Ngày 25-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhà thờ Đức Bà Mân Côi tiếp đón trẻ mồ côi
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
00:45 25/02/2008
NHÀ ”ĐỨC BÀ MÂN CÔI” TIẾP ĐÓN TRẺ MỒ CÔI

Tommaso chào đời trong một gia đình Ý có 7 anh em. Chuyện đáng buồn là ông Antonio - thân phụ Tommaso - là người nghiện rượu. Vì thế thân mẫu Tommaso bỏ gia đình ra đi sau khi bà sinh hạ đứa con sau cùng. Từ đó Tommaso ra tay chăm sóc các em nhỏ thay Mẹ, trong khi người Cha đi lang thang chè chén say sưa. Mặc dầu không phải Anh Cả, nhưng với tính tình cương quyết, Tommaso có thể cáng đáng mọi việc thay thế Mẹ Cha..

Mỗi khi Cha trở về nhà say mèm, Tommaso ân cần săn sóc Cha. Cậu đưa Cha vào phòng riêng, cởi áo cởi giày rồi đặt Cha nằm ngay ngắn trên giường. Xong cậu khép cửa lại để Cha ngủ yên. Chỉ một lần duy nhất, khi một đứa em nhỏ bị bệnh nặng cần phải đưa vào nhà thương gấp, Tommaso mới tìm cách đánh thức Cha dậy. Tommaso muốn Cha trông thấy tận mắt tình trạng nguy ngập của đứa con nhỏ. Vào dịp này, vị bác sĩ của gia đình - cũng là bạn cùng lớp với ông Antonio ngày xưa - nói thẳng với ông rằng:

- Nếu bạn không dứt khoát từ bỏ rượu chè thì chắc chắn bạn sẽ sớm ra đi về thế giới bên kia!

Và đúng như lời bác sĩ tiên đoán. Ông Antonio từ trần vài năm sau đó, để lại đàn con 7 đứa. Người anh cả phải làm việc suốt ngày nơi xưởng. Mọi việc trong nhà Tommaso phải cáng đáng hết. Vừa trông coi nhà cửa vừa chăm sóc các em, Tommaso vẫn thầm kín nuôi thêm giấc mộng trở thành Linh Mục. Mặc dầu thấy rõ ước nguyện khó thực hiện, Tommaso không nao núng. Cậu phó thác mọi dự tính tương lai cho Hiền Mẫu MARIA Thiên Quốc. Đi kèm tâm tình con thơ thảo hiếu là lời khấn xin qua việc lần chuỗi Mân Côi. Mỗi ngày Tommaso đọc không biết bao nhiêu tràng kinh Mân Côi. Đó là phương thế duy nhất và khiêm tốn nhất mà Tommaso có thể dâng lên Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.

Một ngày sống của Tommaso được phân chia như sau. Ban sáng, theo học các khóa nơi Chủng Viện. Ban chiều làm việc nơi hãng thầu xây cất. Ban tối, sau khi dọn dẹp nhà cửa là thời giờ dành cho việc học. Cùng với việc làm, việc học, Tommaso âm thầm làm nhiều hy sinh. Nhưng nhất là việc lần hạt Mân Côi đã mở rộng con đường đưa Tommaso đến chỗ thực hiện 2 ước nguyện thánh thiện và bác ái. Thứ nhất, trở thành Linh Mục. Thứ hai, xây một ngôi nhà dành để tiếp đón các bạn trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, nghiện ngập, xì-ke ma túy. Nói tắt một lời, các bạn trẻ cần được giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng tinh thần đi trước vật chất. Nghĩa là các bạn trẻ sẽ được dạy dỗ cho biết sự hiện hữu của THIÊN CHÚA, Đấng dựng nên con người và hằng theo dõi, chăm sóc, yêu thương con người.

Một hôm Tommaso tỏ lộ các dự tính cho một Linh Mục và được ngài tận tình nâng đỡ. Trước tiên là việc xây cất một ngôi nhà để tiếp đón các bạn trẻ mồ côi, nghèo nàn đáng thương. Khi dự án khởi công, Tommaso bất ngờ nhận được sự giúp đỡ vật chất từ rất nhiều phía. Không ai rõ như thế nào. Tiếp đến là sự giúp đỡ quí giá của ông chủ nơi hãng thầu Tommaso làm việc. Khi việc xây cất hoàn thành, nhiều người tự nguyện làm nhân viên giúp việc huấn luyện và giảng dạy cho các trẻ em và người trẻ của ngôi nhà. Ngôi nhà được dâng kính và mang tên ”Đức Bà Mân Côi”.

Mấy năm sau khi ngôi Nhà Đức Bà Mân Côi thành hình, Tommaso cũng thực hiện được ước nguyện thứ hai: trở thành Linh Mục của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Từ đó các bạn trẻ của ngôi nhà Đức Bà Mân Côi thường gọi thêm bằng danh từ ”Ngôi Nhà Cha Tom”. Trong ngôi nhà này, mỗi ngày phải lần 3 tràng chuỗi Mân Côi. Cha Tommaso giải thích:

- Giống như người ta nuôi thể xác bằng 3 bữa ăn, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng linh hồn bằng 3 tràng chuỗi Mân Côi. Lời kinh Mân Côi trao ban niềm vui, an bình và niềm hy vọng cho các bạn trẻ. Kinh Mân Côi cũng trao ban sức khoẻ cho cả thể xác lẫn tâm hồn, nhờ lời chuyển cầu quyền năng của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Hiền Mẫu Thiên Quốc.

... ”Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu phải đợi lâu mới được con giúp đỡ.. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha và với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng; được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Sách Huấn Ca 4,1-3/10).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.21, 23-5-2004, trang 11)
 
Ơn Chúa Quá Đủ Cho Con
Tuyết Mai
04:18 25/02/2008
Ơn Chúa Quá Đủ Cho Con

Con ơi hãy nghe lời mẹ dậy!
Dù làm bất cứ việc gì, con đừng nghĩ là làm cho con.
Vì nếu khi con nghĩ là con làm cho con hay vì con,
Công việc con làm sẽ trở nên rất giới hạn,
Mất ý nghĩa của việc mình làm,
Hay lấy cớ và viện lý do để khỏi phải làm.

Con hãy làm tất cả mọi việc, dù nhỏ mọn nhất như
Quét cái nhà, lượm cọng rác, làm dùm cho ai khi được hỏi nhờ.
Con hãy nghĩ là con đang làm việc cho Chúa.
Khi con nghĩ được con đang làm việc cho Chúa và vì Chúa,
Công việc của con sẽ trở nên thoải mái, tích cực, và hữu ích hơn.
Công việc dù có nặng nhọc, cực khổ, hay hèn mọn cỡ nào,
Cũng giúp con phấn khởi và công việc trở nên nhẹ nhàng.

Con nhớ thật kỹ một điều mẹ dặn!
Con phải luôn tươi cười và vui vẻ với mọi người.
Con không thể hiểu được sự vui vẻ của con,
Giúp nhiều người thêm tinh thần làm việc như thế nào?
Nhất là cho con, con cưng của mẹ!
Con có hai thái độ để chọn,
Một là con làm mặt chầu bậu cả ngày,
Chính con đánh mất vẻ đẹp Thiên Chúa ban.
Hai là con vui vẻ, mau mắn, và tươi tắn,
Chứng tỏ con rất hạnh phúc trong Tình Chúa Yêu Con.

Con hãy nghĩ khi con có công ăn việc làm,
Con là người hữu dụng đối với chính con,
Gia đình con, cho xã hội, và cho quốc gia của con.
Con đi làm, vừa có tiền, con vừa được Phước.
Vì sao?
Vì con biết đem Tình Yêu của Chúa,
San sẻ với tất cả mọi người chung quanh con.

Con cho mọi người gương mặt vui vẻ, tươi thắm,
Với nụ cười làm rạng rỡ,
Nét vui tươi trên khuôn mặt của anh chị em,
Một lời thăm hỏi nhiệt tình,
Một câu an ủi nghe ấm lòng,
Một cái vuốt ve trên đôi vai đang xúc động,
Một cái bắt tay nồng ấm đầy tình thương,
Một cái gật đầu thông cảm, chia sẻ những nỗi niềm,
Một ánh mắt nhìn thiện cảm, và
Một đôi tai biết lắng nghe nỗi đau đớn của người
Đang cô đơn, tật bệnh, và tuyệt vọng.

Nếu con còn chưa thấy đủ,
Để tạo cho con thêm tinh thần làm việc,
Con hãy nghĩ, Chúa mới thật sự là Chủ mướn con.
Chúa mới thật sự là người trả lương cho con.
Nghĩ được như vậy con sẽ cảm thấy rất sung sướng,
Không cảm thấy mệt nhọc và ươn lười.

Hoa Lợi và Bổng Lộc Hạnh Phúc nhất cho con,
Trên bước đường đời của con,
Không phải được trả bằng bạc tiền,
Mà chính là Tình Yêu nhân loại,
Của anh chị em, ban tặng cho con.

Y Tá Của Chúa,
 
Niềm tin Việt Nam: Thay đổi mùa Chay
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
07:37 25/02/2008

Niềm tin Việt Nam: Thay đổi mùa Chay

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Trời tháng Ba, Mùa Chay, tuyết đổ trắng xóa bên khung cửa. Trong căn nhà nho nhỏ, hai mẹ con bà Miêng ngồi bên ánh đèn tâm sự.

— Con nhớ lúc mới tới Mỹ, con buồn thối ruột luôn. Mới tới Mỹ được có một tuần à, vậy mà con với anh Hai đã phải đón xe bus tới trường huấn nghệ. Dân hai lúa, mới lên thành phố, con với anh Hai đâu có biết tiếng Anh tiếng u chi đâu, ngoại trừ mấy câu chào vớ vẩn, “Hello! How are you?”. Con nhớ lần đầu tiên con với anh Hai đón xe bus tới trường huấn nghệ, ông tài xế nói hai đứa bỏ tiền vào cái thùng sắt. Có thế thôi mà hai đứa cứ đứng đực cái mặt ra. Túng quá anh Hai móc đại ra tờ giấy 10 đô la đưa cho ông tài xế. Con thì mặt tái xanh, móc mãi mới kiếm ra tờ giấy ghi địa chỉ trường huấn nghệ đưa cho bác tài. Thấy hai đứa lúng ta lúng túng, bác tài biết đụng phải dân hai lúa rồi, cho nên ông ấy không nói gì nữa. Xe bus chạy được một hồi, rồi dừng lại. Bác tài tay chỉ vào tòa nhà sau lùm cây thông, miệng nói lớn mấy câu… Thấy mặt hai anh em vẫn còn hai lúa quá sức, ông ấy viết xuống tờ giấy mấy chữ, “Trường Huấn nghệ đây nè”…

— Vất vả quá hả…

— Mới tới Mỹ mà mẹ. Con nhớ hồi mới tới, phần lạ nhà, phần không biết nói tiếng Anh, không bạn bè, con rầu muốn chết. Tối tối cứ trằn trọc trên giường ngủ không được. Mùa đông Chicago, đêm ngủ nhìn qua khung cửa sổ, thấy trời tuyết đổ trắng xóa y như bây giờ nè, con buồn muốn khóc, rồi khóc lúc nào không hay. Thật tình lúc đó con chỉ muốn quay về trại tỵ nạn. Liếc qua bên giường anh Hai, con thấy anh ấy cũng đang lục đục lăn qua lăn lại trên giường cả đêm. Chắc cũng khóc như ai…

— Thằng Hai nó lì đòn lắm, giống y như bố con, cả đời chẳng biết khóc là chi. Mày giống tính mẹ, dễ xúc động.

— Mẹ nói!? Đầu năm 80, lúc tụi con mới tới, bên đây đâu có cộng đồng người Việt đông như bây giờ. Uptown Chicago khi đó vắng hoe người Việt, nhìn quanh, toàn người Mỹ, nhìn về biển Đông, toàn là chuyện hải tặc hãm hiếp giết người… Rồi trời mùa Đông tuyết rơi ngập mái nhà, làm gì tối ngủ không khóc.

Bà Miêng thở dài,

— Thiệt là một thời sao mà cực khổ! Ông bà mình nói một lần dọn nhà bằng ba lần cháy nhà. Các cụ nói đúng ghê, bởi vì không dễ gì mà sống với những cái thay đổi. Lúc lên phi cơ bay qua Mỹ, mẹ hăm hở bước lên cầu thang. Nhưng qua được tới bên đây rồi, tao lại nhớ nhà chỉ muốn quay về Việt Nam. Cho nên tối tối, mẹ nằm trong phòng khóc gần chết. Hai mẹ con mình thiệt là giống nhau.

Bà Miêng chép miệng,

— Tao nhớ hôm thứ Tư Lễ Tro đầu Mùa Chay. Đang bình thường ngày nào cũng ăn uống ba bữa ngon lành. Tự nhiên thứ Tư Lễ Tro, chỉ được ăn hai bữa, rồi nguyên ngày không được ăn vặt. Ngày thứ Tư hôm đó không biết bao nhiêu lần mẹ bị cám dỗ. Mọi bữa cứ kẹo chuối, bánh trái, ô mai để đầy trong ngăn bàn mà có thèm ăn đâu. Tới bữa ăn chay, tự nhiên đổ chứng thèm đồ chua ưa đồ ngọt. Nhưng nhớ là thứ Tư ăn chay kiêng thịt, tao khóa chặt lại cái ngăn bàn cho chắc ăn. Tới giờ nghỉ giải lao, có người đưa cho mẹ cái kẹo. Tao tỉnh bơ bóc vỏ đưa vào miệng. Thấy mẹ lãng trí, dì Minh hét tướng lên, “Má nội ơi! Hôm nay ăn chay!”. Đấy, mày thấy chưa, đó là chỉ mới có thay đổi trong vòng một ngày thôi đó nhé!

— Mẹ nói con mới nhớ. Hôm thứ Tư Lễ Tro vừa rồi con cũng bị cám dỗ te tua. Ngồi làm trong hãng mà đầu óc cứ nghĩ tới French fries chấm với ketchup…

Bà Miên nhận xét,

— Mẹ thấy không dễ mà thay đổi con đường mình đang quen đi. Con nghĩ thử coi đang ăn cơm chan nước mắm gần sáu chục năm nay, giờ tự nhiên bắt tao ăn hambuger chấm với ketchup, ai ăn cho nổi!?

Bà Miêng tâm sự,

— Mẹ nhớ có mấy lần trong giờ ăn trưa, đang ngồi ăn chung một nhóm với nhau, mẹ đã mở miệng ra mấy lần tính nói, nhưng lại kịp thời ngậm miệng lại. Rồi lại mở miệng ra tính nói, rồi lại ngậm miệng lại kịp thời. Bà bạn ngồi bên thắc mắc, “Ủa, chị sao vậy? Bộ trúng gió hả?”.

Con cũng ngạc nhiên,

— Sao kỳ vậy hả mẹ?

Bà Miêng hít sâu vào trong buồng ngực, nói nho nhỏ lại,

— Tao ghét ông Năm xếp cai ở trong hãng. Thằng cha này dê tàn canh. Thấy đàn bà con gái đi ngang qua, mắt cứ chớp chớp đảo lia lịa. Có mấy lần thằng cha đi ngang qua chỗ mẹ, ông cứ bang bang bước tới hỏi han đủ điều. Nào là, “Người đẹp mới vô hãng hả, có cần giúp đỡ hay không? Cần thì hú tui một tiếng, tui te te chạy qua phụ cho một tay. Ở trong đây, họ khó lắm đó nghen”. Bởi Cai Năm dê lộ đạo như vậy, cho nên vào giờ ăn trưa, tụi mẹ hay lôi ông ấy ra lấy phi tiêu phóng vào người. Nhưng Mùa Chay năm nay, mẹ hứa với Chúa mẹ sẽ không nói những lời làm mất danh dự người khác, dù người đó đúng hay sai.

Bà Miêng nhận xét,

— Mẹ thấy thay đổi là một điều dễ nói, nhưng khó thực hiện. Gần một tuần nay, tới giờ ăn trưa, bởi vì nhớ tới lời hứa với Chúa, tự nhiên mẹ giống y như con cá mắc cạn trên bờ, mở miệng ra rồi lại đóng lại, đóng lại rồi lại mở ra. Cứ thế, liên tục suốt giờ ăn trưa.

Bà Miêng chép miệng,

— Ông bà mình có nói, “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Mẹ phục những người dân thành Ninivê sát đất. Tiên tri Giôna mới đi được một phần ba chiều dài của thành thông báo tin dữ, thế mà mọi người trong thành từ vua quan cho tới dân chúng đã thay đổi, họ ăn chay đền tội hãm mình cho những lỗi lầm của mình.

Lời Chúa

1Lời Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai: 2 “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Ðức Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 6 Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. 7 Vua cho rao tại Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. 8 Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. 9 Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa (Jonah 3:1-10).

Lời Nguyện

Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh, xin ban thêm ơn trời để chúng con can đảm thay đổi những thói hư tật xấu của chúng con.

Trích trong CD Niềm tin Việt Nam: Chú bé vô danh www.nguyentrungtay.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 25/02/2008
YẾN VƯƠNG THÍCH SÂU SẮC

N2T


Có một người nước Tống đến gặp Yến vương, nói rằng muốn vì vương mà khắc hai con khỉ mặt đỏ trên cái gai cao nhất của cây có gai. Yến vương rất muốn coi bèn quyết định cung dưỡng ông ta, để ông ta chuyên tâm điêu khắc.

Người nước Tống ấy bổ sung thêm, nói: “Vương thượng, đây là kỷ thuật thần kỳ của tôi, nhược bằng ngài muốn coi tôi khắc khỉ mặt đỏ, thì nhất định không uống rượu và không ăn thịt trong ba tháng mới được.”

Yến vương làm gì mà trai giới lâu như thế, cho nên vẩn cứ không được nhìn thấy khỉ mặt đỏ trên cái gai nhọn.

Có một người thợ làm sắt tên là Hữu Ngự nghe nói chuyện như thế, bèn đến yết kiến Yến vương, nói: “Vương thượng, tôi là người khắc đao, theo lẽ mà nói dao khắc là cái vật cần thiết của điêu khắc, vả lại tất cả đồ dùng để khắc nhất định phải lớn hơn cái dao khắc. Nhưng, cái gai nhọn hoàn toàn chịu không nổi mũi dao khắc bình thường, thì làm sao có thể khắc ra đồ dùng được chứ ? Nếu vương thượng không ngăn cản, thì xin cho kêu người khách nước Tống ấy đến lấy dao khắc để ngài coi, thì biết ông ta có thể khắc khỉ mặt đỏ trên cái gai hay không ?”

Yến vương cảm thấy lời nói của ông ta rất đúng, bèn triệu khách đến, nói: “Ông dùng công cụ gì để khắc con khỉ đỏ trên cái gai ?”

Người khách trả lời: “Dùng dao để khắc.”

Yến vương mời ông ta lấy dao khắc đến coi, người khách thoái thoát nói phải trở về nhà để lấy, bèn lợi dụng cơ hội chạy trốn mất tiêu.

(Hàn Phi tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng)

Suy tư:

Người ta thường nói: “nói có sách, mách có chứng”, nhưng con người ta thường dễ dàng bị quyền lợi vật chất và danh vọng lôi cuốn, nên rất dễ dàng nói dối để lừa dối người khác, lòng tham càng lớn thì sự nói dối càng nhiều và việc lừa dối càng tinh vi va thâm độc hơn.

Nói dối và lừa dối thì chỉ phỉnh gạt được những người tham lam, nhẹ dạ, hiếu kì và kiêu ngạo mà thôi.

Có những người vu khống mà không có bằng chứng nên trở thành nói dối, có những người nói cho thỏa cơn kiêu ngạo nên trở thành dối trá, có những người biết mình dối trá nhưng vẫn cứ la cho toáng lên cho mọi người biết là mình nói sự thật ai cũng biết...

Không một ông thợ điêu khắc tài giỏi nào có thể khắc hình hai con khỉ mặt đỏ trên đầu cái gai nhọn của cây gai, vậy mà đại vương nước Yến lại nghe lời nói dối của một tên lừa bịp.

Người Ki-tô hữu dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ Lời Chúa dạy: “Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ" (Mt 5, 37),cho nên, dù bị chèn ép tứ bề thì cũng không nói dối, bị vu khống cáo gian thì cũng không nói dối, bởi vì nói dối là làm hư hoại tâm hồn, và gây gương xấu cho cả một thế hệ, và nhất là họ sẽ trở thành con cái của ma quỷ chứ không phải là con cái của sự thật, mà sự thật chính là Thiên Chúa vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 25/02/2008
N2T


10. Ngày xưa Thiên Chúa cùng người tội lỗi dùng cơm với nhau đã bị người ta trách cứ, ngày hôm nay không những ăn cơm với người tội lỗi, mà còn trở thành lương thực cho người tội lỗi, đi vào trong tâm hồn tội lỗi của chúng ta.

(Thánh Jerome)
 
Tòa thánh chuyển lễ kính Thánh Giuse về ngày 15-3-2008
Phụng Nghi
21:57 25/02/2008
Vatican (CNA) – Thánh bộ Phụng tự và Điều hành Nhiệm tích đã chuyển lễ trọng mừng kính thánh Giuse năm nay lui về ngày 15 tháng 3, vì ngày lễ theo truyền thống là 19 tháng 3 năm 2008 trùng vào ngày Thứ Tư Tuần thánh.

Quy định tổng quát của Năm và Lịch Phụng vụ xác định rằng việc cử hành các nghi thức Tuần Thánh, kể cả ngày Thứ Tư, phải được đặt ưu tiên trước các phụng vụ, lễ kính và lễ trọng khác. Nếu ngày lễ Thánh Giuse năm nay không được di chuyển, thì chắc phải bãi bỏ hoàn toàn, vì tuần lễ sau ngày 19 tháng 3 lại là Tuần Bát Nhật Phục Sinh, cũng chiếm phần ưu tiên trên các lễ kính và lễ trọng khác.

Cũng vì lý do đó mà Lễ Truyền Tin (lễ trọng) thường được cử hành ngày 25 tháng 3, năm nay cũng được rời tới ngày 31 tháng 3, nhằm vào ngày Thứ Hai đầu tiên sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân
Linh Tiến Khải
12:35 25/02/2008
Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân

Phỏng vấn Đức Hồng Y Lozano Barragán về Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân 11 tháng 2

Ngày 11-2-2008 là lễ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân lần thứ 16. Năm nay ngày này có đề tài là ”Lộ đức kêu mời chúng ta đến với Bánh cứu độ” và được cử hành trong khuôn khổ năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous.

Đã có hơn 70.000 tín hữu tham dự các lễ nghi tại Lộ Đức, trong đó có 15.000 tín hữu Italia. Đặc biệt có phái đoàn 2500 bệnh nhân do Đức Ông Luigi Marrucci, phó tuyên úy Liên hiệp Italia chuyên chở các bệnh nhân tới Lộ Đức và các đền thánh khác, hướng dẫn, cộng thêm 1700 nhân viên thiện nguyện và tín hữu thân nhân của các bệnh nhân tháp tùng. Đoàn hành hương đến Lộ Đức với một chuyến xe lửa đặc biệt, 4 máy bay và 8 xe bus. Cùng đi với tín hữu cũng có Đức Cha Mario Rino Sivieri, Giám Mục giáo phận Prorpià bên Brasil.

Năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức đã chính thức được Hội Đồng Giám Mục Pháp khai mạc ngày mùng 8-12-2207. Cùng đồng tế thánh lễ ngày 11-2-2008 với Đức Cha Jacques Perrier có 30 Giám Mục và 800 Linh Mục Pháp và nước ngoài. Giảng trong thánh lễ Đức Cha Perrier, Giám Mục giáo phận Tarbes-Lộ Đức khẳng định rằng Lộ Đức là một nhà thờ lộ thiên và là nơi giao ước và giảng hòa con người với Thiên Chúa. Chú giải Tin Mừng đám cưới tại Cana, Đức Cha Perrier nói: ”Mẹ Maria hiện điện tại Cana và tại Lộ Đức. Mẹ nhận ra nỗi đớn đau của gia đình có đám cưới đang giữa bữa tiệc vui lại hết rượu. Mẹ trông thấy các chờ mong của chúng ta. Mẹ can thiệp với Con Mẹ. Tại Lộ Đức Mẹ dẫn đưa thánh Bernadette tới với Thánh Thể. Và đó là dấu chỉ không thay đổi tại Lộ Đức trong suốt 150 năm qua. Tại Cana có nhiều người đến dự tiệc vì các lý do khác nhau, và có lẽ không phải mọi người đều đã hiểu. Lộ Đức là một nơi rộng mở, ai cũng có thể tới. Mỗi người có một lý do để tái chiếm lại niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và nơi con người. Nhưng sự rộng mở này đã có thể có được nhờ một điều kiện nền tảng: đó là sứ điệp Lộ Đức là sứ điệp của Tin Mừng. Ngày lễ trước hết đã là lễ của cuộc Khổ Nạn của Chúa, vì rượu tại Cana báo trước rượu của Tiệc Ly và máu của Thập Giá. Trong địp kỷ niệm 150 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và trong khung cảnh của mùa Chay Thánh sự thực đó lại càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn nữa”.

Đức Cha Perrier cũng duyệt lại các biến cố đã xảy ra tại Lộ Đức kể từ khi Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại hang đá Massabielle. Đức Mẹ dậy dỗ Bernadette bằng cách gợi lên niềm tin tưởng nơi chị, dậy chị làm dấu thánh giá, nói chuyện với chị, xin chị thường xuyên đến hang đá và cũng mời gọi chị đi theo con đường khắc khổ của hy sinh hãm mình. Sau cùng ngày 25 tháng 3 lễ Truyền Tin, Đức Mẹ tiết lộ cho chị biết ”Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Thai”.

Ban chiều cùng ngày 11-2 đã có giờ chầu Thánh Thể và cuộc rước nến bắt đầu lúc 9 giờ tối trưởc hang đá Đức Mẹ Lộ Đức.

Trong khi tại Roma lúc 11 giờ sáng ngày 11-2-2008 đã có cuộc rước Thánh Thể từ lâu đài Thiên Thần tiến dọc theo đường Hòa Giải để đến quảng trường thánh Phêrô, nơi Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản đền thờ thánh Phêrô, đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu. Sau đó vào 4 giờ chiều có buổi lần hạt Mân Côi và thánh lễ do Đức Hồng Y Lozano Barragán, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, chủ sự trước sự hiện diện của hài cốt thánh nữ Bernadette, được đưa từ Pháp qua Roma ngày 8-2. Tham dự thánh lễ đã có đông đảo tín hữu, các bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân của các nhà thương công giáo và các nhà thương công ở Roma.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y Barragán nhắc đến sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân lần thứ XVI và liên kết ngày này với hai biến cố kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, sẽ tiến hành tại Québec bên Canada vào tháng 6 tới đây. Đức Hồng Y nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa Mẹ Maria và Thánh Thể. Thân Thể Chúa Kitô, mà Mẹ Maria trao tặng chúng ta, cũng là Mình Thánh Chúa trong Thánh Thể. Đức Hồng Y tái đề cao giá trị và tính cách sáng tạo của khổ đau, vì nhờ khổ đau trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và thiết lập công trình sáng tạo mới. Nhưng đau khổ của Chúa Kitô không phải là một thứ đau đớn tuyệt vọng, buồn sầu hay khổ đau chiến bại. Đau khổ ấy chính là tột đỉnh công trình của Chúa Kitô, là ”giờ” và là sự tôn vinh Ngài. Khi đau khổ, mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói: nỗi đau khổ mà tôi đang chịu chính Chúa Kitô cũng chịu. Như là sự dự phần vào khổ đau của Chúa Kitô, Thánh Thể thúc đẩy chúng ta săn sóc các anh chị em đau yếu của chúng ta và đòi buộc chúng ta trở nên ”bánh được bẻ ra” cho các anh chị em khác”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Baaragán về ý nghĩa Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân trong năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân năm nay của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mang tựa đề ”Thánh Thể, Lộ Đức, và mục vụ các bệnh nhân”. Nó có gì khác so với các năm trước đây không?

Đáp: Có. So sánh với các năm trước đây có sự khác biệt rất lớn, vì Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân năm 2008 trùng với hai biến cố quan trọng: thứ nhất là năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thứ hai là Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, sẽ được cử hành vào tháng 6 tới đây tại Québec bên Canada.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân Đức Thánh Cha khẳng định rằng nó cống hiến cho mọi người một cơ may giúp ý thức được mối dây liên hệ giữa Mầu Nhiệm Thánh Thể, vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ và thực tại của bệnh tật khổ đau của con người. Trong nghĩa nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Bí tích Thánh Thể cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và khiến cho chúng hiện diện giữa chúng ta hôm nay. Như thế Bí tích Thánh Thể là câu trả lời duy nhất cho vấn đề đã luôn luôn khiến cho con người khắc khoải âu lo: đó là vấn đề khổ đau. Chỉ dưới ánh sáng của sự phục sinh mới có giải pháp cho mầu nhiệm lớn lao của khổ đau và cái chết.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, thế còn Lộ Đức thì sao, nó có liên hệ gì với các khổ đau của con người không?

Đáp: Đức Thánh Cha viết trong sứ điệp rằng: không thể nhìn lên Chúa Kitô mà không nhận ra ngay sự hiện diện của Mẹ Maria. Lộ Đức nhắc tới tín lý Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là tiếng xin vâng cao cả và vô điều kiện mà Đức Mẹ đã thưa lên với Thiên Chúa, ngay từ lúc được thụ thai và đặc biệt đứng trước sự khổ đau. Chúng ta hãy nhớ tới lời tiên tri của cụ già Simeong nói với Mẹ: ”Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà”. Khi đứng trên núi Sọ, Mẹ Maria đã thưa lên hai tiếng xin vâng với nỗi khổ đau tột cùng đó. Và lưỡi gươm ấy đã biến thành niềm vui trong biến cố phục sinh và trong vinh quang của biến cố Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Hỏi: Như thế ánh sáng Lộ Đức giúp cho các bệnh nhân trông thấy những gì, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Ánh sáng Lộ Đức dậy cho chúng ta cũng biết thưa lên hai tiếng xin vâng với mầu nhiệm của Chúa Kitô cả trong khổ đau, và biến khổ đau thành lửa tình yêu và niềm vui. Và chính tại đây, như tôi đã nói, con người tìm thấy câu trả lời duy nhất cho vấn nạn liên quan tới số phận của mình. Trong một cách thế nào đó, mọi tôn giáo đều tìm trả lời cho vấn đề này. Nhưng Kitô giáo là tôn giáo duy nhất không coi khổ đau tùy thuộc các biến cố vũ trụ, hay tùy thuộc việc kiếm tìm các quân bình tâm lý, mà đặt hy vọng nơi cuộc gặp gỡ với con người sống động của Chúa Kitô.

Hỏi: Như thế cũng có nghĩa là Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng có sự tùy thuộc giữa sức khỏe của thể xác và sức khỏe của tâm hồn?

Đáp: Chắc chắn rồi, bởi vì con người là một toàn thể bao gồm xác hồn. Những người chỉ đựa trên nền nhân chủng học thân xác và duy vật thôi, thì cho rằng sức khỏe là sự thinh lặng của các cơ phận, thiếu vắng bệnh tật và quân bình tâm lý. Trái lại, trong sứ điệp cho Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở cho chúng ta biết rằng sứ khỏe là sự hướng tới sự hòa hợp tâm sinh vật thể lý, xã hội và tinh thần, và như thế Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh sự hiệp nhất của toàn con người trong mọi chiều kích của nó.

Hỏi: Như vậy là chúng ta đang ở trong chính trung tâm của vấn đề nhân chủng học, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đúng vậy. Tất cả các câu trả lời, mà chúng ta có thể đưa ra cho các vấn nạn liên quan tới các đề tài luân lý đạo đức của sức khỏe và khổ đau, tùy thuộc nền nhân chủng học. Chính vì thế Giáo Hội nói ”không” với việc trợ tử hay làm cho chết êm dịu, và thật ra lời khước từ đó của Giáo Hội là tiếng ”có” đối với sự sống. Cần phải bảo vệ và cứu sự sống con người từ khi thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên và trong các cách thức truyền sinh.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nói gì với những người làm việc trong lãnh vực sự sống hay không?

Đáp: Trước hết tôi muốn đưa ra lời kêu gọi các nhân viên y tế, để họ cố gắng hiểu điều nằm bên kia mầu nhiệm của khổ đau trên thân xác. Thật ra thường khi nghệ thuật y khoa dựa trên một nền nhân chủng học thuần túy thực nghiệm, loại trừ viễn tượng tinh thần. Đây là một lãnh vực trong đó chúng ta có thể tiếp nhận lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi mở rộng các không gian của lý trí.

(Avvenire 10-2-2008)
 
Thư của ĐTC Biển Đức 16 về vấn đề giáo dục
LM Trần Đức Anh OP chuyển ý
12:38 25/02/2008
Thư của ĐTC Biển Đức 16 về vấn đề giáo dục

Lời giới thiệu:

Thứ bẩy 23-2-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp 50 ngàn phụ huynh, giáo chức và học sinh Roma tại Quảng trường thánh Phêrô và ngài chính thức trao cho họ lá thư của Ngài về công tác cấp thiết liên quan tới việc giáo dục.

Trong thư, ĐTC nhắc đến những khó khăn trong việc giáo dục người trẻ ngày nay trong gia đình và tại học đường, trước những khó khăn và thách đố trong xã hội hiện đại, với quá nhiều điều bấp bênh và nghi ngờ lan tràn trong xã hội và nền văn hóa chúng ta, với bao nhiêu hình ảnh bị bóp méo do các phương tiện truyền thông phổ biến. Vì thế thật là khó đề nghị cho các thế hệ trẻ một cái gì có giá trị và chắc chắn, những qui luật cư xử và những mục tiêu đáng hiến cuộc sống mình để đạt tới. Trước tình trạng đó, nhiều phụ huynh và giáo chức bị cám dỗ muốn buông xuôi và không còn ý thức về vai trò và trách vụ giáo dục của mình nữa.

Tình trạng được ĐTC nói tới, thật ra cũng là những thách đố tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Trong đại hội thường niên hồi năm ngoái tại Hà Nội, HĐGM Việt Nam cũng đã công bố thư chung về vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Vì thế, sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị nguyên văn lá thư của ĐTC.

Nguyên văn Thư của Đức Thánh Cha

Các tín hữu Roma thân mến,

Tôi đã nghĩ đến việc ngỏ lời với anh chị em qua lá thư này để nói với anh chị em về một vấn đề mà chính anh chị em đã cảm thấy và nhiều thành phần trong giáo phận chúng ta đang dấn thân giải quyết: đó là vấn đề giáo dục. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến thiện ích của những người mà chúng ta yêu mến, đặc biệt là các trẻ em, thiếu niên và người trẻ của chúng ta. Thực vậy, chúng ta biết rằng tương lai của thành này tùy thuộc các em. Vì thế, chúng ta không thể không quan tâm tới việc giáo dục cho các thế hệ trẻ, chú ý đến khả năng định hướng của các em trong cuộc đời và khả năng phân biệt thiện ác; quan tâm đến sức khỏe của các em, không những về thể lý nhưng cả về tinh thần nữa.

”Nhưng giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày ngay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn. Các cha mẹ, giáo chức, linh mục và tất cả những người có trách nhiệm giáo dục trực tiếp đều biết rõ điều đó. Vì thế người ta nói đến một ”sự cấp thiết về giáo dục”, như được chứng tỏ qua bao thất bại chúng ta gặp phải trong những nỗ lực huấn luyện những con người vững chắc, có khả năng cộng tác với người khác và mang lại một ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Trước những thất bại ấy người ta thường qui trách cho các thế hệ trẻ, như thể các trẻ em sinh ra ngày nay khác với những em sinh ra trong quá khứ. Ngoài ra người ta nói về một sự ”rạn nứt giữa các thế hệ”, điều này chắc chắn là có thực và có ảnh hưởng, nhưng nó là hậu quả hơn là nguyên nhân gây nên sự thiếu thông truyền những điều chắc chắn và các giá trị.

Vậy thì phải chăng chúng ta phải qui trách cho người lớn ngày nay và bảo rằng họ không còn khả năng giáo dục nữa hay sao? Điều rất chắc chắn là, nơi các bậc cha mẹ cũng như nơi các giáo chức, và nói chung nơi các nhà giáo dục, có một cám dỗ mạnh mẽ xúi giục họ buông xuôi, và hơn nữa nơi họ có một nguy cơ không còn hiểu đâu là vai trò, hay đúng hơn, đâu là sứ mạng được ủy thác cho họ. Trong thực tế, vấn đề ở đây không phải chỉ là trách nhiệm bản thân của người lớn hay người trẻ, - những trách nhiệm này có thực và không nên che đậy - nhưng còn có một bầu không khí lan tràn, một não trạng và một hình thái văn hóa khiến cho người ta nghi ngờ về giá trị nhân vị, ý nghĩa của sự thật và sự thiện, và xét cho cùng, người ta nghi ngờ về chính đặc tính tốt lành của cuộc sống. Vì thế, thật là khó thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cái gì có giá trị và chắc chắn, những qui luật cư xử, những mục tiêu đáng tin cậy để qui hướng và xây dựng chính cuộc sống của mình.

Anh chị em thân mến ở Roma, về điểm này, tôi muốn nói với anh chị em một lời rất đơn sơ: Đừng sợ! Thực vậy, tất cả những khó khăn ấy không phải là không thể vượt qua được. Có thể nói chúng là mặt trái của một hồng ân lớn lao và quí giá là tự do của chúng ta, với trách nhiệm phải đi kèm. Khác với những gì xảy ra trong lãnh vực kỹ thuật hoặc kinh tế, trong đó những tiến bộ ngày nay có thể cộng thêm với những tiến bộ trong quá khứ, trong lãnh vực huấn luyện và tăng trưởng về luân lý của con người không có thể tích lũy như vậy, vì tự do của con người luôn luôn là điều mới mẻ và vì thế mỗi người và mỗi thế hệ phải bắt đầu quyết định lại cho mình. Cả những giá trị lớn lao trong quá khứ cũng không thể để lại như những gia sản, cần biến chúng thành của ta và đổi mới qua một sự chọn lựa bản thân, nhiều khi đòi hỏi nhiều hy sinh đau khổ.

Nhưng khi những nền tảng bị rúng động và thiếu những xác tín chắc chắn thiết yếu, thì nhu cầu cần có những giá trị ấy lại được người ta cấp thiết cảm thấy: vì thế, cụ thể là càng ngày người ta càng đòi hỏi một nền giáo dục xứng với danh xưng của nó. Các cha mẹ, thường bận tâm lo lắng về tương lai của con cái, đang đòi hỏi nền giáo dục ấy; cũng vậy đối với các giáo chức đang sống kinh nghiệm đau buồn về sự sa xút nơi các trường của họ; xã hội trong toàn bộ cũng yêu cầu nền giáo dục ấy khi thấy chính những nền tảng cơ bản của cuộc sống chung bị nghi ngờ; ngoài ra tự thâm tâm các thiếu niên và người trẻ cũng yêu cầu nền giáo dục đúng nghĩa như vậy, họ không muốn bị bỏ rơi một mình đứng trước những thách đố của cuộc sống. Tiếp đến, những ai tin nơi Chúa Giêsu Kitô thì càng có thêm một động lực mạnh mẽ hơn để không sợ hãi: thực vậy, họ biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và tình yêu của Chúa đến với chúng ta nơi chúng ta đang sống và trong thân phận của chúng ta, nghĩa là với những lầm than và yếu đuổi của chúng ta, để mang lại cho chúng ta cơ hội mới để làm điều thiện.

Anh chị em thân mến, để làm cho những suy tư của tôi được cụ thể hơn, cũng nên nêu lên một số đòi hỏi chung để có một nền giáo dục chân chính. Nền giáo dục này trước tiên cần có sự gần gũi và tín nhiệm nảy sinh từ tình thương: tôi nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và cơ bản về tình thương mà các trẻ em cảm nhận, hay ít là phải cảm nhận với cha mẹ các em. Nhưng mỗi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng để giáo dục thì phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình và chỉ như thế mới có thể giúp các học sinh của mình khắc phục những ích kỷ và trở thành người có khả năng yêu thương đích thực.

Ngay từ khi còn bé thơ, trẻ em đã có một ước muốn được biết và hiểu, được biểu lộ qua những câu hỏi liên tục và yêu cầu giải thích. Vì thế, thật là một sự giáo dục nghèo nàn nếu chỉ giới hạn vào việc thông truyền những ý niệm và thông tin, mà lại bỏ qua một bên câu hỏi lớn liên quan đến chân lý, nhất là chân lý có thể hướng dẫn cuộc sống.
Cả những đau khổ cũng là thành phần chân lý về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, người ta có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại, vì khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ”.

Các bạn tại Roma thân mến, bây giờ chúng ta đi tới một điểm có lẽ là tế nhị nhất trong công tác giáo dục: đó là làm sao tìm được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật. Nếu không có qui luật trong việc cư xử và trong đời sống, được nêu bật ngày này qua ngày khác cả trong những chuyện bé nhỏ, thì người ta không huấn luyện tính tình người trẻ và không chuẩn bị chúng trong việc đương đầu với những thử thách trong tương lai. Nhưng quan hệ giáo dục trước tiên là một cuộc gặp gỡ giữa hai tự do và nền giáo dục thành công tốt đẹp chính là sự huấn luyện về cách thức sử dụng tự do một cách đúng đắn. Dần dần trẻ em lớn lên, trở thành một thiếu niên, rồi một thanh niên; chúng ta phải chấp nhận rủi ro của tự do, luôn quan tâm giúp đỡ chúng sửa chữa những ý tưởng và chọn lựa sai lầm. Điều chúng ta không bao giờ được làm, đó là hỗ trợ chúng trong những sai lầm, làm bộ như không thấy những sai lầm ấy, hoặc tệ hơn nữa lại chia sẻ những lầm lẫn đó, như thể đó là những biên cương mới trong sự tiến bộ của con người.

Vì thế, giáo dục không thể bỏ qua uy tín làm cho việc thực thi quyền bính trở nên đáng tín nhiệm. Uy tín này là kết quả của kinh nghiệm và khả năng, nhưng người ta đạt được nó nhất là qua cuộc sống phù hợp với những gì mình nói, và nhờ sự đích thân dấn thân, biểu lộ một tình yêu thương chân thành. Do đó nhà giáo dục là một chứng nhân về sự thật và sự thiện. Dĩ nhiên, nhà giáo dục cũng là người dòn mỏng và có thể thiếu sót lầm lẫn, nhưng luôn tìm cách làm cho mình được phù hợp với sứ mạng đã nhận lãnh.

Các tín hữu Roma rất thân mến, từ những nhận xét đơn sơ ấy ta thấy rõ trong việc giáo dục, ý thức trách nhiệm thật là quan trọng có tính cách quyết định: trách nhiệm của nhà giáo dục, và đó cũng là trách nhiệm của con cái, của học sinh, của người trẻ khi bước vào thế giới công việc, tùy theo mức độ tuổi tác gia tăng của chúng. Người trách nhiệm là người biết trả lời cho chính mình và cho tha nhân. Ngoài ra và hơn nữa, ai tin tưởng, thì họ cũng tìm cách trả lời cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương họ trước.

Trách nhiệm trước tiên có tính chất bản thân, nhưng cũng có một thứ trách nhiệm mà chúng ta cùng nhau chia sẻ, với tư cách là công dân của một thành phố, một quốc gia, hoặc trong tư cách là phần tử của gia đình nhân loại, và nếu chúng ta là tín hữu, trong tư cách là con của một Thiên Chúa duy nhất, là phần tử của Giáo Hội. Trong thực tế, những ý tưởng, lối sống, luật lệ, hướng đi toàn bộ của xã hội nơi chúng ta sinh sống, và hình ảnh mà xã hội tạo cho mình qua các phương tiện truyền thông xã hội, có một ảnh hưởng lớn đối với việc huấn luyện các thế hệ trẻ, mang lại điều thiện và cả điều xấu cho chúng. Nhưng xã hội không phải là một điều trừu tượng; xét cho cùng, đó là tất cả chúng ta, với những đường hướng, qui luật và những đại diện do chúng ta bầu lên, mặc dù mỗi người có những vai trò và trách nhiệm khác nhau. Vì vậy cần có sự đóng góp của mỗi người chúng ta, của mỗi cá nhân, gia đình hoặc nhóm xã hội, để xã hội, bắt đầu từ thành phố Roma của chúng ta, trở thành một môi trường thuận lợi hơn cho việc giáo dục.

Sau cùng, tôi muốn đề ý nghị với anh chị em một tư tưởng mà tôi đã khai triển trong Thông điệp mới đây ”Spe salvi” về niềm hy vọng Kitô: linh hồn của việc giáo dục, cũng như toàn thể đời sống, chỉ có thể là một niềm hy vọng đáng tín nhiệm. Ngày nay niềm hy vọng của chúng ta bị vây bủa tấn kích từ nhiều phía và cả chúng ta cũng có nguy cơ trở thành ”những ngừơi không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong thế giới này”, giống như những người cổ xưa, như thánh Phaolô Tông đồ đã viết cho các tín hữu thành Ephêso (Ef 2,12). Chính từ đó nảy sinh khó khăn có lẽ là sâu đậm nhất đối với một công trình giáo dục đích thực: thực vậy nơi căn cội của cuộc khủng hoảng về giáo dục, có một cuộc khủng hoảng về sự tín thác trong cuộc sống.

Bởi vậy tôi không thể kết thúc lá thư này mà không nồng nhiệt mời gọi đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa. Chỉ có Ngài là niềm hy vọng chống lại được mọi thất vọng; chỉ có tình yêu của ngài không thể bị sự chết tiêu diệt; chỉ có công lý và lòng từ bi của Ngài có thể chữa lành những bất công và bù đắp những đau khổ đã phải chịu. Niềm hy vọng hướng về Thiên Chúa không bao giờ chỉ là hy vọng cho tôi mà thôi, nhưng luôn luôn là hy vọng cho người khác nữa: hy vọng ấy không cô lập chúng ta, nhưng làm cho chúng ta liên đới trong sự thiện, kích thích chúng ta giáo dục lẫn nhau về sự thật và tình thương.

Tôi thân ái chào anh chị em và cam đoan đặc biệt nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện, trong khi tôi gửi đến anh chị em Phép lành của tôi.

Vatican ngày 21 tháng 1 năm 2008
+ Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16
(LM Giuse Trần Đức Anh OP chuyển ý)
 
Đức Thánh Cha: Trợ tử vi phạm phẩm giá con người
Thúy Dung
16:27 25/02/2008
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhấn mạnh sự lên án trợ tử trong buổi gặp gỡ với các tham dự viên của hội nghị chuyên đề về chăm sóc những người bệnh nan y tổ chức hôm 25/2 tại Vatican.

Khi ghi nhận rằng đa số những người già chết lặng lẽ một mình, Đức Thánh Cha nói rằng các áp lực xã hội và kinh tế đang đẩy xã hội đến chỗ chấp nhận trợ tử, “đặc biệt khi một cái nhìn thực dụng về con người đã được thiết lập.” Người tín hữu Công Giáo ngày nay phải chống lại thái độ tháo thứ này. Đức Thánh Cha nhấn mạnh như thế khi lặp lại “sự lên án kiên quyết và thường xuyên đối với mọi hình thức trợ tử, theo như giáo huấn hàng thế kỷ của Giáo Hội”.

Một xã hội lành mạnh, cần bảo đảm để con người có thể đối diện với cái chết trong phẩm giá, “trong điều kiện tốt nhất của tình huynh đệ và liên đới, ngay cả khi cái chết đó diễn ra trong một gia đình nghèo hay trên giường bệnh của nhà thương”.

Nói với các tham dự viên của hội nghị do Học Viện Sự Sống tổ chức tại Rôma tuần này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh chết là cửa ngõ đi vào sự sống đời đời. Trong giờ phút quan trọng ấy, người bệnh cần đến sự nâng đỡ của thân nhân và cộng đồng lớn hơn. “Không tín hữu nào phải chết đơn côi và bị bỏ rơi”. Đức Thánh Cha lý luận rằng mục đích chính đáng của y khoa, trong khi chăm sóc những bệnh nhân nan y, là “bày tỏ tình liên đới của yêu thương, bảo đảm và tôn trọng đời sống con người trong mọi giây phút của tiến trình tại thế”. Để bảo đảm mục tiêu đó, các bác sĩ nên bảo đảm sao cho việc trị liệu là thích hợp, cân xứng và đúng mức.

Những nhân viên chăm sóc y tế và xã hội nói chung cần nhìn nhận những nhu cầu của các thành viên trong gia đình có người bệnh nan y. Ngài thúc giục một thái độ cảm thông cho những người còn lại của người quá cố và sự nâng đỡ cho những ai đang chăm sóc tại gia cho những bệnh nhân liệt lào.
 
Các phong trào Công Giáo tại Cuba: Nhân dân phải được quyết định ai sẽ là người lãnh đạo đất nước
Nguyễn Việt Nam
16:50 25/02/2008
Trong một thông báo khẩn cấp, chủ tịch Phong Trào Giải Phóng Kitô (CLM), ông Oswaldo Paya Sardinas phản đối việc bầu ông Raul Castro, bào đệ của nhà độc tài Fidel Castro trong chức vụ tổng thống Cuba và nhấn mạnh rằng “nhân dân phải được quyết định ai sẽ là người lãnh đạo đất nước chứ không phải là đảng cộng sản”.

Thông báo phàn nàn về “những trông đợi không thích hợp” bên ngoài Cuba liên quan đến tổng thống mới. Những trông đợi như thế “không tồn tại nơi người dân Cuba”. Ông Paya phản đối như thế vì nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới coi việc Raul Castro được bầu làm tổng thống là một thay đổi ngoạn mục tại Cuba. Theo ông Paya, cái kiểu “anh truyền em nối” ấy “không mang lại những đổi thay mà người dân Cuba muốn và cần”.

Ông Paya nhấn mạnh rằng Quốc Hội Cuba, cơ cấu đã bầu lên Raul Castro, “không được bầu bởi người dân vì luật bầu cử không cho phép người dân lựa chọn giữa những ứng cử viên khác nhau”. Cũng như tại Việt Nam, ở Cuba đảng cộng sản đề cử người ra tranh cử và dân chúng chỉ được chọn trong số những người được đề cử. Ông Paya nói: “Chọn ai thì cũng chỉ là chọn những khuôn mặt đã được chọn rồi. Đó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một cuộc bầu cử”.

Phong trào chỉ trích Raul Castro người đã cho rằng “không có những đối kháng thù địch” tại Cuba. “Những đối kháng đó tồn tại vì có những đối kháng nghiêm trọng giữa một hệ thống không công nhận quyền công dân nào và một mặt khác là những quyền hợp pháp và ích lợi của nhân dân”.

“Nhân dân Cuba muốn có những thay đổi tự do đáng kể hơn, sự hành xử đầy đủ quyền dân sự, kinh tế chính trị và xã hội của họ, sự hòa giải hòa bình và chủ quyền”.

Ông Paya cho biết Phong Trào Giải Phóng Kitô “tiếp tục đấu tranh trong hòa bình cho sự tôn trọng những quyền của mọi người công dân và cho việc trao trả tự do cho tất cả những anh chị em đối lập với nhà nước đang bị giam giữ trong các nhà tù”.
 
Úc giúp 76 triệu cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney
Đặng Tự Do
17:02 25/02/2008
Các cơ quan công quyền Úc sẽ chi 76 triệu Úc Kim (70 triệu Mỹ Kim) cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney và chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Đài truyền hình số 7 cho biết liên bang sẽ đóng góp 35 triệu trong khi tiểu bang New South Wales sẽ đóng góp 4 triệu trong việc tài trợ trực tiếp cho việc tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney. Những chi phí khác cho việc bảo đảm an ninh, điều hành lưu thông, cấp khoảng 500,000 visa và bồi thường thiệt hại cho những chủ nhân và những người sử dụng trường đua Randwick nơi buổi lễ diễn ra từ 15-20 tháng 7/2008.

Các viên chức chính phủ Úc không phàn nàn gì về chi phí cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Họ hy vọng rằng làn sóng người trẻ vào Úc sẽ mang lại ít nhất 150 triệu tièn thu nhập trong các thương vụ của Úc và dễ dàng vượt qua con số phải chi ra.

Cũng nên nhắc lại, theo thỏa thuận đã đạt được giữa Bộ Di Trú Úc và ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, tất cả những thanh niên tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney sẽ được miễn khỏi phải đóng tiền cấp visa và được cứu xét nhanh chóng nếu có giấy chứng nhận của vị Giám Mục địa phương nơi cư trú.

Úc là một trong những nước khó khăn về việc cấp thị thực nhập cảnh. Điều này đã là một trong những mối quan tâm của ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Tuy nhiên, với những thoả thuận gần đây, Úc đã tỏ ra rất rộng rãi đối với những tham dự viên Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Muốn được cấp visa miễn phí và nhanh chóng, chỉ cần Đức Giám Mục bản quyền chứng nhận mình là người Công Giáo và có ý chân thành tham gia Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.
 
Hai phe Hồi Giáo tại Iraq tương tàn lẫn nhau
Nguyễn Việt Nam
17:16 25/02/2008
Một cuộc tấn công lần thứ hai đã diễn ra hôm thứ Hai 25/2 nhắm vào những người hành hương Shiites tại thánh địa Karbala, phía Nam thủ đô Baghdad. Cuộc tấn công này đã gây cho 4 người chết và 15 người khác bị thương.

Một ngày trước đó, hôm Chúa Nhật, một người ôm bom tự sát đã cho nổ tung hắn ta trong một căn lều cung cấp nước uống cho người hành hương tại Hiteen, thuộc quận Iskandariya của thủ đô Baghdad làm 43 người chết tại chỗ.

Cũng như năm ngoái ngày hội hành hương Ashura của người Hồi Giáo Shiites về Karbala với hàng triệu người, bao gồm cả một số đông những người Iran, đã được đánh dấu bằng những cuộc tấn công kinh hoàng. Ngày hội hành hương Ashura là ngày kết thúc của 40 ngày than khóc cho cái chết của Imam Hussein, nhân vật trung tâm của Hồi Giáo Shiites, người đã bị giết năm 680.

Những cuộc tấn công như thế này thường do bọn al-Qaeda theo Hồi Giáo Sunnis chủ xướng. Nhiều biện pháp an ninh đã được đưa ra như cấm tất cả mọi phương tiện giao thông, kể cả xe đạp trong phạm vi 25km. 600 nhân viên an ninh nữ cũng được bố trí để khám xét những người phụ nữ.
 
Top Stories
China-Vatican relations, smoke and mirrors over the Olympics
Bernardo Cervellera
01:29 25/02/2008
China-Vatican relations, smoke and mirrors over the Olympics

by Bernardo Cervellera

Rumours of improved relations and invitations for the Olympics seem to be a publicity campaign aimed at concealing Beijing's embarrassment after Steven Spielberg withdrew from working for the Olympics. But there's also more: hesitation among the leaders of the office of religious affairs, and on the part of the vice-president of the patriotic association.

Rome (AsiaNews) - Rumours are continuing to circulate of an imminent improvement in relations between China and the Vatican, to the point of allowing conjecture of a visit by Benedict XVI to Beijing, perhaps for the Olympics. The Chinese sources cited for these speculations are no less than the director of the state administration for religious affairs, Ye Xiaowen, and the vice-president of the Patriotic Association for Catholics, Anthony Liu Bainian. During his visit to Washington, Ye said that "the distance between the two sides is getting shorter and shorter"; Liu is quoted as having said often that he dreams of the pope celebrating Mass in Beijing.

But Vatican officials contacted by AsiaNews confirm that there are no great signs of improvement in relations on the horizon, nor of greater religious freedom in the country. At least two bishops of the unauthorised Church (James Su Zhimin of Baoding and Cosma Shi Enxiang of Yixian) and one of the official Church (Martin Wu Qinjing of Zhouzhi) disappeared in the hands of the police, 11, 6, and one year ago respectively. Then there are the underground bishops in forced isolation, the official bishops under surveillance, the bishops who died in prison, and priests condemned to concentration camps.. . An anonymous Vatican official rightly declared two days ago to Reuters: "If we don't arrive at a decent level of religious freedom, what can the pope do in Beijing?"

The question that we pose is this: How in the world is it that so much "good news" is produced on relations between China and the Holy See, to the point that even in the Chinese restaurants there is talk of the "upcoming visit of the pope to China"?

We put the question to our sources in China. The replies are very significant: the strong emphasis on rapprochement between China and the Vatican began a few days after the moral rebuke Beijing received through Steven Spielberg's refusal to participate in the preparation for the Olympics.

Putting the Vatican in the middle and accenting improvements is a way to distract attention from the international condemnation of China's activities in Darfur, which amounts to branding it again as a pariah state in regard to human rights. Circulating the rumours that the pope is ready to go to Beijing for the Olympics or that there has been a diplomatic thaw is an attempt to take shelter under a moral umbrella, away from the downpour of criticism that accuses China of rigidity, of changing nothing, above all in regard to human rights.

As for the conjectures of Ye and Liu Bainian, these seem to be an extreme attempt to save themselves from an imminent purge in the patriotic associations and at the ministry of religious affairs. Both Ye and Liu have for decades been at the head of the organisations for the control of the religions and of the Catholic Church. And they are now also in the crosshairs of their organisations' members themselves, because they have been in office longer than the president of the People's Republic of China (6 years) and also because in recent years they have continued to raise tensions in China and in relations with the Vatican.

Last summer, Liu himself conducted a campaign against the letter from Benedict XVI to the Chinese Catholics, accusing him of "ignorance" and of wanting to bring the Church in China back to a situation of "colonialism". Ye, on the other hand, continues to defend the "independence" of the Chinese Church, against the "interference" of the Holy See in the appointment of bishops.

It is likely that relations between China and the Vatican will improve. But this may come only after these two officials have gone into retirement.

(Source: AsiaNews.it)
 
Buddhists enter Catholics’ property dispute with Vietnamese government
Catholic News Agency
11:46 25/02/2008
Hanoi, Feb 23, 2008 / 01:29 pm (CNA).- A Buddhist leader in Vietnam is now asserting a claim to disputed land that once belonged to the papal nuncio but was confiscated by the Vietnam government in 1959.

After a month of Catholic protest and prayer seeking the return of the former nunciature, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet announced an agreement on February 1 that would restore the property to Catholic ownership.

However, in a February 16 letter to the Vietnamese prime minister Venerable Thich Trung Hau, a leader of the communist-organized Vietnam Buddhist Church, now claims the land belongs to Buddhists.

Venerable Hau said that a pagoda named Bao Thien was built on the land in 1054. In 1883, he claimed, "The French colonists seized [the land] and gave it to Bishop Puginier."

Catholics see the claim as a government ploy to undermine the agreement announced on February 1.

The fence surrounding the former nunciature was broken through during the aforementioned Catholic protests and prayer vigils. Recently the gates of the fence have been strengthened, while new panels carrying Communist symbols and slogans have been set in place. Security officials now reportedly respond quickly to remove anyone who pauses to pray outside the building.

Father Joseph Nguyen, a Hanoi priest involved in the protests, said that Hanoi Catholics are facing “uphill battles” to regain the property. He also responded to the Buddhist leader’s claim, saying, "Except the strong support from the government, Venerable Hau has nothing to prove what he said. On the contrary, we do have all legal land titles."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mục Vụ Di Dân trong lòng Giáo Hội Việt Nam
LM Francis Lý Văn Ca
01:15 25/02/2008
Mục Vụ Di Dân Trong Lòng Giáo Hội Việt Nam

XUÂN LỘC -- Sau những công việc Mục Vụ và Thánh Lễ của một ngày Chủ Nhật … tối hôm nay tôi có dịp đọc bài viết của Sr Minh Nguyên được đăng trên Vietcatholic vào khoảng trung tuần tháng Giêng… Trong ngày 13 tháng 1 năm 2008 vừa qua - Ngày Quốc Tế Di Dân - trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn không những đã tổ chức ngày Quốc Tế Di Dân, mà còn tổ chức cả tuần lễ Di Dân trong Tổng Giáo phận…

Nhà Thờ Dĩ An
Khi nói đến vấn đề ‘Mục Vụ Di Dân’, có lẽ đa số trong chúng ta đều nghĩ rằng, đây là những vấn đề Mục Vụ được đặt ra cho Hội Đồng Giám Mục của một quốc gia mà trong đất nước của họ có sự hiện diện của những người đến từ một quốc gia khác để làm ăn sinh sống hay định cư. Những người nầy - đặt biệt là những người Công Giáo - không nói được tiếng bản xứ, không hội nhập được những phong tục và hiểu biết văn hóa địa phương… họ cần được Giáo Hội Địa Phương giúp đỡ. Vì thế do nhu cầu Mục Vụ cần thiết, những Trung Tâm Mục Vụ dành cho người Di Dân đã được thiết lập tại nhiều quốc gia trên thế giới để giúp đỡ những Di Dân Công Giáo Tị Nạn… Bây giờ vấn đề Tị Nạn Việt Nam không còn nữa, tôi muốn nói đến một phạm vi khác rất cần được Giáo Hội quan tâm cụ thể trong lúc nầy.

Viết đến đây, tôi nghĩ đến địa điểm mà Anh Chị Em Hàn Quốc gặp gỡ nhau hằng tuần ngay trong trung tâm của thành phố Sài Gòn? Anh Chị Em giáo dân người Hoa cũng gặp gỡ nhau hằng tuần? Một vài Giáo Xứ, Dòng Tu cũng đã có những thánh lễ Anh hoặc Đức Ngữ cho những người nói tiếng Anh hoặc tiếng Đức… đi liền với những thánh lễ theo ngôn ngữ của họ là những sinh hoạt cộng đồng của từng sắc dân. Có thể một số người sẽ nghĩ rằng Anh Chị Em Công Giáo Việt Nam ở trong cùng Một Quốc Gia - Một Giáo Hội Việt Nam - Nói Chung Một Ngôn Ngữ Việt Nam - đâu cần đặt vấn đề Mục Vụ Di Dân?

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ vì kế sinh nhai vì tương lai đã di chuyển chỗ ở từ miền Bắc hay Trung vào miền Nam hoặc từ các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn để đi học, làm ăn sinh sống… Đặc biệt là những tỉnh ven biên Sài Gòn, có rất nhiều Công Ty, Kỷ Nghệ, Hãng Xưởng của nước ngoài hoặc trong nước đã có một số lượng Công Nhân Viên rất lớn và nhiều ngưởi trẻ trong số nầy là Công Giáo. Có những nhà thờ của giáo xứ không có sức chứa. Ngoài những thánh lễ Chủ Nhật của giáo xứ đã nhiều lại cử hành thêm những thánh lễ cho Anh Chị Em Công Nhân Viên sống trong khu vực của giáo xứ ở một nơi nào đó...

Với những Sinh Hoạt Mục Vụ đều đặn, Hội Đoàn, Thánh Lễ, những Nghi Thức Phụng Vụ - Bí Tích cho Cộng Đoàn Dân Chúa trong Giáo Xứ của một Linh Mục Chính Xứ, Ngài còn phải ‘Mục Vụ Phụ Trội’ cho hơn 1.000 Anh Chị Em Công Nhân Viên trong khu vực giáo xứ của Ngài với ít là 1 hay 2 Thánh Lễ Phụ Trội’ cuối tuần, kèm theo Giải Tội trước và sau thánh lễ… Rồi những nhu cầu Mục Vụ đều đặn khác như Hội Họp, Rửa Tội, Hôn Phối, Giáo Lý Tân Tòng… kèm theo nữa.

Tôi xin đan cử một vài ví dụ cụ thể như:

1. Nhà thờ Dĩ An, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc sức chứa không quá 200 giáo dân, mà mỗi Chủ Nhật giáo dân tham dự thánh lễ phải ngồi ngoài sân và dọc theo 2 hành lang của nhà thờ đông hơn số giáo dân TRONG nhà thờ khoảng 800 người… Nhu cầu ‘Nhà Nguyện’ rất cần cho 800 con chiên nầy? Không phải họ chỉ đi lễ 1 tuần hơn 1.000 người mà là MỖI TUẦN với con số tương đương hoặc có khi hơn thế nữa. Nếu trời mưa lúc đang cử hành thánh lễ thì chắc hẳn hơn 500 hoặc 600 người sẽ hứng trọn cơn mưa giữa trời… Nếu như trời đang đổ mưa trước thánh lễ thì cũng có lẽ một số lớn trong số những người nầy sẽ không đến nhà thờ của buổi chiều hôm ấy vì họ biết là không thể đứng giữa trời để dâng lễ dưới cơn mưa tầm tã… hoặc có thể chen chân vào dành ghế ngồi hay tránh mưa trong ngôi nhà thờ quá nhỏ bé.

Rước lễ
2. Nếu như tăng thêm một thánh lễ cho Anh Chị Em Công Nhân Viên tại giáo xứ chính là An Bình lúc 6.30 chiều thay vì ở Dĩ An thì sẽ không thuận lợi về địa điểm. Vì, đa số Anh Chị Em ở cách xa khoảng 7 đến 10 cây số. Với số lượng hơn 1.000 người đi tham dự thánh lễ sau lễ chính của giáo xứ nầy thì lại là một trở ngại lớn cho những sinh hoạt thường xuyên của giáo dân trong giáo xứ sau thánh lễ. Vấn đề trật tự, di chuyển xe ra vào giữa 2 thánh lễ là cả một vấn đề lớn… Nếu như thánh lễ làm trễ hơn nữa thì có thể ảnh hưởng không ít cho ngày lao động kế tiếp đầu tuần. Nếu như tăng thêm một thánh lễ vào chiều thứ bảy hôm trước sau thánh lễ của giáo xứ thì cũng sẽ gặp những trở ngại tương tự… Nếu làm trước thì cũng sẽ gặp những ngăn trở những sinh hoạt của giáo xứ như Hôn Phối, Rửa Tội, Sinh Hoạt Thiếu Nhi…

2. Đa số họ là những người trẻ Di Dân vì kế sinh nhai, vì tương lai cho chính mình và gia đình… cho nên họ đã không được chuẩn bị cho cuộc ‘Di Dân Mới’ nầy, cho nên họ bị chạm trán - đối đầu với những hoàn cảnh và cuộc sống mới ở các thị tứ - thị trấn - đô thị - thành thị… đặc biệt là các bạn trẻ Công Giáo họ cần đến Giáo Hội hướng dẫn cuộc sống thiêng liêng của họ. Tôi xin đan cử thêm một vấn đề Mục Vụ Bí Tích:

Mỗi ngày Chủ Nhật hoặc chiều thứ Bảy, Linh mục phải đến sớm ít là 30 đến 45 phút để cử hành Bí Tích Hòa Giải…. Linh mục giam mình nơi ‘Tòa Cáo Giải Lộ Thiên’ dưới gốc cây hoặc ngoài mái hiên nhà thờ trong lúc giáo dân lần hạt, nguyện kinh… Ngài sẽ không có giờ để tiếp xúc với giáo dân do nhu cầu thiêng liêng cá nhân khi họ cần gặp... Sau lễ Linh mục lại tiếp tục giam mình trong Tòa Giải Tội tiếp khoảng 30 đến 45 phút nếu không phải dịp lễ Trọng. Những Anh Chị Em muốn gặp Linh mục riêng tư sẽ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi vì ngày mai họ phải đi làm sớm. Nếu như họ đang ở trọ nhà với những Anh Chị Em khác thì sự di chuyển, cuộc sống và thời gian của họ không ít thì nhiều cũng sẽ bị lệ thuộc… Có thể, họ cần phải về nhà để nấu hoặc ăn cơm tối chung với nhóm hay chuẩn bị thức ăn cho ngày mai… như Linh mục chính xứ cho biết mỗi cuối tuần bình thường phải có ít nhất là 300 hối nhân xin lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải… Giải tội xong hối nhân cuối cùng, Linh mục về đến nhà xứ chắc phải 8.30 hay 9.00 giờ tối.

Đa số người trẻ từ miền Bắc và Trung vì kế sinh nhai họ đã vào miền Nam để tìm công ăn việc làm…. Họ cũng cần hướng dẫn thêm về đời sống thiêng liêng của họ, đặc biệt là đời sống Luân Lý - Đạo Đức. Các khóa Dự Bị Hôn Nhân, Giáo Lý, Hội Đoàn, Đoàn Thể cũng cần được thiết lập cho họ, để họ có nơi bám víu học hỏi trao dồi cho đời sống thiêng liêng đạo đức xa quê cha đất mẹ của họ vào cuối tuần hay một vài buổi tối nào đó trong tuần. Vấn đề mục vụ nầy rất cần cho họ để họ cảm thấy đây là giáo xứ - gia đình thứ 2 - của họ đang bám vào để họ được nuôi dưỡng trong những tháng ngày sống xa gia đình và xứ đạo gốc của họ kèm theo sinh kế - sinh nhai hằng ngày.

Theo tôi được biết, có những Giáo Xứ đang có những chương trình - dự án sẽ xây cất những chung cư - nhà trọ bình dân - cho những Anh Chị Em Công Nhân Viên gần Giáo Xứ hay Hãng Xưởng, Kỷ Nghệ phần nào để nâng đỡ những Anh Chị Em Công Giáo hầu giúp họ sống đùm bộc lẫn nhau và nâng đỡ nhau sống ‘Thánh Giữa Đời’ trong những hoàn cảnh cho dù thiếu thốn những đầy tình nghĩa Công Giáo. Trong những khu nhà trọ hay chung cư nầy họ sẽ cảm nhận được phần nào mối ưu tư và quan tâm của Giáo Hội thu hẹp là Giáo Xứ đối với đời sống thiêng liêng của những ‘Con Chiên Công Nhân Viên’ trong Đàn Chiên của Giáo Hội Mẹ Việt Nam. Họ sẽ nâng đỡ nhau và nhắc nhở nhau thông hiệp với Giáo Hội sau một tuần vì sinh kế phải lăn xả vào xã hội trần thế như đi tham dự thánh lễ, sinh hoạt đoàn thể hoặc chia sẻ những vui buồn của nhau trong cùng một hoàn cảnh.

Ngoài ra, theo chúng tôi cũng được biết vì nhu cầu Mục Vụ cho người Di Dân một vài Giáo Xứ có số Công Nhân Viên Công Giáo đông, Các Đấng Bản Quyền cũng đang nghĩ đến việc xây cất những ‘Nhà Nguyện’ để đáp ứng ‘Nhu Cầu Mục Vụ’ hiện nay hoặc những ‘Trung Tâm Mục Vụ’ cho người Di Dân đang đòi hỏi.

Chắc hẳn trong cuộc sống xa quê cha đất mẹ, các bạn trẻ cũng cảm thấy những khó khăn trong đời sống ’độc thân tại chỗ vì hoàn cảnh phải ly thân’ hoặc ‘độc thân giữa căn nhà trọ - chung cư’. Có những bạn đã thay thế vào đời sống độc thân - cô đơn đó bằng những thú vui hay đam mê không được phép, trái với lương tâm của một người Công Giáo và từ đó họ đã đi xa hơn nữa với những điều tệ hại hơn nếu như họ không được những Cố Vấn Gia Đình, Những Vị Linh Hướng, Linh Mục, Tu Sĩ, Chuyên Gia Tâm Lý Hướng Dẫn hay Linh Hướng Mục Vụ giúp đỡ họ…

Tôi có dịp trao đổi với Linh Mục Chính Xứ An Bình - Dĩ An, Cha Vincentê Nguyễn Thành Công về vấn đề Mục Vụ cho người Di Dân và qua Kinh Nghiệm của Ngài là một Linh Mục Đặc Trách lo cho người Di Dân, Ngài rất ưu tư về vấn đề Mục Vụ Di Dân đối với những Anh Chị Em vì hoàn cảnh đã phải sống xa quê cha đất mẹ của họ.

Nếu như có ai trong chúng ta có dịp đến Giáo Xứ Dĩ An là một trong những giáo xứ có nhiều Anh Chị Em Di Dân Công Giáo vào một buổi tối Chủ Nhật bình thường để tham dự một thánh lễ sẽ không thể đặt chân vào BÊN TRONG ngôi thánh đường nầy được nếu đến trễ… chỉ có một cách là đứng ngoài "ngó thánh lễ cử hành bên trong nhà thờ". Lúc trao Mình Thánh Chúa giáo dân lên rước lễ chỉ có đủ chỗ cho 1 hàng đi lên và 1 hàng đi xuống dù có 2 hàng ghế bên trong nhà thờ và mỗi hàng ghế ngồi được 4, 5 người mà thôi. Ngoài hành lang và sân nhà thờ được 3 hoặc 4 thừa tác viên phụ giúp Linh mục trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân. Thời gian trao ban Mình Thánh Chúa cho Dân Chúa ở bên ngoài nhà thờ sẽ luôn lâu hơn bên trong nhà thờ vì số người ở ngoài lúc nào cũng đông hơn bên trong nhà thờ.

Chúng tôi có dịp tham dự những thánh lễ được cử hành trong những Ngôi Thánh Đường nguy nga tráng lệ đó đây… Chúng tôi cũng có dịp dâng thánh lễ ở những Nhà Thờ mái lá lợp tôn chật hẹp thiếu những tiện nghi tối thiểu… đến nỗi, nếu hôm nào lễ trọng hơi dài… ‘Gia Đình Nhà Họ Kiến’ kịp đánh hơi mùi rượu lễ sẽ nối đuôi nhau đến bàn phụ nhắm chút rượu lễ trước khi Linh mục kịp rót vào chén thánh.

Giáo dân dự Lễ đứng ngoài sân
Chúng tôi có dịp dâng cũng như tham dự những thánh lễ tại những Nguyện Đường như Dòng Tu, Tòa Giám Mục, Nhà thờ Chính Tòa… ở những Nhà Thờ sát cạnh biên giới Miên-Việt trải dài trên Quê Mẹ Việt Nam… đi đến đâu cũng thấy được lòng sốt sắng đạo đức của người giáo dân Việt Nam. Người Dân Việt - Con Cháu của Rồng Tiên - Người Giáo Dân Việt Nam - Con Cháu của Các Thánh Tử Đạo - luôn sống gắn bó với Làng Nước - Xóm Đạo, Xóm Giáo. Dù sinh sống ở nơi nào tâm hồn của người Việt luôn hướng về nơi ‘chôn nhao cắt rốn’. Tâm tình đó được thể hiện trong đời sống tập thể, đoàn thể, xóm giáo, xứ đạo mà họ đang hội nhập. Qua những sinh hoạt đoàn thể, tham dự thánh lễ họ cảm thấy phần nào được bao bọc bởi tập thể, tháp nhập hay thông phần vào những công tác Mục Vụ trong Giáo Xứ như là một gia đình thứ 2 của họ.

Những người bạn trẻ vì sinh kế họ đã rời bỏ quê cha đất mẹ để tìm miếng cơm manh áo. Ngay từ đầu của bài viết nầy đã khẳng định điều nầy, cho nên vì sinh kế họ đã ra đi tìm đất để sống để lập nghiệp cho nên họ đã không được chuẩn bị về phần tâm lý và tinh thần… Vật chất mặc dù rất cần thiết, nhưng nó không phải là cùng đích của con người. Khi con người quá lo lắng để thỏa mãn cơn đói vật chất sẽ dễ dàng quên cơn đói phần linh hồn, đưa con người đến cơ nguy mất Thiên Chúa và phần phúc mai ngày. Cha ông chúng ta thường nói: "Tiền bạc vào cửa trước sẽ đẩy đạo đức ra cửa sau".

Giáo Hội thường được sánh ví như Người Mẹ Hiền. Tất cả những gì Giáo Hội - Mẹ Hiền mong muốn đều nhằm mục đích giúp con cái của Mẹ luôn được canh tân, cải hóa và dưỡng nuôi. Việc canh tân nầy không phải là việc đổi mới theo trào lưu, cho hợp mốt, đúng thời, hoặc hướng về một tiêu chuẩn nào mới lạ, khác thường, nhưng là luôn trở về nguồn để gặp lại sứ điệp Phúc Âm - hay Tin Mừng nguyên thủy mà vì cuộc sống vật chất sa đọa hay vì kế sinh nhai con cái của Mẹ Giáo Hội thay đổi môi trường sống có thể đã làm cho họ trật đường sai lối.

Thay Lời Kết:

Giáo Dân Xem Lễ Từ Ngaòi ĐườngChân thành cám ơn những ưu ái của Linh mục Vincentê Nguyễn Thành Công, Chính xứ An Bình - Dĩ An đã tạo cho chúng tôi cơ hội đến thăm Giáo Xứ của Cha và qua những sinh hoạt cuối tuần chúng tôi chứng kiến được lòng đạo đức sốt mến của Cộng Đoàn Dân Chúa của Cha, thấy được những nhu cầu Mục Vụ cho người Di Dân sống rải rác trong giáo xứ và những vùng phụ cận, họ đang cần ‘Giáo Hội Mẹ Thánh Địa Phương’ chăm sóc… và những kết quả Cha đã gặt hái được trong đời sống Phục Vụ - Dấn Thân của một Chủ Chăn kiên cường trong Thiên Chức Linh mục. Xin chúc mừng Cha.

Xin Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ban cho Cha Vincentê, Quý Thầy, Quý Sơ, Hội Đồng Mục Vụ, Các Đoàn Thể và Cộng Đoàn Xứ Đạo An Bình - Dĩ An được bình an và thánh đức. Ước gì năm Mậu Tý nầy, sẽ bắt đầu một trang sử mới cho Cộng Đoàn Xứ Đạo, xin cho mỗi người trong Anh Chị Em luôn ý thức mình là phần tử của Đại Gia Đình của Giáo Xứ An Bình - Dĩ An, hợp tác với Cha Chính Xứ, để góp phần xây dựng nhiệm thể của Cộng Đoàn Giáo Hội Địa Phương với những hồng ân Chúa ban. Đặc biệt là hướng đến một tương lai đầy hứa hẹn với những chương trình Mục Vụ - Xã Hội không những nhắm đến việc phục vụ Giáo Xứ mà còn nhắm đến những Anh Chị Em Công Nhân Viên - Di Dân đang gắn liền cuộc sống của họ trong phạm vi của Giáo Xứ sau những ngày làm việc vất vả, họ sẽ cảm nhận được sự chăm sóc Mục Vụ của Cha Chính Xứ và tình yêu thương của từng Anh Chị Em trong Cộng Đoàn Dân Chúa thu hẹp là An Bình - Dĩ An. Sau hết, xin cho Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam luôn được thăng tiến về mọi mặt, làm rạng rỡ cho giống nòi, xứng đáng là con cháu của của các thánh Tử Đạo Việt Nam.

(Giáo Xứ An Bình-Dĩ An, Xuân Lộc, Mùa Chay Thánh 2008)
 
Cộng đoàn Vàng Danh - Uông Bí, điểm truyền giáo thuộc giáo phận Hải Phòng
Khổng trung Sơn
18:29 25/02/2008
HẢI PHÒNG -- Cách Thị xã Uông Bí tỉnh Quảng Ninh khoảng hơn hai mươi cây số, tại nơi đây là mỏ than Vàng Danh, có một cộng đoàn Kitô hữu khoảng một trăm hai mươi người. Được biết nơi đây có khoảng mười nghìn công nhân từ các tỉnh xa như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang.. trong số đó có lẽ còn rất nhiều người Công Giáo nữa.

Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện lo công việc di dân của Giáo Phận được Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên sai đi để tiếp cận với số người Công Giáo đang sinh sống tại đó. Cha đã đến dâng Thánh lễ cho cộng đoàn này cùng với sự cộng tác rất đắc lực của anh chị em Đạo Binh Đức Mẹ Giáo Phận Hải Phòng.

Thao thức của Cha Kiện, cũng như ý nguyện của Đức Giám mục Giáo Phận sẽ đặt nơi cộng đoàn này làm điểm truyền giáo. Bài chia sẻ của Cha cũng là thao thức của cộng đoàn trong tương lai sẽ có một họ đạo Vàng Danh để có nhiều anh chị em có nơi sinh hoạt Tôn Giáo, cũng như làm sao có được ngôi nhà nguyện nhỏ để mọi người lui tới cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ. Mọi ngươi trong cộng đoàn Vàng Danh hôm nay rất vui và phấn khởi vì sự động viên của Cha, mọi người sẽ cùng cầu nguyện để những dự định của mọi người sớm được thực hiện.

Xin Chúa cho Cộng đoàn Đức Tin này càng ngày càng phát triển trong cánh đồng truyền Giáo của Giáo Phận.
 
Chủng sinh ĐCV Hà Nội đến với những gia đình nghèo khu bãi giữa sông Hồng và Cầu Long Biên
Gioan Đinh Sơn
21:43 25/02/2008
HÀ NỘI -- Sáng ngày 24/2/2008 - chúa nhật III mùa chay, nhóm chủng sinh Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã đến thăm và đồng hành với những người trong khu người nghèo tại bãi giữa sông Hồng, dưới cầu Long biên Hà nội.

Khởi đi từ Thánh Lễ sáng sớm cùng ngày, cha linh hướng Giuse Phan Thiện Ân đã nhấn mạnh đến Thầy Giêsu trong đoạn Tin Mừng Gioan 4, 5- 42: anh em hãy noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, Ngài đã vượt mọi ranh giới đến với người phụ nữ Samaria để “xin nước”; vậy anh em cũng lên đường đi mục vụ, đến với những người anh em sẽ gặp ngày hôm nay trong tinh thần yêu thương và phục vụ…

Nối tiếp tinh thần của Tin Mừng, nhóm anh em được phân công mục vụ khu người nghèo ở bãi giữa sông Hồng đã có mặt vào lúc 8 giờ 30. Hơn khi nào, các thầy đã y thức được tinh thần mùa chay của Giáo Hội: cầu nguyện, sám hối và hy sinh, làm việc bác ái, cách riêng đối với những người nghèo khổ.

Tôi và các thầy đã vượt qua một đoạn đường chừng 4 km đi về hướng Bắc. Chúng tôi tới đó bằng xe đạp nên mất khoảng 15 phút vì một đoạn phải dắt bộ. Dừng xe, trước mắt tôi là một khu, gọi là khu vì nơi đây có một số gia đình sinh sống. Quanh năm họ sống dưới nước, trên những cái “phao” mà mọi người thường gọi là nhà của họ. Khu này cũng đủ mọi lứa tuổi, từ những cụ già “ngót ngét” bảy tám mươi, cho đến những em thơ vừa “lọt lòng”…. Từ đất liền tới “phao” được nối bằng một “ván gỗ” nhỏ bé và cũ kĩ, phải bước trên thanh gỗ đó thì mới vào được nhà, những ngôi nhà “chòng chành trên sông nước”. Chúng tôi bước vào “phao” gia đình bác Nguyễn Văn Trọng, 70 tuổi, già nua và “móm mém”. Được biết bác Trọng đến từ tỉnh Hà Tây và là trưởng khu này. Có lẽ những người trong khu tự bầu nhau?

Nhóm chủng sinh Hà nội
Chúng tôi được đón tiếp bằng những “chén trà tình người” nên dù đường đi có mệt mỏi đôi chút nhưng tôi vẫn cảm thấy “ấm lòng”. Ngồi nói chuyện với bác “tổ trưởng khu” tôi được biết tại đây có 22 gia đình, các gia đình đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Công việc chủ yếu của những người sống ở đây là đi thu lượm “rác” quanh Thành phố, có một số anh chị may mắc thì là “công nhân” của một công ty nào đó…

Tạm chia tay gia đình bác Trọng, nhóm chúng tôi “tranh thủ” đến từng gia đình, thăm hỏi sức khỏe các cụ già, trò chuyện vui chơi với những em thơ... đó chính là công việc của các thầy vào mỗi sáng chúa nhật.

10 giờ 30, chúng tôi phải trở lại Đại chủng viện cho kịp giờ kinh trưa. Chúng tôi lưu luyến mãi những con người và cuộc sống nơi đây, những ngôi nhà “sập sùi” nhưng có biết bao “khát vọng” của những cụ già và “ước mơ” của các em thơ…

Nguyện ước ngày mai ánh dương hồng
Mong cho các em được đến trường
Mẹ cha lên “rẫy” mang “ánh sáng”
Các cụ vui cười khi “chiều” dâng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhận định về hai “con bài” được các quân sư dổm của Cộng Sản tung ra
Công Lý
00:09 25/02/2008
Nhận định về hai “con bài” được các quân sư dổm của Cộng Sản tung ra

Bây giờ chúng tôi không còn e dè nữa khi khẳng định điều mà chúng tôi đã báo động lâu nay, đó là Cộng sản Việt nam đang lợi dụng và giả danh “Phật giáo” để gây xung đột tôn giáo, hòng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận, kéo dài thời gian và trốn tránh trách nhiệm sai lầm của mình. Hai chữ “Phật giáo” ở trong ngoặc kép nhằm chỉ Phật giáo quốc doanh, được Cộng sản Việt nam thuần hóa.

Với "con bài Trương Bá Cần”, Công giáo quốc doanh, và nhất là "con bài Phật giáo quốc doanh”, qua công văn của Hòa Thượng Thích Trung Hậu, biến cố Tòa Khâm Sứ đã có thêm những yếu tố mới mà cuộc đấu tranh đòi công lý của giáo dân Công Giáo Hà Nội phải đẻ ý đến. Sau khi đã thất bại trong chính sách gian xảo của mình qua UBND HN, sau khi đã huy động truyền thông báo chí quốc doanh vào cuộc để xuyên tạc sự thật, và nhất là sau khi đã có thỏa thuận làm việc với Tòa Giám Mục Hà Nội, giờ đây họ đang lâm vào thế bí, nên đanh tung ra những con bài tiếp theo của mình: Công giáo quốc doanh Trương Bá Cần, qua tờ báo nô Công giáo và Dân tộc, và Phật giáo quốc doanh qua công văn “việt vị” của Hòa Thượng Thích Trung Hậu.

Thủ đoạn này có tác dụng nhất thời của nó là hướng sự chú ý đến một nơi khác nhằm tránh sự phê bính chỉ trích và tầm nhắm vào nhà cầm quyền CSVN. Đây là thủ đoạn gây xung đột tôn giáo rồi chính quyền sẽ can thiệp như là “người cầm cân nảy mực”, giải quyết “khủng hoảng”. Tác dụng nhất thời của nó cũng nhằm gây khó khăn cho công cuộc tranh đấu vì công lý của giáo dân Hà Nội. Ngừoi Công Giáo bây giờ không chỉ nhắm đến kẻ bạo quyền, nhưng còn phải tìm cách trả lời cho hai “quân bài” này một cách nào đó.

Quả đúng như thế, kế đánh bài chuồn trốn tránh trách nhiệm này đã có tác dụng phần nào khi trong những ngày vừa qua rất nhiều bài viết trên VietCatholic đang chỉa mũi dùi vào Trương Bá Cần, báo Công Giáo và Dân Tộc và nhắm trả lời cho sự can thiệp phi lý và “ngây thơ” của Hòa Thượng Thích Trung Hậu, khi lập lại lập luận chẳng chút hiệu quả nào: “bằng chứng lịch sử”, một “bằng chứng” dễ bị bẻ gãy ngay tức khắc đối với một người biết suy nghĩ bình thường.

Tuy nhiên, thủ đoạn thâm hiểm đó cũng chẳng có tác dụng lâu dài và chỉ đưa ra ánh sáng một sự thật đê hèn và đau lòng khác là CSVN cố tìm cách biến các tôn giáo thành những “con rối chính trị” của mình, cũng như nó chưa sẵn sàng cho một “quyết tâm chính trị” để đưa dân tộc Việt nam ra khỏi sự nghéo nàn, lạc hậu, hầu tiến bước cùng thế giới văn minh. Cho dù nó có tung ra những đòn xảo trá và nham hiểm thế nào, thì nó cũng không thay đổi được mục đích, ý nghĩa, bản chất cũng như đối tượng đấu tranh vì công lý của giáo dân Hà Nội. Cuộc đấu tranh của người giáo dân vẫn là cuộc đấu tranh đòi công lý từ một chế độ dung dưỡng bất công, Công giao quốc doanh hay Phật giáo quốc doanh chỉ là cánh tay nối dài của một chế độ chà đạp lên pháp quyền và công lý. Không có con bài nào có thể che đậy được bộ mặt và bản chất gian xảo của một thể chế hành xử như một tổ chức tội phạm, nó chỉ làm tăng lên sự xảo trá đó mà thôi.

Bài của Công giáo và Dân Tộc (Trương Bá Cần)
1. Con bài thứ nhất lên tiếng đó là linh mục Trương bá Cần của báo Công giáo và dân tộc, một kẻ bợ đỡ chuyên thói. Tất cả những ý tưởng ngốc nghếch của Trương Bá Cần về vụ Tòa Khâm Sứ đều đã được nhiều người phơi bày trong những ngày qua rồi, hôm nay tôi chỉ nhấn mạnh lại một điểm mà tác giả Thúy Dung đã đề cập đến: Trương Bá Cần đồng hóa một đảng phái với đất nước, dân tộc. Đó là một sai lầm và là một sự sỉ nhục nghiêm trọng đối với đất nước và con người Việt Nam. Những chuyện ông phê phán đả kích Giáo Hội theo tôi là chuyện nhỏ mà thôi, vì ông cũng xếp hàng vào danh sách những kẻ chống báng Giáo Hội từ hơn 2000 năm nay, và ông chỉ thuộc loại xòang trong việc chống đối Giáo Hội. Nhưng sai lầm trầm trọng của ông, mà theo tôi là một sai lầm cố tình, đó là đánh lận con đen giữa dân tộc Việt Nam và ý thúc thệ đảng phái Cộng Sản, chủ nghĩa xã hội của ông. Chúng ta đọc lại những dòng chữ sau đây chỉ ra lập trường mà Trươgn bá Cần đã vạch ra cho tờ báo Công giáo và Dân tộc, được Hà Long ghi lại:

"Báo Công giáo và Dân tộc do một nhóm anh chị em Công giáo gồm linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân chủ trương… Là tiếng nói của một số cá nhân hay là tiếng nói của một tập thể, tờ báo Công giáo và Dân tộc vẫn là thao thức chung của người Công giáo Việt Nam trước vận hội mới và thách thức mới của Quê hương và Giáo hội sau biến cố 30-04-1975, chấm dứt chiến tranh, thống nhất Đất nước và đi vào con đường xã hội chủ nghĩa. Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển tại Việt Nam, quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc thường khá phức tạp, nhiều khi gay go. Mối quan hệ này được dự liệu sẽ khó khăn hơn khi những người Cộng sản lãnh đạo đất nước. Trong bối cảnh đó, “tờ CGvDT muốn là một nổ lực đóng góp khiêm tốn cho công việc giải quyết vấn đề chung, như một bước đi trên chặng đường hành hương cùng anh em đồng đạo tìm về Dân tộc. Vì thế nhóm chủ trương Tuần báo không có một tham vọng nào khác ngoài việc đóng góp cho vai trò và ý nghĩa chữ “VÀ” để người Công giáo được sống giữa lòng Dân tộc một cách trọn vẹn như mọi người công dân khác”.

Như thế, Trương Bá Cần và báo Công Giáo và Dân tộc đều nổ lực cho một chữ “VÀ” này. Công minh mà nói nhóm Công giáo và Dân tộc không hề sai khi nhấn mạnh đến ba chữ “Và Dân Tộc”, vì chính hai chữ “Dân Tộc” này mà những kẻ thù của Giáo Hội Việt Nam, nhất là nhóm Giao Điểm từ xưa đến nay đã không ngừng nhai đi nhai lại để kết đoán hồ đồ rằng người Công Giáo Việt nam không đồng hành với dân tộc, kết thân với ngoại lai, thực dân…, và họ cho rằng chính họ mới đồng hành với dân tộc. Chúng tôi cũng không lạ gì khi trong công văn của Hòa Thượg Thích Trung Hậu cũng lập lại sáo ngữ này: “Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước” . Cũng thật buồn cười khi trong một công văn nhảy vào tranh chấp đất, tự nhiên lồng một câu lãng xẹt chẳng liên quan gì như vậy! Qua đó ngụ ý điều gì?

Chụp mũ cho người Công giáo là không đồng hành với dân tộc, đó là một chụp mũ hồ đồ, ác ý và cố tình quên đi những gì người Công giáo đã và đang làm giữa lòng dân tộc. Qua vụ Tòa Khâm Sứ này, những người tự cho là “đồng hành với dân tộc” thật ra lại là đang phá hoại tình đoàn kết dân tộc, cố tình tạo xung đột tôn giáo, và nhất là đang bán rẻ dân tộc khi dựa vào “bằng chứng lịch sử”, một bằng chứng bắt thang cho người Chàm, người Miên đứng lên đòi lại đất đai mà lịch sử chứng minh cho thấy là thuộc về họ, hay nói như Đức Cha Sang, một “bằng chứng” sẽ dẫn đến hậu quả xới tung tất cả Thủ đô Hà Nội lên… Như vậy “đồng hành với dân tộc” đâu chẳng thấy chỉ thấy gây xáo trộn và phá hoại xã hội, đát nước và dân tộc!!!

Trở lại với chủ trương của nhóm Công giáo và Dân Tộc, việc nhấn mạnh hai chữ “Dân tộc” có tác dụng giúp người Công giáo ý thức việc họ đang “sống đức tin giữa lòng dân tộc”, chứ không có nghĩa là người Công giáo Việt nam không sống hay đồng hành với dân tộc. Nhóm Trương Bá Cần đã cố tình đi vào bánh xe của nhóm Giao Điểm Cộng Sản và những kẻ chống đối Giáo Hội lâu nay, làm như thể người Công Giáo Việt nam không đồng hành với dân tộc. Đó là sự mập mờ đánh tráo mà nhóm Trương Bá Cần tạo ra từ trước đến nay.

Tệ hai hơn nữa , là cái chủ trương “tốt đẹp” của nhóm Trương Bá Cần nhắm đến chữ “Và Dân Tộc” này đã bị xổ toẹt khi nhóm này chỉ vì chữ “VÀ” này mà thôi, còn hai chữ Công Giáo thì bị họ phê bình, chỉ trích, “đấm đá tả tơi” để làm đẹp lòng “ông chủ”! Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn bị “bầm dập” dưới ngòi bút của những kẻ bưng bô ca tụng cách lệch lạc tự hào dân tộc. Ở đó người ta thấy khẩu hiệu “Công Giáo và Dân tộc” hoàn toàn là một khẩu hiệu trang trí chứ không có thật, vì nhóm Trương Bá Cần rút cuộc càng đào sâu khỏang cách Công giáo và dân tộc, chứ không giúp gì như chủ trương mà họ đã nói.

Chưa hết, khẩu hiệu “Và Dân tộc” này cuối cùng cũng bị biến dạng, vì cuối cùng thực chất đó là “và Đảng CS hay Chủ Nghĩa Xã Hội” không hơn không kém. Thời gian trôi qua khá lâu đủ để người giáo dân nhận định rằng tờ báo Công Giáo và Dân Tộc là một cơ quan tay sai của nhà cầm quyền Việt nam, trong đó những bút nô một mặt phê phán Giáo Hội và mặt khác, ca tụng Đảng cầm quyền, nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác mà đảng Cộng sản gây nên, bênh vực cho những việc làm sai trái của nhà cầm quyền… Thế mới biết tâm địa xấu xa của giáo gian núp bóng đằng sau khẩu hiệu mị dân “Công giáo và Dân Tộc” để phục vụ cho một ý thức hệ phi nhân bị lịch sử loại bỏ! Vấn đề càng gia trọng khi đó là một linh mục ăn cơm Chúa múa cho Đảng! Chức linh mục là một thiên chức cao quý đã bị Trương Bá Cần bôi đen trứoc mặt người đời. Người ta vẫn chờ đợi ngày Cộng sản bị sụp đổ như ở Ba Lan, và những nguyên nhân ẩn kín đằng sau đó sẽ giải thích tại sao Trương Bá Cần biến chức linh mục thành kẻ bút nô!

Công văn của Hòa Thượng Thích Trung Hậu
2. Con bài thứ hai được tung vào cuộc đó Phật giáo quốc doanh, qua công văn của HòaThượng Thích Trung Hậu. Cũng như Công giáo quốc doanh, Phật giáo quốc doanh không thoát khỏi sự thao túng của nhà càm quyền CSVN. Sự xuất hiện của Phật giáo quốc doanh can thiệp vào tranh chấp đất đã được cảnh báo từ lâu rồi, cho nên khi nó xảy ra thì ngừoi ta chẳng “sốc” gì, và nó xảy ra đúng lúc nữa! Đúng lúc mà nhà cầm quyền hết đường thoái thác trong việc trao trả lại TKS, thì họ tung con bài này vào để làm thay đổi tình thế và hướng đi đôi chút. Nhưng tung con bài này thì cũng đồng nghĩa tự giết mình. Người ta lo sợ về một cuộc xung đột tôn giáo? Liệu CSVN có thể ung dung vuốt râu ngồi yên được không hay là đó cũng là một sự cáo chung của nó? Vả lại, những “bằng chứng lịch sử” chứ không phải pháp lý mà Phật giáo quốc doanh đưa ra thì quá non tay, non tay đến nổi một người bình thường cũng bẻ gãy được. Vả lại những luận điệu chụp mũ như Công giáo đồng lõa phá hoại Chùa để xây nhà thờ trên đó đúng là rẻ tiền con và ác ý, vì người ta cũng chứng mình qua “bằng chứng lịch sử” được rằng đó là những luận điệu phi lịch sử và ác ý nhỏ nhen. Điều nguy hiểm như chúng tôi nói trên là “bằng chứng lịch sử” của Phật giáo quốc doanh hay cộng sản đưa ra, đó chỉ chứng minh một sự phá hoại ổn định xã hội và là công văn bán nước, bán rẻ dân tộc hiểu theo cách nào đó. Khi nguời Chàm hay người Miên…đứng lên đòi lại đất đai mà lịch sử thuộc về họ, thì lúc đó, quý vị sẽ ra trước tòa án của dân tộc Việt nam!

Nói tóm lại, qua việc tung hai con bài này, nhà cầm quyền VN vẫn chưa chứng tỏ là một nhà nước pháp quyền hay hướng đến một quyết tâm chính trị vì một nhà nước pháp quyền và công lý. Và công cụ để thực hiện ý đồ đó là Công giáo quốc doanh Trương Bá Cần và Phật giáo quốc doanh. Hai con bài này chỉ có tác dụng nhất thời mà thôi, còn công lý vẫn là công lý và tất cả sự gian dối đều bị đè bẹp dưới sức mạnh đấu tranh cho công lý. Hai con bài vừa xuất hiện đã vội chết yểu vì không dựa vào công lý và sự thật mà lý trí con người công nhận. Hai con bài đó không làm thay đổi được cuộc đấu tranh đòi công lý nhắm vào bạo quyền bất công, và chỉ làm lộ rõ hơn khuôn mặt nham điểm của một chế độ hành xử theo kiểu một tổ chức tội phạm mafia.
 
Vụ chùa và tháp Báo Thiên
Lữ Giang
03:36 25/02/2008
Vụ chùa và tháp Báo Thiên

Lữ Giang

Trong khi Giáo Phận Hà Nội và nhà cần quyền Hà Nội đang thảo luận về việc trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ ở số 42 phố Nhà Chung, Hà Nội, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc đã huy động hai cơ quan tôn giáo vận của Đảng và Nhà Nước là tờ Công Giáo và Dân Tộc của nhóm Công Giáo quốc doanh và trang nhà phattuvietnam.net, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) , thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh hay Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, bày trò phá rối. Đây là chiến thuật “vùa đánh vừa đàm” rất quen thuộc của Đảng CSVN.

NHỮNG TRÒ PHÁ RỐI

Ngày 15.2.2008, tờ “Công Giáo và Dân Tộc” số 1644 do Linh Mục Trương Bá Cần, một cán bộ tôn giáo vận quản lý, đã chạy tít lớn đăng một bài loan truyền tin đồn thất thiệt về mâu thuẫn giữa Công Giáo và Phật Giáo hải ngoại, xuyên tạc lịch sử về vấn đề chủ quyền Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, bênh vực cơ chế tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, phê phán cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội, và xuyên tạc lá thư của Đức Hồng Y Bertone gởi cho Giáo Phận Hà Nội.

Tiếp theo, ngầy 17.1.2008, báo điện tử “phattuvietnam.net” cho đăng “Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ" của một người ở trong nước dấu tên cho rằng khu Tòa Giám Mục Hà Nội và Tòa Khâm Sứ hiện nay trước đây là chùa và tháp Báo Thiên của Phật Giáo, bị Pháp chiếm đoạt và đập phá đi rồi giao cho Công Giáo xây Tòa Giám Mục và nhà thờ lớn Hà Nội.

Ngày hôm sau, 18.1.2008, trang nhà này đăng tiếp một bài thứ hai dưới đầu đề “Tâm thư gửi đồng bào công giáo cầu nguyện đòi Toà Khâm Sứ” với tên người viết được ghi là Phật tử Tâm Minh - Nguyễn Quốc Dũng, cũng đưa ra luận điệu tương tự như bài trước.

Các websites thân cộng ở hải ngoại hoặc các thành phần theo “Nhóm Thân Hữu Già Lam” đều ủng hộ lập luận này. Chúng ta nhớ lại, trrong buổi thuyết pháp trong chương trình “Tiếng Từ Bi” vào lúc 8 giờ tối ngày 8.11.2007 trên đài phát thanh Little Saigon, Hòa Thượng Thích Chơn Thành ở Chùa Liên Hoa, Garden Grove, California, đã từng tuyên bố: “Thiên Chúa Giáo Việt Nam cũng như vậy. Dưới thời thực dân Pháp, họ dựa vào Pháp chiếm các chùa rồi xây dựng nhà thờ trên nền chùa, như nhà thờ Đức Bà Hà Nội nguyên là tháp Báo Thiên, được xây dựng từ thời nhà Lý. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn xây trên nền chùa. Nhà thờ Cây Mai trước kia cũng là ngôi chùa. Nhà thờ La Vang trước kia cũng là ngôi chùa tên là chùa Lá Vằng, vân vân.”

Ai cũng biết, GHPGVN ở trong nước chỉ là một cơ quan ngoại vi của Đảng CSVN, đặt trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Trong Đại Hội VI được tổ chức năm 2007 vừa qua, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, vốn trực thuộc Giáo Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước đây, được tái bầu làm Chủ Trịch Hội Đồng Trị Sự nhiệm kỳ 2007 – 2012. Nhưng ông chỉ đóng vai trò bù nhìn. Người lãnh đạo thật sự của giáo hội này là Hòa Thượng Thích Thanh Tứ, một đảng viên Đảng CSVN, giữ vai trò Phó Chủ Tịch.

Trên nguyên tắc, hai cơ quan ngoại vi nới trên không thể nói, viết hay làm gì mà không có sự chỉ đạo hay chấp thuận trước của Mặt Trận Tổ Quốc hoặc Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Do đó, chúng tôi tin rằng đây là một trò xảo thuật của Đảng CSVN.

Những sự kiện và những lập luận do các bài nói trên đưa ra đều hoàn toàn trái với lịch sử và pháp lý, nhưng chúng tôi không trả lời ngay, vì tin rằng đây chỉ mới là những bước thăm dò: Nếu thấy có những phản ứng bất lợi, Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tôn Giáo Chính Phủ sẽ tuyên bố rằng đó chỉ là ý kiến riêng của độc giả hay quan điểm riêng của cơ quan ngôn luận đã phổ biến. Nếu thấy không có phản ứng gì đáng kể và được nhóm thân cộng ở hải ngoại tiếp ứng, họ sẽ cho đưa ra tiếng nói chính thức.

Sự tiên đoán của chúng tôi đã đúng. Ngày 18.2.2008, Website phattuvietnam.net đã công bố văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu, hiện là Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương của GHPGVN, đã thừa ủy nhiệm Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội này, gởi đến Thủ Tướng Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu “xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo” trước khi có quyết định về việc trao Tòa Khâm Sứ cho Giáo Phận Hà Nội!

NHỮNG LỜI XUYÊN TẠC

Trước khi đưa ra một vài nhận xét, chúng tôi xin trích đăng lại những điểm xuyên tạc chính mà các cơ quan ngôn luận ngoại vi của Đảng CSVN đã cho phổ biến:

Trong “Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ", một độc giả giấu tên đã viết như sau:

“Khi giặc Pháp đánh cướp Hà Nội, dùng thủ đoạn để cướp đoạt, san phẳng khu chùa Báo Thiên rồi “dâng” cho nhà thờ Ca tô giáo, do đã cúc cung tận tụy phục vụ ngoại xâm, xây lên đó là nhà thờ Lớn bây giờ. Như vậy, sẽ là hồ đồ khi đòi lại và bất công khi trao lại...

“Sự thật lịch sử đó là hiển nhiên tuyệt đối. Lý do, lực lượng và quá trình để khu đất đó rơi vào tay Giáo hội Thiên chúa còn là một sự thật hiển nhiên hơn nữa. Tất cả các sự thật đó không ai và không bằng chứng nào có thể biện bác, thưa Ngài?”


Phật tử Tâm Minh - Nguyễn Quốc Dũng, trong “Tâm thư gửi đồng bào công giáo cầu nguyện đòi Toà Khâm Sứ” , còn đi xa hơn:

“Đến năm 1884, sau khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá Tháp và Chùa để xây dựng nhà thờ Thánh Josep, tức Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay. Rồi những ngôi chùa khác quanh hồ Hoàn Kiếm, chùa thì bị Pháp triệt hạ (như chùa Báo Ân), chùa thì bị Pháp lấn chiếm cấp đất cho giáo dân (như chùa Bà Đá – trụ sở THPG Hà Nội ngày nay).”

Văn thư đề ngày 18.2.2008 Hòa Thượng Thích Trung Hậu gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cững đã lặp lại những luận điệu tương tự. Văn thư viết:

“Căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong Tứ đại khí (bốn di sản văn hóa lớn) của Phật giáo, mà cũng là của cố đô Thăng Long, được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước, dù với tư cách là một Giáo hội hay là một bộ phận lớn nhất của cộng đồng dân tộc, đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

“Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó.


“Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ cũ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.”


Trong vụ này, chúng tôi sẽ trình bày về cả phương diện lịch sử lẫn pháp lý để độc giả có thể nhận ra đâu là sự thật.

VỀ PHƯƠNG DIỆN LỊCH SỬ

Để trả lời những luận điệu do các cán bộ tôn giáo vận của Đảng và Nhà Nước đưa ra, chúng tôi thấy tốt hơn cả là dùng những tài liệu lịch sử do Đảng và Nhà Nước cho phổ biến

Cuốn “Tự Diển Hà Nội Địa Danh” do Bùi Thiết biên soạn và do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993 với giấy phép mang số 503-CT/VHTT, đã nói về Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên như sau:

Chùa Báo Thiên: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn.” (tr. 26).

Tháp Báo Thiên: “Tòa tháp dựng năm 1057 trước Chùa Báo Thiên, tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Tháp có 13 trượng (chừng 50m), gồm hai phần, dưới bằng đá, trên bằng đồng. Đỉnh tháp bị trận bảo năm 1258 làm đổ, và phần đồng bị sét đánh bạt năm 1332.

“Tháp Báo Thiên là một trong những vật báu của Đại Việt thời Lý – Trần. Năm 1427, khi bị vây hảm ở Đông Quan, giặc Minh đã tháo gỡ hết đồng ở tháp để đúc súng đạn. Năm 1547 tòa tháp bị dổ sập nốt phần đá. Cuối thế kỷ XVIII tháp bị phá hủy. Trên nền chùa – tháp họp chợ Báo Thiên.”
(tr. 26).

Như vậy, theo tài liệu Đảng và Nhà Nước cho phổ biến, Chúa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên đã bị phá hủy hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII và khu đất đó đã được dân chúng dùng làm nơi họp chợ. Thế thì tại sao bây giờ Đảng và Nhà Nước lại cho các cán bộ tuyên giáo vận nói rằng Chùa và Tháp Báo Thiên bị người Pháp phá rồi lấy đất cấp cho Công Giáo xây nhà thờ và Tòa Giám Mục Hà Nội?

CẦN NÓI RÕ THÊM

Sau khi trình bày về Chùa và Tháp Bảo Thiên theo tài liệu của Đảng và Nhà Nước phổ biến năm 1993, chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề

Về Tháp Báo Thiên: “Đại Việt Sử Ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của Ngô Sĩ Liên cho biết: Năm Đinh Dậu (1057), mùa xuân, tháng 3, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên, 30 tầng (có sách ghi 12 tầng). Tháp nằm bên cạnh ngôi chùa xây trước đó một năm, tức năm 1056, nhằm năm Long Thụy Thái Bình. Ở tầng thứ ba, nơi cửa tháp có khắc chữ “Thiên tử vạn thọ” (Vua sống trường thọ). Trên chót đỉnh tháp có hàng chữ “Đạo Lý Thiên” , có nghĩa là Đạo Lý của Trời chiếu khắp thiên hạ.

Về Chùa Báo Thiên: Sách “Đại Việt Sử Ký” cho biết: Dựng Chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Lấy 11.000 cân đồng (nhiều sách ghi 12.000 cân) ở trong phủ ra đúc chuông đặt tại chùa ấy... Sự việc xảy ra sau khi vua được nhà Tống phong làm Quận Vương (!) và tiếp sứ Chân Lạp sang cống (tháng 8 năm 1056).

Sách “Hà Nội Nghìn Xưa” cho biết đời Tiền Lê "đắp núi đất phủ lên nền cũ. Chùa bỏ hoang, cuối thế kỷ XVIII làm chợ Báo Thiên, núi làm chỗ xử tử người có tội. Năm 1791, đào lấy những gạch đá nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.” (tr. 177).

Cuốn “Souvenirs” (Hồi Ký) của Bonnal, Công Sứ Hà Nội lúc đó, có ghi lại rằng khi thấy ngôi Chùa Báo Thiên bỏ hoang, dân chúng trong vùng đã họp nhau lại bàn bạc và nhận thấy ngôi chùa đã bị bỏ hoang phế từ lâu không người quản lý và hiện thời đã biến thành phế tích, có thể đổ sập gây tai nạn cho người qua lại bất cứ lúc nào. nên đã đề nghị chính quyền rỡ bỏ và thu hồi đất đai vô chủ. Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ đã chấp thuận cho phá bỏ ngôi chùa.

Công Sứ Bonnal cho biết thêm: Cuối năm 1883, Giám mục Puginier có xin ông khu đất vô chủ đó để xây nhà thờ lớn Hà Nội, nhưng ông trả lời rằng vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của ông vì Bắc Kỳ chỉ là xứ bảo hộ chứ không phải thuộc địa của Pháp. Ông yêu cầu Giám mục Puginier trình bày vấn đề này với quan Tổng Đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, một quan chức do Triều Đình Huế bổ nhiệm. Giám mục Puginier đã nêu lên ước muốn của ông với ông Tổng Đốc Độ. Ông Độ đã cho mở một cuộc điều tra tìm con cháu những người trước đây là sở hữu mảnh đất, nhưng mấy trăm năm đã trôi qua, hơn nữa chiến tranh loạn lạc, xã hội biến động, nên không tìm được ai là chủ miếng đất đó. Vì thế, ông đã quyết định cấp cho Giám mục Puginier xây cất nhà thờ.

Qua một số sử liệu nói trên, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

(1) Tháp Báo Thiên không phải là nơi thờ Phật mà là nơi tế trời của vua như Nam Giao ở Huế, nên không liên hệ gì đến Phật Giáo.

(2) Khu đất có Chùa Bảo Thiên trước đây chỉ còn là một khoảng đất trống đang được dùng để họp chợ và được Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ cấp cho Giám mục Puginier, chứ không phải Tây đã cho đập phá Chùa Bảo Tháp rồi lấy đất cấp cho Công Giáo.

(3) Chùa Báo Thiên nằm ở thôn Báo Thiên Thị, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, do vua Lý Thánh Tông dùng tài sản quốc gia để xây dựng vào năm 1056. Như vậy, chùa này tuy được dùng để thờ Phật nhưng không thuộc quyền sở hữu của bất cứ tông phái Phật Giáo nào. Nói theo danh từ ngày nay, đây là “Chùa quốc doanh” . Vậy Hòa Thượng Thích Trung Hậu lấy tư cách gì để đòi lại? Phải chăng ông đã chính thức nhìn nhận GHPGVN là một giáo hội quốc doanh (state-run Church), tức một công cụ tôn giáo vận của Nhà Nước chứ không phải là một tôn giáo?

(4) Tại sao vua Lý Thánh Tông lấy đất dân xây Chùa Báo Tháp cho Phật Giáo thì không bị gọi là ưu đãi Phật Giáo, còn Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ lấy đất đó cấp cho Công Giáo xây nhà thờ thì bị coi là ưu đãi Công Giáo? Phải chăng chỉ một mình Phật Giáo mới được quyền ưu đãi mà thôi sao?

VỀ PHƯƠNG DIỆN PHÁP LÝ

Trong thời Pháp thuộc, hai Bộ Dân Luật Trung và Bắc đều quy định thời hiệu để thủ đắc quyền sở hữu bất động sản vô chủ là 100 năm. Dân Luật Việt Nam sau này rút xuống còn 20 năm.

Điều 1452 của Bộ Dân Luật Việt Nam quy định; “Sự chấp hữu một bất động sản trong 20 năm, nếu hội đủ điều kiện đã định ở điều 1444, sẽ là người chấp hữu thủ đắc quyền sở hữu về bất động sản ấy.”

Điều kiện án định nói ở điều 1444 như thế nào? Điều này nói: “Muốn được thủ đắc thời hiệu, cần phải chấp hữu liên tiếp yên ổn, công khai và minh bạch, với tư cách là sở hữu chủ.”

Những trường hợp nào bị coi là không chấp hữu liên tiếp yên ổn? Theo điều 1460, bị coi là gián đoạn thời hiệu, một trong 3 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Có trát đòi người chấp hữu ra trước tòa về sự chấp hữu ấy.

Trường hợp 2: Có sự sai áp đồ vật (ở đây là đất) chấp hữu.

Trường hợp 3: Có sự đốc thúc người chấp hữu phải trả lại đồ vật (ở đây là đất) bằng một văn thư do một công lại hữu quyền tống đạt.

Nếu trong 20 năm không hề xẩy ra một trong ba trường hợp nói trên, sự chấp hữu được coi như là “liên tiếp và yên ổn” nên đương nhiên có quyền thủ đắc quyền sở hữu trên bất động sản.

Nói chung, các luật pháp thuộc hệ thống Roman Law như ở hầu hêt các nước Âu Châu và Việt Nam trước đây, đều quy định tương tự như thế. Chỉ có chế độ cộng sản mới áp dụng luật man rợ mà thôi.

Tòa Giám Mục Hà Nội đã chấp hữu khu đất làm Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ hiện nay “liên tiếp và yên ổn” từ năm 1884 đến nay, tức 122 năm, không hề xẩy ra một trong ba trường hợp nói trên, nên phải được coi là người thủ đắc quyền sở hữu trên bất động sản đã chấp hữu.

Ngoài ra, về phương diện pháp lý, chỉ có sở hữu chủ của sở đất nói trên trước năm 1884 và các thừa kế hợp pháp của họ mới có quyền đứng đơn khiếu nại. Giáo Hội Phật Giáo Nhả Nước và tất cả các tổ chức Phật Giáo khác không có tư cách để khiếu nại.

Đây là đều GHPGVN phải biết.

ĐIỀU ĐÁNG NGẠC NHIÊN

Chúng tôi tự hỏi: Trong lịch sử, các vua Việt Nam đã ban cho Phật Giáo vô số tài sản, nhất là dưới thời Lý – Trần và dưới thời các Chúa Nguyễn, nhưng sau đó đã bị Hồ Quý Ly và vua Quang Trung “cướp” sạch. Tại sao Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước không đòi lại các tài sản đó mà chỉ đòi khu đất Tòa Khân Sứ ở phố Nhà Chung, Hà Nội, mà thôi?

Trong lịch sử Trung Hoa cũng như Việt Nam, Phật Giáo luôn trải qua những thời kỳ thịnh suy nối tiếp nhau: Vua nào thích Phật Giáo thì xây chùa, cấp đất và nông nô cày ruộng cho chùa, đem nhiều báu vật của quốc gia dâng cho chùa. Vua nào không thích Phật Giáo hay thấy việc chu cấp cho Phật giáo gây nhiều tổn thất cho quốc gia, lại ra lệnh đập phá chùa và thu hồi tài nguyên quốc gia, gây ra “Pháp nạn”.

Tại Trung Hoa, có ba Pháp nạn lớn nhất, thường được gọi là “Tam Võ Nhất Tôn Pháp Nạn” . Ở Việt Nam, Phật Giáo đã phải trải qua hai “Pháp nạn” kinh hoàng nhất trong lịch sử, đó là “Pháp nạn” dưới thời Hồ Quý Ly và “Pháp nạn” dưới thời vua Quang Trung.

Thời Lý – Trần, Phật Giáo được các vua cấp đến 1/3 đất đai và tài nguyên của quốc gia. Trong bài Ký Tháp Linh Tế, Trương Hán Siêu đã ghi: “trong thiên hạ ba phần, chùa chiếm ở một phần, bỏ dứt luân thường, hao tổn của báu...” . Nhưng sau đó, để có tài nguyên chống lại giặc Minh, Hồ Quý Ly (1400 – 1407) đã quyết định áp dụng chế độ hạn điền và hạn nô, lấy lại phần lớn các tài sản đã cấp cho nhà chùa, bắt các tăng sĩ dưới 50 tuổi phải nhập ngũ hay làm lao dịch. Tuy nhiên, ông hành động quá chậm và không triệt để nên Việt Nam bị mất vào tay nhà Minh.

Để có tài nguyên chống lại giặc Thanh, vua Quang Trung (1788 – 1792) đã chơi bạo hơn: Ông ra lệnh đập phá hầu hết các chùa, đem tượng Phật và chuông chùa ra đúc vũ khí, bắt các tăng sĩ dưới 50 tuổi phải nhâp ngũ hay đi lao dịch... Nhờ vậy, Quang Trung đã thắng trận vẽ vang. Tập “Tonkin et Cochinchine” của các nhà truyền giáo Pháp đã ghi: “Họ đã cướp phá chùa và họ đã đốt những ngôi chùa danh tiếng nhất của các cựu vương Bắc Hà.” Vua Quang Trung không không cho phép mỗi làng đều có chùa như trước. Ông ra lệnh phá hủy các chùa riêng và tuyên bố khoảng 200 làng mới có thể họp lại để xây một ngôi chùa chung.

Việc kiểm kê các tài sản đã bị “cướp” này rất dễ dàng, vì trong cổ sử đều có ghi năm nào vua nào đã xây chùa nào cho Phật Giáo, chẳng hạn như Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu có ghi: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể...” Những đoạn như thế đươc gặp rất nhiều trong cổ sử, nên Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước có thể sưu tra và đòi Nhà Nước phải trả lại cho Phật Giáo. Miếng đất thuộc khu Tòa Khâm Sứ có đáng giá gì đâu mà đứng lên đòi được tham khảo?

TÂY CHÈN ÉP PHẬT GIÁO?

Trong các bài viết về Tòa Khâm Sứ, nhóm quốc doanh ở trong nước và nhóm thân cộng ở hải ngoại luôn rêu rao rằng dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã chèn ép Phật Giáo và nâng đỡ Công Giáo. Nhưng sự “xác tín” này hoàn toàn trái với các sử liệu. Vì bài báo có hạn, chúng tôi chỉ xin ghi lại một số điểm chính.

Có thể nói, chính quyền Pháp đã yểm trợ Phật Giáo tối đa. Họ cho các viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa đứng ra thành lập các hội Phật Giáo và xuất bản các tâp san Phật Giáo trong cả ba Kỳ để giúp Phật Giáo phát triển.

Trước hết, Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương đã ban hành Nghị Định ngày 28.1.1930 thành lập “Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Tiểu Thừa Bản Xứ” (Institut Indigène d’Étude du Bouddhisme du Petit Véhicule) để truyền bá Phật Giáo Tiểu Thừa cho dân bản xứ. Sau đó, tại Nam Kỳ, năm 1931 Pháp đã thúc đẩy một số cư sĩ Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Trần Nguyên Chấn, Nguyễn Văn Cần, v.v. đứng ra thành lập “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học” và xuất bản tạp chí “Từ Bi Âm” ... Ông Trần Nguyên Chấn đã mời Thống Đốc Nam Kỳ Khrautheimer làm hội trưởng danh dự của hội.

Tại Trung Kỳ, năm 1932, Bác Sĩ Lê Đình Thám đã được chính quyền thuộc địa đưa ra Huế thành lập “Hội An Nam Phật Học” và xuất bản tạp chí “Viên Âm Nguyệt San” , sau đó lập ra “Trường An Nam Phật Học” tại chùa Trúc Lâm để đào tạo các tăng sĩ.

Tại Bắc Kỳ, ngày 23.12.1934, Tổng Đốc Nguyễn Năng Quốc đã chính thức tuyên bố thành lập “Phật Giáo Bắc Kỳ Hội” , lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở và cho xuất “Tập Kỷ Yếu số 1” và sau đó là tạp chí “Đuốc Tuệ”. Tạp chí này cho biết trong vòng một năm đã có 2.000 tăng ni và hơn 10.000 Phật tử là hội viên.

Trong bộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” , Tập III, Nguyễn Lang, tức Thiền Sư Nhất Hạnh, đã cho biết: “Hiện nay nhờ thế lực của các quan đại thần và của các bậc thượng lưu, hội đã lan ra hầu khắp Bắc Kỳ, đâu đâu cũng có chi bộ.” (tr. 168)

Trong “Việt Nam Phật Giáo tranh đấu sử” Tuệ Giác đã công nhận: “Phải nói rằng từ năm 1920 đến hết năm 1956, Phật giáo Việt Nam thật là một thời kỳ hưng thịnh. Số Phật Tử càng ngày càng đông các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh Phật tử đều được sắp xếp quy củ.” (tr. 77)

Trên đây là những sự ghi nhận của các sử gia Phật Giáo. Như thế mà bảo Phật Giáo bị Pháp chèn ép sao?

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23.2.2008, Thượng Tọa Không Tánh thuộc GHPGVNTN không được công nhận, đã nhận xét về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu gởi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau:

“Cái vấn đề là mình phải biết rằng bây giờ là do ai thúc đẩy mà Hòa Thượng Trung Hậu đã làm cái văn thư đó, là do cái lệnh của ai, và người ta đã mượn tay Hòa Thượng Trung Hậu làm cái văn thư đó nhắm mục đích gì. Mình phải biết cái chuyện đó.

“Bây giờ biết cái tài sản đó là của Tòa Khâm Sứ từ thời xa xưa rồi. Cái chuyện đó ai cũng biết. Từ cái thời xa xưa đó, lúc đó Hòa Thượng Trung Hậu cũng chưa sinh ra, và cái GHVN cũng chưa có. Bây giờ người ta lại mượn tay Phật Giáo.

“Có những cái luật bất hồi tố. Thí dụ như có những tài sản, theo quốc tế người ta quy định, thí dụ như là những cái đất đai, những cái tài sản mà nó có từ Đệ Nhất hay Đệ Nghị Thế Chiến, thí dụ như vậy, hay là những cái thời điểm nào đó thì nó đã trở thành bất hồi tố. Cho nên bây giờ nó đã qua như vậy rồi.

“Bây giờ thì Nhà Nước Cộng Sản họ thấy họ khó đáp ứng theo cái đòi hỏi, cái đấu tranh, cái nguyện vọng của bên Công Giáo, thì họ mượn tay của Phật Giáo Việt Nam, rồi cuối cùng họ lấy cái cớ đó mà nói rằng tài sản này có tranh chấp nên chúng tôi không thể giải quyết hay là đình lại, hay là thế nọ thế kia gì đó. Như vậy, vai trò GHPGVH trở thành tay sai để gỡ cái rồi cho Nhà Nước, trước cái hoàn cảnh Nhà Nước không có cái cách để mà giải quyết.

“Còn đối với GHVNTN là một giáo hội đang bị bức tử, đang bị đàn áp, đang là một nạn nhân. Còn cái việc của GHVN đã làm đó, mình chẳng có để ý gì cái việc đó.”


Trong cuộc phỏng vấn ngày 21.2.2008, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Vụ Trưởng Vụ Công Giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam đã nói về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu như sau:

"Nếu nói nguồn gốc của tổ chức cá nhân này, thì tổ chức cá nhân khác, người ta cũng có các căn cứ, các chứng lý, để nói đó là của người ta."

Ông nói sẽ xử lý các vấn đề trên tinh thần của Luật Đất Đai năm 2003 đã được Quốc Hội thông qua và phía Chính phủ sẽ giải quyết các nhu cầu của cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng về nhà, đất lâu dài và ổn định trên cơ sở thấu tình đạt lý.

Ông Thịnh bênh vực GHPGVN là chuyện đương nhiên, vì tổ chức này là một công cụ tôn giáo vận của Đảng và Nhà Nước. Nhưng ông đã ngụy biện. Như chúng tôi đã nói ở trước, GHPGVN mới được thành lập năm 1981, không phải là sử hữu chủ hay thừa kế hợp pháp của sở đất mà vua Lý Thánh Tông đã lấy để xây chùa và tháp Báo Thiên trên đó, nên về phương diện pháp lý, Giáo Hội này không có tư cách và thẩm quyền để khiếu nại. Do đó, không cần phải xét đến văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu làm gì.

Chúng tôi tin rằng nhà cầm quyền thừa biết rằng không hề có chuyện Pháp đã cho đập chùa Báo Thiên rồi lấy đất cấp cho Công Giáo và Giáo Phận Hà Nội đã thủ đắc hợp pháp quyền sở hữu của sở đất này theo thời hiệu. Nhưng họ vẫn dùng tờ Công Giáo và Dân Tộc và Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước để quấy rối, với mục đích nói với phía Công Giáo rằng yêu cầu của các ông có sự chống đối của Phật Giáo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xét và cấp đất cho Giáo Hội theo sự quy định của Luật Đất Đai năm 2003. Đây là một trò chơi lá mặt lá trái rất quen thuộc của Đảng CSVN.

Về sự ưu đãi: Nếu Thiên Chúa Giáo Việt Nam có được một chính quyền nào đó ưu đãi một vài thừ gì đó thì những ưu đãi đó cũng chưa bằng 1/10.000 những ưu đãĩ mà các chính quyền đã dành cho Phật Giáo trong quá trình lịch sử. Dưới thời Lý – Trần, chính quyền đã dâng hiến cho Phật Giáo một số tài sản lên đến bằng 1/3 tài sản quốc gia, khiến nền kinh tế bị kiệt quệ.

Trong 32 năm qua, nhà cầm quyền CSVN cũng đã và đang xây nhiều chùa và trung tâm rộng lớn cho Phật Giáo ở Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Lạt... Một ngôi chùa tuyệt đẹp vừa được chính quyền địa phương dựng lên ở Tiên Sa, Đà Nẵng. Trong khi đó, chính quyền chẳng những không xây một nhà thờ nào cho Thiên Chúa Giáo, trái lại còn đập phá hay ngăn cản không cho sửa chửa các ngôi thánh đường đã quá cổ và hư nát.

Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước thử suy nghĩ xem: Tại sao chỉ một mình Phật Giáo được hưởng các sự ưu đãi tối đa, còn các tôn giáo khác không được? Ở các nước Tây Phương, nơi có đông Thiên Chúa Giáo, có quốc gia nào áp dụng thứ luật kỳ thị đó đối với Phật Giáo đâu?
 
Giá trị Lịch sử và Pháp lý liên quan tới quyền sở hữu tài sản của Tòa TGM Hà Nội
Ls Trần Lê Nguyên
07:25 25/02/2008
GIÁ TRỊ LICH SỬ VÀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN TỚI
QUYỀN SỞ HỮU BẤT ĐỘNG SẢN CỦA TOÀ TỔNG GIÁM MỤC HÀ NÔI


Từ gần hơn tuần nay, nhiều bài viết và ý kiến được phát biểu trên các phương tiện truyền thông khá dồi dào và đôi khi có những lý giải hoàn toàn trái ngược nhau trên cùng một sự kiện lịch sử, khởi đầu từ khi công bố Văn Thư của HT Thích Trung Hậu, thừa ủy nhiệm Hội Đồng Trị Sư Giáo Hội Phật Giáo Việt nam (GHPGVN) gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với lập luận rằng khu đất Tòa Khâm sứ tọa lạc từng thuộc quyền sở hữu của Phật giáo và yều cầu GHPGVN cần được tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên [1].

A- Trước tiên chúng tôi thử phân tách những luận cứ trong Văn Thư nói trên và đem so sánh với những tư liệu lịch sử hiện có nhằm tìm ra sự thật của nhửng sự kiện lịch sử đã xẩy ra như thế, không thêm bớt.

Những luận cứ trong Văn Thư của GHPGVN:

1. Mở đầu Văn Thư cho biết rằng căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong bốn di sản văn hóa lớn của Phật giáo được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông", sau đó HT Thích Trung Hậu tự đồng hoá Phật giáo với Giáo Hội Phật Giáo Việt nam (GHPGVN) đã là sở hữu chủ liên tục chùa Báo Thiên trong suốt 825 năm, tức từ năm 1057 cho đến năm 1883.

2. Tiếp theo HT Thích Trung Hậu quyết đoán rằng vào năm 1883, chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

3. Sau cùng HT Thích Trung Hậu diễn giải Chùa Báo Thiên tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó và HT kết luận là GHPGVN cần được tham khảo trước khi Thủ Tướng có quyết định (thỏa thuận trao trả đã được Toà Tổng Giám Mục và Chính quyền đồng ý trên nguyên tắc và theo một tiến trình bắt đầu từ hai tuần trươc Tết Mậu Tý).

Những Chứng Từ Lịch Sử:

- Về sự thực quyền sở hữu chủ chùa Báo Thiên

• Sách Việt nam Danh Lam Cổ Tự, Võ Văn Tường, Nhà Xuật Bản Khoa Học Xã Hội 1992, trang XIV: Vua Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất của thiền phái Thảo Đường; trang XV: các chùa tháp lớn ở Thới Lý phần lớn do nhà vua hay các quan bỏ tiền xây dụng, nhất là những nơi có cảnh đẹp nuí non. Trong ngoài Thành Thăng Long chùa được xây dựng khắp nơi.

• Thực tế lịch sử: Các chùa chiền tại Việt nam thuộc tư nhân hoặc vua chúa, các ông hoàng bà chúa, các nhà giầu có tư nhân. Quyền sở hữu cuả mối chùa hoàn toàn độc lập và riêng tư, không thuộc quyền sở hữu một tổ chức phật giáo nào.

Năm 1964, Giáo Hôi Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHVNTN), hoạt động độc lập, không được Chính quyền công nhận, ra đời tại Saigon cũng chỉ có tính chật điều hợp các sinh hoạt tôn giáo và hành chánh chứ không có gì thay đổi quan trọng vế quyền sở hữu các chùa.

Năm 1981, GHPGVN ra đời tại Hà nội, bị chính quyền chi phối, không độc lập và người dân gọi là Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh, được chính thức công nhận và có tư cách pháp nhân cũng chỉ có rất ít chùa và vài bất đông sàn được Chính Quyên Việt nam cấp phát cho không hàng chục hec-ta đất tại Hà nôi, Đà Lạt, v.v...;

Vậy việc HT Thích Trung Hậu quyết đoán vô bằng cớ rằng GHPGVN, là chủ ngôi chùa và tháp Báo Thiên là không có cơ sở, không đúng với thực tế cũng như dữ liệu lịch sử. Trong khí đó, thửc tế lịch sử cho thấy Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, qua các triều đại khác nhau, luôn luôn là sở hữu chủ liên tục công khai và ổn định từ 125 năm nay.

Hơn nữa chính bản thân GHPGVN chỉ mới được thành lập và có tư cách pháp nhân vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại Hà Nội, làm sao mà Hoà Thượng bạo gan dám xác quyết GHPGVN là sở hữu chủ liên tục bất động sản Chùa Báo Thiên từ 825 năm để đòi được tham khảo ý kiên về việc trao trả lại bất động sản thuộc quyền sở hữu của Toà Tổng Giám Mục.

Đàng khác từ năm 1883 tới trước ngày 16/02/2008, tức 125 năm sau, không có một cá nhân nào, một tổ chức nào đăt vấn đề liên quan tới quyền sở hữu bất động sản của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Nay bỗng dưng GHPGVN tự nhận là sở hữu bất động sản đã được thoả thuận tiến trình giải quyết giữa Toà TGM và Chính quyên Việt nam.

Do hành vi này, moị người dân bình thường có quyền nghi ngờ ý đồ tăm tối của GHPGVN qua HT Thích Trung Hậu đại diện.

- Về việc Chính Quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm

Mốc thời gian 1883, Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp nhưng vẫn do quan chức của Triều Đình Huế quản trị hành chánh. Vị Tổng Đốc Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Độ.

Chính vị Tổng Đốc này sau khi không tìm ra các thừa kế bất động sản chùa Báo Thiên, đã bị hoang phế đổ nát do thời gian và chiến tranh đã cấp quyền sở hữu chủ cho Giám Mục Puginier, cai quản giáo xứ Hà nội.

Ông Bonnal, lúc bấy giờ là Công Sứ Pháp Hà Nội đã từ chối lời yều cầu xin cấp đất xây Nhà Thờ Lớn (Saint-Joseph) lấy lý do là ông không có thẩm quyền.

• Xin Xem «Hanoi pendant la période héroique. 1873-1888” trang 125, của tác giả André Masson. Librairie Orientaliste Paul Genthner. 13 rue Jacob (VIe). 1929’, Masson-Hanoi và Những kỷ niệm của Công Sứ Bonna: Souvenir de Bonnal;

Về sự thực Chùa Báo Thiên bị đập phá:

• Tình trạng hoang tàn của chùa Báo Thiên: Hà Nội Nghìn Xưa, trang 177;
• Về sự xụp đổ của tháp Báo Thiên: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Lược;
• Chùa Báo Thiên bị bỏ hoang: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Lược;
• Tháp Báo Thiên bị quân Minh phá sập dể lấy đồng khi Lê Lợi bao vây thành Thăng Long: Nghĩ về Thăng Long Hà Nội (Nhà Xuất Bản Trẻ 2001, TP. HCH, tr 100-105).

Sau 4 năm xây dựng, Ngôi Thánh Đưòng Nhà Thờ Lớn được khánh thành ngày 23 tháng 12 năm 1887.

Vậy việc HT Thích Trung Hậu cáo buộc bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo vào 1883 là không xác thực và vô căn cứ và bóp méo lịch sử.

Đó là những dữ kiện và tài liệu lịch sử dễ dàng kiểm chứng.

Không ai có thể thay đổi được lịch sử nhưng mỗi người chúng ta có thể rút ra được những bài học lịch sử để ứng dụng vào đời sống và xây dựng quốc gia tốt hơn.

Đã không phải là chủ bất động sản hay có lợi ích gì liện quan đến phần đất cũ xa xưa của chùa Báo Thiên từ 1051 năm (1057-2008) nay, GHPGVN, qua Văn Thư trên, đã tỏ ra ý đồ không minh bạch trong việc tự cho mình là sở hữu chủ và đòi đựơc tham vấn vụ việc.

Sự kiện nền đất chuà Báo Thiên có liên quan tới Bất Động Sản nay thuộc Quyền Sở Hữu thuộc Tòa TGM Hà Nội cũng chỉ có tính cách dấu vết lịch sử giống như việc đổi chủ của bất cứ bất động sản nào tại Việt nam hay trên thế giới.

Tuyệt nhiên không mang lợi gì hay quyền gì cho những vết tích lịch sử đó.

Chỉ người chủ đích thực của bất động sản mói có đầy đủ các quyền lợi phát sinh từ quyền sở hữu theo quy định của các Điều 192, 193,, 195, 197 v.v... của Luật Dân Sự Việt nam, Luật số 33/2005/QH11.

A- Luật pháp Việt nam qui định thế nào về Bất Đông Sản trong tình huống trên.

Bộ Luật Dân Sự Việt nam, Luật số 33/2005/QH11;

Xác lập quyền sở hữu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

Điều 246: Quyền sở hưũ có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Vị Tổng Đốc Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Độ, đại diện Triều Đình Huế cấp quyền sở hữu chủ cho GM Puginier, quản trị giáo xứ Hà nội là đúng pháp luật.

Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu 30 năm:

Điều 247: Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.

1- Người chiếm hữu, người được lọi về tài sản không có căn cứ pháp luật, nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản, thi trở thành sở hữ chủ tài sản đó, kể từ thới điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp qui định tại khoản 2 này.

Nếu như giả thuyết cho rằng Chính Quyền thực dân Pháp có làm áp lực vói Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ trong việc cấp quyền sở hữu bất động sản cho GM Puginier thì quyền sở hữu này cũng không bị ảnh hưởng gì vì thời hiệu tới này đã 125 năm.

Ngoài ra Điều 1 phần cuối: Bộ Luật Dân Sự có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức...; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự...

Tóm lại việc thủ đắc bất động sản số 40 Phố Nhà Chung của GM Puginier từ Vị Tổng Đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ là hoàn toàn hợp pháp.

Tài sản naỳ được chiếm giữ và truyền kế liên tục qua các vị GM nối tiếp khác nhau kể từ 1883 cho tới nay (năm 2008), là TGM Ngô Quang Kiệt.

Việc Giáo Phận Hà Nội cho Đức Khâm Sứ John Dooley mượn một toà nhà (Chính Quyền quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho gắn vào số 42) làm Toà Khâm Sứ cho đến khi Ngài bị trục xuất vào năm 1959 không thể coi là bất động sản thuộc quyền sở hữu của Toà Thánh Vatican.

Việc một giáo phận cho Đức Khâm Sứ mược làm Toà Khâm Sứ tại một quốc gia có bang giao với Toà Thánh Vatican là một thông lệ trên toàn thế giới chứ không riêng Tổng Giáo Phận Hà nội.

Người thuê nhà luôn luôn vẫn là người thuê nhà.

Ngày nay việc Tổng Giáo Phận Hà Nội đòi laị tài sản của giáo phận mình, bị chiếm dụng trong thời điểm Chính Quyền cai trị bằng vũ lực, vô luật lệ từ hơn 50 năm nay cũng là bình thường vì Việt nam hiện nay đã có luật pháp qui đinh giải quyế quyền sở hữu bất động sản.

Thực vậy:

Điều 256: quyền đòi lại tài sản

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hớp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người xử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đôí với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặcquyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó...

Điều 259: Quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp...

Điều 260: quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, ngiiờ chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bối thườnh thiệt hại.


Kết Luận:

Lịch sử thay đổi chủ của một BDS là điểu tất yếu phải xẩy ra theo quy luật kinh tế và phát triển quốc gia.
Bởi thế, mổi quốc gia [2] đều phải có một bộ luật Dân Sự căn bản qui định các mối tương quan này và nhằm bảo đảm an toàn pháp lý các mối tương quan đó: ví dụ như các điều khoản liên quan tới người chiếm hưũ ngay tình trở thành sở hữu chủ tài sản, các thời hiêu thủ đắc và thời hiệu tiêu diệt tố quyền (limitation of actions: Acquisitive prescription and extinctive prescription).

Sự kiện nền đất chuà Báo Thiên trước đây 825 năm thuộc sở hữu chủ tư nhân, đưởc thủ đắc hợp pháp, và kết thừa cho tới nay thuộc Tòa TGM Hà Nội, giống như việc đổi chủ của bất cứ bất động sản nào tại Việt nam hay trên thế giới.

Nên giá trị lịch sử của chùa Báo Thiên thuộc phần lịch sử hình thành khu BDS Nhà Thờ Lớn và Toà Khâm Sứ không cho phép bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào can dự vào quyền sở hữu chủ của Tòa TGM Hà Nội như Bộ Luật Dân Sự đã qui định nêu trên.

Giá trị pháp lý Quyền Sở Hữu BDS số 40 Phố Nhà Chung bao gồm Toà Khâm Sứ rõ ràng là chắc chắn minh bạch và bất khả tranh cãi.

Việc trì hoãn trả lại bằng cách dàn dựng những lý do không chính đáng hay tạo ra các làn sóng tranh cãi vô bố ích gây chia rẽ, gây hỏa mù càng làm mất uy tín và niềm tin trong dân chúng.

Một nhà nước đang trên đà phát triển để trở thành một nhà nuớc pháp quyền không thể hành sử như cung cách hiện nay.

Cả nước và cả thế giới đang chăm chú theo dõi cách ứng xử của Chính quyền ngay tại Trung tâm Thủ Đô Hà Nôi.

Ghi Chú:

[[1] Nội dung Văn Thư: Căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong Tứ đại khí (bốn di sản văn hóa lớn) của Phật giáo, mà cũng là của cố đô Thăng Long, được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước, dù với tư cách là một Giáo hội hay là một bộ phận lớn nhất của cộng đồng dân tộc, đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó.

Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ cũ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.
Trân trọng kính chào Cụ Thủ tướng.
Kính thư

T.U.N. BAN THƯỜNG TRỰC HĐTS GHPGVN
TRƯỞNG BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG
(đã ký)
Hòa thượng THÍCH TRUNG HẬU

[2]- Bộ Dân Luật Pháp: Le délai de prescription en droit français est de 30 ans comme l'énonce l'article 2262 du code civil. « Toutes les actions, tant réelles que personnelles, sont prescrites par trente ans, sans que celui qui allègue cette prescription soit obligé d'en rapporter un titre ou qu'on puisse lui opposer l'exception déduite de la mauvaise foi.» Folleville, Daniel de.
Considérations générales sur l'acquisition ou la libération par l'effet du temps. Essai sur le titre de la prescription. Paris: E. Thorin, 1869. 155 p.; 24 cm.
- Bộ Dân Luât Québec, Canada: các điều luật: từ 2875-2933 CVQ.
- Thời hạn hành sử tố quyền tại Australie, Canada và Hoa Kỳ: Handford, Peter R., Limitation of actions: he Australian law / by Peter Handford., Pyrmont, N.S.W.: Thomson Legal & Regulatory Group, 2004.
Joffe, Hal, Federal limitation periods: a handbook of limitation periods and other statutory time limits / prepared by Hal Joffe, Susan Ditta, Heather Crisp., Toronto: Butterworths, c1978-1986, v. (feuillets mobiles).
Baudry-Lacantinerie, Gabriel, 1837-1913. Prescription, traité théorique et pratique de droit civil, vol. xxviii, nos. 1-815 (4th ed. 1924) / Baudry-Lacantinerie & Tissier; Chapter 4: of the different manners in which actions are extinguished or become ineffective, and especially of prescription, Droit civil français vol. xii, 770-776 bis (6th ed. 1958, by Paul Esmein) / Aubry & Rau; Notes on liberative prescription, 50 revue trimestrielle de droit civil, 171-181 (1952) / Jean C. Carbonnier. An english translation by the Louisiana States Law Institute.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Khóa bồi dưỡng thần học và tu đức cho các Dòng Nữ tại các giáo phận Miền Bắc
ĐXT
11:17 25/02/2008
HÀ NỘI -- Xuất phát từ chuyến về thăm miền Bắc khoảng giữa năm 2006, đặc biệt tại một số nhà dòng nữ miền Bắc, từ cuộc họp với một số chị tổng phụ trách các dòng ấy, chị Phạm Thị Hằng – một nữ tu thuộc tỉnh dòng Houston, dòng Đa-minh Thánh Tâm (Nhà Mẹ tại giáo xứ Thánh Tâm, Hố Nai, Đồng Nai, giáo phận Xuân Lộc), đại diện các dòng nữ trong Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì – đã đề xuất các tham dự viên bầu chọn một ban đại diện các dòng để tiện liên lạc. Với sự hỗ trợ tài chính của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kì, các chị quyết định hằng năm sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng thần học và tu đức cho các dòng nữ thuộc quyền các giáo phận miền Bắc.

Khóa thứ nhất (cuối năm 2006) dành cho các Tổng Phụ Trách các dòng nữ thuộc quyền các giáo phận miền Bắc học tập về bản chất và mục đích của đời tu, vai trò lãnh đạo tối cao trong các dòng theo tu đức và giáo luật. Khóa thứ hai (năm 2007) dành cho Phụ Trách Huấn Luyện của các dòng, học tập về mục tiêu, phương thế của việc huấn luyện, cũng như tương quan giữa đời tu với hàng giáo phẩm theo giáo luật. Khóa thứ ba (đầu năm 2008, từ ngày 13/2 đến ngày 25/2) dành cho các Phụ Trách Cộng Đoàn, không những học tập về việc lãnh đạo các cộng đoàn nhỏ, còn tìm hiểu cách tổ chức đời sống lao động và kinh tế để góp phần xây dựng cộng đoàn. Trong các khóa ấy, ngoài sự tham gia căn bản của chính chị Phạm Thị Hằng, còn có sự tham gia cộng tác của các giảng viên khác như đức cha Nguyễn Văn Đệ - giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, cha Vũ Văn Tất – giáo sư đại chủng viện Hà Nội, cha Đặng Xuân Thành – giảng viên các trung tâm thần học Sài Gòn, mới chuyển ra Hà Nội làm việc. Riêng trong khóa ba, còn có sự tham gia hướng dẫn cầu nguyện với thánh ca và cử điệu của chị Bùi Thị Thanh Bình, nữ tu tỉnh dòng Đa-minh Houston.

Con số và sự đa dạng của các tham dự viên ngày càng tăng: từ con số vài chục đến hơn hai trăm người (khóa ba phải chia thành hai đợt do con số tham dự viên quá đông), từ các dòng đã quen thuộc của các giáo phận đến những tổ chức tu trì mới trong các giáo phận như tu đoàn Thừa Sai Bác Ái ở Vinh, tu đoàn Nữ Thừa Sai Truyền Tin ở Hà Nội. Đó là chưa kể một số tham dự viên dự thính – vì không thuộc thành phần tham dự đúng nghĩa nhưng do đang cần mở rộng kiến thức để phục vụ các giáo phận miền Bắc hữu hiệu hơn, như dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, dòng Phao-lô Đà Nẵng, dòng Phao-lô Thiện Bản Sài Gòn, hiệp hội Điểm Tim…

Không kể những hiểu biết về đời tu được mở rộng và cập nhật, các tham dự viên còn thu lượm được nhiều kinh nghiệm và tâm tình của các chị em từ nhiều dòng khác nhau tại các giáo phận khác nhau trong đời tu cũng như trong mục vụ, nhất là được trải qua những cuộc cử hành phụng vụ (thánh lễ và kinh phụng vụ) rất đa dạng nhưng cũng rất hợp nhất và mang sắc thái tu trì rất rõ nhờ sự nhấn mạnh trong bài giảng lễ, trong các thánh ca lựa chọn và trong cách ăn mặc, rồi những giờ suy niệm riêng bên cạnh nhau…

Mới nghe qua, chúng ta tưởng đây là những nỗ lực không đáng kể vì đã có những nỗ lực tương tự như thế đã được thực hiện, thậm chí rất bài bản, ở các miền khác, đặc biệt tại thành phố Sài gòn. Nhưng đặt vào trong bối cảnh của miền Bắc, đây quả là một cố gắng đáng khâm phục. Phải khắc phục không những các vấn đề liên quan đến tài chính để tổ chức các bữa ăn, in ấn các giáo trình, thù lao các giảng viên, chăm sóc y tế…, mà còn phải tìm cách giải quyết vấn đề phòng ốc để nghỉ ngơi – không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, không chỉ vài ngày mà có khi cả tuần, không chỉ cho vài người mà hàng chục người, nhất là phải tìm cách vượt qua não trạng e dè ra khỏi địa phận, e dè tiếp xúc với các dòng khác, e dè làm bài và phát biểu, e dè sống chung và chơi chung… Những điều mà chỉ năm mười năm trước đây thôi đã tưởng là huyền hoặc !

Chính vì những lợi ích gần và xa, trông thấy được và không trông thấy được ấy, dù vẫn còn rất khiêm tốn so với sự đầu tư và so với ước nguyện của mọi người, ban điều hành đã quyết định để nghị với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kì đưa công tác hỗ trợ và tổ chức này vào trong danh sách hoạt động thường xuyên và chính yếu của Liên Hiệp. Cũng vậy, theo lời nhắn nhủ của đức Tổng Giám Mục Hà Nội trong bữa ăn kết thúc khóa học, cái tinh hoa của các khóa học này và các khóa học tương lai chính là sự hài hòa giữa hợp nhất và vui tươi – hợp nhất giữa các dòng, giữa các địa phương, giữa các nếp sống và lối suy nghĩ, giữa các độ tuổi và các chức vụ - nhưng không phải là sự hợp nhất miễn cưỡng và vất vả, mà là sự hợp nhất trong vui tươi và thông cảm. Nếu đưa được sự hài hòa ấy vào trong cuộc sống thường ngày của các cộng đoàn địa phương, không chỉ giữa chị em trong cộng đoàn mà còn giữa linh mục và nữ tu, giữa giáo dân và nữ tu…, thì quả là các khóa học này đã thành công, cần được duy trì và nhân rộng hơn nữa.
 
Thông Báo
LM Antôn Trần Văn Bật đã từ trần tại Việt Nam
LM Phaolô Bùi Văn Phổ
11:29 25/02/2008

CÁO PHÓ


Trong niềm tin Chúa Kitô tử nạn và Phục sinh
Chúng con đau buồn kính báo:

Cố LM Antôn Trần Văn Bật


Sinh năm 1920 tại họ Mỹ Lộc, giáo xứ Phú Ốc, Nam Định, giáo phận Hà Nội.
Đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 12 giờ 00 ngày 25 tháng 2 năm 2008
Hưởng thọ 88 tuổi
• Lễ nhập quan vào lúc 8 giờ 30 ngày 26 tháng 2 năm 2008
• Thánh lễ an tang lúc 8 giờ 30 ngày 01 tháng 3 năm 2008
• Sau đó linh cửu được di quan và an táng tại:
Nghĩa trang giáo xứ Khiết Tâm - Thủ Đức
Kính xin Đức Hồng y, quí Đức Cha, quí tu sĩ, cùng cộng đoàn dân Chúa,
dâng lời cầu nguyện cho linh hồn cố linh mục Antôn được sớm hưởng nhan thánh Chúa.

Trân trọng kính báo
TM Linh Tông và Huyết Tộc
+ GM Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục GP Long Xuyên
TM Gia đình GX Nam Thái
LM Phaolô Bùi Văn Phổ, Chánh Xứ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mùa Đông Hẹn Hò
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
00:13 25/02/2008

MÙA ĐÔNG HẸN HÒ



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc. Carthage, Mo.

Hẹn nhau vào giữa mùa đông

Giá băng, tuyết phủ cũng không lỗi thề..

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền