Ngày 29-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/01: Tìm về bên Chúa – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
VietCatholic Media
02:07 29/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, đến vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình. Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Các người chăn heo bỏ chạy, báo tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo - chính người này đã bị Đạo Binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ.

Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào.” Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Đó là lời Chúa
 
Thấy cách hữu hình những gì vô hình
Lm. Minh Anh
14:06 29/01/2023

THẤY CÁCH HỮU HÌNH NHỮNG GÌ VÔ HÌNH
“Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này!”.

Một thanh niên nghênh ngang đi qua một đám đông đang nghe giảng, anh muốn tỏ ra khinh dể sự cả tin của người nghe và dèm pha nhà giảng thuyết. Những muốn làm cho người giảng mất mặt, anh lên tiếng, “Này thầy ơi, về nhà đi thôi, đừng giảng nữa, ma quỷ chết hết rồi!”. Nhà giảng thuyết hiền lành nhìn anh và nói, “Ma quỷ chết hết rồi ư? Vậy là từ nay anh mồ côi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ma quỷ chết hết rồi ư?”. Không đâu! Xưa cũng như nay, ma quỷ luôn còn đó! Và ngày nay, hoạt động của chúng còn mạnh mẽ, tinh vi hơn. Hình ảnh người đàn ông bị quỷ ám, sống giữa mồ mả trong Tin Mừng hôm nay là một biểu tượng cho tất cả những ai đang bị trói buộc bởi tội lỗi cách này cách khác. Câu chuyện của Marcô cho ‘thấy cách hữu hình những gì vô hình’ nơi con người, đó là tội lỗi! Nhưng với Chúa Giêsu, chỉ một lời của Ngài, “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này!”, những gì xấu xa vô hình đó được thay bằng một loại vô hình khác, ân sủng!

Mồ mả, thế giới của sự chết. Người bị quỷ ám còn sống, nhưng tự giam mình trong thế giới của người chết, một môi trường chết chóc. Tin Mừng cho biết, không ai có thể kiềm chế anh. Điều này nói lên rằng, trước sự dữ, con người bất lực; sự dữ mạnh hơn con người! Anh tru tréo như con vật; lấy đá rạch mình, nghĩa là anh đánh mất nhân tính. Tự hành hạ mình vốn là đặc điểm của sự dữ! Với trình thuật này, Luca ghi thêm một chi tiết quan trọng, anh “không mặc áo xống”, nghĩa là không còn thuộc về thế giới của con người vốn có nhân phẩm và văn hoá. Cũng thế, nếu để sự dữ, thần ô uế hay tội lỗi chế ngự… cách nào đó, chúng ta không còn là người. Lời Chúa cho ‘thấy cách hữu hình những gì vô hình’ có thật nơi bản thân mỗi người, đó là tội lỗi.

Thời xưa, xem ra ma quỷ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn núp hay hoá thân, nên chúng thường nhập vào con người như các Tin Mừng kể; ngày nay, xã hội loài người cung cấp cho ma quỷ vô số phương tiện, nên chúng có vô vàn chỗ ẩn núp và hoá thân tài tình dưới nhiều dáng vẻ. Vì thế, mỗi chúng ta, bất luận tuổi tác, đấng bậc; nhất là người trẻ, phải luôn đề phòng cảnh giác! Bởi lẽ, dù không bị quỷ ám trong thân xác, nhưng chúng ta có thể đã bị đầu độc trong tâm hồn bởi những điều xấu, những xung năng bại hoại. Đó là sống một lối sống vô thần của chủ thuyết tương đối; nói rõ hơn, đó là một cuộc sống không định hướng, vật vờ, bất hiếu, vô trách nhiệm, vô ơn; một lối sống đam mê các phương tiện và thú vui, tự do luyến ái, không có khả năng sống cao thượng, và nuông chiều những cảm xúc thấp hèn, vô kỷ luật.

Anh Chị em,

“Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này!”. Không có cách nào khác ngoài việc chạy đến với Chúa Giêsu; Ngài có cách của Ngài, lời Ngài là Lời quyền năng! Thật tuyệt vời, Marcô tiết lộ một chi tiết hết sức quan trọng, “Chúa Giêsu vừa lên khỏi thuyền, thì người bị quỷ ám từ mồ mả chạy ra gặp Ngài”. Phải! Chỉ Giêsu mới có quyền giải thoát chúng ta khỏi mọi ác thần áp bức, mọi xiềng xích trói buộc. Vậy, hãy rời xa ‘những mồ mả’ chết chóc của mình, chạy đến với Ngài! Không một sức mạnh huỷ diệt nào, không một tội lỗi nào có thể ngăn cản sự bình an và chữa lành mà Ngài luôn muốn ban cho ai khiêm tốn van xin. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời khích lệ mạnh mẽ, “Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa!”. Bấy giờ, lòng thương xót của Chúa sẽ chữa lành tất cả. Thú vị thay! Điều vô hình, tội lỗi, nay được thay thế bằng một điều không hữu hình khác, ân sủng! Bạn và tôi sẽ ‘thấy cách hữu hình những gì vô hình’, đó là lòng thương xót và ân sủng vô bờ của Thiên Chúa. Thư Do Thái hôm nay nói, “Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con can đảm rời xa ‘mồ mả’ chết chóc của con qua Bí Tích Hoà Giải, để con được ‘thấy cách hữu hình những gì vô hình’, ân sủng thứ tha, Chúa dành sẵn cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 29/01/2023

15. Nếu không có tình yêu thì linh hồn tuyệt đối không thể sống nổi; linh hồn cần có tình yêu.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 29/01/2023
48. SƯ KHOÁNG ĐÁNH VUA

Tấn Bình công và các đệ tử cùng nhau uống rượu, lúc rượu đang nồng thì ông đắc ý nói:

- “Ha ha ! không ai làm vua mà sướng như ta, lời vua nói ra không ai dám vi phạm!”

Sư Khoáng (bậc thầy âm nhạc) đang ngồi bên cạnh nghe lời ấy bèn lấy cây đàn hồ cầm mà đánh vua, Tấn Bình công vội vàng thu vạt áo trước lại mà tránh, đàn bị đánh vào tường hư mất.

Tấn Bình công nói:

- “Thái sư, ông đánh ai vậy chứ?”

Sư khoáng cố ý trả lời:

- “Mới vừa rồi có một tên tiểu nhân nói năng lếu láo, do đó tôi nổi giận đánh nó.”

Tấn bình công nói:

- “Lời nói đó là cuả ta”

Sư Khoáng nói:

- “Dà ! đó không phải là lời của người làm vua nên nói !”

Các quan cận thần tả hữu cho rằng Sư Khoáng phạm thượng, nên yêu cầu trừng trị ông ta.

Tân bình công nói:

- “Thả ông ta ra, ta nên lấy đó là một tấm gương mà noi theo.”

(Hàn Phi Tử)

Suy tư 48:

Lời nói của người kiêu ngạo luôn làm cho người khác nghe chói tai và bị phản ứng tức thời.

Lời nói của người khiếm tốn thì đem lại cho người nghe một cảm giác phấn khởi và tin tưởng.

Cũng là một câu nói đó, nhưng có hai phản ứng khác nhau về phía người nghe: người quá khích và xu nịnh thì thích nghe những lời của kẻ kiêu ngạo; người trầm tĩnh và trung thực thì thích nghe những lời nói khiêm tốn.

Thời nay cũng có một vài linh mục nói ra câu gì thì bắt giáo dân phải nghe, bởi vì nếu không nghe thì phạm tội chống cha, mà chống cha thì chống lại Chúa, do đó mà giáo dân cảm thấy không thoải mái vui vẻ khi đến nhà thờ, miễn cưỡng nghe cha giảng, vì cha sở chỉ biết nói mà không biết lắng nghe.

Sư Khoáng cầm đàn đánh vua nhưng không phải đánh vua mà là đánh cái thằng ăn nói lếu láo trong con người của vua, bởi vì đấng quốc vương không thể thốt ra những lời khó nghe; cũng vậy, có những lúc các giáo dân chửi linh mục nhưng họ không thích linh mục, mà là không thích cái thói kiêu căng ngạo mạn trong con người linh mục, bởi vì linh mục chính là phát ngôn của Lời Chúa, là Chúa Ki-tô thứ hai, thì không thể ăn nói lếu láo được.

Ai hiểu thì hiếu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican cảnh cáo kế hoạch hội đồng điều hành gồm giáo dân và giám mục của Đức
Vu Van An
16:02 29/01/2023

Theo tạp chí The Pillar, Vatican đã đưa ra lời chỉ trích mới nhất trước tình thế căng thẳng đang diễn ra đối với việc quản trị Giáo hội ở Đức.



Thực vậy, các viên chức cấp cao của Vatican đã thông báo cho các giám mục Đức rằng họ không được trao quyền để thành lập một cơ quan được coi là lập pháp bao gồm các giáo sĩ và giáo dân, sẽ hoạt động như một cơ quan quản trị toàn bộ Giáo hội trong nước.

Một lá thư gửi ngày 16 tháng Giêng cho các giám mục Đức, mà The Pillar có được, giải thích, “Chúng tôi muốn xác minh rằng cả Con đường Đồng nghị, cũng như bất cứ cơ quan nào được thành lập bởi nó, cũng như bất cứ Hội đồng Giám mục nào, đều không có thẩm quyền thành lập 'Hội đồng Đồng nghị' ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”.

Bức thư được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, cùng với Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Đức Hồng Y Marc Ouellet, người đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục.

Ý tưởng thành lập một cơ quan quản trị thường trực gồm các giám mục và giáo dân cho Giáo hội ở Đức đã được phê chuẩn tại một cuộc họp của “Con đường Đồng nghị” vào tháng 9 năm ngoái, tại đó những người tham gia đã bỏ phiếu để thành lập một “hội đồng đồng nghị” quản trị thường trực.

Hội đồng này cũng sẽ “đưa ra các quyết định căn bản có ý nghĩa cấp siêu giáo phận đối với kế hoạch mục vụ, viễn cảnh tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Vatican đã cân nhắc về ý tưởng này trong tháng này, sau khi năm giám mục hỏi Vatican liệu họ có bắt buộc phải tham gia vào “ủy ban đồng nghị” – một tổ chức chuyển tiếp đã được lên kế hoạch, bao gồm 74 thành viên giám mục và giáo dân, sẽ bắt đầu vào năm nay, mở đường cho việc thành lập hội đồng đồng nghị.

Câu hỏi được nêu ra trong một bức thư ngày 21 tháng 12 từ những người đứng đầu các giáo phận Cologne, Eichstätt, Augsburg, Passau và Regensburg, sau chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Đức tới Rôma vào tháng 11. Trong chuyến viếng thăm đó, ba vị Hồng Y đã ký bức thư ngày 16 tháng 1 gửi đến các giám mục Đức tại một cuộc họp liên bộ hiếm hoi tại Vatican vào ngày 18 tháng 11.

Bức thư ngày 16 tháng 1 nói rằng các giám mục không bắt buộc phải tham gia vào “ủy ban đồng nghị”. Sau đó, nó giải thích rằng các giám mục không được trao quyền để tạo ra một hội đồng đồng nghị có tính quản trị hoặc ra quyết định cho đất nước của họ.

Bức thư trích dẫn Lumen gentium của Công đồng Vatican II, dạy rằng việc tấn phong làm giám mục “trao nhiệm vụ giảng dạy và cai quản” trong Giáo hội.

Bức thư ngày 16 tháng 1 đã được gửi đến Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục. Bätzing được yêu cầu chuyển bức thư tới các giám mục trước ngày 23 tháng Giêng.

Tài liệu giải thích, bản văn của bức thư đã được sự chấp thuận cụ thể của Đức Giáo Hoàng, người đã ra lệnh gửi nó đi.

Về phần mình, Bätzing đã đưa ra một tuyên bố công khai vào ngày 23 tháng 1 gợi ý rằng kế hoạch thành lập hội đồng đồng nghị có tính quản trị không nhằm làm suy yếu thẩm quyền của các giám mục.

Ngài nói, “Xét về tính đồng nghị, chủ yếu đây không phải là về các vấn đề tín lý, mà là về các vấn đề văn hóa đồng nghị sống động trong diễn trình tham vấn và ra quyết định chung. Không ai đặt câu hỏi về thẩm quyền của hàng giám mục”.

Vị giám mục gọi mối lo ngại của Vatican “rằng một cơ quan mới có thể đứng trên hội đồng giám mục hoặc làm suy yếu thẩm quyền của từng giám mục” là “vô căn cứ”.

Ngài viết, “Hội đồng đồng nghị, sẽ được chuẩn bị bởi ủy ban đồng nghị, do đó sẽ hoạt động theo giáo luật hiện hành phù hợp với nhiệm vụ có trong nghị quyết”.

Nhưng vị giám mục cũng nói rằng sự can thiệp của Rôma sẽ có nghĩa là phải suy nghĩ lại về những gì hội đồng đồng nghị thực sự có thể làm.

Vị giám mục viết, “Tài liệu từ Rôma sẽ có hệ quả đối với chúng tôi ở Đức rằng chúng tôi sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn nhiều về các hình thức và khả năng tham vấn và ra quyết định đồng nghị để phát triển một nền văn hóa đồng nghị,”.

Mặc dù không đề cập đến các chi tiết cụ thể, nhưng Bätzing khẳng định rằng sự can thiệp không phải là một tổn thất đối với các giám mục Đức.

“Tôi coi điều này là hữu ích và khả thi trong danh mục nhiệm vụ của ủy ban đồng nghị, đồng thời tôn trọng các giới hạn và khả năng do luật giáo hội đưa ra. Ủy ban đồng nghị không bị bức thư Rôma đặt nghi vấn.”

Ngài nói thêm rằng hội đồng thường trực của hội đồng giám mục Đức đã thảo luận về lá thư của Vatican tại cuộc họp hôm thứ Hai ở Würzburg.

Không rõ các giám mục Đức khác sẽ phản ứng thế nào với chỉ thị của Vatican. Mùa thu năm ngoái, triển vọng về một “Hội đồng đồng nghị” có tính quản trị đã nhận được sự ủng hộ từ đa số các giám mục trong cuộc họp tháng 9 của Con đường đồng nghị, được tổ chức tại Frankfurt.

Vào ngày 10 tháng 9, các đại biểu đã tán thành một tài liệu dài hai trang có tựa đề “Tăng cường một cách bền vững tính đồng nghị: Một Hội đồng Đồng nghị cho Giáo Hội Công Giáo ở Đức” trong lần đọc thứ hai. 93% trong số hơn 200 thành viên của Con đường Đồng nghị có mặt đã chấp thuận tài liệu, kể cả 88% giám mục.

Tài liệu đã bị nhà thần học nổi tiếng người Đức là Hồng Y Walter Kasper chỉ trích mạnh mẽ; ngài nói rằng nó đe dọa phá hủy cấu trúc “mà Chúa Kitô muốn cho Giáo hội của Người.”

Các giám mục đã bỏ phiếu cho đề xuất này bất chấp tuyên bố của Vatican vào tháng 7 năm ngoái rằng Con đường Đồng nghị không có quyền “buộc các giám mục và tín hữu chấp nhận những cách thức quản trị mới và những cách tiếp cận mới đối với tín lý và luân lý”.

Tuyên bố đó cho biết, “Trước khi có sự đồng ý ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, sẽ không được phép khởi xướng các cấu trúc hoặc tín lý chính thức mới trong các giáo phận, điều này sẽ đả thương sự hiệp thông giáo hội và là mối đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Kỳ vọng rằng Vatican sẽ gửi một lá thư quan trọng cho các giám mục Đức sau chuyến viếng thăm ad limina của họ lần đầu tiên được Đức Giám Mục Peter Kohlgraf của Mainz bày tỏ công khai vào ngày 1 tháng 12. Vị Giám Mục này nói ngài mong lá thư này đến trước phiên họp thứ năm và cuối cùng của Con đường Đồng nghị, dự kiến vào ngày 9-11 tháng 3 tại Frankfurt.

Vào tháng 10, Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức đã bầu 27 thành viên phục vụ trong ủy ban đồng nghị.

Con đường đồng nghị là một cuộc tụ tập nhiều năm giữa các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực, chức tư tế, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục sau cuộc khủng hoảng lạm dụng tàn khốc và giữa cuộc ra đi ồ ạt của người Công Giáo Đức.
 
Vatican công bố các lời phê phán của hai vị Hồng Y về Con đường Đồng nghị Đức
Vu Van An
16:13 29/01/2023

Để rộng đường nhận định về Con đường Đồng nghị Đức, chúng tôi xin đăng lại nội dung bức thư ngày 18 tháng 11 của cả hai vị Hồng Y Ouellet và Ladaria gửi các vị Giám Mục Đức đang viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô về ‘Con đường Đồng nghị’ của Đức.



Theo Luke Copen của tập san mạng The Pillar, Tờ L’Osservatore Romano đã công bố vào ngày 24 tháng 11 các báo cáo thần học do Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, và Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin chuẩn bị.

Các vị Hồng Y đã trình bày báo cáo của mình trước các giám mục Đức vào ngày 18 tháng 11, ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm ad limina của các ngài tới Rôma, tại một “cuộc họp liên bộ” trong khán phòng của Học viện Giáo phụ Augustinianum, gần Quảng trường Thánh Phêrô.

Con đường Đồng nghị là một sáng kiến gây tranh cãi kéo dài nhiều năm, tập hợp các giám mục và giáo dân của Đức lại với nhau để thảo luận về quyền lực, chức tư tế, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục.

Những người tham gia đã tán thành các bản văn kêu gọi phong chức cho phụ nữ, thay đổi Sách Giáo lý về đạo đức tính dục và thành lập một “hội đồng đồng nghị thường trực” giám sát Giáo hội Đức, khiến các giám mục bên ngoài nước Đức chỉ trích.

Bản văn của các vị Hồng Y, ban đầu bằng tiếng Ý, cũng được Vatican News công bố bằng tiếng Đức.

Trong bài phát biểu dài khoảng 1,500 từ của mình, Đức Hồng Y Ouellet đã bắt đầu bằng việc ca ngợi các giám mục Đức về mức độ nghiêm túc trong phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng đã làm chấn động người Công Giáo của đất nước và dẫn đến một cuộc ra đi ồ ạt của các thành viên Giáo hội.

Nhưng ngài nói rằng các đề xuất của Con đường Đồng nghị nêu lên “những khó khăn nghiêm trọng từ quan điểm nhân chủng học, mục vụ và giáo hội học,” có ý nói đến những lời chỉ trích cho rằng chúng có thể dẫn đến ly giáo.

Vị Hồng Y người Canada cho biết ngài hiểu rằng các giám mục Đức không tìm cách đoạn tuyệt với Giáo hội hoàn vũ, nhưng đang đưa ra “những nhượng bộ” dưới “áp lực văn hóa và truyền thông rất mạnh mẽ”.

Ngài nói, “Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chương trình nghị sự của một nhóm hạn chế các nhà thần học từ vài thập niên trước đã đột nhiên trở thành đề xuất đa số của hàng giám mục Đức: bãi bỏ luật độc thân bắt buộc, truyền chức cho viri probati [những người đàn ông xứng đáng], cho phụ nữ tiếp cận với thừa tác vụ được phong chức, đánh giá lại về mặt luân lý đối với đồng tính luyến ái, giới hạn về cấu trúc và chức năng của quyền lực phẩm trật, những suy tư về tình dục được truyền cảm hứng từ lý thuyết giới tính, những thay đổi lớn được đề xuất đối với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, v.v...”.

“‘Chuyện gì đã xảy ra?’ và ‘Chúng ta đã kết thúc ở đâu?’ nhiều tín hữu và người quan sát đã kinh ngạc hỏi như thế. Khó tránh khỏi ấn tượng cho rằng vấn đề cực kỳ nghiêm trọng của các vụ lạm dụng đã bị lợi dụng để thúc đẩy những ý kiến khác không liên quan trực tiếp đến nó.”

Ngài nói thêm rằng Con đường Đồng nghị dường như tìm cách “biến đổi Giáo hội” và “không chỉ những đổi mới mục vụ trong lĩnh vực luân lý hay tín lý,” lập luận rằng điều này “làm tổn hại đến sự hiệp thông của Giáo hội vì nó gieo rắc nghi ngờ và hoang mang cho dân Chúa."

Đức Hồng Y cáo buộc những người tổ chức Con đường Đồng nghị đã hạ thấp bức thư năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi người Công Giáo Đức, trong đó ngài suy tư về các nguyên tắc cải cách thực sự.

“Sau việc khởi đầu nhích ra xa huấn quyền của Đức Giáo Hoàng trên bình diện phương pháp luận này, căng thẳng gia tăng với huấn quyền chính thức ở bình diện thực chất đã xuất hiện khi công việc tiến triển theo thời gian, dẫn đến các đề xuất công khai mâu thuẫn với giáo huấn đã được tất cả các vị giáo hoàng khẳng định kể từ Công đồng Vatican II”, Đức Hồng Y Ouellet nói như thế, nêu bật lời kêu gọi phong chức cho phụ nữ của Con đường Đồng nghị.

Đức Hồng Y Ouellet đã kêu gọi đình chỉ sáng kiến này và tiếp theo là “một đánh giá căn bản vào một thời biểu sau đó”, dựa trên kết quả của Diễn trình Đồng nghị hoàn cầu.

Ngài nói, “Rõ ràng là phương pháp của Thượng hội đồng hoàn cầu khác với phương pháp được sử dụng ở Đức: nó chắc chắn ít mang tính nghị viện hơn, tập trung hơn vào sự tham gia chung và đạt được sự đồng thuận dựa trên sự lắng nghe sâu sắc về mặt thiêng liêng đối với dân Chúa”.

Ngài nói thêm: “Động lực căn bản của việc đình chỉ này là mối quan tâm đến sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn dựa trên sự hiệp nhất của các giám mục trong sự hiệp thông và vâng lời thánh Phêrô”.

“Việc một hàng giám mục đang gặp khó khăn tán thành đề xuất gây tranh cãi này sẽ gieo thêm nghi ngờ và hoang mang trong dân Chúa.”

Trong bài phát biểu dài khoảng 2,000 chữ của mình — có tựa đề “Một phần của một cơ thể lớn hơn,” có ý nói đến bức thư của Đức Thánh Cha gửi cho người Công Giáo Đức — Đức Hồng Y Ladaria đã xác định năm mối quan tâm chính về Con đường Đồng nghị.

Quan tâm đầu tiên của ngài là các tài liệu của sáng kiến không tạo thành một tổng thể mạch lạc và cần được tóm tắt trong một tài liệu cuối cùng.

Ngài nói, thứ hai, các bản văn dường như trình bày Giáo hội “ngay từ đầu như một tổ chức lạm dụng về mặt cấu trúc, tổ chức này phải được đặt dưới sự kiểm soát của những người giám sát càng sớm càng tốt”.

Ngài nhận xét, “Về mặt này, mối nguy hiểm lớn nhất của nhiều đề xuất có ý nghĩa nhất của các bản văn của Con đường Đồng nghị là một trong những thành tựu quan trọng nhất của Công đồng Vatican II đã bị mất đi, tức giáo huấn rõ ràng về sứ mệnh của các giám mục và do đó của Giáo hội địa phương”.

Thứ ba, Đức Hồng Y Ladaria nói rằng các bản văn gợi ý rằng “mọi sự phải được thay đổi” liên quan đến giáo huấn của Giáo hội về tình dục, đặc biệt như được phát biểu trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo năm 1992.

Thứ tư, ngài lập luận, các bản văn không đánh giá đúng mức giáo huấn của Giáo hội, một giáo huấn vốn dạy rằng việc truyền chức linh mục được dành riêng cho nam giới, bằng cách giản lược gợi ý rằng “phẩm giá căn bản của phụ nữ không được tôn trọng trong Giáo Hội Công Giáo vì họ không được thụ phong linh mục”.

Thứ năm, vị Hồng Y người Tây Ban Nha nói rằng các bản văn của Con đường Đồng nghị đã bỏ qua một giới luật trong văn kiện Dei Verbum của Công đồng Vatican II vốn dạy rằng “để giữ cho Tin Mừng mãi mãi trọn vẹn và sống động trong Giáo hội, các Tông đồ đã để lại các giám mục làm người kế vị, 'bàn giao' cho các ngài 'thẩm quyền giảng dạy ở nơi thuộc riêng của họ.'” Đức Hồng Y nói rằng “không thể đánh đồng nhiệm vụ tế nhị và quyết định này trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo với các chức vụ khác trong Giáo hội, chẳng hạn như nhiệm vụ của các nhà thần học và chuyên gia trong các lĩnh vực khác.”

Báo cáo của các Hồng Y lần đầu tiên được nhắc đến trong một thông cáo chung do Vatican và hội đồng giám mục Đức công bố vào ngày 18 tháng 11.

Tuyên bố nói rằng các viên chức Vatican “đã nói một cách thẳng thắn và rõ ràng về những lo ngại và dè dặt liên quan đến phương pháp, nội dung và các đề xuất của Con đường Đồng nghị; các ngài đề nghị, vì lợi ích của sự hiệp nhất của Giáo hội và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội, các yêu cầu đã xuất hiện cho đến nay được đưa vào Thượng hội đồng của Giáo hội hoàn vũ.”

Tờ L’Osservatore Romano hôm thứ Năm cũng đăng bài diễn văn dẫn nhập tại cuộc họp liên bộ của chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing.

Bản văn đã được công bố bằng tiếng Anh bởi hội đồng giám mục Đức vào ngày 19 tháng 11.

Trong phần can thiệp của mình, Giám mục Bätzing nhấn mạnh rằng các giám mục đã quyết định khởi động Con đường Đồng nghị để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Ngài nói: “Con đường đồng nghị của Giáo hội ở Đức không tìm kiếm sự ly giáo cũng không dẫn đến một giáo hội quốc gia. Bất cứ ai nói về ly giáo hay giáo hội quốc gia đều không biết người Công Giáo Đức cũng như giám mục Đức. Tôi rất buồn vì sức mạnh mà hạn từ này đã có được, mà với nó, người ta cố gắng phủ nhận khỏi chúng tôi cả tính Công Giáo lẫn ý muốn duy trì sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ.”

Quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin cũng đã phát biểu tại cuộc họp liên bộ với các giám mục Đức, nhưng bản văn của ngài không được công bố, Vatican News phiên bản tiếng Đức ghi chú như thế.

Các giám mục Đức đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 17 tháng 11 trong khoảng hai giờ đồng hồ sau những cánh cửa đóng kín. Đức Giáo Hoàng đã được dự kiến sẽ tham dự cuộc họp liên bộ, nhưng đã không có mặt.
 
Tấn công khủng bố tại giáo đường Do Thái ở Giêrusalem khiến 7 người chết, nhiều người bị thương
Đặng Tự Do
17:12 29/01/2023


Một cuộc tấn công khủng bố vào một giáo đường Do Thái ở khu phố Neve Yaakov của Giêrusalem khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người khác trong tình trạng nguy kịch. Kẻ khủng bố, được xác định là Alkam Khairi, 21 tuổi, cư dân ở Đông Giêrusalem, không có tiền án về hoạt động khủng bố, đã bị cảnh sát bắn chết khi đang cố gắng trốn thoát.

Theo Times of Israel, Khairi bước vào giáo đường Do Thái lúc 8:15 chiều, vào tối thứ Sáu (bắt đầu ngày sa-bát của người Do Thái) và nổ súng vào những người đang thờ phượng. Sau đó, anh ta đuổi theo những người chạy khỏi tòa nhà ra đường, nơi anh ta bắn thêm nhiều phát nữa trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thảm kịch này là thảm kịch mới nhất trong vài tháng đặc biệt đẫm máu, với các cuộc tấn công đơn độc của người Palestine đã bị đáp trả bởi các cuộc tấn công của Israel. Theo New York Times, “Chiến dịch này của Israel đã dẫn đến cái chết của hơn 170 người Palestine vào năm 2022, con số tử vong hàng năm cao nhất trong hơn một thập kỷ rưỡi, đồng thời đã thúc đẩy một làn sóng giận dữ và hiếu chiến mới của người Palestine”.

Vatican từ lâu đã thúc giục một giải pháp hai nhà nước tại Thánh Địa, với quy chế đặc biệt dành cho Giêrusalem. Tháng 11 năm ngoái, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã lưu ý những điều sau:

Việc giải quyết hoàn toàn và lâu dài cho vấn đề của người Palestine phải bao gồm một giải pháp công bằng liên quan đến Thành Thánh Giêrusalem, một giải pháp hoàn toàn ủng hộ các quyền của tất cả cư dân và bảo đảm rằng tất cả các tín hữu, người Do Thái, Kitô giáo và người Hồi giáo, đều được hưởng quyền tự do tiếp cận các di tích và Thánh địa tương ứng của họ theo thỏa ước Nguyên Trạng đã có lâu đời. Chỉ trong việc bảo vệ các quyền và tự do như vậy, nền hòa bình lâu dài mới có thể được tìm thấy. Để đạt được mục tiêu đó, Tòa thánh nhắc lại lập trường của mình trong việc kêu gọi một quy chế đặc biệt, được bảo đảm trên phạm vi quốc tế, trong đó các nguyện vọng khác nhau được cấu thành trong một hình thức hài hòa và ổn định và được bảo vệ đầy đủ và hiệu quả, để không bên nào có thể lấn át các quyền của các bên khác.

Đã có các báo cáo mâu thuẫn với nhau về việc Khairi bỏ trốn. Tờ Jerusalem Post đưa tin anh ta bỏ trốn bằng xe hơi và tờ Times of Israel đưa tin anh ta đi bộ bỏ trốn. Tuy nhiên, cả hai phương tiện truyền thông đều báo cáo rằng kẻ tấn công đã bắn vào các sĩ quan cảnh sát khi anh ta cố gắng chạy trốn. Khi cảnh sát bắn trả, Khairi đã bị trúng đạn và thiệt mạng.

Các báo cáo cũng xung đột về thời gian phản hồi của cảnh sát. Tờ Jerusalem Post đưa tin rằng cảnh sát phản ứng chậm, mất một giờ để đến hiện trường, trong khi The Times of Israel đưa ra khung thời gian vào khoảng 20 phút. Cuộc đấu súng giữa Khairi và cảnh sát được cho là xảy ra khoảng 5 phút sau khi cảnh sát đến.

Theo Jerusalem Post, phát ngôn nhân của Hamas, Hazem Qassem, đã tuyên bố vụ tấn công và cho rằng đây là “phản ứng tự nhiên” đối với việc xâm lược Jenin, một thành phố ở Bờ Tây.

CNN lưu ý rằng vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi một nhóm lực lượng Israel giết chết 9 người Palestine trong một cuộc đột kích vào trại tị nạn Jenin.

Tờ Times of Israel đưa tin rằng, vào tối thứ Sáu, ba nạn nhân của vụ tấn Công Giáo đường Do Thái đã phải nhập viện vì vết thương. Ba nạn nhân, một phụ nữ ở độ tuổi 70, một người đàn ông ở độ tuổi 30 và một thanh niên 20 tuổi, được cho là đang trong tình trạng nguy kịch, trong khi một cậu bé 14 tuổi và một phụ nữ 60 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch. tình trạng nghiêm trọng. Một phụ nữ 40 tuổi được đưa đến bệnh viện ngay sau đó đã qua đời vì vết thương.

Fadi Dekidek, một nhân viên y tế MDA có mặt tại hiện trường, kể lại vụ tàn sát mà anh ta chứng kiến cho tờ Jerusalem Post. Anh ta nói rằng anh ta nhìn thấy bốn người đàn ông nằm trên đường và ngay lập tức được xác nhận là đã chết, với nhiều người bị thương nằm xung quanh.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái trong thư gửi linh mục Martin
Đặng Tự Do
17:13 29/01/2023


“Khi tôi nói đó là một tội lỗi, tôi chỉ đơn giản đề cập đến giáo huấn đạo đức Công Giáo nói rằng mọi hành vi tình dục ngoài hôn nhân đều là tội lỗi.”

Sau khi Đức Giáo Hoàng phát biểu trong tuần này với Associated Press về các hình thức luật pháp hình sự hóa đồng tính luyến ái, đôi khi thậm chí với án tử hình, một linh mục Dòng Tên thường xuyên lên tiếng bênh vực những người đồng tính luyến ái đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm rõ.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP, Đức Giáo Hoàng nói rằng cần có sự phân biệt giữa tội lỗi và tội phạm, và trong khi hành vi đồng tính luyến ái được coi là tội lỗi, thì đó không phải là tội phạm theo nghĩa pháp lý.

Do đó, James Martin đã viết thư cho Giáo hoàng và Giáo hoàng đã gửi một phản hồi viết tay ngắn gọn, được chia sẻ tại Outreach.

Khi tôi nói đó là một tội lỗi, tôi chỉ đơn giản đề cập đến giáo huấn đạo đức của Công Giáo nói rằng mọi hành vi tình dục ngoài hôn nhân đều là tội lỗi. Tất nhiên, người ta cũng phải xem xét các trường hợp có thể làm giảm hoặc loại bỏ lỗi. Như bạn có thể thấy, tôi đã lặp lại một cái gì đó chung chung. Lẽ ra tôi nên nói “Đó là một tội lỗi, cũng như bất kỳ hành vi tình dục nào ngoài hôn nhân.” Nói như vậy là nói đến “vấn đề” tội lỗi, nhưng chúng ta biết rõ rằng nền luân lý Công Giáo không chỉ xét đến vấn đề, mà còn đánh giá cả tự do và ý hướng; và điều này, cho mọi loại tội lỗi.

Ở đây, Đức Giáo Hoàng đề cập đến ba điều kiện cổ điển của tội lỗi, đặc biệt trong trường hợp tội lỗi luân lý: chất liệu (nghĩa là hành động là gì), kiến thức và sự ưng thuận.

1857 Để một tội trở thành tội trọng, phải hội đủ ba điều kiện: “Tội trọng là tội có đối tượng là chất liệu nghiêm trọng và cũng là tội phạm với sự nhận thức đầy đủ và cố tình đồng ý.”

1858 Chất liệu nghiêm trọng được xác định trong Mười Điều Răn, theo câu trả lời của Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính cha. mẹ.” Mức độ nghiêm trọng của tội lỗi có thể nhiều hơn hay ít người: giết người nghiêm trọng hơn trộm cắp. Người ta cũng phải xem xét ai là người bị xúc phạm: bạo lực đối với người thân tự nó nghiêm trọng hơn bạo lực đối với người lạ.

1859 Tội trọng đòi phải có sự nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả định trước sự hiểu biết về đặc tính tội lỗi của hành động, về sự chống lại luật Chúa. Nó cũng ngụ ý một sự đồng ý đủ cân nhắc để trở thành một lựa chọn cá nhân. Giả vờ ngu dốt và cứng lòng không làm giảm bớt, mà trái lại còn gia tăng, đặc tính tự nguyện của tội lỗi.

Đức Giáo Hoàng nói rằng sự thiếu cụ thể của ngài là điều có thể hiểu được trong một cuộc phỏng vấn:

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nơi chúng ta nói chuyện với ngôn ngữ tự nhiên và đàm thoại, có thể hiểu rằng sẽ không có những định nghĩa chính xác như vậy.

AP đã hỏi về việc hình sự hóa đồng tính luyến ái chỉ một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng đến Phi Châu. Ở lục địa đó, hơn hai chục quốc gia coi đồng tính luyến ái là tội ác, trong đó có ba quốc gia coi đây là tội có thể bị tử hình.

Đức Thánh Cha thừa nhận rằng ngay cả một số giám mục cũng thúc đẩy sự trừng phạt hợp pháp đối với các hành vi đồng tính luyến ái, nhưng nói rằng lập trường này là một sản phẩm của văn hóa.

Đức Giáo Hoàng đã viết cho linh mục Martin trước đây. Vào tháng 5 năm 2022, ngài đã gửi một bức thư khuyến khích những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái đọc sách Tông Đồ Công Vụ, để có hình ảnh về “Giáo hội sống động”.
Source:Aleteia
 
Nơi nào trên thế giới các tín hữu tham dự Thánh lễ Công Giáo nhiều nhất?
Đặng Tự Do
17:15 29/01/2023


Các cuộc khảo sát cho thấy Phi Châu đang dẫn đầu về số tín hữu Công Giáo tham gia các cử hành Phụng Vụ.

Theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động Tông đồ, gọi tắt là CARA, quốc gia có số người tham dự Thánh lễ Công Giáo nhiều nhất trên thế giới có thể là Nigeria.

Khi được hỏi câu hỏi “Ngoài đám cưới, đám tang và lễ rửa tội, bạn có thường xuyên tham dự các nghi lễ tôn giáo trong những ngày này không?” 94% người Công Giáo Nigeria được khảo sát cho biết họ tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc hàng ngày.

Cuộc thăm dò được thực hiện bởi World Values Survey, gọi tắt là WVS, bắt đầu theo dõi dữ liệu từ những năm 1980 và có số liệu thống kê cho 36 quốc gia có đông người Công Giáo.

CARA, cơ quan thu thập kết quả, cho biết họ không biết chính xác quốc gia nào có tỷ lệ tham dự Thánh lễ cao nhất, “vì các cuộc khảo sát chưa được thực hiện về chủ đề này ở mọi quốc gia trên thế giới.” Do đó, chẳng hạn, một quốc gia như Malta không có trong danh sách này, nhưng dữ liệu điều tra dân số cho thấy có tới 40% người Công Giáo ở đó đi lễ hàng tuần.

Nhưng trong số những người được WVS khảo sát, ngoài Nigeria, việc tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc thường xuyên hơn là cao nhất trong số những người trưởng thành tự nhận mình là Công Giáo ở Kenya (73%) và Li Băng (69%).

“Phân khúc tiếp theo của các quốc gia, nơi có một nửa hoặc nhiều hơn số người Công Giáo tham dự hàng tuần, bao gồm Phi Luật Tân (56%), Colombia (54%), Ba Lan (52%) và Ecuador (50%)”, CARA, có trụ sở tại Đại học Georgetown, cho biết.

“Chưa đến một nửa, nhưng một phần ba hoặc nhiều hơn tham dự mỗi tuần ở Bosnia và Herzegovina (48%), Mễ Tây Cơ (47%), Nicaragua (45%), Bolivia (42%), Slovakia (40%), Ý (34% ) và Peru (33%).”

CARA nói thêm rằng trong có hơn 25% tín hữu Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần ở Venezuela (30%), Albania (29%), Tây Ban Nha (27%), Croatia (27%), New Zealand (25%) và Vương quốc Anh (25%).

Người Công Giáo ở Hoa Kỳ đứng ở vị trí tiếp theo, với khoảng 24% tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc thường xuyên hơn trước đại dịch COVID-19.

“Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của chúng tôi vào cuối mùa hè năm 2022, 17% người Công Giáo trưởng thành cho biết họ thường xuyên tham dự Thánh lễ ở nhà thờ và 5% xem Thánh lễ trực tuyến hoặc qua truyền hình tại nhà.

Các quốc gia khác có số người tham dự Thánh lễ Công Giáo tương tự như Hoa Kỳ là Hung Gia Lợi (24%), Slovenia (24%), Uruguay (23%), Úc (21%), Á Căn Đình (21%), Bồ Đào Nha (20%), Cộng hòa Tiệp (20%) và Áo (17%).

Mức độ tham dự hàng tuần thấp nhất được quan sát thấy ở Lithuania (16%), Đức (14%), Canada (14%), Latvia (11%), Thụy Sĩ (11%), Brazil (8%), Pháp (8%), và Hà Lan (7%).

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ số người tham dự thánh lễ không nhất thiết tương ứng với tỷ lệ người Công Giáo trong dân số.

Ví dụ, Li Băng có lượng người tham dự Thánh lễ cao, nhưng tỷ lệ người Công Giáo trong dân số thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Trog khi đó 97% người Công Giáo ở Uruguay coi mình là người có đạo — nhưng chỉ có 23% người Công Giáo ở đó tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc thường xuyên hơn.

CARA cũng nhận thấy một số mối tương quan giữa các yếu tố kinh tế và việc tham dự Thánh lễ và kết luận rằng Công Giáo mạnh nhất ở nơi thường được gọi là thế giới đang phát triển, nơi GDP bình quân đầu người thấp.
Source:Aleteia
 
ĐGH kêu gọi cầu nguyện cho ‘chuyến tông du hành hương hòa bình’ đến Nam Sudan & nước Cộng hòa Congo
Thanh Quảng sdb
17:15 29/01/2023
ĐGH kêu gọi cầu nguyện cho ‘chuyến tông du hành hương hòa bình’ đến Nam Sudan & nước Cộng hòa Congo (DRC)

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho chuyến Tông du sắp tới của ngài đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, đồng thời cho hay các quốc gia châu Phi này đã phải chịu đựng rất nhiều các cuộc xung đột...

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành vào thứ Ba này với tư cách là “người hành hương của hòa bình” đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2.

Trước chuyến tông du lần thứ 40 của mình ra nước ngoài, Đức Thánh Cha đã gửi một thông điệp cho dân chúng của hai quốc gia châu Phi này trong bài diễn văn trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa nhật 29/1/2023.

ĐTC cám ơn chính quyền dân sự và các Giám mục của cả hai quốc gia đã mời và chuẩn bị cho chuyến tông du của ngài.

'Gần gũi trong trái tim của tôi'

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào chân thành đến “những dân tộc yêu dấu đang chờ đợi ngài”.

“Những vùng đất đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì những cuộc xung đột kéo dài đằng đẵng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng nước Công Hòa Dân Chủ Congo (DRC) “đang phải chịu đựng các cuộc đụng độ vũ trang và bị bóc lột,” đặc biệt là ở phía đông của đất nước.

ĐTC cũng cho hay, Nam Sudan đã “bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh” và “mong muốn tình trạng bạo lực buộc nhiều người phải di tản và sống trong những điều kiện cực kỳ khó khăn sớm được chấn dứt”.

Hành hương đại kết vì hòa bình

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Ngài sẽ đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám Mục Anh giáo Justin Welby và Tiến sĩ Iain Greenshields.

“Ở Nam Sudan, tôi sẽ đến cùng với Tổng Giám mục Canterbury và Người điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland. Cùng nhau, với tư cách là anh em chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc sứ điệp của mình bằng lời kêu gọi mọi người hãy đồng hành với ngài trong chuyến tông du bằng lời cầu nguyện.

Tổng quan ngắn gọn về chuyến tông du

Chặng đầu tiên của chuyến tông du này, Đức Thánh Cha đến Cộng hòa Dân chủ Congo từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 3 tháng 2.

ĐTC sẽ ở lại thủ đô Kinshasa của Congo, nơi ấy, ngài sẽ gặp chính quyền dân sự, các nạn nhân của cuộc xung đột ở phía đông, và các linh mục tu sĩ địa phương của Giáo hội.

Sau đó, vào thứ Sáu 3/2/2023, ngài sẽ đến Nam Sudan cho đến ngày 5 tháng 2 để thực hiện chuyến viếng thăm nhằm hàn gắn những vết thương của quốc gia non trẻ nhất thế giới này.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ở lại thủ đô Juba, họp mặt với các cuộc gặp gỡ với nhiều Giáo hội và dân sự khác nhau, bao gồm một số người di tản trong nước (IDP).

Cuối cùng ĐTC sẽ trở lại Rôma vào Chúa nhật sau Thánh lễ đại trào cho các tín hữu ở Nam Sudan.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 Tháng Giêng
Đặng Tự Do
20:46 29/01/2023


Chúa Nhật 29 Tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong phụng vụ hôm nay, các Mối Phúc Thật theo Tin Mừng Mátthêu được công bố (x. Mt 5,1-12). Mối Phúc đầu tiên là cơ bản: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (c. 3).

Ai là những người “có tinh thần nghèo khó”? Thưa: Họ là những người biết rằng họ không thể dựa vào chính mình, rằng họ không đủ khả năng tự túc và họ sống như “ăn mày trước mặt Chúa”. Họ cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa và nhận ra mọi điều tốt lành đều đến từ Người như một quà tặng, như một ân sủng. Những người nghèo khó trong tinh thần này quý trọng những gì họ nhận được. Vì vậy, họ mong muốn rằng không có món quà nào bị lãng phí. Hôm nay, tôi muốn dừng lại ở khía cạnh điển hình này của tinh thần nghèo khó: không lãng phí. Người nghèo khó cố gắng không lãng phí bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc không lãng phí. Chẳng hạn, sau khi hóa bánh và cá ra nhiều, Người yêu cầu thu lại thức ăn thừa để không bị lãng phí (x. Ga 6:12). Không lãng phí cho phép chúng ta biết trân trọng giá trị của mình, của người và của vật. Tuy nhiên, thật không may, có một nguyên tắc thường bị bỏ qua, đặc biệt là ở các xã hội giàu có hơn, nơi văn hóa lãng phí, văn hóa vứt bỏ chiếm ưu thế. Cả hai đều là một bệnh dịch hạch. Vì vậy, tôi muốn đề xuất với anh chị em ba thách thức chống lại tâm lý lãng phí, tâm lý vứt bỏ.

Thách thức đầu tiên: không lãng phí món quà mà chúng ta đang có. Mỗi người chúng ta đều tốt, không phụ thuộc vào những món quà mà chúng ta có. Mọi phụ nữ, mọi đàn ông đều giàu có không chỉ về tài năng mà còn về nhân phẩm. Người đó được Thiên Chúa yêu thương, có giá trị, quý giá. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được chúc phúc không phải vì những gì chúng ta có, mà vì chúng ta là ai. Và khi một người buông bỏ và vứt bỏ chính mình, người đó đã tự lãng phí chính mình. Chúng ta hãy chiến đấu, với sự giúp đỡ của Chúa, chống lại những cám dỗ tin rằng mình không đủ, sai lầm và cảm thấy tội nghiệp cho chính mình.

Sau đó, thách thức thứ hai: không lãng phí những món quà chúng ta có. Có một thực tế là khoảng một phần ba tổng sản lượng lương thực được sản xuất trên thế giới bị lãng phí mỗi năm, trong khi rất nhiều người chết vì đói! Tài nguyên thiên nhiên không thể được sử dụng như thế này. Hàng hóa nên được chăm sóc và chia sẻ để không ai thiếu những gì cần thiết. Thay vì lãng phí những gì chúng ta có, chúng ta hãy phổ biến một hệ sinh thái công bằng, bác ái, và chia sẻ!

Cuối cùng, thách thức thứ ba: không ném người khác đi. Văn hóa vứt bỏ nói: “Tôi sử dụng bạn nhiều như tôi cần bạn. Khi tôi không còn hứng thú với bạn nữa, hoặc bạn cản đường tôi, tôi sẽ ném bạn ra ngoài”. Những người bị đối xử như vậy đặc biệt là những người yếu đuối nhất – trẻ em chưa chào đời, người già, người túng thiếu và người thiệt thòi. Nhưng con người thì không bao giờ bị vứt bỏ, những người thiếu điều kiện không thể bị ném đi! Mỗi người là một món quà thiêng liêng, mỗi người là một món quà độc đáo, bất kể tuổi tác hay tình trạng của họ. Chúng ta hãy luôn tôn trọng và đề cao sự sống! Chúng ta đừng vứt bỏ cuộc sống!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi mình một câu hỏi. Trên hết: Tôi sống tinh thần khó nghèo như thế nào? Tôi có biết nhường chỗ cho Chúa không? Tôi có tin rằng Ngài là của tôi, là sự giàu có thực sự và lớn lao của tôi không? Tôi có tin rằng Ngài yêu tôi, hay tôi ném mình vào nỗi buồn, quên rằng tôi là một ân sủng? Và sau đó - Tôi có cẩn thận để không lãng phí không? Tôi có chịu trách nhiệm về cách mình sử dụng đồ vật, hàng hóa không? Tôi có sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với người khác hay tôi ích kỷ? Cuối cùng, tôi có coi những người yếu đuối nhất là những món quà quý giá mà Thiên Chúa muốn tôi chăm sóc không? Tôi có nhớ đến những người nghèo, những người bị tước đoạt những gì cần thiết không?

Xin Mẹ Maria, Người Phụ Nữ của Các Mối Phúc, giúp chúng ta làm chứng cho niềm vui rằng cuộc sống là một quà tặng và làm chứng cho vẻ đẹp của việc hiến tặng chính mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin từ Thánh Địa, đặc biệt là về cái chết của mười người Palestine, trong số đó có một phụ nữ, bị giết trong hành động chống khủng bố của quân đội Israel ở Palestine; và về những gì đã xảy ra gần Giêrusalem vào tối thứ Sáu khi bảy người Do Thái bị một người Palestine giết chết và ba người khác bị thương khi họ rời khỏi giáo đường Do Thái. Vòng xoáy chết chóc ngày càng gia tăng không gì khác hơn là khép lại những tia hy vọng ít ỏi còn tồn tại giữa hai dân tộc. Từ đầu năm đến nay, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đọ súng với quân đội Israel. Tôi kêu gọi hai chính phủ và cộng đồng quốc tế hãy ngay lập tức và đừng chậm trễ tìm ra những con đường khác bao gồm đối thoại và chân thành tìm kiếm hòa bình. Anh chị em ơi, chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này.

Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Hành lang Lachin, Nam Kavkaz. Tôi gần gũi với tất cả những người, trong cái chết của mùa đông, buộc phải đương đầu với những điều kiện vô nhân đạo này. Mọi nỗ lực phải được thực hiện trên bình diện quốc tế để tìm ra các giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

Hôm nay là Ngày Phong Thế giới lần thứ 70. Thật không may, sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này tiếp tục gây ra những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người đau khổ vì nó và tôi khuyến khích cam kết hướng tới sự hội nhập hoàn toàn của những anh chị em này.

Tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi xin chào nhóm Quinceañeras từ Panama và các sinh viên từ Badajoz, Spagna. Tôi chào những người hành hương từ Moiano và Monteleone di Orvieto, những người từ Acqui Terme và các bạn trẻ của Nhóm Agesci Cercola Primo.

Và bây giờ tôi xin gửi lời chào thân ái đến các bạn trẻ của Công Giáo Tiến hành thuộc Giáo phận Rôma! Các bạn đã đến trên “Đoàn lữ hành hòa bình”. Tôi cảm ơn các bạn vì sáng kiến rất quý giá này trong năm nay bởi vì, khi nghĩ đến đất nước Ukraine bị chiến tranh tàn phá, cam kết và lời cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta càng phải mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến Ukraine và cầu nguyện cho người dân Ukraine, những người bị đối xử tệ bạc. Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe thông điệp mà những người bạn của bạn ở đây bên cạnh tôi sẽ đọc cho chúng ta nghe.

Sau thông điệp của các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến, trong hai ngày nữa, tôi sẽ khởi hành chuyến Tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Nam Sudan. Tôi cảm ơn các chính quyền dân sự và các giám mục địa phương về lời mời của họ và về sự chuẩn bị mà họ đã thực hiện cho những chuyến viếng thăm này, và tôi gửi lời chào thân ái đến những dân tộc thân yêu đang chờ đợi tôi.

Những vùng đất này, nằm ở trung tâm của lục địa châu Phi rộng lớn, đã phải chịu đựng rất nhiều từ những cuộc xung đột kéo dài. Cộng hòa Dân chủ Congo, đặc biệt là ở phía đông của đất nước, phải chịu đựng các cuộc đụng độ vũ trang và bóc lột. Nam Sudan, bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh, khao khát chấm dứt tình trạng bạo lực liên tục khiến nhiều người phải di dời và sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tôi sẽ đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Tô Cách Lan. Cùng nhau, với tư cách là anh em, chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, để khẩn cầu Thiên Chúa và loài người chấm dứt chiến sự và ban ơn hòa giải.

Tôi xin tất cả mọi người hãy đồng hành với Hành Trình này bằng lời cầu nguyện.

Và tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ an táng 700 Thai Nhi Tại Thánh Đường Bắc Hải Hố Nai
Khổng Hữu Nguồn
15:53 29/01/2023
Chiều Chúa nhật ngày 29 tháng Giêng năm 2023, nhằm mồng 9 Tết. Tại thánh đường Giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, đã tổ chức lễ an táng cho gần 700 thai nhi.

Chương trình an táng các thai nhi gồm có: Mặc khâm liệm thi hài thai nhi. Rước thi hài các thai nhi lên nhà thờ. Thánh lễ, sau lễ là nghi thức phó dâng từ biệt và di chuyển thi hài các em đến an táng tại Nghĩa trang Công Viên Thai Nhi thuộc Giáo xứ Tây Hải Hố Nai.

Xem Hình

Trong thánh lễ, cùng dâng lễ với Cha phó Vinh sơn có Cha Phụ tá Giuse Nguyễn Văn Tịch, Trưởng Ban Bảo Vệ Sự Sống của Giáo phận Xuân Lộc. Tham dự lễ, có rất đông cộng đoàn phụng vụ, có Qúy Sơ, Qúy Anh Chị Em Thiện Nguyện Viên.

Sau phần công bố Lời Chúa, Chúa nhật hôm nay: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Cha Phụ tá Giuse – Trưởng Ban giảng lễ: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó là người không ham hố, không tham lam, không cậy dựa vào tiền của hay quyền thế mà cậy dựa vào Thiên Chúa. Hạnh phúc gắn liền với nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đấng là suối nguồn hạnh phúc của toàn thể thụ tạo. Chỉ khi sống thân tình và gắn bó với Chúa, ta mới có hạnh phúc sâu xa và vững bền…”

Cũng với tinh thần bài giảng về chữ “Phúc”, Cha Trưởng Ban còn hướng ý cho cộng đoàn suy tư về việc các thai nhi chưa được sinh ra, chưa được nhìn thấy mặt trời đã phải đón nhận cái chết bởi sự ích kỷ của chính cha mẹ và người thân của các em,… và Cha mời gọi cộng đoàn hãy dâng linh hồn gần 700 thai nhi trong tháng này lên cho Chúa và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, bình an năm mới và cho những người đau khổ vượt qua gian lao vất vả trong đời. Cách đặc biệt, trong những ngày đầu năm này có gần chục gia đình thất bại, tan vỡ và có người đã xin vào Mái Ấm Tạm Lánh Mai Tiến xin nương nhờ, chúng ta đã đón nhận và cầu nguyện cho họ.

Sốt sắng tham dự lễ thánh và cầu nguyện cho linh hồn các thai nhi mà lòng con đau buồn, bước chân ra về lòng còn như trĩu nặng, bởi đó đây vẫn còn biết bao hài nhi ngày đêm kêu van thống thiết:

Mẹ ơi! Xin cho con được chào đời

Mẹ ơi! Con muốn làm người

Mẹ ơi và Mẹ ơi!...

Nguyện xin cho tiếng kêu ấy luôn đánh thức lương tâm mọi người, nhất là lòng “Từ Mẫu” nơi người Mẹ, để các em được sinh ra làm người như ước nguyện của các em và như ý muốn của Đấng tạo dựng nên Sự Sống.

Giuse Khổng Hữu Nguồn

Cựu Truyền Thông Gx. Bắc Hải
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Joseph Freinademetz, SVD - Lễ Kính 29/1
Nguyễn Trung Tây
00:03 29/01/2023
Nguyễn Trung Tây
Thánh Joseph Freinademetz, SVD - Lễ Kính 29/1
Linh Đạo Truyền Giáo



Thánh Joseph Freinademetz, SVD sinh ngày 15 tháng 4 năm 1852. Ngài là một trong hai vị thánh của Dòng Ngôi Lời (vị kia là thánh Tổ Phụ Arnold Jassen, SVD). Thánh Joseph có lẽ đã sống một cuộc đời linh mục triều êm đềm tại một giáo xứ địa phương, nếu ngài không đáp trả lời mời gọi rao giảng Tin Mừng tới lương dân. Ngọn lửa truyền giáo hun đúc trong hồn mang ngài tới gặp thánh Tổ phụ Arnold Janssen, SVD. Chia tay đời sống linh mục triều, thánh Joseph gia nhập Dòng Ngôi Lời. để rồi nhận được bài sai truyền giáo tại Trung Hoa. Mặc dù yêu mến gia đình, quê hương và văn hóa Landin-Áo của mình, sau khi bước chân xuống tàu sang Hồng Kông, thánh Joseph đã không bao giờ quay trở về quê hương nữa.

Cha Joseph nhắm mắt lại chết đi ngay trên chính mảnh đất truyền giáo Trung Hoa. Vào ngày 5 tháng 10 năm 2003, Đức Giáo Hoàng Phaolô II phong thánh cho ngài cùng với Lm Arnold Janssen, SVD, đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời.

Thánh Joseph Freinademetz, SVD nổi bật với đời truyền giáo mang đậm sắc thái của linh đạo truyền giáo. Phân tích dưới lăng kính truyền giáo học, ngài cũng chính là một trong nhiều hình mẫu cho những nhà truyền giáo của ngày hôm nay.

A. Tình Yêu Ngọn Lửa
Cha Joseph là người sở hữu một trái tim nhiệt thành. Nói một cách khác, thánh nhân được Thiên Chúa ban tặng một món quà đặc biệt, đó là, “tình yêu ngọn lửa.” Tình yêu ngọn lửa này có khả năng thiêu đốt tất cả mọi chướng ngại vật xuất hiện cản trở bước đường hành hương của ngài. Và đây cũng chính là linh đạo truyền giáo của ngài.

Là người Ladin (Áo quốc), ngài yêu mến quê hương, ngôn ngữ, văn hóa, gia đình và bạn bè Ladin tại thôn làng Oies và giáo xứ St. Martin. Nhưng, cha Joseph cuối cùng bỏ lại tất cả lại sau lưng bởi tiếng gọi truyền giáo. Bởi “tình yêu ngọn lửa,” Ngài lên đường, sống đời tu sĩ truyền giáo tại phố nhỏ Steyl của Hòa Lan. Trong lá thư gửi tới bạn bè, cha Joseph viết, “Tôi chia sẻ rất thành thật với bạn, ngay cả nếu có được ba ngàn vương quốc để tôi phải hy sinh để lại sau lưng quê nhà thân yêu và bạn bè thương yêu cho một vùng đất xa lạ, tôi cũng không đánh đổi. Chỉ có tình yêu vào Đức Giêsu và linh hồn đã khiến tôi rời bỏ tất cả.”

Giống như người đã kiếm ra kho tàng chôn trong thửa ruộng và người thương buôn kiếm ra viên ngọc vô giá (Matt 13:44-47), sau khi biết mình có ơn gọi truyền giáo, cha “về nhà.” Với niềm vui rộn ràng, ngài “bán tất cả những gì” mình có, để sở hữu viên ngọc quý (Matt 13:44). Đó là, ơn gọi sống đời truyền giáo.

Khi đã nhận ra ơn gọi truyền giáo, ngài nuôi dưỡng ơn gọi. Ngay cả khi đối diện với những khó khăn trên hành trình truyền giáo, cha Joseph vẫn không bỏ cuộc. Ngài vẫn trung thành với ơn gọi truyền giáo đến giờ phút cuối. Cha Joseph bởi thế định nghĩa chữ yêu như sau, “Ngôn ngữ mà mọi người đều có thể hiểu là ngôn ngữ tình yêu.”

B. Từ Bỏ
Cha Joseph đã từ bỏ tất cả để đi theo những bước chân của Đức Giêsu truyền giáo. Giống như Đức Giêsu, cha Joseph cũng sẵn sàng từ bỏ tất cả cho vương quốc Kitô. Nét từ bỏ này có thể nhận ra qua hành động bỏ lại sau lưng những gì thân quen. Tại Trung Hoa, cha từ bỏ tư tưởng và lăng kính Âu Châu để mang vào tâm hồn và thể xác đời sống, văn hóa, lương thực Trung Hoa.

Những người có khả năng trải qua những cuộc biến đổi như thế này đều là những người mang trong người tình yêu ngọn lửa. Với tình yêu nhiệt thành cho vương quốc Kitô, cha Joseph đã sẵn sàng đối diện tất cả những thử thách và trải qua những điều cần thiết để đổi thay tâm hồn của chính ngài.

C. Mầu Nhiệm Vượt Qua
Cha Joseph không chỉ sẵn sàng từ bỏ nhưng ngài còn dám rời bỏ khu vực an toàn, vượt biên giới để đi tới, và sống với những nền văn hóa xa lạ cho sứ vụ truyền giáo. Cha Joseph đã nếm vị đắng sau khi bỏ lại sau lưng quê nhà và văn hóa Ladin thân yêu cho một nền văn hóa Đức-Hòa Lan tại thôn Steyl, Hòa Lan.

Sau khi rời bỏ Âu Châu cho vùng trời Viễn Đông, ngài lại gặp những khó khăn với một nền văn hóa Trung Hoa xa lạ.

Trên vùng đất mới, cha Joseph lại trải qua những đau khổ nội tâm, gây ra bởi văn hóa mới, lương thực mới, và ngôn ngữ mới.

Nhưng cha Joseph F. vẫn sẵn sàng nếm vị mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. Ngài vác thánh giá và chết đi như Thầy Chí Thánh. Cha Joseph sau cùng đã phục sinh như Đức Kitô Phục Sinh.
Sau những trải nghiệm với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, thánh nhân trở thành một con người mới. Con người này mơ ước ngôi mộ nằm giữa những ngôi mộ của người Trung Hoa. Trên tất cả, ngài mong ước trở thành một người Trung Hoa trên thiên đàng.

D. Ứng Dụng Linh Đạo Truyền Giáo của Thánh Joseph Freinademetz
Tương tự như nhà truyền giáo Đức Giêsu và thánh Joseph Freinademetz, nhà truyền giáo của ngày hôm nay phải có khả năng:
(1) Rao giảng vương quốc Kitô với tình yêu ngọn lửa,
(2) Sẵn sàng vượt đường biên để gặp gỡ và đối thoại với con người của nền văn hóa mới, những người đang đói khát bánh mì và nước hằng sống Đức Giêsu Kitô,
(3) Sống đời dựng lều giữa những ngôi lều của đàn chiên mình đang chăm sóc như “Ngôi Lời đã dựng lều giữa” thế gian (John 1:14),
4) Yêu mến vô điều kiện đàn chiên được gửi tới cho công tác mục vụ. Cũng như thánh Joseph, những nhà truyền giáo phải có tinh thần khiêm nhường chấp nhận học hỏi những điều tốt lành từ chính đàn chiên mình đang chăm sóc. Thánh Joseph thực sự ra đã nhận được ơn hoán cải từ chính những người Trung Hoa, những người mà thoạt tiên thánh nhân đã từng nghĩ ngài sẽ hoán cải họ. Tương tự như thế, những nhà truyền giáo của ngày hôm nay phải có khả năng truyền giáo và rồi tạo điều kiện để chính họ cũng được đàn chiên hoán cải và thay đổi tâm hồn của họ.□

Tài liệu tham khảo
— Bornemann, Fritz. As Wine Poured Out: Blessed Joseph Freinademetz SVD – Missionary in China 1879-1908. Rome: Divine Word Missionaries, 1984.
— Joyce, Walter. Fools for the Sake of Christ. Manila: Arnoldus Press, 1975.
— Hollweck, Sepp. Joseph Freinademetz: Serving the People of China. Ed. Stefan Ueblackner. Trans. Jacqueline Mullberge. Rome: Divine Word Missionaries, 2003.
— Reuter, Jacob. Joseph Freinademetz: South Tyrol’s Outstanding Missionary to the Far East. Rome: Divine Word Missionaries, 1975.
 
VietCatholic TV
Không có thiết bị thay thế, xe tăng Nga bị mù, thiệt hại nặng ở Bakhmut. Hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine
VietCatholic Media
03:15 29/01/2023


1. Không có thiết bị thay thế, xe tăng Nga bị mù, thiệt hại nặng tại mặt trận Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 29 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ trước đó, quân Nga mất đến 800 quân, 7 xe tăng, 4 xe thiết giáp và 8 hệ thống pháo, cùng với một chiếc Sukhoi 34 trị giá 36 triệu Mỹ Kim.

“Bị tổn thất lớn về nhân lực, đối phương vẫn đang tiếp tục các hoạt động tấn công ở các hướng Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka,” Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Trong ngày, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành bốn cuộc tấn công vào các cụm đối phương. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng 2 sở chỉ huy, 2 vị trí phòng không và 3 cụm đối phương.

Trên hướng Bakhmut, quân Nga đánh vào khu vực 18 khu định cư đặc biệt là tại Klishchiivka, nơi Lữ Đoàn Dù 108 của Nga đã phải bỏ chạy vào ngày 26 Tháng Giêng. Hôm 28 Tháng Giêng là lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp lính Dù Nga quay lại tấn công Klishchiivka.

Quyết tái chiếm Klishchiivka, quân Nga đã đẩy “làn sóng thịt” lên trước để phát hiện các vị trí khai hỏa của quân phòng thủ Ukraine, và làm cho họ cạn kiệt đạn dược. Theo cựu chỉ huy quân đội Nga Igor Girkin, làn sóng thịt, còn được gọi là biển người, trong trường hợp này là Lữ đoàn Slavyansk số 1, của cái gọi là quân đội Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, do chính ông ta thành lập và chỉ huy từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 14 tháng 8 năm 2014. Lữ Đoàn Dù Nga đẩy họ lên trong các đợt tấn công đầu tiên trước khi họ xung phong.

Cuộc tấn công hôm 28 Tháng Giêng cũng đã thất bại. Lính Dù Nga bỏ chạy để lại 5 hệ thống pháo và 4 xe tăng bị bắn cháy. Nhóm máy bay Nga yểm trợ cho cuộc rút lui bị thiệt mất một chiếc Sukhoi 34 trị giá 36 triệu Mỹ Kim.

Tại khu vực Vuhledar, theo Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine ngoài chiến thuật biển người, quân Nga đã thực hiện hơn 299 cuộc tấn công bằng súng cối và pháo binh trong ngày hôm qua và tung ra khoảng 70 cuộc tấn công vào quân phòng thủ Ukraine.

“Người Nga đang cố gắng chọc thủng hàng phòng thủ của chúng ta gần Vuhledar. … Bây giờ họ cũng đang tập trung lực lượng của mình ở đó, tập trung các cuộc tấn công mạnh mẽ, quyết liệt vào hàng phòng thủ của chúng ta.”

“Về nguyên tắc, mục đích và hướng tấn công của họ là rõ ràng. Họ muốn chọc thủng hàng phòng thủ của chúng ta và tiến tới các khu vực Pokrovsk và Dobropillia. Và mục tiêu của tất cả các hành động gây hấn theo hướng này, và theo hướng Bakhmut, là chiếm Donbas Ukraine của chúng ta,” ông nói thêm.

Theo Igor Girkin, trong những ngày này người ta nhận thấy số xe tăng của Nga bị bắn cháy rất nhiều khiến cho quân Nga phải dùng đến hạ sách là chiến thuật biển người. Những xe tăng bị bắn cháy tại miền Đông Ukraine chủ yếu là xe tăng T90 tiên tiến của Nga vừa được đưa sang chiến trường Ukraine. Trong mùa Đông thiết bị quang nhiệt trong những xe tăng này bị ẩm mốc, đặc biệt với những xe tăng để trong kho, không được dùng đến. Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho việc thay thế các thiết bị quang nhiệt này ngày càng khó khăn. Vì thế, theo Igor Girkin, xe tăng Nga đánh ban đêm gần như là mù.

Tưởng cũng nên biết thêm: Trong khi xe tăng Nga chỉ có thiết bị quang nhiệt cho xạ thủ, loại xe tăng Abrams M1A2 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine vừa có thiết bị quang nhiệt cho xạ thủ lại vừa có thiết bị quang nhiệt độc lập cho người chỉ huy cho phép họ xác định mục tiêu.

Trong khi đó, tại hướng Zaporizhzhia, Đặc nhiệm SSU đã phát hiện một nhóm trinh sát của quân xâm lược Nga. Sử dụng máy bay chiến đấu không người lái, các đặc vụ tình báo quân sự của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, đã loại khỏi vòng chiến 4 quân xâm lược Nga và làm bị thương ít nhất 3 người khác ở mặt trận phía Đông. Ngoài ra, các đặc vụ tình báo quân sự của SSU đã giúp di tản quân nhân Ukraine bị thương bị nhóm trinh sát này bất ngờ tập kích.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 28 Tháng Giêng, Nga đã mất khoảng 125.510 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch còn bao gồm 3.189 xe tăng, 6.344 xe thiết giáp, 2.188 hệ thống pháo, 453 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 221 hệ thống tác chiến phòng không, 293 máy bay, 284 máy bay trực thăng, 1.947 máy bay không người lái, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.027 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 199 đặc biệt đơn vị thiết bị.

2. Zelenskiy nói rằng việc cung cấp hỏa tiễn tầm xa sẽ rất quan trọng sau các cuộc tấn công gần đây

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gọi việc cung cấp Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Quân đội tầm xa, hay ATACMS, là “rất quan trọng” trong bài phát biểu hàng đêm của ông hôm thứ Bảy.

“Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng các đối tác mở ra nguồn cung cấp quan trọng này, đặc biệt là ATACMS và các loại vũ khí tương tự khác,” Zelenskiy nói. “Vì cần phải bảo vệ sự sống; bảo vệ các thành phố như Kostyantynivka hay Kharkiv chẳng hạn”.

Các hỏa tiễn đất đối đất có thể bay khoảng 200 dặm, gấp khoảng bốn lần khoảng cách của các hỏa tiễn được sử dụng bởi các hệ thống di động HIMARS mà Mỹ bắt đầu gửi tới Ukraine cách đây 4 tháng.

Zelenskiy cho biết một cuộc tấn công vào thành phố Kostyantynivka ở vùng Donetsk vào đầu ngày thứ Bảy đã khiến 3 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương. Ông gọi vụ pháo kích là “chuyện xảy ra hàng ngày” trên các lãnh thổ của Ukraine, cho nên, “không thể có điều cấm kỵ nào trong việc cung cấp vũ khí để bảo vệ chống khủng bố Nga.”

Mỹ đã từ chối gửi ATACMS tới Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới: Zelenskiy cũng đề cập rằng ông đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với “185 pháp nhân và cá nhân mà Nga sử dụng để vận chuyển nhân sự và thiết bị quân sự bằng đường sắt”.

“Tài sản của họ ở Ukraine bị phong tỏa và tài sản hiện có của họ sẽ được sử dụng để bảo vệ chúng ta. Chúng ta sẽ làm việc để bảo đảm rằng các quốc gia khác cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn tương tự”.

Áp lực lên Ủy ban Olympic: Tổng thống Ukraine đã viết một lá thư cho chủ tịch các Liên đoàn Thể thao Quốc tế với lời kêu gọi xem xét lại quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế về việc cho phép các vận động viên Nga trở lại thi đấu quốc tế.

Zelenskiy lập luận: “Một khi các vận động viên Nga xuất hiện tại các cuộc thi quốc tế, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi họ bắt đầu biện minh cho hành động xâm lược của Nga và sử dụng các biểu tượng khủng bố”.

Ông gọi quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế là “một sự linh hoạt vô nguyên tắc.”

3. Nhà sản xuất vũ khí Đức kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng

Lãnh đạo một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức cho biết ngân sách quân sự tăng thêm 100 tỷ euro, tức là khoảng 108 tỷ USD, của nước này là “quá thấp” để đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa năng lực quân sự của chính phủ.

Giám đốc điều hành của Rheinmetall Armin Papperger nói với Reuters trong tuần này trong một cuộc phỏng vấn qua video: “Nhiều người nói về thực tế là ngân sách quốc phòng quá thấp và tôi có thể xác nhận điều đó”.

Giám đốc điều hành cho biết: “Ví dụ như năm ngoái, chúng tôi không thể giao xe tải hoặc đạn dược vì không có ngân sách, vì không có tiền”.

Trong cuộc phỏng vấn, Papperger đã ca ngợi Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm của Đức, ông Boris Pistorius vì khoảng thời gian “kỷ lục tuyệt đối” mà hai người mất để trò chuyện.

“Ông Pistorius là bộ trưởng quốc phòng thứ 11 mà tôi từng gặp trong thời gian làm việc tại Rheinmetall. Và chưa bao giờ có ai muốn gặp chúng tôi nhanh như vậy. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng, chúng ta đang sống trong thời điểm đặc biệt, chúng ta đang có chiến tranh ở Âu Châu,” ông nói.

Pistorius cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung xuất bản hôm thứ Sáu rằng quỹ quốc phòng đặc biệt của Đức, được thành lập vào năm ngoái, không còn đủ để đáp ứng các yêu cầu của họ.

Ông cũng cho biết việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine là “chưa thể” sau khi nước này đồng ý cung cấp xe tăng Leopard 2 hồi đầu tuần.

Giám đốc điều hành Rheinmetall cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng công ty của ông có thể tăng sản lượng đạn xe tăng lên hơn 100.000 viên so với “hiện nay” và rằng nhà sản xuất vũ khí có tổng công suất hơn 240.000 viên đạn, nhưng có thể có trở ngại về thuốc súng.

Ông nói thêm rằng tình trạng thiếu thuốc súng đang gia tăng do nhu cầu sản xuất cả đạn tăng và đạn pháo.

Papperger nói: “Điều đó có nghĩa là chúng ta thực sự cần thêm một công suất bột ở Âu Châu và lý tưởng nhất là ở Đức”.

Giám đốc điều hành cho biết công ty của ông sẽ cần hỗ trợ tài chính từ chính phủ Đức nếu muốn xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược khác để đáp ứng nhu cầu tiềm năng đó.

Papperger cho biết: “Đó sẽ là một nhà máy tương đối lớn vì chúng ta sẽ cần xây dựng một nhà máy hóa chất chuyên dụng với chi phí ước tính từ 700 đến 800 triệu euro, tức là khoảng từ 761 triệu đến 871 triệu USD.

Ông nói thêm: “Đây là một khoản đầu tư mà ngành công nghiệp không thể gánh chịu một mình, mà là một khoản đầu tư cho an ninh quốc gia là điều cần thiết phải có sự tham gia của chính phủ”.

Một phát ngôn viên của Rheinmetall nói với CNN hôm thứ Ba rằng mặc dù họ có 139 xe tăng Leopard trong kho, nhưng chỉ có 29 xe tăng chiến đấu Leopard 2 hiện đại có thể sẵn sàng được giao vào tháng 4 hoặc tháng 5, vì chúng đang được chuẩn bị cho một cuộc trao đổi vũ khí. Ông nói thêm rằng Rheinmetall sẽ cần khoảng một năm để chuẩn bị thêm 22 chiếc Leopard 2 mà hãng có trong kho.

4. Ngoại trưởng Phần Lan: Không có tiến triển nào trong các nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Phần Lan không mong đợi tiến triển trong nỗ lực trở thành thành viên NATO của đất nước ông và Thụy Điển trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5, nhưng tin rằng các quốc gia vùng Scandinavi vẫn tiếp tục hướng tới việc gia nhập liên minh quân sự.

Ngoại trưởng Pekka Haavisto cho biết: “Theo quan điểm của tôi, con đường gia nhập NATO không đóng lại đối với cả hai quốc gia”.

Phần Lan và Thụy Điển đang tìm cách gia nhập NATO sau khi Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine làm dấy lên lo ngại an ninh mới trên toàn khu vực. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã đưa ra những phản đối - và theo quy định của NATO, chỉ một quốc gia thành viên thôi cũng có thể gây ra việc phủ quyết tư cách thành viên của một ứng viên mới.

Phát biểu của Haavisto được đưa ra vài ngày sau khi Ankara kêu gọi hoãn cuộc họp ba bên vào tháng 2 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan.

Làm thế nào tình hình ra đến nông nỗi này: Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Thụy Điển đã bị giáng một đòn mạnh vào tuần trước sau khi Cảnh sát Stockholm cho phép một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm vào thứ Bảy tuần trước, trong đó chính trị gia chống nhập cư Rasmus Paludan đã đốt một bản sao của Kinh Koran. Người biểu tình nhanh chóng xuống đường ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một số người đốt cờ Thụy Điển bên ngoài đại sứ quán nước này để đáp trả.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin hôm thứ Năm rằng cuộc họp xung quanh các đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đã bị hoãn lại do “môi trường chính trị không lành mạnh” hiện nay.

Ba nước đã từng gặp nhau trong quá khứ theo “bản ghi nhớ ba bên” để thảo luận về các yêu cầu trở thành thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị Ankara hủy bỏ ngay sau vụ việc vào thứ Bảy tuần trước.

Ngoại trưởng Phần Lan cho biết “có một số sự chậm trễ vì các sự kiện gần đây,” và nói thêm “tất nhiên, đây không phải là tin tốt.”

Haavisto chỉ ra rằng Phần Lan không có kế hoạch tiến hành gia nhập tư cách thành viên NATO mà không có nước láng giềng Bắc Âu. “Chúng tôi không vội, chúng tôi có thời gian để đi cùng với Thụy Điển,” ông nói

5. Những gì chúng ta biết cho đến nay về số lượng xe tăng cam kết cho Ukraine từ mỗi quốc gia

Ai đã hứa điều gì, khi nói đến xe tăng cho Ukraine?

Một số quốc gia đã đề nghị gửi các phương tiện chiến đấu, nhưng không phải tất cả đều xác nhận họ dự định gửi bao nhiêu. Đây là những gì chúng ta biết:

Leopard 2 - Tổng cộng 32 xe tăng

Đức - 14

Ba Lan - 14

Canada - 4

M1 Abrams - tổng cộng 31 xe tăng

Hoa Kỳ - 31

Challenger 2 - tổng cộng 14 xe tăng

Vương quốc Anh - 14

Ngoài 14 xe tăng Leopard 2 đã cam kết, Ba Lan hôm thứ Sáu cho biết sẽ gửi thêm 60 xe tăng chiến đấu hiện đại tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết nước này “sẵn sàng gửi một số xe tăng Leopard 2 tới Ukraine”.

Na Uy được cho là đang xem xét liệu có gửi một số xe tăng Leopard 2 hay không.

Thủ tướng Hà Lan cho biết Hà Lan sẽ “nghiêm túc xem xét” việc mua 18 xe tăng Leopard 2 mà nước này thuê từ Đức và gửi chúng tới Ukraine. Nó không sở hữu bất kỳ chiếc xe tăng nào.

6. Nhật Bản chấp thuận thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, theo đài truyền hình công cộng Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga tại cuộc họp nội các hôm thứ Sáu, theo đài truyền hình công cộng NHK của Nhật Bản.

NHK báo cáo rằng các biện pháp trừng phạt mới bao gồm:

cấm xuất khẩu thêm 49 thực thể

đóng băng tài sản của ba thực thể và 36 người có quan hệ với chính phủ Nga và các nhóm thân Nga ở Ukraine

bổ sung thêm mặt hàng vào danh mục cấm xuất khẩu sang Nga

Phó Chánh văn phòng Nội các Seiji Kihara đã nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp và cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế và hỗ trợ Ukraine.
 
Pakistan tăng hình phạt cho ai xách mé vợ chồng nhà tiên tri: 40 Kitô Hữu đang chờ bị tử hình
VietCatholic Media
05:02 29/01/2023


1. Pakistan thắt chặt các luật báng bổ đã có ảnh hưởng sâu rộng

Quốc hội Pakistan trong tuần này đã thắt chặt luật báng bổ vốn đã có ảnh hưởng sâu rộng ở nước này, theo đó nhiều Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác đã bị truy tố và phải chịu bạo lực của đám đông, thường là do những cáo buộc đáng ngờ về tội báng bổ tín ngưỡng hoặc xúc phạm các nhân vật có liên quan đến đạo Hồi.

Xúc phạm nhà tiên tri Muhammad đã là một hành vi phạm tội nghiêm trọng ở Pakistan. Theo những thay đổi pháp lý mới nhất, những người bị kết tội xúc phạm vợ, bạn đồng hành hoặc người thân của Nhà tiên tri Muhammad sẽ phải đối mặt với 10 năm tù giam, bản án có thể kéo dài đến chung thân, cùng với khoản tiền phạt 1 triệu rupee, tương đương 4.500 USD. Tờ New York Times cho biết cáo buộc báng bổ là một hành vi phạm tội không thể bảo lãnh.

Hồi giáo là quốc giáo của Pakistan, và luật báng bổ đã có trong sách ở nước này hơn một thế kỷ, ngay cả trước khi nước này trở thành một quốc gia độc lập. Một sự leo thang đáng chú ý của luật báng bổ của đất nước xảy ra vào năm 1987, khi bản án tử hình được đưa ra đối với một số vi phạm.

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất trong những năm gần đây là Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo đã trải qua gần một thập kỷ chờ tử hình sau khi bị buộc tội miệt thị đạo Hồi. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi trả tự do cho cô ngay lập tức, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào tháng 10 năm 2018, Tòa án Tối cao Pakistan đã hủy bỏ bản án báng bổ của cô. Sau đó, cô đã trốn khỏi đất nước và được cho là vẫn nhận được những lời đe dọa giết người.

Luật báng bổ của Pakistan được cho là được sử dụng để dàn xếp tỷ số — ngay cả trong số những người quyền lực nhất — hoặc để bức hại các nhóm thiểu số tôn giáo. Chính cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan, người ủng hộ luật báng bổ của đất nước với tư cách là một ứng cử viên, đã bị chính phủ của người kế nhiệm buộc tội báng bổ vào tháng 5 năm ngoái. Vào tháng 11, Khan sống sót sau một vụ ám sát tại một cuộc biểu tình chính trị dường như có động cơ tôn giáo.

Chính quyền Pakistan đã liên tục thất bại trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ thay mặt cho các nhóm thiểu số tôn giáo, mặc dù có nhiều chính sách ủng hộ, và bảo vệ kinh tế cũng như thể chất cho các thành viên của các tôn giáo không theo đạo Hồi. Tính đến năm 2020, ít nhất 40 người đang thụ án chung thân hoặc đối mặt với án tử hình vì tội báng bổ ở nước này.
Source:National Catholic Register

2. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, và tổ chức Anh giáo ly khai tổ chức trao đổi thần học về giám mục, và truyền thống kế vị tông đồ

Các đại diện của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Giáo hội Anh giáo ở Bắc Mỹ, gọi tắt là ACNA, đã gặp nhau vào tháng 10 để thảo luận về chức giám mục, theo một tuyên bố do USCCB đưa ra vào ngày 23 tháng 1.

Được thành lập vào năm 2009 và có trụ sở tại Pennsylvania, ACNA được thành lập bởi các thành viên bất mãn của Giáo hội Tân giáo ở Mỹ và Giáo hội Anh giáo Canada. ACNA phản đối phá thai và tìm cách tuân thủ giáo huấn Kinh thánh về hôn nhân và tình dục. ACNA có 122.000 thành viên trong 974 hội thánh; một số giáo phận của nó cho phép phụ nữ được phong chức, mặc dù phần lớn thì không.

Sự trao đổi giữa USCCB và ACNA rất có ý nghĩa bởi vì USCCB thường duy trì các cuộc đối thoại với các tổ chức Tin lành chính thống trong lịch sử, chứ không phải với các cộng đồng ly khai đang tìm cách trung thành với giáo huấn Kitô giáo liên quan đến phá thai và tình dục.

3. Đối mặt với sự sụt giảm về người và tiền, Seattle khởi động nỗ lực hợp nhất các giáo xứ

Viện dẫn sự sụt giảm cả về số người Công Giáo thực hành đạo lẫn các nguồn lực sẵn có, Tổng giáo phận Seattle đã trở thành giáo phận mới nhất của Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ bắt tay vào một sáng kiến hợp nhất giáo xứ kéo dài nhiều năm.

Với tiêu đề “Đối tác trong Tin Mừng”, quá trình này sẽ tuân theo một mô hình được sử dụng trong các sáng kiến hợp nhất giáo xứ khác trên khắp đất nước, nơi hai hoặc nhiều giáo xứ sẽ cùng nhau tạo ra một gia đình giáo xứ mới dưới sự lãnh đạo của một cha xứ và một hoặc nhiều cha sở giáo xứ.

Các nhà lãnh đạo của Tổng giáo phận cho biết sáng kiến này là cần thiết trong tình hình hiện tại ở phía tây Washington.

“Với tất cả những thay đổi mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay – trên toàn cầu, về mặt văn hóa và bên trong Giáo hội – thì rõ ràng là giữ nguyên hiện trạng không còn là một lựa chọn nữa,” Đức Tổng Giám Mục Paul Etienne nói trong một tuyên bố. “'Đối tác trong Tin Mừng' là một kế hoạch về cách chúng ta đón nhận những thực tế này với niềm hy vọng và sự tự tin.”

Công bố kế hoạch vào ngày 22 Tháng Giêng, tổng giáo phận nhấn mạnh thực tế là trong khi dân số ở phía tây Washington tiếp tục tăng, số người Công Giáo thực hành đạo tiếp tục giảm, bằng chứng là số hộ gia đình ghi danh ít hơn, ít người tham dự Thánh lễ hơn và đời sống giáo xứ nói chung giảm xuống..

Thực tế đó được kết hợp bởi sự suy giảm các nguồn lực, bao gồm các linh mục, các nhà lãnh đạo giáo dân và tài chính. Tổng giáo phận có 80 linh mục cho 174 địa điểm, nhưng dự đoán số lượng giáo sĩ sẽ giảm xuống còn khoảng 66 trong 13 năm tới. Tổng giáo phận cũng có ít chủng sinh và thừa tác viên giáo dân hơn.

Caitlin Moulding, giám đốc điều hành của tổng giáo phận cho biết: “Chúng ta có các nhà thờ được xây dựng cho nhiều người hơn là con số tham dự Thánh lễ, và hầu hết các giáo xứ đều bị hạn chế về nguồn lực với chi phí đáng kể để duy trì cơ sở vật chất.

Bà nói: “ Nhiều giáo xứ nhỏ hơn có ít tài nguyên hơn, vì vậy họ không thể đầu tư vào các chương trình và nhân viên cần thiết để mang mọi người lại với nhau và làm sống lại đức tin của họ.

Về mặt tài chính, tổng giáo phận đang ở một vị trí vững chắc. Sau khi báo cáo khoản nợ 1,5 triệu đô la trong năm tài chính 2020, tổng giáo phận đã báo cáo khả năng thanh toán ròng - tiền mặt và tài sản trừ nợ - là 16,5 triệu đô la vào năm ngoái. Tổng giáo phận đã có thể mua một ngôi nhà trị giá 2,4 triệu đô la cho Đức Tổng Giám Mục Paul Etienne, đồng thời bán một tài sản mà những người tiền nhiệm của ngài đã sử dụng với giá 13,5 triệu đô la.

Tuy nhiên, các giáo xứ của tổng giáo phận phải đối mặt với một thực tế tài chính khác. Helen McClenahan, giám đốc truyền thông của tổng giáo phận, nói với Crux rằng khoảng 64 phần trăm các giáo xứ hoạt động trong tình trạng thâm hụt.

McClenahan lưu ý rằng đã có những sự sáp nhập và thay đổi giáo xứ trong tổng giáo phận trong những năm gần đây. Bà nói, sự khác biệt với “Đối tác trong Tin Mừng” là quá trình này sẽ mang tính chất tư vấn cao.

Như đã vạch ra bởi tổng giáo phận, bước đầu tiên là các cuộc tham vấn của giáo xứ và tổng giáo phận sẽ bắt đầu vào mùa xuân này. Sau đó, công chúng sẽ có cơ hội cung cấp thông tin về các gia đình trong giáo xứ vào mùa thu này.

Molding nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn tham vấn trong việc đưa ra bất kỳ kết luận nào.

“Chúng ta đã lên kế hoạch tham vấn cả năm như một phần của quá trình này,” Molding nói. “Chúng ta muốn nghe ý kiến từ các linh mục, phó tế, nữ tu, lãnh đạo giáo dân, nhân viên giáo xứ và dân Chúa trong toàn tổng giáo phận. Năm tham vấn này sẽ cho phép chúng ta có được quan điểm của mọi người trong việc xây dựng một kế hoạch cho tương lai.”

Tổng giáo phận cho biết không có kết quả định trước của quá trình này, trong khi khẳng định rằng hầu hết các giáo xứ sẽ tham gia với hai hoặc nhiều giáo xứ khác để tạo thành một gia đình giáo xứ. Các cấu trúc gia đình giáo xứ sau đó sẽ được công bố vào đầu năm 2024, sẽ có hiệu lực với một cha sở vào tháng 7 năm 2024. Từ đó, cha xứ, các nhà lãnh đạo giáo xứ và giáo dân sẽ xác định cách thức gia đình giáo xứ mới chia sẻ các nguồn lực, chẳng hạn như nhân viên, mục vụ, nỗ lực tiếp cận cộng đồng và cơ sở vật chất.

Năm 2024 tới 2027 được vạch ra là những năm để các gia đình trong giáo xứ cùng nhau hành trình, với mục đích đến năm 2027, các gia đình trong giáo xứ sẽ trở thành một giáo xứ duy nhất.
Source:Crux

4. Người sáng lập cộng đoàn Thánh Thể Pháp bị cấm dâng lễ, giải tội

Cha Nicolas Buttet, nguyên là một nhà lập pháp Thụy Sĩ, một nhân viên giáo dân của Vatican, và là nhà bác ái, người đã thành lập Fratérnité Sacramentein, tức là Huynh đoàn Thánh Thể vào năm 1996 và lãnh đạo cộng đồng cho đến năm 2020, đã bị cấm cử hành Thánh lễ, giải tội hoặc tiếp xúc với cộng đồng, ở Pháp và Thụy Sĩ.

Vị linh mục, hiện 61 tuổi, là diễn giả tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm 2008 và đã nhiều lần được Đài Vatican và Tin tức Vatican phỏng vấn trong thập kỷ qua.

Theo một báo cáo của tờ báo Thụy Sĩ, một chuyến thanh trà tông tòa theo giáo luật đã phát hiện ra một “hệ thống hình chóp” mà “chủ nghĩa độc đoán” “gợi nhớ đến chế độ của một cộng đồng tôn giáo vào những năm 1950”. Các vị khách cũng đã chỉ trích Đức Cha Dominique Rey của Fréjus-Toulon, là người đã phong chức linh mục cho Buttet vào năm 2003, vì đã giám sát lỏng lẻo Huynh đoàn Thánh Thể.

Cha Buttet, hiện đang sống trong một tu viện ở Pháp, bác bỏ những phát hiện của cuộc thanh tra.
Source:Catholic World News
 
6500 quân Nga đầu hàng. Drone cho thấy lính Nga chạy bỏ rơi đồng đội khi xe tăng trúng hỏa tiễn
VietCatholic Media
17:05 29/01/2023


1. Khả năng trang bị cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa và các chiến đấu cơ

Kyiv và các đồng minh phương Tây đang tham gia vào các cuộc đàm phán “nhanh chóng” về khả năng trang bị cho quốc gia bị xâm lược này hỏa tiễn tầm xa và máy bay quân sự, hãng tin AP dẫn lời một phụ tá hàng đầu của tổng thống Ukraine cho biết.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Volodymyr Zelenskiy, cho biết những người ủng hộ Ukraine ở phía tây “hiểu cuộc chiến đang diễn biến như thế nào” và nhu cầu cung cấp máy bay có khả năng yểm trợ cho các phương tiện chiến đấu bọc thép mà Mỹ và Đức đã cam kết vào đầu tháng.

Tuy nhiên, ông Podolyak cho biết một số đối tác phương Tây của Ukraine duy trì thái độ “thận trọng” đối với việc chuyển giao vũ khí, vì e ngại Nga dùng đến vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các phóng viên báo chí hôm thứ Năm 19 Tháng Giêng, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, nói rằng ông đã nghe những lo ngại này trước khi ông chấp thuận cung cấp vũ khí chống tăng vác vai cho Ukraine.

Johnson khẳng định Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời so sánh tổng thống Nga với “thằng béo trong phim Dickens muốn làm da thịt chúng ta sởn gai ốc”. Hắn ta chỉ hù dọa cho chúng ta sợ.

Johnson chỉ ra rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra tình trạng tê liệt kinh tế. Thêm vào đó, các quốc gia đang tiếp tục mang đến cho hắn ta những lợi ích vì lập trường lưng chừng của họ sẽ nhanh chóng quay sang chống lại anh ta.

“Hắn ta sẽ không làm điều đó đâu,” Ông Johnson nói.

2. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc lực lượng Ukraine tấn công một bệnh viện ở vùng Lugansk phía đông, khiến 14 người chết và 24 người khác bị thương.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói hôm Chúa Nhật 29 Tháng Giêng rằng vào sáng thứ Bảy tại thị trấn Novoaidar, “lực lượng vũ trang Ukraine đã cố tình tấn công tòa nhà của một bệnh viện huyện” bằng hệ thống hỏa tiễn HIMARS do Mỹ sản xuất.

Konashenkov cho biết thêm rằng 14 người thiệt mạng và 24 người bị thương trong số “các bệnh nhân và binh sĩ y tế của bệnh viện”, AFP đưa tin.

Konashenkov cho biết thêm: “Không còn nghi ngờ gì nữa, một cuộc tấn công hỏa tiễn có chủ ý vào một cơ sở y tế dân sự đang hoạt động được biết đến là một tội ác chiến tranh nghiêm trọng của chế độ Kyiv.”

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 29 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, bác bỏ cáo buộc này là cho rằng Nga đã lấy bệnh viện này làm doanh trại quân đội.

3. 6.500 quân nhân Nga tìm cách đầu hàng qua đường dây nóng đặc biệt “Tôi muốn sống”

Hơn 6.500 quân nhân Nga đã tìm cách đầu hàng thông qua một đường dây nóng đặc biệt “Tôi muốn sống”. Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết như trên, đồng thời loan báo rằng trung tâm điều hành chiến dịch “Tôi muốn sống” được cho là gần đây đã được chuyển đến một địa điểm bí mật để tránh sự can thiệp của Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân cho biết những người đã liên lạc thông qua dịch vụ đã được xác minh là đang phục vụ trong lực lượng Nga bằng cách sử dụng dữ liệu cá nhân và số dịch vụ của họ. Cố nhiên, có những người Nga gọi vào dịch vụ này để phá phách và chửi bới. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, họ là những người thành thật muốn được hướng dẫn các chi tiết cụ thể để ra đầu hàng quân Ukraine.

Từ ngày 15 tháng 9 - khi đường dây nóng ra mắt - đến ngày 20 Tháng Giêng, phát ngôn nhân cho biết 6.543 binh sĩ Nga đã sử dụng dịch vụ này để đầu hàng, thường là từ tiền tuyến.

4. Ukraine đang đấu tranh cho các giá trị chung của chúng ta, chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu cho biết

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine vào tuần tới rằng Ukraine có sự hỗ trợ vô điều kiện từ Liên Hiệp Âu Châu và cần phải chiến thắng trước các cuộc tấn công của Nga để bảo vệ các giá trị Âu Châu.

Reuters đưa tin Von der Leyen đã nhận định như trên trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy tại một sự kiện của Đảng Dân chủ Kitô giáo, ở Duesseldorf, Đức:

Chúng ta đứng về phía Ukraine mà không có bất kỳ câu hỏi nào. Ukraine đang đấu tranh cho các giá trị chung của chúng ta, họ đang đấu tranh cho sự tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc dân chủ và đó là lý do tại sao Ukraine phải thắng cuộc chiến này.

Von der Leyen và các ủy viên Liên Hiệp Âu Châu đồng nghiệp của cô ấy lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine vào ngày 3 tháng Hai.

5. Cuộc chiến thông tin

Mark Rice-Oxley của tờ The Guardian nhận định rằng cần phải thắng cả cuộc chiến thông tin của Putin.

Xe tăng chiến trường thực sự chỉ là một nửa trận chiến. Ngoài sức mạnh quân sự trên thực địa ở Ukraine, còn có một cuộc đối đầu quan trọng khác trong đó Điện Cẩm Linh có ưu thế vượt trội cần phải bị thách thức. Đó là cuộc chiến thông tin.

Không gian truyền thông của Nga đã trở lại với sự bắt chước kỳ cục của mô hình thời Xô Viết. Trên thực tế, nó còn tồi tệ hơn nhiều, ít nhất là trong những năm cuối của Liên Xô, hầu hết mọi người đều biết rằng họ đang bị lừa dối. Truyền hình và báo chí trong nước hoàn toàn bị khống chế. Hàng triệu người được cho ăn một chế độ ăn uống hàng ngày theo đó mô tả chính quyền Ukraine, và người phương Tây là “phát xít”, và hô hào sự trả thù hạt nhân đối với nền văn minh Anglo-Saxon.

Nó đang hoạt động. Một sự đồng thuận rộng rãi bên trong nước Nga vẫn ủng hộ Putin và chiến dịch tồi tệ của ông ta ở Ukraine. Điện Cẩm Linh có thể đang thất bại thê thảm trong một cuộc chiến tranh trên mặt đất, nhưng nó đang chiến thắng trong trận chiến tuyên truyền.

Tuy nhiên, có một thiểu số nhỏ các nhà báo dũng cảm đang cố gắng tạo ra sự khác biệt, xuất bản những tin tức độc lập, đáng tin cậy cho khán giả ở quê nhà. Nó không phải là dễ dàng. Họ đã bị chặn, bị cấm, bị bắt nạt và bị trục xuất khỏi Nga. Họ đã bị lên án là đặc vụ nước ngoài và “những kẻ không được mong muốn”, và các nhà báo, nhà tài trợ và độc giả của họ đã bị đe dọa. Họ sống lưu vong, thiếu binh sĩ, nhà quảng cáo và doanh thu. Nhưng không thiếu độc giả.

Các trang web tin tức độc lập như Meduza và Holod cho biết họ vẫn tiếp cận được hàng triệu độc giả ở Nga, nhờ các trang web nhân bản, các mạng riêng ảo, gọi tắt là VPN, có thể tránh được sự kiểm duyệt; và trong các kênh mà đặc vụ Nga khó chặn như email và Telegram.

Tôi đã đến thăm các biên tập viên cấp cao của cả hai ở Riga vào tuần trước như một phần của dự án Guardian Foundation để so sánh các ghi chú và đưa ra lời khuyên về cách tài trợ cho báo chí độc lập. Tổng biên tập của Meduza, Galina Timchenko, nói với tôi rằng nó giống như trò chơi mèo vờn chuột: mỗi lần cô ấy nghĩ ra một cách mới để phân phối tin tức ở Nga, chính quyền lại đóng cửa nó. Tuy nhiên, Meduza vẫn tuyên bố có khoảng 2,5 triệu lượt xem hàng tháng ở Nga vào năm ngoái.

Biên tập viên của Holod, Taisia Bekbulatova, cho biết việc bảo vệ nền báo chí độc lập của Nga là một phần quan trọng trong việc cứu nước Nga khỏi thảm họa do Putin gây ra.

Bekbulatova nói với tôi: “Mục tiêu của chúng ta là bảo tồn nền báo chí độc lập cho tương lai của nước Nga. “Mặc dù phải làm việc lưu vong, chúng ta tin tưởng vào tầm quan trọng của báo chí phẩm chất cao và khả năng tiêu diệt một chế độ độc tài. Chúng ta không chỉ muốn trở thành một phương tiện truyền thông, mà còn là một tổ chức báo chí độc lập thực sự.”

Đối với một thế giới phương Tây đang đau đầu tìm cách tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến Ukraine, việc hỗ trợ các nhà báo như thế này dường như là một cơ hội rõ ràng. Cũng giống như cách mà hàng triệu độc giả đã ủng hộ báo Guardian trong những năm qua vì họ nhận ra tầm quan trọng của truyền thông độc lập đối với hoạt động của nền dân chủ, điều tương tự cũng xảy ra ở Nga.

Chúng ta có thể giúp các phương tiện truyền thông như Meduza và Holod một cách dễ dàng, chỉ bằng một phần chi phí của xe tăng Leopard. Hy vọng phải là các tổ chức tin tức độc lập đang phát triển mạnh mẽ của Nga có thể thuyết phục ngày càng nhiều người đặt câu hỏi về những lời dối trá của Điện Cẩm Linh.

6. Cựu nghị sĩ nói: Putin đang ném 'thịt vào máy xay' khi tổn thất chiến tranh gia tăng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Throwing 'Meat Into the Grinder' as War Losses Grow: Former Lawmaker”, nghĩa là “Cựu nghị sĩ nói: Putin đang ném 'thịt vào máy xay' khi tổn thất chiến tranh gia tăng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Sự ngoan cố của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đã được một cựu nghị sĩ Hoa Kỳ ví như “ném thịt vào cối xay”, và nói thêm rằng “mọi việc chỉ trở nên tồi tệ hơn”.

Richard Ojeda phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ từ năm 1989-2014, đạt cấp bậc thiếu tá trước khi chuyển sang lĩnh vực chính trị. Sau đó, ông được bầu vào Hạ viện với tư cách là đảng viên Đảng Dân chủ từ Khu vực Quốc hội số 7 của Tây Virginia, phục vụ từ năm 2016 đến năm 2019. Ông cũng đã khởi động một chiến dịch tranh cử tổng thống ngắn ngủi không thành công vào năm 2020, sau đó là cuộc tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ không thành công.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào năm ngoái, Ojeda đã thẳng thắn ủng hộ Ukraine chống lại các lực lượng xâm lược của Nga, thường xuyên sử dụng nền tảng quân sự của mình để cân nhắc về những diễn biến mới. Hôm thứ Bảy, nhà cựu lập pháp đã chia sẻ một hình ảnh cập nhật từ Kyiv Independent mô tả chi tiết những tổn thất ngày càng tăng của Nga trong cuộc xung đột, đưa ra một đánh giá nghiệt ngã về vị trí của Nga.

Ojeda viết: “Putin đang ném thịt vào máy xay và nó chỉ trở nên tồi tệ hơn. Xe tăng sắp được đưa vào cuộc chiến này có khả năng cao hơn nhiều so với của Nga. Nga là một con hổ giấy và Ukraine đã chứng minh điều đó!”

Đồ họa từ Kyiv Independent được cập nhật hàng ngày với số liệu thống kê mới từ Quân đội Ukraine. Tính đến thứ Bảy, các lực lượng Nga đã thiệt hại đáng kể khoảng 125.510 binh sĩ, tăng 800 so với hôm thứ Sáu, cũng như 7 xe tăng bổ sung và 26 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Như Ojeda đã đề cập, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ nhận được một lượng lớn xe tăng đang được săn đón như một phần của gói viện trợ quân sự mới, bao gồm 31 xe tăng M1 Abrams từ Mỹ và 14 xe tăng Leopard 2A6 từ Đức và 14 xe tăng Challenger 2 từ Vương quốc Anh. Những lô hàng được công bố này theo sau lời cầu xin khẩn thiết từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, kêu gọi các đồng minh cung cấp xe tăng.

“Tôi có thể cảm ơn các bạn hàng trăm lần, và điều đó hoàn toàn công bằng và chính đáng, với tất cả những gì chúng ta đã làm,” Zelenskiy nói trong hội nghị thượng đỉnh vào ngày 20 Tháng Giêng. “Nhưng hàng trăm lời cảm ơn không bằng hàng trăm chiếc xe tăng. Tất cả chúng ta có thể sử dụng hàng nghìn từ ngữ trong các cuộc thảo luận, nhưng tôi không thể dùng lời nói thay cho những khẩu súng cần thiết để chống lại pháo binh Nga hoặc thay cho hỏa tiễn phòng không cần thiết để bảo vệ người dân khỏi các cuộc không kích của Nga”.

Về phần mình, Nga đã bác bỏ việc vận chuyển xe tăng mới tới Ukraine, thề rằng “xe tăng Mỹ chắc chắn sẽ bị tiêu hủy như tất cả các mẫu thiết bị quân sự khác của NATO”, trong một tuyên bố cung cấp cho Newsweek.

Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia chính sách đối ngoại để bình luận.

7. Quân đội Nga kinh hoàng bỏ chạy khi xe bọc thép của họ bị phá hủy bởi hỏa lực chính xác của Ukraine khi họ bỏ lại những đồng đội bị thương buộc phải bò để cứu mạng họ trong video gây sốc.

Ký giả Matt Powell của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Terrified Russian troops flee when their armoured vehicles are destroyed by pinpoint Ukrainian fire as they leave behind wounded comrades who are forced to crawl to save their lives in shocking video”, nghĩa là “Quân đội Nga kinh hoàng bỏ chạy khi xe bọc thép của họ bị phá hủy bởi hỏa lực chính xác của Ukraine khi họ bỏ lại những đồng đội bị thương buộc phải bò để cứu mạng họ trong video gây sốc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Đoạn phim từ một trận chiến khốc liệt đang diễn ra xung quanh Vuhledar, phía tây nam Donetsk, cho thấy các binh sĩ Nga đang rút lui sau khi 5 phương tiện của họ bị trúng đạn pháo của Ukraine.

Quân đội Nga buộc phải bỏ chạy và để lại những người bị thương đang bò sau lưng họ sau khi bị trúng đạn

Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy đã gọi tình hình ở tiền tuyến là 'cấp tính', với giao tranh ác liệt ở khu vực Donetsk.

Hình ảnh vệ tinh về các công sự mới của Mạc Tư Khoa cũng có thể cho thấy Putin lo ngại về một cuộc phản công mới của Ukraine - sau thông tin về các xe tăng hiện đại được gửi đến từ phương Tây.

Africk, người làm việc tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nói với tờ Daily Beast: “Về cơ bản, họ đang cố gắng củng cố những lợi ích của mình và giữ những phần mà họ đã nắm giữ cho đến nay”.

'Tôi nghĩ đó chắc chắn là một thông điệp gửi tới những người lính ở Ukraine và với tất cả những người có thể đang theo dõi, rằng ít nhất họ sẽ cố gắng ở lại.'

Tin tức theo sau một đoạn video ghi lại khoảnh khắc một chiếc xe tăng Nga lao thẳng vào một bãi mìn trong khi hứng chịu hỏa lực pháo binh ở Ukraine.

Chiếc xe được nhìn thấy đang chạy trên một con đường vắng, được cho là ở bên ngoài Donetsk, nơi bị bao quanh bởi hàng trăm hố bom do pháo kích.

Đoạn phim cho thấy một quả đạn pháo phát nổ cách xe tăng khoảng 20m khi nó tiếp tục tiến về phía trước.

Chiếc xe tăng biến mất sau làn khói trước khi lao qua một quả mìn và gây ra một vụ nổ khác.

Chỉ một giây sau, một vụ nổ khác xảy ra và một quả cầu lửa bùng lên từ xe tăng, buộc những người lính bên trong phải bỏ chạy.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái kết thúc bằng cảnh 4 người lính chạy khỏi đống đổ nát vào cánh đồng có miệng hố ở bên cạnh.

Đoạn video xuất hiện trong bối cảnh quân đội Ukraine đang trong cuộc đối đầu 'khốc liệt' với các chiến binh của Nga hôm thứ Sáu để giành quyền kiểm soát thị trấn Vugledar phía tây nam Donetsk khi hai bên chiến đấu dọc theo mặt trận phía nam thành phố.

Cả hai bên đều tuyên bố thành công tại trung tâm hành chính nhỏ gồm các khu chung cư được bao quanh bởi những cánh đồng bằng phẳng, cách làng Pavlivka một quãng ngắn.

“Việc bao vây và sau đó giải phóng thành phố này giải quyết được nhiều vấn đề”, Denis Pushilin, lãnh đạo vùng Donetsk do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm cho biết.

“Sớm thôi, Vugledar có thể trở thành một thành công mới, rất quan trọng đối với chúng ta”, ông được các hãng thông tấn Nga trích dẫn.

Nhưng Kyiv cho biết thị trấn, nơi có dân số trước cuộc xâm lược khoảng 15.000 người, vẫn bị tranh chấp.

“Có giao tranh ác liệt ở đó”, phát ngôn viên quân đội Ukraine Sergiy Cherevaty nói với truyền thông địa phương.

“Trong nhiều tháng, quân đội Liên bang Nga... đã cố gắng đạt được thành công đáng kể ở đó,” ông nói.

Ukraine cho biết trong tuần này rằng quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công của họ ở phía đông, đặc biệt là ở Vugledar và Bakhmut.
 
Bí ẩn: Đô la mệnh giá lớn rớt từ xe hơi, trắng xóa một khúc đường. Khủng bố kinh hoàng ở Jerusalem
VietCatholic Media
17:09 29/01/2023


1. Tiền ném từ xe hơi xuống đường cao tốc Roe của thành phố Perth, Tây Úc, trắng xóa cả một khúc đường

Những người lái xe đã có một sự ngạc nhiên trong cuộc đời khi tiền bắt đầu đổ xuống đường như mưa. Những người lái xe đã dừng lại gây ách tắc một đường cao tốc đông đúc ở Perth tràn ngập tiền giấy.

Cảnh sát Tây Úc cho biết tiền đã bị ném hoặc rơi xuống từ một chiếc xe đang di chuyển về hướng Tây trên đường Roe Hwy vào khoảng 11:30 sáng Thứ Bảy 28 Tháng Giêng.

Tiền nằm trắng xoá trên đường dưới cầu vượt Kenwick Link,và nhiều người đã dừng xe để ra ngoài và lượm tiền.

Một người đi làm đã thu được khoảng 10.000 đô la tiền giấy, theo một báo cáo được chia sẻ với WA Incidents Alerts.

Các tài xế cũng phát hiện một viên chức cảnh sát mang theo một túi giấy màu nâu.

Cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa biết tiền đã bị ném hoặc rơi xuống từ chiếc xe nào. Các thám tử ở Cannington đang kêu gọi công chúng cung cấp thông tin về vụ tiền mặt rớt xuống đường. Camera hành trình hoặc video điện thoại di động từ khu vực vào thời điểm đó có thể được tải trực tiếp cho các nhà điều tra.

Ai có thông tin về vụ việc xin liên hệ với số 1800 333 000.
Source:Seven News

2. Tấn công khủng bố tại giáo đường Do Thái ở Giêrusalem khiến 7 người chết, nhiều người bị thương

Một cuộc tấn công khủng bố vào một giáo đường Do Thái ở khu phố Neve Yaakov của Giêrusalem khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người khác trong tình trạng nguy kịch. Kẻ khủng bố, được xác định là Alkam Khairi, 21 tuổi, cư dân ở Đông Giêrusalem, không có tiền án về hoạt động khủng bố, đã bị cảnh sát bắn chết khi đang cố gắng trốn thoát.

Theo Times of Israel, Khairi bước vào giáo đường Do Thái lúc 8:15 chiều, vào tối thứ Sáu (bắt đầu ngày sa-bát của người Do Thái) và nổ súng vào những người đang thờ phượng. Sau đó, anh ta đuổi theo những người chạy khỏi tòa nhà ra đường, nơi anh ta bắn thêm nhiều phát nữa trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thảm kịch này là thảm kịch mới nhất trong vài tháng đặc biệt đẫm máu, với các cuộc tấn công đơn độc của người Palestine đã bị đáp trả bởi các cuộc tấn công của Israel. Theo New York Times, “Chiến dịch này của Israel đã dẫn đến cái chết của hơn 170 người Palestine vào năm 2022, con số tử vong hàng năm cao nhất trong hơn một thập kỷ rưỡi, đồng thời đã thúc đẩy một làn sóng giận dữ và hiếu chiến mới của người Palestine”.

Vatican từ lâu đã thúc giục một giải pháp hai nhà nước tại Thánh Địa, với quy chế đặc biệt dành cho Giêrusalem. Tháng 11 năm ngoái, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã lưu ý những điều sau:

Việc giải quyết hoàn toàn và lâu dài cho vấn đề của người Palestine phải bao gồm một giải pháp công bằng liên quan đến Thành Thánh Giêrusalem, một giải pháp hoàn toàn ủng hộ các quyền của tất cả cư dân và bảo đảm rằng tất cả các tín hữu, người Do Thái, Kitô giáo và người Hồi giáo, đều được hưởng quyền tự do tiếp cận các di tích và Thánh địa tương ứng của họ theo thỏa ước Nguyên Trạng đã có lâu đời. Chỉ trong việc bảo vệ các quyền và tự do như vậy, nền hòa bình lâu dài mới có thể được tìm thấy. Để đạt được mục tiêu đó, Tòa thánh nhắc lại lập trường của mình trong việc kêu gọi một quy chế đặc biệt, được bảo đảm trên phạm vi quốc tế, trong đó các nguyện vọng khác nhau được cấu thành trong một hình thức hài hòa và ổn định và được bảo vệ đầy đủ và hiệu quả, để không bên nào có thể lấn át các quyền của các bên khác.

Đã có các báo cáo mâu thuẫn với nhau về việc Khairi bỏ trốn. Tờ Jerusalem Post đưa tin anh ta bỏ trốn bằng xe hơi và tờ Times of Israel đưa tin anh ta đi bộ bỏ trốn. Tuy nhiên, cả hai phương tiện truyền thông đều báo cáo rằng kẻ tấn công đã bắn vào các sĩ quan cảnh sát khi anh ta cố gắng chạy trốn. Khi cảnh sát bắn trả, Khairi đã bị trúng đạn và thiệt mạng.

Các báo cáo cũng xung đột về thời gian phản hồi của cảnh sát. Tờ Jerusalem Post đưa tin rằng cảnh sát phản ứng chậm, mất một giờ để đến hiện trường, trong khi The Times of Israel đưa ra khung thời gian vào khoảng 20 phút. Cuộc đấu súng giữa Khairi và cảnh sát được cho là xảy ra khoảng 5 phút sau khi cảnh sát đến.

Theo Jerusalem Post, phát ngôn nhân của Hamas, Hazem Qassem, đã tuyên bố vụ tấn công và cho rằng đây là “phản ứng tự nhiên” đối với việc xâm lược Jenin, một thành phố ở Bờ Tây.

CNN lưu ý rằng vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi một nhóm lực lượng Israel giết chết 9 người Palestine trong một cuộc đột kích vào trại tị nạn Jenin.

Tờ Times of Israel đưa tin rằng, vào tối thứ Sáu, ba nạn nhân của vụ tấn Công Giáo đường Do Thái đã phải nhập viện vì vết thương. Ba nạn nhân, một phụ nữ ở độ tuổi 70, một người đàn ông ở độ tuổi 30 và một thanh niên 20 tuổi, được cho là đang trong tình trạng nguy kịch, trong khi một cậu bé 14 tuổi và một phụ nữ 60 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch. tình trạng nghiêm trọng. Một phụ nữ 40 tuổi được đưa đến bệnh viện ngay sau đó đã qua đời vì vết thương.

Fadi Dekidek, một nhân viên y tế MDA có mặt tại hiện trường, kể lại vụ tàn sát mà anh ta chứng kiến cho tờ Jerusalem Post. Anh ta nói rằng anh ta nhìn thấy bốn người đàn ông nằm trên đường và ngay lập tức được xác nhận là đã chết, với nhiều người bị thương nằm xung quanh.
Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái trong thư gửi linh mục Martin

“Khi tôi nói đó là một tội lỗi, tôi chỉ đơn giản đề cập đến giáo huấn đạo đức Công Giáo nói rằng mọi hành vi tình dục ngoài hôn nhân đều là tội lỗi.”

Sau khi Đức Giáo Hoàng phát biểu trong tuần này với Associated Press về các hình thức luật pháp hình sự hóa đồng tính luyến ái, đôi khi thậm chí với án tử hình, một linh mục Dòng Tên thường xuyên lên tiếng bênh vực những người đồng tính luyến ái đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm rõ.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP, Đức Giáo Hoàng nói rằng cần có sự phân biệt giữa tội lỗi và tội phạm, và trong khi hành vi đồng tính luyến ái được coi là tội lỗi, thì đó không phải là tội phạm theo nghĩa pháp lý.

Do đó, James Martin đã viết thư cho Giáo hoàng và Giáo hoàng đã gửi một phản hồi viết tay ngắn gọn, được chia sẻ tại Outreach.

Khi tôi nói đó là một tội lỗi, tôi chỉ đơn giản đề cập đến giáo huấn đạo đức của Công Giáo nói rằng mọi hành vi tình dục ngoài hôn nhân đều là tội lỗi. Tất nhiên, người ta cũng phải xem xét các trường hợp có thể làm giảm hoặc loại bỏ lỗi. Như bạn có thể thấy, tôi đã lặp lại một cái gì đó chung chung. Lẽ ra tôi nên nói “Đó là một tội lỗi, cũng như bất kỳ hành vi tình dục nào ngoài hôn nhân.” Nói như vậy là nói đến “vấn đề” tội lỗi, nhưng chúng ta biết rõ rằng nền luân lý Công Giáo không chỉ xét đến vấn đề, mà còn đánh giá cả tự do và ý hướng; và điều này, cho mọi loại tội lỗi.

Ở đây, Đức Giáo Hoàng đề cập đến ba điều kiện cổ điển của tội lỗi, đặc biệt trong trường hợp tội lỗi luân lý: chất liệu (nghĩa là hành động là gì), kiến thức và sự ưng thuận.

1857 Để một tội trở thành tội trọng, phải hội đủ ba điều kiện: “Tội trọng là tội có đối tượng là chất liệu nghiêm trọng và cũng là tội phạm với sự nhận thức đầy đủ và cố tình đồng ý.”

1858 Chất liệu nghiêm trọng được xác định trong Mười Điều Răn, theo câu trả lời của Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính cha. mẹ.” Mức độ nghiêm trọng của tội lỗi có thể nhiều hơn hay ít người: giết người nghiêm trọng hơn trộm cắp. Người ta cũng phải xem xét ai là người bị xúc phạm: bạo lực đối với người thân tự nó nghiêm trọng hơn bạo lực đối với người lạ.

1859 Tội trọng đòi phải có sự nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả định trước sự hiểu biết về đặc tính tội lỗi của hành động, về sự chống lại luật Chúa. Nó cũng ngụ ý một sự đồng ý đủ cân nhắc để trở thành một lựa chọn cá nhân. Giả vờ ngu dốt và cứng lòng không làm giảm bớt, mà trái lại còn gia tăng, đặc tính tự nguyện của tội lỗi.

Đức Giáo Hoàng nói rằng sự thiếu cụ thể của ngài là điều có thể hiểu được trong một cuộc phỏng vấn:

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nơi chúng ta nói chuyện với ngôn ngữ tự nhiên và đàm thoại, có thể hiểu rằng sẽ không có những định nghĩa chính xác như vậy.

AP đã hỏi về việc hình sự hóa đồng tính luyến ái chỉ một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng đến Phi Châu. Ở lục địa đó, hơn hai chục quốc gia coi đồng tính luyến ái là tội ác, trong đó có ba quốc gia coi đây là tội có thể bị tử hình.

Đức Thánh Cha thừa nhận rằng ngay cả một số giám mục cũng thúc đẩy sự trừng phạt hợp pháp đối với các hành vi đồng tính luyến ái, nhưng nói rằng lập trường này là một sản phẩm của văn hóa.

Đức Giáo Hoàng đã viết cho linh mục Martin trước đây. Vào tháng 5 năm 2022, ngài đã gửi một bức thư khuyến khích những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái đọc sách Tông Đồ Công Vụ, để có hình ảnh về “Giáo hội sống động”.
Source:Aleteia

4. Nơi nào trên thế giới các tín hữu tham dự Thánh lễ Công Giáo nhiều nhất?

Các cuộc khảo sát cho thấy Phi Châu đang dẫn đầu về số tín hữu Công Giáo tham gia các cử hành Phụng Vụ.

Theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động Tông đồ, gọi tắt là CARA, quốc gia có số người tham dự Thánh lễ Công Giáo nhiều nhất trên thế giới có thể là Nigeria.

Khi được hỏi câu hỏi “Ngoài đám cưới, đám tang và lễ rửa tội, bạn có thường xuyên tham dự các nghi lễ tôn giáo trong những ngày này không?” 94% người Công Giáo Nigeria được khảo sát cho biết họ tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc hàng ngày.

Cuộc thăm dò được thực hiện bởi World Values Survey, gọi tắt là WVS, bắt đầu theo dõi dữ liệu từ những năm 1980 và có số liệu thống kê cho 36 quốc gia có đông người Công Giáo.

CARA, cơ quan thu thập kết quả, cho biết họ không biết chính xác quốc gia nào có tỷ lệ tham dự Thánh lễ cao nhất, “vì các cuộc khảo sát chưa được thực hiện về chủ đề này ở mọi quốc gia trên thế giới.” Do đó, chẳng hạn, một quốc gia như Malta không có trong danh sách này, nhưng dữ liệu điều tra dân số cho thấy có tới 40% người Công Giáo ở đó đi lễ hàng tuần.

Nhưng trong số những người được WVS khảo sát, ngoài Nigeria, việc tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc thường xuyên hơn là cao nhất trong số những người trưởng thành tự nhận mình là Công Giáo ở Kenya (73%) và Li Băng (69%).

“Phân khúc tiếp theo của các quốc gia, nơi có một nửa hoặc nhiều hơn số người Công Giáo tham dự hàng tuần, bao gồm Phi Luật Tân (56%), Colombia (54%), Ba Lan (52%) và Ecuador (50%)”, CARA, có trụ sở tại Đại học Georgetown, cho biết.

“Chưa đến một nửa, nhưng một phần ba hoặc nhiều hơn tham dự mỗi tuần ở Bosnia và Herzegovina (48%), Mễ Tây Cơ (47%), Nicaragua (45%), Bolivia (42%), Slovakia (40%), Ý (34% ) và Peru (33%).”

CARA nói thêm rằng trong có hơn 25% tín hữu Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần ở Venezuela (30%), Albania (29%), Tây Ban Nha (27%), Croatia (27%), New Zealand (25%) và Vương quốc Anh (25%).

Người Công Giáo ở Hoa Kỳ đứng ở vị trí tiếp theo, với khoảng 24% tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc thường xuyên hơn trước đại dịch COVID-19.

“Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của chúng tôi vào cuối mùa hè năm 2022, 17% người Công Giáo trưởng thành cho biết họ thường xuyên tham dự Thánh lễ ở nhà thờ và 5% xem Thánh lễ trực tuyến hoặc qua truyền hình tại nhà.

Các quốc gia khác có số người tham dự Thánh lễ Công Giáo tương tự như Hoa Kỳ là Hung Gia Lợi (24%), Slovenia (24%), Uruguay (23%), Úc (21%), Á Căn Đình (21%), Bồ Đào Nha (20%), Cộng hòa Tiệp (20%) và Áo (17%).

Mức độ tham dự hàng tuần thấp nhất được quan sát thấy ở Lithuania (16%), Đức (14%), Canada (14%), Latvia (11%), Thụy Sĩ (11%), Brazil (8%), Pháp (8%), và Hà Lan (7%).

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ số người tham dự thánh lễ không nhất thiết tương ứng với tỷ lệ người Công Giáo trong dân số.

Ví dụ, Li Băng có lượng người tham dự Thánh lễ cao, nhưng tỷ lệ người Công Giáo trong dân số thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Trog khi đó 97% người Công Giáo ở Uruguay coi mình là người có đạo — nhưng chỉ có 23% người Công Giáo ở đó tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc thường xuyên hơn.

CARA cũng nhận thấy một số mối tương quan giữa các yếu tố kinh tế và việc tham dự Thánh lễ và kết luận rằng Công Giáo mạnh nhất ở nơi thường được gọi là thế giới đang phát triển, nơi GDP bình quân đầu người thấp.
Source:Aleteia