Phụng Vụ - Mục Vụ
Toàn bộ 14 chặng Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô Thứ Sáu Tuần Thánh 2007
J.B. Đặng Minh An dịch
05:49 08/02/2008
Theo truyền thống, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại hí trường Côlôsê lúc 9:15 tối. Văn bản của các chặng đàng Thánh Giá năm 2007 do một học giả nổi tiếng về Thánh Kinh, Đức Ông Gianfranco Ravasi biên soạn.
Đức Ông Gianfranco Ravasi năm nay 65 tuổi thuộc tổng giáo phận Milan, Italia. Ngài là tác giả của hơn 50 cuốn sách về Thánh Kinh. Ngài là giáo sư môn Thánh Kinh tại phân khoa Thần Học Bắc Italia, thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. Ngài cũng là thư viện trưởng thư viện Ambrôsiô tại Milan. VietCatholic đăng lại theo yêu cầu của quý cha và anh chị em
Chặng thứ Nhất
Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu
Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ."
Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha."
Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ."
(Lc. 22:39-46)
Suy Niệm:
Khi màn đêm buông xuống thành Giêrusalem, những cây ôliu trong vườn Giệtsimani với tiếng lá xào xạc cả ngày nay cũng như muốn đưa chúng ta trở về cái đêm đau khổ và cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ngài nổi bật, cô đơn, giữa quang cảnh đó, qùy gối trên đất của khu vườn. Như mọi người đang phải đối diện với cái chết, Chúa Kitô cũng đầy những đau khổ. Thực ra chữ nguyên thủy mà Thánh Gioan dùng là "agonia", chiến đấu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật thống thiết, căng thẳng như trong một trận chiến, và mồ hôi Ngài pha lẫn với máu chảy trên khuôn mặt Ngài là bằng chứng của một trạng thái bị hành hạ cam go, dữ dội.
Ngài kêu thấu lên trời cao, lên Chúa Cha Đấng dường như đang im lặng một cách bí ẩn: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con”, chén đau khổ và chết chóc. Trong một đêm tối, Giacóp, một trong các tổ phụ của dân Do Thái, bên bờ một nhánh sông Giođan, cũng đã từng gặp gỡ Thiên Chúa như một nhân vật huyền nhiệm, và “đã chiến đấu với ông cho đến tảng sáng”[2]. Cầu nguyện trong lúc bị thử thách là một kinh nghiệm đảo lộn hồn xác, và Chúa Giêsu cũng vậy, trong tăm tối của đêm ấy “với tiếng kêu lớn và nước mắt đã dâng lời van xin khẩn nguyện lên Thiên Chúa là Đấng có thể cứu Người khỏi chết”[3]
Trong Chúa Kitô nơi vườn Giệtsimani, đang chiến đấu và đầy lo âu, chúng ta cũng tìm thấy chính mình khi chúng ta trải qua đêm đau khổ xé lòng, đêm cô đơn vì xa cách người thân, vì sự yên lặng của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, như đã từng có người nói, “Chúa Giêsu sẽ còn đau khổ cho đến tận thế, Ngài không thể nghỉ yên vì Ngài tìm kiếm sự đồng hành và sự cảm thông”[4] như bao nhiêu người đau khổ khác trên trái đất này. Trong Ngài, chúng ta cũng thấy khuôn mặt chúng ta, đẫm lệ và hằn lên nỗi sầu khổ.
Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu không dẫn đến cám dỗ tuyệt vọng và đầu hàng, nhưng dẫn đến lời tuyên xưng sự tín thác nơi Chúa Cha và ý định mầu nhiệm của Ngài. Đó chính là những lời kinh Lạy Cha mà Ngài đưa ra cho chúng ta trong giờ phút cay đắng ấy: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ… không phải theo ý con nhưng xin vâng theo ý Cha!”. Và này đây thiên thần an ủi, củng cố, và cảm thông hiện ra để giúp Chúa Giêsu, và giúp chúng ta bền đỗ cho đến cùng của cuộc hành trình.
[2] x. Sáng Thế 32:23-32.
[3] x. Do Thái 5:7.
[4] Blaise Pascal, Pensées, số. 555, ed. Brunswieg.
Chặng thứ Hai
Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt
Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? "
Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: "Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không? ". Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng: "Thôi, ngừng lại." Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
Sau đó Đức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm."
Lc 22:47-53
Suy Niệm:
Giữa những cây ôliu trong vườn Giệtsimani đang chìm trong bóng đêm, một nhóm nhỏ đang tiến ra: dẫn đầu nhóm này là Giuđa, “một trong nhóm Mười Hai”, một môn đệ của Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Luca, Giuđa không nói một lời nào, ông ta chỉ hiện diện, một sự hiện diện lạnh lùng. Dường như ông ta đã không thể hôn mặt Chúa Giêsu vì bị chặn lại bởi những lời đang vang lên, là lời của chính Chúa Giêsu: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? ". Đó là những lời đau lòng nhưng cương quyết; những lời này vạch trần gút mắc của tội lỗi đang cư trú trong con tim xáo trộn và chai cứng của người môn đệ, một người có lẽ đã bị lừa gạt, thất vọng và đang trên bờ tuyệt vọng.
Suốt dòng lịch sử, sự phản bội và cái hôn Giuđa đã trở thành biểu tượng của cơ man những bất trung, bội giáo, và lường gạt. Và vì thế Chúa Kitô đang phải đối diện với một thử thách khác: sự phản bội và hệ quả của nó là cảm giác bị bỏ rơi và cô đơn. Đó không phải là trạng thái cô tịch Ngài yêu thích khi lui vào trong chốn hoang vắng để cầu nguyện, đó không phải là trạng thái cô tịch là nguồn mạch của bình an và yên hàn mà nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được mầu nhiệm của tâm hồn và của Thiên Chúa. Trái lại, đó là một kinh nghiệm cay đắng của tất cả những ai, chính trong giây phút chúng ta đang tụ họp nơi đây, cũng như tại những thời khắc khác trong ngày, đang thấy họ cô đơn trong một căn phòng, đối diện với một bức tường trơ trụi hay trước một chiếc điện thoại im bặt, bị mọi người bỏ rơi vì họ là người già yếu, là ngoại kiều hay khách lạ. Cùng với họ, Chúa Giêsu đang phải uống từ trong chén chứa đựng nọc độc của sự bỏ rơi, cô đơn và thù nghịch.
Cảnh tượng của vườn Giệtsimani khi đó đột nhiên trở nên náo nhiệt: ngược lại với hình ảnh trước đó của cầu nguyện, trang trọng, thân tình và yên tĩnh giờ đây, dưới những cây ôliu, là hình ảnh của đối nghịch, huyên náo, và cả bạo lực. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đứng ở vị thế trung tâm, không lay chuyển. Ngài biết rõ rằng sự dữ bao trùm lịch sử con người bằng chiếc khăn liệm của bắt nạt, gây hấn và tàn bạo: “Đây là giờ của các ngươi, là thời của quyền lực tối tăm”.
Chúa Kitô không muốn các môn đệ của Ngài, đang sẵn sàng tuốt gươm, phản ứng lại sự ác bằng một sự ác khác, bạo lực bằng bạo lực hơn nữa. Ngài chắc chắn rằng quyền lực của tăm tối – bề ngoài có vẻ là bất khả chiến bại và thỏa mãn với những chiến thắng – nhưng cuối cùng nó sẽ bị đánh bại. Đêm tối sẽ phải nhường bước cho rạng đông, bóng tối phải lui đi trước ánh sáng, sự phản bội sẽ bị khuất phục trước ăn năn. Như chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta trên núi Tám Mối Phúc Thật, chúng ta cần phải “thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta”[5] nếu chúng ta muốn thấy một thế giới mới mẻ và khác biệt.
[5] Mt 5:44
Chặng thứ Ba
Đức Giêsu bị Thượng Hội Đồng Do Thái kết án
Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi: "Ông có phải là Đấng Mêsia thì nói cho chúng tôi biết! "
Người đáp: "Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng."
Mọi người liền nói: "Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? "
Người đáp: "Đúng như các ông nói, chính tôi đây."
Họ liền nói: "Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói! "
(Lc 22:66-71)
Suy Niệm:
Bình minh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vươn lên từ Núi Cây Dầu, sau khi chiếu sáng các thung lũng sa mạc miền Giuđa. Bẩy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa, cơ chế cao nhất của Do Thái, đã tập trung thành một vòng bán cung chung quanh Chúa Giêsu. Phiên xử khai mạc với thủ tục thông thường của tòa án: kiểm tra lý lịch của bị cáo, đưa ra những lý do để buộc tội, và nghe các nhân chứng. Việc xét xử một vấn đề tôn giáo thuộc về thẩm quyền của tòa án này. Điều này được biểu lộ từ hai câu hỏi chủ yếu: “Ông có phải là Đấng Kitô? Ông có phải là con Thiên Chúa không?”
Câu trả lời của Chúa Giêsu khởi đầu từ một căn bản hầu như thất vọng: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời”. Ngài biết rằng nghi ngại, ngờ vực và hiểu lầm đang vây quanh Ngài. Ngài có thể thấy mình đang bị vây quanh bởi bức tường của nghi kỵ và thù địch, và cảm thấy nặng nề hơn bởi bức tường đó được dựng lên bởi chính cộng đồng tôn giáo và quốc gia của Ngài. Vịnh gia đi trước Ngài đã có một kinh nghiệm chán chường như thế: “Nếu sự lăng mạ cho ta đến từ một kẻ thù, ta có thể chịu được; nếu kẻ cạnh tranh với ta nổi lên chống lại ta, ta có thể tránh né. Nhưng chính là ngươi, bạn đồng hành của ta, bạn thiết của ta! Tình nghĩa chúng ta thân thiết là dường nào. Chúng ta đã không từng tiến bước thuận thảo trong nhà Thiên Chúa đó sao?”[6].
Thế nhưng, mặc dù có sự nghi kỵ ấy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại công bố mầu nhiệm nơi Ngài, mầu nhiệm mà từ giờ phút đó sẽ được tỏ lộ như một sự hiển linh. Sử dụng ngôn từ của Thánh Kinh, Ngài tuyên xưng mình là “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Vinh quang của Đấng Cứu Thế được Israel trông đợi giờ đây hiển thị nơi người tù này. Thật vậy, đó chính là con Thiên Chúa, Đấng mà giờ đây, oái oăm thay lại xuất hiện dưới hình dạng của một người bị kết án. Câu trả lời của Chúa Giêsu – “Tôi là” – thoạt đầu nghe có vẻ là lời tự thú của một bị cáo, nhưng thực tế là một lời tuyên xưng trang trọng về thần tính của Ngài. Trong Thánh Kinh, hai chữ “Tôi là” chính là tên gọi và là danh xưng của chính Thiên Chúa[7].
Lời cáo buộc, mà tối hậu dẫn đến một án tử, vì vậy trở nên một mạc khải, và cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người bị cáo ấy, bị hạ nhục bởi một nhóm kiêu căng, một phiên tòa kiêu hãnh, bởi một bản án đã được đóng dấu sẵn, nhắc nhở chúng ta nghĩa vụ chứng tá cho sự thật. Một chứng tá phải được mạnh mẽ đưa ra vang dội ngay cả khi ta bị cám dỗ mạnh mẽ muốn che đậy, cam chịu, hay chiều theo ý kiến đang thịnh hành. Nói theo một phụ nữ trẻ Do Thái bị kết án phải chết trong một trại tập trung[8]: “ đối lại với mỗi trò kinh tởm hay một tội ác mới, chúng ta phải đưa ra một mảnh mới của sự thật và điều thiện chất chứa trong chúng ta. Chúng ta có thể phải đau khổ nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.
[6] Tv 55(54): 12-15.
[7] x. Xh 3:14.
[8] Etty Hillesum, Nhật Ký 1941-1943 (3/7/1943).
Chặng thứ Tư
Ông Phêrô chối Chúa Giêsu
Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”
Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị! "
Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng! " Nhưng ông Phêrô đáp lại: "Này anh, không phải đâu! "
Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê."
Nhưng ông Phêrô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì! "
Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.
Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."
Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Lc 22:54-62
Suy Niệm:
Chúng ta hãy quay lại đêm chúng ta đã bỏ lại đằng sau khi tiến vào phòng Chúa Giêsu bị xử án lần thứ nhất. Bóng đêm và cái lạnh đã bị xuyên thủng bởi những ánh lửa bập bùng trong sân của dinh Hội Đồng Công Tọa. Các người đầy tớ và lính tráng đang hơ tay cho ấm; ánh lửa soi rõ mặt họ. Và ba giọng nói, lần lượt tiếp nối nhau, vang lên, và ba cánh tay chĩa thẳng vào khuôn mặt mà họ nhận ra, khuôn mặt ông Phêrô.
Đầu tiên là một giọng đàn bà. Chị ta là người tớ gái trong dinh; nhìn thẳng vào mắt người môn đệ, chị ta thốt lên: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”. Rồi một giọng đàn ông vang lên: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”. Một người đàn ông khác sau đó cũng đã đưa ra một cáo buộc tương tự sau khi nghe giọng miền Bắc của ông Phêrô: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.".
Đối diện với những tuyên bố này, vị Tông Đồ, trong một phản ứng tự vệ hốt hoảng đã không ngại nói dối “Tôi không biết ông Giêsu! Tôi không phải là môn đệ ông ấy! Tôi không biết ông đang nói gì!”. Ánh lửa bập bùng trong sân xuyên thấu qua khuôn mặt của ông Phêrô và phơi bày tâm hồn tan nát của ông, sự yếu đuối, tính ích kỷ và nỗi khiếp nhược của ông. Chỉ vài giờ trước đó, ông đã tuyên bố “"Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." [9]
Tuy nhiên, tấm màn đã không buông xuống trên sự phản bội này như trường hợp của Giuđa. Trong đêm đó một tiếng nói chọc thủng sự yên tĩnh của Giêrusalem, đặc biệt là lương tâm của chính ông Phêrô, đó là tiếng gà gáy. Chính ngay lúc này, Chúa Giêsu tiến ra từ trong phiên tòa đã kết án Ngài. Thánh Luca mô tả ánh mắt trao đổi giữa Chúa Kitô và ông Phêrô bằng một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhìn chằm chặp vào mặt một người nào. Nhưng như vị Thánh Sử ghi nhận, đó không phải là ánh mắt một người nhìn một người, đó là “Chúa”, với ánh mắt nhìn thấu thẳm sâu tâm hồn, nơi tận cùng của những bí ẩn trong lòng người.
Từ đôi mắt vị Tông Đồ nhỏ ra những giọt lệ ăn năn. Trong câu chuyện của ngài cô đọng biết bao những câu chuyện về bất trung và hoán cải, về yếu đuối và tự do. “Tôi khóc và tôi tin!” trong hai chữ đơn giản này, hàng trăm năm sau, một người hoán cải [10] đã so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của ông Phêrô, qua đó nói thay cho chúng ta, những người trong cuộc sống hàng ngày đã có những phản bội nho nhỏ, trong khi tự biện hộ cho mình với những lời biện minh hèn nhát, và để cho chính mình bị khuất phục bởi sợ hãi. Nhưng, như vị Tông Đồ, chúng ta cũng có thể chọn con đường đem chúng ta đến với ánh mắt Chúa Kitô và chúng ta có thể nghe Ngài ủy thác cho chúng ta với cùng một sứ vụ: cả anh nữa “một khi anh đã trở lại, hãy củng cố anh em mình”[11].
[9] Mc 14:29, 31.
[10] FRANÇOIS-RENÉ DE CHATEAUBRIAND, Sự chân thật của Kitô Giáo (1802).
[11] Lc 22:32.
Chặng Thứ Năm
Chúa Giêsu chịu quan Philatô xét xử
Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra."
Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi! "Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá! "
Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra." Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
(Lc 23:13-25)
Suy Niệm:
Chúa Giêsu giờ đây bị bủa vây với những dấu hiệu của đế quốc, những cờ xí, những con ó và những tiêu chuẩn của thẩm quyền đế quốc, và còn thêm nữa, một thành trì của quyền lực là dinh tổng trấn Philatô, một con người khó hiểu mà tên tuổi không ai biết đến trong lịch sử Đế Quốc La Mã. Nhưng đó lại chính là tên chúng ta nghe mỗi ngày Chúa Nhật trên khắp thế giới, chính phiên tòa đã diễn ra nơi đây nên trong Kinh Tin Kính các tín hữu Kitô tuyên xưng Chúa Kitô “chịu đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô”. Đàng khác, con người này dường như là hóa thân của một sự áp chế tàn bạo, cỡ như Thánh Luca đã mô tả trong một trang khác trong Phúc Âm của ngài khi đề cập đến một ngày bên trong đền thờ ông này đã trộn máu của người Do Thái với máu súc vật bị sát tế [12]. Về phía ông này, chúng ta chứng kiến một quyền lực tối tăm và lạ lẫm khác: quyền lực tàn bạo của đám đông bị lèo lái bởi những lực lượng bí mật đang giăng bẫy trong hậu trường. Kết quả là quyết định phóng thích một tên nổi loạn và giết người là Barabas.
Mặt khác, chúng ta lại thấy ló dạng một hình ảnh khác của Philatô: ông ta dường như tiêu biểu cho một sự bình đẳng pháp luật truyền thống và cho tính khách quan của luật La Mã. Thật vậy, đã ba lần Philatô có ý muốn thả Chúa Giêsu vì không có đủ bằng chứng, trong khi đề ra phán quyết cùng lắm là đánh đòn mà thôi. Các cáo buộc chống lại Chúa Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp nghiêm chỉnh. Như những gì mà các Thánh Sử đã trình bày, Philatô biểu thị một sự cởi mở nhất định, một thái độ đón nhận mà cuối cùng đã dần dà phai nhạt và biến mất.
Bị áp lực bởi ý kiến công chúng, Philatô chọn một thái độ thường thấy trong thời đại chúng ta: thờ ơ, thiếu quan tâm, lo cho mình trên hết. Để tránh rắc rối và có thể vươn lên nữa, chúng ta sẵn sàng giày đạp sự thật và công lý. Sự vô luân minh nhiên tối thiểu còn gây ra được một cú sốc hay một phản ứng nào đó, chứ cách hành xử thuần tuý phi luân này không gây ra chút băn khoăn nào; nó làm tê liệt lương tâm, đè nén sự hối hận, và làm chai lỳ tâm trí. Cho nên, sự thờ ơ là cái chết chậm của nhân loại đích thật.
Hậu quả có thể thấy được trong lựa chọn cuối cùng của Philatô. Như những người La Mã xưa thường nói, một thứ công lý sai lầm và lãnh đạm giống như một mạng nhện trong đó những con ruồi kẹt lại và chết đi nhưng những con chim có thể xé toạc đi bằng sức mạnh lực bay của mình. Chúa Giêsu, một trong những con người thấp cổ bé họng trên trần gian này, không có quyền bật lên một lời, bị chết nghẹt trong mạng lưới này. Và như chúng ta thường làm, Philatô đứng nhìn từ xa xa, rửa tay, và như một người vô can, quay đi – qua đó Thánh Sử Gioan chỉ ra cho chúng ta [13] – câu hỏi muôn đời tiêu biểu cho mọi hình thái của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa luân lý tương đối: “Sự thật là gì?”.
[12] x. Lc 13:1.
[13] Ga 18:38
Chặng thứ Sáu
Chúa Giêsu bị đánh đòn và bị đội mão gai
Những kẻ canh giữ Đức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: "Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? "
Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
(Lc 22:63-65)
Một ngày kia, khi đang tiến bước trong thung lũng Giođan, không xa Giêricô bao nhiêu, Chúa Giêsu đã dừng lại và nói với nhóm Mười Hai những lời bốc lửa, những lời họ thấy khó hiểu: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người” [14]. Giờ đây, cuối cùng ý nghĩa đầy đủ của những lời lạ lùng này được tỏ lộ: trong sân quan tổng trấn, địa sở của vị toàn quyền Rôma tại Giêrusalem, nghi thức tra tấn dã man bắt đầu, trong khi bên ngoài dinh, những lời bàn tán của đám đông mỗi lúc một rộ lên, trong niềm trông đợi được thấy cảnh tử tội bị điệu ra pháp trường.
Trong căn phòng đóng kín với công chúng, những gì xảy ra sẽ tiếp tục được lặp lại hết đời này sang đời khác trong hàng ngàn những cách thế tàn bạo và gian ác, trong tăm tối của cơ man những nhà tù trên thế giới. Chúa Giêsu không chỉ bị đánh đập thể lý nhưng còn bị chế nhạo. Thật vậy, để tường thuật những sỉ nhục này, Thánh Sử Luca đã dùng từ “xúc phạm” như muốn đưa ra ý nghĩa sâu xa của thứ bạo lực mà các binh sĩ này gây ra trên nạn nhân của chúng. Những tra tấn gây thương tổn cho thân xác Chúa Kitô đã được kèm theo với những lời nhạo báng chà đạp lên nhân phẩm của Ngài.
Thánh sử Gioan tường thuật về màn sỉ nhục này, được quân lính bắt chước theo trò chế nhạo thường thấy. Một vương miện làm bằng gai nhọn; tấm khăn choàng tím vương giả được thế đỡ bằng chiếc áo khoác đỏ; và lời kính chào dành cho một vị vua “Chào Caesar!”. Tuy nhiên, đằng sau tất cả trò chế nhạo này chúng ta có thể thấy một dấu chỉ vinh quang: đúng thế, Chúa Giêsu bị nhạo cười như một vị vua giả nhưng thực tế Ngài là Chủ Tể thực sự của lịch sử.
Cuối cùng, khi vương quyền của Ngài được hiển trị - như một Thánh Sử khác, Thánh Matthêu đã nói với chúng ta [15] Ngài sẽ lên án những kẻ tra tấn và những kẻ độc tài, và sẽ triệu vời vào vinh quang của Ngài không chỉ những nạn nhân của chúng, nhưng còn tất cả những ai đã từng thăm viếng các nhà tù, chữa lành các vết thương và các sầu khổ, giúp đỡ những ai đói khát và bị bách hại. Tuy nhiên, trong giờ này đây, khuôn mặt đã từng được biến hình sáng láng trên núi Tabor[16] đang bị biến dạng; Đấng là “phản ánh của vinh quang Thiên Chúa”[17] đang bị đánh đập và tơi tả; như tiên tri Isaiah đã công bố, Đấng Mêsia Tôi Tớ Thiên Chúa đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ [18].Trong Ngài, Thiên Chúa của vinh quang, sự đau khổ của nhân loại được tỏ lộ; trong Ngài, Chúa của lịch sử, sự yếu đuối của mọi loài thọ tạo được phơi bày; trong Ngài Đấng Dựng Lên trời đất, tiếng kêu đau thương của mọi loài thọ tạo tìm thấy tiếng vang.
[14] Lc 18:31-32
[15] x. Mt 25:31-46.
[16] x. Lc 9:29.
[17] x. Dt 1:3.
[18] x. Is 50:6
Chặng Thứ Bẩy
Chúa Giêsu vác thánh giá
Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.
(Mc 15:20)
Suy Niệm:
Trong sân của quan tổng trấn, trò chế giễu tàn bạo đã chấm dứt, chiếc áo điều giễu cợt được lấy đi, các cánh cửa được mở ra. Và Chúa Giêsu tiến ra, mặc y phục của Người, áo dài “không có đường chỉ khâu, được dệt liền từ trên xuống dưới” [19]. Hai vai Người cong oằn dưới đòn ngang của thập giá nơi sẽ đón nhận tay Người và ghim lại bằng đinh sắt. Ngài chỉ còn là một sự hiện diện câm nín, dấu chân Ngài đầy máu và đau đớn đến nỗi ngày nay nẻo đường Ngài vác thập giá đi qua còn mang tên “Via Dolorosa” (Con đường Đau Đớn).
Giờ đây khi khởi hành Đường Thánh Giá, con đường chúng ta lặp lại hôm nay, con đường dẫn tới pháp trường, bên ngoài các bức tường của thành thánh, Chúa Giêsu lê bước chậm chạp tới trước, thân thể tan nát, yếu đuối của Ngài oằn đi dưới sức nặng của thập giá. Truyền thống đã đánh dấu một cách biểu tượng con đường này với ba cái té ngã. Ba cái ngã quỵ này phản ánh câu chuyện không bao giờ dứt của tất cả những người nam nữ đang oằn xuống dưới sức nặng của nghèo đói: những trẻ em yếu ớt, những người già yếu, những người nghèo và yếu thế, những người đang bị hút hết sức lực.
Ba cái té ngã này cũng nói lên câu chuyện của tất cả những ai cô đơn và bất hạnh, bị bỏ quên bởi đám đông bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời. Trong Chúa Kitô, Đấng đang oằn lưng dưới sức nặng của thập giá, chúng ta thấy cái nhân loại yếu ớt và bệnh hoạn mà tiên tri Isaia đã nói [20] “từ lòng đất, ngươi sẽ cất tiếng lên; từ cát bụi, lời ngươi sẽ thều thào yếu ớt; từ lòng đất, tiếng ngươi sẽ vọng lên tựa như tiếng vong hồn: lời ngươi sẽ thì thào từ cát bụi”.
Ngày nay cũng như vào thời đó, chung quanh Chúa Giêsu khi Ngài gắng gượng đứng lên và lê bước về phía trước dưới cây thập giá, là cuộc sống hàng ngày của phố phường, tấp nập với những giao dịch ngược xuôi, những hàng quán sáng trưng, và những truy hoan thâu đêm suốt sáng. Chung quanh Ngài, tuy vậy, không chỉ có thù địch và dửng dưng. Ngày nay cũng vẫn còn có những con người chọn lựa theo Ngài, dấn bước theo bước chân Ngài. Họ đã nghe những lời hiệu triệu Ngài đã đưa ra ngày nào khi rảo bước qua những cánh đồng miền Galilê: “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” [21]. “Vậy ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu.”[22] Cuối con đường Via Dolorosa không chỉ có Đồi Sọ hay tăm tối của nấm mồ, nhưng cũng có đồi Thăng Thiên, đồi của ánh sáng.
[19] Ga 19:23.
[20] Is 29:4.
[21] Lc 9:23
[22] Dt 13:13
Chặng Thứ Tám
Ông Simon xứ Kyrênê vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu
Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.
(Lc 23:26)
Suy Niệm:
Ông ta từ ngoài đồng trở về có lẽ sau một vài giờ làm việc đồng áng. Đợi chờ ông ở nhà là những công việc chuẩn bị cho ngày đại lễ: thật vậy, chiều xuống sẽ đánh dấu sự khởi đầu của ngày Sabbath khi những ánh sao đầu tiên lấp lánh trên bầu trời hoàng hôn. Ông ta tên là Simon; một người Do Thái; gốc Kyrênê, một thành phố nằm trên bờ biển Libya nơi có một cộng đoàn đông đảo những người Do Thái Hải Ngoại [23]. Đội lính Rôma áp giải Chúa Giêsu chặn ông lại và một lệnh cộc lốc được ban ra buộc ông đổi lộ trình để vác đỡ thánh giá cho người tử tội dở sống dở chết.
Ông Simon là người bộ hành tình cờ; ông không hề biết cuộc gặp gỡ ngoại thường ấy là thế nào. Như một người đã từng viết [24], “có biết bao nhiêu người dọc dài các thế kỷ đã muốn có mặt tại đó, vào chỗ của ông, để tình cờ đi ngang qua đúng vào thời điểm ấy. Nhưng đã quá trễ, chính ông đã có mặt vào lúc đó và qua dòng thời gian đã không nhường chỗ cho ai khác”. Ở đây chúng ta thấy mầu nhiệm gặp gỡ tình cờ với Thiên Chúa đã xảy ra cho biết bao cuộc đời. Thánh Tông Đồ Phaolô, đã bị Chúa Kitô chặn lại, nắm bắt và “chinh phục” [25] trên con đường Đamátcô. Và điều này dẫn đưa ngài đến một suy tư mới mẻ về những lời đầy kinh ngạc này của Thiên Chúa: “Những kẻ không tìm Ta, lại được gặp Ta; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy”[26]
Thiên Chúa rình chờ chúng ta trên các nẻo đường đời. Đôi khi Ngài gõ cửa nhà và đòi ngồi cùng bàn ăn với chúng ta[27]. Ngay cả một cuộc gặp gỡ tình cờ như cuộc gặp gỡ với ông Simon xứ Kyrênê cũng có thể dẫn đến hồng ân hoán cải. Quả thật, Thánh Sử Máccô đã nêu danh tính hai người con ông Simon là Alexander và Rufus, đã trở thành những Kitô hữu [28]. Như thế, ông Simon trở thành biểu tượng cho mầu nhiệm gặp gỡ giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực của con người. Thật thế, cuối cùng Thánh Sử đã mô tả ông như người môn đệ “vác đỡ thánh giá theo sau Chúa Giêsu” và tiến bước theo chân Chúa [29].
Từ việc bị cưỡng bách, cử chỉ của ông Simon đã biến thành biểu tượng của mọi hành vi liên đới với những người đau khổ, những người bị áp bức, những người mệt nhọc. Như thế con người xứ Kyrênê này tiêu biểu cho đoàn lũ đông đảo những người quảng đại, những thừa sai, những người Samaritanô nhân lành “không tránh qua lối khác mà đi” [30] nhưng cúi mình xuống giúp những người đau khổ, vác họ lên, và nâng đỡ họ. Trên đầu và trên vai ông Simon, đang oằn xuống dưới sức nặng của thánh giá, vang vọng lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” [31].
[23] x, Cv 2:10; 6:9; 13:1.
[24] CHARLES PÉGUY, Mầu Nhiệm Lòng Bác Ái Thánh Joan thành Arc (1910).
[25] Philip 3:12.
[26] Rm 10:20.
[27] x. Kh 3:20.
[28] x. Mc 15:21.
[29] x. Lc 9:23.
[30] x. Lc 10:30-37.
[31] Gl 6:2.
Chặng thứ Chín
Chúa Giêsu an ủi những người phụ nữ thành Giêrusalem đi theo Người
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người son sẻ, kẻ không cho bú mớm! "
Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?"
(Lc 23:27-31)
Trong ngày thứ Sáu mùa xuân hôm đó, con đường dẫn tới đồi Golgotha có hàng dài người trong đó không chỉ có những người ăn không ngồi rồi, những kẻ tò mò và những kẻ thù ghét Chúa Giêsu. Còn có cả một nhóm những người phụ nữ, có lẽ là các thành viên của một hội đoàn chuyên an ủi và than khóc cho những người hấp hối và những tử tội. Trong cuộc đời trần thế của mình, Chúa Giêsu đã vượt qua những ước lệ và thành kiến và thường có những người phụ nữ vây quanh Người. Người hoán cải họ, lắng nghe những khó khăn lớn nhỏ của họ; từ cơn sốt của bà nhạc ông Phêrô tới thảm kịch của bà góa thành Nain, từ người phụ nữ mãi dâm mắt đẫm lệ cho tới những đau khổ nội tâm của bà Maria Mađalêna, từ sự thương mến của Mátta và Maria cho đến những khổ đau của người phụ nữ mắc bệnh băng huyết, từ con gái ông Giairô cho tới bà cụ lưng còng, từ người phụ nữ thượng lưu Giôanna, vợ ông Chuza, tới người đàn bà góa nghèo và những gương mặt những người phụ nữ trong đám đông đi theo Người.
Như thế, Chúa Giêsu trong giờ sau hết của Ngài đã được vây bọc bởi một thế giới những bà mẹ, những con gái và những chị em. Bên cạnh Người giờ đây chúng ta có thể tưởng tượng ra hết tất cả những phụ nữ bị bạo hành và hạ nhục, những người bị loại ra ngoài lề và những người phải cúi đầu tuân phục các hủ tục xấu xa của bộ tộc, những phụ nữ đang hoang mang trước nghĩa vụ nuôi dạy con một mình, những bà mẹ Do Thái và Palestine, và tất cả những phụ nữ từ các quốc gia đang chìm trong khói lửa chiến tranh, những phụ nữ góa bụa và những người già bị con cái lãng quên.. Trước một thế giới khô khan và vô cảm vẫn có một đoàn lũ những phụ nữ mang chứng tá của lòng dịu hiền và thương xót, như những gì họ đã làm cho Người Con bà Maria trong buổi gần trưa hôm đó tại Giêrusalem. Họ dạy cho chúng ta biết vẻ đẹp của con tim xúc cảm: rằng chúng ta không nên xấu hổ khi con tim mình run lên vì lòng thương cảm, khi lệ trào trên khoé mắt, khi chúng ta đứng trước nhu cầu cần có những cử chỉ vỗ về và những lời ủi an.
Chúa Giêsu không phải không biết đến quan tâm bác ái của những người phụ nữ ấy như có lần Ngài đã tiếp nhận những cử chỉ tế nhị khác. Nhưng thật nghịch lý là giờ đây chính Ngài là người quan tâm đến những đau khổ sắp đổ xuống đầu “những nữ tử thành Giêrusalem”: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. Thật thế, chập chờn ở phía chân trời là một trận hỏa hoạn đang sắp chụp xuống trên dân và trên thành thánh, một “cây khô” đang sẵn sàng bắt lửa.
Cái nhìn của Chúa Giêsu hướng đến sự phán xử của Thiên Chúa trong tương lai đối với tội lỗi, bất công và thù hận đang dưỡng nuôi ngọn lửa đó. Chúa Giêsu xót thương cho những đau khổ đang rình chờ đổ xuống trên các bà mẹ ấy một khi sự can thiệp chính đáng của Thiên Chúa vào trong lịch sử nổ ra. Nhưng những lời run rẩy của Ngài không phải là dấu ấn đóng trên một định mệnh tuyệt vọng, vì Ngài nói với tiếng nói của các ngôn sứ, một tiếng nói không gây ra khổ đau và cái chết, nhưng nẩy sinh ra hoán cải và sự sống: “Hãy tìm kiếm Thiên Chúa thì các ngươi sẽ được sống! Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa, trẻ già cùng mở hội tưng bừng. Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, họ sẽ được an ủi vui mừng.”[32]
[32] Am 5:6; Gr 31:13.
Chặng Thứ Mười
Chúa Giêsu chịu đóng đinh
Khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! "
Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ngươi là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi! "
Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua dân Do Thái."
(Lc 23:33-38)
Suy Niệm:
Đó chỉ là một tảng núi đá tiếng Aramaic gọi là Gôngôtha và tiếng La Tinh gọi là Canvê, “đồi Sọ”, có lẽ vì hình thù của nó giống một cái sọ người. Trên đỉnh đồi có ba cây thập giá của những người bị kết án tử hình, hai tên “tội phạm”, có lẽ đã làm cách mạng chống lại người Rôma, và Chúa Giêsu. Những giờ sau cùng của cuộc đời trần thế của Chúa Kitô bắt đầu, các giờ khắc được đánh dấu bởi xương thịt Ngài bị xé nát, xương bị dời chỗ, ngộp thở dần, và nỗi cô đơn trong lòng. Đây là những giờ phút minh chứng sự liên đới hoàn toàn của Con Thiên Chúa với con người đau khổ và hấp hối.
Một thi nhân [33] có lần ngâm rằng: “Người trộm bên phải và người trộm bên trái / chỉ cảm thấy dấu đinh ghim trong lòng bàn tay / Nhưng Chúa Kitô cảm thấy đau đớn vì ơn cứu chuộc / cạnh sườn xé ra, con tim bị đâm thâu / Chính con tim bừng cháy / Con tim bị thiêu đốt vì tình yêu”. Thật vậy, tất cả chung quanh thập giá dường như vang vọng tiếng của tiên tri Isaia: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu đánh phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Người đã hiến thân làm lễ vật đền tội” [34] Đôi tay giang rộng của thân mình bầm dập ấy muốn ôm vào lòng toàn thể chân trời nhân loại, “như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh” [35]. Vì đó chính là sứ mệnh của Người “Khi ta được treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” [36].
Bên dưới thân thể đang hấp hối ấy là đám đông háo hức “nhìn xem” một cảnh tượng kinh hoàng. Đó là bức tranh của sự hời hợt, của tính tò mò tầm thường, của sự săn lùng cảm giác mạnh. Một bức tranh nơi đó chúng ta có thể thấy hình bóng của xã hội chúng ta ngày nay, một xã hội lựa chọn sự kích thích và quá đáng như thể chúng là liều thuốc có thể vực dậy một tâm hồn lờ đờ, một con tim chai cứng, và một trí tuệ tăm tối.
Bên dưới thập giá ấy cũng có sự tàn ác lạnh lùng và cứng nhắc của những nhà lãnh đạo và quân lính, những kẻ mà sự thô bạo của chúng có khả năng buông ra những lời chế nhạo người đang đau khổ và hấp hối bởi lời nhạo cười: “Nếu ngươi là Vua Dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi!” Họ không ý thức được những lời cười nhạo cay cú của họ và tấm bảng chính thức trên thánh giá “Đây là Vua Dân Do Thái” – hoàn toàn là sự thật. Dĩ nhiên Chúa Giêsu không xuống khỏi thập giá với một thay đổi thình lình: Ngài không muốn sự vâng phục nô lệ dựa trên phép lạ, nhưng muốn một đức tin tự do, một tình yêu đích thật. Chính qua sự khổ nhục và cái chết hoàn toàn bất lực ấy, Ngài mở ra cánh cửa quang vinh và sự sống, và mạc khải chính Ngài là Chúa thật và là Vua của lịch sử và thế giới.
[33] CHARLES PÉGUY, Mầu Nhiệm Lòng Bác Ái Thánh Joan thành Arc (1910).
[34] Is 53:5, 10.
[35] Lc 13:34.
[36] Ga 12:32.
Chặng thứ Mười Một
Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho người trộm lành
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! " Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "
Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”
"Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
(Lc 23:39-43)
Suy Niệm:
Những giây phút còn lại đang dần qua khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết; sức sống và sức mạnh của Ngài đang kiệt dần. Tuy thế, Ngài vẫn còn chút sức lực để thực hiện cử chỉ yêu thương cuối cùng cho một trong hai người bị kết án tử hình là những người đang bên cạnh Ngài trong giờ phút bi thảm này, khi mặt trời công chính còn cao vời vợi trên thiên quốc. Giữa Chúa Kitô và con người đó, một cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã diễn ra, với hai câu thiết yếu.
Đầu tiên là lời thỉnh cầu của người tội phạm mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Hầu như anh ta đang xướng lên một phiên bản “Kinh Lạy Cha” của cá nhân anh với lời cầu “Nước Chúa trị đến!”. Nhưng anh ta đọc kinh ấy trực tiếp với Chúa Giêsu, kêu tên Người, một danh xưng có ý nghĩa ngoại thường trong giờ phút đó: “Thiên Chúa cứu chuộc”. Sau đó là một lời thỉnh cầu “Xin nhớ đến tôi!”. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh động từ này có một lực đặc biệt chuyển tải nhiều hơn từ “nhớ” không có chút sắc mầu nào của chúng ta. Đó là từ thở ra sự xác tín như thể nói: “Xin giữ gìn tôi, xin đừng bỏ tôi, như bằng hữu nâng đỡ và bảo vệ tôi!”.
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”. Từ “Thiên Đàng” này rất hiếm thấy trong Thánh Kinh. Thật vậy, từ này chỉ xuất hiện hai lần nữa trong Tân Ước [37]. Trong nghĩa nguyên thủy từ này gợi ra một khu vườn huy hoàng và đầy hoa trái. Đó là hình ảnh đẹp của Vương Quốc ánh sáng và hòa bình mà Chúa Giêsu đã công bố trong những lời rao giảng, và đã hé mở với những phép lạ của Ngài, cũng như sẽ nhanh chóng xuất hiện trong vinh quang Phục Sinh. Đó là mục tiêu của cuộc hành trình khó nhọc của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đó là sự viên mãn của cuộc sống, đó là sự thân mật trong vòng tay Thiên Chúa. Đó là hồng ân chung cuộc Chúa Kitô trao cho chúng ta, trong sự hy sinh đến chết trên thập giá của Ngài để mở ra vinh quang phục sinh.
Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
[37] x. 2 Cr 12:4; Kh 2:7.
Chặng thứ Mười Hai
Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ và người môn đệ
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."
Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh."
Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
(Ga 19:25-27)
Suy Niệm:
Mẹ đã bắt đầu phải đứng cách xa Con từ lúc Chúa Giêsu lên Mười Hai khi Ngài nói rằng Ngài có một nhà khác và một sứ vụ khác phải chu toàn, nhân danh Thiên Chúa Cha trên trời. Nhưng giờ đây Mẹ Maria đứng trước khoảng khắc phải xa con hoàn toàn. Vào giờ phút đó, có nỗi đau xé lòng của những bà mẹ phải chứng kiến điều trái với tự nhiên là người tóc bạc đưa người tóc xanh. Nhưng Thánh Sử Gioan xóa bỏ mọi giọt lệ trên khuôn mặt khổ đau, làm câm nín mọi tiếng kêu bi thương từ môi Mẹ, và cũng không để Mẹ buông mình ngã nhào xuống đất trong tuyệt vọng.
Trái lại, sự im lặng thình lình bị đánh tan bởi một tiếng nói từ trên thánh giá và từ đôi môi Con Mẹ đang hấp hối. Hơn là một di chúc thông thường: đây là một mạc khải đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Mẹ Ngài. Sự phân ly tột cùng do cái chết đó không phải là một chung cuộc cằn cỗi nhưng đem lại hoa trái không ngờ như việc sinh con của một bà mẹ. Như chính Chúa Giêsu đã nói vài giờ trước đó, trong buổi chiều cuối cùng của cuộc đời tại thế của Ngài: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”[38].
Mẹ Maria trở lại làm một bà mẹ: không phải tình cờ mà trong một vài hàng của trình thuật Phúc Âm từ “mẹ” này đã xuất hiện đúng năm lần. Mẹ Maria trở lại làm một người mẹ và con Mẹ sẽ là tất cả những ai giống như “người môn đệ được yêu”, nghĩa là, tất cả những ai đặt mình dưới áo choàng ơn cứu độ của Chúa và theo Chúa Giêsu trong lòng tin và tình yêu mến.
Từ khoảng khắc đó, Mẹ Maria không còn đơn côi nữa. Mẹ trở thành hiền mẫu của Giáo Hội, một cộng đoàn đông đúc thuộc mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia, những người theo dòng thời gian sẽ cùng với mẹ quây quần bên thánh giá Chúa Kitô, người Con đầu lòng của Mẹ. Từ khoảng khắc đó, chúng ta bước cùng Mẹ trên những nẽo đường của hành trình đức tin, chúng ta ngụ cùng với Mẹ trong ngôi nhà Thánh Thần đã thổi trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta ngồi vào bàn nơi bẻ bánh Thánh Thể, và chúng ta trông đợi ngày Con Mẹ lại đến đưa chúng ta vào vinh quang muôn đời.
[38] Ga 16:21.
Chặng thứ Mười Ba
Chúa Giêsu chết trên thánh giá
Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”.
Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này thực là người công chính! "
(Lc 23:44-47)
Suy Niệm:
Lúc bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, màn đêm đã buông xuống trên thành Giêrusalem; giờ đây bóng tối của nhật thực trải dài như chiếc khăn liệm trên đồi Gôngôtha. “Quyền năng của tối tăm” [39] dường như che kín mảnh đất nơi Thiên Chúa đang hấp hối. Vâng, Con Thiên Chúa, để biến thành phàm nhân và huynh đệ thực sự với chúng ta, cũng phải uống chén sự chết, cái chết đã thực sự ghi dấu trên mỗi một hậu duệ của Ađam. Và vì thế Chúa Kitô “đã trở nên giống anh em của Người trong mọi phương diện” [40]; Ngài trở nên hoàn toàn như một người trong chúng ta, đứng bên phía chúng ta ngay cả trong cuộc vật lộn cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Một cuộc vật lộn có lẽ ngay lúc này đây đang xảy đến cho một người nam hay nữ nào đó trong thành phố Rôma này, và trong vô số những thành phố và làng mạc khắp nơi trên thế giới.
Đây không còn là một Thiên Chúa Hy Lạp và La Mã, vô cảm và xa cách, như một hoàng đế biệt cư trong những khung trời mạ vàng trong Thành Đô của mình. Trong Chúa Kitô đang hấp hối, Thiên Chúa giờ đây được tỏ lộ như một Đấng yêu thương tha thiết tạo vật của mình, ngay cả đến độ tự giam cầm mình trong biên giới tranh tối tranh sáng của khổ đau và cái chết. Thập giá vì thế trở thành một dấu chỉ nhân loại phổ quát nói lên sự cô đơn của cái chết, sự bất công và sự dữ. Nhưng đó cũng chính là một dấu chỉ thiên linh phổ quát cho hy vọng được thỏa mãn các trông đợi của mỗi một viên đại đội trưởng, nghĩa là của mỗi một người không nghỉ yên và đang kiếm tìm.
Trên thập giá ngút cao, lúc đang hấp hối trên giá treo ấy, Chúa Giêsu, trong lúc đang thở hắt ra những hơi thở cuối cùng, vẫn không ngừng là Con Thiên Chúa. Như vậy, vào giờ phút đó, mọi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được Thiên Chúa đón nhận lấy. Mỗi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được phủ bằng hào quang của sự bất tử, một mầm mống của sự sống đời đời được cấy vào trong nó, rạng ngời một ánh sáng thiên linh.
Như thế, dù không mất đi tính chất bi thảm của nó, cái chết giờ đây hé mở một khuôn mặt mới đầy bất ngờ: nó có chính đôi mắt của Thiên Chúa Cha trên trời. Chính vì thế trong giờ sau hết Chúa Giêsu đã bật lên một lời cầu đánh động con tim: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Chúng ta cũng hãy khẩn nài lời thỉnh cầu này cho chính mình như trong một bài thơ đầy tính nguyện cầu của một nữ thi sĩ: [41] “Lạy Cha, xin những ngón tay Cha cũng khép những bờ mi con lại/ Cha là một người Cha của con, hãy nhìn con như một người Mẹ hiền / bên giường của đứa con hiền đang say ngủ / Lạy Cha, xin hãy đến cùng con và ẳm con trong cánh tay Cha”.
[39] Lc 22:53.
[40] Dt 2:17.
[41] MARIE NOËL, Bài Ca và Thời Khắc (1930).
Chặng thứ Mười Bốn
Táng xác Chúa Giêsu trong mồ
Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành Arimathêa, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày Sabát bắt đầu ló rạng.
(Lc 23:50-54).
Suy Niệm:
Được bọc trong “khăn liệm”, thân xác bị đóng đanh bầm dập của Chúa Giêsu từ từ tuột khỏi đôi bàn tay yêu thương và nhân ái của ông Giuse thành Arimathêa để được đặt trong mồ đục sẵn trong núi đá. Trong các giờ thinh lặng sau đó, Chúa Giêsu sẽ thực sự giống như mọi người nam nữ đang đi vào bóng tối của cõi chết, của sự cứng đờ tứ chi, của chung cục. Tuy nhiên trong buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đó đã có cái gì đó trên không trung. Thánh Sử Luca ghi nhận rằng “ngày Sabát bắt đầu ló rạng”; đèn đã nhấp nháy bên trong cửa sổ nhiều ngôi nhà trong thành Giêrusalem.
Đêm vọng, được người Do Thái tuân giữ trong ngôi nhà của họ, đã thực sự là một biểu tượng của hy vọng cho những người phụ nữ, cho người môn đệ bí mật của Chúa Giêsu là ông Giuse thành Arimathêa, và các môn đệ khác. Một trông đợi giờ đây dâng lên làm ấm cúng trong lòng mỗi tín hữu, những người đang đứng trước một ngôi mộ hay đang cảm thấy bàn tay lạnh lẽo của bệnh tật hay cái chết sờ vào mình. Đó là một trông đợi cho một rạng đông mới mẻ và khác hẳn mà chỉ trong một vài giờ nữa, khi ngày Sabát đã đi qua, sẽ hiện ra trước mắt chúng ta, những đôi mắt của những người theo Chúa.
Khi ngày đó mở ra, trên con đường trước nấm mồ chúng ta sẽ gặp gỡ một thiên thần, người sẽ nói với chúng ta: “Tại sao các ngươi tìm người sống giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” [42]! Và khi chúng ta trở về nhà, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ đến gần và cùng đi với chúng ta, sẽ lưu ngụ cùng nhà với chúng ta và bẻ bánh tại bàn với chúng ta[43]. Rồi chúng ta cũng sẽ cầu nguyện với những lời đầy lòng tin trong bài cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu do một trong những nhạc sĩ tài danh nhất nhân loại sáng tác: [44]
“Dù tim con ứa lệ vì Chúa Giêsu nói lời ly biệt, nhưng di chúc của Người ban cho con niềm vui. Người để lại trong tay con một kho tàng vô giá, Mình và Máu Người. Ôi Chúa Cứu Thế của con, con muốn dâng lên Người tim con để Người ngự xuống đó! Con muốn chìm sâu trong Ngài! Nếu thế giới quá nhỏ với Chúa thì với con, chỉ Chúa thôi đã quá nhiều hơn cả thế giới và trời cao”.
[42] Lc 24:5-6.
[43] Lc 24:13-32.
[44] JOHANN SEBASTIAN BACH, Cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu, BWV 244, Nos. 18-19.
Đức Ông Gianfranco Ravasi năm nay 65 tuổi thuộc tổng giáo phận Milan, Italia. Ngài là tác giả của hơn 50 cuốn sách về Thánh Kinh. Ngài là giáo sư môn Thánh Kinh tại phân khoa Thần Học Bắc Italia, thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. Ngài cũng là thư viện trưởng thư viện Ambrôsiô tại Milan. VietCatholic đăng lại theo yêu cầu của quý cha và anh chị em
Chặng thứ Nhất
Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu
Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ."
Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha."
Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ."
(Lc. 22:39-46)
Suy Niệm:
Khi màn đêm buông xuống thành Giêrusalem, những cây ôliu trong vườn Giệtsimani với tiếng lá xào xạc cả ngày nay cũng như muốn đưa chúng ta trở về cái đêm đau khổ và cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ngài nổi bật, cô đơn, giữa quang cảnh đó, qùy gối trên đất của khu vườn. Như mọi người đang phải đối diện với cái chết, Chúa Kitô cũng đầy những đau khổ. Thực ra chữ nguyên thủy mà Thánh Gioan dùng là "agonia", chiến đấu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật thống thiết, căng thẳng như trong một trận chiến, và mồ hôi Ngài pha lẫn với máu chảy trên khuôn mặt Ngài là bằng chứng của một trạng thái bị hành hạ cam go, dữ dội.
Ngài kêu thấu lên trời cao, lên Chúa Cha Đấng dường như đang im lặng một cách bí ẩn: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con”, chén đau khổ và chết chóc. Trong một đêm tối, Giacóp, một trong các tổ phụ của dân Do Thái, bên bờ một nhánh sông Giođan, cũng đã từng gặp gỡ Thiên Chúa như một nhân vật huyền nhiệm, và “đã chiến đấu với ông cho đến tảng sáng”[2]. Cầu nguyện trong lúc bị thử thách là một kinh nghiệm đảo lộn hồn xác, và Chúa Giêsu cũng vậy, trong tăm tối của đêm ấy “với tiếng kêu lớn và nước mắt đã dâng lời van xin khẩn nguyện lên Thiên Chúa là Đấng có thể cứu Người khỏi chết”[3]
Trong Chúa Kitô nơi vườn Giệtsimani, đang chiến đấu và đầy lo âu, chúng ta cũng tìm thấy chính mình khi chúng ta trải qua đêm đau khổ xé lòng, đêm cô đơn vì xa cách người thân, vì sự yên lặng của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, như đã từng có người nói, “Chúa Giêsu sẽ còn đau khổ cho đến tận thế, Ngài không thể nghỉ yên vì Ngài tìm kiếm sự đồng hành và sự cảm thông”[4] như bao nhiêu người đau khổ khác trên trái đất này. Trong Ngài, chúng ta cũng thấy khuôn mặt chúng ta, đẫm lệ và hằn lên nỗi sầu khổ.
Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu không dẫn đến cám dỗ tuyệt vọng và đầu hàng, nhưng dẫn đến lời tuyên xưng sự tín thác nơi Chúa Cha và ý định mầu nhiệm của Ngài. Đó chính là những lời kinh Lạy Cha mà Ngài đưa ra cho chúng ta trong giờ phút cay đắng ấy: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ… không phải theo ý con nhưng xin vâng theo ý Cha!”. Và này đây thiên thần an ủi, củng cố, và cảm thông hiện ra để giúp Chúa Giêsu, và giúp chúng ta bền đỗ cho đến cùng của cuộc hành trình.
[2] x. Sáng Thế 32:23-32.
[3] x. Do Thái 5:7.
[4] Blaise Pascal, Pensées, số. 555, ed. Brunswieg.
Chặng thứ Hai
Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt
Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? "
Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: "Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không? ". Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng: "Thôi, ngừng lại." Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
Sau đó Đức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm."
Lc 22:47-53
Suy Niệm:
Giữa những cây ôliu trong vườn Giệtsimani đang chìm trong bóng đêm, một nhóm nhỏ đang tiến ra: dẫn đầu nhóm này là Giuđa, “một trong nhóm Mười Hai”, một môn đệ của Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Luca, Giuđa không nói một lời nào, ông ta chỉ hiện diện, một sự hiện diện lạnh lùng. Dường như ông ta đã không thể hôn mặt Chúa Giêsu vì bị chặn lại bởi những lời đang vang lên, là lời của chính Chúa Giêsu: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? ". Đó là những lời đau lòng nhưng cương quyết; những lời này vạch trần gút mắc của tội lỗi đang cư trú trong con tim xáo trộn và chai cứng của người môn đệ, một người có lẽ đã bị lừa gạt, thất vọng và đang trên bờ tuyệt vọng.
Suốt dòng lịch sử, sự phản bội và cái hôn Giuđa đã trở thành biểu tượng của cơ man những bất trung, bội giáo, và lường gạt. Và vì thế Chúa Kitô đang phải đối diện với một thử thách khác: sự phản bội và hệ quả của nó là cảm giác bị bỏ rơi và cô đơn. Đó không phải là trạng thái cô tịch Ngài yêu thích khi lui vào trong chốn hoang vắng để cầu nguyện, đó không phải là trạng thái cô tịch là nguồn mạch của bình an và yên hàn mà nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được mầu nhiệm của tâm hồn và của Thiên Chúa. Trái lại, đó là một kinh nghiệm cay đắng của tất cả những ai, chính trong giây phút chúng ta đang tụ họp nơi đây, cũng như tại những thời khắc khác trong ngày, đang thấy họ cô đơn trong một căn phòng, đối diện với một bức tường trơ trụi hay trước một chiếc điện thoại im bặt, bị mọi người bỏ rơi vì họ là người già yếu, là ngoại kiều hay khách lạ. Cùng với họ, Chúa Giêsu đang phải uống từ trong chén chứa đựng nọc độc của sự bỏ rơi, cô đơn và thù nghịch.
Cảnh tượng của vườn Giệtsimani khi đó đột nhiên trở nên náo nhiệt: ngược lại với hình ảnh trước đó của cầu nguyện, trang trọng, thân tình và yên tĩnh giờ đây, dưới những cây ôliu, là hình ảnh của đối nghịch, huyên náo, và cả bạo lực. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đứng ở vị thế trung tâm, không lay chuyển. Ngài biết rõ rằng sự dữ bao trùm lịch sử con người bằng chiếc khăn liệm của bắt nạt, gây hấn và tàn bạo: “Đây là giờ của các ngươi, là thời của quyền lực tối tăm”.
Chúa Kitô không muốn các môn đệ của Ngài, đang sẵn sàng tuốt gươm, phản ứng lại sự ác bằng một sự ác khác, bạo lực bằng bạo lực hơn nữa. Ngài chắc chắn rằng quyền lực của tăm tối – bề ngoài có vẻ là bất khả chiến bại và thỏa mãn với những chiến thắng – nhưng cuối cùng nó sẽ bị đánh bại. Đêm tối sẽ phải nhường bước cho rạng đông, bóng tối phải lui đi trước ánh sáng, sự phản bội sẽ bị khuất phục trước ăn năn. Như chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta trên núi Tám Mối Phúc Thật, chúng ta cần phải “thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta”[5] nếu chúng ta muốn thấy một thế giới mới mẻ và khác biệt.
[5] Mt 5:44
Chặng thứ Ba
Đức Giêsu bị Thượng Hội Đồng Do Thái kết án
Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi: "Ông có phải là Đấng Mêsia thì nói cho chúng tôi biết! "
Người đáp: "Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng."
Mọi người liền nói: "Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? "
Người đáp: "Đúng như các ông nói, chính tôi đây."
Họ liền nói: "Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói! "
(Lc 22:66-71)
Suy Niệm:
Bình minh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vươn lên từ Núi Cây Dầu, sau khi chiếu sáng các thung lũng sa mạc miền Giuđa. Bẩy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa, cơ chế cao nhất của Do Thái, đã tập trung thành một vòng bán cung chung quanh Chúa Giêsu. Phiên xử khai mạc với thủ tục thông thường của tòa án: kiểm tra lý lịch của bị cáo, đưa ra những lý do để buộc tội, và nghe các nhân chứng. Việc xét xử một vấn đề tôn giáo thuộc về thẩm quyền của tòa án này. Điều này được biểu lộ từ hai câu hỏi chủ yếu: “Ông có phải là Đấng Kitô? Ông có phải là con Thiên Chúa không?”
Câu trả lời của Chúa Giêsu khởi đầu từ một căn bản hầu như thất vọng: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời”. Ngài biết rằng nghi ngại, ngờ vực và hiểu lầm đang vây quanh Ngài. Ngài có thể thấy mình đang bị vây quanh bởi bức tường của nghi kỵ và thù địch, và cảm thấy nặng nề hơn bởi bức tường đó được dựng lên bởi chính cộng đồng tôn giáo và quốc gia của Ngài. Vịnh gia đi trước Ngài đã có một kinh nghiệm chán chường như thế: “Nếu sự lăng mạ cho ta đến từ một kẻ thù, ta có thể chịu được; nếu kẻ cạnh tranh với ta nổi lên chống lại ta, ta có thể tránh né. Nhưng chính là ngươi, bạn đồng hành của ta, bạn thiết của ta! Tình nghĩa chúng ta thân thiết là dường nào. Chúng ta đã không từng tiến bước thuận thảo trong nhà Thiên Chúa đó sao?”[6].
Thế nhưng, mặc dù có sự nghi kỵ ấy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại công bố mầu nhiệm nơi Ngài, mầu nhiệm mà từ giờ phút đó sẽ được tỏ lộ như một sự hiển linh. Sử dụng ngôn từ của Thánh Kinh, Ngài tuyên xưng mình là “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Vinh quang của Đấng Cứu Thế được Israel trông đợi giờ đây hiển thị nơi người tù này. Thật vậy, đó chính là con Thiên Chúa, Đấng mà giờ đây, oái oăm thay lại xuất hiện dưới hình dạng của một người bị kết án. Câu trả lời của Chúa Giêsu – “Tôi là” – thoạt đầu nghe có vẻ là lời tự thú của một bị cáo, nhưng thực tế là một lời tuyên xưng trang trọng về thần tính của Ngài. Trong Thánh Kinh, hai chữ “Tôi là” chính là tên gọi và là danh xưng của chính Thiên Chúa[7].
Lời cáo buộc, mà tối hậu dẫn đến một án tử, vì vậy trở nên một mạc khải, và cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người bị cáo ấy, bị hạ nhục bởi một nhóm kiêu căng, một phiên tòa kiêu hãnh, bởi một bản án đã được đóng dấu sẵn, nhắc nhở chúng ta nghĩa vụ chứng tá cho sự thật. Một chứng tá phải được mạnh mẽ đưa ra vang dội ngay cả khi ta bị cám dỗ mạnh mẽ muốn che đậy, cam chịu, hay chiều theo ý kiến đang thịnh hành. Nói theo một phụ nữ trẻ Do Thái bị kết án phải chết trong một trại tập trung[8]: “ đối lại với mỗi trò kinh tởm hay một tội ác mới, chúng ta phải đưa ra một mảnh mới của sự thật và điều thiện chất chứa trong chúng ta. Chúng ta có thể phải đau khổ nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.
[6] Tv 55(54): 12-15.
[7] x. Xh 3:14.
[8] Etty Hillesum, Nhật Ký 1941-1943 (3/7/1943).
Chặng thứ Tư
Ông Phêrô chối Chúa Giêsu
Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”
Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị! "
Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng! " Nhưng ông Phêrô đáp lại: "Này anh, không phải đâu! "
Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê."
Nhưng ông Phêrô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì! "
Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.
Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."
Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Lc 22:54-62
Suy Niệm:
Chúng ta hãy quay lại đêm chúng ta đã bỏ lại đằng sau khi tiến vào phòng Chúa Giêsu bị xử án lần thứ nhất. Bóng đêm và cái lạnh đã bị xuyên thủng bởi những ánh lửa bập bùng trong sân của dinh Hội Đồng Công Tọa. Các người đầy tớ và lính tráng đang hơ tay cho ấm; ánh lửa soi rõ mặt họ. Và ba giọng nói, lần lượt tiếp nối nhau, vang lên, và ba cánh tay chĩa thẳng vào khuôn mặt mà họ nhận ra, khuôn mặt ông Phêrô.
Đầu tiên là một giọng đàn bà. Chị ta là người tớ gái trong dinh; nhìn thẳng vào mắt người môn đệ, chị ta thốt lên: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”. Rồi một giọng đàn ông vang lên: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”. Một người đàn ông khác sau đó cũng đã đưa ra một cáo buộc tương tự sau khi nghe giọng miền Bắc của ông Phêrô: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.".
Đối diện với những tuyên bố này, vị Tông Đồ, trong một phản ứng tự vệ hốt hoảng đã không ngại nói dối “Tôi không biết ông Giêsu! Tôi không phải là môn đệ ông ấy! Tôi không biết ông đang nói gì!”. Ánh lửa bập bùng trong sân xuyên thấu qua khuôn mặt của ông Phêrô và phơi bày tâm hồn tan nát của ông, sự yếu đuối, tính ích kỷ và nỗi khiếp nhược của ông. Chỉ vài giờ trước đó, ông đã tuyên bố “"Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." [9]
Tuy nhiên, tấm màn đã không buông xuống trên sự phản bội này như trường hợp của Giuđa. Trong đêm đó một tiếng nói chọc thủng sự yên tĩnh của Giêrusalem, đặc biệt là lương tâm của chính ông Phêrô, đó là tiếng gà gáy. Chính ngay lúc này, Chúa Giêsu tiến ra từ trong phiên tòa đã kết án Ngài. Thánh Luca mô tả ánh mắt trao đổi giữa Chúa Kitô và ông Phêrô bằng một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhìn chằm chặp vào mặt một người nào. Nhưng như vị Thánh Sử ghi nhận, đó không phải là ánh mắt một người nhìn một người, đó là “Chúa”, với ánh mắt nhìn thấu thẳm sâu tâm hồn, nơi tận cùng của những bí ẩn trong lòng người.
Từ đôi mắt vị Tông Đồ nhỏ ra những giọt lệ ăn năn. Trong câu chuyện của ngài cô đọng biết bao những câu chuyện về bất trung và hoán cải, về yếu đuối và tự do. “Tôi khóc và tôi tin!” trong hai chữ đơn giản này, hàng trăm năm sau, một người hoán cải [10] đã so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của ông Phêrô, qua đó nói thay cho chúng ta, những người trong cuộc sống hàng ngày đã có những phản bội nho nhỏ, trong khi tự biện hộ cho mình với những lời biện minh hèn nhát, và để cho chính mình bị khuất phục bởi sợ hãi. Nhưng, như vị Tông Đồ, chúng ta cũng có thể chọn con đường đem chúng ta đến với ánh mắt Chúa Kitô và chúng ta có thể nghe Ngài ủy thác cho chúng ta với cùng một sứ vụ: cả anh nữa “một khi anh đã trở lại, hãy củng cố anh em mình”[11].
[9] Mc 14:29, 31.
[10] FRANÇOIS-RENÉ DE CHATEAUBRIAND, Sự chân thật của Kitô Giáo (1802).
[11] Lc 22:32.
Chặng Thứ Năm
Chúa Giêsu chịu quan Philatô xét xử
Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra."
Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi! "Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá! "
Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra." Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
(Lc 23:13-25)
Suy Niệm:
Chúa Giêsu giờ đây bị bủa vây với những dấu hiệu của đế quốc, những cờ xí, những con ó và những tiêu chuẩn của thẩm quyền đế quốc, và còn thêm nữa, một thành trì của quyền lực là dinh tổng trấn Philatô, một con người khó hiểu mà tên tuổi không ai biết đến trong lịch sử Đế Quốc La Mã. Nhưng đó lại chính là tên chúng ta nghe mỗi ngày Chúa Nhật trên khắp thế giới, chính phiên tòa đã diễn ra nơi đây nên trong Kinh Tin Kính các tín hữu Kitô tuyên xưng Chúa Kitô “chịu đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô”. Đàng khác, con người này dường như là hóa thân của một sự áp chế tàn bạo, cỡ như Thánh Luca đã mô tả trong một trang khác trong Phúc Âm của ngài khi đề cập đến một ngày bên trong đền thờ ông này đã trộn máu của người Do Thái với máu súc vật bị sát tế [12]. Về phía ông này, chúng ta chứng kiến một quyền lực tối tăm và lạ lẫm khác: quyền lực tàn bạo của đám đông bị lèo lái bởi những lực lượng bí mật đang giăng bẫy trong hậu trường. Kết quả là quyết định phóng thích một tên nổi loạn và giết người là Barabas.
Mặt khác, chúng ta lại thấy ló dạng một hình ảnh khác của Philatô: ông ta dường như tiêu biểu cho một sự bình đẳng pháp luật truyền thống và cho tính khách quan của luật La Mã. Thật vậy, đã ba lần Philatô có ý muốn thả Chúa Giêsu vì không có đủ bằng chứng, trong khi đề ra phán quyết cùng lắm là đánh đòn mà thôi. Các cáo buộc chống lại Chúa Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp nghiêm chỉnh. Như những gì mà các Thánh Sử đã trình bày, Philatô biểu thị một sự cởi mở nhất định, một thái độ đón nhận mà cuối cùng đã dần dà phai nhạt và biến mất.
Bị áp lực bởi ý kiến công chúng, Philatô chọn một thái độ thường thấy trong thời đại chúng ta: thờ ơ, thiếu quan tâm, lo cho mình trên hết. Để tránh rắc rối và có thể vươn lên nữa, chúng ta sẵn sàng giày đạp sự thật và công lý. Sự vô luân minh nhiên tối thiểu còn gây ra được một cú sốc hay một phản ứng nào đó, chứ cách hành xử thuần tuý phi luân này không gây ra chút băn khoăn nào; nó làm tê liệt lương tâm, đè nén sự hối hận, và làm chai lỳ tâm trí. Cho nên, sự thờ ơ là cái chết chậm của nhân loại đích thật.
Hậu quả có thể thấy được trong lựa chọn cuối cùng của Philatô. Như những người La Mã xưa thường nói, một thứ công lý sai lầm và lãnh đạm giống như một mạng nhện trong đó những con ruồi kẹt lại và chết đi nhưng những con chim có thể xé toạc đi bằng sức mạnh lực bay của mình. Chúa Giêsu, một trong những con người thấp cổ bé họng trên trần gian này, không có quyền bật lên một lời, bị chết nghẹt trong mạng lưới này. Và như chúng ta thường làm, Philatô đứng nhìn từ xa xa, rửa tay, và như một người vô can, quay đi – qua đó Thánh Sử Gioan chỉ ra cho chúng ta [13] – câu hỏi muôn đời tiêu biểu cho mọi hình thái của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa luân lý tương đối: “Sự thật là gì?”.
[12] x. Lc 13:1.
[13] Ga 18:38
Chặng thứ Sáu
Chúa Giêsu bị đánh đòn và bị đội mão gai
Những kẻ canh giữ Đức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: "Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? "
Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
(Lc 22:63-65)
Một ngày kia, khi đang tiến bước trong thung lũng Giođan, không xa Giêricô bao nhiêu, Chúa Giêsu đã dừng lại và nói với nhóm Mười Hai những lời bốc lửa, những lời họ thấy khó hiểu: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người” [14]. Giờ đây, cuối cùng ý nghĩa đầy đủ của những lời lạ lùng này được tỏ lộ: trong sân quan tổng trấn, địa sở của vị toàn quyền Rôma tại Giêrusalem, nghi thức tra tấn dã man bắt đầu, trong khi bên ngoài dinh, những lời bàn tán của đám đông mỗi lúc một rộ lên, trong niềm trông đợi được thấy cảnh tử tội bị điệu ra pháp trường.
Trong căn phòng đóng kín với công chúng, những gì xảy ra sẽ tiếp tục được lặp lại hết đời này sang đời khác trong hàng ngàn những cách thế tàn bạo và gian ác, trong tăm tối của cơ man những nhà tù trên thế giới. Chúa Giêsu không chỉ bị đánh đập thể lý nhưng còn bị chế nhạo. Thật vậy, để tường thuật những sỉ nhục này, Thánh Sử Luca đã dùng từ “xúc phạm” như muốn đưa ra ý nghĩa sâu xa của thứ bạo lực mà các binh sĩ này gây ra trên nạn nhân của chúng. Những tra tấn gây thương tổn cho thân xác Chúa Kitô đã được kèm theo với những lời nhạo báng chà đạp lên nhân phẩm của Ngài.
Thánh sử Gioan tường thuật về màn sỉ nhục này, được quân lính bắt chước theo trò chế nhạo thường thấy. Một vương miện làm bằng gai nhọn; tấm khăn choàng tím vương giả được thế đỡ bằng chiếc áo khoác đỏ; và lời kính chào dành cho một vị vua “Chào Caesar!”. Tuy nhiên, đằng sau tất cả trò chế nhạo này chúng ta có thể thấy một dấu chỉ vinh quang: đúng thế, Chúa Giêsu bị nhạo cười như một vị vua giả nhưng thực tế Ngài là Chủ Tể thực sự của lịch sử.
Cuối cùng, khi vương quyền của Ngài được hiển trị - như một Thánh Sử khác, Thánh Matthêu đã nói với chúng ta [15] Ngài sẽ lên án những kẻ tra tấn và những kẻ độc tài, và sẽ triệu vời vào vinh quang của Ngài không chỉ những nạn nhân của chúng, nhưng còn tất cả những ai đã từng thăm viếng các nhà tù, chữa lành các vết thương và các sầu khổ, giúp đỡ những ai đói khát và bị bách hại. Tuy nhiên, trong giờ này đây, khuôn mặt đã từng được biến hình sáng láng trên núi Tabor[16] đang bị biến dạng; Đấng là “phản ánh của vinh quang Thiên Chúa”[17] đang bị đánh đập và tơi tả; như tiên tri Isaiah đã công bố, Đấng Mêsia Tôi Tớ Thiên Chúa đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ [18].Trong Ngài, Thiên Chúa của vinh quang, sự đau khổ của nhân loại được tỏ lộ; trong Ngài, Chúa của lịch sử, sự yếu đuối của mọi loài thọ tạo được phơi bày; trong Ngài Đấng Dựng Lên trời đất, tiếng kêu đau thương của mọi loài thọ tạo tìm thấy tiếng vang.
[14] Lc 18:31-32
[15] x. Mt 25:31-46.
[16] x. Lc 9:29.
[17] x. Dt 1:3.
[18] x. Is 50:6
Chặng Thứ Bẩy
Chúa Giêsu vác thánh giá
Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.
(Mc 15:20)
Suy Niệm:
Trong sân của quan tổng trấn, trò chế giễu tàn bạo đã chấm dứt, chiếc áo điều giễu cợt được lấy đi, các cánh cửa được mở ra. Và Chúa Giêsu tiến ra, mặc y phục của Người, áo dài “không có đường chỉ khâu, được dệt liền từ trên xuống dưới” [19]. Hai vai Người cong oằn dưới đòn ngang của thập giá nơi sẽ đón nhận tay Người và ghim lại bằng đinh sắt. Ngài chỉ còn là một sự hiện diện câm nín, dấu chân Ngài đầy máu và đau đớn đến nỗi ngày nay nẻo đường Ngài vác thập giá đi qua còn mang tên “Via Dolorosa” (Con đường Đau Đớn).
Giờ đây khi khởi hành Đường Thánh Giá, con đường chúng ta lặp lại hôm nay, con đường dẫn tới pháp trường, bên ngoài các bức tường của thành thánh, Chúa Giêsu lê bước chậm chạp tới trước, thân thể tan nát, yếu đuối của Ngài oằn đi dưới sức nặng của thập giá. Truyền thống đã đánh dấu một cách biểu tượng con đường này với ba cái té ngã. Ba cái ngã quỵ này phản ánh câu chuyện không bao giờ dứt của tất cả những người nam nữ đang oằn xuống dưới sức nặng của nghèo đói: những trẻ em yếu ớt, những người già yếu, những người nghèo và yếu thế, những người đang bị hút hết sức lực.
Ba cái té ngã này cũng nói lên câu chuyện của tất cả những ai cô đơn và bất hạnh, bị bỏ quên bởi đám đông bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời. Trong Chúa Kitô, Đấng đang oằn lưng dưới sức nặng của thập giá, chúng ta thấy cái nhân loại yếu ớt và bệnh hoạn mà tiên tri Isaia đã nói [20] “từ lòng đất, ngươi sẽ cất tiếng lên; từ cát bụi, lời ngươi sẽ thều thào yếu ớt; từ lòng đất, tiếng ngươi sẽ vọng lên tựa như tiếng vong hồn: lời ngươi sẽ thì thào từ cát bụi”.
Ngày nay cũng như vào thời đó, chung quanh Chúa Giêsu khi Ngài gắng gượng đứng lên và lê bước về phía trước dưới cây thập giá, là cuộc sống hàng ngày của phố phường, tấp nập với những giao dịch ngược xuôi, những hàng quán sáng trưng, và những truy hoan thâu đêm suốt sáng. Chung quanh Ngài, tuy vậy, không chỉ có thù địch và dửng dưng. Ngày nay cũng vẫn còn có những con người chọn lựa theo Ngài, dấn bước theo bước chân Ngài. Họ đã nghe những lời hiệu triệu Ngài đã đưa ra ngày nào khi rảo bước qua những cánh đồng miền Galilê: “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” [21]. “Vậy ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu.”[22] Cuối con đường Via Dolorosa không chỉ có Đồi Sọ hay tăm tối của nấm mồ, nhưng cũng có đồi Thăng Thiên, đồi của ánh sáng.
[19] Ga 19:23.
[20] Is 29:4.
[21] Lc 9:23
[22] Dt 13:13
Chặng Thứ Tám
Ông Simon xứ Kyrênê vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu
Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.
(Lc 23:26)
Suy Niệm:
Ông ta từ ngoài đồng trở về có lẽ sau một vài giờ làm việc đồng áng. Đợi chờ ông ở nhà là những công việc chuẩn bị cho ngày đại lễ: thật vậy, chiều xuống sẽ đánh dấu sự khởi đầu của ngày Sabbath khi những ánh sao đầu tiên lấp lánh trên bầu trời hoàng hôn. Ông ta tên là Simon; một người Do Thái; gốc Kyrênê, một thành phố nằm trên bờ biển Libya nơi có một cộng đoàn đông đảo những người Do Thái Hải Ngoại [23]. Đội lính Rôma áp giải Chúa Giêsu chặn ông lại và một lệnh cộc lốc được ban ra buộc ông đổi lộ trình để vác đỡ thánh giá cho người tử tội dở sống dở chết.
Ông Simon là người bộ hành tình cờ; ông không hề biết cuộc gặp gỡ ngoại thường ấy là thế nào. Như một người đã từng viết [24], “có biết bao nhiêu người dọc dài các thế kỷ đã muốn có mặt tại đó, vào chỗ của ông, để tình cờ đi ngang qua đúng vào thời điểm ấy. Nhưng đã quá trễ, chính ông đã có mặt vào lúc đó và qua dòng thời gian đã không nhường chỗ cho ai khác”. Ở đây chúng ta thấy mầu nhiệm gặp gỡ tình cờ với Thiên Chúa đã xảy ra cho biết bao cuộc đời. Thánh Tông Đồ Phaolô, đã bị Chúa Kitô chặn lại, nắm bắt và “chinh phục” [25] trên con đường Đamátcô. Và điều này dẫn đưa ngài đến một suy tư mới mẻ về những lời đầy kinh ngạc này của Thiên Chúa: “Những kẻ không tìm Ta, lại được gặp Ta; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy”[26]
Thiên Chúa rình chờ chúng ta trên các nẻo đường đời. Đôi khi Ngài gõ cửa nhà và đòi ngồi cùng bàn ăn với chúng ta[27]. Ngay cả một cuộc gặp gỡ tình cờ như cuộc gặp gỡ với ông Simon xứ Kyrênê cũng có thể dẫn đến hồng ân hoán cải. Quả thật, Thánh Sử Máccô đã nêu danh tính hai người con ông Simon là Alexander và Rufus, đã trở thành những Kitô hữu [28]. Như thế, ông Simon trở thành biểu tượng cho mầu nhiệm gặp gỡ giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực của con người. Thật thế, cuối cùng Thánh Sử đã mô tả ông như người môn đệ “vác đỡ thánh giá theo sau Chúa Giêsu” và tiến bước theo chân Chúa [29].
Từ việc bị cưỡng bách, cử chỉ của ông Simon đã biến thành biểu tượng của mọi hành vi liên đới với những người đau khổ, những người bị áp bức, những người mệt nhọc. Như thế con người xứ Kyrênê này tiêu biểu cho đoàn lũ đông đảo những người quảng đại, những thừa sai, những người Samaritanô nhân lành “không tránh qua lối khác mà đi” [30] nhưng cúi mình xuống giúp những người đau khổ, vác họ lên, và nâng đỡ họ. Trên đầu và trên vai ông Simon, đang oằn xuống dưới sức nặng của thánh giá, vang vọng lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” [31].
[23] x, Cv 2:10; 6:9; 13:1.
[24] CHARLES PÉGUY, Mầu Nhiệm Lòng Bác Ái Thánh Joan thành Arc (1910).
[25] Philip 3:12.
[26] Rm 10:20.
[27] x. Kh 3:20.
[28] x. Mc 15:21.
[29] x. Lc 9:23.
[30] x. Lc 10:30-37.
[31] Gl 6:2.
Chặng thứ Chín
Chúa Giêsu an ủi những người phụ nữ thành Giêrusalem đi theo Người
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người son sẻ, kẻ không cho bú mớm! "
Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?"
(Lc 23:27-31)
Trong ngày thứ Sáu mùa xuân hôm đó, con đường dẫn tới đồi Golgotha có hàng dài người trong đó không chỉ có những người ăn không ngồi rồi, những kẻ tò mò và những kẻ thù ghét Chúa Giêsu. Còn có cả một nhóm những người phụ nữ, có lẽ là các thành viên của một hội đoàn chuyên an ủi và than khóc cho những người hấp hối và những tử tội. Trong cuộc đời trần thế của mình, Chúa Giêsu đã vượt qua những ước lệ và thành kiến và thường có những người phụ nữ vây quanh Người. Người hoán cải họ, lắng nghe những khó khăn lớn nhỏ của họ; từ cơn sốt của bà nhạc ông Phêrô tới thảm kịch của bà góa thành Nain, từ người phụ nữ mãi dâm mắt đẫm lệ cho tới những đau khổ nội tâm của bà Maria Mađalêna, từ sự thương mến của Mátta và Maria cho đến những khổ đau của người phụ nữ mắc bệnh băng huyết, từ con gái ông Giairô cho tới bà cụ lưng còng, từ người phụ nữ thượng lưu Giôanna, vợ ông Chuza, tới người đàn bà góa nghèo và những gương mặt những người phụ nữ trong đám đông đi theo Người.
Như thế, Chúa Giêsu trong giờ sau hết của Ngài đã được vây bọc bởi một thế giới những bà mẹ, những con gái và những chị em. Bên cạnh Người giờ đây chúng ta có thể tưởng tượng ra hết tất cả những phụ nữ bị bạo hành và hạ nhục, những người bị loại ra ngoài lề và những người phải cúi đầu tuân phục các hủ tục xấu xa của bộ tộc, những phụ nữ đang hoang mang trước nghĩa vụ nuôi dạy con một mình, những bà mẹ Do Thái và Palestine, và tất cả những phụ nữ từ các quốc gia đang chìm trong khói lửa chiến tranh, những phụ nữ góa bụa và những người già bị con cái lãng quên.. Trước một thế giới khô khan và vô cảm vẫn có một đoàn lũ những phụ nữ mang chứng tá của lòng dịu hiền và thương xót, như những gì họ đã làm cho Người Con bà Maria trong buổi gần trưa hôm đó tại Giêrusalem. Họ dạy cho chúng ta biết vẻ đẹp của con tim xúc cảm: rằng chúng ta không nên xấu hổ khi con tim mình run lên vì lòng thương cảm, khi lệ trào trên khoé mắt, khi chúng ta đứng trước nhu cầu cần có những cử chỉ vỗ về và những lời ủi an.
Chúa Giêsu không phải không biết đến quan tâm bác ái của những người phụ nữ ấy như có lần Ngài đã tiếp nhận những cử chỉ tế nhị khác. Nhưng thật nghịch lý là giờ đây chính Ngài là người quan tâm đến những đau khổ sắp đổ xuống đầu “những nữ tử thành Giêrusalem”: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. Thật thế, chập chờn ở phía chân trời là một trận hỏa hoạn đang sắp chụp xuống trên dân và trên thành thánh, một “cây khô” đang sẵn sàng bắt lửa.
Cái nhìn của Chúa Giêsu hướng đến sự phán xử của Thiên Chúa trong tương lai đối với tội lỗi, bất công và thù hận đang dưỡng nuôi ngọn lửa đó. Chúa Giêsu xót thương cho những đau khổ đang rình chờ đổ xuống trên các bà mẹ ấy một khi sự can thiệp chính đáng của Thiên Chúa vào trong lịch sử nổ ra. Nhưng những lời run rẩy của Ngài không phải là dấu ấn đóng trên một định mệnh tuyệt vọng, vì Ngài nói với tiếng nói của các ngôn sứ, một tiếng nói không gây ra khổ đau và cái chết, nhưng nẩy sinh ra hoán cải và sự sống: “Hãy tìm kiếm Thiên Chúa thì các ngươi sẽ được sống! Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa, trẻ già cùng mở hội tưng bừng. Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, họ sẽ được an ủi vui mừng.”[32]
[32] Am 5:6; Gr 31:13.
Chặng Thứ Mười
Chúa Giêsu chịu đóng đinh
Khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! "
Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ngươi là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi! "
Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua dân Do Thái."
(Lc 23:33-38)
Suy Niệm:
Đó chỉ là một tảng núi đá tiếng Aramaic gọi là Gôngôtha và tiếng La Tinh gọi là Canvê, “đồi Sọ”, có lẽ vì hình thù của nó giống một cái sọ người. Trên đỉnh đồi có ba cây thập giá của những người bị kết án tử hình, hai tên “tội phạm”, có lẽ đã làm cách mạng chống lại người Rôma, và Chúa Giêsu. Những giờ sau cùng của cuộc đời trần thế của Chúa Kitô bắt đầu, các giờ khắc được đánh dấu bởi xương thịt Ngài bị xé nát, xương bị dời chỗ, ngộp thở dần, và nỗi cô đơn trong lòng. Đây là những giờ phút minh chứng sự liên đới hoàn toàn của Con Thiên Chúa với con người đau khổ và hấp hối.
Một thi nhân [33] có lần ngâm rằng: “Người trộm bên phải và người trộm bên trái / chỉ cảm thấy dấu đinh ghim trong lòng bàn tay / Nhưng Chúa Kitô cảm thấy đau đớn vì ơn cứu chuộc / cạnh sườn xé ra, con tim bị đâm thâu / Chính con tim bừng cháy / Con tim bị thiêu đốt vì tình yêu”. Thật vậy, tất cả chung quanh thập giá dường như vang vọng tiếng của tiên tri Isaia: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu đánh phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Người đã hiến thân làm lễ vật đền tội” [34] Đôi tay giang rộng của thân mình bầm dập ấy muốn ôm vào lòng toàn thể chân trời nhân loại, “như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh” [35]. Vì đó chính là sứ mệnh của Người “Khi ta được treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” [36].
Bên dưới thân thể đang hấp hối ấy là đám đông háo hức “nhìn xem” một cảnh tượng kinh hoàng. Đó là bức tranh của sự hời hợt, của tính tò mò tầm thường, của sự săn lùng cảm giác mạnh. Một bức tranh nơi đó chúng ta có thể thấy hình bóng của xã hội chúng ta ngày nay, một xã hội lựa chọn sự kích thích và quá đáng như thể chúng là liều thuốc có thể vực dậy một tâm hồn lờ đờ, một con tim chai cứng, và một trí tuệ tăm tối.
Bên dưới thập giá ấy cũng có sự tàn ác lạnh lùng và cứng nhắc của những nhà lãnh đạo và quân lính, những kẻ mà sự thô bạo của chúng có khả năng buông ra những lời chế nhạo người đang đau khổ và hấp hối bởi lời nhạo cười: “Nếu ngươi là Vua Dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi!” Họ không ý thức được những lời cười nhạo cay cú của họ và tấm bảng chính thức trên thánh giá “Đây là Vua Dân Do Thái” – hoàn toàn là sự thật. Dĩ nhiên Chúa Giêsu không xuống khỏi thập giá với một thay đổi thình lình: Ngài không muốn sự vâng phục nô lệ dựa trên phép lạ, nhưng muốn một đức tin tự do, một tình yêu đích thật. Chính qua sự khổ nhục và cái chết hoàn toàn bất lực ấy, Ngài mở ra cánh cửa quang vinh và sự sống, và mạc khải chính Ngài là Chúa thật và là Vua của lịch sử và thế giới.
[33] CHARLES PÉGUY, Mầu Nhiệm Lòng Bác Ái Thánh Joan thành Arc (1910).
[34] Is 53:5, 10.
[35] Lc 13:34.
[36] Ga 12:32.
Chặng thứ Mười Một
Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho người trộm lành
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! " Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "
Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”
"Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
(Lc 23:39-43)
Suy Niệm:
Những giây phút còn lại đang dần qua khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết; sức sống và sức mạnh của Ngài đang kiệt dần. Tuy thế, Ngài vẫn còn chút sức lực để thực hiện cử chỉ yêu thương cuối cùng cho một trong hai người bị kết án tử hình là những người đang bên cạnh Ngài trong giờ phút bi thảm này, khi mặt trời công chính còn cao vời vợi trên thiên quốc. Giữa Chúa Kitô và con người đó, một cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã diễn ra, với hai câu thiết yếu.
Đầu tiên là lời thỉnh cầu của người tội phạm mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Hầu như anh ta đang xướng lên một phiên bản “Kinh Lạy Cha” của cá nhân anh với lời cầu “Nước Chúa trị đến!”. Nhưng anh ta đọc kinh ấy trực tiếp với Chúa Giêsu, kêu tên Người, một danh xưng có ý nghĩa ngoại thường trong giờ phút đó: “Thiên Chúa cứu chuộc”. Sau đó là một lời thỉnh cầu “Xin nhớ đến tôi!”. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh động từ này có một lực đặc biệt chuyển tải nhiều hơn từ “nhớ” không có chút sắc mầu nào của chúng ta. Đó là từ thở ra sự xác tín như thể nói: “Xin giữ gìn tôi, xin đừng bỏ tôi, như bằng hữu nâng đỡ và bảo vệ tôi!”.
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”. Từ “Thiên Đàng” này rất hiếm thấy trong Thánh Kinh. Thật vậy, từ này chỉ xuất hiện hai lần nữa trong Tân Ước [37]. Trong nghĩa nguyên thủy từ này gợi ra một khu vườn huy hoàng và đầy hoa trái. Đó là hình ảnh đẹp của Vương Quốc ánh sáng và hòa bình mà Chúa Giêsu đã công bố trong những lời rao giảng, và đã hé mở với những phép lạ của Ngài, cũng như sẽ nhanh chóng xuất hiện trong vinh quang Phục Sinh. Đó là mục tiêu của cuộc hành trình khó nhọc của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đó là sự viên mãn của cuộc sống, đó là sự thân mật trong vòng tay Thiên Chúa. Đó là hồng ân chung cuộc Chúa Kitô trao cho chúng ta, trong sự hy sinh đến chết trên thập giá của Ngài để mở ra vinh quang phục sinh.
Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
[37] x. 2 Cr 12:4; Kh 2:7.
Chặng thứ Mười Hai
Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ và người môn đệ
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."
Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh."
Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
(Ga 19:25-27)
Suy Niệm:
Mẹ đã bắt đầu phải đứng cách xa Con từ lúc Chúa Giêsu lên Mười Hai khi Ngài nói rằng Ngài có một nhà khác và một sứ vụ khác phải chu toàn, nhân danh Thiên Chúa Cha trên trời. Nhưng giờ đây Mẹ Maria đứng trước khoảng khắc phải xa con hoàn toàn. Vào giờ phút đó, có nỗi đau xé lòng của những bà mẹ phải chứng kiến điều trái với tự nhiên là người tóc bạc đưa người tóc xanh. Nhưng Thánh Sử Gioan xóa bỏ mọi giọt lệ trên khuôn mặt khổ đau, làm câm nín mọi tiếng kêu bi thương từ môi Mẹ, và cũng không để Mẹ buông mình ngã nhào xuống đất trong tuyệt vọng.
Trái lại, sự im lặng thình lình bị đánh tan bởi một tiếng nói từ trên thánh giá và từ đôi môi Con Mẹ đang hấp hối. Hơn là một di chúc thông thường: đây là một mạc khải đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Mẹ Ngài. Sự phân ly tột cùng do cái chết đó không phải là một chung cuộc cằn cỗi nhưng đem lại hoa trái không ngờ như việc sinh con của một bà mẹ. Như chính Chúa Giêsu đã nói vài giờ trước đó, trong buổi chiều cuối cùng của cuộc đời tại thế của Ngài: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”[38].
Mẹ Maria trở lại làm một bà mẹ: không phải tình cờ mà trong một vài hàng của trình thuật Phúc Âm từ “mẹ” này đã xuất hiện đúng năm lần. Mẹ Maria trở lại làm một người mẹ và con Mẹ sẽ là tất cả những ai giống như “người môn đệ được yêu”, nghĩa là, tất cả những ai đặt mình dưới áo choàng ơn cứu độ của Chúa và theo Chúa Giêsu trong lòng tin và tình yêu mến.
Từ khoảng khắc đó, Mẹ Maria không còn đơn côi nữa. Mẹ trở thành hiền mẫu của Giáo Hội, một cộng đoàn đông đúc thuộc mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia, những người theo dòng thời gian sẽ cùng với mẹ quây quần bên thánh giá Chúa Kitô, người Con đầu lòng của Mẹ. Từ khoảng khắc đó, chúng ta bước cùng Mẹ trên những nẽo đường của hành trình đức tin, chúng ta ngụ cùng với Mẹ trong ngôi nhà Thánh Thần đã thổi trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta ngồi vào bàn nơi bẻ bánh Thánh Thể, và chúng ta trông đợi ngày Con Mẹ lại đến đưa chúng ta vào vinh quang muôn đời.
[38] Ga 16:21.
Chặng thứ Mười Ba
Chúa Giêsu chết trên thánh giá
Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”.
Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này thực là người công chính! "
(Lc 23:44-47)
Suy Niệm:
Lúc bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, màn đêm đã buông xuống trên thành Giêrusalem; giờ đây bóng tối của nhật thực trải dài như chiếc khăn liệm trên đồi Gôngôtha. “Quyền năng của tối tăm” [39] dường như che kín mảnh đất nơi Thiên Chúa đang hấp hối. Vâng, Con Thiên Chúa, để biến thành phàm nhân và huynh đệ thực sự với chúng ta, cũng phải uống chén sự chết, cái chết đã thực sự ghi dấu trên mỗi một hậu duệ của Ađam. Và vì thế Chúa Kitô “đã trở nên giống anh em của Người trong mọi phương diện” [40]; Ngài trở nên hoàn toàn như một người trong chúng ta, đứng bên phía chúng ta ngay cả trong cuộc vật lộn cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Một cuộc vật lộn có lẽ ngay lúc này đây đang xảy đến cho một người nam hay nữ nào đó trong thành phố Rôma này, và trong vô số những thành phố và làng mạc khắp nơi trên thế giới.
Đây không còn là một Thiên Chúa Hy Lạp và La Mã, vô cảm và xa cách, như một hoàng đế biệt cư trong những khung trời mạ vàng trong Thành Đô của mình. Trong Chúa Kitô đang hấp hối, Thiên Chúa giờ đây được tỏ lộ như một Đấng yêu thương tha thiết tạo vật của mình, ngay cả đến độ tự giam cầm mình trong biên giới tranh tối tranh sáng của khổ đau và cái chết. Thập giá vì thế trở thành một dấu chỉ nhân loại phổ quát nói lên sự cô đơn của cái chết, sự bất công và sự dữ. Nhưng đó cũng chính là một dấu chỉ thiên linh phổ quát cho hy vọng được thỏa mãn các trông đợi của mỗi một viên đại đội trưởng, nghĩa là của mỗi một người không nghỉ yên và đang kiếm tìm.
Trên thập giá ngút cao, lúc đang hấp hối trên giá treo ấy, Chúa Giêsu, trong lúc đang thở hắt ra những hơi thở cuối cùng, vẫn không ngừng là Con Thiên Chúa. Như vậy, vào giờ phút đó, mọi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được Thiên Chúa đón nhận lấy. Mỗi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được phủ bằng hào quang của sự bất tử, một mầm mống của sự sống đời đời được cấy vào trong nó, rạng ngời một ánh sáng thiên linh.
Như thế, dù không mất đi tính chất bi thảm của nó, cái chết giờ đây hé mở một khuôn mặt mới đầy bất ngờ: nó có chính đôi mắt của Thiên Chúa Cha trên trời. Chính vì thế trong giờ sau hết Chúa Giêsu đã bật lên một lời cầu đánh động con tim: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Chúng ta cũng hãy khẩn nài lời thỉnh cầu này cho chính mình như trong một bài thơ đầy tính nguyện cầu của một nữ thi sĩ: [41] “Lạy Cha, xin những ngón tay Cha cũng khép những bờ mi con lại/ Cha là một người Cha của con, hãy nhìn con như một người Mẹ hiền / bên giường của đứa con hiền đang say ngủ / Lạy Cha, xin hãy đến cùng con và ẳm con trong cánh tay Cha”.
[39] Lc 22:53.
[40] Dt 2:17.
[41] MARIE NOËL, Bài Ca và Thời Khắc (1930).
Chặng thứ Mười Bốn
Táng xác Chúa Giêsu trong mồ
Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành Arimathêa, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày Sabát bắt đầu ló rạng.
(Lc 23:50-54).
Suy Niệm:
Được bọc trong “khăn liệm”, thân xác bị đóng đanh bầm dập của Chúa Giêsu từ từ tuột khỏi đôi bàn tay yêu thương và nhân ái của ông Giuse thành Arimathêa để được đặt trong mồ đục sẵn trong núi đá. Trong các giờ thinh lặng sau đó, Chúa Giêsu sẽ thực sự giống như mọi người nam nữ đang đi vào bóng tối của cõi chết, của sự cứng đờ tứ chi, của chung cục. Tuy nhiên trong buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đó đã có cái gì đó trên không trung. Thánh Sử Luca ghi nhận rằng “ngày Sabát bắt đầu ló rạng”; đèn đã nhấp nháy bên trong cửa sổ nhiều ngôi nhà trong thành Giêrusalem.
Đêm vọng, được người Do Thái tuân giữ trong ngôi nhà của họ, đã thực sự là một biểu tượng của hy vọng cho những người phụ nữ, cho người môn đệ bí mật của Chúa Giêsu là ông Giuse thành Arimathêa, và các môn đệ khác. Một trông đợi giờ đây dâng lên làm ấm cúng trong lòng mỗi tín hữu, những người đang đứng trước một ngôi mộ hay đang cảm thấy bàn tay lạnh lẽo của bệnh tật hay cái chết sờ vào mình. Đó là một trông đợi cho một rạng đông mới mẻ và khác hẳn mà chỉ trong một vài giờ nữa, khi ngày Sabát đã đi qua, sẽ hiện ra trước mắt chúng ta, những đôi mắt của những người theo Chúa.
Khi ngày đó mở ra, trên con đường trước nấm mồ chúng ta sẽ gặp gỡ một thiên thần, người sẽ nói với chúng ta: “Tại sao các ngươi tìm người sống giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” [42]! Và khi chúng ta trở về nhà, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ đến gần và cùng đi với chúng ta, sẽ lưu ngụ cùng nhà với chúng ta và bẻ bánh tại bàn với chúng ta[43]. Rồi chúng ta cũng sẽ cầu nguyện với những lời đầy lòng tin trong bài cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu do một trong những nhạc sĩ tài danh nhất nhân loại sáng tác: [44]
“Dù tim con ứa lệ vì Chúa Giêsu nói lời ly biệt, nhưng di chúc của Người ban cho con niềm vui. Người để lại trong tay con một kho tàng vô giá, Mình và Máu Người. Ôi Chúa Cứu Thế của con, con muốn dâng lên Người tim con để Người ngự xuống đó! Con muốn chìm sâu trong Ngài! Nếu thế giới quá nhỏ với Chúa thì với con, chỉ Chúa thôi đã quá nhiều hơn cả thế giới và trời cao”.
[42] Lc 24:5-6.
[43] Lc 24:13-32.
[44] JOHANN SEBASTIAN BACH, Cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu, BWV 244, Nos. 18-19.
Toàn bộ 14 chặng Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô Thứ Sáu Tuần Thánh 2005 (ĐHY Joseph Ratzinger biên soạn)
Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch
05:53 08/02/2008
Trong năm nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ định Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ viết bài suy ngắm chặng Đàng Thánh Giá tại Cổ Trường Colosseum vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh 24/3. Sau đây là toàn văn bài suy ngắm của Đức Hồng Y:
***********
Lời mở đầu:
Chủ đề chính đưa ra Chặng Đàng Thánh Giá xuất hiện ngay vào lời nguyện mở đầu và xuất hiện lần nữa nơi Chặng Thứ Mười Bốn, là những lời của Chúa Giêsu trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, sau khi vào thành Giêrusalem, để trả lời cho câu hỏi của một số người Hy Lạp muốn tìm Người: ”nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24)
Nói lên điều này, Thiên Chúa so sánh quá trình cuộc sống của Người nơi trần thế với sự sống của một hạt lúa, mà chỉ có chết đi mới sinh ra hạt. Người làm sáng tỏ cuộc sống trần thế của người, cái chết của Người và sự phục sinh của người từ quan điểm của Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh, tóm lại toàn thể mầu nhiệm của người. Người đã trải qua cái chết của Người như một hành động tự hiến thân. Người là Ngôi Lời Nhập Thể giở đây trở nên lương thực cho chúng ta, của ăn dẫn đến cuộc sống chân thật, đời sống vĩnh cửu. Lời Vĩnh Cửu, quyền lực phát sinh nên sự sống đến từ trời chính là bánh manna thật, bánh được ban tặng cho con người trong đức tin và trong bí tích. Như thế Chặng Đàng Thánh Giá là một con đường dẫn đến trung tâm mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể: lòng đạo đức bình dân và lòng đạo đức á bí tích của Giáo Hội hòa hợp với nhau và trở nên một. Lời nguyện của Chặng Đàng Thánh Giá là một con đường dẫn tới sự hiệp thông tâm linh sâu xa với Chúa Giêsu, nếu thiếu đi điều này, sự rước lễ thật của chúng ta sẽ vẫn còn trống rỗng. Như thế Chặng Đàng Tháng Giá là một con đường “có tính mầu nhiệm”.
Viễn ảnh này tương phản với sự diễn tả hoàn toàn đa cảm tới Chặng Đàng Thánh Giá. Nơi Chặng Thứ Tám khi Chúa nói lên sự nguy hiểm này với phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương cho Người. Chỉ có đa cảm thôi thì không bao giờ đủ. Chặng Đàng Thánh Giá phải là một trường học đức tin, đức tin từ ngay bản chất “hành động qua đức ái” (Gl 5:6). Điều này không nói rằng đa cảm đó không có chỗ đứng thích hợp của nó. Các Nghị Phụ đã coi tâm hồn chai đá là thói hư tật xấu chính của người tà giáo, và họ đã thỉnh cầu tiên tri Ezekiel, là người đã loan báo cho dân Israel lời hứa của Thiên Chúa để cất đi trái tim chai đá của họ và ban cho họ những trái tim bằng thịt (x Ed 11:19). Chặng Đàng Thánh Giá mà chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa chia sẻ những thống khổ của con người, một Thiên Chúa không hững hờ và xa cách, nhưng đến giữa chúng ta, ngay cả cam chịu cái chết trên cây thập tự (x Pl 2:8).
Thiên Chúa chia sẻ sự đau khổ của chúng ta, Thiên Chúa xuống làm người để mang thánh giá của chúng ta, người muốn biến đổi những trái tim chai đá; Người mời gọi chúng ta chia sẻ sự đau khổ của người khác. Người muốn cho chúng ta một “trái tim bằng thịt”, mà nó sẽ không còn vô tình trước sự đau khổ của người khác, nhưng nó có thể cảm xúc dẫn đến tình yêu để hàn gắn và hồi phục. Một lần nữa ở đây, chúng ta trở về với những lời của Chúa Giêsu về hạt lúa, mà chính Người đã nằm xuống như một chân lý căn bản cho đời sống Kitô hữu ”Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25, x Mt 16:25, Mc 8:35, Lc 9:24 và câu Lc 17:33: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”.
Chúng ta cũng nhận thấy rõ ràng ý nghĩa của những lời mà Phúc Âm Nhất Lãm đưa trước lời kết luận sứ điệp của Chúa Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chính Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ cho chúng ta “Chặng Đàng Thánh Giá”; Người đã dạy chúng ta cầu nguyện và tuân theo thể nào: Chặng Đàng Thánh Giá là con đường tự chịu thua thiệt, là con đường tình yêu chân thật. Trên con đường này Người đã đi trước chúng ta, trên con đường này Người dạy chúng ta cách cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá. Một lần nữa chúng ta trở về với hạt lúa, trở về với Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh, trong đó những hoa trái của cái chết và Phục Sinh của Chúa Kitô được tiếp tục hiện diện giữa chúng ta. Torng Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu bước đi bên cạnh chúng ta, như Người đã đi cùng với những môn đệ thành Emmau, chính Người bắt đầu lại lần nữa một phần cho lịch sử chúng ta.
Lời nguyện khai mạc:
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì lợi ích cho chúng con mà Chúa đã trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi, để nó sinh nhiều hoa trái (Ga 12: 24). Chúa mời gọi chúng con theo Chúa trên con đường mà Chúa đã nói với chúng con là “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25). Vâng chúng con gắn bó với cuộc đời chúng con và không muốn bỏ rơi nó; chúng con muốn tự giữ lấy cho chính mình. Chúng con muốn giữ chặt nó, không chịu cho đi. Nhưng Chúa đi trước chúng con, Chúa tỏ cho chúng con thấy rằng chỉ bằng cách cho đi cuộc sống chúng con mà chúng con có thể cứu nó. Khi chúng con cùng đi với Chúa theo Chặng Đàng Thánh Giá, Chúa dẫn chúng con dọc chặng đường của hạt lúa, chặng đường sinh sôi nhiều hoa trái tới sự vĩnh cửu. Thánh giá -- tự hiến thân - đè nặng trên chúng con. Dọc theo chính Chặng Đàng Thánh Giá của Chúa, Chúa đã mang lấy thánh giá của chúng con. Vì tình yêu thương của Chúa tiếp tục đồng hành với chúng con mọi lúc trong cuộc đời, chúng con đã không gánh vác trong quá khứ cho dù chỉ một khoảng khắc,. Hôm nay chúng con mang thánh giá đó với con và vì con, và kinh ngạc thay Chúa muốn con giống như ông Simon thành Cyrênê, để theo Chúa cùng vác thập giá cho Chúa. Chúa muốn chúng con đi bộ với Chúa và tự hiến cho Chúa trong sự phục vụ cứu rỗi cho thế giới.
Xin ban cho chúng con để chặng Đàng Thánh Cha của chúng con không chỉ là một lòng đạo đức thoáng qua. Xin giúp tất cả chúng con để cùng đồng hành với Chúa không chỉ bằng những tư tưởng cao thượng, nhưng với tất cả tâm hồn chúng con và với tất cả mọi bước đi mỗi ngày trong cuộc đời. Xin giúp chúng con triệt để phát họa ra chặng Đàng Thánh Giá và kiên trì trên con đường của Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi sự sợ hải của Thập Tự, khỏi sự sợ hải của phường nhạo báng, khỏi sự sợ hãi để cuộc đời chúng con thoát khỏi sự níu kéo nếu chúng con cứ khăng khăng bám víu mọi sự đến với chúng con.
Xin giúp chúng con lột trần tất cả những cám dỗ đó mà nó hứa mang lại cuộc sống, mà cuối cùng chỉ mang đến cho chúng con sự hão huyền và giả trá của nó. Xin giúp chúng con đừng chiếm lấy cuộc sống nhưng biết cho đi. Như Chúa đồng hành với chúng con trên chặng đường của hạt lúa; trong sự “mất đi mạng sống chúng con”, xin giúp giúp con biết khám phá ra con đường tình yêu, con đường mang lại cho chúng con sự sống chân thật và sự sống dồi dào. (x Ga 10:10).
Chặng Đàng Thứ Nhất- Chúa Giêsu bị lên án chết
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27:22-23, 26)
Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: "Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây? " Mọi người đồng thanh: "Đóng đinh nó vào thập giá! "23 Tổng trấn lại nói: "Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? " Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! " Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Suy Ngắm
Thẩm Phán của thế giới sẽ đến lần nữa để phán xét tất cả chúng ta, đang đứng đó, bị hạ nhục và không bào chữa được trước quan tòa trần tục. Philatô không hoàn toàn là người gian ác. Ông biết rằng người bị kết án là vô tội, và ông tìm một cách để trả tự do cho người. Nhưng tâm hồn ông bị chia xé. Và cuối cùng ông đã để chính địa vị của ông, chính quyền lợi của ông vượt lên trên những gì đúng đắn. Cũng không phải những người đang la hét và đòi Chúa Giêsu phải chết hoàn toàn là gian ác. Trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhiều người trong số họ sẽ cảm thấy “đau đớn trong lòng” (Cv 2:37). Khi ông Phêrô đã nói với họ “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em … anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi.” (Cv 2:22 tt). Nhưng lúc đó họ đã bị nhiễm trong đám đông. Họ la to bởi vì mọi người khác đang la hét, và họ cũng la hét giống như mọi người khác. Và theo lối này, công lý đã bị chà đạp dưới chân bởi những người nhu nhược, hèn nhát và sợ sệt tới mệnh lệnh của giới cầm quyền. Tiếng nói thầm lặng của lương tâm đã bị chìm đắm vì tiếng hò hét của đám đông. Ma quỷ đã thu hút được quyền lực của nó từ sự do dự và quan tâm vì những gì người khác nghĩ tới.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã bị lên án chết vì sợ những gì người khác nghĩ tới đã làm im lặng tiếng nói lương tâm. Suốt giòng lịch sử, người vô tội luôn luôn bị ngược đãi, lên án và bị giết nữa. Đã bao nhiêu lần chúng con đã tự đề đạt một cách thành công cho chân lý, dành thanh danh của chúng con cho công lý? Xin củng cố tiếng nói lương tâm thầm lặng của chúng con, với chính tiếng nói của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Phêrô sau khi chối Chúa. Xin cái nhìn của Chúa chiếu rọi vào tâm khảm chúng con và chỉ hướng đi mà chúng con phải theo trong cuộc đời. Trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa đã khơi dậy những tâm hồn mà họ đã hò hét để Chúa phải chết trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và đã làm họ hoán cải. Bằng cách này Chúa đã cho tất cả mọi người niềm hy vọng. Xin hãy ban cho chúng con hồng ân hoán cải luôn mãi.
Chặng Đàng Thứ Hai- Chúa Giêsu vác Thánh Giá
Trích Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 27:27-31).
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! " Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.
Suy Ngắm
Chúa Giêsu bị lên án như một ông vua lừa đảo, đã bị sỉ nhục, nhưng chính sự sỉ nhục nhất đã để lộ ra sự thật đau thương. Từ những con người vĩ đại trong thế giới này, đã bao lần biểu trưng quyền lực là một sỉ nhục đến chân lý, đến công lý và đến nhân phẩm con người! Đã bao lần những phù hoa và lời nói cao quý của họ chẳng có là gì ngoại trừ phô trương lên những điều giả dối, một sự bắt chước một bổn phận bắt buộc để phục vụ lợi ích chung! Đó là vì Chúa Giêsu đã bị chế nhạo và đội triều thiên đau khổ mà Người là Vua chân chính. Vương trượng Ngài là vương trượng công minh (x Tv 45:7). Hoàng tử công chính trong thế gian này đang chịu đau khổ: Chúa Giêsu là Vua thật, không trị vì bằng bạo hành, nhưng bằng tình yêu chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta. Người vác lấy Thập Giá, thánh giá chúng ta, gánh nặng của con người, gánh nặng của thế giới. Và rồi Ngưòi đi trước chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống chân thật.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã sẵn lòng chịu đựng để bị chế nhậo và khinh bỉ. Xin giúp chúng con đừng tự liên kết với những ai coi thường đến người bị khinh khi và đau khổ. Xin giúp chúng con nhận thấy gương mặt của Chúa nơi người hèn mọn và nơi người bị xã hội ruồng bỏ. Ước gì chúng con không bao giờ đánh mất tâm hồn khi đương đầu trước những xúc phạm nó chế giễu sự vâng lời của chúng con tới ý muốn của Chúa trong thế gian này. Chúa đã vác chính cây Thập Giá của Chúa và Chúa yêu cầu chúng con bước theo con đường này (x Mt 10:38). Xin giúp chúng con vác lấy Thập Giá và không xa lánh nó. Ước chi chúng con không bao giờ than phiền hay trở nên thối chí vì những thử thách trong cuộc đời. Xin giúp chúng con dõi bước theo con đường tình yêu trong sự quy phục để tìm thấy niềm vui thật.
Chặng Đàng Thứ Ba- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Trích sách Tiên Tri Isaiah (Is 53: 4-6).
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
Suy Ngắm
Con người đã ngã xuống và Người tiếp tục ngã xuống: thường Người trở nên một bức hí họa về chính Người, không còn là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, nhưng là một sự chế nhạo Đấng Tạo Hoá. Một người trên con đường từ Giêrusalem đến Jericô, đã bị sa vào bọn cướp bị lột áo và để người ấy nửa chết và bị thương bên vệ đường, không phải là hình ảnh con người đặc biệt đó sao? Chúa Giêsu đã ngã dưới cây Thập Giá không chỉ là sự ngã quỵ của con người Giêsu, nhưng đã bị kiệt sức vì chịu đánh đòn. Thật còn có ý nghĩa thâm sâu hơn sự ngã xuống này, như Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta trong thư gửi tín hữu Philiphê
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Pl 2:6-8).
Khi Chúa Giêsu ngã xuống dưới sức nặng của cây Thập Giá, ý nghĩa của toàn thể cuộc sống người được nhìn thấy: một sự nhục nhã tự nguyện đã nâng chúng ta lên khỏi vực thẳm lòng kiêu ngạo của chúng ta. Bản tính kiêu ngạo của chúng ta cũng đã tỏ lộ ra: đó là sự kiêu căng làm cho chúng ta muốn thoát ly khỏi Thiên Chúa và làm chúng ta tự cô độc, sự kiêu hãnh làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm chủ chính vận mệnh chúng ta mà không cần đến tình yêu bất diệt của Người. Trong sự nổi loạn này chống lại chân lý, trong mưu mô để là chính ngẫu tượng, là người tạo hóa, là thẩm phán cho riêng mình, chúng ta ngã đâm đầu xuống và xa vào sự tự hủy. Sự khiêm nhu của Chúa Giêsu là sự chế ngự lòng kiêu căng của chúng ta; bằng sự nhục nhã người nâng chúng ta lên. Hãy để cho người nâng chúng ta dậy. Hãy lột trần cảm giác tự mãn của chúngta, hình ảnh không chịu khuất phục một cách sai lầm, và hãy học nơi người là Đấng tự khiêm hạ, để khám phá ra chân lý cao cả nhất bằng cách cúi mình trước Thiên Chúa và trước những anh chị em bị áp bức.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sức nặng của cây thập giá đã làm Chúa ngã quỵ xuống đất. Sức nặng của tội lỗi chúng con, sức nặng của sự ngạo mạn của chúng con đã làm Chúa gục xuống. Nhưng sự ngã quỵ của Chúa không phải là một bi thương, hay chỉ là sự yếu ớt của con người. Chúa đã đến với chúng con, nhưng vì sự kiêu ngạo mà chúng con đã hạ thấp Chúa. Lòng kiêu hãnh đã làm chúng con nghĩ rằng tự chúng con có thể tạo dựng ra con người, đã biến con người trở thành một thứ hàng hóa, được mua và được bán, được lưu trữ để cung cấp những bộ phận cho sự thử nghiệm. Làm nên điều này, chúng con hy vọng sẽ chinh phục được cái chết bằng chính nỗ lực của chúng con, nhưng rồi trong thực tế, chúng con hoàn toàn làm mất đi phẩm cách nhân phẩm con người. Ôi lạy Chúa xin giúp con, chúng con đã ngã gục. Xin giúp chúng con từ bỏ sự kiêu ngạo hủy hoại của chúng con và học được từ nơi lòng kiêm nhu của Chúa để chúng con trỗi dậy một lần nữa.
Chặng Đàng Thứ Bốn- Chúa Giêsu gặp Mẹ Người
Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 2:34- 35, 51).
Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Suy Ngắm
Trên chặng Đàng Thánh Giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tìm thấy Mẹ Maria, Mẹ của người. Trong đời sống công khai Mẹ đã đứng sang một bên, nhường chỗ cho dòng dõi gia đình mới của Chúa Giêsu, là gia đình của các môn đệ người. Mẹ cũng đã nghe những lời này: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? … Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12: 48-50). Giờ này đây chúng ta nhìn thấy Mẹ của Chúa Giêsu, không chỉ nơi thể lý nhưng nơi tâm hồn của Mẹ nữa. Mẹ Maria đã được nói: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.” (Lc 1:31 tt). Và Mẹ sẽ nghe từ miệng của ông Simon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:35). Rồi Mẹ sẽ nhớ lại những lời của các ngôn sứ, những lời như thế này: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. (Is 53:7). Giờ đây tất cả đều xảy ra. Trong tâm hồn Mẹ, Mẹ đã giữ những lời của sứ thần đã nói với Mẹ từ thưở ban đầu: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Các môn đồ bỏ chạy, còn Mẹ đã không lẫn trốn. Mẹ đứng đó, với lòng can đảm của một người Mẹ, với lòng trung thành của một người Mẹ, với đức hạnh của một người Mẹ và với một đức tin không hề nao núng trong giờ đen tối nhất: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45). “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? (Lc 18:8). Đúng vậy, trong lúc này đây Chúa Giêsu biết: người sẽ tìm thấy lòng tin: trong giây phút này, đây là lúc an ủi cao độ của người.
Lời Nguyện
Lạy Mẹ Maria rất Thánh, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ đã trung thành khi các môn đồ trốn chạy. Như khi Mẹ tin đến sứ điệp lạ lùng của các sứ thần, là Mẹ sẽ trở nên Mẹ của Đấng Tối Cao, rồi Mẹ cũng tin đến giờ phút nhục nhã cực độ nhất của người. Bằng cách này, trong giờ phút của Thập Tự Giá, trong giờ phút của đêm đen tối nhất của thế gian, Mẹ đã trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ của Giáo Hội. Chúng con kêu cầu Mẹ: xin dạy cho chúng con tin, và ban cho chúng con để đức tin của chúng con sinh hoa trái trong sự phục vụ can đảm, và để đức tin của chúng con là dấu chỉ của một tình yêu sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ và cống hiến sự nâng đỡ.
Chặng Đàng Thứ Năm- Người Kyrênê giúp Chúa Giêsu vác đỡ cây Thánh Giá
Trích Phúc âm theo Thánh Matthêu ( Mt 27: 32; 16:24)
Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
Suy Ngắm
Ông Simon người Kyrênê trên con đường trở về nhà ông từ công sở, khi ông bất chợt gặp thấy đoàn diễu hành buồn sầu của những người bị lên án, đối với ông có lẽ đó là một cảnh tượng thông thường. Quân lính bức hiếp một người lao nhọc này từ vùng nông thôn để vác cây Thập Giá trên chính vai của mình. Ông phải nghĩ tới khó chịu như thế nào khi chợt bắt gặp số phận của những người bị lên án! Ông làm những gì ông phải làm nhưng một cách miễn cưỡng. Đáng chú ý thay, Tác Giả Tin Mừng Maccô không những nói tên của ông mà còn nói đến hai người con của ông nữa, được biết họ là những người Kitô hữu và là thành viên trong cộng đoàn (x Mc 15:21). Từ lúc bất chợt này đức tin được sinh ra. Đi bên cạnh Chúa Giêsu và chia sẻ gánh nặng của cây Thánh Giá, người Kyrênê đến để thấy rằng đó là một hồng ân để được đồng hành với Chúa chịu đóng đinh và giúp đỡ người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thầm lặng và chịu đau khổ đã đánh động tâm hồn ông. Chúa Giêsu là Đấng mà một mình tình yêu Thiên Chúa có thể cứu độ tất cả nhân loại, muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá người để chúng ta có thể hoàn tất những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của người (x Cl 1:24). Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra lòng nhân ái đến người đang đau khổ, người bị cưỡng bức và người cô thế, và chia sẻ những nỗi khổ đau của họ, là chúng ta có thể giúp mang cùng cây Thánh Giá đó của Chúa Giêsu. Bằng cách này chúng ta nhận được ơn cứu độ và giúp góp phần đến sự cứu rỗi cho thế giới.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã mở đôi mắt và tâm hồn ông Simon người Kyrênê, và Chúa đã cho ông ân sủng đức tin qua việc chia sẻ vác cây Thánh Giá của Chúa. Xin giúp chúng con biết giúp đỡ những người lân cận thiếu thốn, ngay cả khi điều này quấy rầy đến những dự định và ước muốn của chúng con, bằng cách này để chúng con biết rằng chúng con đang bước đi một mình với Chúa. Xin giúp chúng con cảm kích với niềm vui rằng, khi chúng con chia sẻ trong sự đau khổ của Chúa và những đau khổ của thế giới này, chúng con trở nên những người tôi tớ của sự cứu rỗi và có thể giúp xây dựng Thân Mình của Chúa là Hội Thánh.
Chặng Đàng Thứ Sáu- Bà Verônica lau mặt Chúa Giêsu
Trích sách Thánh Vịnh (Tv 27: 8-9)
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Suy Ngắm
“Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt” (x Tv 27: 8-9). Bà Veronica - Bernice theo truyền thống Hy Lạp, là hiện thân lòng khao khát của tất cả những người nam và người nữ sùng đạo trong Cựu Ước, lòng khao khát của tất cả những người tin để nhìn thấy thánh nhan Thiên Chúa. Trên Đàng Tháng Giá của Chúa Giêsu, mặc dầu thoạt đầu bà đã không làm chi hết ngoại trừ thi hành một cử chỉ ân cần của người phụ nữ: bà đã đưa khăn lau mặt cho Chúa Giêsu. Bà đã không để quân lính hung bạo ngăn cản hay liệt vào trong sự sợ hãi của các môn đồ. Bà là hình ảnh của người phụ nữ tốt lành, đã tỏ ra can đảm do lòng nhân từ và không để tâm hồn bà bị giao động giữa sự hỗn loạn và mất tinh thần. Thiên Chúa đã đưa ra Bài Giảng trên Núi “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Đầu tiên, bà Veronica chỉ trông thấy một gương mặt bị đọa đầy và đầy thương đau. Thế rồi cử chỉ yêu thương của bà đã được ghi ấn hình ảnh thật của Chúa Giêsu nơi tâm hồn bà: trên gương mặt con người của Chúa bị chảy máu và bầm tím, bà đã nhìn thấy thánh nhan của Thiên Chúa và lòng nhân ái của người, đồng hành với chúng ta ngay cả khi chúng ta buồn phiền sâu thẳm nhất. Chỉ với tâm hồn mà chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giêsu. Chỉ có tình yêu thanh tẩy chúng ta và cho chúng ta khả năng để nhìn thấy được. Chỉ có tình yêu có thể cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa chính là tình yêu.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim biết thao thức, tâm hồn biết tìm kiếm thánh nhan Chúa. Xin giữ gìn con khỏi sự mù quáng của con tim chỉ nhìn thấy dáng vẻ bề ngoài. Xin ban cho chúng con tính hồn nhiên và lòng thanh khiết để chúng con có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong thế gian. Khi chúng con không thể hoàn tất những việc trọng đại, xin ban cho chúng con lòng can đảm nhờ lòng khiêm nhu và thiện hão. Xin khắc ghi gương mặt của Chúa trên trái tim con. Ước gì chúng con gặp gỡ Chúa trên dòng đời và tỏ ra hình ảnh của Chúa cho thế giới.
Chặng Đàng Thứ Bảy- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.
Trích sách Ai Ca (Ac 3: 1-2, 9, 16)
Tôi là người đã sống cảnh lầm than
dưới làn roi giận dữ của Người.
Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước,
trong tối tăm, không ánh sáng soi đường.
Người lấy đá hộc chận đường tôi,
xóa lối đi khiến tôi phải lạc hướng.
Răng tôi, Người bắt nhai đá sỏi,
xác tôi, Người vùi dập dưới đống tro.
Suy Ngắm
Theo truyền thống Chúa Giêsu đã ngã xuống ba lần dưới sức nặng của cây Thánh Giá, gợi lên sự sa ngã của Adam là tình trạng sa ngã của nhân loại, và gợi lên mầu nhiệm của chính Chúa Giêsu dự phần trong sự sa ngã của chúng ta. Qua suốt giòng lịch sữ, sự sa ngã của con người tiếp tục mang theo những hình thức mới. Trong Thư Thứ Nhất, Thánh Gioan nói đến dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của. Dựa vào màn phông trụy lạc trong thời đại của chính ngài, Thánh nhân đã làm sáng tỏ sự sa ngã của con người và nhân loại, với tất cả những sự thái quá và sự suy đồi của nó. Thế nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ đến thời gian gần đầy, tinh thần Kitô Giáo đã mọc lên sự ngao ngán đức tin, đã bỏ rơi Thiên Chúa thế nào: Những hệ tư tưởng lớn, và cuộc sống vô vị của những người không còn tin đến bất kỳ sự gì, là những người một cách đơn thuần sống phiêu giạt theo cuộc sống, đã lập nên một tà giáo mới và tồi tệ hơn, trong sự lèo lái của nó muốn cách xa Thiên Chúa chỉ một lần và mãi mãi, đã kết cục gạt bỏ con người. Và như thế con người dập vùi dưới đống tro. Thiên Chúa đã nhiều lần và nhiều lần nữa mang lấy gánh nặng và sự sa ngã này, để gặp gỡ chúng ta. Người đăm chiêu nhìn chúng ta, người đánh động tâm hồn chúng ta; người ngã quỵ xuống để nâng đỡ chúng ta dậy.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu đựng tất cả những gánh nặng của chúng con và Chúa tiếp tục gánh vác chúng con. Ách của chúng con đã làm Chúa quỵ xuống. Xin hãy đỡ nâng chúng con lên vì chính chúng con không thể tự nâng mình lên khỏi đống tro tàn. Xin giải thoát chúng con khỏi những gông cùm xác thịt. Xin ban cho chúng con trái tim bằng thịt thay vào trái tim chai đá, xin ban cho chúng con một con tim biết nhận diện. Xin diệt trừ sức mạnh của hệ tư duy, để tất cả mọi người có thể nhận thấy rằng chúng là phường dối trá. Xin cho chúng con vượt qua được bức tường chủ nghĩa duy vật. Xin làm cho chúng con nhận thức đến sự hiện diện của Chúa. Xin giữ gìn con sống điềm đạm và cảnh tỉnh, để có thể chống cự quyền lực của ma quỷ. Xin giúp chúng con nhận ra được những nhu cầu tâm linh và thiếu thốn của người khác và ban cho họ sự giúp đỡ khi họ cần đến. Xin nâng chúng con trỗi dậy, để chúng con nâng người khác lên. Xin ban cho chúng con niềm hy vọng trong mọi lúc đen tối nhất, để chúng con mang lại niềm hy vọng của Chúa cho thế giới.
Chặng Đàng Thứ Tám- Chúa Giêsu yên ủi phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương người
Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 23: 28-31)
Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! "3 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao? "
Suy Ngắm
Khi nghe Chúa Giêsu than trách phụ nữ thành Giêrusalem đi theo và khóc thương cho người ắt phải làm chúng ta suy tư. Làm sao chúng ta hiểu được những lời của người? Những lời không phải nói trực tiếp đến một lòng đạo đức vốn hoàn toàn có tính đa cảm, mà con người đã thất bại đến sự hoán cải và đời sống đức tin sao? Thật là không tận dụng để than khóc sự đau khổ của thế giới này trong khi cuộc sống chúng ta vẫn tiếp diễn bình thường. Và như thế Thiên Chúa đã cảnh cáo chúng ta đến sự nguy hiểm mà chúng ta đang gặp phải. Người đã chỉ cho chúng ta thấy cả hai sự nghiêm trọng của tội lỗi và sự nghiêm trọng của phán xét. Mặc dầu với tất cả những sự bày tỏ kinh hoàng trước sự dữ và sự đau khổ của người vô tội, phải chăng chúng ta đã được chuẩn bị chu đáo để coi thường sự huyền bí của sự dữ? Chúng ta đã chấp nhận chỉ có lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa và Chúa Giêsu và thầm lặng bỏ qua lời phán đoán chăng? Chúng ta nói “Làm sao Thiên Chúa lại quá lo lắng đến những yếu đuối của chúng ta?” “Chúng ta chỉ là con người!”. Vâng khi chúng ta chiêm ngắm sự đau khổ của Chúa Con, chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn sự nghiêm trọng của tội lỗi và thật sự cần thiết thế nào để hoàn toàn chuộc lỗi nếu chúng ta vượt qua được. Trước hình ảnh đau khổ của Thiên Chúa, sự ác không thể được tầm thường hoá. Ngài nói với cả chúng ta nữa: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình … Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”
Lời Nguyện
Lạy Chúa, những người phụ nữ khóc thương mà Chúa nói với họ về lòng hoán cải và Ngày Phán Xét, khi tất cả chúng con đến trước thánh nhan Chúa: Trước mặt Chúa là vị Thẩm Phám của thế giới. Chúa gọi chúng con bỏ lại sau lưng sự coi thường của điều ác, mà nó xoa dịu lương tâm và để chúng con vẫn tiếp tục theo con đường cũ. Chúa chỉ cho chúng con sự nghiêm trọng đến bổn phận của chúng con, sự nguy hiểm của con người tội lỗi và không thể biện minh được trong ngày Phán Xét. Xin ban cho chúng con không phải chỉ hồn nhiên bước bên cạnh Chúa mà không cống hiến sự gì ngoại trừ nói lên những lời động lòng trắc ẩn. Xin hoán cải chúng con và ban cho chúng con đời sống mới. xin ban cho chúng con cuối cùng chúng con không chỉ là cây héo khô, nhưng là những nhành cây sống trong Chúa, vì Chúa là cây nho thật, để sinh hoa trái cho đời sống vĩnh cửu (x Ga 15: 1-10)
Chặng Đàng Thứ Chín- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.
Trích sách Ai Ca (Ac 3:27-32)
Cũng là một điều hay cho người nào
phải mang ách từ khi còn trẻ.
Khi chính Chúa bắt nó phải mang,
nó hãy cứ ngồi im lặng một mình,
cứ đặt miệng nó trong bụi đất
- may ra còn chút hy vọng nào chăng -
nó cứ đưa má cho kẻ tát,
chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ.
Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi:
có làm khổ, Người cũng xót thương,
vì Người vốn từ bi cao cả;
Suy Ngắm
Ngã xuống đất lần thứ ba có thể nói cho chúng ta điều gì? Chúng ta đã suy xét đến sự sa ngã con người một cách chung, và sự sa ngã của nhiều người Kitô hữu xa rời Đức Kitô và đi vào chủ nghĩa trần tục vô thần. Chúng ta có nên không nghĩ đến Chúa Kitô đã chịu đau khổ trong chính Giáo Hội của người biết chừng nào không? Đã bao lần Sự Hiện Diện của người trong Bí Tích Thánh bị lạm dụng, đã bao lần chúng ta đến với một tâm hồn trống rỗng và gian ác! Đã bao lần chúng ta chỉ cử hành một mình mà không nhận thức đến người đang hiện diện ở đó. Đã bao lần Lời Chúa bị xuyên tạc và bị lăng mạ! Đức tin tầm thường nào đã hiện diện đằng sau quá nhiều học thuyết, quá nhiều những lời nói hão huyền! Đã có bao nhiêu rác rưởi nằm trong Giáo Hội và ngay cả những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về người! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Sự tôn kính không đáng kể nào mà chúng ta đã dành cho Bí Tích Hòa Giải, nơi mà người đang đợi chờ chúng ta, người sẵn sàng nâng đỡ chúng ta lên bất cứ khi nào chúng ta sa ngã!. Tất cả điều này hiện diện trong cuộc Thương Khó của người. Sự phản bội của các môn đồ, rước Mình và Máu Chúa không xứng đáng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc cam chịu; nó đâm thấu con tim của người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25)
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Giáo Hội của Chúa thường giống như một con thuyền sắp đắm chìm, một con thuyền bị đắm nước mọi bề. Trên cánh đồng của Chúa, Chúng con nhìn thấy nhiều cỏ dại hơn là lúa. Quần áo và gương mặt của Giáo Hội Chúa bị dơ bẩn đã làm chúng con hoang mang. Vâng chính chúng con đã làm nhơ bẩn! Đó là chúng con đã phản bội Chúa bao lần, qua tất cả những lời nói kiêu căng và những hành xử trang trọng. Xin thương xót trên Giáo Hội của Chúa; trong Giáo Hội nữa, Adam tiếp tục sa ngã. Khi chúng con sa ngã, chúng con đã thực sự kéo lê Chúa và Satan cười cợt vì nó hy vọng Chúa sẽ không thể trỗi dầy từ sự sa ngã đó; nó hy vọng Giáo Hội bị sa xuống trong sự xa ngã, Chúa sẽ bị liệt và bị áp chế. Nhưng Chúa sẽ trỗi dậy một lần nữa. Chúa đứng đó, Chúa đứng lên và Chúa có thể nâng chúng con lên. Xin cứu và thánh hóa Giáo Hội của chúa. Xin cứu thoát và thánh hóa tất cả chúng con.
Chặng Đàng Thứ Mười- Chúa Giêsu bị lột áo
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 33-36)
Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.
Suy Ngắm
Chúa Giêsu bị lột áo. Quần áo cho một con người địa vị xã hội, nó cho người chỗ đứng trong xã hội, nó làm cho người là một ai đó. Lột trần công khai có nghĩa là Chúa Giêsu chẳng còn là gì, người chỉ là một người bị xã hội bỏ rơi, bị tất cả miệt thị. Lúc bị lột trần công khai nhắc nhở cho chúng ta đến sự trục xuất khỏi vườn địa đàng: Ánh quang của Thiên Chúa đã biến mất đi khỏi con người, là Đấng giờ này đây bị trần truồng và bộc trần, không có quần áo và bị xấu hổ. Và như thế Chúa Giêsu một lần nữa nhận lấy điều kiện con người sa ngã. Bị lột áo, người nhắc chúng ta rằng tất cả chúng ta đã mất đi “bộ áo đầu tiên” đó là ánh quang của Thiên Chúa. Dưới chân Thập Giá, quân lính bắt thăm chia nhau vật sở hữu nhỏ mọn, đó là áo xống. Tác giả phúc âm đã diễn tả khung cảnh với những lời được rút từ Thánh Vịnh 22:19 (Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn); như thế thánh vịnh nói với chúng ta giống như Chúa Giêsu đã nói với các môn đồ trên con đường Emmau: để mọi sự được ứng nghiệm “theo như Kinh Thánh”. Không có gì là trùng hợp ngẫu nhiên; mọi sự xảy ra chứa đựng theo Lời Chúa và theo chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi qua tất cả mọi giai đoạn và mọi bước đi của con người sa ngã khỏi ân sủng, đúng mỗi bước đi đó với tất cả những sự cay đắng, trở nên một bước tiến cho sự cứu độ chúng ta: đó là thế nào mà người mang về con chiên bị lạc. Chúng ta đừng quên điều đó mà Thánh Gioan đã nói đến sự bắt thăm áo xống của Chúa Giêsu, “chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” (Ga 19:23). Chúng ta có thể xem điều này có liên quan đến áo của vị Thượng Tế, đó là “chiếc áo từ một mảnh duy nhất” không có đường khâu (Fl, Josephus, a III, 161). Đối với người, Đấng bị Đóng Đinh là Thượng Tế thật.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bị lột áo, bị phơi trần xấu hổ, bị gạt ra ngoài xã hội. Chúa tự chuốc lấy sự xấu hổ của Adam, và Chúa đã chữa lành. Chúa cũng tự chuốc lấy những đau khổ và những nhu cầu thiếu thốn của người nghèo, những người bị xã hội gạt bỏ trong thế giới chúng con. Và trong đường lối hiển nhiên này Chúa đã làm trọn những lời của các ngôn sư. Chúa đã làm cho chúng con nhân ra thế nào, Chúa Cha đã gìn giữ Chúa, gìn giữ chúng con và toàn thế giới trong bàn tay của người. Xin ban cho chúng con lòng kính trọng sâu xa đến con người trong mọi giai đoạn và trong mọi tình huống, nơi đó chúng con gặp gỡ người. Xin khoác áo cho chúng con trong ánh sáng ân sủng của Chúa.
Chặng Đàng Thứ Mười Một- Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 37-42)Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: "Người này là Giê-su, vua dân Do-thái." Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! " Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!
Suy Ngắm Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá. Bức khăn liệm Turin đã cho chúng ta khái niệm đến sự tàn nhẫn không thể tin nổi của thủ tục này. Chúa Giêsu đã không uống rượu pha mật đắng đưa lên cho người: người nhất định tự chuốc lấy tất cả những đau thương của Sự Đóng Đinh. Toàn thân người bị tra tấn, những lời trong Thánh Vịnh đã nói: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải,con bị đời mắng chửi dể duôi (Tv 22:7). “Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới … Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta (Tv 53:3b,4b). Chúng ta hãy dừng lại trước hình ảnh đau thương này, trước sự đau khổ của Con Thiên Chúa. Chúng ta hãy ngước nhìn lên người vào những lúc tự phụ và ăn chơi trụy lạc, để học để tôn trọng những giới hạn và nhìn thấy được sự nông cạn của tất cả những của cải chỉ hoàn toàn vật chất. Hãy ngước nhìn lên ngời vào những lúc chịu thử thách và khổ tâm, và nhận ra rằng lúc đó là lúc chúng ta gần gũi với Thiên Chúa nhất. Hãy cố gắng nhìn xem gương mặt người nơi con người mà chúng ta coi khinh. Một ý nghĩ khác đến trong tâm trí là khi chúng ta đứng trước Thiên Chúa bị lên án, là Đấng đã không dùng quyền lực để xuống khỏi cây Thập Giá, nhưng cam chịu sự đau khổ của nó cho đến cùng. Thánh Ignatiô thành Antiochia, một tù nhân bì xiềng xích vì đức tin nơi Thiên Chúa, đã ca ngợi Tín Hữu Kitô tại Smuma vì đức tin không chuyển lay của họ: ngài nó họ là những người chịu đóng đinh với xác và máu vào Thập Giá của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô (1,1). Chúng ta hãy tự đóng đinh với ngài, chống trả cơn cám dỗ để tránh xa, hay chống trả không liên kết với những người khác chế nhạo người.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã tự chịu đóng đinh vào Thập giá, chấp nhận sự dã man khủng khiếp của sự đau khổ này, hủy hoại thân xác và phẩm giá của chúa. Chúa đã tự để cho đóng đinh mau lẹ, Chúa đã không tìm cách trốn thoát hay làm giảm đi sự đau khổ của Chúa. Ước gi chúng con không bao giờ trốn chạy khỏi những gì chúng con được kêu gọi để làm. Xin giúp chúng con được trung tín với Chúa. Xin giúp chúng con lột trần sự tự do giả dối mà nó làm chúng con xa cách Chúa. Xin giúp chúng con chấp nhận sự tự do “ràng buộc” của Chúa và “kết lại” keo sơn với Chúa, để chúng con khám phá ra sự tự do đích thật.
Chặng Đàng Thứ Mười Hai- Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá.
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 19: 19-20)
Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái."Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27:45-50, 54)
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? " Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Hắn ta gọi ông Ê-li-a! " Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: "Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không! "Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa."
Suy Ngắm
Bằng tiếng Hy Lạp và Latin là 2 ngôn ngữ quốc tế lúc bấy giờ, và tiếng Hipri là ngôn ngữ Con Người Chọn, một tấm biển trên Thập Giá Chúa Giêsu, chỉ cho thấy người đó là ai: Là Vua dân Do Thái, người Con Vua Đa Vít được hứa hẹn. Philatô, quan tòa bất công, tự trở thành một ngôn sứ bị coi thường. Vương quyền của Chúa Giêsu được công bố cho toàn thế giới. Chính Chúa Giêsu đã không nhận chức tước “Messiah”, bởi vì nó sẽ đưa ra một sự hiểu lầm, theo tư tưởng quyền lực và giải thoát của con người. Rồi giờ đây tước hiệu vẫn còn công khai được trưng trên Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Người thật sự là vua của thế gìới. Giờ này Người đã thật sự “được nâng lên”. Khi chìm xuống dưới vực thẳm sâu Ngài trổi vượt lên đến tột đỉnh. Bây giờ người hoàn tất một cách triệt để giới răn yêu thương, ngài đã hoàn toàn tự hiến và giờ này đây bằng cách này người là sự mặc khải của Thiên Chúa thật, Thiên Chúa là tình yêu. Giờ này chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Giờ này chúng ta biết vương quyền thật sự là gì. Chúa Giêsu đã cầu nguyện theo lời Thánh Vịnh 22, bắt đầu bằng những lời “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (22:2). Ngài mang cho mình tất cả sự đau khổ của dân Israel, tất cả sự đau khổ của nhân loại, bi kịch đen tối của Thiên Chúa, và người làm cho Thiên Chúa hiện diện trong mọi chốn nơi nơi mà dường như người bị đánh bại và vắng bóng. Thập Giá Chúa Giêsu là một biến cố hoàn vũ. Thế giới bị đen tối, khi Con Thiên Chúa bi ruồng bỏ cho đến chết. Trái đất rung động. Và trên Thập Giá, Giáo Hội giữa những người lương dân chào đời. Viên đội trưởng Roma hiểu biết điều này và nhận thức ra rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Từ trên Thánh Giá, lại một lần nữa người đã chiến thắng.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong giờ phút sinh thì của Chúa, mặt trời đã u ám. Chúa lại bị đóng đinh trên Thập Giá lần nữa. Trong giờ phút hiện tại của lịch sử, chúng con đang sống trong bóng tối của Thiên Chúa. Qua sự đau khổ cực độ của Chúa và sự độc ác của con người, dung mạo của Chúa, gương mặt của Chúa dường như bị che khuất, không còn nhận diện được. Và rồi, trên Thập Giá, Chúa đã tự tỏ mình ra. Chúa được tán dương, hoàn toàn là đấng chịu đau khổ và yêu thương. Từ trên Thập Giá trên cao, Chúa đã chiến thắng. Xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của trong giờ phút đen tôi và khổ đau này. Xin giúp chúng con tin tưởng vào Chúa và bước theo Chúa trong giờ phút đen tối và cùng cực. Xin tỏ mình ra cho thế giới lần nữa trong giây phút này. Xin bộc lộ cho chúng con sự cứu chuộc của Chúa.
Chặng Đàng Thứ Mười Ba- Chúa Giêsu được tháo đanh xuống mà phó cho Mẹ Người
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 54- 55)
Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa." Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.
Suy Ngắm Chúa Giêsu sinh thì. Từ con tim người bị mũi đòng của quân lính Roma đâm thâu qua, máu và nước chảy ra: một hình ảnh nhiệm mầu của dòng suối các bí tích, Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể, theo đó Giáo Hội không ngừng tái sinh từ tâm hồn cởi mở của Thiên Chúa. Đôi chân của người bị gãy, giống như hai người cũng chịu đóng đinh với người. Như thế người mặc khải người là con chiên Vượt Qua thật, không một ống xương nào bị dập (.. ) Và giờ đây, cuối cùng của sự đau khổ của người, đối với tất cả tâm can con người bị mất tinh thần và đối với tất cả quyền thế hận thù và hèn nhát, thật tỏ tường cho thấy người không cô đơn một mình. Ở đó có những người trung tín còn lại với người. Dưới chân Thập Giá còn đứng đó là Đức Maria Mẹ người, người chị họ của Mẹ bà Mary Mađalen và tông đồ người yêu mến. Một người phú hộ, ông Giôxếp tại Arimathea cũng xuất hiện tại hiện trường: một người giàu sang có khả năng chui qua lỗ kim, vì Thiên Chúa đã ban ân sủng cho ông. Ông táng xác Chúa Giêsu trong chính ngôi mộ dành sẵn cho ông tại khu vườn. Trong cuộc táng xác Chúa Giêsu, nghĩa địa trở thành một khu vườn, khu vườn nơi mà Adam đã bị trục xuất khi ông từ bỏ cuộc sống viên mãn, từ bỏ Đấng Tạo Hóa. Khu mộ nơi khu vườn biểu tượng lên giấc ngủ của cái chết sẽ kết liễu. Một thành viên trong Thượng Hội Đồng Roma cũng đi theo là ông Nicodêmô, người đã đước Chúa Giêsu loan báo mầu nhiệm tái sinh bằng nước và Thánh Thần. Ngay cả trong Thượng Hội Đồng Roma đã tuyên án tử cho người, ở đó còn có một người tin, còn có một ai đó biết và nhận ra Chuá Giêsu sau khi người sinh thì. Trong giờ phúc khóc thương thống thiết, đen tối và tuyệt vọng này, ánh sáng niềm hy vọng được hiện lên một cách huyền diệu. Thiên Chúa bị đánh đòn là Thiên Chúa của sự sống đang đến gần. Ngay cả trong đêm tối sự chết, Thiên Chúa vẫn còn là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, gia đình mới của người, bắt đầu tỏ hiện.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã đi vào bóng tối sự chết. Nhưng thân xác Chúa được trao về cho những bàn tay nhân từ và được liệm trong tấm vải gai trắng (x Mt 27:59). Đức tin không hoàn toàn mất biến, mặt trời không hoàn toàn đi vào buổi hoàng hôn. Đã bao lần Chúa xuất hiện như đang ngủ? Thật dễ để chúng con chồn bước và tự thầm rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Trong giờ phút đen tối, xin giúp chúng con biết rằng Chúa vẫn còn ở đó. Xin đừng bỏ rơi khi chúng con bị cám dỗ mất tâm hồn. Xin giúp chúng con đừng để Chúa cô đơn một mình. Xin ban cho chúng con lòng trung tín để chịu đựng trong những lúc hoang mang và xin ban cho chúng con lòng trung tín để có một tình yêu sẵn sàng ôm ấp Chúa trong lúc Chúa hoàn toàn bất động, như Mẹ của Chúa là Đấng đã ôm Chúa vào lòng một lần nữa. Xin giúp chúng con, là người giàu có và kẻ cơ bần, là người ngu dốt và người có học, biết nhìn ra ngoài sự sợ hãi và thành kiến của chúng con, và biết cống hiến khả năng chúng con cho Chúa, biết cống hiến tâm hồn và thời gian của chúng con, để chuẩn bị khu vườn Phục Sinh.
Chặng Đàng Thứ Mười Bốn- Chúa Giêsu được mai táng trong mồ.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 59-61)
Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.
Suy Ngắm
Chúa Giêsu bị ruồng bỏ và ngược đãi, đã được mai táng một cách tôn kính trong ngôi mộ mới. Nicôdêm mang một trăm cân mộc duợc trộn với trầm hương mà nó tỏ một mùi thơm quý báu. Trong sự tự hiến của Chúa Con, là Đấng được xức dầu ở Bethany, chúng ta xem thấy một “sự quá mức” gợi lên lòng nhân hậu và tình yêu thương quá đỗi của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự hiến một cách nhưng không. Nếu đo lường của Thiên Chúa là quá mực dồi dào, thì đối với chúng ta về phần mình chẳng đáng là gì đối với Thiên Chúa. Đây là chính giáo huấn của Chúa Giêsu trong Bài Giảng trên Núi (Mt 5:50). Nhưng chúng ta cũng nhớ đến lời của Thánh Phaolô, ngài đã nói rằng Thiên Chúa “dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Ki-tô, như hương thơm, lan toả khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Ki-tô dâng kính Thiên Chúa” (2 Cr 2:14-15). Giữa tình trạng suy đồi của hệ tư duy, đức tin chúng ta lần nữa cần đến hương thơm để mang chúng ta trở về con đường sống. Vào chính lúc mai táng người. Những lời của Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Chúa Giêsu là hạt lúa đã chết đi. Từ hạt lúa bất động nó làm nên bánh mì lớn gấp nhiều lần mà nó sẽ kéo dài cho tới tận cùng thế giới. Chúa Giêsu là bánh hằng sống có thể đáp ứng một cách dư thừa đến sự đói khát của tất cả nhân loại và có thể cung thần lương thẳm sâu nhất. Qua Thập Giá và Phục Sinh của người, Ngôi Lời Vĩnh Cữu của Thiên Chúa trở nên thịt và bánh cho chúng ta. Mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể đã chiếu dõi ra trong sự mai táng của Chúa Giêsu.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong sự mai táng của Chúa, Chúa đã cất đi cái chết của hạt lúa. Chúa đã trở nên hạt lúa bất động mà nó cung cấp hoa trái dồi dào cho mọi thời đạo và vô cùng tận. Từ ngôi mồ chiếu dõi ra cho mọi thế hệ sự hứa hẹn của hạt lúa mà nó sẽ cho bánh manna thật. Bánh Hằng Sống mà Chúa cống hiến chính Chúa cho chúng con. Ngôi Lời vĩnh cửu, qua sự nhập thể và cái chết đã trở nên Ngôi Lời gần gũi với chúng con: chúa đặt chính Chúa vào đôi tay và tâm lòng chúng con, để Lời Chúa có thể triển nơ/ trong chúng con và mang hoa trái. Qua cái chết của hạt lúa mà Chúa ban chính Chúa cho chúng con, để cả chúng con nữa dám liều mạng sống để đi kiếm tìm, để chúng con nữa có thể tin tưởng vào sự hứa hẹn của hạt lúa. Xin giúp chúng con lớn lên trong tình yêu và trong sự tôn kính mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể -- dành cho Chúa là Bánh bởi trời, nguồn mạch sự sống. Xin giúp chúng con trở nên “hương thơm” của Chúa và cho thế giới biết đến dấu vết huyền nhiệm của cuộc đời Chúa. Giống như hạt lúa mọc lên từ đất, mọc cành và trổ bông, Chúa không thể bị đóng kín trong mồ: ngôi mồ trống bởi vì Chúa Cha “đã không bỏ mặc Chúa trong cõi âm ty và thân xác Chúa không phải hư nát” (x Cv 2:31; Tv 16:10). Không, Chúa đã không thấy sự hư nát. Chúa đã trỗi dậy, và đã dành một chỗ cho thân xác biến dạnh của chúng con trong tận tâm lòng của Chúa. Xin giúp chúng con hoan hỉ trong niềm hy vọng này và hân hoan mang nó đến cho thế giới. Xin giúp chúng con trở nên những chứng nhân Chúa Phục Sinh.
***********
Lời mở đầu:
Chủ đề chính đưa ra Chặng Đàng Thánh Giá xuất hiện ngay vào lời nguyện mở đầu và xuất hiện lần nữa nơi Chặng Thứ Mười Bốn, là những lời của Chúa Giêsu trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, sau khi vào thành Giêrusalem, để trả lời cho câu hỏi của một số người Hy Lạp muốn tìm Người: ”nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24)
Nói lên điều này, Thiên Chúa so sánh quá trình cuộc sống của Người nơi trần thế với sự sống của một hạt lúa, mà chỉ có chết đi mới sinh ra hạt. Người làm sáng tỏ cuộc sống trần thế của người, cái chết của Người và sự phục sinh của người từ quan điểm của Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh, tóm lại toàn thể mầu nhiệm của người. Người đã trải qua cái chết của Người như một hành động tự hiến thân. Người là Ngôi Lời Nhập Thể giở đây trở nên lương thực cho chúng ta, của ăn dẫn đến cuộc sống chân thật, đời sống vĩnh cửu. Lời Vĩnh Cửu, quyền lực phát sinh nên sự sống đến từ trời chính là bánh manna thật, bánh được ban tặng cho con người trong đức tin và trong bí tích. Như thế Chặng Đàng Thánh Giá là một con đường dẫn đến trung tâm mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể: lòng đạo đức bình dân và lòng đạo đức á bí tích của Giáo Hội hòa hợp với nhau và trở nên một. Lời nguyện của Chặng Đàng Thánh Giá là một con đường dẫn tới sự hiệp thông tâm linh sâu xa với Chúa Giêsu, nếu thiếu đi điều này, sự rước lễ thật của chúng ta sẽ vẫn còn trống rỗng. Như thế Chặng Đàng Tháng Giá là một con đường “có tính mầu nhiệm”.
Viễn ảnh này tương phản với sự diễn tả hoàn toàn đa cảm tới Chặng Đàng Thánh Giá. Nơi Chặng Thứ Tám khi Chúa nói lên sự nguy hiểm này với phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương cho Người. Chỉ có đa cảm thôi thì không bao giờ đủ. Chặng Đàng Thánh Giá phải là một trường học đức tin, đức tin từ ngay bản chất “hành động qua đức ái” (Gl 5:6). Điều này không nói rằng đa cảm đó không có chỗ đứng thích hợp của nó. Các Nghị Phụ đã coi tâm hồn chai đá là thói hư tật xấu chính của người tà giáo, và họ đã thỉnh cầu tiên tri Ezekiel, là người đã loan báo cho dân Israel lời hứa của Thiên Chúa để cất đi trái tim chai đá của họ và ban cho họ những trái tim bằng thịt (x Ed 11:19). Chặng Đàng Thánh Giá mà chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa chia sẻ những thống khổ của con người, một Thiên Chúa không hững hờ và xa cách, nhưng đến giữa chúng ta, ngay cả cam chịu cái chết trên cây thập tự (x Pl 2:8).
Thiên Chúa chia sẻ sự đau khổ của chúng ta, Thiên Chúa xuống làm người để mang thánh giá của chúng ta, người muốn biến đổi những trái tim chai đá; Người mời gọi chúng ta chia sẻ sự đau khổ của người khác. Người muốn cho chúng ta một “trái tim bằng thịt”, mà nó sẽ không còn vô tình trước sự đau khổ của người khác, nhưng nó có thể cảm xúc dẫn đến tình yêu để hàn gắn và hồi phục. Một lần nữa ở đây, chúng ta trở về với những lời của Chúa Giêsu về hạt lúa, mà chính Người đã nằm xuống như một chân lý căn bản cho đời sống Kitô hữu ”Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25, x Mt 16:25, Mc 8:35, Lc 9:24 và câu Lc 17:33: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”.
Chúng ta cũng nhận thấy rõ ràng ý nghĩa của những lời mà Phúc Âm Nhất Lãm đưa trước lời kết luận sứ điệp của Chúa Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chính Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ cho chúng ta “Chặng Đàng Thánh Giá”; Người đã dạy chúng ta cầu nguyện và tuân theo thể nào: Chặng Đàng Thánh Giá là con đường tự chịu thua thiệt, là con đường tình yêu chân thật. Trên con đường này Người đã đi trước chúng ta, trên con đường này Người dạy chúng ta cách cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá. Một lần nữa chúng ta trở về với hạt lúa, trở về với Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh, trong đó những hoa trái của cái chết và Phục Sinh của Chúa Kitô được tiếp tục hiện diện giữa chúng ta. Torng Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu bước đi bên cạnh chúng ta, như Người đã đi cùng với những môn đệ thành Emmau, chính Người bắt đầu lại lần nữa một phần cho lịch sử chúng ta.
Lời nguyện khai mạc:
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì lợi ích cho chúng con mà Chúa đã trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi, để nó sinh nhiều hoa trái (Ga 12: 24). Chúa mời gọi chúng con theo Chúa trên con đường mà Chúa đã nói với chúng con là “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25). Vâng chúng con gắn bó với cuộc đời chúng con và không muốn bỏ rơi nó; chúng con muốn tự giữ lấy cho chính mình. Chúng con muốn giữ chặt nó, không chịu cho đi. Nhưng Chúa đi trước chúng con, Chúa tỏ cho chúng con thấy rằng chỉ bằng cách cho đi cuộc sống chúng con mà chúng con có thể cứu nó. Khi chúng con cùng đi với Chúa theo Chặng Đàng Thánh Giá, Chúa dẫn chúng con dọc chặng đường của hạt lúa, chặng đường sinh sôi nhiều hoa trái tới sự vĩnh cửu. Thánh giá -- tự hiến thân - đè nặng trên chúng con. Dọc theo chính Chặng Đàng Thánh Giá của Chúa, Chúa đã mang lấy thánh giá của chúng con. Vì tình yêu thương của Chúa tiếp tục đồng hành với chúng con mọi lúc trong cuộc đời, chúng con đã không gánh vác trong quá khứ cho dù chỉ một khoảng khắc,. Hôm nay chúng con mang thánh giá đó với con và vì con, và kinh ngạc thay Chúa muốn con giống như ông Simon thành Cyrênê, để theo Chúa cùng vác thập giá cho Chúa. Chúa muốn chúng con đi bộ với Chúa và tự hiến cho Chúa trong sự phục vụ cứu rỗi cho thế giới.
Xin ban cho chúng con để chặng Đàng Thánh Cha của chúng con không chỉ là một lòng đạo đức thoáng qua. Xin giúp tất cả chúng con để cùng đồng hành với Chúa không chỉ bằng những tư tưởng cao thượng, nhưng với tất cả tâm hồn chúng con và với tất cả mọi bước đi mỗi ngày trong cuộc đời. Xin giúp chúng con triệt để phát họa ra chặng Đàng Thánh Giá và kiên trì trên con đường của Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi sự sợ hải của Thập Tự, khỏi sự sợ hải của phường nhạo báng, khỏi sự sợ hãi để cuộc đời chúng con thoát khỏi sự níu kéo nếu chúng con cứ khăng khăng bám víu mọi sự đến với chúng con.
Xin giúp chúng con lột trần tất cả những cám dỗ đó mà nó hứa mang lại cuộc sống, mà cuối cùng chỉ mang đến cho chúng con sự hão huyền và giả trá của nó. Xin giúp chúng con đừng chiếm lấy cuộc sống nhưng biết cho đi. Như Chúa đồng hành với chúng con trên chặng đường của hạt lúa; trong sự “mất đi mạng sống chúng con”, xin giúp giúp con biết khám phá ra con đường tình yêu, con đường mang lại cho chúng con sự sống chân thật và sự sống dồi dào. (x Ga 10:10).
Chặng Đàng Thứ Nhất- Chúa Giêsu bị lên án chết
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27:22-23, 26)
Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: "Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây? " Mọi người đồng thanh: "Đóng đinh nó vào thập giá! "23 Tổng trấn lại nói: "Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? " Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! " Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Suy Ngắm
Thẩm Phán của thế giới sẽ đến lần nữa để phán xét tất cả chúng ta, đang đứng đó, bị hạ nhục và không bào chữa được trước quan tòa trần tục. Philatô không hoàn toàn là người gian ác. Ông biết rằng người bị kết án là vô tội, và ông tìm một cách để trả tự do cho người. Nhưng tâm hồn ông bị chia xé. Và cuối cùng ông đã để chính địa vị của ông, chính quyền lợi của ông vượt lên trên những gì đúng đắn. Cũng không phải những người đang la hét và đòi Chúa Giêsu phải chết hoàn toàn là gian ác. Trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhiều người trong số họ sẽ cảm thấy “đau đớn trong lòng” (Cv 2:37). Khi ông Phêrô đã nói với họ “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em … anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi.” (Cv 2:22 tt). Nhưng lúc đó họ đã bị nhiễm trong đám đông. Họ la to bởi vì mọi người khác đang la hét, và họ cũng la hét giống như mọi người khác. Và theo lối này, công lý đã bị chà đạp dưới chân bởi những người nhu nhược, hèn nhát và sợ sệt tới mệnh lệnh của giới cầm quyền. Tiếng nói thầm lặng của lương tâm đã bị chìm đắm vì tiếng hò hét của đám đông. Ma quỷ đã thu hút được quyền lực của nó từ sự do dự và quan tâm vì những gì người khác nghĩ tới.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã bị lên án chết vì sợ những gì người khác nghĩ tới đã làm im lặng tiếng nói lương tâm. Suốt giòng lịch sử, người vô tội luôn luôn bị ngược đãi, lên án và bị giết nữa. Đã bao nhiêu lần chúng con đã tự đề đạt một cách thành công cho chân lý, dành thanh danh của chúng con cho công lý? Xin củng cố tiếng nói lương tâm thầm lặng của chúng con, với chính tiếng nói của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Phêrô sau khi chối Chúa. Xin cái nhìn của Chúa chiếu rọi vào tâm khảm chúng con và chỉ hướng đi mà chúng con phải theo trong cuộc đời. Trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa đã khơi dậy những tâm hồn mà họ đã hò hét để Chúa phải chết trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và đã làm họ hoán cải. Bằng cách này Chúa đã cho tất cả mọi người niềm hy vọng. Xin hãy ban cho chúng con hồng ân hoán cải luôn mãi.
Chặng Đàng Thứ Hai- Chúa Giêsu vác Thánh Giá
Trích Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 27:27-31).
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! " Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.
Suy Ngắm
Chúa Giêsu bị lên án như một ông vua lừa đảo, đã bị sỉ nhục, nhưng chính sự sỉ nhục nhất đã để lộ ra sự thật đau thương. Từ những con người vĩ đại trong thế giới này, đã bao lần biểu trưng quyền lực là một sỉ nhục đến chân lý, đến công lý và đến nhân phẩm con người! Đã bao lần những phù hoa và lời nói cao quý của họ chẳng có là gì ngoại trừ phô trương lên những điều giả dối, một sự bắt chước một bổn phận bắt buộc để phục vụ lợi ích chung! Đó là vì Chúa Giêsu đã bị chế nhạo và đội triều thiên đau khổ mà Người là Vua chân chính. Vương trượng Ngài là vương trượng công minh (x Tv 45:7). Hoàng tử công chính trong thế gian này đang chịu đau khổ: Chúa Giêsu là Vua thật, không trị vì bằng bạo hành, nhưng bằng tình yêu chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta. Người vác lấy Thập Giá, thánh giá chúng ta, gánh nặng của con người, gánh nặng của thế giới. Và rồi Ngưòi đi trước chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống chân thật.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã sẵn lòng chịu đựng để bị chế nhậo và khinh bỉ. Xin giúp chúng con đừng tự liên kết với những ai coi thường đến người bị khinh khi và đau khổ. Xin giúp chúng con nhận thấy gương mặt của Chúa nơi người hèn mọn và nơi người bị xã hội ruồng bỏ. Ước gì chúng con không bao giờ đánh mất tâm hồn khi đương đầu trước những xúc phạm nó chế giễu sự vâng lời của chúng con tới ý muốn của Chúa trong thế gian này. Chúa đã vác chính cây Thập Giá của Chúa và Chúa yêu cầu chúng con bước theo con đường này (x Mt 10:38). Xin giúp chúng con vác lấy Thập Giá và không xa lánh nó. Ước chi chúng con không bao giờ than phiền hay trở nên thối chí vì những thử thách trong cuộc đời. Xin giúp chúng con dõi bước theo con đường tình yêu trong sự quy phục để tìm thấy niềm vui thật.
Chặng Đàng Thứ Ba- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Trích sách Tiên Tri Isaiah (Is 53: 4-6).
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
Suy Ngắm
Con người đã ngã xuống và Người tiếp tục ngã xuống: thường Người trở nên một bức hí họa về chính Người, không còn là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, nhưng là một sự chế nhạo Đấng Tạo Hoá. Một người trên con đường từ Giêrusalem đến Jericô, đã bị sa vào bọn cướp bị lột áo và để người ấy nửa chết và bị thương bên vệ đường, không phải là hình ảnh con người đặc biệt đó sao? Chúa Giêsu đã ngã dưới cây Thập Giá không chỉ là sự ngã quỵ của con người Giêsu, nhưng đã bị kiệt sức vì chịu đánh đòn. Thật còn có ý nghĩa thâm sâu hơn sự ngã xuống này, như Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta trong thư gửi tín hữu Philiphê
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Pl 2:6-8).
Khi Chúa Giêsu ngã xuống dưới sức nặng của cây Thập Giá, ý nghĩa của toàn thể cuộc sống người được nhìn thấy: một sự nhục nhã tự nguyện đã nâng chúng ta lên khỏi vực thẳm lòng kiêu ngạo của chúng ta. Bản tính kiêu ngạo của chúng ta cũng đã tỏ lộ ra: đó là sự kiêu căng làm cho chúng ta muốn thoát ly khỏi Thiên Chúa và làm chúng ta tự cô độc, sự kiêu hãnh làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm chủ chính vận mệnh chúng ta mà không cần đến tình yêu bất diệt của Người. Trong sự nổi loạn này chống lại chân lý, trong mưu mô để là chính ngẫu tượng, là người tạo hóa, là thẩm phán cho riêng mình, chúng ta ngã đâm đầu xuống và xa vào sự tự hủy. Sự khiêm nhu của Chúa Giêsu là sự chế ngự lòng kiêu căng của chúng ta; bằng sự nhục nhã người nâng chúng ta lên. Hãy để cho người nâng chúng ta dậy. Hãy lột trần cảm giác tự mãn của chúngta, hình ảnh không chịu khuất phục một cách sai lầm, và hãy học nơi người là Đấng tự khiêm hạ, để khám phá ra chân lý cao cả nhất bằng cách cúi mình trước Thiên Chúa và trước những anh chị em bị áp bức.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sức nặng của cây thập giá đã làm Chúa ngã quỵ xuống đất. Sức nặng của tội lỗi chúng con, sức nặng của sự ngạo mạn của chúng con đã làm Chúa gục xuống. Nhưng sự ngã quỵ của Chúa không phải là một bi thương, hay chỉ là sự yếu ớt của con người. Chúa đã đến với chúng con, nhưng vì sự kiêu ngạo mà chúng con đã hạ thấp Chúa. Lòng kiêu hãnh đã làm chúng con nghĩ rằng tự chúng con có thể tạo dựng ra con người, đã biến con người trở thành một thứ hàng hóa, được mua và được bán, được lưu trữ để cung cấp những bộ phận cho sự thử nghiệm. Làm nên điều này, chúng con hy vọng sẽ chinh phục được cái chết bằng chính nỗ lực của chúng con, nhưng rồi trong thực tế, chúng con hoàn toàn làm mất đi phẩm cách nhân phẩm con người. Ôi lạy Chúa xin giúp con, chúng con đã ngã gục. Xin giúp chúng con từ bỏ sự kiêu ngạo hủy hoại của chúng con và học được từ nơi lòng kiêm nhu của Chúa để chúng con trỗi dậy một lần nữa.
Chặng Đàng Thứ Bốn- Chúa Giêsu gặp Mẹ Người
Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 2:34- 35, 51).
Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Suy Ngắm
Trên chặng Đàng Thánh Giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tìm thấy Mẹ Maria, Mẹ của người. Trong đời sống công khai Mẹ đã đứng sang một bên, nhường chỗ cho dòng dõi gia đình mới của Chúa Giêsu, là gia đình của các môn đệ người. Mẹ cũng đã nghe những lời này: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? … Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12: 48-50). Giờ này đây chúng ta nhìn thấy Mẹ của Chúa Giêsu, không chỉ nơi thể lý nhưng nơi tâm hồn của Mẹ nữa. Mẹ Maria đã được nói: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.” (Lc 1:31 tt). Và Mẹ sẽ nghe từ miệng của ông Simon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:35). Rồi Mẹ sẽ nhớ lại những lời của các ngôn sứ, những lời như thế này: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. (Is 53:7). Giờ đây tất cả đều xảy ra. Trong tâm hồn Mẹ, Mẹ đã giữ những lời của sứ thần đã nói với Mẹ từ thưở ban đầu: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Các môn đồ bỏ chạy, còn Mẹ đã không lẫn trốn. Mẹ đứng đó, với lòng can đảm của một người Mẹ, với lòng trung thành của một người Mẹ, với đức hạnh của một người Mẹ và với một đức tin không hề nao núng trong giờ đen tối nhất: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45). “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? (Lc 18:8). Đúng vậy, trong lúc này đây Chúa Giêsu biết: người sẽ tìm thấy lòng tin: trong giây phút này, đây là lúc an ủi cao độ của người.
Lời Nguyện
Lạy Mẹ Maria rất Thánh, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ đã trung thành khi các môn đồ trốn chạy. Như khi Mẹ tin đến sứ điệp lạ lùng của các sứ thần, là Mẹ sẽ trở nên Mẹ của Đấng Tối Cao, rồi Mẹ cũng tin đến giờ phút nhục nhã cực độ nhất của người. Bằng cách này, trong giờ phút của Thập Tự Giá, trong giờ phút của đêm đen tối nhất của thế gian, Mẹ đã trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ của Giáo Hội. Chúng con kêu cầu Mẹ: xin dạy cho chúng con tin, và ban cho chúng con để đức tin của chúng con sinh hoa trái trong sự phục vụ can đảm, và để đức tin của chúng con là dấu chỉ của một tình yêu sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ và cống hiến sự nâng đỡ.
Chặng Đàng Thứ Năm- Người Kyrênê giúp Chúa Giêsu vác đỡ cây Thánh Giá
Trích Phúc âm theo Thánh Matthêu ( Mt 27: 32; 16:24)
Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
Suy Ngắm
Ông Simon người Kyrênê trên con đường trở về nhà ông từ công sở, khi ông bất chợt gặp thấy đoàn diễu hành buồn sầu của những người bị lên án, đối với ông có lẽ đó là một cảnh tượng thông thường. Quân lính bức hiếp một người lao nhọc này từ vùng nông thôn để vác cây Thập Giá trên chính vai của mình. Ông phải nghĩ tới khó chịu như thế nào khi chợt bắt gặp số phận của những người bị lên án! Ông làm những gì ông phải làm nhưng một cách miễn cưỡng. Đáng chú ý thay, Tác Giả Tin Mừng Maccô không những nói tên của ông mà còn nói đến hai người con của ông nữa, được biết họ là những người Kitô hữu và là thành viên trong cộng đoàn (x Mc 15:21). Từ lúc bất chợt này đức tin được sinh ra. Đi bên cạnh Chúa Giêsu và chia sẻ gánh nặng của cây Thánh Giá, người Kyrênê đến để thấy rằng đó là một hồng ân để được đồng hành với Chúa chịu đóng đinh và giúp đỡ người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thầm lặng và chịu đau khổ đã đánh động tâm hồn ông. Chúa Giêsu là Đấng mà một mình tình yêu Thiên Chúa có thể cứu độ tất cả nhân loại, muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá người để chúng ta có thể hoàn tất những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của người (x Cl 1:24). Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra lòng nhân ái đến người đang đau khổ, người bị cưỡng bức và người cô thế, và chia sẻ những nỗi khổ đau của họ, là chúng ta có thể giúp mang cùng cây Thánh Giá đó của Chúa Giêsu. Bằng cách này chúng ta nhận được ơn cứu độ và giúp góp phần đến sự cứu rỗi cho thế giới.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã mở đôi mắt và tâm hồn ông Simon người Kyrênê, và Chúa đã cho ông ân sủng đức tin qua việc chia sẻ vác cây Thánh Giá của Chúa. Xin giúp chúng con biết giúp đỡ những người lân cận thiếu thốn, ngay cả khi điều này quấy rầy đến những dự định và ước muốn của chúng con, bằng cách này để chúng con biết rằng chúng con đang bước đi một mình với Chúa. Xin giúp chúng con cảm kích với niềm vui rằng, khi chúng con chia sẻ trong sự đau khổ của Chúa và những đau khổ của thế giới này, chúng con trở nên những người tôi tớ của sự cứu rỗi và có thể giúp xây dựng Thân Mình của Chúa là Hội Thánh.
Chặng Đàng Thứ Sáu- Bà Verônica lau mặt Chúa Giêsu
Trích sách Thánh Vịnh (Tv 27: 8-9)
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Suy Ngắm
“Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt” (x Tv 27: 8-9). Bà Veronica - Bernice theo truyền thống Hy Lạp, là hiện thân lòng khao khát của tất cả những người nam và người nữ sùng đạo trong Cựu Ước, lòng khao khát của tất cả những người tin để nhìn thấy thánh nhan Thiên Chúa. Trên Đàng Tháng Giá của Chúa Giêsu, mặc dầu thoạt đầu bà đã không làm chi hết ngoại trừ thi hành một cử chỉ ân cần của người phụ nữ: bà đã đưa khăn lau mặt cho Chúa Giêsu. Bà đã không để quân lính hung bạo ngăn cản hay liệt vào trong sự sợ hãi của các môn đồ. Bà là hình ảnh của người phụ nữ tốt lành, đã tỏ ra can đảm do lòng nhân từ và không để tâm hồn bà bị giao động giữa sự hỗn loạn và mất tinh thần. Thiên Chúa đã đưa ra Bài Giảng trên Núi “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Đầu tiên, bà Veronica chỉ trông thấy một gương mặt bị đọa đầy và đầy thương đau. Thế rồi cử chỉ yêu thương của bà đã được ghi ấn hình ảnh thật của Chúa Giêsu nơi tâm hồn bà: trên gương mặt con người của Chúa bị chảy máu và bầm tím, bà đã nhìn thấy thánh nhan của Thiên Chúa và lòng nhân ái của người, đồng hành với chúng ta ngay cả khi chúng ta buồn phiền sâu thẳm nhất. Chỉ với tâm hồn mà chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giêsu. Chỉ có tình yêu thanh tẩy chúng ta và cho chúng ta khả năng để nhìn thấy được. Chỉ có tình yêu có thể cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa chính là tình yêu.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim biết thao thức, tâm hồn biết tìm kiếm thánh nhan Chúa. Xin giữ gìn con khỏi sự mù quáng của con tim chỉ nhìn thấy dáng vẻ bề ngoài. Xin ban cho chúng con tính hồn nhiên và lòng thanh khiết để chúng con có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong thế gian. Khi chúng con không thể hoàn tất những việc trọng đại, xin ban cho chúng con lòng can đảm nhờ lòng khiêm nhu và thiện hão. Xin khắc ghi gương mặt của Chúa trên trái tim con. Ước gì chúng con gặp gỡ Chúa trên dòng đời và tỏ ra hình ảnh của Chúa cho thế giới.
Chặng Đàng Thứ Bảy- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.
Trích sách Ai Ca (Ac 3: 1-2, 9, 16)
Tôi là người đã sống cảnh lầm than
dưới làn roi giận dữ của Người.
Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước,
trong tối tăm, không ánh sáng soi đường.
Người lấy đá hộc chận đường tôi,
xóa lối đi khiến tôi phải lạc hướng.
Răng tôi, Người bắt nhai đá sỏi,
xác tôi, Người vùi dập dưới đống tro.
Suy Ngắm
Theo truyền thống Chúa Giêsu đã ngã xuống ba lần dưới sức nặng của cây Thánh Giá, gợi lên sự sa ngã của Adam là tình trạng sa ngã của nhân loại, và gợi lên mầu nhiệm của chính Chúa Giêsu dự phần trong sự sa ngã của chúng ta. Qua suốt giòng lịch sữ, sự sa ngã của con người tiếp tục mang theo những hình thức mới. Trong Thư Thứ Nhất, Thánh Gioan nói đến dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của. Dựa vào màn phông trụy lạc trong thời đại của chính ngài, Thánh nhân đã làm sáng tỏ sự sa ngã của con người và nhân loại, với tất cả những sự thái quá và sự suy đồi của nó. Thế nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ đến thời gian gần đầy, tinh thần Kitô Giáo đã mọc lên sự ngao ngán đức tin, đã bỏ rơi Thiên Chúa thế nào: Những hệ tư tưởng lớn, và cuộc sống vô vị của những người không còn tin đến bất kỳ sự gì, là những người một cách đơn thuần sống phiêu giạt theo cuộc sống, đã lập nên một tà giáo mới và tồi tệ hơn, trong sự lèo lái của nó muốn cách xa Thiên Chúa chỉ một lần và mãi mãi, đã kết cục gạt bỏ con người. Và như thế con người dập vùi dưới đống tro. Thiên Chúa đã nhiều lần và nhiều lần nữa mang lấy gánh nặng và sự sa ngã này, để gặp gỡ chúng ta. Người đăm chiêu nhìn chúng ta, người đánh động tâm hồn chúng ta; người ngã quỵ xuống để nâng đỡ chúng ta dậy.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu đựng tất cả những gánh nặng của chúng con và Chúa tiếp tục gánh vác chúng con. Ách của chúng con đã làm Chúa quỵ xuống. Xin hãy đỡ nâng chúng con lên vì chính chúng con không thể tự nâng mình lên khỏi đống tro tàn. Xin giải thoát chúng con khỏi những gông cùm xác thịt. Xin ban cho chúng con trái tim bằng thịt thay vào trái tim chai đá, xin ban cho chúng con một con tim biết nhận diện. Xin diệt trừ sức mạnh của hệ tư duy, để tất cả mọi người có thể nhận thấy rằng chúng là phường dối trá. Xin cho chúng con vượt qua được bức tường chủ nghĩa duy vật. Xin làm cho chúng con nhận thức đến sự hiện diện của Chúa. Xin giữ gìn con sống điềm đạm và cảnh tỉnh, để có thể chống cự quyền lực của ma quỷ. Xin giúp chúng con nhận ra được những nhu cầu tâm linh và thiếu thốn của người khác và ban cho họ sự giúp đỡ khi họ cần đến. Xin nâng chúng con trỗi dậy, để chúng con nâng người khác lên. Xin ban cho chúng con niềm hy vọng trong mọi lúc đen tối nhất, để chúng con mang lại niềm hy vọng của Chúa cho thế giới.
Chặng Đàng Thứ Tám- Chúa Giêsu yên ủi phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương người
Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 23: 28-31)
Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! "3 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao? "
Suy Ngắm
Khi nghe Chúa Giêsu than trách phụ nữ thành Giêrusalem đi theo và khóc thương cho người ắt phải làm chúng ta suy tư. Làm sao chúng ta hiểu được những lời của người? Những lời không phải nói trực tiếp đến một lòng đạo đức vốn hoàn toàn có tính đa cảm, mà con người đã thất bại đến sự hoán cải và đời sống đức tin sao? Thật là không tận dụng để than khóc sự đau khổ của thế giới này trong khi cuộc sống chúng ta vẫn tiếp diễn bình thường. Và như thế Thiên Chúa đã cảnh cáo chúng ta đến sự nguy hiểm mà chúng ta đang gặp phải. Người đã chỉ cho chúng ta thấy cả hai sự nghiêm trọng của tội lỗi và sự nghiêm trọng của phán xét. Mặc dầu với tất cả những sự bày tỏ kinh hoàng trước sự dữ và sự đau khổ của người vô tội, phải chăng chúng ta đã được chuẩn bị chu đáo để coi thường sự huyền bí của sự dữ? Chúng ta đã chấp nhận chỉ có lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa và Chúa Giêsu và thầm lặng bỏ qua lời phán đoán chăng? Chúng ta nói “Làm sao Thiên Chúa lại quá lo lắng đến những yếu đuối của chúng ta?” “Chúng ta chỉ là con người!”. Vâng khi chúng ta chiêm ngắm sự đau khổ của Chúa Con, chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn sự nghiêm trọng của tội lỗi và thật sự cần thiết thế nào để hoàn toàn chuộc lỗi nếu chúng ta vượt qua được. Trước hình ảnh đau khổ của Thiên Chúa, sự ác không thể được tầm thường hoá. Ngài nói với cả chúng ta nữa: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình … Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”
Lời Nguyện
Lạy Chúa, những người phụ nữ khóc thương mà Chúa nói với họ về lòng hoán cải và Ngày Phán Xét, khi tất cả chúng con đến trước thánh nhan Chúa: Trước mặt Chúa là vị Thẩm Phám của thế giới. Chúa gọi chúng con bỏ lại sau lưng sự coi thường của điều ác, mà nó xoa dịu lương tâm và để chúng con vẫn tiếp tục theo con đường cũ. Chúa chỉ cho chúng con sự nghiêm trọng đến bổn phận của chúng con, sự nguy hiểm của con người tội lỗi và không thể biện minh được trong ngày Phán Xét. Xin ban cho chúng con không phải chỉ hồn nhiên bước bên cạnh Chúa mà không cống hiến sự gì ngoại trừ nói lên những lời động lòng trắc ẩn. Xin hoán cải chúng con và ban cho chúng con đời sống mới. xin ban cho chúng con cuối cùng chúng con không chỉ là cây héo khô, nhưng là những nhành cây sống trong Chúa, vì Chúa là cây nho thật, để sinh hoa trái cho đời sống vĩnh cửu (x Ga 15: 1-10)
Chặng Đàng Thứ Chín- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.
Trích sách Ai Ca (Ac 3:27-32)
Cũng là một điều hay cho người nào
phải mang ách từ khi còn trẻ.
Khi chính Chúa bắt nó phải mang,
nó hãy cứ ngồi im lặng một mình,
cứ đặt miệng nó trong bụi đất
- may ra còn chút hy vọng nào chăng -
nó cứ đưa má cho kẻ tát,
chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ.
Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi:
có làm khổ, Người cũng xót thương,
vì Người vốn từ bi cao cả;
Suy Ngắm
Ngã xuống đất lần thứ ba có thể nói cho chúng ta điều gì? Chúng ta đã suy xét đến sự sa ngã con người một cách chung, và sự sa ngã của nhiều người Kitô hữu xa rời Đức Kitô và đi vào chủ nghĩa trần tục vô thần. Chúng ta có nên không nghĩ đến Chúa Kitô đã chịu đau khổ trong chính Giáo Hội của người biết chừng nào không? Đã bao lần Sự Hiện Diện của người trong Bí Tích Thánh bị lạm dụng, đã bao lần chúng ta đến với một tâm hồn trống rỗng và gian ác! Đã bao lần chúng ta chỉ cử hành một mình mà không nhận thức đến người đang hiện diện ở đó. Đã bao lần Lời Chúa bị xuyên tạc và bị lăng mạ! Đức tin tầm thường nào đã hiện diện đằng sau quá nhiều học thuyết, quá nhiều những lời nói hão huyền! Đã có bao nhiêu rác rưởi nằm trong Giáo Hội và ngay cả những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về người! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Sự tôn kính không đáng kể nào mà chúng ta đã dành cho Bí Tích Hòa Giải, nơi mà người đang đợi chờ chúng ta, người sẵn sàng nâng đỡ chúng ta lên bất cứ khi nào chúng ta sa ngã!. Tất cả điều này hiện diện trong cuộc Thương Khó của người. Sự phản bội của các môn đồ, rước Mình và Máu Chúa không xứng đáng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc cam chịu; nó đâm thấu con tim của người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25)
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Giáo Hội của Chúa thường giống như một con thuyền sắp đắm chìm, một con thuyền bị đắm nước mọi bề. Trên cánh đồng của Chúa, Chúng con nhìn thấy nhiều cỏ dại hơn là lúa. Quần áo và gương mặt của Giáo Hội Chúa bị dơ bẩn đã làm chúng con hoang mang. Vâng chính chúng con đã làm nhơ bẩn! Đó là chúng con đã phản bội Chúa bao lần, qua tất cả những lời nói kiêu căng và những hành xử trang trọng. Xin thương xót trên Giáo Hội của Chúa; trong Giáo Hội nữa, Adam tiếp tục sa ngã. Khi chúng con sa ngã, chúng con đã thực sự kéo lê Chúa và Satan cười cợt vì nó hy vọng Chúa sẽ không thể trỗi dầy từ sự sa ngã đó; nó hy vọng Giáo Hội bị sa xuống trong sự xa ngã, Chúa sẽ bị liệt và bị áp chế. Nhưng Chúa sẽ trỗi dậy một lần nữa. Chúa đứng đó, Chúa đứng lên và Chúa có thể nâng chúng con lên. Xin cứu và thánh hóa Giáo Hội của chúa. Xin cứu thoát và thánh hóa tất cả chúng con.
Chặng Đàng Thứ Mười- Chúa Giêsu bị lột áo
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 33-36)
Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.
Suy Ngắm
Chúa Giêsu bị lột áo. Quần áo cho một con người địa vị xã hội, nó cho người chỗ đứng trong xã hội, nó làm cho người là một ai đó. Lột trần công khai có nghĩa là Chúa Giêsu chẳng còn là gì, người chỉ là một người bị xã hội bỏ rơi, bị tất cả miệt thị. Lúc bị lột trần công khai nhắc nhở cho chúng ta đến sự trục xuất khỏi vườn địa đàng: Ánh quang của Thiên Chúa đã biến mất đi khỏi con người, là Đấng giờ này đây bị trần truồng và bộc trần, không có quần áo và bị xấu hổ. Và như thế Chúa Giêsu một lần nữa nhận lấy điều kiện con người sa ngã. Bị lột áo, người nhắc chúng ta rằng tất cả chúng ta đã mất đi “bộ áo đầu tiên” đó là ánh quang của Thiên Chúa. Dưới chân Thập Giá, quân lính bắt thăm chia nhau vật sở hữu nhỏ mọn, đó là áo xống. Tác giả phúc âm đã diễn tả khung cảnh với những lời được rút từ Thánh Vịnh 22:19 (Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn); như thế thánh vịnh nói với chúng ta giống như Chúa Giêsu đã nói với các môn đồ trên con đường Emmau: để mọi sự được ứng nghiệm “theo như Kinh Thánh”. Không có gì là trùng hợp ngẫu nhiên; mọi sự xảy ra chứa đựng theo Lời Chúa và theo chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi qua tất cả mọi giai đoạn và mọi bước đi của con người sa ngã khỏi ân sủng, đúng mỗi bước đi đó với tất cả những sự cay đắng, trở nên một bước tiến cho sự cứu độ chúng ta: đó là thế nào mà người mang về con chiên bị lạc. Chúng ta đừng quên điều đó mà Thánh Gioan đã nói đến sự bắt thăm áo xống của Chúa Giêsu, “chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” (Ga 19:23). Chúng ta có thể xem điều này có liên quan đến áo của vị Thượng Tế, đó là “chiếc áo từ một mảnh duy nhất” không có đường khâu (Fl, Josephus, a III, 161). Đối với người, Đấng bị Đóng Đinh là Thượng Tế thật.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bị lột áo, bị phơi trần xấu hổ, bị gạt ra ngoài xã hội. Chúa tự chuốc lấy sự xấu hổ của Adam, và Chúa đã chữa lành. Chúa cũng tự chuốc lấy những đau khổ và những nhu cầu thiếu thốn của người nghèo, những người bị xã hội gạt bỏ trong thế giới chúng con. Và trong đường lối hiển nhiên này Chúa đã làm trọn những lời của các ngôn sư. Chúa đã làm cho chúng con nhân ra thế nào, Chúa Cha đã gìn giữ Chúa, gìn giữ chúng con và toàn thế giới trong bàn tay của người. Xin ban cho chúng con lòng kính trọng sâu xa đến con người trong mọi giai đoạn và trong mọi tình huống, nơi đó chúng con gặp gỡ người. Xin khoác áo cho chúng con trong ánh sáng ân sủng của Chúa.
Chặng Đàng Thứ Mười Một- Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 37-42)Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: "Người này là Giê-su, vua dân Do-thái." Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! " Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!
Suy Ngắm Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá. Bức khăn liệm Turin đã cho chúng ta khái niệm đến sự tàn nhẫn không thể tin nổi của thủ tục này. Chúa Giêsu đã không uống rượu pha mật đắng đưa lên cho người: người nhất định tự chuốc lấy tất cả những đau thương của Sự Đóng Đinh. Toàn thân người bị tra tấn, những lời trong Thánh Vịnh đã nói: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải,con bị đời mắng chửi dể duôi (Tv 22:7). “Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới … Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta (Tv 53:3b,4b). Chúng ta hãy dừng lại trước hình ảnh đau thương này, trước sự đau khổ của Con Thiên Chúa. Chúng ta hãy ngước nhìn lên người vào những lúc tự phụ và ăn chơi trụy lạc, để học để tôn trọng những giới hạn và nhìn thấy được sự nông cạn của tất cả những của cải chỉ hoàn toàn vật chất. Hãy ngước nhìn lên ngời vào những lúc chịu thử thách và khổ tâm, và nhận ra rằng lúc đó là lúc chúng ta gần gũi với Thiên Chúa nhất. Hãy cố gắng nhìn xem gương mặt người nơi con người mà chúng ta coi khinh. Một ý nghĩ khác đến trong tâm trí là khi chúng ta đứng trước Thiên Chúa bị lên án, là Đấng đã không dùng quyền lực để xuống khỏi cây Thập Giá, nhưng cam chịu sự đau khổ của nó cho đến cùng. Thánh Ignatiô thành Antiochia, một tù nhân bì xiềng xích vì đức tin nơi Thiên Chúa, đã ca ngợi Tín Hữu Kitô tại Smuma vì đức tin không chuyển lay của họ: ngài nó họ là những người chịu đóng đinh với xác và máu vào Thập Giá của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô (1,1). Chúng ta hãy tự đóng đinh với ngài, chống trả cơn cám dỗ để tránh xa, hay chống trả không liên kết với những người khác chế nhạo người.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã tự chịu đóng đinh vào Thập giá, chấp nhận sự dã man khủng khiếp của sự đau khổ này, hủy hoại thân xác và phẩm giá của chúa. Chúa đã tự để cho đóng đinh mau lẹ, Chúa đã không tìm cách trốn thoát hay làm giảm đi sự đau khổ của Chúa. Ước gi chúng con không bao giờ trốn chạy khỏi những gì chúng con được kêu gọi để làm. Xin giúp chúng con được trung tín với Chúa. Xin giúp chúng con lột trần sự tự do giả dối mà nó làm chúng con xa cách Chúa. Xin giúp chúng con chấp nhận sự tự do “ràng buộc” của Chúa và “kết lại” keo sơn với Chúa, để chúng con khám phá ra sự tự do đích thật.
Chặng Đàng Thứ Mười Hai- Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá.
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 19: 19-20)
Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái."Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27:45-50, 54)
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? " Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Hắn ta gọi ông Ê-li-a! " Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: "Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không! "Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa."
Suy Ngắm
Bằng tiếng Hy Lạp và Latin là 2 ngôn ngữ quốc tế lúc bấy giờ, và tiếng Hipri là ngôn ngữ Con Người Chọn, một tấm biển trên Thập Giá Chúa Giêsu, chỉ cho thấy người đó là ai: Là Vua dân Do Thái, người Con Vua Đa Vít được hứa hẹn. Philatô, quan tòa bất công, tự trở thành một ngôn sứ bị coi thường. Vương quyền của Chúa Giêsu được công bố cho toàn thế giới. Chính Chúa Giêsu đã không nhận chức tước “Messiah”, bởi vì nó sẽ đưa ra một sự hiểu lầm, theo tư tưởng quyền lực và giải thoát của con người. Rồi giờ đây tước hiệu vẫn còn công khai được trưng trên Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Người thật sự là vua của thế gìới. Giờ này Người đã thật sự “được nâng lên”. Khi chìm xuống dưới vực thẳm sâu Ngài trổi vượt lên đến tột đỉnh. Bây giờ người hoàn tất một cách triệt để giới răn yêu thương, ngài đã hoàn toàn tự hiến và giờ này đây bằng cách này người là sự mặc khải của Thiên Chúa thật, Thiên Chúa là tình yêu. Giờ này chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Giờ này chúng ta biết vương quyền thật sự là gì. Chúa Giêsu đã cầu nguyện theo lời Thánh Vịnh 22, bắt đầu bằng những lời “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (22:2). Ngài mang cho mình tất cả sự đau khổ của dân Israel, tất cả sự đau khổ của nhân loại, bi kịch đen tối của Thiên Chúa, và người làm cho Thiên Chúa hiện diện trong mọi chốn nơi nơi mà dường như người bị đánh bại và vắng bóng. Thập Giá Chúa Giêsu là một biến cố hoàn vũ. Thế giới bị đen tối, khi Con Thiên Chúa bi ruồng bỏ cho đến chết. Trái đất rung động. Và trên Thập Giá, Giáo Hội giữa những người lương dân chào đời. Viên đội trưởng Roma hiểu biết điều này và nhận thức ra rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Từ trên Thánh Giá, lại một lần nữa người đã chiến thắng.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong giờ phút sinh thì của Chúa, mặt trời đã u ám. Chúa lại bị đóng đinh trên Thập Giá lần nữa. Trong giờ phút hiện tại của lịch sử, chúng con đang sống trong bóng tối của Thiên Chúa. Qua sự đau khổ cực độ của Chúa và sự độc ác của con người, dung mạo của Chúa, gương mặt của Chúa dường như bị che khuất, không còn nhận diện được. Và rồi, trên Thập Giá, Chúa đã tự tỏ mình ra. Chúa được tán dương, hoàn toàn là đấng chịu đau khổ và yêu thương. Từ trên Thập Giá trên cao, Chúa đã chiến thắng. Xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của trong giờ phút đen tôi và khổ đau này. Xin giúp chúng con tin tưởng vào Chúa và bước theo Chúa trong giờ phút đen tối và cùng cực. Xin tỏ mình ra cho thế giới lần nữa trong giây phút này. Xin bộc lộ cho chúng con sự cứu chuộc của Chúa.
Chặng Đàng Thứ Mười Ba- Chúa Giêsu được tháo đanh xuống mà phó cho Mẹ Người
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 54- 55)
Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa." Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.
Suy Ngắm Chúa Giêsu sinh thì. Từ con tim người bị mũi đòng của quân lính Roma đâm thâu qua, máu và nước chảy ra: một hình ảnh nhiệm mầu của dòng suối các bí tích, Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể, theo đó Giáo Hội không ngừng tái sinh từ tâm hồn cởi mở của Thiên Chúa. Đôi chân của người bị gãy, giống như hai người cũng chịu đóng đinh với người. Như thế người mặc khải người là con chiên Vượt Qua thật, không một ống xương nào bị dập (.. ) Và giờ đây, cuối cùng của sự đau khổ của người, đối với tất cả tâm can con người bị mất tinh thần và đối với tất cả quyền thế hận thù và hèn nhát, thật tỏ tường cho thấy người không cô đơn một mình. Ở đó có những người trung tín còn lại với người. Dưới chân Thập Giá còn đứng đó là Đức Maria Mẹ người, người chị họ của Mẹ bà Mary Mađalen và tông đồ người yêu mến. Một người phú hộ, ông Giôxếp tại Arimathea cũng xuất hiện tại hiện trường: một người giàu sang có khả năng chui qua lỗ kim, vì Thiên Chúa đã ban ân sủng cho ông. Ông táng xác Chúa Giêsu trong chính ngôi mộ dành sẵn cho ông tại khu vườn. Trong cuộc táng xác Chúa Giêsu, nghĩa địa trở thành một khu vườn, khu vườn nơi mà Adam đã bị trục xuất khi ông từ bỏ cuộc sống viên mãn, từ bỏ Đấng Tạo Hóa. Khu mộ nơi khu vườn biểu tượng lên giấc ngủ của cái chết sẽ kết liễu. Một thành viên trong Thượng Hội Đồng Roma cũng đi theo là ông Nicodêmô, người đã đước Chúa Giêsu loan báo mầu nhiệm tái sinh bằng nước và Thánh Thần. Ngay cả trong Thượng Hội Đồng Roma đã tuyên án tử cho người, ở đó còn có một người tin, còn có một ai đó biết và nhận ra Chuá Giêsu sau khi người sinh thì. Trong giờ phúc khóc thương thống thiết, đen tối và tuyệt vọng này, ánh sáng niềm hy vọng được hiện lên một cách huyền diệu. Thiên Chúa bị đánh đòn là Thiên Chúa của sự sống đang đến gần. Ngay cả trong đêm tối sự chết, Thiên Chúa vẫn còn là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, gia đình mới của người, bắt đầu tỏ hiện.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã đi vào bóng tối sự chết. Nhưng thân xác Chúa được trao về cho những bàn tay nhân từ và được liệm trong tấm vải gai trắng (x Mt 27:59). Đức tin không hoàn toàn mất biến, mặt trời không hoàn toàn đi vào buổi hoàng hôn. Đã bao lần Chúa xuất hiện như đang ngủ? Thật dễ để chúng con chồn bước và tự thầm rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Trong giờ phút đen tối, xin giúp chúng con biết rằng Chúa vẫn còn ở đó. Xin đừng bỏ rơi khi chúng con bị cám dỗ mất tâm hồn. Xin giúp chúng con đừng để Chúa cô đơn một mình. Xin ban cho chúng con lòng trung tín để chịu đựng trong những lúc hoang mang và xin ban cho chúng con lòng trung tín để có một tình yêu sẵn sàng ôm ấp Chúa trong lúc Chúa hoàn toàn bất động, như Mẹ của Chúa là Đấng đã ôm Chúa vào lòng một lần nữa. Xin giúp chúng con, là người giàu có và kẻ cơ bần, là người ngu dốt và người có học, biết nhìn ra ngoài sự sợ hãi và thành kiến của chúng con, và biết cống hiến khả năng chúng con cho Chúa, biết cống hiến tâm hồn và thời gian của chúng con, để chuẩn bị khu vườn Phục Sinh.
Chặng Đàng Thứ Mười Bốn- Chúa Giêsu được mai táng trong mồ.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 59-61)
Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.
Suy Ngắm
Chúa Giêsu bị ruồng bỏ và ngược đãi, đã được mai táng một cách tôn kính trong ngôi mộ mới. Nicôdêm mang một trăm cân mộc duợc trộn với trầm hương mà nó tỏ một mùi thơm quý báu. Trong sự tự hiến của Chúa Con, là Đấng được xức dầu ở Bethany, chúng ta xem thấy một “sự quá mức” gợi lên lòng nhân hậu và tình yêu thương quá đỗi của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự hiến một cách nhưng không. Nếu đo lường của Thiên Chúa là quá mực dồi dào, thì đối với chúng ta về phần mình chẳng đáng là gì đối với Thiên Chúa. Đây là chính giáo huấn của Chúa Giêsu trong Bài Giảng trên Núi (Mt 5:50). Nhưng chúng ta cũng nhớ đến lời của Thánh Phaolô, ngài đã nói rằng Thiên Chúa “dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Ki-tô, như hương thơm, lan toả khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Ki-tô dâng kính Thiên Chúa” (2 Cr 2:14-15). Giữa tình trạng suy đồi của hệ tư duy, đức tin chúng ta lần nữa cần đến hương thơm để mang chúng ta trở về con đường sống. Vào chính lúc mai táng người. Những lời của Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Chúa Giêsu là hạt lúa đã chết đi. Từ hạt lúa bất động nó làm nên bánh mì lớn gấp nhiều lần mà nó sẽ kéo dài cho tới tận cùng thế giới. Chúa Giêsu là bánh hằng sống có thể đáp ứng một cách dư thừa đến sự đói khát của tất cả nhân loại và có thể cung thần lương thẳm sâu nhất. Qua Thập Giá và Phục Sinh của người, Ngôi Lời Vĩnh Cữu của Thiên Chúa trở nên thịt và bánh cho chúng ta. Mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể đã chiếu dõi ra trong sự mai táng của Chúa Giêsu.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong sự mai táng của Chúa, Chúa đã cất đi cái chết của hạt lúa. Chúa đã trở nên hạt lúa bất động mà nó cung cấp hoa trái dồi dào cho mọi thời đạo và vô cùng tận. Từ ngôi mồ chiếu dõi ra cho mọi thế hệ sự hứa hẹn của hạt lúa mà nó sẽ cho bánh manna thật. Bánh Hằng Sống mà Chúa cống hiến chính Chúa cho chúng con. Ngôi Lời vĩnh cửu, qua sự nhập thể và cái chết đã trở nên Ngôi Lời gần gũi với chúng con: chúa đặt chính Chúa vào đôi tay và tâm lòng chúng con, để Lời Chúa có thể triển nơ/ trong chúng con và mang hoa trái. Qua cái chết của hạt lúa mà Chúa ban chính Chúa cho chúng con, để cả chúng con nữa dám liều mạng sống để đi kiếm tìm, để chúng con nữa có thể tin tưởng vào sự hứa hẹn của hạt lúa. Xin giúp chúng con lớn lên trong tình yêu và trong sự tôn kính mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể -- dành cho Chúa là Bánh bởi trời, nguồn mạch sự sống. Xin giúp chúng con trở nên “hương thơm” của Chúa và cho thế giới biết đến dấu vết huyền nhiệm của cuộc đời Chúa. Giống như hạt lúa mọc lên từ đất, mọc cành và trổ bông, Chúa không thể bị đóng kín trong mồ: ngôi mồ trống bởi vì Chúa Cha “đã không bỏ mặc Chúa trong cõi âm ty và thân xác Chúa không phải hư nát” (x Cv 2:31; Tv 16:10). Không, Chúa đã không thấy sự hư nát. Chúa đã trỗi dậy, và đã dành một chỗ cho thân xác biến dạnh của chúng con trong tận tâm lòng của Chúa. Xin giúp chúng con hoan hỉ trong niềm hy vọng này và hân hoan mang nó đến cho thế giới. Xin giúp chúng con trở nên những chứng nhân Chúa Phục Sinh.
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Từ Bài 1 đến Bài 10
J.B. Đặng Minh An dịch
06:03 08/02/2008
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 1
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ là tuyển tập 40 bài Suy Niệm trong Mùa Chay dịch từ tạp chí The Word Among Us do Catholic News Service (Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ) chủ xướng. Tạp chí này chuyên đăng những bài thuyết giảng của các linh mục và Giám Mục Hoa Kỳ. Bạn có thể mua dài hạn tạp chí này tại địa chỉ http://www.wau.org. Tại địa chỉ này cũng có những bài có thể download xuống.
40 bài tĩnh tâm này đã được đăng trong Mùa Chay 2002. Nay theo yêu cầu của quý cha và anh chị em, VietCatholic xin đăng lại với hy vọng loạt bài tĩnh tâm 40 ngày này sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng cho chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh 2008 này.
Hãy trở về với ta với tất cả tâm hồn của ngươi (Joel 2:12)
Lại một lần nữa, chúng ta bắt đầu Mùa Chay, một thời điểm Thiên Chúa dang rộng đôi tay chào đón ta trở về với Ngài. Trong mùa đầy hồng ân này, Giáo Hội tăng cường nhiều hoạt động mục vụ để mời gọi ta hãy lắng đọng tâm hồn, và để Thánh Thần Chúa hoạt động thanh tẩy tâm hồn ta, khi ta thống hối và quay về với Cha.
Tội lỗi làm ta buồn phiền và xấu hổ không chỉ vì chúng gây nên những đau khổ nhân sinh nhưng vì chúng còn tách biệt ta khỏi Thiên Chúa. Ðó là lý do tại sao sự thống hối là quan trọng. Sự thống hối thực sự không chỉ dừng lại ở cảm giác hối tiếc vì tội ta, nhưng còn phải bao gồm nhận thức rằng tội lỗi xúc phạm đến sự thánh thiện của Thiên Chúa; và một quyết định khẩn cầu Thiên Chúa giúp ta thay đổi hành vi của mình. Khi chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống, chúng ta để cho Thánh Thần Chúa ban cho ta một quả tim mới và một tinh thần đúng đắn.
Thiên Chúa không muốn dừng lại ở việc tha thứ tội lỗi ta. Ngài còn muốn đổ đầy trên ta ơn lành của Ngài. Ngài muốn cả sự tha thứ lẫn sự biến đổi ta. Thật là vui mừng hơn nhiều trong khi nhận ra Cha trên trời yêu thương ta và đồng thời lại thấy quyền năng của Ngài đang thay đổi tâm hồn ta.
Trong ngày đầy hồng ân và thương xót này, chúng ta hãy thử suy niệm về mức độ kỳ vọng của chúng ta. Hôm nay đây, bạn hãy chọn lấy chỉ một điều nào đó bạn nghĩ rằng Chúa muốn chữa lành cho bạn. Ðó có thể là sự nóng giận, sự mất kiên nhẫn, sự thờ ơ cầu nguyện, lòng tham lam, hay một điều gì đó. Hãy lặng thinh để nghe Thánh Thần Chúa chỉ cho bạn nên bắt đầu từ đâu. Sau đó, hãy xin Thánh Thần Chúa giúp bạn đứng vững trong quyết tâm thay đổi điều này.
Mỗi ngày trong Mùa Chay này, bạn hãy nhắc nhở mình rằng bạn là một tạo vật mới trong Chúa Giêsu, và bạn không bao giờ còn bị ràng buộc bởi hành vi đó nữa. Hãy tin rằng khi bạn làm phần việc của bạn, Thiên Chúa sẽ tuôn đổ hồng ân và quyền năng trên bạn để giúp bạn chọn Ngài chứ không phải là tội lỗi. Trong khi Mùa Chay tiếp tục, bạn sẽ thấy mình thay đổi ngày càng nhiều nhờ hồng ân của Ðức Kitô.
"Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa cho con niềm vui được tha thứ. Con hướng về Ngài với tất cả tâm hồn con và đặt hy vọng của con nơi hồng ân biến đổi của Chúa".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 2
Phúc cho những ai có lòng ao ước sống trong lề luật Chúa (Thánh Vịnh 1:1,2)
Có khi nào bạn nghĩ rằng theo Chúa và tuân theo những huấn thị của Ngài là một cuộc chiến đấu đi ngược dốc mà chẳng được gì? Nếu có như vậy, bạn cũng không phải cô độc đâu. Ngay cả vịnh gia trong Thánh Vịnh 73 cũng đã có lần nghĩ như vậy. Vịnh gia thú nhận đã có lúc nghĩ rằng tất cả những cố gắng của ông để vô tội và thanh khiết là vô vọng (Thánh Vịnh 73:13). Tuy nhiên, ông giữ được đức tin, gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện và cuối cùng nói được rằng "Ngài nâng đỡ tay phải tôi. Ngài dẫn tôi đi trong đường lối Ngài để rồi dẫn tôi đến vinh quang." (Thánh Vịnh 73:23-24).
Hoa trái của sự bền đỗ trong lời cầu nguyện và trong sự vâng phục thánh ý Chúa là một cuộc sống được thăng hoa với Ðức Giêsu Kitô - không phải chỉ khi chúng ta chết đi, nhưng ngay lúc này, tại dương thế này. Thiên Chúa muốn cho ta nhiều hơn những gì ta có thể xin hay tưởng tượng ra. Ngài muốn ban ơn lành cho ta mọi ngày trong đời ta. Thật đúng là ta gieo cái gì thì gặt được cái đó. Nếu ta gieo để làm vui lòng thân xác, chúng ta sẽ gặt lấy hủy diệt. Nhưng nếu ta gieo để vui lòng Thần Khí, chúng ta gặt được sự sống muôn đời (Galatians 6:7-10).
Ðó là lý do ta sao những lựa chọn hằng ngày để theo Chúa là quan trọng. Khi chúng ta gieo để vui lòng Thần Khí bằng cách lắng nghe tiếng Ngài trong suốt cả ngày; tuân theo huấn lệnh của Ngài; và nuôi dưỡng đức tin ta qua lời cầu nguyện, Kinh Thánh, và các phép bí tích, chúng ta sẽ ngập tràn trong ân sủng Ngài tuôn đổ xuống tâm hồn ta. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự thân mật với Ngài, và sự hướng dẫn trong các quyết định của ta. Chúng ta sẽ có một tâm hồn hân hoan, hoàn toàn tự do không vướng bận đến những kỷ niệm buồn trong ký ức, không sợ hãi, và khả năng phục vụ người khác và còn nhiều hơn thế nữa.
Chúng ta còn đợi gì? Tất cả điều cần phải làm là quyết định theo Chúa mỗi ngày. Hồng ân của Ngài đã sẵn đó. Chúng ta hãy tìm kiếm sự kết hiệp mật thiết hơn với Ngài và sống sao cho ta mở lòng ra trước những ân sủng của Ngài để ta vui mừng được sống trong lề luật của Ngài.
"Lạy Chúa Thánh Thần, xin là Ðấng Cố Vấn cho con hôm nay. Xin cho con biết cảnh giác trước những lựa chọn hàng ngày mà con phải quyết định sao cho con luôn chọn Ngài. Con tán tụng vì cuộc sống quá phong phú mà Ngài ban cho con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 3
Giữ chay trong hân hoan và hy vọng
Ấn tượng của bạn khi giữ chay là gì? Có phải đó là một cách để than khóc cho tội lỗi của bạn không? Bạn có thấy đó là một nghĩa vụ tôn giáo - một điều mà hễ là người Công Giáo thì phải thực thi không?
Ðức Giêsu muốn việc giữ chay của các môn đệ Ngài khác hoàn toàn với những ấn tượng trên. Thực ra, thay vì là một dịp để than khóc, việc giữ chay là một dịp để vui mừng hớn hở và mong đợi.
Ðức Giêsu phán rằng khi Ngài, là tân lang trong tiệc cưới, được cất đi, các khách dự tiệc cưới, là các môn đệ Ngài, hãy than khóc. Nhưng, Ðức Giêsu cũng đã hứa với chúng ta "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".(Mt 28:20). Ngài ở cùng ta bằng nhiều cách: trong Thánh Thần của Ngài, trong Kinh Thánh, trong bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong các vị mục tử, và giữa chúng ta khi chúng ta tập hợp nhau cầu nguyện trong danh Ngài. Trong rất nhiều cách thực sự và đụng chạm được, "tân lang" đang ở với chúng ta! Do đó, người Kitô hữu không nên giữ chay như một dấu hiệu than khóc.
Ðối với con cái Thiên Chúa- tất cả những ai thấu hiểu sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn họ - giữ chay liên hệ mật thiết với cầu nguyện. Khi chúng ta từ bỏ chính mình cách này cách khác, chúng ta tìm thấy sự cần thiết phải hành động vì các nhu cầu của người khác. Chúng ta nên một hơn, được tự do hơn khỏi những ràng buộc của thế gian, và gần gũi hơn với sự đói khát Ðức Giêsu trong lòng mọi người. Khi được liên kết với lời cầu nguyện, giữ chay giúp ta chiến thắng tội lỗi và giữ chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu. Chay tịnh giúp ta xua đi những chia trí để ta nghe tiếng Chúa rõ ràng hơn. Chay tịnh cũng giúp ta đánh giá cao những gì ta có và cầu nguyện thêm cho những người thiếu may mắn hơn. Xa hơn nữa, chay tịnh và lời cầu nguyện dẫn chúng ta đến những nỗ lực cho công lý, hòa bình và lòng thương xót trên thế giới này.
Có thể nào giữ chay một cách hân hoan không? Ðược chứ. Ðúng ra, giữ chay mà đừng thiểu não có lẽ chính là điều mà Ðức Giêsu đề cập trong Bài Giảng Trên Núi "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh." (Mt 6:16-18).
Mùa Chay này sao bạn không thử giữ chay "đầy hân hoan" ? Hãy chọn một hình thức giữ chay hợp lý và cầu xin Thánh Thần hướng dẫn những ý cầu nguyện của bạn. Và luôn luôn nhớ rằng Ðức Giêsu, tân lang, đang ở giữa chúng ta.
"Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con giữ chay cách hân hoan trong Mùa Chay này. X?ho việc giữ chay và lời cầu nguyện của con đem lại nhiều điều tốt đẹp cho những người chung quanh con và cho thế giới".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 4
Mọi người đều có thể hoán cải để quay về với đường lối Chúa. Ngay cả những kẻ tội lỗi cứng lòng nhất cũng có thể được biến đổi bởi tình yêu thương và sự tử tế. Ðó là bài học trong câu chuyện Ðức Giêsu gặp gỡ người thu thuế tên Lê-vi, cùng ăn uống với ông và những bạn bè tội lỗi của ông. Mọi ngày trong đời Ngài, Ðức Giêsu đã minh họa lời khuyên nhủ của tiên tri Isaia: "đừng chỉ trỏ xét đoán" (Isaia 58:9). Ngài khước từ lên án bất cứ ai. Thay vào đó, ngài chấp nhận họ và tìm phương chữa lành cho tâm hồn họ.
Ðức Giêsu không chùn bước trước tội lỗi của ông Lê-vi. Ðiều quan tâm chủ yếu của Ngài là liệu rằng người này có ăn năn, từ bỏ tội lỗi, và nhận lấy một quả tim mới không. Ðức Giêsu không tránh xa những kẻ "ô uế" hay tội lỗi. Ngài không bao giờ sợ hãi sự tinh tuyền của Ngài bị đe dọa bởi họ. Ngài cũng không tìm cách chứng tỏ mình lành thánh hơn bằng cách vạch ra lỗi lầm của kẻ khác. Thay vào đó, Ngài xô ngã những bức tường chia cách để đem sự tinh tuyền của Phúc Âm đến cho mọi người Ngài tiếp xúc.
Quá thường, khi chúng ta đối diện với hành vi tội lỗi của người khác, đáp trả của chúng ta là rút lui. Biết bao nhiêu người trong chúng ta xa lánh bạn bè hay người thân để có thể "lên án" họ, hay tránh mời những kẻ quen biết vào nhà để những hành vi "xấu xa" của họ khỏi làm phiền ta. Nhiều người trong chúng ta vẫn ôm giận trong lòng và từ chối hợp tác với những kẻ đã có lần xúc phạm đến ta. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi liệu những cách thế đó có mang lại sự hoán cải cho những người ta coi là tội lỗi không?
Ðức Giêsu chỉ cho ta cách để đến với tha nhân. Mặc dù Ngài không bao giờ chấp nhận một thứ chân lý nhượng bộ cũng chẳng hùa theo người ta mà lơ là luật Thiên Chúa, Ngài đối xử với mọi người đầy thương xót và tôn trọng, bất kể tội lỗi của họ.
Bạn hãy học cách thức đến với tha nhân và yêu thương họ như Ðức Giêsu đã làm. Bạn đừng xét đoán họ! Duy một điều đáng làm là hãy yêu thương họ với tình yêu của Ðức Kitô và bạn sẽ kinh ngạc trước những hệ quả lớn lao mà bạn có thể thực hiện. Qua tình yêu và sự trung tín với Thiên Chúa mà mọi người có thể nên công chính.
"Lạy Chúa Thánh Linh, xin cho con quả tim của Chúa Giêsu trong Mùa Chay này. Xin hãy để một tình yêu mạnh mẽ và đầy xót thương hướng dẫn con khi con đến với tha nhân, đặc biệt với những ai đang quay mặt đi với Chúa".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 5
Bất cứ ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu thoát (Ro 10:13)
Thật là những lời khích lệ mà Thámh Kinh nói với chúng ta! Trong buổi đầu hành trình Mùa Chay này, chúng ta hãy nhớ ai đã dẫn dắt dân Do Thái ra khỏi Biển Ðỏ, và đưa họ về miền đất hứa; ai đã giữ chay trong 40 ngày, chịu mọi thứ cám dỗ của ma quỷ và cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang; ai đã hứa ở cùng ta trong hoạn nạn và cứu giúp ta khi ta kêu cầu danh Ngài?
Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên là chính Thiên Chúa. Ngài là Ðấng đã cứu chúng ta một lần và mãi mãi khỏi tội lỗi và án chết muôn đời. Ngài cũng là Ðấng mong được cứu ta hàng ngày khi ta kêu cầu danh Ngài. Cứu ta khỏi điều gì? Khỏi những cám dỗ ta đối diện hàng ngày: những ý tưởng kiêu căng và ngạo mạn, những trào lưu muốn độc lập khỏi Thiên Chúa, sợ hãi và cô độc, cảm giác muốn xa lánh Chúa và đủ các thứ cám dỗ khác.
Khi ta kêu cầu danh Chúa, ta kêu cầu đến mọi điều mà danh này tiêu biểu trên trời và dưới thế. Ta kêu cầu Vua của các vị Vua. Ta kêu cầu Con của Ðức Mẹ. Ta kêu cầu Ðấng mà sự chết và sự sống lại đã giải thoát tất cả ai tin vào Ngài và ban cho họ quyền năng chiến thắng kẻ thù. Satan sợ danh này đến mức nào| Chính danh này đã đánh bại nó nơi đồi Calvê.
Hãy bền đỗ tới cùng và đừng đánh mất đi niềm hy vọng. Hãy kêu cầu danh Ðức Giêsu. Khi bạn kêu cầu danh Ngài, Ngài sẽ giúp bạn thắng trận. Ngài sẽ dẫn bạn vượt qua những ràng buộc của tội lỗi và đưa bạn đến vinh quang tự do và phẩm giá được thừa tự trong hàng con cái Chúa. Càng kêu cầu danh Ngài, càng dễ sống trong huấn lệnh Ngài.
Bạn hãy kêu cầu danh Chúa và đợi Ngài đến với bạn - ngay cả trong những cách thế bất ngờ nhất. Bạn nên nhớ điều này: rất thường là chính trong lúc chúng ta kêu cầu danh Ngài và chờ đợi Ngài, chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Ngài sâu sắc nhất và ơn phù trợ của Ngài mạnh mẽ nhất.
"Lạy Ðức Giêsu, con dâng Chúa trái tim con. Hãy dạy con biết kết hiệp mật thiết hơn với Chúa và phó thác vào quyền năng của danh Ngài".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 6
Chúng ta thật dễ chia trí biết chừng nào trong khi cầu nguyện. Bên ngoài, môi ta mấp máy nhưng lòng trí ta lang thang đó đây. Làm sao ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong Thánh Vịnh 19, vịnh gia thốt lên "Lạy Chúa, xin cho lời trên miệng tôi và suy niệm trong lòng tôi được chấp nhận nơi thiên nhan Chúa" (Thánh vịnh 19:14). Ông muốn cảm nhận nhiều hơn những lời phát ra trên môi miệng. Ông muốn thấm nhập vào thái độ bên trong tâm hồn và mong mỏi những ý nghĩ sâu thẳm trong lòng làm đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương ta nhiều hơn bất cứ ai có thể yêu ta - ngay cả chính ta cũng không yêu ta bằng Ngài yêu ta. Thiên Chúa còn muốn nhiều hơn một cuộc đối thoại siêu nhiên với ta nữa. Ngài muốn chia sẻ những cảm nhận thâm sâu của Ngài với ta cũng như muốn ta chia sẻ những cảm nhận thẳm sâu trong lòng với Ngài. Ðây là cuộc đối thoại giữa tâm hồn và tâm hồn để Thiên Chúa chữa lành cho ta và để ta càng nên giống Ngài.
Thiên Chúa đánh giá cao sự thành thật. Chúng ta có thể mở lòng ra với Ngài trong lời cầu nguyện và nhớ rằng Ngài yêu thương ta vô điều kiện. Ngài biết những vui buồn trong ngày đời ta và những lầm lỗi của ta nhưng vẫn yêu thương ta. Ngài yêu ta đến nỗi ban tặng cho ta chính Người Con Duy Nhất của Ngài.
Hãy mở rộng lòng trí ta ra với Thiên Chúa trong Mùa Chay này. Tất cả điều Chúa muốn nơi ta là một quả tim khiêm nhường và thống hối, sẵn lòng hoán cải nhờ vào hồng ân của Ngài. Hãy để Ngài làm tinh tuyền tâm hồn ta.
"Lạy Chúa, Ngài là sức mạnh và ơn cứu độ của con. Xin tẩy sạch con để lời con cầu và tâm hồn con được Chúa chấp nhận. Chúa gọi con nên thánh thiện như Ngài. Xin kéo con đến bên Chúa và biến đổi con dưới ánh sáng của tôn nhan Ngài"
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 7
Kinh Lạy Cha, đến từ chính Ðức Giêsu, không chỉ là một bản văn hướng dẫn cách thức chúng ta cầu nguyện nhưng đó còn chính là những lời mà chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện. Và còn đáng ngạc nhiên hơn nữa khi Ðức Giêsu, đấng không biết đến tội, đã khiêm nhường trong lời cầu "Xin tha tội cho chúng con". Ngài còn đi xa hơn nữa khi thí mạng sống mình làm bảo chứng sự tha thứ mà Ngài đã cầu nguyện.
Nhưng kinh Lạy Cha còn nhiều hơn là lời hứa về lòng thương xót của Chúa. Ðức Giêsu đã chết không phải chỉ để chuộc tội ta mà còn để ban tặng ta một quả tim mới để khi ta trỗi dậy với Ngài, ta cũng có thể tha thứ như Ngài đã tha thứ. Lời hứa của Thánh Kinh là một khi ta để Ðức Giêsu sống trong ta bằng cách từ bỏ con người cũ của ta, ta cũng trở nên đầy lòng thương xót hơn.
Tha thứ cho những ai làm thương tổn ta không phải là một chuyện dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, điều đó dường như không thể được. Chúng ta cần đến ơn Chúa để chiêm niệm về khả năng tha thứ và luôn nhớ rằng tha thứ là con đường Chúa đã vạch cho ta đi. Không phải là Thánh Kinh đã kêu gọi ta phải cầu nguyện và chúc lành cho kẻ bắt bớ ta đó sao (Ro 12:14)? Không phải Ðức Giêsu đã nhắc ta phải yêu thương kẻ thù đó sao (Mt 5:44)?
Tha thứ không có nghĩa là mất cảnh giác nhưng là từ bỏ sự lên án và dẫn đưa con người đến với lòng thương xót của Chúa. Trong khi đầy lòng thương xót, Ðức Giêsu không chút mơ hồ về tình trạng trong con tim nhân loại. Ðức Giêsu không ngạc nhiên bởi tội ta. Nhưng dù Ngài thấy lòng ta tối tăm đến cỡ nào, Ngài cũng không bỏ cuộc hay nghi ngờ khả năng chúng ta quay lại với Ngài. Ngài luôn thấy tiềm năng của những kẻ đã được Ngài tha thứ sẽ ăn năn và trỗi dậy trong vinh quang với Ngài. Chúng ta có nghĩ về mọi người quanh ta như thế không?
"Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã chọn để ôm vào lòng những đau khổ và tội lỗi của chúng con, để chúng con có thể trỗi dậy với Ngài. Xin dạy con biết xót thương như Chúa đầy lòng thương xót"
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 8
"Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna."(Lk 11:29). Dấu lạ ông Giôna là gì? Thưa, dấu lạ thực sự trong chuyện ông Giôna là cách thức Thiên Chúa đáp trả lại sự thống hối của dân thành Ninivê.
Ông Giôna đã bất tuân lệnh Thiên Chúa và cố chạy trốn Ngài. Trong bụng một con cá khổng lồ, khi biết tính mạng mình trong cơn hiểm nghèo, ông đã than khóc trong niềm thống hối và Thiên Chúa đã giải thoát ông. Cũng vậy, khi dân thành Ninivê ăn năn, họ cũng được thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. Dấu lạ thực sự ở đây là sự thống hối đã đem lại lòng thương xót. Lòng thương xót này là trung tâm điểm của mọi dấu lạ mà Ðức Giêsu đã thực hiện, trong mỗi việc chữa lành, giải thoát hay hóa bánh ra nhiều. Ðặc biệt nhất, lòng thương xót này là trung tâm của dấu lạ lớn nhất trên mọi dấu lạ - cái chết của Ðức Giêsu trên thánh giá.
Trong mọi thời đại, Thiên Chúa luôn muốn có một quan hệ với dân Ngài. Tình yêu của Ngài bền vững muôn đời. Những lời hứa công bố bởi các tiên tri trong cựu ước, nay được thực hiện qua sự thống hối và đức tin nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhờ thánh giá, mỗi người trong chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hòa với Thiên Chúa. Chúng ta được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được tái sinh trong hình ảnh Ðức Giêsu. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta lớn lao biết ngần nào.
Bạn thấy gì nơi thánh giá? Bạn có thấy sự thánh thiện, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa? Bạn có thấy đấng đã yêu ta và muốn có một quan hệ cá nhân với ta? Hay bạn thấy nơi thập giá sự lên án và những tiêu chuẩn quá cao bạn dựa trên đó mà phán xét người ta? Trong sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hãy mở trái tim bạn ra hôm nay cho đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn. Hãy chạy đến cùng Ngài và Ngài sẽ chỉ cho bạn lòng thương xót không trí óc nhân loại nào có thể tưởng tượng nổi.
"Lạy Chúa Giêsu, con khẩn cầu lòng thương xót Chúa. Sự nhân từ của Ngài vượt quá trí hiểu của con. Tình yêu Ngài vượt quá mong đợi của con. Xin cho con biết thống hối tội con và xin thương xót con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 9
Hãy xin thì sẽ được (Mt 7:7). Thật là một lời hứa đầy khích lệ. Trong những lời rõ ràng, không chút mơ hồ, Ðức Giêsu nói với ta rằng Thiên Chúa sẽ cho ta những gì ta cầu xin Ngài nếu ta bền đỗ. Thiên Chúa rất quảng đại. Nhưng đồng thời Ngài muốn ta học cách xin, tìm kiếm và gõ cửa. Tại sao vậy? Có phải vì Ngài thích nhìn ta vất vả tìm kiếm ơn huệ của Ngài? Không phải như vậy. Ðức Giêsu biết rằng khi ta bền đỗ và tin cậy trong lời cầu xin, chúng ta có thể đập đổ những rào cản của sự cứng lòng, không cậy trông và hoài nghi.
Bạn có bền đỗ trong lời cầu xin cùng Chúa hay đôi khi bạn buông xuôi? Bạn có cảm thấy Thiên Chúa lạnh lùng, không trả lời những lời cầu xin của bạn? Ðiều này là bình thường. Tất cả chúng ta đôi khi thấy Chúa chậm đáp lại lời cầu của ta. Nhưng khi đáp trả của Chúa chậm đến, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa nhìn thấy một chiều dài lịch sử đến muôn đời, còn ta chỉ thấy hiện tại và trước mắt.
Mọi bậc làm cha mẹ biết rõ những gì con cái thật sự cần, trước mắt và lâu dài; lợi hại của những thứ mà con cái họ cầu xin; cũng như những thách đố con cái họ sẽ phải đối diện. Cũng vậy, Cha trên trời không có ý "làm hư hỏng" ta bằng cách ban cho ta quá nhiều, quá nhanh hay bằng cách cho ta những gì hại cho ta về lâu dài.
Chúng ta hãy tin cậy ở lời Ðức Giêsu. Nếu chúng ta bền đỗ, Thiên Chúa sẽ đáp lại mỗi lời cầu xin của chúng ta. Ðáp trả của Ngài đôi khi tế nhị và không tỏ tường tức khắc. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi chúng ta dâng nhu cầu và ước muốn lên cùng Chúa, Ngài sẽ đáp lại như một người Cha từ ái. Ngài không gởi cho ta bất cứ thứ gì ta xin, như một giải quyết chớp nhoáng cho điều mà ta cảm nhận như một nhu cầu tức khắc. Tuy nhiên điều này là chắc chắn: dù cách thức Ngài đáp trả lời cầu xin của ta như thế nào, ơn phúc Ngài ban luôn lớn lao hơn điều ta trông đợi.
"Lạy Cha, xin luôn đổ trên con ơn phúc dồi dào của Ngài. Xin cho Nước Cha là điều mà con mong mỏi nhất trong lời cầu xin chứ không phải những gì dẫn đưa con lạc lối về".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 10
"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước công nghị. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt." (Mt 5:22). Ðức Giêsu đã làm sững sờ những người đang lắng nghe Ngài bằng những lời kết án rất nghiêm khắc sự giận hờn, mắng chửi mà nhiều người trong chúng ta dễ cho rằng đó chỉ là những chuyện "người ta thường tình". Chúa đã không nghĩ như vậy. Ðối với Ngài, vấn đề không dừng ở chỗ chúng ta làm gì, nhưng còn là chúng ta nghĩ gì trong quan hệ với anh chị em mình. Tại sao Ngài nhấn mạnh đến các mối quan hệ? Thưa, vì chúng ta đều là con cái của cùng một Cha trên trời. Chúng ta gần gũi và ràng buộc với nhau đến nỗi bất cứ đổ vỡ nào trong sự hiệp nhất đều đe dọa toàn thân thể của Ðức Kitô.
Như những người Kitô hữu, chúng ta đối diện với thách đố phải giữ gìn và xây đắp sự hiệp nhất trong Chúa Kitô. Thách đố này nới rộng đến mọi giao tiếp chúng ta có với anh chị em mình. Chẳng hạn, chúng ta đối với người thân trong gia đình thế nào, đối với hàng xóm láng giềng ra sao? Chúng ta có tử tế với họ không? Chúng ta có đối xử công bằng không? Chúng ta có chăm sóc cho những người đang túng thiếu, đặc biệt những người nghèo khó, những người đang gặp hoạn nạn và những người cô đơn không?
Chúng ta được kết hiệp gần gũi với anh chị em trong thân thể Chúa Kitô đến nỗi bất cứ tội nào ta phạm cũng có những hậu quả không phải cho ta thôi mà còn cho những người khác nữa. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta tạo ra một đám mây đen trên quan hệ chúng ta với phần còn lại của thân thể Chúa Kitô, và đó chính là điều mà Satan muốn.
Thường thì tự ái, lòng kiêu hãnh và thói bướng bỉnh làm ta mất sáng suốt không nhìn rõ vai trò và trách nhiệm của ta trong việc làm gẫy đổ một mối quan hệ. Chúng ta cần học cách trông cậy nơi Chúa để giúp ta nhìn rõ tình hình với một nhãn quan mới. Xin Ngài chỉ cho thấy điều chúng ta có thể làm được để hòa giải với anh chị em. Xin Ngài giúp ta đừng đắm chìm trong cảm giác cay đắng và giận hờn. Xin Ngài giúp ta tha thứ từ tận đáy lòng mình để đến lượt ta, ta cũng được thứ tha.
"Lạy Chúa Thánh Linh, xin linh hứng trong con lòng ao ước được kết hiệp gần gũi với anh chị em con. Xin hiệp nhất tất cả những người Kitô hữu trong một gia đình và tạo ra những ràng buộc yêu thương không bao giờ gẫy đổ".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ là tuyển tập 40 bài Suy Niệm trong Mùa Chay dịch từ tạp chí The Word Among Us do Catholic News Service (Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ) chủ xướng. Tạp chí này chuyên đăng những bài thuyết giảng của các linh mục và Giám Mục Hoa Kỳ. Bạn có thể mua dài hạn tạp chí này tại địa chỉ http://www.wau.org. Tại địa chỉ này cũng có những bài có thể download xuống.
40 bài tĩnh tâm này đã được đăng trong Mùa Chay 2002. Nay theo yêu cầu của quý cha và anh chị em, VietCatholic xin đăng lại với hy vọng loạt bài tĩnh tâm 40 ngày này sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng cho chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh 2008 này.
Hãy trở về với ta với tất cả tâm hồn của ngươi (Joel 2:12)
Lại một lần nữa, chúng ta bắt đầu Mùa Chay, một thời điểm Thiên Chúa dang rộng đôi tay chào đón ta trở về với Ngài. Trong mùa đầy hồng ân này, Giáo Hội tăng cường nhiều hoạt động mục vụ để mời gọi ta hãy lắng đọng tâm hồn, và để Thánh Thần Chúa hoạt động thanh tẩy tâm hồn ta, khi ta thống hối và quay về với Cha.
Tội lỗi làm ta buồn phiền và xấu hổ không chỉ vì chúng gây nên những đau khổ nhân sinh nhưng vì chúng còn tách biệt ta khỏi Thiên Chúa. Ðó là lý do tại sao sự thống hối là quan trọng. Sự thống hối thực sự không chỉ dừng lại ở cảm giác hối tiếc vì tội ta, nhưng còn phải bao gồm nhận thức rằng tội lỗi xúc phạm đến sự thánh thiện của Thiên Chúa; và một quyết định khẩn cầu Thiên Chúa giúp ta thay đổi hành vi của mình. Khi chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống, chúng ta để cho Thánh Thần Chúa ban cho ta một quả tim mới và một tinh thần đúng đắn.
Thiên Chúa không muốn dừng lại ở việc tha thứ tội lỗi ta. Ngài còn muốn đổ đầy trên ta ơn lành của Ngài. Ngài muốn cả sự tha thứ lẫn sự biến đổi ta. Thật là vui mừng hơn nhiều trong khi nhận ra Cha trên trời yêu thương ta và đồng thời lại thấy quyền năng của Ngài đang thay đổi tâm hồn ta.
Trong ngày đầy hồng ân và thương xót này, chúng ta hãy thử suy niệm về mức độ kỳ vọng của chúng ta. Hôm nay đây, bạn hãy chọn lấy chỉ một điều nào đó bạn nghĩ rằng Chúa muốn chữa lành cho bạn. Ðó có thể là sự nóng giận, sự mất kiên nhẫn, sự thờ ơ cầu nguyện, lòng tham lam, hay một điều gì đó. Hãy lặng thinh để nghe Thánh Thần Chúa chỉ cho bạn nên bắt đầu từ đâu. Sau đó, hãy xin Thánh Thần Chúa giúp bạn đứng vững trong quyết tâm thay đổi điều này.
Mỗi ngày trong Mùa Chay này, bạn hãy nhắc nhở mình rằng bạn là một tạo vật mới trong Chúa Giêsu, và bạn không bao giờ còn bị ràng buộc bởi hành vi đó nữa. Hãy tin rằng khi bạn làm phần việc của bạn, Thiên Chúa sẽ tuôn đổ hồng ân và quyền năng trên bạn để giúp bạn chọn Ngài chứ không phải là tội lỗi. Trong khi Mùa Chay tiếp tục, bạn sẽ thấy mình thay đổi ngày càng nhiều nhờ hồng ân của Ðức Kitô.
"Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa cho con niềm vui được tha thứ. Con hướng về Ngài với tất cả tâm hồn con và đặt hy vọng của con nơi hồng ân biến đổi của Chúa".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 2
Phúc cho những ai có lòng ao ước sống trong lề luật Chúa (Thánh Vịnh 1:1,2)
Có khi nào bạn nghĩ rằng theo Chúa và tuân theo những huấn thị của Ngài là một cuộc chiến đấu đi ngược dốc mà chẳng được gì? Nếu có như vậy, bạn cũng không phải cô độc đâu. Ngay cả vịnh gia trong Thánh Vịnh 73 cũng đã có lần nghĩ như vậy. Vịnh gia thú nhận đã có lúc nghĩ rằng tất cả những cố gắng của ông để vô tội và thanh khiết là vô vọng (Thánh Vịnh 73:13). Tuy nhiên, ông giữ được đức tin, gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện và cuối cùng nói được rằng "Ngài nâng đỡ tay phải tôi. Ngài dẫn tôi đi trong đường lối Ngài để rồi dẫn tôi đến vinh quang." (Thánh Vịnh 73:23-24).
Hoa trái của sự bền đỗ trong lời cầu nguyện và trong sự vâng phục thánh ý Chúa là một cuộc sống được thăng hoa với Ðức Giêsu Kitô - không phải chỉ khi chúng ta chết đi, nhưng ngay lúc này, tại dương thế này. Thiên Chúa muốn cho ta nhiều hơn những gì ta có thể xin hay tưởng tượng ra. Ngài muốn ban ơn lành cho ta mọi ngày trong đời ta. Thật đúng là ta gieo cái gì thì gặt được cái đó. Nếu ta gieo để làm vui lòng thân xác, chúng ta sẽ gặt lấy hủy diệt. Nhưng nếu ta gieo để vui lòng Thần Khí, chúng ta gặt được sự sống muôn đời (Galatians 6:7-10).
Ðó là lý do ta sao những lựa chọn hằng ngày để theo Chúa là quan trọng. Khi chúng ta gieo để vui lòng Thần Khí bằng cách lắng nghe tiếng Ngài trong suốt cả ngày; tuân theo huấn lệnh của Ngài; và nuôi dưỡng đức tin ta qua lời cầu nguyện, Kinh Thánh, và các phép bí tích, chúng ta sẽ ngập tràn trong ân sủng Ngài tuôn đổ xuống tâm hồn ta. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự thân mật với Ngài, và sự hướng dẫn trong các quyết định của ta. Chúng ta sẽ có một tâm hồn hân hoan, hoàn toàn tự do không vướng bận đến những kỷ niệm buồn trong ký ức, không sợ hãi, và khả năng phục vụ người khác và còn nhiều hơn thế nữa.
Chúng ta còn đợi gì? Tất cả điều cần phải làm là quyết định theo Chúa mỗi ngày. Hồng ân của Ngài đã sẵn đó. Chúng ta hãy tìm kiếm sự kết hiệp mật thiết hơn với Ngài và sống sao cho ta mở lòng ra trước những ân sủng của Ngài để ta vui mừng được sống trong lề luật của Ngài.
"Lạy Chúa Thánh Thần, xin là Ðấng Cố Vấn cho con hôm nay. Xin cho con biết cảnh giác trước những lựa chọn hàng ngày mà con phải quyết định sao cho con luôn chọn Ngài. Con tán tụng vì cuộc sống quá phong phú mà Ngài ban cho con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 3
Giữ chay trong hân hoan và hy vọng
Ấn tượng của bạn khi giữ chay là gì? Có phải đó là một cách để than khóc cho tội lỗi của bạn không? Bạn có thấy đó là một nghĩa vụ tôn giáo - một điều mà hễ là người Công Giáo thì phải thực thi không?
Ðức Giêsu muốn việc giữ chay của các môn đệ Ngài khác hoàn toàn với những ấn tượng trên. Thực ra, thay vì là một dịp để than khóc, việc giữ chay là một dịp để vui mừng hớn hở và mong đợi.
Ðức Giêsu phán rằng khi Ngài, là tân lang trong tiệc cưới, được cất đi, các khách dự tiệc cưới, là các môn đệ Ngài, hãy than khóc. Nhưng, Ðức Giêsu cũng đã hứa với chúng ta "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".(Mt 28:20). Ngài ở cùng ta bằng nhiều cách: trong Thánh Thần của Ngài, trong Kinh Thánh, trong bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong các vị mục tử, và giữa chúng ta khi chúng ta tập hợp nhau cầu nguyện trong danh Ngài. Trong rất nhiều cách thực sự và đụng chạm được, "tân lang" đang ở với chúng ta! Do đó, người Kitô hữu không nên giữ chay như một dấu hiệu than khóc.
Ðối với con cái Thiên Chúa- tất cả những ai thấu hiểu sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn họ - giữ chay liên hệ mật thiết với cầu nguyện. Khi chúng ta từ bỏ chính mình cách này cách khác, chúng ta tìm thấy sự cần thiết phải hành động vì các nhu cầu của người khác. Chúng ta nên một hơn, được tự do hơn khỏi những ràng buộc của thế gian, và gần gũi hơn với sự đói khát Ðức Giêsu trong lòng mọi người. Khi được liên kết với lời cầu nguyện, giữ chay giúp ta chiến thắng tội lỗi và giữ chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu. Chay tịnh giúp ta xua đi những chia trí để ta nghe tiếng Chúa rõ ràng hơn. Chay tịnh cũng giúp ta đánh giá cao những gì ta có và cầu nguyện thêm cho những người thiếu may mắn hơn. Xa hơn nữa, chay tịnh và lời cầu nguyện dẫn chúng ta đến những nỗ lực cho công lý, hòa bình và lòng thương xót trên thế giới này.
Có thể nào giữ chay một cách hân hoan không? Ðược chứ. Ðúng ra, giữ chay mà đừng thiểu não có lẽ chính là điều mà Ðức Giêsu đề cập trong Bài Giảng Trên Núi "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh." (Mt 6:16-18).
Mùa Chay này sao bạn không thử giữ chay "đầy hân hoan" ? Hãy chọn một hình thức giữ chay hợp lý và cầu xin Thánh Thần hướng dẫn những ý cầu nguyện của bạn. Và luôn luôn nhớ rằng Ðức Giêsu, tân lang, đang ở giữa chúng ta.
"Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con giữ chay cách hân hoan trong Mùa Chay này. X?ho việc giữ chay và lời cầu nguyện của con đem lại nhiều điều tốt đẹp cho những người chung quanh con và cho thế giới".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 4
Mọi người đều có thể hoán cải để quay về với đường lối Chúa. Ngay cả những kẻ tội lỗi cứng lòng nhất cũng có thể được biến đổi bởi tình yêu thương và sự tử tế. Ðó là bài học trong câu chuyện Ðức Giêsu gặp gỡ người thu thuế tên Lê-vi, cùng ăn uống với ông và những bạn bè tội lỗi của ông. Mọi ngày trong đời Ngài, Ðức Giêsu đã minh họa lời khuyên nhủ của tiên tri Isaia: "đừng chỉ trỏ xét đoán" (Isaia 58:9). Ngài khước từ lên án bất cứ ai. Thay vào đó, ngài chấp nhận họ và tìm phương chữa lành cho tâm hồn họ.
Ðức Giêsu không chùn bước trước tội lỗi của ông Lê-vi. Ðiều quan tâm chủ yếu của Ngài là liệu rằng người này có ăn năn, từ bỏ tội lỗi, và nhận lấy một quả tim mới không. Ðức Giêsu không tránh xa những kẻ "ô uế" hay tội lỗi. Ngài không bao giờ sợ hãi sự tinh tuyền của Ngài bị đe dọa bởi họ. Ngài cũng không tìm cách chứng tỏ mình lành thánh hơn bằng cách vạch ra lỗi lầm của kẻ khác. Thay vào đó, Ngài xô ngã những bức tường chia cách để đem sự tinh tuyền của Phúc Âm đến cho mọi người Ngài tiếp xúc.
Quá thường, khi chúng ta đối diện với hành vi tội lỗi của người khác, đáp trả của chúng ta là rút lui. Biết bao nhiêu người trong chúng ta xa lánh bạn bè hay người thân để có thể "lên án" họ, hay tránh mời những kẻ quen biết vào nhà để những hành vi "xấu xa" của họ khỏi làm phiền ta. Nhiều người trong chúng ta vẫn ôm giận trong lòng và từ chối hợp tác với những kẻ đã có lần xúc phạm đến ta. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi liệu những cách thế đó có mang lại sự hoán cải cho những người ta coi là tội lỗi không?
Ðức Giêsu chỉ cho ta cách để đến với tha nhân. Mặc dù Ngài không bao giờ chấp nhận một thứ chân lý nhượng bộ cũng chẳng hùa theo người ta mà lơ là luật Thiên Chúa, Ngài đối xử với mọi người đầy thương xót và tôn trọng, bất kể tội lỗi của họ.
Bạn hãy học cách thức đến với tha nhân và yêu thương họ như Ðức Giêsu đã làm. Bạn đừng xét đoán họ! Duy một điều đáng làm là hãy yêu thương họ với tình yêu của Ðức Kitô và bạn sẽ kinh ngạc trước những hệ quả lớn lao mà bạn có thể thực hiện. Qua tình yêu và sự trung tín với Thiên Chúa mà mọi người có thể nên công chính.
"Lạy Chúa Thánh Linh, xin cho con quả tim của Chúa Giêsu trong Mùa Chay này. Xin hãy để một tình yêu mạnh mẽ và đầy xót thương hướng dẫn con khi con đến với tha nhân, đặc biệt với những ai đang quay mặt đi với Chúa".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 5
Bất cứ ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu thoát (Ro 10:13)
Thật là những lời khích lệ mà Thámh Kinh nói với chúng ta! Trong buổi đầu hành trình Mùa Chay này, chúng ta hãy nhớ ai đã dẫn dắt dân Do Thái ra khỏi Biển Ðỏ, và đưa họ về miền đất hứa; ai đã giữ chay trong 40 ngày, chịu mọi thứ cám dỗ của ma quỷ và cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang; ai đã hứa ở cùng ta trong hoạn nạn và cứu giúp ta khi ta kêu cầu danh Ngài?
Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên là chính Thiên Chúa. Ngài là Ðấng đã cứu chúng ta một lần và mãi mãi khỏi tội lỗi và án chết muôn đời. Ngài cũng là Ðấng mong được cứu ta hàng ngày khi ta kêu cầu danh Ngài. Cứu ta khỏi điều gì? Khỏi những cám dỗ ta đối diện hàng ngày: những ý tưởng kiêu căng và ngạo mạn, những trào lưu muốn độc lập khỏi Thiên Chúa, sợ hãi và cô độc, cảm giác muốn xa lánh Chúa và đủ các thứ cám dỗ khác.
Khi ta kêu cầu danh Chúa, ta kêu cầu đến mọi điều mà danh này tiêu biểu trên trời và dưới thế. Ta kêu cầu Vua của các vị Vua. Ta kêu cầu Con của Ðức Mẹ. Ta kêu cầu Ðấng mà sự chết và sự sống lại đã giải thoát tất cả ai tin vào Ngài và ban cho họ quyền năng chiến thắng kẻ thù. Satan sợ danh này đến mức nào| Chính danh này đã đánh bại nó nơi đồi Calvê.
Hãy bền đỗ tới cùng và đừng đánh mất đi niềm hy vọng. Hãy kêu cầu danh Ðức Giêsu. Khi bạn kêu cầu danh Ngài, Ngài sẽ giúp bạn thắng trận. Ngài sẽ dẫn bạn vượt qua những ràng buộc của tội lỗi và đưa bạn đến vinh quang tự do và phẩm giá được thừa tự trong hàng con cái Chúa. Càng kêu cầu danh Ngài, càng dễ sống trong huấn lệnh Ngài.
Bạn hãy kêu cầu danh Chúa và đợi Ngài đến với bạn - ngay cả trong những cách thế bất ngờ nhất. Bạn nên nhớ điều này: rất thường là chính trong lúc chúng ta kêu cầu danh Ngài và chờ đợi Ngài, chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Ngài sâu sắc nhất và ơn phù trợ của Ngài mạnh mẽ nhất.
"Lạy Ðức Giêsu, con dâng Chúa trái tim con. Hãy dạy con biết kết hiệp mật thiết hơn với Chúa và phó thác vào quyền năng của danh Ngài".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 6
Chúng ta thật dễ chia trí biết chừng nào trong khi cầu nguyện. Bên ngoài, môi ta mấp máy nhưng lòng trí ta lang thang đó đây. Làm sao ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong Thánh Vịnh 19, vịnh gia thốt lên "Lạy Chúa, xin cho lời trên miệng tôi và suy niệm trong lòng tôi được chấp nhận nơi thiên nhan Chúa" (Thánh vịnh 19:14). Ông muốn cảm nhận nhiều hơn những lời phát ra trên môi miệng. Ông muốn thấm nhập vào thái độ bên trong tâm hồn và mong mỏi những ý nghĩ sâu thẳm trong lòng làm đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương ta nhiều hơn bất cứ ai có thể yêu ta - ngay cả chính ta cũng không yêu ta bằng Ngài yêu ta. Thiên Chúa còn muốn nhiều hơn một cuộc đối thoại siêu nhiên với ta nữa. Ngài muốn chia sẻ những cảm nhận thâm sâu của Ngài với ta cũng như muốn ta chia sẻ những cảm nhận thẳm sâu trong lòng với Ngài. Ðây là cuộc đối thoại giữa tâm hồn và tâm hồn để Thiên Chúa chữa lành cho ta và để ta càng nên giống Ngài.
Thiên Chúa đánh giá cao sự thành thật. Chúng ta có thể mở lòng ra với Ngài trong lời cầu nguyện và nhớ rằng Ngài yêu thương ta vô điều kiện. Ngài biết những vui buồn trong ngày đời ta và những lầm lỗi của ta nhưng vẫn yêu thương ta. Ngài yêu ta đến nỗi ban tặng cho ta chính Người Con Duy Nhất của Ngài.
Hãy mở rộng lòng trí ta ra với Thiên Chúa trong Mùa Chay này. Tất cả điều Chúa muốn nơi ta là một quả tim khiêm nhường và thống hối, sẵn lòng hoán cải nhờ vào hồng ân của Ngài. Hãy để Ngài làm tinh tuyền tâm hồn ta.
"Lạy Chúa, Ngài là sức mạnh và ơn cứu độ của con. Xin tẩy sạch con để lời con cầu và tâm hồn con được Chúa chấp nhận. Chúa gọi con nên thánh thiện như Ngài. Xin kéo con đến bên Chúa và biến đổi con dưới ánh sáng của tôn nhan Ngài"
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 7
Kinh Lạy Cha, đến từ chính Ðức Giêsu, không chỉ là một bản văn hướng dẫn cách thức chúng ta cầu nguyện nhưng đó còn chính là những lời mà chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện. Và còn đáng ngạc nhiên hơn nữa khi Ðức Giêsu, đấng không biết đến tội, đã khiêm nhường trong lời cầu "Xin tha tội cho chúng con". Ngài còn đi xa hơn nữa khi thí mạng sống mình làm bảo chứng sự tha thứ mà Ngài đã cầu nguyện.
Nhưng kinh Lạy Cha còn nhiều hơn là lời hứa về lòng thương xót của Chúa. Ðức Giêsu đã chết không phải chỉ để chuộc tội ta mà còn để ban tặng ta một quả tim mới để khi ta trỗi dậy với Ngài, ta cũng có thể tha thứ như Ngài đã tha thứ. Lời hứa của Thánh Kinh là một khi ta để Ðức Giêsu sống trong ta bằng cách từ bỏ con người cũ của ta, ta cũng trở nên đầy lòng thương xót hơn.
Tha thứ cho những ai làm thương tổn ta không phải là một chuyện dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, điều đó dường như không thể được. Chúng ta cần đến ơn Chúa để chiêm niệm về khả năng tha thứ và luôn nhớ rằng tha thứ là con đường Chúa đã vạch cho ta đi. Không phải là Thánh Kinh đã kêu gọi ta phải cầu nguyện và chúc lành cho kẻ bắt bớ ta đó sao (Ro 12:14)? Không phải Ðức Giêsu đã nhắc ta phải yêu thương kẻ thù đó sao (Mt 5:44)?
Tha thứ không có nghĩa là mất cảnh giác nhưng là từ bỏ sự lên án và dẫn đưa con người đến với lòng thương xót của Chúa. Trong khi đầy lòng thương xót, Ðức Giêsu không chút mơ hồ về tình trạng trong con tim nhân loại. Ðức Giêsu không ngạc nhiên bởi tội ta. Nhưng dù Ngài thấy lòng ta tối tăm đến cỡ nào, Ngài cũng không bỏ cuộc hay nghi ngờ khả năng chúng ta quay lại với Ngài. Ngài luôn thấy tiềm năng của những kẻ đã được Ngài tha thứ sẽ ăn năn và trỗi dậy trong vinh quang với Ngài. Chúng ta có nghĩ về mọi người quanh ta như thế không?
"Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã chọn để ôm vào lòng những đau khổ và tội lỗi của chúng con, để chúng con có thể trỗi dậy với Ngài. Xin dạy con biết xót thương như Chúa đầy lòng thương xót"
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 8
"Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna."(Lk 11:29). Dấu lạ ông Giôna là gì? Thưa, dấu lạ thực sự trong chuyện ông Giôna là cách thức Thiên Chúa đáp trả lại sự thống hối của dân thành Ninivê.
Ông Giôna đã bất tuân lệnh Thiên Chúa và cố chạy trốn Ngài. Trong bụng một con cá khổng lồ, khi biết tính mạng mình trong cơn hiểm nghèo, ông đã than khóc trong niềm thống hối và Thiên Chúa đã giải thoát ông. Cũng vậy, khi dân thành Ninivê ăn năn, họ cũng được thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. Dấu lạ thực sự ở đây là sự thống hối đã đem lại lòng thương xót. Lòng thương xót này là trung tâm điểm của mọi dấu lạ mà Ðức Giêsu đã thực hiện, trong mỗi việc chữa lành, giải thoát hay hóa bánh ra nhiều. Ðặc biệt nhất, lòng thương xót này là trung tâm của dấu lạ lớn nhất trên mọi dấu lạ - cái chết của Ðức Giêsu trên thánh giá.
Trong mọi thời đại, Thiên Chúa luôn muốn có một quan hệ với dân Ngài. Tình yêu của Ngài bền vững muôn đời. Những lời hứa công bố bởi các tiên tri trong cựu ước, nay được thực hiện qua sự thống hối và đức tin nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhờ thánh giá, mỗi người trong chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hòa với Thiên Chúa. Chúng ta được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được tái sinh trong hình ảnh Ðức Giêsu. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta lớn lao biết ngần nào.
Bạn thấy gì nơi thánh giá? Bạn có thấy sự thánh thiện, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa? Bạn có thấy đấng đã yêu ta và muốn có một quan hệ cá nhân với ta? Hay bạn thấy nơi thập giá sự lên án và những tiêu chuẩn quá cao bạn dựa trên đó mà phán xét người ta? Trong sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hãy mở trái tim bạn ra hôm nay cho đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn. Hãy chạy đến cùng Ngài và Ngài sẽ chỉ cho bạn lòng thương xót không trí óc nhân loại nào có thể tưởng tượng nổi.
"Lạy Chúa Giêsu, con khẩn cầu lòng thương xót Chúa. Sự nhân từ của Ngài vượt quá trí hiểu của con. Tình yêu Ngài vượt quá mong đợi của con. Xin cho con biết thống hối tội con và xin thương xót con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 9
Hãy xin thì sẽ được (Mt 7:7). Thật là một lời hứa đầy khích lệ. Trong những lời rõ ràng, không chút mơ hồ, Ðức Giêsu nói với ta rằng Thiên Chúa sẽ cho ta những gì ta cầu xin Ngài nếu ta bền đỗ. Thiên Chúa rất quảng đại. Nhưng đồng thời Ngài muốn ta học cách xin, tìm kiếm và gõ cửa. Tại sao vậy? Có phải vì Ngài thích nhìn ta vất vả tìm kiếm ơn huệ của Ngài? Không phải như vậy. Ðức Giêsu biết rằng khi ta bền đỗ và tin cậy trong lời cầu xin, chúng ta có thể đập đổ những rào cản của sự cứng lòng, không cậy trông và hoài nghi.
Bạn có bền đỗ trong lời cầu xin cùng Chúa hay đôi khi bạn buông xuôi? Bạn có cảm thấy Thiên Chúa lạnh lùng, không trả lời những lời cầu xin của bạn? Ðiều này là bình thường. Tất cả chúng ta đôi khi thấy Chúa chậm đáp lại lời cầu của ta. Nhưng khi đáp trả của Chúa chậm đến, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa nhìn thấy một chiều dài lịch sử đến muôn đời, còn ta chỉ thấy hiện tại và trước mắt.
Mọi bậc làm cha mẹ biết rõ những gì con cái thật sự cần, trước mắt và lâu dài; lợi hại của những thứ mà con cái họ cầu xin; cũng như những thách đố con cái họ sẽ phải đối diện. Cũng vậy, Cha trên trời không có ý "làm hư hỏng" ta bằng cách ban cho ta quá nhiều, quá nhanh hay bằng cách cho ta những gì hại cho ta về lâu dài.
Chúng ta hãy tin cậy ở lời Ðức Giêsu. Nếu chúng ta bền đỗ, Thiên Chúa sẽ đáp lại mỗi lời cầu xin của chúng ta. Ðáp trả của Ngài đôi khi tế nhị và không tỏ tường tức khắc. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi chúng ta dâng nhu cầu và ước muốn lên cùng Chúa, Ngài sẽ đáp lại như một người Cha từ ái. Ngài không gởi cho ta bất cứ thứ gì ta xin, như một giải quyết chớp nhoáng cho điều mà ta cảm nhận như một nhu cầu tức khắc. Tuy nhiên điều này là chắc chắn: dù cách thức Ngài đáp trả lời cầu xin của ta như thế nào, ơn phúc Ngài ban luôn lớn lao hơn điều ta trông đợi.
"Lạy Cha, xin luôn đổ trên con ơn phúc dồi dào của Ngài. Xin cho Nước Cha là điều mà con mong mỏi nhất trong lời cầu xin chứ không phải những gì dẫn đưa con lạc lối về".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 10
"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước công nghị. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt." (Mt 5:22). Ðức Giêsu đã làm sững sờ những người đang lắng nghe Ngài bằng những lời kết án rất nghiêm khắc sự giận hờn, mắng chửi mà nhiều người trong chúng ta dễ cho rằng đó chỉ là những chuyện "người ta thường tình". Chúa đã không nghĩ như vậy. Ðối với Ngài, vấn đề không dừng ở chỗ chúng ta làm gì, nhưng còn là chúng ta nghĩ gì trong quan hệ với anh chị em mình. Tại sao Ngài nhấn mạnh đến các mối quan hệ? Thưa, vì chúng ta đều là con cái của cùng một Cha trên trời. Chúng ta gần gũi và ràng buộc với nhau đến nỗi bất cứ đổ vỡ nào trong sự hiệp nhất đều đe dọa toàn thân thể của Ðức Kitô.
Như những người Kitô hữu, chúng ta đối diện với thách đố phải giữ gìn và xây đắp sự hiệp nhất trong Chúa Kitô. Thách đố này nới rộng đến mọi giao tiếp chúng ta có với anh chị em mình. Chẳng hạn, chúng ta đối với người thân trong gia đình thế nào, đối với hàng xóm láng giềng ra sao? Chúng ta có tử tế với họ không? Chúng ta có đối xử công bằng không? Chúng ta có chăm sóc cho những người đang túng thiếu, đặc biệt những người nghèo khó, những người đang gặp hoạn nạn và những người cô đơn không?
Chúng ta được kết hiệp gần gũi với anh chị em trong thân thể Chúa Kitô đến nỗi bất cứ tội nào ta phạm cũng có những hậu quả không phải cho ta thôi mà còn cho những người khác nữa. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta tạo ra một đám mây đen trên quan hệ chúng ta với phần còn lại của thân thể Chúa Kitô, và đó chính là điều mà Satan muốn.
Thường thì tự ái, lòng kiêu hãnh và thói bướng bỉnh làm ta mất sáng suốt không nhìn rõ vai trò và trách nhiệm của ta trong việc làm gẫy đổ một mối quan hệ. Chúng ta cần học cách trông cậy nơi Chúa để giúp ta nhìn rõ tình hình với một nhãn quan mới. Xin Ngài chỉ cho thấy điều chúng ta có thể làm được để hòa giải với anh chị em. Xin Ngài giúp ta đừng đắm chìm trong cảm giác cay đắng và giận hờn. Xin Ngài giúp ta tha thứ từ tận đáy lòng mình để đến lượt ta, ta cũng được thứ tha.
"Lạy Chúa Thánh Linh, xin linh hứng trong con lòng ao ước được kết hiệp gần gũi với anh chị em con. Xin hiệp nhất tất cả những người Kitô hữu trong một gia đình và tạo ra những ràng buộc yêu thương không bao giờ gẫy đổ".
Ngày 8 tháng 2: Kính Thánh Bakhita
PhóTế Huỳnh Mai Trác
09:00 08/02/2008
Thánh Bakhita sinh tại Sudan, là người phụ nữ nô lệ Phi châu đầu tiên được Giáo Hội phong thánh. Khi lên 10 tuổi bà bị bọn buôn nô lệ bắt và đem bán tại chợ nô lệ El Obeid. Bakhita trải qua những năm dài đau khổ thể chất và tinh thần của kiếp nô lệ. Cuối cùng bà được bán vào nhà của ông Callisto Legnani, một lãnh sự người Ý, và ông này đã trả tự do cho bà.
Sau đó vì lý do chính trị nên ông Legnani trở về Ý. Bakhita xin được đi theo gia đình của ông. Khi đến Venice, Bakhita đến giúp việc cho các gia đình Công giáo trong thành phố này và được họ đối đải tử tế và yêu thương. Ðây là những kinh nghiệm và kỷ niệm thật quý báu của bà.
Trong lúc ở Venice, Bakhita may mắn được gặp các Nữ tu của “Dòng Nữ Bác ái”. Các nữ tu này đã dạy dỗ và hướng dẫn Bakhita về Tình Yêu của Thiên Chúa. Sau nhiều tháng học giáo lý Bakhita được nhận phép Thánh Tẩy, rước Mình Thánh Chúa và chịu phép Thêm Sức. Bakhita bây giờ mang tên mới là Josephine và bắt đầu một cuộc đời mới trong Chúa Kitô.
Vài năm sau Bakhita được Dòng Nữ Bác ái nhận vào tu trong tu viện ở Venice. Trong 50 năm mọi người trong nhà Dòng đều ngưỡng mộ lòng đạo đức và những công việc mà Bakhita đã hoàn tất rất tốt đẹp. Ðời sống tu trì của Bakhita ngày nào cũng như ngày nào là lo lắng mọi công việc thường nhật cho nhà Dòng như nấu ăn, may vá, gác cổng và quét dọn. Mọi công việc đều được hoàn tất tốt đẹp và làm cho mọi người được hạnh phúc. Bakhita là niềm vui cho hết thảy mọi người trong nhà Dòng. Mọi người nghèo khó trong thành phố khi đến cổng nhà Dòng đều được Bakhita đón tiếp một cách thương yêu, kính trọng và giúp đỡ.
Khi về gìa dù yếu đuối và bệnh tật, lúc nào Bakhita cũng giữ vững niềm vui và hy vọng vào Chúa. Tuy vậy trong những giây phút cuối đời nhiều lúc những kỷ niệm đau khổ và kinh hoàng trong những ngày nô lệ đã hiện ra ám ảnh Bakhita. Ðã có lúc Bakhita hoảng hốt van xin người y tá:” Làm ơn nới lỏng giây xích một chút! Nặng quá Chúa ơi!”
Thánh Bakhita được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II phong Chân phước năm 1992. Năm kế tiếp Ðức Thánh Cha viếng thăm Phi châu, Bà Mẹ Bề trên của Dòng đã dâng lên Ðức Thánh Cha một bức tượng chứa đựng di tích của thánh Bakhita. Trong bài giảng Ðức Thánh Cha đã nói: “Hãy vui mừng, toàn thể Phi Châu, Bakhita đã trở về với anh chị em mình, người con gái của nước Sudan, đã bị bán đi làm nô lệ như một món hàng, nhưng Bakhita luôn luôn vẫn được tự do, và bây giờ được tự do mãi mãi với các thánh trên Thiên đàng.”
Tháng 10 năm 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II đã tấn phong Josephine Bakhita lên hàng hiển thánh.
Sau đó vì lý do chính trị nên ông Legnani trở về Ý. Bakhita xin được đi theo gia đình của ông. Khi đến Venice, Bakhita đến giúp việc cho các gia đình Công giáo trong thành phố này và được họ đối đải tử tế và yêu thương. Ðây là những kinh nghiệm và kỷ niệm thật quý báu của bà.
Trong lúc ở Venice, Bakhita may mắn được gặp các Nữ tu của “Dòng Nữ Bác ái”. Các nữ tu này đã dạy dỗ và hướng dẫn Bakhita về Tình Yêu của Thiên Chúa. Sau nhiều tháng học giáo lý Bakhita được nhận phép Thánh Tẩy, rước Mình Thánh Chúa và chịu phép Thêm Sức. Bakhita bây giờ mang tên mới là Josephine và bắt đầu một cuộc đời mới trong Chúa Kitô.
Vài năm sau Bakhita được Dòng Nữ Bác ái nhận vào tu trong tu viện ở Venice. Trong 50 năm mọi người trong nhà Dòng đều ngưỡng mộ lòng đạo đức và những công việc mà Bakhita đã hoàn tất rất tốt đẹp. Ðời sống tu trì của Bakhita ngày nào cũng như ngày nào là lo lắng mọi công việc thường nhật cho nhà Dòng như nấu ăn, may vá, gác cổng và quét dọn. Mọi công việc đều được hoàn tất tốt đẹp và làm cho mọi người được hạnh phúc. Bakhita là niềm vui cho hết thảy mọi người trong nhà Dòng. Mọi người nghèo khó trong thành phố khi đến cổng nhà Dòng đều được Bakhita đón tiếp một cách thương yêu, kính trọng và giúp đỡ.
Khi về gìa dù yếu đuối và bệnh tật, lúc nào Bakhita cũng giữ vững niềm vui và hy vọng vào Chúa. Tuy vậy trong những giây phút cuối đời nhiều lúc những kỷ niệm đau khổ và kinh hoàng trong những ngày nô lệ đã hiện ra ám ảnh Bakhita. Ðã có lúc Bakhita hoảng hốt van xin người y tá:” Làm ơn nới lỏng giây xích một chút! Nặng quá Chúa ơi!”
Thánh Bakhita được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II phong Chân phước năm 1992. Năm kế tiếp Ðức Thánh Cha viếng thăm Phi châu, Bà Mẹ Bề trên của Dòng đã dâng lên Ðức Thánh Cha một bức tượng chứa đựng di tích của thánh Bakhita. Trong bài giảng Ðức Thánh Cha đã nói: “Hãy vui mừng, toàn thể Phi Châu, Bakhita đã trở về với anh chị em mình, người con gái của nước Sudan, đã bị bán đi làm nô lệ như một món hàng, nhưng Bakhita luôn luôn vẫn được tự do, và bây giờ được tự do mãi mãi với các thánh trên Thiên đàng.”
Tháng 10 năm 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II đã tấn phong Josephine Bakhita lên hàng hiển thánh.
Theo Ađam hay theo Chúa Giê-su?
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:16 08/02/2008
Chúa Nhật I Mùa Chay
Theo Ađam hay theo Chúa Giê-su?
Điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất không đi đúng quỹ đạo mà Thiên Chúa đã vạch ra cho nó? Trong trường hợp nầy, một thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người và lịch sử vũ trụ sẽ xảy ra. Một trận hoả hoạn toàn cầu khủng khiếp chưa từng thấy sẽ bùng lên thiêu rụi hết mọi thứ nếu trái đất xích lại gần mặt trời hơn cự ly hiện nay, hoặc giá băng sẽ bao trùm trái đất khiến sự sống của mọi sinh vật sẽ bị huỷ diệt nếu trái đất trệch ra xa mặt trời hơn khoảng cách hiện tại.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nước biển không tuân theo quy luật là nước phải tụ về chỗ trũng thấp? Lúc đó, Thái Bình Dương thỉnh thoảng tràn lên đến tận dãy Trường Sơn và toàn bộ phố xá ruộng vườn đều bị cào xới bình địa, mọi cư dân đang sống trên đường đi của nó trở thành lương thực cho các loài tôm cá.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quy luật giao thông không được người tham gia giao thông tuân giữ? Lúc đó, xe cộ sẽ trở thành vũ khí huỷ diệt hàng loạt trên toàn cầu và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn hết thảy mọi cuộc chiến tranh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ngữ pháp không được người ta tôn trọng lúc giao tiếp? Khi đó, chỉ có người nói mới hiểu mình nói gì và người chung quanh không thể hiểu được điều ta nói.
Điều gì sẽ xảy ra nếu loài người không đi theo con đường mà Đấng sáng tạo đã vạch ra cho mình? Lịch sử Hội Thánh cho thấy nguyên tổ loài người đã đi trật đường Chúa và phải lãnh lấy hậu quả là đau khổ và chết chóc.
Nói tóm lại, mọi sự đều phải vận hành theo quy luật mà Thiên Chúa đã an bài thì sự sống mới được duy trì và khi quy luật không được tôn trọng thì thảm hoạ sẽ xảy ra cho vũ trụ, cho thế giới, cho mọi loài.
Bài trích sách sáng thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định lại chân lý nầy. Khi hai ông bà nguyên tổ đi trệch đường lối Thiên Chúa (được minh hoạ bằng việc Chúa truyền đừng ăn trái cấm mà hai ông bà bất tuân) thì hậu quả đau thương đã đến với hai ông bà và lan truyền đến toàn thể nhân loại.
Qua bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người (là Ađam) đã không đi theo đường lối Thiên Chúa mà muôn người trở thành tội nhân (Rôma 5, 19) và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rôma 5, 12).
Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân, của việc đi lệch ra ngoài quỹ đạo!
Vì loài người đi lệch quỹ đạo của Thiên Chúa, không đi theo đường lối Thiên Chúa, nên đau khổ và sự chết là hậu quả tất nhiên đã đến với mọi người.
Để cứu vớt loài người, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.
Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Sa-tan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa với hy vọng một khi ‘Đầu Tàu’ bị trật bánh thì toàn thể đoàn tàu cũng sa xuống vực sâu. Ba lần cám dỗ trong hoang địa mà Tin Mừng hôm nay thuật lại là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ (Do-thái 4, 15) mà Ađam mới là Chúa Giê-su phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.
Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Sa-tan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giê-su đã kiên quyết tuân theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chấp nhận thập giá và cái chết vô cùng đau thương (Phi-líp 2, 8). Nhờ thế, Ngài đã nắn lại những sai trật do Ađam gây ra và đã lôi kéo được nhân loại về với Thiên Chúa.
Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giê-su đã gặp hôm xưa.
Bước theo vết chân của Ađam cũ (tức là nghe theo lời mời mọc của Sa-tan) để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc hay kiên quyết chống cự để trung thành với đường lối của Thiên Chúa là chọn lựa mà mỗi người chúng ta phải lặp lại mỗi ngày. Bao lâu còn mang thân phận con người, bấy lâu chúng ta còn phải chịu thử thách và chiến đấu.
Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt mọi người. Xin Chúa thương giúp chúng ta đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt chọn bước vào cửa sinh, theo gót Chúa Giê-su là Đấng đã vinh thắng khải hoàn.
Theo Ađam hay theo Chúa Giê-su?
Điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất không đi đúng quỹ đạo mà Thiên Chúa đã vạch ra cho nó? Trong trường hợp nầy, một thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người và lịch sử vũ trụ sẽ xảy ra. Một trận hoả hoạn toàn cầu khủng khiếp chưa từng thấy sẽ bùng lên thiêu rụi hết mọi thứ nếu trái đất xích lại gần mặt trời hơn cự ly hiện nay, hoặc giá băng sẽ bao trùm trái đất khiến sự sống của mọi sinh vật sẽ bị huỷ diệt nếu trái đất trệch ra xa mặt trời hơn khoảng cách hiện tại.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nước biển không tuân theo quy luật là nước phải tụ về chỗ trũng thấp? Lúc đó, Thái Bình Dương thỉnh thoảng tràn lên đến tận dãy Trường Sơn và toàn bộ phố xá ruộng vườn đều bị cào xới bình địa, mọi cư dân đang sống trên đường đi của nó trở thành lương thực cho các loài tôm cá.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quy luật giao thông không được người tham gia giao thông tuân giữ? Lúc đó, xe cộ sẽ trở thành vũ khí huỷ diệt hàng loạt trên toàn cầu và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn hết thảy mọi cuộc chiến tranh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ngữ pháp không được người ta tôn trọng lúc giao tiếp? Khi đó, chỉ có người nói mới hiểu mình nói gì và người chung quanh không thể hiểu được điều ta nói.
Điều gì sẽ xảy ra nếu loài người không đi theo con đường mà Đấng sáng tạo đã vạch ra cho mình? Lịch sử Hội Thánh cho thấy nguyên tổ loài người đã đi trật đường Chúa và phải lãnh lấy hậu quả là đau khổ và chết chóc.
Nói tóm lại, mọi sự đều phải vận hành theo quy luật mà Thiên Chúa đã an bài thì sự sống mới được duy trì và khi quy luật không được tôn trọng thì thảm hoạ sẽ xảy ra cho vũ trụ, cho thế giới, cho mọi loài.
Bài trích sách sáng thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định lại chân lý nầy. Khi hai ông bà nguyên tổ đi trệch đường lối Thiên Chúa (được minh hoạ bằng việc Chúa truyền đừng ăn trái cấm mà hai ông bà bất tuân) thì hậu quả đau thương đã đến với hai ông bà và lan truyền đến toàn thể nhân loại.
Qua bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người (là Ađam) đã không đi theo đường lối Thiên Chúa mà muôn người trở thành tội nhân (Rôma 5, 19) và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rôma 5, 12).
Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân, của việc đi lệch ra ngoài quỹ đạo!
Vì loài người đi lệch quỹ đạo của Thiên Chúa, không đi theo đường lối Thiên Chúa, nên đau khổ và sự chết là hậu quả tất nhiên đã đến với mọi người.
Để cứu vớt loài người, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.
Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Sa-tan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa với hy vọng một khi ‘Đầu Tàu’ bị trật bánh thì toàn thể đoàn tàu cũng sa xuống vực sâu. Ba lần cám dỗ trong hoang địa mà Tin Mừng hôm nay thuật lại là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ (Do-thái 4, 15) mà Ađam mới là Chúa Giê-su phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.
Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Sa-tan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giê-su đã kiên quyết tuân theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chấp nhận thập giá và cái chết vô cùng đau thương (Phi-líp 2, 8). Nhờ thế, Ngài đã nắn lại những sai trật do Ađam gây ra và đã lôi kéo được nhân loại về với Thiên Chúa.
Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giê-su đã gặp hôm xưa.
Bước theo vết chân của Ađam cũ (tức là nghe theo lời mời mọc của Sa-tan) để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc hay kiên quyết chống cự để trung thành với đường lối của Thiên Chúa là chọn lựa mà mỗi người chúng ta phải lặp lại mỗi ngày. Bao lâu còn mang thân phận con người, bấy lâu chúng ta còn phải chịu thử thách và chiến đấu.
Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt mọi người. Xin Chúa thương giúp chúng ta đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt chọn bước vào cửa sinh, theo gót Chúa Giê-su là Đấng đã vinh thắng khải hoàn.
Chương trình Lễ Gia Tiên - Mồng 2 Tết
LM Giuse Nguyễn Hữu An
10:36 08/02/2008
CHƯƠNG TRÌNH GIA TIÊN - MỒNG 2 TẾT
I.Chuẩn Bị: 1Bàn thờ tổ tiên - 1 Trống đại – 1 chiêng 1 Giới thiệu viên ( Xướng ngôn viên) 1 Nghi lễ viên ( Lễ sinh) áo thụng khăn đóng 1 chủ sự ( Người đọc văn tế) áo thụng khăn đóng 2 giúp lễ ( Thiếu nhi) áo giúp lễ khăn đóng 8 dâng lễ vật ( Nữ: Ao dài,khăn đóng – Nam: Khăn đóng, áo thụng) Lễ nghi cử hành sau lời nguyện hiệp lễ
A. MỞ ĐẦU: ( Tất cả ổn định ở hàng ngũ ở cuối nhà thờ)
Lời giới thiệu: ( XNV) Hằng nămvào dịp Tết Nguyên Đán,con cháu quây quần mừng tuổi ông bà cha mẹ,tưởng nhớ tổ tiên,các bậc sinh thành đã an giấc ngàn thu.Trước là để bày tỏ tấm lòng thành kính mến yêu,sau là dâng lễ chúc mừng tuổi thọ và cầu xin ơn trên ban phước. Hôm nay trong bầu khí tưng bừng đón xuân mới Mậu Tý,con cháu trăm họ trong giáo xứ …………………… thân yêu thành kính tỏ bày mối tình con thảo với ông bà cha mẹ và các bậc tổ tiên còn sống cũng như đã an giấc yên nghĩ. Với những món quà khiêm tốn tượng trưng,qua nghi lễ gia tiên đơn thành,con cháu xin cúi đầu tạ tội vì những lỗi lầm đã qua,đồng kính dâng lên tổ tiên,ông bà cha mẹ và các Bô lão tâm tình hiếu thảo và lòng kính yêu,niềm tri ân sâu xa.Lễ gia Tiên bắt đầu. ( Một hồi chiêng trống dài,cac đoàn hát một bài ca vui xuân,đoàn nghi lễ từ cuối nhà thờ tiến lên theo thứ tự: 4 đôi lễ vật - lễ sinh - giúp lễ - Chủ sự. Tất cả đứng thành hàng ngang ở bậc cung thánh,bái đầu, lễ sinh lên giảng đài)
B. CHÍNH LỄ.
Kính thưa cộng đoàn Cây có cội nước có nguồn,con người có tổ có tông.Khởi đầu năm mới,chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tiền bối đã có công với xứ sở,với non sông đất nước.Là những người đi trước, các Ngài đã dẫn đường chỉ lối cho chúng ta.Trải qua mọi thờiđại,các Ngài đã để lại một gia tài công đức vô cùng quý báu.Nào là công đức sinh thành dưỡng dục.Nào là bao tấm gương anh dũng.Nào là tình thương lai láng như bể khơi.Nào là cuộc sống thánh htiện muôn đời ngời sáng. Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.Chúng ta đây,con bầy cháu đống,đừng chỉ đánh trống khua chiêng,nhưng phải gắng giữ cho vuông tròn đạo hiếu,sớm chiều trong tư tưởng lời nói việc làm cần thể hiện lòng kính mến biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ, với các Bô lão …
(Kính mời cộng đoàn đứng lên nghe Lời Chúa) LỜI CHÚA: ( Hc 44,17-8;11-15) Lời Chúa trong sách Đức Huấn Ca: tôi muốn ca tụng những người nhân đức,cha ông chúg ta đời đời kế tiếp.Sinh thời hết thảy họ được tôn trọng và được hiển dương ngày ngày đời họ.Trong họ có những người đã lưu lại tên tuổi,thiên hạ còn ngợi khen nhắc đến.Nơi giòng giống họ phúc ấm bền lâu,cơ nghiệp của họ truyền lại hết đời con đến cháu.Trong giao ước của họ,giòng giống của họ sẽ đứng vững,và nhờ họ,con cháu họ sẽ trung kiên,ký ức của họ sẽ lưu truyền vạn đại,đức nghĩa của họ sẽ không hề bị lãng quên.Thân xác của họ được chôn cất bình an.Tên tuổi của họ sẽ sống đời này qua đời nọ.Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụngvà công hội thuật lại lời ngợi khen của họ.Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Ca đoàn hát bài: Cây có cội nước có nguồn.
VĂN TẾ: Văn tế kính dâng ông bà tổ tiên,cha mẹ, cùng các cụ ông cụ bà.
(Một hồi chiêng trống ngắn, 2 giúp lễ rước chủ sự đến bàn thờ tổ tiên) Ghi Chú:
* Văn tế đọc theo cung giọng. Trong khi đọc có đệm chiêng trống. * Dấu hiệu 1: 1 tiếng trống,1 tiếng chiêng. * Dấu hiệu 3: 3 tiếng trống, 3 tiếng chiêng ( 2 tiếng trước liền nhau) * Dứt bài văn tế,một hồi trống chiêngdài. VĂN TẾ Chúc mừng Bô lão – Kính bái ông bà – cúi chào cha mẹ Nhân ngày thánh hoá – lão bà lão ông – Mồng Hai Quý Mùi Con cháu quây quần – đền ơn đáp nghĩa – Cha mẹ ông bà XNV: CÚC - CUNG – BÁI ( 3) Đoàn con kính cẩn cúi đầu – Ghi ơn tưởng nhớ – Tình sâu nghĩa nặng Công sinh thành như núi Thái sơn – Nợ tình thương biển khơi chan chứa Dẫu cho ngày tháng thoi đưa – Tựa bóng câu ngang cửa Nhâm Ngọ đi qua – Quý Mùi bước tới XNV: CÚC – CUNG – BÁI Xuân đến xuân đi,lòng hiếu thảo làm sao quên được ( 1).Bao ân tình lớn lao,dù cho sông chảy núi mòn,tình con sau trước vẫn còn thiết tha (3)-Kẻ gần người xa,họp mặt sum vầy.Con bầy cháu đống tiến về nơi đây,chúc thọ ông bà,mừng tuổi mẹ cha ( 1). Thành kính dâng lên một bài trường ca tán dương công đức (3).Các bậc hiền nhân để lại thế trần,công ơn trời bể (1).Hỡi đàn con cháu thế hệ mai sau,quyết cùng nhau đáp đền (3).Cha ông khóc đừng quên an ủi.Bô lão vui chia sẽ ngọt bùi.Kính tôn bậc già lão,hiếu thảo cùng mẹ cha(1).Tận tuỵ với ông bà,quyết một lòng chung thuỷ giữ trọn hiếu trung (3).Đến ngày cùng tháng tận,ai cũng một lần ra đi (1).Thi hài đem chôn cất,tống táng thật tươm tất,lo mã đẹp mồ yên (3).Kính mong cho ơn trên xuống phước cho kẻ trước người sau(I).Con cháu là gia sản châu báu,giòng giống trung hậu dài lâu vạn kiếp. ( Một hồi chiêng trống ngắn,chủ tế và 2 giúp lễ bái đầu,lùi ra sau 2 bước,chuẩn bị nhường chỗ cho đội dâng lễ vật)
CA ĐOÀN HÁT BÀI: ƠN NGHĨA SINH THÀNH
C. KẾT THÚC ( XNV ):
Kết thúc lễ gia tiên hôm nay là phần dâng lễ vật.Đoàn con cháu cúng con,kính dâng lên ông bà tổ tiên,cha mẹ và các Bô lão những lễ vật tượngtrưng: Trầu rượu – Bánh Tết –Hoa quả và những nén hương. DÂNG TRẦU RƯỢU ( XNV): Miếng trầu là đầu câu chuyện.Ly rượu nồng hâm nóng tâm can.Có trầu có rượu sầu buồn tan biến. CÚC – CUNG – BÁI ( 3) THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3) – Cơi trầu khay rượu tượng trưng lòng thảo hiếu của con cháu đối với ông bà cha mẹ. DÂNG BÁNH TẾT (XNV): Bổn phận con cháu kính tôn thảo hiếu,sớm hôm biết khéo lo liệu,có cơm ngon canh ngọt cho ông bà cha mẹ.Ở gần nhà năng lui tới viếng thăm,sống xa nhà gởi quà gởi bánh. CÚC – CUNG – BÁI (3)THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3). DÂNG HOA QUẢ (XNV): Hoa quả, tượng trưng cho bao lao công khó nhọc,mồ hôi nước mắt,bao hy sinh vất vả mà ông bà cha mẹ,các bậc tiền bối đã dâng hiến cho con cháu và bao đời mai hậu. CÚC – CUNG – BÁI (3) THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3) DÂNG HƯƠNG KHÓI (XNV): Con cháu thảo hiếu luôn biết điều.Sớm hôm an ủi vỗ về,đừng để ông bà cha mẹ nay phiền muộn mai lo lắng.Khi ông bà cha mẹ qua đời,nhớ lời trăn trối mà thực thi.Sớm tối cầu nguyện,lại lo lắng cho các Ngài mồ yên mã đẹp,nhang khói phân minh. CÚC – CUNG – BÁI (3)THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3)
XNV. Lễ gia tiên đến đây đã kết thúc.mời cộng đoànđứng lên đón nhận Phép lành cuối lễ.
I.Chuẩn Bị: 1Bàn thờ tổ tiên - 1 Trống đại – 1 chiêng 1 Giới thiệu viên ( Xướng ngôn viên) 1 Nghi lễ viên ( Lễ sinh) áo thụng khăn đóng 1 chủ sự ( Người đọc văn tế) áo thụng khăn đóng 2 giúp lễ ( Thiếu nhi) áo giúp lễ khăn đóng 8 dâng lễ vật ( Nữ: Ao dài,khăn đóng – Nam: Khăn đóng, áo thụng) Lễ nghi cử hành sau lời nguyện hiệp lễ
A. MỞ ĐẦU: ( Tất cả ổn định ở hàng ngũ ở cuối nhà thờ)
Lời giới thiệu: ( XNV) Hằng nămvào dịp Tết Nguyên Đán,con cháu quây quần mừng tuổi ông bà cha mẹ,tưởng nhớ tổ tiên,các bậc sinh thành đã an giấc ngàn thu.Trước là để bày tỏ tấm lòng thành kính mến yêu,sau là dâng lễ chúc mừng tuổi thọ và cầu xin ơn trên ban phước. Hôm nay trong bầu khí tưng bừng đón xuân mới Mậu Tý,con cháu trăm họ trong giáo xứ …………………… thân yêu thành kính tỏ bày mối tình con thảo với ông bà cha mẹ và các bậc tổ tiên còn sống cũng như đã an giấc yên nghĩ. Với những món quà khiêm tốn tượng trưng,qua nghi lễ gia tiên đơn thành,con cháu xin cúi đầu tạ tội vì những lỗi lầm đã qua,đồng kính dâng lên tổ tiên,ông bà cha mẹ và các Bô lão tâm tình hiếu thảo và lòng kính yêu,niềm tri ân sâu xa.Lễ gia Tiên bắt đầu. ( Một hồi chiêng trống dài,cac đoàn hát một bài ca vui xuân,đoàn nghi lễ từ cuối nhà thờ tiến lên theo thứ tự: 4 đôi lễ vật - lễ sinh - giúp lễ - Chủ sự. Tất cả đứng thành hàng ngang ở bậc cung thánh,bái đầu, lễ sinh lên giảng đài)
B. CHÍNH LỄ.
Kính thưa cộng đoàn Cây có cội nước có nguồn,con người có tổ có tông.Khởi đầu năm mới,chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tiền bối đã có công với xứ sở,với non sông đất nước.Là những người đi trước, các Ngài đã dẫn đường chỉ lối cho chúng ta.Trải qua mọi thờiđại,các Ngài đã để lại một gia tài công đức vô cùng quý báu.Nào là công đức sinh thành dưỡng dục.Nào là bao tấm gương anh dũng.Nào là tình thương lai láng như bể khơi.Nào là cuộc sống thánh htiện muôn đời ngời sáng. Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.Chúng ta đây,con bầy cháu đống,đừng chỉ đánh trống khua chiêng,nhưng phải gắng giữ cho vuông tròn đạo hiếu,sớm chiều trong tư tưởng lời nói việc làm cần thể hiện lòng kính mến biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ, với các Bô lão …
(Kính mời cộng đoàn đứng lên nghe Lời Chúa) LỜI CHÚA: ( Hc 44,17-8;11-15) Lời Chúa trong sách Đức Huấn Ca: tôi muốn ca tụng những người nhân đức,cha ông chúg ta đời đời kế tiếp.Sinh thời hết thảy họ được tôn trọng và được hiển dương ngày ngày đời họ.Trong họ có những người đã lưu lại tên tuổi,thiên hạ còn ngợi khen nhắc đến.Nơi giòng giống họ phúc ấm bền lâu,cơ nghiệp của họ truyền lại hết đời con đến cháu.Trong giao ước của họ,giòng giống của họ sẽ đứng vững,và nhờ họ,con cháu họ sẽ trung kiên,ký ức của họ sẽ lưu truyền vạn đại,đức nghĩa của họ sẽ không hề bị lãng quên.Thân xác của họ được chôn cất bình an.Tên tuổi của họ sẽ sống đời này qua đời nọ.Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụngvà công hội thuật lại lời ngợi khen của họ.Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Ca đoàn hát bài: Cây có cội nước có nguồn.
VĂN TẾ: Văn tế kính dâng ông bà tổ tiên,cha mẹ, cùng các cụ ông cụ bà.
(Một hồi chiêng trống ngắn, 2 giúp lễ rước chủ sự đến bàn thờ tổ tiên) Ghi Chú:
* Văn tế đọc theo cung giọng. Trong khi đọc có đệm chiêng trống. * Dấu hiệu 1: 1 tiếng trống,1 tiếng chiêng. * Dấu hiệu 3: 3 tiếng trống, 3 tiếng chiêng ( 2 tiếng trước liền nhau) * Dứt bài văn tế,một hồi trống chiêngdài. VĂN TẾ Chúc mừng Bô lão – Kính bái ông bà – cúi chào cha mẹ Nhân ngày thánh hoá – lão bà lão ông – Mồng Hai Quý Mùi Con cháu quây quần – đền ơn đáp nghĩa – Cha mẹ ông bà XNV: CÚC - CUNG – BÁI ( 3) Đoàn con kính cẩn cúi đầu – Ghi ơn tưởng nhớ – Tình sâu nghĩa nặng Công sinh thành như núi Thái sơn – Nợ tình thương biển khơi chan chứa Dẫu cho ngày tháng thoi đưa – Tựa bóng câu ngang cửa Nhâm Ngọ đi qua – Quý Mùi bước tới XNV: CÚC – CUNG – BÁI Xuân đến xuân đi,lòng hiếu thảo làm sao quên được ( 1).Bao ân tình lớn lao,dù cho sông chảy núi mòn,tình con sau trước vẫn còn thiết tha (3)-Kẻ gần người xa,họp mặt sum vầy.Con bầy cháu đống tiến về nơi đây,chúc thọ ông bà,mừng tuổi mẹ cha ( 1). Thành kính dâng lên một bài trường ca tán dương công đức (3).Các bậc hiền nhân để lại thế trần,công ơn trời bể (1).Hỡi đàn con cháu thế hệ mai sau,quyết cùng nhau đáp đền (3).Cha ông khóc đừng quên an ủi.Bô lão vui chia sẽ ngọt bùi.Kính tôn bậc già lão,hiếu thảo cùng mẹ cha(1).Tận tuỵ với ông bà,quyết một lòng chung thuỷ giữ trọn hiếu trung (3).Đến ngày cùng tháng tận,ai cũng một lần ra đi (1).Thi hài đem chôn cất,tống táng thật tươm tất,lo mã đẹp mồ yên (3).Kính mong cho ơn trên xuống phước cho kẻ trước người sau(I).Con cháu là gia sản châu báu,giòng giống trung hậu dài lâu vạn kiếp. ( Một hồi chiêng trống ngắn,chủ tế và 2 giúp lễ bái đầu,lùi ra sau 2 bước,chuẩn bị nhường chỗ cho đội dâng lễ vật)
CA ĐOÀN HÁT BÀI: ƠN NGHĨA SINH THÀNH
C. KẾT THÚC ( XNV ):
Kết thúc lễ gia tiên hôm nay là phần dâng lễ vật.Đoàn con cháu cúng con,kính dâng lên ông bà tổ tiên,cha mẹ và các Bô lão những lễ vật tượngtrưng: Trầu rượu – Bánh Tết –Hoa quả và những nén hương. DÂNG TRẦU RƯỢU ( XNV): Miếng trầu là đầu câu chuyện.Ly rượu nồng hâm nóng tâm can.Có trầu có rượu sầu buồn tan biến. CÚC – CUNG – BÁI ( 3) THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3) – Cơi trầu khay rượu tượng trưng lòng thảo hiếu của con cháu đối với ông bà cha mẹ. DÂNG BÁNH TẾT (XNV): Bổn phận con cháu kính tôn thảo hiếu,sớm hôm biết khéo lo liệu,có cơm ngon canh ngọt cho ông bà cha mẹ.Ở gần nhà năng lui tới viếng thăm,sống xa nhà gởi quà gởi bánh. CÚC – CUNG – BÁI (3)THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3). DÂNG HOA QUẢ (XNV): Hoa quả, tượng trưng cho bao lao công khó nhọc,mồ hôi nước mắt,bao hy sinh vất vả mà ông bà cha mẹ,các bậc tiền bối đã dâng hiến cho con cháu và bao đời mai hậu. CÚC – CUNG – BÁI (3) THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3) DÂNG HƯƠNG KHÓI (XNV): Con cháu thảo hiếu luôn biết điều.Sớm hôm an ủi vỗ về,đừng để ông bà cha mẹ nay phiền muộn mai lo lắng.Khi ông bà cha mẹ qua đời,nhớ lời trăn trối mà thực thi.Sớm tối cầu nguyện,lại lo lắng cho các Ngài mồ yên mã đẹp,nhang khói phân minh. CÚC – CUNG – BÁI (3)THÀNH KÍNH DÂNG LÊN (3)
XNV. Lễ gia tiên đến đây đã kết thúc.mời cộng đoànđứng lên đón nhận Phép lành cuối lễ.
Mồng 2 Tết: từ Đạo Hiếu tới Đạo Chúa
LM Giuse Nguyễn Hữu An
10:37 08/02/2008
MỒNG 2 TẾT: TỪ ĐẠO HIẾU ĐẾN ĐẠO CHÚA
(Mt 6,25-34)
Các nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt nam đều nhất trí cho rằng người Việt Nam, ngoài Kitô giáo thì còn có một tôn giáo tổng hợp ba đạo: Đạo Lão,Đạo Khổng và Đạo Phật. Đó là tam giáo hoà đồng.Một cách giản lược có thể nói rằng:
- Về phương diện đạo lý người ta theo Phật mà tiêu biểu nhất là tin vào thuyết nhân quả và hệ luỵ của nó là thuyết luân hồi hay gọi chung là thuyết luân hồi nghiệp báo.
- Về phương diện đạo đức,người ta theo Khổng giáo lấy tam cương ngũ thường cho căn bản đời sống xã hội.
- Trong thực hành tôn giáo cũng như những tục lệ,người ta chịu ảnh hưởng của Lão giáo.
Ngoài những yếu tố tam giáo,mỗi người việt nam thực ra còn có một cái đạo rất gần gũi và cơ bản nhất đó là Đạo Ong Bà.Nói tới Đạo Ong Bà trước tiên chúng ta nghĩ ngay đến bàn thờ tổ tiên,tới cúng giỗ và tất cả những thực hành diễn ra ngay trong nơi sinh sống hàng ngày tại gia đình chứ không phải trong đình chùa hay thánh thất. Điều người ta lo lắng là phải có kẻ nối dõi tông đường, lo việc cúng giỗ.Cái mà người ta lo sợ khi nhắm mắt lìa đời là gặp cảnh hương khói vắng lạnh.
Mỗi gia đình dù nghèo khổ đến đâu cũng dành một chỗ riêng, thường là chỗ trang trọng nhất làm bàn thờ tổ tiên ông bà.Cái linh thiêng như vậy rất gần gũi, thân thương,đạo bất viễn nhân.Một tấm lòng thành kính và tâm tình biết ơn những bậc sinh thành.Đạo Ong Bà tiếp nối Đạo Hiếu.Tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta không chết nhưng là khuất núi, là khuất bóng, là sang bên kia thế giới, là xuống suối vàng, là quy tiên chầu trời. Vì tổ tiên ông bà không mất hoàn toàn hiện hữu nhưng vẫn còn hiện diện đâu đó nên phải lo sao cho trọn đạo với các ngài.”Sự tử như sự sinh”,phải đối xử với các ngài như khi các ngài còn sống hay nói đúng hơn như các ngài vẫn sống.Bởi thế mà có việc cúng bái “Sống Tết chết giỗ”.Giỗ đây là một cách tết ông bà tổ tiên.Bởi đó người Việt nam bao giờ cũng đi thăm mồ mả ông bà cha mẹ vào dịp giỗ, dịp Tết Nguyên Đán.Bao người đi xa cũng về với gia đình.Con cháu đi mừng thọ dâng lễ vật cho ông bà cha mẹ.
Người Việt nam cho rằng con người chỉ thực sự hạnh phúc khi cùng chia sẽ hạnh phúc đó với những người thân yêu nhất của mình.Bởi vì kinh nghiệm ở đời này cho thấy con người chỉ được hạnh phúc trong một gia đình hoà thuận đầm ấm.Quan niệm “Đa tử đa tôn đa phú quý” một gia đình đông con nhiều cháu là phúc lộc trời ban cho, đó là một truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt nam chúng ta.
Người Việt nam cũng nặng tình với nơi chôn nhau cắt rốn,”Sống chết có nhau”. Vì thế kẻ sống người chết tuy có khuất hình khuất bóng nhưng không xa cách mà vẫn hiện diện bên nhau trong yêu thương tưởng nhớ và trong những hành vi tôn kính cụ thể.Đặt một bức ảnh trên bàn thờ; sắp một đĩa trái cây;thắp một nén nhang;những cử chỉ đó chưa phải là đã có tính cách tôn giáo theo quan niệm của Tây phương nhưng đó lại là bước đầu cũa tôn giáo.Niềm tin và cử chỉ ấy đặt con ngưởi vào trong tương quan với cái bên kia của cuộc đời.
Nền tảng của Đức Hiếu Thảo là “ Muôn vật gốc ở Trời,con người gốc ở Tổ”, ” Hiếu là cái gốc của Đức”.Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu là hiếu.Chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.
Cốt tuỷ của Hiếu là phải bắt đầu bằng: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống.Thờ phụng cha mẹ khi các ngài qua đời.Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.Càng có địa vị cao càng phải Đại Hiếu.Người lãnh đạo mà bất hiếu thì làm sao có ân nghĩa với ai !
Khởi đi từ tâm thức Đạo Hiếu của người Việt nam, các nhà truyền giáo đã hội nhập văn hoá, mang Tin mừng của Chúa thấm nhập vào cuộc sống.Đạo Hiếu gần gũi với Đạo Chúa.
Sau huấn thị “Plane compertum” của Đức Thánh Cha PIÔ XII ngày 8.12.1939,công nhận những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên ông bà ở Việt nam và các bậc anh hùng liệt sĩ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có những quy định và những giáo huấn liên quan đến việc thờ phượng ông bà tổ tiên trong sứ mạng truyền giáo tại Việt nam.
Qua các hội nghị tại Đà lạt năm 1965, tại Nha Trang 1974, HĐGMVN đã ra giáo huấn xác định 6 điểm quan trọng
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch.
2. Việc đốt hương nhang đèn nến trên bàn thờ gia tiên và bái lạy trước bàn thờ gia tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính được phép làm.
3. Ngày giỗ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương,miễn là loại bỏ mê tín dị đoan.
4. Trong hôn lễ,dâu rễ được làm lễ tổ,lễ gia tiên trước bàn thờ vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn hiếu kính trình diện với ông bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy,đốt nến xông hương trước thi hài người quá cố để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thần hoàng để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị có công với dân tộc, ân nhân của dân làng.
Người Kitô hữu càng phải sống Đạo Hiếu hơn vì điều răn thứ bốn đã dạy: Hãy thảo kính cha mẹ.Chính Chúa Giêsu đã hai lần trưng dẫn và xác nhận điều răn này.
Thảo kính cha mẹ là do mầu nhiệm sự sống.Cha mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong mầu nhiệm này và cha mẹ có trách nhiệm quan trọng về con cái trước mặt Chúa.
Tinh thần kính trọng bên trong cần phải được diễn tả qua những cử chỉ bên ngoài.Nhiều người con tỏ ra xấu hổ về cha mẹ mình, phủ nhận cha mẹ mình chỉ vì họ nghèo hèn.Có khi còn dùng lời lẽ xúc phạm để nói với cha mẹ.,đối xử với cha mẹ cách khinh miệt như đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để rảnh nợ tang bồng.Chống lại cha mẹ đó là tội bất hiếu.
Ngày Mồng Hai Tết,Giáo hội mời gọi con cái mình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ.Giáo hội mời gọi con cái mình sống Đạo Hiếu.Tình yêu của con cháu đối với ông bà cha mẹ trước hết phải là một tình yêu mang sắc thái của lòng biết ơn.Mỗi người con trong gia đình sống vâng phục, sống yêu mến biết ơn cha mẹ sẽ tạo nên sự ấm êm cũng như nâng cao thanh danh của gia đình. Các giáo xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà trong thánh lễ Mồng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con cháu sống hiếu thảo.Thánh lễ cũng được cử hành nơi nghĩa trang giáo xứ ngày Mồng Hai tết.Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương tưởng nhớ trong mầu nhiệm hiệp thông của giáo hội.
Chính từ cha mẹ tổ tiên ông bà mà người việt nam có thể và đi xa hơn, lên cao hơn tới chốn trời cao siêu nhiên huyền bí của cõi linh thiêng của thần thánh.Từ đó tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên tời dưới đất.
Đạo Ong Bà, Đạo Hiếu không những chẳng đối nghịch, chẳng cản trở đối với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa,một bước khởi đầu thuận lợi,một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào Đạo Thiên Chúa.
Tình yêu và lòng yêu mến biết ơn đối với ông bà cha mẹ càng làm cho người tín hữu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.
(Mt 6,25-34)
Các nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt nam đều nhất trí cho rằng người Việt Nam, ngoài Kitô giáo thì còn có một tôn giáo tổng hợp ba đạo: Đạo Lão,Đạo Khổng và Đạo Phật. Đó là tam giáo hoà đồng.Một cách giản lược có thể nói rằng:
- Về phương diện đạo lý người ta theo Phật mà tiêu biểu nhất là tin vào thuyết nhân quả và hệ luỵ của nó là thuyết luân hồi hay gọi chung là thuyết luân hồi nghiệp báo.
- Về phương diện đạo đức,người ta theo Khổng giáo lấy tam cương ngũ thường cho căn bản đời sống xã hội.
- Trong thực hành tôn giáo cũng như những tục lệ,người ta chịu ảnh hưởng của Lão giáo.
Ngoài những yếu tố tam giáo,mỗi người việt nam thực ra còn có một cái đạo rất gần gũi và cơ bản nhất đó là Đạo Ong Bà.Nói tới Đạo Ong Bà trước tiên chúng ta nghĩ ngay đến bàn thờ tổ tiên,tới cúng giỗ và tất cả những thực hành diễn ra ngay trong nơi sinh sống hàng ngày tại gia đình chứ không phải trong đình chùa hay thánh thất. Điều người ta lo lắng là phải có kẻ nối dõi tông đường, lo việc cúng giỗ.Cái mà người ta lo sợ khi nhắm mắt lìa đời là gặp cảnh hương khói vắng lạnh.
Mỗi gia đình dù nghèo khổ đến đâu cũng dành một chỗ riêng, thường là chỗ trang trọng nhất làm bàn thờ tổ tiên ông bà.Cái linh thiêng như vậy rất gần gũi, thân thương,đạo bất viễn nhân.Một tấm lòng thành kính và tâm tình biết ơn những bậc sinh thành.Đạo Ong Bà tiếp nối Đạo Hiếu.Tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta không chết nhưng là khuất núi, là khuất bóng, là sang bên kia thế giới, là xuống suối vàng, là quy tiên chầu trời. Vì tổ tiên ông bà không mất hoàn toàn hiện hữu nhưng vẫn còn hiện diện đâu đó nên phải lo sao cho trọn đạo với các ngài.”Sự tử như sự sinh”,phải đối xử với các ngài như khi các ngài còn sống hay nói đúng hơn như các ngài vẫn sống.Bởi thế mà có việc cúng bái “Sống Tết chết giỗ”.Giỗ đây là một cách tết ông bà tổ tiên.Bởi đó người Việt nam bao giờ cũng đi thăm mồ mả ông bà cha mẹ vào dịp giỗ, dịp Tết Nguyên Đán.Bao người đi xa cũng về với gia đình.Con cháu đi mừng thọ dâng lễ vật cho ông bà cha mẹ.
Người Việt nam cho rằng con người chỉ thực sự hạnh phúc khi cùng chia sẽ hạnh phúc đó với những người thân yêu nhất của mình.Bởi vì kinh nghiệm ở đời này cho thấy con người chỉ được hạnh phúc trong một gia đình hoà thuận đầm ấm.Quan niệm “Đa tử đa tôn đa phú quý” một gia đình đông con nhiều cháu là phúc lộc trời ban cho, đó là một truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt nam chúng ta.
Người Việt nam cũng nặng tình với nơi chôn nhau cắt rốn,”Sống chết có nhau”. Vì thế kẻ sống người chết tuy có khuất hình khuất bóng nhưng không xa cách mà vẫn hiện diện bên nhau trong yêu thương tưởng nhớ và trong những hành vi tôn kính cụ thể.Đặt một bức ảnh trên bàn thờ; sắp một đĩa trái cây;thắp một nén nhang;những cử chỉ đó chưa phải là đã có tính cách tôn giáo theo quan niệm của Tây phương nhưng đó lại là bước đầu cũa tôn giáo.Niềm tin và cử chỉ ấy đặt con ngưởi vào trong tương quan với cái bên kia của cuộc đời.
Nền tảng của Đức Hiếu Thảo là “ Muôn vật gốc ở Trời,con người gốc ở Tổ”, ” Hiếu là cái gốc của Đức”.Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu là hiếu.Chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.
Cốt tuỷ của Hiếu là phải bắt đầu bằng: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống.Thờ phụng cha mẹ khi các ngài qua đời.Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.Càng có địa vị cao càng phải Đại Hiếu.Người lãnh đạo mà bất hiếu thì làm sao có ân nghĩa với ai !
Khởi đi từ tâm thức Đạo Hiếu của người Việt nam, các nhà truyền giáo đã hội nhập văn hoá, mang Tin mừng của Chúa thấm nhập vào cuộc sống.Đạo Hiếu gần gũi với Đạo Chúa.
Sau huấn thị “Plane compertum” của Đức Thánh Cha PIÔ XII ngày 8.12.1939,công nhận những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên ông bà ở Việt nam và các bậc anh hùng liệt sĩ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có những quy định và những giáo huấn liên quan đến việc thờ phượng ông bà tổ tiên trong sứ mạng truyền giáo tại Việt nam.
Qua các hội nghị tại Đà lạt năm 1965, tại Nha Trang 1974, HĐGMVN đã ra giáo huấn xác định 6 điểm quan trọng
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch.
2. Việc đốt hương nhang đèn nến trên bàn thờ gia tiên và bái lạy trước bàn thờ gia tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính được phép làm.
3. Ngày giỗ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương,miễn là loại bỏ mê tín dị đoan.
4. Trong hôn lễ,dâu rễ được làm lễ tổ,lễ gia tiên trước bàn thờ vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn hiếu kính trình diện với ông bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy,đốt nến xông hương trước thi hài người quá cố để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thần hoàng để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị có công với dân tộc, ân nhân của dân làng.
Người Kitô hữu càng phải sống Đạo Hiếu hơn vì điều răn thứ bốn đã dạy: Hãy thảo kính cha mẹ.Chính Chúa Giêsu đã hai lần trưng dẫn và xác nhận điều răn này.
Thảo kính cha mẹ là do mầu nhiệm sự sống.Cha mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong mầu nhiệm này và cha mẹ có trách nhiệm quan trọng về con cái trước mặt Chúa.
Tinh thần kính trọng bên trong cần phải được diễn tả qua những cử chỉ bên ngoài.Nhiều người con tỏ ra xấu hổ về cha mẹ mình, phủ nhận cha mẹ mình chỉ vì họ nghèo hèn.Có khi còn dùng lời lẽ xúc phạm để nói với cha mẹ.,đối xử với cha mẹ cách khinh miệt như đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để rảnh nợ tang bồng.Chống lại cha mẹ đó là tội bất hiếu.
Ngày Mồng Hai Tết,Giáo hội mời gọi con cái mình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ.Giáo hội mời gọi con cái mình sống Đạo Hiếu.Tình yêu của con cháu đối với ông bà cha mẹ trước hết phải là một tình yêu mang sắc thái của lòng biết ơn.Mỗi người con trong gia đình sống vâng phục, sống yêu mến biết ơn cha mẹ sẽ tạo nên sự ấm êm cũng như nâng cao thanh danh của gia đình. Các giáo xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà trong thánh lễ Mồng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con cháu sống hiếu thảo.Thánh lễ cũng được cử hành nơi nghĩa trang giáo xứ ngày Mồng Hai tết.Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương tưởng nhớ trong mầu nhiệm hiệp thông của giáo hội.
Chính từ cha mẹ tổ tiên ông bà mà người việt nam có thể và đi xa hơn, lên cao hơn tới chốn trời cao siêu nhiên huyền bí của cõi linh thiêng của thần thánh.Từ đó tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên tời dưới đất.
Đạo Ong Bà, Đạo Hiếu không những chẳng đối nghịch, chẳng cản trở đối với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa,một bước khởi đầu thuận lợi,một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào Đạo Thiên Chúa.
Tình yêu và lòng yêu mến biết ơn đối với ông bà cha mẹ càng làm cho người tín hữu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.
Mồng 3 Tết: Giá trị của Lao động
LM Giuse Nguyễn Hữu An
10:40 08/02/2008
MỒNG 3 TẾT: GÍA TRỊ CỦA LAO ĐỘNG
Giáo Hội dành riêng ngày Mồng Ba Tết để thánh hóa công ăn việc làm, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động: trí óc và bàn tay.
Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau: "Năm mới làm ăn thịnh vượng, phát đạt. Con cháu siêng năng, ngoan ngoãn...". Điều đó cho thấy người Việt Nam chúng ta rất coi trọng lao động.
Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó, Giáo Hội cho chúng ta thấy được giá trị siêu nhiên của lao động. Mọi lao công cho dù có thu được kết quả vật chất hay không, cũng đều có một giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa. Đồng thời, nhân dịp đầu năm này, Giáo Hội còn muốn nhắc nhở con cái mình: Lao động không còn là một hình phạt khổ ải, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình.
1. Thiên Chúa luôn làm việc:
Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa luôn làm việc. Ngài đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người, như lời kể của sách Khởi nguyên chúng ta vừa nghe: "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người...Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng". Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để con người được thông phần vào sự sống của Ngài.
Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Sau này khi chiêm ngắm vẻ đẹp của muôn vật và đời sống của chúng, tác giả Thánh vịnh cũng đã nhận ra bàn tay của Chúa vẫn tiếp tục tác động trong vũ trụ, nên đã thốt lên: "Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng". Và ngay cả khi vạn vật đã yên giấc trong giấc ngủ đêm, bàn tay của Thiên Chúa vẫn tiếp tục gìn giữ chúng như lời tác giả Thánh vịnh: "Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn".
Không chỉ làm việc một lần khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để gìn giữ và giúp cho vũ trụ này đi tới chỗ hoàn hảo. Tác giả Thánh vịnh đã xác tín điều đó khi thốt lên: "Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất". Noi gương Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng đã nhiệt thành với đời sống tông đồ để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta như lời Ngài tuyên bố với người Do Thái: "Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng phải làm việc" ( Ga 5, 17 ). Đức Giêsu đã dành hết thời giờ để lo cho dân chúng đến nỗi không có giờ mà ăn uống nữa, vì thế đã có lần bà con của Ngài đã muốn ra đi để bắt Ngài về vì cho rằng Ngài đã mất trí (x. Mc 3, 20-21). Đặc biệt 30 năm ẩn dật tại làng quê nhỏ bé Nazareth, là thời gian Đức Giêsu sinh sống và làm việc như một con người bình thường. Nhờ đó, Ngài đã làm cho các lao công của chúng ta có một giá trị vĩnh cửu.
2. Ý nghĩa của lao động theo tinh thần Kitô giáo:
Trở lại trình thuật sáng tạo trong sách Khởi nguyên, tác giả còn kể tiếp: "Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai" (St 2, 15). Khi đặt con người vào vườn Êđen, Thiên Chúa muốn con người thay mặt Chúa mà quản lý cả vũ trụ này và làm cho nó ngày càng phát triển. Điều này đã được chính Đức Giêsu xác nhận lại một lần nữa trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: "Nước Trời giống như chuyện một người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ". Nghĩa là, Thiên Chúa đã tin tưởng yêu thương giao cả vũ trụ này cho con người chúng ta quản lý. Mà nếu là quản lý, mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm việc để sinh lời những gì mà Thiên Chúa đã giao cho mình, vì việc tính sổ của ông chủ là chắc chắn: "Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh toán sổ sách với họ". Thánh Phaolô đã ý thức điều này nên đã cố gắng làm việc trong suốt đời sống tông đồ của mình, Ngài nói với các tín hữu Êphêsô: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp".
Vì thế, Đức Giêsu cũng đã công khai kết án những kẻ lười biếng không chịu làm việc, Ngài nói với người lãnh một nén mà đem chôn giấu không sinh lời: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!..Đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cũng như với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy lại nén bạc khỏi tay nó". Và cha ông chúng ta cũng có đồng một tư tưởng khi khuyên con cháu: "Khó nghèo cấy mướn gặt thuê. Lấy công đổi của chớ hề luỵ ai". Như vậy, lao động không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân, tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn, như lời một danh nhân đã nói: "Lao động làm ta khuây khoả đượcnỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng" (G. Bossuet).
Cuối cùng, nhờ lao động, chúng ta có cơ hội và phương tiện để thực thi đức bác ái với anh chị em mình như lời thánh Phaolô: "Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng: phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế".
Như vậy, lao động dù tay chân hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Vì thế, chúng ta không được phép nghĩ rằng mình làm việc lao động thuần túy để kiếm ăn hay vì kế sinh nhai. Chính vì thế, các bậc làm cha mẹ cần tạo điều kiện và tập để con cái chúng ta biết siêng năng lao động, và quý chuộng những thành quả của lao động ngay từ tấm bé bằng cách góp phần vào những công việc trong gia đình.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, cùng nhau góp phần vào sự nghiệp hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen
Giáo Hội dành riêng ngày Mồng Ba Tết để thánh hóa công ăn việc làm, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động: trí óc và bàn tay.
Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau: "Năm mới làm ăn thịnh vượng, phát đạt. Con cháu siêng năng, ngoan ngoãn...". Điều đó cho thấy người Việt Nam chúng ta rất coi trọng lao động.
Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó, Giáo Hội cho chúng ta thấy được giá trị siêu nhiên của lao động. Mọi lao công cho dù có thu được kết quả vật chất hay không, cũng đều có một giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa. Đồng thời, nhân dịp đầu năm này, Giáo Hội còn muốn nhắc nhở con cái mình: Lao động không còn là một hình phạt khổ ải, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình.
1. Thiên Chúa luôn làm việc:
Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa luôn làm việc. Ngài đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người, như lời kể của sách Khởi nguyên chúng ta vừa nghe: "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người...Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng". Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để con người được thông phần vào sự sống của Ngài.
Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Sau này khi chiêm ngắm vẻ đẹp của muôn vật và đời sống của chúng, tác giả Thánh vịnh cũng đã nhận ra bàn tay của Chúa vẫn tiếp tục tác động trong vũ trụ, nên đã thốt lên: "Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng". Và ngay cả khi vạn vật đã yên giấc trong giấc ngủ đêm, bàn tay của Thiên Chúa vẫn tiếp tục gìn giữ chúng như lời tác giả Thánh vịnh: "Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn".
Không chỉ làm việc một lần khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để gìn giữ và giúp cho vũ trụ này đi tới chỗ hoàn hảo. Tác giả Thánh vịnh đã xác tín điều đó khi thốt lên: "Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất". Noi gương Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng đã nhiệt thành với đời sống tông đồ để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta như lời Ngài tuyên bố với người Do Thái: "Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng phải làm việc" ( Ga 5, 17 ). Đức Giêsu đã dành hết thời giờ để lo cho dân chúng đến nỗi không có giờ mà ăn uống nữa, vì thế đã có lần bà con của Ngài đã muốn ra đi để bắt Ngài về vì cho rằng Ngài đã mất trí (x. Mc 3, 20-21). Đặc biệt 30 năm ẩn dật tại làng quê nhỏ bé Nazareth, là thời gian Đức Giêsu sinh sống và làm việc như một con người bình thường. Nhờ đó, Ngài đã làm cho các lao công của chúng ta có một giá trị vĩnh cửu.
2. Ý nghĩa của lao động theo tinh thần Kitô giáo:
Trở lại trình thuật sáng tạo trong sách Khởi nguyên, tác giả còn kể tiếp: "Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai" (St 2, 15). Khi đặt con người vào vườn Êđen, Thiên Chúa muốn con người thay mặt Chúa mà quản lý cả vũ trụ này và làm cho nó ngày càng phát triển. Điều này đã được chính Đức Giêsu xác nhận lại một lần nữa trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: "Nước Trời giống như chuyện một người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ". Nghĩa là, Thiên Chúa đã tin tưởng yêu thương giao cả vũ trụ này cho con người chúng ta quản lý. Mà nếu là quản lý, mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm việc để sinh lời những gì mà Thiên Chúa đã giao cho mình, vì việc tính sổ của ông chủ là chắc chắn: "Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh toán sổ sách với họ". Thánh Phaolô đã ý thức điều này nên đã cố gắng làm việc trong suốt đời sống tông đồ của mình, Ngài nói với các tín hữu Êphêsô: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp".
Vì thế, Đức Giêsu cũng đã công khai kết án những kẻ lười biếng không chịu làm việc, Ngài nói với người lãnh một nén mà đem chôn giấu không sinh lời: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!..Đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cũng như với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy lại nén bạc khỏi tay nó". Và cha ông chúng ta cũng có đồng một tư tưởng khi khuyên con cháu: "Khó nghèo cấy mướn gặt thuê. Lấy công đổi của chớ hề luỵ ai". Như vậy, lao động không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân, tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn, như lời một danh nhân đã nói: "Lao động làm ta khuây khoả đượcnỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng" (G. Bossuet).
Cuối cùng, nhờ lao động, chúng ta có cơ hội và phương tiện để thực thi đức bác ái với anh chị em mình như lời thánh Phaolô: "Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng: phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế".
Như vậy, lao động dù tay chân hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Vì thế, chúng ta không được phép nghĩ rằng mình làm việc lao động thuần túy để kiếm ăn hay vì kế sinh nhai. Chính vì thế, các bậc làm cha mẹ cần tạo điều kiện và tập để con cái chúng ta biết siêng năng lao động, và quý chuộng những thành quả của lao động ngay từ tấm bé bằng cách góp phần vào những công việc trong gia đình.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, cùng nhau góp phần vào sự nghiệp hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen
Ảnh hưởng truyền giáo qua lối sống của linh mục
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP.
11:24 08/02/2008
ẢNH HƯỞNG TRUYỀN GIÁO QUA LỐI SỐNG CỦA LINH MỤC
Lối sống của các linh mục rất có ảnh hưởng trong vấn đề truyền giáo, đối với những người chung quanh, nhất là những người bên ngoài.
Nhưng vì sống với nhau trong môi trường Ki-tô giáo giữa “con chiên bổn đạo” lai quá quen với ngôn ngữ và lề thói của con nhà có đạo. nên có khi các linh mục không để ý và coi chừng đủ đối với những người bên ngoài, xem người ta nghĩ gì và nghĩ thế nào về mình cũng như về đạo của mình. Thật vậy, đã có bao giờ người công giáo chúng ta nghĩ và đặt ra câu hỏi: “Tại sao đạo của chúng ta chặt chẽ và qui củ như vậy, tại sao nhiều nhà thờ của chúng ta khang trang đẹp đẽ, tại sao các đoàn thể của chúng ta vui vẻ sầm uất, tại sao các lễ nghi trong các nhà thờ của chúng ta đẹp mắt như thế, mà số người vào đạo chẳng được bao nhiêu ?” Ấy là chưa kể đến những họat động từ thiện hay cứu trợ trong những đợt thiên tai hỏa họan đấy ! Tại sao thế ? Nếu căn cứ vào cái vẻ bên ngoài thì phải nói là đạo của chúng ta thật hấp dẫn”. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Âu là có một cái gì tiềm ẩn như một tấm bình phong ngăn cản và che đậy, chưa cho người ta nhìn thấy thực chất và sức quyến rũ đích thật của đạo chúng ta.
Chúng ta vui và lấy làm bằng lòng vì các nhà thờ của chúng ta được mở mang rộng rãi xinh đẹp hơn trước. Chúng ta mừng khi thấy bổn đạo đi lễ, di nhà thờ vẫn đông, đi kiệu đi rước sầm uất, lại siêng năng đọc kinh, xưng tội, rước lễ. Chúng ta hãnh diện vì có đông người đi tu. Tất cả những điều đó thật đáng vui, đáng mừng và đáng hãnh diện, nhưng e rằng tình trạng này không biết còn kéo dài được bao lâu nữa, khi nền kinh tế chung của đất nước phát triển đồng đều và khả quan hơn. Vậy, như thế đã đủ chưa hay còn phải có một cái gì khác thêm nữa và cái thêm đó là cái gì ? Và tại sao tất cả những cái hay nói trên chưa đủ sức thu hút người ta vào đạo ?
Có lẽ vì vậy nên Hội thánh mới phải luôn nhắc nhở và đôn đốc việc truyền giáo. Nói đến truyền giáo thì thường người ta hay nghĩ đến việc đi đến và ở giữa những người ngoài công giáo. Ở giữa những người đó để sống và làm chứng. Hiện đang có những anh chị em của chúng ta ở những vùng sâu vùng xa, bên cạnh dồng bào không phải là công giáo.
Nhưng truyền giáo không nguyên chỉ có nghĩa là đi xa mà còn là ở gần, ở giữa và ở với ngay tại quê hương xứ sở hay nơi mình đang sinh sống và làm việc. Vì vậy, truyện giáo mới có hai mặt, một mặt gọi là bên trong (missio ad intra) và một mặt gọi là bên ngoài (missio ad extra). Mặt ngoài là đi đến với những người ở xa chưa biết Chúa hay đã bỏ Chúa; mặt trong là làm việc truyền giáo ngay tại nhà mình, tại họ đạo mình hay nơi mình đang sống.
Phần đông các linh mục lo công việc mục vụ trong các họ đạo, nên khó làm được việc truyền giáo ở mặt ngoài. Vì thế, phải chú trọng đến mặt bên trong nhiều hơn. Mà mặt bên trong thì ngoài những việc các linh mục vẫn làm liên quan đến mục vụ, thiết tưởng có hai vấn đề nên lưu tâm, đó là thái độ đối với những người ngoài công giáo và cách sử dụng tiền bạc xây cất cơ sở tôn giáo và tổ chức lễ lạt đình đám, để tránh cho khỏi bị mang tiếng là không biết xử thế ở đời, và vô cảm trước cảnh nghèo khổ của những người túng đói, hay lợi dụng cơ hội để làm tiền, như nhiêu người than phiền, vì có những linh mục ở Mỹ tổ chức tiệc tùng tại nhà hàng để mừng kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 15 năm linh mục v.v… Nếu tổ chức 25 năm thì người ta còn hiểu được, vì đó là thói quen đã có từ lâu. Tuy vậy, cũng nên liệu sao cho vừa phải, kẻo bị phê bình và mang tiếng là tiêu phí hay mở tiệc đề nhân cơ hội nhận quả cáp và tiền bạc. Vấn đề này hơi khó, vì người Việt Nam quá quen với tiêc tùng, lễ hội, đình đám, khao vọng, nên có thể vì thế, các linh mục cũng bị áp lực nặng nề của dư luận và thói quen. Nhưng có lúc phải vượt lên trên những thứ đó, để xứng với danh là những người giáo dục đức tin và hướng dẫn dư luận.
Vây, chúng ta phải đối xử thế nào với những người bên ngoài và xử sự làm sao khi phải tiêu tiền vào việc xây cất và những dịp lễ lạt đình đám.
Người bên ngoài
Người bên ngoài hay người ngoại, hoặc người bên lương là người không theo đạo Chúa. Bên công gíáo gọi những người này là ngoại đạo hay không có đạo. Những kiểu nói này vô hình trung đã làm cho nhiều người ngoài công giáo bực bội và khó chịu, vì họ cho là mình bị khinh thường và đánh gíá thấp, thậm chí có những người công giáo còn phũ phàng hơn khi gọi họ là “quân ngoại đạo”. Người công giáo Việt Nam chỉ là con số nhỏ trong cộng đồng một dân tộc đông tới hơn 80 triệu dân. Linh mục chúng ta quen sống với những người đồng đạo. Chúng ta thường dùng ngôn ngữ và theo lề thói của những người “có đạo.” Nhưng có mấy khi chúng ta nghĩ đến những người không cùng một đạo ở chung quanh, và những phản ứng của họ khi thấy người công giáo nói năng cư xử không ? Có thể vì kiểu nói hay cách cư xử lạ lùng của người công giáo dưới mắt người ngoài đạo, mà những người này nhìn người công giáo không mấy thiện cảm và cho là “ kỳ cục”. Quả thế, theo một nghĩa nào đó, người công giáo “kỳ cục” thật, vì họ không giống ai cả. Có lẽ vì vậy thánh Phê-rô mới bảo các Ki-tô hữu hãy coi mình như những kẻ xa lạ giữa trần gian (I Pr 2,17). Xa lạ ở đây phải hiểu là vì theo đạo, phải giữ đức tin và những điều đức tin đòi hỏi nên xem ra khác la. Còn ngoài ra, người công giáo không nên biến mình thành những người “kỳ cục” hay xa lạ giữa những người khác.
Ở đây có vấn đề hội nhập văn hóa. Làm thế nào để linh mục và người công giáo không còn bị coi là xa lạ đối với văn hóa dân tộc và đồng bào của mình. Linh mục và người công giáo cũng là người Việt Nam, cùng có chung một nguồn gốc và một di sản văn hóa. Những gì là giá trị của tổ tiên để lại, linh mục và người công giáo cũng phải tôn trọng và yêu quí. Vì thế, hiện nay mới có phong trào tìm lại những giá trị trong văn hóa Việt Nam để đưa vào đạo, và trình bày đạo trong bộ áo ngôn ngữ có màu sắc văn hóa đó.
Vậy, linh mục nên để ý đến những người bên ngoài, để khỏi làm cớ gây ngạc nhiên và khó chịu cho họ về cử chỉ, ngôn ngữ và lối hành xử của mình
Có người kể lại, hồi mấy chục năm về trước, nhà văn Tô Hoài có lần đã viết ở đâu đó rằng: “Linh mục là người suốt ngày bí mật trong chiếc áo chùng thâm”, và nhà báo Chu Tử quãng thập niên 60, cũng viết: ” Linh mục là người mặc áo chùng thâm, đi giầy tây”, khi ông đưa ra một định nghĩa về linh mục.
Có lẽ người ngoài cũng chỉ biết về linh muc như Tô Hoài và Chu Tử chăng ? Vậy nhân danh sứ mệnh truyền Giáo, các linh mục cũng nên lưu tâm đến hành vi, cử chỉ, lời nói của mình giữa những người không phải là công giáo. Người ta truyền giáo không phải chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng thái độ và đời sống, thái độ trọng kính người khác và đời sống phù hợp với những điều đạo dạy, được cụ thể hóa ra bên ngoài, bằng những hành động thiết thực hơn như thân thiện, gần gũi và trọng kinh v.v,,,
LỄ LẠT ĐÌNH ĐÁM
Tự điển tiếng Việt chỉ có từ lễ lạt mà không thấy từ lễ lạc. Thông thường khi nói đến từ này, người ta hay nghe ra lễ lạc hơn lễ lạt. Theo định nghĩa của tự điển thì lễ lạt là các cuộc lễ hay lễ vật nói khái quát. Chữ này thuộc loại khẩu ngữ. Còn từ lễ lạt mà đọc ra lễ lạc, thiết tưởng có hai lý do: một là phát âm sai, hai là muốn chuyển sang chữ lạc với ngụ ý là vui. Có lễ thì phải có lạc Mà muốn vui, phải có ăn uống.
Từ xưa đến nay, lễ lạt vốn là một thói quen gần như truyền thống trong sinh hoạt của người Việt Nam. Nước ta là một nước nông nghiệp. Làm nông nghiệp phải theo thời vụ. Có thời rất vất vả như lúc cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, gặt hái. Nhưng qua những thời kỳ đó, nhiều người dân không có việc làm. Không có việc làm thì phải tìm cách lấp đầy khoảng thời gian trống vắng đó. Phải chăng vì vậy, trong dân gian ngày trước mới có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Các thứ hội hè, đình đám như hội chùa Hương, lễ hỏi, đám tang v.v... là những nếp sinh hoạt phản ánh phần nào văn hóa của người Việt Nam. Người có đạo chúng ta cũng sống trong nền văn hóa đó. Phần giá trị trong nền văn hóa này là qua một số biểu thị của lễ lạt đình đám, người ta đối xử với nhau theo tình làng nghĩa xóm, vui buồn có nhau, thân mật gần gũi.
Nhưng bên cạnh đó cũng phải nói đến một vài điều không được hay lắm về mặt xã hội. Đã hẳn, ở đời phải có lễ lạt. Người nào, gia đình nào, đoàn thể nào cũng có những ngày lễ mừng. Vấn đề không phải là mừng, nhưng là mừng sao cho hợp lý và phải đạo. Những lễ mừng quá linh đình tốn phí, ở giữa đám dân nghèo, trong hoàn cảnh khó khăn là điều thật không nên, tuy rằng tổ chức mừng to có thể được khen lao nể trọng. Nhưng đối với những người thuộc về Hội thánh, một Hội thánh muốn phục vụ người nghèo, một Hội thánh không muốn là ốc đảo giữa một đại dương mênh mông của nghèo đói và khốn cùng (Tuyên ngôn Hội nghị các Giám mục Á châu tại Manila năm 1971) thì liệu các lễ lạt tưng bừng tốn phí kia có khỏi là một bằng chứng phản ngược lại với chủ trương trong bàn tuyên ngôn không ? Người bên ngoài vẫn nhìn vào người công giáo để xem lời nói và việc làm có đi đôi với nhau không ? Công việc truyền giáo không phải chỉ diễn ra bằng lời nói, nhưng còn bằng lối sống của người công giáo bên cạnh những người không công giáo. Nhà văn Đồ Phồn trước kia có viết cuốn tiểu thuyết đề là KHAO. Cuốn tiểu thuyết này có thể gợi lên những câu hỏi đáng suy nghĩ về lễ lạt và khao vọng của chúng ta lắm.
Kết luận
Phần đông các linh muc là cha sở. Là cha sở thì có nhiều quyền hành trong họ đạo. Vì có quyền và quen hành quyền nên có thể dễ quên rằng quyền hành là để phục vụ. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có một cái nhin mang nặng tính Tin Mừng, khi nhấn mạnh đến góc cạnh phục vụ của quyền bính: quyền binh là để phục vụ. Chẳng vậy, quyền bính có thể trở thành một chướng ngại cho cả người hành quyền lẫn người tòng quyền: người hành quyền có thể bị mang tiếng là độc tài, còn người tòng quyền có khi phải đau khổ. Đó là những điều đáng tiếc.
Vậy, vì ảnh hưởng truyền giáo, linh mục chúng ta nên lưu tâm đến cách đối xử với những người bên ngoài và cách sử dụng tiền bạc trong việc xây cất và tổ chức lễ lạt đình đám, để tránh gây ra những phản ứng bất lợi nơi người bên trong cũng như bên ngoài đạo.
Lối sống của các linh mục rất có ảnh hưởng trong vấn đề truyền giáo, đối với những người chung quanh, nhất là những người bên ngoài.
Nhưng vì sống với nhau trong môi trường Ki-tô giáo giữa “con chiên bổn đạo” lai quá quen với ngôn ngữ và lề thói của con nhà có đạo. nên có khi các linh mục không để ý và coi chừng đủ đối với những người bên ngoài, xem người ta nghĩ gì và nghĩ thế nào về mình cũng như về đạo của mình. Thật vậy, đã có bao giờ người công giáo chúng ta nghĩ và đặt ra câu hỏi: “Tại sao đạo của chúng ta chặt chẽ và qui củ như vậy, tại sao nhiều nhà thờ của chúng ta khang trang đẹp đẽ, tại sao các đoàn thể của chúng ta vui vẻ sầm uất, tại sao các lễ nghi trong các nhà thờ của chúng ta đẹp mắt như thế, mà số người vào đạo chẳng được bao nhiêu ?” Ấy là chưa kể đến những họat động từ thiện hay cứu trợ trong những đợt thiên tai hỏa họan đấy ! Tại sao thế ? Nếu căn cứ vào cái vẻ bên ngoài thì phải nói là đạo của chúng ta thật hấp dẫn”. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Âu là có một cái gì tiềm ẩn như một tấm bình phong ngăn cản và che đậy, chưa cho người ta nhìn thấy thực chất và sức quyến rũ đích thật của đạo chúng ta.
Chúng ta vui và lấy làm bằng lòng vì các nhà thờ của chúng ta được mở mang rộng rãi xinh đẹp hơn trước. Chúng ta mừng khi thấy bổn đạo đi lễ, di nhà thờ vẫn đông, đi kiệu đi rước sầm uất, lại siêng năng đọc kinh, xưng tội, rước lễ. Chúng ta hãnh diện vì có đông người đi tu. Tất cả những điều đó thật đáng vui, đáng mừng và đáng hãnh diện, nhưng e rằng tình trạng này không biết còn kéo dài được bao lâu nữa, khi nền kinh tế chung của đất nước phát triển đồng đều và khả quan hơn. Vậy, như thế đã đủ chưa hay còn phải có một cái gì khác thêm nữa và cái thêm đó là cái gì ? Và tại sao tất cả những cái hay nói trên chưa đủ sức thu hút người ta vào đạo ?
Có lẽ vì vậy nên Hội thánh mới phải luôn nhắc nhở và đôn đốc việc truyền giáo. Nói đến truyền giáo thì thường người ta hay nghĩ đến việc đi đến và ở giữa những người ngoài công giáo. Ở giữa những người đó để sống và làm chứng. Hiện đang có những anh chị em của chúng ta ở những vùng sâu vùng xa, bên cạnh dồng bào không phải là công giáo.
Nhưng truyền giáo không nguyên chỉ có nghĩa là đi xa mà còn là ở gần, ở giữa và ở với ngay tại quê hương xứ sở hay nơi mình đang sinh sống và làm việc. Vì vậy, truyện giáo mới có hai mặt, một mặt gọi là bên trong (missio ad intra) và một mặt gọi là bên ngoài (missio ad extra). Mặt ngoài là đi đến với những người ở xa chưa biết Chúa hay đã bỏ Chúa; mặt trong là làm việc truyền giáo ngay tại nhà mình, tại họ đạo mình hay nơi mình đang sống.
Phần đông các linh mục lo công việc mục vụ trong các họ đạo, nên khó làm được việc truyền giáo ở mặt ngoài. Vì thế, phải chú trọng đến mặt bên trong nhiều hơn. Mà mặt bên trong thì ngoài những việc các linh mục vẫn làm liên quan đến mục vụ, thiết tưởng có hai vấn đề nên lưu tâm, đó là thái độ đối với những người ngoài công giáo và cách sử dụng tiền bạc xây cất cơ sở tôn giáo và tổ chức lễ lạt đình đám, để tránh cho khỏi bị mang tiếng là không biết xử thế ở đời, và vô cảm trước cảnh nghèo khổ của những người túng đói, hay lợi dụng cơ hội để làm tiền, như nhiêu người than phiền, vì có những linh mục ở Mỹ tổ chức tiệc tùng tại nhà hàng để mừng kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 15 năm linh mục v.v… Nếu tổ chức 25 năm thì người ta còn hiểu được, vì đó là thói quen đã có từ lâu. Tuy vậy, cũng nên liệu sao cho vừa phải, kẻo bị phê bình và mang tiếng là tiêu phí hay mở tiệc đề nhân cơ hội nhận quả cáp và tiền bạc. Vấn đề này hơi khó, vì người Việt Nam quá quen với tiêc tùng, lễ hội, đình đám, khao vọng, nên có thể vì thế, các linh mục cũng bị áp lực nặng nề của dư luận và thói quen. Nhưng có lúc phải vượt lên trên những thứ đó, để xứng với danh là những người giáo dục đức tin và hướng dẫn dư luận.
Vây, chúng ta phải đối xử thế nào với những người bên ngoài và xử sự làm sao khi phải tiêu tiền vào việc xây cất và những dịp lễ lạt đình đám.
Người bên ngoài
Người bên ngoài hay người ngoại, hoặc người bên lương là người không theo đạo Chúa. Bên công gíáo gọi những người này là ngoại đạo hay không có đạo. Những kiểu nói này vô hình trung đã làm cho nhiều người ngoài công giáo bực bội và khó chịu, vì họ cho là mình bị khinh thường và đánh gíá thấp, thậm chí có những người công giáo còn phũ phàng hơn khi gọi họ là “quân ngoại đạo”. Người công giáo Việt Nam chỉ là con số nhỏ trong cộng đồng một dân tộc đông tới hơn 80 triệu dân. Linh mục chúng ta quen sống với những người đồng đạo. Chúng ta thường dùng ngôn ngữ và theo lề thói của những người “có đạo.” Nhưng có mấy khi chúng ta nghĩ đến những người không cùng một đạo ở chung quanh, và những phản ứng của họ khi thấy người công giáo nói năng cư xử không ? Có thể vì kiểu nói hay cách cư xử lạ lùng của người công giáo dưới mắt người ngoài đạo, mà những người này nhìn người công giáo không mấy thiện cảm và cho là “ kỳ cục”. Quả thế, theo một nghĩa nào đó, người công giáo “kỳ cục” thật, vì họ không giống ai cả. Có lẽ vì vậy thánh Phê-rô mới bảo các Ki-tô hữu hãy coi mình như những kẻ xa lạ giữa trần gian (I Pr 2,17). Xa lạ ở đây phải hiểu là vì theo đạo, phải giữ đức tin và những điều đức tin đòi hỏi nên xem ra khác la. Còn ngoài ra, người công giáo không nên biến mình thành những người “kỳ cục” hay xa lạ giữa những người khác.
Ở đây có vấn đề hội nhập văn hóa. Làm thế nào để linh mục và người công giáo không còn bị coi là xa lạ đối với văn hóa dân tộc và đồng bào của mình. Linh mục và người công giáo cũng là người Việt Nam, cùng có chung một nguồn gốc và một di sản văn hóa. Những gì là giá trị của tổ tiên để lại, linh mục và người công giáo cũng phải tôn trọng và yêu quí. Vì thế, hiện nay mới có phong trào tìm lại những giá trị trong văn hóa Việt Nam để đưa vào đạo, và trình bày đạo trong bộ áo ngôn ngữ có màu sắc văn hóa đó.
Vậy, linh mục nên để ý đến những người bên ngoài, để khỏi làm cớ gây ngạc nhiên và khó chịu cho họ về cử chỉ, ngôn ngữ và lối hành xử của mình
Có người kể lại, hồi mấy chục năm về trước, nhà văn Tô Hoài có lần đã viết ở đâu đó rằng: “Linh mục là người suốt ngày bí mật trong chiếc áo chùng thâm”, và nhà báo Chu Tử quãng thập niên 60, cũng viết: ” Linh mục là người mặc áo chùng thâm, đi giầy tây”, khi ông đưa ra một định nghĩa về linh mục.
Có lẽ người ngoài cũng chỉ biết về linh muc như Tô Hoài và Chu Tử chăng ? Vậy nhân danh sứ mệnh truyền Giáo, các linh mục cũng nên lưu tâm đến hành vi, cử chỉ, lời nói của mình giữa những người không phải là công giáo. Người ta truyền giáo không phải chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng thái độ và đời sống, thái độ trọng kính người khác và đời sống phù hợp với những điều đạo dạy, được cụ thể hóa ra bên ngoài, bằng những hành động thiết thực hơn như thân thiện, gần gũi và trọng kinh v.v,,,
LỄ LẠT ĐÌNH ĐÁM
Tự điển tiếng Việt chỉ có từ lễ lạt mà không thấy từ lễ lạc. Thông thường khi nói đến từ này, người ta hay nghe ra lễ lạc hơn lễ lạt. Theo định nghĩa của tự điển thì lễ lạt là các cuộc lễ hay lễ vật nói khái quát. Chữ này thuộc loại khẩu ngữ. Còn từ lễ lạt mà đọc ra lễ lạc, thiết tưởng có hai lý do: một là phát âm sai, hai là muốn chuyển sang chữ lạc với ngụ ý là vui. Có lễ thì phải có lạc Mà muốn vui, phải có ăn uống.
Từ xưa đến nay, lễ lạt vốn là một thói quen gần như truyền thống trong sinh hoạt của người Việt Nam. Nước ta là một nước nông nghiệp. Làm nông nghiệp phải theo thời vụ. Có thời rất vất vả như lúc cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, gặt hái. Nhưng qua những thời kỳ đó, nhiều người dân không có việc làm. Không có việc làm thì phải tìm cách lấp đầy khoảng thời gian trống vắng đó. Phải chăng vì vậy, trong dân gian ngày trước mới có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Các thứ hội hè, đình đám như hội chùa Hương, lễ hỏi, đám tang v.v... là những nếp sinh hoạt phản ánh phần nào văn hóa của người Việt Nam. Người có đạo chúng ta cũng sống trong nền văn hóa đó. Phần giá trị trong nền văn hóa này là qua một số biểu thị của lễ lạt đình đám, người ta đối xử với nhau theo tình làng nghĩa xóm, vui buồn có nhau, thân mật gần gũi.
Nhưng bên cạnh đó cũng phải nói đến một vài điều không được hay lắm về mặt xã hội. Đã hẳn, ở đời phải có lễ lạt. Người nào, gia đình nào, đoàn thể nào cũng có những ngày lễ mừng. Vấn đề không phải là mừng, nhưng là mừng sao cho hợp lý và phải đạo. Những lễ mừng quá linh đình tốn phí, ở giữa đám dân nghèo, trong hoàn cảnh khó khăn là điều thật không nên, tuy rằng tổ chức mừng to có thể được khen lao nể trọng. Nhưng đối với những người thuộc về Hội thánh, một Hội thánh muốn phục vụ người nghèo, một Hội thánh không muốn là ốc đảo giữa một đại dương mênh mông của nghèo đói và khốn cùng (Tuyên ngôn Hội nghị các Giám mục Á châu tại Manila năm 1971) thì liệu các lễ lạt tưng bừng tốn phí kia có khỏi là một bằng chứng phản ngược lại với chủ trương trong bàn tuyên ngôn không ? Người bên ngoài vẫn nhìn vào người công giáo để xem lời nói và việc làm có đi đôi với nhau không ? Công việc truyền giáo không phải chỉ diễn ra bằng lời nói, nhưng còn bằng lối sống của người công giáo bên cạnh những người không công giáo. Nhà văn Đồ Phồn trước kia có viết cuốn tiểu thuyết đề là KHAO. Cuốn tiểu thuyết này có thể gợi lên những câu hỏi đáng suy nghĩ về lễ lạt và khao vọng của chúng ta lắm.
Kết luận
Phần đông các linh muc là cha sở. Là cha sở thì có nhiều quyền hành trong họ đạo. Vì có quyền và quen hành quyền nên có thể dễ quên rằng quyền hành là để phục vụ. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã có một cái nhin mang nặng tính Tin Mừng, khi nhấn mạnh đến góc cạnh phục vụ của quyền bính: quyền binh là để phục vụ. Chẳng vậy, quyền bính có thể trở thành một chướng ngại cho cả người hành quyền lẫn người tòng quyền: người hành quyền có thể bị mang tiếng là độc tài, còn người tòng quyền có khi phải đau khổ. Đó là những điều đáng tiếc.
Vậy, vì ảnh hưởng truyền giáo, linh mục chúng ta nên lưu tâm đến cách đối xử với những người bên ngoài và cách sử dụng tiền bạc trong việc xây cất và tổ chức lễ lạt đình đám, để tránh gây ra những phản ứng bất lợi nơi người bên trong cũng như bên ngoài đạo.
Hãy Cho Vì Lòng Bác Ái (thơ)
Tuyết Mai
11:50 08/02/2008
Hãy Cho Vì Lòng Bác Ái
Con ơi, con hãy nghe lời mẹ dậy,
Khi con cho ai bằng tay phải,
Con hãy nhớ chớ để cho tay trái biết,
Kẻo việc bác ái con làm vừa mất của,
Lại mất cả công đức trước mặt Thiên Chúa.
Con đừng bắt chước như bọn giả hình,
Hay những hạng người sống đạo đức giả.
Sự cho đi của họ là của dư của thừa,
Thường sự cho của họ như là hình thức quảng cáo,
Bỏ con tép để bắt con tôm.
Sự cho đi của họ phải có điều kiện là:
Được khấu trừ tiền thuế.
Được khắc tên trên tấm bảng vàng thật to.
Được khắc tên trên bia trên đá.
Được đọc rõ tên họ trong nhà thờ.
Được phô trương chính mình và
Còn biết bao nhiêu hình thức khác nữa.
Con có biết, tất cả những phô trương đó!
Họ đã được người đời thưởng công rồi.
Còn con, con hãy làm việc Bác Ái cho thật kín đáo.
Chỉ có Cha con Đấng Ngự ở Trên Trời là
Nhìn thấu suốt tấm lòng của con.
Con hãy bắt chước việc làm của bà già góa.
Cho không bao nhiêu nhưng đó là tất cả những gì bà có.
Bà rất nghèo khó nhưng tấm lòng thật Bác Ái.
Con hãy cho đi với tấm lòng rộng rãi.
Vì tất cả những gì con Đang có, Đang sở hữu, và Đang là
Có phải của con, mà con phải tiếc, phải xót xa?
Hỡi con, con hãy nghe lời mẹ dậy,
Khi con làm được việc tốt gì cho ai,
Yêu cầu con đừng kể, đừng mong đáp đền.
Được lời khen thưởng chẳng vang xa,
Mà Trước mặt Chúa,
Con mang tội thiếu bác ái, thiếu lòng từ nhân.
Tội con làm là Kiêu Hãnh là Tự Tôn.
Tội con, làm ít lại khoe ra nhiều.
Tội con, làm chỉ cốt ý lấy tiếng khen.
Tội con, chỉ cốt làm tôi cho tiền.
Đôi khi việc con giúp người, hóa ra lại vì con.
Vì con muốn được Chủ để ý mà tăng thêm tiền?
Không thì cũng hy vọng nhẩy được chức vụ cao?
Không thì cũng được tiếng thơm với mọi người?
Ngoài đời thì được tiếng, được trọng nể, để làm oai.
Huênh hoang tự đắc, tự kiêu, tự quyền.
Con ơi, cuộc sống đời này chẳng có được bao,
Như cơn gió thoảng đến trong giây lát này.
Đừng vì một chút quyền lợi nhỏ,
Để đời đời mất Linh Hồn nhé con!
Vì sao?
Vì trần gian mãi chỉ là Phù Vân.
Con nên nhớ, làm việc Bác Ái
Chẳng phải một sớm một chiều,
Mà gây được Công Đức mà gầy được Phúc Vinh.
Trước sau ăn ở cho có tình.
Ở sao Đức Độ, giúp người cùng đinh.
Bể dâu thì mặc bể dâu
Chúa cho thì mặc sức mà ăn cả đời.
Con ơi, con hãy nghe lời mẹ dậy,
Khi con cho ai bằng tay phải,
Con hãy nhớ chớ để cho tay trái biết,
Kẻo việc bác ái con làm vừa mất của,
Lại mất cả công đức trước mặt Thiên Chúa.
Con đừng bắt chước như bọn giả hình,
Hay những hạng người sống đạo đức giả.
Sự cho đi của họ là của dư của thừa,
Thường sự cho của họ như là hình thức quảng cáo,
Bỏ con tép để bắt con tôm.
Sự cho đi của họ phải có điều kiện là:
Được khấu trừ tiền thuế.
Được khắc tên trên tấm bảng vàng thật to.
Được khắc tên trên bia trên đá.
Được đọc rõ tên họ trong nhà thờ.
Được phô trương chính mình và
Còn biết bao nhiêu hình thức khác nữa.
Con có biết, tất cả những phô trương đó!
Họ đã được người đời thưởng công rồi.
Còn con, con hãy làm việc Bác Ái cho thật kín đáo.
Chỉ có Cha con Đấng Ngự ở Trên Trời là
Nhìn thấu suốt tấm lòng của con.
Con hãy bắt chước việc làm của bà già góa.
Cho không bao nhiêu nhưng đó là tất cả những gì bà có.
Bà rất nghèo khó nhưng tấm lòng thật Bác Ái.
Con hãy cho đi với tấm lòng rộng rãi.
Vì tất cả những gì con Đang có, Đang sở hữu, và Đang là
Có phải của con, mà con phải tiếc, phải xót xa?
Hỡi con, con hãy nghe lời mẹ dậy,
Khi con làm được việc tốt gì cho ai,
Yêu cầu con đừng kể, đừng mong đáp đền.
Được lời khen thưởng chẳng vang xa,
Mà Trước mặt Chúa,
Con mang tội thiếu bác ái, thiếu lòng từ nhân.
Tội con làm là Kiêu Hãnh là Tự Tôn.
Tội con, làm ít lại khoe ra nhiều.
Tội con, làm chỉ cốt ý lấy tiếng khen.
Tội con, chỉ cốt làm tôi cho tiền.
Đôi khi việc con giúp người, hóa ra lại vì con.
Vì con muốn được Chủ để ý mà tăng thêm tiền?
Không thì cũng hy vọng nhẩy được chức vụ cao?
Không thì cũng được tiếng thơm với mọi người?
Ngoài đời thì được tiếng, được trọng nể, để làm oai.
Huênh hoang tự đắc, tự kiêu, tự quyền.
Con ơi, cuộc sống đời này chẳng có được bao,
Như cơn gió thoảng đến trong giây lát này.
Đừng vì một chút quyền lợi nhỏ,
Để đời đời mất Linh Hồn nhé con!
Vì sao?
Vì trần gian mãi chỉ là Phù Vân.
Con nên nhớ, làm việc Bác Ái
Chẳng phải một sớm một chiều,
Mà gây được Công Đức mà gầy được Phúc Vinh.
Trước sau ăn ở cho có tình.
Ở sao Đức Độ, giúp người cùng đinh.
Bể dâu thì mặc bể dâu
Chúa cho thì mặc sức mà ăn cả đời.
Cám dỗ
Lm Trần Xuân Lãm
16:39 08/02/2008
Cám dỗ
Thánh sử Mat-thê-ô, một người Do- thái, nhắm trước hết vào các độc giả Do-thái, ông muốn nhắc nhở: dân Do Thái đã sa chước cám dỗ khi họ sống trong hoang địa 40 năm trường, còn Chúa Giê-su đã chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ, sau khi ăn chay 40 ngày nơi rừng vắng.
Có tất cả 3 cám dỗ nặng nề:
1- Cám dỗ cơm bánh hay vật chất: Trong hoang địa, dân Do thái kêu ca vì thiếu tiện nghi và lương thực. Chúa cho manna để nuôi họ. Nhưng họ nhàm chán thứ bánh họ ăn hằng ngày. Lương thực nói đây tượng trưng nhu cầu vật chất chúng ta muốn hưởng thụ. Trong cơn cám dỗ vật chất, Chúa Giê-su đã trưng lời sách Đệ nhị luật: “Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng bởi lời từ miệng Thiên Chúa”. Mặc dù Chúa Giê-su cảm thấy đói, nhưng sự đói khát nghe lời Thiên Chúa còn quan trọng hơn là nhu cầu về cơm bánh. Ngài hơn hẳn dân Do thái xưa, Ngài tìm ý Thiên Chúa hơn là tìm sự thỏa mãn cho riêng Ngài.
2- Cám dỗ về sự thử thánh quyền năng Thiên Chúa: Dân Do thái luôn yêu cầu Chúa ban những dấu lạ điềm thiêng, nhưng Chúa từ chối vì họ không thực tâm tin vào Ngài, mà đơn thuần chỉ để thách thức Chúa. Hôm nay, khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-su gieo mình xuống khỏi đền thờ, Ngài đã trả lời bằng cách trưng dẫn sách đệ nhị luật: “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa”. Những gì dân Do Thái khiêu khích Thiên Chúa nơi hoang địa, nơi đây ta thấy Chúa Giê-su đã chẳng hề làm.
3- Cám dỗ hạ mình thờ lạy ma quỷ: Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, thú vui, vật chất, tiện nghi, sắc dục đem chúng ta xa lìa Chúa và dẫn ta đến chỗ thỏa hiệp, phạm tội. Chúa Giê-su chẳng màng bất cứ điều gì ma quỷ trưng dẫn, kể cả vương quốc nó muốn dâng tặng Ngài. Ngài đã chẳng cúi đầu thờ lạy nó, trái lại Ngài dõng dạc tuyên bố: “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” (Đnl 6:13).
Thánh Mat-thê-ô chỉ ra rằng, trong khi dân Do thái đã ngã thua cám dỗ trong sa mạc, thì trái lại, Chúa Giê-su đã chẳng hề sa ngã. Bởi đó, Chúa Giê-su, là dân Is-diên mới, là con thật của Thiên Chúa, là thừa kế chính truyền của vương quốc Thiên Chúa. Những ai theo gương Ngài, sẽ vượt qua cám dỗ trong cuộc đời, và trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.
Thánh sử Mat-thê-ô, một người Do- thái, nhắm trước hết vào các độc giả Do-thái, ông muốn nhắc nhở: dân Do Thái đã sa chước cám dỗ khi họ sống trong hoang địa 40 năm trường, còn Chúa Giê-su đã chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ, sau khi ăn chay 40 ngày nơi rừng vắng.
Có tất cả 3 cám dỗ nặng nề:
1- Cám dỗ cơm bánh hay vật chất: Trong hoang địa, dân Do thái kêu ca vì thiếu tiện nghi và lương thực. Chúa cho manna để nuôi họ. Nhưng họ nhàm chán thứ bánh họ ăn hằng ngày. Lương thực nói đây tượng trưng nhu cầu vật chất chúng ta muốn hưởng thụ. Trong cơn cám dỗ vật chất, Chúa Giê-su đã trưng lời sách Đệ nhị luật: “Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng bởi lời từ miệng Thiên Chúa”. Mặc dù Chúa Giê-su cảm thấy đói, nhưng sự đói khát nghe lời Thiên Chúa còn quan trọng hơn là nhu cầu về cơm bánh. Ngài hơn hẳn dân Do thái xưa, Ngài tìm ý Thiên Chúa hơn là tìm sự thỏa mãn cho riêng Ngài.
2- Cám dỗ về sự thử thánh quyền năng Thiên Chúa: Dân Do thái luôn yêu cầu Chúa ban những dấu lạ điềm thiêng, nhưng Chúa từ chối vì họ không thực tâm tin vào Ngài, mà đơn thuần chỉ để thách thức Chúa. Hôm nay, khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-su gieo mình xuống khỏi đền thờ, Ngài đã trả lời bằng cách trưng dẫn sách đệ nhị luật: “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa”. Những gì dân Do Thái khiêu khích Thiên Chúa nơi hoang địa, nơi đây ta thấy Chúa Giê-su đã chẳng hề làm.
3- Cám dỗ hạ mình thờ lạy ma quỷ: Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, thú vui, vật chất, tiện nghi, sắc dục đem chúng ta xa lìa Chúa và dẫn ta đến chỗ thỏa hiệp, phạm tội. Chúa Giê-su chẳng màng bất cứ điều gì ma quỷ trưng dẫn, kể cả vương quốc nó muốn dâng tặng Ngài. Ngài đã chẳng cúi đầu thờ lạy nó, trái lại Ngài dõng dạc tuyên bố: “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” (Đnl 6:13).
Thánh Mat-thê-ô chỉ ra rằng, trong khi dân Do thái đã ngã thua cám dỗ trong sa mạc, thì trái lại, Chúa Giê-su đã chẳng hề sa ngã. Bởi đó, Chúa Giê-su, là dân Is-diên mới, là con thật của Thiên Chúa, là thừa kế chính truyền của vương quốc Thiên Chúa. Những ai theo gương Ngài, sẽ vượt qua cám dỗ trong cuộc đời, và trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:24 08/02/2008
HỎI TRỌNG PHU
Tề Hoàn công dùng Quản Trọng làm thừa tướng để giúp ông ta thành tựu đại sự trong việc tranh bá thiên hạ, và để bày tỏ sự tôn trọng nên Tề Hoàn công dùng chữ “trọng phụ” để xưng hô với Quản Trọng.
Một lần nọ, có khách của nước Tấn đến nước Tề để bái hội, quan sứ phụ trách việc lễ tân đến xin chỉ thị của Tề Hoàn công nên dùng nghi lễ nào để tiếp đãi, Hoàn công trả lời: “Hỏi trọng phụ.”
Quan sứ hỏi ba lần liên tiếp thì cũng được Hoàn công ba lần trả lời như thế, những người trong cung đều vui vẻ trêu đùa với nhau nói: “Làm vua đúng là thoải mái thật, lời nói thứ nhất là “hỏi trọng phụ”, lời nói thứ hai cũng là “hỏi trọng phụ”, lời nói thứ ba cũng vẫn là “hỏi trọng phụ”.
Hoàn công trả lời: “Không phải có người nói như thế sao ? Khi nhà vua đi tìm nhân tài thì bỏ ra rất nhiều tinh thần sức lực và tâm trí, chọn lựa kỷ càng, một khi tìm được nhân tài rồi, khi sử dụng thì có thể tiết kiệm được lực lượng. Trong quá trình ta đi tìm kiếm trọng phụ thì bỏ ra rất nhiều công sức, sau khi được trọng phụ thì tại sao không tiết kiệm lực lượng chứ ?”
(Hàn phi tử: Nan nhị)
Suy tư:
Có nhiều thủ trưởng cơ quan vì sợ mất ảnh hưởng hoặc không tin tưởng cấp dưới làm việc, nên ôm đồn nhiều việc, việc gì cũng nhúng tay vào, dù cho đó không phải là chuyên môn của mình, cho nên thường than mệt và cau có bực bội khi tinh thần không thoải mái; lại có người không muốn giao việc cho người có chuyên môn, bởi vì họ cứ sợ cấp dưới tài giỏi hơn mình. Có nhân tài mà không trao việc cho họ làm thì giống như dao nhọn không dùng, có ngày sẽ rỉ sét cùn cụt; có nhân tài mà không tin tưởng vào họ thì nhân tài sẽ bỏ mà đi; có nhân tài mà không kiếm việc cho họ làm, thì sẽ có ngày nhân tài sẽ trở thành mối đe dọa cho công việc của mình.
Tề Hoàn công đã hao tốn rất nhiều tinh thần và sức lực để tìm cho được Quản Trọng, và giao phó tất cả mọi công việc triều chính cho ông ta, thế mới biết tìm được người tài rồi tin tưởng giao việc cho họ là cả một sự tin tưởng tuyệt đối, đúng là Tề Hoàn công đã nhìn xa thấy rộng.
Mười hai tông đồ là những con người rất yếu đuối, hoài nghi, ít học, nóng tính, bộc trực nhưng vẫn được Chúa Giê-su chọn và thành lập Giáo Hội của Ngài trên các ngài. Tại sao vậy ? Thưa vì Chúa Giê-su đã yêu thương họ, đã nhìn thấy sự yếu đuối của các ngài, và nhất là đã tin tưởng vào các ngài...
Tin tưởng là nền tảng căn bản để hợp tác, xây dựng và phát triển.
N2T |
Tề Hoàn công dùng Quản Trọng làm thừa tướng để giúp ông ta thành tựu đại sự trong việc tranh bá thiên hạ, và để bày tỏ sự tôn trọng nên Tề Hoàn công dùng chữ “trọng phụ” để xưng hô với Quản Trọng.
Một lần nọ, có khách của nước Tấn đến nước Tề để bái hội, quan sứ phụ trách việc lễ tân đến xin chỉ thị của Tề Hoàn công nên dùng nghi lễ nào để tiếp đãi, Hoàn công trả lời: “Hỏi trọng phụ.”
Quan sứ hỏi ba lần liên tiếp thì cũng được Hoàn công ba lần trả lời như thế, những người trong cung đều vui vẻ trêu đùa với nhau nói: “Làm vua đúng là thoải mái thật, lời nói thứ nhất là “hỏi trọng phụ”, lời nói thứ hai cũng là “hỏi trọng phụ”, lời nói thứ ba cũng vẫn là “hỏi trọng phụ”.
Hoàn công trả lời: “Không phải có người nói như thế sao ? Khi nhà vua đi tìm nhân tài thì bỏ ra rất nhiều tinh thần sức lực và tâm trí, chọn lựa kỷ càng, một khi tìm được nhân tài rồi, khi sử dụng thì có thể tiết kiệm được lực lượng. Trong quá trình ta đi tìm kiếm trọng phụ thì bỏ ra rất nhiều công sức, sau khi được trọng phụ thì tại sao không tiết kiệm lực lượng chứ ?”
(Hàn phi tử: Nan nhị)
Suy tư:
Có nhiều thủ trưởng cơ quan vì sợ mất ảnh hưởng hoặc không tin tưởng cấp dưới làm việc, nên ôm đồn nhiều việc, việc gì cũng nhúng tay vào, dù cho đó không phải là chuyên môn của mình, cho nên thường than mệt và cau có bực bội khi tinh thần không thoải mái; lại có người không muốn giao việc cho người có chuyên môn, bởi vì họ cứ sợ cấp dưới tài giỏi hơn mình. Có nhân tài mà không trao việc cho họ làm thì giống như dao nhọn không dùng, có ngày sẽ rỉ sét cùn cụt; có nhân tài mà không tin tưởng vào họ thì nhân tài sẽ bỏ mà đi; có nhân tài mà không kiếm việc cho họ làm, thì sẽ có ngày nhân tài sẽ trở thành mối đe dọa cho công việc của mình.
Tề Hoàn công đã hao tốn rất nhiều tinh thần và sức lực để tìm cho được Quản Trọng, và giao phó tất cả mọi công việc triều chính cho ông ta, thế mới biết tìm được người tài rồi tin tưởng giao việc cho họ là cả một sự tin tưởng tuyệt đối, đúng là Tề Hoàn công đã nhìn xa thấy rộng.
Mười hai tông đồ là những con người rất yếu đuối, hoài nghi, ít học, nóng tính, bộc trực nhưng vẫn được Chúa Giê-su chọn và thành lập Giáo Hội của Ngài trên các ngài. Tại sao vậy ? Thưa vì Chúa Giê-su đã yêu thương họ, đã nhìn thấy sự yếu đuối của các ngài, và nhất là đã tin tưởng vào các ngài...
Tin tưởng là nền tảng căn bản để hợp tác, xây dựng và phát triển.
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:26 08/02/2008
CHỦ NHẬT I MÙA CHAY
Tin mừng: Mt 4, 1-11.
“Đức Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ.”
Bạn thân mến,
Ăn chay không chỉ là nhịn đói, không chỉ là không ăn những món ăn mà Giáo Hội cấm như: không được ăn các loại thịt của động vật có máu nóng, nhưng ăn chay chính là dùng ơn sủng của Chúa để khắc phục những thói quen xấu, chế ngự những đòi hỏi không chính đáng của dục vọng. Bởi vì, ăn chay mà không ăn thịt hay nhịn đói thì chỉ là ăn chay tiêu cực, nhưng khắc chế những thói xấu của mình là ăn chay cách tích cực mà tinh thần Phúc Âm đòi hỏi, và Chúa Giê-su đã thực hiện việc ăn chay ấy cách hoàn hảo, khi cơn cám dỗ về sự đói no của thân xác, và cơn đói kiêu ngạo ham danh của tinh thần ập đến.
Cám dỗ là một trạng thái có ý thức khiến chúng ta hướng về điều xấu, những điều mà lương tâm không cho phép làm, nó xúi giục chúng ta làm ngược lại những điều mà Thiên Chúa và Hội Thánh dạy. Cơn cám dỗ không chừa một ai, hể làm người thì nhứt định phải chịu cám dỗ, ngay cả Chúa Giê-su cũng không có luật trừ khi Ngài xuống thế làm người và ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa, mà chúng ta đã nghe thánh Mát-thêu đã tường thuật trong bài Phúc Âm hôm nay.
Bạn cũng như tôi, đã bị cám dỗ nhiều lần trong ngày: có những cám dỗ mà nếu không tỉnh thức và cự tuyệt thì sẽ ngã gục, đó là cám dỗ về xác thịt của dục vọng; có những cám dỗ mà nếu không cầu nguyện và quyết tâm thì sẽ trở nên kẻ chống đối Giáo Hội, đó là cám dỗ về sự kiêu ngạo ham danh; có những cám dỗ mà nếu không có tinh thần hy sinh nghèo khó thì sẽ bị đắm chìm trong của cải thế gian, đó là cám dỗ về tiền bạc.
Bạn thân mến,
Mở đầu mùa chay thánh năm nay, Giáo Hội muốn chúng ta học theo gương của Chúa Giê-su biết dùng Lời Chúa, để chống trả và chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ, bởi vì Chúa Giê-su đã ba lần trích dẫn Lời Chúa để đối chất và khóa cứng họng của ma quỷ, làm cho chúng nó thất bại ê chề.
Là người Ki-tô hữu và là môn đệ của Chúa Giê-su, bạn và tôi nên có kế hoạch để chiến đấu với cơn cám dỗ trong mùa chay thánh này, đó là:
1. Cầu nguyện luôn để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.
2. Hy sinh hãm mình, khắc chế xác thịt để tâm hồn được mạnh khỏe, đủ sức chiến đấu với con cám dỗ của ma quỷ.
3. Thăm viếng và phục vụ tha nhân, để chia sẻ với họ về những đau khổ của họ như những đau khổ của Chúa Giê-su vậy...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------------------------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://360.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
Tin mừng: Mt 4, 1-11.
“Đức Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ.”
Bạn thân mến,
Ăn chay không chỉ là nhịn đói, không chỉ là không ăn những món ăn mà Giáo Hội cấm như: không được ăn các loại thịt của động vật có máu nóng, nhưng ăn chay chính là dùng ơn sủng của Chúa để khắc phục những thói quen xấu, chế ngự những đòi hỏi không chính đáng của dục vọng. Bởi vì, ăn chay mà không ăn thịt hay nhịn đói thì chỉ là ăn chay tiêu cực, nhưng khắc chế những thói xấu của mình là ăn chay cách tích cực mà tinh thần Phúc Âm đòi hỏi, và Chúa Giê-su đã thực hiện việc ăn chay ấy cách hoàn hảo, khi cơn cám dỗ về sự đói no của thân xác, và cơn đói kiêu ngạo ham danh của tinh thần ập đến.
Cám dỗ là một trạng thái có ý thức khiến chúng ta hướng về điều xấu, những điều mà lương tâm không cho phép làm, nó xúi giục chúng ta làm ngược lại những điều mà Thiên Chúa và Hội Thánh dạy. Cơn cám dỗ không chừa một ai, hể làm người thì nhứt định phải chịu cám dỗ, ngay cả Chúa Giê-su cũng không có luật trừ khi Ngài xuống thế làm người và ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa, mà chúng ta đã nghe thánh Mát-thêu đã tường thuật trong bài Phúc Âm hôm nay.
Bạn cũng như tôi, đã bị cám dỗ nhiều lần trong ngày: có những cám dỗ mà nếu không tỉnh thức và cự tuyệt thì sẽ ngã gục, đó là cám dỗ về xác thịt của dục vọng; có những cám dỗ mà nếu không cầu nguyện và quyết tâm thì sẽ trở nên kẻ chống đối Giáo Hội, đó là cám dỗ về sự kiêu ngạo ham danh; có những cám dỗ mà nếu không có tinh thần hy sinh nghèo khó thì sẽ bị đắm chìm trong của cải thế gian, đó là cám dỗ về tiền bạc.
Bạn thân mến,
Mở đầu mùa chay thánh năm nay, Giáo Hội muốn chúng ta học theo gương của Chúa Giê-su biết dùng Lời Chúa, để chống trả và chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ, bởi vì Chúa Giê-su đã ba lần trích dẫn Lời Chúa để đối chất và khóa cứng họng của ma quỷ, làm cho chúng nó thất bại ê chề.
Là người Ki-tô hữu và là môn đệ của Chúa Giê-su, bạn và tôi nên có kế hoạch để chiến đấu với cơn cám dỗ trong mùa chay thánh này, đó là:
1. Cầu nguyện luôn để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.
2. Hy sinh hãm mình, khắc chế xác thịt để tâm hồn được mạnh khỏe, đủ sức chiến đấu với con cám dỗ của ma quỷ.
3. Thăm viếng và phục vụ tha nhân, để chia sẻ với họ về những đau khổ của họ như những đau khổ của Chúa Giê-su vậy...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------------------------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://360.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:27 08/02/2008
N2T |
28. Nhân đức đầy đủ của tu sĩ là phải chú ý nghe chính xác mệnh lệnh. Ai trung tín với luật dòng thì người ấy càng làm trọn.
(Thánh Laura)40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Từ Bài 11 đến Bài 20
J.B. Đặng Minh An dịch
21:20 08/02/2008
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ là tuyển tập 40 bài Suy Niệm trong Mùa Chay dịch từ tạp chí The Word Among Us do Catholic News Service (Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ) chủ xướng. Tạp chí này chuyên đăng những bài thuyết giảng của các linh mục và Giám Mục Hoa Kỳ. Bạn có thể mua dài hạn tạp chí này tại địa chỉ http://www.wau.org. Tại địa chỉ này cũng có những bài có thể download xuống.
40 bài tĩnh tâm này đã được đăng trong Mùa Chay 2002. Nay theo yêu cầu của quý cha và anh chị em, VietCatholic xin đăng lại với hy vọng loạt bài tĩnh tâm 40 ngày này sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng cho chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh 2008 này.
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 11
Vào thời Abraham, các hiệp ước hay cam kết thường được phê chuẩn trong một nghi lễ trong đó các bên có liên quan bước qua hai nửa xác một con vật đã bị sát tế và chia làm đôi. Cử chỉ này muốn nói lên rằng "Tôi cũng sẽ bị như con vật này nếu tôi không giữ lời đoan hứa". Tuy nhiên, khi thiết lập giao ước với Abraham, chỉ có Thiên Chúa (dưới dạng một ngọn lửa) đã bước qua giữa các con vật bị sát tế. Thiên Chúa nhận trách nhiệm hoàn toàn về mình trong việc giữ lời hứa làm cho con cháu Abraham đông như sao trời.
Câu chuyện này cho thấy hai điều. Thứ nhất, nó chứng tỏ Thiên Chúa hoàn toàn cam kết thực hiện lời hứa Ngài đến mức nào. Cha chúng ta trên trời sẽ không bao giờ rút lại lời hứa ban ơn lành và chăm sóc mỗi con cái Ngài. Dù chúng ta có ngỗ nghịch đến đâu, Ngài vẫn giữ lời thề long trọng yêu thương và chăm sóc cho dân Ngài đến muôn đời.
Có lẽ còn quan trọng hơn nữa, câu chuyện này tiên báo ơn cứu độ dành cho chúng ta qua Ðức Giêsu. Vì Thiên Chúa đã không yêu cầu Abraham bước qua những nửa của những con vật bị sát tế, Abraham và miêu dệ ông không bị trừng phạt hoàn toàn vì không tuân giữ giao ước. Thiên Chúa biết rằng do tội nguyên tổ, Abraham - hay bất cứ ai - cũng không thể hoàn toàn trung tín. Ðó là lý do tại sao trong dòng lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã hứa một giao ước mới, giao ước mà tối hậu Con Yêu Dấu của Ngài đã phải chết cho phần của giao ước mà chúng ta có thể không bao giờ giữ.
Bạn có thể tưởng tượng ra ai trung tín hơn Thiên Chúa? Ngài không những giữ phần của mình trong giao ước nhưng còn gởi Con Ngài xuống để gánh lấy trách nhiệm của chúng ta. Qua phép Thánh Thể, qua Thánh Thần Chúa, và qua Hội Thánh, chúng ta có đầy đủ phương thế để sống như những người con trung tín của Thiên Chúa.
"Lạy Chúa, sự trung tín của Ngài trong lời hứa yêu thương và gìn giữ dân Ngài thật cao cả. Ngài đã gởi cả Người Con Duy Nhất của Ngài xuống thế để bảo đảm ơn cứu độ cho chúng con và đổ đầy chúng con với Thánh Thần của Ngài. Xin ban cho con sức mạnh của Thánh Linh để con trung tín với Thiên Chúa trong mọi việc con làm".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 12
Tiên tri Daniel đã có thể nhận ra được tội của một cá nhân ảnh hưởng đến toàn dân Israel và ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa cho dân Ngài đến mức nào. Tiên tri cũng biết rằng một người có thể sám hối nhân danh toàn dân và khẩn cầu sự can thiệp của Thiên Chúa. Trong cách thức này, lời nguyện của tiên tri Daniel đã tiên báo thánh tâm Chúa Giêsu, đấng gánh lấy trách nhiệm cho tất cả tội lỗi chúng ta và qua thập giá nên của lễ đền tội hoàn hảo cho chúng ta.
Ðức Giêsu cũng biết rằng sự thờ ơ trong việc thống hối của chúng ta là một yếu tố tán trợ cho thói tham lam, tính ích kỷ, lòng say sưa tìm kiếm quyền lực và tính hiếu chiến là những thứ ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa. Do đó, điều cần thiết là chúng ta sám hối không chỉ cho ta nhưng cho đất nước, dân tộc, và những người Kitô hữu như ta. Trong tông thư Năm Thánh 2000, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thúc giục mọi Kitô hữu hãy khẩn cầu ơn tha thứ cho tội lỗi họ và tội lỗi của các chi thể của Ðức Kitô: "Vì sự liên kết hiệp nhất chúng ta với nhau trong một nhiệm thể, tất cả chúng ta, dù không chịu trách nhiệm cá nhân vàkhông có lỗi trước mặt Chúa, vẫn mang gánh nặng của những lỗi lầm và sai phạm của những người đi trước chúng ta. Cả chúng ta nữa, những con trai con gái của Giáo Hội, cũng đã phạm tội và cản trở dung nhan hiền thê của Chúa Kitô không được chiếu sáng với tất cả vẻ đẹp" (Tông huấn Mầu Nhiệm Nhập Thể).
Ta hãy sám hội cho những tội ta đã phạm và cho những tội của những người khác nữa. Chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm phạm đến ta và phạm đến nhiệm thể lớn lao hơn là Giáo Hội. Ta hãy bao gồm trong lời kinh nguyện của mình những chia rẽ và chiến tranh đang xảy ra giữa những người tuyên bố tin vào Thiên Chúa nhưng thuộc các tôn giáo khác nhau. Hận thù và thành kiến đang bao trùm thế giới.
"Lạy Cha, xin tha thứ cho những lần con đã làm tổn thương anh chị em con và cho những lần con nuôi trong lòng sự oán giận khi bị xúc phạm. Xin thương xót con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 13
Nếu bạn sẵn sàng và vâng lời, bạn sẽ được hưởng dùng những thứ tốt nhất trên đất này (Isaia 1:19). Bạn có tin rằng Thiên Chúa muốn cho bạn những điều tốt nhất, rằng Ngài muốn chúc lành cho bạn trên mọi nẽo đường? Thật vậy, chúng ta cứ nghĩ rằng phải thế này thế nọ thì mới tiếp cận được với Ngài. Trong khi, Thiên Chúa thật đơn giản. Ngài chỉ muốn một con tim sẵn lòng và vâng phục. Ngài muốn chúng ta học cách lắng nghe Thánh Thần Ngài, suy niệm lời Ngài trong tim ta, và thể hiện sự vâng phục qua những hành động.
Chẳng hạn như chúng ta nghe lời Chúa kêu mời ta trong kinh nguyện và Thánh Kinh ta đọc hàng ngày, suy niệm trong lòng những lời này, và thể hiện ra trong các lựa chọn thái độ sống hàng ngày.
Tiên tri Mikê tóm tắt lại như sau: "Người ơi, ta sẽ chỉ giáo cho ngươi điều gì lành, việc nào Thiên Chúa đòi hỏi ở ngươi: hãy cư xử công bình, bác ái và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa" (Mikê 6:8). Thiên Chúa là Cha trên trời nhìn thấy tất cả những điều nhỏ nhặt chúng ta thực hiện và chúc lành mọi nỗ lực của chúng ta. Khi chúng ta tìm kiếm sự vâng phục và vinh danh Ngài, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt nhất, không phải chỉ trên Thiên Ðàng, nhưng ngay tại dương thế này.
"Lạy Cha, con cám ơn cha vì những ơn lành dồi dào tuôn đổ trên con. Con tán tụng Cha vì đã ban cho con Thánh Linh để dạy con bước đi trong vâng phục và trung tín".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 14
Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, tách khỏi đám đông đang đi theo lên Giêrusalem. Người nói riêng với các ông về những gì sắp xảy ra: "Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy". (Mt 20:17-19). Sau đó, khi các ông đang tranh cãi muốn giành chỗ tốt nhất trên thiên đàng, Ðức Giêsu lại gọi riêng họ ra: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" (Mt 20:20-21) và dạy bảo họ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người". (Mt 20:25-28).
Rất thường, khi Ðức Giêsu có điều gì quan trọng muốn truyền đạt cho các môn đệ Ngài, Ngài kéo họ ra một chỗ tách biệt. Ngài biết rằng khi Ngài tách họ ra khỏi những điều gây chia trí và những đòi hỏi của đám đông thường vây quanh họ, họ sẽ lắng nghe cách chú ý hơn đến Lời Ngài.
Như Ðức Giêsu đã dùng những giây phút đặc biệt để nói cách thân mật với các môn đệ của Ngài, Ðức Giêsu cũng mong muốn có những giây phút đặc biệt để nói với mỗi một người trong chúng ta. Ngài muốn mạc khải con tim Ngài và ý định của Ngài cho chúng ta cách riêng tư. Tất cả điều Ngài đòi hỏi là chúng ta hãy dành ra thời gian để lắng nghe Ngài. Những bài đọc thường xuyên trong Thánh Kinh và những bài suy niệm đạo đức là những cách thế tốt nhất mà qua đó chúng ta có thể tạo ra những không gian và thời gian tĩnh lặng với Ðức Giêsu.
Các nghị phụ của Công Ðồng Chung Vatican II đã viết: "Trong các sách Thánh, Cha trên trời ngự đến với con cái Ngài cách từ ái và nói với họ" (Về Mạc Khải Thánh Thiện, 21). Trong niềm mong mỏi muốn thấy người giáo dân gặp gỡ Thiên Chúa cách thân mật, các nghị phụ cũng viết rằng Giáo Hội "tha thiết và đặc biệt mong mỏi tất cả các Kitô hữu... học biết nhiều hơn về Ðức Giêsu Kitô bằng cách thường xuyên đọc Thánh Kinh" (25).
Khi chúng ta trở nên quen thuộc với Thánh Kinh, chúng ta sẽ học biết cách nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Khi trí óc chúng ta càng được hình thành theo Lời Chúa, chúng ta càng có khả năng nhận ra ý Ngài và lựa chọn những quyết định theo thánh ý Chúa. Chúng ta hãy dành ra thời gian mỗi ngày để đọc và suy niệm Thánh Kinh. Ở đó, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện với chúng ta.
"Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Linh, xin mở tai con để con nghe Lời Ngài. Xin thắp sáng tâm trí con để con hiểu những sự thật Ngài mạc khải cho con."
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 15
Ðoạn Phúc Âm kể lại câu chuyện ông Lazarô (Lk 16:19-31) đưa ra cho chúng ta một nghịch lý: Chúng ta mất cái mà chúng ta muốn giữ và chúng ta được cái mà chúng ta sẵn sàng cho đi. Dụ ngôn người phú hộ và ông Lazarô cho thấy bi kịch khi chúng ta không ngó ngàng tới việc chia sẻ những gì chúng ta có với tha nhân, đặc biệt với những người nghèo và yếu thế trong xã hội. Người phú hộ không bị kết án vì tài sản của ông ta, nhưng vì sự thờ ơ của ông đối với người nghèo. Cuối cùng, chính ông đã trở thành người ăn mày tuyệt vọng, van xin Abraham cho khỏi chốn hỏa ngục.
Tên Lazarô nghĩa là "Chúa là sự trợ giúp tôi". Bất chấp một cuộc đời đau khổ, Lazarô giữ niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Cuối cùng, ông nhận được gia tài đã dành sẵn cho ông nơi thiên đàng. Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: "Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cữu... Ðiều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em... Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu.. . để rồi sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy".
Bác ái thật sự không phải chỉ là cho đi những gì dư thừa. Bác ái thật sự bao gồm những cho đi có tính hy sinh trong một tình yêu không vị kỷ dành cho Thiên Chúa. Mẹ Têrêxa thích kể câu chuyện này: "Cách đây đã lâu trong nhà trẻ của chúng tôi không có đường cho trẻ con. Một đứa bé lên bốn nghe rằng 'Mẹ Têrêxa không có đường cho trẻ con'. Cháu về nhà và nói với ba mẹ rằng: 'Con sẽ không ăn đường trong 3 ngày. Con sẽ cho mẹ Têrêxa số đường ấy'. Ðứa bé còn quá nhỏ, nói tên tôi còn chưa trúng, nhưng đã dạy tôi một bài học làm sao để yêu với một tình yêu cao cả. Không phải vấn đề là em bé ấy cho đi bao nhiêu nhưng là chuyện em bé đã cho đi với một tình yêu lớn lao".
Ðây chính là cách thế mà Thiên Chúa muốn ta cho đi. Mọi thứ chúng ta có là hồng ân của Ngài - cuộc sống, sức khoẻ, tài năng và của cải. Cách thức chúng ta đầu tư những thứ này quyết định tương lai sau này của chúng ta. Hãy để Thánh Linh thay đổi tim ta và chỉ cho ta thấy con đường đưa đến hạnh ohúc khi chúng ta quảng đại chia sẻ tài năng và của cải chúng ta với anh chị em mình.
"Lạy Chúa, xin làm mềm lòng con để con có thể yêu thương và cho đi cách quảng đại cho những ai đang túng thiếu. Xin cho con cũng biết thương xót anh chị em con như Chúa hằng thương xót con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 16
Một ông nhà giàu kia có thú vui sưu tầm các bức danh họa trên thế giới. Những người đến thăm ông đều phải trầm trồ trước những bức tranh của Picassos và Rembrandts mà ông đã không tiếc tiền mua chúng về treo. Ông có một đứa con trai duy nhất. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai bị gọi nhập ngũ. Trong một trận chiến, anh đã anh dũng hy sinh khi cố gắng cứu mạng cho một đồng đội. Nhớ ơn anh, và biết người cha là một người thích tranh, người đồng đội được cứu sống đã vẽ lại bức tranh ghi lại hình ảnh hào hùng của người con để tặng cho người cha.
Một thời gian sau, người cha cũng qua đời và người ta bán đấu giá những tài sản của ông. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tuốn đến mong có thể mua được những danh họa có một không hai.
Người trọng tài trong cuộc đấu giá bắt đầu bằng cách nói: "Chúng ta hãy khởi đầu từ bức tranh của người con".
Một sự im lặng khó chịu bao trùm căn phòng đấu giá. Một tiếng nói cất lên: "Bỏ qua chuyện đó đi. Bức tranh đó do một tay tài tử vẽ có đáng gì mà đấu giá. Ðấu mấy bức của Picassos hay Rembrandts đi".
Tuy nhiên, người trọng tài vẫn không nhượng bộ: "Không, chúng ta phải bắt đầu bằng bức tranh người con trước. Ai muốn lấy bức tranh của người con".
Cuối cùng, một giọng nói cất lên từ cuối phòng: "Mười đồng". Ðó là tiếng người làm vườn già nua. Mười đồng là tất cả khả năng mà người làm vườn có thể trả nổi.
"Có người trả mười đồng. Có ai trả hơn không? Có ai trả hai mươi đồng không?"
Một sự im lặng nặng nề lại bao trùm, hy vọng bức tranh được bán cho mau để chuyển qua những món khác.
"Mười đồng lần thứ nhất. Mười đồng lần thứ hai. Mười đồng lần thứ ba. Bán".
Người trọng tài gõ búa xuống. Ông xé một bao thư đi kèm với bức tranh. Ðọc xong, ông tuyên bố với mọi người: "Cám ơn quý vị đã đến đây hôm nay. Cuộc đấu giá đã kết thúc". Người trọng tài giải thích: "Nội dung bức thư của chủ nhân dặn rằng hễ ai mua bức tranh người con thì sẽ được tất cả tài sản, đất đai, tiền bạc và tất cả các bức tranh. Người cha đã muốn trao tặng tất cả cho những ai chấp nhận người con".
Trong Ðức Giêsu, Thiên Chúa cho chúng ta mọi thứ, kể cả bức tranh mà Ngài muốn chúng ta trở nên. Với mỗi người trong chúng ta, Thiên Chúa hỏi thẳng chúng ta rất rõ ràng, không úp mở: "Ngươi có chấp nhận Con Duy Nhất của ta không? Ai chấp nhận Con ta thì được mọi sự". Chắc chắn rằng trong cuộc đấu giá trên, nếu người ta biết rõ nội dung bức thư, mọi người sẽ giành giật để đấu cho được bức tranh của người con. Còn chúng ta, chúng ta biết rất rõ ý định Thiên Chúa mà chúng ta lại không chấp nhận người Con thì chúng ta quả là dại dột.
Chúng ta hãy đón nhận Ngài. Không có thánh giá, sẽ không có vinh quang. Chúng ta hãy học nơi Thánh Kinh và tất cả các thánh: "Không phải tôi sống nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi" (Galat 2:20).
"Lạy Ðức Giêsu, con chọn Ngài. Xin sống trong con để con thấy được tự do trong vâng phục và niềm vui là môn đệ Ngài".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 17
Ở thế kỷ thứ 8 trước Thiên Chúa giáng sinh, tiên tri Mikê đã nói về Thiên Chúa như vị mục tử chở che dân Ngài không những khỏi mọi sự dữ và còn cứu họ khỏi tội lỗi nữa. 800 năm sau, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để lời tiên tri của ông Mikê được nên trọn và để tỏ hiện tấm lòng của Cha trên trời - một tấm lòng mục tử.
Thiên Chúa muốn yêu thương và dẫn dắt chúng ta dù chúng ta là ai và chúng ta đã sống như thế nào. Tất cả chúng ta đều cần đến chăm sóc đầy tha thứ, yêu thương và thương xót mà tiên tri Mikê đã mô tả - để chúng ta nên thánh như ý định Chúa muốn nơi chúng ta. Việc nên thánh của chúng ta đòi hỏi nhiều hơn là lời kinh nguyện và việc dự các thánh lễ. Tâm tình mong muốn nên thánh phải là một phần của môi trường sống tại ngay gia đình chúng ta. "Hãy chăm sóc dân ta bằng gậy mục tử của ngươi" (Mikê 7:14). Thiên Chúa muốn chúng ta học cách "chăn dắt" người bạn đời của ta, con cái ta và bạn bè gần gũi ta trong Chúa Kitô.
Thiên Chúa dựng nên ta để ta yêu thương và được yêu thương và càng sống trong sự yêu thương của Ngài - đến từ mọi trạng huống - chúng ta càng được an toàn bước đi trên con đường hướng về quê trời. Chính vì thế gia đình, tổ ấm, phải là môi trường giúp ta nên thánh.
Chúng ta hãy tưởng tượng một mái gia đình nơi những thiếu sót và bất toàn được đáp trả mau mắn bằng cảm thông và tha thứ, nơi mọi người được đối xử với yêu thương, tôn trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chúng ta hãy thử phác họa ra một bức tranh gia đình nơi mà các mối quan hệ được đánh dấu bằng sự chấp nhận và yêu thương vô điều kiện. Chúng ta có thể thấy được bình an đến với những gia đình như vậy thật ấm cúng biết dường nào.
"Hãy chăm sóc dân ta bằng gậy mục tử của ngươi" (Mikê 7:14). Như tiên tri Mikê đã gào lên thế nào, chúng ta cũng hãy gào lên như vậy cho các gia đình và cho đời sống gia đình ngày nay. Nhiều trẻ con đã lớn lên không được chăn dắt bằng một tình yêu mục tử và cảm thấy dễ bị thương tổn vì sự mất an ninh, mất phương hướng và một viễn kiến tầm thường, nhạt nhẽo và nông cạn cho tương lai. Những trẻ em bị thương tổn ngày nay sẽ trở thành những người lớn bị thương tổn và những bậc làm cha mẹ ngày mai. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những bậc làm cha làm mẹ hay những bậc đóng vai trò lãnh đạo. Xin vị Mục Tử Tối Cao trên trời dạy bảo họ đường lối Ngài và mạc khải cho họ kế hoạch của Ngài cho cuộc sống.
"Lạy Ðức Giêsu, với Chúa, mọi chuyện đều có thể thực hiện được. Xin Chúa chữa lành những trẻ em bị bỏ rơi không ai ngó ngàng đến trong thế giới hôm nay. Xin cho họ biết đến tình yêu Ngài. Xin Chúa cũng soi sáng cho các gia đình để cuộc sống họ nên chứng tá về tình yêu của Chúa cho thế gian".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 18
Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?" Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi". (Lk 13:6-9)
Ðoạn Phúc Âm trên làm nhiều người trong chúng ta lo lắng. Có phải Thiên Chúa muốn ra hạn định cho ta và thúc giục ta phải làm hết sức mình để nhanh chóng sinh hoa kết quả cho Ngài? Có lẽ là không. Ðúng là Thiên Chúa muốn ta sinh hoa kết quả cho Ngài. Nhưng hoa quả đến không phụ thuộc nhiều vào điều ta làm nhưng chủ yếu từ điều Ngài làm qua ta.
Bạn hãy xem một cây táo. Những rể của nó hút những chất dinh dưỡng từ lòng đất, và lá của nó nhận năng lượng từ ánh mặt trời. Hoa của nó được thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Tất cả các nguồn này đều đến từ bên ngoài. Công việc chính của cây là tiếp nhận tất cả những trao ban từ Thiên Chúa. Cũng vậy, Thiên Chúa làm cho chúng ta sinh hoa kết quả qua sự hiện diện của Ngài trong ta. Ngài không kỳ vọng chúng ta cậy dựa vào tài năng tự nhiên của ta. Thiên Chúa muốn đổ đầy tài năng chúng ta với quyền năng của Ngài và nâng đỡ chúng ta để chúng ta sinh hoa kết quả cho vương quốc của Ngài.
Bài trích sách xuất hành (Exodus 3:1-8) thường được Giáo Hội chọn đọc chung với đoạn Phúc Âm về dụ ngôn cây vả không sinh trái (Lk 13:6-9) vì có cùng một luận điểm. Ông Môsê đã bị thu hút không phải vì bụi gai đang cháy nhưng vì ngọn lửa đã không thiêu rụi bụi gai. Cũng thế, Thiên Chúa sống trong ta và tỏ lộ sự sống Ngài qua chúng ta. Chúng ta cũng bốc cháy với ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa. Nhưng, như bụi gai, những nhân cách cá nhân và tài năng của chúng ta không bị thiêu hủy. Chúng được nâng lên để chiếu sáng và thu hút tha nhân đến với Thiên Chúa, đấng đang ngự trong ta.
Thiên Chúa muốn sống trong chúng ta để chúng ta có thể trổ sinh hoa trái. Ngài mong muốn con cái Ngài thực thi điều mà Ðức Giêsu đã thực hiện để nước Ngài trị đến trên thế gian. Cách thế để nuôi dưỡng ngọn lửa sự sống Thiên Chúa trong ta là cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, nhận bí tích Thánh Thể, và phục vụ tha nhân. Khi đó, cuộc sống chúng ta trở nên càng ngày càng sinh hoa kết quả vì Chúa sống và hoạt động trong ta mỗi ngày mỗi mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nhận dưỡng chất từ Thiên Chúa và sinh nhiều hoa trái.
"Lạy Ðức Giêsu, không có sự sống của Chúa trong con, con sẽ tàn úa và khô héo. Xin hãy đến và ngự trị trong con. Con hoan hỉ chào đón Ngài đến với tâm hồn con hôm nay. Xin Chúa hãy đến và làm cho con sinh nhiều hoa trái".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 19
Lời cầu nguyện của ông Azariah và những câu chuyện trong sách của tiên tri Daniel được đặt trong bối cảnh của thành Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước Chúa giáng sinh. Lúc đó, Giêrusalem đã bị xâm chiếm và dân chúng bị đi đày. Trong nền văn hóa ngoại bang, nhiều người Do Thái có nguy cơ bị mất đức tin. Những kẻ chiếm đóng buộc họ phải thờ phượng những thần ngoại bang và từ bỏ Giavê Thiên Chúa. Tuy nhiên, như trong sách Daniel đã ghi lại, Thiên Chúa đã dùng chính những thời buổi khó khăn như thế để tiếp cận với dân đang khốn cùng và tỏ lộ tấm lòng Ngài cho họ.
Theo trình thuật của Thánh Kinh, Azariah và các bạn đã chống lại áp lực của ngoại bang ngay cả dưới sự đe dọa của cái chết. Khi họ hướng về Giavê, họ nhận được sự khôn ngoan thánh thiện và sự chở che. "Thánh thần Chúa ngự xuống lò lửa để ở bên cạnh Azariah và các bạn ông" (Daniel 3:26). Và những hệ quả của lòng trung tín vượt xa phép lạ che chở này: các lãnh tụ của dân ngoại cũng nhìn nhận Giavê như là một Thiên Chúa duy nhất.
Xuyên suốt trong lịch sử Cựu Ước, bất cứ khi nào dân Do Thái gặp cảnh gian nan, họ đều hướng về Thiên Chúa để mong cầu ơn giải thoát. Chính trong những khi tuyệt vọng họ mới thấy vinh quang và lòng từ ái của Thiên Chúa tỏ tường hơn và nhận hồng ân của Ngài tự do hơn.
Không phải điều này cũng đúng với chúng ta sao? Trong đời sống thường ngày, chúng ta vẫn thi hành những bổn phận của chúng ta, chúng ta cũng năng đến nhà thờ, nhưng không thực sự gặp gỡ Chúa. Khi biến cố 11/09 xảy ra, trong lúc đen tối nhất, tuyệt vọng và hoang mang nhất, nhiều người Hoa Kỳ mới nhận rõ được vinh quang Chúa và khẩn cầu lòng thương xót và ơn chữa lành của Ngài. Chính trong lúc bi đát ấy, nhiều chướng ngại đến từ cuộc sống bận rộn hàng ngày đã được gỡ bỏ để họ nhận được cách tự do hơn những hồng ân của Chúa.
Chúng ta hãy tìm kiếm Chúa lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Ðôi khi những cách thế của thế gian xen vào làm yếu đi đức tin chúng ta và làm méo mó đi ý nghĩa thực sự của việc gặp gỡ Chúa. Không phải đợi đến lúc khốn cùng chúng ta mới có cơ hội để sửa sai viễn kiến của chúng ta và tìm kiếm quan hệ sâu xa hơn với Thiên Chúa. Mọi ngày trong đời ta, Chúa đều đổ đầy với những cơ hội tương tự. Xin đừng đợi đến kỳ thử thách truân chuyên nhưng hãy hướng về Ðức Giêsu mọi ngày. Ngài đang chờ ta với đôi tay dang rộng để đổ đầy những ngày đời ta với những điều thiện hảo.
"Lạy Ðức Giêsu, xin sai Thánh Thần Chúa đến thắp sáng tâm hồn con để con biết hướng về Chúa trong mọi ngày đời con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 20
Xuyên suốt trong lịch sử Cựu Ước, chúng ta thấy một trong những điều cơ bản trong quan hệ giữa dân Do Thái và Thiên Chúa là lòng trung thành và vâng phục của họ đối với Thiên Chúa. Bất cứ khi nào dân Do Thái quay mặt đi với Thiên Chúa, họ gánh chịu xâm lăng, đói kém, lưu đầy và các thứ tai ương thiên nhiên khác. Lúc đó, họ lại quay về với Ngài trong ăn năn và thống hối. Chúng ta cũng thế. Khi tấm thảm dưới chân chúng ta bị kéo đi, chúng ta lại quay về với Chúa, tự xét mối quan hệ với Ngài và giữ lòng chúng ta chú ý lắng nghe tiếng Thiên Chúa hơn.
Như những người Do Thái, chúng ta biết chúng ta yếu đuối và mỏng dòn. Chúng ta dễ bị khuất phục trước những cơn cám dỗ để quên Chúa, quên sự thực thi lề luật của Ngài và quên đi những hồng ân Ngài luôn tuôn đổ xuống đời ta. Chúng ta gục ngã liên tục trước những cơn cám dỗ đến nỗi gần như tuyệt vọng với chính mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khi Thiên Chúa sai Con Ngài đến trong thế gian, Ngài cũng sai Thánh Thần Chúa đến để tăng sức cho chúng ta biết lắng nghe và tuân giữ lời Ngài.
Thờ phượng, tán tụng và ngợi khen là những phương thế để Ðức Giêsu có thể đong đầy hồn ta bằng sự hiện diện của Ngài. Khi chúng ta dán mắt vào Ðức Giêsu trong lời cầu nguyện, ta đón rước Ngài hàng ngày vào trong tâm hồn ta để giúp ta thực thi lề luật. Ta càng hướng về Ngài, Ngài càng có nhiều cơ hội để ghi khắc trong tim ta lề luật của Ngài. Và như thế, việc tuân giữ lề luật Ngài không còn khó khăn nữa vì có Chúa giúp ta thực thi những điều này.
"Lạy Chúa Thánh Thần, tán tụng Ngài đã ngự vào hồn con. Xin hãy viết lên trái tim con lề luật yêu thương của Ngài để con luôn tuân giữ những điều Chúa đã truyền dạy. Con dâng toàn thể hồn xác con trong tay Ngài".
40 bài tĩnh tâm này đã được đăng trong Mùa Chay 2002. Nay theo yêu cầu của quý cha và anh chị em, VietCatholic xin đăng lại với hy vọng loạt bài tĩnh tâm 40 ngày này sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng cho chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh 2008 này.
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 11
Vào thời Abraham, các hiệp ước hay cam kết thường được phê chuẩn trong một nghi lễ trong đó các bên có liên quan bước qua hai nửa xác một con vật đã bị sát tế và chia làm đôi. Cử chỉ này muốn nói lên rằng "Tôi cũng sẽ bị như con vật này nếu tôi không giữ lời đoan hứa". Tuy nhiên, khi thiết lập giao ước với Abraham, chỉ có Thiên Chúa (dưới dạng một ngọn lửa) đã bước qua giữa các con vật bị sát tế. Thiên Chúa nhận trách nhiệm hoàn toàn về mình trong việc giữ lời hứa làm cho con cháu Abraham đông như sao trời.
Câu chuyện này cho thấy hai điều. Thứ nhất, nó chứng tỏ Thiên Chúa hoàn toàn cam kết thực hiện lời hứa Ngài đến mức nào. Cha chúng ta trên trời sẽ không bao giờ rút lại lời hứa ban ơn lành và chăm sóc mỗi con cái Ngài. Dù chúng ta có ngỗ nghịch đến đâu, Ngài vẫn giữ lời thề long trọng yêu thương và chăm sóc cho dân Ngài đến muôn đời.
Có lẽ còn quan trọng hơn nữa, câu chuyện này tiên báo ơn cứu độ dành cho chúng ta qua Ðức Giêsu. Vì Thiên Chúa đã không yêu cầu Abraham bước qua những nửa của những con vật bị sát tế, Abraham và miêu dệ ông không bị trừng phạt hoàn toàn vì không tuân giữ giao ước. Thiên Chúa biết rằng do tội nguyên tổ, Abraham - hay bất cứ ai - cũng không thể hoàn toàn trung tín. Ðó là lý do tại sao trong dòng lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã hứa một giao ước mới, giao ước mà tối hậu Con Yêu Dấu của Ngài đã phải chết cho phần của giao ước mà chúng ta có thể không bao giờ giữ.
Bạn có thể tưởng tượng ra ai trung tín hơn Thiên Chúa? Ngài không những giữ phần của mình trong giao ước nhưng còn gởi Con Ngài xuống để gánh lấy trách nhiệm của chúng ta. Qua phép Thánh Thể, qua Thánh Thần Chúa, và qua Hội Thánh, chúng ta có đầy đủ phương thế để sống như những người con trung tín của Thiên Chúa.
"Lạy Chúa, sự trung tín của Ngài trong lời hứa yêu thương và gìn giữ dân Ngài thật cao cả. Ngài đã gởi cả Người Con Duy Nhất của Ngài xuống thế để bảo đảm ơn cứu độ cho chúng con và đổ đầy chúng con với Thánh Thần của Ngài. Xin ban cho con sức mạnh của Thánh Linh để con trung tín với Thiên Chúa trong mọi việc con làm".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 12
Tiên tri Daniel đã có thể nhận ra được tội của một cá nhân ảnh hưởng đến toàn dân Israel và ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa cho dân Ngài đến mức nào. Tiên tri cũng biết rằng một người có thể sám hối nhân danh toàn dân và khẩn cầu sự can thiệp của Thiên Chúa. Trong cách thức này, lời nguyện của tiên tri Daniel đã tiên báo thánh tâm Chúa Giêsu, đấng gánh lấy trách nhiệm cho tất cả tội lỗi chúng ta và qua thập giá nên của lễ đền tội hoàn hảo cho chúng ta.
Ðức Giêsu cũng biết rằng sự thờ ơ trong việc thống hối của chúng ta là một yếu tố tán trợ cho thói tham lam, tính ích kỷ, lòng say sưa tìm kiếm quyền lực và tính hiếu chiến là những thứ ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa. Do đó, điều cần thiết là chúng ta sám hối không chỉ cho ta nhưng cho đất nước, dân tộc, và những người Kitô hữu như ta. Trong tông thư Năm Thánh 2000, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thúc giục mọi Kitô hữu hãy khẩn cầu ơn tha thứ cho tội lỗi họ và tội lỗi của các chi thể của Ðức Kitô: "Vì sự liên kết hiệp nhất chúng ta với nhau trong một nhiệm thể, tất cả chúng ta, dù không chịu trách nhiệm cá nhân vàkhông có lỗi trước mặt Chúa, vẫn mang gánh nặng của những lỗi lầm và sai phạm của những người đi trước chúng ta. Cả chúng ta nữa, những con trai con gái của Giáo Hội, cũng đã phạm tội và cản trở dung nhan hiền thê của Chúa Kitô không được chiếu sáng với tất cả vẻ đẹp" (Tông huấn Mầu Nhiệm Nhập Thể).
Ta hãy sám hội cho những tội ta đã phạm và cho những tội của những người khác nữa. Chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm phạm đến ta và phạm đến nhiệm thể lớn lao hơn là Giáo Hội. Ta hãy bao gồm trong lời kinh nguyện của mình những chia rẽ và chiến tranh đang xảy ra giữa những người tuyên bố tin vào Thiên Chúa nhưng thuộc các tôn giáo khác nhau. Hận thù và thành kiến đang bao trùm thế giới.
"Lạy Cha, xin tha thứ cho những lần con đã làm tổn thương anh chị em con và cho những lần con nuôi trong lòng sự oán giận khi bị xúc phạm. Xin thương xót con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 13
Nếu bạn sẵn sàng và vâng lời, bạn sẽ được hưởng dùng những thứ tốt nhất trên đất này (Isaia 1:19). Bạn có tin rằng Thiên Chúa muốn cho bạn những điều tốt nhất, rằng Ngài muốn chúc lành cho bạn trên mọi nẽo đường? Thật vậy, chúng ta cứ nghĩ rằng phải thế này thế nọ thì mới tiếp cận được với Ngài. Trong khi, Thiên Chúa thật đơn giản. Ngài chỉ muốn một con tim sẵn lòng và vâng phục. Ngài muốn chúng ta học cách lắng nghe Thánh Thần Ngài, suy niệm lời Ngài trong tim ta, và thể hiện sự vâng phục qua những hành động.
Chẳng hạn như chúng ta nghe lời Chúa kêu mời ta trong kinh nguyện và Thánh Kinh ta đọc hàng ngày, suy niệm trong lòng những lời này, và thể hiện ra trong các lựa chọn thái độ sống hàng ngày.
Tiên tri Mikê tóm tắt lại như sau: "Người ơi, ta sẽ chỉ giáo cho ngươi điều gì lành, việc nào Thiên Chúa đòi hỏi ở ngươi: hãy cư xử công bình, bác ái và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa" (Mikê 6:8). Thiên Chúa là Cha trên trời nhìn thấy tất cả những điều nhỏ nhặt chúng ta thực hiện và chúc lành mọi nỗ lực của chúng ta. Khi chúng ta tìm kiếm sự vâng phục và vinh danh Ngài, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt nhất, không phải chỉ trên Thiên Ðàng, nhưng ngay tại dương thế này.
"Lạy Cha, con cám ơn cha vì những ơn lành dồi dào tuôn đổ trên con. Con tán tụng Cha vì đã ban cho con Thánh Linh để dạy con bước đi trong vâng phục và trung tín".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 14
Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, tách khỏi đám đông đang đi theo lên Giêrusalem. Người nói riêng với các ông về những gì sắp xảy ra: "Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy". (Mt 20:17-19). Sau đó, khi các ông đang tranh cãi muốn giành chỗ tốt nhất trên thiên đàng, Ðức Giêsu lại gọi riêng họ ra: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" (Mt 20:20-21) và dạy bảo họ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người". (Mt 20:25-28).
Rất thường, khi Ðức Giêsu có điều gì quan trọng muốn truyền đạt cho các môn đệ Ngài, Ngài kéo họ ra một chỗ tách biệt. Ngài biết rằng khi Ngài tách họ ra khỏi những điều gây chia trí và những đòi hỏi của đám đông thường vây quanh họ, họ sẽ lắng nghe cách chú ý hơn đến Lời Ngài.
Như Ðức Giêsu đã dùng những giây phút đặc biệt để nói cách thân mật với các môn đệ của Ngài, Ðức Giêsu cũng mong muốn có những giây phút đặc biệt để nói với mỗi một người trong chúng ta. Ngài muốn mạc khải con tim Ngài và ý định của Ngài cho chúng ta cách riêng tư. Tất cả điều Ngài đòi hỏi là chúng ta hãy dành ra thời gian để lắng nghe Ngài. Những bài đọc thường xuyên trong Thánh Kinh và những bài suy niệm đạo đức là những cách thế tốt nhất mà qua đó chúng ta có thể tạo ra những không gian và thời gian tĩnh lặng với Ðức Giêsu.
Các nghị phụ của Công Ðồng Chung Vatican II đã viết: "Trong các sách Thánh, Cha trên trời ngự đến với con cái Ngài cách từ ái và nói với họ" (Về Mạc Khải Thánh Thiện, 21). Trong niềm mong mỏi muốn thấy người giáo dân gặp gỡ Thiên Chúa cách thân mật, các nghị phụ cũng viết rằng Giáo Hội "tha thiết và đặc biệt mong mỏi tất cả các Kitô hữu... học biết nhiều hơn về Ðức Giêsu Kitô bằng cách thường xuyên đọc Thánh Kinh" (25).
Khi chúng ta trở nên quen thuộc với Thánh Kinh, chúng ta sẽ học biết cách nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Khi trí óc chúng ta càng được hình thành theo Lời Chúa, chúng ta càng có khả năng nhận ra ý Ngài và lựa chọn những quyết định theo thánh ý Chúa. Chúng ta hãy dành ra thời gian mỗi ngày để đọc và suy niệm Thánh Kinh. Ở đó, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện với chúng ta.
"Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Linh, xin mở tai con để con nghe Lời Ngài. Xin thắp sáng tâm trí con để con hiểu những sự thật Ngài mạc khải cho con."
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 15
Ðoạn Phúc Âm kể lại câu chuyện ông Lazarô (Lk 16:19-31) đưa ra cho chúng ta một nghịch lý: Chúng ta mất cái mà chúng ta muốn giữ và chúng ta được cái mà chúng ta sẵn sàng cho đi. Dụ ngôn người phú hộ và ông Lazarô cho thấy bi kịch khi chúng ta không ngó ngàng tới việc chia sẻ những gì chúng ta có với tha nhân, đặc biệt với những người nghèo và yếu thế trong xã hội. Người phú hộ không bị kết án vì tài sản của ông ta, nhưng vì sự thờ ơ của ông đối với người nghèo. Cuối cùng, chính ông đã trở thành người ăn mày tuyệt vọng, van xin Abraham cho khỏi chốn hỏa ngục.
Tên Lazarô nghĩa là "Chúa là sự trợ giúp tôi". Bất chấp một cuộc đời đau khổ, Lazarô giữ niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Cuối cùng, ông nhận được gia tài đã dành sẵn cho ông nơi thiên đàng. Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: "Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cữu... Ðiều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em... Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu.. . để rồi sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy".
Bác ái thật sự không phải chỉ là cho đi những gì dư thừa. Bác ái thật sự bao gồm những cho đi có tính hy sinh trong một tình yêu không vị kỷ dành cho Thiên Chúa. Mẹ Têrêxa thích kể câu chuyện này: "Cách đây đã lâu trong nhà trẻ của chúng tôi không có đường cho trẻ con. Một đứa bé lên bốn nghe rằng 'Mẹ Têrêxa không có đường cho trẻ con'. Cháu về nhà và nói với ba mẹ rằng: 'Con sẽ không ăn đường trong 3 ngày. Con sẽ cho mẹ Têrêxa số đường ấy'. Ðứa bé còn quá nhỏ, nói tên tôi còn chưa trúng, nhưng đã dạy tôi một bài học làm sao để yêu với một tình yêu cao cả. Không phải vấn đề là em bé ấy cho đi bao nhiêu nhưng là chuyện em bé đã cho đi với một tình yêu lớn lao".
Ðây chính là cách thế mà Thiên Chúa muốn ta cho đi. Mọi thứ chúng ta có là hồng ân của Ngài - cuộc sống, sức khoẻ, tài năng và của cải. Cách thức chúng ta đầu tư những thứ này quyết định tương lai sau này của chúng ta. Hãy để Thánh Linh thay đổi tim ta và chỉ cho ta thấy con đường đưa đến hạnh ohúc khi chúng ta quảng đại chia sẻ tài năng và của cải chúng ta với anh chị em mình.
"Lạy Chúa, xin làm mềm lòng con để con có thể yêu thương và cho đi cách quảng đại cho những ai đang túng thiếu. Xin cho con cũng biết thương xót anh chị em con như Chúa hằng thương xót con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 16
Một ông nhà giàu kia có thú vui sưu tầm các bức danh họa trên thế giới. Những người đến thăm ông đều phải trầm trồ trước những bức tranh của Picassos và Rembrandts mà ông đã không tiếc tiền mua chúng về treo. Ông có một đứa con trai duy nhất. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai bị gọi nhập ngũ. Trong một trận chiến, anh đã anh dũng hy sinh khi cố gắng cứu mạng cho một đồng đội. Nhớ ơn anh, và biết người cha là một người thích tranh, người đồng đội được cứu sống đã vẽ lại bức tranh ghi lại hình ảnh hào hùng của người con để tặng cho người cha.
Một thời gian sau, người cha cũng qua đời và người ta bán đấu giá những tài sản của ông. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tuốn đến mong có thể mua được những danh họa có một không hai.
Người trọng tài trong cuộc đấu giá bắt đầu bằng cách nói: "Chúng ta hãy khởi đầu từ bức tranh của người con".
Một sự im lặng khó chịu bao trùm căn phòng đấu giá. Một tiếng nói cất lên: "Bỏ qua chuyện đó đi. Bức tranh đó do một tay tài tử vẽ có đáng gì mà đấu giá. Ðấu mấy bức của Picassos hay Rembrandts đi".
Tuy nhiên, người trọng tài vẫn không nhượng bộ: "Không, chúng ta phải bắt đầu bằng bức tranh người con trước. Ai muốn lấy bức tranh của người con".
Cuối cùng, một giọng nói cất lên từ cuối phòng: "Mười đồng". Ðó là tiếng người làm vườn già nua. Mười đồng là tất cả khả năng mà người làm vườn có thể trả nổi.
"Có người trả mười đồng. Có ai trả hơn không? Có ai trả hai mươi đồng không?"
Một sự im lặng nặng nề lại bao trùm, hy vọng bức tranh được bán cho mau để chuyển qua những món khác.
"Mười đồng lần thứ nhất. Mười đồng lần thứ hai. Mười đồng lần thứ ba. Bán".
Người trọng tài gõ búa xuống. Ông xé một bao thư đi kèm với bức tranh. Ðọc xong, ông tuyên bố với mọi người: "Cám ơn quý vị đã đến đây hôm nay. Cuộc đấu giá đã kết thúc". Người trọng tài giải thích: "Nội dung bức thư của chủ nhân dặn rằng hễ ai mua bức tranh người con thì sẽ được tất cả tài sản, đất đai, tiền bạc và tất cả các bức tranh. Người cha đã muốn trao tặng tất cả cho những ai chấp nhận người con".
Trong Ðức Giêsu, Thiên Chúa cho chúng ta mọi thứ, kể cả bức tranh mà Ngài muốn chúng ta trở nên. Với mỗi người trong chúng ta, Thiên Chúa hỏi thẳng chúng ta rất rõ ràng, không úp mở: "Ngươi có chấp nhận Con Duy Nhất của ta không? Ai chấp nhận Con ta thì được mọi sự". Chắc chắn rằng trong cuộc đấu giá trên, nếu người ta biết rõ nội dung bức thư, mọi người sẽ giành giật để đấu cho được bức tranh của người con. Còn chúng ta, chúng ta biết rất rõ ý định Thiên Chúa mà chúng ta lại không chấp nhận người Con thì chúng ta quả là dại dột.
Chúng ta hãy đón nhận Ngài. Không có thánh giá, sẽ không có vinh quang. Chúng ta hãy học nơi Thánh Kinh và tất cả các thánh: "Không phải tôi sống nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi" (Galat 2:20).
"Lạy Ðức Giêsu, con chọn Ngài. Xin sống trong con để con thấy được tự do trong vâng phục và niềm vui là môn đệ Ngài".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 17
Ở thế kỷ thứ 8 trước Thiên Chúa giáng sinh, tiên tri Mikê đã nói về Thiên Chúa như vị mục tử chở che dân Ngài không những khỏi mọi sự dữ và còn cứu họ khỏi tội lỗi nữa. 800 năm sau, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để lời tiên tri của ông Mikê được nên trọn và để tỏ hiện tấm lòng của Cha trên trời - một tấm lòng mục tử.
Thiên Chúa muốn yêu thương và dẫn dắt chúng ta dù chúng ta là ai và chúng ta đã sống như thế nào. Tất cả chúng ta đều cần đến chăm sóc đầy tha thứ, yêu thương và thương xót mà tiên tri Mikê đã mô tả - để chúng ta nên thánh như ý định Chúa muốn nơi chúng ta. Việc nên thánh của chúng ta đòi hỏi nhiều hơn là lời kinh nguyện và việc dự các thánh lễ. Tâm tình mong muốn nên thánh phải là một phần của môi trường sống tại ngay gia đình chúng ta. "Hãy chăm sóc dân ta bằng gậy mục tử của ngươi" (Mikê 7:14). Thiên Chúa muốn chúng ta học cách "chăn dắt" người bạn đời của ta, con cái ta và bạn bè gần gũi ta trong Chúa Kitô.
Thiên Chúa dựng nên ta để ta yêu thương và được yêu thương và càng sống trong sự yêu thương của Ngài - đến từ mọi trạng huống - chúng ta càng được an toàn bước đi trên con đường hướng về quê trời. Chính vì thế gia đình, tổ ấm, phải là môi trường giúp ta nên thánh.
Chúng ta hãy tưởng tượng một mái gia đình nơi những thiếu sót và bất toàn được đáp trả mau mắn bằng cảm thông và tha thứ, nơi mọi người được đối xử với yêu thương, tôn trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chúng ta hãy thử phác họa ra một bức tranh gia đình nơi mà các mối quan hệ được đánh dấu bằng sự chấp nhận và yêu thương vô điều kiện. Chúng ta có thể thấy được bình an đến với những gia đình như vậy thật ấm cúng biết dường nào.
"Hãy chăm sóc dân ta bằng gậy mục tử của ngươi" (Mikê 7:14). Như tiên tri Mikê đã gào lên thế nào, chúng ta cũng hãy gào lên như vậy cho các gia đình và cho đời sống gia đình ngày nay. Nhiều trẻ con đã lớn lên không được chăn dắt bằng một tình yêu mục tử và cảm thấy dễ bị thương tổn vì sự mất an ninh, mất phương hướng và một viễn kiến tầm thường, nhạt nhẽo và nông cạn cho tương lai. Những trẻ em bị thương tổn ngày nay sẽ trở thành những người lớn bị thương tổn và những bậc làm cha mẹ ngày mai. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những bậc làm cha làm mẹ hay những bậc đóng vai trò lãnh đạo. Xin vị Mục Tử Tối Cao trên trời dạy bảo họ đường lối Ngài và mạc khải cho họ kế hoạch của Ngài cho cuộc sống.
"Lạy Ðức Giêsu, với Chúa, mọi chuyện đều có thể thực hiện được. Xin Chúa chữa lành những trẻ em bị bỏ rơi không ai ngó ngàng đến trong thế giới hôm nay. Xin cho họ biết đến tình yêu Ngài. Xin Chúa cũng soi sáng cho các gia đình để cuộc sống họ nên chứng tá về tình yêu của Chúa cho thế gian".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 18
Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?" Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi". (Lk 13:6-9)
Ðoạn Phúc Âm trên làm nhiều người trong chúng ta lo lắng. Có phải Thiên Chúa muốn ra hạn định cho ta và thúc giục ta phải làm hết sức mình để nhanh chóng sinh hoa kết quả cho Ngài? Có lẽ là không. Ðúng là Thiên Chúa muốn ta sinh hoa kết quả cho Ngài. Nhưng hoa quả đến không phụ thuộc nhiều vào điều ta làm nhưng chủ yếu từ điều Ngài làm qua ta.
Bạn hãy xem một cây táo. Những rể của nó hút những chất dinh dưỡng từ lòng đất, và lá của nó nhận năng lượng từ ánh mặt trời. Hoa của nó được thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Tất cả các nguồn này đều đến từ bên ngoài. Công việc chính của cây là tiếp nhận tất cả những trao ban từ Thiên Chúa. Cũng vậy, Thiên Chúa làm cho chúng ta sinh hoa kết quả qua sự hiện diện của Ngài trong ta. Ngài không kỳ vọng chúng ta cậy dựa vào tài năng tự nhiên của ta. Thiên Chúa muốn đổ đầy tài năng chúng ta với quyền năng của Ngài và nâng đỡ chúng ta để chúng ta sinh hoa kết quả cho vương quốc của Ngài.
Bài trích sách xuất hành (Exodus 3:1-8) thường được Giáo Hội chọn đọc chung với đoạn Phúc Âm về dụ ngôn cây vả không sinh trái (Lk 13:6-9) vì có cùng một luận điểm. Ông Môsê đã bị thu hút không phải vì bụi gai đang cháy nhưng vì ngọn lửa đã không thiêu rụi bụi gai. Cũng thế, Thiên Chúa sống trong ta và tỏ lộ sự sống Ngài qua chúng ta. Chúng ta cũng bốc cháy với ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa. Nhưng, như bụi gai, những nhân cách cá nhân và tài năng của chúng ta không bị thiêu hủy. Chúng được nâng lên để chiếu sáng và thu hút tha nhân đến với Thiên Chúa, đấng đang ngự trong ta.
Thiên Chúa muốn sống trong chúng ta để chúng ta có thể trổ sinh hoa trái. Ngài mong muốn con cái Ngài thực thi điều mà Ðức Giêsu đã thực hiện để nước Ngài trị đến trên thế gian. Cách thế để nuôi dưỡng ngọn lửa sự sống Thiên Chúa trong ta là cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, nhận bí tích Thánh Thể, và phục vụ tha nhân. Khi đó, cuộc sống chúng ta trở nên càng ngày càng sinh hoa kết quả vì Chúa sống và hoạt động trong ta mỗi ngày mỗi mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nhận dưỡng chất từ Thiên Chúa và sinh nhiều hoa trái.
"Lạy Ðức Giêsu, không có sự sống của Chúa trong con, con sẽ tàn úa và khô héo. Xin hãy đến và ngự trị trong con. Con hoan hỉ chào đón Ngài đến với tâm hồn con hôm nay. Xin Chúa hãy đến và làm cho con sinh nhiều hoa trái".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 19
Lời cầu nguyện của ông Azariah và những câu chuyện trong sách của tiên tri Daniel được đặt trong bối cảnh của thành Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước Chúa giáng sinh. Lúc đó, Giêrusalem đã bị xâm chiếm và dân chúng bị đi đày. Trong nền văn hóa ngoại bang, nhiều người Do Thái có nguy cơ bị mất đức tin. Những kẻ chiếm đóng buộc họ phải thờ phượng những thần ngoại bang và từ bỏ Giavê Thiên Chúa. Tuy nhiên, như trong sách Daniel đã ghi lại, Thiên Chúa đã dùng chính những thời buổi khó khăn như thế để tiếp cận với dân đang khốn cùng và tỏ lộ tấm lòng Ngài cho họ.
Theo trình thuật của Thánh Kinh, Azariah và các bạn đã chống lại áp lực của ngoại bang ngay cả dưới sự đe dọa của cái chết. Khi họ hướng về Giavê, họ nhận được sự khôn ngoan thánh thiện và sự chở che. "Thánh thần Chúa ngự xuống lò lửa để ở bên cạnh Azariah và các bạn ông" (Daniel 3:26). Và những hệ quả của lòng trung tín vượt xa phép lạ che chở này: các lãnh tụ của dân ngoại cũng nhìn nhận Giavê như là một Thiên Chúa duy nhất.
Xuyên suốt trong lịch sử Cựu Ước, bất cứ khi nào dân Do Thái gặp cảnh gian nan, họ đều hướng về Thiên Chúa để mong cầu ơn giải thoát. Chính trong những khi tuyệt vọng họ mới thấy vinh quang và lòng từ ái của Thiên Chúa tỏ tường hơn và nhận hồng ân của Ngài tự do hơn.
Không phải điều này cũng đúng với chúng ta sao? Trong đời sống thường ngày, chúng ta vẫn thi hành những bổn phận của chúng ta, chúng ta cũng năng đến nhà thờ, nhưng không thực sự gặp gỡ Chúa. Khi biến cố 11/09 xảy ra, trong lúc đen tối nhất, tuyệt vọng và hoang mang nhất, nhiều người Hoa Kỳ mới nhận rõ được vinh quang Chúa và khẩn cầu lòng thương xót và ơn chữa lành của Ngài. Chính trong lúc bi đát ấy, nhiều chướng ngại đến từ cuộc sống bận rộn hàng ngày đã được gỡ bỏ để họ nhận được cách tự do hơn những hồng ân của Chúa.
Chúng ta hãy tìm kiếm Chúa lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Ðôi khi những cách thế của thế gian xen vào làm yếu đi đức tin chúng ta và làm méo mó đi ý nghĩa thực sự của việc gặp gỡ Chúa. Không phải đợi đến lúc khốn cùng chúng ta mới có cơ hội để sửa sai viễn kiến của chúng ta và tìm kiếm quan hệ sâu xa hơn với Thiên Chúa. Mọi ngày trong đời ta, Chúa đều đổ đầy với những cơ hội tương tự. Xin đừng đợi đến kỳ thử thách truân chuyên nhưng hãy hướng về Ðức Giêsu mọi ngày. Ngài đang chờ ta với đôi tay dang rộng để đổ đầy những ngày đời ta với những điều thiện hảo.
"Lạy Ðức Giêsu, xin sai Thánh Thần Chúa đến thắp sáng tâm hồn con để con biết hướng về Chúa trong mọi ngày đời con".
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 20
Xuyên suốt trong lịch sử Cựu Ước, chúng ta thấy một trong những điều cơ bản trong quan hệ giữa dân Do Thái và Thiên Chúa là lòng trung thành và vâng phục của họ đối với Thiên Chúa. Bất cứ khi nào dân Do Thái quay mặt đi với Thiên Chúa, họ gánh chịu xâm lăng, đói kém, lưu đầy và các thứ tai ương thiên nhiên khác. Lúc đó, họ lại quay về với Ngài trong ăn năn và thống hối. Chúng ta cũng thế. Khi tấm thảm dưới chân chúng ta bị kéo đi, chúng ta lại quay về với Chúa, tự xét mối quan hệ với Ngài và giữ lòng chúng ta chú ý lắng nghe tiếng Thiên Chúa hơn.
Như những người Do Thái, chúng ta biết chúng ta yếu đuối và mỏng dòn. Chúng ta dễ bị khuất phục trước những cơn cám dỗ để quên Chúa, quên sự thực thi lề luật của Ngài và quên đi những hồng ân Ngài luôn tuôn đổ xuống đời ta. Chúng ta gục ngã liên tục trước những cơn cám dỗ đến nỗi gần như tuyệt vọng với chính mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khi Thiên Chúa sai Con Ngài đến trong thế gian, Ngài cũng sai Thánh Thần Chúa đến để tăng sức cho chúng ta biết lắng nghe và tuân giữ lời Ngài.
Thờ phượng, tán tụng và ngợi khen là những phương thế để Ðức Giêsu có thể đong đầy hồn ta bằng sự hiện diện của Ngài. Khi chúng ta dán mắt vào Ðức Giêsu trong lời cầu nguyện, ta đón rước Ngài hàng ngày vào trong tâm hồn ta để giúp ta thực thi lề luật. Ta càng hướng về Ngài, Ngài càng có nhiều cơ hội để ghi khắc trong tim ta lề luật của Ngài. Và như thế, việc tuân giữ lề luật Ngài không còn khó khăn nữa vì có Chúa giúp ta thực thi những điều này.
"Lạy Chúa Thánh Thần, tán tụng Ngài đã ngự vào hồn con. Xin hãy viết lên trái tim con lề luật yêu thương của Ngài để con luôn tuân giữ những điều Chúa đã truyền dạy. Con dâng toàn thể hồn xác con trong tay Ngài".
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đã bầu được Tân Giáo Chủ Chính Thống Giáo Hy Lạp là Đức Ierominos
Ngọc Loan
02:06 08/02/2008
Athens: Sáng hôm nay 8/2 Thượng Hội Đồng Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp đã bầu Giám Mục Ierominos tại Thebes làm Tân Tổng Giám Mục Athens, Tân Giáo Chủ Chính Thống Giáo Hy Lạp.
Mặc dầu, Đức Ierominos được coi là một người ôn hòa và là một người “chữa lành”, vị giáo sĩ 70 tuổi này sẽ tiếp tục con đường đã dọn sẵn tới Roma của vị tiền nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Chirstodoulos đã qua đời vào tuần qua. Cách đây 10 năm, vị tân Giáo Chủ Ierominos cũng là người đứng hàng thứ 2 được 45 phiếu sau Đức Christodoulos được 74 phiếu trong cuộc bầu chọn Giáo Chủ vào năm 1998.
Đức Ieorominous, nguyên là Giám Mục Chính Thống Giáo tại Thebes thuộc miền Trung Hy Lạp, và có sự liên hệ tốt lành với Đại Thượng Phụ, vị lãnh đạo tinh thần của tất cả các tín đồ Chính Thống Giáo.
Đức Giám Mục Anthimos tại Salonika là người cũng đã được bầu trong chức Giáo Chủ đã phát biểu ngoài Nhà Thờ Chánh Tòa Athens nơi diễn ra cuộc bầu cử rằng: “Đây là một bước khởi đầu trong đời sống Giáo Hội”.
Khi kết quả cuộc bầu cử được loan báo, tiếng chuông nhà thờ được kéo liên tục và tất cả những tín hữu Chính Thống ngoài nhà thờ đã vỗ tay chào mừng, sau đó đã đi theo Đức Ieronimos và đoàn tùy tùng của Ngài tới văn phòng mới của vị Giáo Chủ.
Linh Mục Dòng Tên Michel Roussos, giám đốc trạm truyền giáo của Dòng Tên tại Hy Lạp đã nói với thông tấn xã AP rằng: ‘tôi hy vọng việc tuyển chọn Ngài sẽ tiếp tục gia tăng những mối quan hệ tốt giữa Chính Thống và Công Giáo”, và Cha Michel Roussos SJ cũng ghi nhận rằng Đức Ierominous đã một thời dạy văn chương tại Trường Trung Học Công Giáo Leontios tại Athens.
Cố Tổng Giám Mục Christodoulos, đã từ trần vào ngày 28/1 đã đóng góp rất lớn để cải thiện mối bang giao với Công Giáo và đã mời Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới viếng thăm Athens vào năm 2001 và cuối năm 2006 Ngài là người đầu tiên với tư cách là Giáo Chủ Chính Thống Giáo Hy Lạp đã tới Vatican viếng thăm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Thế nhưng, mặc dầu những năm cuối đời Ngài được chữa trị bệnh ung thư tại Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ đã chỉ trích Ngài và cho Ngài là người “thọc gậy bánh xe” và xen vào chuyện chính trị, khi Đức Christodoulos nói rằng những người đồng tình luyến ái là những người “khiếm khuyết”. Trong vụ máy bay khủng bố làm sập Tòa Tháp Đôi ngày 11/9/2001 tại Hoa Kỳ, Đức Christodoulos nói rằng đó là hậu quả của Hoa Kỳ “gieo gió thì gặp bão” vì sự “phẫn nộ của Thượng Đế”.
Đức Christodolous đã đến Hoa Kỳ hồi tháng 6/2007 để giải phẫu chữa trị bệnh ung thư ruột, tại đây Bác Sĩ khám phá ra Ngài đã bị mắc chứng ung thư gan. Khi trở lại Miami Hoa Kỳ vào tháng 8 để chuẩn bị thay gan, thì đến tháng 9 Bác Sĩ đã khám phá ra thêm rằng ung thư gan đã hoành hành vô phương cứu chữa không thể thay gan được nữa. Đức Tổng đã trở về Athens và qua đời vào cuối tháng Giêng vừa qua.
Không như Đức Christodoulos là người dám nói mạnh bạo, Đức Ieronimos là người có chừng mực và ước mong hồi phục lại sự thương thảo với Đại Thượng Phụ, vốn đã có căng thẳng vì những tranh chấp đến một số giáo phận Chính Thống tại Hy Lạp.
Đức Ieronimos cũng đối kháng với “chủ nghĩa cực đoan” mà vào năm 2000 cố Giáo Chủ Christodoulos đã kêu gọi toàn bộ biểu tình chống nhà nước vì quyết định hủy bỏ liệt kê thành phần tôn giáo trong thẻ căn cước của dân Hy Lạp.
Thị trưởng tại Thebes ở miền Trung Hy Lạp, nơi Đức Ieronimos làm Giám Mục từ năm 1981, nói rằng Tân Tổng Giám Mục biết rõ đến những giá trị dân chủ
Thị trưởng Nikolaos Svigos đã nói với đài truyền thanh Flash rằng: “Cuộc tuyển chọn ngài là một đảm bảo cho mối quan hệ tốt với nhân dân và Đức Thượng Phụ”.
Theo hiến pháp Hy Lạp, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp không tách rời khỏi đất nước.
Đức Ieronimos, từ lâu là nhà đào tạo vẫn đặt trọng tâm giáo dục và huấn luyện giáo sĩ của mình, Ngài đã tu học 9 tháng tại Munich- Đức Quốc.
Chính vì có những sự chia rẽ giữa các phái Chính Thống Giáo, và trong thời gian gần đây những thương thảo giữa Giáo Hội Công Giáo Roma và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Alexei II có phần gia tăng, và một trong những ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là mối liên hệ với Chính Thống Giáo, cho nên Tòa Thánh cũng rất cẩn thận để “đánh bóng” mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, vì được người này thì lại mất người kia, đơn giản là thế.
Mặc dầu, Đức Ierominos được coi là một người ôn hòa và là một người “chữa lành”, vị giáo sĩ 70 tuổi này sẽ tiếp tục con đường đã dọn sẵn tới Roma của vị tiền nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Chirstodoulos đã qua đời vào tuần qua. Cách đây 10 năm, vị tân Giáo Chủ Ierominos cũng là người đứng hàng thứ 2 được 45 phiếu sau Đức Christodoulos được 74 phiếu trong cuộc bầu chọn Giáo Chủ vào năm 1998.
Đức Ieorominous, nguyên là Giám Mục Chính Thống Giáo tại Thebes thuộc miền Trung Hy Lạp, và có sự liên hệ tốt lành với Đại Thượng Phụ, vị lãnh đạo tinh thần của tất cả các tín đồ Chính Thống Giáo.
Đức Giám Mục Anthimos tại Salonika là người cũng đã được bầu trong chức Giáo Chủ đã phát biểu ngoài Nhà Thờ Chánh Tòa Athens nơi diễn ra cuộc bầu cử rằng: “Đây là một bước khởi đầu trong đời sống Giáo Hội”.
Khi kết quả cuộc bầu cử được loan báo, tiếng chuông nhà thờ được kéo liên tục và tất cả những tín hữu Chính Thống ngoài nhà thờ đã vỗ tay chào mừng, sau đó đã đi theo Đức Ieronimos và đoàn tùy tùng của Ngài tới văn phòng mới của vị Giáo Chủ.
Linh Mục Dòng Tên Michel Roussos, giám đốc trạm truyền giáo của Dòng Tên tại Hy Lạp đã nói với thông tấn xã AP rằng: ‘tôi hy vọng việc tuyển chọn Ngài sẽ tiếp tục gia tăng những mối quan hệ tốt giữa Chính Thống và Công Giáo”, và Cha Michel Roussos SJ cũng ghi nhận rằng Đức Ierominous đã một thời dạy văn chương tại Trường Trung Học Công Giáo Leontios tại Athens.
Cố Tổng Giám Mục Christodoulos, đã từ trần vào ngày 28/1 đã đóng góp rất lớn để cải thiện mối bang giao với Công Giáo và đã mời Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới viếng thăm Athens vào năm 2001 và cuối năm 2006 Ngài là người đầu tiên với tư cách là Giáo Chủ Chính Thống Giáo Hy Lạp đã tới Vatican viếng thăm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Thế nhưng, mặc dầu những năm cuối đời Ngài được chữa trị bệnh ung thư tại Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ đã chỉ trích Ngài và cho Ngài là người “thọc gậy bánh xe” và xen vào chuyện chính trị, khi Đức Christodoulos nói rằng những người đồng tình luyến ái là những người “khiếm khuyết”. Trong vụ máy bay khủng bố làm sập Tòa Tháp Đôi ngày 11/9/2001 tại Hoa Kỳ, Đức Christodoulos nói rằng đó là hậu quả của Hoa Kỳ “gieo gió thì gặp bão” vì sự “phẫn nộ của Thượng Đế”.
Đức Christodolous đã đến Hoa Kỳ hồi tháng 6/2007 để giải phẫu chữa trị bệnh ung thư ruột, tại đây Bác Sĩ khám phá ra Ngài đã bị mắc chứng ung thư gan. Khi trở lại Miami Hoa Kỳ vào tháng 8 để chuẩn bị thay gan, thì đến tháng 9 Bác Sĩ đã khám phá ra thêm rằng ung thư gan đã hoành hành vô phương cứu chữa không thể thay gan được nữa. Đức Tổng đã trở về Athens và qua đời vào cuối tháng Giêng vừa qua.
Không như Đức Christodoulos là người dám nói mạnh bạo, Đức Ieronimos là người có chừng mực và ước mong hồi phục lại sự thương thảo với Đại Thượng Phụ, vốn đã có căng thẳng vì những tranh chấp đến một số giáo phận Chính Thống tại Hy Lạp.
Đức Ieronimos cũng đối kháng với “chủ nghĩa cực đoan” mà vào năm 2000 cố Giáo Chủ Christodoulos đã kêu gọi toàn bộ biểu tình chống nhà nước vì quyết định hủy bỏ liệt kê thành phần tôn giáo trong thẻ căn cước của dân Hy Lạp.
Thị trưởng tại Thebes ở miền Trung Hy Lạp, nơi Đức Ieronimos làm Giám Mục từ năm 1981, nói rằng Tân Tổng Giám Mục biết rõ đến những giá trị dân chủ
Thị trưởng Nikolaos Svigos đã nói với đài truyền thanh Flash rằng: “Cuộc tuyển chọn ngài là một đảm bảo cho mối quan hệ tốt với nhân dân và Đức Thượng Phụ”.
Theo hiến pháp Hy Lạp, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp không tách rời khỏi đất nước.
Đức Ieronimos, từ lâu là nhà đào tạo vẫn đặt trọng tâm giáo dục và huấn luyện giáo sĩ của mình, Ngài đã tu học 9 tháng tại Munich- Đức Quốc.
Chính vì có những sự chia rẽ giữa các phái Chính Thống Giáo, và trong thời gian gần đây những thương thảo giữa Giáo Hội Công Giáo Roma và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Alexei II có phần gia tăng, và một trong những ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là mối liên hệ với Chính Thống Giáo, cho nên Tòa Thánh cũng rất cẩn thận để “đánh bóng” mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, vì được người này thì lại mất người kia, đơn giản là thế.
Chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Hoa Kỳ từ 15 đến 20 tháng 4 năm 2008
Nguyễn Long Thao
10:56 08/02/2008
VATICAN 8/02/08 – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 15 đến 20 tháng Tư năm 2008. Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh đã xác nhận ĐTC sẽ viếng thăm thủ đô Washington, thành phố New York và trụ sở Liên Hiệp Quốc. Như vậy ĐTC sẽ mừng lễ sinh nhật thứ 81 của mình và năm thứ ba lên ngôi Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ. Sau đây là lịch trình 4 ngày ĐTC tại Hoa Kỳ:
Thứ Ba 15/04 : ĐTC đến Washington vào buổi chiều, nghỉ đêm tại Tòa Khâm Sứ
Thứ Tư 16/04:
- Sinh nhật của ĐTC, buổi sáng Ngài gặp Tổng Thống George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc.
- Buổi chiều gặp 400 vị Giám Mục Hoa Kỳ tại Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm
Thứ Năm 17/04:
- Buổi sáng ĐTC cử hành thánh lễ cho giáo dân tổng Giáo Phận Washington tại Công Viên Quốc Gia.
- Buổi chiều, Ngài gặp 200 viện trưởng, 200 sinh viên và các giáo sư đại học Công Giáo. Sau đó tại trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II, ĐTC sẽ gặp 200 vị đại diện của Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và đạo Sikhs tại Hoa Kỳ
Thứ Sáu 18/04:
- Buổi sáng ĐTC đi New York, Ngài sẽ viếng thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc và đọc bài diễn văn trước phiên họp Đại Hội Đồng. Ngài sẽ gặp Hội Đồng Bảo An.
- Buổi chiều tại nhà thờ thánh Giuse ở Manhattan, ĐTC sẽ cử hành nghi thức phung vụ có các đại biểu của nhiều tôn giáo như Tin lành, Chính Thống.
Thứ Bảy 19/04:
- Buổi sáng: Hôm nay là ngày kỷ niệm năm thứ 3 trong ngôi vị Giáo Hoàng, tại nhà thờ St. Patrick ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với khoảng 3000 Linh Mục, Thầy Sáu, Tu Sĩ nam nữ.
- Buổi chiều Ngài gặp khoảng 10,000 bạn trẻ
Chúa Nhật 20/04:
- Buổi sáng: ĐTC sẽ viếng thăm địa điểm Ground Zero là nơi quân khủng bố vào ngày 9/ 11 đã dùng máy bay đâm vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới làm thiệt mạng 2749 người.
- Buổi chiều tại vận động trường Yankee Stadium. ĐTC sẽ dâng thánh lễ cho khoảng 60,000 người. Sau đó Ngài lên máy bay trở về Roma. Theo dự trù Ngài sẽ về đến Roma vào sáng thứ Hai ngày 21 tháng 4.
Thứ Ba 15/04 : ĐTC đến Washington vào buổi chiều, nghỉ đêm tại Tòa Khâm Sứ
Thứ Tư 16/04:
- Sinh nhật của ĐTC, buổi sáng Ngài gặp Tổng Thống George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc.
- Buổi chiều gặp 400 vị Giám Mục Hoa Kỳ tại Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm
Thứ Năm 17/04:
- Buổi sáng ĐTC cử hành thánh lễ cho giáo dân tổng Giáo Phận Washington tại Công Viên Quốc Gia.
- Buổi chiều, Ngài gặp 200 viện trưởng, 200 sinh viên và các giáo sư đại học Công Giáo. Sau đó tại trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II, ĐTC sẽ gặp 200 vị đại diện của Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và đạo Sikhs tại Hoa Kỳ
Thứ Sáu 18/04:
- Buổi sáng ĐTC đi New York, Ngài sẽ viếng thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc và đọc bài diễn văn trước phiên họp Đại Hội Đồng. Ngài sẽ gặp Hội Đồng Bảo An.
- Buổi chiều tại nhà thờ thánh Giuse ở Manhattan, ĐTC sẽ cử hành nghi thức phung vụ có các đại biểu của nhiều tôn giáo như Tin lành, Chính Thống.
Thứ Bảy 19/04:
- Buổi sáng: Hôm nay là ngày kỷ niệm năm thứ 3 trong ngôi vị Giáo Hoàng, tại nhà thờ St. Patrick ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với khoảng 3000 Linh Mục, Thầy Sáu, Tu Sĩ nam nữ.
- Buổi chiều Ngài gặp khoảng 10,000 bạn trẻ
Chúa Nhật 20/04:
- Buổi sáng: ĐTC sẽ viếng thăm địa điểm Ground Zero là nơi quân khủng bố vào ngày 9/ 11 đã dùng máy bay đâm vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới làm thiệt mạng 2749 người.
- Buổi chiều tại vận động trường Yankee Stadium. ĐTC sẽ dâng thánh lễ cho khoảng 60,000 người. Sau đó Ngài lên máy bay trở về Roma. Theo dự trù Ngài sẽ về đến Roma vào sáng thứ Hai ngày 21 tháng 4.
Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Costa Rica
G. Trần Đức Anh OP
20:49 08/02/2008
VATICAN. Sáng 8-2-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến các GM nước Costa Rica và khích lệ các vị tìm kiếm phương thế thích hợp để rao giảng Tin Mừng trong hoàn cảnh xã hội biến chuyển mau lẹ ngày nay.
Các GM thuộc 8 giáo phận Costa Rica vừa kết thúc cuộc hành hương Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.
Trong bài huấn dụ ĐTC khẳng định rằng dân tộc Costa Rica cần liên tục làm cho những căn cội Kitô kỳ cựu của mình được sinh động, cùng với lòng đạo đức bình dân nồng nhiệt, lòng sùng kính Đức Mẹ, để chúng mang lại những hoa trái của một cuộc sống xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện và các bí tích, bằng cuộc sống phù hợp với niềm tin, và đặc biệt tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.
ĐTC nói: ”Anh em GM thân mến, anh em biết rõ những nguy hiểm của một đời sống đức tin mệt mỏi và hời hợt khi nó gặp phải những quyến rũ như sự chiêu dụ của các giáo phái hoặc các nhóm ngụy tôn giáo, họ đưa ra bao nhiêu hứa hẹn về cuộc sống sung túc thoải mái và tức thời, nhưng rốt cuộc chỉ để lại sự chán chường thất vọng; hoặc khi đời sống đức tin ấy gặp phải sự lan tràn những ý thức hệ tuy có vẻ đề cao con người, nhưng thực ra chúng chỉ tầm thường hóa con người mà thôi. Trong tình trạng đó, một điều có giá trị vô giá, đó là loan báo niềm hy vọng lớn lao của con người, mặc dù gặp bao nhiêu thất vọng, niềm hy vọng cao cả ấy là Thiên Chúa, Đấng đã và còn tiếp tục yêu thương chúng ta” (cf Spe salvi, 27).
ĐTC cũng nhắc đến tầm quan trọng của chứng tá sinh động về niềm hy vọng ấy do các tu sĩ nam nữ thực hiện, niềm hy vọng nâng cao và củng cố tâm hồn giữa những thăng trầm của đời người.
Ngài không quên đề cao vai trò của giáo dân, và đặc biệt kêu gọi các giáo lý viên cũng như những người linh hoạt cộng đoàn luôn nhớ rằng cần phải liên kết sự thông truyền đạo lý ngay thẳng của Giáo Hội với chứng tá bản thân, và quyết tâm sống theo các giới răn của Chúa, qua kinh nghiệm sinh động là những phần tử trung kiên và tích cực của Giáo Hội.
Sau cùng, ĐTC kêu gọi các GM Costa Rica thăng tiến và bảo vệ các quyền của gia đình trước các cấp chính quyền, đồng thời phát triển việc mục vụ giúp các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn. Trong chiều hướng này, một điều rất quan trọng là cần đẩy mạnh việc mục vụ huấn giáo tiền hôn nhân một cách thích hợp.
Costa Rica là một nước nhỏ ở Trung Mỹ, rộng hơn 50 ngàn cây số vuông, với 4 triệu 135 ngàn dân, trong đó 76,3% là tín hữu Công Giáo, hơn 14% theo Tin Lành. (SD 8-2-2008)
Các GM thuộc 8 giáo phận Costa Rica vừa kết thúc cuộc hành hương Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.
Trong bài huấn dụ ĐTC khẳng định rằng dân tộc Costa Rica cần liên tục làm cho những căn cội Kitô kỳ cựu của mình được sinh động, cùng với lòng đạo đức bình dân nồng nhiệt, lòng sùng kính Đức Mẹ, để chúng mang lại những hoa trái của một cuộc sống xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện và các bí tích, bằng cuộc sống phù hợp với niềm tin, và đặc biệt tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.
ĐTC nói: ”Anh em GM thân mến, anh em biết rõ những nguy hiểm của một đời sống đức tin mệt mỏi và hời hợt khi nó gặp phải những quyến rũ như sự chiêu dụ của các giáo phái hoặc các nhóm ngụy tôn giáo, họ đưa ra bao nhiêu hứa hẹn về cuộc sống sung túc thoải mái và tức thời, nhưng rốt cuộc chỉ để lại sự chán chường thất vọng; hoặc khi đời sống đức tin ấy gặp phải sự lan tràn những ý thức hệ tuy có vẻ đề cao con người, nhưng thực ra chúng chỉ tầm thường hóa con người mà thôi. Trong tình trạng đó, một điều có giá trị vô giá, đó là loan báo niềm hy vọng lớn lao của con người, mặc dù gặp bao nhiêu thất vọng, niềm hy vọng cao cả ấy là Thiên Chúa, Đấng đã và còn tiếp tục yêu thương chúng ta” (cf Spe salvi, 27).
ĐTC cũng nhắc đến tầm quan trọng của chứng tá sinh động về niềm hy vọng ấy do các tu sĩ nam nữ thực hiện, niềm hy vọng nâng cao và củng cố tâm hồn giữa những thăng trầm của đời người.
Ngài không quên đề cao vai trò của giáo dân, và đặc biệt kêu gọi các giáo lý viên cũng như những người linh hoạt cộng đoàn luôn nhớ rằng cần phải liên kết sự thông truyền đạo lý ngay thẳng của Giáo Hội với chứng tá bản thân, và quyết tâm sống theo các giới răn của Chúa, qua kinh nghiệm sinh động là những phần tử trung kiên và tích cực của Giáo Hội.
Sau cùng, ĐTC kêu gọi các GM Costa Rica thăng tiến và bảo vệ các quyền của gia đình trước các cấp chính quyền, đồng thời phát triển việc mục vụ giúp các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn. Trong chiều hướng này, một điều rất quan trọng là cần đẩy mạnh việc mục vụ huấn giáo tiền hôn nhân một cách thích hợp.
Costa Rica là một nước nhỏ ở Trung Mỹ, rộng hơn 50 ngàn cây số vuông, với 4 triệu 135 ngàn dân, trong đó 76,3% là tín hữu Công Giáo, hơn 14% theo Tin Lành. (SD 8-2-2008)
Thủ Lãnh Đoàn Hiệp Sĩ Malta, Cụ Fra Andrew Bertie đã từ trần tại Roma
Ngọc Loan
23:10 08/02/2008
Roma Cụ Fra Andrew Willoughby Ninian Bertie, thuộc dòng dõi hoàng gia quý tộc Stuart tại Anh, là vị thủ lãnh thứ 78 của Đoàn Hiệp Sĩ Matla, là Tu Hội Công Giáo Roma cổ kính đã được Chúa gọi về nhà Cha vào ngày Thứ Năm 7/2 tại Roma, hưởng thọ 78 tuổi. Cụ cũng là người Anh đầu tiên giữ chức vụ thủ lãnh của Đoàn.
Khi Cụ Fra Andrew Bertie qua đời, Đoàn Hiệp Sĩ Malta đã bầu ông Fra Giacomo della Torre, làm vị thủ lãnh lâm thời cho đến khi bầu lại tân thủ lãnh mới. Những vị thủ lãnh có chữ Fra đằng trước tên là tước hiệu.
Vị thủ lãnh được bầu lên sẽ giữ nhiệm vụ suốt đời và có tước hiệu là thái tử và có vai trò chức vụ tương đương với một vị hồng y. Vị thủ lãnh và thuộc dòng quý tộc trong gia phả 2 hệ cha và mẹ kéo dài trong 200 năm và phải khấn 3 lời khấn vâng lời, trong sạch và khó nghèo. Thế nhưng dù có 3 lời khấn nhưng vị thủ lãnh không phải là Linh Mục và sự tuyển chọn vị thủ lãnh phải được Đức Giáo Hoàng chuẩn y.
Thân sinh của cụ Bertie là James là người buôn bán cổ phần tại London. Thân mẫu là Phu Nhân Jean Crichton-Stuart, thuộc dòng dõi Hoàng Gia Stuart, cai trị nước Scotland từ năm 1371-1603 và cai trị Anh Quốc và Scotland từ năm 1603-1714 nghĩa là dòng tộc đã cai trị trong suốt 11 năm không gián đoạn vào thế kỷ thứ 17.
Cậu Bertie sinh trưởng tại London vào ngày 15/5 1929, theo học trường Ampleforth, Christ Church Oxford và theo học Đại Học tại Luân Đôn, khoa nghiên cứu Đông Phương và Phi Châu. Phục vụ trong lực lượng bảo vệ Scotland, đi dạy võ nhu đạo, làm ký giả thương mại tại thành phố Luân Đôn, trước khi đi theo học Đại Học Worth tại Sussex về ngôn ngữ Tân Thời gồm có tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Tham gia đoàn Hiệp Sĩ vào năm 1956 và tuyên hứa 3 lời khấn vào năm 1981, phục vụ trong Ủy Ban Tối Cao (điều hành Đoàn Hiệp Sĩ trong 7 năm trước khi được bầu lên làm thủ lãnh Đoàn Hiệp Sĩ vào ngày 8/4/1988.
Cụ Andres Bertie nói được 5 thứ tiếng như tiếng mẹ đẻ. Cụ đã được uy tín và nhiều người biết đến vì xả thân trong các chương trình nhân đạo, gia tăng các thành viên trong Đoàn và có mặt tại 120 quốc gia, mở rộng hoạt động ngoại giao đến 100 quốc gia, trong đó đã gia tăng 49 quốc gia dưới quyền thủ lãnh của cụ. Riêng tại Á Châu và Thái Bình Dương có được 15 quốc gia bao gồm đến Thái Lan, Singapore, Cam Bốt và Australia nhưng không có Việt Nam.
Đoàn Hiệp Sĩ Maltta có 12,500 thành viên và hoạt động tại 120 quốc gia, phục vụ trong các dịch vụ y tế, xã hội và nhất là tại những nơi xảy ra chiến tranh hay những nơi bần cùng hóa.
Cụ đã được phong làm công dân đanh dự tại nhiều nơi bao gồm: Rapallo (1992), Veroli (1993), Lộ Đức (1999), Magione (2002), Birgu (2003) và Santa Severina (2003). Tại Bolvia vào năm 2002 cụ được tôn là công dân danh dự Huesped Ilustre (tại La Paz, El Alto và Santa Cruz).
Được trao Huân Chương Hòa Bình 2005 và giải thưởng Matteo Ricci vào năm 2006.
Được trao bằng tiến sĩ danh dự: Y Khoa và Giải Phẫu từ Đại Học Bologna (1992) Luật Khoa từ Đại Học Malta (1993), Nhân Đạo từ Đại Học Santo Domigo (1995) và từ Đại Học Công Giáo Bolivana San Pablo tại Bolivia (2002), Luật Khoa từ Đại Học St John ở Minnesota Hoa Kỳ (2003).
Cụ cũng được trao nhiều phẩm hàm từ Tòa Thánh, Italia và từ trên 50 quốc gia trên thế giới.
Linh cửu của cụ Bertie hiện đang được quàn tại thánh đường ở Roma trên đồi Aventine. Trong những ngày sắp tới các hiệp sĩ của Đoàn Malta đang và sẽ đổ về thăm viếng linh cữu cùng tham dự lễ an táng. Ngày giờ và chi tiết lễ an táng chưa được công bố chính thức.
Tóm tắt lịch sử Đoàn Hiệp Sĩ Malta
1048 Jerusalem: khởi sự từ năm 1048 từ các nhà buôn từ quốc gia cổ Amlfi được chính quyền tại Ai Cập cho phép xây thánh đường, tu viện và bệnh viện tại Jerusalem, với mục đích chăm lo cho khách hành hương đến từ mọi chủng tộc không phân biệt tôn giáo. Tu hội Thánh Gioan tại Giêrusalem trở thành một cộng đoàn đan tu điều hành và mở các bệnh viện cho khách hành hương tại Thánh Địa, trở thành độc lập và dưới sự điều khiển của vị sáng lập là Chân Phước Gérard. Đức Đức Giáo Hoàng Pascal II chuẩn y trong Sắc Lệnh vào ngày 15/11/1113. Lúc đó tất cả các thành viên là tu sĩ với ba lời khấn: vâng lời, trong sạch và khó nghèo. Về sau vì để bảo vệ cho khách hành hương, tu hội đã biến thành lực lượng bảo vệ và những cuộc nổi dậy trong Thập Tự Chinh, từ đó biến thành Đoàn Hiệp Sĩ.
Tu hội đã đeo một biểu tường là cây Thánh Giá 8 cạnh tượng trưng cho Bát Phúc (tám mối phúc thật) và huy hiệu ấy vẫn còn xử dụng cho đến ngày nay.
1310- Rhodes: Khi lực lượng trấn thủ Thánh Địa cuối cùng bị đánh bại vào năm 1291, Đoàn Hiệp Sĩ đã rút về Cyprus vào năm 1310 do vị Thủ Lãnh Fra Fouques de Villare tại hòn đảo Rhodes.
Để bảo vệ các tín hữu Kitô, đòi hỏi phải có lực lượng hải quân, để đối phó với tàu chiến nước ngoài, Đoàn Hiệp Sĩ đã xây một thành kiên cố tại miền Đông Địa Trung Hải và đã đánh nhiều trận ác liệt nổi danh nhất là trong thời kỳ bắt bớ và tử đạo, thí dụ như cuộc chiến Thập Tự Chinh tại Syria và tại Ai Cập. Được coi như là lực lượng bảo vệ độc lập không lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào theo sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng
Vào đầu thế kỷ thứ 14 tất cả các hiệp sĩ không phân biệt chủng tộc và ngôn ngữ đã tụ về Rhodes từ khắp bốn miền tại Châu Âu, và lập thành nhóm theo ngôn ngữ của họ. Lúc đó có 7 nhóm theo ngôn ngữ: Provence, Aubengne, France, Ialy, Aragon, Anh Quốc (Scotland và Ireland), Đức. Đến năm 1942 có thêm một nhóm nữa gồm những người nói tiếng Aragon đã chia làm 2 ngôn ngữ là Castille và Bồ Đào Nha. Mỗi nhóm đều có vị thủ lãnh riêng nhưng tất cả đều dưới quyền thủ lãnh của Đại Hiệp Sĩ với tước hiệu là Thái Tử thành Rhodes.
1530- Malta: Sau 6 tháng trong cuộc chiến ác liệt với lực lượng Sultan, Đoàn Hiệp Sĩ đã thất thủ đầu hàng vào năm 1523 và đã rời đảo Rhodes. Đoàn Hiệp Sĩ với số hiệp sĩ còn lại đã tản mạn không còn đất dụng võ mãi cho tới năm 1530 khi Đại Hiệp Sĩ Fra Philippe de Villiers de I'lsle Adam chiếm được Malta, được sự hỗ trợ của Hoàng Đế Charles V và sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng Clemente VII.
Trong trận chiến khốc liệt chưa từng có, Đoàn Hiệp Sĩ đã đánh bại lực lượng thủy quân Ottoman trong trận chiến tại Lepano vào năm 1571.
1798- Sống lưu vong: sau 200 năm vào năm 1798, Napoleon Bonaparte chiếm được hòn đảo trong chiến lược tiến về Ai Cập. Vì luật của Đoàn Hiệp Sĩ là không được dùng vũ khí để sát hát những người Kitô Giáo, nên Đoàn Hiệp Sĩ phải buộc rời Malta, mặc dầu Đoàn Hiệp Sĩ có chủ quyền xử dụng và ở lại Malta theo Hiệp Ước Amiens, nhưng Đoàn Hiệp Sĩ đã không thể trở về lại Malta.
1834: - Roma: sau khi tạm thời rút về tại Messina, Catania và Ferra. Năm 1834 Đoàn Hiệp Sĩ đã rút và đóng vĩnh viễn tại Roma trên đồi Aventine.
Thế kỷ 20 và 21: phục vụ chính của Đoàn Hiệp Sĩ vẫn là phục vụ trong ngành y tế, đã khiến cho hoạt động của Đoàn trở thành cần thiết và mạnh mẽ hơn, đặc biệt đến những hoạt đồng trợ giúp qua nhiều thế kỷ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đoàn đã hoạt động mạnh mẽ hơn trong Thế Chiến Thứ I và dưới quyền thủ lãnh của Fra Ludovico Chigi Alban delă Rovere và dưới thời của Fra Angelo de Mojana di Cologna (1962-1988)
Đoàn Hiệp Sĩ Malta hiện nay là Tu Hội theo Giáo Luật có 3 cấp với những lời khấn suốt đời:
Cấp 1: gồm các Hiệp Si Công Lý là các tu sĩ với 3 lời khấn: Vâng Lời, Trong Sạch và Khó Nghèo. Các tu sĩ này không buộc phải sống trong Cộng Đoàn của Đoàn.
Cấp 2:: gồm những người nam nữ khấn hứa vâng lời và cam kết sống theo nguyên tắc của người Kitô Hữu và sống theo những nguyên tắc được linh hứng bởi Đoàn. Cấp này chia làm 3 hạng:
- Hiệp Sĩ Danh Dự tận hiến sống vâng lời
- Hiệp Sĩ Ân Sủng tận hiến sống vâng lời
- Hiệp Sĩ Ấn Giáo Huấn tận hiến sống vâng lời
Cấp 3: gồm những giáo dân không buộc phải khấn những lời khấn tu trì hay tuân giữ những lời hứa, nhưng buộc phải sống theo nguyên tắc giảng dạy của Giáo Hội và của Đoàn, một lần nữa cấp này lại chia làm 6 loại:
- Hiệp Sĩ Danh Dự và Tận Hiến
- Các Tuyên Úy
- Hiệp Sĩ Ân Sủng và Tận Hiến
- Tuyên Uý Giảng Dạy
- Hiệp Sĩ Ân Giáo Huấn
- Những người nam nữ sống Tận Hiến.
Khi Cụ Fra Andrew Bertie qua đời, Đoàn Hiệp Sĩ Malta đã bầu ông Fra Giacomo della Torre, làm vị thủ lãnh lâm thời cho đến khi bầu lại tân thủ lãnh mới. Những vị thủ lãnh có chữ Fra đằng trước tên là tước hiệu.
Vị thủ lãnh được bầu lên sẽ giữ nhiệm vụ suốt đời và có tước hiệu là thái tử và có vai trò chức vụ tương đương với một vị hồng y. Vị thủ lãnh và thuộc dòng quý tộc trong gia phả 2 hệ cha và mẹ kéo dài trong 200 năm và phải khấn 3 lời khấn vâng lời, trong sạch và khó nghèo. Thế nhưng dù có 3 lời khấn nhưng vị thủ lãnh không phải là Linh Mục và sự tuyển chọn vị thủ lãnh phải được Đức Giáo Hoàng chuẩn y.
Thân sinh của cụ Bertie là James là người buôn bán cổ phần tại London. Thân mẫu là Phu Nhân Jean Crichton-Stuart, thuộc dòng dõi Hoàng Gia Stuart, cai trị nước Scotland từ năm 1371-1603 và cai trị Anh Quốc và Scotland từ năm 1603-1714 nghĩa là dòng tộc đã cai trị trong suốt 11 năm không gián đoạn vào thế kỷ thứ 17.
Cậu Bertie sinh trưởng tại London vào ngày 15/5 1929, theo học trường Ampleforth, Christ Church Oxford và theo học Đại Học tại Luân Đôn, khoa nghiên cứu Đông Phương và Phi Châu. Phục vụ trong lực lượng bảo vệ Scotland, đi dạy võ nhu đạo, làm ký giả thương mại tại thành phố Luân Đôn, trước khi đi theo học Đại Học Worth tại Sussex về ngôn ngữ Tân Thời gồm có tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Tham gia đoàn Hiệp Sĩ vào năm 1956 và tuyên hứa 3 lời khấn vào năm 1981, phục vụ trong Ủy Ban Tối Cao (điều hành Đoàn Hiệp Sĩ trong 7 năm trước khi được bầu lên làm thủ lãnh Đoàn Hiệp Sĩ vào ngày 8/4/1988.
Cụ Andres Bertie nói được 5 thứ tiếng như tiếng mẹ đẻ. Cụ đã được uy tín và nhiều người biết đến vì xả thân trong các chương trình nhân đạo, gia tăng các thành viên trong Đoàn và có mặt tại 120 quốc gia, mở rộng hoạt động ngoại giao đến 100 quốc gia, trong đó đã gia tăng 49 quốc gia dưới quyền thủ lãnh của cụ. Riêng tại Á Châu và Thái Bình Dương có được 15 quốc gia bao gồm đến Thái Lan, Singapore, Cam Bốt và Australia nhưng không có Việt Nam.
Đoàn Hiệp Sĩ Maltta có 12,500 thành viên và hoạt động tại 120 quốc gia, phục vụ trong các dịch vụ y tế, xã hội và nhất là tại những nơi xảy ra chiến tranh hay những nơi bần cùng hóa.
Cụ đã được phong làm công dân đanh dự tại nhiều nơi bao gồm: Rapallo (1992), Veroli (1993), Lộ Đức (1999), Magione (2002), Birgu (2003) và Santa Severina (2003). Tại Bolvia vào năm 2002 cụ được tôn là công dân danh dự Huesped Ilustre (tại La Paz, El Alto và Santa Cruz).
Được trao Huân Chương Hòa Bình 2005 và giải thưởng Matteo Ricci vào năm 2006.
Được trao bằng tiến sĩ danh dự: Y Khoa và Giải Phẫu từ Đại Học Bologna (1992) Luật Khoa từ Đại Học Malta (1993), Nhân Đạo từ Đại Học Santo Domigo (1995) và từ Đại Học Công Giáo Bolivana San Pablo tại Bolivia (2002), Luật Khoa từ Đại Học St John ở Minnesota Hoa Kỳ (2003).
Cụ cũng được trao nhiều phẩm hàm từ Tòa Thánh, Italia và từ trên 50 quốc gia trên thế giới.
Linh cửu của cụ Bertie hiện đang được quàn tại thánh đường ở Roma trên đồi Aventine. Trong những ngày sắp tới các hiệp sĩ của Đoàn Malta đang và sẽ đổ về thăm viếng linh cữu cùng tham dự lễ an táng. Ngày giờ và chi tiết lễ an táng chưa được công bố chính thức.
Tóm tắt lịch sử Đoàn Hiệp Sĩ Malta
1048 Jerusalem: khởi sự từ năm 1048 từ các nhà buôn từ quốc gia cổ Amlfi được chính quyền tại Ai Cập cho phép xây thánh đường, tu viện và bệnh viện tại Jerusalem, với mục đích chăm lo cho khách hành hương đến từ mọi chủng tộc không phân biệt tôn giáo. Tu hội Thánh Gioan tại Giêrusalem trở thành một cộng đoàn đan tu điều hành và mở các bệnh viện cho khách hành hương tại Thánh Địa, trở thành độc lập và dưới sự điều khiển của vị sáng lập là Chân Phước Gérard. Đức Đức Giáo Hoàng Pascal II chuẩn y trong Sắc Lệnh vào ngày 15/11/1113. Lúc đó tất cả các thành viên là tu sĩ với ba lời khấn: vâng lời, trong sạch và khó nghèo. Về sau vì để bảo vệ cho khách hành hương, tu hội đã biến thành lực lượng bảo vệ và những cuộc nổi dậy trong Thập Tự Chinh, từ đó biến thành Đoàn Hiệp Sĩ.
Tu hội đã đeo một biểu tường là cây Thánh Giá 8 cạnh tượng trưng cho Bát Phúc (tám mối phúc thật) và huy hiệu ấy vẫn còn xử dụng cho đến ngày nay.
1310- Rhodes: Khi lực lượng trấn thủ Thánh Địa cuối cùng bị đánh bại vào năm 1291, Đoàn Hiệp Sĩ đã rút về Cyprus vào năm 1310 do vị Thủ Lãnh Fra Fouques de Villare tại hòn đảo Rhodes.
Để bảo vệ các tín hữu Kitô, đòi hỏi phải có lực lượng hải quân, để đối phó với tàu chiến nước ngoài, Đoàn Hiệp Sĩ đã xây một thành kiên cố tại miền Đông Địa Trung Hải và đã đánh nhiều trận ác liệt nổi danh nhất là trong thời kỳ bắt bớ và tử đạo, thí dụ như cuộc chiến Thập Tự Chinh tại Syria và tại Ai Cập. Được coi như là lực lượng bảo vệ độc lập không lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào theo sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng
Vào đầu thế kỷ thứ 14 tất cả các hiệp sĩ không phân biệt chủng tộc và ngôn ngữ đã tụ về Rhodes từ khắp bốn miền tại Châu Âu, và lập thành nhóm theo ngôn ngữ của họ. Lúc đó có 7 nhóm theo ngôn ngữ: Provence, Aubengne, France, Ialy, Aragon, Anh Quốc (Scotland và Ireland), Đức. Đến năm 1942 có thêm một nhóm nữa gồm những người nói tiếng Aragon đã chia làm 2 ngôn ngữ là Castille và Bồ Đào Nha. Mỗi nhóm đều có vị thủ lãnh riêng nhưng tất cả đều dưới quyền thủ lãnh của Đại Hiệp Sĩ với tước hiệu là Thái Tử thành Rhodes.
1530- Malta: Sau 6 tháng trong cuộc chiến ác liệt với lực lượng Sultan, Đoàn Hiệp Sĩ đã thất thủ đầu hàng vào năm 1523 và đã rời đảo Rhodes. Đoàn Hiệp Sĩ với số hiệp sĩ còn lại đã tản mạn không còn đất dụng võ mãi cho tới năm 1530 khi Đại Hiệp Sĩ Fra Philippe de Villiers de I'lsle Adam chiếm được Malta, được sự hỗ trợ của Hoàng Đế Charles V và sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng Clemente VII.
Trong trận chiến khốc liệt chưa từng có, Đoàn Hiệp Sĩ đã đánh bại lực lượng thủy quân Ottoman trong trận chiến tại Lepano vào năm 1571.
1798- Sống lưu vong: sau 200 năm vào năm 1798, Napoleon Bonaparte chiếm được hòn đảo trong chiến lược tiến về Ai Cập. Vì luật của Đoàn Hiệp Sĩ là không được dùng vũ khí để sát hát những người Kitô Giáo, nên Đoàn Hiệp Sĩ phải buộc rời Malta, mặc dầu Đoàn Hiệp Sĩ có chủ quyền xử dụng và ở lại Malta theo Hiệp Ước Amiens, nhưng Đoàn Hiệp Sĩ đã không thể trở về lại Malta.
1834: - Roma: sau khi tạm thời rút về tại Messina, Catania và Ferra. Năm 1834 Đoàn Hiệp Sĩ đã rút và đóng vĩnh viễn tại Roma trên đồi Aventine.
Thế kỷ 20 và 21: phục vụ chính của Đoàn Hiệp Sĩ vẫn là phục vụ trong ngành y tế, đã khiến cho hoạt động của Đoàn trở thành cần thiết và mạnh mẽ hơn, đặc biệt đến những hoạt đồng trợ giúp qua nhiều thế kỷ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đoàn đã hoạt động mạnh mẽ hơn trong Thế Chiến Thứ I và dưới quyền thủ lãnh của Fra Ludovico Chigi Alban delă Rovere và dưới thời của Fra Angelo de Mojana di Cologna (1962-1988)
Đoàn Hiệp Sĩ Malta hiện nay là Tu Hội theo Giáo Luật có 3 cấp với những lời khấn suốt đời:
Cấp 1: gồm các Hiệp Si Công Lý là các tu sĩ với 3 lời khấn: Vâng Lời, Trong Sạch và Khó Nghèo. Các tu sĩ này không buộc phải sống trong Cộng Đoàn của Đoàn.
Cấp 2:: gồm những người nam nữ khấn hứa vâng lời và cam kết sống theo nguyên tắc của người Kitô Hữu và sống theo những nguyên tắc được linh hứng bởi Đoàn. Cấp này chia làm 3 hạng:
- Hiệp Sĩ Danh Dự tận hiến sống vâng lời
- Hiệp Sĩ Ân Sủng tận hiến sống vâng lời
- Hiệp Sĩ Ấn Giáo Huấn tận hiến sống vâng lời
Cấp 3: gồm những giáo dân không buộc phải khấn những lời khấn tu trì hay tuân giữ những lời hứa, nhưng buộc phải sống theo nguyên tắc giảng dạy của Giáo Hội và của Đoàn, một lần nữa cấp này lại chia làm 6 loại:
- Hiệp Sĩ Danh Dự và Tận Hiến
- Các Tuyên Úy
- Hiệp Sĩ Ân Sủng và Tận Hiến
- Tuyên Uý Giảng Dạy
- Hiệp Sĩ Ân Giáo Huấn
- Những người nam nữ sống Tận Hiến.
Top Stories
Vietnam: hundreds in New Year protest over confiscated church land
Independent Catholic News
05:13 08/02/2008
Hundreds of Catholics demonstrated on Ash Wednesday in Thái Hà parish, in Hanoi, to demand the restitution of 60 thousand square metres of parish grounds that have been increasingly occupied by state buildings. Dozens have camped at the site despite the Vietnamese New Year Tet celebrations
Redemptorist priests, carrying a large cross, led a procession to the site. There they prayed, chanted, and sang for hours, braving cold rain and biting winds before dozens of crosses and icons of Our Mother of Perpetual Help hanging on the fences.
Thai Ha parish is run by the Redemptorists. In 1928, they bought six hectares at Thai Ha, Hanoi to build a convent and a church. After the communists took control the North of Vietnam in 1954, most of Redemptorists many died in prison or were deported, leaving Fr Joseph Vu Ngoc Bich to run the church alone. Despite Fr Joseph Vu's persistent protests, local authorities have managed to nibble bite by bite the parish's land. The original area of 60,000 square metres was reduced to 2,700 square metres.
For more than ten years, Redemptorists in Vietnam have forwarded their petitions to the government asking for the return of their land, but all have gone unanswered.
At the start of the year the authorities put up fences and installed security officials in to protect the Chin Thng sewing company which had begun to build a factory there. Some parishioners started a protest. In the afternoon of 7 January the authorities came to allay the concerns of the crowd, promising that construction work would end. Instead the next day the Hanoi People's Committee issued an official order authorizing the company in question to continue its work.
Since then, the clergy and faithful of Thái Hà parish have gathered at the site to hold daily protests. Some protesters even have camped there for more than a month now. Last week officials asked the Redemptorist Fathers to tell protesters to go home for preparation of Tet. The priests had already actually had told them not to stay because of the cold rain and low temperatures, but none agreed to leave.
"I keep telling my children that I have to stay here to protect Church land." a woman said. "People who want to say Happy New Year to me can come here and see me. I will not go home."
© Independent Catholic News 2008
Redemptorist priests, carrying a large cross, led a procession to the site. There they prayed, chanted, and sang for hours, braving cold rain and biting winds before dozens of crosses and icons of Our Mother of Perpetual Help hanging on the fences.
Thai Ha parish is run by the Redemptorists. In 1928, they bought six hectares at Thai Ha, Hanoi to build a convent and a church. After the communists took control the North of Vietnam in 1954, most of Redemptorists many died in prison or were deported, leaving Fr Joseph Vu Ngoc Bich to run the church alone. Despite Fr Joseph Vu's persistent protests, local authorities have managed to nibble bite by bite the parish's land. The original area of 60,000 square metres was reduced to 2,700 square metres.
For more than ten years, Redemptorists in Vietnam have forwarded their petitions to the government asking for the return of their land, but all have gone unanswered.
At the start of the year the authorities put up fences and installed security officials in to protect the Chin Thng sewing company which had begun to build a factory there. Some parishioners started a protest. In the afternoon of 7 January the authorities came to allay the concerns of the crowd, promising that construction work would end. Instead the next day the Hanoi People's Committee issued an official order authorizing the company in question to continue its work.
Since then, the clergy and faithful of Thái Hà parish have gathered at the site to hold daily protests. Some protesters even have camped there for more than a month now. Last week officials asked the Redemptorist Fathers to tell protesters to go home for preparation of Tet. The priests had already actually had told them not to stay because of the cold rain and low temperatures, but none agreed to leave.
"I keep telling my children that I have to stay here to protect Church land." a woman said. "People who want to say Happy New Year to me can come here and see me. I will not go home."
© Independent Catholic News 2008
Catholics in Vietnam still missing land, protests continue
Catholic News Agency
07:35 08/02/2008
Hanoi, Feb 7, 2008 / 08:32 pm (CNA).- Although the Vietnamese government has agreed to return the Nunciature to the Archdiocese of Hanoi, parishioners from Our Mother of Perpetual Help insist that the government is still holding 14 acres of land belonging to parish. In protest, hundreds of the dispossessed Catholics marched to the site on Ash Wednesday.
The weather did not deter the demonstrators who chanted, and sang for hours in front of dozens of crosses and icons of Our Mother of Perpetual Help, which are hanging on the fence that surrounds the confiscated property.
According to the Redemptorists who run the parish, they originally purchased 15 acres of land in 1928, with plans to construct a convent and church.
In 1954, the Communist government took control of northern Vietnam and jailed or deported most of Redemptorists. This left Fr. Joseph Vu Ngoc Bich to run the church by himself. Despite Fr. Vu’s persistent protests, local authorities gradually seized the parish’s land one section at a time. Consequently, the plot of land was reduced from 15 acres to its present-day size of little more than half an acre.
For more than ten years, Redemptorists in Vietnam have petitioned the government asking for the return of their land, but their pleas seem to have fallen on deaf ears.
The government upped the ante at the beginning of this year by allowing construction on the Chiến Thắng sewing company to commence. The confiscated church property soon was surrounded by a fence and the presence of security officials.
The new construction on the land commandeered from the parish led a crowd of local Catholics to gather on the afternoon of January 7 in protest. Local authorities arrived on the scene and promised that the construction work would end. However, the next day the Hanoi People’s Committee issued an official order authorizing the company in question to continue its work.
Protestors have been gathering at the work site for over a month to prevent any further construction by the state-run company.
Since February 7 marks the Lunar New Year—called Tet in Vietnam—local government officials asked the Redemptorists to disperse the demonstrators who have been camped out at the site and send them home to prepare for Tet. The priests had in fact already told the people to leave out of concern for their health, given the cold rain and low temperature, but none of them were willing to leave.
“I keep telling my children that I have to stay here to protect Church land,” one a woman said. “People who want to tell me happy New Year can come here and see me. I will not go home.”
The weather did not deter the demonstrators who chanted, and sang for hours in front of dozens of crosses and icons of Our Mother of Perpetual Help, which are hanging on the fence that surrounds the confiscated property.
According to the Redemptorists who run the parish, they originally purchased 15 acres of land in 1928, with plans to construct a convent and church.
In 1954, the Communist government took control of northern Vietnam and jailed or deported most of Redemptorists. This left Fr. Joseph Vu Ngoc Bich to run the church by himself. Despite Fr. Vu’s persistent protests, local authorities gradually seized the parish’s land one section at a time. Consequently, the plot of land was reduced from 15 acres to its present-day size of little more than half an acre.
For more than ten years, Redemptorists in Vietnam have petitioned the government asking for the return of their land, but their pleas seem to have fallen on deaf ears.
The government upped the ante at the beginning of this year by allowing construction on the Chiến Thắng sewing company to commence. The confiscated church property soon was surrounded by a fence and the presence of security officials.
The new construction on the land commandeered from the parish led a crowd of local Catholics to gather on the afternoon of January 7 in protest. Local authorities arrived on the scene and promised that the construction work would end. However, the next day the Hanoi People’s Committee issued an official order authorizing the company in question to continue its work.
Protestors have been gathering at the work site for over a month to prevent any further construction by the state-run company.
Since February 7 marks the Lunar New Year—called Tet in Vietnam—local government officials asked the Redemptorists to disperse the demonstrators who have been camped out at the site and send them home to prepare for Tet. The priests had in fact already told the people to leave out of concern for their health, given the cold rain and low temperature, but none of them were willing to leave.
“I keep telling my children that I have to stay here to protect Church land,” one a woman said. “People who want to tell me happy New Year can come here and see me. I will not go home.”
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Thánh Mẫu LaVang Cabramatta, Sydney, Mừng Xuân Mậu Tý
Diệp Hải Dung
02:14 08/02/2008
SYDNEY- Vào lúc 6 giờ chiều thứ Năm 07/02/2008 Mùng Một Tết Mậu Tý, trời đổ mưa rất lớn nhưng trong nhà thờ Sacred Heart Cabaramatta rất đông đủ Giáo dân tham dự Thánh lễ ngày Đầu Năm Âm Lịch cầu cho Quốc Thái Dân An và cầu Bình An trong Năm Mậu Tý, đặc biệt cầu cho Quê Hương Việt Nam. Sau ba hồi chiêng trống cổ truyền, Cha Paul Văn Chi Đặc trách Giáo đoàn Cabramatta cùng với đoàn Phụng Vụ từ cuối Thánh đường tiến lên bàn thờ Tổ Quốc thắp nén hương dâng kính để nhớ đến Tổ Quốc, Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ và các vị Tiền Nhân
Sau đó cùng với quý Cha hiệp dâng Thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa nhân ngày Đầu Năm Âm Lịch Mậu Tý 2008. Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Patrick, Chính xứ Cabramatta ngỏ lời Chúc Mừng Năm Mới của Dân Tộc Việt Nam và Cha khuyến khích mọi người trong Giáo đoàn nên luôn giữ truyền thống tốt đẹp của ngày Tết để lưu truyền cho các con các cháu biết ngày truyền thống của quê hương và Dân Tộc Việt Nam.
Anh Hà Phi Liến Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Thánh Mẫu LaVang Cabramatta lên ngỏ lời chúc Tết đến quý Cha và toàn thể mọi người trong Giáo đoàn. Đồng thời tặng Hoa cho quý Cha nhân ngày Tết.
Kế tiếp đó là phần Lì Xì cho các em Thiếu Nhi Cung Thánh và phát Lộc Thánh đầu năm cho tất cả mọi người. Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng ngỏ lời chúc Tết đến tất cả mọi người trong Giáo đoàn, sau đó là phép lành đặc biệt Đầu Xuân Mậu Tý.
Thánh lễ kết thúc trong niềm hân hoan vui tươi với tiếng trống và điệu Múa Lân của Đội Múa Lân của Xứ Đoàn Cabramatta rất vui nhộn trong ngày Mùng Một Tết Mậu Tý 2008, đồng thời, Quý Cha và Ban Mục Vụ Giáo Đoàn đã tặng mỗi người và đặc biệt các em thiếu nhi những gói quà đầu xuân Mậu Tý trong niềm vui trọn vẹn mừng Xuân mới.
Sau đó cùng với quý Cha hiệp dâng Thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa nhân ngày Đầu Năm Âm Lịch Mậu Tý 2008. Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Patrick, Chính xứ Cabramatta ngỏ lời Chúc Mừng Năm Mới của Dân Tộc Việt Nam và Cha khuyến khích mọi người trong Giáo đoàn nên luôn giữ truyền thống tốt đẹp của ngày Tết để lưu truyền cho các con các cháu biết ngày truyền thống của quê hương và Dân Tộc Việt Nam.
Anh Hà Phi Liến Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Thánh Mẫu LaVang Cabramatta lên ngỏ lời chúc Tết đến quý Cha và toàn thể mọi người trong Giáo đoàn. Đồng thời tặng Hoa cho quý Cha nhân ngày Tết.
Kế tiếp đó là phần Lì Xì cho các em Thiếu Nhi Cung Thánh và phát Lộc Thánh đầu năm cho tất cả mọi người. Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng ngỏ lời chúc Tết đến tất cả mọi người trong Giáo đoàn, sau đó là phép lành đặc biệt Đầu Xuân Mậu Tý.
Thánh lễ kết thúc trong niềm hân hoan vui tươi với tiếng trống và điệu Múa Lân của Đội Múa Lân của Xứ Đoàn Cabramatta rất vui nhộn trong ngày Mùng Một Tết Mậu Tý 2008, đồng thời, Quý Cha và Ban Mục Vụ Giáo Đoàn đã tặng mỗi người và đặc biệt các em thiếu nhi những gói quà đầu xuân Mậu Tý trong niềm vui trọn vẹn mừng Xuân mới.
Giáo phận Thái Bình: Những việc phải làm trong Năm Hồng Đào
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
10:14 08/02/2008
THÔNG CÁO CỦA TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH
VỂ MỘT SỐ VIỆC PHẢI LÀM TRONG NĂM HỒNG ĐÀO
1) Như anh chị em đã biết, ngày 2/2/2008 (tức là ngày 26 tết Mậu Tý), Đức Giám Mục đã long trọng công bố bắt đầu vào Năm Hồng Đào của Giáo phận Thái Bình và dùng 4 cỗ Đại Xa để tiến lên thành giáo hữu trưởng thành.
2) Mồng 3 Tết năm nay nhằm ngày 9/2/2008, cả giáo phận tới trại phong Vân Môn dâng lễ mừng Xuân, khởi đầu cỗ đại xa: Bác Ái Xã Hội. Từ Đức Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ tại Tòa Giám Mục dồn hết các quà biếu do giáo dân tặng dịp Tết để cho lại cả trại phong (khoảng độ 700 người trong số có 500 người Công giáo) và những người dự lễ tặng tất cả những gì mình mang đi cho trại phong. Cũng từ ngày 9/2/2008, toàn Giáo phận khởi đầu chiến dịch cho người khỏe khổ bệnh tật.
3) Trước mắt, từ Lễ Tro mồng 6 tháng 2 đến hết lễ Phục Sinh 23 tháng 3 năm 2008, các khoản thu được do việc phụng tự (lễ, hòm khấn, quyên góp khi cầu nguyện, trừ thứ sáu Tuần thánh, kể cả thánh lễ thứ 2 do linh mục dâng) để làm việc Bác ái chung. Đây là luật Bề trên giáo phận ban ra, nên ai không làm sẽ bị luật pháp chế tài. Nhưng Bác ái thì cao hơn, rộng hơn lề luật, vậy nên anh chị em hãy lấy việc làm bác ái để thực hành lời khuyên dạy này, để rộng lượng hơn nữa trong việc đóng góp kể trên.
4) Cũng bắt đầu nỗ lực mở một Trung tâm săn sóc những bệnh nhân nhiễm độc da cam ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Đa số bộ đội vào Nam chiến đấu ở tỉnh Thái Bình khá đông, mà số lượng người mắc bệnh trên cũng gia tăng: tổng số có thể đến 10.000 người mà nay mới có chừng 100 người được chăm sóc. Trong dịp tới chúc tết các vị lãnh đạo tỉnh, Đức Giám mục đã đề cập vấn đề đó với các vị, nói chung đều tán thành, còn hứa sẽ cấp đất cho làm việc Bác ái.
Xét chung tình hình đất đai của giáo phận Thái Bình nói chung và Tòa Giám Mục nói riêng không đến nỗi căng thẳng như các nơi khác, do tinh thần hiểu biết và đối thoại của các phía. Ví dụ: chính quyền đã giúp đỡ được thu hồi các khu đất sau nhà thờ cũ, để mở rộng diện tích nhà thờ mới; cũng đã hoàn lại đất cho Tu xá Đaminh Thái Bình và một trường học để Nhà thờ mở rộng sân cuối.
Trong cả giáo phận có nơi này nơi nọ trao trả đất cũ của nhà thờ, ví dụ: một nhà thờ ở cảng Diêm Điền.
Một vài nơi đã đề nghị từ 10 tháng nay vẫn chưa được hồi âm đáp ứng, ví dụ: đất thuộc chủng viện Mỹ Đức cho dòng Đaminh mượn, các ngài trả lại, Tòa Giám Mục đã tiếp thu và dùng một số thời gian, nhưng sau đó bị chiếm đoạt vv không giấy tờ công văn gì, hiện làm nhà ở cho giáo viên, xây nhà sát nhà thờ xứ Cát Đàm và một phần đất được xây cho Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tật nguyền (có sau khi Tòa Giám Mục ngỏ ý xin cấp lại). Tòa Giám Mục xin cấp lại để làm việc Bác ái xã hội, ví dụ: như Trung tâm săn sóc người nhiễm chất độc da cam nói trên. Đức Giám mục có đề cập tới một số cơ sở khác của Tòa Giám Mục còn đang đặt dưới sự quản lý của một số cơ quan, nên có thể trong dịp này, Tòa Giám Mục sẽ xin cấp lại để làm việc bác ái. Cộng với các phương thế khác, chúng ta sẽ sốt sắng cầu nguyện để mau chóng đi tới kết quả làm ích cho những người đau khổ bệnh tật, như chủ trương của nhà nước và giáo phận.
5) Dù được nước ngoài giúp đỡ hay không (chúng ta hi vọng sẽ được nhiều tổ chức quốc tế, hoặc trong nước viện trợ) nếu không, chúng ta sẽ tự lực cánh sinh, hi sinh tất cả vì mục đích bác ái đó trong năm Hồng Đào này. Chúng ta sẽ lập một Ủy Ban để tiến hành ngay các biện pháp cấp thời, để thực hiện mục đích bác ái nói trên. Xin mọi người tích cực cộng tác. Kết luận: Năm Hồng Đào, chúng ta có 4 cố Đại Xa để dẫn chúng ta tiến nhanh trên con đường đạo đức, dẫn tới cuộc sống đời đời. Môt trong 4 cỗ đại xa đó là đại xa Bác Ai Xã Hội, nhất là Trung tâm săn sóc người nhiễm chất độc da cam, như một quyết tâm cụ thể của toàn giáo phận.
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cầu bầu, để mỗi người chúng ta đóng góp phần tích cực của mình và cầu xin Chúa ban Ánh sáng từ trời soi dẫn những vị có trách nhiệm trong xã hội, những nhà hảo tâm trong nước cũng như quốc tế, giúp chúng ta nhiều thể nhiều cách, để quyết tâm đạt được thành công mỹ mãn.
Thái Bình ngày 7 tháng 2 năm 2008 (mồng 3 tết Mậu Tý)
TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH
VỂ MỘT SỐ VIỆC PHẢI LÀM TRONG NĂM HỒNG ĐÀO
1) Như anh chị em đã biết, ngày 2/2/2008 (tức là ngày 26 tết Mậu Tý), Đức Giám Mục đã long trọng công bố bắt đầu vào Năm Hồng Đào của Giáo phận Thái Bình và dùng 4 cỗ Đại Xa để tiến lên thành giáo hữu trưởng thành.
2) Mồng 3 Tết năm nay nhằm ngày 9/2/2008, cả giáo phận tới trại phong Vân Môn dâng lễ mừng Xuân, khởi đầu cỗ đại xa: Bác Ái Xã Hội. Từ Đức Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ tại Tòa Giám Mục dồn hết các quà biếu do giáo dân tặng dịp Tết để cho lại cả trại phong (khoảng độ 700 người trong số có 500 người Công giáo) và những người dự lễ tặng tất cả những gì mình mang đi cho trại phong. Cũng từ ngày 9/2/2008, toàn Giáo phận khởi đầu chiến dịch cho người khỏe khổ bệnh tật.
3) Trước mắt, từ Lễ Tro mồng 6 tháng 2 đến hết lễ Phục Sinh 23 tháng 3 năm 2008, các khoản thu được do việc phụng tự (lễ, hòm khấn, quyên góp khi cầu nguyện, trừ thứ sáu Tuần thánh, kể cả thánh lễ thứ 2 do linh mục dâng) để làm việc Bác ái chung. Đây là luật Bề trên giáo phận ban ra, nên ai không làm sẽ bị luật pháp chế tài. Nhưng Bác ái thì cao hơn, rộng hơn lề luật, vậy nên anh chị em hãy lấy việc làm bác ái để thực hành lời khuyên dạy này, để rộng lượng hơn nữa trong việc đóng góp kể trên.
4) Cũng bắt đầu nỗ lực mở một Trung tâm săn sóc những bệnh nhân nhiễm độc da cam ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Đa số bộ đội vào Nam chiến đấu ở tỉnh Thái Bình khá đông, mà số lượng người mắc bệnh trên cũng gia tăng: tổng số có thể đến 10.000 người mà nay mới có chừng 100 người được chăm sóc. Trong dịp tới chúc tết các vị lãnh đạo tỉnh, Đức Giám mục đã đề cập vấn đề đó với các vị, nói chung đều tán thành, còn hứa sẽ cấp đất cho làm việc Bác ái.
Xét chung tình hình đất đai của giáo phận Thái Bình nói chung và Tòa Giám Mục nói riêng không đến nỗi căng thẳng như các nơi khác, do tinh thần hiểu biết và đối thoại của các phía. Ví dụ: chính quyền đã giúp đỡ được thu hồi các khu đất sau nhà thờ cũ, để mở rộng diện tích nhà thờ mới; cũng đã hoàn lại đất cho Tu xá Đaminh Thái Bình và một trường học để Nhà thờ mở rộng sân cuối.
Trong cả giáo phận có nơi này nơi nọ trao trả đất cũ của nhà thờ, ví dụ: một nhà thờ ở cảng Diêm Điền.
Một vài nơi đã đề nghị từ 10 tháng nay vẫn chưa được hồi âm đáp ứng, ví dụ: đất thuộc chủng viện Mỹ Đức cho dòng Đaminh mượn, các ngài trả lại, Tòa Giám Mục đã tiếp thu và dùng một số thời gian, nhưng sau đó bị chiếm đoạt vv không giấy tờ công văn gì, hiện làm nhà ở cho giáo viên, xây nhà sát nhà thờ xứ Cát Đàm và một phần đất được xây cho Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tật nguyền (có sau khi Tòa Giám Mục ngỏ ý xin cấp lại). Tòa Giám Mục xin cấp lại để làm việc Bác ái xã hội, ví dụ: như Trung tâm săn sóc người nhiễm chất độc da cam nói trên. Đức Giám mục có đề cập tới một số cơ sở khác của Tòa Giám Mục còn đang đặt dưới sự quản lý của một số cơ quan, nên có thể trong dịp này, Tòa Giám Mục sẽ xin cấp lại để làm việc bác ái. Cộng với các phương thế khác, chúng ta sẽ sốt sắng cầu nguyện để mau chóng đi tới kết quả làm ích cho những người đau khổ bệnh tật, như chủ trương của nhà nước và giáo phận.
5) Dù được nước ngoài giúp đỡ hay không (chúng ta hi vọng sẽ được nhiều tổ chức quốc tế, hoặc trong nước viện trợ) nếu không, chúng ta sẽ tự lực cánh sinh, hi sinh tất cả vì mục đích bác ái đó trong năm Hồng Đào này. Chúng ta sẽ lập một Ủy Ban để tiến hành ngay các biện pháp cấp thời, để thực hiện mục đích bác ái nói trên. Xin mọi người tích cực cộng tác. Kết luận: Năm Hồng Đào, chúng ta có 4 cố Đại Xa để dẫn chúng ta tiến nhanh trên con đường đạo đức, dẫn tới cuộc sống đời đời. Môt trong 4 cỗ đại xa đó là đại xa Bác Ai Xã Hội, nhất là Trung tâm săn sóc người nhiễm chất độc da cam, như một quyết tâm cụ thể của toàn giáo phận.
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cầu bầu, để mỗi người chúng ta đóng góp phần tích cực của mình và cầu xin Chúa ban Ánh sáng từ trời soi dẫn những vị có trách nhiệm trong xã hội, những nhà hảo tâm trong nước cũng như quốc tế, giúp chúng ta nhiều thể nhiều cách, để quyết tâm đạt được thành công mỹ mãn.
Thái Bình ngày 7 tháng 2 năm 2008 (mồng 3 tết Mậu Tý)
TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH
Một vài góp ý xây dựng và chúc mừng tiêu biểu của độc giả
Độc Gỉa
12:28 08/02/2008
Một vài góp ý xây dựng và chúc mừng tiêu biểu của độc giả
tranxuanxxxx@gmail.com viết:
Cha Nghi và Ban Bien Tap vietcatholic quy men, Nhân dịp Nam Moi Am lich, tet Mau Ty. Trong Tam tinh do, con xin goi loi chuc Xuan den Cha va toan the anh chi em trong Ban Bien Tap Vietcatholic. Nguyen xin Chua ban nhieu on lanh cho Cha va cho anh chi em duoc doi dao suc khoe, binh an va tran day on Chua de phuc vu nuoc Chua trong linh vuc truyen thong, dem Loi Chua den cho moi nguoi. Xin hiep y cau nguyen cho con, mot tu si hen mon noi vung dat truyen giao de con luon trung thanh voi on goi cua minh. Happy New Year. Trong Chua Kito. Lm. Tran SVD.
fiatxxx@yahoo.com viết:
Con la mot chung sinh, hien dang theo hoc tai chung vien My. Nhung ngay qua thong tin Vietcatholic dua len vo cung qui gia, con cam on cha va ban bien tap. Con la con dan cua giao hoi viet nam, trong nhung ngay nay, con muon hop cung me giao hoi len tieng ung ho va benh vuc chan ly. Con muon duoc gui mot buc thu cho Duc Tong Giam Muc Ngo Quang Kiet, nhung khong biet email cua ngai. Con xin duoc gop la thu mon cua ban than cho trang VietCatholic nhu mot tieng noi hop cung toan the cong doan Vietnam nuoc nha cung nhu nuoc ngoai. Xin phien cha gui cho ngai giup con. Martin M.
nguyetxxxx@yahoo.com.sg viết:
Con xin chan thanh dai dien mot so chi-em Nu Tu, gui loi cam on Chan Thanh den Cha Giam Doc cung Quy Vi Bien Tap Vien cua VietCatholic trong nhung thang ngay rat cang thang va ban ron vua qua, khi lien tuc giup cho chung con hieu ro ve noi tin cua Toa Kham Su. Nghia cu hy sinh cao dep nay cua Cha va cac Bien Tap Vien cua VietCatholic se duoc Thien Chua ghi cong va chuc phuc! Xin nhan noi day loi Cam On Chan Thanh cua Chi-Em Nu Tu chung con! Kinh Chuc Moi Nguoi Nam Moi Mau Ty 2008 That Binh Yen, Vui Ve, Thanh Thien va Tran Day Hong An cua Thien Chua va Me Maria! Nu Tu Nguyet N.
lsnguyenxxxxx@yahoo.com viết:
Cám ơn Linh mục đã làm rất nhiều một cách rất bình tĩnh khôn ngoan và hiệu qủa trong thời gian qua cho TGP Hà Nội và Giáo Hội Việt-Nam. VietCatholic đã làm hết sức trong khả năng của mình, nhiều người ví Vietcatholic như CNN của Mỹ về tích cách thông tin và hiệu qủa. Điều đó chắc chắn là nhờ LM Giám đốc và các cộng sự viên của Vietcatholic. Xin có lời chúc mừng cha Giám đốc và nhân viên. Luật sư Nguyễn
masterxxx@yahoo.com viết:
Kinh chao qui vi: Toi la nguoi Viet nam, la mot tin do Cong giao. Toi rat thich cac tin tuc noi ve cong dong cong giao o viet nam cung nhu khap toan the dia cau. Dac biet la cac thong tin trong nhung gan day ve tinh hinh doi lai dat Toa kham su o ha noi. Toi rat cam kich nhung tam long can dam da co nhung thong tin va hinh anh qui gia ve cuoc tranh dau bat bao dong cua giao dan cong giao dang tham gia cau nguyen va dau trang de doi lai cong ly. Toi gui thu nay ðen Qui vi voi mong muon duoc nhan tin tuc tu Qui vi va cau chuc cho qui vi duoc manh khoe va tran day an sung cua thien chua va duc me Maria. Kinh chuc gia dinh cua Qui vi nam moi an lanh va hanh fuc trong an sung cua Duc Kito. Tran trong.
tranxxx@hotmail.com viết:
De nghi Vietcatholic lap qui ho tro cho cong cuoc dau tranh doi lai tai san giao hoi tai Hanoi noi rieng va giao hoi cong giao VN noi chung !Vi toi thiet tuong khong co tien khong vuc duoc dao la dung nhat trong luc nay. Xin cam on, va cau chuc cha chu nhiem cung nhu toan ban cong tac vien cua Vietcatholic mot nam moi day an khang va kien cuong trong viec len tieng bao ve hoi thanh que nha!
tqxxxx@verizon.net viết:
Nho cau nguyen va Chua, Duc Me nham loi nen Giao Hoi Cong Giao lay lai duoc Toa Kham Su. Cha oi, chung ta hay tiep tuc cau nguyen de lay lai duoc nuoc VietNam (khong con Cong san) thi hay biet may. Con nghi VietCatholic trong thang vua qua da dong mot vai tro het suc la quan trong, la mot soi giay noi ket nguoi Cong Giao o khap moi noi lai voi nhau de hiep thong voi giao dan o que nha. Nho co VietCatholic nen moi nguoi chung con biet duoc tin tuc tung gio, tung phut mot. Xin Chua ban cho Cha suc khoe doi giao de tiep tuc phung su dan Chua. Kinh cha,
vanduyxxx@yahoo.com viết
Kinh thua cha Tran Cong Nghi va qui vi trong cac Ban Nganh cua VietCatholic, Con xin cam on Cha va Qui Vi da cho thong tin day du nhung dien bien trong hon thang qua. Nho Vietcatholic ma chung con biet duoc tinh hinh tung giay phut xay ra noi Toa Kham Su va Tong Giao phan Ha Noi. Gio day, con xin cui dau cam ta on Thien Chua da nham loi doai thuong den nhung loi cau xin tha thiet cua nhung nguoi con khong quang ngai kho khan va van mai kien dinh... Loi cau xin ay nay da soi sang den long nguoi va da cha.m den long Troi. Con kinh gui bai hat "Toi Da Thay" Loi Tho cua Bac si Vu Linh Thu de bay to long vui mung dang duoc khoi day len trong long con hom nay that su. Mot lan nua xin chan thanh cam on cha Tran cong Nghi va Qui Ban Nganh Vietcathiolic. Văn Duy HN
songxxxx@yahoo.com viết:
Kính gởi Cha Trần Công Nghị cùng Ban biên tập TTXCGVN! Lời đầu tiên, con xin thay mặt toàn thể độc giả của tờ Vietcatholic gởi lời cám ơn chân thành và lời chúc đầu năm mới luôn bình an trong ơn Chúa. Kính thưa Cha! Con không biết phải nói như thế nào cho Cha hiểu những suy nghĩ của con. Con vốn vụng về trong lời ăn tiếng nói. Có gì xin Cha bỏ qua cho con. Thời gian qua con theo dõi những tin tức trên Vietcatholic, nhất là những bài liên quan đến Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội. Con nhận thấy những bài viết, về nội dung thì không có gì phải phàn nàn, nhưng về chính tả thì....Thú thật là con rất khó chịu khi phải đọc những bài viết mà bị sai lỗi chính tả... làm giảm uy tín và "trình độ" của tờ báo. "Người ngoài" vào đọc sẽ được dịp chê bai, dè bỉu "trình độ học vấn" (ngữ pháp cấp 1 sơ đẳng) của người CG chúng ta. Con còn khó chịu, huống gì là họ. Nếu một bài viết sai chính tả được đưa lên, chẳng khác nào không tôn trọng người đọc. Vì vậy, con xin Cha và BBT chịu khó để ý tới vấn đề này, trước khi cho đăng bài nào, xin BBT hãy chỉnh sửa những câu bị sai chính tả. Làm như vậy là tôn trọng mình, và cũng là tôn trọng bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Trên đây là ý kiến mạo muội của con, lời thật mất lòng, xin Cha và BBT thông cảm. Thạch H.
dxxxxhn@gmail.com viết:
Kinh thua cha Giam doc, Con xin chan thanh cam on quy cha, quy tu si nam nu, quy cong tac vien Vietcatholic, trong suot moty thang qua da dang cac tin, bai viet cua con lien quan toi cuoc dau tranh cho cong ly va hoa binh taï Thu do Ha Noï. Nhan dip xuan moi Mau Ty sap ve, con xin kinh chuc Cha Giam doc, quy cha, quy tu si nam nu, quy cong tac vien mot Nam Moi khang an, hanh phuc. Xin Thien Chua, Dang la mua xuan vinh cuu chuc lanh cho gia dinh, cho cong viec cua quy cha va quy vi, ban cho quy vò nhieu on thieng de nam moi toi day dong gop nhieu hon nua cho que huong Viet Nam. Con xin cam on.
tranxuanxxxx@gmail.com viết:
Cha Nghi và Ban Bien Tap vietcatholic quy men, Nhân dịp Nam Moi Am lich, tet Mau Ty. Trong Tam tinh do, con xin goi loi chuc Xuan den Cha va toan the anh chi em trong Ban Bien Tap Vietcatholic. Nguyen xin Chua ban nhieu on lanh cho Cha va cho anh chi em duoc doi dao suc khoe, binh an va tran day on Chua de phuc vu nuoc Chua trong linh vuc truyen thong, dem Loi Chua den cho moi nguoi. Xin hiep y cau nguyen cho con, mot tu si hen mon noi vung dat truyen giao de con luon trung thanh voi on goi cua minh. Happy New Year. Trong Chua Kito. Lm. Tran SVD.
fiatxxx@yahoo.com viết:
Con la mot chung sinh, hien dang theo hoc tai chung vien My. Nhung ngay qua thong tin Vietcatholic dua len vo cung qui gia, con cam on cha va ban bien tap. Con la con dan cua giao hoi viet nam, trong nhung ngay nay, con muon hop cung me giao hoi len tieng ung ho va benh vuc chan ly. Con muon duoc gui mot buc thu cho Duc Tong Giam Muc Ngo Quang Kiet, nhung khong biet email cua ngai. Con xin duoc gop la thu mon cua ban than cho trang VietCatholic nhu mot tieng noi hop cung toan the cong doan Vietnam nuoc nha cung nhu nuoc ngoai. Xin phien cha gui cho ngai giup con. Martin M.
nguyetxxxx@yahoo.com.sg viết:
Con xin chan thanh dai dien mot so chi-em Nu Tu, gui loi cam on Chan Thanh den Cha Giam Doc cung Quy Vi Bien Tap Vien cua VietCatholic trong nhung thang ngay rat cang thang va ban ron vua qua, khi lien tuc giup cho chung con hieu ro ve noi tin cua Toa Kham Su. Nghia cu hy sinh cao dep nay cua Cha va cac Bien Tap Vien cua VietCatholic se duoc Thien Chua ghi cong va chuc phuc! Xin nhan noi day loi Cam On Chan Thanh cua Chi-Em Nu Tu chung con! Kinh Chuc Moi Nguoi Nam Moi Mau Ty 2008 That Binh Yen, Vui Ve, Thanh Thien va Tran Day Hong An cua Thien Chua va Me Maria! Nu Tu Nguyet N.
lsnguyenxxxxx@yahoo.com viết:
Cám ơn Linh mục đã làm rất nhiều một cách rất bình tĩnh khôn ngoan và hiệu qủa trong thời gian qua cho TGP Hà Nội và Giáo Hội Việt-Nam. VietCatholic đã làm hết sức trong khả năng của mình, nhiều người ví Vietcatholic như CNN của Mỹ về tích cách thông tin và hiệu qủa. Điều đó chắc chắn là nhờ LM Giám đốc và các cộng sự viên của Vietcatholic. Xin có lời chúc mừng cha Giám đốc và nhân viên. Luật sư Nguyễn
masterxxx@yahoo.com viết:
Kinh chao qui vi: Toi la nguoi Viet nam, la mot tin do Cong giao. Toi rat thich cac tin tuc noi ve cong dong cong giao o viet nam cung nhu khap toan the dia cau. Dac biet la cac thong tin trong nhung gan day ve tinh hinh doi lai dat Toa kham su o ha noi. Toi rat cam kich nhung tam long can dam da co nhung thong tin va hinh anh qui gia ve cuoc tranh dau bat bao dong cua giao dan cong giao dang tham gia cau nguyen va dau trang de doi lai cong ly. Toi gui thu nay ðen Qui vi voi mong muon duoc nhan tin tuc tu Qui vi va cau chuc cho qui vi duoc manh khoe va tran day an sung cua thien chua va duc me Maria. Kinh chuc gia dinh cua Qui vi nam moi an lanh va hanh fuc trong an sung cua Duc Kito. Tran trong.
tranxxx@hotmail.com viết:
De nghi Vietcatholic lap qui ho tro cho cong cuoc dau tranh doi lai tai san giao hoi tai Hanoi noi rieng va giao hoi cong giao VN noi chung !Vi toi thiet tuong khong co tien khong vuc duoc dao la dung nhat trong luc nay. Xin cam on, va cau chuc cha chu nhiem cung nhu toan ban cong tac vien cua Vietcatholic mot nam moi day an khang va kien cuong trong viec len tieng bao ve hoi thanh que nha!
tqxxxx@verizon.net viết:
Nho cau nguyen va Chua, Duc Me nham loi nen Giao Hoi Cong Giao lay lai duoc Toa Kham Su. Cha oi, chung ta hay tiep tuc cau nguyen de lay lai duoc nuoc VietNam (khong con Cong san) thi hay biet may. Con nghi VietCatholic trong thang vua qua da dong mot vai tro het suc la quan trong, la mot soi giay noi ket nguoi Cong Giao o khap moi noi lai voi nhau de hiep thong voi giao dan o que nha. Nho co VietCatholic nen moi nguoi chung con biet duoc tin tuc tung gio, tung phut mot. Xin Chua ban cho Cha suc khoe doi giao de tiep tuc phung su dan Chua. Kinh cha,
vanduyxxx@yahoo.com viết
Kinh thua cha Tran Cong Nghi va qui vi trong cac Ban Nganh cua VietCatholic, Con xin cam on Cha va Qui Vi da cho thong tin day du nhung dien bien trong hon thang qua. Nho Vietcatholic ma chung con biet duoc tinh hinh tung giay phut xay ra noi Toa Kham Su va Tong Giao phan Ha Noi. Gio day, con xin cui dau cam ta on Thien Chua da nham loi doai thuong den nhung loi cau xin tha thiet cua nhung nguoi con khong quang ngai kho khan va van mai kien dinh... Loi cau xin ay nay da soi sang den long nguoi va da cha.m den long Troi. Con kinh gui bai hat "Toi Da Thay" Loi Tho cua Bac si Vu Linh Thu de bay to long vui mung dang duoc khoi day len trong long con hom nay that su. Mot lan nua xin chan thanh cam on cha Tran cong Nghi va Qui Ban Nganh Vietcathiolic. Văn Duy HN
songxxxx@yahoo.com viết:
Kính gởi Cha Trần Công Nghị cùng Ban biên tập TTXCGVN! Lời đầu tiên, con xin thay mặt toàn thể độc giả của tờ Vietcatholic gởi lời cám ơn chân thành và lời chúc đầu năm mới luôn bình an trong ơn Chúa. Kính thưa Cha! Con không biết phải nói như thế nào cho Cha hiểu những suy nghĩ của con. Con vốn vụng về trong lời ăn tiếng nói. Có gì xin Cha bỏ qua cho con. Thời gian qua con theo dõi những tin tức trên Vietcatholic, nhất là những bài liên quan đến Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội. Con nhận thấy những bài viết, về nội dung thì không có gì phải phàn nàn, nhưng về chính tả thì....Thú thật là con rất khó chịu khi phải đọc những bài viết mà bị sai lỗi chính tả... làm giảm uy tín và "trình độ" của tờ báo. "Người ngoài" vào đọc sẽ được dịp chê bai, dè bỉu "trình độ học vấn" (ngữ pháp cấp 1 sơ đẳng) của người CG chúng ta. Con còn khó chịu, huống gì là họ. Nếu một bài viết sai chính tả được đưa lên, chẳng khác nào không tôn trọng người đọc. Vì vậy, con xin Cha và BBT chịu khó để ý tới vấn đề này, trước khi cho đăng bài nào, xin BBT hãy chỉnh sửa những câu bị sai chính tả. Làm như vậy là tôn trọng mình, và cũng là tôn trọng bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Trên đây là ý kiến mạo muội của con, lời thật mất lòng, xin Cha và BBT thông cảm. Thạch H.
dxxxxhn@gmail.com viết:
Kinh thua cha Giam doc, Con xin chan thanh cam on quy cha, quy tu si nam nu, quy cong tac vien Vietcatholic, trong suot moty thang qua da dang cac tin, bai viet cua con lien quan toi cuoc dau tranh cho cong ly va hoa binh taï Thu do Ha Noï. Nhan dip xuan moi Mau Ty sap ve, con xin kinh chuc Cha Giam doc, quy cha, quy tu si nam nu, quy cong tac vien mot Nam Moi khang an, hanh phuc. Xin Thien Chua, Dang la mua xuan vinh cuu chuc lanh cho gia dinh, cho cong viec cua quy cha va quy vi, ban cho quy vò nhieu on thieng de nam moi toi day dong gop nhieu hon nua cho que huong Viet Nam. Con xin cam on.
Thư từ Tu Viện DCCT Thái Hà, Hà Nội
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải
12:37 08/02/2008
Tu viện DCCT Thái Hà, Hà Nội
Ngày 06.01.2008
Kính thưa Cha Giám Đốc,
Nhân dịp năm hết tết đến, với tư cách là một cá nhân có liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở trong Giáo xứ Thái Hà, theo lẽ công bằng, con thấy mình cần phải viết thư cho Cha Giám Đốc và Ban Điều Hành VietCatholic.
Trong một tháng rưỡi vừa qua Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành Vietcatholic đã tích cực theo dõi diễn biến các sự kiện diễn ra tại Giáo phận Hà Nội.
Vietcatholic đã tổ chức viết bài, chụp hình và đưa tin nhanh chóng nhất, chính xác và đầy đủ nhất các sự kiện diễn ra liên quan đến Toà Khâm Sứ, Thái Hà và Hà Đông.
Nhờ các nỗ lực truyền thông của các ngài mà tiếng nói yếu ớt của những người thấp cổ bé miệng như chúng con được có những người khác biết đến. Bản thân chúng con, những người trong cuộc, nhờ theo dõi sự kiện qua mang Vietcatholic cũng thấy mình hiểu biết đầy đủ hơn diễn biến sự kiện và các khía cạnh tế nhị và phong phú liên quan. Qua Vietcatholic chúng con cũng thấy mình được đông đảo đồng bào trong ngoài nước chia sẻ và cảm thông.
Chúng con xin chân thành cám ơn sự hy sinh và tấm lòng thương mến của Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành dành cho Giáo Phận Hà Nội, đặc biệt cho chúng con ở Giáo xứ Thái Hà.
Theo dõi các tin tức liên quan đến vấn đề cầu nguyện diễn ra ở Toà Khâm Sứ và ở Giáo xứ Thái Hà và Hà Đông, chúng con thấy Vietcatholic trên thực tế đã là mạng truyền thông phổ biến nhất của giới Công giáo, là website được nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam trong ngoài nước vào đọc nhất. Không những được các linh mục, tu sĩ và giáo dân vào xem mỗi ngày mà cả đến một số hãng thông tấn uy tín của Tây Phương cũng trích dẫn từ Vietcatholic.
Chúng con xin chúc mừng Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành. Qua Cha Giám Đốc và Ban Điều Hành, con cũng xin cảm ơn mọi người thiện chí trong ngoài nước vì tình thương và công lý, đã quan tâm chia sẻ và cầu nguyện cho chúng con trong hơn một tháng rưỡi vừa qua.
Nhân dịp Năm Mới Mậu Tý 2008, con xin kính chúc Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành một năm mới mạnh khoẻ, bình an và thành công trong sứ vụ truyền thông của mình. Xin Chúa cho Vietcatholic càng ngày càng phát triển để đóng góp tích cực vào việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam và rao truyền Tin mừng cho mọi người.
Xin Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành cũng tiếp tục cầu nguyện cho chúng con trong cơn gian nan khốn khó hiện tại.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Giáo xứ Thái Hà
Ngày 06.01.2008
Kính thưa Cha Giám Đốc,
Nhân dịp năm hết tết đến, với tư cách là một cá nhân có liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở trong Giáo xứ Thái Hà, theo lẽ công bằng, con thấy mình cần phải viết thư cho Cha Giám Đốc và Ban Điều Hành VietCatholic.
Trong một tháng rưỡi vừa qua Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành Vietcatholic đã tích cực theo dõi diễn biến các sự kiện diễn ra tại Giáo phận Hà Nội.
Vietcatholic đã tổ chức viết bài, chụp hình và đưa tin nhanh chóng nhất, chính xác và đầy đủ nhất các sự kiện diễn ra liên quan đến Toà Khâm Sứ, Thái Hà và Hà Đông.
Nhờ các nỗ lực truyền thông của các ngài mà tiếng nói yếu ớt của những người thấp cổ bé miệng như chúng con được có những người khác biết đến. Bản thân chúng con, những người trong cuộc, nhờ theo dõi sự kiện qua mang Vietcatholic cũng thấy mình hiểu biết đầy đủ hơn diễn biến sự kiện và các khía cạnh tế nhị và phong phú liên quan. Qua Vietcatholic chúng con cũng thấy mình được đông đảo đồng bào trong ngoài nước chia sẻ và cảm thông.
Chúng con xin chân thành cám ơn sự hy sinh và tấm lòng thương mến của Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành dành cho Giáo Phận Hà Nội, đặc biệt cho chúng con ở Giáo xứ Thái Hà.
Theo dõi các tin tức liên quan đến vấn đề cầu nguyện diễn ra ở Toà Khâm Sứ và ở Giáo xứ Thái Hà và Hà Đông, chúng con thấy Vietcatholic trên thực tế đã là mạng truyền thông phổ biến nhất của giới Công giáo, là website được nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam trong ngoài nước vào đọc nhất. Không những được các linh mục, tu sĩ và giáo dân vào xem mỗi ngày mà cả đến một số hãng thông tấn uy tín của Tây Phương cũng trích dẫn từ Vietcatholic.
Chúng con xin chúc mừng Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành. Qua Cha Giám Đốc và Ban Điều Hành, con cũng xin cảm ơn mọi người thiện chí trong ngoài nước vì tình thương và công lý, đã quan tâm chia sẻ và cầu nguyện cho chúng con trong hơn một tháng rưỡi vừa qua.
Nhân dịp Năm Mới Mậu Tý 2008, con xin kính chúc Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành một năm mới mạnh khoẻ, bình an và thành công trong sứ vụ truyền thông của mình. Xin Chúa cho Vietcatholic càng ngày càng phát triển để đóng góp tích cực vào việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam và rao truyền Tin mừng cho mọi người.
Xin Cha Giám Đốc và quý anh chị em trong Ban Điều Hành cũng tiếp tục cầu nguyện cho chúng con trong cơn gian nan khốn khó hiện tại.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Giáo xứ Thái Hà
Thư Đức Giám Mục giáo phận Thái Bình gửi VietCatholic
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
12:39 08/02/2008
Thư Đức Giám Mục giáo phận Thái Bình gửi VietCatholic
Thái Bình ngày 7 tháng 2 năm 2008.
Kính gửi Cha Giám Đốc và Ban Biên Tập VietCatholic.
Định ngày mồng 1 Tết khai bút viết cho các vị, song bận công việc mục vụ đầu năm: khách khứa tùm lum, lại đang phát động chương trình Bác Ái xã hội trong năm Hồng Đào của giáo phận, rồi một Linh mục - tuy chưa lớn tuổi - qua đời, nên hôm nay mới viết mấy dòng để: trước hết cảm tạ quý vị (lại vừa đọc lời chúc tụng tốt đẹp của quý vị đăng trên VietCatholic) vì những điều tốt lành các vị đã dành cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và riêng cho giáo phận Thái Bình, đã kịp thời đưa tin tức và bài viết bổ ích trong vụ tranh chấp đất Tòa Khâm Sứ cũ vừa qua, lại giúp cho những bản văn mục vụ của giáo phận được quảng bá nhiều nơi trên thế giới. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Kính chúc Cha Giám đốc và các vị trong Ban Biên tập năm mới sức khỏe dồi dào, thành công trong việc đem Tin Mừng của Chúa tràn lan khắp năm châu bốn bể.
Một lần nữa xin cảm tạ và kính chúc.
Xin các vị thêm lời cầu nguyện cho tôi và toàn thể Giáo phận Thái Bình.
Thân mến.
+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Gp. Thái Bình
Thái Bình ngày 7 tháng 2 năm 2008.
Kính gửi Cha Giám Đốc và Ban Biên Tập VietCatholic.
Định ngày mồng 1 Tết khai bút viết cho các vị, song bận công việc mục vụ đầu năm: khách khứa tùm lum, lại đang phát động chương trình Bác Ái xã hội trong năm Hồng Đào của giáo phận, rồi một Linh mục - tuy chưa lớn tuổi - qua đời, nên hôm nay mới viết mấy dòng để: trước hết cảm tạ quý vị (lại vừa đọc lời chúc tụng tốt đẹp của quý vị đăng trên VietCatholic) vì những điều tốt lành các vị đã dành cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và riêng cho giáo phận Thái Bình, đã kịp thời đưa tin tức và bài viết bổ ích trong vụ tranh chấp đất Tòa Khâm Sứ cũ vừa qua, lại giúp cho những bản văn mục vụ của giáo phận được quảng bá nhiều nơi trên thế giới. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Kính chúc Cha Giám đốc và các vị trong Ban Biên tập năm mới sức khỏe dồi dào, thành công trong việc đem Tin Mừng của Chúa tràn lan khắp năm châu bốn bể.
Một lần nữa xin cảm tạ và kính chúc.
Xin các vị thêm lời cầu nguyện cho tôi và toàn thể Giáo phận Thái Bình.
Thân mến.
+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Gp. Thái Bình
Cộng đoàn Công giáo Thánh Bernadette tại Randolph, Massachusetts, mừng Tết
Trần N Anh
16:03 08/02/2008
Cộng đoàn Công giáo Thánh Bernadette tại Randolph, Massachusetts
Kỷ Niệm Một Năm Thành Lập Cộng Đoàn, Mừng Tết Mậu Tý và Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam.
Vào ngày Chuá Nhật 3 tháng 2 vừa qua, Cộng đoàn Công giáo Thánh Bernadette tại Randolph, Massachusetts đã tổ chức lễ Kỷ Niệm Một Năm Thành Lập Cộng Đoàn, Mừng Tết Mậu Tý và Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam. Hơn 700 đồng bào quanh vùng South Shore (phía nam của thành phố Boston) đã đến tham dự. Một số kách người Việt từ Tổ Chức Cộng Đồng Tiểu Bang cũng như các cộng đoàn Công giáo bạn như Cộng đoàn Mẹ Lavang tại Dorchester, Cộng đoàn Thánh Giuse từ Lowell. Khách người địa phương có Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Thánh Bernadette, nhiều thành viên của cộng đoàn Công giáo người Haitian, cũng có mặt trên hàng ghế dành cho khách.
Chương trình bắt đầu lúc 1:30 chiều với Thánh Lễ. Đoàn rước quý cha đồng tế từ cuối nhà thờ đi đầu là hai lá cờ Việt Mỹ, thánh giá nến cao, quý cụ ông bà mặc quốc phục dân tộc, đoàn giúp lễ, hai thầy sáu, cha sở Ed Doughty, hai cha người Việt du học và cha chủ tế là quản nhiệm cộng đoàn, cha Joseph Nguyễn Linh. Đoàn lên dâng hương trước bàn thờ Chúa theo nhịp chiệng trống, sau đó sang làm lễ cúng tế Tổ Tiên và Anh Hùng Dân Tộc bên bàn thờ Tổ Tiên cũng theo nhịp chiêng trống. Nghi thức và Lời đọc trong Lễ Nghi Tôn Kính Tổ Tiên dùng trong buổi lễ hôm nay cũng đã được VietCatholic đưa lên mạng (xin vào xem: http://vietcatholic.net/News/Html/52024.htm)
Phải nói rằng người Việt chúng ta rất trân quý giây phút đứng trước bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và những ân nhân đã giúp chúng ta, chúng tôi còn thấy nhiều người Mỹ và Haitian tham dự thánh lễ này cũng xụt xùi cảm động khi lời cầu nguyện được xướng lên bằng tiếng Anh. Vâng chúng ta không chỉ nhớ đến và cầu nguyện cho tổ tiên và anh hùng của mình, nhưng còn cầu nguyện cho những người lập quốc Hoa Kỳ, cho các chiến sĩ đồng minh đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam và trên khắp thế giới, cho các người lính cảnh sát, cứu hỏa và các người khác đã hy sinh cho đời sống hằng ngày của dân chúng Hoa Kỳ trong đó có chúng ta.
Phần cuối Thánh lễ, mọi người cùng với ca đoàn hát Kinh Hoà Bình để cầu nguyện đặc biệt cho quê hương Việt Nam, cho Đức Tổng Giám Mục và Giáo dân Hà Nội đòi lại được công lý và tự do, không chỉ cho người công giáo nhưng là cho tất cả dân tộc Việt Nam. Với lời cầu nguyện của mọi người, nơi cộng đồng công giáo nhỏ bé này, và mọi nơi trên thế giới, nhất là tại Việt Nam, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ sớm ban cho dân tộc Việt Nam được tự do, hạnh phúc, nhân quyền và phẩn giá con người được tôn trọng.
Sau Thánh Lễ là phần ăn tiệc mừng Xuân và mừng Cộng đoàn một tuổi. Ban Tổ Chức đã rất chu đáo và phục vụ mọi người hiện diện. Thực phẩm có chả giò, cơm chiên, tôm chiên, heo quay, bánh hỏi, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu vá các loại bánh và trái cây. Hơn 700 người dùng tiệc mà vẫn còn dư lại. Chương trình sinh hoạt có phần chúc thọ các cụ, mừng tuổi các cháu, văn nghệ mừng xuân và hái lộc đầu năm. Báo The Patriot Ledger, một tờ báo lớn thứ ba tại Boston sau Boston Globe và Boston Herald, có bài phóng sự về buổi lễ này. Xin mời vào xem http://www.wickedlocal.com/patriotledger/homepage/x1979429381
Kỷ Niệm Một Năm Thành Lập Cộng Đoàn, Mừng Tết Mậu Tý và Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam.
Vào ngày Chuá Nhật 3 tháng 2 vừa qua, Cộng đoàn Công giáo Thánh Bernadette tại Randolph, Massachusetts đã tổ chức lễ Kỷ Niệm Một Năm Thành Lập Cộng Đoàn, Mừng Tết Mậu Tý và Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam. Hơn 700 đồng bào quanh vùng South Shore (phía nam của thành phố Boston) đã đến tham dự. Một số kách người Việt từ Tổ Chức Cộng Đồng Tiểu Bang cũng như các cộng đoàn Công giáo bạn như Cộng đoàn Mẹ Lavang tại Dorchester, Cộng đoàn Thánh Giuse từ Lowell. Khách người địa phương có Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Thánh Bernadette, nhiều thành viên của cộng đoàn Công giáo người Haitian, cũng có mặt trên hàng ghế dành cho khách.
Saleena Nguyen, 5, và Jennifer Vo, 7, tham dự HộI Tết. |
Phải nói rằng người Việt chúng ta rất trân quý giây phút đứng trước bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và những ân nhân đã giúp chúng ta, chúng tôi còn thấy nhiều người Mỹ và Haitian tham dự thánh lễ này cũng xụt xùi cảm động khi lời cầu nguyện được xướng lên bằng tiếng Anh. Vâng chúng ta không chỉ nhớ đến và cầu nguyện cho tổ tiên và anh hùng của mình, nhưng còn cầu nguyện cho những người lập quốc Hoa Kỳ, cho các chiến sĩ đồng minh đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam và trên khắp thế giới, cho các người lính cảnh sát, cứu hỏa và các người khác đã hy sinh cho đời sống hằng ngày của dân chúng Hoa Kỳ trong đó có chúng ta.
Phần cuối Thánh lễ, mọi người cùng với ca đoàn hát Kinh Hoà Bình để cầu nguyện đặc biệt cho quê hương Việt Nam, cho Đức Tổng Giám Mục và Giáo dân Hà Nội đòi lại được công lý và tự do, không chỉ cho người công giáo nhưng là cho tất cả dân tộc Việt Nam. Với lời cầu nguyện của mọi người, nơi cộng đồng công giáo nhỏ bé này, và mọi nơi trên thế giới, nhất là tại Việt Nam, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ sớm ban cho dân tộc Việt Nam được tự do, hạnh phúc, nhân quyền và phẩn giá con người được tôn trọng.
Sau Thánh Lễ là phần ăn tiệc mừng Xuân và mừng Cộng đoàn một tuổi. Ban Tổ Chức đã rất chu đáo và phục vụ mọi người hiện diện. Thực phẩm có chả giò, cơm chiên, tôm chiên, heo quay, bánh hỏi, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu vá các loại bánh và trái cây. Hơn 700 người dùng tiệc mà vẫn còn dư lại. Chương trình sinh hoạt có phần chúc thọ các cụ, mừng tuổi các cháu, văn nghệ mừng xuân và hái lộc đầu năm. Báo The Patriot Ledger, một tờ báo lớn thứ ba tại Boston sau Boston Globe và Boston Herald, có bài phóng sự về buổi lễ này. Xin mời vào xem http://www.wickedlocal.com/patriotledger/homepage/x1979429381
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bà Mẹ Thái Hà (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
13:26 08/02/2008
Bà Mẹ Thái Hà
Bà mẹ Thái Hà thật đảm đang,
Nhà cưả lo toan, bưã sẵn sàng,
Sáng chiều qua lại “thăm tình thế”,
Đêm hôm canh thức với xóm làng.
Dọn Tết, quét đường quanh đất Mẹ,
Đón Xuân, hoa, ảnh xếp gọn gàng.
Sớm tối nguyện cầu cho dân nước:
Thanh bình, hạnh phúc buổi xuân sang!
Thanh bình, hạnh phúc buổi xuân sang,
Niềm mơ đơn giản, thật nhẹ nhàng,
Năm chục năm rồi mơ không trọn,
Mấy thế hệ qua mộng bẽ bàng…
Thương dân oan ức ngồi góc phố,
Xót người cùng khổ ngủ giưã đàng.
Tết này mẹ thiết tha cầu nguyện:
Hoà Bình, Công Lý đến thênh thang!
Boston, ngày 8 tháng 2 năm 2008
Bà mẹ Thái Hà thật đảm đang,
Nhà cưả lo toan, bưã sẵn sàng,
Sáng chiều qua lại “thăm tình thế”,
Đêm hôm canh thức với xóm làng.
Dọn Tết, quét đường quanh đất Mẹ,
Đón Xuân, hoa, ảnh xếp gọn gàng.
Sớm tối nguyện cầu cho dân nước:
Thanh bình, hạnh phúc buổi xuân sang!
Thanh bình, hạnh phúc buổi xuân sang,
Niềm mơ đơn giản, thật nhẹ nhàng,
Năm chục năm rồi mơ không trọn,
Mấy thế hệ qua mộng bẽ bàng…
Thương dân oan ức ngồi góc phố,
Xót người cùng khổ ngủ giưã đàng.
Tết này mẹ thiết tha cầu nguyện:
Hoà Bình, Công Lý đến thênh thang!
Boston, ngày 8 tháng 2 năm 2008
Thái Hà đang trở thành điểm nóng khi bảo vệ kéo hàng rào thép gai làm rào cản!
PV VietCatholic
20:04 08/02/2008
Lo lắng |
Kéo ra |
Kéo vào |
Anh chị em giáo dân Thái Hà canh thức trông chừng đất nhà thờ đã gọi điện cấp báo khi thấy các nhân viên bảo vệ Công ty Dệt Thảm Len ở Thái Hà kéo đang kéo dây thép gai bên trong tường rào. Một hàng thép gai kéo bên ngoài chưa đủ, nay lại thêm một hàng bên trong! Hành động kéo dây thép gai giữa lòng thủ đô thế này khi hỏi đến thì chẳng cơ quan nào dám nhận, bây giờ thì rõ ràng Công ty dệt thảm len đã làm việc này, đương nhiên dưới sự cho phép hoặc nhắm mắt làm ngơ của chính quyền.
Khi các linh mục và anh chị em giáo dân kéo đến hiện trường, một người không mặc đồ bảo vệ, có lẽ là trưởng nhóm nói: "Chúng tôi chỉ muốn bình yên vào những ngày còn lại của Tết".
Câu nói này để lộ cho thấy những người chiếm dụng đất trái phép đang lo sợ “một cơn bão bất ngờ”. Họ e rằng giáo dân Thái Hà lợi dụng mấy ngày Xuân để tràn vào khu đất họ đang chiếm dụng.
Thấy các linh mục và anh chị em giáo dân kéo đến hiện trường mỗi lúc một đông, cán bộ và nhân viên bảo vệ Công ty Dệt Thảm Len ở Thái Hà lại nghĩ ngợi không biết kéo thêm một hàng rào kẽm gai như thế này thì sẽ được bình yên hơn chăng hay chỉ gieo vào lòng người dân sự phẫn uất.
Nghĩ ngợi một lát họ lại thu lại những cuộn thép gai đã giăng.
Dân chúng tại chỗ chứng kiến từ đầu cuối tự hỏi cán bộ và nhân viên bảo vệ Công ty Dệt Thảm Len có phải muốn làm một màn trình diễn để dằn mặt? Hay là giăng ra rồi lại kéo vào vì sợ "tạo ra cơ hội" cho giáo dân tràn vào như ở Toà Khâm Sứ? Hay là các "xếp" lòng dạ bối rối lệnh tới lệnh lui mà không biết mình ra lệnh gì?
Mấy ngàn giáo dân từ các giáo phận Bắc Việt đổ về Thái Hà hành hương theo truyền thống ngày 3 Tết
PV VietCatholic
23:20 08/02/2008
Mấy ngàn giáo dân từ các giáo phận Bắc Việt đổ về Thái Hà hành hương theo truyền thống ngày 3 Tết
HÀ NỘI -- Có hơn một chục bà cụ suốt mấy ngày Tết vẫn liên tục túc trực tại hiện trường khu vực giáo xứ Thái Hà. Trong lều bạt có nước uống, bánh chưng và bánh ngọt. Các bà hạnh phúc với xác tín canh thức và cầu nguyện của mình.
Giáo dân giáo xứ Thái Hà thường ra hiện trường cầu nguyện sau mỗi giờ lễ trong ngày mùng một và mùng hai. Các cha, các thầy và nhiều người ra lều trại chúc tết và thăm hỏi các cụ bà.
Các cụ cho biết sáng mùng hai tết có một vài cán bộ đến hiện trường. Có cán bộ cũng vào lều bạt thăm hỏi và chúc tết các bà cụ đang hiện diện ở đây. Các bà kể rằng, "Họ nói: nếu các cụ không về mà cứ ở đây thì những anh nghiện cướp giật hay hắt a xít, hay ném gạch đá vào thì sao?”. Các cụ trả lời: “Chúng tôi già rồi, chết cũng chẳng tiếc gì. Nhưng chúng tôi ở đây an toàn vì có Mẹ của chúng tôi ở cùng chúng tôi”.
Chiều mùng 2 tết, các cán bộ của công ty Chiến Thắng lại đưa giây théo gai ra giăng quanh khu đất. Không biết công ty này chuẩn bị làm gì?
Lúc đó công an túc trực can thiệp và người ta cuộn lại hàng rào thép gai. Các cán bộ công an túc trực ngày tết ở hiện trường kể là khôn khéo. Nếu không thì tình hình có thể căng thẳng thêm, vì ngày tết nhiều người được nghỉ học, nghỉ việc và họ do đó giáo dân sẽ đến rất đông.
Những giáo dân ở đây cho biết các cán bộ trong công ty Chiến Thắng này rất hung hăng. Họ nghĩ rằng vì các cán bộ này gắn chặt với quyền lợi cá nhân của họ nơi khu đất. Trong khi đó, theo lời các cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại hiện trường, thì họ chỉ có mặt vì phải thừa hành cấp trên. Họ chẳng được ăn chia gì trong chuyện đất đai ở đây.
Sáng nay, mùng 3 Tết, vốn là ngày hành hương minh niên truyền thống kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà. Giáo dân từ nhiều tỉnh thành ở Miền Bắc đều hành hương về đây. Các đoàn hành hương cho biết họ là giáo dân của các giáo phận như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tây, Vĩnh Yên... Họ về Thái Hà theo tục lệ hằng năm để xin khấn và tham dự giờ hành hương. Nhiều người cũng ra tham gia cầu nguyện ngoài khu đất.
Khi chúng tôi làm bản tường trình này là vào khoảng hơn 9 h sáng mùng 3 tết (9.2.2008). Giáo dân khắp nơi đã về và đứng chật trong ngoài nhà thờ Thái Hà.
Công an đang tập trung khá đông ở trên con đường cạnh khu đất. Họ cũng tập trung ở cổng vào nhà thờ và ở văn phòng MTTQ và Đoàn Thanh Niên ở đối diện với nhà thờ. Họ không mặc quân phục và đều ngồi trong phòng.
Tất cả các linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở Miền Bắc hôm nay cũng về Thái Hà. Nhiều cha thầy ra thăm hiện trường vụ đất đai. Các thầy và các soeurs của các dòng cũng đã đến tham dự giờ hành hương.
Nhà thờ đang tổ chức giờ khấn thứ nhất. Giáo dân đang ghi ý khấn ở các bàn kê quanh sân. Các cha đang xếp hàng giải tội. Trên khu đất tương đối vắng lặng.
Lát nữa, thánh lễ xong mọi người sẽ ra khu đất cầu nguyện. Thánh lễ sáng nay sẽ do Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự.
HÀ NỘI -- Có hơn một chục bà cụ suốt mấy ngày Tết vẫn liên tục túc trực tại hiện trường khu vực giáo xứ Thái Hà. Trong lều bạt có nước uống, bánh chưng và bánh ngọt. Các bà hạnh phúc với xác tín canh thức và cầu nguyện của mình.
Giáo dân giáo xứ Thái Hà thường ra hiện trường cầu nguyện sau mỗi giờ lễ trong ngày mùng một và mùng hai. Các cha, các thầy và nhiều người ra lều trại chúc tết và thăm hỏi các cụ bà.
Các cụ cho biết sáng mùng hai tết có một vài cán bộ đến hiện trường. Có cán bộ cũng vào lều bạt thăm hỏi và chúc tết các bà cụ đang hiện diện ở đây. Các bà kể rằng, "Họ nói: nếu các cụ không về mà cứ ở đây thì những anh nghiện cướp giật hay hắt a xít, hay ném gạch đá vào thì sao?”. Các cụ trả lời: “Chúng tôi già rồi, chết cũng chẳng tiếc gì. Nhưng chúng tôi ở đây an toàn vì có Mẹ của chúng tôi ở cùng chúng tôi”.
Chiều mùng 2 tết, các cán bộ của công ty Chiến Thắng lại đưa giây théo gai ra giăng quanh khu đất. Không biết công ty này chuẩn bị làm gì?
Lúc đó công an túc trực can thiệp và người ta cuộn lại hàng rào thép gai. Các cán bộ công an túc trực ngày tết ở hiện trường kể là khôn khéo. Nếu không thì tình hình có thể căng thẳng thêm, vì ngày tết nhiều người được nghỉ học, nghỉ việc và họ do đó giáo dân sẽ đến rất đông.
Những giáo dân ở đây cho biết các cán bộ trong công ty Chiến Thắng này rất hung hăng. Họ nghĩ rằng vì các cán bộ này gắn chặt với quyền lợi cá nhân của họ nơi khu đất. Trong khi đó, theo lời các cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại hiện trường, thì họ chỉ có mặt vì phải thừa hành cấp trên. Họ chẳng được ăn chia gì trong chuyện đất đai ở đây.
Sáng nay, mùng 3 Tết, vốn là ngày hành hương minh niên truyền thống kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà. Giáo dân từ nhiều tỉnh thành ở Miền Bắc đều hành hương về đây. Các đoàn hành hương cho biết họ là giáo dân của các giáo phận như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tây, Vĩnh Yên... Họ về Thái Hà theo tục lệ hằng năm để xin khấn và tham dự giờ hành hương. Nhiều người cũng ra tham gia cầu nguyện ngoài khu đất.
Khi chúng tôi làm bản tường trình này là vào khoảng hơn 9 h sáng mùng 3 tết (9.2.2008). Giáo dân khắp nơi đã về và đứng chật trong ngoài nhà thờ Thái Hà.
Công an đang tập trung khá đông ở trên con đường cạnh khu đất. Họ cũng tập trung ở cổng vào nhà thờ và ở văn phòng MTTQ và Đoàn Thanh Niên ở đối diện với nhà thờ. Họ không mặc quân phục và đều ngồi trong phòng.
Tất cả các linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở Miền Bắc hôm nay cũng về Thái Hà. Nhiều cha thầy ra thăm hiện trường vụ đất đai. Các thầy và các soeurs của các dòng cũng đã đến tham dự giờ hành hương.
Nhà thờ đang tổ chức giờ khấn thứ nhất. Giáo dân đang ghi ý khấn ở các bàn kê quanh sân. Các cha đang xếp hàng giải tội. Trên khu đất tương đối vắng lặng.
Lát nữa, thánh lễ xong mọi người sẽ ra khu đất cầu nguyện. Thánh lễ sáng nay sẽ do Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự.
Văn Hóa
Nói Chuyện Chuột, Năm Mậu Tý
Jos. Vĩnh SA
02:58 08/02/2008
Năm Tý nói chuyện Chuột
Nguồn gốc loài chuột:
Không ai biết được nguồn gốc của chuột phát sinh từ đâu mà ra. Tất cả thế giới đều cho đó là hiện tượng do thiên nhiên tạo dựng nên các sinh vật trên trái đất, giống như chuyện trong kinh thánh nói về việc tạo dựng nên vũ trụ và con người phát xuất từ đất bùn, Chúa nặn lên tổ tiên của loài người là Adam và Eva.
Có một câu hỏi đặt ra, mà cho đến ngày nay vẫn chưa có câu giải đáp. Tại sao tổ tiên của chúng ta lại chọn loài chuột đứng đầu cho 12 con giáp? Mà lại không chọn con vật khác?? Chưa có câu trả lời chính xác.
Nhưng có giả thuyết cho rằng: Sở dĩ chuột được đứng đầu trong 12 con giáp, vì theo các khoa học gia cho biết vào giờ Tý khoảng từ 23 giờ khuya đến 02 giờ sáng là giờ chuột hoạt động rất mạnh, đi cắn phá và kiếm ăn. Giờ đó chúng rất tỉnh táo và bén nhậy. Lồng trong thời điểm đó, đa số các cặp vợ chồng chọn là giờ để ân ái, giao hợp với nhau. Giờ này yên tịnh, những người thân hoặc con cái trong gia đình đang yên giấc ngủ. Lợi dụng giờ giấc này, các cặp vợ chồng thức dậy, khều nhau cùng diễn trò mây, mưa, “trùm mền múa lân”. Nên phụ nữ thường hay cấn thai vào giờ Tý. Do đó mới có sự phát sinh ra nhân loại lan tràn trên trái đất. Vì vậy chuột được coi là con vật làm chuẩn đứng đầu 12 con giáp. Đây chỉ là một giả thuyết thôi, không có sự xác minh chính thức.
Đã có sự thống nhất ở một số quốc gia Á châu, trong đó có người Việt Nam. Cha ông chúng ta đã chọn 12 con vật tiểu biểu cho 12 con giáp. Có 7 con vật là loại chăn nuôi: Trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, heo.
Còn 4 con vật khác thuộc loại hoang dã: Chuột, hổ, rắn, khỉ và 1 con vật coi như là thần linh, đó là Rồng.
Các loại chuột và họ nhà chuột:
Chuột sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều loại khác nhau, riêng chuột (Rattus) có tới 570 loại giống, đó là một số lượng giống vật nhiều loại nhất, so với bất cứ loại động vật có vú nào. Chuột nhắt (Mus) cũng có khoảng 370 loại. Cũng theo ước tính của các nhà khoa học thì hiện nay trên thế giới có khoảng trên 4 tỉ con chuột, nghĩa là bằng khoảng 2/3 dân số loài người trên thế giới..
Chuột đàn rất mắn đẻ, sau khi giao cấu, chuột cái có bầu từ 19 đến 22 ngày, khoảng 3 tuần là đẻ. Chúng đẻ rất nhiều, mỗi năm chuột cái sinh sản từ 5 đến 7 lứa và mỗi lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Chuột cái con (female), lớn chừng 3 tháng tuổi là có thể giao cấu, thụ thai và sanh con. Cứ 3 tháng chuột cái lại sanh một lần. Tuổi thọ của chuột sống tối đa khoảng từ 3 đến 4 năm.
Theo thống kê cho biết: Chuột cái, nếu cứ mỗi lần sanh sản “mẹ tròn, con vuông” thì khoảng sau 3 năm, nó sẽ có đến 5 đời: Con, cháu, chắt, chút, chít có thể lên đến hàng triệu con. Nếu không có loài người và những sinh vật sát hại chúng như: Mèo, chó, rắn, diều hâu, chồn, cáo. .vv.. Giết và ăn thịt chuột, thì chẳng bao lâu chuột sẽ sinh nở kín trái đất.
Chuột thuộc loại gặm nhấm và sinh sản nhiều, cho nên chúng được xếp vào loại động vật có quân số đông nhất trên địa cầu. Chuột có nhiều loại:
-Chuột Bạch -Chuột Cống (hay chuột Na Uy) -Chuột Chù -Chuột Đại thử (hay còn gọi chuột Kangaroo) -Chuột Đồng -Chuột Giunea pig -Chuột Nhà -Chuột Nước -Chuột Nhảy -Chuột Sạ -Chuột Sao -Chuột Sóc -Chuột Túi -Chuột Vòng..v.v.. Chuột vòng và chuột bạch nuôi làm cảnh trong nhà.
Chuột cũng biết ghen:
Theo các nhà nghiên cứu cho biết: Khi chuột nhà gặp một con chuột lạ xuất hiện, trưởng bày chuột sẽ xua đuổi hoặc chiến đấu với tên chuột lạ cho tới khi chuột lạ biến mất, hoặc tiêu diệt tên đó. Chuột tiết ra một mùi riêng để chúng dễ nhận diện ra bà con. Trong trường hợp chuột chồng phải đi xa kiếm ăn, hoặc vắng nhà. Chuột vợ ở nhà cho chồng mọc sừng. Hoặc có tên chuột đực nào gian manh đến tán tỉnh, tằng tịu với chuột cái, chuột chồng về, sẽ trừng trị chuột cái cho đến khi cái mùi của tên chuột đực dê xồm được gió cuốn bay đi hết khỏi lông của chuột vợ, thì chuột vợ mới được chồng tha…
Thực phẩm của chuột:
Chuột ăn được các loại thực phẩm mà con người, hay bất cứ sinh vật nào trên trái đất có thể ăn được. Chúng ăn, gặm nhấm và phá hoại mùa màng, lương thực của dân gian khoảng 42.5 triệu tấn trong một năm, từ ngoài cánh đồng vào đến các kho dự trữ. Số lượng lương thực này được Hội Lương Nông Quốc Tế LHQ ước tính bằng tổng sản lượng lương thực của 25 nước nghèo trên thế giới cộng lại. (trong đó có VN).
Cứ mỗi vụ mùa, một con chuột tha về hang, ổ khoảng từ 3 đến 5 kílô thóc gạo. Chuột ăn một ngày khoảng 100gr thức ăn, bằng 50 hay 80% trọng lượng toàn thân của nó. Các nông gia ước tính, cứ mỗi hecta ruộng, rẫy, có khoảng 20 hang chuột.
Qua một cuộc nghiên cứu và thí nghiệm, trong phòng Lab. Người ta bắt một con chuột nhắt thả vào trong một hũ gạo. Kết quả ghi nhận được như sau: Chuột nhắt ăn một năm hết 18.2kg gạo và bài tiết ra 25,000 cục phân, tổng cộng nặng 1.8kg và xả ra khoảng 4,640cm khối nước tiểu. Lượng gạo bị nhiễm bẩn, hư hại không dùng được, nhiều gấp 10 lần số gạo chuột đã ăn.
Thịt chuột:
Thịt chuột là món đặc sản của người dân miền Tây Việt Nam. Ai về miệt dưới, hướng Rạch Giá, Long Xuyên Châu Đốc, đi qua hai đầu cầu bắc, bến phà Vàm Cống đều nhìn thấy những quán cơm bán thịt đồng quê, nơi đây có những quán bán thịt chuột đã lột da, được xếp trong những cái khay, hoặc xiên thành từng vỉ, treo lủng lẳng trước quán để cho khách lựa chọn. Khách chỉ cần mua về, chặt thịt ra từng mảnh, ướp gia vị, nướng rôti hay kho sả ớt, ăn cũng rất thú vị. Trước khi làm món thịt chuột, người ta bắt chuột còn sống, cầm cái đuôi, dốc đầu chuột xuống, quay vài vòng cho chuột chóng mặt, rồi đập đầu chuột vào vật cứng như gỗ, đá hay đất cho chết. Chặt bỏ đầu, chân, đuôi và lột da vất đi. Mổ bụng, bỏ ruột, chỉ lấy độc nhất cái thân mà thôi. Rửa thịt cho sạch, sau đó chặt ra làm 4 hay 6 miếng tùy theo món chế biến, ướp gia vị với hành, tỏi, sả, ớt cho thơm…đem xào, chiên hay kho cũng ngon.
Bắt chuột miền quê: Năm 1954 di cư vào Nam, chúng tôi thấy những người dân miền Nam bắt rắn, bắt chuột về ăn thịt. Lúc đầu chúng tôi nhìn thấy họ làm thịt rắn và chuột. Nghĩ tới lúc ăn, sao tôi thấy ơn ớn. Nhưng về sau được những người bạn miền Nam cho ăn thử, thấy ngon và có lý, nên chúng tôi cũng học theo, đi săn bắt chuột và rắn về mần thịt.
Khởi đầu dân Bắc Kỳ di cư vào Nam được chính phủ Ngô Đình Diệm đưa đi định cư nơi vùng dinh điền Cái Sắn, nằm giữa liên tỉnh lộ Long Xuyên - Rạch Giá.
Cái Sắn là một cánh đồng hoang vu ngập nước từ tháng 5 đến tháng 12, cỏ dại mọc cao khoảng từ 2 tới 3 mét, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Đến mùa khô, chính phủ gửi một đội quân máy cày, có Mã Lực mạnh, kéo loại giàn cày 3 chảo, khoảng vài chục chiếc xuống dinh điền Cái Sắn, giúp dân chúng phá hoang lập ấp. Đội máy cày, kéo giàn cày chạy trước, chúng tôi dẫn chó chạy theo sau, để săn bắt những con chuột đồng bụ bẫm và những chú rắn hổ hành bự, trông rất dự tợn. Bày chó giúp chúng tôi bắt chuột, rắn và rùa rất nhanh chóng, gọn gàng và hữu hiệu. Chó rượt theo chuột, cạp ngang lưng con chuột hay đuôi rắn kéo về, chúng tôi chỉ cần lấy cây đập đầu rắn hoặc tóm cổ chuột, bỏ vào bao hay rọ là xong ngay.
Chúng tôi thường đem theo những cái bao bố (empty bags) đã được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ dùng để đựng gạo và bột mì phát cho dân chúng, để nhốt chuột và rắn. Chúng tôi dẫn chó theo đoàn máy cày chừng vài tiếng đồng hồ là có một vài bao chuột, rùa và rắn đem về mần thịt.
Ở miền Tây vào mùa nước lớn chúng tôi dẫn chó theo lên xuồng, chống sào vào các bụi tre hay các bụi rậm, lấy đòng đâm chuột, nhiều chú chuột bị động, sợ nhẩy xuống nước trốn, chó rượt theo bắt lại. Vào mùa khô chúng tôi dẫn chó ra cánh đồng, thấy hang, ổ nào nghi là có chuột, chúng tôi đốt nùi rơm, hun khói thổi vào trong hang, chuột, rắn bị ngộp chui ra, phóng chạy, chó thoải mái rượt theo, cạp lưng chuột mang về giao cho chúng tôi. Ở miền Tây, người ta thường ra đồng bắt chuột đem về làm mồi nhậu với rượu đế, nấu gạo nếp than Bắc kỳ, nhậu tuyệt cú mèo, xỉn vút cần câu.
Trước 1975 ở Cần Thơ có quán Bảy Rùa nằm kế Bến Xe Mới gần Lộ 20. Quán này chuyên nấu các món nhậu thịt đồng quê như: Rùa, rắn, cua đinh, cua đơ và thịt chuột khá ngon. Dân nhậu Miệt Vườn thường hay ghé vào quán Bảy Rùa để lai rai thưởng thức các món thịt hoang dã đồng quê. Cần Thơ còn có thêm quán Vĩnh Ký và vài quán nữa cũng nấu các món đồng quê thuộc loại số dách.
Bây giờ hồi tưởng lại qúa khứ, vẫn còn thấy thèm “Món Nhậu Đồng Quê”. Ông bạn miệt vườn của tôi ở Cái Răng có treo trên tường 4 câu thơ:
Bao giờ bạn đến thăm nhà
Thưởng thức đặc sản đậm đà tình quê
Mùa đông tôi đón bạn về
Ăn món thịt Chuột hương quê tự hào…
Thưởng thức đặc sản đậm đà tình quê
Mùa đông tôi đón bạn về
Ăn món thịt Chuột hương quê tự hào…
Nhậu thịt Chuột 7 Món:
1. Chuột luộc ướp lá chanh. Thịt chuột luộc, ép với lá chanh. Sau khi luộc vớt thịt ra, lấy 2 cái kẹp bằng tre, ép cho ra hết nước, rồi chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, bày ra đĩa, rắc lá chanh thái chỉ và hành ngò lên trên, ăn ngon như thịt gà…
2. Chuột xào. Thịt chuột chặt thành miếng cỡ bằng 3 ngón tay, cho vào chảo xào chín với nước sốt. Đậu phộng giã nhỏ, rau thơm, hành, ngò, lá răm thái nhỏ, rắc lên trên, món này ăn với bún hết xẩy.
3. Chuột chiên dòn, rắc ngò gai, ngò ôm, ớt thái mỏng trộn với chanh trên dĩa thịt, chấm với nước mắm pha lạt, dầm với củ kiệu, cà rốt thái mỏng, món này nhậu bí tỷ. Ngoài ra còn có mục:
4. Thịt Chuột nấu đông
5. Thịt Chuột giả cầy
6. Thịt Chuột xào chua ngọt
7. Thịt Chuột sốt cà chua
Nghe đồn, ở miền Bắc có 2 tỉnh nổi tiếng về chợ bán thịt chuột và nấu món ăn thịt chuột là tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Nhất là làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh có quán thịt chuột 7 món. Giá thịt chuột vào những ngày gần Tết ở vùng này khoảng từ 12,000 đến 15,000 đồng VN/ kg.
(Phỏng theo hành trình văn hóa VTV4)
Theo khách du lịch kể lại, bên Trung Quốc ở tỉnh Vũ Hán có một khách sạn lớn, chuyên nhận chiêu đãi du khách đặc sản thịt chuột 10 món. Những món thịnh soạn này được các chú Ba biến chế từ 100 con chuột đồng. Món Fillet chuột được nhiều thực khách ưa chuộng. Chợ tỉnh Quảng Tây bán chuột sống, chợ Quảng Đông bán thịt chuột đóng hộp. Dân Phúc kiến cho rằng, thịt chuột có cái lườn là ngon nhất.
Trung Quốc cũng còn món thịt chuột độc đáo nữa là thịt “Chuột Bao Tử”. Món này được chế biến từ loại chuột đồng baby, được bắt đem về nuôi từ lúc còn nhỏ, cho chúng ăn bằng gạo trộn lẫn với trứng gà và các vị thuốc bắc, uống nước sâm và nước ép trái lê. Khi chuột đủ lớn, thụ thai vừa sanh con, chuột con còn sống được cột chặt, cho vào làm nhân bánh, như nhân bánh bao. Khi người ăn đưa bánh vào miệng cắn ăn, sẽ nghe tiếng kêu của chuột nhí còn sống bên trong. Đây là một trong 7 món đặc biệt mà Từ Hy Thái Hậu đã chiêu đãi các sư thần vào đêm giao thừa khoảng năm 1877 Tân Tý.
(Trích theo hội thi chuyên gia nấu ăn Trung Quốc)
Thịt Chuột là một món ăn thú vị nhất của Mèo.
Tôn Giáo Chuột:
Bên Ấn Độ có một tôn giáo thờ Chuột. Trong một đêm khuya, tôi tình cờ mở TV coi đài số 2 ABC, chương trình Thế Giới chung quanh chúng ta, tường thuật thời sự bên Ấn Độ có đạo thờ chuột. Nguyên một làng thờ chuột, tôi không nhớ rõ tên làng này. Đạo Trưởng cấm các tín đồ không được nuôi những gia súc sát hại chuột, vì chuột là thần thánh, mọi người phải nuôi chuột và cho chúng ăn. Tôi nhìn thấy chúng sống và chạy nhầy luẩn quẩn chung với người. Hàng hàng, lớp lớp chuột chạy khắp mọi nơi trong nhà ngoài ngõ, nhìn thấy mà nổi da gà. Có lẽ đây là một tôn giáo có tín ngưỡng hơi quái đản.
Chuột Trong Kinh Thánh (trích theo các sách)
Lê Vi - Chương 11 -29Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế: Chuột chũi, chuột nhắt, mọi thứ thằn lằn,
Samuel I - Chương 6 -4Người Phi-li-tinh hỏi: “Của lễ đền tội chúng tôi phải nộp cho Người là gì?” Họ đáp: “Năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, tính theo số các vương hầu người Phi-li-tinh, vì cũng một tai hoạ đã giáng xuống trên tất cả anh em và trên các vương hầu của anh em”.
Samuel I - Chương 6 -5Anh em hãy làm những hình ảnh các khối u của anh em, và hình ảnh các con chuột đang phá phách xứ sở, và hãy tôn vinh Thiên Chúa Ít-ra-en. May ra Người sẽ nhẹ tay với anh em, với các thần của anh em và xứ sở anh em.
Samuel I - Chương 6 -11Chúng đặt hòm bia Đức Chúa lên xe, cùng với cái tráp đựng các con chuột bằng vàng và hình ảnh các khối u của chúng.
Samuel I - Chương 6 -18Ngoài ra còn có các con chuột bằng vàng, tính theo số tất cả các thành người Phi-li-tinh thuộc về năm vương hầu, từ thành kiên cố cho đến làng bỏ ngỏ. Tảng đá lớn trên đó người ta đã đặt hòm bia Đức Chúa là bằng chứng cho đến ngày hôm nay, trong cánh đồng ông Giơ-hô-su-a người Bết Se-mét.
Isaia - Chương 2 -20Ngày đó, con người sẽ ném cho chuột chù, cho dơi những tà thần bằng bạc, tà thần bằng vàng của họ mà họ đã làm ra để thờ.
Isaia - Chương 66 -17Những kẻ tự thánh hiến và tự thanh tẩy để vào các khu vườn sau một người đứng ở giữa, những kẻ ăn thịt heo, thịt các thú vật kinh tởm và thịt chuột, đều sẽ chết cả lũ.
-Sấm ngôn của Đức Chúa.
Như vậy lược sơ qua các bộ kinh thánh, chúng ta chỉ tìm thấy có Chuột được nói đến trong kinh thánh Cựu Ước. Còn kinh thánh Tân Ước thì không hề đá động gì đến loài chuột cả.
Văn nghệ chuột:
Hồi còn nhỏ, học ở bậc tiểu học, thầy cô giáo bắt chúng tôi phải tập dợt văn nghệ để trình diễn vào cuối niên học:
Bọn tôi không có máu văn nghệ, nên chẳng biết phải nghĩ ra tiết mục gì để mà trình diễn. Thầy cô ra điều kiện, nếu đội nào không có tiết mục trình diễn văn nghệ, sẽ phải đi làm vệ sinh và công tác dọn dẹp trường lớp. Sợ phải làm công tác, nên thằng bạn tôi đề nghị chúng mình chế ra bản nhạc “Chuột chết thúi để hát.” Vì hôm qua, Ba nó phát giác ra, dưới gầm giường có một con chuột chết thúi, mùi rất hôi, nó ớn quá. Thế là hắn chế ra bài hát, bắt cả 3 thằng chúng tôi tập để lên sân khấu trình diễn. Tôi lấy cây chổi làm microphone, Thiện lấy cái mẹt của bà nó cột thêm khúc tre chế ra cây đàn, Hiển lấy cái nồi làm trống. Tôi bắt đầu hát:
Chuột chết nuỗn, nuồn, nuồn, nuồn, a! á ! à !!
Thằng Thiện bạn tôi nó đánh đàn phụ họa ngay:
Tưng, tưng..Pùng píng, pung pang! pang! pang!
Thằng Hiển đứng kế bên tôi lấy mồm gõ vào cái nồi làm trống kêu: Tùng! Tùng !!! thế là cả hội trường cùng vỗ tay cười. Chúng tôi không ngờ màn trình diễn “Con chuột chết thúi” của chúng tôi lại được khán giả hâm mộ như vậy.
Trước năm 1975 Nhà tôi ở kế bên chợ, nên thường nghe các người quảng cáo bán thuốc Sơn Đông, họ biểu diễn võ thuật, để rao bán các thứ thuốc, kể cả thuốc diệt chuột. Họ rao bằng những vần thơ rất hay sau đây:
Thuốc chuột đây! Thuốc chuột đây!
Chuột ăn chuột chết
Rết ăn, rết què
Đánh đổ đầu hè
Kiến ăn, kiến chếtDIV>
Tục Ngữ Chuột
Chuột sa hũ gạo. Mèo vờn chuột. Loắt choắt như chuột nhắt. Hôi như chuột chù. Lù đù như chuột cống. Thúi như chuột chết. Lấm lép như chuột ngày.
Film Hoạt Họa Mickey Mouse
Film hoạt họa Mickey Mouse được sáng chế năm 1928 do hoạ sĩ Ub Iwerks (Ubbe Ert Iwwerks) người Đức, ông di dân sang Mỹ năm 1869 và làm việc cho công ty sản xuất film Walt Disney, chuyên vẽ film hoạt họa cho hãng film này. Sau một thời gian những film hoạt họa loại “Oswald the Lucky Rabbit” do ông vẽ, không còn được khán giả hâm mộ nữa. Nên nhà sản xuất Walt Disney đã đề nghị ông vẽ film hoạt hoạ mới, thay thế các film cũ không ăn khách. Ub Iwerks đã thử vẽ film hoạt hoạ về Ếch, Chó, Mèo, nhưng đã bị nhà sản xuất Walt Disney loại bỏ, không vừa ý. Mãi đến năm 1925 một hoạ sĩ khác tên Hug Harman vẽ những chú chuột chung quanh tấm hình của Walt Disney. Từ đó Ub Iwerks có ý tưởng vẽ film hoạt họa về Chuột, và ông đã khởi sự vẽ loại film này. Film hoạt họa Mickey Mouse đầu tiên ra đời là Film “Plane Crazy” được trình chiếu ngày 15 tháng 5 năm 1928 Pilot là một chú chuột ra khỏi máy bay rồi nhảy dù. Nhưng film này đã không gợi lên được hết những ý tưởng thiết thực cho khán giả. Walt Disney đã mau mắn cho sản xuất film thứ 2 do U. Iwerks vẽ tên là “The Gallopin Gaucho”. Những film loại này hoàn toàn ghép giọng nói của Walt Disney vào film, diễn xuất trong vai Chuột. Dự tính của Walt Disney khi cho trình chiếu film Mickey Mouse sẽ thu lợi nhuận khoảng US $75 dollars một tuần, nhưng nó đã thành công vượt mức. Kết quả mỗi tuần thu được US $150 dollars, gấp đôi lợi nhuận dự tính. Film Mickey Mouse được lưu truyền đến ngày nay và được hàng tỷ khán giả nhi đồng mến mộ. Ở các trung tâm giải trí Disney World, Florida và Disney Land, California hàng ngày đều có các diễn xuất về Mickey Mouse cho các du khách thưởng lãm, rất ăn khách.
Nghệ thuật chuột: Bên VN, vào những ngày Tết, người ta hay bày bán những bức tranh Đồng Hồ vẽ cảnh “Đám Cưới Chuột” “Mèo Vờn Chuột”.vv.
Tại làng Mái, tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc, nổi tiếng về nghệ thuật sáng tác tranh Đông Hồ, đặc biệt là Bức tranh dân gian “Đám Cưới Chuột” toàn cảnh bức tranh diễn tả một chú Rể chuột thi đỗ làm quan, vinh quy bái tổ về quê cưới vợ “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” Chuột xếp thành 2 hàng đi rước Dâu. Chú Rể chuột bảnh chọe, oai phong, đội mũ cánh chuồn, trông ra dáng vẻ quan tước, cưỡi ngựa đi trước đoàn rước Dâu, đang ngoảnh mặt lại, nhìn cô Dâu chuột ngồi trong cỗ kiệu hoa, cùng đi với bầu đoàn thê tử nhà chuột, có che lọng vàng, tán hoa.
Hàng rước thứ 2 của đoàn chuột kế bên phía trong tranh là đại diện cho gia tộc nhà chuột với những thanh nam và nữ tú chuột, ăn mặc chỉnh tề, đang xếp hàng đi đến trước mặt chú Mèo ngồi bệ vệ chặn đường. Hai họ nhà chuột khúm núm đến lễ Mèo, đút lót, hối lộ. Kẻ thì bưng chim gáy, người thì xách cá. Theo sau là một ban kèn chuột đang hòa tấu khúc nhạc, ca tụng mèo. Chú Mèo ngồi chễm chệ chặn đường, phùng má, trợn mắt, vênh râu, múa vuốt ra oai, hù dọa đám rước Dâu chuột.
Nhìn kỹ bức tranh có ghi câu đối:
“Thử bối đệ ngư: Chí! Chí! Chí!”
“Miêu nhi thủ lễ: Mưu! Mưu!Mưu!”
Hai câu đối này có nghĩa là:
“Bày Chuột dâng cá kêu: Chí! Chí! Chí!”
“Chú Mèo giữ lễ kêu: Meo! Meo! Meo!”
Thêm mấy hàng chữ nhỏ góc trên, phía bên trái: “Tác Lạc” nghĩa là: “Mua vui” với câu:
“Khôn khôn đá co dễ. Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời”
Theo các cụ ngày xưa cho biết: Thì bức tranh này gợi ý qua câu chuyện ngụ ngôn “Đám Cưới Chuột”. Nội dung câu chuyện được kể như sau: Một hôm giòng họ nhà Chuột quyết định làm đám cưới cho hai con. Chuột mẹ tất tưởi lo mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới, kể cả việc đi coi tuổi cho cô Dâu, chú Rể, rồi định ngày lành tháng tốt để cưới hỏi. Có một việc quan trọng, cả họ phải lo, là lỡi ngãi hối lộ quan bác Mèo Già để tránh bị phiền hà, Mong sao quan Mèo làm ngơ cho đám cưới được diễn tiến tốt đẹp. Đến ngày cưới, họ hàng nhà chuột, quần áo chỉnh tề, trong nghi thức cổ truyền dân tộc đầy hân hoan rạng rỡ. Hôn lễ cử hành trong nghi thức đơn giản, không rườm rà, đã được quan bác Mèo thông cảm cho hoàn tất êm đẹp. Thế nhưng một bi kịch đã không xảy ra trong ngày đám cưới chuột, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con đầu lòng. Vợ chuột vừa qua cơn đau đẻ “Vượt biển một mình” cứ tưởng sẽ được “Mẹ tròn, con vuông”. Nào ngờ đâu, bất chợt quan Mèo già xuất hiện, bắt trọn ổ cả nhà chuột đem đi hành hình xơi tái, kết liễu tang thương một gia đình trẻ nhà chuột.
Chuột và Khoa Học Y Khoa
Công dụng của chuột: Chuột hầu hết được các nhà khoa học sử dụng trong các phòng thí nghiệm để theo dõi các dịch vụ thử nghiệm y tế như: Thử nghiệm y dược, để biết công hiệu của từng loại dược phẩm trước khi áp dụng chữa trị cứu sống con người.
Chuột truyền dịch hạch:
Chuột cống là loại chuột nguy hiểm nhất. Chúng truyền dịch bệnh sang người qua các ký sinh trùng bám trên lông của chúng. Các loại bọ chuột này là những vi trùng: Dịch hạch, đậu lào, sốt ban nóng. Chuột còn tiềm ẩn 5 hay 6 loại giun ký sinh trùng, dễ lây lan sang loài người. Cần phải phòng ngừa và tiêu diệt chúng.
Diệt chuột trên đảo Pulau Bidong
Năm 1979 chúng tôi vượt biển đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, vào thời điểm này dân số tỵ nạn của trại lên đến 50,000 người. Thực phẩm được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho tàu chở tới tấp sang đảo tiếp tế. Đây cũng là dịp cho các bày chuột phát triển sinh sôi nảy nở. Chúng xâm nhập vào các nơi để đồ ăn của dân tỵ nạn, thừa hưởng các thức ăn, rác rến dư thừa do dân tỵ nạn thải bừa bãi xuống gềnh núi, lạch suối chung quanh trại, nên chẳng bao lâu chuột đã sinh sản tràn lan, hằng hà sa số khắp mọi nơi trên đảo. Cao Ủy LHQ và Ban Điều Hành trại phải phát động phong trào vệ sinh phòng dịch bằng cách khuyến khích và cổ động dân chúng diệt chuột thường xuyên.
Khi nghệ sĩ Hùng Cường vượt biên đến đảo Bidong, anh gia nhập khối thông tin văn nghệ và đã sáng tác ra bản nhạc Diệt Chuột. Cứ vài tiếng đồng hồ thì Ban Thông Tin trại lại cho phát thanh bản nhạc Diệt Chuột do Hùng Cường hát, mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ:
Sau đó Ban Điều Hành trại phát cạm bẫy và thuốc diệt chuột cho từng gia đình trong trại. Mỗi sáng Ban Vệ Sinh thu gom xác chuột bị chết hoặc mắc cạm, dồn vào bao cho xuống xà lan rác, kéo ra giữa biển ngâm tôm, cho cá ăn. Có nhiều bà con tỵ nạn, ban đêm đang ngủ ngon giấc thì bị những chú chuột lén vô gặm, cạp chân, đau chết cha, chết mẹ.
Phương pháp diệt chuột tự nhiên:
Có một nông gia đề nghị ra một phương pháp diệt chuột bằng cách “Lấy độc trị độc” không tốn tiền.
Bắt sống một vài tên chuột bự, rồi lấy chỉ khâu chặt đít chuột lại, đem ghìm chặt đuôi của chúng xuống đất hay cột chân chúng vào cọc với một sợi dây dài, nơi khu vực nào có nhiều bọn chuột xuất hiện. Hãy cho mấy tên chuột bị khâu đít, ăn thật no. Mấy ngày sau khi bị khâu đít, chuột không “ị” được, khó chịu, sẽ bực tức đuổi theo bất cứ tên chuột nào đến gần, cắn xé đến chết cho bõ ghét. Như vậy các tên chuột đang tự do ở ngoài sẽ sợ, không dám đến gần.
Những đội quân sát thủ, giết chuột phải kể đến: Mèo, chồn, cầy hương, diều hâu, cú, chim lợn, rắn.
Ngày nay người ta còn chế ra nhiều phương cách bắt chuột và diệt chuột. Quốc gia nào cũng có các cơ xưởng sản xuất cạm, bẫy bắt chuột, hoặc chế tạo thuốc diệt chuột. Một phát minh mới, là một loại Keo để trên điã. Chuột bước vào đĩa kiếm mồi ăn, chân đạp lên keo, sẽ bị keo dính chặt, giữ lại. Chủ nhà chỉ việc bắt, rồi đập chết hoặc đem đi thiêu hay cho mèo ăn, khỏi phải mất công đi tìm những con chuột chết thúi đâu đó, vì bị ăn trúng bả thuốc.
Ngoài miền Bắc Việt Nam trước kia, những làng quê toạ lạc bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ Tĩnh thường tổ chức ngày Lễ Hội Xuất Quân Diệt Chuột vào đầu năm, với một chương trình văn nghệ đặc sắc, diễn các hoạt cảnh bắt chuột, diệt chuột, để dân chúng trong các làng noi gương, thi đua diệt chuột bảo vệ mùa màng..
Viết về chuột thì còn vô số chuyện, không sao kể hết..
Nhân dịp năm hết, Tết đến, xin kính chúc:
Quí Độc Giả Vietcatholic.net một năm mới:
Jos. Vĩnh
Xuân Mậu Tý
HẾT
Chuột ăn chuột chết
Rết ăn, rết què
Đánh đổ đầu hè
Kiến ăn, kiến chếtDIV>
Nghe cũng vui tai và có nhiều khách hàng đến mua
Tục Ngữ Chuột
Chuột sa hũ gạo. Mèo vờn chuột. Loắt choắt như chuột nhắt. Hôi như chuột chù. Lù đù như chuột cống. Thúi như chuột chết. Lấm lép như chuột ngày.
Film Hoạt Họa Mickey Mouse
Film hoạt họa Mickey Mouse được sáng chế năm 1928 do hoạ sĩ Ub Iwerks (Ubbe Ert Iwwerks) người Đức, ông di dân sang Mỹ năm 1869 và làm việc cho công ty sản xuất film Walt Disney, chuyên vẽ film hoạt họa cho hãng film này. Sau một thời gian những film hoạt họa loại “Oswald the Lucky Rabbit” do ông vẽ, không còn được khán giả hâm mộ nữa. Nên nhà sản xuất Walt Disney đã đề nghị ông vẽ film hoạt hoạ mới, thay thế các film cũ không ăn khách. Ub Iwerks đã thử vẽ film hoạt hoạ về Ếch, Chó, Mèo, nhưng đã bị nhà sản xuất Walt Disney loại bỏ, không vừa ý. Mãi đến năm 1925 một hoạ sĩ khác tên Hug Harman vẽ những chú chuột chung quanh tấm hình của Walt Disney. Từ đó Ub Iwerks có ý tưởng vẽ film hoạt họa về Chuột, và ông đã khởi sự vẽ loại film này. Film hoạt họa Mickey Mouse đầu tiên ra đời là Film “Plane Crazy” được trình chiếu ngày 15 tháng 5 năm 1928 Pilot là một chú chuột ra khỏi máy bay rồi nhảy dù. Nhưng film này đã không gợi lên được hết những ý tưởng thiết thực cho khán giả. Walt Disney đã mau mắn cho sản xuất film thứ 2 do U. Iwerks vẽ tên là “The Gallopin Gaucho”. Những film loại này hoàn toàn ghép giọng nói của Walt Disney vào film, diễn xuất trong vai Chuột. Dự tính của Walt Disney khi cho trình chiếu film Mickey Mouse sẽ thu lợi nhuận khoảng US $75 dollars một tuần, nhưng nó đã thành công vượt mức. Kết quả mỗi tuần thu được US $150 dollars, gấp đôi lợi nhuận dự tính. Film Mickey Mouse được lưu truyền đến ngày nay và được hàng tỷ khán giả nhi đồng mến mộ. Ở các trung tâm giải trí Disney World, Florida và Disney Land, California hàng ngày đều có các diễn xuất về Mickey Mouse cho các du khách thưởng lãm, rất ăn khách.
Nghệ thuật chuột: Bên VN, vào những ngày Tết, người ta hay bày bán những bức tranh Đồng Hồ vẽ cảnh “Đám Cưới Chuột” “Mèo Vờn Chuột”.vv.
Tại làng Mái, tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc, nổi tiếng về nghệ thuật sáng tác tranh Đông Hồ, đặc biệt là Bức tranh dân gian “Đám Cưới Chuột” toàn cảnh bức tranh diễn tả một chú Rể chuột thi đỗ làm quan, vinh quy bái tổ về quê cưới vợ “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” Chuột xếp thành 2 hàng đi rước Dâu. Chú Rể chuột bảnh chọe, oai phong, đội mũ cánh chuồn, trông ra dáng vẻ quan tước, cưỡi ngựa đi trước đoàn rước Dâu, đang ngoảnh mặt lại, nhìn cô Dâu chuột ngồi trong cỗ kiệu hoa, cùng đi với bầu đoàn thê tử nhà chuột, có che lọng vàng, tán hoa.
Hàng rước thứ 2 của đoàn chuột kế bên phía trong tranh là đại diện cho gia tộc nhà chuột với những thanh nam và nữ tú chuột, ăn mặc chỉnh tề, đang xếp hàng đi đến trước mặt chú Mèo ngồi bệ vệ chặn đường. Hai họ nhà chuột khúm núm đến lễ Mèo, đút lót, hối lộ. Kẻ thì bưng chim gáy, người thì xách cá. Theo sau là một ban kèn chuột đang hòa tấu khúc nhạc, ca tụng mèo. Chú Mèo ngồi chễm chệ chặn đường, phùng má, trợn mắt, vênh râu, múa vuốt ra oai, hù dọa đám rước Dâu chuột.
Nhìn kỹ bức tranh có ghi câu đối:
“Thử bối đệ ngư: Chí! Chí! Chí!”
“Miêu nhi thủ lễ: Mưu! Mưu!Mưu!”
Hai câu đối này có nghĩa là:
“Bày Chuột dâng cá kêu: Chí! Chí! Chí!”
“Chú Mèo giữ lễ kêu: Meo! Meo! Meo!”
Thêm mấy hàng chữ nhỏ góc trên, phía bên trái: “Tác Lạc” nghĩa là: “Mua vui” với câu:
“Khôn khôn đá co dễ. Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời”
Theo các cụ ngày xưa cho biết: Thì bức tranh này gợi ý qua câu chuyện ngụ ngôn “Đám Cưới Chuột”. Nội dung câu chuyện được kể như sau: Một hôm giòng họ nhà Chuột quyết định làm đám cưới cho hai con. Chuột mẹ tất tưởi lo mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới, kể cả việc đi coi tuổi cho cô Dâu, chú Rể, rồi định ngày lành tháng tốt để cưới hỏi. Có một việc quan trọng, cả họ phải lo, là lỡi ngãi hối lộ quan bác Mèo Già để tránh bị phiền hà, Mong sao quan Mèo làm ngơ cho đám cưới được diễn tiến tốt đẹp. Đến ngày cưới, họ hàng nhà chuột, quần áo chỉnh tề, trong nghi thức cổ truyền dân tộc đầy hân hoan rạng rỡ. Hôn lễ cử hành trong nghi thức đơn giản, không rườm rà, đã được quan bác Mèo thông cảm cho hoàn tất êm đẹp. Thế nhưng một bi kịch đã không xảy ra trong ngày đám cưới chuột, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con đầu lòng. Vợ chuột vừa qua cơn đau đẻ “Vượt biển một mình” cứ tưởng sẽ được “Mẹ tròn, con vuông”. Nào ngờ đâu, bất chợt quan Mèo già xuất hiện, bắt trọn ổ cả nhà chuột đem đi hành hình xơi tái, kết liễu tang thương một gia đình trẻ nhà chuột.
Thơ Đám Cưới Chuột
Trạng Chuột ơn vua cưới vợ làng
Kiệu sơn lộng lẫy, lọng hoa vàng
Nàng Dâu xứ Chuột đi chân đất
Ngón nhỏ, bùn đen vẫn dính chân
Có con Mèo mướp ngồi trên trốc
Chồm hổm, vênh râu, đợi để dâng
Chú chuột thổi kèn, chân rúm lại
Con Chép đồng quê, vẩy ngấn vàng
Không biết quan Mèo có chịu yên,
Có đòi lễ vật phải nhiều thêm?
Mà bao năm tháng, trên tranh Tết
Tiếng trống vinh qui vẫn rộn ràng
Ngựa hồn, quan trạng giong cương bước
Chuột vợ chưa hay mình đã quan
Một bước lên bà là thế đấy,
Khối cô Chuột khác, nghĩ mà thèm!
Chao ôi! Chuyện học xưa nay thế!
Đời trước, đời sau vẫn ước mơ,
Hoa tay dân giã, người không vẽ
Vẽ Chuột nhung nhăng đến tận giờ!
(Văn Phú)
Trạng Chuột ơn vua cưới vợ làng
Kiệu sơn lộng lẫy, lọng hoa vàng
Nàng Dâu xứ Chuột đi chân đất
Ngón nhỏ, bùn đen vẫn dính chân
Có con Mèo mướp ngồi trên trốc
Chồm hổm, vênh râu, đợi để dâng
Chú chuột thổi kèn, chân rúm lại
Con Chép đồng quê, vẩy ngấn vàng
Không biết quan Mèo có chịu yên,
Có đòi lễ vật phải nhiều thêm?
Mà bao năm tháng, trên tranh Tết
Tiếng trống vinh qui vẫn rộn ràng
Ngựa hồn, quan trạng giong cương bước
Chuột vợ chưa hay mình đã quan
Một bước lên bà là thế đấy,
Khối cô Chuột khác, nghĩ mà thèm!
Chao ôi! Chuyện học xưa nay thế!
Đời trước, đời sau vẫn ước mơ,
Hoa tay dân giã, người không vẽ
Vẽ Chuột nhung nhăng đến tận giờ!
(Văn Phú)
Chuột và Khoa Học Y Khoa
Công dụng của chuột: Chuột hầu hết được các nhà khoa học sử dụng trong các phòng thí nghiệm để theo dõi các dịch vụ thử nghiệm y tế như: Thử nghiệm y dược, để biết công hiệu của từng loại dược phẩm trước khi áp dụng chữa trị cứu sống con người.
Chuột truyền dịch hạch:
Chuột cống là loại chuột nguy hiểm nhất. Chúng truyền dịch bệnh sang người qua các ký sinh trùng bám trên lông của chúng. Các loại bọ chuột này là những vi trùng: Dịch hạch, đậu lào, sốt ban nóng. Chuột còn tiềm ẩn 5 hay 6 loại giun ký sinh trùng, dễ lây lan sang loài người. Cần phải phòng ngừa và tiêu diệt chúng.
Diệt chuột trên đảo Pulau Bidong
Năm 1979 chúng tôi vượt biển đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, vào thời điểm này dân số tỵ nạn của trại lên đến 50,000 người. Thực phẩm được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho tàu chở tới tấp sang đảo tiếp tế. Đây cũng là dịp cho các bày chuột phát triển sinh sôi nảy nở. Chúng xâm nhập vào các nơi để đồ ăn của dân tỵ nạn, thừa hưởng các thức ăn, rác rến dư thừa do dân tỵ nạn thải bừa bãi xuống gềnh núi, lạch suối chung quanh trại, nên chẳng bao lâu chuột đã sinh sản tràn lan, hằng hà sa số khắp mọi nơi trên đảo. Cao Ủy LHQ và Ban Điều Hành trại phải phát động phong trào vệ sinh phòng dịch bằng cách khuyến khích và cổ động dân chúng diệt chuột thường xuyên.
Khi nghệ sĩ Hùng Cường vượt biên đến đảo Bidong, anh gia nhập khối thông tin văn nghệ và đã sáng tác ra bản nhạc Diệt Chuột. Cứ vài tiếng đồng hồ thì Ban Thông Tin trại lại cho phát thanh bản nhạc Diệt Chuột do Hùng Cường hát, mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ:
Bắt con chuột đó! Bắt con chuột đó!
Không bắt được, nó sẽ chui vô hang,
gây mầm bệnh giết hại chúng ta
Không bắt được, nó sẽ chui vô hang,
gây mầm bệnh giết hại chúng ta
Sau đó Ban Điều Hành trại phát cạm bẫy và thuốc diệt chuột cho từng gia đình trong trại. Mỗi sáng Ban Vệ Sinh thu gom xác chuột bị chết hoặc mắc cạm, dồn vào bao cho xuống xà lan rác, kéo ra giữa biển ngâm tôm, cho cá ăn. Có nhiều bà con tỵ nạn, ban đêm đang ngủ ngon giấc thì bị những chú chuột lén vô gặm, cạp chân, đau chết cha, chết mẹ.
Phương pháp diệt chuột tự nhiên:
Có một nông gia đề nghị ra một phương pháp diệt chuột bằng cách “Lấy độc trị độc” không tốn tiền.
Bắt sống một vài tên chuột bự, rồi lấy chỉ khâu chặt đít chuột lại, đem ghìm chặt đuôi của chúng xuống đất hay cột chân chúng vào cọc với một sợi dây dài, nơi khu vực nào có nhiều bọn chuột xuất hiện. Hãy cho mấy tên chuột bị khâu đít, ăn thật no. Mấy ngày sau khi bị khâu đít, chuột không “ị” được, khó chịu, sẽ bực tức đuổi theo bất cứ tên chuột nào đến gần, cắn xé đến chết cho bõ ghét. Như vậy các tên chuột đang tự do ở ngoài sẽ sợ, không dám đến gần.
Những đội quân sát thủ, giết chuột phải kể đến: Mèo, chồn, cầy hương, diều hâu, cú, chim lợn, rắn.
Ngày nay người ta còn chế ra nhiều phương cách bắt chuột và diệt chuột. Quốc gia nào cũng có các cơ xưởng sản xuất cạm, bẫy bắt chuột, hoặc chế tạo thuốc diệt chuột. Một phát minh mới, là một loại Keo để trên điã. Chuột bước vào đĩa kiếm mồi ăn, chân đạp lên keo, sẽ bị keo dính chặt, giữ lại. Chủ nhà chỉ việc bắt, rồi đập chết hoặc đem đi thiêu hay cho mèo ăn, khỏi phải mất công đi tìm những con chuột chết thúi đâu đó, vì bị ăn trúng bả thuốc.
Ngoài miền Bắc Việt Nam trước kia, những làng quê toạ lạc bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ Tĩnh thường tổ chức ngày Lễ Hội Xuất Quân Diệt Chuột vào đầu năm, với một chương trình văn nghệ đặc sắc, diễn các hoạt cảnh bắt chuột, diệt chuột, để dân chúng trong các làng noi gương, thi đua diệt chuột bảo vệ mùa màng..
Viết về chuột thì còn vô số chuyện, không sao kể hết..
Nhân dịp năm hết, Tết đến, xin kính chúc:
Quí Độc Giả Vietcatholic.net một năm mới:
May mắn, Khang An, Thịnh vượng và Hạnh Phúc.
Thành công về mọi mặt tinh thần cũng như vật chất
Thành công về mọi mặt tinh thần cũng như vật chất
Jos. Vĩnh
Xuân Mậu Tý
HẾT
Công thức nấu món ăn Ngày Đầu Năm
Thanh Lý
11:01 08/02/2008
Công thức nấu món ăn Ngày Đầu Năm
Vật dụng và cách nấu:
1. Lấy 12 tháng trong năm, đem rữa sạch mùi đắng cay, ghanh tị, giận hờn. .. rồi để ráo nước,
2. Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hoặc 31 phần
3. Trộn đều với: tất cã tình yêu, lòng nhẫn nại, can đãm, thiện chí, hy vọng, và chung thủy
4. Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin, và hài hước
5. Ðem ngâm vô trong dung dịch: "những điều tâm niệm của mình"
6. Vớt ra, xây nhỏ, đổ tất cả vô "nồi yêu thương" và nấu với lữa vui mừng
7. sau đó, xin mời các bạn hảy ăn với nụ cười trong chén bao dung.
Chắc chắn là các bạn sẻ có MỘT NĂM MỚI tròn đầy HẠNH PHÚC
Vật dụng và cách nấu:
1. Lấy 12 tháng trong năm, đem rữa sạch mùi đắng cay, ghanh tị, giận hờn. .. rồi để ráo nước,
2. Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hoặc 31 phần
3. Trộn đều với: tất cã tình yêu, lòng nhẫn nại, can đãm, thiện chí, hy vọng, và chung thủy
4. Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin, và hài hước
5. Ðem ngâm vô trong dung dịch: "những điều tâm niệm của mình"
6. Vớt ra, xây nhỏ, đổ tất cả vô "nồi yêu thương" và nấu với lữa vui mừng
7. sau đó, xin mời các bạn hảy ăn với nụ cười trong chén bao dung.
Chắc chắn là các bạn sẻ có MỘT NĂM MỚI tròn đầy HẠNH PHÚC
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tìm Vào Sa Mạc
Lm. Trần Cao Tường
11:35 08/02/2008
TÌM VÀO SA MẠC
Ảnh của Cao Tường
Mời đọc "Âm Thanh của Tĩnh Lặng" (The Sound of Silence)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền