Ngày 03-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/02: Sống thật với Chúa và chính mình – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá
Giáo Hội Năm Châu
03:37 03/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói : “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy !”

Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Đó là lời Chúa
 
Được gọi cho một mục đích
Lm. Minh Anh
03:51 03/02/2022

ĐƯỢC GỌI CHO MỘT MỤC ĐÍCH
“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”.

Thomas Carlyle nói, “Sống không có mục đích, con người như con tàu không bánh lái; một vật trôi dạt, vô dụng. Hãy có một mục đích sống! Và khi có nó, hãy dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp vào công việc Chúa muốn nơi bạn!”. Đồng tình với Thomas Carlyle, một nhà sản xuất phim nói, “Nếu chúng ta có trách nhiệm đối với ngân sách được Thiên Chúa trao, Ngài sẽ mở cửa. Đừng quên, bạn ‘được gọi cho một mục đích!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Được gọi cho một mục đích’, cũng là chủ đề của Lời Chúa mồng 3 Tết, ngày Thánh Hoá Công Việc. Các bài đọc cho biết, nhân vật chính của câu chuyện lớn trong Thánh Kinh là ai, Ngài làm gì, muốn gì? Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và con người; Ngài muốn con người tiếp tục công trình của Ngài, nó ‘được gọi cho một mục đích’, để “trồng tỉa và coi sóc vườn”.

Bài đọc Sáng Thế tiết lộ, khởi đầu của vũ trụ không là một tai nạn ngẫu nhiên, mà là kết quả từ ý muốn yêu thương và mục đích của Đấng Tạo Thành. Sau khi hoàn tất mọi sự trong năm ngày; ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng con người. Ngài hình thành nó từ bụi đất. Không có gì “ngoạn mục” với chất liệu Ngài dùng! Bụi đất, tượng trưng cho một thứ gì đó ít giá trị, thấp kém và mọn hèn. Nhưng Thiên Chúa thở vào lỗ mũi con người; với hơi thở sự sống thần thánh này, con người đã trở thành một thực thể sống, như các dạng sống của các tạo vật khác. Tuy nhiên, chỉ con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài đặt vào hơi thở của Ngài, Thánh Linh của Ngài trong nó. Như vậy, khi hít thở một chút hơi thở của chính Thiên Chúa, con người được chia sẻ quyền thống trị vạn vật với Ngài. Và “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Rõ ràng, nó ‘được gọi cho một mục đích!’.

Mục đích của Thiên Chúa thật rõ, “Để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. “Vườn” ở đây là “ngôi nhà chung”, theo ngôn ngữ của Đức Phanxicô, mà tất cả chúng ta có bổn phận chăm sóc; chăm sóc môi trường, chăm sóc lẫn nhau. Phaolô, một con người ‘được gọi cho một mục đích’, trong bài đọc thứ hai hôm nay, đã nêu gương cho tín hữu Êphêsô, “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy, phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế”.

Với bài Tin Mừng, những nén bạc được trao, Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của hai hạng người đầu tiên, họ đã mạo hiểm, nên đã nhân đôi những gì đã lãnh nhận. Họ được ca ngợi vì cam kết của họ đối với Ông Chủ và đối với Vương Quốc Ngài. Trước hết, họ nhìn những ân ban đã lãnh nhận trong sự ngạc nhiên; cuộc sống, sức khỏe, đức tin, tài năng và đặc biệt, những con người đã lấp đầy và làm nên cuộc sống của họ. Họ không ngừng tạ ơn vì những gì đã lãnh nhận; chính việc tạ ơn bảo vệ họ, giúp họ phát triển mối quan hệ đáng yêu này ngày một hơn với Thiên Chúa, Đấng ban tặng. Đầy tớ thứ ba, vì sợ Chủ, nên đã đánh mất tài năng anh có. Một khi những món quà của Chúa không được sử dụng, thì sự tốt lành của Ngài lập tức, bị nghi ngờ. Anh quên, anh ‘được gọi cho một mục đích’.

Anh Chị em,

Chúng ta được dựng nên, được đặt vào trái đất; nghĩa là ‘được gọi cho một mục đích’ thật rõ ràng, “để trồng tỉa và coi sóc vườn”. Hạnh phúc thay khi chúng ta được chia sẻ quyền làm chủ vạn vật với Thiên Chúa; như thế, lao động là cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo. Vì thế, hãy ‘cuốc những nhát cuốc’ trong Năm Mới này với tâm thức của một nhà khảo cổ; đừng ‘cuốc’ với tâm thức của một tù nhân! Nhưng mục đích đó chỉ đạt được, khi chúng ta biết để Thiên Chúa cùng làm, cùng suy tư, cùng học hành với mình. Hãy dành cho Ngài một chỗ trong các công việc; hãy biến lao động của mình thành niềm vui và hạnh phúc đời sau bằng sự mạo hiểm đầy can đảm như người đã nhận năm nén và hai nén.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con dám chấp nhận rủi ro để nhân đôi, nhân nhiều lần những gì Chúa trao; nhờ đó, anh chị em con được hưởng nhờ, Vương Quốc Chúa được mở rộng. Vì con “được gọi cho một mục đích’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Năm Mới tấn tới hiệp hành
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:43 03/02/2022

NĂM MỚI TẤN TỚI HIỆP HÀNH

Những ngày đầu Năm Mới, mọi người đều cầu xin và cầu chúc cho nhau Năm Mới tốt đẹp hơn năm cũ: Năm Mới làm ăn tấn tới, học hành tấn tới, sự nghiệp tấn tới… Và thật là một sự trùng hợp thú vị, Phúc Âm Chúa Nhật đầu Năm Mới này cũng kể chuyện Chúa cho các môn đệ làm ăn tấn tới và sự nghiệp tấn tới.

1. Làm ăn tấn tới. Năm vừa qua do dịch bệnh mà công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn, thất bại, thua lỗ. Đó cũng là tình cảnh của các ngư phủ trong chuyện Phúc Âm tuần này. Các ngư phủ vất vả đánh cá suốt đêm mà không được con nào. Thế nhưng, khi vâng lời Chúa thả lưới thì các ông đã bắt được đầy cá. Chúa đã cho các ông làm ăn tấn tới. Như thế, điều quan trọng để làm ăn tấn tới không phải chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình, mà cần cậy trông vào quyền năng Chúa, sẵn lòng làm theo Lời Chúa hướng dẫn, tin tưởng và hy vọng Chúa có thể làm những điều kỳ diệu trên đời mình.

2. Sự nghiệp tấn tới. Hơn cả việc làm ăn tấn tới, Chúa đã giúp cho các ngư phủ sự nghiệp tấn tới khi Ngài bảo Phêrô: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Chúa đã đổi đời các ông. Từ thân phận thấp kém của kẻ chài lưới đánh cá, các ông trở thành môn đệ cao cả của Chúa Cứu Thế thu phục muôn dân. Các ông không còn chịu cảnh còng lưng cúi mặt kéo lưới bắt tôm cá vật chất, nhưng là hân hoan ngẩng cao đầu loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Các môn đệ ngày xưa đã lắng nghe Lời Chúa hướng dẫn để rồi mau mắn cùng nhau hành động thả lưới bắt cá. Các ông đã lắng nghe Lời Chúa gọi để rồi dấn thân từ bỏ mọi sự cất bước hành trình theo Chúa. Đó chẳng phải là chuyện hướng tới 1 Giáo hội hiệp hành của chúng ta hôm nay hay sao. Thế nên, chúng ta cùng cầu chúc nhau Năm Mới tấn tới hiệp hành: Cùng nhau hành động, cùng nhau tiến bước hành trình nhờ Chúa soi đường dẫn lối. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 03/02/2022

12. Đọc Kinh Thánh là vì để tìm chân lý; còn như sách do ai viết, văn học, tu dưỡng hoặc sâu hoặc nông của họ, thì con không nên để ý. Tóm lại, lời của ai nói, con không cần phải hỏi; nhưng ý nghĩa của lời nói thì con nên cẩn thận chú ý.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:14 03/02/2022
87. NHỚ CON CỌP

Ở tại núi Ngũ Đài có một thiền sư, thu nhận một em bé ba tuổi làm hòa thượng.

Núi Ngũ Đài rất cao, hai thầy trò tu hành ở trên đỉnh núi và chưa bao giờ hạ sơn, qua hơn mười năm thì thầy trò mới hạ sơn, tiểu hòa thượng nhìn thấy trâu, ngựa, gà, chó, thì không biết là con gì. Thiền sư liền nhất nhất chỉ dạy đồ đệ:

- “Đây là con trâu có thể cày ruộng; đây gọi là ngựa cỏ thể cưỡi; đây kêu là gà, chó có thể giúp con người báo giờ và giữ nhà”.

Một lúc sau, có một cố gái đẹp đi ngang qua, tiểu hòa thượng kinh ngạc hỏi:

- “Đó là con gì?”

Thiền sư sợ nó động lòng phàm liền hù dọa nó:

- “Đó gọi là con cọp, người đến gần nó thì nhất định bị nó xơi tái, ngay cả xương cũng không chừa lại”.

Tối ngày trở lại núi cao, thiền sư hỏi:

- “Hôm nay con nhìn thấy mọi thứ ở dưới núi, trong lòng con có nhớ chúng không?”

Tiểu hòa thượng đáp:

- “Tất cả mọi thứ con đều không nhớ, nhưng chỉ nhớ con cọp ăn thịt người đó mà thôi !”

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 87:

Thiền sư sợ đệ tử mất...ơn gọi tu trì, nên nói dối cô gái đẹp là con cọp ăn thịt người để đệ tử sợ mà tránh xa, nhưng không ngờ, thay vì sợ và tránh xa thì đệ tử lại nhớ thương...con cọp ấy. Thiện tai, thiện tai.

Con gái không phải là con cọp, thế mà có những cô gái đẹp nhưng tính tình dữ tợn như cọp cái: thích ăn thua đủ với người khác; con gái là con người được Thiên Chúa đựng nên giống hình ảnh Ngài, nhưng có những cô gái đẹp muốn hình ảnh mình giống...con cọp cái: nói năng đốp chát, ăn hiếp chồng con, ngang tàng như...cọp.

Con cọp trong rừng mà hiền lành thì ai cũng mến huống chi là...con cọp ăn thịt người của thiền sư, không những yêu mến mà còn muốn ở chung với nó nữa chứ...

Ha ha ha, đúng là “mầu nhiệm” tình yêu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lòng Mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
19:48 03/02/2022

Lòng Mến Là Thước Đo Cho Mọi Giá Trị Đạo Đời
CN 5 C

Đọc lại trình thuật ơn gọi các Ngôn sứ lớn trong Cựu ước, ta sẽ thấy các ngài luôn ý thức sự thấp hèn bất xứng của mình.

- Môisen:người chăn cừu cho nhạc phụ Yethrô. Có một lần ông lùa đàn cừu tận núi Khoreb, bỗng nhiên ông nhìn thấy một quang cảnh hùng vĩ : Bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi. Bị cuốn hút trong khung cảnh hùng vĩ ấy, ông chạy đến để nhìn xem. Khi ông tới gần, một tiếng nói uy nghiêm từ bụi gai tuyên phán : Chớ lại gần, cởi dép ra vì đất ngươi đang đứng là Đất Thánh. Rồi Chúa gọi Môisen nhưng ông ngại ngùng thoái thác:“Lạy Chúa, tôi là ai mà dám đối đầu với Pharaon …Từ xưa tới giờ, tôi đâu có lợi khẩu, tôi chỉ là một đứa nói cà lăm…vì thế, lạy Chúa, Chúa muốn chọn ai thì chọn, sai ai thì sai, nhưng xin tha cho tôi” ( Xh 3,11;4,13). Chúa thuyết phục Môisen “cứ yên tâm! Ta sẽ ở với ngươi, cho ngươi làm phép lạ, tài ăn nói và cho cả Aaron nói thay ngươi”. Môisen đã nhận lời nhưng vẫn run sợ sứ vụ cao cả Chúa trao.

- Isaia đã kể lại ơn gọi của mình : Trong một thị kiến đã nhìn thấy Đức Chúa trong một khung cảnh huy hoàng của Đền thờ. Các Thiên Thần tung hô “ Thánh ! Thánh ! Thánh ! Đức Chúa đạo binh là Đấng Thánh ! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa ! ”.Tôi thốt lên với tất cả nổi kinh sợ : “ Khốn cho tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh !”. Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than vào ấy chạm vào miệng tôi và nói : “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội”. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán; “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi thưa : “dạ con đây, xin sai con đi” (Is 6,1-8).

- Giêrêmia cũng kể về việc Chúa gọi ông : Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng : “ Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho dân”. Nhưng tôi thưa : “Ôi ! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !”. Đức Chúa phán với tôi : “Đừng nói ngươi còn trẻ ! Ta sai ngươi đi đâu ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán : “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” ( Gr 1,4-10).

Các Ngôn sứ luôn có tâm trạng kinh hãi đến run sợ trước sứ vụ Thiên Chúa trao. Tại sao phải kinh khiếp và run sợ như vậy? Nổi run sợ phát xuất từ cảm nhận cùng một lúc sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi của mình. Cảm nhận khoảng cách tuyệt đối giữa Thiên Chúa Chí Thánh và con người yếu đuối; giữa sứ vụ trọng đại và thân phận hèn mọn bé bỏng của mình.Ý thức khoảng cách ấy làm cho con người ta run sợ.

Trang Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại, ngư phủ Simon run sợ, cảm nhận sự thấp hèn trước Thiên Chúa chí thánh. Thấy mẻ cá lạ lùng, Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” ( Lc 5,8). Chúa không tránh xa mà lại gần và chọn Phêrô: Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá. Thế rồi: Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Từ ngày theo Chúa, cuộc đời của Phêrô có nhiều sôi nổi, có nhiều lỗi lầm, nhiều va vấp và nhiều yếu đuối. Cho đến khi xác tín ba lần: “Thưa Thầy, Thầy biết là con yêu mến Thầy”, thánh Phêrô đã viết nên một thiên anh hùng ca cho Giáo hội sơ khai, rao giảng, làm chứng và chết cho Chúa Giêsu.

Đức cha Giuse Võ Đức Minh suy niệm về ba nét đẹp của cuộc đời Thánh Phêrô, đó là người môn đệ đi theo Chúa, người môn đệ yếu đuối và vấp ngã, người môn đệ yêu mến Chúa (x.bài giảng tĩnh tâm linh mục GP Phan thiết năm 2010).

1. Từ bỏ để đi theo Chúa.

Không thể đi theo Chúa nếu không có sự từ bỏ. Khoa khảo cổ bên thánh địa đã khai quật lên cơ ngơi của thánh Phêrô. Ngôi nhà lớn kế bên biển hồ Tibêria.Theo những chuyên viên về khảo cổ thì thánh Phêrô là người rất giàu có, có những đội thuyền, có gia sản, sự nghiệp và có người vợ yêu quý.

Theo Chúa nên Phêrô đã từ bỏ tất cả: gia sản, của cải, danh vọng, ngay cả tình yêu chính đáng của mình. Sự từ bỏ này đưa Phêrô tới một hồng phúc rất lớn lao đó là yêu mến Chúa Giêsu. Từ bỏ để yêu mến và đi theo Chúa.

Tất cả những ai tin Đức Giêsu là Đấng Kitô mới có thể trung thành đi theo Người.Chúa Giêsu bộc lộ sứ mạng của Đấng Kitô là phải lên Giêrusalem, chịu nạn, chịu chết, ngày thứ ba sống lại. Phêrô yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa nên thủ thỉ với Thầy và tìm mọi cách can ngăn. Chúa Giêsu quay lại trước mặt anh em và mắng Phêrô: Xéo đi Satan! Chúa nói công khai. Trong đời có vị tông đồ nào bị mắng như thế chứ kể cả Giuđa bị mang tiếng là Satan. Phêrô hiểu được rằng đã là môn đệ đi theo Chúa thì không được đi trước mặt Chúa. Đây là cốt lõi của vấn đề cuộc hành trình người môn đệ. Phêrô cản Chúa nghĩa là muốn đi trước Chúa. Phêrô không thể mở đường vào ơn cứu độ. Phêrô phải đi sau lưng để Chúa đi trước. Người môn đệ đi sau Thầy của mình, người môn đệ đặt vết chân của mình vào dấu chân của Thầy, người môn đệ không lớn hơn Thầy của mình. Bài học này Phêrô thật thấm thía. Từ bỏ để yêu mến, yêu mến để đi theo. Phêrô rao truyền bài học ấy cho mọi người.

2. Yếu đuối vấp ngã để khiêm tốn

Theo Chúa nhưng Phêrô là môn đệ yếu đuối và vấp ngã. Thường tình khi nói về một vị thánh, người ta thường nói những điểm tốt nhất, tích cực nhất, anh hùng nhất để ca ngợi. Còn về Phêrô, nếu đọc kỹ Thánh kinh sẽ thấy thật lạ lùng. Phêrô có nhiều giới hạn, nhiều khuyết điểm và thậm chí rất nhiều vấp ngã.

Chúa đã chọn Phêrô ở giữa những con người tầm thường. Chúa không thay đổi sự tầm thường của Phêrô, nhưng xuyên qua sự tầm thường của Phêrô, Chúa trao ban kho tàng vô giá. Thấm thía điều đó nên sau này một người bạn của Phêrô là Phaolô đã nói: “Tôi chỉ là chiếc bình sành dễ vỡ trong khi tôi được chứa đựng kho tàng vô giá là Đức Giêsu Kitô”.

Qua những yếu đuối và vấp ngã của Phêrô, Chúa đã uốn nắn con người từng bước một. Xuyên qua những va vấp lỗi phạm của Phêrô, Chúa nâng đỡ và tha thứ cho ông. Một con người cần người khác nâng đỡ thì họ không bao giờ quá tự tin. Một con người cần lãnh nhận ơn tha thứ thì sẽ dễ dàng nói lời tha thứ với những người xung quanh, dễ cảm thông với người thất bại. Không yếu đuối, không cảm thông. Không phạm tội, không thể nào hiểu được niềm hạnh phúc của con người được tha thứ. Nói như thế không có nghĩa là nên phạm tội. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm đó. Thánh Phaolô nói rằng: “Điều phải làm tôi lại không làm, điều phải tránh tôi lại làm”.

Suy niệm về kinh nghiệm yếu đuối và vấp ngã của Phêrô để chúng ta không trở nên những quan tòa. Khi tin rằng mình vững vàng mà quên ơn Chúa thì có thể sẽ vấp ngã. Đêm tiệc ly, Chúa Giêsu nói “Đêm nay chúng con sẽ bỏ Thầy mà đi hết”. Mọi môn đệ khác im lặng lắng nghe run sợ, còn Phêrô gần như vỗ ngực để thưa với Chúa rằng: “Thà chết không bỏ Thầy, con sẵn sàng liều chết với Thầy”. Chúa nói: “Đêm nay trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần”. Phêrô tự phụ: “Người khác chối chứ làm sao con chối Thầy được”. Vậy mà sau đó Phêrô chối Thầy đến ba lần.Nếu không tựa vào ơn của Chúa, chúng ta sẽ vấp ngã. Nếu không có ơn Chúa, sức người không thể nào làm được. Thánh Phêrô để lại cho chúng ta bài học rất quý giá. Người môn đệ với nhiều lỗi lầm đi theo Chúa. Điều lạ lùng là Phêrô không bao giờ giận Chúa, không lúc nào bỏ Chúa mà vẫn luôn xác tín “bỏ Thầy con biết theo ai?”. Điều hết sức huyền nhiệm là Chúa lại chọn người yếu đuối vấp ngã ấy làm Tảng Đá để xây dựng Giáo hội và trao chìa khoá Nước Trời.

3. Yêu mến Chúa hết tâm hồn.

Thánh Phêrô là con người yếu đuối hay lầm lỗi nhưng rất chân thành và tràn đầy lòng yêu mến Thầy.Trong cuộc khổ nạn của Chúa, Thánh Phêrô đã bộc lộ sự yếu đuối và lòng mến của mình cách rõ ràng nhất. Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy đến ba lần. Phêrô chối Thầy vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy. Trước cái chết của Thầy, Phêrô rùng mình sợ hãi, tìm đường chạy trốn. Lúc bình tĩnh lại, đối diện với sự yếu đuối và vấp ngã của mình, Phêrô đã khóc lóc hối hận, nước mắt ăn năn nhạt nhoà khuôn mặt hốc hác hằn những nếp nhăn. Gà gáy lần thứ ba, Phêrô nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa trẻ, khóc thoả thích, khóc cho vơi hết bao sầu muộn chất chứa trong lòng.

Cuộc đời Thánh Phêrô là sự giằng co giữa yếu đuối và dũng cảm, giữa trọn vẹn và dang dở. Trái tim ngài có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Sứ vụ Tông đồ có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Chính trong sự vấp ngã vì yếu đuối, cuộc đời của Thánh Phêrô vẫn luôn có một tấm lòng yêu mến, gắn bó với Chúa.

“Tôi đi đánh cá đây, anh em hãy đi với tôi”. Lao nhọc vất vả suốt đêm mà không được gì cả. Đang lúc chán nản thì có tiếng bảo: Hãy thả lưới bên hữu thuyền. Phêrô buông lưới và cá quá nhiều, họ kéo cá lên, thuyền gần như chìm. Khi đó, có tiếng nói của Gioan: Chúa đó. Lời ấy như nhắc bảo Phêrô, tự sức mình không đưa tới kết quả đâu. Phải có Chúa, bao lâu hình ảnh của Chúa rọi soi nơi lời nói, việc làm, đời sống của Phêrô thì bấy giờ mới có thành quả. Còn nếu Phêrô chỉ dựa trên tài sức của mình, dù lao nhọc suốt đêm không bắt được một con cá nào.

Chúa đã thu phục nhân tâm bằng yêu thương. Chúa gọi Phêrô ra một bên và hỏi: Con có mến Thầy không? Lần thứ nhất Phêrô trả lời: Lạy Chúa, có. Lần thứ hai ông nói: Lạy Chúa, có. Lần thứ ba Chúa hỏi thì Phêrô buồn vì Chúa hỏi cùng một câu hỏi đến ba lần. Nhưng Phêrô xác tín : Lạy Thầy, Thầy thông hay mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Và Chúa nói : Hãy chăm sóc đoàn chiên. Giống như Đức Maria thưa : Này tôi là tôi tớ Chúa; Phêrô nói: Con chỉ là vật mọn phàm hèn trước mặt Chúa mà thôi. Chính khi đó, Chúa Giêsu mới trao cả Hội Thánh cho Phêrô. Con biết con là ai thì con có thể chăm sóc Hội Thánh; bởi vì con đang làm công việc Thiên Chúa ủy thác và tin tưởng con. Con đang làm việc của Chúa !

Nhìn cuộc đời Thánh Phêrô ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim ông lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo ông là Satan, ông cũng không giận Chúa. Ngay khi vì sợ hãi mà chối Chúa thì ông vẫn yêu mến Chúa. Không phải vì Phêrô yếu đuối hay tội lỗi mà Chúa bỏ ông. Tình yêu chân thành trong tâm hồn ông làm Chúa giữ ông lại và đặt làm lãnh đạo đoàn chiên của Chúa.Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh có một dung mạo là người môn đệ đi theo Chúa, người môn đệ yếu đuối và vấp ngã, nhưng đã đứng dậy, không chán nản, không để mất phương hướng, không đầu hàng, không bỏ cuộc; người môn đệ sống bởi ơn Chúa, chan hòa ân sủng, bình an, niềm vui của Chúa. Hội Thánh được xây dựng trên Tảng Đá là tông đồ Phêrô, hay đúng hơn là trên đức Tin vào Chúa Giêsu là "Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16; 1Cr 3,10). Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì để trở thành viên đá sống động xây nên tòa nhà Hội Thánh (x.1Cr 3,16-17), hay nên Đền Thờ của Thiên Chúa, có nền móng là các Tông Đồ và Ngôn Sứ, và Đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa tin tưởng và trao trách nhiệm cho người từ bỏ đi theo Chúa, hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Chúng con sẽ được Chúa tin tưởng và trao sứ mệnh xây dựng Hội Thánh, nếu chúng con có lòng tin, lòng cậy và lòng mến Chúa cho dù chúng con yếu đuối hay vấp ngã. Xin Chúa cho chúng con có một đức tin vững chắc, một lòng cậy trông tín thác và một lòng mến chân thành như Thánh Phêrô để chúng con có thể trở thành một viên đá sống động,góp phần xây nên tòa nhà Hội Thánh. Khi yêu mến Chúa, chúng con sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng con luôn xác tín lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời. Amen.
 
Cảm Cho Mình – Xót Cho Người
Lm Giuse NguyễnVăn Nghĩa
21:55 03/02/2022
Cảm Cho Mình – Xót Cho Người

(Chúa Nhật V TN C)

“Nemo dat quod non habet - Không ai có thể trao ban điều mình không có”. Câu ngạn ngữ Latinh trở thành như một quy luật mang tính tất yếu. Với trường hợp người được sai đi thì quy luật này càng rõ nét, trước hết với người được gọi là Đấng Thiên Sai, sau là với những người được Thiên Chúa hay Đức Kitô sai đi.

Vào trần gian, Chúa Kitô tin nhận mọi sự của Người là của Chúa Cha và do Chúa Cha ban tặng. Dù biết rằng mình với Chúa Cha là một, nhưng Chúa Kitô luôn ý thức mình bởi Cha mà ra. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã đặt vào miệng Đức Kitô những lời này: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7). Biết rằng mọi sự mình là, mình có đều do Chúa Cha ban tặng, vì thế Chúa Kitô đã trao ban lại tất cả cho con người.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V TN C này giới thiệu cho chúng chân dung của một ngôn sứ Isaia, một tông đồ Phaolô và Simon Phêrô, người ngư phủ xứ Galilê. Cả ba đều được sai đi và có thể nói cách chung là được sai đi để “đánh lưới người”, tức là đưa con người về với Thiên Chúa, đúng hơn là giúp con người đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Trở lại với câu ngạn ngữ La tinh ở trên. Một trong những tiền đề để cho người được sai đi có tinh thần nhiệt thành chu toàn sứ mạng đồng thời gặt hái nhiều kết quả, đó là bản thân phải cảm nghiệm ân tình của Thiên Chúa dành cho mình, một ân tình vượt quá công trạng cũng như phận vị của mình.

Trước sự uy nghi chí thánh của Đấng Tối Cao, Isaia đã chân nhận mình “là một người môi miệng ô uế, ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6,5). Trời càng sáng thì các vết nhơ càng tỏ lộ. Diện kiến thánh nhan Đấng Chí Thánh, hẳn nhiên vị ngôn sứ thấy rõ thân phận ô uế, tội nhơ của mình. Thế mà dù chưa mở miệng kêu xin, Thiên Chúa vẫn sai các thần Sêraphim lấy than hồng thanh tẩy ngài: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, người đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6,7).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Tông đồ dân ngoại thường công khai thú nhận tội lỗi của mình trước đây là bách hại đạo thánh Chúa. “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Thánh nhân cảm nhận việc Chúa Kitô chọn gọi ngài là một ơn nhưng không và đó cũng là một dấu chỉ để đem niềm hy vọng cho nhiều người (x.Tm 1,15-16).

Trước uy quyền và nhất là ân tình của Thầy Giêsu, Simon Phêrô đã sấp mặt dưới chân Người mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Là phàm hèn yếu đuối, chỉ mới cho Thầy mượn chiếc thuyền một lát để Thầy giảng đạo, dĩ nhiên là ngoài giờ làm việc, thuyền rảnh, thế mà Thầy đáp lại bằng một mẻ cá lạ lùng, chất đầy hai thuyền nặng gần chìm. Người không chỉ đầy quyền năng mà còn rất đỗi hào phóng. Cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người. Để nhiệt thành ra chỗ nước sâu mà thả lưới, thì người được sai đi không thể không cảm nghiệm:

-Tình Chúa thật bao la trước sự yếu đưối, tội lỗi đầy bất xứng của mình. Chúa đã thương yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu hay thánh thiện, công cao, đức dày. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người. Chính nhờ được Chúa yêu thương nên chúng ta mới thành đáng yêu, mới có thể tích đức, lập công. Thanh Gioan Tông đồ xác quyết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

-Quyền năng Chúa thật vô biên trước sự giới hạn, bất tài, kém lực của chúng ta. Trước uy quyền của Thiên Chúa, hẳn nhiên chúng ta dễ nhận ra sự bé nhỏ, giới hạn của mình. Trái với thái độ “ếch ngồi đáy giếng”, khi trí khôn càng phát triển, tầm nhìn càng mở rộng thì con người càng dễ nhận ra ngay mình chỉ là hạt bụi mong manh trước sự mênh mông, bao la của vũ trụ và nhất là trước Đấng làm cho vũ trụ hiện hữu.

-Với người tông đồ thì một trong những tiền đề giúp gặt hái thành công đó là biết đặt niềm tin cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Mọi sự là do bởi ơn Thiên Chúa ban. “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7). Đối diện với những thách đố cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, khi tuyên bố triệu tập Công đồng chung Vaticanô II, người ta kể rằng có lần kia sau gần cả giờ bên Nhà Chầu, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã đứng lên và nói: “Giáo Hội này là của Chúa, do Chúa thiết lập. Con đi ngủ đây”.

Điểm đến của người ngôn sứ, người tông đồ hay người đánh cá người thường là “chỗ nước sâu”. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con giữa bầy sói” (Lc 10,3). Để có thể mạnh dạn thưa như Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” hay như Phaolô quên hết mọi sự đằng sau mà lao mình về phía trước hay như Phêrô “bỏ hết mọi sự” để đi đánh cá người, thì tiên vàn người được sai đi phải cảm nhận quyền năng và ân tình của Thiên Chúa trên con người yếu đuối và đầy bất toàn của mình. Khi đã cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người và rồi chúng ta sẽ mạnh dạn ra đi đánh cá người, không phải bằng sức riêng mình, nhưng bằng chính tình yêu và quyền năng của Đấng Cứu độ, Đấng luôn động viên chúng ta: “Đừng sợ!”. Đừng sợ, vì Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28;20). Đừng sợ, vì ơn Thầy luôn đủ cho con và sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (x.2Cr 12,9). Đừng sợ, “hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Lm Giuse NguyễnVăn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Éo le: Vợ bị kết tội ngoại tình với chồng, nguy cơ bị tử hình, gây ra lo ngại về tự do tôn giáo ở Sudan
Đặng Tự Do
04:09 03/02/2022


Christian Solidarity Worldwide, tức là Tổ Chức Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu, gọi tắt là CSW, một tổ chức đấu tranh để bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng - đã cáo buộc chính phủ quân sự của Sudan đã cản trở những tiến bộ đạt được của chính phủ dân sự kể từ cuộc đảo chính vào ngày 25 tháng 10 năm ngoái, 2021.

Mối quan ngại này được làm nổi bật hơn nữa bởi phiên tòa đang diễn ra đối với một cặp vợ chồng bị tội ngoại tình với nhau.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018 khi anh Hamada Teya Keffi quyết định chuyển từ Hồi Giáo sang Công Giáo. Vợ anh Nada Hamad Koko, dưới áp lực của gia đình đã phản đối kịch liệt Keffi và buộc anh phải quay trở lại Hồi Giáo. Áp lực lớn nhất là đe doạ ly hôn. Tuy nhiên, anh không nhượng bộ.

Vì thế, Koko, và gia đình cô đệ đơn ly hôn anh chồng Keffi.

Theo luật, một phụ nữ Hồi giáo không được phép kết hôn với một người đàn ông không theo đạo Hồi. Vì thế việc ly hôn được chấp thuận nhanh chóng, và Koko trở về ở với gia đình. Tuy nhiên, vào năm ngoái, nhớ chồng, nhớ con, cô ấy lại trở về nhà mình, và theo đạo Công Giáo.

Sau khi phát hiện Koko đã theo đạo Công Giáo. Gia đình cô cho rằng điều đó làm nhục nhã cho gia đình nên đã đệ đơn kiện hình sự, và hai vợ chồng hiện đã bị buộc tội ngoại tình.

CSW nói tờ Crux “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước việc truy tố hình sự bà Koko và ông Kaffi. CSW đang kêu gọi bỏ các cáo buộc hình sự đối với họ và cải cách pháp luật hơn nữa để bảo đảm rằng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bao gồm cả quyền thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, được bảo đảm đầy đủ cho mọi người dân Sudan”

Trong trường hợp bị kết tội ngoại tình, theo luật Sharia của Hồi Giáo, người đàn bà bị phạt nặng hơn người đàn ông với nguy cơ bị treo cổ. Người đàn ông ngoại tình chỉ bị tối đa là 5 năm tù.
Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm giám mục Công Giáo mới của Fatima
Đặng Tự Do
04:10 03/02/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y António Marto vào hôm thứ Sáu và bổ nhiệm một vị giám mục mới cho giáo phận Leiria-Fátima.

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha José Ornelas Carvalho lãnh đạo giáo phận Bồ Đào Nha có một trong những đền thờ Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới vào ngày 28 tháng Giêng.

Đức Cha Ornelas đã lãnh đạo giáo phận Setúbal, tây nam Bồ Đào Nha, kể từ năm 2015 và được bầu làm chủ tịch hội đồng giám mục Bồ Đào Nha vào năm 2020.

“Đức Cha José Ornelas mang theo tài sản khổng lồ và độc nhất vô nhị để tạo động lực mới cho công cuộc đổi mới mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fátima,” Đức Hồng Y Marto nói trong một video sau khi việc bổ nhiệm được công bố.

“Ngài là một giám mục có 'mùi chiên', có mối quan hệ mật thiết và trìu mến với các tín hữu trung thành của Chúa, giáo dân, linh mục và các thành viên của đời sống thánh hiến, cởi mở cho các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn cũng như với những người ngoại đạo”.

Đức Hồng Y Marto nói rằng ngài đã nộp đơn từ chức trước khi tròn 75 tuổi vào ngày 5 tháng 5 do “hạn chế về sức mạnh thể chất và tinh thần để có thể thực hiện đầy đủ chức vụ, theo nhu cầu mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fatima.”

Vị Hồng Y người Bồ Đào Nha đã làm giám mục Fatima trong gần 16 năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên phong ngài làm giám mục vào năm 2000 và Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài lãnh đạo giáo phận Leiria-Fátima vào năm 2006. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong ngài làm Hồng Y vào năm 2018.

Đức Hồng Y Marto sẽ giữ chức vụ Giám Quản Tông Tòa của giáo phận cho đến khi Đức Cha Ornelas nhận tòa trong thánh lễ tại nhà thờ chính tòa ở Leiria vào ngày 13 tháng Ba.

Đức Cha Ornelas, 68 tuổi, sinh ra trên đảo Madeira của Bồ Đào Nha, nằm cách Maroc 320 dặm về phía tây.

Ngài vào tiểu chủng viện của giáo phận năm 10 tuổi. Với ước mơ trở thành nhà truyền giáo, sau đó ngài vào trường Cao đẳng Truyền giáo của Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và tiếp tục học ở Bồ Đào Nha tại Học viện Truyền giáo ở Coimbra.

Vào đầu những năm 20 tuổi, Ornelas dành hai năm làm nhà truyền giáo cho Dòng Thánh Tâm ở Mozambique trước khi trở về Lisbon để hoàn thành bằng thần học tại Đại học Công Giáo Bồ Đào Nha.

Ornelas được tấn phong linh mục năm 1981 ở tuổi 27. Ngài có bằng tiến sĩ Thần học Kinh thánh tại Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh ở Rôma.

Ngài giữ chức vụ bề trên Tổng quyền của Dòng Linh mục Thánh Tâm từ năm 2003 đến năm 2015, cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong ngài làm giám mục Setúbal.

Hàng ngàn người Công Giáo trẻ tuổi dự kiến sẽ đến Bồ Đào Nha vào năm tới cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023.

Đức Hồng Y Marto nói rằng Ornelas, với tư cách là một linh mục truyền giáo và là một bề trên tổng quyền, mang theo “một tầm nhìn phong phú và kinh nghiệm phổ quát về Giáo Hội và thế giới trong sự đa dạng của năm châu lục”.

Đức Hồng Y nói: “Là giám mục của Setúbal và là chủ tịch hội đồng giám mục, ngài đã đưa ra chứng tá về kinh nghiệm mục vụ liên quan đến tính năng động truyền giáo của một Giáo Hội gần gũi và hướng ngoại.
Source:Catholic News Agency
 
Tình trạng của người nữ tu Miến Điện sụp lạy quân đội
Đặng Tự Do
16:16 03/02/2022


Gần một năm sau khi quỳ giữa bụi đất để cầu xin cảnh sát Miến Điện đừng bắn những người biểu tình chống đảo chính, sơ Ann Rose Nu Tawng vẫn run rẩy khi nhớ về ngày mà sơ nói Chúa đã cứu sơ.

Một bức ảnh chụp người nữ tu Công Giáo với trang phục màu trắng giản dị, tay dang rộng cầu xin lực lượng quân đội trong những tuần đầu tiên của cuộc biểu tình chống lại chế độ này, đã lan truyền ở đất nước đa số theo đạo Phật và gây xôn xao khắp thế giới.

Hai người trong cuộc biểu tình hồi đầu tháng Ba ở bang Kachin, miền bắc Kachin đã bị bắn chết, sơ Ann Rose sau đó đã đưa một đứa trẻ bị thương đến bệnh viện.

Sơ ấy nói với AFP rằng trong sự bối rối và hỗn loạn, sơ ấy không biết bức ảnh đã được chụp khi nào và ảnh hưởng của nó ra sao.

“Chỉ khi tôi trở về nhà, tôi mới biết rằng bạn bè và gia đình đã rất lo lắng cho tôi,” sơ nói và cho biết thêm mẹ sơ đã mắng sơ trong nước mắt vì đã liều lĩnh như vậy.

“Khi tôi nhìn vào bức ảnh đó, tôi thậm chí không thể tin được rằng mình đã ở đó để cứu sống mọi người giữa lúc hỗn loạn đang xảy ra, súng bắn và những bước chân chạy dồn dập”.

“Tôi tin rằng Chúa đã cho tôi can đảm… bản thân tôi sẽ không đủ can đảm để làm điều đó.”

Chạy trốn khỏi quân đội là điều mà sơ Ann Rose biết từ thời thơ ấu của mình ở bang Shan đầy xung đột ở miền đông Miến Điện.

Là con gái của một người cha là mục sư và một người mẹ là giáo viên, sơ ấy bị buộc phải bỏ nhà đi khi mới 9 tuổi, với nỗi sợ hãi về những người lính giờ đã in sâu vào tâm trí mà sơ lo lắng đang lặp lại ở trẻ em ngày nay.

“Tôi đã từng chạy như một đứa trẻ khi họ vào làng… bất cứ khi nào tôi nhìn thấy những người lính và cảnh sát trong quân phục, tôi cảm thấy sợ hãi, ngay cả bây giờ”.

Nhưng vào ngày tháng Ba đó ở Myitkyina, “Tôi không kịp nghĩ đến sợ hãi”.

“Tôi chỉ nghĩ rằng tôi cần phải giúp đỡ và cứu những người biểu tình.”

Trong những ngày sau đó, cuộc đàn áp của quân đội chính phủ tăng lên. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng họ đã ghi lại các hành vi tàn bạo bao gồm việc sử dụng vũ khí chiến trường đối với những người biểu tình không có vũ khí.

Theo một nhóm giám sát địa phương, hơn 1,400 dân thường đã thiệt mạng và hơn 10,000 người bị bắt.

Không còn tự do

Sơ Ann Rose đã phát hiện ra rằng có một cái giá phải trả cho việc công khai đứng lên chống lại chính quyền.

Cô cho biết cô đã bị lực lượng an ninh tạm giữ nhiều lần. Họ yêu cầu kiểm tra điện thoại và chụp ảnh sơ.

Sơ ấy không liên quan đến chính trị nhưng giờ sơ ấy quá sợ hãi không dám ra ngoài một mình.

“Tôi không còn tự do nữa,” vị nữ tu nói.

Nữ tu sĩ - người trước đây được đào tạo như một y tá - hiện làm việc tại các trại cư trú của những người phải di dời ở bang Kachin, nơi xảy ra xung đột kéo dài nhiều năm giữa các nhóm vũ trang sắc tộc và quân đội.

Các cuộc giao tranh ở Kachin và những nơi khác ở phía bắc đất nước giáp với Trung Quốc gần đây đã tạm lắng nhưng ở những nơi khác, bạo lực kinh hoàng vẫn tiếp diễn.

Quân đội gần đây đã bị cáo buộc về một vụ thảm sát vào đêm Giáng Sinh sau khi tàn tích cháy nám của hàng chục thi thể được phát hiện trên một đường cao tốc ở phía đông đất nước.

Nhìn thấy chu kỳ đẫm máu của những cuộc đụng độ và trả đũa “tôi cảm thấy như trái tim tôi muốn vỡ tung”, sơ Ann Rose nói.

Nhưng niềm tin của sơ ấy mang lại cho sơ hy vọng, và ý thức về mục đích của đời mình.

“Cảm ơn Chúa, tôi còn sống… Có lẽ Ngài muốn dùng tôi cho các mục đích tốt.”
Source:Licas
 
Ngỡ ngàng: Đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha cử Isabel Celaá làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh
Đặng Tự Do
16:16 03/02/2022


Trong một diễn biến gây ngỡ ngàng cho nhiều người, Đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha đã cử nhân vật khét tiếng bài Công Giáo Isabel Celaá làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Quyết định này đã được đăng trên Công báo Nhà nước. Quyết định vừa nói cũng bao gồm việc sa thải Carmen de la Peña Corcuera, người đã từng là đại sứ cạnh Tòa Thánh kể từ năm 2018.

María Isabel Celaá Diéguez, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1949, là một chính trị gia người Tây Ban Nha. Người ta thường nói xấu người đẹp nết. Isabel Celaá đã xấu người còn xấu cả nết.

Ngày 7 tháng 6 năm 2018, Pedro Sánchez sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha đã bổ nhiệm Isabel Celaá làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong vai trò này, Isabel Celaá xung đột thường xuyên với các trường Công Giáo. Bà ta ép các trường Công Giáo phải dạy ý thức hệ giới tính cho học sinh, và tấn công quyền lựa chọn trường của phụ huynh bằng cách loại bỏ các trợ cấp xã hội cho các phụ huynh nào không chọn trường công.

Một trong những khoảnh khắc căng thẳng nhất mà bà đã trải qua với tư cách là một bộ trưởng Giáo dục là việc khi bà tham gia vào Đại hội các trường Công Giáo vào năm 2019, nơi bà nói rằng “không thể nói rằng quyền chọn trường của phụ huynh là một phần của quyền tự do giáo dục”. Nhiều khán giả đã đứng dậy la hét và bỏ ra về.

Nhiều tháng sau, lại xảy ra một cuộc tranh luận về mối quan hệ của con cái với cha mẹ trong đó bà ta nói rằng “chúng ta không thể giả định cách nào đó rằng con cái thuộc về cha mẹ của chúng”.

Trong một cố gắng xoa dịu quần chúng để kiếm phiếu, Pedro Sánchez đã sa thải bà ta khỏi chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong 6 tháng qua, bà ta đã ngồi chơi xơi nước, trước khi được Pedro Sánchez cử làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh. Khác với Hoa Kỳ nơi vị tân đại sứ cần được Thượng Viện lưỡng đảng phê chuẩn, tại Tây Ban Nha đảng cầm quyền có toàn quyền quyết định. Đại sứ là người nối nhịp cầu giữa hai nước. Cử một kẻ bài Công Giáo ác liệt như thế làm Đại sứ, Pedro Sánchez xem ra có ý muốn cắt đứt nhịp cầu hơn là xây dựng nhịp cầu.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho hơn 600 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Source:alfayomega.es/
 
Nhật ký trừ tà số 127: Bị Ma Qủy Lạm Dụng Tính Dục
Đặng Tự Do
16:17 03/02/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #127: Sexually Abused by Demons”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 127: Bị Ma Qủy Lạm Dụng Tính Dục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào giữa buổi trừ tà, “Lucy” bắt đầu la hét và đập phá. Qua giọng nói của cô ấy, tôi biết đó không phải là ma quỷ; đó là chính Lucy. “Gỡ chúng ra khỏi tôi!” cô ta đã hét lên. Tôi hỏi “Có phải là yêu quái quấy rối con không?” Cô ấy bắt đầu nức nở, “Vâng.”

Nhóm trừ tà ngay lập tức chuyển sang chế độ bảo vệ. Những người trừ quỷ ra lệnh cho lũ quỷ dừng lại. Chúng tôi cầu xin Đức Mẹ trải rộng lớp áo che chở với tất cả sự trong sạch trên cô ta. Chúng tôi đã yêu cầu các quyền năng thiên thần từ trời cao thiết lập một vòng bảo vệ xung quanh cô ấy. Sau khoảng năm phút, mọi chuyện dừng lại.

Cách đây không lâu, một linh mục mới tham gia vào sứ vụ trừ tà gọi cho tôi để hỏi ý kiến. Ngài nói rằng ngài có một người mới được giới thiệu đến và người phụ nữ này khẳng định đã bị ma quỷ lạm dụng tình dục vào ban đêm. Ngài đã hoài nghi. Tôi đã giải thích rằng điều này thực sự phổ biến. Một trong những thủ đoạn gây khó chịu nhất của ma quỷ là lạm dụng tình dục và do đó khiến phụ nữ xấu hổ và tổn thương.

Thật khó hiểu tại sao Chúa lại cho phép điều này. Nhưng hàng triệu người trên toàn cầu mỗi năm bị con người lạm dụng tình dục. Lạm dụng tình dục là một hành vi xấu xa liên minh với Satan và tay sai của hắn.

Sau buổi trừ tà, tôi giải thích với Lucy rằng quỷ không có giới tính cũng như không có cơ thể. Họ không thực sự quan hệ tình dục với cô ấy. Tuy nhiên, họ có thể tạo ra cảm giác giống hệt như bị lạm dụng bao gồm tất cả các cảm giác thể chất. Mặc dù tôi biết rằng điều này không làm giảm trải nghiệm khủng khiếp đối với cô ấy, nhưng có lẽ cô ấy có thể nhận ra đó là một sự lừa gạt và dối trá khác của ma quỷ.

Khi buổi trừ tà kết thúc, các linh mục đã cầu nguyện một lời cầu nguyện chữa lành cho Lucy. Chúng tôi đã cầu nguyện xin Chúa chữa lành mọi tổn thương và chấn thương cho cô ấy, trong quá khứ hay hiện tại.

Một lễ trừ tà là một công việc đầy những bẩn thỉu, ghê tởm vì sự hiện diện của những con quỷ độc ác và tất cả những gì chúng làm. Nó đặc biệt khủng khiếp, và chúng ta cũng có thể cảm thấy bất lực và đau đớn tận tâm can, khi người đau khổ đang bị hành hạ bởi những con quỷ ngay trước mặt chúng ta.

Tất cả chúng ta có thể dâng những đau khổ của mình lên Đấng đã gánh chịu toàn bộ tội ác và tội lỗi cho chúng ta. Cầu mong Chúa Giêsu che chở cho Lucy và tất cả chúng ta.
Source:Catholic Exorcisms
 
Đức Phanxicô kết liễu hình thức giáo hoàng anh hùng
Vũ Văn An
17:54 03/02/2022

Matthew Walter là chủ bút của tờ The Lamp, một tạp chí Công Giáo hai tháng 1 kỳ, thiết lập tại Michigan năm 2019, chuyên bàn về các vấn đề văn hóa và chính trị theo quan điểm chính thống Công Giáo. Chủ chương của tập san này là đón nhận các bài báo có tính giải trí, xây dựng, gây cảm xúc và kích thích suy tư. Họ khuyến khích người ta gạt qua một bên các thiên kiến thế tục và thực sự suy tư các vấn đề văn hóa và chính trị theo tâm thức Công Giáo.

Chính trong chiều hướng ấy, Matthew Walter đã viết về triều đại Phanxicô như một triều đại kết liễu hình ảnh anh hùng của ngôi vị Giáo Hoàng trong bài “The End of the Heroic Papacy” (https://thelampmagazine.com/2022/01/21/the-end-of-the-heroic-papacy/):




Vào tháng 5 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận được một trăm lẻ bảy đĩa C.D. thu âm của nhạc trưởng Wilhelm Furtwängler như một món quà từ Nữ Thủ tướng Angela Merkel. Không giống như hầu hết các món quà được trao đổi bởi các nguyên thủ quốc gia, món quà này dường như đã được lựa chọn cẩn thận.

Mối liên hệ thân thiết nổi tiếng của Đức Thánh Cha với Furtwängler dường như chưa bao giờ là ngẫu nhiên đối với tôi, và không phải chỉ vì lối điều khiển của nhạc trưởng thiên tài người Đức thỉnh thoảng có tính ngẫu nhiên— đặc biệt là sự coi thường nhịp độ của ông — gợi nhớ đến phong cách tự do của Đức Phanxicô trong các cuộc phỏng vấn và yết kiến trong tư cách Giáo hoàng. Trong số các đĩa Furtwängler được Đức Giáo Hoàng yêu thích là bản ghi âm bài Der Ring des Nibelungen của Wagner ở Milan.

Trong nhiều năm, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng có điều gì đó trong căn bản có tính Wagner về vị giáo hoàng này. Bất chấp tính phức tạp về mặt âm nhạc và thời gian dài đáng kinh ngạc của các đĩa nhạc — khoảng mười lăm giờ — chủ đề của bản Ring rất đơn giản: sự từ bỏ chủ nghĩa anh hùng, kết thúc trật tự của các vị thần. Thay vào đó, những kẻ tử sinh thấy mình trôi dạt trong một thế giới quen thuộc hơn nhưng ít chắc chắn hơn. Tương tự như thế, ngày càng có vẻ như là triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đã đưa chúng ta đến cuối điều mà tôi vẫn nghĩ đến như là “ngôi giáo hoàng anh hùng”, một cách hiểu về chức vụ Phêrô mà, theo vọng nhìn của lịch sử giáo hội, có vẻ như không thể đứng vững như một định chế thần thoại kiểu Valhalla (*).

Nguồn gốc của ngôi giáo hoàng anh hùng là thế kỷ 19, với Đức Piô IX và việc cướp phá các Quốc gia Giáo hoàng, và các cuộc tranh luận dẫn đến định nghĩa về sự không sai lầm của ngôi vị Giáo hoàng. Kể từ đó, một phần do những tiến bộ trong kỹ thuật truyền thông, một phần (người ta nghi ngờ) đơn giản vì các vị giáo hoàng bị cắt bỏ quyền lực trần thế nên buộc phải quan niệm lại bản chất của chức vụ giảng dạy của mình, người Công Giáo đã quen với việc nghe nhiều hơn từ Rôma. hơn tổ tiên của họ được nghe.

Trong khi các vị hoàng tử vĩ đại của Giáo hội trong thời kỳ Phục hưng đã ban hành các sắc chỉ về pháp lý và ít thường xuyên hơn, các vấn đề tín lý, các vị giáo hoàng kể từ Đức Lêô XIII đã viết hàng nghìn văn kiện — thông điệp, tông thư, tông huấn, tự sắc — về các chủ đề từ các công đoàn, qua Shakespeare tới Martin Luther King. Đấy là chưa kể tới các bài diễn văn lúc đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu, các bài giảng được chép lại, các bài giảng lễ, diễn từ, và các cuộc phỏng vấn được công bố, một số trong số đó được thực hiện bởi các nhà báo không Công Giáo.

Phần lớn những ngôn từ trên có tính cách xây dựng. Không có nó, giáo huấn xã hội Công Giáo hiện đại đã không hiện hữu và những thành tựu mà nó đã giúp làm cho khả hữu - Thỏa Hiệp mới, nền dân chủ Kitô giáo sau chiến tranh ở châu Âu - sẽ ít có khả năng xảy ra hơn. Nhưng khó có thể phủ nhận việc nguyên khối lượng đồ sộ của chúng cũng đã dẫn đến sự suy giảm tương ứng về sự phổ biến các lời phát biểu của vị Giáo hoàng. Nó cũng làm nảy sinh kỳ vọng rằng các vị giáo hoàng trong nhiều thập niên nên phát biểu một cách nhất quán, một điều vừa bất khả vừa dường như không đáng mong ước khi những điều phi lý như chủ nghĩa vắng toà (sedevacantism), chủ nghĩa chiểu tự hoàn toàn trong Kinh thánh liên tiếp xuất hiện...

Triều đại của Thánh Gioan Phaolô II là đỉnh cao của ngôi giáo hoàng anh hùng. Bây giờ thật khó để gợi lại bầu không khí của những ngày đó. Nhiều tín hữu Công Giáo tin rằng vị giáo hoàng là điều duy nhất đứng giữa họ và sự lãng quên. Một thái độ bất thành văn cho thấy rằng giữa sự hỗn loạn diễn ra sau Công đồng Vatican II, và sự suy giảm tương ứng trong việc tham dự Thánh lễ và các ơn gọi vào chức linh mục và đời sống tu trì của phụ nữ, toàn bộ tòa nhà đức tin được duy trì không phải bởi những lời hứa của Chúa Kitô mà bởi sức mạnh ý chí bất khuất của vị giáo hoàng. Một điều gì đó của quan điểm bàng bạc một thời này đã được Joan Osbourne ghi lại trong lời bài hát "One of Us", được xếp vào một trong 40 bản ca hàng đầu, nói về một Chúa Giêsu cô đơn: "Không ai gọi điện thoại / ngoại trừ gọi cho vị giáo hoàng ở Rome" ) Bầu không khí đấu tranh anh hùng này càng dâng cao bởi sự đau đớn công khai của ngài nhờ căn bệnh Parkinson, căn bệnh mà cả thế giới đều thấy làm ngài cao quí.

Trong số những điều khác, ngôi giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã ngầm khuyến khích một kiểu tự mãn ngây thơ. Bất chấp mọi việc tồi tệ diễn ra như thế nào ở từng giáo xứ và giáo phận, các linh mục và giáo dân đều tin rằng những người lớn trong phòng sẽ lo liệu mọi việc - miễn là không bao giờ được nghi vấn các quyết định của các ngài. Vì vậy, những lời chỉ trích một số cuộc bổ nhiệm giám mục rõ ràng tai hại của Đức Gioan Phaolô II, chẳng hạn như vụ bổ nhiệm Theodore McCarrick ở Washington, D.C., và Roger Mahony ở Los Angeles, đã bị gạt bỏ như những lời kỳ quặc hoặc muốn ly giáo. Điều này cũng đúng đối với những người phản đối ly nhựa tại Ngày Giới trẻ Thế giới hoặc việc bình thường hóa việc rước lễ trên tay. Các đồng minh bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng nếu ngài cho phép những điều như vậy khi thực hiện tính không sai lầm về kỷ luật của ngài, thì đâu còn gì khác để nói về vấn đề này nữa. Những tín hữu đặt câu hỏi về chất lượng của việc đào tạo mà các linh mục trong giáo phận của họ nhận được thì được cho biết, các giáo sư thần học đã được chọn bởi các giám đốc chủng viện; những vị này thì được bổ nhiệm bởi giám mục; các giám mục thì được Đức Thánh Cha bổ nhiệm – chỉ có thế. (Trong số những người đề xuất lối hiểu duy tín này về thẩm quyền trong giáo hội, ta thấy có Cha Maciel).

Trong khi đó, trong triều giáo hoàng của ngài, việc suy tư thần học và thậm chí cả việc dạy giáo lý nữa quá thường xuyên chỉ còn là việc diễn lại “quan điểm” biểu kiến của Đức Giáo Hoàng. Câu trả lời cho mọi câu hỏi thần học luôn là: Bởi vì Đức Thánh Cha đã nói như vậy!

Bất kể có ý hướng tốt ra sao, những đáp ứng như vậy không hữu ích vì một số lý do. Lý do đầu tiên đơn giản là chúng đã không thuyết phục được những người vốn có xu hướng coi thường thẩm quyền của Rôma. Chúng cho các nhà quan sát không Công Giáo ấn tượng này là các giáo huấn không thể sửa đổi chỉ đơn giản là những vấn đề thuộc luật thực định có thể được các vị giáo hoàng trong tương lai xem xét lại, giống như cách mà Chính sách Thành phố Mexico (Mexico City Policy) được các tổng thống Mỹ kế tiếp đảo ngược và tái thiết lập. (Đây là lý do tại sao trong các phương tiện truyền thông thế tục, giáo huấn không thể thay đổi của Giáo hội rằng việc truyền chức linh mục dâng lễ hy sinh cho phụ nữ là điều không thể xảy ra về mặt bản thể học thường được mô tả như một “lệnh cấm”). Việc lên khuôn này không khuyến khích người Công Giáo nghĩ đến các nguồn sau cùng của đức tin vốn vượt lên trên triều giáo hoàng hiện nay. Thay vì các cách phát biểu truyền thống về đức tin Công Giáo như Sách giáo lý tóm tắt cũ, dưới hình thức hỏi thưa ngắn gọn hết sức đáng ngưỡng mộ, hai thế hệ tín hữu đã được hướng dẫn vào các trước tác của chính Đức Gioan Phaolô II, một sự tổng hợp hấp dẫn giữa Thần học mới của Pháp và hiện tượng luận của Đức vốn nổi tiếng là không phù hợp với nhiệm vụ cung cấp giáo huấn tôn giáo căn bản cho trẻ em và thanh niên.

Đức Thánh Cha Phanxicô không coi chức vụ của mình theo nghĩa anh hùng. Ngài không quan tâm đến việc giữ cho Giáo Hội ở trên cao. Ngài không khổ công chỉ nói hoặc viết những điều có thể tái trấn an các tín hữu. Một dấu hiệu u ám hoàng hôn phảng phất trong nhiều phát biểu của ngài. Ấn tượng mà chúng ta được mời tiếp nhận là về một người lang thang cô đơn mà người ta có thể gặp khi đi trên đường rừng tối tăm vào ban đêm — một người bạn đồng hành đầy thiện cảm nhưng luôn khẳng định rằng họ có rất ít khôn ngoan để chia sẻ cho cuộc hành trình đầy bất trắc ở phía trước.

Nếu Đức Phanxicô thoái thác vai trò giáo hoàng anh hùng để ủng hộ một cách tự hiểu khiêm tốn hơn về chức vụ của mình, thì cần phải nhận thấy rằng vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã biến điều này thành khả hữu. Việc thoái vị của ngài đã phi huyền thọai hóa ngôi vị giáo hoàng; lẽ ra nó phải chuẩn bị những người ngưỡng mộ ngài cho một tương lai trong đó họ sẽ phải bảo vệ những gì họ tin cho dù không có lệnh rõ ràng của giáo hoàng, trong bầu khí thay đổi, trong đó các kẻ thù lớn nhất của Giáo hội nhận được sự trợ lực từ các nhà lãnh đạo của Giáo Hội.

Giờ đây, đối với nhiều người trong chúng ta, thời gian đã trở nên quá muộn rồi. Có những khuôn mặt trong Rừng Hoang và những giọng nói kỳ lạ thì thầm trong bóng tối. Nhưng trong một Giáo hội trong đó, sự tiến bộ được tính bằng nhiều thế kỷ, thì sự kết thúc của triều đại giáo hoàng anh hùng đối với tôi như một sự khai triển đáng hoan nghênh và không thể tránh khỏi.
________________________________
(*) Thần thoại Na Uy chỉ nơi các dũng sĩ đến sau khi chết
 
Top Stories
Dominican priest in Vietnam murdered in the confessional. The truth needs to be told
Le Quoc Quan, Attorney at Law
23:08 03/02/2022
Since both the Vietnamese Government and the Church leaders have been quite silent in the murder of Father Joseph Tran Ngoc Thanh, OP. I like to share additional information and hope everyone shares it widely.

It was around 7:15 PM on January 29 when Fr. Thanh was attacked by Kien Nguyen. After the 6 PM evening Mass, the priest began to hear confessions at the confessional which is located at the end of the simple chapel. There Fr. Thanh sits in a chair on one side of the confessional while the confessant sits on the other side. There were some others waiting for confession as well as children playing outside the church.

As Fr. Thanh was administering the sacrament of reconciliation, Kien rushed in and slashed his head twice with a machete. The priest collapsed and everyone screamed. At that moment, a choir director Br. Phan Van Giao, a Dominican friar, was tending to his choir in the chapel wing. Kien rushed over to slash him straight in the head, for the habit he was wearing. The choir director raised a plastic chair to defend himself, the chair was split in half. The friar was so fearful for his life that he ran out toward the church’s aisle, Kien chased after him.

When he reached the middle of the church, Br. Giao saw many children crying and screaming. It came to his mind that this could be a massacre. At that decisive moment, he felt a voice coming from above or an echo of God's coming from the sanctuary, calling out for him to return, overcome his fear, and face the murderer. Kien lunged forward, raising his machete to slash him again, but very quickly the friar was able to push off Kien's arm, turn his back around and put Kien in a choke hold. He held Kien so hard that both fell to the church's brick floor. Parishioners rushed over, pressed Kien down and held him captive there.

Amazingly, Br. Giao was a man of small stature, obviously much smaller than the killer. He attributed his ability to overpower Kien to God's grace. “If I had to do it again, I wouldn't think I am capable of doing it,” he said. This friar pleaded with people not to beat Kien, the murderer, instead to restrain him and call the police, while he personally rushed to tend to the gravely injured priest and called a committee member to take him to the hospital in Ngoc Hoi township about 12 km away, then followed the vehicle which transport the priest to the provincial hospital in Kontum. He painfully witnessed Fr. Thanh passing away at 11:30 that night.

MORE INFORMATION ABOUT THE KILLER

The Sa-Long religious community is made up of people from the Sedang ethnic group, but Nguyen Van Kien is one of the Kinh, the largest ethnic group in Vietnam. He is single and Catholic. However, nobody ever sees him attending Mass.

Rumor among the villagers has it that before the incident, Kien tried to prevent his mother from going to Mass with a dire warning “if you go to Mass today, there will be a homicide, someone will have to die”. The mother ignored the warning and went to Mass and the incident took a tragic turn. Thus, the plot was premeditated, and the perpetrator had determined to follow through with the murder.

Killer Nguyen Van Kien has a younger brother who has also just been paroled from prison. It was said that his brother only served 3 years even though he was responsible for a manslaughter charge. The killer also has a younger sister whose family recently sent away to the house of women religious community to learn more about vocation. Others accuse Kien of being a henchman and often hangs out with the government officials. This information may be questionable, but basically Kien is not a “mental” case as widely reported. The assessment and diagnosis of his mental issues is to be determined later on by the government.

WAIT FOR HOPE

Although the mainstream, state owned media have not reported about the news, the fact of a Catholic priest's skull was slashed while administering reconciliation sacrament to penitents have caused great shock around the country where Lunar New Year had been preparing.

There was a murder, and the consequences were horrifying, and the perpetrator was already caught. So, what's the deal that the murder has yet to be reported? Aren't we tortured by conscience? Why, and why?

As a lawyer, I know there is a due process to take place: investigation, indictment, trial and imposition. However, when a minor incident like the death of Tran Thanh's (*) cat can drive the press into a frenzy to report, why is such a terrible murder with inundated information on the internet and sources are verifiable, yet nothing is broadcasted by any of the official outlets? People are yet to learn which direction this is heading to.

As a Catholic who loves priests and the Church, I know that the Church is very merciful, doesn't judge anyone, and always forgives all sinful acts of men (just like Fr. Thanh died when he acted on behalf of God to forgive the sinners). However, the conscience of the faithfuls calls for and demands a voice to be spoken out, a truth to be told in order for people to understand the matter and justice to be served in this case.

The murder of a priest is a very big deal. The foreign media are also very interested. All need to know the truth because “The truth will set us free” (Jn 8:32).

All those who love the truth and justice are waiting for a word from both the State and the Church, demanding that the perpetrator pay the price commensurate with the crime he committed, and not expecting it swept under the rug. Because when we keep silent before evil, we are complicit in it.

Rev. Dr. Martin Luther King once said, “Our lives begin to end when we are silent about what should have been said.”

With this additional information, I hope the truth will soon be surfacing.

Numerous international news networks are wondering about the place of homicide: at the chapel, the church or in his residence, I would like to explain as follows: This is a new mission area, there is no big church. This is considered a chapel, but it has the Body of the Lord for adoration, is the main place of religious activities of the religious community, so it can be called either a chapel or a church (although small). Regarding the living arrangement of the priests, usually in places like this community each priest would have a private room for activities. Nevertheless, it would be in the chapel's grounds so however people call it, the nature of the incident would not be changed.

Le Quoc Quan, Attorney at Law

(*) a famous comedian in Vietnam.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhận định của luật sư Lê Quốc Quân về vụ giết hại cha Giuse Trần Ngọc Thanh
Luật sư Lê Quốc Quân
03:49 03/02/2022
Do thấy Chính quyền cũng như Giáo quyền khá im lặng trong vụ Cha Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại, nên tôi đưa bổ sung thêm thông tin và mong muốn được mọi người chia sẻ rộng rãi.

Lúc Cha Thanh bị tên Kiên chém là vào khoảng 7h15' tối ngày 29/1. Sau khi dâng lễ chiều vào lúc 6h thì Ngài bắt đầu giải tội. Toà giải tội ở cuối nhà Nguyện rất đơn sơ, Cha ngồi ở ghế 1 bên, hối nhân ngồi phía bên kia và xưng tội. Có một số người đang đợi xưng tội cùng các em nhỏ chơi xung quanh.

Khi Cha đang giải tội thì Kiên lao vào và vung dao chém 2 nhát vào đầu, Cha gục xuống, mọi người kêu thét thất thanh. Khi đó có một thầy tu dòng Daminh là Phan Văn Giáo, đang tập hát ở cánh gà nhà nguyện, Kiên lao tới chém Thầy thẳng vào đầu vì theo suy đoán thì do thấy Thầy đang mặc áo dòng. Thầy giơ chiếc ghế nhựa lên đỡ và ghế toác ra. Sau đó Thầy sợ quá bỏ chạy ra giữa nhà thờ, Kiên rượt theo.

Khi ra đến giữa nhà thờ, Thầy Giáo thấy nhiều trẻ em kêu khóc và tiếng la hét. Thầy nghĩ đây là một vụ thảm sát, Ngay lúc đó, như tiếng gọi từ trời cao, như tiếng vang lời Chúa từ cung thánh gọi giật lại, vượt qua nỗi sợ hãi, Thầy Giáo quay đầu đối mặt với tên sát nhân. Kiên lao đến giơ dao lên chém, nhưng rất nhanh Thầy đã gạt được tay Kiên, xoay lưng vòng tay và khoá cổ lại, ghì mạnh và cả 2 trượt ngã xuống nền gạch nhà thờ. Bà con ùa đến, đè tên Kiên xuống và bắt được.

Thầy Giáo vốn là người nhỏ hơn tên hung thủ, nhưng theo Thầy thì nhờ ơn Chúa mà Thầy đã quật ngã được nó. "Nếu cho làm lại thì em không thể làm được" Thầy nói. Người tu sĩ này còn yêu cầu bà con không được đánh tên Kiên mà phải bắt giữ và gọi công an, còn cá nhân thầy lao đến với Cha và gọi ông Trùm đưa Cha ra bệnh viện thị trấn Ngọc Hồi cách đó khoảng 12 km, rồi sau đó cùng theo xe đưa Cha xuống bệnh viện tỉnh Kontum. Thầy đã chứng kiến cha Thanh qua đời trong sầu đau vào 11h30' đêm đó.

THÔNG TIN THÊM VỀ HUNG THỦ

Giáo Họ Sa-Long chủ yếu là người dân tộc Se-đăng, nhưng Nguyễn Văn Kiên là một trong thiểu số người Kinh, độc thân. Kiên cũng là người Công Giáo ở trong xứ nhưng không đi lễ, không thích các Cha và các Thầy ở nhà xứ.

Nghe dân làng nói thì trước khi vụ án xảy ra, Kiên còn ngăn cản mẹ mình đi lễ và nói rằng "nếu hôm nay mẹ đi lễ thì sẽ có án mạng xảy ra, một người sẽ phải chết". Bà mẹ vẫn đi lễ và sự việc đã xảy ra. Như vậy, hung thủ đã có sự chuẩn bị và quyết thực hiện hành vi giết người đến tận cùng.

Hung thủ Nguyễn Văn Kiên có một em trai cũng mới đi tù về. Mặc dù nghe tin là gây ra án mạng chết người nhưng chỉ bị tù 3 năm vì tội ngộ sát. Hung thủ cũng có một người em gái mà gia đình mới gửi xuống một cộng đoàn tu nữ để được học hỏi thêm về ơn gọi cách xa nhà. Có người nói Kiên là tay sai và thường giao du với chính quyền nhưng thông tin này không khả tín, nhưng về cơ bản Kiên không phải bị "điên". Việc giám định và quyết định có tâm thần hay không thì hoàn toàn do nhà nước tiến hành sau này.

MONG CHỜ HY VỌNG

Mặc dù báo chí chính thống của Nhà nước chưa đưa tin nhưng việc một linh mục Công Giáo bị chém chết khi đang giải tội cho các hối nhân là sự thật.

Án mạng đã xảy ra, hậu quả là khủng khiếp và hung thủ cũng đã bị bắt. Vậy còn khuất tất gì mà chưa đưa tin?. Mỗi chúng ta đều bị lương tâm tra khảo? Vì sao và vì sao?.

Là một luật sư, tôi biết là sẽ có một tiến trình tư pháp để giải quyết vấn để: từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, một sự việc nhỏ như con mèo của Trấn Thành chết báo chí cũng xô vào đưa tin, thì tại sao một án mạng khủng khiếp như vậy, thông tin tràn ngập trên mạng và có thể kiểm chứng nhưng không báo chí chính thống nào đưa tin? Cũng chưa thấy "định hướng" ra sao?

Là một người tín hữu, yêu mến các linh mục và giáo hội, tôi biết là giáo hội rất nhân từ, không phán xét ai và luôn tha thứ cho mọi hành vi tội lỗi của con người (giống như Cha đã chết khi giải tội cho mọi người). Thế nhưng, lương tâm của các tín hữu kêu gọi và đòi buộc một sự lên tiếng, một sự thật rõ ràng để hiểu thấu vấn đề và công lý phải được thực thi.

Một linh mục bị giết là một vấn đề hết sức lớn lao, truyền thông nước ngoài cũng đang rất quan tâm, tất cả đều cần biết sự thật vì "Sự thât sẽ giải thoát chúng ta" (Ga 8;32).

Tất cả những người yêu mến sự thật công lý, đang chờ đợi sự lên tiếng của Nhà nước và Giáo hội, đòi hỏi hung thủ phải trả giá tương xứng với tội phạm mình đã gây ra, tránh chìm xuống. Bởi khi chúng ta im lặng trước cái ác, là chúng ta đồng loã với nó.

Martin Luther King đã nói: "Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng".

Với những thông tin bổ sung như trên, tôi mong rằng sự thật sẽ sớm được sáng tỏ.

Có một số đài báo quốc tế băn khoăn về nơi bị giết là: Nhà Nguyện, Nhà thờ hay Nhà riêng (in his house) thì tôi xin giải thích như sau: Đây là vùng truyền giáo mới, chưa có nhà thờ to. Đây được coi là một ngôi nhà Nguyện nhưng có đặt mình thánh Chúa để chầu, là nơi sinh hoạt tôn giáo chính của họ đạo nên có thể gọi là Nhà nguyện hoặc nhà thờ (dù nhỏ). Về nơi sống của các Linh mục thì thường ở những nơi như thế này, cha sẽ có 1 phòng riêng để sinh hoạt nhưng cũng nằm trong khuôn viên nhà nguyện, cho nên cũng có thể gọi đó là Nhà của cha ở (his house). Các tên gọi không làm thay đổi bản chất sự việc.

Ls. Lê Quốc Quân
 
Giáo xứ Tân Việt Thánh lễ chúc tuổi các vị cao niên
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:41 03/02/2022
“ Hòa trong niềm vui của mùa xuân Nhâm Dần, vào lúc 17g30 ngày 02/02/2022, mồng 2 tết, giáo xứ Tân Việt đã tổ chức lễ chúc tuổi cá vị cao niên trong giáo xứ, tại nhà thờ Tân Việt.

Thánh lễ đồng tế do Lm Đaminh Phạm Duy Linh ( SVD) chủ tế, đồng tế với ngài là Lm Chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ và Lm phụ tá Giuse NGuyễn Minh Duy.

Xem Hình

Những lời chúc đầu năm dành cho các cụ, là lời nhắc nhở cho con cháu: Biết ơn là một trong nhửng nét đẹp trong văn hóa được trân trọng trong Tin Mừng. Ngày hôm nay phải biết ơn ngày hôm qua. Thế hệ này phải nhớ ơn thế hệ trước. Chính nhờ sự hy sinh cả một đời của những thế hệ đi trước, đã vun đắp cho thế hệ sau.

Trước khi kết thúc Thánh lễ quý cha đã đến trao tận tay các cụ bao lì xì mầu đỏ với chút quà xuân và những lời chúc thọ.

Phần quà tuy không lớn nhưng nói lên tấm lòng, sự quan tâm của Lm Chánh xứ với quý vị cao niên, làm cho bầu khí ngày lễ càng thêm ấm áp làm vui cả người nhận lẫn người cho.

Được biết, đây là truyền thống tốt đẹp của giáo xứ được tổ chúc vào chiều mồng Hai tết Nguyên Đán hằng năm, ngày kính nhớ tổ tiên.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Văn Hóa
Thế Giới Vẫn Vậy Mà !
Sơn Ca Linh
10:20 03/02/2022
Thế Giới Vẫn Vậy Mà !

(Bài suy niệm đầu năm – Mồng Ba Tết)

Sau “buổi chiều và buổi sáng ngày thứ sáu,
Thượng Đế nghỉ ngơi !”

Thế giới vẫn vậy mà !
Tiếng cuốc gọi mùa hè
Cây ngô đồng trụi lá,
đất trời cất bước vào thu…
Và từng cơn gió bấc,
Lũ lượt kéo về nam cùng những áng mây mù,
Mùa Đông khăn gói ra đi,
Trên trời
mây trắng nắng hanh,
Đàn én chao nghiêng báo mùa xuân đã tới !
Những cành mai,
Hàng vạn thọ… bắt đầu xanh lá mới…
Và A-đam, E-va,
Những luống cuốc bẫm cày sâu …
Giọt mồ hôi trên trán,
Dãi nắng dầm mưa… lại bắt đầu !

Thế giới vẫn vậy mà !
những Ca-in, A-bel hờn ghen, hận oán,
Vẫn tháp Baben,
ngôn ngữ của tranh giành hơn thua tính toán,
Nên rồi,
Lại Hồng Thủy, lại Sôđôma- Gômôra…
Chỉ khác tên thôi,
Thế giới vẫn vậy mà,
Nagasaki, Hiroshima, bom hạt nhân, lò hơi ngạt…,
Giai cấp, sắc tộc,
Huynh đệ tương tàn nồi da xáo thịt
Và ở giữa cái thời hiện đại văn minh,
Âm thầm, hủy diệt,
Hơn cả sóng thần, động đất, chiến tranh,
Sars-Coronavirus, một cơn đại hồng thủy mới !

Thì ra,
Thế giới vẫn vậy mà,
Vẫn những Ai Cập khổ sai, những Pharaô bạo chúa…
Vẫn những khát vọng cháy bỏng,
Của hoang mạc tự do, của con đường về “Đất Hứa”,
Của một Dân tộc mới,
Có “Bóng Mây, Cột lửa” đồng hành,
trên lộ trình của “Thâp Giới, Giao ước thiên linh”,
của bàn tay Cha, của Thiên Chúa đầy lòng thương xót !

Và thế giới vẫn vậy mà,
Vẫn lại mùa xuân,
Với nắng ấm, với hoa lành trái ngọt,
Với hy vọng, những lời cầu vọng mãi khung xanh.
Để những Ca-in, những A-bel..,
Gác chuyện hơn thua, chiếm đoạt, tranh giành,
Để, Ukraina, Đài Loan, Afghanistan…
Xây những chiếc cầu, những vườn địa đàng,
Thay đầu đạn hạt nhân, tàu bay, hỏa tiển…
Để những em bé nghèo Châu Phi, nam Mỹ…
Được cắp sách đến trường, có bữa cơm ngon,
Để những mẹ già,
Thôi mỏi mòn mong đợi những đứa con,
Và không còn những khăn tang,
Vợ đón xác chồng giữa những ngày mùa xuân trở lại… !

Thế giới vẫn vậy mà,
Hy vọng, nguyện cầu, niềm tin…,
Như cánh én báo tin xuân sẽ trở về mãi mãi… !

Sơn ca Linh (Mồng Ba Tết Nhâm Dần 2022)
 
VietCatholic TV
Phóng sự đặc biệt: Ngày Đời Sống Thánh Hiến Tại Vatican 2/2. Tưởng nhớ Cha Giuse Trần Ngọc Thanh
VietCatholic Media
04:03 03/02/2022


Lúc 5 giờ 30 chiều ngày thứ Tư Mùng Hai Tết Nhâm Dần, 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Đức Mẹ Dâng Chúa vào Đền Thánh, kỷ niệm Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ 26 bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đây là ngày kỷ niệm đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997.

Trong thông điệp Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng ngày này có ba mục đích:

Trước hết, đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Thứ hai, ngày này nhằm mục đích quảng bá các kiến thức về đời sống tận hiến và lòng yêu mến cuộc sống thánh hiến trong toàn thể dân Chúa.

Lý do thứ ba liên quan trực tiếp đến những người tận hiến. Các vị được mời gọi cử hành cùng nhau một cách long trọng những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện trong họ, khám phá ra những tia sáng từ tôn nhan Thiên Chúa đang dõi chiếu đường đời của họ và có một ý thức sinh động hơn về sứ mệnh không thể thay thế của họ trong Giáo Hội và trên thế giới. Trong một thế giới thường bị kích động và mất tập trung, những người tận hiến cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến để trở lại nguồn mạch ơn gọi của họ, và để tái khẳng định cam kết hiến dâng cuộc sống cho Chúa.

Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong năm Phụng Vụ, không có ngày lễ nào thích hợp hơn để cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới cho bằng ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Ngài nhận xét rằng “Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh là một biểu tượng hùng hồn cho sự hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của tất cả những ai được kêu gọi để trình bày trong Giáo Hội và trước thế giới các nét đặc trưng của Chúa Giêsu – đó là trong sạch, khó nghèo và vâng phục.”

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ, có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, người Ba Tây, Tổng Trưởng Bộ các Dòng Tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, cùng sự hiện diện của một số nhỏ các tu sĩ nam nữ và giáo dân vì hoàn cảnh đại dịch coronavirus.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và một cuộc rước tiến lên bàn thờ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hai vị trưởng lão, Ông Simêon và Bà Anna, đang chờ đợi trong đền thờ sự hoàn thành lời hứa mà Thiên Chúa đã giao ước với dân Ngài: đó là sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Nhưng sự chờ đợi của họ không thụ động, nó tràn đầy những chuyển động. Do đó, chúng ta hãy theo dõi những chuyển động của Ông Simêon: trước hết ông được Thần Khí đánh động, sau đó ông nhìn thấy ơn cứu độ của Người nơi Hài Nhi và cuối cùng ông đón Người trong vòng tay của mình (x. Lc 2:26-28). Chúng ta hãy tập trung ở ba hành động này và suy tư về một số câu hỏi quan trọng đối với chúng ta, đặc biệt là đối với đời sống thánh hiến.

Đầu tiên là: chúng ta đang di chuyển bởi điều gì? “Được Thánh Thần linh báo” (câu 27), Ông Simêon đi đến đền thờ. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của cảnh này: chính Người làm cho lòng khao khát Thiên Chúa bùng cháy trong lòng Ông Simêon, chính Người làm sống lại niềm mong đợi trong tâm hồn ông, chính Người thúc đẩy bước chân ông về phía đền thờ và làm cho đôi mắt ông có khả năng nhận ra Đấng Mêsia, ngay cả khi Ngài tỏ mình ra trong hình hài một hài nhi nhỏ bé và nghèo hèn. Đây là những gì Chúa Thánh Thần thực hiện: Ngài làm cho chúng ta có khả năng nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và công việc của Người không phải nơi những điều cao cả, với vẻ bên ngoài sặc sỡ, phô trương sức mạnh, nhưng nơi sự bé nhỏ và mong manh. Chúng ta hãy nghĩ đến thập tự giá: ở đó cũng có sự nhỏ bé, mong manh, thậm chí là một bi kịch. Nhưng ở đó có sức mạnh của Chúa. Cụm từ “được Thánh Thần linh báo” gợi lại những gì tâm linh học gọi là “những chuyển động tâm linh”: chúng là những chuyển động của linh hồn mà chúng ta cảm thấy bên trong mình và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe, để phân định xem chúng đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ những thứ gì khác. Hãy chú ý đến những chuyển động bên trong của Thánh Linh.

Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta chủ yếu để mình được lay động bởi ai: bởi Chúa Thánh Thần hay bởi tinh thần thế gian? Đó là một câu hỏi mà tất cả chúng ta phải cân nhắc để chống lại, đặc biệt khi chúng ta là những người thánh hiến. Thánh Linh hướng dẫn chúng ta nhận ra Thiên Chúa trong sự nhỏ bé và mong manh của một hài nhi, nhưng đôi khi chúng ta mạo hiểm nghĩ về đời sống thánh hiến của chúng ta trên phương diện kết quả, mục tiêu, thành công: chúng ta di chuyển để tìm kiếm không gian, tầm nhìn, con số: đó là một sự cám dỗ. Mặt khác, Thánh Linh không yêu cầu điều này. Ngài muốn chúng ta trau dồi lòng trung thành hàng ngày, ngoan ngoãn với những việc nhỏ nhặt đã được giao phó cho chúng ta. Lòng chung thủy của Ông Simeon và Anna đẹp biết bao! Mỗi ngày họ đến đền thờ, mỗi ngày họ chờ đợi và cầu nguyện, ngay cả khi thời gian trôi qua và dường như không có gì xảy ra. Họ chờ đợi cả đời, không nản lòng và không phàn nàn,

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: điều gì làm thay đổi ngày tháng của chúng ta? Tình yêu nào thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước? Chúa Thánh Thần hay niềm đam mê của thời điểm này, là bất cứ điều gì chăng? Làm thế nào để chúng ta di chuyển trong Giáo Hội và trong xã hội? Đôi khi, ngay cả đằng sau vẻ ngoài của những tác phẩm hay, vẫn có thể ẩn giấu con sâu của lòng tự ái hay sự thèm muốn phản kháng. Trong những trường hợp khác, trong khi thực hiện nhiều việc, các cộng đồng tôn giáo của chúng ta dường như bị lay động nhiều hơn bởi sự lặp lại máy móc - làm những việc theo thói quen, chỉ để làm - hơn là bởi lòng nhiệt thành tuân theo Chúa Thánh Thần. Sẽ tốt cho tất cả chúng ta khi kiểm tra các động lực bên trong của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta hãy phân biệt các động lực thiêng liêng, bởi vì việc canh tân đời sống thánh hiến trước hết bắt đầu từ đây.

Câu hỏi thứ hai: mắt chúng ta thấy gì? Ông Simêon, được Thánh Linh thúc đẩy, nhìn thấy và nhận ra Chúa Kitô. Và ông ấy cầu nguyện rằng: “Mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa” (câu 30). Đây là phép lạ vĩ đại của đức tin: Ông Simêon mở mắt ra, biến đổi cái nhìn, thay đổi cái nhìn. Như chúng ta đã biết qua nhiều lần gặp gỡ Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng, đức tin được sinh ra từ ánh mắt từ bi mà Thiên Chúa nhìn chúng ta, làm tan chảy sự chai cứng của trái tim chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta, cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn bản thân và thế giới. Đó là những cái nhìn mới về bản thân, về người khác, về tất cả những hoàn cảnh chúng ta đang sống, ngay cả khi đau đớn nhất. Đó không phải là một vấn đề về một cái nhìn ngây thơ, không, đó là vấn đề về cái nhìn khôn ngoan; cái nhìn ngây thơ trốn tránh thực tế hoặc giả vờ như không nhìn thấy các vấn đề; thay vào đó, đó là một vấn đề về đôi mắt biết làm thế nào để “nhìn bên trong” và “nhìn xa hơn”; chứ không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài,

Đôi mắt già nua của Ông Simêon, dù mỏi mệt vì năm tháng, nhưng đôi mắt ấy nhìn thấy Chúa, nhìn thấy ơn cứu rỗi. Còn chúng ta thì sao? Mọi người đều có thể tự hỏi mình: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Chúng ta có tầm nhìn nào về đời sống thánh hiến? Thế giới thường coi đó là một sự “lãng phí”: “Hãy nhìn xem, cậu bé ngoan đó lại trở thành một tu huynh”, hoặc “một cô gái tốt như vậy, lại trở thành một nữ tu… Thật lãng phí. Nếu họ xấu xí thì đã đành... Nhưng họ, họ đẹp như thế, thật lãng phí “. Vì vậy, chúng ta nghĩ rằng. Thế giới có lẽ coi đời sống thánh hiến là một thực tại của quá khứ, một điều gì đó vô ích. Nhưng chúng ta, những cộng đồng Kitô hữu, linh mục và tu sĩ nam nữ, chúng ta thấy gì? Chúng ta đang nhìn về phía sau, hoài niệm về những gì không còn tồn tại hay chúng ta có khả năng nhìn xa trông rộng bằng con mắt đức tin, phóng chiếu vào bên trong và bên ngoài? Có trí tuệ nhìn - điều này là do Thánh Thần ban cho: nhìn cẩn thận, đo lường khoảng cách tốt, hiểu rõ thực tại. Tôi thật vui khi thấy những tu sĩ nam nữ tận hiến là những người lớn tuổi, những người vẫn tiếp tục mỉm cười với đôi mắt sáng, mang lại hy vọng cho những người trẻ. Hãy nghĩ xem khi nào chúng ta gặp những cái nhìn tương tự và chúng ta tán tụng Chúa vì điều đó. Đó là những cái nhìn của hy vọng, mở ra cho tương lai. Và có lẽ sẽ tốt cho chúng ta, trong những ngày này, có một cuộc gặp gỡ, thăm hỏi những tu sĩ nam nữ lớn tuổi của chúng ta, nhìn họ, nói chuyện, hỏi han, nghe họ nghĩ gì. Tôi tin rằng đó sẽ là một liều thuốc tốt.

Thưa anh chị em, Chúa không quên ban cho chúng ta những tín hiệu để mời gọi chúng ta vun trồng một đời sống thánh hiến được đổi mới. Điều đó diễn ra dưới ánh sáng, và dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể giả vờ như không nhìn thấy những tín hiệu này và tiếp tục như không có gì xảy ra, lặp lại những điều tương tự như mọi khi, kéo bản thân theo quán tính vào những hình thức của quá khứ, tê liệt bởi nỗi sợ thay đổi. Tôi đã nói nhiều lần: ngày nay, có cám dỗ lùi lại, vì an ninh, vì sợ hãi, vì muốn giữ đức tin, muốn giữ đặc sủng sáng lập… Đó là một cám dỗ. Sự cám dỗ để quay trở lại và giữ “truyền thống” một cách cứng nhắc. Hãy hiểu nó đúng: cứng nhắc là một sự biến thái, và dưới mỗi độ cứng đều có những vấn đề nghiêm trọng. Cả Ông Simêon và Bà Anna đều không cứng nhắc, không, họ được tự do và có niềm vui cử mừng: Ông Simêon, ngợi khen Chúa và nói tiên tri với lòng can đảm cho mẹ của Ngài; và Bà Anna, giống như một bà già tốt bụng, đi từ bên này sang bên kia và nói: “Nhìn này, nhìn này!” Họ vui mừng đưa ra thông báo, ánh mắt tràn đầy hy vọng. Không có quán tính quá khứ, không có độ cứng. Hãy mở rộng tầm mắt của chúng ta: qua những cuộc khủng hoảng - vâng, đó là sự thật, có những cuộc khủng hoảng -, những con số còn thiếu - “Thưa cha, không có ơn gọi nào cả, bây giờ chúng con sẽ đến hòn đảo Indonesia đó để xem có tìm được không” -, Những sức mạnh đã thất bại, Thánh Linh mời gọi chúng ta đổi mới cuộc sống và cộng đồng của chúng ta. Và chúng ta làm điều này như thế nào? Ngài sẽ chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta mở rộng trái tim mình, với lòng can đảm, không sợ hãi. Chúng ta hãy mở rộng trái tim. Hãy nhìn Ông Simêon và Bà Anna: ngay cả khi họ đã cao tuổi, họ không dành nhiều thời gian để tiếc nuối về một quá khứ không bao giờ quay trở lại, nhưng họ mở rộng vòng tay đón nhận tương lai sẽ đến với họ. Anh chị em thân mến, chúng ta đừng lãng phí ngày hôm nay để nhìn vào ngày hôm qua, hoặc mơ về một ngày mai không bao giờ đến, nhưng chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa, để tôn thờ, và cầu xin đôi mắt biết nhìn điều thiện và nhìn thấy những đường lối của Thiên Chúa. Chúa sẽ ban chúng cho chúng ta, nếu chúng ta cầu xin. Với niềm vui, với sự kiên cường, không sợ hãi.

Cuối cùng, một câu hỏi thứ ba: chúng ta nắm giữ cái gì trong tay? Ông Simêon chào đón Chúa Giêsu trong vòng tay của mình (xem câu 28). Đó là một cảnh dịu dàng và ý nghĩa, duy nhất trong các sách Phúc âm. Thiên Chúa đặt Con Ngài trong vòng tay của chúng ta bởi vì việc chào đón Chúa Giêsu là điều cốt yếu, là trung tâm của đức tin. Đôi khi chúng ta có nguy cơ lạc lối và phân tán trong một ngàn thứ, cố định mình trên những khía cạnh thứ yếu hoặc đắm mình vào những việc phải làm, nhưng trung tâm của mọi sự là Chúa Kitô, để được chào đón như Chúa của cuộc đời chúng ta.

Khi Ông Simêon ôm Chúa Giêsu trong tay, môi ông thốt lên những lời chúc tụng, ngợi khen và kinh ngạc. Và chúng ta, sau bao nhiêu năm sống đời thánh hiến, chúng ta có đánh mất khả năng kinh ngạc không? Hay chúng ta vẫn có khả năng này? Chúng ta hãy xem xét điều này, và nếu ai đó không tìm thấy nó, hãy cầu xin ân sủng của sự kinh ngạc, sự ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện trong chúng ta, kín nhiệm như những gì xảy ra trong đền thờ, khi Ông Simêon và Bà Anna gặp Chúa Giêsu. Nếu những người thánh hiến thiếu những lời chúc tụng Thiên Chúa và cám ơn những người khác, nếu không có niềm vui, nếu thiếu động lực, nếu cuộc sống huynh đệ chỉ là mệt mỏi, nếu không có sự ngạc nhiên, thì không phải vì chúng ta là nạn nhân của ai đó hay điều gì đó, lý do thực sự là cánh tay của chúng ta không còn ôm chặt Chúa Giêsu nữa. Và khi cánh tay của người thánh hiến không ôm lấy Chúa Giêsu, họ ôm lấy những khoảng trống mà họ cố gắng lấp đầy bằng những thứ khác, nhưng đó là sự trống rỗng. Hãy siết chặt Chúa Giêsu bằng cánh tay của chúng ta: đây là dấu chỉ, đây là con đường, đây là “công thức” để đổi mới. Khi chúng ta không ôm lấy Chúa Giêsu, trái tim chúng ta đóng lại trong cay đắng. Thật đáng buồn khi thấy những người tận hiến, tận hiến một cách cay đắng: họ khép mình trong việc phàn nàn về những điều không diễn ra đúng thời điểm. Họ luôn phàn nàn về một điều gì đó: bề trên, cấp trên, anh em, cộng đoàn, bếp núc… Nếu không có lời phàn nàn thì họ không sống nổi. Nhưng chúng ta phải ôm lấy Chúa Giêsu trong sự tôn thờ và cầu xin đôi mắt biết nhìn điều thiện và nhận ra đường lối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chào đón Chúa Kitô với vòng tay rộng mở, thì chúng ta cũng sẽ chào đón người khác với lòng tin cậy và khiêm nhường. Khi đó xung đột không leo thang, khoảng cách không lớn dần và sự cám dỗ lạm dụng và làm tổn thương nhân phẩm của một số anh chị em bị dập tắt. Chúng ta hãy mở rộng vòng tay của mình, cho Chúa Kitô và cho anh chị em!Chúa Giêsu đứng ở đó.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhiệt thành đổi mới sự thánh hiến của mình hôm nay! Chúng ta hãy tự hỏi mình động lực nào thúc đẩy tâm hồn và hành động của chúng ta, đâu là tầm nhìn đổi mới mà chúng ta được kêu gọi để vun đắp và trên hết để đón nhận Chúa Giêsu trong vòng tay của mình. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và chán chường - điều này thường xảy ra, thậm chí có cả thất vọng, chúng ta hãy làm như Ông Simêon và Bà Anna, những người kiên nhẫn chờ đợi lòng trung tín của Chúa và không cho phép mình bị cướp mất niềm vui của cuộc gặp gỡ. Chúng ta hãy hướng tới niềm vui của cuộc gặp gỡ: điều này rất đẹp! Chúng ta hãy đặt Chúa trở lại trung tâm và tiến về phía trước với niềm vui. Cầu xin được như thế.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Yêu mến Đức Bênêđíctô, hãy nghe Đức Hồng Y Filoni. Éo le: Vợ bị kết tội ngoại tình với chồng, án treo cổ
VietCatholic Media
04:08 03/02/2022


1. Éo le: Vợ bị kết tội ngoại tình với chồng, nguy cơ bị tử hình, gây ra lo ngại về tự do tôn giáo ở Sudan

Christian Solidarity Worldwide, tức là Tổ Chức Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu, gọi tắt là CSW, một tổ chức đấu tranh để bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng - đã cáo buộc chính phủ quân sự của Sudan đã cản trở những tiến bộ đạt được của chính phủ dân sự kể từ cuộc đảo chính vào ngày 25 tháng 10 năm ngoái, 2021.

Mối quan ngại này được làm nổi bật hơn nữa bởi phiên tòa đang diễn ra đối với một cặp vợ chồng bị tội ngoại tình với nhau.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018 khi anh Hamada Teya Keffi quyết định chuyển từ Hồi Giáo sang Công Giáo. Vợ anh Nada Hamad Koko, dưới áp lực của gia đình đã phản đối kịch liệt Keffi và buộc anh phải quay trở lại Hồi Giáo. Áp lực lớn nhất là đe doạ ly hôn. Tuy nhiên, anh không nhượng bộ.

Vì thế, Koko, và gia đình cô đệ đơn ly hôn anh chồng Keffi.

Theo luật, một phụ nữ Hồi giáo không được phép kết hôn với một người đàn ông không theo đạo Hồi. Vì thế việc ly hôn được chấp thuận nhanh chóng, và Koko trở về ở với gia đình. Tuy nhiên, vào năm ngoái, nhớ chồng, nhớ con, cô ấy lại trở về nhà mình, và theo đạo Công Giáo.

Sau khi phát hiện Koko đã theo đạo Công Giáo. Gia đình cô cho rằng điều đó làm nhục nhã cho gia đình nên đã đệ đơn kiện hình sự, và hai vợ chồng hiện đã bị buộc tội ngoại tình.

CSW nói tờ Crux “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước việc truy tố hình sự bà Koko và ông Kaffi. CSW đang kêu gọi bỏ các cáo buộc hình sự đối với họ và cải cách pháp luật hơn nữa để bảo đảm rằng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bao gồm cả quyền thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, được bảo đảm đầy đủ cho mọi người dân Sudan”

Trong trường hợp bị kết tội ngoại tình, theo luật Sharia của Hồi Giáo, người đàn bà bị phạt nặng hơn người đàn ông với nguy cơ bị treo cổ. Người đàn ông ngoại tình chỉ bị tối đa là 5 năm tù.


Source:Crux

2. Toàn văn bài viết của Đức Hồng Y Filoni lên tiếng bênh vực Đức Bênêđíctô XVI

Giữa sự đau khổ tột cùng của cá nhân Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và của cả Giáo Hội trước những tấn kích kinh hoàng nhắm vào vị Giáo Hoàng thánh thiện, khiêm nhường, đáng kính nhằm làm tiền đề cho cái gọi là Tiến Trình Công Nghị tại Đức, Đức Hồng Y Fernando Filoni, nguyên tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã có một bài viết nhan đề “Chi è Benedetto XVI?”, nghĩa là “Đức Bênêđíctô XVI là ai?”.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Bênêđíctô XVI là ai? Đây là câu hỏi đã xuất hiện trong đầu của nhiều người trong những ngày gần đây; những ngày đau khổ tột cùng cho ngài và cho Giáo Hội.

Vào đầu triều đại giáo hoàng của mình vào năm 2005, ngài muốn nói rằng ngài thấy mình như một người đầy tớ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa, khi nghĩ đến dụ ngôn được tìm thấy trong Phúc âm Thánh Matthêu (21: 33-43). Trong dụ ngôn đó, Chúa Giêsu chỉ trích hành vi của những người, do sự bất trung của mình, đã hủy hoại vườn nho được trồng bằng sự hy sinh và lòng tận tụy. Trong vườn nho đó, được Thiên Chúa yêu thương, người chủ đã cử các tá điền đến để bảo đảm nó được chăm bón tốt. Nó thuộc về ông; và các tá điền lẽ ra phải chăm sóc nó chứ không chiếm đoạt nó.

Tôi được biết đến cá nhân Đức Bênêđíctô XVI trên hết vì khi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng của ngài, ngài đã gọi tôi đến Rôma từ Phi Luật Tân, nơi một năm trước đó ngài đã chỉ định tôi làm đại diện giáo hoàng của ngài.

Tôi nhớ rõ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi; đó là vào đầu tháng 7 năm 2007. Ngài đã bổ nhiệm tôi là Sostituto, hay Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tức là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của ngài. Điều này cho phép tôi đến thăm ngài ít nhất một lần một tuần để nói về những vấn đề gần gũi với tấm lòng của ngài và nhận được sự hướng dẫn thích hợp về nhiều khía cạnh của đời sống Giáo triều và Giáo Hội.

Chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng được giao trách nhiệm tổ chức các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, do đó trong suốt 4 năm tôi tại vị, trước khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, tôi đã có cơ hội tháp tùng ngài đến nhiều quốc gia khác nhau, nơi ngài đã thực hiện các cuộc tông du của mình.

Trong những năm đó, vấn nạn ấu dâm nổi lên với mức độ độc hại như một dịch bệnh trong Giáo Hội. Nó đã không được biết đến trong các thuật ngữ đã dần dần xuất hiện. Nhưng tôi luôn thấy rõ rằng Đức Bênêđíctô XVI sẵn sàng đối mặt với nó với quyết tâm.

Trước hết, tôi có thể làm chứng cho sự trung thực sâu sắc và rất cao về mặt đạo đức và trí tuệ của ngài.

Điều này là không thể nghi ngờ, ngay cả khi không thiếu những người ngày nay đang tập hợp lực lượng chống lại ngài. Họ có tự do để làm việc đó, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tôi chưa hề tìm thấy ở ngài bóng dáng hay toan tính nhằm che giấu, giảm thiểu điều gì. Sự nhạy cảm của ngài trong việc giải quyết mọi việc với một ý thức đạo đức sâu sắc không thể bị hồ nghi với sự không chắc chắn hay bất cứ điều gì khác.

Tôi cũng biết rõ sự đau khổ tột cùng của ngài khi đối mặt với những câu hỏi nghiêm trọng của Giáo Hội, và tôi nhớ rõ ràng một câu nói mà ngài thường thốt ra với một tiếng thở dài: “Vực thẳm mà chúng ta rơi vào vì sự khốn nạn của con người mới khó hiểu biết bao!” Điều này khiến ngài đau khổ và đôi khi ngài im lặng trong một thời gian dài. Còn hơn thế nữa nếu những khốn khổ của nhân sinh này đã chạm đến những người trong Giáo Hội.

Ngài có một sự nhạy cảm đáng chú ý đối với các nạn nhân. Khi chuẩn bị cho các chuyến tông du (đến Hoa Kỳ, Úc, v.v.), ngài nhận được yêu cầu gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng, ngài đã kể cho tôi nghe về họ; ngài muốn biết suy nghĩ của tôi về cách đáp ứng những yêu cầu này.

Tôi có thể khẳng định rằng ngài đã khuyên hai điều rất quan trọng đối với ngài. Thứ nhất là tôn trọng sâu sắc các nạn nhân mà danh tính của họ phải được bảo vệ; do đó, ngài muốn các cuộc họp diễn ra xa khỏi cái nhìn của máy ảnh hoặc các dụng cụ thu hình khác. Ngài không muốn bất kỳ khán giả nào, nhưng ngài muốn tôi nằm trong số rất ít những người có mặt một cách kín đáo.

Thứ hai: Ngài không muốn cuộc gặp gỡ trở thành một loại “tiếp kiến” chỉ với một cái bắt tay đơn giản và một cái nhìn lướt qua, mà là một buổi gặp gỡ cầu nguyện thực sự; nó phải có một chiều kích tâm linh và diễn ra trước mặt Thiên Chúa, Đấng mà từ đó ta phải cầu xin lòng thương xót.

Vì lý do này, ngài chấp nhận ý tưởng rằng các buổi gặp gỡ nên diễn ra trong nhà nguyện, trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì vậy, sau vài phút cầu nguyện với các nạn nhân, sau những giây phút nặng nề xúc động, ngài sẽ đọc Kinh Lạy Cha với họ; ngài chú ý đến từng người trong số họ, lắng nghe với cảm xúc có thể nhìn thấy và sờ thấy được, và cuối cùng, ngài giao cho mỗi người một chuỗi tràng hạt.

Trong những cuộc gặp gỡ đó, không chỉ có cảm giác về sự sỉ nhục mà các nạn nhân phải chịu đựng, mà còn có sự sỉ nhục của một người trong Giáo Hội, là người không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng những hành động hèn hạ đó lại có thể xảy ra, mà bây giờ lại trao ra dầu xoa dịu là lời cầu nguyện và sự an ủi từ tình liên đới nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình và gánh trên vai thân phận con người và tội lỗi của nó.

Trong mọi cuộc gặp gỡ, luôn có một sự công nhận thực sự rằng con người và tinh thần đã bị xâm phạm. Luôn có một sự phó thác cho Thiên Chúa bởi những anh chị em cảm động tột độ; có một lời khẩn xin tha thứ của toàn thể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa, và có một cam kết rằng Đức Bênêđíctô XVI sẽ kết hợp lòng thương xót và công lý. Điều đó ngài đã làm qua các bước mà trước đây chưa hề tồn tại.

Đây là Đức Bênêđíctô XVI, người mà tôi đã biết cận cảnh. Một “mục tử”, một “công nhân” trong vườn nho của Chúa, người luôn có trong trái tim mình - một “lời cầu xin sâu sắc cho tất cả các Giáo Hội” và cho một nhân loại đau khổ, sa ngã và vô thần, phù hợp với những gì ngài đã nói khi ngài đến thăm, vào buổi chiều xa xôi ngày 25 tháng 4 năm 2005, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi Vị Tông đồ Dân ngoại yên nghỉ.
Source:ACI Stampa

3. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm giám mục Công Giáo mới của Fatima

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y António Marto vào hôm thứ Sáu và bổ nhiệm một vị giám mục mới cho giáo phận Leiria-Fátima.

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha José Ornelas Carvalho lãnh đạo giáo phận Bồ Đào Nha có một trong những đền thờ Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới vào ngày 28 tháng Giêng.

Đức Cha Ornelas đã lãnh đạo giáo phận Setúbal, tây nam Bồ Đào Nha, kể từ năm 2015 và được bầu làm chủ tịch hội đồng giám mục Bồ Đào Nha vào năm 2020.

“Đức Cha José Ornelas mang theo tài sản khổng lồ và độc nhất vô nhị để tạo động lực mới cho công cuộc đổi mới mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fátima,” Đức Hồng Y Marto nói trong một video sau khi việc bổ nhiệm được công bố.

“Ngài là một giám mục có 'mùi chiên', có mối quan hệ mật thiết và trìu mến với các tín hữu trung thành của Chúa, giáo dân, linh mục và các thành viên của đời sống thánh hiến, cởi mở cho các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn cũng như với những người ngoại đạo”.

Đức Hồng Y Marto nói rằng ngài đã nộp đơn từ chức trước khi tròn 75 tuổi vào ngày 5 tháng 5 do “hạn chế về sức mạnh thể chất và tinh thần để có thể thực hiện đầy đủ chức vụ, theo nhu cầu mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fatima.”

Vị Hồng Y người Bồ Đào Nha đã làm giám mục Fatima trong gần 16 năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên phong ngài làm giám mục vào năm 2000 và Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài lãnh đạo giáo phận Leiria-Fátima vào năm 2006. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong ngài làm Hồng Y vào năm 2018.

Đức Hồng Y Marto sẽ giữ chức vụ Giám Quản Tông Tòa của giáo phận cho đến khi Đức Cha Ornelas nhận tòa trong thánh lễ tại nhà thờ chính tòa ở Leiria vào ngày 13 tháng Ba.

Đức Cha Ornelas, 68 tuổi, sinh ra trên đảo Madeira của Bồ Đào Nha, nằm cách Maroc 320 dặm về phía tây.

Ngài vào tiểu chủng viện của giáo phận năm 10 tuổi. Với ước mơ trở thành nhà truyền giáo, sau đó ngài vào trường Cao đẳng Truyền giáo của Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và tiếp tục học ở Bồ Đào Nha tại Học viện Truyền giáo ở Coimbra.

Vào đầu những năm 20 tuổi, Ornelas dành hai năm làm nhà truyền giáo cho Dòng Thánh Tâm ở Mozambique trước khi trở về Lisbon để hoàn thành bằng thần học tại Đại học Công Giáo Bồ Đào Nha.

Ornelas được tấn phong linh mục năm 1981 ở tuổi 27. Ngài có bằng tiến sĩ Thần học Kinh thánh tại Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh ở Rôma.

Ngài giữ chức vụ bề trên Tổng quyền của Dòng Linh mục Thánh Tâm từ năm 2003 đến năm 2015, cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong ngài làm giám mục Setúbal.

Hàng ngàn người Công Giáo trẻ tuổi dự kiến sẽ đến Bồ Đào Nha vào năm tới cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023.

Đức Hồng Y Marto nói rằng Ornelas, với tư cách là một linh mục truyền giáo và là một bề trên tổng quyền, mang theo “một tầm nhìn phong phú và kinh nghiệm phổ quát về Giáo Hội và thế giới trong sự đa dạng của năm châu lục”.

Đức Hồng Y nói: “Là giám mục của Setúbal và là chủ tịch hội đồng giám mục, ngài đã đưa ra chứng tá về kinh nghiệm mục vụ liên quan đến tính năng động truyền giáo của một Giáo Hội gần gũi và hướng ngoại.
Source:Catholic News Agency
 
Lạ lùng: Người phụ nữ bị ma quỷ lạm dụng tính dục. Tình trạng người nữ tu Miến Điện sụp lạy quân đội
VietCatholic Media
16:14 03/02/2022


1. Tình trạng của người nữ tu Miến Điện sụp lạy quân đội

Gần một năm sau khi quỳ giữa bụi đất để cầu xin cảnh sát Miến Điện đừng bắn những người biểu tình chống đảo chính, sơ Ann Rose Nu Tawng vẫn run rẩy khi nhớ về ngày mà sơ nói Chúa đã cứu sơ.

Một bức ảnh chụp người nữ tu Công Giáo với trang phục màu trắng giản dị, tay dang rộng cầu xin lực lượng quân đội trong những tuần đầu tiên của cuộc biểu tình chống lại chế độ này, đã lan truyền ở đất nước đa số theo đạo Phật và gây xôn xao khắp thế giới.

Hai người trong cuộc biểu tình hồi đầu tháng Ba ở bang Kachin, miền bắc Kachin đã bị bắn chết, sơ Ann Rose sau đó đã đưa một đứa trẻ bị thương đến bệnh viện.

Sơ ấy nói với AFP rằng trong sự bối rối và hỗn loạn, sơ ấy không biết bức ảnh đã được chụp khi nào và ảnh hưởng của nó ra sao.

“Chỉ khi tôi trở về nhà, tôi mới biết rằng bạn bè và gia đình đã rất lo lắng cho tôi,” sơ nói và cho biết thêm mẹ sơ đã mắng sơ trong nước mắt vì đã liều lĩnh như vậy.

“Khi tôi nhìn vào bức ảnh đó, tôi thậm chí không thể tin được rằng mình đã ở đó để cứu sống mọi người giữa lúc hỗn loạn đang xảy ra, súng bắn và những bước chân chạy dồn dập”.

“Tôi tin rằng Chúa đã cho tôi can đảm… bản thân tôi sẽ không đủ can đảm để làm điều đó.”

Chạy trốn khỏi quân đội là điều mà sơ Ann Rose biết từ thời thơ ấu của mình ở bang Shan đầy xung đột ở miền đông Miến Điện.

Là con gái của một người cha là mục sư và một người mẹ là giáo viên, sơ ấy bị buộc phải bỏ nhà đi khi mới 9 tuổi, với nỗi sợ hãi về những người lính giờ đã in sâu vào tâm trí mà sơ lo lắng đang lặp lại ở trẻ em ngày nay.

“Tôi đã từng chạy như một đứa trẻ khi họ vào làng… bất cứ khi nào tôi nhìn thấy những người lính và cảnh sát trong quân phục, tôi cảm thấy sợ hãi, ngay cả bây giờ”.

Nhưng vào ngày tháng Ba đó ở Myitkyina, “Tôi không kịp nghĩ đến sợ hãi”.

“Tôi chỉ nghĩ rằng tôi cần phải giúp đỡ và cứu những người biểu tình.”

Trong những ngày sau đó, cuộc đàn áp của quân đội chính phủ tăng lên. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng họ đã ghi lại các hành vi tàn bạo bao gồm việc sử dụng vũ khí chiến trường đối với những người biểu tình không có vũ khí.

Theo một nhóm giám sát địa phương, hơn 1,400 dân thường đã thiệt mạng và hơn 10,000 người bị bắt.

Không còn tự do

Sơ Ann Rose đã phát hiện ra rằng có một cái giá phải trả cho việc công khai đứng lên chống lại chính quyền.

Cô cho biết cô đã bị lực lượng an ninh tạm giữ nhiều lần. Họ yêu cầu kiểm tra điện thoại và chụp ảnh sơ.

Sơ ấy không liên quan đến chính trị nhưng giờ sơ ấy quá sợ hãi không dám ra ngoài một mình.

“Tôi không còn tự do nữa,” vị nữ tu nói.

Nữ tu sĩ - người trước đây được đào tạo như một y tá - hiện làm việc tại các trại cư trú của những người phải di dời ở bang Kachin, nơi xảy ra xung đột kéo dài nhiều năm giữa các nhóm vũ trang sắc tộc và quân đội.

Các cuộc giao tranh ở Kachin và những nơi khác ở phía bắc đất nước giáp với Trung Quốc gần đây đã tạm lắng nhưng ở những nơi khác, bạo lực kinh hoàng vẫn tiếp diễn.

Quân đội gần đây đã bị cáo buộc về một vụ thảm sát vào đêm Giáng Sinh sau khi tàn tích cháy nám của hàng chục thi thể được phát hiện trên một đường cao tốc ở phía đông đất nước.

Nhìn thấy chu kỳ đẫm máu của những cuộc đụng độ và trả đũa “tôi cảm thấy như trái tim tôi muốn vỡ tung”, sơ Ann Rose nói.

Nhưng niềm tin của sơ ấy mang lại cho sơ hy vọng, và ý thức về mục đích của đời mình.

“Cảm ơn Chúa, tôi còn sống… Có lẽ Ngài muốn dùng tôi cho các mục đích tốt.”
Source:Licas

2. Ngỡ ngàng: Đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha cử Isabel Celaá làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

Trong một diễn biến gây ngỡ ngàng cho nhiều người, Đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha đã cử nhân vật khét tiếng bài Công Giáo Isabel Celaá làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Quyết định này đã được đăng trên Công báo Nhà nước. Quyết định vừa nói cũng bao gồm việc sa thải Carmen de la Peña Corcuera, người đã từng là đại sứ cạnh Tòa Thánh kể từ năm 2018.

María Isabel Celaá Diéguez, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1949, là một chính trị gia người Tây Ban Nha. Người ta thường nói xấu người đẹp nết. Isabel Celaá đã xấu người còn xấu cả nết.

Ngày 7 tháng 6 năm 2018, Pedro Sánchez sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha đã bổ nhiệm Isabel Celaá làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong vai trò này, Isabel Celaá xung đột thường xuyên với các trường Công Giáo. Bà ta ép các trường Công Giáo phải dạy ý thức hệ giới tính cho học sinh, và tấn công quyền lựa chọn trường của phụ huynh bằng cách loại bỏ các trợ cấp xã hội cho các phụ huynh nào không chọn trường công.

Một trong những khoảnh khắc căng thẳng nhất mà bà đã trải qua với tư cách là một bộ trưởng Giáo dục là việc khi bà tham gia vào Đại hội các trường Công Giáo vào năm 2019, nơi bà nói rằng “không thể nói rằng quyền chọn trường của phụ huynh là một phần của quyền tự do giáo dục”. Nhiều khán giả đã đứng dậy la hét và bỏ ra về.

Nhiều tháng sau, lại xảy ra một cuộc tranh luận về mối quan hệ của con cái với cha mẹ trong đó bà ta nói rằng “chúng ta không thể giả định cách nào đó rằng con cái thuộc về cha mẹ của chúng”.

Trong một cố gắng xoa dịu quần chúng để kiếm phiếu, Pedro Sánchez đã sa thải bà ta khỏi chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong 6 tháng qua, bà ta đã ngồi chơi xơi nước, trước khi được Pedro Sánchez cử làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh. Khác với Hoa Kỳ nơi vị tân đại sứ cần được Thượng Viện lưỡng đảng phê chuẩn, tại Tây Ban Nha đảng cầm quyền có toàn quyền quyết định. Đại sứ là người nối nhịp cầu giữa hai nước. Cử một kẻ bài Công Giáo ác liệt như thế làm Đại sứ, Pedro Sánchez xem ra có ý muốn cắt đứt nhịp cầu hơn là xây dựng nhịp cầu.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho hơn 600 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Source:alfayomega.es/

3. Bị ma quỷ lạm dụng tình dục

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #127: Sexually Abused by Demons”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 127: Bị Ma Qủy Lạm Dụng Tính Dục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào giữa buổi trừ tà, “Lucy” bắt đầu la hét và đập phá. Qua giọng nói của cô ấy, tôi biết đó không phải là ma quỷ; đó là chính Lucy. “Gỡ chúng ra khỏi tôi!” cô ta đã hét lên. Tôi hỏi “Có phải là yêu quái quấy rối con không?” Cô ấy bắt đầu nức nở, “Vâng.”

Nhóm trừ tà ngay lập tức chuyển sang chế độ bảo vệ. Những người trừ quỷ ra lệnh cho lũ quỷ dừng lại. Chúng tôi cầu xin Đức Mẹ trải rộng lớp áo che chở với tất cả sự trong sạch trên cô ta. Chúng tôi đã yêu cầu các quyền năng thiên thần từ trời cao thiết lập một vòng bảo vệ xung quanh cô ấy. Sau khoảng năm phút, mọi chuyện dừng lại.

Cách đây không lâu, một linh mục mới tham gia vào sứ vụ trừ tà gọi cho tôi để hỏi ý kiến. Ngài nói rằng ngài có một người mới được giới thiệu đến và người phụ nữ này khẳng định đã bị ma quỷ lạm dụng tình dục vào ban đêm. Ngài đã hoài nghi. Tôi đã giải thích rằng điều này thực sự phổ biến. Một trong những thủ đoạn gây khó chịu nhất của ma quỷ là lạm dụng tình dục và do đó khiến phụ nữ xấu hổ và tổn thương.

Thật khó hiểu tại sao Chúa lại cho phép điều này. Nhưng hàng triệu người trên toàn cầu mỗi năm bị con người lạm dụng tình dục. Lạm dụng tình dục là một hành vi xấu xa liên minh với Satan và tay sai của hắn.

Sau buổi trừ tà, tôi giải thích với Lucy rằng quỷ không có giới tính cũng như không có cơ thể. Họ không thực sự quan hệ tình dục với cô ấy. Tuy nhiên, họ có thể tạo ra cảm giác giống hệt như bị lạm dụng bao gồm tất cả các cảm giác thể chất. Mặc dù tôi biết rằng điều này không làm giảm trải nghiệm khủng khiếp đối với cô ấy, nhưng có lẽ cô ấy có thể nhận ra đó là một sự lừa gạt và dối trá khác của ma quỷ.

Khi buổi trừ tà kết thúc, các linh mục đã cầu nguyện một lời cầu nguyện chữa lành cho Lucy. Chúng tôi đã cầu nguyện xin Chúa chữa lành mọi tổn thương và chấn thương cho cô ấy, trong quá khứ hay hiện tại.

Một lễ trừ tà là một công việc đầy những bẩn thỉu, ghê tởm vì sự hiện diện của những con quỷ độc ác và tất cả những gì chúng làm. Nó đặc biệt khủng khiếp, và chúng ta cũng có thể cảm thấy bất lực và đau đớn tận tâm can, khi người đau khổ đang bị hành hạ bởi những con quỷ ngay trước mặt chúng ta.

Tất cả chúng ta có thể dâng những đau khổ của mình lên Đấng đã gánh chịu toàn bộ tội ác và tội lỗi cho chúng ta. Cầu mong Chúa Giêsu che chở cho Lucy và tất cả chúng ta.
Source:Catholic Exorcisms