Ngày 28-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường vào Nước Trời
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:30 28/02/2011
Chúa Nhật 9 thường niên (Mat-thêu 7, 21-27)

1. Chúa Giê-su luôn thi hành ý muốn của Chúa Cha

Đối với Đức Giêsu, vâng phục thánh ý Chúa Cha là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Chính vì thế, mặc dù Người vốn là Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha, nhưng Người vẫn hạ mình vâng phục Chúa Cha như một người tôi tớ. Thánh Phao-lô diễn tả sự vâng phục của Chúa Giê-su như sau: “Người, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng đã không nghĩ phải dành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Người đã hủy mình ra không… Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết thập giá.” (Philip 2, 6-8) - Đức Giêsu luôn từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa Cha như lời Người phán: “Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38) - Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4, 34) - Người xem việc thi hành ý muốn của Chúa Cha còn quan trọng hơn cả mạng sống của mình. Vì thế, Người đã chấp nhận hy sinh mạng sống để thực hiện ý Cha. Đối diện với cuộc khổ hình man rợ và cái chết thảm khốc sắp ập đến, Chúa Giê-su tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha: “Abba, lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén nầy xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi.” (Mt 26, 39) Tóm lại, Chúa Giê-su luôn thi hành ý muốn của Chúa Cha trong mọi sự, với bất cứ giá nào.

2. Chúa Giê-su khuyến khích mọi người thi hành ý muốn Thiên Chúa

Bởi vì vâng phục Thiên Chúa có tầm quan trọng hàng đầu, nên Đức Giêsu tận dụng mọi cơ hội để khuyến khích mọi người làm theo ý Thiên Chúa. Lần kia, Mẹ Maria và các anh em của Chúa Giêsu tìm gặp Người, nhưng họ không thể tiếp cận Người vì có đông dân chúng. Khi có người báo tin cho Chúa Giê-su: “Mẹ Thầy và anh em Thầy đứng ngoài muốn gặp Thầy”, Chúa Giêsu đáp: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Và giang tay chỉ các môn đệ của Người, Người nói: “Đây là mẹ Ta, và đây là anh em Ta. Phàm ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy là anh chị em và là mẹ Ta.” (Mt 12, 4a-50).

Qua những lời đó, Chúa Giê-su tán dương những người làm theo ý Chúa Cha như là anh chị em và là mẹ của Người. Một lần khác, “đang khi Chúa Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Qua những lời nầy, Chúa Giê-su khẳng định rằng ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa là người đại phúc! Hồng phúc đó còn lớn hơn cả diễm phúc cưu mang và nuôi dưỡng Người.

Chúa Giê-su cho rằng những ai biết nghe và giữ lời Thiên Chúa như là những người khôn ngoan biết xây nhà trên nền đá, dù mưa đổ, sông tràn, gió lùa thổi... nhà cũng không sập vì được xây trên nền đá. Còn những ai nghe lời Chúa mà không giữ thì giống như người dại xây nhà trên cát. Khi mưa sa bão táp... nhà sẽ sụp đổ tan tành. (Mt 7, 24) 3. Thi hành ý Chúa là điều kiện duy nhất để được vào Nước Trời

Chúa Giê-su dạy: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”

Với những lời khẳng định mạnh mẽ nầy, Chúa Giê-su cho thấy chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa nhân loại vào Nước Trời mà thôi, đó là thực hành ý muốn của Thiên Chúa Cha.

Chúa Giê-su không đón nhận những người đi vào Nước Trời bằng đường tắt, bằng thang máy: chẳng màng thi hành ý muốn của Thiên Chúa mà chỉ cần van vái, đọc một số kinh, dự một số thánh lễ vào những ngày đầu tháng, tôn kính tấm ảnh Chúa trong nhà… hay làm những điều lớn lao trọng đại khác như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, vân vân. Người cảnh báo họ như sau: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? "Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! (Mt 7, 21-23)

Như thế, chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa nhân loại vào Nước Trời, vào cõi hạnh phúc ngàn thu, đó là thi hành ý muốn của Chúa Cha, là sống theo quy luật yêu thương. Những ai đi trệch ra khỏi con đường đó, tức chưa sống luật yêu thương, người đó sẽ bị loại trừ.

Tóm lại, vâng phục thánh ý Chúa là điều kiện duy nhất phải có để được sống đời.
 
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ 1 Đến 15 Tháng 3 Năm 2011
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:23 28/02/2011
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

* Từ ngày 01 đến 15-03-2011 *

Ngày 01-03-11: Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong đền thờ, đang ngồi giữa các Thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. (Lc 2, 46) * Thánh Giuse và Đức Mẹ đã kiên tâm đi tìm Chúa Giêsu và đã gặp. Tôi noi gương hai Đấng tìm Chúa trong mọi lúc vui buồn.

Ngày 02-03-11: Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy.? (Lc 2, 28) * Chúa Giêsu đã nêu gương cho tôi về việc rao giảng Lời Chúa tôi phải đặt ưu tiên 1; nhưng lâu nay tôi đã thờ ơ, cho việc chính là phụ.

Ngày 03-03-11: Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49) * Chúa Giêsu muốn tôi phải lo Nước Thiên Chúa Cha trước. Tôi cần dùng những phương tiện Chúa ban để mở mang nước Ngài, không được lợi dụng quyền hành phô trương, tìm lợi nhuận cá nhân cho mình.

Ngày 04-03-11: Họ đến gặp ông Gioan và nói: “Thưa Thầy, người trước đây đã ở với Thầy bên kia sông Gio-đan và được Thầy(Gioan) làm chứng cho, bậy giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông(Chúa Giêsu). (Ga 3, 26) * Hình như có sự ganh tị của các môn đệ Gioan với sự thành công lớn hơn của Chúa Giêsu; nhưng ông Gioan đã xác nhận là ông không phải là Đấng Cứu Thế.

Ngày 05-03-11: Ông Gioan trả lời: “Chẳng có ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.” (Ga 3, 27-28) * Ông Gioan xác định địa vị ưu thế của Chúa Giêsu với các môn đệ ông và bằng lòng với vai trò nhỏ hơn.

Ngày 06-03-11: Ai cưới cô dâu thì người ấy là chú rể(Chúa Giêsu),. Còn người bạn của chú rể(Gioan) đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của Thầy (Gioan), niềm vui ấy bây giờ trọn vẹn. (Ga 3, 29) * Hình ảnh đám cưới được thấy trong lời dạy dỗ của Chúa Giêsu trong Mt 22, 1-14, mà Gioan là người bạn được vui mừng viên mãn giữa các môn đệ.

Ngày 07-03-11: Người(Chúa)phải được nổi bật lên, còn Thầy (Gioan) phải lu mờ đi. (Ga 3, 30) * Gioan lặp lại sự vượt trổi hơn của Chúa Giêsu, còn tôi phải nhỏ đi. Bạn và tôi cần phải noi gương khiêm tốn của ông Gioan trong sứ vụ của mình ở trong Hội Thánh.

Ngày 08-03-11: Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. (Cv 3, 2) * Cửa Đẹp ở phía đông là một nơi tốt để ăn xin, khi mọi người qua lại không quên anh ta được.

Ngày 09-03-11: Vừa thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh và nói: “Anh nhìn chúng tôi đây !” (Cv 3, 3-4) * Việc gặp gỡ bình thường đã trở thành một gặp gỡ riêng tư, thật sư: “ngó, nhìn thẳng vào”, nói lên kết quả mong đợi của người què đã được nâng lên, anh hy vọng được gì đây.

Ngày 10-03-11: Bấy giờ ông Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazaret, anh đứng dậy mà đi !” (Cv 3, 6) * Hai ông đã nói lên tiền bạc,vật chất là tạm bợ, nhưng có điều tốt hơn để chia sẻ là đức tin nhân danh Chúa chữa lành cho anh. Còn tôi đối với của cải thế nào?

Ngày 11-03-11: Vậy phải nói sao về ông Áp-ra-ham, tổ phụ dân tộc chúng tôi ? Ông đã được gì ? (Rom 4, 1) * Phaolô dẫn chứng Kinh Thánh về gương ông Apraham, để chứng minh nhờ lòng tin mà người ta được nên công chính. Cắt bì không chưa đủ mà còn phải tin.

Ngày 12-03-11: Gỉa như ông Apraham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện; nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. (Rom 4, 2) * Ông Apraham đã trung tín và kiên trì chịu thử thách, đó là nền tảng để Chúa làm cho ông nên công chính. Hãnh diện đáng kể là hãnh diện trong Chúa.

Ngày 13-03-11: Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Apraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. (Rom 4, 3) * Sức mạnh và bản chất của đức tin đã khiến ông nhận được sự công chính, là tác động do Thiên Chúa chấp nhận, không phải của mình.

Ngày 14-03-11: Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa, chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. (1Cor 3, 13) * Những việc làm của tôi hiện nay đến ngày phán xét sẽ rõ. Tôi cần có ý ngay lành để sáng danh Chúa.

Ngày 15-03-11: Còn công việc của ai bị thiêu hủy…Tuy nhiên bản thân người ấy sẽ được cứu; nhưng như thể băng qua lửa. (1Cor 3, 15) * Câu này có ý về lửa luyện tội, nếu thợ xây không chân thật sẽ chứng kiến mọi việc họ đã làm, và họ bị ném vào lửa.

Ptế: JB.Maria Nguyễn Định
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:38 28/02/2011
CON MUỖI LỚN

N2T


Có một thương nhân đi buôn bán bên ngoài trở về nhà, khoác lác nói mình đi ra bên ngoài được nhìn qua rất nhiều gương mặt cuộc đời, nói:

- “Qua khe hoàng ngưu, muỗi lớn giống như con vịt; qua sông thiết ngưu, con loăng quăng lớn như con ngỗng”.

Vợ anh ta nói:

- “Tôi không tin, làm gì mà có loại muỗi lớn như thế chứ ?”

Thương nhân nói:

- “Tôi nói dối bà làm gì, một đêm nọ tôi đang ngủ thì nghe thấy một con muỗi bay đến, khi nó đang muốn đậu trên người tôi, tôi liền chụp ngay cổ nó. Con muỗi ấy vỗ cánh muốn bay đi, nhưng đến chết tôi cũng không thả nó ra. Kết quả, hai cánh nó quạt tôi suốt đêm thật mát”.

Vợ nói:


- “Ông đã chụp được cổ nó, sao không đem về nhà làm thịt ăn ?”

Thương nhân nói:

- “Chà, nó không ăn tôi là được rồi, bà lại còn muốn ăn nó !”

Suy tư:

Con muỗi lớn bằng con vịt và con loăng quăng lớn bằng con ngỗng thì thật là khoác lác hết chỗ nói, đó là tâm trạng của những người được đi đông đi tây nhiều, nhưng vẫn không bỏ cái tính cố hữu của mình: kiêu ngạo và khoác lác.

Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã dạy: “Dù có ra khỏi nhà, đi phương xa vạn dặm mà cứ mang theo tất cả tật xấu, cả con người cũ, thì có khác gì ở nhà đâu ?”(Đường Hy Vọng 5)

Cũng có một vài người dâng mình làm tôi Chúa được bề trên cho đi học nước ngoài, nhưng vẫn không học được cái khiêm tốn cái phục vụ của người ta, cho nên khi trở về thì càng kiêu ngạo, càng cho mình là người ưu tú mà coi thường những anh chị em đồng đạo khác. Họ đi đông đi tây học được nhiều kiến thức, mắt được nhìn thấy những điều hay cái tốt, nhưng họ không nhìn thấy được tâm hồn của mình cần học những gì...

Khoác lác là một tật xấu vì nó sẽ làm cho người khác mất đi sự tín nhiệm nơi chúng ta, và nguy hiểm hơn, đó là sự nói dối, là lời phát ngôn của ma quỷ.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:40 28/02/2011
N2T


6. Con muốn người khác tha thứ cho con, thì con cũng phải tha thứ cho người khác.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Bênêđíctô XVI và Ánh Sáng Thế Gian, dưới mắt Đức Hồng Y George Cottier
Vũ Văn An
00:46 28/02/2011
Đức Hồng Y Georges Cottier O.P. là thần học gia hưu trí của Phủ Giáo Hoàng. Trong một bài báo bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Ecclesiam Suam, ngài cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã suy tư về mầu nhiệm và đời sống Giáo Hội bằng một tầm nhìn hết sức đơn sơ nhân cuộc phỏng vấn của Peter Seewald năm rồi.

Theo Đức Hồng Y, ai đọc các trang của cuốn “Ánh Sáng Thế Gian” thuật lại cuộc phỏng vấn trên, cũng đều gặp một vị giáo hoàng thư giãn, tự tin, phát biểu một cách tự nhiên, không dấu diếm bất cứ điều gì. Ngài nói với cùng một sự đơn sơ về cuộc sống hàng ngày mà ngài vốn chia sẻ với các thành viên khác của phủ giáo hoàng cũng như các vấn đề lớn lao có quan hệ tới sinh hoạt của toàn thể Giáo Hội.

Trong các trang sách, độc giả nhận ra một lòng tin tưởng sáng suốt vào hiện tình và tương lai của Giáo Hội trên khắp thế giới. Đức Thánh Cha tỏ ra không lo âu xao xuyến. Ngài nói rõ ràng rằng Giáo Hội có vẻ như đang thoái lùi nếu nhìn theo quan điểm Âu Châu. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, chứ không phải là toàn bộ vấn đề. Thực vậy, “Giáo Hội đang lớn mạnh, đang sống vững và đầy năng động” và “ở lục địa Âu Châu, ta chỉ thấy một phần nào đó chứ không hẳn là năng động tính vĩ đại đang đánh thức khắp các nơi khác. Và điều này tôi vốn được thấy trong các cuộc tông du của tôi cũng như từ các cuộc viếng thăm của các giám mục thế giới” (tr.29).

Người ta tự hỏi do đâu mà ngài có được một niềm tin tưởng như thế? Đức Thánh Cha đề cập, mà không kết án, đến việc tục hóa, chủ nghĩa tương đối, việc đánh mất cảm thức về Thiên Chúa hiện đang trổi vượt trong cuộc sống thực tế của nhiều người. Đứng trước các hiện tượng này, niềm hy vọng và sự thanh thản của ngài xem ra không dựa trên một ý niệm, một công thức, hay một mô thức cổ điển hay hiện đại nào nhằm mang lại thành công cho Giáo Hội. Ngài chỉ đơn giản nhắc ta nhớ rằng chính Chúa Giêsu gìn giữ ngọn lửa đức tin rực cháy trong Giáo Hội vì “chỉ có Chúa mới có năng lực duy trì con người trong đức tin” (tr. 24). Chính trên dữ kiện đó, một dữ kiện mà ngài hằng cảm nhận trong chức phận thừa kế Thánh Phêrô, niềm cậy trông và đức tin của một vị giáo hoàng đã được đặt căn bản: “Nhìn vào tất cả những gì con người và các giáo sĩ từng làm trong Giáo Hội, người ta thấy rõ đó là bằng chứng Chúa Kitô hằng nâng đỡ và đã lập ra Giáo Hội. Nếu chỉ tùy thuộc con người, thì Giáo Hội đã bị tiêu diệt từ lâu lắm rồi” (tr.58).

Đó chính là mầu nhiệm của Giáo Hội, một mầu nhiệm mà chính Đức Bênêđíctô XVI cảm nhận khi nhận lãnh vai trò cầm đầu Giáo Hội. Đức Thánh Cha tâm sự: “Lúc gánh nặng này được đặt lên vai tôi, tôi chỉ biết thưa với Chúa một cách đơn sơ: ‘Chúa muốn làm gì với con đây? Trách nhiệm bây giờ là của Chúa đấy nhé. Chúa phải hướng dẫn con! Con không thể làm gì đâu. Nếu Chúa muốn con làm gì, thì Chúa phải giúp con” (tr. 20). Tâm tình này chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt phần lớn các câu trả lời phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng. Sợi chỉ đó cũng cho thấy những vang dội đáng lưu ý về phương diện Giáo Hội Học. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, giáo hoàng “ cũng là một hành khất đơn hèn trước mặt Thiên Chúa, còn hơn mọi con người nhân bản khác” (tr.35). Với những lời lẽ đơn giản và rõ ràng, ngài cũng đã mô tả đặc sủng vô ngộ bằng chính ngôn từ thích đáng của học lý Công Giáo, và do đó, bác bỏ mọi thứ hàm hồ của phe duy vô ngộ: “Giám mục Rôma hành động giống như bất cứ một giám mục nào khác khi tuyên xưng đức tin của mình, khi công bố đức tin ấy, một cách trung thành với Giáo Hội. Chỉ khi nào hội đủ một số điều kiện, chỉ khi nào thánh truyền đã trở nên rõ ràng và chỉ khi nào ngài ý thức rõ mình không hành động một cách võ đoán, giáo hoàng mới có thể nói: ‘Đây là đức tin của Giáo Hội và việc bác bỏ nó không phải là đức tin của Giáo Hội’” (tr.25). Theo Đức Thánh Cha, Công Đồng Vatican II “rất có lý khi dạy ta rằng tính hợp đoàn (collégialité) là yếu tố cấu thành cơ cấu Giáo Hội. Và đức giáo hoàng chỉ là người thứ nhất cùng với những người khác chứ không phải là người duy nhất đưa ra quyết định một mình như một quân chủ tuyệt đối và tự một mình mình hành động” (tr.101). Bởi thế, Ngài trích dẫn lời Công Đồng này để nhắc ta nhớ rằng trách nhiệm chung của các giám mục là dữ kiện cấu thành chính bản chất của Giáo Hội. Đây không phải là vấn đề lý thuyết hay những công thức do hoàn cảnh tạo ra. Ngài biểu lộ quan điểm trên qua thái độ coi trọng các thượng hội đồng giám mục thế giới cũng như thái độ lắng nghe mỗi lần tiếp các giám mục tới Rôma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô (ad limina). Người ta cũng biết rõ nhờ những cuộc gặp gỡ qúy giá này, Đức Bênêđíctô XVI đã trực tiếp tiếp cận với các vấn đề, các nỗi đau cũng như những niềm an ủi mà toàn thể dân Chúa đang trải nghiệm trong hoàn cảnh địa phương khác nhau của họ, như những tàn phá nhân bản và xã hội liên hệ tới ma túy mà “một số lớn giám mục, nhất là các giám mục từ Châu Mỹ La Tinh” từng nói cho ngài hay (tr.88).

Đức Giáo Hoàng cũng trả lời câu hỏi liên quan tới khả thể triệu tập Công Đồng Vatican III. Đối với ngài, việc này chưa chín mùi. Nhưng tiêu chuẩn hợp đoàn, như ngài vừa xác định, có thể có những khai triển quan trọng trong phong trào đại kết, nhất là trong lãnh vực quan hệ với các giáo hội Phương Đông. Ngài bảo: các giáo hội này là những giáo hội đặc thù chân chính dù không hiệp thông với đức giáo hoàng. Theo chiều hướng này, việc hiệp nhất với đức giáo hoàng không phải là yếu tố cấu thành các giáo hội đặc thù. Dù việc thiếu hiệp nhất này là một thiếu sót trong tế bào sống đó, song tế bào đó vẫn là một tế bào, đủ tư cách mang danh một Giáo Hội. Trong nội thẳm tế nào ấy, nó chỉ thiếu điểm này: sợi dây liên kết với cơ thể hoàn cầu (tr.123).

Cả cái sức mạnh bình thản và thanh thản mà người ta thấy rõ nơi Đức Giáo Hoàng cũng không phát xuất từ chính ngài. Ngài bảo: “Tôi thấy rõ hầu như mọi điều tôi có bổn phận làm, tự tôi tôi không có khả năng làm. Có thể nói, chỉ vì lý do này, tôi buộc phải phó mình trong tay Chúa và thưa với Người rằng: ‘Chúa hãy làm đi nếu Chúa muốn’” (tr.34). Đức Bênêđíctô nhìn nhận rằng ngài không phải là một nhà huyền nhiệm (tr. 34). Ngài thú thực khi cầu nguyện, ngài thường kêu cầu tới Đức Mẹ và các thánh: “Tôi có tình thân ái với Thánh Augustinô, Thánh Bonaventura, Thánh Tôma Aquinô. Người ta thường thưa với các vị thánh này rằng: Xin giúp con. […] Theo chiều hướng ấy, tôi tín thác vào sự hiệp thông các thánh. Với các ngài, và được các ngài tăng sức, tôi mới dám nói với Chúa Nhân Lành, ăn mày trước nhưng cũng tạ ơn Người nữa, hay đơn giản chỉ để mình tràn ngập niềm vui” (tr.35-36). Đức Bênêđíctô XVI không bao giờ tự tô vẽ mình như vị giáo hoàng đầy linh hứng. Đối với ngài, giám mục Rôma “khi lên tiếng trong tư cách mục tử tối cao của Giáo Hội, theo lương tâm trách nhiệm của mình, không hề nói điều gì của riêng mình, mà chỉ nói điều được thần khí chuyển tải qua mình” (tr. 25).

Có lẽ nhờ thái độ này, mà cách ngài nhìn và đương đầu với các biến cố vui buồn xẩy ra trong Giáo Hội những năm gần đây đang nắm được, một cách đầy ngạc nhiên, điều thực sự đang mở tâm hồn con người đón nhận tin mừng Kitô Giáo và đánh gục những phản bác của thời hiện đại.

Người ta cũng nghĩ tới cung cách Đức Bênêđíctô XVI, một lần nữa, nói tới tai tiếng đáng buồn của nạn ấu dâm và lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ. Trước tệ nạn này, ngài vẫn nhắc lại những điều ngài đã từng tuyên bố trước đây: phải hãm mình, thống hối, xin tha thứ, không dấu diếm điều gì, không đùa bỡn nạn nhân mà cũng không đồng lõa với kẻ phạm tội. Ngài cũng thấy hiện không thiếu những người “vui thú trong việc tố cáo Giáo Hội và tìm đủ cách để đả phá Giáo Hội” (tr.47-48). Nhưng trước nhất ngài nhìn nhận rằng “chính vì sự ác hiện diện trong Giáo Hội nên người khác mới có thể dùng nó mà chống lại Giáo Hội” (tr. 48). Theo ngài, có người dám “nghĩ rằng vì Năm Linh Mục bất lợi cho ma qủy, nên chúng đã ném vào mặt ta đủ thứ dơ dáy, như thể chúng muốn cho thế giới thấy cả trong hàng ngũ linh mục cũng có không biết bao nhiêu sự dơ dáy” (tr. 55). Nhưng “mặt khác, có lẽ nên nói rằng chính Chúa muốn thử thách ta và mời gọi ta thanh tẩy sâu xa hơn để ta đừng bước vào Năm Linh Mục này một cách hãnh tiến, như một cách vinh danh chính ta, nhưng như một năm thanh tẩy, canh tân nội tâm, thay đổi và nhất là sám hối” (tr. 55-56).

Đức Giáo Hoàng cũng sáng suốt nắm vững những điều tốt đẹp, những điều cao cả đang nở rộ trong Giáo Hội và tỏ lòng biết ơn đối với sự nở rộ này. Ngài luôn nhắc tới “những sáng kiến không do cấu trúc, không do bàn giấy điều hướng” vì “bàn giấy đã cũ kỹ mỏi mệt” (tr.85). Ngài buồn khi thấy “vẫn còn một thứ chuyên nghiệp Công Giáo” (tr. 187) được thiết lập trong các guồng máy và chức vụ thẩm quyền. Nhưng ngài rất an ủi khi thấy những mầm mống mới nẩy sinh sự sống Kitô Giáo ngay trong các lãnh vực bị thế tục hóa: “Thánh lễ ở Paris quả là đầy ấn tượng. Hàng chục ngàn người tại quảng trường Esplande des Invalides, tụ tập trong một bầu khí cầu nguyện và đức tin sốt sắng, làm tôi rất xúc động […]. Đối với tôi, điều rất quan trọng là được nhìn thấy, ngay trong nước Pháp tự cho mình là thế tục này, cả một lực lượng đức tin mênh mông như vậy” (tr. 157). Đó là ký ức của ngài về cuộc tông du nước Pháp. Ngài bảo: “Chúa nói với ta rằng sẽ có cỏ dại mọc chung với lúa mì, nhưng hạt giống, hạt giống của Người, vẫn tiếp tục triển nở. Đó là điều làm ta tin tưởng” (tr. 45).

Các câu hỏi của Peter Seewald đã tạo cơ hội cho Đức Thánh Cha đưa ra nhiều lời lẽ đẹp đẽ và sâu sắc về đủ mọi vấn đề. Trong đó, ngài có nhắc tới Đức Gioan Phaolô II, người mà ngài luôn yêu mến và tôn sùng. Khi được Seewald yêu cầu tự so sánh với khả năng thông đạt với truyền thông của vị cố giáo hoàng, ngài thành thực trả lời: “Tôi chỉ xin thưa đơn giản thế này: tôi là tôi. Tôi không tìm cách trở thành người khác. Điều tôi có khả năng cho đi, tôi cho đi điều đó, và điều tôi không có khả năng cho đi, tôi không bao giờ ráng cho đi điều đó. Tôi không tìm cách biến mình thành điều mình không là” (tr.152).

Đức Hồng Y Coottier cho hay ngài rất thán phục về mọi điều Đức Giáo Hoàng nói liên quan đến mối liên hệ với Do Thái Giáo và Do Thái, và về sự kiện: ngay từ những ngày đầu mới học thần học, Đức Bênêđíctô XVI đã hiểu rõ “tính thống nhất nội tại của Cựu Ước và Tân Ước”, nên ngài hằng xác tín rằng “Ta chỉ có thể đọc Tân Ước với tiền thân của nó. Không có tiền thân này, ta không thể hiểu được Tân Ước”. Rồi ngài cho rằng những gì xẩy ra thời Đệ Tam Reich buộc ta phải “nhìn dân tộc Do Thái bằng thái độ khiêm tốn và xấu hổ, cũng như bằng tình yêu thương”. Tất cả những điều đó “từng được thấm nhập” vào việc đào luyện thần học của ngài và đều có dấu vết trong hành trình suy tư thần học của ngài (tr.114). Vị giáo hoàng đương nhiệm đã phản ứng bằng một nhạy cảm như thế đối với các cám dỗ hiện nay trong giới thần học Công Giáo muốn theo chân phái ngộ đạo Marcion để tách biệt và đặt đối kháng giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chính nhờ vậy, trọng tâm trong huấn quyền của ngài ta thấy có sự đan kết mới mẻ đầy thân ái và toàn bộ giữa Israel và Giáo Hội, biểu lộ qua lòng tôn trọng hỗ tương đối với sự hiện hữu và sứ mệnh đặc thù của đối tác (tr. 114). Vì chủ trương này, Đức Bênêđíctô XVI ưa gọi người Do Thái là “cha ông ta trong đức tin” vì theo ngài, kiểu nói này nói lên cách thế “chúng ta liên hệ với nhau” một cách rõ ràng hơn vì kiểu nói của Đức Gioan Phaolô II, gọi người Do Thái là “anh cả” không được người Do Thái tiếp nhận vì “trong truyền thống Do Thái, ‘anh cả’ như Êsau chẳng hạn, cũng là người anh bị tước quyền’” (tr.114).

Đức Hồng Y Coottier cũng cho rằng các câu Đức Thánh Cha trả lời liên quan đến mối liên hệ với Hồi Giáo cũng đáng chú ý. Peter Seewald hỏi rằng: nền chính trị quá khứ theo đó các vị giáo hoàng có nghĩa vụ phải bảo vệ Âu Châu chống lại việc hồi giáo hóa ngày nay có còn giá trị nữa không? Đức Giáo Hoàng đáp rằng: “Hiện nay ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác, trong đó đường ranh giới tuyến đã thay đổi cả rồi”. Ngài cho rằng mẫu mực của chính sách hiểu biết lẫn nhau phải là mẫu mực đang có mặt tại phần lớn các lãnh thổ Châu Phi nơi “đã từ lâu vốn có việc chung sống tốt đẹp mà nổi bật là lòng khoan dung giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo” (tr. 135-136). Về bài diễn văn nổi tiếng tại Regensburg mà nhiều người “giải thích là lầm lẫn đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài”, Đức Giáo Hoàng chỉ trưng dẫn những sự kiện tích cực đã diến tiến sau biến cố kia: “Ngày nay, ai cũng rõ Hồi Giáo phải xử lý hai vấn đề trong cuộc đối thoại công khai liên quan tới bạo lực và lý trí”. Hiện các học giả đang bắt đầu khởi sự một cuộc suy nghĩ nội bộ về vấn đề này (tr. 132-133). Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng khiêm nhường thừa nhận rằng tại Regensburg, “ngài quan niệm bài diễn văn đó chỉ như một bản văn hoàn toàn có tính học thuật, chứ không ý thức được việc người ta biến một bài diễn văn có tính học thuật của vị giáo hoàng thành bài diễn văn chính trị” (tr. 132-133).

Trong việc thành thực nhìn nhận biến cố không may này, giống như trong việc đáng tiếc đã hủy bỏ vạ tuyệt thông cho vị giám mục theo phái Lefèbre mà không tham khảo đầy đủ về chủ trương bài Do Thái của vị giám mục này, người ta thấy rõ người nói ở Regensburg là một vị giáo hoàng, chứ không phải chỉ là một giáo sư đang bênh vực các chủ đề học thuật chính đáng của mình. Cũng thế, người ta có thể nhận định như vậy đối với lời tuyên bố của ngài về việc dùng “áo mưa” ngừa thai, lời tuyên bố từng gây ra nhiều tranh cãi.

Đức Giáo Hoàng, khi nói tới việc dùng “áo mưa” ngừa thai để chống bệnh AIDS, không muốn canh cải hay thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Như Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, từng giải thích, Đức Bênêđíctô XVI chỉ thừa nhận việc dùng “áo mưa” ngừa thai trong trường hợp nó có thể giảm thiểu nguy cơ chết người, nghĩa là trong trường hợp việc làm tình mang theo nguy cơ đối với sinh mệnh của chính tác nhân hay sinh mệnh đối tác. Trong trường hợp thuộc loại này, như trường hợp những người hành nghề mãi dâm mắc loại siêu vi trùng này, thì việc sử dụng “áo mưa” ngừa thai để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh có thể nói lên “yếu tố đầu tiên của tinh thần trách nhiệm”, là “ bước đầu của con đường tính dục […] nhân bản hơn” (các tr. 160-161). Tưởng cũng nên dừng lại ở đây để xem sét thí dụ được chính Đức Giáo Hoàng nêu ra. Các đòi hỏi liên quan tới một tính dục đạo hạnh chỉ áp dụng bên trong bí tích hôn phối. Và đức trong sạch trong đạo vợ chồng giả thiết phải có cuộc sống Kitô Giáo trọn bộ, với việc cầu nguyện và chịu các bí tích. Ngược lại, đĩ điếm tạo ra một cấu trúc tội lỗi. Đối với những người sống trong cấu trúc này, sự kiện nghĩ tới việc tránh nguy cơ lây lan đe doạ chính mạng sống mình hay mạng sống người khác chắc chắn không làm cho việc đĩ điếm thành đạo hạnh mà chỉ là một cửa ngõ dẫn tới một lòng nhân đạo lớn hơn, điều mà ta phải phán đoán một cách tích cực. Học thuyết luân lý Công Giáo vốn mong muốn hạnh phúc và cứu rỗi cho mọi người chứ không muốn đẩy ai về phía sa đọa hay chết chóc. Ngoài ra, vì những lý do y tế hay vì cuộc chiến đấu chống lại các bệnh lây lan, thẩm quyền công cộng có nghĩa vụ đưa ra các biện pháp bảo vệ. Trong trường hợp ấy, dĩ nhiên “áo mưa” ngừa thai là hợp pháp đối với các trường hợp cực kỳ nguy hiểm. Một điểm nữa, điều ấy cũng khác với các chiến dịch vận động sử dụng “áo mưa” ngừa thai, một chiến dịch kết cục chỉ khuyến khích thái độ làm tình bừa bãi.

Cuốn sách phỏng vấn đức giáo hoàng quả rất phong phú và người ta hầu như có thể tìm được những suy tư và ghi chú hữu ích ở mỗi trang giấy. Thí dụ, các suy tư về sự kiện làm chứng cho đức tin hoàn toàn lệ thuộc việc ta hướng về “Chúa Kitô, Đấng đang đến”. Đó cũng chính là điều các thánh luôn chỉ cho ta, các ngài là “những người sống làm Kitô hữu trong hiện tại và cho tương lai” (tr.92). Hay các lý do được Đức Bênêđíctô XVI đưa ra để giải thích kiểu nói “ta” (nous) để chỉ sự uy nghi (majesté). Ngài nói: “Thực sự, trong khá nhiều điều, tôi không chỉ nói điều phù hợp với tinh thần Joseph Ratzinger, mà khởi đi từ tính cộng đoàn của Giáo Hội. Bởi thế, trong một chừng mực nào đó, tôi nói trong tình hiệp thông nội tâm với những ai chia sẻ đức tin của tôi, tôi nói lên điều chúng ta cùng có với nhau và cùng tin với nhau” (tr.115).

Cũng nên để ý điều Đức Thánh Cha nói về các tiêu chuẩn cử nhiệm. Theo ngài, yếu tố quyết định là “các tu sĩ hay giáo sĩ triều phải có những đức tính đúng đắn, họ phải là người có linh đạo, một người có lòng tin thực sự, và trên hết, phải là người can đảm”. Ngài thêm: “Tôi nghĩ lòng can đảm là đức tính chính” của các giám mục, và linh mục và tu sĩ ngày nay (tr. 117).

Đức Thánh Cha cũng tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới các tín hữu Trung Hoa. Ngài cho hay ngày nào ngài cũng cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa dứt khoát vượt qua được mọi chia rẽ và ngài trích dẫn làm yếu tố chính cho một diễn biến tích cực là “khát vọng sống động được hợp nhất với đức giáo hoàng, một khát vọng chưa bao giờ vắng bóng nơi các giám mục được thụ phong cách bất hợp pháp” (tr. 127).

Theo Đức Hồng Y Cottier, dù đứng trước những biến cố khủng khiếp nhất đang xẩy ra cho nhân loại, lời lẽ của Đức Bênêđíctô XVI cũng vẫn đơn thành và rõ ràng: “Làm thế nào thoát khỏi một thế giới hiện đang trở thành một đe dọa cho chính mình, hay tiến bộ đang trở thành nguy cơ? Tại sao không cố gắng khởi đầu lại với Chúa?” (tr. 107). Trọng tâm cuốn sách chính ở chỗ này.
 
Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng điạ điểm Đức Quốc Xã xử tử hàng trăm người Ý
Bùi Hữu Thư
04:15 28/02/2011
Vatican, Ngày 25, tháng Hai, 2011 / 03:02 pm (CNA/EWTN News).- Tháng tới Đức Thánh Cha sẽ đánh dấu ngày kỷ niệm cuộc thảm sát 335 người Ý trong Thế ChiếnThứ Hai.

Ngày 24 tháng Ba, 1944, quân lính phát xít Đức đã tiêu diệt hàng trăm người Ý để trả thù một vụ ném bom bất ngờ ngay tại trung tâm Rôma làm thiệt mạng 33 đồng bọn của chúng.

Khi nghe tin vụ tấn công, chính Adolf Hitler đã ra lệnh phải bắt cho đủ 10 người La Mã để trả thù cho một tên lính Đức bị chết.

Chỉ huy trưởng phát xít Đức tại Rôma đã chọn tất cả các tội nhân trong một trại tù binh bị kết án tử hình, nhưng vẫn không đủ con số Hitler đã ra lệnh. Do đó ông ta đã bắt thêm 75 người Do Thái, tù binh chính trị, và những cá nhân bị tù vì các tội nhỏ nhặt cũng như một số dân chính có mặt vào lúc có vụ tấn công, để cho đủ túc số. Con số cuối cùng đã đạt được cao hơn 330 người.

335 nạn nhân bị dẫn tới các hang hầm của một khu đào đá bởi một số quân lính được các vị chỉ huy ra lệnh là phải giết từng người một bằng một phát đạn bắn từ sau gáy.

Sau vụ thảm sát, bọn Nazi tìm cách che dấu hành động khát máu này bằng cách phá nổ tung các hang hầm, Các thi hài đã được tìm lại và được chôn cất tử tế một năm sau khi chiến tranh chấm dứt.

Một lăng tẩm đã được xây lên giống như một lô cốt quân sự tại nơi có các ngôi mộ của các nạn nhân.

Đức Thánh Cha sẽ đến thăm nơi này, có tên là “Fosse Ardeatine,” ngày 27 tháng 3 để kỷ niệm năm thứ 67 vụ thảm sát này. Nơi đây rất gần các hang toại đạo Thánh Callistus ở ngoại ô Rôma.

Ngài theo chân các Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II, là những người cũng đến đây để tưởng niệm cái chết của các nạn nhân.

Trong chuyến viếng thăm trại diệt chủng Auschwitz, tại Ba Lan tháng Năm 2006, Đức Thánh Benedict nói: “Chúng ta hãy cúi đầu im lặng trước hàng trăm ngàn người đã phải xếp hàng tới đây, đã chịu đau đớn và bị thảm sát tại đây; tuy nhiên, sự thinh lặng của chúng ta trở nên một lời kêu gọi tha thứ và hòa giải, một lời cầu xin Thiên Chúa hằng sống không bao giờ để cho việc này lại xẩy ra lần nữa.”
 
Tình hình chính trị xã hội và tôn giáo Libia
Linh Tiến Khải
09:56 28/02/2011
Một số nhận định của Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, dòng Phanxicô, Giám Quản Tông Tòa Tripoli, về tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo tại Libia

Ngày 15-2-2011, noi gương Tunisia và Ai Cập, người dân Libi cũng đã mạnh mẽ vùng lên đòi tự do dân chủ và các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm giá con người. Các cuộc xuống đường biểu tình đã bắt đầu tại Benghazi và lan nhanh trong nhiều thành phố toàn nước dẫn đưa Libia tới tình trạng hoàn toàn hỗn loạn. Tính đến ngày 24-2-2011 toàn mạn đông bắc Libia, tức vùng Cirenaica gồm các thành phố lớn như Bengazi, Tobruk, Ajdabiya đều nằm trong tay các lực lượng đối lập.

Quân đội và cảnh sát trong vùng đã biến mất. Họ vứt bỏ quân phục, chạy trốn. Các thường dân vũ trang, đa số là người trẻ, chia nhau nhiệm vụ hướng dẫn lưu thông và bảo đảm an ninh cho thành phố. Cũng có tin cuộc nổi loạn đã lan sang các thành phố phía tây như Misurata, Sabratha và Zawiya. Tại Al Baida nhiều binh sĩ trung thành với đại tá Gheddafi đã bị xử bắn.

Xem ra hiện nay đại tá Muammar Gheddafi chỉ còn kiểm soát được thủ đô Tripoli, nhờ các lực lượng đánh thuê gồm người Nigeria, Sudan và một số sắc dân khác. Các toán lính đánh thuê này tìm cách nới rộng vòng đai an ninh, để ngăn chặn các đoàn biểu tình từ các thành phố khác kéo về thủ đô. Tuy nhiên, hỗn loạn cũng xảy ra tại Tripoli, đặc biệt là tại quảng trường Xanh và một vài khu phố nơi người dân ủng hộ cuộc cách mạng dân chủ. Các đoàn biểu tình đã tấn công và đốt trụ sở quốc hội, dinh của chính quyền và nhiều cơ sở khác như Đài phát thanh truyền hình quốc gia cũng như nhiều hàng quán. Nhiều binh sĩ cũng nhập đoàn với người biểu tình.

Đại tá Muammar Gheddafi đã ra lệnh cho quân đội và các lực lượng an ninh bắn vào các đoàn biểu tình khiến cho rất nhiều thường dân thiệt mạng.

Tuy không ai biết mức độ chính xác, nhưng các tin từ thủ đô Tripoli cho biết số người chết trên toàn nước vào khoảng 10.000 và có 50.000 người bị thương. Bãi biển thủ đô Tripoli đã trở thành nghĩa trang khổng lồ chôn cất các người chết.

Ngày 22-2-2011 Ông Saif Al Islam, con của đại tá Gheddafi đã tìm cách ngăn chặn làn sóng nổi loạn, bằng cách xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia và tuyên bố rằng ông hiểu biết các lý do của những người biểu tình. Ông hứa hẹn các cuộc cải tổ, soạn thảo một bản Hiến Pháp mới, đồng thời cũng mạnh mẽ tố cáo âm mưu của các lực lượng nước ngoài muốn lật đổ chính quyền. Nếu không chấm dứt biểu tình, thì sẽ có nguy cơ nội chiến. Nhưng chính quyền sẽ chiến đấu cho tới viên đạn cuối cùng.

Ngày hôm sau 23-2-2011 đại tá Gheddafi đã xuất hiện trên đài truyền hình kêu gọi quân đội và cảnh sát nghiền nát các đoàn người nổi loạn và lấy lại quyền kiểm soát trong nước. Ông nói cho đến nay chính quyền chưa dùng võ lực, nhưng việc trả đũa sẽ giống như tại Thiên An Môn. Ông mời gọi dân chúng biểu tình ủng hộ ông, và tuyên bố thành lập các ủy ban bảo vệ giá trị xã hội, gồm 1 triệu người trẻ Libi thấm nhuần Kinh Copran.

Đại tá Gheddafi cũng tố cáo các phương tiên truyên thông A rập muốn hủy hoại hình ảnh của Libia trước cộng đoàn thế giới. Ông cho rằng các người trẻ biểu tình là những người nghiện ngập ma túy, bị các kẻ bệnh hoạn và các tổ chức mật vụ nước ngoài lèo lái và trả tiền để gây rối loạn. Ông cũng tố cáo Hoa Kỳ và Italia cung cấp khí giới cho các lực lượng đối lập. Ngày 25-2 ông tái xuất hiện tại quảng trường Xanh và kêu gọi mọi người hiện diện ủng hộ ông và cùng chiến đấu để đè bẹp các lực lượng nổi loạn. Ông tuyên bố sẽ kiên trì cho tới chết. Trong khi đó có tin các tỉnh miền tây Libia đã lọt vào tay lực lượng đối lập. Các bộ lạc A rập Libia đã hoàn toàn bỏ rơi ông và thành lập vùng tự trị tách rời khỏi Libia. Trước tình hình rối loạn không còn kiểm soát được nữa, 14 vị đại sứ Libia ở các nước ngoài, kể cả đại sứ cạnh Liên Hiệp Quốc, đã từ nhiệm.

Tình hình hỗn loạn đã khiến cho làn sóng di cư gia tăng: hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua biên giới Tunisia và Ai Cập, cũng như tìm cách trốn sang Âu châu, qua ngã đảo Lampedusa của Italia. Chỉ trong vòng 5 ngày đã có hơn 5.000 đến Lampedusa. Hãng ENIL của Italia cũng đã đóng cửa, vì không thể tiếp tục hoạt động, mặc dù Italia nhập cảng tới 20% dầu thô và 18% hơi đốt của Libia. Italia đã mau mắn hồi hương các kiều dân của mình.

Trong khi các tòa đại sứ nước ngoài lo cho kiều dân của mình hồi hương bằng đủ mọi phương tiện, kể cả cầu không vận quân sự. Phi trường quốc tế Tripoli đầy đặc người tìm cách rời Libia. Chính quyền Trung Quốc cũng tìm cách di chuyển 15 trên 33 ngàn công nhân làm việc tại đây. Trong số các công nhân Á châu cũng có 22.000 người Philippines và hàng trăm người Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng tại Libia khiến cho giá dầu thô tăng vọt và thị trường chứng khoán quốc tế cũng bị ảnh hưởng. Các nước Tây Âu buôn bán làm ăn với Libia như Italia, Pháp và Đức lo sợ các hậu qủa tiêu cực vì thế đã rất chậm chạp và lừng khừng không mau lẹ phản ứng như Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đã ký sằc lệnh ”đông lạnh” mọi tài sản và tiền bạc của đại tá Gheddafi bên Hoa Kỳ.

Linh Muc Nandino Capovilla, phối hợp viên toàn quốc tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô Italia, đã mạnh mẽ tố cáo ba nước Italia, Pháp và Đức bán khí giới cho chính quyền Libia, và giờ đây các khí giới đó được đại tá Gheddafi dùng để tàn sát dân chúng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, dòng Phanxicô, Giám Quản Tông Tòa Tripoli, về tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo tại Libia.

Đức Cha Martinelli chào đời tại Libia cách đây 69 năm, và từ năm 1985 đến nay là Giám Quản Tông Tòa Tripoli, thủ đô Libia. Ngày 22-2-2011 Đức Cha đã trả lời cuộc phỏng vấn của phong viên nhật báo Tương Lai của Hội Đồng Giám Mục Italia và của phóng viên Amadeo của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, mà chúng tôi xin tổng hợp sau đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha Martinelli, kể từ khi người dân Libia vùng lên đời hỏi dân chủ cho tới nay đã có hàng ngàn người bị quân đội và các toán lính đánh thuê bắn chết. Đã có ít nhất 2 thành phố nằm trong tay của các lực lượng biểu tình, trong đó có thành phố Bengasi là nơi dân chúng đã bắt đầu nổi dậy đòi hỏi dân chủ và các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm gía con người. Tình hình Libia hiện nay ra sao?

Đáp: Libia không phải là một quốc gia nghèo như Ai Cập hay Tunisia. Nhưng người dân có các đòi hỏi chính đáng của họ. Chúng là các đòi hỏi nền tảng của giới trẻ là có nhà ở, có công ăn việc làm, đồng lương xứng đáng hơn vv... Tất cả đều là những đòi hỏi rất chính đáng. Khác với các quốc gia khác, Libia là một nước khá giả nên có khả năng để đáp ứng các nhu cầu căn bản này của dân chúng. Và đây có lẽ là lý do khiến cho người trẻ Libia phẫn uất nổi dậy, bởi vì họ thấy đất nước có khả năng mà lại không trợ giúp họ. Tuy nhiên, sự kiện giới trẻ đối diện với các vấn đề này bằng bạo lực và đốt phá, không phải là con đường đúng đắn!

Hỏi: Giáo Hội đã sống tình hình căng thẳng này ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Liên quan tới Giáo Hội, nói chung không có các vấn đề đặc biệt. Các nơi thờ phượng và cộng đoàn tu sĩ tại Bengasi, tình hình yên ổn. Chúng tôi được các bạn bè Libi trợ giúp. Chúng tôi đã liên lạc được với hai cộng đoàn nữ tu làm việc trong các nhà thương ở Beida. Các nữ tu đã phải làm việc rất nhiều vì đã có rất nhiều người bị chết và bị thương. Các chị làm việc rất tận tụy trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Giới chức y tế và dân chúng rất gần gũi các chị vì tinh thần hy sinh đó.

Bên cạnh các linh mục tu sĩ cũng có nhiều giáo dân nữa. Chẳng hạn có rất nhiều phụ nữ Philippines làm việc trong các nhà thương và nhiều vùng khác, kể cả những vùng hẻo lánh nhất trong sa mạc. Nhưng họ làm việc với lòng hăng say nhân danh đức tin và tình huynh đệ.

Các linh mục tu sĩ chúng tôi đều muốn tiếp tục ở lại đây để phục vụ nhân dân Libia cho tới khi nào còn có thể. Chúng tôi cầu mong có sự hòa giải để nhân dân Libi đạt được các điều kiện an sinh chính đáng như họ đòi hỏi.

Hỏi: Thế còn tình hình chung trong vùng Cirenaica, tức vùng đông bắc Libia, thì ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Ông Seif Al Islam, con của ông Gheddafi đã tỏ ra ủng hộ một hình thức độc lập cho vùng này, nhưng người ta không rõ ông muốn nói gì. Sự kiện là chúng tôi đã xin chính quyền trợ giúp Giáo Hội và các cộng đoàn tu sĩ, nhưng được trả lời là cảnh sát không thể can thiệp. Khi đó chúng tôi quay sang các người bạn của Hiệp Hội Tiếng Gội Hồi Giáo và tổ chức Nửa Vành Trăng Đỏ, và họ đã bảo đảm trợ giúp chúng tôi trong chiều hướng này.

Hỏi: Có tín hữu công giáo trong vùng này không thưa Đức Cha?

Đáp: Có nhiều tín hữu công giáo, gốc Philippines, và các nước Phi châu khác. Các anh chị em Philippines làm việc với các hãng xưởng ngoại quốc, nhưng bây giờ các hãng xưởng này đã đóng cửa và xin họ rời Libia.

Hỏi: Thế còn Đức Cha Sylvester Carmel Magro, Giám Mục Bengasi thì ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Ban ngày thì ngài ở trong nhà thờ, trong khi ban đêm thì ngài vào ngủ trong một khu vực của nhà thương, vì lý do an ninh.

Hỏi: Thưa Đức Cha, làn sóng biểu tình phản đối chính quyền Libia, đòi hỏi dân chủ và thay đổi cũng đã lan tới thủ đô Tripoli. Tình hình thủ đô hiện nay ra sao?

Đáp: Hiện nay tình hình xem ra khá yên tĩnh. Ngày 22 tháng 2 vừa qua đã có các vụ biểu tình và đốt phá. Sáng 23 tháng 2 tôi đã ra ngoài và đi dâng thánh lễ cho hai cộng đoàn nữ tu cách đây ít cây số. Chúng tôi đã đi qua vài trạm kiểm soát, nơi binh sĩ sau khi hỏi giấy tờ đã để chúng tôi đi qua.

Hỏi: Thưa Đức Cha báo chí cho biết đã có hàng chục ngàn người bị chết, có đúng thế không?

Đáp: Cần để ý tới những gì các hãng thông tấn viết. Chẳng hạn như tôi đã nghe nói bên Tunisia họ đã nghe tin là nhà thờ chính tòa nơi chúng tôi đang sống đã bị bỏ hom và phi trường thủ đô Tripoli đã bị đốt cháy. Nhưng không đúng như thế. Cám ơn Chúa nhà thờ cũng như các linh mục tu sĩ nam nữ cho tới nay đã không gặp phải vấn đề gì cả.

Hỏi: Đức Cha nghĩ gì về tất cả những điều đang xảy ra tại Libia cũng như trong các quốc gia Bắc Phi và Bản Đảo A rập hiện nay?

Đáp: Tôi tin rằng đây là một cuộc khủng hoảng toàn diện. Có các người trẻ không thể xây dựng tương lai vì không kiếm ra công ăn việc làm, vì thế họ bực bội và trở thành hiếu chiến. Tôi cũng nghĩ rằng điều quan trọng là phải lắng nghe họ và tìm cách thỏa mãn các đòi hỏi và nhu cầu nền tảng của họ, muốn có cuộc sống ổn định.

Hỏi: Đức Cha có nhận thấy nguy cơ của khuynh hướng hồi cuồng tín trong các biểu tình phản đối này không?

Đáp: Nguy cơ này hiện diện thực sự. Tôi tin rằng nỗi sợ hãi lớn nhất hiện nay có thể là điều đó. Nếu các đòi hỏi này của người dân bị lèo lái bởi các khuynh hướng cuồng tín thì khi đó mọi sự sẽ trở thành khó khăn hơn.

(Avvenire 23-2-2011)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội
LM Trần Đức Anh OP
09:57 28/02/2011
VATICAN - Sáng ngày 28-2-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 60 tham dự viên gồm nhiều HY, GM, LM và chuyên gia tại khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội. Ngài kêu gọi suy tư về những ngôn ngữ mới qua các phương tiện truyền thông tân tiến.

Hội đồng Tòa Thánh Truyền thông xã hội đang nhóm họp tại Roma từ ngày 28-2 đến 3-3-2011 dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Chủ tịch Claudio Celli về chủ đề ”ngôn ngữ truyền thông”. Hội đồng có 13 HY, 9 GM và 1 giáo dân thành viên, cùng với 30 vị cố vấn gồm các LM và giáo dân chuyên gia.

Tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng: ”khi con người trao đổi thông tin với nhau, tức là họ đang trao đổi chính họ và quan điểm của họ: họ trở thành 'chứng nhân' về những gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Dĩ nhiên những rủi ro trong lãnh vực này là điều đang xảy ra trước mắt mọi người: đó là sự đánh mất đặc tính nội tâm, sự hời hợt trong việc sống các quan hệ, sự chốn chạy trong cảm xúc, ý kiến có sức thuyết phục lại trổi vượt hơn so với ước muốn chân lý. Tuy nhiên những rủi ro đó chính là kết quả của sự thiếu khả năng sống trọn vẹn và đích thực ý nghĩa của những canh tân. Vì thế, cần cấp thiết suy tư về những ngôn ngữ do các kỹ thuật mới đề ra”.

Trong tiến trình suy tư đó, ĐTC mời gọi mọi người hãy khởi hành từ chính sự Mạc Khải làm chứng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã thông truyền những kỳ công của ngài qua ngôn ngữ và kinh nghiệm thực sự của con người, ”theo nền văn hóa riêng của mỗi thời đại” (GS 58).

ĐTC đặc biệt khích lệ Hội đồng Tòa Thánh Truyền thông xã hội hãy đào sâu nên ”văn hóa kỹ thuật số”, kích thích và nâng đỡ suy tư để giúp ý thức hơn về những thách đố đang chờ đợi cộng đồng Giáo Hội và dân sự. Ngài nói: ”Đây không phải chỉ là diễn ra sứ điệp Tin Mừng trong ngôn ngữ ngày nay, nhưng còn phải có can đảm suy tư một cách sâu xa hơn, như đã xảy ra trong các thời đại trước đây, về tương quan giữa đức tin, cuộc sóng của Giáo Hội và những thay đổi mà con người đang trải qua. Đó là một sự dấn thân giúp những người có trách nhiệm trong Giáo Hội có khả năng hiểu biết, giải thích và nói ngôn ngữ mới của các phương tiện truyền thông nhắm đến mục vụ (Aetatis novae, 2), trong sự đối thoại với thế giới ngày nay, tự hỏi đâu là những thách đố mà ”tư tưởng kỹ thuật số” đang đề ra cho đức tin và thần học?”

Sau cùng, ĐTC đề cao gương của Cha Matteo Ricci S.J, người đã giữ vai chính trong việc rao giảng Tin Mừng tại Trung Quốc trong thời cận đại, và chúng ta mới mừng kỷ niệm 400 năm cha qua đời. Trong việc truyền bá sứ điệp của Chúa Kitô, cha Ricci luôn để ý đến con người, bối cảnh văn hóa và triết lý của họ, các giá trị, ngôn ngữ của họ, đón nhận tất cả những gì là tích cực trong truyền thống của họ và đề nghị linh hoạt và thăng hóa những điều ấy nhờ sự khôn ngoan và chân lý của Chúa Kitô” (SD 28-2-2011)
 
Tin phá các nhà thờ trong tỉnh Olisabang ở Ấn độ là tin giả!
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
13:12 28/02/2011
Stuttgart, ngày 28.02.2011

Kính quý vị,
Đầu thư xin kính chúc tất cả quý vị bình an của Chúa.
Từ nhiều tuần qua, bản tin “Xin cầu nguyện khẩn cấp cho Ấn Độ” đã được gửi qua các hộp thư điện tử trong và ngoài nước chuyển đi, và có cả trang Web Công giáo cũng đăng tin này như sau:

(21.02.2011) –Sài Gòn – Chúng tôi vừa nhận được lời kêu gọi cầu nguyện khẩn cấp.
Chúng tôi xin gởi lời kêu gọi của cha Giám tỉnh Phanxicô bên Ấn độ:
Cầu nguyện cho Giáo Hội Ấn độ.

Những người Ấn giáo (có bản ghi là Phật Giáo quá khích) quá khích đã đốt 20 nhà thờ đêm vừa qua. Tối nay họ đã đốt phá bình địa 200 nhà thờ khác trong tỉnh Olisabang. Họ còn có ý định giết 200 nhà truyền giáo trong 24 giờ tới!
Lúc này các Ki-tô hữu còn nấp trong các xóm.
Xin cầu nguyện cho họ và gởi mail này cho những ai bạn quen biết.
Xin Thiên Chúa đoái thương anh chị em ki-tô hữu ở Ân độ.
Cha SamuelM. Chetcuti OFM Conv.
Giám tỉnh Franciscains conventuels
Repúblique Street, Valletta VLT 1110, Malt Tef. (356) 21241167
Fax (356) 21223556
Mob (336) 99865668
UNION DE PRIERE !


Do thiện tâm và lòng yêu mến Giáo Hội, bản tin đã được lan truyền nhanh chóng qua hệ thống điện thư và các trang thông tin điện tử. Chúng tôi đã phối kiểm tin này từ nhiều nguồn, (nếu tìm ở Google.com thì sẽ cho biết là tin giả) và sau khi đã phối kiểm, nguyệt san Dân Chúa Âu Châu xin được chuyển dịch bản tin tiếng Pháp đính kèm với lời minh xác như sau:

Bản tin này chỉ là bản tin cũ và tin giả tạo (không biết rõ nguồn gốc) đã được loan đi trên các trang mạng từ tháng 4.2010 (xin xem bản tin bằng tiếng Pháp đính kèm), chứ không phải là tin thời sự!

Sau đây là bản tin dịch liên quan:

“Tuy nhiên, lời kêu xin cầu nguyện này chỉ là tin giả tạo và đã loan truyền trên mạng ít ra từ tháng 4 năm ngoái (2010)! Không ai biết bản tin này xuất phát từ đâu. Nhưng, rõ ràng là đàng sau lời kêu gọi cầu nguyện khẩn cấp “ném đá dấu tay” cố ý hoặc làm trệch hướng dư luận không quan tâm đến những cuộc cách hại tôn giáo triền miên gây ra bởi các tín đồ Ấn giáo quá khích chống lại các Kitô hữu tại Ấn Độ, hoặc khích động sự thù ghét chống lại các Phật tử!

Hiện tình của các Kitô hữu tại đất nước này thực sự bấp bênh! Những cuộc tấn công đủ mọi hình thức đã thực sự xẩy ra xâm phạm đến các cá nhân và những tài sản của họ. Những nhà thờ và các trung tâm thuộc quyền của người Công giáo lẫn Tin làng đã bị phóng hỏa. Những cuộc bách hại lên cao điểm vào năm 2008 khi mà những người Ấn giáo quá khích thuộc tiểu bang Orissa, một bang ở vùng Đông Bắc Ấn Độ đã tấn công 300 làng Công giáo. Vào thời đó đã có 54.000 người đã phải trốn chạy vào rừng xung quanh, để thoát khỏi cơn thịnh nộ của những tín đồ Ấn giáo quá khích. Nhiều linh mục và giáo dân đã bị đánh và bị giết.

Hiện nay, các Kitô hữu vẫn còn chịu các cuộc bách hại. Quả vậy, theo tin của hãng thông tấn Fides, hàng 1000 hành động chống người Kitô giáo đã xẩy ra tại Karnataka, một bang về phía nam Ấn Độ. Hãng thông tấn Fides loan tin là một nhà thờ của giáo phận Karwar đã bị tấn công: “Vào sáng 12.05.2010, các tín hữu đã tìm thấy nhiều kính mầu của nhà thờ của họ đã bị đập phá, nhiều ảnh tượng và bàn ghế bị hư hại. Hành vi này đã được kiểm chứng và xác định “rõ ràng là một cuộc tấn công của những nhóm Ấn giáo quá khích, hành động theo kế hoạch thù ghét và công kích chống lại tất cả những cộng đồng tôn giáo khác“. Đức Giám Mục của Karwar, Đức Cha Derek Fernandes, lúc đó đang ở ngoài tòa Giám Mục, đã tuyên bố rằng: “đáng quan tâm và thật kinh ngạc“ và Ngài mời gọi các tín hữu: “cầu nguyện và đừng bao giờ phản ứng đối đầu với những khiêu khích“.

Cũng hãng thông tấn Fides đã loan tin vào ngày 19.06 năm ngoái đã xuất hiện “nhiều tranh vẽ Chúa Giêsu Kitô và Đức Giáo Hoàng nhố nhăng và phạm thượng treo trên các dinh thự của chính quyền, của các công sở, các các nhà trường và trong nhiều khu vực của thành phố Shillong, thủ phủ của bang Meghalaya”.

Như vậy chúng ta có thể kiểm chứng rằng: đời sống thường nhật của các anh chị em tín hữu Kitô giáo tại Ấn Độ thật đáng quan tâm.

Chúng ta phải cầu nguyện cho họ.

Tuy nhiên, cũng phải canh chừng những tin đồn giả mạo có thể làm giảm uy tín của tất cả những người thiện nam tín nữ đang tranh đấu một cách ôn hoà cho công cuộc hoà giải hoà hợp giữa các tôn giáo khác nhau được mau thể hiện trong quốc gia rộng lớn này.

(chuyển dịch: Lm. Stephanô Lưu)

http://www.enlignetoi.com/yves-casgrain/27788-quand-une-fausse-requete-de-priere-cache-de-vraies-persecutions
Quand une fausse requête de prière cache de vraies persécutions!
Yves Casgrain
Photo CNS
Il y a quelques jours, j’ai reçu dans ma boîte de courriels cette demande de prière très urgente:
Message du P. Goio Eskibel, csv:

Je vous renvoie le message reçu du supérieur provincial des Franciscains en Inde.
“Priez pour l’Église de l’Inde. Des extrémistes bouddhistes, en Inde, ont incendié 20 églises la nuit dernière. Ce soir, on planifie détruire 200 églises dans la province d’Olisabang. Ils ont l’intention de tuer 200 missionnaires pendant les prochaines 24 heures. En ce moment, tous les chrétiens sont en train de se cacher dans les hameaux. Priez pour eux et envoyez ce mail à tous les chrétiens que vous connaissez. Demandez à Dieu d’avoir pitié de nos frères et sœurs de l’Inde. Lorsque vous recevrez ce message, je vous prie de l’envoyer d’urgence à d’autres personnes. Priez pour eux notre Seigneur Tout-puissant et Victorieux.

P. Samuel M. Chetcuti OFM Conv., Provincial des Franciscains conventuels
Republique Street, Valletta VLT 1110, Malt
Tef. (356) 21241167, Fax (356) 21223556, Mob (336) 99865668

Or, cette requête est un canular et circule sur Internet au moins depuis le mois d’avril dernier! Nul ne sait d’où elle provient. Toutefois, il est clair que derrière cet appel urgent à la prière se cachent des intérêts qui tentent soit de détourner l’attention des persécutions religieuses perpétrées par des hindous extrémistes contre les chrétiens de l’Inde, soit d’attiser la haine contre les bouddhistes.

La situation des chrétiens dans ce pays est extrêmement précaire. Des attaques de toutes sortes ont bel et bien lieu contre leurs personnes et leurs biens. Des églises et des centres appartenant à des catholiques et à des protestants ont été incendiés. Ces persécutions ont connu leurs apogées en 2008 alors que des hindous fanatisés d’Orissa, un État situé au nord-est de l’Inde, ont attaqué «300 villages chrétiens». À cette époque 54.000 personnes ont fui dans les bois environnants, pour échapper à la furie des extrémistes hindous.» Des prêtres et des laïcs ont été battus et tués.

Aujourd’hui, les chrétiens subissent encore des persécutions. Ainsi selon l’Agence Fides, 1.000 actes antichrétiens auraient été perpétrés au Karnataka, un État situé au sud de l’Inde. L’Agence Fides rapporte qu’une église du diocèse de Karwar a fait l’objet d’une attaque. «Le matin du 12 mai [2010] des fidèles ont trouvé les vitraux de l’église brisés et diverses statues et meubles sacrés endommagés. L’action a été identifiée et définie comme “une typique attaque des groupes extrémistes hindous, qui suivent leur plan de haine et d’agression contre toutes les autres communautés religieuses”. L’évêque de Karwar, Son Exc. Mgr Derek Fernandes, qui se trouvait en dehors de son siège épiscopal, s’est dit “préoccupé et déconcerté” et il a invité les fidèles à “prier et à ne réagir en aucune manière aux provocations”».

La même agence a fait état de l’apparition le 19 juin dernier de «caricatures et de dessins blasphématoires de Jésus-Christ et du Pape sur des édifices gouvernementaux, des places publiques, des instituts d’éducation, dans plusieurs parties de la ville de Shillong, capitale de l’état de Meghalaya.»

Comme nous pouvons le constater, le quotidien de nos frères et sœurs chrétiens en Inde est préoccupant. Nous devons prier pour eux. Toutefois, gare aux fausses rumeurs qui viennent discréditer ceux et celles qui luttent pacifiquement pour le retour de la paix entre les diverses religions dans cet immense pays.

Les contenus rédactionnels des blogues n’engagent que leurs auteurs.
Retour au haut de la page
Étiquettes:
Persécution, Violence, Meurtre, Intégrisme religieux, Profanation, Liberté religieuse, Attentat, Antichrétien
 
Các giám mục Công Giáo HK lên tiếng bảo vệ quyền thương lượng tập thể của các nghiệp đòan
Trần Mạnh Trác
21:29 28/02/2011
Trước nguy cơ 'quyền thương lượng tập thể' của các liên đòan công chức có thể bị đa số Công Hòa tại lưỡng viện Wisconsin ra luật hạn chế, Đức Tổng Giám Mục Milwaukee là Jerome Listecki, thay mặt cho giám mục đòan của Wisconsin đã lập lại những lời giảng huấn của hai vị Giáo Hòang Benedict XVI và John Paul II, tuyên bố ủng hộ các quyền của công nhân. Tuy lời lẽ có vẻ cẩn thận để tránh thiên vị đảng phái, nhưng quan điểm thì không kém rõ ràng là: "Dù trong thời buổi kinh tế khó khăn, người ta cũng không thể vô hiệu hóa các nghĩa vụ đạo đức mà mỗi người chúng ta phải tôn trọng là các quyền chính đáng của công nhân".

Ngài cũng không quên đưa ra một lời khuyên cho nghiệp đòan là "Mỗi nghiệp đoàn, giống như mọi diễn viên kinh tế khác, được kêu gọi hãy phục vụ cho công ích, hãy hy sinh khi cần thiết, và hãy thích nghi với thực tế kinh tế mới"

Tuần qua, các cuộc biểu tình đã lây lan từ Wisconsin qua Ohio và Indiana - và, có thể, qua Oklahoma và Tennessee - Đức Giám Mục Stephen Blaire của Stockton, California, chủ tịch Tư pháp và phát triển con người của Hội đồng Giám mục Công giáo HK cũng đã ra một tuyên bố "hỗ trợ và đoàn kết" với các giám mục của Wisconsin trên vấn đề lao động.

Trong thư ngày 23 tháng 2 Đức Giám mục Blaire viết "Đức Cha (Listecki) và các giám mục anh em trong tiểu bang Wisconsin đã cung cấp một lời nhắc nhở kịp thời về những gì Hội Thánh dạy về quyền và nghĩa vụ của người lao động, kể cả quyền thành lập và gia nhập đoàn thể và hiệp hội, và nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề khó khăn với sự tôn trọng quyền và nhu cầu của tất cả mọi người. Nhất là khi ngài đã nhấn mạnh, 'Dù trong thời buổi kinh tế khó khăn, người ta cũng không thể vô hiệu hóa các nghĩa vụ đạo đức mà mỗi người chúng ta phải tôn trọng là các quyền chính đáng của công nhân '"

Đức Giám mục Blaire viết thêm "Giáo huấn của Giáo hội Công giáo và lời giảng dạy của Đức Cha nhắc nhở chúng ta rằng những điều đang xảy ra bây giờ không chỉ là các cuộc xung đột chính trị hoặc lựa chọn kinh tế mà thôi, mà còn là một sự lựa chọn đạo đức trong chiều kích to lớn của lòai người. Các cuộc tranh luận lao động về sự đại diện và thương lượng tập thể không chỉ đơn giản là vấn đề của hệ phái tư tưởng hay của quyền lực, nhưng còn có liên quan đến các nguyên tắc về sự tham gia, về công lý và về việc làm thế nào để công nhân có thể có tiếng nói ở sở làm cũng như trên lãnh vực kinh tế."

Các nghiệp đòan đã hoan nghênh các lời tuyên bố trên, coi như là một sự ủng hộ lập trường của họ. Đó cũng là cái nhìn của tờ The New York Times, khi tờ báo bình luận những lời tuyên bố của các giam mục là một lời khiển trách đến các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên Đức Giám Mục Robert Morlino của Madison mô tả quan điểm của các giám mục Wisconsin chỉ là " trung lập."

"Trước câu hỏi nên ủng hộ hay chống lại một dự luật về thủ tục của nghiệp đoàn thì Hội nghị các giám mục Công giáo Wisconsin (WCC) đã chọn một lập trường trung lập trước một tình trạng khó xử như hiện nay, đó là trước nhiều đe dọa to lớn về kinh tế mà vì lợi ích chung cần có sự hy sinh của mọi người, nhưng mặt khác, còn là quyền được bồi thường xứng đáng của người lao động, và sự duy trì các hợp đồng đang có hiệu lực pháp lý." ĐGM Morlino viết.

"Là người công giáo, chúng ta nhận định mỗi một lựa chọn trên đều mang lại một ít kết quả tốt, nhưng tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai. Do đó, WCC (Hội Nghị Giám Mục Công Giáo Wisconsin) đã đưa ra một lập trường trung lập, (kêu gọi dung hòa) và đây cũng là lập trường của tôi ", Đức Giám mục Morlino kết luận.
 
Top Stories
Vatican Aide Sees Promise in Arab Countries Unrest
Zenit
09:28 28/02/2011
Urges Dialogue With All Seeking Greater Liberty

VATICAN CITY, FEB. 27, 2011 (Zenit.org).- Despite the grief and concern caused by violence in the movement for greater democracy in various Arab countries, the changes taking place are "promising," says a Vatican spokesman.

Jesuit Father Federico Lombardi, director of the Vatican press office, said on Octava Dies that the West "should not interfere" in these political changes, but should "offer its help."

He urged his listeners "not to be afraid" given the changes that are taking place, but to "engage in positive dialogue" with the people of these countries.

"The violence that accompanies the resistance to the spread of the movement of transformation of the political situation in Arab countries -- particularly in Libya -- is, of course, a source of very great grief for the suffering of the victims and populations, in addition to concern for the result of the process underway," the priest acknowledged.

He added, "The violence runs the risk of making pacification very difficult."

However, Father Lombardi noted, this "great revolution" is seen "with eyes of hope by expert observers as a possible springtime in the Arab world."

Given recent events, he said, "Western peoples admit having been taken largely by surprise."

Growth from within

"Many understand that any real growth of the Arab peoples in liberty and democracy must come first of all from within them, without outside counterproductive interference," the priest noted.

Others, however "are afraid" and tend to be "defensive," he added.

From the point of view of the Holy See, the spokesman said, "willingness and initiative in addition to due respect are necessary in order to help in a concrete way in the difficult situations that every profound transformation brings with it, and also friendship and dialogue between peoples and cultures, today more than in the past."

Observing that it is primarily a youth movement, Father Lombardi pointed out "two important components to keep present."

The first, he said, is that "thanks to the links with emigration, many have a positive idea of the European world, of human rights, of democracy and of liberty."

The second, he continued, is that thanks to the new possibilities of communication, "many are open to dialogue and desirous of being inserted in the world community."

"As ever, the new possibilities are connected also with new risks," the priest warned. "But if they are not used for their positive aspects, the negative ones will certainly prevail."

Finally, Father Lombardi appealed for dialogue and closeness: "If close to us, on the southern shore of the now very narrow sea that is the Mediterranean, there are innumerable young people desirous of a human growth in greater liberty, we cannot fail to do everything that is within our means to engage without fear in positive dialogue with them, learning mutually our respective languages."
 
Vietnamese authorities must release Dr. Nguyen Dan Que
Amnesty International
16:37 28/02/2011
AMNESTY INTERNATIONAL PRESS RELEASE

28 February 2011

Vietnamese authorities must release Dr. Nguyen Dan Que

On Saturday, 26 February 2011, the Ho Chi Minh City Police Investigation Agency arrested Dr. Nguyen Dan Que, an endocrinologist and political and human rights activist. In an official media report, the Vietnamese authorities described him as being caught "red-handed keeping and distributing documents" calling for the overthrow of the government. The police seized documents and a computer from his home. Article 79 in the national security section of the 1999 Penal Code provides for between five years and life imprisonment, or the death penalty for "overthrowing" the state.

"Amnesty International is shocked to learn that Nguyen Dan Que has been arrested yet again,” said Donna Guest, Amnesty International’s Asia-Pacific Deputy Director. “Dr Que is a staunch and peaceful defender of human rights and free speech, for which he has paid a heavy price, including spending almost 20 years in prison.”

“Media reports suggest that his arrest may be linked to a statement he made in the last week calling for people to rise up against the government, with a reference to the democracy movements in the Middle East and North Africa. It also seems to be no coincidence that his arrest comes on the same day that an article by Dr. Que critical of the Vietnamese authorities’ position on human rights was published in the Washington Post,” said Donna Guest.

“Dr. Que has never used nor advocated violence. The authorities should immediately end its draconian attempts to stifle peaceful dissidents which have seen more than 20 activists jailed in the last 12 months. Amnesty International calls for Dr Que's immediate release,” said Donna Guest.

Background

Dr Que has been a former Amnesty International prisoner of conscience on three previous occasions. He became an international member of Amnesty International in January 1990. He has been imprisoned previously three times for a total of almost 20 years.

Amnesty International released the following July 2004 feature about Dr Nguyen Dan Que’s lifelong committed to human rights:

http://www.amnesty.org/en/library/asset/ASA41/019/2004/en/4de3291f-d59c-11dd-bb24-1fb85fe8fa05/asa410192004en.pdf

Public Document

****************************************

For more information please call Amnesty International's press office in London, UK, on +44 20 7413 5566 or email: press@amnesty.org

International Secretariat, Amnesty International, 1 Easton St., London WC1X 0DW, UK

--

Working to protect human rights worldwide

DISCLAIMER

This email has been sent by Amnesty International Limited (a company registered in England and Wales limited by guarantee, number 01606776 with registered office at 1 Easton St, London WC1X 0DW). Internet communications are not secure and therefore Amnesty International does not accept legal responsibility for the contents of this message. If you are not the intended recipient you must not disclose or rely on the information in this e-mail. Any views or opinions presented are solely those of the author and do not necessarily represent those of Amnesty International unless specifically stated. Electronic communications including email might be monitored by Amnesty International for operational or business reasons.

This message has been scanned for viruses by Postini. www.postini.com
 
Vietnam Detains Dissident for Uprising Call
The Wall Street Journal
16:40 28/02/2011
By JAMES HOOKWAY

One of Vietnam's best-known dissidents is being detained by police in Ho Chi Minh City for posting an Internet appeal for the overthrow of the Communist government, a state-run newspaper reported Monday.

Nguyen Dan Que posted his call to the people to rise up last week, and the Tuoi Tre newspaper reported that the endocrinologist was arrested Saturday while distributing pamphlets calling for a revolution like those sweeping the Middle East in recent weeks. At the same time, attempts in China to organize similar protests were drawing a swift government reaction, with police in Beijing deploying a SWAT team and dogs Sunday to disrupt online efforts to ignite a Middle East-style "Jasmine Revolution."

Dr. Que, 69, is a staunch critic of Vietnam's one-party system and one of few Vietnamese to openly criticize the way this booming economy is run. His detention Saturday was the fourth time he has been arrested in 33 years, and he has spent a total of 20 years in prison. Most recently detained in 2003 and convicted in 2004 of "abusing his democratic freedoms by jeopardizing the state," he was freed in 2005 under a New Year's Amnesty. He won the Robert F. Kennedy Human Rights Award in 1995.

Vietnamese police officials couldn't immediately be reached for comment.

State-run media reported that Dr. Que explicitly referred to mass protests that have shaken regimes across the Middle East this year, overthrowing the leaders of Egypt and Tunisia. Reports said he urged young Vietnamese to follow the lead of the Arab world. Those uprisings have rattled authoritarian governments elsewhere, too, evidenced by rigorous police action to break up embryonic protests in countries such as China and Malaysia in recent days.

Authorities in Vietnam also appear to be on edge. Prices in February were up 12.31% from a year earlier, the highest inflation rate in more than two years, and the government has been forced to raise fuel prices by up to 24% because a series of currency devaluations have made it increasingly expensive to subsidize diesel and gasoline.

Dr. Que's detention is the only action taken by Vietnamese authorities since the spate of Middle East protests. Previously Vietnam's leaders have stamped out any efforts to push for multiparty democracy and have arrested dozens of dissidents and also have restricted Internet access across the country, curtailing protesters' ability to organize.

In addition, despite Vietnam's worsening inflation problem, the country has enjoyed economic growth averaging 7% a year over the past decade, providing substantial new employment opportunities for younger Vietnamese.

The Washington Post newspaper Sunday published an opinion piece by Dr. Que in which he wrote that "if Washington is looking to Vietnam for a long-term partner for peace and regional stability, America would do well to recognize publicly that only a Vietnam that is free and democratic can provide one."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Buổi thuyết trình “Sự khác biệt và hòa hợp tâm lý trong đời sống vợ chồng”
Tạ Ân Phúc
18:55 28/02/2011
Buổi thuyết trình “Sự khác biệt và hòa hợp tâm lý trong đời sống vợ chồng”

“Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ và cả hai thành một xương một thịt” (x. St 1,27;2,24). Những chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy công trình tạo dựng của Thiên Chúa thật tốt đẹp. Thiên Chúa đã dựng nên con người để làm chủ vạn vật, và để được sống hạnh phúc trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, đặc biệt là hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. Tự thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo nên sự khác biệt giữa người Nam và người Nữ, nhưng chính sự khác biệt đó lại là chất xúc tác để người Nam và người Nữ bổ trợ cho nhau, giúp nhau thăng tiến tình yêu và có đời sống hôn nhân hòa hợp, để cả hai trở thành một xương một thịt trong ân sủng Chúa ban.

Trong cuộc sống thường nhật, những lo toan, bận bịu, những khắc khoải ưu tư về cuộc sống vật chất làm cho người chồng, người vợ quên mất nửa kia của mình. Họ quên rằng người bạn đời của mình là một ân ban quý giá mà Thiên Chúa gởi tặng cho đời sống hôn nhân. Đôi khi, người ta lại khó chịu với những khác biệt của người của bạn đời mà không tự điều chỉnh mình để có thể tâm đầu ý hợp với nửa kia, nhằm gầy dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp. Để nhắc nhớ cho các gia đình về những dị biệt Nam Nữ trong đời sống nhằm có được sự hòa hợp trong hôn nhân, chiều ngày 19/02/2011, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi thuyết trình: “SỰ KHÁC BIỆT VÀ HÒA HỢP TÂM LÝ TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG” do Tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt (Hoa Kỳ) trình bày.

Bằng những ví dụ sinh động, những câu chuyện dí dỏm, bằng kinh nghiệm về đời sống gia đình, tiến sĩ đã dẫn dắt người nghe vào một số tình huống của đời hôn nhân, và đưa ra những phân tích cùng cách giải quyết tâm lý cụ thể để người nghe có thể áp dụng cho cuộc sống gia đình mình

Mở đầu, khi nói đến khác biệt trong đời sống vợ chồng, tiến sĩ cho hay sự khác biệt tâm lý giữa người chồng và người vợ trong đời sống hôn nhân là sự khác biệt hữu ích, và làm nên vẻ đẹp trong đời sống gia đình chứ nó không phải là tác nhân khiến người ta trăn trở, khó chịu như mọi người thường nghĩ.

Giả như một ngày nào đó Thiên Chúa giấu hết những người Nữ, thế gian sẽ như thế nào? Không có ai cho con bú, không ai lo cho con, không có ai lo công việc nội trợ... Ngược lại, nếu Thiên Chúa giấu hết người Nam, thế gian sẽ như thế nào? Xe tắt máy không ai sửa chữa, bóng đèn tắt chẳng ai thay...

Qua giả dụ trên có thể thấy rằng, người chồng, người vợ không thể thay thế hoàn toàn chức năng của nhau trong cuộc sống gia đình, ngược lại, họ cần nhau và sự khác biệt đem lại hứng thú trong đời sống. Thiên Chúa đã rất khôn ngoan khi dựng nên người Nam và người Nữ, đặt ra sự khác biệt để bổ túc và làm hoàn chỉnh đời sống con người.

Nhìn vào vẻ đẹp của sự khác biệt đó, khi bước vào tâm điểm của đời sống tâm lý của đời sống vợ chồng cũng cần biết lý do tại sao Thiên Chúa tạo nên sự khác biệt. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” và “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (x. St 1,26-27). Đây là câu nói bí quyết và là điểm căn bản để con người áp dụng vào đời sống hôn nhân, chứ không phải để chì chiết nhau, khó chịu với nhau về những khác biệt ngoài sự mong đợi của mình nơi người bạn đời.

Trong các khác biệt có khác biệt về thể lý, nơi đó người Nam và người Nữ có cấu trúc thể chất khác nhau, cơ thể người đàn ông được tạo nên để đóng vai trò người làm chồng, làm cha, trong khi đó phụ nữ đóng vai trò người làm vợ, làm mẹ. Tất cả những phần thân thể, cơ năng, tư duy phần nào phản ảnh vai trò làm chồng, làm cha, làm vợ và làm mẹ đó.

Về khác biệt tâm sinh lý, có thể nói đến sự phát triển não bộ con người. Thiên Chúa tạo dựng nên con người và sự khác biệt nằm ở chỗ toàn bộ con người được chi phối bởi khối óc. Thiên Chúa thiết kế khối óc con người thật lạ lùng, chia ra làm 2 bán cầu: bán cầu trái và bán cầu phải. Từ 80 đến 90% phụ nữ là người được não cầu trái điều khiển, ngược lại 80 đến 90% đàn ông do não cầu phải chi phối.

Mỗi một bán cầu có một đặc trưng và có một nhiệm vụ rất đặc biệt. Não cầu trái đặc trưng cho khả năng ngôn ngữ, khả năng lý luận, khả năng tinh vi và tế nhị. Vì thế phụ nữ thường là những người nhớ dai, rất tinh tế, có cảm tính rất thực tế trong cuộc sống và nói hay, đồng thời cũng hay nói. Ngược lại, do sự chi phối của não cầu phải, người đàn ông ít nói, hay làm, hay suy tư, suy luận, có chiều sâu và rộng trong tầm nhìn. Tượng trưng cho người Nam là khối óc và người Nữ là con tim, đôi khi con đường đi từ óc đến tim tuy ngắn nhưng rất xa, đi mãi không tới đích.

Để nối kết giữa hai vùng não bộ, Thiên Chúa bắc một nhịp cầu làm cho 2 bán cầu giao thoa nhau, nhưng sự giao thoa này ở người phụ nữ mạnh hơn và có khả năng đạt tới 30% lượng thông tin trao đổi. Bởi đó, người phụ nữ có khả năng làm 2 việc một lúc do khả năng thông tinh nhanh nhạy giữa hai bán cầu trái và phải, còn đàn ông thì không, chỉ làm được một việc trong một thời điểm.

Về khác biệt tâm lý, khả năng ngôn ngữ là khả năng thiên phú cho người phụ nữ, phụ nữ trình bày tốt hơn, có khả năng nói được nhiều hơn và cả tiếp thu tốt trong việc học ngoại ngữ. Phụ nữ là người rất tỉ mỉ, đây là điều cần nhớ để có thể hòa hợp trong đời sống vợ chồng.

Phụ nữ thì nhớ dai, nên xảy ra hiện tượng tâm lý “tha mà không quên”. Bên cạnh đó, người phụ nữ cho rằng mọi chuyện điều quan trọng, nếu chuyện nhỏ không làm được thì chuyện to làm sao có khả năng hoàn thành. Đa số những bất đồng, vợ chồng xích mích, cãi cọ nhau cũng chỉ vì những chuyện nhỏ mọn.

Các đặc điểm khác biệt về tâm lý, về lý luận, về cách nhìn: Phụ nữ thì hay nói, còn đàn ông lại hay lý sự cùn. Theo tâm lý học năng lực lời nói đàn ông nặng 5 lần năng lực lời nói phụ nữ nên phụ nữ phải nói nhiều. Đàn ông thì điềm tĩnh, còn phụ nữ lại nôn nóng các vấn đề phải được giải quyết ngay. Phụ nữ nói bằng miệng, đàn ông nói bằng tay, đàn ông có cái nhìn rộng, bao quát theo tầm mức vĩ mô, ngược lại phụ nữ thì tỉ mỉ, chi tiết. Người phụ nữ dù đã lấy chồng nhưng chỉ yêu chồng khi khâm phục chồng, vì thế đàn ông phải tỏ rõ khả năng và bản lĩnh của mình trong đời sống gia đình.

Sinh lý là vấn đề nhạy cảm nhưng cũng quan trọng trong đời sống hôn nhân gia đình. Đặc điểm sinh lý của người nam như lò vi sóng, mau nóng, mau nguội. Trong khi người nữ như lò nướng lâu nóng, lâu nguội. Khác biệt sinh lý có thể làm đời sống tình dục không hòa hợp, nếu không để ý cũng sẽ gây nên đổ vỡ.

Những sự khác biệt này Thiên Chúa dựng nên để bù trừ lẫn nhau, bổ sung cho nhau nếu biết hóa giải tâm lý khác biệt thì sẽ có đời sống hạnh phúc. Khác biệt không phải là xấu nhưng là phương thuốc để thăng hoa tình yêu và bổ túc cho nhau. Bổ túc cho nhau có nghĩa là hiểu và dung hòa những gì mình có với những gì người bạn đời không có hoặc có ít nơi mình và nhiều nơi người kia. Cần nhận biết và trao nhau những gì mình có nhằm làm cuộc sống hòa hợp, tránh xung đột để giúp nhau nên trọn đời sống con người.

Cần nhìn người bạn đời như là cuốn sách hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối vì sự khác biệt chỉ tượng trưng cho một điều rất quan trọng là hãy nhìn người vợ, người chồng mình như một quyển sách quý. Hãy nghĩ rằng khi lấy vợ, lấy chồng như là mua một quyển sách quý, vì thế buộc phải đọc từ trang đầu đến trang cuối, nếu đọc dở dang hay chỉ đọc phần đầu, phần cuối thì sẽ có những điều tốt đẹp mà mình không biết được. Đó là điều cần ghi nhớ, để mỗi ngày tái khám phá ra nơi người vợ mình, người chồng mình nhiều điểm tốt, điểm quý và rất đáng để học hỏi.

Người chồng, người vợ có biết bao nhiêu là điểm tốt, những điều đáng quý mà chúng ta không biết, không khám phá ra. Càng có nhiều ấn tượng tốt về người bạn đời thì càng dễ tha thứ cho nhau những sai sót, những điều làm mất lòng, giữ được quân bình trong suy tư của mỗi người trong đời sống gia đình.

Thiên Chúa ban cho người chồng, người vợ là những người rất tốt, nhưng chỉ vì không tìm và không khám phá ra mà thôi. Vì thế, đừng bỏ lỡ cơ hội dành thời giờ để ngẫm xem người vợ, người chồng mình có những nét đẹp nào đáng trân quý, càng nhiều càng tốt và đừng quá để tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt, mà quên đi những điều tốt đẹp nơi người vợ, người chồng mình. Cuốn sách hay nơi người bạn đời cần phải đọc chăm chỉ và tìm hiểu tường tận để có những cư xử làm cho đời sống hôn nhân hòa hợp

“Khắc khẩu” từ ngữ không có trong tự điển sống của vợ chồng: Không có chữ “khắc khẩu” trong đời sống hôn nhân. Hãy loại bỏ tư tưởng “khắc khẩu” ra khỏi tâm trí. Chỉ vì quan niệm “khắc khẩu” mà đã làm cho nhiều người xa nhau. Sở dĩ người ta đổ thừa cho khắc khẩu là vì vợ chồng không hiểu nhau, không thông cảm nhau và không tìm ra được điểm tốt của nhau, để sống hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Hãy chấp nhận rằng nơi người vợ, người chồng có những điểm dị biệt nhưng cần thiết, và tư tưởng khắc khẩu làm cho người ta không chấp nhận nhau.

Để hòa hợp trong đời sống hằng ngày, cần có phương pháp trị liệu về phương diện tâm lý, trước nhất là bằng ngôn ngữ. Trong sinh hoạt thường nhật, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vì thế, đừng dùng ngôn ngữ chết, chẳng hạn, vợ hỏi chồng: “Sao giờ này mới về?”, Chồng trả lời: “Anh bị nổ lốp xe”, Vợ: “Sao hôm qua, hôm kia không nổ lốp mà hôm nay lại nổ?”. Trong câu hỏi nảy đã hàm ý câu trả lời, người bị hỏi không thể trả lời hợp lý được, vì thế dễ xảy ra xung đột. Cho nên cần phải sử dụng câu hỏi mở trong quan hệ vợ chồng để tìm hiểu vấn đề tận tường, chẳng những thế, những câu hỏi thích hợp, đúng lúc cón thể hiện sự quan tâm, yêu thương, săn sóc làm người được hỏi cũng cảm thấy ấm lòng.

Bên cạnh đó, cũng cần dùng ngôn ngữ hình thể để thể hiện lối diễn tả của mình qua ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay, cử chỉ âu yếm thân thiện. Đây là ngôn ngữ có thể dùng để nói chuyện với nhau trong đời sống vợ chồng nơi phòng khách, bàn ăn, phòng ngủ.

Vợ chồng cần trân quý nhau trong từng giây phút bên nhau nơi tổ ấm của mình và diễn tả tình yêu cho nhau không chỉ bằng lời nói mà cả bằng hành động, đó là cùng nhau gánh vác những công việc gia đình. Cả người chồng, người vợ đều đi làm suốt cả ngày, khi về đến nhà người vợ vẫn phải đảm đương công việc nội trợ, vì thế người chồng cũng cần phải thể hiện sự sẻ chia của mình bằng hành động cụ thể như rửa chén, quét nhà, lau nhà…

Một điều quan trọng nữa là phải dành thời giờ cho nhau, để chia sẻ, hoá giải những khó khăn trong đời sống. Cả vợ và chồng cùng nhau xây dựng hạnh phúc trong gia đình mình bằng cách dành thời giờ chăm lo cho nhau. Người chồng bớt đi những buổi nhậu nhẹt, cà phê tán dóc cùng với bạn bè sau giờ làm việc, người vợ bớt đi những giờ mua sắm, tán gẫu cùng các bà, các cô để cả hai cùng dành thời gian bên nhau dưới mái ấm gia đình bằng những lời nói, hành động, để vun đắp gia đình qua công việc nội trợ, chăm sóc con cái, cùmg nhau giải trí, nghiên cứu, cùng thảo luận về công việc, về các vấn đề Giáo Hội, xã hội… Người vợ trong gia đình cần phải giữ hình ảnh của mình đúng mức, đừng quá phấn son loè loẹt mà cũng đừng quá xuề xòa qua loa mặc kệ vóc dáng bên ngoài của mình vì tâm lý đàng ông thích nét đẹp vửa phải, đúng lúc, đúng dịp của người bạn đời.

Hãy dành thời giờ cho nhau, hãy minh chứng cho nhau bằng tình yêu, hãy dùng lời nói rất chân thành, cởi mởi và dùng câu hỏi mở để trao đổi với nhau. Đây là bí quyết để vun đắp hạnh phúc và không có chữ khắc khẩu trong đời sống hôn nhân mà chỉ có không hiểu nhau và chưa hiểu nhau. Vì vậy, cần dùng những điểm khác biệt về tâm lý, sinh lý cũng như tất cả những khả năng mà Thiên Chúa dựng nên để bù trừ lẫn nhau, nương tựa vào nhau và làm cho cuộc đời mình và hạnh phúc gia đình mình thêm thăng hoa mỗi ngày tốt đẹp hơn. Tình yêu đích thực trong đời sống hôn nhân là vui vẻ đón nhận những bổ khuyết của nhau để cùng nhau phát huy và xây dựng đời sống hạnh phúc theo thánh ý Chúa từ thuở ban đầu.

Sàigòn, ngày 25 tháng Hai năm 2011,

Tạ Ân Phúc
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tương quan thần học giữa giáo dân và giáo sĩ, tu sĩ.
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
18:50 28/02/2011
TƯƠNG QUAN THẦN HỌC GIỮA GIÁO DÂN VÀ GIÁO SĨ, TU SĨ

Một dạo trong những năm đầu tị nạn, đã có người làm cuộc so sánh khôi hài giữa các linh mục dòng và triều, giữa các tu sĩ và linh mục. Cái kiểu một LM dòng bằng hai LM triều, hay một thày dòng bằng một LM triều v.v…Dĩ nhiên, ý tưởng thiếu nền tảng này đã nhanh chóng bị cộng đồng dân Chúa nhận diện và cho rằng những vị đó chỉ muốn “tự trào” mà thôi. Tuy nhiên tương quan thần học giữa giáo dân và các linh mục cũng như tu sĩ, trong nhiệm thể của Chúa Kitô, cần được định vị chính xác qua Kinh Thánh, giáo huấn và tông truyền.

Lịch sử cho thấy có những lúc, một số các thành phần giáo sĩ, tu sĩ đã thực sự “cai trị” giáo dân của mình như một quan lại, và tạo thế lực lớn trong guồng máy chính quyền. Trong trường hợp này, họ tạo nên “chủ nghĩa giáo sĩ trị” (clericalism). Ngược lại, cũng có những khi, các giáo dân đã trở thành chiên dữ, đòi điều khiển hệ thống giáo hội và bất chấp những giáo huấn cũng như luật điều của giáo hội. Như vậy, “chủ nghĩa giáo dân trị” (laicism) đã xảy ra.

THỜI GIÁO HỘI SƠ KHAI

Vào thời đầu của giáo hội, các thành phần của cộng đồng dân Chúa đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau, “những người được chọn,” “các thánh,” “các môn đệ,” và đặc biệt nhất là “đồng bào” (Brethrens). Tuy nhiên, trong cùng một lúc, đã có sự phân biệt giữa “chủ chiên” và “đoàn chiên,” giữa những người có tác vụ chuyên biệt trong những mầu nhiệm của Chúa và các tín hữu. Sự phân biệt này sau đó đã được xác nhận và tồn tại trong giáo huấn và giáo luật. Bằng sự phân tích thần học, một giáo dân trong giáo hội là người thuộc về cộng đồng dân Chúa, một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ðiều này có nghĩa người giáo dân đã được chính Chúa mời gọi trở nên con cái của Ngài, để tiếp tục hoàn hảo hóa giáo hội. Là những phần tử của giáo hội, các giáo dân đã được thánh hóa và hình thành một thiên chức linh mục thánh, xứng đáng cử hành lễ tế thiêng liêng trong nhà Vua Cả trên các tầng trời. (I Pt 2.5; Ap 1,6).

PHÁT TRIỂN NỀN THẦN HỌC VỀ GIÁO DÂN

Những nghiên cứu đặc biệt về giáo dân (laity) vào thời Trung Cổ đã bị phần nào quên lãng. Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới thấy có sự phát triển trở lại, song song với những phát triển về các lĩnh vực tín lý. Quan trọng hơn hết là phong trào phụng vụ, bắt đầu dưới thời ÐGH Piô X (Sacra tridentina synodus, 1905), tiếp tục đến thời ÐGH Piô XII (Mediator Dei, 1947), và đạt đến tột đỉnh trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Ðồng Vatican II (4/12/1963). Sự tham gia của các tín hữu trong việc thờ phượng của giáo hội hữu hình, đã được công nhận là thiết yếu cho các nghi thức phụng vụ. Ðó còn là quyền lợi và bổn phận của mỗi người qua hiệu quả của phép Thanh Tẩy (Baptism.)

Một cách tương tự, nhận thức về giáo hội như Nhiệm Thể của Ðức Kitô, được ÐGH Piô XII tuyên xưng trong tông huấn “Mystici Corporis,” 1943, đã làm sống lại quan niệm của Thánh Phaolô và các Thánh Phụ. Theo đó, giáo hội được coi như một tổ chức siêu nhiên, bao gồm tất cả những người đã chịu phép Rửa Tội, và liên kết trong Ðức Kitô là đầu của thân thể mà tất cả mọi Kitô hữu, gồm cả giáo dân cũng như giáo sĩ, đều là chi thể.

Sự phát triển này, cũng như những phát triển tương tự hướng đến nền thần học về giáo dân đã tạo nên một sự thúc đẩy mới trong hệ thống thần học Công Giáo. Thành quả hiển nhiên của sự phát triển nói trên đã được minh chứng qua Hiến Chế Tín Lý “Lumen Gentium” của Công Ðồng Vatican II. Ðó là tài liệu đầu tiên của Công Ðồng đã đặc biệt nhắc đến vai trò của người giáo dân qua quan điểm thần học, chứ không theo quan điểm giáo luật.

NHỮNG THAM GIA CỦA GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI

Giáo dân chia sẻ, theo cách riêng của họ, những thiên chức Tư Tế, Tiên Tri và Vương Ðế của Ðức Kitô. Công tác của ba thiên chức này được tiếp tục trong Giáo Hội của Ngài, và các giáo dân cùng được chia sẻ qua ấn tín và đặc tính của phép Rửa và phép Thêm Sức. Như vậy, họ cùng được ủy thác để trở nên linh mục, tiên tri và vương đế. Thiên chức linh mục tổng quát, hay tinh thần, của giáo dân, mặc dù khác biệt với chức linh mục của những người được thụ phong, vẫn hiện thực chứ không là ẩn ý. Giáo dân thi hành chức vụ linh mục của họ trong việc dâng cho Chúa những công việc, những lời cầu nguyện, những hứng cảm, và ưu tư, ngay cả trong sự nghỉ ngơi về thể xác cũng như tâm thần của họ (Lumen Gentium, số 34). Hơn nữa, qua chức linh mục này, người giáo dân được bổ sung sức mạnh để cùng tham gia trong hi tế phụng vụ, trong sự kết hợp với vị linh mục, cùng dâng của lễ, cùng dâng chính mình.

Sự tham gia của người giáo dân trong các bí tích, trong các nghi thức phụng vụ, cũng như trong việc thông công ơn Chúa, là tác động của thiên chức linh mục của họ, cho dù họ là người nhận lãnh hay là người cử hành phép bí tích (trường hơp phép Hôn Phối). Cũng trong lý do này, người giáo dân được mời gọi thực thi những chức năng phụng vụ trong sự thờ phượng chung của cộng đồng dân Chúa, như đọc sách Thánh, giúp lễ, dẫn lễ. Ðôi khi, họ còn phải cử hành phép bí tích (như phép Rửa, khi khẩn thiết), và cùng đọc sách nguyện (phụng vụ giờ kinh) hằng ngày (của các linh mục) với vị linh mục, với những giáo dân khác, hay chỉ đọc một mình (Hiến Chế Phụng Vụ, số 100).

Thiên chức tiên tri của người giáo dân là hiệu quả tức khắc của phép Thêm Sức. Qua sự xức dầu và sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, người giáo dân chính thức được ủy thác việc công khai tuyên xưng Ðức Tin. Môi trường chứng nhân của người giáo dân là chính thế giới trần gian của họ, trong công việc hằng ngày, trong đời sống xã hội và gia đình của họ (L.G., số 35). Người giáo dân được kêu gọi làm chứng nhân qua lời nói và việc làm, minh chứng rằng Ðức Kitô là Ðường, là sự Thật, và là sự Sống, “Sẵn sàng luôn luôn với câu trả lời cho tất cả những ai muốn hỏi đến lý do của nguồn hi vọng đang có trong họ.” (1 Pt 3.5).

Ðức Kitô là “Chúa các chúa và Vua các vua.” (Ap 17.14), “Chúa của kẻ chết và của người sống.” (Rom 14.9), có quyền năng trên hết mọi sự. Ngài đã trao quyền năng vương đế đó cho các tông đồ để họ được thiết định trong sự tự do vương tộc. Tự do tinh thần và hiển trị tinh thần là những đặc tính của phẩm trật của người giáo dân trong Ðức Kitô: tự do, trước hết, khỏi sự nô lệ của tội lỗi (Jn 8.36), và tự do, kết hợp với Ðức Chúa Cha, như người con và kẻ thừa tự của Ngài (Gal 4.6-7), rồi cai trị tất cả mọi thụ tạo khác và làm cho chúng hoàn hảo theo sự tự nhiên của chúng, hoàn thành mục đích siêu nhiên, cho sự an lạc của xã hội loài người và cho vinh quang Thiên Chúa. Thiên chức vương đế của người giáo dân không làm cho họ có năng quyền trên những người khác, nhưng năng quyền được tự do tham gia tất cả những cố gắng nhân bản, khoa học, nghệ thuật, xã hội, chính trị, kinh tế, để mọi tầng lớp xã hội được thấm nhuần trong tinh thần của Ðức Kitô. Như Thánh Phaolô đã nói, “Tất cả mọi sự là của anh em... thế giới, hay sự sống, hoặc sự chết; hay những điều hiện có, hoặc sẽ có - tất cả là của anh em, còn anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa Cha.” (1 Cor 3.22).

TƯƠNG QUAN QUA CÁI NHÌN TU ÐỨC

Cha Thomas Merton, vị linh mục quá cố, nổi tiếng qua cuốn “The Seven Storey Mountain,” đã viết thêm cuốn “Life and Holiness” (New York, 1964), trong đó cha viết rằng tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi tự thánh hóa và kết hợp với Chúa Kitô qua việc thực hành các giới răn của Ngài. Một số người trong cộng đồng dân Chúa, qua ơn gọi đặc biệt, đã nhận lãnh những trách nhiệm quan trọng hơn bởi những lời khấn dòng, và tự đưa ơn gọi là Kitô hữu căn bản của mình đến sự thánh hóa cách đặc biệt và nghiêm trọng. Họ đã thề hứa sẽ dùng những phương tiện chắc chắn và rõ ràng để tiến tới trọn lành. Họ tự nhận bổn phận phải trở nên khó nghèo, thanh khiết và vâng lời. Vì vậy họ từ bỏ những ước muốn riêng tư, từ bỏ chính họ, và tự giải phóng khỏi những ràng buộc thế trần để dâng mình cho Chúa cách trọn hảo hơn. Ðối với họ, sự thánh hóa không đơn thuần là một điều phải tìm kiếm như một mục đích cuối cùng, tự thánh hóa là “bổn phận” của họ. Họ không còn công việc nào khác hơn là phải nên thánh, tất cả mọi sự khác đều trở nên phụ thuộc trước mục đích tiên quyết này.

Tuy nhiên, sự kiện các tu sĩ và linh mục có bổn phận phải tiến tới trọn lành, cần phải được am tường. Việc các nhà tu hành phải trở nên trọn lành không có nghĩa chỉ có những vị đó mới là Kitô hữu hoàn hảo, trong khi các giáo dân thì thấp kém hơn và không hoàn toàn là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô.

Thánh John Chrysostom (Gioan Kim Khẩu), khi còn trẻ, đã có lần tin rằng người ta không thể được cứu rỗi, nếu không chạy vào sa mạc để ẩn tu. Nhưng về sau, thánh nhân đã phải công nhận rằng tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh qua sự kiện họ chính là chi thể của Ngài. Chỉ có một nền luân lý, một sự thánh thiện cho các Kitô hữu, đã được trình bày trong Phúc Âm. Vai trò giáo dân vẫn luôn tốt đẹp và thánh thiện, vì chính Tân Ước đã cho chúng ta tự do chọn lựa cuộc sống ấy. Cũng không phải rằng người giáo dân thì kém thánh thiện vì họ chỉ bị buộc “tránh xa sự tội” thôi. Ðôi khi, sự khác biệt giữa những lối sống đã làm lệch lạc và giản dị hóa tư tưởng của các Kitô hữu. Có người cho rằng trong khi các linh mục, tu sĩ nam, nữ có bổn phận phải tiến tới trọn lành, thì người giáo dân chỉ phải sống trong ơn Chúa qua sự bám víu, như bám vào chiếc áo dòng của vị linh mục, để cùng được kéo lên thiên đàng.

Thánh Chrysostom nêu rõ, sự kiện cuộc sống của một thày tu khắc khổ và khó khăn hơn cuộc sống của một giáo dân, không nên làm cho chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện của Kitô giáo chỉ là vấn đề của sự “khó khăn.” Ðiều này sẽ đưa đến kết luận sai lầm rằng, bởi vì sự cứu rỗi có vẻ ít hiểm trở hơn cho người giáo dân, nên - trong một cách hết sức lạ lùng - nó cũng có vẻ không phải là sự cứu rỗi thật. Ngược lại, Thánh Chrysostom tiếp, “Chúa đã không đối xử với chúng ta (giáo dân cũng như linh mục, tu sĩ) cách nghiêm khắc như đòi hỏi chúng ta có bổn phận phải sống một cuộc sống khắc khổ như trong viện khổ tu. Ngài đã cho chúng ta một sự tự do chọn lựa (trong sự hướng dẫn của Ngài). Người ta phải thanh khiết trong hôn nhân, người ta phải có tiết độ trong việc ăn uống...Anh chị em không buộc phải từ bỏ những gì mình đang có. Chúa chỉ răn dạy đừng trộm cắp, nhưng phải biết chia sẻ những gì mình có với những người đang thiếu thốn.” (Chú giải về thơ thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corinthians, IX, 2).

Nói cách khác, sự tiết độ thông thường, công lý, và bác ái mà mọi Kitô hữu phải thực hành, đều được thánh hóa trong cùng một cách như sự thánh hóa về đức trinh khiết và khó nghèo của một nữ tu. Thực ra đời sống tận hiến của một linh mục, tu sĩ có phẩm cách cao trọng hơn và mang bản chất trọn lành hơn. Linh mục, tu sĩ chấp nhận một nhiệm vụ căn bản và hoàn toàn hơn về việc mến Chúa, yêu người. Nhưng điều này không có nghĩa cuộc sống của người giáo dân bị hạ thấp đến độ không còn gía trị gì. Ngược lại, người ta phải nhận thức rằng cuộc sống lứa đôi cũng được thánh hóa bằng chính bản tính của nó, và nó có thể bao hàm những hi sinh và tự từ bỏ mà, trong một vài trường hợp, đã đem lại nhiều hiệu qủa hơn những hi sinh của đời sống tu hành.

MỘT NGƯỜI THỰC SỰ YÊU HOÀN HẢO HƠN SẼ ÐƯỢC GẦN GŨI HƠN VỚI CHÚA, BẤT KỂ NGƯỜI ÐÓ LÀ GIÁO DÂN HAY VỊ TU HÀNH.

Thánh John Chrysostom đã chống lại quan niệm sai lầm cho rằng chỉ có các tu sĩ khổ tu mới cần cố gắng tiến tới trọn lành, trong khi giáo dân chỉ cần tránh sa hỏa ngục mà thôi. Cả giáo dân lẫn người tu hành đều phải sống các nhân đức Kitô giáo cách thiết thực và hữu hiệu. Một cây chỉ sống thôi thì chưa đầy đủ, nhưng nó phải mang lại hoa trái nữa. Thánh nhân nói, “Chỉ rời bỏ Ai Cập thôi vẫn chưa đủ, nhưng người ta phải tiến về miền Ðất Hữa nữa.” (Bài giảng thứ XVI về thư gửi Ephesians). Cũng vậy, ngay cả việc thực hành cách trọn hảo nhân đức này, hay nhân đức khác, thí dụ như đức trinh khiết, cũng không đem lại ý nghĩa gì, nếu người thực hành nhân đức ấy đã thiếu sót những nhân đức căn bản và tổng quát hơn, như công bình và bác ái. Thánh Chrysostom nói rằng, “Việc ăn chay, nằm đất, ăn bụi tro và đánh tội không ngừng của anh em sẽ trở thành vô tích sự, nếu anh em không trở thành hữu dụng cho kẻ khác; anh em chẳng làm được điều gì quan trọng cả.” (Bài giảng thứ VI về thư gửi Titus). “Mặc dù chị em là nữ trinh, chị em vẫn bị quăng ra khỏi phòng cưới của cô dâu, nếu chị em không làm việc bác ái.” (Bài giảng thứ 77 về Phúc Âm của thánh Matthew).

Dù sao, các linh mục, tu sĩ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong giáo hội, sự thánh hóa và lời cầu nguyện của họ có gía trị không thể thay thế được cho toàn thể giáo hội. Các gương sáng của họ dạy cho người giáo dân sống như “một người lạ và khách hành hương trên trái đất này.” Họ sống tách rời khỏi những vật chất và giữ gìn sự tự do Kitô hữu của họ giữa sự rối động vô nghĩa của các thành phố. Họ tìm kiếm trong mọi sự để làm vừa lòng Chúa, hầu phục vụ Ngài và anh em.

Một cách vắn tắt, theo Thánh Chrysostom, “Những mối Phúc Thật được Chúa Kitô truyền dạy không thể chỉ tồn tại cho các nhà tu thực hành mà thôi, vì như thế cả vũ trụ sẽ bị tàn lụi.” (Xin xem thêm J.M. Leroux, “Monachisme et communauté chrétienne d'après S. Jean Chrysostome,” trong Théologie de la vie monastique, Paris, 1961, từ trang 143).

Thực ra, tất cả các Kitô hữu, những người đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, và “mặc lấy Chúa Kitô” như một căn tính mới, đều phải sống thánh thiện vì Ngài là sự thánh thiện. Họ phải sống một cuộc sống xứng đáng và những hành vi của họ phải minh chứng sự kết hợp của họ với Chúa. “Các con là ánh sáng thế gian.” (Mt 5.14). Nếu sự thánh thiện không nằm trong tầm tay của của con người, qua bản tính tự nhiên, thì chính Chúa sẽ phải ban cho con người ánh sáng, sức mạnh và sự can đảm để hoàn thành sứ vụ Ngài đòi hỏi. Chắc chắn Ngài sẽ ban cho con người những ân sủng cần thiết. Nếu con người không nên thánh là vì chính con người đã không biết lợi dụng ơn thiêng của Ngài.