Ngày 28-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/03: Ý Nghĩa Của Sự Trở Về Trong Mùa Chay – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:00 28/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca,

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

Đó là lời Chúa
 
Ngạc nhiên với những gì đã quen
Lm. Minh Anh
14:49 28/02/2023

NGẠC NHIÊN VỚI NHỮNG GÌ ĐÃ QUEN
“Ở đây còn có người hơn Giôna nữa!”.

Gordon Lester nói, “Quen thuộc và gần gũi không giống nhau! “Quen thuộc” là điều không thể tránh; dẫu không thấy, nhưng nó xảy ra gần như thường tình. Đang khi “gần gũi” thì khó cảm nhận hơn; nó phải được tìm kiếm, mở ra và đáp trả. Quen thuộc đem lại thoải mái. Gần gũi thì phải tìm, hiểu biết và cảm kích cá nhân; nó đòi hỏi một sự ‘ngạc nhiên với những gì đã quen!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng cần có một sự ‘ngạc nhiên’ của Lester được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay; nó cho thấy sự cần thiết của một nỗi lo thánh thiện. Thật thú vị, cả hai bài đọc liên kết với nhau qua một nhân vật khá độc đáo, Giôna! Giôna kêu gọi Ninivê khám phá lại Thiên Chúa, ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’; và Chúa Giêsu cũng chỉ làm ngần ấy với những người đương thời.

Trong Tin Mừng hôm nay, với Chúa Giêsu, người đương thời của Ngài rơi vào thái độ “quen quá hoá nhàm!”. Ngài đã làm bao phép lạ, dạy dỗ bao điều và sự thánh thiện trong cách sống của Ngài là điều không ai phủ nhận; ấy thế, một số người vẫn không hài lòng, họ đòi thêm dấu lạ. Cũng thế, chúng ta dễ rơi vào thái độ tương tự! Thay vì đánh giá cao sự giàu có được bảo tồn trong Hội Thánh, không ít người vẫn chạy theo những dấu lạ bất thường. Các Mối Phúc, các phép lạ trong Tin Mừng, kể cả việc người chết sống lại… nghe có vẻ nhàm; đang khi những mặc khải tư, chuyện linh hồn hiện về, lại thu hút nhiều người. Mùa Chay, thời điểm tốt để bạn và tôi quay lại với những gì căn bản, tập ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’, tập “gần gũi lại, mở ra và đáp trả” tiếng Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Lễ, trong chuỗi hạt… như thể lần đầu!

Thật ra, sự hiện diện của Chúa Kitô trong hành tinh này đã là một phép lạ cả thể; nhưng khi nói về Giôna, Ngài nói đến dấu lạ ‘tử nạn và phục sinh’ của Ngài. Trên thực tế, không dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ này, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Mùa Chay, mùa bạn và tôi ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’, thanh tẩy mình bằng việc sám hối để tham gia vào cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúng ta, những tội nhân, đúng với tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung!”; nhưng là những tội nhân chểnh mảng. Vì thế, nói đến thanh tẩy và sám hối, “gần gũi” lại với Chúa, bạn và tôi phải “kiếm tìm”. Hãy nghe một tội nhân, người đã ‘từng trở lại’ tâm sự, “Đừng trì hoãn trở về, vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến! Chúa hứa sẽ thứ tha nếu bạn quay lại; nhưng Ngài không hứa, bạn sẽ có ngày mai để có một cơ hội!”. Đó là tâm sự của Augustinô. Mùa Chay, mùa ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’, mùa “tìm kiếm sự gần gũi” với Chúa khi còn kịp!

Anh Chị em,

“Ở đây còn có người hơn Giôna nữa!”. Phép lạ Giêsu, lớn hơn phép lạ Giôna bội phần! Phép lạ này đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm, nhưng nó vẫn xảy ra hằng ngày trên các bàn thờ! Hãy khám phá lại Giêsu trong mỗi Thánh Lễ, trong mỗi trang Phúc Âm; hãy khám phá Ngài trong từng con người thân quen dưới một mái nhà; khám phá Ngài trong mỗi phút giây chúng ta hít thở… Hãy “tìm kiếm, mở ra và đáp trả” trước huyền nhiệm Thiên Chúa, huyền nhiệm Giêsu trong các Bí Tích, trong những con người thân quen này! Đó không phải là những gì quá “quen thuộc”, hoặc quá xa vời, nhưng thật “gần gũi”, thân ái mà chúng ta phải tái khám phá mỗi ngày, hầu có thể ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’. Từ đó, thay vì ta thán, ủ dột hay mộng mơ viển vông, bạn và tôi dâng lên Chúa lời tạ ơn chúc tụng. Đừng chờ đợi thêm phép lạ nào nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con ‘ngạc nhiên với những gì đã quen’ để chúc khen, tán tụng, hầu có thể “tìm kiếm sự gần gũi” với Chúa, với anh chị em con ngay hôm nay, mỗi ngày, kể từ bây giờ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 28/02/2023

4. Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng khiết tịnh, cho nên Mẹ yêu mến người khiết tịnh.

(Thánh John Damascene)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 28/02/2023
74. ĐẦU XE HƯỚNG NAM, BÁNH XE HƯỚNG BẮC

Lý Lương đi trên đường, nhìn thấy một người đang đánh xe ngựa đi về hướng bắc.

Người ấy nói:

- “Tôi muốn đi qua nước Sở.”

Lý Lương lấy làm lạ hỏi:

- “Đi nước Sở thì nên đi về hướng nam, sao anh lại đi ngược về hướng bắc?”

Chủ xe nói:

- “Ngựa của tôi tốt”

Lý lương nói:

- “Dù ngựa tốt, nhưng đây không phải là đường đi qua nước Sở”.

Chủ xe lại nói:

- “Lộ phí của tôi có đầy đủ”.

Lý lương khuyên ông ta:

- “Lộ phí tuy nhiều, nhưng đi về hướng bắc, thì bất luận như thế nào cũng không đến được nước Sở.”

Chủ xe cố chấp nói:

- “Người phu xe của tôi rất tinh thông kỹ thuật điều khiển xe.”

Lý Lương thở dài mấy tiếng, không muốn cùng ông ta tranh luận, trong lòng nghĩ: ngựa của chủ xe càng tốt, lộ phí càng đầy đủ, kỹ thuật điều khiển xe của người phu càng tinh thông, thì càng đi xa nước Sở hơn.

( Chính Quốc sách )

Suy tư 74:

“ Sai một li, đi một dặm” qua không sai.

Ai đã thấy cái máy ngắm toạ độ nơi súng pháo 105 ly, hoặc vua “chiến trường” 175 ly thì đủ biết lời nói trên chẳng sai chút nào. Súng đại bác to lớn nặng nề là thế, mà cái máy ngắm chỉ nặng 1 hoặc 2 ki lô gam là cùng, vậy mà chỉ cần anh lính ngắm sơ ý, vội vàng hấp tấp điều chỉnh sai một li thôi, thì viên đạn đại bác có thể đi xa mục tiêu cả cây số, hoặc rơi trúng ngay địa điểm đóng quân của phe mình, hậu quả không lường được.

Đời sống tu đức của người Ki-tô hữu được đặt trên nền tảng của đức tin, nhờ đức tin mà họ nhận ra được ân sủng của Chúa qua các bí tích, nhờ đức tin mà họ sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách của cuộc sống!

Đức Tin như cái máy ngắm tinh vi của các cổ đại pháo là đời sống của người Ki-tô hữu, đời sống bị lệch hướng chính là đức tin đang có vấn đề, cần phải điều chỉnh ngay, điều chỉnh kịp thời, để đời sống chúng ta đúng hướng hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Anh Giáo chính thức tan rã: Các nhà lãnh đạo Anh giáo bảo thủ bác bỏ thẩm quyền của tổng giám mục Canterbury
Đặng Tự Do
05:32 28/02/2023


Một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho một phần đáng kể người Anh giáo trên thế giới đã bỏ phiếu trong tuần này để bác bỏ sự lãnh đạo của Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby sau khi Thượng Hội Đồng Giáo hội Anh vào đầu tháng Hai đã bỏ phiếu chúc lành cho các cặp đồng giới.

Tổ chức Global South Fellowship of Anglican Churches, gọi tắt là GSFA, bao gồm 14 trong số 25 tỉnh Anh giáo ở các khu vực như Phi Châu và Châu Đại Dương, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 20 tháng 2 cáo buộc Giáo hội Anh, do Đức Tổng Giám Mục Welby lãnh đạo, phá vỡ sự hiệp thông với các tỉnh vẫn trung thành với quan điểm trong Kinh thánh về hôn nhân là giữa một nam và một nữ.

Các nhà lãnh đạo GSFA cho biết Đức Cha Welby, khi cho phép việc kết hợp các chúc lành của các cặp đồng giới trong phụng vụ Anh giáo, đã mất vị trí lãnh đạo “đầu tiên trong số những người bình đẳng” của Hiệp thông Anh giáo toàn cầu.

“Với hành động này của Đại hội đồng Giáo hội Anh, chúng tôi tin rằng không thể tiếp tục hiệp thông như thế này được nữa. Chúng tôi không chấp nhận quan điểm rằng chúng tôi vẫn có thể 'đồng hành' với các tỉnh theo chủ nghĩa xét lại,” tuyên bố ngày 20 tháng 2 của GSFA nhấn mạnh.

“Với việc Giáo hội Anh và tổng giám mục Canterbury từ bỏ vai trò lãnh đạo của họ đối với Hiệp thông toàn cầu, các vị các tổng giám mục đứng đầu mỗi tỉnh sẽ nhanh chóng gặp gỡ, tham khảo ý kiến và làm việc với các vị giáo chủ chính thống khác trong Giáo hội Anh giáo trên khắp các quốc gia để thiết lập lại Hiệp thông Anh Giáo trên nền tảng Kinh thánh của nó”. Nói cho dễ hiểu là khối Hiệp thông Anh giáo như hiện nay, ngừng tồn tại từ ngày 20 tháng Hai.

Kể từ khi Hiệp thông Anh giáo được thành lập vào năm 1867 - bao gồm 42 Giáo Hội Anh giáo trên khắp thế giới - tổng giám mục Canterbury đã được coi là nhà lãnh đạo tinh thần và đạo đức của hiệp thông toàn cầu, mặc dù ông không có thẩm quyền ràng buộc.

Đức Cha Welby và Tổng Giám mục York Stephen Cottrell đã thông báo vào ngày 9 tháng 2 rằng Giáo hội Anh sẽ “công khai, không hạn chế và hân hoan chào đón các cặp đồng giới trong Giáo Hội”. Điều này xảy ra sau khi Đại hội đồng của Giáo hội Anh, bao gồm các giám mục, giáo sĩ và giáo dân, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 250-181 để chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng giới trong hôn nhân dân sự, trong khi vẫn giữ nguyên định nghĩa về hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.

Sau cuộc bỏ phiếu, GSFA cho biết họ “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Đức Tổng Giám Mục Welby, cáo buộc rằng nó “đi ngược lại ý chí áp đảo của Cộng đồng Anh giáo”. Người ta hoài nghi về tuyên bố rằng giáo lý Anh giáo về hôn nhân không thay đổi, viện dẫn nguyên tắc rằng “phụng vụ Anh giáo thể hiện giáo lý của nó”.

GSFA, được thành lập vào năm 1994, tuyên bố đại diện cho phần lớn người Anh giáo trên thế giới — khoảng 75%, tương đương khoảng 64 triệu người Anh giáo. GSFA được chủ trì bởi Đức Tổng Giám Mục Justin Badi, tổng giám mục của Nam Sudan.

Phát ngôn nhân của Cung điện Lambeth nói với BBC rằng họ “hoàn toàn đánh giá cao” lập trường của GSFA nhưng nói thêm rằng “những bất đồng sâu sắc” giữa những người Anh giáo về tình dục và hôn nhân đã có từ lâu và những cải cách ở một tỉnh không ảnh hưởng đến các quy tắc ở những tỉnh khác.

Mặc dù các cuộc tranh luận về hôn nhân đồng giới đã tồn tại trong Anh giáo trong nhiều thập kỷ, nhưng Hiệp thông Anh giáo đã bị rạn nứt đáng kể vào năm 2003 khi Nhà thờ Tân giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ bỏ phiếu tấn phong giám mục Gene Robinson, một người đồng tính nam có quan hệ đồng giới.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh đã gặp gỡ các thành viên khác của cộng đồng Anh giáo vào mùa hè năm ngoái tại Hội nghị Lambeth mỗi thập kỷ một lần, trong đó hàng giáo phẩm đã thảo luận về các câu hỏi liên quan đến tình dục và hôn nhân đồng giới. Welby kết luận vào thời điểm đó rằng phần lớn các giáo sĩ khẳng định giáo lý rằng hôn nhân là giữa một nam và một nữ, mặc dù một số thành viên không đồng ý.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo, đặc biệt là ở Tây Âu, cũng đã thúc đẩy việc chúc lành cho các cặp đồng giới. Với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 3 năm 2021 đã phán quyết rằng Giáo Hội Công Giáo không có quyền chúc lành cho các cặp đồng giới. Mặc dù Bộ Giáo Lý Đức Tin công nhận “mong muốn chân thành được chào đón và đồng hành cùng những người đồng tính luyến ái”, nhưng Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng Thiên Chúa “không và không thể chúc lành cho tội lỗi”.


Source:Catholic News Agency
 
Tiến sĩ George Weigel: Hòa nhập và Công Giáo
Đặng Tự Do
05:33 28/02/2023


Một thuật ngữ thường được nhắc đến trong những ngày này là “inclusion” hay “hòa nhập”, hoặc nôm na hơn là “bao gồm”, được ví von trong Tài Liệu Làm Việc về Thượng Hội Đồng về đồng nghị như cái lều thật to bao gồm càng nhiều người càng tốt.

Hòa nhập đã là chiêu bài để vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, Thượng hội đồng của Anh Giáo đã bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất của Hạ viện về việc chấp thuận chúc lành cho các cuộc hôn nhân đồng giới. Phản ứng lại diễn biến này 25 trong số 42 Giáo tỉnh trong Hiệp thông, trải rộng trên 165 quốc gia quyết định tách ra khỏi khối Hiệp Thông Anh Giáo.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “INCLUSION” AND CATHOLICISM, nghĩa là “‘HÒA NHẬP’ VÀ Công Giáo”.



Ngày trước, những trẻ nhỏ Công Giáo được dạy rằng Giáo Hội có bốn “dấu ấn”: Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo (hay “phổ quát”) và tông truyền. Những dấu ấn này bắt nguồn từ Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê-Constantinople, mà chúng ta đọc trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và các lễ trọng phụng vụ. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Giáo Hội “không sở hữu” những thuộc tính “liên kết bất khả phân ly” này “của chính mình”; đúng hơn, “chính Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, làm cho Giáo Hội của Người trở nên duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, và chính Người kêu gọi Giáo Hội thể hiện các thuộc tính ấy” (GLCG 811).

Bạn sẽ lưu ý rằng “bao gồm” không phải là một trong những dấu ấn của Giáo Hội do Chúa Kitô ban cho, mặc dù “phổ quát” là một dấu ấn như vậy. Sự khác biệt, như mọi khi, là quan trọng.

Tính phổ quát phải là đặc điểm của sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, vì Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải đi và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mat. 28:19). Và một loại bao gồm nhất định biểu thị một thực tế quan trọng của Giáo Hội: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Galat 3:27-28). Hơn nữa, Giáo Hội được Chúa mời gọi để phục vụ mọi người chứ không chỉ phục vụ những người của riêng Giáo Hội; như nhà xã hội học lịch sử Rodney Stark đã chỉ ra, việc chăm sóc những bệnh nhân không phải Kitô Hữu trong thời tiên khởi đã thu hút nhiều người cải đạo sang Kitô Giáo trong thời cổ đại, khi người bệnh thường bị bỏ rơi, ngay cả bởi chính gia đình của họ.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận, những biểu hiện về tính bao gồm của Giáo Hội (hay còn gọi là tính Công Giáo, hoặc tính phổ quát) không phải là điều mà nền văn hóa thức thời đương đại muốn nói trong thuật ngữ “bao gồm”. Như thường được sử dụng ngày nay, “bao gồm” là mật mã để chấp nhận định nghĩa về bản thân của mọi người như thể định nghĩa về bản thân đó rõ ràng gắn liền với thực tế, vốn dĩ không thể thách thức, và do đó là sự khẳng định mang tính mệnh lệnh.

Điều đáng lưu ý trong bối cảnh này là đôi khi chính Chúa Giêsu thực hành một số loại trừ nghiêm trọng. Chẳng hạn, Ngài đã loại trừ khỏi các mối phúc một loại tội nhân: “Ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, thì không bao giờ được tha thứ” (Mc 3:29). Và sự lên án của Ngài cũng rất nghiêm khắc đối với những kẻ tàn ác: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.”(Mt. 25:41). Và đây là số phận của những kẻ cám dỗ những người đơn sơ: “Thà buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Lc 17,2). Và quyết tâm của Ngài là ném “lửa xuống thế gian” (Lc 12:49) và thiêu rụi tất cả những gì chống lại Nước Đức Chúa Trời.

Câu hỏi về “sự hòa nhập” và sự tự hiểu của Giáo Hội gần đây đã được nêu lên trong một bài báo xuất bản ở Mỹ của Đức Hồng Y Robert McElroy, bởi vì tính nhạy cảm được thể hiện trong bài báo của Đức Hồng Y không phải là tính nhạy cảm của Kinh thánh, của các Giáo phụ trong Giáo Hội, của Công Đồng Vatican, hay Sách Giáo Lý Công Giáo. Đó là sự nhạy cảm của nỗi ám ảnh về “sự hòa nhập” của nền văn hóa thức thời.

Một cách giản lược, bài báo gợi ý rằng, vì những lo ngại về tính bao gồm, việc phong chức linh mục thừa tác cho phụ nữ và sự nhất quán đạo đức liên quan đến tình dục đồng giới phải là những câu hỏi mở. Nhưng đó không phải là giáo huấn đã được thiết định của Giáo Hội Công Giáo. Làm sao một người đàn ông cực kỳ thông minh, là người đã long trọng tuyên thệ chấp nhận giáo lý đó và hứa sẽ tuân giữ nó, lại có thể nghĩ khác được?

Giống như nền văn hóa thức thời đương đại, bài báo của Đức Hồng Y dường như coi lý thuyết giới tính là một hình thức thế tục của chân lý được mặc khải. Trên thực tế, các lý thuyết về “giới tính” và “tính linh hoạt của giới tính” được xây dựng theo văn hóa hoàn toàn mâu thuẫn với sự mặc khải của Thiên Chúa: “Ngài dựng nên họ có nam và nữ” (Sáng. 1:27).

Bài báo đưa ra những tuyên bố ngông cuồng (và không có nguồn gốc) về “những động cơ” phổ biến chống lại “cộng đồng LGBT”, coi những thái độ “nội tạng” như vậy là “ma quỷ”. Nhưng Đức Hồng Y McElroy không có gì để nói về những áp lực văn hóa, nghề nghiệp và luật pháp nghiêm trọng (và dễ ghi chép lại) mà người ta đang gây ra cho những người xiển dương trật tự đúng đắn của tình yêu con người, và từ chối chạy theo não trạng thức thời.

Bài ca của cơn cuồng hòa nhập thức thời là khái niệm tự do trẻ con của Frank Sinatra: “Tôi đã làm theo cách của mình.” Thắp hương trước bàn thờ của chủ nghĩa ấu trĩ như vậy sẽ không đưa những người nam nữ đến với Chúa Kitô, Đấng đã liên kết tự do với sự thật: “anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Gioan 8:32). Giáo Hội Công Giáo là một sự hiệp thông giữa những người nam và nữ, tất cả đều đấu tranh với sự yếu đuối của con người khi đối mặt với những thăng trầm của thân phận con người. Nhưng sự hiệp thông các môn đệ ấy cũng đã được chính Chúa ban cho những chân lý thực sự giải thoát – những chân lý không bị các nhóm thảo luận khẳng định hay phủ nhận. Như tác giả Kinh Thánh đã nhắc nhở độc giả của mình (và cả chúng ta), “Đừng để bị lôi cuốn bởi đủ thứ giáo huấn lạ lùng” (Dt 13:9), vốn đe dọa việc rao giảng Tin Mừng.

“Bao gồm” theo kiểu thức thời không phải là Công Giáo đích thực.
Source:First Things
 
Nhật Ký Trừ Tà số 229: Các Thiên Thần Trong Buổi Trừ Tà
Đặng Tự Do
05:37 28/02/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary number 229: Angels in an Exorcism”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 229: Các Thiên Thần Trong Buổi Trừ Tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phiên trừ tà đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Con người đau khổ, biểu hiện đầy đủ, đã thoát ra khỏi những dây buộc rất chắc chắn một cách đáng kinh ngạc. Nắm đấm của anh ta bắt đầu bay và người trừ tà lo sợ cho sự an toàn của mọi người. Bằng một giọng chắc nịch, ngài cầu khẩn Quyền năng Thiên thần để kiềm chế lũ quỷ. Ngay lập tức, cánh tay của người hung hăng này buông xuống và cơ thể anh ta mềm nhũn. Đội trừ tà đã nhanh chóng đặt các dây buộc trở lại vị trí. Anh ta lại bắt đầu vùng vẫy, nhưng lần này, anh ta thậm chí còn bị giữ chặt hơn.

Một linh mục khác của chúng tôi đang cầu nguyện cho một nhóm nhỏ những người bị quỷ ám bằng những lời cầu nguyện giải thoát và chữa lành. Ngài đã gọi đích danh chín phẩm thiên thần và đặc biệt kêu gọi các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Raphael và Gabriel. Sau đó, mỗi người trong nhóm đều cảm nhận được sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần và được yên nghỉ trong bình an và an ủi sâu xa. Hai người trong số họ cho biết đã được chữa lành về thể chất - một người cảm thấy như có lửa đốt ở đầu gối bị viêm khớp của mình và cho đến nay, cô có thể đi lại mà không bị đau. Người kia tuyên bố đã được chữa lành khỏi một khối u.

Nhận thức rõ hơn về sự can thiệp mạnh mẽ của các thiên thần trong các phiên trừ tà của mình, chúng tôi thường xuyên sử dụng “Áo che ngực của Thánh Patrick”. Khi chúng tôi cầu khẩn các thánh thiên thần, chúng tôi thường xuyên lặp lại nhiều lần để có hiệu quả cao hơn: “Hôm nay, tôi phó dâng người này cho sức mạnh của đội binh các thiên thần Cherubim, cho chín phẩm Thiên thần, cho các Tổng lãnh thiên thần…”.

Là một nhà trừ quỷ, tôi cảm thấy gần gũi với các thiên thần. Các ngài là những người bạn đồng hành không ngừng của chúng tôi. Nhưng đôi khi tôi quên mất sự can thiệp của các ngài mạnh mẽ như thế nào. Những khoảnh khắc như thế này nhắc nhở chúng ta rằng các ngài được ban cho để sử dụng quyền năng của Thiên Chúa và thanh gươm của Thánh Linh. Tôi cảm ơn Chúa vì những người bạn mạnh mẽ và xinh đẹp như vậy. Tôi sẽ kêu gọi các ngài trong mỗi phiên trừ tà.
Source:Catholic Exorcism
 
Iran: Gia tăng quấy rối và chống lại các Kitô hữu
Thanh Quảng sdb
17:03 28/02/2023
Iran: Gia tăng quấy rối và chống lại các Kitô hữu

Theo Báo cáo năm 2023 về “Vi phạm quyền tự do của Kitô hữu tại Iran” theo điều luật 18 công bố gần đây cùng với ba tổ chức phi lợi nhuận Công Giáo khác, thì năm 2022 chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng Kitô hữu Iran bị bắt và giam giữ tại đất nước Cộng hòa Hồi giáo này.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Song song với cuộc đàn áp tàn nhẫn đối với các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của cô gái người Kurd là Mahsa Amini, vì bị cảnh sát giam giữ, năm 2022, thì thêm một năm các Kitô hữu Iran tiếp tục phải đối diện với những quấy rối, bắt giữ và bỏ tù chỉ vì sống đức tin, một báo cáo mới của bốn tổ chức phi lợi nhuận bênh vực cho các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới cho hay thế.

Các Kitô hữu cùng với các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở Cộng hòa Hồi giáo này tiếp tục bị tước quyền tự do thực hành tôn giáo của họ một cách có hệ thống, theo Báo cáo năm 2023 thì “Những vi phạm quyền của Kitô hữu ở Iran” do đạo luật 18, Tổ chức ONG có trụ sở tại London, công bố: Chỉ riêng cho việc bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo ở Iran, với các đối tác Open Doors International, Christian Solidarity Worldwide (CSW) và Middle East Concern.

Bản nghiên cứu dài 25 trang, trong ấn bản thứ năm, được phát hành trong những ngày gần đây nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày mục sư Anh giáo Arastoo Sayyah bị sát hại, người theo Chúa Kitô đầu tiên bị giết vì đức tin của mình ở Cộng hòa Hồi giáo, chỉ tám ngày sau cuộc nổ dậy Hồi giáo của Ayatollah Khomeini, gọi là Cách mạng tháng 2 năm 1979.

134 Kitô hữu bị bắt vào năm 2022 vì liên quan đến đức tin

Mặc dù việc các Kitô hữu Iran bị giết vì đức tin không còn phổ biến, nhưng báo cáo xác nhận tự do tôn giáo vẫn chưa có ở Iran cho đến ngày nay.

Theo những khám phá của bản bá cáo, 134 Kitô hữu đã bị bắt vào năm 2022 vì liên quan đến đức tin, nhiều hơn gấp đôi so với 59 người được ghi nhận vào năm 2021 và ít nhất 30 người bị án tù hoặc bị buộc phải sống lưu vong. Cũng có sự gia tăng đáng kể về số lượng Kitô hữu bị giam giữ – 61 người vào năm 2022, so với 34 người vào năm 2021.

Vào cuối năm 2022, có ít nhất 17 Kitô hữu bị cầm tù, chịu các bản án lên đến 10 năm với các tội danh như “chống lại an ninh quốc gia” và “tuyên truyền chống chế độ”. Như báo cáo đã nhấn mạnh, việc thực hành một tín ngưỡng khác với Hồi giáo Shia được “coi là mối đe dọa đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này và các giá trị gia của nó”.

Đây là lý do tại sao, chẳng hạn, hai Kitô hữu người Armenia gốc Iran đã bị kết án 10 năm tù vào năm 2022 vì tổ chức các buổi lễ tôn giáo tại nhà riêng của mình.

Khiếu nại lạm dụng của chính quyền

Hơn nữa, năm 2022 ghi nhận 49 trường hợp bị tra tấn tâm lý và 98 khiếu nại về lạm dụng (mặc dù con số thực tế lớn hơn nhiều vì nạn nhân thường không báo cáo) và 468 cá nhân - bao gồm cả người thân không theo đạo Thiên chúa của các bị cáo - đã bị hệ thống tư pháp Iran bắt bớ.

Đây chỉ là một số ví dụ trong số rất nhiều chi tiết trong báo cáo có thể tải xuống từ trang web “Điều 18”.

Chỉ có bốn nhà thờ được phép hoạt động

Một khía cạnh khác được báo cáo đề cập tới liên quan đến các nơi thờ phượng: chỉ có bốn nhà thờ nói tiếng Farsi được phép hoạt động trong lãnh thổ của Cộng hòa Hồi giáo. Tuy thê các nhà chức trách vẫn chưa cấp giấy phép cho việc mở cửa trở lại sau khi các nghi lễ tôn giáo trực tiếp bị đình chỉ trong thời đại dịch COVID-19.

Cộng đồng Kitô giáo ở Iran

Cộng đồng Công Giáo được chính thức công nhận ở Iran bao gồm các cộng đồng Armenia và Syriac, có khoảng 300.000 người trên tổng dân số hơn 87 triệu người - mặc dù con số ước tính gần đây cho thấy con số này đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây vì tình trạng di cư.

Cộng hòa Hồi giáo công nhận các Giáo hội Tông truyền Armenia, Chính thống Nga, Chính thống Syriac, Armenia, Chaldean và Công Giáo La Mã, và Anh giáo, Trưởng lão.

Nhóm Kitô hữu chính khác bao gồm những người trở lại có nguồn gốc Hồi giáo không đươc nêu đích danh. Theo Điều 18, con số này ước tính khoảng 500.000 đến 800.000.

Mặc dù Bộ luật Hình sự không quy định hình phạt tử hình đối với tội bội giáo (một đề xuất sửa đổi Bộ luật để hình sự hóa tội bội giáo đã không được thông qua trong các tu chính năm 2013), Điều 167 của Hiến pháp cho phép các thẩm phán dựa vào các nguồn Hồi giáo có thẩm quyền trong các vấn đề không được đề cập bởi luật hệ thống hóa – có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt của luật Hồi giáo đối vì tội bội giáo.
 
Bom ống được tìm thấy phía sau nhà thờ Công giáo ở Philadelphia
Đặng Tự Do
17:41 28/02/2023


Một quả bom ống 18 inch hay 45 cm đã được tìm thấy phía sau một nhà thờ Công giáo ở Philadelphia và được đội gỡ bom của sở cảnh sát loại bỏ.

Theo báo cáo của cảnh sát, một người qua đường đã tìm thấy quả bom ống phía sau Nhà thờ Công giáo St. Dominic ở khu phố Holmesburg của thành phố lúc 1:39 chiều Chúa Nhật vừa qua. Đội phá bom đã gỡ bỏ thiết bị và tiến hành phân tích nó. Báo cáo nói rằng quả bom là một ống nhựa PVC có nắp và một loại bột màu đen bên trong, nhưng loại bột này vẫn chưa được xác định. Một phần của Đại lộ Frankford tạm thời bị đóng cửa trong khi đội gỡ bom gỡ bỏ thiết bị.

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1896, là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Philadelphia. Vào tháng 8 năm 2019, Ủy ban Lịch sử Philadelphia đã thêm nó vào Sổ ghi danh Địa điểm Lịch sử chính thức.

Khu vực đặt quả bom ống cũng gần đường ray xe lửa.

Cảnh sát Philadelphia đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có tin rằng nhà thờ đã bị tấn công hay liệu họ có bất kỳ nghi phạm nào hay không. Cả Tổng giáo phận Philadelphia và Nhà thờ Công giáo St. Dominic đều không thể đưa ra bình luận vào thời điểm xuất bản.

Mặc dù mục tiêu của quả bom ống vẫn chưa rõ ràng, nhưng đã có ít nhất 248 vụ đốt phá, phá hoại hoặc các hình thức phá hoại khác nhằm vào các nhà thờ Công giáo kể từ tháng 5 năm 2020, theo báo cáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ. Các hành vi phạm tội bao gồm phóng hỏa nhà thờ, các bức tượng bị bôi sơn hoặc bị chặt chân tay hoặc đầu, bia mộ bị bôi chữ thập ngoặc, và vẽ bậy vào mặt tiền các tòa nhà và tài sản của nhà thờ bằng ngôn ngữ chống Công giáo.

Trong số các sự việc gần đây, cách đây chưa đầy một tháng, một phụ nữ đã bị bắt sau khi bị cáo buộc gây thiệt hại nghiêm trọng cho bức tượng Chúa Giêsu tại Nhà thờ Đức Bà ở Fargo, Bắc Dakota, vào tối thứ Hai 30 Tháng Giêng, có thể trong khi cô ấy đang chịu ảnh hưởng của ma túy.

Bức tượng có tên “Chúa Kitô trong cái chết,” mô tả thi hài của Chúa Giêsu nằm trên tấm vải liệm chôn cất với một vòng gai đặt dọc theo chân Ngài. Các bức ảnh cung cấp cho CNA cho thấy đầu và chân của bức tượng bị hư hại, một tay bị phá nát, cũng như vương miện gai và đế của bức tượng.

Các nhân viên cảnh sát Fargo cho biết họ nhìn thấy Brittany Marie Reynolds, 35 tuổi, rời khỏi nhà thờ vào khoảng 6:24 chiều. Họ đã bắt giữ cô sau khi cô bị cáo buộc cố gắng bỏ trốn. Cô ta ở trần và không thể trả lời những câu hỏi cơ bản và dường như bị ảnh hưởng bởi ma túy, tờ The Forum của Fargo đưa tin, trích dẫn các tài liệu của tòa án.

Cảnh sát vào nhà thờ và thấy rằng một bức tượng lớn của Chúa Giêsu đã bị đập vỡ trên sàn nhà. Đoạn phim giám sát nhà thờ được cho là cho thấy Reynolds thoát y trong nhà thờ và lật đổ một chậu cây trước khi phá hủy bức tượng.

Ngoài các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công giáo, các trung tâm mang thai phò sự sống cũng là đối tượng bị phá hoại. Những cuộc tấn công này đã gia tăng sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyết định Roe v. Wade trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson. Đã có 57 vụ tấn công vào các trung tâm hỗ trợ mang thai kể từ tháng 5 năm 2022, nhưng có rất ít vụ bắt giữ liên quan đến những tội ác này.

Vào ngày 11 Tháng Giêng, Hạ viện Hoa Kỳ đã suýt thông qua một nghị quyết lên án các vụ tấn công nhằm vào các trung tâm phò sự sống mang thai, các tổ chức phò sự sống và nhà thờ. Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ sít sao 222 phiếu thuận trên 209 phiếu chống nhờ có ba nhà lập pháp Đảng Dân chủ ủng hộ biện pháp này: Dân biểu Vicente Gonzalez, của Texas; Dân biểu Chrissy Houlahan, của Pennsylvania; và Dân biểu Marie Gluesenkamp Perez, của Washington. Ba thành viên Đảng Cộng hòa đã không bỏ phiếu, nhưng mọi thành viên Đảng Cộng hòa khác đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Cha Paprocki khẳng định các tín hữu đi lễ Latinh ở địa phương là 'những người Công giáo trung thành'
Đặng Tự Do
17:43 28/02/2023


Khi Vatican bắt đầu đưa ra các chỉ thị mới nhằm hạn chế các giám mục đã ban phép chuẩn cho các giáo xứ cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống, ít nhất một giám mục đang bảo vệ cộng đồng Thánh lễ Latinh trong giáo phận của mình và thúc giục một đường lối có tính chất địa phương hơn.

Đức Giám mục Thomas Paprocki của Giáo phận Springfield, Illinois, nói với CNA rằng cộng đồng Thánh lễ Latinh trong giáo phận của ngài đã trung thành với Giáo hội và các giám mục nên được trao thẩm quyền cho phép các Thánh lễ Latinh Truyền thống được tiếp tục.

“Tôi nghĩ rằng các giám mục giáo phận địa phương đồng cảm hơn với những gì đang diễn ra trong giáo phận của họ hơn là một văn phòng ở Rôma”.

Vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một tự sắc có tiêu đề Traditionis custodes, hướng dẫn các giám mục chỉ định các địa điểm tổ chức Thánh lễ Latinh nhưng tuyên bố rằng không địa điểm nào trong số đó nằm trong nhà thờ giáo xứ. Bởi vì một số giáo xứ đã có các cộng đồng Thánh lễ Latinh phát triển mạnh, một số giám mục đã đưa ra các miễn chuẩn để cho phép một số giáo xứ tiếp tục cử hành Thánh lễ Latinh.

Vào ngày 21 tháng 2 vừa qua, Đức Hồng Y Arthur Roche, tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã ban hành một tuyên bố mới, như là một sự làm rõ chính thức từ Vatican. Tuyên bố nói rằng những sự miễn chuẩn như vậy được dành riêng cho Tòa thánh và ra lệnh cho các giám mục đã đề nghị những sự miễn chuẩn phải “thông báo cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cơ quan này sẽ đánh giá các trường hợp riêng lẻ.”

Trong một bức thư gửi kèm theo Traditionis custodes, Đức Thánh Cha Phanxicô đã biện minh cho những hạn chế ban đầu của mình bằng cách cáo buộc rằng việc cử hành hình thức Thánh lễ cổ xưa hơn “thường được đặc trưng bởi sự bác bỏ không chỉ cải cách phụng vụ, mà còn bác bỏ cả chính Công đồng Vatican II”.

Đức Cha Paprocki, người đã cử hành Thánh lễ tại cả hai nhà thờ trong giáo phận của mình có cử hành Thánh lễ Latinh, nói với CNA rằng ngài “không hề thấy điều đó” trong các cộng đồng của ngài.

Đức Cha Paprocki nói: “Tôi thấy những người ở đó rất ngoan ngoãn tuân theo những lời dạy của Giáo hội, rất háo hức tuân theo những lời dạy của Giáo hội. Họ là những người Công giáo rất trung thành.”

Đức Giám mục cũng đặt câu hỏi liệu bản minh định vừa được đưa ra có phù hợp với ý định ban đầu của Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ truyền thống hay không và lưu ý rằng Đức Hồng Y Roche đã chủ động làm sáng tỏ điều này, chứ không phải Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài giải thích rằng Traditionis custodes là một tự sắc và như vậy là một sắc lệnh của giáo hoàng về sáng kiến của chính giáo hoàng. Một bản minh định, tức là nội dung làm rõ, là một phản hồi đối với yêu cầu do người khác khởi xướng - trong trường hợp này là Hồng Y Roche.

“Không phải Đức Thánh Cha chủ động,” Đức Giám mục Paprocki nói, mà đúng hơn là “sáng kiến của Đức Hồng Y Roche.”

Giám mục Paprocki lưu ý rằng bức thư kèm theo của Đức Thánh Cha gợi ý rằng ý định của ngài là trao quyền cho các giám mục. Trong thư, Đức Thánh Cha nói với các giám mục “việc cho phép … việc sử dụng ‘Missale Romanum’ năm 1962 là tùy thuộc vào các vị” và “tùy các vị … quyết định từng trường hợp thực tế của các nhóm cử hành nghi thức này 'Missale Romanum.'“

Bởi vì đã có tin đồn rằng Vatican sẽ tập trung quyền lực trong vấn đề này, Đức Cha Paprocki đã áp dụng trước lệnh cấm bằng cách thực hiện thêm hành động để bảo đảm rằng các hạn chế liên quan đến Traditionis sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ Thánh lễ Latinh nào trong giáo phận của ngài.

Vào Tháng Giêng năm 2022, Đức Cha Paprocki chính thức chỉ định lại nhà thờ Thánh Tâm ở Springfield là một nhà thờ phi giáo xứ. Ngài có thể làm được điều này vì Giáo xứ St. Katharine Drexel, đã có hai nhà thờ khác.

Giờ đây, nhà thờ giáo xứ duy nhất cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống là Nhà thờ Thánh Rôsa thành Lima ở Quincy, có linh mục là thành viên của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP. Bởi vì FSSP đã nhận được sự miễn trừ từ Vatican, Paprocki cho biết lệnh cấm sẽ không áp dụng cho họ, dựa trên sự hiểu biết của ngài. Ngài nói rằng sự miễn trừ “đã cho phép họ tiếp tục làm những gì họ đang làm.”


Source:Catholic News Agency
 
Kỷ niệm chiến tranh Ukraine được đánh dấu bằng những lời cầu nguyện, cảnh giác trên khắp thế giới
Đặng Tự Do
17:44 28/02/2023


Các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo trên khắp thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm một năm ngày bùng nổ chiến tranh ở Ukraine vào hôm thứ Sáu, kêu gọi chấm dứt chiến sự và tập trung cầu nguyện để tôn vinh các nạn nhân của cuộc xung đột và cầu xin Chúa ban hòa bình.

Trong một dòng tweet đánh dấu kỷ niệm ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, “Một năm trước, cuộc chiến phi lý chống lại Ukraine đã bắt đầu.”

“Chúng ta hãy ở gần những người dân Ukraine đau khổ, những người tiếp tục đau khổ, và chúng ta hãy tự hỏi: Mọi thứ có thể ngăn chặn chiến tranh đã được thực hiện chưa? Hòa bình được xây dựng trên đống đổ nát sẽ không bao giờ là một chiến thắng thực sự,” ngài nói.

Chiến tranh ở Ukraine nổ ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, sau khi quân đội Nga xâm chiếm nhiều phần lãnh thổ Ukraine, tìm cách lật đổ chính quyền hợp pháp của Kyiv.

Trong khi nhiều người tin rằng thủ đô sẽ thất thủ trong vài ngày hoặc vài tuần, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập hợp lại với nhau để ủng hộ Ukraine, và một năm sau, Kyiv vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine và quân đội Nga giờ đây chủ yếu tập trung nỗ lực vào việc chiếm các khu vực phía đông của Ukraine.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cho đến nay có khoảng 8.000 dân thường thiệt mạng trong bạo lực, nhiều người trong số họ là trẻ em, trong khi có thêm 13.300 người khác bị thương. Về binh lính, ước tính có khoảng 300.000 thương vong cho cả hai bên.

Ngoài ra, 8 triệu người Ukraine đã trốn khỏi đất nước và đang sống ở nước ngoài với tư cách là người tị nạn, trong khi 8 triệu người khác phải tản cư trong nước.

Các nỗ lực đàm phán ngừng bắn cho đến nay đã thất bại, vì Nga đưa ra một danh sách các yêu cầu – bao gồm cả việc sáp nhập phi pháp các lãnh thổ Ukraine – mà Ukraine bác bỏ.

Ngoài những lời cầu xin hòa bình công khai trên mạng xã hội, ngày kỷ niệm chiến tranh còn được đánh dấu bằng một loạt các buổi canh thức cầu nguyện ở Ukraine, Ý và hơn thế nữa.

Một buổi canh thức cầu nguyện kéo dài 12 giờ được tổ chức tại Kyiv bởi Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Phục sinh của Chúa Kitô, kéo dài từ trưa đến nửa đêm.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk khẳng định rằng cuộc chiến không bắt đầu từ một năm trước mà thực tế đã bắt đầu từ năm 2014 với việc Nga sáp nhập Crimea và xâm chiếm các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk.

“Vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, lịch sử của thủ đô Kyiv có mái vòm bằng vàng của chúng ta, nơi các hoàng tử của chúng ta đã xây dựng thành một Giêrusalem mới, một thành phố nơi Thiên Chúa cư ngụ với dân Người, đã được thêm vào chuỗi Mân Côi này được đánh dấu bằng máu của những người con trai và con gái Ukraine,” Đức Cha Shevchuk nói.

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các thực hành truyền thống của Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và bố thí, “đặc biệt là vào ngày kỷ niệm bi thảm này”.

Ngài nói, ăn chay có nghĩa là đoàn kết với tất cả những người hiện không có gì để ăn hoặc uống, và với những người còn ở trong các vùng lãnh thổ bị xâm lược và bị Nga giam cầm.

Đức Cha Shevchuk phản đối các đề xuất đàm phán yêu cầu Ukraine phải bàn giao các vùng lãnh thổ bị xâm lược cho Nga. Ngài nói: “Ngày nay, khi ai đó buôn bán các vùng lãnh thổ của Ukraine, chúng ta nói: Không! Chúng ta không thể trao đổi thể xác và linh hồn của những người anh em Ukraine của chúng ta trong các lãnh thổ bị xâm lược!”

Ngài cảm ơn tất cả những người đã sát cánh cùng Ukraine trong năm qua, và nói rằng, “Chúng ta cảm thấy Chúa đã ban cho chúng ta chiến thắng, một chiến thắng mà chúng ta đã gõ cửa thiên đường để cầu nguyện. Chúa ban cho chúng ta chiến thắng mà chúng ta nhận được nhờ chay tịnh.”

“Chúa ban cho chúng ta chiến thắng, mà chúng ta có thể đạt được bằng cách thực hiện các công việc của lòng thương xót, mà chúng ta mang lại gần hơn hàng ngày bằng công việc và lời cầu nguyện của mình. Hôm nay, Nga đã thua, mặc dù chúng ta chưa thắng”.

Trong một buổi canh thức cầu nguyện buổi tối tại vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô ở Rôma, Đức Hồng Y người Ý Angelo De Donatis, Giám Quản của Rôma, đã nói chuyện với một nhóm người tị nạn Ukraine có mặt, và nghe lời chứng của ba phụ nữ đã trốn khỏi Ukraine và đang ở Ý với tư cách là người tị nạn và được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội và bác ái khác nhau.

“Chúng ta không ở đây để ăn mừng, chúng ta ở đây để kêu cầu Chúa! Tất cả chúng ta ở đây vì trong tim chúng ta có một ước muốn mạnh mẽ, mãnh liệt và sâu sắc: đó là hòa bình!” Đức Hồng Y De Donatis nói. “Hãy chấm dứt sự kiêu ngạo, sự thống trị, bạo lực đối với những người không có khả năng tự vệ, hãy ngừng sử dụng vũ khí!”

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo cũng đưa ra những lời kêu gọi. Ủy ban Công vụ Chính thống giáo, gọi tắt là OPAC, đưa ra tuyên bố kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và nhanh chóng rút toàn bộ quân đội và quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ủy ban cũng chỉ trích việc bênh vực cuộc xâm lược của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill, chỉ trích “sự ủng hộ phi Kitô giáo đối với cuộc chiến” mà Kirill đã có ngay từ đầu.

Các thành viên của ủy ban kêu gọi hệ thống phẩm trật, giáo sĩ và tín hữu trong Giáo hội Chính thống Nga dũng cảm “chống lại sự phục tùng nô lệ của Kirill đối với chế độ Putin.”

“Sự đồng lõa của giới lãnh đạo Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa trong các tội ác chiến tranh gây ra ở Ukraine vẫn là điều không thể hiểu được. Rõ ràng là những người được gọi là 'người của Chúa' này nằm dưới sự kiểm soát của Putin và tay sai của ông ta,” OPAC cho biết.

Họ cũng kêu gọi thống nhất hai nhánh của chính thống Ukraine, một nhánh gần đây đã giành được độc lập trong khi nhánh kia có truyền thống trung thành với Mạc Tư Khoa, nhưng đã rút lại lòng trung thành đó do chiến tranh Ukraine và sự ủng hộ của Kirill đối với nó.

Đức Tổng Giám Mục Epiphany của Kyiv và Toàn Ukraine, người phục vụ với tư cách là giáo chủ của Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine, trong một thông điệp hôm thứ Sáu đã nhắc lại “với nỗi đau và sự đau khổ của tất cả các nạn nhân vô tội vì sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố Nga, các hành động diệt chủng và các tội ác chiến tranh khác mà những người hầu của bạo chúa Cẩm Linh đã cam kết và tiếp tục cam kết trên đất của chúng ta.”

Cũng như Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, ngài nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine đã bắt đầu cách đây 9 năm với việc chiếm giữ Crimea, gọi đó là “Một cuộc chiến mà chế độ chuyên chế của Điện Cẩm Linh đã huy động mọi nguồn lực: quân đội và ngoại giao, kinh tế và văn hóa, truyền thông và tôn giáo, và các cộng đồng.”

Đức Tổng Giám Mục Epiphany lặp lại lời lên án lập trường của Kirill và những người ủng hộ ông ta về cuộc chiến, nói rằng, “thật đáng xấu hổ và không có sự biện minh về mặt đạo đức, vì thay vì lên tiếng phản đối cuộc chiến phi lý chống lại Ukraine, họ lại bắt đầu chúc lành cho sự xâm lược và biện minh cho bọn tội phạm. “

Đức Tổng Giám Mục nói: “Theo niềm tin sâu sắc nhất của chúng ta, ý thức hệ 'thế giới Nga' phải bị lên án giống như chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa Bôn-sê-vích và các lý thuyết đáng ghê tởm khác biện minh cho cái ác. Bàn tay của họ có dính máu mà không thể rửa sạch.”

Các giám mục Âu Châu cũng đánh dấu ngày kỷ niệm này, kêu gọi chấm dứt chiến sự trong một tuyên bố hôm thứ Sáu và bảo đảm với Ukraine rằng trong suốt Mùa Chay, “Thánh lễ lần lượt sẽ được cử hành ở mỗi quốc gia trên khắp Âu Châu để cầu xin hòa bình ở Ukraine và cầu nguyện cho những người đã chết vì chiến tranh.”

Được ký bởi Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas của Lithuania, chủ tịch Hội đồng các Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là CCCE, tuyên bố của CCCE bảo đảm sự gần gũi của các giám mục với những người đau khổ, và nói rằng họ đã tham gia “một mạng lưới đoàn kết để hỗ trợ người dân Ukraine,” cũng như nhiều Kitô hữu. đã chào đón những người tị nạn Ukraine vào nhà của họ, và nhiều giám mục và phái đoàn các Giáo Hội đã đến Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ.

“Trong khi luật pháp quốc tế đang bị chà đạp dưới chân trong một kịch bản chiến tranh khủng khiếp, tất cả những người tin vào Chúa Kitô, và những người có thiện chí, được kêu gọi cố gắng trở thành những người xây dựng hòa bình,” các giám mục nói, và than thở rằng những lời kêu gọi hòa bình và đàm phán chân chính đã được thực hiện nhưng đến nay đã thất bại.

“Trong khi chúng tôi cay đắng nhìn những vết thương hiện tại, chúng tôi kêu gọi mọi người tiếp tục nỗ lực đoàn kết đang được tiến hành để hỗ trợ người dân Ukraine,” các giám mục nói, và cam kết nỗ lực xây dựng “một Âu Châu cuối cùng được hòa giải trong một nền hòa bình công chính”. Các giám mục của CCEE, hiện đang ở St. Gallen ở Thụy Sĩ để tham dự một cuộc họp về chăm sóc mục vụ cho người tị nạn Ukraine ở Âu Châu, đã yêu cầu “những người có thẩm quyền đối với các quốc gia đưa ra cam kết cụ thể để chấm dứt xung đột, đạt được một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình."
Source:Crux
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giôna, Nhà Truyền Giáo Thất Bại
Nguyễn Trung Tây
15:39 28/02/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Giôna, Nhà Truyền Giáo Thất Bại


I. Giôna, Nhà Truyền Giáo Thất Bại
Giôna là một nhà truyền giáo thất bại, bởi tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của ông ta. Nhưng trước khi bàn về điều này, chúng ta cũng cần phải nói sơ qua về văn hóa và những nét đặc thù của văn hóa.

Văn hóa không tự xuất hiện. Bối cảnh xã hội nơi con người sinh sống đã hình thành và định hình một nền văn hóa. Con người chính là yếu tố quyết định để hình thành và định hình một nền văn hóa. Từ văn hóa, những lãnh vực khác lần lượt xuất hiện, thí dụ, tôn giáo, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, triết học, v.v. Bởi thế, bất cứ một nền văn hóa nào xuất hiện trên trái đất cũng đều bao gồm ba nét căn bản: cái tốt (the goodness), cái đẹp (the beauty), và sự thật (truth). Cái tốt của văn hóa Việt Nam có thể nhận diện qua chữ hiếu. Cái đẹp được nhận diện qua thi ca. Sự thật xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Trời của người Việt!

Trên tất cả, tất cả mọi nền văn hóa đều đến từ Thiên Chúa bởi tiền đề thần học, “Vào ngày thứ Sáu trong tuần, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người” (Stk 1:27) Bởi Thiên Chúa là nguồn của văn hóa, tất cả mọi nền văn hóa trên trái đất đều có giá trị và phải được tôn trọng. Bởi thế, khi đặt chân đến một vùng đất mới, nhà truyền giáo của muôn thế hệ phải sẵn sàng cởi bỏ đôi săng-đan của mình để lại sau lưng, bởi niềm tin đây là một vùng đất thánh!

Nhà truyền giáo Giôna thì không được như vậy! Thay vì tôn trọng văn hóa cư dân nơi mình được gửi tới cho một sứ vụ, Giôna đã giữ trong đầu những thành kiến về dân thành Ninivê. Những thành kiến nặng nề này đã cản trở bước chân của Giôna vượt đường biên giới, để giới thiệu một Thiên Chúa của từ bi, chậm bất bình và giàu lòng thương xót tới dân ngoại.
Câu chuyện về ngôn sứ Giôna là một bài học cho những nhà truyền giáo của muôn thế hệ.

Trong khi Giôna được minh họa là một nhà truyền giáo thất bại, Thiên Chúa trong sách Giôna được minh họa với những nét mới lạ và bất ngờ.

II. Thiên Chúa
Trong khi người ngôn sứ đang tạm cư tại túp lều, Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc vươn cao che nắng che mưa cho túp lều. Dưới bóng mát của cây thầu dầu, Giôna không than phiền thở than nữa, ông vui tươi hẳn lên. Nhưng rất tiếc sáng hôm sau, Thiên Chúa sai một con sâu tới cắn chết cây thầu dầu. Chưa hết, Chúa còn gửi tới một cơn gió nóng thổi héo khô lòng người. Cây thầu dầu che bóng mưa đã héo tàn chết khô, gió nóng liên tục thổi tới, ánh nắng mặt trời chói chang đốt lửa trên đầu, ba thứ hợp lại khiến người ngôn sứ Giôna cuối cùng ngất xỉu (4:8). Một lần nữa, lần này là lần thứ ba, Giôna lại đòi chết.

A. Thiên Chúa Nhân Hậu
Trong khi Giôna đang đòi chết, Chúa lại hiện ra. Ngài nói,
— Con nổi giận vì cây thầu dầu. Điều đó có lý hay không?
Ngôn sứ Giôna, có lẽ đang trong cơn giận, đáp liều,
— Có chớ. Con có đủ lý do để nổi giận. Nổi giận đến chết.
Mặc cho Giôna tiếp tục chìm đắm với cơn giận, Thiên Chúa tiếp tục giải thích lý do tại sao ông không nên nổi giận. Chúa nhắc nhở với Giôna là cây thầu dầu chết héo úa sáng nay ông không trồng cũng chẳng gieo hạt. Thế mà khi cây chết đi, ông buồn, ông nổi giận, ông thương tiếc cái cây đã biến thành cây dù che bóng mát cho ông chỉ trong vòng một đêm. Còn riêng dân thành Ninivê, với hơn 120 ngàn dân ngoại, không biết Thiên Chúa là ai, không biết phân biệt phải trái. Nhưng khi nghe bản án tuyên đọc, dân thành Ninivê từ vua cho tới những súc vật trong thành đều ăn chay, khoác vải thô. Mà không phải họ chỉ thay đổi về hình thức, bề ngoài. Mọi người quyết định thay đổi lối sống thường nhật. Họ cầu nguyện xin Thiên Chúa giơ cao đánh khẽ. Họ hy vọng Chúa sẽ nhận lời cầu xin của họ. Thay đổi ở đây là một hình thức thay đổi tổng thể và trên bình diện toàn thành phố. Bởi lòng thống hối, Thiên Chúa tha thứ, thôi không luận phạt những kẻ biết ăn năn.

B. Thiên Chúa Toàn Cầu
Ngoài khoan dung, độ lượng, từ bi, và tha thứ, Thiên Chúa trong Sách Ngôn Sứ Giôna còn được minh họa là một Thiên Chúa của Toàn Cầu. Theo như tác giả sách ngôn sứ Giôna, mọi sắc dân trên mặt địa cầu đều thuộc về Chúa. Dù là lương hay giáo, họ đều là con cái của Chúa. Dù họ không thờ phượng Thiên Chúa, không biết Mười Điều Răn, họ đều phải sống công chính. Nếu không, họ sẽ bị luận phạt.

Người Assyria không biết Thiên Chúa là ai. Thiên Chúa chưa bao giờ hứa với tổ phụ người Assyria là con cái của ông sẽ đông như sao trên trời như cát dưới biển. Chúa không ký bất cứ một giao ước nào giữa Ngài với dân thành Ninivê. Họ chưa bao giờ được đọc Mười Điều Răn. Họ không có đền thờ Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa. Giavê không phải là Thiên Chúa mà dân thành Ninivê biết mặt, nghe tên, thờ phượng trong những ngôi đền thờ trên lãnh thổ Assyria. Giavê Thiên Chúa là một Đấng Thần Linh lạ mặt với dân thành Ninivê. Người Ninivê không bị ràng buộc liên quan với Giavê Thiên Chúa trong bất cứ điều khoản nào, ngoại trừ một điểm, Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ. Và bởi Thiên Chúa đã tạo dựng nên dân thành Ninivê, cho nên dù họ có biết hay không biết Thiên Chúa, dù Giavê có ký kết với họ bất cứ một giao ước nào hay không, dân thành Ninivê vẫn phải sống với những lề luật căn bản về đạo đức của con người. Nếu không, Thiên Chúa sẽ tiêu diệt dân thành Ninivê như Ngài đã từng thiêu hủy dân thành Sođôm và Gêrôram.

C. Giavê Thiên Chúa, Hóm Hỉnh
Nhắc tới Thiên Chúa của Cựu Ước, nhiều người tín hữu vẫn nghĩ Giavê Thiên Chúa là một Đấng luận phạt, nghiêm nghị, không nói không cười. Nhưng Thiên Chúa trong Sách Ngôn Sứ Giôna thì không như vậy. Đây là một trong những lần Thiên Chúa trong Cựu Ước xuất hiện với một khuôn mặt hóm hỉnh, hài hước. Ngài giỡn với ngôn sứ Giôna tương tự như hai em bé đang chơi trò đuổi bắt.
Lần thứ nhất Thiên Chúa đuổi. Ngôn sứ Giôna chạy. Chúa nhắm mắt lại. Giôna bỏ chạy xuống phố cảng Giốppa, tưởng rằng Chúa không làm chi được mình. Nhưng khi sóng bão nổi lên, Giôna biết, Thiên Chúa đã kiếm ra được ông. Cuộc đuổi bắt tiếp tục cho tới khi Giôna đề nghị người trên thuyền quẳng ông xuống biển. Chúa kiếm ra Giôna đang ngụp lặn trên mặt biển sóng dâng cao ngất. Ngài liền sai một chú cá lớn trồi lên, nuốt Giôna vào trong bụng. Sau cùng Chúa sai con cá nhả ông ra trên bờ biển.

Trong cuộc chơi cút bắt đầu tiên, Thiên Chúa thắng ngôn sứ Giôna. Bởi vậy, lần thứ hai, khi Thiên Chúa sai ông đi tới thành Ninivê, Giôna không chạy nữa, bởi biết mình không chạy nổi khỏi tay Thiên Chúa.

Sang lần thứ hai, Thiên Chúa và ngôn sứ Giôna chơi một trò chơi mới. Sau khi cự nự Chúa không giữ lời, để cho ông mất mặt với bàng dân thiên hạ, Giôna dựng một cái lều, ngồi đợi Chúa thay đổi ý định. Ngôn sứ Giôna hy vọng nếu Thiên Chúa thay đổi, danh dự và sĩ diện ngôn sứ của ông ta sẽ được cứu vãn. Trong lần đùa giỡn này Giavê Thiên Chúa trồng cho ngôn sứ Giôna một cây thầu dầu. Ngày hôm sau, Ngài đòi lại cây thầu dầu. Thế là Giôna hờn dỗi đòi chết, bởi vì cây thầu dầu đã bị Thiên Chúa lấy mất. Trong khi ngôn sứ đang hờn dỗi như một em bé, Thiên Chúa mở miệng dạy cho ngôn sứ Giôna một bài học về tình yêu bao la của Trời Cao.

Trong lần chơi thứ hai, Thiên Chúa lại hạ đo ván ngôn sứ đào ngũ Giôna.

III. Tại Sao Giôna Bỏ Chạy?
Giôna quyết định bỏ chạy bởi ông ích kỷ, ông chỉ nghĩ tới sĩ diện của mình. Giôna biết nếu dân thành Ninivê thống hối, cơ hội Chúa tha không luận phạt họ rất là cao. Nếu Chúa tha phạt dân thành Ninivê, ngôn sứ Giôna sẽ mất mặt với người dân đương thời, bởi những điều ông tuyên phán đã không xảy ra.

Nhưng sự thật ra, ngôn sứ Giôna không phải là nhân vật chính của Sách Ngôn Sứ Giôna, mà là Giavê Thiên Chúa. Sách Giôna muốn trình bày tới độc giả Kinh Thánh một Thiên Chúa của giầu lòng từ bi và toàn cầu. Ngài thương yêu con người nhưng Ngài không nuông chiều. Con cái của Ngài bất kể sắc tộc, Do Thái hay Ninivê, da vàng hay da đen, dân riêng hay dân chung, nếu sống trong tội lỗi, Ngài răn đe trừng phạt. Nhưng nếu họ biết thống hối, trông cậy vào lòng từ bi của Ngài, Giavê Thiên Chúa sẽ tha thứ và bỏ qua.
Đặc biệt nhất, Giavê Thiên Chúa trong sách Giôna không phải chỉ là một Thiên Chúa của từ bi và của toàn cầu, mà còn là một Thiên Chúa của đùa vua hóm hỉnh. Giôna chạy trốn, Ngài làm giông tố bủa vây chặn đường người ngôn sứ. Cuối cùng Ngài trồng cây thầu dầu rồi sai sâu cắn chết để dạy ngôn sứ một bài học về lòng từ bi và vị tha. Trong cả hai lần “đánh Xì Phé” với Thiên Chúa, Giôna đều đứng lên, cháy túi. Nhưng cuối cùng, người ngôn sứ đã có dịp hiểu thêm một chút về Tình Yêu của Thiên Chúa dành riêng cho con người, một Tình Yêu bao la, một Tình Yêu tuyệt đối, một Tình Yêu không luận bàn sắc tộc.□
(Trích 13 Suy Tư Thần Học Kinh Thánh và Truyền Giáo, 2023)
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1/3/2023 : Bảy Bác Sĩ Nổi Tiếng
Trà Lũ
21:54 28/02/2023
Lá thư Canada 1/3/2023: Bảy Bác Sĩ Nổi Tiếng

Canada đang bước vào cuối đông, đã bớt lạnh bớt tuyết. Sang tháng Ba rồi cơ mà. Nhìn tờ lịch tháng Hai vừa bỏ đi, tự nhiên tôi thấy có cái hay là hiếm thấy tháng nào có 7 ngày trong tuần đêu nhau, tháng thì có 5 Thứ Tư, 5 Thứ Năm và 5 Thứ Sáu như tháng Ba này. Chỉ riêng Tháng hai vừa qua, có 4 tuần lễ và tuần nào cũng 7 ngày đồng đều. Theo các nhà làm lịch thì cứ 840 năm mới có một tháng Hai như thế này: bảy ngày trong tuẩn đều dài bằng nhau. Hiếm quá chứ.

Nhìn vào thế giới thì chả có gì đặc biệt khác thường, vẫn chuyện Côvit đe dọa trở lại, vẫn chuyện Nga xâm lăng Ukraine, vẫn hình ảnh động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chuyện phi thuyền trinh thám của Trung Cộng. Còn ở dịa phương Canada thì có tin ông Thị Trưởng Toronto John Tory 68 tuổi yêu cô thư ký 31 tuổi, ông là một thị trưởng giỏi, đã làm thị trưởng liên tiếp 3 nhiệm kỳ, nay vừa xin từ nhiệm vì việc yêu đương ngoại khổ này. Và tin thứ hai là bà cựu thị trưởng Hazel Callion của Mississauga thành phố bên cạnh Toronto, đã làm thị trưởng 36 năm vừa từ trần thọ 101 tuổi. Cả 2 vị thị trưởng này đều được dân VN ta yêu quý.

À, còn tin địa phương này nữa, rất địa phương nhưng rất đáng chú ý là THỜI BÁO, tờ tuần báo lâu đời và uy tín từ thập niên 1980 ở Toronto và Montreal, trước đây THỜI BÁO có ấn bản Thứ Tư và Thứ Bày, nay chì còn phát hành Thứ Tư. Ai cũng yêu mến báo này vì giá trị các bài viết và số lượng quảng cáo lớn. Số báo Thứ Tư cuối tháng vừa qua đã tăng thêm 10 trang, từ 150 lên 160, báo viết: Chia tay ấn bản Thứ Bảy để Thời báo thứ Năm sẽ hay hơn và đi đến nhiều nơi hơn.

Về giao tình với ông hàng xóm Hoa Kỳ phía nam thì có chuyện này mới, là lâu nay nhiều khách du lịch từ Hoa Kỳ thường sang Canada bằng con đường tắt nổi danh Roxham, đường này chạy từ New York sang Quebec. Vì Roxham không phải là cửa khẩu chính thức nên ai qua lối này thì coi như đi chơi, không ai bị hỏi giấy tờ gì cả. Nhiều du khách từ Hoa Kỳ đã chở cả gia đình sang Canada bằng lối này, họ không bị bắt và trả về Hoa Kỳ, Tới đây là tới thiên đàng rồi, mọi sư khác sẽ tính sau. Báo chí vừa cho biết ông thủ hiến tỉnh bang Quebec nói rằng con đường Roxham này sẽ phải là điểm ưu tiên khi thủ tướng Trudeau gặp Tổng thống Biden nay mai.

À, Xin nói về một tin đang nổi cộm trong Giáo Hội Công Giáo VN hiện nay là có một ông thày bói và phong thủy, dính vào vụ án Vũ Nhôm, bị tù, sau khi dược thả ra thì ông sang Phi Luật Tân đi tu, mới tu 1 năm mà được phong chức linh mục ngay. Mọi người ngạc nhiên vô cùng, sao sống ở giáo phận Vinh mà lại sang Phi Luật Tân tu rồi chịu chức lẹ vậy, sao chỉ tu có 1 năm mà anh thày bói Hồ Hữu Hòa được phong linh mục nhanh chóng, vì theo giáo luật thì phải tu học ít nhất 7 hay 8 năm. Và việc này đã nổ lớn. Tên ông là Hồ Hữu Hòa, báo chí gọ là ông 3-H. Ông 3-H không thể một mình đi tắt và lẹ như thế được mà phải có ai đàng sau. Cái đàng sau này chính là sự diễn xuất của vị chưởng ấn tòa giám mục Vinh, LM NGuyễn Nam Viêt. Quả bom đã nổ lớn và còn đang nổ. LM chưởng Ấn đã bị cách chức… Đây là một sự kiện không vui chút nào cho Hội Đồng Giám Mục VN. Chuyện còn dài, số sau xin bàn tiếp.

Nhân nói chuyện ông 3-H. tôi liền nhớ tới chuyện một ông cha khác, đạo đức, thông thái, vui vẻ và ai cũng mến bên Hoa Kỳ. Đó là Cha Trần Công Nghị ( 1945-2021). Sau đây là lời Mục Sư Phan Thanh Bình viết về ngài trong cuốn ‘Học Nơi Trường Đời’ trang 59. ( MS Bình thuộc giáo hội Tin Lành. thông thái, và đạo đức, và sống lâu ở Hoa Kỳ, nổi tiếng về hơn 100 tác phẩm giảng đạo và hiện còn viết tờ ÁNH SÁNG hàng tháng, ở California. MS Bình ghi như sau:

LM Trần Công Nghị được giáo dân nhận định là một người giản dị đến độ xuề xòa. Ông luôn ăn mặc giản dị, nói năng giản dị, tính tình giản dị.

Mục Sư Bình kể lại kỷ niệm của một giáo dân nói về tính giản dị, bình dân và xuề xòa thế này:

…Cách đây hai mươi mấy năm, tôi không nhớ chính xác là năm nào, tôi ở trong đoàn hành hương Đất Thánh do LM Trần Công Nghị hướng dãn. Ông làm việc rất khoa học, xếp đặt mọi việc ăn khớp với nhau, đúng nơi, đúng thời điểm. Thí dụ đến địa điểm nào thì đoàn sẽ cư ngụ ở đâu, ai sẽ đón tiếp, ai sẽ hướng dẫn lộ trình thăm viếng. Chuyến hành hương năm ấy mọi chuyện diễn ra rất chính xác tốt đẹp. Ngày đầu tiên đoàn hành hương được đưa đến một khách sạn khang trang. Một nhóm người Việt đã trực sẵn ở đó để chào đón chúng tôi. Mọi người lục tục xuống xe, tay xách nách mang, nào vali nào thùng giỏ. Tôi cũng thế, riêng LM Trần Công Nghị chẳng mang theo gì cả, đi một cách thảnh thơi,. Tôi lại ăn mặc áo trắng quần đen chững chạc giống như một nhà tu. LM Trần Công Nghị đi bên cạnh tôi, ngài mặc áo bỏ ngoài quần, chân đi dép, không có vẻ gì là một linh mục. Một bà trong nhóm đón tiếp liền chạy ra mắng Cha Nghị: Ơ cái anh kia, cha mang xách nặng nề thế kia mà anh không chịu giúp gì cả ! Hãy giúp cha mau ! LM Trần Công Nghị không cải chính, với tay xách hộ tôi cái vali. Tôi vội lên tiếng: Bà ơi, bà lầm rồi, đây mới là Cha Nghị trưởng đoàn, còn tôi chỉ là giáo dân. Bà kia tưởng tôi nói đùa nên không tin, rồi quay qua Cha Nghị, bà nói thêm: Anh hảy xách vali cho Cha cẩn thận, đem vào phòng dành riêng cho cho cha trưởng đoàn. Trong bữa ăn chiều hôm ấy, tôi thuật lại việc xảy ra, cả đoàn được một mẻ vui cười thỏa thích.

Lời chép về Cha Nghị đúng quá và hay quá. Ngài sinh năm 1945 và mất năm 2021 giữa sự thương yêu và thương tiếc của mọi người. Tính của ngài lúc nào cũng vui vẻ hiền hòa và xuề xòa bình dân, trông ngài như một ông gốc nhà quê. Nào ai có thể ngờ rằng đây là một ông cha học thức uyên bác, du học ở giáo triều Roma 2 lần, lần 1 là 1967-1971 và thụ phong linh mục, lần hai 1977 - 1981 để lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học. Ngoài ra khi tới Mỹ năm 1971 cho tới 1975 ngài học ở Đại học Fordham ở New York môn Khoa Học xã Hội.

Cha Nghị đã phục vụ cộng đoàn giáo dân VN tại nhiều nơi, giữ nhiều chức, cao nhất là Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ, nhưng ngài nổi tiếng nhất là ông tổ của VietCatholic, một tổ chức truyền thông Công Giáo uy tín và danh tiếng khắp hoàn cầu. Ngài đã về với Chúa năm 2021. Thật là may mắn, các bạn thân của ngài như LM Nhạc Sĩ Văn Chi, LM Trần Văn Kiểm, Nhà văn Trần Phong Vũ, GS Nguyễn Long Thao, GS Trần Vinh, Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến, ca sĩ Kim Thúy…tất cả đang tiếp nối công trình to lớn của LM Trần Công Nghị. VietCatholic đang phát triển mạnh.

Cả làng tôi ai cũng thích Cha Nghị và Vietcatholic. Ai có gì thắc mắc thì đều mở Vietcatholic tìm hiểu là xong ngay, vì đây không có tin giả.

Tuần qua, sau khi bàn về Cha Nghị xong, làng tôi đã chuyển qua đề tài khác, đề tài món ăn ngon trên thế giới. Không ngờ đề tài món ăn cũng rộng lớn như đề tài bàn về sắc đẹp, vợ cả vợ hai, âm nhạc, hội họa. Làng tôi bàn về món ăn ngon đã bao lần, lần nào cũng đầy tiếng cười và tiếng tranh luận. Lần này thấy làng mê man cãi nhau về món nào ngon món nào không ngon, Cụ Chánh liền nhờ nhà thông thái Từ Hòe chung kết. Ông Từ Hòe liền cười hà hà, ông bảo rằng đây là vấn đề lớn và rất cá nhân, ta bảo món này ngon nhất là căn cứ vào số đông mà thôi. Theo báo chí thì thế giới có 10 món ngon này:

- Cà ri Massaman của Thái lan ăn với cơm trắng và gừng muối

- Pizza Neapolitan của Ý, đơn giản làm với bột mì, dầu olive, cà chua, húng quế và muối

- Chocolate của Mexixo

- Sushi Nhật Bản

- Vịt quay Bắc Kinh. Món này ngon là do tài đầu bêp biết xoay con vị béo cho chín đều

- Hamburger của Đức. Ai cũng nghĩ món này gốc ở Mỹ nhưng không phải, nó gốc từ Đức, gốc từ thành phố Humburg

- Bún Penang Assam Laksa của Malaysia

- Tom Yum Goong của Thái Lan

- Gà Muamba của Gabon

- Chả giò của Việt Nam

Nghe đến đây làng tôi lại nhao nhao lên, cãi nhau và chất vấn ông Từ Hòe. Ông liền cười rồi bảo: Thì tôi đã nói rồi mà, món ăn và sắc đẹp, không bao giờ thế giới thống nhất. Ông nào cũng coi vợ mình là xinh nhất y như con cóc bao giờ cũng coi vợ nó là đẹp nhất trần gian.

Nghe đến đây thì bồ chữ ODP trong làng lên tiếng. Về mục vợ đẹp vợ giỏi thì lão này xin trich lời triết gia Socrate ngày xưa cách đây hai ngàn năm, ông đã nói một câu để đời mà anh đàn ông nào cũng thuộc: ‘Bạn hãy lấy vợ đi vì mặt nào cũng có lợi. Nếu lấy được người vợ hiền thì bạn là người đàn ông hạnh phúc, còn nếu lấy phải một bà chằng lửa thì bạn sẽ thành một triết gia.

Làng lại phá ra cười. Triết gia gì, bạn là người sợ vợ thì có !

Trong lúc phe các bà lo nhà bếp thì phe liền ông chúng tôi nói chuyện thả giàn, đề tài vẫn là chuyện vợ chồng và chuyện ấy. Kể bạo nhất là ông H.O. gốc lính mà. Ông kể nhiều lắm, tôi còn nhớ vài chuyện này:

- Có cặp vợ chồng kia ôn lại các chuyên vui buồn trong 25 chung sống. Anh chồng nói: Anh rất sung sướng được sống với em 25 năm hạnh phúc. Nhìn về tương lai, anh không sợ khó khộng sợ khổ, anh chỉ sợ khô mà thôi. Bà vợ đáp ngay: em cũng rất hạnh phúc được sống với anh. Nhìn về tương lai em cũng không sợ khó sợ khổ mà chỉ sợ mềm mà thôi.

- Cô Xuân và Thu là 2 bạn thân, học chung lớp chung trường rồi lập gia đình. Một cô thì thành công giàu có, một cô cả đời lận đận. Một bữa kia vào dịp tết gặp nhau ở hội chợ, hai cô mừng quá nói đủ thứ chuyện. Cô Thu mới hỏi cô Xuân: Tao với mày cùng học một sách một thày mà mày thì lên như diều còn tao thì luôn luôn thấ bại, tại sao vậy? Cô Xuân mới cười lẳng lơ rồi dáp: Tao đâu có theo sách vở kinh tế nào, tao luôn lấy lỗ làm lời mà thôi. Thành công của tao là chỗ ấy.

- Đây là chuyện lễ cưới của một cặp trẻ, chú rể là một tân tòng mới nhập đạo. Buổi lễ sắp bắt đầu thì một cơn mưa lớn đổ xuống. Cô dâu đến sớm nên đã vào nhà thờ, chú rể đi trễ một chút nên bị cơn mưa. Sân nhà thờ ngập đầy nước nên chú rể phải xắn quần và cởi giày. Chú lội nước vào nhà thờ và chỉ kịp xỏ giày rồi tiến vội lên với cô dâu. Và cha chủ lễ đã tiến ra. Có tiếng ông trùm nhà thờ nói nhỏ với chú rể: Hãy kéo quần xuống cho cha làm phép. Vì chú rể là tân tòng nên chú không hiểu gì cả, chiều hôm qua khi tới tập nghi lễ thì có vụ kéo quần xuống đâu và Cha chủ tế chỉ có làm phép trên đầu chứ có làm phép ở dưới đâu. Ông trùm thấy chú rể ngơ ngác bèn vội chạy lên rồi kéo ống quần xuống vì chú đã xắn lên lúc găp mưa. Sau đó nghi lễ cưới đã được cử hành trọng thể.

Nghe xong các chuyện tếu này, làng thấy tôi im lặng lâu liền ép tôi phải kể một chuyện cười. Nghĩ một lúc thì tôi chợt nhớ chuyện một ông cha rủ tôi đi ‘trả thù dân tộc’. Đó là hồi đầu năm 1965, khi tôi được học bổng sang học bên Anh. Trước khi đi, ở Saigon tôi xin được visa ghé thăm Paris một tuần. Ôi hạnh phúc làm sao. Hồi đó LM nhạc sĩ Trần Phương Linh cũng đang dự hội dòng ở Paris. Cha Linh là thày dạy tôi ở trung học. Hai thày trò gặp nhau tại nơi được coi là thiên đàng này mà ai cũng mơ ước, nên vui quá sức. Thày dẫn trò đi coi mấy nơi nổi tiếng ở Paris, rồi ghé quán bên đường ăn bánh mì bagette. Ăn xong, Cha Linh bảo nhỏ tôi: Bây giờ bố con mình ‘đi trả thù dân tộc’ nha. Chúng tôi vẫn coi và vẫn gọi Thày Linh là bố. Tôi nghe mà giật mình, trả thù thật ư? Ngài vừa đi vừa cười, và dẫn tôi vào vườn Luxembourg. Khi tới một gốc cây to, ngài nhìn trước nhìn sau không thấy ai, liền bảo tôi: đái đi con, đái vào gốc cây to này cho nó sướng. Ngày xưa Tây nó sang VN mình cai trị, hà hiếp dân mình, bây giờ bố con mình đái vào gốc cây của Tây ở ngay thủ đô của nó cho nó tức. Bố con mình đang trả thù dân tộc đây. À, đối với ông cha, đái vào gốc cây của Tây là trả thu dân tộc. Ôi cái đầu ông cha thì trong sạch còn cái đầu của anh học trò này thì dơ dáy biết chừng nào !

Nói đến đây thì phe các bà từ trong bếp kéo ra và hỏi chúng tôi đang nói chuyện gì mà trong bếp các bà nghe tiếng cười hô hố. Ông Từ Hòe quả là nhà thông thái, ông lên tiếng ngay. Ông bảo phe các nhà quân tử chúng tôi đang bàn về những chuyện tình yêu mà lệch tuổi như chuyện ông thi trưởng John Tory ở Toronto trên đây, và ông giả bộ như đang kể tiếp:

- Kìa ông Henri Salvador 84 tuổi cưới cô ca sĩ trẻ mầm non Alizee 16 tuổi cách đây 60 năm. Thời ấy báo chí phỏng vấn cô ca sĩ tuổi chanh cốm này vì sao mà lại lấy cụ già tuổi ông cố của mình thì cô bé trả lời: Vì tôi yêu cái miệng cười của anh ấy quá. Tiếng cười không bao giờ có tuổi.

- Kìa cô đào già Elizabeth Taylor bên Mỹ. Năm bà 69 tuổi thì bà tuyên bố sẽ không lấy chồng nữa vì bà đã có 8 đời chông rôi, nếm đủ mùi chồng rôi, từ nay sẽ không lấy ai làm chồng nữa, nhưng ai mà kể chuyện có duyên và làm bà cười nhiều thì bà sẽ ở mãn đời với người dđó.

- Kìa ông sĩ quan Joseph Ronald gốc Áo trong thế chiến thứ nhất, bị quân Đức bắt được và định đem ra bắn. Khi lính trói anh vào cột thì anh ta cười sằng sặc, lính Đức ngạc nhiên vô cùng vì chưa bao giờ thấy một tù nhân sắp bị bắn mà cười cả. Lính Đức liền hỏi tại sao lại cười thì anh Ronald trả lời: trước khi vào lính thì tôi được một thày tướng nổi tiếng xem tướng tay tôi rồi bảo tôi có số giàu sang phú quý và trường thọ, tôi cười là vì chả lẽ cái số trường thọ của tôi là như thế này sao. Đội lính Đức nghe anh nói thế thì cũng phá ra cười và tự nhiên anh được tha mạng.

- Mấy bà mấy cô liền bảo nhau giá mà bọn mình biết tên ông thày tướng đó và giá mà ổng còn sống thì nhất định bọn mình sẽ đi gặp ông và xin ông xem cho một quẻ.

Cụ Chánh nghe đến đây thì cũng cười với cả làng và rồi cụ nói như một thánh nhân: Hạnh phúc không phải chỉ là giàu sang phú quý và trường thọ như anh người Áo Ronald trên đây. Và cụ nói như lời kết của buổi họp làng đầu tháng Ba này: Lão xin lập lại lời lão đã nói nhiều lần. Xin cả làng nhớ 2 lời vua danh hề quốc tế Charlie Chaplin nói khi 88 tuổi:

- Ngày mất mát nhiều nhất trong đời là ngày chúng ta không cười

- Chúng ta có 7 vị bác sĩ giỏi nhất thế giới luôn bên cạnh, là tiếng cười, mặt trời, sự nghỉ ngơi, thể dục, ăn uống, lòng tự trọng, và bằng hữu nghĩa thiết.

Lão vẫn hỏi lão hằng ngày: tôi đã gặp đủ 7 vị bác sĩ cần thiết này chưa?

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Tiên hạ thủ vi cường: Ukraine tấn công vượt biên giới đoàn tầu vũ khí. NATO lấp lổ hổng không quân
VietCatholic Media
02:58 28/02/2023


1. Thị trưởng thành phố Belgorod của Nga tuyên bố quân Ukraine tấn công xuyên biên giới vào các đoàn tàu Nga. Nổ lớn tại thành phố Mariupol.

Tình hình chiến sự tại thành phố Bakhmut và thành phố Vuhledar đã trở nên rất nghiêm trọng. Một trong những chiến thuật trước mắt của quân Ukraine là tấn công các tuyến tiếp tế của quân Nga tại thành phố Mariupol và cả ở các thành phố Nga giáp giới với Ukraine.

Chiều thứ Hai 27 tháng Hai, Thị trưởng Valentin Demidov của thành phố Belgorod cáo buộc quân Ukraine đã tấn công xuyên biên giới. Ông nói rằng xác của ba chiếc máy bay không người lái máy bay không người lái, đã được tìm thấy ở Belgorod.

Nhiều tiếng nổ lớn đã vang lên chung quanh khu vực nhà ga trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, ông nói: “Không có thương tích đã được báo cáo”.

Belgorad cách biên giới Ukraine khoảng 26 dặm hay 42km. Demidov cho biết một trong những chiếc máy bay không người lái đã đâm vào cửa sổ của một khu chung cư.

Thị trưởng cho biết thêm, những người trong khu nhà đã được chuyển đến một địa điểm an toàn và được cung cấp chỗ ở tại khách sạn trong khi các dịch vụ an ninh được triển khai.

Khu vực này hiện đang bị phong tỏa và việc khôi phục tài sản sẽ bắt đầu vào thứ Ba.

Đống đổ nát của hai máy bay không người lái khác đã được tìm thấy trên đường phố. Ông Demidov cho biết ba chiếc xe bị hư hỏng nhẹ.

Thị trưởng Valentin Demidov đã từ chối bình luận về các thiệt hại đối với các toa tầu chuyên chở vũ khí cho chiến trường Ukraine.

Những tiếng nổ rất lớn cũng đã xảy ra tại thành phố Mariupol, nơi đang là đầu mối cung cấp khí tài chiến tranh và nhân lực cho các chiến trường ở thành phố Bakhmut và thành phố Vuhledar.

Tại thành phố Mariupol, trong ngày Chúa Nhật, người dân đếm được ít nhất 16 xe tăng trên xe đầu kéo hướng về Volnovakha và Vuhledar. Bên cạnh đó, còn có các hệ thống phòng không S300 và S400. Nga cũng đưa thêm quân bổ sung cho chiến trường Vuhledar. Các tin tình báo cho thấy hàng ngàn tân binh mới bị gọi nhập ngũ đang tập trung tại khu vực ven biển trong hai làng Yalta và làng Urzuf.

Quân Ukraine rõ ràng là đang tìm cách tấn công các tuyến tiếp tế của quân Nga trong khi tình hình trong vùng Donbas đã trở nên khó khăn hơn trong mấy ngày qua.

2. Chỉ huy Ukraine nói tình hình “cực kỳ khó khăn” xung quanh Bakhmut

Tình hình “cực kỳ khó khăn” xung quanh thành phố Bakhmut phía đông, một chỉ huy Ukraine cho biết hôm thứ Hai.

“Mọi hướng đều khó khăn ở Bakhmut ngày hôm nay, 27 tháng 2. Họ muốn bao vây chúng tôi. Tình hình cực kỳ khó khăn ở sườn phía bắc xa xôi. Có những cuộc tấn công không ngừng của đối phương ở đó. Họ muốn cắt đứt một trong những con đường, tôi sẽ không nêu rõ con đường nào”, Đại tá Yuriy Madyar, chỉ huy Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 28, cho biết trong một tin nhắn video trên Telegram.

Các lực lượng Nga đang dần dần tiến về phía bắc và phía tây của Bakhmut và các đơn vị Ukraine đang phải vật lộn để duy trì quyền tiếp cận thành phố.

“Chúng tôi không có đủ phương tiện cho các hành động tấn công. Không có đủ đạn pháo, không đủ súng phóng lựu cầm tay”, vị chỉ huy nói.

Đại Tá Madyar cho biết thời tiết cũng là một vấn đề đối với lực lượng Ukraine. “Trời luôn có sương mù, bạn không thể nhìn thấy gì vào ban đêm. Nhiệt độ trên 0 trong ngày thứ ba liên tiếp, mọi thứ đang tan chảy. Độ ẩm thật khủng khiếp. Trời mưa liên tục trong ngày ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.”

Tuy nhiên, Đại Tá Madyar khẳng định rằng thành phố không bị bao vây.

“Để tôi kể cho bạn nghe về chiến thuật mới của người Nga. Quân chính quy tiến vào, nhưng sau đó vài ngày, chịu không nổi họ rút lui nhường cho các đơn vị tiền phương của Wagner.”

“Quân chính quy thường sợ tiến lên. Bây giờ các nhóm gồm 5,10, hay 20 quân Wagner đang tiến về phía trước, chiếm các vị trí... Wagner đang tấn công mọi hướng ở Bakhmut với tư cách là các nhóm tiến công không có quyền quay lại. Sau đó quân chính quy sẽ đến sau.”

3. Zelenskiy nói rằng tình hình ở Bakhmut đang trở nên khó khăn hơn đối với Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết tình hình ở thành phố phía đông Bakhmut “ngày càng trở nên khó khăn hơn”.

“Đối phương liên tục phá hủy mọi thứ có thể được sử dụng để bảo vệ các vị trí của chúng ta” Zelenskiy nói, ngay sau khi các chỉ huy quân sự nói về hàng trăm cuộc tấn công của Nga trong khu vực.

“Những người lính của chúng ta bảo vệ hướng Bakhmut là những anh hùng thực sự,” Zelesnky nói trong bản cập nhật video hàng ngày của mình.

Đầu ngày hôm nay, Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm lực lượng vũ trang phía Đông, nói với truyền hình Ukraine: “Bakhmut vẫn là tâm điểm cuộc tấn công của đối phương, nơi chúng đang tập trung đột phá hàng phòng ngự của chúng ta. Đặc biệt, trong khu vực có các khu định cư như Dubovo-Vasylivka, Yahidne, Ivankivske và Pivnichne.”

Các địa điểm vừa được đặt tên đều ở phía Đông của thành phố Bakhmut.

Cherevatyi cho biết: “Có 300 cuộc tấn công từ nhiều loại pháo và nhiều bệ phóng hỏa tiễn vào khu vực này của chiến tuyến. 60 trận giao tranh diễn ra, địch tổn thất 63 quân nhân chết và 141 bị thương các mức độ nặng nhẹ khác nhau”.

4. Báo động về điểm yếu của lực lượng không quân NATO: 'Các mối đe dọa thực sự đã bị bỏ qua'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Alarm Raised Over NATO Airpower Weaknesses: 'Real Threats Were Ignored'“, nghĩa là “Báo động được nêu lên về điểm yếu của lực lượng không quân NATO: 'Các mối đe dọa thực sự đã bị bỏ qua'“ Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo các chuyên gia quân sự, cộng đồng quốc phòng NATO đã biết về những thiếu sót trong lực lượng không quân Âu Châu trong nhiều năm, khi một báo cáo cảnh báo rằng cần phải có những thay đổi “khẩn cấp” trước sự gây hấn từ Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Vào ngày 22 tháng 2, một báo cáo được đưa ra bởi nhóm chuyên gia cố vấn Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, gọi tắt là RUSI, có trụ sở tại Luân Đôn, chuyên phân tích quân sự và quốc phòng, cho rằng “hầu như tất cả các lực lượng không quân Âu Châu” không có nhiều “khả năng quan trọng” để giành chiến thắng chống lại các lực lượng Nga trên không.

“Hầu như tất cả các lực lượng không quân Âu Châu, bao gồm cả Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, hiện đang thiếu nhiều khả năng quan trọng cần thiết để có thể đạt được và khai thác ưu thế trên không trước các lực lượng của Nga, hoặc thực sự là bất kỳ đối thủ nào với lực lượng phòng không mặt đất hiện đại và khả năng tấn công tầm xa,” tác giả của báo cáo, Giáo sư Justin Bronk viết.

Theo báo cáo, sức mạnh không quân là “nơi tập trung phần lớn hỏa lực và sức sát thương thông thường của NATO”, và việc duy trì điều đó là chìa khóa để ngăn chặn các lực lượng Nga tấn công các quốc gia NATO.

Bronk viết: Lực lượng không quân của NATO đã được phép “suy giảm” trong ba thập kỷ qua. Phân tích chi tiết đã xem xét một số khía cạnh của lực lượng không quân Âu Châu của NATO, bao gồm các căn cứ không quân dễ bị tổn thương, thiếu bảo trì và huấn luyện và có đủ đạn dược để phá hủy hệ thống phòng không của đối phương.

Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của liên minh, cho biết vào ngày 17 tháng 2 rằng NATO phải “tiếp tục đầu tư vào an ninh của chúng ta” và thêm rằng một chiến thắng cho Nga ở Ukraine sẽ là “nguy hiểm” đối với các quốc gia NATO.

“Cuộc xâm lược của Putin chứng tỏ phương Tây không còn đủ khả năng tự mãn về phòng thủ,” Tư Lệnh Phó không quân đã nghỉ hưu Sean Bell viết cho Sky News của Anh hôm thứ Bảy. Ông nói thêm: Việc nới lỏng chi tiêu quốc phòng vào cuối Chiến tranh Lạnh “đã để lại những lỗ hổng đáng kể trong năng lực quân sự tập thể của chúng ta”.

Các chuyên gia quân sự đã nói với Newsweek rằng mặc dù báo cáo của RUSI có thể là thông tin mới, nhưng thông tin về việc suy giảm năng lực không quân của NATO thì nhiều người đã biết.

Báo cáo hầu như không gây ngạc nhiên, cựu sĩ quan quân đội Anh Frank Ledwidge nhận xét. Ông nói: “Sức mạnh không quân đã “tập trung vào các mối đe dọa không liên quan” có nghĩa là “các mối đe dọa thực sự đối với an ninh của chúng ta đã bị bỏ qua”.

Ông gợi ý với Newsweek rằng “cuộc chiến chống khủng bố” đã làm cạn kiệt nguồn lực không quân của NATO, và Bronk cũng lập luận rằng lực lượng không quân NATO ở Âu Châu “phải giảm bớt các cam kết tùy ý như chống khủng bố”.

“Thật không may, điều đó không làm tôi ngạc nhiên chút nào,” Thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu Andrew Curtis, thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nói với Newsweek. “Đây không phải là một bất ngờ. Đây là thứ mà mọi người đã biết từ lâu.”

Nhưng lực lượng không quân và quân đội Anh nói chung đã “thực sự bị áp lực,” Curtis nói. “Các quỹ khó có thể trải rộng trên tất cả các khía cạnh chi tiêu có thể được coi là cần thiết, từ số lượng máy bay, đến việc gia cố nơi trú ẩn hoặc tăng khả năng sống sót của máy bay”. Ông nói thêm rằng các ưu tiên đã thay đổi khi hoàn cảnh phát triển.

“Cuối cùng, tất cả đều là ưu tiên, bởi vì không bao giờ có đủ tiền để xoay sở.”

Báo cáo của RUSI cũng cảnh báo rằng các lực lượng Âu Châu của NATO cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc các lực lượng của Mỹ bị Trung Quốc làm phân tâm. “Mối đe dọa quân sự của Trung Quốc có nghĩa là có ít tài sản quân sự của Mỹ hơn để củng cố Âu Châu trong một cuộc khủng hoảng,” Bronk viết, có nghĩa là Nga có thể tận dụng tối đa lực lượng Mỹ đang phải tham chiến ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để tấn công vào các thành viên NATO ở Âu Châu.

Ledwidge cho biết đây là một khả năng “hoàn toàn” có thể xảy ra. Curtis nói thêm rằng Trung Quốc là “nơi tập trung các quyết định của Hoa Kỳ”.

Curtis lập luận rằng: “Chắc chắn, bất cứ điều gì Nga làm khiến Mỹ không tập trung vào việc tăng cường quân đội của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ hài lòng. Nhưng theo cách tương tự, bất cứ điều gì làm giảm khả năng quân sự của Nga, để Mỹ có thể tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, đều có lợi cho Mỹ”

“Chúng ta biết rằng Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến ở Ukraine,” ông Stoltenberg cho biết hồi đầu tháng này.

“Nếu Tổng thống Putin giành chiến thắng ở đó, điều đó sẽ tác động đến những tính toán và quyết định mà họ sẽ đưa ra ở Bắc Kinh. Vì vậy, khi các cường quốc độc tài xích lại gần nhau hơn, hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, điều quan trọng hơn nữa là tất cả chúng ta, những người tin vào dân chủ và tự do, là chúng ta sát cánh cùng nhau trong NATO và với các đối tác của chúng ta trên khắp thế giới.”

Newsweek đã liên hệ với NATO và Bộ Quốc phòng Anh để xin bình luận.

5. Tư lệnh Ukraine cho biết ông đã nhắc lại nhu cầu về máy bay chiến đấu F-16 với tướng hàng đầu của Mỹ

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết ông đã nói chuyện với tướng hàng đầu của Mỹ hôm thứ Hai và nhắc lại sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng không của Kyiv thông qua máy bay chiến đấu đa năng F-16. Hoa Kỳ đã liên tục nói rằng họ không có kế hoạch gửi F-16 đến Ukraine.

Tướng Valerii Zaluzhnyi cho biết ông cũng đã nói chuyện với Tướng Mark Milley về việc cung cấp thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược, tình hình ở tiền tuyến và các kế hoạch tiếp theo của các lực lượng liên quan đến việc bảo vệ Ukraine.

“Mỗi quả đạn nhận được có nghĩa là mạng sống của những người lính Ukraine và thường dân hòa bình được bảo toàn. Chúng ta đang cầm cự được ở đó vì có sự hỗ trợ của các đối tác và chúng ta chắc chắn sẽ thắng thế,” Zaluzhnyi nói thêm.

6. Hãng hàng không Âu Châu tạm dừng tất cả các chuyến bay đến thủ đô Moldova do lo ngại một cuộc xâm lược của Nga vào quốc gia nhỏ bé này

Hãng hàng không giá rẻ Âu Châu Wizz Air đang tạm dừng tất cả các chuyến bay đến thủ đô Chisinau của Moldova bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 do một số “sự phát triển gần đây” ở nước này.

“Do những phát triển gần đây ở Moldova và rủi ro cao, dù không sắp xảy ra trong không phận của đất nước, Wizz Air đã đưa ra quyết định khó khăn nhưng có trách nhiệm là đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Chisinau bắt đầu từ ngày 14 tháng 3,” hãng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ hai.

Công ty đã không nêu rõ những phát triển gần đây mà nó đang đề cập đến.

Căng thẳng gia tăng ở Moldova, khi Tổng thống nước này Maia Sandu cáo buộc Nga sử dụng “những kẻ phá hoại” để gây bất ổn trong mưu toan lật đổ chính phủ hợp pháp của cô, và lặp lại những cảnh báo tương tự từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

7. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc đàm phán cho việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ được tái tục vào ngày 9 tháng 3

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan về nỗ lực gia nhập NATO của các nước Bắc Âu sẽ được nối lại vào ngày 9 tháng 3.

Cavusoglu cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình rằng “có những cam kết do Thụy Điển đưa ra để trở thành thành viên NATO. Chúng tôi không thể nói đồng ý với tư cách thành viên NATO của Thụy Điển mà không thấy các bước này”.

Thông tin thêm về các cuộc đàm phán: Vào Tháng Giêng, Ankara đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Stockholm và Helsinki sau khi xảy ra việc đốt Kinh Koran trong một cuộc biểu tình ở Thụy Điển.

Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhưng tất cả 30 quốc gia thành viên, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, phải chấp thuận hồ sơ xin gia nhập của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển trước tiên phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại những gì Ankara coi là khủng bố, chủ yếu là các chiến binh người Kurd và một nhóm mà họ đổ lỗi cho âm mưu đảo chính năm 2016.

8. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thực hiện chuyến đi không báo trước tới Kyiv để tái khẳng định hỗ trợ kinh tế cho Ukraine

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã thực hiện một chuyến đi không báo trước tới Kyiv vào hôm thứ Hai “để tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ đối với người dân Ukraine.” Yellen nói như trên với tờ New York Times, nhấn mạnh hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho Ukraine là “quan trọng hơn bao giờ hết.”

“Chúng ta không thể cho phép Ukraine thua cuộc chiến vì lý do kinh tế khi nước này đã thể hiện khả năng thành công trên chiến trường. Khả năng kháng cự quân sự của Ukraine phụ thuộc vào một chính phủ có thể hoạt động hiệu quả, cũng như một nền kinh tế ổn định có thể hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực quốc phòng trong dài hạn. Bằng cách củng cố 'mặt trận quê hương', hỗ trợ kinh tế của chúng ta đang giúp Ukraine có thể phòng thủ vững chắc trên tuyến đầu chống lại Nga,” bà viết.

“Khi đang ở Kyiv, Bộ trưởng Yellen thông báo về đợt chuyển giao gần đây nhất trị giá 1,25 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế và ngân sách từ Hoa Kỳ cho Ukraine,” một quan chức Bộ Tài chính cho biết.

Yellen đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy để thảo luận về hỗ trợ kinh tế đang diễn ra của Hoa Kỳ và “nêu bật những nỗ lực của Hoa Kỳ và liên minh toàn cầu của họ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga nhằm làm suy giảm cỗ máy chiến tranh của nước này và hạn chế doanh thu mà nước này có để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc của mình.” Yellen cũng gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal.

Chuyến đi của Yellen diễn ra ngay sau chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Kyiv vào tuần trước.

“Ông. Putin đang tin tưởng vào quyết tâm làm suy yếu của liên minh toàn cầu của chúng ta, điều mà ông ấy nghĩ sẽ giúp ông ấy chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến. Nhưng ông ấy đã sai. Như Tổng thống Biden đã nói ở đây vào tuần trước, Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể”

9. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cho biết bà hy vọng sẽ thấy “sự tổn hại ngày càng tăng đối với quỹ đạo kinh tế của Nga theo thời gian”

Trong khi nền kinh tế Nga vẫn chưa oằn mình trước hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm thứ Hai cho biết bà dự đoán nền kinh tế của Nga sẽ yếu đi theo thời gian khi nước này mất đầu tư nước ngoài và cạn kiệt nguồn dự trữ cho thời kỳ khó khăn.

Bà nói trong chuyến thăm không báo trước tới Kyiv: “Chúng ta sẽ thấy quỹ đạo kinh tế của Nga ngày càng bị ảnh hưởng theo thời gian. Và khả năng của họ để bổ sung các thiết bị quân sự đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của họ vào Ukraine đã bị đe dọa rất nhiều.”

Tuy nhiên, tình báo gần đây của Mỹ cho thấy Trung Quốc đang xem xét tăng cường hỗ trợ nền kinh tế và các nỗ lực chiến tranh của Nga, bao gồm cung cấp máy bay không người lái và đạn dược.

Yellen nói rằng một động thái như vậy sẽ mang lại những hậu quả “nghiêm trọng”.

Bà nói: “Chúng ta đã rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ không dung thứ cho những hành vi vi phạm có hệ thống của bất kỳ quốc gia nào đối với các biện pháp trừng phạt mà chúng ta đã đưa ra trong cố gắng tước đoạt quyền tiếp cận thiết bị quân sự của Nga để tiến hành cuộc chiến này. Và chúng tôi đã nói rất rõ ràng với chính phủ Trung Quốc và đã nói rõ với các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc rằng hậu quả của việc vi phạm các biện pháp trừng phạt đó sẽ rất nghiêm trọng.”

10. Ukraine hy vọng Hoa Kỳ sẽ cung cấp hơn 10 tỷ đô la hỗ trợ ngân sách, thủ tướng nói

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay dự kiến lên tới 38 tỷ USD, nhưng Hoa Kỳ cam kết cung cấp hơn 10 tỷ USD hỗ trợ ngân sách cho đến tháng 9. Shmyhal đã phát biểu như trên sau cuộc hội đàm ở Kyiv với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.

“Vào năm 2022, Hoa Kỳ dẫn đầu trong số tất cả các quốc gia đối tác về khoản hỗ trợ tài chính được cung cấp,” Shmyhal cho biết Hoa Kỳ đã cung cấp 13 tỷ đô la hỗ trợ tài trợ cho ngân sách.

“Những khoản tiền này được phân bổ cho các chương trình viện trợ y tế, giáo dục, xã hội và nhân đạo.”

Năm nay, ông nói, “Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 10 tỷ đô la vào tháng 9. Ngoài ra, Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine trong quá trình phục hồi nhanh chóng. Cụ thể, họ đã phân bổ 1,5 tỷ đô la cho mục đích này và 1,1 tỷ đô la khác để hỗ trợ sự phục hồi nhanh chóng của ngành năng lượng của Ukraine và Moldova.”

Shmyhal cho biết một nền tảng mới đã được giới thiệu để giúp điều phối công việc của các nước G7 và các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm Qũy Tiền Tệ thế giới và Ngân hàng Thế giới, liên quan đến hỗ trợ tài chính cho Ukraine.”

Shmyhal cho biết ông và Yellen cũng đã thảo luận về tác động tài chính và các biện pháp trừng phạt đối với ngân sách Nga. “Chúng ta cũng đã thảo luận về việc tiếp tục và hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với việc cung cấp các mặt hàng công nghệ cao sẽ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự của Nga.”
 
Bi thảm: Chúc lành bậy bạ, Anh Giáo tan rã. George Weigel cảnh báo: Hãy phân biệt mục tử và chó sói
VietCatholic Media
05:30 28/02/2023


1. Anh Giáo chính thức tan rã: Các nhà lãnh đạo Anh giáo bảo thủ bác bỏ thẩm quyền của tổng giám mục Canterbury

Một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho một phần đáng kể người Anh giáo trên thế giới đã bỏ phiếu trong tuần này để bác bỏ sự lãnh đạo của Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby sau khi Thượng Hội Đồng Giáo hội Anh vào đầu tháng Hai đã bỏ phiếu chúc lành cho các cặp đồng giới.

Tổ chức Global South Fellowship of Anglican Churches, gọi tắt là GSFA, bao gồm 14 trong số 25 tỉnh Anh giáo ở các khu vực như Phi Châu và Châu Đại Dương, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 20 tháng 2 cáo buộc Giáo hội Anh, do Đức Tổng Giám Mục Welby lãnh đạo, phá vỡ sự hiệp thông với các tỉnh vẫn trung thành với quan điểm trong Kinh thánh về hôn nhân là giữa một nam và một nữ.

Các nhà lãnh đạo GSFA cho biết Đức Cha Welby, khi cho phép việc kết hợp các chúc lành của các cặp đồng giới trong phụng vụ Anh giáo, đã mất vị trí lãnh đạo “đầu tiên trong số những người bình đẳng” của Hiệp thông Anh giáo toàn cầu.

“Với hành động này của Đại hội đồng Giáo hội Anh, chúng tôi tin rằng không thể tiếp tục hiệp thông như thế này được nữa. Chúng tôi không chấp nhận quan điểm rằng chúng tôi vẫn có thể 'đồng hành' với các tỉnh theo chủ nghĩa xét lại,” tuyên bố ngày 20 tháng 2 của GSFA nhấn mạnh.

“Với việc Giáo hội Anh và tổng giám mục Canterbury từ bỏ vai trò lãnh đạo của họ đối với Hiệp thông toàn cầu, các vị các tổng giám mục đứng đầu mỗi tỉnh sẽ nhanh chóng gặp gỡ, tham khảo ý kiến và làm việc với các vị giáo chủ chính thống khác trong Giáo hội Anh giáo trên khắp các quốc gia để thiết lập lại Hiệp thông Anh Giáo trên nền tảng Kinh thánh của nó”. Nói cho dễ hiểu là khối Hiệp thông Anh giáo như hiện nay, ngừng tồn tại từ ngày 20 tháng Hai.

Kể từ khi Hiệp thông Anh giáo được thành lập vào năm 1867 - bao gồm 42 Giáo Hội Anh giáo trên khắp thế giới - tổng giám mục Canterbury đã được coi là nhà lãnh đạo tinh thần và đạo đức của hiệp thông toàn cầu, mặc dù ông không có thẩm quyền ràng buộc.

Đức Cha Welby và Tổng Giám mục York Stephen Cottrell đã thông báo vào ngày 9 tháng 2 rằng Giáo hội Anh sẽ “công khai, không hạn chế và hân hoan chào đón các cặp đồng giới trong Giáo Hội”. Điều này xảy ra sau khi Đại hội đồng của Giáo hội Anh, bao gồm các giám mục, giáo sĩ và giáo dân, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 250-181 để chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng giới trong hôn nhân dân sự, trong khi vẫn giữ nguyên định nghĩa về hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.

Sau cuộc bỏ phiếu, GSFA cho biết họ “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Đức Tổng Giám Mục Welby, cáo buộc rằng nó “đi ngược lại ý chí áp đảo của Cộng đồng Anh giáo”. Người ta hoài nghi về tuyên bố rằng giáo lý Anh giáo về hôn nhân không thay đổi, viện dẫn nguyên tắc rằng “phụng vụ Anh giáo thể hiện giáo lý của nó”.

GSFA, được thành lập vào năm 1994, tuyên bố đại diện cho phần lớn người Anh giáo trên thế giới — khoảng 75%, tương đương khoảng 64 triệu người Anh giáo. GSFA được chủ trì bởi Đức Tổng Giám Mục Justin Badi, tổng giám mục của Nam Sudan.

Phát ngôn nhân của Cung điện Lambeth nói với BBC rằng họ “hoàn toàn đánh giá cao” lập trường của GSFA nhưng nói thêm rằng “những bất đồng sâu sắc” giữa những người Anh giáo về tình dục và hôn nhân đã có từ lâu và những cải cách ở một tỉnh không ảnh hưởng đến các quy tắc ở những tỉnh khác.

Mặc dù các cuộc tranh luận về hôn nhân đồng giới đã tồn tại trong Anh giáo trong nhiều thập kỷ, nhưng Hiệp thông Anh giáo đã bị rạn nứt đáng kể vào năm 2003 khi Nhà thờ Tân giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ bỏ phiếu tấn phong giám mục Gene Robinson, một người đồng tính nam có quan hệ đồng giới.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh đã gặp gỡ các thành viên khác của cộng đồng Anh giáo vào mùa hè năm ngoái tại Hội nghị Lambeth mỗi thập kỷ một lần, trong đó hàng giáo phẩm đã thảo luận về các câu hỏi liên quan đến tình dục và hôn nhân đồng giới. Welby kết luận vào thời điểm đó rằng phần lớn các giáo sĩ khẳng định giáo lý rằng hôn nhân là giữa một nam và một nữ, mặc dù một số thành viên không đồng ý.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo, đặc biệt là ở Tây Âu, cũng đã thúc đẩy việc chúc lành cho các cặp đồng giới. Với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 3 năm 2021 đã phán quyết rằng Giáo Hội Công Giáo không có quyền chúc lành cho các cặp đồng giới. Mặc dù Bộ Giáo Lý Đức Tin công nhận “mong muốn chân thành được chào đón và đồng hành cùng những người đồng tính luyến ái”, nhưng Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng Thiên Chúa “không và không thể chúc lành cho tội lỗi”.


Source:Catholic News Agency

2. “HÒA NHẬP” VÀ Công Giáo

Một thuật ngữ thường được nhắc đến trong những ngày này là “inclusion” hay “hòa nhập”, hoặc nôm na hơn là “bao gồm”, được ví von trong Tài Liệu Làm Việc về Thượng Hội Đồng về đồng nghị như cái lều thật to bao gồm càng nhiều người càng tốt.

Hòa nhập đã là chiêu bài để vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, Thượng hội đồng của Anh Giáo đã bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất của Hạ viện về việc chấp thuận chúc lành cho các cuộc hôn nhân đồng giới. Phản ứng lại diễn biến này 25 trong số 42 Giáo tỉnh trong Hiệp thông, trải rộng trên 165 quốc gia quyết định tách ra khỏi khối Hiệp Thông Anh Giáo.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “INCLUSION” AND CATHOLICISM, nghĩa là “‘HÒA NHẬP’ VÀ Công Giáo”.



Ngày trước, những trẻ nhỏ Công Giáo được dạy rằng Giáo Hội có bốn “dấu ấn”: Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo (hay “phổ quát”) và tông truyền. Những dấu ấn này bắt nguồn từ Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê-Constantinople, mà chúng ta đọc trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và các lễ trọng phụng vụ. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Giáo Hội “không sở hữu” những thuộc tính “liên kết bất khả phân ly” này “của chính mình”; đúng hơn, “chính Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, làm cho Giáo Hội của Người trở nên duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, và chính Người kêu gọi Giáo Hội thể hiện các thuộc tính ấy” (GLCG 811).

Bạn sẽ lưu ý rằng “bao gồm” không phải là một trong những dấu ấn của Giáo Hội do Chúa Kitô ban cho, mặc dù “phổ quát” là một dấu ấn như vậy. Sự khác biệt, như mọi khi, là quan trọng.

Tính phổ quát phải là đặc điểm của sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, vì Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải đi và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mat. 28:19). Và một loại bao gồm nhất định biểu thị một thực tế quan trọng của Giáo Hội: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Galat 3:27-28). Hơn nữa, Giáo Hội được Chúa mời gọi để phục vụ mọi người chứ không chỉ phục vụ những người của riêng Giáo Hội; như nhà xã hội học lịch sử Rodney Stark đã chỉ ra, việc chăm sóc những bệnh nhân không phải Kitô Hữu trong thời tiên khởi đã thu hút nhiều người cải đạo sang Kitô Giáo trong thời cổ đại, khi người bệnh thường bị bỏ rơi, ngay cả bởi chính gia đình của họ.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận, những biểu hiện về tính bao gồm của Giáo Hội (hay còn gọi là tính Công Giáo, hoặc tính phổ quát) không phải là điều mà nền văn hóa thức thời đương đại muốn nói trong thuật ngữ “bao gồm”. Như thường được sử dụng ngày nay, “bao gồm” là mật mã để chấp nhận định nghĩa về bản thân của mọi người như thể định nghĩa về bản thân đó rõ ràng gắn liền với thực tế, vốn dĩ không thể thách thức, và do đó là sự khẳng định mang tính mệnh lệnh.

Điều đáng lưu ý trong bối cảnh này là đôi khi chính Chúa Giêsu thực hành một số loại trừ nghiêm trọng. Chẳng hạn, Ngài đã loại trừ khỏi các mối phúc một loại tội nhân: “Ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, thì không bao giờ được tha thứ” (Mc 3:29). Và sự lên án của Ngài cũng rất nghiêm khắc đối với những kẻ tàn ác: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.”(Mt. 25:41). Và đây là số phận của những kẻ cám dỗ những người đơn sơ: “Thà buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Lc 17,2). Và quyết tâm của Ngài là ném “lửa xuống thế gian” (Lc 12:49) và thiêu rụi tất cả những gì chống lại Nước Đức Chúa Trời.

Câu hỏi về “sự hòa nhập” và sự tự hiểu của Giáo Hội gần đây đã được nêu lên trong một bài báo xuất bản ở Mỹ của Đức Hồng Y Robert McElroy, bởi vì tính nhạy cảm được thể hiện trong bài báo của Đức Hồng Y không phải là tính nhạy cảm của Kinh thánh, của các Giáo phụ trong Giáo Hội, của Công Đồng Vatican, hay Sách Giáo Lý Công Giáo. Đó là sự nhạy cảm của nỗi ám ảnh về “sự hòa nhập” của nền văn hóa thức thời.

Một cách giản lược, bài báo gợi ý rằng, vì những lo ngại về tính bao gồm, việc phong chức linh mục thừa tác cho phụ nữ và sự nhất quán đạo đức liên quan đến tình dục đồng giới phải là những câu hỏi mở. Nhưng đó không phải là giáo huấn đã được thiết định của Giáo Hội Công Giáo. Làm sao một người đàn ông cực kỳ thông minh, là người đã long trọng tuyên thệ chấp nhận giáo lý đó và hứa sẽ tuân giữ nó, lại có thể nghĩ khác được?

Giống như nền văn hóa thức thời đương đại, bài báo của Đức Hồng Y dường như coi lý thuyết giới tính là một hình thức thế tục của chân lý được mặc khải. Trên thực tế, các lý thuyết về “giới tính” và “tính linh hoạt của giới tính” được xây dựng theo văn hóa hoàn toàn mâu thuẫn với sự mặc khải của Thiên Chúa: “Ngài dựng nên họ có nam và nữ” (Sáng. 1:27).

Bài báo đưa ra những tuyên bố ngông cuồng (và không có nguồn gốc) về “những động cơ” phổ biến chống lại “cộng đồng LGBT”, coi những thái độ “nội tạng” như vậy là “ma quỷ”. Nhưng Đức Hồng Y McElroy không có gì để nói về những áp lực văn hóa, nghề nghiệp và luật pháp nghiêm trọng (và dễ ghi chép lại) mà người ta đang gây ra cho những người xiển dương trật tự đúng đắn của tình yêu con người, và từ chối chạy theo não trạng thức thời.

Bài ca của cơn cuồng hòa nhập thức thời là khái niệm tự do trẻ con của Frank Sinatra: “Tôi đã làm theo cách của mình.” Thắp hương trước bàn thờ của chủ nghĩa ấu trĩ như vậy sẽ không đưa những người nam nữ đến với Chúa Kitô, Đấng đã liên kết tự do với sự thật: “anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Gioan 8:32). Giáo Hội Công Giáo là một sự hiệp thông giữa những người nam và nữ, tất cả đều đấu tranh với sự yếu đuối của con người khi đối mặt với những thăng trầm của thân phận con người. Nhưng sự hiệp thông các môn đệ ấy cũng đã được chính Chúa ban cho những chân lý thực sự giải thoát – những chân lý không bị các nhóm thảo luận khẳng định hay phủ nhận. Như tác giả Kinh Thánh đã nhắc nhở độc giả của mình (và cả chúng ta), “Đừng để bị lôi cuốn bởi đủ thứ giáo huấn lạ lùng” (Dt 13:9), vốn đe dọa việc rao giảng Tin Mừng.

“Bao gồm” theo kiểu thức thời không phải là Công Giáo đích thực.
Source:First Things

3. Nhật Ký Trừ Tà số 229: Các Thiên Thần Trong Buổi Trừ Tà

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary number 229: Angels in an Exorcism”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 229: Các Thiên Thần Trong Buổi Trừ Tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phiên trừ tà đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Con người đau khổ, biểu hiện đầy đủ, đã thoát ra khỏi những dây buộc rất chắc chắn một cách đáng kinh ngạc. Nắm đấm của anh ta bắt đầu bay và người trừ tà lo sợ cho sự an toàn của mọi người. Bằng một giọng chắc nịch, ngài cầu khẩn Quyền năng Thiên thần để kiềm chế lũ quỷ. Ngay lập tức, cánh tay của người hung hăng này buông xuống và cơ thể anh ta mềm nhũn. Đội trừ tà đã nhanh chóng đặt các dây buộc trở lại vị trí. Anh ta lại bắt đầu vùng vẫy, nhưng lần này, anh ta thậm chí còn bị giữ chặt hơn.

Một linh mục khác của chúng tôi đang cầu nguyện cho một nhóm nhỏ những người bị quỷ ám bằng những lời cầu nguyện giải thoát và chữa lành. Ngài đã gọi đích danh chín phẩm thiên thần và đặc biệt kêu gọi các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Raphael và Gabriel. Sau đó, mỗi người trong nhóm đều cảm nhận được sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần và được yên nghỉ trong bình an và an ủi sâu xa. Hai người trong số họ cho biết đã được chữa lành về thể chất - một người cảm thấy như có lửa đốt ở đầu gối bị viêm khớp của mình và cho đến nay, cô có thể đi lại mà không bị đau. Người kia tuyên bố đã được chữa lành khỏi một khối u.

Nhận thức rõ hơn về sự can thiệp mạnh mẽ của các thiên thần trong các phiên trừ tà của mình, chúng tôi thường xuyên sử dụng “Áo che ngực của Thánh Patrick”. Khi chúng tôi cầu khẩn các thánh thiên thần, chúng tôi thường xuyên lặp lại nhiều lần để có hiệu quả cao hơn: “Hôm nay, tôi phó dâng người này cho sức mạnh của đội binh các thiên thần Cherubim, cho chín phẩm Thiên thần, cho các Tổng lãnh thiên thần…”.

Là một nhà trừ quỷ, tôi cảm thấy gần gũi với các thiên thần. Các ngài là những người bạn đồng hành không ngừng của chúng tôi. Nhưng đôi khi tôi quên mất sự can thiệp của các ngài mạnh mẽ như thế nào. Những khoảnh khắc như thế này nhắc nhở chúng ta rằng các ngài được ban cho để sử dụng quyền năng của Thiên Chúa và thanh gươm của Thánh Linh. Tôi cảm ơn Chúa vì những người bạn mạnh mẽ và xinh đẹp như vậy. Tôi sẽ kêu gọi các ngài trong mỗi phiên trừ tà.
Source:Catholic Exorcism
 
Tổng kho dầu Nga nổ tung. Phi trường, không phận St Petersburg đóng cửa. 3 tháng tới rất quan trọng
VietCatholic Media
16:21 28/02/2023


1. Tổng kho xăng dầu miền Nam nước Nga nổ tung. Hỏa hoạn kéo dài suốt đêm.

Sáng thứ Ba 28 Tháng Hai, ngọn lửa cháy suốt một đêm đã được dập tắt tại tổng kho xăng dầu phía nam nước Nga. Một quan chức địa phương cho biết đám cháy ở thị trấn Tuapse của Nga được báo cáo vào lúc 2h30 sáng giờ địa phương ngày thứ Ba và lan rộng ra một khu vực trước khi được dập tắt.

Tuapse, với dân số 63.000 người, nằm trên bờ biển phía nam của Nga, thuộc khu vực Krasnodar Krai, cách bán đảo Crimea khoảng 240 km về phía đông nam.

Thống đốc khu vực Krasnodar Krai, là ông Veniamin Kondratyev, khẳng định vụ hỏa hoạn là do bị các máy bay không người lái tấn công. Dù trận hỏa hoạn kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ, Kondratyev nói: “Các thùng dầu không bị ảnh hưởng. Không xảy ra tràn đổ sản phẩm dầu. Không có thương tích nào”.

Từ sau khi cây cầu bắc qua eo biển Kerch của Nga bị tấn công, quân Nga đã không thể tiếp tế nhiên liệu bằng đường sắt thẳng từ Nga vào các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine. Thay vào đó, họ di chuyển nhiên liệu bằng các tầu chở dầu từ các cảng miền Nam nước Nga vào bán đảo Crimea, rồi từ đó vào các chiến trường.

Mạc Tư Khoa đã báo cáo các sự việc lẻ tẻ tại cơ sở hạ tầng dầu khí ở các khu vực gần Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu một năm trước. Các quan chức Nga thường đổ lỗi cho Kyiv đưa máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga.

2. Sợ Ukraine tấn công, Nga đình chỉ các chuyến bay và đóng cửa không phận quanh St Petersburg

Sân bay Pulkovo của Nga ở St Petersburg đã tạm thời đình chỉ tất cả các chuyến bay vào thứ Ba, chính quyền thành phố cho biết, trong bối cảnh truyền thông Nga đưa tin chưa được xác nhận về một vật thể không xác định, có thể là một máy bay không người lái, đang bay lơ lửng phía trên thành phố. Điều khôi hài là thành phố St Petersburg cách biên giới gần nhất với Ukraine đến 1.451km.

Reuters báo cáo rằng chính quyền thành phố lớn thứ hai của Nga cho biết trên kênh Telegram chính thức của mình rằng họ đã tạm dừng tất cả các chuyến bay tại sân bay từ sáng sớm cho đến trưa theo giờ địa phương. Chính quyền thành phố không cung cấp một lý do cho việc đình chỉ.

Hãng thông tấn Tass của nhà nước cho biết không phận trong bán kính 200 km của Pulkovo đã bị đóng cửa cho đến 13h20 giờ địa phương.

Một báo cáo phương tiện truyền thông chưa được xác nhận từ hãng tin trực tuyến Baza của Nga cho biết một vật thể không xác định đã được phát hiện trên bầu trời và các máy bay chiến đấu đã được điều động để điều tra.

3. Điện tặc Ukraine đang khiến nước Nga điêu đứng. Các đài phát thanh Nga kêu gọi dân chúng tìm nơi trú ẩn khẩn cấp

Bộ các tình trạng khẩn cấp cho biết một cuộc tấn công tin tặc đã khiến một số đài truyền hình khu vực của Nga đưa ra cảnh báo sai vào hôm thứ Ba kêu gọi mọi người tìm nơi trú ẩn trước một cuộc tấn công hỏa tiễn sắp tới.

Reuters đưa tin rằng trong một tuyên bố, Bộ này cho biết như sau: “Do vụ tấn công máy chủ của các đài phát thanh và kênh truyền hình, ở một số vùng của đất nước, một số cảnh báo hàng không giả mạo đã được phát đi. Thông tin này là sai và không tương ứng với thực tế.”

Trong số các khu vực phát tán tin nhắn giả mạo có Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 trong một động thái không được quốc tế công nhận.

Theo các hình ảnh được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, trên truyền hình khu vực, một hình ảnh được chiếu với biểu tượng một người đàn ông đang chạy tìm chỗ ẩn nấp khỏi các hỏa tiễn đang lao tới và thông báo có nội dung “Mọi người hãy đến nơi trú ẩn ngay bây giờ”

Một cuộc tấn công tương tự đã khiến các đài phát thanh thương mại ở một số khu vực của Nga gửi tin nhắn báo động vào thứ Tư tuần trước.

4. Quân Wagner ném vào chiến trường thành phố Bakhmut những đơn vị tinh nhuệ nhất

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 28 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tại thành phố Bakhmut, Nga đang “tăng cường độ tấn công” bằng “chiến thuật làm kiệt sức và hủy diệt toàn bộ”.

Nói một cách ngắn gọn và đơn giản: tình hình tiền tuyến rất phức tạp. Đối phương đang gia tăng cường độ tấn công, và nhân lực, bất kể các thương vong.

Cô nhấn mạnh rằng: Tình hình xung quanh thành phố Bakhmut đang bị bao vây là “cực kỳ căng thẳng”, một phần là do có sự tham gia của các đơn vị tấn công “được huấn luyện tốt nhất” của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner.

Chỉ huy lực lượng Lục Quân của Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi nói rằng “bất chấp những tổn thất đáng kể,” trong cuộc chiến giành thành phố phía đông, “đối phương đã ném các đơn vị tấn công Wagner được huấn luyện tốt nhất vào cuộc tấn công, cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của quân ta và bao vây thành phố.”

Quân đội Ukraine đang phải vật lộn để duy trì quyền tiếp cận Bakhmut khi các lực lượng Nga đang dần dần tiến xa hơn về phía bắc và phía tây thành phố trong những tuần gần đây.

Đồng thời, đối phương đang phải chịu những tổn thất đáng kể, mỗi ngày mất từ 600 đến 1.000 người.”

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết tại khu vực Donetsk, thời tiết ấm lên đột ngột đã làm mềm mặt đất đóng băng, biến bãi chiến trường thành bùn. Sự tan băng vào mùa xuân có thể biến đường xá thành sông và cánh đồng thành đầm lầy không thể vượt qua.

“Cả hai bên đều giữ nguyên vị trí của mình, vì như bạn thấy đấy, mùa xuân có nghĩa là bùn. Vì vậy, không thể tiến lên phía trước”.

Nga đang nỗ lực bao vây Bakhmut, buộc Ukraine phải rút quân đồn trú. Điều đó sẽ mang lại cho Mạc Tư Khoa giải thưởng lớn đầu tiên sau hơn nửa năm tăng cường tấn công vào một số địa điểm dọc theo mặt trận ở phía đông.

Cuộc giao tranh khốc liệt để giành lấy thành phố công nghiệp là trận chiến kéo dài nhất trong cuộc xâm lược kéo dài một năm của Nga. Chiến thuật của quân Nga hiện nay là cố gắng cắt đứt đường tiếp tế cho các lực lượng Ukraine bên trong thành phố đổ nát, nơi từng là nơi sinh sống của khoảng 75.000 người.

Trong 24 giờ qua, 550 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng 3 xe tăng và 6 xe thiết giáp, và 4 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 28 Tháng Hai, Nga đã mất khoảng 149.240 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch còn bao gồm 3.388 xe tăng, 6.630 xe thiết giáp, 2.383 hệ thống pháo, 478 hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống tác chiến phòng không, 300 máy bay, 288 trực thăng, 2.051 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.252 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Ba tháng tới là thời gian rất quyết định đối với Ukraine và Nga

Ba tháng tới ở mặt trận sẽ rất sôi động và quyết định diễn biến tiếp theo của các sự kiện.

Giám đốc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

“Người Nga sẽ khá tích cực. Rất tích cực và sẽ quyết định quá trình tiếp theo của các sự kiện dựa trên kết quả của 3 tháng tới. Sẽ có những nỗ lực từ phía họ và từ phía chúng tôi,” Tướng Budanov nói. Ông nhấn mạnh rằng điều này không chỉ gói gọn trong khu vực miền đông Ukraine.

Theo Budanov, Nga hiện chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến trường kỳ do nguồn lực hạn chế, mặc dù thực tế chiến trường cho thấy họ không có khả năng thắng nhanh.

“Họ đang thể hiện bằng mọi cách rằng họ đã sẵn sàng cho 'một cuộc chiến trong nhiều thập kỷ', nhưng trên thực tế, nguồn lực của họ khá hạn chế. Cả về thời gian và số lượng. Và họ biết rất rõ điều đó”.

Budanov cũng bày tỏ quan điểm rằng, để xoay chuyển cục diện cuộc chiến, Ukraine cần được tăng cường cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay tấn công. Ukraine hiện đang đàm phán để có được không phải máy bay tấn công mà là máy bay chiến đấu.

6. Nga thực hiện hơn 10 cuộc tấn công mạng vào Ukraine mỗi ngày

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Independent của Anh Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, Thiếu tướng Vasyl Maliuk cho biết Nga đang thực hiện hơn 10 cuộc tấn công mạng vào Ukraine mỗi ngày

“Đây là những kiểu tấn công khác nhau, đôi khi thực sự lớn, đôi khi khá tinh vi. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Nga thực hiện hơn 10 cuộc tấn công mạng... Mục tiêu của chúng khá đa dạng: tài nguyên nhà nước, cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhưng chúng tôi cũng đang chống lại đối phương thành công trong không gian mạng,” ông nói.

Vào năm 2020, SBU đã ghi nhận 800 cuộc tấn công mạng, vào năm 2021 là khoảng 2.000. Nhưng sau cuộc xâm lược, họ đã ghi nhận được hơn 4.500.

Theo Maliuk, trước sự đa dạng chưa từng có của các cuộc tấn công từ Nga, SBU đã phải “tổ chức lại hoàn toàn” để chống lại các mối đe dọa.

“Các sĩ quan SBU thực sự sống ở tiền tuyến. Các chuyên gia không gian mạng của chúng ta làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm để đẩy lùi các cuộc tấn công mạng của đối phương,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng công việc trong không gian mạng “đã tăng lên đáng kể.”

Maliuk cho biết bất chấp các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận, cả thể lý và kỹ thuật số, Ukraine sẽ chiến thắng. “Tôi, cũng như bất kỳ người Ukraine nào, không ảo tưởng về Putin và động cơ của ông ta trong cuộc chiến này. Do đó, thông điệp của tôi với ông ta rất đơn giản: ông sẽ không bao giờ làm chúng tôi gục ngã hoặc tiêu diệt được chúng tôi. Chúng tôi đang chiến đấu không chỉ vì tương lai của Ukraine mà còn vì tương lai an toàn của toàn bộ thế giới văn minh”, ông nói.

7. Tình báo Ukraine cho biết Serbia đã từ chối cung cấp vũ khí cho Nga

Chính phủ Serbia, mà đa số người Nga ủng hộ cuộc xâm lược của Putin đặt nhiều kỳ vọng, đã từ chối gửi vũ khí cho Mạc Tư Khoa trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.

Giám đốc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

“Trên thực tế, gần như quốc gia duy nhất thực sự chuyển giao cho Nga ít nhiều vũ khí sát thương nghiêm trọng là Iran. Tôi sẽ không nói với bạn bất cứ điều gì mới ở đây. Có báo cáo rằng một cái gì đó đến từ Bắc Triều Tiên, nhưng chúng tôi không có xác nhận về điều này. Và không có một trường hợp nào chúng tôi ghi lại rằng một số vũ khí đến từ Bắc Triều Tiên và nó đã được sử dụng. Có lẽ chúng tôi chưa nhìn thấy nó hoặc có lẽ các vũ khí ấy sẽ đáp ứng một số nhu cầu khác. Đối với các quốc gia khác, Nga cố gắng mua bất cứ thứ gì ở bất cứ đâu - bởi vì vấn đề của họ thực sự rất quan trọng. Serbia, nơi mà mọi người ở Nga đều đặt nhiều hy vọng, đã từ chối gửi vũ khí cho họ,” Budanov nói.

Theo người đứng đầu cơ quan tình báo, có một số nỗ lực nhất định được Nga thực hiện để mua vũ khí thông qua các nước thứ ba với quy mô lớn hơn hoặc ít hơn.

“Bây giờ họ đang cố gắng với Miến Điện. Chúng tôi sẽ xem những gì sẽ đến từ quốc gia này theo thời gian. Nhưng trên thực tế, về nguồn cung cấp vũ khí, Nga chỉ giới hạn ở Iran. Đó là tính đến ngày hôm nay ngày mai tình hình có thể khác”.

Budanov nói rằng Liên bang Nga trên thực tế là một nhà nước “bong bóng”.

“Và điều này đã được lên tiếng bao nhiêu lần rồi? 'Lằn ranh đỏ! Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, họ đã sử dụng chúng gần hết rồi!' Điều này đã diễn ra được một thời gian... Lần đầu tiên nó xảy ra là vào cuối mùa xuân, và sau đó nó tiếp tục diễn ra mỗi tháng rưỡi một lần. Đỉnh điểm là từ cuối mùa hè đến giữa mùa thu. Những hăm dọa đã xảy ra chưa? Chưa, chúng đã chưa xảy ra. Họ có thể giáng đòn này không? Theo giả thuyết, mọi thứ đều có thể xảy ra trong cuộc sống này. Nhưng điều đó có thực tế không? Không, không thể. Đó là bởi vì Nga là một quốc gia 'bong bóng xà phòng'. Họ phóng đại mọi thứ,” Budanov nói.

Theo quan chức tình báo hàng đầu, các nhà lãnh đạo Nga khác xa với những kẻ ngốc mà họ đang cố gắng thể hiện trước toàn thế giới.

“Họ hiểu rõ vấn đề chính: vũ khí hạt nhân không phải là vũ khí – chúng chỉ là phương tiện răn đe chiến lược. Thứ hai, bất kỳ ai trên thế giới dám sử dụng khả năng răn đe hạt nhân đều sẽ dẫn đến hậu quả chết người cho kẻ làm điều đó. Dù đó là ai,” người đứng đầu GUR nói thêm.

Trước đó, ông Budanov cho biết hơn 60% khí tài quân sự của Nga đã được đưa ra khỏi các kho lưu trữ dài hạn, Nga đang thiếu các phương tiện chiến đấu bọc thép do nhiều đơn vị mới thành lập buộc phải lái xe tải Ural và KamAZ để thay thế.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh về trường hợp chiếc máy bay A50 của Nga nổ tung tại Belarus

Vào ngày 19 Tháng Giêng năm 2023, những người nghiệp dư theo dõi sự di chuyển của các máy bay đã quan sát thấy một chiếc A-50 MAINSTAY của Nga được dùng như Hệ thống cảnh báo sớm trên không, đang bay cùng với hai máy bay chiến đấu MIG-31K FOXHOUND khởi hành từ căn cứ không quân Machulishchy, của Belarus. Các máy bay này đang tham gia các cuộc tập trận không quân chung Nga-Belarus từ ngày 16 Tháng Giêng đến ngày 1 tháng 2 năm 2023.

Vào ngày 26 tháng 2 năm 2023, nhóm du kích Belarus BYPOL và các nhà lãnh đạo phe đối lập lưu vong đã báo cáo rằng một chiếc A-50 MAINSTAY đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Máy bay Không người lái vào căn cứ không quân Maschulishchy.

BYPOL đã báo cáo hai vụ nổ và những hư hỏng ở phần trước và giữa của chiếc A-50 MAINSTAY cũng như ăng-ten radar.

A-50 MAINSTAY là một nền tảng kiểm soát và cảnh báo sớm trên không của Nga. Vai trò của nó là xây dựng một hình ảnh trên không được công nhận và cung cấp sự phối hợp cho các máy bay chiến đấu phối thuộc.

Việc ghi công và thiệt hại chưa được chính thức chứng thực. Tuy nhiên, việc mất một chiếc A-50 MAINSTAY sẽ rất nghiêm trọng vì nó rất quan trọng đối với các hoạt động trên không của Nga nhằm cung cấp một bức tranh về không gian chiến trường.

Điều này có thể sẽ khiến chỉ còn 6 chiếc A-50 hoạt động trên chiến trường, hạn chế hơn nữa các hoạt động của không quân Nga.

9. Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc có nhiều công nghệ và nguồn lực tinh vi có thể cung cấp cho Nga

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng Trung Quốc có nhiều công nghệ và nguồn lực tinh vi hơn để có thể cung cấp cho các lực lượng Nga ở Ukraine.

Price lưu ý tác động của việc cung cấp máy bay không người lái do Iran sản xuất ở Ukraine trong việc tấn công vào các địa điểm dân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng, nhưng cảnh báo hậu quả của sự tham gia của Trung Quốc có thể “có khả năng nghiêm trọng và bi thảm”.

Ông Price nói: “Tất nhiên, giờ đây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có sẵn công nghệ và nguồn lực mà Iran không có, và vì vậy người ta có thể tưởng tượng được tác động của việc cung cấp một lượng đáng kể hỗ trợ sát thương. Chính vì lý do đó mà chúng ta không muốn thấy điều đó xảy ra. Chúng ta đang tiếp tục cảnh báo rất rõ ràng về những hậu quả sẽ ập đến với Bắc Kinh nếu nước này tiếp tục đi theo con đường này”.

Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ phải đưa ra quyết định có chủ quyền của riêng mình. Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm rằng Bắc Kinh đưa ra quyết định sáng suốt về những lựa chọn mà họ sẽ phải trả giá và sẽ có hậu quả nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Trung Hoa đi theo con đường này.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Trung Quốc theo sát cuộc chiến tại Ukraine. Thứ nhất, “Nếu Tổng thống Putin giành chiến thắng ở Ukraine, thì điều đó sẽ tác động đến những tính toán và quyết định mà họ sẽ đưa ra ở Bắc Kinh. Vì vậy, khi các cường quốc độc tài xích lại gần nhau hơn, hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, điều quan trọng hơn nữa là tất cả chúng ta, những người tin vào dân chủ và tự do, là chúng ta sát cánh cùng nhau trong NATO và với các đối tác của chúng ta trên khắp thế giới.”

Thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu Andrew Curtis, thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nói với Newsweek rằng Trung Quốc không muốn thấy Nga thua ở Ukraine. Ông lập luận rằng: “Chắc chắn, bất cứ điều gì Nga làm khiến Mỹ không thể tập trung chú ý vào việc tăng cường quân đội của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ hài lòng. Nhưng theo cách tương tự, bất cứ điều gì làm giảm khả năng quân sự của Nga, để Mỹ có thể tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, đều có lợi cho Mỹ”.
 
Lạnh tóc gáy: Bom được tìm thấy phía sau nhà thờ Công Giáo ở Philadelphia. May mà phát hiện kịp
VietCatholic Media
17:33 28/02/2023

1. Bom ống được tìm thấy phía sau nhà thờ Công Giáo ở Philadelphia

Một quả bom ống 18 inch hay 45 cm đã được tìm thấy phía sau một nhà thờ Công Giáo ở Philadelphia và được đội gỡ bom của sở cảnh sát loại bỏ.

Theo báo cáo của cảnh sát, một người qua đường đã tìm thấy quả bom ống phía sau Nhà thờ Công Giáo St. Dominic ở khu phố Holmesburg của thành phố lúc 1:39 chiều Chúa Nhật vừa qua. Đội phá bom đã gỡ bỏ thiết bị và tiến hành phân tích nó. Báo cáo nói rằng quả bom là một ống nhựa PVC có nắp và một loại bột màu đen bên trong, nhưng loại bột này vẫn chưa được xác định. Một phần của Đại lộ Frankford tạm thời bị đóng cửa trong khi đội gỡ bom gỡ bỏ thiết bị.

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1896, là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Philadelphia. Vào tháng 8 năm 2019, Ủy ban Lịch sử Philadelphia đã thêm nó vào Sổ ghi danh Địa điểm Lịch sử chính thức.

Khu vực đặt quả bom ống cũng gần đường ray xe lửa.

Cảnh sát Philadelphia đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có tin rằng nhà thờ đã bị tấn công hay liệu họ có bất kỳ nghi phạm nào hay không. Cả Tổng giáo phận Philadelphia và Nhà thờ Công Giáo St. Dominic đều không thể đưa ra bình luận vào thời điểm xuất bản.

Mặc dù mục tiêu của quả bom ống vẫn chưa rõ ràng, nhưng đã có ít nhất 248 vụ đốt phá, phá hoại hoặc các hình thức phá hoại khác nhằm vào các nhà thờ Công Giáo kể từ tháng 5 năm 2020, theo báo cáo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Các hành vi phạm tội bao gồm phóng hỏa nhà thờ, các bức tượng bị bôi sơn hoặc bị chặt chân tay hoặc đầu, bia mộ bị bôi chữ thập ngoặc, và vẽ bậy vào mặt tiền các tòa nhà và tài sản của nhà thờ bằng ngôn ngữ chống Công Giáo.

Trong số các sự việc gần đây, cách đây chưa đầy một tháng, một phụ nữ đã bị bắt sau khi bị cáo buộc gây thiệt hại nghiêm trọng cho bức tượng Chúa Giêsu tại Nhà thờ Đức Bà ở Fargo, Bắc Dakota, vào tối thứ Hai 30 Tháng Giêng, có thể trong khi cô ấy đang chịu ảnh hưởng của ma túy.

Bức tượng có tên “Chúa Kitô trong cái chết,” mô tả thi hài của Chúa Giêsu nằm trên tấm vải liệm chôn cất với một vòng gai đặt dọc theo chân Ngài. Các bức ảnh cung cấp cho CNA cho thấy đầu và chân của bức tượng bị hư hại, một tay bị phá nát, cũng như vương miện gai và đế của bức tượng.

Các nhân viên cảnh sát Fargo cho biết họ nhìn thấy Brittany Marie Reynolds, 35 tuổi, rời khỏi nhà thờ vào khoảng 6:24 chiều. Họ đã bắt giữ cô sau khi cô bị cáo buộc cố gắng bỏ trốn. Cô ta ở trần và không thể trả lời những câu hỏi cơ bản và dường như bị ảnh hưởng bởi ma túy, tờ The Forum của Fargo đưa tin, trích dẫn các tài liệu của tòa án.

Cảnh sát vào nhà thờ và thấy rằng một bức tượng lớn của Chúa Giêsu đã bị đập vỡ trên sàn nhà. Đoạn phim giám sát nhà thờ được cho là cho thấy Reynolds thoát y trong nhà thờ và lật đổ một chậu cây trước khi phá hủy bức tượng.

Ngoài các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công Giáo, các trung tâm mang thai phò sự sống cũng là đối tượng bị phá hoại. Những cuộc tấn công này đã gia tăng sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyết định Roe v. Wade trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson. Đã có 57 vụ tấn công vào các trung tâm hỗ trợ mang thai kể từ tháng 5 năm 2022, nhưng có rất ít vụ bắt giữ liên quan đến những tội ác này.

Vào ngày 11 Tháng Giêng, Hạ viện Hoa Kỳ đã suýt thông qua một nghị quyết lên án các vụ tấn công nhằm vào các trung tâm phò sự sống mang thai, các tổ chức phò sự sống và nhà thờ. Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ sít sao 222 phiếu thuận trên 209 phiếu chống nhờ có ba nhà lập pháp Đảng Dân chủ ủng hộ biện pháp này: Dân biểu Vicente Gonzalez, của Texas; Dân biểu Chrissy Houlahan, của Pennsylvania; và Dân biểu Marie Gluesenkamp Perez, của Washington. Ba thành viên Đảng Cộng hòa đã không bỏ phiếu, nhưng mọi thành viên Đảng Cộng hòa khác đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Cha Paprocki khẳng định các tín hữu đi lễ Latinh ở địa phương là 'những người Công Giáo trung thành'

Khi Vatican bắt đầu đưa ra các chỉ thị mới nhằm hạn chế các giám mục đã ban phép chuẩn cho các giáo xứ cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống, ít nhất một giám mục đang bảo vệ cộng đồng Thánh lễ Latinh trong giáo phận của mình và thúc giục một đường lối có tính chất địa phương hơn.

Đức Giám Mục Thomas Paprocki của Giáo phận Springfield, Illinois, nói với CNA rằng cộng đồng Thánh lễ Latinh trong giáo phận của ngài đã trung thành với Giáo hội và các giám mục nên được trao thẩm quyền cho phép các Thánh lễ Latinh Truyền thống được tiếp tục.

“Tôi nghĩ rằng các giám mục giáo phận địa phương đồng cảm hơn với những gì đang diễn ra trong giáo phận của họ hơn là một văn phòng ở Rôma”.

Vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một tự sắc có tiêu đề Traditionis custodes, hướng dẫn các giám mục chỉ định các địa điểm tổ chức Thánh lễ Latinh nhưng tuyên bố rằng không địa điểm nào trong số đó nằm trong nhà thờ giáo xứ. Bởi vì một số giáo xứ đã có các cộng đồng Thánh lễ Latinh phát triển mạnh, một số giám mục đã đưa ra các miễn chuẩn để cho phép một số giáo xứ tiếp tục cử hành Thánh lễ Latinh.

Vào ngày 21 tháng 2 vừa qua, Đức Hồng Y Arthur Roche, tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã ban hành một tuyên bố mới, như là một sự làm rõ chính thức từ Vatican. Tuyên bố nói rằng những sự miễn chuẩn như vậy được dành riêng cho Tòa thánh và ra lệnh cho các giám mục đã đề nghị những sự miễn chuẩn phải “thông báo cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cơ quan này sẽ đánh giá các trường hợp riêng lẻ.”

Trong một bức thư gửi kèm theo Traditionis custodes, Đức Thánh Cha Phanxicô đã biện minh cho những hạn chế ban đầu của mình bằng cách cáo buộc rằng việc cử hành hình thức Thánh lễ cổ xưa hơn “thường được đặc trưng bởi sự bác bỏ không chỉ cải cách phụng vụ, mà còn bác bỏ cả chính Công đồng Vatican II”.

Đức Cha Paprocki, người đã cử hành Thánh lễ tại cả hai nhà thờ trong giáo phận của mình có cử hành Thánh lễ Latinh, nói với CNA rằng ngài “không hề thấy điều đó” trong các cộng đồng của ngài.

Đức Cha Paprocki nói: “Tôi thấy những người ở đó rất ngoan ngoãn tuân theo những lời dạy của Giáo hội, rất háo hức tuân theo những lời dạy của Giáo hội. Họ là những người Công Giáo rất trung thành.”

Đức Giám Mục cũng đặt câu hỏi liệu bản minh định vừa được đưa ra có phù hợp với ý định ban đầu của Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ truyền thống hay không và lưu ý rằng Đức Hồng Y Roche đã chủ động làm sáng tỏ điều này, chứ không phải Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài giải thích rằng Traditionis custodes là một tự sắc và như vậy là một sắc lệnh của giáo hoàng về sáng kiến của chính giáo hoàng. Một bản minh định, tức là nội dung làm rõ, là một phản hồi đối với yêu cầu do người khác khởi xướng - trong trường hợp này là Hồng Y Roche.

“Không phải Đức Thánh Cha chủ động,” Đức Giám Mục Paprocki nói, mà đúng hơn là “sáng kiến của Đức Hồng Y Roche.”

Giám mục Paprocki lưu ý rằng bức thư kèm theo của Đức Thánh Cha gợi ý rằng ý định của ngài là trao quyền cho các giám mục. Trong thư, Đức Thánh Cha nói với các giám mục “việc cho phép … việc sử dụng ‘Missale Romanum’ năm 1962 là tùy thuộc vào các vị” và “tùy các vị … quyết định từng trường hợp thực tế của các nhóm cử hành nghi thức này 'Missale Romanum.'“

Bởi vì đã có tin đồn rằng Vatican sẽ tập trung quyền lực trong vấn đề này, Đức Cha Paprocki đã áp dụng trước lệnh cấm bằng cách thực hiện thêm hành động để bảo đảm rằng các hạn chế liên quan đến Traditionis sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ Thánh lễ Latinh nào trong giáo phận của ngài.

Vào Tháng Giêng năm 2022, Đức Cha Paprocki chính thức chỉ định lại nhà thờ Thánh Tâm ở Springfield là một nhà thờ phi giáo xứ. Ngài có thể làm được điều này vì Giáo xứ St. Katharine Drexel, đã có hai nhà thờ khác.

Giờ đây, nhà thờ giáo xứ duy nhất cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống là Nhà thờ Thánh Rôsa thành Lima ở Quincy, có linh mục là thành viên của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP. Bởi vì FSSP đã nhận được sự miễn trừ từ Vatican, Paprocki cho biết lệnh cấm sẽ không áp dụng cho họ, dựa trên sự hiểu biết của ngài. Ngài nói rằng sự miễn trừ “đã cho phép họ tiếp tục làm những gì họ đang làm.”


Source:Catholic News Agency

3. Kỷ niệm chiến tranh Ukraine được đánh dấu bằng những lời cầu nguyện, cảnh giác trên khắp thế giới

Các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo trên khắp thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm một năm ngày bùng nổ chiến tranh ở Ukraine vào hôm thứ Sáu, kêu gọi chấm dứt chiến sự và tập trung cầu nguyện để tôn vinh các nạn nhân của cuộc xung đột và cầu xin Chúa ban hòa bình.

Trong một dòng tweet đánh dấu kỷ niệm ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, “Một năm trước, cuộc chiến phi lý chống lại Ukraine đã bắt đầu.”

“Chúng ta hãy ở gần những người dân Ukraine đau khổ, những người tiếp tục đau khổ, và chúng ta hãy tự hỏi: Mọi thứ có thể ngăn chặn chiến tranh đã được thực hiện chưa? Hòa bình được xây dựng trên đống đổ nát sẽ không bao giờ là một chiến thắng thực sự,” ngài nói.

Chiến tranh ở Ukraine nổ ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, sau khi quân đội Nga xâm chiếm nhiều phần lãnh thổ Ukraine, tìm cách lật đổ chính quyền hợp pháp của Kyiv.

Trong khi nhiều người tin rằng thủ đô sẽ thất thủ trong vài ngày hoặc vài tuần, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập hợp lại với nhau để ủng hộ Ukraine, và một năm sau, Kyiv vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine và quân đội Nga giờ đây chủ yếu tập trung nỗ lực vào việc chiếm các khu vực phía đông của Ukraine.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cho đến nay có khoảng 8.000 dân thường thiệt mạng trong bạo lực, nhiều người trong số họ là trẻ em, trong khi có thêm 13.300 người khác bị thương. Về binh lính, ước tính có khoảng 300.000 thương vong cho cả hai bên.

Ngoài ra, 8 triệu người Ukraine đã trốn khỏi đất nước và đang sống ở nước ngoài với tư cách là người tị nạn, trong khi 8 triệu người khác phải tản cư trong nước.

Các nỗ lực đàm phán ngừng bắn cho đến nay đã thất bại, vì Nga đưa ra một danh sách các yêu cầu – bao gồm cả việc sáp nhập phi pháp các lãnh thổ Ukraine – mà Ukraine bác bỏ.

Ngoài những lời cầu xin hòa bình công khai trên mạng xã hội, ngày kỷ niệm chiến tranh còn được đánh dấu bằng một loạt các buổi canh thức cầu nguyện ở Ukraine, Ý và hơn thế nữa.

Một buổi canh thức cầu nguyện kéo dài 12 giờ được tổ chức tại Kyiv bởi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Phục sinh của Chúa Kitô, kéo dài từ trưa đến nửa đêm.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk khẳng định rằng cuộc chiến không bắt đầu từ một năm trước mà thực tế đã bắt đầu từ năm 2014 với việc Nga sáp nhập Crimea và xâm chiếm các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk.

“Vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, lịch sử của thủ đô Kyiv có mái vòm bằng vàng của chúng ta, nơi các hoàng tử của chúng ta đã xây dựng thành một Giêrusalem mới, một thành phố nơi Thiên Chúa cư ngụ với dân Người, đã được thêm vào chuỗi Mân Côi này được đánh dấu bằng máu của những người con trai và con gái Ukraine,” Đức Cha Shevchuk nói.

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các thực hành truyền thống của Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và bố thí, “đặc biệt là vào ngày kỷ niệm bi thảm này”.

Ngài nói, ăn chay có nghĩa là đoàn kết với tất cả những người hiện không có gì để ăn hoặc uống, và với những người còn ở trong các vùng lãnh thổ bị xâm lược và bị Nga giam cầm.

Đức Cha Shevchuk phản đối các đề xuất đàm phán yêu cầu Ukraine phải bàn giao các vùng lãnh thổ bị xâm lược cho Nga. Ngài nói: “Ngày nay, khi ai đó buôn bán các vùng lãnh thổ của Ukraine, chúng ta nói: Không! Chúng ta không thể trao đổi thể xác và linh hồn của những người anh em Ukraine của chúng ta trong các lãnh thổ bị xâm lược!”

Ngài cảm ơn tất cả những người đã sát cánh cùng Ukraine trong năm qua, và nói rằng, “Chúng ta cảm thấy Chúa đã ban cho chúng ta chiến thắng, một chiến thắng mà chúng ta đã gõ cửa thiên đường để cầu nguyện. Chúa ban cho chúng ta chiến thắng mà chúng ta nhận được nhờ chay tịnh.”

“Chúa ban cho chúng ta chiến thắng, mà chúng ta có thể đạt được bằng cách thực hiện các công việc của lòng thương xót, mà chúng ta mang lại gần hơn hàng ngày bằng công việc và lời cầu nguyện của mình. Hôm nay, Nga đã thua, mặc dù chúng ta chưa thắng”.

Trong một buổi canh thức cầu nguyện buổi tối tại vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô ở Rôma, Đức Hồng Y người Ý Angelo De Donatis, Giám Quản của Rôma, đã nói chuyện với một nhóm người tị nạn Ukraine có mặt, và nghe lời chứng của ba phụ nữ đã trốn khỏi Ukraine và đang ở Ý với tư cách là người tị nạn và được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội và bác ái khác nhau.

“Chúng ta không ở đây để ăn mừng, chúng ta ở đây để kêu cầu Chúa! Tất cả chúng ta ở đây vì trong tim chúng ta có một ước muốn mạnh mẽ, mãnh liệt và sâu sắc: đó là hòa bình!” Đức Hồng Y De Donatis nói. “Hãy chấm dứt sự kiêu ngạo, sự thống trị, bạo lực đối với những người không có khả năng tự vệ, hãy ngừng sử dụng vũ khí!”

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo cũng đưa ra những lời kêu gọi. Ủy ban Công vụ Chính thống giáo, gọi tắt là OPAC, đưa ra tuyên bố kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và nhanh chóng rút toàn bộ quân đội và quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ủy ban cũng chỉ trích việc bênh vực cuộc xâm lược của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill, chỉ trích “sự ủng hộ phi Kitô giáo đối với cuộc chiến” mà Kirill đã có ngay từ đầu.

Các thành viên của ủy ban kêu gọi hệ thống phẩm trật, giáo sĩ và tín hữu trong Giáo hội Chính thống Nga dũng cảm “chống lại sự phục tùng nô lệ của Kirill đối với chế độ Putin.”

“Sự đồng lõa của giới lãnh đạo Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa trong các tội ác chiến tranh gây ra ở Ukraine vẫn là điều không thể hiểu được. Rõ ràng là những người được gọi là 'người của Chúa' này nằm dưới sự kiểm soát của Putin và tay sai của ông ta,” OPAC cho biết.

Họ cũng kêu gọi thống nhất hai nhánh của chính thống Ukraine, một nhánh gần đây đã giành được độc lập trong khi nhánh kia có truyền thống trung thành với Mạc Tư Khoa, nhưng đã rút lại lòng trung thành đó do chiến tranh Ukraine và sự ủng hộ của Kirill đối với nó.

Đức Tổng Giám Mục Epiphany của Kyiv và Toàn Ukraine, người phục vụ với tư cách là giáo chủ của Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine, trong một thông điệp hôm thứ Sáu đã nhắc lại “với nỗi đau và sự đau khổ của tất cả các nạn nhân vô tội vì sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố Nga, các hành động diệt chủng và các tội ác chiến tranh khác mà những người hầu của bạo chúa Cẩm Linh đã cam kết và tiếp tục cam kết trên đất của chúng ta.”

Cũng như Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, ngài nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine đã bắt đầu cách đây 9 năm với việc chiếm giữ Crimea, gọi đó là “Một cuộc chiến mà chế độ chuyên chế của Điện Cẩm Linh đã huy động mọi nguồn lực: quân đội và ngoại giao, kinh tế và văn hóa, truyền thông và tôn giáo, và các cộng đồng.”

Đức Tổng Giám Mục Epiphany lặp lại lời lên án lập trường của Kirill và những người ủng hộ ông ta về cuộc chiến, nói rằng, “thật đáng xấu hổ và không có sự biện minh về mặt đạo đức, vì thay vì lên tiếng phản đối cuộc chiến phi lý chống lại Ukraine, họ lại bắt đầu chúc lành cho sự xâm lược và biện minh cho bọn tội phạm. “

Đức Tổng Giám Mục nói: “Theo niềm tin sâu sắc nhất của chúng ta, ý thức hệ 'thế giới Nga' phải bị lên án giống như chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa Bôn-sê-vích và các lý thuyết đáng ghê tởm khác biện minh cho cái ác. Bàn tay của họ có dính máu mà không thể rửa sạch.”

Các giám mục Âu Châu cũng đánh dấu ngày kỷ niệm này, kêu gọi chấm dứt chiến sự trong một tuyên bố hôm thứ Sáu và bảo đảm với Ukraine rằng trong suốt Mùa Chay, “Thánh lễ lần lượt sẽ được cử hành ở mỗi quốc gia trên khắp Âu Châu để cầu xin hòa bình ở Ukraine và cầu nguyện cho những người đã chết vì chiến tranh.”

Được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas của Lithuania, chủ tịch Hội đồng các Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là CCCE, tuyên bố của CCCE bảo đảm sự gần gũi của các giám mục với những người đau khổ, và nói rằng họ đã tham gia “một mạng lưới đoàn kết để hỗ trợ người dân Ukraine,” cũng như nhiều Kitô hữu. đã chào đón những người tị nạn Ukraine vào nhà của họ, và nhiều giám mục và phái đoàn các Giáo Hội đã đến Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ.

“Trong khi luật pháp quốc tế đang bị chà đạp dưới chân trong một kịch bản chiến tranh khủng khiếp, tất cả những người tin vào Chúa Kitô, và những người có thiện chí, được kêu gọi cố gắng trở thành những người xây dựng hòa bình,” các giám mục nói, và than thở rằng những lời kêu gọi hòa bình và đàm phán chân chính đã được thực hiện nhưng đến nay đã thất bại.

“Trong khi chúng tôi cay đắng nhìn những vết thương hiện tại, chúng tôi kêu gọi mọi người tiếp tục nỗ lực đoàn kết đang được tiến hành để hỗ trợ người dân Ukraine,” các giám mục nói, và cam kết nỗ lực xây dựng “một Âu Châu cuối cùng được hòa giải trong một nền hòa bình công chính”. Các giám mục của CCEE, hiện đang ở St. Gallen ở Thụy Sĩ để tham dự một cuộc họp về chăm sóc mục vụ cho người tị nạn Ukraine ở Âu Châu, đã yêu cầu “những người có thẩm quyền đối với các quốc gia đưa ra cam kết cụ thể để chấm dứt xung đột, đạt được một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình."
Source:Crux
 
Thánh Ca
Tâm tình Mùa Chay
Lm Thái Nguyên
13:56 28/02/2023
Album TÂM TÌNH MÙA CHAY

https://www.youtube.com/watch?v=AGNoakUseZg&t=97s

 
Tình ca Thập Giá
Lm Thái Nguyên
13:58 28/02/2023
Album TÌNH CA THẬP GIÁ

https://www.youtube.com/watch?v=Vr46qV64Rfk&t=3s