PHÚC ÂM: Mt 18, 21-35
“Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Ðó là lời Chúa.
“Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống;
Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất thú vị khi cùng với các nhân vật của cả hai bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ‘học khát khao’‘một Ai đó’ vớilời Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống; bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”.
Sách Các Vua tường thuật câu chuyện tướng quân Naaman ao ước gặp Êlisê, ông khát khao được chữa lành; thoạt đầu, ông thất vọng và không tin. Ông quá cao ngạo, ông nghĩ, với vai vế của ông, vị ngôn sứ sẽ ra đón gặp và chữa bệnh cho ông; ông vẽ ra trước mắt mình một vị ngôn sứ theo ý ông. Nhưng về sau, nhờ người khác thuyết phục, ông không chỉ được chữa lành nhưng còn nhận biết và quy phục Thiên Chúa, “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”. Qua Êlisê, Naaman đã ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, người cùng quê với Chúa Giêsu đã quá kỳ vọng vào những phép lạ Ngài làm, nhưng Ngài không chiều họ. Họ mong chờ một Đấng mang lại lợi lộc; thế nhưng, điều quan trọng là nhận biết Ngài, Đấng được sai đến. Qua Chúa Giêsu, họ phải ‘học khát khao’ ‘một Ai đó’.
‘Một Ai đó’ chính là Chúa Trời mà lời đáp ca tuyên xưng, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống; bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan”. Tuyệt làm sao nếu cơn khát Chúa Trời được no thoả! “Khao khát” ở đây, một từ ngữ ít được sử dụng, nhưng bản thân nó rất đáng để suygẫm. Nó cho thấy một cơn khát không chỉ bị dập tắt bởi Chúa Trời, mà còn bởi “Chúa Trời hằng sống!”; và được “bệ kiến tôn nhan”, nghĩa là được ‘nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Trời’.
Chúng ta thường khao khát một điều như vậy được bao lâu; chúng ta có thường để lòng khao khát Thiên Chúa bùng cháy trong tâm hồn mình không? Chưa có điều đó, chắc chắn chúng ta phải cầu xin để ‘học khát khao’ cho bằng được. Trong cuộc sống, chúng ta khát khao điều gì? Chúng ta sẽ hoàn thành câu hỏi đó như thế nào? “Linh hồn con khao khát…?”. Để làm gì? Chúng ta thường khát khao những thứ giả tạo và tạm bợ; cố gắng rất nhiều để được hạnh phúc, nhưng rất thường xuyên, chúng ta hụt hẫng. Nhưng nếu có thể ‘học khát khao’ ‘điều cốt yếu’, nghĩa là để cho trái tim mình bùng cháy với cơn khát ‘điều cốt yếu’, điều mà vì nó, chúng ta được tạo thành, thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. ‘Điều cốt yếu’ ấy chính là Thiên Chúa, là “Chúa Trời hằng sống’.
Nếu Thiên Chúa được đặt ở trung tâm của mọi khát khao, chúng ta sẽ thực sự bắt đầu “bệ kiến tôn nhan” ở đây và ngay bây giờ. Chỉ cần nhìn thoáng vinh quang Người, chúng ta sẽ no thoả đến mức nó biến đổi toàn bộ cách nhìn của chúng ta về cuộc sống; cho chúng ta một hướng đi rõ ràng và vững chắc trong tất cả những gì chúng ta làm. Mọi mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, mọi quyết định sẽ được điều khiển bởi Thánh Thần, mục đích và ý nghĩa của cuộc sống sẽ được khám phá.
Anh Chị em,
Những ngày Mùa Chay, chúng ta ‘học khát khao’, tưởng nghĩ về ‘cơn khát’ của mình.Như vị linh mục già, Giáo Hội mời chúng ta dừng lại để chiêm ngắm khuôn mặt đầy máu, rách nát của Chúa Giêsu. Ngoài Chúa Giêsu ra, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ là Đấng đang yêu chúng ta đến như thế. Hãy khao khát được cung chiêm khuôn mặt Ngài; chiêm ngắm Ngài trong Thánh Thể; lắng nghe Ngài trong Tin Mừng; nên giống Ngài trong việc làm và chúng ta sẽ không bao giờ muốn rời khỏi hướng đi mà khao khát này đã dẫn chúng ta đến.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con ‘học khát khao’, cho con thoáng thấy sự rạng ngời vinh quang Chúa; và ước gì thánh nhan Ngài là trung tâm đời sống của con. Chớ gì mọi sự đời con được cuốn hút vào cơn khát cháy bỏng này và con có thể đắm chìm trong niềm vui của hành trình này”, Amen.
(Tgp. Huế)
41. Thánh Gioan Tẩy Giả trở nên thánh ngay từ trong lòng mẹ, không có tội gì, vậy mà vẫn ăn chay hãm mình trong hoang địa. Tội nhân thấp hèn chẳng lẽ không làm việc đền tội hay sao?
(Thánh nữ Catherine)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Sứ thần nước An Nam tiến cống một con voi, có người mở miệng nói khoác:
- “Con voi này cũng là quá nhỏ”.
Sứ thần nói:
- “Sao lại nhỏ?”
Người ấy trả lời:
- “Trong nhà tôi có rất nhiều voi to lớn hơn con voi này nhiều”.
Sứ thần nói:
- “Triều đình chẳng qua cũng cần những con voi này chở đến mới có voi, nhà ông đã có nuôi voi sao lại không dâng cho triều đình, tôi sẽ lên tâu với hoàng đế”.
Người ấy hoảng sợ vội vàng qùy xuống khẩn cầu sứ thần và nói:
- “Nhà tôi thật không có voi, chỉ là nói “lớn lời” mà thôi, xin ngài đừng lên bẩm báo”.
(Tiếu Tán)
Suy tư 83:
Thích nói khoác lác là bệnh của những người khoe khoang, họ là những người thích thổi phồng những chuyện nhỏ thành chuyện lớn, rồi sau đó chối bai bải...
Ki-tô hữu là người nói sự thật, nếu có người Ki-tô hữu nói khoác lác thì bởi vì họ không có sự thật là Thiên Chúa trong tâm hồn, cho nên chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả những người Ki-tô hữu biết nghe lời Đức Chúa Giê-su dạy có thì nói có không thì nói không, đừng khoác lác để rồi trở thành con cái của ma quỷ.
Người Ki-tô hữu là người biết chịu trách nhiệm về lời nói của mình, vì họ không nói khoác lác thổi phồng sự việc.
Càng có chức quyền địa vị thì càng nói ít hơn, nếu không thì lời nói của mình sẽ hại rất nhiều người...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
‘‘Ta là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên khi thấy sói đến, không bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì chỉ là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Ta chính là Mục Tử nhân lành. Ta biết chiên của ta, và chiên của ta biết ta, như Chúa Cha biết ta, và ta biết Chúa Cha, và ta hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên’’ (Ga 10,11-15).
Nhật báo La Croix cho biết vào năm 2003, Irak có 1,5 triệu tín hữu, sau khi ‘‘sói vồ lấy chiên làm cho chiên chạy tán loạn’’, ngày nay chỉ còn lại 400 000. Theo Frédéric Mounier, tác giả Pape qui voulait changer l'Église (Presses du Châtelet), nhận đỉnh về việc ĐTC Phanxicô gặp giáo chủ Ali al-Sistani : Vị giáo chủ lãnh đạo hệ phái Chiites tại Irak và trên thế giới là nhân vật đã bác bỏ Daesk và đối lập với Khamenei của Iran. Cuộc hội đàm này là lịch sử, xóa đi hình ảnh thánh chiến trước đây, trong bối cảnh người Công Giáo thường xuyên bị bách hại tại Irak và Trung Đông.
AED cho biết người Công Giáo bị bách hại đặc biệt là tại Irak và Syrie, tuy ngày nay có giảm bớt so với thời kỷ xảy ra nạn diệt chủng khủng khiếp khiến người Công Giáo Irak phải bỏ trốn sang Liban và Jordanie.
Tháng 7/2019, cha Amanuel Adel Kloo, vị linh mục duy nhất ở lại với con chiên tại thủ phủ Mossoul, trong thời kỳ tổ chức Daech chiếm đóng, cả thành phố chỉ còn lại 40 giáo dân.
Ngày nay, người Công Giáo vẫn bị lo ngại bị bách hại. Vì vậy việc giáo chủ Ali al-Sistani tuyên bố với ĐTC từ nay người Công Giáo tại Irak sẽ được sống trong an bình và được luật pháp bảo vệ là một đảm bảo tinh thần đầy ý nghĩa.
Tổ chức AED/ACN vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng bách hại người Công Giáo tại Đông Á rất đáng quan ngại, đặc biệt là tại Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc. Vào lễ Phục sinh 2019, ba nhà thờ tại Tích Lan bị khủng bố tấn công, khiến 258 người thiệt mạng.
Tại Phi Luật Tân, tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh hạ sát các giám mục chống lại cuộc chiến đẫm máu, trắng đen lẫn lộn, nhắm vào các tội phạm nha phiến.
Đức Cha Wilfred Chikpa Anagbe, giám mục Makurdi cho biết chính quyền đã ra lệnh ‘‘hồi giáo hóa các khu vực có đa số người Công Giáo’’.
Sau đây là biểu đồ người Công Giáo bị sát hại trên thế giới (từ 2016 đến 2019), cũng như con số người Công Giáo bị giam giữ tại 8 nước trong năm 2018, trong số có Trung Quốc và Việt Nam :
Niên giám thế giới về người Công Giáo bị bách hại trong năm 2021 cho biết còn nghiêm trọng hơn những năm trước. Vì vậy, Phúc âm theo thánh Goan trích dẫn trên đây ứng nghiệm vào chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại Irak phải chăng sẽ có khả năng chuyển biến lịch sử, từ giảm thiểu đến triệt tiêu nạn bách hại, trước hết là tại Irak, sau đó lan dần đến các nước lân cận.
Lê Đình Thông
Trên chuyến bay trở lại Rôma từ thủ đô Baghdad vào hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng giáo sĩ Shiite hàng đầu của Iraq là một “người khiêm tốn và khôn ngoan”, và cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng 3 của hai vị là một “thông điệp phổ quát” về tầm quan trọng của tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có những người chỉ trích đã buộc tội ngài không can đảm, chỉ là người liều lĩnh, hoặc những người nói rằng ngài đã đi ngược lại giáo lý của Giáo hội rất gần với tội dị giáo. Nhưng ngài nói rằng những lời chỉ trích là một trong những rủi ro của việc cố gắng thúc đẩy đối thoại liên tôn.
“Nhưng những quyết định này luôn được thực hiện trong cầu nguyện, bàn thảo, đối thoại, xin lời khuyên và suy tư. Chúng không phải là ý thích bất chợt và chúng cũng là đường lối mà Công đồng Vatican II đã dạy chúng ta,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Grand Ayatollah Ali al-Sistani diễn ra vào ngày thứ hai trong chuyến công du lịch sử kéo dài ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq từ 5-8 tháng Ba.
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome ngày 8 tháng 3, giáo hoàng được hỏi liệu cuộc gặp với al-Sistani có phải là một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo tôn giáo của Iran hay không.
“Tôi tin rằng đó là một thông điệp phổ quát”, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời. “Tôi cảm thấy bổn phận trong cuộc hành hương đức tin và sám hối này là phải đi tìm một vĩ nhân, một người khôn ngoan, một người của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng những phẩm chất này chỉ có thể được cảm nhận khi lắng nghe al-Sistani.
Cuộc gặp gỡ này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo dòng Shiite.
Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả cuộc gặp gỡ với al-Sistani là “rất đáng trân trọng”, nói thêm rằng ngài cảm thấy vinh dự khi giáo sĩ Shiite 90 tuổi đứng dậy chào ngài hai lần, điều mà ông thường không làm vì sức khoẻ kém.
Mô tả nhà lãnh đạo tôn giáo như một người có trí tuệ và sự thận trọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng những người khôn ngoan ở khắp mọi nơi, bởi vì “Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được truyền bá khắp thế giới.”
Nói về chuyến viếng thăm Mosul, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi dừng lại trườc ngôi nhà thờ bị phá hủy và tôi nghẹn lời. Đó là một điều gì đó bạn không thể tin được, bạn không thể tin được. Không chỉ có ngôi nhà thờ này mà còn cả những nhà thờ khác và một đền thờ Hồi Giáo cũng bị phá hủy. Các bạn có thể thấy rằng họ, tức là quân khủng bố Hồi Giáo IS, đã không đồng ý với người dân ở địa điểm này. Không thể tưởng tượng được sự tàn ác của nhân loại chúng ta.”
Source:Catholic News Agency
Nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, là người tháp tùng Đức Thánh Cha trên chuyến bay sang Baghdad có bài nhận định sau về dư luận tại Iraq đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Mặc dù tác động của các chuyến tông du của một vị Giáo Hoàng thường khó đánh giá ngay lập tức, nhưng những cảnh báo như vậy có ý nghĩa rất ít đối với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo địa phương của Iraq. Các vị đã nhanh chóng tuyên bố chuyến thăm từ ngày 5 đến 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia của các ngài là một “phép lạ” vào hôm Chúa Nhật.
“Tâm lý, văn hóa, đã bắt đầu thay đổi”, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako nói với các nhà báo hôm Chúa Nhật, khi ngài đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Qaraqosh từ Mosul, hai thành phố bị tàn phá bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ năm 2014 đến 2017.
“Đầu tiên, là sự chờ đợi Đức Giáo Hoàng, và sau đó là sự hiện diện của ngài, đã tạo ra một điều kỳ diệu”, Đức Hồng Y Sako nói.
Ngài lập luận rằng tình hình đối với các tín hữu Kitô ở Iraq, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây ra tội ác diệt chủng và nơi những người theo Chúa Giêsu từ lâu đã bị phân biệt đối xử, và thường bị coi là công dân hạng hai, đang thay đổi.
“Tình hình đã thay đổi rồi, bây giờ mọi người đang nói về chúng tôi, về lịch sử của những Kitô hữu ở Iraq và Trung Đông. Họ nói rằng ‘vùng đất này là của họ, chúng ta đến sau’, tức là họ bắt đầu sử dụng một ngôn ngữ hoàn toàn khác thể hiện sự tôn trọng đối với các tín hữu Kitô, khuyến khích các Kitô hữu ở lại, để xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau”, ngài nói.
Đức Tổng Giám Mục Youhanna Jihad Mtanos Battah, Tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Syriac của Damascus, cũng đồng ý như thế: Mọi người đều rất vui mừng được chào đón Đức Giáo Hoàng, và “chuyến đi này rất quan trọng trong hành trình đối thoại. Đó là một lá thư cho hòa bình”.
“Iraq đã phải chịu đựng rất nhiều”, ngài nói với các phóng viên. “Họ đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh… Vì vậy, một chút sức mạnh, một chút can đảm là cần thiết cho những người dân đang chờ đợi việc tái thiết Iraq này. Đó là một chuyến thăm rất quan trọng”.
Đức Tổng Giám Mục Battah nói thêm rằng Syria hiện cũng đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bởi vì “chiến tranh đã gần kết thúc”.
Hai vị giám mục đã nói chuyện riêng với các nhà báo tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ở Qaraqosh, thành phố Kitô Giáo lớn nhất ở Iraq, nằm ở vùng đồng bằng Ninivê, một dải đất nằm giữa miền bắc Iraq và Kurdistan, là khu vực tự trị phía bắc dành cho người Kurd. Cả hai vị đã vào trong, nhưng cùng nhau rời khỏi nhà thờ, hướng ra sân để chụp ảnh với nhau, rõ ràng là các ngài rất vui khi gặp nhau.
Đức Tổng Giám Mục Mtanos đến Qaraqosh, cách biên giới Syria khoảng 320km, chỉ để được gặp Đức Giáo Hoàng. Ngài cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố này là ngày “Chúa Nhật Lễ Lá đến sớm”.
Khi được hỏi về khả năng Kitô Giáo biến mất khỏi Trung Đông, một ý tưởng thường được các nhà lãnh đạo Kitô đưa ra, đặc biệt là kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổi dậy, vị Tổng Giám Mục người Syria đã bác bỏ ý kiến này một cách dứt khoát.
“Chúng tôi đã ở đây, và chúng tôi sẽ ở lại đây”, ngài nói. “Trung Đông không có Kitô hữu trở nên rất nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ các tín hữu Kitô ở lại đất nước của họ. Điều này là rất quan trọng”.
Ngài nhấn mạnh thêm lần nữa rằng: “Chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi rất ít, nhưng chúng tôi ở đây. Điều này rất quan trọng”, và lưu ý thêm rằng các Kitô hữu có thể là “cầu nối” với người Hồi giáo, như trong trường hợp của Đức Hồng Y Sako, là người đã “mời Đức Giáo Hoàng, một nhân vật quan trọng, và ngài đã đến Iraq. Và điều này là quan trọng đối với tất cả người dân Iraq”.
Thế giới ngày nay hầu như đã bỏ mặc Iraq cho các cuộc chiến bất tận giữa Hồi Giáo Sunni và Hồi giáo Shiite. Không ai chú ý đến họ, mà nếu có chú ý thì cũng chỉ là mong mỏi cho cảnh huynh đệ tương tàn càng ngày càng trầm trọng hơn để đục nước béo cò. Người dân Iraq nhận ra, cứ tiếp tục chiến tranh họ sẽ đi dần đến chỗ diệt vong. Đức Thánh Cha đến và hô hào hòa bình như một thông lộ duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Báo chí Iraq chạy các hàng tít lớn: “Đức Giáo Hoàng có lý.”
Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các tín hữu Kitô ở lại Trung Đông thay vì di cư, và nói đùa rằng điều này “ít tốn kém hơn”.
Liên quan đến chuyến thăm có thể có đến Syria, Đức Tổng Giám Mục Mtanos nói rằng “tất cả chúng tôi đều chờ đợi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến vào năm 2001. Có thể lắm, tôi không hiểu tại sao lại không”.
Sau khi một phóng viên chỉ ra rằng khi giáo hoàng Ba Lan ở Syria, không có một cuộc chiến nào đang diễn ra - như trường hợp bây giờ, với một cuộc xung đột đã diễn ra trong gần mười năm, vị tổng giám mục lập luận rằng cuộc chiến vẫn chỉ diễn ra ở phía Đông Bắc, nhưng các thành phố như Damascus và Aleppo đều yên bình.
“Chúng tôi gần như kết thúc chiến tranh”, ngài nói. “Và chuyến thăm sẽ mang lại cho chúng tôi sự bình yên hơn nữa. Mọi người đều yêu mến vị giáo hoàng này, bởi vì ngài cởi mở. Ngay cả những người theo đạo Hồi cũng đã chào đón Đức Giáo Hoàng”.
Đức Hồng Y Sako nói tiếp rằng niềm vui cho chuyến thăm lịch sử trong một thời điểm phức tạp như hiện nay có thể cảm nhận được ở khắp Iraq, giữa các tín hữu Kitô, người Hồi giáo và những người theo các tôn giáo khác.
“Ngài đã mang lại cho chúng tôi niềm an ủi, hy vọng, nhưng quan trọng hơn nữa là tình huynh đệ”, ngài nói. “Mọi người đều cảm động”.
Đề cập đến một khoảnh khắc lịch sử khác của chuyến đi, là cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Hồi giáo Shiite Ali al-Sistani, Đức Hồng Y Sako nói rằng vị Đại Giáo Trưởng đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng ông chưa thể tiếp đón các chính trị gia tham nhũng ở thành phố Najaf, được coi là thánh địa của Hồi giáo Shiite, nhưng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là “lịch sử,” và nhắc lại rằng “tình huynh đệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo là cần thiết”, khi ông nghĩ đến tuổi trẻ, “bởi vì họ là tương lai của thế giới”.
Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha vị Đại Giáo Trưởng đã không muốn thấy mặt các chính trị gia trong thành phố Najaf, mặc dù tất cả họ đều là những người Hồi giáo Shiite, vì ông cáo buộc họ tội tham nhũng. Ngoài Đức Thánh Cha, trong cuộc gặp gỡ này chỉ có thêm Đức Hồng Y Louis Sako, Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, và một cha phiên dịch.
Theo Đức Hồng Y, Đức Phanxicô nói đây là một “cuộc hành hương của hòa bình”, rằng chuyế tông du này “cần thiết cho tất cả mọi người để hoán cải hướng về Chúa, và nghĩ đến tình nhân loại chứ không phải chủ nghĩa giáo phái”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến thăm Iraq ngày 5-8 tháng 3 bằng một thánh lễ ở Erbil, thủ đô của Kurdistan. Với một đám đông ước tính khoảng 10,000 người, hầu như không ai có ý định tôn trọng các biện pháp chống COVID-19. Đức Thánh Cha hứa rằng Iraq “sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi”.
“Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ thiện ích chung và hòa bình.”
Source:Crux
Xem Hình
Cùng đồng tế trong Thánh lễ với Đức Cha Gioan còn có Cha Tổng Đại diện Đa Minh Nguyễn Tuấn Anh, Cha Vicente Nguyễn Trung Định, Chánh Xứ Giáo xứ Bình Minh, Cha Bề trên Giuse Nguyễn Bình, OCD, và Cha Px Nguyễn Quách Tiến, OCARM, và sự tham dự của quý nữ đan sĩ và một số ít thân nhân của Đức Tổng Phaolô. Không chỉ là cầu nguyện cho Đức Tổng, “một vị mục tử và là người nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, nhưng cũng là nhờ Đức Tổng Phao lô chuyển cầu để mỗi người chúng ta có được ơn cùng hiệp thông và được hưởng phần phúc sau này.”
Trong phần quảng diễn Lời Chúa của Chúa Nhật III Mùa Chay, Đức Cha Gioan đã nói đến sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Lời có khả năng thúc đẩy mỗi người cùng suy tư, cật vấn và sống trong Mùa Chay thánh. Như Tin Mừng mà Thánh sử Gioan đã trình thuật, Đức Cha suy niệm đến thái độ quyết liệt của Chúa Giêsu trong việc thanh tẩy đền thờ, tiên báo về cuộc khổ nạn và sống lại của Người – khi liên hệ đến việc phá hủy và xây dựng lại đền thờ trong ba ngày, và kinh nghiệm đức tin của các tông đồ khi nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã tiên báo, sau khi chứng kiến Chúa chết và sống lại, và mạnh mẽ rao giảng về niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giê su: Con Thiên Chúa. Từ đây, như để nhắn gửi với các nữ đan sĩ tại Đan viện, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng hướng tâm tình của các tông đồ, để chiêm ngắm mầu nhiệm Cứu độ của Chúa, mà trong đó, lòng thương xót của Chúa Cha được thể hiện qua lời nói, hành động của Chúa Giêsu. Và sau cùng, Đức Cha cũng không quên nhắc đến việc mời gọi sống Năm Kính Thánh Giuse, chiêm ngắm và học theo cách sống của Thánh Cả Giuse trong cuộc đời của mỗi người.
Đáp lại lời cám ơn của Cha Chánh Xứ Bình Minh, Đức Cha Gioan cũng bày tỏ niềm vui khi được hiện diện và chủ tế Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Cố Tổng Phaolô theo lời mời của thân nhân Đức Tổng, trong đó có Mẹ Bề Trên Đan viện là cháu của Đức Cố. Đồng thời, với những kỷ niệm, gắn bó với Đức Tổng khi Đức Cha còn là môn sinh của Đức Thầy Phaolô, đặc biệt cùng chuyến đi Ad Limina sau cùng của Đức Tổng, lại càng làm cho Đức Cha dâng Thánh Lễ Giỗ Mãn tang cho Đức Tổng Phaolô có thêm ý nghĩa. Và cuối cùng, Đức Cha mời gọi mọi người hãy cùng cầu nguyện cho các đấng đã ra đi, cầu nguyện cho tất cả chúng ta và cho các ân nhân đã giúp đỡ Đan viện bằng cách này hay cách khác.
Sau Thánh Lễ, Đức Cha đã gặp gỡ quý nữ đan sĩ tại phòng họp riêng của Đan viện trước khi dùng cơm trưa với quý Cha, quý khách hiện diện trong ngày Giỗ của Đức Tổng Phaolô.
Giới thiệu sơ lược về Đan Viện Carmel (Cát Minh) Bình Minh, Xuân Lộc
Đan Viện Cát Minh Xuân Lộc là một trong ba đan viện nữ đang hiện diện tại Giáo phận Xuân Lộc gồm Đan viện Xi -tô Vĩnh Phước- Ngọc Đồng, Đan Viện Đa Minh- Ngọc Đồng và Đan Viện Cát Minh- Bình Minh.
Đan Viện Cát Minh Xuân Lộc (OCD – Order of Discalced Carmelites) có nguồn gốc từ Đan Viện Cát Minh Bình Triệu. Lý do Mẹ Bề Trên M. Thérèse Consolata – Đan viện Cát Minh Bình Triệu- đi đến quyết định tách Đan viện là do có sự phát triển về ơn gọi, với mong muốn có một Đan viện mới có thể quy tụ thêm những tâm hồn khao khát sống đời chiêm niệm để phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa.
Năm 2003, cộng đoàn được tách ra từ Đan viện Cát Minh Bình Triệu đã bắt đầu hiện diện tại vùng đất Bình Minh, Xuân Lộc. Trong những năm tháng đầu tiên hiện diện, được sự ưu ái cho phép của Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, cộng đoàn đã được đặt Mình Thánh Chúa để chị em được kín múc đời sống thiêng liêng, và ngày càng lớn lên trong đời sống ơn gọi.
Từ những thời gian Thánh Lễ được dâng tại cộng đoàn không liên tục, cho đến khi Cha Vicente Nguyễn Trung Định về nhận xứ Bình Minh (2007), các nữ đan sĩ nơi đây đã có những thánh lễ hằng ngày được dâng tại cộng đoàn. Không chỉ giúp đỡ về đời sống thiêng liêng, Cha Chánh xứ còn quảng đại đỡ nâng cộng đoàn đan viện, các nữ đan sĩ những nhu cầu của đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Ngày 04/11/2016 Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã ban Quyết Định Thành Lập Cộng đoàn Carmel ở Bình Minh.
Gần một năm sau, ngày 11/8/2017, cộng đoàn Đan viện được cấp giấy phép hoạt động tôn giáo.
Và ngày 7/11/2017, Toà Thánh ban Sắc lệnh cho phép thành lập Đan viện Carmel ở Bình Minh, thuộc Giáo phận Xuân Lộc.
Ngày 30/12/2017 Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục GP. Xuân Lộc đã cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn công bố Văn Thư Thành lập Đan Viện Carmel Xuân Lộc, cũng như đặt viên khởi công xây dựng Đan Viện. Trong Thánh Lễ này cũng có sự hiện diện của Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, vì Ngài đã từng giúp cho cộng đoàn Đan viện về các giấy tờ cần thiết trong tiến trình xin thành lập Đan viện, và trong tương quan thân thiết với Mẹ Bề trên Đan Viện M. Therese Bùi Thị Thanh Nga.
Ngày 23/6/2018, Đan viện Cát Minh Bình Minh- Xuân Lộc được chính thức thành lập theo Giáo Luật, và cũng chính thức tách khỏi Đan viện Cát Minh Bình Triệu- Sài gòn.
Đến cuối tháng 8/2020, một Đan viện với cơ sở khang trang đáp ứng được đời sống thiêng liêng và sinh hoạt dành cho các nữ đan sĩ nơi đây đã hoàn tất với sự giúp đỡ của quý ân nhân, đặc biệt là Cha Chánh Xứ Vicente. Ngày 31/ 8/2020, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo cử hành Thánh Lễ tạ ơn, Cung hiến Nguyện Đường và khánh thành Đan viện trong bầu khí Gia đình Đan viện vì lý do đại dịch Covid-19.
Vào thời điểm hiện tại (tháng 3/2021), số nhân sự tại Đan viện đã là 30, trong đó có 8 nữ đan sĩ khấn trọn, 6 đan sĩ khấn tạm, 4 tập sinh, 6 thỉnh sinh và 6 dự tu.
Trong truyền thống, Giáo Hội luôn luôn cần đến những lời cầu nguyện của các đan sĩ để Giáo Hội được lớn lên và vững mạnh. Vì thế, tại Giáo phận Xuân Lộc này, những lời cầu nguyện của các đan sĩ tại các đan viện thật sự rất cần cho những hoạt động mục vụ của Giáo phận, như “hậu phương” hỗ trợ “tiền tuyến”. Đồng thời, dù chỉ ở trong khuôn viên đan viện, nhưng các đan sĩ đang là những chứng nhân về chiều sâu cuộc sống, mời gọi mọi người đi tìm sự thinh lặng thánh, trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Địa chỉ Đan viện Cát Minh- Bình Minh, Xuân Lộc:
810/1 Ấp Cây Điệp – Xã cây Gáo
Huyện Trảng Bom – tỉnh Đồng Nai
Tel: 0985 73 75 81
Email: camelobinhminh@gmail.com
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
(Một thoáng “ký ức mục vụ Mùa Chay”
Nhớ hoài câu chuyện hôm nao
Con đường mục vụ, khoảng vào Mùa Chay.
Trong ngoài công việc liền tay,
Bỗng dưng gác lại, gặp ngay một người…
Tiếng “soeur”, gọi chẳng nên lời
Tóc xanh đã nhuốm bụi đời xác xơ:
“Cho con một chút thời giờ,
Nghe con chia sẻ đôi bờ khổ tâm”.
Lặng nghe cậu trẻ phân trần:
“Soeur ơi con lỡ…một lần đi hoang!
Học đường, biếng nhác lưu ban
Gia đình, quen thói hoang đàng ăn chơi
Thầy cô khuyên dạy đủ lời
Cha khuyên mẹ bảo sớm rời ngoài tai.
Gây bao rắc rối u hoài
Mê game, trốn học, thêm bài thoát ly.
“Tự do” ôi thật diệu kỳ
Làm thân ngựa chứng, sá gì dây cương
Tung tăng như cá đại dương
Quên dòng sông cũ, lạc phương quay về.
Đường dài mấy độ sơn khê
Dần nghe tiếng gọi vọng về thâm tâm.
Xuyến xao dòng dã mấy năm
Công khai chẳng dám, âm thầm vội quên!
Làm sao can đảm đứng lên?
Tìm về nẻo chính, đi trên đường hiền?”
Nhẹ nhàng tôi liệu lời khuyên
Nhắc em câu chuyện diệu huyền tình cha:
Từ ngày con thứ đi xa
Thân già mong mỏi, vào ra ngóng chờ
Chân mây khuất nẻo mịt mờ
Bỗng một ngày…bóng dật dờ..”Con tôi !”
Cha mừng chẳng nói nên lời,
Con thưa: “Con phạm đến trời đến cha
Tội con núi biển bao la
Xin cha nhận ở trong nhà làm công…”
Cha hiền chẳng đợi nói xong,
Ôm con trìu mến vào lòng ấp yêu.
Rồi cha truyền dạy bao điều
Áo xinh, giày mới, nhẫn đeo… bê tròn...
Mất con giờ lại gặp con
Chết rồi sống lại, thế gian mấy người!”…
Chuyện Phúc m, chuyện cuộc đời
Nghe xong em bỗng đầy vơi lệ tràn…
n cần, nhỏ nhẹ ủi an:
“Lòng thương xót Chúa chứa chan bao tình.
Bao năm lưu lạc, phiêu linh
Cha thương, mẹ nhớ bóng hình con yêu.
Trông mong, chờ đợi sớm chiều
Em về sum họp, quên điều lỗi xưa.
Như người con thứ thân thưa,
Tỏ lòng hối hận, quyết chừa thói hư.
Em ơi, Chúa rất nhân từ
Phận mình chẳng khác con hư của Ngài!
Chúa nào ghét bỏ một ai
Thành tâm, hối lỗi kíp quay trở về!
Chúa thương gánh tội nặng nề,
Cho ta nhận lãnh tràn trề thánh ân.
Ngước trông về Chúa từ nhân
Một niềm tin cậy dẫu thân bầy hầy..
Thời thuận tiện chính là đây
Giờ Ơn Cứu độ hôm nay đã về.
Qua rồi một thoáng cơn mê,
Lời Cha vang vọng: Trở về, Mùa Chay!”
Bảo Xuyên (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)
350 năm trở về nguồn An Chỉ thân yêu,
Trở về mảnh đất thiêng mang “dáng đứng diễm kiều”,
Nơi ghi đậm dấu chân
của những bậc cha ông, những con người tiên phong truyền giáo…
Dấu chân của Đức cha Lambert
Vượt sóng cả trùng khơi, đến khởi đầu cho một trang sử mới,
Trang sử hào hùng, trang sử kiên trung,
Trang sử lặng thầm, trang sử thánh thiêng,
Mến Thánh Giá Đàng trong, cuộc hành trình huyết lệ !
Trang sử của những cuộc đời
Đã viết nên những câu chuyện tình hy tế…
Chuyện của chị Trị, chị Soạn, Chị Dần,
Chuyện của những cuộc đời
dám chấp nhận ngục tù, xiềng trói, gươm đâm,
Chuyện của những tấm gương anh hùng làng Láng Mun, Dinh Thủy…
Chuyện của 270 nữ tu
Mà xác thân máu thịt đã trở thành của lễ,
Qua một thời vùi dập đẫm máu Văn Thân.
Chuyện của muôn vạn trái tim thanh khiết kiên trung
Mang thập giá hiên ngang giữa bao thời bạo chúa,
Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…với bách hại, lưu đày, phân sáp…
Xiềng xích gông cùm tù tội thương đau…
Vì tình yêu, các chị sẵn sàng chịu máu đổ đầu rơi,
Từ đau thương bách hại
cho đến những gian nan lúc khởi đầu cải tổ…
Chuyện của những cuộc đời thầm lặng, khiêm nhu, bé nhỏ,
Những người Mẹ, người Chị chân quê tần tảo âm thầm,
dìu đưa Hội dòng vượt qua bao bão bùng, giông tố, tối tăm
Chẳng nệ chông gai,
Chọn thập giá tình yêu để thay cho ghét ghen thù oán.
Chuyện Mến Thánh Giá Đàng Trong – Qui Nhơn làm sao kể đoạn,
Có được hôm nay, nhờ biết bao đóng góp công ơn…
Ơn Đấng sáng lập, các Đức Giám Mục tiếp nối con đường,
Ơn các bậc cha ông, các thừa sai truyền giáo,
Ơn Giáo phận mẹ, luôn giang cánh tay hiền ấp ủ
Ơn các Linh mục, và quý ân thân nhân,
Ơn những cuộc đời nghèo khó lặng thầm,
Của những mái đầu xanh cho đến quý Bà, quý Mẹ, quý Chị,
Mà dòng lịch sử được nối liền từ Qui Nhơn đến cội nguồn An Chỉ…
Từ “Nước Mặn”, “Làng Sông”…, chảy tràn khắp muôn nơi,
Từ Châu Á đến châu Mỹ, sang châu Úc, châu u…
Như thế đó,
“Dòng sông An Chỉ” hay câu chuyện của tình yêu,
Câu chuyện của những con tim say yêu mối tình Thập Giá,
Câu chuyện của những cuộc đời chọn sống đơn nghèo, khiêm hạ,
Chọn cuộc hành trình để gieo những đoá hồng tình yêu.
Và để tình yêu nối lại những nhịp cầu,
Cho sự sống tuôn trào và cho thời gian hóa thành vĩnh cửu !
Cho nhân loại tìm về suối nguồn ơn cứu độ…!
Vâng,
Câu chuyện An Chỉ ngày xưa, cho đến mãi ngàn sau,
Vẫn được kể, và trong vạn trái tim sẽ mãi thắm màu,
Để tình yêu Nhập thể hóa suối nguồn hồng ân cứu độ,
Và để con đường Giêsu với Tình yêu thập tự
Mãi nối dài cho muôn vàn thế hệ ngàn sau,
Cho dòng lịch sử An Chỉ - Qui nhơn luôn nối mãi nhịp cầu…
Maria Diệu Hiền (Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn)
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Iraq bình an, chấm dứt chuyến tông du thứ 33 trong triều đại giáo hoàng của ngài. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng tới quốc gia Trung Đông này.
Sau khi cử hành thánh lễ riêng tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, ngài ra sân bay quốc tế của Baghdad sau khi chào tạm biệt các nhân viên và bạn bè tại Tòa Sứ thần.
Chờ đón ngài ở sân bay là Tổng thống Barham Salih và phu nhân. Trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Salih tại phòng khánh tiết của sân bay quốc tế, tổng thống rất tâm đắc với Đức Thánh Cha, ông rất phấn khởi và bày tỏ rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ mang lại những hệ quả tích cực cho đất nước đang trong thời kỳ khó khăn chồng chất.
“Đức Thánh Cha mang đến cho chúng tôi hy vọng, niềm vui, nhưng trên hết là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về tình huynh đệ, là điều chúng tôi cần nhất vào lúc này. Ngài rất có lý, chỉ có tình huynh đệ mới cứu được quốc gia chúng tôi,” Tổng thống Salih nói.
Chuyến tông du nước ngoài kéo dài 4 ngày này, bắt đầu vào hôm thứ Sáu, diễn ra sau hơn 15 tháng gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Chuyến tông du quốc tế cuối cùng của ngài là đến Thái Lan và Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019. Trong 4 ngày ở Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Baghdad làm căn cứ, từ đó ngài đã bay đến Najaf, Ur, Erbil, Mosul và Qaraqosh.
Theo tinh thần của phương châm cho chuyến tông du này - “Tất cả các bạn đều là anh em” - từ Phúc âm Thánh Matthêu, vị Giáo hoàng 84 tuổi đã khuyến khích người Iraq trên con đường này. Ngài nói rằng chỉ khi họ học cách nhìn xa hơn những khác biệt của mình và nhìn thấy nhau với tư cách là các thành viên của cùng một gia đình nhân loại, họ mới có thể bắt đầu quá trình tái thiết đất nước một cách hiệu quả. Chỉ có như thế, họ mới để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và nhân văn hơn.
Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Iraq mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông, đặc biệt là đối với Syria. Theo bước chân của Chúa Kitô, là Vị Mục Tử Nhân Lành, Đức Thánh Cha đã ra đi tìm kiếm những con chiên của mình, bị đánh bầm dập bởi các cuộc xung đột giáo phái và khủng bố. Vuốt ve họ, ngài bảo đảm rằng họ sẽ không bị lãng quên.
Chúa Nhật, ngày thứ ba trong chuyến tông du, là ngày cảm động nhất trong 4 ngày, khi Đức Thánh Cha bay lên phía bắc thăm Erbil, Mosul và Qaraqosh. Ở đó, ngài đã nhắc lại lời kêu gọi về tình huynh đệ, hy vọng và hòa bình.
Lắng nghe những người Hồi giáo và các Kitô hữu ở thành phố Mosul đổ nát nói về sự tàn bạo mà họ phải đối mặt dưới những cuộc khủng bố của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc phúc cho quyết tâm cùng chung tay vươn lên từ đống tro tàn của họ. “Tình huynh đệ bền chặt hơn cảnh huynh đệ tương tàn, hy vọng mạnh hơn hận thù, hòa bình mạnh hơn chiến tranh,” Đức Thánh Cha đã trấn an họ trong buổi cầu nguyện cho những người đã khuất.
Cộng đồng Kitô hữu của Iraq, một trong những cộng đồng lâu đời nhất trên thế giới, đã bị tàn phá đặc biệt bởi những năm xung đột, giảm xuống chỉ còn khoảng 300,000 người từ khoảng 1.5 triệu người trước khi người Mỹ mở cuộc xâm lược vào năm 2003. Lợi dụng tình hình hỗn loạn sau đó, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm lĩnh miền bắc Iraq vào năm 2014 trong một nỗ lực để thiết lập một nhà nước Hồi Giáo trong khu vực. Bọn khủng bố thực hiện cuộc tấn công tàn bạo chống lại các tín hữu Kitô thiểu số và thậm chí cả những người Hồi giáo chống lại chúng. Phần lớn thành phố cổ kính Mosul đã bị phá hủy vào năm 2017 trong trận chiến đẫm máu của quân đội Iraq và liên minh quân sự quốc tế nhằm tiêu diệt những kẻ khủng bố.
Tại Mosul, Đức Thánh Cha đã vô cùng xúc động khi chứng kiến sự tàn phá rộng lớn xung quanh ngài với những đống đổ nát của các nhà thờ, đền thờ và các tòa nhà giữa cảnh điêu tàn.
Tại Qaraqosh, một thành trì của Kitô Giáo đã bị các chiến binh IS tràn qua, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi từng bị các chiến binh thánh chiến sử dụng làm trường bắn để luyện tập. Ngài thúc giục cộng đồng Kitô Giáo địa phương xây dựng lại cộng đồng của họ dựa trên sự tha thứ và tình huynh đệ.
Trước khi trở lại Baghdad vào tối Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ buổi tối cho khoảng 10,000 người tại sân vận động Erbil. Vào cuối buổi cử hành Thánh Thể, sự kiện công khai cuối cùng trong chuyến tông du Iraq của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lời từ biệt với đất nước.
Ngài nói:
Bây giờ sắp đến lúc tôi trở lại Rôma. Tuy nhiên, Iraq sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi. Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ thiện ích chung và hòa bình salam, salam, salam. ! Sukrán, cảm ơn các bạn! Xin Chúa chúc lành cho tất cả! Xin Chúa phù hộ cho Iraq! Allah ma’akum! Chúa ở cùng anh chị em!
Quý vị và anh chị em đã thấy chính quyền Iraq đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô rất trọng thể. Họ cũng tiễn biệt ngài rất thân ái. Thực vậy, tổng thống và phu nhân, cùng toàn thể nội các trong chính quyền Iraq đã đưa Đức Thánh Cha ra tận chân thang máy bay.
Tiễn Đức Thánh Cha về Rôma còn có các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô Iraq như Đức Hồng Y Louis Sako của Công Giáo nghi lễ Chanđê, Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam là Thượng phụ thành Antiôkia, và Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, cùng một số các Giám Mục khác.
Trong một cử chỉ thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho Đức Thánh Cha, chính quyền Iraq đã trải thảm đỏ từ phòng khánh tiết đến tận các bậc thềm của máy bay, nơi ngài chào các thành viên trong chính quyền Iraq trước khi lên máy bay.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Alitalia chở ngài, đoàn tùy tùng và các phóng viên đã bay khỏi thủ đô Iraq lúc 9h54 sáng theo giờ địa phương, tức là 1g54 phút chiều theo giờ Việt Nam. Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ hạ cánh xuống Rôma lúc 12:45 trưa, sau chuyến bay kéo dài hơn 5 giờ một chút.
Source:Vatican News
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 5 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ hai tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?” - Chúa Giêsu Kitô là người thật.
Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Ngay cả trong phiên bản này, câu châm ngôn vẫn còn gây tranh cãi và đã bị chỉ trích một cách đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta quan tâm đến nó vì một lý do hoàn toàn khác. Giáo hội có nguy cơ diệt vong khi sống như “etsi Christus non dámtur”, nghĩa là như thể Chúa Kitô không tồn tại. Đó là giả định mà thế giới và các phương tiện truyền thông nói về Giáo hội mọi lúc. Mối quan tâm của họ tập trung vào lịch sử của Giáo Hội (trên hết là một lịch sử tiêu cực, không phải là một lịch sử thánh thiện), tổ chức của Giáo Hội, quan điểm của Giáo Hội về các vấn đề hiện tại, các sự kiện nội bộ và những câu chuyện phiếm về Giáo Hội. Chúa Giêsu, nếu có được nhắc đến đi nữa, thì thỉnh thoảng mới được đề cập đến. Một đề xuất đã được đưa ra ở Ý cách đây nhiều năm - và vẫn đang được áp dụng ở một số quốc gia – đó là về một liên minh có thể có giữa những người tin và những người vô thần dựa trên các quyền dân sự và đạo đức chung, dựa trên căn cội Kitô Giáo của nền văn hóa của chúng ta, v.v. Nói cách khác, một thỏa thuận như vậy không dựa trên những gì đã xảy ra trên thế giới khi Chúa Kitô đến, nhưng dựa trên những gì xảy ra sau đó, sau Ngài.
Một mục tiêu khác - và đáng tiếc là không thể tránh khỏi - là sự kiện Chúa Kitô không đóng vai trò nào trong ba cuộc đối thoại sống động nhất được thực hiện giữa Giáo hội và thế giới. Ngài không được đề cập đến trong cuộc đối thoại giữa đức tin và triết học, bởi vì đối tượng của triết học là các khái niệm siêu hình, chứ không phải là các thực thể lịch sử, như con người của Đức Giêsu thành Nazareth; Ngài cũng không tham gia vào cuộc đối thoại với khoa học, nơi mà người ta chỉ có thể thảo luận về sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa và một “thiết kế thông minh” bên dưới sự tiến hóa; cuối cùng, Ngài cũng không tham gia vào cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, nơi mà người ta đặt trọng tâm là những gì các tôn giáo có thể làm cùng nhau, nhân danh Chúa, vì lợi ích của nhân loại.
Ngay cả trong các mối quan tâm công bằng nhất về việc đáp ứng các nhu cầu và thách thức khiêu khích của lịch sử và văn hóa, tất cả chúng ta, bao gồm cả chúng ta là những người tin Chúa, phải đối mặt với nguy cơ diệt vong khi hành xử “etsi Christus non dámtur”, nghĩa là như có thể nói về Giáo hội trong khi loại trừ Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Tôi đã bị ấn tượng sâu sắc bởi những lời của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 25 tháng 11 năm ngoái. Ngài nói - và qua nhịp điệu trong giọng nói của ngài, bạn có thể nói rằng chủ đề này đã khiến ngài vô cùng xúc động:
Chúng ta tìm thấy ở đây [trong Tông đồ Công vụ 2:42] bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống Giáo Hội: trước hết là lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ; thứ hai là việc bảo vệ sự hiệp thông lẫn nhau; thứ ba, là việc bẻ bánh; và thứ tư, là lời cầu nguyện. Những đặc điểm này nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội có ý nghĩa nếu Giáo Hội vẫn được kết hợp vững chắc với Chúa Kitô, nghĩa là trong cộng đoàn, trong Lời của Người, trong Bí tích Thánh Thể và trong lời cầu nguyện. Đó là cách chúng ta kết hợp mình với Chúa Kitô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho những lời nói và hành động của Thầy chúng ta; sự tìm kiếm liên tục cho tình hiệp thông huynh đệ che chắn chúng ta khỏi sự ích kỷ giữa chúng ta với nhau. Chúa sẽ không bao giờ vắng mặt; đó thực sự là Người trong Bí tích Thánh Thể. Người sống và bước đi với các chi tiết cụ thể; việc bẻ bánh làm viên mãn bí tích về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Và cuối cùng, cầu nguyện, là không gian đối thoại với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Mọi thứ trong Giáo hội phát triển bên ngoài “tọa độ” này đều thiếu nền tảng.
Như có thể thấy, theo lời của Đức Giáo Hoàng, bốn tọa độ của Giáo hội được giản lược chỉ còn một: đó là neo vào Chúa Kitô. Tất cả những điều này đã khiến tôi muốn dành những suy niệm Mùa Chay này cho con người của Chúa Giêsu Kitô. Chính cá nhân tôi là người đầu tiên phải vượt qua một sự phản đối có thể xảy ra. Nhìn lướt qua mục lục các tài liệu của Công đồng Vatican II, dưới mục ‘Chúa Giêsu Kitô’, hoặc lướt nhanh qua các tài liệu của Đức Giáo Hoàng trong vài năm qua cho chúng ta biết nhiều điều hơn những gì chúng ta có thể nói trong những bài suy niệm Mùa Chay ngắn ngủi này. Vậy thì việc chọn đề tài này có ích gì? Vấn đề là ở đây chúng ta sẽ nói về một mình Chúa Giêsu Kitô, như thể chỉ có một mình Ngài tồn tại và chỉ đáng để đề cập đến một mình Ngài mà thôi (mà suy cho cùng, đó là chân lý!).Chúng ta có thể làm điều đó vì chúng ta không bị ép buộc, như trong trường hợp Huấn quyền là phải giải quyết các vấn đề khác như các vấn đề mục vụ, luân lý, xã hội, môi trường, cũng như những thách thức do đại dịch gây ra ngày nay. Sẽ là hoàn toàn sai nếu chúng ta chỉ làm những gì chúng ta làm ở đây, nhưng cũng sai không kém nếu chúng ta không bao giờ làm điều này. Từ kinh nghiệm của tôi với truyền hình, tôi đã học được một điều. Có nhiều cách khác nhau để tạo khung hình cho một đối tượng: một ‘cảnh quay rộng’, khi người nói được đóng khung với mọi thứ khác xung quanh anh ta và ‘cận cảnh’, khi chỉ người nói được nhìn thấy và cuối cùng, cái gọi là ‘cận cảnh cực độ’, khi chỉ khuôn mặt của người nói hoặc thậm chí đôi mắt của họ được đưa lên phim. Trong những bài suy niệm này, chúng tôi đề xuất, với sự giúp đỡ của Chúa, hãy quay ‘cận cảnh cực độ’ để tập chú vào con người của Chúa Giêsu Kitô.
Mục đích của chúng ta không phải là hộ giáo, nhưng là linh đạo. Nói cách khác, chúng ta không nói để thuyết phục những người khác, những người không tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, nhưng để làm cho Ngài có thể trở nên ngày càng thực sự là Chúa của cuộc đời chúng ta, là điểm quy chiếu toàn diện của chúng ta, đến độ cảm nhận được, giống như người Tông đồ, ‘được Chúa Kitô chiếm hữu’ (Pl 3:12) và có thể nói với Người - ít nhất là như một ước muốn – ‘đối với tôi sự sống là Đức Kitô’ (Pl 1:21). Vì vậy, câu hỏi đi kèm với chúng ta sẽ không phải là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong thế giới và trong Giáo hội?’, mà là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong cuộc đời tôi?’ Hơn nữa, đây sẽ là cách tốt nhất để khơi dậy sự quan tâm của người khác đối với Chúa Kitô, đó là cách truyền giáo hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ một điều. Chúng ta muốn nói đến Chúa Kitô nào? Thực sự có nhiều ‘Chúa Kitô’ khác nhau: có Chúa Kitô của các sử gia, của các nhà thần học, của các nhà thơ, và thậm chí là Chúa Kitô của những người vô thần. Chúng ta muốn nói về Chúa Kitô của các Phúc âm và của Giáo hội, chính xác hơn là về Chúa Kitô của tín điều Công Giáo được xác định bởi Công đồng Chalcedon năm 451. Thỉnh thoảng chúng ta nên nghe lại định nghĩa đó, ít nhất là trong một phần của văn bản gốc:
Theo gương các Giáo phụ thánh, chúng ta đồng tâm nhất trí dạy bảo và tuyên xưng một và cùng một Chúa Con: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất
Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh của một tam giác tín lý về Chúa Kitô: hai cạnh là nhân tính và thần tính của Chúa Kitô và đỉnh là sự hợp nhất của chính bản thể của Ngài.
Đạo lý Kitô học không có ý định là một bản tóm tắt tất cả các dữ liệu Kinh thánh, như một dạng sản phẩm chưng cất chứa vô số các tuyên bố về Chúa Kitô có thể được đọc trong Tân Ước, bằng cách rút gọn chúng thành những công thức đơn giản và khô khan: ‘hai bản tính, một hữu thể’. Làm như vậy, thì tín lý ấy sẽ bị giản lược một cách khủng khiếp và thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, trường hợp này không phải như thế. Hội thánh tin và rao giảng về Chúa Giêsu Kitô tất cả những gì Tân ước nói về Ngài, không có bất kỳ sự thiếu sót nào. Qua các tín điều, Giáo hội chỉ cố gắng phác thảo một khung tham chiếu, để soạn thảo một loại ‘luật cơ bản’ mà bất kỳ tuyên bố nào về Chúa Kitô đều phải tuân theo. Tất cả những gì được nói về Chúa Kitô bây giờ phải tôn trọng sự thật chắc chắn và không thể chối cãi đó: sự thật rằng Ngài đồng thời là Thiên Chúa và là con người; hay nói rõ hơn, là trong cùng một hữu thể.
Các tín lý là ‘cấu trúc mở’ (Bernhard Lonergan), sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều mới lạ và những thực tại chân chính mà mỗi thời đại khám phá ra trong Lời Chúa. Các tín lý sẵn sàng phát triển từ bên trong, với điều kiện là chúng luôn tiến hành ‘theo cùng một ý nghĩa và theo cùng một hướng’. Có nghĩa là cách giải thích được đưa ra trong một thời đại không được mâu thuẫn với cách giải thích của thời đại trước đó. Do đó, tiếp cận Chúa Kitô bằng con đường tín lý không có nghĩa là lặp đi lặp lại những điều tương tự một cách mệt mỏi, hay chỉ thay đổi cách diễn đạt. Nó có nghĩa là đọc Kinh thánh trong Truyền thống, với con mắt của Giáo hội, tức là đọc Kinh thánh theo một cách thức cổ xưa và luôn mới mẻ.
Chúa Kitô, một nhân tính hoàn hảo
Chúng ta hãy xem tất cả những điều này có ý nghĩa gì, nếu chúng ta áp dụng điều đó vào tín điều về nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô, đó là ‘cận cảnh cực độ’ mà chúng ta muốn sử dụng để trình bày Chúa Giêsu trong bài suy niệm hôm nay.
Trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu trên dương thế, không ai nghĩ đến việc đặt câu hỏi về thực tại nhân tính của Chúa Kitô, Ngài thực sự là một người như những người khác. Khi Tân Ước đề cập đến nhân tính của Chúa Kitô, mối quan tâm của Tân Ước tập trung nhiều hơn vào sự thánh khiết của nhân tính này hơn là sự thật hay thực tại của nhân tính ấy, nghĩa là sự hoàn hảo hơn là sự hoàn chỉnh về phương diện bản thể học.
Vào thời của Công đồng Chalcedon, khái niệm này về Chúa Kitô không thay đổi, nhưng trọng tâm không còn như cũ. Để chống lại lạc thuyết Huyễn Ảnh [Doceism – xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ thứ 2, chủ trương đời sống nhân tính của Chúa Giêsu tại trần gian, nhất là đau khổ và sự chết của ngài chỉ là huyễn ảnh mà thôi, không có thật – chú thích của người dịch], Giáo hội phải xác nhận rằng Chúa Kitô đã có một thân xác con người thật; cũng như chống lại lạc giáo Apollinarian cho rằng Chúa Kitô cũng có linh hồn con người như chúng ta, và sau đó, vào thế kỷ thứ bảy, Giáo hội sẽ phải chiến đấu chống lại lạc thuyết Nhất Chí (Monothelite), và khẳng định rằng Chúa Kitô cũng có ý chí, và do đó là một con người tự do thực sự. Do những dị giáo mà chúng ta vừa đề cập đến, tất cả sự quan tâm đến Chúa Kitô với tư cách là một ‘con người’ đã chuyển từ vấn đề về tính mới mẻ và sự thánh thiện của nhân tính này, sang vấn đề về sự hoàn thiện hay sự viên mãn về bản thể học.
Như tôi đã nói, Tân Ước không quan tâm nhiều đến việc tuyên bố rằng Chúa Giêsu là một người ‘đích thực’, cho bằng việc Ngài là một nhân loại ‘mới’. Thánh Phaolô định nghĩa Chúa Giêsu là ‘Adong cuối cùng’ (eschatos), tức là ‘con người tối thượng’ (xem 1 Cor 15: 45ss; Rm 5:14). Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta nhân loại mới, nhân loại ‘được tạo dựng theo đường lối Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện của chân lý’ (Ep 4; 24; x. Cl 3,10). Chúa Giêsu Kitô là ‘Đấng Thánh của Thiên Chúa’: đây là Đấng mà Người được long trọng tuyên xưng trong hai thời khắc của cuộc đời trần thế (Lc 4:34; Ga 6:69). Chúa Giêsu không phải là con người giống như những con người khác, giống như con người mà tất cả những con người khác phải giống. Ngài là người duy nhất trong số những người mà các nhà triết học Hy Lạp thường nói một cách tổng quát về nhân loại: Ngài là ‘thước đo của vạn vật’!
Một khi thực tế về tín lý và bản thể học về nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô đã được bảo đảm, ngày nay chúng ta có thể một lần nữa đề cao ý niệm cơ bản này trong Kinh thánh. Chúng ta cũng phải làm như vậy vì một lý do khác. Ngày nay, không ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một con người, như những người ủng hộ thuyết Huyễn Ảnh và những người khác là những kẻ đã phủ nhận nhân tính đầy đủ của Chúa Kitô. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng lạ lùng và đáng kinh ngạc: nhân tính ‘thật’ của Chúa Kitô đang được âm thầm khẳng định như một sự thay thế cho thần tính của Ngài, như một kiểu phản công. Đây là một cuộc thi chung để xác định ai đi xa nhất trong việc khẳng định nhân tính ‘trọn vẹn’ của Chúa Giêsu thành Nagiarét, bằng cách đi xa đến mức khẳng định rằng ngài không chỉ đau khổ, thống khổ và bị cám dỗ, mà còn có cả những hoài nghi và thậm chí cả khả năng phạm sai lầm.
Vì vậy, tín điều về Chúa Giêsu là ‘người thật’ đã trở thành một chân lý bị coi thường đến mức không làm ai bận tâm hay khó chịu, hoặc thậm chí còn tệ hơn, điều đó đã trở thành một chân lý nguy hiểm được dùng để biện minh thay vì phê phán tư tưởng thế tục. Khẳng định nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô ngày nay giống như bắn cá trong thùng.
Sự thánh khiết của Chúa Kitô
Do đó, chúng ta hãy dành thời gian còn lại để chiêm ngưỡng (đây là một từ ngữ rất đúng) sự thánh khiết của Chúa Kitô và để mình bị lóa mắt bởi điều đó, trước khi rút ra bất kỳ hậu quả thực tế nào. Đây là ‘cận cảnh cực độ’ đầu tiên về Chúa Giêsu mà chúng ta muốn sử dụng trong bài suy niệm này: để bản thân mình bị mê hoặc bởi vẻ đẹp vô hạn của Chúa Kitô, là ‘người đẹp trai nhất trong số các chàng trai của nhân loại’.
Quan sát các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, hay một suy diễn siêu hình, nhưng đó là sự thánh thiện đích thực, được sống qua từng khoảnh khắc và trong những tình huống cụ thể nhất trong cuộc sống. Để nêu một ví dụ, các Mối Phúc không chỉ là một kế hoạch sống đẹp đẽ mà Chúa Giêsu phác thảo cho người khác; đó là chính cuộc sống của Người và kinh nghiệm của Người khi được mạc khải cho các môn đệ, bằng cách kêu gọi họ tiếp cận với cùng một bầu khí thánh thiện. Các Mối Phúc là bức chân dung tự họa của Chúa Giêsu.
Ngài dạy những gì chính Ngài thực thi; đó là lý do tại sao Người có thể nói: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường’ (Mt 11:29). Người nói rằng người ta phải tha thứ cho kẻ thù của họ, nhưng chính Người còn đi xa hơn khi tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Người bằng câu ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm’ (Lc 23:34). Trên thực tế, không phải một tình tiết này hay một chi tiết nọ giúp nêu lên sự thánh thiện của Chúa Giêsu, mà là mọi việc làm, và mọi lời do miệng Ngài phán ra.
Bên cạnh yếu tố tích cực của sự vâng phục trọn vẹn và liên tục theo thánh ý Chúa Cha, sự thánh khiết của Chúa Kitô cũng cho thấy một yếu tố ‘tiêu cực’, đó là sự thiếu sót tuyệt đối của bất kỳ tội lỗi nào, ‘Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?’ Chúa Giêsu chất vấn các đối thủ của Người (Ga 8:46). Về điểm này, tất cả các chứng tá của các Tông đồ đều đồng thanh khẳng định: Ngài ‘không biết đến tội lỗi’ (2 Cr 5:21); ‘Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối’(1 Pt 2:22); ‘Người đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội’ (Dt 4:15); ‘Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân’(Dt 7:26). Thánh Gioan, trong bức thư đầu tiên của mình, không mệt mỏi khi tuyên bố rằng ‘Người trong sáng... trong Người không có tội lỗi..; Người là Đấng công chính’ (1 Ga 3: 3-7).
Lương tâm của Chúa Giêsu là một viên pha lê trong suốt. Ở đó tuyệt đối không chấp nhận tội lỗi, cũng không có nỗi hối tiếc phải cầu xin sự tha thứ trước mặt Chúa hay con người. Ở đó luôn luôn ngự trị sự xác tín thanh thản của chân lý, công chính, và đức hạnh, là điều không giống như giả định của con người về công bình. Không một nhân vật nào khác trong lịch sử dám nói điều tương tự như thế về họ.
Tình trạng hoàn toàn không vướng mắc tội lỗi - và không chấp nhận tội lỗi - như thế không được kết nối với một hành động hay câu nói nào trong Tin Mừng, tính lịch sử của điều đó có thể bị nghi ngờ, nhưng toàn bộ Tin Mừng đều toát lên điều đó. Đó là một lối sống được phản ánh trong mọi thứ. Bạn có thể nhìn vào góc xa nhất của các sách Phúc âm và kết quả luôn giống nhau. Ý tưởng về một con người đặc biệt thánh thiện và gương mẫu là chưa đủ. Ý tưởng này sẽ mâu thuẫn với lối sống đó. Sự tự tin như thế, sự bác bỏ tội lỗi như vậy, như ta có thể nhận thấy nơi Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ cho thấy một con người phi thường, nhưng phi thường về mặt kiêu hãnh, chứ không phải về sự thánh thiện. Nhận thức về bản chất đó có thể là tội lỗi lớn nhất từng phạm phải, lớn hơn cả tội lỗi của Lucifer, nhưng cũng có thể là một sự thật tuyệt đối. Sự phục sinh của Chúa Kitô cung cấp bằng chứng cụ thể rằng đó là một chân lý tuyệt đối.
‘Được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô’
Bây giờ chúng ta chuyển sang xem xét sự thánh khiết của Chúa Kitô có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Và ở đây chúng ta ngay lập tức bắt gặp một số tin tốt lành. Quả thật có một số tin mừng, một lời công bố hân hoan, cũng liên quan đến sự thánh khiết của Chúa Kitô. Không liên quan quá nhiều đến thực tại Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, hay chúng ta cũng được tiền định để trở nên thánh khiết và vô nhiễm. Không, điều bất ngờ hạnh phúc là Chúa Giêsu thông truyền, ban cho, trao tặng cho chúng ta sự thánh thiện của Ngài cách nhưng không! Nghĩa là sự thánh thiện của ngài cũng là của chúng ta. Thậm chí hơn thế nữa: rằng chính Ngài là sự thánh thiện của chúng ta
Mỗi bậc cha mẹ trên đời này đều có thể trao cho con cái những gì họ có, nhưng không thể trao cho con họ những gì họ là. Nếu họ là nghệ sĩ, nhà khoa học, hay thậm chí là thánh, không nhất thiết con cái của họ cũng là nghệ sĩ, nhà khoa học hay thánh nhân. Cha mẹ có thể dạy chúng những kỹ năng đó hoặc cho chúng một tấm gương, nhưng vô phương mà truyền lại cho chúng như một kiểu thừa kế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, trong Phép Rửa của chúng ta, không chỉ ban cho những gì Người có, mà ban cả những gì Người là. Ngài là thánh và làm cho chúng ta nên thánh; Ngài là Con của Thiên Chúa và làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.
Công đồng Vatican II cũng nói điều đó:
‘Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh’ (Hiến chế tín lý Lumen gentium, 40).
Sự thánh thiện của Kitô hữu, trước khi là một nghĩa vụ, là một ân sủng.Chúng ta sẽ làm gì để đón nhận món quà này và biến nó thành một trải nghiệm được sống cụ thể, chứ không chỉ được tin tưởng? Câu trả lời cơ bản đầu tiên là đức tin. Không chỉ là bất kỳ đức tin nào, mà là đức tin mà qua đó chúng ta tự làm nên điều mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta. Một đức tin táo bạo đã chắp cánh mới cho đời sống Kitô của chúng ta. Thánh Phaolô đã viết:
Đức Kitô Giêsu đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, là Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, phù hợp với lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. (1Cr 1, 30-31).
Những gì Chúa Kitô đã trở thành ‘cho chúng ta’ - sự công bình, sự thánh hoá và ơn cứu chuộc - thuộc về chúng ta; thuộc về chúng ta nhiều hơn là nếu chúng ta đã tự làm những điều đó! Như bậc thầy vĩ đại của Byzantine, Cabasilas đã nói: ‘Vì chúng ta không còn thuộc về chính chúng ta nữa, mà thuộc về Chúa Kitô, Đấng đã mua lại chúng ta với giá cao, thì những gì thuộc về Chúa Kitô cũng thuộc về chúng ta hơn những gì đến từ chúng ta.’ Về vấn đề này, tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi lặp lại những gì Thánh Bernard đã viết:Thật vậy, tôi vững dạ lấy làm của mình [trong nguyên tác, tôi chiếm đoạt!] những gì tôi thiếu từ ruột của Chúa, bởi vì chúng tràn đầy lòng thương xót. […] Vì vậy, công lao của tôi là lòng nhân từ của Chúa. Chắc chắn công lao của tôi sẽ không được mong muốn cho đến khi Chúa muốn vì lòng thương xót. Nếu sự nhân từ của Chúa nhiều, tôi cũng rất vĩ đại về công lao của mình. […] Liệu tôi cũng sẽ được hát về sự công chính của mình chứ? ‘Lạy Chúa, chỉ mình Ngài chính trực công minh’. (x. Tv 71:16). Sự công chính ấy cũng thực sự là của tôi; vì Ngài là Đấng đã làm cho tôi trở nên công chính (xem 1 Cor 1:30 ).
Chúng ta không được thối chí trong việc thực hiện, hoặc đổi mới, kiểu ‘đảo chính’ do thánh Bernard khuyến nghị. Đó thật là một sự trơ tráo thánh thiện!Thánh Phaolô thường kêu gọi các Kitô hữu ‘từ bỏ cái tôi cũ kỹ’ và ‘mặc lấy Chúa Kitô’. Hình ảnh cởi bỏ và mặc quần áo không chỉ cho thấy một hoạt động khổ hạnh, bao gồm việc vứt bỏ ‘quần áo’ hoặc ‘thói quen’ nào đó và thay thế chúng bằng những thứ khác, đó là loại bỏ các tính hư nết xấu và đạt cho được các nhân đức. Hoạt động đó trước hết được thực hiện bằng đức tin. Trong giây phút cầu nguyện, trong Mùa Chay này, ta có thể ngồi trước Thánh Giá và với một hành động đức tin, giao nộp cho Người tất cả tội lỗi của ta, những đau khổ trong quá khứ và hiện tại của ta, khi ta lột và ném vào lửa những bộ quần áo bẩn thỉu của ta; rồi ta lại mặc lấy sự công bình mà Chúa Kitô đã mua cho ta. Người làm như thế, như người thu thuế trong đền thờ, sẽ nói: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!’ và người ấy khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính (x. Lc 18: 13-14).
Một số Giáo phụ đã tóm lược bí mật lớn lao này của đời sống Kitô hữu trong một hình ảnh. Các ngài nói: Hãy tưởng tượng rằng một trận đấu hào hùng vừa diễn ra trong sân vận động. Một người đàn ông dũng cảm đã phải đối mặt với tên bạo chúa tàn ác đang nô dịch thành phố với những vất vả và đau khổ to lớn và đã chiến thắng được hắn. Bạn đã ở trên khán đài, bạn không chiến đấu, hay làm việc nặng nhọc hay chịu bất kỳ vết thương nào. Tuy nhiên, nếu bạn ngưỡng mộ con người dũng cảm kia, nếu bạn vui mừng với anh ta về chiến thắng của anh, nếu bạn dệt vương miện hoa cho anh ta, nếu bạn hò hét kích động đám đông ủng hộ anh ta, nếu bạn cúi đầu vui mừng trước người chiến thắng, bạn hãy hôn đầu anh ấy và bạn bắt tay phải anh ấy; tắt một điều, nếu bạn phát cuồng vì anh ta đến mức coi chiến thắng của anh ta là của riêng bạn, thì tôi nói với bạn rằng bạn nhất định sẽ có phần của mình đối với giải thưởng của người chiến thắng.
Tuy nhiên, còn hơn thế nữa: giả sử người chiến thắng của bạn không cần giải thưởng mà anh ta giành được cho chính mình, nhưng mong muốn, hơn bất cứ điều gì khác, được thấy người ủng hộ của anh ta được vinh danh và coi giải thưởng trong cuộc chiến của anh ta là vương miện của bạn anh ta, thì trong trường hợp đó lẽ nào người ủng hộ viên của anh ấy lại không giành được vương miện, mặc dù người ấy không gặp khó khăn hay bị thương? Họ chắc chắn sẽ giành được nó! Những Giáo phụ này nói điều tương tự cũng xảy ra giữa Chúa Kitô và chúng ta. Chúa Kitô là người dũng cảm, trên thập tự giá đã chiến thắng bạo chúa vĩ đại của thế giới và ban cho chúng ta sự sống một lần nữa. Chúng ta được yêu cầu đừng là những ‘khán giả’ thờ ơ trước nỗi đau và tình yêu như vậy. Như thánh Gioan Kim Khẩu viết:
Kiếm của chúng ta không dính máu, chúng ta không tham gia vào cuộc chiến, chúng ta không bị thương, chúng ta thậm chí không nhìn thấy trận chiến, và này chúng ta giành được chiến thắng. Cuộc chiến là của riêng anh ấy, vương miện là của riêng chúng ta. Và vì chúng ta cũng đã chiến thắng, chúng ta hãy bắt chước những gì người lính làm trong những trường hợp này: với giọng nói vui mừng, chúng ta hãy ca ngợi chiến thắng của Chúa, chúng ta hãy hát những bài thánh ca ngợi khen Chúa.
Tất nhiên, đây không phải là kết thúc của câu chuyện. Từ chỗ đoạt được chúng ta cần chuyển sang bắt chước. Bản văn nói trên của Công đồng Vaticanô II về sự thánh thiện như một hồng ân đã tiếp tục nói rằng:‘Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống “xứng đáng như những vị thánh” (Eph 5:3) và mặc lấy “lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa và yêu thương” (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22)’.
Tuy chúng ta còn rất nhiều cơ hội khác để nghe về bổn phận noi gương Chúa Giêsu Kitô và nuôi dưỡng các nhân đức, dừng lại ở chỗ nhắc đến một lần thôi là thích hợp. Một lý do khác là, nếu không thực hiện bước nhảy vọt ban đầu trong đức tin, để mở ra cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không tiến xa đến thế trong con đường bắt chước. Như thánh Grêgôriô Cả đã nói: ‘Bạn không đi từ nhân đức đến đức tin nhưng từ đức tin đến các nhân đức’.Nếu chúng ta thực sự không muốn chia tay mà không có ít nhất một giải pháp thực tế nhỏ nào, thì đây là một giải pháp hữu ích. Sự thánh khiết của Chúa Giêsu bao gồm việc luôn làm những gì làm hài lòng Chúa Cha. Người nói: ‘Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người’ (Ga 8:29). Chúng ta hãy thử tự hỏi bản thân mình thường xuyên nhất có thể, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào và trả lời rằng: ‘Điều gì làm đẹp lòng Chúa Giêsu trong trường hợp hiện tại?’, và hãy làm điều đó ngay lập tức. Biết được ý muốn của Chúa Giêsu xem ra dễ hơn là biết theo nghĩa trừu tượng ‘thánh ý của Thiên Chúa’ là gì (mặc dù hai ý muốn trên thực tế trùng khớp). Để biết ý muốn của Chúa Giêsu, chúng ta không phải làm gì khác ngoài việc ghi nhớ những gì Ngài nói trong Phúc Âm. Chúa Thánh Thần ở đó, sẵn sàng nhắc nhở chúng ta.
1. http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_2020.11.25_udienza-generale.html.
2. x. Milan Machovec, Gesú per gli atei, Cittadella Editrice, Assisi 1973.
3.Denzinger - Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, nr. 301-302.
4.N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, IV, 6 (PG 150, 613).
5.Bernard of Claivaux, Bài giảng về Diễm Tình Ca, 61, 4-5 (PL 183, 1072).
6 x. Côlôsêô 3: 9; Rm 13:14; Ga-la-ti 3:27; E4: 24.
7. x. N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, 5 (PG 150, 516 s.).
8. Thánh Gioan Kim Khẩu, De coemeterio et de cruce (PG, 49, 396).
9. Thánh Gregorio Magno, Omelie su Ezechiele, II, 7 (PL 76, 1018).
Source:Cantalamessa
1. Đức Thánh Cha nói về cảm giác của ngài trong chuyến tông du đầy mạo hiểm tại Iraq
Trên chuyến bay trở lại Rôma từ thủ đô Baghdad vào hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng giáo sĩ Shiite hàng đầu của Iraq là một “người khiêm tốn và khôn ngoan”, và cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng 3 của hai vị là một “thông điệp phổ quát” về tầm quan trọng của tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có những người chỉ trích đã buộc tội ngài không can đảm, chỉ là người liều lĩnh, hoặc những người nói rằng ngài đã đi ngược lại giáo lý của Giáo hội rất gần với tội dị giáo. Nhưng ngài nói rằng những lời chỉ trích là một trong những rủi ro của việc cố gắng thúc đẩy đối thoại liên tôn.
“Nhưng những quyết định này luôn được thực hiện trong cầu nguyện, bàn thảo, đối thoại, xin lời khuyên và suy tư. Chúng không phải là ý thích bất chợt và chúng cũng là đường lối mà Công đồng Vatican II đã dạy chúng ta,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Grand Ayatollah Ali al-Sistani diễn ra vào ngày thứ hai trong chuyến công du lịch sử kéo dài ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq từ 5-8 tháng Ba.
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome ngày 8 tháng 3, giáo hoàng được hỏi liệu cuộc gặp với al-Sistani có phải là một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo tôn giáo của Iran hay không.
“Tôi tin rằng đó là một thông điệp phổ quát”, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời. “Tôi cảm thấy bổn phận trong cuộc hành hương đức tin và sám hối này là phải đi tìm một vĩ nhân, một người khôn ngoan, một người của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng những phẩm chất này chỉ có thể được cảm nhận khi lắng nghe al-Sistani.
Cuộc gặp gỡ này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo dòng Shiite.
Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả cuộc gặp gỡ với al-Sistani là “rất đáng trân trọng”, nói thêm rằng ngài cảm thấy vinh dự khi giáo sĩ Shiite 90 tuổi đứng dậy chào ngài hai lần, điều mà ông thường không làm vì sức khoẻ kém.
Mô tả nhà lãnh đạo tôn giáo như một người có trí tuệ và sự thận trọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng những người khôn ngoan ở khắp mọi nơi, bởi vì “Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được truyền bá khắp thế giới.”
Nói về chuyến viếng thăm Mosul, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi dừng lại trườc ngôi nhà thờ bị phá hủy và tôi nghẹn lời. Đó là một điều gì đó bạn không thể tin được, bạn không thể tin được. Không chỉ có ngôi nhà thờ này mà còn cả những nhà thờ khác và một đền thờ Hồi Giáo cũng bị phá hủy. Các bạn có thể thấy rằng họ, tức là quân khủng bố Hồi Giáo IS, đã không đồng ý với người dân ở địa điểm này. Không thể tưởng tượng được sự tàn ác của nhân loại chúng ta.”
Source:Catholic News Agency
2. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo trong vùng Trung Đông cho rằng chuyến tông du đầy mạo hiểm của Đức Thánh Cha Phanxicô là một phép lạ.
Nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, là người tháp tùng Đức Thánh Cha trên chuyến bay sang Baghdad có bài nhận định sau về dư luận tại Iraq đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Mặc dù tác động của các chuyến tông du của một vị Giáo Hoàng thường khó đánh giá ngay lập tức, nhưng những cảnh báo như vậy có ý nghĩa rất ít đối với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo địa phương của Iraq. Các vị đã nhanh chóng tuyên bố chuyến thăm từ ngày 5 đến 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia của các ngài là một “phép lạ” vào hôm Chúa Nhật.
“Tâm lý, văn hóa, đã bắt đầu thay đổi”, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako nói với các nhà báo hôm Chúa Nhật, khi ngài đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Qaraqosh từ Mosul, hai thành phố bị tàn phá bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ năm 2014 đến 2017.
“Đầu tiên, là sự chờ đợi Đức Giáo Hoàng, và sau đó là sự hiện diện của ngài, đã tạo ra một điều kỳ diệu”, Đức Hồng Y Sako nói.
Ngài lập luận rằng tình hình đối với các tín hữu Kitô ở Iraq, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây ra tội ác diệt chủng và nơi những người theo Chúa Giêsu từ lâu đã bị phân biệt đối xử, và thường bị coi là công dân hạng hai, đang thay đổi.
“Tình hình đã thay đổi rồi, bây giờ mọi người đang nói về chúng tôi, về lịch sử của những Kitô hữu ở Iraq và Trung Đông. Họ nói rằng ‘vùng đất này là của họ, chúng ta đến sau’, tức là họ bắt đầu sử dụng một ngôn ngữ hoàn toàn khác thể hiện sự tôn trọng đối với các tín hữu Kitô, khuyến khích các Kitô hữu ở lại, để xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau”, ngài nói.
Đức Tổng Giám Mục Youhanna Jihad Mtanos Battah, Tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Syriac của Damascus, cũng đồng ý như thế: Mọi người đều rất vui mừng được chào đón Đức Giáo Hoàng, và “chuyến đi này rất quan trọng trong hành trình đối thoại. Đó là một lá thư cho hòa bình”.
“Iraq đã phải chịu đựng rất nhiều”, ngài nói với các phóng viên. “Họ đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh… Vì vậy, một chút sức mạnh, một chút can đảm là cần thiết cho những người dân đang chờ đợi việc tái thiết Iraq này. Đó là một chuyến thăm rất quan trọng”.
Đức Tổng Giám Mục Battah nói thêm rằng Syria hiện cũng đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bởi vì “chiến tranh đã gần kết thúc”.
Hai vị giám mục đã nói chuyện riêng với các nhà báo tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ở Qaraqosh, thành phố Kitô Giáo lớn nhất ở Iraq, nằm ở vùng đồng bằng Ninivê, một dải đất nằm giữa miền bắc Iraq và Kurdistan, là khu vực tự trị phía bắc dành cho người Kurd. Cả hai vị đã vào trong, nhưng cùng nhau rời khỏi nhà thờ, hướng ra sân để chụp ảnh với nhau, rõ ràng là các ngài rất vui khi gặp nhau.
Đức Tổng Giám Mục Mtanos đến Qaraqosh, cách biên giới Syria khoảng 320km, chỉ để được gặp Đức Giáo Hoàng. Ngài cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố này là ngày “Chúa Nhật Lễ Lá đến sớm”.
Khi được hỏi về khả năng Kitô Giáo biến mất khỏi Trung Đông, một ý tưởng thường được các nhà lãnh đạo Kitô đưa ra, đặc biệt là kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổi dậy, vị Tổng Giám Mục người Syria đã bác bỏ ý kiến này một cách dứt khoát.
“Chúng tôi đã ở đây, và chúng tôi sẽ ở lại đây”, ngài nói. “Trung Đông không có Kitô hữu trở nên rất nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ các tín hữu Kitô ở lại đất nước của họ. Điều này là rất quan trọng”.
Ngài nhấn mạnh thêm lần nữa rằng: “Chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi rất ít, nhưng chúng tôi ở đây. Điều này rất quan trọng”, và lưu ý thêm rằng các Kitô hữu có thể là “cầu nối” với người Hồi giáo, như trong trường hợp của Đức Hồng Y Sako, là người đã “mời Đức Giáo Hoàng, một nhân vật quan trọng, và ngài đã đến Iraq. Và điều này là quan trọng đối với tất cả người dân Iraq”.
Thế giới ngày nay hầu như đã bỏ mặc Iraq cho các cuộc chiến bất tận giữa Hồi Giáo Sunni và Hồi giáo Shiite. Không ai chú ý đến họ, mà nếu có chú ý thì cũng chỉ là mong mỏi cho cảnh huynh đệ tương tàn càng ngày càng trầm trọng hơn để đục nước béo cò. Người dân Iraq nhận ra, cứ tiếp tục chiến tranh họ sẽ đi dần đến chỗ diệt vong. Đức Thánh Cha đến và hô hào hòa bình như một thông lộ duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Báo chí Iraq chạy các hàng tít lớn: “Đức Giáo Hoàng có lý.”
Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các tín hữu Kitô ở lại Trung Đông thay vì di cư, và nói đùa rằng điều này “ít tốn kém hơn”.
Liên quan đến chuyến thăm có thể có đến Syria, Đức Tổng Giám Mục Mtanos nói rằng “tất cả chúng tôi đều chờ đợi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến vào năm 2001. Có thể lắm, tôi không hiểu tại sao lại không”.
Sau khi một phóng viên chỉ ra rằng khi giáo hoàng Ba Lan ở Syria, không có một cuộc chiến nào đang diễn ra - như trường hợp bây giờ, với một cuộc xung đột đã diễn ra trong gần mười năm, vị tổng giám mục lập luận rằng cuộc chiến vẫn chỉ diễn ra ở phía Đông Bắc, nhưng các thành phố như Damascus và Aleppo đều yên bình.
“Chúng tôi gần như kết thúc chiến tranh”, ngài nói. “Và chuyến thăm sẽ mang lại cho chúng tôi sự bình yên hơn nữa. Mọi người đều yêu mến vị giáo hoàng này, bởi vì ngài cởi mở. Ngay cả những người theo đạo Hồi cũng đã chào đón Đức Giáo Hoàng”.
Đức Hồng Y Sako nói tiếp rằng niềm vui cho chuyến thăm lịch sử trong một thời điểm phức tạp như hiện nay có thể cảm nhận được ở khắp Iraq, giữa các tín hữu Kitô, người Hồi giáo và những người theo các tôn giáo khác.
“Ngài đã mang lại cho chúng tôi niềm an ủi, hy vọng, nhưng quan trọng hơn nữa là tình huynh đệ”, ngài nói. “Mọi người đều cảm động”.
Đề cập đến một khoảnh khắc lịch sử khác của chuyến đi, là cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Hồi giáo Shiite Ali al-Sistani, Đức Hồng Y Sako nói rằng vị Đại Giáo Trưởng đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng ông chưa thể tiếp đón các chính trị gia tham nhũng ở thành phố Najaf, được coi là thánh địa của Hồi giáo Shiite, nhưng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là “lịch sử,” và nhắc lại rằng “tình huynh đệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo là cần thiết”, khi ông nghĩ đến tuổi trẻ, “bởi vì họ là tương lai của thế giới”.
Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha vị Đại Giáo Trưởng đã không muốn thấy mặt các chính trị gia trong thành phố Najaf, mặc dù tất cả họ đều là những người Hồi giáo Shiite, vì ông cáo buộc họ tội tham nhũng. Ngoài Đức Thánh Cha, trong cuộc gặp gỡ này chỉ có thêm Đức Hồng Y Louis Sako, Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, và một cha phiên dịch.
Theo Đức Hồng Y, Đức Phanxicô nói đây là một “cuộc hành hương của hòa bình”, rằng chuyế tông du này “cần thiết cho tất cả mọi người để hoán cải hướng về Chúa, và nghĩ đến tình nhân loại chứ không phải chủ nghĩa giáo phái”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến thăm Iraq ngày 5-8 tháng 3 bằng một thánh lễ ở Erbil, thủ đô của Kurdistan. Với một đám đông ước tính khoảng 10,000 người, hầu như không ai có ý định tôn trọng các biện pháp chống COVID-19. Đức Thánh Cha hứa rằng Iraq “sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi”.
“Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ thiện ích chung và hòa bình.”
Source:Crux