(Chúa Nhật I Mùa Chay B)
“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,1..). Nội dung lời rao giảng của Đấng Cứu Thế, Giêsu Kitô thật ngắn gọn mà rõ ràng và đủ đầy ý nghĩa. Đang bước vào Mùa Chay thánh, xin được sẻ chia đôi tâm tình liên hệ đến vế sau lời rao giảng của Chúa Kitô: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Thử hỏi rằng phải chăng nhờ ăn năn sám hối nên chúng ta tin vào Tin Mừng hay nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta sám hối ăn năn?
Để có được câu trả lời mang tính khả tín thì chúng ta cần làm rõ nội hàm của hai từ Tin Mừng. Hai từ Tin Mừng vừa nói lên sứ điệp gieo rắc niềm vui đích thực vừa nói đến chính niềm hạnh phúc, niềm vui trọn hảo. Như thế Tin Mừng ở đây chính là Chúa Kitô, là con người, cuộc đời, các hoạt động và lời giảng dạy của Người. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Nước Trời chính là Chúa Kitô và Tin Mừng cũng chính là Người. Và ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9).
Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là tỏ bày cho nhân loại nhận biết chân dung đích thực của Thiên Chúa tối cao cũng như chương trình ý định của Ngài trên toàn thể thụ tạo, cách riêng trên loài người chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế nói đến một Thiên Chúa tự nguyện ký kết giao ước với nhân loại. Người tự nguyện cam kết rằng sẽ không trừng phạt con người: “Ta lập giao ước của ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt…”(St 9,11). Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên giao ước Người đã lập. Và mọi đường lối của Người đều là yêu thương và thành tín (x.Tv 24). Lòng thành tín của Thiên Chúa đã hiện lộ cách rõ nét khi đến thời viên mãn với công cuộc nhập thể cứu độ của Chúa Kitô.
Để giúp con người từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối và đổi thay nếu sử dụng phương pháp hù doạ, nghĩa là trình bày các hậu quả xấu xa phải gánh chịu, thi dường như dễ có kết quả tức thời nhưng lại không bền. Bên cạnh đó cái phương pháp này nhiều khi làm méo mó chân dung Thiên Chúa, Đấng tốt lành vô cùng, là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng tin mừng, Chúa Kitô đã xác nhận lời tiên tri Isaia ứng vào sứ mạng của mình: “Thần Khí chúa ngự trên tôi, vì chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,18-19). Một nội dung chính của Tin Mừng đó là :“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Mùa Chay thánh đã về, đoàn Kitô hữu thường được nghe các vị chủ chăn nói đến chủ đề tội lỗi. Đây là một việc làm chính đáng. Thế nhưng nếu quá chăm chăm dán mắt vào cái được gọi là tội lỗi thì nhiều khi chúng ta sẽ bị lệch lạc trong cái nhìn. Mầu nhiệm tội lỗi chỉ được sáng tỏ khi chúng ta quy chiếu cái nhìn vào Thiên Chúa và tình yêu Người đã dành cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng Tối Cao và giàu lòng xót thương là khởi điểm để chúng ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình và cũng là đích đến khi chúng ta nỗ lực ăn năn hoán cải, đổi thay, trở về.
Một thực tế của Mùa Chay: Nơi nơi, xứ xứ đều có lời mời gọi sám hối và các cử hành bí tích Hoà Giải. Chuyện các Kitô hữu Công Giáo, cách riêng người Công Giáo Việt Nam chen nhau đến toà giải tội dịp Mùa Chay là chuyện quá phổ biến, ít ai chối cãi. Các vị mục tử có nơi phải sắp xếp lịch trình hợp lý mới có thể đáp ứng được nhu cầu này của đoàn tín hữu. Thế nhưng có chăng việc xưng thú lỗi lầm ấy chẳng qua là chỉ để thanh thản lương tâm chút nào đó hầu tham dự các Lễ nghi của Tuần Thánh và để đủ điều kiện rước Thánh Thể dịp Phục sinh? Đại Lễ Phục sinh đến thì mọi sự lại trở về như xưa. Mùa Chay vội qua như nó chưa từng đến. Một sự đổi thay mang tính tích cực và lâu bền chỉ có thể đặt trên nền tảng một cảm nghiệm sâu xa về Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Không phải chúng ta sám hối ăn năn rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng nhờ tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa giàu lòng xót thương thì chúng ta mới thành tâm ăn năn sám hối, thay đổi đời sống cách cụ thể thiết thực và lâu bền. Ước gì chân dung Thiên Chúa Tình yêu được tỏ lộ nơi đoàn tín hữu Kitô, đặc biệt nơi các vị mục tử để nhiều tâm hồn lầm lạc biết ăn năn trở về. Và khi ấy chúng ta có thể nói rằng Mùa Chay không phải là mùa của sầu khổ, đau buồn mà đich thực là Mùa của hồng ân.
Mong sao không chỉ các đấng bậc trong Hội thánh mà cả đoàn tín hữu Kitô nhiệt thành loan Tin Mừng để tội nhân khi “tin vào Tin Mừng, thì biết sám hối ăn năn”. Tin Mừng cần được loan báo ở đây đó là: làm cho kẻ bị giam cầm thoát khỏi xiềng xích ngục tù, làm cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, làm cho người nghèo hèn, kém phận biết họ được ưu ái, cho người tội lỗi biết họ luôn được đón chờ và thứ tha…
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Nhiều người trong chúng ta có thể đã hỏi ít nhất một lần trong đời rằng: Đức Giê-su vào hoang địa, chịu cám dỗ để làm gì? Ngài là Ngôi Lời, là Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ chiến thắng mọi cơn xúi giục, lôi kéo, cám dỗ của ma quỷ, điều này không đúng sao? Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời cách công khai, biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ có ý nghĩa gì? Hơn hết, cuộc chiến chống lại cám dỗ của Ngài có cần thiết và hệ trọng đối với chúng ta, đặc biệt trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta chăng?
Đây chỉ là một số câu hỏi, thiết nghĩ chúng ta đôi lần cũng tự đặt ra cho mình, cũng như cho những ai có trách nhiệm giảng dạy, đào tạo và đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không cố gắng tìm lời giải đáp cho tất cả mọi nghi vấn, câu hỏi mà chúng ta đặt ra. Cho bằng, chúng ta cùng đặt bản thân mình vào các bài đọc hôm nay, nhất là đoạn Tin Mừng ngắn ngủi này, hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy, sẽ khám phá điều gì Chúa muốn nói với chúng ta trong Mùa Chay Thánh này: “Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giê-su vào hoang địa và Ngài ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Ngài” (Mc 1, 12-13).
Như chúng ta biết, sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, thì Ngài được Thần Khí thúc đẩy đưa vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ, nơi đó Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (x. Mt 3, 16 - 4, 2; Lc 3, 21- 4, 2). Như thế, đây không đơn giản là cuộc chiến chống lại cơn cám dỗ đơn thuần, mà đúng hơn, qua biến cố này, Đức Giê-su để lại tấm gương quý giá, và bộc lộ khả năng thần thiêng nơi con người, bởi lẽ con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh Ngài (Imago Dei). Thật sự, con người đã sa ngã, phạm tội, không giữ lời hứa với Thiên Chúa (x. hình ảnh A-đam và E-và ăn trái cấm), nhưng tiềm ẩn trong con người vẫn không mất đi tính thần thiêng, cũng chẳng mất đi khả năng chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ. Thánh Sử Mác-cô không kể chi tiết Đức Giê-su đã chịu cơn cám dỗ ra sao, và Ngài đã chiến đấu với những cơn cám dỗ thế nào; nhưng Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta thấy rõ ba loại cám dỗ chính liên quan đến vật chất (tiền bạc), quyền lực và danh vọng (x. Mt 4, 2-11; Lc 4, 2-13). Đức Giê-su đã dùng Lời Chúa, dùng việc ăn chay cầu nguyện và sự tín thác kiên vững của Ngài mà chống lại sự xúi giục của ma quỷ. Đây chính là cách chúng ta soi vào, noi gương Ngài mỗi khi bị cám dỗ, hoặc có những xu hướng lệch lạc, khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, hoặc đối nghịch với giáo lý Giáo Hội.
Giữa thời đại này, có quá nhiều kiểu cám dỗ, vô vàn loại hình lôi kéo chúng ta bỏ đàng công chính, sống buông thả theo lối ‘đến đâu hay đến đấy’. Một trong nhiều thứ cám dỗ mà chúng ta cảm nhận rõ rệt ngày nay, đó là: ‘chẳng sao đâu, anh (chị) vẫn còn nhiều thời gian/thời giờ mà!’, ‘để sau cũng được mà! Chứ vội vàng (xưng tội, ăn năn sám hối…) làm chi!’, ‘hôm nào tiện thì làm (ví dụ: chần chừ đi xưng tội, phạm hết tội nhẹ đến tội trọng, nhưng dự định gộp một lần rồi xưng tội) luôn một thể’, đặc biệt khi sống làm việc ở xứ người, vừa không biết ngôn ngữ vừa biếng nhác, chưa trưởng thành trong đời sống đạo. Ngoài ra, một loại cám dỗ khác cũng khá phổ biến thời nay, đó là: ‘hành vi/hành động sai/xấu nhưng nếu chẳng ai bắt được tận tay, thì xem như bình thường’, ví dụ: ăn cắp vặt, ăn trộm vặt, nếu không ai thấy thì hành vi sai trái ấy vẫn coi như chẳng có gì nghiêm trọng cả. Như chúng ta biết hành vi sai trái, tội lỗi ở bản chất nó thì cho dù khi thực hiện có ai bắt được hay có ai thấy hay không, hành vi đó vẫn sai trái, tội lỗi. Hơn thế, một thứ cám dỗ khác như thể ‘vàng thật vàng thau lẫn lộn’, ấy là: hành động sai ngay tại bản chất của nó, nhưng nếu nhiều người làm thì nó lại trở nên bình thường như ‘bình chân như vại’! Một hành vi xấu xa ở bản chất của nó, thì cho dù nhiều hay ít người làm đi chăng nữa, nó vẫn là hành vi sai trái. Tuy ba kiểu cám dỗ thời đại này tinh vi, và hầu như phải chiến đấu nội tâm, nhưng ở mức độ nào đó, chúng vẫn liên quan đến tiền-tài-tình hoặc tiền tài-quyền lực-danh vọng-sắc dục.
Với tấm gương kiên định chống lại cám dỗ của Đức Giê-su, và trong niềm tín thác “Chúa Ki-tô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa” (1Pr 3, 18), thì chúng ta vượt thắng mọi cơn cám dỗ. Nhờ vào lòng nhân từ Chúa, gia đình ông No-ê (gồm tám người) được cứu khỏi lụt đại hồng thuỷ (x. St 8-9) và Ngài đã ký kết giao ước với ông qua dấu chỉ ‘chiếc cầu vòng’ (‘cái mống’ hoặc ‘cây cung trên trời’ như một số bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt sử dụng), rằng: Thiên Chúa sẽ không trừng phạt như vậy nữa; thay vào đó, Ngài khoan dung, nhân từ, nhẫn nại, chờ đợi con người. Ngài thanh tẩy và ban cho con người một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa hằng sống (x. 1Pr 3, 21-22). Nhờ đó, chúng ta thêm mạnh sức, chống chọi với mọi cám dỗ, mọi xúi giục, mọi lôi kéo của ma quỷ, hòng tách rời chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Với đời sống cầu nguyện liên lỉ bền bỉ, ăn chay hãm mình đền tội, và tận tâm làm việc bác ái yêu thương trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ luôn cảm nghiệm Chúa nâng đỡ, và đồng hành qua Giáo Hội; chúng ta sẽ được thông phần vào mầu nhiệm Thương Khó-Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Giờ đây, chúng ta thành tâm dâng lời nguyện cầu:
Chúa đã chiến thắng cám dỗ thế nào
Xin cho chúng con chẳng nao lòng vậy
Kiên vững chống lại ma quỷ xấu thay
An chay, cầu nguyện, tháng ngày yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Thông thường, Chúa Giê-su dùng đôi tay của vị linh mục mà truyền phép, cử hành Bí tích Thánh Thể. Cũng chính đôi tay này được thánh hiến trong ngày lễ thụ phong, hầu được cầm lấy chính Nhiệm Thể (Mình và Máu Thánh) Chúa Giê-su Ki-tô, và trao ban sự sống này cho dân Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thắc mắc tự hỏi rằng: vậy lúc sinh thời, tại làng Na-da-rét, và đặc biệt khi Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su nơi hang đá miền Bê-lem, Thánh Giu-se đã dùng đôi tay của ngài ẵm bồng Hài nhi thế nào? Ngài đã dùng đôi tay mình để chăm sóc Mẹ Chúa Cứu Thế và bồng bế, dỗ dành Chúa Hài Đồng ra sao? Kinh Thánh ghi chép rất ít về Thánh Cả Giu-se, một con người công chính, sống thầm lặng, kín tiếng, kiệm lời mà hết mực yêu thương trìu mến, bao dung vị tha. Cả cuộc đời trên dương thế ngắn ngủi, ngài đã toàn tâm vâng phục theo Thánh ý Chúa, thi hành, nâng đỡ Mẹ Ma-ri-a và Đức Giê-su.
Nhân dịp Đức Thánh Cha công bố Năm đặc biệt kính Thánh Giu-se (8/12/2020 - 8/12/2021), cũng là kỷ niệm 150 năm Giáo hội tuyên phong Thánh nhân làm quan thầy cả Giáo hội, chúng ta cùng trở về Bê-lem nơi hang đá, cùng bôn ba lánh nạn sang Ai-cập, cùng hồi hương Na-da-rét, ngõ hầu chiêm ngắm, học biết, noi gương Thánh Cả Giu-se sống thiện lành trọn vẹn. Cụ thể, trong mỗi ngày, đặc biệt ngày thứ tư trong tuần, chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh Giu-se, cùng suy niệm về cuộc đời, tính cách của ngài, và cùng dâng lên ngài những hy sinh nhỏ bé thường ngày của mình.
Trong tâm tình “đến cùng Giu-se”, qua loạt bài viết ngắn này, xin mạn phép chia sẻ một số câu chuyện về Thánh Giu-se với mọi thành phần phẩm trật trong Giáo hội, bao gồm dân Chúa.
Đầu tiên, chuyện kể về một điều kỳ lạ của vị Hồng Y dòng Phan-xi-cô 80 tuổi chẳng bao giờ dùng kính (đọc) trước khi ngài qua đời. Tuy đã bước qua tuổi ‘cây cao bóng cả’, nhưng mỗi lần đọc sách hay viết lách, ngài đều không dùng kính, dù chỉ một lần. Hỏi một luật sư tại vùng Nê-a-pô-li, thì được biết thị lực của Đức Hồng Y rất tốt; và khi bàn về lí do vì sao được như vậy, thì ngài đã bật mí bí mật bấy lâu nay.
Ngài kể: “Ở tuổi này rồi, mà tôi vẫn không dùng kính (đọc) là chuyện lạ; nhưng lạ lùng hơn khi được biết vì sao như thế đúng không nào!…Vào năm 1869, trước khi tôi được sai đến xứ sở truyền giáo A-bi-shi-ni-a, đột nhiên mắt tôi bị đau, cố gắng đọc-viết ít lại nhưng vẫn cảm thấy nhói xót trong mắt, và đến một lúc không thể làm bất cứ việc gì. Tôi trở nên bất lực. Tuy nhiên, tự nhủ lòng mình rằng mọi chuyện sẽ qua, rồi xin phép bề trên đi cắt kính: một cặp mắt kính độ nhẹ, và một cặp mắt kính độ cao. Sau đó, mang theo lên đường đến xứ truyền giáo ấy. Vừa đặt chân lên vùng đất truyền giáo, tôi vui sướng tột cùng, mặc dù vẫn còn canh cánh trong lòng vì thị lực của đôi mắt tôi ngày càng yếu dần, yếu dần, và đến một lúc nào đó, đôi mắt mất đi tia sáng, tôi chẳng còn nhìn thấy sự vật gì xung quanh nữa. Mọi tạo vật tươi tốt, xinh đẹp mà Chúa dựng nên, giờ đây chỉ còn lại bóng tối trước con người yếu hèn, mỏng dòn này. Ngày qua ngày, bóng tối bao trùm tôi. Nhưng lạ lùng thay, khi tôi bị mất thị lực ngẫu nhiên lại là ngày thứ tư!”
Nước mắt giàn dụa vì xúc động khi hồi tưởng lại, ngài tiếp lời: “Tôi tự tìm đến và bước vào một ngôi nhà thờ đã được thánh hiến cho Thánh Cả Giu-se ở đó, dâng toàn bộ đôi kính của mình trước bàn thờ ngài, khóc lóc lớn tiếng, sụp lạy sát đất, nguyện cầu: ‘Lạy Thánh Giu-se, nhờ ơn Chúa, con được sai đến vùng đất truyền giáo này hầu làm rạng danh Thiên Chúa, nhưng giờ đây, đôi mắt con như thế này. Ngài biết rõ hơn con, đôi mắt này quan trọng ra sao trong hoàn cảnh này mà. Xin ngài chữa lành con! Xin ngài chữa lành con! Con xin dâng đôi mắt và toàn thân này cho Thánh Cả với tất cả tâm tình cảm tạ tán dương’. Vừa dứt lời nguyện, tức thì nước mắt tôi ngừng rơi, mặc dù còn vài giọt lệ đang lăn dở trên hai gò má gầy còm. Tôi nhìn thấy mờ mờ tượng Thánh Cả Giu-se, và đến khi nhìn thấy tỏ tường tượng ngài, thì những giọt nước mắt không ngừng tuôn. Giọt nước mắt đầy cảm tạ tri ân! Giọt lệ của niềm vui hoan lạc! Thánh Giu-se đã thực hiện điều phi thường này, ngài đã chữa lành đôi mắt tôi ngay lúc tôi nài van. Chính vì vậy, ở tuổi ‘gần đất xa trời’, mà tôi không cần dùng bất cứ chiếc kính nào như mọi người khác cùng thời với tôi. Và đây chính là biến cố kỳ lạ mà Thánh Cả Giu-se đã tỏ lộ quyền năng của ngài nơi tôi”.
Lạy Thánh Cả Giu-se
Con xin dâng hiện tại
Phó thác cả tương lai
Ghé mắt trông thương xem.
Lạy Thánh Cả Giu-se
Nguyện xin ngài chở che
Cuộc sống con tứ bề
Luôn an ủi đỡ nâng.
Lạy Thánh Cả Giu-se
Xin cầu thay nguyện giúp
Đoàn con đây nheo nhút
Hằng cậy trông vào Ngài.
Lạy Thánh Cả Giu-se
Thương trao ban hôm nay
Ôi cao đẹp quý thay
Sống khiêm nhường đơn sơ. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Mùa Chay và Tết đều có điểm giống nhau là về với người mình yêu thương: Tết mọi người về nhà với cha mẹ anh chị em gia đình; Mùa Chay con người sám hối trở về với Chúa là Cha đầy lòng thương xót. Phải trở về vì trong đời sống luôn có những cơn cám dỗ lôi kéo chúng ta rời xa Thiên Chúa. Thế nên, Phúc Âm Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay luôn kể chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ.
1.Cám dỗ lìa xa Thiên Chúa. Từ khởi đầu nhân loại cho đến hôm nay, cơn cám dỗ lớn nhất của loài người vẫn là cơn cám dỗ rời xa Thiên Chúa và đường lối của Ngài. Để rồi, con người sẽ làm chủ cuộc đời theo ý riêng của mình. Người ta bị cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Đây là cơn cám dỗ nguy hiểm và kinh khủng nhất của thời đại ngày nay. Đây là nguyên nhân nền tảng gây bất công xã hội và đau khổ cho con người vì người ta đặt cái tôi của mình lên trên Thiên Chúa. Khi đó người ta sẽ bất chấp tất cả để làm bất cứ điều gì mình muốn, mình thích, thấy có lợi cho riêng mình.
2.Trở về giao ước yêu thương. Lời Chúa tuần này mời gọi chúng ta đi vào sa mạc tinh thần của lòng mình. Hãy dành những giây phút lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ, để kiểm thảo đời sống: Giao ước tình nghĩa Cha-con thân thiết giữa tôi với Chúa ngày rửa tội giờ sao rồi? Giao ước tình yêu vợ-chồng nồng nàn ngày cưới của tôi giờ sao rồi? Tôi phải làm gì để trở về liên hệ tình nghĩa với Chúa, với gia đình, với tha nhân?
Chúng ta được mời gọi hãy sám hối về với yêu thương. Trở về với Chúa là Cha giàu lòng thương xót, trở về với gia đình đầy tình yêu cha mẹ, đầy tình nghĩa anh em. Rộng hơn nữa, trở về để yêu thương cả gia đình nhân loại nơi có Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Amen.
BÀI ĐỌC I: St 9, 8-15
“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.
Trích sách Sáng Thế.
Đây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Đây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!” Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Đáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Đáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Đáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Pr 3, 18-22
“Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.
Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4,4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
PHÚC ÂM: Mc 1, 12-15
“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Đó là lời Chúa.
St 9,8-15; 1 Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
Những hình thức chay tịnh mới
Mùa Chay thánh là thời gian tập luyện nhân đức. Tin Mừng hôm nay bắt đầu với những lời này: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ” (Mc 1,12).
Hôm nay, chúng ta không tìm hiểu về Xatan và những cám dỗ, nhưng sẽ tập trung vào câu đầu tiên: “Chúa Thánh Thần liền đẩy Người vào hoang địa.” Câu này chứa đựng một lời mời gọi quan trọng để bắt đầu Mùa Chay. Chúa Giêsu vừa nhận sứ vụ qua Phép Rửa tại sông Giođan để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Nhưng điều này không phải là điều phải làm ngay. Trái lại, theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Người đi vào hoang địa ở đó bốn mươi ngày, ăn chay, cầu nguyện, suy niệm và chiến đấu. Tất cả những điều này diễn ra trong sự cô tịch và thinh lặng sâu xa.
Trong lịch sử đã có nhiều đoàn người nam - nữ bắt chước Chúa Giêsu quyết đi vào sống trong sa mạc. Ở Đông Phương, bắt đầu với thánh Antôn ẩn tu, nhiều người bắt chước ngài đã lui vào trong sa mạc ở Ai Cập và ở Palestina để sống đời cô tịch và chay tịnh; ở Tây Phương, vì không có những sa mạc cát trắng, người ta lui vào trong những nơi cô tịch, trên núi và thung lũng xa. Bắt đầu với thánh Bênêđictô thành Norcia, là người đã lập đan tu đầu ở Subiaco. Ngài cũng là người đã đóng góp quyết định cho sự phát triển văn hóa Châu Âu và nông nghiệp với châm ngôn sống: ora et labora, cầu nguyện và làm việc. Vì thế, ngài được chọn là quan thầy của Châu Âu.
Nhưng lời mời gọi theo Chúa Giêsu vào sa mạc không chỉ được gửi đến với các đan tu và những độc tu. Trong hoàn cảnh khác nhau, đó là lời ngỏ tới mọi người. Các người đan tu và độc tu đã chọn lựa một nơi trong sa mạc, chúng ta cũng phải chọn cho mình một thời gian sa mạc để rút mình trong thinh lặng nội tâm, làm rỗng chính mình, nhờ đó chúng ta tìm lại sức mạnh nội tâm, thoát khỏi sự ồn ào và náo nhiệt bên ngoài để đi vào gặp gỡ với những nguồn mạch sâu xa nhất trong chúng ta.
Kinh Thánh luôn đề cập đến ý nghĩa tích cực này của sa mạc, khác với ý nghĩa tiêu cực về nơi chốn hoang vu, không sự sống, không có sự liên lạc. Chẳng hạn, khi Thiên Chúa nói về dân mình như là một người vợ: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Mùa Chay là cơ hội mà Giáo Hội ban cho mỗi người để sống một thời gian sa mạc nội tâm mà không cần phải đi vào nơi hoang địa, để thanh lọc tâm hồn khỏi những ô nhiễm từ môi trường sống hôm nay.
Ngày nay, con người đã bắn vào vũ trụ những máy dò để dò ngoại vi của hệ mặt trời, nhưng lại không nhận biết những gì diễn ra trong trái tim mình. Con người không biết mình. Con người né tránh và sao nhãng với mình, đùa giỡn với mình: đó là những lời hướng dẫn chúng ta thực hiện một cuộc ra khỏi mình, thoát khỏi sự giả tạo của cuộc sống. Bởi vì, chúng ta thích sống trong sự ảo tưởng hơn là trong thực tại. Hôm nay, người ta nói nhiều về sự “vong thân” hay vong ngã khi đánh mất chính mình.
Cuộc sống hôm nay có quá nhiều âm thanh ồn ào ru ngủ con người. Những người trẻ là những người thích ồn ào. Ngày xưa vua Pharaô nói với người trẻ Do Thái rằng: “Chúng là quân lười biếng, vì thế mà chúng hô lên: Nào chúng ta đi tế lễ Thiên Chúa chúng ta! Phải giao cho bọn người ấy những công việc thật nặng nhọc để chúng lo làm, mà khỏi chú ý vào những lời dối trá” (Xh 5,8b-9).
Những Pharaô ngày nay cũng nói tương tự như thế: “Hãy đưa những người trẻ vào trong sự ồn ào náo nhiệt, để họ không suy nghĩ, không cân nhắc, nhưng theo thời trang, mua những gì chúng ta muốn, tiêu thụ những sản phẩm chúng ta quảng cáo.” Chúng ta phải làm gì bsg làm thế nào? Truyền thống Kitô giáo cho chúng ta câu trả lời với lời này: ăn chay. Có rất nhiều kiểu ăn chay. Đôi khi nói đến ăn chay, chúng ta nghĩ đơn thuần là ăn ít thức ăn và kiêng thịt. Nhiều người ăn chay để giảm cân, giữ eo và làm đẹp. Tin Mừng không khuyến khích chúng ta ăn chay theo kiểu đó, nhưng muốn chúng ta ăn chay kiêng thịt với một tinh thần hy sinh, diệt trừ tính mê ăn uống, sống tiết độ và nhất là dành phần của cải để chia sẻ với người đói khổ.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, có một sự chay tịnh khác mà chúng ta cần làm hơn là kiêng ăn uống. Vì không có thức ăn nào tự thân là ô uế. Sự chay tịnh cần thiết nhất là sự chay tịnh khỏi tiếng ồn ào, náo nhiệt, và nhất là khỏi những hình ảnh xấu. Chúng ta đang sống trong một nền “văn minh hình ảnh.” Chúng ta trở thành những “con nghiện” hình ảnh. Qua tivi, báo chí, internet và cuộc sống, những hình ảnh đi vào trong tâm trí chúng ta. Nhiều hình ảnh xấu, bạo lực, lừa đối và dâm ô đã làm ô nhiễm ký ức tâm hồn. Đó là những hình ảnh đầy cám dỗ. Chúng tạo nên trong chúng ta những ý tưởng sai lầm hay thế giới ảo về cuộc sống. Những hậu quả của chúng tác động trên chính cuộc sống, tư tưởng và hành động chúng ta.
Nếu chúng ta không tạo ra một thứ máy lọc hay ngăn ngừa, thì không lâu tâm hồn chúng ta cũng bị “trần tục hóa.” Những hình ảnh xấu lưu lại trong chúng ta, trong ổ nhớ ký ức, chúng tác động vào trong tiềm thức, ước muốn, nhu cầu bên trong và thúc đẩy chúng ta bắt chước, hành động, chúng làm giới hạn tự do chọn lựa của chúng ta và biến chúng ta thành những kẻ nô lệ của những đam mê xấu. Những hình ảnh xấu gây nên những tác hại lớn lao đối với mọi người, nhất là đối với người trẻ và trẻ em. Chúng thúc đẩy làm theo những gì đã nhìn thấy.
Bởi thế, chúng ta cần phải biết làm chủ bản thân, giữ ngũ quan và kiểm soát cả những gì lọt qua mắt và đi vào tâm trí. Thiên Chúa sáng tạo chúng ta có đôi mắt để nhìn, nhưng Người cũng sáng tạo chúng ta có lý trí để phân biệt tốt xấu, làm hay không làm.
Ngoài những điều trên, chúng ta còn phải biết “chay tịnh” việc nói xấu nói hành. Thánh Phaolô yêu cầu: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Những lời nói hành, nói xấu, chỉ trích trong cộng đoàn và gia đình làm cho mỗi người khép kín trong chính mính, tạo ra bầu khí đố kỵ, thù địch và giận ghét nhau. Thánh Giacôbê cũng lưu ý với chúng ta về sự nguy hiểm của ba tấc lưỡi.
Như thế, bước vào Mùa Chay thánh, chúng ta không thể đi vào sa mạc, nhưng chúng ta có thể tạo nên một sa mạc xung quanh mình để sống tĩnh lặng, thoát khỏi sự ồn ào, náo nhiệt cuộc sống, loại bỏ những gì bên ngoài lôi kéo, để tìm kiếm chính Thiên Chúa và những điều tốt lành đến từ Người.
Ước gì Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn Đức Giêsu vào hoang địa, xin Người cũng hướng dẫn và trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến chống lại sự dữ và các chước cám dỗ, để chúng ta chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh với một tâm hồn được hoàn toàn đổi mới. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
St 9,8-15; 1 Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 1,12-15.
(12) Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (16) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi được tấn phong làm Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), Đức Giê-su đã được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa ăn chay cầu nguyện và Người đã dùng Lời quyền năng chiến thắng ma quỷ cám dỗ. Rồi khi Gio-an Tẩy Giả bị bắt vào tù, Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ mạng Thiên Sai, bằng việc đi khắp miền Ga-li-lê kêu gọi người ta ăn năn sám hối tội lỗi và tin vào Tin Mừng Nước Thiên Chúa do Người thiết lập.
3. CHÚ THÍCH:
- C 12-13: + Thần Khí liền đẩy Người: Khi chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su đã được Thánh Thần lấy hình chim câu đậu xuống trên mình, để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Thiên Sai. Từ đây Người luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hành động mà việc đầu tiên là vào trong sa mạc ăn chay cầu nguyện và chiến thắng ma quỷ cám dỗ. + Vào hoang địa (sa mạc): Khi giải thoát con cháu Gia-cóp khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, Đức Chúa đã đưa họ “vào sa mạc” 40 năm, để ký một giao ước công nhận họ là dân riêng của Người, thanh luyện họ khỏi tội tôn thờ tà thần. Đây cũng là thời gian thử thách lòng trung tín của họ đối với Người. Đến thời các ngôn sứ, Hô-sê đã diễn tả đúng ý nghĩa của sa mạc khi ông trình bày Đức Chúa yêu thương dân Ít-ra-en giống như một người chồng yêu vợ, đã dẫn đưa dân này vào sa mạc để sống thân mật với Người (x. Hs 2,16). + Đức Giê-su “vào sa mạc”: Sau khi được công nhận là Con Yêu Dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha và được đầy Thần Khí, Đức Giê-su đã được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc, để sống thân tình với Chúa Cha bằng việc cầu nguyện và ăn chay suốt 40 ngày. Đây cũng là thời gian Người chịu ma quỉ thử thách. Nhờ luôn chọn làm theo lời Chúa Cha, Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan cám dỗ, và chứng minh lòng trung thành với sứ mạng Thiên Sai được Cha trao phó. + Bốn mươi ngày: Con số 40 tượng trưng cho một thời gian dài. Chẳng hạn: Trong Đại Hồng Thủy, ông No-e đã mở cửa sổ tàu sau khi nước rút được 40 ngày (x. St 8,6); Trong cuộc Xuất Hành, Mô-sê đã lên núi tiếp xúc với Đức Chúa suốt 40 ngày đêm (x. Xh 34,28); Dân Ít-ra-en phải lưu lạc trong sa mạc suốt 40 năm trường (x. Ds 14,34); Vua Đa-vít đã cai trị trong thời gian 40 năm (x 2 Sm 5,4); Ngôn sứ Ê-li-a đã chạy trốn lên núi Khô-rếp mất 40 ngày đêm (x. 1V 19,8); Đức Giê-su đã vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày (x. Mc 1,13). + Xa-tan: Xa-tan nghĩa là “kẻ thù”, “kẻ chống đối”, hay còn được gọi là “ma quỉ” hay Di-a-bo-los nghĩa là “kẻ kiện cáo”, “kẻ vu khống”. Đây là nhân vật vô hình có hai hoạt động là: nhập vào một người để bắt họ nói hay làm theo ý của nó và cám dỗ, xúi giục họ phạm tội chống lại Thiên Chúa. + Cám dỗ: Cơn cám dỗ của ma quỉ gồm 3 giai đoạn như sau: Một là gợi lên trong đầu người ta một hình ảnh hợp với nhu cầu của họ. Hai là làm cho người ta vui thích với hình ảnh ấy hoặc ước muốn làm điều xấu xa. Ba là người bị cám dỗ sẽ quyết định chiều theo hay không theo sự xúi giục của ma quỉ. Quyết định làm theo ma quỉ là đã phạm tội. Đối với Đức Giê-su, Xa-tan chỉ có thể cám dỗ ở giai đoạn thứ nhất, nghĩa là gợi lên trong tâm trí Người một tư tưởng hay một hình ảnh phù hợp với nhu cầu. + Sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người: Đức Giê-su đã chiến thắng cơn thử thách cám dỗ của Xa-tan. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng ấy là Người đã được Thiên Chúa che chở để sống hòa hợp với dã thú và còn được các thiên thần đến hầu hạ phục vụ (x. Tv 91,11-13). Đây là quang cảnh của thời Thiên Sai: một thời kỳ thái bình và đầy tình yêu thương huynh đệ, trong đó mọi loài vật sẽ sống hòa hợp với nhau và sẽ không có chỗ cho sự ganh ghét hận thù nhau (x. Is 11,6-9; 65,25).
- C 14-15: + Sau khi Gio-an bị nộp: Việc Gio-an bị bắt nói lên sứ mạng tiền sứ hay tiền hô cho Đấng Thiên Sai của ông chấm dứt, để chuyển sang thời kỳ Đức Giê-su thực hiện lời hứa cứu độ. + Ga-li-lê: Ga-li-lê là miền Bắc nước Do Thái, nơi đây có nhiều dân ngoại sống lẫn lộn với dân Do Thái. Đức Giê-su đã bỏ miền Giu-đê đến Ga-li-lê để bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. + Lời rao giảng của Đức Giê-su: được tóm kết trong 3 tư tưởng sau: Một là: Thời kỳ đã mãn: Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ là thời hiện tại và thời cánh chung. Giờ đây Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã kết thúc để bắt đầu một thời kỳ mới cánh chung, trong đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Hai là: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến Vương Quyền của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en là dân riêng của Người (x. Is 43,15; Tv 47,3). Từ đó, dân Ít-ra-en luôn trông chờ Thiên Chúa sẽ sớm thiết lập Vương Quyền của Người. Giờ đây, Đức Giê-su đã khẳng định rằng: Nơi Người, Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Ba là: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối hay Mê-ta-noi-a, một từ Hy lạp có nghĩa là “nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận”. Ở đây, Sám Hối chính là thay đổi hướng đi, triệt để từ bỏ tội lỗi để quay về với Giao Ước, và bước vào một đời sống mới. Ngoài ra còn phải tin vào Tin Mừng do Đức Giê-su rao giảng nữa.
4. CÂU HỎI: 1) Trong cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã hành động theo sự thôi thúc hướng dẫn của ai? 2) Thời kỳ Xuất Hành. Đức Chúa đã hạ lệnh cho Mô-sê đưa dân Do thái vượt qua biển Đỏ vào trong sa mạc suốt thời gian 40 năm để làm chi? Còn Đức Giê-su được Thần Khí thúc đẩy vào sa mạc làm gì? 3) Đức Giê-su đã dùng phương thế thiêng liêng nào để chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ? 4) Hãy kể một số sự kiện trong Thánh Kinh có liên quan đến con số 40? 5) Xa-tan là ai? 6) Ma quỷ thường cám dỗ người ta qua mấy giai đoạn? 7) Sau khi chiến thắng ma quỷ, Đức Giê-su đã làm gì để mặc khải các đặc điểm về thời Thiên Sai mà Người muốn thiết lập? 8) Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa từ lúc nào? 9) Ga-li-lê là miền đất có đặc điểm thế nào? 10) Nội dung những lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm gọn trong ba điều chính yếu nào? 11) Sám hối nghĩa là gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỐNG LÀ CHIẾN ĐẤU KHÔNG NGỪNG:
Vào một buổi tối, cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng như sau:
- Hôm nay từ sáng đến giờ thầy làm gì?
Tu sĩ trả lời rằng:
– Hôm nay cũng như mọi ngày, con bận bịu với công việc mà nguyên sức con sẽ không thể làm nổi, nếu không được Chúa trợ giúp. Mỗi ngày con đều phải trông chừng hai con chim ưng, kềm giữ hai con nai, kiểm soát hai con diều hâu, điều khiển một con cá sấu, trừng trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.
Cha bề trên cười hỏi lại :
– Con nói gì lạ thế? Những con vật mà con vừa nói trong tu viện của chúng ta làm gì có?
– Thưa cha bề trên, thật đúng như vậy: Hai con chim ưng chính là hai con mắt của con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để chúng tự do thu nhận những hình ảnh xấu vào đầu. Hai con nai tức là đôi chân của con, con phải luôn trông chừng chúng trong từng bước đi, để chúng luôn đi trong nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay con, con phải luôn bắt chúng làm việc hữu ích. Còn cá sấu là cái lưỡi trong miệng con, con phải kiềm chế để nó khỏi thốt ra những lời lẽ thâm độc hại người. Con gấu chính là trái tim con, con phải coi chừng để nó khỏi mắc thói ích kỷ và thích phô trương công đức để tìm tiếng khen. Còn bệnh nhân chính là thân xác con, con phải canh phòng để cho xác thịt khỏi trỗi dậy và luôn khỏe mạnh.
Cuộc sống của chúng ta luôn phải chiến đấu với ba kẻ thù nguy hiểm là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Trong ba kẻ thù đó thì nguy hiểm nhất lại chính là xác thịt mình, vì nó ở ngay trong lòng mình. Mùa chay là thời kỳ chúng ta hãm mình đền tội và tập sống tinh thần nghèo khó của Chúa Giê-su. Trong thời gian này Luật dạy chúng ta ăn chay hai ngày đầu và cuối Mùa Chay là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi ăn chay, chúng ta giảm ăn và tránh ăn những món ngon, để cộng tác với ơn Chúa làm chủ bản thân, tập sống tiết độ như kinh Cải Tội Bảy Mối đã dạy: « Kiêng bớt chớ mê ăn uống ». Ăn chay là hãm mình đền tội và để có điều kiện chia sẻ cơm áo cho những kẻ nghèo đói và tích cực góp phần phục vụ các việc công ích với Hội Thánh.
2) BỊ CÁM DỖ TÙY SỰ CẦU NGUYỆN, ĂN CHAY VÀ LÀM VIỆC NHIỀU ÍT:
Một hôm Thánh E-phrem nằm mơ thấy một thành phố kia rất đông người qua lại, nhưng ở cổng thành, ngài chỉ thấy có một tên quỉ đang ngồi ngáp ngủ. Rồi ngài lại thấy mình có mặt tại một khu rừng vắng chỉ có một vị ẩn sĩ đang sống, nhưng chung quanh vị này lại có cả một bầy quỉ rất đông đang tìm đủ cách tấn công vị tu sĩ. Bấy giờ thánh nhân liền la mắng lũ quỷ như sau: “Lũ quỷ các ngươi thật không biết xấu hổ khi kéo cả bầy đến tấn công một người. Còn trong thành phố kia có rất đông người thì các ngươi lại chỉ bố trí một tên đứng không và còn ngáp đứng ngáp ngồi nghĩa là làm sao?”
Tên quỷ đầu đàn liền trả lời như sau: “Thành phố tuy đông người nhưng chẳng cần lũ quỷ chúng ta phải ra tay cám dỗ mà chúng vẫn phạm hết tội này đến tội khác, nên chỉ cần một tên đứng canh là đủ. Còn tại khu rừng vắng này dù chỉ có một tên tu sĩ, nhưng hắn ta lại rất kiên cường chiến đấu. Đến nay sau nhiều ngày tấn công cám dỗ mà chúng ta vẫn chưa cám dỗ được hắn ta phạm tội, vì hắn luôn ăn chay cầu nguyện, năng đọc Kinh Thánh và chăm chỉ làm việc”.
Thánh Phê-rô dạy các tín hữu như sau: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9).
3) MỘT MẪU GƯƠNG SÁM HỐI THỰC LÒNG:
PI-RI TÔ-MÁT (Piri Thomas), từ một tên tội phạm đang thi hành án trong nhà tù, một con nghiện ma túy đã từng nhúng tay vào tội ác giết người... cuối cùng đã sám hối trở thành một tín hữu đạo đức thánh thiện đầy lòng nhân ái như sau: Một đêm nọ, Pi-ri đang nằm trong một phòng giam đặc biệt, cùng chung giường với một tên tội phạm biệt hiệu là “Thằng Ròm”, đột nhiên anh suy nghĩ về tình trạng tội lỗi của mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt phải trỗi dậy cầu nguyện với Chúa. Nhưng lúc đó anh lại đang nằm chung giường với một bạn tù là “Thằng Ròm”. Do đó, chờ cho “Thằng Ròm” ngủ say, anh mới từ từ bò ra khỏi giường, quì gối xuống nền nhà bằng bê-tông lạnh ngắt. Rồi anh say sưa nói với Chúa như đứa con thưa chuyện với cha mình.
Về sau anh đã thuật lại tiến trình trở lại của anh như sau: “Khi ấy tôi bày tỏ với Chúa những gì chất chứa trong lòng tôi. Tôi thưa với Ngài bằng những lời đơn sơ mộc mạc. Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những lầm lỗi thiếu sót của tôi, những hy vọng và thất vọng. Lúc đó tôi cảm thấy xúc động đến nỗi suýt bật khóc, một sự xúc động mà trước đây chưa bao giờ tôi cảm thấy. Khi kết thúc lời cầu nguyện, bỗng tôi nghe thấy có tiếng đáp: “Amen”. Thì ra đó là tiếng của “Thằng Ròm”. Lúc đó hắn đang nằm sấp trên giường, trán tựa trên hai cánh tay khép lại. Sau một lúc lâu im lặng, rồi “Thằng Ròm” nói nhỏ với tôi: “Này Pi-ri, tớ cũng tin Chúa!” Rồi tôi leo lên giường và hai đứa chúng tôi tiếp tục nói chuyện về niềm tin từ hồi còn thơ ấu của mình. Trước khi ngủ tiếp, tôi đã nói với “Thằng Ròm”: “Chúc Chi-co ngủ ngon nhé! Tớ nghĩ rằng: Thiên Chúa vẫn luôn ở với chúng ta. Chỉ có chúng ta là không muốn ở với Ngài mà thôi!”
4) BÉ ĂN CẮP MỘT QUẢ TRỨNG, LỚN ĂN CẮP CẢ CON BÒ :
Một tên cướp nhà băng kia đã dùng súng giết chết một viên cảnh sát và sau đó hắn bị bắt và bị tòa kết án tử hình. Bây giờ hắn đang bị cột vào chiếc ghế điện trong nhà tù Sing Sing chờ tới giờ thi hành án. Trên đầu hắn có đeo một chiếc vòng bằng kim loại cột nhiều thanh sắt. Khi cho dòng điện mạnh chạy qua là hắn sẽ lập tức bị chết ngay. Người thi hành án hỏi tử tội xem có muốn nhắn gửi điều gì trước khi chết không? Bấy giờ hắn mới tâm sự với giọng điệu đầy hối hận muộn màng như sau:
Tất cả tội lỗi lớn lao của tôi hôm nay chỉ bắt đầu từ việc ăn cắp một đồng năm xu trong túi áo của mẹ tôi hồi còn nhỏ. Rồi khi đi học tôi tiếp tục ăn cắp các vật dụng của chúng bạn như bút vở, nhặt được đồ đánh rơi không trả cho người bị mất, đi xe buýt hay xe lửa trốn không mua vé. Rồi khi lớn khôn tôi bắt đầu sa vào các thói hư chơi bời hút xách bài bạc. Do thua cá độ một món tiền lớn, tôi và hai thằng bạn thân rủ nhau đi cướp giật túi xách của người đi đường, rồi lên kế hoạch đi cướp nhà băng. Một ngày kia khi thực hiện việc cướp này và bị cảnh sát truy đuổi, tôi đã dùng súng bắn chết một viên cảnh sát và bị tòa kết án tử hình. Như vậy, tội cướp của giết người dẫn đến cái chết của tôi hôm nay chỉ bắt đầu từ việc ăn cắp một đồng bạc năm xu” (A. Tonne).
Tin Mừng hôm nay cho thấy khi cám dỗ Đức Giê-su, ma quỉ cũng áp dụng một chiến thuật tương tự. Nó không xúi Đức Giê-su tôn thờ nó ngay, mà yêu cầu Người hãy biến những viên đá cuội trở thành bánh mì mà ăn, nhằm thỏa mãn nhu cầu cơm áo vật chất thường ngày. Rồi tiếp đến nó xúi Người gieo mình từ nóc Đền thờ xuống đất để được tiếng khen, thỏa mãn các ước muốn về danh vọng chức quyền trần gian. Cuối cùng nó xúi Người sấp mình thờ lạy nó, để được nó ban cho của cải giàu sang.
Đối với loài người chúng ta cũng thế: “Bé ăn cắp một quả trứng, lớn ăn cắp cả con bò”. Do đó, chúng ta đừng coi thường những lỗi nhỏ, vì từ một lỗi nhỏ hôm nay sẽ biến thành tội ác chối bỏ Thiên Chúa và làm hại tha nhân sau này.
5) LÒNG THAM LAM TIỀN BẠC LÀM MỜ MẮT LINH HỒN:
Ngày xưa, có người ở nước Tề có lòng say mê vàng bạc. Một hôm đi chợ, khi tới gần cửa hàng bán vàng bạc, anh nhìn thấy một thỏi vàng để trong quầy, liền chạy tới đập bể tủ kính chộp lấy thỏi vàng mang đi. Khi bị nhân viên cửa hàng đuổi theo bắt lại và bị hạch hỏi: “Tại sao ở giữa chốn đông người ban ngày ban mặt mà anh lại dám công khai cướp vàng là làm sao?”
Anh ta liền thú nhận: “Khi nhìn thấy thỏi vàng, thì tôi không còn thấy bất cứ người nào khác, mà chỉ thấy thỏi vàng trong quầy cần phải lấy bằng được với bất cứ giá nào!”
Đồng tiền liền khúc ruột nên nhiều người sẵn sàng lao vào lửa, bất chấp mọi khó khăn, không từ bất cứ thủ đoạn nào, miễn sao chiếm đoạt được nó mới thôi.
6) PHẢI SÁM HỐI CỤ THỂ BẰNG HÀNH ĐỘNG TRONG TẦM TAY
Một lần kia, có một người đàn bà giàu có người Hin-đu đến thăm mẹ Tê-rê-sa và nói với mẹ rằng:
- Thưa mẹ, con ước ao được chia sẻ với mẹ và cộng tác với mẹ trong các hoạt động từ thiện.
- Tốt lắm! - Mẹ vui vẻ đáp lại.
Rồi bà ta thú thực với mẹ là bà ta có một điểm yếu rất khó chừa bỏ là tính thích trưng diện. Bà thích mặc những chiếc áo xa-ri, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc một bộ áo xa-ri giá trị 65 đô-la, trong khi chiếc áo xa-ri của mẹ Tê-rê-sa đang mặc chỉ trị giá 65 xu, chưa đầy một đô-la. Như được ơn trên soi sáng, mẹ Tê-rê-sa bỗng nảy ra được tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với mẹ về những bộ áo Xa-ri này. Mẹ nhẹ nhàng đề nghị:
- Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ áo xa-ri giá 65 hoặc 100 đô-la, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 đô-la thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo Xa-ri khác dành cho người nghèo khó.
Bà ấy vui vẻ hứa sẽ làm theo lời đề nghị của mẹ, Dần dần bà ấy cũng đã biết sử dụng những bộ áo xa-ri rẻ tiền hơn. Sau này, chính bà ta đã thú nhận với mẹ Tê-rê-sa rằng:
- Thưa mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng và vô ích bên ngoài đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng, chính con đã được nhận nhiều hơn thứ con cho đi và chia sẻ với ngườ nghèo khổ!
3. THẢO LUẬN:
1) Qua câu chuyện trên, bạn thấy vị tu sĩ đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ nhờ dùng các phương thế nào?
2) Bạn sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư tật xấu quan trọng nhất của bạn trong mùa chay này?
4. SUY NIỆM:
Tin Mừng hôm nay đã ghi lại lời Đức Giê-su rao giảng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ăn năn sám hối (Mê-ta-noi-a) nghĩa là “cải thiện đời sống”, “cải tà qui chánh”. Là nhìn nhận những điều xấu xa tội lỗi trong đời sống của mình và quyết tâm trừ khử. Nói cách khác: Sám hối là nhận ra thân phận tội nhân của mình và thực lòng hoán cải, bằng cách làm những việc tốt trái ngược với các thói hư, như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy.
1) MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẢI CHỊU MA QUỶ CÁM DỖ:
Đức Giê-su là Đấng Thánh vô tội, nhưng mang thân phận loài người giống như chúng ta, nên Người muốn chịu ma quỷ cám dỗ để qua đó nêu gương chống trả cho chúng ta. Qua việc bị ma quỷ cám dỗ, Chúa muốn dạy chúng ta rằng: Mọi người ai cũng đều phải trải qua các cơn cám dỗ của ma quỷ, và càng thánh thiện người ta lại càng bị cám dỗ nặng hơn để chứng tỏ lòng mến Chúa nhiều hơn. Thánh Grê-gô-ri-ô khi đã bước sang tuổi 90 đã chia sẻ kinh nghiệm như sau: "Ở tuổi này mà tôi vẫn thường xuyên bị ma quỷ cám dỗ giống như lúc tôi đang còn trong tuổi đôi mươi ! "
Đức Cha Ti-a-mer Toth cũng nói: "Ma quỉ đã dám đụng đến cả thủ lãnh Giê-su... thì chắc chắn chúng cũng sẽ không buông tha cho các đồ đệ của Người là chúng ta".
2) KHÍA CẠNH TÍCH CỰC CỦA CƠN CÁM DỖ:
a) "Lửa thử vàng - Gian nan thử đức":
Sống trên đời, chúng ta không thể tránh được các cơn cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên cám dỗ cũng có mặt tích cực của nó là giúp củng cố đức tin của chúng ta hầu mang lại lợi ích cho tâm hồn. Cám dỗ giống như phương thế tập luyện giúp chúng ta nên người lính thiện chiến, một lực sĩ mạnh mẽ của Thiên Chúa, có khả năng chiến đấu và chiến thắng ma quỷ cám dỗ.
Ta có thể ví cám dỗ giống như một mũi chích ngừa bệnh để bạch huyết cầu của chúng ta có dịp chiến thắng những vi trùng yếu, tiết ra kháng thể giúp chúng ta miễn dịch và sẽ dễ dàng chiến thắng các vi trùng mạnh hơn về sau.
b) “Ơn Thầy đủ cho con”:
Cần ý thức rằng: Chúa luôn ban đủ ơn để giúp ta chiến thắng ma quỷ cám dỗ, miễn là luôn có Chúa ở trong lòng ta. Thánh nữ Ca-ta-ri-na một hôm bị một cơn cám dỗ rất nặng. Sau đó được Chúa Giê-su hiện ra an ủi. Vừa gặp Chúa, thánh nữ liền hỏi: “Lạy Chúa. Khi con bị cám dỗ thì Chúa ở đâu?”. Người trả lời: “Ta ở ngay trong lòng con đó”. Về phần thánh Phao-lô Tông đồ có lần đã xin Chúa cất khỏi cơn cám dỗ của ma quỷ luôn quấy rầy, giống như một cái dằm đâm vào cơ thể làm cho đau đớn. Ngài còn bị một thủ hạ của Xa-tan đến vả mặt rất khó chịu và nhiều lần ngài xin Chúa giúp thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Chúa đã an ủi Phao-lô như sau: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Về sau Phao-lô còn viết như sau: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9).
c) Về các loại cám dỗ của ma quỷ: Có nhiều loại cám dỗ nhưng quan trọng nhất là cám dỗ của ma quỷ về lòng tham tiền bạc. Thực vậy, tình cảm gia đình cũng có thể bị đảo lộn vì bị đồng tiền chi phối: Cha mẹ có thể từ bỏ con cái, con cái có thể bỏ rơi cha mẹ; Vợ có thể tố cáo chồng, chồng có thể ruồng rẫy vợ; Anh em bạn bè có thể chém giết nhau vì tranh chấp của cải như một căn nhà, mảnh vườn hay thùng quà người thân gửi về… Thật đúng như người ta thường nói về giá trị của đồng tiền: "Còn tiền còn bạc còn đệ tử - Hết tiền hết gạo hết ông tôi" hoặc như câu tục ngữ : "Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên - Ba ông đứng lại, ông Tiền cao hơn".
3) SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY LÀ BƯỚC VÀO SA MẠC CỦA LÒNG MÌNH:
Dù đang sống cuộc sống đời thường hằng ngày nhưng chúng ta vẫn có thể sống tinh thần Mùa Chay bằng cách :
a) Kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ của ma quỷ, luôn vững tin vào Chúa dù gặp bao thử thách gian nan.
b) Bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực thi theo ý Chúa Cha, dù phải chịu đau khổ, bị thiệt thòi, như Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha: ”Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22,42 b).
c) Sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn gặp phải trong cuộc sống: Dù bị đói nghèo nhưng tâm hồn vẫn tự do, không chịu khuất phục làm nô lệ cho của cải vật chất.
d) Giữ tâm hồn luôn bình an nhờ năng cầu nguyện với Chúa Cha: Nhờ đó chúng ta sẽ trở nên “Con yêu dấu” luôn làm vui lòng Cha như Đức Giê-su.
Nếu trong Mùa Chay chúng ta quyết tâm vào sa mạc để thanh luyện bản thân, thì tâm hồn chúng ta sẽ nên vững mạnh; Sẽ có khả năng chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ; Sẽ quyết tâm dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân không quản ngại bất cứ khó khăn gian khổ nào; Sẽ tập thành thói quen bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa hầu nên con thảo của Chúa Cha noi gương Đức Giê-su.
4) CÁC PHƯƠNG THẾ GIÚP CHÚNG TA CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ:
a) Năng ăn chay và cầu nguyện: Nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, Đức Giê-su đã được tăng sức mạnh để đương đầu và chiến thắng ma quỷ cám dỗ. Hội Thánh dạy chúng ta hãy cầu nguyện và ăn chay để hãm mình đền tội trong Mùa Chay như phương thế hữu hiệu gia tăng nội lực thiêng liêng hầu giúp ta đủ sức chống trả và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ.
b) Năng học sống Lời Chúa: Lời Chúa như thanh gươm mà hai bên mép đều là lưỡi sắc bén để giúp chúng ta chống lại ma quỷ. Noi gương Đức Giê-su khi bị ma quỷ cám dỗ, đã sử dụng Lời Chúa làm phương thế chống trả và đã chiến thắng ma quỷ. Ba câu Lời Chúa được Đức Giê-su sử dụng như sau: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4); “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của Ngươi” (Mt 4,7); “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).
c) Tham dự các buổi tĩnh tâm và năng lãnh nhận các phép bí tích: Dự tĩnh tâm để được nghe biết cách chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ. Xét mình xưng tội và dọn mình rước lễ sốt sắng, để luôn có Chúa ở cùng. Cầu xin Chúa giúp trừ khử các thói hư bằng việc quyết tâm tập các nhân đức đối lập theo kinh Cải Tội Bảy Mối đã dạy. Nhờ ơn Chúa giúp và nhờ nỗ lực phấn đấu của bản thân, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng ma quỷ cám dỗ và sẽ ngày một nên hoàn thiện hơn.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp chúng con ý thức rằng: Xưa Chúa đã vào sa mạc để gặp gỡ và sống thân tình với Chúa Cha. Mùa Chay chính là thời kỳ thuận tiện để chúng con vào sa mạc với Chúa. Xin cho chúng con mỗi ngày dành ra ít phút thinh lặng để tâm sự với Chúa Cha, cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa dạy trong giờ kinh tối gia đình, và các buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay tại nhà thờ. Nhờ Thần Khí Chúa thôi thúc, chúng con quyết tâm thực thi ăn chay hãm mình đền tội trong Mùa Chay này. Xin cho chúng con biết chu toàn các việc bổn phận hằng ngày đối với Chúa và tha nhân, biết chủ động đi bước trước làm hòa với những ai đang bất bình với con... để mỗi ngày con được Thần Khí thanh luyện và được biến đổi nên người mới trong Mùa Phục Sinh sắp tới.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
“Ngươi sẽ được hoan lạc nơi Thiên Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em, Không rẫy bỏ một ai
Tin Mừng cũng nói đến niềm hoan lạc đó nơi một người thu thuế. Một ngày như mọi ngày, Lêvi ngồi ở bàn thu thuế; nào tiền, nào bạc, nào sổ sách, đồng triện… Thiên hạ đến, khinh thị nhìn ông; họ chỉ muốn nộp thuế thật nhanh và ra về. Vậy mà một ngày nọ, không như mọi ngày, một người có tên là Giêsu đi qua, dừng lại, nhìn ông; thân ái nói một điều gì đó thật nhỏ nhẹ… và ông đứng dậy, theo Ngài. Thật bất ngờ! Bản thân ông có nằm mơ cũng không nghĩ đó là sự thật.
Quá đỗi vui mừng, Lêvi mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu; đúng hơn phải nói, chính Chúa Giêsu đã đón tiếp ông trước khi ông tiếp đón Ngài; Ngài đã mở cửa thiên đàng cho ông trước khi ông mở cửa nhà cho Ngài. Vì bữa tiệc đó, Chúa Giêsu phải chịu tiếng mang lời, “Ông ấy ăn uống với phường thu thuế và quân tội lỗi”; Ngài lên tiếng, “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, chỉ những ai đau yếu mới cần. Tôi đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa, Đấng ‘không rẫy bỏ một ai’ đã đón tiếp Lêvi, một tội nhân.
“Để kêu gọi người tội lỗi”. Tuyệt vời! Đó là một tuyên bố ‘mở’, một tuyên bố cho cả một nhân loại đang cần được cứu rỗi. Qua việc gọi Lêvi, Chúa Giêsu muốn nói với tất cả tội nhân mọi thời rằng, Thiên Chúa không nhìn vào quá khứ, địa vị xã hội hoặc những lề thói xấu xa của họ; đúng hơn, Ngài mở ra cho họ một tương lai. Giáo Hội không phải là một cộng đồng gồm những người hoàn hảo, nhưng là những con người đang trên đường theo Chúa vì họ biết mình là tội nhân cần được Thiên Chúa thứ tha. Vì vậy, đời sống Kitô hữu là một trường học về sự khiêm nhường, mở ra cho chúng ta ân sủng. Bởi lẽ, Thiên Chúa, Đấng ‘không rẫy bỏ một ai’.
Vậy thì những người ‘đạo đức’, ‘khoẻ mạnh’ kia sẽ không được Thiên Chúa tiếp đón sao? Có chứ, nếu họ thay đổi! Isaia hôm nay nói đến sự cần thiết đổi thay đó, “Nếu ngươi loại khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa và những lời nói hiểm độc; nếu ngươi hết lòng quảng đại với người đói khát, làm cho tâm hồn đau khổ được thư thái… thì sự sáng của ngươi xuất hiện trong tối tăm và tối tăm sẽ trở nên như giữa ban ngày. Và Thiên Chúa sẽ luôn ban cho ngươi được thảnh thơi, cho tâm hồn ngươi tràn ngập ánh sáng huy hoàng”. Đó chính là thiên đàng. Lòng thương xót của Thiên Chúa đón tiếp cả những người “cho mình là công chính”, “mạnh khoẻ” vốn không cần ‘thầy thuốc’ với điều kiện, họ phải đổi thay; bởi lẽ, Thiên Chúa ‘không rẫy bỏ một ai’.
Voltaire, nhà văn, triết gia vô thần người Pháp thế kỷ 18, đã cầm ngòi bút cay đắng chống lại Kitô giáo. Trong một phút giây đắc thắng, ông từng khoe, “Hai mươi năm nữa, đạo Chúa sẽ không còn. Một tay tôi sẽ phá huỷ toà dinh thự mà mười hai sứ đồ đã xây nên”; “Một trăm năm nữa kể từ thời của tôi, sẽ không có Kinh Thánh trên trái đất ngoại trừ một cuốn của một nhà sưu tập đồ cổ nào đó!”. Mỉa mai thay! Ngay sau khi ông qua đời, ngôi nhà, nơi Voltaire viết những lời ấy, đã biến thành kho Thánh Kinh của Hiệp Hội Thánh Kinh Geneva. Nhiều người cho rằng, ông bị bỏ rơi.
Anh Chị em,
Không! Thiên Chúa không bỏ rơi Voltaire, chúng ta có quyền cả tin điều đó; bởi lẽ, lòng thương xót của Người ‘không rẫy bỏ một ai’; mọi người dù thế nào đi nữa vẫn có thể hoan lạc nơi Thiên Chúa miễn sao người đó chân thành đổi thay, dù là ở phút cuối. Sau này lên thiên đàng, chắc chắn chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy người này, người kia. Mọi người sẽ hoan lạc nơi Thiên Chúa; thế nhưng, hãy nhớ, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta đổi thay, nhất là trong Mùa Chay Thánh này.
Với lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, chúng ta có thể cầu nguyện
““Lạy Chúa, xin dạy con đường lối Chúa, để con sống theo chân lý của Ngài”. Chân lý của Chúa là xót thương; đường lối của Chúa là tha thứ; từ đó, con sẽ không bao giờ ngã lòng, tuyệt vọng với chính mình; và nhất là ngã lòng, tuyệt vọng với anh em con, vì Chúa ‘không rẫy bỏ một ai’ bao giờ!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Raymond Arroyo là người dẫn chương trình cho đài truyền hình EWTN. Nhưng anh còn là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết các truyện dành cho thiếu nhi. Cuốn “The Spider Who Saved Christmas” nghĩa là “Chú Nhện Đã Cứu Lễ Giáng Sinh” được phát hành vào mùa thu năm 2020 là cuốn sách dành cho thiếu nhi bán chạy nhất trong năm ngoái 2020.
Raymond Arroyo đang phát hành một cuốn sách mới dành cho thiếu nhi kể lại câu chuyện về Người Trộm Lành, là một trong hai người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Cuốn sách có tựa đề “The Thief Who Stole Heaven” nghĩa là “Tên Trộm Đã Đánh Cắp Thiên Đàng” do Arroyo viết và Randy Gallegos minh họa, sẽ được phát hành vào ngày 9 tháng 3.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đớn đau, Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.
Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”
Trong ngày đau khổ và đớn đau đó, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
Những ý tưởng đầy tràn hy vọng này được Arroyo tìm cách thể hiện cho trẻ em có thể hiểu được bằng lối kể chuyện dễ thương của anh.
Phúc Âm không cho chúng ta biết tên của Người Trộm Lành đã dành được Nước Trời vào giờ cuối cùng của cuộc đời, nhưng anh được biết đến trong truyền thống Kitô Giáo với tên là Dismas, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hoàng hôn”.
Source:Catholic News Agency
“Tôi đã ban hành một chuẩn chước chung trong Giáo phận về việc kiêng thịt vào ngày mai, 19 tháng 2 năm 2021. Nhiều gia đình trong Giáo phận sẽ không có lựa chọn nào khác ngoại trừ việc ăn những gì họ có,” Đức Cha Flores đã tweet vào ngày 18 tháng 2.
Ngài nói thêm, “Luật Chúa không có ý định gây thêm khó khăn cho những gì đã là một tình huống thử thách rất lớn đối với nhiều người. Tất nhiên, những người có thể tuân thủ kỷ luật này, có thể kiêng thịt. Tôi đề nghị điều này cho những người đau khổ vào lúc này”.
Giáo phận Brownsville đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi cơn bão mùa đông hiện đang đổ bộ vào khu vực phía nam của Hoa Kỳ.
Tình trạng mất điện ở Texas đã gây ra tình trạng thiếu năng lượng, thực phẩm và nước, buộc khu vực này phải tạm ngừng các lớp học, tạo ra các “trung tâm sưởi ấm” cho người già và đưa ra cảnh báo đun sôi nước máy vì các nhà máy khử trùng nước mất điện.
Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh là những ngày bắt buộc phải ăn chay và kiêng thịt đối với người Công Giáo. Ngoài ra, tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay là những ngày bắt buộc phải kiêng thịt.
Luật giữ chay là bắt buộc đối với người Công Giáo từ 18 tuổi cho đến 59 tuổi. Khi ăn chay, một người được phép ăn một bữa no, và hai bữa nhỏ khác cộng lại không bằng một bữa no. Các quy tắc liên quan đến việc kiêng thịt là bắt buộc đối với các người Công Giáo từ 14 tuổi trở đi.
Nếu có thể, việc nhịn ăn vào Thứ Sáu Tuần Thánh được tiếp tục cho đến Canh Thức Phục Sinh (vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh) như là việc “nhịn ăn vượt qua” để tôn vinh sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, và để chuẩn bị cho chúng ta chia sẻ đầy đủ hơn và cử hành một cách dễ dàng hơn sự phục sinh của mình.
Source:Catholic News Agency
Như đã thưa cùng quý độc giả, hôm nay chúng tôi xin phổ biến thư ngỏ thứ hai của Mary Eberstadt gửi Tổng thống Joe Biden, đăng trên mục Ý Kiến của Tạp chí Newsweek, 15/02/2021:
Thưa Tổng thống, các đồng minh của ngài đang tấn công các người đồng đạo Công Giáo của ngài
Thưa Tổng thống Biden,
Đây là bức thư ngỏ thứ hai của tôi trên Newsweek kể từ cuộc bầu cử ngài, cố gắng đến tai ngài với tư cách là một người đồng đạo Công Giáo Mỹ.
Sau lễ nhậm chức của ngài, lá thư đầu tiên của tôi kêu gọi ngài liên đới với phong trào phò sinh bằng cách gửi thông điệp đến Cuộc Diễn Hành Phò Sinh hàng năm vào tháng Giêng. Tôi giải thích rằng một cử chỉ hào hiệp như vậy sẽ làm nổi bật lời lẽ hoa mỹ cao thượng trong bài diễn văn nhậm chức của ngài, đặc biệt đối với số người mà ngài đã đơn cử để trấn an: Những người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ngài.
Nói cho nhẹ nhàng, ngài đã từ chối lời mời bước vào phương thức chính quyền lưỡng đảng. Thay vào đó, các sáng kiến đầu tiên của ngài khi cầm quyền bao gồm các lệnh hành pháp nhằm làm tăng số lượng phá thai không những ở Hoa Kỳ mà trên khắp thế giới. Sự phân cách lâu đời giữa giáo huấn của Giáo hội của ngài một mặt, và mặt kia là các chính sách phò phá thai của ngài, có thể sẽ không bao giờ để ngài dừng lại. Nhưng một sự phát triển mới khác nên khiến ngài làm thế.
Thưa Tổng thống, cuộc bầu cử đã khuyến khích các đồng minh tự do và cấp tiến của ngài thêm dạn dĩ trong việc nhắm mục tiêu tẩy chay và trừng phạt một nhóm "kẻ tồi tệ" mới: các đồng đạo Công Giáo của ngài.
Tang chứng A: Vào ngày 24 tháng 1 năm 2021, Twitter đã khóa tài khoản của Catholic World Report, tạp chí trực tuyến của nhà xuất bản Ignatius Press. Đây là nhà xuất bản Công Giáo lớn nhất trong thế giới nói tiếng Anh. Nó phát hành các bộ sách của các giáo hoàng, Hồng Y, giám mục và các nam nữ tu sĩ khác, cũng như các tác giả giáo dân (kể cả cá nhân tôi). Catholic World Report là chi tin tức của nhà xuất bản này. Giống như các ấn phẩm khác của Ignatius Press, trang mạng này nghiêng về lịch sử và học thuật. Phần tiểu luận của nó gần đây đã giới thiệu một bài về dị giáo Ngộ đạo, một bài khác về tương lai của nền văn minh phương Tây và một bài khác nữa so sánh các bản dịch cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô.
Thưa Tổng thống, ý niệm cho rằng tạp chí trí thức Catholic World Report có thể vi phạm bất cứ "tiêu chuẩn cộng đồng" nào là điều hoàn toàn nực cười. Vậy, làm thế nào cơ quan thông tin Công Giáo này lại lọt vào hệ thống kiểm duyệt bới lông tìm vết cho được? Vì một mẩu tin như sau:
Biden có kế hoạch đề cử Tiến sĩ Rachel Levine, một người đàn ông sinh học tự xác nhận là một phụ nữ chuyển giới, người đã từng là bộ trưởng y tế của Pennsylvania từ năm 2017, làm Phụ Tá Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân bản (HHS). Levine cũng là người ủng hộ mệnh lệnh tránh thai.
Không giải thích gì thêm, Twitter phán rằng Catholic World Report đã vi phạm các quy tắc của họ "chống lại hành vi gây thù hận".
Vài ngày sau, tài khoản đã được khôi phục. Nhưng sứ điệp họ gửi thì rất lớn tiếng và đầy đe dọa. Nếu một cơ quan văn hóa lâu đời như Ignatius Press mà còn có thể bị trừng phạt trực tuyến vì là Công Giáo, ai sẽ được tha đây?
Điều đó đưa chúng ta đến Tang chứng B. Trong vòng vài ngày sau khi ngài nhậm chức, một đám đông trực tuyến đã cố gắng phế truất một giáo sư khỏi vị trí của ông ta tại một trường đại học Công Giáo.
Đó là David Upham, phó giáo sư chính trị tại Đại học Dallas - một định chế nổi tiếng về tính Công Giáo không bất đồng chính kiến của họ. Tội phạm về tư tưởng được coi là của Upham, giống như tội phạm của Catholic World Report, là đã bình luận về việc bổ nhiệm Tiến sĩ Levine, bao gồm một nhận xét về việc "tham gia vào những dối trá" về chủ nghĩa chuyển giới.
Và do đó, trong một khuôn mẫu được lặp đi lặp lại đến buồn nôn thời nay, một cuộc tấn công trực tuyến do một cựu sinh viên chuyển giới đứng đầu đã tổ chức một bản kiến nghị và gây áp lực để lật đổ giáo sư. Lần này, chính sách chồng chất ý thức thời thượng (woke) đã không thành công. Các thẩm quyền của Đại học Dallas từ chối khuất phục; thay vào đó, một lá thư chung của viện trưởng và chủ tịch quả quyết rằng "Trường đại học chấp nhận không dè dặt sự phát biểu rõ ràng luật luân lý của Giáo hội".
Tuy nhiên, một lần nữa, sứ điệp ngầm hết sức đáng lo ngại. Nếu một giáo sư thường nhiệm tại một trường đại học Công Giáo hàng đầu của Mỹ có thể bị đe dọa cách này, ai sẽ là người tiếp theo đây?
Điều đó đưa chúng ta đến Tang chứng C: việc kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông xã hội đối với những người duy truyền thống tôn giáo — đặc biệt là những người đồng đạo Công Giáo của ngài — đã tăng tốc trong thời gian ngắn ngủi ngài tại chức.
Thí dụ, lại một nhà xuất bản Công Giáo khác, TAN Books, đã thấy nhiều quảng cáo cho các cuốn sách của họ đột ngột bị xóa khỏi Facebook và Instagram. Một là bộ sách về Đức Maria có tên là The Anti-Mary Exposed. Một tác phẩm khác là Motherhood Redeemed, một cái nhìn phê phán về chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến. Cuốn thứ ba là cuốn sách về Karl Marx của một giáo sư tại Grove City College. Cuốn thứ tư là một cuốn vỡ lòng về Đường Thánh giá, viết cho trẻ em. Các quảng cáo từ một doanh nghiệp nhỏ khác, nơi bán các ấn phẩm về Thánh Tâm, bị coi là không thể chấp nhận được và đã bị gỡ bỏ.
Vì các công ty kỹ thuật lớn muốn gây chuyện với cả các doanh nghiệp nhỏ, không có gì ngạc nhiên khi Tang chứng D xuất hiện: các mạng xã hội thường xuyên ngăn chặn tiếng nói của người Công Giáo — đặc biệt là những tiếng nói phò sinh có ảnh hưởng.
Vì thế, chẳng hạn, Susan B. Anthony List, do người Công Giáo nổi tiếng Marjorie Dannenfelser, một trong những tiếng nói phò sinh hàng đầu ở Hoa Kỳ, điều hành, đã nhiều lần bị xách nhiễu trên mạng. Trong cuộc bầu cử, Facebook đã từ chối cho phép quảng cáo của nhóm được phổ biến ở Wisconsin và Pennsylvania. Có rất nhiều trường hợp can thiệp khác vào Susan B. Anthony List và các tổ chức phò sinh khác — quá nhiều để có thể kể lại ở đây; xin xem liên kết này.
Thưa Tổng thống, tiếp theo, xin ngài hãy xem xét Tang chứng E: việc bêu xấu các nhóm tôn trọng giáo huấn của Giáo hội bằng những cáo buộc không xác thực về "hận thù".
Ngày 9 tháng 12 năm 2020, NBC News công bố một câu chuyện để chấp nhận không phê phân việc Southern Poverty Law Center chỉ định một số tổ chức là "các nhóm hận thù". Giờ đây, những tổ chức này bao gồm các tổ chức Kitô giáo bị đơn cử chỉ vì lòng trung thành của họ... với Kitô giáo. Một tổ chức trong số này là Viện Ruth, mà theo lời của người sáng lập Công Giáo là Jennifer Roback Morse – vốn có sứ mệnh chống đối "lạm dụng tình dục, văn hóa khiêu dâm và ly dị".
Thưa Tổng thống, về phần nó, Sách Giáo lý cũng phản đối việc lạm dụng tình dục, văn hóa khiêu dâm và ly dị. Theo tiêu chuẩn của Southern Poverty Law Center, mọi người Công Giáo ở Mỹ chấp nhận Huấn quyền giờ đây đều đủ tiêu chuẩn là thành phần của nhóm "hận thù". Mọi đan viện, tu viện, trường học và tổng giáo phận Công Giáo cũng thế. Các bếp nấu súp Công Giáo, các ngôi nhà dành cho người già, các chương trình tái định cư cho người tị nạn, các cơ quan nhận con nuôi và các hoạt động bác ái khác do Giáo hội điều hành cũng vậy.
Thưa Tổng thống, ông có cùng về phe với Southern Poverty Law Center để gièm pha các đồng đạo của mình không?
Tang chứng F: Việc bầu ngài không những làm dạn dĩ những người giương bắp thịt cấp tiến trên các mạng xã hội. Dường như nó cũng đang khuyến khích nhóm có thể gọi là thanh lịch hợp thời trang (chic) chống Công Giáo – loại xuất phát từ các đồng minh của ngài trong giới báo chí Cánh tả tự do.
Một tiểu luận gần đây trên tờ The New Republic về các nhà thần học Công Giáo và ảnh hưởng được cho là tệ hại của họ đối với ngành tư pháp Hoa Kỳ là một điển hình. Minh họa kèm theo nó là hình của Thẩm Phán Amy Coney Barrett đội mũ giám mục — một mỹ từ pháp tượng hình xấu xí bắt nguồn từ nhóm phản Công Giáo "Không Biết Gì" của những năm 1850 và quá đó nữa. Tiểu luận đó nói về "chuyện dài 50 năm của việc trí thức Công Giáo và thần học thâm nhập vào các đại sảnh quyền lực".
Ngài hãy thay thế chữ "Công Giáo" bằng bất cứ thống thuộc tôn giáo nào khác, hoặc bất cứ nhóm danh tính nào khác, trong câu đó, và ngài sẽ hiểu những chuyện cuồng tín như vậy nghe ra sao.
Thưa Tổng thống, ngài là nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo hiển thị nhất trên thế giới. Ngài có một cơ hội độc đáo, một lần nữa, để chứng tỏ cam kết của ngài muốn trở thành tổng thống cho tất cả mọi người. Đó là bục giảng bắt nạt. Hãy kêu gọi dẹp bỏ những kẻ tự nhận là có ý thức nhưng hận thù trực tuyến đang rình rập anh em đồng đạo Kitô giáo của ngài. Hãy kêu gọi loại bỏ cái truyền thống xấu xí, phi Mỹ mà họ là một thành phần. Hãy nói với các đồng minh cấp tiến của ngài và mọi người khác, rằng định kiến vẫn mãi là định kiến — ngay cả khi nó nhắm chống lại những người không bỏ phiếu cho ngài.
Là tổng thống đầu tiên có bức ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong văn phòng của mình, ngài nên là người cuối cùng làm ngơ những gì mà chính vị giáo hoàng đó đã gọi là "thách thức đặt ra bởi các nhà lập pháp, những người, nhân danh một số nguyên tắc khoan dung bị giải thích tồi tệ, kết cục đã ngăn cản các công dân tự do bày tỏ và thực hành các xác tín tôn giáo của họ một cách hòa bình và hợp pháp".
Thành thực kính chào ngài!
Một người Mỹ đồng Công Giáo
Sắc lệnh ngày 8 tháng 2 từ Hồng Y Giuseppe Bertello, chủ tịch Phủ Thống Đốc Quốc Gia Thành phố Vatican, đã ban hành cho các nhân viên, công dân và quan chức của Vatican các quy định của Giáo triều Rôma nhằm kiểm soát sự lây lan của coronavirus trên lãnh thổ Vatican, chẳng hạn như đeo khẩu trang y tế và duy trì khoảng cách xã hội.
Một trong những biện pháp bao gồm trong sắc lệnh này là quy trình chích vắc xin COVID của Vatican. Vào tháng Giêng, Tòa Thánh đã bắt đầu cung cấp vắc-xin Pfizer-BioNtech cho các nhân viên, người dân và các quan chức Tòa Thánh. Tuy nhiên, một số viên chức đã cố ý né tránh không chịu chích ngừa.
Ngược lại, các quan chức y tế Florida cho biết, hai phụ nữ đã hăng hái chích ngừa đến mức cố gắng cải trang thành “bà già” trong một nỗ lực không thành công để tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ hai.
Những người phụ nữ đến Trung tâm Hội nghị Quận Cam của Florida, nơi đang được dùng làm địa điểm tiêm phòng, trên cùng một xe hơi. Họ đeo mũ, găng tay và kính - “mọi thứ,” Pino nói. Theo ty Cảnh sát Quận Cam, họ ở độ tuổi 30 và 40, điều này sẽ khiến họ không đủ điều kiện để nhận vắc-xin trừ ra họ đang trong một cơ sở chăm sóc sức khỏe khẩn cấp hoặc dài hạn.
Cả hai đều có thẻ tiêm chủng hợp lệ từ lần tiêm đầu tiên, nhưng trong lần chích thứ hai, giấy phép lái xe của họ có vấn đề, Pino nói.
Họ trang phục như bà già nhưng khi chuẩn bị chích, các nhân viên y tế thấy rằng họ có làn da không chút nhăn nheo như những người ở lứa tuổi trên 70.
Khi được yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe, các nhân viên y tế thấy rằng ngày sinh của họ “không khớp với ngày sinh họ dùng để ghi danh chích vắc-xin”, ty cảnh sát Quận Cam cho biết trong một tuyên bố. “Tuy nhiên, những cái tên hoàn toàn khớp.”
Ty cảnh sát xác định những người phụ nữ này là Olga Monroy-Ramirez, 44 tuổi và Martha Vivian Monroy, 34 tuổi.
“Không có hành động thực thi pháp luật nào khác được thực hiện”, ty cảnh sát cho biết. Hai cô trẻ đẹp này đã bị xài xể. Một viên chức y tế đã lên tiếng nhắc nhở hai người vì “sự ích kỷ khi ăn cắp vắc xin” và gọi vụ việc là “nực cười”.
“Các bạn có biết mình đã làm gì không? Các bạn đã đánh cắp một loại vắc-xin từ ai đó cần nó hơn các bạn”, người y tá nói. “Và bây giờ các bạn sẽ không nhận được liều thứ hai. Thật là một sự lãng phí thời gian cho việc này”.
Khi đứng bên ngoài xe, người ta có thể thấy hai người phụ nữ đeo khẩu trang và găng tay. Một cô còn có tấm che mặt, mũ và khăn choàng dài.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, tính đến thứ Năm 18 tháng Hai, Florida đã tiêm khoảng 3.8 triệu liều vắc xin COVID-19.
Source:ABC News
Sau Thánh lễ, vào ngày 17/02/2021, vị Giám quản Giáo phận đã gửi điện thư đến Hội đồng Mục vụ như sau :
Bản dịch :
Thật là một niềm vui lớn lao đối với tôi được gặp gỡ và cử hành Thánh lễ tại quý cộng đoàn.
Cộng đoàn Giáo xứ rất hiếu khách làm tôi muốn trở lại. Tôi sẽ không quên tường trình lên Đức Tổng Giám Mục Paris lần thăm viếng mục vụ này.
Đính kèm là bài giảng của tôi. Cám ơn về lời đánh giá đầy khích lệ.
Thân mến,
Richard Escudier +
Toàn văn điện thư như sau :
Điện thư nói đến bải giảng của vị giám quản trong Thánh lễ đầu năm. Sau đây là bản dịch :
Theo âm lịch, cộng đoàn có may mắn cử hành ý nghĩa con trâu trong thánh lễ đầu năm. Trong Kinh thánh, Thiên Chúa chúc phúc cho sức cần lao và ban cho loài thụ tạo cầy cấy ruộng đồng. Đó là một trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống hàng ngày.
Nhờ sức cần lao, con người góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng cách kiện toàn, tô điểm. Thật là vui biết bao khi nói ra điều này để không xao nhãng việc lao động. Sách Sáng Thế trình thuật việc người nam và người nữ ăn trái cấm, bị Thiên Chúa phạt phải lao động cực nhọc. Nhưng đó không phải là ý nghĩa đích thực của cần lao.
Ở Tây phương, người ta phải kiên trì tranh đấu để các điều kiện lao động được tôn trọng nhằm đảm bảo giá trị của người công nhân.
Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến, đa số cho rằng họ đã tìm thấy niềm vui trong lao động. Đâu là ý nghĩa đích thực của lao động? Phúc âm theo thánh Matthieu mà cộng đoàn vừa tuyên đọc mang lại lời giải đáp.
1) Sức cần lao xứng đáng được mừng kính :
Theo dụ ngôn những yến bạc, người kia sắp đi xa liền gọi đầy tớ đến mà giao của cải của mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác một nửa yến, tùy khả năng lao động của mỗi người. Hai người đầu kiếm lời được số yến bạc tương đương lúc đầu. Ông chủ nói rằng :‘‘Hãy vào mà hưởng niềm vui.’’ Niềm vui đồng nghĩa với lễ hội. Trong Sáng Thế, Thiên Chúa đã phán việc lao động phát sinh ơn phước.
2) Người đầy tớ nói ông chủ hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi :
Ta còn nhớ dụ ngôn người con hoang đàng cho người cha là người chủ hay bắt bẻ, và không còn coi là cha mình nữa. Ta nghĩ rằng Chúa bắt ta trình lại công việc đã làm. Ý nghĩ này là không chính đáng.
3) Việc trách cứ chứng tỏ không biết người chủ tín nhiệm mình :
Người đầy tớ không biết người chủ cho mình có khả năng cộng tác vào công việc chung.
Thiên Chúa tốt lành. Ngài coi ta là những con người tự do, có trách nhiệm. Ngài không đòi hỏi ta làm quá khả năng, nên chỉ giao số bạc tương ứng. Nếu Thiên Chúa tín nhiệm ta, vậy ta có thể cố gắng hơn nữa.
Kết luận :
Sống đạo không chỉ là sống ngay thẳng, nhưng phải ráng hoàn thiện. Chúa cho ta sáng tạo trong công ăn việc làm giúp ta cảm nhận được tình yêu của Ngài. Nếu không biết điều đó là còn quá vị kỷ, thiếu khả năng.
Hình ảnh con trâu cầy bừa trên ruộng đồng cũng giống như người nông dân kiên nhẫn, trung thành; hình ảnh này giúp ta hiểu thấu đáo ý nghĩa cần lao. Ta không chỉ cải tiến công ăn việc làm, mà còn phải luôn kiên trì nhẫn nại như con trâu để thực hiện kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa nơi trần thế này.
*
Vào cuối Thánh lễ đại diện Hội đồng Mục vụ đã chúc Tết vị kinh sĩ giám quản giáo phận, cha giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang, quý linh mục, tu sĩ và toàn thể cộng đoàn như sau :
Monsieur le Chanoine Richard Escudier, vicaire épiscopal pour le service des communautés étrangères,
Monsieur l’Abbé Gilbert Nguyễn Kim Sang, recteur de la Mission Catholique Vietnamienne,
Messieurs les Abbés, Messieurs les Diacres,
Mesdames, Messieurs,
Pour cette nouvelle année du buffle, riche en belles émotions pour les Vietnamiens, au nom du conseil pastoral de la Mission Catholique Vietnamienne, je vous présente tous mes vœux de paix et de santé.
Notre communauté est toujours dans le bateau de la ville de Paris dont la devise est ‘‘Fluctuat nec mergitur’’ que l’on peut traduire par ‘‘Il est battu par les flots, mais ne sombre pas’’. L’année dernière a été marquée par les flots de la pandémie mais le bateau communautaire ne sombre pas. Au contraire, il avance vers le large pour vivre avec courage le présent, avec obéissance aux instructions épiscopales.
Nous nous attendons à ce que cette nouvelle année du buffle soit celle dédiée à saint Joseph dans toutes nos activités pastorales, ce qui revêt une signification particulière pour nous. Dans notre pays natal, chaque jour, des paysans labourent dans la rizière avec un buffle.
A cette occasion, je voudrais présenter un petit poème, en guise de conclusion de mes mots de vœux :
En cette année de buffle, chacun et chacune d’entre nous
laboure dans une rizière communautaire couverte de boue
En suivant un si bel exemple de saint Joseph notre patron
pour vivre de la Providence Divine avec une absolue dévotion.
Maintenant, permettez-moi d’adresser quelques mots en vietnamien à mes chers frères et sœurs de notre communauté.
___
Kính thưa Cha Giám đốc, kính thưa quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Nữ tu,
Kính thưa quý Ông, Bà,
Thánh lễ mừng Năm mới Tân Sửu vừa được Kinh sĩ Richard Escudier, Đại diện Giám mục chuyên trách các Cộng đoàn Ngoại kiều, cùng với Cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang chủ lễ, quý Cha đồng tế. Khi lược trình sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ trong năm qua, chúng tôi mượn câu châm ngôn của Kinh thành Paris ‘‘Fluctuat nec mergitur’’để nói rằng Giáo xứ ta, cũng như các xứ đạo khác trong giáo phận, tuy bị chòng chành trong con thuyền Paris vì đại dịch, nhưng vẫn giong buồm thẳng tiến ra khơi : ‘‘Duc in Altum’’, không ngừng phát triển các sinh hoạt mục vụ.
Năm Tân Sửu theo thiên can địa chi là năm con trâu. Trong xã hội nông nghiệp nước ta, con trâu là biểu hiện của sức cần lao. Mặt khác, theo Tông thư ‘‘Patris corde’’, nhân kỷ niệm 150 năm Tòa Thánh tôn cử Thánh Cả Giuse là bổn mạng Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã định 2021 là Năm Đặc biệt kính Thánh Giuse.
343 năm về trước, tông hiến ‘‘Sacrosancti Apostolatus’’ ban hành ngày 17/08/1678 đã phê chuẩn thỉnh nguyện tôn vinh Thánh Giuse là bổn mạng Giáo Hội Việt Nam¸ do nhị vị Đại diện Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài đệ trình. Ngoài ra, Thánh Cả Giuse còn là bổn mạng Giáo xứ Việt Nam Paris. Cũng như năm Tân Sửu, thánh Giuse còn là biểu tượng của cần lao.
Vì vậy, trong năm nay, Giáo xứ sẽ mừng trọng thể lễ thánh Giuse vào ngày 21/03/2021. Sau đó, vào ngày 09/05, cộng đoàn sẽ mừng Ngân Khánh Linh mục của Cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang. Cách nay 25 năm, vào ngày 05/05/1996, ngài đã thụ phong linh mục tại Giáo phận Belley-Ars, miền nam nước Pháp.
Chúng tôi có bài thơ sau đây chúc Tết Cha Giám đốc, quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Nữ tu và toàn thể quý Cộng đoàn :
Chồng cầy vợ cấy suốt năm Trâu
Sức lực cần lao phép nhiệm mầu
Thánh Cả Giuse cành huệ trắng
Gieo rắc phước ân khắp Á u
Ơn trời lộc thánh như mưa xuống
Thấm ướt tâm hồn, thấm đất sâu
Giáo Xứ cùng nhau dâng ước nguyện
Năm nay đại dịch sẽ qua mau.
Giáo sở Phước Tượng:
Làng Phước Tượng là một làng quê thuần nông nằm bên dưới chân núi Phước Tượng. Trước đây, việc đi lại còn nhiều khó khăn, từ khi hầm đèo Phước Tượng được thi công thì bên ngoài miệng hầm được mở một con đường rẽ về các xã vùng biển Vinh Hiền thuộc huyện Phú Vang. Nhờ đó người dân và bà con giáo dân đi lại thuận lợi, đời sống dần phát triễn.
Theo sơ lược về Giáo sở Phước Tượng của linh mục Quản xứ Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung thì cụ Mattheo Phan Văn Kinh là người đầu tiên được lãnh nhận Đức Tin vào năm 1886, khi mà những cuộc bắt Đạo chấm dứt bởi hòa ước Nhâm Tuất, tính đến nay vừa tròn 135 năm. Để kính nhớ đến vị tiền nhân đáng kính mà linh mục Hiếu Trung đã cho san lấp mặt bằng và tôn tạo phần mộ của cụ, nằm ở ngay sau lưng Nhà thờ Phước Tượng, kề bên trái của Đài Thánh Cả Giuse mà hôm nay 19 tháng 2 năm 2021, nhằm ngày mùng 8 Tết, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh về khánh thành và làm phép.
Xem Hình
Trải qua nhiều đời linh mục Quản xứ, mỗi vị đều để lại dấu ấn trong lòng mỗi tín hữu và Giáo xứ. Như việc xây dựng Nhà thờ, xây Đài Đức Mẹ, đắp ngọn đồi Can Vê Chúa chịu nạn, dựng 14 chặng đường Thánh giá ngoài trời. Và năm 2020, linh mục Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu trung được bổ nhiệm về coi sóc mục vụ Giáo sở Phước Tượng, ngài tiến hành trùng tu và tôn tạo các cơ sở đã xuống cấp qua thời gian, đồng thời xây dựng tượng đài Thánh Cả Giuse trên một nền đất cao ráo với pho tượng cao gần 7m gồm cả đế.
Khánh thành và làm phép Tượng đài Thánh Cả Giuse:
Giáo dân Phước Tượng từ xưa nay rất sùng kính Thánh Cả Giuse, nên ngay sau khi về nhận xứ, linh mục Quản xứ Giuse Maria Hiếu Trung đã nghĩ đến việc xây dựng Đài Thánh Cả Giuse để tôn kính và cộng đoàn có một nơi để cầu nguyện cùng Người. Chính vì thế mà ngày 19 tháng 3 năm 2020, nhằm vào ngày lễ Kính Thánh Giuse, Giáo xứ đã khởi công xây dựng Đài. Với sự giúp sức của nhiều ân nhân là con cái Phước Tượng xa quê hương và trong Giáo xứ, chỉ trong một thời gian ngắn mà tượng đài được hoàn thành.
Trùng hợp một điều là khi vừa hoàn thành thì vào ngày 8 tháng 12 năm 2020 Đức Thánh Cha Phanxico cũng vừa ban Tông thư “Patris Corde-Trái tim của Người Cha” và công bố Năm Đặc biệt về Thánh Giuse từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến ngày 8 tháng 12 năm 2021 nhằm kỷ niệm 150 năm Hội Thánh Công Giáo tôn vinh Ngài làm Bổn mạng. Tông thư “Patris Corde-Trái tim Người Cha” gồm 7 phần, mỗi phần được nêu bật:
1/ Một người Cha yêu thương
2/ Một người Cha dịu dàng và yêu thương
3/ Một người Cha vâng phục
4/ Một người Cha chấp nhận
5/ Một người Cha có lòng can đảm đầy sáng tạo
6/ Một người Cha làm việc
7/ Một người Cha trong bóng tối
Mỗi phần của Tông thư được Đức Thánh Cha phân tích và diễn giải tỉ mĩ thì linh mục Quản xứ Hiếu Trung diễn đạt lại bằng một hình ảnh hết sức ấn tượng và được in khổ lớn treo lên trước tường thành khuôn viên nhà thờ để cộng đoàn có thể hằng ngày chiêm nghiệm sự nhiệm mầu mà Người đã mang đến cho giáo xứ luôn biết tôn kính Người.
Cũng với một tấm lòng kính yêu đối với vị Chủ chăn của Giáo phận, sáng ngày 19 tháng 2, nhằm ngày mùng 8 Tết Tân Sửu, Giáo xứ Phước Tượng rực rỡ cờ hoa và sắc màu quần là áo lược, từ các cụ già cao niên với trang phục truyền thống cổ truyền, các Hội đoàn chỉnh tề với đồng phục, các em thiếu nhi ca vũ đều hân hoan tươi vui chào đón Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam về viếng thăm mục vụ đồng thời làm phép và cắt băng khánh thành Đài Thánh Cả Giuse.
Nghi thức diễn ra thật long trọng với sự tham dự của đông đảo linh mục và bà con giáo dân. Giúp vui cho ngày hồng ân là những tiết mục ca vũ và múa Lân của các em thiếu nhi nam nữ trong giáo xứ.
Kết thúc chương trình, ông Mattheu Lưu Bình Hùng, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ thay mặt Cộng đoàn nói lời tri ân đến Đức Tổng, quý Cha và quý ân nhân xa gần đã góp phần vào công trình xây dựng Đài Thánh Giuse và ngày vui được diễn ra hết sức long trọng.
Đức Tổng Giám Mục ban Phép lành Toàn xá của Tòa Ân giải tối cao cho cộng đoàn tham dự.
Trương Trí
Đâu là ý nghĩa hình cầu vồng mầu sắc trên bầu trời?
Kinh Thánh thuật lại Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ trời đất cùng mọi loài có sự sống trong sáu ngày ( Sách Sáng Thế 1, 1-31). Và cũng diễn tả thuật lại hình cầu vồng mầu sắc rực rỡ xuất hiện trên bầu trời sau cơn mưa lũ lụt đại hồng thủy thời Ông Noah. ( Sách Sáng Thế 9-13-16).
Hình chiếc cầu vồng trong Kinh Thánh thuật diễn tả đó không phải là màn trình diễn mầu sắc lạ lùng của thiên nhiên, nhưng là hình ảnh dấu chỉ giao ước trung thành của Thiên Chúa nói lên lời cam kết sự tha thứ hòa bình với Ông Noah cùng với nhân loại:
„ Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.16 Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất.“ ( Sáng Thế, 9,15-16).
Dẫu vậy tro;ng văn hóa dân gian xưa nay cũng có nhiều suy tư khác nhau về ý nghĩa hình cầu vồng trên bầu trời.
Hình cầu vồng mầu sắc trên nền trời diễn tả hình ảnh biểu tượng sự nối liền giữa trời và đất, theo truyền thống Talmud của người Do Thái, được tạo dựng vào buổi chiều ngày thứ sáu của công trình sáng tạo thiên nhiên.
Theo thần thoại của Hylạp cổ ngày xưa hình cầu vồng tượng trưng cho nữ thần Iris.
Theo truyền thống văn hóa của Trung Hoa cho là hình cầu vồng có năm mầu sắc, diễn tả sự chung hợp giữa hai cực: tích cực và tiêu cực, giống đực và giống cái, sự sáng và bóng tối, trời và đất, động và tĩnh.
Văn hóa vùng phương Đông ngày xưa cho hình cầu vồng là dấu chỉ của chiến thắng sau cuộc tranh cãi giữa các Thần Thánh.
Theo văn hóa Ấn Độ và vùng Mesopotamie cho bảy mầu sắc hình cầu vồng chỉ về bẩy tầng trời cao.
Nhà bác học Isaak Newton hồi thế kỷ 17. quan sát qua lăng kính khối thủy tinh đã khám phá nhìn mấy nhiều mầu sắc khác nhau xuất hiện nổi lên. Và Ông cho rằng điều đó nói về hệ thống trật tự vũ trụ. Các nhà khoa học nghiên cứu dựa trên phương pháp vật lý khoa học của nhà bác học Newton đã xác định ra bẩy mầu của hình cầu vồng: đỏ, da cam, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, mầu xanh da trời đậm (Indigo) và tím.
Ngày nay có suy tư cho hình cầu vồng tượng trưng nói về sự chung hợp, sự toàn thể thống nhất, hạnh phúc, hội nhập, sự khác biệt, sự vui vẻ, sự khoan dung, hòa bình, sự thay đổi, niềm hy vọng, sự cởi mở, tâm linh, sự suy nghĩ tích cực, và sự liên kết tương hợp.
Từ năm 1961 trên lá cờ của phong trào tranh đấu kêu gọi hòa bình in vẽ hình cầu vồng có bẩy mầu sắc.
Thánh Gioan Tông đồ của Chúa Giesu Kitô đã thuật lại trong sách Khải Huyền về thị kiến đã được nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô ngự trên chiếc cầu vồng trong ngày chung thẩm phán xét:
„Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc.“ ( Sách Khảí Huyền 4,3)
Theo văn hóa Kitô giáo thường phân biệt ba mầu căn bản của hình cầu vồng. Vì thế cũng là hình ảnh biểu tương nói về Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hình cầu vồng cũng được suy hiểu là hình ảnh diễn tả chỉ về Đức Mẹ Maria. Vì Đức Mẹ Maria được hiểu cho là người đóng vai trò trung gian về sự tha thứ làm hòa giữa Thiên Chúa và con người, như trong Kinh cầu Đức Bà có lời cầu xin ca ngợi:
„Đức Bà bầu chữa kẻ có tội
Đức Bà phù hộ các giáo hữu.“
Vòng cung hình cầu vồng với nhilềuk mầu sắc không chỉ là điều lạ lùng đẹp khi nhìn ngắm. Nhưng còn diễn tả sự nối liền liên kết hai bên cách xa lại với nhau. Nó cũng giống như những nhịp của cây cầu bắc nối hai bên bờ dòng sông, hai bên bờ dòng suối lại với nhau, tạo mang đến sự thông thương cho được an toàn, thuận tiện cùng nhanh chóng.
Trong thiên nhiên có nhiều hình ảnh dấu chỉ ẩn chứa nhiều ý nghĩa dấu chỉ biểu tượng về đời sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và con người, cùng giữa con người với nhau và với cả thiên nhiên nữa.
Hình ảnh chiếc cầu vồng với những mầu sắc xất hiện trên bầu trời là một trong những biểu tượng mang ẩn chứa ý nghĩa như thế.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
1. Cuốn sách mới kể về Người Trộm Lành dành cho trẻ em
Raymond Arroyo là người dẫn chương trình cho đài truyền hình EWTN. Nhưng anh còn là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết các truyện dành cho thiếu nhi. Cuốn “The Spider Who Saved Christmas” nghĩa là “Chú Nhện Đã Cứu Lễ Giáng Sinh” được phát hành vào mùa thu năm 2020 là cuốn sách dành cho thiếu nhi bán chạy nhất trong năm ngoái 2020.
Raymond Arroyo đang phát hành một cuốn sách mới dành cho thiếu nhi kể lại câu chuyện về Người Trộm Lành, là một trong hai người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Cuốn sách có tựa đề “The Thief Who Stole Heaven” nghĩa là “Tên Trộm Đã Đánh Cắp Thiên Đàng” do Arroyo viết và Randy Gallegos minh họa, sẽ được phát hành vào ngày 9 tháng 3.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đớn đau, Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.
Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”
Trong ngày đau khổ và đớn đau đó, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
Những ý tưởng đầy tràn hy vọng này được Arroyo tìm cách thể hiện cho trẻ em có thể hiểu được bằng lối kể chuyện dễ thương của anh.
Phúc Âm không cho chúng ta biết tên của Người Trộm Lành đã dành được Nước Trời vào giờ cuối cùng của cuộc đời, nhưng anh được biết đến trong truyền thống Kitô Giáo với tên là Dismas, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hoàng hôn”.
Source:Catholic News Agency
2. Bẽ bàng: Nghị định tôn giáo mới của Trung Quốc gạt phăng Vatican khỏi tiến trình bổ nhiệm Giám Mục
Vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, Vatican đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh có quyền lựa chọn các ứng viên giám mục, những người sau đó sẽ được Tòa thánh chấp thuận hoặc phủ quyết.
Được đằng chân, lân đằng đầu. Nghị định mới vừa được công bố của bọn cầm quyền Trung Quốc đã bãi bỏ luôn quyền chấp thuận hoặc phủ quyết của Tòa Thánh.
Những ai có chút kinh nghiệm xương máu với cộng sản đã biết ngay từ đầu sớm muộn cũng sẽ có ngày này.
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài phúc trình nhan đề “Report: Vatican not mentioned in China’s new rules on bishop appointments”, nghĩa là “Báo cáo: Vatican chẳng hề được nhắc đến trong các quy định mới về bổ nhiệm các Giám Mục.”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Nghị định mới có tên “Các Biện Pháp Hành Chính Dành Cho Hàng Giáo Sĩ Các Tôn Giáo” của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5. Các quy tắc này đã được dịch [từ tiếng Hoa sang tiếng Anh] bởi tạp chí Bitter Winter, là cơ quan chuyên báo cáo về các điều kiện tự do tôn giáo ở Trung Quốc.
Theo quy định mới, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, gọi tắt là CCPA, do bọn cầm quyền điều hành sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn các ứng viên giám mục. Sau đó, các ứng viên sẽ được “Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc chấp thuận và tấn phong”.
Các quy tắc không đề cập đến bất kỳ vai trò nào của Vatican trong việc phê chuẩn các giám mục, bất chấp thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc vào năm 2018 được cho là có sự tham gia của cả Trung Quốc và Tòa thánh trong quá trình bổ nhiệm giám mục.
Năm 2018, Vatican đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục; các điều khoản của thỏa thuận, được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, chưa bao giờ được tiết lộ đầy đủ.
Tuy nhiên, theo các báo cáo, thỏa thuận cho phép Giáo Hội quốc doanh được bọn cầm quyền Trung Quốc nhìn nhận có quyền lựa chọn các ứng viên giám mục, những người sau đó sẽ được Tòa thánh chấp thuận hoặc phủ quyết. Vào thời điểm thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được gia hạn vào tháng 10, một tờ báo của Vatican đã đưa tin rằng hai giám mục Trung Quốc đã được bổ nhiệm theo “khuôn khổ pháp lý được thiết lập bởi thỏa thuận”. Vào tháng 11, Vatican xác nhận rằng một giám mục thứ ba đã được bổ nhiệm theo khuôn khổ được quy định bởi hiệp định này.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng và là người lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này, cho biết hiệp định này có thể đặt Vatican vào tình thế phải phủ quyết liên tục các ứng viên giám mục do Trung Quốc tiến cử.
Thỏa thuận được thực hiện để giúp hợp nhất Giáo hội quốc doanh do nhà nước điều hành và Giáo Hội Công Giáo thầm lặng. Ước tính có khoảng 6 triệu người Công Giáo đã ghi danh với CCPA, trong khi ước tính vài triệu người thuộc các cộng đồng Công Giáo thầm lặng chưa ghi danh với bọn cầm quyền và vẫn trung thành với Tòa thánh.
Theo các quy định mới, một khi một giám mục mới được tấn phong, CCPA và Hội Đồng Giám Mục được nhà nước công nhận sẽ gửi thông tin của ngài đến Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo.
Đăng ký giáo sĩ trong cơ sở dữ liệu là một phần quan trọng của các biện pháp hành chính mới, theo đó các giáo sĩ ở Trung Quốc cũng sẽ được yêu cầu phải thúc đẩy các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ví dụ, Điều III của các biện pháp hành chính quy định rằng các giáo sĩ “phải yêu Tổ quốc, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa,” và “tuân theo đường hướng của quá trình Trung Hoa hóa tôn giáo ở Trung Quốc”.
Quá trình Trung Hoa hóa đã được Tập Cận Bình công bố và thực hiện trong những năm gần đây; những người chỉ trích đã gọi kế hoạch này là một nỗ lực buộc thực hành tôn giáo phải bị dưới sự kiểm soát của bọn cầm quyền Trung Quốc và phù hợp với các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoài ra, theo các quy tắc, các giáo sĩ phải “hoạt động để duy trì sự thống nhất quốc gia, hòa hợp tôn giáo và ổn định xã hội”.
Phần D của các biện pháp nói rằng các giáo sĩ phải “hướng dẫn” các công dân “yêu nước và tuân thủ luật pháp”. Họ bị nghiêm cấm không được thực hiện các hoạt động “phá hoại đoàn kết dân tộc” hoặc hỗ trợ “các hoạt động khủng bố”.
Không rõ “khủng bố” được định nghĩa như thế nào theo các biện pháp hành chính mới này. Trong luật an ninh quốc gia của Hương Cảng đã được cơ quan lập pháp quốc gia ban hành vào năm 2020, “khủng bố” bao gồm các hành vi như đốt phá và phá hoại các phương tiện giao thông công cộng.
Các thành viên đã đăng ký trong danh sách giáo sĩ ở Trung Quốc sẽ không được phép “tổ chức, đăng cai hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo trái phép được tổ chức bên ngoài các địa điểm được phép hoạt động tôn giáo” và sẽ không được phép giảng trong các trường học không phải là trường tôn giáo.
Các giáo sĩ đã đăng ký phải thuộc một trong những tôn giáo do nhà nước quản lý của Trung Quốc. Giáo sĩ của các “nhà thờ tại gia” hoặc nhà thờ “hầm trú” sẽ không được xem là giáo sĩ đã ghi danh.
Tài liệu cho biết: “Việc vào các nơi thờ tự” cần được quy định thông qua việc canh gác nghiêm ngặt, xác minh danh tính và đăng ký”.
Các quy tắc cũng kêu gọi một “chương trình đào tạo giáo sĩ tôn giáo” để “giáo dục chính trị cho các giáo sĩ tôn giáo” cũng như “giáo dục văn hóa” cho họ. Các giáo sĩ cũng cần được đánh giá về hành vi của họ theo một hệ thống “thưởng phạt”.
Source:Catholic News Agency
1. Quân phiệt Miến Điện tung ra lực lượng ác ôn nhất để chống lại các cuộc biểu tình
Những người biểu tình ở Miến Điện tiếp tục yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi và chấm dứt chế độ quân sự. Tuy nhiên, bất chấp việc triển khai xe bọc thép và nhiều binh sĩ hơn trên đường phố.
Xe bọc thép đã được triển khai từ hôm Chúa Nhật tại Yangon, thị trấn Myitkyina phía bắc và Sittwe ở phía tây, đây là lần đầu tiên quân đội sử dụng trên quy mô lớn những phương tiện như vậy kể từ cuộc đảo chính.
Nhiều binh sĩ cũng đã được phát hiện trên đường phố để trợ giúp cảnh sát, bao gồm các thành viên của Sư đoàn bộ binh 77, là lực lượng cơ động bị cáo buộc tàn bạo trong các chiến dịch chống lại các cuộc nổi dậy và biểu tình của người dân tộc thiểu số trước đây.
Trong bối cảnh Ðức Tổng giám mục Ivan Jurkovic, đại diện Tòa Thánh tại các Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, kêu gọi hòa bình và công bằng xã hội cho Myanmar.
Lên tiếng hôm 12 tháng 2 năm 2021, tại khóa họp đặc biệt thứ 29 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Ðức Tổng giám mục Jurkovic nói đến tình trạng nhân quyền tại nước này đang ở trong tình trạng khủng hoảng, từ sau cuộc đảo chánh của quân đội hôm 1 tháng 2 năm 2021. Ngài nói: “Ngay từ cuộc tông du tại Miến Điện hồi năm 2017, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã mang Miến Điện trong con tim với lòng quí mến sâu đậm và trong những ngày này, Ðức Thánh Cha đã nói: ‘Tòa Thánh đang quan tâm và rất lo âu theo dõi diễn biến tình hình tại Miến Điện’”.
Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các phe liên hệ “loại bỏ tất cả những gì cản trở tiến trình không thể thiếu được, là đối thoại và tôn trọng nhân phẩm của nhau. Tòa Thánh kêu gọi có một giải pháp ôn hòa và mau lẹ cho những căng thẳng hiện nay, và tin tưởng rằng một cuộc đối thoại mới có thể mang lại hòa bình mà mọi người rất mong ước”.
Source:Reuters
2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bắc Âu phê bình “Tiến trình Công Nghị” tại Ðức
Ðức Cha Czeslaw Kozon, giám mục giáo phận Copenhagen Ðan Mạch, Chủ tịch Hội đồng Giám mục năm nước Bắc Âu, phê bình “Tiến trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo tại Ðức vì chủ trương cải tổ các cơ cấu của Giáo hội như phương thế để chống lại nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Ðức Cha Kozon năm nay 70 tuổi, đã được mời làm quan sát viên nước ngoài, dự khóa họp trực tuyến trong hai ngày 4 và 5 tháng 2 năm 2021, của gần 230 tham dự viên “Tiến trình Công Nghị” của Công Giáo Ðức. Công nghị này chủ trương cải tổ Giáo hội trong bốn lãnh vực là thực thi quyền bính, thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo hội, thay đổi luân lý tính dục và đời sống độc thân của linh mục.
Tuyên bố hôm 10 tháng 2 năm 2021 với Ðài phát thanh Domradio của giáo phận Köln, Ðức Cha Kozon nói: “tốt hơn nên tách biệt vấn đề lạm dụng ra khỏi việc cải tổ cơ cấu của Giáo hội, và chỉ quy trọng tâm vào việc phòng ngừa lạm dụng, tuy rằng có những liên hệ giữa việc lạm dụng với đời sống linh mục và phần nào với cơ cấu của Giáo hội. Ngoài ra theo ý tôi, không nên tiến hành một cách quá cực đoan như vậy.”
Ðức Cha Kozon cho biết ngài cũng đồng ý với Ðức Thánh Cha Phanxicô, theo đó chúng ta không thể đạt tới mục đích bằng cách thay đổi trước tiên các cơ cấu. Ðức Cha phê bình Công nghị Ðức muốn thay đổi cả nền tảng của Giáo hội để đạt tới mục đích ngăn ngừa lạm dụng. Tốt hơn nên đi từ giáo huấn và truyền thống của Giáo hội.
Trong tài liệu căn bản của “Tiến trình Công Nghị” ở Ðức có một số mục tiêu và biện pháp được đề ra: ví dụ dân chủ hóa Giáo hội, cho giáo dân tham gia vào việc bầu giám mục giáo phận, và có một ủy ban giáo dân được thành lập để kiểm soát và có quyền phủ quyết các lệnh của giám mục, tiếp đến là tiến đến việc truyền chức cho phụ nữ và đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo Giáo hội, biến việc độc thân linh mục thành điều tùy ý, mở rộng luân lý tính dục của Giáo hội kể cả đồng tính luyến ái.
Source:Dom Radio
3. Phiên khoáng đại Mùa Xuân của Hội đồng Giám mục Ðức
Hội đồng Giám mục Ðức sẽ nhóm khóa họp mùa xuân, từ ngày 23 đến 25 tháng 2 năm 2021, dưới dạng trực tuyến vì đại dịch. Tham dự khóa họp dưới quyền chủ tọa của Ðức Cha Chủ tịch Georg Batzing, Giám mục giáo phận Limburg, có 68 giám mục thuộc 27 giáo phận toàn quốc. Trong phiên khai mạc, cũng có sự tham dự của Ðức Tổng giám mục Nicola Eterovic, người Croát, Sứ thần Tòa Thánh tại Ðức. Ngoài ra, có Ðức Cha Ricardo Ernesto Centella Guzmán, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bolivia, tham dự với tư cách là khách mời.
Một trong những đề tài trong khóa họp là “Rời bỏ hay ở lại giữa lòng Giáo hội”. Các giám mục sẽ dành một ngày trọn để học hỏi về những thống kê Giáo hội đã được phân tích trong Ðại hội mùa thu hồi tháng Chín năm 2020, trong đó có tình trạng nhiều người xin ra khỏi Giáo hội.
Ngoài ra, các giám mục cũng bàn về tình trạng hiện nay của “Tiến Trình Công Nghị”, thảo luận về vấn đề trợ tử mà quốc hội Ðức đang xúc tiến việc ban hành luật, theo yêu cầu của tòa bảo hiến tại nước này. Hội đồng Giám mục Ðức bàn đến Tài liệu do nhóm làm việc chung giữa Công Giáo và Tin lành Ðức soạn thảo, với tựa đề: “Cùng nhau tại bàn tiệc của Chúa”. Tài liệu này cổ võ việc rước lễ chung giữa Công Giáo và Tin lành, và Bộ Giáo Lý Đức Tin đã bác bỏ.
Sau cùng, các giám mục Ðức cũng thảo luận về vấn đề “làm sáng tỏ và đối mặt với quá khứ”, nghĩa là những hậu quả của nghiên cứu về “những vụ giáo sĩ và nam tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên” trong quá khứ.
Source:Religion News Service
4. Phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức dẫn đến chức tư tế
Cha Christy David Pathiala được chữa lành kỳ diệu tại Lộ Đức, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ôm và được gặp Mẹ Teresa, tất cả đều bắt đầu từ một kỳ nghỉ hè vào năm 1989 khi ngài mới 7 tuổi và anh trai 10 tuổi. Ngài hiện là một linh mục gốc Ấn Độ đang tạm thời phục vụ tại Bismarck, Bắc Dakota, Hoa Kỳ.
Gia đình ngài đã hành hương đến thị trấn Lộ Đức, đến các bồn tắm được trang bị các vòi nước lấy từ dòng suối để được ngâm mình vào dòng suối kỳ diệu. Cậu Christy nhìn thấy một tiệm kem và níu chiếc áo sari của mẹ. “Con có thể ăn kem không?” cậu hỏi. Đó là một yêu cầu ngớ ngẩn. Kem có thể đưa cậu bé đến bệnh viện.
Khi còn rất nhỏ, Christy đã lên cơn động kinh đột ngột và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, bất tỉnh và không phản ứng trong 12 giờ. Ít ai dám hy vọng cậu sẽ sống sót và nếu có sống được đi chăng nữa, cậu sẽ bị bất thường hoặc bị liệt. Cha mẹ cậu đã cầu nguyện nhiệt thành và đột nhiên thuốc bắt đầu có tác dụng. Nhưng sau khi hồi phục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột - thậm chí chỉ cần đứng trước một chiếc quạt điện - sẽ khiến cậu phải quay lại bệnh viện với tình trạng sốt cao cần được chườm trong nước đá để hạ nhiệt. Ăn kem không phải là một lựa chọn cho cậu.
Nhưng ở Lộ Đức, mẹ Christy nói với cậu: “Nếu con có đức tin vào Đức Mẹ, con có thể ăn kem”.
“Tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi nghĩ: Thế nào tôi cũng được ăn kem!” Khi họ đến phòng tắm, ngay phía trước cậu là một phụ nữ với đứa con trai bị tàn tật nặng đang ngồi trên xe lăn. Sau khi Christy lên khỏi mặt nước và bước ra ngoài, người phụ nữ có cậu con trai tàn tật bước đến chỗ cậu. Cô ấy đưa cho tôi năm franc và nói, “Con đi ăn kem đi.” Cô ấy cũng đưa cho anh trai tôi một đồng năm franc.
Cha Christy cho biết cho đến nay ngài vẫn luôn tự hỏi liệu người phụ nữ đó có phải là Đức Mẹ và con trai của bà có phải là Chúa Giêsu hay không.
Mẹ Christy nói bà tin tưởng vào Đức Mẹ nên bảo con rằng: “Ngay cả dù con chết, mẹ vẫn mua kem cho con.” Bà đã giữ lại hai đồng tiền đó và đựng chúng trong một chiếc túi đặc biệt cho đến ngày nay. Từ ngày đó, Christy đã không bị ốm vì lạnh lần nào nữa.
Chính trong chuyến đi năm 1989 đó, Christy đã phát triển một mối quan hệ thân thiết với Đức Mẹ và cảm nhận được tia sáng đầu tiên rằng có lẽ Chúa đang kêu gọi ngài tiến đến chức linh mục. Năm 2010, ngài được thụ phong tại Ấn Độ, nơi chỉ có 1.55% dân số theo Công Giáo - mặc dù tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, 19% dân số theo Kitô Giáo và 55% trong số đó theo Công Giáo.
Source:National Catholic Register