáng tác, người nghệ nhân phải chăm bón từ rất lâu, có khi nhiều năm trước để có những “thế hoa”, người xây dựng đổ công đổ sức để hình thành, cả một khối người lao động và sáng tạo.

Anh tài xế taxi bảo tôi: “Tệ quá đi ! Hà Nội... quê quá chừng, thua Sài-gòn mình rồi !” Sài-gòn có kinh nghiệm làm phố hoa nhiều năm, thế nhưng, cũng chẳng hơn gì Hà Nội đâu, năm “con heo vàng” hồi đó bị đánh cướp hoa và heo ngay giữa ban ngày đấy thôi !

Tôi dùng chữ “đánh cướp” không biết có chỉnh theo ngôn từ không ? Nhưng tôi cứ dùng, vì tôi thiển nghĩ: “Ăn trộm” là lấy của người ta khi người ta vắng mặt, người ta không biết; còn “ăn cướp” là lấy giữa thanh thiên bạch nhật, lấy ngang nhiên trước mặt người ta và sẽ phản ứng thô bạo khi người ta cố gắng bảo vệ tài sản của mình, không để bị lấy mất. Kẻ cướp lại còn tán tận lương tâm đến mức có thể hạ thủ làm hại luôn nạn nhân nếu cần.

Theo như chúng ta được thông tin, thì chuyện xảy ra tại phố hoa Hà Nội rõ ràng phải xếp vào loại “ăn cướp”, vì lấy giữa ngay ban ngày, lấy trước mặt mọi người, trước mặt chủ nhân, đã vậy lại còn phản ứng thô bạo khi người có trách nhiệm bảo vệ lên tiếng. Không thể dùng từ “khiếm nhã” vì từ ngữ này chỉ có nghĩa là thiếu lịch sự trong giao tế mà thôi.

Vậy mà, báo chí Việt Nam đã xếp thông tin này vào chuyện “thứ yếu” khi cho đăng trong các đề mục nhỏ và đặt ở những trang bên trong mà thôi. Một vài tờ báo “tích cực” hơn, đã tiếp tục bàn bạc về một số ý kiến của các nhà giáo dục hoặc xã hội. Ngược lại, trên các trang mạng thì sôi nổi hơn, những lời bình luận có phần gay gắt và phản ứng chung là không chấp nhận chuyện “ăn cướp” giữa thủ đô như thế này.

Người ta đi tìm nguyên nhân và đưa ra những đề nghị xử lý, phần đông bảo là do “người dân thiếu ý thức”, chính quyền phải cương quyết và mạnh tay để tái lập trật tự kỷ cương. Nói chuyện hoa lại nhớ chuyện giao thông, cũng vẫn những lý luận y như vậy, người ta đổ hết nguyên nhân gây ra tai nạn là do người sử dụng các phương tiện giao thông thiếu ý thức.

Thử nhìn vấn đề theo một góc cạnh khác. Nếu hệ thống giao thông hợp lý – không chỉ là hợp lý theo kỹ thuật mà còn là hợp lý theo nhân văn nữa – thử một lần ghé ngang qua khu vực có đường xe lửa đi qua, chúng ta thấy cái gì ? Ông Đường Sắt nhà ta lắp đặt hai cái hàng rào song song, cắt thành phố làm hai, hai bên không ai được phép băng qua cả, cư dân bên này không được phép phá hàng rào để liên lạc qua bên kia, thế là thế nào ?

Đề cập đến việc di dời ga Hòa Hưng ra ngoài thành phố, “các ông” đưa ra đủ thứ ý kiến để trì hoãn việc di dời, trong khi đó đất trong khu vực ga Hòa Hưng thì được phân lô xây cất rất nhanh, tiền chia chác đầy túi cán bộ. Nhân dân vùng này chờ đến khi nào các “đầy tớ” của mình chia nhau hết đất thì sẽ được giải quyết việc di dời, riêng hai cái hàng rào “Ô Thước” đó cứ việc để đấy !

Nếu hệ thống giao thông đúng kỹ thuật thì có thể xảy ra tai nạn được không ? Nếu hệ thống dạy và thi nghề lái xe không cấp bằng giả, bằng lậu thì có thể xảy ra tai nạn nhiều như bây giờ chăng ? Nếu không có những “chốt” mãi lộ dọc đường thì xe có tìm cách tăng khách, tăng hàng, tăng tốc độ chạy bù mà gây ra tai nạn không ? Tại sao không có những câu hỏi như vậy nhỉ ? Nếu đặt được những câu hỏi như thế thì đã có ngay câu trả lời rồi, sao lại cứ đổ tiệt hết cho người dân thiếu ý thức ? Thế cán bộ ăn lương từ tiền thuế của dân để làm gì ?

Trách người dân không ý thức, trách người dân không tuân thủ luật lệ, vậy những người có trách nhiệm đã làm hết trách nhiệm mình chưa ? Đất nước đã ngừng chiến tranh hơn ba mươi mấy năm rồi, bán đảo Đông Dương đang mừng kỷ niệm ba mươi năm thay đổi chính thể ở Campuchia, tiếng súng đã im hơn ba mươi năm ở miền Tây Nam tổ quốc, ba mươi năm xây dựng trong hòa bình thì nhân dân được gì ?

Trời ạ, hệ thống giáo dục rệu rã, lương tâm xã hội suy thoái biến chất, con người Tràng An thanh lịch nay cướp hoa giữa ban ngày, con người văn minh Sài-gòn nay bon chen ngột ngạt, “hòn ngọc Viễn Đông” chỉ còn là vang bóng một thời đấy thôi.

Tôi cho rằng chính những người có trách nhiệm với đất nước phải chịu trách nhiệm về các vụ việc bê bối này, nếu phải phê phán thì phê phán những người đang cầm cân nảy mực, vì chính họ là tấm gương nhòe nhoẹt rạn vỡ để xã hội đua nhau hành xử theo.

Những suy nghĩ về “Lung linh hai tiếng gia đình” trong bài viết lần trước trên Ephata 401, tôi nhận được nhiều phản hồi từ người đọc, những dòng suy tư đã gợi nhớ về những gương mặt cha mẹ thân yêu của chúng ta, những tấm gương sáng ngời về nhân đức và về lối sống.

Cha mẹ tôi xuất thân từ nông dân, kiếp nghèo bám chặt cuộc đời của ông bà, đến đời con đời cháu cái gốc nghèo vẫn chưa “nhả” hết. Thế nhưng lòng kính sợ Thiên Chúa thì đã ăn vào tận thâm căn cố đế cuộc đời. Chúng tôi lớn lên, qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm, lời răn dạy và gương sống của mẹ cha vẫn chính là lòng kính sợ Thiên Chúa.

Có những lúc chênh vênh bên bờ vực, nhớ cha nhớ mẹ, bỗng như mình chợt tỉnh, dừng lại kịp, kẻo lại “làm mất lòng Chúa”. Có những lúc cám dỗ dồn dập xô tới, bỗng nhớ mẹ nhớ cha với lời răn dạy “đói cho sạch rách cho thơm”, lòng tự trọng Kitô Giáo được đánh thức, được sống lại, giữ cho mình khỏi “sa chước cám dỗ”.

Cứ thế, tuổi càng về chiều, hình như lời răn dạy và gương sáng ấy càng sống động trong tôi, dìu bước chân mình trên đường vạn lý được vững chắc hơn, được tin tưởng hơn.

Cha mẹ tôi nghèo, lại ít học, nên ông bà chẳng có gì cao siêu để dạy dỗ con cái, chỉ là những bài học hết sức đơn sơ, rất cụ thể và chân chất bình dân làm “di sản phi vật thể” cho con cho cháu. Những bài học bình dân ấy ngô nghê nhưng đọng lại trong tôi lòng kính trọng, bởi vì chính trong những điều hết sức dung dị đó, tôi được sinh ra và lớn lên, được chọn làm Linh Mục, làm Linh Mục của người nghèo.

Đã từng là một người con, bây giờ là Linh Mục, tôi thấy tuổi trẻ và thiếu niên cần lắm những tấm gương trong cuộc sống Đức Tin của người làm cha làm mẹ, tiền bạc sẽ trôi đi, kiến thức cũng có thể mai một, chẳng cái gì có thể theo ta cả đời ngoài tấm lòng biết kính sợ Thiên Chúa. Phải chăng thời điểm này, thời điểm Hội Thánh Việt Nam lên tiếng về việc xây dựng một nền giáo dục Kitô ngay trong mỗi gia đình, đó là lúc mỗi gia đình ý thức vai trò giáo dục của mình, cha mẹ trở nên tấm gương sáng cho con cái...

Vâng, thượng liêm chính, hạ tất an !

Sài-gòn 9.1.2009
 
Lời cầu nguyện cho cho Sự thật - Công lý - Hoà bình của xứ An Lạc - Thái Bình
J.B Nguyễn Hữu Vinh
15:13 11/01/2009
CHIẾC TRỐNG SẤM LỚN NHẤT VIỆT NAM ĐÃ VANG LÊN HỒI TRỐNG
GIỤC GIÃ CẦU NGUYỆN CHO SỰ THẬT – CÔNG LÝ – HOÀ BÌNH.


Thái Bình - Những ngọn nến cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà bình đã cháy lên.

Những ngày đầu năm 2009, Giáo phận Thái Bình đã nô nức phong trào cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà bình. Những đêm thắp nến cầu nguyện đã được tổ chức trọng thể và hoành tráng. Giáo xứ Bác Trạch đã “mở hàng” phong trào này trong năm mới bằng một đêm thắp nến cầu nguyện vĩ đại với hàng ngàn người tham dự. Đây là một Giáo xứ lớn có lòng tin mến mạnh mẽ, hiện đang đồng tâm hiệp lực xây dựng những công trình lớn lao cho Giáo xứ - Giáo hội. Ngôi Thánh đường dài 82 mét, rộng 27 mét đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Một công trình vừa hoàn thành là cây LaVang đã hoàn thành với kích thước và khối lượng công việc rất lớn.

Giáo xứ đã tổ chức rước tượng Đức Mẹ từ Giáo phận về Giáo xứ với khoảng cách 20km, một đám rước hoành tráng và đông đảo giáo dân trong, ngoài xứ tham dự. Sau cuộc rước, Giáo xứ đã tiến hành đêm thắp nến cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà bình.

Sự kiện này đã mở đầu cho những cuộc thắp nến cầu nguyện cho các giáo xứ trong Địa phận Thái Bình năm 2009. Trước đó đã có những cuộc cầu nguyện nhưng đây có lẽ là cuộc cầu nguyện lớn nhất, tổ chức một cách bài bản. Những lời cầu nguyện cho Giáo xứ, Giáo phận, cầu nguyện cho đất nước, quê hương được sống trong đường hướng được dẫn dắt bởi Sự thật – Công lý – Hoà bình đã được dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Trong lời cầu nguyện, Giáo xứ đã đặc biệt dành lời cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà.

Giáo xứ An Lạc - Cung hiến Thánh đường và cầu nguyện cho Sự thật – Công Lý – Hoà Bình.

Ngày 11 tháng 1 năm 2009, giáo xứ An Lạc thuộc Giáo phận Thái Bình đã tổ chức trong thể lễ cung hiến ngôi Thánh đường Vincent của Giáo xứ do Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang chủ tế. Ngôi thánh đường đẹp đẽ vừa được hoàn thành với công lao và tiền của của giáo dân trong và ngoài Giáo xứ, đáp ứng lòng mong mỏi một nơi thờ phượng đàng hoàng đẹp đẽ, xứng đáng là nơi Chúa ngự.

Nơi đây, đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư một vùng đồng bằng ở Bắc Bộ.

Giáo xứ có khoảng 900 nhân danh, là một Giáo họ mới được nâng lên thành Giáo xứ gần đây. Cộng đồng nơi đây có khoảng 20% người không theo công giáo. Tuy nhiên, đây là một mô hình tốt đẹp về an ninh xã hội. Các tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuý, trộm cắp không có chỗ trú ngụ ở nơi này. Những công việc của cả hai bên công giáo và không công giáo đều được người công giáo chủ động lo chung như việc cưới, tang và những việc xã hội, việc cộng đồng khác.

Thánh lễ đồng tế chiều Thứ 7, 10/1/2009, Cha Tổng Đại diện Giáo phận đã chủ tế và ban phép thêm sức cho các cháu thiếu nhi. Giáo xứ đã kêu gọi mọi người tham dự buổi cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà Bình và trình diễn Hoan ca cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa diễn ra tối thứ 7 ngày 10/1/2009.

Trước Thánh lễ, cuộc rước xung quanh Thánh đường diễn ra hết sức đẹp mắt với dàn trống lớn và hai đội kèn Nam, Nữ của các giáo xứ bạn đến chung ngày vui.

Trong Thánh lễ, dàn đồng ca đã cất lên những bài hát Latinh mà đã rất lâu những người công giáo Việt Nam không còn được nghe lại, điều này đã làm xúc động rất nhiều tín hữu tham dự Thánh lễ hôm nay.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong- linh mục Dòng Chúa cứu thế, giáo xứ Thái Hà - đã nêu bật tình yêu của Thiên Chúa toàn năng đối với loài người qua việc hiến bản thân mình là của lễ hi sinh nuôi đàn chiên và nhiệm vụ của mỗi tín hữu phải là ngôn sứ cho Sự thật – Công lý – Hoà bình theo gương Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt.

Buổi tối sau Thánh lễ, Giáo xứ đã tổ chức đêm Hoan ca cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa đã ban xuống cho Giáo xứ, Giáo phận và Giáo hội bằng những tiết mục văn nghệ đặc sắc từ các giáo xứ bạn đến góp vui. Những màn văn nghệ chuẩn bị rất công phu đã được trình diễn

Cầu nguyện cho Sự thật - Công lý – Hoà bình được bắt đầu bằng hồi trống của chiếc trống lớn nhất Việt Nam.

Chiếc trống lớn nhất Việt Nam của Giáo xứ Hoàng Xá đã được điều động đến và đã cất vang hồi trống hùng dũng, mạnh mẽ và âm vang rất lớn mở đầu cho cuộc cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà bình.

Đây là chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bề mặt trống có đường kính 2,17m, được bọc hoàn toàn bằng một mảng da trâu, độ dày lớp da là 1cm, đường kính đai trống là 3,1m, chiều cao chiếc trống là 2,63m, được tạo bởi 102 thanh tang với độ dày mỗi thanh 3,3cm. Chiếc trống này vừa mới được hoàn thành dịp lễ Noel cuối năm 2008.

Sau hồi trống gầm vang mạnh mẽ thúc dục, cả cộng đồng đã thắp nến cầu nguyện. Cả ngàn ngọn nến lung linh trên tay đã cùng những lời cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa cất lên.

Phần cầu nguyện gồm có 4 phần: Hoà bình thế giới, Giáo hội Hoàn vũ, Đất nước Việt Nam và Giáo hội Việt Nam.

Trong lời cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam có những đoạn:

“Qua một quá trình dài dưới chế độ Việt Nam hiện nay, rất nhiều tài sản của Giáo Hội đã bị chiếm đoạt và sử dụng không đúng với những mục đích giá trị vốn có, đã làm hư hỏng, thất thoát và biến dạng rất nhiều. Thậm chí nhiều nơi đã được chia chác và sử dụng bất công. Nhưng việc thu hồi và trả lại những tài sản đó cho Giáo hội sử dụng vào việc thờ phượng và công ích đa số đã không được đáp ứng. Nhiều nơi giáo dân kiên trinh và dũng cảm bày tỏ nguyện vọng của mình. Điển hình như ở Toà Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà ở TGP Hà Nội vừa qua, Dòng Thánh Phaolo Vĩnh Long, Dòng nữ tử Bác Ái Sài Gòn, giáo xứ An Bằng giáo phận Huế… hiện nay và nhiều nơi khác nữa.

Nhưng những nguyện vọng của họ nhiều nơi đã bị đàn áp, đã bị gây nhiều khó khăn trong đời sống tôn giáo và cá nhân. Ở đó, Sự thật, Công lý đã không được tôn trọng. Hoà bình đối thoại đã bị loại bỏ”.

Hiệp thông cùng toàn thể Giáo Hội Công giáo Việt Nam, chúng ta nguyện xin Thiên Chúa Toàn năng luôn gìn giữ quan phòng Giáo Hội Việt Nam vượt qua sóng gió của những gian nan khó khăn và thử thách này. Xin Người hướng dẫn và dẫn dắt để những tài sản của Giáo Hội sớm trở về sử dụng đúng mục đích phụng thờ Thiên Chúa.

Xin Chúa làm bùng lên ngọn lửa Sự thật, Công lý, Hoà Bình được rực sáng trên toàn cõi Việt Nam, soi sáng cho đàn chiên Việt Nam sống đúng tin thần mà Chúa Giê su đã dạy: “Sự thật sẽ giải phóng anh em”.


Lời cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục và Thái Hà:

“ Thời gian qua, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt của chúng ta, vị lãnh đạo Giáo hội vô vàn kính yêu, người đã tận tuỵ hi sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp chăn dắt đàn chiên của Chúa, đã bị đàn áp bởi một làn sóng thông tin nhục mạ, bôi xấu bịa đặt hết sức ác độc. Ngoài ra, nhiều phương cách nhằm triệt hạ uy tín và an toàn cá nhân của Ngài cũng như nhằm chia lìa Ngài với đàn chiên của Ngài đang chăn dắt đã được thi thố bởi Nhà cầm quyền Hà Nội. Những ngón nghề truyền thông nô lệ và những đòn thù nhơ bẩn đó đã làm hàng triệu con người uất hận. Nhưng Thiên Chúa toàn năng đã ra tay gìn giữ Ngài một cách tuyệt hảo.

Xin Chúa và Mẹ Maria luôn quan phòng, gìn giữ bản thân Đức Tổng Giám mục của chúng ta cách đặc biệt để Ngài luôn giữ vững một tinh thần hăng say và dũng cảm trong gánh nặng phục vụ khó khăn và gian khổ của Ngài. Xin gìn giữ các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà cũng như những người đang bị oan ức khác được luôn kiên trinh và vững vàng vâng theo Thánh ý Chúa đã định, vững bước trên con đường mưu tìm Công lý, Sự thật và Hoà Bình cho đất nước, cho dân tộc và Giáo Hội chúng ta.


Cộng đồng cũng đã cầu nguyện cho nhà cầm quyền đất nước:

“Chúng ta cũng xin Chúa ban ơn khôn ngoan, sáng suốt cho những người cầm quyền, để họ biết lấy phục vụ nhân dân làm mục đích công việc của họ. Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn họ để những lời họ nói đi đôi với những việc họ làm, để biết loại trừ sự dối trá, sự bất công và vô lý trong xã hội. Nhất là để những người cầm quyền nhận thức được rõ ràng rằng dối trá, tham nhũng là một tội ác chống lại nhân dân, chống lại sự tiến bộ của loài người, chống lại tình yêu thương của Thiên Chúa.

Xin cho họ nhận thức sâu sắc rằng: Một dân tộc, một đất nước muốn tiến bộ, không thể vượt qua được Sự thật, Công lý và Hoà Bình. Ngõ hầu đưa đất nước đi lên tiến kịp với nền văn minh nhân loại và thoát khỏi những nỗi nhục nhã mà đất nước chúng ta đã chứng kiến thời gian qua.

- Xin Chúa nhậm lời chúng con”.


Buổi diễn nguyện và cầu nguyện kết thúc tronn màn sương lạnh đêm mùa đông của vùng đất Thái Bình, những lời cầu nguyện như đang đọng lại đâu đó. Những ngọn đèn trời được giáo dân thả lên bầu trời như mang những lời tạ ơn, niềm vui, những tâm tình của cộng đồng dân Chúa lên đến tận cõi cao xanh.

Rời An Lạc và Giáo phận Thái bình, chúng tôi cứ nghĩ mãi về một vùng đất quật cường, anh dũng và đặc biệt là niềm tin yêu, sống đạo hết sức sôi động.

Nguyện xin Thiên Chúa ban đầy hồng ân xuống cho Hàng giáo phẩm, các linh mục tu sĩ và giáo dân Giáo phận này, để năm mới 2009 Giáo phận có nhiều thành quả mới.

Hà Nội, Ngày 11/1/2009
 
Tin Đáng Chú Ý
Giám sát hơn 180 ngàn đảng viên
BBC
05:25 11/01/2009
Giám sát hơn 180 ngàn đảng viên

Trong năm 2008 Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát để củng cố kỷ luật nội bộ trước các cáo buộc sai phạm đối với đảng viên cao cấp.

Ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong một bài viết đăng trên báo Nhân dân cho hay, trong năm qua Đảng CS đã ra tới 13 quyết định và quy chế về kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Trong đó có các quy chế mới được đưa vào lần đầu như Quy chế chất vấn trong Ðảng, Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và Quy trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Năm 2008 đã có một số nhân sự cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật vì các sai phạm. Được nhắc đến nhiều gần đây là trường hợp nguyên bí thư Cà Mau Võ Thanh Bình, hay cựu thứ trưởng giao thông Nguyễn Việt Tiến.

Ông Chi nhận xét đã có 'chuyển biến trong nhận thức' của các cấp ủy Đảng trong vấn đề giám sát, kiểm tra.

Theo ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các sai phạm liên quan tới đảng viên chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực: quản lý sử dụng đất, quản lý ngân sách và cử đoàn cán bộ công cán nước ngoài.

Giám sát hơn 180 ngàn đảng viên

Theo bài viết của ông Nguyễn Văn Chi, "Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra đối với 37 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý và 11 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương".

Song song, 16 ngàn đảng viên và gần 4 ngàn tổ chức đảng cấp dưới cũng đã bị kiểm tra vì "có dấu hiệu vi phạm".

KIỂM TRA GIÁM SÁT

Kiểm tra 16.000 đảng viên, trong có 37 đảng viên thuộc Trung ương quản lý

4.000 đảng viên bị tố cáo, trong có 64 người Trung ương quản lý

Giám sát 180.000 đảng viên


Ông Chi cũng cho hay, năm 2008 đã có 4 ngàn đảng viên và 141 tổ chức đảng bị tố cáo, trong đó có 64 đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và hai tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên ông nói con số tố cáo có giảm so với 2007.

Năm ngoái, cơ quan kiểm tra Đảng cũng đưa vào hoạt động mới là công tác giám sát. Hơn 180.000 đảng viên bị giám sát trong năm qua.

Riêng tại Hà Nội, năm 2008 có 913 đảng viên đã bị kỷ luật, trong đó 53 người đã bị cách chức.

Hội nghị Trung ương 9 hiện đang họp tại thủ đô cũng đặt cao trên nghị trình việc kiểm điểm khâu cán bộ, nhân sự của Đảng nhân 10 năm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương (khoá VIII) về chiến lược cán bộ.