Ngày 14-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:23 14/01/2015
NHÀ THẦU TỰ ĂN QUẢ ÁC
N2T

Có một kiến trúc sư chủ nhà thầu, vì để gia tăng thu nhập của mình nên ông ta thường dùng kỹ thuật của chuyên gia để bớt xén công và vật liệu của công trình, vì ông ta rất khéo nên suốt một thời gian không bị người ta phát hiện, nhưng kết quả của việc bớt xén công và vật liệu ấy đã khiến cho một vài căn nhà vô tình trở thành những tầng lầu nguy hiểm.
Đứa con trai của ông ta không biết chuyện ăn bớt vật tư của ba mình, nên sau khi kết hôn thì mua một căn hộ, không ngờ chỉ một đêm gió bão thì cả căn hộ bị sập đè chết đứa con trai và dâu của ông ta, kết quả điều tra của cảnh sát cho biết căn hộ bị sập đó là do ông ta xây dựng.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Có những ngành nghề rất có rất có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người ta như nghề bác sĩ, nghề nấu ăn; có những ngành nghề ảnh hưởng gián tiếp đến sinh mạng con người, như nghề xây dựng, kiến trúc công trình, nhưng xét cho cùng, ngành nghề nào cũng có ít nhiều liên quan đến mạng sống của con người.
Có những bác sĩ “nổi tiếng” nuôi bệnh, tức là không chữa dứt điểm cho bệnh nhân, cứ bắt bệnh nhân tái khám cả năm trời; có những bác sĩ vô lương tâm coi đồng tiền lớn hơn mạng sống, nên dù thấy bệnh nhân gần chết mà vẫn không cứu vì bệnh nhân chưa đủ tiền, những loại bác sĩ này sẽ có một ngày đối diện với Thiên Chúa là sự sống và là căn nguyên sự sống.
Có những công trình cầu đường chưa xây xong thì đã sập làm hại nhiều sinh mạng con người; có những công trình xây xong nhưng không sử dụng được, lại có những công trình chỉ sử dụng được vài tháng thì hư hoại, tại sao vậy ? Thưa vì những người làm nghề xây dựng không có lương tâm, họ rút ruột công trình từ bản thiết kế tròn trịa con số, đến khi thi công thì con số vơi đi một nửa, đến khi sự cố xảy ra thì mới biết cái một nửa còn lại đó toàn là giả dối: xi-măng độn cây tràm làm cốt, chứ không phải cốt sắt...
Lấy lương tâm và trách nhiệm đặt vào trong công việc, lấy sinh mạng của mình đặt vào công trình thì sẽ thấy mạng sống của con người rất là cao quý...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:25 14/01/2015
N2T

5. Phải biết lòng con yêu mến Thiên Chúa đã đến cực điểm chưa ? Nên xét mình cẩn thận, ngoài Thiên Chúa ra con có yêu thích sự vật gì không, nếu có một sự vật không vì Thiên Chúa mà yêu thích, thì lòng con chưa thể nói là yêu mến Thiên Chúa đến cực điểm.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Đây là Chiên Thiên Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:32 14/01/2015
Đây là Chiên Thiên Chúa

Suy niệm Chúa Nhật II - Năm B

(Ga 1, 35 - 42)

Nếu Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, lời Chúa mời gọi chúng ta sống sao cho xứng đáng làm con Thiên Chúa, thì Chúa Nhật này, lời Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào vị trí của nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả, nhất là của chính Gioan để thấy được kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tin Mừng hôm nay trình bày Gioan Tẩy Giả thật đúng với sứ mạng của ông là chỉ cho mọi người biết Đấng Cứu Thế : Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1, 35). "Chúa Giêsu đang đi và Gioan nói", là một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Năm Phụng vụ mới bắt đầu, Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới đang ló rạng thì giới thiệu cho môn sinh : "Đây là Chiên Thiên Chúa"(Ga 1, 35).

Đây là Chiên Thiên Chúa

Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa ; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân ( Ga 3,16 ), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Người là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.

Gioan là mẫu người tìm Chúa và giới thiệu Chúa

Gioan Tẩy Giả là một tiên tri, biết nhận ra Thiên Chúa giữa loài người. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa mặc khải trong xác phàm, Lời làm người để cứu chuộc nhân loại. Gioan là tiếng, ông là người lồng tiếng truyền đi sứ điệp mà ông đã được ủy thác. Sứ điệp Gioan truyền là một công thức tuyệt đẹp và độc đáo, được lặp đi lặp lại ở tất cả các Bí tích Thánh Thể, được thể hiện dưới ánh mắt thân mật và yêu thương nhất của Thiên Chúa : "Đây là Chiên Thiên Chúa"(Ga 1, 35). Đây sự tuyển chọn Abraham và giao ước với nhà Đavid, đây là người Tôi Tớ đau khổ và là Chiên Vượt Qua. Đây là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Đây là Con Thiên Chúa.

Gioan không nói như là tiếng vọng của tiên tri Isaia, nhưng ông đã viết lời tiên tri một lần nữa và tham gia việc thực hiện lời hứa. Ông đã sống đến cùng ơn gọi của mình là chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.

Noi gương Gioan sống chứng nhân

Con người tìm Thiên Chúa, Thiên Chúa đáp trả, con người lại tiếp tục giới thiệu Chúa cho tha nhân, nên câu hỏi :"Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" (Ga 1, 38). là câu hỏi mà hai anh em nhà Anrê và Simon Phêrô sau khi được thầy Gioan giới thiệu đã hỏi Chúa. Khuynh hướng tự nhiên nơi tâm hồn con người là đi tìm Chúa, và Thiên Chúa luôn luôn mau mắn đáp trả, mời gọi con người đến gặp Người: "Hãy đến mà xem" (Ga 1, 39). .

Hai chàng thanh niên hỏi, rồi một câu trả lời có tính cách như là một lời mời gọi. Khi nghe những lời chỉ dẫn đó, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả liền theo Chúa Giêsu. Phải chăng đây là một biến cố đầy ý nghĩa? Khi Chúa Giêsu hỏi : "Các ngươi tìm gì?" (Ga 1, 38) thì hai môn đệ trả lời cũng bằng một câu hỏi: "Thưa Thầy, thầy ở đâu?" (Ga 1, 38). Và Chúa Giêsu trả lời : "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười (Ga 1, 39). Họ trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đến lượt Anrê, Anrê lại dẫn anh mình là Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.

Khi trình bày lại cuộc gặp gỡ nầy với Chúa Giêsu, phụng vụ ngày hôm nay muốn chứng tỏ điều trọng nhất trong đời sống chúng ta. Hỏi là kết quả của cuộc kiếm tìm. Con người đi tìm Thiên Chúa. Con người, tận trong thâm tâm, hiểu rằng cuộc kiếm tìm này là định luật nội tại của cuộc sống. Con người đi tìm đường đi trong thế giới hữu hình, và qua thế giới hữu hình, con người đi tìm cái vô hình trong cuộc hành trình thiêng liêng của mình.

Mượn lời vịnh gia, mỗi người trong chúng ta có thể thân thưa với Chúa : "Lạy Chúa, con đi tìm nhan thánh Chúa; xin đừng ẩn mặt xa con" (Tv 27. 26, 8-9). Mỗi người trong chúng ta có một lịch sử cá nhân riêng và mang trong mình khát vọng muốn thấy nhan Thiên Chúa, một ước vọng mà người ta cảm thấy cùng với việc khám phá thế giới tạo vật.

Chúng ta hỏi Chúa : "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" (Ga 1, 38). Giáo Hội trả lời cho chúng ta mỗi ngày rằng: Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, bí tích của sự chết và sống lại, trong và nhờ bí tích này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa sống động trong lịch sử con người.

Câu trả lời cho câu hỏi: "Thưa Thầy, thầy ở đâu?" Còn cần phải được nghe như sau : Thầy ở trong tất cả mọi người được cứu chuộc. Ðúng vậy, Chúa Kitô, Ðấng có những lời ban sự sống đời đời, Ðấng là "Ðầu của Dân mới và phổ quát của tất cả những con cái của Thiên Chúa" (LG số 13), hiện diện trong dân Người. Gioan đã làm chứng và giải thích về sự nhận biết và tôn thờ cũng như đón nhận Lời để thông phần vinh quan với Lời ; hành động đức tin biến chúng ta thành người tôi tớ hợp nhất với người môn đệ dưới chân Thánh Giá : "Đây là Chiên Thiên Chúa "(Ga 1, 35). Đến lượt chúng ta, là thành phần của Giáo Hội, thành phần sống động và có trách nhiệm, hãy là những đồ đệ và là những chứng nhân của Chúa Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha. Hãy sống trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ghi nhanh về ngày đầu chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phanxicô
Vũ Van An
11:13 14/01/2015
Hãng tin AP có bản ghi nhanh sau đây về ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phanxicô.

Con số

Theo nguồn tin chính phủ, người Công Giáo chỉ chiếm hơn 6% dân số 21 triệu người của Sri Lanka. Nhưng họ là hệ phái Kitô Giáo lớn nhất tại đây. Các Kitô hữu khác chỉ chiếm 1.3% dân số mà thôi. Đại đa số theo Phật Giáo.

Vòng đai Công Giáo

Người Công Giáo là thiểu số nhỏ tại Sri Lanka, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được người ta thứ lỗi nếu ngài nghĩ khác trên đường vào Colombo.

Vì quả ngài đã băng qua hàng loạt thánh đường Công Giáo dọc đường từ Phi Trường vào thành phố và hàng chục đền thờ, những ngôi đền nhỏ bên đường thường để tôn kính các vị thánh vận lụa là và đồ trang sức đứng trong các tủ đứng bằng kính.

Người ta gọi đây là vòng đai Công Giáo của Sri Lanka, nơi khá nhiều thị trấn và làng mạc có những cộng đoàn Công Giáo đông đúc, bắt đầu từ Bắc Colombo và tiếp tục về hướng bắc quá bên kia phi trường có đến hàng trăm dặm, dọc duyên hải. Phần lớn người Công Giáo Sri Lanka sống ở duyên hải, nơi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vốn tập trung việc tông đồ của họ trong thế kỷ 16.

Đám đông và đàn voi

Khoảng 7 giờ 30 sáng, hàng trăm người đã đứng chờ hai bên đường phía ngoài phi trường mong được thấy Đức GH Phanxicô. Nhiều gia đình ngồi trên chiếu, thỉnh thoảng uống nước từ những chiếc chai.

Và rồi, một điều bất thường diễn ra: một đoàn kiệu gồm những chú voi sặc sỡ lững thững kéo nhau trên đường, hướng về phi trường. Những chú voi này, sau đó, đã trở thành thành phần của phái đoàn nghinh đón Đức Phanxicô và đoàn tùy tùng.

Một cuộc đón tiếp nhiều mầu sắc

Đức GH Phanxicô bước xuống khỏi chiếc máy bay Alitalia ngay sau lúc 9 giờ sáng của một ngày đẹp trời. Ngài được nghinh đón trước hết bởi một bé trai và một bé gái, người đã dâng lên ngài một vòng lớn gồm những bông hoa mầu vàng và trắng. Sau đó, ngài tiến bước trên một chiếc thảm dài mầu đỏ trong khi các vũ công Sri Lanka, ăn vận sặc sỡ, trình diễn hai bên, được sự phụ họa vang dội của một dàn trống.

Trích vội: “Mọi người phải có tiếng nói”

Trong bài diễn văn trong lễ nghinh đón tại phi trường, Đức GH Phanxicô nói đến các cố gắng của Sri Lanka nhằm hòa giải sau nhiều năm nội chiến:

“Tôi tin chắc rằng các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau có một vai trò thiết yếu phải đóng trong diễn trình tế vi hoà giải và tái thiết hiện đang diễn ra trên xứ sở này. Muốn cho diễn trình này thành công, mọi thành viên của xã hội phải cùng làm việc với nhau; mọi người phải có tiếng nói. Mọi người phải được tự do nói lên các quan tâm, các nhu cầu, các nguyện vọng và nỗi sợ của mình”

Trên đường vào Colombo

Đức GH Phanxicô đứng bên trong một chiếc xe nhỏ mầu trắng để từ Phi Trường vào Colombo. Ngài vốn tránh không dùng những giáo hoàng xa chống đạn mà các vị tiền nhiệm của ngài quen dùng. Và mặc dù có màn kính chắn gió lớn phía trước, nhưng từ hai bên, ngài vẫn có thể với tới hàng ngàn người đang đứng dọc đường vẫy cờ hoan hô.

Thỉnh thoảng, chiếc xe lại ngừng lại để ngài hỏi han đám đông: đụng tới trẻ em và chúc lành cho những em được nâng lên cho ngài.

Dù vậy, người ta vẫn có cảm tưởng là đoàn xe đi nhanh quá.

Nimal Solis, người đứng đợi nhiều tiếng đồng hồ để được thấy Đức Giáo Hoàng, rất thất vọng khi đoàn xe chạy ngang qua mà không chịu dừng lại. Anh bảo: “Nếu ngài chạy chậm hơn chút nữa có tốt hơn không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy ngài. Đây là dịp may cả đời mới có!”

Tiếng nói từ đám đông

Hàng ngàn người xếp hàng dọc theo đường đoàn xe của Đức Phanxicô chạy qua đưa ra nhiều lý do khiến họ tham dự vào sự phấn khích này. Một số người hy vọng sẽ chấm dứt các chia rẽ tôn giáo và hòa giải xứ sở sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 1/4 thế kỷ và mới chỉ chấm dứt năm 2009.

Sau đây là lời của một số người:

Saman Priyankara, 42 tuổi, phát biểu: “Đây là cơ hội tốt để thống nhất xứ sở sau chiến tranh và đem lại với nhau một xã hội bị chia rẽ vì cuộc bầu cử. Nó sẽ đem sức mạnh lại cho tân chính phủ vào lúc chúng ta thoát khỏi nền chuyên chế và tiến lên con đường mới”.

Yasa Alexander, 40 tuổi, cho hay: “Tôi tới đây để thấy một nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, dù tôi là một người Phật Giáo. Tôi tin sự hòa hợp liên tôn sẽ được tăng cường”.

Ranjit Solis, 60 tuổi, tuyên bố: “Đây giống như thể chính Chúa Giêsu Kitô tới Sri Lanka vậy… Lối sống đơn giản của ngài không phải là trò bịp. Nó là một thách đố đối với chúng ta và phẩm trật Giáo Hội. Tôi nghĩ viễn kiến của ngài phát xuất từ chính Chúa Kitô”.

Trễ giờ

Một số người trong đám đông có thể lẩm bẩm cho rằng đoàn xe của Đức GH Phanxicô chạy nhanh quá hay ngài không chịu dừng lại để hỏi han họ, nhưng thực ra, ngài đã mất khá nhiều thì giờ mới vượt qua được đoạn đường 30 kilô mét từ phi trường Colombo vào thành phố.

Dù đã cấm lưu thông, buổi lễ nghinh đón lâu giờ tại Phi Trường, cộng với những lần ngài dừng lại để hỏi han và chúc lành cho đám đông đứng hai bên đường, đã khiến Đức GH trễ mất cả tiếng đồng hồ so với chương trình.

Thành thử đến trưa, ngài phải bỏ cuộc gặp gỡ với các giám mục Sri Lanka. Người ta mong ngài tái lên chương trình cho buổi gặp gỡ này.

Xét về nhiều mặt, đó là lối hành động của Đức Phanxicô: dành nhiều thì giờ cho người dân thường và ít thì giờ hơn cho các vị vọng trong Giáo Hội, dù việc bãi bỏ này có thể do chính vị giáo hoàng 78 tuổi yêu cầu vì sau một chuyến bay dài, ngài cần nghỉ ngơi dưỡng sức.

Bà Felicitas Ivy Dissanayake, một phụ nữ đã 80 tuổi, đang đứng chờ Đức GH tới, cho hay: “ngài là một vị giáo hoàng thực tế”. Đức Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba bà được gặp tại Sri Lanka. Bà cho rằng “Ngài có sứ mệnh đem hòa bình cho thế giới. Và chúng tôi rất sung sướng được có ngài”.

Trích vội: “Một khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng”

Hội Đồng Hồi Giáo Sri Lanka, đảng chính trị Hồi Giáo chính trong nước, phát biểu trong một tuyên bố về việc cuộc viếng thăm của Đức GH Phanxicô có thể có ảnh hưởng tới các cố gắng của họ nhằm chấm dứt thái độ cuồng tín bài Hồi Giáo, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

"Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện, các ý kiến và gương sáng của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp biến cơ may chủ chốt trong lịch sử dân chủ của chúng ta này thành khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng, công lý và tự do. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ đổi mới cam kết của xã hội ta đối với lòng cảm thương, nền hòa bình và nhân đức”.

Trống phách và ca hát

Các sắc thái tôn giáo của Sri Lanka đã được trình bày sặc sỡ trong cuộc gặp gỡ liên tôn của các tôn giáo chính của đảo quốc. Các tay trống Hevisi cổ truyền đã dựng nền, tiếp theo là các bài ca Phật Giáo, các chúc ca của Ấn Giáo và Hồi Giáo, lời cầu nguyện đại kết của một giám mục Anh Giáo, rồi các diễn văn của một tu sĩ Phật Giáo và của Đức Giáo Hoàng. Khung cảnh thật khác xa với năm 1995 1úc các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay lời mời của Đức Gioan Phaolô II để phản đối lời phê phán của ngài đối với ý niệm cứu rỗi của Phật Giáo.

Để tỏ dấu hiệu thuộc về, Đức Phanxicô đã khoác lên vai tấm áo choàng mầu vàng nghệ. Tấm áo choàng này vốn tượng trưng về văn hóa cho danh dự của người Tamil, nhóm sắc tộc thiểu số phần lớn gồm người Ấn Giáo tại Sri Lanka.

Đại diện Hồi Giáo tại cuộc gặp gỡ, Ông Ash-Sheikh M.F.M Fazil, đã dùng bài diễn văn của ông lên án các vụ tấn công khủng bố mới đây tại Paris. Những người cực đoan dã sử dụng các tôn giáo làm thuẫn che dấu các việc làm đầy tội ác và các dối trá của chúng. Ông nói: “chúng ta cần hiểu biết tín ngưỡng của nhau” và hỗ trợ nhau xây dựng một quốc gia lành mạnh.

Phép lạ nào?

Hôm thứ Tư, khi phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Đức Phanxicô sẽ một lần nữa chứng tỏ rằng ngài không lưu ý bao nhiêu tới các luật lệ rườm rà vốn có trong các qui định của diễn trình phong thánh bình thường tại Vatican. Dù, theo truyền thống, Giáo Hội thường đòi phải có 2 phép lạ mới được phong thánh, nhưng Vatican chưa bao giờ xác nhận phép lạ thứ hai được qui cho việc chuyển cầu của Cha Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17 có công phục hồi Đạo Công Giáo thời thực dân Hòa Lan bách hại người Công Giáo. Thay vào đó, Đức Phanxicô đã ký ngay quyết định của bộ phong thánh muốn phong thánh cho chân phúc Vaz. Đức Phanxicô, trước đây, từng làm như thế đối với vị thánh được nhiều biết đến hơn nữa là Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, và là dấu chỉ cho thấy Đức Phanxicô tin chắc rằng tín hữu cần nhiều gương mẫu thánh thiện hơn là diễn trình có tính kỹ thuật, mất thì giờ và tiền bạc để kiểm nghiệm các phép lạ.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong lễ tuyên thánh cho cha Joseph Vaz - vị thánh tiên khởi của Sri Lanka
J.B. Đặng Minh An dịch
02:33 14/01/2015
"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta" (Is 52:10)

Đây là lời tiên tri tuyệt vời mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Tiên tri Isaiah báo trước việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô tới khắp cùng bờ cõi trái đất. Lời tiên tri này có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, khi chúng ta mừng lễ phong thánh cho một nhà truyền giáo vĩ đại của Tin Mừng, là Thánh Joseph Vaz. Giống như vô số các nhà truyền giáo khác trong lịch sử của Giáo Hội, ngài đáp lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh làm cho muôn dân trở thành môn đệ (xem Mt 28:19). Bằng những lời rao giảng của ngài, nhưng quan trọng hơn, bằng những gương sáng trong cuộc sống của mình, ngài đã dẫn dắt người dân của đất nước này đến với đức tin là điều khiến chúng ta được thừa kế “phần gia nghiệp cùng với tất cả những người đã được thánh hiến" (Cv 20:32).

Nơi Thánh Joseph, chúng ta thấy một dấu chỉ mạnh mẽ của lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân dân Sri Lanka. Nhưng chúng ta cũng thấy nơi ngài một thách thức phải kiên trì trong những nẻo đường Tin Mừng, để mình được lớn lên trong sự thánh thiện, và để làm chứng cho Tin Mừng của sự hòa giải mà ngài đã tận hiến cuộc sống của mình.

Là một linh mục của Dòng Anh Em Thuyết Giảng ở Goa nơi quê hương mình, Thánh Joseph Vaz đã đến đất nước này vì lòng nhiệt thành truyền giáo và vì một tình yêu vĩ đại dành cho dân tộc này. Trước những bách hại tôn giáo, ngài phải ăn mặc như một người ăn xin, trong khi thực hiện nhiệm vụ tư tế của mình trong các cuộc tụ tập bí mật với các tín hữu, thường là vào ban đêm. Những nỗ lực của ngài đã đem lại sức mạnh tinh thần và đạo đức cho người dân Công Giáo đang trong cơn hoạn nạn. Ngài có một mong muốn đặc biệt là được phục vụ những người bệnh tật và đau khổ. Thừa tác vụ của ngài dành cho người bệnh được đánh giá cao bởi nhà vua khi một cơn dịch bệnh đậu mùa đang hoành hành ở Kandy, nhờ thế, ngài đã được tự do hơn để làm việc mục vụ. Từ Kandy, ngài có thể vươn tới những miền khác của hòn đảo. Ngài đã tận hiến bản thân trong công việc truyền giáo và qua đời, vì kiệt sức, ở tuổi năm mươi chín, và được tôn kính vì sự thánh thiện của ngài.

Thánh Joseph Vaz tiếp tục là một mẫu gương và một thầy dạy vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn tập trung vào ba điều này. Thứ nhất, ngài là một linh mục gương mẫu. Ngày hôm nay ở đây, với chúng ta có rất nhiều linh mục và tu sĩ, cả nam lẫn nữ, những người, như Thánh Joseph Vaz, đã được thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tôi khích lệ anh chị em hãy nhìn Thánh Joseph như một hướng dẫn chắc chắn. Ngài dạy chúng ta cách thế đi ra những vùng ngoại vi, để Chúa Giêsu Kitô được biết đến và được yêu mến ở khắp mọi nơi. Thánh nhân cũng là một mẫu gương về sự đau khổ nhẫn nại vì Tin Mừng, một mẫu gương về sự vâng phục những bề trên của chúng ta, một mẫu gương về yêu thương chăm sóc cho Giáo Hội Chúa (Cv 20:28). Cũng như chúng ta, Thánh Joseph Vaz đã sống trong một khoảng thời gian đầy những biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc; Công Giáo là một thiểu số, và thường chia rẽ trong nội bộ; trong khi bên ngoài thường xuyên bị thù ghét, thậm chí bị bách hại. Thế nhưng, vì luôn kết hiệp với Chúa chịu đóng đinh trong lời cầu nguyện, thánh nhân đã có thể trở thành một biểu tượng sống động cho tất cả mọi người về lòng thương xót và tình yêu hoà giải của Thiên Chúa.

Thứ hai, Thánh Joseph chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc phải thắng vượt những chia rẽ tôn giáo vì sứ vụ hòa bình. Tình yêu không chia cách của ngài dành cho Thiên Chúa mở lòng ngài ra để yêu người lân cận của mình; ngài chăm sóc cho ai đang cần đến, bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào. Gương sáng của thánh nhân tiếp tục truyền cảm hứng cho Giáo Hội tại Sri Lanka ngày nay. Giáo Hội phục vụ một cách cũng vui vẻ và hào phóng tất cả các thành viên của xã hội. Giáo Hội không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, bộ tộc, hay tình trạng tôn giáo trong những sứ vụ Giáo Hội cống hiến thông qua trường học, bệnh viện, phòng khám, và nhiều công trình từ thiện khác của mình. Tất cả những gì Giáo Hội muốn được hồi đáp là tự do để thực hiện sứ mệnh này. Tự do tôn giáo là một nhân quyền cơ bản. Mỗi cá nhân phải được tự do, một mình hoặc kết hợp với những người khác, để tìm kiếm sự thật, và công khai bày tỏ xác tín tôn giáo của mình, mà không bị đe dọa hay ép buộc từ bên ngoài. Như cuộc sống của Thánh Joseph Vaz đã dạy chúng ta, sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực sinh hoa kết quả không phải nơi sự phân biệt đối xử, hận thù và bạo lực, nhưng nơi niềm tôn trọng sự thánh thiêng của sự sống, phẩm giá và tự do của người khác, và nơi những dấn thân yêu thương cho phúc lợi của tất cả mọi người.

Cuối cùng, Thánh Joseph mang lại cho chúng ta một gương sáng về lòng nhiệt thành truyền giáo. Mặc dù, ngài đã đến Tích Lan để làm mục vụ cho cộng đồng Công Giáo, lòng bác ái truyền giáo của ngài đã thúc giục ngài đến với tất cả mọi người. Bỏ lại đằng sau nhà cửa, gia đình, sự thoải mái của một môi trường quen thuộc, ngài đáp lại ơn gọi để ra đi, để nói về Chúa Kitô bất cứ nơi nào bước chân đưa ngài đến. Thánh Joseph biết làm thế nào để đem lại sự thật và vẻ đẹp của Tin Mừng trong một bối cảnh đa tôn giáo, với một niềm tôn trọng, tận hiến, kiên trì và khiêm tốn. Đây cũng là con đường của các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay. Chúng ta được mời gọi để ra đi cũng với một lòng nhiệt thành như thế, cùng một sự can đảm như của Thánh Joseph, nhưng cũng với một sự nhạy cảm của thánh nhân, sự tôn kính dành cho người khác, và lòng ao ước chia sẻ với họ lời ân sủng (Cv 20:32) có sức mạnh để xây dựng họ. Chúng ta được mời gọi để trở thành những môn đệ truyền giáo.

Anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện rằng theo gương của Thánh Joseph Vaz, các Kitô hữu nước này có thể được củng cố trong đức tin và có những đóng góp to lớn hơn nữa cho hòa bình, công lý và hòa giải trong xã hội Sri Lanka. Đây là những gì Chúa Kitô yêu cầu anh chị em. Đây là những gì Thánh Joseph dạy bảo anh chị em. Đây là những gì Giáo Hội cần nơi anh chị em. Tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cùng vị thánh mới của chúng ta, để trong sự hiệp nhất với Giáo Hội trên toàn thế giới, anh chị em có thể hát vang một bài ca mới dâng lên Chúa và công bố vinh quang của Ngài tới khắp cùng bờ cõi trái đất. Vì Chúa cao cả và đáng chúc tụng dường bao (xem Tv 96: 1-4)! Amen.
 
Lễ tuyên thánh cho Chân Phước Joseph Vaz – vị thánh tiên khởi của Sri Lanka
VietCatholic Network
18:02 14/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8:30 sáng thứ Tư tại bãi biển Galle Face Green, là một bãi đất trống sát cạnh bờ biển phía Tây của Sri Lanka, cách Tòa Sứ Thần Tòa Thánh khoảng 7km, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz.

Sau khi cộng đoàn đã hát kinh Veni, Creator Spritus – “Thánh Thần, Khấn xin ngự đến”, Đức Thánh Cha cầu nguyện như sau:
Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Kế đó, Đức Cha Joseph Vianney Fernando, Giám Mục giáo phận Kandy, cáo thỉnh viên án phong Thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha. Ngài nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,
Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh Chân Phước Joseph Vaz để ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.


Đức Thánh Cha đáp:

Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.


Tiếp theo, Đức Cha Filipe Neri Antonio Giám Mục giáo phận Goa và Damão của Ấn Độ đã đọc tiểu sử Chân Phước Joseph Vaz. Ngài nói:

Cha mẹ Chân Phước Joseph Vaz là những người rất mộ đạo sinh sống tại Benaulim thuộc giáo phận Goa, Ấn Độ. Ngài sinh ngày 21 tháng Tư năm 1651, được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo phận Goa vào năm 1676. Ngài đã gia nhập một cộng đoàn nhỏ các linh mục Ấn Độ năm 1684 và đã giúp hình thành Dòng Anh Em Thuyết Giảng Thánh Philip Neri. Cha Vaz rất nhạy cảm với hoàn cảnh của những người Công Giáo ở Tích Lan dưới sự bách hại của người Hà Lan. Ngài đã trá hình thành một người lao động bình thường để sang vùng đất này vào năm 1687 và đặt trụ sở tại Kandy. Ngài đã hoạt động miệt mài trong 24 năm để xây dựng lại Giáo Hội tại Sri Lanka.

Cuộc sống của Chân Phước được đặc trưng bằng lửa tình yêu của Thiên Chúa thiêu đốt trong lòng, một lòng bác ái anh hùng và nỗi khát khao không hề tắt trong lòng cho phần rỗi các linh hồn.

Kiệt quệ vì công việc truyền giáo của mình và bị nhiễm bệnh cha Vaz đã qua đời vào ngày 16 tháng Giêng năm 1711, ở Kandy.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho ngài ngày 21 tháng 12 năm 1995 trong chuyến tông du đến Sri Lanka.


Đức Cha Joseph Vianney Fernando, Giám Mục giáo phận Kandy, cáo thỉnh viên án phong Thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha, thưa cùng ngài lần thứ hai. Ngài nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,
Được củng cố bởi lời đồng thanh cầu nguyện, Hội Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các thánh người con sau của Giáo Hội:
Chân Phước Joseph Vaz


Đáp lại, Đức Thánh Cha đã long trọng đọc công thức phong thánh.

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:
Chân Phước Joseph Vaz là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen


Cộng đoàn đã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta" (Is 52:10)

Đây là lời tiên tri tuyệt vời mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Tiên tri Isaiah báo trước việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô tới khắp cùng bờ cõi trái đất. Lời tiên tri này có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, khi chúng ta mừng lễ phong thánh cho một nhà truyền giáo vĩ đại của Tin Mừng, là Thánh Joseph Vaz. Giống như vô số các nhà truyền giáo khác trong lịch sử của Giáo Hội, ngài đáp lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh làm cho muôn dân trở thành môn đệ (xem Mt 28:19). Bằng những lời rao giảng của ngài, nhưng quan trọng hơn, bằng những gương sáng trong cuộc sống của mình, ngài đã dẫn dắt người dân của đất nước này đến với đức tin là điều khiến chúng ta được thừa kế “phần gia nghiệp cùng với tất cả những người đã được thánh hiến" (Cv 20:32).

Nơi Thánh Joseph, chúng ta thấy một dấu chỉ mạnh mẽ của lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân dân Sri Lanka. Nhưng chúng ta cũng thấy nơi ngài một thách thức phải kiên trì trong những nẻo đường Tin Mừng, để mình được lớn lên trong sự thánh thiện, và để làm chứng cho Tin Mừng của sự hòa giải mà ngài đã tận hiến cuộc sống của mình.

Là một linh mục của Dòng Anh Em Thuyết Giảng ở Goa nơi quê hương mình, Thánh Joseph Vaz đã đến đất nước này vì lòng nhiệt thành truyền giáo và vì một tình yêu vĩ đại dành cho dân tộc này. Trước những bách hại tôn giáo, ngài phải ăn mặc như một người ăn xin, trong khi thực hiện nhiệm vụ tư tế của mình trong các cuộc tụ tập bí mật với các tín hữu, thường là vào ban đêm. Những nỗ lực của ngài đã đem lại sức mạnh tinh thần và đạo đức cho người dân Công Giáo đang trong cơn hoạn nạn. Ngài có một mong muốn đặc biệt là được phục vụ những người bệnh tật và đau khổ. Thừa tác vụ của ngài dành cho người bệnh được đánh giá cao bởi nhà vua khi một cơn dịch bệnh đậu mùa đang hoành hành ở Kandy, nhờ thế, ngài đã được tự do hơn để làm việc mục vụ. Từ Kandy, ngài có thể vươn tới những miền khác của hòn đảo. Ngài đã tận hiến bản thân trong công việc truyền giáo và qua đời, vì kiệt sức, ở tuổi năm mươi chín, và được tôn kính vì sự thánh thiện của ngài.

Thánh Joseph Vaz tiếp tục là một mẫu gương và một thầy dạy vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn tập trung vào ba điều này. Thứ nhất, ngài là một linh mục gương mẫu. Ngày hôm nay ở đây, với chúng ta có rất nhiều linh mục và tu sĩ, cả nam lẫn nữ, những người, như Thánh Joseph Vaz, đã được thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tôi khích lệ anh chị em hãy nhìn Thánh Joseph như một hướng dẫn chắc chắn. Ngài dạy chúng ta cách thế đi ra những vùng ngoại vi, để Chúa Giêsu Kitô được biết đến và được yêu mến ở khắp mọi nơi. Thánh nhân cũng là một mẫu gương về sự đau khổ nhẫn nại vì Tin Mừng, một mẫu gương về sự vâng phục những bề trên của chúng ta, một mẫu gương về yêu thương chăm sóc cho Giáo Hội Chúa (Cv 20:28). Cũng như chúng ta, Thánh Joseph Vaz đã sống trong một khoảng thời gian đầy những biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc; Công Giáo là một thiểu số, và thường chia rẽ trong nội bộ; trong khi bên ngoài thường xuyên bị thù ghét, thậm chí bị bách hại. Thế nhưng, vì luôn kết hiệp với Chúa chịu đóng đinh trong lời cầu nguyện, thánh nhân đã có thể trở thành một biểu tượng sống động cho tất cả mọi người về lòng thương xót và tình yêu hoà giải của Thiên Chúa.

Thứ hai, Thánh Joseph chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc phải thắng vượt những chia rẽ tôn giáo vì sứ vụ hòa bình. Tình yêu không chia cách của ngài dành cho Thiên Chúa mở lòng ngài ra để yêu người lân cận của mình; ngài chăm sóc cho ai đang cần đến, bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào. Gương sáng của thánh nhân tiếp tục truyền cảm hứng cho Giáo Hội tại Sri Lanka ngày nay. Giáo Hội phục vụ một cách cũng vui vẻ và hào phóng tất cả các thành viên của xã hội. Giáo Hội không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, bộ tộc, hay tình trạng tôn giáo trong những sứ vụ Giáo Hội cống hiến thông qua trường học, bệnh viện, phòng khám, và nhiều công trình từ thiện khác của mình. Tất cả những gì Giáo Hội muốn được hồi đáp là tự do để thực hiện sứ mệnh này. Tự do tôn giáo là một nhân quyền cơ bản. Mỗi cá nhân phải được tự do, một mình hoặc kết hợp với những người khác, để tìm kiếm sự thật, và công khai bày tỏ xác tín tôn giáo của mình, mà không bị đe dọa hay ép buộc từ bên ngoài. Như cuộc sống của Thánh Joseph Vaz đã dạy chúng ta, sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực sinh hoa kết quả không phải nơi sự phân biệt đối xử, hận thù và bạo lực, nhưng nơi niềm tôn trọng sự thánh thiêng của sự sống, phẩm giá và tự do của người khác, và nơi những dấn thân yêu thương cho phúc lợi của tất cả mọi người.

Cuối cùng, Thánh Joseph mang lại cho chúng ta một gương sáng về lòng nhiệt thành truyền giáo. Mặc dù, ngài đã đến Tích Lan để làm mục vụ cho cộng đồng Công Giáo, lòng bác ái truyền giáo của ngài đã thúc giục ngài đến với tất cả mọi người. Bỏ lại đằng sau nhà cửa, gia đình, sự thoải mái của một môi trường quen thuộc, ngài đáp lại ơn gọi để ra đi, để nói về Chúa Kitô bất cứ nơi nào bước chân đưa ngài đến. Thánh Joseph biết làm thế nào để đem lại sự thật và vẻ đẹp của Tin Mừng trong một bối cảnh đa tôn giáo, với một niềm tôn trọng, tận hiến, kiên trì và khiêm tốn. Đây cũng là con đường của các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay. Chúng ta được mời gọi để ra đi cũng với một lòng nhiệt thành như thế, cùng một sự can đảm như của Thánh Joseph, nhưng cũng với một sự nhạy cảm của thánh nhân, sự tôn kính dành cho người khác, và lòng ao ước chia sẻ với họ lời ân sủng (Cv 20:32) có sức mạnh để xây dựng họ. Chúng ta được mời gọi để trở thành những môn đệ truyền giáo.

Anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện rằng theo gương của Thánh Joseph Vaz, các Kitô hữu nước này có thể được củng cố trong đức tin và có những đóng góp to lớn hơn nữa cho hòa bình, công lý và hòa giải trong xã hội Sri Lanka. Đây là những gì Chúa Kitô yêu cầu anh chị em. Đây là những gì Thánh Joseph dạy bảo anh chị em. Đây là những gì Giáo Hội cần nơi anh chị em. Tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cùng vị thánh mới của chúng ta, để trong sự hiệp nhất với Giáo Hội trên toàn thế giới, anh chị em có thể hát vang một bài ca mới dâng lên Chúa và công bố vinh quang của Ngài tới khắp cùng bờ cõi trái đất. Vì Chúa cao cả và đáng chúc tụng dường bao (xem Tv 96: 1-4)! Amen.
 
Đức Thánh Cha viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Madhu, bắc Sri Lanka
Lm. Trần Đức Anh OP
12:22 14/01/2015
MADHU. Chiều ngày 14-1-2015, ĐTC Phanxicô đã kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Madhu, bắc Sri Lanka, cầu nguyện với hơn 100 ngàn tín hữu và tái kêu gọi hòa giải giữa mọi người dân Sri Lanka.

Sau thánh lễ phong thánh với sự tham dự của hơn nửa triệu người tại thủ đô Colombo vào ban sáng, lúc 2 giờ chiều cùng ngày 14-1, ĐTC đã đáp trực thăng của không lực Sri Lanka từ thủ đô Colombo để bay đến Đền thánh Đức Mẹ Madhu, cách đó 250 cây số về hướng bắc và là miền có đại đa số dân thuộc sắc tộc Tamil.

Đền thánh Madhu thuộc giáo phận Mannar, hiện có 90 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 270 ngàn dân cư, với 34 giáo xứ do 55 LM giáo phận coi sóc và 330 LM dòng và 183 nữ tu.

Lịch sử Đền Thánh

Đền thánh Đức Mẹ Madhu đã có từ hơn 4 thế kỷ, tức là từ năm 1544 khi vua Sankili ở thành Jaffna tàn sát 600 tín hữu Công Giáo ở Mannar, vốn do các thừa sai Bồ đào nha hoán cải, vì nhà vua sợ người Bồ bành trướng ảnh hưởng. Có một số tín hữu tránh thoát được cuộc thảm sát và trong rằng họ thiết lập một nhà nguyện nhỏ bé và đặt trong đó tượng Đức Mẹ hiện nay ở trong Đền Thánh. 4 thập niên sau đó, một số tín hữu Công Giáo lại phải chạy khỏi Mannar và bắt đầu kiến thiết các thánh đường ở các vùng lân cận. Một trong các nhà thờ đó được thiết lập tại Mantai và là nơi đầu tiên được đặt tượng Đức Mẹ Madhu.

Năm 1656 người Hòa Lan theo Tin Lành Calvin đổ bộ lên đảo Tích Lan và bách hại các tín hữu Công Giáo. Có 30 gia đình Công Giáo chạy trốn từ làng này sang làng khác, họ mang theo pho tượng Đức Mẹ và 14 năm sau đó, họ định cư tại nơi ngày nay là Đền thánh Đức Mẹ Madhu. Một số tín hữu Công Giáo khác, trốn tránh cuộc bách hại của người Hòa Lan cũng chạy đến nơi này, trong số họ có một phụ nữ Bồ đào nha tên là Helena, và bà đã khởi công xây cất thánh đường nhỏ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ Madhu.

Đức Mẹ tại đây được biết đến trên toàn đảo Tích Lan và được tôn kính như vị bảo vệ và chữa lành những người bị rắn cắn.

Khi cha Joseph Vaz từ Ấn độ đến hoạt động tại Tích Lan từ năm 1687, Công Giáo được phát triển và năm 1706, Đền thánh Đức Mẹ Madhu trở thành một trung tâm truyền giáo. Thánh đường hiện nay ở Madhu được khởi công xây cất hồi năm 1872 và năm 1824, vị Đặc Sứ của ĐGH Piô 11 đã chủ sự nghi thức đội triều tiên cho tượng Đức Mẹ.

Đền thành Đức Mẹ Mân Côi ở Madhu vẫn luôn là nơi hành hương và cầu nguyện của cac tín hữu Công Giáo và cả tín đồ các tôi giáo khác. Và mặc dù vùng này trong quá khứ đã xảy ra những cuộc giao tranh giữa phiến quân Tamil và quân đội chính phủ Sri Lanka, các GM nước này đã thành công trong việc yêu cầu cả hai phe lâm chiến chấp nhận Madhu là vùng phi quân sự, đảm bảo an ninh cho các tín hữu hành hương và nhiều người tị nạn chạy tới miền này để tránh các cuộc giao tranh. Thực vậy, từ năm 1990, khu vực 160 hécta quanh Đền thánh Đức Mẹ Madhu đã tiếp đón hàng ngàn người tị nạn chiến tranh. Sau chiến tranh, tháng 4 năm 2008, Đền Thánh Đức Mẹ được giao lại cho giáo phận Mannar va việc thờ phượng được mở lại từ tháng 12 năm 2010.

Viếng thăm

Đến Madhu lúc 3 giờ rưỡi chiều, sau 1 giờ 15 phút bay, ĐTC đã đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn người tụ tập dọc theo hai bên đường và nhất tại khu vực trước Đền thánh. Tại cổng chào ngài được Đức GM địa phương, Joseph Rayyappu và chính quyền đón tiếp.

Buổi cầu nguyện tiếp đó được cử hành bằng 3 thứ tiếng: Anh, Singalais và Tamil. Vì nhà thờ nhỏ, nên lớn các tín hữu tham dự buổi cầu nguyện từ các khu vườn bên ngoài. Có một khu vực riêng dành cho các vị sư phật giáo đến tham dự buổi cầu nguyện.

Trong lời chào ĐTC, Đức GM sở tại đã gợi lại lịch sử đền thánh Đức Mẹ Madhi và cho biết Đền thánh này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Và mỗi năm vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, hơn 600 ngàn tín hữu từ các nơi vẫn đề đây hành hương kính Đức Mẹ. Cũng vậy có đông đảo tín hữu đến kính viếng vào những dịp lễ khác và cuối tuần.

Tiếp đến mọi người đã nghe đọc bài Tin Mừng theo Thánh Mathêu về các mối phúc thật: Phúc cho những người sầu khổ vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho những người xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ (Mt 5,4.9-10).

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tại buổi cầu nguyện, ĐTC ghi nhận sự kiện, tại Đền thánh này, mọi người Sri Lanka, dù là thuộc sắc tộc Tamil hay Singalais, đều cảm thấy như ở nhà mình, cảm thấy an ninh như một gia đình trong nhà của Mẹ. Nơi đây cũng có sự hiện diện của các gia đình từ nam chí bắc, những gia đình đã chịu nhiều đau khổ, gợi lại thời kỳ chiến tranh đẫm máu tại Sri Lanka.

Từ thời kỳ đầu của Kitô giáo ở đất nước này, các tín hữu đã cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ nh[o bé này và ngày nay vẫn con tiếp tục. Mẹ là mẹ của đông đảo các gia đình đang tìm kiếm một cuộc sống an bình. Mẹ Maria bảo vệ nhân dân Sri Lanka khỏi những nguy hiểm quá khứ và hiện tại. Mẹ luôn gần gũi Chúa Con chịu đóng đanh và gần các con cái Sri Lanka của mình.

ĐTC nói: ”Ngày hôm nay tại đây có những gia đình đã chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc xung đột lâu dài, tạo ra vết thương lớn trong con tim Sri Lanka. Nhiều người, từ bắc chí nam, bị giết trong bạo lực kinh khủng và đẫm máu trong những năm ấy. Không người Sri Lanka nào có thể quên những biến cố bi thảm gắn liền với chính nơi này, hoặc ngày đau buồn khi tượng Đức Mẹ đáng kính, có từ thời các tín hữu Kitô đầu tiên đến Sri Lanka, bị đưa ra khỏi đền thánh Đức Mẹ.”

Dầu vậy, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cảm tạ Đức Mẹ vì Mẹ luôn mang Chúa Giêsu cho chúng ta và luôn ban cho chúng ta sức mạnh để tái lập an bình trong tâm hồn chúng ta. Sau bao nhiêu oán thù, bao nhiêu bạo lực và tàn phá, chúng ta hãy cảm tạ Mẹ, vì Mẹ tiếp tục mang Chúa Giêsu cho chúng ta, chỉ có Chúa mới có thể chữa lành những vết thương còn rộng mở và tái lập an bình cho những con tim bị tan vỡ.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chỉ khi nào, dưới ánh sáng của thập giá, chúng ta hiểu được sự ác mà chúng ta có khả năng thực hiện, và thậm chí còn tham gia vào đó nữa, thì chúng ta mới có thể cảm thấy hối hận và thống hối thực sự. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể lãnh nhận ơn đến gần nhau với tâm tình thống hối chân thành, trao ban và đón nhận tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin ơn từ bi của Chúa, ơn đền bù các tội lỗi và bao nhiêu sự ác mà đất nước này đã từng trải qua.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Maria tháp tùng tất cả mọi người, Tamil cũng như Singalais, trong công cuộc tái tạo hiệp nhất mà mọi người mong muốn. Ngài nhắc nhớ rằng trong tư cách là anh chị em với nhau, chúng ta luôn có thể đi về nhà Thiên Chúa trong một tinh thần đổi mới hòa giải và huynh đệ.

Buổi cầu nguyện kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC. Ngài cầm tượng Đức Mẹ Madhu và vẽ hình Thánh Giá trên các tín hữu. Ban quản đốc Đền thánh cũng tặng ĐTC pho tượng nhỏ bản sao tượng Đức Mẹ Madhu. Ngài cũng dâng tặng tượng Đức Mẹ xâu chuỗi quí giá và cúi đầu cung kính cầu nguyện. Rồi ngài trở lại sân bay trực thăng gần đó để về thủ đô Colombo vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày.
 
Sri Lanka: ĐTC mời gọi người Tamouls và Cinghalais tự vấn lương tâm tại trung tâm Thánh Mẫu Madhu.
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
13:48 14/01/2015
SRI LANKA - Vào ngày thứ hai của chuyến tông du mục vụ tại Sri Lanka (Tích Lan), Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hành hương tại trung tâm Thánh Mẫu Madhu thuộc giáo phận Mannar, tọa lạc trong tỉnh phía bắc, trong vùng đại đa số sắc dân Tamoule.

Trong vùng sâu vùng xa của Sri Lanka, cộng đoàn Kitô hữu bị cô lập giữa vùng rừng núi cheo leo, các tín hữu tôn kính tượng Đức Trinh Nữ Maria, được người Bồ Đào Nha tặng cho dân làng vào năm 1583.

Đức Cha Rayappu, Giám mục giáo phận địa phương, đã vui mừng đón tiếp Đức Thánh Cha. Nhân dịp này, ĐTC đã khẩn cầu “xin ơn chữa lành cho hết mọi người dân và xin ơn hòa giải sâu rộng cho hai sắc dân trong quốc đảo là Tamoul và Cinghalais, để họ có thể cùng nhau xây dựng lại mối dây hiệp nhất đã bị cắt đứt“

Đoàn người đông như nêm cối đã vui mừng chào đón ĐTC Phanxicô. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng đặt chân đến trung tâm Thánh Mẫu nổi tiếng vì được mọi người dân Sri Lanka tôn kính: cả người Kitô giáo, cả tín đồ Phật giáo, Ấn giáo hay Hồi giáo cũng tuôn về hành hương. ĐTC đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: “mỗi khách hành hương đều cảm nhận được họ không phải là khách lạ mà là người nhà, cảm thấy được bình an thư thái như ở nhà: “chúng ta đều gặp gỡ nhau trong nhà của Mẹ chúng ta”.

ĐTC đã nhắc đến “trăm nghìn nỗi đắng cay ưu phiền” mà nhiều gia đình phải hứng chịu trong suốt cuộc nội chiến tương tàn xé nát con tim đất nước Sri Lanka. Ngay cả trung tâm Thánh Mẫu cũng bị vạ lây, đến nỗi vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến khốc liệt, thánh tượng Đức Trinh Nữ cũng đã phải tỵ nạn đến nhà nguyện một xứ đạo bên bờ biển ở Thevanpiti, cách đó khoảng 60 cây số.

ĐTC nhắc nhớ rằng: Không người dân Sri Lanka nào có thể quên được những biến cố tang thương đã diễn ra tại chính Trung Tâm Thánh Mẫu này, chẳng hạn ngày đau buồn mà chính thánh tượng Đức Trinh Nữ đã phải tỵ nạn khỏi trung tâm Thánh Mẫu này!
ĐTC tiếp tục bài suy niệm về sự hiện diện của Đức Maria dưới chân thập giá, không rời bỏ con dấu yêu đang bị đóng đinh, Ngài khẳng định rằng: “Mẹ Thiên Chúa đã chưa bao giờ bỏ rơi những đứa con Sri Lanka bị đau khổ”. Ngài khẩn thiết kêu gọi mỗi cá nhân hãy tự vấn lương tâm để có thể tái tạo được an bình trong những con tim bị thương tích.

Dù biết rõ rằng còn biết bao gian nan khó vượt qua được, ĐTC cũng đoan chắc rằng: Đức Trinh Nữ muốn hướng dẫn dân chúng Sri Lanka thực hiện một cuộc hòa giải sâu rộng, để mọi người được vui hưởng cảnh thanh bình thịnh trị với nhau. Ngài đặc biệt ghi nhận: con đường dẫn tới hòa bình đích thực quả thực còn cam go: “chỉ khi nào chúng ta hiểu được dưới ánh sáng của Thánh Giá, lúc đó chúng ta mới cảm thấy lương tâm thực sự cắn rứt dầy vò và hối cải về sự dữ mà chúng ta có thể thực hiện và những điều ác mà chính chúng ta đã nhúng tay vào!”

Cũng như thánh tượng Đức Trinh Nữ đã được hoàn lại trung tâm Thánh Mẫu sau chiến tranh, ĐTC nguyện mong rằng những cố gắng xây dựng hòa bình giữa hai sắc dân Tamoul và Cinghalais, cũng được coi là dấu chỉ cho công cuộc xây dựng lại sự hiệp nhất đã bị phá hủy. Trước đó, ĐTC đã nguyện xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria kêu xin “lòng Chúa nhân lành thương xót” và khấn xin Mẹ cầu bầu “chữa lành mọi tội lỗi và mọi sự mà đất nước này đã phải hấng chịu”

Trước giai đoạn cuối của cuộc nội chiến tương tàn, mỗi năm có hàng trăm ngàn khách hành hương vẫn tuốn về trung tâm Thánh Mẫu Madhu trong thời gian giữa hai lễ chính là lễ Đức Bà Thăm Viếng được mừng vào mùng 2.7 mỗi năm tại Sri Lanka và đại lễ Đức Maria hồn xác về trời mừng vào trung tuần tháng tám….Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt và đền thánh được tái thiết, đường sá được gỡ mìn an toàn hơn, khách hành hương lại tuốn vềtrung tâm Thánh Mẫu đông đảo như trước đây.

Đi về nguồn lịch sử của trung tâm Thánh Mẫu vào năm 1658, thời đó Sri Lanka đang bị người Hòa Lan theo Tin Lành Calvin đô hộ, nên nghiêm cấm việc phụng thờ của người Công Giáo. Dân thuyền chài làng Mantai không xa thành phố Mannar đã quyết định di cư trốn khỏi vùng biển và mang theo thánh tượng Đức Maria mà người Hòa Lan đã tặng họ vào năm 1583. Họ đã xây một nhà nguyện trong rừng già âm u và kể từ đó họ đã nhận được Đức Mẹ che chở phù trì khỏi mọi hiểm nguy, khỏi rất nhiều rắn độc trong rừng rậm, được chữa lành khỏi mọi tật nguyền và ban cho nhiều cặp vợ chồng son sẻ được sinh con đẻ cái.

Vào thế kỷ XIX, dưới thời đô hộ của nước Anh, cuộc bách hại người Công Giáo chấm dứt, trung tâm Thánh Mẫu lại tiếp tục thu hút khách hành hương càng ngày càng đông đảo tuốn về. Trong thời nội chiến dai dẳng giữa phiến quân Tamoul với quân chính phủ, trung tâm Thánh mẫu đã trỏ thành trung tâm tiếp cư tiếp đón dân tỵ nạn từ năm 1997 đến năm 2002, và từ năm 2004 đến 2009. Trong thời gian này, dân tỵ nạn đã trải qua tình cảnh bi thương và phải sống trong khó khăn… Trung tâm Thánh Mẫu đã bị nã đạn pháo hai lần, lần thứ nhất vào tháng 11 năm 1999 khiến 44 nạn nhân bị thiệt mạng khi đạn pháo rơi trúng vào nhà nguyện Thánh Thể. Lần thứ hai xẩy ra vào tháng 3 năm 2008 khiến 18 người Ấn giáo bị thương vong vì đạn pháo.

Trong suốt thời gian cuối của cuộc nội chiến, mặc dầu các Giám mục đã nhiều lần lên tiếng kêu xin, nhưng trung tâm Thánh Mẫu chưa bao giờ được chính quyền công nhận là vùng phi quân sự, được hưởng đình chiến!!!

Sau đại lễ phong thánh cho Chân Phước Joseph VAZ vào buổi sáng ở thủ đô Colombo, ĐTC đã đáp trực thăng tới trung tâm Thánh Mẫu Madhu, cách thủ đô chừng 300 cây số về phía bắc. Khi tới trung tâm Thánh Mẫu, ĐTC đã đứng trên xe díp chạy vòng quang chào thăm dân chúng tụ tập đông đảo chung quanh trung tâm…ĐTC tỏ ra thoải mái và hạnh phúc được gặp nhiều gia đình người Tamoul và Cinghalais tụ tập rất đông tại trung tâm và đã ôm nhiều trẻ em và bệnh nhân. Sau đó, ĐTC phải đáp trực thăng trở lại thủ đô Colombo để ngày mai (15.01.2015) đáp máy bay sang Phi Luật Tân, bắt đầu chặng hai của chuyển tông du mục vụ sang Á Châu.

Phụ chú của người dịch: „Trung tâm Thánh Mẫu Madhu bên Tích Lan có một vài điểm lịch sử tương đồng với sự tích Đức Mẹ La Vang vào năm 1798 trong thời vua Cảnh Thịnh bách đạo …Nguyện mong Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc La vang sẽ có ngày được đón tiếp vị cha chung của Giáo Hội hoàn vũ đặt chân đến viếng thăm Quê Hương Việt nam, để cầu cho quối thái dân an…“ (Nguồn: Eglises d'Asie, le 14 janvier 2015)
 
Tường trình từng phút của AFP về Thánh Lễ Phong Thánh cho Chân Phúc Joseph Vaz
Vũ Van An
22:58 14/01/2015
Các tín hữu bắt đầu xếp hàng từ hôm qua để tham dự buổi lễ ngoài trời tại Galle Face Green. Hàng ngàn người cắm lều qua đêm mong được thoáng thấy vị giáo hoàng đầu tiên tới đảo quốc trong hai thập niên.

02 giờ 30 GMT: Thánh Lễ của Đức GH tại Sri Lanka: Tường trình trực tiếp – Chào Mừng mọi người tham dự tường trình trực tiếp của AFP về chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức GH Phanxicô. Người ta tiên đoán có ít nhất 1 triệu tín hữu sẽ tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại bãi biển ở thủ đô Colombo.

02 giờ 41 GMT: Hàng ngàn tín hữu -- Nhiếp ảnh viên Lakruwan Wanniarrachi, người Sri Lanka, của AFP, nói rằng anh chưa bao giờ thấy một đám đông lớn như thế tại Galle Face Green khi hàng ngàn người kéo nhau tới để chào mừng Đức GH Phanxicô.

02:45 GMT - - Đức GH tới -- Đức GH Phanxicô được lái quanh Galle Face Green, có Đức HY người Sri Lanka, Malcom Ranjith, tháp tùng. Cảnh sát đã tạo thành một hàng rào người để đẩy lui hàng chục ngàn người vốn ngủ qua đêm tại đây khi họ cố gắng tới gần lộ trình xe đi của Đức GH.

02:47 GMT - - Các vị giám mục Sri Lanka - - Sau khi tới đây, vị giáo hoàng 78 tuổi đã hủy bỏ một cuộc gặp gỡ từng được dự trù với các vị giám mục Sri Lanka. Một nhân viên an ninh cho hay ngài “kiệt sức” sau một hành trình dài từ phi trường dưới sức nắng chang chang.

Du hành trong một chiếc xe mui trần, không có gì che nắng, Đức GH đã mất hơn một tiếng đồng hồ mới vào được thành phố từ phi trường trên những con đường chật ních người hoan hô.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, ngày hôm qua, nói với giới truyền thông rằng cuộc gặp gỡ các vị giám mục đã bị hủy bỏ vì Đức Giáo Hoàng đến trễ từ phi trường.

Nhưng một nguồn tin từ các nhân viên lo an ninh cho biết ngài “kiệt sức” sau cuộc di chuyển.

02:49 GMT - - Người khuyết tật - - nhiếp ảnh viên của AFP, Lakruwan Wanniarachchi, cho biết hàng chục đàn ông, đàn bà và trẻ em ngồi xe lăn đang được trợ giúp tới gần bàn thờ nơi Đức GH sẽ cử hành thánh lễ.

02:52 GMT - - Đoàn rước - - Đoàn rước gồm các Hồng Y, giám mục, linh mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác bắt đầu tiến về bàn thờ chính nơi Đức GH sẽ cử hành thánh lễ và chủ tọa lễ phong thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Joseph Vaz.

02:54 GMT - - Hôn bàn thờ - - Đức GH Phanxicô hôn bàn thờ để khởi đầu thánh lễ và hiện đang xông hương bàn thờ và tượng Đức Mẹ.

02:57 GMT - - Vị thánh đầu tiên - - Thánh lễ hôm nay sẽ chứng kiến việc phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17, xuất thân từ Goa, có công phục hồi Giáo Hội CG tại đảo quốc thời thực dân Hòa Lan bách hại đạo.

Thánh Vaz tới Sri Lanka năm 1687 để phục vụ số tín hữu tứ tán sau khi thực dân Hòa Lan, những người chiếm các khu vực duyên hải của đảo quốc từ tay người Bồ Đào Nha, bắt đầu bách hại người Công Giáo vì sợ họ trung thành với các nhà cai trị trước đây.

Ngài đi hết làng này tới làng nọ, phục vụ người Công Giáo, cả Tamil lẫn Sinhalese thuộc phe đa số.

Ngài phải cải trang thành người hành khất vì người Hòa Lan cấm các linh mục không được ở trên đảo quốc. Ngài ngồi tù nhiều năm vì việc tông đồ của mình.

Tới lúc qua đời vào năm 1711, ngài đã tái thiết được Giáo Hội Công Giáo, được tước hiệu “Tông Đồ Sri Lanka”.

Ngài cũng có công chăm sóc các nạn nhân bệnh đậu mùa bị chính các gia đình họ bỏ rơi vì sợ bị lây.

02:59 GMT - - Các ca khúc ngợi khen - - Các ca viên mặc áo dài không tay mầu lam và trắng cất cao lời ca, phụ họa Đức Giáo Hoàng trong lúc ngài cử hành thánh lễ. Trong đám đông, tín hữu cầm sách xem lễ, tràng hạt mân côi, sách kinh và hình Đức Giáo Hoàng.

03:03 GMT - - Các nhà lãnh đạo tôn giáo - - Hôm qua, Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật Giáo, Ấn Giáo và Hồi Giáo và thúc giục họ làm việc với nhau cho việc hoà giải; ngài cho hay tôn giáo không bao giờ được làm cớ cho bạo lực.

Các huy hiệu của Đức GH Phanxicô và các đồ kỷ niệm về tôn giáo khác được bày bán trong một cửa tiệm Công Giáo tại Colombo.

Chỉ có khoảng 6% tổng số 21 triệu người Sri Lanka theo Công Giáo, nhưng tôn giáo này được coi là một lực lượng hợp nhất vì bao gồm cả người Tamil lẫn người Sinhalese.

03:06 GMT - - Ngày nghỉ của cả nước - - Sri Lanka đã công bố hôm nay là ngày nghỉ toàn quốc để vinh danh cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, và để nhiều người tham dự thánh lễ.

03:16 GMT - - Kiệt sức - - Theo dõi buổi lễ, nhà báo quay video của AFP, Charlotte Turner, cho hay “kiệt sức đã xuất hiện nơi một nhóm nam sinh từng thức khuya nhiều giờ. Nhiều em hiện đang co cụm với nhau trên nền cát cố đánh tan cơn buồn ngủ và che mặt khỏi cơn nắng chói chang”

03:19 GMT - - Phúc âm - - Phúc Âm và sách thánh được rước lên bàn thờ.

03:28 GMT - - Tổng Giám Mục Colombo - - Trong số các sứ điệp chào kính Đức GH tới Sri Lanka, c ósứ điệp của TGM Colombo, Đức HY Malcolm Ranjith.

"Thực là niềm vui lớn cho con được đón tiếp và chào kính Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng của dân chúng, tới Hòn Ngọc nhỏ bé Ấn Độ Dương, đất nước Sri Lanka yêu quí của chúng con. Cuộc viếng thăm của Đức GH Phanxicô, người trong một thời gian ngắn đã chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim thế giới trong tư cách Tôi Trung đầy cảm thương, khiêm nhường, yêu hòa bình của Thiên Chúa, giống như có được Sứ Giả đặc biệt của Hoàng Tử Hòa Bình, tức Chúa Giêsu Kitô, ở giữa chúng con.

"Chúng con là một quốc gia từng chịu đau đớn rất nhiều trong 30 năm trường, mất mát nhiều mạng sống vô tội từ trẻ chưa sinh tới cụ cao niên, bất phân sắc tộc, đẳng cấp, tín ngưỡng hay vị thế xã hội, chỉ vì các hành vi khủng bố. Chiến tranh bằng vũ khí đã qua đi… và nay, cuộc chiến tái thiết, hòa giải các cuộc đời từng trực tiếp hay gián tiếp chịu hậu quả của tranh chấp đang bắt đầu, cùng một lúc. Bởi thế, quả là điều hết sức may mắn vào ngay thời điểm này, Đức GH Phanxicô … đã ban phúc cho chúng con bằng sự hiện diện của ngài tại Sri Lanka”.

03:33 GMT - - Các bài đọc - - Các bài đọc và lời nguyện giáo dân được thực hiện bằng tiếng Latinh, tiếng Sinhalese và tiếng Anh.

03:36 GMT - - An ninh - - Cung cấp an ninh chặt chẽ cho thánh lễ của Đức Giáo Hoàng là khoảng 21,000 cảnh sát được triển khai khắp địa điểm hành lễ Galle Face Green.

03:39 GMT - - Hình người thân - - Trong số tín hữu tham dự thánh lễ, nhiều người ôm hình ảnh người thân yêu không thể tham dự như mình, trong số đó có bà Srimathi Fernando, 54 tuổi, mà người chồng đang dưỡng bệnh sau một cơn nhồi máu cơ tim.

Bà nói: “Tôi tới đây sớm, chiếm một chỗ ở phía trước để có thể giơ tấm hình này lên cho Đức Thánh Cha trông thấy và để ngài chúc lành cho chồng tôi”.

03:42 GMT - - Bài giảng của Đức Giáo Hoàng - - Giờ đây, Đức Giáo Hoàng đang giảng, nêu cao công trình của Thánh Joseph Vaz, người mà ngài gọi là “dấu chỉ mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa dành cho Sri Lanka…”

03:45 GMT - - Sứ điệp hòa giải - - Đức Giáo Hoàng nói: “chúng ta cũng thấy nơi ngài (Thánh Vaz) một thách thức phải duy trì trên con đường Tin Mừng” ngõ hầu theo gương “sứ điệp hoà giải mà ngài từng hiến trọn đời cho”.

03:47 GMT - - Hàn gắn vết thương - - Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng làm mủi lòng người dân Sri Lanka, những người vẫn đang cố gắng hàn gắn các vết thương của cuộc tranh chấp kéo dài 37 năm giữa lực lượng chính phủ và quân ly khai Tamil.

03:49 GMT - - Nhân danh hòa bình - - Đức GH Phanxicô nói rằng Thánh Joseph Vaz “chỉ cho ta thấy tầm quan trọng của việc vượt qua các chia rẽ tôn giáo nhân danh hòa bình”.

03:53 GMT - - Tôn trọng - - Trong bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng thúc giục người Công Giáo Sri Lanka làm việc với người thuộc các tôn giáo khác và cư xử với người thuộc các tín ngưỡng khác một cách “kính trọng” và “nhậy cảm”.

03:55 GMT - - Những người hành hương - - Sunil Perera, 62 tuổi, nói với AFP rằng ông ngồi xe buýt 7 tiếng đồng hồ để hướng dẫn 60 người CG hành hương, từ căn làng của họ ở Embilipitiya thuộc sâu phía Nam để tham dự thánh lễ của Đức GH.

03:58 GMT - - Đức GH Gioan Phaolô II - - Cuộc thăm viếng Sri Lanka đầu tiên của một vị giáo hoàng diễn ra năm 1970, khi Đức Phaolô VI dừng chân tại phi trường để gặp gỡ tín hữu.

Đức GH Gioan Phaolô II viếng đảo này năm 1995, lôi cuốn hàng trăm ngàn người dự thánh lễ ở bờ biển Colombo.

04:01 GMT - - Phiên dịch - - Bài giảng của Đức Giáo Hoàng bằng Anh Ngữ đã được phiên dịch sang tiếng Sinhala và Tamil.

04:03 GMT - - Những nhà truyền giáo đầu tiên - - Kitô Giáo tới Sri Lanka lần đầu qua các thương nhân Ba Tư thế kỷ thứ 6, họ xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên trên đảo. Nhưng phải gần một ngàn năm sau, tức vào năm 1505, với người Bồ Đào Nha, tôn giáo này mới bắt đầu phát triển.

Trong hơn một thế kỷ sau, các nhà truyền giáo đã truyền bá Đạo Công Giáo dọc miền duyên hải, nơi đức tin vẫn còn rất mạnh cho tới nay.

04:04 GMT - - Chia rẽ tôn giáo - - Trong một nước Sri Lanka chia rẽ về tôn giáo, nơi chỉ có 6% dân số là Công Giáo, lời lẽ của Đức GH cho rằng Thánh Joseph Vaz “giống chúng ta… từng sống trong một thời kỳ biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc” khi “người Công Giáo chỉ là thiểu số và thường chia rẽ” và đôi khi phải chịu “thù nghịch và thậm chí bách hại nữa”, sẽ vang lên như một chân lý đối với nhiều người ngày nay ở đất nước này.

04:13 GMT - - Tự do tôn giáo - - Trong sứ điệp của ngài gửi nhân dân Sri Lanka, Đức GH Phanxicô một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của ngài rằng “tự do tôn giáo là một quyền căn bản”.

Ngài nói với đám đông tín hữu tại Colombo rằng mọi người phải được tự do phát biểu các xác tín tôn giáo của mình, “thoát khỏi mọi đe dọa và cưỡng bức từ bên ngoài”.

04:18 GMT - - Tượng Thánh - - Một bức tượng lớn của vị Thánh đầu tiên của Sri Lanka, Thánh Joseph Vaz, tay cầm tượng chịu nạn, đã được đặt lên chỗ cao tại cung thánh gần bàn thờ của Đức Giáo Hoàng.

04:21 GMT - - Mầu sắc chính trị - - Dù lời kêu gọi hòa giải của Đức GH trong thánh lễ rất có thể có âm hưởng chính trị đối với nhiều người Sri Lanka, là những người vừa kinh qua một cuộc bầu cử, trong đó tổng thống lâu đời Mahinda Rajapakse bị đánh bại bởi người thách thức Maithripala Sirisena, nhưng chính Đức Giáo Hoàng nói rất rõ: mục tiêu chuyến đi của ngài hoàn toàn có tính cách mục vụ.

Gần tới ngày thăm viếng, Giáo Hội đã phát hành bản tuyên bố thúc giục “mọi nhóm chính trị hạn chế việc sử dụng Đức Thánh Cha cũng như chuyến viếng thăm Sri Lanka của ngài cho chiến dịch chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống” sau khi có báo cáo là hình ảnh của Đức GH Phanxicô đã được sử dụng cho mục đích này.

04:29 GMT - - Dấu Bình An - - Đức GH hướng dẫn cộng đoàn trao dấu bình an cho nhau. Ca đoàn hát khúc Agnus Dei trong khi giáo dân quay qua người chung quanh để vừa ôm hôn hay bắt tay nhau vừa nói “chúc bạn bình an”.

04:38 GMT - - Hiệp Lễ - - Hàng trăm linh mục dưới các dù mầu trắng đang tới các địa điểm quanh Galle Face Green để phân phát Thánh Thể cho hàng trăm ngàn người tham dự thánh lễ. Phân phối Thánh Thể cho số lượng người này quả là một việc lớn lao.

04:43 GMT - - Dù che - - Sau gần một giờ rưỡi của Thánh Lễ, và nhiều giờ trước đó đứng đợi Đức GH tới, nhiều người trong đám đông đã phải mở dù ra để che cái nắng chói chang của Sri Lanka.

05:05 GMT - - “ Hòn Ngọc Nhỏ Ấn Độ Dương” - - Đức HY Malcolm Ranjith của Colombo đọc diễn văn chào mừng Đức GH, chào mừng vị “giáo hoàng của dân” tới “hòn ngọc nhỏ của Ấn Độ Dương, Sri Lanka yêu quí của chúng con”.

05:07 GMT - - Đoàn rước kết thúc - - Đức Giáo Hoàng dẫn đầu các giáo sĩ trong một đoàn rước sau cùng từ bàn thờ khi thánh lễ đến hồi kết thúc, sau khi ban phép lành cuối cùng cho cộng đoàn tín hữu và tiếp nhận tiền quyên góp cho các hoạt động bác ái của Giáo Hội.

05:09 GMT - - Thúc đẩy Á Châu - - Chuyến viếng thăm Á Châu mới nhất của Đức GH diễn ra ở thời điểm khi Giáo Hội đang tập chú vào khối dân Công Giáo đang lớn mạnh trong vùng.

Hai người Ấn Độ có tên trong số 6 vị thánh mới được xướng danh hồi tháng Mười Một trong một thánh lễ long trọng tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, trong khi ấy, trong cuộc tông du Nam Hàn, 5 tháng trước đó, Đức GH đã phong chân phúc cho 124 vị tử đạo, trong đó có vị linh mục đầu tiên của Đại Hàn, Andrew Kim Taegon.

05:12 GMT - - Niềm tự hào của Goa - - Cuối Thánh Lễ, gọi Thánh Joseph Vaz là “một hồng ân”, Đức HY Malcolm Ranjith của Colombo nói tới việc vị thánh mới là “niềm tự hào của Goa… viên ngọc quí của Thiên Chúa dành cho Sri Lanka” như thế nào.

Ngài cám ơn Goa vì “quà phúc đứa con trai của qúi vị” và nhắc đến việc nhiều người Công Giáo Ấn từ Goa tới Sri Lanka tham dự lễ phong thánh cho người con trai này.

05:22 GMT - - Nhà thờ trong rừng - - Giờ đây, Thánh Lễ đã kết thúc, Đức GH sẽ tới một nhà thờ nhỏ ở trong rừng, nơi vốn là trận tiền của cuộc tranh chấp giữa lực lượng chính phủ và quân du kích muốn thành lập một quê hương riêng cho người Tamil thiểu số của đất nước.

Nhà thờ Đức Mẹ Madhu ở miền bắc đa số là người Tamil từng cung cấp sào huyệt trong thời chiến, nhưng nay là địa điểm hành hương của Kitô hữu thuộc mọi xu hướng.

05:31 GMT - - Vẫy cờ - - Trẻ em, nhiều em vẫy cờ có hình Đức GH, được nhìn thấy trên vai người lớn, nhờ thế các em có thể thấy đoàn người khổng lồ đang rồng rắn luợn quanh bờ biển thủ đô.

Trẻ già đều đã tới đây từ khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước gồm 20 triệu người này để thấy vị “giáo hoàng của dân” giảng dạy về hòa bình và hòa giải tại một đất nước tan hoang vì chiến tranh, bao gồm cả những người Tamil thiểu số.

05:33 GMT - - Cử chỉ vĩ đại - - Cinnamon Grand, một trong các khách sạn hạng nhất trong nước, tọa lạc không xa Galle Face Green, đã mời khách hành hương dùng nước ngọt miễn phí khi họ từ thánh lễ ra về.

Trước đó vào buổi sáng, cũng khách sạn này đã mời khách hành hương dùng cà phê miễn phí khi họ chờ gặp Đức GH cả đêm. Một nhân viên của khách sạn cho AFP hay anh chưa bao giờ thấy một đám đông lớn như thế ở trong vùng.
 
Top Stories
Sri Lanka: Au sanctuaire marial de Madhu, le pape appelle Tamouls et Cinghalais à un examen de conscience
Eglises d'Asie
09:50 14/01/2015
Au deuxième jour de sa visite apostolique au Sri Lanka, le pape François s’est rendu au sanctuaire marial de Madhu, situé dans la Province du Nord, sur le territoire du diocèse de Mannar, dans une région à majorité tamoule.

Dans ce haut-lieu du christianisme au Sri Lanka, isolé en pleine jungle, est vénérée une statue de la Vierge Marie donnée en 1583 par des Portugais à des villageois. Le pape, accueilli par l’évêque du lieu, Mgr Rayappu Joseph, a prié pour qu’à travers « une vraie guérison pour tous » et « une réconciliation plus grande », les deux communautés de l’île, Tamouls et Cinghalais, puissent « reconstruire l’unité qui a été perdue ».

La foule était venue en rangs serrés pour accueillir le pape François, qui est le premier pape à fouler la terre d’un sanctuaire connu de tous au Sri Lanka et fréquenté aussi bien par les chrétiens que par des bouddhistes, des hindous et des musulmans. Le pape a souligné combien « chaque pèlerin peut se sentir chez lui » dans ce sanctuaire, « en sécurité (…) dans sa maison ». « Nous nous trouvons dans la demeure de notre Mère », a-t-il commencé.

Le pape a rappelé « les immenses souffrances » endurées par les familles « durant le long conflit qui a lacéré le cœur du Sri Lanka » et qui n’avait pas épargné le sanctuaire marial, au point que durant la dernière phase de la guerre, la statue de la Vierge avait dû être mise à l’abri dans l'église du village côtier de Thevanpiti, à une soixantaine de kilomètres de là. « Aucun Sri Lankais ne peut oublier les tragiques événements associés à ce lieu, comme le triste jour où la vénérable statue de Marie (…) a été enlevée de son sanctuaire », a dit le pape.

Développant ensuite une méditation sur la présence de Marie au pied de la Croix qui n’abandonne pas son Fils crucifié, le pape a affirmé que la Mère de Dieu « n’avait jamais abandonné ses enfants sri-lankais souffrants ». Il a poursuivi par un appel à « restaurer la paix dans les cœurs meurtris », demandant à chacun un examen de conscience. Ne cachant pas la difficulté « de pardonner et de trouver la paix », le pape François a assuré de la volonté de la Vierge Marie de « guider les Sri Lankais vers une réconciliation plus grande » afin de parvenir à « une vraie guérison pour tous ». Le chemin vers la paix véritable est toutefois étroit, a indiqué le pape : « c’est seulement quand nous arrivons à comprendre, à la lumière de la Croix, le mal dont nous sommes capables, et auquel peut-être nous avons pris part, que nous pouvons faire l’expérience d’un vrai remords et d’un vrai repentir ».

A l’image de la statue de la Vierge revenue dans son sanctuaire après la guerre, le Saint-Père a cependant voulu voir dans les efforts des Sri Lankais des deux communautés tamoule et cinghalaise pour retrouver la paix, le signe d’une possible « reconstruction de l’unité qui a été perdue ». Il avait auparavant souhaité demander à Marie d’implorer la grâce « de la miséricorde de Dieu » et celle de « réparer [les] péchés et tout le mal que cette terre avait connu ».

Avant la dernière phase de la guerre civile, le sanctuaire de Madhu était fréquenté chaque année par des centaines de milliers de pèlerins, - les deux fêtes principales étant la Visitation, célébrée au Sri Lanka le 2 juillet, et l’Assomption, le 15 août, - Les pèlerins commencent à y affluer de nouveau, depuis que la reconstruction du site et les opérations de déminage sont achevées .

L’origine du sanctuaire remonte à 1658, lorsque le colonisateur hollandais, calviniste, interdit le culte catholique. Les pêcheurs du village de Mantai, non loin de Mannar, décident alors de fuir la côte en emportant avec eux la statue offerte en 1583 par des Portugais. En pleine jungle, ils construisent une chapelle et rapidement voient en Marie une figure protectrice et bienfaisante – protectrice des dangers que représentent les serpents venimeux, nombreux dans la jungle, et bienfaisante car son invocation guérit les malades et apporte la fécondité à des couples stériles.

Au XIXe siècle, sous le colonisateur britannique, les persécutions contre les catholiques ayant cessé, le sanctuaire attire à lui des foules toujours plus nombreuses. Au cours de la longue guerre qui a opposé les séparatistes tamouls à l’armée gouvernementale, le sanctuaire a servi, de 1997 à 2002, puis de 2004 à 2009, de camps de personnes déplacées. Les conditions de vie y ont été particulièrement difficiles et les mémoires ont été marquées par les deux bombardements subis par le sanctuaire, en novembre 1999 (44 victimes dans l’explosion d’un obus tombé sur la chapelle du Saint-Sacrement), puis en mars 2008 (17 hindous tués par des tirs).

Pendant toute la durée du dernier épisode de la guerre civile qui s'est achevé en 2009, le sanctuaire dédié à Notre-Dame du Rosaire n'a jamais pu, malgré les demandes répétés des évêques, obtenir de Colombo le statut de zone de paix ni même bénéficier d'un cessez-le-feu.

Après la canonisation de Joseph Vaz le matin même à Colombo, le pape avait gagné Madhu, situé trois cents kilomètres au nord, en hélicoptère. A son arrivée au sanctuaire, il avait parcouru la foule en papamobile. Visiblement détendu et heureux de rencontrer les familles tamoules et cinghalaises rassemblées là, il avait embrassé des enfants et des malades. Il devait repartir immédiatement, toujours en hélicoptère, vers Colombo, d’où il s’envolera demain jeudi pour la deuxième partie de ce voyage en Asie, à savoir une visite de quatre jours aux Philippines. (eda/ra)

(Source: Eglises d'Asie, le 14 janvier 2015)
 
Fr Lombardi on positive impact of Pope's visit to Sri Lanka
ViS
16:45 14/01/2015
Travelling with Pope Francis on his pastoral visit to Sri Lanka and the Philippines this week is the head of the Holy See press office, Fr Federico Lombardi. He talked to our colleague and correspondent for this trip, Fr Louis Xystus Jerome, about his impressions of the first events on the Pope’s agenda following his arrival in Colombo on Tuesday….

Fr Lombardi said the first day of the visit was a very positive surprise for him as he had not expected such a wonderful reception for the Pope. He said the atmosphere with the new president, following the peaceful elections in Sri Lanka, is “very positive with expectations of something new in the sense of reconciliation” and the rights of minorities. The Pope, he continued, brings encouragement and inspiration, so that the president is right when he says the visit is also a blessing for him at the very beginning of his mission

Fr Lombardi also commented on the interreligious encounter on Tuesday with a large presence of Buddhist monks who did not attend a similar meeting during the visit of John Paul II to the island twenty years ago. He noted that there were more than a thousand religious leaders at the meeting with Pope Francis and he said this had a real impact in a society like Sri Lanka where “people are attentive to the religious dimension”. The Pope comes as a Christian leader, in harmony with the Buddhist, Hindu and Muslim leaders on the island and this “is something historic for the people here”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Rạng: Niềm vui 3 trong1
Simon Được
10:04 14/01/2015
PHAN THIẾT - Nhờ ơn Chúa và sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse, công trình nhà khách, nhà giáo lý và nhà xứ giáo xứ Rạng đã hoàn thành, sau 11 tháng thi công. Công trình này nhắm đến phục vụ mọi đoàn thể, mọi khách thăm quan du lịch đến với Phan Thiết thành phố biển này. Giáo xứ Rạng nằm bên bờ biển sóng gió rì rào, có hàng dừa xanh xanh đứng nghiêng nghiêng đón ánh nắng rạng đông và cũng gần các địa điểm du lịch như Mũi Né, Hòn Rơm, Đá Ông Địa…, là nơi có nhiều khách nước ngoài đến thăm quan. Các công trình ấy đống góp vào một bước sự phát triển của giáo xứ, đem lại nhiều điều kiện phục vụ mọi người, trong cũng như ngoài nước, và cũng là điều kiện loan báo Tin mừng cho muôn dân.

Hình ảnh

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, và Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Giáo xứ Rạng còn hân hoan mừng Đức Cha Giuse Giám Mục Giáo Phận về ban Bí tích Thêm Sức cho các em trong dịp lễ này. Đây quả là một ngày nhiều niềm vui cho Giáo xứ Rạng.

Lúc 9g sáng Chúa Nhật ngày 11/01/2015 nhằm ngày lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Đức Cha chủ sự nghi thức làm phép và các băng khánh thành các công trình nhà khách, nhà giáo lý và nhà xứ; cùng với ngài có Cha Giám Đốc chủng viện Nicolas và quý các cha đồng tế.

Sau các nghi thức ấy, đoàn rước cùng các em thêm sức tiến vào nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn và Đức Cha ban Bí Tích Thêm Sức cho các em. Bài giảng nói về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan để bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của mình. Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa đánh dấu khởi đầu một mùa phụng vụ mới, mùa Thường niên và kết thúc mùa Giáng Sinh.

Nghi thức ban Bí Tích Thêm Sức cho các em được cử hành sau bài giảng của Đức Cha. Ước gì, sau khi lãnh nhận Bí tích ấy các em được trưởng thành đức tin, sẵn sàng làm “chiến sĩ” Chúa Kitô, làm chứng nhân cho Tin Mừng trong một xã hội ngày hôm nay, đặc biệt tại Giáo xứ Rạng này.

Kết thúc thánh lễ, một vị đại diện cám ơn Đức Cha, Cha chính xứ Giuse, quí cha, quý tu sĩ nam nữ đến hiệp thông dâng lễ-cầu nguyện cho giáo xứ và tỏ lòng biết ơn quý ân nhân đã quảng đại dâng hiến đất đai cho giáo xứ xây dựng được những cơ sở như hôm nay, nhằm phục vụ cho nhu cầu cho giáo xứ, giáo phận và các khách thăm quan du lịch. Xin Chúa ban muôn ơn lành xuống Đức Cha, Quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, và quý khách gần xa.

Đặc biệt, trước khi ra về, mọi người cùng chung vui bữa tiệc đã dọn sẵn tại khuôn viện nhà mục vụ giáo xứ. Xin chúc Giáo xứ Rạng ngày càng phát triển về cả cơ sở vật chất lẫn tinh thần, hầu dẫn đưa mọi người về Chúa Kitô, Ngài mới là “công trình đích thực” cần xây dựng mỗi ngày trong suốt đời ta. Nên nhớ rằng dù công trình nào hoàng tráng tới mức độ nào đi nữa, trải qua năm tháng sẽ “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”, chỉ có Đức Kitô mới là vĩnh cữu, hằng có đời đời
 
ĐGM Hoàng Đức Oanh trả lời RFA về vụ chính quyền ra lệnh dỡ nhà thờ giáo xứ Dak Jak
Gia Minh / RFA
19:59 14/01/2015
Lệnh dỡ nhà thờ giáo xứ Dak Jak

Gia Minh, biên tập viên RFA

Gần 6000 giáo dân Công Giáo thuộc giáo xứ Dak Jak tại huyện Dak Glei của tỉnh Kon Tum trong những ngày này đang tập trung cầu nguyện để giữ lại ngôi nhà thờ tạm mà họ dựng lên để thờ phụng trong mấy năm qua, nhưng bị chính quyền địa phương buộc phải tháo dỡ mà hạn chót được nói là ngày 17 tháng giêng này.

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh trình bày.

Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Vấn đề có hai phía: phía chúng tôi gặp những khó khăn như vậy, phía Nhà nước thì anh em tôi xác định đã hơn một lần nói với chính quyền địa phương là tôi xác tín cán bộ địa phương rất thương chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của chúng tôi; nhưng ở trong một chế độ như thế này, với thể chế như thế này thì họ không làm khác được bởi vì đụng đến nồi cơm, địa vị, quyền lợi của họ. Họ không làm khác được vì nó cứ chằng chéo như vậy. Chính những vị cao cấp cũng nói rằng với hệ thống như hiện nay những cá nhân nói chuyện với chúng tôi đều nói họ hiểu, thông cảm với chúng tôi nhưng không thể giải quyết được vì có luật như vậy, chằng chéo như vậy thì chịu thôi. Bây giờ chỉ có đổi thôi, thay đổi luật như thế nào. Chỉ có chừng đó thôi.

Gia Minh: Chính những người trong cuộc nói với Đức Giám Mục cần phải thay đổi những luật như thế và hệ thống như thế?

Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Họ không nói ra nhưng họ nói như thế này ‘xin quí vị thông cảm với chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của quí vị, nhưng ở trên chỉ đạo xuống nên phải làm thôi’. Họ rất thông cảm với chúng tôi, tôi xác định lại như vậy.

Thế nhưng điều quan trọng đối với tôi trong tư cách giám mục: tôi vẫn tự nói với mình và nói với anh em tôi là chúng tôi phải điều chỉnh lại cuộc sống của chúng tôi làm sao để người ta thương mình. Tôi vẫn tự hỏi tại sao chúng tôi có niềm tin tôn giáo tuyệt vời ‘mến Chúa, yêu người’; chúng tôi vẫn thường tự hào là người có đạo, người công dân tốt nhất, là người hiếu thảo nhất nếu như chúng tôi sống đúng Lời Chúa dạy. Mà như vậy nay vẫn có người anh em chưa hiểu chúng tôi, chúng tôi tự trách chúng tôi, điều chỉnh lại cuộc sống chúng tôi bằng cách chúng tôi sẽ xử sự với những chuyện như thế này rất hài hòa bằng cách rất bình thản và chúng tôi phải nói thật điều chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi không giả dối, không tự lừa dối nhau hay lừa dối ai cả.

Tôi nghĩ qua những chuyện như thế này, với niềm tin của tôi, là Chúa đang thanh luyện chúng tôi. Tôi cũng nói với cán bộ rằng chính chúng tôi được sai đi loan báo Tin Mừng, Sự Thật và Yêu Thương cho tất cả mọi người mà anh em chúng tôi không làm được, thì chính Chúa có cách là dùng chính cán bộ làm cho chúng tôi. Đó là quan niện của tôi.

Gia Minh: Người giáo dân vẫn theo đúng lời dạy của các vị chủ chăn nhưng rồi họ bị chèn ép không có nơi thờ tự đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ?

Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Điều này kéo dài lâu rồi, ba- bốn chục năm rồi. Lâu như vậy, tôi vẫn thường nói với cán bộ rằng quí vị thông cảm cho chúng tôi, về luật pháp chúng tôi nghiêm túc tôn trọng mặc dù những luật đó có những bất công, bất cập. Chúng tôi đã thi hành luật, chúng tôi nói lên nhu cầu của chúng tôi, chúng tôi làm đơn xin nhưng quí vị cứ ở vòng lẩn quẩn như thế này: ‘chưa có Nhà thờ thì chưa có linh mục, mà chưa có linh mục thì chưa có giáo xứ, mà chưa có giáo xứ chì chưa được cử linh mục làm việc’. Cái vòng lẩn quẩn như vậy thì cuối cùng không bao giờ giải quyết được.

Chúng tôi đã làm hết mức, chúng tôi đã trình bày, chúng tôi đã làm đơn xin nhiều lần mà không cho thì nhu cầu của người có đạo đến lúc họ không chịu đựng được nữa thì họ tự giải quyết cho họ thôi. Tôi lấy ví dụ giống như người phụ nữ: chưa đến ngày sinh thì họ trình bày từ từ, họ yêu cầu, đề nghị…; nhưng đến giờ sinh rồi thì không còn giờ mà xin phép nữa, phải sinh thôi!

Với niềm tin tôn giáo như vậy mà xin miết rồi không được thì phải dựng lên ‘một túp lều’ để ổn định cho anh em chứ không thể kéo dài tình trạng cả 6 ngàn người mà suốt 30 năm phải ngồi ngoài mưa, ngoài nắng mà cuối cùng không ai thấy được động lòng thương thì chúng tôi phải tự giải quyết lấy thôi.

Tôi nghe giáo dân nói bây giờ chúng tôi giữ luật đàng hoàng, thành ra quí vị không giữ luật thì chính quí vị đã vi phạm. Giống như đứa con trong gia đình, trước khi đi học ‘thưa ba mẹ con đi học’, đi học về ‘thưa ba mẹ con đi học về’; tức nó có xin phép vào buổi sáng mà bữa nào cha mẹ cũng bảo để coi đã, không cho thì như thế là bất công và nó phải phản ứng. Trường hợp của chúng tôi là như vậy đó; nhưng chúng tôi rất tôn trọng anh em.

Gia Minh: Là một địa phân xa xôi có biết bao khó khăn trong cuộc sống, nay lại gặp khó khăn với chính quyền như thế, so với những địa phận ở các tỉnh, thành; nhưng qua lời Đức Giám Mục hẳn đó là một thách thức, rèn luyện để người giáo dân ở Kon Tum vững vàng, thưa Đức Giám Mục?

Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Có lẽ tôi cũng phải tự trách tôi là một giám mục không có ‘khéo’; các cán bộ có thể thấy tôi không ‘có khéo’ đủ thành ra cuối cùng… Tôi nghĩ vậy, nhưng tôi tự xét đoán mình đã làm hết mức của mình, Chúa không đòi hỏi tôi làm hơn được.

Gia Minh: Cám ơn Đức Giám Mục.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đèn Đường Và Trăng
Đặng Đức Cương
22:02 14/01/2015
ĐÈN ĐƯỜNG VÀ TRĂNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Đèn đường đôi lúc vô duyên
Nhấp nha nhấp nhoáng che duyên..chị Hằng .
(nđc)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 25/12-31/12/2014 Câu chuyện Thánh Stêphanô tử đạo
VietCatholic Network
23:23 14/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

Ánh sáng đến từ Thánh Gia khích lệ chúng ta cống hiến hơi ấm tình người cho các gia đình thiếu an bình, hòa hợp và tha thứ. Chúng ta cũng đừng thiếu tình liên đới cụ thể đối với các gia đình gặp khó khăn vì bệnh tật, thiếu công ăn việc làm, bị kỳ thị, phải di cư.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tìn hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật lễ Thánh Gia 28 tháng 12.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong ngày Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Giáng Sinh, trong khi chúng ta còn đang chìm ngập trong bầu khi tươi vui của ngày lễ, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Gia Nagiarét. Phúc Âm hôm nay giới thiệu với chúng ta Đức Mẹ và Thánh Giuse trong lúc các Ngài đến Đền Thờ Giêrusalem, bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Các Ngài làm điều này vì vâng lời Luật Môshê, dậy phải dâng con đầu lòng cho Chúa (x. Lc 2,22-24).

Chúng ta có thể tưởng tượng ra gia đình bé nhỏ ấy, giữa biết bao nhiêu người, trong các sân rộng lớn của đền thờ. Nó không hiện lên trước mắt, người ta không phân biệt được nó… Thế nhưng nó không đi qua mà không được quan sát! Có hai cụ già, ông Simeon và bà Anna, được Thánh Thần thúc đẩy, đến gần và bắt đầu chúc tụng Thiên Chúa vì Con Trẻ mà họ nhận ra là Đấng Messia, là ánh sáng muôn dân và là ơn cứu độ của Israel (x. Lc 2,22-38). Đó là một lúc đơn sơ nhưng giầu ý nghĩa ngôn sứ: cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng trẻ tràn đầy niềm vui và đức tin vì các ơn của Chúa, và hai cụ già cũng tràn ngập niềm vui và đức tin vì hoạt động của Thần Khí. Ai đã làm cho họ gặp gỡ nhau? Và Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này:

Chúa Giêsu làm cho họ gặp nhau: các ngưởi trẻ và các người già. Đó là suối nguồn của tình yêu kết hiệp các gia đình và con người, bằng cách chiến thắng mọi nghi ngờ dè dặt, mọi cô lập, mọi xa cách. Điều này khiến chúng ta cũng nghĩ tới các bậc ông bà: sự hiện diện của các ngài, sự hiện diện của các ông bà quan trọng biết bao! Vai trò của các ngài trong gia đình và trong xã hội quý báu biết bao! Tương quan tốt giữa các người trẻ và các người già định đoạt đối với con đường của cộng đoàn dân sự và cộng đoàn Giáo Hội. Và khi nhìn hai cụ già này, hai ông bà nội ngoại – Simeon và Anna – này, từ quảng trường này chúng ta chào tất cả các ông bà nội ngoại trên thế giới với một tràng pháo tay. Mọi ngưòi hiện diện đã vỗ tay vang dội.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Sứ điệp đến từ Thánh Gia trước hết là một sứ điệp của đức tin. Trong cuộc sống gia đình của Mẹ Maria và thánh Giuse Thiên Chúa thực sự ở trung tâm, và Ngài ở đó trong Con Người của Đức Giêsu. Vì thế gia đình Nagiarét thánh thiện. Tại sao vậy? Bởi vì nó tập trung nơi Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm điểm này như sau:

Khi cha mẹ và con cái cùng hít thở bầu khí đức tin, họ có một năng lực cho phép đương đầu với cả các thử thách khó khăn, như kinh nghiệm của Thánh Gia cho thấy, chẳng hạn trong biến cố thê thảm của cuộc trốn chạy sang Ai Cập: một thử thách cam go.

Con Trẻ Giêsu cùng với Mẹ Người là Maria và thánh Giuse là một hình ảnh gia đình đơn sơ nhưng ngời sáng biết bao. Ánh sáng mà nó dãi tỏa ra là ánh sáng của lòng thương xót và ơn cứu độ cho toàn thế giới, ánh sáng của chân lý cho mọi người, cho gia đình nhân loại và cho các gia đình riêng rẽ. Ánh sáng đến từ Thánh Gia đó khích lệ chúng ta cống hiến hơi ấm tình người trong các tình trạng gia đình, trong đó, vì các lý do khác nhau, thiếu bình an, thiếu hòa hợp, thiếu tha thứ. Ước chi tình liên đới cụ thể của chúng ta đừng suy giảm đối với các gia đình đang sống trong những tình cảnh khó khăn nhất, vì bệnh tật, thiếu công việc làm, vì các kỳ thị, vì nhu cầu phải di cư…Và ở đây chúng ta hãy dừng lại một chút và cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các gia đình gặp khó khăn, khó khăn vì bệnh tật, thiếu việc làm, bị kỳ thị, cần di cư, khó khăn để hiểu nhau và cả chia rẽ nữa. Trong thinh lặng chúng ta cầu nguyện cho tất cả các gia đình này. Đức Thánh Cha và mọi người đã đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các gia đình gặp khó khăn. Rồi ngài kết thúc bài huấn từ như sau:

Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Nữ Vương và là mẹ gia đình, tất cả các gia đình trên thế giới, để các gia đình có thể sống trong đức tin, trong sự hòa hợp, trợ giúp lẫn nhau, và vì thế tôi khẩn nài trên các gia đình sự bầu cử hiền mẫu của Đấng là mẹ và là nữ tử của Con Ngài.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin Lễ Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano tử đạo trưa ngày 26 tháng 12, Đức Thánh Cha nhắc đến con số đông đảo các tín hữu Kitô và các vị chủ chăn đã chịu tử đạo trong năm 2014 và cầu nguyện để máu các vị gây nên ý thức về tình trạng bách hại tôn giáo trầm trọng trên thế giới ngày nay và các nhà cầm quyền dấn thân củng cố quyền tự do tôn giáo trên thế giới.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của 20 ngàn người, Đức Thánh Cha nhận xét rằng qua cuộc tử đạo của mình, thánh Stephano tôn vinh biến cố giáng thế của Vua các vua, dâng hiến cho Chúa chính mạng sống của mình, và chỉ cho chúng ta cách sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện trong bài Phúc Âm ngày lễ cùng ngày có câu Chúa nói: “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Những lời này của Chúa không làm xáo trộn việc cử hành lễ Giáng Sinh, nhưng thanh tẩy việc cử hành lễ này khỏi những lớp bọc đường giả tạo không thuộc về ngày lễ. Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rằng trong những thử thách chấp nhận vì đức tin, bạo lực bị tình yêu đánh bại, sự sống chiến thắng sự chết.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

“Để thực sự đón nhận Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình và kéo dài niềm vui đêm Giáng Sinh, con đường phải theo chính là con đường mà Phúc Âm hôm nay chỉ dẫn, đó là làm chứng cho Chúa Giêsu trong sự khiêm tốn, trong việc phục vụ âm thần, không sợ đi ngược dòng và trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy không phải mọi người đều được kêu gọi đổ máu như thánh Stephano, nhưng mỗi Kitô hữu đều được kêu gọi sống phù hợp với đức tin mình tuyên xưng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Theo Tin Mừng chắc chắn là con đường khó khăn, nhưng ai trung thành và can đảm bước theo con đường ấy, thì được hồng ân Chúa đã hứa cho những người nam nữ thiện chí”.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho những người đang bị kỳ thị, bị bách hại và bị giết vì làm chứng cho Chúa Kitô: “Tôi muốn nói với mỗi người trong số họ: nếu anh chị em vác thập giá này với lòng yêu mến, thì anh chị em sẽ được bước vào mầu nhiệm Giáng Sinh, anh chị em ở trong con tim của Chúa Kitô và Giáo Hội.

Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện để nhờ sự hy sinh của đông đảo các vị tử đạo ngày nay, khắp nơi trên thế giới có sự gia tăng nỗ lực nhìn nhận và bảo đảm tự do tôn giáo một cách cụ thể, đây là một quyền bất khả nhượng của mỗi người”.

3. Câu chuyện Thánh Têphanô tử đạo

Thánh Têphanô được biết đến như là người tử đạo đầu tiên của Kitô giáo, được xem như là thánh trong Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh giáo, Giáo Hội Luther và Chính Thống giáo Đông phương. Têphanô nghĩa là "vòng hoa" hoặc "ngôi vua" trong Tiếng Hy Lạp.

Giáo Hội kính nhớ cuộc tử đạo của ngày một ngày sau đại lễ Giáng Sinh. Hòn cảnh tử đạo của ngài như sau:

Ông Stêphanô bị bắt

Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Têphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: "Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xức phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa". Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Ðồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: "Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét ấy sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta". Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Ðồng đều nhìn thẳng vào ông Têphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

Bấy giờ vị thượng tế hỏi ông Stêphanô: "Có đúng như vậy không?" Ông đáp: " "Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ ? Họ đã giết những vị tiên báo Ðấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Ðấng ấy. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ".

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Têphanô.

Ông Stêphanô bị ném đá. Ông Sao-lô bắt đạo

Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con". Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này". Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng vụ kéo dài Đại Lễ Giáng Sinh trong 8 ngày: một thời gian vui mừng cho toàn thể dân Chúa! Và trong ngày thứ hai của tuần bát nhật này, trong niềm vui của Lễ Giáng Sinh có lễ Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Sách Tông đồ Công vụ trình bày thánh nhân cho chúng ta như một người "đầy lòng tin và Thánh Thần" (6,5), được chọn cùng với 6 người khác để phục vụ các bà goá và người nghèo trong cộng đồng tiên khởi ở Jerusalem. Và Sách cũng kể lại cho chúng ta cuộc tử đạo của ngài: Sau một bài diễn văn nảy lửa khiến cho các thành viên Thượng Hội đồng Do Thái nổi cơn thịnh nộ, Thánh Stêphanô bị lôi ra ngoài thành và bị ném đá. Thánh Stêphanô đã chết như Chúa Giêsu, và xin tha thứ cho những kẻ giết ngài (7,55-60).

Trong bầu không khí vui tươi của Lễ Giáng Sinh, việc tưởng niệm này có thể là không thích hợp. Thật vậy, Lễ Giáng Sinh là lễ sự sống và đổ tràn trong tâm hồn chúng ta những tâm tình thanh thản và an bình; tại sao lại làm xáo trộn sức thu hút của Lễ Giáng Sinh bằng cách nhắc nhớ bạo lực dữ dằn như thế? Trong thực tế, dưới nhãn giới đức tin, lễ Thánh Stêphanô hoàn toàn hoà hợp với ý nghĩa sâu xa của Lễ Giáng Sinh. Thật vậy, trong cuộc tử đạo, bạo lực bị tình thương chiến thắng, sự chết bị sự sống đánh bại. Giáo Hội coi sự hy sinh của các vị tử đạo là sự sinh ra của các ngài trong Nước Trời. Vì thế, hôm nay chúng ta cử hành sinh nhật của Thánh Stêphanô, xuất phát một cách sâu xa từ sinh nhật của Chúa Kitô. Chúa Giêsu biến đổi cái chết của những ngừơi yêu mến Ngài thành binh minh của đời sống mới!

Cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô tái diễn cùng một cuộc đụng độ giữa sự thiện và sự ác, giữa oán thù và tha thứ, giữa sự dịu dàng và bạo lực, với tột đỉnh nơi Thập Giá của Chúa Kitô. Việc tưởng niệm vị tử đạo đầu tiên ngày sau Lễ Giáng Sinh đánh tan hình ảnh sai lầm về lễ này, một hình ảnh hoang đường và vô vị, không hề có trong Tin Mừng! Phụng vụ đưa chúng ta trở lại ý nghĩa chân chính của sự nhập thể, gắn liền Bethlehem với đồi Canvê và nhắc nhớ cho chúng ta rằng ơn cứu độ của Chúa bao hàm cuộc chiến đấu chống tội lỗi, đi qua cửa hẹp của Thập Giá. Đó là con đường Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách rõ ràng như Tin Mừng hôm nay minh chứng: "Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát." (Mt 10,22).

"Vì thế, ngày hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu Kitô đang bị kỳ thị vì làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Chúng ta hãy gần gũi những anh chị em, như Thánh Stêphanô, đang bị tố cáo bất công và trở thành đối tượng cho bạo lực đủ loại. Điều này đặc biệt xảy ra tại những nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoặc không được thực thi hoàn toàn. Nhưng nó cũng xảy ra tại những quốc gia và môi trường tuy bảo đảm tự do và các quyền con người trên giấy tờ, nhưng trong thực tế, các tín hữu, nhất là các Kitô hữu bị hạn chế và kỳ thị. Con số các tín hữu Kitô ngày nay bị bách hại còn đông hơn những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Đối với tín hữu Kitô, điều này không lạ gì vì Chúa Giêsu đã báo trước sự kiện đó như cơ hội thuận tiện để làm chứng. Nhưng về mặt dân sự, cần phải tố giác bất công và loại trừ nó."
 
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 01/01-07/01/2015 Dâng Chúa vào đền thờ
VietCatholic Network
23:21 14/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 06 tháng Giêng Lễ Hiển Linh

Trưa thứ Ba 06 tháng Giêng, Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hơn 100 ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngài nói: Trong đêm Chúa giáng sinh đã có vài mục đồng người Do thái tìm đến hang đá thờ lậy Chúa. Hôm nay trong lễ Hiển Linh chúng ta kỷ niệm ba Đạo Sĩ từ Đông Phương tìm tới thờ lạy Hài Nhi, Vua người Do thái, Đấng Cứu Thế đại đồng. Cử chỉ thờ lậy của các Đạo Sĩ làm chứng cho thấy Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ cho dân Ngài, mà cho tất cả mọi người. Vì thế ngày lễ hôm nay cử hành việc Chúa biểu lộ tình yêu và cống hiến ơn cứu độ cho mọi dân tộc. Như là Đấng Tạo Dựng và là Cha của mọi người Ngài muốn là Đấng Cứu Độ mọi người. Vì thế chúng ta đuợc mời gọi luôn nuôi dưỡng sự tin tưởng và hy vọng lớn đối với mỗi một người, cả những người xem ra xa Chúa, nhưng bị tình yêu si mê và trung thành của Ngài theo đuổi.

Phúc Âm trình thuật chuyến du hành của ba Đạo Sĩ Phương Đông đi tìm gặp Chúa Kitô.

Họ chú ý tới các dấu chỉ, không mệt mỏi đương đầu với các khó khăn, can đảm lãnh nhận các hậu quả cuộc gặp gỡ với Chúa. Đối với chúng ra cũng thế, kiếm tìm Thiên Chúa có nghĩa là bước đi, nhìn trời và nhận ra nơi dấu chỉ của ngôi sao Thiên Chúa vô hình nói với con tim chúng ta. Ngôi sao có thể dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu là Lời Chúa. Nó là ánh sáng định hướng cho con đường đời ta, nuôi dưỡng và tái sinh đức của ta, liên tục canh tân con tim và các cộng đoàn. Vì thế đừng quên đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày để Lời Chúa là ánh lửa soi đường cho ta đến với Chúa. Bước đi, không mệt mỏi, can đảm, với Lời Chúa luôn luôn đem theo trong người.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 04 tháng Giêng

Trưa Chúa Nhật 04 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy kiến tạo bình an trong mọi hoàn cảnh phải đối diện.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến

Tin Mừng Thánh Gioan chúng ta đã đọc hôm nay nói rằng : “Ánh sáng chiếu soi bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”. Nhiều người nói rất nhiều về bình an, nhưng họ thường ưa thích sự yên bình giả tạo của bóng tối. Chúng ta cũng nói nhiều về bình an, nhưng lại cậy nhờ đến chiến tranh và chọn lựa thái độ câm lặng mang tính đồng lõa hoặc chẳng làm gì cụ thể để kiến tạo bình an. Cõi lòng con người có thể khước từ ánh sáng và ưa thích bóng tối hơn, bởi vì ánh sáng phơi bày các hành vi xấu xa của con người. Những kẻ làm điều xấu xa căm ghét ánh sáng! Họ cũng căm ghét hòa bình!

Ít ngày trước, chúng ta đã khởi đầu năm mới với thánh lễ kính Mẹ Thiên Chúa, với việc cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới có chủ đề “Không còn là nô lệ, nhưng là anh em”. Mong ước của tôi là người ta dẹp bỏ được sự bóc lột giữa người với người. Sự bóc lột này là một nỗi thương tâm xã hội vốn xỉ nhục những tương quan giữa con người với nhau và ngăn cản một cuộc chung sống được ghi dấu ấn bởi sự tôn trọng, công bình và bác ái. Mọi người và mọi dân nước đều đói khát bình an; vì thế kiến tạo bình an là điều cần thiết và khẩn cấp biết bao!

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Bình an không chỉ là vắng bóng chiến tranh, nhưng là một tình trạng phổ quát trong đó nhân loại sống hòa hợp với chính bản thân mình, sống hòa hợp với thiên nhiên và hòa hợp với tha nhân. Đấy mới là bình an. Tuy nhiên, dập tắt tiếng súng và dẹp bỏ những mầm mống của chiến tranh vẫn là những điều kiện tiên quyết để tạo ra một khởi đầu mới trong cuộc hành trình vươn tới hòa bình trong những chiều kích khác nhau của hành trình ấy. Tôi nghĩ đến những xung đột đã làm đổ máu nhiều vùng trên khắp hành tinh này, đến những căng thẳng trong các gia đình và trong các cộng đoàn: vì trong biết bao gia đình, biết bao cộng đoàn, ngay cả các giáo xứ vẫn đang có chiến tranh! Thậm chí cả những xung đột nảy sinh trong những thành phố của chúng ta và những quốc gia của chúng ta, giữa những nhóm khác biệt về nguồn gốc văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Chúng ta phải thuyết phục chính mình, bất kể mọi mâu thuẫn hiển nhiên, rằng sự hòa hợp luôn hoàn toàn khả thi ở mọi cấp độ cũng như mọi hoàn cảnh. Sẽ chẳng có tương lai nếu thiếu vắng ý định và dự phóng cho bình an! Thiếu vắng bình an sẽ chẳng có tương lai!

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng:

Bình an đã được loan báo, như thể ân ban đặc biệt của Thiên Chúa, trong ngày giáng sinh của Đấng Cứu Thế: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương’ (Lc 2, 14). Ân ban này đòi hỏi phải được khẩn nài liên lỉ trong lời cầu nguyện. Chúng ta phải nhớ rằng: “Gốc rễ của bình an là cầu nguyện”. Ân ban này phải được khẩn xin và phải được đón nhận mỗi ngày cùng với nghĩa vụ trong những trạng huống mà chúng ta gặp phải. Ngay những buổi đầu của năm mới này, tất cả chúng ta được kêu gọi để tái nhen nhúm lên trong con tim một động lực của hy vọng vốn phải được thể hiện ra nơi những hành vi cụ thể của bình an.

Mỗi người chúng ta phải thực thi những cử chỉ của tình huynh đệ tương xứng với đồng loại, đặc biệt là những ai đang trải nghiệm những căng thẳng trong gia đình hay những sự bất hòa thuộc các loại khác nhau. Những cử chỉ nhỏ bé này rất có giá trị: chúng có thể là hạt mầm trao ban hy vọng, chúng có thể mở ra những con đường và viễn tượng của bình an.

Giờ đây, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình. Trong suốt cuộc đời mình, Mẹ đã gặp phải không ít những khó khăn trói buộc Mẹ như khó nhọc hằng ngày của hành trình hiện sinh. Nhưng Mẹ chưa bao giờ đánh mất bình an trong tâm hồn, là hoa trái của sự phó thác đầy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy khẩn nài Đức Mẹ, là Mẹ âu yếm của chúng ta, soi dẫn cho toàn thế giới con đường đảm bảo trong tình yêu và bình an.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng đã gửi lời chào tất cả khách hành hương đến từ Ý và khắp mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố bổ nhiệm 15 Hồng Y mới vào ngày 14 tháng Hai tới đây, trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, là Tổng Giám Mục Hà Nội.

3. Câu Chuyện Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh

Theo luật Maisen cũng là tục lệ của người Do thái, những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày bà mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế.

Vậy sau khi Chúa Giêsu sinh ra được 40 ngày, Đức Maria đem con lên Đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo luật Do thái. Mẹ Ngài hoàn toàn thanh sạch, không cần phải giữ luật ấy, nhưng Mẹ cũng thi hành đầy đủ lễ nghi, trước là vâng theo ý Chúa, sau là để người ta khỏi mắc phải sai lầm.

Hôm ấy, ông già Simêon là người hằng mong đợi được trông thấy Đấng Cứu Thế, lên Đền thờ cũng là ngày cha mẹ dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền thờ. Vừa trông thấy Hài Nhi, được ơn trên soi sáng chỉ dẫn, ông rất vui mừng, vội đưa tay ẵm kính Hài Nhi và chúc tụng Thiên Chúa : “Lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành cho muôn dân : Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,29-32).

Hai Ông Bà thấy và nghe như thế thì lấy làm lạ, chưa kịp hỏi han gì thì cụ già Simêon nhìn lên Đức Mẹ mà thưa : “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người ta chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc 2,34-35). Đồng thời, nữ tiên tri Anna trông thấy Chúa Hài Nhi , bà cũng nói lên lời chúc tụng Thiên Chúa và nói lại cho người ta biết rằng chính Ngài là Vị Cứu Thế muôn dân đang chờ đợi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mặc dầu biết Đức Giêsu, con mình, là Con Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc. Và sau cùng, để chuộc lại con mình, hai Ông Bà vì nghèo nàn chỉ dâng lên Thiên Chúa một đôi chim gáy với tất cả tấm lòng thành.

Lễ hôm nay cũng là Lễ Nến

Khi lễ này được du nhập vào phụng vụ Rôma, Đức Thánh Cha Sergiô I lại thêm vào nghi thức rước nến, vì vậy lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ hôm nay cũng được gọi là Lễ Nến, vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân.

Chính cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Thánh Xôprôniô, Giám mục Giêrusalem đã nói: “Đây là ý nghĩa của mầu nhiệm : chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay, chúng ta hăm hở đi tới, mang theo đèn sáng để nói lên rằng ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng nhau ra đón Chúa. Người là Ánh Sáng thật đã đến, Ánh Sáng chiếu soi mọi người sinh ra trên thế gian. Vậy, thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh sáng và hãy tỏa sáng” (Kinh Sách, các bài đọc ngày 02.02).

Cuộc rước trong phụng vụ hôm nay nói lên đời sống của mỗi tín hữu phải giãi chiếu ánh sáng cho người khác. Chúa Kitô là ánh sáng cho trần gian. “Ánh Sáng” là một từ thường được dùng để chỉ về sự sống và chân lý. Thiếu ánh sáng là cô đơn, nghi nan và lầm lạc. Chúa Kitô là Sự Sống cho thế gian và cho mọi người, Là Ánh Sáng chiếu soi, là Chân Lý giải thoát, Là tình Yêu viên mãn… Mỗi khi cầm nên đi trong đoàn kiệu, chúng ta thông phần vào ánh sáng của Chúa Kitô.

4. Buổi đọc kinh Truyền Tin Lễ Kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày đầu năm mới 2015, Đức Thánh Cha đã nhắc đến sự liên kết mật thiết giữa Chúa Kitô và Mẹ Ngài. “Không thể tách rời sự chiêm ngắm Chúa Giêsu, Ngôi Lời Sự Sống trở nên hữu hình và có thể đụng chạm đến được (Xc 1 Ga 1,1), ra khỏi sự chiêm ngắm Mẹ Maria Đấng đã trao ban cho Người tình thương và xác thể nhân trần của Mẹ”.

Nhân ngày đầu năm mới, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các tín hữu nhớ đến ngày mình chịu phép rửa tội, tái khám phá món quà nhận được trong bí tích này, tái sinh chúng ta vào đời sống mới, sự sống thần linh. Việc tái sinh này qua Mẹ Giáo Hội, có mẫu gương là Mẹ Maria. Nhờ phép rửa, chúng ta được dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và chúng ta không còn tùy thuộc sự ác và tội lỗi nữa. Trái lại chúng ta nhận được tình thương, sự dịu hiền và lòng từ bi của Chúa Cha trên trời.

Nhắc đến Ngày Hòa bình thế giới, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng kinh nguyện là cội rễ của hòa bình và hòa bình luôn luôn là điều có thể. Kinh nguyện làm cho hòa bình nẩy mầm. Ngày Hòa bình năm nay có chủ đề là ”không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh chị em”. Sứ điệp này có liên hệ tới tất cả chúng ta. Tất cả đều được mời gọi bài trừ mọi hình thức nô lệ và xây dựng tình huynh đệ.
 
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 08/01-14/01/2015
VietCatholic Network
23:19 14/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chỉ có Thánh Thần mới mở con tim chúng ta ra để yêu mến Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô cả quyết rằng chỉ có Thánh Thần mới có sức mạnh mở lòng chúng ta ra đối với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài chứ không phải hàng ngàn các phương pháp linh đạo, các bài yoga hay các khóa học về thiền định.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 09 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày kể lại việc các tông đồ khiếp sợ khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển. Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do khiến các ngài khiếp sợ là vì lòng họ đã ra chai đá.

Trong các bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến một tình trạng tâm lý gọi là “Narcissism” – có thể dịch là “sự tự kiêu”. Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus là một chàng trai trẻ ngày ngày soi mình trong dòng nước cho tới chết vì anh ta quá yêu chính cái hình ảnh phản chiếu của mình đến mức tương tư muốn kết hôn với nó. Sigmund Freud là người đầu tiên dùng từ “Narcissism” để chỉ tình trạng tâm lý trong đó một người gặp khó khăn trong quan hệ xã hội với những người khác vì họ tự đóng kín vào chính mình, coi mình là gương soi, là gương mẫu, xem cái gì thuộc về mình là tiêu chuẩn, còn những cái thuộc về người khác chỉ là thứ yếu, không được bằng mình.

Những con người “soi gương” và các tín hữu tự kiêu

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trái tim con người ra chai đá vì nhiều lý do, chẳng hạn như vì người đó đã phải qua những kinh nghiệm đau thương trong cuộc đời. Nhưng ngài nói tiếp rằng còn một lý do khác nữa khiến con tim ra chai cứng, đó là vì người đó đã khép kín lòng mình.

“Tạo ra một thế giới khép kín trên chính mình, tất cả khép kín. Khép kín trên chính mình, khép kín trong cộng đoàn, giáo xứ. Và sự khép kín này có thể xoay quanh nhiều thứ. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy đó chính là lòng tự kiêu, tự hài lòng, cho mình hơn người khác, và sự phù phiếm nữa, có phải vậy không anh chị em?

Có những con người ‘soi gương’ (đó là những người kết hôn với hình ảnh của mình trong gương), những người đang khép kín trên bản thân mình và chỉ nhìn thấy mình, phải không? Đó là những tín hữu tự kiêu, phải không? Tâm hồn họ nên chai đá vì họ đang khép kín trên chính mình, họ không mở ra với tha nhân. Và họ tìm cách tự bảo vệ mình với những bức tường mà họ dựng nên xung quanh họ.”

Những con tim khô cứng vì bất an và sợ hãi

Đức Thánh Cha nói rằng con tim con người có thể chai cứng vì bất an, chẳng hạn như những người lập rào chắn cho chính mình bằng những luật lệ và quy tắc, như thể họ đang ở bên trong một nhà tù, để cảm thấy an toàn hơn khi tuân giữ từng câu chữ trong những quy định đó.

“Khi con tim ra chai cứng, nó mất tự do vì người đó không có khả năng yêu thương, đó là số phận của của những người mà Thánh Gioan Tông đồ nhắc đến trong bài đọc I.

Tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ: trong tình yêu không có sự sợ hãi, chúng ta sợ hãi vì đang lo bị trừng phạt và một người lo sợ thì không có tình yêu hoàn hảo. Người đó không còn là con người tự do. Họ luôn nơm nớp lo sợ rằng có điều gì đó đau đớn hay buồn khổ sẽ ập đến, và như thế cuộc sống của họ trở nên xấu đi hay có khi phương hại cả đến ơn cứu độ đời đời.

Thật quá đỗi kinh khủng nếu một người không thể yêu ai! Một người không có khả năng yêu thương thì không còn là người tự do. Và con tim ra chai cứng vì họ đã không học được cách yêu thương.

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tự do và ngoan ngoãn chứ không phải các phương pháp yoga hay các khóa học về thiền định.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của bằng cách nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy chúng ta cách thức để yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi những con tim chai cứng.

“Anh chị em có thể theo học ngàn bài giáo lý, ngàn khóa linh đạo, ngàn phương pháp yoga hay thiền định nhưng chúng không thể cho anh chị em sự tự do của con cái Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi lên trong lòng ta, để ta thưa lên với Thiên Chúa “Abba!”, “Cha ơi!” Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng xua tan, phá vỡ sự chai cứng trong lòng và làm cho nó, thế nào nhỉ … ‘mềm’ ra, phải không? Không, tôi không thích cái từ ấy… ‘ngoan ngoãn’ mới đúng. Ngoan ngoãn với Thiên Chúa. Ngoan ngoãn trong tự do để yêu thương ”

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng Giêng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha đã đào sâu ý nghĩa lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa và nhấn mạnh rằng với biến cố này “thời gian cửa trời đóng kín đã kết thúc”, chúng ta đang sống trong thời gian của lòng thương xót. Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Phúc Âm miêu tả điều xảy ra trên bờ sông Giorđan. Trong khi Gioan Tẩy Giả ban phép rửa cho Chúa Giêsu, thì trời mở ra. Thánh sử Marcô nói: “Lập tức, khi ra khỏi nước Người thấy trời mở ra” (Mc 1,10). Trở lại trong trí chúng ta lời khẩn nài thê thảm của ngôn sứ Isaia: “Ôi phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19). Lời khẩn cầu này đã được nhận lời với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Như thế đã chấm dứt “thời gian “trời đóng” ám chỉ sự xa cách giữa Thiên Chúa và con người, hậu qủa của tội lỗi. Tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và bẻ gẫy mối liên hệ giữa đất và trời, và như thế xác định sự bần cùng và thất bại của cuộc sống chúng ta. Trời mở ra ám chỉ rằng Thiên Chúa đã ban ơn thánh Người để trái đất cho hoa trái của nó “(x. Tv 85,13). Như thế trái đất trở thành nơi ở của Thiên Chúa giữa loài người, và từng người trong chúng ta có khả thể gặp gỡ Con Thiên Chúa, khi kinh nghiệm tất cả tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người.

Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa hiện diện thực sự trong các Bí Tích, một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp gỡ Người nơi gương mặt của các anh chị em chúng ta, cách riêng nơi người nghèo, người bệnh, người bị tù, người tỵ nạn: họ là thịt xác sống động của Chúa Kitô khổ đau và là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trời không chỉ xé ra, mà Thiên Chúa lại nói và làm vang lên tiếng nói của Người: “Con là Con yếu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Tiếng của Thiên Chúa Cha loan báo mầu nhiệm dấu ẩn nơi Con Người được vị Tiên Hô làm phép rửa. Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể, cũng là Ngôi Lời vĩnh viễn, mà Thiên Chúa Cha đã muốn nói với thế giới. Chỉ khi lắng nghe, đi theo và làm chứng cho Lời đó, chúng ta mới có thể làm cho kinh nghiệm đức tin của chúng ta phong phú tràn đầy, mà mầm giống đã được đặt để trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Và rồi biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu: điều này cho phép Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Chúa, khai mào sứ mệnh của Người là cứu rỗi tất cả chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng vĩ đại bị lãng quên trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta thường cầu xin Chúa Giêsu; chúng ta cầu xin Chúa Cha, đặc biệt trong “Kinh Lậy Cha”, nhưng không thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, có đúng thế không? Ngài là Đấng bị bỏ quên. Chúng ta cần xin sự trợ giúp của Người, sức mạnh của Người, linh hứng của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hoạt toàn cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là Thần Khí hướng dẫn cuộc sống kitô, cuộc sống của con người nam nữ nói rằng họ là tín hữu kitô và muốn là tín hữu kitô. Đặt để dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần cuộc sống kitô và sứ mệnh, mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận được nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, có nghĩa là tìm lại lòng can đảm tông đồ cần thiết giúp thắng vượt các thích nghi trần tục dễ dãi. Đức Thánh Cha khẳng định như sau:

Trái lại, một kitô hữu, một cộng đoàn “điếc” đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. thúc đẩy đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất và xã hội, cũng trở thành một kitô hữu và một cộng đoàn “câm” không nói và không rao giảng Tin Mừng. Nhưng xin anh chị em nhớ điều này: hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh, linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới. Xin Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, đồng hành với tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội; xin Mẹ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong niềm vui phục vụ Tin Mừng, để như thế trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta.

3. Câu Chuyện Ðức Giêsu ngồi giữa các bậc thầy Do Thái

Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Gia đình Thánh Gia ở Na-da-rét, xứ Ga-li-lê, thuộc miền bắc nước Do Thái. Từ đó đến Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê thuộc miền nam để dự lễ Vượt Qua thì phải vượt qua khoảng 150 cây số đường bộ. Với phương tiện thô sơ ngày đó chắc hẳn phải đi mất 2, 3 ngày. Vào thời điểm lễ Vượt Qua ấy đền thờ rất đông người. Khi hành lễ, hai ông bà chắc hẳn không được đi chung với nhau, vì theo tục lệ Á châu thời xưa, tại những nơi linh thánh thì nam theo nam, nữ theo nữ. Đức Giê-su lúc ấy đã 12 tuổi, còn là trẻ con, nên có thể lúc ở với mẹ, lúc ở với cha, có lúc ở với bà con thân thuộc. Vì thế, khi ra về, ông tưởng con đi với bà, bà tưởng con đi với ông, khi gặp nhau không thấy con thì lại tưởng con đi với bà con thân thuộc. Hai ông bà tạm an tâm đi về, nhưng vẫn luôn luôn hỏi thăm về con. Đi suốt một ngày đường mới khám phá ra con mình cũng chẳng đi với bà con thân thuộc. Hai ông bà buộc phải quay trở lại Giê-ru-sa-lem, trong lòng hết sức lo âu.

Sau ba ngày tìm kiếm, hai ông bà mới tìm thấy con trong đền thờ cùng với các bậc thông thái. Trong hoàn cảnh ấy, người bình thường chắc phải buông ra những lời cay đắng, thậm chí la mắng, đánh đập con cho thỏa cơn bực tức vì phải lo lắng khổ cực suốt mấy ngày trời.

Nhưng Tin Mừng kể lại: phản ứng của Đức Ma-ri-a thật nhẹ nhàng. Ngài trách yêu con: «Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con». Câu trả lời của Đức Giê-su chẳng những không đem lại an ủi, mà chắc hẳn khó mà làm cho bất kỳ một bậc cha mẹ nào vừa ý: «Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?» Những bậc cha mẹ khác chắc hẳn sẽ giận sôi gan tím ruột khi nghe con trả lời như thế. Nhưng Tin Mừng chỉ ghi lại phản ứng của Đức Ma-ri-a là: «Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng».

Mặc dù Đức Giê-su là con của mình và còn rất nhỏ tuổi, nhưng Đức Ma-ri-a rất tôn trọng phẩm giá của con mình. Có thể lúc đó, qua lời ngôn sứ truyền tin, Đức Ma-ri-a chỉ biết con mình «sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận» (Lc 32, 33), chứ chưa biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa. Cách đối xử của Mẹ Ma-ri-a cho thấy sự tôn trọng phẩm giá của con mình: Mẹ giáo dục con trong sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, tôn trọng.

Đó là mẫu gương rất quí giá cho các bậc cha mẹ. Con cái của chúng ta dù thế nào cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và hơn thế nữa, là con cái của Ngài. Thiên Chúa quí chúng đến nỗi đã sẵn sàng hy sinh người Con yêu dấu và độc nhất của mình để cứu lấy chúng. Vì thế, tuy dù chúng là con, ta cũng cần tôn trọng phẩm giá cao quí của chúng. Không nên nguyền rủa, hay dùng những từ quá hạ cấp để chửi chúng chúng. Tôn trọng phẩm giá của chúng không có nghĩa là ta nuông chiều chúng và không dám sửa phạt chúng. Nên nhớ chúng có thể trở nên một vị thánh, một nhân tài, một vĩ nhân… điều ấy tùy thuộc vào cách ta giáo dục và sự tôn trọng nhân phẩm của chúng. Nhờ cảm nghiệm được sự tôn trọng của ta, chúng sẽ tự tin và tự trọng hơn. Một đứa trẻ bị cha mẹ coi thường, sẽ dễ sinh tự ty và không phát triển được.

4. Tình yêu dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa

Sáng thứ Năm 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh để cầu nguyện cách riêng cho những nạn nhân của vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris

Ngài nói rằng cuộc tấn công này "thể hiện cả sự tàn bạo nhân loại đến cùng cực; lẫn các chiều kích kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố, cả thứ khủng bố riêng lẻ lẫn chủ nghĩa khủng bố nhà nước."

Đức Thánh Cha than thở: "Con người có thể tàn ác đến là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thánh lễ này, cho rất nhiều các nạn nhân của sự tàn bạo này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tàn ác như vậy, xin Chúa hoán cải con tim của họ."

Sau đó, Đức Thánh Cha trở lại với bài giảng thánh lễ. Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng tình yêu Kitô Giáo phải được thể hiện bằng các hành động cụ thể, nói suông thôi thì chưa đủ.

Chúa hướng dẫn chúng ta với tình yêu của Ngài và chính qua tình yêu mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa.

Suy tư về điều mà ngài gọi là “từ cơ bản” trong phụng vụ tại thời điểm này, Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu “mặc khải chính Ngài qua lễ Hiển Linh, qua biến cố Chúa Giêsu chịu Phép rửa và qua tiệc cưới Cana. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa?” Đức Thánh Cha giải thích rằng chân lý được tỏ cho chúng ta chủ yếu bằng con tim hơn là bằng lý trí.

CHÚNG TA NHẬN BIẾT Thiên Chúa TRÊN CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU

“Thiên Chúa là tình yêu! Chỉ trên con đường tình yêu này chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa. ‘Tình yêu có lý trí’, ‘tình yêu đi kèm với lý trí’. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể yêu những gì chúng ta không biết? Hãy yêu mến người lân cận là tín lý của Hai Điều Răn quan trọng nhất ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và là điều răn quan trọng nhất. Nhưng điều răn thứ hai giống như vậy: Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình”. Và Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “để tiến đến điều răn thứ nhất, ta phải thực hiện điều răn thứ hai trước: nghĩa là qua tình thương dành cho người lân cận, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Chỉ qua yêu thương chúng ta mới có thể đạt được tình yêu”.

“Đó là lý do tại sao chúng ta phải yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và bất cứ ai yêu thương thì tình yêu người ấy đã được Thiên Chúa hình thành”.

TÌNH YÊU Thiên Chúa KHÔNG PHẢI LÀ MỘT VỞ KỊCH

“Ai yêu mến thì biết Thiên Chúa; ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”. Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “tình yêu không phải là ‘một vở kịch’. Không! Tình yêu phải cụ thể, mạnh mẽ và trường tồn. Tình yêu tự mặc khải nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để cứu chúng ta. Đó là một tình yêu cụ thể diễn tả bằng hành động chứ không phải lời nói suông. Để biết Thiên Chúa, chúng ta phải bước đi trong tình yêu, tình yêu dành cho tha nhân, tình yêu đối với những người ghét chúng ta, tình yêu dành cho tất cả mọi người”.

TÌNH YÊU Thiên Chúa NHƯ HOA ĐÀO

Trong khi chỉ ra rằng Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta chính Con Một của Người để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, Đức Thánh Cha nhấn mạnh là nơi con người của Chúa Giêsu chúng ta có thể chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, và noi gương Ngài, chúng ta có thể lần từng bước để nhích dần đến tình yêu Thiên Chúa, đến sự nhận biết Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Nhắc lại những lời tiên tri Jeremiah, Đức Thánh Cha nói tình yêu Thiên Chúa đi trước tất cả mọi thứ … Ngài đi trước chúng ta. Tiên tri Jeremiah nói Thiên Chúa như “hoa đào”, đó là cây đầu tiên nở hoa khi xuân đến, nghĩa là Thiên Chúa luôn nở hoa trước chúng ta. Khi chúng ta đến thì Ngài đã có đó chờ đợi chúng ta. … Ngài luôn luôn đi trước chúng ta”.

TÌNH YÊU CHÚA LUÔN CHỜ ĐỢI CHÚNG TA

Trở lại với đoạn Tin Mừng trong ngày, nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót đối với đoàn lũ đông đảo những người kéo đến để lắng nghe Chúa Giêsu”, vì họ như chiên không người chăn dắt, họ không một định hướng nào”. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người sống không có định hướng, nhưng Thiên Chúa đi trước cũng như Ngài đã đi trước các môn đệ là những người đã không hiểu những gì đang xảy ra.”

“Tình yêu của Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta. Tình yêu này luôn luôn làm chúng ta kinh ngạc. Cha chúng ta là Đấng yêu thương chúng ta vô bờ và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Luôn luôn là vậy! Không chỉ một lần mà thôi, nhưng luôn luôn là thế!”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng bằng việc nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để trở nên quen thuộc với con đường Tình Yêu và nhận biết Ngài trên con đường ấy.