Ngày 04-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm tĩnh tâm Linh Mục Phú Cường 3.2016
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
23:03 04/03/2016
SUY NIỆM TỈNH TÂM LINH MỤC PHÚ CƯỜNG THÁNG 3.2016

NHÌN XUYÊN THẤU

Báo Người Đưa Tin, 24.4.2014, tác giả Trần Vũ, trong bài “Kì dị những người có khả năng nhìn xuyên thấu” kể về ba người có đôi mắt nhìn xuyên thấu cách kỳ lạ. Một trong ba trường hợp ấy xảy ra tại Thụy Điển.

Tối 10.7.1897, khi đang ăn với bạn ở Stockholm, bỗng mặt Maniwair thất sắc. Anh kêu to: “Có cháy lớn. Nhà của ông bạn đã bốc lửa, nhà tôi rất nguy hiểm”. Một lát sau anh lại nói: “Tốt rồi, lửa đã tắt cách nhà tôi ba căn”. Nhà Maniwair ở Sdenmar cách nơi họ ăn đến 400 km…

Maniwair dần nổi tiếng. Nhiều người nhờ anh giúp đỡ. Phu nhân đại sứ Hà Lan ở Thụy Điển cũng vậy. Chồng bà mua một món hàng bằng bạc, nhưng ông chết đột ngột. Cửa hàng định kiếm một món tiền nữa nên đòi nợ bà. Maniwair đến nhà phu nhân nhìn lướt một hồi, rồi nói: “Hóa đơn của ông đại sứ vẫn còn trong ngăn kéo chiếc bàn ở lầu hai”. Và đúng như lời Maniwair…

Đó là cái nhìn xuyên thấu thể lý. Hãy bắt chước những người có cái nhìn thể lý mà hướng đến khả năng thiêng liêng nhìn xuyên thấu tâm hồn mình. Bởi khả năng thể lý, chỉ là hồng ân cho một ít người. Nhưng khả năng thiêng liêng nhìn xuyên thấu nơi tâm hồn, là hồng ân Chúa ban cho bất kỳ ai.

Nhìn xuyên thấu thiêng liêng, tôi không gọi là “cái nhìn” nhưng là “tầm nhìn xuyên thấu”. Tầm nhìn đó không dừng lại chính biến cố, chính hoàn cảnh, mà cái nhìn thể lý cảm nhận, nhưng là đi sâu, đi vào và vượt lên tất cả biến cố, hoàn cảnh, rút ra ý nghĩa đích thực, chân lý cao sâu, nhằm mang lại bài học sống cho mình, cho bất cứ mối liên hệ nào mà mình có thể có được.

Để có tầm nhìn xuyên thấu thiêng liêng qua mọi biến cố, mọi hoàn cảnh trong đời mình, nhờ đó nhận ra ơn Chúa, nhận ra tình thương, ý muốn của Chúa, nhận ra bài học cần cho sự biến đổi nơi mình, nhận ra từng thời khắc xảy ra là từng kinh nghiệm sống giúp nâng cao lòng mến…, đòi mỗi người hãy nội tâm hóa mọi sự, hãy thánh hóa từng giây phút sống, hãy cầu nguyện liên lỉ, hãy để mình chìm sâu trong ân sủng, hãy ngụp lặn trong suy tư không ngơi nghỉ.

Tháng ba, tháng kính thánh Giuse. Chúng ta cùng chiêm ngắm tầm nhìn xuyên thấu của thánh Giuse, để học nơi thánh Giuse tầm nhìn xuyên thấu trong đời linh mục của mình.

1. THÁNH GIUSE NHÌN XUYÊN THẤU.

Thánh Giuse, người có đời sống nội tâm cao, người biết sống chiêm niệm liên lỉ, người thích khám phá thánh ý Chúa trong thinh lặng và suy tư. Nhờ tất cả vẻ đẹp ấy, đã tạo nên một Giuse biết thiêng liêng hóa tất cả để có được tầm nhìn xuyên thấu mọi hoàn cảnh, mọi biến cố.

Nhờ tầm nhìn xuyên thấu đặt vào mọi diễn tiến của đời sống, làm cho thánh Giuse càng thêm thời gian sống, càng tiếp tục băng mình theo thánh ý Chúa.

Nhờ tầm nhìn không dừng lại trên chính hiện tượng, hay trên hoàn cảnh, nhưng thiêng liêng hóa và xuyên thấu tất cả, thánh Giuse đọc ra mọi ý nghĩa, để trong mọi bài học ẩn chứa nơi từng biến cố lớn nhỏ, thánh nhân mau mắn thi hành, mau mắn đáp trả thánh ý Chúa.

Ngày càng được tắm mình trong ơn Chúa, với tầm nhìn xuyên thấu, thánh Giuse càng nên khôn ngoan, biết tiên liệu, biết cộng tác đắc lực với ơn Chúa, trở thành đấng bảo vệ và gìn giữ Chúa Giêsu và Đức Mẹ cách tích cực, hiệu quả.

Tương tự Tổ phụ Giacób trong giấc mơ chiếc thang nối trời và đất, hay Tổ phụ Giuse trong giấc mơ về thánh ý Chúa kỳ diệu sắp đặt cho mình ở phía tương lai, thì thánh Giuse, một người cũng thuộc dòng tộc của các Tổ phụ, được Chúa tuyển chọn, cũng có tầm nhìn xuyên thấu nhờ nội tâm hóa và thiêng liêng hóa cao như các Tổ phụ, đã khám phá từ giấc mơ vỹ đại (x.Mt 1, 18-25), mà sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, trở thành Dưỡng phụ của Chúa Cứu Thế.

Kể từ khi nhận lời truyền tin của thiên thần trong giấc mơ nhiệm mầu, thánh Giuse vinh dự được Con Thiên Chúa làm người gọi là “cha”, vinh dự được trở thành người bảo bộc, chở che cho Con Thiên Chúa, vinh dự được Con Thiên Chúa nhận lấy dòng họ của mình là gia tộc của Người.

Qua những kỳ diệu từ lời ca của thiên thần, đến sự hiện diện của mục đồng (x.Lc 2, 1-20), hay sự hiện diện của ba đạo sĩ trong thời gian Chúa Cứu Thế giáng trần (x.Mt 2, 1-12), chắc chắn, với cái nhìn xuyên thấu, thì lòng đạo đức, tình yêu mến Chúa nơi thánh Giuse, thúc đẩy thánh Giuse càng chìm sâu hơn trong sự chiêm niệm, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

Rồi khi dâng Con trong đền thánh, nghe và chứng kiến những lời nhiệm mầu và cử chỉ lạ thường của hai cụ già Simêon và Anna (x.Lc 2, 22-38), với tâm hồn luôn nội tâm hóa, chắc rằng, thánh Giuse đã để cho đức tin điều khiển mọi cơ năng của mình, dẫu lúc ấy, thánh nhân không tài nào hiểu hết. Chính đức tin thúc giục thánh Giuse nhất mực để Chúa điều khiển, sắp xếp tương lai đời mình, tương lai gia đình mình trong sự quan phòng của Chúa.

Với tầm nhìn xuyên thấu, thánh Giuse tiếp tục mau chóng thi hành lệnh Chúa truyền, dù phải vượt biên giới vào giữa đêm hôm để bảo vệ Chúa Cứu Thế, cũng chính là Con của mình (x.Mt 2, 13-18).

Với tầm nhìn xuyên thấu, khi về lại quê hương, thánh Giuse đã chọn Nazareth làm nơi định cư, nhờ đó, lời tiên báo của Thánh Kinh xưa nên trọn: Chúa Giêsu “sẽ được gọi là người Nazareth” (Mt 2, 23).

Cũng như trong cuộc tìm kiếm và gặp Con nơi đền thánh (x.Lc 2, 41-50), dẫu không thể hiểu lời Con nói, thánh Giuse vững tin rằng, Người Con mà mình từng bồng ẵm, yêu thương, không thuộc về mình như bao nhiêu đứa con trong tay cha nó. Bởi Người chính thật là Con Thiên Chúa, là quà tặng cứu độ Thiên Chúa trao tặng cả thế giới, xuyên mọi thời đại.

Nhờ nội tâm hóa trong cái nhìn xuyên thấu, thánh Giuse nhận biết, Người Con ấy phải phụng sự và làm trọn thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi tương quan của loài người. Người phải ưu tiên thực hành “bổn phận ở nhà của Cha” Người (Lc 2, 49), hơn bất cứ một công tác nào nhằm cứu độ trần thế.

Cuộc sống ẩn dật nơi mái gia đình, mà mình là trụ cột chính, là gia trưởng, giúp thánh Giuse chứng kiến Người Con của mình lớn lên từng ngày. Nhưng cùng với việc Con lớn lên nơi thân xác, chắc chắn, càng ngày thánh Giuse càng thâm tín sâu xa, Con mình phải lớn lên trong chính tâm hồn mình, trong suốt chiều dài của đời sống mình. Hình ảnh của Con, là chính Đấng Cứu Độ mình, phải ắp đầy, phải chiếm trọn bản thân và ngày càng nên một với Con mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn.

Bởi nơi thánh Giuse, dù trong mơ hay đời thực; dù lúc tối tăm xem ra bí lối hay hạnh phúc được gần cận, được nâng niu Con Thiên Chúa; dù lúc thắc thỏm lo lắng cho Con hay khi đầm ấm trong căn nhà thánh; dù khi Con còn trong vòng tay mình hay lúc Con rời gia đình xuôi ngược truyền giáo; dù khi chìm khuất nơi làng quê Nagiarét hay khi hãnh diện được người ta gọi Con là “Con của Bác Thợ Mộc” ( Mt 13, 55), thánh Giuse không một giây phút rời xa thánh ý Thiên Chúa.

Nơi thánh Giuse, thánh ý Chúa là lẽ sống, là lý tưởng sống, là chọn lựa sống, là tất cả chiều kích làm nên sự sống trọn cuộc đời. Thánh Giuse một lòng yêu mến thánh ý Chúa, phó thác đời mình cho thánh ý Chúa hướng dẫn. Thánh Giuse tin tưởng thánh ý Chúa là chân lý, là tình yêu, là sự khai mở giúp đi về nguồn sống là chính Chúa. Và như thế, càng sống thánh ý Chúa, thánh Giuse càng nâng cao tầm nhìn xuyên thấu trong sự thiêng liêng hóa và nội tâm hóa.

Tầm nhìn xuyên thấu càng cao, thánh ý Chúa càng thêm sáng tỏ trong cuộc đời thánh nhân. Cứ như thế, cái này bổ túc cái kia, thánh ý Chúa và tầm nhìn xuyên thấu tương tác lẫn nhau, làm cho nhau vững mạnh, nâng đỡ nhau, giúp nhau thăng tiến và tồn tại bền bỉ.

Chắc chắn thánh Giuse luôn ý thức rằng: Sống theo thánh ý Chúa là danh dự lớn. Danh dự của người sống thánh ý Chúa lớn đến nỗi, không bao giờ có ai dám nghĩ, điều mà sau này, chính Người Con của thánh Giuse, Chúa Giêsu, Chúa chúng ta công bố: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 48).

Trong đời thực, với tầm nhìn xuyên thấu đã được thánh ý Chúa chiếu soi, thánh Giuse âm thầm dấn thân cho niềm tin: Con của mình cũng là chính Thiên Chúa mà mình phải tôn thờ, và mẹ của Người Con ấy đích thật là mẹ của Thiên Chúa vì đã sinh ra Thiên Chúa làm người.

Với tầm nhìn xuyên thấu và cũng xuyên suốt hành trình cuộc đời y như Đức Maria, thánh Giuse luôn dâng hiến Thiên Chúa lòng vâng phục, lòng tạ ơn, lòng thờ phượng, lòng tin tưởng bền bỉ, thủy chung, can đảm dẫu phải nếm trải khó khăn, phải đương đầu cùng thách đố.

2. TẦM NHÌN XUYÊN THẤU VỚI ĐỜI LINH MỤC.

Noi gương thánh Giuse, chúng ta phải hướng tới đời nội tâm, để thiêng liêng hóa tất cả. Nhờ đó, chúng ta học được một tầm nhìn xuyên thấu hoàn bị như thánh Giuse. Học tầm nhìn xuyên thấu, chúng ta sẽ nên thánh trong ơn gọi của mình, như thánh Giuse đã nên thánh trong ơn gọi của chính thánh nhân vậy.

Có được tầm nhìn xuyên thấu, đời tu sẽ thông thoáng hơn, thoải mái hơn, bình an hơn. Bởi khi nhìn xuyên thấu qua tất cả những gì đang xảy ra, với ơn được cảm nghiệm trong Chúa, ta không quá vui theo cái vui thỏa chí, kiểu mà niềm vui thế gian, một niềm vui thiếu chiều sân, thiếu đời nội tâm mang lại.

Cũng vậy, bằng tầm nhìn xuyên thấu trong tình Chúa, khi rơi vào nỗi buồn, ta không quá bi lụy, không hụt hẫng, không mất nhuệ khí. Tầm nhìn xuyên thấu phủ trên mọi biến cố, dễ cho ta sáng suốt, sức mạnh, tình yêu, sự can đảm, sự vươn lên, sức chịu đựng… qua những nghịch cảnh rơi vào đời mình.

Khi phải quyết định một vấn đề, phải chọn lựa một lối sống, hay phải biện phân những điều cần thiết cho mình, cho người…, ta sẽ thực hiện thật khôn ngoan và đúng đắn.

Có tầm nhìn xuyên thấu ta biết dựa vào Chúa trong mọi cảnh huống của đời mình, biết phó thác năm tháng ngày giờ, dù ở đây hay ở đâu, dù ở thời điểm này hay thời điểm nào, để tùy nghi Chúa định liệu.

Nhất là đời sống trong tương quan với anh chị em, tầm nhìn xuyên thấu phải là tầm nhìn mỗi ngày một được trau dồi hơn, nên sắc bén và nhạy bén hơn. Khi tầm nhìn xuyên thấu đã trở nên thường xuyên liên tục như phản xạ, như bản tính của bản thân, ta sẽ:

- Không đánh giá người khác bằng cái nhìn của mình.

- Không xét đoán hay lên án khi người khác có lỗi.

- Không vui trước nỗi buồn của người bên cạnh (ngược lại là nhẫn tâm).

- Không buồn khi thấy người khác vui (ngược lại là thâm độc, ích kỷ).

- Không a dua theo cái xấu.

- Không ganh ghét khi người khác thuận lợi hơn, thành công hơn.

- Không thủ lợi cho bản thân.

- Không chê bai, không đánh giá thấp người bên cạnh, hay những gì người khác thực hiện được.

- Không bêu diếu, chỉ trích người bên cạnh.

- Không gièm pha, hay nói bóng, nói gió về những tiêu cực mà người khác lâm vào.

- Không vụ lợi, không tìm ích kỷ cho bản thân.

- Không xây dựng phe nhóm hòng gây chia rẻ, chống đối nhau.

- Không đùn đẩy khi phải đối mặt với sự thật bất lợi cho bản thân.

- Không phân xử hay xử sự theo cảm tính.

- Không bênh vực người thiện cảm với mình, khi họ chưa tốt.

- Không dối trá, không làm nghiêng công lý.

- Không che đậy những gì có thể gây thiệt hại nặng cho đời sống chung.

- Không nói những điều bất lợi khi chưa biết rõ thực hư.

Nhưng luôn biết cảm thông, tha thứ, biết đặt mình vào người khác hơn.

Biết cầu nguyện cho mình, cho mọi người, cho mọi sự được sống trong ơn Chúa, được tình yêu của Chúa chở che, đùm bọc. Biết hiến dâng mình bằng nỗ lực từng ngày, phấn đấu hết sức xây dựng cộng đoàn, hướng tới xây dựng và làm cho Nước Chúa ngự trị giữa cộng đoàn mình đang hiện diện.

Hãy yêu nơi này, như không còn chốn nào để ta sống trên cõi đời. Hãy hiện diện bằng cả tâm tư xuyên suốt một đời như chốn này làm nên chính cuộc đời mình. Hãy biến thời gian đang diễn ra tại đây là cơ hội để ta nên thánh.

Hãy làm cho giây phút hiện tại mang chiều kích linh thánh. Hãy bằng mọi giá sống giây phút hiện tại, làm cho giây phút hiện tại càng mang lại lợi ích cho mình, cho người, cho đời càng nhiều, càng tốt. Hãy dùng giây phút hiện tại như đây là giây phút duy nhất để hiện diện trước Chúa, hiện diện cùng người bên cạnh. Hãy biến giây phút hiện tại trở thành quà tặng để dâng tặng Thiên Chúa, dâng tặng con người.

Hãy sống thành thật. Bởi chỉ có người với người sống thành thật, mới mong loại trừ gian dối. Những con người sống thành thật là những con người biết làm cho nước thiên đàng thống trị. Sống thành thật còn vì thành thật là điều răn thứ Tám Chúa dạy. Quan trọng hơn, thành thật là điều Chúa Giêsu muốn: “Có thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,33-37).

Hãy để tầm nhìn xuyên thấu trở thành vũ khí tốt giúp ta ngăn chặn những thói hư tật xấu của mình. Tầm nhìn xuyên thấu cũng là cách giúp ta bao dung, rộng lượng khi phải đánh giá một vấn đề, hay một con người.

Nó dễ nâng tình yêu của ta lên cao, để ta bào chữa hơn lên án, đón nhận hơn loại trừ, sống thật hơn sống miễn cưỡng, giúp đỡ hơn chối từ, tha thứ hơn chấp nhất, lạc quan hơn bi quan, cho đi hơn thủ lợi, vui nhận lãnh hơn trốn chạy, tìm sống có lợi cho người khác hơn tìm vinh danh mình…

Để có tất cả những gì chúng ta vừa nói, giúp đời sống tương quan giữa hàng linh mục với nhau, giữa linh mục với muôn người lành mạnh, hạnh phúc, bài ca Đức Mến của thánh Phaolô rất cần để ta suy niệm. Đức mến sẽ cho ta một cuộc sống ý nghĩa, giúp tầm nhìn của ta bao quát hơn, xuyên thấu hơn:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 1-7).

Cuối cùng, chúng ta phải nhắc đến đời sống cầu nguyện. Nếu đời sống cầu nguyện mà chểnh mảng, nghĩa là sự kết hợp với Thiên Chúa lỏng lẻo, đời sống của ta với con người sẽ vô cùng nặng nề, vô cùng rủi ro, vô cùng khó khăn. Bởi chỉ cần mất Thiên Chúa, lập tức chúng ta sẽ mất con người.

Mất Thiên Chúa và mất con người, ơn gọi của ta đang gặp nguy hiểm…

Hơn ai hết, linh đạo của chúng ta là linh đạo mục vụ. Hãy lợi dụng chính luật lệ này của ơn gọi này mà chúng ta đang theo đuổi để nâng cao đời sống trong Chúa và trong anh chị em.

Đời linh mục là đời gặp Chúa, sống trong Chúa thường xuyên. Cầu nguyện và mục vụ phải là tác vụ đưa chính linh mục, và những ai mà linh mục phục vụ, vào hiện diện trong thâm cung cõi lòng Thiên Chúa, hiện diện bằng sức sống trào dâng của ơn Thánh Thần.

Hãy dùng chính sự cầu nguyện và công tác mục vụ, một loại ơn gọi quý báu mà không phải ai, không phải linh đạo nào cũng sở hữu, để chúng ta thăng tiến tầm nhìn của mình. Nhờ đó, chúng ta luôn có Chúa, và có anh chị em, luôn trong Chúa và anh chị em luôn trong ta như Chúa muốn.

Chúng ta phó thác trong tay thánh Giuse đời tu của chúng ta. Xin thánh Giuse, đấng là Dưỡng phụ của vị Linh Mục Thượng Phẩm của chúng ta là Chúa Giêsu, hằng chuyển cầu, trông xem, và đào tạo chúng ta thành những linh mục khôn ngoan trong sự thánh đức, với tầm nhìn xuyên thấu luôn luôn.

VẤN TÂM.

Suốt chiều dài của đời sống, dẫu là linh mục, không ít lần chúng ta đã không có được sự siêu nhiên hóa trong tất cả mọi hoàn cảnh xảy ra cho mình.

1. Với bản thân:

- Vì thế, chúng ta cảm thấy cay đắng khi bị một vụ việc, một hoàn cảnh nào đó bất lợi tấn công.

- Bởi thiếu siêu nhiên hóa, ta cũng không thể có được tầm nhìn xuyên thấu mà nhìn nhận, đánh giá, rút tỉa kinh nghiệm cho thật đúng đắn. Thậm chí, đã từng có rất nhiều những nhận định, những phán đoán đầy nông nổi, nông cạn, thiếu sót, áp đặt…

Do đó, thay vì học được nhiều bài học đáng giá, hoặc mang lại những lợi khí sắc bén làm vốn sống, thì ngược lại, ta chỉ thấy bức bối, khó chịu. Những thách thức của cuộc đời, những bất hạnh mà ta buộc phải chạm trán, vì thiếu tầm nhìn xuyên thấu để nhìn vấn đề cách rốt ráo, mà thách thức và bất hạnh chỉ dừng lại ở thách thức và bất hạnh, không mang lại bất cứ giá trị nào dù là giá trị thiêng liêng hay chỉ là giá trị để sống ở đời.

2. Với tha nhân:

- Thiếu tầm nhìn xuyên thấu bao quát trên vấn đề; thiếu tầm nhìn xuyên thấu để lượng giá mọi khía cạnh của vấn đề, mà lắm lúc, ta đã không đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em để thông cảm hơn, sớt chia hơn, hiểu biết hơn.

Nặng hơn, do không có tầm nhìn xuyên thấu, ta dễ nhìn anh chị em của mình bằng cái nhìn đầy thiên kiến, chủ quan, bất minh, gây nên thiếu thiện cảm, thiếu độ lượng, thiếu từ tâm, không có tinh thần bác ái.

- Thiếu tầm nhìn xuyên thấu, nguy hiểm hơn, bao nhiêu lần, ta chỉ trích, lên án, cả đến nhẫn tâm loại trừ anh chị em.

Là linh mục, cần lắm những cái nhìn biết suy xét, biết cầu nguyện. Có thiêng liêng hóa từng nếp nghĩ, từng quyết định, từng điều phải phán đoán như thế, ta mới thật sự chín chắn, thật sự sống tròn đầy hai tiếng “linh mục” trong chính sứ vụ của bản thân, mà Thiên Chúa đã trao.

Biết thiêng liêng hóa để luôn luôn có một tầm nhìn xuyên thấu, mới mong càng ngày càng giảm đi, và không còn những sai sót khi phải quyết định, phải đánh giá, phải hành động trên mỗi hoàn cảnh, mỗi con người.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU.

Trong Tông huấn Người Trông Nom Đấng Cứu Thế (REDEMPTORIS CUSTOS), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Vào lúc khởi đầu cuộc lữ hành, đức tin của Đức Maria gặp đức tin của thánh Giuse. Nếu bà Êlisabét nói về Mẹ Đấng Cứu chuộc: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin”, thì theo một nghĩa nào đó, sự chúc phúc này cũng có thể được áp dụng cho thánh Giuse, vì ngài đã tích cực đáp lời Thiên Chúa khi lời này được truyền đạt cho ngài vào giây phút quyết định. Mặc dù đúng thật là thánh Giuse đã không đáp trả lại lời truyền tin của sứ thần cùng một cách như Đức Maria, nhưng ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Điều Ngài đã làm là một “sự vâng phục đức tin” rõ rệt nhất (số 4).

- Noi gương thánh Giuse, chúng ta quyết sống trọn đời trung kiên cho đức tin. Để nếu như thánh Giuse có đức tin mạnh mẽ đến nỗi, lời chúc phúc mà bà Êlisabét dành cho Đức Mẹ, lại “cũng có thể được áp dụng cho thánh Giuse”. Đến lượt chúng ta, một khi sống hoàn hảo đức tin của mình, trước nhan thánh Chúa, chúng ta cũng sung sướng nhận lãnh lời chúc phúc ấy.

Lời chúc phúc cho một đời sống đức tin toàn vẹn, nơi từng người chúng ta, chắc chắn không còn mong muốn nào bằng. Lãnh nhận lời chúc phúc trước tòa phan xét của Đấng chí Công, sau khi từng người đã hoàn tất hành trình sống đức tin trong đời, chắc chắn không còn gì hạnh phúc bằng, không còn gì quý báu và cao đẹp bằng, không còn gì thỏa mãn bằng.

- Đàng khác, khi dấn thân cho đức tin, cũng có nghĩa là thánh Giuse chấp nhận phó mình cho thánh ý Chúa mặc tình sử dụng cuộc đời mình, con người mình, đến nỗi, “mặc dù đúng thật là thánh Giuse đã không đáp trả lại lời truyền tin của sứ thần cùng một cách như Đức Maria, nhưng ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy”. Để rồi từ khi phó mình cho thánh ý Chúa, chấp nhận “làm như sứ thần Chúa”, thánh Giuse đã đi một bước dài, trọn đời mình, không phải theo ý riêng, nhưng theo thánh ý Chúa, mặc cho biết bao nhiêu thăng trầm, thác ghềnh trôi qua cuộc đời của thánh nhân.

Như thánh Giuse, chúng ta quyết một lòng, dù có chết, vẫn dâng hiến đến cùng cho thánh ý Chúa. Chúng ta phó mình mặc cho thánh ý Chúa lèo lái đời mình. Chỉ có như thế, suốt một đời thánh hiến của mình, chúng ta mới được thánh ý Chúa liên tục dìu dắt trên hết chuỗi ngày sống.

Ước trọn một đời sống đức tin và tín thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa, nhờ lời chuyển cầu thế giá của thánh Giuse, chúng ta mong đến ngày trình diện trước nhan thánh Chúa, được Chúa ân thưởng đời đời nơi quê hằng mong, hằng đợi của chúng ta.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô
VietCatholic Network
15:30 04/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Đức Phanxicô thay đổi nghi thức ngoại giao đối với các nguyên thủ quốc gia ly dị tái hôn
Vũ Văn An
18:03 04/03/2016
Ký giả kỳ cựu viết về Vatican lâu nay, Andrea Tornielli, vừa phúc trình: Đức Phanxicô đã thay đổi nghi thức ngoại giao cổ điển của Tòa Thánh trong việc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia tuy theo Công Giáo nhưng đã ly dị và tái hôn.

Theo phương thức cổ điển, nếu một tổng thống hay thủ tướng hoặc một nhà độc tài Công Giáo ly dị và tái hôn mà không có án vô hiệu tới yết kiến Đức Giáo Hoàng cùng với người phối ngẫu của mình, thì Đức Giáo Hoàng sẽ chỉ tiếp kiến chính thức vị nguyên thủ quốc gia mà thôi, và sau đó, mới tiếp kiến riêng người phối ngẫu của vị này.

Tornielli viết rằng “từ nay, các nguyên thủ quốc gia Công Giáo trong các cuộc kết hợp hôn nhân bất hợp lệ đều sẽ được yết kiến Đức Giáo Hoàng cùng với người phối ngẫu của họ và sau đó cũng có thể xuất hiện trong buổi chụp hình nhóm lúc trao đổi tặng phẩm”.

Tornielli cho biết Đức Phanxicô yêu cầu việc thay đổi trên, và tin này được ký gia Á Căn Đình Elisabetta Pique tường thuật trước nhất, cách nay hai năm khi một nguyên thủ quốc gia Mỹ Châu La Tinh không được nêu tên tới yết kiến ngài: ông ta cưới vợ trong một nghi thức dân sự mà thôi, lúc đó, ngài tiếp kiến ông ta trước, sau đó, mới tiếp kiến riêng người phối ngẫu của ông ta.

Nghi thức mới đã được áp dụng lần đầu tiên vào thứ Bẩy, ngày 27 tháng Hai vừa qua, khi Đức Phanxicô tiếp kiến cả tân Tổng Thống Á Căn Đình Mauricio Macri, và người vợ thứ ba của ông ta là Juliana Awada.

Tin trên rất có ý nghĩa vào lúc này, dù nó chỉ có liên quan tới một nhóm Công Giáo hết sức nhỏ nhoi là các nguyên thủ quốc gia, khi người ta đang nóng lòng chờ đợi Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng về Gia Đình mà chính Đức Phanxicô quả quyết sẽ được ban hành vào tháng Ba này, để xem xem ngài xử lý ra sao vấn đề cho phép người ly dị tái hôn không có án vô hiệu rước lễ.
 
Phim Spotlight và lạm dụng tình dục: Hội Thánh đã làm những gì?
Trần Mạnh Trác
21:18 04/03/2016


Phim Spotlight

Sự việc phim Spotlight được trao giải Oscar mới đây đã khơi lại những tranh luận về vấn đề lạm dụng tình dục cuả hàng giáo sĩ, đồng thời phô bày ra những thất bại mà Giáo Hội đáng lý đã phải làm để ngăn ngừa thay vì che chở cho những lạm dụng ấy.

Nhắc lại, sau khi đoạt giải "Best Picture", phim Spotlight đã được báo của Toà Thánh là tờ L’Osservatore Romano ca ngợi như là một cuốn phim "can đảm" và khẳng định đây không phải là một cuốn phim "chống Công Giáo" như người ta nghĩ.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, đương kim chủ tịch cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, còn có lời khen ngợi cuốn phim, Ngài viết: "Các phương tiện truyền thông là một trong những lực lượng quan trọng thúc đẩy Giáo Hội phải đáp ứng một cách mà nó đã không làm được ở thời điểm đó, và do đó chúng ta đã trở nên tốt hơn."

"Đây là một cuốn phim nói lên các 'cú sốc' và những nổi đau sâu sắc của các tín hữu đã phải đối đầu với những thực tế khủng khiếp được khám phá ra", nhà nữ sử học Lucetta Scaraffia viết như thế trên báo L’Osservatore Romano.

"Không phải mọi con quái vật đều mặc áo Lễ. Cũng vậy vấn đề ấu dâm không nhất thiết phát sinh ra vì lời khấn khiết tịnh. Tuy nhiên, sự việc rõ ràng là trong Giáo Hội, một số người đã bận rộn bảo vệ hình ảnh của tổ chức hơn là lo đối đầu với sự nghiêm trọng của tội ác."

Nhưng không vì thế mà các người làm phim đã thất vọng với Giáo Hội, "Thực tế là họ đã gióng lên lời kêu gọi, trong buổi lễ trao giải Oscar - tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô để chống lại tai họa này - và do đó, lời kêu gọi nên được xem như là một dấu hiệu tích cực: vẫn còn có sự tin tưởng vào Giáo Hội," bà Lucetta Scaraffia viết.

Trong một bài phê bình khác trên báo L’Osservatore Romano, nhà phê bình phim ảnh là ông Emilio Ranzato viết rằng Spotlight "rõ ràng là một trường hợp can đảm vì đã không do dự lên án những sự việc cần phải lên án, một cách chi tiết, căn cứ vào một cuộc điều tra nghiêm túc và đáng tin cậy."

"Không phải là một bộ phim chống Công Giáo vì không hề có đoạn nào phê bình đến giáo huấn cuả đạo Công Giáo cả," ông viết.

"Nhưng có một nguy cơ làm cho nó có vẻ chống lại Giáo Hội, là vì nó trình bày khái quát quá; nhưng mà việc khái quát là không thể tránh khỏi khi có nhiều câu chuyện phải kể mà chỉ có hai giờ mà thôi, " ông viết thêm.

Mà thực vậy, chỉ với 2 giờ, người ta chỉ có thể tập trung vào những thất bại của Giáo Hội, và tuy rằng "những thất bại ấy nổi tiếng, cũng còn có một sự thực khác là Giáo Hội Công Giáo đã có tiến bộ hơn so với bất kỳ cơ quan nào khác về vấn đề này," theo ý kiến cuả ông Andrea Gagliarducci, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Inside the Vatican".

Ông đã đưa ra một bảng chứng cớ rất dài về những tiến bộ đó trên CNA/EWTN News như sau:

Những tiến bộ qua phân tích của Andrea Gagliarducci

"Có quá nhiều chứng cớ về tiến bộ", ông viết " như những việc sa thải và trừng phạt giáo sĩ vi phạm, đặc biệt là giáo sĩ cấp cao và các nhà lãnh đạo của các cơ quan tôn giáo; nhiều cuộc gặp gỡ với nạn nhân của giáo hoàng; nhiều cải cách về luật lệ cuả Giáo Hội; và việc tạo ra nhiều cấu trúc mới để giải quyết tai họa này."

Theo ông thì Giáo Hội đã từng quan tâm về những gì giáo luật gọi là "tội ác nghiêm trọng nhất." Theo Bộ luật năm 1917 và theo những hướng dẫn năm 1922 từ Vatican, sự lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bị coi là "tội ác tồi tệ nhất", một "crimen pessimum, "phải được báo cáo lên Văn Phòng Thánh - sau này được gọi là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Sau Công đồng Vatican II, để cho sự xét xử được mau chóng và hợp tình hợp cảnh hơn, Giáo Hội chuyển sự phán xét của những trường hợp này xuống cấp địa phương.

Lúc đó người ta nghĩ rằng quá trình cuả giáo luật thì đã lỗi thời và rườm rà, cho nên người ta muốn các việc xét xử nên có tính cách "mục vụ" hơn.

Nhưng như vậy thì từ những năm 1962 cho đến 2001 chỉ có một vài trường hợp lạm dụng về "bí tích giải tội" (như hai kẻ tòng phạm tha tội cho nhau) mới được đưa lên Toà Thánh.

Năm 1983, bộ luật mới của Giáo Hội được ban hành. Nhưng nhiều chỉ tiêu đã làm phát sinh ra thêm nhiều thủ tục phức tạp và làm cho việc 'hoàn tục' các linh mục khó khăn hơn. Giám mục vẫn được giao nhiệm vụ khởi tố các linh mục vi phạm. Nhưng việc xét xử là ở Bộ Giáo Sĩ. Một số giáo phận đã không báo cáo mọi trường hợp lạm dụng tình dục lên Roma và không áp dụng những biện pháp trừng phạt. Thông thường, các giáo phận chỉ chuyển đổi các linh mục ấy đi nơi khác.

Năm 2001, Thánh Gioan Phaolô II ban hành một đạo luật chuyển giao thẩm quyền điều tra các lạm dụng sang Bộ Giáo lý Đức tin, đứng đầu bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger - tức là Giáo hoàng Benedict XVI tương lai.

Đức Giáo Hoàng John Paul II mở rộng nhiệm vụ của Bộ để có thể giải quyết nhiều hơn và DHY Ratzinger đã xác định ra nhiều nguyên nhân thất bại lớn trong việc giải quyết tình trạng lạm dụng tình dục.

Cho nên khi DHY Ratzinger trở thành Giáo Hoàng Benedict XVI vào năm 2005, Ngài đề ra một phương pháp tiếp cận mới dựa trên công lý và sự nhận thức rằng Giáo Hội còn nhiều thiếu sót cần phải chỉnh đốn. Triều đại giáo hoàng của Ngài đã tạo ra một động lực to lớn cho cuộc chiến chống lạm dụng tình dục.

Theo số liệu cung cấp bởi Bộ Giáo lý Đức tin cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Giêng năm 2014, thì số linh mục bị hoàn tục từ năm 2009 cho đến 2012 mà thôi đã lên đến nhiều trăm người.

Tháng 5 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Benedict đã hoàn tục một nhân vật danh tiếng, LM Gino Burresi, người sáng lập ra dòng Nữ Tì cuả Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Một năm sau, tháng 5 năm 2006, Đức Thánh Cha Benedict lại xử lý kỷ luật LM Marcial Maciel Degollado, người sáng lập ra dòng Đạo Binh Chúa Kitô. Buộc vị linh mục phải sống ẩn dật và làm việc đền tội suốt đời.

Năm 2007, Đức Thánh Cha Benedict đòi hỏi dòng Tám Mối Phúc Thật ở Pháp phải được tái lập lại, vì một số thành viên đã lạm dụng trẻ em.

Bốn năm sau, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hoàn tất điều tra LM Fernando Karadima, một người Chile bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy các vụ án dân sự chống lại vị linh mục 84 tuổi này đều thất bại và không thể kết án ông, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố vị linh mục có tội.

Triều đại Giáo hoàng Benedict XVI đã kết hợp hai phương pháp tiếp cận là toàn cầu và địa phương để chống lại lạm dụng tình dục. Năm 2011, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã gửi một bức thư cho hội đồng giám mục trên thế giới, yêu cầu họ áp dụng những hướng dẫn nghiêm ngặt để chống lại việc lạm dụng, hạn chót là vào tháng 5- 2012.

Bức thư đưa ra năm điểm chính: Hỗ trợ cho các nạn nhân; bảo vệ trẻ vị thành niên; giáo dục các linh mục và tu sĩ tương lai; làm thế nào để đối phó với những lời buộc tội chống lại các linh mục; và hợp tác với chính quyền dân sự.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Benedict XVI trả lời cụ thể cho các giám mục Công Giáo cuả Ireland, là nhóm đã hai lần đến Roma để nói chuyện riêng với Ngài về hoàn cảnh cuả họ. Sau các cuộc họp, Đức Thánh Cha Benedict đã viết một lá thư mục vụ vào tháng 3 năm 2010 cho người Công Giáo Ireland.

Ngài đặc biệt lưu ý là họ có một "xu hướng sai lầm" chống lại những hình phạt kinh điển, vì có sự hiểu nhầm về Công đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha ban hành một lệnh "kinh lược" (apostolic visitation, do nhiều giám mục ở các nơi khác đến điều tra) và cung cấp nhiều tiêu chuẩn để giải quyết các trường hợp lạm dụng.

Trong tháng 3 năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã ban hành một bảng hướng dẫn để ngăn chặn lạm dụng trẻ vị thành niên và phương pháp để các tín hữu tham gia trong việc phòng chống lạm dụng. Tài liệu này nhấn mạnh đến sự hợp tác đầy đủ với cơ quan công quyền trong việc báo cáo các cáo buộc. Tài liệu này cũng yêu cầu rằng vị giám mục đảm bảo rằng tất cả các trường hợp lạm dụng mới phải được chuyển đến cho chính quyền dân sự và cho Bộ Giáo lý Đức tin.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục những nỗ lực cuả Đức Thánh Cha Benedict sau cuộc bầu cử tháng 2 năm 2013. Cùng tháng đó, Đức Hồng Y Keith O'Brien của Scotland từ chức tổng giáo phận St. Andrews và Edinburgh vì có cáo buộc rằng ngài đã có các hành vi không phù hợp đối với các linh mục. Sau kết quả điều tra từ Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp thuận đơn từ chức của Hồng Y vào tháng 3 năm 2015. Đó là một sự kiện cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng đã có một phản ứng mạnh mẽ với trường hợp của Đức Tổng Giám Mục Josef Wesolowski, từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại nước Cộng hoà Dominica trong những năm 2008-2013. Vị sứ thần đã từ chức sau những cáo buộc rằng ông đã trả tiền cho những quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Ông đã được đưa ra xét xử bởi Bộ Giáo lý Đức tin và vào tháng Bảy năm 2014, đã bị kết tội theo luật Giáo Hội. Ông đã phải chịu một hình phạt mạnh mẽ nhất, bị hoàn tục.

Mặc dù không có hiệp ước dẫn độ giữa Vatican và Cộng hòa Dominican, các quan chức Vatican đã sẵn sàng giao Wesolowski cho chính quyền dân sự ở Cộng hòa Dominican. Nhưng vị cựu sứ thần đã chết vì nguyên nhân tự nhiên trong tháng 8 năm 2015 trong lúc đang bị quản thúc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tạo ra các cơ quan mới để chống lạm dụng. Trong tháng 12 năm 2013, Ngài thành lập một Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ Em, sau một đề nghị của Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston.

Đức Giáo Hoàng cũng đã lập ra một nhóm đặc biệt trong Bộ Giáo lý Đức tin để xử các giáo sĩ cao cấp. Ngài cũng nghiên cứu một luật mới trong giáo luật là tội "lạm dụng chức vụ" để trừng phạt những giám mục không hoàn thành trách nhiệm của mình là truy tố các lạm dụng tình dục.

Ngoài các biện pháp kỷ luật đối hàng giáo sĩ, Giáo Hội cũng đã làm việc ở mức cao nhất để tiếp cận với các nạn nhân.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gặp các nạn nhân nhiều lần: trong những chuyến tông du năm 2008 đến Hoa Kỳ và Úc, năm 2010 đến Malta và Vương quốc Anh, và trong năm 2011 đến Đức.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục những nỗ lực này, gặp nhiều nạn nhân trong tháng 7 năm 2014 tại Vatican - cuộc họp đầu tiên trong thành Vatican. Và Ngài cũng đã gặp các nạn nhân Hoa Kỳ trong chuyến thăm tháng 9 năm 2015 vừa qua.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Chúng ta không thể có trái tim chai đá và khép kín
Bùi Hữu Thư
21:11 04/03/2016
Vatican: 3/3/2016 (Radio Vatican) Chỉ khi nào chúng ta mở lòng và công nhận chúng ta là người tội lỗi, thì chúng ta mới có thể lãnh nhận lòng thương xót Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều này trong bài giảng sáng nay tại Nhà Nguyện Thánh Mác-ta, theo Radio Vatican.

Trích dẫn bài đọc hôm nay từ Sách Tiên Tri Giêrêmia, Đức Thánh Cha nhấn mạnh là “Thiên Chúa luôn luôn trung thành, vì Người không thể tự từ chối mình,” nhưng con người lại không muốn lắng nghe Lời Người.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Thiên Chúa làm nhiều việc “để thu hút trái tim Dân Người,”vậy mà họ vẫn bất trung.

Đức Thánh Cha lưu ý: “Sự bất trung của Dân Chúa cũng là “của chúng ta”. Ngài nói: “Đây là chính định mệnh chúng ta đã làm cho tim chúng ta chai đá, và khép kín!”

“Sự bất trung làm cho chúng ta không nghe được Lời Chúa, như của người cha nhân lành, luôn luôn muốn chúng ta mở lòng cho Lòng Thương Xót và tình yêu Chúa.”

Đức Thánh Cha nói: ‘Hãy lắng nghe tiếng Chúa. Đừng làm cho trái tim trở nên chai đá!’

Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận rằng Thiên Chúa luôn luôn nói với chúng ta theo cách này, “với sự dịu hiền của một người cha đang nói: ‘Hãy trở về với Ta với hết tất cả tấm long, vì Ta rất cảm thương và giầu lòng thương xót.’”

“Nhưng khi trái tim chai đá, các bạn không hiểu điều này. Lòng thương xót Chúa chỉ có thể hiểu được khi các bạn có thể mở lòng ra cho Lời Chúa lọt vào.”

Đức Thánh Cha nhắc đến các kinh sư đang nghiên cúu Thánh Kinh và đòi đối chất với Chúa Giêsu.

Họ là các “thầy dậy lề luật và biết về thần học, nhưng họ hết sức khép kín.” Trong khi đám đông kinh ngạc và tin nơi Chúa Giêsu. “Trái tim của họ đã mở ra, không hoàn toàn, tội lỗi, nhưng là tim cởi mở.”
Đức Thánh Cha tiếp: “Những các thần học gia này có một thái độ khép kín! Họ luôn luôn tìm kiếm lời giải thích để không phải hiểu sứ điệp của Chúa Giêsu.”

“Họ đòi hỏi Người cho một dấu chỉ từ Trời. Họ luôn luôn khép kín! Và Chúa Giêsu phải minh chứng các hành động của Người.”

“Đây là câu chuyện, câu chuyện của sự bất trung đã thất bại. Câu chuyện của những trái tim khép kín, những trái tim không để cho lòng thương xót Chúa lọt vào, và đã quên ý nghĩa của sự tha thứ: ‘Xin tha thứ cho con Lạy Chúa!’ – chỉ vì họ không tự coi họ là người tộ lỗi, nhưng tự coi mình là những quan tòa phán xét kẻ khác.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho có ân sủng của sự trung thành, ghi nhận rằng đây là bước đầu tiên để công nhận chúng ta là kẻ tội lỗi.

Ngài nói: “Nếu bạn không cảm thấy mình tội lỗi, thì bạn đã bắt đầu sai lạc rồi.”

Đức Thánh Cha giải thích: Nế bạn công nhận bạn là người tội lỗi “thì tim bạn sẽ mở ra và lòng thương xót Chúa có thể lọt vào và bạn mới bắt đầu trung tín.”

“Chúng ta xin cho có ân sủng để cho trái tim chúng ta không chai đá – để có thể mở rộng cho lòng thương xót Chúa – và xin ơn được trung tín. Và khi chúng ta cảm thấy mình bất trung, thì xin cho có ơn biết cầu xin được tha thứ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn: Bế mạc Khóa Thường Huấn Linh Mục GP. Banmêthuột
Vũ Đình Bình
10:52 04/03/2016
Thánh lễ tạ ơn: Bế mạc Khóa Thường Huấn Linh Mục GP. Banmêthuột

Từ chiều thứ Hai, 29/2 đến 04/3/2016, các linh mục thuộc Giáo phận Banmêthuột đã trở về Tòa Giám mục tham dự Khóa Thường Huấn, sống trong bầu khí huynh đệ gia đình thân thương. 158 linh mục thuộc mọi thế hệ khác nhau, từ những đấng cao niên đáng kính đến những linh mục trẻ vừa bước vào đời tận hiến, từ linh mục dòng đến linh mục triều, tất cả cùng về đây sống chan hòa trong Mái Nhà Chung.

Vào lúc 5g sáng nay, 4.3.2016, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục, các linh mục đồng tế với Đức Cha Vinh Sơn trong Thánh lễ tạ ơn, bế mạc Khóa Thường Huấn, cảm tạ Thiên Chúa đã ban muôn phúc lành cho Giáo phận, cho mỗi người.

Sau bài Tin Mừng (Mc 12, 28b-34): Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4). Và: “Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19, 18). Cha Micae Trần Minh Huy, Giáo sư ĐCV Xuân Bích – Huế, chia sẻ: Thiên Chúa đã yêu thương con người từ khi con người mới được tạo dựng, Tình yêu của Thiên Chúa làm cho con người triển nở, đưa con người đi xa hơn nữa là được làm con Thiên Chúa, chung chia hạnh phúc trong nước Chúa… Đáp trả lại Tình Yêu ấy, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, mỗi người chúng ta xin Chúa canh tân, hoán cải tâm hồn để biết đón nhận Tình Yêu vô biên của Chúa và san sẻ cho tha nhân.

Mục đích của Khóa Thường Huấn là giúp cho anh em linh mục lắng nghe tiếng Chúa, nghe tiếng bề trên và nghe những ý kiến chia sẻ của nhau. Những giờ hội thảo nhóm là cơ hội để anh em nói lên những trăn trở suy tư của mình cũng như những khó khăn gặp phải trong công việc mục vụ.

Trong những ngày thường huấn, đều có sự hiện diện của Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản. Ngài đồng hành và lắng nghe anh em linh mục, thể hiện mối quan tâm của chủ chăn đối với những người cộng sự của mình. Những bài thuyết trình của Cha Phêrô Trần Ngọc Anh, Giáo sư ĐCV Sao Biển - Nha Trang và Cha Micae Trần Minh Huy, Giáo sư ĐCV Xuân Bích – Huế về NHÂN HỌC KITÔ GIÁO và về MỤC VỤ là những môn học mới nằm trong chương trình đào tạo linh mục của các ĐCV ở Việt Nam, giúp cho các linh mục mở rộng kiến thức.

Chương trình thường huấn đã khép lại, các linh mục trở về nhiệm sở của mình. Tuy những âu lo và khó khăn thử thách vẫn còn đó, nhưng chắc chắn các linh mục trong Giáo phận phần nào trải nghiệm được tình hiệp thông với nhau, nhất là được ơn Chúa tác động và biến đổi. Cầu mong các ngài được tiếp thêm những nghị lực mới trong sứ mạng tông đồ, hăng say dấn thân phục vụ trong tâm tình Hy Vọng và Bình An, đem lại những mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo Tây nguyên thân yêu.


 
Nhớ Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
17:08 04/03/2016
Hình tháng 5 năm 1990:< Cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội
tháng 5 năm 1990. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đang ban phép lành
cho các cha DCCTvà các cộng tác viên DCCT sau buổi gặp mặt.
Một con người vượt trên bi kịch bản thân và gia đình

Hè năm 1987 tôi được cha già Giuse Vũ Ngọc Bích đón vào tu viện Thái Hà dưới danh nghĩa là cháu đến giúp ông lúc tuổi già [1]. Từ đấy tôi bắt đầu biết cha Mát thêu Vũ Khởi Phụng, vì cha già Bích hay nhờ tôi viết thư cho “chú Phụng” [2] và vì ông bà cố của ngài lại sống ở Hà Nội, số 36 Trần Hưng Đạo, nên hai bên hay qua lại thăm hỏi. Có chuyện gì vui buồn thường chia sẻ.

Mấy năm sau khi cha Phong và tôi được gửi vào Tu viện Kỳ Đồng, thì chính cha Máttthêu Vũ Khởi Phụng là người đón tiếp chúng tôi; từ đó trở đi tôi liên tục sống gần ngài, dưới sự hướng dẫn của ngài, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Nhờ vậy tôi mới hiểu hơn về ngài và gia đình ngài mà tôi coi như là một trong những nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản.

Cả hai ông bà cố của ngài đều thuộc dòng dõi gia đình quyền quý. Ông quê làng Trung Lao, Nam Định, đạo gốc, tốt nghiệp tú tài bên Pháp và trường Luật Đông Dương. Bà người Huế, gia đình ngoài Kitô giáo, thuộc khuynh hướng tân thời, thích nấu ăn và có năng khiếu nghệ thuật, về sau được phong nghệ nhân. Bà học đạo với các cha DCCT Huế và được rửa tội ở Sài Gòn. Cưới nhau xong, hai ông bà về sống ở Thanh Hóa, vì khi ấy ông làm Tri phủ Tĩnh Gia. Vì vậy cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng được sinh ra ở Thanh Hóa.

Ông cố là vị quan thanh liêm, có tài quản trị, được dân yêu mến và kính trọng, có tinh thần dân tộc, vì vậy năm 1945, chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ông tiếp tục làm công chức ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến năm 1946, phe cộng sản trong chính quyền tiến hành thanh trừng những người quốc gia, trong bối cảnh đó, ông cố bị cộng sản bắt đi tù; họ đưa ông từ Thanh Hòa vào giam ở vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Được nhắn tin là ông cố bị đày đọa và sinh bệnh nặng, bà cố mau vào còn kịp nhìn mặt và liệu cách đưa xác về nếu ông qua đời. Thế là bà cố vội vàng phải gửi ngài và các em ngài về quê Trung Lao, để đi tìm chăm sóc ông. Thấy tình hình ông nguy kịch và điều kiện trong tù khó có thể bảo đảm mạng sống, bà quyết định đeo bám theo những vùng nơi ông cố bị cộng sản giam cầm, làm việc, tìm cách cứu giúp ông cố, thỉnh thoảng mới về thăm ngài và các em ngài.

Ở Trung Lao, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng học tiểu học tại trường của giáo xứ, rồi nhập tiểu chủng viện Trung Linh. Tiếp theo qua các sinh hoạt trong Liên Đoàn Công Giáo, bà cố quen biết Đức ông Trần Ngọc Thụ, bấy giờ là Thư ký riêng của Đức Cha Lê Hữu Từ và từ mối quen biết này, cha Mátthêu được gửi vào học ở trường Trần Lục, Phát Diệm, nơi có môi trường học tập hiện đại và an ninh ở Miền Bắc thời bấy giờ. Năm 1952, bà cố từ Miền Trung ra Bắc đưa ngài và các em ngài ra Hà Nội, em ngài được gửi cho người thân, còn ngài thi được gửi vào Đệ tử viện DCCT như mong muốn từ ban đầu của bà cố từ khi đang mang thai ngài.

Năm 1954 cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc, bà cố cho ngài theo các cha DCCT di cư vào Nam. Các em ngài cũng di cư theo người thân theo các em của ông cố. Còn bản thân bà cố ở lại Miền Bắc theo ông đang đi tù cộng sản. Vốn là người đảm đang, tháo vát bà làm được được những việc lạ lùng, nhờ vậy ông mới sống sót và cuối cùng mãi đến năm 1973 ông mới được trả tự do khi hiệp định Paris được ký kết.

Đến năm 1975 cộng sản chiếm Miền Nam, đất nước thống nhất, nhưng như tống thống Thiệu nói “đó là nền hòa bình của nấm mồ”. Gia đình ông bà cố vẫn lâm cảnh phân ly. Cô con gái Triều Nghi cùng gia đình bên Hoa Kỳ; con trai thứ, Chú Giao, cựu sĩ quan cộng hòa, vào trại tập trung, rồi khi mãn hạn lại đi HO. Ở lại Việt Nam còn mình cha Phụng ở Sài Gòn, trong khi ông bà cố ở Hà Nội. Từ năm 1990 các cuộc thăm viếng Bắc-Nam mới thường xuyên hơn và mãi cho đến năm 2008 khi Cha Phụng ra Hà Nội làm bề trên tu viện Thái Hà thì ông bà cố và ngài mới được đoàn tụ ít năm trước khi hai ông bà lần lượt qua đời.

Gia đình lâm vào bi kịch như vậy, nên việc giữ được ơn gọi, quả là khó khăn. Tại Miền Nam, cuộc sống của các em ngài trong hơn 1 thập niên đầu cũng chật vật. Ngài cảm thấy phải có trách nhiệm với các em trong tư cách là anh cả. Từ đó ngài có ý định tạm dừng việc tu của bản thân một thời gian để làm gì đó giúp các em. Suy nghĩ ấy còn bị tác động bởi cuộc chiến Việt Nam và trào lưu xét lại ơn gọi thời hậu công đồng của nhiều tu sĩ. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng của ngài và của các em ngài, nên cuối cùng Chúa cũng giúp ngài cũng vượt qua.

Năm 1970 ngài được thụ phong linh mục. Bà cố của ngài ở Hà Nội cũng biết tin qua ngả Sài Gòn-Canada-Pháp-Hà Nội. Bà cố mừng lắm. Bà kể rằng ngày chịu chức của ngài, bà cố làm con gà mang sang mời Đức Cha Khuê và các cha bên Tòa Tổng Giám Mục ăn mừng, rồi xin các ngài dâng lễ tạ ơn. Thế mà vì việc này, sau đó bà cố đã bị công an triệu tập sách nhiễu, hạch hỏi.

Một linh mục thông minh và uyên bác

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng là người có tư chất thông minh. Hơn nữa, ngài còn rất chịu khó học tập nên kiến thức của ngài rất uyên bác.

Hình ảnh người ta có về ngài là con người khi đi, đứng, khi ăn, khi ngồi dường như lúc nào cũng kè kè bên cạnh là quyển sách hay tờ báo làm bạn, dường như không còn để tâm đến sự gì khác chung quanh. Nhờ thế, ngài có một vốn văn hóa rất sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực thần học, lịch sử và văn chương Kitô giáo.

Ngài nghiên cứu rất sâu rộng về thần học. Những tuyển tập thần học kinh điển và quan trọng hàng đầu của thế kỷ XX như Nouvelle Theologie, Unam Sanctam đều được ngài nghiền gẫm. Ngài rất thích lịch sử và văn chương Latin. Những bộ sách lịch sử quan trọng, đồ sộ như của Fliche et Martin vẫn đọc hết. Đọc đi đọc lại. Ngài là một trong số ít người ngay từ hồi trước 1975 ngài đã tìm đọc bộ giáo phụ latin hơn 200 cuốn của cha Jean Paul Migne, mà ngài nói là còn ở Trung tâm Công Giáo bên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.

Từ những năm 1970, ngài là một trong những linh mục giảng thuyết được yêu mến ở nhà thờ Kỳ Đồng, cùng thời gian ấy, ngài thường xuyên được mời đi giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ, các dòng tu và các giáo phận.

Ngài cũng làm giáo sư của các lớp thần học bí mật đây đó tại Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư Học viện DCCT và sau này còn dạy tại Học viện Liên Dòng. Ngài dạy thần học nhập môn, Giáo phụ học và cả Lịch sử Giáo Hội. Ngài bàn giải các tác giả, các vấn đề rất kỹ lưỡng, rất sâu rộng, rất hệ thống, luôn luôn mới mẻ; nội dung có mật độ suy tư thần học rất cao, rất độc đáo và hấp dẫn. Tôi thấy ngài đáng được gọi là nhà thần học.

Một trong những ơn Chúa ban cho ngài là ơn nói các thứ tiếng. Ngài có thể diễn đạt tư tưởng cách dễ dàng và chuẩn xác bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Nói cũng như viết. Đặc biệt là dịch thuật. Trong Dòng, ngài thường được mời làm người thông dịch chính thức mỗi khi các đấng bề trên hay anh em ngoại quốc tới Việt Nam. Hồi cách đây mấy năm, Phái đoàn Đức Tổng Giám Mục Đại Diện không thường trú tại Việt Nam đi thăm các giáo phận ở Miền Bắc, ngài cũng được mời đi theo làm người thông dịch.

Liên quan đến việc này, tôi thấy nếu mình cứ nói tiếng Việt đều đều, không cần dừng, thì ngài vừa nghe, vừa có thể dịch trực tiếp ra tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc dịch ngược lại từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ra tiếng Việt. Dù dịch xuôi hay dịch ngược thì ngài cũng đều diễn tả được cái hồn của nguyên ngữ, khiến người ta có cảm tưởng như đang nghe trình bày bằng trực tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Từ ta đến tây tôi thấy hiếm người có được khả năng thông dịch kỳ tài như ngài.

Một con người hiếu hòa và được việc

Ngài là típ người trí thức nhưng lại rất hiếu hòa. Gần 30 năm sống với ngài trong Dòng, tôi chưa bao giờ thấy ngài nổi nóng và nặng lời với ai. Ngài luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người. Nếu có ai lớn tiếng, ngài thường tránh đi hoặc im lặng lắng nghe, rồi nhỏ nhẹ hỏi thăm hoặc tham gia ý kiến và ý kiến của ngài rất quân bình, rất có tính cách xây dựng. Ngài có thể dung hòa khác khác biệt bằng một giải pháp tốt đẹp đến mức bất ngờ, hợp lý hợp tình mà hầu như ai cũng lấy làm hài lòng. Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến, kính trọng và tin tưởng. Bởi vậy, từ năm 1975 đến năm 2015, ngài luôn được anh em trong Dòng bầu cử và bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng.

Căn cứ vào những lần phê chuẩn của các vị bề trên tổng quyền, tôi đếm được 4 lần, tức trong 24 năm ngài được bầu cử làm thành viên của Tổng Công nghị; 11 nhiệm kỳ tức 33 năm được bầu làm cố vấn, thành viên hội đồng quản trị Tỉnh Dòng; 4 nhiệm kỳ, tức 12 năm được bầu làm Phó Giám Tỉnh; 2 nhiệm kỳ tức 6 năm được bổ nhiệm làm Bề trên tu viện DCCT và Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ HCG, Sài Gòn; 2 nhiệm kỳ, trong 7 năm làm Bề trên Tu viện DCCT Thái Hà, trong đó có 3 năm kiêm Chính xứ Thái Hà, Hà Nội; hơn 5 nhiệm kỳ tức 16 năm làm Giám học Học viện; 2 nhiệm kỳ làm Phó Tập sư; 2 nhiệm kỳ làm Giám đốc Dự tập; 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Truyền thông; 1 nhiệm kỳ làm Giám đốc Hậu Học viện; 1 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Tông đồ Mục vụ.

Ngày cũng tích cực tham gia phục vụ trong các công việc chung của TGP hay của Giới Liên Tu sĩ tại Sài Gòn. Từ năm 1975 cho đến năm 2008, ngài liên tục hoặc là thành viên trong Ban Đại diện, hoặc Ban Nghiên cứu Thần học của Hiệp hội Bề trên Thượng Cấp Việt Nam, hoặc là Chủ tịch Liên Tu sĩ TGP Sài Gòn, hoặc làm tổ trưởng tổ công tác, phụ trách các sinh hoạt thường kỳ của giới Liên Tu sĩ. Sách Gương Chúa Giêsu nói người hiếu hòa được việc hơn người trí thức. Ngài có cả hai, cho nên cuộc đời ngài từ khi làm linh mục, luôn ngập tràn trong trách nhiệm và bổn phận phục vụ ở các vai trò và vị trí khác nhau giữa lòng Giáo Hội.

Một linh mục không đam mê quyền lực

Là người trí thức, sống với những giá trị cốt yếu của đức tin, của đời tu, ngài không ham mê quyền lực. Những ai sống ở gần ngài đều thấy ngài là một trong số ít người không muốn quyền lực.

Có lần anh em trong Dòng tính bầu ngài làm Giám Tỉnh. Tuy nhiên, trước ngày bầu cử ít hôm, thầy Giuse Thuyết, một người cùng lớp Tập viện với ngài, nhưng là bậc niên trưởng trong Dòng và là người rất có uy tín đối với các anh em, than rằng: “Bét mẹ cái anh Phụng anh ấy nhờ mình việc khó quá mà không làm thì cũng tội cho anh ấy. Anh ấy nói với tôi là xin thầy đi nói với anh em đừng bầu con làm Giám Tỉnh, nếu không thì con bị cầm chân không còn đi giảng dạy đây đó được nữa, trong khi Nhà Dòng còn có những anh em khác làm bề trên tốt hơn.”

Không làm Giám Tỉnh, nhưng ngài cũng vẫn phải làm bề trên những tu viện lớn và đông anh em và quan trọng nhất của Tỉnh Dòng tại Sài Gòn và Hà Nội. Trong tư cách là bề dưới của ngài trong nhiều năm, không khi nào tôi cảm thấy ngài có ý thể hiện quyền của ngài trên các cá nhân hay trên cộng đoàn.

Tôi thấy ngài rất tôn trọng anh em dưới quyền, dù hầu hết đều là học trò của ngài. Là bề trên, nhưng khi ngài muốn điều gì thì thực ra là ngài đi xin bề dưới hơn là truyền lệnh cho bề dưới. Ngài cho người ta một cảm nhận đích thực rằng chức vụ để phục vụ chứ không phải là để cai trị, càng không phải để thống trị và thỏa mãn tham vọng của mình.

Ngài đối xử với những người cộng tác rất tế nhị. Nếu có sáng kiến mục vụ nào hay, thì ngài tìm lúc thích hợp để chia sẻ với các anh em và mời gọi anh em cộng tác. Nếu anh em thực hiện tốt, thì ngài khen ngợi; nếu không được như ý thì ngài cũng quảng đại chấp nhận và từ từ tìm giải pháp.

Ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, khi làm Bề trên-Chính xứ ngài thường nói: tôi là bề trên nhưng thực ra tôi chẳng làm gì cả. Tất cả những thành quả tốt đẹp thực ra đều do anh em và quý ông bà anh chị em giáo dân thực hiện cả.

Ngài đối xử với các cộng tác viên rất nhân hậu và phải đạo. Lúc ở Hà Nội tôi thấy mỗi khi có thể được ngài thường đến thăm những gia đình những người phục vụ trong giáo xứ. Tu viện nhờ một xơ Dòng Mân Côi Trung Linh làm văn phòng giáo xứ. Thấy xơ làm việc tích cực, chu đáo, vượt mức yêu cầu, làm hài lòng mọi người, cho nên ngày tết ngài đích thân xuống chúc tết Dòng Mân Côi và ngài nói rằng “cám ơn Nhà Dòng đã cho tôi một cha phó xứ rất đắc lực”.

Một tu sĩ có tinh thần vâng phục

Dù là người rất có uy tín, nhưng ngài rất khiêm nhường, luôn tế nhị và mau mắn đón nhận ý muốn của các vị bề trên. Ngài không tìm ý riêng mình. Không tìm cách để thay đổi ý định của bề trên. Nếu bề trên có ý muốn việc này thì ngài cố gắng thực hiện. Nếu bề trên có ý không muốn việc kia, thì ngài mau mắn chấm dứt.

Ngài không muốn làm Bề trên-Chính xứ ở Sài Gòn, nhưng khi cha Giám Tỉnh Cao Đình Trị muốn, thì ngài chấp nhận. Thời gian đấy, ngài đặc biệt quan tâm phục vụ sinh viên, bởi vậy ngài dành cho sinh viên một phòng hội lớn tại lầu 1 của Nhà Hiệp Nhất B, các bạn coi đấy như là nhà của mình, là thế giới riêng của mình, có cả một hệ thống tủ sách riêng và tủ đựng đồ đoàn riêng của các bác. Các bạn có thể tổ chức sinh hoạt thường xuyên định kỳ ở đó. Ý là hàng tuần. Lâu lâu cũng có cuộc hội lớn. Nhất là khi những dịp sinh viên Công Giáo ở các thành phố hội lại với nhau. Có lần đến 500 sinh viên. Thời đầu thập niên 1990 mà tụ họp sinh viên như vậy là lớn lắm. Sau đó, sợ ảnh hưởng của phong trào sinh viên, nhà nước đã làm áp lực lên Tỉnh Dòng và lên Tòa Giám Mục. Mặc dù ngài chẳng e ngại áp lực của công an, nhưng vì lợi ích chung của toàn Giáo phận và Nhà Dòng, ngài đã tạm ngưng các cuộc tập hợp kia của sinh viên.

Cũng trong tinh thần tuân phục ấy, tôi biết điều này: mặc dù ông bà cố của ngài ở tại Hà Nội, nhưng ngài rất gắn bó với môi trường mục vụ ở Sài Gòn; ngài không muốn ra Hà Nội. Tuy nhiên, anh em muốn và Cha Giám Tỉnh cũng muốn, thế là ngài đã vâng lời làm Bề trên-Chính xứ Thái Hà vào những năm khó khăn nhất trong lịch sử của Tu viện này.

Một linh mục không đam mê tiền bạc và quảng đại giúp đỡ người nghèo

Ngài cũng không đam mê tiền bạc và quảng đại giúp đỡ mọi người. Có người quên mọi thứ nhưng tiền thì không quên. Ngài thì ngược lại, có thể nhớ mọi thứ nhưng tiền thì không. Tâm ngài không dính vào tiền. Sự thực là vậy.

Tôi nhớ hồi những năm trước 2008, biết ngài ra Hà Nội ăn tết với ông bà cố, thì cha Giám Tỉnh gửi ngài tiền mừng tuổi cho anh em nhà Hà Nội. Ấy vậy mà ngài cứ quên đi quên lại, có khi nhớ mang ra tới Hà Nội, nhưng rồi quên trao cho các anh em và vì thế lại mang vào Sài Gòn. Cứ thế vào ra cuối cùng đến giữa năm tiền mừng tuổi với đến được chúng tôi.

Trước đó, hồi năm 1992, khi ngài bị tai nạn, ngài nhờ tôi và cha Phong vào dọn phòng. Tôi thấy trong túi quần áo cũ còn tiền từ đời nảo đời nào. Nhiều quyển sách bên trong còn cặp các phong bao lì xì chứa tiền Việt Nam Cộng Hòa. Tôi biết là ngài không để ý tới.

Nếu có tiền và nếu có nhớ tới, thì ngài thường chỉ dùng để mua sách và thường xuyên hơn là giúp đỡ người nghèo. Tại tu viện Kỳ Đồng, tôi thấy người nghèo bấm chuông tìm kiếm ngài nhiều nhất. Như thế ngài có bị lợi dụng và mắc lừa? Ngài nói rằng, thôi thì nếu người ta có thể lợi dụng được mình một tý thì cứ để cho người ta lợi dụng! Người ta chẳng biết chạy đến đâu nữa mới chạy đến mình. Thà rằng mình bị mắc lừa còn hơn là linh mục mà đẻ người ta thấy mình thiếu tình thương.

Cũng tinh thần ấy, lúc ngài làm bề trên ở Hà Nội, có những người nghèo từ xa về Thái Hà hành hương, ngài thường giúp đỡ họ. Có lần tôi gặp một nhóm rất đáng thương, tôi trình bày với ngài là nên nói cha quản lý của tu viện giúp đỡ, thì ngài bảo rằng: “Thôi, tớ có tiền, để tớ đi lấy đưa cho cậu giúp họ. Khỏi dùng tiền của cộng đoàn.”

Một nhà rao giảng bằng ngòi bút

Là một linh mục dấn thân, chứ không phải một quan chức văn phòng, cho nên ngài gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân, của Giáo Hội và Đất Nước.

Ngài quan niệm rằng linh mục thời nay một tay phải mang sách Phúc âm và tay kia là tờ báo. Có nghĩa rằng Tin mừng phải gắn liền với cuộc sống hiện tại ở đây và lúc này. Ngài giảng cho chúng tôi như vậy. Trong ý thức đấy, ngài không chỉ thích đọc báo, mà hơn thế còn thích làm báo. Bởi thế, từ hơn 50 năm trước, cho đến cách đây khoảng 1 năm, trong khi sức khỏe còn cho phép, ngài thường xuyên viết bài cho các báo Công Giáo trong ngoài nước.

Ngài là người có sức viết dồi dào hiếm thấy. Ngài viết về những con người khác nhau, về các sự kiện khác nhau và về các vấn đề khác nhau tùy theo tình hình Giáo Hội và xã hội ở từng thời điểm. Ngài viết rất hay, rất thời sự, văn chương rất mượt mà, súc tích. Vốn có óc trào phúng, ngài chỉ ra những khía cạnh thú vị, đọc ra được những ý nghĩa sâu xa của sự việc, hiện tượng mà người khác vốn thấy là bình thường.

Ngoài ra ngài cũng tham gia trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn, các đài báo quốc tế. Nhiều bài viết và bài phỏng vấn liên quan đến tình hình Việt Nam còn được còn được các báo tây đăng lại và còn thấy trong danh mục của các tuyển tập kê khai tư liệu liên quan đến Việt Nam.

Ngài không thờ ơ với con người và ngài quan niệm rằng báo chí là một phương thế rao giảng Tin mừng. Tòa giảng và hay tòa báo đều là nơi thi hành sứ vụ. Viết báo là một cách đưa đạo vào đời, một cách ngài đối thoại với môi trường mình rao giảng. Việc đối thoại ấy diễn ra liên lỉ ở mọi nơi ngài có mặt trong mọi thời điểm.

Các đấng bề trên trong Dòng cũng biết ngài có năng lực báo chí và có quan niệm đúng đắn về truyền thông, cho nên ngay khi ngài vừa thụ phong linh mục, ngài đã được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa soạn và Chủ bút của Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rồi gần 10 năm vừa qua, gắn liền với các sự kiện ở Thái Hà và Kỳ Đồng, cũng là thời gian ngài được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Truyền Thông của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế.

Một chiến sĩ tích cực dấn thân mưu tìm công lý, sự thật và hòa bình

Những gì ngài nói, những gì ngài viết, những gì ngài làm, những gì diễn ra ở DCCT Thái Hà, Hà Nội và DCCT Kỳ Đồng, Sài Gòn trong những năm qua, là những bằng chứng nói cho chúng ta biết ngài đã dấn thân thế nào trong lãnh vực công lý, sự thật và hòa bình.

Lúc này tôi chỉ muốn nói thêm rằng: theo tôi được biết, thì ngài là một trong những người sớm gửi thư kiến nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam mạnh dạn thành lập Ủy Ban Công lý và Hòa bình.

Ngài là một trong những anh em tích cực nhất và có vai trò quan trọng nhất của DCCT Việt Nam trong việc dấn thân cho công lý, sự thật và hòa bình.

Ngài đã sẵn lòng đảm nhiệm vai trò Bề trên-Chính xứ Thái Hà ở vào một trong những thời điểm mà ngài biết là đang gặp khó khăn, thử thách, nguy hiếm nhất trong lịch sử gần 90 năm hiện diện của tu viện này.

Ngài đã không thỏa hiệp trước những đề nghị của nhà cầm quyền để mưu tìm lợi ích riêng cho DCCT của mình. Trái lại, ngài hiệp nhất chặt chẽ với Tổng giáo phận Hà Nội, chấp nhận đồng sinh đồng tử với giáo dân, giáo sĩ và giáo quyền. Chấp nhận bằng hành động cụ thể chứ không phải bằng lời nói.

Yêu cầu của ngài về công lý, sự thật và hòa bình rất cao. Trong tư tưởng cũng như trên thực tế hành độn. Liên quan đến điều này, tôi thấy rằng trong tổng thể cũng như trong từng phương diện, thường thì ý của ngài là 10 phần, thì chúng tôi cố gắng hết sức cũng chỉ thực hiện được khoảng 5 hay 6 phần.

Ngài chủ trương dấn thân mưu tìm CÔNG LÝ, SỰ THẬT VÀ HÒA BÌNH, là bởi vì ngài xác tín rằng cái gốc rễ của của những đổ vỡ và rối loạn về mọi phương diện hiện nay trong xã hội Việt Nam đều phát xuất từ BẤT CÔNG-DỐI TRÁ VÀ BẠO LỰC do chế độ đã và đang thi hành.

Đêm Chúa Nhật 20 rạng ngày 21 tháng 9 năm 2008, khi nhà cầm quyền huy động những thành phần bất hảo đến bao vây tu viện Thái Hà, phá phách Đền thánh Giêrađô và hô hoán đòi giết ngài, ngài vẫn không nao núng, sợ hãi. Thậm chí hôm sau, trong thánh lễ Mátthêu, lễ bổn mạng ngài, tại nhà thờ, ngài còn có thể ca hát và có những lời hài hước khiến cộng đoàn cười nghiêng ngả, đủ biết niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của ngài lớn lao thế nào.

Còn những điều khác liên quan đến ngài trong lĩnh vực này, dần dần lích sử sẽ làm sáng tỏ.

Hình 2: Cha Vũ Khởi Phụng dẫn Đức Cha Ngô Quang Kiệt và Nguyễn Văn Đệ
đi thăm gia đình trong giáo xứ Thái Hà có người bị bắt
trong khi tham gia làm chứng cho công lý
và sự thật năm 2008.


Một nhà thừa sai trong lãnh vực văn hóa và nghệ thuật

Ngài cũng thừa hưởng ít nhiều năng khiếu nghệ thuật của ông bà cố. Những năm tôi ở Sài Gòn, nhất là thời điểm 1989-1992, khi ngài chưa bị tại nạn gãy chân, hầu như tuần nào ngài cũng rủ tôi đạp xe cùng ngài, lang thang đến các phòng triển lãm tranh ở đường Pasteur và đường Đồng Khởi, hoặc các bảo tàng, các nhà văn hóa, các danh lam thắng cảnh ở nội ngoại thành để thưởng thức những giá trị văn hóa nghệ thuật. Đôi khi có phim hay trình chiếu ở đâu đó thì ngài cũng kêu tôi đi xem cùng, tôi thấy thường là ở Trung tâm Văn hóa Pháp, vì có những phim nơi khác cấm ở đấy vẫn có thể chiếu. Nếu ngài bận việc, thì ngài nói tôi đi xem rồi về thuật lại.

Nhưng nơi mà ngài thường lui tới nhất là các nhà sách và các điểm bán sách báo ngoại ngữ của du khách Tây phương mang theo đọc xong rồi bỏ lại, hay bán lại. Ngài đi xem sách cốt yếu để biết. Dù vậy thấy sách nào cần thiết, sách nào có giá trị và giá cả trong mức độ chấp nhận được thì ngài cũng mua. Tôi biết ngài sưu tập được một ít tạp chí Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) và Nam Phong Tạp chí. Cả hai thứ quý này hy vọng là vẫn còn lại trong phòng ngài ở Sài Gòn.

Ngài cũng rất quan tâm đến văn chương kim cổ của thế giới và của Việt Nam. Ngài thường tìm đọc những tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel hoặc đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam. Thời sự văn chương Việt Nam hay dở thế nào thì ngài nắm bắt khá kịp thời. Ngài coi văn chương không những là phương tiện giải trí, mà còn là một cách thức để ngài tiếp cận thực tại xã hội, gợi ý cho ngài trong việc rao giảng và hơn nữa còn là một phương tiện hiệu quả để truyền bá Tin mừng.

Ngài rất quan tâm đến mảng văn thơ Công Giáo Việt Nam. Ngài cổ vũ những ai có khả năng tham gia sáng tác văn học Công Giáo. Những năm ở Hà Nội tôi thấy ngài cũng rất quý trọng nhà văn Nguyễn Hoàng Đức. Có lần chiều mùng một tết, trong lúc mọi người về quê với gia đình, tu viện cũng vắng vẻ hơn ngài thường, cha Vũ Khởi Phụng bảo tôi kêu anh Nguyễn Hoàng Đức đến Nhà Dòng cùng ngài và tôi đi ăn chiều và bàn chuyện văn thơ, triết học.

Năm rồi, sau một cuộc tĩnh tâm Cursillo, tôi có dịp hàn huyên với cha Nguyễn Tầm Thường, một văn sĩ Công Giáo được yêu thích, tôi hỏi con đường nào dẫn ngài đến nghiệp văn chương, thì ngài cho biết: trước 1975, lúc ngài đang làm chủng sinh ở Long Xuyên, thì ngài bắt đầu tập làm thơ, viết văn rồi gửi cho báo Tuổi Hoa và báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi nhận được, cha Vũ Khởi Phụng đã viết thư cho ngài, đánh giá rất tốt các bài viết của ngài và đã khuyên ngài tiếp tục sáng tác. Từ đó ngài tự tin vào ơn gọi văn chương và ngài theo nó đến bây giờ.

Ngài cách đích thân tổ chức các buổi giới thiệu các tác giả và tác phẩm Công Giáo. Có khi ít thì 5, 3 người. có khi nhiều cũng được 20, 30 người. Tôi nhớ hai lần cuối ngài tổ chức mà tôi có tham dự, thì một lần giới thiệu về tác giả và tác phẩm của nhà thơ Đình Bảng, lần còn lại giới thiệu về nhà thơ nào đó mà nay tôi quên đã quên tên; tôi chỉ còn nhớ là anh còn đang sống, đang bị bệnh phong như Hàn Mặc Tử và là người đã viết tiếp vở kịch thơ Quần Tiên Hội của Hà Mặc Tử.

Cha Mátthêu quan niệm rằng đức tin của người Công Giáo Việt Nam chưa diễn tả được thành thơ thì đức tin chưa thực sự bén rễ sâu xa để sinh hoa kết quả tốt đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam này.

Theo tinh thần đó, bản thân ngài thỉnh thoảng cũng làm thơ, nhân dịp có sự kiện vui buồn gì đó. Chẳng hạn năm 1992, khi đang đạp xe lên Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp giảng tĩnh tâm, đến chỗ sân gôn Gia Định, chỗ gần ngã ba Chú Ía, thì ngài bị cái xe benz đụng gẫy chân. Cha già Jean Thính, người rất mến mộ ngài, đã gửi tặng ngài mấy câu thơ con cóc rằng:

Vũ Khởi Tiên Sinh bị gãy giò
Thế mà phải nói số còn to.
Vụ xe cán nghiến ghê rung rợn.
Hậu quả thông thường: ngủ hũ tro

Cóc Đại Cồ Việt

Và ngài đã họa lại rằng:

Mở mắt thì ra chỉ gãy giò.
Tưởng về với Chúa kiếm lời to.
Thiên đình khó tính chưa cho nhập.
Thôi thế xin từ biệt hũ tro.

Mười mấy năm nay dường như không thấy ngài làm thơ nữa. Tôi hỏi tại sao, ngài bảo từ hồi cụ Jean Thính mất, ngài cũng không còn hứng làm thơ nữa.

Nhưng ca hát và sáng tác thánh ca thì ngài vẫn tiếp tục. Ngài thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của bà cố; hơn nữa trong Nhà Dòng, ngài được các cha Canada đào tạo âm nhạc rất bài bản về âm nhạc như các anh em cùng thế hệ như Thành Tâm, Sĩ Tín, Hoàng Đức, Tiến Lộc.

Năm 1994, khi Đức Cha Hoàng Văn Tiệm gặp tôi ở Nhà thờ Fatima Bình Triệu, ngài nói: “Ông còn trẻ mới vào tu nên không biết. DCCT các ông trước ở Đà Lạt quậy lắm. Các thầy mặc âu phục hát nhạc vào đời nên bị “đào” vời ra sạch cả. Tai tiếng lắm!”.

May mà trước đó có lần cha Phụng đã kể cho tôi biết. Ngài nói rằng thực ra thời đáy thế hệ ngài cũng có nhiều anh bỏ tu. Nhưng họ về vì những chuyện khác chứ không phải vì hát nhạc vào đời. Thành viên của ban nhạc Alleluia hát nhạc vào đời vẫn còn nguyên cả đấy: Vũ Khởi Phụng, Thành Tâm, Trần Sĩ Tín, Nguyễn Đức Mầu, Trần Ứng Tường, Tiến Lộc, Trần Văn Quang, Lê Vĩnh Thủy. etc. Sự thật hiển nhiên là vậy, vì những anh em này còn đang sống cả và phần nhiều đều đàn hát hay sáng tác được cả.

Cha Vũ Khở Phụng có giọng tenore rất hay và rất sang. Mỗi khi ngài, cùng quý cha Tiến Lộc, Trần Sĩ Tín, Cao Đình Trị, Thành Tâm cùng đồng ca thì ai nghe cũng thấy cảm động. Một trong những lần trình diễn hay nhất mà tôi ghi nhớ trong ký ức là dịp các ngài hát với cha Labonté, thầy cũ của các ngài từ Canada sang Việt Nam năm 1994.

Ngài thích hát và thích khuyến khích người khác hát thánh ca. Vì vậy, trong những năm khó khăn sau 1975 ngài đã làm linh hướng cho Ca đoàn Trùng Dương, thường gọi là ca đoàn lang thang. Thỉnh thoảng ngài lại mời ca đoàn này trình diễn theo kiểu hát cho nhau nghe theo một chủ đề gì đó, hoặc trong cuộc hội ngộ nào đó; có khi chỉ để cùng nhau suy niệm và cầu nguyện bằng thánh ca nhân Mùa Vọng hoặc Mùa Chay.

Ngài cũng có khả năng sáng tác âm nhạc. Nếu ngài theo chí hướng âm nhạc thì ngài cũng có thể thành ca sĩ, nhạc sĩ như một số người khác. Nhưng không! Ngài biết đâu là sứ vụ chính của ngài. Ngài không sống chết với âm nhạc. Đam mê của ngài không phải là âm nhạc. Đam mê của ngài là người nghèo và phục vụ người nghèo. Ngài chủ yếu coi âm nhạc như là một phương thế rao giảng Tin mừng.

Vì như cầu rao giảng, trong từng hoàn cảnh ngài đã cùng anh em trong Dòng ngẫu hứng sáng tác nhiều bài hát. Những bài hát ngài sáng tác, thường lấy ý tưởng từ Kinh thánh và hiện thực cuộc sống, có lời ca rất duyên dáng, súc tích, lại thấm đượm chất thơ, thấm đượm tình tự của ngài đối với Chúa, đối với người nghèo, đối với Giáo Hội và Quê Hương. Thí dụ bài Tin vui cho bạn nghèo, một trong những bài hát mà mỗi lần hát hay nghe người khác hát, tôi cảm động phát khóc lên được.

TK.1:Ngài sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó; ngài sai tôi loan Tin mừng ơn cứu độ chứa chan nơi người. TK.2:Ngày đi xuân tươi hoa cỏ, với bao nỗi niềm thân thương, đường xa nên duyên nên nợ, bao nhiều người vấn vương vui buồn. TK 3: Nhiều phen ngang qua gian khổ, xin mang theo làm hành trang, trời khuya muôn sao đua nở, dõi bóng người đớn đau băng ngàn. TK 4: Gặp anh em tôi bé nhỏ. Xót thương phận bèo lênh đênh. Rồi nghe miên man tâm sự, những mối tình nước non quê mình. ĐK: Bạn nghèo, bạn nghèo, hãy sống ước ao. Bạn nghèo, bạn nghèo hãy sống khát khao Nước Trời. Bạn nghèo, bạn nghèo, có Đức Kitô. Bạn nghèo, bạn nghèo được phúc đầy no ơn trời.

Lời bài hát đấy tiêu biểu cho phong cách của ngài, cho chính cuộc đời của ngài.

Và đây bài hát này, có lẽ ít nhiều là tâm trạng của ngài hôm nay:

Trên đường về nhà Cha, từng lớp người đi tới. Có muôn dân thế giới, cùng hát một bài ca. Trên đường về nhà Cha, người đông đoài nam bắc. Mang hoa thơm cỏ lạ của rừng sâu đảo xa. 1. Cánh tay Cha chờ đợi luôn đón mời. Lòng bao dung mở ra trời đất mới. Là biển khơi gội sạch mọi tội lỗi. Như nhắn lời mau về đây với tình Cha. 2. Lữ khách bao ngày dài đã khát khô. Nặng âu lo vì thất bại đây đó. Đường mưa gió gập ghềnh nhiều gian khó. Nay đã về vui mừng gặp gỡ lại Cha.

Hình Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt,
cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT Hà Nội cùng một số cộng tác viên
tại Tòa Giám Mục Hà Nội năm 2008.


Tôi kể đã dài, mà chưa hết chuyện ngài. Tuy nhiên, một cách vắn tắt có thể nói thế này về ngài: Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng là người thông minh và hiểu biết; là linh mục hiền lành, thánh thiện, có chiều sâu tâm linh và có lòng bác ái lớn lao; là người không ham mê quyền lực, không đam mê tiền bạc và luôn sẵn lòng tuân theo sự hướng dẫn của các bề trên. Không bao giờ có ai có thể chê trách ngài điều gì liên quan đến những phương diện căn bản của đời tu là đời sống độc thân, khó nghèo và tuân phục. Đối với tha nhân, ngài có lòng bác ái lớn lao, luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người và tận tình giúp đỡ mọi người về vật chất và tinh thần trong khả năng của mình. Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến và kính trọng. Ngài sống hiền hòa, nhưng vì con người và vì hạnh phúc của con người, ngài luôn thao thức đến các vấn đề của Giáo Hội, của Dân Tộc và của Đất Nước, bởi vây không bao giờ khoan nhượng với những bất công, dối trá và bạo lực của các cá nhân hay của cả chế độ. Vì thế, cùng những người khác ngài sẵng sàng xả thân mưu tìm CÔNG LÝ, SỰ THẬT VÀ HÒA BÌNH, nhằm mang lại hạnh phúc cho người dân, sự thịnh vượng cho Giáo Hội và cho Đất Nước. Một cách ngắn gọn, có thể nói rằng đối với Nhà Dòng, với Giáo Hội, với Dân Tộc và Đất Nước, ngài cũng đã yêu mến hết tình và phục vụ hết mình. Phục vụ bằng lời cầu nguyện, bằng tấm lòng chia sẻ, bằng khả năng giảng dạy của mình, bằng năng khiếu viết văn, làm thơ và sáng tác thánh ca. Ngài là một tu sĩ chân chính Dòng Chúa Cứu Thế, một linh mục thánh thiên của Giáo Hội, một mục tử đích thực như lòng Chúa mong muốn, một công dân sống có trách nhiệm nhất đối với Dân Tộc và đất nước Việt Nam đầy đau thương và bất hạnh này./.

Tu viện Thánh Gioacchino Roma, ngày 3 tháng 4 năm 2016

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

[1] Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, DCCT, người sống sót ở Hà Nội là em của bà tôi, lúc ấy tuổi già mắt kém, không còn tự mình đọc sách, viết thư từ được.

[2] Cách gọi của cha Già Bích. Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng lúc đấy ngài đang là cố vấn của Tỉnh Dòng lại phụ trách Dự tập.

[3] Ở Sài Gòn, tôi không thấy ai mê sách hơn cha Phụng và không ai mê đồ cổ hơn cha Nguyễn Hữu Triết. Chỉ có một khác biệt này nơi hai vị đáng kính: Cha Phụng thấy sách, mê sách nhưng không biết làm sao để sách đẻ ra sách; trong khi cha Triết thấy đồ cổ, mê đồ cổ và biết cách làm sao để đồ cổ đẻ ra đồ cổ. Tuy nhiên, cả hai lối ứng xử ấy của hai vị đều đáng phục và đều rất tốt đẹp. Cả hai đều sống giản dị, nghèo khó và đều cố công tìm cách bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa và đức tin.

[4] Nguyễn Hoàng Đức, nguyên là công an cộng sản, được ĐHY Nguyễn văn Thuận cảm hóa, anh đã bỏ nghề công an, chấp nhận sống nghèo và sống trong cô đơn, cô độc để theo Chúa, nghiên cứu Kinh Thánh, thần học và sáng tác thơ văn Công Giáo. Anh đã được cha Nguyễn Xuân Thủy ở nhà thờ lớn rửa tội. Dịp kết thúc cấp giáo phận án phong chân phúc ĐHY Thuận, anh được mời sang Roma tham dự và làm chứng nhân, nhưng giờ cuối anh bị nhà cầm quyền cộng sản cấm xuất cảnh.
 
Vài Nét Về Cuộc Đời Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng Dòng Chúa Cứu Thế
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
16:57 04/03/2016
Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, sinh ngày 05 tháng 11 năm 1940 tại Thanh Hóa, trong một gia đình Công Giáo đạo đức, thân phụ là Tri phủ Tĩnh Gia, thân mẫu là nghệ nhân.

Năm 6 tuổi ngài được gửi vào học tại trường tiểu học của giáo xứ Trung Lao, giáo phận Bùi Chu, giáo xứ quê hương ngài. Tiếp theo ngài theo học tại Tiểu Chủng viện Trung Linh, giáo phận Bùi Chu và trường Trần Lục, giáo phận Phát Diệm.

Từ năm 1952 đến năm 1954, ngài học tại tiểu đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

Từ năm 1954 đến năm 1956, ngài học tại tiểu đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế Huế.

Từ năm 1956 đến năm 1962, ngài học tại Đệ Tử viện Vũng Tàu; tốt nghiệp với bằng tú tài toàn phần theo chương trình Pháp.

Từ năm 1962 đến năm 1963, ngài được gọi vào Tập viện Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang.

Ngài được khấn Dòng ngày 02 tháng 07 năm 1963 tại Nha Trang.

Từ năm 1963 đến năm 1969, ngài học triết học và thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt.

Ngài được thụ phong linh mục ngày 04 tháng 04 năm 1970.

Từ năm 1970 đến năm 1975, trong Dòng Chúa Cứu Thế, ngài được bổ nhiệm làm Phó Giáo tập, Kiêm Thư ký Tòa soạn và Chủ bút báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Từ năm 1975 đến năm 1978, ngài làm Cố vấn Thường vụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Từ 1978 đến năm 1984, ngài làm Phó Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, kiêm Giám học Học viện.

Từ năm 1984 đến năm 1987, ngài làm Cố vấn Tỉnh Dòng và phụ trách xóm giáo 7, giáo xứ Đức Mẹ HCG Sài Gòn.

Từ năm 1987 đến năm 1990, ngài làm Cố vấn Tỉnh Dòng, Phụ trách Dự tập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Từ năm 1990 đến năm 1993, ngài làm Cố vấn của Tỉnh Dòng, Trưởng ban Linh đạo tông đồ, Giám học và Phụ trách Dự tập.

Từ năm 1993 đến năm 1999, ngài Phó Giám tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam kiêm Bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn – Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, kiêm Trưởng Ban Tông đồ của Tỉnh Dòng.

Từ năm 1999 đến năm 2005, ngài làm Cố vấn Tỉnh Dòng, giáo sư Học viện Dòng Chúa Cứu Thế và Học viện Liên Dòng tại Sài Gòn.

Từ năm 2005 đến năm 2008, ngài làm Trưởng ban Đào tạo của Tỉnh Dòng, Giám học Học viện Thánh Anphongsô, Giám đốc Hậu Học viện.

Từ năm 2008 đến năm 2011, ngài làm Cố vấn Tỉnh Dòng, Trưởng Ban Truyền thông và làm làn Bề trên-Chánh xứ Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

Từ năm 2011 đến năm 2015 ngài làm Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội, Trưởng Ban Truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Đối với Dòng Chúa Cứu Thế trên thế giới, từ năm 1978 đến năm 2002, trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp, ngài làm nghị viên Tổng Công hội, tham gia vào các quyết định quan trọng nhằm xây dựng Nhà Dòng trên toàn thế giới.

Ngoài các chức vụ và các công việc chính thức trên đây do Nhà Dòng trao phó, từ năm 1975 đến năm 1993 ngài đã tổ chức và phụ trách giáo lý dự tòng tại giáo xứ Đức Mẹ HCG Sài Gòn.

Từ năm 1975 đến 2008, khi kín đáo, khi công khai, ngài đồng hành với một số các nhóm sinh viên và một số nhóm tông đồ giáo dân khác cùng lúc tại Hà Nội -Huế và Sài Gòn. Ngài còn tham gia cổ vũ và tổ chức các chương trình văn hóa, giáo dục và tông đồ cho giới trẻ.

Trong Giáo Hội Việt Nam, ngài tích cực tham gia và góp phần khiêm tốn theo vai trò và vị trí của mình trong các sự kiện quan trọng của Giáo Hội. Ngài đặc biệt gắn bó với giới Liên Tu Sĩ. Ngài là một trong những người có mặt và đồng hành với các sinh hoạt của giới tu sĩ Liên Tu sĩ tại Sài Gòn ngay từ những tháng đầu khó khăn của năm 1975 cho đến năm 2008 khi ngài ra Hà Nội.

Trong thời gian này, ngài liên tục đảm nhận các công việc phục vụ khác nhau như làm thành viên trong Ban Đại diện và Ban Nghiên cứu Thần học-Linh Đạo của Hiệp hội Bề trên Thượng cấp Việt Nam, làm Chủ tịch Liên Tu sĩ Sài Gòn, tổ trưởng tổ công tác, phụ trách các sinh hoạt thường kỳ của Liên Tu sĩ. Ngài là một trong những người góp phần làm nên diện mạo của Liên Tu sĩ Việt Nam.

Cũng trong những thập niên này (1975-2008) ngài tham gia giúp tĩnh tâm cho nhiều dòng tu nam nữ, nhiều giáo xứ và giáo phận khác nhau ở khắp ba Miền Đất nước và tham gia một số cuộc hội thảo quốc tế về các vấn đề thần học, linh đạo và hòa bình.

Ngài đã cũng với anh em trong Dòng sáng tác rất nhiều bài thánh ca và hoạt ca, đang được phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

Hơn nữa, trong hơn 50 qua, từ khi vừa khấn dòng, dưới nhiều bút hiệu khác nhau, ngài đã viết rất nhiều bài báo, đăng trên các báo và tạp chí trong nước và nước ngoài, phản ánh và suy tư về các vấn đề khác nhau liên quan đến Giáo Hội và đến đất nước Việt Nam và cũng như Giáo Hội hoàn vũ và thế giới.

Năm 2015, ngài mãn nhiệm chức vụ Bề trên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà Hà Nội, một tu viện gặp nhiều khó khăn và thử thách nhất của DCCT nói riêng và của Giáo Hội tại Miền Bắc nói chung. Sau ít tháng nghỉ hưu tại Sài Gòn, ngài trở lại Hà Nội tháng 1 năm 2016. Tại đây, ngài lâm bệnh năng và vào lúc 21 h 00 ngày 2 tháng 3 năm 2016 tại Bệnh viện Lão Khoa Hà Nội, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng đã được Chúa gọi về sau 76 năm làm con Chúa trên dương thế, 53 năm làm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và 46 năm thi hành sứ vụ linh mục.

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng là người thông minh và hiểu biết; là linh mục hiền lành, thánh thiện, có chiều sâu tâm linh và có khả năng hướng dẫn người khác; là người không ham mê quyền lực, không đam mê tiền bạc và luôn sẵn lòng tuân theo sự hướng dẫn của các bề trên. Không bao giờ có ai có thể than trách ngài điều gì liên quan đến những phương diện căn bản của đời tu là độc thân, khó nghèo và tuân phục.

Đối với tha nhân, ngài có lòng bác ái lớn lao, luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người và tận tình giúp đỡ mọi người về vật chất và tinh thần trong khả năng của mình. Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến, kính trọng và tin tưởng.

Ngài sống hiền hòa, nhưng vì con người và vì hạnh phúc của con người, ngài luôn thao thức đến các vấn đề của Giáo Hội, của Dân Tộc và của Đất Nước, bởi vây không bao giờ khoan nhượng với những bất công, dối trá và bạo lực của các cá nhân hay của chế độ. Vì thế, cùng những người khác ngài sẵng sàng xả thân mưu tìm CÔNG LÝ, SỰ THẬT VÀ HÒA BÌNH, nhằm mang lại hạnh phúc cho người dân, sự thịnh vượng cho Giáo Hội và cho Đất Nước.

Có thể nói rằng đối với Nhà Dòng và Giáo Hội, đối với Dân Tộc và Đất Nước, cha Mátthêu đã yêu mến hết tình và phục vụ hết mình. Phục vụ bằng lời cầu nguyện, bằng tấm lòng chia sẻ, bằng khả năng giảng dạy, bằng viết báo và sáng tác thánh ca, bằng việc tham gia tổ chức các dự án văn hóa, giáo dục, bác ái. Ngài là một tu sĩ chân chính Dòng Chúa Cứu Thế, một linh mục thánh thiên của Giáo Hội, một mục tử đích thực như lòng Chúa mong muốn, một công dân sống có trách nhiệm nhất đối với Dân Tộc và đất nước Việt Nam.

Hôm nay, ngài đã hoàn tất tốt đẹp hành trình trần thế, trong niềm tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Cứu Thế, chúng ta hiệp lòng tạ ơn với ngài và xin ngài cầu nguyện cho chúng ta được tiếp tục phục vụ người nghèo, phục vụ Giáo Hội, Dân Tộc và Đất Nước Việt Nam thân yêu như Chúa đã muốn, như cha Mátthêu đã làm và như bao nhiêu người đang mong đợi. Amen./.

Roma Văn khố Trung ương CSsR và Tu viện Thánh Gioakim

Roma tháng 3 năm 2016.


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
 
Thương tiếc cha Vũ Khởi Phụng
Hà Minh Thảo
23:09 04/03/2016
THƯƠNG TIẾC CHA VŨ KHỞI PHỤNG

Cha đáng kính,

Sáng sớm hôm nay, điện thư mang tựa ‘Cha tôi – chứng nhân của thời đại’ đã báo cho con tin buồn ‘Cha Matthew Vũ Khởi Phụng đã trở về bên Chúa’. Buồn nhưng con không ngạc nhiên vì biết Cha bịnh từ năm qua. Từ nay, những nạn nhân của chế độ cộng sản thiếu vắng một người Cha nhân hậu và thương mến mọi người. Cha đã từng ôm trọn trong vòng tay mình Luật sư Lê Quốc Quân khi từ trại tạm giam B14 về nhà thờ Thái Hà. Cha cũng có những lời vui mừng khi tiếp đón sinh viên Nguyễn Phương Uyên từ nhà tù Long An về nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Sài gòn.

Năm 2000, con đã đọc và cất giữ làm tài liệu bài ‘Người Công Giáo hoạt động thế nào ở Việt Nam ngày nay’ được đăng trong tuyển tập ’40 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Công Giáo Việt Nam’ do Định hướng Tùng thư’ xuất bản. Từ đó, những bài do Cha viết đều được con đặc biệt quan tâm. Thế rồi…

… Ngày 13.08.2008, một cơ hội duy nhất, con được hội kiến với Cha để cập nhật hóa vài biến chuyển Đất Nước và việc Sống Đạo tại Việt Nam. Dù biết ‘Ngày 05.01.2008, giáo dân phản đối Công ty Chiến Thắng vi phạm trên khu đất đang tranh chấp nên Ủõy ban Nhân dân Hà Nội quyết định lập Đoàn Thanh tra Liên ngành. Ngày 11.04.2008, Đoàn Thanh tra mời đại diện Giáo xứ ra Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Tại đây, họ đưa ra những giấy được nói là do Cha Giuse Vũ Ngọc Bích ký bàn giao, nhưng đầy mâu thuẫn và không có tính cách thuyết phục’, nhưng thời gian không cho phép con đi sâu vào vấn đề.

Rạng sáng ngày 14.08.2008, giáo dân trong Giáo xứ Thái Hà kiệu tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào khu đất của giáo xứ mà Công ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng và bỏ hoang. Ngày 14.08, đại diện chính quyền đã đến nơi xem xét và đo vẽ bức tượng cao khoảng 1,2 mét, nhưng không ngăn cản giáo dân đang tham gia cầu nguyện quanh tượng. Ngày 15.08.2008, lúc hơn 11 giờ, giáo dân phá đổ một đoạn tường giữa hai lều tạm trên phố Đức Bà, một cách dễ dàng vì những tuần qua Hà Nội mưa lớn, phố bị ngập nước, tường rệu rã và một số đoạn tường đã đổ hoặc gần đổ. Lối 12 giờ 30 ngày 15.08.2008, giáo dân đã kiệu tượng Đức Mẹ Ban Ơn, khá lớn, cao gần 2 mét, vào trong khu đất. Ngày 27.08.2008, chính quyền quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản công cộng và đã gửi giấy triệu tập cho một số giáo dân để điều tra. Ngày 28.08.2008, không theo trình tự luật pháp, Cơ quan Điều tra Quận Đống đa tiến hành bắt tạm giam một số giáo dân ngay tại tư gia; lực lượng công an cơ động sử dụng sức mạnh đàn áp, đánh đập gây đổ máu và bắt đi một số giáo dân.

Ngày 22.09.2008, giảng trong Thánh Lễ kính Thánh Matthêu, Bổn mạng của mình, Cha cho biết đáng lẽ ra đây là một ngày lễ... buồn ! Vì anh chị em có những người bị đánh, bị đánh bằng roi điện hay dùi cui. Rồi sau đó, còn thấy anh chị em bị xịt hơi cay nằm la nằm liệt. Không buồn sao được khi thấy Đức Tổng Giám Mục, suốt mấy ngày nay bị lăng mạ, bị phỉ báng. Mới tối qua, các cha các thầy ở đây bị bao nhiêu người chửi bới bằng những lời lẽ vô cùng tục tằn. Có những cha bị đánh hay bị nhổ nước miếng vào mặt. Cha ở trong nhà cũng bị người ta kêu tên ra, họ bảo ‘Mày là cái đồ đáng nhốt !’ và bảo ‘Giết đi !’. Nhưng khi nghĩ lại, Cha mới thấy rằng năm nay Chúa đã ban cho mình nhiều món quà để mừng lễ, Cha xin kể lại một vài món Chúa đã ban cho.

Bổng nhiên, Cha nhận ra điều Chúa Giêsu nói: « Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị sỉ vả, bị lăng mạ, bị vu khống. Hãy vui lên vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao ». Khi đó Cha mới nghĩ, trong Tám Mối Phúc, hình như Cha không muốn nhận, cũng không muốn chúc cho anh chị em khác được cái mối phúc này, nhưng mà Chúa lại cho, hóa ra mình nghĩ: thôi, cái mối phúc này thì nhường cho người khác đi, cả đời mình không nhận nữa đâu, cuối cùng thì Chúa lại vẫn cứ cho. Đấy là món quà số 1!

Món quà thứ hai, là Cha nhận biết đã nhiều đau khổ rồi : những sự đánh đấm, những chiến dịch lăng mạ trên báo đài suốt cả tháng như thế, chắc là mình tan tác mất rồi. Thế Chúa lại cho chứng kiến một cảnh tượng rất là bất ngờ. Lúc Cha được mọi người ca tụng, khen mình là thế này thế kia, thì người đến lại không đông; nhưng bắt đầu từ cái lúc mình bị đả kích, bị bêu xấu thì không biết người ở đâu, từ những rừng núi nào, từ mọi miền Đất nước, không biết người ở đâu mà về đây đông thế ? Đây không chỉ là anh chị em Giáo dân, mà gồm cả người bên lương nữa, đã tìm đến với mình. Nhiều người bên lương, từ ngày đọc báo, nghe đài đã đồng cảm với các bạn bè ở Thái Hà trong công cuộc đi tìm Công Lý và cầu chúc Thái Hà thành công.

Ngày 03.12.2008, Đức Tổng Giám mục Hà nội đã gởi thư mời tín hữu Giáo phận Hà nội hiệp thông cầu nguyện cho 8 giáo dân Giáo xứ Thái Hà can đảm làm chứng cho Công Lý và Sự Thật vì bị gán cho tội ‘phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa’ và ‘gây rối trật tự công cộng’ trong khi cầu nguyện tại Giáo xứ, đồng thời, chúng ta cũng cầu nguyện cho phiên toà được xét xử cách công bằng vào ngày 08.12.2008. Lời mời này đã được đáp ứng bởi các Kitô hữu người Việt trong và ngoài nước cùng những người thiện chí khắp nơi.

Lúc 5 giờ ngày 08.12.2008, tại nhà thờ Giáo xứ Thái hà, các Linh mục đã đồng tế Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho tám giáo dân sẽ bị đưa xét xử ở phiên tòa tại Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa Hà nội. Họ bị cáo buộc là gây mất trật tự nơi công cộng và phá hoại tài sản công gồm các ông bà: Nguyễn thị Nhi (46 tuổi) bị truy tố vì tội ‘Gây rối trật tự công cộng’. Bảy người còn lại bị truy tố cả hai tội ‘Gây rối trật tự công cộng và Hủy hoại tài sản’ gồm: Ngô thị Dung (54 tuổi), Nguyễn thị Việt (59 tuổi), Lê quang Kiện (63 tuổi), Lê thị Hợi (62 tuổi), Phạm chí Năng (50 tuổi), Nguyễn đắc Hùng (31 tuổi), Thái thanh Hải (20 tuổi).

Sau Thánh Lễ, lối 500 giáo sĩ và giáo dân cùng người thân của tám bịỉ cáo bắt đầu đi bộ tới nơi xét xử. Giáo đoàn hiên ngang tiến về nơi ‘xử án’ với cành thiên tuế trên tay cùng với Thánh giá và ảnh Đức Mẹ mang nơi ngực tạo một vẽ thật linh thiêng, trang nghiêm và đầy sức mạnh. Sức mạnh đó không có một thứ cường quyền hay vũ khí nào có thể đương đầu được. Hình ảnh rừng lá thiên tuế đưa cao đã làm cho dùi cui, roi diện, súng ống, hàng rào kẽm gai của lực lượng vũ trang trở nên trơ trẻn và phản cảm đến lạ. Những người ‘công dân hạng hai’ đang lên tiếng cho chính mình, cho Giáo Hội, cho Đồng bào đang trăn trở trong nỗi bất công triền miên.

Tại nơi xử án, tất cả đều bị chặn lại phía ngoài bởi đông đảo công an và cảnh sát cơ động được trang bị rất hùng hậu, chỉ có bị cáo được vào thôi. Ở bên ngoài nơi xử án, tất cả tham dự viên giữ một tinh thần thật trật tự, kỷ luật và vui vẽ khiến nhà cầm quyền phải thận trọng, e dè. Các biểu ngữ viết bằng tay trên giấy cứng ‘mẹ tôi vô tội’, ‘chồng tôi vô tội’, ‘chúng tôi yêu mến anh chị em’, ‘phúc thay anh em khi vì danh Thầy mà bị người ta bắt bớ, xét xử’, ‘chúng tôi đồng trách nhiệm’, ‘chớ gì anh chị em được xét xử công bằng’, v.v..: ý nghĩa nhẹ nhàng nhưng thật thuyết phục. Các mục tử trong chiếc áo dòng đen luôn bên cạnh giáo dân trong bất cứ trạng huống nào.

Bên trong tòa, phiên xử bắt đầu bằng việc công tố viên đọc cáo trạng với nội dung chứa đựng những điều phi lý và xuyên tạc sự thật. Sau đó, cảnh sát đưa các bị cáo sang phòng khác và Toà xét hỏi riêng từng bị cáo. Các giáo dân đã trả lời rất thẳng thắn và can đảm: Thừa nhận có đập bức tường của kẻ khác xây trên đất Giáo xứ Thái hà và quả quyết mình vô tội. Thẩm phán hỏi: ‘Ai giao nhiệm vụ cho bị cáo? Do đâu mà bị cáo lại đến cầu nguyện? Có phải Giáo xứ Thái Hà kêu gọi không?’ Các giáo dân đều nói không ai giao nhiệm vụ, không ai kêu gọi mà do chính mình tự nguyện tham gia. Chị Nhi còn nói: ‘Do tâm linh và tâm nguyện’, ‘Do ti vi đài báo đưa tin và tôi muốn đến để tìm hiểu sự thật. Người Công Giáo phải có trách nhiệm tìm hiểu và bảo vệ danh dự và tài sản của Giáo Hội’. Thẩm phán hỏi: ‘Đập tường để làm gì và bị cáo có nhận thức hành vi bị cáo đập bức tường không phải của mình là sai không?’ Các giáo dân đều trả lời là ‘đập tường để mở lối vào cầu nguyện trong khu đất’, ‘đập tường không sai’. Anh Hải nói: ‘Mở lối đi là đúng. Cháu biết đấy là đất nhà thờ cho nên không vi phạm pháp luật’.

Sau khi thẩm phán xét hỏi thì đến lượt các công tố viên. Những người này chỉ xoay quanh một vài chi tiết các bị cáo vừa nói khác với biên bản điều tra. Giải thích điều này, anh Hải nói: ‘Lúc đi lên công an, tinh thần hoảng loạn nên cháu không nhận thức được!’. Anh Hùng nói: ‘Lúc đấy công an viết và đọc cho tôi chứ tôi không viết vậy!’. Ông Kiện nói: ‘Lúc ấy tinh thần tôi căng thẳng cho nên tôi khai thế. Nay trước toà tôi nói đúng’. Người hỏi các bị cáo sau cùng là luật sư Lê trần Luật chỉ một câu có cùng nội dung: ‘Ông/bà/anh chị đập tường và cầu nguyện ở khu đất có sai không? Có phạm pháp luật không? Tất cả các giáo dân đều nói: ‘Không sai!’ hoặc ‘Không vi phạm pháp luật’.

Sau một ngày xét xử vội vàng, Toà đã tuyên án 8 nạn nhân vì Công lý và Sự thật Giáo xứ Thái hà như sau. Bản án và hình phạt cụ thể đi kèm đối với từng nạn nhân:
1. Bà Nguyễn thị Nhi bị phạt 17 tháng tù treo.
2. Bà Ngô thị Dung 13 tháng tù treo.
3. Ông Lê quang Kiện 13 tháng tù treo.
4. Bà Nguyễn thị Việt 12 tháng tù treo.
5. Bà Lê thị Hợi 15 tháng cải tạo không giam giữ.
6. Ông Phạm trí Năng 12 tháng cải tạo không giam giữ.
7. Anh Nguyễn đắc Hùng 12 tháng cải tạo không giam giữ và
8. Anh Thái thanh Hải chỉ bị cảnh cáo.

Trước vành móng ngựa, các nạn nhân ra trong trang phục đẹp nhất (nữ áo dài đỏ, nam complet thắt cravate) luôn ngẩng cao đầu, ra vào phòng xét xử rất hiên ngang, thái độ rất xác tín về những hành động mình đã làm, dung nhan rất tươi tỉnh. Cuối cùng, thì những ‘bị cáo’ hôm đó đều được ra về giữa tiếng vỗ tay và chúc mừng, như những người chiến thắng.

Ngày 28.03.2009, tại phiên xử phúc thẩm, Chủ tọa phiên Tòa tuyên bố : Y án sơ thẩm vì các bị cáo không nhận tội. ‘Ngọn nến Thái Hà’ đã được đốt từ đó và vẫn cháy sáng cho đến ngày nay

« Những người tích cực và trực tiếp cùng cha Matthêu Vũ Khởi Phụng giữ ngọn nến Thái Hà lúc đó là cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, Phêrô Nguyễn Văn Khải, hơn 20 linh mục trẻ, đa số các linh mục tu sĩ trong DCCT, một số Dòng khác cùng giáo sĩ triều, Bề trên các Giáo phận và anh chị em giáo dân, đặc biệt là anh chị em ‘xa quê’.

Cha Phụng luôn ý thức việc mình làm là mối nguy cho chính mình và cộng đoàn, nhưng không thể không làm, nên ngài luôn hướng hoạt động mình lên Thiên Chúa trong Chúa Yêsu. Ngọn nến Thái Hà là một ngôn ngữ của cầu nguyện, một sự phó thác trong tay Chúa để dấn thân đến cùng.
Trong một bài giảng lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cha Phụng nói: ‘Chúng ta cầu nguyện cho công lý hòa bình, cầu nguyện cho sự thật, cầu nguyện cho quê hương. Tôi trộm nghĩ không phải tất cả chúng ta đều mạnh, không phải chúng ta có cái gì để gồng mình lên cho mạnh hơn người khác. Nếu so sánh lực lượng ở thế gian thì chúng ta yếu lắm. Đứng trước những thế lực tiêu cực, ưu tối đang hoành hành trên thế gian, chống lại chúng, chúng ta như châu chấu đá xe, trứng chọi với đá. Nhưng tại sao lại vẫn có những con người chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau khổ, chấp nhận bị đánh bị đập, chấp nhận bị mất tự do, chấp nhận bị quấy nhiễu đủ kiểu để nói lên điều mình cho là phải là đúng? Bởi vì chúng ta khám phá ra rằng không chỉ có cá nhân chúng ta, với sức mạnh riêng tư của mình, mà trên chúng ta còn có một cái lớn hơn bản thân chúng ta và lớn hơn cả thế lực đang chi phối thế gian này. Đó là thế giới của Chúa Yêsu, chúng ta vui mừng theo Người. Đi vào đó, chúng ta sinh hoa kết quả, cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội’. Cha Phụng giữ ngọn nến Thái Hà đâu chỉ cho Thái Hà, mà cho mọi người Việt Nam, cho cả tình trạng quê hương đang bị giặc Cộng phương Bắc đe dọa: ‘Chúng ta cầu nguyện cho đất nước trong một hoàng cảnh đang nguy biến, phải đi vào cuộc tranh chấp không cân sức’.
Từ Thái Hà, bài ca Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi trở nên lời ca tụng Thiên Chúa, kêu gọi con người dấn thân cho hiếu hòa vô điều điều kiện đến hiến trọn thân mình.
Có thể nói, nếu không có ngọn nến Thái Hà bùng lên vào năm 2008, lúc cha Matthêu Vũ Khởi Phụng vừa từ Sài Gòn ra nhận trách nhiệm bề trên tu viện DCCT Hà Nội, thì các nơi vẫn cứ âm thầm cầu nguyện, dân oan vẫn cứ nộp đơn kêu cứu. Tuy nhiên sự ác tà của chính sách sẽ luôn bị giấu kín, ngay khi người dân có biết cũng không dám nói ra, hoặc chỉ dám nói lén, nói xéo hoặc nói nơi kín đáo và bảo nhau phải giữ bí mật. » (Trích ‘Cha Phụng và ngọn nến Thái Hà còn cháy mãi! Lm An Thanh, CSsR)
.
Hà Minh Thảo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Mận Sau Vườn
Nguyễn Đức Cung
18:45 04/03/2016
HOA MẬN SAU VƯỜN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Hoa mận chớm nở sau nhà
Thì ra trời đã nhẹ nhàng vào xuân.
(nđc)
 
Thánh Ca
Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu - Trình bày: Đình Trinh
VietCatholic Network
22:36 04/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây