Ngày 01-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tầm nhìn và cách nhìn
Lm. Minh Anh
01:59 01/02/2022

TẦM NHÌN VÀ CÁCH NHÌN
“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”; “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”

Nói đến sự quan trọng của tầm nhìn, minh hoạ của Cedric Gowler thật thú vị, “Tiền thường xen vào giữa Chúa và người. Chỉ cần giữ hai xu nhỏ trước mắt, bạn sẽ không nhìn thấy những ngọn núi. Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa chúng ta với Thiên Chúa; chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hiệu quả sẽ che khuất tầm nhìn, và chúng ta không bao giờ thấy Ngài!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hiệu quả sẽ che khuất tầm nhìn!”. Hôm nay, ngày đầu Năm Mới, Lời Chúa cho chúng ta hai chọn lựa: chọn ‘tầm nhìn và cách nhìn’ cuộc sống mà Chúa Giêsu đề nghị hay chọn kiểu người đời, vốn chỉ bận tâm về tiền bạc, của cải. Hai điều này không bao giờ tương thích; đó là “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”, và “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”

Hai chọn lựa này liên quan đến những mục tiêu và những tầm nhìn trái ngược trong cuộc sống về điều gì là quan trọng nhất. Chọn lựa này quyết định mục đích sống, hướng đi và hạnh phúc của chúng ta. Với ai thực sự cho vật chất là quan trọng, với vẻ bên ngoài, họ có thể là một Kitô hữu sống đạo; nhưng thực chất, họ không thể là một Kitô hữu thực sự dấn thân, và ngược lại.

Chúa Giêsu dạy điều mà thánh Ignatiô Loyola gọi là ‘dửng dưng’ đối với vật chất. Rõ ràng, một số vật chất như cơm ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng thái độ ‘dửng dưng’ đối với vật chất không phải là người đó không quan tâm; trái lại, đó là một người rất quan tâm! Họ quan tâm có nhiều thứ và chỉ sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa và phục vụ những người khác vì lợi ích của Ngài.

Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói, rất khác, so với việc liệu tôi sẽ có thức ăn vào tháng tới hay không; lo lắng về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế, rất khác, so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu trong những năm tới; băn khoăn vì không có tiền nhà để trả cho chủ tháng này, rất khác, so với việc tự hỏi, liệu khi nào tôi giàu. Lo lắng và bận tâm về tương lai là một sự lãng phí thời gian và năng lượng; ấy thế, chúng ta lại rất say mê chúng! Bởi lẽ, lo lắng không bao giờ rút bớt được nỗi buồn của ngày mai, nó chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay. Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời chúng ta ngước nhìn chim trời và những bông hoa đồng nội. Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình, những con chim hồn nhiên bay lượn, những bông hoa xinh tươi trước Đấng chăm sóc. Những con chim thanh thoát và những cánh hoa ngu ngơ đẹp làm sao! Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi, vậy thôi! Đừng quên, Đấng chăm sóc chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó như bài đọc Sáng Thế hôm nay tiết lộ.

Chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc lo lắng tương lai. Thật phi lý! Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại. Không ở đâu khác! Nếu cứ nhìn về phía trước hay ngoái nhìn phía sau, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì lẽ, nó đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm. Cha Mello nói, “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!”. Cuộc sống sẽ thay đổi ra sao nếu chúng ta thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua! Vì hạnh phúc chỉ có thể có trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc hôm qua không còn nữa; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ tôi không hạnh phúc, tôi sẽ không bao giờ!

Anh Chị em,

Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái xác định hướng đi cụ thể cho những tháng ngày sắp tới. Chúng ta tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất, vĩnh hằng nhất. Nhưng tất cả “gì” của thế gian này tìm kiếm đều quá ngắn ngủi, bèo bọt so với Nước Thiên Chúa. Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là có chính Chúa, có Chúa là có tất cả; không chỉ đời này mà có cả thiên đàng đời sau. 365 ngày đang mở ra trước mắt, chắc chắn vui và buồn, hạnh phúc và khổ đau sẽ xen lẫn. Nhưng nếu biết hướng tầm nhìn vào Thiên Chúa như Chúa Giêsu đề nghị, chúng ta sẽ tin tưởng, an tâm vững bước. “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho”, đó là một ‘tầm nhìn và cách nhìn’ đúng đắn nhất. Phaolô thật chí lý qua thư Philipphê hôm nay, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con có một ‘tầm nhìn và cách nhìn’ của Chúa, hầu con có thể tự tin đi vào Năm Mới với đôi tay rộng mở để nhận và để trao!” Amen.

(Tgp. Huế)
 
Báo hiếu cha mẹ cách nào?
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
06:02 01/02/2022


Vào năm 1950, một người mẹ trẻ ở Triều Tiên ôm đứa con thơ trốn sang Hàn Quốc. Ban đêm trời lạnh khủng khiếp, tuyết rơi đầy đường, lại không tìm ra nơi trú ngụ nên chị ôm con xuống tránh tuyết dưới một gầm cầu. Nhìn thấy đứa con bé bỏng trên tay đang tái tím cả thân mình và khó lòng sống sót khi nhiệt độ xuống dưới không, chị lấy hết quần áo mình bọc kín đứa con, ôm chặt bé vào lòng, cố chuyển tất cả hơi ấm mình để cứu lấy đứa bé thân yêu.

Thế rồi, sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, người qua lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc dưới gầm cầu. Lại gần, họ thấy người mẹ đã chết cóng đang ôm đứa con đang khóc thét lên vì lạnh.

Sau khi chôn cất người mẹ bên cạnh cầu, đứa bé được một vợ chồng người Mỹ nhận làm con nuôi và đưa về Mỹ.

Mười tám năm sau, đứa bé lớn lên, bước vào đại học, được cha mẹ nuôi kể lại nguồn gốc lai lịch của mình, chàng trai hết sức xúc động và xin trở về quê hương để báo hiếu.

Cậu bước xuống gầm cầu định mệnh năm xưa, hình ảnh người mẹ ôm chặt lấy con, chuyền hết sức sống, hơi thở ấm áp để dành lấy sự sống cho con hiện về rõ nét trong tâm trí. Cậu òa lên khóc nức nở, nằm sấp trên mộ mẹ, ôm choàng lấy mộ mẹ và nói: “Mẹ ơi, con về đây để tạ ơn mẹ, để cảm ơn mẹ đã hy sinh cho con. Con xin khóc thật nhiều cho những giòng nước mắt và hơi nóng của thân con thấm vào lòng đất làm ấm được phần nào thân mẹ trong lòng đất. Tình mẹ quá bao la, làm sao con đáp đền.”

Cậu thanh niên nầy nằm trùm lên mộ mẹ, ôm choàng lấy ngôi mộ người mẹ thân yêu, để cho dòng nước mắt và hơi ấm thân thể mình làm ấm nấm mồ của mẹ, nhưng thử hỏi, đó có phải là cách tốt nhất làm cho mẹ được ấm lòng không?

Chắc là không.

Vậy thì cách nào làm ấm lòng ông bà cha mẹ chúng ta hơn cả?

Khi thấy Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ như cho người điếc được nghe, người câm được nói, người què được đi, hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng… thì có một phụ nữ hết lòng cảm phục Chúa Giê-su và cất cao lời ca tụng, không phải là ca tụng Chúa Giê-su mà là ca tụng Mẹ của Ngài. Bà nói: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.” Chính vì những việc làm tốt lành của Chúa Giê-su đã khiến người ta ca tụng Đức Mẹ.

Vậy thì muốn làm ấm lòng ông bà cha mẹ, cách tốt nhất là làm cho các ngài được vinh dự vì có những đứa con tuyệt vời, tuyệt vời nhờ lòng đạo đức, tốt lành, thánh thiện.

Đạo đức, thánh thiện, tốt lành là những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, không có phẩm chất nào sánh bằng.

Ai có những phẩm chất nầy sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, đẹp mặt mẹ cha và được mọi người quý mến.

Thiên Chúa rất vui lòng vì ta, không phải vì ta có nhiều tiền, không phải vì ta xinh đẹp, không phải vì ta có nhiều tài năng… mà chỉ vì ta có những phẩm chất cao đẹp nầy.

Ai càng đạo đức, tốt lành, thánh thiện thì càng nên giống Chúa.

Các thánh nam nữ được tuyên dương và kính trọng không phải vì các ngài giàu có, không phải vì các ngài xinh đẹp, không phải vì các ngài có nhiều tài năng… nhưng chỉ vì các ngài có đời sống đạo đức, tốt lành, thánh thiện.

Và cha mẹ cũng sẽ hết sức vui mừng, vinh dự và hài lòng khi thấy đoàn con của mình có những phẩm chất tuyệt vời nầy.

Vậy thì muốn làm ấm lòng cha mẹ thực sự, muốn báo hiếu cha mẹ cho tròn thì mỗi người chúng ta phải cố gắng đạt cho bằng được những phẩm chất cao đẹp nầy. Đây là đóa hoa thơm nhất, xinh đẹp nhất, đáng trân quý nhất mà ta có thể dâng lên để báo hiếu Thiên Chúa là Cha trên trời và ông bà cha mẹ chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su,

Nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức để từ nay, mỗi người chúng con chuyên chăm đào tạo bản thân mình, để trở thành người đạo đức, tốt lành, thánh thiện hầu làm vinh danh Thiên Chúa và làm ấm lòng mẹ cha. Đó là cách đền ơn đáp nghĩa tuyệt vời hơn hết mà Chúa mong muốn nơi mỗi người chúng con.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:00 01/02/2022

10. Thánh Kinh giống như gương soi, có thể soi thấy khuôn mặt linh hồn của chúng ta.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:03 01/02/2022
85. TRÚNG KẾ THẢ TRỘM

Có một tên trộm, giữa ban ngày ban mặt mà lấy trộm một bức tranh, vừa cuốn lại đi ra thì chủ nhà từ ngoài trở về.

Tên trộm cầm bức tranh quỳ xuống nói:

- “Đây là bức hình tổ tiên của tiểu nhân, vì con nhà nghèo lại hết cách, nên cầm nó đến ngài đổi mấy đấu gạo”.

Chủ nhà huơ tay đuổi nó đi rồi đi thẳng vào trong phòng khách, thì mới phát hiện bức tranh vẽ Triệu Tử Ngang đã biến mất. Khi đuổi theo thì không thấy tung tích tên trộm đâu cả !

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 85:

Đã quyết tâm ăn trộm thì bằng mọi cách, dùng mọi thù đoạn và mánh lới để trộm cho bằng được, đến lúc này thì thật thảm thương cho nhà nào bị tên trộm “chấm”.

Cơn cám dỗ của ma quỷ cũng thế, nó đã cám dỗ thì cám dỗ cách kiên trì, dùng mọi cách, mọi thủ đoạn, mọi mánh lới để cám dỗ cho được mới thôi. Nếu chúng ta chiến đấu dữ dội bằng ăn chay, hãm mình, cầu nguyện thì nó lui quân, quỳ xuống khuất phục và chạy mất tiêu, nhưng đừng có vội vui mừng, nó sẽ trở lại khi chúng ta ngủ say trong chiến thắng, lúc đó thì tệ hại hơn trước nhiều.

Đối tượng ăn trộm của kẻ trộm là người giàu có, càng giàu càng tốt; đối tượng cám dỗ của ma quỷ là con người, mà người Ki-tô hữu thì lại càng bị cám dỗ ác liệt hơn, cho nên phải tĩnh thức và kiên trì chống trả cơn cám dỗ, dù cho nó quỳ xuống đầu hàng thì cũng đừng tin.

Coi chừng trúng kế của nó đấy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đạo Hiếu Trong Văn Hóa Tin Mừng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
11:01 01/02/2022
Bài giảng Mùng Hai Tết Nhâm Dần 2022 tại nghĩa trang giáo xứ Thanh Bình)

Kính thưa cộng đoàn,

Theo lịch Phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, hôm nay ngày 2.2 Dương lịch, ngày lễ Kính biến cố Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, với bậc phụng vụ Lễ Kính; và cũng là ngày quốc tế ơn gọi thánh hiến. Tuy nhiên, theo lịch Âm, hôm nay lại là ngày Mùng Hai tết, một trong 3 ngày lễ hội lớn nhất của người Á Đông. Riêng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thì dành riêng ngày Mùng Hai Tết nầy để kính nhớ ông bà tiên tổ còn sống cũng như đã qua đời; hay có thể gọi nôm na, ngày “báo hiếu” của cháu con dành cho các bậc sinh thành.

Chắc chắn, vì cảm nhận được tầm mức quan trọng của nét văn hóa “Đạo Hiếu” trong việc sống và thể hiện niềm tin Công Giáo mà Hội Thánh Việt Nam sẵn sàng chọn cử hành phụng vụ lễ truyền thống kính nhớ ông bà thay cho lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh trong ngày 2.2 nầy.

Và việc nầy rõ ràng không do “cảm tính” hay mang não trạng “ăn theo văn hóa trọng chữ hiếu của Phương Đông”; mà dựa trên chính nền tảng của Lời Mạc Khải. Thật vậy, trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nghe rất rõ ràng lời giáo huấn của Kinh Thánh cả Cựu lẫn Tân ước về đạo hiếu, về việc kính nhớ ông bà tiên tổ và ăn ở sao cho phải đạo của phận con cháu.

Trước hết, Bài đọc 1, sách Huấn Ca nhấn mạnh chiều kích hiệp thông giữa thế hệ cha ông đã khuất và thế hệ con cháu tiếp nối đang hiện diện trên trần gian; chính nhờ cái giây hiệp thông mang tính “thừa thượng tiếp hạ” nầy mà những công trình vĩ đại, nhân đức rạng ngời của tiền nhân vẫn không bị biến mất và cháu con lại được thừa hưởng những hoa quả tốt lành: “Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên….Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ”.

Việc toàn thể cộng đoàn giáo xứ sáng nay cùng tập trung cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang, nơi được gọi là “quê hương của những người chết”, là một dấu chỉ, một chứng từ rõ nét của người Công Giáo chúng ta trong bổn phận và nghĩa cử hiếu đạo đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Và tôi biết chắc, không chỉ sáng hôm nay, mà rất nhiều ngày khác trong năm, đặc biệt suốt cả tháng 11, nơi đây không bao giờ như người nhạc sĩ ngoại đạo Trịnh Công Sơn tả oán: “Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!…”; mà là luôn vang lên những câu ca, lời nguyện; luôn rực rỡ những bông hoa tươi thắm, những ánh nến lung linh rực lên sự ấm cúng và đầy hy vọng…

Thế nhưng “Đạo hiếu” đích thực và hoàn hảo không chỉ dừng lại ở việc kính nhớ, hiệp thông với những người đã khuất mà phải được thể hiện và bắt đầu ngay nơi cuộc sống tại thế, nơi chính gia đình, như giáo huấn của chính Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, với thư gởi giáo đoàn Êphêsô: “Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”. Riêng với giáo huấn của Chúa Giêsu thì đạo hiếu, đặc biệt đối với cha mẹ, không là một lý thuyết chỉ có trong luật lệ, giấy tờ, kinh sách… mà còn phải thể hiện bằng những việc làm và cách ứng xử cụ thể: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa…”.

Trong những ngày đầu xuân này, ai trong chúng ta, có lẽ đều đã hơn một lần nghe câu đối tết:

Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ

Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên

(Năm có 4 mùa, mở đầu bằng mùa Xuân.

Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết);

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng trên thuận dưới hòa, trong ngoài ấm êm. Sở dĩ ngày hôm nay xã hội Việt Nam ta có quá nhiều gia đình tan vỡ, xảy ra thường xuyên những vụ trọng án trong gia đình: con giết cha, vợ sát hại chồng, cháu chắc hành hung ông bà… bởi vì người ta coi thường nguyên tắc “tiên học lễ, hậu học văn”, xem thường luân thường nghĩa hiếu trong gia đình mà chỉ chú trọng tới lợi nhuận, tiền tài, đất đai, quyền thế…

Và khi đề cập đến điều nầy, thì “Đạo hiếu” trong văn hóa Tin Mừng không chỉ dành riêng cho thế hệ con cháu và còn gắn liền với bổn phận của những bậc làm cha, làm mẹ; làm bậc trưởng thượng, huynh trưởng trong gia đình, như chính Thánh Phaolô nhắc bảo trong thứ Êphêsô mà chúng ta vừa nghe: “Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ khá làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa”. Về điều nầy thì chúng ta không quên những chia sẻ tâm huyết sau đây của vị Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, một người cháu trong một gia đình vọng tộc của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một gia đình mà truyền thống giáo dục về hiếu đạo có thể được xem là mẫu mực của Việt Nam vào cuối thời phong kiến. Đức F.X chia sẻ: "chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình Công Giáo. Không vị giám đốc tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Đức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: "Thưa thầy mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân thầy mẹ" (ĐHV 505). Riêng Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X lại có một giai thoại ý nghĩa về vai trò của người Mẹ. Người ta kể rằng, vào năm 1884, khi Ngài được tấn phong Giám Mục Mantova nước Ý và ngài lên đường trở về quê nghèo ở Riese dâng lễ tạ ơn. Khi vào nhà, gặp mẹ, ngài đã lấy chiếc nhẫn Giám Mục ra khoe: “Mẹ ơi, mẹ xem nhẫn Giám Mục của con có đẹp không nè”. Bà cố không vội đáp, những nở một nụ cười nhân hậu, rồi rút chiếc nhẫn đeo ở tay ra đáp lại: “Đẹp ! Đẹp lắm con ạ ! Nhưng nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí này của mẹ, thì làm sao con có chiếc nhẫn Giám Mục đẹp đó?”...

Vâng, chiếc nhẫn cưới của Bà Cố khoe với con đó chính là biểu trưng của trách nhiệm gia đình, của bổn phận thiêng thánh nơi bậc cha mẹ; và điều nầy chắc chắn không thể không liên quan đến giáo lý Đạo Hiếu của Tin Mừng.

Kính thưa cộng đoàn, ngày lễ báo hiếu của giáo xứ chúng ta năm nay trùng với ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi thánh hiến, ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Đây là sự trùng hợp tuyệt vời để nói lên vai trò của những người cha, người mẹ, của gia đình, trong việc đào tạo những mầm non ơn gọi tu trì cho Hội Thánh. Tạ ơn Chúa, Giáo xứ Thanh Bình của chúng ta có được rất nhiều gia đình có cha mẹ quan tâm trong việc giáo dục ơn gọi và sẵn sàng dâng con cho Chúa. Ước gì, trong dịp giáo xứ mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, số ơn gọi linh mục và tu sĩ trong giáo xứ sẽ tăng triển nhiều hơn nữa.

Sau hết, nếu có lời cầu nguyện nào đẹp nhất để hôm nay chúng ta dâng lên Chúa, thì đó chính là những lời mà Hội Thánh đã đọc lên trong lời Tổng nguyện mở đầu Thánh lễ: Lạy Chúa rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Thánh Lễ Mồng Hai Tết Nguyên Đán 1/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
17:27 01/02/2022


BÀI ĐỌC 1 Hc 44:1,10-15

Bài trích sách Huấn ca.

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.

Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.

Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.

Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Ep 6:1-4,18-23

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.

Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 14:23

Alleluia. Alleluia.

Hạnh phúc thay người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. Alleluia.

TIN MỪNG Mt 15:1-6

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”

Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?

Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.

Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’.

Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ơn nghĩa sinh thành của tổ tiên, ông bà cha mẹ chúng ta phải đáp đền, đó là điều Thiên Chúa phán dạy. Với tấm lòng thảo kính biết ơn các ngài và quyết tâm vâng lời Chúa dạy chúng ta tha thiết nguyện xin.

1. Hội Thánh là Mẹ thiêng liêng của các tín hữu. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh được tràn đầy ân sủng, sự khôn ngoan, thánh thiện, nhất là sống hiệp nhất yêu thương để xứng đáng là Hiền Thê vẹn toàn của Chúa Kitô. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại. Vinh quang các ngài sẽ chẳng sẽ chẳng phải mờ. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm cho các bậc tiền nhân, và xin cho các ngài được chung hưởng mùa xuân vĩnh cửu tràn đầy bình an và hạnh phúc bên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. Công đức sinh thành của cha mẹ được ví tựa núi Thái Sơn. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban muôn ơn lành hồn xác cho ông bà cha mẹ chúng ta, để các ngài tiếp tục chu toàn thiên chức làm cha, làm mẹ trong việc hướng dẫn và nuôi dạy con cái, đặc biệt trong thời gia khó khăn của đại dịch Covid-19 này. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. Chúa phán: Ngươi hãy thảo kính cha mẹ. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các bạn trẻ trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết noi gương lành của ông bà cha mẹ: can đảm sống đức tin, nhiệt thành sống đức ái và luôn vững lòng trông cậy vào tình thương của Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, suốt cuộc đời ẩn dật tại Nazaret, Chúa hằng vâng phục và sống tình con thảo đối với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, hết lòng thờ phượng Chúa và sống hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con được hưởng hạnh phúc Nước Trời Chúa hứa ban. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 
Bắt Được
Lm Vũđình Tường
22:53 01/02/2022
Có sự khác biệt giữa ba chữ: bắt được, được bắt và bị bắt. Phép lạ hôm nay cho biết người ngư phủ bắt được nhiều cá. Người ngư phủ đóng vai chủ động. Cá bị bắt. Cá đóng vai thụ động, nạn nhân. Cá được bắt bởi nó không thuộc loại cá cấm bắt. Hơn nữa nó lớn đủ kích thước cho bắt. Hiện nay một số quốc gia cấm bắt tôm cá nhỏ, thiếu kích thước, nhằm mục đích bảo vệ nguồn tôm cá cho những năm kế tiếp.

Sau khi Đức Kitô rao giảng, Ngài nói với Phêrô hãy thả lưới ra chỗ nước sâu. 'Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá' Lc 5:4

Phêrô thú nhận với Đức Kitô là ông đã vất vả chài lưới suốt đêm mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay, tuy nhiên

'Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới' Lc 5:6.

Nghe theo lời Đức Kitô, Phêrô bắt được mẻ cá lớn, có lẽ đời ông chưa bao giờ bắt được nhiều cá lớn đến thế. Khi chúng ta nghe tin phép lạ xảy ra đâu đó, kẻ xa, người gần đến tận nơi xảy ra phép lạ xin ơn chữa lành cho chính mình, và ơn chữa lành cho thân nhân, thân hữu. Phêrô không chung quan điểm đó. Ông nhìn sự việc với con mắt tâm linh. Ông nghe Đức Kitô giảng, ông kính mến, quí trọng Đức Kitô, nhưng không biết Ngài là Đấng Cực Thánh mãi cho đến khi bắt được mẻ cá lớn. Phép lạ lưới cá mở mắt ông. Phêrô vội quì dưới chân Đức Kitô nài van,

'Lậy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi'. Lc 5:9.

Phêrô lo lắng, sợ hãi đứng bên Đức Kitô bởi ông thấy mình không xứng đáng đứng gần Đấng Chí Thánh. Học từ Phêrô, Kitô hữu cũng phủ phục trước Mình Máu Thánh Chúa khi linh mục lập lại lời Đức Kitô truyền phép Thánh Thể.

'Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá' Lc 5:4

Câu nói vắn, gọn trên hàm chứa nhiều í tưởng quan trọng, đặc biệt là hai chữ 'nước sâu và chữ bắt'. Cá nhỏ thường sống nơi nông cạn, bắt mồi nơi nông cạn, nhà của chúng ở chỗ nước nông bởi nơi đó có nhiều rong rêu, tốt cho việc lẩn trốn, nghỉ và cũng là nơi tôm tép ẩn nấp để cá tìm mồi. Chúng tránh đi vào chỗ nước sâu bởi sợ làm mồi ngon cho cá lớn. Cá lớn lẩn trốn nơi nước sâu. Nhà của chúng ở nơi nước sâu. Một con cá lớn giá trị gấp nhiều con cá nhỏ. Nước sâu cũng là nơi chứa bí ẩn. Người có óc thám hiểm thích khám phá. Bên dưới nước sâu rất có thể có kho báu, vật quí, bởi không biết nơi đó có gì. Hơn nữa đi ra chỗ nước sâu đòi hỏi người ngư phủ có nhiều kinh nghiệm và tự tin. Kinh nghiệm đi chỗ nước sâu và tin tưởng vào khả năng mình có thể giải quyết bắt trắc bất ngờ xảy ra. Trong trường hợp này, Phêrô tin tưởng Đức Kitô không sai ông đi vào nơi có thể gây nguy hiểm cho ông. Lòng tin đó ông được phần thưởng lớn, bắt mẻ cá lớn không lồ. Ngoài mẻ cá ra, ông còn nhận được phần thưởng lớn về phương diện tâm linh. Chỗ 'nước sâu' là nơi tối tăm trong tâm hồn cần ánh sáng Đức Kitô chiếu dọi. 'Nước sâu' với Phêrô là nhận thức mình là kẻ tội lỗi. Góc tối tâm hồn đó được ánh sáng Đức Kitô chiếu sánh. Ông biết ông là kẻ có tội như bao người khác, nhưng chưa bao giờ ông cảm nghiệm tội nguy hiểm, tàn ác, đen tối đến thế. Ngộ ra điều đó, ông vội quì xuống dưới chân Đức Kitô xin lánh xa ông vì ông là kẻ tội lỗi. Đây chính là í nghĩa quan trọng của chữ 'nước sâu' về phương diện tâm linh.

Chữ 'bắt' ở đây cũng mang một í nghĩa đặc biệt. Đây là lối chơi chữ rất tài tình. Thứ nhất, Phêrô bắt được mẻ cá lớn. Ông kinh ngạc vì bắt được mẻ cá lớn. Điều kinh ngạc này thay đổi cuộc đời ông. Phêrô 'bắt' được mẻ cá; Đức Kitô 'bắt' được Phêrô. Đức kitô 'bắt' con tim Phêrô khi Ngài nói với ông,

'Từ nay anh sẽ trở thành kẻ chài lưới người ta' Lc 5,11

Câu này thay đổi í nghĩa động từ 'bắt'. Trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thay vì 'bắt' cá, Phêrô đã 'bắt' vô số linh hồn vô danh. Gọi là vô danh bởi không biết tên những người nghe Phêrô rao giảng trở thành Kitô hữu. Về phương diện cá nhân, chữ 'bắt' mang một í nghĩa đặc biệt cho cuộc đời Phêrô. Ông bước chân vào cuộc đời mới, cuộc sống rao giảng bắt đầu bằng chữ 'bắt'. Ông từ giã thế gian, trở về cùng Đức Kitô, kết thúc cuộc đời cũng bằng chữ 'bắt'. Trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Kitô từ giã môn đệ, Ngài ví von cuộc ra đi của Phêrô như sau.

'Thầy bảo cho anh biết, lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ í. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy có í ám chỉ ông sẽ phải chết cánh nào để tôn vinh Thiên Chúa. Gn 20,18b-19.

Điểm cuối, cá dính lưới là cá còn sống, mạnh khoẻ nhưng cá đó sẽ bị giết chết làm thực phẩm cho con người. Phêrô 'bắt' người thân xác sống mạnh, nhưng tâm linh họ chết. Ho chết phần tâm linh, phần linh hồn. Phêrô đưa người đó đến với Đức Kitô và Đức Kitô ban cho họ sự sống tâm linh và sự sống đời đời. Theo nghĩa đó Phêrô 'bắt' người chết để Đức Kitô biến họ thành Kitô hữu sống động. Một khi Thiên Chúa 'bắt' ta, Ngài ban cho ta sự sống, trở thành Kitô hữu, môn đệ Đức Kitô. Một khi con người 'bắt' Kitô hữu, Kitô hữu đó bị họ lấy mất mạng sống. Đây là cách trao đổi huyền diệu. Người ta lấy mất sự sống Kitô hữu, họ đâu biết việc làm tàn ác đó lại làm cho Danh Chúa sáng hơn. Điều này ngoài tầm tay con người. Chúng ta xin ơn, dù ta sống hay chết, Kitô hữu luôn sống và chết cho Đức Kitô. Xin ơn nhận ra tội làm ta xa Chúa.

TiengChuong.org

Catch - Not Caught

After Jesus had finished talking, He told Peter to cast out his net. 'Put out into deep water and pay out your nets for a catch' 5:4. Peter confessed that he had worked hard all night and caught nothing, 'but if you say so I will pay out the nets' 5: 6. Following Jesus' instruction, Peter had the huge catch. It was probably the biggest catch that he had never had in his entire profession. Whenever people hear broadcasting about news of miracles that had happened elsewhere, people from near and far would come to that place, praying for healing of their own or for the healing of their loved ones. Peter, the fisherman, had no such desire. He had a different outlook. Listening to Jesus, he loved and respect the man, but didn't realize that Jesus was the Holy One of God. After the huge catch, Peter felt at Jesus' knees saying, 'Leave me, Lord: I am a sinful man'. Lk 5,9. Peter felt nervous, unworthy, and overwhelmed with fear to stand by the Holy One. Learning from Peter, at the consecration of bread and wine, we kneel to show our utmost respect for the Eucharist.

'Put the nets in deep water and have a huge catch'. The words: 'deep water and catch' need to pay due attention. They probably have different meanings. Small fish stay and have their prey in shallow water. Small fish stay away from deep water for survival, to avoid being the victim of big fish. Deep water is home to of big fish. A single big fish has more value and is worth much more than many little ones. Deep water is also an unknown territory. It is a place which is worth to exploring because of the unknown factor. Going into deep water requires experience and trust- trust of your own ability to handle a danger situation. In this case, Peter had faith in Jesus; he believed Jesus would not ask him to go to a place that could cause him harm. He was rewarded, a huge catch, for his faith and trust in Jesus. In spirituality, 'deep water' means the unknown corners of our soul that needs the light of Christ.

The word 'catch' is an interesting one; there is a play on word in this context. First, Peter's nets had 'catch' - a huge number of fish. This amazement 'catch' changed Peter's profession for life. Peter's 'catch' was the fish; Jesus' 'catch' was Peter. Jesus' 'catch' was Peter's heart when Jesus said to Peter, 'From now on it is men you will catch 5:11. In this context, the word 'catch' again changes its meaning. Peter's new 'catch' was the countless anonymous souls in his 'new profession', his mission. There is another significant point that needs to draw attention to, because the word 'catch' applied personally to Peter. It happened at the beginning of his mission and also at the ending of his earthly life. Before returning to the Father, Jesus told Peter '.... when you grow old you will stretch out your hands, and somebody else will put a belt round you and take you where you would rather not go. In these words He indicated the kind of death by which Peter would give glory to God'. Jn 21,18b-19

Being God's 'catch' means to have life. Being man's 'catch' means death. In the case of Peter, being man's 'catch' allowed God's glory shine to mankind.

There is a huge different between 'catching fish' and 'catching men'. A 'catch' of fish is alive, and then fish will be killed for food. A 'catch' of men is spiritual dead, but Jesus gives them life and everlasting life. When believers are man's 'catch' because of the followers of Jesus; it means to give glory to God.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sự thật và việc chữa lành trong Giáo Hội sau lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
00:22 01/02/2022

Quan tâm trước sự kiện Giáo hội và các định chế phụ thuộc đã làm rất nhiều trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, nhưng vẫn bị tri nhận là không thoả đáng, Giáo sư Daniel Philpott của Đại học Notre Dame đề nghị việc thiết lập ra các Ủy Ban Sự thật theo mẫu của 40 quốc gia hiện đang thành công với mô hình này. Sau đây là ý kiến của Giáo sư Philpott (https://christianscholars.com/truth-and-healing-in-the-church-after-sex-abuse/)



Sau hai thập niên mạnh mẽ tiết lộ, các vết thương do nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ vẫn chưa được chữa lành. Một cách hết sức dai dẳng, hàng nghìn nạn nhân bị lạm dụng vẫn bị tổn thương về mặt tinh thần, tâm lý, tình cảm và liên hệ. Các hiệu quả dây chuyền đã làm tổn thương gia đình và cộng đồng của họ theo cấp số nhân và làm suy yếu lòng tin giữa các thành viên của Giáo hội một cách rộng rãi hơn. Một số lớn đã không còn hiệp thông với Giáo hội. Các Giáo Hội Kitô giáo khác cũng đã chứng kiến nhiều vụ tiết lộ lạm dụng và đang vật lộn với những đáp ứng của họ.

Mức độ vết thương do lạm dụng và các đáp ứng khả hữu chữa lành từ phía Giáo Hội Công Giáo là chủ đề của một cuộc tham vấn được tổ chức tại Đại học Notre Dame vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, có tiêu đề, “Sự thật sẽ khiến bạn tự do: Các Diễn trình Sự thật và Hòa giải Quốc gia đưa ra các Hứa hẹn nào cho đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với cuộc Khủng hoảng Lạm dụng Tình dục?” Cuộc tham vấn do Tiến sĩ Katharina Westerhorstmann thuộc Khoa Thần học tại Đại học Franciscan và Daniel Philpott, một giáo sư chính trị học tại Đại học Notre Dame, triệu tập. Nó được giúp đỡ bởi một khoản tài trợ từ Chương trình Tài trợ Các cuộc Nghiên cứu Khủng hoảng Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội do Văn phòng Chủ tịch của Notre Dame cung cấp. Biến cố này đã quy tụ 23 học giả, linh mục, luật sư, người ủng hộ nạn nhân và nhà trị liệu cho một ngày thảo luận cao độ. Sáu trong số những người tham gia là nạn nhân của lạm dụng tình dục; một người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong sự nghiệp và thừa tác vụ của mình. Cuộc đàm luận này được chuyển tải trong phần báo cáo của tường trình viên tại Church Sex Abuse Project | Daniel Philpott.

Sự kiện vết thương vẫn tồn tại trên quy mô lớn không thể bỏ qua việc các giám mục và các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác đã phản ứng lại việc lạm dụng theo nhiều cách quan trọng và hữu hiệu (cũng như các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô giáo khác). Các tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ vị thành niên được thiết lập trong Hiến chương Dallas năm 2002 đã làm Giáo Hội Công Giáo trở thành một trong những nơi an toàn nhất cho thanh thiếu niên trong xã hội Mỹ. Các chính sách mà Vatican đưa ra trong văn kiện năm 2019, Vos Estis Lux Mundi, thiết lập trách nhiệm giải trình cho các giám mục, cấp thẩm quyền cao nhất của Giáo hội. Các giám mục và linh mục đã công bố lời xin lỗi và tiến hành các thánh lễ đền tạ và chữa lành, trong khi các giáo phận đã trả hàng triệu đô la tiền bồi thường. Trong những năm gần đây, 158 giáo phận và 24 tỉnh dòng ở Hoa Kỳ đã công bố danh sách các linh mục và tu sĩ bị buộc tội. Nhiều giám mục, linh mục và các tu sĩ khác đã mở rộng sự tương cảm và hỗ trợ cho những người sống sót.

Tuy nhiên, các thành viên của cuộc tham vấn nhất trí rằng các vết thương vẫn còn lan rộng. Mặc dù sự khái quát không bao giờ nên thay thế câu chuyện bị thương và đáp ứng của từng người sống sót, nhưng các khuôn mẫu chung vẫn xuất hiện. Than vãn chung của những người sống sót là họ không bao giờ nhận được sự thừa nhận chân thành và hỗ trợ mục vụ từ Giáo hội. Cả những người được bồi thường hoặc đã thấy trách nhiệm giải trình cho những kẻ lạm dụng họ cũng thường báo cáo rằng họ ít nhận được sự tương cảm hoặc hỗ trợ cho việc chữa lành thực sự vết thương mà họ phải chịu dưới bàn tay của các giáo sĩ. Nhiều người báo cáo rằng thất bại này làm hại họ nhiều hơn là chính sự lạm dụng. Nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội.

Các vết thương khác, có liên quan cũng vẫn tồn tại. Các tiêu đề liên tục với những tiết lộ mới góp phần tạo ấn tượng rằng nhiều việc lạm dụng vẫn còn bị che giấu. Vẫn còn những linh mục và giám mục đã vi phạm hoặc đồng lõa với việc lạm dụng mà không phải chịu trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, những nạn nhân lạm dụng tình dục là người lớn trong bối cảnh các chủng viện, dòng tu, giáo xứ và các thừa tác vụ khác ngày càng bày tỏ nhu cầu được chữa lành các vết thương mà phần lớn chưa được giải quyết. Nhìn chung, Giáo hội đã mất con số thành viên, tính khả tín và khả năng thực hiện việc truyền bá phúc âm hữu hiệu của mình. Tri nhận khá phổ biến là đáp ứng của Giáo hội đối với hành vi lạm dụng là phản ứng mang tính chống đỡ, chắp vá và vụ luật hẹp hòi.

Điều cần thiết là một phản ứng mang tính chủ động, tổng thể và phục hồi. Có thể cho rằng, một phản ứng như vậy bắt đầu bằng việc nói đầy đủ sự thật về sự lạm dụng của giáo sĩ. Thực hiện trường hợp này không kém việc Thủ tướng Đức, Angela Merkel, người đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021 rằng để Giáo hội giữ được tiếng nói đáng tin cậy trong các vấn đề công lý, sự thật về việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục “phải được đưa ra ánh sáng”. Vào tháng 9 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra quan điểm còn đầy đủ hơn:

“Khi nói chuyện với các vị lãnh đạo của các Hội đồng Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, tụ họp tại Rome vào tháng 2 năm 2019, tôi đã khuyến khích để các ngài bảo đảm [rằng] phúc lợi của các nạn nhân không bị gạt sang một bên vì mối quan tâm sai lầm về danh tiếng của Giáo hội định chế. Thay vào đó, chỉ bằng cách đối diện với sự thật của những hủ tục xấu xa này và khiêm tốn tìm kiếm sự tha thứ từ các nạn nhân và những người sống sót, Giáo hội mới có thể tìm được đường đến chỗ có thể được tin cậy một lần nữa như một nơi chào đón và an toàn cho những người cần sự giúp đỡ. Việc chúng ta bày tỏ nỗi đau buồn phải được hoán cải thành các nẻo đường cải cách cụ thể để vừa ngăn chặn việc lạm dụng thêm nữa vừa tạo niềm tin cho những người khác rằng những nỗ lực của chúng ta sẽ mang lại sự thay đổi thực sự và đáng tin cậy. Tôi khuyến khích anh em lắng nghe tiếng kêu than của các nạn nhân”.

Nếu Thủ tướng Merkel và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đúng khi coi trọng sự thật, thì điều này có thể được thực hiện ra sao?

Hướng dẫn có thể được tìm thấy trong kinh nghiệm của hàng chục quốc gia trong thế hệ trước đây, từng đối diện với quá khứ bạo lực và bất công khi đang chuyển mình bước sang một giải pháp hòa bình hoặc một nền dân chủ sơ khai. Cuộc tham vấn đã xem xét các kinh nghiệm này và đặt câu hỏi có thể rút ra được những bài học nào. Một trong những câu trả lời phổ biến nhất của họ ở cấp quốc gia là một ủy ban sự thật, hơn 40 trong số đó đã được thiết lập khắp trên thế giới. Nổi tiếng nhất chắc chắn là Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Nam Phi năm 1996-1998, trong khi mô hình gần đây hơn là Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Gia Nã Đại từ năm 2007 đến năm 2015, đã giải quyết lịch sử lạm dụng của Gia Nã Đại trong các Trường Nội trú Bản địa. Những nơi nào các quy trình nói sự thật trên toàn quốc diễn ra mạnh mẽ và cứng cáp, chúng đều được ca ngợi vì tác dụng phục hồi của chúng, đặc biệt là bởi các nạn nhân và các tổ chức nạn nhân.

Luận lý học thúc đẩy các ủy ban sự thật là: việc giải trình đầy đủ sự thật về sự bất công có hệ thống trong quá khứ có thể cho phép một quốc gia xây dựng một tương lai ổn định và công bằng. Ba hoa trái cụ thể hơn của các ủy ban sự thật rất hứa hẹn đối với Giáo Hội Công Giáo, như chúng đã rất hứa hẹn đối với các quốc gia áp dụng. Thứ nhất, việc tiết lộ đầy đủ sự thật, thường dưới hình thức một báo cáo toàn diện, công khai lên án những bất công trong quá khứ, có thể tiếp tục được hưởng tính hợp pháp, tạo ra niềm tin rằng các tội ác không bị che đậy, và qua các thành tựu này, tạo ra sự đáng tin cậy cho một chế độ chính trị - hoặc một Giáo Hội. Thứ hai, các ủy ban sự thật cứng cáp nhất thành công trong việc tiết lộ không chỉ “sự thật pháp y”, nghĩa là sự thật đầy đủ về những bất công, mà còn là “sự thật chữa lành”, tức sự thật góp phần vào việc phục hồi các nạn nhân. Tại các quốc gia như Nam Phi, Rwanda, Guatemala và Gia Nã Đại, các nạn nhân đã kể những câu chuyện của họ trước sự chứng kiến của những người nghe có thiện cảm, bao gồm những người thân yêu, thành viên cộng đồng, viên chức chính phủ và đôi khi thậm chí cả thủ phạm hoặc người đại diện của họ. Thứ ba, tiết lộ sự thật có thể có “tác động nhân bội” trong việc tạo ra các thực hành phục hồi hơn nữa, bao gồm sự ăn năn, đền tạ, trách nhiệm giải trình, xây dựng đài tưởng niệm, tha thứ và hòa giải. Sự thật không chỉ tự nó vô giá mà còn cần thiết cho các bước bổ sung.

Có lẽ lời chỉ trích lớn nhất đối với các ủy ban sự thật là họ nêu lên những kỳ vọng về sự chữa lành và phục hồi mà họ không thể chu toàn được. Cách tốt nhất để giảm bớt cạm bẫy này là tránh coi chúng như một nỗ lực “duy nhất và đã được làm”. Một ủy ban sự thật có thể được bổ sung bởi các diễn đàn địa phương chẳng hạn như các nhóm chữa lành phục hồi công lý đã diễn ra ở các Tổng giáo phận Minneapolis và Milwaukee. Ở Chicago, một khu vườn chữa lành được dùng như một đài tưởng niệm các nạn nhân bị lạm dụng và như một lời mời gọi thực hành các hoạt động tưởng nhớ chẳng hạn như các thánh lễ dành cho việc chữa lành những người sống sót. Một khu vườn chữa lành quốc gia, được mô phỏng theo mô hình này, có thể phục vụ cho việc nuôi dưỡng và duy trì một động lực chữa lành. Cả các nhóm chữa lành và các khu vườn chữa lành đã được thảo luận tại cuộc họp tham vấn.

Nói sự thật, cùng với các thực hành khác nhằm mục đích đem việc chữa lành các vết thương đa dạng do lạm dụng, thể hiện luận lý học phục hồi tại trung tâm Giáo hội Kitô giáo: sự hòa giải thế giới của Thiên Chúa với chính Người qua thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đối với người Công Giáo, sự hòa giải này được làm sẵn cho con người qua Bí tích Thánh Thể. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu khôi phục mối liên hệ đúng đắn qua tình liên đới với nạn nhân, kêu gọi thủ phạm ăn năn, thực hành và làm khả hữu ơn tha thứ, đồng thời mang lại sự chữa lành về mặt thiêng liêng và xúc cảm. Khi chủ động thực hành hòa giải, Giáo hội sẽ hiển thị Chúa Kitô và đưa ra một hình mẫu cho các giáo hội, các cộng đồng tu trì và định chế xã hội dân sự khác, những định chế đang ngày càng rõ ràng hơn, đối diện với lịch sử rắc rối của chính họ về việc lạm dụng tình dục.

Đã đến lúc thích hợp để khám phá việc thành lập một ủy ban sự thật cho Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Một số người tham gia cuộc tham vấn bày tỏ sự quan tâm đến việc theo đuổi ý tưởng này hơn nữa. Có thể có sự tham gia hoặc hợp tác với các Giáo Hội Kitô giáo khác không?

Một ủy ban sự thật là một ý tưởng lớn. Để nó diễn ra, nhiều câu hỏi sẽ phải được trả lời. Ai sẽ triệu tập ủy ban? Tài chính cho nó? Lời khai sẽ được bảo mật hay công khai? Những vấn đề pháp lý nào sẽ phải được giải quyết? Tất nhiên, có nhiều khía cạnh trong đó Giáo hội không phải là một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy nếu được thực hiện, sự dũng cảm và niềm tin cần thiết để thực hiện nó chắc chắn cũng sẽ tìm ra giải đáp cho nhiều câu hỏi này. Thậm chí còn hơn thế nữa, Giáo Hội Công Giáo - và các giáo hội khác - sẽ được tăng sức trong thông điệp và sứ mệnh của mình.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng tổng thống Ý tái đắc cử
Đặng Tự Do
16:10 01/02/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chúc mừng tổng thống Sergio Mattarella được tái đắc cử tổng thống Ý vào cuối tuần qua.

Trong một điện tín cá nhân gửi tới Cung điện Quirinal vào tối ngày 29 tháng Giêng, Đức Thánh Cha viết rằng tổng thống Mattarella đã chấp nhận nhiệm vụ cao cả của mình “với một tinh thần sẵn sàng quảng đại”.

“Trong những thời điểm được đặc trưng bởi đại dịch, trong đó nhiều khó khăn và bất ổn đã lan rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực công việc, và nỗi sợ hãi gia tăng cùng với nghèo đói… sự phục vụ của bạn càng cần thiết hơn để củng cố sự thống nhất và mang lại hòa bình cho đất nước,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Tôi bảo đảm với bạn về những lời cầu nguyện của tôi rằng bạn có thể tiếp tục hỗ trợ những người dân Ý thân yêu trong việc xây dựng một nền chung sống huynh đệ hơn bao giờ hết và khuyến khích họ đối mặt với tương lai với hy vọng.”

Tổng thống Mattarella, 80 tuổi, được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 7 năm, sau khi ông bày tỏ mong muốn rời nhiệm sở.

Tổng thống Mattarella nói trong một bài phát biểu sau cuộc bầu cử vào ngày 29 tháng Giêng: “Nghĩa vụ đối với quốc gia phải chiếm ưu thế hơn các lựa chọn cá nhân của tôi”.

Tổng thống Ý được bầu bảy năm một lần bởi một nhóm khoảng 1,000 đại cử tri bao gồm cả các thành viên của quốc hội và các đại biểu khu vực.

Không có danh sách chính thức của các ứng cử viên và bất kỳ tên nào đều có thể được đưa ra trong suốt quá trình kéo dài nhiều ngày. Sau ba vòng bỏ phiếu đầu tiên, một ứng cử viên chỉ cần đa số đơn giản để giành chiến thắng.

Bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này bắt đầu vào ngày 24 tháng Giêng và kéo dài trong tám vòng bỏ phiếu.

Vào ngày 29 tháng Giêng, Mattarella đã nhận được đa số phiếu sau khi Thủ tướng Mario Draghi kêu gọi ông xem xét lại quyết định rời nhiệm sở sau nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Tổng thống ở Ý có vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ với tư cách là nguyên thủ quốc gia, mặc dù tổng thống có khả năng bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng nội các, giải tán quốc hội và ban hành các sắc lệnh tạm thời của chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Mattarella từng là thẩm phán tòa án hiến pháp trước khi được bầu làm tổng thống Ý vào năm 2015.

Sinh ra ở Palermo, Mattarella là một thành viên tích cực của Công Giáo Tiến hành trong những năm còn trẻ và bắt đầu sự nghiệp đầy hứa hẹn với tư cách là một giáo sư luật.

Anh trai của Mattarella, Piersanti, từng là thống đốc Sicily và bị mafia ám sát lúc đang tại chức vào năm 1980.

Sau cái chết của anh trai, Mattarella tham gia chính trị trong hàng ngũ đảng Dân chủ Kitô giáo.

Đảng Dân chủ Kitô giáo được thành lập vào năm 1943, và kế thừa di sản của Đảng Nhân dân Ý, do Linh mục Luigi Sturzo thành lập - đảng này đưa ra quan điểm Công Giáo và thu hút những người được đào tạo trong các hiệp hội Công Giáo.

Đảng kết thúc vào năm 1994 với vụ bê bối Tangentopoli, một cuộc điều tra toàn quốc về tham nhũng chính trị.

Tại Palermo, Sergio Mattarella đã thiết lập quan hệ và tình bạn với Hồng Y Salvatore Pappalardo, người được coi là biểu tượng của phong trào chống mafia.

Trong những năm là thành viên quốc hội, Mattarella từng là bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng giáo dục và bộ trưởng quan hệ với quốc hội. Ông thường xuyên tiếp xúc với cố Hồng Y Achille Silvestrini, người có nhiều mối liên hệ giữa Tòa thánh và các chính trị gia Công Giáo Ý.

Sau khi Đảng Dân chủ Kitô giáo sụp đổ, các chính trị gia Công Giáo đã phân tán trong một số đảng phái chính trị.

Mattarella vẫn ở cánh trung-tả và giữ chức vụ phó thủ tướng từ năm 1998 đến 1999 với tư cách là phó thủ tướng cho chính quyền Ý đầu tiên do một cựu thành viên đảng cộng sản, Thủ tướng Massimo D'Alema điều hành. Mattarella được bầu làm thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp của Ý vào năm 2011.

Ông Mattarella đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 3 tháng 2.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Anh giáo bị bắn chết ở Pakistan sau khi cử hành thánh lễ và đang trên đường từ nhà thờ về nhà
Đặng Tự Do
16:11 01/02/2022


Một mục sư Anh giáo đã bị bắn chết sau khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật ở tây bắc Pakistan.

Hai tay súng đi xe máy đã phục kích một chiếc ô tô trong đó có ba giáo sĩ Kitô giáo đang lái xe về nhà sau buổi lễ vào ngày Chúa Nhật 30 tháng Giêng tại thành phố Peshawar của Pakistan, chỉ cách biên giới Afghanistan 34 km.

Linh mục William Siraj chết ngay lập tức vì nhiều vết thương do đạn bắn. Ông đã 75 tuổi.

Một linh mục khác, Cha Naeem Patrick, bị một vết thương do đạn bắn và được điều trị tại bệnh viện Peshawar.

Cảnh sát vẫn đang truy lùng hai tay súng chưa rõ danh tính đã bỏ trốn khỏi hiện trường và chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Một buổi lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Anh giáo Các Thánh ở Peshawar vào ngày 31 tháng Giêng.

Đây cũng chính là nhà thờ từng là mục tiêu trong một vụ tấn công khủng bố năm 2013 của hai kẻ đánh bom liều chết khiến 85 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Benny Mario Travas của Karachi bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Kitô giáo ở Peshawar sau vụ ám sát.

Đức Cha kêu gọi các nhà chức trách “thực hiện các biện pháp ngay lập tức và nghiêm túc, bắt giữ những kẻ giết người và hoạt động vì hòa bình và an ninh cho tất cả các dân tộc thiểu số.”

Đức Tổng Giám Mục Travas cho biết: “Tất cả các tín hữu Kitô đều hợp nhất với Giáo hội Anh giáo của Pakistan vào thời điểm này”.

Ngài nói: “Cuộc phục kích này làm suy yếu hòa bình và hòa hợp tôn giáo trên khắp đất nước”.

Đức Cha Azad Marshall, nhà lãnh đạo Giáo hội Anh Giáo Pakistan, đã lên án vụ tấn công.

Đức Cha Marshall viết trên Twitter hôm 30/1: “Chúng tôi yêu cầu công lý và sự bảo vệ của những người theo đạo Kitô từ Chính phủ Pakistan”.

Giáo hội Pakistan là một phần của Hiệp thông Anh giáo.

Đức Tổng Giám Mục Anh giáo của Canterbury Justin Welby cho biết ngài đã cùng với Marshall “lên án hành động ghê tởm này”.

“Tôi cầu nguyện cho công lý và sự an toàn cho cộng đồng Kitô giáo ở Pakistan”.

Theo Pew, các tín hữu Kitô là một thiểu số nhỏ ở Pakistan - chỉ chiếm 1.6% dân số.

Nhưng với dân số Pakistan là 220.9 triệu người, điều này có nghĩa là cả nước có khoảng 3.5 triệu Kitô hữu.

Open Doors bao gồm Pakistan trong số mười quốc gia tồi tệ nhất trong Danh sách Theo dõi Thế giới về việc đàn áp Kitô hữu.

Theo nhóm này, các Kitô Hữu ở Pakistan không chỉ đối mặt với bạo lực mà còn phải chịu sự phân biệt đối xử ở cấp nhà nước thông qua các luật báng bổ.

Nước láng giềng Afghanistan được xếp hạng là quốc gia nguy hiểm nhất đối với Kitô Hữu trên thế giới sau khi Taliban tiếp quản chính quyền.

Cha Mushtaq Anjum, một linh mục Công Giáo Pakistan, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng các tín hữu Kitô ở đất nước ngài đang bị đe dọa nghiêm trọng với sự cai trị của Taliban xuyên biên giới.

“Mối đe dọa chống lại các Kitô Hữu đã tăng lên, kể từ khi chính phủ của chúng tôi ủng hộ chiến thắng của Taliban ở Afghanistan.”
Source:Catholic News Agency
 
Cảnh sát Công Giáo được bồi thường 75 nghìn đô la sau khi bị đình chỉ vì cầu nguyện tại cơ sở phá thai
Đặng Tự Do
16:12 01/02/2022


Theo tổ hợp luật sư Thomas More Society, cảnh sát viên Matthew Schrenger đã nghỉ việc khi anh ấy dừng lại để cầu nguyện với cha mình trên vỉa hè công cộng bên ngoài Trung tâm phẫu thuật dành cho phụ nữ EMW gần một năm trước, vào ngày 20 tháng 2.

Trước khi cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai mở cửa, Schrenger đã đến đó vào sáng sớm, như một phần của 40 Ngày cho Cuộc sống, một chiến dịch cấp quốc tế cho việc chấm dứt phá thai thông qua cầu nguyện và ăn chay.

Matt Heffron, cố vấn cấp cao của Thomas More Society, cho biết Schrenger là một cảnh sát trong 13 năm qua, đang đọc Kinh Mân Côi.

Một thông cáo báo chí ngày 27 tháng Giêng của tổ hợp luật sư Thomas More Society cho biết vì hành động này, Schrenger đã bị treo giò hơn bốn tháng, bị tước quyền cảnh sát và bị điều tra.

Theo một lá thư mà đài truyền hình WDRB News có được vào tháng 6 năm ngoái, Sở Cảnh sát Metro Louisville bày tỏ lo ngại rằng Schrenger đã mặc đồng phục đầy đủ khi tham gia “hoạt động biểu tình”, nhưng thừa nhận rằng anh ta đã cố gắng che đậy bằng áo khoác.

Video giám sát do WDRB thu được cho thấy Schrenger cầu nguyện và đi bộ bên ngoài cơ sở phá thai trong khoảng 45 phút và mang theo biển báo “cầu nguyện để chấm dứt phá thai”.

Luật sư của Schrenger, Heffron, gọi các hành động của thành phố chống lại cựu nhân viên cảnh sát 13 năm là “một sự vi phạm nghiêm trọng và không thể bào chữa đối với các quyền hiến định của một viên chức trung thành.”

“Hình thức kỷ luật không công bằng đã tiết lộ sự phân biệt đối xử dựa trên nội dung không thể phủ nhận đối với quan điểm ủng hộ cuộc sống cá nhân của Schrenger và vi phạm các quyền của Tu chính án thứ nhất. Anh ấy không tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình chính trị nào khi thi hành công vụ - anh ấy lặng lẽ cầu nguyện. Tuy nhiên, Schrenger đã bị trừng phạt vì hành vi hòa bình, và riêng tư này.”

Schrenger đã kiện thị trưởng, cảnh sát trưởng và sở cảnh sát của thành phố trong một vụ kiện liên bang do Hiệp hội Thomas More đệ trình vào tháng 10.

Luật sư Heffron cáo buộc sở cảnh sát về tiêu chuẩn kép.

Ông nói: “Việc đối xử với Schreger đặc biệt đáng kinh tởm khi các viên chức cảnh sát Louisville khác trước đó đã tham gia, trong khi làm nhiệm vụ và mặc đồng phục, trong các cuộc biểu tình chính trị mà dường như đã được sở cảnh sát chấp thuận. Anh ấy bị đối xử rất khác biệt so với các viên chức khác, những người không thể phủ nhận đã tham gia vào các hoạt động phản đối và hoạt động chính trị thực sự trong khi tham gia các cuộc biểu tình LGBT và Black Lives Matter.”

Theo Thomas More Society, các yêu cầu hồ sơ mở cho thấy những viên chức khác không phải đối mặt với việc bị đình chỉ hoặc bất kỳ hình thức kỷ luật nào.

Thành phố Louisville, Kentucky, bị tòa truyền trả cho anh Matthew Schrenger 75,000 đô la và phục chức cho anh ấy.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Bênêđíctô rất yếu. GM Bätzing, hành động như chính trị gia chuyên nghiệp, ra đòn nặng tay với ngài.
Đặng Tự Do
17:19 01/02/2022
Franca Giansoldati của tờ Il Messaggero cho biết Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, sẽ đến tuổi 95 vào ngày 16 tháng Tư tới đây, trong những ngày này rất yếu vì đau buồn trước những tấn kích vô lý nhắm vào ngài.

Trong bài “‘Ratzinger chieda scusa per aver coperto un pedofilo’: la richiesta choc del Presidente dei vescovi tedeschi”, nghĩa là “Đòi hỏi gây sốc của chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức: ‘Ratzinger phải xin lỗi vì che đậy ấu dâm’”, ký giả này bày tỏ sự ngỡ ngàng sau khi Giám mục Georg Bätzing tung ra một đòn tấn công trực tiếp nhắm vào Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16. Theo Georg Bätzing, Đức Bênêđíctô phải ngay lập tức xin lỗi về vai trò của mình trong vụ tai tiếng lạm dụng tính dục trong Giáo hội và nhận lỗi của mình trong việc che đậy các vụ việc.

Ông Georg Bätzing đã nói như trên với ZDF, đài truyền hình công cộng Đức.

Ông đã đưa ra tuyên bố này sau khi báo cáo về lạm dụng tình dục ở Tổng giáo phận Munich-Freising được công bố ngày 20 tháng Giêng cho thấy ít nhất 497 người đã bị lạm dụng trong tổng giáo phận Đức từ năm 1945 đến năm 2019.

Được biên soạn bởi công ty luật Westpfahl Spilker Wastl, nó được ủy quyền bởi Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich-Freising.

Báo cáo xác định 235 thủ phạm lạm dụng, bao gồm 173 linh mục, 9 phó tế, 5 nhân viên mục vụ, và 48 người trong các trường Công Giáo.

Báo cáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger lúc bấy giờ đã có những sơ suất trong 3 trường hợp. Có một trường hợp thứ tư trong đó hành động của ngài đầu tiên bị đặt vấn đề, nhưng sau đó các nhà điều tra đã khẳng định ngài hành động đúng.

Bất chấp thực tế là báo cáo chỉ dám phàn nàn Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratizinger 3 trường hợp trong tổng số 235 trường hợp, Bätzing chỉ tấn công một mình Đức Ratizinger mà không nhắc gì đến những người khác, kể cả Hồng Y Marx là người bị cáo buộc sai sót trong 2 trường hợp.

Bätzing cho biết trong cuộc phỏng vấn với ZDF rằng ông ta tin rằng vấn đề của Đức Bênêđíctô trong suốt sứ vụ của mình là có những cố vấn không có tài, một nhận xét hết sức hàm hồ.

Bätzing kêu gọi Đức Bênêđíctô tránh xa các cố vấn của mình: “Tôi hy vọng rằng ông ta [Đức Bênêđíctô] sẽ loại bỏ các cố vấn của mình” và đưa ra một tuyên bố rõ ràng: “Tôi đã phạm sai lầm và xin được tha thứ”. Trừ phi Bätzing có thể đưa ra các bằng chứng xác đáng cho nhận xét này, tuyên bố của ông ta cho rằng Đức Bênêđíctô phải tránh xa các cố vấn là hàm hồ. Ngoài Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, và các nữ tu phụ giúp ngài trong cuộc sống hàng ngày, Đức Bênêđíctô được tin là không có cố vấn nào cả.

Đây không phải là lần đầu tiên Bätzing chỉ trích Đức Ratzinger. Một ngày sau khi báo cáo được công bố, ông ta đã nói rằng bây giờ hoàn toàn rõ ràng “hoàn toàn rõ ràng rằng Giáo hội đã hành xử thảm hại như thế nào,” bao gồm cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội, “ngay cả một Giáo hoàng danh dự.”

“Tôi xấu hổ vì chúng ta đã có quá khứ như vậy và để thiết lập lại uy tín của mình, chúng ta phải… kiên quyết đối mặt với sự thật dù đau đớn đến đâu,” Bätzing nói.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, gần 95 tuổi dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố sau khi ngài có thời gian để đọc bản báo cáo 1.900 trang, được cung cấp cho ngài vào ngày nó được công bố. Tuy nhiên, hơn 10 ngày sau khi bản báo cáo được đưa ra, Đức Bênêđíctô rất yếu vì đau buồn trước những tấn kích vô lý nhắm vào ngài chưa đưa ra được tuyên bố nào.

Sáu ngày sau khi báo cáo được công bố, Vatican đã công bố một bản tuyên bố do ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông, trong đó ông bảo vệ thành tích của Đức Bênêđíctô XVI trong quyết tâm chống lại tội lỗi lạm dụng tính dục trong Giáo Hội.

Vấn đề đối với Bätzing, và các Giám Mục cấp tiến Đức là họ xác tín rằng Giáo Hội cần phải được cải tổ bằng mọi giá, kể cả bằng các thủ đoạn chính trị. Thủ đoạn nổi bật nhất của họ là đem tai tiếng lạm dụng tính dục ra làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến.

Các thống kê khách quan chỉ ra rằng các vụ lạm dụng tính dục xảy ra ở mọi môi trường trong xã hội. Nạn lạm dụng tính dục xảy ra thường xuyên nhất là trong môi trường gia đình. Tội lỗi lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ gây ra không quá 1% trong tổng số các vụ lạm dụng. Xoáy mạnh vào tai tiếng lạm dụng tính dục, dùng nó như con ngáo ộp để thúc đẩy các chương trình nghị sự, họ đang gây ra tai tiếng rất lớn cho Giáo Hội.

Tội lỗi lạm dụng tính dục thì có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Hay có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan đến việc thay đổi giáo huấn về tính dục của Giáo Hội. Thực tế, tội lỗi lạm dụng tính dục chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Tiến Trình Công Nghị ở Đức là một quá trình trong đó các giám mục và giáo dân tại quốc gia này tham gia để giải quyết các vấn đề như thực thi quyền lực, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Quá trình này bắt đầu vào ngày 1 tháng 12 năm 2019 và dự kiến kết thúc vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, trong cuộc họp cuối cùng tháng 10, phiên họp toàn thể của nó đã đột ngột kết thúc sau khi bỏ phiếu ủng hộ một văn bản tán thành việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Hơn một nửa các tham dự viên đã bỏ về khi thấy Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức yêu cầu thảo luận xem chức tư tế có cần thiết hay không. Chức tư tế là do chính Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Họ thấy rõ Bätzing đã đi quá xa khi dám chất vấn một quyết định của chính Chúa Giêsu chứ không phải của một vị Giáo Hoàng hay một Công Đồng. Thành thử, Bätzing phải kết thúc đột ngột phiên họp vì không đủ túc số cho các cuộc bỏ phiếu, và dời ngày kết thúc Tiến Trình Công Nghị đến ngày nào đó chưa xác định vào năm 2023 để cố đạt cho được chương trình nghị sự của mình.
Source:Il Messaggero
 
Pakistan có Một Đầy tớ Chúa đầu tiên: Chàng Thanh Niên Akash Bashir
Thanh Quảng sdb
17:31 01/02/2022
Pakistan có 'Một Đầy tớ Chúa' đầu tiên: Chàng Thanh Niên Akash Bashir

Akash Bashir, một giáo dân và là cựu học viên của Học viện Kỹ thuật Don Bosco ở Lahore, đã trở thành một người tử vì đạo khi cố gắng ngăn chặn một kẻ đánh bom liều chết, muốn xông vào một nhà thờ đông nghẹt tín hữu đang cử hành thánh lễ Chúa nhật vào năm 2015.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Giáo Hội Công Giáo Pakistan mới có một ứng cử viên chính thức đầu tiên trong tiến trình phong thánh và tử đạo, em là một nạn nhân trẻ của một vụ đánh bom cảm tử, người đã can đảm ngăn chặn một vụ thảm sát lớn lao!

Thông tấn xã UCA đưa tin: Vào ngày lễ Thánh Gioan Bosco hôm thứ Hai (31/1/2022), Đức Tổng Giám Mục Sebastian Shaw của Lahore, đã thông báo Tòa thánh Vatican đã phê nhận nguyên nhân tử đạo của em Akash Bashir. Danh hiệu 'Tôi tớ Chúa' được trao tặng cho em như một ứng viên trong tiến trình phong thánh ở cấp giáo phận.

Người Công Giáo Pakistan đã bắt đầu cầu nguyện xin Tôi tớ Chúa đầu tiên và vị tử đạo của một quốc gia Hồi giáo đông đảo này.

“Đây là một ngày tuyệt vời đối với Giáo Hội Công Giáo ở Pakistan. Em ấy đã hy sinh mạng sống mình để cứu mạng của cả một cộng đồng Công Giáo tại Nhà thờ thánh Gioan ở Youhanabad, Lahore. Cha Francis Gulzar, Tổng đại diện của tổng giáo phận cho biết “Em ấy là một tín hữu Pakistan đầu tiên được nâng lên hàng Tôi tớ Chúa.”

Akash, Tôi tớ Chúa sinh chào đời ngày 22 tháng 6 năm 1994 tại Risalpur, Nowshera, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, Em bị giết khi mới 20 tuổi.

Tấn công khủng bố

Vào ngày 15 tháng 3 năm 2015, hai kẻ đánh bom cảm tử đã tự nổ bom gần Nhà thờ Công Giáo thánh Gioan và Nhà thờ Chúa Kitô gần đó ở khu phố Youhanabad nơi có đông người theo đạo Thiên chúa ở Lahore, khi các tín hữu tập trung bên trong nhà thờ để cử hành thánh lễ Chủ nhật Mùa Chay.

Các cuộc tấn công do nhóm khủng bố mang danh Tehreek-e-Taliban Pakistan Jamaatul Ahrar (TTP-JA) đã khiến 17 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.

Akash, một cựu học sinh của Học viện Kỹ thuật Don Bosco, em từng là nhân viên bảo vệ tình nguyện, đã ngăn chặn một kẻ đánh bom cảm tử muốn xông vào Nhà thờ thánh Gioan.

Em đã khẳng khái nói với kẻ nổ bom tự sát: “Tôi sẽ chết nhưng tôi sẽ không để bạn vào,” là lời của em Akash khi em đối diện với tên khủng bố bó đầy chất nổ. Kẻ tấn công đã kích nổ bom và tự sát, Bashir và 2 người khác bên ngoài nhà thờ đã cứu được cả 1.000 tín hữu đang ở trong nhà thờ. Đây là một cuộc tàn sát có quy mô lớn.

Sự gần gũi của Đức Thánh Cha với những người theo đạo Thiên chúa ở Pakistan

ĐTC Phanxicô đã nhanh chóng lên tiếng tố giác các vụ tấn công khủng bố. ĐTC chia sẻ trong buổi đọc kinh “Truyền TIn” trưa hôm đó rằng: “Anh chị em thân mến, với một tâm trạng buồn sầu, cha được biết hôm nay đã xảy ra các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào hai nhà thờ trong thành phố Lahore, Pakistan, khiến nhiều người chết và bị thương! Họ là những tín hữu đang bị bách hại. Anh chị em của chúng ta đang đổ máu chỉ vì họ là các tín hữu của Chúa. Cha hiệp thông với các nạn nhân và gia đình của họ trong tâm tình cầu nguyện của cha, cha cầu xin Chúa, nguồn của mọi sự thiện hảo, là Chúa của hòa bình phù hộ cho đất nước của chúng con; mau chấm dứt các cuộc bách hại Kitô hữu, hầu mọi người có thể sống chung hòa bình”.

Khoảng 40 người Công Giáo đã bị bắt sau vụ hai người Hồi giáo bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ tấn công.

Gia đình của Akash
Gia đình Akash Bashir chụp với cha Bannes, Cố vấn truyền giáo của Dòng Don Bosco

Ba của Akash, Bashir Emmanuel, cho biết ông không biết gì về diễn biến mới liên quan đến con mình. “Một trong những người con của tôi đã báo cho tôi hay có một thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ.” “Akash tượng trưng cho sức mạnh của đức tin Công Giáo ở đất nước chúng tôi. Tôi cầu xin cho tiến trình phong thánh cho Akash được mọi sự trôi chảy.”

Thông tấn xã UCA đăng tải một bản tin được đăng trên Facebook cho hay: Đức Tổng Giám Mục Lawrence Saldanha của Lahore đã chúc mừng cộng đoàn. Ngài nói: “Khi có nhiều tin buồn, thì tin này thật là một tin vui. Akash là một gương mẫu tuyệt vời của một vị tử đạo hiện đại. Cầu mong em sẽ truyền cảm hứng và khuyến khích tất cả những người trẻ sống nhiệt thành.”

Tiến trình phong thánh

Nguyên nhân việc phong thánh là một tiến trình lâu dài kéo dài nhiều năm. Việc ghi chép lại cuộc đời và các đức tính của một ứng viên hay một người tử vì đạo không thể bắt đầu cho đến 5 năm sau khi người ấy qua đời. Tuy nhiên, ĐTC có thể châm chước thời gian này, như trường hợp của Mẹ Teresa và thánh Giáo hoàng John Paul II.

Sau 5 năm chờ đợi, giám mục của giáo phận nơi cá nhân đã sống sẽ đề đạt thỉnh nguyện lên Tòa Thánh xin được bắt đầu tiến trình phong thánh. Nếu Tòa Thánh Vatican chấp nhận, cụ thể là Bộ Giáo lý Đức tin, thì sự cho phép, hay còn gọi là nihil obsat ("không có gì sai trái"), sẽ được thông báo cho giám mục sở tại khởi xướng.

Hãng thông tấn xã Salêdiêng ANS đưa tin rằng Bộ Phong thánh tại Vatican vào ngày 9 tháng 11 năm 2021 đã ủy quyền cho Tổng giáo phận Lahore học hỏi nguyên nhân dẫn đến cuộc tử đạo của Akash.

Trong giai đoạn cấp giáo phận này, ứng viên được phong tước hiệu ‘Tôi tớ Chúa’, đó là trường hợp của Akash. Giai đoạn này bao gồm việc thu thập bằng chứng về cuộc sống và các đức tính của Người Tôi Tớ Chúa. Ngoài ra, các bài viết công khai và riêng tư sẽ được thu thập và kiểm tra.

Giai đoạn tài liệu này có thể kéo dài nhiều năm và kết thúc với phán quyết của tòa án giáo phận, và quyết định cuối cùng của giám mục, rằng các nhân đức anh hùng của Người Tôi Tớ Chúa được minh chứng.

Cuối quá trình của giáo phận, kết quả, cùng với khối tài liệu, hoặc các Công văn, sẽ được chuyển về cho Bộ Phong thánh Vatican, nơi mà các chuyên gia của Tòa Thánh sẽ tra cứu và đem ra những chung luận chứng minh sự thánh thiện hoặc sự tử đạo của ứng viên. Một nhóm các chuyên gia thần học kiểm tra các tài liệu, chứng minh được sự căm thù vì đức tin “odium fidei” từ phía những kẻ bách hại ứng viên.

Vào cuối giai đoạn này, Đức Thánh Cha châu phê một sắc lệnh về các nhân đức anh hùng của ứng viên, phong cho ứng viên một danh hiệu 'Đấng đáng kính'.

Bước tiếp theo là phong chân phước, theo đó ứng viên được nâng lên hàng 'Chân phước'. Đối với một ứng viên không phải là tử đạo, thì cần một phép lạ trước khi được nâng lên hàng chân phước. Tuy nhiên, đối với một ứng cử viên tử vì đạo, chẳng hạn như Akash, thì một phép lạ không cần thiết cho giai đoạn này.

Để được phong hiển thánh thì một phép lạ khác nhờ sự chuyển cầu của người đó phải được chứng minh, kể cả đối với ứng viên tử đạo.
 
Người Trung Hoa dịch chữ Synodality là gì?
Đặng Tự Do
20:33 01/02/2022
Trong tài liệu nhan đề “Synodality In The Life And Mission Of The Church. By the International Theological Commission” [1], nghĩa là “Synodality Trong Đời Sống Và Sứ Mệnh Của Giáo Hội. Do Ủy Ban Thần Học Quốc Tế Biên Soạn”, các tác giả đưa ra định nghĩa sau:

“6. Although synodality is not explicitly found as a term or as a concept in the teaching of Vatican II, it is fair to say that synodality is at the heart of the work of renewal the Council was encouraging.

The ecclesiology of the People of God stresses the common dignity and mission of all the baptised, in exercising the variety and ordered richness of their charisms, their vocations and their ministries. In this context the concept of communion expresses the profound substance of the mystery and mission of the Church, whose source and summit is the Eucharistic synaxis. This is the res of the Sacramentum Ecclesiae: union with God the Trinity and unity between human persons, made real through the Holy Spirit in Christ Jesus.

In this ecclesiologicalcontext, synodality is the specific modus vivendi et operandi of the Church, the People of God, which reveals and gives substance to her being as communion when all her members journey together, gather in assembly and take an active part in her evangelising mission ”.

“ 6. Mặc dù synodality không minh nhiên được tìm thấy như một thuật ngữ hay một khái niệm trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II, nhưng công bằng mà nói, synodality là trọng tâm của công trình đổi mới mà Công đồng khuyến khích.

Giáo hội học về Dân Thiên Chúa nhấn mạnh phẩm giá và sứ mệnh chung của mọi người đã chịu phép rửa, trong việc thực hiện sự đa dạng và tính phong phú theo phẩm trật của các đặc sủng, ơn gọi và các thừa tác vụ của họ. Trong bối cảnh này, khái niệm hiệp thông thể hiện bản chất sâu sắc của mầu nhiệm Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội, mà nguồn gốc và đỉnh cao là Cộng Đoàn Thánh Thể. Đây là thực tại của Bí Tích Giáo Hội (Sacramentum Ecclesiae): sự hợp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thống nhất giữa các nhân vị, được hiện thực hóa nhờ Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu Kitô.

Trong bối cảnh giáo hội học này, synodality là mô thức sống và làm việc cụ thể của Giáo Hội, tức là của cộng đoàn dân Chúa, thể hiện và mang lại bản chất cho Giáo Hội là sự hiệp thông khi tất cả các thành viên của Giáo Hội hành trình cùng nhau, tụ họp thành cộng đoàn và tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo Hội ”.

Như thế, theo định nghĩa này synodality gồm ba ý chính: 1) hành trình cùng nhau trên cùng một con đường. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng đó không phải bất cứ con đường nào, mà trong bối cảnh giáo hội học như đoạn 3 trước đó nêu rõ, đó là con đường của Chúa, chính Chúa là đường, là sự thật và là sự sống; chứ không phải là hành trình cùng nhau trên bất cứ con đường nào. Chẳng hạn, chắc chắn không phải là hành trình cùng nhau trên con đường “tiến lên” xã hội chủ nghĩa 2) tụ họp thành cộng đoàn, và 3) tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo Hội.

Không dễ gì tìm được một từ ngắn gọn nêu bật được cả 3 ý chính này. Chúng tôi đã hỏi Trung Tâm Thánh Linh của giáo phận Hương Cảng để xem họ dịch từ synodality ra tiếng Hoa như thế nào.

Đây là cách dịch của họ: synodality = 共议精神.Phiên ra tiếng Việt: Đồng Nghị Tinh Thần; hay Tính Đồng Nghị.

Trên Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, bản tin Tiếng Anh: Christina Kheng on the Churches of Asia and Synodality[2], nghĩa là Christina Kheng bàn về các Giáo Hội tại Á Châu và Synodality. Tựa đề này dịch ra tiếng Hoa: Christina Kheng 谈亚洲教会和共议精神[3].

Thiết tưởng cách dịch này của người Trung Hoa vẫn chưa lột tả được hết 3 ý nghĩa trên đây. Mong rằng có vị thức giả nào chỉ ra được một cách dịch đầy đủ hơn.

[1] Synodality In The Life And Mission Of The Church. By the International Theological Commission

[2] Christina Kheng on the Churches of Asia and Synodality

[3] Christina Kheng 谈亚洲教会和共议精神
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mời Xem VIDEO Thánh Lễ Giao Thừa CĐVN tại Gx. Ottoway, Nam Úc
Jo Vĩnh SA
00:59 01/02/2022
THÁNH LỄ CUỐI NĂM ĐÓN MỪNG TÂN XUÂN NHÂM DẦN 2022

Năm cũ Tân Sửu dần khép lại. Trước thềm Năm Mới Nhâm Dần đang đến.
Đông đảo tín hữu Công Giáo VN trong vùng Ottoway và nhiều vùng lân cận thuộc thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc, đã hân hoan quy tụ về thánh đường Maximilian Kolbe, giáo xứ Ottoway để tham dự thánh lễ tạ ơn cuối năm vào lúc 06 giờ 30 chiều 29 Tết, nhằm ngày 31/01/2022.

XEM VIDEOhttps://www.youtube.com/watch?v=aZGwrcuweQg

Đến với thánh lễ ngày cuối năm mọi người đều cùng mang tâm tình thiện hảo dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn về những ơn lành Ngài đã ban trong năm qua và trao phó trong tay Ngài một năm mới với trọn niềm phó thác chân thành.
Trong tâm tình duy trì truyền thống tốt đẹp rất đáng hãnh diện của người Việt Nam trong mỗi dịp xuân về và đặc biệt trong nhiều năm qua nhất là trong mùa dịch bùng phát khắp nơi, thì các giờ kinh nguyện phụng vụ hay các thánh lễ bị giới hạn nhiều; nên việc có được những ngày lệ hội truyền thống mang sắc thái dân tộc nơi xứ người, một sinh hoạt rộn ràng ngày tết với mai vàng, bánh chưng xanh, với nghi thức hái lộc “LỜI CHÚA” đầy ý nghĩa thì không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được. Thật vậy, còn gì quý báu hơn, khi trong chính vào giờ phút giao mùa linh thiêng nhất của Đất Trời, đoàn con Việt Nam may mắn có được cơ hội cùng quây quần về ngôi nhà thờ có cha Diệp thân yêu, để dành những tâm tình thanh khiết nhất, cảm động nhất để tạ ơn Thiên Chúa, để hướng về cội nguồn với niềm tri ân kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà và để tín thác những tháng ngày tương lai cho Chúa với niềm cậy tin.

Thánh lễ do cha Marek P’Tak chánh xứ Ottoway chủ tế. Ngài mở đầu bằng đôi lời về ý nghĩa của thánh lễ Tạ Ơn cuối năm Âm lịch theo truyền thông VN và cầu chúc mọi nguời được muôn ơn lành của Chúa trong năm mới. Thánh lễ được diễn ra thật sốt sáng. Mặc dù là thứ Hai, ngày làm việc đầu tuần, nhưng đã có hơn 100 tín hữu đến tham dự, trong hoàn cảnh giãn cách nạn dịch Covid theo luật định. Số người tham dự tuy khiêm tốn nhưng thật trang trọng và sốt sáng.
Thánh lễ nhịp nhàng bằng song ngữ Anh -Việt, xen lẫn những bài thánh ca, ngợi khen Thiên Chúa của mùa Xuân, đã hướng lòng người tham dự thêm sốt sáng và cũng là dịp để mỗi người hồi tưởng về những ngày Xuân ấp áp trên quê hương ngày nào, giờ đã xa cách… cùng với những lời nguyện cầu, phát xuất từ tận đáy lòng của cộng đoàn, cầu nguyện tha thiết dâng lên Thiên Chúa cho các Kitô hữu biết nhận ra những ơn lành của Chúa, đã thương ban để mọi người được sống tâm tình tạ ơn Chúa cách cụ thể đó là: Trong gia đình biết yêu thương thuận hòa, thảo kính ông bà cha mẹ; trong cộng đoàn sống tình hiệp nhất yêu thương; trong khu xóm sống trọn tình bác ái.

Cuối Lễ là nghi thức hái lộc Lời Chúa. Theo truyền thống của người Công Giáo VN biểu tượng đậm nét trong dịp đầu năm. Vì mỗi người đều tin tưởng và mong muốn được Lời Chúa là ngọn đèn soi, là ánh sáng chỉ đường để Thánh Ý Chúa luôn được thể hiện nơi mỗi người, mỗi gia đình trong Năm Mới. Mọi người lần lưọt tiến lên bên cây lộc xuân để nhận lấy một câu Lời Chúa như một món qùa đầu năm, làm kim chỉ nam cho việc sống Lời Chúa trong suốt năm.
Thánh lễ kết thúc trong bầu khí thân tình của những người con cái Chúa. Mọi người ra về trong hân hoan với tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, đã ban cho cộng đoàn một năm qua bằng an và những tháng ngày sắp tới tràn đầy, niềm vui, hạnh phúc và những gì tốt đẹp nhất.

Đ.H
Tường trình từ Nam Úc
 
Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh Giáo Phận Huế Dâng Lễ Minh Niên Cầu Bình An
Trương Trí
10:18 01/02/2022
Sáng mồng Một Tết Nhâm Dần năm 2022, tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh-Chủ tịch HĐGM Việt Nam-Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế dâng Thánh lễ Minh niên cầu bình an cho Tổ quốc và toàn thế giới.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, ông Pheerro Đặng Văn Hoàng-Chủ tịch HĐGX thay mặt toàn thể Cộng đoàn chúc mừng Năm mới vị chủ chăn của Giáo phận. Đồng thời cũng chúc Tết Linh mục Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến, cầu nguyện cho Ngài tiếp tục công việc Đại trùng tu ngôi Nhà thờ Chính tòa và gửi lời chúc Tết và tri ân Linh mục Patrick đã giúp đỡ cho giáo xứ trong việc đại trùng tu nhà thờ. Giáo xứ dâng tặng Đức Tổng Giám Mục, linh mục Quản xứ và quý linh mục đồng tế bó hoa tươi thắm mừng Năm mới Nhâm Dần.

Đức Tổng Giám Mục nói lời chào và chúc mừng Năm mới quý linh mục đồng tế, toàn thể cộng đoàn giáo xứ và những người xa quê không thể về với gia đình trong dịp Tết nguyên đán này, những người khách từ phương xa và hải ngoại về Huế đang hiện diện trong ngôi nhà thờ này. Trong Thánh lễ sáng mai nay, chúng ta dành những giây phút của ngày đầu Năm mới này để cùng nhau hiệp dâng lời cầu xin Chúa ban bình an cho mỗi một người chúng ta, cho quê hương đất nước chúng ta và cho cả toàn thế giới.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giuse đã dâng Lời Nguyện và làm phép Lộc Thánh đầu Năm mới để mỗi người tham dự được lãnh nhận. Các em thanh thiếu niên trình bày vũ khúc mừng Năm mới giúp vui trong ngày đầu năm Nhâm Dần.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục ban Phép lành cho toàn thể cộng đoàn tham dự Thánh lễ.

Trương Trí
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Giao thừa Nhâm Dần 2022
Văn Minh
10:53 01/02/2022
Trong tâm tình tạ ơn Chúa đã thương ban cho cộng đoàn giáo xứ (Gx) Vĩnh Hòa trong một năm đã qua, và cầu nguyện cho năm mới 2022 luôn được bình an, vào lúc 20g thứ Hai ngày 31-1-2022, linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – đã chủ sự dâng Thánh lễ Giao thừa Nhâm Dần 2022 tại nhà thờ đá Gx Vĩnh Hòa.

Xem Hình

Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài cộng đoàn dân Chúa trong Gx còn có các soeur là người con của Gx nhân dịp được về nghỉ Tết bên gia đình.

Sau bài công bố Tin Mừng, Lm Gioakim chia sẻ: Trong giờ phút thiêng liêng sắp bước sang năm mới, chúng ta cùng nhau qui tụ về ngôi thánh đường này để tạ ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, cùng muôn loài vạn vật. Đồng thời, chính Ngài đã ban cho mỗi gia đình và cho mỗi người chúng ta những ơn lành trong suốt một năm qua. Đặc biệt, là giáo xứ chúng ta đã trải qua những đau thương mất mát về tinh thần, vật chất và con người trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trong cuộc sống xã hội từ xưa đến nay luôn có những người tốt và kẻ xấu, giữa cái thiện và cái ác. Tuy nhiên, đối với con cái của Chúa thì chúng ta hãy làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhận biết được đúng hay sai, thật hay giả, cái gì tốt thì chúng ta giữ, còn cái gì xấu dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng phải vứt bỏ nó đi.

Kế tiếp, từ câu lời Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lm chủ tế diễn giảng về Tám mối Phúc thật, và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy gẫm và lựa chọn cho mình một trong tám câu đức tính căn bản để áp dụng trong đời sống của mình.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu, dâng lễ vật và phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An – Chủ tịch, thay mặt HĐMV chúc Tết Lm Chánh xứ cùng cộng đoàn đón mừng Xuân Nhâm Dần 2022 được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa trong niềm vui và an bình.

Tiếp nối lời cảm ơn, Lm Gioakim chúc mừng cộng đoàn Gx đón một mùa Xuân vui tươi ấm áp trong mọi sự bình an. Nhân dịp này, ngài cũng chia sẻ về những hồng ân mà Gx đón nhận được trong năm 2021 vừa qua.

Giáo xứ đã mua được căn nhà Mục vụ Giáo lý, và trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, Gx đã cùng (HĐGMVN), Ban Caritas giáo hạt Phú Thọ, giới Doanh nhân Công Giáo TGP, các vị mạnh thường quân trong và ngoài nước đóng góp hơn 80 tấn lương thực phẩm cùng với tỷ Việt Nam đồng lo cho gần 2600 người. Trong đó có 1437 người đang ở trọ thường xuyên, và Gx chúng ta mới có thêm một Tân linh mục Phanxicô xaviê Đoàn Hữu Hòa. Qua đây, ngài cũng mời gọi cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các thầy còn đang phục vụ nơi các giáo xứ và mời gọi những ai có thể ra tham gia phục vụ Gx tùy theo khả năng của mình.

Thánh lễ Giao thừa khép lại lúc 21g cùng ngày, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận phép lành và cùng nhau hát vang bài “Nữ Vương mùa Xuân”.
 
Tin thêm về vụ linh mục bị đâm chết trong nhà thờ, công chúng nghi vấn động cơ giết hại
VOA
11:30 01/02/2022
Một linh mục bị đâm chết trong nhà thờ, công chúng nghi vấn động cơ giết hại

Một linh mục vừa bị giết hại trong một nhà thờ ở Kon Tum thuộc Tây Nguyên, nơi được xem là khu vực có các hoạt động tôn giáo bị hạn chế bởi chính quyền ở Việt Nam.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, thuộc Gíao xứ Đăk Mót của giáo phận Kon Tum, bị sát hại khi đang ngồi toà giải tội trong nhà thờ, theo thông báo của Giáo phận Kon Tum hôm 30/1.

Vụ sát hại xảy ra trước đó một ngày, và theo thông báo, Linh mục Thanh, thuộc dòng Đa Minh, đã tử vong dù “được các bác sĩ tận tình cứu chữa các vết thương.”

Thông báo của Giáo phận Kon Tum không cho biết vụ sát hại vị linh mục 41 tuổi xảy ra như thế nào nhưng một bản tin của Vatican News nói rằng “Cha Giuse Trần Ngọc Thanh bị giết hại trong một vụ tấn công bằng dao” bởi một người đàn ông.

Cũng thông tin về vụ việc, trang Công Giáo cho biết rằng “Cha Thanh bị chém 2 phát rất nặng vào đầu” khi đang ngồi giải tội cho giáo dân trong dịp cuối năm và “được cấp cứu ngay sau đó nhưng không qua khỏi.”

Bản tin của Công Giáo còn nói rằng hai người khác cũng bị thương khi xông vào ngăn kẻ tấn công, và gọi hành vi giết người này là “tàn độc” và “cố ý truy sát đến cùng.”

Tại lễ tiễn chân Linh mục Thanh hôm 30/1, Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo Hội Công Giáo Roma của Giáo phận Kon Tum, nói vụ sát hại gây “bàng hoàng” cho giáo phận. Thi thể Linh mục Thanh được đưa về an táng tại tu viện Đa Minh ở Hố Nai, Biên Hoà.

Giáo phận Kon Tum cho biết nghi phạm đã bị bắt giam để điều tra. Trích dẫn giới chức địa phương, Vatican News, trang tin tức Công Giáo của Bộ truyền thông thuộc Toà thánh Vatican, nói kẻ tấn công “bị tâm thần.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam không đưa tin về vụ sát hại Linh mục Thanh. Trong khi đó, những thông tin trên mạng xã hội cho rằng có động cơ khác phía sau vụ việc này.

Facebooker Phạm Minh Vũ cho biết một người thân cận của Linh mục Thanh nói rằng kẻ tấn công “là một người bình thường, không bị điên, càng không ngáo đá” và “thường lui tới chơi với những công an viên xã.” Người thân cận của Linh mục Thanh từ chối trả lời khi VOA tiếp cận để hỏi thêm thông tin với lý do “muốn dấu mặt.”

Bản tin của Công Giáo, một tổ chức độc lập với Giáo Hội Công Giáo, cho biết “cái chết đau đớn của linh mục (Trần Ngọc Thanh) là đầy nghi vấn và gây ra sự phẫn uất lớn trong lòng các xứ đạo nói riêng và dân chúng tại khu vực Kon Tom nói chung.”

Được biết Giáo họ Sa Loong, nơi Linh mục Thanh phục vụ, nằm ở phía Tây Bắc của Cao Nguyên trung phần, vùng giáp biên có dân cư thưa thớt với đại đa số là người Thượng và hoạt động tôn giáo bị nhiều hạn chế bởi chính quyền.

Linh mục Thanh, được thụ phong linh mục năm 2018, đã “xung phong lên giúp xứ Đăk Mót” năm 2019 và sau đó được đưa lên làm phó xứ, phụ trách nhiều giáo họ trong xứ, theo thông tin từ Facebooker Phạm Minh Vũ.

Được biết Linh mục Thanh không phải là linh mục đầu tiên bị tấn công ở đây.

Cách đây hơn nửa năm, Linh mục Trần Văn Truyền, 70 tuổi và thuộc Giáo phận Kon Tum, cũng bị đâm trọng thương. Theo Công Giáo, chính quyền đã bắt giam hung thủ “đốt nhà thờ, đâm linh mục” này nhưng sau đó việc điều tra không đi đến đâu và vấn đề đã bị xem như “chìm xuồng.”

Các hoạt động tôn giáo của người dân, đặc biệt là người Thượng, ở Tây Nguyên luôn bị bách hại bởi chính quyền trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về việc này.

Tổ chức Nhân quyền Montagnards và Uỷ ban Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc hồi năm 2018 đưa ra một báo cáo nói rằng người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên thuộc nhóm đối tượng mà cơ quan chức năng Việt Nam nhắm đến và bị đối xử như “kẻ thù ngay tại quê nhà.”

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra năm 2019 chỉ trích những vụ sách nhiễu nghiêm trọng của các chính quyền ở Tây Nguyên đối với các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những thành viên của Hội thánh Tin lành, các Kitô hữu và người H’Mông.
 
Văn Hóa
Henri De Lubac: Tư Tưởng Của Cha Teilhard De Chardin 5
Vũ Văn An
23:39 01/02/2022

Chọn lựa và "Phân rẽ"

Tuy nhiên, vì tinh thần, vốn là ý thức phản tỉnh, trong yếu tính là tự do (123) — “sự đi lên của tính thấp kém” đồng nhất với sự đi lên của “tự do” — nên tất cả điều đó không hề ức đoán [prejudice] số phận cuối cùng của mỗi cá nhân, nghĩa là, dấu hiệu tích cực hoặc tiêu cực phải đánh dấu sự thành toàn cuối cùng của họ. Bởi vì, dựa trên con người, và qua con người, "giờ đây, biến hóa phải tự đưa ra các lựa chọn của riêng nó" (124); mỗi người đều có thể sử dụng tốt hoặc kém sức mạnh ghê gớm này tức ý chí tự do: một lựa chọn đạo đức và tôn giáo luôn được Teilhard nhắc đến trong tâm trí, hoặc đối với các cá nhân của mọi thời kỳ hoặc đối với thế hệ cuối cùng của con người. Thậm chí chúng ta còn tìm thấy nó trong những bối cảnh mà nó dường như không nhất thiết phải có. Vì vậy, vào cuối các khóa giảng ở Sorbonne, vốn có tính kỹ thuật khoa học tuyệt vời, được dành cho cuốn Groupe zoologique humain (Nhóm Sinh học Người). Sau khi đã cho thấy, đối với loài người, phải có một “lối thoát”, qua đó, vào cuối diễn trình của nó, nó có thể thoát khỏi “cái chết hoàn toàn”, trở lại với ngày nay của chúng ta, Cha Teilhard nói thêm,: “Rõ ràng không có gì có thể ngăn cản loài người tiếp tục lớn mạnh (giống như con người cá nhân, về điều tốt.... hay điều ác).... ” (125).

Phương thức đáng lưu ý này cũng được trình bày, vào nhiều thời điểm khác nhau, như là phương thức của thái độ Titan hoặc Prometheus, hoặc thái độ của Jacob; thái độ "nổi dậy" hoặc "tôn thờ"; thái độ "Lực lượng ngạo mạn" hoặc thái độ "thánh thiện Tin mừng"; thái độ "tự chủ cao ngạo" hoặc thái độ "lệch tâm yêu thương" [loving excentration]; thái độ bác bỏ hoặc chấp nhận Omega (126). Ngoài “thuật ngữ mơ hồ Thần Đất” [Spirit of Earth], thế lưỡng nan được đặt ra giữa “tinh thần vũ lực”, nghĩa là “tinh thần tự chủ và đơn độc”, và “tinh thần yêu thương”, nghĩa là “tinh thần phục vụ và cho đi” (127) Cha Teilhard đôi khi tỏ hy vọng rằng, nhờ tác động của tiến bộ tinh thần, toàn thể nhân loại sẽ nghiêng nhiều hơn về giải pháp cứu rỗi; nhưng, ngay cả khi đó, ngài vẫn luôn duy trì sự cần thiết phải chọn lựa. “đối với ngài, thế giới không tự mở ra như một bông hoa, khi nó chạm vào điểm kết thúc không thể tránh khỏi của lịch sử; nó lại phân chia trong một kiểu phân nhánh cuối cùng trước khi nở rộ trong sự ấm áp của Chúa Kitô" (128). Như thế, nếu có một triết lý theo đó “cái ác mờ đi như một cái bóng tỷ lệ với việc tư tưởng chứng tỏ có khả năng mở rộng quyền kiểm soát hoàn toàn của nó về phía trước”, thì triết lý đó không phải là của ngài.

Trong ngôn ngữ của Cha Teilhard, có một hạn từ chủ chốt, với các ý nghĩa phẩm trật loại suy, dùng để chỉ sự nhất trí của phương thức thực chất này, nghĩa là về nguy cơ bị trầm luân, với tính không thể sai lầm trong việc làm của Thiên Chúa. Đó là hạn từ "phân rẽ" [segregation], có tương quan qua lại với hạn từ "tập hợp" [aggregation].

Miễn là người ta loại bỏ khỏi nó bất cứ âm sắc định lượng nào, thì “sự phân rẽ” của Cha Teilhard có thể được so sánh với ý niệm “số còn sót lại” [remnant] trong Kinh thánh của Israel. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng nó được tìm thấy trong mọi cách thế cũng như mọi bình diện của hữu thể: có sự phân rẽ địa chất (129), có sự phân rẽ vũ trụ, sự phân rẽ tinh thần, sự phân rẽ Kitô [christic segregation]. Trong mọi trật tự cũng như ở mọi mức độ, “sự tổng hợp sáng tạo bao gồm việc xé bỏ, mọi tập hợp đi kèm với phân rẽ”. Phân rẽ vũ trụ: vũ trụ của chúng ta, một cách nào đó, được cấu tạo bởi hai phần, lúc đầu là hỗn hợp (Teilhard thậm chí có lần đã nói: từ hai vũ trụ), chúng tiếp tục tự tách rời nhau, tự phân rẽ nhau. Sự phân chia bắt nguồn từ tận gốc rễ: một bên là “vũ trụ tự phân rẽ bởi sự sống”, sau đó bởi suy nghĩ; mặt khác, "vũ trụ không được kết nối, không được thông tri, sẽ chết và bị phân tán". Ở đây, chúng ta nhận ra điều, mà ở nơi khác, ngài gọi là điều được sắp xếp và điều không được sắp xếp, hay, theo thuật ngữ năng động, là hai hiện tượng nghịch đảo lớn của Hội tụ và Thoái giảm Nội lực [Entropy] (130).

Cùng quy luật này cũng được kiểm chứng một cách loại suy trong đời sống tinh thần. Chẳng hạn, Cha Teilhard lưu ý rằng khuynh hướng bản năng của ngài trong tư cách một tín hữu là “hòa nhập tất cả trong Chúa Kitô”. Nhưng, ngay lập tức, ngài xác định rõ, ngài không hề muốn nói rằng ngài muốn “giữ tất cả”. Ngài biết rằng sự hòa nhập, dù có thể phổ quát nhất, trong yếu tính, bao gồm sự phân rẽ, mà ở đây có thể nói, một cách tương quan qua lại với nhau, như một sự “từ bỏ”. Điều mà ngài mong muốn, điều mà ngài đang phấn đấu để giành lấy, là, qua một diễn trình cũng có thể được so sánh với diễn trình chưng cất, để “có được toàn bộ nỗ lực (nisus), toàn bộ xung lực và sức mạnh của sự sống của vũ trụ”. Ngài muốn "không một phân tử năng lực nào bị mất đi".

Cuối cùng, về mặt khách quan, cùng một điều này cũng đúng đối với Thân Thể Chúa Kitô. Ở trạng thái cuối cùng, nó chính là nhân tính (= vũ trụ) được hoàn thành trong Thiên Chúa. Nhưng “Cơ thể toàn bộ” này (nói như Origen) được hình thành trong khoảng rất nhiều thời đại và cuối cùng chỉ đạt được bằng một sự phân rẽ nghiêm ngặt. Ở đây, một lần nữa, Cha Teilhard nhấn mạnh phải chuyên biệt hơn. Trong năm 1916, vào lúc suy nghĩ có tính bản thân nhất của ngài đang được hình thành, ngài lưu ý (vào ngày 7 tháng 10): “Khi viết 'Le Monde dans le Christ' [Thế giới trong Chúa Kitô], tôi phải đồng thời tiết lộ việc làm cứng cáp [innervation] mọi người trong Chúa Kitô hoặc qua Chúa Kitô, và đặc tính phân rẽ của sự cấu tạo này". Thực vậy, đây quả là những gì ngài đã làm. “Đất mới đang hình thành ở khắp mọi nơi. Xung quanh Trung tâm đã hoàn thành, là Nhân tính của Chúa Kitô (và của Mẹ Người), tinh vân đang trong quá trình phân rẽ và tập trung, các yếu tố của nó ở khắp mọi nơi, mặc dù vẫn còn hỗn hợp và phân tán, khắp nơi đều tách biệt đặc biệt trong tương lai của chúng (nhiều hơn hiện tại của chúng: cỏ dại vẫn chưa được phân biệt một cách thích hợp với các loại hạt tốt).... ”

Học thuyết về sự phân rẽ Kitô này được Cha Teilhard đối lập với các học thuyết về điều mà ngài gọi là “sự phân rẽ sai lầm”, được rao giảng bởi “những Kitô giả”; chẳng hạn, với huyền thoại về “nhân loại tương lai” (rõ ràng không phải ngài không tin vào “tương lai loài người”, nhưng ngài quan niệm nó cách khác và không tuyệt đối hóa nó). Ngài cũng đối lập nó với “thuyết phiếm thần ngoại giáo”, vốn loại trừ ý niệm phân rẽ và chỉ xem xét “sự hợp nhất với Toàn thể ban đầu: và rồi, không xem xét mức độ thực sự trong hiện hữu, cũng như tiến bộ, cả những cụm phụ bên và việc giảm thiểu cũng không”. Và học thuyết này cũng giúp ngài phân biệt rõ ràng giữa hai chân lý có liên hệ với nhau nhưng rất khác nhau, điều mà hơn một nhà thần học thời đại chúng ta khó có thể không nhầm lẫn: một mặt, việc mặc lấy trọn bản chất con người bởi Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, từ đó phát sinh mối liên hệ thiết yếu và không thể chuyển nhượng của mọi con người với Chúa Kitô, và mặt khác, cơ cấu của Nhiệm thể Chúa Kitô, trong đó không ai là chi thể chỉ do duy nhất sự kiện là một con người (131). Nói cách khác, nếu Chúa Kitô xuất hiện với Cha Teilhard “được đội hào quang bằng vinh quang của thế gian”, thì điều này đối với ngài có nghĩa là “được đội hào quang bằng tất cả những gì thuộc về những người được chọn trong Cõi Thực” (132).

Phân tích ý niệm phân rẽ này kỹ hơn một chút và từ một quan điểm khác, Cha Teilhard tự nhận thấy mình được dẫn đến chỗ nhìn nhận rằng nó bao hàm ba yếu tố chính sau đây:

“1. Sự kết hợp ban đầu với Toàn thể (và do đó ít nhất cùng hiện hữu triệt để với nó mãi mãi);

2. Khuynh hướng tách rời, cô lập, hy sinh nhiều thứ cấu thành Tổng thể, và sự thành tựu dần dần của sự cô lập này;

3. Cuối cùng, tiến bộ, không phải hướng tới sự phân tán cá nhân, nhưng hướng tới sự hiệp thông chặt chẽ nhất với một Tổng thể mới, giản lược hơn nhưng thanh lọc hơn, đồng nhất hơn, có tổ chức hơn. Và những yếu tố đa dạng này, trong sự phân rẽ nền tảng trong đó, sự sống của vũ trụ tham dự vào (giống như sự thành công của cây trong hạt của nó), được lần lượt gọi là: tình yêu thế giới, sự hy sinh, sự hình thành của Thân thể Chúa Kitô (133).

“Sự chuyển động nhằm kết hợp vũ trụ trong Chúa Kitô trên thực tế là một sự phân rẽ”, và “đó là một mầu nhiệm ghê gớm” (134).

Với lợi ích của những phân tích này, vốn không ngừng hướng dẫn tư tưởng của ngài, mặc dù chính hạn từ phân rẽ có thể trở nên ít thường xuyên hơn trong các trước tác của ngài (135), Cha Teilhard de Chardin vẫn có thể lặp lại theo Thánh Phaolô: “Và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả” (136).

Kết luận

Ngay từ đầu, chúng ta đã nói rằng toàn bộ công việc của Cha Teilhard de Chardin có thể được hiểu, xem xét, theo một định kiến nào đó, như một nỗ lực đổi mới nhằm thiết định sự hiện hữu của Thiên Chúa qua việc truyền tải bằng chứng về tính không thể đảo ngược của vũ trụ, nghĩa là, về sự bất tử của linh hồn cá nhân, để dẫn con người đến với Chúa Kitô. Trong phần kết luận, chúng ta có thể nói một lần nữa, bằng ngôn ngữ có lẽ đương thời hơn, rằng tác phẩm này là một cuộc đối thoại không ngừng với một trong những loại dị bản phổ biến nhất của chủ nghĩa vô thần thế kỷ XX. Nó là một cuộc đối thoại thực sự, được thực hiện và theo đuổi trong nhiều thập niên với nhiều đại diện của chủ nghĩa vô thần này, gặp gỡ hoặc trong thế giới học giả hoặc giữa những người được đào tạo trong trường phái khoa học vô thần. Bất cứ ai biết rõ về cuộc đời của Cha Teilhard, cũng như các tác phẩm của ngài, có thể đặt ở đây một loạt các tên riêng; ngài có thể nhớ lại các hoàn cảnh cụ thể, các cuộc đàm đạo và các cuộc tranh luận có thực chất, tất cả đều có kết quả tốt đẹp. Giọng điệu thường có tính bản thân được đưa ra trong cuộc tranh luận là, chúng tôi nói cho qua, do đó cần được giải thích. Cha Teilhard de Chardin không phải là một triết gia ngồi ghế bành: ngài là một người nói chuyện với người ta.

Cuộc đối thoại này không bao giờ là cuộc đối thoại về thỏa hiệp hay thoải mái. Càng không phải nhượng bộ hoặc nhẫn nhục. Pierre Teilhard tiếp cận người đối thoại của mình với một thiện cảm nhân bản lớn nhất; ngài tự đặt mình trên cùng một tuyến xuất phát với họ, ngài lái đường đi của ngài với họ. Nhưng ngài tôn trọng họ và yêu họ nhiều đến không thể hỗ trợ họ trong các ảo tưởng của họ. Vì đối với ngài, ngài không nhượng bộ bất cứ chủ nghĩa tương đối nào. Khiêm tốn, mặc dù nhiệt thành, trong việc đề xuất quan điểm đích thân của mình, ngài coi mình đúng khi có ngôn ngữ riêng của mình, điều mà ngài cố gắng giải thích tốt hơn. Ngài không bị bất cứ mặc cảm tự ti nào, trong các xác tín của mình. Ngài không giảm thiểu đức tin của mình nơi Chúa Kitô để sở hữu một “giá trị” nào đó, mà tinh thần nghèo khó có thể khiến ngài tự để mất để có thể hoan nghênh tốt hơn giá trị của người khác.... Ngài đã có thể nói “Không ai từng coi tôi ít niềm tin”. Cuộc đối thoại của ngài- phải kết thúc ít nhất bằng cách trở thành một cuộc đối thoại hoàn toàn nghiêm túc trên bình diện trí thức - luôn là cuộc đối thoại đầy thách thức. Đó là một tấm gương lành mạnh cho chúng ta ngày nay.

Người ta có thể lưu ý nơi Cha Teilhard, cùng với một số công lao nổi bật, một số khuynh hướng nào đó, nếu xét cô lập,, có thể dẫn đến hậu quả lạm dụng. Nhiều thiếu sót cũng có thể được thấy rõ. Liên quan đến chủ đề được xử lý ở đây, một số khiếm khuyết trong số này là do sự kiện các liên kết của chuỗi khoa học được khai triển bằng lập luận không phải thẩy đều vững chãi như nhau, hoặc được chứng minh có độ vững chãi như nhau. Các khiếm khuyết khác là do Cha Teilhard, một người của khoa học và trực giác, khá ít quan tâm đến các khía cạnh chính thức của nhận thức triết học. Suy nghĩ của ngài thường không “có tính phê phán và phản tỉnh” (137). Liên quan đến một số trình bày như vậy, Cha Maurice Corvez, với lý do chính đáng, nói về bằng chứng "ngây thơ" về mặt triết học, và triết lý của ngài quả thực là “ngây thơ”, hơi giống bức tranh của nhân viên hải quan Rousseau (điều này hoàn toàn không có nghĩa là bản thân ngài ngây thơ, thậm chí cũng không phải ngài không nhận thức được một số vấn đề nào đó, mà chỉ là vì ngài đã không xử lý với chúng ex professo [một cách chuyên nghiệp]). Nhưng khi một triết lý "ngây thơ" là triết lý của một người mà trong họ "sự mặc khải nội tâm và kinh nghiệm khoa học được kết hợp một cách độc đáo" (138), thì nó có cơ hội chứa đựng một chân lý mạnh mẽ và hành động hiệu quả đối với sự tiến bộ của tư tưởng hơn nhiều triết lý có tham vọng hơn (139). Và sự nghiêm túc mà Cha Teilhard de Chardin đặt vào việc chống lại chủ nghĩa duy vật vô thần đã tạo cho tác phẩm của ngài một sức nặng mà nhiều tác phẩm bề ngoài được coi như tinh tế hơn sẽ không bao giờ có được. Đây là lý do tại sao nhiều người, ngày nay, cho rằng cần phải coi trọng nó.

Ghi chú

Bài báo này là một báo cáo được trình bày trước Đại hội Thomist Quốc tế lần thứ sáu ngày 11 tháng 9 năm 1965, tại Rome, trong Đại sảnh Cung điện Cancelleria, theo yêu cầu của Cha Charles Boyer, S.J., thư ký của Học viện Thánh Tôma Aquinô và là người tổ chức Đại hội Thomist, theo yêu cầu của Đức Phaolô VI.

1 Oeuvres, 3: 75-111.

2 Ibid., Vol. 6. Xem Étienne Borne, “Matière et esprit dans la Philosophie de Teilhard de Chardin ”, Recherches et débats, 40 (1962), 50: “ Tiến bộ của Teilhard... diễn tiến trong một bằng chứng rộng lớn về sự hiện hữu của Thiên Chúa".

3 Chúng tôi đã phân tích tiểu phẩm này trong La Prière du Père Teilhard de Chardin, trong loạt ấn phẩm “Le Signe” (1964), phần thứ hai: “Note sur l’Apologétique teilhardienne” [Bản chuyển ngữ tiếng Anh: Teilhard de Chardin: the Man and His Meaning (New York: Hawthorn Books, 1965), phần hai, chương một: “Note on Teilhard’s Apologetics”, 129-32].

4 Oeuvres, 9: 161.

5 Lời giải thích của ba bằng chứng sẽ được tìm thấy trong: Msgr. Bruno de Solages, “Les Preuves teilhardiennes de Dieu”, trong tuyển tập L’Homme devant Dieu, loạt ấn phẩm “Théologie” (1964), 125-32.

6 Lettres de voyage (1951). Xem tác phẩm của chúng tôi, La Pensée Relgieuse du Père Pierre Teilhard de Chardin (1962), 261-62 [Bản dịch tiếng Anh: The Religion of Teilhard de Chardin (New York: Desclée, 1967)].

7 L’Énergie humaine (1937); Oeuvres, 6: 173.

8 La Grande option (1939); Oeuvres, 5:61. xem 9:68 và xem Le Christianisme dans le Monde (1933): bất cứ giả thuyết nào "làm cho Vũ trụ vô lý ” phải bị loại bỏ: Oeuvres, 9: 136.

9 L’Énergie humaine, loc. cit.

10 Lettres à Léontine Zanta, loạt “Christus”, (1965), 89: lá thư ngày 22 tháng 8, 1928.

11 Paris: Éditions Universalitaires, 1961, 105. Xem La Prière du Père Teilhard de Chardin, 151-54 và 220.

12 xem Du cosmos à la Cosmogénèse (1951); Oeuvres, 7: 265. Cũng nên xem 5: 335.

13 Xem đặc biệt 26-31, ấn bản thứ 4. (Paris: Armand Colin, 1909).

14 Le Phénomène humain, Oeuvres, 1: 164. Xem Le Groupe zoologique humain (Ấn bản năm 1965), 121-23.

15 Le Phénomène humain, 152, chú thích 1: “Thiên hà của các hình thức sống cấu thành... một chuyển động cuộn lại (involution) trực tuyến lớn lao của tính phức tạp và ý thức ngày càng lớn hơn”.

16 Le Place de l’homme dans l’Univers, réflexions sur la complexité (Ngày 15 tháng 11 năm 1942); Oeuvres, 3: 312-19. La Centrologie (ngày 12 tháng 12 năm 1944); Oeuvres, 7: 103-4. Comment je vois (ngày 26 tháng 8 năm 1948), nos. 1-5. Le Groupe zoologique humain, 21, v.v.

17 L’Atomisme de l’Esprit (1941); Oeuvres, 7:35.

18 xem A. D. Sertillanges, O.P., người được truyền cảm hứng bởi Teilhard, trong Dieu ou rien (Paris: Flammarion, 1933), 1: 117: “Trí hiểu... trong hiện tượng, là thành công tối cao của cuộc sống trên trái đất” Gửi Auguste Valensin, ngày 31 tháng 12 năm 1926: “Trong hơn hai năm, tôi đã có ấn tượng về việc dần dần bị thu hút bởi nghiên cứu về loài người, không phải thời tiền sử, mà là hiện tại”. Norbert M. Luyten, O.P., "Reflexions sur la méthode de Teilhard de Chardin", trong Festschrift đề nghị với Cha Bochenski (Fribourg, Thụy Sĩ, 1965), 294: “Trong suốt công trình cổ sinh vật học, Teilhard coi con người là điểm hội tụ của diễn trình biến hóa bao la.... Người này không những chỉ là di chỉ hóa thạch mà ngài đã gặp, trong những cuộc khai quật này nọ mà còn cũng là và nhất là người hiện sống ngày nay. Vì, người vừa kể, đối với Teilhard là một xác tín không thể lay chuyển, nếu chúng ta có thể đọc được những mảnh vụn mà quá khứ đã để lại cho chúng ta, thì họ là một hàm số (function) của hiện tại mà chúng ta có dưới mắt chúng ta”.

19 L’Esprit de la terre; Oeuvres, 6:35.

20 Le Phénomène humain, 30. “Không phải sự tiến triển đơn giản của sự sống, mà là sự nở rộ của tất cả sự sống ”, Jean Piveteau nhận xét, khi nói về sự xuất hiện của con người (Colloque de Vézelay, 1965).

21 “Les Singularités de l’espèce humaine”, Annales de Paléontologie, 12 (1955), 51. Évolution de l’idée d’évolution (1950): “Thoạt đầu, nghĩa là, một thế kỷ trước, Con người trước hết được coi là một nhà quan sát đơn giản, rồi, sau Darwin, như một nhánh đơn giản của Biến hóa. Bây giờ ở đây, trong chính hậu quả của việc kết hợp này trong Sinh quyển [biogenesis], họ bắt đầu tri nhận rằng qua họ thân chính của cây Sự sống trần gian đi qua. Sự sống không đa dạng hóa một cách ngẫu nhiên, theo mọi hướng. Nhưng nó cho phép chúng ta nhìn thấy một hướng tiến bộ tuyệt đối hướng tới các giá trị của ý thức ngày lớn dần; và, trên trục chính này, Con người là kết thúc tiến bộ nhất mà chúng ta biết.... Ở đấy, họ đang trong diễn trình chiếm hàng đầu: không phải trong ổn định nhưng trong chuyển động; không còn ở tư cách là trung tâm nữa, mà ở dạng một mũi tên của Thế giới đang lớn lên. Thuyết tân nhân trung [Neoanthropocentrism], không còn nói về vị trí, mà nói về hướng đi trong Biến hóa” (Oeuvres, 3: 349).

22 Và một lần nữa: “Qua không gian, vũ trụ bao gồm tôi và nhấn chìm tôi như một điểm; qua suy nghĩ, tôi hiểu điều đó”.

23 La Peur de l’existence (1949); Oeuvres, 7: 191-95.

24 Etienne Borne, De Pascal à Teilhard de Chardin (Clermont-Ferrand, 1962), 36 và 42.

25 Letter of 1935.

26 M. de Gandillac, “Pascal et le silence du monde”, trong Blaise Pascale, l’homme et l’oeuvre, Cahiers de Royaumont, Philosophie 1 (1956), 342-85. Xem Georges Poulet, “Pascal et la sphere admirable”, Esprit, 233 (tháng 12 năm 1955), 1833-49.

27 “L’Incroyance Modernne, cause profonde et remède”, La Vie intellectuelle (October 25, 1923)). Xem Étienne Borne, De Pascal, 49: “Vấn đề thời gian không thể đối xứng với không gian. Trong khi Pascal chỉ thấy trong trương độ (extension) một bất định câm lặng, một tái bắt đầu vô dụng, trong đó không tình huống nào được ưu tiên về phẩm chất’ trong đó không có gì có thể được cho là bắt đầu, ở giữa hoặc kết thúc, thì Teilhard de Chardin mô tả kỳ gian [duration] phát triển theo nhịp điệu tăng tốc từ từ hướng đến điểm cuối cùng và tận cùng mà sau đó sẽ được đặt tên đúng là ‘Điểm Omega ’... ”. “Lời cuối cùng của triết gia Pascal là một câu hỏi.... Lời cuối cùng của triết gia Teilhard là một lời khẳng định... ” (50).

28 Comment concevoir et espérer (1950), Oeuvres, 5: 372.

29 L’Union créatrice; Écrits du temps de la guerre (1965), 177-78. Ngài thậm chí nói thêm — nhưng chúng ta vẫn chưa ở điểm này trong cuộc hành trình của chúng ta— rằng điều này giả định một "Hoạt động sáng tạo đúng cách". Ghi chú ngày 18 tháng 2 năm 1916: “Thế giới là một chuỗi sự vật được tạo ra vì lợi ích của nhau, sự sống vì lợi ích của một trạng thái quân bình năng động nào đó — tư tưởng tâm linh vì lợi ích của một phát triển bộ não nào đó— ân sủng vì lợi ích của một sự hoàn thiện đạo đức nhất định nào đó... ” Xem Étienne Borne, Recherches et débats, 40:57: “Tính nhị nguyên của vật chất và tinh thần không hề bị áp chế bởi Teilhard”, v.v..

30 J. G. Donders, P.A., L’Intelligibilité de l’évolution selon A. D. Sertillanges,O.P., luận án tại Đại học Gregorian (1961), 3 và 21.

31 Thư ngày 4 tháng 5 năm 1031: "Ông ta không thấy rằng các vũ trụ kết hợp với nhau, không phải bằng vật chất, nhưng bằng tinh thần ”(Lettres de voyage, 140), v.v.

32 Le Phénomène humain, 37. Du Cosmos à la Cosinogénèse (1951), về Materia mattrix; "Điểm cân bằng cuối cùng của Chuyển động vũ trụ" nằm ở phía " siêu kiến trúc, hoặc của" siêu phức hợp" [super-compound], có nghĩa là, của tinh thần." Oeuvres, 7: 266-67.

33 Science et Christ (1920); Oeuvres, 9:55. xem Pierre Smulders, La Vision de Teilhard de Chardin (Paris: Desclée de Brouwer, 1964), 71-78.

34 Esquisse d’un Univers personnel (1936); Oeuvres, 6: 747; L’Union créatrice (1917); Écrits du temps de la guèrre, 178-79.

35 Vì vậy, đoạn thứ ba của Comment je crois (1934) có tựa đề: “Niềm tin vào tính bất tử”. Xem L’Énergie humaine (1937): “Hiện tượng vũ trụ tinh thần hóa phải không thể đảo ngược”; Oeuvres, 6: 196. Xem thêm 3: 322-23; 9: 125, 279-80, v.v.

36 Les Singularités de l’espèce humaine (1954); Oeuvres, 2: 304.

37 Le Groupe zoologique humain, 154.

38 La Vie cosmique (1916); Écrits du temps de la guèrre, 37, v.v. Note sur le Christ Universel (1920): “Giá trị của linh hồn trong chính nó, nghĩa là, giá trị của Thế giới... ”; Oeuvres, 9:42. Xem La Prière, 166-68.

39 Le Phénomène humain, 58.

40 Oeuvres, 7: 302-3. Le Groupe zoologique humain, 37: “Thế giới của chúng ta thực sự là một điều gì đó đã được an bài”. Les Singularités; Oeuvres, 2: 304.

41 Esquisse d’un Univers personnel (1946); Oeuvres, 6:87. Lần cuối cùng thế lưỡng nan sẽ được đặt ra, và cuộc đọ sức tay đôi được mô tả, trong Le Christique (1955): “Thoái giảm năng lực [Entropy] hay hội tụ? Nói cách khác, Vũ trụ, tự cân bằng, cuối cùng sẽ ngã theo hướng của vô thức không sắp xếp (giải pháp duy vật) hay ngược lại, của ý thức được sắp xếp (giải pháp duy linh)?"

42 La Convergence de l’Univers; Oeuvres, 7: 302. Xem François Meyer, “L’Évolution se dirige-t-elle vers un terme défini dans le temps?”, Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 4 (1963), 90-98.

43 Xem Vie et Planètes (1945); Oeuvres, 5: 155-56. Le Phénomène humain, 251- 58, v.v.

44 Oeuvres, 7: 151-52. Super-Humanité (1943); 9: 208. Le Groupe zoologique humain, 155.

45 Aldo Locatelli, Dio eracleolo conoscibile at di la delta scienza (Éd. La Scuola cattolica, 1963), 121.

46 Chúng tôi đã giải thích điều này trong La Pensée Relgieuse..., đặc biệt là chương 19: "một ngoại suy rủi ro chăng?"

47 Réflexion sur la probabilité scientifique et les conséquences Relgieuses d’un Ultra-humain (1951); Oeuvres, 7: 279-91.

48 157-58.

49 Chúng tôi đã phác thảo một cuộc khảo sát có phê phán về vấn đề này trong chương 16 của La Pensée Relgieuse: “Foi et intelligibilité”.

50 Msgr. Bruno de Solages, “Preuves”, 59. Tác giả tiếp thu chủ đề một lần nữa một cách sâu sắc hơn trong một công trình sẽ sớm xuất hiện sau đó.

51 De la science à la foi, Teilhard de Chardin (1965), 150-53: a. Đòi một sự hội tụ hoàn thành; b. trong quan điểm chính xác hơn về tư tưởng; c. trong quan điểm chính xác hơn về tình yêu.

52 Cha Valverde, thuộc Đại học Comillas (Tây Ban Nha), đã trình bày với Đại hội Thomist quốc tế tại Rome (tháng 9 năm 1965) một báo cáo về Evolucionismo Teilhardiano y quinta Via (Acta 1: 295-301). Trong một báo cáo khác cũng từ đại hội này, Abbé Marcel Duquesne, thuộc Phân Khoa Công Giáo của Lille, cũng đưa ra một so sánh tương tự (“La Preuve de Dieu par le gouvernement des choses”).

53 Oeuvres, 9: 226.

54 Claude Cuénot, Pierre Teilhard de Chardin (1958), 336-37.

55 Năm 1951, ấn bản năm 1956, 162. Xem Comment je vois (1948), no. 13.

56 Comment je vois, no. 20. “L’Union créatrice”, trong Écrits du temps de la guèrre, 181-84.

57 Smulders, La Vision, 278-79; “Đây là sự chuyển động trong tư tưởng của Teilhard về cơ bản không khác với các hình thức hộ giáo cổ điển".

58 Le Phénomène humain, 299-300. La Messe sur le Monde (1923): “công việc của Thế giới bao gồm, không phải trong việc tạo ra một Thực tại tối cao nào đó, mà là được hoàn thành qua sự kết hợp với Hữu thể tiền hữu".

59 Action et activation, August 9, 1945; Oeuvres, 9: 226. La Vie cosmique; Écrits, 5 và 183. L’Union créatrice, v.v.

60 Comment je crois (1934). Sommaire de ma perspectivep hénoménologique du monde (1954), 2, v.v. La Transposition conique de l’action (1942): “siêu ý thức, siêu bản vị, siêu thực tại”; Oeuvres, 5: 121.

61 L’Énergie humaine (1937); Oeuvres, 6: 180.

62 Le Rebondissement humain de l’Évolution (1947); Oeuvres, 5: 265.

63 Esquisse d’un Univers personnel (1936); Oeuvres, 6:89.

64 Le Phénomène Spirituel (1936); Oeuvres, 6: 136.

65 Esquisse d’un Univers personnel (1936); Oeuvres, 6: 103. Du Cosmos à la cosmogénèse (March 15. 1951), 7: 271, v.v.

66 Le Phénomène humain, 305; "Tiêu điểm trung tâm nhất thiết tự trị" (292, Ghi chú). La Place d l’Homme dans l’univers (1942): “Tiêu điểm không thể đảo ngược”; Oeuvres, 3: 323. Về sự đơn giản và "phức tạp" của Hữu thể Thiên Chúa: Esquisse d’un Univers personnel; 6:75 và 86.

67 Xem thêm La Centrologie, no. 24; Oeuvres, 7: 119.

68 Le Milieu divin, 175.

69 La Centrologie, no. 24; Oeuvres, 7: 110.

70 Comment je vois, no. 20. Réflexions sur le bonheur; Cahiers, 2:63.

71 Le Phénomène humain, 299-300. Les Singularités de l’espèce humaine. Phụ lục, ngày 25 tháng 3 năm 1954; Oeuvres, 2: 373-74. Như chúng ta thấy, Cha Teilhard đã không chịu bắt chước cử chỉ tham vọng nhằm “vượt qua giá trị tối thượng của tình yêu và vượt lên trên sự siêu việt của Thiên Chúa bản vị”, một cử chỉ trên thực tế "tự để nó bị cuốn đi bởi dòng tâm linh tiền Kitô giáo và tiền bản vị”: Jacques-Albert Cuttat, introduction to R. C. Zaehner, Inde, Israël, Islam, bản tiếng Anh của Eva Meyerovitch (1965), 17.

72 Chúng ta nên nhớ rằng, theo ngôn ngữ của Cha Teilhard, sự thống nhất và đồng nhất đối lập nhau. Điều đầu cũng là sự dị biệt hóa, bản vị hóa. Cực kỳ hợp nhất hóa, Thiên Chúa đang “cưc kỳ bản vị hóa”: Comment je vois, no. 20, v.v.

73 Essai d’une dialectique de l’esprit (1946); Oeuvres, 7: 154-56. Comment je crois (1934): “Và vì theo cách đó, bây giờ người ta đã phác họa cho tôi một lĩnh vực Bản vị và các liên hệ bản vị, tôi bắt đầu ngờ rằng các lôi kéo và hướng dẫn có bản chất trí thức có thể bao bọc tôi và nói với tôi".

74 Teilhard de Chardin et la pensée catholique, Colloque de Venise (Paris,1965), 88-89.

75 Thư ngày 25 tháng 5 năm 1923.

76 Comment je vois, no. 22.

77 Xem các thuật ngữ được trích dẫn trong Maurice Blondel and Pierre Teilhard de Chardin, Correspondance commentée by Henri de Lubac, chương có tựa đề: “Descente et Montée dans l’oeuvre du Père Teilhard ”(129-53). Như Georges Crespy đã nói, 107, Teilhard: "không che giấu việc ‘chuyển sang thể loại khác’cấu thành hành vi đức tin.... ”

78 Mon univers of 1924: Oeuvres, 9:81. Chúng ta có thể áp dụng ở đây những gì Cha Henri Bouillard nói về Blondel, trong Blondel et le christianisme (1961), 162: “Nói rằng mầu nhiệm của Đấng Trung gian giải quyết vấn đề bí ẩn triết học là không yêu cầu việc Nhập thể, nó phải hưởng lợi nhờ ánh sáng mà ý niệm của nó mang lại và người ta đã tìm thấy từ một nguồn khác".

79 Đã dẫn, 84.

80 Hérédité social et progrès (1938); Oeuvres 5:51. Đó là “viễn kiến của người Kitô hữu theo chủ nghĩa nhân bản” về sự vật.

81 Ghi chú ngày 17 tháng 10 năm 1918. L’Union créatrice (November 1917): “Chúa Kitô, tất nhiên, không phải là Trung tâm mà tất cả mọi vật, ở đây bên dưới này, có thể tự nhiên khao khát được kết hợp. Chúa Kitô như đích đến là một ân huệ bất ngờ và nhưng không của Đấng Tạo Hóa. Vẫn sẽ luôn luôn đúng là... ” (Écrits du temps et de la guèrre, 195). Như thế, lập luận từ bên trong thế giới của chúng ta, Cha Teilhard sẽ không còn thường xuyên xem xét giả thuyết về "bất kỳ trung gian nào" hoặc về một "tiêu điểm hội tụ mơ hồ”. Ngài làm như vậy, ít nhất, một lần trong L’Ame du Monde (1918). Xem ở đó ghi chú trước bản văn này trong Écrits du temps de la guerre, 217-19. Ở đây, suy nghĩ của Teilhard, ở một mức độ nào đó, là tiếng vang của Pierre Rousselot, như được giải thích bởi nghiên cứu chưa được xuất bản về “Idéalisme et Thomisme”, viết năm 1908 và sửa chữa năm 1911.

82 Mon Univers of 1924; Oeuvres, 9:82 (ngày 29 tháng 1 năm 1918): “Chúa Kitô, qua tin mừng của Người về sự từ bỏ, đã tạo thành một Omega mới trong Kosmos, nhưng tùy thuộc chúng ta (Vos estis sine intelligentia?[các con không có trí khôn hay sao]) phải tạo nên sự hợp nhất giữa Omega này và tương lai tự nhiên của Kosmos". Xem Le Phénomène humain, 332, ghi chú.

83 Ma position intellectuelle (New York, April 1948).

84 La Mystique de la Science (1939); Oeuvres, 6: 220-21.

85 Ma position intellectuelle (April 1948); bản văn công bố trong Les Études philosophiques năm 1955, dưới tựa La Pensée du Père Teilhard de Chardin par lui-même, 580.

86 Que faut-il penser du Transformisme? (1930); Oeuvres, 3: 122.

87 Trả lời câu hỏi từ tạp chí Esprit, Catholicisme et science (1946); Oeuvres, 9: 238-40. Xem Réflexions sur deux formes d’esprit (1950); 7: 236.

88 La Vie cosmique (1916); Écrits, 9.

89 La Centrologie, ngày 13 tháng 12 năm 1944, dẫn nhập; Oeuvres, 7: 105-6. La Place de l’homme dans l’univers, Réflexions sur la Complexité, ngày 15 tháng 11, Năm 1942; Oeuvres, 3: 306. L’Union créatrice, Écrits..., 180, và các bản văn tương tự khác.

90 Thư ngày 25 tháng 2 năm 1929.

91 Thư ngày 20 tháng 11 năm 1918, Genèse d’une pensée, 334. La Peur de l’existence, ngày 26 tháng 1 năm 1949; Oeuvres, 7: 196.

92 Chúng tôi đã đề cập tới chủ đề này nhiều lần trong La Pensée Relgieuse..., đặc biệt là trong chương 15 (“Un Renversement de méthode”), trong Blondel et Teilhard de Chardin, Correspondance commentée, 109-26: “Envergure et limites de l’oeuvre teilhardienne”.

93 Teilhard de Chardin et la penée catholique, Colloque de Venise, 19.

94 “Réflexions sur la méthode de Teilhard de Chardin”, trong tập Festschrift được cung cấp cho Cha Bochenski, 295 và 317.

95 De la science à la foi, 9.

96 Colloque de Venise, 33. Một phán đoán tương tự như phán đoán của Cha Sertillanges về Claude Bernard sẽ được áp dụng tự do vào Teilhard: “Ông xây một cầu nối giữa sinh lý học và siêu hình học”: La Philosophie de Claude Bernard (1964), 7.

97 Le Rebondissement humain de l’Évolution et ses conséquences (Tháng 9 23 năm 1947); Oeuvres, 5: 268-69.

98 Về một số khía cạnh khác của sự lạc quan này: Jean Bastaire, “Teilhard l’impatient”, Cahiers universitaires catholiques (December 1965-January 1966),146-59.

99 xem La Prière du Père Teilhard de Chardin, phần thứ hai, chương 3: “Foi et analogie”.

100 Comment je crois.

101 Ngài viết cho Cha Auguste Valensin, ngày 27 tháng 5 năm 1923: “Bằng mọi giá, tôi tin rằng, cần phải bám vào niềm tin, vào một hướng, vào một cùng đích, ra khỏi sự xáo trộn của con người (cả tự nhiên), vì không có đức tin này, không có gì hơn xuất hiện để hợp pháp hóa luật hành động cho lý trí của chúng ta. Nhưng, thoạt nhìn, các biểu kiến trái ngược lại, và đổ nát, phân rẽ, hình như thống trị lịch sử của Sự sống”.

102 L’Énergie humaine (1937); Oeuvres, 6: 173-74.

103 xem La Lutte contre la multitude; Écrits, 120-22.

104 Réflexions sur le bonheur (Bắc Kinh, ngày 28 tháng 12 năm 1943); Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 2: 55-58.

105 Esquisse d’un univers personnel (1936); Oeuvres, 6: 105; "Không gì làm đẹp hơn bằng sự kết hợp đã đạt được: không gì cần cù hơn việc theo đuổi sự kết hợp".

106 Les Singularités, 43. Genèse d’une pensée, 278. Parole attendue (1940); Cahiers, 4:28. La Vie cosmique; Écrits, 54-57. Lời nói đầu cho Marguerite Teilhard de Chardin, L’Énergie Spirituelle de la souffrance (1951), 9-11. Mon Univers de 1924; Oeuvres, 9: 88-92 và 97-102, v.v. Ngài cũng biết rõ rằng đức ái Kitô giáo không tự nhiên đối với con người — và ngài thậm chí còn bị khiển trách, một cách rất không thận trọng, vì đã tuyên bố như thế với chủ nghĩa hiện thực. Fiunt, non nascuntur christiani (Kitô hữu như thế chứ không sinh ra như thế).

107 Esquisse d’un univers personnel; Oeuvres, 6:89.

108 Comment je crois (1934).

109 Chẳng hạn, hãy xem Le Coeur de la Matière (1950), 32. La Grande monade (1918); Écrits, 237-48. Le Milieu divin, 172: “Để tôi không sa cơn cám dỗ nguyền rủa Vũ trụ và người đã tạo ra nó.... ” Xem La Prière du Père Teilhard de Chardin, 12123. M. Barthélemy-Madaule, Bergson et Teilhard de Chardin (1962), 411-21. Claude Cuénot, “L’Angoisse contemporaine, un essai de réponse ”, trong Cahiers de vie franciscaine, 33 (Năm 1962).

110 La Fin de l’Espèce (ngày 9 tháng 12); Oeuvres, 5: 395. Xem Le Goût de vivre (Tháng 11 năm 1959); 7: 239-51. Le Retentissement Spirituel de la bombe atomique (Năm 1946); 5: 184-85.

111 La Peur de l’existence (1949); Oeuvres, 7: 197.

112 Réflexions sur le bonheur (1943); Cahiers, 2:60.

113 Xem Pierre Rousselot, S.J., Études ngày 5 tháng 9 năm 1911: “Ai sẽ làm cho những người đương thời của chúng ta cảm nhận được hương vị hiện hữu, tình yêu hiện hữu sâu sắc và không thể diễn tả được này, sự lạc quan nhiệt thành này, tình âu yếm trang trọng, sâu sắc, gần như vô hạn này đối với nhân tính, tỏa ra từ mọi trang sách của Tiến sĩ thiên thần?”

114 Xem Étienne Borne, De Pascal à Teilhard de Chardin (Clermont-Ferrand, 1962), 67-68: “Bất chấp những luận điệu đáng ngờ che khuất tầm nhìn của chúng ta, tư tưởng của Teilhard nằm trong truyền thống Thomist, tuy nhiên, có nhiều đặc điểm bị dị ứng với Teilhard de Chardin: phục hồi một bản nhiên đáng tin cậy và tốt đẹp ngay trong nó, mô tả hợp lý về con người và thế giới theo các khái niệm vay mượn từ khoa học thực nghiệm và thực chứng, bằng chứng về sự hiện hữu của thể tuyệt đối bằng chính chuyển động của các sự vật vốn cho thấy người chuyển động đầu tiên hoặc điểm Omega, tất cả những đặc điểm này đều là của chung Thánh Tôma Aquinô và Teilhard de Chardin”. Xem thêm M. Labourdette, O.P., Le Péché originel et les origines de l’homme (1953), 127 và 145-46. Olivier A. Rabout, O.P., Dialogue avec Teilhard de Chardin (1958), 167. Claude Cuénot, Situation de Teilhard de Chardin, Bulletin de la Société industrielle de Mulhouse, no. 712 (1963), tr. 25, và trích dẫn E. Borne, 26. Blondel et Teilhard, Correspondance commentée (1965), 96 và 99-100, v.v.

115 Thư gửi Leontine Zanta, ngày 26 tháng 1 năm 1936, 127-28, v.v. Xem thư ngày 16 tháng 3 năm Năm 1919: “Điều nuôi dưỡng toàn bộ đời sống nội tâm của tôi là hương vị Hữu thể, được thỏa lòng trong Thiên Chúa, Chúa của chúng ta”; “Cầu xin Chúa của chúng ta bảo vệ hương vị Hữu thể trong tôi, và viễn kiến Người chính là Hữu thể!” Xem Prière, 95.

116 Ngày 25 tháng 2 năm 1929, ngài viết, “Đối với tôi, xem ra tôi đã gần như đem vào tập chú một 'Vật lý học về Thần khí' nào đó.... Đây là một loại giản lược Vũ trụ vào thể tâm linh trên bình diện vật lý (không siêu hình), một bình diện đối với tôi, có hệ quả may mắn của việc hợp pháp hóa việc bảo tồn các bản vị (nghĩa là, sự ‘bất tử’ của các linh hồn) trong Vũ trụ”.

117 L’Activation de l’Énergie humaine (1953); Oeuvres, 7: 413.

118 Joseph Perini, CM., “Utrum argumentando ex desiderio naturali immortalitatis, S. Thomas apodictice evincat animan humanam esse immortalem” [bằng cách lập luận từ ý muốn tự nhiên được bất tử, Thánh Tôma đã chứng minh một cách đầy kết luận rằng linh hồn con người là bất tử], trong Divus Thomas (Piacenza, 1965), 383: “Certissime agitur de demonstratione apodictica, quae sc. ex se valet gignere in intellectu perfectam certitudinem” [đó hết sức chắc chắn là trường hợp chứng minh hộ giáo, một chứng minh tự nó có năng lực tạo ra một sự chắc chắn hoàn hảo trong trí hiểu]. Xem La Pensée Relgieuse, 253-60.

119 Le Phénomène humain, 258-59.

120 Thư ngày 10 tháng 4 năm 1934; Lettres de voyage, 1923-1955 (1961), 176, v.v. Xem Lettres à Léontine Zanta (1965), 134-35.

121 Le Goût de vivre (1950); Oeuvres, 7: 246.

122 Le Christique (1955).

123 L’Hominisation; Oeuvres, 3: 103 và 107. Le Groupe zoologique humain, 132, 154-55, v.v.

124 Place de la technique dans une biologie générate de l’humanité (1947); Oeuvres, 7: 168.

125 161. Xem La Vie cosmique (Écrits, 56): “Tất cả năng lực đều mạnh mẽ như nhau đối với điều thiện và điều ác”. Mon Univers de 1924; Oeuvres, 9: 112-13. Xem La Prière, phần đầu, chương 13. Chính trong nghĩa này, Teilhard sẽ đồng ý nói với Albert Vandel (“L’Évolutionnisme du Pere Teilhard de Chardin”, trong Les Études philosophiques [1965], 463): “Con người có thể thành công trong mọi sự nhưng cũng có thể thất bại trong mọi sự" Tương tự như vậy, khi nói rằng “thà người ta ngăn cản Trái đất đừng quay hơn là làm nhân loại khỏi toàn thể hóa [totalized] ”, hoặc một lần nữa, rằng nhóm người không thể "thoát khỏi một số quy luật biến đổi không thể đảo ngược", ngài thực sự có ý định không nói điều gì có thể trở thành "một cuộc tấn công nhục nhã vào tự do của chúng ta": Les Directions et les conditions de l’avenir (1948); Oeuvres, 5: 295-98. Tuy nhiên, định kiến chống Teilhard thành nếp đã khiến một người thông minh viết: “quan niệm về diễn trình phát sinh trí khôn [noogenesis] bảo đảm, không thể đảo ngược có thể chỉ là một sự biến chất của chủ nghĩa tịch tĩnh [quietism] nơi chủ nghĩa Pelagiô dẫn chúng ta tới một cách chết người”(André Thérive, trong Écrits de Paris [tháng 2 năm 1964], 102).

126 Xem La Pensée Relgieuse, chương 10, “Évolution et liberté”; Blondel et Teilhard, Correspondance commentée (1965), 91-94 và 151. Xem Note sur le Progrès (1920); Oeuvres, 5:31, v.v. “Sinh ra với trí thông minh, cơn cám dỗ nổi loạn hẳn phải thường xuyên thay đổi và phát triển cùng với nó” (C. Cuénot, Hoàn cảnh, 11).

127 Le Retentissement de la bombe atomique (1946); Oeuvres, 5: 187.

128 Georges Crespy, De la science à la théologie, essai sur Teilhard de Chardin, Cahiers théologiques, 54 (Neuchâtel, Switzerland: Delachaux et Niestlé, 1965), 105.

129 Le Phénomène humain, 123 và 161. Bulletin de la Société géologique de France (1946), 501, v.v. Blondel et Teilhard, Correspondance commentée, 93-94.

130 Xem thêm La Vie cosmique; Écrits, 25-28: “La Ségrégation de l’humanité”.

131 Đây là học thuyết của các Giáo phụ. Vì vậy, Thánh Hilary thành Poitiers: “Ipse autem, Universalitatis nostrae in se continens ex carnis assumptione naturam; —Naturam in se Universalae carnis adsumpsit; —omnium nostrum corpus adsumpsit ” [Tuy nhiên, Người chứa đựng trong Người bản chất phổ quát của chúng ta từ lúc mặc lấy thân xác; Người đã mặc lấy nơi Người bản chất phổ quát của thân xác; của mọi thân xác của chúng ta] (Migne, PL 10, 409; 9, 1025; CSEL 22, 108), v.v. Origen, In psalmum 36, horn. 2, n. 1: “Christus enim, cujus omne hominum genus, immo fortasse totius creaturae universalitas corpus est ” [Vì Chúa Kitô, mà thân xác là tính phổ quát của nhân loại, và có lẽ của toàn bộ sáng thế] (Migne, PG 12, 1330). Xem Thánh Cyril thành Alexander, Chống Nestorius c. 1, c. 1 (Migne, PG 76, 17). Saint Thomas, Summa, tertia pars, q. 8, art. 3: “Accipiendo generaliter secundum totum tempus mundi, Christus est caput omnium hominum, sed secundum diversos gradus.... ” [Xét chung, theo toàn bộ thời gian của thế giới, Chúa Kitô là đầu mọi con người, nhưng ở các mức độ khác nhau]

132 Thư ngày 9 tháng 10 năm 1916. Genèse d’une pensée, 166. Le Prêtre (1918): “Chúa đã tiết lộ cho con ơn gọi thiết yếu của Thế giới để vươn tới sự trọn vẹn qua phần được tuyển chọn của toàn bộ hữu thể của nó trong sự viên mãn của Ngôi Lời nhập thể của Chúa”; Écrits, 286.

133 Ghi chú ngày 8 tháng 2 và ngày 19 tháng 7 năm 1916, ngày 9 tháng 4 và ngày 16 tháng 11 năm 1918.

134 Les Noms de la matière (1919); Écrits, 429. Thư ngày 9 tháng 1 năm 1917: “Trái đất đích thực đối với tôi là phần được tuyển chọn của Vũ trụ, vẫn còn hơi lan rộng ở khắp mọi nơi, và đang trên đường đến phân rẽ từ từ, nhưng từng chút một mặc lấy thân thể và hình dạng trong Chúa Kitô ”(Genèse d’une pensée, 213).

135 Nó được tìm thấy một lần nữa trong Le Milieu divin: “Quá trình hoàn chỉnh mà từ đó Đất mới dần dần được sinh ra là một tập hợp đi đôi với một phân rẽ” (187); “Phân rẽ và tập hợp. Tách biệt các yếu tố xấu xa của Thế giới và sự 'hợp sinh' [coadunation] của các Thế giới sơ đẳng [elementary Worlds] mà mỗi tinh thần trung thành xây dựng xung quanh mình trong việc làm và trong khó khăn...” (195).

136 Khi Thánh Phaolô nói, Rm 11:26: “Trọn dân Israel sẽ được cứu”, ngài cũng không cho là quyết định số phận của mỗi cá nhân. Xem Thánh Augustinô, In Joannem, tract. 6, no. 26, liên quan đến các ly giáo, ám chỉ đến Diễm ca 6: 9: “Tại sao bạn lại xé chim bồ câu của tôi? Không, bạn đã không xé nát nó: bạn đã xé lòng dạ của riêng bạn; vì, trong khi bạn bị xé nát, chim bồ câu vẫn còn nguyên vẹn". Xem Catholicisme, loạt sách “Foi vivante” (Ed. Du Cerf, 1965), chương. 8, 174-76. [Bản dịch tiếng Anh: Catholicism (San Francisco: Ignatius Press, 1988)].

137 Étienne Borne, trong Recherches et débats, 40 (1962), 64.

138 Helmut de Terra, Mes voyages avec Teilhard de Chardin, bản dịch của André Tintant (Paris, Éd. Du Seuil, 1965), 136.

139 Cha Norbert M. Luyten đã ghi nhận một cách thận trọng về khía cạnh này rằng, "vì sợ một vũ trụ luận quá ngây thơ - hoặc quá khó khăn -, suy nghĩ của chúng ta phần lớn đã trở thành phi vũ trụ [acosmic] và vẫn bị giam cầm bởi một tự phản tỉnh khá vô vị”. Ngài kết luận,Teilhard ít nhất cũng có công khi chỉ ra “nhiệm vụ to lớn và cấp bách đang chờ đợi chúng ta ”. Teilhard de Chardin, Nouvelles perspectives du savoir? (Fribourg, Switzerland, 1965), 66-67.

Kỳ sau: Chương Hai: Sự đóng góp của Teilhard vào việc hiểu biết Thiên Chúa
 
VietCatholic TV
Phỏng vấn Linh Mục Tiến Sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng về Diễn Biến Ngoạn Mục trong Y Khoa vừa xảy ra
VietCatholic Media
05:26 01/02/2022
 
Kết quả bi đát cho những kẻ phá tượng Đức Mẹ: 350,000 đô. Phỏng Vấn Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến
VietCatholic Media
05:52 01/02/2022


1. Cảnh sát đã tìm được kẻ đột nhập vào ngôi nhà thờ cổ kính nhất California

Giáo xứ Thánh Anphongsô ở Fresno, California đã bị đột nhập vào trung tuần tháng Giêng vừa qua. Cả nhà tạm và bàn thờ kính Đức Mẹ đều bị lật tung.

Cha Carlos Serrano, Cha sở của nhà thờ Thánh Anphongsô, lần đầu tiên phát hiện ra những hư hại là vào sáng ngày 15 tháng Giêng.

Chandler Marquez, giám đốc truyền thông của Giáo phận Fresno, nói với CNA: “Khi đi xung quanh nhà thờ, ngài đã thấy những thiệt hại khác”.

Giáo xứ có một tượng Đức Mẹ được đặt trong một lồng kính, nơi mọi người thường đến cầu nguyện. Bên cạnh bức tượng là một chiếc hộp đựng tiền quyên góp cho giáo xứ. Marquez cho biết kẻ phá hoại đã lấy chiếc hộp cùng với số tiền quyên góp.

Cảnh sát Fresno đã điều tra vụ việc và có thể khôi phục hình ảnh của kẻ phá hoại từ camera giám sát. Từ các hình ảnh này đã lần ra hung thủ và đã bắt được y. Cảnh sát đánh giá thiệt hại về tiền bạc đối với nhà thờ là $35,000, và đang lập hồ sơ truy tố.

Marquez nói với đài truyền hình địa phương rằng “Cộng đồng bị tàn phá. Tấn công vào nhà tạm là một cuộc tấn công trực tiếp vào phần thiêng liêng nhất của nhà thờ. Họ cũng đã tấn công Đài Đức Mẹ của chúng ta. Về mặt văn hóa, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng này”.

Marquez nói thêm rằng cửa của nhà tạm đã bị hư hại đến mức giáo xứ vẫn chưa xác định được khả năng phục hồi.

Giáo xứ Thánh Anphongsô được thành lập năm 1908, phục vụ 700 gia đình. Các thánh lễ tại giáo xứ được cử hành bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Trong một thông điệp đánh dấu Ngày Tự do Tôn giáo vào đầu tháng này, Hồng Y Timothy Dolan của New York tuyên bố rằng “Trong gần hai năm, các giám mục Hoa Kỳ đã nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại là các nhà thờ Công Giáo bị phá hoại và các bức tượng bị đập phá.”

“Chúng ta không đơn độc. Bạn bè của chúng ta từ các nhóm tín ngưỡng khác cũng trải qua những đợt bùng phát này, và đối với một số cộng đồng, chúng xảy ra thường xuyên hơn nhiều.”

2. Những kẻ dám đập phá tượng Đức Mẹ có kết quả không tốt: 350,000 đô bỏ ra và vài năm tù

Cảnh sát Quận Fairfax, Virginia đã mở cuộc họp báo thông báo kết quả cuộc điều tra kẻ phá hoại tượng Đức Mẹ Fatima tại hang đá một giáo xứ Công Giáo ở Burke, Virginia bị phá hoại vào tối thứ Ba 25 tháng Giêng.

Nhà thờ Công Giáo Giáng Sinh, đã mở cuộc quyên góp tiền để thay thế các bức tượng, sau khi phát hiện ra rằng những bức tượng đã bị hư hỏng không thể sửa chữa được. Hang đá của giáo xứ có 4 bức tượng mô tả Đức Mẹ Fatima đang nói chuyện với ba trẻ mục đồng. Cả 4 bức tượng đều bị chặt đầu, và tay chân.

Trong một lá thư ngày 26 tháng Giêng gửi cho giáo xứ của mình, Cha Bob Cilinski cho biết ngài “rất đau buồn” khi phát hiện ra vụ phá hoại.

Cha Cilinski nói: “Cảnh sát đã được thông báo và đến để lập hồ sơ vụ phá hoại và bắt đầu cuộc điều tra của họ. Thật không may, những bức tượng bị hư hỏng không thể sửa chữa được. Các bức tượng sẽ bị dỡ bỏ và chúng ta sẽ làm mọi cách để thay thế.”

Các bức tượng kể từ đó đã bị dỡ bỏ khỏi hang động, và giáo xứ cũng như giáo phận đã làm việc với cảnh sát Quận Fairfax để điều tra vụ phá hoại. Thông tin chi tiết về các cảnh quay được từ camera an ninh đã được giao cho cảnh sát.

Cha Cilinski khuyến khích đàn chiên của mình “trở thành những người sống trong hòa bình, những người quý trọng và tôn trọng lẫn nhau,” và cầu nguyện cho kẻ đã phá hoại hang đá. Ngài mô tả hang đá là “một nơi cầu nguyện, hòa bình và chữa lành.”

Đức Cha Michael Burbidge của Arlington đã lặp lại tình cảm của Cha Cilinski trong một tuyên bố cung cấp cho CNA.

Đức Cha Burbidge nói: “Vụ phá hoại tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ Chúa Giáng Sinh là một hành động bôi nhọ một nơi thờ phượng một cách bi thảm và vô nghĩa. Đức Maria là biểu tượng của hòa bình trong một thế giới cần Mẹ hơn bao giờ hết”.

“Tôi yêu cầu những người khác cùng tôi cầu nguyện cho hung thủ, vì bất kỳ động cơ nào đằng sau hành động của người đó phản ánh một tâm hồn đau khổ đang cần đến Chúa của chúng ta”

Chính quyền địa phương đã lên án vụ phá hoại là một cuộc tấn công vào cộng đồng Công Giáo của Quận Fairfax. Burke là một khu vực của Quận Fairfax, cách Arlington khoảng 15 dặm về phía Tây Nam.

“Gần đây tôi đã được biết về một vụ phá hoại diễn ra tại Nhà thờ Công Giáo Giáng Sinh ở Burke,” Jeffrey McKay, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Quận Fairfax cho biết trong một tuyên bố hôm 26 tháng Giêng.

Ông nói: “Việc phá hủy tài sản và sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng Công Giáo của chúng ta là đáng báo động vì về cốt lõi, nó khiến mọi người cảm thấy không an toàn. Tại Quận Fairfax, chúng tôi biết sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi và chúng tôi luôn tìm cách thu hút nhiều người hơn vào cộng đồng của mình và bảo đảm rằng họ được lắng nghe và đại diện.”

McKay nói: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi lên án hành động thù ghét này. Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục biến Quận Fairfax trở thành một cộng đồng an toàn cho tất cả mọi người.”

Trong cuộc họp báo, Cảnh sát trưởng Kevin Davis cho biết hung thủ đã bị bắt và phải đền bù số tiền ít nhất là 350,000. Phiên tòa xử vụ này sẽ diễn ra trong tháng Hai này.


Source:Catholic News Agency

3. Phỏng Vấn Đức Tân Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến

Hôm 18 tháng 12, Phòng báo chí Toà Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Đaminh Hoàng Minh Tiến, thuộc linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa, làm Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa. Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục sẽ được cử hành vào lúc 09g00, thứ Hai, ngày 14 tháng 02 tới đây tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc, Giáo phận Hưng Hoá.

Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến hiện đang đảm trách chức vụ Đại diện Giám quản Tông tòa giáo phận Hưng Hóa kiêm Chính xứ giáo xứ Chính Tòa giáo phận Hưng Hóa.

Đức Tân Giám mục đã dành cho phóng viên Lê Quang Vinh cuộc phỏng vấn sau:

Trọng kính Đức Cha, xin Đức Cha chia sẻ với chúng con những tâm tình đầu tiên khi Đức Cha được Tòa Thánh trao sứ vụ mới.

Điều trước tiên đó là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao cả Chúa trao ban cho tôi và cho giáo phận Hưng Hóa. Nhưng đối diện với sự thánh thiện của chức vụ và trách nhiệm phải thực thi, tôi cảm thấy sợ và lo lắng. Lúc này, tôi cảm nhận sâu sắc hơn việc thánh Phêrô đối diện với Chúa Giêsu sau mẻ cá lạ lùng. Phêrô đã sợ hãi kêu lên: “Lạy Thầy xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Nhưng sau đó, Chúa Giêsu đã nói lời an ủi để Phêrô có thể vượt qua được nỗi lo lắng sợ hãi ấy: “đừng sợ!”

Thưa Đức Cha, chúng con biết Đức Cha đã từng đi nhiều nơi, phục vụ trong nhiều môi trường trong hành trình ơn gọi. Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về ơn gọi của Đức Cha và những sứ vụ mà Đức Cha đã đảm nhận trong Giáo Hội.

Trong bối cảnh giáo hội Việt Nam đầu thập niên 90 thế kỷ trước, một vài Đại Chủng viện mới được mở cửa trở lại. Bản thân tôi cũng như rất nhiều anh em lúc bấy giờ phải tìm cách học tập tu luyện, miễn là có thể giữ được ơn gọi. Các Đấng Bề Trên cho đi học thì lo học cho tốt. Tương lai thì phó thác trong tay Thiên Chúa. Con đường theo Chúa luôn là con đường Thập giá đầy những khó khăn vất vả mà mình phải cố gắng vượt qua. Khó khăn nhất phải kể đến là khoảng thời gian từ khi hoàn thành chương trình Triết học và Thần Học cho đến khi được chịu chức linh mục (1998 – 2006). Đó là thời gian chờ đợi để có thể hợp thức hóa việc học tập và tu luyện đối với chính sách tôn giáo, thì mới có thể chịu chức linh mục được. Khó khăn rồi cũng qua đi. Chúa luôn có cách của Ngài. Ngài đã thu xếp một cách tốt đẹp. Mỗi khi có dịp ngẫm lại hành trình ơn gọi, tôi lại càng thấy ơn thánh Chúa luôn bao bọc che chở. Đối với Chúa, mọi giây phút đều có giá trị và Ngài sẽ làm cho nên tốt đẹp nhất để biến đổi ta trở nên người môn đệ trung tín của Ngài.

Thật sự, tôi nghĩ rằng, sống ơn gọi tu trì cần phải có lòng yêu mến và nhiệt thành. Tôi luôn cố gắng tận dụng thời gian và cơ hội Chúa ban để phục vụ giáo phận ở nhiều cương vị khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và sự dạy bảo của các Đấng Bề Trên. Kể từ khi chịu chức linh mục cách đây 16 năm, tôi chỉ phục vụ ở giáo xứ như một cha phó và cha xứ khoảng 3 năm. Gần 5 năm tu nghiệp ở nước ngoài. Còn lại phần lớn thời gian của sứ vụ là công việc trong Ban Đào Tạo Ơn Gọi của giáo phận. Đặc biệt từ năm 2014 – 2020 tôi đảm nhận thêm chức vụ Quản lý của giáo phận. Sau đó làm Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám quản trong khoảng 18 tháng.

Đức Cha đã từng đặc trách Tiền Chủng viện Hưng Hóa và là Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Ơn gọi giáo phận Hưng Hóa, đặc trách Chủng Sinh nhiều năm liền, xin Đức Cha cho chúng con biết về tình hình ơn gọi và nhu cầu mục vụ tại Giáo phận Hưng Hóa.

Giáo phận Hưng Hóa có địa bàn thuộc 10 tỉnh và thành phố. Trong nhiều thập kỷ trước đây, không có Tiểu Chủng viện và Đại Chủng viện, số linh mục phục vụ trong giáo phận thiếu trầm trọng. Việc đào tạo ơn gọi linh mục luôn bức thiết. Tính từ năm 1990 đến nay, mỗi năm giáo phận có khoảng 20 ứng sinh nhập tu. Tỷ lệ ứng sinh nhập tu cho đến khi làm linh mục đạt khoảng 50%. Hiện nay giáo phận có 178 linh mục đang phục vụ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu mục vụ trên một địa bàn quá rộng. Có những linh mục phải đi hàng trăm cây số vào mỗi Chủ Nhật để dâng lễ cho giáo dân. Nếu tính trung bình 1 linh mục phục vụ cho 1000 giáo dân, thì giáo phận Hưng Hóa cần thêm ít nhất 80 linh mục nữa tại thời điểm hiện tại.

Hiện tại giáo phận có 120 Đại chủng sinh đang gửi học tại các Đại Chủng viện Hà Nội, Huế, Xuân Lộc và 90 em Tiền Chủng viện và tu sinh sinh viên. Mỗi năm giáo phận có thêm 10-15 tân linh mục. Như vậy, khoảng 6-8 năm nữa, số linh mục mới tạm đủ cho số giáo dân hiện nay. Tuy nhiên, giáo phận Hưng Hóa là vùng truyền giáo. Số giáo dân mỗi năm tăng từ 3000-5000 người. Các giáo xứ chia tách hàng năm vẫn tăng. Với tiến độ đào tạo linh mục như hiện nay, trong vòng 10 năm nữa, thật khó có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu mục vụ của giáo phận. Cho nên, các chương trình mục vụ ơn gọi và đào tạo ơn gọi linh mục tương lai cho giáo phận vẫn luôn là việc cần phải quan tâm hơn nữa.

Bên cạnh việc đào tạo ơn gọi linh mục giáo phận, ơn gọi cho các dòng tu cũng luôn cần thiết. Trong những năm gần đây, ơn gọi tu sĩ có phần giảm hơn trước. Đây cũng là một lo ngại đối với ơn gọi tu trì của Giáo hội trong tương lai.

Xin Đức Cha giải thích cho chúng con về huy hiệu và khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha.

Huy Hiệu: Theo cá nhân tôi, huy hiệu Giám mục cần diễn tả được những nét đặc trưng của giáo phận mình phục vụ và qua đó cũng thể hiện được lòng nhiệt thành tín thác vào Thiên Chúa trong sự hướng dẫn của Thánh Thần để bản thân có thể chu toàn được sứ vụ Chúa trao phó.

- Tấm khiên và thanh gươm: biểu tượng của đức tin và Thần Khí (Ep 6,16-17)

- Nền tấm khiên có đường nét ruộng bậc thang: biểu tượng của vùng đất Tây-Bắc Việt Nam, thuộc giáo phận Hưng Hóa.

- Thánh giá: biểu tượng cho sự dấn thân vì Tin Mừng

- Hình ảnh chim bồ câu: biểu tượng cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

- Trái tim: biểu tượng của tình yêu thương

- Ngọn lửa: biểu tượng của lòng nhiệt thành

- Hai cành vạn tuế nối liền với nhau: biểu tượng của sự hiệp nhất nhờ máu của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Đất Sơn Tây là vùng đất thấm đẫm máu các thánh Tử Đạo. Đặc biệt, thánh Phêrô Vũ Văn Truật, một giáo lý viên, một vị tử đạo duy nhất là người sinh quán tại Hưng Hóa.

Khẩu Hiệu: Hiệp nhất và Yêu Thương.

Trong Tin mừng Gioan 17,22, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất. “…để họ được nên một như chúng ta là một”. Ngài cầu xin cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ. Lịch sử Giáo hội cũng cho thấy những kinh nghiệm về sự hiệp nhất quan trọng như thế nào. Xây dựng tình hiệp nhất trong giáo hội luôn tạo được sức mạnh của niềm tin để có thể đương đầu với những nghịch cảnh và giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, trở nên chứng tá Tin mừng cho mọi người.

Tin mừng Gioan 15,17: “Điều thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”. Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ trong đời sống yêu thương. Ngài tóm gọn 10 giới răn trong 2 điều: mến Chúa, yêu người (Mc 12,28-31). Đến với anh em lương dân và các tôn giáo khác, ta gặp trở ngại về quan điểm, niềm tin. Đến với người anh em dân tộc, ta gặp trở ngại về ngôn ngữ. Ngôn ngữ của bác ái và yêu thương như Chúa yêu, sẽ vượt qua mọi trở ngại để Tin mừng có thể được gieo vào tâm hồn mỗi người.

Tôi ước mong mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận luôn biết xây dựng tình hiệp nhất trong một đức tin và thực thi bác ái yêu thương đối với mọi người, để Tin mừng được lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Thưa Đức Cha, Hưng Hóa là một Giáo phận có một lịch sử phong phú và có những đặc điểm mục vụ nổi bật, xin Đức Cha cho chúng con biết tình cảm cũng như ưu tư của Đức Cha trong sứ vụ Giám mục Chính tòa của Giáo phận.

Thứ nhất: Cá nhân tôi luôn ý thức về sứ vụ mục tử Chúa trao để phục vụ giáo phận Hưng Hóa. Tôi cần phải cố gắng mỗi ngày trong đời sống cầu nguyện, hy sinh và yêu mến. Nhờ đó, tôi mới có thể chu toàn nhiệm vụ Chúa đã thương ban và Giáo hội tin tưởng trao phó.

Thứ hai: Giáo phận Hưng Hóa có địa bàn mục vụ quá rộng. Nguồn nhân lực phục vụ rất khiêm tốn đối với nhu cầu quá lớn. Làm thế nào để mọi hoạt động mục vụ có thể thực hiện để đáp ứng được những yêu cầu căn bản của dân Chúa trong giáo phận vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải đáp.

Thứ ba: Giáo phận Hưng Hóa lúc này như một cánh đồng lúa đang đến ngày mùa. Tìm đâu ra những thợ gặt để có thể sai đi đến với muôn dân. Trong khi các linh mục tu sĩ còn quá thiếu, dân trí thấp, hiểu biết đức tin còn non yếu, điều kiện kinh tế nói chung còn khó khăn, việc giáo dân làm tông đồ cũng không có bao nhiêu. Vì thế, những “người thợ gặt” trong hiện tại phải làm việc vất vả hơn để đáp ứng được phần nào nhu cầu của dân Chúa.

Chúng con xin cám ơn Đức Cha và cầu nguyện cho Đức Cha luôn tràn đầy ơn Chúa trong sứ vụ mới.
 
Biến cố Cha Giuse Thanh: Thế giới Công Giáo liên đới với GH Việt Nam, hoài nghi câu chuyện tâm thần
VietCatholic Media
16:07 01/02/2022

1. Biến cố thương tâm của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh: Hãy nâng đỡ các linh mục

Hung thủ là một kẻ bị tâm thần. Đó là cách giải thích đơn giản nhất, phủi tay mọi sự, bất kể kẻ bị cho là “tâm thần” là người biết chơi Facebook, và nhất là biết chém những cú trí mạng vào những chỗ nhược kết liễu mạng sống của một linh mục mới có 41 tuổi.

Đâu là nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là câu hỏi mà nhiều người đặt ra với chúng tôi, kể cả các thông tấn xã lớn trên thế giới.

Trước mắt, chúng ta cần nhận ra điều này, đại dịch coronavirus kéo dài đang thay đổi sâu sắc điều kiện xã hội. Chúng ta bị cô lập nhiều hơn, bị tước đoạt nhiều quyền công dân chính đáng; và các nhà cầm quyền có trong tay nhiều phương tiện đàn áp hơn nhân danh cuộc chiến chống coronavirus.

Bàn về hiện trạng ngày nay của các linh mục, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, gọi tắt là CEI /si-e-i/, đã nhận định rằng:

“Các linh mục chúng ta ngày nay đang có nhiều vấn đề, nhưng trên hết là một sự cô đơn không thể tưởng tượng nổi”.

Gần gũi với các ngài, nâng đỡ các ngài, bảo vệ các ngài, cầu nguyện cho các ngài thiết tưởng là những điều cần thiết nhất chúng ta nên làm ngay.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng tổng thống Ý tái đắc cử

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chúc mừng tổng thống Sergio Mattarella được tái đắc cử tổng thống Ý vào cuối tuần qua.

Trong một điện tín cá nhân gửi tới Cung điện Quirinal vào tối ngày 29 tháng Giêng, Đức Thánh Cha viết rằng tổng thống Mattarella đã chấp nhận nhiệm vụ cao cả của mình “với một tinh thần sẵn sàng quảng đại”.

“Trong những thời điểm được đặc trưng bởi đại dịch, trong đó nhiều khó khăn và bất ổn đã lan rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực công việc, và nỗi sợ hãi gia tăng cùng với nghèo đói… sự phục vụ của bạn càng cần thiết hơn để củng cố sự thống nhất và mang lại hòa bình cho đất nước,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Tôi bảo đảm với bạn về những lời cầu nguyện của tôi rằng bạn có thể tiếp tục hỗ trợ những người dân Ý thân yêu trong việc xây dựng một nền chung sống huynh đệ hơn bao giờ hết và khuyến khích họ đối mặt với tương lai với hy vọng.”

Tổng thống Mattarella, 80 tuổi, được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 7 năm, sau khi ông bày tỏ mong muốn rời nhiệm sở.

Tổng thống Mattarella nói trong một bài phát biểu sau cuộc bầu cử vào ngày 29 tháng Giêng: “Nghĩa vụ đối với quốc gia phải chiếm ưu thế hơn các lựa chọn cá nhân của tôi”.

Tổng thống Ý được bầu bảy năm một lần bởi một nhóm khoảng 1,000 đại cử tri bao gồm cả các thành viên của quốc hội và các đại biểu khu vực.

Không có danh sách chính thức của các ứng cử viên và bất kỳ tên nào đều có thể được đưa ra trong suốt quá trình kéo dài nhiều ngày. Sau ba vòng bỏ phiếu đầu tiên, một ứng cử viên chỉ cần đa số đơn giản để giành chiến thắng.

Bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này bắt đầu vào ngày 24 tháng Giêng và kéo dài trong tám vòng bỏ phiếu.

Vào ngày 29 tháng Giêng, Mattarella đã nhận được đa số phiếu sau khi Thủ tướng Mario Draghi kêu gọi ông xem xét lại quyết định rời nhiệm sở sau nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Tổng thống ở Ý có vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ với tư cách là nguyên thủ quốc gia, mặc dù tổng thống có khả năng bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng nội các, giải tán quốc hội và ban hành các sắc lệnh tạm thời của chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Mattarella từng là thẩm phán tòa án hiến pháp trước khi được bầu làm tổng thống Ý vào năm 2015.

Sinh ra ở Palermo, Mattarella là một thành viên tích cực của Công Giáo Tiến hành trong những năm còn trẻ và bắt đầu sự nghiệp đầy hứa hẹn với tư cách là một giáo sư luật.

Anh trai của Mattarella, Piersanti, từng là thống đốc Sicily và bị mafia ám sát lúc đang tại chức vào năm 1980.

Sau cái chết của anh trai, Mattarella tham gia chính trị trong hàng ngũ đảng Dân chủ Kitô giáo.

Đảng Dân chủ Kitô giáo được thành lập vào năm 1943, và kế thừa di sản của Đảng Nhân dân Ý, do Linh mục Luigi Sturzo thành lập - đảng này đưa ra quan điểm Công Giáo và thu hút những người được đào tạo trong các hiệp hội Công Giáo.

Đảng kết thúc vào năm 1994 với vụ bê bối Tangentopoli, một cuộc điều tra toàn quốc về tham nhũng chính trị.

Tại Palermo, Sergio Mattarella đã thiết lập quan hệ và tình bạn với Hồng Y Salvatore Pappalardo, người được coi là biểu tượng của phong trào chống mafia.

Trong những năm là thành viên quốc hội, Mattarella từng là bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng giáo dục và bộ trưởng quan hệ với quốc hội. Ông thường xuyên tiếp xúc với cố Hồng Y Achille Silvestrini, người có nhiều mối liên hệ giữa Tòa thánh và các chính trị gia Công Giáo Ý.

Sau khi Đảng Dân chủ Kitô giáo sụp đổ, các chính trị gia Công Giáo đã phân tán trong một số đảng phái chính trị.

Mattarella vẫn ở cánh trung-tả và giữ chức vụ phó thủ tướng từ năm 1998 đến 1999 với tư cách là phó thủ tướng cho chính quyền Ý đầu tiên do một cựu thành viên đảng cộng sản, Thủ tướng Massimo D'Alema điều hành. Mattarella được bầu làm thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp của Ý vào năm 2011.

Ông Mattarella đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 3 tháng 2.
Source:Catholic News Agency

3. Linh mục Anh giáo bị bắn chết ở Pakistan sau khi cử hành thánh lễ và đang trên đường từ nhà thờ về nhà

Một mục sư Anh giáo đã bị bắn chết sau khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật ở tây bắc Pakistan.

Hai tay súng đi xe máy đã phục kích một chiếc ô tô trong đó có ba giáo sĩ Kitô giáo đang lái xe về nhà sau buổi lễ vào ngày Chúa Nhật 30 tháng Giêng tại thành phố Peshawar của Pakistan, chỉ cách biên giới Afghanistan 34 km.

Linh mục William Siraj chết ngay lập tức vì nhiều vết thương do đạn bắn. Ông đã 75 tuổi.

Một linh mục khác, Cha Naeem Patrick, bị một vết thương do đạn bắn và được điều trị tại bệnh viện Peshawar.

Cảnh sát vẫn đang truy lùng hai tay súng chưa rõ danh tính đã bỏ trốn khỏi hiện trường và chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Một buổi lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Anh giáo Các Thánh ở Peshawar vào ngày 31 tháng Giêng.

Đây cũng chính là nhà thờ từng là mục tiêu trong một vụ tấn công khủng bố năm 2013 của hai kẻ đánh bom liều chết khiến 85 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Benny Mario Travas của Karachi bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Kitô giáo ở Peshawar sau vụ ám sát.

Đức Cha kêu gọi các nhà chức trách “thực hiện các biện pháp ngay lập tức và nghiêm túc, bắt giữ những kẻ giết người và hoạt động vì hòa bình và an ninh cho tất cả các dân tộc thiểu số.”

Đức Tổng Giám Mục Travas cho biết: “Tất cả các tín hữu Kitô đều hợp nhất với Giáo hội Anh giáo của Pakistan vào thời điểm này”.

Ngài nói: “Cuộc phục kích này làm suy yếu hòa bình và hòa hợp tôn giáo trên khắp đất nước”.

Đức Cha Azad Marshall, nhà lãnh đạo Giáo hội Anh Giáo Pakistan, đã lên án vụ tấn công.

Đức Cha Marshall viết trên Twitter hôm 30/1: “Chúng tôi yêu cầu công lý và sự bảo vệ của những người theo đạo Kitô từ Chính phủ Pakistan”.

Giáo hội Pakistan là một phần của Hiệp thông Anh giáo.

Đức Tổng Giám Mục Anh giáo của Canterbury Justin Welby cho biết ngài đã cùng với Marshall “lên án hành động ghê tởm này”.

“Tôi cầu nguyện cho công lý và sự an toàn cho cộng đồng Kitô giáo ở Pakistan”.

Theo Pew, các tín hữu Kitô là một thiểu số nhỏ ở Pakistan - chỉ chiếm 1.6% dân số.

Nhưng với dân số Pakistan là 220.9 triệu người, điều này có nghĩa là cả nước có khoảng 3.5 triệu Kitô hữu.

Open Doors bao gồm Pakistan trong số mười quốc gia tồi tệ nhất trong Danh sách Theo dõi Thế giới về việc đàn áp Kitô hữu.

Theo nhóm này, các Kitô Hữu ở Pakistan không chỉ đối mặt với bạo lực mà còn phải chịu sự phân biệt đối xử ở cấp nhà nước thông qua các luật báng bổ.

Nước láng giềng Afghanistan được xếp hạng là quốc gia nguy hiểm nhất đối với Kitô Hữu trên thế giới sau khi Taliban tiếp quản chính quyền.

Cha Mushtaq Anjum, một linh mục Công Giáo Pakistan, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng các tín hữu Kitô ở đất nước ngài đang bị đe dọa nghiêm trọng với sự cai trị của Taliban xuyên biên giới.

“Mối đe dọa chống lại các Kitô Hữu đã tăng lên, kể từ khi chính phủ của chúng tôi ủng hộ chiến thắng của Taliban ở Afghanistan.”
Source:Catholic News Agency

4. Cảnh sát Công Giáo được bồi thường 75 nghìn đô la sau khi bị đình chỉ vì cầu nguyện tại cơ sở phá thai

Theo tổ hợp luật sư Thomas More Society, cảnh sát viên Matthew Schrenger đã nghỉ việc khi anh ấy dừng lại để cầu nguyện với cha mình trên vỉa hè công cộng bên ngoài Trung tâm phẫu thuật dành cho phụ nữ EMW gần một năm trước, vào ngày 20 tháng 2.

Trước khi cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai mở cửa, Schrenger đã đến đó vào sáng sớm, như một phần của 40 Ngày cho Cuộc sống, một chiến dịch cấp quốc tế cho việc chấm dứt phá thai thông qua cầu nguyện và ăn chay.

Matt Heffron, cố vấn cấp cao của Thomas More Society, cho biết Schrenger là một cảnh sát trong 13 năm qua, đang đọc Kinh Mân Côi.

Một thông cáo báo chí ngày 27 tháng Giêng của tổ hợp luật sư Thomas More Society cho biết vì hành động này, Schrenger đã bị treo giò hơn bốn tháng, bị tước quyền cảnh sát và bị điều tra.

Theo một lá thư mà đài truyền hình WDRB News có được vào tháng 6 năm ngoái, Sở Cảnh sát Metro Louisville bày tỏ lo ngại rằng Schrenger đã mặc đồng phục đầy đủ khi tham gia “hoạt động biểu tình”, nhưng thừa nhận rằng anh ta đã cố gắng che đậy bằng áo khoác.

Video giám sát do WDRB thu được cho thấy Schrenger cầu nguyện và đi bộ bên ngoài cơ sở phá thai trong khoảng 45 phút và mang theo biển báo “cầu nguyện để chấm dứt phá thai”.

Luật sư của Schrenger, Heffron, gọi các hành động của thành phố chống lại cựu nhân viên cảnh sát 13 năm là “một sự vi phạm nghiêm trọng và không thể bào chữa đối với các quyền hiến định của một viên chức trung thành.”

“Hình thức kỷ luật không công bằng đã tiết lộ sự phân biệt đối xử dựa trên nội dung không thể phủ nhận đối với quan điểm ủng hộ cuộc sống cá nhân của Schrenger và vi phạm các quyền của Tu chính án thứ nhất. Anh ấy không tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình chính trị nào khi thi hành công vụ - anh ấy lặng lẽ cầu nguyện. Tuy nhiên, Schrenger đã bị trừng phạt vì hành vi hòa bình, và riêng tư này.”

Schrenger đã kiện thị trưởng, cảnh sát trưởng và sở cảnh sát của thành phố trong một vụ kiện liên bang do Hiệp hội Thomas More đệ trình vào tháng 10.

Luật sư Heffron cáo buộc sở cảnh sát về tiêu chuẩn kép.

Ông nói: “Việc đối xử với Schreger đặc biệt đáng kinh tởm khi các viên chức cảnh sát Louisville khác trước đó đã tham gia, trong khi làm nhiệm vụ và mặc đồng phục, trong các cuộc biểu tình chính trị mà dường như đã được sở cảnh sát chấp thuận. Anh ấy bị đối xử rất khác biệt so với các viên chức khác, những người không thể phủ nhận đã tham gia vào các hoạt động phản đối và hoạt động chính trị thực sự trong khi tham gia các cuộc biểu tình LGBT và Black Lives Matter.”

Theo Thomas More Society, các yêu cầu hồ sơ mở cho thấy những viên chức khác không phải đối mặt với việc bị đình chỉ hoặc bất kỳ hình thức kỷ luật nào.

Thành phố Louisville, Kentucky, bị tòa truyền trả cho anh Matthew Schrenger 75,000 đô la và phục chức cho anh ấy.
Source:Catholic News Agency