Ngày 18-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Luật của tình yêu toàn thiện
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
12:01 18/02/2011
Chúa Nhật Thứ 7 Mùa Thường Niên, Năm A

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn một khoản luật nữa của Cựu Ước, đó là luật của sự “ăn miếng trả miếng”. Trong bài ca man rợ mà nhân vật La-méc đã hát có câu: Cain được báo thù gấp bảy (1 trả 7 lần) thì La-méc được báo thù gấp 77 (1 trả 77 lần). Đến thời của Môisê, đã có một sự tiến bộ hơn: 1 trả 1, tức là luật “ăn miếng trả miếng”, hay là luật “răng đền răng, mắt đền mắt”. Đây là giới hạn lẽ công bằng theo nghĩa chặt.

Vậy Chúa Giêsu kiện toàn theo nghĩa nào ? Luật mới của Chúa Giêsu đó là gì ? Luật mới của Chúa Giêsu đó là luật của tình yêu hoàn thiện, khi khoan dung với kẻ ác. Cụ thể là khoan dung với kẻ xúc phạm danh dự và phẩm giá của mình: “Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). Khoan dung với kẻ trấn lột, tước đoạt những thứ mình sở hữu: “Ai kiện lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy luôn cả áo ngoài” (Mt 5,40). Khoan dung với kẻ hành hạ bóc lột sức lực của mình: “Nếu có ai bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm” (Mt 5,41).

Nhưng tại sao lại phải khoan dung với kẻ ác ? Phải chăng là Chúa Giêsu muốn cỗ võ thái độ nhu nhược và cam chịu cách thụ động ? Hay Ngài muốn khuyến lệ sự bất công khi dung dưỡng cái ác ? Thực ra khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ Ngài phải có thái độ khoan dung như thế là có lý do của mình:

Thứ nhất là nhằm ngăn chặn vòng xoáy của sự ác, sự leo thang của bạo lực theo nghĩa “lấy oán báo oán, oán càng chồng chất”. Thứ hai là nhằm chinh phục và cảm hoá kẻ ác vốn cũng là con người, vì sự bao dung tha thứ có khả năng biến thù thành bạn, như Chúa Giêsu đã nói: “Như vậy là các con đã được lợi một người anh em”. Thứ ba là để có được một tâm hồn bình an, thanh thản của con cái Thiên Chúa. Và thứ bốn là để trở nên giống như Cha trên trời là Đấng nhân từ, bao dung và khoan thứ.

Kính thưa….! Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn trả đũa, và khi trả đũa thì thường muốn trả nặng hơn mức người ta gây cho mình: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Hòn chì chắc chắn là cứng hơn và nặng hơn hòn đất rồi. Chẳng thế mà khi chứng kiến đội chủ nhà Áo (tại Eurô 2008) được trọng tài cho hưởng quả phạt đền ở phút cuốn trận đấu, đẩy đội Ba Lan vào tình thế chắc chắn xếp vali về nước, Tổng thống Ba Lan đã thốt lên rằng: “Tôi chỉ muốn giết ngay viên trọng tài đó”.

Còn Chúa Giêsu, Ngài muốn các môn đệ của Ngài xưa cũng như nay phải sẵn sàng dập tắt ngay nơi bản thân mầm mống của bạo động: “Đừng chống cự người ác” (Mt 5,39). Ngài nhấn mạnh đến tinh thần mà người môn đệ phải có, đó là tinh thần tha thứ, tha thứ cho những xúc phạm của anh em đối với mình, như Chúa đã nêu gương từ trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” Lc 23,34). Như vậy bao dung tha thứ không phải là thái độ của kẻ yếu, mà ngược lại đó là thái độ của kẻ mạnh, kẻ mạnh về tình yêu thương. Vì chỉ người nào có một tình yêu thương rất mạnh mới có khả năng chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình.

Phần chúng ta, chúng ta thường xử sự với anh em mình theo luật nào ? Luật của sự “ăn miếng trả miếng” hay luật tình yêu bao dung mà Đức Kitô đã dạy ?

Nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ chân chính của Chúa Giêsu thì chúng ta không thể sống khác hơn những gì mà Chúa Giêsu đã sống, đó là bao dung tha thứ luôn luôn. Amen.
 
Lịch phụng vụ tháng 3- 2011
Lm. Anphong Trần Đức Phương
12:03 18/02/2011
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 3/2011

Chúng ta đã bắt đầu vào tháng 3 năm 2011. Đầu tháng nầy, chúng ta mừng Chúa Nhật 9 mùa thường niên (năm A, là Chúa Nhật cuối cùng của mùa thường niên 1). Bài đọc 1, trích sách Đệ Nhị Luật (11:18, 26-28, 32): nhắc nhở chúng ta hãy giữ cẩn thận các lề luật của Chúa để được ơn phúc lành Chúa thương ban. Bài đọc 2, trích Thư Rôma (3:21-25, 28): Thánh Phao lô nhắc nhở chúng ta, nhờ Đức Tin nơi Chúa Kitô, chứ không phải luật lệ mà chúng ta được công chính hóa khỏi mọi tội lỗi. Bài phúc âm, trích Phúc Âm thánh Matthêu (7: 21-27): Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành Đức Tin áp dụng vào cuộc sống hằng ngày để được ơn cứu rỗi.

Thứ Tư ngày mồng 9 tháng 3 là Thứ Tư Lễ Tro, mở đầu mùa Chay Thánh, chúng ta nhớ ăn chay và kiêng thịt. Các ngày thứ sáu Mùa Chay, chúng ta kiêng thịt. Bài đọc 1, trích sách Gioen (2:12-18). Bài đọc 2, trích Thư thứ 2 Côrintô (5:2-6): Bài Phúc Âm, trích Phúc Âm thánh Matthêu (6:1-6; 16-18): nói đến việc cầu nguyện và hãm mình trong mùa Chay Thánh, không phải để khoe khoang, nhưng để hy sinh đền tội, làm việc từ thiện giúp người nghèo khó. Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta sẽ được xức tro. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: "Hởi người, hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro (Sách Sáng Thế 3:19). Nhắc nhở như vậy không phải để chúng ta bi quan về cuộc sống, nhưng để chúng ta nhớ "hãy sám hối tội lỗi và tin vào Tin Mừng." (Matco 1:15) để được ơn cứu độ Chúa thương ban và sau khi chết, được hưởng cuộc sống trường sinh trên Nước Chúa.

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, ngày 13 tháng 3. Bài đọc 1, trích sách Sáng Thế (2:7-9; 3-17): nói đến tội Nguyên Tổ. Bài đọc 2, trích Thư Rôma (5:12-19): ân sủng của Chúa tràn ngập xóa bỏ tội lỗi chúng ta, miễn là chúng ta biết ăn năn sám hối và sửa đổi lỗi lầm. Bài Phúc Âm, trích Phúc Âm Thánh Matthêu (4:1-11): ghi lại việc Chúa Giêsu để cho ma quỉ cám dỗ sau những ngày ăn chay cầu nguyện, nhắc nhở chúng ta luôn bị cám dỗ, dễ sa ngã phạm tội, nên cần ăn chay hãm mình cầu nguyện để thắng cám dỗ.

Chúa Nhật II mùa chay, ngày 20 tháng 3. Bài đọc 1, trích sách Sáng Thế (12:1-4): Chúa bảo ông Abraham bỏ quê hương xứ sở để đến cư ngụ nơi Chúa chỉ cho. Bài đọc 2, trích thư Timôthê (1:8-10): Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đi theo đường lối sự sống của Chúa. Bài Phúc Âm, trích Phúc Âm Thánh Matthêu (17:1-9): ghi lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi và cảm nhận hạnh phúc được sống trong vinh quang của Thiên Chúa.

Chúa Nhật III mùa chay, ngày 27 tháng 3. Bài đọc 1, trích sách Xuất Hành (17:3-7): Thiên Chúa cho ông Maisen làm phép lạ để dân chúng có nước uống, trong cuộc hành trình qua sa mạc tiến về Hứa Địa. Bài đọc 2, trích Thư Rôma (5:1-2; 5-8): Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban chính Con yêu dấu của Ngài để cứu chuộc chúng ta là những kẻ tội lỗi. Bài Phúc Âm, trích Phúc Âm Thánh Gioan (4:5-42): Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ xứ Samaria bên giếng nước, và đề cập đến nguồn nước hằng sống Ngài ban cho những ai tin tưởng nơi Ngài. Chúa Giêsu cũng nói đến việc thờ phượng Chúa đích thực trong tinh thần và chân lý.

Tháng 3 là tháng đặc biệt kính Thánh Giuse. Trong tháng nầy, chúng ta mừng hai lễ trọng: ngày 19-3, kính Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ Maria; ngày 25-3, lễ Truyền Tin. Chúng ta xin Thánh Giuse giúp chúng ta biết noi gương Ngài sống thầm lặng kết hiệp với Chúa, và cầu nguyện để nhận ra và vâng theo thánh ý Chúa trong đời sống; như Thánh Giuse đón Đức Maria về nhà mình, khi nhận ra Đức Maria chịu thai là bởi phép Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse đưa Đức Maria sắp đến ngày sanh đi Bêlem để khai sổ kiểm tra và nhẫn nại giúp Đức Mẹ sinh Chúa Hài Nhi trong hang bò lừa. Rồi vâng ý Chúa, Ngài đem Chúa Hài Nhi và Đức Mẹ, đang đêm trốn sang Ai Cập. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, khổ đau, Thánh Giuse luôn cầu nguyện để nhận biết và tuân theo ý Chúa. Chúng ta nguyện xin Mẹ Maria, trong ngày Lễ Truyền Tin, giúp chúng ta luôn thưa lời xin vâng và chấp nhận mọi đau khổ trong cuộc sống.

Xin Chúa nhờ lời Mẹ Maria và Thánh Giuse chuyển cầu, chúc lành cho Đức Giáo Hoàng, các vị chủ chăn trong Giáo Hội, cho các Ngài luôn biết kiên nhẫn chịu đau khổ, vâng theo thánh ý Chúa, hướng dẫn Giáo Hội đi theo đường lối của Chúa. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Quê hương và Giáo hội Việt Nam, cho những nơi đang bị bách hại, cho gia đình chúng ta và mỗi người chúng ta. Amen.
 
Yêu thương thù địch - điều không dễ chút nào
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
12:08 18/02/2011
Chúa Nhật Thứ 7 Mùa Thường Niên, Năm A

“Hãy yêu thương tha nhân và ghét thù địch”. Mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi (Lv 19,18). Theo đó, người Dothái chỉ yêu thương những người đồng loại, tức là những người thuộc dân riêng của Chúa, dân Israel. Nói cách khác là họ chỉ yêu thương những người đã được cắt bì mà thôi. Còn dân ngoại, họ coi như thù địch. Họ còn có luật và bổn phận ghét người ngoại bang, nhất là dân Amalec, dân Moab (x. Đnl 25,18; 23,6).

Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã phá đổ những giới hạn của luật cũ, và mạc khải cách trọn hảo về điều luật mới, khi dạy: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù” (Mt 5,43a). Thế thì, kẻ thù mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là ai ?

Một số quý ông, quý anh bảo rằng kẻ thù của con là rượu, là thuốc lá, là cờ bạc… Chúa dạy phải yêu kẻ thù, nên con yêu luôn những thứ đó. Không phải lập luận theo kiểu lý “cùn” này. Kẻ thù mà Chúa muốn nói ở đây là những người làm cho ta đau khổ, làm cho ta bị tổn thương, những kẻ không ưa thích gì ta, v.v… Yêu thương kẻ thù là yêu thương những người như thế: “Hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43b).

Qua lời dạy trên, Chúa Giêsu muốn mời gọi ta điều gì ? Thưa Chúa Giêsu muốn mời gọi ta biết vượt lên tình yêu tự nhiên, vốn nặng về cảm tính, để yêu thương hết mọi người. Và như thế, không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Đức Kitô nữa. Đây là điều mới mẻ và độc đáo của luật Tin Mừng Đức Giêsu và là mức độ cao nhất của tình yêu hoàn thiện.

Thứ đến, tình yêu thương đó được biểu hiện bằng việc làm cụ thể, mà quan trọng nhất là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ tự nhiên không được ta yêu thương. Không phải là cầu nguyện chống lại kẻ thù, cầu nguyện xin Chúa khừ trừ giùm kẻ thù của mình, như trong Thánh Vịnh:

“Còn những quân thù nghịch,

Thiên Chúa sẽ đập bể đầu;

bọn theo đường gian ác,

Người đánh cho gãy răng”.

Hay: “Lạy Chúa xin thẳng tay khai trừ bọn chúng

khỏi thế giới loài người;

Án phạt Chúa đã dành,

xin Ngài bắt chúng nuốt cho đầy bụng;

cả đàn con cũng được ăn cho thoả thích,

phần còn lại cho bầy cháu mai sau” (Tv 17,14).

Không phải là cầu nguyện kiểu đó, mà là cầu nguyện cho họ để họ được ơn hoán cải, ơn biến đổi.

Nhưng tại sao lại phải yêu thương như những kẻ thù nghịch? Đơn giản là vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, đang khi chúng ta là kẻ nghịch thù với Chúa. Giả như Thiên Chúa đối xử với ta như cách ta thường đối xử với anh em mình, thì số là chúng ta đã bị diệt trừ từ lâu rồi. Vì trước mặt Chúa, đã nhiều lần chúng ta là kẻ thù của Chúa, đã nhiều lần làm ô danh Chúa, và đã từng chống đối Chúa, thử thách Chúa. ..

Lý do thứ hai là vì có yêu thương kẻ thù nghịch, thì ta mới đáng được gọi là con cái của Thiên Chúa, và có yêu thương như thế, chúng ta mới thực sự trở nên giống như Cha trên trời là Đấng trọn lành, Đấng đã “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45).

Dĩ nhiên, kính thưa quý…., yêu thương kẻ thù nghịch là điều không dễ chút nào xét trên bình diện con người tự nhiên. Tha thứ cho những kẻ làm hại hay xúc phạm đến mình đã là điều khó rồi, huống chi là yêu thương, làm ơn và cầu nguyện cho họ nữa. Thế nhưng chúng ta có thể thực hiện được nếu có ơn Chúa trợ giúp. Chính thánh Phaolô đã quả quyết điều này: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Hãy yêu thương và cầu nguyện cho người kẻ mà không ưa ta, những kẻ thù ghét ta. Để rồi nhờ lời cầu nguyện của ta mà họ được hoán cải; nhờ tình yêu thương của ta mà họ được biến đổi, vì “tình yêu có sức biến đổi phận người”. Và cũng nhờ đó mà chúng ta được lớn lên trong tình yêu của Chúa
 
Yêu Kẻ Thù và Đồng Loại
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:20 18/02/2011
Sống và chia sẻ Lời Chúa CN7TN/A

YÊU KẺ THÙ – YÊU ĐỒNG LOẠI NHƯ MÌNH

KHÔNG GHÉT / KHÔNG TRẢ THÙ - OÁN HẬN

( Bài này rất cần chia sẻ kỹ, sâu trong các Gia đình, Qúy chức, Nhóm, Hội đoàn, Phong trào, Hội thánh…trong thời buổi này.)

A- Cảm nghiệm và chia sẻ dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh:

* Bài đọc 1: Sách Lê-vi 19 = Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa. (Lv 19, 18)

1/ Tại sao hàng ngày, tuần tôi phải dành thì giờ để đọc Lời Chúa?

2/ Bạn áp dụng những Lời Kinh thánh dạy vào đời sống thế nào?

3/ Tín hữu đạo đức, hay đi lễ, đọc kinh… có được trả thù không ?

* Bài đọc 2: Thư 1 Côrintô 3 = Thưa anh em, nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? (1 Cor. 3, 16)

1/ Khi chịu phép Rửa tội, tôi đã được tham dự những chức vụ nào?

2/ Bạn đang làm việc gì để xứng đáng là Đền Thờ của Thánh thần?

3/ Nếu có Chúa, tôi có để lòng oán giận người khác không ? Taị sao?

* Tin Mừng: Mat-thêu 5= Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Mt 5, 43-44)

1/ Tôi đi lễ để giữ luật, ít khi nghe Lời Chúa để thực hành. Tại sao ?

2/ Bạn có giữ luật kỹ như các kinh sư và Pharisêu không? Cho lý do?

3/ Cho biết, kẻ thù có muốn trở lại làm bạn với tôi không.Tại sao?

4/ Kẻ thù đáng sợ nhất có phải là tôi không ? Tại sao kẻ thù là tôi?

5/ Lý do nào bạn phải cầu nguyện và tha thứ cho kẻ ngược đãi mình?

B- Câu Kinh Thánh thúc đẩy tôi chọn làm Châm ngôn Sống:

HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ CẦU NGUYỆN CHO KẺ NGƯỢC ĐÃI ANH EM (c. 44) - Love your ennemies and pray for those who persecute you.

C-Ngay bây giờ bạn và tôi phải làm gì: ( So what am I doing ?)

1/ Sống thánh thiện như Chúa dạy. 2/ Không để lòng thù ghét ai. 3/ Mạnh dạn cảnh cáo người có tội. 4/ Không tìm cách trả thù oán hận.

5/ Sống có Chúa hiện diện trong lòng. 6/ Đừng lừa dối nhau theo kiểu thế gian. 7/ Đừng chống cự người ác. 8/ Giúp người cần đến tôi.

D- Hãy tự hỏi lại tôi: 1/ Kinh lạy Cha tôi thường đọc, tôi nguyện, tôi xin…; nhưng tôi có thực hành những điều tôi nguyện xin không ? Phúc Âm thánh Matthêu nói: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6, 14-15). * Suy niệm thêm Mt 18, 23-35= Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót.

2/ Tôi và anh em bị chia cắt thì tôi và Chúa có kết hợp không? Tôi không liên kết với ngưòi khác thì tôi có nối kết với Chúa được không ? – Dù tôi có đi lễ, đọc kinh, nhà thờ…? Phúc Âm dạy: “Nếu anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5, 23-24) Câu này Chúa có dạy tôi phải nhất quyết tỏ thái độ, quyết tâm mở rộng lòng tha thứ cho tha nhân bằng việc làm.

E- Bạn và tôi cùng cầu nguyện là nói với Chúa như người bạn bằng thái độ quyết tâm, tích cực, theo lời Chúa dạy, không nặng về xin ơn, tiêu cực, khoán trắng cho Chúa, còn mình ngồi chờ:

Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy: Đừng chống cự kẻ ác, nếu ai xin sẽ cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Con thấy yếu đuối quá và bất lực; nhưng tin Chúa nói: con là Đền Thờ của Chúa, có Thánh Thần ngự trong con. Con quyết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp… Con cùng Mẹ Maria thưa “xin vâng” để thực hành Lời Chúa.

* Lời hay ý đẹp: BẠN SẼ KHÔNG VẤP NGÃ TRONG BÓNG TỐI, NẾU BƯỚC ĐI TRONG ÁNH SÁNG CỦA LỜI CHÚA. (You woun’t stumble in the dark, if you walk in the light of God’s Word.)

Chúa phải được lớn lên, còn tôi nhỏ đi (Gc 3, 30)

Ptế: JBM Định Nguyễn * johndvn@yahoo.com
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời – suy tư Lời Chúa trong cuộc sống
Trần Ngọc Mười Hai
20:02 18/02/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời – suy tư Lời Chúa trong cuộc sống

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng?”

Sàigòn bây giờ ai khóc thương ai?

(Lê Uyên Phương – Khi Xa Sài Gòn)

(Ga 12: 7-8)

Mưa hay nắng, có là giọt nhớ/khóc thương ai? Nhớ và khóc, có là khóc tình mình bây giờ. Là, thưong vay khóc mướn. Tình đời ai oán. Như, lời lẽ rất nức nở người nhạc sĩ vẫn kể lể, ở bên dưới:

“Sàigòn giới nghiêm, che kín đêm dài,

Sàigòn khói bay, Sàigòn nắng đổ,

Sàigòn đã buồn như trời sớm mai…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Sàigòn ấy. Tiếng khóc này. Vẫn là tâm tình khóc thương tựa hồ truyện kể, như ở dưới:

“Truyện rằng:

Đấng bậc tâm linh nọ, một hôm mon men đến trước lâu đài vua quan kia, mà chiêm ngắm.Vốn dĩ là bậc thày nổi tiếng khôn ngoan/nhân hậu, đi đâu cũng được mọi người kính nể, nên quan viên canh giữ đền/đài vẫn để mặc thày tiến thẳng đến trước mặt vua quan đang ngự triều ở chốn cao, để đưa ra vài câu mà lĩnh ý. Vua quan thoạt nhìn thấy, bèn quắc mắt, giựt giọng hỏi:

-Khanh kia, chừng như khanh muốn tâu lên trẫm điều gì đấy chăng?

-Thưa bệ hạ, thần đây chẳng có gì để thưa gửi, chỉ xin bệ hạ một chỗ trú chân nơi quán trọ này thôi.

-Ngươi bảo sao? Đây, mà là quán trọ ư? Ngươi có biết: đây là lâu đài quyền quý của ta không?

-Thưa bệ hạ, nơi này trước giờ vẫn là nơi nghỉ chân của mọi người dù giàu sang, cợ cực hay sung túc, vẫn đến đây để dừng chân dưỡng sức. Nhưng, ngài thấy đẹp nên mới sai ba quân chiếm nó rồi biến thành của riêng. Nay, nhân danh những con người tuy thấp cổ bé họng nhưng là chủ nhân ông khi trước, thần đây yêu cầu bệ hạ hãy trao trả tài sản này lại, để không chỉ một mình thần mà mọi người dân đen nghèo hèn đều được hưởng…

Truyện kể tưởng chừng như hư cấu, nhưng vẫn là sự thật, còn lập lại ở nhiều nơi. Truyện đưa ra những mẩu đối đáp/đấu đá rất khó lòng. Và cuối cùng, phần thắng vẫn về tay kẻ mạnh. Tài sản ấy, lâu đài nọ vẫn thuộc về kẻ có của lại đủ quyền để duy trì. Mọi dân đen nghèo hèn có kiện thưa, cũng chỉ như “con kiến mà kiện củ khoai”, làm sao thốt nên lời.

Nhưng, hôm nay, vẫn có chuyện thưa cùng thốt của người nhà Đạo, rất đáng trọng. Thưa, là thưa gửi với cha. Thốt, là thốt lên lời thỉnh nguyện xuất từ một giáo dân hạng thứ, như sau:

“Thưa cha,

Con có một người bạn khá thân, chị vẫn hằng tâm sự với con khá đủ điều, từ dân gian chuyện Đạo cho chí chuyện đời, không thiếu điều gì. Vừa qua, chị bảo với con, là: chị thấy xấu hổ và bực tức khi thấy nhiều cao ốc và di sản có giá trị rải rác khắp thế giới vẫn tập trung tại Bảo tảng viện và nhà thờ của Công giáo. Chị còn nói: Nếu Giáo hội mình đích thực là Hội thánh nghèo và là Giáo hội của người nghèo, thì hãy lập tức bán ngay các thứ ấy đi lấy tiền mà giúp đỡ những ai còn đang túng bấn, rất cần tiền. Cha nghĩ sao về lập trường này?” (Một người hỏi không buồn ký tên).

Đụng vào đề tài “Giáo hội nghèo”, hay còn gọi là Hội thánh của người nghèo cũng tựa như đụng phải bức tường thành kiên cố khá vững chắc. Khó lòng mà hy vọng có đổi thay. Trong lúc này. Chẳng thế mà, đức ngài thuộc “trường phái” Opus Dei, là vị “anh lờ em mờ” (Lm) John Flader ở Sydney đã có ngay một “lời đáp” khá quen quen, để giải trừ mọi thắc mắc cũng như cật vấn như sau:

“Như chị biết đó, chuyện mà người bạn của chị đề cập ở trên, tôi nghĩ đó là chuyện dài lịch sử, vẫn nổi lên các ý kiến phản chứng như thế. Ngay khi Maria, người chị của Mác-Ta và La-da-rô lấy dầu thơm đắt giá rưới vào chân Chúa, lập tức Giu-Đa Is-ca-riốt thấy ngứa mắt, đã buông ngay câu nói đi vào lịch sử, rằng: ” Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?"?” (Ga 12: 5).

Ở đây, ta nên nhớ: một đề-na-ri lúc ấy tương đương với một ngày lương của dân lao động bình thường. Xem thế thì, lọ dầu thơm mà Maria rưới vào chân Chúa tương đương cả một năm lao động, tức món đồ rất đắt giá, dưới cái nhìn của một nhà kinh doanh, hạch toán như Giu-đa.

Ghi lại Tin Mừng cho người về sau đọc, thánh Gioan đã có lời bình để nói thêm, rằng: thật ra, Giu-đa Is-ca-riốt cũng chẳng quan tâm đến cảnh tình của người nghèo gì hết. Và, thánh nhân viết: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Ga 12: 6)

Và theo hình thái nào đó, chính Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn của bạn chị, ngay ở Tin Mừng: “Đức Giêsu phán: ‘Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." (Ga 12: 7-8)

Trên đời này, nếu có người biết quan tâm đến người nghèo hơn ai hết, thì người ấy ắt là Đức Giêsu. Theo nghĩa rất đúng, Ngài là người nghèo đích thực lại xuất thân từ một gia đình nghèo, và chính Ngài cũng hạ sinh trong chuồng bò. Rồi còn, chịu đói chịu khát, rất nhiều năm. Thậm chí, không có chốn để tựa đầu, nữa.

Quả thật, với hơn 300 tiền đê-na-ri, người thời bấy giờ có thể làm được nhiều việc hơn để giúp đỡ người nghèo. Hoặc, cả việc giúp đỡ môn đồ của Ngài độ nhật vào lúc ấy. Nhưng, Chúa vẫn không phản đối Maria đã phung phí của Trời, mà rửa lau chân Ngài bằng thứ dầu thơm thượng hảo hạng như thế. Ngài còn nói:” Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."." (Ga 12: 8)

Thành thử, trước nhất, những gì gắn liền với việc phụng thờ Chúa, ta vẫn nên rộng lượng như Maria. Quả thật thế, Hội thánh lâu nay vẫn làm như vậy, suốt mọi thời. Thế nên, khi thấy các ngôi thánh đường và đền đài của Hội thánh trên thế giới, tựa như Đền thánh Phêrô chẳng hạn, ta đều thấy là Hội thánh không hề hà tiện khi phải rút hầu bao chi tiêu xây cất công thự này khác để biến chúng thành “Nhà của Chúa”.

Tinh thần này luôn gắn liền với thánh sử ở Cựu Ước khi vua Đavít chỉ thị cho con trai mình là Salômôn hãy bỏ công xây cất Đền Giêrusalem để Chúa ngự. Dĩ nhiên, Đền thánh vua Salômôn xây, cũng gồm vật liệu tinh tế, khá đắt tiền. (x. 1Ký sự 22: 6-16; 1V 6: 8). Giả như Đền Thờ Chúa ngự được dùng vào việc phụng thờ Đức Chúa lại gồm các vật dụng đắt tiền, thì cũng nên xây những nơi những chốn trang trọng đắt giá để Chúa ngự cho xứng đáng.

Từ nhận định ấy, ta có thể nhìn vào các vật dụng gồm những lụa là/châu báu hầu trang hoàng Nhà Tạm hoặc để cử hành Tiệc Thánh Thể cho uy nghi xứng hợp, thì cũng nên biết rằng: Hội thánh lâu nay luôn rộng lượng. Theo quan niệm này, thì từ Nhà Tạm, cho chí Chén thánh, Hào Quang, đều được làm bằng những thứ đắt tiền như vàng, bạc mà không tiếc. Nói cho cùng, chẳng vật dụng nào hoặc tài nghệ khéo tay nào khả dĩ giúp ta vinh danh Đấng Chúa Tể càn khôn cho đủ. Cho xứng đáng.

Thánh Gioan Vianney, chánh xứ thành Ars, là đấng bậc chẳng bao giờ chịu tốn tiền để tu bổ thân xác phàm trần của mình, nhưng thánh nhân lại sử dụng những nào lụa là/nhung gấm hoặc những thứ đắt tiền để việc cử hành Thánh lễ cho xứng đáng.

Thật ra, thì tất cả chỉ là vấn đề mình chuyện có thương yêu thực sự hay không mà thôi. Tựa hồ như các người trẻ chẳng hạn, một khi họ bị đánh động bởi tình yêu rồi, họ sẽ chẳng kể gì đến chuyện bỏ tiền bạc/của cải và công sức ra cho người mình yêu, như mua sắm vàng bạc/đá quý cho hôn thê hoặc người tình mình. Hội thánh cũng thế, Hội thánh không ngại tỏ ra rộng lượng đối với “Người Tình của Mọi Tình Yêu” ở trần thế, là như thế.

Hơn nữa, cũng nên nhìn mọi châu báu quý giá của Toà Thánh và/hoặc coi các Thánh đường trên thế giới như di sản kế thừa của chung hết mọi người. Cho toàn thể con cái Chúa, kể cả những người nghèo đói túng thiếu nữa. Di sản kế thừa của Toà thánh không là tài sản tư riêng của một Giáo Hoàng hoặc phẩm trật Giáo hội nào như Hồng Y, Giám mục, dù các đấng là chủ quản Giáo phận ở trên cao, như Giáo phận La Mã, đi nữa.

Thật tình mà nói, mọi tài sản của Hội thánh, phần lớn là tặng vật do dân chúng dâng cúng lên Hội thánh, trong đó cũng có phần của người nghèo nữa. Đây là chuyện bình thường. Rất thường xảy đến cả vào thời hôm nay, mỗi khi giáo xứ hoặc giáo phận cần trùng tu/xây cất thánh đường này khác, mọi giáo dân giàu/nghèo đều cộng tác đóng góp như thế hế. Và khi công việc trùng tu/xây cất hoàn tất, thì không chỉ mỗi đấng chủ quản là Giám mục hay linh mục mới là người có công hoặc tự hào về thành quả ấy, mà là tất cả mọi người. Bởi, mọi người đều đã đóng góp tiền bạc, công sức hoặc tham gia bằng lời cầu. Tất cả đã gom góp những gì mình có, ngõ hầu làm sáng danh Chúa, để phụng thờ Chúa, mà thôi.

Hơn nữa, đây chính là nguồn vui cho dân con Chúa, kể cả những người nghèo, mỗi khi họ đặt chân đến viếng thăm toà thánh La Mã. Cả bảo tàng viện Vatican, cũng như các thánh đường, nguyện đường hoặc đền đài lớn nhỏ trên khắp thế giới. Đến, để thấy tận mắt những gì chính mình và con cháu mình đã đóng góp vào việc làm sáng danh/phụng thờ Chúa.

Đàng khác, phần lớn các tài sản và di tích lịch sử của Hội thánh vẫn nằm trong “kho báu” ấy, dù các đấng chủ quản quyết định bán đi cho tổ chức hoặc người nào khác, các di sản ấy vẫn không mất đi phần quan trọng của mọi người chúng ta, là những người thân của Giáo hội. Là chính Giáo hội.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 28/11/2010 tr. 12)

Thế đấy, là giải đáp của đấng bậc vị vọng, rất bài bản. Thế nhưng, bảo rằng: “Hội thánh đã và đang là thánh hội nghèo, của người nghèo”, ta nên hiểu đó là khẳng định chắc nịch, không cần bàn cãi gì cho nhiêu khê. Lễ mễ. Rất mất giờ. Chuyện nên bàn và cần nhắc ở đây, là chuyện: phải quan niệm Hội thánh, không chỉ và không như thánh hội của các đấng bậc cầm cân nảy mực, một thể chế rất giáo triều. Nhưng, chính là tôi/là bạn, là các thành viên Nước Trời, ở trần gian.

Thành thử, câu hỏi ở trên có thể và nên là câu hỏi mình/hỏi người, rằng: với tư cách là thành viên, là Hội thánh bằng xương bằng thịt, tôi và bạn, ta có sống nghèo hoặc sống giống như người nghèo, theo lời Chúa khuyên không?

Vậy thì, hỡ bạn và hỡi tôi, ta cứ tự hỏi xem mình có sống rủng rỉnh đến độ vẫn giàu và có, đủ mọi thứ? Đủ, từ vật dụng, tài sản cho đến tiền bạc, chỉ trừ mỗi một thứ cần có hơn cả, là: “tình thương” không? Và, của cải này, tiền bạc kia, có là “của“ tôi, mà thôi không? Nếu không thế, thì: của cải ấy là “của” ai? Của chùa hay của Chúa?

Để đầu óc bạn và tôi không quá bận về những thắc mắc nêu trên, cũng nên kể ở đây đôi ba giòng truyện kể để tôi và bạn được thư giãn, như câu truyện nhè nhẹ ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Vị Phật tử nọ, sau một tai nạn xe cộ khá nặng khiến thân thể anh bị dập nát, cũng mất mát nhiều. Duy có đôi chân của anh là được ghép bằng cái chân mới, của người khác. Tức, lấy từ di hài một người chết đã hiến tặng cho người còn sống, vẫn rất cần.

Không bị tàn tật, anh cũng mừng. Nhưng đêm đêm nhìn cái chân của người khác ghép vào người mình, anh không khỏi rùng mình và luôn nghĩ đến người đã tặng hiện giờ đang nằm dưới mộ phần xa vắng.

Một hôm, chịu không nổi nỗi day dứt ấy, anh bèn chạy lên chùa thăm sư phụ mình là một thiền sư để vấn kế và cũng để kể lại những ưu tư trăn trở của mình, cho bớt sầu. Vị hoà thượng nghe kể xong, bèn nhìn anh một hồi lâu, rồi mỉm cười và nói:

-Con sợ cái chân đó vì cho rằng nó không phải là của con ư? Nhưng con hãy tự hỏi, cái-chân-xưa-giờ-theo-con-từ-bé có đúng là của con không?

Từ lúc nghe sư phụ mình hỏi, người phật tử đã ngủ ngon hơn, không còn vương vấn nỗi sợ về những “của nợ” vẫn cứ dính theo mình, từ hồi bé.

Và, từ lúc biết được như thế, anh đem câu chuyện này kể hết cho bạn bè mình nghe, ngõ hầu mọi người cảm thông và hiểu được những gì là “của cải”, dù là của ai, nhà Đạo hay nhà Phật, vẫn thấy vui..

Và, người kể lại thêm một lời kết, rằng: kể từ đó, mình hiểu rõ chữ CỦA trong cụm từ “của cải”, với bạc tiền của mình. Và, của người. Dù, “mình” đó/người đó, có là Giáo Hội Phật giáo hay Hội thánh Công giáo, Chính thống, với Tin Lành. Và, cũng từ đó, mỗi người nghiệm ra điều này: ở đời này, dù chỉ một chữ thôi cũng đã là một trời, để ta suy tư. Huống chi là “của cải” châu báu “của” Nước Trời, là Hội rất thánh “của” Đức Chúa.

Lời cuối “của” tôi và “của” bạn, những người đang ngồi phiếm hôm nay, lại sẽ là thắc mắc/hỏi han “của” người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, như sau:

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau

Sàigòn bước ai gõ xuống đêm sầu

Sàigòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau.”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Hỏi rằng “Sàigòn bây giờ, trời mưa hay nắng”, hoặc cũng hỏi: “Hội thánh ngày nay, vẫn nghèo như trước” có hay không? đó vẫn là những câu để hỏi, chỉ cho có. Có, người hỏi. Có, người trả lời, là vui rồi.

Bởi thế nên, nếu có bạn và tôi, ta hỏi ít nhiều gì, thì cũng chỉ nên hỏi, rằng: Sàigòn/Hội thánh, có còn tình người nữa chăng? Có còn nhiều người vẫn yêu nhau da diết nữa hay không? mà thôi. Và hôm nay, hỏi tức đã trả lời phần nào rồi. Trả (những) lời “của” bạn và “của” tôi, rất ý nghĩa. Rất phấn khởi. Dù lời trả ấy, chẳng là “của” tôi, hay “của” bạn, một chút nào.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn sống mà không hỏi

dù chỉ hỏi: Sàigòn/Hội thánh có giàu/nghèo-mưa/nắng,

như trước chăng?

“Có hoa nào qua mùa không héo?”

“Có tiếng nào, giàu đẹp hơn không?”

(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Mt 6: 24-34

Hoa có héo. Tiếng có giàu, vẫn cứ héo và giàu như loài hoa và tiếng nói rất người phàm. Đâu như Lời Vàng mà thánh sử Mát-thêu ghi chép! Lời Vàng thánh Mát-thêu ghi, là hoa tươi, là tiếng giàu đẹp thánh nhân đưa vào trình thuật truyện kể và bài giảng lấy hứng từ Tin Mừng thánh Mác-cô. Và, đó cũng là điều mà hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý. Tuy nhiên, vẫn có những đoạn trình thuật mang tính chất rất riêng tư như thánh Mát-thêu đề cập đến ở Lời Chúa, rất hôm nay.

Điển hình hơn cả, là: đoạn trích được thánh sử rút từ sách Ysaya, nhằm phản ánh truyền thống sống động về sinh hoạt của Đức Giêsu và về Lời dạy rất thánh, của Ngài. Các đoạn trích tập trung nơi Tin mừng thời tiên khởi. Thời này, đã tràn lan xuất hiện các chỉ thảo có từ Sách Tanak như: thánh vịnh, Đệ Nhị Luật và Sách ngôn sứ Ysaya. Xem thế, ta có thể kết luận là: cộng đoàn Mát-thêu ngay từ đầu, đã thủ đắc các phó bản của sách Ysaya này.

Tuy là thế, thánh Mát-thêu vẫn dùng đến sách của các ngôn sứ khác, nhưng chỉ để hỗ trợ cho việc trưng dẫn sách Ysaya, trong chủ đích này. Tin Mừng thánh nhân ghi, tuy không trích dẫn từng lời nói của vị ngôn sứ, nhưng thánh nhân cũng sử dụng nhu liệu làm nền từ vị ngôn sứ này. Vì thế, có thể nói: thánh Mát-thêu nhận ra Đức Giêsu là Đấng đã thực thi những gì được ngôn sứ nói, từ thời Cựu Uớc.

Điều mà thánh nhân nhấn mạnh, là: bảo vệ niềm tin của cộng đoàn mình đặt nơi Chúa. Và từ đó, xác tín rằng chính Đức Giêsu là Đấng Mêsia, như chủ thuyết Giuđa minh định. Ngang qua sách Ysaya, thánh sử có nói về 3 chủ đề chính ngõ hầu hỗ trợ cho lập trường được nhắm đến, là: Tạo Dựng Mới. Tin Mừng Cứu Độ ở nơi Chúa. Và, Trở về từ đất miền lưu đày, ngang qua sa mạc.

Ngoài ra, thánh Mát-thêu còn chứng minh điều mà Đức Giêsu nói: Ngài là Đấng Tạo Thành Mới. Tin Mừng là Tin Vui Cứu Độ gửi đến mọi người. Nếu ai cũng biết đặt mình vào Tạo Dựng Mới, sẽ chẳng còn ai phải lưu đày ở chốn khách này, nữa. Thế nên, thánh nhân coi Tin Mừng do mình viết, là một Khởi Nguyên mới. Là, công việc mới mẻ để mọi người hiểu rằng: Chúa đã và đang thực hiện vai trò Luật gia Torah rất đích thực. Và, những gì khi xưa sách Ysaya xưa đã đề cập, nay thành hiện thực nơi Ngài. Và, sự thực ấy, nay trải dài ở Tin Mừng của thánh nhân, ít là ở 10 bản văn.

Bản văn đầu, về Gia Phả, thánh Mát-thêu muốn minh định: lời ngôn sứ loan: ‘Nhà Đavít có Vị nối dõi tông đường nay đã thể hiện nơi Đức Kitô”. Loan báo, là loan và báo khác hẳn gia phả giòng tộc vua quan khác ở Đamát, Samari và Assyri (Is 7: 10, 9: 11). Vì thế, thánh nhân kể rõ từng chi tiết trong gia phả của Chúa. Và, việc Đức Mẹ đưa Hài Nhi Giêsu qua Ai Cập là để xác chứng rằng lời Chúa hứa giúp dân Do thái thoát khỏi ách nô lệ để trở về, nay đã thành chuyện có thực.

Bản văn thứ hai chứng minh thêm một điều, là: ngôn sứ Ysaya hứa giải cứu dân Do thái thoát ách nô lệ ngoại bang để trở về, nay hiện thực hiện ngay nơi hoang vắng có Chúa nguyện cầu. Đây, còn là chốn miền để Chúa gặp gỡ Cha Ngài. Ở Tin Mừng, thánh Mát-thêu nói nhiều về chốn hoang sơ/sa mạc ở Giuđêa, nơi đó thánh Gioan Tiền Hô từng rao báo những điều đã ghi ở sách Ysaya ở chương 40.

Với Ysaya, dân Do thái trở về, là về từ nơi chốn lưu lạc bên Ai cập, ngang qua chốn hoang vu sa mạc. Và trở về mà hoàn tất ơn cứu độ nhờ Đức Chúa dẫn dắt như vị Chủ chăn. Tổ phụ Môsê, vị chủ chăn từng giúp dân Do thái vượt biên/vượt biển thành công được, cũng nhờ có sự trợ giúp của Thần Khí Chúa. Với Tin Mừng, thánh Mát-thêu kể về việc Chúa chấp nhận dìm mình dưới nước sông Giođan, để rồi dẫn dắt dân con Ngài vào chốn hoang vu, nhờ đó Thần Khí Chúa biến Ngài thành Con Thiên Chúa Hằng Sống. Ở Tin Mừng, Đức Giêsu là Môsê Mới cũng sử dụng lời lẽ từ sách Đệ Nhị Luật để đuổi xua tên cám dỗ sừng sỏ dám thách đố Ngài. Và, Ngài nói đến “chốn núi cao”, như Cựu Ước từng nói.

Bản văn thứ ba, đem đến cho người đọc nguồn ánh sáng chiếu rọi trên dân con Chúa. Họ đón nhận ánh sáng ấy nếu biết ứng dụng Luật Torah theo tinh thần Chúa sáng soi (Is 9: 4). Động lực ‘ánh sáng’ đưa mọi người đến ý nghĩ về “cặp mắt xấu” (tức lòng tham vô đáy) và năng lượng tạo lửa ngọn hực cháy. Tạo nên đá tảng cho an bình nội tâm, càng thêm vững.

Bản văn thứ tư gợi ý nói về Người Tớ Khổ Đau. Tức, tập trung vào nỗi khốn khổ, đớn đau của con người. Từ đó, thánh nhân diễn rộng thành truyền thống coi Chúa là Vị Thày Chữa Lành mọi sự. Các chương 8 và 9 gồm 10 trình thuật nói về việc Chúa chữa lành. Tất cả chia thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm 5 trình thuật truyện kể. Mỗi nhóm, nói đến người bị ruồng bỏ. Đến, trẻ nhỏ. Kẻ goá bụa, và cả những người được chữa đến hai lần. Tất cả, nói lên lý lịch của Chúa là Đấng Mêsia, rất đích thực. Rõ nhất, là vai trò Chủ Chăn của Chúa (như vua Đavít), rút từ sách Isaya chương 53. Và từ đó, Chúa nói đến chiên lạc nhà Israel. Rồi, Ngài diễn rộng bằng bài thuyết giảng về sứ vụ rao báo, ngõ hầu giúp tông đồ Ngài trở nên sứ giả chuyên phổ biến Tin Vui An Bình, ngang qua trình thuật kể về nỗi khổ đau của Tôi Tớ Đau Khổ.

Bản thứ năm trích nhiều từ đoạn 42, qua đó người đọc thấy được lý lịch của Chúa như Con Người. Và, như Người Con của Giavê Thiên Chúa, Đấng sẽ đến lại vào ngày Quang Lâm. Đức Chúa của ngày Sabát, là Con vua Đavít, vẫn cao sang hơn đền thánh. Hơn Yôna, Salômôn khôn ngoan/quyền quý mà mọi người quý trọng. Với thánh Mát-thêu, cung cách của Người Tớ Khổ Đau nói ở Cựu Ước được đánh giá cao qua công việc Ngài làm. Việc này, còn được diễn bày rất nhiều, về sau. Nhưng trước mắt, thành công đạt được là nhờ Thần Khí Chúa dẫn dắt. Và thánh Mát-thêu định danh Thần Khí Chúa như Nguồn Mạch chữa lành và trừ tà.

Bản văn thứ sáu, là trình thuật về lời mời gọi Ysaya trở thành ngôn sứ. Lời mời, ăn khớp với việc Chúa quan phòng dẫn dắt dân con Ngài ngang qua lưu đầy, khốn khổ. Thời đó, các nhiệm tích được chuyển tải theo cung cách kín ẩn cho đến khi dân con kết cuộc mọi lưu lạc, trở về thành “hạt giống thánh”. Hạt giống đầm chồi nảy lộc ngay trên đất của mình. “Hạt Giống Thánh Thiêng” đây, là Đấng Mêsia thuộc giòng họ rất Đavít.

Bản văn thứ bảy, rút từ chương 29 được thánh Mát-thêu coi như cảnh tình của dân con mọi người có nghe biết, mà chưa hiểu. Và, thánh nhân diễn rộng điểm này ở chương 6. Ở Isaya 29, toàn bộ thị kiến của ngôn sứ là sách quí dành cho cả người không biết đọc, lẫn người học rộng. Bởi, Chúa giấu kín mọi nhiệm tích khỏi người khôn ngoan. Ngài khiến kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, để họ hiểu rõ những gì mình nghe và biết, điều quan trọng hơn là lập đi lập lại giới luật do Pharisêu và Xa-đốc quảng bá. Chính vì thế, thánh Mát-thêu đưa ra các khích bác về Lời của Chúa, cho người thời đại, cả đến hôm nay.

Truyền thống Giáo Hội liên kết các khích bác ấy với trình thuật Chúa làm dấu lạ qua nhân rộng 5 chiếc bánh và hai con cá, cho cả ngàn người no đầy. Đây là chi tiết rất ăn khớp với truyện kể ở Isaya 29, câu 8 khi tác giả sách ngôn sứ kể về người đói bụng chìm trong giấc mơ tuy ăn nhiều nhưng không mãn nguyện. Và, qua trình thuật phép lạ về bánh và cá, thánh Mát-thêu muốn đề cập đến việc Chúa chữa lành cho cả người điếc lẫn người mù, khiến họ thoả mãn, thích thú.

Bản văn thứ 8 là chương 68-69, tóm lược từ đoạn Zakaria 9, được thánh Mát-thêu sử dụng cốt ý nói đến việc Chúa về với Giêrusalem. Chủ đề này, là để đền bù đáp ứng lòng thù hận; lấy xót thương, tử tế, sẻ san nỗi thống khổ mà đoàn dân quay trở về từ đất miền lưu lạc, nay cảm nghiệm. Đavít xưa tuy toàn thắng nhưng vẫn khiêm hạ. Ông quyết ngồi trên lưng lừa, chứ không dùng ngựa, bởi ngựa bị cấm không được trở về với Giêrusalem. Nhất nhất mọi điều nói lên lòng xót thương/khiêm hạ của Đấng chủ chăn cộng đoàn.

Bản văn thứ 9 là từ Ysaya 56 đặt nặng nhu cầu bảo vệ công lý/chính trực cho kẻ thấp cổ bé họng, những người bị bỏ rơi, cô quạnh. Ngài có nói: đền thờ là nơi nguyện cầu, dành cho hết mọi người. Đối nghịch tính đồi bại, nguy hại của thể chế rất thành văn, của tôn giáo. Điều này đuợc nhắc đến ở Gêrêmia 7, là sách nói đến sào huyệt của dân cướp cạn. Bởi, ở nơi đó, họ thực hiện những bất công, cùng tệ nạn sùng bái ngẫu thần và cả chuyện hy sinh giết trẻ nhỏ để tế lễ. Các sự kiện cuối đời hoạt động của Chúa, soi rọi quanh chủ đề cánh chung, ngày Chúa đến lại, trong vinh quang. Mai ngày.

Và, bản văn 10 từ Isaya 53: 4-6, cho chí Is 52: 13 và 53: 12, được thánh Mát-thêu sử dụng để tóm kết đoạn sách Gerêmia 13: 7. Thánh Mát-thêu dùng chương này, cốt để nói lên cố gắng của Chúa Chiên Lành là Đức Giêsu trước âm mưu ám hại Ngài. Chúa vẫn âm thầm, câm nín như chiên con đi vào lò sát sinh. Chủ đề, thấy rõ ở sách ngôn sứ Gêrêmia, qua đó vị chủ chăn bị đánh, chiên con chạy tán loạn. Ở Tin Mừng Mát-thêu, thánh nhân thêm vào đoạn nói ở sách Ysaya, qua đó cho biết Đức Giêsu sẽ trỗi dậy từ cõi chết. Và, Ngài về lại Galilê là để gặp gỡ hết mọi người, cả tông đồ cũng như dân con, hằng mong đời.

Nói cho cùng, hai sách Đệ Nhị Luật và Ysaya gộp lại thành tấn thảm kịch diễn lại sự giải thoát dân Israel, qua Cyrus và dân con người Ba Tư. Nhưng thánh Mát-thêu dùng sách, để trình bày về Đức Giêsu là Đavít Mới. Là, Đức Vua. Là, Thi nhân Đavít Mới quyết đem mọi điều tích cực đến với mọi người. Chứ Ngài không chỉ dành ân huệ cao quí ấy cho mỗi dân Do thái. Đavít không chỉ là vua quan/lãnh chúa, mà còn là “nhà thơ” từng chứng kiến mọi đổi thay nơi dân mình, qua các thánh vịnh do ông sáng tác. Ở đó, có sự nối kết giữa Đavít toàn thắng về binh bị với Đavít chuyên gia âm nhạc và thơ. Tất cả, đều là ý của vị ngôn sứ.

Đức Giêsu, đích thực là hậu duệ của “thi sĩ” Đavít. Ở nơi hoang vu, Ngài học hát những bài ca của Môsê. Là Môsê Mới, Ngài chữa lành hết mọi người bằng thi ca/âm nhạc, biến Giêrusalem là chốn Ngài lấy lại, thành Vương Quốc Nước Trời. Nước Trời, không theo nghĩa của trần gian mà là sự công chính. Vương quốc của Ngài biến thành bài ca/giọng hát, cho muôn người. Trên thập tự, “vương quốc” bình thường đã qua đi. Nhưng, nhờ sống lại, “Nước Trời” ấy trổi lên thành thi ca/âm nhạc vượt quá văn xuôi, rất tầm thường. Từ đó, thánh Mát-thêu đã lấy lại chất thơ rất Ysaya. Bởi, Đức Giêsu đã cấu trúc Giuđêa lại, qua cung cách rất thơ của ngôn sứ Ysaya.

Xem thế, thì Đức Giêsu là hậu duệ của nền thơ Đavít. Thứ thi ca đã kinh qua hoang vắng, và qua cả cốt cách Môsê, rất đổi mới. Ngài là Đấng chiếu sáng muôn dân bằng thơ. Chữa lành mọi người bằng nhạc, chứ không thuần mỗi chính trị, hoặc, binh bị. Cho mọi người. Cả những người đang có, lẫn các kẻ còn thiếu thốn. Nơi Ngài, Nhà Thơ Tối Cao, Thiên Chúa đã đến để lấy lại Giêrusalem vì mục đích cao cả hơn chính trị.

Công lý, hoà bình và ơn cứu độ sẽ theo đó mà về với mọi người, chứ không chỉ với một dân tộc. Dù dân tộc ấy đã được chọn. Trên thập tự, vương quốc của Ngài đã qua đi. Nhưng qua sự sống lại, hồn thơ đã trỗi dậy. Hồn thơ ấy, là sự giải thoát. Là Đức Giêsu, Đấng chữa lành/giải thoát hết mọi dân tộc. Mọi người. Ở đây đó.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh - Mai Tá lược dịch
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:51 18/02/2011
SINH TRƯỚC CHẾT TRƯỚC

N2T


Trong nhà ông Trương mời một thầy giáo đến dạy cho con học, thầy giáo này tính tình lưu manh.

Một hôm, bà chủ nhà đang ngồi gãi ngứa trước hàng hiên, thầy giáo nhìn thấy thì lòng tà tâm nổi lên bèn đưa ra câu đối để học trò đối:

- “Gãi gãi ngứa ngứa, ngứa ngứa gãi gãi, không ngứa không gãi, không gãi không ngứa, càng gãi càng ngứa, càng ngứa càng gãi”.

Học trò nghĩ lui nghĩ tới, nghĩ không ra cách đối như thế nào, bèn đi hỏi mẹ mình, bà mẹ vừa nhìn thấy câu đối, trong lòng nghĩ ông thầy giáo này quá xảo trá lưu manh, không cho ông ta một bài học thì không được, bèn nói với con một câu đối, học trò đến trước mặt thầy giáo đối đáp:

- “Sinh sinh tử tử, tử tử sinh sinh, không sinh không tử, không tử không sinh, sinh trước tử trước, tử trước sinh trước.”

Thầy giáo nghe xong thì rất chi là không vui, nhưng đó là tự mình làm để người ta chửi, hơn nữa lại không có cách gì khác nên chỉ biết buồn buồn không vui mà thôi.

Suy tư:

Thầy giáo là nhà mô phạm cho học sinh, mô phạm tức là người gương mẫu tốt lành, đạo đức và nghiêm túc, chứ không thể lưu manh xảo trá được, bởi vì thầy giáo chính là những người “trồng người” cho xã hội tương lai.

Ở thời nào người ta cũng kính trọng các thầy cô giáo, nên mới có câu “tôn sư trọng đạo”, nhưng có những nơi học trò và phụ huynh đều có tôn sư trọng đạo, nhưng chính các thầy cô giáo lại không xứng đáng để được danh dự ấy, bởi vì họ -ngoài giờ lên lớp ra- thì sống như những con người không biết chữ nghĩa, nghĩa là sau khi xuống lớp thì các thầy cô giáo này đi uống rượu, đi hát karaoke, đi cà phê đèn mờ, mất đi tư cách nhà mô phạm nơi các thầy giáo ấy.

Nếu thầy giáo không vì lòng tà tâm mà đưa ra câu đối mất dạy mất nết, thì chắc chắn sẽ không có câu đối chửi mắng ông ta “tử trước sinh trước, sinh trước tử trước”.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một nhà mô phạm gương mẫu yêu thương để mọi người bắt chước, bởi vì chính họ được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, để trở nên những chứng nhân cho Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 7TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:53 18/02/2011
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 5, 38-48

“Hãy yêu kẻ thù.”


Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã dạy với chúng ta là hãy yêu thương kẻ thù, yêu thương người ghét mình, yêu thương người bách hại mình, yêu thương người thường nói hành nói xấu mình.v.v.v…thật khó lắm thay !

1. Yêu thương kẻ thù khó lắm, nên phải nhìn lên thánh giá Chúa.

Người ta sẽ cho chúng ta là những người ngu khi đi yêu thương người đã từng vu khống nói xấu mình; người ta cũng sẽ cho chúng ta là đạo đức giả khi chúng ta đi tha thứ cho người giết hại ba mẹ mình; người ta cũng sẽ cho chúng ta là những người dở hơi khi chúng ta ôm hôn người đã hại mình tan gia bại sản, họ nói đúng, bởi vì người đời không hiểu được lời dạy của Chúa Giê-su: hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho những kẻ ghét mình.

Yêu thương kẻ thù không phải một sớm một chiều mà làm được, nhưng cần phải có thời gian suy ngắm đến tình yêu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại, chính khi bị đóng đinh trên thập giá, Ngài đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một gương mẫu, mà chính Ngài đã làm trước, đó là yêu thương và tha thứ cho những kẻ giết mình.

Không ai có thể yêu thương kẻ thù được nếu họ không ngắm nhìn Chúa Giê-su trên thập giá, không ai có thể yêu thương kẻ thù được nếu họ không suy niệm đến tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Bởi vì khi chúng ta đang còn thù nghịch với Ngài, thì Ngài đã tha thứ và yêu thương chúng ta.

2. Muốn yêu thương kẻ thù thì phải nhớ mình là người tội lỗi.

Một người tội lỗi khi được ơn Chúa cảm hóa thì họ sẽ trở nên người công chính, do đó mà họ dễ dàng thông cảm bỏ qua những khuyết điểm của người khác, dễ dàng yêu thương và bao dung những người đắc tội với họ, bởi vì chính họ đã là người tội lỗi được thứ tha bởi lòng nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa.

“Hãy yêu kẻ thù” là một mệnh lệnh của Chúa Giê-su trong giới luật yêu thương của Ngài, khi mà con người chỉ biết tỏ tình cảm yêu thương với những người mà họ quen biết, nhưng lại lạnh lùng và vô cảm với những người không thích mình, thì lời dạy của Chúa Giê-su như là một “quả bom” làm chấn động tâm hồn những người nghe, trong đó có các tong đồ của Ngài. Mọi người nghe mà không tưởng tượng nổi phải yêu thương kẻ thù như thế nào, thì chính Ngài đã thực hiện trước: tha thứ cho những kẻ giết mình.

Khi chúng ta được Chúa thứ tha tội lỗi, nếu chúng ta cảm nghiệm được việc sống trong tội lỗi là gớm ghiếc như thế nào, thì chúng ta rất sẵn lòng tha thứ và yêu thương những kẻ ghét mình, bởi vì yêu thương không phải chỉ là nói lời xin lỗi, nhưng còn là bày tỏ ra nơi hành động khi có thể được.

Anh chị em thân mến,

Hãy yêu thương kẻ thù là lời của Chúa Giê-su dạy chúng ta thực hiện trong cuộc sống, theo sức con người thì không thể làm được, bởi vì trái ngược với quan niệm yêu thương thông thường của con người “oán báo oán”, “mắt đền mắt”, “răng đền răng”. Nhưng với ơn của Chúa, với sự cầu nguyện của mỗi người, mà chúng ta quyết tâm làm cho được điều ấy: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Đó chính là cốt lõi của luật yêu thương mới vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:59 18/02/2011
N2T


28. Nước mắt khiêm tốn nhận tội của tội nhân, là nguồn nước cứu họ.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:00 18/02/2011
CHA GIẢNG HAY QUÁ

Chủ nhật trong thánh lễ cha giảng bài: “Phù vân nối tiếp phù vân, mọi sự đều là phù vân, chỉ còn lại việc lành việc dữ mình đã làm mà thôi...”

Lễ xong, có tốp các bà giáo dân đến khen: “Cha giảng hay quá, sâu sắc quá...”

Cha cười nói:

- “Cám ơn, cám ơn, mà các bà còn nhớ tôi giảng gì không ?”

Họ cười, nói nhớ cha nói lộn tiếng Việt qua tiếng Đài Loan...

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các linh mục lo ngại không biết Ai Cập có tốt đẹp hơn cho các kitô hữu sau khi ông Mubarak ra đi
Bùi Hữu Thư
07:03 18/02/2011
VICTORIA, Texas (CNS) – Linh mục Dòng Ba Ngôi Alfonso Serna, đã sống một năm đầu sau khi được chịu chức năm 2009 tại Ai Cập, nói ngài không biết chắc chắn sự thay đổi chế độ tại Ai Cập có giúp đỡ cho nhóm thiểu số kitô hữu ở đây không.

Cha Sema nói: "Tôi hy vọng và cầu nguyện cho sự thay đổi này sẽ mang lại một tình trạng tốt đẹp hơn cho các anh chị em kitô hữu của chúng ta. Tuy nhiên, dù nhiều hay ít cũng sẽ xẩy ra.”

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ nhiệm ngày 11 tháng Hai, sau hơn 29 năm cầm quyền, và sau trên hai tuần biểu tình hết sức rầm rộ tại Cairo, là thủ đô và đã lan tràn tới các thành phố khác tại Ai Cập.

Linh mục Serna nói ngài đã đặt tất cả niềm hy vọng vào các ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha là sẽ có một kết quả tích cực cho sự hỗn loạn tại Ai Cập.

Linh mục Sema nói: " Đức Thánh Cha Benedict XVI đã cổ võ cho tự do tôn giáo. Tôi dâng hiến cá nhân tôi cho một quyền lợi và nguyên tắc quan trọng này. Sự đóng góp của tôi là mục vụ về sự hiện diện và yểm trợ bên trong giáo hội bị bách hại. Tôi hy vọng và cầu nguyện là sẽ có một hậu quả tích cực cho cộng đồng Kitô giáo tại Ai Cập, có thể là một kết quả của tình trạng hiện thời.

Về vấn đề ngài được đối xử thế nào như một người Công Giáo trong một quốc gia đa số Hồi giáo – Linh mục Sema nói với báo The Catholic Lighthouse, của Giáo Phận Victoria, trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thư là ngài chưa hề bị đe dọa.

Linh mục Sema được phong chức tại Victoria và hiện đang phục vụ tại Maryland, nói: "Tôi không bao giờ có kinh nghiệm về sự kỳ thị. Tôi đã học biết là sự hiện diện của tôi như là một linh mục ở đây, đã bị ảnh hưởng phần nào, vì tôi là một người ngoại quốc nên tôi có một “dạng thức Kitô hữu khác biệt.”

Linh mục Sema nói: Để tôn trọng các thành viên của các tôn giáo khác, ngài và các linh mục Công Giáo tại Cairo không mặc phẩm phục ngoại trừ khi dâng Thánh Lễ.

Ngài đã học cách lái xe tại Cairo, rồi sau đó lái ngoài ngoại ô. Điều này mở ra nhiều cơ hội để ngài khám phá các điạ điểm khác trên khắp nước Ai Cập, như ở Alexandria và Suez.

Ngài nói: "Tôi cũng làm bạn được với nhiều người tại các giáo xứ khác nơi tôi được mời đến dâng Thánh Lễ. Chẳng hạn nhà thờ chánh tòa Phanxicô tại trung tâm Cairo, Nhà thờ Thánh Mác-cô tại Shubra, Vương Cung Thánh Đường Heliopolis, nhà thờ Thánh Gia tại Maadi, nơi ngài phục vụ cho cộng đồng Sìpanit và Phi Luật Tân, và nhà thờ chánh tòa Công Giáo tại Medinet Nasr," nằm trong khu vực cha Sema được bổ nhiệm – đây là một trong những khu vực nghèo khó nhất.

Mục vụ chính yếu của ngài là chăm lo cho khoảng 500 gia đình Công Giáo Sudan theo nghi thức La Tinh. Đây là những gia đình đã chạy loạn trong lúc cuộc nội chiến bùng lên tại quê hương của họ.

Cha Serna hiện cư ngụ trong nhà xứ giáo xứ Thánh Lôrênsô Tử Đạo tại Hanover, Md., thuộc tổng giáo phận Baltimore, và là linh mục tuyên uý cho Trung Tâm Y Tế Thánh Giuse tại Towson, Md.
 
Hiến tạng ở Hàn Quốc gia tăng do ảnh hưởng của Đức Hồng Y Kim
Lã Thụ Nhân
10:47 18/02/2011
Hiến tạng ở Hàn Quốc gia tăng do ảnh hưởng của Đức Hồng Y Kim

Seoul (AsiaNews) – Khi Hàn Quốc kỷ niệm lần thứ hai ngày qua đời của Đức Hồng Y Stephen Kim Sou Hwan, hôm 16/02, một cơ quan chính phủ cho hay năm thứ hai liên tiếp các cam kết hiến tạng trong nước vượt quá con số 100.000, một thực tế có ý nghĩa trong một quốc gia phần lớn là người Phật giáo, nơi mà việc hiến tạng luôn không được tán thành. Một số người cho là sự thay đổi thái độ này là do Đức Hồng Y, người vận động ủng hộ hiến tạng trong nhiều thập kỷ qua.

Theo các Mạng lưới Chia Sẻ Tạng Hàn Quốc (Konos), năm ngoái đã có tổng cộng 124.300 người Hàn Quốc đã cam kết bằng văn bản để hiến nội tạng của họ sau khi qua đời, giảm so với con số 185.000 cam kết trong năm 2009, khi Đức Hồng Y Kim qua đời ở tuổi 86, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với trước đây.

Một quan chức Konos cho hay: "Việc hiến tạng của Đức Hồng Y Kim làm thay đổi lớn bầu khí xã hội. Chúng tôi hy vọng rằng số lượng các cam kết hiến tạng sẽ gia tăng ổn định trong dài hạn".

Đức Cố Hồng Y, người được cả người Công Giáo và không Công Giáo tôn trọng như nhau, đã gây cảm hứng sâu xa cho công chúng bằng cách hiến đôi mắt của ngài cho hai bệnh nhân. Ngài đã cam kết sẽ hiến tặng bộ phận cơ thể của mình vào những năm đầu thập kỷ 1990.

Với mong muốn "cho tất cả và không để lại gì cả", Đức Hồng Y đã thành lập một nhóm hiến tạng "Một Thể Xác, Một Tâm Hồn" vào năm 1988 để chia sẻ đời sống cho tha nhân.

Nhóm cho biết, chiến dịch công khai để cổ võ hiến tạng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, theo hướng lựa chọn của Đức Hồng Y Kim.

Viên chức Konos cho hay: "Thật quan trọng khi chia sẻ đời sống là một hành động tốt. Bên cạnh đó, những nỗ lực của giới tôn giáo và cá tổ chức cá nhân để gia tăng việc hiến tạng sẽ mở rộng cơ sở của việc hiến tạng".
 
Cựu viên chức Vatican quan ngại trào lưu tục hóa đe dọa các dòng tu
Lã Thụ Nhân
10:47 18/02/2011
Cựu viên chức Vatican quan ngại trào lưu tục hóa đe dọa các dòng tu

Vatican (CNA / EWTN News). - Theo vị lãnh đạo về hưu phụ trách về đời sống thánh hiến thì các dòng tu tiếp tục đối mặt với những áp lực "tục hóa" và điều này đe dọa đến bản sắc và sứ vụ của họ trên thế gian.

Trong cuộc phỏng vấn trên Vatican Radio hôm 16/02, Đức Hồng Y Franc Rode cảnh báo rằng tục hóa "đã thâm nhập nhiều cộng đoàn và các lương tâm". Ngài nói thêm rằng: "Tục hóa được thể hiện trong lời cầu nguyện, thường là hình thức, không suy ngẫm và nó gây tổn hại đến các khái niệm về đức vâng lời, giới thiệu não trạng "dân chủ" nào đó vốn loại bỏ vai trò của quyền bính hợp pháp".

Đức Hồng Y Rode đang rời khỏi cương vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Tu Hội Đời, một chức vụ mà ngài đã nắm giữ từ năm 2004. Thay thế ngài là Đức Tổng Giám Mục Joao Braz de Aviz, một người Brazil, người được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm hôm 4 tháng Giêng.

Đức Hồng Y Rode cho Vatican Radio hay rằng các cộng đoàn tu trì đã là "nơi của tính sôi nổi tinh thần và năng động truyền giáo" trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Ngài lưu ý rằng " các cuộc canh tân to lớn" trong lòng Giáo Hội Công Giáo đã được giới tu sĩ thúc đẩy. Về phương diện lịch sử, tu sĩ bị bách hại nhiều nhất nhưng cũng được "tuyên thánh nhiều nhất".

Trong các chuyến đi đến Mỹ Châu La tinh, Phi Châu và Á Châu trong những năm gần đây, Đức Hồng Y Rode cho biết ngài vẫn tiếp tục nhìn thấy "sự hiến thân đáng khâm phục" nơi nhiều nam nữ tu sĩ trên thế giới, mà con số tu sĩ lên đến khoảng 1,1 triệu người.

Tuy nhiên hoàn cảnh của các cộng đoàn tu sĩ trên thế giới không phải toàn là hoa hồng. Ngài cho hay: "Ngày nay, đời sống tu sĩ khó khăn và điều này phải được nhìn nhận". Nó cũng đe dọa để biến các công tác bác ái từ thiện thành các dịch vụ xã hội đơn thuần, mà ngài cho biết là nguyên nhân gây tác hại cho việc loan báo Tin Mừng. Đức Hồng Y Rode giải thích rằng trong bầu khí như thế, người ta theo "một xã hội lành mạnh" hơn là những vấn đề đời đời.

Ngài cảnh báo rằng có những dấu hiệu của tục hóa trên khắp toàn cầu, nhưng nổi bật nhất là ở phương Tây. Đức Hồng Y Rode cho hay kể từ khi được bổ nhiệm, ngài đã làm việc để "tìm cách vượt thắng não trạng tục hóa này và khẳng định lại các giá trị cơ bản của đời sống thánh hiến – làm cho các nam nữ tu sĩ. .. trở thành một lực lượng canh tân Giáo Hội". Ngài đã dựa vào cả “những sức mạnh lành mạnh" của các cộng đoàn truyền thống và "những trào lưu tâm linh mới" của các cộng đoàn mới được thành lập gần đây.

Đức Hồng y bày tỏ sự tin tưởng của ngài nơi các cộng đoàn tu sĩ mới nổi lên bất ngờ ở những nơi như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Brazil, Peru và Hoa Kỳ vốn "dấy lên chống lại tinh thần của chủ nghĩa thế tục".

Ngài giải thích: "Các cộng đoàn này đưa ra tầm quan trọng lớn lao của cầu nguyện và sống đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, họ nhấn mạnh đến đức khó nghèo và đức vâng phục: mọi người khoác tu phục như là dấu chỉ hữu hình của đời sống thánh hiến". "Họ kêu gọi con người hướng về vận mệnh siêu việt của mình và cấu thành một lực lượng canh tân, mà Giáo Hội có nhu cầu lớn lao".
 
Dự báo Ngân sách Tòa Thánh năm 2011
Lã Thụ Nhân
10:48 18/02/2011
Dự báo Ngân sách Tòa Thánh năm 2011

Vatican (VIS) – Vào ngày 15 và 16/02, Hội Đồng Hồng Y Nghiên Cứu các Vấn Đề về Cơ Cấu Tổ Chức và Kinh Tế của Tòa Thánh đã họp nhau tại Vatican dưới sự chủ trì của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Velasio De Paolis, CS, Chủ tịch Văn phòng Kinh Tế Tòa Thánh đã phát thảo kế hoạch ngân sách hợp nhất năm 2011 của Tòa Thánh, cũng như của Quốc Gia Vatican.

Thông cáo của Tòa Thánh về cuộc họp cho hay: "Việp hợp nhất liên quan đến các văn phòng của Giáo Triều Rôma, Văn Phòng Riêng Tòa Thánh, và các cơ quan 'truyền thông' của Tòa Thánh: Đài Phát Thanh Vatican, Văn phòng Báo chí Vatican, Tờ báo 'Osservatore Romano', Trung tâm Truyền hình Vatican và Nhà xuất bản Vatican.

Thông cáo cũng lưu ý: "Phủ Cai Quản Quốc Gia, cơ quan quản trị độc lập với Tòa Thánh và các cơ quan khác, giám sát các yêu cầu kinh tế và quản trị lãnh thổ của Nhà nước Vatican, đưa ra các cơ cấu hỗ trợ cần thiết cho Tòa Thánh và hoạt động của Tòa Thánh".

Thông cáo dự liệu: "Bức tranh tổng thể nảy sinh từ các kế hoạch ngân sách cho thấy dù có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt, nhưng vẫn để ý đến sự bất ổn của hệ thống kinh tế toàn cầu và chi phí quản trị gia tăng. Điều hiển nhiên liên quan đến Tòa Thánh chính là nhận được tài trợ không thể thiếu từ quyên tặng của các tín hữu. Các thành viên của hội đồng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với những người âm thầm giúp đỡ cho sứ vụ phổ quát của Đức Thánh Cha, và khích lệ họ tiếp tục công việc tốt đẹp này".

Thông cáo đi đến kết luận: "Như thường lệ, ngân sách sẽ chịu sự kiểm soát của Văn phòng Kinh Tế Tòa Thánh".
 
Top Stories
Vietnam: Le cardinal archevêque de Saigon annonce l’organisation d’un synode régional dans l’archidiocèse au mois de novembre 2011
Lê Hoàng
12:54 18/02/2011
Dans une déclaration recueillie le 17 février 2011 par l’agence Ucanews, le cardinal archevêque de Saigon, Mgr Jean-Baptiste Pham Minh Mân, annonce l’organisation d’un synode régional pour l’archidiocèse avant la fin de l’année. Ce projet n’est pas nouveau. Il avait déjà été évoqué par le cardinal, à plusieurs reprises, lors de sa nomination au poste d’archevêque de la métropole méridionale (1).

Ce projet avait été ensuite reporté à l’année 2000 (2). Après une dizaine d’années de silence, Mgr Mân a remis le synode diocésain à l’ordre du jour.

Aucune mention n’en a encore été faite, pas plus sur le site de l’archidiocèse de Hô Chi Minh-Ville que sur celui de la Conférence épiscopale du Vietnam. Ce nouveau rassemblement aura lieu un an après la convocation de la « Grande assemblée du peuple de Dieu » qui s’est déroulée au mois de novembre dernier. Il aura pour objectif le renouveau de l’Eglise locale, le renforcement de la communauté chrétienne et de l’unité entre catholiques. Le cardinal a précisé: « Ce synode diocésain s’avère nécessaire. Ce sera l’occasion pour tous les catholiques de renforcer leur communion, leur fraternité, leur unité et de faire renaître la vie de foi. »

Ce synode régional devrait avoir lieu du 21 au 25 novembre 2011 à l’intérieur du Centre pastoral de l’archidiocèse. Quelque 250 prêtres, religieux et dirigeants laïcs y seront convoqués. Un secrétariat du synode sera bientôt mis en place. Composé d’experts en théologie, écriture sainte, droit canon, il sera chargé de faciliter le renouveau dans le personnel d’Eglise, dans la formation pastorale, dans les manières de pratiquer la foi, dans la pastorale des organisations d’Eglise, des communautés, des paroisses. « Ce renouvellement, a affirmé le cardinal, vise à faire de la famille de l’archidiocèse une Eglise du Christ pour le peuple et au sein de la nation. » Il a ajouté que les débats du synode auraient pour fondement les propositions de la Grande assemblée du peuple de Dieu et les documents qui ont été publiés à son issue. Ils s’inspireront aussi des suggestions émises par les catholiques de l’archidiocèse à cette occasion.

Le cardinal a ensuite décrit l’état d’esprit qui est celui des chrétiens dans son archidiocèse. Depuis 1975, beaucoup de catholiques vivent dans une attitude d’autodéfense, d’autres soutiennent la politique du gouvernement, quelques-uns constatent que leur pratique de la foi se heurte à des limites et que l’Eglise locale est opprimée par le gouvernement. Par ailleurs, après le changement de régime, 120 000 catholiques et environ 300 prêtres ont quitté le diocèse, le plus souvent pour l’étranger. Quatre cents établissements d’Eglise ont été confisqués. Aux dernières statistiques, en 2009, le diocèse comportait 662 000 fidèles, établis dans 200 paroisses. On y trouvait 650 prêtres, 4 750 religieux et religieuses.

(1) Voir EDA 263

(2) Voir EDA 269

(Source: Eglises d'Asie, 18 février 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thông báo của Ủy ban nghiên cứ lịch sử Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Tapao
LM Phêrô Nguyễn Thiên Cung
14:28 18/02/2011
 
Caritas giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng thăm người nghèo
Giuse Trần ngọc Huấn
14:37 18/02/2011
LẠNG SƠN – Vào chiều ngày 18 tháng 02 năm 2011, Caritas giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã tổ chức thăm viếng, chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo và một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc huyện Văn Quan, nằm trong phần diện tích của giáo phận.

Xem hình ảnh

Khởi hành từ Tòa Giám mục vào khoảng 12h30, đoàn gồm 02 linh mục dòng Don Boscô đang phục vụ tại giáo phận, các nữ tu và đại diện giáo dân. Sau khoảng hai giờ đồng hồ vượt qua những con đường quanh co, hiểm trở với nhiều đèo dốc của vùng sơn cước, đoàn đã đến với những gia đình đặc biệt khó khăn, nằm sâu trong các vùng đồi núi heo hút.

Giữa cái giá lạnh của mùa đông xứ Lạng, những cuộc gặp gỡ, những cái bắt tay, những ánh mắt thân thiên, những tình cảm sẻ chia, đã làm nên sự ấm áp, yêu thương. Những món quà được trao tặng tuy nhỏ bé nhưng gói ghém bao tình nghĩa và sự quan tâm.

Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng để lại nhiều dấu ấn thật đẹp. Đoàn Caritas giáo phận đến gặp gỡ và chia sẻ, không phải chỉ với anh chị em đồng đạo, nhưng còn hướng đến những anh chị em lương dân hay không cùng niềm tin, để mọi người đều cảm nhận được sự sẻ chia và nâng đỡ chân thành. Trong khung cảnh của giáo phận miền truyền giáo, những cuộc gặp gỡ như vậy càng đáng trân trọng và mang nhiều ý nghĩa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cụ Rùa Hồ Hoàn-Kiếm
lykhách
15:17 18/02/2011
Cũng như Cụ, đất nước mình cũng đầy lở lói
Biển mất Hoàng-Sa, đất mất rừng biên giới
Nghĩ công, biết đâu xưa kia chính Cụ trao bảo kiếm Lê- Lợi
Hy vọng nay mai cố chạy chữa Cụ thôi!

Đất nước mình thời chủ nghĩa xã hội
Lãnh đạo võ đoán, vẫn thế, che dốt phải nói dối
Chỉ giỏi ăn cắp, giỏi chạy tội
Giỏi khôn nhà dại chợ, giỏi đè bẹp dân nhưng sợ Tàu … lạ thôi!

Nghe đồn hôm nào Cụ muốn lên bờ
Đừng nhé, Cụ ơi, cả đất, nước đều dơ
Thà ở Hoàn Kiếm khuất mắt Cụ
Lên đây thấy nhục nước tràn bờ!

Cụ ạ, kiếm xưa Cụ để đâu?
Thăng-Long nghìn năm hóa rồng chầu
Chắc tổ tiên tủi thẹn vì con cháu
Thời nay sao quá sợ lạ… Tàu?!

Nhưng xưa kiếm cung còn xài được
Thời này vũ khí tối tân hơn
Đảng thiên tài có cái nhìn chiến lược:
Tránh thiên tai, đành dâng phần giang sơn!

Cụ bảo: bảo kiếm ở ý kiếm
Ở lẽ nghĩa nhân tâm niệm lòng người
Nhân nghĩa thời nay rất quý hiếm
Thất lạc từ lâu biết đâu tìm Cụ ơi!

Nhỡ nay mai Cụ có ra đi
Có nhắn lại con cháu điều chi
Ý rõ ràng đang phơi trên thân thể Cụ
Những vết thương lở lói nói điều gì?

Thân Cụ ví như hồn non nước
Khốn cùng vì con cháu bạt nhược
Cảnh Ấn Đền Trần mua quan bán tước
Là một thoáng nhìn vào vận nước hôm nay

Hỏi nước nào sinh bệnh vì trong sạch?
Có nước nào không đục vì rửa lắm kẻ dơ?
Quốc nhục ngay bên, chỉ không muốn nhớ
Hoặc chẳng nhìn ra vì sống quá thờ ơ!

Nghĩ càng thương xưa An-Dương -Vương
Chở Mỵ -Châu chạy tới biển cùng đường
Giặc đấy - ngồi ngay sau lưng thánh thượng
Mà đoạn đành gươm chém vào yêu thương!

Nghĩ càng giận con người thời nay
Sống lại quên bài học đau xót này
Ăn đồ Tàu, xài đồ Tàu, mặc biển đảo Tàu lấy
Giặc ngay trước mặt, còn bảo Tàu…lạ đây!

Nhưng chuyện xưa, chuyện nay có khác
Người xưa vì cả tin mà hận nước mất
Người thời nay biết tình tan nước nát
Mà dửng dưng nhìn cường quyền dối gạt!

Nhìn Cụ, ngẫm chuyện quê hương lại buồn
Trên thân thể Cụ đầy những vết thương
Nước hồ dơ ngộp mỗi lần Cụ lặn xuống
Nên Cụ cố ngoi lên, càng rõ nỗi thống khổ quê hương!
 
Thông Báo
Thông báo của Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tapao
Lm. Nguyễn Thiên Cung
09:09 18/02/2011
 
Văn Hóa
Cha Yêu
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
12:15 18/02/2011
(Kính tặng Đức Tổng Giuse)

Chiều nay con về

Đường mưa lối ngập

Nhớ ngày bão táp

Bóng cha liêu xiêu

Những nẻo đường chiều

Vỗ về dân Chúa

Những ngày đổ lửa

Cha đứng bên dân

Giục chiên gọi đàn

Về bên Thánh giá

Dù thân rời rã

Cha vẫn lên đường

Lòng ngập yêu thương

Giữa trời giá lạnh

Cha nhìn dân thánh

Chịu nỗi oan khiên

Tay Cha nhân hiền

Yêu thương che chở

Rồi ngày lá đổ

Cây rừng khóc Cha

Bên chiều Vượt Qua

Cha cạn chén đắng

Đêm về trầm lặng

Cùng với Giêsu

Những phút ưu tư

Dệt ngày cứu độ

Ngày nào bỡ ngỡ

Tám triệu con tim

Mãi mãi còn in

Thánh Giá đổ sập

Trên đồi bão táp

Đồng hướng về Cha

Chứng nhân an hoà

Hôm nay Xuân mới

Ánh Xuân chói lọi

Cầu mong ánh hồng

Ngàn dân đợi trông

Bùng lên rạng rỡ

Từ bụi gai nhỏ

Với lệnh lên đường

Sa mạc dặm trường

Một niềm hy vọng

Trời cao biển rộng

Cha với đoàn con

Giữ lửa tim hồng

Chờ ngày vinh thắng.
 
Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Đền thờ Thiên Chúa
Nguyễn Trung Tây, SVD
21:00 18/02/2011
Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Đền thờ Thiên Chúa

□ Chuyện thời bây giờ kể rằng, ở thung lũng điện tử Silicon, San Jose, California của Hoa Kỳ có một đôi vợ chồng, con trai tên Bòn, bốn tuổi, con gái tên Bon, mười tháng. Chồng là Kỹ Sư điện. Vợ làm Assembler trong hãng điện tử. Cả hai vợ chồng là những thành viên trung thành trong Ban Giáo Lý giáo xứ Việt Nam.

Chồng cười tí toáy, hỏi vợ,

— Đố em biết ngôi nhà thờ nào nổi tiếng nhất Việt Nam?

Vợ suy nghĩ một hồi, đáp,

— Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn.

Chồng lắc đầu,

Well, hai hột vịt lộn…

Vợ lớn bên Mỹ, không hiểu, hỏi

— Hai hột vịt lộn, what does it mean?

Chồng chợt nhớ ra,

— Hai hột vịt lộn có nghĩa là sai bét…

Vợ tiếp tục làm toán đố,

— Chẳng lẽ nhà thờ La Vang?

Chồng lại lắc,

— Cũng không phải luôn.

Vợ hỏi,

— Anh nói là nhà thờ nào nổi tiếng nhất phải không?

Chồng gật đầu,

— Đúng.

Cho chắc ăn, chồng sổ luôn một tràng tiếng Anh,

What is the most famous church in Vietnam?

Vợ suy nghĩ,

— Nổi tiếng nhất Việt Nam thì chỉ có nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn chứ còn nhà thờ nào khác.

Vợ như đang nói với chính mình,

— Nhưng lại cứ lắc đầu quầy quậy như thế kia..

Vợ nhìn lên,

— Thôi, em chịu.

Chồng tố,

— Sao lại dễ dàng buông xuôi bỏ cuộc như vậy? Nhà thờ nổi tiếng nhất Việt Nam là nhà thờ đá Phát Diệm chứ còn nhà thờ nào.

Vợ trợn tròn mắt, như không tin,

Well, nhà thờ đá Phát Diệm? Tại sao lại là nhà thờ đá…

Chồng nói năng thông suốt như ông giáo đang đứng giảng bài,

— Bởi vì đây là một công trình xây hoàn toàn bằng đá. Và điểm đặc biệt nhất là kiến trúc đông phương của ngôi nhà thờ. Em biết Cộng đồng Vatican II họp năm 1963 chứ gì. Hồi đó Công đồng kêu gọi người tín hữu sử dụng chất liệu dân tộc để minh họa niềm tin Kitô. Cho nên ở Việt Nam, sau Công Đồng Vatican II, thánh lễ không còn cử hành trong tiếng Latin nữa, nhưng tiếng Việt Nam. Ông Hàn Mặc Tử nổi tiếng với những vần thơ đức tin. Thi sĩ mất năm 1940. Nếu nói về dân tộc hóa niềm tin Kitô, nhà thơ Hàn Mạc Tử đã đi trước một bước rồi. Và cũng đừng quên cụ Sáu Trần Lục, khi ngài khởi công xây dựng nhà thờ đá Phát Diệm vào năm 1875, cha lại còn đi trước nhà thơ Hàn Mạc Tử một bước thật xa.

Vợ ngẫm nghĩ, rồi gật gật đầu,

— Nghe cũng có lý. Bây giờ tới phiên em. Vậy chứ, em đố anh biết, đền thờ nào nổi tiếng nhất thế giới?

Chồng lẩm bẩm,

— Nổi tiếng nhất thế giới?

Vợ gật đầu,

— Đúng rồi, đền thờ nổi tiếng nhất thế giới…

Cho chắc ăn, vợ cũng đi luôn một tràng tiếng Anh,

What is the most famous Temple in the world?

Chồng, một thời học thần học, nhoẻn miệng cười, hấp tấp nói ngay,

The most famous Temple? Thì còn đền thờ nào khác ngoài đền thờ Giêrusalem.

Vợ nhún vai,

Sorry nhé! Hai trứng vịt lộn! Về chỗ quỳ…

Chồng biết vợ ăn miếng trả miếng, cố gắng gỡ huề tỉ số,

— Cám ơn cho tấm lòng tử tế của cô giáo lớp Một.

Vợ hướng dẫn chồng quay lại chính đạo,

— Anh chưa trả lời đúng câu hỏi đó nghen…

Biết mình lạc đường mùa chay, chồng làm một đường vòng chữ U,

— Không phải đền thờ Giêrusalem thì chắc…

Chồng gãi gãi tóc,

— Chắc là đền thờ thánh Phêrô ở Rôma?

Vợ lắc đầu,

— Cũng không phải luôn.

Chồng giơ hai tay,

— Thôi, bắt chước cô giáo lớp Một. Tui…tui đầu hàng.

Vợ tủm tỉm cười,

— Đầu hàng thì cứ việc giơ tay đầu hàng. Làm chi mà phải mở miệng đổ lỗi quanh quẩn cho người khác.

Vợ nghiêm mặt,

— Đền thờ nổi tiếng nhất thế giới là...là…

Vợ chỉ ngón tay vào chồng, rồi vào mình,

— Là anh, là em.

Vợ giải thích,

— Thánh Phaolô nói thân xác con người chính là đền thờ Thiên Chúa (1Cor 3:16-17).

Vợ giảng bài,

— Anh thì cứ lên mặt khoe khoang hồi xưa học lớp Thần Học. Khỏi nói ông tướng cũng biết con người mang hình ảnh của Thiên Chúa… Right?

Vợ giải thích như một nữ thần học gia chính hiệu con nai vàng,

— Bởi vì trong ngày thứ Sáu Thiên Chúa tạo dưng nên người nam và người nữ trong hình ảnh của Chúa (Gen 1:27). Right?

Vợ kết thúc bài giảng,

— Cho nên, ngôi đền thờ đẹp nhất, tráng lệ nhất, nổi tiếng nhất trên thế giới chính là con người.

Chồng nghiêng người, giọng điệu ong chích thấy rõ,

Well, cannot believe it… Xin kính chào nữ thần học gia. Xin cô thương tình thí cho bần tăng chữ ký được hay không?

Vợ lên đạn, bóp còi,

— Đây chỉ bán… chứ không “cho không biếu không”.

Vợ bắn tiếp một tràng tiểu liên,

— Anh cứ hay khoe là anh đang theo học lớp Kinh Thánh trong giáo xứ. Đừng có quên hồi xưa, em cũng học lớp Thần Học Nhập Môn 101 tại đại học nổi tiếng nhất Thung lũng Silicon.

— Nổi tiếng nhất Thung lũng hoa vàng? Cô giáo lớp Một muốn nói tới trường San Jose State University của anh.

— Không có đâu. Trường University of Santa Clara của em thì có.

Vợ tiếp,

— Đã lỡ nói thì nói luôn, anh còn nhớ câu chuyện Chúa Giêsu hất đổ, quét sạch những người buôn bán trên sân đền thờ Giêrusalem hay không (Gioan 2:13-16)?

Vợ nhìn nhìn chồng, ánh mắt cười tí toáy,

— Em thấy cuối tuần anh hay loay hoay lau chùi hút bụi cái xe Camry đời mới của anh lắm. Đừng có quên, anh cũng có một đền thờ thiêng liêng để lau chùi và hút bụi đấy.

Vợ lơ lửng con cá vàng,

— Làm ơn chịu khó dành dụm một chút thì giờ để chăm sóc ngôi đền thờ đẹp nhất thế giới cho tôi nhờ…

Vợ xuống giọng, nói nho nhỏ,

— Ngày nào cũng vậy, cứ quay ra thì football với talk-shows, quay vào thì internets với chat… Cuối tuần lại ghé vào, không Best Buy thì cũng Frys Electronics…

Vợ tiếp tục ván bài tố,

— Rồi là xăm xoi nhìn ngó đồ điện tử, rồi lại rửa xe, rồi lại football

Vợ nghiêng nghiêng mái tóc,

— Cứ như vầy, hèn chi đền thờ vừa bị phủ kín rêu xanh vừa bị màng nhền nhện bám đầy…

Chồng nheo nheo đuôi mắt, cười nho nhỏ,

— Cám ơn cho những lời nhắc nhở. Ai kia cũng đừng có quên ngôi đền thờ đẹp nhất của mình đấy. Cứ lo dòm dòm ngó ngó đền thờ người ta. Không để ý tới chi đền thờ của mình, cho nên ma quỷ và thương buôn đóng đồn đóng bốt đông hơn kiến trên sân…

Chồng lên giọng, buông lời kết luận,

— Mà nào có biết chi đâu!

□ Lời Chúa

Nào anh chị em chẳng biết rằng anh chị em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh chị em sao? Ai phá hủy Ðền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Ðền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Ðền Thờ ấy chính là anh chị em (1 Corinthians 3:16-17).

□ Lời Nguyện

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã tạo dựng nên chúng con thành những ngôi đền thờ huy hoàng và tráng lệ làm nơi Chúa nương thân. Xin Chúa thêm ơn để chúng con biết cách gìn giữ, chăm sóc, và bảo vệ, để những ngôi đền thờ mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng con không bị màng nhện bám che hoặc phủ đầy rêu xanh tội lỗi.

www.nguyentrungtay
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phá Tam Giang
Tâm Duy, Lm
22:37 18/02/2011
PHÁ TAM GIANG

Ảnh của Tâm Duy, Lm

Thuyền ai kia nhỉ thả sông Mơ

Làn sóng vì đâu cứ hững hờ

Lớp lớp triều dâng dâng mãi mãi

Thuyền neo lơ lửng tựa trông chờ.

(Trích thơ của Nguyên Đỗ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền