Ngày 15-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/02: Anh em bảo Thầy là ai? – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P
Giáo Hội Năm Châu
02:27 15/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Đó là lời Chúa
 
Bao Dung
Lm Thái Nguyên
06:07 15/02/2023

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN 7 TN A
https://www.youtube.com/watch?v=-0w-uouvCvk


BAO DUNG
Mt 5, 38-48 – CN 7 TN A

Suy niệm

Có một nhân vật rất nổi tiếng rất tâm đắc với bài Tin Mừng hôm nay là Mahatma Gandhi, người được thế giới coi là vị đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động trong hoạt động chính trị, để giành lại độc lập cho đất nước mình. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Gandhi là người ngoại giáo nhưng đời sống của ông đã đạt tới cao điểm của tinh thần bao dung nhân hậu của Kitô giáo. Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi mình lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của lòng bao dung. Chính sự bao dung chứ không phải quyền lực có thể làm cho trái tim con người tan chảy. Gandhi đã thách thức chúng ta xem có dám sống Tin Mừng của Đức Kitô không?

Nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh và tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, xem ra như thụt lùi, xuống cấp, có khi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng,” giải quyết vấn đề bằng sức mạnh và bạo lực. Chúa Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và lối sống vay trả đó, Ngài chủ trương“đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa...”. Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, hay chịu khuất phục trước sự ác, nhưng đừng lấy ác báo ác, vì “ác giả ác báo”, phải chiến thắng bản năng trả thù trong con người mình. Nếu lấy ác báo ác thì sự ác sẽ lan tràn và thâm nhập vào chính chúng ta. Ở đây, Chúa Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại: chiến thắng điều ác bằng điều thiện, vì “thiện giả thiện lai”.

Không những thế mà Đức Giêsu đòi hỏi phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Khi chủ trương như thế, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ báo thù và nêu cao lòng khoan dung tha thứ, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, cũng là mở ra con đường để người kia hoán cải. Thật ra chẳng có ai là kẻ thù ta, nhưng vì lòng ích kỷ và ghen ghét mà chúng ta biến người khác thành kẻ thù. Tính ích kỷ và ghen ghét mới là kẻ nội thù đáng sợ nhất cần phải tiêu diệt.

Những giáo huấn trên của Đức Giêsu chính là nguyên tắc bất bạo động mà Gandhi đã khám phá ra, là kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng xác quyết như sau: “Chính Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).

Chúa Giêsu nêu lên một lý do sâu xa khi sống một tình bao dung vô độ là để chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời, “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Thật ra, ngay trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn dân rằng: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”. (Lv 19,1-2.17-18). Nên thánh ở đây là có được tấm lòng bao dung đại độ như Thiên Chúa. Hòa bình và công chính, bình an và hoan lạc, tất cả chỉ sáng ngời khi lòng nhân ái, đặc biệt là tình thương tha thứ ngời sáng trong ta, trong mọi người.

Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao cũng được, vì đó là tự do của chúng ta, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu sâu xa, thì sự hiện diện của chúng ta trở nên vô nghĩa, vì đã không trở nên chính mình như tình yêu Thiên Chúa đã tác sinh. Tình yêu đó phải được vươn cao tỏa sáng để chúng ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Biết rằng lý tưởng sống càng cao, lòng bao dung càng rộng, thì sự trả giá càng lớn. Đó cũng chính là đường thánh giá của đời Kitô hữu đang tiến bước theo Thầy mình tới đỉnh Canvê, nhưng cũng là đỉnh quang vinh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Tuổi trẻ thường hay suy nghĩ một chiều,
nên tâm trí có những điều tiêu cực,
khó nhận ra những giá trị đích thực,
để sống với tấm lòng thật bao dung.
Con bao dung không vì “cực chẳng đã”,
không vì sợ phải trả giá nặng nề,
hoặc chỉ muốn đề huề cho xong chuyện,
cho đời mình được hai chữ “bình yên”.
Con bao dung không phải kiểu hề hà,
không phải đồng lõa xuề xòa cho qua,
hoặc đưa chủ trương “Dĩ hòa vi quí”,
làm mất đi những gì là chân thật.
Con bao dung là chấp nhận khác nhau,
cho người khác được tự do thể hiện,
và sống với những điều họ xác tín,
dù có điều chưa đúng chưa hợp lý.
Con bao dung là chấp nhận liều lĩnh,
có nguy cơ và tai hại cho mình,
như tim Chúa bị đâm thâu là thế,
nhưng giúp cho đời vượt bến mê.
Con bao dung là muốn chống độc tài,
là một thứ quái thai trong nhân loại,
đã làm cho bao kẻ thành điên dại,
là thất bại lớn nhất của đời người.
Chính lòng nhân mới cảm hóa sâu xa,
không phải do tài ba hay quyền lực,
là tình yêu chứ không phải giáo điều,
là sống không nói nhiều như con nghĩ.
Xin cho con cứ bao dung đón nhận,
không câu nệ và càng không chấp nhất,
luôn chuyên cần thực hiện đức từ nhân,
để tình Chúa sáng lên giữa cuộc trần. Amen.
 
Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình
Lm Đan Vinh
06:14 15/02/2023

HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ LÀM ƠN CHO KẺ GHÉT MÌNH

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 5,38-48.
38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

2. Ý CHÍNH :
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su dạy chúng ta phải yêu thương hết mọi người: kẻ thù của mình, kẻ ghét mình, kẻ ngược đãi và vu khống mình… để chúng ta được nên trọn lành giống như Chúa Cha trên trời, "là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương."

3. CHÚ THÍCH :
- C 38-39 : + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng : Đây là luật hình sự dựa trên nguyên tắc đối trọng: ai đã gây thiệt hại, thì phải sửa chữa thiệt hại đã gây ra. (x. Xh 21,23-25; Lv 24,19-20; Đnl 19,21). + Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa : Đức Giê-su dạy môn đệ khi bị kẻ khác xúc phạm, hãy đối xử từ bi nhân ái để biến thù thành bạn.
- C 41-42 : + Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm : Có lẽ đây là một dịch vụ do người Rô-ma bắt buộc người Do thái phải làm, như trường hợp quân Rô-ma bắt ông Si-môn Ky-rê-nê vác đỡ thập giá của Đức Giê-su. + Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi : Ở bên đất thánh Pa-lét-ti-na, "cho vay” cũng giống như “bố thí” (x. Hn 29,1). Nghĩa là người Do thái không được cho người đồng chủng Do thái vay tiền để lấy tiền lãi (x. Xh 22,24).
- C 43-44 : + Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em : Đức Giê-su muốn các môn đệ mở rộng tình thương đến các người dân ngoại và cả với những kẻ đối xử không tốt hoặc có hành vi ngược đãi mình.
- C 45-48 : + Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện : Đức Giê-su dạy môn đệ phải có tình thương tột đỉnh noi gương Thiên Chúa Cha trên trời, đã không phân biệt đối xử khi ban ơn cho cả những kẻ xấu và kẻ bất lương.
4. CÂU HỎI : 1) Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” là luật gì và có nghĩa thế nào? 2) Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ chúng ta điều gì qua bài Tin Mừng hôm nay : “Đừng chống cự người ác; sẵn sàng đi gấp đôi số dặm mà những kẻ mạnh thế bắt mình phải đi; quảng đại đáp ứng nhu cầu của kẻ ăn xin vay mượn; yêu kẻ thù…”?

II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

2. CÂU CHUYỆN :

1) SỨC MẠNH HOÁN CẢI TỘI NHÂN CỦA LÒNG NHÂN ÁI :
Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói :
- Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.
Tức thì các thực khách cười lên hô hố tỏ vẻ khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói :
- Một miếng ư, được lắm.
Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái bạt tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn ra lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói :
- Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.
Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta không thể ngờ rằng trên cõi đời này lại có người có khí phách như vậy. Anh lồm cồm ngồi dậy và lắp bắp nói :
- Tôi... tôi sẽ tặng quà cho các em.
Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân số tiền lớn để tạ lỗi.

2) GIÓ VÀ MẶT TRỜI AI MẠNH HƠN AI?
Một lần nọ, gió bão và mặt trời tranh cãi nhau xem ai có sức mạnh hơn. Cả hai đều kể lại những chiến tích oai hùng của mình để chứng minh mình có sức mạnh hơn đối phương. Vừa lúc đó có một khách bộ hành đang từ xa tới gần. Cả hai đồng ý kiểm tra sức mạnh bằng cách cố cởi cái áo choàng của người khách bộ hành đang mặc trong thời gian ngắn nhất.
Cơn gió bão đòi ra tay trước. Nó tạo ra một luồng gió xoáy dữ dội nhất từ trước đến giờ, và ngay từ lần cố gắng đầu tiên, gần như nó đã có thể xé rách cái áo choàng của người bộ hành. Nhưng người đàn ông kia đã dùng tay ôm chặt chiếc áo choàng, và còn nằm đè lên chiếc áo choàng, khiến gió bão dù tốn rất nhiều sức lực mà vẫn không làm cho chiếc áo bung ra khỏi người khách bộ hành được. Sau cùng cơn gió bão đành chấp nhận chịu thua.
Đến lượt mặt trời ra tay. Đầu tiên mặt trời xua tan những đám mây đen giăng kín bầu trời và rọi những tia nắng xuống đầu người khách bộ hành. Một vài phứt sau, cảm thấy mồ hôi xuất ra do nhiệt độ tăng đột ngột, người khách bộ hành vội vã cởi chiếc áo choàng ra phơi và đến chỗ cây có che bóng râm gần đó tránh nắng, và chung cuộc mặt trời đã chiến thắng gió bão.
Như vậy trong việc giáo dục con người, dùng tình thương thuyết phục sẽ có hiệu quả hơn dùng biện pháp đánh phạt chửi mắng.

 3) TÔI ĐÃ TRẢ THÙ ĐƯỢC RỒI ! :
Có hai người đàn ông thổ dân nước Nam Phi rất thù hằn ganh ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp thấy đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang dạo chơi trong rừng, liền bắt cô bé chặt đứt ngón tay út rồi thả ra. Cô bé bị đau la khóc dùng tay còn lại ôm chặt bàn tay bị chặt đứt ngón út chạy mau về nhà chữa trị, đang khi tên hung thủ la to rằng : “Ta đã trả thù được rồi !”.
Mười năm sau, cô bé bị chặt ngón đã lấy được một người chồng Công Giáo giàu có trong vùng. Ngày kia, một kẻ ăn xin tới xin ăn, bà chủ nhà nhận ngay ra kẻ trước đây đã chặt ngón tay của mình. Bà vào trong nhà, sai gia nhân đem cơm thịt ra đãi người ăn xin. Khi kẻ thù đã ăn no, bà mới giơ bàn tay có ngón út bị cụt ra và nói : “Hôm nay tôi đã trả thù được rồi !”.
Tên ăn mày lập tức nhận ra người đàn bà đối xử tốt với mình không ai khác hơn là cô bé năm xưa đã từng bị hắn chặt đứt ngón tay để trả thù, nên hắn rất hối hận và đã quỳ gối cám ơn bà không những không chấp nhất tội hắn mà còn đối xử nhân hậu là cho hắn một bữa ăn ngon.

3. SUY NIỆM :

1) “ĐỪNG CHỐNG CỰ NGƯỜI ÁC..." :
- So sánh Luật đạo cũ với đạo mới : Luật Mô-sê đã tiến bộ hơn nếu so sánh với thời đại trước đó, vì về việc báo oán, Luật Mô-sê chỉ đòi kẻ tấn công bị đối xử ngang bằng điều xấu mà hắn đã gây ra cho nạn nhân. Thực vậy, sách Sáng thế ký đã ghi lại lời của La-méc : "Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy" (St 4,24), đang khi Mô-sê ra luật trả báo công bình như sau : “Nếu hai người đàn ông đánh nhau mà có gây tổn thương…, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,22-25). Tuy nhiên Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay lại kêu gọi môn đệ nên hoàn thiện bằng thái độ nhẫn nhịn chịu đựng và lấy tình thương xóa bỏ hận thù như sau : "Nếu ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa... Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài... Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm... Ai xin thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi" (c 39-42).
- Trước những lời dạy nầy của Đức Giê-su, những kẻ suy nghĩ nông cạn vội cho đây là thái độ của kẻ hèn nhát nhu nhược, khuyến khích kẻ gian ác lộng hành : “Chúng được đằng chân, sẽ lân đằng đầu”; Nhưng những người khôn ngoan lại công nhận đây là lối hành xử tối ưu để giải quyết tận gốc các xung đột xã hội và mang lại hòa bình lâu dài. Thực vậy, nếu bị kẻ ác đánh một cái mà ta đánh lại, thì chắc chắn chúng sẽ đánh tiếp và bạo lực sẽ ngày một gia tăng. Nhưng nếu ta chịu đựng và nói chuyện phải quấy thì có thể kẻ đó sẽ bị khuất phục. Chúng ta có thể ví bạo lực giống như sức mạnh của cây búa tạ trong tay thợ đập đá, tảng đá dù cứng rắn đến đâu, cũng sẽ bị bể tan! Đang khi hồ nước mềm mại có bị búa tạ bổ xuống vẫn không hề hấn gì, trái lại còn có thể nhấn chìm cây búa tạ kia xuống đáy hồ. Trước cơn bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp kháng cự lại sẽ bị gãy cành trốc gốc, đang khi rặng tre, lau sậy chịu uốn mình theo chiều gió nên vẫn được an toàn. Thế nên Lão tử đã dạy các môn sinh : “Lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Môn phái Giuy-đô (juco) cũng theo quy luật nầy khi dùng sự mềm dẻo để tự vệ, và đánh bại đòn tấn công hung hãn của đối phương.
- Khi dạy các điều trên, chắc chắn Đức Giê-su không muốn duy trì tình trạng những người thân yếu thế cô phải cam chịu sự đàn áp của những kẻ tàn bạo gian ác. Nhưng nếu chủ trương lấy ác báo ác, thì con người sẽ lâm vào vòng xoáy bạo lực : Thay vì chỉ có một kẻ ác, giờ đây lại thêm kẻ ác thứ hai là người đang bị áp bức. Đức Giê-su muốn các môn đệ lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu đáp trả hận thù để hóa giải và biến thù thành bạn. Nhưng giả như kẻ ác vẫn cố chấp thì bấy giờ mới xử lý, giống như Đức Giê-su trước Thượng Hội Đồng Do thái đã bị một tên gia nô của thượng tế Khan-na tát, đã không giơ má kia, nhưng hạch lại hắn : "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).

2) HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ NGƯỢC ĐÃI ANH EM :
- Thái độ thông thường của người đời chúng ta là yêu ai yêu mình, và ghét những kẻ ghét hại mình và chống lại Thiên Chúa như Sách Thánh đã ghi lại lời cầu nguyện của dân Do thái : "Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà... Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Con ghét chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con" (Tv 139,19-22).
- Nhưng Đức Giê-su dạy các môn đệ phải vượt lên những điều bình thường này bằng cách yêu những kẻ ghét mình noi gương Chúa Cha : "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (Mt 5,44-45).

3) HÃY NÊN HOÀN THIỆN NOI GƯƠNG CHÚA CHA NHƯ ĐỨC GIÊ-SU :
- Đức Giê-su đã yêu thương tha thứ cho những kẻ thù ghét làm hại mình : Người nhẫn nhịn chịu đựng khi bị xét xử bất công, bị xỉ vả đánh đập, bị lột áo trong áo ngoài, bị hành hình đóng đinh tay chân vào thập giá giữa hai tên trộm cướp… Người đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm khổ mình : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
- Chúng ta cũng phải tha thứ cho tha nhân : khi giận hờn, căm ghét người khác, tâm hồn chúng ta sẽ mất bình an, ta sẽ không còn thiết ăn uống vì dạ dày không làm việc, sẽ hay suy nghĩ thở dài và không ngủ yên giấc, bệnh tim mạch gia tăng và sẽ bị đột quỵ... trong khi kẻ bị ta thù ghét vẫn sống yên ổn ! Như vậy sự giận ghét không những không làm hại kẻ thù mà còn quay ra làm hại chính ta và cắt ngắn tuổi thọ của ta. Vậy chúng ta còn đợi gì mà không tha thứ cho tha nhân theo lời Chúa dạy?
- Hãy cầu nguyện và làm điều tốt để đáp trả kẻ đang thù ghét làm hại mình : Thay vì nuôi lòng thù hận, chúng ta hãy cầu xin Chúa thay đổi lòng trí kẻ thù ghét ta. Hãy tìm dịp thuận tiện để khen ngợi nói tốt cho họ. Khi nghe ai chỉ trích nói xấu họ, thay vì “đổ dầu vào lửa”, chúng ta hãy làm trạng sư để bào chữa lỗi lầm cho họ…

4. THẢO LUẬN : Hãy tự xét xem hiện giờ bạn đang giận ghét người nào nhất? Bạn sẽ làm gì để thực hành lời Chúa dạy hôm nay?

5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh đẹp nhất là hình ảnh của Chúa xưa kia trên núi Sọ : Dù đang bị đám đông thù ghét phỉ báng, hành hạ, đòi phải đóng đinh vào thập giá mà Chúa vẫn nhẫn nhịn chịu đựng và còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình. Xin ban cho chúng con tình yêu thương và lòng từ bi nhân hậu của Chúa, bằng thái độ bao dung cảm thông, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã nói lời xúc phạm đến chúng con, hầu chúng con nên “con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha” noi gương Chúa khi xưa.- AMEN.
 
Một Đức Kitô bên trong
Lm Minh Anh
14:21 15/02/2023
MỘT ĐỨC KITÔ BÊN TRONG

Các con bảo Thầy là ai?”.

Một giọng đàn ông rè rè gọi đến kho quân cụ của sư đoàn; ông muốn biết số lượng quân trang, quân dụng. Người trực điện thoại nói, “Chúng tôi còn 3 xe Jeep, 4 xe tăng, 500 súng trường và một tấn đạn. Chúng tôi cũng còn hai chiếc Cadillac dành cho các tướng béo”. Im lặng. Sau đó là câu trả lời, “Một cách riêng tư, anh biết tôi là ai không?”; “Không!”. “Tôi là Đại tướng Westin!”; “Tướng quân, ông biết tôi là ai không?”; “Không!”. “Hẹn gặp lại, Béo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện anh lính trực điện thoại đưa chúng ta về một câu chuyện tương tự của Tin Mừng hôm nay, nhưng dĩ nhiên, nghiêm túc hơn! Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, “Các con bảo Thầy là ai?”. Đó là một câu hỏi rất khó! Khó, bởi lẽ, nó đặt câu hỏi về ‘một Đức Kitô bên trong’; đó là một câu hỏi dành cho trái tim, vì chỉ trái tim mới có thể trả lời nó!

“Các con bảo Thầy là ai?”. Với câu hỏi này, mỗi người chỉ có thể trả lời nó bằng cả đời sống; bởi lẽ, phải sống nó, chiến đấu với nó, và vượt qua nó! Câu hỏi này không xác định nhiều về Chúa Kitô, nhưng xác định ‘người’ trả lời nó! Tôi đã có những kinh nghiệm nào về Ngài? Cá nhân tôi đã học được gì nơi Ngài? Bởi lẽ, lịch sử của Chúa Kitô và lịch sử của cá nhân tôi phải kết hợp với nhau để làm nên một chương duy nhất mà cả hai, ‘Ngài và tôi’, cùng chia sẻ!

Vậy, nếu tôi không có gì nhiều để nói về Chúa Kitô vì lẽ, nội tâm của tôi bị lu mờ bởi vật chất và hơi hướng thế tục, thì tôi phải đưa câu hỏi của Ngài lên một cấp độ cao hơn, “Tôi là ai đối với Ngài?”. ‘Tôi là ai’ sẽ quyết định phần lớn đời sống cầu nguyện và cách cư xử thường ngày của tôi. ‘Một Đức Kitô bên trong’ chỉ được biết đến bởi những ai được Ngài mặc khải, được sống trong ân sủng Ngài! Điều này sẽ không xảy ra theo cách tiếp cận đơn thuần khả giác, cũng không chỉ diễn ra theo dòng chảy của các sự kiện phụng vụ; nhưng Đức Kitô chỉ có thể có và chỉ được biết bằng một trải nghiệm cá nhân qua cầu nguyện và qua việc kết hiệp với Ngài trong từng hơi thở! Hãy cầu xin cho mình những ân sủng nội tâm cần thiết, hầu có thể trải nghiệm Ngài, trải dài bằng một đời sống cầu nguyện và bác ái.

Vậy tại sao “Chúa Kitô là ai đối với tôi?”, và “Tôi là ai đối với Chúa Kitô?” lại quan trọng đến thế? Quan trọng bởi lẽ, Ngài là mặc khải trọn vẹn ý định cứu độ của Chúa Cha, là dấu giao ước muôn đời của Cha. Và như thế “Cầu vồng”, dấu giao ước của Thiên Chúa trong bài đọc Sáng Thế hôm nay là hình ảnh báo trước Đức Kitô, “Dấu Giao Ước” đời đời Chúa Cha dành cho con người! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Từ trời cao, Chúa nhìn xuống trần thế!”; nghĩa là trong Đức Kitô, qua Đức Kitô, Thiên Chúa đoái thương trần thế!

Anh Chị em,

“Các con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi quan trọng đó đang được đặt ra cho bạn và tôi! “Thầy là ai đối với con?”, những người được gọi để ra đi; vậy tại sao tôi vẫn vật vờ ươn ế? “Thầy là ai đối với con?”, những người đã theo đạo lâu năm; nhưng bị thói quen mài mòn, nên đã đánh mất mặn nồng thuở ban đầu? “Thầy là ai đối với con?”, những người đang khó khăn và cần vực dậy bản thân để bắt đầu lại? Hãy biết rằng, Chúa Kitô muốn trở thành ‘một Ai đó bên trong’ bạn và tôi; Ngài phải là trung tâm của suy nghĩ, điểm quy chiếu cho đời sống. Tắt một lời, Ngài muốn là tình yêu của các cuộc sống! Ngài không quan tâm đến các ý kiến về Ngài; Ngài quan tâm tình yêu của chúng ta, Ngài quan tâm đến vị trí bạn và tôi dành cho Ngài trong trái tim mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì cuộc sống của con được định hướng bởi ‘một Đức Kitô bên trong’; từ đó, cuộc sống của con cũng là câu trả lời cho tất cả những ai muốn biết Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Con Nghĩ Thầy Là... Mark 8:27-33
Nguyễn Trung Tây
15:26 15/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Con Nghĩ Thầy Là... Mark 8:27-33


Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,
— Ông vẫn tin vào Thượng Đế?
Vị tu sĩ đáp,
— Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.
Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,
— Còn ông thì sao, ông tin vào ai?
Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,
— Tôi, tôi tin vào tấm hình này...

Suy Niệm
Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,
— Con nghĩ Thầy là ai?

Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,
— Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, iPod nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?” Xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 15/02/2023
Khi Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su hiện ra với thánh nữ Ma-ga-ri-ta, Ngài đã hứa cho những ai cung kính Thánh Tâm:

1. Ta sẽ ban cho họ các ân điển mà trong bổn phận họ có nhu cầu.

2. Ta sẽ ban cho gia đình họ được hòa mục và bình an.

3. Ta sẽ an ủi họ trong những lúc khốn khó.

4. Ta sẽ ban cho họ khi sống cũng như sau khi chết được che chở.

5. Ta sẽ giáng phúc cho tất cả công việc của họ, mọi sự đều thành công.

6. Tội nhân sẽ tìm được sự nhân từ thẳm sâu như đại dương trong trái tim Ta.

7. Làm cho người khô khan lãnh đạm biến thành người nhiệt thành.

8. Làm cho người nhiệt thành sửa được hoàn toàn sự nông nỗi.

9. Phàm trong nhà cung kính tượng Thánh Tâm, Ta sẽ giáng phúc cho cả gia đình họ.

10. Các linh mục cung kính Thánh Tâm Ta, Ta sẽ ban cho họ ơn cảm hóa lòng những người cứng tin.

11. Người rao truyền Thánh Tâm Ta, Ta sẽ đem danh họ khắc ghi trong trái tim Ta, muôn đời không mất.

12. Phàm ai trong chín tháng rước lễ liên tục trong các ngày thứ sáu đầu tháng, Ta hứa sẽ ban cho họ ơn hối cải, có thể lãnh các bí tích lúc lâm chung, không chết trong tội lỗi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 15/02/2023
63. NẰM MƠ BỊ NHỤC LIỀN TỰ SÁT

Vào thời Tề Trang công có một tráng sĩ tên là Tân Ti Tụ dũng lực hơn người, từ trước đến nay chưa bao giờ bị ai khuất phục.

Vào một đêm khuya, ông ta nhìn thấy một tráng sĩ nhìn ông ta mà mắng chửi thậm tệ, lại còn nhổ nước bọt trên mặt mình. Tân Ti Tụ nộ khí xung thiên, liền tiến lên quyết đấu với tráng sĩ nọ, không ngờ giật mình tỉnh thức, té ra là một giấc mơ, nhưng trong lòng ông ta rất đau khổ.

Ngày hôm sau, ông ta mời bạn bè đến, đem câu chuyện bị nhục trong giấc mơ ra nói cho bạn nghe:

- “ Tôi, từ nhỏ cho đến hôm nay là 60 tuổi, từ trước đến nay chưa có ai dám nhục mạ tôi, tôi nhất định phải tìm cho bằng được tráng sĩ trong giấc mơ ấy để đọ sức với anh ta một trận. Tìm được thì tốt, không tìm được thì thà rằng chết!”

Thế là, mỗi ngày ngay từ sáng sớm ông ta cùng người bạn đứng bên đường để nhận diện người qua lại, liên tiếp mấy ngày như thế mà ông ta cũng không tìm được người trong giấc mơ ấy, ông ta bèn về nhà tự sát.

(Lữ thị xuân thu)

Suy tư 63:

Tự ái với người trong giấc mơ để đến nỗi phải tự sát, thì đúng là tự ái một cách ngu xuẩn, tự ái của những người hữu dõng vô mưu.

Tự ái đúng chỗ thì rất có lợi cho mình nhưng tự ái không đúng chỗ thì chỉ tự hại mình mà thôi.

Con người ta bất kể kẻ giàu người nghèo, người có học cũng như người không có học, ai ai cũng đều có tự ái.

Tự ái để thi đua trong học tập là tự ái lành mạnh; tự ái để sửa đổi mình nên tốt hơn là tự ái của những người có đạo đức, đó là những tự ái nên tự ái.

“Tự自” là mình, “ái愛” là yêu, tự ái chính là yêu mình, yêu mình thì tự trọng danh dự của mình, giữ gìn thân thể của mình, hay nói thực tế hơn, tự ái là cái bản năng tự trọng trong con người của mình đột nhiên bùng lên khi bị xúc phạm đến danh dự cá nhân, do đó, người tự trọng nhiều thì tự ái cao đó là chuyện tự nhiên, cho nên cần phải lấy đức ái mà chế ngự tự ái để đời sống được quân bình.

Tự ái, tự nó không phải là xấu là dở, nhưng nó sẽ trở nên xấu đi khi tôi vì tự ái, mà không nhìn thấy người đối diện là bạn tôi, là anh chị em tôi, ngĩa là khi tôi không có đức ái.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về Niềm đam mê truyền giáo: Việc làm tông đồ đầu tiên
Vu Van An
14:23 15/02/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Hội trường Phaolô VI, Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới việc làm tông đồ của các môn đệ đầu tiên của Chúa. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý của chúng ta; chủ đề chúng ta đã chọn là “Niềm say mê rao giảng Tin Mừng, nhiệt thành tông đồ”. Bởi vì truyền giáo không phải là nói, 'Hãy nhìn, bla, bla, bla' và không có gì hơn thế. Có một niềm đam mê bao gồm mọi điều: khối óc, trái tim, đôi tay, đi ra ngoài… mọi điều, toàn bộ con người đều tham gia vào việc loan báo Tin Mừng này, và vì lý do này mà chúng ta nói đến niềm đam mê rao giảng Tin Mừng. Sau khi đã thấy nơi Chúa Giêsu mẫu mực và bậc thầy của việc loan báo, hôm nay chúng ta hướng về các môn đệ đầu tiên, về những gì các môn đệ đã làm. Tin Mừng nói rằng Chúa Giêsu “đã chỉ định mười hai người, ở với Người và sai đi rao giảng” (Mc 3:14), hai việc: ở với Người và sai các ông đi rao giảng. Có một khía cạnh dường như mâu thuẫn: Người kêu gọi họ ở với Người và ra đi rao giảng. Người ta sẽ nói: hoặc cái này hoặc cái nọ, ở lại hoặc đi. Nhưng không: đối với Chúa Giêsu không có chuyện đi mà không ở lại và không có chuyện ở lại mà không đi. Hiểu điều này không dễ, nhưng nó là như vậy. Chúng ta hãy cố gắng hiểu một chút ý nghĩa trong đó Chúa Giêsu nói những điều này.

Trước hết, không có đi mà không ở lại: trước khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Tin Mừng cho biết, Chúa Kitô “gọi họ lại với Người” (x. Mt 10:1). Việc loan báo được sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Chúa; mọi hoạt động của Kitô hữu, nhất là việc truyền giáo, bắt đầu từ đó. Không phải từ những gì được học trong một học viện. Không, không! Nó bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa. Thực thế, làm chứng cho Người – có nghĩa là chiếu tỏa Người; nhưng, nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt; nếu chúng ta không dành thời gian cho Người, thì chúng ta sẽ tự mang lấy mình thay vì Người —tôi đang mang chính mình chứ không phải Người —và tất cả sẽ vô ích. Vì vậy, chỉ những người ở lại với Người mới có thể mang Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ai không ở lại với Người thì không thể mang Tin Mừng. Họ sẽ mang đến những ý tưởng, nhưng không phải là Tin Mừng.

Tuy nhiên, cũng thế, không thể ở lại mà không đi. Thật vậy, theo Chúa Kitô không phải là một sự kiện hướng nội: không loan báo, không phục vụ, không truyền giáo, thì mối liên hệ với Chúa Giêsu không phát triển. Chúng ta nhận thấy trong Tin Mừng, Chúa sai các môn đệ trước khi họ hoàn tất việc chuẩn bị của họ: không lâu sau khi gọi họ, Người đã sai họ đi rồi! Điều này có nghĩa là kinh nghiệm truyền giáo là một phần của việc đào tạo Kitô hữu. Vậy chúng ta hãy nhắc lại hai thời điểm căn bản này đối với mỗi người môn đệ: ở lại với Chúa Giêsu và ra đi, được Chúa Giêsu sai đi.

Sau khi kêu gọi các môn đệ đến với Người và trước khi sai họ đi, Chúa Kitô ngỏ lời với họ, được gọi là ‘diễn văn truyền giáo’ – đây là cách gọi trong Tin Mừng. Nó được tìm thấy trong chương 10 của Tin Mừng Mátthêu và giống như 'hiến pháp' của việc công bố. Từ diễn từ mà tôi khuyên anh chị em nên đọc hôm nay đó, chỉ là một trang trong Tin Mừng, tôi rút ra ba khía cạnh: tại sao phải công bố, công bố điều gì và công bố như thế nào.

Tại sao phải công bố: Động lực nằm ở một vài lời của Chúa Giêsu, mà chúng ta nên ghi nhớ: “Anh em đã nhận nhưng không, hãy cho nhưng không” (c. 8). Đó chỉ là một vài từ ngữ. Nhưng tại sao phải công bố? Bởi vì tôi đã nhận được một cách nhưng không, thì tôi nên cho đi một cách nhưng không. Việc công bố không bắt đầu từ chúng ta, nhưng từ vẻ đẹp của những gì chúng ta đã nhận được nhưng không, không công trạng: gặp gỡ Chúa Giêsu, biết Người, khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương và được cứu độ. Đó là một món quà tuyệt vời đến nỗi chúng ta không thể giữ nó cho riêng mình, chúng ta cảm thấy cần phải truyền bá nó; nhưng trong cùng một phong cách, phải không? Đó là, cách cho đi nhưng không. Nói cách khác: chúng ta có một món quà, vì vậy chúng ta được mời gọi làm một món quà từ chính mình cho những người khác; chúng ta đã nhận được một món quà và ơn gọi của chúng ta là làm một món quà từ chính chúng ta cho những người khác; trong chúng ta có niềm vui được làm con Thiên Chúa, niềm vui ấy phải được chia sẻ với anh chị em của chúng ta, những người chưa biết điều đó! Đây là lý do cho việc công bố. Ra đi và mang theo niềm vui của những gì chúng ta đã nhận được.

Thứ hai: Thế thì công bố điều gì? Chúa Giêsu nói: “Khi ra đi, các con hãy rao giảng rằng: Nước thiên đàng đã đến gần” (c. 7). Đây là điều cần phải nói, trước hết và quan trọng nhất: Thiên Chúa đang ở gần. Vì thế, đừng bao giờ quên điều này: Thiên Chúa luôn gần gũi với con người. Người đã nói điều đó với chính dân chúng: Người nói: “Kìa, Thiên Chúa nào gần gũi với các dân tộc như tôi đối với anh em?” Sự gần gũi này là một trong những điều quan trọng nhất về Thiên Chúa. Có ba điều quan trọng: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Đừng quên điều đó. Thiên Chúa là ai? Là Đấng Gần gũi, Đấng Dịu dàng, Đấng Thương xót. Đó là thực tại của Thiên Chúa. Chúng ta khi rao giảng thường thúc giục người ta làm điều gì đó, điều đó tốt; nhưng đừng quên rằng thông điệp chính là Người đang ở gần: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa là điều khó hơn vì chúng ta luôn muốn ở trung tâm, chúng ta muốn là người chủ đạo, chúng ta có khuynh hướng làm hơn là để bản thân được khuôn đúc, để bản thân nói hơn là lắng nghe. Nhưng, nếu những gì chúng ta làm đến trước, chúng ta vẫn là người chủ đạo. Thay vào đó, việc công bố phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa: dành ưu tiên cho Thiên Chúa, vị trí đầu tiên dành cho Thiên Chúa, và dành cho người khác cơ hội chào đón Người, nhận ra Người đang ở gần. Và tôi ở hậu trường.

Điểm thứ ba: Công bố như thế nào. Đây là khía cạnh được Chúa Giêsu quan tâm nhiều nhất: công bố như thế nào, đâu là phương pháp, ngôn ngữ công bố nên ra sao; nó phải có ý nghĩa: Người nói với chúng ta rằng cách thức, phong cách là điều chủ yếu trong việc làm chứng. Làm chứng không chỉ liên quan đến tâm trí và nói điều gì đó, các khái niệm. Không. Nó liên quan đến mọi điều, trí óc, trái tim, bàn tay, mọi điều, ba ngôn ngữ của con người: ngôn ngữ của suy nghĩ, ngôn ngữ của xúc cảm và ngôn ngữ của làm việc. Ba ngôn ngữ. Người ta không thể rao giảng Tin Mừng chỉ bằng khối óc, bằng trái tim hay chỉ bằng đôi tay. Mọi thứ đều có liên quan. Và, trong phong cách, điều quan trọng là chứng từ, như Chúa Giêsu muốn chúng ta làm. Người nói thế này: “Ta sai các con đi như chiên giữa bầy sói” (c. 16). Người không yêu cầu chúng ta phải có khả năng đối đầu với bầy sói, nghĩa là có thể tranh luận, đưa ra những lập luận phản bác và tự bảo vệ mình. Không, không. Chúng ta rất có thể nghĩ như thế này: chúng ta hãy trở nên có liên quan, đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe chúng ta và tôn trọng chúng ta và chúng ta sẽ đánh bại bầy sói. Không, không phải như thế. Không, Thầy sai các con ra đi như những con cừu, như những con chiên. Điều này quan trọng. Nếu anh chị em không muốn làm chiên, Chúa sẽ không bảo vệ anh chị em khỏi bầy sói. Hãy tự đối phó với chúng tốt nhất có thể. Nhưng nếu anh chị em là chiên, hãy yên tâm Chúa sẽ bảo vệ anh chị em khỏi bầy sói. Hãy khiêm tốn. Người yêu cầu chúng ta phải như vậy, hiền lành và với ý chí ngây thơ, sẵn sàng hy sinh; đó là những gì con chiên đại diện: hiền lành, ngây thơ, tận tụy, dịu dàng. Và Người, Đấng Chăn Chiên, sẽ nhận ra bầy chiên của Người và bảo vệ chúng khỏi bầy sói. Mặt khác, những con chiên cải trang thành sói sẽ bị lột mặt nạ và xé xác thành từng mảnh. Một Giáo phụ đã viết: ‘Chừng nào chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng, và ngay cả khi chúng ta bị bao vây bởi nhiều con sói, chúng ta sẽ chiến thắng chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành những con sói, ‘Ồ, khôn khéo làm sao, xem này, tôi cảm thấy tốt về bản thân mình’, chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi vì chúng ta sẽ bị tước đi sự giúp đỡ của người chăn cừu. Người không chăn bầy sói, mà chăn chiên con’ (Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng 33 về Tin Mừng Mátthêu). Nếu tôi muốn thuộc về Chúa, tôi phải để Người chăn dắt tôi; và Người không phải là người chăn bầy sói, Người là người chăn chiên con, hiền lành, khiêm nhường, nhân từ như Chúa.

Vẫn về chủ đề công bố như thế nào, điều đáng chú ý là Chúa Giêsu, thay vì quy định những gì phải mang theo khi đi truyền giáo, thì lại nói những gì không được mang theo. Đôi khi, người ta thấy một số tông đồ, một số người tái định cư, một số Kitô hữu nói rằng họ là một tông đồ và đã dâng cuộc đời mình cho Chúa, nhưng họ đang mang theo rất nhiều hành lý. Nhưng điều này không thuộc về Chúa. Chúa làm cho bạn nhẹ gánh. “Đừng mang theo vàng, bạc, đồng trong thắt lưng, đừng mang túi đi đường, đừng mang theo hai áo, đừng đi dép, đừng mang theo gậy” (c. 9-10). Đừng mang theo bất cứ thứ gì. Người nói đừng dựa vào những điều chắc chắn về vật chất, mà hãy bước vào thế giới không có tính thế gian. Điều đó có nghĩa là, tôi đang đi vào thế gian, không phải với phong cách của thế gian, không phải với các giá trị của thế gian, không phải với tính thế gian, đối với Giáo hội, rơi vào tính thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tôi đi ra ngoài với sự đơn giản. Đây là cách người ta nên công bố: bằng cách chỉ ra Chúa Giêsu hơn là nói về Chúa Giêsu. Và làm thế nào để chúng ta chỉ ra Chúa Giêsu? Với chứng tá của chúng ta. Và cuối cùng, bằng cách cùng đi với nhau, trong cộng đồng: Chúa sai tất cả các môn đệ đi, nhưng không ai đi một mình. Giáo hội tông truyền hoàn toàn có tính cách truyền giáo và trong việc truyền giáo, Giáo hội tìm thấy sự hiệp nhất của mình. Vì vậy: hãy tiến lên, hiền lành và tốt lành như những con chiên, không có tính thế gian, và đi cùng với nhau. Đó là chìa khóa của việc công bố, đó là chìa khóa để thành công trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy đón nhận những lời mời gọi này của Chúa Giêsu: ước gì lời của Người là điểm quy chiếu của chúng ta.
 
Linh mục bị bắn chết ở Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
17:31 15/02/2023


Giáo phận San Juan de Los Lagos ở bang Jalisco, Mễ Tây Cơ, đã để tang cho vụ bắn chết một trong những linh mục của giáo phận, Cha Juan Angulo Fonseca, vào ngày 10 tháng Hai.

Theo tờ El Financiero của Mễ Tây Cơ, vị linh mục 53 tuổi đã bị bắn từ phía sau bằng hai phát súng ngắn. Vụ giết người xảy ra ở quận Atotonilco el Alto của bang Jalisco.

Theo điều tra ban đầu, vụ án mạng rõ ràng là do tranh chấp đất đai.

“Giáo phận San Juan de los Lagos dâng lời cầu nguyện lên Chúa, Cha của Lòng thương xót, vì cái chết đau lòng của Cha Juan Angulo Fonseca,” giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 11 tháng Hai.

“Xin Chúa thưởng công cho sự cống hiến cuộc đời của những nhân danh Chúa Kitô cho Giáo hội! Nhờ lòng thương xót của Chúa, cầu mong linh hồn của ngài và của tất cả các tín hữu đã ra đi, được yên nghỉ!” tuyên bố kết luận.

“Chúng ta phó thác cho Thiên Chúa và lòng thương xót vô biên của Người, để Người ban cho ngài được cử hành Bí tích Thánh Thể vĩnh cửu cùng với Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và các thánh, và ngài sẽ giúp chúng ta, những người lữ hành trên trái đất này, luôn tìm kiếm những con đường hòa bình và tình huynh đệ,” Đức Tổng Giám Mục Jorge Alberto Cavazos, giám quản tông tòa của Giáo phận San Juan de los Lagos viết.

“Tôi cầu xin tất cả các linh mục dâng một tuần cửu nhật thánh lễ và cầu nguyện cho người anh em của chúng ta,” vị giám chức nói trong một tuyên bố.

Cha Angulo sinh tại thị trấn Tepatitlán de Morelos thuộc bang Jalisco vào ngày 24 Tháng Giêng năm 1970. Ngài được thụ phong linh mục ngày 2 tháng 5 năm 1998.

Vị linh mục đã làm việc từ năm 2017 tại Giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở thị trấn Valle de Guadalupe.

Cha Angulo cũng phục vụ tại các giáo xứ khác như Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Thánh Giuse Thợ và Chúa Thánh Thần.
Source:Catholic News Agency
 
Vị Hồng Y mới nhất của Nigeria chia sẻ bí mật đằng sau việc tham dự Thánh lễ đông nhất thế giới
Đặng Tự Do
17:33 15/02/2023


Sau khi Nigeria được công nhận là quốc gia có số người tham dự Thánh lễ cao nhất thế giới, vị Hồng Y trẻ nhất của quốc gia Phi Châu này đã chia sẻ một số bí mật đằng sau đời sống bí tích sống động của đất nước mình.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 94% trong số 30 triệu người Công Giáo ở Nigeria nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tuần hoặc hơn, trong khi chỉ có 17% người Công Giáo Mỹ tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Đức Hồng Y Peter Ebere Okpaleke, 59 tuổi, người lãnh đạo giáo phận Ekwulobia ở miền nam Nigeria, nhìn thấy ba yếu tố chính đằng sau sự tham gia tích cực của người Công Giáo ở Nigeria.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA khi Đức Hồng Y ở Rôma trong tháng này, Đức Hồng Y Okpaleke nói rằng ngài tin rằng thế giới quan truyền thống của Nigeria, vai trò của gia đình và ý thức cộng đồng trong các giáo xứ đã khiến người Nigeria từ thế hệ này sang thế hệ khác gần gũi với các bí tích.

Theo Okpaleke, xã hội Nigeria nói chung có “một thế giới quan truyền thống” thừa nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và xã hội. Người Nigeria đã không quên cách thế giới tâm linh thấm nhuần cuộc sống hàng ngày.

“Có nhận thức chung về vai trò của Thiên Chúa trong đời sống con người. Chính nhận thức này chuyển thành việc tham dự Thánh lễ cho người Công Giáo, những người đến tham dự Thánh lễ để gặp gỡ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể,” Đức Hồng Y nói.

Ở Nigeria, có một ý thức mạnh mẽ rằng “gia đình là 'giáo hội tại gia',” một thuật ngữ được các Giáo phụ thời sơ khai sử dụng và được Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong Tông Huấn Familiaris Consortio.

Đức Hồng Y Okpaleke cho biết gia đình được coi là nơi chủ yếu mà “niềm tin được truyền lại cho thế hệ tiếp theo”.

Các giáo xứ và giáo phận Công Giáo ở Nigeria mang đến cho mọi người cảm giác mạnh mẽ về “cộng đồng và sự gắn bó”.

Vị Hồng Y nói: “Phần lớn, mọi người cảm thấy có tính cộng đồng trong Giáo hội”. Đức Hồng Y đã tận mắt chứng kiến điều này trong giáo phận của ngài, mới chỉ được thành lập 3 năm, nơi các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng giáo phận về tính đồng nghị có cảm giác giống như “các phiên họp truyền thống tại các quảng trường làng nơi các vấn đề cộng đồng quan tâm được thảo luận”.

Đức Hồng Y Okpaleke lãnh đạo Giáo phận Ekwulobia ở miền nam Nigeria, một giáo phận mới được thành lập vào năm 2020.
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Mỹ Latinh cầu nguyện cho Đức Cha Álvarez
Đặng Tự Do
17:34 15/02/2023


Các giám mục Mỹ Latinh cầu nguyện cho Đức Cha Álvarez tại nhà thờ chính tòa nơi chôn cất Thánh Oscar Romero

Các giám mục của Hội đồng Giám mục Mỹ Châu Latinh, gọi tắt là CELAM, đã cử hành Thánh lễ Thứ Hai tại Nhà thờ Chính tòa Thành phố San Salvador của El Salvador, nơi an táng hài cốt của Thánh Óscar Romero, cầu nguyện cho ý chỉ và sự phóng thích nhanh chóng Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, Nicaragua, và một số linh mục Nicaragua.

Thánh Romero là một nhà phê bình thẳng thắn về sự bất công chính trị trong nước và bạo lực ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân Salvador bình thường. Ngài bị bắn chết vào năm 1980 khi đang dâng Thánh lễ bởi một sát thủ có liên hệ với chế độ độc tài quân sự.

Thánh lễ hôm thứ Hai tại San Salvador là một phần của việc khai mạc hội đồng khu vực Trung Mỹ-Mễ Tây Cơ của giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Trong một bức thư ngày 11 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Miguel Cabrejos của Trujillo, Peru, và là chủ tịch của CELAM, nói rằng Bí tích Thánh Thể phải là “một biểu hiện của tình liên đới và tình huynh đệ chân thành của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribe của chúng ta với những người bị tước đoạt tự do và nhân quyền một cách bất công ở Nicaragua.”

Các giám mục Guatemala cũng bày tỏ “tình đoàn kết của các ngài với Đức Giám Mục Rolando Álvarez, một mục tử can đảm hết lòng vì người dân và đàn chiên của mình, người đã phải đối mặt với sự bách hại trong một thời gian dài và hiện đang bị chế độ cầm quyền ở Nicaragua cầm tù”.

Các giám mục đã dâng “lời cầu nguyện lên Thiên Chúa toàn năng cho đất nước kết nghĩa đó và cho tất cả những người đang đau khổ ở đó, đặc biệt là cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez, xin Chúa trợ giúp ngài trong thử thách và ban cho ngài sức mạnh trong thời gian này khi ngài bị đối xử bất công như vậy.”

Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega ở Nicaragua đã kết án Đức Cha Álvarez, giám mục của Giáo phận Matagalpa, 26 năm 4 tháng tù vào ngày 10 tháng 2, cáo buộc ngài là “kẻ phản bội quê hương”.

Việc kết án vị Giám Mục, người cũng bị chế độ độc tài tước quyền công dân Nicaragua, diễn ra chỉ một ngày sau khi chế độ này trục xuất 222 tù nhân chính trị sang Hoa Kỳ, trong đó có một số linh mục và chủng sinh.

Tòa phúc thẩm Managua cũng đã ra lệnh trục xuất Đức Cha Álvarez, nhưng theo Ortega, vị giám mục đã từ chối lên chiếc máy bay có thể đưa ngài đến tự do trừ khi ngài có thể hỏi ý kiến trước với các linh mục đã có mặt trên máy bay và các giám mục Nicaragua.

Ortega gọi yêu cầu này là “vô lý” và tòa án cho rằng vị Giám Mục coi thường chính quyền khi từ chối trục xuất, mặc dù thỏa thuận đạt được với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quy định rằng không ai có thể bị buộc phải rời khỏi đất nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho Đức Cha Alvarez và những người bị trục xuất trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

“Sự căm ghét vô lý và không thể kiềm chế đối với chế độ độc tài Nicaragua đối với Giám mục Rolando Álvarez. Họ đang báo thù ngài,” Giám Mục Phụ Tá lưu vong của Managua, Silvio Báez, viết trên Twitter.

“Họ đã không chịu được sự vĩ đại về mặt đạo đức và sự gắn kết mang tính tiên tri của ngài. Đức Cha Rolando sẽ được tự do, Chúa sẽ không bỏ rơi ngài. Đức Cha Báez nói: “Họ đang chìm trong nỗi sợ hãi và tội ác mỗi ngày.

Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, gọi tắt là CEE, bày tỏ trong một tuyên bố vào ngày 11 tháng 2 rằng họ đau lòng trước “tình hình đáng lo ngại đang diễn ra ở Nicaragua” với việc trục xuất hàng loạt tù nhân chính trị và việc kết án Đức Cha Álvarez.

“Tại thời điểm này, chúng ta chia sẻ tình cảm của các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Nicaragua, những người đang bị chính phủ nước này đàn áp vì bảo vệ quyền tự do của người dân Nicaragua,” hàng giáo phẩm Tây Ban Nha nói.

Các giám mục Tây Ban Nha cũng kêu gọi “chính quyền Nicaragua lắng nghe tiếng nói của những người mà họ phục vụ, đưa ra quyết định của họ trên tinh thần phục vụ vì lợi ích của tất cả mọi người, và trả tự do cho các tù nhân bị cầm tù vì lý do chính trị”.

Các Giám Mục kết luận rằng: “Xin Đức Mẹ Lộ Đức trông nom Giáo hội Nicaragua, các mục tử và dân Chúa ở Nicaragua và cầu mong sự hòa hợp và hòa bình sớm được phục hồi cho đất nước”.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẵn sàng cấp quốc tịch Tây Ban Nha cho những người bị trục xuất.
Source:Catholic News Agency
 
Cả Gia đình bị Đức Quốc Xã giết hồi thế chiến II sẽ được Phong Á thánh
Thanh Quảng sdb
20:30 15/02/2023
Cả Gia đình bị Đức Quốc Xã giết hồi thế chiến II sẽ được Phong Á thánh

sáng Ngày 15/2/2023, Văn phòng Vatican đã thông báo lễ phong chân phước cho Józef và Wiktoria Ulma cùng bảy người con, cả gia đình đã bị Đức Quốc xã giết vì đã cho một gia đình người Do Thái ẩn trú trong nhà của họ ở Ba Lan. Tổng giáo phận Przemyska đã thông báo hôm thứ Ba rằng toàn bộ gia đình Ulma - bao gồm cả một thai nhi chưa sinh - sẽ được phong chân phước vào ngày 10 tháng 9.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh sẽ chủ sự lễ phong chân phước tại Markowa, ngôi làng ở đông nam Ba Lan, nơi gia đình Ulma bị hành quyết vào năm 1944. Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê sự tử đạo của cặp vợ chồng và con cái của họ trong một sắc lệnh được ký vào tháng 12 năm ngoái. Trung tâm Tưởng niệm Holocaust Thế giới đã vinh danh Ulma là người Công dành cho các Quốc gia vì đã biết hy sinh mạng sống cho đồng loại...
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thông báo của TGM giáo phận Vinh về GB Nguyễn Hữu Hòa và cha Gierado Nguyễn Nam Việt
Lm. Antôn Trần Đức Hà
10:53 15/02/2023
TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VINH
Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Đt: 0365415615
Email: vptgmvinh@gmail.com

Số: 0223/TB-TGM

Xã Đoài, ngày 15 tháng 02 năm 2023

THÔNG BÁO

Kính gửi: Quý cha trong toàn Giáo phận Vinh

Sau khi tìm hiểu các thông tin về việc GB. Hồ Hữu Hòa được truyền chức linh mục vào ngày 07/12/2022, tại Giáo phận Maasin, Philippines và lắng nghe ý kiến của Ban Tư vấn Giáo phận, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh quyết định:

1. Không cho phép GB. Hồ Hữu Hòa cử hành các bí tích và lễ nghi trong Giáo phận Vinh.

2. Ngưng chức vụ Chưởng ấn và Chánh Văn phòng đối với cha Giêrađô Nguyễn Nam Việt. Các chức vụ này tạm thời do cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu đảm nhiệm.

Xin quý cha cầu nguyện nhiều cho Đức cha và Giáo phận.

Kính báo,

T/M. VĂN PHÒNG TGM

(đã ấn ký)

Lm. Antôn Trần Đức Hà
Phó Chánh Văn phòng
 
VietCatholic TV
6 kho đạn Nga nổ long trời. Nguyên một Lữ Đoàn Nga hô biến. Na Uy báo động: Nga hạ thủy tàu hạt nhân
VietCatholic Media
03:05 15/02/2023


1. 6 kho đạn Nga nổ long trời. Trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin công khai đấu với Bộ Quốc Phòng Nga, cho rằng còn lâu mới chiếm được thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 15 tháng Hai, Đại Tá Georgi Gleba cho biết trong 24 giờ qua, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công 1 sở chỉ huy của Nga, 2 cụm đối phương, và 2 hệ thống tác chiến điện tử.

Đặc biệt, ông cho biết Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành 8 cuộc tấn công vào đối phương và các cụm thiết bị quân sự, trong đó có 6 kho đạn quân Nga mới chuyển chở sang các mặt trận trong vùng Donetsk và Luhansk. Những khi đạn này đã nổ trong nhiều tiếng đồng hồ liên tiếp.

Trong khi đó, quân đội Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự của khu vực Donetsk và ba cuộc không kích. Ngoài ra, đối phương đã nổ súng bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt 68 lần, cụ thể là vào các mục tiêu dân sự ở vùng Kherson và Mykolaiv.

Như chúng tôi đã loan tin, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết các lực lượng Ukraine đã cho nổ tung một cây cầu gần thị trấn Bakhmut. Cây cầu bị nổ nằm giữa Bakhmut và Konstantivka, là thị trấn lớn tiếp theo vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Tuy nhiên, ông phủ nhận ý định rời khỏi thị trấn, bất chấp 6 tháng giao tranh ác liệt và kho dự trữ được cho là đang cạn kiệt.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng diễn biến này cho thấy quân Ukraine chuẩn bị rút lui khỏi thành phố Bakhmut và ngày chiến thắng không còn xa. Đáp lại những nhận xét của Trung tướng Igor Konashenkov, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm Wagner có lính đánh thuê đã chiến đấu trong nhiều tháng để chiếm thành phố Bakhmut phía đông, cho biết trận chiến còn lâu mới kết thúc.

Prigozhin cho biết Ukraine đang tăng cường tới 500 chiến binh mới mỗi ngày.

Sẽ không thể nào chiếm được thành phố Bakhmut vào ngày mai, vì có nhiều lực cản và máy xay thịt vẫn đang hoạt động.

Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm trong tương lai gần.”

Quân đội Ukraine đã cho nổ tung cây cầu vào hôm thứ Hai, theo một trang tin tức địa phương của vùng Donetsk. Ukraine bác bỏ ý định rời khỏi Bakhmut, bất chấp 6 tháng giao tranh ác liệt và các kho dự trữ được cho là đang cạn kiệt.

2. Na Uy báo động: Tàu chiến Nga được trang bị vũ khí hạt nhân được triển khai

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Warships Armed With Nuclear Weapons Deployed: Norway”, nghĩa là “Na Uy cho biết: Tàu chiến Nga được trang bị vũ khí hạt nhân được triển khai.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Các tàu chiến thuộc Hạm đội Phương Bắc của hải quân Nga đã được triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, Cơ quan Tình báo Na Uy vừa cho biết như trên trong một báo cáo.

Cơ quan tình báo ghi nhận sự hiện diện của vũ khí trên các tàu trong báo cáo vừa được công bố. Người ta tin rằng đây là lần đầu tiên sau 30 năm, hạm đội này ra khơi với vũ khí hạt nhân trên tàu.

“Phần trung tâm của năng lực hạt nhân nằm trên các tàu ngầm và tàu nổi của Hạm đội Phương Bắc,” báo cáo cho biết.

Tình báo Na Uy tiếp tục mô tả “mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng” mà vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga gây ra cho các nước NATO.

“Ngoài ra, Nga còn có khả năng hoạt động dưới nước, vũ khí chống vệ tinh và các công cụ mạng có thể đe dọa Na Uy và NATO”.

Các tàu chiến của Hạm đội Phương Bắc của Liên Xô thường ra khơi với vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, Politico đưa tin. Nhưng diễn biến mới nhất được cho là đánh dấu lần đầu tiên Liên bang Nga triển khai các tàu mang vũ khí hạt nhân.

Báo cáo của Na Uy cũng nêu chi tiết tầm quan trọng ngày càng tăng của vũ khí hạt nhân đối với Nga khi ngân sách quốc phòng của quốc gia được thiết lập để tăng 34% vào năm 2023.

Báo cáo cho biết: “Với năng lực thông thường suy yếu, tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân đối với Nga đã tăng lên đáng kể. Các lực lượng răn đe chiến lược và khu vực của Nga do đó ngày càng trở nên quan trọng đối với sức mạnh quân sự của Nga”.

Đánh giá của cơ quan này kết luận rằng Nga sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của mình trong những năm tới.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin hầu như đã tránh nói chuyện trực tiếp về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, sẽ đánh dấu một năm vào ngày 24 tháng 2, các quan chức Điện Cẩm Linh như Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và cựu tổng thống Nga. —và nhiều thành viên của các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Nga đã đưa ra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tuần gần đây.

Trong một bài đăng hồi Tháng Giêng trên kênh Telegram của mình, Medvedev đã viện dẫn khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu Nga bị đánh bại ở Ukraine.

Ông ta viết: “Thất bại của một cường quốc hạt nhân trong một cuộc chiến thông thường có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.”

Báo cáo tình báo của Na Uy đã cảnh báo về nguy cơ NATO bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine do “những sự việc ngoài ý muốn”.

“Các quyết định của Nga được đặc trưng bởi sự không tin tưởng mạnh mẽ vào các ý định của phương Tây. Nhận thức này đã được củng cố đáng kể do phản ứng của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine,” báo cáo cho biết. “Cả khả năng xảy ra hiểu lầm giữa Nga và NATO và các sự việc ngoài ý muốn đều tăng lên, từ đó làm tăng nguy cơ leo thang những căng thẳng”.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Na Uy và Nga để bình luận.

3. Nga có thể đã mất cả một lữ đoàn tinh nhuệ gần thị trấn khai thác than Donetsk

Tờ Politico có bài tường trình nhan đề “Russia may have lost an entire elite brigade near a Donetsk coal-mining town”, nghĩa là “Nga có thể đã mất cả một lữ đoàn tinh nhuệ gần thị trấn khai thác than Donetsk.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Khi Nga thăm dò các tuyến phòng thủ của Ukraine trước một cuộc tấn công dự kiến, nước này có thể đã mất toàn bộ Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 khi xông vào Vuhledar, một thị trấn khai thác than ở vùng Donetsk.

Oleksiy Dmytrashkivskyi, người đứng đầu trung tâm báo chí thống nhất của Quận Tavriskiy của lực lượng phòng thủ Ukraine, nói với POLITICO: “Một số lượng lớn lực lượng địch, bao gồm cả Bộ Tư Lệnh, đã bị tiêu diệt gần Vuhledar và Mariinka ở tỉnh Donetsk. “Ngoài ra, trong tuần qua, đối phương đã mất khoảng 130 đơn vị thiết bị, trong đó có 36 xe tăng.”

Lực lượng Nga cũng mất 150 đến 300 Thủy Quân Lục Chiến mỗi ngày gần Vuhledar, Dmytrashkivskyi nói. Ông ước tính lữ đoàn có tổng cộng khoảng 5.000 binh sĩ, trước khi những thành viên của họ đã bị giết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh báo cáo trong bản cập nhật mới nhất rằng: Những thất bại chiến thuật của Nga xung quanh Vuhledar có thể đã làm suy yếu thêm niềm tin của cộng đồng dân tộc cực đoan Nga rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa có thể tiến hành một chiến dịch tấn công quyết định. Các blogger quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh đã bày tỏ sự thương tiếc về những tổn thất to lớn và chỉ trích bộ chỉ huy Nga vì đã gửi các đội quân tinh nhuệ đến các cuộc tấn công trực diện.

Lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine cũng công bố một đoạn video quay cảnh binh lính Nga hoảng loạn và dẫm đạp lên nhau trong chiến trường gần Vuhledar. “Hãy làm nghĩa trang đi! đoàn xe đầu tiên đã đến đó và nổ tung, và sau đó đoàn xe thứ hai đi theo cùng một tuyến đường”, người ta có thể nghe thấy những người lính pháo binh Ukraine nói khi quan sát quân Nga tiếp cận Vuhledar.

“Lữ đoàn 155 đã phải tái biên chế ba lần. Lần đầu tiên sau Irpin và Bucha; lần thứ hai họ bị đánh bại gần Donetsk — họ đã phục hồi trở lại. Và bây giờ gần như toàn bộ lữ đoàn đã bị tiêu diệt gần Vuhledar,” Dmytrashkivskyi nói.

Quân đội Nga và cộng đồng dân tộc chủ nghĩa đã gặp thất bại đau đớn gần Vuhledar. Viện Nghiên cứu Chiến tranh báo cáo rằng đoạn phim gần đây về các cuộc tấn công thất bại của Nga gần Vuhledar đã thúc đẩy một số blogger quân sự Nga kêu gọi xét xử công khai các sĩ quan cấp cao khi họ tiếp tục lặp lại những sai lầm tương tự.

Thất bại xảy ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo về một “cuộc tấn công thành công gần Vuhledar”. Bộ Quốc phòng Ukraine đã chọc ghẹo người Nga bằng cách đăng video một đoàn xe quân sự của Nga bị phá hủy trong khu vực.

Cựu chỉ huy quân sự Nga Igor Girkin, bị kết án chung thân vắng mặt vì vụ bắn rơi chuyến bay chở khách MH17 năm 2014, đã gọi các tướng lĩnh Nga là “những kẻ ngu ngốc hoàn toàn, những người không học hỏi được từ những sai lầm của chính họ.”

Trong blog quân sự Telegram của mình, Girkin, người sử dụng bút danh Igor Strelkov, đã lặp lại những lời chỉ trích liên tục của cộng đồng quân sự Nga đối với các chỉ huy. Ông xác nhận rằng các lực lượng Nga gần Vuhledar phải tiến theo các đoàn xe cơ giới và xe tăng dọc theo những con đường hẹp và cuối cùng bị mắc kẹt dồn lại.

“Pháo binh Ukraine bắn cực kỳ chính xác. Hơn 30 xe tăng và xe bọc thép đã bị mất. Hàng chục lính tăng đã thiệt mạng. Thậm chí, nhiều Thủy Quân Lục Chiến, lực lượng đặc biệt và các tay súng cơ giới đã thiệt mạng,” Girkin nói. “Tất cả những tổn thất này hóa ra là chỉ 'một phía' - người Ukraine đã bắn những kẻ tấn công như trong một phòng trưng bày bắn súng.”

Girkin mô tả một cách bi quan thất bại gần Vuhledar là dấu chấm hết cho cuộc tấn công của quân đội Nga trên toàn bộ mặt trận Donetsk.

Tuy nhiên, người Ukraine không vội vã ăn mừng chiến thắng khi các lực lượng Nga tiếp tục xông vào các vị trí của Ukraine gần Vuhledar, Avdiivka và Bakhmut, nơi người Ukraine đang chuẩn bị cho giao tranh trên đường phố.

“Tôi ước vũ khí từ các đối tác của chúng tôi sẽ đến nhanh hơn, vì điều đó sẽ cho chúng tôi cơ hội không chỉ bảo vệ bản thân và ngăn chặn các cuộc tấn công mà còn đẩy lùi chúng ra khỏi lãnh thổ của chúng tôi,” Dmytrashkivskyi nói.

4. Các thành viên NATO gặp nhau trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh

Các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm nay nhóm họp tại Brussels, nơi người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg kêu gọi các nước phương Tây tăng cường cung cấp cho Ukraine.

Hôm thứ Ba, Stoltenberg kêu gọi các thành viên của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương tăng cường sản xuất đạn dược cho Ukraine khi ông cảnh báo Vladimir Putin đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.

“Chúng ta không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho hòa bình. Những gì chúng ta thấy là ngược lại, ông ta đang chuẩn bị cho nhiều cuộc chiến hơn, cho những cuộc tấn công mới và những cuộc pháo kích mới,” ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg cho biết vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine nằm trong chương trình nghị sự nhưng “không phải là vấn đề cấp bách nhất hiện nay”.

Thay vào đó, ông nói, “vấn đề cấp bách hiện nay là cung cấp những gì luôn được hứa hẹn”, cụ thể là các phương tiện bọc thép, bao gồm Marders của Đức và Bradleys của Mỹ, xe tăng chiến đấu Leopard và các loại khác. Chúng ta cần đào tạo, chúng ta cần thiết bị, chúng ta cần đạn dược và đó chính xác là những gì các đồng minh hiện đang cung cấp và sẽ là vấn đề hàng đầu trong các cuộc họp hôm nay tại Nato.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đang gấp rút đạt được nhiều nhất có thể với cuộc tấn công mới nhất trước khi Kyiv và các đồng minh có thể tập hợp sức mạnh.

“Đó là lý do tại sao tốc độ là điều cốt yếu. Tốc độ trong mọi việc - thông qua quyết định, thực hiện quyết định, vận chuyển vật tư, đào tạo. Tốc độ cứu mạng con người, tốc độ mang lại an ninh,” ông nói trong một bài phát biểu qua video vào buổi tối.

5. Tướng Mỹ nói Nga đã thua 'về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật'

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã nói rằng Nga đã thua “về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật” và rằng họ đang “trả giá đắt trên chiến trường” ở Ukraine.

Milley, phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, cho biết Tổng thống Vladimir Putin tin rằng ông ta có thể đánh bại Ukraine nhanh chóng khi ông ra lệnh cho quân đội của mình xâm lược gần một năm trước.

Putin đã sai. Ukraine vẫn tự do. Họ vẫn độc lập. NATO và liên minh chưa bao giờ mạnh hơn bây giờ.

Giờ đây, Nga là một quốc gia bị bỏ rơi trên toàn cầu và thế giới vẫn được truyền cảm hứng bởi sự dũng cảm và kiên cường của Ukraine. Nói tóm lại, Nga đã thua - họ đã thua về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật và họ đang phải trả giá đắt trên chiến trường.

6. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, đã bổ nhiệm ba cấp phó mới sau một vụ bê bối tham nhũng khiến một trong những cấp phó của ông phải từ chức và khiến vị trí của chính ông bị nghi ngờ.

Reznikov, một trong những nhân vật Ukraine được quốc tế biết đến nhiều, đã cam kết sẽ giải quyết nạn tham nhũng sau khi có thông tin cho rằng Bộ Quốc phòng đã trả lương thực gấp đôi hoặc gấp ba lần giá siêu thị để cung cấp cho quân đội ở tiền tuyến.

Một trong những cấp phó của ông đã từ chức sau cáo buộc mà Bộ đã bác bỏ. Hai người khác đã bị sa thải vào hôm thứ ba.

Chính phủ Ukraine cho biết họ đã xác nhận Trung tướng Oleksandr Pavliuk, người từng có thời gian ngắn giữ chức thống đốc vùng Kyiv trong những ngày đầu khi Nga xâm lược, là cấp phó cao cấp nhất của ông.

Andriy Shevchenko, cựu đại sứ tại Canada, và Vitaliy Deyneha, một chuyên gia công nghệ thông tin, người đồng sáng lập một tổ chức phi chính phủ gây quỹ cho quân đội, được đề cử làm những cấp phó thấp hơn.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 15 tháng 2

Trong bản tin tình báo ngày 15 tháng 2, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 09 tháng 2 năm 2023, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev đã kêu gọi tăng cường sản xuất xe tăng Nga khi đến thăm nhà máy Chế tạo Máy Vận tải Omsk.

Điều này diễn ra sau một số bình luận công khai của Tổng thống Putin kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng hỗ trợ tốt hơn cho 'hoạt động quân sự đặc biệt'.

Trong một cuộc họp trên truyền hình vào ngày 12 Tháng Giêng năm 2023, Putin đã buộc tội Denis Manturov, phó thủ tướng chịu trách nhiệm về ngành công nghiệp quốc phòng, vì đã 'lừa dối'; đây là một trong những đợt nổi giận công khai mạnh mẽ nhất của tổng thống kể từ cuộc xâm lược.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga có thể nhận thức được rằng sản lượng công nghiệp quân sự của nhà nước đang trở thành một điểm yếu nghiêm trọng, trầm trọng hơn do tính toán sai lầm về chiến lược và tác chiến khi xâm lược Ukraine.

Việc sản xuất gần như chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu của Bộ Quốc Phòng Nga trong việc cung cấp nguồn lực cho chiến dịch Ukraine và khôi phục các yêu cầu phòng thủ dài hạn của nước này.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 14 tháng 2

Trong bản tin tình báo ngày 14 tháng 2, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong ba ngày qua, các lực lượng của Tập đoàn Wagner gần như chắc chắn đã giành được thêm những thành tựu nhỏ xung quanh vùng ngoại ô phía bắc của thị trấn Bakhmut đang tranh chấp ở Donbas, bao gồm cả làng Krasna Hora.

Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ có tổ chức của Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực. Cuộc tiến công chiến thuật của Nga về phía nam thị trấn có thể đạt được rất ít tiến triển.

Ở phía bắc, trong khu vực Kremina-Svatove của tỉnh Luhansk, các lực lượng Nga đang nỗ lực tấn công liên tục, mặc dù mỗi cuộc tấn công cục bộ vẫn ở quy mô quá nhỏ để đạt được một bước đột phá đáng kể.

Nga có thể hướng đến mục đích đảo ngược một số lợi ích mà lực lượng Ukraine đã đạt được từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2022: có khả năng thực tế là mục tiêu trước mắt của họ là tiến về phía tây đến sông Zherberets.

Nhìn chung, bức tranh chiến sự hiện tại cho thấy rằng các lực lượng Nga đang được lệnh tiến công trong hầu hết các khu vực, nhưng họ đã không tập trung đủ sức mạnh chiến đấu tấn công trên bất kỳ một trục nào để đạt được hiệu quả quyết định.
 
GM Nga lên án cuộc xâm lược Ukraine. Vatican trấn an các GM thế giới về thượng hội đồng đồng nghị
VietCatholic Media
05:35 15/02/2023


1. Một giám mục trẻ tại Nga lên án chiến tranh tại Ukraine

Một giám mục Chính thống Nga, người Moldavia đã lên án chiến tranh tại Ukraine và nói rằng “không có các cuộc thánh chiến, nhưng chỉ có hòa bình là thánh thiêng”.

Đó là Đức Cha Tetru Pruteanu, được Đức Thượng phụ Giáo chủ Kirill truyền chức linh mục, hồi tháng Mười Một năm ngoái, 2022, và phụ trách cộng đoàn Chính thống Nga tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Mỹ The Pillar, hôm 02 tháng Hai vừa qua, Đức Cha Pruteanu, 43 tuổi, không ngại phê bình lập trường của Đức Thượng phụ Kirill và nói rằng “Tôi nghĩ Đức Thượng phụ Kirill cũng như phần lớn những người Nga trên 50 tuổi đều tiếc nuối đế quốc Nga và Liên bang Xô Viết”.

Đức Cha cho biết mình không nhận được chỉ thị nào từ Mạc Tư Khoa và cảm thấy tự do bày tỏ ý kiến trong tư cách là Kitô hữu. Ngài nói: “Tôi đồng ý với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô, các vị nói rằng: “Không có các cuộc chiến tranh thánh, chỉ có hòa bình là thánh”. Bản thân tôi, tôi không thể nghĩ đến một cuộc chiến tranh vô bổ và không ích lợi như cuộc chiến tại Ukraine”.

Đức Cha Pruteanu cho biết ngài không tin những biện minh lịch sử Nga đưa ra để đòi đất đai cho Nga, tại miền Donbass cũng như tại bán đảo Crimea: “Trong nhiều thế kỷ, Crimea không thuộc Nga và cũng chẳng thuộc Ukraine, nhưng là miền đất của những người Tartare Hồi giáo. Nhà độc tài Stalin đã ồ ạt lưu đày người Tartare tới Kazactan, và đưa người Nga di cư đến lập nghiệp tại Crimea, và ngày nay người Nga chiếm đa số tại bán đảo này. Khi kỷ niệm 300 năm kết hiệp giữa Ukraine và Nga vào năm 1654, Krouchtcheđ đã tặng miền Crimea cho Ukraine, dù miền này không bao giờ thuộc về Ukraine. Đàng khác Nga đã nhìn nhận nền độc lập của Ukraine hồi năm 1991, với biên giới như hiện nay, và năm 1997, Nga cam kết tôn trọng chủ quyền cũng như các biên giới của Ukraine”.

Đức Cha Pruteanu đang cư ngụ tại Bồ Đào Nha, đối với ngài, cuộc chiến tranh tại Ukraine thật là một “xì căng đan”, không ai nghĩ nó có thể xảy ra vào thế kỷ XXI, nhất là giữa các nước cùng một chủng tộc và cùng tôn giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Pruteanu không nghĩ rằng người Tây phương nhận được những tin tức hoàn toàn trung lập về cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện nay, vì “các cơ quan truyền thông Tây phương phản ánh lập trường rõ ràng phò Ukraine của các chính phủ Tây phương”. Tuy nhiên, theo Đức Cha, dân chúng ở Tây phương được thông tin rõ hơn so với người Nga.

2. Giảm bớt 30% phí tổn dựng lễ đài Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon

Hôm 10 tháng Hai vừa qua, Thị trưởng, Chủ tịch Hội đồng thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha, ông Carlos Moedas, thông báo sẽ giảm bớt 30% chi phí thiết lập lễ đài Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Công viên Tejo và tại Công viên Eduardo 7, vào đầu tháng Tám năm nay.

Trong cuộc họp báo cùng với Đức Cha Américo Aguiar, Giám Mục Phụ Tá Lisbon, kiêm trưởng ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ Bồ Đào Nha, ông Carlos Moedas cho biết phí tổn kiến thiết do Hội đồng thành phố Lisbon tài trợ là 2 triệu 900.000 Euro, so với 4,2 triệu Euro trong dự án ban đầu, và phí tổn cho cơ cấu tại Công viên Eduardo 7 là 450.000 Euro, do Quỹ Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon tài trợ.

Ông Moedas cho biết để giảm bớt chi phí lễ đài tại công viên Tejo, ban phụ trách hạ thấp chiều cao từ 9 mét xuống còn 4 mét, và thu hẹp diện tích lễ đài xuống còn 3250 mét vuông, có thể đón nhận trên đó 1.240 người.

Trong thời gian qua, dư luận đã phê bình phí tổn dự kiến cho lễ đài khoảng 5 triệu Euro, nên ban tổ chức đã quyết định giảm bớt chi phí.

Tại công viên Eduardo 7, lễ đài sẽ được dùng cho thánh lễ khai mạc ngày 01 tháng Tám, và buổi đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ban chiều cùng ngày, cũng như buổi đi đàng Thánh giá trọng thể, thứ Sáu, ngày 04 tháng Tám, còn lễ đài tại Công viên Tejo dành cho buổi canh thức tối thứ Bảy, ngày 05 tháng Tám và thánh lễ Chúa nhật hôm sau, ngày 06 tháng Tám để bế mạc Ngày Quốc tế Giới trẻ.

Ông Thị trưởng Moedas nói rằng: “Lisbon sẽ là trung tâm của thế giới trong một tuần lễ và Ngày Quốc tế Giới trẻ sẽ là biến cố lớn nhất của thành Lisbon. Chưa bao giờ chúng ta đón tiếp 1 triệu 500.000 người đến tham dự một biến cố như vậy. Đây là một biến cố hòa bình và bao dung, trong một thời kỳ rất khó khăn”. Theo ông, người Bồ Đào Nha ý thức rằng một biến cố như Ngày Quốc tế Giới có phí tổn tương xứng, và nó cũng mang lại lợi ích cho thành Lisbon, đi xa hơn lợi nhuận về tài chánh”.

Ông Moedas nói thêm rằng thành Lisbon đầu tư 35 triệu Euro, trong đó 25 triệu là cho thành phố và 10 triệu vì Ngày Quốc tế Giới trẻ.

Trong cuộc họp báo, Đức Cha Aguiar cho biết số người ghi danh tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon đã lên tới gần nửa triệu người, đến từ các nước trên thế giới. Ngài nói: “Chiếu theo danh sách các nước của Liên Hiệp Quốc, thì còn thiếu 14 hoặc 15 nước chưa có người ghi danh. Phải chăng đó chẳng phải là một điều tuyệt vời và quan trọng đối với thành Lisbon và đất nước Bồ Đào Nha vì đón tiếp các bạn trẻ từ các nơi trên trái đất sao?”

Trước đó, Tổng thống Bồ Đào Nha, ông Marcelo Rebelo de Sousa, cũng bày tỏ hài lòng vì cố gắng của ban tổ chức giảm bớt gần một nửa chi phí tố chức lễ đài Ngày Quốc tế Giới trẻ.

3. Vì sao Vatican trấn an các giám mục về thượng hội đồng đồng nghị?

Tờ The Pillar tường trình rằng: Hai nhân vật trung tâm trong tiến trình thượng hội đồng hoàn cầu đã công bố một bức thư dài gửi cho các giám mục thế giới hôm thứ Hai.

Trong bức thư, được công bố bằng sáu thứ tiếng, Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich nhấn mạnh rằng các giám mục có vai trò quyết định trong sáng kiến, được một số nhà bình luận mô tả là sự kiện quan trọng nhất của Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II.

Tổng thư ký của văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục, và Tổng Tường trình viên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, cho biết các ngài chia sẻ những suy tư của mình với cảm thức “khẩn cấp” trước một giai đoạn mới quan trọng trong tiến trình hoàn cầu.

Sự can thiệp của các ngài theo sau những lời chỉ trích rằng các giám mục chỉ là những tác nhân hỗ trợ trong tiến trình Thượng Hội Đồng, chứ không phải là những nhân vật hàng đầu được dự kiến khi thành lập Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội. Bức thư cũng xuất hiện ngay sau một loạt khiếu nại của các giáo phẩm nổi tiếng, những người đã ta thán rằng sáng kiến này đang tạo ra những kỳ vọng sai lầm về những thay đổi đối với các tín lý và thực hành gây tranh cãi của Giáo hội.

Chính xác thì bức thư nói gì? Và tại sao Hai vị Hồng Y Grech và Hollerich cảm thấy cần phải nói điều đó ngay bây giờ? The Pillar giải thích như sau:

Bức thư nói gì?

Bức thư dài khoảng 1,700 chữ nhấn mạnh trong đoạn mở đầu rằng “không có việc thực thi tính đồng nghị của giáo hội nếu không thực hiện tính hiệp đoàn giám mục”.

Nó nâng đỡ điều này với việc tham chiếu văn kiện Episcopalis communio, tông hiến năm 2018 của Đức Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục, một cơ quan cố vấn thường trực cho Đức Thánh Cha do Đức Phaolô VI thành lập vào năm 1965. Bức thư nói rằng điểm mới của Episcopalis communio là nó “đã biến đổi Thượng hội đồng từ một sự kiện thành một diễn trình, được khớp nối theo từng giai đoạn.”

Bức thư lập luận rằng, như Đức Phaolô VI đã nói trong tài liệu thành lập Apostolica sollicitudo, Thượng hội đồng “có thể được cải thiện theo thời gian,” và đây là điều đang xảy ra hiện nay.

Bức thư viết, “Episcopalis communio không hề làm suy yếu định chế giám mục, trái lại, trong việc làm nổi bật bản chất định hướng theo tiến trình của Thượng Hội đồng, đã làm cho vai trò của các Mục tử và sự tham gia của các ngài trong các giai đoạn khác nhau thậm chí còn quan trọng hơn”.

Sau đó, bức thư nhấn mạnh rằng “chủ đề duy nhất” để thảo luận trong giai đoạn cao điểm của tiến trình Thượng Hội Đồng, khi các giám mục gặp nhau tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024, là chủ đề “Đối với một Giáo hội Đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh”.

Đây là chủ đề chính thức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn cho hai cuộc họp được gọi tắt là “thượng hội đồng về tính đồng nghị” và gọi đầy đủ là Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục.

Bức thư bác bỏ ý kiến cho rằng có thể “biết trước những kết luận của Thượng Hội đồng sẽ là gì” hoặc “áp đặt một chương trình nghị sự cho Thượng Hội đồng, với ý định lèo lái cuộc thảo luận và xác định kết quả của nó”.

Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich nói: “Những người tuyên bố áp đặt bất cứ một chủ đề nào lên Thượng Hội đồng đã quên luận lý học vốn điều hướng tiến trình của Thượng Hội đồng: chúng ta được kêu gọi vạch ra một ‘đường lối chung’ bắt đầu với sự đóng góp của tất cả mọi người”.

Sau đó, bức thư mô tả tiến trình của sáng kiến kể từ khi bắt đầu vào tháng 10 năm 2021, lập luận rằng vì các giai đoạn của nó được liên kết chặt chẽ với nhau nên “các chủ đề khác không thể được đưa ra một cách lén lút, qua đó lợi dụng Đại hội đồng và bỏ qua sự tham khảo ý kiến của dân Chúa”.

Các tác giả của bức thư thừa nhận rằng “phạm vi hoặc giới hạn của chủ đề [Thượng Hội đồng Giám mục] không được xác định rõ ràng” trong giai đoạn lắng nghe ban đầu. Nhưng họ lập luận rằng “sự thiếu rõ ràng này đã giảm đi trong các bước tiếp theo.” Họ nói rằng điều này có thể được nhìn thấy trong các đệ trình của hội đồng giám mục lên Vatican trong giai đoạn cấp giáo phận, đó là “kết quả của việc biện phân của các Mục tử về những đóng góp được thực hiện trong quá trình tham khảo ý kiến của dân Chúa.”

Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich sau đó giải thích cách các giám mục nên xử lý “Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa” (DCS), một bản văn nhằm hướng dẫn các cuộc thảo luận trong giai đoạn lục địa.

Họ nói: “Các chủ đề mà Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa đề xuất không cấu thành chương trình nghị sự của Phiên họp Khoáng đại tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng trung thành gửi lại những gì phát xuất từ các bản tổng hợp do Thượng Hội đồng/Hội đồng của các Giáo hội sui iuris [tự lập] và các Hội Đồng Giám mục gửi về’, cung cấp một cái nhìn thoáng qua về khuôn mặt của một Giáo hội đang học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần thông qua việc lắng nghe lẫn nhau.”

Các Hồng Y nói thêm rằng các phiên họp khoáng đại cấp châu lục, sẽ được tổ chức trên khắp thế giới vào tháng tới, có nhiệm vụ xác định “các ưu tiên, chủ đề định kỳ và lời kêu gọi hành động” trong khu vực của họ thông qua phản ánh về Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa. Các hội đồng là những sự kiện trung tâm trong giai đoạn lục địa của tiến trình đồng nghị, diễn ra giữa giai đoạn cấp giáo phận và giai đoạn phổ quát.

Bức thư đề nghị rằng không thể giải quyết các câu hỏi “thường gây chia rẽ” mà không trả lời trước điều mà nó gọi là “câu hỏi lớn” sau Vatican II: “Này Giáo Hội, bạn nói gì về chính mình?” Nó nói rằng “câu trả lời nằm trong Giáo hội ‘có tính đồng nghị trong cơ cấu’, nơi tất cả được kêu gọi thực thi đặc sủng giáo hội của mình nhằm thực hiện sứ mệnh chung là truyền giảng Tin Mừng”.

Bức thư kết thúc với ba đoạn dày đặc nói về vai trò của các giám mục trong tiến trình thượng hội đồng.

Đoạn đầu tiên nói rằng hợp đoàn giám mục trên toàn thế giới tham gia vào sáng kiến ở “hai thời điểm”: “khi mỗi giám mục khởi xướng, hướng dẫn và kết thúc việc tham khảo ý kiến của dân Chúa được ủy thác cho ngài,” và “trong các giai đoạn liên tiếp, khi Các Giám mục cùng nhau thi hành đặc sủng biện phân của mình trong các Thượng hội đồng/Công đồng của các Giáo hội sui iuris [tự lập], trong các Hội đồng Giám mục, trong các Phiên hoáng đại lục địa và đặc biệt là trong Phiên họp Toàn thể của Thượng hội đồng”.

Đoạn thứ hai thúc giục các giám mục tiếp tục đi theo con đường đã vạch ra trong giai đoạn đầu tiên, coi tính đồng nghị không phải là “một phương pháp đơn thuần” mà là “một hình thức của Giáo hội và một phong cách để hoàn thành sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng chung”.

Đoạn thứ ba và cũng là đoạn cuối cùng, chứa đầy những tham chiếu đến các tài liệu của Công đồng Vatican II, lập luận rằng việc tham gia vào tiến trình thượng hội đồng sẽ củng cố “sự liên kết hợp đoàn” của các giám mục trên thế giới.

Việc trích dẫn nhiều lần các tài liệu của Vatican II có thể là một phản ứng gián tiếp đối với cuộc tranh luận về việc liệu tiến trình đồng nghị có phải là một sự phát triển hữu cơ của tầm nhìn của Công đồng hay mâu thuẫn với sự khẳng định mạnh mẽ của nó về quyền hạn và trách nhiệm của các giám mục. Đây là bằng chứng, mà các tác giả của bức thư dường như đang gợi ý, rằng sáng kiến này phù hợp với Công đồng Vatican II.

Tại sao bây giờ?

Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich giải thích rằng các ngài viết bức thư này với cảm thức “khẩn cấp” vì các phiên họp khoáng đại cấp châu lục sẽ được tổ chức trong vài ngày nữa.

Điều mà các Hồng Y khẩn thiết muốn truyền đạt là “một vài cân nhắc” mà các ngài tin là cần thiết để hình thành “một sự hiểu biết chung về tiến trình thượng hội đồng, sự tiến triển của nó và ý nghĩa của giai đoạn lục địa hiện nay”.

Một cách mặc nhiên, các ngài lo ngại rằng hiện đang thiếu “sự hiểu biết chung” giữa các giám mục.

Có lẽ cũng có những lý do không được nói ra để công bố bức thư ngay bây giờ: tiến trình thượng hội đồng đã bị Đức Hồng Y George Pell chỉ trích dữ dội ngay trước khi ngài qua đời vào ngày 10 tháng Giêng.

Trong một bài báo cho tạp chí Spectator của Vương quốc Anh, người đả kích hạng nặng người Úc đã mô tả sáng kiến này là một “cơn ác mộng độc hại” và Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa là “một trong những tài liệu rời rạc nhất từng được gửi đi từ Rome.”

Trong khi đó, cựu bộ trưởng tín lý của Vatican, Đức Hồng Y Gerhard Müller, đã mô tả sáng kiến này là một “sự dân chủ hóa, một sự Thệ phản hóa trên thực tế”.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Đức Hồng Y Robert McElroy của Hoa Kỳ — một người nhiệt tình ủng hộ tiến trình thượng hội đồng — gợi ý rằng các thượng hội đồng quốc tế vào năm 2023 và 2024 sẽ là diễn đàn cho các cuộc tranh luận gay gắt về các chủ đề như nữ phó tế và linh mục.

Những cách giải thích tương phản rõ rệt của các Hồng Y về sáng kiến này có thể đã thuyết phục hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich rằng họ cần can thiệp và trao đổi trực tiếp với hàng giám mục hoàn cầu về thiết kế và nội dung của tiến trình Thượng Hội Đồng.

Ngoài những can thiệp thu hút sự chú ý, dường như có sự nghi ngờ lớn hơn trong Hồng Y đoàn về vai trò của các giám mục trong tiến trình Thượng Hội Đồng. Một số trình thuật nói rằng mối lo ngại đã được nêu ra trong cuộc họp kín của các Hồng Y ở Rome vào tháng 8.

Sự dè dặt đã được thể hiện một lần nữa vào tháng 10 năm ngoái khi các nhà tổ chức thượng hội đồng công bố Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa, tức tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa.

Một phân tích của The Pillar vào thời điểm đó cho biết hướng dẫn của các nhà tổ chức thượng hội đồng gợi ý rằng, cho đến giai đoạn cuối cùng, “nhiệm vụ chính của các giám mục giáo phận là thu thập thông tin, thu thập ấn tượng, đối chiếu và tổ chức các câu trả lời cho các báo cáo, thu thập câu trả lời cho các câu hỏi”.

Phân tích trên viết: “Dường như không có chỗ cho phần biện phân được gọi là phán đoán”.

Bức thư của Vatican nhằm trấn an các giám mục rằng không ai mong các ngài khoanh tay ngồi đó trong các giai đoạn đầu của tiến trình thượng hội đồng, chỉ đóng vai trò đơn thuần làm máng chuyển cho vox populi (tiếng nói giáo dân), bất chấp hướng dẫn ban đầu từ các viên chức thượng hội đồng dường như gợi ý một vai trò hạn chế đối với các giám mục giáo phận.

Mặc dù bức thư mới dài nhưng nội dung của nó không có gì đặc biệt đột phá. Như Đức Hồng Y Grech đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News hôm thứ Hai, trong căn bản, ngài và Đức Hồng Y Hollerich chỉ nhắc nhở các giám mục “về những sự thật căn bản mà chúng tôi đã đề cập ngay từ đầu của diễn trình này”.

Đức Hồng Y Grech nói một cách gượng gạo “Như người ta nói, repetita iuvant [việc lặp lại có ích]”.

Các nhà tổ chức Thượng hội đồng có thể hy vọng rằng nếu họ giải quyết các dè dặt ngay bây giờ, thì một hàng giám mục hợp tác và đoàn kết hơn sẽ tập hợp tại Vatican vào tháng 10 này. Nhưng nếu nỗ lực trấn an không thành công, thì giai đoạn “hành trình đồng nghị” vào tháng 10 ở Rôma có thể là một giai đoạn không thoải mái.
 
Sau vụ khí cầu TQ đi lạc, tới lượt máy bay ném bom Nga bay vào vùng nhận dạng phòng không Alaska
VietCatholic Media
15:11 15/02/2023


1. Mỹ chuyển hướng 4 máy bay chiến đấu Nga bay gần Alaska

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “US diverts four Russian warplanes flying near Alaska”, nghĩa là “Mỹ chuyển hướng 4 máy bay chiến đấu Nga bay gần Alaska.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lam Vy.

Hoa Kỳ đã chuyển hướng bốn máy bay Nga bay gần Alaska hôm thứ Hai trong điều mà các quan chức chính phủ gọi là cuộc “đánh chặn thường lệ”.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, gọi tắt là NORAD, cho biết họ đã “phát hiện, theo dõi, xác định tích cực” bốn máy bay, bao gồm máy bay ném bom TU-95 BEAR-H và máy bay chiến đấu SU-35.

“NORAD đã lường trước được hoạt động này của Nga và do kế hoạch của chúng ta, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn họ,” cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

Mặc dù máy bay đang hoạt động trong Vùng nhận dạng phòng không Alaska, chúng vẫn ở trong không phận quốc tế.

Vụ nhiễu sóng xảy ra chỉ vài giờ sau khi hai máy bay chiến đấu của Hà Lan chặn một đội hình gồm 3 máy bay quân sự Nga gần không phận NATO của Ba Lan và hộ tống chúng ra ngoài.

NORAD đã gửi 5 máy bay phản lực của riêng mình để hộ tống máy bay ra khỏi không phận Bắc Mỹ và xác định rằng các máy bay phản lực không phải là mối đe dọa - máy bay Nga bay trong khu vực lân cận là điều thường xuyên xảy ra, theo bộ chỉ huy.

“NORAD cũng đánh giá rằng hoạt động bay này của Nga không hề liên quan đến các hoạt động gần đây của NORAD và Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ liên quan đến các vật thể trên không ở Bắc Mỹ trong hai tuần qua”

Bốn “vật thể bay” khác nhau đã bị bắn hạ trên không phận Hoa Kỳ và Canada kể từ đầu tháng Hai.

Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Lực lượng Không quân bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc vào ngày 4 tháng 2 — tám ngày và hơn 4.000 dặm sau khi nó lần đầu tiên vi phạm biên giới Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao cho biết vật thể này được trang bị ăng-ten có khả năng thu thập tín hiệu liên lạc và các thiết bị thu thập thông tin tình báo khác.

Trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2, Hoa Kỳ đã bắn hạ thêm ba vật thể đáng ngờ – một vật thể ở Alaska vào thứ Sáu, vật thể thứ hai ở tây bắc Canada vào thứ Bảy và vật thể thứ ba ở Hồ Huron vào Chúa Nhật.

Chưa có UOF nào được xác định là của Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

Biden phần lớn giữ im lặng về các vật thể bay lơ lửng trên không phận Hoa Kỳ, mặc dù phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết rằng Tòa Bạch Ốc đã “minh bạch hết mức có thể” về tình hình.

2. Tờ Financial Times cho biết tình báo phương Tây ghi nhận Nga tập trung máy bay ở biên giới Ukraine

Tình báo phương Tây cho thấy Nga đang tập trung máy bay gần biên giới với Ukraine trong một nỗ lực rõ ràng nhằm tăng cường cuộc tấn công trên bộ bằng máy bay phản lực và trực thăng, Financial Times đưa tin, trích dẫn hai quan chức đã thông báo về vấn đề này.

Thông tin tình báo được chia sẻ giữa các thành viên NATO cho thấy Nga đã tích lũy máy bay cánh cố định và cánh quay gần biên giới với Ukraine, hai quan chức nói với Financial Times.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết họ không thấy mối đe dọa tức thời nhưng nhấn mạnh mối nguy hiểm tiềm tàng của lực lượng không quân Nga.

“Về việc liệu Nga có đang tập trung máy bay của mình cho một số cuộc tấn công trên không quy mô lớn hay không, chúng tôi hiện chưa thấy điều đó. Chúng tôi biết rằng Nga có một số lượng đáng kể máy bay trong kho và còn rất nhiều khả năng”, Austin nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng ta cần làm mọi thứ có thể để Ukraine có được năng lực phòng không nhiều nhất có thể”.

Một giới chức quân sự cấp cao đã nói với Financial Times rằng Nga có thể sẽ chuyển sang một cuộc không kích ngay bây giờ khi các lực lượng trên bộ của họ đã cạn kiệt.

“Các lực lượng trên bộ của Nga đã gần cạn kiệt nên đó là dấu hiệu tốt nhất cho thấy họ sẽ biến điều này thành một cuộc không chiến. Nếu người Ukraine sẽ sống sót... họ cần phải có càng nhiều khả năng phòng không và càng nhiều đạn dược... càng tốt,” quan chức này nói với Financial Times.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba cho biết các đồng minh trong liên minh, hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Âu Châu, sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “cho đến khi nào còn cần thiết” để Kyiv có thể “duy trì quyền tự vệ của mình”.

3. Mạc Tư Khoa tăng cường tấn công ở nhiều khu vực Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 15 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích, tấn công bằng hỏa tiễn bên cạnh những nỗ lực tiến công ở một số khu vực của Ukraine.

Diễn biến này xảy ra khi các quan chức Kyiv dự đoán một cuộc tấn công mùa xuân từ Mạc Tư Khoa sẽ xảy ra trong cuộc chiến kéo dài gần nhiều năm.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã “đẩy lùi các cuộc tấn công ở vùng phụ cận của hơn 20 khu định cư” từ phía bắc của khu vực Kharkiv qua biên giới Luhansk và xa hơn về phía nam dọc theo tiền tuyến Donetsk đang có những cuộc giao tranh rất tích cực.

Quân xâm lược đã đặc biệt hoạt động tích cực ở phía đông thị trấn Kupyansk thuộc vùng Kharkiv, nơi đã bị Ukraine tái chiếm trong cuộc càn quét qua Kharkiv hồi tháng 9. Cũng có một sự gia tăng đáng chú ý trong các vụ pháo kích của Nga vào các khu định cư dọc theo biên giới Kharkiv-Luhansk, nơi các chiến tuyến phần lớn đã ngừng giao tranh kể từ mùa thu.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết, quân đội Nga đã mở 70 cuộc tấn công bằng các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một con số cao hơn thường lệ.

Ông nói thêm rằng người Nga đã bắt đầu đốt xác những người lính gần thành phố Simferopol ở Crimea do Nga sáp nhập.

“Các báo cáo gần đây chứng minh sự hiện diện liên tục của các phương tiện quân sự với số lượng lên tới 10 chiếc gần lò hỏa táng địa phương. Quân xâm lược Nga sử dụng những chiếc xe tải này để chở những quân nhân và lính đánh thuê người Nga đã chết. Việc hỏa táng được thực hiện liên tục không ngừng nghỉ”.

4. Thống đốc Luhansk tuyên bố của Nga về tình hình ở Luhansk 'không tương ứng với thực tế'

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 15 tháng Hai, phát biểu qua liên kết video, Thống đốc Serhiy Haidai cho biết Nga đang gửi các thiết bị hạng nặng và huy động binh lính tới khu vực Luhansk nhưng các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục bảo vệ khu vực phía đông Ukraine.

Hôm thứ Tư 15 tháng Hai, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố rằng quân Nga đã chọc thủng hai tuyến phòng thủ kiên cố của Ukraine ở mặt trận phía đông Luhansk. Ông cho biết quân đội Ukraine đã rút lui khi đối mặt với các cuộc tấn công của Nga, nhưng không nói rõ rút lui ở khu vực nào.

Ông ta nói: “Trong cuộc tấn công... quân Ukraine ngẫu nhiên rút lui có khi lên đến một khoảng cách 3 km từ các phòng tuyến trước đó. Ngay cả tuyến phòng thủ thứ hai kiên cố hơn của đối phương cũng không thể giữ được bước đột phá của quân đội Nga”.

Thống đốc Serhiy Haidai cho biết tuyên bố của Nga rằng quân đội Ukraine đã rút lui “không tương ứng với thực tế”.

“Có rất nhiều cuộc pháo kích, kèm theo các cuộc không kích. Các cuộc tấn công đang đến từ các hướng khác nhau hết đợt này đến đợt khác. Chúng tôi thấy rằng họ đang chuyển những người được huy động ra phía trước, chúng tôi cũng thấy có nhiều thiết bị hạng nặng hơn”.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tình hình ở Luhansk vẫn còn khó khăn vào đầu ngày hôm nay, nhưng không đề cập đến bất kỳ cuộc rút lui nào ở miền đông Ukraine.

Ông cho biết trong ngày qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân xâm lược Nga ở các quận Nevskyi, Kreminna và Bilohorivka.

Trong 24 giờ qua, 690 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 4 xe tăng, 7 xe thiết giáp. Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 15 Tháng Hai, 139.770 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 3.290 xe tăng, 6.507 xe thiết giáp, 2.303 hệ thống pháo, 466 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 236 hệ thống tác chiến phòng không, 298 máy bay, 286 trực thăng, 2.011 máy bay không người lái, 857 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.161 xe chuyển quân và nhiên liệu và 219 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Cuộc đảo chính do Nga gây ra ở Moldova có thể mang lại cho Putin những lợi thế mà ông ấy rất cần

Cả Moldova và Ukraine đều cáo buộc Putin đang âm mưu lật đổ chính quyền hợp pháp Moldova. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Coup Could Give Putin Advantages He Desperately Needs”, nghĩa là “Cuộc đảo chính do Nga gây ra ở Moldova có thể mang lại cho Putin những lợi thế mà ông ấy rất cần.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Maia Sandu, Tổng thống Moldova, hôm thứ Hai, cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ nước bà.

Mặc dù phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó đã gọi những tuyên bố của Sandu là “hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở”, nhưng một số nhà quan sát phương Tây vẫn tin rằng Putin có thể cố gắng tận dụng sự bất ổn hiện tại mà Moldova đang trải qua sau khi thủ tướng nước này từ chức hôm thứ Sáu..

Khi quân đội của ông ta tiếp tục không giành được chiến thắng trên chiến trường chống lại lực lượng của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Putin có thể được hưởng lợi theo nhiều cách khác nhau từ việc gây bất ổn cho chính phủ Moldova, đặc biệt là liên quan đến Ukraine.

Mark N. Katz, giáo sư tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar của Đại học George Mason, nói với Newsweek: “Tôi không nghĩ rằng Putin chỉ nhằm mục đích gây bất ổn cho Moldova mà thâm ý của ông ta là thiết lập một chế độ thân Nga ở đó.”

Tòa Bạch Ốc nằm trong số những cơ quan theo dõi sát tình hình liên quan đến Nga và Moldova. Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby hôm thứ Hai nói rằng mặc dù Hoa Kỳ không có xác nhận độc lập về bất kỳ nỗ lực đảo chính nào, nhưng “đó chắc chắn là một trang nằm ngay trong vở kịch của Putin.”

Phù hợp với nhận xét của Kirby, cáo buộc của tổng thống Sandu không phải là lần đầu tiên một quốc gia tuyên bố Nga tham gia vào các nỗ lực đảo chính trong khi Putin nắm quyền. Năm 2016, Montenegro cáo buộc tình báo Nga cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội nước này. Đó là một cáo buộc mà Nga bác bỏ.

Một cuộc đảo chính ở Moldova có thể mang lại lợi ích cho Putin mà Montenegro thì không. Moldova giáp Ukraine và Sandu - cũng như Thủ tướng sắp mãn nhiệm Natalia Gavrilita - là những đồng minh chủ chốt của Zelenskiy.

Sau đó, có một thực tế là Moldova đã được cấp tư cách ứng cử viên Liên minh Âu Châu vào tháng 6 năm 2022. William Reno, giáo sư và chủ nhiệm phân khoa/ khoa học chính trị tại Đại học Tây Bắc, nói với Newsweek rằng nếu Nga can thiệp vào Moldova, thì đó có thể một phần là do Putin muốn ngăn quốc gia này gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

Reno cho biết “sự can thiệp rất dễ dàng” đối với Nga ở Moldova vì một chính phủ ly khai thân Nga đã xâm lược một phần khu vực ly khai Transnistria của Moldova.

Reno cho biết: “Các binh sĩ Nga thuộc Quân đoàn 14 đã đóng quân trên lãnh thổ đó từ đầu những năm 1990. “Sự hiện diện của họ đóng vai trò như một biện pháp kiểm tra chống lại chính phủ được bầu của Moldova, vì tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO là những điều người Nga không thích.”

David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Cornell và giám đốc giảng dạy và học tập tại Cornell ở Washington, nói với Newsweek rằng việc Nga can thiệp vào chính phủ Moldova có thể mang lại cho họ lợi thế quân sự bằng cách cho phép Putin “đặt lực lượng hải quân hạng nặng ở Transnistria mà không có sự can thiệp của Moldova, do đó đe dọa quyền tiếp cận Hắc Hải của Ukraine tại Odessa”.

“Về mặt hậu cần, có ít nhất một tuyến đường sắt chính chạy qua Moldova vào Ukraine, vì vậy việc chiếm đóng Moldova có thể cắt đứt liên kết cung cấp đó,” Silbey nói thêm.

Theo Katz, trong khi một chính phủ thân thiện với Điện Cẩm Linh ở Moldova chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa cho Putin về kế hoạch chiến tranh, thì ông vẫn sẽ phải đối mặt với một số trở ngại.

Katz nói: “Tôi không chắc Nga sẽ dễ dàng như thế nào để đưa một số lượng lớn người Nga và vật chất vào Moldova ngay cả khi một chính phủ thân Nga lên nắm quyền ở đó. Tôi cũng không chắc chắn rằng ngay cả một chính phủ thân Nga ở Moldova cũng sẽ háo hức tham gia nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa chống lại Ukraine.”

Tuy nhiên, Reno nói rằng chỉ cần Nga gieo rắc cảm giác hỗn loạn xung quanh chính phủ Moldova, Ukraine có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông nói: “Các chính phủ ở các đối tác NATO ít cam kết hơn có thể xem xét tình hình ở Moldova và kết luận rằng việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine là không đáng và họ nên gây áp lực buộc Ukraine phải đàm phán về các điều khoản ưu tiên hơn cho Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

6. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các quốc gia tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng tại trụ sở của liên minh quân sự ở Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận xét rằng: “Thời gian là điều cốt yếu” và tạo điều kiện cho Kyiv có “cơ hội để chiến thắng”. Đồng thời, ông hoan nghênh những cam kết hỗ trợ mới của các đồng minh NATO, “bao gồm cả việc cung cấp thêm vũ khí và huấn luyện quân sự”.

Ông Stoltenberg cho biết các bộ trưởng quốc phòng của NATO đã thực hiện các bước để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh.

Động thái này “phản ánh thực tế rằng chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm hơn vì các hành vi hung hăng của Nga, chủ nghĩa khủng bố dai dẳng và những thách thức do Trung Quốc đặt ra”.

Ông nói rằng Nato sẽ phối hợp cải thiện việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển, đề cập đến vụ phá hoại đường ống North Stream vào tháng 9 năm ngoái.

Ông Stoltenberg cho biết sự hỗ trợ của quân đồng minh dành cho Ukraine đang tiêu tốn một “số lượng lớn” đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của các nước trong liên minh. Nhưng, ông cho biết thêm rằng các bộ trưởng đã nhất trí về sự cần thiết phải tăng sản lượng đạn pháo 155ly.

7. Ủy ban Âu Châu đã kêu gọi cấm xuất khẩu công nghệ quan trọng

Ủy ban Âu Châu đã kêu gọi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ quan trọng trị giá 11 tỷ euro sang Nga để làm suy yếu hơn nữa nỗ lực chiến tranh của Điện Cẩm Linh, củng cố điều mà các quan chức Liên Hiệp Âu Châu gọi là lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay của khối.

Tiết lộ vòng trừng phạt thứ 10 của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết Liên Hiệp Âu Châu đang tấn công vào các mặt hàng công nghiệp mà Nga cần, chẳng hạn như linh kiện điện tử cho máy bay không người lái và máy bay trực thăng; phụ tùng cho xe tải và động cơ phản lực; thiết bị xây dựng như ăng-ten hoặc cần cẩu có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Lần đầu tiên, Liên Hiệp Âu Châu cũng sẽ áp đặt lệnh cấm đối với 7 công ty Iran bán hàng hóa công nghệ cao cho Nga, mặc dù chưa rõ lệnh này sẽ được thực thi như thế nào. Von der Leyen cho biết điều này sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với các công ty và thương nhân khác. Khối này đã áp đặt phong tỏa tài sản đối với bất kỳ tài khoản ngân hàng nào do các thực thể có liên kết với nhà nước Iran nắm giữ tại Liên Hiệp Âu Châu liên quan đến việc bán máy bay không người lái cho Nga.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu sẽ họp vào thứ Tư tại Brussels để thảo luận về kế hoạch trừng phạt mới nhất, với mục đích đưa các biện pháp này thành luật trước ngày 24 tháng 2, kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga.

Nhưng một phiên bản bị rò rỉ của các đề xuất mới nhất mà tờ Guardian được xem qua cho thấy Liên Hiệp Âu Châu chưa trả lời yêu cầu của tổng thống Volodymyr Zelenskiy về danh sách đen ngành công nghiệp hạt nhân của Nga ở Âu Châu.

Trong nhiều tuần, các quan chức Liên Hiệp Âu Châu đã hạ thấp khả năng hành động trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, một động thái mà Hung Gia Lợi – một khách hàng của Rosatom – đã đe dọa sẽ phủ quyết. Tuy nhiên, khi tổng thống Ukraine gặp các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vào thứ Năm tuần trước, ông đã thúc giục bước này, mô tả nó là “một vấn đề đạo đức”.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Âu Châu cũng sẽ đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với hàng xuất khẩu của Nga được cho là tạo ra doanh thu cho nhà nước Nga.

Khối cũng nhằm mục đích bịt các lỗ hổng, chẳng hạn như ngăn chặn các nhà tài phiệt Nga sử dụng các công ty cho thuê máy bay tư nhân không phải của Nga, hoặc tìm cách che giấu tài sản của họ.

Các đề xuất mới nhất cũng sẽ bổ sung thêm nhiều người Nga và Ukraine làm việc cho Nga tại các vùng lãnh thổ bị xâm lược vào danh sách trừng phạt. Mục tiêu nhắm đến là ngày càng nhiều chính trị gia, nhà tuyên truyền.

Von der Leyen nói: Hiện chúng ta đã áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từng được Liên minh Âu Châu ban hành và chúng ta phải bảo đảm rằng chúng được áp dụng nghiêm ngặt.
 
LM Mễ Tây Cơ bị thảm sát thương tâm. Các GM Mỹ Latinh cầu nguyện cho GM bị độc tài kết án 26 năm tù
VietCatholic Media
17:30 15/02/2023


1. Linh mục bị bắn chết ở Mễ Tây Cơ

Giáo phận San Juan de Los Lagos ở bang Jalisco, Mễ Tây Cơ, đã để tang cho vụ bắn chết một trong những linh mục của giáo phận, Cha Juan Angulo Fonseca, vào ngày 10 tháng Hai.

Theo tờ El Financiero của Mễ Tây Cơ, vị linh mục 53 tuổi đã bị bắn từ phía sau bằng hai phát súng ngắn. Vụ giết người xảy ra ở quận Atotonilco el Alto của bang Jalisco.

Theo điều tra ban đầu, vụ án mạng rõ ràng là do tranh chấp đất đai.

“Giáo phận San Juan de los Lagos dâng lời cầu nguyện lên Chúa, Cha của Lòng thương xót, vì cái chết đau lòng của Cha Juan Angulo Fonseca,” giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 11 tháng Hai.

“Xin Chúa thưởng công cho sự cống hiến cuộc đời của những nhân danh Chúa Kitô cho Giáo hội! Nhờ lòng thương xót của Chúa, cầu mong linh hồn của ngài và của tất cả các tín hữu đã ra đi, được yên nghỉ!” tuyên bố kết luận.

“Chúng ta phó thác cho Thiên Chúa và lòng thương xót vô biên của Người, để Người ban cho ngài được cử hành Bí tích Thánh Thể vĩnh cửu cùng với Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và các thánh, và ngài sẽ giúp chúng ta, những người lữ hành trên trái đất này, luôn tìm kiếm những con đường hòa bình và tình huynh đệ,” Đức Tổng Giám Mục Jorge Alberto Cavazos, giám quản tông tòa của Giáo phận San Juan de los Lagos viết.

“Tôi cầu xin tất cả các linh mục dâng một tuần cửu nhật thánh lễ và cầu nguyện cho người anh em của chúng ta,” vị giám chức nói trong một tuyên bố.

Cha Angulo sinh tại thị trấn Tepatitlán de Morelos thuộc bang Jalisco vào ngày 24 Tháng Giêng năm 1970. Ngài được thụ phong linh mục ngày 2 tháng 5 năm 1998.

Vị linh mục đã làm việc từ năm 2017 tại Giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở thị trấn Valle de Guadalupe.

Cha Angulo cũng phục vụ tại các giáo xứ khác như Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Thánh Giuse Thợ và Chúa Thánh Thần.
Source:Catholic News Agency

2. Vị Hồng Y mới nhất của Nigeria chia sẻ bí mật đằng sau việc tham dự Thánh lễ đông nhất thế giới

Sau khi Nigeria được công nhận là quốc gia có số người tham dự Thánh lễ cao nhất thế giới, vị Hồng Y trẻ nhất của quốc gia Phi Châu này đã chia sẻ một số bí mật đằng sau đời sống bí tích sống động của đất nước mình.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 94% trong số 30 triệu người Công Giáo ở Nigeria nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tuần hoặc hơn, trong khi chỉ có 17% người Công Giáo Mỹ tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Đức Hồng Y Peter Ebere Okpaleke, 59 tuổi, người lãnh đạo giáo phận Ekwulobia ở miền nam Nigeria, nhìn thấy ba yếu tố chính đằng sau sự tham gia tích cực của người Công Giáo ở Nigeria.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA khi Đức Hồng Y ở Rôma trong tháng này, Đức Hồng Y Okpaleke nói rằng ngài tin rằng thế giới quan truyền thống của Nigeria, vai trò của gia đình và ý thức cộng đồng trong các giáo xứ đã khiến người Nigeria từ thế hệ này sang thế hệ khác gần gũi với các bí tích.

Theo Okpaleke, xã hội Nigeria nói chung có “một thế giới quan truyền thống” thừa nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và xã hội. Người Nigeria đã không quên cách thế giới tâm linh thấm nhuần cuộc sống hàng ngày.

“Có nhận thức chung về vai trò của Thiên Chúa trong đời sống con người. Chính nhận thức này chuyển thành việc tham dự Thánh lễ cho người Công Giáo, những người đến tham dự Thánh lễ để gặp gỡ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể,” Đức Hồng Y nói.

Ở Nigeria, có một ý thức mạnh mẽ rằng “gia đình là 'giáo hội tại gia',” một thuật ngữ được các Giáo phụ thời sơ khai sử dụng và được Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong Tông Huấn Familiaris Consortio.

Đức Hồng Y Okpaleke cho biết gia đình được coi là nơi chủ yếu mà “niềm tin được truyền lại cho thế hệ tiếp theo”.

Các giáo xứ và giáo phận Công Giáo ở Nigeria mang đến cho mọi người cảm giác mạnh mẽ về “cộng đồng và sự gắn bó”.

Vị Hồng Y nói: “Phần lớn, mọi người cảm thấy có tính cộng đồng trong Giáo hội”. Đức Hồng Y đã tận mắt chứng kiến điều này trong giáo phận của ngài, mới chỉ được thành lập 3 năm, nơi các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng giáo phận về tính đồng nghị có cảm giác giống như “các phiên họp truyền thống tại các quảng trường làng nơi các vấn đề cộng đồng quan tâm được thảo luận”.

Đức Hồng Y Okpaleke lãnh đạo Giáo phận Ekwulobia ở miền nam Nigeria, một giáo phận mới được thành lập vào năm 2020.
Source:Catholic News Agency

3. Các giám mục Mỹ Latinh cầu nguyện cho Đức Cha Nicaragua Álvarez tại nhà thờ chính tòa nơi chôn cất Thánh Oscar Romero

Các giám mục của Hội đồng Giám mục Mỹ Châu Latinh, gọi tắt là CELAM, đã cử hành Thánh lễ Thứ Hai tại Nhà thờ Chính tòa Thành phố San Salvador của El Salvador, nơi an táng hài cốt của Thánh Óscar Romero, cầu nguyện cho ý chỉ và sự phóng thích nhanh chóng Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, Nicaragua, và một số linh mục Nicaragua.

Thánh Romero là một nhà phê bình thẳng thắn về sự bất công chính trị trong nước và bạo lực ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân Salvador bình thường. Ngài bị bắn chết vào năm 1980 khi đang dâng Thánh lễ bởi một sát thủ có liên hệ với chế độ độc tài quân sự.

Thánh lễ hôm thứ Hai tại San Salvador là một phần của việc khai mạc hội đồng khu vực Trung Mỹ-Mễ Tây Cơ của giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Trong một bức thư ngày 11 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Miguel Cabrejos của Trujillo, Peru, và là chủ tịch của CELAM, nói rằng Bí tích Thánh Thể phải là “một biểu hiện của tình liên đới và tình huynh đệ chân thành của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribe của chúng ta với những người bị tước đoạt tự do và nhân quyền một cách bất công ở Nicaragua.”

Các giám mục Guatemala cũng bày tỏ “tình đoàn kết của các ngài với Đức Giám Mục Rolando Álvarez, một mục tử can đảm hết lòng vì người dân và đàn chiên của mình, người đã phải đối mặt với sự bách hại trong một thời gian dài và hiện đang bị chế độ cầm quyền ở Nicaragua cầm tù”.

Các giám mục đã dâng “lời cầu nguyện lên Thiên Chúa toàn năng cho đất nước kết nghĩa đó và cho tất cả những người đang đau khổ ở đó, đặc biệt là cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez, xin Chúa trợ giúp ngài trong thử thách và ban cho ngài sức mạnh trong thời gian này khi ngài bị đối xử bất công như vậy.”

Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega ở Nicaragua đã kết án Đức Cha Álvarez, giám mục của Giáo phận Matagalpa, 26 năm 4 tháng tù vào ngày 10 tháng 2, cáo buộc ngài là “kẻ phản bội quê hương”.

Việc kết án vị Giám Mục, người cũng bị chế độ độc tài tước quyền công dân Nicaragua, diễn ra chỉ một ngày sau khi chế độ này trục xuất 222 tù nhân chính trị sang Hoa Kỳ, trong đó có một số linh mục và chủng sinh.

Tòa phúc thẩm Managua cũng đã ra lệnh trục xuất Đức Cha Álvarez, nhưng theo Ortega, vị giám mục đã từ chối lên chiếc máy bay có thể đưa ngài đến tự do trừ khi ngài có thể hỏi ý kiến trước với các linh mục đã có mặt trên máy bay và các giám mục Nicaragua.

Ortega gọi yêu cầu này là “vô lý” và tòa án cho rằng vị Giám Mục coi thường chính quyền khi từ chối trục xuất, mặc dù thỏa thuận đạt được với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quy định rằng không ai có thể bị buộc phải rời khỏi đất nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho Đức Cha Alvarez và những người bị trục xuất trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

“Sự căm ghét vô lý và không thể kiềm chế đối với chế độ độc tài Nicaragua đối với Giám mục Rolando Álvarez. Họ đang báo thù ngài,” Giám Mục Phụ Tá lưu vong của Managua, Silvio Báez, viết trên Twitter.

“Họ đã không chịu được sự vĩ đại về mặt đạo đức và sự gắn kết mang tính tiên tri của ngài. Đức Cha Rolando sẽ được tự do, Chúa sẽ không bỏ rơi ngài. Đức Cha Báez nói: “Họ đang chìm trong nỗi sợ hãi và tội ác mỗi ngày.

Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, gọi tắt là CEE, bày tỏ trong một tuyên bố vào ngày 11 tháng 2 rằng họ đau lòng trước “tình hình đáng lo ngại đang diễn ra ở Nicaragua” với việc trục xuất hàng loạt tù nhân chính trị và việc kết án Đức Cha Álvarez.

“Tại thời điểm này, chúng ta chia sẻ tình cảm của các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Nicaragua, những người đang bị chính phủ nước này đàn áp vì bảo vệ quyền tự do của người dân Nicaragua,” hàng giáo phẩm Tây Ban Nha nói.

Các giám mục Tây Ban Nha cũng kêu gọi “chính quyền Nicaragua lắng nghe tiếng nói của những người mà họ phục vụ, đưa ra quyết định của họ trên tinh thần phục vụ vì lợi ích của tất cả mọi người, và trả tự do cho các tù nhân bị cầm tù vì lý do chính trị”.

Các Giám Mục kết luận rằng: “Xin Đức Mẹ Lộ Đức trông nom Giáo hội Nicaragua, các mục tử và dân Chúa ở Nicaragua và cầu mong sự hòa hợp và hòa bình sớm được phục hồi cho đất nước”.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẵn sàng cấp quốc tịch Tây Ban Nha cho những người bị trục xuất.
Source:Catholic News Agency
 
Khủng hoảng Mỹ-TQ: Tiết lộ đáng sợ về các căn cứ hạt nhân Mỹ khí cầu TQ đã chụp được. TQ đe dọa Nhật
VietCatholic Media
22:35 15/02/2023


1. Không nhầm đâu: khinh khí cầu Trung Quốc là báo hiệu của một cuộc tấn công

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “It was no mistake: Chinese balloons hinting to an attack”, nghĩa là “Không nhầm đâu: khinh khí cầu Trung Quốc là báo hiệu của một cuộc tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Đừng nhầm lẫn: Các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào không phận của chúng ta giống như khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công.

Khinh khí cầu của Trung Quốc mà chúng ta bắn hạ vào ngày 4 tháng 2 đã bay lơ lửng trên Căn cứ Không quân Malmstrom, nơi bố trí khoảng một phần ba số hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ. Khinh khí cầu sau đó bay gần cả hai căn cứ Không quân FE Warren và Minot, nơi có phần còn lại của các cánh không quân Minutemen III của Mỹ. Khinh khí cầu cũng đi qua Căn cứ Không quân Whiteman, nơi đóng quân của phi đội máy bay ném bom B-2 có khả năng hạt nhân và Căn cứ Không quân Offutt, trụ sở của Bộ Tư lệnh Chiến lược, nơi kiểm soát vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.

Con đường này cho thấy Trung Quốc đang thu thập thông tin tình báo cho cuộc tấn công đầu tiên hoặc thứ hai vào vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Bất kể kế hoạch của Trung Quốc là gì, việc vi phạm không phận lãnh thổ của Mỹ là trắng trợn và bộc lộ tâm lý nguy hiểm của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Có một số cách giải thích khác nhau về lý do tại sao Bắc Kinh lại có hành động trắng trợn như vậy vào thời điểm này. Có thể quân đội Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh về chính trị bên trong Đảng Cộng sản cầm quyền đến mức họ có thể phóng khinh khí cầu này mà không cần hỏi ý kiến các thành phần khác của chế độ. Có lẽ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định đây là thời điểm để đe dọa Hoa Kỳ không bảo vệ, chẳng hạn như Đài Loan hoặc Nhật Bản.

Đừng nhầm lẫn: Các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào không phận của chúng ta giống như khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công.

Khinh khí cầu của Trung Quốc mà chúng ta bắn hạ vào ngày 4 tháng 2 đã bay lơ lửng trên Căn cứ Không quân Malmstrom, nơi bố trí khoảng một phần ba số hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ. Khinh khí cầu sau đó bay gần cả hai căn cứ Không quân FE Warren và Minot, nơi có phần còn lại của các cánh Minutemen III của Mỹ. Khinh khí cầu cũng đi qua Căn cứ Không quân Whiteman, nơi đóng quân của phi đội máy bay ném bom B-2 có khả năng hạt nhân và Căn cứ Không quân Offutt, trụ sở của Bộ Tư lệnh Chiến lược, nơi kiểm soát vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.

Con đường này cho thấy Trung Quốc đang thu thập thông tin tình báo cho cuộc tấn công đầu tiên hoặc thứ hai vào vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Bất kể kế hoạch của Trung Quốc là gì, việc vi phạm không phận lãnh thổ của Mỹ là trắng trợn và bộc lộ tâm lý nguy hiểm của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Có một số cách giải thích khác nhau về lý do tại sao Bắc Kinh lại có hành động trắng trợn như vậy vào thời điểm này. Có thể quân đội Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh về chính trị bên trong Đảng Cộng sản cầm quyền đến mức họ có thể phóng khinh khí cầu này mà không cần hỏi ý kiến các thành phần khác của chế độ. Có lẽ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định đây là thời điểm để đe dọa Hoa Kỳ không được bảo vệ các quốc gia khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Nhật Bản.

Tập Cận Bình có thể thấy rằng các mối đe dọa hạt nhân của Vladimir Putin đã có hiệu quả trong việc khiến Tổng thống Biden ngần ngại trong việc cung cấp các thiết bị quân sự nhất định cho Ukraine đang bị bao vây.

Chúng ta không thể nhìn thấu tâm trí của Tập, nhưng chúng ta có thể thấy những gì ông ta đang làm: đó là chuẩn bị cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẵn sáng cho chiến tranh. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản vào tháng 10, ông đã bổ nhiệm “nội các thời chiến” của mình. Ông ấy đang thúc đẩy xây dựng quân đội nhanh nhất kể từ Thế chiến thứ hai, ông ấy đang cố gắng chống lại các biện pháp trừng phạt nhắm vào chế độ của mình và ông ấy đang huy động thường dân Trung Quốc tham chiến.

Vụ xâm nhập bằng khinh khí cầu cho thấy sự thiếu tôn trọng hoàn toàn của Tập Cận Bình đối với Mỹ và cho thấy ông ta không bị Mỹ ngăn cản.

Sự xâm nhập táo bạo có thể là đòn thăm dò của người đứng đầu Bắc Kinh hoặc khúc dạo đầu cho xung đột. Việc Tổng thống Biden không nói về vấn đề này cho thấy chính quyền của ông vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra.

Cho đến khi chính quyền có thể tìm ra điều này, người dân Mỹ nên cho rằng điều tồi tệ nhất đang đến.

2. Trước các bằng chứng không thể chối cãi, Trung Quốc quay sang đe dọa trả đũa Mỹ vì bắn rơi khinh khí cầu do thám

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “China threatens retaliation against US for shooting down spy balloon”, nghĩa là “Trung Quốc đe dọa trả đũa Mỹ vì bắn rơi khinh khí cầu do thám” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trung Quốc cảnh báo hôm thứ Tư rằng họ sẽ trả đũa Hoa Kỳ vì cáo buộc làm phương hại chủ quyền của Trung Quốc sau khi Lực lượng Không quân Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu do thám hồi đầu tháng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nhắc lại quan điểm chính thức của Bắc Kinh rằng khinh khí cầu là một khí cầu thời tiết không người lái đã vô tình bị thổi bay - và cáo buộc chính quyền Biden đã phản ứng thái quá khi bắn hạ nó bằng một hỏa tiễn được bắn từ một chiếc F- 22 máy bay chiến đấu ngoài khơi bờ biển Nam Carolina ngày 4 tháng 2.

Sau vụ việc, Hoa Kỳ đã trừng phạt sáu thực thể Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến chương trình do thám toàn cầu của Bắc Kinh.

“Mỹ đã lạm dụng vũ lực, phản ứng thái quá, leo thang tình hình và sử dụng điều này như một cái cớ để trừng phạt bất hợp pháp các công ty và tổ chức Trung Quốc,” ông Vương nói.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ có biện pháp đối phó theo luật pháp với các thực thể có liên quan của Hoa Kỳ làm suy yếu chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.”

Trung Quốc sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, ông Vương nói thêm.

Quan chức này không cho biết Trung Quốc có kế hoạch trừng phạt những thực thể nào của Hoa Kỳ và không cung cấp thông tin chi tiết về “các biện pháp đối phó” đã được lên kế hoạch.

Trong khi Trung Quốc phủ nhận khinh khí cầu là tài sản quân sự, họ vẫn chưa cho biết cơ quan chính phủ hoặc công ty nào chịu trách nhiệm về hoạt động của khinh khí cầu này.

Sau khi ban đầu bày tỏ sự hối tiếc về việc khinh khí cầu xâm nhập không phận Hoa Kỳ mà không được phép, Trung Quốc đã leo thang những lời lẽ chống lại Washington, tuyên bố vào đầu tuần này rằng Hoa Kỳ đã bay hơn 10 khinh khí cầu tầm cao trong không phận của mình trong năm qua.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby bác bỏ dứt khoát cáo buộc của Trung Quốc.

“Không đúng. Chúng ta không làm điều đó. Hoàn toàn không đúng sự thật,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC hôm thứ Hai. “Chúng ta không thả bóng bay qua Trung Quốc.”

Vòng buộc tội lẫn nhau mới nhất diễn ra khi Ngoại trưởng Antony Blinken được cho là đang cân nhắc một cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich trong tuần này.

Blinken trước đó đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Bắc Kinh mà nhiều người cho là nhằm ổn định các mối quan hệ vốn đã rạn nứt trong bối cảnh tranh chấp thương mại, nhân quyền, Đài Loan và các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hôm thứ Tư, đổ thêm dầu vào lửa, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết sự xâm nhập của khinh khí cầu Trung Quốc là một phần trong khuôn mẫu hành vi hung hăng của Bắc Kinh.

Emanuel lưu ý việc Trung Quốc gần đây chiếu tia laser cấp độ quân sự vào tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân, việc máy bay Trung Quốc quấy rối máy bay Mỹ và việc Trung Quốc điều hành các hoạt động gián điệp trái phép ở Mỹ, Ái Nhĩ Lan và các nước khác.

“Đối với tôi, khinh khí cầu không phải là một sự việc cá biệt,” Emanuel nói.

Đại Sứ Emanuel nói thêm: Nếu Trung Quốc muốn trở thành một thành viên được tôn trọng của cộng đồng quốc tế, thì họ phải hành động phù hợp với những tiền đề cơ bản nhất định. Đó là, bạn không tung ra các hoạt động gián điệp ở các quốc gia khác mà không biết luật pháp của họ, như thể luật pháp của họ không có bất kỳ ranh giới nào.”

3. Ukraine cho biết đã bắn hạ 6 khinh khí cầu do thám Nga ở Kyiv

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “Ukraine says it shot down 6 Russian spy balloons over Kyiv”, nghĩa là “Ukraine cho biết đã bắn hạ 6 khinh khí cầu do thám Nga ở Kyiv.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đang cáo buộc Nga sử dụng khinh khí cầu gián điệp như một phần của cuộc chiến đang diễn ra - nói rằng họ đã bắn hạ 6 khinh khí cầu trên bầu trời thủ đô Kyiv của Ukraine.

“Các mục tiêu trên không đã được phát hiện trên bầu trời khu vực Kyiv. Kết quả là lực lượng phòng không đã bắt đầu hoạt động”, Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kyiv báo cáo trên Telegram. “Hãy giữ bình tĩnh và ở trong nơi trú ẩn!”

Mặc dù thông điệp không nêu rõ thời điểm những khinh khí cầu bị bắn hạ, cảnh báo trên không đã được đưa ra ở Kyiv vào thứ Tư.

Việc sử dụng khinh khí cầu đã gây chú ý khi Mỹ bắn hạ một số vật thể bất thường trên bầu trời Mỹ, bao gồm một khinh khí cầu có trọng tải bằng ba chiếc xe buýt được tường trình đã được phóng lên từ Trung Quốc.

Quân đội Kyiv cho biết những khinh khí cầu mà họ bắn hạ dường như mang theo thiết bị phản xạ góc và thiết bị trinh sát.

“Theo thông tin hiện đang được làm rõ, đây là những khinh khí cầu di chuyển trong không trung dưới sức đẩy của gió,” chính quyền quân sự nhấn mạnh.

“Mục đích của việc phóng khinh khí cầu có thể là để trinh sát và làm cạn kiệt hệ thống phòng không của chúng ta.”

Ngay trước thông báo hôm thứ Tư, phát ngôn nhân lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết Nga có thể sử dụng khinh khí cầu trong một nỗ lực mới để bảo toàn kho máy bay không người lái trinh sát đang cạn kiệt của mình.

“Các máy bay không người lái trinh sát như Orlan-10 hiện đang được sử dụng ít hơn và họ nghĩ 'Tại sao chúng ta không sử dụng những khinh khí cầu này?' Vì vậy, họ đang sử dụng chúng,” Ihnat nói với truyền hình Ukraine.

Nó xảy ra một ngày sau khi Rumani và Moldova - cả hai đều giáp Ukraine - báo cáo các vật thể giống như khinh khí cầu thời tiết bí ẩn đi ngang qua bầu trời của họ.

Bộ Quốc phòng Rumani cho biết họ đã triển khai hai máy bay phản lực dưới sự chỉ huy của NATO, nhưng chúng đã quay trở lại căn cứ mà không phát hiện ra bất cứ điều gì. Vụ việc ở Moldova đã gây ra sự gián đoạn du lịch trên diện rộng và sự hoảng loạn ngắn khi các nhà chức trách tạm thời đóng cửa không phận của đất nước.

Nga đã không bình luận ngay lập tức về các báo cáo liên quan đến khinh khí cầu trên bầu trời Kyiv.

4. Trung Quốc cho rằng Mỹ đe dọa họ khi ủng hộ Phi Luật Tân trong sự việc laser

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Claims Intimidation After U.S. Backs Philippines in Laser Incident”, nghĩa là “Trung Quốc cho rằng Mỹ đe dọa họ khi ủng hộ Phi Luật Tân trong sự việc laser.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rằng các lực lượng hàng hải của họ có hành vi thiếu chuyên nghiệp ở Biển Đông sau khi những hình ảnh do Phi Luật Tân công bố cho thấy một tàu Trung Quốc triển khai tia laser công suất cao vào đầu tháng này.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết thủy thủ đoàn của một trong những tàu tuần tra của họ đã bị “tia laser cấp độ quân sự” làm mù tạm thời trong cuộc chạm trán vào ngày 6 tháng Hai.

Manila đã phản đối vụ việc, xảy ra trong một nhiệm vụ tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát, đó là một đảo san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết hôm thứ Ba rằng các mô tả về vụ việc là không chính xác. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng những gì Cảnh sát biển Trung Quốc đã làm là chuyên nghiệp và có kiềm chế,” ông nói.

Hình ảnh do Cảnh sát biển Phi Luật Tân công bố vào ngày 13 tháng 2, cho thấy một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chiếu sáng một chiếc thuyền của Phi Luật Tân bằng “tia laser cấp độ quân sự” vào ngày 6 tháng 2, gần Bãi Cỏ Mây, một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở phía Nam Biển Đông.

Trước đó một ngày, sau khi Phi Luật Tân công khai những hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc sử dụng chùm tia laze xanh lục, ông Vương cho biết tàu Phi Luật Tân đã “xâm nhập vùng biển” ngoài khơi Bãi Cỏ Mây mà không được phép, bất chấp việc Manila trên thực tế kiểm soát đảo san hô thông qua một tiền đồn của lực lượng hải quân.

Quan chức Trung Quốc cũng cáo buộc Hoa Kỳ đe dọa sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công khai ủng hộ Phi Luật Tân bằng cách tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng Phi Luật Tân, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của họ ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ.

“Mỹ luôn viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines trong nỗ lực đe dọa Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ không làm suy yếu quyết tâm và ý chí của chúng tôi trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Trung Quốc,” ông Vương nói.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn của Biển Đông và nhiều thực thể của nó như là một phần của “đường lưỡi bò” của họ. mặc dù những khẳng định này đã bị bác bỏ bởi một phán quyết năm 2016 tại The Hague. Bắc Kinh khẳng định vụ kiện cấp cao có động cơ chính trị và từ chối công nhận phán quyết này.

Hôm thứ Ba, sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân triệu tập Đại Sứ Bắc Kinh tại Manila, Hoàng Tích Liên (Huang Xilian, 黄锡莲) về vụ việc mới nhất, đại sứ quán Trung Quốc cho biết hai bên đã thảo luận về cách “quản lý đúng đắn những khác biệt trên biển”.

Teresita Daza, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Phi Luật Tân, cho biết một phản đối ngoại giao riêng được đệ trình cùng ngày “lên án hành động theo dõi, quấy rối, diễn tập nguy hiểm, tấn công bằng tia laser cấp độ quân sự và thách thức vô tuyến bất hợp pháp” của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc.

“Những hành động gây hấn này của Trung Quốc thật đáng lo ngại và đáng thất vọng vì nó diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. vào đầu Tháng Giêng, trong đó ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý quản lý các khác biệt trên biển thông qua ngoại giao và đối thoại, mà không dùng đến vũ lực và đe dọa,” Daza nói trong một tuyên bố.

Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế các tranh chấp kéo dài với Phi Luật Tân và các nước láng giềng hàng hải khác ở cấp độ song phương. Tuy nhiên, giống như các quốc gia khác bị Trung Quốc áp đảo, Phi Luật Tân đã hoan nghênh sự hỗ trợ của quốc tế.

Kazuhiko Koshikawa và Hải Cảnh Vũ (Hae Kyong Yu, 海景宇) là các đại sứ tương ứng của Nhật Bản và Australia tại Manila, đã đưa ra tuyên bố trong tuần này ủng hộ Phi Luật Tân và phán quyết trọng tài năm 2016.
 
Thánh Ca
XUÂN NHỚ MẸ - Sáng tác: Bá Trang - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
02:23 15/02/2023