Ngày 22-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mùa thanh tẩy tâm hồn
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
04:06 22/02/2009
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY B

MÙA THANH TẨY TÂM HỒN

+++

A. DẪN NHẬP

Chúng ta đã bước vào mùa Chay thánh từ hôm thứ tư lễ Tro. Ai trong chúng ta cũng biết rằng Mùa Chay là thời gian thuận lợi giúp các tín hữu chú trọng vào việc sám hối bằng việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đề tài này đã có từ lâu trong Giáo hội và đã trở thành truyền thống lên mãi tới thời các giáo phụ.

Bài Tin mừng Chúa nhật thứ nhất hôm nay cho chúng ta biết Đức Giêsu sau khi đã chịu phép rửa của ông Gioan và được tuyên phong là Con yêu dấu của Chúa Cha, đã vào trong hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và đã bị ma qủi cám dỗ. Khác với thánh Matthêu và Luca, thánh Marcô nói rất vắn tắt không cho biết diễn tiến cám dỗ và Chúa đã chiến thắng như thế nào. Tuy nhiên, Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin mừng này để mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta cuộc chiến đấu với Satan và những cám dỗ của nó. Chúng ta sẽ bị ma qủi cám dỗ nhưng theo gương chiến đấu của Đức Giêsu và với sự trợ giúp của Ngài, chúng ta sẽ chiến thắng.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: St 9,8-15.

Nhiều tôn giáo cũng có biết đến một trận hồng thủy do các thần gây nên để tiêu diệt một nhân loại phản loạn. Riêng Thánh Kinh trình bầy cho chúng ta việc Thiên Chúa tạo nên một trận đại hồng thủy tiêu diệt loài người tội lỗi. Nhưng cũng trình bầy cho chúng ta một Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ phục hồi những gì nạn hồng thủy phá hủy và xây dựng lại một nhân loại trong một bầu khí giao ước và chia sẻ. Ngài cũng hứa sẽ không bao giờ cho nạn hồng thủy tiêu diệt loài người nữa; và dấu hiệu giao ước Ngài ký kết với loài người là chiếc cầu vồng.

Vì thế, cho dầu tội lỗi chúng ta và thế gian có thế nào đi nữa, chúng ta đừng thất vọng, hãy tin tưởng vì nơi Thiên Chúa luôn có sự tha thứ và cứu vớt: chính vì Ngài là Tình yêu vô tận

+ Bài đọc 2: 1 Pr 3,18-22.

Muốn khích lệ các tín hữu đang bị ngược đãi, thánh Phêrô nhắc lại nạn hồng thủy xưa và coi đó là hình bóng của phép rửa tội. Cũng như ngày xưa Thiên Chúa nhân từ đã cứu sống ông Noe và gia đình ông thế nào thì ngày nay phép rửa cũng cứu thoát con người khỏi tội lỗi, giải thoát con người khỏi hình phạt do tội gây nên. Muốn được như thế chúng ta phải cam kết sống như Chúa Kitô, tức là phải từ bỏ mình và phục vụ vô vị lợi vì lòng mến Chúa và tha nhân.

+ Bài Tin mừng: Mc 1,12-15.

Thánh Marcô nói tóm tắt việc khởi đầu sứ mạng của Đức Giêsu với hai biến cố quan trọng:

- Vào hoang địa bị ma qủi cám dỗ.

- Rao giảng Tin mừng tại Galilêa.

Trong suốt 40 đêm ngày chay tịnh (như thời gian xẩy ra cơn hồng thủy) Đức Giêsu với tư cách là con người đã bị ma qủi cám dỗ để đi sai đường lối của Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chiến đấu dũng mạnh và chiến thắng vinh quang để đi đúng đường lối của Chúa là dấn thân vào công cuộc cứu chuộc nhân loại.

Sau thời gian chay tịnh, Ngài khởi đầu công cuộc rao giảng Tin mừng với đề tài cũng giống như của ông Gioan Tẩy giả: ”Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.

Cuộc chiến đấu và chiến thắng của Đức Kitô cũng phải là cuộc chiến đấu và chiến thắng của chúng ta, nghĩa là hãy sống thân mật với Chúa bằng cầu nguyện để có thể mạnh mẽ chống lại sự dữ tấn công chúng ta.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Chiến thắng cám dỗ của ma qủi.

I. ĐỨC GIÊSU BỊ CÁM DỖ.

1. Ngài vào trong sa mạc.

Sau khi đã chịu phép rửa của ông Gioan và được tuyên dương là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu được đẩy vào sa mạc để sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Chính tình yêu đó đẩy bước chân Ngài vào sa mạc để sống thân mật với Thiên Chúa, để sống trọn vẹn 40 năm trời Dân Chúa xưa đã sống trong sa mạc, nhưng không được tốt lành hoàn toàn.

2. Ngài ăn chay 40 đêm ngày.

Vào trong hoang địa để sống với Cha Ngài, Đức Giêsu cũng đồng thời ăn chay 40 đêm ngày. Nói Ngài ăn chay 40 đêm ngày là có ý nói Ngài ăn chay một thời gian đáng kể chứ không hiểu theo nghĩa đen như chúng ta hiểu ngày nay. Chúng ta cũng thấy trong Cựu ước hay dùng con số 40: Maisen được cho biết đã lên đỉnh núi với Chúa Giavê 40 ngày (Xh 24,18); sau khi được bữa ăn của thiên sứ, Elia đã đủ sức đi trong 40 ngày lên núi Horeb (1 V 19,8).

3. Ngài bị Satan cám dỗ và đã thắng.

Trong thời gian ăn chay đó, Đức Giêsu bị Satan cám dỗ. Từ ngữ Satan trong Hi văn chỉ có nghĩa đơn giản là kẻ chống đối, kẻ thù, và sau cùng là thế lực chống lại Thiên Chúa. Thánh Marcô không nói rõ diễn tiến cơn cám dỗ như thánh Matthêu nhưng cơn cám dỗ đều qui về một điểm là chúng muốn làm cho Ngài bỏ ý tưởng cứu chuộc để đi vào quan điểm của người Do thái, vật chất và trần tục. Đức Giêsu đã cương quyết chống lại cơn cám dỗ ấy và Satan đã thất bại nặng nề trong cơn cám dỗ kéo dài trong suốt 40 đêm ngày.

Truyện: Anh nông dân keo kiệt.

Một nông dân kia giầu có nhất huyện nhưng lại rất keo kiệt. Một biến cố xẩy đến trong đời ông khiến ông kịp thời hối cải. Ông ý thức rằng mình chỉ là người quản lý: quản lý đất đai và tiền bạc.

Không lâu sau đó, một người láng giềng nghèo bị cháy hết nhà cửa. Người này đến cửa nhà ông xin ăn. Người nông dân giầu, có ý định cho người nông dân nghèo kia nguyên cả cái đùi heo trong bếp nhà ông. Ông nghe qủi thì thầm bên tai: ”Cho hắn cái đùi heo nhỏ nhất ấy”. Ông nhà giầu cố gắng chiến đấu với tính keo kiệt cố hữu của mình. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng lòng quảng đại đã thắng tính keo kiệt ấy. Ông lựa lấy cái đùi heo lớn nhất để biếu người nông dân nghèo. Ngay tức khắc, ma qủi liền cười nhạo ông:”Mày khùng quá”! Nhưng người nông dân đã biết cách bịt miệng tên qủi. Ông bảo nó:”Nếu mày không im, tao sẽ cho hết mọi cái đùi heo tao có bây giờ”.

Cám dỗ không thể làm hại được người ta khi người ta không theo cám dỗ ấy, và điều đó lại càng hiệu nghiệm hơn khi có sự trợ lực từ nhiều phía, nhất là của Thiên Chúa.

II. CHÚNG TA CŨNG BỊ CÁM DỖ.

1. Các giai đoạn của cám dỗ.

Cám dỗ chỉ có nghĩa là xúi giục người ta bỏ điều lành mà làm điều xấu. Chính Satan đã cám dỗ Đức Giêsu bỏ ý hướng tốt lành của Cha Ngài để theo đường lối của thế gian. Nhưng cần phải phân biệt 3 giai đoạn của cám dỗ:

a) Gợi lên một hình ảnh.

b) Làm cho thích thú hoặc hướng chiều về sự ác.

c) Sau cùng là ưng thuận.

Satan chỉ có thể làm được nơi Đức Giêsu ở giai đoạn thứ nhất: gợi hình ảnh hoặc một sự vật ở giác quan hoặc ở trí tưởng tượng.

Truyện: cách vượt ngục đặc biệt

Một phạm nhân vượt ngục một cách rất khác thường. Người này bị nhốt trong một tháp cao, cao đến nỗi không ai có thể trèo xuống được. Để vượt ngục, người này nhổ hai sợi tóc mỗi ngày và xe lại với nhau. Sau một thời gian, người ấy đã có thể làm được một sợi dây bằng tóc. Người ấy thả sợi dây tóc đó xuống dưới cửa sổ của nhà tù và một người bạn đợi sẵn ở dưới buộc một sợi lụa vào đầu sợi dây tóc và ở cuối sợi chỉ lụa lại buộc một sợi dây dài và cuối sợi dây dài đó lại buộc một sợi dây thừng nhỏ, đầu sợi dây thừng nhỏ lại buộc một sợi dây thừng lớn. Người tù đã dùng sợi dây thừng lớn này để vượt ngục.

Đó chính là đường lối ma qủi cám dỗ bản tính yếu hèn của ta.. Chúng ta giam tù các dục vọng của ta, nhưng ma qủi giúp chúng vượt ngục dần dần. Rất ít khi ma qủi cám dỗ ta phạm tội trọng ngay từ đầu. Vì thế sẽ khiến ta sợ. Nhưng chúng cám dỗ ta phạm một lỗi nhỏ để rồi dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội trọng. Không bao giờ chúng cám dỗ ta làm hai điều một trật. Còn đủ thời giờ để cám dỗ chúng ta phạm tội kia. Nhưng chúng cám dỗ ta thế nào để cơn cám dỗ này đưa đến một cám dỗ khác, rồi một cơn cám dỗ khác nữa và cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta phạm tội trọng. (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 51)

2. Những lợi ích của cám dỗ.

Trong cuộc sống, không ai tránh được cuộc tấn công của cám dỗ, nhưng điều chắc chắn là những cuộc cám dỗ không nhằm mục đích khiến chúng ta phải sa ngã, nhưng làm cho linh hồn chúng ta được trưởng thành, được trung kiên thi hành ý Chúa. Cơn cám dỗ có lợi cho ta vì:

- Lập công phúc khi chiến thắng cám dỗ.

- Sống khiêm nhường và nhận ra sự bất lực của mình để trông cậy vào Chúa.

- Thúc đẩy cầu nguyện, vì Chúa phán:”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ”.

- Sau cơn cám dỗ ta được vui mừng an ủi vì “Gieo trong đau thương, gặt trong vui mừng".

3. Kitô hữu trước những thử thách.

Sống giữa trần gian này là phải chiến đấu và lấy quyết định. Đức Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người và Ngài đã không đi ra ngoài qui luật ấy. Ngài cũng đã chịu thử thách như Adong trong vườn địa đàng và như dân Do thái suốt 40 năm trong hoang địa. Nhưng khác với Adong và dân Do thái suốt 40 năm trong hoang địa: Ngài đã chiến thắng Satan, và sự chiến thắng này là nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Ngày nay nhiều người cho rằng cám dỗ của ma qủi liên quan đến ba đối tượng là danh, lợi, thú. Ham danh, ham lợi, ham phú qúi là bản tính của con người. Ai cũng muốn địa vị cao sang, ai cũng muốn giầu có, ai cũng ham thích thú vui. Hoặc như quan niệm của Tây phương thì cám dỗ xoay quanh Avoir (cái có), Savoir (cái biết) và Pouvoir (quyền lực). Đây là những cám dỗ triền miên mà con người ở mọi thời đại luôn gặp phải. Điều quan trọng là phải tỉnh thức,”phải sám hối và tin vào Tin mừng”(Mc 1,15b) thì mới có thể vượt qua được cơn cám dỗ ấy

III. PHẢI CHIẾN THẮNG CÁM DỖ.

1. Trước cái thế giằng co.

Đức Giêsu bị cám dỗ trước cái thế giằng co giữa lời kêu gọi của Thiên Chúa Cha và lời kêu gọi của Satan: Thiên Chúa nói với Đức Giêsu “Hãy thiết lập vương quyền bằng tình thương”, còn Satan lại bảo Đức Giêsu:”Hãy thiết lập một chế độ độc tài bằng bạo lực”. Hôm đó, Đức Giêsu đã phải chọn giữa phương pháp của Thiên Chúa và đường lối của kẻ thù địch với Thiên Chúa.

Trong con người chúng ta có hai khuynh hướng trái ngược nhau: Một khuynh hướng kéo con người đi lên, khuynh hướng kia kéo con người đi xuống. Đời người đúng là một đấu trường giữa thiện và ác. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi Ngài nói:”Tôi không hiểu nổi việc tôi làm: điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm”(Rm 7,16). Vì thế, muốn đi lên, con người phải cố gắng, phải dùng chính sức mạnh của mình, phải hao tổn năng lực của mình.

2. Quyết tâm cải thiện đời sống.

“Cải thiện” hay “cải tà qui chính” là nhìn nhận những gì xấu, không tốt đẹp trong đời sống chúng ta, và từ đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng. Nói khác đi là thẳng thắn đối diện với tội lỗi trong đời sống của ta, rồi cương quyết không bao giờ tái phạm nữa. “Cải thiện” là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống chúng ta và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.

Léon Tolstoi đã nói không sai:”Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”.

3. Phải đề cao cảnh giác.

Mùa Chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa Chay cũng là lúc dừng lại để nhận ra những cám dỗ, những cạm bẫy đang bủa vây. Nguyên tắc bất di bất dịch là: ”Cẩn tắc vô ưu”, cẩn thận đề phòng thì không sợ sa ngã, khỏi phải buồn phiền. Trong thư gửi cho tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã nhắc đến nguyên tắc này khi Ngài nói:”Ai tưởng đứng vững, coi chừng kẻo ngã”(1Cr 10,12).

Truyện: Cạm bẫy của người Eskimô

Người Eskimô bắc cực có một cái bẫy chó sói rất độc đáo, để lấy bộ lông làm áo da thú.

Thợ săn cáo mài một con dao thật sắc, luỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho mau đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.

Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi được mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không biết mình đang liếm máu của chính mình.

Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết.

(Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm B, tr 143)

4. Cần sự trợ lực của Chúa.

Trong kinh Lạy Cha chúng ta đọc:”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, có nghĩa là Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta khỏi thua chước cám dỗ. Ma qủi luôn rình rập làm hại chúng ta, chúng ta phải nhớ lời thánh Phêrô nhắc nhở:”Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma qủi, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”(1 Pr 5,8-9a). Chúng ta cũng phải nhớ đến thân phận yếu hèn của mình mà tin cậy vào ơn Chúa vì chính Chúa đã nói: ”Không có Thầy, các con không làm được gì”(Ga 15,5).

Những gương chiến đấu tốt đẹp chống lại ma qủi còn để lại cho chúng ta nơi các thánh. Ma qủi đã hiện ra nhiều lần dưới nhiều hình quái ghê sợ để buộc thánh Antôn bỏ cuộc, nhưng ngài đã xua đuổi và trở nên tổ phụ đời sống tu trì. Về đêm, trong im lặng, ma qủi quấy phá thánh Gioan Vianney trong 35 năm, ngài vẫn đứng vững dưới sự trợ lực của Chúa.

Một vị thánh kia có lần được thấy ma qủi khi đi qua một tu viện và thấy nhiều qủi ngồi ở mỗi góc, cả ở nhà nguyện nữa. Vị thánh đó đi ra phố và thấy rằng chỉ có một thằng qủi đi cám dỗ mà thôi. Vị thánh đó hỏi tại sao thì qủi trả lời:”Chỉ một thằng qủi cũng đủ cám dỗ các linh hồn ở ngoài phố, vì họ không cố gắng chống lại, chứ còn để bắt được một linh hồn lành thánh thì cần cả một đạo binh qủi kia”.

Nếu chúng ta bị cám dỗ thì có nghĩa là linh hồn chúng ta đang lớn mạnh đó. Nếu Chúa để cho chúng ta bị cám dỗ, thì Ngài cũng ban cho chúng ta đủ sức mạnh để nói, như Chúa chúng ta đã phán:”Hỡi Satan, hãy xéo đi”. Và chúng ta sẽ thấy dễ chịu khi nghe câu cuối cùng của bài Tin mừng:”Bấy giờ ma qủi bỏ Ngài và có các thiên thần đến hầu cận Ngài”.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Câu chuyện đại hồng thủy
LM Anphong Trần Đức Phương
04:50 22/02/2009
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM B

Mùa Chay Thánh năm nay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro (25 tháng 2 năm 2009) cho đến Chúa Nhật Lễ Lá ( 5 tháng 4, 2009) mở đầu Tuần Thánh, và tiếp theo là Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh (12 - 4 - 2009 ).

Trong Chúa Nhật I Mùa Chay (Năm B), Bài Đọc I (Sáng thế 9, 8-15) nhắc đến câu chuyện Đại Hồng Thủy. Thánh Phêrô cũng nhắc đến câu chuyện Đại Hồng Thủy trong Bài Đọc II (1 Phêrô 3, 18-22). Đại Hồng Thủy đã tiêu diệt tất cả nhân loại và mọi sinh vật “trừ 8 người trong gia đình ông Noe và một số sinh vật được đưa lên tàu”.

Câu chuyện Đại Hồng Thủy nhắc nhở chúng ta đến hậu quả khủng khiếp của tội lỗi. Nhưng con người chúng ta luôn bị cám dỗ lôi cuốn phạm tội. Bài Phúc Âm (Matcô 1, 12-15) cũng ghi lại việc chính Chúa Giêsu cũng để cho ma qủy cám dỗ, sau khi đã ăn chay 40 ngày.

Cám dỗ là một thử thách suốt cuộc đời chúng ta. Nhưng bị cám dỗ chưa hẳn là đã phạm tội. Có rất nhiều thứ cám dỗ khác nhau, nhưng tất cả đều do khuynh hướng con người chúng là ‘ham danh, ham lợi, ham lạc thú!’. Mọi người đếu bị cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng ham muốn được ca tụng, được giầu có, và thỏa mãn các thú vui. Ngay cả các vị Thánh tu hành trong sa mạc cũng bị cám dỗ, nhiều khi rất mạnh mẽ, cả trong tuổi già (như Thánh Antôn Viên Phú; Lễ kính ngày 17-1 hàng năm). Nhưng chúng ta có thể thắng cám dỗ, nếu có ơn Chúa giúp đỡ qua việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình, và xa tránh dịp tội.

Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, khi chúng ta lên chịu xức tro, chúng ta đã nghe ca đoàn hát: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…” (Bài “Hỡi Người Hãy Nhớ” của Kim Long) để nhắc nhở chúng ta đã được dựng nên do “bụi tro, và khi chết, thân xác chúng ta cũng sẽ trở về ‘tro bụi’. Suy nghĩ như vậy không phải để chúng ta ‘bi quan yếm thế’; nhưng chỉ để chúng ta nhớ đến cuộc đời của chúng ta trên trần thế này ngắn ngủi, mỗi ngày qua đi là một ngày chúng ta đi đến gần nấm mộ của chúng ta hơn, và sau khi chết thân xác chúng ta sẽ trở thành tro bụi. Tuy nhiên, chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh Chúa, có linh hồn bất tử. Chết chỉ là ‘thể phách, hồn là tinh anh” và ‘sống gửi thác về’, ‘sinh qúy tử quy’. Chúng ta sẽ được về với Chúa là Cha chúng ta trên nước Hằng Sống, miễn là chúng ta luôn biết cố gắng thắng cám dỗ để sống xứng đáng những con người đã “được dựng nên theo hình ảnh Chúa!’ (Sáng thế 1, 26).

Mùa Chay chính là “thời gian thuận tiện” (2 Corintô 6,2) để chúng ta ‘làm các việc lành phúc đức’. Mùa Chay chính là thời gian để chúng ta dùng nhiều thời giờ hơn để sống đức tin của chúng ta, thánh hóa bản thân và gia đình chúng ta. Có những việc Giáo hội nhắc nhở chúng ta phải làm nhiều hơn trong Múa Chay, đó là: Cầu nguyện, ăn năn sám hối lỗi lầm quá khứ qua việc xét mình xưng tội; làm việc đền tội qua những hy sinh hãm mình (ăn chay và kiêng thịt); làm việc từ thiện (thường gọi là ‘làm phúc bố thí’), giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ trên thế giới. Những việc này chúng ta vẫn làm hàng ngày, và từng giây phút cuộc đời, nhưng vào Mùa Chay, chúng ta cố gắng nhiều hơn để giúp đổi mới con người chúng ta, gia đình chúng ta và chuẩn bị những ngày kỷ niệm việc Chúa đã chịu chết để chuộc tội chúng ta, nhưng Ngài đã Sống Lại và Lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta.

Xin hiệp ý cầu nguyện chung, để mỗi người chúng ta sống tốt đẹp mùa Chay Thánh này, được dồi dào ơn thánh Chúa để canh tân con người chúng ta, gia đình chúng ta và chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong thế giới hôm nay.
 
Lịch sử Mùa Chay
Jos Tú Nạc
14:16 22/02/2009
Thứ Tư Lễ Tro đánh dấu bắt đầu vào Mùa Chay, khoảng thời gian này xét mình xưng tội, cầu nguyện và hãm mình trước khi kỷ niệm ngày Chúa Jesus phục sinh.

Ngay từ những ngày đầu tiên của giáo hội đã có những bằng chứng về một vài hình thức của việc chuẩn bị Mùa Chay cho lễ Phục Sinh; nhưng khoảng thời gian và bản chất của việc chuẩn bị này đã phải mất nhiều thế kỷ để phát triển, và thậm chí đến ngày hôm nay vẫn còn đang thay đổi.

Vào khoảng đầu thế kỷ II, St. Irenaeus, một giám mục có ảnh hưởng lớn và là một nhà truyền giáo, đã viết thư cho DGH Victor I khiếu nại về việc tranh luận xung quanh về ngày lễ Phục Sinh và nghi thức cùng thời gian ăn chay kéo dài ngày lễ này. Một số giáo hội tôn giáo đã ăn chay có một ngày, một số khác vài ngày, và còn lại một số vẫn giữ 40 giờ (hầu hết dựa vào niềm tin truyền thống rằng Đúc Ki-tô nằm 40 giờ trong mộ).

Phải hai thế kỷ nữa, trước Hội đồng Nicea (The Council of Nicea) mới đưa ra giải quyết vấn đề của St. Irenaeus. Đã được triệu tập bởi Hoàng đế La Mã Constantine vào năm 325, những giám mục tại Nicea đã đưa ra một công thức phức tạp để xếp đặt ngày tháng cho lễ Phục Sinh là vào ngày Chúa Nhật sau khi lần trăng đầy đầu tiên sau ngày thứ nhất của mùa xuân. Những kinh sách chính thống được nảy sinh từ đó, Hội đồng cũng đã tham chiếu một mùa chay kéo dài 40 ngày cho việc ăn chay.

Từ Mùa Chay (Lent) bắt nguồn từ tiếng Anglo-Saxon, "Lencten", nghĩa là "mùa xuân" (spring) và từ "Lenctentid" là từ dùng cho tháng Ba (March), là tháng của mùa hãm mình, hy sinh và sám hối.

Tại sao khoảng thời gian 40 ngày được chọn lại không được hiểu một cách hoàn toàn, nhưng các nhà thông thái tin nó được ảnh hưởng bởi những tham khảo Kinh Thánh đối với những ngày ăn chay 40 ngày bởi Moses trên núi Sinai và Đức Ki-tô trong sa mạc trước khi ngài chăm sóc cộng đồng. Dù sao, vào thời DGH Gregory, một nhân vật có uy tín trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ thứ VI, những người KI-tô giáo ở La Mã và phương Tây đã tuân theo sáu tuần chay trước lễ Phục Sinh.

Nhưng việc tính toàn không hoàn toàn chính xác. Đưa ra như vậy, việc ăn chay sẽ xảy ra vào ngày Chúa Nhật – vì ngày Chúa Nhật được xem như lễ kỷ niệm hàng tuần của sự Phục Sinh. Vì vậy, nó là ngày kỷ niệm chứ không phải ngày ăn chay – Sáu tuần ăn chay cộng lai chỉ có 36 ngày, không đủ 40 ngày. Để đúng với điều này, DGH Gregory đã dời Mùa Chay bắt đầu vào một ngày thứ Tư.

Gregory cũng đã được cho là khởi đầu hình thành và đã đặt tên ngày đầu của Mùa Chay, "Ngày Tro Tàn" (Day of Ashes) hoặc đơn giản, "Thứ Tư Lễ Tro"(Ash Wednesday). Để bắt đầu mùa ăn chay này và ăn năn sám hối, Gregory đã làm dấu trên trán cộng đồng tôn giáo của mình bằng tro, một biểu tượng Kinh Thánh cho sự sám hối. Đó cũng là điều nhắc nhở cho Ki-tô hữu thuở xưa về sự chết của họ ("vì bạn là tro bụi, và bạn sẽ phải trở về cùng tro bụi" Genesis 3: 19) và đây là điều cần thiết để chuẩn bị cho sự sống đời sau.

Một thiên niên kỷ rưỡi sau DGH Gregory, thời gian nghi thức Mùa Chay vẫn không rõ ràng đối với nhiều người Công giáo ngay lúc đó. Sự rối rắm ngăn chặn từ thực tế do nghi thức gây ra, Mùa Chay kéo dài 44 ngày.

Việc ăn chay 44 ngày theo truyền thống bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro, từ những ngày Chúa Nhật và kéo dài đến đêm trước lễ Phục Sinh. Tuy nhiên, những Chuẩn Mực Chung Cho Năm Nghi Lễ và Lịch, đã được DGH Paul VI truyền bá vào năm 1969, đã thiết lập những yếu tố hơi khác cho Mùa Chay.

Trở lại với tập quán được tổ chức một thời gian dài trong giáo hội, Công Đồng Vatican II đã tái thiết lập ba ngày trước lễ Phục Sinh như một thời gian thiêng liêng tách riêng biệt ra khỏi Mùa Chay, được xem như Vọng Phục Sinh (Sacred Triduum), thời gian ba ngày này với Lễ Tiệc Ly buổi tối của Thiên Chúa (the Lord's Supper) vào thứ Năm Tuần Thánh, đó là khi mùa Vọng Phục Sinh bắt đầu. Như vậy, từ một bối cảnh nghi lễ, Mùa Chay bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước lễ Tiệc Ly vào thứ Năm Tuần Thánh, bắt đầu vọng phục sinh. Và nó bao gồm cả ngày Chúa Nhật, làm cho nó kéo dài thời gian 44 ngày

Bản chất nghi thức Mùa Chay đã thay đổi đáng kể hơn một thiên niên kỷ. Trong khi việc ăn chay dường như luôn có một phần của sự chuẩn bị vượt qua, đã có sự tự chọn lựa nghi thức xung quanh việc ăn kiêng trong những thế kỷ đầu tiên của giáo hội. Một số người Ki-tô giáo ăn chay hằng ngày trong mùa Phục Sinh; một số khác chỉ ăn một tuần một lần. Nhiều người ăn chay kham khổ hãm mình sống một tuần với một hay hai bữa ăn, nhưng nhiều người nhận thấy rằng giảm một bữa một ngày cũng là một sự hy sinh đầy đủ. Trong khi nhiều người kiêng thịt và rượu, không ăn thức gì ngoài bánh mì khô.

DGH Gregory cũng đã cân nhắc vấn đề này. Ông đã đặt ra điều luật Mùa Chay mà mọi người Ki-tô giáo buộc phải kiêng thịt và tất cả những thứ làm từ "thịt" chẳng hạn như sữa, chất béo và trứng, và ăn chay có nghĩa là môt bữa cơm trong ngày, thường diễn ra vào lúc giữa trưa.

Việc cấm sữa và trứng đã dẫn đến truyền thống của ngày thứ Ba trước lễ Phục Sinh, Lễ này được cử hành trước thứ Tư Lễ Tro. Vào ngày này, những người Ki-tô giáo có thể đựoc dùng những loại thực phẩm mà họ không được dùng vào Mùa Chay – và bánh rán/ chiên trở nên một bữa ăn toàn sữa và trứng.

Vượt quá thời gian, đã có những nhượng bộ được thành lập những điều luật xung quanh việc ăn chay, vào thế kỷ XII và XIII, những nhà thẩm quyền giáo hội như St. Thomas Aquinas bổ sung thêm một lượng "bổ sung" nào đó cho một bữa ăn mỗi ngày, nên được cho phép, đặc biệt đối với những người lao động chân tay. Ăn cá cuối cùng cũng được cho phép, và thậm chí cả việc tiêu thụ thịt và các sản phẩm bơ sữa, miễn là thể hiện những hành động thành tâm để đền bù cho sự xá tội.

Ngày nay, Điều luật của Bộ luật Công giáo yêu cầu những người ở độ tuổi từ 18 đến 59 ăn chay vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.

Và việc ăn chay có nghĩa là chỉ ăn no một bữa, với những bữa tạm cho phép hai lần trong ngày (thường vào buổi sáng và buổi tối). Điều này cũng khuyến cáo rằng những người 14 tuổi trở lên ăn chay và kiêng thịt vào ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh trong thời gian Mùa Chay.

Tuy nhiên, Mùa Chay không đơn thuần chỉ là ăn kiêng. Cầu nguyện, thi ân và công tác từ thiện luôn là việc làm cổ vũ của giáo hội và đi Chặng Đường Thánh Giá (Station of the Cross/ Way of the Cross/ Via Crucis) là một dâng hiến Mùa Chay đó là những ngày tháng trở về thế kỷ IV.

Khách hành hương tới Jerusalem sẽ hồi tưởng những bước chân Đức Ki-tô đã đi trên con đường của Người tới Calvary, dừng lại từng nơi một để nguyện cầu. Khi những cuộc Thập Tự chinh vào thời Trung cổ đã ngăn cản những chuyến đi như thế tới Holy Land, Chặng Đường Thánh Giá đã được sao chép những phần khác nhau của châu Âu. Những nơi thờ phượng và những dấu hiệu đã được trùng tu với những hình ảnh của Cảm Xúc Nồng Nàn, được đặt trong những tu viện, và trong những thành phố đông người để giúp cho những chuyến hành hương tái hiện. Bây giờ, Mười Bốn Nơi Thương Khó xuất hiện hầu hết trong các giáo đường, và Đi Đàng Thánh Giá là một phần không thể thiếu trong những nghi thức của Mùa Chay.

Những truyền thống và nghi thức Mùa chay được thay đổi, nhưng tất cả đều tựu trung: chuẩn bị cho sự sống lại của Đức Ki-tô và Chúa Nhật Phục Sinh. Vào Mùa Chay mới này, chúng ta - những người Công giáo hãy tập trung suy niệm.

(Nguồn: The Catholic Register)
 
Cát bụi tuyệt vời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:19 22/02/2009
Nhạc Trịnh Công Sơn rất triết lý, Mùa Chay lại về, tôi thích nghe bài ca “Cát Bụi”:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.
Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày
.

Cát bụi, con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Khi dùng hình ảnh hạt bụi để nói về thân phận con người, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy nguồn cảm hứng trong Sách Sáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Adam, sau khi Adam phạm tội bất phục tùng, Thiên Chúa phạt ông và con cháu sau này cũng sẽ trở về với cát bụi ( x St 1,26-3,24)

Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh, sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian. Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu, ý nghĩa của đau khổ, ý nghĩa của giải thoát, ý nghĩa của cuộc sống.

Vấn nạn mà con người chưa tìm được câu trả lời:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi ?
Hạt bụi nào hoá kiếp thân bạn ?
Và Hạt bụi nào hoá kiếp thân xác chúng ta ?

Một vòng quay, một trăm năm, một kiếp người có là mấy ! “Chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Không phải là trắng như bông, như mây hay như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ. Trịnh Công Sơn không bi quan, ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao, sự sống cao quý biết dường nào, nhưng nó cũng như “đoá hoa vô thường”. Đó là một thực tế,nhìn nhận và đối diện với nó cách can đảm để có thể đưa tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa.

Mùa Chay muốn nhắc nhở chúng ta quay về với sự thật của thân phận con người “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về bụi tro…”.Phụng vụ Giáo Hội muốn diễn tả rằng: cuộc đời này mong manh vắn vỏi, bởi thế nó rất hệ trọng. Số phận đời đời của mỗi người được quyết định trong thời gian tạm bợ này. Người theo Đạo Phật thì tin ở sự đầu thai kiếp sau, luân hồi nghiệp báo. Nhưng người Kitô hữu thì không, vĩnh cữu được gieo mầm trong hiện tại, đừng để thời gian trôi qua cách phung phí, đời người chỉ có một lần, được mất chỉ có một cơ hội.

Thân phận mỏng dòn mà Phụng vụ Mùa Chay nhắc cho chúng ta đừng quên, không phải chỉ có liên quan đến phần xác hay chết của phận người mà còn cả về mặt tinh thần cũng mong manh yếu đuối.Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm đó trong thư Roma “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm, nhưng điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm….Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm … Tôi khám phá ra luật này là khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi…tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?” ( Rm 7,15.19.21-24). Tiếng kêu của Phaolô cho thấy ngài đang muốn trở về với chính mình. Khát khao tìm về một thủa bình yên đã mất. Từ xa xưa, con người là Adam đã ăn trái cấm để mong trở nên thần thánh. Đó là cuộc nổi loạn nơi chính mình không muốn chấp nhận mình là mình. Nguyên tổ bị con rắn cám dỗ trở nên thần linh chứ không phải là cám dỗ nhan sắc, giàu có. Đó cũng chính là cám dỗ Lucifer đã đi qua. Lucifer muốn trở thành Thiên Chúa để có quyền trên mọi tiêu chuẩn tốt xấu. Đây là ước mơ vượt quá bản chất con người. Tội là một hành trình đưa con người đi khác con đường của Thiên Chúa. Vượt qua giới hạn của mình để làm thần thánh. Trong con người có một cuộc phân ly như Phaolô đã kêu lên: “Điều tôi muốn làm tôi không làm. Điều không muốn tôi lại làm”. Trong dân gian có câu đố về con muỗi rất thú vị: Vì mày tao phải đánh tao. Vì tao, tao phải đánh tao, đánh mày. Vui mừng khi giết được con muỗi cắn mình, nhưng máu của mình hay máu con muỗi? Phaolô thốt lên: “Tôi là người khốn nạn”. Ngài vỡ oà trong tiếng kêu: ‘Ai giải thoát tôi khỏi cái xác chết này?”. Thánh nhân reo vui niềm hạnh phúc: “Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Kitô”. Không có ơn sủng đời sống sẽ nhiều bất hạnh. Có ơn sủng Chúa Kitô, con người sẽ đong đầy niềm vui hạnh phúc.

Ý thức về sự yếu đuối và tội lỗi của mình, về khuynh hướng xấu, sự bất lực nơi bản thân để mỗi người nổ lực giải thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của tội lỗi và đó là khởi đầu cho ơn hoán cải và ơn cứu độ. Đó là lối đi của ơn sủng.

Mùa Chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu. Sa mạc là nơi hoang vu trơ trọi, mênh mông. Ở đó người ta mất hết mọi điểm tựa, không còn chi để “chia trí, lo ra”. Chẳng hạn như ngoại cảnh ồn ào, các hoạt động, các thú vui, các quan hệ xã hội; chỉ còn ta với ta và buộc ta phải quay về với mình trong sự đơn độc của chính mình. Trong sự quay về đó ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với chính lòng mình.

Con người chúng ta thường sống hời hợt bên ngoài, tan loãng ra trong trăm thứ linh tinh hay phụ thuộc khác. Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào sa mạc, nghĩa là tạo một sự trống vắng nào đó, một sự thinh lặng của các giác quan, của trí khôn và của cỏi lòng, một sự rút lui vào trong tâm khảm mình để có thể phân định đâu là cái chính cái phụ, đâu là cái cùng đích và cái phương tiện. Đây chính là lúc hồi tâm.

Biềt mình mỏng dòn, nhưng con người theo Phụng vụ Mùa Chay lại không phải là con người mềm yếu, uỷ mị, ngã nghiêng theo mọi lời mời mọc cám dỗ. Con người Mùa Chay là con người dũng cảm chiến đấu. Như Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai, Chúa vào sa mạc và tuyên chiến với Satan tức là với mọi mãnh lực của sự ác một cách không khoan nhượng. Và Ngài đã chiến thắng.

Người Kitô hữu là người biết nói không, là người dám bơi ngược dòng “ Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” ( Pl 2,15). Người Kitô hữu không cố ý sống lập dị, khác người, song đứng trước điều xấu, dù là khi cả xã hội đều làm điều xấu đó, họ vẫn không được ngã theo. Họ phải can đảm từ chối một cơ hội làm giàu bất chính, một liên minh bất công, một mối quan hệ tội lỗi….Dĩ nhiên điều đó không dễ chút nào. Nhưng đã là môn đệ Đức Giêsu, họ không có chọn lựa nào khác.

Con người theo Phụng vụ Mùa Chay biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.

Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng “Hạt bụi” là chúng ta, được tình yêu Thiên Chúa gọi vào hiện hữu và chia sẽ sự sống bất diệt của Người. Kiếp người cho dù có đau thương, có bi đát, đôi lúc tưởng chừng bóng tối lấn lướt ánh sáng. Nhưng cuối cùng, sự sống, chân lý, tình thương vẫn mạnh hơn tất cả.

Ước chi mỗi gia đình và cộng đoàn Kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay. Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn hoan lạc của chúng ta,” đồng hành và trợ giúp chúng ta trong nỗ lực giải thoát tâm hồn khỏi nô lệ tội lỗi, biến nó thành “nhà tạm sống động của Thiên Chúa.” (Sứ điệp Mùa Chay 2009).

Ước gì mỗi người Kitô hữu đều có bản lãnh của Đức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của bản thân; luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, sống Mùa Chay thánh thiện để đón nhận nhiều Ơn Phúc Chúa ban.
 
Thư Mục Vụ giáo phận Hải Phòng nhân dịp Mùa Chay 2009
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
14:54 22/02/2009
THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG NHÂN DỊP MÙA CHAY 2009

Kính gửi các Cha, các Tu sĩ, các Chủng sinh,
Các Ban Hành Giáo và Anh Chị Em giáo hữu

Hằng năm, Mùa Chay được Giáo Hội cử hành như mùa hồng phúc, như thời điểm thuận lợi để lĩnh nhận ơn cứu độ. Mùa Chay giúp chúng ta sống mật thiết hơn với Chúa, đồng thời cùng gắn bó hơn với anh chị em mình.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô thứ 16 mời gọi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa đích thực của việc ăn chay đối với các tín hữu. Ăn chay là khước từ một số món ăn vào những thời điểm được quy định. Đây là một truyền thống phổ biến trong các tôn giáo. Việc ăn chay đã được thực hành trong lịch sử Dân Chúa thời Cựu Ước cũng như trong đời sống Giáo Hội. Truyền thống Giáo phận chúng ta khuyên kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm, như cử chỉ sám hối nhằm tinh luyện các tín hữu. Chay tịnh giúp con người làm chủ bản thân, đồng thời làm cho họ gần gũi với Thượng Đế. Tuy vậy, trong thực tế, mục đích và ý nghĩa của chay tịnh nhiều khi bị hiểu sai. Có nhiều người viện đủ lý do để thoái thác việc ăn chay; một số khác lại coi việc ăn chay như dịp để khoe khoang giả hình. Đức Giêsu đã phê phán những người ăn chay với hình thức bề ngoài, khua chuông gõ mõ để được tiếng khen. Chúng ta dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội để có những cử chỉ sám hối đích thực và hiệu quả qua việc ăn chay.

-Chay tịnh đích thực trước hết là làm chủ bản thân để dễ dàng quy hướng về Chúa: thông thường, chay tịnh đem lại cho con người sức khoẻ thể lý, nhưng đối với tín hữu, trước tiên nó là một “phương thế chữa trị” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Theo bản năng tự nhiên, con người chúng ta dễ bị cám dỗ về ăn uống, về của cải vật chất và về quyền lực danh vọng. Việc chay tịnh giúp chúng ta giữ mình trước những cám dỗ đó, nhờ vậy chúng ta dễ dàng gắn bó với Chúa hơn. Đức Thánh Cha đã viết: “ Bởi vì tất cả chúng ta đã bị đè nặng bởi tội và những hệ quả của nó, chay tịnh được đề nghị cho chúng ta như một phương thế để phục hồi lại tình bạn với Thiên Chúa”. Người biết tự chủ sẽ suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động để có những quyết định đúng đắn. Nhờ đó họ không còn nóng giận, không còn những lời nói và hành vi xúc phạm đến nhân phẩm và quyền lợi của người khác.

-Chay tịnh đích thực còn là việc chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được Lời Chúa giáo huấn. Trong các buổi cầu nguyện tại gia đình, chúng ta cũng đọc và suy gẫm Lời Chúa. Việc năng suy gẫm Lời Chúa sẽ giúp chúng ta tìm được sức mạnh và niềm an ủi giữa những xáo trộn bất trắc của cuộc sống hằng ngày. Chính việc lắng nghe Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin, vững vàng hơn trong đức cậy và nhiệt thành hơn trong đức mến. Việc đọc Lời Chúa phải đi đôi với suy niệm và cầu nguyện trong thinh lặng, để tiếng Chúa vang lên nơi sâu thẳm của con người chúng ta.

-Chay tịnh đích thực còn là việc thực thi bác ái. Việc ăn chay nhắc chúng ta hãy sống đơn giản trong mọi chi tiêu để có thể giúp những người nghèo khó và bất hạnh. Làm phúc, chia sẻ là những thực hành cần thiết, đi liền với ăn chay và cầu nguyện. Chính khi chúng ta chia sẻ cho người nghèo là chúng ta được nhận lãnh niềm vui, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Đức Thánh Cha đã viết: “Chay tịnh là một trợ giúp để mở mắt chúng ta nhìn thấy tình trạng của bao nhiêu anh chị em chúng ta đang sống… đồng thời giúp chúng ta tăng trưởng theo tinh thần của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, cúi mình xuống và cứu giúp người anh em đau đau đớn vì thương tích”.

-Chay tịnh đích thực còn đi đôi với việc năng lãnh nhận các bí tích. Mùa Chay là mùa sám hối và hòa giải. Chúng ta hãy lĩnh nhận bí tích hòa giải để được ơn tha thứ, được làm hòa với Chúa và với anh chị em mình. Hãy lĩnh nhận bí tích Thánh Thể được được dưỡng nuôi bằng lương thực thiêng liêng là Mình và Máu Đức Giêsu. Chính khi lĩnh nhận các bí tích này, chúng ta được gặp gỡ Chúa, được kết hợp với Người và được Người nâng đỡ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong tâm tình yêu mến và hiệp thông, tôi xin kính chúc các Cha, các Tu sĩ, các Chủng sinh, các Ban Hành Giáo và Anh Chị Em giáo hữu có một tâm hồn mới và một trái tim mới nhờ Hồng Ân của Chúa qua Mùa Chay Thánh này. Kính chúc mọi người luôn an bình thánh đức và tràn đầy niềm vui.

Hải Phòng ngày 15 tháng 02 năm 2009
Giám mục Hải Phòng
 
Lá thư Mục Vụ Mùa Chay 2009 Tòa Tổng Giám Mục Saigòn
+ ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn
14:56 22/02/2009
TÒA TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN
LÁ THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2009

Ngày 25 tháng 01 năm 2009

Kính gởi: Anh em linh mục
Anh chị em tu sĩ và giáo dân thuộc giáo phận Sài Gòn

1. Mùa Chay là thời gian đặc biệt để thanh luyện và củng cố đời sống Kitô hữu. Chính vì thế, trong mùa Chay, Giáo Hội khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhiều hơn, lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn, nhất là phải sám hối và canh tân đời sống. Lời mời gọi này lại càng mạnh mẽ hơn khi chúng ta chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010.

2. Như anh chị em biết, ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ký tông sắc Venerabilium Nostrorum, thiết lập Hàng giáo phẩm Việt Nam. Đây là một biến cố quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam. Năm 2010 sẽ là thời điểm kỷ niệm 50 năm biến cố trọng đại này. Do đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định lấy năm 2010 làm Năm Thánh trọng thể của Giáo Hội tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày lễ Các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam 24.11.2009 và sẽ kết thúc vào lễ Hiển Linh 6.1.2011.

3. Cử hành Năm Thánh 2010 là cơ hội khơi dậy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin Ngài đã ban cho chúng ta. Hồng ân ấy như hạt giống Nước Trời được gieo trên mảnh đất quê hương thân yêu này, để rồi nhờ những giọt mồ hôi lao nhọc của các vị thừa sai, nhờ đời sống thánh thiện của biết bao tín hữu, nhất là nhờ dòng máu anh dũng của Các Thánh Tử Vì Đạo, Giáo Hội trên đất nước này đã từng ngày lớn lên trong nguồn ơn thánh và mỗi ngày mỗi trưởng thành hơn.

4. Tâm tình tạ ơn đó cũng thúc giục chúng ta khiêm tốn tạ lỗi với Chúa và anh chị em. Tạ lỗi vì đã không biết trân trọng hồng ân đức tin Thiên Chúa ban. Tạ lỗi vì chưa sống xứng đáng với ân huệ đức tin là kho tàng mà cha ông ta đã phải trả giá bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Tạ lỗi vì chưa đủ nhiệt thành loan báo Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người cho đồng bào của mình. Tạ lỗi vì những lời nói, thái độ và hành động đi ngược lại tinh thần Phúc Âm, làm cho anh chị em ngoài Giáo Hội mất thiện cảm với đạo.

5. Càng hân hoan trong niềm tạ ơn và chân thành trong niềm sám hối, chúng ta lại càng ý thức rõ nét hơn tiếng gọi nên thánh. Thật vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện, Chúa Kitô muốn chúng ta phúc âm hoá chính cuộc sống mình trước khi loan báo Tin Mừng cho người khác. Vì thế, sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người chúng ta. Đồng thời, ý thức rằng đức tin phải được chia sẻ và Tin Mừng cứu độ phải được loan truyền cho mọi người, Năm Thánh phải là thời gian thúc đẩy chúng ta ra đi chia sẻ hồng ân đức tin cho người khác, giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người cho anh chị em của mình, và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào mọi lãnh vực của đời sống cá nhân cũng như xã hội.

6. Muốn được như thế, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, nhất là chuẩn bị trong gia đình mình vì gia đình là Giáo Hội thu nhỏ. Chính vì thế, Thư Mục Vụ năm 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh đặc biệt đến việc giáo dục trong gia đình. Mỗi gia đình Công Giáo được mời gọi xem xét và điều chỉnh lại đời sống của mình, sao cho gia đình thật sự trở thành môi trường tốt nhất cho việc giáo dục đức tin cũng như các đức tính nhân bản. Càng sống trong thời điểm mà các giá trị đạo đức xuống cấp trầm trọng, gia đình Công Giáo lại càng phải quan tâm đến điều này hơn. Cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, và cha mẹ giáo dục con cái không chỉ bằng lời giáo huấn mà trước hết và trên hết, bằng tình yêu thương và gương sáng của mình.

7. Nếu mỗi gia đình Công Giáo đều nỗ lực xây dựng gia đình mình trở thành mái trường của các nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến đối với Chúa) và các đức tính nhân bản (trung thực và công bằng, liêm chính và tín nghĩa, nhân hậu và bao dung trong gia đình cũng như ngoài xã hội), chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai xán lạn của Giáo Hội, đồng thời góp phần tích cực vào việc lành mạnh hoá đời sống xã hội.

8. Cách cụ thể, tôi đề nghị với anh chị em một vài việc như sau:

(1) Trong Mùa Chay này, mỗi giáo xứ cũng như mỗi đoàn thể nên tổ chức những buổi hội thảo và tĩnh tâm theo chủ đề Thư Mục Vụ 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đồng thời nên có những gợi ý hành động cụ thể cho việc giáo dục trong gia đình.

(2) Trong suốt năm 2009, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi giáo xứ, mỗi đoàn thể nên tổ chức những buổi học hỏi, khai triển, trao đổi và chia sẻ dựa trên Đề Cương của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Năm Thánh, với chủ đề: Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ.

(3) Trong Mùa Chay này, tôi xin mỗi người trong anh chị em tiết giảm chi tiêu mua sắm và dành phần tiết giảm đó cho Quỹ Tổ chức Năm Thánh 2010. Đây vừa là cách chúng ta sống tinh thần chay tịnh trong mùa Chay, vừa là cách đóng góp cụ thể cho công việc chung của Giáo Hội. Xin anh chị em gởi phần đóng góp của mình đến các cha xứ, các cha sẽ tổng kết chung cả giáo xứ và gởi về Toà Tổng Giám Mục.

9. Xin chân thành cảm ơn trước sự đóng góp quảng đại của anh chị em. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Vì Đạo, nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành cho anh chị em và giúp anh chị em sống Mùa Chay thánh thiện như lòng Chúa mong muốn.
 
Chay tịnh theo sứ điệp mùa chay 2009
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
16:12 22/02/2009
CHAY TỊNH THEO SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2009

Chủ đề sứ điệp Mùa Chay năm nay là: CHAY TỊNH.

Sứ điệp trình bày thực hành Chay Tịnh dưới ánh sáng Thánh Kinh. Sứ điệp phân tích những giá trị và ý nghĩa Chay Tịnh nhằm giúp người tín hữu sống Mùa Chay Thánh.

Nền tảng Thánh Kinh:

-Trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa truyền dạy con người phải kiêng cữ, đừng ăn trái cấm: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16-17). Thánh Basiliô chú giải “'ngươi không được ăn' là luật ăn chay và kiêng khem”.

- Chúa Giêsu chay tịnh bốn mươi ngày trong hoang địa. “Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4,1-2).

- Môisê là người đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật (x. Xh 34,28).

- Êlia ăn chay trước khi gặp Chúa tại Núi Horép (x. 1 V 19,8).

- Ét-ra, khi chuẩn bị cuộc hành trình từ nơi lưu đày về Đất hứa, đã kêu mời cộng đoàn dân chúng ăn chay để “hạ mình trước nhan Thiên Chúa chúng ta” (8,21). Đấng Toàn năng đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và bảo đảm cho họ sự quý mến và bảo vệ.

- Dân thành Ninivê, để đáp lại lời mời gọi hoán cải của Giôna, đã công bố lệnh ăn chay, như dấu hiệu của lòng chân thành, và nói rằng: “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết?” (3,9). Trong trường hợp ấy cũng vậy, Thiên Chúa thấy việc làm của họ và tha cho họ.

- Việc chay tịnh đích thực, như Chúa Giêsu đã nhắc ở một nơi khác, chính là thi hành ý của Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ thưởng công cho anh” (Mt 6,18).

- Việc thực hành chay tịnh luôn hiện diện trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x. Cv 13,3; 14,22; 27,21; 2 Cr 6,5).

Giá trị và ý nghĩa của chay tịnh.

- Ăn chay là một trợ giúp lớn lao để tránh tội và tất cả những gì dẫn đến đó. Vì thế, lịch sử cứu độ đầy dẫy những sự kiện mời gọi ăn chay.

- Các giáo phụ cũng nói đến sức mạnh của chay tịnh để kiềm chế tội lỗi, đặc biệt những thèm khát của “con người Adam cũ,” và và mở ra trong tâm hồn người tín hữu một con đường đi đến Thiên Chúa.

- Chay tịnh được đề nghị cho chúng ta như là một phương thế để phục hồi lại tình bạn với Thiên Chúa.

- Chay tịnh đem lại lợi ích cho hạnh phúc thể lý. Đối với người tín hữu, trước tiên nó là “một phương thế chữa trị” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

- Chay tịnh giúp chúng ta loại trừ tính ích kỷ và mở rộng con tim để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

- Chay tịnh cũng góp phần mang lại sự thống nhất cho con người, thân xác và linh hồn, giúp tránh tội lỗi và tăng trưởng trong cuộc sống thân mật với Chúa.

- Chay tịnh là một trợ giúp để mở mắt nhìn thấy tình trạng của bao nhiêu anh chị em chúng ta đang sống.

- Chay tịnh tự nguyện giúp chúng ta tăng trưởng theo tinh thần của Người Samaritanô nhân lành, cúi mình xuống và cứu giúp người anh em đau khổ.

- Chay tịnh là một thực hành khổ chế quan trọng, một vũ khí thiêng liêng để chiến đấu chống lại mọi gắn bó mất trật tự với chính bản thân.

Chay tịnh thực hành.

Chay tịnh chính là hãm mình. Hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên, sẽ tạo cho ta một nội lực, một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình và bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội. (x.Thư mục vụ Mùa Chay năm 2006, ĐGM Bùi Văn Đọc).

Chay tịnh theo tinh thần Phúc Âm không chỉ là giảm bớt ăn uống mà còn là chay tịnh của con tim được cụ thể hóa trong lời nói, ý nghĩ và việc làm. Một con tim chay tịnh không có chỗ cho hận thù, chia rẽ, sự nhỏ nhen, ghen ghét, ác ý, lạnh lùng và muôn vàn hình thái của ích kỷ. Một con tim chay tịnh chỉ có nơi một con người biết yêu thương, quảng đại, cởi mở và nhạy cảm trước bao nỗi khổ của anh chị em đồng loại. Rồi như anh chị em cũng biết, theo truyền thống, chay tịnh vẫn gắn liền với kiêng thịt. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là ngày nay có nhiều người đã thay thế việc kiêng thịt bằng những thức ăn đắt tiền hơn. Chay tịnh như thế chưa phải là “xé lòng” mà chỉ dừng lại ở việc “xé áo”.

Chay tịnh mà Hội Thánh đề nghị thật ra là lời mời gọi hướng tới việc chia sẻ của đức ái. Đức ái Kitô giáo không dừng lại việc làm phúc bố thí hiểu như một sự thương hại, nhưng hướng tới tấm lòng yêu thương chân thành, khiêm tốn và tôn trọng phẩm giá con người. Mùa Chay Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu để học với Ngài về một tình yêu luôn trao ban và sống vì người khác.(x. Thư Mục vụ Mùa Chay 2006, ĐGM Nguyễn Văn Nhơn).

Sống Chay tịnh là sống đơn giản. Thiếu Chay tịnh, thiếu đơn giản trong đời sống, con người dễ sa ngã, dễ đánh mất lý tưởng. Câu chuyện văn chương tu đức Ấn Giáo sau đây là một minh hoạ.

Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học đạo.

Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bày chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.

Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.

Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.

Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu.

Câu chuyện bắt đầu chỉ là miếng vải che thân, rồi dần dần nhu cầu sinh ra nhu cầu, sau cùng nhà đạo sĩ mất lý tưởng hạnh tu. Làm thế nào nhà đạo sĩ Sadhu bỏ cuộc, đánh mất hành trình tu giới của mình? Của lễ, tặng vật kia êm ả quá đỗi. Nó như làn gió nhẹ mơ màng, dật dờ như dòng nước không tiếng động. Thế mà đánh đổ nhà đạo sĩ. Sự đổi mới ở đất nước tôi đang mang dáng dấp có nhà Sadhu nào sắp ngã không?

Của lễ dâng cúng không là tội. Nhưng người đạo sĩ có thể bị hủ hóa không ngờ. Lòng bao dung của tín đồ cũng phải khôn ngoan biết bao, chính họ có thể đưa con người hướng dẫn tôn giáo của họ vào tà đạo bằng của lễ ngẫu tượng.

Người ta làm chủ của cải, rồi một ngày bị của cải lấy mất tự do mà họ không ngờ. Để lòng mình làm chủ hay bị của cải làm chủ vẫn luôn luôn là một giằng co khốn khổ. Nó vẫn là con đường hạnh tu. Thật khó để mình chiếm hữu của cải chứ không để của cải chiếm hữu mình. Nhu cầu này sinh ra nhu cầu khác. Ta không biết đâu là bến bờ. Phương tiện nào đưa ta đạt đến mục đích, khó mà nhìn thấy.

Sống đơn giản đưa Shadu vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy.

Không ngờ Sadhu đánh mất lý tưởng. Tội nghiệp ông. Tôi nghĩ, nhà đạo sĩ nào viết câu chuyện ấy, đã đạt tới bậc tỉnh ngộ rất cao như lời dạy “hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” (x. Những trang nhật ký của một Linh mục, Lm Nguyễn Tầm Thường).

Chay tịnh có giá trị và ý nghĩa thật cao cả.Mục tiêu tối hậu của chay tịnh là giúp đỡ mỗi một người dâng trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa.

Kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha ước mong rằng: mỗi gia đình và cộng đoàn kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay.
 
Chút tàn tro
PM Cao Huy Hoàng
17:47 22/02/2009

CHÚT TÀN TRO



Trở về với thân phận

Chút tàn tro rắc trên đầu người với lời nhắc nhớ: “Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về bụi tro” (Gen 3,10) là một nghi thức giúp con người trở về với cái ý thức bị lãng quên: con người, một tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa, nhưng cũng rất mong manh vì hệ lụy của tội nguyên tổ.

Bởi đã từ lâu, có lẽ từ khi vừa có trí khôn, con người chỉ muốn dành cái tuyệt vời trên các tạo vật, mà không muốn nhìn nhận cái mong manh của mình. Còn tồi tệ hơn nữa, khi con người nắm trong tay một số chủ quyền về danh dự, tài năng, chức quyền, của cải, phương tiện, sắc đẹp, sức khỏe…thì lúc nào cũng muốn khẳng định sự tuyệt vời của mình trước muôn vàn tha thể. Và cứ thế, dòng đời trôi đi êm ả với những mãn nguyện nhất thời mà tưởng là mãi mãi. Có dám chắc còn kịp để đợi đến một lúc tiếng nhạc ngựa của cổ xe cuộc đời réo lên mới nhớ ra mình phải trở về nguồn cội? Biết bao người đã trở về tro bụi mà không có một tín hiệu báo trước cho dẫu là một lần rất khẩn cấp một phút hay một giây!

Chút tàn tro rắc trên đầu như một lời nhắc nhớ phải người trở về ngay với cái chân thực hồn nhiên đơn sơ nguyên thủy là hạt bụi vô danh, một kiếp đời mong manh ngắn hạn. Hạt bụi rất khiêm tốn, rất chân thành. Vì đã bao lâu, những hào quang bóng loáng của vòng danh lợi nó cứ cuốn người vào sự tự giả dối mà không hay không biết. Phải loại trừ ngay cái ảo tưởng vĩ đại bền vững trong cuộc trần thế, mới khiêm tốn mà ngộ ra được một sự lệ thuộc ắt có trong đời mình: Sự lệ thuộc vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, Đấng tác sinh.

Chút tàn tro rắc trên đầu người là hình bóng sự chết đang chen giữa sự sống trần gian. Quí hóa thay sự chết. Sự chết hình thành sự sống. Nếu không có tình yêu của Cha Mẹ đã hiến thân bằng lòng chết để con mình được sống, thì không có sự sống của đứa con. Người ta đang chết để cho nhau được sống. Sự chết ấy mang ý nghĩa hy sinh thời gian, tiền bạc và cả sức khỏe... Và chính sự chết của con người, trong kiếp người mong manh ngắn hạn, cũng giới hạn con người phải sống sao cho cái chết trở nên một phần ý nghĩa đáng trân trọng của cuộc sống này. Để có cái chết hùng hồn là một lần vĩnh viễn chia tay với cõi đời phù du tạm bợ, con người cũng phải tập chết mỗi ngày bằng việc chia tay với những trói buộc làm cản bước trở về. Sự chết đối với các Kitô Hữu Công Giáo, hơn thế nữa, không chỉ là một dấu dừng nhưng còn là một bước chuyển quan trọng để hình thành sự sống mới: sự sống trong Lòng Thiên Chúa, Sự sống trong Đức Kitô.

Vì thế, chút tàn tro rắc trên đầu người còn nhắc nhớ “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Thống hối không chỉ là một lần khái niệm về sự lỗi phạm làm xa lìa Thiên Chúa, nhưng còn là cắt đứt sự ràng buộc cản trở hành trình trở về với Thiên Chúa. Tin vào Tin Mừng, tin vào Chúa Giêsu thì sự thống hối mới trở nên toàn vẹn. Cuộc trở về bằng hết tâm trí, bằng cả cõi lòng, và bằng tất cả sự khẩn trương:. "Nhưng ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van." (13) Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Joel 2,12-13a)

Trở về với gia đình

Vào mùa Chay 2009 trong năm Giáo Dục Gia Đình, với ý thức trở về từ xa về gần, từ gần về gần hơn.

Nếu Cha Mẹ đã dành quá nhiều thời gian cho cuộc kiếm sống, hoặc còn đang hướng ngoại hay phiêu lưu vào những thú vui vô độ mà quên niềm vui hạnh phúc gia đình, hãy trở về ngay với về với gia đình, để tái thiết một gia đình hạnh phúc, thánh thiện.

Nếu con cái đã xa lìa tình thương Cha Mẹ vì bất tín nhiệm, xa lìa tình huynh đệ vì những xung đột không đáng có, hãy thu xếp về với gia đình cùng nhau xây dựng một mái ấm yêu thương.

Không có cuộc trở về nào dễ dàng cả. Cuộc trở về nào cũng đòi hỏi những chia tay, những cắt đứt, những lần dứt khoát đổ mồ hôi, hay đẫm lệ. Vì thế, trở về với gia đình cũng đòi hỏi một lòng khát khao và cuộc chiến đấu quyết liệt với những cái riêng cản trở. Cùng gia đình, trở về với đời sống đức tin, đời sống luân lý công giáo thực là một lý tưởng đáng quí, dẫu khó, cũng khả thi, vì cuộc trở về ấy là nối lại một tương quan gần nhất của đời người.

Không có hạnh phúc thật nào bắt nguồn từ sự dối trá. Không có gia đình nào hạnh phúc khi còn bóng dáng sự dối trá trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải chiến đấu và chiến thắng sự dối trá, bằng sự thành thật của lòng mình, mới mong có một cuộc hạnh ngộ tương phùng tràn đầy hạnh phúc.

Trở về với Thiên Chúa

Trở về với gia đình đòi hỏi một khát khao và lòng chân thành, thì huống nữa, trở về với Thiên Chúa còn phải ý thức và chân thành biết bao.

Ý thức là một tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa, con người luôn sống trong tâm tình khiêm tốn, cảm tạ.

Ý thức thân phận mong manh, con người tín thác vào Chúa Giêsu, để Ngài biến đổi sự mong manh ấy thành thường hằng vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Ý thức sự lệ thuộc ắt có vào Thiên Chúa, con người loại trừ được lòng kiêu ngạo, sự dối trá, để trở về với cái khiêm tốn thật thà.

Bài tin mừng thứ Tư Lễ tro, vào mùa chay, vạch trần sự dối trá hằng có trong cách sống đạo, trong cách sống với Thiên Chúa, và cả cách trở về với Thiên Chúa bằng sự chay tịnh. Cả trích đoạn Mt 6,1-6.16-18 cho thấy Chúa Giêsu lên án cách sống giả dối, lên án cái hình thức tốt đẹp bên ngoài để che dấu những hành vi ám muội bên trong.

Cha Mẹ có thể dối lừa con cái, con cái có thể xảo trá với cha mẹ, bạn bè có những phép lịch sự điêu ngoa, xã hội có thủ đoạn che đậy những tồi tệ… nhưng không ai dối lừa được Thiên Chúa. Tất cả sự thật trong đời người đều phơi bày ra trước mắt Thiên Chúa.

Trở về với Thiên Chúa là trở về với Nguồn Thật.

Không tránh né, nhưng khiêm tốn nhìn nhận những sự thật quá bi đát đang ngự trị trong mỗi con người: tro bụi thật, mong manh thật, nhưng lại đầy dục vọng, đầy gian trá dối lừa, quá đỗi kiêu ngạo lộng hành…và nhất là, không muốn tìm đường trở về vì còn luyến lưu những thỏa mãn thấp hèn.

Cảm nghiệm một sự thật nữa là khi không dứt khoát được với những cuốn hút của sự dối trá, không sống với Thiên Chúa Là Sự Thật, con người không có một phút giây bình an, hạnh phúc.

Mùa Chay, mùa nối lại tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với gia đình, bằng sự hồn nhiên, đơn sơ, khiêm tốn, thành thật sẽ khơi lên lời hát chúc khen cảm tạ, vì được là li ti bé nhỏ trong lòng Thiên Chúa vĩ đại; sẽ bằng lòng để ánh sáng mặt trời công chính là Lời Đức Giêsu chiếu soi, sẽ bình an bay theo cơn lốc Thần Linh thổi cuốn.

Mấy lời thơ xin gửi tặng, để nối tiếp dòng suy tư:

Người vẫn còn say sưa ca hát,
bên đời kia, giữa cơn lốc xoáy.
Người biết mình là hạt bụi vô danh tự thuở nào.
Hạt bụi mơ hồ
không thấy có trong vũ trụ, trăng sao.
Mà tiếng bụi bay xạc xào những âm thanh mới lạ.
Hạt bụi biết đi biết nói biết khóc cười giòn giã,
giữa trần gian ngày tơi tả, đêm tan tác thương thân.
Hạt bụi an nhiên trong thế giới
đầu đội trời cao chân đạp đất thấp
hết bay đi xa bay lại về gần.
Vẫn những tiếng hát thương thân
mà tạ ơn muôn đời được là li ti bé nhỏ.
Vui cho hết một đời bay đây đáp đó, cứ cuốn theo chiều Gió.
Dưới luồng sáng Mặt Trời hạt bụi đẹp lung linh.
Chút tàn tro theo gót bụi chân tình.
Cho tro bụi mãi đồng trinh nguyên thủy.
Về với cội nguồn mùa trẩy hội hoa thiên ý
Tàn tro vô thanh, hạt bụi vô danh xào xạc khúc tình ca
giữa trời hoa
Tay Uy Linh nắm chặt tàn tro,
ôm chầm hạt bụi thương tro bụi ngọc ngà
Đã bằng lòng một kiếp rong chơi nhẹ nhàng hồn nhiên tín thác…
Và muôn đời, người sẽ còn say sưa ca hát
Khúc tình ca cung chúc vinh danh…


Pm. Cao Huy Hoàng
 
Người là tro bụi: Hãy tỉnh thức và xám hối.
Đinh Văn Tiến Hùng
18:44 22/02/2009
NGƯỜI LÀ TRO BỤI “Hãy thức tỉnh và xám hối"

Lễ Tro 25/2/09


Ôi Lạy Chúa một đời con lưu lạc,
Ham công danh và mê mải phù vân,
Hồn hoang loạn rời rã cả tấm thân,
Đi đi mãi càng chìm trong vô vọng.

Ôi Lạy Chúa một đời con phiêu bạt,
Sống dật dờ của một kiếp phù du,
Hồn đớn đau trong thân xác ngục tù,
Đi đi mãi càng xa rời Thượng Đế.

Ôi Lạy Chúa cho hồn con bừng tỉnh,
Biết ăn năn và thống hối chân tình,
Như kẻ chết được diễm phúc hồi sinh,
Trong cứu độ nơi Tình yêu Thiên Chúa.

Ôi Lạy Chúa cho lòng con đón nhận,
Một Tín điều suy gẫm suốt cuộc đời:
“HỠI NGỪƠI HÃY NHỚ MÌNH LÀ BỤI TRO
RỒI SẼ PHẢI TRỞ VỀ CÙNG TRO BỤI.”


Đinh văn Tiến Hùng
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha kêu gọi chống mọi hình thức kỳ thị con người
LM Trần Đức Anh, OP
23:13 22/02/2009
VATICAN. - ĐTC kêu gọi bài trừ mọi hình thức kỳ thị con người dựa trên những yếu tố di truyền, đồng thời cần phát triển nền văn hóa đón tiếp, yêu thương và liên đới với những người đau khổ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2009, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thứ 15 của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về sự sống, nhóm tại Vatican trong hai ngày, 20 và 21-2-2009 về đề tài ”Những biên cương mới của khoa di truyền học và nguy cơ của ngành ưu sinh (eugénisme).

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận những bước tiến nhảy vọt của ngành di truyền học từ khi được LM Grégoire Mendel, dòng thánh Augustino, khai sáng hồi giữa thế kỷ 19. Ngày nay người ta biết toàn bộ gen của con người và lãnh vực nghiên cứu rất mở rộng, mỗi ngày có những chân trời mới được mở ra và phần lớn chưa hề được khám phá.

Tuy nhiên, ĐTC cảnh giác chống lại chủ trương thụ hẹp con người vào lãnh vực di truyền học, đồng hóa con người với những thông tin di truyền học và những phản ứng của nó với môi trường xung quanh. Ngài nói: ”Cần tái thẳng định rằng con người vẫn luôn cao cả hơn tất cả những gì hợp thành thân thể nó; thực vậy con người mang trong mình sức mạnh của tư tưởng, luôn hướng tới sự thật về bản thân và thế giới. Chúng ta nhớ đến những lời đầy ý nghĩa của một đại tư tưởng gia và cũng là một nhà khoa học nổi tiếng, Blaise Pascal: ”Con người chỉ là một cây sậy, yếu nhất trong thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết tư duy. Không cần toàn thể vũ trụ võ trang để đè bẹp con người; chỉ cần một hơi khí, một giọt nước cũng đủ để giết nó. Nhưng cả khi toàn thể vũ trụ đè bẹp, con người vẫn luôn cao thượng hơn những gì giết nó, vì nó biết chết và nhận biết ưu thế của vũ trụ trên nó; trái lại vũ trụ không biết gì cả” (Tư tưởng, 347)... Vì thế con người vượt lên trên sự phối hợp các thông tin di truyền học từ cha mẹ truyền lại”.

Đề cập tới đề tài của Hội nghị, ĐTC tố giác não trạng của nhiều người ngày nay, tuy không theo ý thức hệ ưu sinh, tuyển chọn giống người tốt hoặc nhắm cải tiến giống như trong quá khứ, nhưng muốn biện minh cho một quan niệm khác về sự sống và phẩm giá con người dựa trên ước muốn riêng tư và quyền cá nhân. Vì thế người ta có xu hướng dành ưu tiên cho các khả năng hoạt động, hiệu năng, sự trọn hảo, vẻ đẹp thể lý, và coi nhẹ các chiều kích khác của cuộc sống mà họ coi là không xứng đáng. Từ đó, sự tôn trọng mỗi người bị suy giảm, nhất là khi đứng trước viễn tượng con người bị khuyết tật hoặc một bị một thứ bệnh di truyền sẽ xuất hiện trong cuộc sống; cụ thể là người ta tìm cách hủy bỏ ngay từ trong trứng nước những người con mà họ cho là có thể bị khuyết tật và vì thế không đáng sống”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Cần tái khẳng định rằng mọi hình thức kỳ thị, do bất kỳ quyền bính nào, đối với cá nhân con người, các dân tộc hoặc chủng tộc, dựa trên những khác biệt do các yếu tố di truyền học, hoặc là thực sự hoặc là tưởng tượng, đều là một sự xâm phạm chống loại toàn thể nhân loại. Cần phải mạnh mẽ tái khẳng định phẩm giá bình đẳng của mỗi người, dựa trên nguyên sự kiện họ được đi vào cuộc sống. Sự phát triển về sinh học, tâm lý, văn hóa hoặc tình trạng sức khỏe không bao giờ có thể trở thành yếu tố kỳ thị. Trái lại cần củng cố nền văn hóa đón nhận và yêu thương, biểu lộ cụ thể tình liên đới với những người đau khổ, phá đổ những hàng rào mà xã hội thường dựng lên vì kỳ thị những người tàn tật và bị bệnh, hoặc tệ hơn nữa, người ta đi đến chỗ tuyển chọn hoặc phủ nhận quyền sống nhân danh một lý tưởng trừu tượng về sức khỏe và sự hoàn hảo về thể lý” (SD 21-2-2009)
 
ĐTC: Toà thánh Phêrô, chủ sự mối thông hiệp phổ quát trong đức ái, bảo vệ những sự da dạng hợp pháp
Bình Hòa
23:17 22/02/2009
Đức Thánh Cha với Kinh Truyền tin Chúa nhật 22-2-2009:

Bài suy niệm chúa nhựt tuần trước đã chuẩn bị tư tưởng cho bài suy niệm chúa nhựt tuần này. Lần trước, đức thánh cha chú giải đoạn sách Tin mừng thuật lại việc chữa lành người phong hủi. Theo luật Moisen, ngươi phong hủi bị trục xuất khỏi cộng đoàn vì bị liệt vào hạng ô uế. Chúa Giêsu đã chữa lành anh ta, như là dấu chỉ về sự chữa lành tinh thần, tức là tha thứ tội lỗi, điều thực sự làm cho con người bị ô uế. Lần này, khi chữa lành một người bị bất toại, Chúa Giêsu đã gắn liền với việc tha tội để cho thấy rằng không những Người có quyền tha thứ tội lỗi mà còn cho thấy chính tội lỗi làm cho người trở thành tê liệt về tinh thần. Hôm qua, lịch phụng vụ cũng ghi nhận lễ kính toà thánh Phêrô, tượng trưng cho thẩm quyền giảng dạy của Thủ lãnh các thánh tông đồ. Ý tưởng này cũng được đề cập trong bài suy niệm, kèm theo lời mời hãy cầu nguyện cho kẻ đang giữ trọng trách lãnh đạo Giáo hội. Sau đây là nguyên văn bài suy niệm.

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúa nhựt thứ Bảy mùa thường niên, bài Tin mừng trình bày cảnh một người bất toại được tha thứ và chữa lành (Mc 2,1-12). Khi đức Giêsu đang giảng dạy, trong số nhiều bệnh nhân được mang đến trước mặt Người, có một người bất toại nằm trên chõng. Thấy anh, Chúa nói: “Này con, tội con đã được tha” (Mc 2,5). Nghe những lời ấy, một số người hiện diện lấy làm chói tai; vì thế Chúa nói tiếp: “Để các ông biết rằng Con Người có quyền tha tội trên mặt đất này, tôi nói với anh – hướng về người bất toại – anh hãy đứng dậy, vác chõng mà về nhà” (Mc 2,10-11). Người bất toại được lành và ra đi. Bài trình thuật chứng tỏ rằng đức Giêsu có quyền hành không những để chữa thân thể bị tật bệnh, mà còn để tha tội; hơn thế nữa, sự chữa bệnh thể xác là dấu chỉ của sự chữa lành về tinh thần mà lời tha thứ mang lại. Thật vậy, tội lỗi là một thứ tê liệt về tinh thần, mà chỉ duy quyền năng của tình thương lân tuất của Thiên Chúa mới có thể giải thoát chúng ta, cho chúng ta được chỗi dậy và tiếp tục đi trên con đường thiện hảo.

Chuá nhật hôm nay cũng trùng với lễ kính Tòa giảng thánh Phêrô, một lễ nhằm nêu bật tác vụ của vị kế nhiệm thánh Phêrô. Toà giảng thánh Phêrô tượng trưng cho thẩm quyền của giám mục Rôma, được kêu gọi giữ một tác vụ đặc biệt đối với Dân Thiên Chúa. Liền sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, giáo hội Rôma đã được nhìn nhận điạ vị chủ sự tất cả cộng đoàn công giáo, vai trò đã được chứng nhận từ thế kỷ II bởi thánh Inhaxiô giám mục Antiôkia (Thư gửi Rôma) và bởi thánh Irênê giám mục Lyon (Adv. Haer, III, 3,2-3). Tác vụ độc đáo và đặc thù của giám mục Rôma được công đồng Vaticanô II đề cao trong hiến chế về Hội thánh số 13 như sau: “Trong sự hiệp thông hoàn vũ, các giáo hội địa phương hiện hữu cách chính đáng, họ được duy trì những truyền thống riêng biệt của mình, tuy phải tôn trọng vị trí hàng đầu của Toà thánh Phêrô, chủ sự mối thông hiệp phổ quát trong đức ái, bảo vệ những sự da dạng hợp pháp, và đồng thời canh chừng ngõ hầu tính điạ phương không những không tổn hại mà còn phụng sự tính duy nhất”.

Anh chị em thân mến. Lễ này tạo cơ hội để tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện, ngõ hầu tôi có thể thi hành trung thành trách nhiệm cao cả mà Chúa quan phòng đã trao phó cho tôi như là kẻ kế vị tông đồ Phêrô. Vì thế chúng ta hãy cầu xin đức trinh nữ Maria, Đấng được tôn kính tại Rôma trong lễ nhớ ngày hôm qua dưới tước hiệu “Đức Mẹ của lòng tín thác”. Chúng ta cũng xin Mẹ giúp chúng ta được chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để bước vào Mùa chay sẽ bắt đầu thứ tư sắp đến với nghi thức xức tro. Ước chi Mẹ Maria mở rộng con tim chúng ta để hoán cải và ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa.

Trong quá khứ, vào lễ kính toà thánh Phêrô, đức thánh cha chủ toạ lễ nghi tấn phong hồng y, như dấu hiệu của việc kết nạp các giám mục điạ phương vào việc chia sẻ trách nhiệm phụng sự Giáo hội hoàn vũ. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể lồng trong phần thời sự của Toà thánh, việc đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nguyên tổng giám mục Hà nội đã qua đời vào lúc 10 giờ 10 phút sáng chúa nhựt hôm qua, hưởng thọ 90 tuổi. Đức cố hồng y sinh ngày 20-05-1919 tại Cầu Mễ, Yên mô, Ninh bình, thụ phong linh mục ngày 6-6-1949 (nghĩa là sắp được 60 năm), tấn phong giám mục Bắc ninh ngày 15-8-1963, nhận chức tổng giám mục Hà nội ngày 23-5-994, và thăng hồng y vào tháng 11 cùng năm. Ngài từ chức ngày 19-2-2005. Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào ngày thứ 5 sắp tới.
 
Mặt Trận Tranh Đấu Cho Văn Hóa Sự Sống
Vũ Văn An
02:51 22/02/2009
Mặt Trận Tranh Đấu Cho Văn Hóa Sự Sống

Tuần qua, mặt trận tranh đấu cho văn hóa sự sống có ba biến cố đáng lưu ý. Đó là tuyên ngôn của Liên Đoàn Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo đối với các chính sách chống phá sự sống của chính phủ Obama, việc nhấn mạnh tới khía cạnh tích cực của việc khám phá ra nhiễm sắc thể gây nên hội chứng Down, và việc Đức Giáo Hoàng tiếp chủ tịch Hạ Nghị Viện Mỹ, Nancy Pelosi, người đàn bà “Công Giáo”nổi tiếng phò phá thai.

Đe doạ mới đối với sự sống con người

Ngày 17 tháng Hai, Liên Đoàn Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo đã công bố một bản tuyên ngôn về các đe doạ mới đối với sự sống con người dưới chính phủ của ông Obama. Nguyên văn bản tuyên ngôn như sau:

Việc bầu ông Barack Obama làm Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc đã đánh dấu một khúc rẽ trong lịch sử và văn hoá Hoa Kỳ. Ra tranh cử trong một thời điểm được đánh dấu bằng bất ổn kinh tế và chính trị hoàn cầu, Ông Obama hứa hẹn sẽ trở thành lực lượng cho một thay đổi tích cực, một hòa giải chính trị và một nền cai trị hữu hiệu. Không may một điều, Tổng Thống Obama đã khởi sự nhiệm kỳ của mình bằng những hành động chắc chắn sẽ phá hoại việc tôn trọng sự sống con người, tôn trọng nhân phẩm con người và tôn trọng tự do tôn giáo. Chúng tôi kêu gọi các ý sĩ và các nhà cung cấp chăm sóc ý tế Công Giáo, cũng như mọi người có thiện chí, hãy vận dụng mọi cố gắng để thuyết phục Tổng Thống Obama thu hồi các quyết định trên.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, một số người Công Giáo và một số nhóm vận động tự nhận mình là người Công Giáo đã ủng hộ ông Barack Obama làm Tổng Thống, một phần vì đã căn cứ vào việc ông ta ủng hộ công bình kinh tế và chính sách ngoại giao, một phần cũng vì ông ta cam kết sẽ cố gắng giảm thiểu con số các vụ phá thai bằng cách gia tăng chi tiêu về xã hội để hỗ trợ các phụ nữ mang thai. Ấy thế nhưng lúc còn là một nhà lập pháp và là một ứng cử viên, ông Obama đã ủng hộ các quan điểm hoàn toàn đi ngược lại việc tôn trọng sự sống con người. Thí dụ:

* Obama từ lâu vốn ủng hộ việc phá thai theo yêu cầu, và đã nhận được 100% sự ủng hộ của cơ sở “Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch” (Planned Parenthood), là cơ sở lớn nhất cung cấp việc phá thai tại Hiệp Chúng Quốc.

* Obama từng chống đối mọi hạn chế đối với việc phá thai, kể cả các đạo luật đòi phái thông báo và được sự đồng ý của cha mẹ trước khi một vị thành niên được phép phá thai.

* Rụng rời hơn nữa, khi còn là thượng nghị sĩ tiểu bang, Obama tích cực chống đối bất cứ sự bảo vệ nào đối với hài nhi sinh ra mà vẫn còn sống sau khi kinh qua các thủ tục phá thai thất bại và đã không trung thực về “thành tích” này trong mùa bầu cử năm 2008.

* Sau cùng, trong lúc tranh cử, Obama tự hào công bố việc mình ủng hộ “Đạo Luật Tự Do Chọn Lựa” (FOCA), một đạo luật nới rộng triệt để nhất việc cho phép phá thai trên thế giới, và hứa sẽ ký ban hành đạo luật ấy khi làm tổng thống.

Song song với việc ông ta ủng hộ không hạn chế việc phá thai, Obama còn hứa sẽ cung cấp ngân khoản liên bang cho việc nghiên cứu tế bào gốc, vốn là thứ nghiên cứu có tính hủy diệt sự sống con người ở giai đoạn phôi thai. Từ ngày nhậm chức, Tổng Thống Obama đã đưa ra hàng loạt các hành động cho thấy ông ta sẵn sàng thực thi các hứa hẹn ủng hộ phá thai trước đây của mình.

* Nội mấy ngày sau khi nhậm chức, Obama đã đả thu hồi “Chính Sách Thành Mexico” (Mexico City Policy), một chính sách của chính phủ Mỹ cấm không được dùng ngân khoản liên bang để tài trợ cho các cơ quan quốc tế chuyên cổ vũ việc phá thai như một phương thế kiểm soát sinh đẻ;

* Đáng sợ hơn nữa, khi thu hồi chính sách này, Tổng Thống Obama cho thấy ông sẵn sàng cung cấp trợ giúp tài chánh cho Qũy Dân Số Liên Hiệp Quốc, một tổ chức vốn không được chính phủ Mỹ tài trợ sau khi cộng tác với chính sách cưỡng bức “một con” của chính phủ Trung Hoa.

* Tổng Thống Obama đang cử nhiệm vào các chức vụ Nội Các và Công Quyền những người vốn ủng hộ việc phá thai, trong đó có Hillary Clinton, Bộ Trưởng Ngoại Giao, người từ lâu vốn ủng hộ “quyền” phá thai ở Mỹ và ở ngoại quốc; Rahm Emanuel, Tham Mưu Trưởng Nhà Trắng, người có thành tích 100% bỏ phiếu ủng hộ Liên Đoàn Quốc Gia Hành Động Cho Quyền Phá Thai (National Abortion Rights Action League, tắt là NARAL) lúc còn là Dân Biểu, và rất nổi tiếng trong tư cách chính trị gia phò phá thai; Dawn Johnsen, được đề cử làm Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp, trước đây vốn là Giám Đốc Pháp Luật của NARAL và là thành viên của Dự Án ACLU Tự Do Sinh Sản (ACLU Reproductive Freedom Project); Eric Holder, Bộ Trưởng Tư Pháp, người từ lâu vốn ủng hộ “quyền” phá thai; Melody Barnes, Chủ Tịch Hội Đồng Chính Sách Quốc Nội, người từng là thành viên trong hội đồng quản trị cho cả hai cơ sở Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch và Danh Sách Emily (Emily's List); Ellen Moran, Giám Đốc Truyền Thông Nhà Trắng người hiện vẫn còn là giám đốc điều hành của Danh Sách Emily; và Thomas Perelli, được đề cử làm Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp, người vốn hợp tác với luật sư phò an tử (pro-euthanasia) tên George Felos là người vốn để Terri Shiavo nhịn đói cho đến chết

* Dù ông ta chưa làm hành vi gì để ban hành Đạo Luật Tự Do Chọn Lựa, nhưng nhiều người tin rằng ông ta sẽ xé lẻ Đạo Luật này và ghép nó vào các dự luật và đạo luật lập pháp khác.

* Sau cùng, Tổng Thống Obama đã tuyên bố việc ông chống lại quy luật mới của HHS vốn bảo vệ quyền lương tâm của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Quy luật trên được thông qua vào những ngày cuối cùng của chính phủ Bush nhằm đáp ứng một số đe doạ đối với quyền lương tâm của các y sĩ, dược sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế của Mỹ.

Vì các hành vi và bổ nhiệm trên, chúng tôi cấp thiết kêu gọi Tổng Thống Obama hãy xem sét lại việc ông ủng hộ phá thai và các nghiên cứu mà nếu thành công chỉ đem lại việc hủy diệt sự sống của con người vô tội mà thôi. Ngoài ra, chúng tôi xin dâng lời cầu nguyện, xin khích lệ và kêu gọi các y sĩ Công Giáo ở Mỹ hãy giáo dục công chúng và chống lại các cố gắng cổ vũ phá thai như trên. Sau cùng, chúng tôi kêu gọi mọi thành viên của Liên Đoàn Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo hãy tỉnh thức trong việc chống đối các đe doạ mới đối với sự sống và phẩm giá con người hiện đang phát xuất từ các viên chức chính phủ Obama trong các chủ trương của chính sách ngoại giao và tại Liên Hiệp Quốc.

Việc khám phá ra nhiễm sắc thể gây hội chứng Down

Anita S. Bourdin, biên tập viên của Zenit, ngày 17 tháng Hai vừa qua, đưa tin vui: dù nhiều trẻ em mắc hội chứng Down đang bị từ khước quyền sống, nhưng việc khám phá ra nhiễm sắc thể gây nên hội chứng này hiện đang được coi là một chiến thắng.

Việc khám phá ra nhiễm sắc thể gây nên Trisomy 21 (tên chuyên môn chỉ hội chứng Down) và người khám phá ra nó là nhà khoa học người Pháp tên Jérôme Lejeune, là một phần trong cuộc thảo luận của phiên khoáng đại vào ngày hôm nay tại Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống. Năm nay, hội nghị này sẽ tập trung vào chủ đề “Các Biên Giới Mới của Di Truyền Học và Các Nguy Cơ Của Ưu Sinh Học (eugenics)”

Giáo sư Bruno Dallapiccola, người dạy về di truyền học tại Đại Học La Sapienza ở Rome đề cập tới mối liên hệ giữa tiến bộ khoa học và tiến bộ luân lý căn cứ vào trường hợp điển hình trong khám phá của Lejeune cách đây 50 năm.

Lejeune (1926-1994) khám phá ra nhiễm sắc thể phụ trội gây ra hội chứng Down vào năm 1959 và được quốc tế nhìn nhận khắp nơi. Ông không bao giờ được giải Nobel về y khoa, một thiếu sót nhiều người cho là do quan điểm đạo đức của ông, nhất là việc ông chống đối phá thai. Đức Gioan Phaolô II cử ông làm chủ tịch đầu tiên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống.

Vẫn còn giá trị

Tuy nhiên, khám phá của ông lại có một hiệu quả gián tiếp: ngày nay, đại đa số các trẻ sơ sinh mang hội chứng Down đã bị giết trước ngày sinh. Đức ông Ignacio Carrasco de Paula, chủ tịch hàn lâm viện và là một trong các diễn giả, nhân dịp này đã nhắc lại tình bạn của mình với Lejeune. Ngài cho hay nhà khoa học này “không bao giờ hối tiếc về việc khám phá của mình”. Vì theo ngài “Đạo đức học là việc có thể thực hiện được”. Đức ông mang trường hợp bệnh viện Gemelli của Rome làm thí dụ để cho thấy “Đạo đức học đang được sống thực ở đấy”. Đức ông quả quyết: “Ở đấy, các trẻ mang hội chứng Down đang bước vào thế giới chúng ta và nhờ các cải thiện đối với hoàn cảnh sống của các em, ta có thể giải quyết các vấn đề hiện các em đang phải đối phó”.

Giáo sư Dallapiccola nhắc người ta nhớ rằng: trước đây các em mang hội chứng Down bị người ta từ bỏ, nhưng nay, 50 năm sau, các em “đã đạt được mức tự lập chưa từng có…và có thể lẳng lặng hội nhập được vào xã hội. Các em đã giật được các bằng cấp đại học. Khám phá của Giáo Sư Lejeune đã giúp có được chiến thắng ấy”.

Hiện nay, mặc dù tại một số quốc gia, có tới 90% các thai nhi mang hội chứng này bị phá thai, nhưng giáo sư cho hay năm nào ông cũng gặp được từ 10 tới 20 gia đình chào đón các em mang hội chứng này bước vào đời.

Đức Giáo Hoàng gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ

Ngày 18 tháng Hai vừa qua, Đức Bênêđíctô XVI đã tiếp kiến chủ tịch Hạ Nghị Viện Mỹ, Nancy Pelosi, và đoàn tùy tùng tại Vatican, sau buổi triều yết chung. Ngài thúc giục các nhà lập pháp Mỹ hãy tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người theo các giáo huấn của Giáo Hội. Ngài mượn dịp này để đề cập tới các đòi hỏi của luật luân lý tự nhiên và giáo huấn nhất quán của Giáo Hội liên quan đến phẩm giá sự sống con người từ lúc tượng thai cho đến lúc chết tự nhiên.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng các giáo huấn này “buộc mọi người Công Giáo, và nhất là các nhà lập pháp, các nhà luật học và những ai có trách nhiệm đối với ích chung của xã hội, phải làm việc một cách hợp tác với mọi người có thiện chí để tạo ra một hệ thống công bằng các luật lệ có khả năng bảo vệ sự sống con người ở mọi giai đoạn phát triển của nó”.

Trong một tuyên bố vào ngày hôm nay do văn phòng của bà ta phát ra, Nancy Pelosi cho rằng trong buổi hội kiến, bà ca ngợi “giới lãnh đạo của Giáo Hội trong cố gắng chống nghèo, chống đói và chống việc hâm nóng hoàn cầu, cũng như sự tận tụy của Đức Thánh Cha đối với tự do tôn giáo và cuộc tông du sắp tới của ngài tới Israel”.

Mâu thuẫn phá thai

Cuộc hội kiến trên diễn ra sau khi Pelosi có những nhận định sai lầm nhân một cuộc phỏng vấn truyền hình vào hồi tháng Tám năm ngoái. Khi được yêu cầu nhận định về lúc khởi đầu của sự sống con người, bà cho hay: trong tư cách là người Công Giáo, bà từng nghiên cứu vấn đề này từ rất lâu và thấy rằng các vị tiến sĩ của Giáo Hội chưa bao giờ xác định được việc ấy ra sao.

Ngay ngày hôm sau, Đức Hồng Y Justin Rigali, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của HĐ giám mục Mỹ, và Đức Cha William Lori, chủ tịch Ủy Ban Tín Lý, lên tiếng cho hay: câu trả lời của bà ta “trình bày sai lịch sử và bản chất giáo huấn đích thực của Giáo Hội Công Giáo chống việc phá thai”. Cùng với các vị giám mục khác, hai vị giáo phẩm này đã cho công bố một tuyên ngôn nhằm làm sáng tỏ quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này. Các vị trích dẫn lời trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội đã khẳng định tội ác luân lý của mọi việc phá thai. Giáo huấn ấy chưa hề thay đổi và luôn luôn bất biến. Trực tiếp phá thai, nghĩa là, nếu ước muốn việc phá thai ấy dù như mục đích hay như phương tiện, đều đi ngược lại luật luân lý một cách trầm trọng”. Đức Tổng Giám Mục George Niederauer của Tổng GP San Francisco, vốn là giáo phận nhà của Nancy Pelosi, đã mời bà tham dự một cuộc gặp mặt riêng vào hồi tháng Chín năm ngoái.

Các dân cử Công Giáo

Trong khi đó, hai dân cử Công Giáo là các ông John Boehner và Thaddeus McCotter, đã viết cho ĐHY Rigali một bức thư vào thứ Ba tuần rồi. Họ cám ơn ĐHY về lá thư ngày 5 tháng Hai của ngài gửi mọi dân biểu nghị sĩ Công Giáo trong đó, ngài thúc giục các nhà lập pháp hãy duy trì các đạo luật phò sự sống hiện hành và hãy tự chế đừng buộc các người trả thuế phải tài trợ các vụ phá thai.

Bức thư của hai nhà lập pháp này được công bố công khai, có đoạn nói: “Chúng con đứng bên Đức HY trong việc bảo vệ mọi sự sống con người và mong được làm việc với Đức HY”. Bức thư nói tiếp: “Chúng con cam kết làm việc với các đồng nghiệp phò sự sống thuộc cả hai cánh của Quốc Hội để tích cực đánh bại các cố gắng nhằm ban hành cái gọi là Đạo Luật Tự Do Lựa Chọn (FOCA) hay bất cứ biện pháp tương tự nào như thế. Chúng con cũng cam kết làm việc để duy trì, chứ không làm yếu, các đạo luật ngăn cấm dùng ngân khoản liên bang vào các mục đích cổ vũ hay tài trợ việc cổ vũ phá thai… Chúng con cương quyết, theo lời huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong cuộc tông du tại Hoa Kỳ vào năm ngoái của ngài, sẽ tuyên xưng quà phúc sự sống, phục vụ sự sống và cổ vũ nền văn hóa sự sống”

Di truyền học cần một lương tâm

Trên bản tin Zenit ngày 18 tháng Hai, Carmen Elena Villa tường thuật lại lời phát biểu của Đức TGM Rino Fisichella, Chủ Tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống. Trước khi Hàn Lâm Viện này tổ chức cuộc hội nghị quốc tế về di truyền học và ưu sinh học, ĐTGM Chủ Tịch có tổ chức một cuộc họp báo trong đó ngài nhấn mạnh đến việc cần phái thăng tiến và triển khai các tìm tòi khoa học. Tuy nhiên phải thực hiện việc ấy với một lương tâm đạo đức.

Đức TGM Fisichella nhìn nhận rằng trong thập niên qua, nhiều tiến bộ đáng kể đã thực hiện được trong Dự Án Hệ Di Truyền Nhân Bản (Human Genome Project), một dự án đã giúp nhận dạng hàng ngàn các bệnh di truyền và nhờ thế đã ngăn ngừa được nhiều chứng bệnh loại này. Ngài giải thích: trong quá khứ, di truyền học được áp dụng vào bình diện tiền hôn nhân và tiền thụ thai để kiểm chứng nguy cơ mang bệnh, nhưng nay, nó được áp dụng vào bình diện tiền sinh sản (prenatal) và do đó bao hàm các vấn đề có tính đạo đức học. Chính vì việc áp dụng này, mà nhiều trẻ thơ đã bị giết ngay lúc còn trong bụng mẹ.

Mọi cuộc chinh phục có tính khoa học đều sản sinh ra cả khả thể lẫn nguy cơ. Khuynh hướng trong ưu sinh học ngày nay không phải chỉ là vấn đề lý thuyết, mà đúng hơn là một não trạng đang loan truyền từ từ nhưng không thể nào xoay chuyển được.

Ngài nói thêm: chủ nghĩa hình thức đầy tính ngôn từ tinh tế đi đôi với nghệ thuật quảng cáo nhà nghề (lại) được quyền lợi kinh tế đầy quyền lực hỗ trợ thường làm chúng ta không nhìn ra những nguy hiểm thực sự nằm bên dưới, và có khuynh hướng tạo ra một não trạng không còn khả năng nhận biết cái xấu khách quan cũng như đưa ra được một phán đoán hợp đạo đức tương xứng. Chính vì thế, Tòa Thánh muốn tổ chức một hội nghị quốc tế để kiểm chứng xem liệu trong cuộc tìm tòi di truyền học có khía cạnh nào hướng tới và khởi động một hành vi ưu sinh học hay không.

Đức TGM lên tiếng chỉ trích não trạng có tính giản lược vốn chủ trương có những người kém giá trị hơn người khác, vì địa vị xã hội hay điều kiện thể lý, như bị khuyết tật, bệnh tâm thần hoặc trong tình trạng như thực vật (vegetative state), hay người cao niên mang bệnh hiểm nghèo.

Con đường trung dung

Theo Đức TGM, hội nghị này có mục tiêu tìm ra con đường trung dung giữa hai con đường cực đoan tức con đường từ khước tiến bộ khoa học và con đường từ khước đạo đức học. Vì thế, hội nghị này cần hướng về việc tạo ra và phát triển một lương tâm đạo đức vì nếu không có nó, bất cứ thành quả nào cũng chỉ là phiến diện.

Đây là một hội nghị sẽ qui tụ chừng 400 tham dự viên, trong đó có các nhà vật lý học, nhà sinh vật học, thần học gia và triết gia. Nó chú tâm tìm hiểu các khả thể hiện nay của can thiệp y khoa vào việc chống trả các bệnh di truyền và phân tích việc khai triển ưu sinh học cả trên quan điểm luật học lẫn trên quan điểm nhân học.

Các hình thức có thể có của ưu sinh học cũng sẽ được xem sét để có thể đưa ra một đánh giá có tính hoàn cầu và đem lại một chỉ dẫn, một tiêu chuẩn phù hợp với lời dạy của huấn quyền Giáo Hội, để có thể đáp ứng lại thách thức này.
 
Top Stories
Cardinal Paul Joseph Pham Đình Tung, Archbishop emeritus of Hà Nội (Viêt Nam) passed way
VietCatholic
17:26 22/02/2009
HANOI - Cardinal Paul Joseph Pham Đình Tung, Archbishop emeritus of Ha Nôi (Viêt Nam), passed way this morning (February 22, 2009) in Hanoi.

Cardinal Tung was born on 15 June 1919 in Bình-Hòa, in the Diocese of Phát Diêm. Ordained to the priesthood on 6 June 1949, he was named Bishop of Bac Ninh on 5 April 1963 and received his episcopal ordination on 15 August that year.

He was called to assume the role of Apostolic Administrator of Han Nôi on 18 June 1990, after the death of Cardinal Joseph Trinh Văn Căn on 18 May. On 23 March 1994, he was appointed Archbishop of Ha Nôi.

For virtually all the 30 years of his episcopate in the Diocese of Bac Ninh (except the last four), he was forced to stay at home without ever being able to make pastoral visits to the more than 100 parishes in his ecclesiastical territory. With only three priests in all, and restricted in his movements and means of communication, during his years of 'house arrest', the Bishop started to write the whole of Jesus' life as it is told in the Gospels, the Christian doctrine, the commandments of God and of the Church, and the sacraments in the 'luc-bat' poetic form (stanzas of six or eight words). The cadence of the composition helps people learn them quickly.

He formed councils of lay people in the parishes, their number varying according to the importance of the parishes, to be responsible for the continuation of religious life in the local communities and provide a three-year marriage course for the young people.

Another initiative promoted by the former Bishop Pham Đình Tung was the foundation of a secular institute for boys and girls for the purpose of training them as catechists. The initiative has had excellent results and these young catechists, traveling all over the country guaranteeing catechetical courses everywhere, especially to children.

The results of this work of evangelization were demonstrated in a Jubilee Year proclaimed to mark the centenary of Bac Ninh Cathedral's foundation. The celebrations began on 8 December 1992 and ended exactly a year later. It was recorded that more than 30 thousand faithful visited the mother church of the Diocese.

In 1990, John Paul II promoted the Bishop to Ha Nôi, first as Apostolic Administrator and subsequently on 23 March 1994 as Archbishop.

Created and proclaimed Cardinal by Pope John Paul II in the Consistory of 26 November 1994, of the Title of St. Mary Queen of Peace in Ostia.

Archbishop emeritus of Ha Nôi, 19 February 2005.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - chứng nhân lịch sử GHVN- đã qua đời
LM Trần Công Nghị
08:51 22/02/2009
Chúng tôi vừa nhận được tin buồn ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nguyên Tổng giám mục Hà Nội đã qua đời vào lúc 10:10 sáng Chúa Nhật ngày 22.2.2009 tại Hà Nội. Hưởng thọ 90 tuổi.

Đây thực là một đại tang cho Giáo Hội Việt Nam, và riêng cho Giáo Hội tại miền Bắc Việt Nam.

Đức Cố Hồng Y Phaolô là người đạo đức thánh thiện, sống cuộc sống khó nghèo, đơn sơ, khiêm nhường, tính tình cương trực, nhưng rất ân cần và luôn quan tâm tới nhu cầu của mọi người. Ngài là một nhà giáo gương mẫu, một người cha nhân từ và là một người quản trị mẫu mực.

Trong suốt cuộc đời linh mục và giám mục, Ngài đã đảm trách nhiều công tác khác nhau trong Giáo hội. Điểm nổi bật nhất trong đời giám mục của Ngài là lo xây dựng nhân sự cho Giáo hội tại Miền Bắc Việt Nam và chủ trương một đường hướng huấn luyện giáo sĩ trong kỉ luật chặt chẽ và nghiêm minh. Đối với một số người nhận định rằng đường hướng tu đức và giáo dục của Ngài có tính cách quá truyền thống và có thể không đáp ứng được với những thay đổi của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, nhìn lại trong bối cảnh lịch sử và chính trị tại Việt Nam, nhờ chính vào một nếp sống khuôn phép và nghiêm ngặt như vậy mà thành phần giáo sĩ cũng như giáo dân dưới sự hướng dẫn của Ngài đã giữ vững được đức tin trung kiên trước bao thử thách và phong ba của diễn biến chính trị tại Việt nam.

Trong thời kì chiến tranh Việt Minh vào thập niên 1950, bao nhiêu người dân đã phải bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi không nơi nương tựa thì chính vị linh mục trẻ tuổi này đã thành lập nhà tế bần Bạch Mai nhằm cứu giúp các nạn nhân chiến tranh nghèo khổ từ các vùng nông thôn trôi dạt về Hà Nội.

Điểm nổi bật của Ngài là không nhượng bộ áp lực chính trị bất kì từ đâu đến dù phải trả một giá rất đắt. Điển hình là vào năm 1960, vì muốn bảo vệ sự độc lập của Giáo Hội trong lãnh vực đào tạo giáo sĩ, vì không muốn các chủng sinh phải giao tiếp với các giáo viên đến từ bên ngoài và học những môn nguy hiểm cho đức tin và cho đời tu mà nhà nước áp đặt trong chương trình, Ngài đã cùng các đấng hữu trách quyết định cho các chủng sinh về lại các giáo phận của mình, chấp nhận giải tán tiểu chủng viện.

Cùng chia buồn với Tổng giáo phận Hà nội nói riêng và Giáo hội Việt Nam, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Hồng Y Phaolô.

Sau đây chúng tôi xin mời qúi độc giả ôn lại bài viết của Thanh Bình về cuộc đời Đức Cố Hồng Y Phạm Đình Tụng đăng trên VietCatholic VietCatholic News (Thứ Năm 24/01/2008 15:22) với nhan đề:

ĐHY Phạm Đình Tụng: chứng nhân lịch sử của thời đại chúng ta



Sơ Lược về Quá Trình Hiện Diện và Phục Vụ của ĐHY Phaolô Tụng (1919-2009)

Đức Hồng Y sinh ngày 20.05.1919 trong một gia đình gia giáo và đạo đức tại thôn Cầu Mễ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo xứ Quảng Nạp, Giáo phận Phát Diệm. Thân phụ của ngài cụ cố Phêrô Phạm Văn Hiến, một người đạo đức và có học trong làng, còn thân mẫu của ngài là cụ cố Anna Nguyễn Thị Bống vốn là một người hiền lành, giầu lòng hy sinh và bác ái.

ĐGH Gioan Phaolô II trao mũ cho ĐHY Phạm Đình Tụng ngày 26.11.1994

Năm 1925 ngài bắt đầu đi học tiểu học tại trường làng và năm 1927 ngài theo linh mục nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực lên học tại Hà Nội.

Năm 1929 ngài được gia nhập Trường thử Hà Nội. Năm 1931, ngài thi đậu bằng sơ học yếu lược và được tuyển vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Tây.

Năm 1940, ngài được gọi vào Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội. Sau hai năm học triết học, ngài đi thực tập mục vụ tại Giáo xứ Khoan Vĩ. Mãn hạn thực tập mục vụ, ngài trở lại Đại Chủng viện để tiếp tục chương trình thần học.

Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, đất nước loạn ly, Đại Chủng viện Liễu Giai phải đóng cửa, ngài tạm thời phải dừng việc học tập và tu dưỡng.

Năm 1948, tình hình chính trị xã hội ở Hà Nội tạm ổn định, ngài được gọi về Đại Chủng viện Hà Nội mới được thành lập ở số 40 Nhà Chung để hoàn tất chương trình đào tạo. Hằng ngày ngài cũng các chủng sinh khác sang học thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế ở tu viện Thái Hà Ấp, Hà Nội.

Ngày 06.06.1949, ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính Toà Hà Nội và được Bản quyền Giáo phận Hà Nội bổ nhiệm về phục vụ tại Cô Nhi viện Têrêxa do Đức cha Paul Seitz - khi ấy hãy còn là linh mục-làm giám đốc.

Năm 1950, ngài được bổ nhiệm làm Phó xứ Hàm Long, Hà Nội. Trong thời gian này ngài thành lập nhà tế bần Bạch Mai nhằm cứu giúp các nạn nhân chiến tranh nghèo khổ từ các vùng nông thôn trôi dạt về Hà Nội.

Mừng thượng thọ tại Hà nội tháng 5-2008
Năm 1955, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội- Một tiểu chủng viện liên giáo phận với khoảng hơn 200 chủng sinh thuộc hầu hết các giáo phận ở Miền Bắc lúc bấy giờ.

Năm 1960, vì muốn bảo vệ sự độc lập của Giáo Hội trong lãnh vực đào tạo giáo sĩ, vì không muốn các chủng sinh phải giao tiếp với các giáo viên đến từ bên ngoài và học những môn nguy hiểm cho đức tin và cho đời tu mà nhà nước áp đặt trong chương trình, ngài đã cùng các đấng hữu trách quyết định cho các chủng sinh về lại các giáo phận của mình, chấp nhận giải tán tiểu chủng viện.

Năm 1963, ngài được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Tông toà Giáo phận Bắc Ninh và ngài đã thụ phong giám mục tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội ngày 15.08.1963. Khẩu hiệu giám mục của ngài là “Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa”. Tại giáo phận đã bị tan nát vì chiến tranh này, trong thiếu thốn, khổ đau, cấm cách và bắt bớ, ngài đã có nhiều sáng kiến độc đáo trong lãnh vực mục vụ để giữ vững đức tin, chăm sóc các tín hữu, bảo vệ và xây dựng Giáo Hội. Ngài cũng đã âm thầm và kín đáo đào tạo và phong chức linh mục cho một số ứng viên mà ngài xét là xứng đáng đồng thời thành lập Nữ Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh.

Năm 1990 ngài còn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Toà Giáo phận Hà Nội. Đến ngày 13.04.1994, ngài chính thức được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hà Nội và ngày 26.11.1994, ngài được phong Hồng Y. Trong thời gian này ngài còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Giám đốc Chủng viện Hà Nội (1990-2003), Giám quản Tông Toà Giáo phận Lạng Sơn (1998-1999), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (1995-2001).

Ngoài những việc mục vụ thông thường, trong vị thế của mình, ngài đã ra sức tái thiết Đại Chủng viện Hà Nội, tìm cách đối thoại với chính quyền để Giáo hội được độc lập và tự chủ hơn trong việc tuyển chọn chủng sinh, tìm cách cho các linh mục thụ phong âm thầm được ra làm mục vụ công khai, xúc tiến mối liên hệ giữa Toà Thánh và chính quyền Việt Nam, tổ chức và xây dựng nhân sự lãnh đạo cho các giáo phận ở Miền Bắc. Ngài còn sáng lập Nam Tu đoàn Truyền tin và Nữ Tu đoàn Truyền giáo Truyền tin tại Tổng Giáo phận Hà Nội.

Thi thể ĐHY Phaolô được quàng tại Hà Nội
Năm 2003, ngài được Toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu ở tuổi 84 sau khi đã lo liệu cho Tổng Giáo Phận Hà Nội được có người kế vị là Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, ngài vẫn sẵn sàng tiếp đón và giúp đỡ mọi người đến với ngài ở Toà Giám Mục trong mức độ có thể được. Ngài cũng tiếp tục quan tâm tới các vấn đề của Giáo hội và xã hội, cầu nguyện và chúc lành cho mọi người.

Ngài là một trong những gương mặt vĩ đại của Giáo Hội Việt Nam, là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội ở Miền Bắc trong hơn 70 năm qua. Ngài đã góp phần to lớn và quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong các lãnh vực tông đồ, đào tạo, tổ chức nhân sự và quan hệ ngoại giao. Cuộc đời phục vụ của ngài còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công cuộc xây dựng Giáo Hội hôm nay.
 
Diễn văn đáp từ của Thứ trưởng ngoại giao Toà Thánh Vatican tại Thái Bình
Đ.Ô. Pietro Parolin
09:07 22/02/2009
DIỄN VĂN ĐÁP TỪ CỦA ĐỨC ÔNG PIETRO PAROLIN
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO TOÀ THÁNH
TẠI QUẢNG TRƯỜNG NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ GP THÁI BÌNH
(Ngày 20/02/2009)

Trọng kính Đức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang, Giám mục Gp Thái Bình,
Trọng kính Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục TGP Hà Nội,
Trọng kính Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Gp Bắc Ninh, hai ngài đồng hành với chúng tôi ngày hôm nay và những ngày trước cũng đã đồng hành với chúng tôi.
Các linh mục, các chủng sinh, tu sĩ và tất cả mọi người, chúng tôi xin gửi lời chào thân mến và nồng nhiệt.
Các nữ tu, cũng như toàn thể anh chị em tín hữu của Địa phận Thái Bình này thân mến, phái đoàn xin gửi lời chào trân trọng tới anh chị em.

Chúng tôi xin hết lòng chân thành cảm tạ anh chị em đã tiếp rước phái đoàn một cách hết sức long trọng, hoành tráng.

Tôi nghĩ rằng tôi chỉ có thể diễn tả được tâm tình nhờ Đ.Ô Barnabe Nguyễn Văn Phương và Đ.Ô F.X. Cao Minh Dung. Chúng tôi rất lấy làm cảm kích trước cử chỉ tiếp rước của toàn thể anh chị em. Chúng tôi cảm động vì sự hiện diện của mọi người hôm nay; cảm kích vì mối tình nồng nhiệt anh chị em đã diễn tả ra cho phái đoàn; cảm kích vì đức tin sống động mà chúng tôi được biết qua sự thể hiện của cộng đồng dân Chúa ở Gp Thái Bình.

Chắc chắn rằng những tâm tình, cử chỉ tiếp rước nồng nhiệt mà anh chị em dành cho phái đoàn Toà Thánh không chỉ dành riêng cho ba cá nhân chúng tôi, những người cùng lãnh nhận sứ vụ của Đức Thánh Cha, nhưng mà anh chị em còn dành cho Đấng đã sai chúng tôi đến đây với anh chị em hôm nay.

Chúng tôi xin mang quà gửi đến cho tất cả anh chị em, đó là tâm tình, lòng yêu mến cũng như sự thương yêu và chúc lành mà Đức Thánh Cha muốn gửi đến anh chị em.

Chúng tôi sẽ mang về cho Đức Thánh Cha những gì chúng tôi mắt thấy ở đây. Tôi được hân hạnh đến viếng thăm Việt Nam lần này là lần thứ tư, Đ.Ô Phương đã mười sáu lần rồi, Đ.Ô Dung thì đây là lần đầu tiên. Tất cả chúng tôi sẽ mang về cho Đức Thánh Cha những tâm tình chúng tôi thu đạt được ngày hôm nay.

Bình thường, khi về Rôma, chúng tôi có làm phúc trình lên Đức Thánh Cha. Chúng tôi sẽ trình bày lên Đức Thánh Cha những điều, những việc chúng tôi đã làm trong những ngày qua, những ngày sắp tới. Chắc chắn chúng tôi cũng nói với Đức Thánh Cha biết những điều chúng tôi thấy, chúng tôi cảm nhận, chúng tôi được tiếp đãi ở TGP Hà Nội, tại Gp Thái Bình, những nơi chúng tôi đã đi qua và sẽ đi đến. Chúng tôi cũng sẽ nói với Đức Thánh Cha rằng, những điều chúng con diễn tả, chúng con tường thuật cho Đức Thánh Cha đây la chưa đủ, chưa diễn tả hết được. Vì vậy, điều cần thiết là khi Đức Thánh Cha đến Việt Nam, đến các Giáo phận thì chính cá nhân Đức Thánh Cha sẽ mắt thấy tai nghe những điều chúng con diễn tả một cách hết sức phiếm diện. Và đó là lý do chúng tôi xin Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam và Thái Bình là một trong những địa phận mà Đức Thánh Cha có thể cũng sẽ đến viếng thăm.

Đó là những tâm tình, ước nguyện tốt đẹp của Đức Thánh Cha, của chúng tôi và chắc chắn cũng là của anh chị em. Nhưng để được như vậy, điều chắc chắn cần thiết là phải cầu nguyện nhiều, cần làm việc nhiều, cần phải tạo điều kiện thế nào để những điều muốn, điều ước muốn và mong mỏi của chúng ta được thực hiện. Vì vậy, ngay ngày hôm nay, chúng ta hiệp thông với Đức Thánh Cha ở Rôma, và chúng ta cầu nguyện hiệp thông thế nào để cho cộng đồng dân Chúa ở đây mỗi ngày một lớn mạnh hơn trong đức tin, đức cậy và lòng yêu mến.

Một lần nữa, xin chân thành cám ơn tâm tình đón rước nồng nhiệt của anh chị em.
 
Nam Úc, CĐCG Phát Động Phong Trào ''Sống Lành Mạnh & Năng Động''
Jos. Vĩnh SA
13:48 22/02/2009
Nam Úc, CĐCG Phát Động Phong Trào "Sống Lành Mạnh & Năng Động"


Khám Sức Khoẻ
Sau Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng, Chúa nhật ngày 22/02/09. Cộng Đồng Cộng Giáo Việt Nam-Nam Úc đã phát động phong trào “Sống Lành Mạnh & Năng Động”, đã được toàn thể Cộng Động tham gia tích cực.

Ông Nguyễn Hải Thiết phụ tá Phó Chủ Tịch Nội Vụ được Ban Mục Vụ đề cử làm Trưởng Ban Điều Hợp Chương Trình, đã lên trình bày về mục đích và những lợi ích của chương trình Sống Lành Mạnh là giúp mọi người trong Cộng Đồng không phân biệt tuổi tác, biết cách sống vui, khoẻ và yêu đời.

Chương trình đã được chính phủ tài trợ với ngân khoản gần $200,000.oo Úc Kim, trong vòng một năm và hy vọng sẽ còn được tiếp tục trong tương lai.

Ngân khoản này giúp Cộng Đồng thực hiện các chương trình sinh hoạt, duy trì sức khoẻ lành mạnh qua các bộ môn thể dục, thể thao như: Bóng Bàn –Bóng Chuyền –Bóng Rổ -Đá Banh -Cầu Lông -Tennis -Banh tay -Tai Chi -Đi bộ -Đạp Xe và nhiều bộ môn thể thao nhẹ khác, cũng như các lớp gia chánh.

Sau khi ông Trưởng Ban Tổ Chức giới thiệu chương trình. Đức ông Paul Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng đã lên tuyên bố khai mạc và phát động phong trào thi đua “Sống Lành Mạnh & Năng Động”

Đặc biệt trong ngày phát động phong trào đã có các Bác sĩ và Y tá của Cộng Đồng tình nguyện khám sức khoẻ tổng quát, cho bất cứ ai muốn kiểm tra sức khoẻ của mình.

Các môn thể thao cũng được khởi xướng và thi đua bắt đầu từ ngày hôm nay.

Đến khoảng 12 giờ, Ban Tổ Chức đã thiết đãi Cộng Đồng một bữa ăn trưa "Healthy Foods" bằng các loại trái cây hảo hạng được chọn lựa kỹ càng.

Theo như chương trình được sắp đặt, thì cứ mỗi chiều thứ Sáu sẽ có các nhóm thi đua đi bộ và đạp xe, tập tai chi trong khuôn viên Cộng Đồng.

Ngoài ra các ngày cuối tuần, sẽ chia ra làm nhiều đội, chơi các môn thể thao khác như: Bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, tennis, đá bóng bàn và đi bộ nữa.

Cầu mong trong tương lai Cộng Đồng Nam Úc, mọi người sẽ có một sức khoẻ dồi dào và một thể lực hùng mạnh theo hướng tiến trong năm con Trâu.
 
ĐHY Phạm Đình Tụng: một người Thầy, một người Cha
Lm. Đặng Xuân Thành
15:07 22/02/2009
Trong cái giá lạnh của miền Bắc, ai cũng muốn cuộn mình trong chăn mơ màng ngủ, xem phim hoặc đọc truyện. Thế mà ngay từ tờ mờ sáng, chẳng phải chỉ các chức sắc Giáo Hội mà cả các giáo dân tầm thường, chẳng phải lớp thanh niên trai tráng mà là các ông bà có tuổi, chẳng phải từ một góc phố nào đó trong thủ đô Hà Nội mà tận những xóm làng xa xôi thuộc các miền quê Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định…, đã lục tục lên đường đi tới Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Điều gì mạnh đến nỗi đã lôi kéo được đông đảo tín hữu Công Giáo với đủ mọi tầng lớp rời giường chiếu và bếp lửa êm ấm, rời công ăn việc làm và người thân rất quan trọng để đến đây ?

Giản dị chỉ vì lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị cha già của tổng giáo phận: đức hồng y Phaolô-Giuse PHẠM ĐÌNH TỤNG, nhân kỉ niệm 90 ngày sinh, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục, 15 năm hồng y, đang nghỉ hưu và dưỡng bệnh tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Thật ra, nguyên những con số vừa kể cũng đáng làm cho nhiều người ngưỡng mộ và tò mò muốn biết về con người này. Bởi lẽ chẳng dễ dàng gì mà sống thọ đến 90 tuổi, nhất là khi phải sinh ra và lớn lên trong những thời kì nghèo nàn nhất của đất nước Việt Nam ? Càng không dễ dàng gì khi làm linh mục (1949-2008), giám mục (1963-2008), hồng y (1994-2008) – nghĩa là nắm giữ những chức vị cao nhất tại một giáo hội địa phương – trong một thời gian dài như thế và trong bối cảnh chính trị - tôn giáo – xã hội phức tạp như vào những thập niên ấy ?

Nhưng nếu tìm hiểu sâu xa hơn, người ta sẽ càng thêm ngưỡng mộ và tri ân con người ấy. Một con người vừa có thiên hướng vừa có thành tích đáng trân trọng trong hai lãnh vực rất được thiên hạ kính nể, đó là làm thầy và làm cha. Chính vì thế, nội dung câu chuyện và đề tài trao đổi của mọi người đến gặp ngài có thể khác nhau, nhưng cung cách và thái độ của ai ai đối với ngài cũng là cung cách và thái độ của những học trò và những người con.

Quả thật, ngài đã làm thầy và làm cha cách chập chững ngay từ khi thực tập mục vụ tại các giáo xứ Khoan Vĩ – Lý Nhân (Hà Nam). Làm thầy và làm cha cách nhiệt tình khi phục vụ trẻ mồ côi tại cô nhi viện Têrêxa (Hàng Bột – Hà Nội), phục vụ người nông dân nghèo từ quê ra thành thị làm ăn tại khu nhà bác ái xã hội Bạch Mai (Hà Nội), phục vụ giáo dân trong đời sống đức tin và bí tích tại giáo xứ Hàm Long (Hà Nội). Làm thầy và làm cha cách sâu sắc khi trở thành giám đốc tiểu chủng viện thánh Gioan (Hà Nội) – chịu trách nhiệm về đời sống nhân bản và đức tin của gần 200 chủng sinh từ các giáo phận miền Bắc. Làm thầy và làm cha cách sáng tạo khi được cắt cử trông coi giáo phận Bắc Ninh – một giáo phận vừa nghèo về mọi mặt vừa rộng về địa lí. Thông qua nhúm linh mục giàu lòng bác ái như ngài, thông qua hàng ngũ giáo dân tông đồ đông đảo được huấn luyện cách căn bản, ngài đã điều hành được giáo phận; trong số đó phải kể đến việc thành lập lớp nữ giáo dân độc thân phục vụ khắp nơi trong nhiều vai trò khác nhau, ban đầu gọi là Hội Tận Hiến, về sau trở thành Tu Hội Hiệp Nhất. Từ năm 1994, ngài chỉ chuyển địa bàn hoạt động, chứ không chuyển nghề tay phải của mình là làm thầy và làm cha tại tổng giáo phận Hà Nội. Ngài tiếp tục công tác giáo dục các chủng sinh của đại chủng viện và đào tạo giáo dân tông đồ. Năm 1996, vừa khôi phục vừa mở rộng Hội Thầy Giảng cũ của tổng giáo phận, ngài thành lập Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Tin không chỉ cho nam giới (không chỉ làm linh mục mà còn làm linh mục giàu tinh thần truyền giáo, không chỉ làm linh mục mà còn làm giáo dân tận hiến trong mọi ngành nghề) và cả cho nữ giới. Và hiện nay, ngài vẫn tiếp tục nghề làm thầy và làm cha cách âm thầm và khiêm tốn trong những hi sinh và nguyện cầu cho những học trò và con cái của mình, đã trưởng thành và có thể không còn cần dạy dỗ nữa, nhưng vẫn cần ơn Chúa.

Có một điều mà người thầy và người cha này không bao giờ để mất hẳn hay để nhòa đi trong công tác giáo dục và đào tạo của mình, đó là chú ý đến một lớp nhà đào tạo gồm các linh mục không chỉ giỏi nghiệp vụ mà quan trọng hơn, gần gũi với giáo dân, đồng thời chú ý đến hàng ngũ giáo dân được đào tạo để dấn thân trong trần thế. Nên nhớ đây là những trục tư tưởng chính trong công đồng Vatican II (1963-1965 – đặc biệt qua sắc lệnh “Chức vụ và đời sống linh mục”, hai hiến chế về Giáo Hội và Giáo Hội trong thế giới ngày nay). Tuy không tham dự công đồng – thậm chí có thể không nắm bắt tình hình thời sự của công đồng tại Vatican trong những năm Việt Nam đóng cửa – nhưng dường như ngài đã có những trực giác ấy của công đồng. Người ta có thể giải thích đó là do hoàn cảnh thực tế của các giáo phận bắt buộc ngài suy nghĩ thế, nhưng tại sao chúng ta không được phép nghĩ đó là kết quả thu lượm được từ những suy nghĩ và cầu nguyện sâu xa của ngài về Đức Giê-su mục tử, hay từ tấm lòng nhân ái và bao dung của một người cha và một người thầy ? Đó có lẽ cũng là điểm lôi kéo nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân từ miền Nam tìm gặp ngài sau ngày đất nước thống nhất: tại Bắc Ninh, người ta không chỉ nghe mà còn chứng kiến thấy sự gần gũi của ngài với giáo dân, cũng như sự trân trọng và tin tưởng ngài dành cho các tông đồ giáo dân – nhất là những giáo dân tận hiến trọn đời cho Chúa và cho Giáo Hội; hay tại Hà Nội, người ta cũng tiếp tục được nghe ngài chia sẻ ước nguyện và thao thức của mình muốn thấy một hàng ngũ linh mục đạo đức ở chỗ có trái tim mục tử như của Đức Giê-su, và một lớp giáo dân say sưa sống đạo và truyền đạo ngay giữa lòng đời. Đến cả ngày hôm nay, khi tuổi già sức yếu, khi lực đã bất tòng tâm, ngài vẫn không để tắt ngọn lửa khao khát ấy. Thỉnh thoảng gặp lại một vài người đã từng chia sẻ với ngài trước đây về hình ảnh một Giáo Hội nhập cuộc sâu xa và âm thầm trong lòng người và lòng đời như thế, mắt ngài vẫn bất chợt sáng lên, miệng ngài vẫn bất ngờ mỉm cười…, dù sau đó mắt cúi xuống, miệng khép lại như thầm thỉ nguyện cầu và phó dâng cho Chúa. Phải, đến lúc này ngài đã thấm thía rằng chỉ có Chúa – bậc Thầy và người Cha trên hết – mới có thể biến mọi giấc mơ thành hiện thực, đổi mọi ý nguyện thành cuộc sống và chuyển mọi mầu nhiệm thành ngôn ngữ ! Bổn phận chúng ta có thể chỉ là nuôi dưỡng và truyền lại cho người khác giấc mơ ấy, ý nguyện ấy và mầu nhiệm ấy, từng đó cũng khá lắm rồi !
 
Mấy kỷ niệm về Đức Hồng y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng
TS Phạm Huy Thông
15:41 22/02/2009
Tôi gọi điện thoại cho cha Thư ký Lê Trọng Cung. Cha xác nhận tin Đức Hồng y Phaolô- Giuse đã được Chúa gọi về lúc 10h10 ngày 22-2-2009. Tôi vội báo tin cho Đức cha Thái Bình. Ngài hoảng hốt: Vậy bây giờ tôi phải đến Toà Tổng giám mục Hà Nội ngay. Đột nhiên bao nhiêu kỷ niệm về Đức Hồng ào về trong tôi với bao cảm xúc trào dâng.

Tôi ấn tượng nhất về lễ nhậm chức TGM Hà Nội của Ngài ngày 14-8-1994. Bởi khi đó, dư luận vẫn lo ngại rằng: đây là giải pháp tình thế của hoàn cảnh, chứ cụ già đã đến tuổi làm đơn nghỉ hưu theo giáo luật, lại gầy gò ốm yếu thì còn đâu mà sức lực làm việc? Ấy vậy mà, con người gầy gò, nhỏ bé đó đã chinh phục được cả biển người trước quảng trường nhà thờ lớn Hà Nội. Ngài vào Nhà thờ quỳ xuống, đề nghị mọi người thinh lặng để tưởng nhớ linh mục Phạm Bá Trực- người cha linh hướng của mình, tưởng nhớ Đức Hồng y Trịnh Như Khuê- người đã nâng đỡ và phong chức giám mục cho Ngài năm 1963. Thật đúng là người hiếu nghĩa. Lời chia sẻ của vị chủ chăn đầy ắp ưu tư:

Thưa anh chị em thân mến, tôi về nhận giáo phận trong giai đoạn nước nhà đổi mới. Giáo hội cũng cần thích nghi theo nhịp đổi mới của dân tộc. Biết bao công việc phải làm, biết bao vấn đề cần giải quyết. Nhiều nhà thờ xuống cấp lâu ngày, hư hỏng vì chiến tranh cần tu sửa, nhiều giáo xứ thiếu thánh lễ đang mong chờ có linh mục khôn ngoan, đạo đức hết mình phục vụ theo gương Thày Chí Thánh… Các em thiếu nhi cần được giúp đỡ để nâng cao trình độ giáo lý và văn hoá. Các thanh niên chuẩn bị bước vào đời cần được hướng dẫn trở nên giáo dân tốt”…

Vậy là Ngài gánh nhiệm vụ và biết rõ rất nặng nề. Ngài quỳ xuống trước bàn thờ cùng cộng đoàn đọc kinh dâng giáo phận cho Thánh Tâm Chúa. Nhưng Chúa muốn thử thách Ngài thêm. Ngay sau khi vinh thăng Hồng y ngày 26-11-1994, Ngài phải kiêm thêm giám quản Hưng Hoá vì Đức cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu- đồng hương Phát Diệm với Ngài đã qua đời. Đến ngày 1-9-1998, Đức cha Vinh sơn Phạm Văn Dụ của Lạng Sơn lại ra đi và ngày 10-3-1999, Đức cha G.M Nguyễn Tùng Cương của Hải Phòng cũng được Chúa gọi về. Vậy là Ngài phải kiêm làm giám quản ba giáo phận nữa. Mà giám quản đâu có phải chỉ đến khi lễ quan thày hay về làm phép Thêm sức đâu? Vậy là Ngài cứ phải chạy đi chạy lại như con thoi. Tôi nói vui với Ngài là Ngài cầm tinh con sơn dương (tuổi Kỷ Mùi 1919) nên thoắt ở nơi này, thoắt ở nơi kia.

Địa bàn giáo phận Hà Nội đã rộng, giáo tỉnh Hà Nội càng rộng mênh mông. Vậy mà nơi nào cũng có dấu chân của Ngài. Giáo phận nào có “ vấn đề”, lập tức Ngài có mặt để an ủi, nâng đỡ. Không chỉ giáo dân Hà Nội, Bắc Ninh mà cả nhiều nơi khác cũng tin tưởng, trông cậy nơi Ngài. Thành ra cứ có việc gì là họ lại chạy đến Đức Hồng Y. Nào là chuyện xích mích giữa ban hành giáo và cha xứ Y.; chuyện nhà xứ B. xây quá to mà dân còn nghèo. Nào là nhà thờ N cổ kính mà cha sở định phá đi để xây mới…Một số giáo dân quá mộ mến, tí ti chuyện nhà, chuyện xứ họ cũng vào “ trình Đức Hồng y”. Hoặc có vài quả cam, trái mít đầu mùa cũng chờ cả buổi gặp bằng được mới thôi. Họ đâu có biết, ngài phaỉ lo toan công việc của cả giáo tỉnh, cả giáo hội Việt Nam trong cương vị là Chủ tịch HĐGMVN. Vậy mà ngài vẫn kiên nhẫn lắng nghe từng người, từng đoàn hết ngày này qua ngày khác. Ngay bản thân tôi, Ngài cũng ưu ái quá chừng. Khi gọi đến cho ít tiền để viết luận án Tiến sĩ, khi Ngài qua Roma dự lễ phong chân phước Anre Phú Yên, Ngài gọi tôi muốn mua quà gì Ngài mua cho vì có thể đây là lần cuối Ngài xuất ngoại. tôi xin Ngai một cỗ tràng hạt do chính Đức Thán cha ban phép cho mẹ tôi. Ngài ưng thuận làm theo và mẹ tôi đi đâu cũng khoe cỗ tràng hạt của Đức Thánh cha do chính Đức Hồng y xin cho.

Sức làm việc của con người nhỏ bé này thật phi thường vượt xa vóc dáng về thể chất của Ngài. Ngày 14-3-1999, người ta thấy Ngài ở Bùi Chu để chia sẻ về việc đức cha Vũ Duy Nhất đã già yếu mà chưa có người thay thế. Sáng ngày 15-3, Ngài đã chủ sự lễ tang Đức cha Hải Phòng và buổi chiều đã về Hà Nội để làm việc với phái đoàn của Toà thánh do Đức ông Cetetino Migiliore đẫn đầu.

Ngài làm việc quên cả bản thân mình. Tôi còn nhớ, năm 1995, Ngài bị ngã gẫy xương vai phải vào viện bó bột, đóng đinh rất đau nhưng khi nghe tin Đức Gioan Phaolo 2 cũng bị ngã, Ngài vẫn thảo điện thăm hỏi. Hôm tôi vào thăm Ngài tại phòng riêng. Vết thương của Ngài tái phát, chảy máu. Ngài hỏi tôi về tình hình nghiện hút ma tuý ở ngòai xã hội và muốn tôi cung cấp số liệu. Tôi nghĩ, chắc Ngài hỏi cho biết thế thôi. Nhưng đến ngày 22-10-1996, Ngài công bố Thư chung về vấn đề này. Lời lẽ rất cảm động: “Đây là một tai hoạ cho xã hội và nguy hại cho giáo hội hôm nay. Bởi vì nó phá hoại sức khoẻ, hạ thấp nhân phẩm con người, gây rối loạn trong gia đình, làm mất trật tự xã hội, đe doạ đức tin và nếp sống của người tín hữu, chẳng những cướp đi hạnh phúc trần gian mà còn đe doạ hạnh phúc đời sau nữa. Vì thế tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hảy chung tay góp sức chặn đứng và tẩy sạch tệ nạn này ra khỏi gia đình, giáo xứ và làng xóm chúng ta”.

Tôi còn nhớ khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt về làm giám quản Hà Nội cũng có dư luận ì xèo cho là không phải dân Hà Nội gốc và mới làm giám mục mấy năm. Tôi nói chuyện với Ngài. Ngài bảo: đấy không phải là ý kiến của hàng giáo sĩ và giáo dân Hà Nội. Rồi chính Ngài soạn văn thư gửi Toà thánh chấp thuận Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Trong lễ nhậm chức Tổng giám mục của Đức cha Giuse Kiệt ngày 20-2-2005, Ngài đã thay mặt cộng đoàn dân Chúa Hà Nội nguyện hiệp thông và trung thành với Đức tân Tổng giám mục, coi Đức tân Tổng giám mục là người thày dạy dỗ cộng đoàn. Đức TGM Giuse Kiệt cũng xin Ngài tiếp tục cộng tác và giúp đỡ mình trong sứ vụ mới. Vậy là bao dư luận i xèo đã tiêu tan hết.

Sau khi nghỉ hưu, Ngài định đi một xứ nhỏ bé nào đó để tĩnh dưỡng nhưng Đức TGM Giuse xin Ngài ở lại không chỉ để tiện chăm sóc mà còn là chỗ nương tựa cho mình. Vậy là Ngài vâng lời ở lại Toà Giám mục. Thật vậy, có bóng Ngài nhiều vấn đề phức tạp đã tìm được hướng giải quyết. Ngay cả khu Toà Khâm sứ, nếu không có thái độ kiên quyết của Ngài, nó đã được xây dựng thành cao ốc từ năm 2003. Còn chủ dự án đành ngậm ngùi san lấp mặt bằng sau khi đã bỏ mấy tỉ đồng để chạy dự án và làm tầng hầm ở đấy.

Ngài không có những tác phẩm đồ sộ, không có nhiều bài giảng hùng hồn nhưng là những lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành nhưng nếu sưu tập lại, nghiền ngẫm cũng thấy được ý tưởng lớn của nhà truyền giáo nhiệt thành. Chính sự đơn sơ và nhiệt huyết đó đã gieo trồng lòng nhiệt thành cho giáo sĩ và giáo dân nơi Ngài coi sóc. Bắc Ninh, Hà Nội, có nơi nào không có bàn tay ươm trồng của Ngài.

Sự đơn sơ của Ngài gây cảm phục ngay nhiều cán bộ Nhà nước đối với Ngài. Ông Nguyễn Chính- Quyền Trưởng ban Tôn giáo chính phủ nhiều lần nói với tôi rằng, Ngài là bậc chân tu rất đáng kính trọng. Bây giờ nghỉ hưu ở Sài Gòn nhưng nếu có dịp ra Hà Nội, ông lại nhờ tôi đưa đên thăm Ngài. Hai người ôm lấy nhau như những người thân thiết lâu ngày gặp lại.

Người Việt coi số 9 là số đẹp. Vàng 4 số 9 là vàng ròng. Cuộc đời Ngài có rất nhiều biến cố gắn với con số 9. Ngài sinh năm 1919, qua đời năm 2009, hưởng thọ 90 tuổi. Năm 1929, Ngài vào trường tập. Năm 1949, Ngài được nhận chức Phó tế và 6-6-1949 được truyền chức linh mục. Ngài có lẽ là được Chúa chọn cách riêng. Khi thi vào trường tập, ngài đứng thứ 39 mà trường chỉ lấy có 37 học sinh. Cứ tưởng rớt. Ai ngờ có 2 thí sinh ốm phải nghỉ, vậy là Ngài lại đỗ. Rồi khi đã bước sang tuổi 75 phải nộp đơn nghỉ hưu theo giáo luật, Ngài lại được vinh thăng TGM Hà Nội, rồi Hồng y. Vậy là Chúa đã chọn Ngài chứ không phải trần gian.

Cầu cho Ngài sớm được hưởng dung nhan Người đã chọn lựa và dẫn dắt Ngài suốt 90 năm qua.

Hà Nội, ngày Đức Hồng y tạ thế.
 
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng: Mục tử nhân lành, người Cha kính yêu
Giuse Vũ Văn Được
16:22 22/02/2009
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng: Mục tử nhân lành, người Cha kính yêu

Mắt tôi cay xè khi được tin Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, người Cha kính yêu đã được Chúa gọi về. Cả chiều nay tôi nghĩ đến Người, rồi ngẫm thấy thật đúng - những ý tưởng trong một bài khóa tiếng Pháp mà tôi được học thuộc lòng thuở nào: « Là con cái, dù giầu hay nghèo, dù sang hay hèn, cha mẹ vẫn luôn là nơi nương tựa đáng tin tưởng và chắc chắn nhất trong cuộc đời. Dù người con còn là một đứa trẻ lên ba hay là một người đầu đã hai thứ tóc, răng đã rụng, người con đó vẫn luôn cần đến cha mẹ mình. Dù người con có là ai trong thiên hạ, thiết nghĩ rằng, người con đó vẫn nhỏ bé, vẫn mãi mãi chỉ là những đứa trẻ trước cha mẹ mình… ». Niềm cảm xúc thương nhớ vô hạn đã thôi thúc tôi mạo muội viết đôi dòng về Người, dù biết rằng, đối với Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, người Cha già kính yêu của nhiều thế hệ người Công giáo Hà Nội, trước những tấm gương nhân đức và công ơn của Người với Dân Chúa, những lời nói về Người không bao giờ đủ.

Ai đã từng gặp Đức Hồng Y Giuse Phaolô chỉ một lần, chắc không thể nào quên được hình ảnh người Cha già rất đỗi mỏng manh, yếu đuối, nhỏ bé về thể xác, nhưng đời sống của Người toát lên chân dung một mục tử nhân lành trong Tin Mừng Gioan – Người « biết các chiên » và « hy sinh vì đoàn chiên » (Ga 10,14).

Tôi vinh hạnh được biết Người từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên tại Hà Nội. Ngày ấy, một tháng một lần, một số sinh viên chúng tôi thường bố trí thời gian nghỉ cuối tuần về Bắc Ninh thăm và xin thụ huấn nơi Người. Điều làm tôi ấn tượng nhất về Người là dù bận trăm công nghìn việc, Người luôn dành một vị trí đặc biệt cho giáo dân. Qua việc Người tiếp xúc với các nhóm giáo dân cũng như với sinh viên chúng tôi, có thể nói rằng, Người đã luôn quan tâm đến từng phận người, từng cảnh sống, từng vấn đề không chỉ trong đời sống thiêng liêng, mà còn cả trong đời thường của con cái. Tôi còn nhớ rõ những ngày ấy, khi giáo dân từ các vùng xa xôi hẻo lánh Tuyên Quang, Thái Nguyên về Tòa Giám mục Bắc Ninh để lãnh nhận các Bí tích, Người không những lo lắng chỗ ăn chỗ ngủ cho họ, bố trí cho họ dùng cơm chung với Người, mà Người còn luôn dành thời gian để gặp gỡ họ, động viên, an ủi họ. Người thường nói với tôi rằng không tiếp xúc với dân, không sống với dân thì không thể hiểu hết được những khó khăn, những điều họ cần nơi người mục tử, không hiểu những gì họ phải chịu đựng giữa dòng đời. Hiểu giáo dân tức là hiểu được Chúa Giêsu của ngày hôm nay.

Từ những nhu cầu mục vụ trong hoàn cảnh khó khăn của Miền Bắc Việt Nam lúc đó, nhất là trong lúc thiếu linh mục trầm trọng, Đức Hồng Y đã âm thầm đặc biệt chú trọng đến việc hun đúc tinh thần tông đồ, truyền giáo cho các tầng lớp giáo dân, các ban, các hội đoàn trong các xứ, họ ở Bắc Ninh cũng như cho tất cả những ai có dịp gặp Người. Đối với Người, truyền giáo không chỉ là việc dậy kinh dạy bổn cho những người đồng đạo với mình, truyền giáo không phải chỉ là việc của các tu sĩ, giáo sĩ, nhưng là một sứ mạng mà tất cả những ai chịu Phép Rửa đều có nhiệm vụ thực hiện lời Chúa Giêsu: « Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, làm Phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần » (Mt 28,19). Người luôn dạy chúng tôi, muốn truyền giáo, muốn trở thành « ông nọ bà kia », trước tiên phải có đời sống nhân bản, phải là một con người cho đúng nghĩa. Với ơn Chúa và đời sống nhân bản, truyền giáo chính là biến mỗi nơi chúng tôi đến thành những nơi tràn ngập đoàn kết, yêu thương, là để lại cho người mà chúng tôi gặp thấy một ấn tượng đẹp, một điều gì đó từ nơi Chúa, có thể chỉ là một cách bắt tay chân thành, một lời nói đẹp, một cái nhìn thông cảm. Khi một việc bình thường được làm với một ý thức, với một quả tim, với tinh thần của Chúa, sẽ vượt qua ý nghĩa thông thường của nhân bản và xã giao. Chính từ những thao thức truyền giáo đó mà Người đã cầu nguyện, tâm huyết, bỏ nhiều công sức để sáng lập Tu hội Con Đức Mẹ Hiệp Nhất và Tu hội Nhà Chúa, tiền thân của Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Tin Hà Nội hôm nay.

Thật vậy, bao nhiêu lần gặp Người là bấy nhiêu lần chúng tôi thấy Người lo lắng, trăn trở, thao thức với Giáo Hội, với những vấn đề của mà Giáo Hội đang gặp phải như vấn đề các giáo phận Miền Bắc thiếu linh mục trầm trọng, như làm sao trong hoàn cảnh thiếu và vắng bóng chủ chăn, giáo dân, nhất là giới trẻ, có thể sống đạo tốt giữ vững đức tin. Trong thời kỳ có nhiều ơn kêu gọi linh mục, nhưng chính quyền hạn chế một cách khắt khe số lượng chủng sinh vào chủng viện, nên ai được vào chủng viện được coi như trúng số độc đắc, Đức Hồng Y thực sự muốn có những người dâng mình cho Chúa trưởng thành về lý tưởng tu trì, không tìm danh lợi trong chức vụ, phẩm trật, nhưng tìm ý Chúa và nhất là lý tưởng hiến thân để phục vụ Chúa nơi mọi người. Người thường dạy chúng tôi: Đi tu không phải để tiến thân, mà là để hiến thân.

Theo Đức Hồng Y, những người dâng hiến giữa đời trước tiên phải là những người Công giáo tốt, những người công dân tốt. Họ cần có mặt trong mọi môi trường sống để làm chứng cho Chúa. Họ có thể là những công nhân, những kĩ sư trong các xí nghiệp, là những sinh viên trong các trường đại học, là các giáo viên trên giảng đường, là các y, bác sĩ, y tá trong các bệnh viện…Vì linh mục và các nhà truyền giáo không có điều kiện vào được những môi trường xã hội ấy để giảng đạo, nên chính những người dâng hiến đó phải là ĐÈN là MEN, là MUỐI cho môi trường sống của mình. Người nhắc nhiều đến gương Cha Charles de Foucauld, một linh mục người Pháp đã tự nguyện sống trong sa mạc ở Algérie để chia sẻ những buồn vui với dân vùng đó vì cha thấy chính Chúa Giêsu nơi họ. Theo gương Cha Charles de Foucauld, người dâng hiến Việt Nam có thể có mặt trong mọi môi trường để làm những việc mà các linh mục và các nhà truyền giáo chưa có điều kiện làm được, đến những nơi mà các vị ấy chưa có cơ hội đến được, gặp những người mà các ngài khó có dịp gặp được. Đó là chân dung của anh chị em muốn dâng mình cho Chúa nhưng không có điều kiện thuận lợi để vào chủng viện, vào tu viện, và cũng là chân dung của thành viên tu hội đời – những người chọn lối sống không phải vì không vào được chủng viện hay tu viện, mà là những người sẵn sàng sống giữa đời để yêu thương và phục vụ.

Những lời dạy dỗ ân cần của người hôm nào như vẫn còn vẳng bên tai tôi, sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời. Tôi không muốn tin rằng Người ra đi là sự thật, nhưng Người ra đi thật rồi ! Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài TRÔI của cố nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao:

Tôi thả con thuyền giấy

Thuyền giấy trôi,

Tôi thả chiếc lá

Chiếc lá trôi,

Tôi thả bông hoa,

Bông hoa trôi


Vâng, tất cả sẽ trôi, sẽ trôi vào quên lãng, trôi vào hư vô: những chiếc lá, những bông hoa, thời gian, không gian, cả những niềm vui, nỗi buồn. Đọc Gương Chúa Giêsu, phần 1 đoạn 3, tôi gặp câu: « Phù hoa nối tiếp phù hoa, của đời tất cả chỉ là phù hoa, chỉ trừ việc kính mến Thiên Chúa và phụng sự một mình Ngài ». (Vanitas vanitatum, et omnia vanitas. Proeter amare Deum, et Illi soli servire). Như vậy, con người cũng đang trôi. Mọi sự trôi, con người trôi, và thiết nghĩ, chỉ những gì vì Chúa, cho Chúa, trong Chúa, là mãi mãi còn. Cũng thế, lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội Chúa Kitô, tấm gương hy sinh của Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, người chiến sĩ Phúc Âm không biết mệt mỏi, sẽ mãi mãi còn lại trong tim con cái người, trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Đường hướng của Đức Hồng Y thánh thiện là thế, ý tưởng của người cao quý và sâu sắc như thế, nhưng việc thực hiện đường hướng đó, ý tưởng đó của người quả còn là một quãng đường dài, đòi hỏi con cái của người một sự kiên trì, tinh thần vâng phục, khiêm nhường, quên mình thực sự vì Chúa.

Hôm nay, con cái của người, dù là ai, dù sống đấng bậc nào, dù ở Hà Nội, Phát Diệm, Bắc Ninh hay ở một phương trời xa xôi nào đó, xin nguyện với lòng mình sẽ sống xứng đáng là ĐÈN, là MEN và MUỐI theo tinh thần của Chúa - điều mà Người hằng dậy dỗ và mong ước.

Xin cầu cho Người được an nghỉ muôn đời trong vòng tay yêu thương của Đấng mà Người suốt đời tin yêu, phó thác.
 
Ủy ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam có Tổng Thư ký mới
HĐGMVN
17:31 22/02/2009
Ủy ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam có Tổng Thư ký mới

WHĐ (22.02.2009) - Ngày 19-02-2009, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận TPHCM đã diễn ra cuộc họp thường kỳ của Ủy Ban Giáo lý Đức tin (UBGLĐT) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Cuộc họp do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch UBGLĐT chủ trì cùng với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư Ký, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên và các linh mục thành viên của UBGLĐT.

Cuộc họp này diễn ra trong khuôn khổ những sinh hoạt thường lệ của UBGLĐT.

Trước hết, các tổ của UBGLĐT tường trình về những hoạt động và trình bày dự kiến về những công tác trong thời gian tới.

Cha Phêrô Nguyễn Hữu Lai, thay mặt Tổ Soạn thảo Từ Vựng Công Giáo, báo cáo về những gặt hái bước đầu trong việc biên soạn công trình Từ Vựng Công Giáo, đồng thời cũng đã tiếp thu ý kiến đề nghị Ban Biên Soạn giới thiệu vài mẫu định nghĩa đã hoàn thành, để các cộng tác viên và các vị tham gia biên soạn có thể tham khảo.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Ninh, đại diện cho Tổ Giáo lý tường trình về hoạt động nổi bật của tổ trong thời gian qua là tổ chức thành công Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần II tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho. Một thành viên khác của Tổ, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, đã trình bày bổ sung về mối quan tâm của nhiều thành phần dân Chúa đến việc huấn giáo, đặc biệt bản đúc kết Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Mỹ Tho đã thúc đẩy giáo dân muốn được góp phần tích cực vào cộng việc quan trọng này.

Phần tường trình của Tổ Thần học do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đảm nhận. Đức cha cho biết Tổ đã thực hiện được hai cuộc hội thảo chuyên đề (Spe Salvi và Humanae vitae), soạn thảo Đề Cương Năm Thánh 2010 và đã tiến hành dịch thuật được gần 30 đầu sách đã đăng ký. Đức cha cũng thông tin về trang web của HĐGMVN đang được chỉnh sửa, nâng cấp, để tạo “không gian truyền thông” cho các Uỷ ban trực thuộc HĐGMVN, trong đó có UBGLĐT.

Sau phần tường trình, các tham dự viên đã thảo luận những vấn đề chuyên môn theo từng tổ.

Đúc kết cuộc họp, UBGLĐT đã xác định những công việc chuyên môn cần được hoàn thành trong thời gian tới.

Theo đó, Tổ Thần học sẽ hoàn tất việc chỉnh sửa bản dịch các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II và 14 thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để nếu có thể sẽ xuất bản vào dịp Năm Thánh 2010.

Ngoài ra Đức Cha Chủ Tịch yêu cầu soạn thảo một bản phúc trình cho Toà Thánh dịp Ad limina tháng 6-2009 sắp tới. Nội dung bản phúc trình là tóm tắt các hoạt động đã thực hiện của UBGLĐT trong 5 năm qua, trình bày vắn tắt về bản nội quy của UBGLĐT, trình bày những thuận lợi và khó khăn, nhận định và nêu lên những định hướng hoạt động trong tương lai của UBGLĐT, đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh Giáo hội tại Việt Nam. Với đường hướng nêu trên, nhóm biên soạn Đề Cương Năm Thánh 2010 (gồm Đức Cha Phêrô, cha Giuse Nguyễn Văn Am, cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, cha Antôn Hà văn Minh, cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn) đã được chỉ định soạn bản phúc trình của UBGLĐT.

Về công tác của Tổ Giáo lý, cha Giuse Bùi Văn Hoàng đã trình bày công việc chỉnh sửa bản tiếng Việt của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong gần 2 năm qua, dựa trên bản góp ý của Toà Thánh. Công việc cơ bản đã xong, nhưng còn phải hoàn hảo hơn để kịp cho Đức Cha Chủ Tịch trình lên Toà Thánh dịp Ad limina sắp tới. Công tác đầy khó khăn và vất vả này đã được Quý Cha trong UBGLĐT nhiệt tình khích lệ.

Cũng trong cuộc họp này, các thành viên UBGLĐT đã đồng thuận với Đức cha Chủ tịch chọn cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, làm Tổng thư ký của UBGLĐT, thay cho Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm vừa nhận trọng trách Giám mục Phụ tá TGP TPHCM.

Cha tân Tổng thư ký nhận nhiệm vụ mới, nói lên lời cám ơn sự tín nhiệm của Đức cha Chủ tịch, quý Đức cha và quý cha, đồng thời hứa cố gắng đẩy mạnh hoạt động của Tổ Giáo Lý, nhưng không quên tầm quan trọng của các hoạt động của Tổ Thần học nhằm phục vụ Hội Thánh tại Việt Nam.

Cuộc họp đã kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.
 
“Nó còn giữ đạo không?” - Tiễn biệt Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Mai Quốc Ngọc Khôi
22:56 22/02/2009
Cách đây nhiều năm, lần đầu tiên đặt chân xuống Hà Nội, rồi từ đó đi về làng quê Thái Thụy (Thái Bình), một người tín hữu sinh ra và lớn lên ở miền Nam như tôi đã không khỏi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ nọ. Suốt dọc đường đi, ngang qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định… các ngôi thánh đường cổ kính, sừng sững tháp chuông với những lá cờ vàng trắng tung bay chấp chới. Về đến tận giáo họ quê tôi, vẫn “lá cờ Tòa Thánh” không huy hiệu, treo theo “lối địa phương” trông như một bảo chứng “máu chiên bôi trên cửa” giữa bốn bề đồng lúa. Tôi rùng mình nhiều lần. Chắc hẳn, ai rõ chuyện “cờ quạt” vốn “tế nhị” và “nhạy cảm” thế nào ở đất nước này, thì cũng chia sẻ cái rùng mình như tôi! Hơn nữa, hình ảnh này rất khó bắt gặp ở phương Nam, thậm chí đâu đó tại Sài Gòn, cho rằng việc treo cờ như thế là… nhà quê!? Giáo họ tôi chưa có linh mục. Mỗi năm, chỉ duy nhất lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bổn mạng họ đạo là có cha về dâng thánh lễ. Thế nhưng, tất cả các ngày còn lại trong năm, nhà thờ lúc nào cũng sáng đèn vào lúc chập choạng để dân làng đến đọc kinh, lần hạt. Mọi việc do Ban hành giáo lo liệu cho bà con…

Quay về Hà Nội, khi chen chúc trước cửa Nhà thờ Sainte Marie (Dòng thánh Phaolô thành Chartres, số 37 Hai Bà Trưng) tìm chỗ gửi chiếc xe đạp cà tàng mượn ở nhà trọ, mắt tôi cay khi tai tôi nghe người mẹ trẻ đang hối hả dắt tay cô con gái tuổi mẫu giáo của mình vào nhà thờ: “Nhanh lên con, hôm nay lễ trọng đấy!” Tôi nhớ ra hôm đó lễ Thánh Phanxicô Xaviê và tôi chỉ đến nhà thờ theo thói quen. Nhà thờ đông nghịt người… Cậu bé vừa tan trường, tháo vội chiếc khăn quàng đỏ “đội thiếu niên tiền phong”, phóng vào phòng mặc áo Nhà thờ Cửa Bắc. Hỏi thăm, tôi biết em là lễ sinh và tham gia đội dâng hoa của giáo xứ. Chị phụ trách vừa trang điểm cho các em, vừa cười nói: “Hôm nay, các em được mời đi dâng hoa kính Đức Mẹ tại Nhà thờ Chính tòa”.

Còn rất nhiều tình cờ dễ thương mà tôi dễ dàng bắt gặp ở “Giáo Hội miền Bắc”, nơi tiếng là “một Giáo Hội tiền Công đồng”, sao lại sống động lạ? Mỗi chiều Chúa Nhật, các chủng sinh lại tìm đến chân cầu Long Biên, băng qua “bãi tắm tiên” tai tiếng tăm của Hà thành - ngay cả “người Hà Nội gốc” cũng chưa chắc dám mò đến - để dạy đọc và viết cho thiếu nhi của cái làng nổi tự phát trên sông Hồng. Những chữ đầu tiên mà các em ê a hay nguệch ngoạc trên giấy lại là những câu Kinh Thánh.

Bằng sự kiên trung của mình, như một người khổng lồ “nhắm mắt để đó” và đã trỗi dậy, có lẽ sẽ có nhiều nghiên cứu, đánh giá, phân tích chính xác hơn về những nguyên nhân “thắng trận” của Giáo Hội miền Bắc. Chắc chắn có rất nhiều yếu tố làm nên sự thành công. Và chỉ có Chúa mới tường Thánh Thần Chúa đã làm việc thế nào trong suốt 3/4 thế kỷ dưới “chiếc vòng kim cô”. Trong kích thước bài viết này, tôi nghĩ đến gương sáng của các vị Chủ chăn.

Sự thánh thiện, đời sống cầu nguyện và can trường của 3 đời Hồng Y Hà Nội, của các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, giáo dân và những người thiện chí thuộc Tổng Giáo phận, há chẳng phải là một chất hồ tinh kết dính đại gia đình Tổng Giáo phận? Nói như Cụ cố Giuse Vũ Thế Hùng - thân phụ cha Matthêu Vũ Khởi Phụng (DCCT): "Giáo Hội miền Bắc như viên gạch xin-va-ran, càng nén, càng chắc và cứng”. (Gạch xin-va-ran là một loại gạch nổi tiếng thời bao cấp ở miền Bắc)

Gần gũi hơn cả về thời gian và tình cảm, chính là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Bất cứ giáo hữu miền Nam nào khi ra Bắc vào giai đoạn “mở cửa” trở đi, cũng đều được khuyên rỉ tai “Nên vào thăm Đức Hồng Y, ngài thích lắm!” Tuy thế, lần đầu đứng tần ngần trước Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, tôi lại hình dung đến “cung cách” và “bầu khí” ở Tòa Tổng thành phố thân yêu của tôi, tôi lại thôi, không dám vào. Phải đợi đến đầu năm 2008, khi cùng đoàn đại biểu Công Giáo Sài Gòn ra Hà Nội dự hội thảo “Liên kết các hoạt động thực tiễn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trước đại dịch HIV/AIDS” do Hội đồng Giám Mục Việt Nam phối hợp cùng Caritas Đức tổ chức, chúng tôi mới được diện kiến Đức Hồng Y Tụng lần đầu tiên. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các thầy chủng sinh dẫn chúng tôi vào phòng ngài. Đức Hồng Y đang được mớm thức ăn. Vì biết tình trạng sức khỏe của ngài, nên chúng tôi đã xác định chỉ thăm hỏi chứ không mong bàn luận gì nhiều. Gặp chúng tôi, ngài hết sức vui vẻ, nở nụ cười khó nhọc, vì vướng víu ống dẫn cắm vào lỗ mũi. Ngài thở chậm và khó. Đôi mắt vẫn hết sức linh lợi và sáng quắc. Chúng tôi cố gắng nhắc lại cho Đức Hồng Y những kỷ niệm trong công tác mục vụ ngày xưa, ngài không nói gì cả, chuyện nào vui và nhớ thì ngài cười hoặc gật đầu. Tình cờ, một người bạn trong nhóm chúng tôi đề cập đến một thanh niên ở Pháp, người mà khi sang bên ấy, Đức Hồng Y đã có lần tá túc tại nhà anh. Vừa nghe xong, ngài chỉ hỏi lớn: “Nó có còn giữ đạo không?” Mọi người kinh ngạc, ai cũng nghĩ giọng ngài vào lúc này không thể nào to và rành rọt như thế. Bất ngờ với câu hỏi kiểu như của một cụ già miền Bắc với “lòng đạo đức bình dân”, mọi người cười ồ. Ngài cũng cười. Nhưng sau đó mọi người nhìn nhau, thinh lặng. Câu hỏi “Nó có còn giữ đạo không?” vẫn văng vẳng bên tai tôi đến hôm nay. Đó có thể là một trong những lời nói cuối cùng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng với các giáo hữu đến thăm ngài trong những ngày tháng sau hết.

Thời điểm ấy, Tổng Giáo Phận Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm bổn mạng, thượng thọ 90 tuổi, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng Y của ngài. Chúng tôi tản bộ dọc theo phố Nhà Chung. Có mấy người giáo dân túc trực cạnh Tòa Khâm Sứ. Họ kết hoa cắm lên hàng rào khu đất đang “tranh chấp” ấy. Một cụ già trong số đó phấn khởi với tôi: “Tết này tôi ở lại Hà Nội, chú ạ!”. Cốc chè xanh mới hãm, khói ngheo ngói theo làn hơi đã khan, ông mời tôi cho đỡ lạnh. Ông tâm sự, nhiều năm trước, ông không dám đưa tay làm dấu thánh giá. Ông bảo tôi cầu nguyện cho Giáo Hội miền Bắc với: "Chú về trong ấy sớm quá, ráng ở thêm vài ngày, mừng bổn mạng Đức Hồng Y và cầu nguyện cho ngài, cho chúng tôi..." Im bặt để lắng nghe Xuân Hà Nội. Câu chuyện dừng giữa đôi mắt xa như hành trình về Đất Hứa. Ông chong đóm, rít thuốc lào... khói quyện khói theo từng câu: "Đời tôi, đời người dân xứ Bắc chưa bao giờ lạc niềm tin!" Trời Hà Nội gió căm căm. Phải chăng cơn rét này sẽ "đông lạnh" Hà Nội. Ông xiết chặt tay run vì lạnh nhưng sưởi nóng lòng người phương Nam. Hơn ai hết, hẳn ông và những tín hữu “tiền công đồng” khác sẽ khóc rất nhiều khi hay tin Đức Hồng Y thân yêu của chúng ta đã được Chúa gọi về. Sự thánh thiện, đời sống cầu nguyện và can trường chính là một thứ “nội công” mà người dân xứ Bắc nói riêng và người Công giáo Việt Nam nói chung đã được nêu gương sáng để chiến thắng mọi thử thách.

Từ sau sự kiện Bùi Phát - bảo vệ Đức Khâm Sứ - những “tiếng chuông báo hiệu Giáo hội đang lâm nguy” dường như đã hoàn toàn bị “khai tử” ở Sài Gòn (thậm chí nhiều nơi tháp chuông đã “biến mất”)!? Chiều 22-2-2009, Hà Nội ngân tiếng chuông bi tráng, sầu vương một vị anh hùng vừa hoàn tất giờ Vượt Qua của mình. Tương tự, những tiếng chuông trước đó không lâu, cũng rền vang khắp giáo phận khi “dùi cui, chó săn và hơi cay” tiến vào các linh địa… Tiếng chuông - đó lại không phải là “di sản” biểu trưng của tinh thần Phạm Đình Tụng dành cho Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo Hội Việt Nam? Đó lại không phải là tình cảm thiêng liêng mà giáo dân Hà Nội, giáo dân Việt Nam trên toàn cầu nói lời tri ân với vị Chủ chăn đáng kính? Sức mạnh của Giáo Hội Công Giáo chính là đời sống chứng nhân. Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - một chứng nhân quá đỗi bình dị, đến và đi trong một giai đoạn lịch sử dị thường của dân tộc. Và hậu bối chúng ta, là những kẻ tin được mời gọi tiếp bước!
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Tin về Đại hội Giáo Lý toàn quốc Hoa Kỳ X: Thánh Phaolô Tông Đồ: Mẫu Gương của Giáo Lý Viên
Uỷ ban Giáo Lý VN/HK
05:53 22/02/2009
Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ
2580 Tecumseh St., Baton Rouge, Louisiana 70805
225-355-9794 (work) 225-802-4153 (cell)
225-358-9198 (fax) giaoly@giaoly.org


ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC KỲ X
Ngày 12-14 tháng 6 năm 2009
Tại Giáo xứ Thánh Antôn Padua & Lê Văn Phụng
2305 Choctaw Dr., Baton Rouge, Louisiana 70805


Lá Thư Cha Trưởng Ban

Trong giờ Kinh Chiều ngày 28/6/2008 tại Đền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành, ĐTC Biển Đức XVI đã chính thức tuyên bố khai mạc Năm Thánh Phaolô Tông Đồ, từ ngày 29/6/2008 đến ngày 29/6/2009, nhân dịp hai ngàn năm sinh nhật của Ngài, “ngày sinh nhật được các sử gia cho rằng ở vào giữa khoảng năm 7 và 10 sau Chúa Giáng Sinh” (x. VietCatholic).

Trong phiên họp của Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ, được tổ chức tại Nhà Ơn Gọi Tu Hội Nhập Thể Tận Hiến Truyền Giáo, 20303 Kermier Rd, Waller, Texas, Ủy Ban đã quyết định tổ chức Đại Hội Giáo Lý kỳ X, vào cuối tuần 12-14 tháng 6 năm 2009, tại Baton Rouge, nhằm vào những ngày cuối cùng của Năm Thánh Phaolô.

Sống trong tinh thần Năm Thánh Phaolô mà ĐTC Biển Đức XVI mong muốn, Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc kỳ X mang chủ đề: “Thánh Phaolô Tông Đồ: Mẫu Gương của Giáo Lý Viên”. Đức Ông Đinh Đức Đạo (Roma) đã nhận lời làm thuyết trình viên của Đại Hội.

Sáu đề tài hội thảo của đại Hội sẽ xoay quanh chủ đề này, nhằm giúp cho các giáo lý viên hiểu, sống và truyền đạt cho các học sinh tinh thần, giáo lý và gương sống đức tin của Thánh Phaolô, Tông đồ Dân Ngoại, một nhà thần học, và một nhà truyền giáo số một: hăng say, nhiệt thành, hy sinh, quên mình, quảng đại... Ngài đã từng nói: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng; đối với tôi sống là Đức Kitô; Chúa Kitô không sai tôi đi rửa tội, nhưng đi rao giảng Tin Mừng...

Ngoài sáu đề tài hội thảo trên đây, Đại Hội vẫn duy trì ba đề tài hội thảo mang tính huấn luyện dành cho giáo lý viên: Phương pháp soạn bài và đứng lớp, Sinh hoạt của lớp Giáo Lý và Tĩnh Tâm Thêm Sức Ephata.

Trên Bản Tin Giáo Lý & Việt Ngữ những số tiếp theo sẽ lần lượt trình bày thêm về chủ đề và nội dung của các đề tài hội thảo, cũng như thể thức ghi danh.

Kính chúc qúy Giáo Lý Viên và qúy vị Năm Mới Kỷ Sửu khang an và thịnh vượng.

Baton Rouge, 01/2009
Lm Giuse Nguyễn Việt Hưng
Chủ tịch UBGLVN

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC KỲ X

Thời gian Đại Hội: Ngày 12-14 tháng 6 năm 2009
Địa điểm: Giáo xứ Thánh Antôn Padua & Lê văn Phụng
2305 Choctaw Dr., Baton Rouge, Louisiana 70805
Ban Tổ Chức: Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ
Chủ đề cho Ðại Hội: Thánh Phaolô Tông Đồ: Mẫu Gương của Giáo Lý Viên
Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh” (1 Cr 1:23
Thuyết trình viên: Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Rôma.

Các đề tài hội thảo:
1. Phương Pháp Soạn Bài & Ðứng Lớp
2. Sinh Hoạt lớp Giáo Lý
3. Tinh Tâm Ephata (dành cho lớp Thêm Sức)
4. Trình bày về hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô bằng những phương tiện hiện đại.
5. Thánh Phaolô và việc hội nhập văn hóa trong sứ mệnh Truyền Giáo.
6. Thánh Phaolô và vai trò phụ nữ trong việc xây dựng cộng đoàn.
7. Thánh Phaolô, một Giáo Lý viên gương mẫu.
8. Thánh Phaolô: Bí Tích Thánh Thể và Cộng Đoàn.
9. Đọc và hiểu các Thư Thánh Phaolô.

Tham dự viên: Tham dự viên không giới hạn phái tính, tuổi tác hay nghề nghiệp.

Thể lệ Ghi danh:Điền Phiếu Ghi Danh và gửi về Văn Phòng Giáo Lý.
Đóng Lệ phí: $125.00

Hạn chót ghi danh là ngày 31/5/2009.

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI GIÁO LÝ KỲ X

Thời gian Ngày 12-14/6/2009
Địa điểm Giáo xứ Thánh Antôn Padua & Lê văn Phụng
2305 Choctaw Dr., Baton Rouge, LA 70805


Thứ Sáu, 12-6
1pm Ghi danh
3pm Cầu nguyện khai mạc (tại nhà thờ)
3:40 Lời chào mừng và dẫn vào Đại Hội của Cha Trưởng Ban.
Giới thiệu Khối Nội Dung và Khối Điều Hành Đại Hội & các tham dự viên
(tại hội trường)
4:30 Sinh hoạt Nhóm Nhỏ
4:50 Trình bày và chọn đề tài hội thảo
5:45 Cơm chiều
7:15 Bài Thuyết trình 1 - Đ.Ô. Giuse Đinh Đức Đạo, Rôma
8:15 Thảo luận theo nhóm nhỏ
8:45 Giải lao
9:00 Đặt câu hỏi
9:30 Phút Hồi Tâm
Họp trưởng nhóm, chuẩn bị cho sinh hoạt ngày hôm sau

Thứ Bẩy, 13-6
6:45 Thánh lễ
7:45 Chụp hình lưu niệm
8:15 Điểm tâm
9:00 Bài thuyết trình 2 - Đ.Ô. Giuse Đinh Đức Đạo, Rôma
10:00 Thảo luận theo nhóm
10:45 Giải lao
11:00 Đặt câu hỏi & giải đáp những thắc mắc liên hệ tới hai bài thuyết trình
12pm Cơm trưa
1:30 Hội thảo vòng 1
3:30 Giải lao
4:00 Hội thảo vòng 2
6:00 Cơm chiều
7:15 Chầu Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải - Viết tâm tình đại hội.
8:30 Thắc mắc – Giải đáp
9:30 Ca nguyện vào đời (Praise & Worship)
10:30 Nghỉ đêm

Chúa Nhật 14-6
6:45am Điểm tâm
7:45 Nhóm nhỏ chia sẻ & góp ý
9:00 Giải lao
9:15 Tổng kết & Lượng giá Đại Hội.
10:45 Chuẩn bị Thánh Lễ – thu xếp hành lý
11:30 Thánh Lễ bế mạc.
1:00pm Shrimp & crab festival – Chia tay.


ÐẠI HỘI GIÁO LÝ X - 12-14/6/2009 - 6 ÐỀ TÀI HỘI THẢO

1. TRÌNH BÀY VỀ HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH PHAO-LÔ BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN HIỆN ÐẠI (Anh Phaolô Phạm Xuân Khôi)

Hành trình truyền giáo của thánh Phao-lô được tường thuật trong Tông Ðồ Công Vụ là một bằng chứng hùng hồn về lòng truyền giáo nhiệt thành của ngài; đồng thời có tính cách hấp dẫn của loại truyện mạo hiểm. Nếu hành trình này được kể lại bằng những phương tiện hiện tại, như slide show có lồng tiếng nói và âm nhạc, phim ngắn, v.v..., học sinh sẽ tiếp nhận và học hỏi một cách thích thú và hào hứng. Buổi hội thảo đưa ra một vài powerpoint và video clip làm mẫu như những gợi ý cho tham dự viên, để tham dự viên khi trở về có thể cùng với học sinh thực hiện những “sản phẩm” tương tự.

2. THÁNH PHAO-LÔ VÀ VIỆC HỘI NHẬP VĂN HOÁ TRONG SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO (GS Quyên Di)

Tinh thần hội nhập văn hoá của thánh Phao-lô gợi nhớ hành trình truyền giáo của các vị thừa sai trên đất nước Việt Nam. Tinh thần ấy cũng giúp chúng ta nghĩ đến việc hội nhập văn hoá của người Công giáo Việt Nam khi sống tại các nước khác, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Cuộc hội thảo là một buổi kể truyện bằng lời, hình ảnh và phim phóng sự, dựa trên ba điểm:
• Phao-lô và việc hội nhập văn hoá
• Các vị thừa sai đến Việt Nam và việc hội nhập văn hoá
• Người Công giáo Việt Nam Hải Ngoại và việc hội nhập văn hoá

3. THÁNH PHAO-LÔ VÀ VAI TRÒ PHỤ NỮ TRONG VIỆC XÂY DỰNG CỘNG ÐOÀN (Cha Nguyễn Thảo & Chị Mộng Hằng)

Càng ngày sự tham gia vào việc xây dựng cộng đoàn bằng sự hiện diện và bằng những đóng góp cụ thể của nữ giới càng cao. Phụ nữ có nhiều đức tính và khả năng trong nhiều lãnh vực, đó là điều Giáo Hội công nhận và mới đây, Hội Ðồng Giám Mục Á Châu cũng đã nhắc tới.

Trong bối cảnh ấy, cuộc hội thảo giúp tham dự viên tìm hiểu quan niệm và lập trường của thánh Phao-lô về vai trò phụ nữ trong việc xây dựng cộng đoàn. Cuộc hội thảo cũng giúp tham dự viên nhìn ra những điểm về thánh Phao-lô mà có thể trước đây chưa được hiểu rõ, liên quan đến vai trò của người phụ nữ.

4. THÁNH PHAO-LÔ, MỘT GIÁO LÝ VIÊN GƯƠNG MẪU (Sr. Kim Khương & Cha Trần Mạnh Hùng)

Là một thần học gia lỗi lạc, một nhà truyền giáo vĩ đại, thánh Phao-lô đồng thời cũng là một giáo lý viên nhiệt thành. Cuộc hội thảo giúp tham dự viên khám phá ra cách dạy giáo lý của thánh Phao-lô, để rồi nhìn ngài như một gương mẫu trong việc dạy giáo lý của chính mình. Buổi hội thảo vừa nhắm tới phương pháp sư phạm của thánh Phao-lô vừa nhắm tới những đức tính cần thiết của một giáo lý viên, qua mẫu gương của thánh Phao-lô.

5. THÁNH PHAO-LÔ: BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CỘNG ÐOÀN (Cha Vũ Xuân Minh)

Ðối với thánh Phao-lô, bí tích Thánh Thể và sự hiệp nhất trong cộng đoàn không tách rời nhau, vì cộng đoàn hiệp nhất trong bí tích Thánh Thể và bí tích Thánh Thể giúp hiệp nhất cộng đoàn. Buổi hội thảo, một lần nữa, nhấn mạnh rằng bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống Công giáo. Buộc hội thảo này giúp tham dự viên cách hướng dẫn học sinh hiểu và sống bí tích Thánh Thể, qua mẫu gương là thánh Phao-lô.

6. ÐỌC VÀ HIỂU CÁC THƯ THÁNH PHAO-LÔ (Cha Dominic Hùng & TS Lê Xuân Hy)

Không phải ngẫu nhiên mà Giáo Hội chọn hầu hết Bài Ðọc II trong các thánh lễ là những đoạn trích thư thánh Phao-lô. Tuy nhiên, thực tế những thư này thường chưa được tìm hiểu cặn kẽ. Vì thế, giáo lý viên có nhu cầu hiểu những thư này một cách chính xác và sâu xa hơn, để rồi áp dụng tư tưởng và giáo huấn của thánh Phao-lô trong đời sống. Có nhiều cách đọc để hiểu thư của thánh Phao-lô. Cuộc hội thảo này đưa ra một số phương pháp, đồng thời giúp tham dự viên cách hướng dẫn các học sinh áp dụng những phương pháp này.
 
Thông Báo
Cáo phó: ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã về nhà Cha trên trời
VP Tòa TGM Hà Nội
09:18 22/02/2009

CÁO PHÓ


Trong niềm tín thác vào Chúa Kitô Tử nạn và Phục sinh,
Tòa Tổng Giám mục Hà nội kính báo:
Đức Hồng Y Phaolô-Giuse
PHẠM ĐÌNH TỤNG

nguyên Tổng Giám mục Hà nội

đã được Chúa gọi về vào lúc 10giờ 10 phút ngày 22-02-2009.
Hưởng thọ 90 tuổi.

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse
Sinh ngày 20-05-1919 tại Cầu Mễ, Yên mô, Ninh bình
Nhập Tràng Tập Hà nội: 1929
Học Tiểu chủng viện Hoàng nguyên: 1933 - 1939
Học Đại chủng viện Xuân bích: 1940 – 1945
Học tại Dòng Chúa Cứu Thế: 1945 - 1949
Thụ phong Linh mục: 06-06-1949
Chính xứ Hàm Long: 1950 – 1955
Giám đốc Chủng viện Gioan: 1955
Được tấn phong Giám mục Bắc ninh: 15-08-1963
Nhận chức Tổng Giám mục Hà nội: 23-04-1994
Nhận mũ Hồng Y: 26-11-1994
Giám quản Lạng sơn: 1998
Bệnh nặng: 03-2006
Về Nhà Cha: 22-02-2009

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Chúa nhật 22-02-2009: Các nhà thờ đồng lọat đổ chuông sầu lúc 17g
Thứ Hai 23-02-2009
07:00: Nghi thức tẩm liệm
08:00: Lễ Phát tang tại Nhà thờ Chính tòa
Sau lễ Phát tang, bắt đầu các lễ viếng.
Thứ Năm 26-02-2009
08:00: Di quan ra lễ trường
09:00: Thánh lễ An táng

Xin hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse kính mến được mau chóng về hưởng Tôn Nhan Chúa.

Kính báo
Văn phòng Tòa Tổng Giám mục