Ngày 17-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:11 17/01/2015
KẸO VÀ BÌNH HOA CỔ
N2T

Nhà giàu nọ có một đứa con mà mọi người rất cưng, một hôm không biết vì cớ gì mà tay nó bị kẹt trong cái bình hoa cổ, người nhà thử dùng rất nhiều cách mà cũng không có cách gì để rút tay nó ra. Cuối cùng, vì để bảo vệ tay của em bé khi không còn cách gì nữa, bèn đập bể cái bình hoa cổ quý giá ấy.
Lúc ấy, mọi người phát hiện em bé tay nắm chặt một cái gì đó, sau khi mở bàn tay của em bé ra thì mới nhìn thấy tay em bé nắm cái kẹo.
Em bé này vì cái kẹo, nhưng lại trả giá bằng cái bình hoa cổ rất có giá trị.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Đối với em bé thì dù cho cái bình hoa cổ quý giá đến đâu cũng không bằng cái kẹo, bởi vì cái kẹo em ăn được; đối với người lớn thì cái bình hoa cổ quý giá gấp triệu cái kẹo, bởi vì người lớn hiểu rõ giá trị của nó.
Người không có đức tin thì linh hồn và thiên đàng không có giá trị bằng cuộc sống hưởng thụ cái tứ khoái ở đời này là ăn nhậu, ruợu chè, chơi bời và lạc thú; nhưng người có đức tin thì biết rằng linh hồn và thiên đàng là vô giá ở đời này, cho nên họ thà hy sinh chuyện ăn nhậu, rượu chè, chơi bời và lạc thú để được đức tin và thiên đàng.
Giá trị tạm thời là có giới hạn ở đời này, giá trị vĩnh viễn thì muôn đời ở đời sau, hai loại giá trị này khác nhau xa, và chỉ có những ai có đức tin mới nhìn thấy mà thôi.
Vì em bé cứ nắm cái kẹo nên bàn tay không thể rút ra khỏi bình hoa, cũng vậy, nếu chúng ta –người Ki-tô hữu- cứ luôn nắm chặt danh lợi hưởng thụ thế gian thì chắc chắn sẽ làm chết linh hồn của mình, và làm vỡ kế hoach5 yêu thương của Thiên Chúa nơi con người chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 2 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:18 17/01/2015
Chúa Nhật 2 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng: Ga 1, 35-42.
“Các ông đã đến xem chỗ của Đức Chúa Giê-su ở, và ở lại với Ngài.”


Anh chị em thân mến, nội dung của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy việc Đức Chúa Giê-su chọn các môn đệ đầu tiên và thái độ của các môn đệ như thế nào đối với lợi mời gọi “Theo Thầy” của Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau:

1- “Đến mà xem”.
Đức Chúa Giê-su mời gọi hai người môn đệ của thánh Gioan Tiền Hô rằng “hãy đến mà xem”, và các ông đã đến xem, nhưng xem thấy gì ? không xem thấy gì cả và cũng không có gì đáng xem, ngoài cuộc sống của Đức Chúa Giê-su, chính cuộc sống này đã thu hút và giữ các ông lại bên Ngài và trở thành môn đệ của Ngài.

Hai môn đệ đầu tiên đã xem nhưng họ không phê bình gì cả, cái mà họ xem thấy không phải là một vị bác học tài ba, cũng không phải là một anh hùng lẫm liệt, cũng chẳng phải là một nhân vật quan trọng nào khác của nhà vua, nhưng họ nhìn thấy một con người rất thường như những người khác, cái rất thường này có một sức lôi cuốn đặc biệt trong cung cách giảng dạy, bởi vì lời giảng dạy của Ngài như Đấng có quyền uy ! Họ đã xem và thấy được Đấng Mê-si-a trong cách sống và lời giảng của Đức Chúa Giê-su đó sự hiền lành và khiêm tốn của Ngài.

Hai môn đệ đã xem thấy Chúa, và họ đã ở lại với Ngài, học hỏi Ngài và sống chết với Ngài, và cuộc sống của các ngài cũng sao chép lại cuộc sống của Đức Chúa Giê-su, đó chính là đời sống khiêm tốn và phục vụ của các Ngài.

Chúng ta không những đã thấy Chúa mà còn trở nên con cái và là môn đệ của Ngài, nhưng trong cuộc sống chúng ta có học hỏi noi gương của Chúa chưa ? Có những lúc chúng ta mời những người ngoại giáo, những người “nguội lạnh” đến mà xem, nhưng khi họ đến nhà thờ để “xem” Chúa thì họ không thấy Chúa đâu cả, mà chỉ thấy chúng ta –những người Ki-tô hữu- đi dâng lễ mà như đi coi phim ở trong rạp hát: thanh niên nam nữ ngồi bên ngoài ghế đá trò chuyện tâm tình “ôm nhau xèo nẹo”; họ thấy chúng ta đang ngồi tán ngẫu hút thuốc lá khi linh mục đang giảng; họ thấy các ông trùm cầm cây roi mây đi lui đi tới rình nạt nộ trẻ em như coi tù...

- “Đến mà xem” tức là đến để sống với Đức Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể.
- “Đến mà xem” tức là đến để nhận sự hòa giải nơi bí tích Giải Tội.
- “Đến mà xem”, xem rồi thì ra đi loan báo cái mà mắt mình đã xem đã cảm nghiệm được cho tha nhân, đó chính là đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta.

2- “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”.
Đó là tiếng hô vui mừng của người đi tìm trân châu ngọc quý và đã gặp, ông An-rê -một trong hai môn đệ đầu tiên- đã gặp và đã loan báo tin vui này cho người nhà của mình, tức là em của mình là Phê-rô. Đây là một thái độ rất thường tình của con người là chia sẻ trước với người thân thiết những vui buồn của mình, đây cũng là thái độ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài đi rao giảng tin từng Nước Trời, trước tiên là cho người Do Thái, dân tộc của Ngài, sau đó mới đến mọi dân nước trên thế giới.

Có những lúc trong cuộc sống chúng ta đã gặp được Chúa, nhưng chúng ta không đem Chúa đến cho người nhà, chẳng hạn như có người Ki-tô hữu khi ra ngoài xã hội thì làm rất tốt bổn phận của người có đạo, nhưng về nhà thì lại cau có chửi bới anh chị em trong nhà; có người đi đến các bệnh viện để truyền đạo, giúp đỡ bệnh nhân, nhưng cha mẹ già yếu ở nhà không chịu săn sóc bỏ mặc cho người khác chăm nom; có người tiền dư bạc đống đem đến cơ quan từ thiện này có quan từ thiện khác để bố thí, nhưng anh em cháu chắt ruột thịt của mình thì một đồng cũng không bỏ ra cứu giúp, cho nên họ giúp đỡ người khác chỉ là quảng cáo cho công ty hoặc đánh bóng tên tuổi của mình mà thôi, còn thực chất yêu người thì nằm trên những dòng chữ “tạ ơn” của người chịu ơn họ.

Có những lúc chúng ta đã bắt gặp được Chúa nơi các nhà thờ to lớn, và chúng ta hứng thú phục vụ Chúa trong các nhà thờ ấy, nhưng lại không thấy Chúa để phục vụ Ngài trong nhà thờ nhỏ bé của họ đạo mình. Nếu chúng ta không gặp được Chúa nơi những người trong gia đình, nếu chúng ta không giới thiệu Chúa cho những người trong giáo xứ họ đạo của mình, thì Chúa mà chúng ta đem giới thiệu cho người khác chỉ là “chúa dỏm” mà thôi.

“Lạy Chúa, mỗi ngày trong thánh lễ Chúa đều mời gọi chúng con hãy đến mà xem, xem tình yêu của Chúa đối với nhân loại và với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Chúa mời gọi chúng con đến mà xem để rồi sống với những gì mình đã xem thấy nơi Thánh Thể, đó chính là sự khiêm hạ của một Thiên Chúa làm người.
Xin Chúa ban cho chúng con được học hỏi Chúa sự yêu thương và lòng khiêm hạ ấy, để chúng con hân hoan nói với người anh em chị em của con rằng: chúng tôi đã thấy Chúa là Đấng Mê-si-a, Ngài đang ở trong anh, ở trong chị, ở trong tha nhân, Ngài đang ở trong tất cả những người đau khổ và trong những người đang thành tâm tìm kiếm Ngài”.
Xin Chúa nghe lời chúng con. Amen”

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:20 17/01/2015
N2T

8. Tình yêu phát sinh bởi Thiên Chúa, và duy chỉ Thiên Chúa mới là chung điểm của tình yêu.

(Sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:22 17/01/2015
ẤM LÒNG
Sáng thứ hai thánh lễ xong, anh bảo vệ ở cổng nhà thờ thấy cha sở đi ra ngoài phố, lát sau ngài trở lại trên tay cầm hai ly cà phê sửa đá và gói thuốc, ngài đưa cho anh bảo vệ một ly và gói thuốc, nói:
- “Cám ơn anh nhiều, vì nhờ anh mà sân nhà thờ trật tự và an toàn hơn, uống với tôi ly cà phê này cho ấm bụng, từ nay nếu rảnh rỗi thì chúng ta sẽ uống cà phê cho vui...”
-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô thăm vùng bão tàn phá Tacloban
Vũ Van An
00:14 17/01/2015
Thứ Bẩy hôm nay, Đức GH Phanxicô đã tới thăm thành phố bị bão tàn phá là Tacloban, nơi ngài được chào đón bởi khối người vĩ đại ướt sũng vì phải đứng đợi hàng giờ dưới mưa.

Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ ngoài trời trên một cánh đồng gần phi trường, sau đó sẽ dùng bữa trưa với các nạn nhân của trận bão Hải Yến, tức trận bão hồi tháng 11 năm 2013 từng bình địa nhiều căn nhà và khiến 7,300 người hoặc chết hoặc mất tích.

Một viên chức cảnh sát ước lượng đám đông hôm nay vào khoảng 150,000 người, và nhiều người khác đứng ở bên ngoài khu vực. Mặc áo mưa bằng nhựa, đám đông hân hoan vỗ tay theo nhịp một bài hát inh ỏi chào mừng Đức Giáo Hoàng, hoan hô vang dội khi nghe tiếng máy bay của ngài đáp xuống.

Dân làng treo biểu ngữ chào mừng Đức Giáo Hoàng trên mũi một tầu chở thép bị trận bão Hải Yến thổi giạt vào bờ, phá đổ nhà cửa, và nay vẫn còn nằm tại chỗ. Ông Ernesto Hengzon, 62 tuổi, cho hay: “Đức GH Phanxicô không thể cho chúng tôi nhà cửa hay công ăn việc làm, nhưng ngài có thể chuyển lời cầu nguyện của chúng tôi lên Thiên Chúa. Tôi cầu xin được sức khỏe tốt và cả cho con cháu tôi nữa. Tôi già rồi và bệnh hoạn nữa. Tôi hằng cầu xin Chúa ngưng các trận cuồng phong lớn. Chúng tôi hết chịu đựng hơn nữa. Chúng tôi mới chỉ hồi phục. Nhiều người vẫn còn ở dưới kia”.

Trận mưa hôm nay do cơn bão nhiệt đới Mekkhala đang tới gần đem tới, khiến các nhà cầm quyền ngưng các chuyến phà tới tỉnh Leyte, là tỉnh của Tacloban, làm nhiều người, cả những người muốn được thấy Đức Giáo Hoàng, không tới được.

Loa phóng thanh nói với đám đông rằng Thánh Lễ, dù đã được cử hành sớm hơn dự định tới 45 phút, nhưng phải rút ngắn vì thời tiết xấu.
Đức Giáo Hoàng mặc chiếc áo mưa mầu vàng phủ trên y phục của ngài khi đến trên một giáo hoàng xa từ phi trường tiến vào khán đài. Ngài hôn gió, vẫy tay và giơ cao ngón cái chào đám đông đang ngây ngất đứng hoan hô.

Joan Cator, 23 tuổi, vừa khóc vừa nói: “Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng có thể giúp chúng tôi quên được và chấp nhận được việc người thân của chúng tôi đã ra đi”. Cô mất 2 người cô và 4 đứa cháu cả trai lẫn gái. “Chúng tôi vẫn còn khóc và không nói gì được về những gì đã xẩy ra”.

Ghi nhanh

Hãng tin AP có bản ghi nhanh sau đây liên quan tới chuyến viếng thăm Tacloban của Đức Phanxicô

Trận Bão

Sau đây là một số sự kiện liên quan tới trận bão Hải Yến ngày 8 tháng Mười Một, 2013:

— Chết hoặc mất tích: 7,300 người
— Các cơn gió dữ dằn và sóng biển cao 7 mét đã bình địa nhiều ngôi làng
— Một triệu căn nhà bị phá hủy
— 16 triệu cây dừa, nguồn sinh sống chính, đã bứng gốc.
— Thị xã bị tàn phá nặng nhất là Tacloba đang phục hồi. Các tiệm bách hóa, khách sạn và văn phòng đã mở lại, với xe hơi, xe taxi và xe gắn máy làm nghẹt các đường phố.

Cuộc nghinh đón trong mưa

Đám đông ướt sũng nhưng sinh động, mặc áo mưa mầu vàng và trắng nghinh đón Đức GH Phanxicô tại thị xã Tacloban, miền trung Phi Luật Tân, bị bão tàn phá, miệng hô to "Papa Francesco, Viva il Papa!" (Đức Thánh Cha Phanxicô, vạn tuế Đức Thánh Cha).

Cảnh sát cho hay khoảng 150,000 người đã được phép vào khu được vây quanh gần phi trường nơi Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ trong khi hàng chục ngàn người khác phải xếp hàng bên ngoài chờ được dịp vào bên trong.

Đám đông hoan hô vang dậy khi thấy máy bay chở Đức GH đến gần và vẫy tay về phía máy bay khi nó lăn bánh trên phi đạo. Hàng chục vũ công trẻ mặc y phục sặc sỡ, một số lắc lư trên những chiếc gậy tre cao lêu khêu, mỉm cười tươi rói khi Đức Giáo Hoàng chạy qua trên giáo hoàng xa của ngài, tay vẫy chào dân chúng.

Trích vội: “Hãy giúp chúng tôi quên được và chấp nhận được”

“Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng có thể giúp chúng tôi quên được và chấp nhận được việc người thân của chúng tôi đã ra đi. Chúng tôi vẫn còn khóc và không nói gì được về những gì đã xẩy ra”.

Joan Cator, một thiếu phụ 23 tuổi, đang đứng đợi Đức GH tại Tacloban nói thế. Nàng mất 2 người cô và 4 đứa cháu cả trai lẫn gái trong trận bão Hải Yến.

Chờ 20 năm, và nay 16 tiếng đồng hồ để gặp Đức Giáo Hoàng

Jessica Panis khóc năm 1995 khi bà không thể thấy Đức GH Gioan Phaolô II ở Manila vì gia đình bà nghèo quá không đài thọ nổi chuyến đi thủ đô.

Với việc Đức GH Phanxicô sắp tới thị xã Tacloban, không gì có thể ngăn cản người thư ký cửa tiệm bán đồ chơi 41 tuổi này thấy Đức Giáo Hoàng, kể cả trận bão đang kéo tới, kể cả cuộc chờ đợi lâu dài…

Bà bảo: “có rất nhiều điều để cám ơn. Căn nhà chúng tôi bị Bão Hải Yến giật sập, nhưng chúng tôi không mất ai”.

Bà cũng muốn cám ơn Đức Giáo Hoàng đã vượt ngàn trùng xa cách tới đây an ủi những người sống sót giống như bà.

Mang chiếc giầy ủng mầu đỏ và đem theo chiếc áo mưa, chiếc áo khoác, khăn quàng, bánh sandwich và một tấm chải để ngủ, bà Panis cuốc bộ nhiều cây số cùng với gia đình và bằng hữu tới cánh đồng gần phi trường Tacloban nơi Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ. Bà tới trước 16 giờ so với chương trình.

"Thực ra, tôi mặc cả một chiếc tã” Bà nói thế trong lúc đang xếp hàng dài để vào một nhà vệ sinh lưu động.

Một món quà có liên hệ với trận bão

Để làm quà cho Đức Giáo Hoàng, TT Benigno Aquino III của Phi Luật Tân đã tặng ngài một tượng Đức Mẹ bằng gỗ lấy từ một cây bị trận bão Hải Yến bứng gốc. Phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết như thế.

Qùa của Đức Giáo Hoàng

Các vị giáo hoàng có thói quen mang theo các tặng phẩm để tặng hàng trăm vị vọng gặp trong các chuyền tông du, và Đức Phanxicô cũng thế.

Tại Sri Lanka, Đức Phanxicô trao tặng các huy chương đồng với hình nổi Đức Mẹ Madhu. Đền Đức Mẹ tại đây vốn là nơi an trú trong suốt cuộc nội chiến 30 năm.

Còn huy chương cho Phi Luật Tân thì là hình nổi Santo Nino tức Chúa Giêsu Hài Đồng, có từ thời nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan và là một trong các ảnh tượng quan trọng nhất của Phi Luật Tân. Thánh Lễ kết thúc chuyến tông du vào Chúa Nhật này rơi vào ngày Kính Santo Nino.
 
Máy bay chở ĐTC cất cánh an toàn khỏi Tacloban nhưng chiếc thứ hai lạc khỏi đường băng
Đặng Tự Do
05:07 17/01/2015
Các viên chức Phi Luật Tân cho biết, Đức Thánh Cha đã phải rời khỏi khu vực Tacloban lúc 1 giờ trưa theo giờ điạ phương, tức là 4 giờ sớm hơn dự trù vì bão sắp đổ bộ vào khu vực này.

Chiếc máy bay thứ hai trật khỏi đường băng
Mưa lớn và giông với sức gió mạnh đã ập vào phi trường Tacloban. Tuy nhiên, chiếc máy bay chở Đức Thánh Cha đã cất cánh an toàn để về lại phi trường Villamor, Manila lúc 14:30. Chiếc máy bay thứ hai chở các viên chức của chính phủ Phi Luật Tân đi cùng với Đức Thánh Cha đến Tacloban đã không thể cất cánh lên được và bị bão xô lệch khỏi đường băng. May mắn không ai bị thương.

Theo chương trình, sáng thứ Bẩy 17 tháng Giêng, lúc 8:30 sáng, Đức Thánh Cha đã ra phi trường quân sự Villamor của thủ đô Manila để đáp máy bay đi Tacloban, nơi đã bị trận bão Hải Yến tàn phá nặng nề hồi tháng 11 năm 2013. Đức Thánh Cha đã được chào đón bởi khối người vĩ đại ướt sũng vì phải đứng đợi hàng giờ dưới mưa.

Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ ngoài trời trên một cánh đồng gần phi trường 45’ sớm hơn dự trù và thánh lễ phải rút ngắn lại. Cảnh sát ước lượng đám đông chào đón Đức Thánh Cha khoảng 150,000 người, và nhiều người khác đứng ở bên ngoài khu vực.

Trận mưa hôm nay do cơn bão nhiệt đới Mekkhala đang tới gần đem tới, khiến các nhà cầm quyền phải ngưng các chuyến phà tới Leyte, là thủ phủ của Tacloban, làm nhiều người, cả những người muốn được thấy Đức Giáo Hoàng, không tới được.
 
Buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các gia đình Phi Luật Tân
VietCatholic Network
06:14 17/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong ngày thứ Hai của chuyến tông du tại Phi Luật Tân, tức là ngày thứ Sáu 16 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã có 3 sinh hoạt quan trọng.

Lúc 9:15 sáng thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ chính thức với tổng thống Benigno Aquino, các thành viên trong chính phủ Phi Luật Tân, và các vị đại sứ các nước trong ngoại giao đoàn tại dinh Malacañang.

Buổi trưa, lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ với các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và tu sĩ Phi Luật Tân tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của thủ đô Manila.

Cuối cùng, lúc 5:30 chiều Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các gia đình Phi Luật Tân tại sân vận động có mái che mang tên Asian.

Buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các gia đình Phi Luật Tân đã được diễn ra trong khuôn khổ của một buổi Phụng Vụ Lời Chúa.

Đức Thánh Cha đã lắng nghe các chứng từ của các gia đình trong đó đã nêu bật những áp lực và khó khăn trong cuộc sống gia đình hiện nay rất nhiều. Vô số gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng của thiên tai. Tình hình kinh tế đã phân rẽ các gia đình vì nhiều người phải di cư hay tìm kiếm công ăn việc làm ở nước ngoài. Trong khi có quá nhiều người phải sống trong nghèo đói cùng cực, thì cũng có những người khác lại bị lôi cuốn vào một cuộc sống tháo thứ phá hoại đời sống gia đình và phủ nhận các đòi buộc cơ bản nhất của luân lý Kitô giáo. Các gia đình cũng đang bị đe dọa bởi những nỗ lực ngày càng tăng của một số chính trị gia muốn xác định lại các định chế của hôn nhân.

Sau khi nghe các chứng từ của anh chị em giáo dân, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ.

Ngài nói:

Các gia đình thân mến,

Các bạn thân mến trong Chúa Kitô,

Tôi rất biết ơn sự hiện diện của anh chị em ở đây tối nay và những chứng tá tình yêu của anh chị em dành cho Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Tôi cám ơn Đức Giám Mục Reyes, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về gia đình và sự sống về những lời chào mừng ngài nói thay mặt cho anh chị em. Cách riêng, tôi cảm ơn những người đã trình bày những chứng tá và chia sẻ cuộc sống đức tin của họ với chúng ta.

Kinh Thánh ít khi đề cập đến Thánh Giuse, nhưng những lúc đề cập đến ngài, Kinh Thánh thường cho chúng ta thấy ngài đang nghỉ ngơi, chẳng hạn như khi một thiên thần báo mộng cho ngài biết thánh ý Thiên Chúa. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Thánh Giuse nghỉ ngơi không phải một lần mà là hai lần. Tối nay tôi muốn được nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả anh chị em, và suy tư cùng anh chị em về hồng ân gia đình.

Sự nghỉ ngơi của Thánh Giuse đã giúp ngài thấu hiểu thánh ý Chúa dành cho ngài. Trong lúc nghỉ ngơi trong Chúa này, khi chúng ta tạm ngưng những nghĩa vụ và các hoạt động hàng ngày của chúng ta, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta. Ngài nói với chúng ta trong bài đọc chúng ta vừa nghe, trong lời cầu nguyện và trong chứng tá của chúng ta, và trong sự yên tĩnh của tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì mà Chúa đang nói với chúng ta, đặc biệt là trong bài Phúc âm buổi tối này. Có ba khía cạnh của đoạn văn này mà tôi muốn yêu cầu anh chị em suy nghĩ: nghỉ ngơi trong Chúa, chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và trở nên một tiếng nói tiên tri.

Nghỉ ngơi trong Chúa. Nghỉ ngơi là rất cần thiết cho sức khỏe của tâm trí và thể xác chúng ta, và thường rất khó khăn để có thể nghỉ ngơi vì nhiều yêu cầu đặt lên vai chúng ta. Nhưng nghỉ ngơi cũng là điều cần thiết cho sức khỏe tinh thần của chúng ta, để chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa và hiểu những gì Chúa yêu cầu chúng ta. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa lựa chọn trở nên dưỡng phụ của Chúa Giêsu và là phu quân của Mẹ Maria. Là Kitô hữu, anh chị em cũng được mời gọi, như Thánh Giuse, để làm một ngôi nhà cho Chúa Giêsu. Anh chị em hãy kiến tạo ngôi nhà ấy trong trái tim mình, trong gia đình, giáo xứ và cộng đồng của anh chị em.

Để nghe và chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, để kiến tạo cho Chúa Giêsu một ngôi nhà, anh chị em phải có khả năng biết nghỉ ngơi trong Chúa. Anh chị em phải dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện. Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn cầu nguyện lắm, nhưng có quá nhiều việc phải làm! Con phải chăm sóc cho con cái mình; Con phải lo công việc nhà; Con mệt mỏi đến mức ngủ ngon hồi nào không biết. Điều này có thể đúng, nhưng nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không biết điều quan trọng nhất trong tất cả mọi sự: đó là Thánh Ý Chúa dành cho chúng ta. Và dù cho chúng ta có làm bao nhiêu chuyện, có tất bật đến cỡ nào, nếu không cầu nguyện chúng ta sẽ hoàn thành được được rất ít.

Nghỉ ngơi trong cầu nguyện là đặc biệt quan trọng đối với gia đình. Chính gia đình là nơi chúng ta học biết cách cầu nguyện lần đầu tiên. Ở đó chúng ta biết đến Thiên Chúa, ở đó chúng ta lớn lên thành những tín hữu nam nữ, ở đó chúng ta thấy mình là thành viên của một gia đình lớn hơn của Thiên Chúa, là Giáo Hội. Trong gia đình, chúng ta học cách yêu thương, tha thứ, quảng đại và cởi mở, không khép kín và ích kỷ. Chúng ta học cách vượt qua nhu cầu riêng của chúng ta, để gặp gỡ người khác và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ. Đó là lý do tại sao cầu nguyện như là một gia đình là rất quan trọng! Đó là lý do tại sao gia đình là rất quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội!

Tiếp theo, là chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những khoảnh khắc quý giá của nghỉ ngơi, nghỉ ngơi với Chúa trong lời cầu nguyện, là những khoảnh khắc chúng ta mong có thể kéo dài hơn. Cũng như Thánh Giuse, một khi chúng ta đã nghe tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta phải chỗi dậy từ giấc ngủ của mình; chúng ta phải đứng lên và hành động (Rm 13:11). Đức tin không mang chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng lôi kéo chúng ta đi sâu hơn vào thế giới. Mỗi người trong chúng ta, trên thực tế, có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho sự tái quang lâm của vương quốc Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.

Hồng ân Thánh Gia đã được giao phó cho Thánh Giuse thế nào thì hồng ân gia đình và vị trí của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa cũng được trao phó cho chúng ta như thế. Thiên thần Chúa đã mặc khải cho Thánh Giuse những nguy hiểm đang đe dọa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, buộc họ phải chạy trốn sang Ai Cập và sau đó định cư tại Nazareth. Trong thời đại chúng ta, Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta nhận ra những nguy hiểm đang đe dọa gia đình riêng của chúng ta để chúng ta bảo vệ gia đình mình khỏi bị tổn hại.

Những áp lực trong cuộc sống gia đình hiện nay rất nhiều. Ở đây, tại Phi Luật Tân này vô số gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng của thiên tai. Tình hình kinh tế đã phân rẽ các gia đình khi phải di cư hay tìm kiếm công ăn việc làm, và các vấn nạn tài chính cũng gây căng thẳng cho nhiều gia đình. Trong khi có quá nhiều người phải sống trong nghèo đói cùng cực, thì những người khác lại bị lôi cuốn vào một cuộc sống coi trọng vật chất và những lối sống đang phá hoại đời sống gia đình và các đòi buộc cơ bản nhất của luân lý Kitô giáo. Các gia đình cũng đang bị đe dọa bởi những nỗ lực ngày càng tăng của một số người muốn xác định lại các định chế của hôn nhân, bởi thuyết tương đối, bởi thứ văn hóa phù du, bởi một sự thiếu cởi mở với sự sống.

Thế giới chúng ta cần những gia đình tốt và mạnh mẽ để vượt qua những mối đe dọa! Phi Luật Tân cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và sự thật của các gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và trở thành một sự hỗ trợ và là gương mẫu cho các gia đình khác. Mọi đe dọa cho gia đình cũng là một mối đe dọa cho xã hội. Tương lai của nhân loại, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói, là thông qua các gia đình (x Familiaris Consortio, 85). Vì vậy, hãy bảo vệ gia đình anh chị em! Hãy nhìn thấy nơi những gia đình kho báu vĩ đại nhất của đất nước anh chị em và hãy luôn luôn nuôi dưỡng gia đình bằng lời cầu nguyện và ân sủng của các bí tích. Các gia đình sẽ luôn luôn có những thử thách, nhưng xin anh chị em đừng bao giờ chồng chất thêm những thử thách cho gia đình! Thay vào đó, hãy là những tấm gương sống động về tình yêu, sự tha thứ và chăm sóc lẫn nhau. Hãy là những nơi thánh thiêng tôn trọng sự sống, tuyên bố sự thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Thật là một hồng ân lớn lao cho xã hội, nếu mỗi gia đình Kitô hữu sống trọn vẹn ơn gọi cao quý của nó! Vì vậy, hãy chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và khởi hành trên con đường Chúa vẽ ra cho mỗi người trong anh chị em.

Cuối cùng, Tin Mừng chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ Kitô của mình là trở nên tiếng nói tiên tri ở giữa các cộng đồng của chúng ta. Thánh Giuse lắng nghe thiên thần Chúa và đáp lại tiếng gọi của Chúa chăm sóc cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bằng cách này, ngài đã đóng trọn vai trò của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, và trở thành một phước lành không chỉ cho Thánh Gia, nhưng là một phước lành cho tất cả nhân loại. Cùng với Đức Maria, Thánh Giuse là một gương mẫu cho cậu bé Giêsu khi Ngài lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng (x Lk 2:52). Khi các gia đình đưa những con trẻ vào thế giới này, hãy dạy dỗ họ trong đức tin và các giá trị lành thánh, và dạy cho họ biết đóng góp cho xã hội, để họ trở thành một phước lành trong thế giới chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình và tích cực bởi cách thức chúng ta yêu thương và bằng những việc thiện chúng ta làm. Chúng ta hãy mở rộng vương quốc Chúa Kitô trong thế giới này. Và khi làm việc này, chúng ta trung tín với sứ mệnh tiên tri đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.

Trong năm nay, năm mà các giám mục của anh chị em đã dành làm Năm của Người Nghèo, tôi yêu cầu anh chị em, trong tư cách là các gia đình, hãy lưu tâm đặc biệt đến ơn gọi của chúng ta là những môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là sẵn sàng đi xa hơn ngôi nhà của mình để chăm sóc cho những anh chị em chúng ta đang cần đến chúng ta nhất. Tôi xin anh chị em đặc biệt quan tâm đến những người không có một gia đình riêng của mình, đặc biệt là những người già và trẻ em mồ côi. Đừng bao giờ để cho họ cảm thấy bị cô lập, lẻ loi và bị bỏ rơi, nhưng giúp họ nhận ra rằng Thiên Chúa không quên họ. Chính anh chị em có thể rất nghèo về phương diện vật chất, nhưng anh chị em vẫn dư dật những hồng ân để trao tặng cho Chúa Kitô và cộng đoàn Giáo Hội của Người. Đừng che giấu đức tin của mình, đừng giấu Chúa Giêsu đi, nhưng hãy đưa Ngài vào thế giới và hãy trao ra những chứng tá đời sống gia đình của anh chị em!

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, hãy biết rằng tôi luôn cầu nguyện cho anh chị em! Tôi cầu nguyện xin Chúa tiếp tục làm cho tình yêu của anh chị em dành cho Ngài sâu sắc hơn, và xin cho tình yêu này có thể được thể hiện trong tình yêu anh chị em dành cho nhau và cho Giáo Hội. Hãy cầu nguyện thường xuyên và mang những hoa trái lời cầu nguyện của anh chị em vào thế giới, để tất cả có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô và tình yêu thương xót của Ngài. Xin cũng hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi thực sự cần lời cầu nguyện của anh chị em và luôn cần đến những lời cầu nguyện này!

Giờ đây Đức Thánh Cha bắt đầu phần lời nguyện giáo dân:

Anh chị em thân mến, hãy nài xin Thiên Chúa là Cha toàn năng để mỗi lời cầu nguyện từ con tim của chúng ta được hướng dẫn theo thánh ý Chúa là tất cả nhân loại sẽ nhận biết chân lý và được cứu rỗi.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con lòng thương xót và lòng từ bi vô hạn của Chúa.

Cầu cho các gia đình có người xuất ngoại lao động

Chúng ta hãy cầu xin để họ có thể vượt qua những thách đố về sự xa cách, cô đơn, và chủ nghĩa vật chất, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, họ có thể là những chứng nhân hiệu quả của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang sống trong nghèo đói và bất công

Chúng ta hãy cầu xin để họ luôn luôn nhận ra phẩm giá của mình là các Kitô hữu, để nhờ cầu bầu của Thánh Giuse, họ có thể hiệp thông trong sự thăng tiến con người. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang phải đối mặt với những thách thức của chia rẽ và xung đột

Chúng ta hãy cầu xin để họ có thể tìm được bình an nhờ sự tha thứ và hòa giải trong lòng thương xót và lòng từ bi của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình của những người khuyết tật

Chúng ta hãy cầu xin để họ có thể trở thành một nguồn hy vọng và sức mạnh để ngay cả khi phải đối mặt với những trở ngại họ vẫn có thể xứng đáng với căn tính là con cái Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đức tin

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ trở lại con đường cầu nguyện, bác ái, và canh tân để tận hưởng những ơn ích thiêng liêng khi hiệp nhất với Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho các gia đình đang phải sống trong những vùng đang xảy ra chiến sự

Chúng ta hãy cầu xin cho họ có thể tìm thấy nơi nương náu trong sự giúp đỡ của các gia đình khác và xin Chúa là hoàng tử bình an ban cho họ được hưởng một nền hòa bình lâu dài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Cầu cho tất cả các gia đình:

Chúng ta hãy cầu xin cho tất cả các gia đình để họ có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa để thông phần trong sứ mệnh của Ngài là loan báo Tin Mừng, phục vụ người nghèo, và đề cao sự sống. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
 
Các vị lãnh đạo Kitô nhận thấy sự tăng trưởng của Giáo Hội được ghi nhận qua việc bổ nhiệm hồng y đầu tiên của Myanmar
Lã Thụ Nhân
15:52 17/01/2015
Các vị lãnh đạo Kitô giáo ở Myanmar nhận thấy rằng việc Đức Tổng Giám Mục Charles Maung Bo, SDB, của Yangon được vinh thăng Hồng Y là sự thừa nhận về tăng trưởng truyền giáo Công Giáo ở đất nước này. Đức Giám Mục Felix Lian Khen Thang của Kalay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Myanmar (CBCM), cho biết việc bổ nhiệm của Đức Tổng Giám mục Bo "là đỉnh cao của các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại Myanmar". Đức Tổng Giám mục Bo là một trong số 20 giám mục và tổng giám mục được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm hôm 04 tháng Giêng, những người sẽ được ngài vinh thăng Hồng Y trong Công nghị Hồng Y vào ngày 14 tháng Hai tới. Đức Giám Mục Thang cho biết "Đức Hồng Y Bo đủ mạnh mẽ để nói lên sự thật, cả về các vấn đề xã hội và tôn giáo, chính trị, về những vấn đề ảnh hưởng đến Giáo Hội".

Việc bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với lịch sử của đất nước Myanmar, đang trong quá trình chuyển đổi dân chủ, sau nhiều năm của chế độ độc tài, vào lúc trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới vào mùa thu năm 2015. Ngoài ra, đất nước này đang phải vật lộn với các vấn đề về khoan dung tôn giáo, nhất là đại diện một số nhóm Phật giáo đố viới người Hồi giáo sắc tộc Rohingya.

Benedict Rogers của Tổ chức phi chính phủ Liên đới Kitô giáo toàn thế giới mô tả Đức Tổng Giám mục Bo là "người của những đức tính tuyệt vời: can trường, trí tuệ, bác ái, khiêm nhường, hài hước, hiếu khách và quảng đại". Ông Rogers cho biết thêm: "Đặc biệt, ngài là một trong những vị lãnh đạo tôn giáo thẳng thắn nhất ở Miến Điện khi nói về các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ, và bất công". Tại Myanmar người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số 51 triệu người, trong đó hầu hết là Phật tử.
 
Đức Tổng Giám mục Kaigama: thường dân Nigeria ''không được bảo vệ'' chống lại phiến quân Boko Haram
Lã Thụ Nhân
15:54 17/01/2015
Hàng trăm người, có thể hàng ngàn người, được cho là đã bị sát hại tại thị trấn Nigeria Baga, gần biên giới với Chad.

Hôm thứ Bảy 10/01/2014, các đơn vị quân đội Nigeria đã mở cuộc tấn công vào quân Boko Haram, những kẻ thực hiện vụ thảm sát hồi đầu tuần.

Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama, Tổng giám mục của Jos và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nigeria, nói rằng có thể số người thiệt mạng chưa được xác nhận, nhưng thường dân đang phải chịu gánh nặng của cuộc xung đột ở phía đông bắc của đất nước này.

Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama nói: "Các dân thường gánh chịu đau đớn nhiều hơn, bởi vì họ không được bảo vệ, và tôi có thể hình dung hiện giờ các làng mạc được báo là đã bị tấn công, và người dân hoàn toàn mất ổn định".

Đức Tổng cho biết cho đến nay chính phủ Nigeria không có khả năng đánh bại lực lượng nổi dậy Boko Haram, và các nhóm chiến binh Hồi giáo đang mở rộng tầm hoạt động của nó. Ngài nói: "Cho đến nay chúng đã thực sự nắm được một số chính quyền địa phương" . "Các làng mạc, thị trấn đã rơi vào sự kiểm soát của chúng, và chúng tuyên bố đã thành lập một vương quốc Hồi giáo... Thậm chí chúng còn mở rộng sang các nước láng giềng như Cameroon, Niger và Chad… có nghĩa là chúng đang tiến triển theo cách riêng của chúng".

Đức Tổng Giám Mục nói rằng cầu nguyện là cần thiết, bởi vì tình hình đã đi xa hơn những gì "có thể kiểm soát ở mức độ con người."
 
Đức Hồng y Gracias của Ấn Độ nói rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo xuyên tạc ý nghĩa của tôn giáo, của Thiên Chúa
Lã Thụ Nhân
15:55 17/01/2015
Đức Hồng Y Oswald Gracias của Ấn Độ nói rằng: "Một lần nữa, chủ nghĩa cực đoan đã xuyên tạc ý nghĩa tôn giáo và dùng Thiên Chúa làm động cơ thúc đẩy một tội ác khủng khiếp". Bày tỏ sự ghê tởm qua cuộc tấn công vào văn phòng tuần báo Pháp Charlie Hebdo hôm 07 tháng Giêng, Đức Tổng Giám mục của Bombay cho biết nó "không có sự biện minh". Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu nói rằng ngài "hết sức đau buồn vì sự tấn công giết người khủng khiếp ở Paris, đưa gia đình của các nạn nhân và toàn bộ nước Pháp vào tình trạng tuyệt vọng và tang thương. Giáo Hội tại Ấn Độ cảm thấy nỗi đau của người dân Pháp và bày tỏ tình liên đới với các gia đình hiện đang để đau buồn vì cái chết của người thân họ".

Ám chỉ đến đến cuộc tấn công khủng bố Mumbai vào năm 2008, Đức Hồng Y Gracias nói "chúng ta là mục tiêu của bạo lực và trào lưu tôn giáo quá khích nguy hiểm, trong đó sử dụng Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực". "Bất khoan dung tôn giáo là xem thường con người và sự sống, cũng như xem thường Chúa . Nó đe dọa gây bất ổn cho xã hội, cộng đồng và thậm chí cả quốc gia. Cuộc tấn công đã diễn ra tại Paris là tội ác và có không thể biện minh". Mặc dù vậy, ngài lưu ý "chúng ta phải luôn luôn nhạy cảm với tình cảm tôn giáo, và vẫn bảo vệ chống lại các mối nguy hiểm của định kiến dựa trên thành viên trong một cộng đồng tín hữu. Là những người lãnh đạo tôn giáo, trách nhiệm của chúng tôi công bố và làm sống động Tin Mừng của hòa bình, con đường đối thoại".
 
Chuông ngân vang ở Goa vào thời điểm tuyên thánh cho Đức Chân Phước Joseph Vaz
Lã Thụ Nhân
15:56 17/01/2015
Hôm thứ Tư 14/01/2014, các nhà thờ Công Giáo ở bang Goa, Ấn Độ đã rung chuông của khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho Chân Phước Joseph Vaz, một linh mục Công Giáo người gốc Goa, một vị thánh của thủ đô Colombo, Sri Lanka. Đức Tổng Giám mục Filipe Neri Ferrao của Goa và Daman cho biết: "Việc phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz vào ngày 14 tháng Giêng là đỉnh cao của hơn ba thế kỷ mong đợi và thỉnh cầu của một số tín hữu sùng kính ngài từ Goa, Mangalore, Sri Lanka và các nơi khác".

Cha Vaz sinh ngày 21 tháng Tư năm 1651, tại Goa, Ấn Độ. Vị linh mục Oratorian đến Sri Lanka truyền giáo vào tháng 4 năm 1687 vào thời điểm mà thực dân Hà Lan bách hại người Công Giáo và ủng hộ giáo phái Calvin trở thành tôn giáo chính thức. Ngài đi khắp các hòn đảo trao Thánh Thể và các bí tích cho các nhóm người Công Giáo bí mật. Ngài qua đời vào ngày 16 tháng 1 năm 1711 tại Kandy. Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên Chân phúc trong một buổi lễ ở Colombo vào năm 1995.

Cha Vaz là vị thánh đầu tiên của Sri Lanka và là vị thánh người Ấn độ thứ ba được Vatican tuyên thánh. Đức Tổng Giám mục Ferrao nói người Goa trên toàn cầu đã chờ đợi với "tinh thần háo hức" Lễ tuyên thánh hôm thứ Tư "như một dấu hiệu của sự hiệp thông thiêng liêng sâu xa của chúng tôi với Giáo Hội quy tụ tại Colombo, chuông được ngân vang vào lúc 9 giờ sáng ngày 14 Tháng 01 trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của Tổng Giáo Phận của chúng tôi"
 
Đại sứ Tanzania cạnh Tòa Thánh nói Zanzibar không chống Kitô giáo
Lã Thụ Nhân
15:57 17/01/2015
Hôm 12/01/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các thành viên ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Sự kiện thường niên diễn ra vào ngày Đức Thánh Cha chuẩn bị tông du đến Sri Lanka. Trong cuộc gặp các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha nói về các nhu cầu cấp thiết cho hòa bình thế giới. Ngài than phiền về sự phát triển và lây lan của chủ nghĩa quá khích.

Trong khi đó, vị tân đại sứ không thường trú của Tanzania cạnh Tòa Thánh, H.E. Philip Marmo nói rằng không có tinh thần chống Kitô giáo ở Zanzibar.

Zanzibar là quần đảo bán tự trị trên Ấn Độ Dương cách 35 km ngoài khơi bờ biển lục địa Tanzania. Quần đảo này thuộc về Tanzania.

Đại sứ Marmo nói: "Tôi nghĩ rằng đó là sự khái quát chung để nói về tinh thần chống Kitô giáo của người Hồi giáo ở Zanzibar. Như quý vị đã biết, Thiên Chúa giáo ở Đông và Trung Phi bắt đầu từ Zanzibar. Các Giáo Hội Kitô Giáo đầu tiên – Anh giáo và Công Giáo được xây dựng ở Zanzibar vào những năm1870. Kể từ đó các Kitô hữu và người Hồi giáo đã sống trong hòa bình sát cánh bên nhau".

Tuy nhiên, vị đại sứ Tanzania thừa nhận rằng những sự cố của chủ nghĩa khủng bố và các hoạt động tội ác chỉ là bình thường như bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ông cho rằng, khi có những sự cố khủng bố, các nhà điều tra luôn cho thấy thủ phạm luôn đến từ bên ngoài Tanzania. Ông nói: "Khi người Tanzania hoặc Zanzibaris tham gia, họ được người nước ngoài điều khiển". Vị Đại sứ cho biết thêm rằng hai mươi tháng qua quần đảo này 'yên tĩnh' vì chính phủ Tanzania đã "trấn áp khủng bố Hồi giáo cả trên đất liền và ở Zanzibar".

Quần đảo Zanzibar phụ thuộc vào du lịch và thường chào đón khách du lịch. Chính vì lý do này mà đã có cảnh báo quốc tế về các sự cố đã xảy ra trong các năm 2012 và 2013. Trong ngày Giáng sinh năm 2012, một linh mục triều Công Giáo, Cha Ambrose Mkenda đã bị bắn và bị thương nặng ở Zanzibar. Trong cùng năm đó và theo vác vị chức trách của Giáo Hội, hơn năm nhà thờ trên đảo này bị đốt cháy trong các cuộc tấn công bị nghi ngờ là đốt phá. Năm 2013, cha Evaristus Mushi đã bị bắn và bị sát hại bởi những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố Hồi giáo ở Zanzibar. Trước đó, mục sư Tin Lành Mathew Kachira đã bị sát hại vào ngày 10 tháng 2. Sau đó, ngày 7 tháng 8 năm 2013, hai nhân viên bác ái trẻ người Anh đã bị tấn công bằng axit trên đảo.

Thống kê cho thấy có khoảng 30 phần trăm là Kitô hữu trên đất liền của đất nước Tanzania, trong khi 35 phần trăm dân số là người Hồi giáo. Trên đảo Zanzibar, hơn 95 phần trăm các cư dân là người Hồi giáo.
 
Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem: Ban Điều hợp Thánh Địa viếng thăm Giêrusalem là dấu hiệu của tình liên đới
Lã Thụ Nhân
15:57 17/01/2015
Cuộc hành hương hàng năm của các giám mục Âu châu và Mỹ châu của Ban Điều hợp Thánh Địa đang diễn ra tại Giêrusalem trong tuần này. Các giám mục đến thăm Gaza hôm Chúa Nhật và viếng thăm một số khu vực bị phá hủy nặng nề nhất sau khi cuộc chiến mùa hè năm ngoái giữa Israel và Hamas.

Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem, Fouad Twal nói rằng ngài rất vui mừng vì các giám mục đã đến trong năm nay để làm chứng cho những gì ngài mô tả là hoàn cảnh "thảm khốc" mà Thánh Địa đang trải qua.

Đức Thượng phụ Twal nói: "Bên ngoài Thánh, không ai có thể nói rằng mình không biết tình trạng thảm khốc của chúng tôi. Đó là lý do tại sao sự hiện diện của các giám mục quan trọng đến như vậy. Những gì chúng tôi đang kêu cầu, tìm kiếm, là sự liên đới hơn. Cảm thông với chúng tôi, cầu nguyện với chúng tôi và làm những gì anh chị em có thể làm để đạt được hòa bình là điều mà chúng tôi đang tìm kiếm và cho đến bây giờ chúng tôi không thể có được".

Đức Thượng phụ Twal nói thêm: "Điều tốt nhất đã xảy ra là chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm ngoái. Nhưng cùng lúc đó, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn trước. Chúng tôi đang hành động nhưng đồng thời ma quỷ cũng hoạt động. Vì vậy, chúng tôi dựa vào sự giúp đỡ, liên đới và cầu nguyện của anh chị em".

Đức Thượng phụ Twal nói rằng Giáo Hội và cộng đồng Kitô giáo địa phương thật hạnh phúc khi tiếp đón các giám mục đến từ rất nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Ngài nói các giám mục đến để thu thập thông tin về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa để có thể làm công việc vận động nhiều hơn khi họ trở về quê hương.

Đức Thượng phụ Twal nói: "Thật là tốt đẹp nếu họ giúp chúng tôi và đồng thời liên đới với chúng tôi, đó là những gì chúng tôi cần nhiều hơn bao giờ hết".
 
Các giám mục Trung Phi: ''Dấu chỉ của hy vọng nhưng vẫn còn quá nhiều bạo lực, cũng như các phong trào vũ trang''
Lã Thụ Nhân
15:58 17/01/2015
Trong sứ điệp đúc kết Hội nghị Toàn thể với chủ đề "Vì vậy hãy chọn sự sống" hôm 10/01/2015, các Giám mục Cộng hòa Trung Phi tuyên bố: "Các cộng đồng Hồi giáo và Kitô giáo đang bắt đầu nói chuyện với nhau và tìm kiếm hòa bình".

Trong tuyên bố đúc kết các Giám mục lưu ý rằng so với hội nghị được tổ chức vào tháng Sáu năm 2013, tình hình an ninh đã được cải thiện nhờ vào việc triển khai các lực lượng địa phương và lực lượng của Liên Hiệp Quốc ở Trung Phi. Sứ điệp cũng ca ngợi việc tái lập nền hành chính công ở một số nơi và "thức tỉnh tinh thần" của các tín hữu khác nhau, nơi mà bạo lực không vượt thắng được đức tin, mà càng củng cố đức tin. Đức tin đó được thể hiện trong những cử chỉ cụ thể của tình liên đới và lòng mến khách đối với nhiều người vô gia cư.

Tuy nhiên, các Giám mục phàn nàn rằng vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt. Trên hết là bạo lực, bất chấp những cải thiện an ninh chung, vẫn còn ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của đất nước này, bao gồm cả thủ đô Bangui. Bạo lực thường được gây ra bởi "các nhóm vũ trang bất thường, tiếp tục tuyển dụng những người trẻ sử dụng ma túy, dùng chúng chống lại hòa bình, hiệp nhất và lợi ích chung. Các lực lượng dân quân này chiếm giữ các vùng khác nhau của đất nước để khủng bố và cướp bóc" .Các Giám Mục tố cáo rằng "người dân bị cáo buộc là phù thủy bị chôn sống dựa trên lời đồn thông qua các phương thức kinh tởm của phiên tòa đám đông. Các phong trào vũ trang mạnh mẽ đã giúp khơi dậy nền văn hóa mới này của bạo lực và chết chóc".

Để giải quyết những vấn đề này, các giám mục lên tiếng kêu gọi hòa bình và hòa giải, thúc giục các cam kết cụ thể của tất cả mọi người: những người trẻ và các bậc cha mẹ; những người thuộc các nhóm vũ trang; các chính trị gia và cộng đồng quốc tế.
 
Hàng trăm nhà sư Phật Giáo lắng nghe Đức Giáo Hoàng nói về khoan dung tôn giáo
VietCatholic Network
18:57 17/01/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong phóng sự đặc biệt này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại thủ đô Colombo, Sri Lanka.

Thưa quý vị và anh chị em và anh chị em,

Sau cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Sri Lanka, lúc 6h45 chiều thứ Ba 13 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Độc Lập nơi đã diễn ra lễ tuyên thệ tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng vừa qua.

Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã vướng vào những xung đột tôn giáo trầm trọng. Mặc dù trong cuộc xung đột này cũng không thiếu những trường hợp các nhà thờ Kitô Giáo bị đốt hay phá phách nhưng chủ yếu là xung đột giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.

Tác nhân chủ yếu là phong trào Bodu Bala Sena gọi tắt là BBS được thành lập bởi hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara với hội nghị đầu tiên vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ. Phong trào này đã gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực nhắm chủ yếu vào các cộng đồng Hồi Giáo tại Sri Lanka.

Trong buổi gặp gỡ các vị đại diện của các tôn giáo lớn tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến,

Tôi biết ơn được có cơ hội tham gia vào cuộc họp mang lại với nhau bốn cộng đồng lớn nhất trong số những cộng đồng tôn giáo không thể tách rời với cuộc sống của Sri Lanka là Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Tôi cảm ơn sự hiện diện và sự đón tiếp nồng hậu của các bạn. Tôi cũng cảm ơn những ai đã có những lời cầu nguyện và cầu chúc, cách riêng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Đức Giám Mục Cletus Chandrasiri Perera và Hòa thượng Thero Vigithasiri Niyangoda vì những lời ưu ái của các vị.

Tôi đã đến Sri Lanka theo bước chân của các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II để chứng minh tình yêu tuyệt vời và sự quan tâm của Giáo Hội Công Giáo dành cho Sri Lanka. Thật là một ân sủng lớn lao cho tôi khi được đi thăm cộng đồng Công Giáo ở đây, để củng cố đức tin Kitô của họ, để cầu nguyện với họ và chia sẻ niềm vui và đau khổ của họ. Cũng là một ân sủng lớn lao như thế để được ở đây với tất cả các bạn, những người nam nữ của những truyền thống tôn giáo vĩ đại, những người chia sẻ với chúng tôi cùng một khát vọng hướng đến sự khôn ngoan, chân lý và sự thánh thiện.

Tại Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định sự tôn trọng sâu sắc và trường tồn của mình đối với các tôn giáo khác. Giáo Hội khẳng định rằng mình "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện trong những tôn giáo này. Giáo Hội đánh giá cao phong cách sống và cách ứng xử, giới luật và giáo lý của họ "(Nostra Aetate, 2). Về phần mình, tôi muốn tái khẳng định sự tôn trọng chân thành của Giáo Hội đối với các bạn, đối với truyền thống và niềm tin của các bạn.

Chính là trong tinh thần tôn trọng đó mà Giáo Hội Công Giáo mong muốn hợp tác với các bạn, và với tất cả những người thiện chí, trong việc mưu tìm hạnh phúc của mọi người Sri Lanka. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của tôi sẽ giúp khuyến khích và tăng cường các hình thức hợp tác liên tôn và đại kết đã được thực hiện trong những năm gần đây.

Những sáng kiến đáng khen đã tạo cơ hội cho đối thoại, là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng, như kinh nghiệm đã cho thấy, một cuộc đối thoại và gặp gỡ như vậy, muốn có hiệu quả, cần phải được đặt cơ sở trên việc thể hiện đầy đủ và thẳng thắn những xác tín tương ứng của chúng ta. Chắc chắn, một cuộc đối thoại như thế sẽ làm nổi bật sự đa dạng của chúng ta trong niềm tin, truyền thống và thực hành. Nhưng nếu chúng ta thành thật trong việc trình bày những xác tín của chúng ta, chúng ta sẽ có khả năng nhìn thấy rõ ràng hơn những điểm chung với nhau. Con đường mới sẽ được mở ra cho sự tôn trọng lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị thực sự.

Sự phát triển tích cực như thế trong quan hệ liên tôn và đại kết mang một ý nghĩa đặc biệt và khẩn cấp tại Sri Lanka. Trong nhiều năm qua, những người nam nữ của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột dân sự và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là chữa lành và đoàn kết, chứ không phải là gia tăng thêm những xung đột và chia rẽ. Chắc chắn là đề cao và nuôi dưỡng sự chữa lành và tình hiệp nhất là một nhiệm vụ cao quý được ủy thác trên tất cả những ai luôn mang trong tim thiện ích quốc gia, và thực ra cũng là thiện ích của gia đình nhân loại. Hy vọng của tôi là sự hợp tác liên tôn và đại kết sẽ chứng minh rằng con người không cần phải từ bỏ dù là bản sắc dân tộc hay căn tính tôn giáo của mình để có thể sống hòa hợp với anh chị em của họ.

Có biết bao nhiêu cách để những tín đồ của các tôn giáo khác nhau thực hiện sứ vụ này! Có biết bao những nhu cầu cần phải được chăm sóc với bàn tay chữa lành của tình huynh đệ liên đới! Tôi nghĩ đặc biệt đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, những người khốn cùng, những ai khao khát một lời an ủi và một niềm hy vọng. Ở đây tôi cũng nghĩ đến quá nhiều những gia đình đang phải tiếp tục thương tiếc cho sự mất mát của những người thân yêu của họ.

Trên tất cả, tại thời điểm này của lịch sử đất nước các bạn, có bao nhiêu người thiện chí đang tìm cách xây dựng lại nền tảng đạo đức của xã hội như một tổng thể? Cầu xin cho sự gia tăng tinh thần hợp tác giữa các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo khác nhau được thể hiện nơi một dấn thân đặt hòa giải nơi trung tâm của mọi nỗ lực đổi mới xã hội và các cơ chế của nó. Vì thiện ích của hòa bình, niềm tin tôn giáo không bao giờ được phép lạm dụng làm cớ gây ra bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát thách thức các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hòa bình và chung sống được tìm thấy trong mỗi tôn giáo, và tố cáo những hành vi bạo lực một khi chúng xảy ra.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn một lần nữa vì sự chào đón hào phóng của các bạn và sự chú ý của các bạn. Cầu xin cho cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố tất cả những nỗ lực của chúng ta để sống hòa hợp và để truyền bá những phước lành của hòa bình.
 
Tacloban: cuộc gặp gỡ xúc động nhất
Vũ Van An
19:16 17/01/2015
Tường thuật chuyến viếng thăm Tacloban của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhà báo Rocco Palmo cho rằng đây là những giây phút mạnh mẽ nhất trong 22 năm làm giáo hoàng của ngài, đến nỗi, bỏ cả bài giảng soạn sẵn, ngài đã nói với đám đông bằng chính trái tim ngài.

Nghẹn ngào

Đức HY Tagle, TGM Manila, người luôn sát cánh với Đức Phanxicô trong suốt chuyến viếng thăm Phi Luật Tân, mô tả lại giây phút nghẹn ngào của Đức Giáo Hoàng lúc lắng nghe những người sống sót trận bão Hải Yến chia sẻ trải nghiệm của họ.

Trong cuộc họp báo với phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Lombardi, Đức HY cho biết: dù Đức GH buộc phải rút ngắn chuyến viếng thăm Tacloban vì một trận bão mới sắp sửa ùa tới, nhưng ngài vẫn nhất quyết gặp gỡ người dân Tacloban và Palo, trong đó có 30 người sống sót trận bão Hải yến, để nghe họ chia sẻ trải nghiệm đau thương của họ.

Đức HY cho biết ngài không bao giờ quên được gương mặt Đức GH khi lắng nghe mỗi người sống sót chia sẻ kinh nghiệm mất cha mất mẹ, mất người phối ngẫu, mất con mất cái và mất hết gia sản của họ. Ngài bảo Đức GH đau khổ rõ rệt và nghẹn ngào nói không nên lời, một thứ “hiệp thông và liên đới diễn ra trong im lặng”…

Đức HY Tagle cho biết thêm: Đức GH Phanxicô làm phép một trung tâm dành cho người nghèo, được đặt tên theo tên ngài, và sau đó tới nhà thờ chính tòa Palo, nơi ngài dành ít phút xin lỗi dân chúng ở bên trong và chúc lành cho họ trước khi lên máy báy trở lại Manila…

Một nhà lãnh đạo Phi Luật Tân cho hay ông coi việc Đức Giáo Hoàng gây hứng cho nguời dân nước này là một điều đương nhiên nhưng ông muốn biết xem chính ngài có bị nhân dân của ông ảnh hưởng gì không. Khi ông hỏi ngài lúc ngồi trên máy bay xem ngài có mệt không hay có sợ trải nghiệm bão táp lần đầu hay không, Đức GH nói chuyến viếng thăm này là một bài học kinh nghiệm đối với ngài…

Lời phát biểu vắn vỏi của Đức Phanxicô tại Nhà Thờ Chính Tòa Tacloban

Theo Đài phát thanh Vatican, Đức Phanxicô đã dừng lại ở Nhà Thờ Chính Tòa Tacloban ít phút trước khi rời tỉnh Leyte vì thời tiết xấu. Các giám mục, linh mục, tu sĩ và các gia đình nạn nhân trận bão Hải Yến mong gặp ngài tại nhà thờ này.

Sau đây là các lời phát biểu của Đức Phanxicô:

Cha cám ơn các con về sự chào đón nồng ấm này. Vị Hồng Y vừa bước vào với Đức HY Tagle chính là Đức HY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức HY Parolin, và hôm nay là sinh nhật của ngài. Các con có hát mừng ngài không?

(Cộng đoàn hát mừng sinh nhật) Cám ơn các con.

Cha phải cho các con biết một điều làm cha không vui: vấn đề là cung cách sự việc đã được lên kế hoạch nghĩa là máy bay sẽ rời đây lúc 5 giờ chiều. Nhưng vì có trận bão cấp hai hay cuồng phong gì đó đang sắp đến với chúng ta nên phi công chuyến bay nhấn mạnh chúng tôi phải rời đảo lúc 1 giờ chiều. Chúng tôi chỉ đủ thì giờ lên máy bay vì tiên đoán thời tiết cho hay sau 1 giờ chiều thời tiết sẽ xấu hơn. Vậy cho cha xin lỗi tất cả các con.

Cha rất buồn về việc này vì cha có điều đặc biệt sẵn sàng cho các con. Ta hãy phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ vì cha phải đi đây. Các con có rõ vấn đề không? Máy bay không thể đáp xuống đây, đấy là vấn đề.

Ta hãy đọc kinh Kính Mừng với nhau sau đó cha ban phép lành cho các con.

Cha Lombardi: Tacloban, giây phút cảm động nhất trong cuộc hành trình của Đức Phanxicô

Nói với Sean Patrick Lovett của Đài Phát Thanh Vatican, Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cho rằng cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với các người sống sót trận bão Hải Yến năm 2013 là một trong các cao điểm của chuyến tông du.

Cha Lombardi đặc biệt nhắc lại câu Đức Phanxicô thổ lộ với họ: “Quá nhiều người trong các con đã mất hết mọi sự. Cha không biết nói gì với các con. Nhưng chắc chắn Chúa biết phải nói gì với các con! Quá nhiều người trong các con đã mất kẻ thân yêu trong gia đình. Cha chỉ có thể giữ im lặng; cha đồng hành với các con trong im lặng, bằng trái tim cha…”. Cha cho rằng đây chính là giây phút chủ yếu của chuyến đi: “nó là giây phút trong đó ta thực sự hiểu được ý nguyện của ngài muốn hiện diện với những người này trong hoàn cảnh này”.

Cha Lombardi cũng nhắc lại chính lời của Đức Thánh Cha cho hay: ngay khi thấy hình ảnh trận bão và các thảm họa nó gây ra, ngài đã quyết định phải tới đây. Cha cho hay: “đây thực sự là khúc cuối của một cuộc hành trình dài không phải bắt đầu từ Manila, mà bắt đầu ở Rôma hơn một năm trước đây vào đúng ngày trận bão”.

Nhận định về việc Đức GH có mặt tại đây vào một ngày mưa to gió lớn, Cha Lombardi nói: “đây là một trải nghiệm mới” vì loại thời tiết này không xẩy ra tại quê hương Á Căn Đình của ngài, hay tại Rôma, nhưng tại đây.

Theo cha, “Hiện diện ở đây, không phải nhân một ngày nắng ráo, mà nhân một ngày mưa gió, đây quả là một tình huống cụ thể trong đó trải nghiệm hiện diện với dân chúng hoàn toàn khả tín”.

Cha Lombardi cũng nói tới việc tình âu yếm của nhân dân Phi Luật Tân làm Đức GH hết sức xúc động “Bạn không thể dửng dưng khi thấy trên đường phố hàng trăm ngàn người chờ đợi hàng giờ để thấy bạn, cho dù bạn không có thì giờ đích thân gặp gỡ họ, họ vẫn vui khi thấy bạn và cảm nhận sự hiện diện và khích lệ của bạn”.

Cha nói rằng Đức GH thực sự cảm nhận được thái độ đặc biệt của người Phi Luật Tân đối với Đức GH và đối với kinh nghiệm tôn giáo.
“Tôi nghĩ hôm nay là giờ phút sâu sắc nhất và thâm hậu nhất của cuộc hành trình này”.
 
Đức Thánh Cha đau buồn trước cái chết của một phụ nữ gần khán đài nơi cử hành thánh lễ tại Leyte, Tacloban
Đặng Tự Do
21:56 17/01/2015
Trong cuộc họp báo chiều thứ Bẩy 17 tháng Giêng, Cha Federico Lombardi SJ, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican, cho biết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được thông báo về cái chết của một người phụ nữ sau Thánh Lễ do Đức Thánh Cha cử hành cùng ngày tại Leyte, Philippines. Ngài đã gởi lời chia buồn cùng gia đình.

Cô Kristel Mae Padasas, 27 tuổi, đã chết vì giàn giáo của khán đài cử hành Thánh Lễ rớt trúng đầu. Cô là nhân viên của Catholic Relief Service từ sau trận bão Hải Yến đổ vào vùng này hồi tháng 11 năm 2013.

Theo các viên chức y tế địa phương, sự việc xảy ra sau Thánh Lễ khi người phụ nữ và nhóm của cô đi ngang qua khán đài nơi Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ trước đó.

Những cơn gió mạnh gây ra bởi cơn bão nhiệt đới "Amang" đã làm sập những giàn giáo và rớt vào đầu người phụ nữ, làm nứt xương sọ của cô. Ngay lập tức cô được chở đến một bệnh viện tư nhưng đã chết sau đó.

Theo chương trình, sáng thứ Bẩy 17 tháng Giêng, lúc 8:30 sáng Đức Thánh Cha đã ra phi trường quân sự Villamor của thủ đô Manila để đáp máy bay đi Tacloban, nơi đã bị trận bão Hải Yến tàn phá nặng nề hồi tháng 11 năm 2013. Ngài được báo cho biết là thời tiết rất đáng lo ngại nhưng Đức Thánh Cha đã cương quyết muốn đến vùng này.

Máy bay đã cất cánh 15’ sớm hơn và thánh lễ đã phải cử hành 45’ sớm hơn dự trù. Khoảng 150,000 người đã đội mưa tham dự thánh lễ.

Đức Thánh Cha đã có thể gặp gỡ 30 người sống sót sau trận bão Hải Yến và lắng nghe những kinh nghiệm đau thương của họ trước khi khánh thành một trung tâm dành cho người nghèo.

Tại Vương Cung Thánh Đường Palo, Đức Thánh Cha chỉ kịp nói vài lời với các linh mục, tu sĩ và chủng sinh, và ban bình an cho những người hiện diện trước khi đáp máy bay về lại Manila lúc 13:00, tức là 4 giờ sớm hơn dự trù.

Chiếc máy bay chở Đức Thánh Cha đã cất cánh an toàn nhưng vài phút sau chiếc máy bay thứ hai trong đoàn chở các viên chức chính phủ Phi Luật Tân, trong đó có cả cố vấn của tổng thống đã bị bão xô nhào ra khỏi đường bay. May là không ai bị thương.
 
Đức Phanxicô gặp gỡ giới trẻ Phi tại ĐH Santo Tomas
Vũ Van An
23:30 17/01/2015
Manila, 18 tháng Giêng, hàng đoàn người tụ tập tại ĐH Santo Tomas ở Manila mong được nhìn thấy Đức GH Phanxicô khi ngài tới đây gặp gỡ giới trẻ Phi Luật Tân.

Một số người cắm trại ở bên ngoài đại học từ 11 giờ đêm hôm 17 tháng Giêng để chiếm chỗ tốt trong khuôn viên ĐH. Các con phố chung quanh ĐH đã đầy các tín hữu từ lúc 4 giờ sáng.

Các cổng ĐH đã mở cửa từ lúc 4 giờ sáng và dự trù sẽ đóng lại 3 giờ sau đó. Tuy nhiên, vì số lượng đông đảo tín hữu đã lập tức tràn đầy 24 mẫu tây quảng trường của khuôn viên ĐH, nên buộc lòng nhân viên an ninh phải cho đóng cửa trước hạn định.

Cuộc gặp gỡ hiếm hoi

Những người Phi hy vọng được thoáng thấy Đức GH cũng kiên nhẫn chờ đợi dọc Đường Lacson. Nhiều người ngồi trên chiếu, trong khi những người khác chiếm chỗ ở đảo trống giữa đường mong được thấy Đức GH rõ ràng hơn khi đoàn xe của ngài băng qua.

Giới trẻ Phi sẽ có dịp may hiếm có được Đức Giáo Hoàng chúc lành trong cuộc gặp gỡ với họ tại ĐH vào lúc 9 giờ 45 phút sáng.

Đức Thánh Cha sẽ vắn tắt gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của xứ sở tại Cung Thế Kỷ, sau đó, ngài đi xe mui trần vòng quanh khuôn viên ĐH. Tiếp đến sẽ là chương trình sinh hoạt tại Đại Khán Đài.

Chương trình sinh hoạt này sẽ bắt đầu với việc suy tôn Thánh Giá và chứng từ của 3 người trẻ Phi: người trẻ thôi học Jun Chura, sinh viên luật Leandro Santos II, và nhân viên thiện nguyện bão lụt Rikki Macolor.

Các tín hữu mong được học hỏi từ các chứng từ của tuổi trẻ này, vì các chứng từ này tập chú vào trải nghiệm bản thân của họ trong tư cách con cái Thiên Chúa.

Cuộc gặp gỡ giới trẻ sẽ kết thúc với sinh hoạt sai đi, trong đó, giới trẻ Phi được thách thức sống Lời Chúa trong đời họ.

Thánh lễ kết thúc

Cuộc viếng thăm ĐH Santo Tomas của Đức GH Phanxicô đánh dấu lần thứ tư một vị giáo hoàng tới đây. Đức GH Phaolô VI viếng Trường năm 1970, Đức GH Gioan Phaolô II (nay là thánh) viếng trường hai lần, năm 1981 và năm 1995.

Đức GH Phanxicô tới Phi chiều thứ Năm, khởi đầu chuyến viếng thăm nước này năm ngày, từ 15 tới 19 tháng Giêng. Ngài sẽ chủ tọa thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của ngài tại Đại Khán Đài Quirino ở Luneta vào lúc 3 giờ 30 chiều, một thánh lễ hy vọng sẽ lôi cuốn hàng triệu người Phi tham dự, có thể ngang tầm với đám đông 5 triệu người tham dự thanh lễ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại cùng địa điểm này năm 1995.

Đức Phanxicô yêu cầu giới trẻ cầu nguyện cho các nạn nhân trận bão Hải Yến

Theo tin chính thức của ban tổ chức chuyến viếng thăm Phi (www.papalvisit.ph) của Đức Phanxicô, sau khi được tin buồn về cái chết của một thiện nguyện viên trẻ tại Tacloban, nơi ngài cử hành Thánh Lễ hôm qua, Đức GH Phanxicô đã yêu cầu hàng ngàn người trẻ tụ tập tại khuôn viên ĐH Santo Tomas cầu nguyện cho nàng.

“Cha muốn tất cả các con cùng cha im lặng cầu nguyện trong giây lát, và chúng ta sẽ cầu xin với Mẹ trên trời”, ngài nói thế khi mời các đại biểu của Cuộc Gặp Gỡ với Giới Trẻ cầu nguyện cho sự an nghỉ của Kristel Padasas, 27 tuổi, thuộc Sở Cứu Trợ Công Giáo, người đã chết trong một tai nạn kinh hoàng ngay sau Thánh Lễ của Đức Thánh Cha tại Tacloban.

Theo các bài tường thuật, Padasas, người xuất thân từ Đông Samar, bị thiệt mạng khi một giàn giáo chứa hệ thống âm thanh đổ sụp lên người nàng.

Theo đài phát thanh Vatican, Đức GH cũng đã gửi điện chia buồn cùng thân nhân Padasas. Theo đài này, sau Thánh Lễ của Đức GH tại Tacloban, Padasas cùng nhóm bạn bước qua bàn thờ. Rồi gió mạnh do cơn bão nhiệt đới “Amang” đem tới đánh sụp giàn đựng âm thanh. Nàng bị thương trúng đầu làm bể sọ, đem vào nhà thương thì nàng qua đời.

Tại sao Đức Phanxicô khiến người ta khóc

Ngày 17 tháng Giêng, trong cuộc họp báo thường lệ tại Diamond Hotel, Manila, Đức HY Tagle cho biết người Phi mọi giới lũ lượt kéo nhau hàng đoàn tới gặp Đức GH Phanxicô, không ngại chờ đợi lâu giờ dưới nắng, dưới mưa, dưới cả nguy cơ bão táp, chỉ để mong được thoáng thấy ngài. Và khi thấy rồi, nước mắt ngắn dài ướt mi, những giọt nước mắt thiêng liêng.

Đức HY cho rằng những người chẩy nước mắt khi thấy Đức GH hẳn nhiên kinh qua giây phút tâm linh sâu sắc.

Thần linh, sâu sắc

“Trong truyền thống Kitô Giáo, có điều người ta gọi là ơn nước mắt”, Đức HY nói thế. Ngài thêm rằng người nào cảm nghiệm được cõi thần linh và sâu sắc đều nói lên giây phút chẩy nước mắt.

Ngài giải thích thêm: những người thấy và được tận mắt thấy Đức GH, chẩy những giọt nước mắt hân hoan và an ủi sau khi hiểu ra rằng họ "đáng kể và được coi là quan trọng”.

Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, thì thêm rằng điều trên đặc biệt đúng đối với các người sống sót trận bão Hải Yến: họ khóc công khai trong thánh lễ của Đức GH tại phi trường Tacloban. Vì họ cảm thấy được ủi an chứ không cô đơn.

Khóc tận đáy lòng

Đức GH Phanxicô từng nói về ơn nước mắt trong Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng Chín năm 2013.

Ngài nói rằng mầu nhiệm Thánh Giá chỉ có thể hiểu được “đôi chút nhờ qùy gối, cầu nguyện, nhưng cũng nhờ nước mắt: đó là những giọt nước mắt đem ta lại gần mầu nhiệm này”.

Đức GH nhấn mạnh: “không khóc, không khóc tận đáy lòng” ta không bao giờ hiểu được mầu nhiệm Thánh Giá này.

Các vị thánh nổi tiếng được ơn này là các Thánh Catarina thành Siena, Thánh Inhaxio thành Loyola, và cha năm dấu Pio thành Pietrelcina, người được chứng kiến tận mắt và quay phim khi đang khóc lúc truyền phép Thánh Thể.
 
Top Stories
Philippines: A Tacloban, sous la pluie et le vent, le pape assure aux survivants du typhon Yolanda que Jésus est à leurs côtés
Eglises d'Asie
04:18 17/01/2015
C’est sous les rafales de vent et une pluie battante que le pape François a célébré la messe ce samedi 17 janvier à Tacloban, désireux de conforter dans la foi les survivants du typhon Yolanda (Haiyan selon sa dénomination internationale) qui a ravagé les Visayas il y a quatorze mois. Au cours d’une homélie entièrement improvisée et centrée autour de Jésus consolateur, il a tenu à conforter les dizaines de milliers de Philippins réunis sur une vaste esplanade jouxtant l’aéroport de Tacloban, sur l’île de Leyte, en leur disant : « Soyez sûrs que Jésus ne vous abandonne jamais. »

Le temps était exécrable ce samedi matin sur Tacloban. L’agence météorologique nationale publiait en continu des bulletins afin de suivre l’évolution d’Amang, la tempête tropicale (le stade juste en-dessous du typhon) qui approchait des côtes orientales de l’archipel philippin. Les autorités philippines avaient fait avancer l’horaire d’arrivée de l’avion papal, en provenance de Manille, de manière à ce que le pape puisse malgré tout célébrer la messe comme prévu à Tacloban. En revanche, la suite du programme, qui prévoyait un déjeuner sur place avec 30 survivants du typhon Yolanda et l’inauguration du Pope Francis Center, centre dédié au service des pauvres, à l’archidiocèse de Palo, a dû être écourté.

Le pape n’a eu le temps que de se rendre à la cathédrale de Palo pour une brève rencontre avec les prêtres, religieux et religieuses, avant de reprendre la route de l’aéroport de Tacloban, d’où son avion a décollé pour Manille à 13h., heure locale, avec quatre heures d’avance sur le programme initial. « A tous, je présente mes excuses. Je suis vraiment très triste de partir ainsi car j’avais préparé quelque chose spécialement pour vous », a lancé le pape dans la cathédrale de Palo, expliquant que le pilote de l’avion ne lui laissait pas plus de temps sur place (1). Tandis que le clergé réuni à la cathédrale le pressait de rester, le pape leur a dit, avant de partir sous les applaudissements : « Je suis triste mais remettons tout entre les mains de Notre Dame ! » Sur le trajet du retour, de Palo à Tacloban, parcouru en papamobile ouverte, le pape a néanmoins trouvé le temps de faire une halte chez une famille de pêcheurs.

De cette journée de samedi qui devait tout entière être consacrée à Tacloban, à la ville voisine de Palo et aux survivants de Yolanda ainsi qu'à la mémoire des près de 8 000 morts laissés par ce « super-typhon », c’est donc la messe qui restera dans les mémoires. Elle fut particulièrement émouvante. Sur cette vaste esplanade, qui quatorze mois plus tôt était entièrement noyée sous les flots, la foule avait pris place en nombre, entre 120 000 personnes et plusieurs centaines de milliers selon les estimations. Beaucoup avaient passé la nuit sur place.

L’autel avait été dressé sur un échafaudage, sous une construction semblable aux abris légers en bois et feuilles de palme tressées utilisée par les survivants comme logement temporaire. La foule comme le pape avaient revêtu des ponchos en plastique jaune pour se protéger de la pluie. Durant la célébration eucharistique, les acolytes du pape tenaient le ciboire et le calice pour éviter que le vent ne les emporte.

Délaissant le texte prévu pour son homélie, le pape s’est exprimé en espagnol, un membre de la Secrétairerie d’Etat assurant la traduction en anglais. « Je vais vous faire une confidence, a confié le pape François. Quand j’ai vu, depuis Rome, la catastrophe [du 8 novembre 2013], j’ai senti que je devais être ici. Ce jour-là, j’ai décidé de venir ici pour être avec vous. Vous me direz que je viens un peu tard, mais je suis là ! »

« Je suis venu vous dire que Jésus est le Seigneur, qu’Il ne déçoit pas et ne vous laisse pas seul, a poursuivi le pape. Vous pourrez me dire : 'très bien, mais j’ai tout perdu, ma maison, ma santé, mes proches'. C’est vrai, je respecte vos sentiments, mais je Le regarde, Lui, cloué sur la Croix. Il est le Seigneur, mais Il est passé par toutes les calamités dont nous faisons l’expérience, Il est passé par toutes les épreuves (…) et c’est pour cela qu’Il est capable de nous comprendre, Il est capable de pleurer avec nous, de nous accompagner dans les moments les plus difficiles. » Et d’ajouter : « Vous qui avez tout perdu, je ne sais pas quoi vous dire, mais Lui sait quoi vous dire. »

S’interrogeant sur le « pourquoi » de tant de souffrance, le pape a continué par une réflexion sur le mystère de la Croix, évoquant la présence de la Mère de Jésus au pied de la Croix et invitant les fidèles à « tenir la main » à la Vierge et à « l’appeler ‘maman’, comme un enfant lorsqu’il a peur et tient la main de sa mère ».

« Nombre d’entre vous ont tout perdu (…), nombre d’entre vous ont perdu une partie de leur famille, et je peux seulement rester en silence », a encore dit le pape, prenant un long temps de silence en demandant à chacun, dans le secret de son cœur, de « dire ce qu’il ressent au Christ et à sa Mère au pied de la Croix ».

Evoquant enfin « les nombreux frères » venus au secours des survivants du typhon, le pape a assuré aux personnes présentes à la messe qu’elles n’étaient pas « seules », avant de lancer : « Soyez sûrs que Jésus ne vous abandonne jamais ! Et avançons ensemble car nous sommes frères ! »

Durant la suite de la liturgie, le pape a pris le temps de consoler chacun des survivants du typhon venus lui apporter les offrandes. A la fin de la messe, il a rendu grâce à Dieu, lui demandant notamment de « donner l’espérance » aux croyants.

Au quotidien philippin The Philippine Daily Inquirer qui l'interrogeait, Fortunato Yubal, présent dans l’assistance, a déclaré dans un sourire : « C’est presque comme si nous avions rencontré Jésus-Christ en personne. »

Si l’avion transportant le pape a atterri sans incident à Manille une heure quinze après avoir quitté Tacloban, il n’en a pas été de même pour le jet transportant les membres du gouvernement venus assister à la messe papale. Lors du décollage de l’appareil, sur la piste détrempée de l’aéroport de Tacloban, par fort vent de travers, un pneu du train d’atterrissage a, semble-t-il, éclaté et l’avion est sorti de la piste, finissant sa course sur le ventre. Les quinze passagers et membres d’équipage sont sain et sauf.

Enfin, lors de la messe, un échafaudage a été emporté par le vent et, dans sa chute, a tué une personne. Selon le Philippine Daily Inquirer, il s’agit de Kristel Padasas, 21 ans, volontaire de Catholic Relief Service.(eda/ra)

(1) Dans le message qu'il devait initialement lire à la cathédrale de Palo, le pape François évoquait la générosité des prêtres et des religieux au moment du typhon Yolanda. Le discours prévu comporte notamment ce passage : « Aujourd’hui, de ce lieu qui a fait l’expérience d’une si profonde souffrance et d’un besoin humain si grand, je demande que l’on fasse davantage pour les pauvres. Surtout, je demande que les pauvres du pays tout entier soient traités équitablement, que leur dignité soit respectée, que les orientations politiques et économiques soient justes et les prennent en compte, que les opportunités d’emploi et d’éducation soient développées et que soient ôtés les obstacles à la prise en charge des services sociaux. La manière dont nous traitons les pauvres est le critère sur lequel chacun de nous sera jugé. »

(Source: Eglises d'Asie, le 17 janvier 2015)
 
Pope Francis at Tacloban: in all our trials, the Lord goes before us
Eglises d'Asie
04:22 17/01/2015
(Vatican 2015-01-17 ) Pope Francis celebrated Mass on the grounds of the airport in Tacloban City, Philippines, on Saturday morning. An estimated 500 thousand people braved wind and often driving rain to take part in the liturgy. Putting aside his prepared text for the homily, the Holy Father spoke to the gathered faithful in his native Spanish. Below, please find integral audio and a transcription of the English translation of the Holy Father's remarks, which were translated on-site by one of the ministers in the sanctuary.

The Holy Father's homily at Mass in Tacloban City

We have a high priest who is capable of sympathising with our weaknesses. Jesus is like us. Jesus lived like us and is the same us in every respect, except sin because he was not a sinner. But to be more like us he assumed our condition and our sin. He made himself into sin. This is what St Paul tells us. And Jesus always goes before us and when we pass an experience, a cross, he passed there before us. And if today we find ourselves here 14 months afterwards, 14 months precisely after the Typhoon Yolanda hit, it is because we have the security of knowing we will not weaken in our faith because Jesus has been here before us. In his Passion he assumed all our pain. Therefore he is capable of understanding us, as we heard in the first reading.

I’d like to tell you something close to my heart. When I saw from Rome that catastrophe I had to be here. And on those very days I decided to come here. I am here to be with you – a little bit late, but I’m here. I have come to tell you that Jesus is Lord. And he never lets us down. Father, you might say to me, I was let down because I have lost so many things, my house, my livelihood. It’s true if you say that and I respect those sentiments. But Jesus is there, nailed to the cross, and from there he does not let us down. He was consecrated as Lord on that throne and there he experienced all the calamities that we experience. Jesus is Lord. And the Lord from the cross is there for you. In everything the same as us. That is why we have a Lord who cries with us and walks with us in the most difficult moments of life.

So many of you have lost everything. I don’t know what to say to you. But the Lord does know what to say to you. Some of you have lost part of your families. All I can do is keep silence and walk with you all with my silent heart. Many of you have asked the Lord – why lord? And to each of you, to your heart, Christ responds with his heart from the cross. I have no more words for you. Let us look to Christ. He is the lord. He understands us because he underwent all the trials that we, that you, have experienced. And beside the cross was his Mother. We are like a little child in the moments when we have so much pain and no longer understand anything. All we can do is grab hold of her hand firmly and say “Mommy” - like a child does when it is afraid. It is perhaps the only words we can say in difficult times – “Mommy”.

Let us respect a moment of silence together and look to Christ on the cross. He understands us because he endured everything. Let us look to our Mother and, like a little child, let us hold onto her mantle and with a true heart say – “Mother”. In silence, tell your Mother what you feel in your heart. Let us know that we have a Mother, Mary, and a great Brother, Jesus. We are not alone. We also have many brothers who in this moment of catastrophe came to help. And we too, because of this, we feel more like brothers and sisters because we helped each other.

This is what comes from my heart. Forgive me if I have no other words to express myself. Please know that Jesus never lets you down. Know that the tenderness of Mary never lets you down. And holding onto her mantle and with the power that cones from Jesus’ love on the cross, let us move forward and walk together as brothers and sisters in the Lord.
 
Lombardi: Pope’s meeting with street children emblematic of whole visit
Vatican Radio
09:24 17/01/2015
(Vatican 2015-01-16) Asked to pick out one of the events of Pope Francis’ first full day in the Filipino capital Manila, Father Federico Lombardi SJ immediately focused on the meeting between the Pope and poorest of the poor: Manila’s street-children.

Speaking to Vatican Radio’s Sean Patrick Lovett at the close of an eventful day, the Director of the Vatican Press Office had no hesitation in choosing the event that had not been scheduled according to the official programme…

Pope Francis arrived in Manila on the second leg of his Asian journey on Thursday evening, but Friday was his first full day in the Philippines and saw him engaged in a series of events including the meeting with the President, the Mass in the Cathedral and the Meeting with Families.

But Father Lombardi chooses to describe the deep emotion arising from Pope Francis’s unscheduled meeting with street children which he explains, took place in a home for street children run by the ANAK-Tnk charitable foundation.

The home, he says, normally hosts some 20 little girls but present to meet with the Pope there were
“Also many other children of different ages” looked after by the same foundation that hosts them in different homes in Manila – of which there are over 300.

Lombardi described the meeting as “very spontaneous,” a meeting in which the Pope “felt these children’s need for affection and love” but also “the hope that is in their heart if they feel that someone loves them”.

Lombardi also comments on the short speech with which a French priest addressed the Pope explaining the suffering of these children which is impossible to express but “you can see in their eyes the joy of meeting the Pope and their hope for the future”.

“I think the Pope desired very much this meeting because (these children) are the concrete sign of what he would do in his life – he would meet all the street children in Manila! This of course is not possible, but being with this representative group is, a way to manifest what is at the center of his attention, of his heart” he says.

Lombardi also points out that the Pope added a sentence in his homily during the Mass for members of the Church in which he says: “The poor are at the center of the Gospel. If you take away the poor from the Gospel you lose its entire sense and the message of Jesus Christ is void”.

In this sense – Lombardi says - the little children abandoned on the street are the poorest of all because they are so poor and weak, that if they are not taken into a home they die.

In this sense – Lombardi concludes - this meeting was “very expressive of the entire sense of the mission of the Pope here, a mission that speaks of poverty, inequality in this society but also in many other societies as well, and of our responsibility to build a different kind of society where love is the criteria for our choices”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Chủng viện Vinh Thanh: Khóa học về kỹ năng làm việc nhóm
Minh Quân
20:46 17/01/2015
Đại Chủng viện Vinh Thanh: Khóa học về kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork skills)

Sáng ngày 17.1.2015, tại hội trường Đại Chủng viện Vinh Thanh, dưới sự hướng dẫn nhiệt tâm của thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu, nhiều chủ đề khác nhau về kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork skills) đã được thuyết trình, thảo luận. Với phong cách làm việc uyển chuyển và dí dỏm của người giảng thuyết, các chủng sinh đã có cơ hội được tiếp cận nhiều bài học sống động và hữu ích cho sứ vụ quản trị giáo xứ của các mục tử trong tương lai.

Kỹ năng làm việc nhóm trong cộng đồng xã hội

Với những ưu điểm vượt trội, Teamwork ngày càng trở nên phổ biến và là kỹ năng làm việc không thể thiếu được trong xã hội hiện đại, là điều kiện để mỗi cá nhân tồn tại trong một tập thể. Quan trọng nhất, Teamwork đem lại hiệu quả công việc cao. Mỗi người có một khả năng, thế mạnh riêng, khi kết hợp lại sẽ bổ sung cho nhau, phát huy được tối đa sự sáng tạo, tiết kiệm thời gian, chi phí, công việc triển khai khách quan, có kế hoạch. Trong những năm gần đây, hình thức làm việc nhóm được chú trọng và trở thành một yêu cầu không thể thiếu trong các tổ chức cộng đồng cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tính hiệu quả của Teamwork, cần có những kỹ năng và phương pháp dành cho các thành viên với những vai trò khác nhau trong nhóm.

Để gặt hái được những thành công trong làm việc nhóm, theo Thầy Giuse, cần phải có mục đích tiến tới, hành trình rõ ràng, có nhóm hỗ trợ; vun tưới niềm tin cho nhau, hăng hái trong công việc chung, duy dưỡng liên hệ thân thiện, sẵn lòng cho hơn là chỉ biết nhận. Bên cạnh đó, bốn yếu tố không thể thiếu để làm nên thành công của tập thể: thân thiện (friendly), kiên quyết (firm), nhìn xa trông rộng (foresight) và công bằng (fair). Ngoài ra, cần tránh những yếu tố có thể gây nguy hại cho quá trình làm việc nhóm: thiếu sự tin tưởng nhau, sợ áp lực và căng thẳng, không giao phó và ủy thác, trốn tránh trách nhiệm, không quan tâm đến kết quả công việc.

Vì thế, khi làm việc cùng một nhóm, các thành viên phải học cách nhìn lại bản thân mình nhiều hơn để hòa đồng cùng mọi người. Không nên luôn cố giữ cái “tôi” (No ‘I’ in Team) và bảo vệ chính kiến của bản thân. Do đó, trong hoạt động của một nhóm, mỗi người có quyền nói lên suy nghĩ và ý kiến riêng của cá nhân, nhưng phải có thái độ cởi mở và tư duy tích cực, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác và biết điểm dừng đúng lúc. Điều này có nghĩa, trong một tập thể, cá nhân không phải “ta là một, là riêng, là thứ nhất”; ngay cả trong vai trò của người lãnh đạo. Khi làm việc một nhóm mọi người sẽ trên tinh thần cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, cùng nhau chia sẻ ý kiến, cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong công việc kể cả trong đời sống. Dù ít dù nhiều, vấn đề sẽ được gợi mở, được khai thác theo nhiều góc cạnh hơn để có được những ý tưởng hay, những sáng tạo mới, độc đáo - điều mà làm việc một mình không thể có.

Kỹ năng làm việc nhóm trong cộng đoàn Giáo Hội và sứ vụ loan báo Tin Mừng

Ngày nay nhiều người thích định nghĩa: “Giáo Hội là một cộng đoàn trong đó mọi người có phần và phải góp phần” để làm nổi bật tính đồng trách nhiệm trong Cộng đoàn Giáo Hội. Mỗi Kitô hữu đều nhận được từ Thiên Chúa những ơn huệ khác nhau (đoàn sủng) để với tư cách là chi thể của nhau, chúng ta phục vụ lẫn nhau, bổ sung cho nhau và làm cho Thân Thể Đức Kitô nên giàu có (x.1Cr 12, 1Cr 3,5-8). Mầu nhiệm Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Ba Ngôi) thông hiệp với nhau trọn vẹn và cùng nhau thực hiện mọi công trình (tạo dựng và cứu độ) là nền tảng vững chắc và sâu sắc nhất của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo Hội.

Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng gắn liền với chiều kích cộng đoàn, cá nhân chủ nghĩa không có chỗ đứng. Bởi lẽ, Chúa Giêsu không sai các môn đệ đi từng người một, lẻ loi đơn độc, Ngài sai họ đi là sai từng hai người một. Cùng với các Tông đồ khác tạo thành nhóm, thành cộng đoàn. Qua đó, các ông được huấn luyện tinh thần làm việc chung, làm việc với người khác. Tinh thần làm việc chung, việc nhóm mới có khả năng tạo nên sức mạnh kỳ diệu. Hơn nữa, trên phương diện chứng tá, thì chứng của hai người trở lên bao giờ cũng có giá trị. Giá trị còn là vì cộng đoàn tính nói lên tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ. Cộng đoàn tính còn là lời chứng sống động về tình huynh đệ yêu thương mà họ rao giảng. Bởi thế, ta không ngạc nhiên khi thấy các vị thừa sai thường được phái đi từ 2 hoặc 3 người đến một giáo điểm hay một vùng miền nào đó để làm việc Tông đồ truyền giáo. Chính Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài không đi một mình, nhưng có Chúa Thánh thần cùng đồng hành và cùng hoạt động với Ngài.

Kỹ năng lãnh đạo của người mục tử theo lòng Chúa mong ước

Trong khóa học này, thầy Giuse cũng nhấn mạnh về những kỹ năng quản trị giáo xứ và nghệ thuật lãnh đạo các hội đoàn. Theo đó, các linh mục tương lai được mời gọi lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đến ở giữa mọi người "không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều người" (Mt 20,28). Các mục tử cũng được kêu mời thành thật nhìn nhận và khích lệ phẩm giá, vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội, sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại như lời dạy của Thánh Phaolô: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Với những bài học về kỹ năng làm việc nhóm và nghệ thuật lãnh đạo, các chủng sinh đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quí báu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, nhất là trong vai trò của người mục tử để gặt hái được nhiều hoa trái ngọt lành trong việc quản trị giáo xứ và cộng đoàn tín hữu.

Minh Quân
 
Văn Hóa
Câu đối Tết và Câu đối Cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
21:01 17/01/2015
Câu đối Tết và Câu đối Cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

Câu đối là một thể loại văn chương được ưa chuộng của người Việt Nam. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, cũng như nhiều nơi khác, người Việt Nam thích chơi câu đối. Bốn loại câu đối đã được viết ra ở Giáo Xứ Công Giáo Việt Nam Paris. Câu đối sống hằng ngày trong các gia đình ; Câu dối giáo dục hằng tuần của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể ; Câu đối Tết hằng năm để chúc Tết và trang hoàng nguyện đường ; Và câu đối cổng nhắc nhớ những lý tưởng, những sứ mệnh của giáo xứ. Nhân dịp Tết Ất Mùi 2015 sắp đến, xin mời quí độc giả xem lại một số câu đối Tết và câu đối cổng đã được viết ở Giáo Xứ Việt Nam Paris.

1. Những đôi câu đối Tết. Thường được viết vào dịp đại lễ Tết Nguyên Đán, những đôi câu đối này vừa có tính cách trang hoàng, thêm vẻ lộng lẫy, tôn nghiêm và uy nghi cho thánh đường, vừa có giá trị văn hoá phô diễn thuần phong mỹ tục, vừa có ý nêu cao việc học đạo, sống đạo và truyền đạo của giáo xứ.

Ðúc Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh tìm lại được một đôi câu đối đã được treo cạnh bàn thờ, vào một mùa xuân, không nhớ năm nào. Câu đối ấy như sau :

Vạn vật đón Xuân hữu hạn
Giáo dân mừng Chúa trường sinh (MĐV)


Luật sư Lê Ðình Thông, cựu chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ, không tìm lại được câu đối cũ nào, nhưng nhân dịp xuân Ðinh Hợi 2007, đã làm một đôi câu đối mới chúc Cộng Ðoàn. Ðôi câu đối ấy như sau :

Đinh Hợi giao hòa Hồng Ân hồn xác
Cộng đoàn hiệp nhất mở mang đạo đời (LĐT)


Dịp Xuân Đinh Hợi 2007, người viết đã gởi hai câu đối nhỏ. Câu thứ nhất nhớ đến Chúa và mọi người trong Cộng Ðoàn. Câu thứ hai đặc biệt nhớ đến các anh em trong phong trào LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP.

Năm Hồng Ân cảm tạ Chúa
Tết Ðinh Hợi nhớ ơn người (Thanh Hương)


Tết đến nguyện chúc phúc thọ
Xuân về liên đới ngành nghề (Thanh Hương)


Xuân Quý Tỵ 2013. Cũng trong tâm tình đón xuân với cộng đoàn, nhân dịp xuân Quý Tỵ, người viết đã lấy ý bài Chia sẻ Lời Chúa của Đức Ông Mai Đức Vinh, dịp lễ Tiệc Xuân 2013 và gửi câu đối sau đây :

Cộng Đoàn Đức Tin Hiệp Nhất
Giáo Xứ Lòng Mến Thương Yêu (Thanh Hương)


Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đóng góp thêm một câu đối Tết Tết Quý Tỵ 3013:

Tết đến nhớ ai vui nguyện ước
Xuân về tỉnh giấc thắm tình xưa (Vân Uyên NVA)


Luật sư Lê Đình Thông đóng góp thêm bốn câu đối Tết Quý Tỵ 2013 :

Nhân trần mừng Tết vô thường
Già trẻ đón Xuân bất tận (LĐT)


Tết Quý Tỵ hồng ân Trời
Năm Đức Tin tràn lộc Đất (LĐT)

Xuân về hầu bao lì xì
Tết đến mở lòng bác ái (LĐT)

Cộng Đoàn Tin Cậy Yêu Thương
Giáo Xứ Gia Tăng Hiệp Nhất (LĐT)


2. Những đôi câu đối Cổng.

Đây là những dôi câu đối có ý nhắc lại một lịch sử, đưa ra một lý tưởng, một nguyên tắc sống, một sứ mệnh, cho cả làng, cả xứ ; hoặc có ý khoe mỹ tục hay văn tài của làng của xứ với khách lạ.

Trước nhất, ta thử đi xem những câu đối cổng làng ở Việt Nam. Giáo Sư Nguyễn Thiện Chi [ ] trích ghi hai câu đối cổng ở Văn miếu Hà Nội. « Văn Miếu có cả thảy 40 câu đối, trong đó câu nào cũng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Ở Mặt tiền cổng có câu đối :

東 西 南 北 由 斯 道 (Ðông Tây Nam Bắc do tư đạo)
公 卿 夫 士 出 此 途 (Công Khanh phu sĩ xuất thử đồ)

Tạm dịch : Ðông Tây Nam Bắc đều do đạo này (đạo Nho)

Công Khanh Phu Sĩ xuất thân từ đường này (Khoa cử).

Và mặt sau cổng có câu đối :

綱 常 棟 幹 存 天 地 (Cương thường đồng cán tồn thiên địa)
道 德 宮 牆 自 古 今 (Ðạo đức cung tường tự cổ kim)

Tạm dịch : Rường cột cương thường tồn tại cùng trời đất
Ðạo đức trường học có từ xưa nay. »


Riêng về những câu đối cổng làng, nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh [ ], trong một bài báo đăng trong số 94, năm 2006 ở « Tạp Chí Dân Tộc & Thời Ðại » đã giới thiệu một số câu.

Ở xã Liên Mạc, một xã ven sông Hồng, có làng Đại Cát (xưa là làng Kẻ), vốn là nơi trong lịch sử ghi “thế kỷ VI, Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã lấy nơi đây làm ranh giới chia nước « Vạn Xuân”. Cổng làng này có câu đối viết rằng:

Thanh danh văn vật sở đô, Lý Triệu giang sơn những cựu giới
Thổ địa nhân dân như lạc, Á Âu vận hội xưởng tân quy.


Nếu giải nghĩa, thấy trong câu đối có điều kiện lịch sử, lại có cả cuộc sống hiện tại, thật là hay, mà cũng giới thiệu được quê mình.

Sang xã Yên Thượng (Gia Lâm) ngắm cổng làng Đình Vỹ, ta đọc được:

Đình nhiên! Khải yên nhất ấp cơ quan - khai hạp càn khôn thâm thủ đoạn
Vỹ tai! Môn thị vạn nhân lai vãng - thăng bình cảnh tượng diễn tài bồi.


Lấy hai chữ đầu vế để gọi được tên làng, lại lấy câu đối để ca ngợi cảnh làng cũng là một câu đối có sức bút.

Có làng nổi tiếng về văn học thì lấy chữ trong kinh sách ra dạy bảo như câu đối ở cổng làng Giáp Nhất:

Xuất môn như kiến đại tân, xử dân như thừa đại tế
Xử thế bất dư quy củ, lập thân hữu chuẩn kỷ cương.


(Ra cửa phải như gặp khách quý; Làm việc dân phải cân thận như làm việc nơi đại tế.

Đối với xã hội không ngoài quy củ, lập thân phải có kỷ cương).

Nhưng cũng có một làng làm nghề thủ công mà giàu lên, như làng Phú Thứ (Tây Mỗ, Từ Liêm) câu đối ở cổng làng vẫn ghi:

Hiếu đễ trung tín phú dĩ giáo chi chính trực đãng bình vương đạo
Sĩ, nông, công, thương thứ sự khang hỹ, xuất nhập thủ vọng cổ phong.


(Giàu có cũng phải có hiễu, đễ, trung, tín, giáo huấn phải chính trực theo vương đạo;

Dù là sĩ, nông, công, thương, muốn an khang thịnh vượng, sinh hoạt phải theo mỹ tục thuần phong).

Có nơi bây giờ xây cổng mới mà vẫn giữ lại cổng cũ để làm một cổ tích. Cái cổng cũ dù là nhỏ nhưng ý nghĩa của nó vô cùng lớn bởi cả làng đã yêu mến đôi câu đối:

Đại Áng cổ danh hương, mỹ tục thuần phong truyền vạn thế.
Giang sơn tân vận hội, quốc cường dân phú vĩnh thiên niên.


(Làng cổ Đại Áng, mỹ tục thuần phong còn lưu mãi;

Non sông đổi mới, nước mạnh dân giàu, đến ngàn năm).

Ở cổng làng Dịch Vọng Sở xây năm đầu thế kỷ XX, có câu đối :

Đóng ngõ không nề khuya mấy sớm
Ra vào có lúc ngựa cùng xe.


Vừa qua thôn Cự Đông, xã Thanh Liệt làm cổng, các cụ cũng ghi:

Sống có nghĩa nhân nhà hạnh phúc
Đời theo cần kiệm cảnh yên vui.


Câu đối Cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, thực ra câu đối cổng, hiểu như là những câu đối có sức bút diễn tả được tầm vóc lịch sử hoặc văn hoá cũng đã được nhiều người nghĩ đến và ghi nhớ. Có điều vì lý do này hay lý do nọ, chúng đã chưa bao giờ được công khai công bố. Một trong những lý do là vấn đề vật chất. Cơ sở mà Giáo Xứ xử dụng, không phải là của mình, nhưng là của mượn. Và cơ sở này cũng không được ổn định. Giáo xứ đã toạ lạc trong bốn cơ sở. Năm 1950 ở số 36bis, Boulevard Raspail, 75007 Paris. Ðến năm 1957, rời về số 32 Avenue de l’Observatoire, 75014. Từ 1968 lại rời về số 15, rue Boissonade, 75014. Từ 15.08.1998 đến nay, Giáo xứ cư ngụ ở số 38, rue des Epinettes, 75017 Paris. Cả bốn cơ sở đều không có cổng. Cơ sở hiện nay là cơ sở duy nhất thực sự có một cái cổng, có mở ra khoá vào được. Nhưng là cơ sở ở trọ, không phải của mình. Giáo Xứ vẫn chưa dám nghĩ đến việc khắc ghi lên cổng một đôi câu đối, nêu ra cái khí khái, cái truyền thống văn hoá, hay cái nguyên tắc sống của mình, mà chỉ có thể dám nghĩ và ghi ra trên giấy và chia sẻ, truyền tụng cho nhau mà thôi.

Năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ, tôi đã mạo muội đề nghị năm đôi câu đối cổng cho Giáo Xứ mà tôi đã từng ghi lại.

Câu thứ nhất đã được viết ra vào lúc mà phong trào thuyền nhân ồ ạt đến Pháp vào những năm 1975 đến 1980 :

Liên đới từ xa xưa, giáo dân lòng mở rộng
Bác ái đến vạn đại, bổn đạo chí vươn cao (Thanh Hương)


Câu thứ hai viết vào dịp xây dựng Hội Ðồng Mục Vụ và Ban Thường Vụ vào năm 1983 :

Sống có nghĩa nhân cùng dân nước
Ðời giữ chung thủy với Chúa Trời (Thanh Hương)


Câu thứ ba viết vào dịp Giáo xứ thiết lập Phong Trào Liên đới nghề nghiêp vào năm 2000 :

Giáo Xứ Pa-ris, mỹ tục thuần phong truyền vạn tuế
Tiên Rồng Việt Nam, Tình dân, nghĩa nước giữ muôn đời (Thanh Hương)


Câu thứ bốn viết vào dịp Thánh Lễ tại Giáo Xứ được trực tiếp truyền hình trên đài F2 vào Chúa Nhật 23.03.2003 :

Ðông người thăm viếng bởi văn hoá và văn vật nhiều
Hết xứ yên vui nhờ đức ái và thiên ân lớn (Thanh Hương)


Câu thứ năm viết vào dịp xuất bản cuốn sách Văn Hoá và Ðức Tin, năm 2004 :

Bây giờ làng Văn Hoá
Mãi mãi xứ Ðức Tin (Thanh Hương)


Năm Đức Tin 2013, Giáo Xứ đưa ra một chương trình mục vụ « Năm Đức Tin và Lễ Bạc phong thánh 117 vị Tự Đạo Việt Nam », trong đó có việc soạn thảo cuốn sách « Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam », nghĩ đến gương các Thánh Tử Đạo Tiền nhân, những bậc anh hùng đốt sáng và thăng hoa Văn Hóa Việt Nam, tôi xin đưa ra đôi câu đối sau đây cho cổng Giáo Xứ Việt Nam Paris :

Văn Hóa Ngũ Luân Ngũ Thường đốt sáng
Đức Tin Bát Phúc Tam Phụ thăng hoa (Thanh Hương)


Những câu đối đóng góp thêm của Ban Tu Thư Giáo Xứ dịp Tết Quý Tỵ 2013. Trên đây là bài viết đã được phổ biến lần đầu vào năm 2007. Nhân dịp Xuân Quý Tỵ 2013, tác giả đã gửi đến những vị trong Ban Tu Thư GXVN Paris, xin đóng góp thêm. Trong tinh thần cộng tác và hiệp nhất giáo xứ, Bs Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, một trong những người sáng lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Paris vào năm 1947 và Ls Lê Đình Thông, cựu chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ GXVN Paris, 2001-2008, đã gửi đóng góp thêm những câu đối sau đây. Xin chân thành cám ơn Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái và Luật sư Lê Đình Thông.

Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, không kể đôi câu đối Tết Quý Tỵ 3013 đã ghi ở trên, đã còn đóng góp thêm một đôi câu đối Cổng như sau :

Cửa hẹp đường trần nghe tiếng gọi
Thiên đường mai mốt cạnh bên Ai (Vân Uyên NVA)


Cũng vậy, Luật sư Lê Đình Thông, không kể bốn đôi câu đối Tết Quý Tỵ 3013 đã ghi ở trên, đã còn đóng góp thêm sáu câu đối Cổng như sau :

1. Thuộc lòng bộ sách thánh, kinh nguyện khắc ghi tâm
Không quên lời kinh bổn, thứ tha là lẽ sống (LĐT)


2. Tin điều nhân nghĩa hiệp một lòng
Cậy ý thủy chung chung lời nguyện (LĐT)


3. Kinh thành ánh sáng, gìn vàng giữ ngọc giữa đầm sen
Nước Việt Văn Lang, phép tắc gia phong không phai nhạt (LĐT)


4. Ít khách vãng lai nhưng tấc lòng còn ghi nhớ mãi
Bà con đón Tết vẫn không quên những việc hàng ngày (LĐT)


5. Thuở trước vững đức tin
Ngày nay thêm lòng mến (LĐT)

6. Phúc âm Tám Mối Lời Chúa soi chung
Gương sáng Tông Đồ một lòng phục vụ (LĐT)


Xuân Ất Mùi 2015, chương trình mục vụ Tổng Giáo Phận Paris xoay quanh đề tài « 2015, năm Đời sống thánh hiến : sống đạo và ơn gọi », tôi xin gửi đến Giáo xứ Việt Nam Paris, đặc biệt với nhóm mục vụ đang học hỏi về thông điệp NIỀM VUI TIN MỪNG, đôi câu đối sau đây, vừa như một câu đối Tết, vừa như một câu đối cổng :

Xuân về, Giáo Xứ sống Tin Mừng nặng sâu,
Tết đến, Giáo Dân truyền Phúc Âm xa rộng (Thanh Hương)


Để kết luận nghiên cứu về « Câu đối - nét văn hóa tại cổng làng » nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh đã viết : « Đi qua một số làng ở Hà Nội để ngắm nhìn cánh cổng thân yêu, để mà đọc được những câu đối ý nghĩa thâm trầm hay bay bổng mà yêu quý. Đó là mảnh hồn của cha ông gửi gắm hay đó là lời dặn cho mọi thế hệ. Càng ngắm nhìn, càng tiếc rằng: với sự vô cảm, sự thiển cận của một số người, đã có nhiều cổng làng bị phá. Tại sao không nắn một con đường tránh như ở Đỗ Xá (Yên Thường - Gia Lâm) đã làm để giữ lấy tinh hoa của tiền nhân. Tại sao không xây một cổng làng khác như ở Hậu Dưỡng, Đình Trung và Dược Thượng đã làm với những câu đối nhắc nhở cho đời sau yêu quý quê hương. Tại sao lớp trẻ đang quay lưng với quê hương, phải chăng vì không còn hình ảnh nào níu kéo? » .

Ðể kết luận bài trình bày này, về « Câu đối sống, câu đối tết và câu đối cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris », tôi cũng xin đặt một câu hỏi, và câu hỏi đặt cho Giáo Xứ Việt Nam Paris. Có lẽ cũng là câu hỏi đặt ra cho nhiều cộng đoàn Việt Nam tại hải ngoại khác [ ]. Chúng ta vẫn than phiền rằng giới trẻ càng ngày càng xa rời cộng đoàn. Phải chăng vì chúng ta, những người đi trước, chưa thấm nhuần được cái thâm sâu của văn hoá Việt Nam, không biết phải truyền lại cái gì, cũng không biết phải truyền lại làm sao cho « người trẻ hôm nay và ở đây » chấp nhận được ? Câu đối cổng làng, cổng xứ phải chăng là dịp để ta ôn tập lại, học hỏi lại cái văn hoá của ta, cái lý tưởng của ta, cái chí khí của ta và tìm ra được phương thức hữu hiệu truyền thụ lại cho thế hệ đến sau ?

Chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi

Paris, cập nhật lần thứ hai, ngày 17/01/2015
Thanh Hương Trần Văn Cảnh