Ngày 30-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không của riêng ai
Lm. Minh Anh
01:39 30/01/2022

KHÔNG CỦA RIÊNG AI
“Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc!”


Một chuyện cổ Do Thái kể rằng, sau khi vượt qua Biển Đỏ, thấy xác người Ai Cập trôi dạt vào bờ, Môisen và toàn dân Israel hí hửng hát ca múa nhảy vì say men chiến thắng. Chính lúc ấy, Thiên Chúa hiện ra với Môisen mà bảo, “Thôi đủ rồi, đủ rồi! Không khéo ngươi làm cho thiên hạ tưởng rằng, Ta chỉ là Chúa của Israel dân ngươi và hoàn toàn phù trợ các ngươi bằng cách tiêu diệt mọi kẻ khác. Người Ai Cập chẳng phải là con cái Ta sao? Ta đã chẳng dựng nên họ sao? Hãy biết, Ta là Đấng không của riêng ai!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Không của riêng ai!”, không chỉ nói về Thiên Chúa, nhưng còn nói đến tất cả ‘những ai’ và tất cả ‘những gì’ thuộc về Ngài. Đó là một trong những chủ đề của Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.

Qua bài đọc thứ nhất, Giêrêmia nói đến ơn gọi của mình, “Có lời Chúa phán cùng tôi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Làm tiên tri cho các dân tộc nghĩa là làm người nói lời Thiên Chúa cho nhiều nước, nhiều dân; cho cả chư quốc trần ai, chứ không chỉ riêng cho dân tộc của ông. Nói cách khác tiên tri là người ‘không của riêng ai’. Và số phận của Giêrêmia cũng như số phận các tiên tri mọi thời là bị chống đối bởi dân mình. Thế nhưng, Thiên Chúa đã trấn an họ như đã trấn an Giêrêmia, “Chúng sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng chúng không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Vì thế, bất chấp mọi khó khăn, các tiên tri vẫn sẽ “loan truyền sự Chúa công minh” và sống chứng tá yêu thương của mình, “tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả” một cách ngoan cường như lời Thánh Vịnh đáp ca và thư Côrintô hôm nay khẳng định.

Điều đã xảy ra với Giêrêmia, với các ngôn sứ cũng đã xảy ra với Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Ngài trở lại quê nhà mà buồn vui lẫn lộn. Thoạt đầu, người ta ngưỡng mộ Ngài; nhưng chẳng lâu sau, họ đố kỵ, “Người này không phải là con ông Giuse sao?”, đến nỗi Ngài buột miệng thốt lên, “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Hầu hết các bản dịch đều dịch động từ “dektos” theo nghĩa bị động: được tiếp nhận, được ưu ái; vậy mà, theo cha Guillemette, nó có thể hiểu theo nghĩa chủ động: ưu đãi, thương đoái… vốn đã được Thánh Kinh sử dụng nhiều lần. Và như thế, câu nói của Chúa Giêsu sẽ là, “Không một ngôn sứ nào ưu đãi quê hương mình”; từ đó, chúng ta hiểu được ý Luca, một Tin Mừng dành cho dân ngoại. Như Êlia và Êlisa đã không ưu đãi Israel; cũng thế, Chúa Giêsu không ưu đãi người đồng hương của Ngài. Ngài không muốn giới hạn sứ mệnh của Ngài trong làng mạc hay trong đất nước Ngài; có lần Ngài đã nói, “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”. Ở đây, thái độ của Chúa Giêsu thật dứt khoát, không ai độc quyền chiếm hữu Ngài, Ngài được sai đến ‘không của riêng ai!’ Vì thế, từ thái độ tán thành và thán phục, đồng hương của Ngài những muốn loại trừ Ngài bằng cách xô Ngài xuống vực thẳm.

Anh Chị em,

“Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc!”. Giêrêmia ý thức mình được chọn để nói lời Thiên Chúa cho các dân tộc. Ông không được chọn chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của dân mình; vì thế, ông bị dân mình hằm hè giết chết; cũng vậy với Chúa Giêsu, Ngài ý thức Ngài được sai đến là để loan báo Tin Mừng và cứu chữa cả nhân loại; vì thế, đồng hương của Ngài sẽ giết chết Ngài. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được gọi, được chọn không phải chỉ để sống cho bản thân và gia đình mình… nhưng để nên mọi sự cho mọi người, trở thành người nói lời của Thiên Chúa, nhất là trong thời đại internet này. Mỗi chúng ta, rõ ràng, cũng ‘không của riêng ai!’

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết luôn cảm tạ mà không đòi hỏi một điều gì. Cho con biết ngày càng nên giống Chúa hơn, trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người, mà ‘không của riêng ai!” Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:44 30/01/2022

8. Đọc sách thiêng liêng không phải cầu cho được hiểu tất cả lý lẽ của nó, mà là ở chỗ có thể thay đổi tâm hồn của con người; nếu chỉ cầu tri thức thì đối với linh hồn không có ích gì cả.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:49 30/01/2022
83. LỪA ĐỐT TIỀN GIẤY

Lý Mỗ, đã làm quan huyện cùa huyện Tấn Vân, bởi vì ham mê đánh bạc nên bị bãi chức, nhưng bản tính mê cờ bạc, nên khi bị bệnh nặng vẫn cứ dùng cánh tay vỗ xuống mép giường, miệng thì hô lên vè đánh bạc.

Vợ khóc khuyên rằng:

- “Như vậy thì hụt hơi mệt trí, sao khổ như vậy chứ !”

Lý Mỗ nói:

- “Đánh bạc thì một người không thể đánh được, ta có mấy người bạn đánh bạc đang cùng nhau ném xúc xắc, chỉ có các ngươi mới không thấy mà thôi”.

Nói xong thì tắt hơi, một lúc sau mới tỉnh lại, đưa tay nói với người nhà:

- “Mau đốt tiền giấy thay ta trả nợ”.

Vợ hỏi ông ta đang đánh bạc với ai, ông ta nói:

- “Ta vừa mới đánh bạc với mấy tên quỷ trong âm phủ và thua tiền, thần đánh bạc ở âm phủ tên là Mê Long, thủ hạ quỷ đánh bạc có mấy ngàn tên, nó nhờ lấy tiền hồ (đám bạc) mà phát giàu, có thế lực. Ta thuộc về nó quản lý, các ngươi thay ta trả tiền nợ đánh bạc, thì nó thả ta trở về dương gian”.

Thế là người nhà đốt rất nhiều tiền giấy, nhưng Lý Mỗ vẫn nhắm mắt mà “đi”.

Có người nói:

- “Ông ta lại nói dối để được tiền vốn đánh bạc, để có thể yên tâm đi đánh canh bạc lớn ở âm phủ, cho nên không thèm trở về nhân gian nữa !”

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 83:

Câu nói “sống sao chết vậy” không phải tự nhiên mà có, nhưng là kinh qua những kinh nghiệm rất thực tế của những người đã từng coi sóc những người hấp hối.

Có những người khi hấp hối thì la hét dữ tợn cho đến khi tắt hơi, dù có người nhắc nhở nhớ Chúa nhớ Mẹ, dù có người lớn tiếng đọc kinh lần hạt kêu tên cực trọng Ba Đấng; có người khi hấp hối thì có những cử chỉ như âu yếm như vợ chồng, có những lời nói yêu đương như khi còn khỏe mạnh trai trẻ, đến nỗi người nhà và người coi kẻ liệt cũng hoảng hốt; lại có người khi hấp hối thì kêu tên Chúa và Mẹ, nhẹ nhàng ra đi trong bình an...

Gần chết rồi mà chỉ nhớ có một chuyện đánh bạc, là bởi vì cả đời chỉ biết đánh bạc; chết thật bình an là vì cuộc đời của họ chỉ biết phó thác cho Thiên Chúa.

Nhìn giây phút cuối cùng của người hấp hối thì biết ngay đời sống tâm linh của họ khi sống như thế nào, cho nên đừng nói rằng: đợi gần chết rồi mới sống tốt lành, đợi lúc hấp hối thì ăn năn trở lại cũng không muộn...

Chỉ có những người kiêu căng và ngu dốt mới nói như thế mà thôi. Thật tôi nghiệp cho họ quá chừng chừng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đừng lo
Lm. Thái Nguyên
16:17 30/01/2022



ĐỪNG LO

Mồng Một Tết Nguyên Đán : Mt 6, 24-34

Suy niệm

Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Đừng lo lắng”. Nhưng làm sao sống mà không lo. Người xưa có nói: "Không lo xa ắt có buồn gần". Xem ra có điều gì mâu thuẫn chăng? Thật ra, câu nói của người xưa là nhắc nhở ta đừng sống buông tuồng, dễ dãi, kẻo phải ân hận hối tiếc. Còn Chúa Giêsu khi bảo đừng lo lắng, là Ngài muốn chúng ta sống cuộc đời an vui thanh thản, không quá đặt nặng nhu cầu vật chất như cơm ăn áo mặc, vì Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự. Ngay cả vạn vật cũng nằm trong dự hướng tốt lành của Ngài: Hãy xem chim trời không gieo không gặt mà chúng vẫn no đủ. Hoa huệ ngoài đồng không cửi không dệt mà vẫn đẹp tươi. Hơn nữa, Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu, thừa biết những nhu cầu của con cái và luôn ban đúng lúc, miễn ta đừng lười lĩnh và biếng nhác, cũng như đừng ích kỷ, để còn biết chia sẻ và tương trợ lẫn nhau. Vì thế, hãy“Quẳng gánh lo đi và vui sống”.Thánh Phêrô đã khuyên ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).

Tiếp theo, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xét xem: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Ai cũng biết rằng, mình không thể chỉ sống bằng việc thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhưng chính yếu là sống bằng tình thương. Một em bé cũng nhận ra điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương của những người thân. Thiếu tình thương thì mọi thứ khác trở thành thừa. Dù có tiền dư của đầy, đời sống con người cũng trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành địa ngục, vì nó gây nên tán tận lương tâm. Không lạ gì mà Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).

Chúa Giêsu tiếp tục đặt vấn đề với chúng ta như sau: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”(Mt 6, 27). Ở đây, Ngài còn muốn nói đến cả những lo lắng mà ta cho là quan trọng và lớn lao. Nhưng hãy coi chừng, tiềm ẩn trong những lo lắng đó có thể là một thứ tham lam hay tham vọng trá hình? Dù quan trọng đi nữa, nếu cứ lo lắng như thế thì cuối cùng chúng ta được gì? Tâm trí ta lúc nào cũng bị chiếm đóng bởi những tính toán chi ly thì sao có thể sống an vui? Thật ra chẳng có gì quan trọng và lớn lao hơn là bình an và hạnh phúc trong cuộc đời mình. Thiên Chúa là chủ tể sự sống. Cuộc sống ta nằm trong vòng tay yêu thương của Chúa ngay từ lúc chào đời cho đến lúc lìa đời. Vì thiếu tín thác vào Chúa mà chỉ dựa vào khôn ngoan và sức lực của mình, nên ta phải lo lắng không ngừng. Có lo lắng cách nào đi nữa thì cái gì đến cũng sẽ đến. Có những việc mà mình phải chấp nhận để nó diễn ra, nghĩa là thuận theo tự nhiên, tới đâu tính tới đó, chẳng gì phải sợ lo. Sự việc có trái ý hay tồi tệ đôi chút cũng chẳng chết chóc gì, miễn là ta đã tiên liệu một cách cẩn trọng và khôn ngoan: làm những gì cần làm, cứ an tâm trước những gì không thể làm và không nên làm.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho ta biết có một mối lo hết sức nghiêm trọng mang tính vĩnh cửu, đó là lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài”. Cụ thể lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa là lo sống tình yêu mến đối với Chúa và với mọi người. Lo thể hiện tình yêu trong mọi việc làm là điều rất chí thú để nếm trải cuộc sống với tất cả độ sâu của nó. Đó là cái lo làm cho ta hân hoan, vì biết rằng, mọi sự do Chúa mà có, mọi việc bởi Chúa mà thành. Đừng để mình chìm ngập trong những lo toan tính toán, mà hằng ngày hãy biết dành thời giờ để đến với Chúa, sống bên Chúa; dành sức lực để làm việc tông đồ, bác ái. Nhờ vậy, ta sẽ gặp Chúa trong mọi việc, thấy Chúa trong mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, đó là niềm vui lớn nhất trong đời Kitô hữu.

Tất cả mọi khả năng và sức mạnh của chúng ta đều phải được huy động để làm nên một cuộc sống chan chứa tình yêu, nên không thể để cho mình quá lo lắng về những thứ tạm bợ. Nhờ vậy ta mới có một tinh thần thanh thoát để hoàn thành một chuyến đi định mệnh mang tính vĩnh cửu. Bài Tin Mừng hôm nay phải là cơ hội thay đổi đời sống chúng ta trong năm mới, để chúng ta được sống bình an trong tay Chúa, và dám đặt Chúa lên trên hết trong mọi lựa chọn của mình. Với định hướng đó, chúng ta vận dụng mọi khả năng, đầu tư thời giờ và công sức để thăng tiến bản thân và gia đình theo chương trình tình yêu của Chúa. Nhưng trong mọi việc, chúng ta hãy khao khát tìm kiếm Nước Thiên Chúa, khao khát sống thuộc về Chúa, để đạt tới Chúa là Mùa Xuân hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Thế là năm cũ đã qua đi,
để cho năm mới tới đẹp ngời,
trước tiên con muốn dâng lời,
tạ ơn Thiên Chúa trong thời gian qua.
Con không chỉ muốn tạ ơn Chúa,
về hết những gì là thành quả,
nhưng còn cảm mến sâu xa,
những gì thất bại phong ba trên đời.
Cho dù cuộc sống chẳng gặp thời,
đều góp phần làm mới đời con,
vì rằng tình mến chưa tròn,
nên con phải được bào mòn chông gai.
Cuộc sống không thể không ngang trái,
nhưng lại cần thiết cho ngày mai,
cho dù cay đắng xót xa,
thật ra tất cả đều là hồng ân.
Nên con giữ vững một tinh thần,
không để lòng mình phải sân hận,
biết luôn nối kết tình thân,
với người với Chúa ân cần tận tâm.
Hôm nay mồng một ngày đầu năm,
bên Chúa chúng con đầy phấn khởi,
để xin ân phúc cho đời,
an vui thịnh đạt sáng ngời niềm tin.
Cho con biết giữ lòng chân chính,
sống công bình bác ái phân minh,
an vui trên bước đăng trình,
đặt mình trong Chúa với tình hiến dâng.
Một đời phó thác luôn phấn chấn,
hăng say chiến đấu giữa cuộc trần,
vì yêu con sống ân cần,
để ca tụng Chúa tri ân ngàn đời. Amen.
 
Thờ Cha Kính Mẹ
Lm. Thái Nguyên
23:24 30/01/2022


THỜ CHA KÍNH MẸ
Mồng Hai Tết : Mt 15, 1-6

Suy niệm

Hôm nay Mồng Hai Tết, Giáo Hội dành để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Có thể nói rằng, là người Việt Nam, dù thuộc bất kỳ một tôn giáo nào, không thể chối bỏ là mình đã được dìm sâu trong cái gọi là “Đạo Hiếu” của truyền thống Dân tộc, còn gọi là “Đạo ông bà”. Những câu ca dao tục ngữ đã ăn sâu vào tâm trí và đời sống mỗi gia đình như:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tuy nhiên, xưa nay vẫn có một sự hiểu lầm là người Công Giáo coi thường việc thờ cúng ông bà tổ tiên. “Theo Đạo là bỏ Ông Bà”. Xem ra sự ngộ nhận này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của một số người. Cần xác định ngay rằng, Đạo Hiếu theo Kitô giáo không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội, hay truyền thống dân tộc, mà đó còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ đặt trên nền tảng là niềm tin vào thiên Chúa. Vì biết rằng đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải là tập tục của con người.

Ngay từ xa xưa, Kinh Thánh Cựu Ước đã nói rất nhiều về việc hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Qua sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Sách Đệ nhị luật đã xác định rõ ràng trong điều răn thứ tư của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi” (5,16). Tiếp theo, các sách khác như sách Lêvi, sách Châm ngôn, sách Huấn ca, cũng đã bàn đến rất nhiều về việc thờ cha kính mẹ, và đặc biệt là cầu nguyện cho người đã chết (Macb12,44).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc lại luật hiếu thảo từ sách Xh 20, 12 và Lv 20, 9: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”. Ngài phản đối một truyền thống bày đặt bởi người Pharisêu, đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa. Làm như thế là nhân danh một truyền thống của con người mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa” và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa”. Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ. Ngài không chấp nhận lối hành xử vô lý như vậy, và đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư là thảo kính cha mẹ trong việc săn sóc và phụng dưỡng các ngài.

Tiếp nối theo Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng đã dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, ngài còn nhắn nhủ thêm:“Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ của người Công Giáo có sự khác biệt với anh em lương dân. “Bàn thờ” tổ tiên bao giờ cũng đặt dưới bàn thờ Chúa, và có hai điều không được phép: đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng. Sự thật đời sau không như đời này, và đối với những người đã khuất, điều họ cần không phải là ăn uống mà được yêu mến, kính nhớ, cầu nguyện. Điều họ đói khát không phải là vật chất mà là sự sống tinh thần, là sự hiệp thông và viên mãn trong tình yêu. Vì thế, người Công Giáo không chỉ kính nhớ đến người quá cố qua vài nghi lễ giỗ chạp hàng năm, mà còn qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.

Tóm lại, “Đạo Hiếu” trong Kitô giáo là để sống chứ không phải để giữ. Sống “Đạo Hiếu” để chúng ta đang thông truyền chính sự sống ấy cho những người khác từ thế hệ này đến thế hệ kia, dù người ấy là ai và thuộc tôn giáo nào. Đặc biệt đối với chúng ta là những Kitô hữu, nếu không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thì làm sao chúng ta có thể hiếu thảo với Thiên Chúa được? Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ dưới đất là sự phản ảnh và là thước đo lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Cha trên trời. Cũng vậy, khi càng yêu mến Chúa thì ta càng biết thể hiện tình yêu ấy qua việc sống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, cũng như sẵn sàng cống hiến cuộc sống mình cho anh chị em.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Khi mang thân phận làm người thế,
Chúa sống hiếu thảo vẹn mọi bề,
ba mươi năm dưới mái nhà,
kính yêu vâng phục với cha mẹ mình.
Lớn lên trong tình nghĩa gia đình,
Chúa đã thành hình con dấu yêu,
học nơi Thánh Cả bao điều,
và nơi Đức Mẹ khiêm nhu hiền lành.
Học biết yêu thương và cầu nguyện,
mỗi ngày càng nên giống mẹ cha,
trái tim rộng mở bao la,
để Ngài cất bước mở ra Tin Mừng.
Sẵn sàng sứ mạng Cha giao phó,
nên tình yêu Chúa rất dạt dào,
một đời hết mực dâng trao,
hy sinh nghèo khó với bao cơ cầu.
Nhìn Chúa Giêsu sống đẹp mầu,
tình cha nghĩa mẹ thật gương mẫu,
nên con chỉ biết cúi đầu,
một đời cảm mến ân sâu đáp đền.
Dù nay cha mẹ không còn nữa,
thì lòng kính nhớ vẫn sáng trưa,
cầu xin Chúa cả nhân từ,
cho cha mẹ sớm an cư thiên đàng.
Bằng hy sinh việc lành bác ái,
của đoàn con cái kính Chúa đây,
nhất là thánh lễ hằng ngày,
nguồn ơn cứu độ đong đầy phúc vinh.
Cúi xin Chúa Cả Thiên Đình,
ban cho cha mẹ an bình thiên thu. Amen.



 
Công ăn việc làm
Lm. Thái Nguyên
23:28 30/01/2022



CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Mồng Ba Tết : Mt 25, 14-30

Suy niệm

Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng Ba Tết để “thánh hoá công ăn việc làm”, nghĩa là để công việc làm ăn của người tín hữu được Chúa chúc phúc, đem lại ý nghĩa thiêng liêng và giá trị cứu rỗi. Vì chúng ta biết rằng, mọi hoạt động của con người đều tùy thuộc vào Thiên Chúa:“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126). Nhân gian ai cũng biết:“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Điều này nói lên mối tương quan linh thánh giữa Tạo Hóa và thụ tạo, do Thiên Chúa đã thiết đặt ngay từ đầu khi “dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (St 1,26). Sau đó, chính Ngài đã“đem con người đặt vào vườn Êđen, để cầy cấy và canh giữ đất đai“ (St 2, 15). Trao mọi sự vào tay con người, nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng và tiếp tục chăm sóc không ngừng, như Đức Giêsu đã cho biết: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).

Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Đây là một vinh dự lớn lao cho con người. Chúng ta làm việc không chỉ vì mình hay vì gia đình, mà còn vì ích lợi chung cho xã hội, cho mọi người. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS 34).

Lao động như thế không chỉ giúp con người có của ăn nuôi thân, mà còn làm tăng giá trị nhân phẩm, góp phần xây dựng một thế giới yêu thương, huynh đệ và hòa bình. Chính vì vậy mà Đức Giêsu coi việc góp phần của mỗi người là một điều hệ trọng, là một trách nhiệm lớn lao mang tính quyết định về số phận của một cuộc đời. Ngài nói rõ điều đó qua dụ ngôn những nén bạc, mà ông chủ giao cho các tôi tớ để sinh lợi khi ông đi xa. Số nén bạc trao tuy không đồng đều như nhau, nhưng ai cũng phải cố gắng để sinh lợi tối đa. Ngày ông chủ trở về và tính sổ, hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi xứng đáng với kỳ vọng của ông chủ, được coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín”.

Còn người thứ ba lại đào lỗ chôn dấu nén bạc mình đã nhận. Khi ông chủ trở về, anh trả lại nén bạc còn nguyên, không hề đầu tư sinh lợi, vì anh sợ ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Vì nghi ngờ ông chủ là người xấu, nên anh không dại gì bỏ công sức ra để phục vụ. Thật ra, đó cũng chỉ là lý do ngụy biện để che lấp tính cách của một “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng”. Sự thật là ông chủ không hà khắc như anh nghĩ, mà lại rất hào phóng, vì nén bạc của anh được lấy lại để trao cho người đã có mười nén. Tiếc xót cho anh, vì lười biếng, muốn sống an nhàn, nên trong phút chốc đã đánh mất cơ hội ngàn đời. Quả thật: “Một phút sa chân là ngàn đời ân hận”.

Ông chủ đi xa là hình ảnh của Đức Giêsu, còn những tôi tớ là các Kitô hữu đang chờ Chúa đến vào ngày Quang Lâm. Trong khi chờ đợi, Ngài đòi chúng ta phải đầu tư số vốn là chính cuộc đời mình với mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên. Dù vốn nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề là làm sao nỗ lực hết mình để sinh lợi từ những gì Chúa đã trao ban. Điều này đòi chúng ta phải mạnh dạn, sáng kiến, dám mạo hiểm, và đôi khi liều lĩnh để dấn thân vào những công việc mới mẻ, khó khăn. Đã làm thì không sợ lỗ lã hay thất bại, vì đối với Chúa, sự thành công của chúng ta đã nằm ngay trong chính sự hy sinh tận tụy của mình.

Chúa đòi chúng ta phải làm việc để sinh lợi không phải vì Ngài nhưng vì chúng ta. Chẳng ai có thể thêm gì cho Chúa. Ngài không đòi ta phải nộp cho Ngài cả vốn lẫn lời. Dâng hiến cho Chúa chỉ là nói lên tình yêu mến đã ngập tràn trong trái tim ta. Hạnh phúc của Chúa là thấy ta trưởng thành qua việc góp phần với Ngài cho ngôi nhà trái đất này tươi tốt hơn, cho cuộc sống con người trở nên phong phú và dồi dào hơn. Và rằng: mọi thành quả do công khó của con người làm nên sẽ không mất đi, nhưng được biến đổi trong ngày sau hết, trong “trời mới đất mới”, nơi Thiên Chúa hiển trị ngàn đời, và Ngài là tất cả cho tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Dấu hiệu của người trẻ trưởng thành,
là khi mỗi người có nghề nghiệp,
việc làm khiến cho chúng con,
nâng cao ý thức sống tròn tương quan.
“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục bản thân,
mà còn hủy hoại ân ban,
như người tôi tớ tiêu tan một đời.
Làm việc để thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho con có những cơ hội triển nở,
sống trách nhiệm và xoay sở cuộc trần,
chống lại xu hướng chủ nghĩa cá nhân,
và trào lưu hưởng thụ đang bành trướng.
Làm việc là giúp con nên giống Chúa,
không bon chen hay tranh chấp hơn thua,
nhưng góp phần trong công trình sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo.
Nhưng xin cho chúng con đừng quên rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
tham lam và dục vọng vẫn không ngừng,
con người bị lung lạc dễ vong thân.
Vì kinh tế được coi như cứu cánh
nên tất cả bị lôi vào sản xuất,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân,
mất tình thân và lẽ sống tinh thần.
Xin cho con biết làm việc tận tình,
như một đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban.
Bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
vì hạnh phúc đời con là chính Chúa,
xin cho con cứ vui sống bình an,
vượt gian nan về tới bến thiên đàng. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Đời sống Thánh hiến Tu trì Thế giới: Lời mời gọi tham gia vào tinh thần đồng nghị
Thanh Quảng sdb
05:33 30/01/2022
Ngày Đời sống Thánh hiến Tu trì Thế giới: Lời mời gọi tham gia vào tinh thần đồng nghị

Nhân Ngày Đời Sống Thánh hiến Thế giới, ngày 2 tháng 2, Thánh Bộ Đời sống Đan tu và Đời sống Thánh hiến Tông đồ, Tòa Thánh Vatican đã gửi ra một lá thư cho tất cả các nam nữ tu sĩ trên khắp thế giới.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi sự Ngày Thế giới về Đời sống Thánh hiến vào thứ Tư (2/2/2022) bằng việc cử hành Thánh Thể tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, năm 1997 đã thiết lập Ngày này được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo. Ngài đã chỉ định ngày này vào ngày 2 tháng 2, Lễ Chúa dâng mình vào đền thánh.

Trong lễ kỷ niệm lần thứ 26 năm nay, Thánh Bộ về Đời sống Đan tu và Hội Dòng hoạt động Tông đồ đã gửi một lá thư cho tất cả mọi tu sĩ nam nữ trên thế giới, mời họ bước đi cùng nhau như tham gia vào một cộng đồng trong tinh thần đồng nghị, nơi mà mọi thành viên thực hiện trách nhiệm với nhau thông qua việc lắng nghe nhau, không loại trừ ai.

Niềm vui của 'chúng ta'

Tổng trưởng Thánh bộ, Đức Hồng Y Joao Braz de Aviz và Thư ký, Đức Tổng Giám Mục Jose Rogriguez Carballo, những người đã ký bức thư, giải thích rằng thông điệp năm nay tập trung vào “sự tham gia”, một từ thứ hai trong chủ đề của Thượng hội đồng 2023: Hiệp thông, Tham gia và Sứ mệnh.

Nhắc lại lời dẫn giải của Đức Thánh Cha Phanxicô, thông điệp nhấn mạnh, “không một ai, bị loại trừ hoặc cảm thấy bị loại trừ khỏi cuộc hành trình này; không một ai được nghĩ "điều đó không liên quan gì đến tôi".”

Thông điệp nhắc lại bằng cách trở về với ơn gọi của mình, những người tu sẽ tái khám phá lại lòng nhiệt thành, sự ngạc nhiên và niềm vui khi cảm thấy mình góp phần vào dự án tình yêu, như nhiều người khác đang sẵn sàng hiến đời mình cho lợi ích nhân loại. Do đó, Thánh bộ mời gọi những người tận hiến hãy làm sống lại ký ức này, Thánh bộ cũng cảnh báo rằng “theo thời gian, mục tiêu đó có nguy cơ mất dần sức mạnh, đặc biệt là khi chúng ta thay thế sức hấp dẫn của từ ‘chúng ta’ bằng sức mạnh của chữ ‘tôi’ ”.

Sự tham gia của tất cả

Bằng chứng đầu tiên về sự tham gia là thuộc về, thông điệp nói thêm, “Tôi không thể tham gia nếu tôi coi đây là một tổng thể và không thấy mình là một phần của dự án chung”. Do đó, tầm quan trọng của việc tự hỏi bản thân rằng việc lắng nghe này trong cộng đồng bao gồm điều gì: “Ai là anh chị em mà chúng ta lắng nghe và trước đó, tại sao chúng ta cần lắng nghe nhau?”

“Chúng ta không thể tự gọi mình là một cộng đồng dạy nghề, và thậm chí không phải là một cộng đồng sự sống, nếu thiếu sự tham gia của một số hoặc của những người khác.”

Thánh Bộ mời gọi các nam nữ tu sĩ hãy tham gia vào hành trình tham dự đồng nghị “mạnh mẽ với niềm xác tín rằng chúng ta chỉ có thể đón nhận và trao ban điều Thiện” bởi vì, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đời sống thánh hiến được sinh ra, lớn lên và sinh hoa trái Phúc âm hóa trong Giáo hội, qua sự hiệp thông sống động của Dân thánh Chúa.

Trách Nhiệm

Do đó, việc tham gia vào việc đồng nghị là một trách nhiệm, theo đó “chúng ta không thể không ở giữa những người khác và với những người khác”. Và thậm chí trước đó, tính đồng nghị bắt đầu trong chúng ta từ "sự thay đổi tâm lý, từ sự hoán cải cá nhân, trong cộng đồng hoặc trong tình huynh đệ, từ trong cộng đoàn của chúng ta, nơi làm việc và trong cộng đoàn để mở rộng ra qua công tác mục vụ và sứ mệnh tông đồ".

Do đó, việc nuôi dưỡng hành trình đồng nghị cùng nhau bắt đầu bằng việc lắng nghe, có nghĩa là dành chỗ cho người khác trong cuộc sống của chúng ta, coi trọng những gì quan trọng đối với người khác.

Tham gia cũng có nghĩa là đồng trách nhiệm, đặc biệt trong giấc mơ truyền giáo là vươn tới tất cả mọi người, quan tâm đến tất cả mọi người, cảm thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em, cùng nhau trong cuộc sống, trong lịch sử, đó là một lịch sử của sự cứu độ.
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng Giêng
Đặng Tự Do
08:15 30/01/2022
Chúa Nhật 30 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 4 Mùa Quanh Năm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng thuật lại cuộc rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tại quê hương Nazareth của Người. Kết quả thật cay đắng: thay vì nhận được sự cổ vũ, Chúa Giêsu nhận thấy họ không hiểu Ngài và thậm chí là thù địch với Ngài (x. Lc 4, 21-30). Những người dân làng, muốn có nhiều những lời nói của sự thật, họ muốn có những phép lạ, những dấu hiệu phi thường. Chúa không làm phép lạ và họ từ chối Ngài, bởi vì họ nói rằng họ đã biết Ngài từ khi còn nhỏ, Ngài là con trai của ông Giuse (xem câu 22) và vân vân. Vì vậy, Chúa Giêsu đã thốt lên một cụm từ đã trở thành tục ngữ: “Không một vị tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình” (câu 24).

Những lời này tiết lộ rằng sự thất bại đối với Chúa Giêsu không hoàn toàn bất ngờ. Ngài biết chính mình, Ngài biết trái tim của chính mình, Ngài biết rủi ro mà Ngài đang đối diện, Ngài đã tính đến việc bị từ chối. Như thế, chúng ta có thể tự hỏi mình: nhưng nếu thế, nếu Ngài thấy trước thất bại, tại sao Ngài vẫn về quê của mình? Tại sao lại làm điều tốt cho những người không sẵn lòng chào đón bạn? Đây là một câu hỏi mà chúng ta thường tự hỏi mình. Nhưng đó là một câu hỏi giúp chúng ta hiểu Chúa hơn. Chúa Giêsu, trước sự khép lại của chúng ta, Ngài không kìm lại: Ngài không ngăn cản tình yêu của mình.. Trước sự khép lại của chúng ta, Ngài vẫn tiến tới. Chúng ta thấy điều này phản ánh ở những bậc cha mẹ nhận thức được sự từ chối của con cái họ, nhưng không ngừng yêu thương chúng và làm điều tốt cho chúng. Thiên Chúa là như thế, nhưng ở một mức độ cao hơn nhiều. Và hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy tin vào điều tốt, đừng bỏ qua một tảng đá nào chưa lật lên khi làm việc lành phúc đức.

Tuy nhiên, trong những gì xảy ra ở Nazareth, chúng ta cũng tìm thấy một điều gì đó khác. Sự thù địch đối với Chúa Giêsu từ phía dân của Ngài kích động chúng ta: họ không chào đón - nhưng còn chúng ta thì sao? Để xác minh điều này, chúng ta hãy xem các mô hình chấp nhận mà Chúa Giêsu đề xuất ngày nay, cho chúng ta và cho những người đồng hương của Ngài. Họ là hai người nước ngoài: một góa phụ từ Sarepta của Sidon, và ông Naaman, người xứ Syria. Cả hai người đều chào đón các vị tiên tri: thứ nhất là tiên tri Êlia, thứ hai là tiên tri Êlisa. Nhưng đó không phải là một sự tiếp đón dễ dàng, nó đã trải qua nhiều thử thách. Bà góa đã chào đón Êlia, bất chấp nạn đói và bất chấp nhà tiên tri từng bị bách hại (xem 1 Các Vua 17: 7-16), ông bị bách hại vì các lý do chính trị và tôn giáo. Trong trường hợp thứ hai, Naaman, mặc dù là người có địa vị cao nhất, đã chấp nhận yêu cầu của tiên tri Elisa, người đã khiến ông phải hạ mình xuống, tắm bảy lần trong một dòng sông (xem 2 Các Vua 5: 1-14), như thể anh ta là một đứa trẻ không biết gì. Tóm lại, bà góa và ông Naaman đón nhận nhờ sự sẵn sàng và khiêm tốn. Cách thức tiếp nhận Thiên Chúa là luôn sẵn sàng, và khiêm nhường. Đức tin đi qua con đường này: sự sẵn sàng và khiêm tốn. Bà goá và ông Naaman không từ chối đường lối của Thiên Chúa và các vị tiên tri của Ngài; họ ngoan ngoãn, không cứng nhắc và khép kín.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu cũng đi theo con đường của các tiên tri: Ngài tự giới thiệu mình trong cách thế chúng ta không mong đợi. Người không được nhận ra bởi những người tìm kiếm phép lạ - nếu chúng ta tìm kiếm phép lạ, chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa Giêsu - Chúa Giêsu không được nhận ra bởi những người tìm kiếm cảm giác mới, kinh nghiệm cận kề, những điều kỳ lạ; những người tìm kiếm một đức tin được tạo thành từ quyền lực và các dấu chỉ bên ngoài. Không, họ sẽ không tìm thấy Người. Ngược lại, Người chỉ được tìm thấy bởi những người chấp nhận đường lối của Người và những thách thức của Người, không phàn nàn, không nghi ngờ, không chỉ trích với các khuôn mặt dài thoòng. Nói cách khác, Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em chấp nhận Ngài trong thực tế hàng ngày mà anh chị em đang sống; trong Giáo hội ngày nay, như Giáo Hội vốn là; nơi những người thân thiết với anh chị em hàng ngày; trong thực tế của những người đang cần, trong các vấn đề của gia đình anh chị em, trong cha mẹ anh chị em, trong con cái của anh chị em, ông bà của anh chị em, Chúa ở đó. Ngài ở đó, mời gọi chúng ta thanh tẩy mình trong dòng sông sẵn có và trong nhiều bồn tắm lành mạnh của sự khiêm nhường. Cần khiêm tốn để gặp gỡ Thiên Chúa.

Và chúng ta, chúng ta đang chào đón hay chúng ta giống những người đồng hương của Người, những người đã tin rằng họ biết mọi thứ về Người? “Tôi đã học thần học, tôi đã tham gia khóa học dạy giáo lý đó… Tôi biết mọi thứ về Chúa Giêsu!” Vâng, như một kẻ ngốc! Đừng dại dột, anh chị em chưa biết Chúa Giêsu. Có lẽ, sau nhiều năm là tín hữu, chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết Chúa rõ ràng, với những ý tưởng và sự phán xét của chúng ta, rất thường xuyên. Rủi ro là chúng ta quen, chúng ta quá quen với Chúa Giêsu. Chúng ta trở nên quen thuộc với Ngài như thế nào? Chúng ta khép mình lại, chúng ta khép mình với sự mới mẻ của Người, vào khoảnh khắc Ngài gõ cửa nhà chúng ta và hỏi anh chị em điều gì đó mới, và muốn tham gia với anh chị em. Chúng ta phải ngừng khăng khăng giữ quan điểm của mình. Và khi một người có một tâm hồn rộng mở, một trái tim giản dị, thì người đó có khả năng ngạc nhiên, tự hỏi. Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên: đây là vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa yêu cầu chúng ta có một tâm hồn rộng mở và một trái tim đơn sơ. Xin Đức Mẹ, gương mẫu của sự khiêm nhường và sẵn lòng, chỉ cho chúng ta con đường để đón Chúa Giêsu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế giới bệnh phong. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người mắc phải căn bệnh này, và tôi hy vọng rằng sẽ không thiếu sự trợ giúp về tinh thần và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Cần phải làm việc cùng nhau để hướng tới sự hòa nhập hoàn toàn của những người này, vượt qua mọi hình thức phân biệt đối xử liên quan đến căn bệnh không may vẫn đang làm khổ nhiều người, đặc biệt là trong những hoàn cảnh xã hội thiệt thòi nhất.

Ngày mốt, 1 tháng 2, Tết Nguyên đán sẽ được tổ chức ở Viễn Đông, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và bày tỏ mong muốn năm mới mọi người được bình an, sức khỏe và cuộc sống bình an, an khang. Thật đẹp biết bao khi gia đình tìm được cơ hội quây quần bên nhau và cùng nhau trải qua những giây phút yêu thương, vui vẻ! Rất tiếc, nhiều gia đình sẽ không thể quây quần bên nhau trong năm nay vì đại dịch. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm có thể vượt qua thử thách này. Cuối cùng, tôi hy vọng rằng, nhờ ý chí tốt của các cá nhân và sự đoàn kết của các dân tộc, toàn thể gia đình nhân loại sẽ có thể đạt được mục tiêu năng động đổi mới là thịnh vượng vật chất và tinh thần.

Vào đêm trước ngày lễ Thánh Gioan Bosco, tôi xin kính chào các tu sĩ nam nữ Salêdiêng, những người đã làm rất nhiều điều tốt trong Giáo hội. Tôi đã theo dõi Thánh lễ được cử hành tại đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu ở Turin bởi Cha Bề Trên Tổng Quyền Ángel Fernández Artime, tôi đã cầu nguyện với ngài cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy nghĩ về vị Thánh vĩ đại này, người cha và người thầy của những người trẻ tuổi. Ngài không đóng kín mình trong 4 bức tường nhà thờ, ngài không khép mình trong những thứ của riêng mình. Ngài ra đường để tìm kiếm những người trẻ, với sự sáng tạo là dấu ấn của ngài. Xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những anh chị em Salêdiêng!

Tôi chào tất cả các bạn, những tín hữu của Rôma và những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu từ Torrejón de Ardoz, Tây Ban Nha, và các học sinh đến từ Murça, Bồ Đào Nha.

Tôi trìu mến chào các chàng trai và cô gái Công Giáo Tiến Hành của giáo phận Rôma! Họ ở đây trong một nhóm. Các bạn trẻ thân mến, năm nay cũng vậy, cùng với cha mẹ, các nhà giáo dục và các linh mục phụ tá, các bạn đã đến - một nhóm nhỏ, do đại dịch - ở phần cuối của Đoàn Lữ Hành Vì Hòa bình. Khẩu hiệu của bạn là “Hãy hàn gắn hòa bình”. Đó là một khẩu hiệu hay! Nó quan trọng! Rất cần phải “hàn gắn”, bắt đầu từ các mối quan hệ cá nhân của chúng ta, cho đến mối quan hệ giữa các quốc gia. Cảm ơn các bạn! Tiếp tục đi! Và bây giờ các bạn sẽ thả bóng bay của mình như một dấu hiệu của hy vọng… đó! Đó là một dấu hiệu của hy vọng mà những người trẻ tuổi của Rôma đang mang đến cho chúng ta ngày nay, “đoàn lữ hành vì hòa bình”.

Chúc các bạn một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục ở Kon Tum bị một người tâm thần chém chết khi đang giải tội
Người Việt
10:56 30/01/2022
KON TUM, Việt Nam (NV) – Linh Mục Trần Ngọc Thanh, thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và đang làm công tác mục vụ tại Giáo Phận Kon Tum, vừa bị một người tâm thân chém chết trong lúc đang giải tội hôm 29 Tháng Giêng.

“Lặng người tê tái. Em [Linh Mục Trần Ngọc Thanh] đang giải tội, thì bị tấn công và đã ra đi. Ôi, vị tử đạo thời đại…,” Linh Mục Nguyễn Minh Nhật, cùng tỉnh dòng với người quá cố và đang làm công tác mục vụ tại Giáo Xứ Mai Khôi, Sài Gòn, viết trên trang Facebook cá nhân như vậy. “Đứa bị thần kinh nó chém, cha không để ý nên không có động thái tránh né mà bị tấn công chính xác bể sọ não, đứt mạch máu.”

Theo bản cáo phó do Linh Mục Nguyễn Trường Tam, giám tỉnh của dòng, đưa ra và đăng trên trang web Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, Linh Mục Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, qua đời trong lúc làm mục vụ tại Giáo Họ Sa Loong, Giáo Xứ Đak Mót.

Tang lễ vị linh mục diễn ra trong hai ngày 30 và 31 Tháng Giêng tại nhà nguyện Plei Don, Giáo Xứ Kon Rơbang, Giáo Phận Kon Tum, và tu viện Thánh Martin, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

“Linh Mục Thanh sẽ an nghỉ cùng với các anh em tại đất thành của tỉnh dòng,” cáo phó cho biết.

Trang Facebook Truyền Thông Thái Hà cho biết, Linh Mục Thanh là con thứ bảy trong một gia đình tại Giáo Xứ Bến Hải, quận Gò Vấp, Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông xin vào dòng Đa Minh.

Hồi Tháng Tám, 2018, ông cùng chín thầy phó tế khác được Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, lúc đó là giám mục Giáo Phận Vinh, trao sứ vụ linh mục tại thánh đường Giáo Xứ Đa Minh Ba Chuông, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Luật Sư Lê Quốc Quân, cựu tù nhân lương tâm, cho biết trên trang cá nhân rằng Linh Mục Thanh “bị chém hai phát rất nặng vào đầu và được cấp cứu ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi, qua đời tại bệnh viện.”

Ông Quân cho biết thêm, một thầy vào can ngăn cũng bị chém sượt đầu, một người khác đưa ghế lên đỡ cũng bị chém gãy ghế.

Luật Sư Quân bình luận: “Cái chết đau đớn của linh mục là đầy nghi vấn và gây ra sự phẫn uất lớn trong lòng các xứ đạo nói riêng và dân chúng tại khu vực Kon Tum nói chung. Có người cho là có động cơ đê hèn và ‘bàn tay lông lá’ phía sau, nhưng cũng có nguồn tin cho rằng kẻ chém cha là người tâm thần.”

Luật Sư Quân cũng nhắc lại chuyện cách đây chỉ hơn nửa năm, Linh Mục Trần Văn Truyền, 70 tuổi, ở nhà thờ An Khê, thuộc Giáo Phận Kon Tum, cũng bị đâm trọng thương. Chính quyền bắt giam hung thủ “đốt nhà thờ, đâm linh mục” này, nhưng sau đó việc điều tra không đi đến đâu và sự việc đến nay coi như bị chìm xuồng.

“Tạm thời, bỏ qua những oán hận, sân si, để chờ điều tra làm rõ, chúng ta cùng nguyện cầu cho Cha Giuse đươc an nghỉ đời đời trong Chúa Kitô cùng các anh em trong vùng đất của Tỉnh Dòng Đa Minh. Nhưng chắc chắn chúng ta phải đòi hỏi để công lý sớm được thực thi..,” ông Lê Quốc Quân viết trên Facebook. (N.H.K) [đ.d.]
 
GX. OTTOWAY, NAM ÚC: Thánh Lễ Tạ Ơn và Mừng XUÂN NHÂM DẦN 2022
Jo Vĩnh SA
16:35 30/01/2022
CÙNG CẦU NGUYỆN CHO TIẾN TRÌNH TUYÊN THÁNH CHO CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU DIỆP

Trong những ngày cận kề chuyển sang Năm Mới, với tình hình dịch bệnh Covid vẫn còn diễn biến phức tạp tại Úc Châu và trên toàn thế giới. Hội Ái Mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Nam Úc và cộng đoàn CGVN tại Gx Ottoway đã cố gắng tổ chức thánh lễ tạ ơn mừng Xuân Nhâm Dần 2022 và cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp vào lúc 6 giờ 30, ngày 28/1/2022 tại thánh đường Thánh Maximilian Kolbe, Gx. Ottoway, Nam Úc.

Nhiều tín hữu Công Giáo và những người yêu mến Cha Diệp đã lần lượt đến ngôi thánh đường quen thuộc này trong những bộ quốc phục, trang phục lịch sự đến tham dự thánh lễ tạ ơn & đón mừng Xuân Mới.

Mọi người vào nhà thờ đều phải đeo khẩu trang và được hướng dẫn ngồi vào các vị trí theo qui định của mùa dịch.

Trong thánh lễ tạ ơn mừng Xuân Nhâm Dần năm nay, cha Chánh xứ đã ưu ái cho cộng đoàn người Việt Nam được trang hoàng cung thánh thật đẹp theo tập tục cổ truyền, với mâm quả, bánh chưng, dưa hấu, hoa Vạn Thọ và cây hoa mai vàng có treo Lộc Thánh, Lời Chúa.

XEM HÌNH

Trước thánh lễ là phần dẫn ý cầu nguyện của Ban Tổ Chức để cùng tạ ơn và cầu xin Chúa ban bình an cho mọi dân tộc, mọi gia đình, mỗi người được hưởng một năm mới Phúc lộc, An vui, Hạnh phúc.

Sau lời dẫn lễ là Thánh lễ đồng tế với sự chủ tế của Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó xứ nhà thờ chánh tòa TGP Adelaide, cùng đồng tế có cha Marek P’Tak CP chánh xứ Gx. Ottoway.

Bản thánh ca nhập lễ “Ca Khúc Hồng Ân” được ca đoàn Trương Bửu Diệp hát vang, cùng lúc với những tiếng vang của chiêng, trống điểm liên hồi, khi đoàn tế lễ từ phía cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng theo Thánh Mathêu, Cha Chủ tế đã nêu những tâm trạng khác nhau của mỗi người trong năm qua với bao khó khăn, thử thách. Chúng ta có lúc nào tự đặt câu hỏi? Mình đã làm gì cho Thiên Chúa, cho anh em, đã dành bao nhiêu thời gian để cầu nguyện? Để đến với Thiên Chúa, hay chỉ biết chạy theo những suy nghĩ, toan tính cá nhân. Trước sự hoành hành của cơn đại dịch Covid hiện nay, chúng ta mới nhận ra mình thật vô cùng yếu đuối, nhỏ bé. Xin cho chúng ta nhận ra rằng chỉ có niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa, đấng tạo thành vũ trụ, đấng toàn năng, mới có thể giải thoát chúng ta khỏi mọi khó khăn, đau khổ.

Thánh lễ được tiếp nối với những lời nguyện giáo dân cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Đức Thánh Cha, các vị chủ chăn, cầu cho những người nghèo khổ, bất hạnh đặc biệt cho những người đau khổ vì dịch bệnh Covid và cũng cầu xin cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp được tiến triển thuận lợi trong giai đoạn chót tại Roma.

Sau thánh lễ là lời cảm ơn và chúc mừng năm mới của ông Hội trưởng Hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp gửi đến hai Cha và toàn thể cộng đoàn đã đồng hành và hỗ trợ cho Hội trong các thánh lễ cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp trong năm qua. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra khắp nơi. Nhân dịp này, ông Hội trưởng đã thay mặt hội tặng quà lưu niệm cho quý Cha.

Tiếp đến là phần làm phép cây Lộc Xuân và hái Lộc Thánh Lời Chúa. Trước tiên là 2 Cha đồng tế hái lộc đầu năm cho giáo xứ, kế tiếp là ông Hội trưởng, sau đó, tất cả cộng đoàn đã lần lượt tiến đến cây Lộc Thánh, hái nhận Lộc Lời Chúa cho riêng mình và gia đình, để thực hiện trong suốt năm mới.

Thánh lễ đã kết thúc vào lúc 07giờ 30 tối cùng ngày. Tuy không có phần dùng bánh, trà, hàn thuyên tâm sự, chúc Tết như những năm trước đây vì dịch bệnh, nhưng chắc hẳn trong lòng mỗi người vẫn ấp ủ niềm tin yêu hy vọng sẽ đón nhận những tin vui và ơn lành của Chúa trong năm mới qua lời chuyển cầu của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

LỘC XUÂN NĂM NHÂM DẦN 2022

Năm nay cây Lộc Xuân cha Diệp trúng mùa, hoa trái xum xuê moi người thỏa lòng, hy vọng một năm mới tràn đầy ơn Chúa và tài lộc đến với mọi nhà... trọn năm.

1.- Cây lộc xuân Lời Chúa 2022 được phủ bóng bên bàn thờ cha Diệp cho bà con kính viếng trong các giờ kih nguyện, giờ lễ tại nhà thờ Gx. Ottoway trong suốt 4 ngày (từ thứ sáu đến hết lễ giao thưà thứ hai 31/1/2022).

2.- Lộc Lời Chúa trên cây Lộc Xuân nở 3 vụ ( đợt 1 treo 120 lộc, đợt 2 lễ Chúa nhật cho người Việt, Úc, Ba Lan hái lộc, treo thêm 45 Trái Lộc nữa, theo đề nghị của cha Marek và anh em trong đêm Giao Thừa.

Văn Khánh tường trình
 
Văn Hóa
Henri De Lubac: Tư Tưởng Của Cha Teilhard De Chardin 4
Vũ Văn An
19:26 30/01/2022

Từ Khoa học đến Triết học

Trong số các đặc điểm của các bằng chứng do Cha Teilhard trình bầy về sự hiện hữu của Thiên Chúa chúng ta sẽ đặc biệt chú ý đến hai đặc điểm.



Trước hết, chúng ta hãy lưu ý rằng những bằng chứng này tự xưng là có tính khoa học. Để thiết lập bản chất của biến hóa, tính ưu việt của con người, sự tiến bộ của thế giới tới tinh thần, sự hội tụ cuối cùng, v.v., Cha Teilhard de Chardin liên tục đề cập và muốn đề cập duy nhất đến một “quy luật tái diễn theo kinh nghiệm [experiential recurrence), có thể kiểm chứng được trong lĩnh vực hiện tượng, và có khả năng một cách thích đáng được ngoại suy thành tổng thể của không gian và thời gian”. Ngài nói, đối với ngài, quy luật tái diễn này đủ để nó “chủ trì sự hình thành của các hữu thể”; chính theo luật này mà "vũ trụ được xây dựng" (88). Ngài loại trừ bất cứ sự “tổng hợp” tiên thiên, hình học nào dựa trên bất cứ định nghĩa nào về “hữu thể”, để giữ “nghiêm ngặt” việc kiểm tra và sắp xếp các biểu kiến (appearances), nghĩa là, các “hiện tượng”. Bất chấp đó đây có việc nói quá đôi chút, trong cách trình bày phương pháp của ngài - như khi ngài tuyên bố rằng ngài đang tự giam mình một cách minh nhiên “vào bình diện sự kiện, nghĩa là, đối với lĩnh vực có thể rờ mó và có thể chụp hình được” - tuy nhiên ngài vẫn thấy rõ rằng khoa học của ngài, hay, như chính ngài nói, hiện tượng luận của ngài, một hiện tượng luận vốn kết hợp tổng hợp với phân tích và đề ra cái “bên trong” của sự vật, vượt ra ngoài khái niệm phổ biến ngày nay về “khoa học thực chứng”. Bản thân ngài giải thích rằng nó liên quan đến “vật lý học” của người Hy Lạp cổ đại và người trung cổ. Nếu không đi vào con đường “siêu hình học trừu tượng”, ngài có ý định rõ ràng muốn tìm kiếm một loại “giải thích phổ quát”, bằng cách nhờ một “vật lý của Thần Khí”, xây dựng một “siêu vật lý của vũ trụ ” (89). Và ngài hoàn toàn thấy rõ rằng bằng cách này, nó kết thúc ở “Thế giới Khoa học thực sự đúng là bị đảo ngược” (90). Về vấn đề này, một số câu hỏi nhất định có thể được đặt ra, được nối kết qua lại với nhau:

1. Đến mức nào được coi là chính đáng khi đưa tổng hợp vào một ngành khoa học được coi là chặt chẽ?

2. Có thể có một bằng chứng khoa học về Thiên Chúa không? Nếu người ta cho rằng có thể có, há đó chẳng phải là sự quay trở lại với lối “tư duy hỗn độn”, mà theo một số người, vốn là đặc điểm của các cố gắng duy lý của các nhà thần học vĩ đại thời Trung Cổ, bắt đầu từ Thánh Tôma hay sao?

3. Tuy nhiên, há không phải chính Cha Teilhard, qua quan niệm của ngài về một vũ trụ Biến hóa và hội tụ, đã khám phá ra một con đường mới, một con đường hợp lý, cho việc chuyển dịch từ khoa học sang triết học đó sao? Nói cách khác, há ngài đã không thành công, không những bằng một tầm nhìn huyền bí mà còn bằng một con đường thuầ n lý đúng nghĩa, trong việc vén “bức màn gây nhức nhối của các hiện tượng”, xé “lớp màng không thể chọc thủng mà Hiện tượng trải dài giữa chúng ta và tất cả những gì ở trên tinh thần của con người hay sao"? (91)

Chúng ta sẽ để những câu hỏi này lơ lửng ở đây. Sẽ không thể trả lời sâu sắc về chúng nếu không nêu ra tất cả các loại vấn đề về phương pháp luận, điều mà ở đây chúng ta không thể đi vào được. Đối với câu hỏi thứ ba, nó còn đòi hỏi một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ tư tưởng của Cha Teilhard. Chúng ta sẽ chỉ trích dẫn ba ý kiến, tương ứng chặt chẽ với ba câu hỏi đã đặt ra (92).

Cha Norbert M. Luyten, O.P., nói, Teilhard, “đã làm nổ tung các khuôn khổ phương pháp luận trong đó các ngành khoa học cũng như triết học dường như được bao hàm” (93); từ rất sớm, vốn mong đợi “rất ít từ một nghiên cứu ngày càng tỉ mỉ, chi tiết hơn”, ngài hiểu rằng “muốn làm cho khoa học tiến lên và ngăn chặn nó chết yểu..., cần phải mở rộng đối tượng và thay đổi các phương pháp, đi đến một nghiên cứu sâu sắc và có tính tổng hợp hơn”; nếu đôi khi ngài sử dụng “các diễn trình phương pháp luận thiếu sót”, thì ngài vẫn có công “cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn đáng quan tâm nhất đối với tương lai của khoa học, nếu chỉ bằng cách đề ra, một cách thẳng thừng, vấn đề tổng hợp kiến thức của chúng ta” (94). Và một vị dòng Đa Minh khác, Cha Maurice Corvez, người mà ý niệm “bằng chứng khoa học” về Thiên Chúa không hề làm ngài sợ hãi: “Với một sự thông thạo cao vời, Cha Teilhard đã dọn đường tiếp cận với Kitô giáo, đặc biệt được thích nghi cho một nhóm học giả, nhà địa chất, nhà cổ sinh vật học, nhà sinh vật học, nhưng cũng rất có thể áp dụng đối với những người vốn quan tâm tới Lịch sử thiên nhiên và sự sống, cũng đã nói rất nhiều với tất cả những bộ óc được phú bẩm một nền giáo dục phổ thông chân chính" (95). Cuối cùng, Bà Barthélemy Madaule: “Chúng ta phải đồng ý rằng các phạm trù cũ của chúng ta quá cứng ngắc không thể diễn đạt được diễn trình trưởng thành từ từ ấy, thời điểm ấy khi, trong một lĩnh vực vẫn còn tính hiện tượng, một ý nghĩa vốn có tính triết học vẫn còn đang trong diễn trình xuất hiện” (96).

Thực thế, rất có thể, qua phương pháp hiện tượng học của mình, áp dụng chặt chẽ vào việc mô tả vũ trụ của chúng ta, Teilhard đã thành công trong việc phá vỡ “vòng tròn ma thuật của phe hiện tượng luận, vòng duy nhất, chúng ta được cho biết chắc, sẽ giới hạn tầm nhìn của chúng ta vào một đường chân trời có bán kính hữu hạn”:

“Mãi gần đây, những gì không thể nói về sự bất lực của chúng ta trong việc vượt ra ngoài... một tầm nhìn sơ đẳng vốn luôn là tầm nhìn của ý thức đầu tiên của con người, nghĩa là, về sự bất khả trong đó chúng ta thấy mình tiến thêm một bước hướng tới việc tri nhận trực tiếp hoặc gián tiếp những gì ẩn phía sau bức màn của kinh nghiệm khả giác? Đúng! Chính điều gọi là lớp vỏ không nứt nẻ của “hiện tượng” thuần túy này đã bị xuyên thủng, ít nhất ở một điểm bởi quỹ đạo biến hóa đang xuất hiện của con người, vì tự bản chất, nó vốn bất phản hồi. Tất nhiên, những gì ở bên ngoài và ở đằng sau, trong điều từ đó đến nay vốn được nhận diện là siêu hiện tượng [transphenomenal], chúng ta không nhìn thấy, nhiều hơn là việc chúng ta có thể thấy trước cảnh quan vẫn còn ẩn dưới đường chân trời, một khi hình dạng của Trái đất được nhìn nhận. Nhưng ít nhất chúng ta biết rằng một điều gì đó hiện hữu ở bên ngoài vòng giới hạn tầm nhìn của chúng ta: một điều từ đó chúng ta sẽ xuất hiện. Và điều này đủ để chúng ta không cảm thấy bị gò bó nữa” (97).

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng chính Cha Teilhard đã hầu như không giải thích được phương pháp cho thấy tính hợp lý của kết quả này, trong các nguyên tắc của nó, nếu không phải là trong các ứng dụng của nó.

Chủ nghĩa lạc quan của Cha Teilhard

Chúng ta sẽ dừng lâu hơn một chút ở đặc điểm thứ hai này.

Như chúng ta thấy, từ khởi điểm, khi giả định một đức tin vào giá trị của hữu thể, Cha Teilhard cũng đã giả định ba ý niệm về hữu thể, chân lý và giá trị, hợp nhất với nhau một cách không thể tách biệt. Điều này gần như tương đương với ba thể siêu việt của học thuyết Kinh viện: ens, verum, bonum [hữu thể, chân, thiện] (ý niệm giá trị có thể hợp nhất trong chính nó điều thiện và điều mỹ, điều sau thường bị lãng quên). Vậy, đây là một khía cạnh đầu tiên của chủ nghĩa lạc quan căn bản mà mọi người đều đồng ý nhận ra trong tư tưởng của Cha Teilhard, dù là để khen ngợi hay trách cứ ngài, và về chủ nghĩa này chúng ta chỉ xem xét ở đây hai mặt mà dưới chúng nó được trình bày trong chủ đề của chúng ta (98).

Chúng ta hãy nhận xét theo khía cạnh chúng ta vừa đề cập, chủ nghĩa lạc quan của Teilhard đơn giản bị nhầm lẫn với việc bác bỏ điều phi lý. Chính ngài đã cảnh cáo chúng ta về điều đó. Nếu, ở đây, ngài sử dụng hạn từ “đức tin”, thì nó hoàn toàn theo nghĩa loại suy như ngài giải thích một lần nữa (99) và vì trên thực tế, như kinh nghiệm đã cho ngài thấy, con người luôn có thể phủ nhận sự tin tưởng của họ vào lý trí và phán đoán rằng thực tại về căn bản là "vô lý" và "buồn nôn", mặc dù họ hoàn toàn mâu thuẫn với chính mình một cách mặc nhiên bởi chính sự kiện này; bản thân lý trí, trong cách sử dụng tự phát của nó, cảm thấy ít phản kháng trong việc chấp nhận sự phi lý hoàn toàn hơn sự phi lý từng phần bị giới hạn một cách hẹp hòi như vậy. Nhưng, dù sao, Cha Teilhard vẫn chủ trương rằng “dưới hình thức bao bọc nhất của nó”, “đức tin ban đầu” này “về phương diện tri thức, không khác gì sự thuận ý đối với chân lý khoa học” (100), mặc dù, vào một lúc nào đó, cơn cám dỗ có thể rất mạnh mẽ muốn từ bỏ nó bằng cách đầu hàng sự mê hoặc (101). Ngài cũng nhận xét rằng nếu không có một niềm tin như vậy "khi trở thành một thế giới tư duy, thế giới, theo đúng luận lý, sẽ trở thành cát bụi, một điều dường như tạo nên một cách diễn đạt tốt hơn cho cùng một ý tưởng" (102).

Khi Cha Teilhard de Chardin từ Trung Quốc trở về Paris, năm 1945, lúc Thế chiến hai kết thúc, cha đã phản ứng rất mạnh mẽ chống lại làn sóng hiện sinh, vô thần và bi quan, lúc bấy giờ đang bùng phát khắp châu Âu. Trong một số cuộc tranh luận, ngài đã “tôi sắt mình”, như Pascal nói. Phần lớn vì đó mà, trước khi công trình của ngài thực sự được biết đến, một huyền thoại ngây thơ đã phát sinh về ngài. Kể từ đó, ý niệm được loan truyền về một “Chủ nghĩa Teilhard”, có đặc điểm ở tính lạc quan dễ dãi. Thực ra, đây thậm chí không còn là một biếm họa: mà là một sự cố tình giả mạo. Đối với Cha Teilhard de Chardin, chủ nghĩa lạc quan dễ dãi không những ngây thơ, thiếu kinh nghiệm hay ngu ngốc: mà nó còn là tội lỗi nữa (103). Ngài chiến đấu chống lại các huyền thoại chuyên dự phóng một “thời kỳ vàng son” trong tương lai. Chống lại “những người bi quan” hay “những người rã rời”, chống lại những “người ham sống thoải mái” [bon vivant] hoặc “những người theo chủ nghĩa duy cảm”, ngài kêu gọi, không phải “những người lạc quan”, mà là “những người hăng hái” (104).

Thực thế, đúng hơn, ngài chờ đợi nhân loại sẽ có “một số xung đột nội bộ còn bạo lực hơn những xung đột mà chúng ta biết hiện nay”. Ngài nghĩ rằng một vũ trụ, như ngài quan niệm, “đang trên đường hướng tới sự tập trung có ý thức..., chính là vũ trụ phải chịu đau khổ một cách tự nhiên nhất và nhất thiết nhất ” (105). Ngài tuyên bố rằng đau khổ sẽ “gia tăng về số lượng và độ nhạy bén cùng một tốc độ như ý thức tăng lên, qua các thời đại”. Ngài cũng tuyên bố rằng "cố gắng đạo đức nhất thiết phải đi kèm với sự hy sinh", rằng "sự sống cao nhất đạt được bằng một cái chết", rằng "sự toàn thiện gắn liền với đau khổ", rằng "không có sự tiến bộ nào trong hữu thể nếu không có việc cống nạp nước mắt, máu và tội lỗi mầu nhiệm nào đó”, và vì đức tin của mình, ngõ hầu sống nó mạnh mẽ hơn, ngài hoan nghênh giáo huấn dạy rằng tất cả “những người có năng lực tinh thần phi thường” trong Kitô giáo đều được “sinh ra trên Thập giá” (106). Nếu không có sự gắn bó của linh hồn với “bộ mặt đã được thừa nhận của một nhân cách phổ quát”, ngài cho rằng ta không thể “duy trì được các năng lực đã được tích lũy trong trái tim cá nhân, xã hội và cả thế giới khỏi thoái hóa tồi tệ nhất” (107). Xung quanh "những người thờ lạy tiến bộ", ngài dường như "chết ngạt dưới bầu trời quá thấp", và ngài nói rằng ngài đã trải qua "cảm giác ngạt thở" (108). Nỗi kinh hoàng của một “thế giới khép kín”, sự cô độc khủng khiếp của một nhân loại hợp nhất mà không có Thiên Chúa, “nỗi sợ hãi chủ yếu đối với yếu tố phản tỉnh trước một Cái Toàn Thể [the All] mà bề ngoài dường như mù lòa”, nỗi tuyệt vọng của việc cảm thấy bị bao bọc trong “quả bóng vũ trụ ”- ngài không ngừng nhắc đến chúng, kể từ thời viết La Grande monade [Nhà Du mục Vĩ đại] (1918) đến tận thời viết La Fin de l’espèce [Kết cục Chủng loại] (1952) và La Barrière de la mort [Rào cản Sự chết] (1955). Bản thân ngài cảm nhận một cách sâu xa nỗi thống khổ của con người, nỗi thống khổ của mọi thời đại và đặc biệt của thời đại chúng ta: nó hiện diện ở khắp nơi trong nền tảng công trình của ngài, và nó thường xuất hiện trên bề mặt của nó (109). Tuy nhiên, thay vì bị nó nuốt chửng, thay vì thích thú trong nó, hoặc thay vì hài lòng với việc than vãn về nó, ngài đã tìm cách vượt qua nó, một cách thuần lý và theo Kitô giáo. Vì nhận định rằng con người hiện đại, bất chấp tất cả khoa học và tất cả sức mạnh của họ, vẫn "buồn", ngài muốn giải cứu họ khỏi nỗi buồn này. Ngài đã tiến hành việc "cứu Trái đất biết suy nghĩ khỏi taedium vitae [cái buồn tẻ của cuộc sống]" (110) và làm nơi chúng ta một cuộc "đảo ngược sợ hãi" (111).

Còn đối với tính lạc quan căn bản của ngài, kết quả của “sự lựa chọn nền tảng” hữu thể của ngài, tính lạc quan nói Có với sáng thế này, do đó phê chuẩn “sự lựa chọn nguyên thủy hàm ngụ trong Thế giới mà chúng ta là những yếu tố được phản ảnh” (112) nó có thể được so sánh một cách chính đáng với tính lạc quan của Thánh Tôma Aquinô. Trong cả hai trường hợp, nó đều liên quan đến một “thưởng ngoạn [taste] hữu thể” nào đó, điều mà trước khi ảnh hưởng đến học thuyết của họ, lên đặc điểm cho nhân cách sâu sắc nhất của họ (113). Nhờ nét này, cũng như nhiều nét khác, tư tưởng của Cha Teilhard de Chardin xứng đáng được xếp vào trường phái tư tưởng Tôma hơn người ta vẫn thường nghĩ (114). Và thú thưởng ngoạn hữu thể này, một thưởng ngoạn cũng có tính tự nhiên, được biến đổi và nở rộ, trong lời cầu nguyện của ngài, thành một “thưởng ngoạn Hữu Thể”, một “thưởng ngoạn sâu sắc”, một “cảm nhận rằng Hữu Thể vô cùng phong phú và đổi mới hơn luận lý của chúng ta”, điều mà ngay tại thời gian thử thách này, vẫn duy trì được nó trong niềm vui (115).

Tuy nhiên, mặt khác, há việc một tính lạc quan rất lớn lao và cũng rất đáng tranh luận để tin tưởng, như Cha Teilhard đã tin tưởng, rằng chiến thắng của linh hồn đối với việc thoái giảm nội lực [entropy] đã được đảm bảo hay sao? Đó là khía cạnh thứ hai cần được xem xét.

Câu trả lời cho sự nghi ngờ này sẽ quay lại với việc quyết định xem liệu viễn kiến của Cha Teilhard về vũ trụ, liệu “thuyết Biến hóa duy linh” của ngài, có được chứng minh hay ít nhất là cái nhiên hay không. Chúng ta tin rằng, trong yếu tính, nó không chỉ làm cân bằng các lý thuyết duy vật và tính hợp lý của nó không phụ thuộc vào các mở rộng cuối cùng của hệ thống. Ở đây, chúng ta hãy chỉ nhận xét một cách đơn giản rằng loại lạc quan thứ hai này nối kết, không hơn thế, chính với thứ “lạc quan” của toàn bộ truyền thống triết học duy linh, một truyền thống, bằng nhiều con đường khác nhau, đều đã khẳng định tính bất tử của linh hồn con người. Thánh Augustinô, Thánh Tôma hay Descartes tuyên bố rằng linh hồn là bất tử thế nào, thì Teilhard cũng tuyên bố rằng sự tiến bộ của vũ trụ, khi phát sinh các hữu thể được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bản vị, là một sự tiến bộ không thể đảo ngược như thế. Bối cảnh của ngài không còn có tính cá nhân và tĩnh tụ; nó mang tính tập thể và năng động, nhưng ở cả hai phía, sự khẳng định cuối cùng là như nhau (116). Nhờ “hiện tượng học” của mình, ngài muốn mang lại cùng một giải đáp “cho vấn đề bất tử cũ (bề ngoài hết sức cận khoa học)” (117) và cách “đầy năng lực” được ngài tiếp nhận thường xuyên nhất trong cách lập luận của ngài có liên hệ chặt chẽ với cách lập luận desiderium naturale [thèm muốn tự nhiên] của trường phái Tôma, lối lập luận mà một nhà bình luận gần đây đã viết rằng nó tạo nên "một chứng minh hiển nhiên" (118). Tuy nhiên, trong một quan điểm cụ thể hơn nhắc lại trực tiếp hơn quan điểm của mạc khải Kitô giáo, ngài tìm cách chứng minh, trong một “sự kiện độc nhất và tối cao,... thể lịch sử phải nối kết với thể siêu việt ” ra sao. “Một khai mở hiện hữu”, một “lối thoát”; tư duy sẽ không bóp nghẹt, "chết trong trứng nước, trong một vũ trụ tự phá thai và vô lý"; trong tương lai, sẽ có cho chúng ta “không những chỉ là sự sống còn mà còn là sự sống siêu việt”; đối với Teilhard, đó là niềm xác tín tạo cơ sở cho “sự lạc quan tuyệt đối” (119). Và chính nhờ điều này mà ngài muốn “mang lại hy vọng cho cuộc tìm kiếm của con người” (120). “Để biết rằng chúng ta không bị cầm tù. Để biết rằng có một lối thoát, không khí, ánh sáng, và tình yêu, ở đâu đó bên ngoài cái chết. Để biết điều đó, không phải ảo tưởng hay hư cấu!” (121). Trong một thế giới “mở ra ở tuyệt đỉnh của nó trong Christo Jesu [Chúa Giêsu Kitô], chúng ta không thể gặp nguy cơ chết ngạt! Và, mặt khác, từ những độ cao này đi xuống, không những chỉ có không khí, mà còn có tình yêu tỏa sáng từ trên cao” (122).

Kỳ tới: Chọn lựa và "phân rẽ"
 
VietCatholic TV
Gay go: HY Becciu chỉ trích công tố xúc phạm, quyết định không ra tòa. USCCB: Chặn ngay thế chiến
VietCatholic Media
05:35 30/01/2022


1. Diễn biến gây xôn xao: Hồng Y Becciu tẩy chay, không ra tòa

Vị Hồng Y duy nhất bị truy tố trong vụ xét xử gian lận và biển thủ lớn ở Vatican đã đưa ra phản đối chính thức lên tòa án cho rằng các công tố viên của Đức Giáo Hoàng đã xúc phạm nhân phẩm của ngài khi cho rằng ngài có quan hệ tình dục với một bị cáo khác trong phiên tòa.

Hồng Y Angelo Becciu, một quan chức cấp cao một thời trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là bị cáo duy nhất cho đến nay đã tham dự tất cả các phiên điều trần của phiên tòa. Nhưng Hồng Y Becciu đã ở nhà vào hôm thứ Ba và viết một lá thư cho tòa án nói rằng ngài không muốn có mặt trong khi các luật sư của ngài phản đối nội dung của cuộc thẩm vấn năm 2020 của các công tố viên về mối quan hệ của ngài với bị cáo Cecilia Marogna.

Đây là phản đối mới nhất được đưa ra bởi các luật sư bào chữa về hành vi của các công tố viên của Đức Giáo Hoàng trong cuộc điều tra của họ, bắt đầu vào năm 2019 về khoản đầu tư 350 triệu euro của Vatican vào một thương vụ bất động sản ở London. Cuộc điều tra đã phát hiện ra thêm việc Hồng Y Becciu quyên góp tiền của Vatican cho một tổ chức từ thiện do anh trai của ngài điều hành và các khoản thanh toán tiền của Vatican cho cô Marogna, người mà ngài đã thuê làm cố vấn an ninh bên ngoài để giúp đàm phán thả một con tin, là một nữ tu người Colombia truyền giáo ở Phi Châu.

Cả Hồng Y Becciu và Marogna đều phủ nhận có các hành vi sai trái hoặc bất kỳ mối quan hệ không chính đáng nào.

Trước đây, Chánh án tòa án Vatican đã hủy bỏ cáo trạng của các công tố viên đối với bốn nghi phạm khác vì đã có những sai sót về thủ tục, nhưng hôm thứ Ba, bốn nghi phạm này đã bị tái khởi tố.

Tòa án cũng đã nhiều lần ra lệnh cho các công tố viên giao nộp tất cả bằng chứng sau khi các luật sư bào chữa phàn nàn rằng họ không thể bảo vệ thân chủ một cách hợp lý nếu không có những tài liệu đó.

Hôm thứ Ba, chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone đã cho các công tố viên một thời hạn nữa để cung cấp bản sao các tài liệu này cho các luật sư bào chữa, sau khi các luật sư của Becciu cho biết họ chỉ nhận được 16 trong số 255 bằng chứng.

Các luật sư của Hồng Y Becciu cũng đưa ra phản đối hành vi của các công tố viên trong cuộc thẩm vấn vào tháng 11 năm 2020 đối với Đức Ông Alberto Perlasca. Trong cuộc thẩm vấn, công tố viên Alessandro Diddi đã hỏi Đức Ông Perlasca về việc liệu Hồng Y Becciu có quan hệ thân mật với Marogna hay không.

Đức Ông Perlasca đã khẳng định quan hệ giữa hai người không có bất cứ điều gì không đúng. Nhưng Diddi vẫn kiên trì, lưu ý rằng một diễn viên hài truyền hình nổi tiếng của Ý đã thực hiện một tiểu phẩm gợi ý rằng Marogna là người yêu của Becciu, và tự hỏi tại sao Hồng Y Becciu không kiện diễn viên hài nếu điều đó là sai.

Theo các luật sư của Becciu, cuộc thẩm vấn của Diddi đã vi phạm quy tắc tố tụng của Vatican, vốn cấm thẩm vấn nhân chứng về đạo đức của người khác.

Diddi đã bảo vệ hành vi của mình và nói rằng:

“Tôi yên tâm về công việc chúng tôi đã làm,” anh ta nói với tòa án.

Chánh án Pignatone ấn định ngày xét xử tiếp theo vào ngày 18 tháng 2, tại thời điểm đó các nghi phạm mới bị truy tố sẽ tham gia lại phiên tòa và tòa án sẽ xem xét các phản đối của các luật sư đưa ra cho đến nay.
Source:AP

2. Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về tình trạng nguy hiểm của chiến tranh

Nga đã bao vây 3 mặt của Ukraine với một quân số cho đến nay đã lên đến ít nhất 127,000 quân. Các đại sứ quán nước ngoài tại thủ đô Kiev đã được di tản vì e ngại một cuộc xâm lược của người Nga.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra tuyên bố sau:

Căng thẳng đang gia tăng khi Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ xem xét cách tốt nhất để đáp trả việc tập trung đông đảo các lực lượng và thiết bị quân sự của Nga ở biên giới Ukraine. Trước những căng thẳng gia tăng này, Đức Cha David J. Malloy của Rockford, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:

“Với tình hình đáng báo động ở Ukraine, chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine và tham gia đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của 43 triệu người Ukraine”.

“ Trong bài huấn dụ sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu ngày 26 tháng Giêng là ngày cầu nguyện cho Ukraine vì những lo ngại ngày càng tăng về tình hình ở quốc gia đó và ở Âu Châu nói chung, ngài nói: 'Tôi đưa ra lời kêu gọi chân thành đến tất cả mọi người có thiện chí hãy nâng cao lời cầu nguyện lên cùng Thiên Chúa toàn năng để tất cả các hành động và sáng kiến chính trị có thể phục vụ tình huynh đệ của nhân loại’. Trước đó, Đức Thánh Cha cũng đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình tại Ukraine và hy vọng' rằng những căng thẳng mà đất nước này đang trải qua có thể được giải quyết thông qua đối thoại quốc tế nghiêm túc chứ không phải bằng vũ khí”.

“Trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn đầu năm nay, Đức Thánh Cha đã nói, ‘Sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận bình tĩnh nên truyền cảm hứng cho tất cả các bên đang liên quan đến, để có thể tìm ra các giải pháp lâu dài và chấp nhận được ở Ukraine’. Chúng ta hãy hiệp một lòng một ý với ngài.”

“Các giám mục Công Giáo của Ukraine và Ba Lan đã đưa ra lời kêu gọi vào ngày 24 tháng Giêng rằng các nhà lãnh đạo hãy kiềm chế chiến tranh và 'rút lại các tối hậu thư ngay lập tức.' Họ kêu gọi 'cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đoàn kết và tích cực hỗ trợ những người đang bị đe dọa bằng mọi cách có thể.'“

“Trong thời điểm sợ hãi và bất định này, chúng tôi đoàn kết với Giáo hội ở Ukraine và đưa ra sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tín hữu và những người có thiện chí cầu nguyện cho người dân Ukraine, đặc biệt là vào ngày 26 tháng Giêng, để họ có thể nhận được các phước lành của hòa bình”.
Source:USCCB
 
Tòa Thánh lên tiếng bênh vực Đức Bênêđíctô. Trò hạ nhục ngài gây chia rẽ sâu xa trong Giáo Hội
VietCatholic Media
16:39 30/01/2022


1. Xã luận của Tòa Thánh lên tiếng bênh vực Đức Bênêđíctô XVI

Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông Tòa Thánh kể từ tháng 12 năm 2018 có bài nhận định sau nhằm bênh vực cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Những từ ngữ được sử dụng trong cuộc họp báo để trình bày báo cáo về việc lạm dụng trong Tổng giáo phận Munich, cũng như bảy mươi hai trang của tài liệu dành cho nhiệm kỳ giám mục Bavaria vắn vỏi của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, đã tràn ngập các mặt báo trong tuần qua và đã gây ra một số bình luận rất gay gắt. Đức Giáo Hoàng hưu trí, với sự giúp đỡ của các cộng sự viên, đã không tránh né các câu hỏi của công ty luật do Tổng Giáo Phận Munich ủy nhiệm để soạn thảo một báo cáo nhằm xem xét một khoảng thời gian rất dài, từ thời giám mục của Đức Hồng Y Michael von Faulhaber đến thời của Đức Hồng Y Reinhard Marx hiện nay. Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra một phản hồi dài 82 trang, sau khi đã kiểm tra một số tài liệu trong văn khố của giáo phận. Như có thể đự đoán được, chính bốn năm rưỡi Đức Hồng Y Ratzinger lãnh đạo giáo phận Bavaria đã độc quyền thu hút sự chú ý của các nhà bình luận.

Một số cáo buộc đã được biết đến trong hơn mười năm qua và đã được các phương tiện truyền thông quốc tế quan trọng đăng tải. Hôm nay, có bốn trường hợp đang được tranh cãi chống lại Đức Hồng Y Ratzinger, và thư ký riêng của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, đã thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Hưu trí sẽ đưa ra một tuyên bố chi tiết sau khi ngài xem xét xong bản báo cáo. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, việc Đức Bênêđíctô XVI nhiều lần lên án những tội ác này có thể được lặp lại một cách mạnh mẽ ở đây, và các biện pháp được Giáo hội thực hiện trong những năm gần đây, bắt đầu từ triều đại giáo hoàng của ngài, có thể được lần giở lại.

Lạm dụng trẻ em là một tội ác khủng khiếp. Việc lạm dụng đối với trẻ vị thành niên của các giáo sĩ thậm chí còn có thể là một tội ác khủng khiếp hơn nữa, và điều này đã được hai vị Giáo hoàng cuối cùng lặp đi lặp lại một cách không mệt mỏi: việc các trẻ nhỏ chịu đựng bạo lực từ phía các linh mục hoặc tu sĩ, những người được cha mẹ của chúng ủy thác cho để được giáo dục trong đức tin, là một tội lỗi đòi được báo thù trước mặt Thiên Chúa. Không thể chấp nhận được việc các em trở thành nạn nhân của những kẻ săn mồi tình dục núp trong trang phục của Giáo hội. Những lời hùng hồn nhất về chủ đề này vẫn là những lời mà Chúa Giêsu đã tuyên bố: những kẻ làm gương mù cho các trẻ nhỏ thà treo cối xay vào cổ và ném chúng xuống biển.

Không thể quên rằng Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chiến đấu với hiện tượng này trong giai đoạn cuối triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, người mà ngài đã từng là cộng tác viên thân cận, và khi đã trở thành Giáo hoàng, đã ban hành các quy tắc rất khắc nghiệt chống lại các giáo sĩ lạm dụng, các luật đặc biệt để chống lại nạn ấu dâm. Hơn thế nữa, bằng gương sáng cụ thể của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã làm chứng cho tính cấp bách của sự thay đổi não trạng vốn rất quan trọng để chống lại hiện tượng lạm dụng: lắng nghe và gần gũi với các nạn nhân, những người mà ta luôn luôn phải cầu xin sự tha thứ. Đối với những trẻ em bị lạm dụng quá lâu và người thân của chúng, thay vì được coi là những người bị thương cần được chào đón và đồng hành trên con đường chữa lành, đã bị giữ ở một khoảng cách. Thật không may, họ thường bị coi thường và thậm chí bị coi là “kẻ thù” của Giáo hội và danh tiếng của Giáo hội.

Chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, vị Giáo hoàng đầu tiên đã nhiều lần gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng trong các cuộc tông du của ngài. Chính Đức Bênêđíctô XVI, chống lại cả ý kiến của nhiều người tự phong là “người của Ratzinger”, giữa cơn bão táp của những vụ bê bối ở Ái Nhĩ Lan và Đức, đã đề cao bộ mặt của một Giáo hội sám hối, một Giáo Hội vốn tự hạ mình trong việc cầu xin sự tha thứ, vốn cảm thấy ngã lòng, hối hận, đau đớn, cảm thương và gần gũi.

Trung tâm của sứ điệp Bênêđíctô nằm trong chính hình ảnh sám hối ấy. Giáo hội không phải là một cơ sở kinh doanh, Giáo hội không chỉ được cứu vớt bởi các thực hành tốt hoặc bằng việc áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt và hiệu quả, ngay cả khi chúng không thể thiếu. Giáo hội cần cầu xin sự tha thứ, giúp đỡ và cứu rỗi từ Đấng duy nhất có thể ban cho họ, từ Đấng bị đóng đinh, Đấng luôn đứng về phía các nạn nhân chứ không phải các lý hình.

Với sự minh mẫn cực kỳ cao độ, trên chuyến bay đưa ngài đến Lisbon vào tháng 5 năm 2010, Đức Bênêđíctô XVI đã nhìn nhận rằng “những đau khổ của Giáo hội đến từ chính bên trong Giáo hội, từ tội lỗi hiện hữu trong Giáo hội. Chúng ta luôn ý thức được điều đó, nhưng bây giờ chúng ta thấy nó một cách thực sự kinh hoàng: sự bách hại lớn nhất đối với Giáo hội không phát xuất từ những kẻ thù bên ngoài, mà là do tội lỗi sinh ra bên trong Giáo hội, và Giáo hội cần phải học cách ăn năn trở lại một cách sâu xa, để chấp nhận việc thanh tẩy, để một đàng học cách tha thứ và đàng khác học hỏi sự cần thiết của công lý. Sự tha thứ không thay thế công lý. “Những từ ngữ này được đi trước và theo sau bởi các sự kiện cụ thể trong cuộc chiến chống lại tai họa ấu dâm trong giới giáo sĩ. Không được quên cũng không xóa nhoà tất cả những điều này.

Các tái tạo trong báo cáo Munich, một điều - cần phải nhớ - không phải là một cuộc điều tra tư pháp cũng không phải là bản án cuối cùng, sẽ giúp chống lại nạn ấu dâm trong Giáo hội nếu chúng không bị giản lược thành một cuộc lùng tìm những vật tế thần dễ dàng và các phán quyết kiểu tiền trảm hậu tấu. Chỉ bằng cách tránh những nguy cơ này, người ta mới có thể góp phần vào việc tìm kiếm công lý trong sự thật và kiểm tra lương tâm tập thể về những lỗi lầm trong quá khứ.
Source:Vatican News

2. Hồng Y Marx phủ nhận âm mưu tấn công Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Một tuần sau khi báo cáo về tình trạng lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich-Freising được công bố, Hồng Y Reinhard Marx đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ở thủ đô Bavaria vào hôm 27 tháng Giêng năm 2022, rằng ngài đã không trình đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa.

Ngài nói sẽ xem xét việc từ chức nếu không còn cảm thấy có thể hướng dẫn giáo phận và không muốn “gắn bó với chức vụ của mình.”

Vị Hồng Y người Đức đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng vào tháng 6 năm ngoái, thừa nhận những sai sót cá nhân của mình trong việc quản lý lạm dụng, và đề nghị chịu trách nhiệm về những gì mà ông coi là “lỗi lầm hệ thống”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức của Hồng Y Marx vào thời điểm đó, và yêu cầu ngài tiếp tục phục vụ Giáo Hội Công Giáo với tư cách là Tổng giám mục của Munich-Freising.

Nhưng, vị Hồng Y nói, “Tôi không muốn phải chịu một mình lần nữa”, và nhấn mạnh tại cuộc họp báo sự cần thiết phải chia sẻ trách nhiệm trong một Giáo hội đồng nghị hơn.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ngài kêu gọi “nhiều phụ nữ hơn nữa vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội”.

Ngài yêu cầu báo cáo Munich phải được đưa vào quá trình cải tổ Giáo hội, một lần nữa phải trở thành động lực cho Tiến Trình Công Nghị do Hội đồng Giám mục Đức mở ra vào năm 2019 sau khi công bố báo cáo đầu tiên về tình trạng lạm dụng. “Không có tương lai cho Kitô Giáo ở đất nước chúng ta nếu không có một Giáo hội đổi mới!” ngài nói.

Gọi việc đối xử với các nạn nhân bị lạm dụng trong tổng giáo phận của mình là “không thể tha thứ được”, Hồng Y Marx nói rằng ngài đã sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về tất cả những điều mà báo cáo buộc tội ngài, mặc dù ngài nói rằng ngài chủ yếu coi chúng là “những thất bại về mặt hành chính và giao tiếp”. Tuy nhiên, trong một trong hai trường hợp, ngài tự trách mình vì “đã không thực sự tiếp cận những người có liên quan một cách chủ động hơn.”

Bình luận về toàn bộ bản báo cáo, ông than thở rằng “Die Kirche war offensichtlich für viele Menschen ein Ort des Unheils und nicht des Heils, ein Ort der Angst und nicht des Trostes.”, nghĩa là, “Đối với nhiều người Giáo hội thực sự là một nơi gây ra tai họa hơn là cứu rỗi, một nơi đáng sợ hơn là an ủi.” Nhận xét này xem ra hàm hồ, và lẽ ra nên xuất phát từ miệng lưỡi của một kẻ vô thần, có đầu óc bài Công Giáo cực đoan, hơn là từ một Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo.

Hồng Y Marx từ chối bình luận về các trường hợp liên quan đến những người tiền nhiệm còn sống của mình, bao gồm cả Đức Bênêđíctô XVI, và nói rằng ngài không muốn “nói thay họ”.

Một nhà báo cho rằng cuộc điều tra độc lập do Hồng Y Marx uỷ thác cho một công ty luật thực hiện chẳng qua chỉ là một âm mưu nhằm bôi nhọ Đức Bênêđíctô. Trả lời nhận xét này Hồng Y Marx nói rằng những lý thuyết theo đó bản báo cáo thể hiện một âm mưu chống lại Đức Giáo Hoàng Danh dự là “vô lý”. Ngài nhấn mạnh rằng “không có lý do gì để nghi ngờ tính nghiêm túc” của cuộc điều tra và Đức Bênêđíctô XVI đã “tích cực” tham gia vào quá trình này.

Đức Hồng Y Marx đã không đưa ra các hành động cụ thể, ngoại trừ việc cách chức Cha Lorenz Wolf, là người bị chỉ trích mạnh mẽ trong báo cáo. Không trình bày chi tiết cụ thể, Hồng Y Marx công bố một chương trình cải cách trong tổng giáo phận, với các kết quả được dự kiến sẽ trình bày trong một năm.
Source:Aleteia