Ngày 05-02-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chữa người phong
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:57 05/02/2018
Chúa Nhật VI Thường Niên, năm B
Mc 1, 40-45

Đọc Tin mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra sự xuyên suốt của sợi chỉ đỏ, giúp chúng ta hiểu được Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa : Vị Thiên Chúa làm người, đã tiếp xúc với mọi lớp người, đặc biệt những con người bé nhỏ, thấp hèn, những con người bị thương tổn trong xã hội, những bệnh nhân tật nguyền, những người bị quỷ ám, những con người thấp cổ bé họng vv…Chúa chữa lành mọi thứ bệnh và xua trừ ma quỷ ra khỏi nhiều người bị quỷ ám.

Thiên Chúa qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô đã mang sứ điệp tình thương cho con người, đem bình an cho nhiều người. Sứ điệp ấy là Tin Mừng cứu độ, là sự an bình cho những người thiện chí tay sạch lòng thanh. Chúa đã cứu vớt nhiều người, những bệnh nan y, những bệnh tật mà xã hội tránh xa, nguyền rủa. Sứ điệp hòa bình hay Tin Mừng cứu rỗi cần phải được loan truyền cho nhiều người để càng nhiều người biết càng quý hóa, càng quan trọng.Tuy nhiên, hôm nay Chúa lại nghiêm cấm người được Ngài chữa bệnh phong cùi : “ Không được nói với ai và hãy đi trình diện với tư tế vì anh ta đã được chữa lành “. Bệnh phong cùi không biết đã có từ lúc nào, nhưng trong luật Môsê đã có những khoản rất tỉ mỉ qui định cho các người mắc bệnh phong cùi. Đến thời Chúa Giêsu, bệnh này vẫn còn xuất hiện trong nước Do Thái và vẫn có những khoản luật rất khắt khe đối với những người mắc bệnh phong cùi.Theo quan niệm của thời đó, người mắc bệnh phong cùi là người có tội nặng, bị phạt, bị nguyền rủa vv…Chúa Giêsu thương xót những người này, Ngài không xua đuổi, không né tránh họ, ai tới với Ngài xin Ngài chữa lành Ngài đều làm phép lạ chữa lành họ.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nghiêm cấm người phong cùi được Ngài chữa lành không được cho ai biết anh ta đã được Ngài chữa lành. Có lẽ Chúa Giêsu không muốn cho người khác hiểu mình chỉ là một lương y chữa bệnh. Bởi Ngài là Thiên Chúa và họ phải nhìn nhận, biết Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng, người được chữa lành không thể giữ được điều lạ lùng, kỳ diệu anh ta nhận được nơi Chúa, do đó, vừa ra khỏi nơi Đức Giêsu chữa lành, anh ta liền nói về Người. Anh ta rao truyền, loan báo về quyền năng vô biên, tuyệt đối của Chúa Giêsu, Đấng vừa chữa lành cho anh. Anh ta loan báo, cao rao to tiếng khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu Kitô không thể công khai vào thành.

Chúa dạy chúng ta bài học nhớ đời :” Việc rao giảng Tin Mừng luôn cần thiết mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc “. Người loan báo Tin Mừng cần nhiệt thành, cần có tấm lòng quảng đại và cần có sự lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Người loan báo Tin Mừng, giới thiệu Đức Kitô trước tiên phải là người đón nhận Tin Mừng từ Đức Giêsu và lãnh nhận sứ vụ được sai đi của Chúa. Mọi Kitô hữu chúng ta đều được mời gọi sống Lòng Thương Xót của Chúa và làm chứng cho quyền năng, sự tha thứ và con người nhân từ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết tha thiết tìm kiếm và học hỏi Ngài để khi tìm được Ngài, chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống yêu thương, hiệp nhất và gắn bó với Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Tại sao Chúa lại nghiêm cấm người phong cùi được chữa lành không được nói với ai ?
2.Tư tế là ai ?
3.Phong cùi đã có từ thời nào ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các sinh hoạt vào đầu Mùa Chay của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma
Đặng Tự Do
02:15 05/02/2018
Theo thông báo của Văn Phòng Các Nghi Lễ Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng, Mùa Chay tại Vatican sẽ bắt đầu với cuộc rước kiệu sám hối vào ngày Thứ Tư Lễ Tro 14 tháng Hai.

Lúc 4:30 chiều, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh.

Đi trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, sẽ có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị sẽ vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Chiều Chúa Nhật 18 tháng 2, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh sẽ rời Vatican đi tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ sáu, 23 tháng 2.

Giống như các năm trước, các vị dùng xe bus để tới trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.

Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ II, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.

Sáng thứ Sáu 23 tháng 2, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ rưỡi và một bài kết thúc lúc 9 giờ rưỡi.

Tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma đã được khởi xuớng từ năm 1929 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong thời gian đầu giáo triều dự tĩnh tâm vào Mùa Vọng. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đổi sang tĩnh tâm vào tuần thứ nhất Mùa Chay.
 
Lễ tuyên phong Chân Phước cho anh Teresio Olivelli, giáo dân bị giết trong trại tập trung Đức Quốc Xã
Đặng Tự Do
02:55 05/02/2018
Một giáo dân người Ý, là anh Teresio Olivelli, bị giết chết trong một trại tập trung của Đức Quốc Xã hồi Thế chiến II vì đức tin, đã được phong Chân Phước vào ngày thứ Bẩy 3 tháng 2 tại Vigevano, Italia.

Anh Teresio Olivelli, sinh ngày 7 tháng Giêng 1916. Anh đã từng tham gia trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha vào năm 1936 để bênh vực Giáo Hội và sau đó chiến đấu chống phát xít Ý và Đức Quốc Xã tại Nga. Năm 1943, anh bị trục xuất từ Nga sang Áo và trốn thoát được về Milan thành lập một tờ báo Công Giáo bí mật ở thành phố này. Anh bị bắt ngày 27 tháng Tư 1944. Anh bị hành hạ dã man nhưng không khai ra những người trong tổ chức kháng chiến của mình nên bị đưa vào danh sách tử hình vào tháng 7, 1944. Anh trốn thoát được nhưng vài ngày sau lại bị bắt.

Teresio Olivelli bị trục xuất sang Đức vào tháng 8, năm 1944 và qua đời ở thành phố Hersbruck, ở tuổi 29, vào ngày 12 tháng Giêng năm 1945 sau khi cố gắng bảo vệ một tù nhân trẻ người Ukraine bị đánh đập tàn nhẫn.

Án phong Thánh cho ngài đã được khởi sự dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô II vào năm 1988. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn y án phong Chân Phước cho ngài vào ngày 16 tháng 6, 2017

Lễ phong Chân Phước cho anh đã diễn ra tại Cung Thể thao Vigevano, do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh chủ sự.

Trong bài giảng thánh lễ Đức Hồng Y Amato nói:

“Nói về Teresio Olivelli, là nói về một thanh niên trẻ tuổi nhiệt tình đối với đức tin và là một người yêu mến thiết tha tổ quốc mình. .. Trong khi tham chiến ở mặt trận bên Nga và cả trong các trại tập trung, sự thanh khiết của đức tin đơn sơ của anh, đầy thuyết phục và làm cảm động nhiều người. Anh yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến Đức Giáo Hoàng, và yêu thương những người khác với một lòng bác ái như Chúa Giêsu đã từng dạy. Lòng bác ái là cấu trúc hình thành nên cuộc đời anh”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã vinh danh Teresio trong huấn từ của ngài trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4 tháng Hai. Ngài nói:

“Vị tân Chân phước đã làm chứng cho Chúa Kitô qua tình yêu thương dành cho những người yếu thế, và ngài kết hiệp với hàng ngũ đông đảo các vị tử đạo trong thế kỷ vừa qua. Cầu xin cho sự hy sinh anh dũng của ngài là hạt giống cho hy vọng và tình huynh đệ nhất là cho những người trẻ.”

Source: Independent Catholic News - Teresio Olivelli beatified

Wiki Teresio Olivelli
 
Vatican Web site lên án việc “phanh thây” một nữ chiến binh người Kurds
Đặng Tự Do
05:40 05/02/2018
Trong một diễn biến khủng khiếp nhất của xung đột tại Trung Đông, người Kurd ở Syria đã cáo buộc các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã “phanh thây” một nữ chiến binh người Kurd, quay lại toàn bộ vụ hành hình và sau đó tung lên Internet.

Nạn nhân, một nữ quân nhân trong đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd – gọi tắt là YPG - được xác định là cô Barin Kobani, 23 tuổi. Cô đã tham gia vào một cuộc hành quân gần đây để đánh đuổi bọn khủng bố Hồi Giáo IS khỏi các khu vực ở miền bắc Syria.

Cho đến nay, Ankara đã từ chối không bình luận gì về video, và những người có trách nhiệm trong vụ giết người dã man này vẫn chưa được xác định.

Tháng trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Quân đội Giải phóng Syria, là phiến quân chống chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad đã mở chiến dịch “Hành quân nhành Ôliu” tại tỉnh Afrin nhắm vào các đơn vị YPG, mà Ankara xem là một nhánh của Đảng Lao động Kurdistan – gọi tắt là PKK. Cần nói ngay rằng Afrin là một tỉnh của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền trước sự nhắm mắt của Hoa Kỳ và khối Nato.

Hoạt động xuyên biên giới khổng lồ này bao gồm các cuộc không kích và các lực lượng bộ binh và thiết giáp đã tỏ ra rất tốn kém.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng 790 thành viên của YPG, một số đảng viên Đảng Dân chủ Kurds và quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bị giết trong cuộc hành quân tại Afrin.

Đáp lại, quân YPG đã bắn vô số tên lửa vào các tỉnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là Hatay và Kilis trong vài tuần qua, giết chết 5 thường dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng Thống Recep Tayyip Erdoğan vào ngày thứ Hai 5 tháng 2. Đây là lần đầu tiên một Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ gặp Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thánh Vatican sau 59 năm. Chủ ý cuộc gặp gỡ này theo báo chí lề phải của Thổ Nhĩ Kỳ là vì Thổ Nhĩ Kỳ và Vatican đều quan tâm đến lời tuyên bố của Hoa Kỳ về tình trạng thành Giêrusalem. Tuy nhiên, bài báo trên cho thấy Tòa Thánh đủ tỉnh táo để thấy những hậu ý chính trị sâu xa của Erdoğan.

Source: Vatican News Kurds shocked over 'mutilated' female fighter video, Turkey remains silent
 
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Đặng Tự Do
16:47 05/02/2018
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kéo dài 50 phút, dài hơn dự kiến. Erdogan đã đến Rome để nói chuyện với Đức Thánh Cha về Jerusalem sau quyết định của Tổng thống Donald Trump di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem, một động thái bị Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như Erdogan và các nhà lãnh đạo Trung Đông chỉ trích mạnh mẽ.

Đức Thánh Cha đã trao cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một huy chương. Ngài giải thích bằng tiếng Ý với sự giúp đỡ của người phiên dịch rằng huy chương này miêu tả “một thiên thần hòa bình tóm cổ con quỷ chiến tranh, biểu tượng của một thế giới dựa trên hòa bình và công lý”.

Tổng thống Erdogan cùng đi với vợ là Emine Erdogan; con gái của ông là Esra; con rể là Berat Albayrak, người cũng là Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên; Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu; Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci; Bộ trưởng Quốc phòng Nurettin Canikli; và Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci.

Cuộc đối thoại đằng sau cánh cửa đóng kín giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 50 phút. Theo báo cáo của Vatican, trong “những cuộc thảo luận chân thành” với Đức Giáo Hoàng và sau đó với Đức Hồng Y Parolin và Đức Tổng Giám Mục Gallagher - Erdogan đã nói về “quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình của quốc gia này, điều kiện sống của cộng đồng Công Giáo, những nỗ lực tiếp nhận người tị nạn và những thách thức liên quan đến vấn đề này. Tình hình tại Trung Đông, đặc biệt là tình trạng của Jerusalem là chủ đề chính. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua đối thoại và đàm phán, tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế”.

Theo thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Đức Giáo Hoàng và Erdogan đã nói về “tầm quan trọng của việc nhấn mạnh những nguy hiểm gây ra bởi quyết định của tổng thống Trump đối với Jerusalem và chỉ ra rằng quyết định của ông ta không nên được áp dụng”. Cũng theo Anadolu, trong các cuộc đàm phán, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Đức Giáo Hoàng cũng thảo luận về “những nỗ lực chung chống lại chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa Hồi giáo” và nhu cầu tránh “những lời tuyên bố khiêu khích liên kết Hồi giáo với khủng bố”.

Cuộc gặp gỡ đã được dự trù vào lúc 9h30 sáng nhưng Erdogan đến Vatican trễ với một đoàn xe “hoàng tráng” hơn hai mươi chiếc xe hơi một vài phút sau 9h30, hơi chậm so với kế hoạch.

Nữ hoàng Elizabeth của Anh, vào năm 2014, đã trễ hai mươi phút. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến trễ 70 phút vào năm 2015. Chính ông này đã từng đến trễ 50 phút trong cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđictô XVI vào năm 2013.

Bên ngoài, tại lâu đài các Thiên Thần sát bên Vatican, đông đảo người Kurds biểu tình chống Erdogan. 3,500 cảnh sát Ý đã được điều động để bảo đảm an ninh cho Erdogan.

Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng viếng thăm Vatican là ông Celal Bayar. Năm 1959, ông đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tiếp. Ngài đã từng là khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1934 đến 1943. Quan hệ ngoại giao song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Tòa Thánh được thiết lập chính thức vào năm 1960.

Erdogan đã tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ankara vào tháng 11 năm 2014. Sau quyết định của tổng thống Trump về Jerusalem, Erdogan và Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện điện thoại hai lần.

Source: Vatican Insider The Pope for 50 minutes with President Erdogan, focus on Jerusalem
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas giáo xứ Lam Điền Tgp. Hà Nội : “Nồi bánh chưng yêu thương”
Giáo hạt Thanh Oai
11:10 05/02/2018
“Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc; phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội; giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh” là mục đích hoạt động của Caritas Việt Nam nói chung và của các hội viên Caritas xứ Lam Điền nói chung.

Xem Hình

Hàng năm mỗi độ Xuân về, Ban Caritas xứ Lam Điền lại hồ hởi thực hiện sứ vụ cao quí của mình là thể hiện tình yêu thương bác ái với tha nhân bằng việc làm cụ thể. Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần, các hội viên đã làm bánh chưng, gói quà và đến chúc tết các cụ cao tuổi, những người già cả cô đơn, ốm đau bệnh tật, bằng tự nguyện đóng góp của mình bất kể lương giáo.

Giá trị phần quà tuy không lớn nhưng giúp cho bà con có thêm niềm vui trong những ngày Tết đến Xuân về, đó là tấm lòng nặng nghĩa tình của các hội viên và các nhà hảo tâm đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống trong và ngoài giáo xứ. Niềm vui chia sẻ niềm vui tăng, và thư hành lời Chúa dạy : “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) là động lực để các hội viên Caritas hoạt động, tìm gặp Thiên Chúa nơi tha nhân, mưu cầu hạnh phúc cho chính mình cũng như đồng loại.

BTT. Giáo Hạt Thanh Oai
 
Vào lúc SuperBowl, Gia Đình Đa Minh Garland, TX tổ chức Tất Niên.
Trần Mạnh Trác
16:40 05/02/2018
Xem hình ảnh

Đúng vào giờ cuả cuộc so tài tranh chức vô địch SuperBowl giữa 2 đội Eagles cuả Philadelphia và New England Patriots cuả Boston, thì các Sơ dòng Đa Minh Tam Hiệp tại Garland TX tổ chức buổi họp mặt Tất Niên hằng năm vào ngày 4 tháng 2 vừa qua.

Rõ ràng các vị tu hành ở đây không biết đam mê môn chơi football giống như đại đa số ‘bàn dân thiên hạ’!

Với những ai ở ngoài nước Mỹ thì cũng nên biết là cuộc so tài vô địch Superbowl của môn bóng ‘football*’, thì cũng quan trọng cho người Mỹ giống như cuộc thi vô địch cuả môn túc cầu thế giới (soccer*) vậy, là dịp người ta tụ tập ăn nhậu và đánh cá.



Ban tổ chức buổi Tất Niên đã lo lắng rằng SuperBowl sẽ làm cho buổi hội họp vắng người, thế mà, ngôi nhà cuả các Sơ cũng cũng đã chật ních, cả phòng ngoài, hành lang, nhà bếp và phòng trong. Có khoảng trên 60 thành viên đã đến, đa phần là các bà (còn các ông ở đâu thì ai cũng biết rồi).

Vào những buổi họp lần trước, các Sơ thường đọc nhiều lá thư gởi từ VN qua, là thư cám ơn cuả những nơi thụ hưởng số tiền từ thiện cuả hội, năm nay những thư đó đã được in lên ‘Bản Tin Gia Đình Đa Minh’ kèm với nhiều hình ảnh màu sắc cuả những công việc mục vụ bác ái.

Bản tin số 4 năm nay là số đặc biệt dành cho những thư và hình ảnh cuả các ‘bệnh nhân’ ung thư đang điều trị tại viện Ung Buớu Saigon.

Được biết tất cả số tiền niên liễm và đóng góp cuả các hội viên Gia Đình Đa Minh đều được gửi về VN cho các cơ sở từ thiện cuả hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, còn chi phí điều hành và báo chí là hoàn toàn do ban chấp hành ‘tình nguyện’ tự lo liệu lấy.

Note *

Nhân tiện nói về football cuả Mỹ, tưởng cũng nên bàn về việc tại sao người Mỹ gọi môn ‘bóng ném’ cuả họ là ‘football’ ( ‘bóng chân’)?

Trong football cuả Mỹ, hoạ huần lắm người ta mới thấy một cầu thủ trổ tài ‘đá xa’một phát, còn đa phần là ôm banh mà chạy trối chết hoặc húc nhau như trâu bò mà giành lấy banh!

Có nhiều giải thích về cái danh xưng rất là mâu thuẫn này, và đây là tổng hợp một số giải thích ‘dễ nghe’ nhất:

Ngày xưa trước thế kỷ 19 (những năm 1800…) thì chỉ có môn bóng đá là football, đá bằng chân không được đụng vào tay. Sau đó bên Anh xuất hiện môn bóng bấu dục. Vì quả bóng ‘bầu dục’ thì rất khó đoán không dễ chơi bằng chân cho nên người ta sưả luật football để cho phép được ôm banh mà chạy, và vì thế họ gọi môn mới này là Rugby football, còn môn football chính hiệu với quả bóng tròn thì goị là Soccer, là một cách nói lóng chữ ‘asSOCIAtion’ trong danh hiệu Football Association ( Liên Hội Túc Cầu) cuả Âu Châu.

Môn Rugby football khi xuất cảng qua Mỹ thì trở nên thịnh hành và người ta lại sưả đổi luật lệ rất nhiều theo thời gian. Vậy để cho được phân biệt giữa cách chơi cuả Mỹ khác với cuả Anh, người ta gọi môn bóng cuả Anh là Rugby, còn môn bóng cuả Mỹ thì không được gọi là Rugby nữa mà chỉ được gọi là football mà thôi…
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trường ca Xuân Dân Tộc
Đinh Văn Tiến Hùng
11:21 05/02/2018
* Dân tộc Việt, bốn ngàn năm rạng ngời Hùng Sử,
Trường ca Xuân, muôn niên kỷ vang vọng Toàn Cầu.
-Cây có cội, nước có nguồn,
Vua Hùng dựng Nước mở đường cho ta,
Tổ Tiên xây dựng Nước Nhà,
Mùa Xuân Dân tộc trường ca tuyệt vời


*Tôi khát khao là một nhà nghệ sĩ,
Hồn lâng lâng và miệng hát ca vang.
Ngón tay tôi không biết nắn cung đàn,
Cho âm điệu bay lên cùng trời đất.
Lòng dạt dào với hồn thơ chứa chất,
Không gọt thành những vần điệu ngân nga.
Bàn tay tôi nào đâu phải ngọc ngà,
Để tô điểm nên bức tranh tuyệt mỹ,
Nhưng hồn tôi trở về muôn thế kỷ,
Với một Dân tộc lịch sử hùng anh.

*Việt nam qua bao năm tháng đấu tranh,
Của tiền nhân và cha anh đi trước,
Đem tim gan cùng máu xương giữ nước,
Từ vua Hùng lập quốc hiệu Văn lang,
Đoàn kết trăm con chống giặc ngoai bang,
Tới Trưng Triệu phất cao cờ chính nghĩa,
Dù má hồng giặc tan tành khiếp vía.
Qua nhà Đinh, Lê, nối tiếp Lý, Trần…
Giặc Mông, Hán, Nguyên xâm lấn nhìều lần,
Đều cởi giáp qui hàng thật nhục nhã.
Bởi dân Việt đâu muốn làm khuyển mã,
Không cúi đầu khiếp nhược trước quân thù,
Sợ ô danh dơ trang sử nghìn thu.
Những Đống đa, Bạch đằng ôi ngời sáng!
Những Chi lăng, Diên hồng thề sát đát…
Dệt bài thơ Xuân Dân tộc ngàn năm.,

*Thoát khỏi giặc Tàu đến Pháp thực dân,
Muốn Đất nước ta trở thành thuộc địa,
Xóa Việt nam trên bản đồ quốc tế,
Đưa dân ta trở lại kiếp lầm than,
Nhưng chúng ta quyết không chịu qui hàng.
Nêu cao gương biết bao nhà chí sĩ :
Thái Học, Đình Phùng, Bội Châu,Cường Để…
Những tiếng bom Sa điện xé vang trời,
Đông Du,Văn Thân,Nghĩa Thục…khắp nơi,
Đem khí thế vào mùa Xuân Dân Tộc.

*Nhưng Việt nam chưa hoàn toàn độc lập,
Dẹp tan giặc ngoài, bộc phát thù trong,
Cảnh nồi da xáo thịt quá đau lòng,
Nước chia cắt thành hai miền Nam Bắc.
Anh giết em, cha con thành thù hận,
Hơn ba mươi năm nội chiến tương tàn,
Cũng vì một tập đoàn tàn ác gian tham,
Say Mác Lê với tam vô nhị các,
Yêu Bác Đảng, gieo đói nghèo hiểm ác.
Bán đất bán biển cho bọn ngoại bang,
Bao âm mưu bóc lột quá tham tàn.
Bọn dã nhân sống giàu sang ngất ngưởng,
Mặc cho dân sống lang thang vất vưởng.
Ba triệu dân tìm mọi cách lìa xa,
Xót đau ly biệt Đất Tổ Quê Cha,
Sống phiêu bạt nơi chân trời góc biển,
Vẫn nhớ mình là con dân Nước Việt,
Mong sớm ngày quang phục lại Quê hương.

*Xa Việt nam lòng khắc khoải sầu vương,
Tôi muốn được trở thành nhà nghệ sĩ,
Đem tâm hồn về qua muôn thế kỷ,
Lòng lâng lâng và miệng hát ca vang,
Mười ngón tay tôi dìu dặt cung đàn,
Cho âm điệu bay lên cùng trời đất,
Lòng dạt dào với hồn thơ chứa chất,
Tôi ghi thành những vần điệu ngân nga,
Bàn tay tôi dù không phải ngọc ngà,
Quyết tô điểm cho Non sông tuyệt mỹ,
Dựng Việt nam thành Mùa Xuân hùng vĩ,
Một mùa XUÂN DÂN TỘC VIỆT rạng ngời……..

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG











 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Ca Chiến Thắng sau Phép Lạ Vượt Biển của Môsê
Vũ Văn An
17:37 05/02/2018



Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng:

“Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.

Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng. Người là trang chiến binh, danh Người là ‘Đức Chúa!’ Xa mã Pha-ra-ô, Người xô xuống lòng biển, tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy. Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu chẳng khác nào hòn đá. Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh. Tay hữu Ngài, lạy Chúa, đã nghiền nát địch quân. Lấy dũng lực oai hùng, Chúa quật ngã đối phương; Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm. Nộ khí Ngài, lạy Chúa, đã khiến nước dâng lên, sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường thành; giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy. Địch quân tự nhủ rằng: ‘Ta đuổi theo bắt lấy, chiến lợi phẩm đem chia, mới no lòng thoả dạ; ta tuốt lưỡi gươm trần, cứ thẳng tay tiêu diệt.’ Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi, chìm lỉm tựa như chì giữa nước sâu cuồn cuộn. Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy Chúa? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ? Tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng. Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự. Khi vừa nghe tin đó, chư dân run lẩy bẩy; người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại. Bấy giờ tại Ê-đôm, các thủ lãnh kinh hoàng, và quan quyền Mô-áp đều sợ hãi khiếp run,người xứ Ca-na-an phải rụng rời hốt hoảng. Kinh hoàng và sợ hãi ập xuống trên đầu họ.

Cánh tay hùng mạnh Ngài làm chúng đờ như đá, bao lâu dân của Ngài vẫn còn đang qua biển, lạy Chúa chúng con thờ, bao lâu dân Ngài tậu vẫn còn đang qua biển. Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy Chúa, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên. Chúa là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời."

”Khi chiến mã của Pha-ra-ô cùng với chiến xa và kỵ binh tiến vào biển, Chúa cho nước biển ập xuống trên họ, còn con cái Ít-ra-en thì đi giữa lòng biển khô cạn”
(Xuất hành 15, 1-18).

Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa. Bà Mi-ri-am xướng lên rằng:

"Hãy hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương." (Xuất hành 15, 20-21: điệp khúc Miriam)

Bài ca trên thường được gọi là Bài Ca Biển Cả (Song of the Sea). Nhưng gọi như thế dường như không chỉnh bởi lẽ bài ca ấy cũng nói về nhiều biến cố khác, không ăn uống gì tới biển và cuộc vượt Biển Sậy ráo chân của Dân Do Thái: “Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm” (câu 7); “tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng” (câu 12); “Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự” (câu 13) “người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại…các thủ lãnh [Ê-đôm] kinh hoàng, và quan quyền Mô-áp đều sợ hãi khiếp run, người xứ Ca-na-an phải rụng rời hốt hoảng” (câu 14-15); “Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài…cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên” (câu 17).

Vì thế, người Công Giáo thường gọi bài ca này là Bài Ca Thắng Trận mà điệp khúc quán xuyến (motif) là câu: “chiến mã với kỵ binh, Ngài đã quăng chìm đáy biển” (Hoàng Kim, Vang Lên Muôn Lời Ca). Chủ yếu vì thế là để nhắc lại chiến tích lẫy lừng của trận thủy chiến giữa lòng Biển Sậy không phải giữa dân Do Thái và đoàn quân mãnh dũng của Pha-ra-ô, mà là giữa ‘cánh tay hữu’ của Gia-vê và đoàn quân ấy.

Căn cứ vào câu 20-21, có người cho rằng bài ca nguyên thủy do chính Miriam sáng tác, rất ngắn, chỉ có hai câu và xem ra chỉ đề cập đến chiến tích lẫy lừng mà bà cùng Dân Do Thái vừa chứng kiến, chiến tích mà bà xuất khẩu thành nhạc lên tiếng vừa nhẩy múa vừa đánh trống hát ca say sưa. Nhiều học giả vì thế không ngần ngại gọi bài ca ngắn này là Ca Khúc Miriam. Sau đó, người ta mới triển khai thêm nhiều chi tiết khác để ca tụng công trình cứu độ nói chung của Thiên Chúa đối với dân tộc Israel. Cha Nguyễn Thế Thuấn nhận định rằng: “bài ca chiến thắng của câu 21 được khuếch đại để bao trùm toàn diện những việc lạ lùng trong cuộc xuất hành và chinh phục Canaan và ngay cả việc xây dựng đền thờ Yêrusalem”. Đức ông Ronald Knox, trong bản dịch Thánh Kinh của mình, thì căn cứ vào văn phạm mà nhận định rằng: “một số động từ trong đoạn này [đoạn đầu của Bài Ca] hoặc chỉ về tương lai hoặc chỉ về quá khứ, nên có người nghĩ rằng nó đã được thêm vào mãi sau này, sau khi đã chiếm được Canaan. Tuy nhiên, theo đức ông, cũng có thể hiểu đây là một dự ứng (anticipation) trước cuộc chiến thắng không tốn công gì sau này đối với đất Canaan, một dự ứng đã không thành sự thật, vì đó quả là một chiến thắng đầy khó khăn.

Dù sao, hiện nay người ta cũng coi đây là hai cách hát của cùng một bài ca hay hai bài ca của cùng một biến cố. Cách hát hay bài ca của Môsê và cách hát hay bài ca của Miriam, chị ông. Giáo sư Tovah Cohen, thuộc phân khoa văn chương Do Thái tại Trung tâm Fanya Gottesfeld Heller, cho rằng tính đơn giản, ngắn gọn và ít lời trong bài ca của Miriam quả trái ngược với tính đồ sộ của Bài Ca Biển Cả do Môsê hát. Không những thế, ông còn cho rằng chủ đề bài ca của Miriam cũng có khác, thay vì miêu tả chi tiết sự cao cả của Đấng Chí Thánh và tương lai của dân tộc Israel, bài ca của Miriam chỉ có một câu đề cập duy nhất tới biến cố mà Dân Tộc này vừa mới trải nghiệm. Và câu được dùng làm nhập đề tổng quát cho Bài Ca Biển Cả ấy đã trở thành bài ca riêng của Miriam.

Nhưng mặt khác, Cohen lại cho rằng Môsê hát trọn bài ca cho nam giới, và được họ đáp lại bằng điệp khúc, trong khi đó Miriam nhắc lại điệp khúc ấy cho phụ nữ cùng hát theo điệu trống và điệu nhẩy. Vì thế mà lối trình diễn của Miriam chỉ nhắm vào người đương thời nhấn mạnh tới các biến cố tức khắc, trong khi lối trình diễn của Môsê nhấn mạnh tới khía cạnh tiên tri cũng như khả năng thi phú của ông.

Cohen cũng cho rằng một sắc dân vừa thoát khỏi ách nô lệ lâu năm của Ai Cập khó lòng mà hiểu nổi thứ ngôn ngữ thi ca cao siêu của Môsê. Trái lại, bài ca của Miriam vì chỉ miêu tả biến cố vừa mới xẩy ra, hết sức cụ thể, đơn giản, không cần ví von, nên dễ dàng được mọi người am hiểu và chắc chắn dễ được họ nhắc đi nhắc lại theo điệu nhẩy và nhịp trống, trở thành một ca khúc bình dân phổ biến.

Một điểm cần lưu ý nữa: đây là lần đầu, một phụ nữ dẫn đầu và các phụ nữ khác công khai và chính thức tham dự một buổi ca hát có tính thờ phượng. Lối dẫn đầu hay lãnh đạo của Miriam khác hẳn lối lãnh đạo của Môsê. Ông là một nhà lãnh đạo duy tuyển (elitist), có lẽ gần gũi Thiên Chúa hơn là gần gũi dân. Điều này có thể giải thích phần nào lý do tại sao ông hay bị dân chống đối, ta thán. Ông không đặt vai trò của ông trên căn bản đối thoại và tiếp xúc gần gũi với dân. Không lạ gì khi bị chống đối dữ dằn, ông đã từ khước không chịu chăm nom họ theo lối đàn bà: “Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ?” (Dân số 11:12). Trái lại, Miriam thì hết sức gần gũi dân. Nói với họ, bà dùng một ngôn ngữ họ có thể hiểu được, biến một bài hát tuyệt diệu nhưng nhiều tính tiên tri khó hiểu thành một ca khúc dễ học dễ hát. Tuy nhiên, trái với hạng người mà ngày nay ta thường gọi là “poplulist” (dân túy, chỉ thích chiều lòng người) đến độ không ngần ngại hạ Thiên Chúa xuống hàng con người, Miriam vẫn bám trụ vào đức tin cha ông, của anh trai A-ha-ron và của em trai Mô-sê, tin vào một Thiên Chúa duy nhất.

Chính vì thế, Thánh Kinh gọi bà là nữ ngôn sứ. Vị ngôn sứ này không nhấn mạnh tới con người mình, nhưng biết tách biệt cái tôi của mình ra khỏi người chung quanh, bằng cách tạo ra một mạng lưới liên hệ nhân bản. Các nhà tâm lý học duy nữ gọi phương thức tiếp cận ấy là phương thức “đàn bà” một cách nội tại, phát sinh từ chính cấu trúc nhân cách phụ nữ. Không lạ gì dân thương bà đến độ sẵn sàng chờ cho tới lúc bà hết bệnh cùi, một chứng bệnh đáng lẽ khiến bệnh nhân có thể bị bỏ rơi, rồi mới nhổ trại lên đường tiếp tục cuộc hành trình về Đất Hứa (Dân số 12:15-16).

Sở dĩ ít ai lưu ý tới bài ca của Miriam, vì phần lớn cho đó chỉ là một lặp lại hay tóm gọn bài ca của Mô-sê mà thôi. Phần lớn chú ý tới phần đầu của bài ca là phần có thể gọi là bài ca của Mô-sê. Cha Nguyễn Thế Thuấn gọi phần này là một thánh vịnh tạ ơn và là “một ca vịnh đầu tiên và danh tiếng nhất trong tất cả các bài ca vịnh mà Phụng Vụ Kitô giáo đã mượn của Cựu Ước”. Tuy nhiên, nếu Kitô giáo chỉ thỉnh thoảng hát ca vịnh này (trong nghi thức Vọng Phục Sinh chẳng hạn), thì Do Thái Giáo hát nó hầu như hàng ngày. Vì đối với dân tộc Do Thái, biến cố vượt Biển Đỏ là biến cố quan trọng nhất trong suốt lịch sử của họ, biến cố thực sự đã khai sinh ra dân tộc họ trong chiến thắng, một hồng ân mà dù có tạ ơn Thiên Chúa hàng ngày, họ cũng vẫn cảm thấy chưa thể nào thỏa đáng.

Nhiều người cho biến cố ấy đã được cường điệu hóa. Có người (The Oxford Companion to the Bible) cho rằng ngay địa danh Biển Đỏ hiện cũng đang được tranh luận. Cụm từ nguyên gốc Hípri là yum suf để chỉ địa điểm dân Do Thái vượt qua, được Bộ Bẩy Mươi dịch là Biển Đỏ. Lối dịch này sau đó được các bản Hy Lạp khác và cả bản Phổ Thông của Thánh Giêrôm chấp nhận. Nhưng ở Xuất Hành 2: 3-5 và nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh, từ suf vẫn được các bộ trên dịch là “sậy”. Chính vì thế, các học giả ngày nay và một số bản dịch hiện đại thường dịch cụm từ này là Biển Sậy. Có thể chỉ về một vùng nước lớn nhiều sậy ở phía đông khu tam giác, có lẽ hoặc là Hồ Sirbonis, nơi tùy theo thủy triều mà có nước ngọt hay nước mặn, hay là vùng đầm lầy cạnh Hồ Nước Chua (Bitter Lakes), nghĩa là những vùng không hẳn rộng lớn như chính Biển Đỏ bây giờ.

Theo cha Richard J. Clifford, Dòng Tên, tác giả tập “Exodus” (Xuất Hành) trong bộ “The New Jerome Biblical Commentary”, thì giai đoạn đầu của hành trình Do Thái là từ Raamses tới Succoth. Ngày nay, người ta đã đồng hóa được Succoth với Tell el-Maskhutah và với Tell el-Ratabah, hai thành thuộc vùng Wadi Tumilat cách nhau chừng 10 dặm và cách đông nam Raamses chừng 25 dặm. Các khám phá khảo cổ học gần đây nhận thấy rằng con đường trốn thoát duy nhất khỏi Raames của người Do Thái phải là con đường có thể tránh được các vọng canh Ai Cập ở phía nam Hồ Balah và pháo đài quan yếu tại Zilu của người Phi Li Tinh. Con đường này băng qua vùng đầm lầy của Hồ Balah. Chiếc hồ nông này chắc hẳn là yam suf (nghĩa đen là biển sậy) mà bản Bẩy Mươi đã dịch là Biển Đỏ. Xuất Hành 14:1 nói rằng dân Do Thái phải quay lại Pi-ha-hiroth đối diện với Baal-Zephon. Người ta chưa nhận diện được Pi-ha-hiroth, nhưng Baal-Zephon thì có lẽ là Defenne hiện nay (tiếng Hy lạp là Daphne). Xuất Hành 14:4 gợi ý rằng dân Do Thái quay lại Baal-Zephon cố ý để khích Pharaô truy kích họ qua khu vực đầm lầy của Hồ Balah và dọn bãi cho cuộc chiến sau cùng (tr.49).

The Oxford Companion of the Bible cũng cho rằng: dù sao, câu truyện vượt qua Biển Đỏ của dân Do Thái, như đã được Sách Xuất Hành trình thuật ở các chương 14 và 15, là một câu truyện phức tạp, có nhiều lớp lang khác nhau. Lớp xưa hơn thấy ở Xuất Hành 14: 21-22 có phần do truyền thống Giavít: “Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn”. Một lớp khác, và là phần do truyền thống tư tế, thì cho rằng: “Mô-sê giơ tay trên mặt biển… nước rẽ ra, và con cái Ít-ra–en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu” và sau đó nước ập xuống chôn sống đoàn quân Ai Cập. Và lớp thứ ba, có lẽ thuộc truyền thống Ê-lô-hít, tìm thấy tại Xuất Hành 14: 24-25: “Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, Đức Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-Cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai Cập bảo nhau: ‘Ta phải trốn bọn Ít-ra-en vì Đức Chúa chiến đấu chống lại người Ai Cập để giúp họ’”. Linh mục Richard J. Clifford, S.J., trong sách đã dẫn, cũng nghĩ thế (xem các trang 49-50). Nếu đúng thế, thì trường hợp thứ nhất là một biến cố tự nhiên, phép lạ chỉ là sự trùng hợp với các sức mạnh của tự nhiên giới. Trường hợp thứ hai tất nhiên là một phép lạ tỏ tường mà bất cứ giải thích nào khác chỉ là dư thừa. Trường hợp thứ ba không có nước và cũng không có cả phép lạ đúng nghĩa. Quân Ai Cập bị rối loạn nên đã tự ý rút lui. Một biến thái của trường hợp thứ hai đã được thuật lại trong Bài Ca Chiến Thắng.

Ông Lý Minh Tuấn, trong “Công Giáo và Đức Kitô”, thì cho rằng: về phép lạ trên Biển Đỏ, ngày nay người ta thường có khuynh hướng lưu ý tới lớp thứ nhất trên đây tức lớp kể rằng Thiên Chúa cho gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Ông viết “có người đã nghiên cứu địa lý vùng Biển Đỏ thấy rằng trong một năm, ở một nơi trên Biền Đỏ, có ngày nước thủy triều rút xuống thấp nhất, người ta có thể lội qua dễ dàng; nhưng sau đó, thủy triều lại ập lên rất nhanh. Có lẽ Mô-sê đã nghiên cứu trước, biết được điều này và đã dẫn dân Do Thái qua đúng lúc. Còn quân lính Ai Cập không biết nên gặp tai nạn” (tr.88). Dù nói thế, ông vẫn trích lại lời linh mục Trần Phúc Nhân nhận định như sau: “Chủ đích của đoạn văn anh hùng ca này không phải là kể lại lịch sử đúng từng chi tiết cho bằng đề cao ý định Thiên Chúa muốn cứu thoát dân Ngài, và đề cao quyền lực Ngài mạnh hơn nhà vua, hơn thiên nhiên…, và đã can thiệp để thực hiện ý định đó”.



Bất cứ nhìn trình thuật trên bằng con mắt phân tích lớp lang như thế nào và dù có đồng ý với ‘các nghiên cứu địa lý’ đến đâu thì vẫn có điều không thể giải thích được ngoại trừ chấp nhận một sự can thiệp nào đó từ trên cao. Trường hợp đầu, sự can thiệp ấy ở trong cơn gió đông thổi mạnh đến có thể dồn biển lại, biến biển thành đất khô cạn vào đúng lúc dân Do Thái cần đi qua, và cơn gió đông ấy hết thổi mạnh khiến biểp ập nước lại như cũ đúng vào lúc quân Ai Cập đang kẹt trong đó. Trường hợp thứ ba, sự can thiệp ấy ở trong việc đột ngột rối loạn hàng ngũ của một đạo quân tinh nhuệ trước một bọn người nô lệ xưa nay họ từng khinh miệt chà đạp. Còn nếu bảo: Mô-sê, một thường dân, biết trước lúc nào nước thủy triều xuống thấp nhất để rồi đưa được đoàn người Do Thái đông đảo qua biển, còn quân Ai Cập với cả một bộ tham mưu lớn lao lại “ngu đần” đến không nghiên cứu địa hình địa cảnh trước khi ra quân để phải vùi thân dưới lòng biển, thì quả là chuyện hoang đường, nếu không chịu nhận rằng chính một trí khôn cao siêu nào đó từ trên cao đã mách bảo ông, đã soi sáng cho ông cách đặc biệt. Mà cho rằng Mô-sê tự học hỏi được điều ấy đi chăng nữa, thì dân Do Thái vẫn phải cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ một vị lãnh tụ phi thường như vậy trong lúc nguy nan. Họ coi ông như cánh tay phải vươn dài của Người và họ cảm tạ Người vì cánh tay vươn dài ấy.

Mặt khác, người Do Thái trước đây cũng như người Kitô hữu bây giờ nhìn mọi biến cố đều là sự quan phòng của Thiên Chúa và lúc nào họ cũng dâng lên Người lời cảm tạ thiết tha, cảm tạ cả về anh mặt trời, chị mặt trăng, em gió, bạn mưa, những biến thái hoàn toàn tự nhiên. Huống chi là việc chuyển dịch hơn 600,000 tráng đinh, không kể đàn bà con trẻ (Xuất hành 12:37, tính cả phải lên vài triệu) qua Biển Đỏ, một địa danh chắc chắn Môsê không quen thuộc trước đó bao nhiêu, mà cái khối vài triệu này lại hết sức ô hợp, chỉ quen mơ tưởng cơm áo, màng chi tới hai chữ tự do, luôn miệng đòi ăn đòi uống, kêu ca trách móc, phải được kể là một kỳ tích phi thường trước đó chưa có và sau này cũng khó mà có được. Không có ơn trên, cái ông “cà lăm” Môsê này hỏi làm chi được?

Lời cảm tạ phát biểu bằng thánh thi hay thánh ca tất nhiên phải dùng hình ảnh, sự tích, ẩn dụ, ví von, phóng đại, thi vị hóa nếu cần để đánh động lòng người. Đọc truyện Thánh Gióng có ai cho là đúng trăm phần trăm. Nhưng ai ai cũng phải cảm kích ơn tiền nhân và những kỳ tích giữ thơm quê mẹ của họ. Bài Ca Chiến Thắng ra đời cách nay đã gần 30 thế kỷ hẳn cũng có mục tiêu ấy và vì thế được dân tộc Do Thái suốt trong 30 thế kỷ nay thay phiên nhau ngâm ngợi, lòng thực sự hướng về Giavê nhân hậu và quyền năng.
 
Văn Hóa
Tưởng nhớ một người thầy: Linh Mục Paul Deslierres, S.J.
Vũ Văn An
03:30 05/02/2018
Gần 80 tuổi đời, tôi có thật nhiều người thầy. Tôi không nhớ rõ mình đã học vỡ lòng với ai, chỉ biết hồi ấy, quê tôi vẫn còn những vị giáo già dạy chữ Hán, chữ được chữ không, nhưng tôi chưa bao giờ tham dự một lớp học “nằm xoài” trên chiếu như thế.

Chỉ đến khi tôi đã biết đọc biết viết, khoảng trình độ lớp 3, tôi mới nhớ rõ mình học với ai. Người dạy tôi chính là một người cậu họ. Ông sẽ dẫn dắt tôi nhẩy hai ba lớp, để đi thi tiểu học ở Kiến An năm 1950. Nhưng mãi 3 năm sau, tôi mới lấy được tấm bằng tiểu học!

Ở quê tôi, bằng tiểu học là cao quá rồi, người đậu bằng này, trong làng ai cũng biết và tỏ ra không tin vì “làm gì mà đậu cao thế được”. Khác hẳn với làng bên cạnh thuộc cùng một xã Tam Cường là làng Cổ Am, quê hương Khái Hưng. Ở đấy, người có bằng tiểu học như khoai ngoài đồng.

Thầy tôi, gia đình tôi gọi bố là thầy, thuộc giai cấp “bần cố nông”, vì không có lấy một sào ruộng, dù ông không bao giờ biết cầm cây quốc, cán liềm, chỉ quanh quẩn với việc “bầy binh bố trận” bên cạnh tổ tôm, tài bàn, xóc đĩa, không biết xoay xở sao để thằng con có bằng tiểu học tiếp tục học cao hơn, bèn nghĩ cách viết một lá thư “à la paroisse de HaiPhong” cầu cứu người em họ, lúc đó, vừa du học ở Manila về và đang làm “phòng bộ” gì đó cho Đức Vít-vồ ở đấy.

Người anh em họ của thầy tôi bằng lòng giúp tôi vào chủng viện. Tôi rất vui không phải vì viễn tượng vào chủng viện cho bằng được ra Hải Phòng học, không thua mấy thằng con nhà giầu cùng làng đậu tiểu học.

Thế là cuộc sống tu trì của tôi bắt đầu. Nhà xứ Hải Phòng hồi ấy chìm đắm trong một bầu khí ảm đạm, tối tăm làm sao. Tôi chỉ ở đó chừng hai hay ba tháng để dọn thi vào tiểu chủng viện.

Nói cho ngay, nếu người anh em họ của thầy tôi không được cử làm giám đốc của tiểu chủng viện, nơi tôi đang dự thi để được vào học, thì chắc tôi đã phải khăn gói quả mướp trở về làng rồi, vì bài thi Pháp Văn, tôi gần như bỏ trống. Người ngồi thi bên cạnh, là Nguyễn Hữu Tài, thấy tôi giấy trắng, thương hại, mách giúp một vài chữ. Tất cả vốn liếng tiếng Pháp của tôi trên tờ giấy thi năm ấy đều do Nguyễn Hữu Tài cả. Vậy mà tôi đã đậu để nhập học lớp “đệ thất” của “Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm”.

Tôi học ở Hải Phòng được một năm thì xẩy ra việc chia đôi Đất Nước. Không biết do ý thầy hay do ý mẹ tôi, đứa em gái tôi ra Hải Phòng bảo tôi trở về làng, đừng có “đi Nam”. Nó đâu có biết hai tiếng “đi Nam” gợi lên trong trí tôi biết bao viễn tượng tươi đẹp. Tôi làm gì biết được sự thâm độc của Cộng Sản để mà hãi sợ đến phải “đi Nam”. Tôi chỉ muốn “đi Nam” như đi đến một chân trời mới có những điều mới và con người mới để tiếp xúc, gặp gỡ, đơn giản có thế. Nên tôi đành để nó về quê cùng với người mợ.

Vào Mỹ Tho, tôi tiếp tục học ở Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm, tọa lạc ở làng Bình Đức, thuộc huyện Châu Thành cho đến hết lớp đệ ngũ. Lên lớp đệ tứ năm 1956, tôi được gửi lên học ở tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê của địa phận di cư Bùi Chu, tọa lạc ở cạnh Nhà Thờ Huyện Sĩ, Sài Gòn. Tôi trở thành “người Sài Gòn” từ đó.

Sống ở Sài Gòn có khác. Ngoài việc được một ban giáo sư chuyên nghiệp hướng dẫn, chúng tôi còn được mở rộng tầm nhìn qua những lần được “sortie libre” khắp phố xá thủ đô và nếu có tiền, còn được thưởng thức đủ thứ kem lạ và nhất là “chè đậu đỏ” thơm mát.

Tuy nhiên, điều mới lạ là việc chuyên môn hóa giữa ban giám đốc chủng viện. Ngoài vị giám đốc thường xuyên “huấn đức”, mỗi lớp chúng tôi còn một vị gần như giám luật, dạy La Tinh. Và trên hết, là vị linh hướng chung, không phụ trách bất cứ điều gì khác.

Tiếp xúc với vị linh hướng, dần dần tôi hiểu ra tôi không có “ơn kêu gọi”. Ngài bảo tôi có thể hồi tục. Năm ấy tôi đang học lớp “đệ nhị” chuẩn bị thi tú tài I. Nếu không có sự khuyên ngăn của cha nghĩa phụ, cũng là người anh em họ của thầy tôi và là người thay thế thầy tôi, vì thầy tôi kẹt lại ở Miền Bắc, năm ấy tôi đã thành “bố đời” rồi. Thực ra, cha nghĩa phụ chỉ “tiếc” cho khả năng học tập của tôi mà khuyên ngăn như thế: tôi vốn về nhất trong cuộc thi thử của 6 lớp đệ tứ ở Trung Học Nguyễn Bá Tòng, để chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp và được lãnh phần thưởng cuối năm ở Rạp Thống Nhất. Chứ ngài đâu biết tình huống của “linh hồn” tôi ra sao.

Tôi cố gắng ở lại chủng viện, thi tú tài I rồi tú tài II và năm 1960, được chọn lên học ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt.

Trời của thành phố sương mù này buộc anh dù không suy tư bao giờ cũng phải đi vào nội tâm mà suy tư chuyện người, chuyện mình. Huống hồ là tôi, thằng con làng quê, ngơ ngáo ra thành phố và từ đó, bị cắt đứt khỏi quê hương làng xóm, khỏi những người thân yêu nhất đời, những nơi, những người, trong những lúc cô đơn rối rắm, có thể tìm về để tựa nương, lắng đọng tâm hồn và phục hồi thanh thản.

Được một điều, trong cái mù khơi của Đà Lạt, tôi tìm được sự hướng dẫn hết sức ấm áp và thông sáng của một linh mục Gia Nã Đại, lúc ấy, mới chỉ thụ phong chưa đầy 10 năm. Đó là Cha Paul Deslierres, Dòng Tên.



Không biết với những học viên khác của Giáo Hoàng Học Viện Piô X thì sao, riêng với tôi, sự ấm áp và thông sáng của vị linh hướng người Gia Nã Đại trên cứ còn mãi. Lệ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X là lên thần học, “các thầy” có thể đổi cha linh hướng. Đại đa số các học viên khác đã chọn khả thể này. Điều ấy dễ hiểu vì vị linh hướng của “cánh” thần học hình như là một vị hết sức nổi tiếng về đạo đức và uyên bác, lại già dặn hơn và ở trong Dòng cùng thụ phong linh mục đã lâu hơn: Cha Hervé Coathalem, tác giả của nhiều khảo luận linh đạo được nhiều người trích dẫn, nhất là cuốn khảo luận về Linh Thao của ngài đã thành sách cổ điển (1). Riêng tôi, khi lên thần học đầu năm 1966, tôi vẫn nhận Cha Deslierres làm cha linh hướng.

Sự ấm áp và thông sáng của ngài khiến tôi lần này không cần tham khảo ý kiến của dưỡng phụ như năm học lớp đệ nhị nữa. Tôi biết chắc mình không có “ơn gọi”. Xin mở một ngoặc đơn ở đây để thưa với qúy bạn rằng thời điểm ấy, Vatican II vẫn còn đang tiếp diễn và các văn kiện của nó vẫn mới chỉ là chuyện được báo chí đề cập tới, chưa được ai học hỏi như sau này để biết rằng “ơn gọi” thực ra không phải chỉ có một là ơn gọi làm linh mục, mà có đến hàng trăm thứ ơn gọi khác nhau, thậm chí hàng tỉ tỉ, bao nhiêu con người là bấy nhiêu ơn gọi. Nhưng phải đợi từ Quảng Ngãi trở về, sau một năm “giúp xứ” ở đấy, tôi mới quyết định xuống núi làm người trần gian.

Đúng thế, tiếng là đi “giúp xứ”, thực ra tôi chẳng giúp giáo xứ Trà Câu ở Quảng Ngãi được gì. Mà quanh quẩn, sinh hoạt của tôi chỉ là mấy lớp học ở Trung Học Đăng Khoa. Giáo Xứ Trà Câu hình như chỉ nằm một bên Quốc Lộ Một giữa quận Đức Phổ và quận Mộ Đức (quê hương Phạm Văn Đồng). Trước đây vốn là một giáo xứ sinh hoạt tôn giáo rất sầm uất, nhất là thời kỳ “vào đạo hàng loạt” cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị bức tử, phần lớn các “tân tòng” thôi không tham dự các sinh hoạt tôn giáo nữa. Riêng Trung Học Đăng Khoa thì vẫn được sự hiếu học của xứ Quảng chiếu cố nhiệt tình. Cha Xứ Trà Câu cần “ba thầy giúp xứ” ở Trung Học này là vì vậy. Tôi không phải phụ trách bất cứ công việc tôn giáo nào, chỉ lo dạy học thôi, thậm chí, cha xứ còn bảo: “Hễ thầy mệt, cứ việc ở nhà, khỏi đi lễ sáng!”

Cha xứ còn làm nhiều điều khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và ngạc nhiên nhất là khi tôi thấy một phụ nữ Trà Câu ném thẳng chiếc quần “cứu trợ” vào mặt cha xứ. Trông thì thấy cái quần ấy thảm hại thật. Nghèo thì nghèo, nạn lụt năm đó càng làm chị nghèo hơn. Nhưng chiếc quần đưa cho người phụ nữ nghèo ấy thì thảm hại thật. Càng thảm hại khi biết sự cứu trợ đến từ bà con Công Giáo cả nước cho trận lụt năm ấy không phải chỉ có cái quần bầy nhầy ấy. Mà nhiều thứ lành lặn, ngon lành lắm, có cả tiền mặt, nước mắm, gạo thóc và quần áo mặc được. Nhưng tiền thì cha dùng phát cho học sinh của trường cha, nước mắm thì cha phát cho giáo dân tùy ý, quần áo cha để cho mấy ông chức việc, thậm chí cả nhân viên của ấp lựa trước, sau mới đến nạn nhân bão lụt, nên mới có cảnh tượng trên.

Về lại Giáo Hoàng Học Viện, tôi thưa với cha Deslierres quyết định dứt khoát của mình. Và trong lúc anh em cùng lớp chịu chức “cắt tóc” (lúc ấy vẫn còn chức cắt tóc và 4, 5 chức nhỏ, nay đã bị bỏ), tôi “hạ sơn” về lại Sài Gòn, sau khi ở xứ Sương Mù gần 6 năm. Hình ảnh ngồi bên cửa sổ ở cánh thần học nhìn ra Sân Cù soải xuống Hồ Xuân Hương và những buổi đàm đạo với cha Deslierres là những hình ảnh sống mãi trong tôi.

Tôi tiếp tục liên lạc với Cha Deslierres sau khi hạ sơn. Khi tôi ở Sài Gòn, thỉnh thoảng hai thầy trò gặp nhau. Tôi đèo ngài trên chiếc Lambretta dạo quanh phố phường. Lúc Cộng Sản chiếm miền Nam, như mọi linh mục ngoại quốc khác, ngài bị trục xuất. Nhưng Việt Nam này vẫn mãi là thỏi nam châm thu hút ngài, nên lúc chưa thể trở lại đấy, ngài hài lòng tới Phi Luật Tân, sát nách Việt Nam. Và khi có thể, ngài không bỏ bất cứ dịp thuận tiện nào trở lại đất nước đã xua đuổi ngài, chỉ để được gần gũi những học trò cũ của mình.

Ngày từ trại Cải Tạo trở về và chuẩn bị “vượt biên” năm 1980, tôi có đến trụ sở Dòng Tên xin Cha Nguyễn Công Đoan, bề trên các Cha Dòng Tên Việt Nam lúc ấy, người cùng lớp với tôi ở Giáo Hoàng Học Viện năm xưa, địa chỉ của Cha Deslierres. Nhờ thế, từ Sài Gòn, tôi có viết cho ngài một lá thư, mà theo ngài, đề ngày 16 tháng 9. Tôi không nhớ đã viết cho ngài những gì. Không đợi ngài trả lời, tháng 10, tôi vượt biển tới Singapore. Và vừa đặt chân lên đất Lý Quang Diệu, người đầu tiên tôi liên lạc là Cha Deslierres, lúc ấy, đang ở Davao, Phi Luật Tân, trước khi trở về Canada, trong một thời gian ngắn.

Trước khi lên đường về lại quê hương, ngài trả lời tôi, cho hay: hai thư tôi gửi cho ngài từ Sài Gòn và từ Singapore đến với ngài gần cùng một lúc. Ngài vui thấy tôi thoát “thảm kịch” và “ít nhất đến nơi an toàn”. Ngài không quên cầu nguyện “hàng ngày cho Việt Nam thân yêu và nhân dân đau khổ của nó”.

Trong thư thứ hai của ngài, cũng từ Davao, Phi Luật Tân, gửi cho tôi ở Singapore, ngoài việc thăm hỏi thường lệ, ngài than phiền về bầu khí tại chủng viện nơi ngài đang làm việc: “Ở đây, chúng tôi vừa trải qua một thời kỳ khá căng thẳng: 14 đại chủng sinh bỏ về để ‘ủng hộ’ 1 chủng sinh sắp sửa bị đuổi... Người ta quá xa với tinh thần tốt lành của Đà Lạt...”



Tôi sót sa nghĩ đến “tình hoài hương” của ngài, dù Việt Nam đâu phải quê hương ngài. Cái tình hoài hương này ảnh hưởng cả đến tâm trạng ngài khi đặt chân trở lại quê hương Canada. Thư của ngài đề ngày 8 tháng 7 năm 1981 từ Montréal cho hay: “Phần tôi, tôi đang làm quen khá tốt với thừa tác vụ mới và trên ‘quê hương mới’ của tôi”. Và cho hay, ngài lợi dụng mọi dịp để có thể gặp gỡ các người tị nạn Việt Nam, thư từ với họ và nhất là “chuyện vãn bằng tiếng Việt Nam, dù rằng đôi khi ‘tàn sát’nhiều dấu (nặng, huyền)”. Cuối thư ngài viết cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, nguyên văn như sau “chúc anh khỏe như... kangourou... nếu không có ‘con voi’ in Australia!”

Thư từ thì làm sao nói hết được. Nhưng người bạn của Cha, cũng thuộc cùng dòng với Cha, cũng từng làm giáo sư ở Giáo Hoàng Học Viện Piô X ở Đà Lạt với Cha, nói đủ hơn và rõ ràng hơn trong “Việt Nam Quê Hương Tôi”: “Việt Nam là quê hương tôi, dù rằng tôi không được sinh ra trên đất nước Việt Nam. Tôi chỉ ở đó có bẩy năm. Bấy nhiêu cũng đủ để trở thành một công dân Việt Nam...”(Linh Mục Dominici Đỗ Minh Trí, Việt Nam Quê Hương Tôi, Ấn Bản Úc Châu, lần thứ hai 1991, tr. 17). Huống hồ là người ở đó 17 năm như Cha Deslierres.

Sở dĩ tôi viết về Cha Deslierres vì vừa nghe tin ngài qua đời tại Montréal ngày 28 tháng 1 năm 2018 và lễ an táng ngài sẽ được cử hành ngày 7 tháng 2 này, sau 98 năm trần thế và 67 năm linh mục.

Thực vậy, ngài được thụ phong linh mục năm 1951 và 7 năm sau, được lệnh qua Việt Nam cùng với Cha Lacretell, người Pháp và Cha Ruiz, người Tân Ban Nha mở Giáo Hoàng Học Viện Piô X vừa được Tòa Thánh cho thiết lập ở Đà Lạt và được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trao cho Dòng Tên điều khiển. Cha ở đây cho tới lúc Cộng Sản trục xuất Cha năm 1975. Sau đó, dù ở Phi Luật Tân lâu hơn, đến 28 năm, nhưng tình cảm của cha có thể nói đã được dành hết cho Việt Nam.

Hoàn cảnh Cha qua đời có thể nói hoàn toàn bao phủ bởi một sự tĩnh lặng tuyệt đối để Cha hoàn toàn chuyện vãn “tay đôi” với Đấng Dựng Nên mình, theo kiểu “Lạy Chúa, Jim đây!” trong câu truyện Ông Già Jim của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Anh Hồ Trí Thức, một học trò cũ của ngài, và là người lâu nay hay nói chuyện với ngài bằng điện thoại, thuật lại: “Hôm sinh nhật thứ 98 của Ngài, 15 tháng 1, HTT có kêu điện thọai cho Ngài... ngày nào cũng kêu cho Ngài, nhưng... 5 lần kêu, 5 lần máy điện thoại chuyển lên phòng... cả 5 lần đều gặp MÁY TRẢ LỜI... Hôm nay, nóng lòng mở mắt dậy.. . nhảy xuống giường kêu, lập tức LA MEME CHOSE (cũng vậy)... bèn gọi lại lần nữa và lần này nói luôn với người receptionist: ‘Tại sao sáng nay tôi gọi cho Cha Deslierres và cũng như mấy ngày gần đây tôi chỉ gặp answering machine. Lúc đó họ mới nói NGÀI ĐÃ QUA ĐỜI”.

98 năm trên trần gian, 67 năm linh mục hầu hết dành cho các xứ truyền giáo từ Trung Hoa (lúc chưa thụ phong) tới Việt Nam (lúc vừa thụ phong) và Phi Luật Tân, chết đi một cách lặng lẽ “như tờ”. Tuy nhiên, Cha Jean-Guy Bilodeau, bề trên Cộng Đoàn Richelieu, nơi Cha qua đời, trong mấy dòng tiểu sử vắn tắt, vẫn đã nhắc tới liên hệ của Cha với Việt Nam: “Ngài dành thì giờ để viết hồi ký, thi hành một vài thừa tác vụ và thu từ với bạn bè và người quen, ở Phi Luật Tân, và với các học trò cũ của ngài ở chủng viện Đà Lạt, những người đã mời ngài viếng thăm họ hai lần”.



Thực ra, Cha trở lại Việt Nam nhiều lần hơn thế. Lần đầu năm 1991, lúc người học trò đầu tiên của ngài được tấn phong giám mục ở nhà thờ Đà Lạt, đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, hiện là Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội. Nhưng cha Bilodeau nói đúng, vì lần đầu tiên này, ngài trở lại Việt Nam một cách “không kèn không trống”. Thậm chí, nhà cầm quyền Cộng Sản không cho phép ngài tham dự lễ tấn phong. Ngài đành cử hành thánh lễ song song, nhưng âm thầm tại Tòa Giám Mục Đà Lạt, mà người giúp lễ chính là Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh sau này, người lúc ấy, thậm chí, chưa được thụ phong linh mục. Hai lần sau là năm 2005 và lần cuối cùng là năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 50 Năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X, lúc ngài đã hơn 88 tuổi. Chưa kể năm 1995, ngài qua Úc thăm các học trò cũ và năm 2010, về dự lễ tấn phong giám mục của Đức Cha Nguyễn Văn Khôi, một học trò cũ, tại Qui Nhơn.



Cha Bilodeau cũng cho biết thêm, lúc 18 tuổi, Cha Deslierres gia nhập dòng Tên. Năm 26 tuổi, qua Trung Hoa, học tiếng quan thoại trong 2 năm tại Bắc Kinh, rồi học thần học trong 3 năm tại Thượng Hải. Năm1951, Cộng Sản buộc ngài phải rời Trung Hoa. Về lại Canada, ngài thụ phong linh mục cùng năm. Sau đó, năm 1958, qua Việt Nam.

Trong hồi ký của ngài, Cha Deslierres kể lại việc làm của Cha từ năm 1959 giữa “cảnh tươi mát của Đà Lạt”: giảng phòng theo Linh Thao, lợi dụng kỳ nghỉ để ‘tăng cường học tiếng Việt”... miệt mài làm việc đến nỗi lễ vàng hôn phối của bố mẹ năm 1961 và tang lễ của mẹ năm 1964, cũng “không về Montréal” được.

Tưởng rằng cứ thế mãi mãi. Nào ngờ biến cố tháng Tư 1975! Từ lạc quan tới bi quan rồi lạc quan trở lại và sau cùng là não nề vì giấc mộng truyền giáo tiêu tan, cha ghi lại những ngày cuối cùng của hành trình truyền Giáo 1958-1975 như sau.

“Tháng 8 năm 1969, tôi trở lại Đàlạt (sau 1 năm nghỉ sabaticô ở Rôma). Các cha và thầy Dòng Tên nay là 15 vị thuộc 10 quốc tịch, còn các chủng sinh là 150 xuất phát từ các giáo phận Nam Việt Nam. Vẫn một tinh thần tốt lành nổi bật, trong sốt sắng, vui tươi và học hành nghiêm túc. Tuy nhiên, bầu khí chính trị thì trầm trọng thêm trong nước. Sự xâm nhập của bọn đỏ, qua các cánh rừng của Lào và Cambốt, làm nhiều vùng đầy du kích chiến. Các cuộc tấn công và đánh nhau bất ngờ đang gia tăng. Nhiều con đường bị tắc nghẽn. Giao thông trở nên khó khăn. Quân đội Hoa Kỳ đến trợ giúp, theo lời yêu cầu của Chính Phủ Miền Nam, đã thấy rõ sau vụ tấn công bất ngờ trên khắp các thành phố miền Nam trong cùng một đêm thánh thiêng Tết 1968 (Ngày đầu năm âm lịch, ngày lễ bình dân lớn nhất của người Việt Nam) rằng những kẻ tấn công đều là người Việt đỏ của Miền Bắc. Giọng nói miền Bắc của họ chứng tỏ điều này nơi mọi tù binh hay các binh lính nằm ở nhà thương. Người Mỹ quyết định ném bom các trung tâm quân sự của Hải Phòng, ở miền Bắc. Các la ó của các nước đồng minh là Trung Hoa và Nga đã buộc người Mỹ ở Washington phải tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, cũng như áp lực của vụ Watergate ở Hoa Kỳ. Việc rút quân được ấn định vào năm 1973. Chúng tôi biết rằng chẳng bao lâu sẽ là ngày chung cục của Việt Nam tự do ở miền Nam. Dưới sự đe dọa sẽ có nhiều cuộc tấn công quan trọng của quân đội đỏ trên Cao Nguyên, nơi có thành phố Đà Lạt, chính phủ quyết định di tản thành phố. Phần lớn các tu sĩ Dòng Tên của chủng viện ra đi bằng xe tải theo lộ trình Nha Trang: chỉ còn 3 người ở lại chủng viện. Các chủng sinh được chỉ thị trở về các giáo phận liên hệ. Chúng tôi mang theo một số sách và sưu tập qúy giá hơn, như Migne, các Giáo Phụ Hy Lạp và La Tinh, mơ ước được tái tổ chức chủng viện của chúng tôi ở Sài Gòn, vì nghĩ rằng chỉ có miền Trung mới rơi vào tay Việt Cộng, còn Sài Gòn vẫn còn tự do.

Ở Phan Thiết, trên biển, chúng tôi có thể thuê được 1 chiếc tầu đưa chúng tôi vào cửa sông Sài Gòn. Các thầy giữ phòng áo (sacristains) đã khôn ngoan mang theo các cành lá giúp chúng tôi có thể cử hành Chúa Nhật cùng tên. Chúng tôi mơ mộng mầu hồng, tin rằng Sài Gòn và miền Nam sẽ vẫn nằm trong tay chính phủ, dù miền Trung có rơi vào tay Miền Bắc. Tại Sài Gòn, nhiều chủng sinh mau chóng nhập bọn lại với chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi thuê một khách sạn, Cống Quỳnh, để lập chủng việc tạm, có chỗ ở cho các chủng sinh và cố gắng tái tổ chức công trình của mình: đó là ngày 11 tháng Tư năm 1975. Rồi chúng tôi nghĩ tới việc an cư ở Trường Thánh Têrêsa, mà các Cha Thuộc Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc đã đóng cửa. Tôi đang có mặt ở đó với Cha Champoux, người tài xế xe tải và một số chủng sinh, thì ngày 29 tháng Tư, sau một vài trận đánh, Bọn Đỏ miền Bắc chiếm đóng thành phố Sài Gòn. Ngủ trên một tấm nệm, bị bệnh và nôn mửa, tôi nghe tiếng súng khắp nơi. Sau một tuần chiếm đóng, các nhà cầm quyền đỏ, bất an, vì làn sóng người tị nạn, bị giản lược vào các điều kiện vệ sinh khủng khiếp, ra lệnh ai nấy phải trở lại vùng nguyên quán.

Nay đã 'hòa bình và giải phóng' rồi. Hân hoan vì sắc lệnh này, chúng tôi có thể trở về Đà Lạt. Sau 6 giờ trên lộ trình ngổn ngang, chúng tôi tìm lại anh em mình, tất cả đều ngạc nhiên được tái ngộ với chúng tôi! Thế rồi, tái tổ chức Chủng Viện! Tin tức truyền đi rất nhanh khắp Miền Nam Việt Nam: Chủng Viện sẻ mở cửa cho niên học mới!Một tây tháng Sáu, chúng tôi họp nhau lại với 100 chủng sinh, trừ một số được các vị giám mục giữ lại tại giáo phận của các ngài. Đời sống lấy lại dòng chẩy của nó với một tinh thần hân hoan tuyệt diệu: hân hoan được trở về, hân hoan được tiếp tục cùng nhau leo lên chức linh mục. Những thửa vườn xinh đẹp của Thầy Muo biến thành vườn rau để sinh tồn bằng sản phẩm của mình, trong miền đất đỏ Đà Lạt. Một số giờ được dành cho việc làm bằng chân tay. Một ngày kia, hai chủng sinh của chúng tôi, đang làm việc trong vườn, dẵm phải quả mìn chôn ở đấy, nó phát nổ. Họ bị thương. Một xem ra khá nặng. Tôi đi theo chủng sinh này trên một chiếc xe tải của chúng tôi tới bệnh viện. Nhưng trong lúc giải phẫu, tôi phải chuồn đi... gần như ngất xỉu. Sau vài tuần, cả hai đã lấy lại sức.

Chẳng bao lâu sau, tôi thấy phải tổ chức, như mọi năm, ‘tháng linh thao’... Bất thần, ngày 30 tháng Tám 1975, có lệnh triệu đến Tòa Tổng Trấn tất cả các nhà truyền giáo nước ngoài, 4 tháng sau Giải Phóng. Tất cả phải chuẩn bị, trong hai ngày, để rời Đà Lạt về Sài Gòn, được 1 người lính hộ tống. Một khách sạn đã chờ sẵn chúng tôi ở Sài Gòn, từ đó, chúng tôi phải bay đi Bangkok bằng chuyến bay trống đầu tiên”.



Thiển nghĩ các đồng công dân Gia Nã Đại của cha làm gì không nói rõ số phận miền Nam cho cha hay? Vả lại kinh nghiệm Trung Hoa từ 1946 tới 1951 của cha làm gì không cho cha biết viễn ảnh truyền giáo ở Việt Nam sau khi Cộng Sản tiến chiếm. Nhưng chỉ vì quá tha thiết với công trình Piô X, cha vẫn nuôi hy vọng. Người Cộng Sản không để cha hy vọng như thế. Cha viết tiếp:

“Đó là sáu tháng Việt Nam bị cô lập với thế giới: không một lá thư tới Việt Nam, cũng chẳng có lá thư nào ra khỏi. Hai đêm cuối cùng đầy xúc động: hình ảnh, giã từ, nuớc mắt. Vì hành lý của chúng tôi bị giới hạn, chúng tôi phải bỏ lại nhiều tài liệu qúy báu, nhiều sách vở. Chúng tôi không thể mang theo bất cứ thư từ nào ra ngoại quốc. Tương lai quả đen tối đối với các chủng sinh của chúng tôi. Ơn gọi của họ sẽ ra sao? Việc đào tạo họ sẽ thế nào? Viện trưởng của chúng tôi, Cha José De Diego, trao trách nhiệm về giáo hoàng chủng viện của chúng tôi trong tay vị tân giám mục của Đà Lạt là Đức Cha Lâm. Tại Sài Gòn, khách sạn dự trù không thể tiếp đón chúng tôi. Người ta cho phép chúng tôi ngụ tại Trung Tâm Đắc Lộ của chúng tôi, chờ chuyến máy bay của Nga. Ngày 8 tháng Chín, chúng tôi bay đi Bangkok, nơi các vị đại sứ các nước liên hệ của chúng tôi đã thông báo tên của chúng tôi cho gia đình, cuối cùng đã được an tâm, sau 6 tháng lo âu khắc khoải”.



Những dòng trên, cha viết xong ngày 3 tháng 7 năm 2007, mà vẫn đầy đủ tình tiết, đủ thấy Việt Nam luôn canh cánh bên lòng Cha. Chưa hết, sau khi được viễn ảnh sẽ qua Nam Phi mở một chủng viện hợp nhất (cho cả da trắng lẫn da đen) theo gợi ý của Cha Bề Trên Cả ở Rôma và yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi, sau khi được trở về Gia Nã Đại để săn sóc cha già trọng bệnh và chứng kiến ngài qua đời cùng với các anh chị em ruột, và được thăm thú Pháp và Ý, cha vẫn nhớ tới Giáo Hoàng Học Viện Piô X:

“Những chuyến đi này đã thoa một chút dầu thơm lên vết thương sâu hoắm trong tôi: vết thương thấy khựng lại, sau 17 năm, công trình kỳ diệu ở Đà Lạt. Khoảng 251 chủng sinh đã trở thành linh mục; 250 hướng tới các ngành nghề khác, sau một biện phân lương tâm nghiêm túc với vị linh hướng của họ”. Mấy dòng cuối cha không quên nhắc đến 11 học trò trở thành Giám Mục. Con số ấy nay lên tới 19, theo Đức Hồng Y Nhơn.



Không thấy cha nhắc đến một kỷ vật nhỏ, nhưng được cha trân trọng cất trong một bao nylon và mang theo khi xuất hiện trong lễ kỷ niệm 50 năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X vào năm 2008: đó là tấm vải, hình như giẻ lau nào đó, mà một chủng sinh tên Joseph Linh đã lượm được đâu đó quanh mình và viết vội mấy lời tâm huyết lúc chia tay ngày 28 tháng 8 năm 1975. Joseph Linh ấy chính là Joseph Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế hiện nay. Về một vài phương diện, kỷ vật này thâm tình hơn kỷ vật Cha San Pedro, cũng là 1 cựu giáo sư của Giáo Hoàng Học Viện, mang theo về Hoa Kỳ, nơi ngài được bổ nhiệm làm giám mục một giáo phận ở Florida: nắm đất từ thử vườn của Thầy Muo, thửa vuờn hoa đẹp đến độ mấy nữ sinh Bùi Thị Xuân, bất chấp tường cao, vẫn lẻn vào thưởng thức. Chỉ tiếc sau đó trở thành vườn rau và nay bị cày sới lung tung do bàn tay người Cộng Sản.

Một điều tiếc nữa: dù trong lễ kỷ niệm 50 năm, các cựu học viên của Giáo Hoàng Học Viện có dành tình cảm rất nồng hậu cho Cha Thầy Paul Deslierres, tên tiếng Việt là Mai Trường Xuân, nhưng trong các bài viết nhân dịp này, rất ít bài nhắc đến Cha Thầy này. Có lẽ vì qúy học viên lưu ý nhiều đến khía cạnh đào tạo trí thức chăng. Cũng có thể vì không phải chỉ có 1 vị linh hướng mà có đến hai vị linh hướng vào một thời điểm nhất định và tổng cộng lại có thể có tới hơn hai vị linh hướng tại Giáo Hoàng Học Viện. Hơn nữa, các học viên ngoại trú vốn lại không cần tới các linh hướng của Học Viện. Nhưng sự kiện vẫn là Cha Paul Deslierres là vị linh hướng duy nhất có mặt liên tục ở Giáo Hoàng Học Viện tứ lúc thành lập năm 1958 tới lúc tan hàng thực tế năm 1975 (trừ năm sabaticô 1968). Thành thử, ngoài các học viên ngoại trú, không một ai ở Giáo Hoàng Học Viện (hơn 500 người) không được ngài hướng dẫn tâm linh. Cái sợi dây thiêng liêng nối kết mọi người ở đấy phải được coi là chủ yếu.



Có lẽ vì thế, khi nghe tin ngài qua đời, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, người năm 1958 đã là niên trưởng và nay được anh em cựu học viên tôn làm niên trưởng “đời đời” đã có thư, nhân danh các giám mục, các linh mục, tu sĩ và giáo dân cựu học viên, chia buồn với Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, trong đó, ngài ca ngợi Cha Paul Deslierres:

“Sau 17 năm làm cha linh hướng tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (với 18 khóa từ đó 19 giám mục đã được bổ nhiệm) và sau 42 năm xa cách xứ sở mà ngài coi như quê hương thứ hai, ngài đã duy trì các liên hệ chặt chẽ với các cựu học viên và về phần chúng con, tất cà chúng con đều không bao giờ quên được ngài. Ngày con qua Canada để thăm ngài tại Trú Sở Đức Bà Richelieu, con có cảm tưởng rất mạnh rằng ngài rất nhớ Học Viện của chúng con, nhớ những ngày ngài ở Việt Nam và nhớ các cựu học trò của ngài. Ngài vui ra mặt mỗi lần người ta kể cho ngài nghe biến cố này hay biến cố khác với người này hay người nọ. Cha bề trên nhà hiện diện ở đấy hôm đó có thể làm chứng cho bầu khí vui tươi tràn ngập căn phòng và nét mặt của ngài.

Nay, lên đường về Nhà Cha, ngài tiếp tục hiện diện trong tâm trí chúng con và qua ngài, chúng con tiếp tục nghĩ tới các cha và cầu nguyện cho mọi giáo sư đã đào tạo nên chúng con. Tiếc rằng chúng con sẽ không bao giờ có thể gợi lại hết những gì ngài đã làm với rất nhiều hy sinh trong việc chu toàn sứ mệnh làm vị linh hướng cho chúng con. Chúng con có thể nói với qúy cha một cách chắc chắn rằng ngài đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng của Dòng Tên ‘Ad Majorem Dei Gloriam’ (Vì Vinh Quang Hơn Nữa cho Thiên Chúa) suốt thời gian ngài lưu ngụ giữa chúng con ở Việt Nam ».

Nhận định ấy quả thích đáng. Trong một thế giới càng ngày càng duy tục, trọng kỹ thuật hơn bất cứ giá trị nào khác, đào tạo thiêng liêng phải là giá trị cao nhất, nhất là trong phạm vi đào tạo các linh mục tương lai.

Như trên đã thưa, gần 80 năm cuộc đời, chỉ chấm dứt việc học « chính qui » năm 30 tuổi, tôi có thật nhiều người thầy ở Nam Am, ở Hải Phòng, ở Mỹ Tho, ở Sài Gòn, ở Đà Lạt, ở trường tiểu học nhà quê, ở hai tiểu chủng viện thành phố, ở Giáo Hoàng Học Viện, ở Đại Học Văn Khoa, ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, không vị thầy nào tôi giữ liên lạc và chịu giữ liên lạc với tôi như Cha Paul Deslierres, người không những biết khả năng hữu hạn của tôi mà còn biết cả cái hữu hạn trong thẳm cung linh hồn tôi và dứt khoát cho tôi hay: tôi không thích hợp theo đuổi ơn gọi linh mục. Nhờ thế, không phải tôi làm ích chi cho Giáo Hội, mà chỉ là không gây thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội như một số người đã và đang làm khiến Giáo Hội có lúc ngẩng đầu không nổi.

________________________________________________________________________

(1) Coathalem, Hervé, S.J. Ignatian Insights, A Guide to the Complete Spiritual Exercises, tr. Charles J. McCarthy, 2nd ed. Taiwan: Taichung, Taiwan: Kuangchi Press 1971
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bay Trên Biển Chiều / Flying
Robert Helfman
08:37 05/02/2018
BAY TRÊN BIỂN CHIỀU / FLYING
Ảnh của Robert Helfman
Con chim có cánh để bay
Con người không cánh Trời ban có tài
Có tài chế biến rất hay.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Phóng sự Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới 2018 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:14 05/02/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngày 2 tháng 2 là Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ 22. Đây là ngày kỷ niệm đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997.

Trong thông điệp Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng ngày này có ba mục đích:

Trước hết, đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Thứ hai, ngày này nhằm mục đích quảng bá các kiến thức về đời sống tận hiến và lòng yêu mến cuộc sống thánh hiến trong toàn thể dân Chúa.

Lý do thứ ba liên quan trực tiếp đến những người tận hiến. Các vị được mời gọi cử hành cùng nhau một cách long trọng những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện trong họ, khám phá ra những tia sáng từ tôn nhan Thiên Chúa đang dõi chiếu đường đời của họ và có một ý thức sinh động hơn về sứ mệnh không thể thay thế của họ trong Giáo Hội và trên thế giới. Trong một thế giới thường bị kích động và mất tập trung, những người tận hiến cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến để trở lại nguồn mạch ơn gọi của họ, và để tái khẳng định cam kết hiến dâng cuộc sống cho Chúa.

Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong năm Phụng Vụ, không có ngày lễ nào thích hợp hơn để cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới cho bằng ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Ngài nhận xét rằng “Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh là một biểu tượng hùng hồn cho sự hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của tất cả những ai được kêu gọi để trình bày trong Giáo Hội và trước thế giới các nét đặc trưng của Chúa Giêsu – đó là trong sạch, khó nghèo và vâng phục.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 5 giờ 30 chiều thứ Sáu 2 tháng 2, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ, có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, người Ba Tây, Tổng Trưởng Bộ các Dòng Tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, trước sự hiện diện của 9000 tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và một cuộc rước tiến lên bàn thờ do 50 tu sĩ nam nữ đại diện cho các hình thái đời sống Thánh Hiến khác nhau.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành lễ Chúa, là Đấng đến viếng thăm dân Người, được Đức Mẹ dâng vào Đền Thánh. Kitô Giáo Đông phương gọi lễ này “Lễ Gặp Gỡ”: đó là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa, Đấng đã trở nên một hài nhi để mang lại sự mới mẻ cho thế giới của chúng ta, và cho một nhân loại đầy kỳ vọng ở tương lai, được đại diện bởi một người nam và một người nữ cao niên trong Đền Thờ.

Trong Đền thờ này, cũng có một cuộc gặp gỡ khác giữa cặp vợ chồng trẻ là Đức Mẹ và Thánh Giuse, với hai người già là ông Simeon và bà Anna. Người già đón nhận người trẻ, trong khi người trẻ kín múc [sự khôn ngoan] từ người già. Trong Đền thờ, Mẹ Maria và Thánh Giuse tìm thấy căn cội dân tộc của các ngài. Điều này rất quan trọng, bởi vì lời hứa của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần hoàn thành nơi những cá nhân, một lần duy nhất, nhưng được hoàn thành trong một cộng đồng và xuyên suốt lịch sử. Nơi Đền Thờ này, Đức Maria và Thánh Giuse cũng tìm thấy căn cội đức tin của mình, vì đức tin không phải là điều học hỏi từ sách vở, nhưng từ nghệ thuật sống với Thiên Chúa, và từ kinh nghiệm của những người đã đi trước chúng ta. Hai người trẻ tuổi, gặp gỡ hai người lớn tuổi, qua đó tìm thấy chính mình. Và hai người lớn tuổi, gần đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, được đón nhận Chúa Giêsu, Đấng là ý nghĩa cuộc sống của họ. Sự kiện này ứng nghiệm lời tiên báo của tiên tri Giôen: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (Go 2:28). Trong cuộc gặp gỡ này, những người trẻ nhận ra sứ mệnh của họ và những người cao niên thấy được ước mơ của họ. Tất cả bởi vì, ở trung tâm cuộc gặp gỡ, là Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống của chúng ta, anh chị em sống đời thánh hiến thân mến. Mọi thứ bắt đầu với cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc hành trình thánh hiến của chúng ta được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ và một lời mời gọi. Chúng ta cần ghi khắc trong trí nhớ điều này. Và nếu chúng ta nhớ rõ, chúng ta sẽ nhận ra rằng trong cuộc gặp gỡ đó, chúng ta không chỉ một mình với Chúa Giêsu; nhưng còn có dân Chúa, là Giáo Hội, những người già và những người trẻ, như trong Tin Mừng hôm nay. Một điều đáng chú ý khác là Tin Mừng nói với chúng ta đến bốn lần rằng hai vợ chồng trẻ Maria và Thánh Giuse trung thành tuân theo Luật dạy, trong khi hai người là ông Simeon và bà Anna chạy đến nói tiên tri. Có vẻ như điều ngược lại mới là đúng. Thông thường những người trẻ nhiệt tình nói về tương lai, trong khi người già lo bảo vệ quá khứ. Trong Tin Mừng, điều ngược lại xảy ra, bởi vì khi chúng ta gặp nhau trong Chúa, những bất ngờ của Thiên Chúa ngay lập tức diễn ra.

Để điều này xảy ra trong cuộc sống thánh hiến, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không thể nào làm mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa mà không có người khác; chúng ta không bao giờ có thể để lại những người khác phía sau, không bao giờ bỏ qua các thế hệ, nhưng phải đi cùng nhau hàng ngày, giữ Chúa luôn ở vị trí trung tâm. Vì nếu người trẻ được kêu gọi mở ra những cửa mới, thì những người già là những người giữ các chìa khóa. Một cơ chế vẫn còn giữ được sự trẻ trung của mình khi quay lại nguồn gốc, bằng cách lắng nghe các thành viên lớn tuổi của mình. Không có tương lai nếu không có sự gặp gỡ này giữa người già và người trẻ. Không có sự phát triển nếu không có gốc rễ và sẽ chẳng có hoa nếu không có những chồi non. Không có lời tiên tri nếu không có ký ức, và cũng chẳng có ký ức nếu không có những lời tiên tri và sự gặp gỡ liên tục.

Tốc độ điên cuồng ngày nay dẫn chúng ta đến việc đóng lại nhiều cánh cửa gặp gỡ, thường là vì lo sợ người khác. Chỉ có các trung tâm mua sắm và các kết nối internet là luôn rộng mở. Tuy nhiên, đó không phải là cách sống cuộc đời thánh hiến: những anh chị em mà Chúa đã ban cho tôi là một phần của lịch sử đời tôi, là những món quà đáng được trân trọng. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ nhìn vào màn hình điện thoại di động của chúng ta nhiều hơn là nhìn vào mắt của anh chị em mình, xin cho chúng ta tập trung vào Chúa chứ đừng quá tập trung vào các nhu liệu điện toán của mình. Vì bất cứ khi nào chúng ta đặt các dự án, phương pháp và tổ chức của mình vào vị trí trung tâm, đời sống tận hiến không còn hấp dẫn nữa; không còn những cuộc nói chuyện với người khác nữa; không còn triển nở nữa vì nó đã quên đi nền tảng, và căn cội của nó.

Cuộc sống thánh hiến được sinh ra và được tái sinh bởi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu như Ngài là: nghèo khó, thanh sạch và vâng phục. Chúng ta đi dọc theo một con đường hai lối: một bên là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, từ đó tất cả mọi thứ bắt đầu và đó là nơi chúng ta phải luôn luôn quay trở lại; một bên là phản ứng của chính chúng ta, thật sự có lòng yêu thương khi nó không đi kèm theo những tiếng “nếu như” và những tiếng “nhưng mà”, nhưng bắt chước Chúa Giêsu khó nghèo, thanh sạch và vâng phục. Trong khi cuộc sống của thế giới này cố gắng nắm bắt chúng ta, cuộc sống thánh hiến hướng chúng ta quay lưng lại với những sa hoa trần thế ngõ hầu chiếm được Đấng tồn tại mãi mãi. Cuộc sống của thế giới này theo đuổi những lạc thú và những ham muốn ích kỷ; còn cuộc sống thánh hiến giải phóng tình cảm của chúng ta khỏi mọi ham muốn chiếm đoạt để yêu Chúa và yêu người. Cuộc sống thế gian hướng đến ham muốn làm bất cứ điều gì chúng ta thích; còn cuộc sống thánh hiến chọn việc tuân phục khiêm tốn như là một sự tự do lớn hơn. Và trong khi đời sống thế gian sớm làm chúng ta trắng tay và làm con tim chúng ta trống rỗng, cuộc sống trong Chúa Giêsu tràn ngập chúng ta với một sự an bình đến tận cùng, như trong Tin Mừng, khi ông Simeon và bà Anna an vui trong buổi hoàng hôn đời mình với Chúa trong tay và niềm vui trong trái tim của họ.

Thật là tốt biết bao nếu chúng ta có thể giữ được Chúa “trong tay chúng ta” (Lc 2,28), như ông Simeon. Không chỉ trong đầu chúng ta và trong trái tim của chúng ta, mà còn “trong tay chúng ta”, trong tất cả những gì chúng ta làm: trong lời cầu nguyện, nơi làm việc, ở bàn ăn, trên đường điện thoại, nơi trường học, với người nghèo, ở mọi nơi. Có Chúa trong tay chúng ta là một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa huyền bí ẩn dật và chủ nghĩa hoạt động điên cuồng, vì một cuộc gặp gỡ chân chính với Chúa Giêsu sửa lại cả lòng đạo đức ủy mị lẫn sự hiếu động thái quá. Trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng là phương thuốc cho sự tê liệt của thói quen, vì nó mở ra cho chúng ta “sự thiêu đốt” hàng ngày của ân sủng. Bí quyết để làm bùng phát ngọn lửa nhiệt thành trong đời sống tinh thần của chúng ta là thái độ sẵn sàng cho phép chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu và mong muốn được gặp Ngài; nếu không chúng ta rơi vào một cuộc sống tê liệt, trong đó sự bất mãn, cay đắng và những thất vọng không thể tránh khỏi sẽ thắng thế. Bí quyết ấy giúp chúng ta gặp nhau trong Chúa Giêsu như anh chị em với nhau, như những người già trẻ, và từ đó thoát khỏi những luận điệu vô ích về “những ngày xưa tốt lành” - là một nỗi hoài cổ giết chết linh hồn – cũng như làm câm nín những người nghĩ rằng “mọi thứ đang tan rã” . Nếu chúng ta gặp Chúa Giêsu và anh chị em của chúng ta trong những biến cố hằng ngày của cuộc đời chúng ta, trái tim chúng ta sẽ không còn bị đặt vào quá khứ hay tương lai, nhưng sẽ trải nghiệm “ngày hôm nay của Thiên Chúa” trong bình an với mọi người.

Vào cuối những sách Phúc Âm, có một cuộc gặp gỡ khác với Chúa Giêsu có thể gây cảm hứng cho đời sống tận hiến. Đó là cuộc gặp gỡ của những phụ nữ trước ngôi mộ. Họ đã đi để gặp người chết; cuộc hành trình của họ dường như vô nghĩa. Anh chị em cũng đang hành trình ngược dòng: cuộc sống thế gian dễ dàng khước từ nghèo đói, thanh khiết và vâng phục. Nhưng giống như những phụ nữ đó, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước, mà không phải lo lắng về những tảng đá nặng nề cần được loại bỏ (xem Mc 16: 3). Và như những người phụ nữ đó, chúng ta hãy là những người đầu tiên gặp Chúa, Đấng đã sống lại và đang sống. Hãy bám lấy Người (xem Mt 28: 9) và đi ra ngay lập tức để nói với các anh chị em của mình, với ánh mắt tràn đầy niềm vui (xem câu 8). Như thế, anh chị em sẽ là bình minh không bao giờ tắt của Giáo hội.

Anh chị em những người thánh hiến của Giáo Hội thân mến! Tôi xin anh chị em làm mới lại vào chính ngày hôm nay đây cuộc gặp gỡ của anh chị em với Chúa Giêsu, để chúng ta cùng đồng hành hướng về Người. Và điều này sẽ mang lại ánh sáng cho đôi mắt và sức mạnh cho các bước chân của anh chị em.