Ngày 17-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 2 Mùa Quanh Năm A. 19.1.2020
Lm Francis Lý văn Ca
15:34 17/01/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Thánh Gioan Tiền Hô xuất hiện hôm nay, giới thiệu Đức Kitô cho chúng ta rồi Ngài biến vào bóng tối. Thánh Gioan muốn mọi người phải biết về những điều ông rao giảng, về chính Đấng đã được sai đến, Ngài hô hào dân chúng phải nghe lời Người vì đó là đường đưa tới sự sống, sự cứu rỗi. Đó là cử chỉ của người khiêm nhường, chỉ biết sống cho sứ mệnh người tôi tớ Thiên Chúa.

Do đó, cuộc sống của chúng ta, cũng phải biết noi theo gương của Thánh Gioan Tiền Hô, là không nên giữ khư khư cho chính mình, kho tàng đức tin mà Chúa đã mạc khải cho chúng ta, nhưng mọi người đều phải được nghe, được chia sẻ Tin Mừng qua chính chúng ta, để họ cũng biết được rằng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".

Chúng ta cầu xin Chúa trong thánh lễ hôm nay, đốt cháy tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta không thể ngồi yên, ôm lấy cho mình đức tin, nhưng đức tin có thể được sánh ví như chiếc áo choàng, phải đuợc mọi người xung quanh xem thấy và biết chúng ta là ai.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúng ta được mời gọi cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa, đem Chúa đến cho nhân loại. Thuở xa xưa chỉ thu hẹp trong phạm vi người Dothái. Nhưng ngày nay, ơn cứu rỗi đó đã được truyền rao cho khắp mọi dân tộc.

TRƯỚC BÀI II:
Trong tuần nầy, cũng như tuần kế tiếp, chúng ta sẽ nghe thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô. Đoạn mở đầu hôm nay là lời chào hỏi của một vị chủ chăn. Giáo Hội dùng lại lời chào nầy trong phần đầu của thánh lễ, khi vị chủ tế chào cộng đoàn.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan Tiền Hô, với tiếng Chúa Cha từ trời cao và Chúa Thánh Thần xuất hiện với hình chim câu, đã xác định cho chúng ta người đang được Gioan làm phép rửa là Đấng thiên hạ đợi trông.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cùng quây quần nơi đây để chia sẻ Lời Chúa và cử hành Bí Tích Thánh Thể. Giờ đây, chúng ta khẩn khoản nài xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết sau đây:

1. Xin Chúa luôn hiện diện giữa Giáo Hội, với sức mạnh của Chúa, Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập sẽ trở nên nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa chúc lành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng các Phẩm Trật trong Giáo Hội Hoàn Vũ được một năm mới an lành. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta nhớ đến quê hương xứ sở trong những ngày cuối niên âm lịch nầy. Xin cho làn gió Xuân mang đến cho quê huơng Việt Nam sự tươi mát của một mùa Xuân an bình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúa đã thánh hiến chúng ta khi chúng ta còn ở trong thai mẫu và cắt đặt chúng ta đi làm chứng tá cho Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa luôn gìn giữ chúng ta trung thành trong sứ mệnh loan truyền danh thánh Chúa cho mọi người. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Dịp cuối năm, chúng ta cầu nguyện cho những bậc tiền nhân đã yên nghỉ và thân bằng quyến thuộc đã qua đời trong năm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần hăng say phục vụ Chúa như gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Xin cho ơn phép rửa tội sống mạnh nơi mỗi người, để chúng con trở nên chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:18 17/01/2020

38. Đức nhẫn nại giáo huấn người tội lỗi, và khiến họ sớm hối cải để được tha tội.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:22 17/01/2020
20. MÃ CHÂU ĐẤU RƯỢU

Triều đại nhà Đường có thư lệnh tên là Mã Châu, ban đầu nghèo nàn bất đắc chí, lúc mới vào kinh thành Tây An, đi đến kinh thành phía đông gần cầu Bá mười cây số thì dừng lại nghỉ ngơi, lại có mấy người quen biết đi bộ cũng dừng lại đó nghỉ, những người ấy ngồi bên cạnh Mã Châu uống rượu, lại không ngừng chép chép miệng chọc Mã Châu.

Mã Châu vội vàng đi đến chợ mua về một đấu rượu và dùng rượu rửa chân ngay trước mặt mọi người, tất cả đều xấu hổ mà bỏ đi.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 20:

Thấy người áo quần vải xấu xí thì đừng cho là họ nghèo nàn, bởi vì họ đã thấu hiểu được lẽ giàu có không phải nơi áo quần, nhưng là nơi túi tiền; thấy người lam lũ thì đừng khinh dể là họ đói rách, bởi vì đối với họ việc làm mới là quan trọng dù là có tiền của...

Con người ta dù nghèo nhưng vẫn có sĩ diện của họ, đem mấy ly rượu chép chép miệng chọc tức họ, thì chẳng khác chi cầm dao đâm vào cái tự ái sĩ diện nơi con người họ.

Có một vài người Ki-tô hữu thấy mình sốt sắng tham gia các công việc từ thiện hơn những người khác, thì cho là mình đạo đức và coi thường người khác vì họ không tham gia các việc bác ái như họ, họ không biết rằng việc bác ái là việc tự nguyện và càng âm thầm thì càng có hiệu quả hơn trước mặt Thiên Chúa, bởi vì Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng tay trái làm việc bác ái thì đừng cho tay phải biết...

Mã Châu vì tức giận người khác chọc ghẹo mình mà đi mua rượu về rửa chân chơi. Còn tôi thì vẫn cứ “tự tại” khi người khác chê trách cuộc sống qúa bê bối của tôi, mà không chịu đứng lên quyết tâm sửa mình, người đạo đức và không đạo đức hơn nhau là ở đó vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khí phách của Giám Mục Trung Quốc: thà ngủ đầu đường xó chợ, không gia nhập Giáo Hội quốc doanh
Đặng Tự Do
07:12 17/01/2020
Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) và các linh mục phụ tá của ngài vừa bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và phải lang thang ngủ trên hè phố. Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Asia-News, cơ quan thông tin của PIME, Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, gọi vị Giám Mục và các linh mục này là những “nạn nhân” của thoả thuận Vatican - Bắc Kinh ký ngày 22 tháng 9, 2018.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm bị đuổi khỏi Tòa Giám Mục: ngài ngủ trên hè phố. Một số linh mục và người già cũng lâm vào tình cảnh vô gia cư

Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), hiện đang lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区), sau khi có lệnh trục xuất ngài và các linh mục làm việc cũng như sống chung với ngài hôm 15 tháng Giêng.

Để gia tốc lệnh trục xuất này, tất cả các nguồn cung cấp điện và nước cho Tòa Giám Mục đã bị cắt. Chính thức mà nói, bọn cầm quyền giải thích lệnh trục xuất là vì lý do an ninh. Chúng gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về hỏa hoạn và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm là một trong những “nạn nhân” đầu tiên của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, trong đó chuyển đổi giáo phận Mân Đông thành một loại “dự án thí điểm” cho việc thực hiện các hiệp định.

Sau khi thỏa thuận đạt được và giám mục quốc doanh Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Si-lu - 詹思祿) được tha vạ tuyệt thông, theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Cha Quách Hy Cẩm đã đồng ý chịu bị giáng chức xuống thành Giám Mục Phụ Tá để nhường vị trí bản quyền cho Chiêm Tư Lộc.

Tuy nhiên, Đức Cha Quách Hy Cẩm, chưa bao giờ ghi danh làm thành viên của Giáo hội quốc doanh, và do đó, ngài không được bọn cầm quyền công nhận và hệ quả là hiện tại ngài đã rơi vào tình trạng vô gia cư lang thang đầu đường xó chợ.

Số phận tương tự cũng đã xảy ra với nhiều linh mục từ chối gia nhập Giáo Hội quốc doanh. Trong những ngày gần đây ít nhất là năm giáo xứ cũng bị đóng cửa vì lý do không bảo đảm “các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ”. Trong số này có hai giáo xứ lớn tại Phúc An (Fuan - 福安), với hơn 10 nghìn tín hữu; và tại Tắc Tề (Saiqi - 赛岐), với khoảng 3 nghìn tín hữu.

Cha Lưu Quang Bình (Liu Guangpin - 劉光平), 71 tuổi, linh mục chính xứ Phúc An, là một trong số những người xây dựng lại cuộc sống của Giáo hội sau các cuộc đàn áp của Mao Trạch Đông trong thời Cách mạng Văn hóa. Bây giờ, ngài đã bị đuổi ra khỏi nhà xứ và không có nơi để cử hành thánh lễ, nhưng vẫn lang thang tại Phúc An. Trường hợp cha Hoàng Cẩm Đồng (Huang Jintong - 黄锦童), 50 tuổi linh mục giáo xứ Tắc Tề còn thê thảm hơn. Ngài bị đuổi ra khỏi nhà và cấm không được cư trú trong thành phố này.

Ngày 13 tháng Giêng, bọn cầm quyền Trung Quốc đã đóng cửa một ngôi nhà dành cho những người già, không có người thân, được các nữ tu thuộc Dòng Nữ tử Bác Ái của Lòng Chúa Thương Xót coi sóc trong gần 20 năm qua. Hơn ba mươi người bị đuổi ra khỏi nhà. Một số ít người có thể tìm được người thân, nhưng đa số những người khác trở thành những người vô gia cư sống đầu đường xó chợ.

Lý do không tôn trọng “các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ” chỉ đơn thuần là một cái cớ để đàn áp trắng trợn. Giáo xứ Phùng Sĩ An (Suanfeng - 馮仕安) đã bị đóng cửa vì lý do này. Công an đã đuổi vị linh mục chánh xứ ra khỏi nhà xứ của ngài vì ngài không chịu gia nhập Giáo Hội quốc doanh. Nhưng gần như ngay lập tức sau đó, giám mục quốc doanh Chiêm Tư Lộc bổ nhiệm một linh mục quốc doanh đến coi sóc thì nhà thờ được mở cửa trở lại mà không cần bất kỳ sửa đổi nào.

Có rất nhiều nỗi đau và sự hoang mang giữa các tín hữu. Trong nhiều ngày, các tín hữu Công Giáo Phúc An đã canh giữ nhà thờ của họ cả ngày lẫn đêm dù điện nước đã bị cắt. Nhiều anh chị em đã khiếu nại và chỉ trích giám mục quốc doanh Chiêm Tư Lộc không bảo vệ tự do của Giáo Hội và những người khác cáo buộc rằng “ông ta giống như một chính trị gia hơn là một mục tử” .

Về phần mình, Chiêm Tư Lộc tiếp tục yêu cầu các linh mục gia nhập Giáo Hội quốc doanh để tránh rắc rối, nhắc nhở họ rằng điều này đã được Tòa Thánh khuyến khích trong bản Hướng dẫn được công bố vào tháng Sáu năm ngoái.

Nhưng ít nhất 20 linh mục trong số 57 vị không muốn ghi danh. Các ngài nói rằng chữ ký của các ngài chỉ “là khởi đầu cho sự bách hại và kiểm soát chặt hơn”, và biến các linh mục trở thành “các quan chức của đảng”, là những người đồng ý không truyền giáo cho người trẻ dưới 18 tuổi – là điều trái với Hiến pháp Trung Quốc - và phải đặt mọi sáng kiến truyền giáo dưới quyền tối thượng của Đảng Cộng sản.

Mặt trận Thống nhất và Văn phòng Tôn giáo, nơi quản lý các hoạt động của các tôn giáo và Giáo hội, quyết tâm xóa bỏ tất cả những ai không phục tùng. Họ cũng xem thường thẩm quyền giám mục của Chiêm Tư Lộc. Theo một số linh mục, Chiêm Tư Lộc không được thông báo về tất cả các hoạt động trục xuất Đức Cha Quách Hy Cẩm và các linh mục giáo xứ. Nếu có được thông báo đi chăng nữa, ông ta cũng chẳng làm được gì. Mặt trận Thống nhất còn dùng đến những trò khủng bố khác như đe dọa trả thù gia đình các linh mục: bằng cách kiếm cớ đuổi họ ra khỏi nhà hoặc khiến các thành viên trong gia đình các ngài mất công ăn việc làm.

Một số linh mục nói Tòa Thánh đã “quá nhẹ dạ” khi ký thỏa thuận. “Đã đến lúc các vị trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nên tỉnh thức khỏi các giấc mơ của các ngài, và thừa nhận rằng họ đã mắc sai lầm, nếu không họ sẽ là đồng lõa trong tình huống hiện nay,” các linh mục này nói.


Source:Asia News

 
Nữ quyền cấp tiến nhìn nhận đốt phá 2 nhà thờ và xe cộ tại Đức, hăm dọa còn đốt tiếp
Đặng Tự Do
15:50 17/01/2020
Một nhóm nữ quyền cấp tiến đã công khai nhìn nhận là thủ phạm của một loạt các vụ tấn công liên tục nhắm vào những người ủng hộ sự sống tại Đức, bao gồm cả vụ phá hoại hai nhà thờ và đốt cháy một chiếc xe hơi của một nhà báo phò sinh.

Hôm 27 tháng 12, một nhà thờ Tin Lành ở thị trấn Tübingen đã bị xịt sơn và một chiếc xe buýt nhỏ bị đốt cháy ngay trước cửa nhà thờ. Nhà chức trách ước tính rằng những kẻ phá hoại đã gây ra thiệt hại lên đến 40,000 euro.

Ngay sau vụ phá hoại, một bức thư tuyên bố nhận trách nhiệm đã được đăng trực tuyến trên trang web indymedia. Bức thư nói nhà thờ bị tấn công vì có thái độ chống nữ quyền. Thư đã được một nhóm tự xưng là “Tiểu tổ nữ quyền tự trị” ký tên.

Bốn ngày sau, trên cùng một trang web, nhóm này nói rằng họ đã đốt cháy một chiếc SUV của nhà báo người Đức Gunnar Schupelius. Anh Schupelius, phụ trách một chuyên mục trên tờ BZ, đã viết những bài ủng hộ quan điểm phò sinh. Trong thư nhận trách nhiệm, nhóm này đăng cả địa chỉ nhà riêng của Schupelius để hù dọa và kích động bạo lực hơn nữa.

Đây là lần thứ hai ký giả phò sinh Schupelius bị đốt xe. Vụ tấn công đầu tiên xảy ra vào năm 2014, và năm ngoái 2019, nhóm nữ quyền quá khích này đã công bố trực tuyến tuyên bố nhận trách nhiệm của họ.

Vào đầu năm mới này, nhóm “Tiểu tổ nữ quyền tự trị” đã phá hoại một nhà thờ khác, lần này là ở Berlin. Đó là nhà thờ, St. Elisabeth, tọa lạc tại quận Schoneberg.

Vào đêm 8 rạng ngày 9 tháng Giêng vừa qua, chúng ném sơn vào nhà thờ. Sau đó, chúng đăng một bức thư giải thích vụ tấn công bằng sơn là để phản ứng lại việc ngôi nhà thờ này đã đăng cai các sự kiện phò sự sống trong cuộc Tuần Hành Phò Sinh được tổ chức hàng năm vào tháng Chín.

Nhà thờ Thánh Elisabeth, đã tổ chức Hội Nghị “Tác Động 2019” trước cuộc Tuần Hành Phò Sinh. Hội Nghị này nhằm mục đích kết nối các nhà hoạt động ủng hộ sự sống trên khắp Âu châu. Điều này, theo những kẻ phá hoại, là không thể chấp nhận được. Trong bức thư nhận trách nhiệm về vụ tấn công, những kẻ phá hoại nói rằng cuộc Tuần Hành Phò Sinh thường niên đóng vai trò là nền tảng cho những người theo trào lưu chính thống, chống chuyển giới, chống đồng tính luyến ái, chống chủ nghĩa bài Do Thái, trọng nam khinh nữ, gia trưởng và bảo thủ cánh hữu, và do đó các vụ tấn công của chúng là hợp pháp.

Hiệp hội Quyền sống của Liên bang đã đăng một lá thư trên trang web của mình bác bỏ những tuyên bố này, và nói rằng họ không tuyển dụng bất kỳ người phát ngôn nào có mầu sắc ý thức hệ.

“Chúng tôi đặc biệt đề cao chính nghĩa phò sinh, cụ thể là quyền được sống là nhân quyền bất khả xâm phạm của mọi người, bất kể người ấy từ đâu đến, diện mạo như thế nào, niềm tin tôn giáo hay thái độ chính trị của người ấy ra sao.”

“May mắn thay, trong xã hội chúng ta có hàng triệu người không bị lôi cuốn bởi những mưu toan vô nghĩa nhằm phân loại con người một cách sai lầm như thế. Nhiều Kitô hữu cương quyết xa lánh mọi nỗi ám ảnh, thù hận hay thái độ phân biệt đối xử chống lại người đồng tính, người Do Thái, phụ nữ hoặc những người khác. Tất cả những điều này là vô nghĩa nếu chúng ta nghiêm túc đối với niềm tin Kitô của mình và hiểu rõ về niềm tin đó.”

Đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này chưa có vụ bắt giữ nào được ghi nhận để đối phó với các cuộc tấn công. Năm ngoái, 8,000 người đã tham gia cuộc Tuần Hành Phò Sinh thường niên.

 
Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế: Kết luận
Vũ Văn An
16:24 17/01/2020
Kết luận

83. Kitô giáo không giới hạn lịch sử cứu rỗi trong các biên giới của lịch sử Giáo Hội. Trái lại, trong việc nối dài giáo huấn của Công Đồng Vatican II và trong chân trời Thông điệp Ecclesiam suam của Thánh Phaolô VI, Giáo Hội luôn mở toàn bộ lịch sử con người đón nhận hành động yêu thương của Thiên Chúa, Đấng “muốn mọi người được cứu rỗi và tiến tới việc nhận biết chân lý” (1Tm 2:4). Hình thức truyền giáo của Giáo Hội, được ghi khắc vào chính thiên hướng đức tin, vâng theo luận lý học quà phúc, nghĩa là ơn thánh và tự do, chứ không phải luận lý học khế ước và áp đặt. Giáo Hội rất ý thức sự kiện này: ngay với những ý hướng tốt nhất, luận lý học này cũng sẽ bị nói ngược lại, và luôn có nguy cơ như thế, vì các tác phong vừa không phù hợp vừa không nhất quán với đức tin nhận được. Tuy thế, chúng ta, người Kitô hữu, chúng ta tuyên xưng một cách khiêm nhường nhưng chắc chắn niềm xác tín của chúng ta rằng Giáo Hội luôn được Chúa hướng dẫn và được Chúa Thánh Thần nâng đỡ suốt con đường mình làm chứng cho hành động cứu rỗi của Thiên Chúa trong đời sống mọi người và mọi dân tộc. Và Giáo Hội luôn tái cam kết tôn vinh ơn gọi lịch sử của mình, bằng cách công bố Tin Mừng thờ lạy Thiên Chúa một cách đích thật trong tinh thần và trong sự thật. Trên con đường này, con đường trên đó, tự do và ơn thánh gặp nhau trong đức tin, Giáo Hội hân hoan được Chúa củng cố, Đấng luôn đồng hành với Giáo Hội, và được Chúa Thánh Thần lôi kéo, Đấng luôn đi trước Giáo Hội. Do đó, Giáo Hội luôn tuyên bố lại ý hướng cương quyết của mình quay về với lòng trung thành trong trái tim, trong tư tưởng và trong các công trình nhằm tái lập tính tinh ròng của đức tin của mình.

84. Chứng từ của đức tin Kitô giáo nằm trong thời gian và không gian của cuộc sống bản thân và cộng đồng, những thực tại vốn phù hợp với thân phận làm người. Các Kitô hữu ý thức rõ sự kiện này: thời gian và không gian này không phải là những thực tại trống rỗng. Cũng không phải là các thực tại lờ mờ (indistints) nghĩa là trung lập và dửng dưng đối với ý nghĩa, các giá trị, các xác tín và ước muốn vốn tạo hình cho nền văn hóa thực sự nhân bản của đời sống. Đó là các không gian và thời gian đầy năng động tính của các cộng đồng và truyền thống, của những tái hợp đoàn và thống thuộc, của các định chế và luật lệ. Ý thức mạnh hơn về tính đa nguyên trong các phương cách đa dạng nhằm nhận ra và đạt tới ý nghĩa đời sống cá nhân và cộng đồng, những điều góp phần tạo ra sự đồng thuận đạo đức và việc biểu lộ xác tín tôn giáo, đã thúc đẩy Giáo Hội khai triển chi tiết một phong thái làm chứng đức tin hoàn toàn tôn trọng tự do cá nhân và thiện ích chung. Phong thái này, không hề làm giảm lòng trung thành đối với biến cố cứu rỗi vốn là đối tượng của việc công bố đức tin, phải làm cho trong sáng hơn nữa việc mình tự tách ra khỏi tinh thần thống trị, chỉ biết lưu tâm tới việc chiếm quyền như một cùng đích tự tại. Chính lòng cương quyết của huấn quyền trong việc buộc thần học phải ra khỏi sự hiểu lầm này đã giúp Giáo Hội khuyến khích việc khai triển học thuyết chính trị của mình một cách chi tiết và gắn bó hơn.

85.Trong tư cách thành viên dân Chúa, chúng ta khiêm nhường đề xuất cho mình việc luôn trung thành với sứ mệnh Chúa trao phó, Đấng sai các môn đệ đến với mọi dân tộc trên trái đất để công bố Tin Mừng Thương Xót của Thiên Chúa (xem Mt 28:19-20; Mc 16:15), Cha mọi người, và tự do mở lòng đón nhận đức tin vào Chúa Con, đã làm người để cứu rỗi chúng ta. Giáo Hội không lẫn lộn sứ mệnh riêng của mình với việc thống trị trên các dân tộc của thế giới, và cai trị kinh thành trần gian. Đúng hơn, Giáo Hội nhìn thấy cơn cám dỗ tinh quái muốn biến quyền lực chính trị và sứ mệnh Tin Mừng thành một thứ công cụ hỗ tương. Chúa Giêsu vốn bác bỏ cái thứ lợi điểm biểu kiến của một dự án như thế, coi nó như một rù quyến của ma quỉ (Mt 4:8-10). Ngài đã đẩy lùi một cách rõ ràng mưu toan muốn biển đổi cuộc tranh chấp với những người duy trì luật pháp (tôn giáo và chính trị) thành một cuộc tranh chấp nhằm thay thế quyền cai trị của các định chế và xã hội. Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo các môn đệ của Người một cách rõ ràng về cơn cám dỗ, trong nghĩa vụ chăm sóc mục vụ cho cộng đồng Kitô hữu, đừng tuân theo các tiêu chuẩn và phong thái của quyền lực trần gian (xem Mt 20:25; Mc 10:42; Lc 22:25). Do đó, Kitô giáo biết rõ việc truyền giảng Tin Mừng cho thế gian phải mang ý nghĩa và hình ảnh nào. Việc nó cởi mở với chủ đề tự do tôn giáo, do đó, là một minh xác nhất quán đối với phong thái công bố Tin Mừng và lời kêu gọi của đức tin, những điều giả thiết việc vắng bóng đặc quyền bất chính của một số chính sách tuyên tín và việc bảo vệ các quyền chính đáng của tự do lương tâm. Sự minh xác này đồng thời cũng đòi phải nhìn nhận đầy đủ phẩm giá của việc tuyên xưng đức tin và thực hành thờ phượng ở nơi công cộng. Trong luận lý học đức tin và sứ mệnh, việc tích cực tham dự và có suy nghĩ vào việc xây dựng một cách hoà bình mối dây liên kết xã hội, cũng như quảng đại chia sẻ việc lưu tâm tới thiện ích chung, đều là các hệ luận của chứng từ Kitô giáo.

86. Cam kết văn hóa và xã hội của hành động tin, một hành động cũng tự phát biểu trong việc cấu tạo các nhóm trung gian và trong việc cổ vũ các sáng kiến công cộng, cũng là một chiều kích của cam kết này, cam kết mà các Kitô hữu được mời gọi chia sẻ với mọi người nam nữ thời họ, độc lập đối với các dị biệt văn hóa và tôn giáo. Khi nói “độc lập”, dĩ nhiên ta không có ý nói nên làm ngơ các dị biệt này, coi chúng như không đáng kể. Đúng hơn, ta muốn nói rằng chúng phải được tôn trọng và coi như các thành tố quan yếu của con người, và nên trân quí trong các đóng góp phong phú của chúng vào sinh khí cụ thể của lãnh vực công cộng. Giáo Hội không hề có lý do gì để chọn một con đường khác để làm chứng. Bất kể tình huống ra sao, Thánh Phêrô cũng khuyên ta “phải hiền hoà và kính trọng, giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1Pr 3:16). Và người ta không thấy luận điểm hữu lý nào cần phải áp đăt lên Nhà nước việc phải loại bỏ tự do tôn giáo trong việc tham gia vào việc suy tư và cổ vũ các lý lẽ của thiện ích chung trong khuôn khổ lãnh vực công cộng. Nhà nước không thể có tính thần trị, hay vô thần, hoặc “trung lập” (theo nghĩa dửng dưng tự tưởng tượng nền văn hóa tôn giáo và việc thống thuộc tôn giáo là điều vô nghĩa trong việc cấu thành chủ thể dân chủ thực chất). Đúng hơn, nó được kêu gọi thực thi chính sách “thế tục tích cực” (laïcité positive) đối với các hình thức xã hội và văn hóa biết bảo đảm mối tương quan cần thiết và cụ thể của Nhà nước pháp quyền với cộng đồng hữu hiệu của những người được hưởng quyền.

87. Nhờ cách đó, Kitô giáo sẽ ở thế sẵn sàng để nâng đỡ niềm hy vọng về một đích đến chung hướng tới cùng đích cánh chung của một thế giới đã biến hình, theo lời hứa của Thiên Chúa (xem Kh 21:1-8). Đức tin Kitô giáo ý thức rõ sự biến hình này là một ơn phúc của tình yêu Thiên Chúa đối với tạo vật nhân bản, chứ không phải là kết quả các cố gắng của chúng ta để cải thiện phẩm chất cuộc sống bản thân hay xã hội. Tôn giáo hiện hữu để duy trì luôn sống động ý nghĩa siêu việt vủa công cuộc cứu chuộc tính công lý của sự sống và sự hoàn thành của lịch sử. Một cách đặc biệt, Kitô giáo được xây dựng trên việc loại bỏ tính nhiệt cuồng toàn năng của bất cứ hình thức duy thiên sai trần thế nào, bất luận là thế tục hay tôn giáo, luôn dẫn tới việc nô dịch hóa các dân tộc và tiêu hủy ngôi nhà chung. Việc chăm sóc sáng thế, từ đầu, vốn được trao phó cho liên minh đàn ông đàn bà (xem St 1:27-28), và tình yêu người lân cận (xem Mt 22:39), những điều vốn đóng ấn tín cho sự thật yêu mến Thiên Chúa của Tin Mừng, là chủ đề trách nhiệm mà dựa vào đó, chúng ta, nhất là các Kitô hữu, sẽ bị phán xét vào lúc tận cùng thời gian, thời gian mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để chúng ta hoán cải quay về với tình yêu của Người. Nước Thiên Chúa vốn đang hoạt động trong lịch sử, trong việc mong đợi Chúa đến, Đấng sẽ dẫn chúng ta vào sự hoàn thành của Người. Chúa Thánh Thần, Đấng nói “Hãy đến!” (Kh 22:17), Đấng tiếp nhận “các rên xiết của tạo thế” (rm 8:22) và “biến mọi sự nên mới mẻ”, đem vào thế giới lòng can đảm của đức tin, một đức tin, vì thiện ích của mọi người, luôn nâng đỡ (xem Rm 8:1-27) vẻ đẹp trong “lý lẽ [logos] của niềm hy vọng ở trong ta” (1Pr 3:15). Và nền tự do, cho mọi người, được lắng nghe và bước theo Người.

Ghi chú

[1] Công đồng tự đề ra việc biện phân ý nghĩa của tự do tôn giáo bằng cách lưu ý tới cách hiểu không những của các cộng đồng Giáo Hội, mà của cả các chính phủ, các định chế, báo chí, các nhà luật học của thời kỳ ấy. Xin xem giải thích của A. J. De Smedt, Relatio (23-09-1964) (Acta synodalia III/2, p. 349). Một tham chiếu quan trọng đối với chủ đề này là bản “Tuyên Ngôn Phổ Quát về Các Nhân quyền” (1948), nhưng cả các phát biểu khác về tư tưởng triết học và luật học. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đề nghị một phẩm trật các nhân quyền đa dạng, dựa vào các văn kiện quốc tế như Dignité et droits de la personne humaine (1983), 1.2. (Ủy Ban Thần học Quốc tế, Textes et documents I [1969-1985], lời nói đầu của Đức Hồng J. Ratzinger, Cerf, Paris, 2013, tr. 301-302).

[2] Xem, trong số nhiều nghiên cứu khác, các nghiên cứu của J. Hamer – Y. Congar, La Liberté religieuse. Déclaration «Dignitatis humanae personae», Cerf, Paris, 1967; R. Minnerath, Le Droit de l’Église à la liberté. Du Syllabus à Vatican II, Beauchesne, Paris, 1982 ; D. Gonnet, La Liberté religieuse à Vatican II. La contribution de John Courtney Murray, Cerf, Paris, 1994 ; S. Scatena, La Fatica della libertà. L’elaborazione della dichiarazione Dignitatis Humanae sulla libertà religiosa del Vaticano II, Il Mulino, Bologna, 2003 ; R. A. Siebenrock, « Theologischer Kommentar zur Erklärung über die Religionsfreiheit Dignitatis Humanae », trong Herders Theologischer Kommentar zum Zweiten Vatikanischen Konzil, Bd. IV, Herder, Freiburg, 2005, p. 125-218 ; G. del Pozo, La Iglesia y la libertad religiosa, BAC,Madrid, 2007 ; R. Latala – J. Rime (chủ biên), Liberté religieuse et Église catholique. Héritage et développements récents, Academic Press Fribourg, Fribourg, 2009 ; J. L. Martínez, Libertad religiosa ydignidad humana. Claves católicas de una gran comprensión, San Pablo-UPC, Madrid, 2009 ; D. L. Schindler – N. J. Healey Jr., Freedom, Truth, and Human Dignity. The Second Vatican Council’s Declaration on Religious Freedom, Eerdmans, Grand Rapids (Mi), 2015 ; S. Noceti – R. Repole (a cura di), Commentario ai Documenti del Vaticano II, Vol. 6 : Ad Gentes, Nostra Aetate, Dignitatis Humanae, Dehoniane, Bologna, 2018.

[3] Xem Đức Grêgôriô XVI, Thông điệp Mirari vos (15 tháng 8, 1832); Chân phúc Piô IX, Thông điệp Quanta cura (8 tháng 12, 1864).

[4] Xem Đức Piô XII, Thông điệp truyền thanh Lễ Giáng sinh «Benignitas et Humanitas » gửi các dân tộc trên toàn thế giới (24 tháng 12,1944) (AAS 37 [1945], p. 10-23).

[5] Xem Thánh Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11 tháng 4, 1963), số 18 (AAS 55 [1963], tr. 261).

[6] Ibid., các số 9, 14, 45-46, 64, 75 (AAS [1963], p. 260-261, 268-269, 275, 279). Các quan điểm này sẽ trở thành cố định kể từ Công đồng Vatican II. Xem Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (7 tháng 12, 1965), số 17 ; Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor (6 tháng 8, 1993), số 35-41 (AAS 85 [1993], p. 1161-1166) ; Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, các số 1731-1732 ; Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (9 tháng 6, 2009), số 9, 17 (AAS 101 [2009], tr. 646-647, 652-653).

[7] Về đề tài này, xin xem các số 41, 42 et 76 trên đây.

[8] Cũng nên xem Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate (28 tháng 10, 1965), số 1, 5.

[9] Khi nhắc tới chủ nghĩa vô thần, Công đồng đưa ra một mô tả hiện sinh về điều kiện tôn giáo như thuộc kinh nghiệm chung của con người. (Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes [7 tháng 12, 1965], số 19-21). Đây là một suy tư cố định trong các bản văn Giáo Hội hậu Công Đồng. Xin xem các tổng hợp của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 27-30 hay Hợp tuyển Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 14-15, và cả các tài liệu của Ủy Ban Thần học Quốc tế Le Christianisme et les religions (1996), số 107-108 (Ủy Ban Thần học Quốc tế, Documents II [1986-2009], G. Emery, o.p. chủ biên, Lời Nói Đầu của Đức Hồng Y William Joseph Levada, Cerf, Paris, 2013, tr. 260-262) ; Dieu Trinité, unité des hommes. Le monothéisme chrétien contre la violence (2014), số 1-2.

[10] Xem số 44 dưới đây. Một tổng hợp có ý nghĩa về học thuyết Giáo Hội được tìm thấy trong Hợp tuyển Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 421-423.

[11] Xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam suam (6 tháng 8, 1964), các số 30, 72, 81, 90 và nhiều số khác (AAS 56 [1964], tr. 618-619, 641-642, 644, 646-647) ; Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh, 14 tháng 1, 1978 (AAS 70 [1978)], tr. 168-174).

[12] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (7 tháng 12, 1990), số 39 (AAS 83 [1991], tr. 286-287).

[13] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân cử hành Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ XXI, « Tự do Tôn giáo, Điều kiện Sống chung Hòa bình » (1 tháng 1, 1988) (AAS 80 [1988], tr. 278-286).

[14] Cf. Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis (4 tháng 3, 1979), 12b-c ; 17f-i (AAS 71 [1979], tr. 279-281, 297-300) ; Gặp gỡ Đại biểu các Tôn giáo không phải Kitô giáo tại Madras (5 tháng 2, 1986), số 5 (AAS 78 [1986], tr. 766-771) ; Tông huấn Christifideles laici (30 tháng 12,1988), số 39 (AAS 81 [1989], tr. 466-468) ; Thông điệp nhân cử hành Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ XXI, « Tự do Tôn giáo, Điều kiện Sống chung Hòa bình » (1 tháng 1, 1988) (AAS 80 [1988], tr. 278-286); Thông điệp nhân cử hành Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ XXII, «Để Xây dựng Hòa bình, Hãy Tôn trọng Các Nhóm Thiểu số» (1 tháng 1, 1989) (AAS 81 [1989], tr. 95-103) ; Thông điệp nhân cử hành Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ XXIV, « Nếu Bạn Muốn Hòa bình, hãy Tôn trọng Lương tâm mọi Người» (1 tháng 1, 1991) (AAS 83 [1991], tr. 410-421).

[15] Xem Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp nhân cử hành Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ XLIV, «Tự do Tôn giáo, Đường dẫn tới Hòa bình», (1 tháng 1, 2011)(AAS 103 [2011], tr. 46-58). Cũng nên xem: Thông điệp Caritas in veritate (29 tháng 6, 2009), số 29 (AAS 101 [2009], tr. 663-664) ; Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (12 tháng 5, 2005) (AAS 97 [2005], tr. 789-791) ; Diễn văn với Giáo triều Rôma nhân dịp chúc lễ Giáng Sinh (22 tháng 12, 2006) (AAS 99 [2007], tr. 26-36) ; Diễn văn với các đại diện khoa học, «Đức tin, Lý trí và Đại học. Hoài niệm và Suy tư» (Ratisbonne, 12 tháng 9, 2006) (AAS 98 [2006], tr. 728-739) ; Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (10 tháng 1, 2011)(AAS 103 [2011], tr. 100-107) ; Diễn văn với Các Nhà Cầm quyền Dân sự, Westminster, 17 tháng 9, 2010 (AAS 102 [2010], tr. 633-635) ; Diễn văn với Đại diện các Định chế và tín hữu các Tôn giáo khác, (London Borough of Richmond, 17 tháng 9, 2010) (AAS 102 [2010], tr. 635-639) ; Bài giảng lễ (La Havane, Cuba, 28 tháng 5, 2012) (AAS 104 [2012], tr. 322-326).

[16] Id. Thông điệp nhân cử hành Ngày Hòa bình thế giới lần thứ XLIV, “Tự do tôn giáo, đường dẫn đến hòa bình”, (ngày 1 tháng 1 năm 2011), số 4 (AAS 103 [2011], trang 49-50). Muốn hiểu ý nghĩa của kiểu nói "chính sách thế tục tích cực", xem chú thích 72 dưới đây. Đức Bênêđictô XVI, trong những dịp khác, đề nghị thuật ngữ "chính sách thế tục lành mạnh" để xác định phương thức có giá trị cho mối quan hệ giữa chiều kích đạo đức- tôn giáo và nền chính trị (...) trong đó, chiều kích tôn giáo, trong các phát biểu đa dạng của nó, không những được khoan dung mà còn được trân qúi như "linh hồn" của quốc gia và là bảo đảm căn bản cho các quyền lợi và nghĩa vụ của con người (Yết kiến chung, ngày 30 tháng 4 năm 2008 ). Đức Piô XII từng nói tới "chính sách thế tục lành mạnh hợp pháp của Nhà nước": Diễn văn với người dân Marche ở Rome, ngày 23 tháng 3 năm 1958 (AAS 50 [1958], trang 220).

[17] Xem Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 257 (AAS 105 [2013], trang 1123); Bài phát biểu trong cuộc gặp gỡ chính quyền (Ankara, ngày 28 tháng 11 năm 2014) (AAS 106 [2014], trang 1017-1019); Bài phát biểu trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác và các giáo phái Kitô giáo khác tại Đại học Công Giáo "Nostra Signora del Buon Consiglio" (Tirana, ngày 21 tháng 9 năm 2014) (Enchiridion Vaticanum. Documenti ufficiali della Santa Sede, tập 30 [2014], Dehoniane, Bologna, 2016, trang 1023-1027); Bài phát biểu trong cuộc gặp gỡ về tự do tôn giáo với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha và những người nhập cư khác (Philadelphia, ngày 26 tháng 9 năm 2015) (AAS 107 [2015], trang 1047-1052).

[18] Đức Bênêđictô XVI, Bài phát biểu với Giáo Triều Rôma nhân dịp Chúc mừng Lễ Giáng Sinh (22 tháng 12 năm 2005) (AAS 98 [2006], tr. 46) ; Xem Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 129 (AAS 105 [2013], tr. 1030-1033).

[19] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, số 53c ; Thánh Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8 tháng 12 năm 1975), số 18-20 (AAS 68 [1976], tr. 17-19) ; Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Slavorum Apostoli (2 tháng 6 năm 1985), số 21 (AAS 77 [1985], tr. 802-803) ; Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 116-117 (AAS 105 [2013], tr. 1068-1069) ; Ủy Ban Thần học Quốc tế, Foi et inculturation (1988) 1.[11] (Documents II, p. 35). Muốn phân biệt “hội nhập văn hóa” (inculturation) và “tính liên văn hóa” (interculturalité), xem J. Ratzinger, "Chúa Kitô, Đức tin và Thách đố Văn hóa", Diễn văn với Các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Á, và các Chủ tịch của các Ủy ban Thần học, Hồng Kông, ngày 2 tháng 3 năm 1993 (xem văn bản trên trang chính thức http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/index_it.htm).

[20] Ủy Ban Thần học Quốc tế, Communion et service : la personne humaine créée à l’image de Dieu (2004), số 41 (Documents II, tr. 457-458); văn kiện này qui chiếu tính xã hội có tính cấu tạo vào gốc rễ tối hậu là mầu nhiệm Ba Ngôi: "trong viễn ảnh Kitô giáo, bản sắc bản vị này, một bản sắc, cùng một lúc, vốn là xu hướng hướng về người khác, trong yếu tính tự đặt nền trên Ba Ngôi Thiên Chúa"; cũng nên xem số 42-43 (Documents II, p. 458-459). Hợp tuyển Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 149 : “Con người, từ chính cơ cấu của họ, vốn là một hữu thể xã hội, bởi vì chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra họ, đã muốn thế”.

[21] Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948), điều 18 : “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình qua việc giảng dạy, hành đạo, thờ phượng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”.

[22] Về chủ đề này, xin xem Ủy Ban Thần học Quốc tế, Dignité et droits de la personne humaine (1983) 2 (Documents I, p. 303-310) ; Hợp tuyển Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 144-148.

[23] Boèce, Liber de persona et duabus naturis. Contra Eutychen et Nestorium, trong C. Moreschini (ed.), A.M.S. Boethius, De consolatione philosophiae. Opuscula theologica (= Bibliotheca scriptorum graecorum et romanorum teubneriana), Saur, Monachii – Lipsiae, 2000, tr. 206–241 [tr. 214]. Xem Thánh Bonaventure, Commentaria in quatuor libros sententiarum Magistri Petri Lombardi, I, d. 25, a. 1, q. 2, trong Opera omnia, vol. I, Typographia Collegii S. Bonaventurae, Ad Claras Aquas, 1882, tr. 439-441; Thánh Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, Ia, q. 29, a. 1, trong Opera omnia iussu Leonis XIII P.M. edita, vol.1, ex Typographia Polyglotta, Romae, 1888, tr. 327-329.

[24] Xem Thánh Thomas d’Aquin, Summa contra gentiles, II, c. 68, trong Opera omnia iussu Leonis XIII P.M. edita, vol.13, Typis Riccardi Garroni, Romae, 1918, p. 440-441. Xem Công đồng Vienne (DS 902) ; Công đồng Latran V (DS 1440) ; Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 14 ; Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 362-368.

[25] Ủy Ban Thần học Quốc tế, Communion et service, số 31 (Documents II, p. 453).

[26]Về chủ đề này, Sách Thánh luôn dạy rằng: « Há anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trong anh em sao?” (1Cr 6:19). Thành thử, trong Chúa Kitô, như Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 999, dạy « ‘mọi người sẽ phục sinh với thân xác họ hiện có’ (DS 801), nhưng thân xác này sẽ ‘được biến đổi thành thân xác hiển vinh’ (Pl 3:21), thành ‘thân xác thiêng liêng’ (1 Cr 15: 44) ». Cũng nên xem Ủy Ban Thần học Quốc tế, Communion et service, số 26-31 (Documents II, tr. 450-453).

[27] Đức Bênêđictô XVI Diễn Văn tại Bundestag, Berlin, 22 tháng 9 năm 2011 (AAS 103 [2011], tr. 663-669).

[28] Ủy Ban Thần học Quốc tế, À la recherche d'une éthique universelle : nouveau regard sur la loi naturelle (2009), số 67 (Documents II, p. 598).

[29] Ibid.

[30] Ibid. Cũng nên xem Ủy Ban Thần học Quốc tế, Dignité et droits de la personne humaine (1983) 2.2.1 (Documents I, p. 306-307). Về mối tương quan sáng tạo giữa thần học và triết học, xin xem tổng hợp của Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio, số 73-79 (AAS 91 [1999], tr. 61-67).

Kỳ tới: Các ghi chú tiếp theo (31-100)
 
Tòa Thánh đã chọn được Giám Mục Hương Cảng nhưng trì hoãn công bố để giáo dân khỏi ngỡ ngàng
Đặng Tự Do
16:49 17/01/2020
Tòa Thánh đã trì hoãn tuyên bố việc lựa chọn vị giám mục tiếp theo của Hương Cảng trong bối cảnh lo ngại rằng hàng giáo sĩ và giáo dân địa phương sẽ rất là ngỡ ngàng. Vị được chọn là Cha Phêrô Thái Huệ Văn (Choy Wai-man - 蔡蕙文), một người được xem là có cảm tình với chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Thông tấn xã Catholic News gọi tắt là CNA cho biết như trên.

Giáo phận Hương Cảng đã trống tòa kể từ tháng Giêng năm 2019, khi Đức Cha Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming- cheung - 楊鳴章) qua đời đột ngột. Kể từ khi Đức Cha Chương qua đời, giáo phận đã tạm thời được coi sóc bởi Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon - 湯漢), 81 tuổi, là người tiền nhiệm của Đức Cha Chương, đã nghỉ hưu từ năm 2017.

Tòa Thánh dường như đã muốn bổ nhiệm Đức Cha Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing - 夏志誠), hiện là Giám Mục Phụ Tá, lên làm Giám Mục Chính Tòa Hương Cảng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này có lẽ đã vấp phải những chống đối gay gắt của phía Trung Quốc nên giải pháp hiện nay là Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, năm nay đã 81 tuổi, quay trở lại làm Giám Quản Tông Tòa của chính giáo phận mình đã từng làm Giám Mục Chính Tòa, một việc chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội.

Đức Cha Hạ Chí Thành đã bị loại vì ngài được xem là người có lập trường gần gũi với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun - 陳日君), và thường cùng với vị Hồng Y tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi tự do. Trong một bài giảng đầy nước mắt, hồi tháng Sáu, 2019, Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành, nói rằng ngài rất xúc động khi nhìn thấy những người trẻ trong những ngày qua khi ngài đi bộ từ trung tâm giáo phận đến nhà thờ.

“Họ chỉ muốn lên tiếng về quan ngại của mình. Họ đáng phải gánh chịu bạo lực như thế sao? Tôi không thể hiểu tại sao Hương Cảng đã trở thành như ngày hôm nay. Chúng ta chỉ muốn sống tự do. Chúng ta không đáng được hưởng tự do hay sao?”

Các quan chức cao cấp của Giáo hội tại Rôma, Hương Cảng và Hoa lục đã xác nhận độc lập với CNA rằng quyết định bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn làm giám mục tiếp theo của Hương Cảng đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng tại Rôma. Cha Thái Huệ Văn hiện là một trong bốn linh mục đại diện trong giáo phận Hương Cảng.

Việc bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn chưa được công bố vì việc bổ nhiệm này có thể được coi là một cái tát vào mặt những người tham gia các cuộc biểu tình chính trị đang diễn ra tại đây.

Các nguồn tin ở Hương Cảng và Rôma đã nói với CNA rằng chính Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đã khuyên không nên thông báo về việc bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn.

“Tình hình [ở Trung Quốc và Hương Cảng] rất tế nhị và không ai muốn làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Nó sẽ được thông báo [khi có thể] và tất cả chỉ có như thế,” một quan chức cao cấp ở Rôma nói với CNA.


Source:Catholic News Agency
 
ĐHY Robert Sarah tuyên bố sau cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô: Chẳng có hiểu lầm gì hết. Tiếp tục đồng tác giả.
Đặng Tự Do
21:28 17/01/2020
Đức Hồng Y Robert Sarah đã gặp Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 để thảo luận về những tranh cãi xung quanh sau cuốn sách mới xuất bản gần đây của hai vị “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi,” và khẳng định rằng quan hệ giữa hai vị hoàn toàn tốt đẹp.

Cuốn sách, được trình bày như một tác phẩm đồng tác giả của hai vị, có phụ đề “Chức tư tế, Luật độc thân linh mục, và Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo”. Sự đóng góp của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã trở thành chủ đề tranh cãi kể từ khi cuốn sách được công bố vào hôm Chúa Nhật 12 tháng Giêng, và các tuyên bố mâu thuẫn với nhau về mức độ tham gia của Đức Giáo Hoàng danh dự vào dự án này đã được đưa ra trong tuần qua.

Đức Hồng Y Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã đưa ra một loạt các tuyên bố trên Twitter vào hôm thứ Sáu 17 tháng Giêng, sau gần một tuần ngài và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bị đánh hội đồng trên các mạng xã hội. Đức Hồng Y cho biết cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Bênêđíctô đã diễn ra tốt đẹp.

“Trước những cuộc tranh luận không ngớt, buồn nôn và lừa đảo mà chưa bao giờ dừng lại kể từ hồi đầu tuần này, liên quan đến cuốn sách ‘Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi’, tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vào chiều nay [17 tháng Giêng],” vị Hồng Y người Guinê cho biết.

Các tweet của ngài đã được công bố bằng tiếng Pháp với chữ ký “-RS”.

“Cùng với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, chúng tôi đã thấy rằng chẳng có sự hiểu lầm nào giữa chúng tôi. Tôi ra về rất hạnh phúc, lòng đầy an bình và can đảm từ cuộc nói chuyện tuyệt vời này.”

Đức Hồng Y Sarah khuyến khích mọi người đọc và suy nghĩ về cuốn sách, và cảm ơn các biên tập viên cũng như những nhà xuất bản của mình vì “sự tỉ mỉ, liêm khiết, nghiêm túc, và tính chuyên nghiệp mà họ đã chứng tỏ,” và nói thêm cuốn sách này “tuyệt vời cho tất cả!”

Cuốn sách gồm một chương được ký tên Đức Bênêđíctô, một chương ký tên Đức Hồng Y Sarah, và một phần giới thiệu và kết luận, được cho là của cả hai người.

Vào ngày 14 tháng Giêng, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói với hãng tin ANSA của Ý rằng: “Tôi có thể khẳng định rằng sáng nay tôi đã hành động theo những chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Danh Dự và tôi đã yêu cầu Đức Hồng Y Robert Sarah tiếp xúc với các nhà xuất bản của cuốn sách và yêu cầu họ xóa tên Đức Bênêđíctô XVI với tư cách là đồng tác giả của cuốn sách, và xóa chữ ký của ngài khỏi phần giới thiệu và cả phần kết luận nữa.”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói tiếp rằng: “Đức Giáo Hoàng Danh Dự biết rằng Đức Hồng Y đang chuẩn bị một cuốn sách và đã gửi cho ngài một văn bản về chức tư tế cho phép ngài sử dụng nó theo ý muốn. Tuy nhiên, ngài không chấp nhận một dự án cho một cuốn sách đồng tác giả và ngài đã không nhìn thấy hoặc đồng thuận với tờ bìa. Đó là một sự hiểu lầm, và không có gì để nghi ngờ về lòng trung thành tốt lành của Đức Hồng Y Sarah.”

Bất chấp yêu cầu từ Đức Tổng Giám Mục Gänswein, nhà xuất bản Ignatius Press – là nơi sẽ xuất bản ấn bản tiếng Anh vào tháng Hai - tuyên bố trong tuần này rằng họ tiếp tục cho rằng cuốn sách đã được đồng tác giả bởi Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah.

Nhà xuất bản nói với thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng những người phê bình cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự không phải là đồng tác giả cuốn sách, hay không ủy quyền xuất bản cho Đức Hồng Y Sarah, là sai.

Hôm 13 tháng Giêng, Cha Joseph Fessio, linh mục dòng Tên, người sáng lập và là chủ nhiệm nhà xuất bản Ignatius Press, đặt câu hỏi:

“Phải chăng những người này thực sự dám ngụ ý rằng Đức Hồng Y Sarah tham gia vào một âm mưu bóp méo sự thật?”.

“Nếu Đức Hồng Y Sarah nói với [Ignatius Press] rằng các chương này là từ Đức Bênêđíctô thứ 16 thì đó là từ Đức Bênêđíctô thứ 16, chúng tôi hoàn toàn tin lời ngài.”

Theo sau một tuyên bố của Đức Hồng Y Sarah hôm 14 tháng Giêng, Cha Fessio nói thêm rằng nhà xuất bản của ngài tiếp tục xuất bản cuốn sách theo dự trù trong đó Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah là đồng tác giả.

Trong tuyên bố hôm 14 tháng Giêng, Đức Hồng Y cho biết vào ngày 12 tháng 10, Đức Bênêđíctô đưa cho ngài một “văn bản dài” và Đức Hồng Y Sarah nghĩ rằng nó quá sâu sắc và quá dài đối với một tờ báo. Vì thế, ngài “đề nghị vị Giáo Hoàng Danh Dự cho công bố dưới dạng một cuốn sách, tích hợp các văn bản của ngài cũng như của tôi.”

Sau “một số trao đổi để hình thành cuốn sách,” ngày 19 tháng 11, ngài đã gửi một “bản thảo hoàn chỉnh” cho Đức Bênêđíctô, “như chúng tôi đã cùng nhau quyết định, bao gồm trang bìa, một giới thiệu chung và kết luận, văn bản của Đức Bênêđíctô XVI và văn bản của riêng tôi.”


Source:Catholic News Agency
 
Điều thiết yếu cho cuộc sống là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa
Thanh Quảng sdb
22:35 17/01/2020
Điều thiết yếu cho cuộc sống là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa

Những căn bệnh tâm hồn cần được chữa lành và thuốc chữa lành là sự tha thứ. Suy tư qua phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn bài giảng của mình trong Thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta.
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cha sẻ dựa trên phép lạ chữa lành kỳ diệu của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Thánh Marcô. Vì dân chúng quá đông khi Chúa giảng dậy tại một căn hộ ở Capernaum, bốn người đàn ông đã có sáng kiến khiêng người bại liệt lên mái nhà rồi rỡ mái, hạ người bại liệt xuống trước mặt Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào lời của Chúa Giêsu phán: “tội lỗi của ngươi đã được tha!”. Sau đó, Chúa Giêsu ra lệnh cho anh ta đứng dậy, vác chõng mà về nhà. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Chúa Giêsu, vì Thiên Chúa, Ngài chữa lành nhưng không phải là một thầy thuốc. Ngài giảng dạy nhưng không chỉ là một vị thầy, Ngài thể hiện những gì cần thiết cho tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói sức khỏe thể lý là một món quà mà chúng ta phải chăm lo, nhưng Chúa cũng dạy chúng ta cũng phải lo cho sức khỏe thiêng liêng, sức khỏe của tâm linh.
Đức Thánh Cha đã đưa ra những trường hợp khác mà Chúa Giêsu chú tâm vào như là một điều cốt yếu. Trong trường hợp Người phụ nữ tội lỗi thống hối, Chúa phán cùng bà: “tội con đã được tha”. Nhưng những người có mặt than trách Chúa, ai nào có quyền tha tội ngoại trừ Thiên Chúa!
Theo cùng một cách thức ấy, hôm nay người nói với người bất toại nằm chờ bên bờ hồ để được chữa lành, Chúa phán cùng ông: “Đừng phạm tội nữa!”

Sợ gặp Chúa
Đối với người phụ nữ Samaria, Chúa hỏi chị nhiều điều, Chúa đi vào những lãnh vực thiết thực cuộc sống của chị. Đức Thánh Cha nói mối quan hệ của người tín hữu với Chúa là điều cần thiết. Tuy nhiên Chúng ta thường lãng quên điều này, vì hình như chúng ta sợ gặp Chúa. ĐTC nói chúng ta lo nhiều cho sức khỏe thể lý, nào là đi bác sĩ, mua thuốc men, điều đó tốt; nhưng chúng ta cũng phải để ý tới sức khỏe tâm linh…
Lời Chúa Giêsu phán cùng người bại liệt nhắc nhớ chúng ta về lãnh vực này. Chúa Giêsu nói với anh, hỡi con, tội lỗi của con đã được tha... làm cho anh ta tập trung vào tâm điểm cần thiết… Hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn nói với mỗi người chúng ta: Ta muốn tha thứ cho tội lỗi các con!

Thuốc chữa lành
Đức Thánh Cha còn nêu rõ ai lại không có tội, để nhìn nhận mình tội lỗi. Thứ thuốc cần thiết cho người Kitô giáo, thứ thuốc chữa trị bệnh tâm hồn, chính là lòng tha thứ của Chúa.
Đức Thánh Cha sánh ví tựa như những căn bệnh thể lý, chúng ta cần tới bác sĩ, y khoa thuốc thang; thì với những căn bệnh thiêng liêng, chúng ta cũng cần chạy đến với Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương hiến mạng vì chúng ta...
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Hội chợ xuân Bình An 2020
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:51 17/01/2020
Cứ độ xuân về, là cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân việt lại rộn vang trong hội chợ tết truyền thống cho tất cả các em thiếu nhi trong giáo xứ do ban mục vụ thiếu nhi tổ chức. Sau Thánh lễ tạ ơn lúc 18g ngày thứ năm 16/01/2020 là phần múa lân sôi nổi khai mạc buổi hội chợ xuân Canh tý với chủ đề Xuân bình an. Đội lân đi tới đâu là cuốn hút các em tới đó, các em hàng hàng lớp lớp di chuyển theo đội lân đến hội trường, trung tâm của Hội chợ. Trong buổi hội chợ này, không chỉ có anh chị HT GLV làm các gian hàng mà có các đoàn thể cũng tham gia. Các cô các bác lớn tuổi thì lo cho các em đồ ăn, thức uống, còn các đoàn thể trẻ thì hì hục làm các gian hàng trò chơi để buổi hội chợ thêm phong phú.

Xem Hình

Buổi hội chợ còn có phần rút thăm trúng thưởng với nhiều phần quà chất lượng được chia sẻ từ các giáo họ và các vị ân nhân. Chương trình kết thúc, bất kể phần quà gì, ít hay nhiều, thậm chí chơi đổ cả mồ hôi mà không có quà nhưng trên môi các em và quý phụ huynh đều nở một nụ cười rất tươi. Mọi người như hòa mình trong buổi hội chợ xuân, và nụ cười ấy làm cho tôi cảm thấy bình an và hạnh phúc giữa những lo toan bề bộn của cuộc sống, tôi cảm thấy vui và bình an. Cám ơn tết, cám ơn hội chợ xuân bình an. Hẹn gặp lại năm sau nhé.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Gặp mặt Hội đồng Mục vụ các Giáo xứ và Ban Điều Hành các Đoàn Thể- Giáo phận Đà Nẵng Xuân Canh Tý 2020
Tô-ma Trương Văn Ân
11:56 17/01/2020
Nhân dịp tất niên năm Kỷ Hợi và đón mừng năm mới Canh Tý, lúc 8 giờ 30 sáng 17/ 1 / 2020, tạinhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng, Ban đặc trách Mục vụ Giáo dân tổ chức gặp mặt cho 331 Vị , là Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ của 51 giáo xứ và 7 Giáo họ biệt lập và Ủy viên Ban Điều hành 10 Đoàn thể cấp Giáo phận của Giáo phận Đà Nẵng.

Đức Cha Giuse đã đến chung chia niềm vui trong tình Cha con và anh chị em một nhà Giáo phận. Trong bài huấn đức , Đức Cha đã dùng bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ( ĐTC) trong Thánh lễ đêm Mừng Chúa Giáng sinh tại Vatican, để huấn giáo các tham dự viên .ĐTC : “ Đêm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy: Ngài không thay đổi lịch sử bằng cách ép uổng, nhưng bằng món quà sự sống của mình. Ngài đã không chờ đợi chúng ta trở nên tốt rồi yêu chúng ta, nhưng Ngài đã hiến mình cho chúng ta cách nhưng không, miễn phí. Chúng ta cũng vậy, đừng chờ đợi người khác trở nên tốt rồi mới làm điều tốt cho họ, hay chờ Giáo hội hoàn hảo rồi mình mới yêu. Hãy bắt đầu từ chúng ta. Đây là cách đón nhận món quà ân sủng. Và thánh thiện không gì khác hơn là bảo vệ tính nhưng không này.”

Xem Hình

Đức Cha mời gọi các Thành viên : “ Đã được sự tín nhiệm của cộng đoàn, mỗi Thành viên là “chiếc cầu” tình yêu, là người giàu có tình yêu để giới thiệu Chúa cho anh chị em. Cuộc đời của mình là món quà trao ban cho anh chị em …” Đức Cha đã huấn giáo các đức tính nhân bản và đạo đức cần có của các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ ( HĐMV) và Ban Điều hành các Đoàn thể, vai trò Người Giáo dân trong Giáo Hội, Tham dự viên được mời gọi và tuyển chọn để cộng tác với hàng Giáo Sĩ và điều hành cộng đoàn. Những đức tính cần có như : vui tươi , nụ cười ấm áp yêu thương, trách nhiệm , tâm an, nhiệt tình sống đức tin… mặc dù mỗi người còn lo toan trách nhiệm đối với gia đình , cơ quan , cộng đồng đang sống.

Sau bài Huấn từ , một Vị Đại diên có lời cám ơn Đức Cha đã nâng đỡ dẫn dắt Giáo phận trong năm qua với nhiều Thánh lễ và sự kiện lớn. Ông đã xin Lòng Thương xót của Chúa , qua lời bầu cử của Đức Mẹ Trà Kiệu ban muôn ơn lành cho Đức Cha. Đồng thời , Ông Đại diện mỗi Thành viên , nói lên lòng gắn bó yêu thương với Vị Cha chung và anh chị em với nhau, nổ lực hơn sống Đức tin , hiệp nhất yêu thương và loan báo Tin Mừng.

Trong dịp này , Đức Cha cũng dành những lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến từng Giáo xứ và Hội Đoàn, từng thành viên và gia đình. Đức Cha cũng quan tâm cách đặc biệt đến Giới trẻ , giải đáp nhiều câu hỏi về nhiều lãnh vực khác nhau , nhằm hướng đến việc xây dựng Giáo phận trong tâm tình “ Sứ vụ, sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng”. Đức Cha cũng không quên trao tặng Lộc xuân và “ Li xì” mỗi Thành viên tham dự, như làm tăng thêm niềm vui của niềm vui gặp gỡ yêu thương.

Cao điểm là giờ Chầu Thánh Thể. Cám ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban cho Đất Nước Việt Nam, cho Giáo Hội, từng Giáo xứ , Hội Đoàn, gia đình và mỗi người , trong năm qua . Hồi tâm nhìn nhận những thiếu sót lỗi lầm trong trách vụ, trong tương quan với anh chị em xung quanh, xin Chúa thanh tẩy và quyết tâm hướng đường trọn lành yêu thương.

Những tấm hình lưu niệm , lưu dấu những giây phút hạnh phúc yêu thương bên nhau , và buổi cơm thân tình gia đình Giáo phận đã khép lại ngày Gặp mặt Thành viên Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ và Thành viên Ban Điều hành các Đoàn thể tại Giáo phận Đà Nẵng.

Xin Chúa cho mỗi Thành viên sống quảng đại , yêu thương , chu toàn trách vụ Cộng đoàn tín nhiệm giao phó . Sống hòa nhã , nhẫn nại, nhân ái….. trở nên dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa , là niềm hy vọng vào Thiên Chúa Tình yêu cho anh chị em .

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Con chiên Thiên Chúa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:41 17/01/2020
Có nhiều hình tượng vẽ khắc hình con chiên có cây thập tự bên cạnh làm biểu tượng cho hình ảnh Chúa Giesu.

Tại sao lại có hình ảnh biểu tượng này?

Hình ảnh biểu tượng này có căn rễ nơi nền văn hóa đạo đức kinh thánh từ thời xa xưa.

Con chiên là một con vật non trẻ của loài thú vật cừu hay thú vật dê. Con chiên có tư thái dịu hiền ngây thơ, nên được dùng là hình ảnh biểu tượng về sự thanh khiết và vô tội, hình ảnh về sự hiền dịu và kiên nhẫn.

Trong nhiều tôn gíao sự thanh khiết vô tội đóng vai trò quan trọng. Con chiên được chọn làm hình ảnh biểu tượng cho khía cạnh đó.

Trong Kinh Thánh thời cựu ước Do Thái giáo cũng vậy. Một con vật làm lễ tế hy sinh đền tội phải thanh khiết vô tội, mới có thể được dùng là lễ tế đền tội thay cho con người tội lỗi. ( St 22,8).

Ngày xưa khi người Do Thái xuất hành từ đất Aicập lên đường trở về quê hương nước Thiên Chúa hứa ban, họ mừng Lễ Vượt Qua và trong bữa ăn phải có con chiên: „Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được“ ( Xh 12,5).

Lễ tế dâng tiến Giavê Thiên Chúa theo luật ấn định„ Ngày sa-bát, các ngươi sẽ dâng hai con chiên một tuổi, toàn vẹn, cùng với chín lít tinh bột lúa miến nhào với dầu làm lễ phẩm, kèm theo rượu tế.“ ( Ds 28, 9).

Ngay thời xa xưa trước Chúa giáng sinh, Tiên tri Isaia cũng đã mường tượng hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa sau này như con chiên bị đem đi xét xử đền tội thay cho toàn dân:

„ Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng.“ ( Isaia 53,7)

Đến thời sau Chúa giáng sinh, chính Chúa Giêsu được ca ví là hình ảnh con chiên Thiên Chúa. Thánh Gioan tẩy gỉa đã giới thiệu Chúa Giêsu:

„ Ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. „ (Ga 1, 29).

Chính Chúa Giêsu đã bị kết án chết trong dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, lễ kỷ niệm giết chiên ăn bữa sau cùng trước khi người Dop Thái xuất hành trở về quê hương Do Thái.

Thánh Phaolô Tông đồ đã nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô đã hy sinh chịu chết làm con chiên lễ Vượt Qua cho chúng ta. ( 1 cor, 5,7).
Thánh Gioan tông đồ đã gọi các Tông đồ Chúa Giêsu Kitô là Tông đồ của Con Chiên. ( KH 21,14).

Trên trời, theo tường thuật của Thánh Gioan, các Thiên Thần Chúa ca hát chúc tụng Con Chiên vinh hiển. ( Kh 5,12).

Rồi trong một thị kiến trên trời, Thánh Gioan đã nhìn thấy Con Chiên Thiên Chúa đứng ở giữa bốn con vật. ( Kh 5,6).

Và Ông còn nhìn thấy Con Chiên nhận cuốn sách từ bốn con vật và có 24 vị bô lão phủ phục qùy xuống đồng thanh chúc tụng Con Chiên. ( Kh 5,9).

Bốn con vật mà Thánh Gioan nhìn thấy trong thị kiến trên trời là hình ảnh biểu tượng của bốn thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu.

Thánh sử Mattheo với hình một con người. Vì ngay chương đầu phúc âm Ông viết thuật lại lịch sử gia phả Chúa Giêsu theo khía cạnh con người từ thời tổ phụ Abraham tới Vua David có 14 thế hệ, rồi từ Vua David tới thời lưu đầy sang Babylon với 14 đời, và từ sau thừi lưu đầy trở về tới Chúa Giêsu cũng có 14 thế hệ.

Thánh Marcô với hình con sư tử. Vì phúc âm của ông ngay chương đầu tiên bắt đầu với lời rao giảng tiếng hô hào lời kêu trong sa mạc của Thánh Gioan tiền hô như tiếng sư tử gầm rống trong rừng hoang .

Thánh Luca với hình tượng một con vật như con bò, con dê. Vì phúc âm của Ông thuật lại biến cố Thầy cả thượng phẩm Dacharia vào đền thờ dâng con vật bị giết tế lễ Thiên Chúa. Và thánh sử cũng thuật lại biến cố quang cảnh hài nhi Giesu sinh ra trong chuồng súc vật chiên bò lừa ngoài cánh đồng Bethlehem.

Thánh Gioan với hình con chim đại bàng. Vì những tư tưởng hình ảnh trong phúc âm của Ông biểu lộ tinh thần cao cả cao sâu diệu vợi như con chim đại bàng dũng mãnh có sức cất cánh bay cao lên tận nền trời mà con mắt thường không sao có thể nhìn thấy nó tít tận trên cao. và từ trên cao nó bay lượn đáp xuống mật đất rất kỳ diệu ngoạn mục.

Rồi hình ảnh bốn con vật cũng đượng hiểu cắt nghĩa là hình ảnh chỉ về sự nhập thể làm người của Chúa Giêsu, về lễ vật tế lễ, sự sống lại và lên trời trời của Chúa Giêsu.

Nhưng tại sao lại dùng con chiên là hình ảnh biểu tượng cho Chúa Giêsu, mà không một trong bốn con vật đó?

Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh về người tôi trung của Thiên Chúa như một con chiên. Hình ảnh con chiên được tuyển chọn chỉ về Thiên Chúa xuống trần gian làm người.

Con Chiên này không có quan hệ gì với bốn con vật đứng chung quanh phục vụ Con Chiên. Hình ảnh này làm tương phản với hình ảnh Đấng Cao cả tuyệt đối, làm nổi bật rõ nét giữa Đấng là chủ sự sáng tạo và loài thụ tạo trong các mối liên hệ.

Con Chiên được dùng là hình ảnh chỉ về Chúa Giêsu còn nói lên khía cạnh chính yếu nổi bật của một Thiên Chúa nhập thể làm người trên trần gian. Chúa Giêsu làm người không muốn là một vĩ nhân, một con người tuyệt đối, một nửa Thiên Chúa. Nhưng là một con người toàn vẹn với yếu đuối, như Thánh Phaolo viết trong thư gửi Giáo đoàn Corinthô: „ Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.“ ( 1 cor 1,26-28).

Trong Giáo hội xưa nay có tập tục dây Pallium của Đức Giáo Hoàng và các Tổng giám mục đeo choàng trên cổ xuống trước ngực khi cử hành thánh lễ , được dệt bện bằng lông các con chiên Agnes - các con chiên được làm phép ngày lễ kính thánh Agnes 21.01.

Dây Pallium bện dệt bằng lông con chiên như Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. cắt nghĩa: Nhắc nhớ đến Chúa Giêsu sau khi sống lại đã trao trách vụ cho Thánh Phero hãy chăn dắt các con chiên của Thầy. Và cũng là hình ảnh nói về ách gánh nặng của Chúa Giêsu Kitô mà các vị mục tử mang trên vai khi nhận lãnh ý muốn sứ vụ Chúa trao cho.

Trong các thánh lễ, trước khi tiếp nhận tấm bánh Thánh Thể Chúa Giesu Kitô, lời kinh cầu nguyện được toàn thể mọi người trong thánh đường cùng đọc lên hoặc hát ca xướng ba lần: „Lạy Chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con „

Và sau cùng vị chủ tế giơ cao Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô cũng đọc lời giới thiệu như Thánh Gioan tẩy gỉa ngày xưa đã nói: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.“

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long





 
Thông Báo
Phân ưu: Thân mẫu Cha Giuse Trần Việt Hùng qua đời tại Rạch Giá, Long Xuyên
VietCatholic Network
17:56 17/01/2020
PHÂN ƯU:
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Nhận được tin:

Bà Cố Maria Trần thị Thái
nhũ danh Trần thị Tròn
thân mẫu của cha Giuse Trần Việt Hùng
(cộng tác viên thường xuyên và đắc lực của VietCatholic)
Quản nhiệm CĐVN tại Bronx New York
vừa mới qua đời tại Rạch Giá GP Long Xuyên ngày 17/1/2020.
Hưởng thọ 86 tuổi.

Chương trình tang lễ:
Các giờ Cầu nguyện:
Thứ Bảy 18.1.2020 và Chúa Nhật 19.1.2020
Thánh lễ an táng tại Xứ Tân Thành, K4, vào lúc 7:30 sáng thứ Hai ngày 21.1.2020.

Gia đình VietCatholic xin thành kính phân ưu với Cha Giuse Trần Việt Hùng
Xin Chúa là cha nhân từ đón linh hồng Bà Cố Maria về Thiên Đàng

LM John Trần Công Nghị và Toàn Ban VietCatholic
 
Văn Hóa
Tình Yêu và Thời Gian
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
00:03 17/01/2020


Kỷ Hợi qua. Canh Tý đến. Một năm cũ sắp khép lại. Một năm mới sắp mở ra.

Năm 2019 đã trôi qua. Ngày 01.01.2020 thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc, nó để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần... cứ lặp đi lặp lại.

Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rất rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.
Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại.Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.

Có nhiều thứ thật thiết yếu cho cuộc sống nhưng lại như vô hình, như có như không. Không khí, ánh sáng, thời gian, tình yêu…Khi có đầy đủ, người ta thường lãng quên, thậm chí như quên cả sự tồn tại của nó, chỉ khi thiếu nó mới thấy nó quan trọng biết nhường nào, nó là nguồn sống, nó là lẽ sống. Về thời gian, người ta không vẽ ra được, mà chỉ hình dung nó một cách gián tiếp, một mầm cây, một chồi non, một chiếc lá vàng úa, đôi mắt thơ ngây, sợi tóc bạc…

Thời gian năm tháng năm cũ trôi qua và đi vào qúa khứ. Nhưng cuộc sống con người không vô tình xuôi chảy như dòng nứơc. Bởi lẽ con người sống trong thời gian là để yêu thương nhau.
Người ta vẫn thường nói thời giờ là tiền bạc. Đúng hơn thời gian là tình yêu. Đơn giản là vì một trong những điều tốt nhất con người có thể dành cho nhau, đó là thời gian.
Thời gian thật quí. Thời gian là hồng ân. Sống trong thời gian là yêu để sống. Ai đang yêu là người đang sống trong thời gian.

***

Báo Tuổi trẻ Chúa Nhật số 44/2000 có đăng câu chuyện thật ý nghĩa về tình yêu và thời gian.

Ngày xưa các vị Thần Hạnh Phúc ,Khổ Đau,Tình Yêu,Giàu Sang và nhiều vị khác nữa cùng sống chung với nhau trên một hoang đảo.Một hôm cơn đại hồng thuỷ tràn đến, hòn đảo xinh xắn sắp chìm trong biển nước.Tất cả các vị Thần đều chuẩn bị thuyền để vượt biển vào đất liền lánh nạn.Riêng Thần Tình Yêu vì quá nghèo nên không có nổi một chiếc thuyền để ra đi.Thần đành ngồi im lặng đợi chờ đến giây phút cuối cùng mới quyết định quá giang các vị Thần khác.
Khi Thần Giàu Sang đi ngang qua,Thần Tình Yêu xin : Anh mang tôi đi cùng với.
Không được đâu, tôi có biết bao vàng bạc quý giá phải mang theo, sao còn chỗ cho bạn.
Thần Đau Khổ đến gần. Thần Tình Yêu nài nỉ: Anh cho tôi đi với nhé.
Tôi bất hạnh và buồn chán quá,tôi chỉ muốn ở một mình thôi.
Thần Hạnh Phúc đi ngang qua cũng thế. Thần quá hạnh phúc cho đến nổi không nghe được tiếng kêu cứu của Thần Tình Yêu.
Bỗng nhiên có giọng nói của một cụ già : Này tình yêu, tôi sẽ đưa anh vào đất liền.
Thần Tình Yêu nghe thế liền chạy nhanh đến thuyền của cụ già.Quá vui mừng vì thoát nạn,Thần Tình Yêu quên hỏi tên cụ già tốt bụng.
Khi tất cả các vị thần đều đến được đất liền, cụ già lẳng lặng bỏ đi mất. Khi đó Thần Tình Yêu mới sực nhớ là đã quên cám ơn người đã giúp mình thoát nạn liền quay sang hỏi Thần Kiến Thức : Thưa ông, cụ già vừa giúp tôi khi nãy tên gì vậy?
Thần Kiến Thức đáp: Đó là Thần Thời Gian
Thần Thời Gian ư ? Nhưng vì sao ông ta lại giúp tôi ?
Thần Kiến Thức mỉm cười : Vì chỉ có thời gian mới có thể hiểu được tình yêu vĩ đại như thế nào.

Tình yêu và thời gian là hai phạm trù khác biệt nhưng lại có tương quan chặt chẽ.Thời gian nuôi dưỡng tình yêu. Thời gian đo lường tình yêu.Tình yêu lớn lên hay lụi tàn theo thời gian.Sống trong thời gian là yêu để sống.Thời gian không có tình yêu sẽ lạnh lùng buồn chán.Tình yêu ý nghĩa hoá và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó kẻ đang yêu là người sống trong thời gian với đầy ắp niềm vui êm ả. Kẻ biết yêu là người biết nhìn thời gian như dòng ngọc bạc.

Sách Sáng Thế định nghĩa : Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận. Điều ấy có thể diễn tả cách khác : Thiên Chúa là thời gian.

Thánh Gioan xác định : Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.

Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, ngắm một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm... Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.

Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được tình yêu đong đầy trong từng phút giây cuộc sống.

Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Có thể là mười năm, hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba tháng... nhưng cũng có thể chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là mình đang sống, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.

Thánh Augustine từng nhận định rằng thời gian nếu xem như một hiện tượng chủ quan có thể rất khác so với thời gian nếu xem như một khái niệm trừu tượng. Nếu thời gian ở dạng trừu tượng, ta chẳng thể biết tương lai vì nó không ở đây, và cũng chẳng biết mặt mũi quá khứ là gì. Ta có thể có ký ức, có kỷ niệm, nhưng diễm xưa đã xa rồi còn đâu thấy nữa. Điều duy nhất hiện hữu là hiện tại, đó là con đường duy nhất về quá khứ và đến tương lai. Thánh Augustine viết: "Do đó, hiện tại có ba chiều: hiện tại của những chuyện quá khứ, hiện tại của những chuyện hiện tại và hiện tại của những chuyện tương lai".

Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay.Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại. Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu.

Tình yêu cần thời gian để kiến tạo hạnh phúc. Như thế sống là để yêu và yêu là để sống. Tình yêu cho cuộc sống màu xanh. Thời gian luôn đong đầy hạnh phúc. Vì thế phải yêu cho thật tình đừng dối gian nhau. Yêu cho thật nhiều không hề toan tính. Chúa Giêsu đã tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau “Như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc…Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy “ Đức Kitô đã chết vì chúng ta” ( Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau” (1 Ga 4,19), nhờ đó mà “niềm vui được nên trọn vẹn” (Ga 15,9). Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.

Chúng ta cũng sẽ không phung phí thời gian để mơ mộng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ. Từng giây phút ta đang sống trong bầu không khí trong lành quanh ta đều quý giá. Từng con người mà ta có may mắn được tiếp xúc cũng đều quý giá.

Thời gian là Tình yêu. Sử dụng thời gian quý giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi người.
Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.
Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan.
Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.
Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.
Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai.
Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.
Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.
Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Thánh Vịnh cho biết: “Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết, dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian” (Tv 104,19).Thời gian là của Chúa. Ngài cho phàm nhân được quyền quản lý và tự do sử dụng thời gian của mình để sống yêu thương. Sống trong dòng thời gian là hồng ân do Chúa ban tặng. Thánh Phaolô viết: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của thời gian, là Vua của tình yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong yêu thương.




 
VietCatholic TV
Giải mã vụ đánh hội đồng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:51 17/01/2020
Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada có bài nhận định sau được đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ hôm 15 tháng Giêng. Nguyên ngữ tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:

Pope Francis, Pope Emeritus Benedict and the ‘Secret Magisterium’

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđíctô và ‘Huấn quyền bí mật’

Cha Raymond J. de Souza


Bình luận: Tại sao một số báo chí Công Giáo cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đang lũng đoạn Đức Giáo Hoàng về luật độc thân linh mục trong khi hai người đồng ý với nhau?

Một thỏa thuận mạnh mẽ đã nổ ra ở Rôma, có đủ cả những màn cay đắng và tố cáo. Cuốn sách mới của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah – hay sau đó là Đức Hồng Y Sarah với sự đóng góp của Đức Bênêđíctô XVI – đã gây nên biết bao những cuộc tranh luận về ai là tác giả. Edward Pentin duyệt qua chuyện đó ở đây.

Nhưng câu hỏi khó hiểu hơn là: Tại sao báo chí Công Giáo cấp tiến cho rằng Đức Bênêđíctô đang thao túng Đức Giáo Hoàng Phanxicô về luật độc thân linh mục trong khi hai người đồng ý với nhau? Những chống đối của những người được coi là có những mối liên hệ nội bộ với Đức Thánh Cha Phanxicô như Austen Ivereigh, tác giả hai cuốn tiểu sử về Đức Thánh Cha; Gerard O'Connell của tạp chí American, cùng với vợ, là nhà báo người Á Căn Đình Elisabetta Piqué, đã là bạn của Đức Giáo Hoàng ngay cả trước cuộc bầu cử ngài lên ngôi Giáo Hoàng cho rằng việc Đức Bênêđíctô bảo vệ luật độc thân linh mục đang làm trở ngại cho chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra. Một số người gần gũi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như nghĩ rằng những gì ngài nói không phải là những gì ngài nghĩ. Do đó, đồng ý với các tuyên bố công khai của ngài thực sự lại là bất đồng với những suy nghĩ riêng tư của ngài; là đối kháng với một ‘huấn quyền bí mật’ mà chỉ một số ít được đặc quyền biết đến.

Ơn cứu rỗi nhờ có một kiến thức bí mật là chủ trương của một dị giáo cổ xưa gọi là bè Ngộ Đạo. Vào năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành một đoạn dài trong Tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et Exultate – Mừng rỡ Hân hoan – để lên án các hình thức mới của thuyết Ngộ Đạo.

Ngài viết: “Thuyết Ngộ Đạo là một trong những hệ tư tưởng nham hiểm nhất, bởi vì, nó vừa tán dương một kiến thức hoặc một kinh nghiệm cụ thể, vừa coi cái nhìn riêng ấy về thực tại là tiêu biểu cho sự hoàn thiện. Như thế, có thể là người theo hệ tư tưởng này không hề ý thức được điều ấy, cứ tự loay hoay với mình, đến độ ngày càng trở nên thiển cận hơn.” (số 40)

Nhưng đó chỉ là những gì ngài viết trong một tài liệu giảng dạy chính thức. Có thể đó không phải là những gì ngài nghĩ, và những người ủng hộ ngài ồn ào trên các phương tiện truyền thông mới biết rõ những gì ngài thực sự nghĩ. Họ không phải là những kẻ ý thức hệ hay thiển cận, nhưng là những người sở hữu cái nhìn sâu sắc hơn của một thiểu số có đặc quyền. Có thể Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự ủng hộ thuyết Ngộ Đạo và các nhà báo tiến bộ có được cái giác ngộ ấy.

Những người chỉ trích cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah về luật độc thân linh mục đã đi xa đến mức cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đang đưa ra một “huấn quyền song song”. Đó là một tuyên bố quá mạnh; cùng lắm Đức Bênêđíctô chỉ đưa ra một “sự tăng cường cho huấn quyền” trao ra chiều sâu thần học tuyệt vời của ngài để củng cố lập luận mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một cách thoáng qua.

Chính những nhận xét – trên chuyến bay trở về từ Panama vào tháng Giêng năm 2019 và gần đây hơn khi kết thúc Thượng Hội Đồng Amazon vào tháng 10 – đã được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh trích dẫn để trả lời trực tiếp về cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mượn câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolô Đệ Lục, rằng ngài “thà mất mạng” hơn là thay đổi đòi buộc độc thân linh mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô có thể cho phép một ngoại lệ được tạo ra cho những vùng xa xôi – Quần đảo Thái Bình Dương là ví dụ mà ngài đề cập đến – nhưng ngài phản đối biến độc thân thành một tùy chọn cho các linh mục.

Đức Bênêđíctô XVI, cũng như người tiền nhiệm của ngài là Thánh Gioan Phaolô II, đã đưa ra một ngoại lệ, cho các cựu giáo sĩ Tin lành đã kết hôn muốn trở thành linh mục Công Giáo. Đức Bênêđíctô cũng cho phép ngoại lệ đặc biệt được thực hiện trong các “giáo hạt tòng nhân” được thiết lập cho các cựu tín hữu Anh giáo.

Vì thế, nếu Đức Bênêđíctô ủng hộ Đức Phanxicô và chính các quan chức truyền thông của Tòa Thánh cũng đưa ra quan điểm đó, thì tại sao có sự kích động trong giới báo chí Công Giáo cấp tiến cho rằng Đức Bênêđíctô mâu thuẫn với những gì Đức Phanxicô thực sự nghĩ trong huấn quyền bí mật của ngài?

Có bốn lý do: Tiến trình công nghị tại Đức; Tông huấn Amoris Laetitia; vấn nạn lạm dụng tình dục; và vấn đề đồng tính luyến ái – trong tất cả các trường hợp này một số người tin rằng có một thứ huấn quyền bí mật đang hoạt động.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh định rất rõ vào tháng Sáu năm ngoái – và sau đó trong mùa hè được các cơ quan của Vatican khuếch đại thêm – rằng ngài không muốn thấy “tiến trình công nghị” ở Đức hiện đang được tiến hành như một “công nghị có hiệu quả ràng buộc”, trong đó người Đức sẽ tân trang giáo lý Công Giáo và kỷ luật một cách độc lập với Giáo hội hoàn vũ. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich, đã gặp Đức Giáo Hoàng và xua tan những lo ngại của ngài như các âu lo vô căn cứ. Công nghị tại Đức đã được tiến hành. Đức Giáo Hoàng chính thức chống lại nó; nhưng Đức Hồng Y Marx tuyên bố rằng ngài bí mật OK với nó.

Trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình trước khi công bố Tông huấn Amoris Laetitia vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng tín lý sẽ không bị thay đổi. Bản thân tài liệu không thay đổi bất kỳ tín lý nào. Các giám mục được yêu cầu cung cấp các hướng dẫn cho các giáo phận của các ngài. Một số đã làm như vậy trong sự liên tục với giáo lý và kỷ luật Công Giáo. Những người khác bị thu hút bởi một chú thích mơ hồ đã tách biệt khỏi cùng một giáo lý và kỷ luật. Những người trước thì dõi theo huấn quyền; còn những người sau dường như cảm thấy mình phải đi theo huấn quyền bí mật.

Lạm dụng tình dục liên quan nhiều đến việc quản trị hơn là giáo huấn của huấn quyền, nhưng nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng. Đã có một số sáng kiến được thông báo mà sau đó không được thực hiện. Các quan chức đã làm theo những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành bằng văn bản, hay những gì ngài bí mật mong muốn?

Vấn đề đồng tính luyến ái đã đưa ra một tương đương với khẩu hiệu “Đừng sợ” của Thánh Gioan Phaolô II cho triều đại giáo hoàng này: “ Tôi là ai mà phán xét?” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng giáo huấn trong sách Giáo Lý cũng là giáo huấn của ngài và đã mạnh mẽ lên án những gì ngài gọi là “ý thức hệ giới tính”. Tuy nhiên, những người ủng hộ cái ý thức hệ giới tính ấy như Cha James Martin, linh mục Dòng Tên, tuyên bố Đức Thánh Cha có cảm tình với chủ trương ủng hộ tích cực cho ‘LGBT’ của mình, trong đó tuyên bố rằng ngôn ngữ của sách Giáo lý là sai lầm. Chữ “T” của transgender [người chuyển giới] không thể tìm thấy một âm tiết hỗ trợ nào trong mọi ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự nghĩ gì? Báo chí cấp tiến nại đến huấn quyền bí mật của ngài để nói ngược lại với những gì Đức Thánh Cha thực sự nói.

Báo chí cấp tiến đang làm cho Đức Thánh Cha trở thành một mâu thuẫn rất lớn, khiến người ta nghĩ rằng ngài đang lừa đảo hoặc thao túng hoặc lừa dối, dạy một điều ở nơi công cộng và thúc đẩy một điều khác trong chốn riêng tư. Chúng ta phải trân trọng ngài hơn khi tin rằng Đức Thánh Cha nói những gì ngài tin là đúng.

Không có cái gọi là huấn quyền bí mật. Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah hoàn toàn phù hợp với giáo huấn Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng vậy.


Source:National Catholic Register