Ngày 13-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 14/01: Cảm nghiệm và đáp trả tình thương Thiên Chúa – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
01:05 13/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Đó là lời Chúa
 
Chúa thương xóa bỏ tội trần
Lm Nguyễn Xuân Trường
06:27 13/01/2023

CHÚA THƯƠNG XOÁ BỎ TỘI TRẦN

Thật là ý nghĩa khi ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Âm Lịch, và cũng là dịp đầu năm Dương Lịch, chúng ta được nghe lời Phúc Âm quen thuộc vẫn được lặp lại trong mỗi thánh lễ: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Nghe lời đó chúng ta thấy sao? Đó là Lời Tin Mừng vĩ đại, là lời chúc tết tuyệt vời Chúa gửi tới chúng ta: Chúa Giêsu yêu thương đến độ hy sinh thân mình để xóa tội, để đổi đời nhân loại.

1. Xóa tội nối lại hiệp thông. Con người phạm tội. Tội lỗi ngăn cản, cắt đứt sự hiệp thông đầy yêu thương gần gũi giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thật là phúc đức, Chúa không kết tội, mà Chúa tha tội, Chúa xóa tội để nối lại hiệp thông. Chúa là Đấng vô tội nhưng đã gánh tội trần gian như người Việt Nam thường nói “Con dại cái mang”. Chúa xóa tội không chỉ để con người được sạch tội, mà quan trọng là nối lại hiệp thông tình nghĩa Cha-con giữa Chúa và con người, tình nghĩa anh-em giữa con người với nhau.

2. Xóa tội đổi mới đời người. Trong trời đất thiên nhiên, dịp cuối năm mùa đông, cây cối trút bỏ lá vàng vỏ khô cũ kỹ, để dịp đầu năm mới mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc mới xanh tươi đẹp đẽ. Tương tự như thế, Chúa xóa tội là đem cơ hội cho con người từ bỏ những đam mê nết xấu cũ kỹ, và nảy nở những nhân đức thánh thiện tươi mới. Thế nên, Chúa xóa tội để đổi mới cuộc đời con người tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Sắp Tết rồi, chẳng ai muốn Tết buồn, ai cũng muốn Tết vui. Muốn vui thì hãy xóa tội: Chúa xóa tội cho người, người xóa tội cho nhau. Tết đến mọi người cầu chúc cho nhau được nhiều Phúc. Muốn vậy, hãy đi tham dự thánh lễ để hưởng Phúc như lời công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Amen.
 
Cùng Chúa, ta vượt qua
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:32 13/01/2023

CÙNG CHÚA, TA VƯỢT QUA
CHÚA NHẬT THỨ II THƯỜNG NIÊN NĂM A

Thánh Gioan Tông đồ ghi lại lời thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Đấng được gọi là “Chiên Thiên Chúa”, cũng được thánh Gioan giới thiệu hết sức long trọng: “Ngài có trước tôi, Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Ngài”.

Cuối bài Tin Mừng, thánh Gioan còn giới thiệu Chúa cách quả quyết và long trọng trọng hơn nữa: “Ngài là Con Thiên Chúa”. Lời giới thiệu mà thánh Gioan dâng lên Chúa Giêsu là những lời hết sức cao trọng, một sự cao trọng trên mức bình thường.

1. Vì sao “Con Thiên Chúa” cũng chính là “Chiên Thiên Chúa”?

Chiên là vật người Dothái nuôi nhiều. Nó hiền từ, dễ yêu. Trong đêm Vượt qua xưa của người Dothái, đêm mà Chúa cứu họ thoát cảnh lầm than nô lệ người Aicập, qua ông Môisen, Chúa truyền phải cử hành lễ Vượt qua bằng cách mỗi gia đình giết một con chiên không tì vết, không thương tật, tế lễ cho Thiên Chúa, cảm tạ lòng thương xót Chúa dành cho dân khi giải phóng họ.

Đêm lễ Vượt qua, trước khi lên đường rời khỏi đất nô lệ, toàn dân cử hành nghi thức ăn lễ Vượt qua gồm bánh không men, rau diếp đắng và thịt chiên. Họ phải ăn thật vội vả. Sau đó, ngay trong đêm, tất cả lên đường rời bỏ Aicập, vượt qua tình trạng nô lệ để sống tự do.

Hành động giết chiên mừng lễ Vượt qua phải được cử hành hàng năm để muôn đời toàn dân phải nhắc đi, nhắc lại cho con cháu, không phân biệt bất cứ thế hệ nào. Đó cũng là hành động ghi nhớ khởi đầu cuộc thanh luyện dài 40 năm trong sa mạc trước khi tiến chiếm Đất hứa mà Thiên Chúa hứa ban cho dân tộc Người tuyển chọn.

Bằng việc nhắc nhớ hàng năm, hành động ăn thịt chiên để cử hành Vượt qua, người Dothái còn giúp nhau ý thức rằng: Chính Chúa đã ban cho họ vùng đất mà họ đang sống để làm gia nghiệp, làm quê hương xứ sở. Họ phải tận trung với tình yêu bền vững, một tình yêu cuồn cuộn mà muôn đời Người đã dành cho cha ông họ và vẫn tiếp tục tuôn đổ trên họ.

Khi giới thiệu Chúa Giêsu là “chiên Thiên Chúa”, thánh Gioan như muốn nói, từ nay, không còn thể thức mừng lễ với thịt chiên của Cựu ước nữa. Đúng hơn, chiên vượt qua của giao ước cũ là hình bóng báo trước, là sự chuẩn bị cho việc mừngVượt qua của giao ước mới.
Và Chúa Giêsu, chiên vượt qua của giao ước mới, là chính Con Thiên Chúa làm người hiến dâng mạng sống mình để tha thứ, cứu chuộc ta. Chúa Giêsu vượt qua sự chết, tiến vào sự sống, để ta cùng với Người, nhờ Người, vượt qua tình trạng nô lệ của tội, tiến vào tự do được làm con Chúa.

Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu mang nơi mình hình ảnh con chiên hiền lành bị đem đi giết. Bởi đó, thánh Gioan Tẩy giả không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

Cho đến hôm nay, và mãi về sau, lời giới thiệu này được Hội Thánh lặp đi lặp lại trong từng thánh lễ. Cùng với lời đọc này, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh Chúa đã được bẻ ra để mọi người tôn thờ.

Hành động bẻ đôi Mình Thánh Chúa có ý cho thấy sự tự hiến của Chúa Giêsu. Người đã bẻ chính sự sống mình, bẻ cuộc đời mình dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội ta. Hành động bẻ đôi Mình Thánh Chúa cũng nói lên sự xóa mình của Chúa Giêsu.

Ngày nay, mỗi lần dâng thánh lễ, ta cử hành lễ Vượt qua, được ăn tiệc Vượt qua, và thịt chiên Vuợt qua chính là Mình Máu Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu tự hiến mình để chia sẻ kiếp sống của ta. Người đã chịu đau khổ để thông cảm và đồng cảm cùng mọi khổ đau trong đời ta. Chỉ cần ta có lòng tin, ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện bên mình.

2. Ta cần một lòng tin.

Chuyện kể rằng: Danh họa Raphael, người Ý, muốn họa chân dung Chúa Giêsu. Ông đi khắp nơi để tìm mẫu người thích hợp khuôn mặt Chúa. Nhưng càng tìm, Raphael càng khám phá: Trên trần gian không một ai hoàn hảo như Chúa Giêsu. Và ông cũng không tài đến nỗi có thể góp nhặt tất cả mọi vẻ đẹp của mọi người để tạc vào khuôn mặt của Chúa.

Nhưng vẫn quyết tâm vẽ bằng được. Vì thế, ông bỏ thời gian dài trong nhiều năm để nghiền ngẫm về tác phẩm mà ông sẽ thực hiện. Cuối cùng, Raphael bắt tay vào thực hiện bức họa. Ông vẽ Chúa Giêsu có khuôn mặt hiền từ, khả ái.

Không ngờ, trong thời gian ông đang hoàn thành bức họa Chúa Giêsu, thì liên tiếp những bất hạnh xảy ra cho ông: Nhà ông bị cháy hết một phần. Bức tranh mà ông đang vẽ tưởng chừng như bị thiêu rụi cùng với một phần của căn nhà. May mà ông cứu nó kịp thời.

Nhưng đứa con trai đầu lòng của ông bị bỏng nặng. Vợ ông, vì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của đám cháy, và chứng kiến cảnh tượng thương tâm của đứa con, đã trở nên ngớ ngẩn, điên dại. Còn bản thân danh họa Raphael, vì quá đau buồn nên bị kiệt lực và bệnh nặng.
Nhưng ông vẫn gượng lấy lại bình tĩnh, lấy lại nghị lực để tiếp tục sống. Ông cũng tiếp tục dành nhiều thời gian để hoàn thành bức chân dung Chúa Giêsu. Không ai ngờ, chính trong đau khổ cùng cực của mình, nhà họa sĩ đã vẽ nên một tuyệt tác.

Khuôn mặt của Chúa Giêsu vốn đã hiền từ, khả ái, bây giờ lại càng độ lượng, đáng yêu đến mức, ai nhìn vào đó, đều nhận ra khuôn mặt của Chúa toát lên một vẽ đẹp bình an và thông cảm đến kỳ diệu. Bức chân dung Chúa Giêsu của Raphael, vì thế, trở nên nổi tiếng.

Họa sĩ Raphael, trong đau khổ tột cùng, đã phác họa chính nội tâm của mình. Ông đã trút tất cả tâm tư đầy khát vọng của tâm hồn ông lên khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu.

Bởi không phải phác họa chân dung, không đi tìm bất kỳ khuôn mặt của bất kỳ ai, mà là chính khuôn mặt của tâm hồn mình, nhà họa sĩ tài ba đã để lại cho đời tuyệt phẩm bất hủ.

Bên trong bức họa chân dung Chúa, điều mà người ta nhận thấy mạnh mẽ nhất, lớn lao nhất chính là đức tin của Raphael. Chính đức tin đã làm cho ông, trong đau khổ, không oán giận Thiên Chúa. Ngược lại, càng đau khổ, ông càng nhận ra Thiên Chúa hiền lành, nhân từ, độ lượng. Ông nhìn thấy một Thiên Chúa khả ái, yêu thương và thông cảm. Người như đang sớt chia cùng ông mọi hoàn cảnh mà ông phải trải qua.

Đức tin đã cho ông thấy Thiên Chúa. Nhờ nhận ra Chúa, tâm hồn ông đầy khát vọng sống trong Chúa, vươn lên tới Chúa và trung thành với thánh ý Người xếp đặt trong đời ông.

Như bao nhiêu anh chị em tín hữu: Họ tin mãnh liệt. Ta hãy mang lấy lòng tin bất khuất như thế, để suốt đời và hết mọi ngày trong đời, dù bi thương hay hạnh phúc, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, ta cảm nhận sâu xa: Có Thiên Chúa ở cùng. Có Chúa Giêsu cùng ta song hành.

Nhận ra tình thương, sự hiện diện của Chúa, để cùng Chúa, ta sống lễ Vượt qua kiên trì, bền bỉ, để nhờ Chúa, ta vượt qua tội lỗi, vượt qua mọi cám dỗ, vượt qua mọi bất trắc…, mà tiến đến thánh giá, can đảm vác thánh giá hướng về ơn phục sinh của đời mình trong Chúa.
Chỉ có lòng tin như thế, cuộc đời ta mới thực là lễ Vượt qua khải hoàn, vinh thắng.
 
Vạch Mặt, Chỉ Tên Rồi Xoá Bỏ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:24 13/01/2023
Vạch Mặt, Chỉ Tên Rồi Xoá Bỏ

(Chúa Nhật II TN A)

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”(Ga 1,29). Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với đám đông dân chúng thời bấy giờ là những người ít nhiều quen thuộc hình ảnh con chiên. Nói đến chiên thì người ta dễ liên tưởng đến việc gánh tội. Hình ảnh con dê tế thần hay con chiên gánh tội vốn dĩ khá quen thuộc với nhiều người thuộc nhiều môi trường xã hội, nhất là với người Do Thái.

Chúng ta không nghi ngờ gì về một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến trần gian đó là tẩy xoá tội lỗi con người. Và một trong những cách thế chính yếu mà Người xóa tội lỗi nhân gian đó là vạch mặt, chỉ tên tội lỗi và đầu mối của tội lỗi là thần dữ. Người đã từng minh nhiên vạch trần khuôn mặt của thần dữ hay là ma quỷ như sau: “Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Có thể khẳng định hai đặc tính của thần dữ là gian dối và độc ác. Thánh Gioan tông đồ đã nói với chúng ta rằng tội lỗi là sự gian ác. Ai phạm tội là làm điều gian ác và họ là người của ma quỷ (x.1Ga 3,8-10).

Chính khi trong phận con chiên hiền lành gánh lấy án hình khổ giá cách bất công và nhục nhã là lúc Chúa Kitô cho chúng ta thấy chân tướng của sự tội. Do bởi ganh tương đố kỵ mà các lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã kết án Chúa Kitô cách bất công với nhiều chứng cứ gian dối (x.Mt 26,59). Ngay cả Philatô cũng thừa biết rõ chính vì “ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18). Ông đã khẳng định là không tìm thấy lý do nào để kết tội Chúa Kitô và dù ông đã tìm nhiều cách để cứu Người mà chẳng thể làm được vì ông nhát đảm, sợ cái ghế lung lay, mất chức, mất quyền (x.Ga 19,8-16). Thập giá Chúa Kitô cho chúng ta thấy rõ tội lỗi chính hành vi gian dối và ác độc.

Hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia loan báo vừa là người sẵn sàng “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị người ta phỉ nhổ (Is 51,8), vừa là người “làm ánh sáng muôn dân để đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Chúa Kitô chính là người tôi trung đích thực của Thiên Chúa. Khi đón nhận sự gian ác của con người thì chính là lúc Người soi sáng cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt của sự tội. Biết rõ chân tướng của tội lỗi là tiền đề ắt có để thoát ra khỏi vòng kiềm toả của nó vậy.

Ở trong sự thật, sống trong chân lý thì chúng ta sẽ chiến thắng thần dữ, cha của sự gian dối. Khẳng khái trước Philatô, Chúa Kitô đã tuyên bố một trong những sứ mạng của Người khi vào trần gian đó là làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì hãy nghe theo Người, và sự thật sẽ giải thoát nhân loại chúng ta (x.Ga 18,37; 8,32).

Sống trong tình yêu thì chúng ta sẽ chiến thắng thần dữ, tên sát nhân, nguồn cội của những hành vi ác độc. Một trong những sứ mạng của Đấng Cứu Độ khi vào trần gian đó là mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tòan diện và đến cùng. “Con Người đến thế gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). Quả thật, không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình của người sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Chúa Kitô vạch mặt, chỉ tên tội lỗi và nguồn gốc của nó để rồi xoá bỏ nó bằng việc trao ban Thánh Thần. Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác nhận và làm chứng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (G1,33-34). Khi chịu tử nạn trên thập giá, Trái Tim cực thánh Chúa Kitô đã bị đâm thâu, máu cùng nước đã chảy ra và Thánh Thần, Thần Chân Lý và là Nguồn Tình Yêu được trao ban (x.Ga 19,31-37; 16,13).

“Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Khi gợi nhớ cho Philipphê và Natanael về hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời mà tổ phụ Giacop ngày xưa mơ thấy (x.St 28,10-22), thì Chúa Kitô đã khẳng định Người chính là con đường dẫn đưa nhân loại về trời. Dẫn đưa nhân loại về trời cũng có nghĩa là giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi vòng kiềm toả của thần dữ. Có thể nói rằng hai thanh đứng của chiếc thang chính là sự thật và tình yêu. Sự liên kết mật thiết của tình yêu và sự thật sẽ trở thành khí cụ tiêu diệt tội lỗi và dĩ nhiên sẽ dẫn đưa chúng ta về với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh cửu. Nếu chúng ta biết yêu thương nhau bằng việc làm với lòng chân thật và nếu chúng ta biết sống trong sự thật để yêu thương nhau, thì chúng ta sẽ được bình an vì Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta, ở trong chúng ta (x.1Ga 3,11-24).

Xin cùng nhìn lên thập giá để nhớ về người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu. Cũng cất lời khẩn xin Chúa Giêsu cứu thoát mình như người bị treo bên trái, nhưng anh này đã khiêm tốn ở trong sự thật khi nhìn nhận mình đáng chịu hình phạt khổ giá vì tội đã phạm, đồng thời anh ta cũng có chút tấm lòng với Chúa Giêsu khi bào chữa rằng Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái (x.Lc 23,39-43). Chính nhờ có chút tấm lòng và biết sống trong sự thật nên lời khẩn xin của anh đã được nhậm lời và anh ta đã được về trời ngay hôm ấy.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đức Giêsu, Ngư Phủ và Thu Thuế - Mark 2:13-17
Nguyễn Trung Tây
14:51 13/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây

Đức Giêsu, Ngư Phủ và Thu Thuế - Mark 2:13-17


Đức Giêsu sở hữu cung cách trời cao khi chọn lựa nhân viên cho nội các của Vương Quốc Thiên Đàng, cung cách vượt xa tầm hiểu biết của đất thấp.

Rất thành thực tôi biết Đức Giêsu không thích chính trị (đó là lý do tại sao tôi say mê Ngài). Ngài ứng đối theo cung cách riêng của mình, điều đó đã bật tung nhiều dấu hỏi của tín đồ và gây sốc với độc giả Tin Mừng của muôn thế hệ (và cả với người đương thời với Đức Giêsu).

Thực sự ra Đức Giêsu đã chọn những nhân vật “hơi dị” trong con mắt đời thường.

Đức Giêsu gọi Peter, ngư phủ. Giống hệt như Mười Một môn đệ, Peter có lẽ đã từ bỏ tất cả mọi thứ đi theo Đức Giêsu bởi một tham vọng riêng tư. Có lẽ người ngư phủ mong đợi một chức vị quan trọng trong vương quốc mới của người Do Thái (Đức Giêsu là hoàng đế của vương quốc này). Nhưng thật đáng tiếc! Càng theo Đức Giêsu, Peter càng khám ra có lẽ mình đã chọn lầm ngân hàng để đầu tư tiền bạc.

Khi Đức Giêsu gọi Levi, người thu thuế, Peter nhất định phải há họng nhìn, bởi nhân viên thu thuế vào thời Đức Giêsu đồng nghĩa với Do Thái gian, loại người dám bán đứng tất cả ngay cả linh hồn của mình giữa dòng sông cho một mối lợi nhuận. Một khi bạn đã bị liệt kê vào danh sách tội nhân, người phản bội, không còn người “công chính” nào trong xã hội dám liên lạc với bạn nữa. Thế mà ngay trước cửa trạm thu thuế, Đức Giêsu mời gọi Matthew, dân thu thuế, “Hãy theo ta” (Matt 9:9). Thật là bất ngờ, tội nhân này chấp nhận hai tay giơ ra nhận thiệp mời nhanh nhẹn!

Và khi thiên hạ, nhất là những nhà lãnh đạo càm ràm Đức Giêsu ăn uống với "quân" tội lỗi và "phường" thu thuế, Ngài nói rõ ràng, "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mark 2:17).

Suy Niệm

Đó là Đức Giêsu của một đời thường. Ngài sinh hoạt với người tội lỗi trong xã hội Do Thái, bởi Ngài biết rõ sứ vụ của riêng mình. Đẹp thay bước chân của một Người lấm lem.

Lời Nguyện

Xin cho chúng con thêm những mục tử và tín hữu biết lấy Đức Giêsu là một tấm gương, để rồi đi hiệp hành với người bị xã hội bỏ rơi!

Xin cho chúng con nhìn tha nhân với đôi mắt của Đức Giêsu, Người đã đến để cứu rỗi thế gian chứ không phải để lên án và luận phạt.
 
Công cụ của ân sủng
Lm Minh Anh
15:30 13/01/2023

CÔNG CỤ CỦA ÂN SỦNG
“Ông liền đứng dậy đi theo Người”.

Một thương gia rất hài lòng với chiếc phong vũ biểu tốt nhất vừa sưu tầm. Nhưng về đến nhà, ông vô cùng thất vọng khi thấy chiếc kim của nó có vẻ bị kẹt; nó chỉ vào khoảng ‘bão’. Lắc nó vài lần, chiếc kim vẫn kẹt ở đó! Ông bực bội ngồi xuống, viết một thư phàn nàn gửi cho cửa tiệm. Tối hôm sau, từ văn phòng trở về, ông không tìm thấy chiếc phong vũ biểu; cả ngôi nhà cũng không! Thì ra, chiếc kim của nó đã chỉ đúng; rằng, có một trận cuồng phong!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến một ‘phong vũ biểu’; nhưng cách tương tự, nói đến một ‘la bàn!’. Người tậu được nó, không phải là một thương gia hoài nghi, nhưng là một quan thuế cả tin, Matthêu! Matthêu luôn tin vào kim chỉ nam của la bàn vốn luôn chỉ về Giêsu, người gọi ông! Sự chóng vánh của Matthêu phản ánh sự ‘bật dậy’ dứt khoát của một người dám buông bỏ một ‘hoàn cảnh’ tội lỗi; để từ đó, hướng về Giêsu, tuân theo một cuộc sống mới, một cuộc sống công chính, thánh thiện và trở nên một ‘công cụ của ân sủng’ trong sự thông hiệp với Ngài!

Matthêu sẽ là tông đồ, người viết Tin Mừng vốn “là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi” như tác giả thư Do Thái hôm nay mô tả; hoặc như Thánh Vịnh đáp ca tung hô, “Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống!”. Như vậy, sự thánh thiện của một người không đơn thuần là rời bỏ một quá khứ xấu, nhưng còn là một tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Chúa; cũng không chỉ là dứt mình ra khỏi một cái gì đó, nhưng là được biến đổi để trở nên một ai đó, một ‘công cụ của ân sủng’ mà Chúa nhắm đến khi tạo dựng mỗi người để họ trở nên.

Cũng thế, khi gọi chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ đưa ra một tấm bản đồ; thay vào đó, một chiếc la bàn. Chúng ta không nhìn thấy toàn bộ bức tranh; đơn giản, chỉ biết phương hướng, và nó luôn chỉ về Giêsu. Mỗi ngày, Giêsu mời gọi chúng ta để mắt vào Ngài, kim chỉ nam; từ đó, chúng ta đi theo, chìm sâu hơn vào Ngài và tham phần vào tình yêu Ngài. Matthêu thực sự không biết đời mình sẽ ra sao, nhưng biết chắc, nó phải thay đổi; và nó phải bắt đầu từ đâu. Matthêu tin rằng, Chúa Giêsu là người đáng để tin, tin đến nỗi ông sẽ phó mình cho Ngài, mặc cho tương lai đùn đẩy. Matthêu đâu biết rằng, rồi đây, ông sẽ là một ‘công cụ của ân sủng’, công cụ của Lời!

Niềm vui của Matthêu phớn phỡ với bạn bè qua bữa tiệc mừng ngày ‘vĩnh khấn’. Ở đây, lời Khải Huyền thật thâm trầm, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy”. Matthêu có thể nói ‘không’, ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’; và nếu đã có một sự từ chối, hẳn đã không có một tiệc tối nào và do đó, bạn bè của ông đã bỏ lỡ cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, một cuộc gặp biết đâu đã thay đổi vĩnh viễn một số cuộc đời của họ. Bằng việc thưa “vâng” của Matthêu, Chúa Giêsu đã có thể chạm vào cuộc sống của ông và của những người khác. Và như vậy, bất cứ ai thưa “vâng” với Chúa, Chúa sẽ làm một điều gì đó không chỉ cho người ấy, mà qua họ, người khác cũng được tham phần vào tình yêu và ân sủng Ngài.

Anh Chị em,

“Ông liền đứng dậy đi theo Người”. Lời mời gọi bước theo Giêsu, trước hết, là một lời gọi hoán cải tâm hồn; tiếp đến, là tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Matthêu đã trải nghiệm tiến trình đó trong suốt đời mình; đã trở nên một phong vũ biểu, một la bàn chính xác cho hậu thế với chiếc kim luôn chỉ về Giêsu. Không chỉ báo cho người khác có một trận cuồng phong, Matthêu còn chỉ ra một Đấng có uy quyền trên cả cuồng phong, cuồng phong trong thiên nhiên, cuồng phong trong linh hồn. Như Matthêu, bạn và tôi được mời gọi trở nên một phong vũ biểu, một la bàn, ‘công cụ của ân sủng’ cho tha nhân, với một điều kiện, luôn chỉ đúng hướng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, Chúa gọi con trở nên một ‘công cụ của ân sủng’; xin cho con đừng bao giờ trở nên một công cụ tồi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Rửa bằng máu
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
17:57 13/01/2023


Vào mùa hè, vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Trị.

Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa:

- “Tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?”

Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì vua hỏi tiếp:

- “Nước bẩn thì rửa bằng gì?”

Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:

- “Nước bẩn thì phải lấy máu mà rửa!”

Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.

Đúng vậy, khi đất nước bị dơ bẩn vì sự chà đạp của quân thù thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

Xưa kia, vua Duy Tân cho rằng “Nước bẩn thì phải lấy máu mà rửa,” thế thì khi linh hồn ta bị tội lỗi làm cho ô uế và chịu hậu quả tai hại khôn lường, thì lấy gì mà rửa?

Không có bất kỳ chất tẩy nào trên thế gian có thể tẩy xoá được vết nhơ và hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi loài người chỉ có thể được rửa sạch bằng máu của Ngôi Hai Thiên Chúa mà thôi.

Trong thời cựu ước, người có tội cần đến máu bò, máu chiên để làm lễ xoá tội cho mình. Sách Lê-vi chép: "Nếu một người đã phạm tội, làm điều Đức Chúa cấm... thì nó sẽ đưa đến cho tư tế một con bò, dê hoặc chiên làm lễ vật tạ tội. Nó sẽ đặt tay trên đầu con vật đó và sát tế nó … Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho người ấy và y sẽ được tha (Lê-vi 4, 27-32).

Chúa Giê-su hiến mình làm hy lễ xóa tội

Tuy nhiên, Thiên Chúa cho biết rằng: "Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi”. Vì thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đành hoá thân làm người, trở thành Con Chiên mới, thay thế cho những con chiên chịu sát tế trong thời Cựu ước để rửa sạch tội lỗi thế gian.

Ngay từ đầu, ông Gioan tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian".

Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.

Hôm xưa, Ngài đã dâng hiến thân mình trên thập giá trên đồi Can-vê, đổ máu thánh mình ra rửa sạch tội lỗi muôn người. Và hôm nay, Ngài tiếp tục dâng mình làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha trong các Thánh lễ hằng ngày để đền tội cho nhân loại. Vì thế, trước khi cho các tín hữu rước lễ, linh mục chủ sự nâng cao Mình thánh Chúa và giới thiệu với mọi người rằng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã cho chúng con nên một với Chúa và kêu gọi chúng con cùng vác thập giá, cùng chịu khổ nạn với Chúa hằng ngày.

Xin cho chúng con luôn kết hợp mật thiết với Chúa, dâng lên Chúa những khó nhọc đau khổ trong đời, để góp phần với Chúa đền tội cho chính mình và bao người chung quanh. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:14 13/01/2023

2. Chúng ta vì yêu Thiên Chúa mà kính sợ Ngài, chứ không vì sợ hãi mà miễn cưỡng yêu mến Ngài.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:16 13/01/2023
35. KHEN CON MÌNH MÀ NGHI HÀNG XÓM

Ở nước Tống có một phú hộ, vì trời mưa nên kho chứa tài sản bị hư hại.

Đứa con của phú hộ nói:

- “Mau xây dựng lại kho chứa bằng không thì sẽ bị mất trộm.”

Ông già bên hàng xóm cũng nói như thế.

Đêm xuống, quả nhiên gia đình người phú hộ này bị mất hết tài sản qúy báu, nhưng ông phú hộ này cho rằng đứa con trai thấy và biết trước rất là thông minh, và nghi rằng ông già hàng xóm cũng có dính líu đến ăn trộm.

( Hàn Phi Tử )

Suy tư 35:

Người ta thường nói “làm ơn mắc oán”, thật đúng không sai, bởi vì bình thường mình không thể nhìn thấy những khuyết điểm của mình được, nhưng người khách quan thì nhìn thấy rõ ràng, họ có hai thái độ khác nhau: một là chỉ cho ta thấy khuyết điểm của mình, đây là thái độ của người thân tín hoặc người tính tình thẳng thắng; hai là bàng quan không thèm góp ý nhắc nhở người làm sai, đây là thái độ của người xa lạ.

Mà chúng ta thì thường oán trách người khác khi họ nhắc nhở chúng ta nhiều lần, và đôi lúc cho rằng người đó vì ganh tức mà đặt điều nói xấu mình! Và ngược lại, chúng ta dễ dàng thân cận với những người bàng quan với những sai lầm của mình, nên dễ sinh ra sự lợi dụng và hiểu lầm.

“ Người chê ta mà chê đúng, là bạn ta, người khen ta mà khen sai, là người hại ta”, thật đúng vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:17 13/01/2023
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Gn 1, 29-34.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.”


Bạn thân mến,

Thánh Gioan Tiền Hô hôm nay –trong bài Tin Mừng này- đã giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho hai môn đệ của mình, lời giới thiệu của ngài làm cho hai môn đệ hiểu rõ hơn về sứ mệnh cứu chuộc loài người của Đức Chúa Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Lời giới thiệu quá đầy đủ về thân phận và tư cách của một con người, khiến cho hai môn đệ hiểu rất minh bạch, và lập tức từ giã thầy của mình để đi theo làm môn đệ của Đấng được gọi là Chiên Thiên Chúa –Chúa Giê-su.

Có nhiều người biết bạn, vì được bạn bè giới thiệu; có nhiều người biết đến người yêu của bạn, vì bạn đã giới thiệu với họ; có nhiều người biết được nơi làm việc của bạn, vì bạn đăng quảng cáo với những hàng chữ xanh đỏ rất nổi bật, nhưng cũng có rất nhiều người không biết bạn là người Ki-tô hữu, bởi vì chính bạn không giới thiệu cho mọi người biết, hoặc là, vì bạn chưa thực sự sống tâm tình của người Ki-tô hữu trong cuộc sống của mình nên không ai biết bạn là môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

Bạn thân mến,

Thánh Gioan Tiền Hô thực sự không biết Đức Chúa Giê-su là ai, nhưng chính nhờ Thánh Thần giới thiệu, và qua ngôn hành của Đức Chúa Giê-su mà ngài biết được Đức Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian.

Có rất nhiều người chung quanh bạn không biết Đức Chúa Giê-su là ai, nhưng nhờ cách sống đúng tinh thần Phúc Âm của bạn mà họ biết được Ngài là Thiên Chúa làm người, biết được bạn chính là người Ki-tô hữu, là sứ giả của yêu thương và phục vụ.

Tìm mọi phương thế để giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho mọi người là bổn phận của mỗi người Ki-tô hữu, nhưng phương thế hữu hiệu nhất chính là làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình với tất cả tấm lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Điên hết ga: Quan chức Chính Thống Giáo Nga vu cáo Đức Giáo Hoàng gây ra cuộc chiến ở Ukraine
Đặng Tự Do
05:07 13/01/2023


Trong một diễn biến hết sức ngỡ ngàng, bất chấp thực tế là tổng thống Nga Vladimir đã phát động cuộc xâm lược Ukraine, một quan chức của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga là Trưởng Phó Tế Vladimir Vasilik đã cáo buộc rằng cuộc chiến tại Ukraine là một âm mưu của Vatican và xúc phạm đến Đức Giáo Hoàng khi gọi ngài là “quỷ sứ” và một “kẻ cắp”.

Massimo Introvigne, một ký giả của Bitter Winter, là tờ báo trên mạng chuyên về tự do tôn giáo, có bài tường trình nhan đề “Russian Orthodox Leader: Ukraine is a Catholic Conspiracy, the Pope is a Monster and a Thief”, nghĩa là “Nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga nói rằng Ukraine là một âm mưu của Công Giáo, và Đức Giáo Hoàng là một tên Quỷ Sứ và một Kẻ Cắp”. Người đưa ra quan điểm quái đản này là Protodeacon Vladimir Vasilik.

Chữ Protodeacon chúng tôi dịch là Trưởng Phó Tế. Protodeacon bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp proto- có nghĩa là 'cao nhất' và diakonos, là một từ Hy Lạp cổ rất tiêu chuẩn có nghĩa là “trợ lý”, “người hầu” hoặc “người chờ đợi”. Trong Chính Thống Giáo, Protodeacon là một cấp bậc danh dự được trao cho một số phó tế đã kết hôn và đã phục vụ lâu năm. Cách riêng, đối với Chính thống Nga, đây là danh hiệu danh dự được trao cho các phó tế đã kết hôn, và giáo sĩ nào có tước hiệu này thì được quyền mặc một chiếc skufia màu đỏ tía.

Trong Giáo Hội Công Giáo, trong số các Hồng Y đẳng phó tế, vị niên trưởng được gọi là Cardinal Protodeacon hay Hồng Y Trưởng Đẳng Phó Tế.

Nói tóm lại, Ông Vladimir Vasilik là một người có gia đình, có chức phó tế, và là một quan chức cấp cao của Chính Thống Giáo Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài viết của ký giả Massimo Introvigne qua phần trình bày của Túy Vân.

Khi đọc các trước tác của Trưởng Phó Tế Vladimir Vasilik, bạn có thể nhận ra rằng ông ta không phải là một kẻ điên cô đơn. Ông ta không chỉ là một học giả đã xuất bản về lịch sử Giáo hội trên các tạp chí phương Tây có uy tín, mà ông ta còn là thành viên của Ủy ban Phụng Tự của Thánh Công Đồng đầy quyền lực của Giáo Hội Chính thống Nga và là người thường xuyên đóng góp cho các tờ báo và tạp chí của Giáo Hội này.

Vasilik đã trích một đoạn trong với thông điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài mời những người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma hãy nhìn vào “khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang sống trong Giáng Sinh này trong bóng tối, trong giá lạnh hoặc xa nhà của họ vì sự tàn phá của mười tháng chiến tranh.”

Dù Đức Thánh Cha Phanxicô thường tỏ ra quá ôn hòa khi bình luận về cuộc chiến Ukraine, Vasilik vẫn bày tỏ sự tức giận của ông ta rằng Đức Thánh Cha đã không đề cập đến “các anh chị em Nga”, những người cũng đã chết trong cuộc chiến. Do đó, ông ta đã nhân cơ hội này để thực hiện một hành động mà ông ta, gọi là “vạch mặt” Đức Giáo Hoàng và tuyên bố rằng các sự kiện ở Ukraine cuối cùng là kết quả của một âm mưu thâm độc của Vatican.

Vasilik nói, Giáo Hội Công Giáo không chỉ âm mưu chống lại Nga và Chính thống giáo từ thế kỷ 16, mà giờ đây rõ ràng là Vatican đã tổ chức “Maidan năm 2014. Vì ngay cả người mù cũng có thể thấy rằng những nhà hoạt động hăng hái nhất tại quảng trường Maidan là các linh mục Công Giáo Uniate.

Túy Vân xin mở ngoặc giải thích như sau. Trong hai năm 1595 và 1596, một số giáo phận Chính Thống Giáo ở Ukraine và Nga đã chấp nhận Hiệp Ước Brest quay lại hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, hình thành nên Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Do đó, từ Uniate thường được dùng với ý mỉa mai để chỉ các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Maidan là một quảng trường lớn ở thủ đô Kyiv, là nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình giữa những người Ukraine muốn gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu, chống lại lực lượng an ninh của tổng thống Viktor Yanukovych, là người gốc Nga, muốn giữ chặt Ukraine trong thế giới Nga. Các cuộc biểu tình liên tục và dữ dội vào tháng Hai, 2014 đã buộc Viktor Yanukovych phải bỏ chạy sang Nga. Người Nga đã phản ứng bằng cách tung ra cuộc xâm lược 2014, chiếm bán đảo Crimea và một phần của vùng Donbas.

Trưởng Phó Tế Vasilik cũng là một nhà hoạt động tích cực chống tà giáo. Một số đồng nghiệp của Vasilik tin rằng Maidan 2014 thực sự được tổ chức bởi giáo phái Scientology, nhưng họ đã viết rằng sự thật là người Công Giáo cũng hợp tác.

Đức Thánh Cha Phanxicô bị Vasilik cáo buộc là kẻ chủ mưu của những âm mưu đặc biệt thâm độc này. Ngài trở thành Giáo hoàng vào năm 2013, và vào năm 2014, Cách mạng Maidan đã xảy ra, một sự kiện mà theo tuyên truyền của Nga khiến các cuộc xâm lược năm 2014 và 2022 là không thể tránh khỏi.

Theo Vasilik, Đức Thánh Cha Phanxicô là “người hưởng lợi chính” từ những gì đang xảy ra ở Ukraine. Tại sao? Bởi vì tình hình chiến tranh đang cho chính phủ Ukraine cái cớ để đàn áp Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, và hợp nhất nó với Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU, hiệp thông với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Vasilik còn đi xa hơn khi cho rằng “có những kế hoạch dài hạn cho sự hợp nhất của Tòa Thượng phụ Constantinople và Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ông ta tiên đoán rằng vào năm 2025—năm kỷ niệm Công đồng Đại kết Thứ nhất, Công Giáo và những kẻ phản bội Chính thống giáo Hy Lạp sẽ hiệp nhất. Và họ quyết định chọn Ukraine làm nơi thử nghiệm cho một liên minh như vậy. Ý tưởng rất đơn giản là việc thành lập một Giáo Hội quốc gia duy nhất của Ukraine. Đầu tiên, các nhóm ly giáo khỏi UOC được đẩy vào cái gọi là OCU, và sau đó toàn bộ UOC của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa được gắn vào OCU, không phải tự nguyện, mà bằng bị bắt buộc. Và sau đó tất cả điều này được hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Do đó, cuối cùng sẽ chỉ còn lại một Giáo Hội Công Giáo Ukraine duy nhất theo nghi thức Đông phương”.

Vasilik nói Đức Thánh Cha Phanxicô là một con quái vật, “một con cá sấu, khi ăn thịt con mồi của mình, không ngừng rơi nước mắt, nhưng vẫn ăn. Theo cách tương tự, Giáo hoàng của Rôma có thể khóc, than thở, thương tiếc. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn ngài ăn Chính thống giáo—công việc của ngài là như vậy, chính xác hơn, bản chất của ngài là như vậy. Ngài không phải là Giáo hoàng, không phải là cha, nhưng ngài là một tên trộm, một tên trộm thực sự. Và 'kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt' (Ga 10:10).”

Vasilik có một số hy vọng cho năm mới, khó khăn. Ông ta hy vọng năm 2023 sẽ mang lại hòa bình. Nhưng hòa bình, ông ta giải thích, là “thứ mà chúng ta chỉ có thể đạt được thông qua chiến tranh.” Không phải là “chiến tranh thương mại” mà một số chỉ huy Nga đã tham chiến ở Ukraine chủ trương mà là một cuộc thánh chiến toàn diện. Vasilik giải thích “chiến tranh thương mại” là trường hợp các chỉ huy Nga chiếm các thành phố của Ukraine nhưng không tàn phá các thành phố này vì không muốn phạm tội ác chiến tranh với hy vọng còn có thể làm ăn với phương Tây. Theo ông, lẽ ra các chỉ huy Nga phải phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạ tầng có giá trị của Ukraine.

Vasilik tuyên bố hoặc là chúng ta chiến thắng, hoặc là “chúng ta sẽ biến mất, với tư cách là một quốc gia và một dân tộc. Hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn về thể chất. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ có một lựa chọn: chiến thắng hoặc chết. Bạn không thể vừa chiến đấu vừa nghĩ đến chuyện làm ăn, giao dịch thương mại cùng một lúc. Tuy nhiên, ông ta phàn nàn rằng vì một số lý do nào đó, những sự thật cơ bản này nghe có vẻ không thuyết phục đối với một số chỉ huy của chúng ta. Thành ra, tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho họ và nói với họ rằng vào năm 2023, nước Nga sẽ được đổi mới, tẩy sạch tội lỗi của mình — bao gồm các tội lỗi phá thai, tham nhũng, tham ô, và quét sạch sự hiện diện của những người vô thần và các giáo phái, và cuối cùng là sự dâm ô. Sau đó, cuối cùng, nước Nga sẽ trở thành nước Nga thánh thiện”.

Đây là kết luận cuối cùng của chúng tôi: Một nhà lãnh đạo tôn giáo mà đưa ra các lập luận vừa quái đản, vừa sắt máu như thế này thì nguy cơ chiến tranh thế giới là rất cao.
Source:Bitter Winter
 
Đức Thánh Cha Phanxicô lên án Iran vì sử dụng án tử hình đối với người biểu tình
Đặng Tự Do
05:08 13/01/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Hai đã lên án Iran vì đã sử dụng án tử hình đối với những người biểu tình, và đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phụ nữ.

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng, được đưa ra trong bài phát biểu hàng năm trước các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh, là nhận xét mạnh mẽ nhất của ngài kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ người Iran gốc Kurd, 22 tuổi, trong khi bị cảnh sát giam giữ vào tháng 9 năm ngoái.

“Quyền sống cũng bị đe dọa ở những nơi mà án tử hình vẫn tiếp tục được áp dụng, như trường hợp trong những ngày này ở Iran, sau các cuộc biểu tình gần đây đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phẩm giá của phụ nữ,” Đức Phanxicô nói.

Ngài nói: “Án tử hình không thể được sử dụng cho một công lý nhà nước có chủ đích, vì nó không tạo ra sự ngăn cản cũng như không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà chỉ thúc đẩy khát khao báo thù”.

Sau đó, ngài lặp lại lời kêu gọi chấm dứt án tử hình trên toàn thế giới, nói rằng án tử hình “luôn luôn không thể chấp nhận được vì nó tấn công quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”.

Bốn người biểu tình đã bị hành quyết sau hậu quả của tình trạng bất ổn ở Iran.
Source:Reuters
 
Nhật Ký Trừ Tà số 222: Sự cô đơn của Địa Ngục
Đặng Tự Do
05:10 13/01/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #222: The Isolation of Hell”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 222: Sự cô đơn của Địa Ngục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hai trong số những nhà trừ quỷ của chúng ta đang làm việc cùng với một người bị quỷ ám. Đêm trước buổi trừ tà đầu tiên, mỗi người đều có một trải nghiệm khác thường giống hệt nhau. Khi họ gặp nhau vào sáng hôm sau, cả hai đều mô tả đã bị choáng ngợp trong đêm hôm trước bởi cái lạnh dữ dội. Họ không thể thấy ấm dù quấn mình trong nhiều lớp quần áo. Họ đang đóng băng ở bên trong. Trải nghiệm của họ kéo dài khoảng một giờ rồi tan biến.

Ngày hôm sau, khi họ gặp và cầu nguyện với người bị quỷ ám, thì rõ ràng là cô ấy bị một số triệu chứng của quỷ bao gồm cả sự cô lập lan tỏa. Cô ấy không có bạn thân và mặc dù cô ấy là một người chuyên nghiệp có trách nhiệm, nhưng cô ấy không có mối liên hệ thực sự nào với con người. Đời sống tình cảm của cô “lạnh nhạt”. Hy vọng rằng các nhà trừ quỷ của chúng ta, bằng cách trải nghiệm sự cô đơn do ma quỷ gây ra cho cô ấy với tư cách là “những người mang gánh nặng”, là một sự giúp đỡ để cô ấy mang gánh nặng của mình và hỗ trợ hướng tới sự giải thoát.

Cô lập là đặc điểm chung của những người bị chiếm hữu. Khi ma quỷ hiện diện, những người bị ảnh hưởng thường trải nghiệm điều gì đó trong cuộc sống địa ngục. Trong các khu vực địa ngục, không có tình bạn. Chỉ có một sự cô lập cảm xúc xuyên thấu tâm hồn. Trong Dante's Inferno, khu vực thứ chín và thấp nhất của địa ngục, nơi chính Satan cư ngụ, được miêu tả như một vùng đất hoang vu băng giá.

Con đường phục hồi cho những người bị quỷ ám cuối cùng sẽ bao gồm việc kết nối lại với bạn bè, những người thân yêu và một cộng đồng cùng đức tin. Thiên đàng là tình yêu, hiệp nhất và hòa bình. Địa ngục là hận thù và cô lập. Tất cả chúng ta đều cần hơi ấm của tình người, nếu không cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành địa ngục thực sự.
Source:Catholic Exorcism
 
Tổng thống Zelenskiy đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
Đặng Tự Do
05:11 13/01/2023


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, cổng thông tin chính phủ đưa tin vào ngày 7 tháng Giêng

Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết các tài liệu tuyên truyền của Nga được tìm thấy trong các cuộc đột kích vào khuôn viên các nhà thờ và tu viện của UOC

Sắc lệnh số 898/2022 đã được tổng thống ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2022, liên quan đến 13 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục của 6 giáo phận Donetsk, Crimea, Dnipro, Romen, Odesa và Bukovyna.

Đặc biệt hai Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh, và Serhiy Leonidovych Anitsoi bị kết tội phản quốc và tài sản bị tịch thu. Ngày 30 tháng 9, Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga. Hai vị này đã hồ hởi phấn khởi tham dự và trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Tass, ngập tràn hy vọng về tương lai.

Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko của Crimea cũng bị kết tội phản quốc. Ngày 27 tháng 5, 2022, Đức Tổng Giám Mục Onufriy Berezovsky của Kyiv và toàn Ukraine quyết định không trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa. Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko phản đối quyết định này và đưa các giáo xứ của ông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Quyết định của Tổng thống Zelenskiy cũng tước quyền công dân của linh mục Viktor Anatoliyovych Gradomskyy, Cha sở nhà thờ chính tòa Alexander Nevsky ở Odessa.

Trong một quyết định khác, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trừng phạt thêm bảy linh mục của UOC với các bản án khác nhau, bao gồm cả việc trục xuất khỏi Ukraine.

Lịch sử vắn tắt của Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Thế giới Chính Thống Giáo không có vị lãnh đạo tương đương với Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Từng quốc gia có một Giáo Hội độc lập hoàn toàn với các Giáo Hội Chính Thống ở các quốc gia khác. Có 14 Giáo Hội Chính Thống độc lập như thế, trong đó Chính Thống Giáo Nga có đông tín hữu nhất. Trong số 14 Giáo Hội này, Tòa Thượng Phụ Constantinople được gọi là Tòa Thượng Phụ Đại Kết hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, Đức Thượng Phụ Đại Kết được coi là vị đứng đầu trong số 14 vị Thượng Phụ, về danh nghĩa, chứ không có quyền tài phán như Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Thứ hai, các Giáo Hội tân lập ở các quốc gia có số tín hữu ít quá sẽ trực thuộc vào Tòa Thượng Phụ Constantinople cho đến khi họ được cấp tư cách độc lập qua một sắc lệnh gọi là Tomos của Tòa Thượng Phụ Constantinople.

Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Nga. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv. Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác.

Năm 1596, Đức Tổng Giám Mục Michael Rohoza của Kyiv và toàn Nga chấp nhận Hiệp Ước Brest, quay lại hiệp nhất hoàn toàn với Tòa Thánh, và đưa các giáo xứ của mình vào Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Chính Thống Giáo Nga được cấp Tomos để thành lập một Giáo Hội Chính Thống riêng và theo Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô giải thích vào năm 2018, Chính Thống Giáo Nga được Tòa Thượng Phụ Đại Kết ủy quyền chăm sóc cho Chính Thống Giáo Ukraine. Nói cách khác, Chính Thống Giáo Ukraine vẫn thuộc quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Constatinople, không phải Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Thượng Phụ Kirill phản đối giải thích này.

Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.

Phản ứng lại, Thượng Phụ Kirill đoạn giao với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cấm các linh mục hiệp thông thánh thể với Chính Thống Giáo Constantinope, và không được cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cấp Tomos cho OCU, thế giới Chính Thống Giáo có 15 Giáo Hội Chính Thống độc lập. Nếu kể thêm Giáo Hội Chính Thống ở Mỹ, thì là 16.
Source:Reuters
 
Đức ông Vatican qua đời, để lại bộ sưu tập nghệ thuật bí ẩn
Đặng Tự Do
17:17 13/01/2023


Thi thể của Đức ông người Ý Michele Basso được phát hiện trong căn hộ của ngài ở Vatican vào ngày 6 tháng Giêng, lễ Hiển linh. Theo các bác sĩ ngài bị một cơn ngừng tim liên quan đến tuổi cao. Đức Ông Basso đã từng là một trong 24 kinh sĩ, nghĩa là các giáo sĩ cấp cao cử hành Thánh lễ và hướng dẫn các buổi cầu nguyện tại ngôi thánh đường này.

Đức Ông Basso cũng là một nhà sưu tập nghệ thuật. Cách đây vài năm, Đức Ông Basso đã để lại cho Fabbrica San Pietro, hay văn phòng hành chính của Đền Thờ Thánh Phêrô, 30 thùng chứa một kho báu khổng lồ gồm khoảng 70 bức tranh, tác phẩm điêu khắc và các đồ vật quý giá khác, chủ yếu là về các chủ đề tôn giáo, giá trị thị trường của chúng chưa bao giờ được đánh giá.

Bộ sưu tập cũng chứa một bản sao được thực hiện tinh xảo của “Euphronius Krater” nổi tiếng, một chiếc bát đất nung cổ của Hy Lạp đã được khai quật trái phép từ Ý vào năm 1971 và được Bảo tàng Nghệ thuật New York lưu giữ cho đến khi nó được hồi hương vào năm 2008. Bản sao trong bộ sưu tập của Đức Ông Basso được cho là đã được tạo ra vào đầu thế kỷ 19, nhưng vì bản gốc đã bị thất lạc vào thời điểm đó nên không rõ bằng cách nào mà một bản sao có thể được tạo ra - khiến một số người suy đoán rằng có lẽ phiên bản của Đức Ông Basso mới thực sự là bản gốc.
Source:Crux
 
Nhật Ký Trừ Tà Số 223: Những Người Bạn Trên Thiên Đàng
Đặng Tự Do
17:18 13/01/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “17. Exorcist Diary #223: Our Friends in Heaven”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà Số 223: Những Người Bạn Trên Thiên Đàng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đứng giữa nghĩa trang dành cho các tu sĩ, tôi có thể nhìn thấy khoảng 30 cây thánh giá trắng đơn sơ. Tôi biết gần như tất cả họ. Trong bốn mươi năm, tôi đã đến tu viện này để tĩnh tâm. Hầu hết những người được chôn cất ở đây, tôi đã quen biết cá nhân.

Khi nhìn vào mỗi cây thánh giá, tôi hình dung ra khuôn mặt của họ và nhớ đến họ với lòng biết ơn. Mỗi năm họ chào đón tôi như một người trong số họ. Trong ca canh đêm, tôi ngồi kề vai sát cánh với họ, đọc thánh vịnh. Tôi tìm thấy nhiều bình yên ở đó.

Khi đứng trong nghĩa trang, tôi bắt đầu cầu nguyện cho họ, theo phong tục của tôi ở các nghĩa trang. Tôi đã cầu nguyện Kinh Kính Mừng cho sự yên nghỉ vĩnh hằng của họ. Requiescant in pace et lux perpetua luceat eis (Cầu mong họ yên nghỉ và cầu mong ánh sáng vĩnh viễn chiếu rọi họ).

Buổi chiều đặc biệt đó là một buổi chiều khó khăn, Ác ma đang áp bức tôi. Nó không vui lắm Tôi nghi ngờ tôi đang thoái lui! Nhưng sự áp bức không tệ đến mức tôi không thể đến thăm bạn bè của mình ở nghĩa trang. Khi tôi hoàn thành lời cầu nguyện cho người chết và bắt đầu quay trở lại tu viện, sự áp bức ngay lập tức được dỡ bỏ. Một sự bình tĩnh tinh thần xảy ra sau đó.

Vào lúc đó, tôi nhận ra rằng một ân huệ đã được ban cho. Tôi đã cầu nguyện cho các tu sĩ, nhưng trên thực tế, chính họ mới là những người cầu bầu cho tôi. Tôi đang đứng giữa các thánh. Tôi nghĩ, “Các bạn của tôi, tôi cảm ơn các bạn.”

Trong các cuộc trừ quỷ của chúng ta, tôi cầu khẩn nhiều vị thánh vĩ đại, nổi tiếng. Sự can thiệp mạnh mẽ của họ được nhiều người biết đến. Tôi tự hỏi phải chăng những người bạn cá nhân của tôi trên thiên đàng cũng sẽ giúp đỡ được tôi? Trong những ngày tới, tôi sẽ yêu cầu họ...
Source:Catholic Exorcism
 
Thượng phụ Kirill: Người đứng đầu có ảnh hưởng chính trị của Giáo hội Chính thống Nga
Đặng Tự Do
17:20 13/01/2023


Elie SAIKALI của đài truyền hình Pháp, France 24, có bài tường trình nhan đề “Patriarch Kirill: The politically influential head of the Russian Orthodox Church”, nghĩa là “Thượng phụ Kirill: Người đứng đầu có ảnh hưởng chính trị của Giáo hội Chính thống Nga”.

Tên khai sinh là Vladimir Mikhailovich Gundyayev, Kirill là Thượng Phụ thứ mười sáu của Giáo Hội Chính thống Nga kể từ khi ông đăng quang vào năm 2009. Ông đã thu hút sự chú ý của quốc tế với những tuyên bố công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Ngày 5 tháng Giêng, Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga tại Mạc Tư Khoa kêu gọi ngừng bắn dọc chiến tuyến giữa lực lượng Nga và Ukraine ở Ukraine để các lực lượng đối lập có thể tổ chức lễ Giáng Sinh Chính thống vào ngày 6 và 7 tháng Giêng. Vài giờ sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đình chiến kéo dài 36 giờ, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, mặc dù hỏa lực pháo binh vẫn tiếp tục vào thứ Sáu và thứ Bảy từ cả hai bên.

Thượng phụ Kirill có thể gây ảnh hưởng ở Nga đến mức có thể áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Putin không?

Vladimir Mikhailovich Gundyayev vào chủng viện ở Leningrad (nay là St. Petersburg) năm 19 tuổi và chịu chức linh mục năm 23 tuổi. Chưa đầy một thập kỷ sau, ông đã trở thành giám mục. “Ông ấy nhanh chóng được Tổng Giám Mục Nikodim, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối ngoại của tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa, chú ý trong những năm 1960 và 70. Kirill đã được phong làm giám mục ở tuổi 30 trong khu vực Leningrad.”

Giáo sư Antoine Nivière, một chuyên gia về lịch sử văn hóa và tôn giáo Nga tại Đại học Lorraine của Pháp, giải thích rằng Chính Thống Giáo Nga bị cộng sản thao túng đến mức Giáo Hội này là Giáo Hội quốc doanh giống như tình trạng của Công Giáo Yêu Nước ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đó Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa không nên coi là một tổ chức tôn giáo. Nó là một cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong cơ quan đó, bộ phận quan hệ đối ngoại này “cực kỳ chính trị và có liên hệ trực tiếp với KGB, bởi vì nó thường xuyên liên quan đến các hoạt động liên lạc với các nhân vật tôn giáo và chính quyền ở các quốc gia khác”. Nivière cho biết các giáo sĩ làm việc trong bộ phận phải “báo cáo đầy đủ bất cứ khi nào họ trở về từ các chuyến công du nước ngoài và sau bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với các phái đoàn nước ngoài”.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu những năm 1990, một ủy ban quốc hội Nga điều tra các hoạt động của KGB cho rằng rất có khả năng điệp viên khi đó được gọi là “Mikhailov” chính là người đàn ông hiện được gọi là Thượng phụ Nga Kirill. Nivière nói: “Tất cả những yếu tố này dẫn đến sự nghi ngờ mạnh mẽ về mối quan hệ giữa KGB và Giáo Hội Chính Thống Nga, trong thời kỳ đó, bị kiểm soát và giám sát rất nhiều”. Cha và ông nội của Thượng phụ Kirill, cả hai đều là giáo sĩ, đã bị giam giữ trong các trại lao động của Liên Xô.

Vào ngày 25 tháng 2 năm 1991, Vladimir Gundyayev được nâng lên Tổng Giám Mục Smolensk và Kaliningrad. Ông được bầu làm Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga vào ngày 1 tháng 2 năm 2009.

Quyền lực 'từ trên xuống'

Thượng phụ Kirill “có ảnh hưởng lớn đối với xã hội dân sự, các tín hữu Chính thống giáo và chính phủ Nga theo nghĩa ông là một nhân vật của công chúng, người từ lâu đã tham gia vào các vấn đề nóng hổi của xã hội Nga. Ông đã tích cực tranh luận công khai từ thời Xô Viết, đặc biệt là trong mười năm qua,” Cyril Bret, nhà nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Viện Jacques Delors và là giảng viên tại Science Po Paris, cho biết.

Như vậy, ông ấy có ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Nga, nhưng không chỉ như thế “Ông ấy lãnh đạo cộng đồng Chính thống giáo lớn nhất thế giới và là giáo sĩ Chính thống giáo giàu có nhất thế giới. Do đó, ông ấy cũng có ảnh hưởng quốc tế vô cùng mạnh mẽ,” Bret nói.

“Rất giống với Vladimir Putin, Thượng phụ Kirill đã áp đặt cơ cấu quyền lực từ trên xuống trong Giáo hội Chính thống Nga kể từ năm 2009. Ông đưa ra tất cả các quyết định sau đó được chuyển cho các giám mục. Ông ấy áp đặt ý chí và lựa chọn của mình,” Nivière nói.

Kirill, 76 tuổi, đã tự tạo cho mình một vị trí trong giới cầm quyền của Nga. “Nói đúng ra thì ông ấy không có bất kỳ quyền lực chính thức nào ở cấp nhà nước Nga. Ông không phải là 'người hướng dẫn tinh thần' của chế độ. Nhưng, ông ấy dù sao cũng là một phần của hệ thống vì ông ấy đại diện cho tôn giáo truyền thống chính ở Nga,” Nivière nói.

“Thượng Phụ Kirill là một người rất thông minh, tài giỏi và có năng lực. Ông ấy có ý thức về chính trị và ông ấy thể hiện bản thân rất tốt trước công chúng. Đối với những người có cùng tâm lý với KGB, như Putin, ông ấy là một trong số họ”. Kirill là một phần của hệ thống “Putinian” và chính quyền Nga “vì đã đưa ra nhiều cam kết với họ và vì đã thực hiện các dịch vụ 'tốt và trung thành' cho nhà nước.”

Thượng phụ Kirill có “mối quan hệ chặt chẽ với các giới chức chính phủ, đặc biệt là với nhánh bảo thủ của đảng Nước Nga Thống nhất, là đảng cầm quyền hiện nay. Ông ấy có mối quan hệ rất thân thiết với cựu tổng thống và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ông ấy thực sự gần gũi với Vladimir Putin,” Bret nói.

“Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill có các cuộc gặp gỡ thường xuyên. Đôi khi họ cùng nhau nghỉ ngắn hạn trong các tu viện ở Nga. Có một sự gần gũi nhất định, nhưng không phải là một sự đồng lõa mạnh mẽ giữa họ. Đó là một trò chơi tinh tế vì lợi ích chung,” Nivière nói.

Như Bret chỉ ra, Kirill “ủng hộ chính sách gia đình của chính phủ cũng như chiến dịch quân sự của Nga ở Syria từ năm 2015”.

Kể từ khi Kirill lên làm người đứng đầu Tòa Thượng Phụ ở Nga, ông đã trở thành chủ đề của một số vụ tai tiếng trên báo chí khiến hình ảnh của ông phần nào bị hoen ố. Nivière nói: “Chúng ta đã thấy những bức ảnh chụp ông ấy đi trên một chiếc du thuyền sang trọng, và trong một bức ảnh khác, ông ấy đeo một chiếc đồng hồ trị giá từ 20.000 đến 25.000 euro đã được làm mờ rất kỹ. Hình ảnh của ông ấy không mấy tích cực đối với một bộ phận những người theo Chính thống giáo ở Nga.”

Đối với Nivière, “ông ấy tạo ấn tượng là một người đàn ông quyền lực, thích được bao quanh bởi một mức độ thoải mái nhất định. Mặc dù là một tu sĩ, như tất cả các giám mục Chính thống giáo, ông không được tiếng là khổ hạnh – trái ngược với Đức Thánh Cha Phanxicô chẳng hạn.”

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Thượng phụ Kirill đã nhiệt thành ủng hộ các lựa chọn của tổng thống Nga. Ông đã có một số bài giảng theo quan điểm này, ban phước lành cho quân đội Nga trong khi tố cáo chính quyền Ukraine.

Trong một bài giảng vào ngày 27 tháng 2 năm 2022, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga đã coi những kẻ chống lại “sự thống nhất lịch sử” của Nga và Ukraine là “thế lực xấu xa”. Vào cuối tháng 9, ông khẳng định trong một bài giảng rằng những người bị giết trong khi thực hiện “nghĩa vụ” quân sự của họ đã “thực hiện một sự hy sinh để rửa sạch mọi tội lỗi”.

“Lời kêu gọi đình chiến cho lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo cho phép Thượng phụ Kirill cải thiện hình ảnh của mình vốn đã bị tổn hại nặng nề kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đặc biệt là giữa những người Ukraine theo Chính thống giáo. Nivière giải thích rằng đó cũng là một nỗ lực để cải thiện hình ảnh của ông trên trường quốc tế và trong mối quan hệ đại kết với các Giáo Hội Kitô khác. “Cử chỉ này cũng cho phép ông ta chứng tỏ rằng ông ta không phải là kẻ hiếu chiến như người ta mô tả trong vài tháng qua.”
Source:France 24
 
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Nói sự thật là phân cực
Vu Van An
17:41 13/01/2023


Trong một cuộc phỏng vấn ngày 13 tháng 1, 2023 của tờ The Pillar, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput phát biểu quan điểm về một số vấn đề trọng tâm trong đời sống Giáo hội. Mời qúy độc giả theo dõi nội dung cuộc phỏng vấn ( https://www.pillarcatholic.com/chaput-speaking-the-truth-is-polarizing/?ref=the-pillar-post-newsletter).



Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, OFM Cap., là tổng giám mục hưu trí của Philadelphia, và là người lãnh đạo lâu năm trong số các giám mục Hoa Kỳ.

Vị tổng giám mục, 78 tuổi, trở thành linh mục thứ hai có tổ tiên là người Mỹ bản địa được tấn phong giám mục giáo phận vào năm 1988. Sau chín năm phục vụ với tư cách là Giám mục Thành phố Rapid, Nam Dakota, ngài trở thành Tổng Giám mục Denver vào năm 1997, và được bổ nhiệm vào tháng 7 năm 2011 làm Tổng Giám Mục Philadelphia.

Đức Tổng Giám Mục Chaput và tổng giáo phận Philadelphia đã tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới vào năm 2015. Cùng năm, ngài là đại biểu của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, và được bầu vào một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican.

Đức Tổng Giám Mục, tác giả của bốn cuốn sách, đã nói chuyện với The Pillar tuần này về cái chết của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y George Pell, Thượng hội đồng về tính đồng nghị và Công đồng Vatican II.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, với cái chết của cả Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y George Pell trong tháng này, có vẻ như hai ngôi sao dẫn đường cho nhiều người trong Giáo Hội đã mất đi. Điều gì sẽ tác động đến Giáo hội về cái chết của các ngài?

Giáo hội sẽ tiếp tục công việc và chứng tá của mình bởi vì Giáo hội không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô. Nhưng sự vắng mặt của các ngài là một tổn thất rất nặng nề bởi vì cả hai con người này đều thể hiện trí thông minh Kitô giáo rõ ràng, trung thành một cách đáng lưu ý. Không ai trong ban lãnh đạo Giáo hội hiện tại có khả năng thay thế các ngài. Điều này, với thời gian, sẽ xảy ra thôi, nhưng băng ghế tài năng lúc này xem ra có vẻ khá mỏng.

Công bằng hay không, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Pell được miêu tả là những nhân vật phân cực. Có lẽ sự phân cực trong Giáo hội không phải là một thực tế mới, nhưng có vẻ như nhiều “phe” khác nhau trong Giáo hội đã trở nên thù địch với nhau hơn trong những năm gần đây. Tại sao vậy?

Nói sự thật là phân cực. Nó đã giết Chúa Giêsu. Người xấu với ý tưởng xấu không thích người tốt cố gắng làm điều tốt. Và điều đó giải thích cho sự khinh miệt, oán giận và dối trá thẳng thừng nhắm vào cả hai con người này trong nhiều năm, kể cả từ những người tự nhận mình là Kitô hữu; những người trong chính Giáo hội.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, việc giải thích và hiểu Công đồng Vatican II dường như là tâm điểm của nhiều bất đồng hiện nay trong Giáo hội. Sáu mươi năm sau khi công đồng kết thúc, tại sao cách đọc có thẩm quyền về Vatican II vẫn còn bị nghi ngờ?

Công đồng Vatican II có phải là một sự phát triển và cải tổ hữu cơ đời sống Giáo hội, hay là một sự đoạn tuyệt với quá khứ và một khởi đầu mới? Đó là câu hỏi trọng tâm và câu trả lời cho nó dẫn đến những con đường rất khác nhau. Đoạn tuyệt với quá khứ dường như coi thường bất cứ khái niệm nào về sự phát triển thực sự của tín lý. Cả Ratzinger và Pell đều coi công đồng là một kinh nghiệm về sự liên tục và cải cách. Các ngài rất đúng. Nhưng sự chia rẽ và xung đột đã trở nên phổ biến sau nhiều hội đồng. Ta cần phải chịu đựng và tìm cách vượt qua.

Với 60 năm nhìn lại, Đức Tổng Giám Mục có đánh giá Vatican II như một điều gì đó tốt cho Giáo hội không?

Có, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng giá trị của mọi công đồng đều có những giới hạn do thời đại và những vấn đề mà nó phải đối đầu. Đó là lý do tại sao cần có nhiều công đồng. Chẳng hạn, Vatican II không bác bỏ Trent hay Vatican I, nhưng Giáo hội cần điều chỉnh cách tiếp cận của mình với thế giới và nói về những điều kiện mới lên khuôn khổ cho sứ mệnh của mình. Đó là ý định của Đức Gioan XXIII khi triệu tập nó; của Đức Phaolô VI khi kết thúc nó; và của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI trong việc áp dụng các giáo huấn của nó.

Dù Giáo hội nói về việc giải thích Công đồng Vatican II, ngày nay cũng có một cuộc tranh luận mới nổi lên về một số câu hỏi căn bản của thần học luân lý. Thí dụ, Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, đang thách thức các nguyên tắc đạo đức được nêu rõ trong Humanae vitae, Veritatis splendor Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Các câu hỏi dường như đã được giải quyết hiện đang bị mở lại. Người trung thành phải làm gì về điều đó?

Tôi cho rằng nó phụ thuộc vào cách ông định nghĩa chữ “trung thành”. Tôi nghĩ rằng một số thay đổi trong vài năm qua tại Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và Học viện Gioan Phaolô II là thiếu thận trọng và mang tính phá hoại. Trên thực tế, toàn bộ mục đích của học viện mà Thánh Gioan Phaolô thành lập đã bị đảo lộn; một sự xúc phạm rõ ràng đối với thẩm quyền và di sản của ngài. Không có sự trung thực nào trong việc giảm bớt hoặc phá vỡ nội dung của các văn kiện mà ông đề cập.

Đối với một số người Công Giáo, việc tái tranh cãi các giáo huấn luân lý Công Giáo này được coi như một khía cạnh xác định ra triều giáo hoàng Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng đây là điều mà các Hồng Y bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong đợi khi họ bầu chọn ngài không?

Triều giáo hoàng này đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người.

Đức Tổng Giám Mục nghĩ các Hồng Y cử tri mong đợi loại cải cách nào từ Đức Hồng Y Bergoglio lúc bấy giờ?

Chính các vị Hồng Y cử tri phải lên tiếng. Nhưng tôi nhớ Đức Hồng Y Francis George, một người bạn, đã nói với tôi không lâu trước khi ngài qua đời rằng các Hồng Y tại mật nghị kêu gọi Đức Giáo Hoàng cải cách Giáo triều Rôma, chứ không phải “cải cách” Giáo hội.

Đối với chúng ta, những người Công Giáo nghiêm túc với đức tin của họ tự động tôn trọng và ủng hộ Đức Giáo Hoàng - bất cứ Đức Giáo Hoàng nào. Nhưng họ mong đợi một sự liên tục căn bản trong vai trò lãnh đạo và họ cảm thấy bối rối khi có sự mơ hồ ở cấp lãnh đạo.

Dù không phải là một viên chức của Vatican, Đức Tổng Giám Mục cảm thấy thế nào về những điều diễn ra ở Rome? Đức Tổng Giám Mục có ủng hộ những cải cách của Đức Thánh Cha không?

Tôi không ở vị trí để biết. Tôi thực sự nghĩ rằng những bài phát biểu hàng năm của Đức Thánh Cha trước giáo triều, vốn là vấn đề được ghi nhận công khai, đã quá u tối. Tôi không chắc chúng truyền cảm hứng hay thúc đẩy bất cứ ai.

Nhưng đó có phải cũng đúng như thế dưới thời các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI không? Nếu không, khác nhau ra sao?

Dù cố ý hay không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như có một cách tiếp cận khắc nghiệt hơn trong các bình luận của mình so với hai vị giáo hoàng trước đây. Tùy thuộc vào chủ trương của ông trên quang phổ thần học, ông có thể sợ hãi trong bất cứ triều giáo hoàng nào. Những người cấp tiến thường viết về mức độ sợ hãi trong các triều giáo hoàng của cả Chân phước Piô IX và Thánh Piô X. Thần học tạo ra một sự khác biệt lớn. Rất nhiều thứ đang bị đe dọa.

Đức Tổng Giám Mục nghĩ di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là gì?

Di sản chỉ rõ ràng khi nhìn lại. Tôi nghĩ ngài sẽ được nhớ đến, ít nhất là một phần, vì sự quan tâm của ngài đối với người nhập cư và người nghèo; sự nhấn mạnh của ngài về sự đơn giản, lắng nghe và đồng hành, và vươn tới các khu ngoại biên của Giáo hội và thế giới. Đây đều là những điều tốt đẹp, hiểu một cách đúng đắn. Những ký ức khác có thể có vấn đề hơn.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, khái niệm về tính đồng nghị dường như là một chủ đề chính trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Kết quả của nỗ lực ba năm ‘thượng hội đồng về tính đồng nghị’ sẽ là gì?

Về kết quả, tôi không có ý kiến. Về diễn trình, tôi nghĩ nó thiếu thận trọng và dễ bị thao túng, và thao túng luôn liên quan đến sự không trung thực. Cho rằng Công đồng Vatican II phần nào ngụ ý nhu cầu đồng nghị như một đặc điểm lâu dài của đời sống Giáo hội đơn giản chỉ là sai lầm. Công đồng chưa bao giờ đề xuất điều đó. Hơn nữa, tôi là một đại biểu của thượng hội đồng năm 2018, và cách mà “tính đồng nghị” được đưa vào chương trình nghị sự là một hành động thao túng và xúc phạm. Nó không liên quan gì đến chủ đề của thượng hội đồng về giới trẻ và đức tin. Tính đồng nghị có nguy cơ trở thành một loại Vatican III Nhẹ ký; một công đồng tròng trành trên quy mô dễ kiểm soát hơn, dễ bảo hơn nhiều. Điều đó sẽ không phục vụ nhu cầu của Giáo hội hoặc của giáo dân.

Tôi đã phục vụ một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục bắt đầu từ năm 2015. Và tôi nhớ một số cuộc thảo luận ngắn về khó khăn trong việc tổ chức một công đồng đại kết khác vì số lượng lớn các giám mục ngày nay. Nhưng tôi rất cảnh giác đối với ý tưởng cho rằng tính đồng nghị, cách nào đó, có thể thay thế một công đồng đại kết trong đời sống của Giáo hội. Không có truyền thống về việc các giám mục ủy thác trách nhiệm bản thân của các ngài đối với Giáo hội hoàn vũ cho một số ít giám mục hơn, vì vậy bất cứ sự phát triển nào như vậy sẽ cần phải được xem xét và thảo luận rất cẩn thận trước khi thực hiện bất cứ nỗ lực nào. Đó không phải là tinh thần hay thực tại hiện tại của những gì đang xảy ra.

Một khía cạnh khác của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nổi bật của các tu sĩ Dòng Tên trong các vị trí lãnh đạo Giáo hội. Ta có thể hiểu gì về mối liên hệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Dòng Tên?

Vâng, tôi là một tu sĩ Dòng Phanxicô Cải cách, và điều đó đã định hình cuộc đời tôi một cách sâu sắc. Việc đào tạo Dòng Tên mà Đức Phanxicô nhận được đương nhiên sẽ có tác dụng tương tự. Nhưng khi một tu sĩ trở thành giám mục, ngài thuộc về giáo phận, linh mục đoàn và giáo dân của mình. Tôi yêu các anh em Dòng Phanxicô Cải cách của tôi, nhưng tôi là một linh mục của Tổng giáo phận Philadelphia. Đó là lòng trung thành chính của tôi. Đức Phanxicô là giám mục của Rome; vai trò đó và các nghĩa vụ của nó, đối với cả giáo phận địa phương và Giáo hội hoàn vũ, là lòng trung thành chính của ngài - không phải Dòng Tên. Quá phụ thuộc vào cộng đồng tu trì của ông và các thành viên của nó, trừ khi ông là một giám mục đang phục vụ trong các cơ sở truyền giáo, không phải là một ý kiến hay. Và tôi nghĩ rõ ràng là Đức Phanxicô cai trị giống như một bề trên tổng quyền của Dòng Tên, từ trên xuống dưới với rất ít ý kiến hợp tác. Ngài dường như cũng nhấn mạnh nhiều hơn vào sự biện phân cá nhân của mình hơn là sự biện phân của các giáo hoàng trong quá khứ và sự biện phân chung của Giáo hội qua nhiều thế kỷ.

Nhiều giám mục mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y đoàn không xuất thân từ ‘đường Hồng Y’ thông thường trong Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục hiểu điều đó như thế nào? Đức Tổng Giám Mục nghĩ nó có ý nghĩa gì đối với tương lai của Giáo hội?

Tôi nghĩ đó là một điều rất tốt, miễn là những con người này có bản chất tinh thần và trí tuệ để thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực và tốt đẹp.

Theo thông lệ, Tổng Giám mục Philadelphia được bổ nhiệm làm Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục đã không được. Đức Tổng Giám Mục có thất vọng vì Đức Tổng Giám Mục không phải là một Hồng Y không?

Không, và tôi ngủ ngon hơn rất nhiều nhờ điều đó.

Hiện nay có một câu chuyện kể về hội đồng giám mục Hoa Kỳ rằng một số giám mục, kể cả chủ tịch hội đồng, cách nào đó, chống Đức Phanxicô, hoặc chống lại sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Con nhận ra rằng điều này có nguy cơ biến nhân cách của Đức Thánh Cha thành một loại 'phép thử' Công Giáo, thay vì tập trung vào tính liên tục và trung thành với tín lý Công Giáo. Tại sao trình thuật này vẫn tồn tại?

Kính trọng Đức Thánh Cha là đòi hỏi của đức ái Kitô giáo và lòng trung thành con thảo. Nhưng nó không bao giờ đòi hỏi sự qụy lụy hay nịnh hót. Và tôi không thể tưởng tượng Đức Thánh Cha, với tư cách là một mục tử giàu kinh nghiệm, lại muốn như vậy. Các giám mục Hoa Kỳ luôn trung thành — và nói một cách thành thật, rất quảng đại — đối với Rome, và điều đó vẫn luôn như vậy. Biến những mối quan tâm nghiêm túc về tín lý thành một cuộc tranh luận về nhân cách chỉ là một cách thuận tiện để trốn tránh những vấn đề thực chất cần được giải quyết. Nó cũng cho thấy một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về lịch sử Giáo hội. Các vị giáo hoàng đến rồi đi, ngay cả những vị vĩ đại, giống như các giám mục và các Kitô hữu hàng ngày. Điều quan trọng, bất kể giá nào, là sự trung thành với giáo huấn Công Giáo - và không cần đưa ra lời tạ lỗi nào khi theo đuổi điều đó.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, một số ý kiến của Đức Tổng Giám Mục sẽ bị coi là chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng Đức Tổng Giám Mục không trung thành với ngài bằng cách phát sóng những bình luận này một cách công khai không?

Tôi yêu Đức Thánh Cha. Tôi rất ấn tượng với ngài khi chúng tôi gặp nhau với tư cách là các giám mục trẻ tại Hội nghị Đặc biệt về Châu Mỹ năm 1997 ở Rome. Giáo hội cần ngài thành công trong thừa tác vụ của ngài. Tôi chỉ đưa ra một nhận xét tôn trọng. Tôi có rất nhiều người bạn có những cuộc hôn nhân tốt đẹp đã kéo dài trong một thời gian khá lâu. Có một bài học trong đó. Ông sẽ không có được một cuộc hôn nhân lành mạnh - và chắc chắn không phải là một cuộc hôn nhân lâu dài - trừ khi ông sẵn sàng nói ra sự thật và lắng nghe nó một cách thành thật để đổi lại. Điều tương tự cũng đúng đối với Giáo hội. Bất cứ ai ở bất cứ hình thức lãnh đạo nào không muốn nghe sự thật gây khó chịu đều cần phải thay đổi thái độ của mình đối với thực tại.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Hội chợ Xuân Quý Mão
Vinh sơn Trần Văn Đẩu
08:28 13/01/2023
Giáo xứ Tân Việt: Hội chợ Xuân Quý Mão

Năm 2022 sắp qua đi cũng là thời điểm kết thúc một học kỳ giáo lý. Như mọi năm, các anh chị Huynh Trưởng Giáo Lý Viên (HTGLV) trong giáo xứ, được sự đồng thuận của hai Cha, đã cùng với các đoàn thể và các giáo họ tổ chức chương trình hội chợ xuân cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Sài gòn đất chật người đông, chính vì thế sân chơi của các em không còn nữa, vì vậy chương trình hội chợ xuân thường niên này như một sân chơi hữu ích cho các em không chỉ rèn luyện các em sự nhanh nhẹn, không chỉ mang đến cho các em tiếng cười mà hội chợ xuân năm nay còn giúp các em biết quý thời gian đến nhà thờ, đến với Chúa.

Xem Hình

Bắt đầu tứ sáng sớm, các anh chị HTGLV cùng các đoàn thể trong giáo xứ đã cùng nhau chuẩn bị các gian hàng cho các em. Nào là gian hàng nước uồng đủ thứ loại, từ lá me, nước ngọt đến nước tắc… các thức khách nhí còn được dùng các món
như pizza, há cảo, kem…Bên cạnh các gian hàng ẩm thực các em còn được chơi rất nhiều trò chơi từ khó đến dễ. Sau Thánh lễ là lúc các em sẵn sàng lao vào ăn uống nạp năng lượng và vui chơi hết mình sau một kỳ học đầy mệt mỏi và vất vả. Cuối cùng là phần rút thăm trúng thưởng với nhiều giỏ quà to đùng, hấp dẫn…kết thúc hội chợ, các em ra về với nụ cười rạng rỡ trên môi, không quan trọng quà ít hay nhiều nhưng quan trọng là các em có sân chơi, có niềm vui và nhất là có thêm động lực để tiếp tục hành trình học giáo lý theo Chúa KiTô.

Vinh sơn Trần Văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh chiên Thiên Chúa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:39 13/01/2023
Hình ảnh chiên Thiên Chúa

Các quốc gia đất nước, các hãng xưởng hay hội đoàn đạo đời…thường có hình biểu tượng đặc biệt in vẽ hay thêu khắc trên cờ, trên huy hiệu riêng của mình, như hình chim đại bàng, con gà trống, con sư tử, lá cây tùng phong, con gấu, đàn ngựa chạy thi, con gấu, dòng sông nước, đồi núi…

Còn khi nói về Chúa Giêsu Kitô có hình ảnh biểu tượng gì chỉ về Ngài?

Ngay từ khởi đầu khi Chúa Giêsu bước ra rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa, Thánh Gioan tẩy gỉa đã giới thiệu Chúa Giêsu là con chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. ( Ga 1,29).

Con chiên trong đạo Do Thái là con vật thánh. Ngày xưa khi dân Do Thái xuất hành từ nước Ai Cập trở về quê hương nước Do Thái, họ theo lệnh Thiên Chúa truyền qua Tiên tri Mose, mỗi gia đình phải giết một con chiên nướng ăn trước khi lên đường xuất hành. ( Sách Xuất hành12, 1-14 ).

Con chiên vì thế trở thành hình ảnh biểu tượng con vật thánh, con vật tế lễ mang lại ơn cứu chuộc cho dân thoát khỏi cảnh nô lệ bên xứ lưu đầy Ai cập.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người, theo ý Thiên Chúa hy sinh cuộc đời làm lễ tế đền tội thay cho tội lỗi nhân loại, mang lại ơn cứu chuộc phần rỗi linh hồn cho con người. Vì thế Thánh Gioan tẩy gỉa, người đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Jordan, đã dùng hình ảnh con chiên tiên báo nói về Chúa Giêsu Kito.

Trong thánh lễ Misa trước khi mọi người giáo hữu tiếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô, lời tung hô tuyên tín: Đây chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian, được xướng đọc lên.

Tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh biểu tượng con chiên về đời sống của Ngài làm hy lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa, trở thành lương thực niềm tin tinh thần cho con người.

Chúa Giêsu Kitô qua sự hy sinh chịu chết trên thập gía đã trở thành bánh lương thực thiêng liêng cho đức tin con người. Ngài không giữ sức mạnh sự thánh thiêng lại cho mình, nhưng vì tình yêu mến tiếp tục trao tặng con người, và tự biến thành nhiều cho mọi người cùng được tham dự. Hình ảnh sự hy sinh dấn thân vì tình yêu thể hiện nơi cha mẹ lo lắng chăm sóc cho con cái mình. Hay con cái lo lắng săn sóc cho cha mẹ, khi các ngài tuổi gìa sức yếu đau ốm bệnh nạn.

Chúa Giêsu dấn thân chịu chết trên thập gía tự hiến mình làm lễ tế như con chiên bị giết làm lễ tế và để chịu cắt chia sẻ.

Tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô được phân phát chia sẻ giống tựa như con chiên. Trong lịch sử cổ đại con chiên được dùng có gía trị là con vật tế lễ. Người ta nhìn nhận nơi con chiên những khía cạnh gía trị cao qúi như sự kiên nhẫn, sự tận tụy hy sinh dấn thân, tình yêu mến, và sự hiền lành hòa bình.

Kinh thánh cũng nói đến nhữg đức tính như vậy, nên gọi là con chiên lễ vượt qua. Vì vào lễ Vượt qua trong Do Thái giáo, những con chiên ở trong đền thờ Jerusalem được giết làm lễ tế hy sinh đền tội xin ơn tha thứ dâng lên Giave Thiên Chúa, và đồng thời nhắc nhớ lại biến cố xuất hành khi xưa từ Ai Cập trở về quê hương đất nước Do Thái. Trong biến cố này con chiên cũng được giết ăn trước khi xuất hành, và máu của nó được bôi quyết trên cửa nhà, để được thoát khỏi án sự chết.

Và như thế máu của con chiên trong Do Thái giáo là dấu chỉ về sự sống và ơn cứu chuộc.

Theo phúc âm Thánh Gioan thuật lại, Chúa Giêsu Kitô chết trên thập gía bên ngoài thành Jerusalem năm xưa vào đúng thời điểm những con chiên bị giết làm lễ tế trong đền thờ.

Thánh Gioan tẩy gỉa đã giới thiệu tiên báo về Chúa Giêu Kitô là “ con chiên Thiên Chúa” trong tương quan với hình ảnh “Con chiên lễ Vượt qua”.

Và qua đó muốn diễn tả: Hãy thôi thi hành nghi thức giết các con vật làm lễ tế vào ngày lễ Vượt Qua. Sự đó đã đến thời kết thúc. Vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng đem đến sự sống, ơn tha thứ làm hòa với Thiên Chúa và ơn cứu chuộc. Sự hy sinh chết trên thập gía của Chúa Giêsu có gía trị “ xóa bỏ tội lỗi cho nhân loại”.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Cựu Tư lệnh Nga tin rằng Wagner bị lừa. Ukraine phản công mạnh, một quả HIMARS, 100 Wagner tử trận
VietCatholic Media
02:57 13/01/2023


1. Giao tranh tiếp tục diễn ra trong thành phố Soledar. Su-25 của Nga bị bắn rơi.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 13 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, cho biết giao tranh đang diễn ra ác liệt tại thành phố Soledar.

Hai lực lượng chính yếu đang phòng thủ thành phố Soledar là Lữ Đoàn Dù số 46 và Lữ Đoàn Biệt Kích Dù số 77. Lữ Đoàn Dù 71 được tin là đã trở lại thành phố Bakhmut cách đó 10km đề phòng quân Nga mở cuộc tấn công vào thành phố này.

Một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga cải tổ bộ chỉ huy của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông chủ Wagner là Yevgeny Prigozhin tái khẳng định rằng chỉ có một mình lực lượng của ông ta chịu trách nhiệm tấn công vào Soledar; và đã “giải phóng hoàn toàn Soledar”.

Cả hai tuyên bố của ông ta đều bị cả Bộ Quốc Phòng Nga và Bộ Quốc Phòng Ukraine bác bỏ.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng “một số công việc rất lớn đã đạt được, nhưng các công việc chính vẫn còn.” Trong khi đó, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, trong bản tin thời sự hàng ngày đã không nhắc đến nhóm Wagner trong các báo cáo liên quan đến thành phố Soledar.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết rằng hôm thứ Năm quân Ukraine đang tiến hành các cuộc phản công ở Soledar. Lữ Đoàn Dù số 46 của Ukraine cho biết trên Telegram: “Sau nhiều ngày rút lui, chúng tôi đã đạt được một bước tiến nhỏ. Nhà ga đường sắt là của chúng ta. Mỏ là của chúng ta. Chúng tôi đang chờ hỗ trợ. Soledar là Ukraine.”

Hanna Maliar cho biết Nga đang cố gắng bao vây Bakhmut gần đó bằng cách sử dụng cả nhà thầu tư nhân Wagner và quân chính quy.

Cô nói: “Các chiến sĩ của chúng ta đã dũng cảm giữ vững vị trí và gây cho địch nhiều tổn thất.

Trong vùng Luhansk, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết:

“Các cuộc chiến khá nghiêm trọng đang diễn ra ở Bilohorivka. Chúng ta đã tái chiếm được ngôi làng này. Chúng ta đang tiến lên từng chút một và đang ngăn chặn quân xâm lược phản công. Nhưng lãnh thổ của khu định cư Bilohorivka đã bị phá hủy bởi các cuộc pháo kích dữ dội, và nó vẫn đang bị pháo hạng nặng, xe tăng, bom từ trên không và hỏa tiễn tấn công. Thật không may, ngày nay, Bilohorivka không còn tồn tại như một khu định cư nữa,” Haidai nói.

Bilohorivka là một khu định cư của cộng đồng Lysychansk, nơi quân đội Nga tiến hành một trong những chiến dịch đáng xấu hổ nhất. Họ muốn vượt sông Siverskyi Donets và xây dựng đầu cầu ở Bilohorivka. Họ đã bị đánh bại ở đó ba lần, hơn một trăm xe tăng, thiết giáp và xe chuyển quân vẫn còn nằm dưới dòng sông. 1,500 quân Nga đã tử trận khi cố gắng vượt sông vào trung tuần tháng 5, năm ngoái.

Trong ngày qua, khoảng 430 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Theo cô Hanna Maliar, con số này chưa bao gồm con số quân Nga tử trận tại thành phố Soledar vì chiến cuộc ác liệt không cho phép kiểm đếm. Cô cũng cho biết có một chiếc máy bay Sukhoi 25 đến trợ chiến cho quân Nga ở thành phố Soledar vừa bị bắn rơi.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng Giêng, các lực lượng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 113.990 lính Nga ở Ukraine. Quân phòng thủ Ukraine cũng phá hủy 3.094 xe tăng, 6.159 xe thiết giáp, 2.082 hệ thống pháo, 437 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 218 hệ thống tác chiến phòng không, 285 máy bay chiến đấu, 276 máy bay trực thăng, 1.865 máy bay không người lái chiến thuật, 723 hỏa tiễn hành trình, 17 tàu chiến, 4.826 xe chuyển quân và nhiên liệu, cùng 184 thiết bị đặc biệt.

2. Tổng thống cảm ơn những người bảo vệ Ukraine đã gây ra tổn thất đáng kể cho kẻ thù ở Soledar

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn tất cả những người bảo vệ Ukraine và ca ngợi những người lính dù và binh lính đang giữ vị trí của họ ở Soledar và gây ra tổn thất đáng kể cho kẻ thù.

“Tôi đặc biệt muốn đề cập đến những người lính của lữ đoàn 77 biệt kích dù, những người cùng với các anh em của Lữ Đoàn Dù 46 ở Soledar đã giữ vững vị trí của họ và gây tổn thất đáng kể cho kẻ thù. Cảm ơn mọi người!” Zelenskiy nói.

Tổng thống nhắc nhở rằng ông đã tổ chức một cuộc họp định kỳ của Bộ Tham mưu về tình hình chiến trường.

“Tất nhiên, vấn đề hàng đầu là Soledar, Bakhmut, cuộc đấu tranh cho hướng đi của Donetsk nói chung. Chúng tôi đã phân tích cặn kẽ những quyết định cần thiết, những lực lượng tăng viện, những bước đi nào của cấp chỉ huy trong những ngày tới. Chúng tôi cũng đã thảo luận về tình hình với việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân đội, sự tương tác có liên quan với các đối tác của chúng ta”, ông Zelenskiy nói.

Như đã đưa tin, các lực lượng Nga đang tập trung nỗ lực chính vào nỗ lực đánh chiếm khu vực Donetsk trong ranh giới hành chính, tiếp tục tiến công theo hướng Bakhmut. Giao tranh ác liệt nhất vẫn tiếp diễn ở các khu vực Soledar, Bilohorivka, Paraskoviivka, Bakhmut và Klishchiivka.

3. Ukraine cho biết Nga đã ném bom Soledar 91 lần kể từ khi Wagner tuyên bố 'Giải phóng'. 100 chiến binh Wagner trúng HIMARS tử trận

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia has bombed Soledar 91 times since Wagner “liberation” claim: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga đã ném bom Soledar 91 lần kể từ khi Wagner tuyên bố 'Giải phóng'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga tiếp tục phát động các cuộc tấn công vào Soledar, theo truyền thông Ukraine. Các báo cáo gần đây từ Ukraine cho biết Nga đã ném bom khu vực này 91 lần kể từ khi Tập đoàn Wagner tuyên bố “giải phóng” thị trấn này của Ukraine.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã diễn ra gần một năm, kể từ tháng 2 năm 2022 và gần đây, Nga đã tái tập trung nỗ lực vào các vùng Bakhmut và Soledar ở tỉnh Donetsk phía đông Ukraine.

Theo báo cáo của Reuters, Tập đoàn Wagner — một nhóm quân sự tư nhân đến từ Nga — đã tuyên bố “giải phóng” Soledar vào thứ Tư, một nỗ lực mà Tập đoàn Wagner tuyên bố đã giết chết 500 binh sĩ Ukraine. Kể từ khi có thông báo, các cuộc tấn công của Nga được cho là vẫn tiếp tục nhằm vào thị trấn.

Tập đoàn Wagner đã ném bom thị trấn Ukraine 91 lần trong một ngày kể từ khi tuyên bố giải phóng, theo Ukrainska Pravda, một tờ báo trực tuyến của Ukraine.

Soledar, hiện đang ở tiền tuyến của trận chiến, đã phải chịu những tác động tàn khốc từ cuộc chiến đến mức thành phố bị phá hủy rất nặng.

Tờ Ukrainska Pravda dẫn lời phát ngôn viên Nhóm phía Đông của Lực lượng vũ trang Ukraine Serhii Cherevatyi cho biết giao tranh ở Soledar vẫn tiếp diễn nhưng các lực lượng Ukraine đang chống trả.

“Lực lượng hỏa tiễn và các đơn vị pháo binh của chúng ta đã tập trung nỗ lực để tiêu diệt kẻ thù càng nhiều càng tốt. Đặc biệt, hơn 100 người xâm lược đã bị giết bởi pháo và hỏa tiễn trong ngày hôm đó,” Cherevatyi nói.

Một tuyên bố từ lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết nhóm của ông ta đã hoàn thành việc “giải phóng hoàn toàn” Soledar, khiến các thi thể của lực lượng Ukraine không chịu đầu hàng “nằm rải rác” thị trấn.

Sau khi Nga tuyên bố chiếm được thành phố Soledar, Kyiv Independent đã tweet rằng Ukraine đã giết hơn 100 binh sĩ Nga trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn. Tờ Kyiv Independent cũng đăng trên Twitter rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội Ukraine đang chiến đấu ở Soledar và Bakhmut sẽ được tăng cường trang thiết bị và vũ khí từ phương Tây.

Năm ngoái, cả lực lượng Ukraine và Nga đều phải đối mặt với sự đình trệ trong tiến công khi mùa đông đến gần. Sau khi Ukraine khởi xướng một cuộc phản công mạnh mẽ chống lại quân đội Nga vào cuối mùa hè, Nga đã rút lực lượng khỏi Kherson, nơi họ đã xâm lược kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Newsweek trước đó đã đưa tin rằng một số chuyên gia tin rằng Nga sẽ xem xét triển khai đợt huy động thứ hai để tìm kiếm thêm binh sĩ nhằm củng cố quân đội vào đầu năm mới, nhưng Nga chưa ra lệnh huy động lần thứ hai.

Newsweek đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế để bình luận.

4. Prigozhin tiếp tục thách thức Bộ Quốc Phòng Nga cho rằng chỉ có Wagner đã tham gia vào cuộc tấn công Soledar

Wagner, công ty quân sự tư nhân của Nga, đã đăng một video trên Telegram hôm thứ Năm trực tiếp chê bai tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga rằng các lực lượng quân sự chính quy của Nga đã tham gia vào cuộc tấn công vào Soledar.

Một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga cải tổ bộ chỉ huy của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Yevgeny Prigozhin đã lên tiếng nhấn mạnh rằng chỉ một mình lực lượng của ông ta chịu trách nhiệm cho chiến dịch Soledar.

Đoạn video do Wagner tung lên Telegram cho thấy hai người đàn ông, che mặt, mặc quân phục của lính dù Nga, trông mệt mỏi và đứng trong một nơi trông giống như một hầm trú ẩn dưới lòng đất, được chiếu sáng bằng đèn pin.

Một người đàn ông nói: “Chúng tôi là sĩ quan của Lực lượng Dù, chúng tôi tuyên bố rằng Lực lượng Dù không tham gia vào cuộc tấn công vào thành phố Soledar. Cuộc tấn công vào thành phố Soledar chỉ được thực hiện bởi lực lượng của PMC Wagner. Chúng tôi thậm chí chưa từng được cử đi theo hướng đó.”

Một số bối cảnh: CNN không thể xác minh danh tính của những người đàn ông hoặc tính xác thực của tuyên bố của họ, nhưng việc Wagner đăng nó là rất quan trọng. Lực lượng nào của Nga chịu trách nhiệm về cuộc tấn công ở miền đông Ukraine đã trở thành một điểm tranh cãi chính trong mưu đồ cơ cấu quyền lực của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Tư rằng các lực lượng chính quy của Nga đang hoạt động trong và xung quanh Soledar, mà không đề cập đến Wagner.

Prigozhin, trong một tuyên bố được đăng trên kênh Telegram của Wagner hôm thứ Hai, đã gọi bất kỳ tuyên bố nào cho rằng các lực lượng không phải của Wagner tham gia vào cuộc tấn công Soledar đều là “thông tin giả mạo”.

Trong một chuyến thăm các lực lượng của mình gần Bakhmut vào đêm giao thừa, Prigozhin đã trực tiếp chỉ trích các quan chức Cẩm Linh.

Prigozhin nói với các chiến binh của mình trong một video được đăng lên Telegram: “Một khi chúng ta chinh phục được bộ máy quan liêu và tham nhũng trong nội bộ của mình, thì chúng ta sẽ chinh phục được người Ukraine và NATO, sau đó là toàn thế giới.”

Một số blogger quân sự Nga ủng hộ Điện Cẩm Linh đã suy đoán rằng việc Bộ Quốc phòng Nga thông báo Valery Gerasimov làm Tổng Tư Lệnh mới của họ một phần được thúc đẩy bởi thành công của Wagner.

Trên thực địa ở Soledar: Quân đội Ukraine hôm thứ Năm khẳng định rằng thị trấn vẫn đang bị tranh chấp và lực lượng của họ thậm chí còn “tiến hành các cuộc phản công” trong khu định cư.

Một video được đăng lên Telegram vào tối thứ Năm cho thấy các lực lượng Wagner trong thị trấn. Đoạn video đã được CNN định vị địa lý ở rìa phía bắc của thị trấn, về phía lãnh thổ do Nga kiểm soát.

5. Cựu Tư lệnh Nga dội gáo nước lạnh vào thành công của Putin ở Soledar

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Former Russian Commander Pours Cold Water on Putin's Success in Soledar”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh Nga dội gáo nước lạnh vào thành công của Putin ở Soledar”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo cựu Tư lệnh Nga Strelkov Igor Ivanovich, còn được gọi là Igor Girkin, các trận chiến của Nga ở Soledar, Ukraine, vẫn chưa kết thúc bất chấp thành công gần đây của các thành viên của Tập đoàn Wagner.

Girkin, một cựu quân nhân Nga và cựu sĩ quan Dịch vụ An ninh Liên bang, cho biết: “Việc các đơn vị Wagner chiếm được trung tâm và hầu hết Soledar là một thành công chiến thuật chắc chắn rồi. Tuy nhiên, mặt trận của kẻ thù KHÔNG bị chọc thủng; không thể bao vây các đơn vị và tiểu đơn vị bảo vệ thành phố. Kẻ thù đang tạo ra một tuyến phòng thủ mới ở vùng ngoại ô phía tây, dựa vào các mỏ muối.”

Tập đoàn Wagner là một lực lượng quân sự tư nhân được thành lập bởi Yevgeny Prigozhin, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, để tham chiến cùng quân đội Nga ở Ukraine. Nhóm này đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tấn công dân thường.

Girkin cũng cho biết trên Telegram hôm thứ Tư rằng giới lãnh đạo quân đội Ukraine vẫn kiểm soát được tình hình ở vùng ngoại ô phía tây của thành phố, phía bắc Bakhmut.

“Và mặc dù việc rút lui đi kèm với những tổn thất không thể tránh khỏi, bao gồm, có lẽ, hàng trăm binh sĩ bị 'bỏ quên' trong tòa nhà, quyền kiểm soát vẫn được duy trì và không có chuyện kẻ thù bỏ chạy,” ông nói thêm.

Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba, blogger quân sự Nga Rybar nói rằng các đơn vị của Tập đoàn Wagner đã “giải phóng trung tâm thành phố và đẩy kẻ thù ra vùng ngoại ô phía tây bắc”.

Bộ Quốc phòng Anh đã đưa ra một tuyên bố tương tự vào thứ Ba, cho biết trong một bản cập nhật tình báo rằng các lực lượng Nga có khả năng kiểm soát Soledar sau một cuộc tiến công “chiến thuật” kéo dài 4 ngày, đánh dấu một thành công lớn đối với Nga.

Bộ Quốc Phòng Anh dự đoán rằng Nga có khả năng sử dụng Soledar trong nỗ lực bao vây Bakhmut từ phía bắc và làm gián đoạn các đường liên lạc của Ukraine.

Tờ Kyiv Independent đưa tin, bất chấp các cuộc pháo kích của Nga ở Soledar, các lực lượng Ukraine vẫn đang chiến đấu, theo tuyên bố hôm thứ Ba của Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar.

“Đường lối của quân Nga nhằm tiếp cận vị trí của chúng tôi chỉ đơn giản là rải xác của các chiến binh địch làm đà tiến,” Maliar nói.

Tuy nhiên, cuộc giao tranh ở Soledar là một “trận chiến khó khăn và cam go” đối với các lực lượng Ukraine và khiến thành phố bị phá hủy, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

“ Điều đó cực kỳ khó khăn – hầu như không còn bức tường nào còn nguyên vẹn,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu hôm thứ Hai. “Và Nga muốn đạt được gì ở đó? Mọi thứ bị phá hủy hoàn toàn, gần như không còn sự sống. Và hàng ngàn người của họ đã bị mất tích; toàn bộ vùng đất gần Soledar được bao phủ bởi xác chết của quân xâm lược và những vết sẹo do các cuộc tấn công.”

Girkin hôm thứ Tư khẳng định rằng các lực lượng Ukraine vẫn đứng vững bất chấp những bước tiến của Nga.

“Như tôi đã viết và nói hơn một lần, ngay cả khi toàn bộ tuyến phòng thủ kiên cố Bakhmut-Soledar-Seversk sụp đổ cũng sẽ không dẫn đến sự sụp đổ của mặt trận Lực lượng vũ trang Ukraine—ở phía sau họ có khu vực phòng thủ chính ở Donbass-Slavyansk-Kramatorsk,” Girkin nói thêm. “Lực lượng Vũ trang Ukraine có lực lượng dự trữ, hơn nữa, những lực lượng mới đang được tích cực tạo ra.”

“Việc chuyển giao một số lượng đáng kể thiết bị quân sự hiện đại của các nước NATO đã được công bố và sẽ hoàn thành trước mùa xuân. Sẽ không có tình trạng 'đóng băng xung đột' được mong muốn một cách cuồng nhiệt ở Điện Cẩm Linh—các đối tác Mỹ khá hài lòng với việc người Nga giết người Nga càng lâu càng tốt. Ý kiến của người Nga cũng như những người quản lý họ không được các đối tác quan tâm.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

6. Tổng thống Nga và Iran thảo luận về hợp tác song phương trong cuộc điện đàm

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, trong đó họ thảo luận về cuộc chiến ở Syria cũng như hợp tác song phương, cơ quan báo chí Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Tư.

Tuyên bố của Điện Cẩm Linh không nói rõ liệu Putin và Raisi có thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine hay không.

Kết quả của cuộc trò chuyện, các nhà lãnh đạo đã đồng ý “tăng cường hơn nữa toàn bộ phạm vi hợp tác song phương” giữa Nga và Iran và thực hiện “các dự án cùng có lợi trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và hậu cần”.

“Khi thảo luận về các vấn đề quốc tế, cả hai bên đã đưa ra đánh giá tích cực về sự phối hợp chặt chẽ đã được thiết lập trong khuôn khổ tiến trình Astana, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Syria,” theo thông báo chính thức được đăng trên kênh Telegram chính thức của Điện Cẩm Linh. “Ý định được thể hiện là tiếp tục hợp tác để bình thường hóa tình hình ở Cộng hòa Ả Rập Syria và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này.”
 
Ngỡ ngàng: Quan chức Tòa Thượng Phụ Moscow vu cáo Đức Giáo Hoàng gây ra cuộc chiến ở Ukraine, phỉ báng nặng lời
VietCatholic Media
05:04 13/01/2023


1. Quan chức Chính Thống Giáo Nga vu cáo Đức Giáo Hoàng gây ra cuộc chiến ở Ukraine

Trong một diễn biến hết sức ngỡ ngàng, bất chấp thực tế là tổng thống Nga Vladimir đã phát động cuộc xâm lược Ukraine, một quan chức của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga là Trưởng Phó Tế Vladimir Vasilik đã cáo buộc rằng cuộc chiến tại Ukraine là một âm mưu của Vatican và xúc phạm đến Đức Giáo Hoàng khi gọi ngài là “quỷ sứ” và một “kẻ cắp”.

Massimo Introvigne, một ký giả của Bitter Winter, là tờ báo trên mạng chuyên về tự do tôn giáo, có bài tường trình nhan đề “Russian Orthodox Leader: Ukraine is a Catholic Conspiracy, the Pope is a Monster and a Thief”, nghĩa là “Nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga nói rằng Ukraine là một âm mưu của Công Giáo, và Đức Giáo Hoàng là một tên Quỷ Sứ và một Kẻ Cắp”. Người đưa ra quan điểm quái đản này là Protodeacon Vladimir Vasilik.

Chữ Protodeacon chúng tôi dịch là Trưởng Phó Tế. Protodeacon bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp proto- có nghĩa là 'cao nhất' và diakonos, là một từ Hy Lạp cổ rất tiêu chuẩn có nghĩa là “trợ lý”, “người hầu” hoặc “người chờ đợi”. Trong Chính Thống Giáo, Protodeacon là một cấp bậc danh dự được trao cho một số phó tế đã kết hôn và đã phục vụ lâu năm. Cách riêng, đối với Chính thống Nga, đây là danh hiệu danh dự được trao cho các phó tế đã kết hôn, và giáo sĩ nào có tước hiệu này thì được quyền mặc một chiếc skufia màu đỏ tía.

Trong Giáo Hội Công Giáo, trong số các Hồng Y đẳng phó tế, vị niên trưởng được gọi là Cardinal Protodeacon hay Hồng Y Trưởng Đẳng Phó Tế.

Nói tóm lại, Ông Vladimir Vasilik là một người có gia đình, có chức phó tế, và là một quan chức cấp cao của Chính Thống Giáo Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài viết của ký giả Massimo Introvigne qua phần trình bày của Túy Vân.

Khi đọc các trước tác của Trưởng Phó Tế Vladimir Vasilik, bạn có thể nhận ra rằng ông ta không phải là một kẻ điên cô đơn. Ông ta không chỉ là một học giả đã xuất bản về lịch sử Giáo hội trên các tạp chí phương Tây có uy tín, mà ông ta còn là thành viên của Ủy ban Phụng Tự của Thánh Công Đồng đầy quyền lực của Giáo Hội Chính thống Nga và là người thường xuyên đóng góp cho các tờ báo và tạp chí của Giáo Hội này.

Vasilik đã trích một đoạn trong với thông điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài mời những người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma hãy nhìn vào “khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang sống trong Giáng Sinh này trong bóng tối, trong giá lạnh hoặc xa nhà của họ vì sự tàn phá của mười tháng chiến tranh.”

Dù Đức Thánh Cha Phanxicô thường tỏ ra quá ôn hòa khi bình luận về cuộc chiến Ukraine, Vasilik vẫn bày tỏ sự tức giận của ông ta rằng Đức Thánh Cha đã không đề cập đến “các anh chị em Nga”, những người cũng đã chết trong cuộc chiến. Do đó, ông ta đã nhân cơ hội này để thực hiện một hành động mà ông ta, gọi là “vạch mặt” Đức Giáo Hoàng và tuyên bố rằng các sự kiện ở Ukraine cuối cùng là kết quả của một âm mưu thâm độc của Vatican.

Vasilik nói, Giáo Hội Công Giáo không chỉ âm mưu chống lại Nga và Chính thống giáo từ thế kỷ 16, mà giờ đây rõ ràng là Vatican đã tổ chức “Maidan năm 2014. Vì ngay cả người mù cũng có thể thấy rằng những nhà hoạt động hăng hái nhất tại quảng trường Maidan là các linh mục Công Giáo Uniate.

Túy Vân xin mở ngoặc giải thích như sau. Trong hai năm 1595 và 1596, một số giáo phận Chính Thống Giáo ở Ukraine và Nga đã chấp nhận Hiệp Ước Brest quay lại hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, hình thành nên Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Do đó, từ Uniate thường được dùng với ý mỉa mai để chỉ các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Maidan là một quảng trường lớn ở thủ đô Kyiv, là nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình giữa những người Ukraine muốn gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu, chống lại lực lượng an ninh của tổng thống Viktor Yanukovych, là người gốc Nga, muốn giữ chặt Ukraine trong thế giới Nga. Các cuộc biểu tình liên tục và dữ dội vào tháng Hai, 2014 đã buộc Viktor Yanukovych phải bỏ chạy sang Nga. Người Nga đã phản ứng bằng cách tung ra cuộc xâm lược 2014, chiếm bán đảo Crimea và một phần của vùng Donbas.

Trưởng Phó Tế Vasilik cũng là một nhà hoạt động tích cực chống tà giáo. Một số đồng nghiệp của Vasilik tin rằng Maidan 2014 thực sự được tổ chức bởi giáo phái Scientology, nhưng họ đã viết rằng sự thật là người Công Giáo cũng hợp tác.

Đức Thánh Cha Phanxicô bị Vasilik cáo buộc là kẻ chủ mưu của những âm mưu đặc biệt thâm độc này. Ngài trở thành Giáo hoàng vào năm 2013, và vào năm 2014, Cách mạng Maidan đã xảy ra, một sự kiện mà theo tuyên truyền của Nga khiến các cuộc xâm lược năm 2014 và 2022 là không thể tránh khỏi.

Theo Vasilik, Đức Thánh Cha Phanxicô là “người hưởng lợi chính” từ những gì đang xảy ra ở Ukraine. Tại sao? Bởi vì tình hình chiến tranh đang cho chính phủ Ukraine cái cớ để đàn áp Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, và hợp nhất nó với Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU, hiệp thông với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Vasilik còn đi xa hơn khi cho rằng “có những kế hoạch dài hạn cho sự hợp nhất của Tòa Thượng phụ Constantinople và Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ông ta tiên đoán rằng vào năm 2025—năm kỷ niệm Công đồng Đại kết Thứ nhất, Công Giáo và những kẻ phản bội Chính thống giáo Hy Lạp sẽ hiệp nhất. Và họ quyết định chọn Ukraine làm nơi thử nghiệm cho một liên minh như vậy. Ý tưởng rất đơn giản là việc thành lập một Giáo Hội quốc gia duy nhất của Ukraine. Đầu tiên, các nhóm ly giáo khỏi UOC được đẩy vào cái gọi là OCU, và sau đó toàn bộ UOC của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa được gắn vào OCU, không phải tự nguyện, mà bằng bị bắt buộc. Và sau đó tất cả điều này được hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Do đó, cuối cùng sẽ chỉ còn lại một Giáo Hội Công Giáo Ukraine duy nhất theo nghi thức Đông phương”.

Vasilik nói Đức Thánh Cha Phanxicô là một con quái vật, “một con cá sấu, khi ăn thịt con mồi của mình, không ngừng rơi nước mắt, nhưng vẫn ăn. Theo cách tương tự, Giáo hoàng của Rôma có thể khóc, than thở, thương tiếc. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn ngài ăn Chính thống giáo—công việc của ngài là như vậy, chính xác hơn, bản chất của ngài là như vậy. Ngài không phải là Giáo hoàng, không phải là cha, nhưng ngài là một tên trộm, một tên trộm thực sự. Và 'kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt' (Ga 10:10).”

Vasilik có một số hy vọng cho năm mới, khó khăn. Ông ta hy vọng năm 2023 sẽ mang lại hòa bình. Nhưng hòa bình, ông ta giải thích, là “thứ mà chúng ta chỉ có thể đạt được thông qua chiến tranh.” Không phải là “chiến tranh thương mại” mà một số chỉ huy Nga đã tham chiến ở Ukraine chủ trương mà là một cuộc thánh chiến toàn diện. Vasilik giải thích “chiến tranh thương mại” là trường hợp các chỉ huy Nga chiếm các thành phố của Ukraine nhưng không tàn phá các thành phố này vì không muốn phạm tội ác chiến tranh với hy vọng còn có thể làm ăn với phương Tây. Theo ông, lẽ ra các chỉ huy Nga phải phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạ tầng có giá trị của Ukraine.

Vasilik tuyên bố hoặc là chúng ta chiến thắng, hoặc là “chúng ta sẽ biến mất, với tư cách là một quốc gia và một dân tộc. Hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn về thể chất. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ có một lựa chọn: chiến thắng hoặc chết. Bạn không thể vừa chiến đấu vừa nghĩ đến chuyện làm ăn, giao dịch thương mại cùng một lúc. Tuy nhiên, ông ta phàn nàn rằng vì một số lý do nào đó, những sự thật cơ bản này nghe có vẻ không thuyết phục đối với một số chỉ huy của chúng ta. Thành ra, tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho họ và nói với họ rằng vào năm 2023, nước Nga sẽ được đổi mới, tẩy sạch tội lỗi của mình — bao gồm các tội lỗi phá thai, tham nhũng, tham ô, và quét sạch sự hiện diện của những người vô thần và các giáo phái, và cuối cùng là sự dâm ô. Sau đó, cuối cùng, nước Nga sẽ trở thành nước Nga thánh thiện”.

Đây là kết luận cuối cùng của chúng tôi: Một nhà lãnh đạo tôn giáo mà đưa ra các lập luận vừa quái đản, vừa sắt máu như thế này thì nguy cơ chiến tranh thế giới là rất cao.
Source:Bitter Winter

2. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án Iran vì sử dụng án tử hình đối với người biểu tình

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Hai đã lên án Iran vì đã sử dụng án tử hình đối với những người biểu tình, và đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phụ nữ.

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng, được đưa ra trong bài phát biểu hàng năm trước các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh, là nhận xét mạnh mẽ nhất của ngài kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ người Iran gốc Kurd, 22 tuổi, trong khi bị cảnh sát giam giữ vào tháng 9 năm ngoái.

“Quyền sống cũng bị đe dọa ở những nơi mà án tử hình vẫn tiếp tục được áp dụng, như trường hợp trong những ngày này ở Iran, sau các cuộc biểu tình gần đây đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phẩm giá của phụ nữ,” Đức Phanxicô nói.

Ngài nói: “Án tử hình không thể được sử dụng cho một công lý nhà nước có chủ đích, vì nó không tạo ra sự ngăn cản cũng như không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà chỉ thúc đẩy khát khao báo thù”.

Sau đó, ngài lặp lại lời kêu gọi chấm dứt án tử hình trên toàn thế giới, nói rằng án tử hình “luôn luôn không thể chấp nhận được vì nó tấn công quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”.

Bốn người biểu tình đã bị hành quyết sau hậu quả của tình trạng bất ổn ở Iran.
Source:Reuters

3. Nhật Ký Trừ Tà số 222: Sự cô đơn của Địa Ngục

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #222: The Isolation of Hell”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 222: Sự cô đơn của Địa Ngục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hai trong số những nhà trừ quỷ của chúng ta đang làm việc cùng với một người bị quỷ ám. Đêm trước buổi trừ tà đầu tiên, mỗi người đều có một trải nghiệm khác thường giống hệt nhau. Khi họ gặp nhau vào sáng hôm sau, cả hai đều mô tả đã bị choáng ngợp trong đêm hôm trước bởi cái lạnh dữ dội. Họ không thể thấy ấm dù quấn mình trong nhiều lớp quần áo. Họ đang đóng băng ở bên trong. Trải nghiệm của họ kéo dài khoảng một giờ rồi tan biến.

Ngày hôm sau, khi họ gặp và cầu nguyện với người bị quỷ ám, thì rõ ràng là cô ấy bị một số triệu chứng của quỷ bao gồm cả sự cô lập lan tỏa. Cô ấy không có bạn thân và mặc dù cô ấy là một người chuyên nghiệp có trách nhiệm, nhưng cô ấy không có mối liên hệ thực sự nào với con người. Đời sống tình cảm của cô “lạnh nhạt”. Hy vọng rằng các nhà trừ quỷ của chúng ta, bằng cách trải nghiệm sự cô đơn do ma quỷ gây ra cho cô ấy với tư cách là “những người mang gánh nặng”, là một sự giúp đỡ để cô ấy mang gánh nặng của mình và hỗ trợ hướng tới sự giải thoát.

Cô lập là đặc điểm chung của những người bị chiếm hữu. Khi ma quỷ hiện diện, những người bị ảnh hưởng thường trải nghiệm điều gì đó trong cuộc sống địa ngục. Trong các khu vực địa ngục, không có tình bạn. Chỉ có một sự cô lập cảm xúc xuyên thấu tâm hồn. Trong Dante's Inferno, khu vực thứ chín và thấp nhất của địa ngục, nơi chính Satan cư ngụ, được miêu tả như một vùng đất hoang vu băng giá.

Con đường phục hồi cho những người bị quỷ ám cuối cùng sẽ bao gồm việc kết nối lại với bạn bè, những người thân yêu và một cộng đồng cùng đức tin. Thiên đàng là tình yêu, hiệp nhất và hòa bình. Địa ngục là hận thù và cô lập. Tất cả chúng ta đều cần hơi ấm của tình người, nếu không cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành địa ngục thực sự.
Source:Catholic Exorcism

4. Tổng thống Zelenskiy đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, cổng thông tin chính phủ đưa tin vào ngày 7 tháng Giêng

Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết các tài liệu tuyên truyền của Nga được tìm thấy trong các cuộc đột kích vào khuôn viên các nhà thờ và tu viện của UOC

Sắc lệnh số 898/2022 đã được tổng thống ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2022, liên quan đến 13 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục của 6 giáo phận Donetsk, Crimea, Dnipro, Romen, Odesa và Bukovyna.

Đặc biệt hai Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh, và Serhiy Leonidovych Anitsoi bị kết tội phản quốc và tài sản bị tịch thu. Ngày 30 tháng 9, Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga. Hai vị này đã hồ hởi phấn khởi tham dự và trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Tass, ngập tràn hy vọng về tương lai.

Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko của Crimea cũng bị kết tội phản quốc. Ngày 27 tháng 5, 2022, Đức Tổng Giám Mục Onufriy Berezovsky của Kyiv và toàn Ukraine quyết định không trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa. Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko phản đối quyết định này và đưa các giáo xứ của ông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Quyết định của Tổng thống Zelenskiy cũng tước quyền công dân của linh mục Viktor Anatoliyovych Gradomskyy, Cha sở nhà thờ chính tòa Alexander Nevsky ở Odessa.

Trong một quyết định khác, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trừng phạt thêm bảy linh mục của UOC với các bản án khác nhau, bao gồm cả việc trục xuất khỏi Ukraine.

Lịch sử vắn tắt của Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Thế giới Chính Thống Giáo không có vị lãnh đạo tương đương với Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Từng quốc gia có một Giáo Hội độc lập hoàn toàn với các Giáo Hội Chính Thống ở các quốc gia khác. Có 14 Giáo Hội Chính Thống độc lập như thế, trong đó Chính Thống Giáo Nga có đông tín hữu nhất. Trong số 14 Giáo Hội này, Tòa Thượng Phụ Constantinople được gọi là Tòa Thượng Phụ Đại Kết hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, Đức Thượng Phụ Đại Kết được coi là vị đứng đầu trong số 14 vị Thượng Phụ, về danh nghĩa, chứ không có quyền tài phán như Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Thứ hai, các Giáo Hội tân lập ở các quốc gia có số tín hữu ít quá sẽ trực thuộc vào Tòa Thượng Phụ Constantinople cho đến khi họ được cấp tư cách độc lập qua một sắc lệnh gọi là Tomos của Tòa Thượng Phụ Constantinople.

Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Nga. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv. Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác.

Năm 1596, Đức Tổng Giám Mục Michael Rohoza của Kyiv và toàn Nga chấp nhận Hiệp Ước Brest, quay lại hiệp nhất hoàn toàn với Tòa Thánh, và đưa các giáo xứ của mình vào Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Chính Thống Giáo Nga được cấp Tomos để thành lập một Giáo Hội Chính Thống riêng và theo Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô giải thích vào năm 2018, Chính Thống Giáo Nga được Tòa Thượng Phụ Đại Kết ủy quyền chăm sóc cho Chính Thống Giáo Ukraine. Nói cách khác, Chính Thống Giáo Ukraine vẫn thuộc quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Constatinople, không phải Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Thượng Phụ Kirill phản đối giải thích này.

Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.

Phản ứng lại, Thượng Phụ Kirill đoạn giao với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cấm các linh mục hiệp thông thánh thể với Chính Thống Giáo Constantinope, và không được cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cấp Tomos cho OCU, thế giới Chính Thống Giáo có 15 Giáo Hội Chính Thống độc lập. Nếu kể thêm Giáo Hội Chính Thống ở Mỹ, thì là 16.
Source:Reuters
 
Nga định ám sát Ngoại trưởng Đức. Berlin nổi giận, Ukraine có xe tăng. Hoa Kỳ nói về Tướng đầu trọc
VietCatholic Media
16:02 13/01/2023


1. Ngũ Giác Đài cho biết việc thay Tổng Tư Lệnh quân Nga ở Ukraine cho thấy có “những thách thức có hệ thống” đối với Nga

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc Nga bổ nhiệm Tổng Tư Lệnh mới về chiến dịch xâm lược Ukraine có thể phản ánh “những thách thức mang tính hệ thống” đối với Nga.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói:

“Thông báo về việc bổ nhiệm Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, làm Tổng Tư Lệnh của chiến dịch cho thấy một số thách thức mang tính hệ thống mà quân đội Nga phải đối mặt kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược này”

“Chúng ta đã nói về một số vấn đề liên quan đến vấn đề hậu cần, vấn đề chỉ huy và kiểm soát, vấn đề duy trì tinh thần chiến đấu trước những thất bại lớn trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược mà họ đã đặt ra cho mình”

Ryder cho biết Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục theo dõi” những thay đổi nhân sự như vậy của Nga.

“Tôi nghĩ rằng thế giới mong muốn thấy Nga tập trung vào việc rút khỏi Ukraine và cứu những người vô tội hơn là dành thời gian cho nhiều cuộc cải tổ quản lý, và những người lính Nga cùng gia đình của họ có lẽ cũng muốn thấy điều đó,” Ryder nói.

2. Quan chức quân sự hàng đầu của Ukraine cho biết việc bổ nhiệm chỉ huy mới của Nga cho thấy chiến tranh đã không diễn ra theo kế hoạch của Mạc Tư Khoa

Một quan chức quân sự hàng đầu của Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng việc Nga bổ nhiệm một Tổng Tư Lệnh mới cho thấy cuộc chiến của họ ở Ukraine đã không diễn ra theo kế hoạch.

“Kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, chúng ta đã quan sát thấy những thay đổi thường xuyên trong ban lãnh đạo lực lượng vũ trang của quốc gia xâm lược,” phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 13 tháng Giêng “Nếu mọi thứ đều theo trật tự, những thay đổi nhân sự sẽ không diễn ra với tần suất dồn dập như vậy.”

“Những thay đổi nhân sự mới nhất trước hết cho thấy cần phải kết hợp giữa hệ thống quản lý và hệ thống chỉ huy, kiểm soát của quân đội trong hàng ngũ của mình. Không phải mọi thứ diễn ra theo cách họ muốn. Nó sẽ tiến xa hơn như thế nào – chúng ta sẽ thấy.”

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư thông báo rằng Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, sẽ trở thành Tổng Tư Lệnh tổng thể của chiến dịch. Tổng Tư Lệnh hiện tại, Sergey Surovikin, trở thành một trong ba cấp phó của ông. Surovikin chỉ mới được bổ nhiệm làm Tổng Tư Lệnh của cái mà Điện Cẩm Linh gọi một cách hoa mỹ là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 10.

3. Quan chức Đức cho biết nước này sẽ không cản trở Ba Lan gửi xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine

Một ngày sau khi tổng thống Ba Lan bày tỏ ý định gửi xe tăng chiến đấu do Đức sản xuất tới Ukraine, phó thủ tướng Đức đã lên tiếng rằng nước ông sẽ không ngăn cản việc chuyển giao vũ khí.

Robert Habeck nói bên lề cuộc họp của Đảng Xanh ở Berlin: “Đức không nên cản trở các quốc gia khác đưa ra quyết định ủng hộ Ukraine, bất kể Đức đưa ra quyết định nào.”

Đây sẽ là lần đầu tiên một chiếc xe tăng do phương Tây sản xuất được gửi đến Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga. Do xe tăng Leopard do Đức sản xuất nên việc tái xuất khẩu của nó thường cần được sự chấp thuận của chính phủ Đức.

Steffen Hebestreit, phát ngôn viên của chính phủ liên bang Đức, cho biết hôm thứ Tư rằng ông “không nhận được bất kỳ câu hỏi cụ thể nào” từ các chính phủ nước ngoài về việc tái xuất xe tăng Leopard.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm thứ Tư đã cảnh báo trong một cuộc họp báo ở Lviv, Ukraine, rằng “một loạt các yêu cầu chính thức, sự chấp thuận, v.v. cũng phải được đáp ứng.”

Chính phủ Đức cũng đã chịu áp lực từ các quan chức Ukraine trong việc xuất khẩu xe tăng chiến đấu sang Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm thứ Năm không loại trừ khả năng đó.

Lambrecht nói: “Trong thời đại mà chúng ta đang sống – trong đó chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi đối mặt với một cuộc chiến ở Âu Châu – chúng ta được khuyên nên luôn thích ứng với tình hình cụ thể. Chính phủ liên bang chưa có quyết định bàn giao xe tăng chiến đấu.”

Tuy nhiên, bà nói rằng họ sẽ “không loại trừ bất cứ điều gì” và Đức sẽ đưa ra quyết định “cùng với các đồng minh của mình”.

Hành động của các đồng minh khác: Chính phủ Anh đang làm việc với các đối tác để thảo luận về cách tiến “xa hơn và nhanh hơn” trong việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng, theo phát ngôn viên của thủ tướng hôm thứ Tư.

Ngũ Giác Đài tuyên bố hôm thứ Ba rằng quân đội Ukraine sẽ bắt đầu huấn luyện về hệ thống hỏa tiễn Patriot tại Hoa Kỳ ngay trong tuần tới.

4. Quan chức Ukraine tự tin rằng xe tăng từ Ba Lan sẽ đến “rất, rất nhanh”

Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, đã nói một cách lạc quan về việc chuyển giao xe tăng từ Ba Lan.

“Tôi chắc chắn rằng xe tăng sẽ được cung cấp cho chúng ta sẽ rất, rất nhanh”, Danilov nói trên truyền hình Ukraine.

Ông Danilov cho biết thêm Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ “làm chủ” việc sử dụng xe tăng “trong vài tuần nữa”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã công bố kế hoạch gửi xe tăng chiến đấu Leopard tới Ukraine trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Lviv hôm thứ Tư.

Đây sẽ là lần đầu tiên một chiếc xe tăng do phương Tây sản xuất được gửi đến Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga.

Duda đã cảnh báo trong một cuộc họp báo rằng “một loạt các yêu cầu chính thức, sự chấp thuận, v.v. cũng phải được đáp ứng.”

Xe tăng Leopard được sản xuất tại Đức và một lô hàng thường phải được phép tái xuất vũ khí do Đức sản xuất.

CNN đã liên hệ với Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức để xin bình luận, nhưng phát ngôn nhân Robert Säverin đã giới thiệu CNN với chính phủ Ba Lan.

5. Chính trị gia Nga gợi ý tấn công Bộ trưởng Đức đang thăm Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Politician Suggests Attack on German Minister Visiting Ukraine”, nghĩa là “Chính trị gia Nga gợi ý tấn công Bộ trưởng Đức đang thăm Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Một chính trị gia Nga gợi ý trên truyền hình nhà nước việc tấn công ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, khi cô đến thăm khu vực Kharkiv đang bị bao vây của Ukraine hôm thứ Ba.

Cô Baerbock, người trở thành thành viên nội các Đức đầu tiên đến thăm khu vực phía đông Kharkiv, trước chuyến đi bất ngờ này đã cam kết cung cấp cho Ukraine thêm vũ khí và “những lời đề nghị cụ thể” để hỗ trợ quốc gia bị chiến tranh tàn phá này gia nhập Liên minh Âu Châu.

Người Ukraine “nên biết rằng họ có thể tin tưởng vào sự đoàn kết và hỗ trợ của chúng tôi” và “điều đó bao gồm cả việc giao thêm vũ khí,” cô nói.

Một đoạn trích từ chương trình truyền hình nhà nước Nga đã được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, chia sẻ trên Twitter hôm thứ Tư.

“Người Đức nên chú ý! Lời kêu gọi trực tiếp giết Annalena Baerbock của Aleksey Zhuravlev, chính trị gia và thành viên quốc hội Nga. Tôi tự hỏi liệu anh ta có bị xử phạt hay không,” Gerashchenko viết trên Twitter.

Trong đoạn clip dài 14 giây, lần đầu tiên được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước Nga “Russia-1”, Zhuravlev, thành viên của Duma Quốc gia và là lãnh đạo của đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc “Rodina”, là đảng công khai ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đưa ra một cuộc tấn công gay gắt vào bộ trưởng ngoại giao Đức.

Viên chức này nói: “Tôi không hiểu… Anna hay Lena, dù cô ấy là ai…”.

“Baerbock dạo quanh Kharkiv. Cái gì, chúng ta không biết cô ấy ở đâu à? Cái gì, chúng ta không có vũ khí chính xác cao sao? Cô ấy đang làm gì ở đó?” Zhuravlev nói thêm.

Baerbock đã được tháp tùng tại Kharkiv vào hôm thứ ba bởi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và Đại sứ Ukraine tại Đức, Oleksii Makeiev.

“Thành phố này là biểu tượng cho sự điên rồ tuyệt đối của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và của những đau khổ vô tận mà người dân, đặc biệt là ở phía đông đất nước, đang phải đối mặt hàng ngày,” cô nói trong một tuyên bố được đưa ra một ngày trước một cuộc gặp gỡ với Kuleba.

Baerbock không nói rõ loại vũ khí nào Đức dự định gửi cho Ukraine, nhưng cho biết người Ukraine cần những vũ khí này “để giải phóng công dân của mình, những người vẫn đang phải chịu đựng sự khủng bố của sự xâm lược của Nga”.

Cô Baerbock nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau khi đến Ukraine: “Ở Kharkiv, chúng ta có thể thấy lòng dũng cảm, sự kiên cường và do đó là hy vọng về một cuộc sống trong hòa bình.”

Cô nói thêm: “Chúng tôi với tư cách là chính phủ muốn đưa ra những đề nghị rất cụ thể với Ukraine để đạt được tiến bộ trong việc tăng cường pháp quyền, các thể chế độc lập và cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như phù hợp với các tiêu chuẩn của Liên Hiệp Âu Châu”.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Nga và Đức để bình luận.

6. Không quân Ukraine xác nhận khả năng tấn công hỏa tiễn vào Ukraine từ Belarus

Mặc dù các cuộc tấn công hỏa tiễn gần đây vào Ukraine được thực hiện chủ yếu từ Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời, nhưng mối đe dọa tấn công từ Belarus vẫn còn đó.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 13 tháng Giêng

“Trong những tháng gần đây, chúng ta đã thấy rằng các cuộc tấn công chính đến từ Nga - từ Hắc Hải, từ các lãnh thổ bị xâm lược. Tất nhiên, ít được sử dụng hơn là từ Belarus. Tuy nhiên, lãnh thổ Belarus đã được quân đội Nga liên tục sử dụng để tiến hành một số cuộc diễn tập nhất định ở đó, để triển khai ở đó một nhóm hàng không của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, máy bay chuyên dụng hỗ trợ radar, v.v.,” Ihnat nói.

Ông nhắc nhớ rằng hầu hết các hỏa tiễn đạn đạo đã được phóng từ lãnh thổ Belarus khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, đặc biệt là Iskanders, Tochka-Us, v.v.

Ihnat cũng lưu ý rằng các tổ hợp tác chiến và chiến thuật cũng như hỏa tiễn S-300, S-400 của Nga hiện vẫn còn ở Belarus, do đó, tất nhiên, có nguy cơ bị tấn công từ Belarus.

7. Đại sứ Bodnar phủ nhận cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gửi bom chùm tới Ukraine

Các báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bom chùm cho Ukraine là không đúng sự thật và nhằm mục đích phá hoại mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, tạo ra một hình ảnh quốc tế tiêu cực đối với hai nước.

Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar đã nói điều này với cơ quan thông tấn Anadolu, khi bình luận về các báo cáo trên phương tiện truyền thông Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc cung cấp bom chùm cho Ukraine.

“Tôi hoàn toàn phủ nhận điều đó, nó không đúng sự thật. Thông tin được thêu dệt đặc biệt như vũ khí chiến tranh thông tin tâm lý, chỉ để làm suy yếu mối quan hệ giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ và cố gắng tạo ra hình ảnh sai lầm về Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói.

Bodnar nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế nghiêm cấm bom chùm và đạn dược, và Kyiv tuân thủ các quy tắc quốc tế trong cuộc chiến nhằm kìm hãm Nga.

Ông nói rằng ông tin rằng cáo buộc này là một phần của “bộ máy tuyên truyền của Nga” chống lại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.

Tờ Foreign Policy viết rằng vào cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bí mật cung cấp cho Ukraine các loại bom chùm thời Chiến tranh Lạnh.

8. Chính phủ Anh thảo luận về việc “tăng tốc” hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng

Chính phủ Anh đang làm việc với các đối tác để thảo luận làm thế nào để tiến “xa hơn và nhanh hơn” trong việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng, theo phát ngôn nhân của thủ tướng hôm thứ Tư.

Khi được các nhà báo vận động hành lang hỏi liệu Vương quốc Anh có cung cấp xe tăng cho Ukraine hay không, phát ngôn nhân của thủ tướng cho biết: “Chúng ta đang tăng cường hỗ trợ cho Ukraine bằng loại công nghệ quân sự thế hệ tiếp theo sẽ giúp họ giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”

Phát ngôn nhân nói thêm: “Rõ ràng là xe tăng có thể cung cấp khả năng thay đổi cuộc chơi cho người Ukraine và thủ tướng đã nói với Tổng thống Zelenskiy vào tuần trước rằng chúng ta sẽ cung cấp bất cứ sự hỗ trợ nào có thể”. “Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng làm việc với các đối tác trong những tuần tới để thảo luận về cách chúng ta có thể tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng.”

Tuy nhiên, trong khi “liên tục xem xét những thiết bị nào chúng ta có thể cung cấp”, điều đó không có nghĩa là quyết định về việc cung cấp xe tăng Challenger 2 đã được đưa ra ngay bây giờ, phát ngôn nhân cho biết.

9. Các quan chức nhân đạo Ukraine và Nga gặp nhau ở Ankara

Các quan chức nhân đạo hàng đầu của Ukraine và Nga, những người giám sát việc trao đổi tù nhân, đã gặp nhau hôm thứ Tư tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.

Họ cũng đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

“Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm tăng cường giải quyết các vấn đề nhân đạo”, Ủy viên Quốc hội Ukraine về Nhân quyền Dmytro Lubinets cho biết trên tài khoản Telegram chính thức của mình. “Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một đối tác của Ukraine, đã nhiều lần thể hiện sự tham gia tích cực của mình trong việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hành động xâm lược vũ trang của Nga”.

Tatyana Moskalkova, ủy viên nhân quyền của Nga, cho biết bà tiếp tục làm việc với Lubinets “để hỗ trợ trao đổi tù nhân chiến tranh.”

Bà nói: “Tôi đã đề nghị đồng nghiệp người Ukraine của mình xem xét khả năng hỗ trợ những công dân Ukraine muốn đến Nga để thăm người thân đang mắc bệnh hiểm nghèo. Trong bối cảnh xây dựng hành lang nhân đạo phức tạp, những người này cần sự giúp đỡ của thanh tra viên.”
 
Sưu tầm đồ cổ, linh mục để lại gia tài khổng lồ. Quan hệ giữa Thượng Phụ tài phiệt Kirill và Putin
VietCatholic Media
17:15 13/01/2023


1. Ý định thực sự của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein qua cuốn sách Không có gì ngoài sự thật

Cuốn sách “Không có gì ngoài sự thật” đã được bày bán rộng rãi từ ngày 12 Tháng Giêng. Hy vọng của nhiều người là việc tiếp cận rộng rãi của công chúng với cuốn sách dày 330 trang này chấm dứt huyền thoại cho rằng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein viết cuốn sách này để chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô.

Lời mở đầu cuốn sách giải thích rõ ràng cho người đọc mục đích của cuốn sách. Vị tổng giám mục người Đức, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, viết: “Những trang này chứa đựng những chứng từ cá nhân về sự vĩ đại của một người khiêm nhường, một học giả xuất sắc, một Hồng Y và một vị Giáo hoàng đã làm nên lịch sử của thời đại chúng ta và điều này nên được ghi nhớ như một ngọn hải đăng về năng lực thần học, sự rõ ràng về giáo lý và sự khôn ngoan có tính tiên tri. Nhưng chúng cũng là tài liệu trực tiếp tìm cách làm sáng tỏ một số khía cạnh bị hiểu lầm về triều đại giáo hoàng của ngài với mô tả từ bên trong thế giới Vatican thực sự”.

Ý định thực sự của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein qua cuốn sách “Không có gì ngoài sự thật” là bảo vệ di sản của Đức Bênêđíctô mà ngài coi là một người bạn, một người thầy và một người cha. Trong khi thế giới Công Giáo nói chung đánh giá cao triều đại Giáo Hoàng và di sản của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16, ở Đức có thể không đúng như thế. Những tấn công nhắm vào Đức Bênêđíctô vẫn dai dẳng ngay cả sau khi ngài đã qua đời.

Có hai sự kiện cho thấy rõ điều đó. Thứ nhất, Đức Bênêđíctô không phải là Giáo Hoàng đang tại vị cho nên chỉ có Đức và Ý được Tòa Thánh mời tham dự với tư cách phái đoàn chính thức. Các Quốc vương, tổng thống và các nhà lãnh đạo các quốc gia khác chỉ được tham dự với tư cách cá nhân. Thế mà, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Giám Mục Georg Bätzing đã không tham dự tang lễ của ngài.

Thứ hai, ngay trong ngày tang lễ của ngài tờ Die Spiegel của Đức tung ra một bài báo có tựa đề “Di sản đen tối của Bênêđíctô”, trong đó tác giả quy chụp cho Đức Bênêđíctô trách nhiệm về những cơn lũ người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội, vì theo tác giả, họ không hài lòng với một đạo Công Giáo cứng nhắc, giáo điều do Đức Bênêđíctô và những Giám Mục bảo thủ như Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln quyết liệt bảo vệ. Thực ra, đó là một lời ngụy biện. Tất cả các đề xuất về một đạo Công Giáo mới không cứng nhắc, không giáo điều bao gồm việc chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Liên quan đến các nhiệm vụ của mình bên cạnh Đức Giáo Hoàng Danh dự cũng như bên cạnh Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Cha Gänswein chỉ rõ với lòng biết ơn rằng các vị đã cho ngài “cơ hội tham gia vào tất cả các sự kiện lịch sử và quan trọng nhất của giáo hội trong hai thập kỷ qua”. Những sự kiện từng là “những khoảnh khắc của niềm vui và sự thất vọng, sự nhiệt tình và nỗ lực đã xen kẽ. Các vấn đề chắc chắn không thiếu, chỉ cần nghĩ đến thảm kịch lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ hoặc những khó khăn về tài chính của Vatican. Nhưng cũng đã có những kinh nghiệm rất đẹp và những giá trị quý giá đã biểu lộ một đức tin sống động, nhất là nơi nhiều người trẻ trên thế giới, điều này mang lại lý do để hy vọng chính đáng vào tương lai của Giáo hội. “

Phần mở đầu mở đầu bằng câu chuyện này: “Vào tháng 2 năm 2003, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger yêu cầu tôi trở thành thư ký riêng của ngài, trình bày vai trò mới của tôi trong Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài chỉ ra rằng cả hai chúng tôi chỉ là ‘tạm thời’. Trước sự ngạc nhiên của các thành viên trong Thánh Bộ đối với mô tả khá kỳ lạ này, ngài giải thích với chúng tôi rằng ngài có ý định từ bỏ trách nhiệm đối với Thánh Bộ càng sớm càng tốt, sau khi đã mang gánh nặng này trong hai thập kỷ. Điều này được thể hiện bằng từ ‘tạm thời’: Ngài sẽ vẫn là tổng trưởng trong một thời gian ngắn và trong thời gian đó, tôi là thư ký của ngài. Trên thực tế, bản chất tạm thời được công bố đó đã trở thành sự hiện diện ổn định trong nhiều năm, cho đến khi ngài qua đời. Từ ngày 1 tháng 3 năm 2003, tôi là thư ký riêng của ngài trong hai năm sau đó, trong khi ngài vẫn còn là tổng trưởng trước đây, cho đến khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào tháng 4 năm 2005. Và tôi vẫn tiếp tục làm như vậy trong suốt 8 năm triều đại giáo hoàng của ngài, cho đến khi ngài từ chức vào năm 2013, và sau đó, trong suốt những năm còn lại của cuộc đời ngài với tư cách là ‘Giáo hoàng danh dự’”.
Source:Sismografo

2. Đức ông Vatican qua đời, để lại bộ sưu tập nghệ thuật bí ẩn

Thi thể của Đức ông người Ý Michele Basso được phát hiện trong căn hộ của ngài ở Vatican vào ngày 6 tháng Giêng, lễ Hiển linh. Theo các bác sĩ ngài bị một cơn ngừng tim liên quan đến tuổi cao. Đức Ông Basso đã từng là một trong 24 kinh sĩ, nghĩa là các giáo sĩ cấp cao cử hành Thánh lễ và hướng dẫn các buổi cầu nguyện tại ngôi thánh đường này.

Đức Ông Basso cũng là một nhà sưu tập nghệ thuật. Cách đây vài năm, Đức Ông Basso đã để lại cho Fabbrica San Pietro, hay văn phòng hành chính của Đền Thờ Thánh Phêrô, 30 thùng chứa một kho báu khổng lồ gồm khoảng 70 bức tranh, tác phẩm điêu khắc và các đồ vật quý giá khác, chủ yếu là về các chủ đề tôn giáo, giá trị thị trường của chúng chưa bao giờ được đánh giá.

Bộ sưu tập cũng chứa một bản sao được thực hiện tinh xảo của “Euphronius Krater” nổi tiếng, một chiếc bát đất nung cổ của Hy Lạp đã được khai quật trái phép từ Ý vào năm 1971 và được Bảo tàng Nghệ thuật New York lưu giữ cho đến khi nó được hồi hương vào năm 2008. Bản sao trong bộ sưu tập của Đức Ông Basso được cho là đã được tạo ra vào đầu thế kỷ 19, nhưng vì bản gốc đã bị thất lạc vào thời điểm đó nên không rõ bằng cách nào mà một bản sao có thể được tạo ra - khiến một số người suy đoán rằng có lẽ phiên bản của Đức Ông Basso mới thực sự là bản gốc.
Source:Crux

3. Nhật Ký Trừ Tà Số 223: Những Người Bạn Trên Thiên Đàng

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “17. Exorcist Diary #223: Our Friends in Heaven”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà Số 223: Những Người Bạn Trên Thiên Đàng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đứng giữa nghĩa trang dành cho các tu sĩ, tôi có thể nhìn thấy khoảng 30 cây thánh giá trắng đơn sơ. Tôi biết gần như tất cả họ. Trong bốn mươi năm, tôi đã đến tu viện này để tĩnh tâm. Hầu hết những người được chôn cất ở đây, tôi đã quen biết cá nhân.

Khi nhìn vào mỗi cây thánh giá, tôi hình dung ra khuôn mặt của họ và nhớ đến họ với lòng biết ơn. Mỗi năm họ chào đón tôi như một người trong số họ. Trong ca canh đêm, tôi ngồi kề vai sát cánh với họ, đọc thánh vịnh. Tôi tìm thấy nhiều bình yên ở đó.

Khi đứng trong nghĩa trang, tôi bắt đầu cầu nguyện cho họ, theo phong tục của tôi ở các nghĩa trang. Tôi đã cầu nguyện Kinh Kính Mừng cho sự yên nghỉ vĩnh hằng của họ. Requiescant in pace et lux perpetua luceat eis (Cầu mong họ yên nghỉ và cầu mong ánh sáng vĩnh viễn chiếu rọi họ).

Buổi chiều đặc biệt đó là một buổi chiều khó khăn, Ác ma đang áp bức tôi. Nó không vui lắm Tôi nghi ngờ tôi đang thoái lui! Nhưng sự áp bức không tệ đến mức tôi không thể đến thăm bạn bè của mình ở nghĩa trang. Khi tôi hoàn thành lời cầu nguyện cho người chết và bắt đầu quay trở lại tu viện, sự áp bức ngay lập tức được dỡ bỏ. Một sự bình tĩnh tinh thần xảy ra sau đó.

Vào lúc đó, tôi nhận ra rằng một ân huệ đã được ban cho. Tôi đã cầu nguyện cho các tu sĩ, nhưng trên thực tế, chính họ mới là những người cầu bầu cho tôi. Tôi đang đứng giữa các thánh. Tôi nghĩ, “Các bạn của tôi, tôi cảm ơn các bạn.”

Trong các cuộc trừ quỷ của chúng ta, tôi cầu khẩn nhiều vị thánh vĩ đại, nổi tiếng. Sự can thiệp mạnh mẽ của họ được nhiều người biết đến. Tôi tự hỏi phải chăng những người bạn cá nhân của tôi trên thiên đàng cũng sẽ giúp đỡ được tôi? Trong những ngày tới, tôi sẽ yêu cầu họ...
Source:Catholic Exorcism

4. Thượng phụ Kirill: Người đứng đầu có ảnh hưởng chính trị của Giáo hội Chính thống Nga

Elie SAIKALI của đài truyền hình Pháp, France 24, có bài tường trình nhan đề “Patriarch Kirill: The politically influential head of the Russian Orthodox Church”, nghĩa là “Thượng phụ Kirill: Người đứng đầu có ảnh hưởng chính trị của Giáo hội Chính thống Nga”.

Tên khai sinh là Vladimir Mikhailovich Gundyayev, Kirill là Thượng Phụ thứ mười sáu của Giáo Hội Chính thống Nga kể từ khi ông đăng quang vào năm 2009. Ông đã thu hút sự chú ý của quốc tế với những tuyên bố công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Ngày 5 tháng Giêng, Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga tại Mạc Tư Khoa kêu gọi ngừng bắn dọc chiến tuyến giữa lực lượng Nga và Ukraine ở Ukraine để các lực lượng đối lập có thể tổ chức lễ Giáng Sinh Chính thống vào ngày 6 và 7 tháng Giêng. Vài giờ sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đình chiến kéo dài 36 giờ, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, mặc dù hỏa lực pháo binh vẫn tiếp tục vào thứ Sáu và thứ Bảy từ cả hai bên.

Thượng phụ Kirill có thể gây ảnh hưởng ở Nga đến mức có thể áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Putin không?

Vladimir Mikhailovich Gundyayev vào chủng viện ở Leningrad (nay là St. Petersburg) năm 19 tuổi và chịu chức linh mục năm 23 tuổi. Chưa đầy một thập kỷ sau, ông đã trở thành giám mục. “Ông ấy nhanh chóng được Tổng Giám Mục Nikodim, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối ngoại của tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa, chú ý trong những năm 1960 và 70. Kirill đã được phong làm giám mục ở tuổi 30 trong khu vực Leningrad.”

Giáo sư Antoine Nivière, một chuyên gia về lịch sử văn hóa và tôn giáo Nga tại Đại học Lorraine của Pháp, giải thích rằng Chính Thống Giáo Nga bị cộng sản thao túng đến mức Giáo Hội này là Giáo Hội quốc doanh giống như tình trạng của Công Giáo Yêu Nước ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đó Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa không nên coi là một tổ chức tôn giáo. Nó là một cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong cơ quan đó, bộ phận quan hệ đối ngoại này “cực kỳ chính trị và có liên hệ trực tiếp với KGB, bởi vì nó thường xuyên liên quan đến các hoạt động liên lạc với các nhân vật tôn giáo và chính quyền ở các quốc gia khác”. Nivière cho biết các giáo sĩ làm việc trong bộ phận phải “báo cáo đầy đủ bất cứ khi nào họ trở về từ các chuyến công du nước ngoài và sau bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với các phái đoàn nước ngoài”.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu những năm 1990, một ủy ban quốc hội Nga điều tra các hoạt động của KGB cho rằng rất có khả năng điệp viên khi đó được gọi là “Mikhailov” chính là người đàn ông hiện được gọi là Thượng phụ Nga Kirill. Nivière nói: “Tất cả những yếu tố này dẫn đến sự nghi ngờ mạnh mẽ về mối quan hệ giữa KGB và Giáo Hội Chính Thống Nga, trong thời kỳ đó, bị kiểm soát và giám sát rất nhiều”. Cha và ông nội của Thượng phụ Kirill, cả hai đều là giáo sĩ, đã bị giam giữ trong các trại lao động của Liên Xô.

Vào ngày 25 tháng 2 năm 1991, Vladimir Gundyayev được nâng lên Tổng Giám Mục Smolensk và Kaliningrad. Ông được bầu làm Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga vào ngày 1 tháng 2 năm 2009.

Quyền lực 'từ trên xuống'

Thượng phụ Kirill “có ảnh hưởng lớn đối với xã hội dân sự, các tín hữu Chính thống giáo và chính phủ Nga theo nghĩa ông là một nhân vật của công chúng, người từ lâu đã tham gia vào các vấn đề nóng hổi của xã hội Nga. Ông đã tích cực tranh luận công khai từ thời Xô Viết, đặc biệt là trong mười năm qua,” Cyril Bret, nhà nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Viện Jacques Delors và là giảng viên tại Science Po Paris, cho biết.

Như vậy, ông ấy có ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Nga, nhưng không chỉ như thế “Ông ấy lãnh đạo cộng đồng Chính thống giáo lớn nhất thế giới và là giáo sĩ Chính thống giáo giàu có nhất thế giới. Do đó, ông ấy cũng có ảnh hưởng quốc tế vô cùng mạnh mẽ,” Bret nói.

“Rất giống với Vladimir Putin, Thượng phụ Kirill đã áp đặt cơ cấu quyền lực từ trên xuống trong Giáo hội Chính thống Nga kể từ năm 2009. Ông đưa ra tất cả các quyết định sau đó được chuyển cho các giám mục. Ông ấy áp đặt ý chí và lựa chọn của mình,” Nivière nói.

Kirill, 76 tuổi, đã tự tạo cho mình một vị trí trong giới cầm quyền của Nga. “Nói đúng ra thì ông ấy không có bất kỳ quyền lực chính thức nào ở cấp nhà nước Nga. Ông không phải là 'người hướng dẫn tinh thần' của chế độ. Nhưng, ông ấy dù sao cũng là một phần của hệ thống vì ông ấy đại diện cho tôn giáo truyền thống chính ở Nga,” Nivière nói.

“Thượng Phụ Kirill là một người rất thông minh, tài giỏi và có năng lực. Ông ấy có ý thức về chính trị và ông ấy thể hiện bản thân rất tốt trước công chúng. Đối với những người có cùng tâm lý với KGB, như Putin, ông ấy là một trong số họ”. Kirill là một phần của hệ thống “Putinian” và chính quyền Nga “vì đã đưa ra nhiều cam kết với họ và vì đã thực hiện các dịch vụ 'tốt và trung thành' cho nhà nước.”

Thượng phụ Kirill có “mối quan hệ chặt chẽ với các giới chức chính phủ, đặc biệt là với nhánh bảo thủ của đảng Nước Nga Thống nhất, là đảng cầm quyền hiện nay. Ông ấy có mối quan hệ rất thân thiết với cựu tổng thống và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ông ấy thực sự gần gũi với Vladimir Putin,” Bret nói.

“Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill có các cuộc gặp gỡ thường xuyên. Đôi khi họ cùng nhau nghỉ ngắn hạn trong các tu viện ở Nga. Có một sự gần gũi nhất định, nhưng không phải là một sự đồng lõa mạnh mẽ giữa họ. Đó là một trò chơi tinh tế vì lợi ích chung,” Nivière nói.

Như Bret chỉ ra, Kirill “ủng hộ chính sách gia đình của chính phủ cũng như chiến dịch quân sự của Nga ở Syria từ năm 2015”.

Kể từ khi Kirill lên làm người đứng đầu Tòa Thượng Phụ ở Nga, ông đã trở thành chủ đề của một số vụ tai tiếng trên báo chí khiến hình ảnh của ông phần nào bị hoen ố. Nivière nói: “Chúng ta đã thấy những bức ảnh chụp ông ấy đi trên một chiếc du thuyền sang trọng, và trong một bức ảnh khác, ông ấy đeo một chiếc đồng hồ trị giá từ 20.000 đến 25.000 euro đã được làm mờ rất kỹ. Hình ảnh của ông ấy không mấy tích cực đối với một bộ phận những người theo Chính thống giáo ở Nga.”

Đối với Nivière, “ông ấy tạo ấn tượng là một người đàn ông quyền lực, thích được bao quanh bởi một mức độ thoải mái nhất định. Mặc dù là một tu sĩ, như tất cả các giám mục Chính thống giáo, ông không được tiếng là khổ hạnh – trái ngược với Đức Thánh Cha Phanxicô chẳng hạn.”

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Thượng phụ Kirill đã nhiệt thành ủng hộ các lựa chọn của tổng thống Nga. Ông đã có một số bài giảng theo quan điểm này, ban phước lành cho quân đội Nga trong khi tố cáo chính quyền Ukraine.

Trong một bài giảng vào ngày 27 tháng 2 năm 2022, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga đã coi những kẻ chống lại “sự thống nhất lịch sử” của Nga và Ukraine là “thế lực xấu xa”. Vào cuối tháng 9, ông khẳng định trong một bài giảng rằng những người bị giết trong khi thực hiện “nghĩa vụ” quân sự của họ đã “thực hiện một sự hy sinh để rửa sạch mọi tội lỗi”.

“Lời kêu gọi đình chiến cho lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo cho phép Thượng phụ Kirill cải thiện hình ảnh của mình vốn đã bị tổn hại nặng nề kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đặc biệt là giữa những người Ukraine theo Chính thống giáo. Nivière giải thích rằng đó cũng là một nỗ lực để cải thiện hình ảnh của ông trên trường quốc tế và trong mối quan hệ đại kết với các Giáo Hội Kitô khác. “Cử chỉ này cũng cho phép ông ta chứng tỏ rằng ông ta không phải là kẻ hiếu chiến như người ta mô tả trong vài tháng qua.”
Source:France 24
 
Thánh Ca
Thánh ca : Mùa Xuân Có Chúa
Lm. Nguyễn Văn Thư
20:53 13/01/2023