12. Thiên Chúa nhẫn nại với mỗi người có thời gian dự định, khi thời gian đến cực điểm thì người ấy không thể nhận được sự khoan thứ nữa.
(Thánh Augustino)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một quan và một sứ, tóc râu đều bạc trắng, sau đó ông sứ mời thợ nhuộm đến nhuộm đen.
Ông quan thấy bèn hỏi:
- “Râu tóc của ông sao đen vậy?”
Ông sứ nói:
- “Hôm trước kêu thợ đến nhuộm”.
Ông quan ấy nói:
- “Tôi cũng muốn nhuộm râu tóc của tôi”.
Ông sứ trả lời:
- “Chỉ nhuộm được sứ, không thể nhuộm được quan”.
(Tiếu Hải Thiên Kim)
Suy tư 58:
Thời nay việc nhuộm tóc là chuyện bình thường ai nhuộm cũng được, nhuộm xanh, nhuộm trắng, nhuộm đỏ, nhuộm đen.v.v..đều được, tùy ý thích của mỗi người.
Thời nay, có những người lấy tiền bạc để nhuộm tình cảm của mình thành màu đen phản bội khi họ coi đồng tiền là cùng đích; có người nhuộm cuộc sống vui tươi của mình bằng rượu và cần sa, nên đời họ như những bóng ma giữa xã hội; có người nhuộm lý tưởng cao thượng của mình bằng những đam mê xác thịt, khiến họ sống mà tâm hồn lúc nào cũng lo âu bối rối vì lương tâm lên án...
Cũng có những người Ki-tô hữu thích mô-đen nhuộm tóc xanh đỏ cho vui, điều này thì không có gì là tội, nhưng cái đáng tội là họ lấy cuộc sống tội lỗi vô ơn của mình nhuộm Lời Chúa theo ý nghĩa đen tối của họ, và để biện minh cho việc làm không phù hợp với điều dạy của Thiên Chúa và Giáo Hội.
Lấy Lời Chúa mà nhuộm cuộc sống tội lỗi của mình thành người Ki-tô hữu đạo đức thì đẹp biết bao, hơn là lấy cuộc sống tội lỗi của mình để nhuộm Lời Chúa thành màu bi quan khiến người khác hiểu lầm niềm tin của chúng ta...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
TỘI LỖI
“Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết”. (Rm 6, 23)
1. Người phạm tội thì trong lòng không có Thiên Chúa, cái họ yêu chính là những tội lỗi lại trở thành Thiên Chúa của họ.
(Thánh Hieronimo)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người đi ăn tiệc và đem đầy tớ theo, mỗi lần như thế thì chỉ lo cho mình ăn uống mà không lo cho đầy tớ.
Một lần nọ ông chủ được mời đi ăn tiệc, tên đầy tớ lấy mực bôi đen cái miệng của mình và đứng bên cạnh ông chủ.
Ông ta nhìn thấy thì nói:
- “Cái tên nô tài này, cái miệng mày sao lại đen như thế?”
Đầy tớ trả lời:
- “Lão gia chỉ lo cho miệng của lão gia mà không lo cho miệng của con”.
(Tiếu Hải Thiên Kim)
Suy tư 59:
Quan tâm đến người khác, đó là lời mời gọi của Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta, không quan tâm đến người khác dù họ là người đầy tớ của mình, thì không thể được gọi là môn đệ của Đức Chúa Giê-su.
Có người bỏ tiền ra thuê người làm nhưng lại đối xử cách vô nhân đạo không có tình người với họ, vì lý lẽ của họ dựa trên tiền bạc; có người coi người làm công của mình còn thua con chó kiểng của họ, họ bỏ tiền ra thuê người làm công không phải để lo việc gia đình mà thôi, nhưng còn phải chăm sóc con chó kiểng của họ còn hơn chăm sóc con người, họ đã trở thành những chủ nhân ông của thời trung cổ.
Đối xử công bằng với nhau không phải chỉ dựa trên tiền bạc, nhưng dựa vào nhân phẩm và nhân cách của con người, ai lấy sự công bằng tiền bạc vật chất làm tiêu chuẩn để đối xử bất công với người làm công thì không xứng đáng được Thiên Chúa chúc lành, bởi vì họ đã coi người anh em chị em như một công cụ làm việc cho họ...
Ông chủ ăn no nê và để cho đầy tớ đói đó là một bất công và có khi là tội ác, bởi vì ông chủ không thể để cho con chó kiểng bị đói khi dắt nó đi chơi, thì huống chi là người đầy tớ của mình bởi vì họ cũng là một con người, một nhân phẩm như chúng ta...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Rôma, theo Thông tấn xã Fides thì "Hội Dòng Phanxicô Đức Maria Vô nhiễm đã và đang phát động chiến dịch làm một tuần chín ngày đặc biệt cầu nguyện cho sơ Gloria Cecilia Narváez đã bị bắt có 4 năm nay! Thật vậy, vào ngày 7 tháng 2 là đúng 4 năm sơ bị bắt cóc ở Mali. Đã có nhiều nỗ lực để giải thoát cho sơ, nhưng vẫn không thành công!
Sơ Noemi Quesada, nguyên Bề trên Tổng quyền của Tu hội, nói với Thông tấn xã Fides rằng một tuần chín ngày cầu nguyện cho sơ được Hội dòng khởi phát: "Chúng tôi tha thiết yêu cầu những kẻ bắt cóc sơ ấy, hãy thả sơ ra càng sớm càng tốt vì sức khỏe của sơ ấy đã bị xuống cấp trầm trọng! Sơ Gloria [Cecilia Narváez] đã phải gánh chịu nhiều đau khổ, cũng như Cộng đoàn và gia đình của sơ đã bị đau khổ khắc khoải rất nhiều... Thiên Chúa, Đấng là Cha nhân lành mà chúng ta chạy đến kêu cầu Ngài giải thoát cho sơ… Vì trong thân phận con người, chúng tôi cảm thấy bất lực khi đối diện với những kẻ bắt cóc chưa từng có này và chúng tôi kêu cầu cộng đoàn Kitô giáo hãy cầu nguyện và cộng đồng quốc tế, hãy nỗ lực giải cứu những nạn nhân bị bắt cóc như trường hợp của sơ Gloria… ".
Sơ Quesada nói với Thông tấn xã Fides rằng: "Tôi biết Sơ Gloria Cecilia Narváez từ khi sơ bắt đầu cuộc hành trình tu trì của mình. Ngay từ lúc đầu, tôi thấy sơ ấy có nhiều năng khiếu của một nhà giáo dục và sơ ấy đã trau dồi chuẩn bị để phục vụ trong lĩnh vực này. Nhiều người trong nhiều trường sở giáo dục đã cùng làm việc với sơ như tại Đại học Samaniego, miền nam Colombia, là nơi mà sơ từng làm phân khoa trưởng trước khi sơ quyết định ra đi truyền giáo ở miền nam Mexico, ở Apatzingán, thuộc bang Michoacán và đặc biệt chuẩn bị, để được gửi đi Boukoumbé, Benin, như là một nhà giáo dục.
Sáu năm sơ đã nhập cuộc, thích ứng với văn hóa châu Phi và truyền thống của người dân nơi đây một cách sâu sắc. Hội Dòng sau đó đã cử cô đến đảm trách công cuộc của Dòng tại Karangasso, Mali. Ở đó, cùng với các sơ, cộng đoàn đã dấn thân vào công tác truyền giáo, làm việc tại một trung tâm y tế, điều hành trại mồ côi và một trung tâm phục hồi nữ giới, thực hiện dự án xóa nạn mù chữ cho 700 phụ nữ trong làng cũng như các trẻ em và thanh thiếu niên tại địa phương ”.
Sơ Noemi mô tả về sơ Gloria, một nhà truyền giáo bị bắt cóc: "Sơ có một lòng hăng say lo cho các sơ trong cộng đoàn, sơ sống giản dị và thân thiết với mọi người, sơ có một đời nội tâm và cầu nguyện sâu sắc, luôn kết hợp mật thiết với Chúa và thân thiện với mọi người. Điều này đã khiến sơ trở nên gần gũi và gắn bó với người nghèo, đòi buộc sơ phải có những sáng kiến cho nhiều công cuộc mới, hầu đáp ứng những tình huống cấp bách của những người mà Chúa đã trao phó cho sơ".
Sơ Noemi cho hay: "Khi những kẻ bắt cóc sơ chưa bắt được sơ thì chúng bắt một trong những nữ tu trong cộng đoàn, khiến sơ đã tiến ra khỏi nơi ẩn nấp và nói với họ rằng: Tôi là sơ lớn tuổi nhất, là người chịu trách nhiệm, hãy để sơ ấy đi. Vì vậy, những kẻ bắt cóc đã thả sơ trẻ đó ra và bắt sơ Gloria và áp tải sơ ấy đi ".
Sơ Gloria Cecilia Narváez Argoti, một nữ tu người Colombia thuộc Dòng Nữ Phanxicô Đức Mẹ Vô nhiễm, đã bị bắt cóc khi đang khi thực hiện sứ mệnh truyền giáo ở Karangasso, miền nam Mali, vào tối ngày 7 tháng 2 năm 2017. Khoảng 9 giờ tối, một nhóm vũ trang đã đột nhập vào giáo xứ Karangasso ở Koutiala, một khu vực được coi là yên tĩnh và tương đối an toàn, để bắt cóc một nữ tu. Vào ngày 1 tháng 7, nhóm Al Qaeda ở Mali, thông qua mạng Telegram được mã hóa, đã phát tán một đoạn video trong đó một nữ tu cùng với 5 con tin người nước ngoài khác bị bắt cóc bởi mạng lưới thánh chiến. Khoảng một năm sau, vào tháng 1 năm 2018, một video khác được đăng tải trên Internet, trong đó nữ tu Gloria, người có vẻ còn sức khỏe tốt, đã thân thưa với Đức Thánh Cha Phanxicô, tha thiết khẩn cầu ngài can thiệp để sơ được thả tự do.
Mẹ của sơ Gloria, bà Rosita Argoty de Narváez đã qua đời tại Pasto, Colombia, vào tháng 9 năm 2020, ở tuổi 87, cho đến giờ phút cuối cùng bà vẫn không mất hy vọng mong gặp lại được người con gái của mình.
Cô Sophie Petronin, một nhân viên cứu trợ nhân đạo người Pháp đã được giải cứu cùng với các con tin Tây phương khác, với linh mục Pierluigi Maccalli, được phóng thích vào ngày 8 tháng 10 năm 2020, cho hay sơ Gloria còn sống nhưng sức khỏe bị suy yếu trầm trọng!
Cô Sophie cho hay cô đã bị giam với sơ Gloria người Colombia. Hai người đã ở bên nhau trong suốt thời gian cho đến ngày 5 tháng 10, khi Petronin được chuyển đến một trại khác để được trả tự do. Cô cho hay sơ và cô đã trải qua khoảng 30 trại khác nhau. Đức Hồng Y Jean Zerbo, Tổng Giám mục Bamako, yêu cầu thả tự do cho tất cả các con tin như ngài đã nói: "Mỗi khi chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi cầu xin Chúa giúp trả tự do cho Sơ Gloria và tất cả các con tin khác. Đây thật là một mối nhục lớn cho người dân Mali, vì các nhà truyền giáo đến đây để giúp chúng ta, thực hiện những điều tốt lành cho chúng ta mà họ lại bị bắt cóc và giam giữ như những tên cướp, như thể họ là nô lệ tội phạm! Thật là xấu hổ cho đất nước chúng ta" (xem Fides, 8/2/2017; 9/2/2017; 10/3/2017; 18 / 3/2017; 3/7/2017; 30/1/2018; 29/9/2020; 15/10/2020). (SL) (Agenzia Fides, 6/2/2021)
Phanxicô
Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh vừa thông báo lịch trình chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq từ ngày 5 đến ngày 8 tháng Ba.
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô khởi hành đến Iraq vào sáng thứ Sáu ngày 5 tháng 3 từ phi trường Rome và đến Sân bay Quốc tế Baghdad vào buổi chiều.
Chào mừng chính thức với các cơ quan dân sự
Lễ nghinh đón chính thức sẽ diễn ra tại Phủ Tổng thống ở Baghdad, sau đó là cuộc trao đổi với Tổng thống. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ gặp các nhà chức trách dân sự và các thành viên của Ngoại giao Đoàn.
Gặp gỡ các linh mục và tu sĩ
Như một phần của lịch trình ngày thứ Sáu, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, giáo chức và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Chúa Cứu thế của Giáo hội Chính thống Syro-Công Giáo ở Baghdad.
Thăm Najaf và Thánh lễ ở Baghdad
Vào thứ Bảy, ngày 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Baghdad đến Najaf. Sau chuyến viếng thăm Đại giáo trưởng Grand Ayatollah Sayyid Ali Al-Husaymi Al-Sistani ở Najaf, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bay đến Nassirya tham dự một cuộc họp liên tôn tại thung lũng Ur.
Trở về Baghdad vào buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse của Công Giáo Chính thống Chaldean ở Baghdad.
Erbil và Mosul
Sáng Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành đến Erbil. Khi đến sân bay, Ngài sẽ được chào đón bởi các nhà chức trách tôn giáo và dân sự trong khu vực của người Kurdist ở Iraq trước khi tiếp tục hành trình bằng trực thăng đến Mosul. Nơi đây, ĐTC sẽ chủ sự giờ cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại Hosh al-Bieaa (Quảng trường của Nhà thờ).
Gặp gỡ cộng đồng ở Qaraqosh
Một lần nữa, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến Qaraqosh, nơi ngài sẽ thăm cộng đồng Qaraqosh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Thánh lễ ở Erbil
Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Erbil, nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại sân vận động “Franso Hariri”. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Baghdad.
Trở về Rome
Sau buổi lễ chia tay vào sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành về lại Rome. Dự kiến máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Ciampino của Rome vào cùng ngày.
Đức Cha Joseph Naumann, Tổng Giám Mục giáo phận Kansas City, tiểu bang Kansas, đã gọi hành động ủng hộ và cổ võ nạn phá thai của Joe Biden là “một nỗi buồn cho dân tộc”, và đặc biệt cho những người Công Giáo.
Đức Cha Naumann, Chủ Tịch Ủy Ban về Các Hoạt Động Phò Sinh thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận xét của ngài như trên vào hôm thứ Năm vừa qua trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình EWTN.
Khi được hỏi ngài muốn nói điều gì với Tổng Thống Biden, Đức Cha Naumann trả lời: “Tôi sẽ nói: ‘Tỉnh lại đi. Hãy nghĩ về những gì ông đang thực sự làm ở đây’. Ý tôi muốn nói, linh hồn của ông ấy đang gặp nguy hiểm, tôi tin là như vậy”.
“Anh biết đấy, họ đã sử dụng lối nói uyển ngữ hay nói trại đi, khi đang vi phạm các quyền cơ bản của con người thì họ sử dụng các uyển ngữ để nói rằng đây là vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người nghèo”.
“Thủ tục y tế gì mà có hai người vào làm, khi trở ra thì một người chết, người còn lại mang vết thương tâm hồn, tinh thần và đôi khi cả thể xác?”
Ngài còn nói thêm rằng: “Bất cứ ai làm điều này đều là một thảm kịch nếu, nhưng tình hình còn thê thảm hơn khi người ấy lại xưng mình là người Công Giáo. Tôi nghĩ điều đó rất trái ngược với những gì ông ấy vận động với tư cách là một tổng thống của sự đoàn kết. Ý tôi muốn nói, rõ ràng là ông ta đã mắc nợ các thế lực ủng hộ phá thai trong đảng của ông và ông chỉ đang làm theo ý họ”.
“Tôi ước gì ông ấy cũng chính thống trong đức tin Công Giáo của mình, hệt như những gì ông ấy đang làm theo hướng dẫn của tổ chức phá thai Planned Parenthood.”
Nhận xét của Đức Cha Naumann được đưa ra khi Biden hủy bỏ chính sách Mexico City, một chính sách đã ngăn chặn không cho tiền viện trợ của Hoa Kỳ đến các nhóm tài trợ việc cung cấp hoặc thúc đẩy hoạt động phá thai ở các quốc gia khác.
Source:Newsmax
Các sân vận động thể thao, nhà thờ lớn và công viên giải trí trên toàn thế giới đã nhanh chóng được chuyển đổi mục đích sử dụng thành các trung tâm tiêm chủng tạm thời trong một nỗ lực toàn cầu để triển khai nhanh chóng các loại vắc xin.
Tại nhà thờ chính tòa Đức Bà thành phố Salisbury, các nhân viên y tế đã đặt các ống tiêm trước bàn thờ sơn vàng; và các bàn tiêm chủng được đặt giữa những cột đá cao vút nơi tiếng nhạc organ thường tràn ngập bầu khí trong các thánh lễ.
Ngôi nhà thờ chính tòa này được xây dựng trong 38 năm từ 1220 đến 1258. Từ 1549, ngôi nhà thờ còn có thêm một ngọn tháp cao đến 123m. Đến nay, ngọn tháp này vẫn là ngọn tháp nhà thờ cao nhất nước Anh.
Cha sở Nick Papadopulos cho biết:
“Nhà thờ, trong 800 năm, đã đứng ở đây vì hai lý do. Một là để ca tụng vinh quang Chúa; hai là để phục vụ dân Chúa”.
“Hiện tại, đây là cách hiệu quả nhất mà chúng tôi có thể làm cả hai điều đó”.
Tử vong tại Anh, tính đến ngày 6 tháng 2, đã lên đến 111,264 người chết, trong số 3,911,573 trường hợp nhiễm coronavirus.
Trong khi đó, trong một căn phòng ốp gỗ ở Vatican, cư dân của một nơi tạm trú dành cho những người vô gia cư cũng đang được tiêm vắc xin miễn phí.
Source:AFP
Diễn biến này diễn ra chỉ ba tuần sau khi ông Joe Biden ký hàng loạt các sắc lệnh hành pháp để đảo ngược các chính sách phò sinh của Tổng thống Trump, và cho phép dùng tiền thuế dân để trả cho các ca phá thai theo yêu cầu trong nước, cũng như tài trợ cho các chương trình phá thai ở hải ngoại.
“Đại dịch buộc chúng ta phải đối mặt với hai chiều kích không thể tránh khỏi trong cuộc sống con người: bệnh tật và cái chết. Khi làm như vậy, nó nhắc nhở chúng ta về giá trị của cuộc sống, của sinh mạng và phẩm giá mỗi cá nhân, tại mọi thời điểm của cuộc hành hương trần thế, từ khi thụ thai trong bụng mẹ cho đến khi kết thúc tự nhiên”. Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu hàng năm trước các nhà ngoại giao cạnh Tòa thánh vào ngày 8 tháng Hai.
“Tuy nhiên, thật đau đớn, khi lưu ý rằng với chiêu bài bảo đảm các quyền được giả định chủ quan, ngày càng có nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới của chúng ta dường như đang tách ra khỏi nghĩa vụ bất khả nhượng của họ là bảo vệ cuộc sống con người ở mọi lúc trong các giai đoạn của nó”, Đức Thánh Cha nói.
Phát biểu từ hội trường Chúc Lành của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nói với đại diện của 183 quốc gia hiện có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh rằng “quyền được sống” là một quyền cơ bản của con người.
“Mỗi con người đều là cùng đích nơi chính người ấy, chứ không bao giờ chỉ đơn giản là một phương tiện để được đánh giá qua sự hữu ích của mình. Con người được tạo ra để sống cùng nhau trong gia đình, cộng đồng và xã hội, nơi mọi người đều bình đẳng về phẩm giá. Quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá này, cũng như các bổn phận của con người, như trách nhiệm chào đón và trợ giúp người nghèo, người bệnh tật, những người bị loại trừ,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Nếu chúng ta tước đi quyền sống của những người yếu nhất trong chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể bảo đảm một cách hiệu quả việc tôn trọng các quyền khác của họ?”
Trong bài phát biểu gần một giờ của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng thế giới đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng do đại dịch, biến đổi khí hậu, kinh tế và chính trị gây ra. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đứng trong suốt bài phát biểu. Đó là bài phát biểu đã bị hoãn lại so với dự kiến ban đầu do những cơn đau do chứng đau thần kinh tọa của ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới làm việc để bảo đảm “khả năng tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản”. Ngài cũng cho rằng các sáng kiến chia sẻ là cần thiết ở bình diện quốc tế ‘để hỗ trợ và bảo vệ các khu vực nghèo nhất’ sau khi toàn bộ thế giới phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng từ những tác động kinh tế của đại dịch coronavirus.
“Sự ổn định kinh tế phải được bảo đảm cho tất cả mọi người, để tránh tai họa bóc lột và chống lại nạn tham ô, lạm thu gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với nhiều bất công khác xảy ra hàng ngày dưới cái nhìn mệt mỏi và mất tập trung của những người đương thời trong xã hội”.
Ngài cũng cảnh báo rằng “lượng thời gian ở nhà tăng lên cũng dẫn đến sự cô lập nhiều hơn khi mọi người trải qua nhiều giờ hơn trước máy tính và các phương tiện truyền thông khác, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người nghèo và người thất nghiệp”.
“Họ trở thành con mồi dễ dàng hơn cho tội phạm trên mạng ở các khía cạnh nhân bản nhất, bao gồm lừa đảo, buôn người, bóc lột mại dâm, bao gồm mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự ủng hộ cho một số hiệp ước quốc tế và các cam kết đa phương, đặc biệt là nhắc đến hiệp ước vũ khí hạt nhân được gọi là “BẮT ĐẦU MỚI” giữa Hoa Kỳ và Nga.
“Thế giới chúng ta có quá nhiều vũ khí,” Đức Giáo Hoàng than thở, và nói thêm rằng giải trừ quân bị cũng nên được áp dụng cho vũ khí hóa học và các vũ khí truyền thống.
Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi một cam kết chính trị mới trong việc thúc đẩy sự ổn định của Li Băng, mà ngài nói “có nguy cơ đánh mất bản sắc của nó và thấy mình bị cuốn vào căng thẳng khu vực nhiều hơn” do cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của quốc gia này.
“Điều cần thiết nhất là đất nước này phải duy trì bản sắc độc đáo của nó, và không kém phần quan trọng là phải bảo đảm một Trung Đông đa nguyên, khoan dung và đa dạng hóa, trong đó cộng đoàn Kitô hữu có thể đóng góp xác đáng, và không bị giản lược đến mức chỉ còn là một thiểu số cần được bảo vệ,” ngài nói.
“Một sự suy yếu trong sự hiện diện Kitô giáo có nguy cơ phá hủy cân bằng nội bộ và thực tại của Li Băng. Hơn nữa, nếu không có một quá trình phục hồi và tái thiết kinh tế cần thiết khẩn cấp, đất nước có nguy cơ phá sản, với hậu quả có thể là sự trôi dạt nguy hiểm đối với chủ nghĩa cực đoan”.
“Vì vậy, tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo cần phải gạt bỏ lợi ích cá nhân của họ và cam kết theo đuổi công lý và thực hiện những cải cách thực sự vì lợi ích của đồng bào, hành động minh bạch và chịu trách nhiệm về hành động của mình”.
Năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm bắt đầu chiến tranh Syria và kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 nhằm vào Hoa Kỳ, vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô nêu rõ rằng.
“Tôi ước rằng năm 2021 có thể là năm mà cuộc xung đột ở Syria, bắt đầu từ mười năm trước, cuối cùng có thể kết thúc.” Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế “giải quyết các nguyên nhân của cuộc xung đột bằng sự trung thực và can đảm”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án chủ nghĩa khủng bố, mà ngài nói đã gia tăng trong hai mươi năm qua kể từ vụ tấn công ngày 11 tháng 9, đặc biệt là ở Phi châu cận Sahara.
Ngài nói: “ Mục tiêu của các cuộc tấn công này thường chính là những nơi thờ phượng, nơi các tín hữu tập trung cầu nguyện. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo vệ các cơ sở thờ tự là hệ quả trực tiếp của việc bảo vệ tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, và là nghĩa vụ của các cơ quan dân sự, bất kể xu hướng chính trị hay tôn giáo của họ”.
Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài cũng đặc biệt chú ý theo dõi sự suy đồi quan hệ trên Bán đảo Triều Tiên, tình hình ở Nam Caucasus, và những căng thẳng chính trị và xã hội ở Cộng hòa Trung Phi.
Ngài cũng bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính gần đây ở Miến Điện, tình trạng mất an ninh lương thực ở Yemen và sự di dời của người dân ở khu vực Sahel của Phi châu.
“Việc đóng cửa biên giới do đại dịch, kết hợp với khủng hoảng kinh tế, cũng đã làm trầm trọng thêm một số tình trạng khẩn cấp nhân đạo, cả ở các khu vực xung đột và các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hạn hán, cũng như trong các trại tị nạn và di cư”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Tôi đặc biệt nghĩ đến Sudan, nơi hàng nghìn người chạy khỏi vùng Tigray đã tìm nơi ẩn náu, cũng như các quốc gia khác ở Phi châu cận Sahara, hoặc ở khu vực Cabo Delgado ở Mozambique, nơi nhiều người buộc phải rời bỏ vùng đất của mình và bây giờ thấy mình trong điều kiện rất bấp bênh”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài hy vọng rằng Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng 11 này sẽ dẫn đến một thỏa thuận hiệu quả về giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu.
Ngài nói rằng ngài không thể không đề cập đến “sự ấm lên ngày càng tăng của trái đất, đã gây ra hỏa hoạn kinh hoàng ở Úc và California” và lũ lụt ở Việt Nam và Phi Luật Tân.
“Ở Phi châu cũng vậy, biến đổi khí hậu, trầm trọng hơn do sự can thiệp thiếu thận trọng của con người - và bây giờ là do đại dịch - là một nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng. Tôi đặc biệt nghĩ đến tình trạng mất an ninh lương thực, mà trong năm ngoái đã đặc biệt ảnh hưởng đến Burkina Faso, Mali và Niger, với hàng triệu người bị đói. Ở Nam Sudan cũng vậy, có nguy cơ xảy ra nạn đói,” Đức Giáo Hoàng nói.
Đức Giáo Hoàng kết thúc bài phát biểu của mình trước các nhà ngoại giao trên khắp thế giới bằng một lưu ý về tác động của đại dịch đối với tự do tôn giáo.
“Ngay cả khi chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ cuộc sống con người khỏi sự lây lan của virus, chúng ta không thể xem các chiều kích tâm linh và đạo đức của con người, như ít quan trọng hơn sức khỏe thể chất”.
“Hơn nữa, tự do thờ phượng không phải là hệ quả của tự do hội họp. Thực chất nó xuất phát từ quyền tự do tôn giáo, là quyền cơ bản và chủ yếu của con người. Do đó, quyền này phải được các cơ quan dân sự tôn trọng, bảo vệ và đề cao, giống như quyền được chăm sóc sức khỏe thể chất”.
“Đối với vấn đề đó, việc chăm sóc lành mạnh cho cơ thể không bao giờ có thể bỏ qua việc chăm sóc tâm hồn”.
Source:Catholic News Agency
Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2021, Xứ đoàn Piô X giáo xứ Tụy Hiền và Vạn Thắng đã tổ chức làm bánh chưng cùng thăm hỏi và trao quà Tết cho 157 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong hai Giáo xứ, không phân biệt tôn giáo.
Xem Hình
Để thực hành tôn chỉ của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể: Cầu nguyện, rước lễ, hi sinh, làm tông đồ; các anh chị Huynh trưởng, Giáo lý viên (HT – GLV) cùng các em thiếu nhi Ngành Thiếu và Ngành Nghĩa thuộc Xứ đoàn Piô X giáo xứ Tụy Hiền và Vạn Thắng, đã cùng nhau góp phần mình, làm bánh chưng thăm hỏi và trao quà Tết cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết đến Xuân về.
Do địa bàn trải rộng 15 km, các anh chị HT – GLV đã chia ra thành 7 nhóm đi đến từng gia đình, thăm hỏi và trao quà Tết. Phần quà chẳng đáng là bao, nhưng cũng nói lên tình tương thân tương ái như lời Chúa dạy: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,16).
Trong niềm vui của những ngày đầu xuân mới, Xứ đoàn Piô X Tụy Hiền xin kính chúc mọi người Năm Mới bình an, hạnh phúc, nhất là nguyện xin Chúa là Chúa Xuân ban cho các đấng các bậc, ông bà cha mẹ cô bác được muôn phúc lộc chan hòa.
BTTGx. Tụy Hiền
Ta nhờ mang theo tin nhắn…
Cho em,
Người công nhân lại một mùa xuân lỡ hẹn !
Dẫu biết chiều nay… xa lắc ở quê xa,
Biết không về
mà em, mà mẹ… vẫn đi vào đi ra,
thấp thỏm đợi chờ… dõi bước người qua xa vắng…
Đợi thêm một mùa xuân, dẫu nghe lòng nghẹn đắng,
Cố lên,
Để em sẽ vào trường, ngôi nhà mới cho mẹ… khang trang,
Mùa xuân sau hy vọng hạnh phúc sẽ trào dâng !
Đổi nỗi nhớ mùa xuân,
Chọn thiên đàng góp nhặt bằng hy sinh chia sẻ !
Cho anh,
Người chiến sĩ hải đảo miền xa biên cương đất mẹ,
Rưng rưng mắt đêm,
Thêm một lần nghe câu hát “xuân nầy con không về”.
Một lần nữa ước mơ “một mai qua cơn mê…
Anh lại về bên em…”,
Để “ta làm lại từ đầu”… “mùa xuân đầu tiên”, em nhé !
Cho chị,
Bước chân qua mau và nụ cười thoáng nhẹ
Những ni-cô, những ma-xơ,
Tìm mùa xuân trong âm thầm lặng lẽ đời tu…
Vẫn biết ngoài kia,
Chim ém reo vui, cành mai xuân vàng thắm nụ cười…
Ai đợi, ai chờ, mặc nhà ai bếp hồng lên khói trắng !
Bởi nơi đây,
Có những mảnh đời cần bàn tay trao tặng,
Cần trái tim, nụ cười mang lại những mùa xuân…
Cho tất cả những ai,
Bởi sa mạc cuộc đời nghiệt ngã gian truân,
Đói, nghèo, tật, bệnh…
Những nẻo đường cách ly thời Covid…
Những tù nhân,
Giữa bốn bức tường vôi chân trời xa mờ mịt,
Những di dân,
Đã bao mùa tha phương cầu thực lạc mất quê hương…
Cho những cụ già, những em thơ,
Chiều ba mươi, vẫn còn lang thang rệu rã trên đường,
Xấp vé số còn nguyên,
Nên chẳng thấy, chẳng nghe mùi xuân, vị tết…
Không sao đâu, miễn niềm tin không chết,
Bởi xuân ở trong tim, và tết đến trong hồn,
Và trên chuyến tàu đời,
Bên kia đường, ta thấy “một cánh rừng đang mọc” !
Sơn Ca Linh (8.2.2021)
CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI
(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An)
3. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của Chúa đầy sự âu yếm
Đó là một cái nhìn “không thể tả nổi”. Tuy nhiên, theo Thánh Phaolô, bằng đôi mắt tâm hồn được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta có thể cố gắng khám phá bốn chiều kích của Tình Yêu bất tận mà Chúa Giêsu vốn dùng để nhìn chúng ta này.
Đó là một cái nhìn đã luôn thương yêu ta từ những thuở nào. Trước khi có các tầng địa chất, trước cả khi có sự nổ bùng thành các thế giới, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nghĩ đến chúng ta. Người ta dám nói, đó là chiều dài Tình yêu của Người.
Đó là một cái nhìn yêu ta một cách bản vị. Ta lầm khi sa vào cảm tưởng này là người khác được yêu thương nhiều hơn chúng ta, khi chúng ta tưởng tượng ra rằng chúng ta có nhiều giá trị hơn nhờ có ít buồn phiền và nhiều văn bằng hơn! Chúa vô cùng yêu thương từng con cái một của Người. Thánh Têrêxa từng viết “Chúa chúng ta quan tâm đến mỗi linh hồn cũng đặc biệt như thể linh hồn này không có ai tương tự; và như, trong thiên nhiên, mọi mùa được xếp đặt theo cách làm cho cúc đầu xuân khiêm tốn nhất nở đúng vào ngày đã định, cũng vậy, mọi sự đều tương ứng với mỗi linh hồn” (15). Vâng, Chúa ôm ấp tất cả chúng ta trong cái nhìn của Người. Đó là chiều rộng trong Tình yêu của Người.
Đó là một cái nhìn yêu thương ta mỗi chiều tối bằng một tình yêu cũng mạnh mẽ. Có những buổi chiều tối khi ta không hãnh diện với chính mình, khi ta chán nản nghĩ đến các phản ứng của mình... hay ta không có phản ứng chi cả! Còn Chúa, vâng, còn Chúa, Người không bao giờ chán nản hay hết thích thú ta. Tình yêu của Người trung thành, bền vững, không hề thay đổi. Ta có thế nào, Người yêu thương ta như vậy, ngay cả khi ta thấy mình “giữa lòng lơ mơ” (au creux de la vague).
Dưới đôi mắt nhìn xuống của Thánh Nhan, người ta đoán cái nhìn đầy thương xót Chúa Giêsu nhìn những kẻ tội lỗi là chúng ta. Thánh Têrêxa viết cho Céline ngày 4 tháng 4 năm 1889 rằng “Chúa Giêsu rực lửa yêu thương đối với chúng ta. Chị hãy nhìn khuôn mặt đáng thờ lạy của Người! Chị hãy nhìn đôi mắt lờ đờ và nhìn xuống đó! Chị hãy nhìn các vết thương ấy! Chị hãy nhìn thẳng mặt Chúa Giêsu... Ở đấy, chị sẽ thấy Người yêu thương chúng ta ra sao” (16). Đó là chiều sâu tình yêu của Người.
Cũng thế, chính qua chiều sâu sự khốn cùng của ta, ta mới có thể khám phá ra chiều sâu lòng thươg xót của Người.
Thánh Têrêxa yêu thương một cách hết sức đặc biệt những người nam nữ nào từng cảm nhận được trong cái nhìn của chính Chúa Giêsu điều vốn là sự tha thứ của Thiên Chúa: Maria Mađalêna, người đàn bà ngoại tình, Thánh Phêrô, người trộm lành. Những người đàn ông và những người đàn bà có thể cất tiếng ca:
“Người đã đặt lên tôi cái nhìn của Người
Và đôi mắt Người nói rất dài về nó
Người đã đặt lên tôi cái nhìn của Người
Đó là cái nhìn tha thứ” (17).
Nhưng đàng khác, đó cũng là một cái nhìn không bao giờ chịu đựng được các tầm thường của ta. Người không ngừng làm vang dội trong tâm hồn ta lời kêu gọi của Người phải vượt lên trên, phải nên thánh. Đó là cái nhìn nói với ta một cách vô cùng êm dịu: “Cha biết con có khả năng tốt hơn thế. Con hãy để con bị xâm chiếm bởi Chúa Thánh Thần mà Cha muốn ban cho con và con nhất định trở nên một vị thánh!” Đó là chiều cao tình yêu của Người.
Người ta biết rõ Thánh Têrêxa coi trọng ra sao lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng Hoàn Thiện”.
4. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của Chúa sẽ biến niềm vui của chúng con thành vĩnh cửu
Nếu ngay trên thế gian này, ta đã được sống trong sự rạng sáng của khuôn mặt và nụ cười của Chúa Giêsu, thì còn hạnh phúc nào hơn khi được chiêm ngưỡng trực diện khuôn mặt ấy và nụ mỉm cười ấy trên thiên đàng! Thánh Têrêxa viết cho chị Céline rằng “Ở đấy, sẽ không còn ngày hay đêm, mà Thánh Nhan Chúa Giêsu sẽ làm cho một ánh sáng cực sáng thống trị”.
Thánh nữ tự trình bầy với mình niềm vui Thiên Đàng như một “cú xét đánh” vĩnh cửu trước Thánh Nhan đáng thờ lạy của Chúa Giêsu.
“Ôi, giây phút tuyệt vời! Hạnh phúc khôn tả xiết bao!
Khi con sẽ được nghe giọng nói êm dịu của Chúa
Khi con sẽ được thấy Thánh Nhan đáng thờ lạy của Chúa
Tiếng nổ đùng thần thánh phát ra lần đầu tiên”
Và, vì điều làm mê mẩn Thánh Têrêxa hơn cả trên khuôn mặt của Chúa Kitô chính là nụ mỉm cười của Người, nên niềm hy vọng của thánh nữ được biểu lộ trong tiếng kêu sau đây:
“Đấng yêu dấu của con, xin cho con thoáng thấy
Sự êm dịu trong nụ mỉm cười đầu tiên của Chúa” (19).
Qua nụ mỉm cười vĩnh cửu trên, cuối cùng chúng ta sẽ hiểu được chúng ta vốn đã được yêu thương bằng một tình yêu tuyệt diệu từ những thuở nào. Trên trái đất, chúng ta phải lấy làm thoả mãn được sống dưới nụ mỉm cười này, bằng cách ca hát:
“Chúa nhìn con bằng một cái nhìn yêu thương
Luôn luôn mãi mãi!” (20).
Nhưng, khi, trước mắt ta rạng sáng “Mặt Người toả sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1:16), lúc đó sẽ thể hiện trọn vẹn lời hô của thánh vịnh gia: “trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề” (Tv 16:11).
Thánh Têrêxa thành Avila giải thích với ta thị kiến Chúa Giêsu sống lại mà ngài vốn được hưởng nhiều lần – “bằng đôi mắt linh hồn, chứ không phải bằng đôi mắt thân xác” đã đem lại cho ngài ý tưởng về niềm vui thiên đàng:
“Nhân ngày lễ kính Thánh Phaolô, đang khi tham dự Thánh Lễ, nhân tính thánh thiện tự tỏ mình ra cho con thấy trọn vẹn, như người ta vốn diễn tả sau khi Người phục sinh, trong một vẻ đẹp và một vẻ uy nghi phi thường. Thưa cha, con đã diễn tả chi tiết về nó cho cha, khi cha ra lệnh rõ ràng cho con. Con xin thú thực, việc ấy đắt giá đối với con. Vì khi người ta muốn nói về một chủ đề như thế, họ cảm thấy mình như không còn. Vậy, con xin tường trình nhiều bao nhiêu có thể, theo khả năng của con; do đó, sẽ không có lý do để trở lại đây một lần nữa. Con chỉ nói rằng khi ở trên trời, để thu hút các con mắt, chỉ có vẻ đẹp tuyệt vời của các thân xác hiển vinh, thì đó đã là một hạnh phúc không thể diễn tả nổi rồi, và điều này đặc biệt đúng đối với nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ở trên đời này, nơi sự khốn cùng của chúng ta có khả năng chịu được cái nhìn của Người, nếu linh hồn đã cảm nhận đươc niềm hân hoan để sống, thì sẽ còn như thế nào nữa tới ngày chúng ta sẽ được hưởng trọn vẹn một thiện ích lớn lao như thế?”
Tiểu sử, chương 28 trong Oeuvres complètes, t1, Cerf, 1995, p.208
“Chúng con muốn được thấy tỏ tường
Sư sáng láng rạng rỡ Thánh Nhan Chúa
Trong lời kêu gọi của Chúa hôm nay
Xin chuẩn bị nơi chúng con mặt nhìn mặt”.
Trong Thánh Ca Thiêng Liêng, Thánh Gioan Thập Gía ca hát ước nguyện nung nấu một ngày kia dược chiêm ngưỡng khuôn mặt Đấng Yêu Dấu:
“Xin tỏ cho con thánh nhan Chúa
Thị kiến vẻ đẹp Chúa làm con chết ngất!
Chúa biết Kẻ đau khổ vì yêu
Chỉ có thể chữa lành,
Bằng sự hiện diện của khuôn mặt Đấng Yêu Dấu.
Ôi Mạch nước trong như phalê
Nếu trong gương nước hóa bạc của Chúa
Chúa để con bỗng thấy
Đôi mắt con vẫn tìm kiếm không ngừng
Và bản phác thảo con giữ trong trái tim...” (21).
Nhưng Chúa Giêsu sẽ không hài lòng ở chỗ chỉ mỉm cười với chúng ta. Người còn ôm ẵm chúng ta. Người vốn làm như thế trong mỗi Phép Thánh Thể. Đó là “nụ hôn yêu thương” đích thực Chúa Giêsu dành cho ta. Nhưng ở trên trời, sẽ là “Nụ hôn vĩnh cửu từ Miệng tôn thờ của Người” (Poésies de Thérèse, 20:6) (22).
Đó là niềm hy vọng của Thánh Têrêxa. Đó cũng là niềm hy vọng của Thánh Jeanne d’Arc trong hai vần thơ Thánh Têrêxa kính dâng ngài.
Trong vần thơ thứ nhất, chính Thánh Catarina nói với ngài:
“Sau lưu đầy ở đời này
Chúa Giêsu sẽ an ủi em
Cúi Thánh nhan xuống
Người sẽ tặng em nụ hôn của Người”
Và trong vần thơ thứ hai, chính Chúa Giêsu tuyên bố với ngài lúc ngài trút hơi thở cuối cùng.
“Hãy tới, hiền thê yêu dấu của Ta,
Ta muốn tặng em nụ hôn của Ta” (23).
Quen suy gẫm lần lượt các mầu nhiệm vui, thương, mừng của kinh mân côi, chúng ta tự nhiên coi việc Chúa Giêus sinh ra như một biến cố vui tươi, trong khi Thánh Nhan Chúa Cứu Thế, bị biến dạng vì mão gai, đối với chúng ta, xem ra đã tóm gọn trọn cuộc Khổ Nạn đau thương vào đó.
Nhị phân trên không hề có trong tinh thần các họa sĩ vẽ tranh ảnh thánh (icône). Khi họ soạn thảo cảnh Giáng Sinh, họ đặt Hài Nhi trong một chiếc hang hoàn toàn đen tối để gợi nhớ Mồ Thánh nơi người ta sẽ đặt Người lúc cuối đời. Còn về tã lót Hài Nhi, họ báo trước khăn niệm từ đó sẽ xuất hiện Đấng Phục Sinh.
Trinh Nữ âu yếm người ta nói của Vladimir cũng không tươi cười hơn chính Hài Nhi ngài bồng. Khuôn mặt nghiêm nghị của ngài nhắc chúng ta nhớ điều chúng ta đã làm cho con trai Giêsu của ngài: tội lỗi ta đã đóng đinh Người.
Trái lại, bị đóng đinh vào cây gỗ thập giá, Chúa Kitô của các ảnh thánh không bao giờ cho ta cảm tưởng là Người chịu đau khổ bao nhiêu. Đó là vị thượng phẩm của thư Do Thái dâng lên Chúa Cha mãi mãi Hy lễ cứu chuộc. Người hầu như cho ta cảm tưởng Người đã được tôn vinh rồi. Ta hãy nghĩ tới, chẳng hạn, tượng chịu nạn ờ ngôi nhà thờ nhỏ Thánh Damien mà trước tượng này, Thánh Phanxicô thành Assisi nghe Chúa Kitô nói với ngài: “Này Phanxicô, con hãy đi xây dựng lại nhà thờ gần sập của Ta”.
Người không ngăn cản các ảnh thánh tiếp tục giúp hàng ngàn Kitô hữu sống trước nhan Chúa Kitô. Một ảnh thánh, luôn là một khuôn mặt đang nhìn chúng ta. Ngay cả khi Chúa Kitô được trình bầy nghiêng, người ta vẫn luôn thấy đôi mắt Người, vì vấn đề không phải là nhìn Người cho bằng để mình được Người nhìn. Nếu ta đặt một ảnh thánh trong nhà, điều này dứt khoát là để được sống tốt hơn dưới cái nhìn của Đấng Phục Sinh!
Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ! (Tv 80:4).
Kỳ sau: Một Nụ Mỉm Cười Biến Đổi
1. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Trong thông cáo ngày 6 tháng Hai, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã cho biết các chi tiết liên quan đến các cử hành phụng vụ sắp tới và các Bài giảng Mùa Chay.
Vào sáng ngày thứ Tư 17 tháng 2, lúc 9 giờ 30 theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ, làm phép và xức tro tại Bàn thờ Ngai Tòa, trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Buổi lễ sẽ diễn ra “với sự hiện diện của một số lượng rất hạn chế các tín hữu theo các phương thức được sử dụng trong những tháng qua, liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Vào ngày đó, sẽ không có buổi tiếp kiến chung hàng tuần.”
Tuyên bố cũng cho biết rằng các Bài giảng Mùa Chay cho năm 2021 sẽ do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày với chủ đề “Các con nói Thầy là ai?” (Mt 16:15).
Các bài thuyết giảng sẽ diễn ra, theo cùng một thể thức như các bài suy niệm Mùa Vọng năm 2020, trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican để tạo điều kiện cho những người tham gia có thể giữa khoảng cách xã hội phù hợp.
Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.
Các bài giảng sẽ diễn ra với sự hiện diện của Đức Thánh Cha vào các ngày Thứ Sáu của Mùa Chay: cụ thể là vào các ngày 26 tháng 2, 5, 12 và 26 tháng 3 lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương.
2. Buổi đọc kinh Truyền Tin được dời ra quảng trường Thánh Phêrô như trước
Một lần nữa, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng của Đức Thánh Cha được chuyển trở lại quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật 7 tháng Hai, sau bảy tuần vắng mặt.
Đức Thánh Cha thường chủ sự các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng từ cửa sổ nhìn ra quảng trường, nơi chật kín người đến nghe ngài.
Nhưng kể từ khi Rôma một lần nữa được chỉ định là “vùng đỏ” và sau đó là “vùng da cam”, nghiã là được đặt dưới các quy định nghiêm ngặt hơn về coronavirus vào cuối tháng 12 và trong suốt tháng Giêng, buổi đọc kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha đã được chuyển vào trong thư viện của Dinh Tông Tòa và được live stream.
Hôm thứ Hai 1 tháng Hai, khu vực Lazio của Rome đã trở thành “khu vực màu vàng”. Với các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, các bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Vatican, đã mở cửa trở lại cho du khách.
Bảo tàng Vatican, sau khi mở cửa trở lại vào tháng 6 năm 2020 khi tình trạng cô lập toàn quốc kết thúc, đã buộc phải đóng cửa thêm 86 ngày nữa khi các hạn chế một lần nữa được thắt chặt vào đầu tháng 11.
Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 7 tháng 2 là lần xuất hiện trực tiếp thứ hai của ngài trong những ngày gần đây. Hôm thứ Ba, ngày 2 tháng Hai, ngài đã dâng thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Đời sống Thánh hiến, được cử hành hàng năm trong 25 năm qua vào ngày lễ Dâng Chúa Vào Đền Thánh.
Cuối tháng trước, Đức Thánh Cha đã bị buộc phải hủy bỏ ba lần xuất hiện trước công chúng do cơn đau thần kinh toạ tái phát vào cuối năm 2020.
Trong một buổi tiếp xúc riêng với thông tấn xã CNS của Hoa Kỳ, vào ngày 1 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài thường có thể cảm nhận được khi cơn đau thần kinh tọa đang bùng phát và bác sĩ khuyên ngài nên hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện đòi hỏi phải đứng trong một thời gian dài..
Tuy nhiên, ngài nói với CNS rằng, bác sĩ khuyên ngài vẫn cần phải “hướng dẫn buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật nếu không mọi người sẽ nói rằng ngài đã chết”.
Mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, Đức Thánh Cha theo thông lệ sẽ chào đón những người hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, trình bày một bài huấn đức, và đọc kinh Truyền Tin (hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trong mùa Phục sinh) với những người có mặt.
Đây là một cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha không đòi hỏi phải xin vé. Ai tham dự cũng được và thường rất ngắn gọn.
Lịch sử các buổi đọc kinh Truyền Tin
Buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên đã diễn ra vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, 11 tháng Hai, năm 1959, và được khởi xướng bởi vị “Giáo hoàng hiền lành” Gioan 23, là vị Giáo Hoàng đã triệu tập Công đồng Vatican II.
Ngày 11 tháng Hai, năm 1959 vừa là ngày khai mạc Mùa Chay vừa là ngày kỷ niệm các cuộc hiện ra tại Lộ Đức, và kết thúc các lễ kỷ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra.
Liên kết hai sự kiện với nhau, Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 nói rằng khi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thông điệp của Đức Mẹ là hãy sám hối, sám hối, và sám hối. Đó cũng là thông điệp của ngày thứ Tư lễ Tro.
Đức Gioan XXIII cũng nhắc nhở những người hành hương Ý rằng đây là dịp kỷ niệm 30 năm Hiệp ước Lateranô. Đó là một thỏa thuận trong đó Ý công nhận Vatican là một quốc gia độc lập.
Sau buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên này, Đức Gioan 23 chỉ xuất hiện rải rác vào các ngày Chúa nhật trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài.
Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bắt đầu triều Giáo Hoàng của ngài, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng đã trở thành một phần thường xuyên trong các hoạt động của Đức Thánh Cha. Tất cả các Đức Giáo Hoàng kể từ đó đã tiếp tục truyền thống này, mở rộng nó để bao gồm các bài huấn đức bằng các ngôn ngữ khác như hiện nay. Thông thường, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha trình bày một bài huấn đức; và sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng sẽ nói thêm vài lời để thu hút sự chú ý của thế giới đến một vấn đề cần quan tâm cụ thể và yêu cầu các tín hữu gia tăng những lời cầu nguyện.
Lúc đầu, buổi đọc kinh Truyền Tin tại Vatican được nhắm đến những người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng giờ đây trong thời đại kỹ thuật số, hoạt động này dành cho tất cả mọi người trên khắp thế giới và đã trở thành một nền tảng để Đức Giáo Hoàng nói chuyện với đàn chiên lớn hơn của mình.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7/2/2021
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Anh chị em thân mến,
Chào buổi sáng!
Một lần nữa chúng ta lại quay trở lại Quảng trường! Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,29-39) trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của ông Phêrô và sau đó là nhiều người bệnh tật, đau khổ khác đang quây quần bên Người. Việc chữa lành bệnh cho nhạc mẫu của Thánh Phêrô là sự chữa lành thể xác đầu tiên được Thánh Máccô kể lại: người đàn bà bị sốt nằm trên giường. Vị Thánh sử ghi nhận rằng thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu đối với bà thật đầy biểu tượng: “Người đến và cầm tay bà” (câu 31). Có rất nhiều sự dịu dàng trong hành động đơn giản này, xem ra rất tự nhiên: “cơn sốt đã rời khỏi bà; và bà đã phục vụ họ” (thd). Quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu không gặp sự phản kháng nào; và người được chữa lành trở lại cuộc sống bình thường của bà, ngay lập tức nghĩ đến người khác chứ không phải bản thân mình - và điều này rất quan trọng; đó là dấu hiệu của “sức khỏe” thật sự!
Hôm đó là một ngày sabát. Người dân trong làng chờ đợi mặt trời lặn, tức là lúc hết phải giữ nghĩa vụ nghỉ ngơi, họ đi ra ngoài và mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Và Ngài chữa lành cho họ, nhưng cấm ma quỷ tiết lộ rằng Ngài là Chúa Kitô (xem câu 32-34). Như vậy, ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng yêu thương của Người đối với những người đau khổ về thể xác và tinh thần: Chúa Giêsu ưu ái đến gần những ai đau khổ phần hồn hay phần xác. Vì lòng ưu ái của Chúa Cha, mà Ngài nhập thể và thể hiện lòng ưu ái ấy bằng những việc làm và lời nói. Các môn đệ của Ngài đã chứng kiến điều này; họ nhìn thấy và sau đó đưa ra chứng tá về điều đó. Nhưng Chúa Giêsu không muốn thấy các môn đệ chỉ là những khán giả quan sát sứ mệnh của Ngài: Ngài lôi cuốn họ tham gia vào; Người sai họ đi; Người còn ban cho họ quyền năng chữa lành bệnh tật và trừ quỷ (x. Mt 10, 1; Mc 6: 7). Và điều này đã tiếp tục không bị gián đoạn trong đời sống của Giáo Hội, cho đến ngày nay. Và điều này là quan trọng. Chăm sóc mọi người bệnh không phải là một “hoạt động tùy chọn” đối với Giáo hội, không! Nó không phải là một cái gì đó nới rộng, không phải như thế. Chăm sóc mọi người bệnh là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của Giáo hội, như trong sứ mệnh Chúa Giêsu. Và sứ mệnh này là mang sự dịu dàng của Thiên Chúa đến với một nhân loại đang đau khổ. Chúng ta sẽ được nhắc nhở về điều này trong vài ngày tới, vào ngày 11 tháng 2, Ngày Thế giới Bệnh Nhân
Thực tế mà chúng ta đang trải qua trên khắp thế giới do đại dịch làm cho thông điệp này, sứ mệnh thiết yếu này của Giáo hội, đặc biệt phù hợp. Tiếng nói của ông Gióp, vang dội trong phụng vụ hôm nay, một lần nữa diễn giải thân phận phàm nhân của chúng ta, rất cao cả trong phẩm giá, nhưng đồng thời lại rất mỏng giòn. Đứng trước thực tại ấy, trong tâm hồn chúng ta luôn nảy sinh câu hỏi: “tại sao?”.
Và đối với câu hỏi này, Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, không trả lời bằng một lời giải thích - vì chúng ta có phẩm giá cao cả và thân phận quá mong manh, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi ‘tại sao’ này bằng một lời giải thích - nhưng bằng một sự hiện diện đầy yêu thương, cúi xuống, cầm tay nâng lên, như Người đã làm với mẹ vợ ông Phêrô (x. Mc 1:31). Cúi xuống để nâng người kia lên. Chúng ta đừng quên rằng cách chính đáng duy nhất để nhìn một người từ trên xuống là khi anh chị em đưa tay ra đỡ họ dậy. Đó là cách duy nhất. Và đây là sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Giáo hội. Con Thiên Chúa bày tỏ Quyền Uy Chúa Tể của Ngài không phải “từ trên xuống”, không phải từ xa, nhưng khi cúi xuống, đưa tay ra; Ngài thể hiện Quyền Uy Chúa Tể Càn Khôn của mình trong sự gần gũi, dịu dàng, trong lòng trắc ẩn. Gần gũi, dịu dàng, từ bi là phong cách của Chúa. Thiên Chúa đến gần, và Ngài đến gần với sự dịu dàng và lòng thương cảm. Chúng ta đọc bao nhiêu lần trong Tin Mừng, trước một vấn đề sức khỏe hay bất kỳ vấn đề nào: “Người động lòng trắc ẩn”. Lòng thương cảm của Chúa Giêsu, sự gần gũi của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu là phong cách của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng trắc ẩn này bắt nguồn sâu xa từ mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha. Tại sao? Trước khi trời sáng và sau khi mặt trời lặn, Chúa Giêsu lui vào thanh vắng một mình cầu nguyện (câu 35). Từ đó Ngài rút ra sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh, rao giảng và chữa bệnh.
Cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta để Chúa Giêsu chữa lành chúng ta - chúng ta luôn cần điều này, tất cả mọi người - để đến lượt chúng ta, chúng ta có thể trở thành chứng nhân cho sự dịu dàng chữa lành của Thiên Chúa.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến!
Trong những ngày này, tôi đang theo dõi với sự quan tâm sâu sắc đến những diễn biến tình hình đang xảy ra tại Miến Điện, một đất nước mà kể từ chuyến Tông du năm 2017, tôi đã mang trong lòng rất nhiều tình cảm. Trong thời điểm mong manh nhất này, tôi muốn một lần nữa bảo đảm sự gần gũi về tinh thần, lời cầu nguyện và tình đoàn kết của tôi với người dân Miến Điện. Và tôi cầu nguyện rằng những người có trách nhiệm với đất nước sẽ chân thành phục vụ thiện ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia, vì một sự chung sống hài hòa và dân chủ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Miến Điện. [im lặng cầu nguyện]
Tôi muốn đề cập đến một thỉnh cầu dành cho các trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm. Có rất nhiều em như thế! Đáng buồn thay, trong số những người vì nhiều lý do buộc phải rời bỏ quê hương, luôn có hàng chục trẻ em và thanh niên đơn độc, không gia đình và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trong những ngày này, tôi đã biết về hoàn cảnh bi đát của những người trên cái gọi là “tuyến đường Balkan”. Nhưng cũng có một số trên tất cả các “tuyến đường” khác. Chúng ta phải bảo đảm rằng những sinh vật mong manh và không có khả năng tự vệ này không thiếu các kênh nhân đạo ưu ái và chăm sóc họ thích hợp.
Hôm nay tại Ý, chúng ta đang kỷ niệm Ngày vì Cuộc sống với chủ đề “Tự do và cuộc sống”. Hiệp cùng với các giám mục Ý, tôi nhắc lại rằng tự do là ân sủng tuyệt vời mà Chúa đã ban cho chúng ta để tìm kiếm và đạt được lợi ích cho chính mình và cho người khác, bắt đầu từ thiện ích chủ yếu là sự sống. Cầu xin cho xã hội của chúng ta được chữa lành khỏi tất cả các cuộc tấn công vào sự sống, để sự sống có thể được bảo vệ trong tất cả các giai đoạn của nó. Và cho phép tôi thêm một trong những mối quan tâm của tôi: đó là mùa đông nhân khẩu học ở Ý. Ở Ý, sinh suất đã giảm và tương lai đang bị đe dọa. Chúng ta hãy giải quyết mối quan tâm này và tìm cách bảo đảm rằng mùa đông nhân khẩu học này kết thúc, và một mùa xuân mới của trẻ em sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ngày mai, lễ tưởng nhớ Thánh Josephine Bakhita, một phụ nữ Sudan, một nữ tu quen thuộc với những nhục hình và đau khổ của chế độ nô lệ, chúng ta kỷ niệm Ngày Cầu Nguyện Và Nâng Cao Nhận Thức Chống Lại Nạn Buôn Người. Mục tiêu của năm nay là làm việc cho một nền kinh tế không ủng hộ, dù chỉ là gián tiếp, nạn buôn người đáng khinh bỉ này, tức là một nền kinh tế không bao giờ biến con người trở thành hàng hóa, đồ vật, nhưng phải luôn coi họ là mục tiêu. Phục vụ cho con người, nhưng không sử dụng họ như hàng hóa. Chúng ta hãy kêu cầu Thánh Josephine Bakhita giúp chúng ta trong việc này.
Và tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người dân thành phố Rôma và những người hành hương: Tôi rất vui khi thấy anh chị em một lần nữa tập trung tại Quảng trường, ngay cả những nữ tu người Tây Ban Nha cũng ở đây, những người luôn có mặt; dù mưa hay nắng! Và cả những người trẻ của phong trào Đức Mẹ Vô Nhiễm. Tất cả các bạn. Tôi rất vui. Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc các bạn một bữa trưa ngon miệng! Chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
1. Quẫn trí vì coronavirus, giết vợ và con thơ rồi tự tử tại Turinô
Tử vong tại Ý, tính đến ngày thứ Bẩy, 6 tháng Hai, đã lên đến 90,618 người, trong số 2,611,659 trường hợp nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia của tổng giáo phận Turinô cách Rôma 689km về phía Tây Bắc cảnh báo rằng bên cạnh con số tử vong này còn có những quan ngại sâu xa khác trong mục vụ hôn nhân và gia đình. Cụ thể là nạn bạo hành trong gia đình, và nạn tự tử.
Nhận xét của ngài được chứng thực trong một vụ giết người kinh hoàng đang làm xôn xao dư luận tại Ý. Teodora Casasanta, 38 tuổi, lại là một nạn nhân khác của bạo hành gia đình. Đêm thứ Sáu ngày 29 tháng Giêng, Alexandro Riccio, 39 tuổi, là chồng cô đã đâm chết cô trong căn phòng chung cư ở phố Barbaroux, thành phố Carmagnola, Turinô. Hung thủ sau đó đã chết cậu con trai Ludovico, mới năm tuổi.
Alexandro Riccio sau đó tiến ra ban công để nhảy từ lầu 6 xuống đất. Hàng xóm nghe tiếng la hét cãi nhau đã đổ ra ban công và chứng kiến toàn bộ cảnh Alexandro nhảy lầu tự tử. Alexandro đã được đưa vào nhà thương cấp cứu và đang trong tình trạng hôn mê.
Khám nghiệm tử thi cho thấy Teodora bị đâm đến 15 nhát dao và cháu bé bị đâm đến 8 nhát.
Người phụ nữ này nguyên quán từ Roccacasale, một thị trấn chỉ có 600 dân ở vùng Aquila, cách nơi cô bị giết chết không xa. Tốt nghiệp ngành tâm lý học tại Đại học L’Aquila, cô chuyển đến khu vực Turin này khoảng mười năm trước vì cô đã tìm được việc làm trong trung tâm Công Giáo Sommariva del Bosco, cách Carmagnola vài bước chân, nơi chăm sóc những người có các bệnh lý khác nhau, đặc biệt chuyên về nghiện ngập.
Cô ấy vốn tính tình ôn hòa, đến mức đã chấp nhận cho chồng quay về sau khi anh ta lừa dối cô quan hệ với một người phụ nữ khác rồi bỏ đi. Thật không may, cô đã mở cánh cửa cho kẻ đã giết mình và con trai mình.
Các tin tức địa phương cho biết tình trạng đóng cửa kéo dài khiến Alexandro lâm vào cảnh nợ nần chồng chất đến mức quẫn trí.
Source:Torino Today
2. Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann cảnh báo “Linh hồn ông Biden đang gặp nguy hiểm”
Đức Cha Joseph Naumann, Tổng Giám Mục giáo phận Kansas City, tiểu bang Kansas, đã gọi hành động ủng hộ và cổ võ nạn phá thai của Joe Biden là “một nỗi buồn cho dân tộc”, và đặc biệt cho những người Công Giáo.
Đức Cha Naumann, Chủ Tịch Ủy Ban về Các Hoạt Động Phò Sinh thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận xét của ngài như trên vào hôm thứ Năm vừa qua trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình EWTN.
Khi được hỏi ngài muốn nói điều gì với Tổng Thống Biden, Đức Cha Naumann trả lời: “Tôi sẽ nói: ‘Tỉnh lại đi. Hãy nghĩ về những gì ông đang thực sự làm ở đây’. Ý tôi muốn nói, linh hồn của ông ấy đang gặp nguy hiểm, tôi tin là như vậy”.
“Anh biết đấy, họ đã sử dụng lối nói uyển ngữ hay nói trại đi, khi đang vi phạm các quyền cơ bản của con người thì họ sử dụng các uyển ngữ để nói rằng đây là vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người nghèo”.
“Thủ tục y tế gì mà có hai người vào làm, khi trở ra thì một người chết, người còn lại mang vết thương tâm hồn, tinh thần và đôi khi cả thể xác?”
Ngài còn nói thêm rằng: “Bất cứ ai làm điều này đều là một thảm kịch nếu, nhưng tình hình còn thê thảm hơn khi người ấy lại xưng mình là người Công Giáo. Tôi nghĩ điều đó rất trái ngược với những gì ông ấy vận động với tư cách là một tổng thống của sự đoàn kết. Ý tôi muốn nói, rõ ràng là ông ta đã mắc nợ các thế lực ủng hộ phá thai trong đảng của ông và ông chỉ đang làm theo ý họ”.
“Tôi ước gì ông ấy cũng chính thống trong đức tin Công Giáo của mình, hệt như những gì ông ấy đang làm theo hướng dẫn của tổ chức phá thai Planned Parenthood.”
Nhận xét của Đức Cha Naumann được đưa ra khi Biden hủy bỏ chính sách Mexico City, một chính sách đã ngăn chặn không cho tiền viện trợ của Hoa Kỳ đến các nhóm tài trợ việc cung cấp hoặc thúc đẩy hoạt động phá thai ở các quốc gia khác.
Source:Newsmax
3. Nhà thờ chính tòa Salisbury được biến thành nơi tiêm vắc-xin chống coronavirus
Các sân vận động thể thao, nhà thờ lớn và công viên giải trí trên toàn thế giới đã nhanh chóng được chuyển đổi mục đích sử dụng thành các trung tâm tiêm chủng tạm thời trong một nỗ lực toàn cầu để triển khai nhanh chóng các loại vắc xin.
Tại nhà thờ chính tòa Đức Bà thành phố Salisbury, các nhân viên y tế đã đặt các ống tiêm trước bàn thờ sơn vàng; và các bàn tiêm chủng được đặt giữa những cột đá cao vút nơi tiếng nhạc organ thường tràn ngập bầu khí trong các thánh lễ.
Ngôi nhà thờ chính tòa này được xây dựng trong 38 năm từ 1220 đến 1258. Từ 1549, ngôi nhà thờ còn có thêm một ngọn tháp cao đến 123m. Đến nay, ngọn tháp này vẫn là ngọn tháp nhà thờ cao nhất nước Anh.
Cha sở Nick Papadopulos cho biết:
“Nhà thờ, trong 800 năm, đã đứng ở đây vì hai lý do. Một là để ca tụng vinh quang Chúa; hai là để phục vụ dân Chúa”.
“Hiện tại, đây là cách hiệu quả nhất mà chúng tôi có thể làm cả hai điều đó”.
Tử vong tại Anh, tính đến ngày 6 tháng 2, đã lên đến 111,264 người chết, trong số 3,911,573 trường hợp nhiễm coronavirus.
Trong khi đó, trong một căn phòng ốp gỗ ở Vatican, cư dân của một nơi tạm trú dành cho những người vô gia cư cũng đang được tiêm vắc xin miễn phí.
Source:AFP
4. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ‘sự trung thành năng động’ của phong trào Focolare sau cuộc bầu cử chủ tịch mới
Hôm thứ Bảy 6 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích Phong trào Focolare, hay còn gọi là Tổ Ấm, có “lòng trung thành năng động” khi vị chủ tịch thứ ba của tổ chức Công Giáo quốc tế bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Margaret Karram, một người Công Giáo Ả Rập gốc ở Thánh Địa Giêrusalem, được bầu làm chủ tịch của Phong trào Focolare vào ngày 31 tháng Giêng.
Phong trào Focolare là một tổ chức Công Giáo tập trung vào các nguyên tắc hiệp nhất và tình huynh đệ. Phong trào được thành lập bởi nữ giáo dân và hiện nay là vị Tôi tớ Chúa Chiara Lubich ở miền bắc nước Ý vào năm 1943. Chị Lubich qua đời năm 2008.
“Mười hai năm sau khi chị Chiara Lubich lên đường đến Thiên đường, anh chị em được kêu gọi vượt qua sự hoang mang tự nhiên và cả sự suy giảm về số lượng, để tiếp tục là một biểu hiện sống động cho đặc sủng của vị sáng lập,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người tham gia phiên khoáng đại của phong trào.
Ngài nói: “Chúng ta biết điều này đòi hỏi một sự trung thành năng động, có khả năng giải thích các dấu chỉ và nhu cầu của thời đại và đáp ứng những yêu cầu mới mà nhân loại đặt ra”.
Phong trào Focolare đã tổ chức phiên khoáng đại theo hình thức trực tuyến từ ngày 24 tháng Giêng đến ngày 7 tháng 2. Những người tham gia đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican vào ngày 6 tháng 2.
Chủ tịch mới của Focolare, Karram, nói với Đức Giáo Hoàng rằng cô đã chấp nhận vai trò mới của mình với tiếng “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria. Cô nói thêm rằng cô ấy không thích chức danh chủ tịch, nhưng thích được gọi là “người con gái của Giáo hội” hơn.
Đức Phanxicô đã đưa ra lời khuyên cho những người trong ban quản trị Phong trào, nói rằng họ được kêu gọi “ủng hộ và thực hiện các tham vấn minh bạch không chỉ trong các cơ quan quản lý, mà ở tất cả các cấp, dựa trên luận lý của sự hiệp thông mà theo đó mọi người có thể phục vụ người khác theo đặc sủng của họ, ý kiến của họ trong sự thật và với tự do”.
“Về các dấn thân trong Phong trào, tôi kêu gọi anh chị em ngày càng thúc đẩy tính đồng nghị nhiều hơn nữa, để tất cả các thành viên, với tư cách là những người giám hộ của cùng một đặc sủng, đồng trách nhiệm và chia sẻ trong cuộc đời Công việc của Đức Maria và các mục đích cụ thể của công việc này”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về khủng hoảng và xung đột, và lưu ý rằng “xung đột là tồi tệ, nó có thể trở nên xấu đi, nó có thể chia rẽ, nhưng khủng hoảng là một cơ hội để phát triển”.
“Mỗi cuộc khủng hoảng là một lời kêu gọi hướng đến sự trưởng thành mới, đó là thời điểm của Thần khí, khơi dậy nhu cầu cập nhật, không bị nản lòng bởi sự phức tạp của con người và những mâu thuẫn.”
Ngài khuyến khích các thành viên của phong trào phải kiên cường đối mặt với khó khăn và đối mặt với chúng một cách tích cực như một nguồn cơ hội.
Đức Thánh Cha đã kết thúc buổi tiếp kiến bằng một câu nói đùa trong một câu chuyện cười mà ngài từng nghe về nụ cười của các thành viên Phong trào.
“Họ nói với tôi: ‘Có bốn điều mà Chúa cũng không thể biết được, đó là các tu sĩ Dòng Tên đang nghĩ gì, các tu sĩ Dòng Salêdiêng có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu Dòng Nữ trên thế giới, và những thành viên Focolare cười cái gì’”
Source:Catholic News Agency