Ngày 05-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 14
VietCatholic Network
05:37 05/03/2012
Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, tách khỏi đám đông đang đi theo lên Giêrusalem. Người nói riêng với các ông về những gì sắp xảy ra: "Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy". (Mt 20:17-19). Sau đó, khi các ông đang tranh cãi muốn giành chỗ tốt nhất trên thiên đàng, Ðức Giêsu lại gọi riêng họ ra: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" (Mt 20:20-21) và dạy bảo họ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người". (Mt 20:25-28).

Rất thường, khi Ðức Giêsu có điều gì quan trọng muốn truyền đạt cho các môn đệ Ngài, Ngài kéo họ ra một chỗ tách biệt. Ngài biết rằng khi Ngài tách họ ra khỏi những điều gây chia trí và những đòi hỏi của đám đông thường vây quanh họ, họ sẽ lắng nghe cách chú ý hơn đến Lời Ngài.

Như Ðức Giêsu đã dùng những giây phút đặc biệt để nói cách thân mật với các môn đệ của Ngài, Ðức Giêsu cũng mong muốn có những giây phút đặc biệt để nói với mỗi một người trong chúng ta. Ngài muốn mạc khải con tim Ngài và ý định của Ngài cho chúng ta cách riêng tư. Tất cả điều Ngài đòi hỏi là chúng ta hãy dành ra thời gian để lắng nghe Ngài. Những bài đọc thường xuyên trong Thánh Kinh và những bài suy niệm đạo đức là những cách thế tốt nhất mà qua đó chúng ta có thể tạo ra những không gian và thời gian tĩnh lặng với Ðức Giêsu.

Các nghị phụ của Công Ðồng Chung Vatican II đã viết: "Trong các sách Thánh, Cha trên trời ngự đến với con cái Ngài cách từ ái và nói với họ" (Về Mạc Khải Thánh Thiện, 21). Trong niềm mong mỏi muốn thấy người giáo dân gặp gỡ Thiên Chúa cách thân mật, các nghị phụ cũng viết rằng Giáo Hội "tha thiết và đặc biệt mong mỏi tất cả các Kitô hữu... học biết nhiều hơn về Ðức Giêsu Kitô bằng cách thường xuyên đọc Thánh Kinh" (25).

Khi chúng ta trở nên quen thuộc với Thánh Kinh, chúng ta sẽ học biết cách nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Khi trí óc chúng ta càng được hình thành theo Lời Chúa, chúng ta càng có khả năng nhận ra ý Ngài và lựa chọn những quyết định theo thánh ý Chúa. Chúng ta hãy dành ra thời gian mỗi ngày để đọc và suy niệm Thánh Kinh. Ở đó, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện với chúng ta.

"Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Linh, xin mở tai con để con nghe Lời Ngài. Xin thắp sáng tâm trí con để con hiểu những sự thật Ngài mạc khải cho con."
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Tẩy rửa
Lm Vũđình Tường
16:13 05/03/2012
Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm B

Ga 2, 13-25


Trong hình ảnh thế giới loài vật có những điều nhờ ống kính và phát minh khoa học ta mới được nhìn thấy. Đó chính là hình ảnh một đàn cá con không sợ mà lại bu quanh một con cá lớn. Con cá lớn rất thân thiện, hiền lành, tỏ ra hoà nhã và có nhiều cảm tình với lũ cá bé. Chúng không đồng loại cá, khác loại nhưng lại thân thiện đến thế. Người ta hay ví von xỉa răng cọp nhưng ít ai nhìn thấy; còn xỉa răng cá thì quá rõ ràng. Cá bé bơi vào miệng cá lớn ăn những thịt cá dính chân răng con cá lớn. Con cá lớn mở miệng, phồng mang, xoè vây cho lũ cá con nhào vào những chỗ hiểm hóc, đầy nguy hiểm đó. Vì sao? Theo các nhà nghiên cứu thì con cá lớn cần đám cá con tẩy rửa những nơi hiểm yếu mà nó không tự tẩy rửa được. Người ta thấy hình ảnh con cá trườn mình trên cát vì chúng dùng cát lau rong rêu dơ dính trên vảy cá. Một hình thức tẩy rửa thông thường của loài cá. Bạn nào nuôi hồ cá trong nhà thấy cá con hay hớp cát rồi phun ra là hình thức rửa răng cá cho sạch. Những chỗ khó khăn như mang cá, miệng và vi là những nơi cá tự nó không thể thanh tẩy nên nhờ lũ cá con đến làm công việc thanh tẩy dùm. Cả hai đều có lợi. Cá lớn được tẩy sạch vết nhơ lại được một màn đấm bóp không mất tiền. Lũ cá nhỏ cũng có lợi vì được một bữa ăn ngon lại không tốn phí chi cả. Trên đồng cỏ lũ chim đậu lưng trâu cũng làm cùng công việc thanh tẩy đó. Chúng bắt rận cho trâu bò.

Đời sống động vật là như thế. Con người cũng cần thanh tẩy qua hình thức tắm rửa cho sạch sẽ bản thân. Thử quên tắm vài ngày bạn sẽ biết ngay cái mùi vị của chính mình. Có lẽ không cần phải lâu như thế chỉ cần đóng kín cửa phòng sau một đêm ngủ dài, sáng ra bạn nhận thấy cái mùi khác lạ. Trên chuyến bay dài hơn mười giờ đồng hồ, không khí trong máy bay lúc mới tươi mát thế nào, nửa đường bay bạn cảm thấy cái không khí đó vẫn mát lạnh nhưng vẻ trong lành bắt đầu nhiễm mùi vị và cuối chặng bay thì cái mùi đó tăng rõ.

Thông thường chúng ta cho đền thờ là nơi thánh nên gọi là đền thánh. Thực ra trên trần gian không nơi nào dơ hơn đền thờ. Đền thờ là nơi cực dơ, quy tụ mọi thứ bẩn thỉu. Một Chúa Nhật nào đó bạn ngồi quan sát xem. Còn có một thứ tội nào trên gian trần mà không xuất hiện trong đền thờ. Thùng rác chứa các chất dơ trần thế từ thề gian đến nói dối, từ cướp của đến giết người, từ gian dâm đến bán dâm đều có mặt nơi toà giải tội. Xét về phương diện đó thì đền thờ chính là nơi bẩn thỉu nhất, phòng giải tội chất chứa mọi thứ dơ bẩn trên đời. Đền thờ được gọi là đền thánh vì con người tội lỗi đến đó đổ bỏ mọi thứ dơ bẩn để trở nên tốt lành, trở nên thánh thiện hơn nên đền thờ là đền thánh vì giúp người ta nên thánh. Đền thờ là nơi tất cả các tội phạm, các bí ẩn cuộc đời được phơi bày. Mọi dấu kín được thổ lộ để tâm tư con người được thoải mái, để tâm hồn được bình an, để bản thân thấy nhẹ nhàng. Đền thờ chính là thùng rác công cộng cho mọi người tự do đến đổ rác, không từ loại rác nào, từ rác thông thường đến rác nguy hiểm mang chất phóng xạ đều được tự do đổ.

Thế sao Đức Kitô lại dùng roi, xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ. Ngài lật tung bàn của người đổi tiền, thả chim cho bay đi tự do. Câu trả lời cho thắc mắc này nằm gọn trong hai chữ ‘ buôn bán hay chợ búa’. Buôn bán hay nơi chợ búa là nơi trao đổi. Đền thờ là thùng rác chung của xã hội. Ai muốn đổ rác đều có quyền và được tự do làm công việc đổ rác. Những người bị Đức Kitô xua đuổi vì họ không đến đền thờ để đổ rác mà đến đền thờ để buôn bán rác. Kẻ đến đổ rác thì được mời gọi. Kẻ đến sống nhờ buôn bán rác thì bị xua đuổi. Đức Kitô thanh tẩy đền thờ vì người ta làm cho đền thờ thành nơi buôn bán. Trung tâm của buôn bán dối trá, điêu ngoa, thề gian, làm chứng dối.

Đến đền thờ đổ rác chính là tìm sự sống chân thật. Có được sự sống thật nhờ biết vất bỏ rác rưới trói buộc con người. Nhờ vất bỏ nên cảm thấy tự do, thảnh thơi, thoải mái. Đến đền thờ buôn bán rác kiếm sống là tìm kiếm sự sống giả tạo, sư sống tạm bợ nên bị ngăn cản, cấm đoán.

Chúng ta xin ơn biết cách đổ rác và tránh xa việc buôn rơm, bán rác.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Đền thờ của Thiên Chúa
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
18:41 05/03/2012
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY B
+++
A. DẪN NHẬP

Các bài đọc Chúa nhật hôm nay nói về lề luật của Chúa và đền thờ của Ngài. Ngài ban bố lề luật qua ông Maisen và dùng Con Ngài là Đức Giêsu Kitô để nói về đền thờ. Luật của Chúa là đường lối dẫn con người đến hạnh phúc, còn đền thờ của Ngài là nơi chúng ta đến gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài, hầu chúng ta tìm được niềm tin và sức mạnh cho tâm hồn.

Mỗi người có nhiều đền thờ vật chất nhưng chỉ có một đền thờ thiêng liêng là thân xác mình theo lời thánh Phaolô dạy:”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao”?(1Cr 3,16).

Chúng ta có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ cả hai loại đền thờ đó bằng bất cứ giá nào dựa vào Thánh kinh:”Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa làm hao tổn thân tôi”(Tv 68.10). Hãy tôn trọng thân xác mình và đừng biến nó thành hang trộm cướp. Đừng để cho của cải vật chất chi phối tâm hồn mình. Hãy biến thần Mammon thành đầy tớ trung thành phục vụ ta, và hãy cố gắng biến thân xác và linh hồn mình thành ”Ngôi Thánh Đường” của Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Xh 20,1-17

Thiên Chúa đã dùng ông Maisen giải phóng dân Israel ra khỏi ách nộ lệ của Ai cập. Khi đến núi Sinai, Thiên Chúa ban bố lề luật cho Maisen và ông đã truyền lại cho dân chúng. Luật ấy được gọi là “Thập giới” hay “Mười điều răn”. Đối với họ “mười điều răn” là cách đọc được ý muốn của chính Thiên Chúa ngõ hầu sống hiệp thông với Ngài. Đó chính là điểm cốt lõi, cho dầu phần lớn các điều răn còn được thấy ở những nơi khác ngoài Israel.

Thập giới không phải là xiềng xích nặng nề, kìm hãm tự do con người, nhưng là luật chỉ đạo của Thiên Chúa để hướng dẫn và bảo đảm bước đường tiến tới tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa đòi Israel phải tuyệt đối trung thành và tuân giữ các điều răn của Ngài. Có như vậy, Ngài mới là Chúa của Israel và Israel là dân riêng của Ngài. Ngày nay, chúng ta là dân riêng của Ngài. Điều mà Ngài đòi hỏi Israel cũng là điều Ngài đòi hỏi chúng ta ngày nay.

+ Bài đọc 2 : 1Cr 1,22-25

Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh. Theo Ngài, nhờ thập giá Đức Kitô, chúng ta đến được với Chúa Cha, nhưng thập giá lại là điều ô nhục đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với người Hy lạp. Người Do thái mong đợi Đấng Cứu thế quyền năng chứ không hèn yếu ; người Hy lạp trông vào một sự can thiệp của Thiên Chúa phù hợp với sự khôn ngoan của họ, và đối với Đấng ấy, cái chết không được phép chạm đến.

Nhưng thánh Phaolô lại quả quyết rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện rõ nhất nơi thập giá và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trổi vượt hơn sự khôn ngoan của con người. Do đó, Ngài tự hào về sự khôn ngoan của thập giá bởi vì sức mạnh của Ngài tỏ lộ trong sự yếu đuối:”Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.

+ Bài Tin mừng : Ga 2,13-25

Thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân đền thở Giêrusalem. Đền thờ là nơi dân Chúa thập phương tụ họp lại để tỏ lòng tôn thờ và dâng tiến lễ vật cho Thiên Chúa. Đền thờ phải là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng. Nhưng người ta vì ham lợi lộc đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán, ồn ào nhộn nhịp. Đức Giêsu vì nhiệt thành với Thiên Chúa đã dám chấp nhận nguy hiểm dẫn đến cái chết khi nghĩ đến câu Thánh vịnh:”Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”(Tv 68,10).

Để trả lời cho những thách thức của họ, Đức Giêsu nói:”Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”(Ga 2,21). Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Và “Nhà Cha” thực sự từ nay sẽ là “đền thờ thân thể Ngài”, và Ngài sẽ là vị tư tế duy nhất muôn đời. Nhưng nhân tính của Ngài sẽ chỉ giữ vai trò trên sau khi bị phá hủy và trỗi dậy (Ga 2,20).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thanh tẩy đền thờ Thiên Chúa

I. ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Đền thờ là nơi qui tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat (Sách Giáo lý số 2906-2907).

1. Đền thờ Giêrusalem

Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga tráng lệ đã được vua Hêrôđê Cả ra lệnh trùng tu đại qui mô từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Đức Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán xẩy ra vào năm 27-28 sau Chúa Giêsu thì việc trùng tu đó kéo dài 46 năm. Điều này rất phù hợp với thánh Luca 3,2 nói về ngày Chúa chịu phép rửa năm 15 đời hoàng đế Tiberiô. Đây là một nêu mốc khá chắc chắn để tính niên lịch của Chúa. Công việc trùng tu Đền thờ đòi hỏi rất nhiều nhân công. Flavius Joseph nói rằng khi xong việc người ta phải thải về 18.000 người thợ. Như thế mới thấy rằng Đền thờ Giêrusalem lớn lao và đẹp đẽ đến chừng nào.

2. Đức Giêsu xua đuổi người buôn bán

Vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền, mua bán súc vật làm ô uế Đền thờ, Ngài lấy làm khó chịu xua đuổi họ ra khỏi Đền thờ:”Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Cũng nên biết là những người ở xa đến, khó có thể đem theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong Đền thờ là cần thiết hay ít ra được dung thứ. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho người từ xa tới, thì sao Đức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật quanh Đền thờ ? Thưa chúng ta thấy có một số lý do :

a) Những khách hành hương

Lễ Vượt qua của người Do thái được tổ chức rất long trọng ở Giêsrusalem. Theo luật pháp, mọi người nam Do thái sống cách xa Giêrusalem trong vòng 25 cây số bắt buộc phải đi dự lễ. Trong các lễ của người Do thái, lễ Vượt qua là lễ trọng nhất. Không phải chỉ có người Do thái trong xứ Palestine đến dự lễ mà các người Do thái ở khắp nơi cũng hướng về quê hương và mong được mừng lễ Vượt qua tại Giêrusalem ít nhất một lần trong đời, giống như người Hồi giáo muốn hành hương về thánh địa La Mecque. Chuyện nghe thật đáng kinh ngạc, nhưng dường như cũng đã có đến 2.200.000 người Do thái đã tập họp về Xứ thánh dự lễ Vượt qua,

b) Việc dâng của lễ

Theo thói quen, mỗi khi hành hương lên Giêrusalem mừng lễ người ta thường dâng của lễ bằng con vật sống. Trong sân Đền thờ có chỗ bán con vật sống là việc bình thường. Nhưng cái không bình thường là sự lạm dụng.

Luật qui định là bất cứ con vật nào dùng làm lễ tế đều phải lành lặn, không tỳ vết. Các chức sắc quản trị đền thờ bổ dụng những người kiểm tra để khám xét con vật, mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí một phần mười hai siếc-lơ. Nếu khách hành hương mua một con vật ngoài đến thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét. Ngoài ra, mỗi con vật mua trong Đền thờ có khi phải trả đắt gấp 15 lần so với giá mua bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

c) Việc đổi tiền

Luật buộc mỗi người Do thái phải nộp thuế cho Đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, bằng hai ngày lương công nhật. Trong việc giao dịch bình thường, có đủ mọi thứ tiền ở Palestine, nhưng thuế nộp cho Đền thờ là một thứ tiền riêng của người Do thái, khách hành hương phải đổi lấy thứ tiền này. Người ta lấy lý do là các thứ tiền khác bị xem là ô uế không thể dùng để trả nợ cho Thiên Chúa.

Việc đổi tiền bạc có ăn lời đôi chút là chuyện thường. Kinh Talmud qui định:”Mỗi người cần có đồng nửa siếc-lơ, người ấy phải chi cho người đổi bạc chút ít tiền lời”. Nhưng đàng này khách hành hương phải chịu những tệ nạn bọn đổi bạc với giá cắt cổ. Nhìn thấy những sự bóc lột quá đáng như thế, Đức Giêsu bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Chúa đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền.

3. Đức Giêsu bảo vệ Đền thờ

Đức Giêsu đã cảnh cáo bọn họ:”Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16). Đây cũng là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc trần tục hóa và thương mại hóa Đền thờ. Tin Mừng thánh Matthêu (21,14), Marcô (11,17),và Luca (19,36) còn trích sách tiên tri Isaia để cảnh giác họ:”Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp”(Is 56,7).

Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, Đức Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Ngài đối với nhà của Chúa, và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi.
II. ĐỀN THỜ CỦA CHÚNG TA

1. Hai loại đền thờ

Khi Đức Giêsu nói với người Do thái :”Hãy phá hủy Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành ? Người Do thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói : Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài.

a) Đền thờ vật chất

Đền thờ vật chất đây là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Bất cứ một giáo xứ nào, họ giáo nào cũng có một nhà thờ nhà nguyện để giáo dân qui tụ lại tôn vinh Thiên Chúa, nghe lời Chúa và dâng Thánh lễ. Nhà thờ có thể to hay nhỏ, tráng lệ hay bình thường, trang trí bằng mọi hình dạng nhưng luôn phải có vẻ trang nghiên đạo đức. Ngày nay các nhà thờ đang mọc lên rất nhiều, đó là một điều tốt nhưng rồi người ta lại lơ là với nhà Chúa, không chịu đi dự Thánh lễ, cầu nguyện, làm các việc đạo đức khiến nhà thờ trở nên... hoang vắng như nhiều nhà thờ ở bên Tây phương !

b) Đền thờ thiêng liêng

Đền thờ thiêng liêng ở đây được hiểu là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội thánh. Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại. Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ, đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói :”Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị”. Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin và những sự hiểu biết cần thiết về đạo, và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.

2. Tôn trọng đền thờ chúng ta

a) Nhiệt thành với đền thờ

Thánh kinh hôm nay nhắc nhở ta :”Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi”(Tv 68.10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác... Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.

Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giầy ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giầy thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.



b) Bênh vực nhà Chúa

Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.

* Bênh vực đền thờ vật chất.

Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta.

Nhưng chúng ta phải lưu ý : nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, mầu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý , ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa : chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân... là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.

Truyện : Mahatma Gandhi vào nhà thờ.
Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do thái hay lương dân... Gandhi nghĩ rằng : Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau:”Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da mầu mà xin”!

Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau:”Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài ! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ”!

* Bênh vực đền thờ thiêng liêng.

Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Chúa như thánh Phaolô đã nói (x. 1Cr 3,16). Trong nghi thức rửa tội cho trẻ em, Linh mục đọc lời nguyện trừ tà xua đuổi ác thần ra khỏi em bé để em được trở nên đền thờ của Chúa:”Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa xuống thế gian, để trục xuất quyền lực của ác thần Satan ra khỏi chúng con, giải thoát và đem con người được giải thoát khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Nước Chúa. Chúng con nài xin Chúa làm cho những em này, sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ của Chúa uy linh, và xin Chúa cũng cho Thánh Thần ngự trong các em”.

Khi đã trở thành đền thờ thiêng liêng của Chúa chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ cho xứng đáng, đừng bao giờ để cho thần Mammon trở vào chiếm giữ, vì như Chúa nói:”Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đấy” (Mt 6,21). Tiền của là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng đừng để cho tiền của lấn át linh hồn. Chúng ta phải khôn ngoan biến tiền của thành đứa đầy tớ trung thành phục vụ mình, đừng bao giờ để cho nó trở thành ông chủ khắc nghiệt chế ngự chúng ta.

Truyện : Tiếng chim hót trong bụi mận gai.
Thỉnh thoảng đài truyền hình Việt nam lại cho chiếu bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác giả là một nữ văn sĩ người Úc theo đạo Tin lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trong quan điểm của đạo Tin lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo hội.

Câu chuyện về một Linh mục là cha Ralph. Ralph là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút nhiều người đến với mình. Nhưng đồng thời ông ta cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc. Trong số các người mến mộ cha Ralph, có một bà già qúi phái giầu có. Bà qúi mến cha cách đặc biệt nhưng không được đáp lại, nên tình yêu đã biến thành hận thù. Thay vì trả thù theo kiểu thường tình, thì người đàn bà này có sáng kiến gài bẫy để bôi đen cuộc đời vị linh mục trẻ : Trước khi chết, bà đã làm tờ di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch sù của bà cho Giáo hội Công giáo, với điều kiện duy nhất là Giáo hội phải cử cha Ralph quản lý số tài sản đó. Cách trả thù của bà quí phái giầu có đã thành công : Cha Ralph dần dần được cất nhắc lên địa vị khá cao trong Giáo hội. Nhưng đồng thời chính đồng tiền mà Cha quản lý đã làm cho đời sống tinh thần của Cha ngày một xuống cấp và cuối cùng Cha đã sa ngã vào các đam mê tội lỗi, trái với sự tình nguyện “sống độc thân vì Nước Trời” mà Cha đà khấn hứa (Theo Lm Đan Vinh).

3. Hãy biến cuộc đời mình thành đền thờ

Chúng ta là những Kitô hữu, cuộc sống chúng ta đã được dâng hiến cho Thiên Chúa và đã trờ thành đền thờ cho Chúa ngự. Nỗ lực của chúng ta là phải làm sao sống xứng đáng là đền thờ của Chúa, đừng bao giờ đuổi Chúa ra khỏi đền thờ này. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biến cuộc đời của chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi ngự trị.

Charles Singer có một bài thơ ngụ ngôn nói về đề tài này : hãy biến cuộc đời thành “Ngôi Thánh Đường”. Xin trích một đôi câu trong bài thơ này :

Lạy Chúa, cuộc đời con là một ngôi Thánh đường,
Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,
Con tự hào với tất cả niềm tin,
Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,
Để vươn lên thật cao qúi tôn nghiêm...
Lạy Chúa,
Ngôi thánh đường của đời con,
Không thể xong trong một sớm một chiều,
Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng...
Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,
Chính Ngài, con không quá lời đâu :
Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,
Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con.
(Trích Lm Trương đình Hiền)

Và để kết thúc, ta hãy đọc lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ :
Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em.
nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà.
Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để buớc chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã.
Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa.
(Theo Flor McCarthy)
 
Dấu chỉ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
19:08 05/03/2012
Chúa nhật III B Mùa Chay (Xh 20, 1-17; 1 Cor 1, 22-25; Ga 2, 13-25)

Thiên Chúa đã truyền dạy các giới răn cho dân Do-thái qua ông Môisen. Biến cố Xuất Hành ra khỏi nước Ai-cập là một biến cố vĩ đại. Từ cuộc xuất hành Vượt Qua biển đỏ, Thiên Chúa đã chọn người Do-thái làm dân riêng. Từng bước, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Dân. Thiên Chúa đòi hỏi dân riêng sẽ chỉ tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất, Chúa hùng mạnh và Chúa ganh tị. Chúa sẽ tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến và tuân giữ các giới răn. Thiên Chúa đã trao ban Mười Giới Răn cho ông Môisen để hướng dẫn dân riêng đi trong đường lối của Chúa. Thập giới này là những luật lệ căn bản của con người mọi thời. Những điều răn này cũng được khắc ghi trong lương tâm của mỗi người. Bản kinh Thập Giới gồm tóm những điều cơ bản giúp con người tìm về nguồn chính thật. Mười Giới Răn được phân ra: Tôn thờ Thiên Chúa, tôn kính cha mẹ và hoàn thiện bản thân.

Dân Chúa đã chọn phải lưu lạc suốt bốn mươi năm trong hoang địa. Chúa dùng thời gian này để thanh tẩy, luyện lọc và dậy dỗ họ mọi điều. Tất cả các giới răn, những huấn lệnh và những luật lệ về đời sống tâm linh được hình thành trong thời gian này. Cuộc sống đời thường của Dân riêng hoàn toàn phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Trong cuộc hành trình, Chúa ban Manna và chim cút làm của ăn. Chúa ban nước uống qua các nguồn suối tươi mát. Sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc, đại đa số những người xuất hành từ Ai-cập đã trở về lòng đất. Một dòng dõi mới xuất hiện cưu mang những lời hứa và lệnh truyền của Chúa. Chúa bảo vệ, chăm sóc và cùng chiến đấu với họ để tiến vào miền Đất Hứa, nơi chảy sữa và mật. Thiên Chúa không ngừng nhắc nhở họ về các biến cố đã xảy ra trên đường lữ hành. Chúa đã chọn họ làm dân riêng để chuẩn bị đón chờ Đấng Cứu Thế giáng trần. Thiên Chúa luôn trung thành với các giao ước và thực hành những lời Chúa đã hứa qua các thời đại.

Qua lịch sử cứu độ, dân Chúa chọn đã nhiều lần thay lòng đổi dạ. Rất nhiều lần họ bỏ Chúa, đi thờ các bụt thần ngoại bang. Họ sống theo thói tục của người ngoại giáo. Chúa đã phạt họ phải lưu đầy xa xứ, nhưng rồi Chúa lại thương tha thứ cho trở về quê hương xứ sở. Các sự cố được lập đi lập lại qua sự yếu đuối của con người. Chương trình cứu độ cứ tiệm tiến từ dòng dõi này qua dòng dõi khác kéo dài cả ngàn năm. Khi Dân đi tìm kiếm sự khôn ngoan của người đời, họ đã bị thất vọng với sự trống rỗng. Các bụt thần gỗ đá và các tượng thần do bàn tay con người tạo nên, chỉ là để thỏa mãn những nhu cầu chóng qua và đòi hỏi bản năng thấp hèn của con người. Không có thần nào khác có thể làm cho con người thỏa mãn mọi khao khát thầm kín sâu thẳm trong tâm hồn. Chỉ những ai biết tìm về chính nguồn sự khôn ngoan đích thật, họ mới được an nghỉ và toại nguyện trí lòng.

Qua mọi thời, với lý trí, ý chí và tự do, con người đi tìm sự khôn ngoan để định hướng đời sống. Đã có biết bao nhiêu suy tư tìm kiếm tầm đạo, các triết thuyết, các trường phái góp phần đào sâu ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người. Sự khôn ngoan của con người không thể giải đáp thỏa mãn được tất cả các ẩn số, thắc mắc và khát vọng sâu thẳm của con người. Trong thơ gởi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã viết: Các người Do-thái đòi hỏi dấu lạ, những người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đanh trên thập giá. Sự khôn ngoan của thập giá vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người. Đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của ơn cứu độ, mầu nhiệm của tình yêu và là sự khôn ngoan tuyệt đối. Con người sẽ không có khả năng hiểu thấu về mầu nhiệm hy sinh thập giá của Chúa Giêsu Kitô.

Bài phúc âm, thánh Gioan kể câu truyện Chúa Giêsu lên Giêrusalem và vào trong đền thờ. Chúa Giêsu thấy có những người bán bò, chiên, bồ câu và cả người đổi tiền. Chúa đã bện giây đánh đuổi bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người Do-thái hỏi Người: Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu chỉ gì là ông có quyền làm như vậy? Chúa Giêsu trả lời: Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại. Không ai hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì và ám chỉ điều chi. Họ chỉ thách thức và đặt câu hỏi. Không ai dám ra tay ngăn cản, bắt bớ hay luận phạt về hành động của Chúa Giêsu. Chúa đã hành động nhiệt thành với cả tâm tình sốt mến lo cho nhà Chúa.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu là dấu chỉ tuyệt vời. Ngài đã mạc khải về sự khôn ngoan thật của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: Điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người. Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu lạ qua bàn tay uy quyền. Chúa Giêsu khai mở một con đường mới, con đường của tình yêu. Chúa đã lấy chính sự sống mình để lập giao ước mới. Giao ước mới được ký kết bằng chính Mình và Máu Thánh Người. Chúa Giêsu không xóa bỏ giao ước và các giới răn của đạo cũ nhưng làm cho mọi sự nên hoàn thiện.

Thuở xưa, Thiên Chúa luôn nhắc nhở dân riêng rằng: Ta là Thiên Chúa các ngươi, Ta đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập và khỏi làm nô lệ vào miền Đất Hứa. Các ngươi không được tôn thờ chúa nào khác, không được lạm danh Chúa một cách vô cớ và giữ ngày Sabát. Thời Tân Ước, Chúa Giêsu dẫn đưa chúng ta ra khỏi miền thâm u tối tăm của tội lỗi, sự dữ và sự chết và đi vào trong miền ánh sáng, sự thật, tự do và chân lý. Chúa đến cư ngụ giữa chúng ta và trở nên bạn hữu thân tình. Chúng ta gọi Chúa là Cha, là Thầy và là Chúa. Chúng ta dâng hiến ngày Chúa Nhật để tưởng nhớ việc Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta.

Thời Cựu Ước, qua các giới răn, Thiên Chúa dậy rằng phải thảo kính cha mẹ, không được giết người, không phạm tội ngoại tình, không trộm cướp, không gian dối và không muốn của người khác. Đạo lý Tân Ước dậy chúng ta cách tích cực hơn: Hãy thảo kính, yêu thương và chăm sóc ủi an cha mẹ. Hãy yêu thương đồng loại như chính mình. Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ghét và làm hại. Không đoán xét và không kết án. Không ăn gian nói dối, có thì nói có và không thì nói không. Đừng làm tổn thương danh dự người khác. Không chửi rủa anh chị em là khùng, là ngốc. Hãy tha thứ để được thứ tha. Đời sống vợ chồng phải gắn bó thương yêu, trung tín, nâng đỡ và giúp nhau nên trọn lành. Sự chân thật và công bình trong cách cư xử và giao tế sẽ xây dựng tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Vì tình bác ái không biên giới sẽ là nhịp cầu giúp chúng ta xây dựng một xã hội tốt đẹp trong tình yêu.

Chúa Giêsu rao giảng tin mừng cứu độ. Tin mừng là rượu mới phải đổ vào bình da mới. Chúa truyền dậy gồm tóm trong hai giới luật quan trọng nhất là: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người khác như chính mình. Nơi đâu còn có ganh tị, thù hằn và bạo lực, nơi đó đang vắng bóng tình yêu đích thực. Tin mừng dành cho những ai có trái tim mở rộng biết đón nhận yêu thương. Chúa Giêsu đã hiến trọn cuộc đời để minh chứng tình yêu cao cả. Không có tình yêu, sẽ không có ơn cứu rỗi. Không có tình yêu, thế giới con người sẽ bị lặng chìm trong đau thương của thù hận, chia rẽ và hủy hoại. Không có tình yêu, mọi thực hành tôn giáo trở thành trống rỗng và vô ích. Không có tình yêu, cuộc đời con người sẽ đi vào sự cô đơn bất hạnh. Đạo của Chúa là đạo của tình yêu thương. Hy tế thập giá là đỉnh cao của tình yêu dâng hiến. Tình yêu thập giá là sự khôn ngoan tuyệt diệu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, trong Mùa Chay Thánh này, xin cho chúng con biết tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực nơi Chúa. Vì yêu, Chúa đã hiến thân trên thập giá để cứu độ chúng con. Đối với người đời, sự hy sinh thập giá của Chúa là sự điên rồ nhưng với người tín hữu, thập giá là lễ hy tế và là giá cứu độ. Xin cho chúng con nhận biết bài học vô giá nơi thánh giá của Chúa. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Obama Mục sư Thủ lãnh -- Obama: Pastor-in-Chief
Nguyễn viết Tấn chuyển ngữ
08:08 05/03/2012
OBAMA: MỤC-SƯ-THỦ-LÃNH: OBAMA: PASTOR-IN-CHIEF (*)

Tác giả: Joshua Genig
Người dịch: P. Nguyễn viết Tấn


Tôi không làm chính trị. Ít nhất tôi cố không liên lụy đến chính trị. Tôi không dành thời giờ, cũng như tôi không thích, tranh luận về chính trị quốc gia. Một số người thích. Một số ít các giáo sỹ quan tâm quá mức đến những điều đó mà không bao giờ quan tâm đến công việc chăm sóc các linh hồn. Viết blog về đồng nghiệp này hoặc đồng nghiệp nọ, tổng thống này hoặc tổng thống kia, theo nhận xét của tôi, không phải là việc mục vụ.

Tuy nhiên, trong vài tuần lễ vừa qua, tôi cảm thấy chính mình được khích lệ mãnh liệt cho một chính nghĩa mang tính chính trị, một phần vì nó ảnh hưởng quá sâu đậm đến một vài người bạn thân thiết nhất của tôi thuộc Giáo hội Roma, tuy vậy ở một mức độ nào kém quan trọng hơn, nó cũng ảnh hưởng đến Giáo hội Lutheran Công nghị Missouri của chính tôi.

Tôi hết lòng khen ngợi Giám mục của tôi, Matthew Harrison thuộc Giáo hội Lutheran – Công nghị Missouri, đã đưa ra hành động mạnh mẽ bảo vệ tự do tôn giáo, và hơn hết, tỏ bày tình liên đới với anh chị em của chúng tôi thuộc Giáo hội Công giáo. Bản thư mục vụ của ngài chấm dứt như thế này:

Càng ngày chúng ta đang chịu đựng sự xâm phạm quá đáng của chính quyền liên quan đến những gì là cốt lõi của lương tâm truyềnthống và đặc trưng Kitô giáo dựa theo thánh kinh. Chúng ta tin rằng đây là một điều vi phạm đến Tu Chính Án Thứ Nhất. Chúng ta sẽ đứng dậy, bằng với tất cả khả năng của chúng ta, cùng với tất cả những người có tôn giáo và những công dân quan tâm, chống lại việc làm xói mòn nền tự do dân quyền của chúng ta. Cho dầu có gì xảy đến, bằng ơn Chúa chúng ta sẽ làm những gì chúng ta có thể để “vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người” (Acts 5:29).

Dường như vào lúc này, giáo phái của tôi được thừa hưởng tình trạng “grandfathered” (được miễn trừ vì chương trình bảo hiểm sức khỏe hiện đang có), chiếu theo quan điểm của sắc lệnh HHS. Một cách ngắn gọn, chúng tôi có thể tiến hành sinh hoạt bình thường, mà không bị bất cứ khó dễ nào bởi chính quyền, tuy nhiên, chữ những tổ chức tôn giáo được “grandfathered” này chỉ áp dụng bao lâu không có những thay đổi về chương trình bảo hiểm.

Tuy nhiên, điều làm băn khoăn nhất là, ngay cả việc tranh luận về sắc lệnh ấy, chỉ trên phương diện thi hành nó, Ông Obama đã đơn phương đảm nhận vai trò Mục-Sư-Thủ-Lãnh của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Và một cách thành thật mà nói, tôi bị xúc phạm bởi điều đó.

Tôi nhận thấy thật là tán tận lương tâm khi một tổng thống, chỉ một vài ngày trước đã nói rõ ràng ông sẽ bắt buộc các tổ chức tôn giáo vi phạm đến lương tâm của họ, lại đứng trước hằng trăm người tại National Prayer Breakfast và nói rằng (1) ông ta là một Kitô hữu, và (2) một cách nào đó giáo huấn của Thánh kinh một cách tổng quát, đặc biệt là giáo huấn của tin mừng của Chúa Giêsu, đã có trực tiếp liên hệ đến vai trò tổng thống của ông và hơn hết là những sắc lệnh mà ông đã quyết định (dù dó là liên quan đến sức khỏe, kinh tế hoặc những gì khác). Nói một cách đơn giản, khó để có thể hiểu được làm sao mà ông Obama có thể đòi hỏi việc vi phạm quyền tự do lương tâm một ngày, và chỉ trong vài ngày sau lại có thể thẳng thắn nói điều này mà vẫn có thể là một người công chính:

Nó cũng liên quan đến tiếng gọi phát xuất từ kinh thánh để chăm sóc những người yếu kém nhất- cho người nghèo, cho những người bị loại bỏ ngoài lề xã hội. Để đáp trả cho trách nhiệm được trao cho chúng ta trong sách Cách Ngôn “nói cho những người không thể nói cho chính họ, cho quyền lợi của những người cơ cực.”… Đối xử với người khác như chúng ta muốn được đối xử.

Ai sẽ nói thay cho những đứa bé mất đi cuộc sống bởi vì sắc lệnh của HHS? Ai sẽ nói hộ cho những phụ nữ, dưới sắc lệnh HHS, vì bị cưỡng ép sai lầm mà vẫn có cảm tưởng rằng là một người phụ nữ nghĩa là có “quyền kiểm soát” thân xác họ? Ai sẽ nói thay cho rất nhiều y sỹ là những người từ chối cho những toa thuốc gây chết người và, đến lượt, phải bị bêu riếu ngay cả bị kỳ thị vì làm thế? Họ là những người “bé nhỏ nhất” mà Chúa Giêsu nói.Tuy nhiên, với tổng thống, họ không là ai cả.

Chúng ta có thể bỏ qua cho tổng thống về việc không là một thần học gia giỏi giang.Nhưng phần ông, ông phải ngừng ngay hành động như thể ông là. Sau hết, nếu ông đã đọc hết toàn bộ câu chuyện thánh kinh trước bài diễn văn trước buổi điểm tâm, ông ta hẳn đã nhớ những lời của thánh Phaolô còn văng vẳng đâu đây dành cho những người xét đoán–như ông ta đã có đối với những người tín hữu của Hoa Kỳ:

Nhưng ngươi, sao lại xét đoán anh em mình? Còn ngươi, sao khinh dể anh em mình? Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước tòa Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, Và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ trả lời về chính mình với Chúa (Rom. 14:10-12).

Nếu thánh Phaolô đúng, thì những lời trung thực nhất của Ông Obama nói tại National Prayer Breakfast phải là như thế này: “Không cần biết chúng ta có bao nhiêu trách nhiệm, danh hiệu của chúng ta hào nhoáng như thế nào, bao nhiêu quyền lực chúng ta có trong tay, chúng ta là những con người bất toàn.” Vì những người Lutheran có thói quen nói: Đây là điều chắc chắn đúng nhất.

Joshau Genig là Mục sư Lutheran của GX Ascension ở Atlanta, Georgia và đang hoàn tất chương trình tiến sỹ thần học hệ thống tại Đại họcSt. Andrews, Scotland.

Nguồn: First Things http://www.firstthings.com/onthesquare/2012/02/obama-pastor-in-chief

(*) Ghi chú của người dịch: có lẽ tác giả đặt tựa đề bài luận văn này theo tựa một bài viết của Tymothy Shriver, một tác giả khác đề cao vai trò của TT Obama đăng trên Washington Post, tháng 11, năm 2008. Có thể tìm đọc ở http://newsweek.washingtonpost.com/onfaith/religionfromtheheart/2008/11/pastor_in_chief.html
 
Syria: Không bao giờ quá trễ để chấm dứt những bạo tàn
Bùi Hữu Thư
15:28 05/03/2012
Tòa Thánh kêu gọi trách nhiệm của người Syria

ROME, ngày 2 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Tòa Thánh kêu gọi lương tâm của người dân Syria, có "trách nhiệm chính" trong việc chấm dứt bạo lực: "không bao giờ quá trễ để chấm dứt bạo tàn."

Đức Giám Mục Silvano M. Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc (observateur permanent du Saint-Siège à l’ONU) ở Genève, đã can thiệp trong buổi họp lần thứ 19 của Uỷ Ban Nhân Quyền, đã khởi sự một "cuộc thảo luận khẩn cấp" về Syria ngày 28 tháng 1, 2012.

Đức Giám Mục Tomasi khuyên nhủ "xin đừng chào thua luận lý của sự bạo tàn, nơi bạo lực gây nên nhiều bạo lực hơn."

Ngài cam đoan rằng Tòa Thánh theo dõi "hết sức quan tâm" đến những giai đoạn bạo tàn "khủng khiếp và gia tăng" tại Syria. Ngài bầy tỏ "tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực" và ngài đòi hỏi "một trợ giúp nhân sự và y tế khẩn cấp" cho những người bị thương."

Mặc dù Tòa Thánh "hài lòng" về những nỗ lực của các tổ chức quốc tế để phục vụ cho hòa bình, Đức Tổng Giám Mục nhắc rằng "trách nhiệm chính yếu" nằm trên vai người dân Syria. Họ phải "dành ưu tiên cho con đường đối thoại, hòa giải, và hợp tác cho hòa bình," theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Benedict XVI (xem Zenit du 12 février 2012).

Người Syria được mời gọi để tưởng nhớ đến "di sản" lịch sử của họ là "sống chung giữa các cộng đồng khác biệt" và điều này "bất kể đến tôn giáo hay sắc dân." Ngài nhấn mạnh: thực vậy, tất cả đều chia xẻ "những giá trị chung" về phẩm giá và công lý cho tất cả mọi người, "bất kể đến tín ngưỡng hay sắc dân cuả họ."

Vào lúc mở đầu của một Hội Nghị Thượng Đỉnh  Châu tại Bruxelles, cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án chính quyền Syria và đòi hỏi nhiều biện pháp chế tài mới. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố đóng cửa toà đại sứ Pháp tại Syria ngày 2 tháng 2, 2012.

Hồng Thập Tự Quốc Tế phải tới thành phố Homs ngày 2 tháng 3, nơi đã bị dội bom không ngừng trong đêm 28 rạng ngày 29 tháng 2, 2012. Những giới chức trách nhiệm đã kêu gọi một "cuộc ngưng chiến nhân bản", là ngưng chiến tranh trong hai giờ đồng hồ mỗi ngày, để có thể trợ giúp cho những người bị thương.
 
ĐTC Bênêđictô XVI: Chúa Giêsu là Ánh Sáng trong những lúc tối tăm.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:09 05/03/2012
Vatican, ngày 3 tháng 4 năm 2012 / 11:35 pm (CNA / EWTN News) – Đức Thánh Cha nói ngày 4 tháng 3 rằng việc biến hình của Đức Kitô nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là ánh sáng có thể thắng vượt bất kỳ bóng tối nào trong cuộc đời của chúng ta.

"Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có nhu cầu ánh sáng nội tâm để thắng vượt các thử thách của cuộc đời. Ánh sáng này đến từ Thiên Chúa và chính Đức Kitô là Đấng mang nó đến cho cho chúng ta, trong Người có tất cả sự viên mãn của thiên tính,” ĐTC nói trong bài huấn từ Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật.

Trong khi nói với các khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC suy niệm về Tin Mừng hôm nay, kể lại việc Biến Hình của Chúa Giêsu.

Tin Mừng Thánh Marcô nói, "Và sau sáu ngày Chúa Giêsu đã đem ông Phêrô và Giacôbê và Gioan, và dẫn riêng các ông lên một ngọn núi cao; và Người đã biến hình trước mặt các ông." Cảnh này cũng được mô tả trong các Tin Mừng Thánh Luca và Thánh Matthêu.

ĐTC đã ghi nhận rằng làm sao lại có hai yếu tố thiết yếu trong từng câu chuyện được kể lại: sự kiện là dung nhan và y phục của Đức Kitô "chiếu ánh sáng rực rỡ" và rằng "một đám mây bao phủ đỉnh núi" mà từ đó phát ra một tiếng nói, "Đây là Con Ta, Con yêu dấu, hãy nghe lời Người."

ĐTC Bênêđictô tóm lược những yếu tố ấy như - " ánh sáng thần linh rạng tỏa trên dung nhan của Chúa Giêsu, và tiếng nói của Cha Trên Trời, Đấng làm chứng cho Người và truyền cho chúng ta phải lắng nghe"

Ngài giải thích rằng cảnh này, "không tách ra” khỏi con đường Mùa Chay là con đường sẽ đưa Chúa Giêsu hướng về “việc làm tròn sứ vụ của Người, dù biết rõ rằng, để đạt được sự Sống Lại, Người sẽ chịu đau khổ và cái chết trên Thánh Giá."

ĐTC nhắc lại rằng Đức Kitô đã nói công khai điều này với các môn đệ của Người, nhưng "các ông không hiểu, và thực sự, đã chối từ viễn tượng này," bởi vì "các ông không lý luận theo cách của Thiên Chúa mà theo cách của loài người."

Vì vậy, Đức Kitô muốn tiết lộ "vinh quang của Thiên Chúa" cùng "vẻ huy hoàng của chân lý và tình yêu" để soi sáng tâm hồn các tông đồ của Người ngõ hầu các ông có thể đi qua "bóng tối dày đặc của Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Người, khi sự ngục nhã cùa Thập Giá sẽ là điều không thể chịu đựng nổi đối với các ông."

"Ánh sáng nội tâm" này sẽ bảo vệ các ông "khỏi những cuộc tấn công của bóng tối" bởi vì "ngay cả trong đêm đen tối nhất, Chúa Giêsu vẫn là ánh sáng không bao giờ tắt."

ĐTC Bênêđictô đã kết thúc những nhận xét của ngài bằng một "diễn tả tuyệt vời" rút ra từ thần học gia thế kỷ thứ 4-5, Thánh Augustinô thành Hippo. "Điều mà đối với đôi mắt của thân thể là mặt trời mà chúng ta thấy, thì Người (Đức Kitô) là [mặt trời] cho đôi mắt của tâm hồn."

Trước khi hướng dẫn đọc Kinh Truyền Tin buổi trưa, ngài đã phó thác các khách hành hương cho Đức Trinh Nữ Maria là "Đấng là hướng đạo của chúng ta trong cuộc hành trình đức tin", rằng Mẹ có thể giúp chúng ta sống kinh nghiệm này trong Mùa Chay, để tìm thấy một ít thời gian mỗi ngày mà im lặng cầu nguyện và lắng nghe Lời Thiên Chúa.
 
Kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II
Linh Tiến Khải
08:11 05/03/2012
Phỏng vấn Linh Mục Cristoph Théobald, dòng Tên, về ý niệm ”Giáo Hội - Hiệp Thông”

Cách đây 50 năm Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố triệu tập Công Đồng Chung Vatican II để duyệt xét các vấn đề của Giáo Hội và canh tân cuộc sống của dân Chúa. Để kỷ niệm biến cố lịch sử này đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, trong đó có một loạt các buổi thuyết trình do đại học giáo hoàng Laterano ở Roma tổ chức, với sự cộng tác của Trung tâm thánh Louis nước Pháp và Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh. Sáu buổi thuyết trình có khẩu hiệu là ”Đọc lại Công Đồng” đã bắt ngày mùng 1-3-2012 dành cho Hiến chế tín lý về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium.

Mỗi buổi thuyết trình đều do một chuyên viên sử học và một thần học gia đảm trách, và sẽ lần lượt tìm hiểu các tài liệu quan trọng nhất của Công Đồng: tức 4 Hiến chế, sắc lệnh về Đại kết và Tuyên ngôn về tự do tôn giáo.

Trong bài phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng sáng mùng 2-3-2012 Đức Tổng Giám Mục Enrico Dal Covolo, Viện trưởng đại học giáo hoàng Laterano, cho biết các buổi thuyết trình này nhằm mục đích lượng định trở lại các yếu tố chính của Công Đồng trên bình diện khoa học, đồng thời lồng khung Công Đồng vào trong Truyền Thống lớn của Giáo Hội, là hướng đi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Một trong các cải cách lớn Công Đồng đã đề ra là việc canh tân phụng vụ. Do đó tài liệu đầu tiên đã được Công Đồng thông qua và công bố là Hiến chế về Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, giáo sư Philippe Chenaux cho rằng so với các tài liệu khác, Hiến chế về Phụng vụ đã bị lãng quên trong bóng tối. Nó có chỗ đặc biệt trong phong trào phụng vụ nảy sinh vào cuối thế kỷ XVIII trong các đan viện Biển Đức, và sau Đệ Nhị Thế Chiến nó di chuyển về phía các môi trường của phong trào Giới trẻ công giáo, rồi hướng tới các giáo xứ. Năm 1947 Đức Giáo Hoàng Pio XII cũng đã dành Thông điệp ”Mediator Dei” để nói về phụng vụ, và là một hình thức thừa nhận phong trào phụng vụ, sẽ được thánh hiến trong Công Đồng Chung Vaticăng II.

Trước loạt thuyết trình về đề tài ”Đọc lại Công Đồng” tại đại học giáo hoàng Laterano ở Roma còn có đại hội tại Modena bắc Italia, trong các ngày 23-25 tháng 2 vừa qua về đề tài: ”Công Đồng Chung Vaticăng II, 1962-2012: lịch sử sau Lịch sử”. Đại hội do Tổ chức ”Khoa học tôn giáo Gioan XXIII” triệu tập. Tham dự đại hội có rất nhiều chuyên viên, trong số đó có Linh Mục Cristoph Théobald, dòng Tên. Cha đã chủ tọa cuộc thảo luận bàn tròn kết thúc đại hội.

Trong số các thuyết trình viên ngày thứ nhất của đại hội có các học giả như: Maria Teresa Fattori, Giovanni Turbani, Marek Saran, Yan Li Ren, Piero Doria, Massimo Faggioli. Ngày thứ hai của đại hội có các thuyết trình viên Stephan Mokry, Antonio Sorci, Philipphe J. Roy, Loioc Figoureux. Trong ngày thứ ba có các thuyết trình viên như Michael Quisinsky, Silvia Scatena, Matteo Mennini, và một cuộc thảo luận bàn tròn với sự tham dự của Joseph Famerée, Etienne Fouilloux, Peter Huenermann, Mathijs Lamberigts, Giuseppe Ruggieri, Norman Tanner và John O' Malley. Hai học giả kết thúc đại hội là Alberto Melloni và Bernard Ardura.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Cristoph Théobald, về ý niệm ”Giáo Hội - Hiệp Thông”. Cha Théobald là tác giả của bộ sách nhiều cuốn tựa đề ”Việc tiếp nhận Công Đồng Chung Vaticăn II”.

Hỏi: Thưa cha Théobald, cha nghĩ gì về việc Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập Công Đồng Chung Vaticăng II?

Đáp: Có lẽ đây lần đầu tiên trong lịch sử, ít nhất một cách rõ ràng, một vị Giáo Hoàng - ở đây là Đức Gioan XXIII - đã triệu tập Công Đồng mà không trình bầy một ý tưởng hay một mô thức đã được xác định trước. Trái lại ngài đã khẳng định ý tưởng Công Đồng như một lễ Hiện Xuống mới, hay đúng hơn như một cố gắng khiến xảy ra trong Giáo Hội công giáo một cái gì giống như một lễ Hiện Xuống mới. Khía cạnh này gắn liền với ước mong một lễ Hiện Xuống mới. Và đây là chìa khóa giúp đọc hiểu các văn bản của Công Đồng Chung Vaticăng II như là địa bàn chỉ hướng cho thế kỷ XXI.

Hỏi: Thưa cha, làm sao có thể tóm tắt và hiểu biết việc tiếp nhận Công Đồng Chung Vaticăng II sau 50 năm triệu tập?

Đáp: Đã có nhiều giai đoạn tiếp nhận khác nhau, và việc nêu rõ chúng là cách thức đơn sơ nhất để đương đầu với vấn đề. Giai đoạn thứ nhất ngay sau năm 1965 đã liên quan tới việc cải tổ các cơ cấu như Thánh Văn phòng trở thành Bộ Giáo Lý Đức Tin, và việc áp dụng ngyên tắc Thượng Hội Đồng cho khắp nơi trên toàn thế giới. Có lẽ đây là giai đoạn đã khơi dậy các ấn tượng sống động nhất và một hứng khởi thực sự.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào năm 1985, là năm có Thượng Hội Đồng Giám Mục nhằm cử hành Công Đồng và kiểm thực các kết qủa. Nó đã là một biến cố vô cùng quan trọng, vì đã đề nghị một việc giải thích toàn bộ, vài luật giải thích bằng cách đưa ra ý tưởng của toàn bộ các tài liệu của Công Đồng, hay các mối tương quan và tính cách liên văn bản giữa các tài liệu khác nhau của Công Đồng. Chúng ta có thể định nghĩa giai đoạn này với một câu tổng kết, nhất là chung quanh ý niệm Giáo Hội - Hiệp thông. Với thời gian qua đi sự đóng góp của công việc lịch sử cũng trở thành quan trọng; nó dựa trên việc nghiên cứu càc văn bản, các lược đồ dự thảo và nhật ký riêng của các tham dự viên Công Đồng.

Hỏi: Cha nhấn mạnh rằng cho tới nay việc thảo luận đôi khi rất giao động đã chú ý nhiều tới giáo hội học. Có cần phải nới rộng cái nhìn hay không thưa cha?

Đáp: Sự tập trung này chắc chắn đã là điều không thể tránh được, vì tầm quan trọng của các cải tổ cơ cấu Giáo Hội. Nhưng ngày nay việc đọc hiểu các văn bản của Công Đồng có thể giúp chúng ta tái quân bình tri giác này. Chẳng hạn như một chiều kích nền tảng của Công Đồng xoay quanh nguyên tắc mục vụ tính, với tư tưởng là đức tin kitô rất có tích cách lịch sử và gắn liền với tính cách đa văn hóa ngay từ đầu. Diễn tả tính cách lịch sử của Kitô giáo sau cùng có nghĩa là diễn tả trở lại một cách mới mẻ nguyên tắc của sự nhập thể. Chiều kích này liên tục cật vấn chúng ta về khả năng tiếp nhận của truyền thống kitô. Tính cách mục vụ đâm rễ một cách trực tiếp ngay trong Sự Mạc Khải, được hướng tới tất cả mọi người. Như thế tính cách truyền giáo của Giáo Hội xem ra là một vấn đề lớn được mở ra theo chiều hướng của Công Đồng.

Hỏi: Bên trong toàn thể các tài liệu rộng lớn của Công Đồng, có các văn bản đáng được tái khám phá ra một cách đặc biệt không thưa cha?

Đáp: Cho tới nay đã có ba tài liệu được đào sâu rất nhiều đó là Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn Dân, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng, và Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium. Trong khi Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum Lời Chúa là một tài liệu nền tảng lại ít được nghiên cứu và giải thích. Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2008 về Lời Chúa đã là một hành động chính thức mạnh mẽ tiếp nhận tài liệu về Lời Chúa. Nhưng tài liệu có tầm quan trọng nòng cốt này chắc chắn sẽ có một vai trò ngày càng tích cực hơn. Đây cũng là điều có thể nghĩ đối với Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes.

Hỏi: Thưa cha, cha cũng cho rằng chính trong Công Đồng có thể tìm thấy các chìa khóa giúp thắng vượt mọi tương phản liên quan tới việc giải thích nó, có đúng thế không?

Đáp: Theo thiển ý tôi, ngày nay cần phải ra khỏi ý niệm song song, theo đó một đàng có một Công Đồng đã kết thúc một cách toàn vẹn, đàng khác có các giải thích tốt hay xấu về Công Đồng. Công Đồng đã là một tiến trình học hiểu và cũng chính vì thế mà không thể tránh được vài chồng chất lên nhau đã gây tranh luận. Chẳng hạn cứ nghĩ tới nguyên tắc giám mục đoàn, một cách rõ ràng được khẳng định bên cạnh việc xác nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, người thi hành chức thừa tác của thánh Phêrô tại Roma. Trước hết Công Đồng đã cống hiến cho chúng ta một phương cách để quyết định trong Giáo Hội, bằng cách ngầm nhắc nhở cho chúng ta biết rằng môt vài vấn đề không thể nói được rằng chúng đã được giải quyết một cách vĩnh viễn, xét vì chúng là thành phần của chính cơ cấu mâu thuẫn của Mầu nhiệm kitô.

Hỏi: Vượt ngoài cuộc thảo luận thần học, Công Đồng sẽ có thể vẫn là một điểm quy chiếu tuyệt đối cho sự hiệp nhất của Giáo Hội không thưa cha?

Đáp: Có thể được, nếu chúng ta biết nhấn mạnh và suy tư, không phải về các chi tiết, nhưng về cái quan điểm toàn diện, mà Công Đồng đã đề ra. Đó là quan điểm của một Kitô giáo đại đồng, đồng thời hội nhập một cách toàn vẹn vào nền văn hóa và vẫn khác biệt. Công Đồng vẫn có thể là điểm tham chiếu tuyệt đối, nếu chúng ta biết tiếp nhập sư phạm và sự can đảm của Công Đồng trong việc lắng nghe người khác, trong khả năng hoán cải, trong việc cùng nhau quyết định cho tương lai. Có một cách thức tiến hành mà Công Đồng đã để lại cho chúng ta như là một gia tài. Một cách đặc biệt một phương thế lắng nghe Lời Chúa một cách nào đó, phân định các dấu chỉ thời đại, đi vào chiều sâu của nội tâm. Nhờ cái kiềng ba chân ấy Công Đồng sẽ có thể tiếp tục là một ơn và là một địa bàn định hướng cho các thời mới.

(Avvenire 24-2-2012; RG 2-3-2012)
 
Pakistan: Kitô hữu xin ĐTC tuyên phong ông Shahbaz Bhatti là vị thánh Tử Đạo của Giáo Hội
Nguyễn Trọng Đa
09:49 05/03/2012
Pakistan: Kitô hữu xin ĐTC tuyên phong ông Shahbaz Bhatti là vị thánh Tử Đạo của Giáo Hội

Islamabad – Các Kitô hữu ở Pakistan, và nhiều người Hồi giáo, Ấn giáo và nhóm thiểu số tôn giáo khác, xin ĐTC Biển Đức XVI tôn phong bộ trưởng Shahbaz Bhatti là thánh tử đạo của.

Họ đưa ra đề nghị này trong các lễ giỗ một năm qua đời của vị bộ trưởng Công giáo đã bị sát hại ngày 2-3-2011. Các thánh lễ giỗ và đêm canh thức cầu nguyện đã được tổ chức tại Faisalabad, quê hương Khushpur (Punjab) của ông, Lahore, Multan, Karachi và nhiều nơi khác ở Pakistan.

Tại thủ đô Islamabad, nơi bộ trưởng Bhatti đã bị giết chết bởi các tên cực đoan, một buổi lễ đã được tổ chức với một cuộc rước đuốc (ảnh) đi ngang qua nhà ông, nơi diễn ra cuộc phục kích gây ra cái chết cho ông.

Trong buổi lễ, một nhóm nhà hoạt động đã trao cho ông Phaolô Bhatti, em trai của ông Shahbaz và là cố vấn hòa hợp quốc gia của Thủ tướng Gilani, một lá cờ của Liên minh các nhóm Thiểu số Toàn Pakistan (APMA), một tổ chức được thành lập bởi bị bộ trưởng đã bị giết, để khuyến khích ông tiếp tục cuộc chiến vì bình đẳng quyền lợi cho tất cả các công dân.

Cố bộ trưởng Shahbaz Bhatti đã bị giết chết vào sáng ngày 2-3-2011 trên đường đi làm, cơ thể của ông trúng khoảng 30 viên đạn.

Trong nhiều tháng, chính quyền đã cố gắng che đậy vụ việc, đổ lỗi vụ ám sát cho một tranh chấp gia đình, và sau đó cho vấn đề tài chính.

Cho đến nay, chưa rõ ai thực hiện vụ sát hại này, nhưng ngay sau đó một nhóm cực đoan Pakistan lên tiếng nhận trách nhiệm vụ này. Cảnh sát xác nhận rằng bọn giết người còn trong bóng tối.

Tuy nhiên, nhiều người ở Pakistan muốn lưu giữ giữ niệm về ông Shahbaz Bhatti, bằng cách cổ vũ chứng tá chính trị-văn hóa của ông như là một nhân vật thế tục và đa văn hóa của Pakistan, giống như vị Cha Già Dân tộc Ali Jinnah đã nhắm tới.

Tổng Giám mục Joseph Coutts, Tổng Giáo phận Karachi, và là một bạn thân của ông Shahbaz Bhatti, đã cử hành Thánh Lễ giỗ tưởng nhớ ông. Trong bài giảng của mình, vị Giám chức nói: "Shahbaz Bhatti sống trong ký ức của chúng ta vì sứ mạng và sự hy sinh của ông nhân danh Kitô giáo. Ông là đại sứ hòa bình, tình yêu, chất lượng và tình huynh đệ, và chúng ta sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của chúng ta theo bước chân của ông."

Cha Anjum Nazir ca ngợi đức tin vững vàng của ông Shahbaz. Cha nói: “Thật vậy, ông luôn mang chuỗi Mân Côi trong người, điều này chứng tỏ sự gắn bó của ông với đức tin của mình."

Giải thích mong ước của cộng đồng Kitô hữu Pakistan, cha Pervez Emmanuel thỉnh cầu "ĐTC Biển Đức XVI hãy tuyên phong ông Shahbaz Bhatti là vị thánh Tử Đạo của Giáo Hội".

Bộ trưởng Phụ trách vấn đề các nhóm Thiểu số Pakistan đã bị giết chết vì cuộc chiến của ông chống lại luật chống phạm thượng của đất nước, và vì việc ông bênh vực cho bà Asia Bibi, người mẹ 45 tuổi có năm con, bị kết án tử hình về các cáo buộc bắt nguồn từ ‘luật đen'.

Cha Pervaiz, linh mục quản xứ ở vùng Khushpur đa số Công giáo, nói về cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, nơi mà lần đầu tiên và nhờ các nỗ lực của cố bộ trưởng Shahbaz, bốn ghế Thượng viện được dành cho đại diện các nhóm thiểu số tôn giáo. Cha nói: “Đây là kết quả làm việc của ông Shahbaz."

Còn cha Anwar Patras phát biểu: "Ông Shahbaz Bhatti đã sống cuộc đời như một tín hữu trung thành của Chúa Giêsu Kitô. Ông biết ông có thể sẽ bị ám sát, nhưng ông kiên định trong việc bênh vực cho các cộng đồng không có tiếng nói và bị gạt ra bên lề." (AsiaNews 3-3-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Xin đừng xấu hổ vì mình là người Công Giáo
Bùi Hữu Thư
12:09 05/03/2012
Lời Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyên nhủ giới trẻ

ROME, Chúa Nhật 4 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI tuyên bố với giới trẻ nói tiếng Pháp và giải thích cho họ ý nghĩa của thời kỳ Mùa Chay: "Các bạn hãy đừng cảm thấy xấu hổ vì là kitô hữu và sống Mùa Chay tại nơi các bạn đang sống.

Sau kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 4 tháng 3, là Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay ngài chủ tọa từ cửa số văn phòng làm việc của ngài, trông ra quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã bình luận về mầu nhiệm của việc Chúa Biến Hình, được trích dẫn trong Phúc Âm ngày hôm nay.

Ngài đã đặc biệt yêu cầu các giới trẻ của thánh phố Dambach-la-Ville và Epfig và các trường Trung Học Saint-Vincent de Paul ở Loos-les-Lille, hiện diện tại quảng trường.

Đức Thánh Cha đề nghị: "Xin các bạn hãy nhịn ăn những của ăn trần thế cần thiết cho lứa tuổi các bạn, và hãm mình tránh những gì làm các bạn xa lánh Thiên Chúa và tha nhân," vì có rất nhiều cách để ăn chay phù hợp với mọi lứa tuổi."

Trước khi chúc họ "một hành trình tốt đẹp để tiến tới Phục Sinh", Đức Thánh Cha Benedict XVI yêu cầu họ theo gương "Đức Maria", để tiếp nhận "đời sống của Thiên Chúa" và để "bắt rễ sâu xa đời sống của họ trong Chúa."
 
Thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm
Bùi Hữu Thư
17:43 05/03/2012
Dụ ngôn của Đức Thánh Cha Benedict XVI

ROME, Thứ hai, 5 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Vào cuối cuộc cấm phòng Mùa Chay, Đức Thánh Cha Benedict XVI đề nghị một dụ ngôn cho đời sống thế gian: một đường hầm nhưng ở đầu cuối, đức tin cho thấy có ánh sáng.

Cuộc tĩnh tâm linh thao của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã kết thúc trong nhà nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong cung điện tông đồ Vatican, với các ca vịnh và bài suy niệm chót ngày thứ bẩy 3 tháng 3, 2012. Cuộc tĩnh tâm một tuần do Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, tổng giám mục Kinshasa (Cộng Hoà Dân Chủ Congo) giảng phòng. Chủ đề của cuộc tĩnh tâm là sự hiệp thông của kitô hữu với Thiên Chúa, trích dẫn từ lá thư của thánh Gioan: "Và chúng ta, chúng ta hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và với Con của Người là Chúa Giêsu Kitô" (1 Ga 1, 3).

Trong những câu chuyện lịch sử hồng y giảng phòng đã kể lại về "miền đất Phi Châu thân yêu của ngài", Đức Thánh Cha tâm sự là ngài đã "đặc biệt cảm động" về câu chuyện của một người bạn của hồng y bị bất tỉnh (coma): người này có cảm tưởng là mình đang ở trong "một đường hầm tối đen", nhưng "đã thấy một chút ánh sáng" ở cuối đường hầm, và "nghe thấy một điệu nhạc du dương."

Đối với Đức Thánh Cha, hình ảnh này "có thể là một dụ ngôn cho đời sống chúng ta": "Nhiều khi chúng ta thấy mình đang ở trong một đường hầm mờ tối, ban đêm", nhưng ngài tiếp, "nhờ có đức tin, chúng ta nhìn thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm và nghe được một điệu nhạc du dương."

Ngài khẳng định, vì đức tin làm cho nhận thức được "sự huy hoàng của Thiên Chúa, của trời và đất, của Thiên Chúa Đấng Dáng Tạo, và các tạo vật của ngài"; và như thế, chúng ta đã được cứu rỗi trong "niềm hy vọng" (Rm 8, 24).

Đức Thánh Cha Benedict XVI cám ơn Đức Hồng Y vì đã đồng hành với ngài "trong thửa vườn rộng lớn của lá thư thứ nhất của thánh Gioan" với "một khả năng bình giải, tâm linh và mục vụ cao vời." Một cuộc đồng hành đã 'thêm sức" cho giáo triều Rôma trong niềm hy vọng và đức ái."
 
Những trái bom nổ chậm trong lục địa của Tầu
Hà Long
19:13 05/03/2012
Sáng thứ hai, 05/3/2012 có khoảng 3.000 đại biểu quốc hội của chính quyền cs Tàu từ khắp miền đất nước chẩy hội về Bắc Kinh. Truyền hình nhà nước đưa tin và kèm hình ảnh ấn tượng muôn màu sắc tươi tắn của các đại biểu và của các sắc dân như Môngôlai, Tibet, Uiguren… Tất cả có 56 sắc dân đang sống tại lục điạ Tầu, nhà nước cộng sản thích cho đăng các hình ảnh này nhằm đánh bóng về sự hợp nhất hòa bình giữa các sắc dân và cũng là sức mạnh của Tầu hiện tại.

Nếu biết cặn kẽ những chia rẽ sâu sắc trong đời sống của dân Tầu thì họ chưa có hòa bình thực sự. Tại tỉnh Tứ Xuyên từ tháng 3 năm 2011 các vị tăng ni Phật Giáo người Tibet thường xuyên tự thiêu chống đối. Cho đến nay đã có 20 vụ tự thiêu. Lực lượng an ninh tuần tra lúc nào cũng có sẵn các dụng cụ chữa cháy bên mình và họ đang kiểm soát gắt gao các tu viện của người Tibet. Mới đây, hôm chủ nhật, 4/3 lại thêm một vụ người mẹ của 4 đứa con và một nữ học đã tự thiêu trong phố Aba, phía tây nam của tỉnh Tứ Xuyên đã làm cho ý nghĩa ngày họp Quốc Hội lần này lu mờ. Tại miền Tây của Tầu thuộc tỉnh Tân Cương trong phần cư trú của người Đạo Hồi luôn có những cuộc nổi dậy chống đối. Mới tuần trước tại đây đã có 20 người thiệt mạng do đụng độ kịch liệt với cảnh sát.

Đảng cộng sản Tầu cho rằng những người chống đối như thế là những "phần tử nổi loạn" và phải tiêu diệt. Bên cạnh đó những cuộc biểu tình của người dân lan rộng khắp nơi, nhất là từ những người nông dân. Theo nguồn tin quốc tế cho biết trong năm có khoảng 180.000 cuộc biểu tình tự phát chống đối chính quyền, mỗi ngày tính ra khoảng 500 vụ xuống đường. Nhiều lý do dẫn đến sự chống đối như: tham quan cướp đất, phá hủy môi trường, thiệu nợ công nhân, cảnh sát đàn áp… Vào cuối năm 2011 cả làng Ô Khảm, thuộc miền nam tỉnh Quảng Đông, nổi dậy chống đối tất cả quan lại ở đấy. Những người nông dân chiếm cứ cơ quan hành chính và tống cổ bọn tham quan ra ngoài. Lòng căm phẫn của người dân lên cao độ đến nỗi làm cho chính quyền lo sợ và phải chấp nhận giải pháp cho người dân tự bỏ phiếu chọn ra người cầm quyền tại địa phương, một cách giải quyết theo nguyên tắc dân chủ này chưa bao giờ xảy ra tại Tầu.

Người dân đã mất niềm tin vào chính quyền. Ngân hàng thế giới cảnh cáo. Các nhà kinh tế của Mỹ cho biết điểm cao kinh kế của Tầu đã đạt đến. Đây là thời gian cs Tầu phải cải tổ lại nền kinh tế: thân thiện với môi trường, mậu dịch phải tự do lành mạnh, tham nhũng phải diệt trừ, người dân cần phải có tự do về báo chí để vạch ra các tham quan trong đảng cs Tầu.

Chính quyền cs Tầu không nhân nhượng với người đối kháng, các bản án vào cuối năm 2011 cho ông Trần Tây (Chen Xi) với sự kết án "lật đổ chính quyền và phạt tù giam 10 năm". Ông Trần Vệ (Chen Wei) bị kết án 9 năm tù giam với cùng tội danh như thế. Được đánh động từ cuộc cách mạng ở Trung Đông ông Trần Tây kêu gọi tự do ngôn luận và cải cách hệ thống độc đảng của cs Tầu trên các diễn đàn Internet. Ông cũng là sinh viên đồng hành với người đoạt giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba và tham gia phong trào biểu tình của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Thế giới tự do lên án sự đàn áp và bỏ tù các nhà đối kháng này và tố giác chính quyền cs Tầu vi phạm tự do ngôn luận.

Nhà nước cs Tầu cùng lúc xiết chặt thêm phương tiện thông tin trên mạng bằng 3 điều luật. Khoảng 300 triệu người luôn theo dõi tin tức hằng ngày từ trang tin tức Weibo phải đăng ký với số chứng minh nhân dân. Ngoài ra mỗi tuần trên kênh truyền hình quốc gia chỉ được chiếu 38 chương trình chọn lọc. Những giờ còn lại đài truyền hình chỉ tuyên truyền về các tin tức thành công của đảng cs Tầu. Từ giữa tháng 2 các đài truyền hình ngoại quốc không còn được truyền đi tại Tầu.

Sáng 5/3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chủ trì khai mạc kỳ họp thứ 5 Đại biểu Quốc hội khóa XI tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. 3.000 đại biểu biết rằng sự tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua chính là hướng đi tốt cho đảng cs Tầu. Lần này nhiều vị do dự tìm cách gìn giữ sự tăng trưởng và có nên cải cách guồng máy. Hai mẫu cải cách đang được bản thảo trong hiện tại. Tờ báo Kinh Tế (Economist) tóm gọn cuộc tranh luận bằng hàng chữ như sau: Trùng Khánh đối đầu Quảng Đông.

Vi sao? Vị chủ tịch của miền nam giàu có của Quảng Đông, ông Wang Yang và người đồng nhiệm từ Trùng Khánh, ông Bo Xilai đưa ra các phương cách giải quyết khác nhau. Bo Xilai dùng phương pháp tuyên truyền và đánh bóng đảng cs Tầu. Tại thành phố triệu dân của Trùng Khánh ông Bo Xilai cho treo rợp cờ đỏ. Người dân Trùng Khánh phải học lại bài hát của chủ tịch Mao Trạch Đông: "Phương đông là màu đỏ". Người đối lập, ông Wang Yang cho rằng sự cải cách của Tầu phải đến từ các tầng lớp xã hội. Ông chấp nhận cải cách hành chánh giảm trừ nhân viên trong bộ máy chính quyền. Từ năm 1978 ông Đặng Tiểu Bình dựa vào Hồng kông để cải cách kinh tế mở rộng thị trường và là phần đất kề bên Quảng Đông vì thế vùng này luôn là đội ngũ tiên phong đi đầu về gia tăng kinh tế. Tại Quảng Đông người dân hưởng tự do báo chí nhiều nhất, tại đây là vùng phồn vinh nhất của Tầu và cũng là vùng thí nghiệm kinh tế, khi đạt được thành quả sẽ mang mẫu hàng này đến các vùng khác triển khai.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thú nhận sự tụt lùi kinh tế hiện tại và phải hạ mục tiêu tăng trưởng được đề ra ở mức 7,5% thay vì 8% như những năm vừa qua. Lạm phát của năm 2011 tăng lên 5,4% hơn chỉ tiêu ở mức 4% đã đặt ra. Thực phẩm vẫn là mặt hàng tăng giá nhiều nhất. "Kinh tế Trung Quốc đang phải đương đầu với những vấn đề mới. Có nhiều áp lực đối với tăng trưởng kinh tế. Giá cả vẫn đắt đỏ. Những quy định cho thị trường nhà đất đang ở giai đoạn tối quan trọng", ông Ôn Gia Bảo phát biểu.

Về an ninh và ngân sách quốc phòng thì cs Tầu lại rộng tay vung vãi tăng lên 11,2% với số tiền kỷ lục 100 tỷ Đôla Mỹ. Tình hình tranh chấp Biển Đông là động lực làm cho Tầu đổ tiền vào dành thế thượng phong đối với các nước láng giềng. Ông Bảo không che dấu tham vọng của cs Tầu: "Chúng ta sẽ tăng cường khả năng của các lực lượng vũ trang để đáp ứng được với hàng loạt nhiệm vụ lớn của quân đội, mà điều quan trọng nhất là giành chiến thắng trong các cuộc chiến địa phương dưới điều kiện của kỷ nguyên thông tin".

Báo cáo của thủ tướng Ôn Gia Bảo tại quốc hội cũng là dịp đang chuẩn bị việc chuyển giao người lãnh đạo tại Đại hội đảng cộng sản Tầu lần thứ XVIII sẽ được diễn ra vào tháng 10/2012. Người kế vị đã được chọn là ông Tập Cận Bình, đang giữ chức vụ phó chủ tịch và cũng vừa thăm Mỹ và Âu Châu trở về trong thành công. Giới ngoại giao quốc tế nhận định: "Tập Cận Bình phải nhanh chóng cải cách những gì Ôn Gia Bảo đã không làm được". Nếu ông Bình không noi theo đường hướng thành công về kinh kế của Quảng Đông mà chỉ dựa vào màu đỏ của lá quốc kỳ (tại Trùng Khánh) thì quả là trái bom nổ chậm trong lục địa của Tầu sẽ được châm ngòi trong nay mai.

Kỳ họp thứ 5 Đại biểu Quốc hội khóa XI của cs Tầu sẽ bế mạc vào ngày 14/3/2012.
 
Top Stories
Kontum, gli attacchi contro un prete e i cristiani, generano “frustrazione e incomprensione”
Asia-News
05:18 05/03/2012
Nella lettera pastorale, mons. Michael Hoang Duc Oanh condanna l’attacco contro p.Luy e annuncia che celebrerà la messa di Pasqua nel luogo dove è avvenuta la violenza. Già nel 2011 il prelato aveva sfidato di divieti delle autorità, festeggiando la Pasqua in una comunità montagnard che non aveva potuto visitare a Natale.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - Nella lettera pastorale ai fedeli, pubblicata in occasione della Quaresima, il vescovo di Kontum mons. Michael Hoang Duc Oanh sottolinea il timore che nuovi attacchi contro i cattolici in Vietnam producano "maggiore frustrazione e incomprensione". La nota del prelato giunge a pochi giorni dall'assalto contro p. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa, nel quale il sacerdote ha riportato ferite e contusioni plurime. L'agguato è avvenuto proprio nei giorni in cui ad Hanoi si svolgeva il terzo incontro del gruppo di lavoro misto Vietnam-Vaticano, inteso a stabilire piene relazioni diplomatiche fra il Paese socialista - dove i cristiani sono tuttora vittime di persecuzioni - e la Santa Sede. Attivisti per i diritti umani e fedeli hanno condannato un atto che "mina" il rapporto di fiducia con le autorità di governo.

Il 23 febbraio scorso padre Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa, curato della parrocchia di Kon Hring, dopo aver celebrato le esequie nel villaggio di Kon Hnong, al ritorno in parrocchia è stato picchiato da tre teppisti, legati alle autorità locali. Lo hanno malmenato con sbarre di ferro sulla testa e sulla schiena, fino a fargli perdere i sensi, quindi sono fuggiti via. Questi "gruppi di teppisti" vengono armati e usati per colpire i religiosi o i fedeli in un'area - Kontum, negli altipiani centrali del Vietnam - che il governo ha definito "No Religion Zones".

Sfidando in modo aperto le disposizioni delle autorità, il prelato condanna il nuovo caso di violazione alla libertà religiosa e annuncia che celebrerà la Settimana Santa proprio nella parrocchia in cui è stato assalito p. Luy. Del resto mons. Michael Hoang Duc Oanh (nella foto, mentre discute con un ufficiale) non è nuovo a questi gesti di aperta sfida contro i vertici comunisti: lo scorso anno ha celebrato parte della Quaresima e la messa di Pasqua nel villaggio montagnard di Son Lang, dove gli era stato impedito ingresso e cerimonie in occasione del Natale.

Per l'occasione, tutta la comunità cristiana si è stretta attorno al vescovo partecipando in massa alle celebrazioni. Tuttavia, funzioni e sacramenti sono stati disturbati da slogan, fischi, parole di scherno di gruppi di persone ingaggiati dalle autorità per "disturbare" riti e festività. Al termine della messa, vescovo e sacerdote sono stati prelevati dalle forze dell'ordine e condotti in caserma per un interrogatorio protrattosi per ore. Gli inquirenti hanno accusato i cattolici di aver violato i permessi, che concedevano "solo la celebrazione della messa di Pasqua", mentre si sarebbero svolti nell'occasione anche dei battesimi. Tuttavia, vescovo e prete hanno spiegato che non si trattava di battesimi, ma di persone che in quei giorni hanno ricevuto il sacramento della confessione.

E come nel 2011, anche le feste di quest'anno si annunciano cariche di tensione: mons. Michael Hoang Duc Oanh e sacerdoti sono pronti a sfidare i divieti in nome del principio inviolabile della libertà religiosa, denunciando gli attacchi squadristi di "gruppi di teppisti" al soldo delle autorità. Assalti e violenze di tale portata, conclude il vescovo ricordando l'attacco a p. Luy, non fanno altro che ingenerare nei fedeli "maggiore frustrazione e incomprensione".
 
Kontum: attack against priest and Christians generating ''frustration and misunderstanding''
Asia-News
06:53 05/03/2012
In a pastoral letter, Mgr Michael Hoang Duc Oanh slams the attack against Fr Luy. He announces that he would celebrate Easter Mass in the place where the violence took place. In 2011, the prelate had already challenged the authorities, celebrating Easter in a Montagnard community that he had been unable to visit for Christmas.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - In a pastoral letter for Lent, Mgr Michael Hoang Duc Oanh, bishop of Kontum, noted that new anti-Catholic attacks in Vietnam might generate "more frustration and misunderstanding". The prelate's statement comes a few days after Fr Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa was attacked, suffering multiple wounds and lacerations.

The attack was carried out during the time the third meeting of the joint Vietnam-Holy See working group on the establishment of diplomatic relations between the Socialist Republic of Vietnam (where Christians continue to be the victims of persecution) and the Vatican was underway in Hanoi.

Human rights activists and Catholics have condemned the attack, saying it undermines the sense of trust towards the government.

On 23 February, Fr Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa, curate in Kon Hring Parish, was attacked by three hooligans connected with local authorities as he made his way home after celebrating a funeral Mass in the village of Kon Hnong. He was beaten with steel rods at the head and the back. After he lost consciousness, the attackers fled.

Similar groups of hooligans are armed and used to attack clergymen and believers in an area, Kontum (central plateaus), which the government has defined as a 'no religion zone'.

In an open challenge to the authorities, the prelate slammed the new case of violation of religious freedom and announced that he would celebrate Mass during Easter week in the parish where Fr Luy was attacked.

Mgr Michael Hoang Duc Oanh (pictured here talking with an official) is not new to such actions of defiance against Communist authorities. Last year, he celebrated Lent and Easter Mass in the Montagnard village of Son Lang where he had been prevented from celebrating Christmas services a few months earlier. On that occasion, the local Christian community rallied around the bishop and took place in the Mass.

In Vietnam, the authorities often hire such groups to disrupt religious services and the sacraments and harass people attending religious functions and celebrations who have to put up with the slogans, booing and catcalls.

At the end of the Mass last Easter, police detained the bishop and the local priest and held them at a local police station for hours of interrogation.

The authorities accused Catholics of failing to respect the terms of their permits, which limited their activities to "the celebration of Easter Mass". They accused them of carrying out a number of baptisms. The bishop and the priest told the officers that they did not perform any baptism but simply heard confession.

Like in 2011, this year's celebrations are expected to be tense. Mgr Michael Hoang Duc Oanh and a number of priests are prepared to challenge the ban in the name of the inviolability of religious freedom, slamming the attacks by "hooligan gangs" at the pay of the authorities.

Violence and attacks of this kind generate "more frustration and misunderstanding" among the faithful, Fr Luy said.
 
Vietnam Redemptorists face more troubles
J.B. An Dang
17:02 05/03/2012
There are signs of escalating troubles aiming directly at Redemptorists in Vietnam. Having their church in Saigon been raided, their monastery in Hanoi been attacked by pro-government thugs, their convent in Dalat been demolished for a state office, their provincial superior been investigated, threaten, and prohibited from leaving the country for international conferences; now they have to face another outrageous harassment on their properties.

In an urgent protest letter released on March 3, Father Joseph Dinh Huu Thoai, chief of the secretariat of the local Redemptorist province, cried out that the government has violated its own law on Complaints and Denunciations.

“Previously we had filed 3 petitions with all complete evidents and legal basis to the People's Committee and all authoritive agents in regard to the said issues”, said Fr. Joseph Thoai, the spokesperson of the Order in Vietnam.

“We, however, have not to this day received any responses from your offices. In the meantime, the property which we have the legal ownership and the legal rights to use keeps being violated”, he added.

The property in dispute locating right in front of the monastery in Saigon has been seized by the government for decades to run a Preschool and kindergarten. Recently, the local government has unitarily demolished the house to use it for another purpose.

Vietnam law on Complaints and Denunciations orders that "Complaints and denunciations must be examined and dealt with by the State agencies within a period of time stipulated by law". However, complaints from Church have been always fallen into deaf ears.

Many buildings that once belonged to the Church have been administered by the State on the grounds that they were needed for social purposes. Even when their purposes are no longer met, the buildings are seldom returned to their owners. It’s very often that Church properties have been used either to award government officials or to produce financial support for the Party.
 
Vietnamese bishop plans to defy 'No Religion Zone'
Catholic World News
17:10 05/03/2012
The Bishop of Kontum, Vietnam, has vowed to celebrate Holy Week in an area labeled by local authorities as a “No Religion Zone.”

Bishop Michael Hoang Duc Oanh made his announcement in a pastoral letter following an incident in which a local priest, Father Louis Nguyen Quang Hoa, was beaten after presiding at a funeral in the “No Religion Zone.” The bishop is challenging an edict from local authorities demanding prior approval for any religious activities at the site.

Bishop Duc Oanh has defied similar restrictions in the past. After being refused permission to celebrate Christmas Mass in the Montagnard village of Son Lang, he presided at Easter Mass there, and heard confessions despite the mocking of a hostile crowd. After that Easter celebration the bishop and a priest who accompanied him were taken to a nearby police station for several hours of interrogation.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phú Yên mừng kỉ niệm 12 năm Thầy Giảng Anrê Phú Yên được phong Á Thánh
Giáo hạt Phú Yên
10:27 05/03/2012
Chiều Chúa Nhật 4/3/2012, Chúa Nhật II Mùa Chay, một biến cố mục vụ quan trọng đã diển ra tại nhà thờ Tuy Hòa và Trung Tâm Mục Vu Tổng Hợp Anrê Phú Yên: GIÁO HẠT PHÚ YÊN MỪNG KỶ NIỆM 12 NĂM NGÀY THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN ĐƯỢC PHONG CHÂN PHƯỚC (05/03/2000 - 05/03/2012). Trong dịp đặc biệt nầy, 12 đoàn giáo lý viên với khoảng 180 thành viên trong toàn giáo hạt đã tề tựu về nhà thờ Tuy Hòa để cùng nhau sinh hoạt và tham dự Phụng Vụ cách sốt sắng và chan hòa niềm vui hiệp thông. 12 đoàn giáo lý viên đó thuộc các giáo xứ: Gò Duối, Sông Cầu, Mằng Lăng, Đa Lộc, Đồng Tre, Trà Kê, Tịnh Sơn, Sơn Nguyên, Hoa Châu, Hóc Gáo, Đông Mỹ và Tuy Hòa.

Xem Hình ảnh

Chủ đề được chọn cho lần họp mặt đặc biệt nầy là "LÊN CAO VÀ ĐI XA", theo đúng ý nghĩa của sứ điệp Lời Chúa trong cử hành Phụng Vụ Chúa Nhật II Mùa Chay. Trong giờ khai mạc, cha Hạt trưởng Phú Yên, Giuse Trương Đình Hiền đã khai triển nội dung nầy cách khái quát, mời gọi các bạn giáo lý viên nỗ lực canh tân và đổi mới cuộc sống đức tin cũng như nhiệt tình dấn thân trên con đường phục vụ cho dù phải đối diện với bao nổi khó khăn vất vả, theo mẫu gương "lên cao và đi xa" cách sống động và anh hùng của Á Thánh Anrê Phú Yên.

Trong niềm vui giao lưu, gặp gỡ thân tình, các bạn giáo lý viên đã có những giây phút cùng hát ca những bài thánh ca vào đời, cùng đồng diễn những vũ điệu mang tâm tình và tư thế đạo đức, cùng thư giản với những trò chơi mang tính giáo dục kỷ năng sống. Cao điểm của ngày lễ Kỷ Niệm đặc biệt này đó là Thánh Lễ tại lễ đại Á Thánh Anrê Phú Yên của Trung Tâm Mục Vụ Tổng hợp bên cạnh nhà thờ có rất đông giáo dân tham dự.

Khởi đầu thánh lễ, cộng đoàn sốt sắng dành tâm tình kính nhớ và tôn vinh Á Thánh trong nghi thức dâng hương tưởng niệm. Chủ tế của thánh lễ hôm nay đó là linh mục Giuse Trương Đình Hiền cùng với 3 linh mục đồng tế là cha Phalô Nguyễn Minh Chính, trưởng ban Mục Vụ Văn Hóa-Truyền thông của Giáo phận, cha F.X. Trần Đăng Đức chánh xứ Sơn Nguyên và Phêrô Nguyễn Xuân Bá, phó xứ Sơn Nguyên.

Trong bài giảng lễ, cha Phaolô Chính đã nhấn mạnh ý nghĩa "lên cao và đi xa" của Á Thánh Anrê Phú Yên theo mẫu gương Tổ Phụ Abraham mà bài đọc Lời Chúa hôm nay đã khơi gợi. Và chính cuộc tử đạo thương đau và anh hùng của Á Thánh đã gắn kết mật thiết với cuộc khổ nạn của Đức Kitô để nhờ đó tiến vào vương quốc của sự sống, của vinh quang Phục Sinh.

Sau thánh lễ, các bạn đã có bữa cơm thân mật tại hội trường giáo lý và tiếp nối sau đó là chương trình chia sẻ cảm nghiệm và kinh nghiệm của mỗi đơn vị giáo xứ trong cuộc hành trình giáo lý viên của mình. Các bạn giáo lý viên đã nói lên những ưu tư khắc khoải trong công tác giáo lý: sự thiếu hụt phương tiện về cơ sở cũng như nhân sự, cuộc sống tất bật, vất vả của các anh chị giáo lý viên, các gia đình chưa quan tâm đủ đến việc học hỏi giáo lý của con em, sự thiếu hụt về kỷ năng sư phạm và được đào luyện thường xuyên...đã làm cho công cuộc huấn giáo gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, hầu hết các anh chị giáo lý viên, từ những người tóc đã hoa râm đang nặng gánh gia đình với con cháu đùm đề, hay các bạn giảng viên giáo lý mà tuổi đời mới vượt qua ngưỡng cửa thiếu niên...tất cả đều khát vọng được dấn thân phục vụ theo tinh thần của Á Thánh Anrê Phú Yên. Đó phải chăng là tín hiệu tích cực và là niềm hy vọng cho giáo xứ, Giáo Hội. Đan xen với các sẻ chia cảm nghiệm là những tiết mục hát, vũ, hoạt cảnh... mang tâm tình đạo đức sốt sắng. Ngày sinh hoạt được kết thúc với phần tĩnh nguyện suy niệm, cầu nguyện với Lời Chúa và nghi thức lên đường. Với ánh nến lung linh rực sáng giữa màn đêm, các bạn giáo lý viên đã hát lên với tất cả tâm tình sốt mến và hăng say: vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời; vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi.

Lễ Kỷ Niệm 12 năm ngày phong Á Thánh Anrê Phú Yên tại giáo hạt Phú Yên đã để lại ấn tương thật tốt đẹp trong tâm hồn của anh chị em giáo lý viên trong toàn giáo hạt. Hy vọng, cuộc hội ngộ đặc biệt nầy, với lời cầu thay nguyện giúp của Á Thánh Anrê Phú Yên, các bạn giáo lý viên sẽ "lên cao và đi xa" hơn để dấn thân trên con đường yêu thương và phục vụ.
 
Ánh sáng mới niềm vui mới cho người nghèo tại Hưng Hóa
Caritas Hưng Hóa
08:26 05/03/2012
Hưng Hóa - Từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 2 năm 2012, Caritas Hưng Hóa đã thực hiện đợt khám và mổ mắt miễn phí cho những người nghèo thuộc các xã, các xứ, không phân biệt lương giáo, trong địa bàn huyện Cẩm Khê, tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Ý thức công việc Bác ái theo tinh thần Kitô giáo qua Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI năm 2012, được sự hỗ trợ của Quý Ân nhân Hội Lòng Thương Xót Chúa, được sự cho phép và tạo điều kiện thuận lợi của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú thọ, sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh và với sự cộng tác nhiệt tình của Ban Giám đốc và một số y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, Caritas Hưng Hóa đã mời nhóm bác sĩ chuyên khoa mắt đang công tác tại bệnh viện Bưu Điện Thành phố Hồ Chí Minh khám và mổ mắt cho các bệnh nhân.

Số bệnh nhân được khám mắt khoảng hơn 1000 người và số người cần phải mổ là 405 ca, trong đó có 224 ca thay thủy tinh thể và 181 ca cắt mộng mắt.

Niềm vui như được vỡ òa trên gương mặt của các bệnh nhân mà họ tưởng rằng sẽ không bao giờ còn cơ hội được nhìn thấy ánh sáng nữa. Niềm vui ấy đã mang lại cho họ một niềm vui và sức sống mới; họ như được “hồi sinh” sau bao ngày phải sống trong cảnh mù lòa, mà đối với họ dường như “ánh sáng và bóng tối cũng như nhau”.

Cha ông ta vẫn thường nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Quả thật, trong ngũ quan của con người, con mắt thật là quan trọng. Con mắt để nhìn xem sự vật và mọi người xung quanh, để quan sát, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, nó đúng là “cửa sổ của tâm hồn”. Người bị mù từ bẩm sinh, người bị hỏng mắt do tai nạn, do bệnh tật, hay do tuổi già không nhìn thấy gì, hay không nhìn thấy rõ cái gì, đó là một bất hạnh lớn lao. Vì thế, đợt khám và mổ mắt miễn phí này mang lại cho những người nghèo thuộc các xã, các xứ trong địa bàn huyện Cẩm Khê luồng ánh sáng, niềm vui và sức sống mới.

Thay mặt cho những người dân nghèo đã được giúp đỡ, Caritas Hưng Hóa xin chân thành cám ơn Chính quyền Địa phương, Quý Ân nhân, y bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên và tất cả mọi người, bằng cách này hay cách khác đã trực tiếp hoặc gián tiếp cộng tác vào công việc này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót chúc lành và trả công bội hậu cho tấm lòng hảo tâm của Quý Ân nhân và sự cộng tác nhiệt tình của tất cả mọi người. Caritas Hưng Hóa rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Quý vị để cho nhiều người nghèo mắc bệnh về mắt có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng.
 
Giáo xứ Kim Ngọc chầu lượt
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:31 05/03/2012
PHAN THIẾT - Sáng Chúa Nhật II Chay, Giáo xứ Kim Ngọc Chầu Lượt. Những giờ chầu nối tiếp nhau với nhiều thành viên tham dự của các giới, các đoàn thể như: Gia Trưởng, Hội Đồng Mục Vụ, Thiếu Nhi – Huynh Trưởng – Giáo lý Viên , Lêgiô – Phan Sinh Tại Thế, Giới Trẻ, Bà Mẹ Công Giáo.

Giờ Chầu Chung, Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám Đốc Chủng Viện Thánh Nicôla đến chủ sự và chia sẽ với cộng đoàn.

Cha chủ sự cầu nguyện trước Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, ngày Chúa Nhật thứ hai mùa Chay hôm nay, Gx. Kim ngọc của chúng con thay mặt cho toàn thể Giáo phận Phan Thiết, với hơn 165.000 anh chị em giáo dân đến đây để suy tôn Thánh Thể. Truyền thống của Giáo Hội gọi là Chầu Lượt. Trong Giáo phận, phân chia mỗi Chúa Nhật, một Giáo xứ thay mặt cho toàn thể Giáo phận suy tôn Bí Tích Thánh Thể, suy tôn tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng con.

Vì thế mục đích và ý nghĩa của các phiên chầu lượt là để cho cộng đoàn Giáo xứ đến kính múc ở nơi Bí Tích Thánh Thể tình yêu để sống, để làm chứng ở trong cuộc sống của mình hằng ngày. Việc chầu lượt mang ý nghĩa làm tăng thêm tình yêu ở nơi chúng con, tình yêu đối với Chúa, đối với Giáo Hội và đối với tha nhân. Từ trong từng môi trường mình đang sống khắp Giáo phận, các giáo xứ hợp tác với nhau để làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu. Ở trong Cộng đoàn Giáo xứ, đó là tình yêu thể hiện nơi sự hợp nhất của các phần tử ở trong Giáo xứ cùng với Linh mục quản xứ là vị chủ chăn. Trong gia đình, đó là tình yêu hiệp nhất ở giữa vợ chồng đối với nhau: cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ và anh chị em đối với nhau. Suy tôn Bí Tích Thánh Thể được thể hiện và được sống như thế mới có ý nghĩa và mới mang lại hiệu quả đích thực trong đời sống của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong giờ chầu chung này, anh chị em Giáo xứ Kim ngọc chúng con muốn đến xin Chúa ban cho, muốn đến để kính múc ở nơi Thánh Thể là biểu hiện của chính tình yêu dâng hiến, tình yêu vị tha, và tình yêu thập giá.

Cha chủ sự chia sẽ với cộng đoàn như sau:

Kính thưa anh chị em.
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay mặc khải cho chúng ta thấy Thập Giá hay nói cụ thể đó là sự tận hiến, sự hy sinh, dâng hiến và vị tha… là thước đo của tất cả mọi thứ tình yêu đích thực. Trong thánh lễ sáng hôm nay, bài đọc 2 trích đoạn thư gửi tính hữu Rôma chương 8 nói về ý nghĩa ấy. Để bày tỏ tình yêu của mình đối với loài người, chính Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Điều này cho chúng ta thấy tình yêu vị tha là một quy luật mang tính phổ quát, và người thực hiện đầu tiên chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Yêu là phải hy sinh, là phải dâng hiến. Thư Rm 8 nói đến như chính Con Một của mình, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Còn Phúc Âm Gioan nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban cả người con một cho loài người chúng ta” (3,16). Vì thế, tình yêu vị tha, tình yêu dâng hiến, tình yêu hy sinh luôn mang tính phổ quát.

Bài đọc 1 trích trong sách Sáng thế chương 22, chúng ta đã nghe trong thánh lễ sáng nay, cho thấy niềm tin tuyệt đối của Ápraham đối với Thiên Chúa. Theo gương Ngài, Ápraham đã không nề hà hiến dâng ngay cả chính đứa con duy nhất của mình cho Ngài. Chúng ta nhớ lại câu chuyện của Ápraham. Ông và Sara đã già nua mà không có một đứa con nào. Thế rồi, bà vợ Sara nói với Ápraham: thôi tôi thì hiếm muộn rồi, bây giờ ông đi lại với cô đầy tớ gái của tôi, may ra nó sinh được cho ông một đứa con trai để nối dõi tông đường. Sau đó, Haggar đã sinh được một đứa con trai là Ismael. Và rồi sau đó nữa, chính Sara, trong tuổi già cũng sinh một đứa con trai là Isaac. Chúa hứa: “Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đông như sao trên trời, như cát dưới biển theo dòng dõi của vợ chính thức của ngươi”. Chúa hứa như vậy, nhưng rồi đến một lúc thì Chúa lại bảo Ápraham: ngươi hãy dắt Isaac, con trai của ngươi lên núi, để sát tế cho Ta. Chúng ta cứ thử tưởng tượng đặt mình vào trong hoàn cảnh đó. Hai ông bà đã già nua tuổi tác, Chúa mới ban cho được một đứa con trai, rồi Chúa lại hứa ban cho dòng dõi đông đúc hùng mạnh. Ấy thế mà bây giờ lại bảo ông phải đi giết con mình, đứa con duy nhất để sát tế cho Chúa. Chúng ta có đặt mình vào trong hoàn cảnh đó, mới hiểu được nỗi đau khổ, nỗi trăn trở, ưu tư, lo lắng của Ápraham, biết làm sao đây? Có cách gì để mà thoát khỏi chăng? Nhưng rồi ở trong một hoàn cảnh không có một chút cơ sở nào để tin, ở trong hoàn cảnh không có một chút cơ sở nào để hy vọng, Ápraham vẫn tin ở nơi Thiên Chúa. Ngài đã gọi mình thì Ngài sẽ có cách. Ápraham đã âm thầm đưa đứa con trai duy nhất lên núi cao và vừa giơ tay ra tính sát tế đứa con để dâng cho Chúa, thì Thiên Thần ngăn cản lại. Niềm tin, niềm hy vọng, niềm trông cậy của Ápraham vì thế trở thành mẫu mực, lý tưởng của tất cả mọi niềm tin và mọi niềm hy vọng. Tin, khi không có cơ sở nào để tin đó mới là tin thật sự. Hy vọng khi không còn có một niềm hy vọng nào để hy vọng, đó mới là hy vọng thật sự. Đó chính là niềm tin và hy vọng của Tổ phụ Ápraham. Và sau cùng, trong Phúc âm theo thánh Máccô mà chúng ta vừa mới nghe, ở đây cho thấy Chúa Giêsu luôn vâng theo thánh ý của Chúa Cha và noi gương Chúa Cha. Vì tình yêu đối với Cha và tình yêu loài người, Chúa Giêsu Kitô cũng chẳng tiếc gì bản thân mình, sẵn sàng hy sinh tính mạng ở trên Thập Giá.

Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích của tình yêu. Vì thế, khi suy tôn Thánh Thể, suy tôn Thập Giá, là suy tôn tình yêu dâng hiến.

Hôm nay đây, Gx. Kim Ngọc thay mặt cho toàn thể Giáo phận Phan Thiết suy tôn tình yêu đó ở nơi Bí tích Thánh Thể, và nhờ đó chúng ta hiểu được lời của Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ dám hy sinh cả tín mạng của mình vì bạn hữu”.

Ở trong đời sống vợ chồng với nhau, liệu chúng ta có dám hy sinh được như vậy chăng? Ở trong đời sống anh chị em đối với nhau, liệu chúng ta có dám hy sinh được với nhau như vậy như vậy chăng? Hay chỉ vì một số tranh chấp về tài sản, về của cải, về đất đai mà người ta đâm chém nhau, mà vợ chồng phản bội nhau? Và vì thế, khi mời gọi chúng ta tận hiến, hy sinh những gì chúng ta yêu dấu, quý trọng; chính Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô đã làm gương trước cho chúng ta tất cả những điều đó. Ở trong đời sống vợ chồng, đời sống hôn nhân đôi khi chúng ta lâm vào cảnh: quan hệ tình cảm với ai đó ngoài vợ mình, và chúng ta sẽ hiểu được rằng bỏ đi người đó nó khó khăn biết bao nhiêu, để giữ luật Chúa khó khăn biết là bao. Hoặc ngược lại, người vợ cũng thế, người chồng cũng thế. Bỏ đi tình nhân của mình để trở về đời sống vợ chồng nghiêm chỉnh, khó khăn biết bao nhiêu, nhất là ở trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Chúng ta là những Kitô hữu, kể cả Giám mục, Linh mục, Tu sĩ,… liệu những lời kêu gọi của chúng ta gởi đến thế giới tục hóa và vô thần hôm nay, có phải phát xuất từ chính kinh nghiệm sống của chúng ta, từ những khổ đau và hạnh phúc của chúng ta hay chỉ từ những lời nói suông mà thôi?

Năm nay, Giáo phận Phan Thiết chọn làm năm truyền giáo và có lẽ cả Giáo Hội trên toàn thế giới cũng vậy. Chúng ta sẽ không thể nào truyền giáo được nếu chúng ta không là những chứng nhân của những giá trị Tin Mừng nào, nếu chúng ta không là chứng nhân của tình yêu.

Vừa qua, tôi có đọc một bài viết của một anh cựu Chủng sinh Giáo Hoàng Học Viện. Bài viết ca tụng giáo xứ Vinh Hà ở vùng Bình Giả, phần lớn là anh chị em gốc giáo phận Vinh di cư. Có lẽ hiếm lắm bây giờ mà có một giáo xứ như vậy. Ngày Chúa Nhật giáo dân giữ luật một cách rất nghiêm chỉnh. Luật kiêng việc xác. Có lẽ không còn một Giáo xứ nào của Giáo phận Phan Thiết này giữ luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật. Tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật thì có nhưng kiêng việc xác thì hầu như không. Có lẽ còn lại hiếm hoi mỗi một Giáo xứ Vinh Hà. Theo như tác giả cho biết: người giáo dân ở đó, thế hệ già cũng như thế hệ trẻ, họ tuân thủ luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật gần như tuyệt đối. Ngày Chúa Nhật, họ không buôn bán, không làm gì cả. Họ ở nhà để đi lễ, đi chầu và thăm nom nhau đúng như Giáo Hội mong muốn. Dĩ nhiên để có thể sống được như thế họ phải hy sinh rất nhiều. Hồi tôi còn phục vụ một giáo xứ, có một gia đình giàu nhất ở đó. Ấy thế mà, bà vợ nói với tôi, bỏ ngày Chúa Nhật tiếc lắm ông cố ơi, tiếc lắm. Bởi vì ngày Chúa Nhật người ta đi chợ, đi mua nhiều, nên bỏ mua bán, tiếc lắm. Gia đình đó giàu “nứt đố đổ vách”. Nhưng mà cứ so đo tính toán với Chúa như vậy, bỏ uổng lắm ông cố à. Để sống hy sinh, thật không phải đơn giản chút nào. Tôi chẳng hiểu bà con ở Gx. Kim Ngọc này có anh hùng để giữ luật ngày Chúa nhật không? Có kiêng viẹc xác tuyệt đối ngày Chúa nhật hay không? Nếu anh chị em giáo dân Gx. Kim Ngọc mà tuân thủ được luật của Chúa, Giáo Hội đó thì quả là tuyệt vời. Anh chị em có thể tự hào đến trước nhan Thánh của Chúa để thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội. Chúng ta thực thi những điều đó, dĩ nhiên việc kiệng việc xác ngày Chúa Nhật như một ví dụ nhỏ nhưng nó biểu hiện rất lớn cho một tình yêu đối với Chúa, đối với Giáo Hội và đối với mọi người. Và hy vọng rằng sứ điệp của phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay và đặc biệt trong bối cảnh ngày chầu lượt của Gx. Kim Ngọc sẽ vang vọng, tồn động mãi trong tâm hồn của anh chị em một chút gì đó để anh chị em có thể sống ơn gọi Kitô hữu của mình.

Sau phép lành Thánh Thể, mọi người ra về trong bình an của ơn thánh. Công đồng Vaticanô II và Giáo Lý Hội thánh Công giáo đã xác định: Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Xc. LG 11; GLHTCG số 1324 – 1327); “Bí tích Thánh Thể là biểu thị và biểu hiện chính thực chất của Hội thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất với dân Thiên Chúa”.( Xc. CDR, Huấn thị “Mầu nhiệm Thánh Thể”, số 6; GLHTCG số 125.). Thánh Thể không tách rời khỏi Giáo hội và Giáo hội cũng không thể tồn tại nếu không có Thánh Thể. “Thánh Thể làm nên Giáo hội”, vì Giáo hội chính là sự tụ họp Dân Chúa.

Những giờ Chầu Thánh Thể đem lại sự hiệp nhất, sự thông hiệp và sức sống thiêng liêng của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ. Xin tạ ơn Chúa Giêsu Thánh Thể.
 
UB Công lý và Hòa bình Việt Nam có tân Tổng Thư ký
Ủy Ban CL&HB
10:38 05/03/2012
Ngày 01-3-2012, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Việt Nam (UBCLHBVN) đã ký quyết định số 01.12/QĐ-UBCLHB bổ nhiệm Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng làm Tổng Thư ký mới của Ủy Ban. Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Tổng Thư ký, xin được từ nhiệm để toàn tâm toàn ý lo cho các trách vụ khác của ngài. Tuy nhiên, Cha Sơn vẫn cộng tác đắc lực với Ủy Ban trong tư cách chuyên viên của Ban chuyên môn.



UBCLHBVN trân trọng ghi nhận những công lao đóng góp của Cha Nguyễn Ngọc Sơn trong vai trò Tổng thư ký của Ủy Ban suốt thời gian qua, kể từ ngày Ủy Ban mới được thành lập. Những nỗ lực không mệt mỏi của Cha đã ghi dấu ấn quan trọng trong những thành quả ban đầu của Ủy Ban với sứ mạng cổ võ công lý, hòa bình trong xã hội Việt Nam, theo ánh sáng Tin Mừng và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội.



Sau đây là toàn văn Quyết Định bổ nhiệm:

 
Cộng đoàn công Giáo Việt Nam tại Strasbourg, Pháp quốc
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:59 05/03/2012
Cộng đoàn công Giáo Việt Nam tại Strasbourg thường tụ họp nhau mỗi Chúa nhật trong thánh đường để mừng Chúa phục sinh, cùng lắng nghe Lời Chúa và cử hành bí tích Thánh Thể. Đây là nguồn lương thực bổ dưỡng nuôi sống đời sống thiêng liêng và đức tin.

Xem hình ảnh

Strasbourg được mệnh danh là Venise của Pháp quốc với nhà thờ chính tòa nguy nga và đồ sộ, với các ngôi nhà gỗ cổ kính theo kiến trúc Alsace. Thành phố này còn được biết đến vì là thủ đô của Liên Hiệp Châu Âu, nơi có Thượng Viện Châu Âu, Hội Đồng Châu Âu, và các Đại sứ quán các nước thành viên Châu Âu tọa lạc.

Có một cộng đoàn Việt Nam bé nhỏ ăn rễ sâu trong mảnh đất của thành phố này, vẫn duy trì nét đẹp truyền thống mang đậm nét Việt Nam, đó là cùng nhau thánh hóa Ngày của Chúa. Cộng đoàn được thành lập tại đây trên dưới ba mươi năm, và đã từng trải qua nhiều đời Cha Tuyên Úy, cũng như nhiều khóa Hội Đồng Mục Vụ. Khoảng hai tháng nữa, cộng đoàn sẽ bầu ra ban điều hành mới.

Hiện nay, cộng đoàn Công Giáo tại Strasbourg có khoảng 170 gia đình. Vào mỗi Chúa Nhật đầu tháng, cha Tuyên Úy các cộng đoàn Việt Nam vùng Alsace để dâng thánh lễ được cử hành lúc 11 giờ 15. Trước giờ lễ, một hình ảnh rất sinh động diễn ra tại khuôn viên thánh đường. Hàng loạt xe hơi nối đuôi nhau táp vô bãi đậu xe xung quanh khu vực nhà thờ. Các thành viên gia đình bước ra khỏi xe và cùng nhau bước vào nhà thờ. Hôm Chúa Nhật vừa qua, có khoảng 250 người tham dự lễ với sự hiện diện của đầy đủ thành phần dân Chúa. Đặc biệt, cộng đoàn Việt Nam tại đây có sự hiện diện của Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế với khoảng 14 nữ tu, vốn hoạt động tông đồ rất đắc lực trong việc cộng tác với Giáo Hội sở tại cũng như với cộng đồng người Việt.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí nghiêm trang sốt sắng với sự phục vụ của nhóm lễ sinh, người dẫn lễ, đọc sách Thánh, hướng dẫn hát và đệm đàn, cũng thư sự tham gia tích cực và sinh động của toàn thể dân Chúa. Cách riêng, sự hiện diện của các em thiếu nhi và nhiều bạn trẻ đã mang lại cho cộng đoàn một bầu khí trẻ trung và đầy sức sống.

Sau thánh lễ, mọi người di chuyển đến một điểm hẹn quen thuộc, đó là trụ sở của cộng đoàn. Nơi đây, mọi người cùng nhau quây quần để dùng bữa trưa trong bầu khí thân mật đại gia đình. Nhiều chia sẻ tin tức giữa các thành viên diễn ra tại bàn ăn. Bữa ăn được nhóm ẩm thực đảm nhiệm. Tham gia bữa ăn cũng là hình thức để đóng góp cho quỹ cộng đoàn.

Sau bữa ăn, các hội đoàn cũng tranh thủ hội họp để bàn bạc công việc chung. Cũng có những sinh hoạt rất độc đáo dành cho các bạn trẻ. Sau bữa ăn hôm qua cũng là giải chung kết bóng bàn. Xem ra, giải này được các vận động viên trẻ tham gia rất nhiệt tình và hồ hởi.

Với người tín hữu, Ngày Chúa Nhật không những là ngày nghỉ ngơi để lấy lại sức sau một tuần làm việc mà còn là ngày dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngày này cũng là ngày dành cho gia đình hay cho thăm viếng. Một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam như tại Strasbourg đã thực thi Ngày của Chúa trong nhiều sinh hoạt khác nhau, mà các thành viên trong cộng đoàn đều cảm thấy vị trí của mình. Cầu chúc nét đẹp truyền thống này luôn luôn được gìn giữ và ngày một thăng tiến.
 
Cảm nghĩ về cuộc hội đàm vòng 3 Việt Nam - Tòa Thánh
Hà minh Thảo
13:35 05/03/2012
Hội đàm Việt Nam - Vatican lần 3 (Photos: Reuters)
Ngày 24.02.2012, Linh mục Federico Lombardi sj., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, loan báo: «Chiếu theo quyết định đã được đề ra vào cuối cuộc gặp gỡ thứ hai của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam - Tòa Thánh tại Vatican trong hai ngày 23 và 24.06.2010, cuộc gặp gỡ thứ 3 Nhóm sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28.02.2012. Sau một số cuộc viếng thăm do vị Đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam, cuộc họp tới đây sẽ giúp đào sâu và phát triển các quan hệ song phương ».

Trưa ngày 28.02.2012, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Lombardi đã công bố Thông cáo chung về cuộc gặp gỡ này của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội. Trưởng phái đoàn Tòa Thánh là Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, với sự hiện diện của Đức cha Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, và hai Đức ông Nguyễn văn Phương (Bộ Truyền giáo) Cao minh Dung (Bộ ngoại giao) tháp tùng. Các phiên họp được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi thanh Sơn và Đức ông Ettore Balestrero.

I. CÁC ĐIỂM TRONG THÔNG CÁO CHUNG.

Như đã thỏa thuận khi gặp gỡ lần thứ 2, trong lần thứ 3 này, hai bên đã cứu xét những vấn đề quốc tế, trao đổi tin tức về tình trạng liên hệ, phân tích những tiến bộ đã thực hiện trong quan hệ Việt Nam và Tòa Thánh từ lần họp trước và đã thảo luận về những vấn đề liên hệ tới Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

"Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, kinh tế và xã hội hiện nay." Theo ngôn ngữ ngoại giáo có nghĩa là phía Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh như vậy mà thôi!

Và: "Về phần mình, Phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận những quan điểm đó", nhưng có đồng ý như vậy hay không là chuyện khác. Tuy nhiên Phái đoàn Tòa Thánh: "bày tỏ sự trân trọng mối quan tâm của chính quyền đối với hoạt động của Giáo Hội Công giáo, đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh 2010, và trong các cuộc viếng thăm mục vụ của vị Đại diện không thường trú, Tổng giám mục Leopoldo Girelli." (Trích văn bản từ Vatican)

Cần phải ghi nhận ở đây là Thông cáo từ phía Việt Nam lại thêm vài chữ không có trong văn bản Vatican là "đánh giá cao" như sau: "Phái Đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận những nhận xét đó và đánh giá cao sự quan tâm của Chính quyền dân sự đối với hoạt động của Giáo hội Công giáo, đặc biệt năm 2010..."

Đôi bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức cha Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn và đã nhắc đến giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có sự cộng tác giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền dân sự, để thực thi một cách cụ thể và thực tế, những giáo huấn ấy trong tất cả mọi hoạt động.

Ngoài ra, hai bên đã đồng ý về thẩm định theo đó các quan hệ giữa hai nước đã tiến triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ và thỏa thuận sẽ gặp lại nhau tại Vatican cho vòng 4 mà thời điểm sẽ được thiết định qua đường ngoại giao.

Một điều rất quan trọng trong thông cáo là: "Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau." Khi ngôn ngữ ngoại giao dùng từ ngữ "thẳng thắn" có nghĩa là có những bất đồng lớn, và dĩ nhiên là "tôn trọng lẫn nhau" cũng có nghĩa là "bên anh nói anh nghe, bên tôi nói tôi nghe"! Như vậy, cũng có nghĩa là những vấn đề nhậy cảm như tự do tôn giáo, đất đai và cơ sở của Giáo hội, và một số những đề mục khác đã được VietCatholic nêu lên trước cuộc hội đàm -- đã được bàn tới, nhưng không tiện nêu ra trong thông báo chung -- mà thôi.

II. MỘT VÀI CẢM NGHĨ.

A - Chúng tôi không ý định bình luận ‘Thông cáo chung’ này vì đây là văn kiện mang tính ngoại giao, nhưng nếu chúng ta có theo dõi tin tức về Quê hương hay Giáo hội Việt Nam, thì nhận thấy hai phái đoàn chỉ xác nhận một điểm đáng quan tâm về phía Công giáo: «Đôi bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức cha Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn». Điều đó cho thấy Đức Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam chưa có đủ các điều kiện ‘tự do’ để hoàn thành hai sứ vụ chính dự liệu bởi Giáo Luật ngày 25.01.1983:

1. Tư cách Đại diện Đức Thánh Cha (Điều 363);

2. Đức Đại diện Tòa Thánh là mối hiệp thông giữa Tòa Thánh và Giáo hội Việt Nam (x. Điều 364), nhất là đối với việc bổ nhiệm Giám mục, chuyển hoặc đề nghị danh tánh của các ứng viên cho Tòa Thánh, cũng như tiến hành thủ tục thu lượm tin tức về những người được tiến cử, theo như quy tắc Toà Thánh đã ra (triệt 4).

Tại hầu hết các quốc gia, Đức Sứ thần hay Đức Khâm sứ Tòa Thánh (như tại Việt Nam Cộng hòa) thi hành độc lập sứ vụ này. Trái với rêu rao của nhiều người cộng sản là Tòa Thánh cần phải có sự đồng ý của nhà nước họ để bổ nhiệm Giám mục, nhưng sự thật là sau khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm một Giám mục, Tòa Thánh báo cho thẩm quyền nước đó như một thủ tục ngoại giao.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rất lưu tâm đến điều này nên đã viết trong Thư gởi các Giám mục, Linh mục, những người sống đời Thánh hiến và Giáo dân Công giáo tại Cộng hòa nhân dân Trung Quốc: «Tòa Thánh mong ước được hoàn toàn tự do trong việc bổ nhiệm các Giám mục.» (x. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc Lệnh về Chức Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 20).

Bản tin có tựa đề ‘Hội đàm vòng 3 Việt Nam- Vatican sắp diễn ra tại Hà Nội’, đăng trên VietCatholic.net ngày 20.02.2012 cho biết: «vấn đề nhân sự cho một số Giáo phận sẽ được nêu lên vì các Đức Tổng Giám mục Nguyễn như Thể (Huế, 77 tuổi), Nguyễn văn Nhơn (Hà Nội, 74 tuổi) và Phạm Minh Mẫn (Sài Gòn, 78 tuổi). Khi trọn 75 tuổi, các Giám mục có thể nộp đơn xin đi hưu và chờ Đức Thánh Cha chấp thuận theo Giáo luật. Ngoài ra, Còn giáo phận Bùi Chu cũng xin bổ nhiệm một Giám mục phó mà giáo phận này lại dồi dào ứng viên.

Sau khi đọc tin, chúng tôi cũng nhận những điện thư đưa danh của một vài giáo sĩ với những dấu hiệu bất thường như bài giảng từ nhiều năm qua xuất hiện lại trên xa lộ thông tin. Trước đây, tin đồn loại này từ nhiều tháng trước về việc bổ nhiệm một Giám mục vào tháng 03.2011 đã đúng như sự thật.

Mời đọc tiếp: «Giám mục. Giáo hội hiện có 43 vị lãnh đạo. Từ năm 1960 đến 1975, việc lựa chọn các giám mục ở Việt-Nam có nhiều yếu tố thuận lợi khách quan nhờ có sự hiện diện của vị Khâm sứ Toà Thánh. Từ sau biến cố 1975, việc chọn lựa này có sự thay đổi theo chiều hướng khác do tác động cá nhân của từng giám mục, do áp lực của những phe nhóm trong giáo phận và sự can thiệp của chính quyền, dù rằng chẳng ai dám thừa nhận điều này » (Trích ‘Xin hãy nhìn vào thực tế của Giáo hội và xã hội Việt Nam’ của ‘Bản Góp Ý của Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam trong Đại Hội Dân Chúa’ mà chúng ta có thể đọc đầy đủ tại: http://caritasvn.org/Default.aspx?tabid=273&ctl=ViewNewsDetail&mid=791&NewsPK=2677).

B - Người cộng sản, kể cả các giáo sĩ ‘quốc doanh hay chính ủy’ cố tình không có cùng quan điểm với các Kitô hữu về các giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công giáo tốt và là một công dân tốt. Nếu không ‘sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước’, vào tháng 04.1975, Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre và nhiều Đức Giám mục Việt Nam đã ra đi… theo Giáo dân, để tránh sự hỗn hào của các linh mục đảng viên cộng sản mà, ngày nay, đều rất giàu làm gương xấu cho một ít kẻ khác noi theo. Trong vụ đuổi Đức Khâm sứ này, một ít tu sĩ đã vào Tòa Khâm sứ để bảo vệ Đức cha và nhiều giáo dân tiến về Tòa Khâm sứ đụng độ với công an tại cầu Trương Minh Giảng. Những tín hữu can trường đáng cho chúng ta ghi nhớ.

Họ cho rằng ‘tín hữu Công giáo tốt’ chỉ khi là ‘một công dân tốt’ luôn biết tuân theo các quy định của Đảng và nhà nước. Do đó, khi người Công giáo tìm hiểu về Học thuyết Xã hội Công giáo thì bị nghi ngờ là muốn ‘đối đầu’ với họ. Việc cử Trung tướng Công an Phạm Dũng vào chức vụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ chỉ là một sự trùng hợp?

Khi Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh bị cấm đi dâng Thánh Lễ hay Cha Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa bị chận đánh sau khi đi dâng Thánh Lễ an táng ở làng Kon Hnong về, cùng ở Giáo phận Kon Tum, đáng được coi như có sự quan tâm của Chính quyền dân sự đối với hoạt động của Giáo hội Công giáo và tự do tôn giáo ?

Trước khi chấm dứt, chúng ta cùng đáp ứng lời mời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong tháng 03.2012 này, cầu xin Đức Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô đặc biệt tại Á Châu. Ngày 24.02.2012, Cha Linh Tiến Khải, qua làn sóng Radio Vatican, còn nói rõ hơn: "hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô, đặc biệt tại Á châu và cách riêng tại Việt Nam".
 
Thông Báo
Cáo phó: Ông cố Giuse thân phụ Lm. Giuse Lê Quốc Thăng đã từ trần
Ủy Ban CL&HB
09:54 05/03/2012
CÁO PHÓ
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11, 25)

Trong niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh,
Văn phòng Ủy Ban CL&HB VN trân trọng kính báo:
Ông Cố GIUSE LÊ VĂN OANH
Sinh năm 1940, tại Thanh Hà, Hà Đông,
là thân phụ của Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng,
đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 17 giờ 00 ngày 01 tháng 3 năm 2012
(nhằm ngày 9 tháng 2 Nhâm Thìn), hưởng thọ 72 tuổi.

Thánh lễ an táng vào lúc 8 giờ 30′ thứ Hai ngày 05-3-2012
tại thánh đường giáo xứ Hà Đông (530 Thống Nhất, P.16, Quận Gò Vấp)
sau đó được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Ủy Ban CL&HB thành kính phân ưu với Cha Tổng Thư ký
cùng toàn thể gia quyến về sự mất mát to lớn này.

Xin vì Danh Chúa Nhân Từ ban cho Ông Cố Giuse được nghỉ yên bên Chúa
cùng các thần thánh trên Quê Trời.
 
Phân Ưu: Thân mẫu LM Tôma Nguyễn Văn Tuấn qua đời tại Claremont, Los Angeles
LM Gioan Trần Công Nghị
21:55 05/03/2012
PHÂN ƯU:
Được tin báo

Bà Cố Matta TRẦN THỊ CA
(Thân mẫu hai LM Nguyễn Kinh và Nguyễn văn Tuấn)
Sinh ngày 5 tháng 5 năm 1930
Tại Quảng Bình, Việt Nam
đã được Chúa gọi về lúc 6 giờ 33 phút chiều
Thứ Ba, ngày 21 tháng 2 năm 2012
tại Pomona, California - Hoa Kỳ
Hưởng Thọ 82 tuổi.

Thánh lễ An táng cử hành ngày 3.3.2012
tại Our Laday od the Assuption Church, Claremont.

Hình ảnh Thánh lễ an táng Bà cố Matta Trần Thị Ca

Xin thành kính phân ưu cùnbg Ông Cố Nguyễn Lịch
Qúi Cha Giuse Nguyễn Kinh và Tôma Nguyễn Văn Tuấn
Gia đình Anh chị Hoàng Văn Quyền và đại tang quyến.

Xin Chúa thưởng công cuộc sống muôn đời cho Bà Cố Matta
trên Nước Thiên Đàng.

LM Giám Đốc và toàn Ban VietCatholic

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Niệm Mùa Chay
Vũ đình Huyến, Lm CMC
22:34 05/03/2012
NIỆM MÙA CHAY
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm CMC
Chúa ăn chay bốn mươi ngày
Tĩnh tâm chuẩn bị phút giây nhục hình
Nhưng là sứ vụ hoàn thành
Cứu dân thoát ách tội tình trần gian..
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền