Ngày 16-02-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức HY Marx phát biểu về Đức Phanxicô, THĐ và phụ nữ trong Giáo Hội
Vũ Van An
12:13 16/02/2015
ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich và Freising, là chủ tịch HĐGM Đức, thành viên HĐ Hồng Y cố vấn cho ĐGH trong việc cai quản GH, phối trí viên của HĐ Tòa Thánh Về Kinh Tế và là tác giả cuốn Das Kapital: A Plea for Man (2008). Ngày 15 tháng Giêng vừa qua, nhân dịp đọc diễn văn tại ĐH Stanford ở California, ngài có dành cho linh mục Luke Hanse, S.J., của tạp chí America, một cuộc phỏng vấn mà chính ngài đã đọc lại nội dung và chấp thuận như sau.

Trải nghiệm của ĐHY tại Hội Đồng HY có đem lại cho ngài một tầm nhìn khác về Giáo Hội hay không?

Tôi có một trách nhiệm mới. Khi tôi được phỏng vấn, giống như hôm nay, và được hỏi “Ngài làm gì ở Hội Đồng?” và “làm việc với ĐGH có nghĩa gì?”, tôi chỉ cảm thấy một trách nhiệm lớn hơn thôi. Dù không nhìn Giáo Hội một cách mới. Tôi từng là một giám mục từ 18 năm nay rồi, và làm HY được 5 năm và từng tham dự các THĐ. Nhưng tôi quả đang thấy trách nhiệm mới của mình và các cơ hội mới, và cả giây phút lịch sử phải tiến tới trong Giáo Hội và trở thành một phần của lịch sử Giáo Hội.

Các cơ hội mới ấy là gì?

Trọn bộ triều giáo hoàng này đã mở ra nhiều ngả đường mới. Cha có thể cảm được điều đó. Ở Mỹ này, mọi người đều đang nói tới Đức Phanxicô ngay cả những người không thuộc về GHCG. Tôi phải nói rằng: ĐGH không phải là Giáo Hội. Giáo Hội không phải chỉ là vị giáo hoàng. Nhưng quả có một bầu khí mới. Một giáo sĩ Do Thái bảo tôi: “Xin ngài hãy thưa với ĐGH rằng ngài đang giúp chúng tôi, vì ngài đang củng cố mọi tôn giáo, không riêng GHCG”. Bởi thế, đây là một phong trào mới.

Tại HĐ Hồng Y, chúng tôi có trách vụ mới là tạo ra một hiến chế mới cho Giáo Triều Rôma, cải tổ Ngân Hàng Vatican và thảo luận nhiều vấn đề khác với ĐGH. Nhưng chúng tôi không thể hiện diện hàng ngày ở Rôma được. Cha phải nhìn triều giáo hoàng này cách này, như một bước mới và mở rộng hơn. Cảm tưởng của tôi là chúng ta đang ở trên một con đường mới. Chúng ta không tạo ra một Giáo Hội mới, nó vẫn là Công Giáo, nhưng có một bầu không khí tươi mát, một bước tiến mới.

Thách thức nào đang đi kèm với thời kỳ mới trong Giáo Hội?

Tốt nhất nên đọc “Niềm Vui Tin Mừng”. Một số người cho rằng “chúng tôi không biết ĐGH thực sự muốn gì?”. Tôi bảo: “Đọc bản văn ấy đi”. Nó không cung cấp những câu trả lời thần kỳ cho các vấn đề phức tạp, nhưng đúng hơn, chuyên chở nẻo đường của Thần Khí, con đường phúc âm hóa, trở thành gần gũi với người ta, gần gũi với người nghèo, gần gũi những người từng sai phạm, gần gũi những người tội lỗi, không phải là một Giáo Hội chỉ biết tự yêu mình (narcissistic), không phải một Giáo Hội sợ sệt. Có sự thúc đẩy mới, tự do, đẩy ta đi ra bên ngoài. Một số người lo âu không biết điều gì sẽ xẩy ra. Đức Phanxicô sử dụng một hình ảnh mạnh: “tôi thích một Giáo Hội bị bầm tím, bị thương tích và lấm láp vì ra ngoài phố xá” hơn là một Giáo Hội sạch sẽ, có sự thật và mọi điều cần thiết. Giáo Hội vừa nói không giúp ích cho ai. Tin Mừng không mới lạ, nhưng Đức Phanxicô đang phát biểu nó một cách mới mẻ và đang gây hứng cho nhiều người trên khắp thế giới; những người này cho rằng “đúng, đấy mới là Giáo Hội”. Quả là một hồng phúc đối với chúng ta.Ta sẽ thấy ngài làm gì. Ngài chỉ mới là giáo hoàng có hai năm, chưa lâu la gì.

Nhờ làm việc gần gũi với ngài, ĐHY có thể cho chúng con biết điều gì về ĐGH Phanxicô, về con người của ngài?

Ngài là người chân chính. Thoải mái, bình thản. Ở tuổi của ngài, ngài không cần phải đạt thêm điều gì nữa hay chứng minh mình là ai nữa. Ngài rất rõ ràng và cởi mở, không một chú tự đắc. Và mạnh mẽ. Không hề yếu đuối, rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ phân tích cá tính của ĐGH không quan trọng bao nhiêu, nhưng tôi hiểu người ta lưu ý tới việc đó.

Điều rất đáng lưu ý là cùng với ngài, ta sẽ khai triển ra sao con đường tiến tới cho Giáo Hội. Thí dụ, ngài viết trong “Niềm Vui Tin Mừng” về mối tương quan giữa trung tâm Rôma và các hội đồng giám mục, và cả về công việc mục vụ tại các giáo xứ nữa, các Giáo Hội địa phương và đặc điểm của các THĐ. Những điểm này rất quan trọng đối với tương lai Giáo Hội. Điều cũng quan trọng là chúng ta có một vị giáo hoàng. Hiện nay, mọi người trên thế giới đều nói về GHCG, không hoàn toàn tích cực, nhưng phần lớn tích cực.

Nên, quả Chúa Kitô rất tuyệt vời khi tạo ra tòa Phêrô. Ta thấy điều đó. Nhưng không có nghĩa là trung ương tập quyền. Tôi có thưa với ĐGH: “Một định chế tập quyền không phải là một định chế mạnh. Nó là một định chế yếu”. Công Đồng Vatican II bắt đầu thiết lập một thế quân bình mới giữa trung tâm và Giáo Hội địa phương, vì 50 năm trước đây, các ngài đã nhìn ra buổi khởi đầu của Giáo Hội hoàn vũ. Tuy nhiên Công Đồng ấy đã không đạt tới Giáo Hội này. Chúng ta phải làm cho nó xẩy ra lần đầu tiên. Ngày nay, 50 năm sau, chúng ta thấy rõ Giáo Hội cần phải trở nên ra sao trong một thế giới hoàn cầu hóa, một Giáo Hội phổ quát, hoàn cầu hóa. Chúng ta chưa tổ chức được nó một cách đầy đủ. Đây là trách vụ vĩ đại của thế kỷ này. Trung ương tập quyền là một cám dỗ, nhưng nó sẽ không vận hành được. Thách đố khác là tìm ra cách giải thích đức tin tại những nơi khác nhau trên thế giới. Các THĐ và các Giáo Hội địa phương có thể làm gì cùng với Rôma? Làm sao làm được điều này một cách tốt đẹp?

Hai vấn đề tại THĐ hiện nay là các người Công Giáo ly dị và tái hôn, và người đồng tính, nhất là những người hiện sống trong các mối liên hệ. ĐHY có cơ hội trực tiếp lắng nghe những người CG này trong thừa tác vụ hiện nay của ĐHY hay không?

Tôi từng là linh mục 35 năm. Vấn đề này không mới mẻ gì. Tôi có cảm tưởng rằng chúng ta còn nhiều việc phải làm trong lãnh vực thần học, không những liên quan tới vấn đề ly dị mà còn liên hệ tới nền thần học hôn nhân nữa. Tôi rất ngạc nhiên khi một số người có thể cho rằng mọi sự đều rõ ràng trong chủ đề này. Sự việc chẳng có gì rõ ràng cả. Vấn đề không phải là việc tín lý của Giáo Hội cần được xác định bời thời hiện đại. Đây là vấn đề aggiornamento, phải đề cập đến nó cách nào đó để người ta có thể hiểu, và luôn thích ứng tín lý của chúng ta vào Tin Mừng, vào thần học, ngõ hầu tìm được ý nghĩa mới của điều Chúa Giêsu ngỏ với ta, ý nghĩa của truyền thống Giáo Hội và truyền thống thần học v.v… Còn nhiều việc cần phải làm.

Tôi có nói chuyện với nhiều nhà chuyên môn, giáo luật gia và thần học gia; họ nhìn nhận nhiều câu hỏi liên quan tới tính bí tích và tính thành sự của các cuộc hôn nhân. Một câu hỏi là: ta có thể làm gì khi một người kết hôn, sau đó ly dị rồi tìm được người bạn đời mới? Có nhiều chủ trương khác nhau. Tại THĐ, một số giám mục nói rằng “họ sống trong tội lỗi”. Cha thấy đó, có những câu hỏi ta phải bàn tới. Chúng tôi có mở một cuộc thảo luận tại HĐGM Đức. Văn bản của nó nay đã được công bố. Tôi nghĩ đây là một văn bản rất tốt và là một đóng góp tốt cho THĐ.

Điều rất quan trọng là THĐ không có não trạng “tất cả hay không gì cả”. Cách này không hay. THĐ không thể có kẻ thắng người thua. Đó không phải là tinh thần của THĐ. Tinh thần của THĐ là tìm đường với nhau, chứ không phải nói “Tôi phải tìm cách nào làm cho chủ trương của tôi thắng thế?” Mà đúng hơn: “Làm sao tôi hiểu được chủ trương của người khác và làm sao chúng tôi cùng nhau tìm được một chủ trương mới?”. Đó mới là tinh thần của THĐ.

Cho nên, điều rất quan trọng là ta phải làm việc dựa trên các câu hỏi trên. Tôi hy vọng ĐGH sẽ gợi hứng cho THĐ. THĐ không thể quyết định; chỉ có công đồng hay ĐGH mới có thể quyết định. Những câu hỏi trên cũng phải được hiểu trong một bối cảnh rộng rãi hơn. Trách vụ là giúp người ta sống. Theo “Niềm Vui Tin Mừng”, đây không hẳn là vấn đề phải bảo vệ chân lý cách nào. Mà là vấn đề giúp người ta tìm thấy chân lý. Điếu đó mới quan trọng.

Thánh Thể và hòa giải là điều cần thiết đối với người ta. Ta nói với ai đó: “bạn sẽ không bao giờ được hòa giải cho tới khi chết”. Điều này không thể tin được nếu cha thấy rõ hoàn cảnh. Tôi xin đưa ra một thí dụ. Trong tinh thần “Niềm Vui Tin Mừng”, ta phải nhìn ra Thánh Thể là thuốc chữa đối với người ta, để giúp người ta. Ta phải tìm cách để người ta được Rước Lễ. Chứ không phải tìm cách ngăn cấm họ! Ta phải tìm cách chào đón họ. Ta phải dùng óc tưởng tượng để đặt câu hỏi: “Ta có thể làm được điều gì chăng?”. Trong một số tình huống, có thể ta không làm gì được. Đó là vấn đề. Tập chú phải là: làm thế nào chào đón người ta.

Tại THĐ, ĐHY nhắc tới “trường hợp hai người đồng tính sống với nhau đã 35 năm và chăm sóc cho nhau, ngay cả lúc cuối đời” và hỏi “Làm sao tôi có thể bảo sự kiện này là vô giá trị được?” ĐHY đã học được gì từ các liên hệ như thế và liệu cái học đó có một ảnh hưởng gì tới nền đạo đức học tính dục ngày nay không?

Khi nói tới đạo đức học tính dục, có lẽ ta không nên bắt đầu với việc ngủ chung, mà nên nói tới tình yêu, lòng chung thủy và việc mưu cầu một mối liên hệ suốt đời. Tôi ngạc nhiên khi thấy phần lớn người trẻ, kể cả các người Công Giáo thực hành đồng tính, muốn có một liên hệ kéo dài mãi mãi. Tín lý của Giáo Hội không xa lạ gì đối với người ta. Nó đúng. Ta phải bắt đầu với những điểm chính của tín lý, mới thấy được giấc mơ: giấc mơ là có một người nào đó, một người đàn ông và một người đàn bà chẳng hạn, để nói “con và con, mãi mãi. Vâng, con và con mãi mãi”. Còn Giáo Hội chúng ta thì nói: “Đúng, điều đó tuyệt đối đúng. Viễn kiến của các con đúng!”. Nhưng rồi thất bại xẩy ra. Họ đã tìm được người, nhưng lại không thành công cho lắm. Nhưng lòng chung thủy trọn đời là điều đúng và tốt lành.

Giáo Hội dạy rằng mối liên hệ đồng tính không ở cùng một bình diện với mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Điều này rõ ràng. Nhưng khi họ trung thành với nhau, khi họ dấn thân cho người nghèo, khi họ cố gắng, thì ta không thể nói “mọi điều các con làm đều tiêu cực, vì các con là người đồng tính”. Phải nói điều này ra, và tôi không thấy ai phản đối cả. Ta không thể nhìn một người từ một điểm nhìn duy nhất mà thôi, mà không nhìn toàn diện tình huống của họ. Đây là điều rất quan trọng đối với đạo đức học tính dục.

Điều trên cũng đúng đối với những người sống chung với nhau nhưng sau này mới kết hôn, hay chỉ trung thành với nhau trong một cuộc hôn nhân phần đời. Ta không thể nói: mối liên hệ của họ là hoàn toàn tiêu cực nếu họ trung thành với nhau, và họ chờ đợi, đặt kế hoạch cho đời họ, và sau 10 năm tìm được cách để đến với bí tích. Khi có thể, ta phải giúp những cặp này tìm được sự thành toàn trong bí tích hôn nhân. Tại THĐ, khi thảo luận vấn đề này, nó đã được nhiều nghị phụ chia sẻ. Ý kiến này không đơn độc.

Mới tháng rồi, Đức Cha Johan Bonny của Antwerp, Bỉ, nói rằng Giáo Hội nên nhìn nhận “tính đa dạng trong các hình thức (kết hôn)” và nên chúc lành cho một số liên hệ đồng tính dựa trên các giá trị yêu thương, trung thành và dấn thân này. Có phải là điều quan trọng để Giáo Hội thảo luận các khả thể này không?

Tại THĐ, tôi nói rằng ĐGH Phaolô VI có một viễn kiến vĩ đại trong “Humanae Vitae” (Sự Sống Con Người). Mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà rất quan trọng. Liên hệ tính dục trong một mối liên hệ trung thành được đặt cơ sở trên mối liên kết với sinh sản, với việc hiến tặng yêu đương, tính dục và chào đón sự sống. Đức Phaolô VI tin rằng mối liên kết này có thể bị tiêu hủy. Ngài rất đúng; cha hãy xét mọi vấn đề liên quan tới y khoa sinh sản v.v… Ta không thể loại bỏ mẫu thức vĩ đại về tính dục này, để cho rằng “ta có sự đa dạng” hay “mọi người đều có quyền…” Ý nghĩa lớn lao của tính dục là mối tương quan giữa một người đàn ông và một người đàn bà và việc chào đón sự hiến sinh. Trên đây tôi cũng đã nhắc đến vấn đề đồng hành với người ta, để thấy họ làm gì trong đời sống họ và trong tình huống bản thân họ.

Các Giáo Hội Công Giáo và Thệ Phản mừng kỷ niệm 500 phong trào Cải Cách ra sao trong năm 2017? Đâu là các khả thể cho một cuộc hợp tác lớn hơn giữa các Giáo Hội của chúng ta?

Tại Đức và trên bình diện Tòa Thánh, chúng ta đang đi đúng đường với Liên Đoàn Luthêrô Thế Giới, trong việc tham gia các cuộc kỷ niệm chung vào dịp này. Trong GHCG, ta không thể “cử hành” việc kỷ niệm này được, vì việc Giáo Hội bị chia sẻ trong các thế kỷ này đâu phải là việc tốt đẹp gì. Nhưng ta phải hàn gắn các ký ức của chúng ta, một điều quan trọng và là một bước tiến tới tốt đẹp trong mối liên hệ của chúng ta. Ở Đức, tôi rất vui khi các vị đứng đầu Giáo Hội Thệ Phản cho biết rõ các vị không muốn cử hành việc kỷ niệm này mà không có người CG. Cách nay 100 năm, ngay cả 50 trước đây, không một giám mục Thệ Phản nào dám nói “tôi chỉ cử hành khi có sự hiện diện của người Công Giáo”. Thành thử, chúng tôi đang đặt kế hoạch cho dịp này. “Hàn gắn ký ức” sẽ là (lý do) để cử hành chung với nhau.

Ở Đức, các vị đứng đầu các Giáo Hội Thệ Phản và Công Giáo cũng sẽ thực hiện cuộc hành hương qua Đất Thánh, trở về nguồn cội của chúng ta. Chúng ta sẽ thực hiện một cuộc cử hành lớn hơn không phải vì Martin Luther mà vì Chúa Kitô, một cuộc cử hành Chúa Kitô biết nhìn về phía trước: Chứng tá của ta hiện nay là gì, hiện nay ta có thể làm gì, đâu là tương lai của đức tin Kitô Giáo, và ta có thể cùng nhau làm được gì. Đó là các kế hoạch của chúng tôi để đánh dấu lễ kỷ niệm 500 năm.

ĐGH Phanxicô từng kêu gọi phải dành vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội. ĐHY nghĩ điều gì có thể xẩy ra? Điều gì giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh của mình cách trọn vẹn?

Tản quyền là điều rất quan trọng trong Giáo Triều Rôma và việc cai quản các giáo phận. Ta phải nhìn vào giáo luật và suy nghĩ về phương diện thần học xem ta đòi hỏi vai trò nào nơi các linh mục; và sau đó, mọi vai trò khác, theo nghĩa rộng rãi nhất, cần được mở rộng cho giáo dân, cả nam lẫn nữ, nhất là nữ. Trong việc cai quả Tòa Thánh, không cần các giáo sĩ phải hướng dẫn mọi bộ sở, hội đồng và phân ngành. Điều đáng tiếc là không có phụ nữ nào trong hàng ngũ giáo dân tại Hội Đồng về Kinh Tế. Các chuyên viên đã được chọn trước khi tôi là phối trí viên, nhưng tôi sẽ tìm kiếm các phụ nữ để phục vụ trong vai trò này.

Ở Vatican, lần đầu tiên từ trước tới nay, hội đồng của chúng tôi có tín hữu giáo dân với cùng trách nhiệm và quyền lợi như các Hồng Y. Xem ra không hẳn là chuyện lớn lao gì, nhưng những chuyện lớn lao thường bắt đầu bằng những bước nhỏ, không đúng sao?

Tại giáo phận tôi, tôi nói điều này và nhắc đi nhắc lại điều này rằng: xin anh chị em hãy xét xem anh chị em có thể làm gì để đưa người giáo dân, nhất là phụ nữ, vào những chức vụ có trách nhiệm trong việc cai quản giáo phận. Chúng tôi có đưa ra một kế hoạch để GHCG tại Đức dành nhiều chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở quản trị của giáo phận cho phụ nữ. Trong ba năm, chúng tôi sẽ duyệt lại xem mình đã làm được những gì.

Về vấn đề này, chúng ta phải đưa ra một cố gắng lớn cho tương lai, không những có tính hiện đại hay bắt chước thế gian nhưng vì hiểu ra rằng loại bỏ phụ nữ không phải là tinh thần của Tin Mừng. Đôi khi, việc phát triển thế giới cho ta một gợi ý: vox temporis vox Dei (tiếng thời đại là tiếng Thiên Chúa). Việc phát triển thế giới đem lại cho ta các dấu chỉ, các dấu chỉ thời đại. Đức Gioan XXIII và CĐ Vatican II nói: ta phải giải thích các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng. Một trong các dấu chỉ này là quyền lợi phụ nữ, là giải phóng phụ nữ. Đức Gioan XXIII nói điều này cách nay hơn 50 năm. Ta luôn trên đường thể hiện nó cách trọn vẹn.

Tiến bộ chưa có gì rõ rệt.

Đôi khi còn tệ hơn trước!

Đâu là những trở ngại cần vượt qua?

Não trạng! Não trạng! Não trạng! Và các quyết định của các vị hữu trách. Điều rõ ràng là: các giám mục phải quyết định. Các giám mục và ĐGH phải bắt đầu thay đổi. Tôi thường dự các buổi hội thảo hay học hỏi dành cho các người đứng đầu các công ty, và điều này luôn rõ ràng: các cầu thang được lau sạch từ trên xuống, chứ không từ dưới lên, từ đỉnh xuống, chứ không từ đáy lên. Thành thử các nhà lãnh đạo phải bắt đầu trước; các xếp phải bắt đầu trước. Não trạng phải thay đổi. Giáo Hội không phải là cơ sở làm ăn, nhưng các phương pháp không có gì khác nhau lắm. Ta phải làm việc theo nhóm nhiều hơn, theo các dự án. Câu hỏi là: ai có tài nguyên đẩy những ý tưởng này lên phía trước? Chứ không phải: ai thuộc hàng giáo sĩ? Thiên Chúa ban cho ta tất cả những người này, vậy mà ta dám nói “không, anh ta đâu phải giáo sĩ, anh ta không thể làm công việc này”. Hoặc: “ý tưởng của anh ta không quan trọng lắm”. Điều này không thể chấp nhận được. Không, không, không.

ĐGH Phanxicô sẽ thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Hoa Kỳ vào tháng Chín. ĐHY có hy vọng gì đối với cuộc viếng thăm này?

Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng của ĐGH trong việc đem người ta lại với nhau và gợi hứng cho họ. Tôi hy vọng dân chúng Hoa Kỳ cũng sẽ cảm nghiệm được điều đó. Một trong các trách vụ và thách đố chính đối với một giám mục, và đối với ĐGH, là đem người ta lại với nhau và thống nhất hóa thế giới. Giáo Hội là instrumentum unitatis, một dụng cụ và là bí tích của hợp nhất giữa người ta và giữa Thiên Chúa và người ta. Tôi hy vọng rằng khi ĐGH viếng thăm Hoa Kỳ, và có thể cả Liên Hiệp Quốc nữa, Giáo Hội có thể chứng minh cho thế giới thấy Giáo Hội sẽ luôn là dụng cụ không phải cho chính mình mà cho sự hợp nhất các quốc gia và thế giới.
 
Diện mạo của những người bước vào đời thánh hiến tại Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
13:15 16/02/2015
Thống kê của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho thấy tuổi trung bình của người khấn vĩnh viễn đời thánh hiến vào năm 2014 là 37 tuổi, thuộc gia đình đạo gốc, có ba hoặc nhiều hơn anh chị em ruột. Họ là những người thường xuyên cầu nguyện với kinh Mân Côi và thường tham dự những buổi chầu Thánh Thể trước khi bước vào đời sống tu trì.

Một số đông đã từng theo học tại các trường Công Giáo hay được dạy ở nhà.

Thống kê hàng năm này đã được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ gọi tắt là CARA thực hiện với sự tham gia của 454 bề trên các dòng tu và hiệp hội đời sống thánh hiến tại Hoa Kỳ.
Trong năm 2014, có 190 nam nữ tu sĩ khấn khấn vĩnh viễn. Trong số 190 vị này, có 41 nam tu sĩ và 77 nữ tu đã trả lời các phiếu khảo sát.

86% các dòng tu và hiệp hội đời sống thánh hiến tại Hoa Kỳ báo cáo không có ai khấn trọn trong năm 2014. Trong 14% còn lại có 6% các cơ sở có từ 2 vị trở lên đã khấn trọn trong năm qua.
21% các vị khấn trọn trong năm qua xuất thân từ các gia đình có năm hoặc nhiều hơn anh chị em; 15% có bốn anh chị em, 20% có ba anh chị em ruột, 24% có hai anh chị em ruột, 12% có một anh chị em, và 8% không có anh chị em ruột nào.
32% là con trai cả trong gia đình, trong khi 25% là con út.
14% là những người mới theo đạo Công Giáo ở tuổi trung bình là 24
83% cho biết cả hai cha mẹ là người Công Giáo, và 31% nói rằng họ có một người thân là người một linh mục hay nữ tu.
67% là người da trắng, trong khi 14% là người châu Á và 15% là Tây Ban Nha; 3% là người Mỹ gốc Phi, và 1% là người Mỹ bản xứ. Trong số 14% những người châu Á, đông nhất là người gốc Việt.
76% đã được sinh ra tại Mỹ.
42% theo học một trường tiểu học Công Giáo, trong khi 31% học một trường trung học Công Giáo và 34% theo học một trường đại học Công Giáo; 59% tham gia vào các chương trình giáo dục tôn giáo nơi giáo xứ
18% có những bằng cấp trên đại học trước khi bước vào đời sống tu trì, trong khi 50% có bằng cử nhân; 61% đã được làm việc toàn thời gian, và 27% làm việc bán thời gian, trước khi đi tu.
21% đã từng tham dự những ngày Giới Trẻ Thế Giới, và 5% đã tham gia vào một Hội nghị Thanh niên Công Giáo toàn quốc gia
 
Nạn nhân bị khủng bố Hồi Giáo đánh đập tàn tệ trở thành Giám Mục Baghdad
Nguyễn Việt Nam
01:11 16/02/2015
Cha Basel Salim Yaldo, một linh mục Công Giáo nghi lễ Chanđê, 44 tuổi, sinh tại Iraq và gần đây vẫn hoạt động mục vụ tại thành phố Detroit, Hoa Kỳ vừa được thụ phong giám mục tại Baghdad hôm 6 tháng 2 vừa qua. Ngài là Giám Mục phụ tá của tổng giáo phận Công Giáo Chanđê của thủ đô Baghdad.

Năm 2006, ngài đã từng bị khủng bố Hồi Giáo bắt cóc tại Iraq, bị đánh đập dã man nhưng may mắn được giải thoát ba ngày sau đó.

Những thử thách "đã đưa tôi đến gần Chúa và củng cố đức tin của tôi," Đức Tân Giám Mục nói. "Nó cũng đã thúc đẩy tôi phải nghiêm túc hơn và dấn thân nhiều hơn cho Giáo Hội tại Iraq. Trinh Nữ Maria, là Đấng đã cứu giúp tôi khi tôi bị bắt cóc, sẽ giúp tôi trong sứ vụ tại chính quê hương mình. "
 
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015: Ý nghĩa tính dục con người
TGP Philadelphia
10:56 16/02/2015
TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO


Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

BÀI BA: Ý NGHĨA TÍNH DỤC CON NGƯỜI

Thế giới vật chất hữu hình trần thế này không chỉ là một chất liệu bất động hay một thứ vật liệu đất sét làm nên ý chí con người. Tạo thành này là thánh thiêng và mang ý nghĩa bí tích. Tạo thành phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Nó bao gồm cả thân xác chúng ta. Tính dục của chúng ta có năng lực truyền sinh, và thông phần phẩm giá của hiện hữu được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta cần phải sống cho phù hợp với phẩm giá đó.

Thế giới vật chất tự nhiên tràn đầy sự thiện hảo thiêng liêng

37. Đức tin Công Giáo luôn là một tín ngưỡng gắn chặt với thế giới “vật lý” này. Thánh Kinh mở đầu trong một khu vườn và kết thúc với một bữa tiệc[1]. Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, bảo rằng nó tốt đẹp, và chính Ngài đã đi vào lịch sử thế giới ấy. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và trở nên một người trong chúng ta. Trong các bí tích, vật chất được thánh hiến và trở thành dấu chỉ hữu hình của ân sủng. Bánh và rượu, nước, dầu của đời thường và sự đụng chạm của bàn tay con người, tất cả là những cách thức cụ thể nhờ đó Thiên Chúa hiện diện thực sự và hiệu quả.

38. Chúng ta tin các việc bác ái chạm tới thân xác. Khi chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư nương náu, chăm sóc người đau yếu, thăm viếng kẻ tù rạc, hay chôn xác kẻ chết, đó là chúng ta thực sự phục vụ chính Chúa Giêsu (Mt 25,31-40). Chúng ta tin tưởng tạo thành Thiên Chúa đã dựng nên thì tốt lành (St 1,4-31). Niềm tin tưởng ấy thấm sâu vào trong tâm trí người Công Giáo. Người ta thấy được điều ấy nơi nghệ thuật và kiến trúc, các chu kỳ mừng lễ và chay tịnh trong lịch phụng vụ, cũng như trong thực hành đạo đức bình dân và các á bí tích.

Tính dục con người, nam cũng như nữ, dự phần vào cùng đích thiêng liêng của chúng ta

39. Thế giới tạo thành vật chất này có một ý nghĩa thiêng liêng, từ đó có liên hệ tới cách ta sống giới tính của mình, như một người nam và một người nữ. Tính dục của chúng ta có một mục đích. Thân xác chúng ta không đơn thuần là những vỏ sò chứa đựng linh hồn hay những bộ phận hữu giác của não bộ. Cũng chẳng phải là thứ nguyên liệu thô sơ mà chúng ta có thể tùy nghi lạm dụng hay lập trình trở lại. Đối với người Kitô hữu, thân xác và tinh thần được hội nhập với nhau cách sâu xa. Mỗi con người là một đơn vị thống nhất gồm thân xác và linh hồn. Thánh nữ Hildegard Bingen viết: "Thân xác, thật sự, là đền thánh của linh hồn, cộng tác với linh hồn nhờ các giác quan, như chiếc bánh xe cối xay được nước quay tròn[2]. Thân xác có giá trị bẩm sinh là một thành phần tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Đó là phần thâm sâu của căn tính chúng ta và của cùng đích vĩnh cửu chúng ta. Hai phái tính thật sự đã hóa thân vào trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn cho con người liên thuộc vào nhau, sống thành cộng đồng và mở ra cho sự sống mới. Chúng ta không thể hạ giá hay lạm dụng thân xác mà không làm ảnh hưởng đến tinh thần.

40. Hẳn nhiên, chúng ta không luôn luôn yêu thương đúng cách. Tính dục là một yếu tố rất uy lực độc đáo trong các sinh hoạt của con người – cả mặt tốt cũng như mặt xấu. Cho nên khi tính dục bị sử dụng cách sai lạc hay vô trật tự, thì luôn là nguồn gây ra hỗn độn và tội lỗi. Dục vọng và việc hiểu biết chính mình có thể trở thành phức tạp. Căn tính của chúng ta được mạc khải nơi Chúa Giêsu và nơi kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc sống chúng ta, chứ không phải qua sự tự khẳng định bản thân vốn đã bị sa ngã.

41. Hôn nhân hiện hữu vì sự truyền sinh và sự sống hiệp thông, vì mục tiêu sinh học và giao ước của Thiên Chúa, vì tự nhiên và siêu nhiên, tất cả đều cùng nhắm tới ý nghĩa của "nhân linh". Hôn nhân hiện hữu là bởi vì chúng ta khám phá và chấp nhận, hơn là sáng chế ra hay tái thương thảo, ơn gọi trao hiến bản thân vốn gắn liền với việc được tạo dựng như là người nam và người nữ trong một giao ước. Hôn nhân là do Thiên Chúa sáng tạo bởi vì chúng ta được Thiên Chúa dựng nên, và bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để liên kết với Ngài trong giao ước của Ngài.

42. Nguồn gốc của chúng ta với hai giới tính khác nhau và bổ túc cho nhau, cũng đồng nhất và đồng thời là ơn gọi của chúng ta sống yêu thương, hiệp thông và hướng đến sự sống viên mãn[3]. Nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô: " Đây là câu chuyện tình. Đây là câu chuyện của một kiệt tác sáng thế”[4].

43. Ơn gọi sống trong tình yêu, hiệp thông và sự sống viên mãn này liên hệ đến toàn thể con người, bao gồm cả giới tính nam và nữ, cả thân xác và linh hồn của người ấy. Con người là một hữu thể đồng thời vừa hữu chất vừa thiêng liêng[5]. Thân xác, theo một nghĩa nào đó, bộc lộ ngôi vị[6]. Bởi thế, tính dục con người không bao giờ chỉ hoạt động như một chiếc máy. Sự khác biệt giới tính, vốn lộ hiện nơi thân xác, trực tiếp góp phần cho tính hôn phối của thân xác và cho khả năng yêu thương của nhân vị[7]. Ở tâm điểm của ơn gọi yêu thương này là lệnh truyền của Thiên Chúa "Hãy sinh sôi và nảy nở" (St 1,28). Do đó, cuộc phối ngẫu của đôi vợ chồng qua thân xác, do chính bản chất của thân xác, cũng là ơn gọi sống làm cha và làm mẹ[8].

44. Thật chính đáng mà nghe thấy niềm sướng vui trong lời nói của Ađam khi ông vừa thoạt nhìn thấy bà Eva: "Phen này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!"(St 2,23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ghi chú rằng, từ thuở ban đầu "người nam nhận ra người nữ như một cái ‘tôi’ khác, chia sẻ cùng một nhân tính"[9]. Người nam và người nữ chia sẻ cùng một phẩm giá như nhau do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, ban cho. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, cả yếu tố tương tự lẫn yếu tố dị biệt giữa người nam và người nữ trùng hợp với sự bổ túc giới tính, là nam và nữ, của họ cho nhau. Được Thiên Chúa tạo dựng cùng với nhau (St 1,26-27), người nam và người nữ cũng được Thiên Chúa muốn họ dành cho nhau[10]. Khác biệt giới tính là lời nhắc nhở trước hết rằng chúng ta được tạo dựng là để trao ban chính mình cho tha nhân, được hướng dẫn bởi nhân đức và tình yêu của Thiên Chúa.

45. Thánh Gioan Phaolô II thường nói đến "ý nghĩa hiệp hôn của thân xác"[11]. Ngài phản ánh giáo huấn của Công đồng Vatican II nói rằng "Tính cách là đối tác phối ngẫu của người nam và người nữ làm thành dạng thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với nhau"[12]. Nhưng sự dị biệt giới tính ghi dấu trên mọi tương quan của chúng ta, kể cả với người không kết hôn, bởi vì mỗi người chúng ta vào đời với tư cách của một người con trai hay một người con gái. Chúng ta được kêu gọi là một người anh em hay một người chị em, không chỉ đối với những người trong gia đình mình, mà còn đối với những người nghèo khó láng giềng, trong cộng đoàn, và giáo xứ mình. Căn tính nam và nữ của chúng ta là cơ sở của ơn gọi làm cha hay làm mẹ, tự nhiên hay thiêng liêng. Bằng cách đó, dị biệt giới tính mang một ý nghĩa phổ quát.

46. Bởi vì đây là một thành tố trung tâm của căn tính chúng ta, tính dục không thể tách rời khỏi ý nghĩa của nhân vị. Tính dục không bao giờ chỉ là một xung lực thể lý hay cảm xúc mà thôi. Tính dục luôn là một cái gì hơn nữa. Ước muốn tính dục cho thấy là chúng ta không bao giờ có thể tự mình là đủ cho bản thân. Chúng ta khao khát một quan hệ thân mật với một ai đó khác mình. Việc giao hợp, cho dẫu có “thất thường” như thế nào, cũng không bao giờ chỉ là một hành vi sinh lý. Thật vậy, sự ân ái, theo một nghĩa nào đó, luôn mang tính thuộc về vợ chồng, bởi vì hành vi này tạo nên một mối liên kết nhân linh, cho dù vô tình hay hữu ý. Một hành vi vợ chồng được thực hiện cách đúng đắn không bao giờ chỉ là một hành vi hưởng lạc vị kỷ. Tính dục của chúng ta có tính nhân vị và thuộc về một quan hệ thân mật, nhưng luôn luôn bao gồm một chiều kích và hậu quả xã hội. Hôn nhân bí tích không bao giờ là một sở hữu riêng tư, nhưng mở rộng ra trong tương quan với giao ước với Thiên Chúa.

Chúng ta có đạo đức tính dục vì tính dục mang một ý nghĩa thiêng liêng

47. Hai ơn gọi khác nhau biện minh cho kế hoạch của Thiên Chúa đã tạo dựng con người nam và nữ, đó là ơn gọi hôn nhân và độc thân dâng hiến. Cả hai lối sống này cùng qui về một tiền đề chung là sự thân mật tình dục giữa người nam và người nữ thuộc về bối cảnh của một giao ước và triển nở trong đó. Độc thân là cung cách mà những người không kết hôn xác nhận sự thật và vẻ đẹp của hôn nhân. Độc thân và hôn nhân đều tránh xa những hành vi tính dục sử dụng người khác theo cách như qua đường hoặc thiếu tự do. Sự tiết dục chân chính của người độc thân nhất định không phải là khinh chê tính dục, nhưng đúng hơn là tôn vinh tính dục khi muốn diễn tả sự ái ân là để phục vụ và được phục vụ bởi giao ước. Khi sống trong ánh sáng của giao ước, các người kết hôn cũng như những người độc thân đều trao hiến tính dục của mình cho cộng đồng, cho việc tạo nên một xã hội không đặt tiền đề trên ham muốn nhục dục và lạm dụng.

48. Ba chương tiếp theo đây sẽ đề cập cách chi tiết hơn về hôn nhân (chương 4 và 5) và độc thân (chương 6). Tuy nhiên cả hai lối sống ấy đều đặt nền trên lệnh truyền của Thiên Chúa phải sống nam tính và nữ tính của mình cách quảng đại và hi sinh. Cả hai lối sống đều hướng về giao ước của Thiên Chúa và đón nhận sự kiện con người được tạo dựng là nam và là nữ như là những cơ hội thụ hưởng niềm vui. Kỷ luật mà chúng ta áp đặt lên trên tình yêu của mình (kỷ luật theo giao ước) đôi khi ta cảm nhận như một gánh nặng. Nhưng chính thật đường lối ấy tôn vinh và tỏ bày ý nghĩa đích thật của tình yêu được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

49. Được tạo dựng là nam và nữ theo hình ảnh Thiên Chúa là lý do tại sao tất cả chúng ta được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Đức khiết tịnh được diễn tả bằng những cách khác nhau, tùy theo chúng ta kết hôn hay không. Nhưng đối với mọi người, khiết tịnh là khước từ sử dụng thân xác của mình hay của người khác như là một đồ vật để hưởng thụ. Khiết tịnh là một tập quán, dù là người kết hôn hay không kết hôn, sống tính dục của mình cách cao quí và với ân sủng, trong ánh sáng của các điều răn của Chúa. Tà dâm thì ngược lại với khiết tịnh. Tà dâm có nghĩa là nhìn xem tha nhân theo lối nhìn lợi dụng, như thể thân xác của người kia chỉ là để thỏa mãn một sự them khát nào đó. Khiết tịnh đích thật "không coi thường thân xác, nhưng nhìn thân xác trong các chiều kích toàn vẹn của nhân vị[13]. Khiết tịnh là sống hết sức "phù hợp" với sự thật của nhân tính vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi sống trong giao ước.

50. Hiểu theo nghĩa này, khiết tịnh là điều mọi người đều được kêu gọi thực hành. "Tất cả những ai đã được rửa tội đều được kêu gọi sống khiết tịnh ... Người kết hôn được kêu gọi sống sự khiết tịnh hôn nhân, những người khác được kêu gọi thực hành sự trinh khiết”[14]. Tình yêu khiết tịnh trong đời sống vợ chồng đặt tình dục (eros) trong bối cảnh tình yêu, sự ân cần, sự chung thủy và sự sẵn sàng đón nhận con cái. Độc thân khiết tịnh, qua việc tiết dục giữ trinh khiết nhìn nhận rằng sự thân mật tính dục thuộc về bối cảnh của tình yêu, sự ân cần và trung thành.

51. Cội nguồn giáo huấn Kitô giáo này có từ xa xưa rồi. Như thánh Ambrôsiô đã viết từ thế kỷ thứ IV: “Có ba hình thức của nhân đức khiết tịnh: cách thứ nhất là của vợ chồng, cách thứ hai là của người góa bụa, và cách thứ ba là của người đồng trinh. Chúng ta không khen ngợi bất cứ hình thức nào để mà loại trừ hình thức khác... Đây là điều làm nên sự phong phú của kỷ luật Hội thánh”[15].

52. Làm sao sống giáo huấn này cách cụ thể trong đời sống hôn nhân hay độc thân và trong những hoàn cảnh đôi khi khó khăn của thời nay nhiệm vụ này sẽ hướng dẫn chúng ta trong phần còn lại của tập giáo lý này.

53. Thiên Chúa đã tạo dựng toàn thể thế giới vật chất này vì yêu thương chúng ta. Mọi sự chúng ta nhìn thấy và chạm đến, kể cả thân xác nam và nữ của chúng ta, tất cả đều được dựng nên cho giao ước của Thiên Chúa. Chúng ta không luôn luôn yêu thương đúng theo cách phải làm, nhưng chuẩn mực tình yêu của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta và kêu gọi chúng ta trở về với bản tính chân thật của mình. Đời sống hôn nhân và đời sống độc thân dâng hiến là hai cung cách cùng sống với nhau như là người nam và người nữ trong ánh sáng của giao ước Thiên Chúa, và vì thế, hôn nhân và độc thân cả hai đều được xem là những lối sống khiết tịnh.

Câu Hỏi Thảo Luận

a. Tại sao người Công Giáo vui hưởng và quý trọng thế giới tự nhiên, hữu hình nhiều đến vậy? Hãy nghĩ đến mọi cái đẹp, như thiên nhiên, thân xác, thức ăn, hay một tác phẩm nghệ thuật - Tại sao các thứ này quan trọng như thế trong truyền thống Công Giáo?

b. Mục đích của tạo thành này là gì? Phải chăng thế giới vật chất là như một phiến đá trống mà chúng ta tự do quản trị hay khai thác tùy sở thích?

c. Những thứ như sự nghỉ ngơi, thực phẩm, lạc thú và cái đẹp đều hấp dẫn. Nhưng đôi khi chúng ta ham thích hay ước muốn chúng một cách quá mức cần thiết. Làm sao chúng ta có thể biết khi nào một ham muốn là chính đáng và tốt lành? Làm sao chúng ta có thể quí chuộng và vui hưởng các tạo vật cũng như thân xác của mình trong đời sống hàng ngày?

d. Tại sao các thực hành Công Giáo theo truyền thống bao gồm cả việc ăn mừng và ăn chay? cả đời độc thân và đời hôn nhân?

[1] Cf. GLHTCG, 1602. Cf. Kh 19,7; St 1,26-27.
[2] Thánh Hildegard of Bingen, Explanatio Symboli Sancti Athanasii in Patrologia Latina 197, 1073. Cf. 1Cr, 6,19.
[3] Cf. GLHTCG, 2331, và FC, 11.
[4] ĐGH Phanxicô, Bài giảng lễ tại Nhà nguyện Santa Marta “Khi một tình yêu gặp thất bại” , L’Osservatore Romano (28.02.2014).
[5] Cf. GLHTCG, 362.
[6] Cf. ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo lý thứ tư Thần học về thân xác (09.01.1980).
[7] Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Về sự hợp tác giữa người nam và người nữ (2004), 8.
[8] Cf. ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae (HV) (1968), 12.
[9] Cf. GLHTCG, 371.
[10] Cf. GLHTCG, 371.
[11] Cf. ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo lý thứ tư Thần học về thân xác (02.01.1980).
[12] GS, 12.
[13] Karol Wojtyla, Love and Responsibility (Ignatius Press 1993), 171.
[14] GLHTCG, 2348-2349. Cf. Ambrose, De viduis 4.23.
[15] GLHTCG, 2349.
 
Thần học và các đề nghị cải tổ giáo triều mới đây
Vũ Van An
19:33 16/02/2015
Ký giả kiêm thần học gia Andrea Gagliarducci, khi nhận xét về những đề nghị cải tổ Giáo Triều mới đây, cho rằng cuộc cải tổ này sẽ không thoả mãn được tiêu chuẩn của mọi người, kể cả những người được coi là cấp tiến. Nhiều người cho diễn trình này quá chậm chạp.

Chậm chạp hay không thì còn tùy, nhưng rõ ràng là thận trọng. Căn cứ vào những gì mới được công bố, người ta thấy có việc thiết lập các “siêu” thánh bộ “để thử nghiệm” trong khi chờ đợi việc soạn thảo tân hiến chế mục vụ để điều hành các chức năng của Giáo Triều. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian nữa.

Tìm hiểu vấn đề, Gagliarducci cho rằng việc thận trọng này, một phần, có thể do sự đề kháng của một số giới mà có lần chính những vị ủng hộ diễn trình cải tổ đã lớn tiếng nêu ra. Nhưng, theo ký giả này, mạnh nhất có thể là vì chính Đức Phanxicô chưa bao giờ có một kế hoạch canh tân Giáo Hội. Ngài không hề muốn thay đổi các học thuyết hiện hành của Giáo Hội. Ngài chỉ nghĩ tới nhu cầu phải có một phương thức nhiều tính mục vụ hơn thôi. Chính những vị Hồng Y ủng hộ ngài trong cuộc bầu giáo hoàng vừa qua, khi được đề cử vào các vai trò cố vấn quan trọng, đã cổ vũ các nghị trình riêng. Và các nghị trình này gặp đề kháng vì không hẳn phản ảnh viễn kiến chung.

Người ta có thể đọc được các điều trên do sự kiện: lúc khai mạc công nghị Hồng Y đoàn, Đức Phanxicô yêu cầu sự hợp tác của mọi người. Ngài nhấn mạnh rằng cuộc cải tổ tự nó không phải là một cùng đích, mà chỉ nhằm phát huy sự hợp nhất giữa các cơ quan của Giáo Triều. Ngài cũng nhắc các vị Hồng Y nhớ rằng yêu cầu cải tổ phát xuất từ các cuộc họp trước khi có mật nghị bầu giáo hoàng. Đây là một sự tế nhị để nhấn mạnh rằng ngài chỉ thi hành một ủy nhiệm đã được trao phó.

Ủy nhiệm ấy là gì? Lúc ấy, rất nhiều vị Hồng Y than phiền việc thiếu truyền đạt với Rôma và Giáo Triều quá tập trung quyền hành. Lời than phiền này càng được biện minh bằng những tai tiếng như Vatileaks (rì rỏ “tin mật” của Vatican) hay các chiến dịch có sắp xếp khéo léo nhằm chống lại Tòa Thánh như các tai tiếng ấu dâm.

Cụ thể là cần phải đổi mới hình ảnh của Giáo Hội. Muốn thế thì cần phải hiểu điều gì không ổn trong tính hợp đoàn mà Đức Bênêđíctô XVI vốn kêu gọi phải dùng như một khí cụ để làm việc. Hợp đoàn chỉ vận hành được, khi mọi người đồng ý. Nếu có ai đó chống đối, thì hiển nhiên diễn trình đổi mới sẽ chậm hẳn lại. Các trở ngại thường chỉ là những viên sỏi nhỏ đặt vào bộ máy đồng hồ: chúng không làm ngưng chiếc đồng hồ, nhưng làm nó chậm lại cho tới khi ngưng chạy.

Do đó, những viên sỏi nhỏ kia cần được lấy khỏi bộ máy để cải tiến sự vận hành của nó. Hai danh từ thích hợp trong diễn trình này là hợp lý hóa và phụ đới. Cần phải đưa ra các điều chỉnh về chức năng, hơn là nhằm chấm dứt một thời đại và khởi đầu một thời đại mới.

Sự thực là: có một số vị Hồng Y muốn thấy một thời đại mới, nhất là trong số các giáo phẩm Đức. Ở nước này, thần học chịu ảnh hưởng nặng của Đức HY Kasper và thầy dạy của ngài là Karl Rahner, chứ không hẳn của Đức HY Joseph Ratzinger.

Vị Hồng Y sau chưa bao giờ lập ra một trường phái nào. Ngài chỉ dẫn khởi một phương pháp mới. Sự hiện diện của ngài ở Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã từng bước thanh tẩy tư duy thần học khỏi não trạng thế trần, như nền Thần Học Giải Phóng chẳng hạn, tức nền thần học của Leonardo Boff, sau khi ông này gặp nó ở Đức; kỷ luật mới dành cho người ly dị và tái hôn do các giám mục Đức vùng Sông Rhine thúc đẩy; và một số trước tác liên tôn mà thực tế là bác bỏ thiên tính của Chúa Giêsu, không coi Người là Đấng Cứu Thế duy nhất.

Với công trình thần học trong nhiều năm và đầy khôn ngoan của Đức HY Ratzinger, ba trường phái trên đã phải lui vào bóng tối. Trường phái Kasper, chỉ trong vài năm, đã gần như chết yểu. Nhưng giờ đây xem ra đang được truyền thông lưu ý trở lại.

Trong khi ấy, có vấn đề Châu Mỹ La Tinh mà vấn đề lớn hơn cả là vấn đề giáo lý. Làn sóng người Công Giáo chạy qua Phái Ngũ Tuần phần lớn do thiếu tín lý chắc chắn. Người ta chạy tới với Giáo Hội Công Giáo phần lớn để được hưởng lợi ích xã hội, còn việc thờ phượng , họ chạy tới với Phái Ngũ Tuần! Thần Học Giái Phóng rất có thể đã góp phần vào xu hướng này. Nhưng xu hướng này rõ ràng cũng được nuôi dưỡng bởi một “thuyết duy mục vụ” nào đó, rất thịnh hành trong thập niên 1970. Những người theo thuyết này cho rằng nhu cầu chính là phải tới với dân chúng và gần gũi họ nhiều hơn, còn tín lý sẽ đến sau, khi người ta đã được lôi cuốn vào Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vốn cũng đã đề cập tới chủ đề này. Sau này, ngài cũng đã chọn phương thức phúc âm hóa dựa trên sự gần gũi, nhưng là một việc phúc âm hóa lúc nào cũng tập chú vào sự thật.

Việc thanh tẩy Giáo Hội khỏi các giải thích thần học sai lạc vốn đã được khởi sự từ thời Đức Phaolô VI với Kinh Tin Kính Của Dân Chúa. Thánh GH Gioan Phaolô II đẩy xa hơn nữa việc thanh tẩy này nhằm giải quyết các cuộc tranh luận thần học phát sinh trong thời kỳ hậu công đồng. Sau lưng vị giáo hoàng du hành này, nhiều cột trụ thần học đã xuất hiện với mục tiêu lên khuôn thế giới bằng sứ cmạnh của chân lý. Ta thường chỉ nhớ Thánh GH Gioan Phaolô II được truyền thông mộ mến vào những năm tháng cuối đời, lúc ngài bệnh hoạn. Chứ ít khi nhớ tới những năm đầu làm giáo hoàng của ngài, khi người ta than phiền các ý tưởng và cung cách cai quản quyết đoán của ngài.

Thực ra, trong suốt 27 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã cố gắng cân bằng các chủ trương. Tuy nhiên, về cuối đời, ngài không đích thân đưa ra các quyết định nữa, mà chỉ phê chuẩn các quyết định của người khác thôi. Đây là lý do khiến cho có nhiều khuynh hướng khác nhau trong các vị Hồng Y do ngài bổ nhiệm.

Gagliarducci cho rằng các vị Hồng Y được coi là ủng hộ Đức HY Bergoglio tại mật nghị bầu giáo hoàng phần lớn thuộc “phe tả” trong Giáo Hội, những vị được “ngoại vi” yêu mến, và được chính Đức Gioan Phaolô II phần nào hỗ trợ, nhưng đã bị Đức Bênêđíctô XVI cho ra rìa.

Nhìn dưới khía cạnh trên, người ta thấy rõ đà thúc đẩy cho điều được nhiều người coi là cách mạng hiện nay phát sinh từ nhu cầu có tính thế hệ. Những vị ủng hộ cuộc cách mạng này nay đã già, một số vị gần tới tuổi hồi hưu, một số vị đã quá tuổi này. Các vị cần gấp rút!

Chính vì thế, có sự thúc đẩy Đức Phanxicô làm “cách mạng”. Các vị này biết ngài không thích các cơ cấu rềnh ràng, nhưng thích hành động trong tư cách ngôi thứ nhất; không thích diễn trình tranh luận lớn lao để sau đó ban hành các văn kiện quan trọng, vì lúc còn là TGM Buenos Aires, ngài vốn không muốn mở công đồng giáo phận.

Nhưng trong công nghị Hồng Y vừa qua, cuộc cách mạng trên xem ra có sự ngưng đọng vì trong số hơn 100 đề nghị do Hội Đồng Hồng Y thu lượm trong hơn 50 phiên họp, HĐ chỉ đưa ra được một đề nghị lập ra hai siêu thánh bộ, mỗi thánh bộ gồm 5 văn phòng, để tổng hợp 12 hội đồng giáo hoàng vào hai cơ cấu mà thôi.

Hội Đồng Hồng Y cũng thảo luận việc lập ra một thánh bộ mới, có lẽ sẽ mang tên Văn Phòng Truyền Thông, để thay thế mọi phương tiện truyền thông của Tòa Thánh bằng một cơ quan quản trị duy nhất. Thánh bộ mới này cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp và thống nhất hóa các nội dung của truyền thông Tòa Thánh.

Vì Văn Phòng Truyền Thông ít nhất sẽ lấy đi một số năng quyền của HĐ Giáo Hoàng về Văn Hóa, nên vị chủ tịch của Hội Đồng này, Đức HY Gianfranco Ravasi, đề nghị lập ra Thánh Bộ Văn Hóa để phối hợp Thư Viện Vatican, Văn Khố Mật Vatican và Các Viện Bảo Tàng Vatican.

Cuối cùng, cũng đang có cuộc cải tổ liên tục tại Hội Đồng Kinh Tế và Văn Phòng Kinh Tế, với trách vụ thống nhất hóa bản cân bằng chi thu của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican.

Vấn đề thực sự ở đây là nhiều dự thảo cải tổ này bao gồm lẫn lộn nhiều năng quyền khác nhau. Các cuộc thảo luận tại công nghị Hồng Y vừa qua tập chú vào việc hiểu rõ các hội đồng giám mục có thể đảm nhiệm những năng quyền nào hiện do các hội đồng giáo hoàng và các thánh bộ phụ trách. Một vấn đề khác đang được duyệt xét là đề nghị biến Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng thành một cơ cấu quản trị, vì Đức Phanxicô hay nói tới tính công đồng (synodality). Cũng đang có cuộc tranh luận về sự mơ hồ giữa Thị Quốc Vatican và Tòa Thánh.

Điều đáng lưu ý là: hôm trước khi có Hội Đồng Hồng Y và công nghị Hồng Y, Đức HY Gerhard Ludwig Mueller, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho đăng một bài báo khá dài trên tờ Quan Sát Viên Rôma tựa là “Thanh Tẩy Đền Thờ”.

Bài báo trên tìm về nguồn gốc nhu cầu cải tổ mà chính Đức Bênêđíctô XVI đã tiếp nhận: ngài cũng vốn đã nói tới việc phải làm cho Giáo Hội bớt trần thế đi. Đức HY Muller coi mục tiêu cuối cùng của việc cải tổ Giáo Hội như là để soi sáng cho sứ mệnh của Giáo Hội. Thêm vào đó, ngài nhấn mạnh tới các dị biệt giữa Giáo Triều Rôma, Hồng Y Đoàn, Thượng Hội Đồng Giám Mục, và cơ quan quản trị Thị Quốc Vatican. Ngài cũng cảnh báo cơn cám dỗ muốn thiêng liêng hóa Giáo Hội một cách thái quá, đến độ biến GH thành một môi trường lý tưởng xa vời thực tế.

Phải đọc bài báo trên ví nó làm sáng tỏ các giới hạn trong các đề nghị cải tổ vốn được lưu hành nhiều tháng qua. Đức HY Muller cho rằng: vấn đề không phải là việc cải tổ. Mà phần lớn là: cần một nền tảng thần học vững chắc mới mong đạt được cuộc cách mạng và để soạn thảo tân hiến chế mục vụ trong đó có cuộc cách mạng này.

Đức Cha Marcello Semeraro of Albano, Thư Ký Hội Đồng Hồng Y, cố gắng cung cấp nền tảng thần học này. Do đó, ngài đã thêm phần thứ hai vào dự thảo cải tổ, tức phần biện minh thần học cho ý niệm lập ra hai siêu thánh bộ, một cho Bác Ái, Công Lý và Hòa Bình, một cho Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống. Tuy nhiên, về điểm này, các vị Hồng Y nêu nhiều nghi vấn, nhất là liên quan tới việc dùng chữ. Như “tính công đồng” (synodality) chẳng hạn bị nhiều vị chê và tỏ ý muốn dùng chữ “tính hợp đoàn” (collegiality) hơn.

Cũng có những vấn đề thực tiễn về luật pháp. Hội Đồng Kinh Tế dự thảo qui chế của mình và trình cho HĐ Giáo Hoàng về Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp duyệt xét. Việc duyệt xét này cần thiết để bảo đảm việc các luật lệ nhất quán và ăn khớp với nhau, các năng quyền được xác định rõ ràng và không vi phạm giáo luật. HĐ Giáo Hoàng đưa ra một số phê phán và kết luận rằng bản văn cần được viết lại.

Hội Đồng Kinh Tế không hài lòng bao nhiêu. Đức HY Wilfried Napier, một thành viên của Hội Đồng tỏ ý thất vọng, cho rằng cố gắng cải tổ đã bị chống đối. Nhưng Đức HY Francesco Coccopalmerio, Chủ Tịch HĐ Giáo Hoàng về Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp, nhấn mạnh rằng HĐ của ngài không chống lại cải tổ, chỉ mong nó có cơ sở vững chắc về luật lệ. Vả lại, Đức HY Coccopalmerio nổi tiếng là người cấp tiến, nhất là liên quan tới các đề nghị nóng bỏng tại Thượng Hội Đồng mới đây về gia đình. Điều ngài muốn là cuộc cách mạng phải có nền tảng định chế.

Điều hiển nhiên là cuộc cách mạng không thể tiến hành quá nhanh. Lúc kết thúc công nghị Hồng Y, ai cũng hiểu là cần có một hiến chế mục vụ mới. Một ủy ban chuyên môn sẽ soạn thảo hiến chế này trình cho một uỷ ban Hồng Y cho ý kiến trước khi được Đức Giáo Hoàng chấp thuận.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân họp mặt Liên Tu Sĩ VN tại Paris-Pháp
Sr. M. Thu Hài
08:53 16/02/2015
Xuân họp mặt Liên Tu Sĩ Paris-Pháp

Người ta thường nói, Tết-mùa của trở về, mùa của sum vầy đoàn tụ. Dù ai đi ngược về xuôi, bôn ba khắp nẻo cũng mong trở về mái cha, nhà mẹ, trở về với những gặp gỡ yêu thương. Và tự bao giờ, Tết đã trở thành di sản thiêng liêng, bất biến trong lòng mỗi người dân nước Việt. Đối với anh chị em Linh mục, Tu sĩ sống xa quê hương, họp mặt đầu xuân là ngày được đón đợi nhất trong năm, vì đây là dịp hội ngộ đông đủ của thành viên Liên Tu Sĩ Paris-Pháp, ngày mọi người gác lại những bận rộn lo toan trong học tập, sứ vụ để đến vui với cái Tết chung của đại gia đình.

Xem Hình

Rồi cái ngày mong chờ ấy cũng đến, họp mặt xuân 2015 được tổ chức vào thứ bảy, ngày 14 tháng 2 tại trụ sở quý cha Thừa Sai Paris (Missions Etrangères de Paris). Mặc dù tiết trời bên này mới là đầu đông, mỗi lần bước chân ra ngõ là chạm phải cái lạnh mênh mang khắp không gian và thời gian, ngày ngắn lại, đêm dài ra trong sắc đục mờ xám của sương rơi, tuyết phủ. Nhưng có nề hà chi cái không khí ảm đạm yên vắng ấy. Ngay từ sáng sớm đã nghe ồn ã tiếng bước chân, tiếng nói cười râm ran hàn huyên hội ngộ của quý cha, quý thầy, quý sœurs trong căn phòng đón tiếp. Hương xuân như lan tỏa đâu đây trên từng gương mặt, nụ cười và những ánh mắt thân thương.

Đỉnh điểm của ngày họp mặt chính là thánh lễ tạ ơn lúc 11h.15'. Gần 200 anh chị em hiện diện trong thánh lễ do Đức Ông Jos. Mai Đức Vinh chủ tế cùng hơn 40 linh mục đồng tế. Trong khói hương trầm nghi ngút, bài ca nhập lễ vang lên với ca từ sâu lắng đong đầy ý nghĩa như nói thay tâm tình mỗi người: "Ngày đầu xuân con dâng lên Thiên Chúa chí tôn, lời cảm mến chúc khen Cha chí lành….". Thánh lễ mừng xuân vì thế bao giờ cũng linh thiêng, trang trọng. Giây phút lòng tịnh, tâm thanh giúp ta nhìn lại cặn kẽ hơn, chiêm nghiệm sâu sa hơn những hồng ân Chúa ban trong suốt năm qua. Nhịp sống đời thường xô đẩy khiến những ưu tư, bộn bề sứ vụ hay những lắng lo mê mải học hành xâm chiếm hồn ta, thì có xá chi đâu những vụn về nho nhỏ, những lên xuống của vui buồn chốc đầy chốc lại vơi. Bởi trong khoảnh khắc dừng lại, trong giây phút lắng đọng, ta tìm thấy niềm vui, sự bình an đích thực trong Chúa - mùa Xuân vĩnh cửu. Đó cũng là tư tưởng chủ đạo trong bài giảng của cha Jean Baptiste Nguyễn Văn Hào gửi đến quý anh chị em trong thánh lễ mừng xuân hôm nay.

Kết thúc thánh lễ cũng là thời khắc của bữa tiệc vui xuân. Những món ăn đậm đà hương vị Tết trong bầu khí của yêu thương, của đoàn tụ sum vầy làm cho xuân họp mặt trở nên tươi vui hơn. Miếng nem ăn sao mà ngon mà đậm đà đến lạ, nắm xôi mới ngọt bùi làm sao ! Miếng bánh chưng, bánh tét sao mà xanh mà đẹp thế ! Cảm giác như Tết ngay đây thôi, chạm tay vào được, tựa như quê hương đang chứa trọn trong căn phòng này. Chẳng thế mà văn hào Nga R. Gamzatov đã từng nói: "Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người". Dù chênh lệch múi giờ, thời tiết nhưng người đi đâu mang hồn Việt theo đó, giây phút hội ngộ chia sẻ niềm vui với nhau trong những ngày này, cho ta cảm nhận rằng ừ nhỉ mùa xuân đang về, ngày Tết đang đến.

Tiếng nhạc xuân vang lên, lúc này không khí nhường lại cho ánh đèn sân khấu. Màn trình diễn thực sự bắt đầu khi dàn hợp ca quý cha sinh viên cất lên Điệp khúc mùa xuân, nghe trầm ấm thiết tha và nồng nàn cảm xúc. Những tà áo dài duyên dáng tung bay trong những vũ khúc mừng xuân của quý sœurs Mến Thánh Giá Nha Trang, quý sœur Sainte Croix de Jésusalem, quý sœurs Dominicaines de Monteil và quý sœurs Saint Paul de Chartres, mỗi năm một sắc màu như muốn chuyển tải cả một mùa xuân bình dị hiền hòa, ấm áp hồn quê và căng tràn sức sống. Xen lẫn giữa các tiết mục múa là màn đố vui trúng thưởng, kịch sớ đầy ấn tượng của quý sœurs Saint Paul de Chartres và chương trình hỏi xoáy đáp xoay phiên bản Dòng Chúa Cứu Thế được dàn dựng sinh động, dí dỏm, hài hước, mang lại nhiều tiếng cười sảng khoải cho mọi người.

Có lẽ âm nhạc chứ không phải điều gì khác giúp khơi gợi cảm xúc, xóa tan khoảng cách, kết nối mọi người gần nhau hơn. Khi tuổi tác, giới tính không còn quan trọng, khi mọi người nắm chặt tay nhau vui cùng điệu nhạc, lời ca, mọi thứ trong đời như được nhấn phím F5 trên máy tính, lại tươi mới và xao xuyến như ngày nào. Đâu phải cuộc sống bộn bề có thể xóa nhoà đi những rung cảm thân thương ấy. Dẫu biết là nhẹ nhàng thôi, là ngắn ngủi thôi, nhưng đôi khi cái nhẹ nhàng đó lại làm ta ấm áp; có thể giúp ta mạnh mẽ hơn, quên đi những nhọc nhằn mà vững tin vượt qua những khó khăn và trở ngại trong cuộc sống.

Vũ khúc Xuân Việt Nam do các sœurs Saint Paul de Chartres trình diễn cũng là lúc khép lại chương trình vui xuân của gia đình Liên Tu Sĩ Paris-Pháp. Thật khó để diễn tả tâm trạng mỗi người khi phải chia xa. Bởi ai cũng biết khoảnh khắc mừng xuân bên nhau sẽ là những kỷ niệm lắng đọng, đẹp mãi. Cũng nên biết rằng để tổ chức buổi họp mặt hôm nay, cha chủ tịch Liên Tu Sĩ Pierre Nguyễn Đình Thắng đã phải lên chương trình từ vài tháng trước, lo đặt địa điểm, thời gian thích hợp, và tìm người cộng tác. Niềm vui rạng rỡ của anh chị em trong ngày mừng xuân là kết tụ những hy sinh âm thầm của cha Liên lạc trưởng và một số anh chị em cộng tác viên. Gia đình Liên tu Sĩ xin được tri ân cha Liên lạc trưởng, cha Jos. Nguyễn Xuân Phúc (ban phụng vụ); cha Vincent Lê Văn Minh, cha Pierre Trương Hoàng Phong-người dẫn chương trình, và sœur Hà dòng Saint Paul de Chartres (ban trang trí-văn nghệ); chị Thảo và sœur Hiền dòng Tiểu Muội (ban ẩm thực), Thầy Hân dòng Chúa Cứu Thế và sœur Bích Thủy (ban thông tin), ngoài ra còn có sự cộng tác của cha Jos. Nguyễn Văn Hội, đại diện quý cha sinh viên. Và cuối cùng xin được cảm ơn tất cả quý anh chị em đã mang đến một không khí xuân rạng ngời yêu thương và tràn đầy hy vọng. Xin kính chúc quý cha, quý thầy, quý sœurs một năm mới bay cao, bay xa trong ân sủng và bình an của Chúa Xuân.

Sr. M. Thu Hài
 
Giáo xứ Việt Nam Seattle gói bánh chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi
Nguyễn An Quý
12:49 16/02/2015
Hòa chung niềm vui của dân tộc Việt và mọi người Việt Nam trên khắp thế giới khi mỗi độ Xuân về, dù xa quê hương nhưng tập thể người Công Giáo Việt Nam miền Tây Bắc Tiểu bang Washington cũng hân hoan chuẩn bị đón mừng Xuân mới. Nhìn vào khung cảnh nhộn nhịp tại hội trường giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc TGP Seattle khi giáo xứ khi chương trình gói bánh của giáo xứ bắt đầu thực hiện vào thượng tuần tháng 2. Đây là truyền thống tốt đẹp của giáo xứ kể từ khi còn là Cộng Đồng Công Giáo sinh hoạt tại nơi nhà thờ cũ ở thành phố Seattle.

Hình ảnh

Nhiều giáo dân hàng ngày có thói quen tham dự thánh lễ lúc 11 giờ, nhưng kể từ ngày bắt đầu gói bánh phải thức dậy sớm để đến tham dự thánh lễ vì giờ lễ thường ngày được đổi lại lúc 8 giờ 30 cho phù hợp với công việc gói bánh. Sau thánh lễ nhiều giáo dân tụ họp bắt tay vào công việc gói bánh. Bước vào khu vực gói bánh, tôi thấy rất đông đảo giáo dân tham gia gói bánh đủ mọi thành phần trai gái già trẻ, có người ở tận Everett, có cả các ông bà khác tôn giáo cũng đến giúp gói bánh, mỗi ngày trên cả trăm người tham gia. Khu vực gói bánh năm nay khá rộng rải, thoải mái, đây là lần đầu tiên giáo dân được có một nơi rộng rải khang trang để làm công tác gói bánh gây quỹ cho giáo xứ nhân dịp Xuân về. Những năm về trước khi còn sinh họat tại nhà thờ cũ, chỗ gói bánh được thực hiện trong phòng ở tầng hầm quá nhỏ bé. Khu vực nấu bánh năm nay cũng được thiết kế một nơi an toàn và rộng rãi. Nhìn hệ thống bếp nấu bánh năm nay, người viết vô cùng cảm phục tài năng của các bạn trẻ là những thiện nguyện viên đã có sáng kiến thiết kế hệ thống dẫn gas, hệ thống dẫn nước vào từng nồi bánh, kể cả hệ thống tăng thêm nước cho từng nối bánh nếu nước bị cạn dần khi nước sôi cũng như cách tháo nước từng nồi sau khi bánh đã được nấu chin không cần phải đổ thêm nước vào cũng như múc ra khỏi nồi bánh như mọi năm do vậy người canh thức nấu bánh hàng đêm cũng đỡ vất vả.

Việc tổ chức gói bánh cũng khá qui mô và được phân chia rất khoa học, người nào việc nấy theo sở thích và tuỳ khả năng của từng người. Phương thức tổ chức được tiến hành từng công đoạn qua các nhóm như tổ rọc lá, tổ rửa lá, tổ lau khô lá, tổ xếp lá để sẵn sàng cho người gói bánh chưng hoặc bánh tét. Khu vực gói bánh chưng cũng được tổ chức qui mô, người xếp lá vào khuôn, người phụ trách tạo thành chiếc bánh bằng cách đổ nếp đậu thịt vào khuôn, nguời lo buột dây làm đẹp chiếc bánh. Khu vực gói bánh tét cũng đưọc tổ chức theo dây chuyền, người đong luờng nếp đậu thịt tạo thành chiếc bánh sơ khởi, người kế tiếp làm thành chiếc bánh bằng cách xếp góc hai đầu bánh cho đều đặn và vuông góc, người này đòi hỏi phải khéo tay thì chiếc bánh mới đẹp, cuối cùng là những vị lo chuyện buột dây làm đẹp chiếc bánh và đưa vào khu vực nấu bánh. Đi vòng vào nhà bếp, nhìn thấy các ông, các bà hăng say làm việc nào: người phụ trách vút nếp, người lo lột hành, người phụ trách xay hành, kẻ lo cắt thịt. Ở một nơi khác, tôi lại nhìn thấy chiếc máy trộn thịt chạy liên tục cho đến khi nào thịt được trộn đều với các gia vị tiêu hành thấm vào từng miếng thịt thì mới đưa vào làm nhân gói bánh. Mỗi ngày gói được hơn 1200 cái cả bánh chưng và bánh tét.

Chuẩn bị đón Xuân năm nay của giáo xứ không chỉ lo công việc gói bánh chưng bánh tét mà còn phải chuẩn bị cho hai ngày Hội Chợ Tết. Nhiều bạn trẻ lo trang hoàng, lo gói từng gói hàng để bán: nào mức, nào bánh, nào rượu, nào hoa, nhiều ngành mai vàng thật đẹp được bày bán trong những ngày cuối tuần. Một số lo làm khán đài cho Hội Chợ Tết.

Trong thời gian gói bánh nhiều khách đến thăm giáo xứ như một nhân viên của Tòa Giám Mục Seattle, Ban Giám Đốc Văn Phòng Xây Dựng và Phát Triển của Tòa Tổng Giám Mục, kiến trúc sư Nguyễn Khiết đến thăm để nghiên cứu việc lập mô hình cho ngôi nhà thờ mới cũng như mô hình tổng thể, khi vào thăm khu vực gói bánh ai cũng ngạc nhiên về sự tham gia đông đông của giáo dân trong công tác gói bánh. Thật là một điểm son trong việc chuẩn bị đón muà Xuân Liên Kết, Xuân Ất Mùi.

Tính đến Chúa Nhật 15 tháng 02 năm 2015, chương trình gói bánh được gần 2 tuần lễ. Nhìn cảnh nhộn nhịp trong khu vực hội trường nhà thờ, chảng khác nào đi vào khu chợ Tết nơi quê hương Việt nam, nhiều giáo dân sau các thánh lễ, đổ dồn về các quầy hàng trưng bày hoa bánh để mua những món hàng ưa thích, nào hoa layơn, nào hoa mai, hoa đào, nhất là các quầy hàng bánh chưng bánh tét do các em Thiếu Nhi Thánh Thể đoàn Chúa Hài Đồng tươi cười chào mời, ai cũng hớn hở vui mừng mua hàng Tết tại giáo xứ trước nữa ủng hộ giáo xứ và cũng đỡ mất công đi chợ xa đỡ tốn thì giờ. Đến gần 2 giờ chiều Chúa Nhật 15 tháng 2, tôi thấy kho chứa bánh đã hét sạch, chỉ còn lại số ít bánh mà khách đã đặt trước, niềm vui của mọi người nhất là những ai tham gia việc gói bánh đều cảm thấy mãn nguyện khi bánh đã tiêu thụ hết trong tuần. Chương trình gói bánh được tiếp tục thêm hai ngày vào ngày 28 và 29 Tết tức thứ hai 16 và thứ ba 17 tháng 2 là kết thúc chương trình gói bánh dón Xuân Ất Mùi để chuẩn bị cho hai ngày Hội Chợ Tết vào ngày Mồng Ba và Mồng Bốn Tết mừng Xuân Ất Mùi, kỷ niệm 40 năm ly hương.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mai Vàng
Joseph Ngọc Phạm
22:04 16/02/2015
MAI VÀNG
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Chẳng thơm cũng thể hoa mai
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh.
(Ca dao)