Ngày 09-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/03: Tấm lòng của Ông Chủ Vườn Nho và Tá Điền – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến.
Giáo Hội Năm Châu
02:01 09/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây: Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” Đức Giê-su bảo họ: “Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao?
Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”
Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

Đó là lời Chúa
 
Khát vọng của con người
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
02:53 09/03/2023


Không gì trên đời lấp đầy khát vọng của con người

Con người có nhiều khao khát: khát tiền, khát quyền lực, khát danh vọng, khát hạnh phúc, khát lạc thú…

Nhưng không gì trên đời có thể lấp đầy những khát vọng đó.

Chưa có tiền thì khao khát có được ít tiền. Có tiền rồi thì muốn có nhiều hơn và cứ thế mãi không dừng.

Chưa có quyền thì khao khát cho có, có rồi thì khát được nhiều quyền hơn… không bao giờ no thoả.

Vì thế, ông Arthur Schopenhauer (1788-1860), một triết gia người Đức cho rằng: “Những lạc thú (như ma túy, thuốc lá, rượu bia… chẳng hạn) mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm nhỏ bé bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói lúc này, rồi lát sau lại đói.”

Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng (như ham muốn xác thịt chẳng hạn) không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.

Người phụ nữ xứ Sa-ma-ri trong Tin mừng hôm nay (Ga 4, 5-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải lần lượt chia tay với cả năm, để mưu tìm hạnh phúc với người thứ sáu. Rốt cuộc chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp…

Chính vì thế nên Chúa Giê-su khẳng định với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại.” Với những lời này, Chúa Giê-su muốn cho ta biết không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.

Chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy khát vọng con người

Xưa kia, tâm hồn của Augustinô cũng bị giày vò bởi nhiều khao khát, nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy con tim khao khát của ngài. Mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mô-ni-ca, Augustinô mới khám phá Thiên Chúa là Nguồn Suối đáp ứng khát vọng của ngài và làm cho tâm hồn ngài dạt dào niềm vui. Bấy giờ lòng đầy hoan lạc, Augustinô thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”

Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14)

Lạy Chúa Giê-su,

Không có gì trên đời có thể lấp đầy khát vọng của con người. Vì thế, xin cho chúng con đừng mải mê, đua tranh tìm kiếm lạc thú và hạnh phúc chóng qua đời này, nhưng biết không ngừng tìm kiếm và khám phá Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực mang lại hoan lạc và sự sống vĩnh cửu cho chúng con.
 
Cái Khát Của Con Người
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:31 09/03/2023
Cái Khát Của Con Người

(Chúa Nhật III Mùa Chay A)

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III mùa Chay, đặc biệt bài đọc thứ nhất (Xh 17,3-7) và bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) hướng chúng ta đến chủ đề “nước”. Đi trong sa mạc, dân Chúa xưa đã nổi loạn với Môsê vì thiếu nước và Thiên Chúa đã ban cho họ nước chảy ra từ tảng đá tại Horeb. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu đã dừng chân bên giếng nước Giacob, Người đã xin một phụ nữ Samaria chút nước và Người hứa ban cho chị ta nước trường sinh.

Nói đến nước là nói đến một trong những nhu cầu căn bản của con người xét như loài có sự sống. Thiếu nước là như sự chết đang cận kề. Người ta có thể vượt qua những thiếu thốn của cải, tiện nghi… và người ta cũng có thể chịu đựng cái đói trong một thời gian khá dài, trên dưới một tháng, thế nhưng không một ai có thể cầm cự với cái khát quá dăm bảy ngày. Chính vì thế mà việc đáp ứng nhu cầu khát nước trở thành một việc cấp thiết mang tính sống còn. Vượt trên các loài sinh vật bậc thấp, loài người chúng ta ngoài cái khát tự nhiên là khát nước thì còn có nhiều nổi khát xuất phát từ nhu cầu của sự phản tỉnh hay sự tự nhận biết về hiện hữu của mình.

A. Những cái khát của kiếp nhân sinh:

1. Khát mong được nhìn nhận: Tôi là một con người. Đây là một chân lý hiển nhiên. Thế mà vẫn đã từng có, trong quá khứ và ngay cả hôm nay, rất nhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người. Đó là trẻ em, phụ nữ, người nô lệ, người bất hạnh, quả phụ, cô nhi, ngoại kiều, người nghèo hèn, kém phận… Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy rõ hiện tượng này. Các Ngôn sứ đã không ngừng lên tiếng về đề tài này. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacob phải chăng không là ngoại lệ. Dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà có thể chị chưa được nhìn nhận như là một người vợ? Phải chăng chị vẫn còn bị xem như một thứ “sở hữu” của người chồng?

Khi sinh thời mẹ Têrêxa thành Calcutta gặp gỡ rất nhiều người bất hạnh, xấu số. Sau khi gặp mẹ, họ đã từng tâm sự rằng họ mãn nguyện vì cho dẫu chưa được sống như một con người thì họ cũng đã được chết như một con người. Chúa Kitô mạnh mẽ tuyên bố rằng không cần đã giết người thì mới bị đoán phạt, nhưng nếu loại bỏ tha nhân từ trong tâm trí và lối ứng xử của ta tức là không nhìn nhận tha nhân như là một con người thì ta cũng đã đáng bị trừng phạt (x.Mt 5,21-22).

Người ta không chỉ khát khao được nhìn nhận như một con người mà con mong được nhìn nhận như là một người khác. Điều này nói lên sự độc lập, khác biệt của tha nhân đối với ta. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, dù nỗ lực làm cho “mình với ta, tuy hai mà một” nhưng họ vẫn phải luôn ý thức để tôn trọng sự thật “ta với mình, tuy một mà vẫn là hai”. Quả thật người ta sẽ chẳng còn là chính mình một khi bị đồng hóa do bởi một ai đó hay bởi một thế lực nào đó.

2. Khát mong được chấp nhận và được đón nhận: Được nhìn nhận như là một con người, như là một người khác vẫn chưa đủ nếu ta không được kẻ khác chấp nhận và đón nhận. Từ đáy sâu thẳm của từng người, luôn có đó khát mong được tha nhân chấp nhận và đón nhận mình như mình đang là, đang có. Một trong những lẽ sống của con người là khi thấy mình còn có giá trị, đang còn hữu ích cho ai đó. Và điều này được chứng thực khi tha nhân chấp nhận và đón nhận ta. Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến cho nhiều người, kể cả giới trẻ tìm đến cái chết bằng sự tự vẩn thì người ta nhận ra một trong những nguyên nhân chính đó là vì họ mang mặc cảm bị người chung quanh khước từ hay loại bỏ.

Con người chúng ta thường bị cám dỗ chấp nhận hay đón nhận kẻ khác“với điều kiện”. Người ta phải thế này, phải thế kia thì tôi mới nhận, mới tiếp. Có những điều kiện mang tính khách quan, nhưng cũng không thiếu những điều kiện mang tính chủ quan hoặc duy ý chí. Điều này mặc nhiên nói lên rằng ta sẽ chỉ nhận nhau khi hội đủ điều kiện theo ý mình và nếu vì lý do gì đó mà không đủ điều kiện thì sẽ bị loại trừ.

B. Chúa Kitô: Đấng giải khát cho nhân loại.

“Chị cho tôi xin chút nước uống”. Khi mở miệng xin người phụ nữ chút nước, Chúa Giêsu nhìn nhận sự hiện hữu của chị và cả sự cần thiết của chị. Tin mừng tường thuật Chúa Giêsu đi đường mỏi mệt, Người đang cần nước uống và Người không có gầu. Như thế việc Người xin chị phụ nữ cho chút nước là một việc tự nhiên, rất thật của đời thường. “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”. Không đơn thuần là câu hỏi vặn ngược mà thực chất là lời khẳng định của chị: Dù là Samaria, dù là phụ nữ, thì tôi cũng là một con người như ông và ông đang cần tôi. Chị Samaria đã được giải khát, môt cái khát nền tảng của kiếp nhân sinh là được nhìn nhận.

“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời giới thiệu của chị phụ nữ với dân làng đã nói lên sự thỏa khát vô bờ của chị. Chị đã được Chúa Giêsu đón nhận như chị đang là, dù chị đã trãi đời với năm người đàn ông và đang chung sống bất chính với người thứ sáu. Mà chắc gì người thứ sáu này sẽ nhận chị! Chúng ta đừng quên thời bấy giờ hiếm có chuyện đàn bà bỏ đàn ông mà ngược lại.

Các Ngôn sứ thường lên án tội lỗi của dân Chúa xưa và loan báo các hình phạt họ phải chịu. Thế nhưng sau đó lại gợi mở về sự khoan dung tha thứ của Chúa. “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nỗi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!...Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,7-8). Mọi người và mỗi người đều có chỗ đứng trong Trái Tim Cực thánh của Đấng Cứu Độ. Không một ai là đồ bỏ đi. Bất cứ ai cũng đều được Thiên Chúa đón nhận, chỉ trừ khi họ cố tình khước từ. Vì đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 12,32).

“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước trường sinh” (Ga 7,38). Biết bao con người đang khát ở quanh ta. Là Kitô hữu, ước gì chúng ta góp phần giải khát cho tha nhân khi nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Noi gương Đức Giêsu, chúng ta sẽ tiếp cận với người ngoại giáo như thế nào ?
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
10:35 09/03/2023
Noi gương Đức Giêsu, chúng ta sẽ tiếp cận với người ngoại giáo như thế nào?

(Suy niệm Chúa nhật 3 Mùa Chay)

Dẫu biết rằng Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trên khắp vũ trụ này. Nhưng tại sao chúng ta lại phải tìm mọi cách để truyền giáo, để mời gọi mọi người trở về nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Người? Là Thiên Chúa toàn năng, có quyền trên mọi sự, tại sao Người không phán một lời để cả thế giới, cả nhân loại này tin vào Người luôn? Tại sao Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thế làm người không tự mình đi truyền giáo và kêu gọi mọi người tin vào Thiên Chúa để được cứu độ mà lại mong muốn các ki-tô hữu lên đường loan báo Tin mừng khắp muôn nơi? Và đâu là cách thức mà Đức Giê-su tiếp cận người ngoại giáo? Đâu là cách thức truyền giáo cho dân ngoại hôm nay đối với chúng ta, là những ki-tô hữu?

Giữa một thế giới rộng lớn này, số người tin vào Chúa còn đang nằm trong con số khiêm tốn. Là những ki-tô hữu, chúng ta có trách nhiệm để lên đường ra đi loan báo Tin mừng. Đây là mệnh lệnh và sứ vụ của chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Bí tích Thánh Tẩy: được rửa tội và được sai đi. “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”(Mt 9,38). Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể tiếp cận được với những anh chị em chưa nhận biết Chúa? Nếu như chưa có ai hướng dẫn và trở nên gương mẫu cho chúng ta?

Ngang qua bài Tin Mừng của Chúa nhật 3 Mùa Chay hôm nay, chúng ta bắt gặp một Giê-su thật gần gũi, thân thiện, dễ mến khi Ngài tiếp xúc với người phụ nữ Sa-ma-ri. Đối với người Do Thái, dân Sa-ma-ri là dân ngoại, dân ô uế, dân không được tiếp xúc và gặp gỡ. Họ được coi là kẻ thù của người Do Thái. Trước một não trạng khinh bỉ và loại trừ như thế, chúng ta thấy Đức Giê-su xuất hiện như muốn phá tan mọi hiềm khích và khoảng cách giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri. Ngang qua việc xin nước để uống, Đức Giê-su như là người đi bước trước để gặp gỡ và nói chuyện. Ngài dám vượt qua những khoảng cách của quá khứ để tiếp cận và đối thoại thân thiện với người phụ nữ người Sa-ma-ri, người dân ngoại. Cuộc trò chuyện ban đầu xem ra rất gây cẩn nhưng dần dần đã chuyển thành dễ thương và dễ mến. Từ người đi xin nước uống cho thể xác, Đức Giê-su đã mạc khải nước hằng sống, nước trường sinh là chính Ngài cho chị người Sa-ma-ri. Bây giờ Ngài sẽ là Người sẽ ban phát nước hằng sống cho chính chị và mọi người. Một sự hoán đổi đem lại sự sống đời đời sau khi gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô.

Một Đức Giê-su đã thấu suốt tâm can con người khi Ngài biết rõ thân phận của người phụ nữ Sa-ma-ri này. Giữa con người với nhau rất khó để biết đến tâm hồn và cõi riêng tư, nhưng vì là Thiên Chúa, Đức Giê-su nắm rõ mọi sự về đời tư của người phụ nữ này. Đây mới là điều mà người phụ nữ đã nhận ra Đức Giê-su là ngôn sứ. Không những là ngôn sứ, mà chính Đức Giê-su đã mạc khải cho người phụ nữ biết Ngài là Đấng Mê-si-a, là Đấng Cứu Độ duy nhất. Vì được nhận biết cách tỏ tường về cuộc đời mình và được đón gặp Đấng Thiên Sai, người phụ nữ đã vội vàng vào làng để loan báo tin vui cho dân làng Sa-ma-ri. Niềm vui chia sẻ niềm vui nhân. Người phụ nữ Sa-ma-ri đã trở nên nhà loan báo Tin mừng cách thiết thực sau khi đã gặp Đức Giê-su. Sau khi dân làng tiếp cận Đức Giê-su, con người của sự gần gũi và dễ mến, thánh thiện và hoà nhã, dân làng đã mời Ngài ở lại với họ trong hai ngày. Chính họ đã nhận ra được nhiều điều tốt lành thánh thiện phát xuất từ Đức Giê-su mà không cần phải nghe người phụ nữ Sa-ma-ri kể lại. Càng gặp gỡ Đức Giê-su, con người càng khám phá ra giá trị và bình an trong tâm hồn. Dù là lương dân hay người ngoại, họ đều mong cuộc sống hạnh phúc và may mắn. Đức Giê-su xuất hiện như là vị hoàng tử hoà bình, như là mục tử yêu thương và hình ảnh của vị Thiên Chúa nhân hậu và từ bi đã làm cho dân ngoại, mà đại diện là người phụ nữ Sa-ma-ri cảm nhận được niềm vui ơn cứu độ.

Có thể nói rằng hôm nay Đức Giê-su đã thành công khi đến với dân ngoại. Ngài đã không bị đuổi đi nhưng đã được mời vào làng. Để tiếp cận được dân ngoại, lương dân, cụ thể là dân Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã dám can đảm vượt qua những ngăn cách của tôn giáo, của sự tò mò của các tông đồ và khinh bỉ của dân Do Thái. Ngài đã tiếp cận một cách tiệm tiến từ việc xin nước, đến việc giới thiệu chính mình là nguồn nước hằng sống, là ngôn sứ, là Đấng Mêsia. Nhờ việc tiếp cận đơn sơ và gần gũi này, mà dân ngoại đại diện là người phụ nữ Sa-ma-ri đã thay đổi thái độ từ xa cách, khó gần đến gần gũi, sẵn sàng tiếp chuyện và từ đó nhận ra được Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Độ. Nhờ cuộc gặp gỡ này mà Đức Giê-su mạc khải cho mọi người rằng việc thờ phượng Thiên Chúa không phải ở núi Garidim hay tại Giê-su-ra-lem nhưng thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.

Nhìn từ một góc độ khác, bài tường thuật về người phụ nữ Sa-ma-ri là một dụ ngôn về cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta là người phụ nữ Sa-ma-ri ấy. Cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Gia-cóp ấy là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giê-su; cách Chúa dùng để dẫn người phụ nữ ấy đến chỗ nhận ra và yêu mến Người cũng là cách Chúa dùng để hoàn thành cuộc hoản cải của chúng ta, từng bước một. Cuối cùng người phụ nữ ấy trở thành môn đệ Người, và qua kinh nghiệm này chị cũng trở nên người tông đồ của Chúa: Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng. (c.39). Hiểu biết Chúa Giê-su như vậy là nguồn của việc tông đồ. Rao giảng Tin mừng là chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta với người khác.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 09/03/2023

12. Trong tất cả các thánh, chúng ta đi tìm đâu được một vị rất thương xót chúng ta -là những người bất hạnh- hơn Đức Mẹ Ma-ri-a chứ?

(Thánh Antonius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 09/03/2023
82. CÁO MƯỢN OAI HÙM

Con hổ xưng hùng xưng bá ở trong rừng sâu, bắt muôn thú mà ăn.

Một hôm, nó bắt được một con cáo, con cáo làm bộ điệu rất oai nghiêm, nói:

- “Mày làm sao mà dám ăn thịt tao, thượng đế đã ra lệnh cho tao làm thủ lĩnh bách thú, thống soái muôn chim, nếu ngươi ăn tao, tức là vi phạm lệnh của trời. Mày không tin sao, vậy thì mày ở sau lưng và cùng đi với tao, để coi có con thú nào mà không dám chạy chứ?”

Con hổ liền đi sau nó.

Quả nhiên, muôn thú nhìn thấy nó liền ùn ùn chạy trốn, từ đó con hổ rất cung kính con cáo như các quan đối với nhà vua vậy.

(Chính Quốc sách)

Suy tư 82:

Thời xưa cũng như thời nay, có những người thường ỷ vào mình quen ông này bà nọ làm lớn, mà tác oai tác quái với người khác, và những ông bà làm lớn vì được họ nịnh nên thường làm lơ trước sai trái của họ:

- Trong một tập thể, có người ỷ mình là con nuôi ông thủ trưởng mà lên mặt sai bảo anh em đồng nghiệp, lại còn tự do cho mình có quyền ngang hàng như thủ trưởng làm trước báo cáo sau, gây xáo trộn trong tập thể.

- Trong cơ quan ỷ mình là bồ nhí của thủ trưởng, thế là vênh mặt kiêu hảnh chanh chua với đồng nghiệp...

Muôn thú chạy dài không phải vì sợ con cáo, mà là sợ con hổ đang đi sau lưng con cáo, vì nó mượn oai của con hổ.

Cũng vậy, dựa vào người quyền thế hoặc người có địa vị để kiêu căng phách lối với người khác là bản chất của bọn tiểu nhân và cơ hội, mà làm kẻ tiểu nhân và cơ hội thì ai cũng có thể, ngoại trừ người quân tử. Mà mục đích của kẻ tiểu nhân và cơ hội là gây chia rẻ nội bộ để đạt được mục đích riêng của mình, bởi vì chính bản thân của họ không làm gì được mà chỉ cậy dựa vào người khác mà thôi...

Ai hiểu thì không muốn làm kẻ tiểu nhân và cơ hội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án một sinh viên Công Giáo 8 năm rưỡi tù giam
Đặng Tự Do
05:18 09/03/2023


Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án nhà hoạt động sinh viên là anh Dmitry Ivanov 8 năm rưỡi tù giam khi Điện Cẩm Linh leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến phản chiến.

Ivanov, 23 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ và sinh viên khoa học máy tính, một giáo dân của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa người điều hành kênh Telegram “Cuộc biểu tình tại Đại học quốc gia Mạc Tư Khoa, đã bị xét xử với tội danh truyền bá thông tin sai lệch nhằm làm mất uy tín của quân đội Nga, theo một đạo luật được ban hành sau Nga phát động cuộc xâm lược của nó.

Trong một bài phát biểu tại phòng xử án ngay trước khi tuyên án, Ivanov nói:

“Hòa bình cho Ukraine, tự do cho nước Nga! Trường hợp của tôi không nên làm các bạn sợ hãi. Chúng ta phải làm rất nhiều để sống ở đất nước mà chúng ta xứng đáng có được và để chấm dứt cuộc chiến này.”

“Bạn phải hiểu rằng Nga không phải là Putin. Hàng chục triệu người Nga đang chống lại cuộc chiến tranh tội ác này… Đây là thời khắc đen tối trong lịch sử của chúng ta, nhưng nó luôn đen tối nhất trước bình minh,” Ivanov nói thêm.

Ivanov là thành viên của một nhóm nhỏ các nhà hoạt động phản chiến đã ở lại Nga sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin bất chấp nguy cơ bị bắt giữ ngày càng tăng.

Phát biểu với Guardian năm ngoái, Ivanov tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine.

“Tôi không nghĩ mình nên sợ hãi hay chạy trốn. Đây là đất nước của tôi,” anh ấy nói vào thời điểm đó.

Giờ đây, Ivanov tham gia vào một nhóm ngày càng nhiều những người bất đồng chính kiến nổi tiếng khác đã bị bỏ tù vì lên tiếng phản đối chiến tranh, bao gồm các chính trị gia đối lập Ilya Yashin và Vladimir Kara-Murza.
Source:Guardian
 
Nhà thờ độc đáo ở Rôma này lưu giữ hàng ngàn câu chuyện về các vị tử đạo thời hiện đại
Đặng Tự Do
05:22 09/03/2023


Nép mình giữa những dòng chảy xiết của Tiber và bên dưới những cây cổ thụ trăm tuổi dọc theo bờ sông là l'Isola Tiberina hay Đảo Tiber. Mảnh đất nhỏ này, được bao quanh bởi một bên là khu phố Do Thái và một bên là khu phố Trastevere, có Vương cung thánh đường San Bartolomeo all'Isola hay Thánh Bácthôlômêô trên Đảo. Nhà thờ này có một nét độc đáo bên cạnh vị trí địa lý, vì nó lưu giữ ký ức và thánh tích của các vị tử đạo thế kỷ 20 và 21.

Để chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy Ban Các Vị Tử Đạo Mới, để điều tra sự tử đạo của các Kitô hữu trong thế kỷ 20. Để làm nổi bật công việc của cơ quan này, Đức Thánh Cha đã quyết định cung hiến Vương Cung Thánh Đường San Bartolomeo cho những chứng nhân đức tin mới này.

Trên thực tế, nhà thờ, được điều hành bởi Cộng đồng Thánh Egidio, được chia thành các nhà nguyện có các vị tử đạo hiện đại từ các khu vực hoặc khoảng thời gian cụ thể.

Thánh tích của Thánh Maximilian Kolbe

Thánh Maximilian Kolbe là một linh mục dòng Phanxicô người Ba Lan đã hy sinh mạng sống của mình vào năm 1941 để cứu người chồng và người cha bị kết án tử hình trong trại tập trung Auschwitz. Nhà nguyện lưu giữ thánh tích và cuốn sách cầu nguyện của vị Thánh.

Chân phước Maria Restituta: bị chém đầu vì treo thánh giá

Trong nhà nguyện có một cây thánh giá của Chị Maria Restituta, người đã bất chấp Đức Quốc xã bằng cách treo những cây thánh giá trong bệnh viện mà chị ấy làm việc. Cuối cùng chị ấy đã bị bắt và sau đó bị chặt đầu vào năm 1943.

Một linh mục thuộc Giáo hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương được phong chân phước, là người đã cố gắng cứu người Do Thái bằng cách trao giấy chứng nhận rửa tội

Một biểu tượng của Cha Emilian Kovch được treo trong Nhà nguyện để tưởng nhớ vị linh mục của Giáo hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương này, và là cha của sáu người con, người đã chết trong trại tập trung sau khi cố gắng cứu hàng trăm người Do Thái.

“Tôi không hổ thẹn về Phúc Âm […] đó là quyền phép của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin”

Nhà thờ cũng bao gồm những câu chuyện của các cá nhân thuộc các hệ phái Kitô khác. Một ví dụ là một lá thư được viết bởi mục sư Tin lành, Paul Schneider, cho các thành viên trong gia đình ông khi ông ở trại tập trung Buchenwald ở Đức. Sau đó, ông qua đời ở đó vào năm 1939, để lại vợ và sáu người con. Tuy nhiên, có bằng chứng về việc Mục sư Schneider không muốn khuất phục chế độ Quốc xã ngay từ năm 1933.

“Chúa Nhật tuần trước tôi lại giảng về Rô-ma 1:16. Vì tôi không xấu hổ về Tin Mừng; vì đó là quyền phép của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin đầu tiên là người Do Thái và sau đó là người Hy Lạp. Tôi không tin rằng Giáo hội Tin lành của chúng ta sẽ có thể tránh được một cuộc đối đầu với nhà nước Đức Quốc xã, thậm chí nó sẽ không thể trì hoãn điều đó lâu hơn nữa,” ông viết vào tháng 10 năm 1933, sau một lời phàn nàn ban đầu về việc rao giảng của mình. Mục sư Schneider tiếp tục lên án mạnh mẽ ý thức hệ Quốc xã và công khai bênh vực người Do Thái. Cuối cùng ông bị bắt và sau đó bị trục xuất đến Buchenwald vào năm 1937.

Một lá thư từ một giám mục Tin Lành Lutheran quan trọng của Ba Lan

Một ví dụ khác là một bức thư của giám mục Lutheran người Ba Lan, Juliusz Bursche, mà ông đã gửi cho các thành viên gia đình của mình từ trại tập trung Sachsenhausen ở Đức. Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Giám mục Bursche đã giúp thành lập Nhà thờ Tin lành Augsburg, một giáo phái Lutheran, ở Ba Lan. Nó được công nhận hợp pháp vào năm 1937 và ông được đề cử làm giám mục đầu tiên.

Giám mục Bursche nói: “Nhiệm vụ của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, không phải rao giảng hệ ý thức hệ quốc gia của Đức hay Ba Lan. Ông bị chính quyền Đức bắt giữ vào năm 1939 và sau đó qua đời vào năm 1942. Người ta ước tính khoảng 30% giáo sĩ Tin lành của Ba Lan đã chết trong các trại tập trung trong Thế chiến thứ hai.

Một trong 108 vị tử đạo Ba Lan

Trong nhà nguyện có một lá thư được viết bởi Stanislaw Starowieysky, một giáo dân người Ba Lan đã được phong chân phước trong nhóm 108 vị tử đạo Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Trước chiến tranh, ông là một thành viên tích cực của Giáo hội và đã giúp tổ chức Đại hội Thánh Thể cấp Giáo phận ở Chelm và hỗ trợ Công giáo Tiến hành. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã giúp nhiều người chạy trốn và tị nạn trong nhà của mình cho đến khi bị bắt vào năm 1939. Sau một lần trốn thoát ban đầu, ông bị quân Đức bắt lại vào năm 1940 và cuối cùng bị đưa đến trại tập trung Dachau. Là cha của sáu người con, ông qua đời ngày 13 tháng 4 năm 1941, vào đêm giữa Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Kasper cảnh báo Giáo hội Đức đang lao vào ly giáo
Đặng Tự Do
05:23 09/03/2023


“Bạn không thể phát minh ra một đạo Công Giáo mới”, Đức Hồng Y Walter Kasper nói trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan KNA của Đức, đề cập đến các đề xuất về Tiến Trình Công Nghị của Đức.

Cựu chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo nhấn mạnh rằng sáng kiến này “hiện đang lao đầu vào một số ảo tưởng”, mặc dù tính đồng nghị đã là một phần trong đời sống của Giáo hội ngay từ đầu. Ngài lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Tiến Trình Công Nghị có thể không muốn có sự ly giáo, nhưng nó có thể “rơi vào tình trạng ly giáo”, giống như “các cường quốc đã tham gia Thế chiến thứ nhất hơn một trăm năm trước, ngay cả lúc đầu không ai thực sự muốn có một cuộc chiến”.

Sự cần thiết của sự khiêm tốn

Vị Hồng Y người Đức chỉ ra rằng hành trình thượng hội đồng cũng nên “nghiêm túc xem xét các câu hỏi đến từ các hội đồng giám mục khác”. Đừng hành động như bạn đã nắm bắt được sự thật. Điều này luôn khiến người Đức không được ưa chuộng ở nước ngoài. Khi tôi gặp các Hồng Y ở Rome, họ lắc đầu về người Đức.

Đức Hồng Y bác bỏ khả năng các quyết định của cuộc hành trình đồng nghị nhận được sự chấp thuận của Giáo hội hoàn vũ, ngay cả khi có những cá nhân ở các quốc gia khác cũng nghĩ như vậy. Nhưng họ không phải là đa số. Ví dụ, điều này áp dụng cho việc phong chức cho phụ nữ, hoặc ý tưởng về sự tham gia dân chủ vào việc quản lý Giáo hội. Giáo Hội không phải là một nền dân chủ! Trên hết, về chủ đề này, nhiều điều chưa được nghĩ đến về mặt thần học hoặc từ quan điểm của truyền thống, Đức Hồng Y Kasper nói, đề cập đến các đề xuất của đồng bào của mình.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng Giáo hội đang trải qua một cuộc cách mạng mang tính thời đại và không thể tiếp tục hoạt động như trước đây. “Nhưng tương lai của Giáo hội sẽ cụ thể như thế nào thì không ai trong chúng ta biết cả”, Đức Hồng Y Kasper, người vừa mới tổ chức sinh nhật lần thứ 90 của mình hôm Chúa Nhật 5 tháng Ba vừa qua.

Các giám mục Đức muốn thay đổi

Hầu hết các thành viên của hội đồng giám mục Đức muốn dân Chúa tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định, cũng như thuyết phục Vatican về đường lối cải cách của Tiến Trình Công Nghị Đức, trong khi lờ đi những lời chỉ trích nặng nề của Rôma. Điều này đã được nhấn mạnh bởi người đứng đầu Giám mục Đức, Georg Bätzing, vào cuối cuộc họp chung mùa xuân ở Dresden.

Cuộc họp diễn ra một tuần trước Hội nghị toàn thể lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng của Tiến Trình Công Nghị, sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 3 tại Frankfurt. Người ta dự đoán rằng do sự phản đối của nhiều giám mục khác nhau, một số nghị quyết được đề xuất có thể thất bại.
Source:Sismografo
 
Nhìn lại một thập niên qua, 5 tranh cãi hàng đầu của Đức Phanxicô
Vu Van An
16:40 09/03/2023

Sau khi nói tới 5 chủ trương hàng đầu của Đức Phanxicô trong 10 năm qua (xem https://vietcatholic.net/News/Html/281563.htm), Elise Ann Allen đề cập tới 5 tranh cãi hàng đầu của ngài trên tạp chí mạng CruxNow:



Với mười năm nắm quyền lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành một nhân vật được yêu mến và kính trọng khắp thế giới, nhưng ngài cũng tạo ra nhiều tranh cãi hơn mức bình thường –nhờ mạng xã hội, phần lớn những tranh cãi này đã diễn ra rõ ràng ngay lúc chúng diễn ra.

Sau “giai đoạn trăng mật” ban đầu tiếp theo cuộc bầu cử Đức Phanxicô, điều mà chính ngài dự đoán sẽ không kéo dài lâu, dần dần một loạt chỉ trích bắt đầu ập đến khi ngài bắt đầu đưa ra quyết định quan trọng, và rõ ràng là có một sự thay đổi lớn trong giọng điệu so với hai triều giáo hoàng trước đó.

Khi kỷ niệm 10 năm ngày bầu cử ngài đang đến gần, đây là cái nhìn về những quyết định được cho là gây tranh cãi nhất mà ngài đã đưa ra cho đến nay.

Vận động chính trị

Quyết định rõ ràng của Đức Phanxicô tham gia vào những gì thường được coi là các cuộc tranh luận chính trị, từ kinh tế học đến chính sách di dân – và, tất nhiên, ngài đứng về phía nào – đã gần như là một nguồn tranh luận ngay từ đầu.

Ban đầu, cuộc tranh luận này tập trung vào việc ngài ủng hộ người nghèo và những lời chỉ trích thường xuyên của ngài đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế “nhỏ giọt”, khiến ngài nổi tiếng nơi một số người như một người theo chủ nghĩa Mác. Sự chỉ trích của ngài đối với nền kinh tế thị trường tự do cũng dẫn đến sự phản đối ngày càng tăng, đặc biệt là trong số những người Công Giáo Mỹ cánh hữu; nổi tiếng hơn cả là nhân vật truyền thanh bảo thủ của Mỹ đã cáo buộc Đức Phanxicô tán thành “chủ nghĩa Mác thuần túy” vào năm 2013.

Những cáo buộc này càng được củng cố khi Đức Giáo Hoàng nhận được một cây thánh giá có hình búa liềm, biểu tượng cộng sản truyền thống, của Tổng thống Bolivia Evo Morales trong chuyến thăm Nam Mỹ năm 2015, và vài tháng sau, ngài gặp Fidel Castro trong một cuộc dừng chân ngắn tại Cuba vào tháng 9 năm đó.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã liên tục phủ nhận những lời buộc tội này, lập luận rằng ngài chỉ đang thúc đẩy học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Các quan điểm của ngài về vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu và môi trường cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Khi Đức Giáo Hoàng công bố thông điệp về môi trường Laudato Si vào năm 2015, nó đã ngay lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích ngài, những người cho rằng biến đổi khí hậu là một huyền thoại, chắc chắn không phải là điều do con người gây ra, như Đức Giáo Hoàng đã lập luận.

Những người chỉ trích Đức Giáo Hoàng cũng phản pháo lại tính khoa học của tài liệu, gọi đó là sự giả tạo, và một lần nữa phản đối sự chỉ trích của ngài đối với hệ thống thị trường hoàn cầu.

Sự ủng hộ lặp đi lặp lại của ngài đối với chính sách mở cửa cho người di cư và người tị nạn ở châu Âu và xa hơn nữa cũng tiếp tục vấp phải sự phản đối, không chỉ từ những công dân bình thường coi dòng di cư cao là một vấn đề, mà còn từ các chính trị gia dân túy cánh hữu nắm giữ nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Trong những năm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đối đầu với một số chính trị gia về vấn đề di cư, trong đó có chính trị gia người Ý Matteo Salvini, cựu bộ trưởng nội vụ Ý, người đã bị đưa ra tòa về tội bắt cóc vì từ chối cho phép một chiếc thuyền chở người di cư cập cảng ở Ý, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người mà Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp trong chuyến viếng thăm Hungary vào tháng Tư tới.

Amoris Laetitia

Có lẽ không có thời điểm nào khác, không có quyết định nào khác, trong suốt 10 năm trị vì của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại gây ra nhiều phản ứng dữ dội như tông huấn hậu thượng hội đồng năm 2016 của ngài, Amoris Laetitia, hay “Niềm vui Yêu thương,” dựa trên những kết luận của một cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình năm 2014-2015.

Một cách chuyên biệt hơn, sự náo động không nhiều về chính tài liệu, mà tập trung nhiều hơn vào chú thích 351 của chương tám, trong đó Đức Giáo Hoàng mở một cánh cửa thận trọng cho các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn lãnh nhận các bí tích tùy theo từng trường hợp.

Chú thích ở đoạn 305 của tài liệu, trong phần nói về các gia đình bị tổn thương và các gia đình sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ, nói rằng “một mục tử không thể cảm thấy chỉ cần áp dụng các luật luân lý cho những người sống trong hoàn cảnh 'bất hợp lệ' là đủ, như thể họ là những viên đá để ném vào cuộc sống người ta”.

Vì các yếu tố giảm khinh, Đức Giáo Hoàng nói rằng có thể những người sống trong “tình trạng khách quan của tội lỗi” vẫn có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa và có thể lớn lên trong ân sủng này với sự giúp đỡ của Giáo hội.

Tại thời điểm này, Đức Giáo Hoàng đưa vào chú thích 351 nổi tiếng hiện nay, trong đó ngài nói, liên quan đến sự giúp đỡ của Giáo Hội, “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích.”

Đức Phanxicô tiếp tục trong phần chú thích khi nhắc nhở các linh mục rằng “tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa… Tôi cũng muốn chỉ ra rằng Bí tích Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo, nhưng là một loại thuốc mạnh mẽ và dinh dưỡng cho những người yếu đuối.”

Việc cho phép các cặp ly dị và tái hôn được rước lễ là một trong những vấn đề gây tranh cãi sôi nổi nhất trong các Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình, với nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép điều này sẽ vi phạm giáo huấn chính thức của Giáo hội và mặc nhiên thay đổi quan điểm của Công Giáo về hôn nhân.

Tuy nhiên, quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là không phải mọi cặp vợ chồng đều giống nhau và không có hoàn cảnh nào là trắng và đen, vì vậy giáo huấn của Giáo Hội cho phép các mục tử có không gian gần gũi với những cặp vợ chồng này và tiến hành một cuộc biện phân đúng đắn với họ về việc liệu và khi nào quyền được rước lễ có thể được ban cấp.

Sau Amoris Laetitia, nhiều hội đồng giám mục quốc gia đã ban hành các hướng dẫn áp dụng nó bao gồm việc cho những người ly hôn tái hôn rước lễ trên cơ sở từng trường hợp, điều này lại gây ra phản ứng dữ dội hơn đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã mở cửa.

Cuộc tranh luận gay gắt đến mức bốn Hồng Y bảo thủ nổi tiếng, trong đó có Hồng Y người Mỹ Raymond Burke, đã viết năm dubia, hoặc nghi ngờ, cho Đức Thánh Cha Phanxicô về tính hợp lệ của chú thích 351 theo quan điểm giáo huấn của Giáo Hội, tuy nhiên, không nhận được phản hồi, họ đã công bố bản nghi ngờ đó, trên các phương tiện truyền thông Công Giáo bảo thủ, gây ra nhiều phản đối kịch liệt hơn nữa và trở thành tiêu điểm trong cuộc tranh luận kéo dài vài năm.

Theo nhiều cách, đây là bước đã vượt qua thì không thể trở lui của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thời điểm đã đánh dấu sự chia rẽ giữa Đức Giáo Hoàng và những người chỉ trích ngài.

Cho đến thời điểm đó, những người Công Giáo bảo thủ cảm thấy họ vẫn có thể bảo vệ Đức Giáo Hoàng và mặc dù không đồng ý với một số quyết định của ngài, họ vẫn có thể coi ngài là của họ. Sau Amoris Laeticia, nhiều người bảo thủ cảm thấy choáng váng, bị phản bội, và một cách cương định, họ phản đối đường lối của Đức Phanxicô.

Bên cạnh đó, Đức Phanxicô cũng đã sử dụng luận lý này khi nói đến cuộc tranh luận về việc cho phép các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ, lập luận rằng Thánh Thể không thể bị biến thành vũ khí chính trị, và thúc giục các giám mục có các chính trị gia ủng hộ phá thai trong giáo đoàn của họ tiếp cận vấn đề với tư cách là mục tử, thay vì cảnh sát.

Học Viện Gioan Phaolô II

Một điểm gây tranh cãi lớn khác đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là quyết định của ngài vào năm 2017 tái thành lập Viện Giáo hoàng về Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II, được thành lập bởi chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981 để cổ vũ giáo huấn của Giáo hội về sự sống và hôn nhân, cung cấp một sự phản đối rõ ràng đối với việc phá thai, tránh thai và trợ tử.

Vào tháng 9 năm 2017, Đức Phanxicô đã ban hành sắc lệnh thành lập Viện Thần học Giáo hoàng về Khoa học Hôn nhân và Gia đình, thay thế viện trước đó và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh liên ngành và sự tương tác với các thực thể khác, thậm chí không phải Công Giáo trong việc nghiên cứu thực tế hàng ngày của đời sống gia đình.

Vào thời điểm đó, nhiều người Công Giáo không hiểu luận lý của quyết định này, và một số nhà phê bình Đức Phanxicô cáo buộc ngài thực hiện việc tái thành lập để sa thải các giáo sư đã mãn nhiệm được tri nhận như thể nếu không thù địch, thì một cách nào đó cũng chống đối viễn kiến của ngài về viện mới.

Quyết định này khơi lại cuộc tranh luận về lập trường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Amoris Laetitia, và về hôn nhân và gia đình nói chung, kể cả từ một số người đặt câu hỏi liệu lập trường của ngài có phù hợp với giáo huấn của Giáo hội hay không, và liệu mục đích thực sự của ngài có phải là thay đổi hoàn toàn thần học luân lý của Giáo hội hay không.

Cuộc tranh luận về quyết định này cuối cùng đã lắng xuống, nhưng dư vị tồi tệ mà nó để lại trong miệng nhiều nhà phê bình thì vẫn còn đó.

Thượng hội đồng Amazon/ “Pachamama”

Một khoảnh khắc tranh cãi rõ ràng khác trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đã xảy ra trong Thượng hội đồng Giám mục về Amazon năm 2019 của ngài, với cuộc tranh luận bùng nổ về nền linh đạo bản địa và điều mà các nhà phê bình giáo hoàng tri nhận là việc Đức Giáo Hoàng công khai chấp nhận việc thờ phượng ngoại giáo.

Biểu tượng rõ ràng nhất của cuộc tranh luận này là bức tượng nổi tiếng hiện nay của Pachamama, một nữ thần sinh sản và mẹ trái đất của người bản địa, thường được mô tả như một phụ nữ bản địa khỏa thân đang quỳ và ôm lấy bụng bầu của mình.

Phần lớn cuộc tranh luận bắt đầu sau nghi thức cầu nguyện mang tính biểu tượng trong vườn Vatican để khai mạc thượng hội đồng, được cho là kết hợp các yếu tố của văn hóa Bản địa và thể hiện sự hội nhập văn hóa của nền linh đạo Bản địa vào phụng vụ Công Giáo.

Tuy nhiên, các nhà phê bình lập luận rằng nghi thức đó không phải là biểu hiện của việc thờ phượng Công Giáo đích thực, mà giống với một nghi lễ ngoại giáo và thờ ngẫu tượng hơn, vì nhiều đồ vật có ý nghĩa văn hóa và tâm linh đối với người bản địa Amazon, bao gồm cả các bức tượng của Pachamama, được trưng bày một cách nổi bật.

Vào dịp đó, Đức Phanxicô đã quyết định không đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của ngài, nhưng thay vào đó yêu cầu những người tham gia cùng với ngài đọc Kinh Lạy Cha. Vatican không đưa ra lời giải thích nào cho quyết định đó, nhưng chỉ đơn giản nói rằng ngài muốn có một phút cầu nguyện.

Tại một thời điểm trong thượng hội đồng, tranh cãi trở nên gay gắt đến mức một bức tượng Pachamama đã bị đánh cắp khỏi giáo xứ Rôma gần Vatican, nơi nó được trưng bày cùng với các đồ vật khác có liên quan đến thượng hội đồng và bị ném xuống sông Tiber, khiến Đức Phanxicô đưa ra lời xin lỗi và xin sự tha thứ từ bất cứ ai bị xúc phạm, nói rằng các bức tượng đã được trưng bày “không có ý định thờ ngẫu tượng”.

Hai điểm khác được tranh luận sôi nổi trong thượng hội đồng này là các vấn đề về nữ phó tế và việc truyền chức linh mục cho các viri probati, hoặc những người đàn ông đã kết hôn được chứng tỏ là tốt, lên chức linh mục như một giải pháp đối phó với tình trạng thiếu linh mục trong khu vực, nơi mà hầu hết các cộng đồng nông thôn tham dự Thánh lễ ít hơn một lần mỗi tháng.

Dấu hỏi lớn là liệu Đức Phanxicô có chấp thuận các đề xuất đã được đưa ra bởi một số giám mục từ Amazon hay không. Tuy nhiên, trong tông huấn hậu thượng hội đồng Querida Amazonia, công bố năm 2020, ngài hoàn toàn né tránh cả hai vấn đề.

Về các nữ phó tế, ngài thừa nhận cuộc tranh luận, nhưng nói rằng vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, và cho biết điều này đang được thực hiện bởi ủy ban nghiên cứu chức nữ phó tế mà ngài đã thành lập năm 2016, và không đạt được sự đồng thuận. Ngài đã thành lập lại ủy ban này sau Querida Amazonia, nhưng cho đến nay, ủy ban đó cũng chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Khi nói đến viri probati, Đức Giáo Hoàng không đưa ra quyết định chính thức nào về việc cho phép họ thụ phong, nói rằng vấn đề ơn gọi có liên quan đến việc thiếu truyền giảng Tin Mừng, và nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập các chủng viện địa phương nhằm thúc đẩy nhiều ơn gọi địa phương hơn.

Nhìn chung, thượng hội đồng Amazon là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, làm sống lại các cuộc tranh luận không chỉ về việc thờ phượng ngoại giáo, phong chức cho phụ nữ và chức linh mục kết hôn, mà còn cả sự chia rẽ nội bộ về phụng vụ Công Giáo và cách giải thích đúng đắn về Công đồng Vatican II, căn cứ vào việc Thượng hội đồng nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa đức tin.

Thánh lễ Latinh truyền thống

Cuộc tranh cãi gần đây nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn tiếp tục gây sóng gió trong đạo Công Giáo hoàn cầu, là quyết định của ngài vào năm 2021 hạn chế việc tham dự Thánh lễ Latinh Truyền thống.

Với tự sắc của mình về phụng vụ Traditionis Custodes, có nghĩa là “Những người bảo vệ truyền thống”, Đức Phanxicô đã đảo ngược việc vị tiền nhiệm của mình là Đức Bênêđictô XVI cho phép việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cải cách của Công đồng Vatican II với lý do rằng ngài muốn bảo vệ sự thống nhất của giáo hội.

Trong số những điều khác, các quy tắc mới quy định rằng các linh mục đã cử hành Thánh lễ Latinh phải xin phép giám mục của họ để tiếp tục được làm như vậy. Bất cứ linh mục nào thụ phong sau khi ban hành các quy tắc mới muốn cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống đều phải gửi yêu cầu chính thức lên giám mục của họ, còn giám mục thì được yêu cầu tham khảo ý kiến của Vatican trước khi cấp phép.

Đức Phanxicô cũng buộc các giám mục xác định thời gian và địa điểm cụ thể có thể cử hành Thánh lễ Latinh và cấm thành lập các giáo xứ mới dành riêng cho Thánh lễ Latinh truyền thống cũng như đưa phụng vụ truyền thống vào lịch trình Thánh lễ thông thường của giáo xứ.

Quyết định đó ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội, với những người chỉ trích gọi giáo hoàng là “tàn ác” và nói rằng họ cảm thấy bị hiểu lầm và bị ngược đãi, trong khi những người ủng hộ động thái này ca ngợi đây là một bước khó khăn nhưng cần thiết để ngăn chặn sự chia rẽ sâu xa hơn bắt nguồn từ các cộng đồng địa phương, và trong Giáo Hội nói chung.

Đức Phanxicô đã thổi bùng ngọn lửa hơn nữa khi vào cuối tháng trước, ngài đã ban hành một sắc lệnh mới hạn chế khả năng của các giám mục trong việc ban hành các miễn chuẩn Traditionis Custodes, bảo đảm rằng một giám mục không thể tự mình ban các miễn chuẩn đó, mà chỉ sau khi đã tham khảo ý kiến với Vatican.

Do tính phổ biến của Thánh lễ Latinh truyền thống trong một số nhóm nhà thờ nhất định và mối liên hệ của nó với việc một số người bác bỏ các cải cách của Công đồng Vatican II, chủ đề này đã trở thành một chủ đề nhạy cảm đối với Đức Phanxicô và mỗi vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài, và quyết định hạn chế quyền tiếp cận nghi lễ truyền thống của ngài có thể sẽ vẫn là một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong di sản của ngài.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ sung Hồng Y Hollerich và bốn Hồng Y khác vào Hội đồng Cố vấn của Ngài
Đặng Tự Do
17:25 09/03/2023


Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm năm thành viên mới vào hội đồng các Hồng Y cố vấn của ngài, bao gồm Hồng Y Jean-Claude Hollerich, người tổ chức Thượng hội đồng và Hồng Y người Canada Gérald C. Lacroix.

Vatican đã công bố vào ngày 7 tháng 3 chín thành viên của Hội đồng Hồng Y của Giáo hoàng Francis được giao nhiệm vụ hỗ trợ Giáo hoàng “trong việc quản trị Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Thánh Cha đã đề cử Đức Hồng Y Sérgio da Rocha người Brazil, Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Juan José Omella Omella, và Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, Thống đốc Thành Vatican, làm thành viên mới của hội đồng, cùng với các Hồng Y Hollerich và Lacroix.

Với việc bổ nhiệm mới, Đức Hồng Y Óscar Rodríguez Maradiaga, 80 tuổi người Honduras, và Đức Hồng Y Reinhard Marx, 69 tuổi, không còn là thành viên của Hội đồng Hồng Y. Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, 80 tuổi, nguyên Thống đốc Thành Vatican, đã được thay thế bởi người kế vị.

Nhóm các Hồng Y cố vấn, còn được gọi là C9 với chín thành viên, được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập một tháng sau cuộc bầu cử của ngài vào năm 2013 để cố vấn cho Đức Thánh Cha về việc cải cách Giáo triều Rôma, đặc biệt là tông hiến mới, Praedicate evangelium, được công bố năm ngoái.

Nhóm tiếp tục gặp nhau sau khi công bố hiến pháp và thảo luận về Thượng hội đồng về tính đồng nghị và công việc của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên tại cuộc họp cuối cùng vào tháng 12.

Việc bao gồm Hồng Y Hollerich, một tu sĩ Dòng Tên, là một trong những nhà tổ chức hàng đầu của Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra, cho thấy rằng hội đồng sẽ tiếp tục có vai trò tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về tiến trình Thượng hội đồng toàn cầu.

Việc bổ nhiệm cũng cho thấy sự quý trọng của Đức Thánh Cha đối với vị Hồng Y tổng giám mục 64 tuổi của Luxembourg, người mà ngài đã bổ nhiệm vào năm 2021 với tư cách là tổng thư ký của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục. Mùa thu năm ngoái, Đức Hồng Y Hollerich đã nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican rằng ngài tin rằng khả năng Giáo hội chúc lành cho các kết hợp đồng giới.

Ba thành viên ban đầu của C9 vẫn còn trong hội đồng: Hồng Y người Mỹ Seán Patrick O'Malley, Hồng Y người Ấn Độ Oswald Gracias, và Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican.

Đức Hồng Y người Congo Fridolin Ambongo Besungu, người được bổ nhiệm vào năm 2020, cũng sẽ ở lại trong hội đồng cố vấn và Đức Giám Mục Marco Mellino sẽ tiếp tục làm thư ký của nhóm.

Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Hồng Y sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 4 tại dinh thự của Đức Thánh Cha ở Vatican, Casa Santa Marta, lúc 9 giờ sáng
Source:National Catholic Register
 
Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mở cửa vào tháng 12 năm 2024
Đặng Tự Do
17:26 09/03/2023


Nhà thờ Đức Bà Paris, ngọn tháp và mái nhà đã bị phá hủy bởi trận hỏa hoạn ngày 15 tháng 4 năm 2019, dự kiến sẽ được xây dựng lại trong thời hạn 5 năm do chính phủ Pháp quy định.

Theo xác nhận của người đứng đầu công trường xây dựng, Tướng quân đội Pháp Jean-Louis Georgelin, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, các tín hữu và khách du lịch sẽ được phép tiếp cận lại địa điểm này vào cuối năm 2024.

Công việc tái thiết chỉ bắt đầu khoảng 24 tháng sau khi sự việc bi thảm xảy ra, với giai đoạn đầu tiên bao gồm dọn dẹp và bảo đảm an toàn cho địa điểm, với sự tham gia của hơn 200 công ty khác nhau.

Mặc dù nhà thờ được yêu mến sẽ chưa sẵn sàng cho Thế vận hội Olympic được tổ chức tại thủ đô nước Pháp vào tháng 7 và tháng 8 năm 2024, nhưng nó sẽ lấy lại được hình dáng ban đầu vào lúc đó, với giai đoạn tái thiết ngọn tháp biểu tượng của nó sẽ bắt đầu vào tháng Tư.

Do đó, trước cuối năm nay, nó sẽ xuất hiện trở lại trên bầu trời Paris như thiết kế ban đầu của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-duc vào thế kỷ 19, trái với mong muốn ban đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã kêu gọi một “biểu tượng kiến trúc đương đại” trong việc phục hồi ngọn tháp.

Trong một thông cáo ngày 1 tháng 12 năm 2022 do Cơ quan Công cộng Phụ trách Bảo tồn và Phục hồi Nhà thờ đưa ra, Georgelin đã công bố “những tiến bộ lớn” trong tiến độ của dự án.

Ông nói: “Việc hoàn thành việc xây dựng lại căn hầm đầu tiên bị sập đánh dấu một bước quan trọng, trong khi nội thất đã lấy lại được vẻ đẹp vốn có.

Sau ngọn tháp và cửa ngang, việc xây dựng lại mái nhà lớn của gian giữa và dàn hợp xướng, có khung từ đầu thế kỷ 13, sẽ diễn ra.

Gỗ sẽ được sử dụng để xây dựng lại khung đã được giám đốc nhà thờ, Giám mục Olivier Ribadeau Dumas, làm phép vào ngày 15 tháng 12 năm 2022. Các thanh xà được làm hoàn toàn thủ công theo phong cách thời trung cổ. Phép lành được coi là bước khởi đầu thực sự cho việc tái thiết hiệu quả mái nhà thờ Đức Bà sau nhiều tháng nghiên cứu và chuẩn bị.

Các quan chức dự án đã ước tính rằng khoảng 1.000 người trên khắp nước Pháp đang làm việc hàng ngày trong quá trình phục hồi.

Georgelin dự kiến việc khôi phục bên ngoài thiệt hại do ngọn lửa gây ra sẽ tiêu tốn khoảng 550 triệu euro hay 580,5 triệu USD. Ban đầu 150 triệu euro hay 158 triệu USD đã được chi để bảo đảm an toàn cho tòa nhà. Vào năm 2021, một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về các chi phí bổ sung phát sinh trong giai đoạn sơ bộ này, tự hỏi liệu số tiền hiện có sẵn có đủ để hoàn thành công việc hay không.

Theo giám đốc Quỹ Nhà thờ, Christophe-Charles Rousselot, 800 triệu euro hay 844 triệu USD thu được từ hơn 300.000 nhà tài trợ trên khắp thế giới sẽ đủ tiền để khôi phục hoàn toàn khung và mái nhà, đồng thời làm lại ngọn tháp.

“Sẽ là đủ để khắc phục hậu quả của vụ cháy. Nhưng sẽ không có đủ tiền để sửa chữa toàn bộ nhà thờ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien vào tháng 3 năm 2022, ước tính rằng có thể cần tổng cộng 1 tỷ euro hay 1,5 tỷ USD để sửa chữa mặt tiền phía bắc và phía nam của nhà thờ.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, dự kiến nhà thờ chính tòa sẽ mở cửa để thờ phượng vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, vào lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Source:National Catholic Register
 
Trong bệnh tật và đau khổ, Amber VanVickle đã làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô
Đặng Tự Do
17:28 09/03/2023


Tuần thứ hai Mùa Chay, các trang web của Công Giáo Hoa Kỳ tràn ngập hình ảnh một người phụ nữ rất đẹp, với hàng loạt các bài viết ca ngợi cô. Đó thường không phải là phong cách của các trang web Công Giáo. Câu hỏi nhiều người đặt ra: Người phụ nữ này là ai?

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “In sickness and suffering, Amber VanVickle witnessed to Christ’s love”, nghĩa là “Trong bệnh tật và đau khổ, Amber VanVickle đã làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những người biết Amber VanVickle mô tả cô ấy là “xinh đẹp, hài hước, anh hùng, tỏa sáng, và khôn ngoan”. Câu chuyện của cô đã chiếm được rất nhiều trái tim, dạy cho nhiều người những bài học quý, và đáp lại có vô số những lời cầu nguyện dâng lên thiên đàng cho cô.

Và giờ cô đã qua đời, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy và một di sản vô cùng truyền cảm.

Amber VanVickle là ai?

Amber VanVickle là một người Công giáo nhiệt thành và là người mẹ dạy con học tại nhà. Cô có 5 người con: Sam, Max, Judah, Josie và Louisa. Cô ấy có bằng tiếng Anh tại Đại học Steubenville của Dòng Anh Em Hèn Mọn, và các bài viết của cô ấy đã được đăng trên các ấn phẩm quốc gia. Cô sống ở Pittsburgh với chồng Dave và năm đứa con của họ cho đến khi cô qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 23 tháng 2 năm 2023.

Nhưng điều đó chỉ nắm bắt được một chút trong câu chuyện của cô ấy.

Chồng cô, Dave VanVickle, là một nhà truyền giáo nổi tiếng toàn quốc và là chuyên gia về chiến tranh tâm linh. Anh ấy làm việc với tư cách là một diễn giả và người hướng dẫn tĩnh tâm, người tập trung vào việc công bố lời kêu gọi nên thánh phổ quát, tâm linh Công giáo đích thực, cuộc chiến tâm linh và sự giải thoát. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm hỗ trợ các linh mục trong các sứ vụ trừ tà và giải thoát của họ. Sự hiện diện cầu nguyện và yêu thương của Amber là điều cần thiết cho công việc của anh ấy.

Gia đình phải đối mặt với một số thử thách nghiêm trọng trước chẩn đoán ung thư của Amber. Ba trong số những đứa con của VanVickles được sinh ra với một số chứng rối loạn sức khỏe, bao gồm tật nứt đốt sống và bại não.

Đau lòng mang lại hoán cải

Amber quay lưng lại với sự cám dỗ tự nhiên dẫn đến sự tức giận và cay đắng, và đi theo con đường anh hùng là đến gần Chúa hơn trong sự đau khổ của mình. Cô ấy đã viết với tài hùng biện mạnh mẽ về nỗi buồn của cô ấy đối với sức khỏe của các con cô ấy và điều đó đã dạy cô ấy về Chúa trong bài báo của cô ấy, Khi Phép Lạ Không Đến và Một Người Mẹ Tìm Thấy Tình Yêu Dưới Chân Thánh Giá.

Amber là một tín hữu Công giáo cả đời, nhưng mối quan hệ của cô với Chúa đã thay đổi một cách sâu sắc và quan trọng sau khi các con cô được chẩn đoán. Cô ấy viết rằng, sau khi chịu đựng những đau khổ tột cùng này, cuối cùng cô ấy đã có thể yêu Chúa một cách tự do và trọn vẹn.

Khi căn bệnh cuối cùng của chính cô bắt đầu, Amber đã đối mặt với nó bằng lòng dũng cảm và sự tin tưởng trung thành vào Chúa mà cô đã sống cuộc đời mình. Không lâu trước khi chết, cô ấy đã viết trên Facebook,

Xin chào tất cả, Các bác sĩ nói với chúng ta rằng họ không thể làm gì hơn ngoài việc giúp tôi cảm thấy thoải mái, vì vậy chúng ta đang ở bệnh xá. Tôi cam chịu ý muốn của Thiên Chúa, bất kể điều đó có thể là gì, nhưng cũng tràn đầy hy vọng của Những người phụ nữ trong Phúc âm, “Chỉ cần tôi chạm vào Ngài, tôi sẽ được chữa lành. “ Bất cứ điều gì Ngài muốn!! Tôi sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó nếu không có đội quân gồm một gia đình chiến binh cầu nguyện phía sau tôi, những lời cầu nguyện, tình yêu và sự hỗ trợ tài chính của các bạn thật không thể tin được. Chúng ta không bao giờ có thể cảm ơn bạn đủ.

Nhưng bạn có thể học được nhiều điều về người phụ nữ phi thường và thánh thiện này từ chính lời nói của cô hơn là từ bất cứ điều gì chúng ta có thể nói. Dưới đây là một số trích dẫn quan trọng nhất từ các bài viết công khai của cô ấy.

Sự vắng mặt của các phép lạ của Thiên Chúa không có nghĩa là không có tình yêu của Người, mà là sự hiện diện của tình yêu ấy, một sự dâng hiến tình yêu đó và lời mời gọi đến với sự thân mật hơn, một sự chia sẻ trong cuộc sống của Người đã đạt được một cách hiệu quả bằng việc buông bỏ và lửa của thập giá.

Bị lột trần và tan nát, tôi đứng đó mà không còn gì trong lòng. Chỉ khi đó cuối cùng tôi mới có thể nói: Lạy Chúa, con không biết gì cả. Chúa là ai? Xin hãy mạc khải cho con!

Và tôi đã tìm thấy gì trong sự đầu hàng? Bình yên, nhẹ nhàng, tự do. Chúa đã cởi xiềng xích… Tôi thấy tự do để yêu Ngài vì chính con người Ngài; tự do yêu mến Thiên Chúa vì Người đã yêu tôi cách tuyệt vọng trước. Bất chấp những gánh nặng và nỗi đau lòng của tôi, vì những thập giá của tôi, cuối cùng tôi đã có thể nói với Chúa: “Con luôn yêu Chúa, luôn luôn, luôn luôn.”

Có lẽ Chúa đang nói với chúng ta rằng tình yêu của Ngài không chỉ được đo lường bằng thể chất, bằng phép lạ và sự chữa lành, nhưng có lẽ còn hơn thế nữa, khi không có những điều đó. Rằng tình yêu của Người được thể hiện, thậm chí còn sâu sắc hơn, trong những thập giá, những thử thách và giông bão của cuộc đời chúng ta, trong sự vắng bóng của quyền năng và tình yêu của Người.

Tôi đã học được cách ngừng hỏi tại sao và bắt đầu hỏi cái gì. Như Cha Jacques Philippe nói, để có “can đảm” để bỏ qua một số câu hỏi chưa được trả lời và hỏi, “Chúa muốn gì ở con?” Tự do. Bẻ gãy xiềng xích. Tự do khi biết rằng đó không phải là bức tranh của con, mà là của Chúa. Tự do khi biết rằng đường lối của Chúa vượt xa đường lối của con, vượt quá tầm hiểu biết của con. Tự do để biết rằng Chúa sẽ làm bất cứ điều gì để đưa con đến với Ngài, thậm chí làm tan nát trái tim con, bởi vì phần thưởng lớn hơn rất nhiều.
Source:Aleteia
 
VietCatholic TV
Tiếng kêu tuyệt vọng từ Bakhmut của Trùm Wagner. Biến động lớn ở Georgia: nguy cơ bùng nổ thế chiến
VietCatholic Media
03:03 09/03/2023


1. Sự hỗ trợ của Nga cho lực lượng Wagner ở Bakhmut “dường như đang giảm dần”

Các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Wagner là lực lượng chiếm ưu thế trong khu vực Bakhmut “với sự hỗ trợ không thường xuyên từ các lực lượng chính quy của Nga, và điều đó dường như đang giảm dần vào lúc này”, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nhận xét.

Ông nói: “Một phần trong sự tuyệt vọng của Wagner, sự bộc phát khá xúc động của Prigozhin là vì ông ấy thấy mình không chỉ cạn kiệt nguồn nhân lực mà giờ đây còn đang cạn kiệt sự hỗ trợ của pháo binh Nga để bù đắp những tổn thất này”.

Tỷ lệ tử vong của các chiến binh Wagner “cao hơn đáng kể so với Lực lượng Vũ trang Nga,” họ nói thêm.

Theo Tướng Kirby, Bakhmut “không có bất kỳ ý nghĩa chiến lược hoạt động nào” đối với Nga hay Ukraine, nhưng chuyến đi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Bakhmut vào tháng 12 đã chính trị hóa nó.

Ông thừa nhận rằng Nga đã “chiếm được một số lãnh thổ hạn chế”, nhưng nói rằng khu vực nói trên là “đất trống — không phải là khu đô thị hay khu dân cư. Và không có tuyến phòng thủ nào của Ukraine ở đó”.

Các nhà bình luận quân sự phương Tây nhận định Ukraine “đã nhường đất cho người Nga” và “bị bao vây từ ba phía vì họ đã đánh đổi không gian đó lấy thời gian”.

Thảo luận về mốc thời gian, Tướng Kirby cho biết Ukraine vẫn có thể đưa lực lượng vào và ra khỏi Bakhmut. “Quân Ukraine có thể kéo dài thêm một tháng nữa, hoặc người Ukraine có thể quyết định rời đi trong vòng một tuần. Họ có thể rút lui để chuẩn bị tuyến phòng thủ mà họ có ở phía tây Bakhmut.”

“Trước đây, họ đã cho thấy rằng họ rất thành thạo trong việc rút lui khi cần hoặc khi họ cảm thấy cần phải làm vậy”.

2. Trùm Wagner đưa ra những tiếng kêu tuyệt vọng từ Bakhmut

Trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có những hiềm khích đến mức các bloggers quân sự Nga tin rằng Shoigu đang mượn tay Ukraine để hạ gục quân Wagner.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Chief Sounds Desperate Bakhmut Call”, nghĩa là “Trùm Wagner đưa ra những tiếng kêu tuyệt vọng từ Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Yevgeny Prigozhin đã tuyệt vọng cầu xin thêm đạn dược cho các chiến binh Tập đoàn Wagner của mình trong một đoạn âm thanh vừa được công bố.

Người đứng đầu đơn vị bán quân sự khét tiếng, đã dẫn đầu cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng ở Bakhmut, chỉ vài ngày sau khi cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga phản bội, ông ta nói rằng các quan chức chính phủ đang cố tình giữ lại đạn dược cần thiết để bảo đảm chiến thắng ở Bakhmut.

Thành phố công nghiệp, nằm ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine, là nơi xảy ra một số cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện chỉ hơn một năm trước. Các cuộc đụng độ giữa các lực lượng Nga và Ukraine xung quanh Bakhmut ngày càng trở nên khốc liệt khi Mạc Tư Khoa tìm cách giành chiến thắng trên chiến trường lớn đầu tiên kể từ mùa hè năm 2022.

“Tôi đang gõ cửa tất cả các nhà và gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạn dược và quân tiếp viện, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ hai bên sườn của chúng ta,” Prigozhin nói trong đoạn băng ghi âm.

“Nếu tất cả mọi người phối hợp với nhau, không tham vọng, không quậy phá và giận dữ, và thực hiện công việc này, thì chúng ta sẽ phong tỏa các lực lượng vũ trang của Ukraine. Nếu không, thì mọi người sẽ bị lừa,” ông ta nói.

Prigozhin trước đây đã cáo buộc chính phủ Nga nói dối về việc cung cấp cho Tập đoàn Wagner vũ khí cần thiết.

Trong một đoạn âm thanh do công ty Concord thuộc sở hữu của Prigozhin đăng tải vào ngày 22 tháng 2, Prigozhin nói rằng Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ đã phân phối đạn dược cho các đơn vị tình nguyện xung quanh Bakhmut, một tuyên bố mà ông ta đã bác bỏ là không đúng sự thật.

Ông nói: “Wagner PMC không nhận được 80% số đạn cần thiết để hoàn thành các mục tiêu chiến đấu. “Vì vậy, thông báo của Bộ Quốc phòng chẳng khác gì một sự phỉ nhổ vào mặt Wagner PMC, và là một nỗ lực nhằm che giấu tội ác của họ đối với những chiến binh ngày nay đang hoàn thành kỳ tích ở Bakhmut.”

Prigozhin nói rằng các chiến binh của ông ta “chết hàng loạt” vì thiếu đạn dược.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Prigozhin cũng cho biết hôm thứ Ba rằng các lực lượng vũ trang Ukraine đang tập trung xung quanh Bakhmut.

“Các lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ chiến đấu cho Bakhmut đến cùng, và điều này là hiển nhiên. Chúng ta phải làm công việc của mình đến cùng. Nhưng khi cả thế giới tập trung xung quanh bạn, điều cần thiết là ai đó tương tác với bạn. Đó là lý do tại sao chúng ta đang gõ tất cả các cửa”, ông nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thề sẽ bảo vệ Bakhmut, nói vào tháng Hai rằng điều quan trọng là phải giữ thành phố, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hàng đêm vào hôm thứ Hai, Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận về Bakhmut với các chỉ huy hàng đầu của mình và họ đã nói với ông “không được rút lui”, thay vào đó muốn tăng cường khả năng phòng thủ của thành phố.

“Bộ chỉ huy nhất trí ủng hộ quan điểm này. Không có quan điểm nào khác. Tôi đã nói với tổng tư lệnh tìm lực lượng thích hợp để giúp đỡ những người của chúng ta ở Bakhmut,” Zelenskiy nói.

Yan Gagin, cố vấn và phát ngôn nhân của quyền người đứng đầu cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, được hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti trích dẫn hôm thứ Ba nói rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa hiện đang kiểm soát gần một nửa Bakhmut.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek vào ngày 17 tháng 2 rằng Bakhmut là “bức tường sống cho phép chuẩn bị cho quân đội của chúng ta giải phóng đất nước” —ngụ ý rằng việc bảo vệ thành công thành phố có thể đặt người Ukraine vào vị trí để phát động một cuộc phản công.

3. Các chiến binh Ukraine nói quân đội Wagner ở Bakhmut 'chắc chắn' dùng đến ma túy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Troops in Bakhmut are 'Definitely' on Drugs, Ukraine Fighter Says”, nghĩa là “Các chiến binh Ukraine nói quân đội Wagner ở Bakhmut 'chắc chắn' dùng đến ma túy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Các binh sĩ Ukraine đã tham gia trận chiến ở Bakhmut chống lại Tập đoàn Wagner của Nga trong nhiều tháng, và cả hai bên đều chịu tổn thất đáng kể.

Một người lính Ukraine, được xác định là Leshiy, tin rằng các thành viên của Tập đoàn Wagner đang sử dụng ma túy, vì họ dường như không quan tâm đến những mất mát và sẵn sàng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.

Nếu Nga chiếm được Bakhmut, đây sẽ là lần đầu tiên Nga giành được một lãnh thổ đáng kể sau nhiều tháng.

Khi giao tranh ở Bakhmut ngày càng đẫm máu, một người lính Ukraine chắc chắn rằng các thành viên của Tập đoàn Wagner của Nga đang sử dụng các chất bất hợp pháp.

Tiền tuyến trong cuộc chiến Nga-Ukraine bước sang năm thứ hai vào ngày 24 tháng 2 đã tập trung vào chiến trường Bakhmut bắt đầu vào mùa thu năm ngoái và binh lính Nga hầu như đã bao vây thành phố, với cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề. Một báo cáo của Kyiv Post cho biết chiến thuật của Nga khốc liệt đến mức họ đang mất binh lính với tỷ lệ 7 trên 1 so với Ukraine. Tuy nhiên, những tổn thất như thế dường như không ngăn cản được những nỗ lực của Nga.

Quân đội Ukraine đã trấn giữ thành phố trong nhiều tháng, nhưng gần đây các nhà lãnh đạo đã thảo luận về chiến lược rút lui khỏi Bakhmut để bảo toàn hàng ngũ của họ. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, tờ Kyiv Post đưa tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ thị cho các nhà lãnh đạo của mình tìm “lực lượng thích hợp” để giúp đỡ quân đội ở Bakhmut và binh lính tiếp tục chiến đấu.

Một thành viên Lực lượng Vũ trang Ukraine đã mô tả những hành động vô nhân đạo của các thành viên của Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân của Nga, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Kyiv Post. Người lính nói rằng anh ta cảm thấy những người lính đánh thuê đang sử dụng ma túy để chiến đấu một cách kỳ quái như vậy.

“Theo tôi, chắc chắn họ đang dùng một số loại ma túy, bởi vì những người ở trạng thái tâm lý bình thường sẽ không làm như vậy,” người lính, chỉ được xác định là Leshiy, nói.

Leshiy đã mô tả cách các binh sĩ của Tập đoàn Wagner đang đào chiến hào trong khi bị quân đội Ukraine bắn. Sau khi người đào hào bị giết, một người khác sẽ thế chỗ anh ta.

Leshiy nói: “Họ đẩy cái chết ra ngoài và người tiếp theo sẽ đào tiếp. Bạn giết người tiếp theo. Và họ có thể làm điều này trong ba ngày liên tiếp.”

Leshiy nghi ngờ những người lính của Tập đoàn Wagner đang hành động với đầu óc không được tỉnh táo, vì anh ấy báo cáo rằng một số người chỉ mặc áo phong phanh trong thời tiết lạnh giá.

“Họ không quan tâm đến tổn thất,” Leshiy nói. “Mọi thứ chung quanh họ đều được bao phủ bởi các thi thể.”

Yevgeny Prigozhin—người sáng lập Tập đoàn Wagner—đã hỗ trợ sứ mệnh của Nga ở Ukraine chủ yếu bằng cách chiêu mộ binh lính chiến đấu. Nhiều binh sĩ trong Nhóm Wagner là tù nhân người Nga, một số được tuyển mộ riêng.

Nhóm Wagner bị cáo buộc yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, chẳng hạn như binh lính không được rời bỏ nhóm, không được uống rượu nếu không sẽ bị hành quyết. Để đổi lấy sự phục vụ của họ, những người lính được hứa sẽ được ân xá cho tội ác của họ.

Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mark Cancian nói với Newsweek rằng Tập đoàn Wagner sẵn sàng chấp nhận thương vong để giành được vị thế ở Ukraine.

Cancian nói: “Tất cả các đơn vị của Nga đều có khả năng chịu đựng thương vong cao hơn so với các nước NATO, nhưng Wagner, được tuyển dụng từ các nhà tù, sẵn sàng tiếp tục tấn công khi các đơn vị khác của Nga có thể đã dừng lại,” Cancian nói. “Sự không ngừng đó gây căng thẳng lớn cho quân phòng thủ Ukraine ngay cả khi họ tương đối thành công.”

Vào ngày 4 tháng 3, Prigozhin tuyên bố Nga đã gần chiến thắng và Bakhmut đã bị bao vây. Nhưng chỉ vài ngày sau, anh ta đã đưa ra lời cầu xin tuyệt vọng về đạn dược.

Các chiến lược gia chiến tranh đã dự đoán rằng Ukraine sẽ hoàn thành việc rút quân chiến thuật khỏi tiền tuyến Bakhmut trong nhiều tuần. Tuy nhiên, Prigozhin gần đây đưa tin Ukraine vẫn tiếp tục cung cấp binh lính cho khu vực này. Nếu Nga chiếm được Bakhmut, đây sẽ là lần đầu tiên người Nga giành được lãnh thổ trong nhiều tháng, vì cuộc chiến đã đi vào bế tắc trong suốt mùa đông.

4. Vị tướng hàng đầu của Ukraine thăm Bakhmut lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tuần

Một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine đã đến thăm thành phố Bakhmut lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tuần, một đoạn video được đăng trên tài khoản Telegram chính thức của ông hôm thứ Tư cho thấy điều đó. Đó là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đại tá Tướng Oleksandr Syrskyi, vị tướng có cấp bậc cao thứ hai trong quân Ukraine, cho biết người của ông đang làm mọi thứ có thể để bảo đảm quân đội Nga thực hiện một nước đi sai lầm, ám chỉ một chiến lược cờ vua.

“Zugzwang trong cờ vua là một tình huống mà bất kỳ nước đi nào của một người chơi đều dẫn đến việc thế cờ của anh ta bị suy giảm,” bài viết viết. “Chúng ta đang làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng đối phương đang ở trong tình huống này trong cuộc chiến này.”

Ông tiếp tục nói rằng các lực lượng Ukraine đang giữ vững lập trường của họ. Các nhà lãnh đạo quân sự khác cho biết ưu tiên hàng đầu của Ukraine là tiếp tục bảo vệ Bakhmut, nơi giao tranh ngày càng gia tăng.

Dữ liệu trên video cho thấy nó thực sự đã được ghi lại vào hôm thứ Tư.

Syrskyi đã tổ chức và lãnh đạo lực lượng phòng thủ Kyiv, đánh lui thành công các lực lượng Nga gần như đã bao vây thủ đô Ukraine khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga. Ông thường xuyên đến thăm các đơn vị tiền tuyến ở Donbas và những nơi khác, bao gồm cả Bakhmut. Chuyến thăm thành phố trước đây của Syrskyi là vào hôm thứ Bẩy 4 tháng Ba.

5. Tổng thống Ba Lan kêu gọi đào tạo phi công Ukraine vận hành chiến đấu cơ F-16

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói với Becky Anderson của CNN rằng việc đào tạo phi công Ukraine vận hành máy bay chiến đấu F-16 là “cần thiết”.

Tổng thống Ba Lan cho biết ông tin rằng các lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ muốn “đạt tiêu chuẩn của NATO” và do đó rất muốn sử dụng máy bay chiến đấu F-16.

Ông Duda nói: “Việc đào tạo phi công của Ukraine là quan trọng và rất cần thiết.”

Tại Mỹ: Mỹ đang làm việc với các phi công Ukraine ở Mỹ để xác định xem sẽ mất bao lâu để huấn luyện họ lái máy bay chiến đấu F-16, ba nguồn tin thông báo về vấn đề này nói với CNN. Hai phi công Ukraine hiện đang ở một căn cứ quân sự ở Mỹ để kiểm tra kỹ năng của họ trong các chuyến bay mô phỏng để xem họ cần bao nhiêu thời gian để học lái các loại máy bay quân sự của Mỹ, bao gồm cả F-16.

Duda cũng có mặt tại Abu Dhabi trong chuyến thăm song phương đầu tiên của Ba Lan sau 13 năm để cảnh báo các nhà lãnh đạo Tiểu vương quốc về tuyên truyền của Nga và chuyển tiếp tình hình ở Ukraine trông như thế nào từ “quan điểm rất gần gũi với Ukraine” của ông.

Hơn một năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến với Ukraine, chính sách rộng lớn hơn của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - giống như trường hợp của phần lớn Trung Đông - là chính sách trung lập. Các quốc gia vùng Vịnh giàu năng lượng đã được hưởng lợi từ việc tăng giá do chiến tranh ở Ukraine, đã làm tăng thêm hàng chục tỷ đô la vào kho bạc của họ, trong khi Nga tiếp tục tìm các lối thoát tài chính vào thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

“Tôi đang thuyết phục họ rất nhạy cảm với tuyên truyền của Nga,” Duda nói về các cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo Tiểu vương quốc.

6. Zelenskiy chào đón tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới Kyiv để đàm phán về sáng kiến ngũ cốc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chào đón Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tới Kyiv để thảo luận về việc mở rộng sáng kiến ngũ cốc cho phép Ukraine xuất khẩu nông sản từ các cảng Hắc Hải.

“Chúng tôi quan tâm đến việc bảo đảm rằng không còn nạn đói trên thế giới và chính sách chung của chúng ta là mở rộng hành lang sáng kiến ngũ cốc. Chúng tôi cũng nêu vấn đề về việc kéo dài sáng kiến trong tương lai,” Zelenskiy nói trong một cuộc họp báo.

“Điều rất quan trọng là chúng tôi đang thảo luận ở Kyiv về cách khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế và toàn bộ hiệu lực của Hiến chương Liên Hiệp Quốc – những chuẩn mực có tầm quan trọng như nhau đối với tất cả các quốc gia trên trái đất,” Zelenskiy nói.

Bối cảnh về sáng kiến ngũ cốc: Nga đã đình chỉ tham gia vào một thỏa thuận bảo đảm việc đi lại an toàn cho các tàu chở ngũ cốc xuất khẩu quan trọng từ Ukraine vào tháng 10 năm 2022, nhưng đã nhanh chóng đảo ngược hướng đi vài ngày sau đó. Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Liên Hiệp Quốc, đã giúp môi giới thỏa thuận vào tháng 7 năm 2022.

Mỹ cũng đã công bố ba quan hệ đối tác mới vào tuần trước như một nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp của Ukraine và giúp cung cấp ngũ cốc của nước này cho thế giới, các quan chức của USAID nói với CNN.

Theo Liên Hiệp Quốc, Ukraine thường cung cấp cho thế giới khoảng 45 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm. Nó được xếp hạng trong số năm nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô và lúa mì hàng đầu thế giới. Cho đến nay, đây cũng là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất, chiếm 46% lượng xuất khẩu của thế giới.

7. Biểu tình bùng phát ở một nước láng giềng khác của Nga. Nguy cơ thế chiến tại Âu Châu

Các nước Âu Châu đang theo dõi sát tình hình tại Georgia vì nguy cơ rất cao là giờ đây khi đã thất bại ở Ukraine, Nga có thể chiếm Georgia như một giải an ủi.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Protests Ignite in Another of Russia's Neighbors”, nghĩa là “Biểu tình bùng phát ở một nước láng giềng khác của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Các cuộc biểu tình nổ ra hôm thứ Ba tại thủ đô Georgia chống lại dự luật mới được đề xuất gọi là luật “tác nhân nước ngoài” phỏng theo y hệt như Nga, mà những người chỉ trích lo ngại sẽ làm suy yếu tham vọng hội nhập Euro-Atlantic của đất nước và mở ra cánh cửa cho ảnh hưởng lớn hơn của Nga.

Hàng ngàn người biểu tình đã đối đầu với cảnh sát chống bạo động ở Tbilisi, với 66 người bị bắt, sau khi luật được thông qua lần đầu tiên tại quốc hội.

Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đã bày tỏ lo ngại về luật này, cảnh báo nó sẽ làm suy yếu khát vọng địa chính trị hướng về phương Tây của Georgia.

Hàng nghìn người biểu tình đã đối đầu với cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Tbilisi của Georgia trong đêm thứ Ba. Họ đang phản đối một đạo luật được đề xuất yêu cầu bất kỳ tổ chức nào nhận được hơn 20 phần trăm tiền tài trợ từ nước ngoài phải ghi danh xem mình như “tác nhân nước ngoài”.

Những người biểu tình mang cờ Georgia, Ukraine, NATO và Liên Hiệp Âu Châu và hô vang “Đả đảo luật pháp Nga” khi họ diễu hành qua các đường phố, ném đá và bom xăng tự chế vào lực lượng an ninh. Cảnh sát đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay.

Luật này lặp lại y chang luật được thông qua ở Nga và các quốc gia hậu Xô Viết khác, làm dấy lên lo ngại rằng Mạc Tư Khoa đang tăng cường ảnh hưởng ở Georgia, nơi nổi lên như một chiến trường quan trọng trong cuộc xung đột leo thang của Điện Cẩm Linh với khối phương Tây NATO-Liên minh Âu Châu.

Trong các bình luận được đưa ra trong chuyến thăm Mỹ đang diễn ra, Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili đã chỉ ra rõ ràng vai trò của Nga trong vụ này.

Cô ấy nói: “Luật này — mà không ai cần đến — không phải tự nhiên mà có. Đó là điều do Mạc Tư Khoa ra lệnh… Georgia nhìn thấy tương lai của mình ở Âu Châu sẽ không cho phép bất kỳ ai lấy đi tương lai này.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Zourabichvili cho biết cô có ý định phủ quyết luật, hiện đã được thông qua lần đọc đầu tiên tại quốc hội. Quốc hội Georgia bị thống trị bởi đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền trong liên minh với đảng Quyền lực Nhân dân nhỏ hơn, đã thông qua lần đọc đầu tiên của dự luật trong tuần này. Theo luật của Georgia, Quốc hội có thể bác bỏ bất kỳ quyền phủ quyết nào của tổng thống và chỉ có 13 nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại dự luật.

Bộ Nội vụ Georgia cho biết trong một thông cáo báo chí vào sáng thứ Tư rằng 66 người đã bị bắt trong các vụ gây rối đêm thứ Ba. Bộ Nội Vụ cáo buộc những người biểu tình cố gắng chặn đường vào quốc hội và phóng hỏa tòa nhà lập pháp. Các phương tiện của cảnh sát cũng bị đốt cháy, thông cáo báo chí cho biết, với khoảng 50 viên chức cảnh sát bị thương, một số người trong số họ phải phẫu thuật.

Những người ủng hộ việc Georgia xoay trục sang phương Tây lo ngại dự luật có thể làm suy yếu cơ hội của nước này trong việc thắt chặt quan hệ với Liên Hiệp Âu Châu và NATO. Georgia nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 3 năm 2022 ngay sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine bắt đầu. Georgia cũng đã hợp tác lâu dài với NATO và tìm kiếm tư cách thành viên. Cho đến nay điều này đã bị từ chối vì sợ kích động phản ứng của Nga.

Georgia, giống như Ukraine và Moldova, có tranh chấp lãnh thổ công khai với Mạc Tư Khoa. Y hệt như vùng Donbas của Ukraine, Nga đã dựng nên các nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia và Abkhazia—chiếm khoảng 20% lãnh thổ Georgia—kể từ chiến thắng của Mạc Tư Khoa trong Chiến tranh Nga-Georgia năm 2008.

Các cuộc biểu tình ở Tbilisi có nét tương đồng đáng kinh ngạc với các cuộc biểu tình năm 2013 ở Ukraine mà cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc Cách mạng Maidan 2014, trong đó các nhà hoạt động thân phương Tây đã buộc Tổng thống Viktor Yanukovych thân với Điện Cẩm Linh từ chức sau khi ông tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Nga với cái giá phải trả là sự hợp tác của Liên Hiệp Âu Châu.

Tình trạng bất ổn ở Georgia diễn ra sau tình trạng bất ổn ở Moldova, nơi có khoảng 1.500 binh sĩ Nga xâm lược khu vực ly khai Transnistria dọc biên giới phía tây của Ukraine. Chisinau đã cáo buộc Mạc Tư Khoa âm mưu lật đổ chính phủ Moldova - vốn cũng đang tìm kiếm tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu - và cài đặt một chế độ bù nhìn.

Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Ba đã cảnh báo rằng luật tác nhân nước ngoài được đề xuất sẽ “không tương thích với các giá trị và tiêu chuẩn của Liên Hiệp Âu Châu” và có thể có “những hậu quả nghiêm trọng đối với các mối quan hệ của chúng ta”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Hoa Kỳ đang “theo dõi sát sao các diễn biến ở Georgia,” bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về dự thảo luật mà ông cho rằng “sẽ tấn công vào một số quyền rất quan trọng đối với nguyện vọng của người dân Georgia vì một nền dân chủ thống nhất, vì sự hội nhập Âu Châu-Đại Tây Dương và vì một tương lai tươi sáng hơn.”

“ Chúng ta thấy một dự thảo luật sẽ là một trở ngại lớn. Đây sẽ là một trở ngại đối với nguyện vọng của người dân Georgia; đó sẽ là một trở ngại đối với khả năng Hoa Kỳ tiếp tục là một đối tác của người dân Georgia.”

“Bất kỳ ai đang bỏ phiếu cho dự thảo luật này sẽ phải chịu trách nhiệm một phần về việc gây nguy hiểm cho những nguyện vọng rất Âu Châu-Đại Tây Dương của người dân Georgia. Chúng ta không muốn thấy điều đó xảy ra.”

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người Georgia mong muốn có quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Một cuộc khảo sát vào tháng 8 năm 2022 cho thấy 47% số người được hỏi muốn chính sách đối ngoại quốc gia là “thân phương Tây”, trong khi 31% muốn chính sách “thân phương Tây với quan hệ tốt với Nga”. Chỉ 2 phần trăm muốn có một chính sách đối ngoại thân Nga. 75% những người được khảo sát cũng cho biết họ ủng hộ tham vọng Liên Hiệp Âu Châu của Georgia.

Nhưng bức tranh phức tạp hơn trong giới tinh hoa chính trị, những người kể từ khi giành độc lập vào năm 1991 đã duy trì mối liên hệ chính trị và tài chính mạnh mẽ với Mạc Tư Khoa. Chẳng hạn, tỷ phú Georgia, cựu thủ tướng và người sáng lập Giấc mơ Georgia Bidzina Ivanishvili vẫn được coi là người ra quyết định quan trọng trong nước.

Ivanishvili đã làm giàu ở Nga trong thời kỳ tư nhân hóa hậu Xô Viết và từ lâu đã tìm cách bình thường hóa quan hệ với Mạc Tư Khoa, trái ngược hoàn toàn với cựu Tổng thống thân phương Tây Mikheil Saakashvili, người đang bị chính quyền Georgia giam giữ vì lạm dụng quyền lực mà ông cho là có động lực mang tính chính trị.

Khi được hỏi cụ thể về Ivanishvili, Price nói với các phóng viên rằng mặc dù chính phủ Hoa Kỳ không xem xét trước các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, nhưng “chúng ta sẽ xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh này, cũng như trong bất kỳ bối cảnh nào, để buộc tội những người có thể phạm phải những gì mọi người Georgia mong muốn và quan trọng nhất là những gì người dân Georgia mong đợi và xứng đáng được hưởng về các quyền phổ quát của họ.”
 
Khí phách sinh viên Công Giáo bị Putin bỏ tù 8 năm. Ngôi nhà thờ độc đáo. HY Kasper cảnh báo ly giáo
VietCatholic Media
05:17 09/03/2023


1. Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án một sinh viên Công Giáo 8 năm rưỡi tù giam

Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án nhà hoạt động sinh viên là anh Dmitry Ivanov 8 năm rưỡi tù giam khi Điện Cẩm Linh leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến phản chiến.

Ivanov, 23 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ và sinh viên khoa học máy tính, một giáo dân của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa người điều hành kênh Telegram “Cuộc biểu tình tại Đại học quốc gia Mạc Tư Khoa, đã bị xét xử với tội danh truyền bá thông tin sai lệch nhằm làm mất uy tín của quân đội Nga, theo một đạo luật được ban hành sau Nga phát động cuộc xâm lược của nó.

Trong một bài phát biểu tại phòng xử án ngay trước khi tuyên án, Ivanov nói:

“Hòa bình cho Ukraine, tự do cho nước Nga! Trường hợp của tôi không nên làm các bạn sợ hãi. Chúng ta phải làm rất nhiều để sống ở đất nước mà chúng ta xứng đáng có được và để chấm dứt cuộc chiến này.”

“Bạn phải hiểu rằng Nga không phải là Putin. Hàng chục triệu người Nga đang chống lại cuộc chiến tranh tội ác này… Đây là thời khắc đen tối trong lịch sử của chúng ta, nhưng nó luôn đen tối nhất trước bình minh,” Ivanov nói thêm.

Ivanov là thành viên của một nhóm nhỏ các nhà hoạt động phản chiến đã ở lại Nga sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin bất chấp nguy cơ bị bắt giữ ngày càng tăng.

Phát biểu với Guardian năm ngoái, Ivanov tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine.

“Tôi không nghĩ mình nên sợ hãi hay chạy trốn. Đây là đất nước của tôi,” anh ấy nói vào thời điểm đó.

Giờ đây, Ivanov tham gia vào một nhóm ngày càng nhiều những người bất đồng chính kiến nổi tiếng khác đã bị bỏ tù vì lên tiếng phản đối chiến tranh, bao gồm các chính trị gia đối lập Ilya Yashin và Vladimir Kara-Murza.
Source:Guardian

2. Nhà thờ độc đáo ở Rôma này lưu giữ hàng ngàn câu chuyện về các vị tử đạo thời hiện đại

Nép mình giữa những dòng chảy xiết của Tiber và bên dưới những cây cổ thụ trăm tuổi dọc theo bờ sông là l'Isola Tiberina hay Đảo Tiber. Mảnh đất nhỏ này, được bao quanh bởi một bên là khu phố Do Thái và một bên là khu phố Trastevere, có Vương cung thánh đường San Bartolomeo all'Isola hay Thánh Bácthôlômêô trên Đảo. Nhà thờ này có một nét độc đáo bên cạnh vị trí địa lý, vì nó lưu giữ ký ức và thánh tích của các vị tử đạo thế kỷ 20 và 21.

Để chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy Ban Các Vị Tử Đạo Mới, để điều tra sự tử đạo của các Kitô hữu trong thế kỷ 20. Để làm nổi bật công việc của cơ quan này, Đức Thánh Cha đã quyết định cung hiến Vương Cung Thánh Đường San Bartolomeo cho những chứng nhân đức tin mới này.

Trên thực tế, nhà thờ, được điều hành bởi Cộng đồng Thánh Egidio, được chia thành các nhà nguyện có các vị tử đạo hiện đại từ các khu vực hoặc khoảng thời gian cụ thể.

Thánh tích của Thánh Maximilian Kolbe

Thánh Maximilian Kolbe là một linh mục dòng Phanxicô người Ba Lan đã hy sinh mạng sống của mình vào năm 1941 để cứu người chồng và người cha bị kết án tử hình trong trại tập trung Auschwitz. Nhà nguyện lưu giữ thánh tích và cuốn sách cầu nguyện của vị Thánh.

Chân phước Maria Restituta: bị chém đầu vì treo thánh giá

Trong nhà nguyện có một cây thánh giá của Chị Maria Restituta, người đã bất chấp Đức Quốc xã bằng cách treo những cây thánh giá trong bệnh viện mà chị ấy làm việc. Cuối cùng chị ấy đã bị bắt và sau đó bị chặt đầu vào năm 1943.

Một linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương được phong chân phước, là người đã cố gắng cứu người Do Thái bằng cách trao giấy chứng nhận rửa tội

Một biểu tượng của Cha Emilian Kovch được treo trong Nhà nguyện để tưởng nhớ vị linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương này, và là cha của sáu người con, người đã chết trong trại tập trung sau khi cố gắng cứu hàng trăm người Do Thái.

“Tôi không hổ thẹn về Phúc Âm […] đó là quyền phép của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin”

Nhà thờ cũng bao gồm những câu chuyện của các cá nhân thuộc các hệ phái Kitô khác. Một ví dụ là một lá thư được viết bởi mục sư Tin lành, Paul Schneider, cho các thành viên trong gia đình ông khi ông ở trại tập trung Buchenwald ở Đức. Sau đó, ông qua đời ở đó vào năm 1939, để lại vợ và sáu người con. Tuy nhiên, có bằng chứng về việc Mục sư Schneider không muốn khuất phục chế độ Quốc xã ngay từ năm 1933.

“Chúa Nhật tuần trước tôi lại giảng về Rô-ma 1:16. Vì tôi không xấu hổ về Tin Mừng; vì đó là quyền phép của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin đầu tiên là người Do Thái và sau đó là người Hy Lạp. Tôi không tin rằng Giáo hội Tin lành của chúng ta sẽ có thể tránh được một cuộc đối đầu với nhà nước Đức Quốc xã, thậm chí nó sẽ không thể trì hoãn điều đó lâu hơn nữa,” ông viết vào tháng 10 năm 1933, sau một lời phàn nàn ban đầu về việc rao giảng của mình. Mục sư Schneider tiếp tục lên án mạnh mẽ ý thức hệ Quốc xã và công khai bênh vực người Do Thái. Cuối cùng ông bị bắt và sau đó bị trục xuất đến Buchenwald vào năm 1937.

Một lá thư từ một giám mục Tin Lành Lutheran quan trọng của Ba Lan

Một ví dụ khác là một bức thư của giám mục Lutheran người Ba Lan, Juliusz Bursche, mà ông đã gửi cho các thành viên gia đình của mình từ trại tập trung Sachsenhausen ở Đức. Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Giám mục Bursche đã giúp thành lập Nhà thờ Tin lành Augsburg, một giáo phái Lutheran, ở Ba Lan. Nó được công nhận hợp pháp vào năm 1937 và ông được đề cử làm giám mục đầu tiên.

Giám mục Bursche nói: “Nhiệm vụ của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, không phải rao giảng hệ ý thức hệ quốc gia của Đức hay Ba Lan. Ông bị chính quyền Đức bắt giữ vào năm 1939 và sau đó qua đời vào năm 1942. Người ta ước tính khoảng 30% giáo sĩ Tin lành của Ba Lan đã chết trong các trại tập trung trong Thế chiến thứ hai.

Một trong 108 vị tử đạo Ba Lan

Trong nhà nguyện có một lá thư được viết bởi Stanislaw Starowieysky, một giáo dân người Ba Lan đã được phong chân phước trong nhóm 108 vị tử đạo Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Trước chiến tranh, ông là một thành viên tích cực của Giáo hội và đã giúp tổ chức Đại hội Thánh Thể cấp Giáo phận ở Chelm và hỗ trợ Công Giáo Tiến hành. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã giúp nhiều người chạy trốn và tị nạn trong nhà của mình cho đến khi bị bắt vào năm 1939. Sau một lần trốn thoát ban đầu, ông bị quân Đức bắt lại vào năm 1940 và cuối cùng bị đưa đến trại tập trung Dachau. Là cha của sáu người con, ông qua đời ngày 13 tháng 4 năm 1941, vào đêm giữa Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh


Source:Aleteia

3. Đức Hồng Y Kasper cảnh báo Giáo hội Đức đang lao vào ly giáo

“Bạn không thể phát minh ra một đạo Công Giáo mới”, Đức Hồng Y Walter Kasper nói trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan KNA của Đức, đề cập đến các đề xuất về Tiến Trình Công Nghị của Đức.

Cựu chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo nhấn mạnh rằng sáng kiến này “hiện đang lao đầu vào một số ảo tưởng”, mặc dù tính đồng nghị đã là một phần trong đời sống của Giáo hội ngay từ đầu. Ngài lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Tiến Trình Công Nghị có thể không muốn có sự ly giáo, nhưng nó có thể “rơi vào tình trạng ly giáo”, giống như “các cường quốc đã tham gia Thế chiến thứ nhất hơn một trăm năm trước, ngay cả lúc đầu không ai thực sự muốn có một cuộc chiến”.

Sự cần thiết của sự khiêm tốn

Vị Hồng Y người Đức chỉ ra rằng hành trình thượng hội đồng cũng nên “nghiêm túc xem xét các câu hỏi đến từ các hội đồng giám mục khác”. Đừng hành động như bạn đã nắm bắt được sự thật. Điều này luôn khiến người Đức không được ưa chuộng ở nước ngoài. Khi tôi gặp các Hồng Y ở Rome, họ lắc đầu về người Đức.

Đức Hồng Y bác bỏ khả năng các quyết định của cuộc hành trình đồng nghị nhận được sự chấp thuận của Giáo hội hoàn vũ, ngay cả khi có những cá nhân ở các quốc gia khác cũng nghĩ như vậy. Nhưng họ không phải là đa số. Ví dụ, điều này áp dụng cho việc phong chức cho phụ nữ, hoặc ý tưởng về sự tham gia dân chủ vào việc quản lý Giáo hội. Giáo Hội không phải là một nền dân chủ! Trên hết, về chủ đề này, nhiều điều chưa được nghĩ đến về mặt thần học hoặc từ quan điểm của truyền thống, Đức Hồng Y Kasper nói, đề cập đến các đề xuất của đồng bào của mình.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng Giáo hội đang trải qua một cuộc cách mạng mang tính thời đại và không thể tiếp tục hoạt động như trước đây. “Nhưng tương lai của Giáo hội sẽ cụ thể như thế nào thì không ai trong chúng ta biết cả”, Đức Hồng Y Kasper, người vừa mới tổ chức sinh nhật lần thứ 90 của mình hôm Chúa Nhật 5 tháng Ba vừa qua.

Các giám mục Đức muốn thay đổi

Hầu hết các thành viên của hội đồng giám mục Đức muốn dân Chúa tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định, cũng như thuyết phục Vatican về đường lối cải cách của Tiến Trình Công Nghị Đức, trong khi lờ đi những lời chỉ trích nặng nề của Rôma. Điều này đã được nhấn mạnh bởi người đứng đầu Giám mục Đức, Georg Bätzing, vào cuối cuộc họp chung mùa xuân ở Dresden.

Cuộc họp diễn ra một tuần trước Hội nghị toàn thể lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng của Tiến Trình Công Nghị, sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 3 tại Frankfurt. Người ta dự đoán rằng do sự phản đối của nhiều giám mục khác nhau, một số nghị quyết được đề xuất có thể thất bại.
Source:Sismografo
 
Bakhmut: trận đánh lớn nhất thế kỷ, 18 chiến xa Nga vừa nổ tung. Ba Lan tặng hết Mig-29 cho Ukraine
VietCatholic Media
17:20 09/03/2023


1. Quân Nga khựng lại trước hệ thống địa đạo phòng thủ chằng chịt trong thành phố Bakhmut của quân Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 9 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân Nga tiếp tục gánh chịu các thương vong rất lớn ở thành phố Bakhmut.

Cô cho biết, quân Wagner tràn vào được phần phía Đông của thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, nhà cửa trong khu vực đó đã bị tan hoang sau nhiều tháng giao tranh từ đầu tháng 8 cho đến nay. Vì thế, khu vực này giờ đây trên thực tế là một khu đất trống, không có chỗ ẩn nấp. Pháo binh của Ukraine ngày nay đánh theo chiến thuật của NATO, bắn đồng loạt từ nhiều hướng khác nhau vào cùng một địa điểm. Sức công phá cũng đủ chết người. Để đối phó, quân Wagner ra sức đào các giao thông hào. Tuy nhiên, họ lại làm mồi cho máy bay không người lái.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, quân Ukraine đã có chuẩn bị trước. Họ có một hệ thống địa đạo chằng chịt vừa có thể phòng thủ trong thành phố, vừa có thể rút ra ngoài khi cần luân chuyển quân; hoặc khi thấy cần phải rút lui.

Chưa kể các lực lượng Địa Phương Quân, quân Ukraine có 3 Lữ Đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ các tuyến tiếp tế và rút lui khi cần. Đó là các Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia; và hai Lữ đoàn cơ giới số 28 và 53. Được sự yểm trợ của Lữ Đoàn Pháo Binh số 40 ở Chasiv Yar, trách nhiệm chủ yếu của họ là bảo vệ xa lộ T0504 chạy về phía tây đến Kostiantynivka. Họ cũng tìm cách khống chế bằng hỏa lực xa lộ E40 Sloviansk-Bakhmut ở phía tây bắc thành phố, và T0513 Bakhmut-Siversk ở phía bắc thành phố.

Trong một video được tung ra hôm thứ Năm trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã lớn tiếng chê bai Bộ Quốc Phòng Nga, các tướng lãnh và quân chính quy Nga nhát gan không dám xông vào thành phố Bakhmut như quân Wagner.

Diễn biến này cho thấy các tướng lãnh Nga đánh giá rằng không dễ gì chiếm được thành phố Bakhmut, và giá phải trả cho một chiến thắng như thế sẽ rất cao. Prigozhin, nói cho cùng cũng chỉ là một trùm du đảng, không qua một trường võ bị nào. Các tướng Nga ít nhiều cũng có kiến thức quân sự hơn ông ta, họ đánh giá tình hình một cách thực tế hơn.

Trong 24 giờ qua, 590 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến. 5 xe tăng và 13 xe thiết giáp bị bắn cháy. Lữ Đoàn Pháo Binh số 55 đóng tại Avdiivka bắn trúng một cụm pháo binh của quân Nga, làm nổ tung 2 hệ thống pháo và 1 hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 9 Tháng Ba, 156.120 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Lực lượng phòng thủ Ukraine cũng phá hủy 3.441 xe tăng Nga, 6.736 xe thiết giáp, 2.465 hệ thống pháo, 488 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 254 hệ thống phòng không, 303 máy bay chiến đấu, 289 máy bay trực thăng, 2.098 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.331 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 237 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

2. Nga ra đòn tàn bạo vào thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự. Những quyết định lịch sử của Ba Lan và các nước Đông Âu khác

Trong đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm 9 tháng Ba, theo giờ địa phương, Putin đã phóng 81 quả hỏa tiễn trên khắp Ukraine.

Trong bài phát biểu trước quốc dân đồng bào tối thứ Năm, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói:

“Đêm qua là một đêm khó khăn. Một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn trên khắp đất nước chúng tôi. Các vùng Kyiv, Kirovohrad, Dnipro, Odesa, Kharkiv, Zaporizhzhia, Lviv, Ivano-Frankivsk, Zhytomyr, Vinnytsia bị tấn công. Đó là các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng và các tòa nhà dân cư. Thật không may, có người bị thương và người chết. Xin chia buồn cùng các gia đình.

Tất cả các dịch vụ đang làm việc. Hệ thống năng lượng đang được phục hồi. Các hạn chế đã được áp đặt ở tất cả các khu vực.

Đối phương đã bắn 81 quả hỏa tiễn nhằm đe dọa người Ukraine một lần nữa, quay trở lại chiến thuật khốn khổ của chúng. Quân xâm lược chỉ có thể khủng bố thường dân. Đó là tất cả những gì họ có thể làm. Nhưng nó sẽ không giúp họ. Họ sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm về mọi việc họ đã làm.

Chúng ta cảm ơn những người bảo vệ bầu trời của chúng ta và tất cả những người giúp khắc phục hậu quả của những cuộc tấn công lén lút của quân xâm lược.”

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 9 tháng Ba, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết, hầu hết các hỏa tiễn đã bị đánh chặn trừ 6 hỏa tiễn Kinzhal và 6 hỏa tiễn X22.

Ông nói: “Nga phóng tổng cộng 81 hỏa tiễn vào các thành phố lớn trên khắp Ukraine vào sáng thứ Năm, trong đó có 6 hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal đã vượt qua hệ thống phòng không của chúng ta.”

“Cuộc tấn công thực sự có quy mô lớn và lần đầu tiên sử dụng nhiều loại hỏa tiễn khác nhau như vậy. Chúng ta thấy rằng lần này có tới sáu hỏa tiễn Kinzhal được sử dụng. Đây là một cuộc tấn công mà tôi chưa từng thấy trước đây”

“Cho đến nay, chúng ta không có khả năng chống lại những vũ khí này,” ông nói thêm, đề cập đến Kinzhals, cộng với sáu hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không X-22 cũng được phóng bởi lực lượng Nga.

Nga đã sử dụng hỏa tiễn Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được mô tả là vũ khí siêu thanh, trong một vài trường hợp trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược vào năm ngoái, nhưng rất hiếm. Nhưng loại vũ khí mạnh mẽ này hiếm khi được nhìn thấy trên bầu trời đất nước.

Việc sử dụng một loạt vũ khí đa dạng và không thể đoán trước như vậy dường như đánh dấu một sự thay đổi trong chiến lược của Điện Cẩm Linh.

Giống như hầu hết các hỏa tiễn đạn đạo, Kinzhal là loại hỏa tiễn siêu thanh, có nghĩa là chúng di chuyển với tốc độ ít nhất gấp năm lần tốc độ âm thanh, nhưng nó cũng đặc biệt khó phát hiện vì nó có thể được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31, giúp nó có tầm bắn xa hơn và khả năng để tấn công từ nhiều hướng.

Ba Lan đã đưa ra quyết định lịch sử là giao hết các máy bay chiến đấu MiG-29. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết Slovakia sẽ làm theo. Ông nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc đưa ra quyết định. Mọi người đang chết dần chết mòn ở Ukraine, chúng ta thực sự có thể giúp đỡ họ, không có chỗ cho người Slovak nghi ngại chính trị.”

3. Quyết định quan trọng của Ba Lan: Bàn giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố Ba Lan sẵn sàng bàn giao các máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine để quân đội Ukraine có thể sử dụng ngay trên chiến trường.

“Số MiG-29 còn lại mà chúng ta có ở Ba Lan và hiện đang phục vụ trong lực lượng không quân của chúng ta - chúng ta đã sẵn sàng chuyển giao những chiếc máy bay này và tôi chắc chắn rằng Ukraine sẽ sẵn sàng sử dụng chúng ngay lập tức”, tổng thống Duda nói với Quốc Hội.

Không quân Ukraine có thể sang Ba Lan lái những chiếc máy bay này về ngay sau thông báo của tổng thống Duda.

Tưởng cũng nên nhắc lại là, hôm 6 tháng Ba, 2022, Hoa Kỳ đã gợi ý Ba Lan cung cấp cho Ukraine 28 máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan do Nga sản xuất, sau đó sẽ được thay thế bằng một loạt F-16 mới của Mỹ. Không quân Ba Lan vận hành cả hai loại máy bay chiến đấu trong các hoạt động tác chiến của mình.

Ngày 8 tháng Ba, 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Zbigniew Rau, cho biết chính phủ của ông đã “sẵn sàng triển khai - ngay lập tức và miễn phí - tất cả các máy bay phản lực MiG-29 của họ đến căn cứ không quân Ramstein của Đức và đặt chúng dưới sự tùy nghi sử dụng của chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Nhưng Ngũ Giác Đài từ chối ngay đề xuất này. Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết viễn cảnh các máy bay phản lực khởi hành từ căn cứ Ramstein “bay vào vùng trời đang có tranh chấp với Nga về Ukraine gây lo ngại nghiêm trọng cho toàn bộ liên minh NATO”.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn Ba Lan và các đồng minh Nato khác của chúng tôi về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề xuất của Ba Lan là một đề xuất có thể khả thi”.

Bối cảnh của những rắc rối này là Putin và các nhà tuyên truyền Nga liên tục đưa ra các luận điệu đe dọa hạt nhân.

Quyết định của tổng thống Duda cho thấy ngày nay Ba Lan, Hoa Kỳ, và NATO đã xem thường các đe dọa của Nga.

Hôm 6 tháng Ba vừa qua, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết:

“Người Nga có thể sử dụng hỏa tiễn từ xa, như họ đã làm từ mùa xuân năm ngoái, và cũng có thể sử dụng bom dẫn đường trên không. Kho hỏa tiễn của đối phương không phải là vô hạn. Do đó, những quả bom dẫn đường này có thể bay xa hàng chục km và mất đi tính chính xác”, Ihnat nói.

Chính vì thế, Ukraine cần các máy bay chiến đấu hiện đại để bảo vệ các thành phố và làng mạc của Ukraine trước hỏa tiễn và bom từ trên không của Nga.

Theo Ihnat, các hệ thống phòng không tầm xa như SAMP/T và Patriot cũng có thể phát huy tác dụng trong vấn đề này. Nhưng, cần phải có khá nhiều hệ thống như thế để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, máy bay cơ động hơn và có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay ném bom của Nga hoặc ít nhất là đẩy chúng ra xa hơn, ngăn chúng thả bom. Với mục đích này, Ukraine cần có các máy bay chiến đấu đa năng hiện đại, bởi các máy bay từ thời Liên Xô của nước này không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ này.

Đáp lại nhận định này, Tướng Kirby cho biết trong khi chờ đợi không quân Ukraine làm quen với các máy bay của Hoa Kỳ và NATO, Mỹ có thể gắn các hỏa tiễn không đối không trên các máy bay mà Ukraine hiện có như một giải pháp tạm thời.

4. Người đứng đầu NATO cảnh báo Bakhmut có thể sụp đổ 'trong những ngày tới' nếu không có những nỗ lực trợ giúp khẩn cấp

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Chief Warns Bakhmut Could Fall 'In the Coming Days'“, nghĩa là “Người đứng đầu NATO cảnh báo Bakhmut có thể sụp đổ 'trong những ngày tới'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Nga cuối cùng có thể chiếm được thành phố Bakhmut “trong những ngày tới”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biến Bakhmut thành tâm điểm của quân đội mình trong nhiều tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hôm thứ Tư rằng việc kiểm soát thành phố phía đông Ukraine sẽ tạo cơ hội cho quân đội Mạc Tư Khoa tiến sâu hơn vào bên trong Ukraine, mặc dù các chuyên gia hoài nghi về nhận định này của Nga.

Trước cuộc họp với Hội đồng Đối ngoại của Liên minh Âu Châu vào thứ Tư, Stoltenberg đã đề cập đến cái mà ông gọi là “thời điểm quan trọng” đối với các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu, nói rằng “cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đang tiếp tục chống lại Ukraine.”

“Và trong những tuần và những tháng qua, chúng ta đã chứng kiến giao tranh ác liệt trong và xung quanh Bakhmut, và những gì chúng ta thấy là Nga đang đưa nhiều quân hơn vào khu vực này, nhiều lực lượng hơn và những gì Nga thiếu về phẩm chất, họ cố gắng bù đắp bằng số lượng,” Stoltenberg nói tiếp. “Họ đã chịu tổn thất lớn, nhưng đồng thời, chúng ta không thể loại trừ khả năng Bakhmut cuối cùng sẽ thất thủ trong những ngày tới”.

Tình báo Mỹ ước tính cứ 10 binh sĩ Nga gửi ra tiền tuyến thì chỉ có 3 người bình an vô sự. Một quan chức NATO khác trước đó đã nói với CNN rằng quân đội Mạc Tư Khoa đang mất ít nhất 5 binh sĩ cho mỗi binh sĩ Ukraine thiệt mạng để bảo vệ Bakhmut.

Hôm thứ Tư, ông Stoltenberg cho biết thành công giả định của Nga trong khu vực “không nhất thiết phản ánh bất kỳ bước ngoặt nào của cuộc chiến và nó chỉ nhấn mạnh rằng chúng ta không nên đánh giá thấp Nga”.

Bất chấp những tổn thất nặng nề, Nga dường như quyết tâm chiếm được thành phố. Dmitry Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, trước đây đã nói với Newsweek rằng “không có cách nào giải phóng Donbas nếu không chiếm được Bakhmut và tôi biết rằng giải phóng Donbas là một trong những nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự của chúng ta”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng tái khẳng định hôm thứ Hai rằng ông sẽ không rút quân khỏi thành phố, đồng thời nói thêm rằng bộ chỉ huy Ukraine “nhất trí ủng hộ quan điểm này”.

Tình báo Anh hôm thứ Tư đã đánh giá rằng bộ chỉ huy Nga có thể cố gắng tiến hành một cuộc tấn công mới vào khu vực Vuhledar như “một cách quan trọng để đạt được một bước đột phá quan trọng về chiến thuật vào các phòng tuyến của Ukraine”. Denis Pushilin, nhà lãnh đạo của Nga tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, trước đây đã nói rằng việc chiếm được khu vực Vuhledar có thể rất quan trọng đối với sự thành công của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Vào thứ Tư, Zelenskiy đã nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình rằng cuộc chiến ở Bakhmut là “ưu tiên hàng đầu” của Ukraine.

“Chúng ta đang làm mọi thứ để bảo đảm rằng các bước chiến thuật của chúng ta góp phần vào mục tiêu chiến lược – là sự thành công của Ukraine trong cuộc chiến giành toàn bộ lãnh thổ bị xâm lược tạm thời của nhà nước chúng ta,” ông nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận.

5. Cảnh quay cho thấy Ukraine có thể đã sửa chữa cây cầu trên đường chính đến Bakhmut

Lực lượng Ukraine có thể đã sửa chữa được một cây cầu trên con đường chính nối làng Chasiv Yar với thành phố Bakhmut, theo video và hình ảnh tĩnh được định vị bởi CNN.

Cây cầu đã bị pháo binh Nga bắn trúng, để lại một hố lớn khiến con đường không thể sử dụng được và buộc các lực lượng Ukraine phải sử dụng đường đất để tiếp tế cho lực lượng của họ đang bảo vệ thành phố đang bị tranh chấp ác liệt.

Đoạn phim cho thấy một cây cầu tạm thời đã được đặt trên miệng hố và một chiếc xe được nhìn thấy đang chạy qua nó.

CNN không thể xác minh độc lập thời điểm đoạn video được quay nhưng khả năng sửa chữa cây cầu có thể đồng nghĩa với việc mở lại tuyến tiếp tế quan trọng cho các lực lượng Ukraine ở Bakhmut.

Chasiv Yar hiện là nơi đóng quân của Lữ Đoàn Pháo Binh số 40. Từ đây, họ hỗ trợ cho Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và Lữ đoàn cơ giới số 28 và 53 bảo vệ xa lộ T0504 chạy về phía tây đến Kostiantynivka. Được tăng cường đạn pháo từ các nước Đông Âu, Lữ Đoàn Pháo Binh bắn suốt ngày đêm để yểm trợ cho quân phòng thủ Ukraine trong thành phố Bakhmut. Cả 3 xa lộ nối với thành phố Bakhmut là E40 Sloviansk-Bakhmut ở phía tây bắc thành phố, T0513 Bakhmut-Siversk ở phía bắc thành phố và T0504 đều không thể sử dụng đối với cả hai bên vì đều nằm trong tầm hỏa lực của nhau.

Trong các cuộc họp báo, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine thường đề cập đến Chasiv Yar như là nơi pháo binh Ukraine đang pháo kích dữ dội vào các lực lượng Nga. Tuy nhiên, theo các bloggers quân sự của Nga, quân Ukraine đang đánh theo chiến thuật của NATO. Họ bắn từ bốn hướng khác nhau tạo ra một cảnh tượng rất hãi hùng đối với quân Nga khi không biết đường nào để chạy.

6. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi kế hoạch hỗ trợ Ukraine về đạn dược

Ủy viên thị trường nội bộ Thierry Breton cho biết Liên minh Âu Châu hiện đang “ở thời điểm quyết định” về sự hỗ trợ của khối đối với Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu ở Stockholm, Breton kêu gọi rằng “điều hoàn toàn bắt buộc là chúng ta phải hướng tới một loại chế độ kinh tế chiến tranh về cung ứng và công nghiệp quốc phòng”.

Ông nói: “Chúng ta cần phải làm bất cứ điều gì cần thiết để cung cấp cho Ukraine, đặc biệt là đạn dược.

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc phòng của Liên Hiệp Âu Châu làm việc với kế hoạch mua sắm tiêu chuẩn trong ngắn hạn và tăng cường năng lực quốc phòng trong dài hạn.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu đề xuất rằng khối này sẽ chi 1 tỷ USD để mua sắm chung các loại đạn dược “rất cần thiết” cho Ukraine.

Ngay bây giờ, tại thời điểm cụ thể này, đạn dược là thứ mà người Ukraine đang cần nhất.

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson lặp lại lời kêu gọi của Borrell về một kế hoạch, nói rằng, “Người Ukraine rất cần đạn dược để tiếp tục cuộc chiến này. Và khía cạnh khác của vấn đề là chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất ở Âu Châu.”

“Có một số cuộc nói chuyện về EDA hay Cơ quan Quốc phòng Âu Châu. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là Cơ quan Phòng vệ Âu Châu có vai trò điều phối.” Jonson nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo đảm rằng họ không “đào sâu vào bộ máy hành chính”, đồng thời nói thêm rằng “mục tiêu là 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine”.

7. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói nước này cần 1 triệu viên đạn pháo để ngăn chặn quân đội Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết hôm thứ Tư rằng nước ông cần 1 triệu viên đạn “càng sớm càng tốt” để ngăn chặn các lực lượng Nga và tiến hành một cuộc phản công.

Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Liên minh Âu Châu tại Stockholm, ông Reznikov cho biết Ukraine cần 1 triệu quả đạn 155 ly cũng như 105 ly, trị giá khoảng 4 tỷ euro hay 4,22 tỷ USD.

Reznikov cho biết ông ủng hộ kế hoạch do Estonia đề xuất để các nước Liên Hiệp Âu Châu cùng bảo đảm số đạn đó. Ông cho biết Ukraine cần 90.000 đến 100.000 quả đạn pháo mỗi tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng cũng cho biết các hệ thống phòng không, xe tăng và đạn dược nằm trong số những ưu tiên mà ông sẽ thảo luận với các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu trong cuộc họp hôm thứ Tư.

Ông nói: “Ưu tiên số một là các hệ thống phòng không – và cả đạn dược, đạn dược, và lại là đạn dược nữa,” để Ukraine có thể sẵn sàng cho một cuộc phản công.

Reznikov cho biết thời gian là yếu tố quyết định có thể cứu mạng người, do đó “chúng ta cần phải tiến lên càng sớm càng tốt”.

8. Ukraine báo cáo: Putin chứng kiến sự gia tăng đột biến các đội quân bị gọi nhập ngũ từ chối 'đi vào cửa tử'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Sees Spike in Mobilized Troops Refusing to 'Go to Death': Ukraine”, nghĩa là “Ukraine báo cáo: Putin chứng kiến sự gia tăng đột biến các đội quân bị gọi nhập ngũ từ chối 'đi vào cửa tử'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo quân đội Ukraine, đã có sự gia tăng mạnh về số lượng binh sĩ Nga bị gọi nhập ngũ đã từ chối hy sinh mạng sống của họ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự không hài lòng ngày càng tăng với việc bị gửi ra tiền tuyến của cuộc chiến mặc dù thiếu kinh nghiệm chiến đấu, với nhiều người trong số họ từ chối “đi đến cái chết” sau khi đã được huấn luyện trở thành nhân viên an ninh.

“Có sự gia tăng mạnh về mức độ không hài lòng với hành động của giới lãnh đạo trong số những người bị gọi nhập ngũ cho các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga,” bài đăng cho biết.

“Lý do chính của sự không hài lòng là sự gia tăng quân đội Nga, những người trước đây được huấn luyện để phục vụ trong các đơn vị an ninh và thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Điều này dẫn đến thương vong tăng mạnh, và quân đội không đồng ý đi đến cái chết.”

Thứ Tư cũng chứng kiến sự xuất hiện của một video lan truyền cho thấy một trung đội quân đội Nga phàn nàn về các điều kiện và từ chối tuân theo mệnh lệnh sau khi bị gọi nhập ngũ để phục vụ trong lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.

“Nhân sự đang chết dần, đây là tất cả những gì còn lại của trung đội tôi, cả đại đội bây giờ chỉ còn có thế này,” một người lính tự nhận mình là trung úy nói trong đoạn video và sau đó buông ra một tràng những tiếng chửi thề.

Đoạn video này là video mới nhất trong số rất nhiều video dường như cho thấy sự bất mãn của các binh sĩ Nga kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hơn một năm trước.

Các video tương tự xuất hiện trong tuần này bao gồm một video cho thấy binh lính từ Lữ đoàn cơ giới số 5 của Nga trực tiếp kêu gọi Putin cung cấp vũ khí hiện đại hơn trong khi phàn nàn về tỷ lệ tử vong quá cao, và nói rằng, “Chúng ta không phải là thịt”.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines đã dự đoán trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Tư rằng Putin sẽ dùng đến việc điều động thêm quân đội để phục vụ trong “cuộc chiến tiêu hao nặng nề”.

Bất chấp nỗ lực leo thang để chiếm Bakhmut, Haines cũng nói rằng quân đội Nga khó có thể đạt được bất kỳ “lợi ích lãnh thổ lớn nào” trong năm nay do những thất bại lặp đi lặp lại trên chiến trường.

Trong khi đó, một trong những nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin ủng hộ việc Nga áp dụng “phương pháp” tàn bạo của nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin, cho rằng Mạc Tư Khoa nên “trả đũa tàn nhẫn và không thương tiếc” đối với việc “xóa bỏ bọn phát xít” Ukraine.

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Vladimir Solovyov cho biết: “Chúng ta đang có chiến tranh với những kẻ khủng bố và điều này phải được hiểu rất rõ ràng. Và chúng ta phải sử dụng các phương pháp đã được sử dụng dưới thời Stalin.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

9. “Đây là sự tôn trọng dành cho Ukraine”: Zelenskiy cảm ơn người biểu tình Georgia vì đã cầm cờ Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn những người biểu tình Georgia đã cầm cờ của đất nước ông trong các cuộc biểu tình vào đêm thứ Ba và ngày thứ Tư.

“Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã cầm cờ Ukraine trên các quảng trường và đường phố Georgia trong những ngày này. Tôi muốn cảm ơn bạn vì bài quốc ca của chúng ta đã được chơi ở Tbilisi. Đây là sự tôn trọng đối với Ukraine và tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng chân thành của mình đối với Georgia”, ông Zelenskiy nói. “Không có người Ukraine nào lại không chúc Georgia thân thiện của chúng ta thành công. Dân chủ thành công, thành công của Âu Châu.”

Người Georgia đã phản đối luật tác nhân nước ngoài do đảng cầm quyền của đất nước đưa ra, luật này được nhiều người coi là y chang luật hiện hành ở Nga và do Putin xúi giục áp đặt lên Georgia.

Những người biểu tình cho rằng luật này sẽ khiến Georgia không thể gia nhập Liên minh Âu Châu và NATO.

“Chúng ta muốn ở trong Liên minh Âu Châu và chúng ta sẽ như vậy. Chúng ta muốn Georgia gia nhập Liên minh Âu Châu và tôi chắc chắn điều đó sẽ xảy ra,” Zelenskiy tiếp tục nói. “Chúng ta muốn Moldova gia nhập Liên minh Âu Châu và tôi chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Tất cả các dân tộc tự do của Âu Châu đều xứng đáng với điều này.”

10. Giám đốc tình báo Mỹ nói Putin sẽ tiếp tục tiến hành chiến tranh ở Ukraine - có thể trong nhiều năm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin to carry on war in Ukraine — possibly for years, US intelligence director says”, nghĩa là “Giám đốc tình báo Mỹ nói Putin sẽ tiếp tục tiến hành chiến tranh ở Ukraine - có thể trong nhiều năm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Nga “có lẽ không muốn xung đột quân sự trực tiếp với lực lượng Mỹ và NATO, nhưng điều đó có khả năng xảy ra”, theo báo cáo đánh giá mối đe dọa hàng năm chưa được phân loại của cộng đồng tình báo hôm thứ Tư.

“Các nhà lãnh đạo Nga cho đến nay đã tránh thực hiện các hành động có thể mở rộng xung đột Ukraine ra ngoài biên giới Ukraine, nhưng nguy cơ leo thang vẫn còn đáng kể,” báo cáo cho biết.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines phát biểu trước Quốc hội rằng cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một “cuộc chiến tiêu hao nặng nề mà không bên nào có lợi thế quân sự rõ ràng,” nhưng nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ tiếp tục, có thể trong nhiều năm.

“Chúng ta không dự đoán quân đội Nga sẽ phục hồi đủ trong năm nay để đạt được những lợi ích lớn về lãnh thổ, nhưng Putin rất có thể tính toán thời gian có lợi cho mình và việc kéo dài chiến tranh bao gồm cả khả năng tạm dừng giao tranh có thể là con đường tốt nhất còn lại của ông ta để đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo đảm lợi ích chiến lược của Nga ở Ukraine, ngay cả khi phải mất nhiều năm,” Haines nói.

Haines nói rằng Nga có thể sẽ không thể duy trì ngay cả các hoạt động tấn công ở mức độ khiêm tốn hiện tại ở Ukraine nếu không có sự huy động bắt buộc bổ sung và các nguồn đạn dược của bên thứ ba.

Cô nói: “Họ hoàn toàn có thể chuyển sang thế phòng thủ và bảo vệ các lãnh thổ mà họ hiện đang xâm lược.”

Nhưng Haines cảnh báo rằng một cuộc tấn công mùa xuân tiềm năng của Ukraine có thể bị hạn chế bởi “mức độ mà các lực lượng Ukraine phải rút bớt dự trữ và thiết bị cũng như chịu thêm thương vong” để chống lại các hoạt động hiện tại của Nga.

Haines và các quan chức tình báo hàng đầu khác - Giám đốc CIA William Burns, Giám đốc FBI Chris Wray, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Trung tướng Scott Berrier và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Tướng Paul Nakasone - đã điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Tư tại phiên họp thường niên của hội đồng điều trần về các mối đe dọa trên toàn thế giới.
 
Tin vui từ Nhà thờ Đức Bà Paris. Khi phép lạ KHÔNG xảy ra, đức tin của một hồng nhan bạc mệnh
VietCatholic Media
17:23 09/03/2023


1. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ sung Hồng Y Hollerich và bốn Hồng Y khác vào Hội đồng Cố vấn của Ngài

Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm năm thành viên mới vào hội đồng các Hồng Y cố vấn của ngài, bao gồm Hồng Y Jean-Claude Hollerich, người tổ chức Thượng hội đồng và Hồng Y người Canada Gérald C. Lacroix.

Vatican đã công bố vào ngày 7 tháng 3 chín thành viên của Hội đồng Hồng Y của Giáo hoàng Francis được giao nhiệm vụ hỗ trợ Giáo hoàng “trong việc quản trị Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Thánh Cha đã đề cử Đức Hồng Y Sérgio da Rocha người Brazil, Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Juan José Omella Omella, và Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, Thống đốc Thành Vatican, làm thành viên mới của hội đồng, cùng với các Hồng Y Hollerich và Lacroix.

Với việc bổ nhiệm mới, Đức Hồng Y Óscar Rodríguez Maradiaga, 80 tuổi người Honduras, và Đức Hồng Y Reinhard Marx, 69 tuổi, không còn là thành viên của Hội đồng Hồng Y. Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, 80 tuổi, nguyên Thống đốc Thành Vatican, đã được thay thế bởi người kế vị.

Nhóm các Hồng Y cố vấn, còn được gọi là C9 với chín thành viên, được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập một tháng sau cuộc bầu cử của ngài vào năm 2013 để cố vấn cho Đức Thánh Cha về việc cải cách Giáo triều Rôma, đặc biệt là tông hiến mới, Praedicate evangelium, được công bố năm ngoái.

Nhóm tiếp tục gặp nhau sau khi công bố hiến pháp và thảo luận về Thượng hội đồng về tính đồng nghị và công việc của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên tại cuộc họp cuối cùng vào tháng 12.

Việc bao gồm Hồng Y Hollerich, một tu sĩ Dòng Tên, là một trong những nhà tổ chức hàng đầu của Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra, cho thấy rằng hội đồng sẽ tiếp tục có vai trò tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về tiến trình Thượng hội đồng toàn cầu.

Việc bổ nhiệm cũng cho thấy sự quý trọng của Đức Thánh Cha đối với vị Hồng Y tổng giám mục 64 tuổi của Luxembourg, người mà ngài đã bổ nhiệm vào năm 2021 với tư cách là tổng thư ký của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục. Mùa thu năm ngoái, Đức Hồng Y Hollerich đã nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican rằng ngài tin rằng khả năng Giáo hội chúc lành cho các kết hợp đồng giới.

Ba thành viên ban đầu của C9 vẫn còn trong hội đồng: Hồng Y người Mỹ Seán Patrick O'Malley, Hồng Y người Ấn Độ Oswald Gracias, và Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican.

Đức Hồng Y người Congo Fridolin Ambongo Besungu, người được bổ nhiệm vào năm 2020, cũng sẽ ở lại trong hội đồng cố vấn và Đức Giám Mục Marco Mellino sẽ tiếp tục làm thư ký của nhóm.

Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Hồng Y sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 4 tại dinh thự của Đức Thánh Cha ở Vatican, Casa Santa Marta, lúc 9 giờ sáng
Source:National Catholic Register

2. Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mở cửa vào tháng 12 năm 2024

Nhà thờ Đức Bà Paris, ngọn tháp và mái nhà đã bị phá hủy bởi trận hỏa hoạn ngày 15 tháng 4 năm 2019, dự kiến sẽ được xây dựng lại trong thời hạn 5 năm do chính phủ Pháp quy định.

Theo xác nhận của người đứng đầu công trường xây dựng, Tướng quân đội Pháp Jean-Louis Georgelin, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, các tín hữu và khách du lịch sẽ được phép tiếp cận lại địa điểm này vào cuối năm 2024.

Công việc tái thiết chỉ bắt đầu khoảng 24 tháng sau khi sự việc bi thảm xảy ra, với giai đoạn đầu tiên bao gồm dọn dẹp và bảo đảm an toàn cho địa điểm, với sự tham gia của hơn 200 công ty khác nhau.

Mặc dù nhà thờ được yêu mến sẽ chưa sẵn sàng cho Thế vận hội Olympic được tổ chức tại thủ đô nước Pháp vào tháng 7 và tháng 8 năm 2024, nhưng nó sẽ lấy lại được hình dáng ban đầu vào lúc đó, với giai đoạn tái thiết ngọn tháp biểu tượng của nó sẽ bắt đầu vào tháng Tư.

Do đó, trước cuối năm nay, nó sẽ xuất hiện trở lại trên bầu trời Paris như thiết kế ban đầu của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-duc vào thế kỷ 19, trái với mong muốn ban đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã kêu gọi một “biểu tượng kiến trúc đương đại” trong việc phục hồi ngọn tháp.

Trong một thông cáo ngày 1 tháng 12 năm 2022 do Cơ quan Công cộng Phụ trách Bảo tồn và Phục hồi Nhà thờ đưa ra, Georgelin đã công bố “những tiến bộ lớn” trong tiến độ của dự án.

Ông nói: “Việc hoàn thành việc xây dựng lại căn hầm đầu tiên bị sập đánh dấu một bước quan trọng, trong khi nội thất đã lấy lại được vẻ đẹp vốn có.

Sau ngọn tháp và cửa ngang, việc xây dựng lại mái nhà lớn của gian giữa và dàn hợp xướng, có khung từ đầu thế kỷ 13, sẽ diễn ra.

Gỗ sẽ được sử dụng để xây dựng lại khung đã được giám đốc nhà thờ, Giám mục Olivier Ribadeau Dumas, làm phép vào ngày 15 tháng 12 năm 2022. Các thanh xà được làm hoàn toàn thủ công theo phong cách thời trung cổ. Phép lành được coi là bước khởi đầu thực sự cho việc tái thiết hiệu quả mái nhà thờ Đức Bà sau nhiều tháng nghiên cứu và chuẩn bị.

Các quan chức dự án đã ước tính rằng khoảng 1.000 người trên khắp nước Pháp đang làm việc hàng ngày trong quá trình phục hồi.

Georgelin dự kiến việc khôi phục bên ngoài thiệt hại do ngọn lửa gây ra sẽ tiêu tốn khoảng 550 triệu euro hay 580,5 triệu USD. Ban đầu 150 triệu euro hay 158 triệu USD đã được chi để bảo đảm an toàn cho tòa nhà. Vào năm 2021, một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về các chi phí bổ sung phát sinh trong giai đoạn sơ bộ này, tự hỏi liệu số tiền hiện có sẵn có đủ để hoàn thành công việc hay không.

Theo giám đốc Quỹ Nhà thờ, Christophe-Charles Rousselot, 800 triệu euro hay 844 triệu USD thu được từ hơn 300.000 nhà tài trợ trên khắp thế giới sẽ đủ tiền để khôi phục hoàn toàn khung và mái nhà, đồng thời làm lại ngọn tháp.

“Sẽ là đủ để khắc phục hậu quả của vụ cháy. Nhưng sẽ không có đủ tiền để sửa chữa toàn bộ nhà thờ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien vào tháng 3 năm 2022, ước tính rằng có thể cần tổng cộng 1 tỷ euro hay 1,5 tỷ USD để sửa chữa mặt tiền phía bắc và phía nam của nhà thờ.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, dự kiến nhà thờ chính tòa sẽ mở cửa để thờ phượng vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, vào lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Source:National Catholic Register

3. Trong bệnh tật và đau khổ, Amber VanVickle đã làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô

Tuần thứ hai Mùa Chay, các trang web của Công Giáo Hoa Kỳ tràn ngập hình ảnh một người phụ nữ rất đẹp, với hàng loạt các bài viết ca ngợi cô. Đó thường không phải là phong cách của các trang web Công Giáo. Câu hỏi nhiều người đặt ra: Người phụ nữ này là ai?

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “In sickness and suffering, Amber VanVickle witnessed to Christ’s love”, nghĩa là “Trong bệnh tật và đau khổ, Amber VanVickle đã làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những người biết Amber VanVickle mô tả cô ấy là “xinh đẹp, hài hước, anh hùng, tỏa sáng, và khôn ngoan”. Câu chuyện của cô đã chiếm được rất nhiều trái tim, dạy cho nhiều người những bài học quý, và đáp lại có vô số những lời cầu nguyện dâng lên thiên đàng cho cô.

Và giờ cô đã qua đời, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy và một di sản vô cùng truyền cảm.

Amber VanVickle là ai?

Amber VanVickle là một người Công Giáo nhiệt thành và là người mẹ dạy con học tại nhà. Cô có 5 người con: Sam, Max, Judah, Josie và Louisa. Cô ấy có bằng tiếng Anh tại Đại học Steubenville của Dòng Anh Em Hèn Mọn, và các bài viết của cô ấy đã được đăng trên các ấn phẩm quốc gia. Cô sống ở Pittsburgh với chồng Dave và năm đứa con của họ cho đến khi cô qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 23 tháng 2 năm 2023.

Nhưng điều đó chỉ nắm bắt được một chút trong câu chuyện của cô ấy.

Chồng cô, Dave VanVickle, là một nhà truyền giáo nổi tiếng toàn quốc và là chuyên gia về chiến tranh tâm linh. Anh ấy làm việc với tư cách là một diễn giả và người hướng dẫn tĩnh tâm, người tập trung vào việc công bố lời kêu gọi nên thánh phổ quát, tâm linh Công Giáo đích thực, cuộc chiến tâm linh và sự giải thoát. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm hỗ trợ các linh mục trong các sứ vụ trừ tà và giải thoát của họ. Sự hiện diện cầu nguyện và yêu thương của Amber là điều cần thiết cho công việc của anh ấy.

Gia đình phải đối mặt với một số thử thách nghiêm trọng trước chẩn đoán ung thư của Amber. Ba trong số những đứa con của VanVickles được sinh ra với một số chứng rối loạn sức khỏe, bao gồm tật nứt đốt sống và bại não.

Đau lòng mang lại hoán cải

Amber quay lưng lại với sự cám dỗ tự nhiên dẫn đến sự tức giận và cay đắng, và đi theo con đường anh hùng là đến gần Chúa hơn trong sự đau khổ của mình. Cô ấy đã viết với tài hùng biện mạnh mẽ về nỗi buồn của cô ấy đối với sức khỏe của các con cô ấy và điều đó đã dạy cô ấy về Chúa trong bài báo của cô ấy, Khi Phép Lạ Không Đến và Một Người Mẹ Tìm Thấy Tình Yêu Dưới Chân Thánh Giá.

Amber là một tín hữu Công Giáo cả đời, nhưng mối quan hệ của cô với Chúa đã thay đổi một cách sâu sắc và quan trọng sau khi các con cô được chẩn đoán. Cô ấy viết rằng, sau khi chịu đựng những đau khổ tột cùng này, cuối cùng cô ấy đã có thể yêu Chúa một cách tự do và trọn vẹn.

Khi căn bệnh cuối cùng của chính cô bắt đầu, Amber đã đối mặt với nó bằng lòng dũng cảm và sự tin tưởng trung thành vào Chúa mà cô đã sống cuộc đời mình. Không lâu trước khi chết, cô ấy đã viết trên Facebook,

Xin chào tất cả, Các bác sĩ nói với chúng ta rằng họ không thể làm gì hơn ngoài việc giúp tôi cảm thấy thoải mái, vì vậy chúng ta đang ở bệnh xá. Tôi cam chịu ý muốn của Thiên Chúa, bất kể điều đó có thể là gì, nhưng cũng tràn đầy hy vọng của Những người phụ nữ trong Phúc âm, “Chỉ cần tôi chạm vào Ngài, tôi sẽ được chữa lành. “ Bất cứ điều gì Ngài muốn!! Tôi sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó nếu không có đội quân gồm một gia đình chiến binh cầu nguyện phía sau tôi, những lời cầu nguyện, tình yêu và sự hỗ trợ tài chính của các bạn thật không thể tin được. Chúng ta không bao giờ có thể cảm ơn bạn đủ.

Nhưng bạn có thể học được nhiều điều về người phụ nữ phi thường và thánh thiện này từ chính lời nói của cô hơn là từ bất cứ điều gì chúng ta có thể nói. Dưới đây là một số trích dẫn quan trọng nhất từ các bài viết công khai của cô ấy.

Sự vắng mặt của các phép lạ của Thiên Chúa không có nghĩa là không có tình yêu của Người, mà là sự hiện diện của tình yêu ấy, một sự dâng hiến tình yêu đó và lời mời gọi đến với sự thân mật hơn, một sự chia sẻ trong cuộc sống của Người đã đạt được một cách hiệu quả bằng việc buông bỏ và lửa của thập giá.

Bị lột trần và tan nát, tôi đứng đó mà không còn gì trong lòng. Chỉ khi đó cuối cùng tôi mới có thể nói: Lạy Chúa, con không biết gì cả. Chúa là ai? Xin hãy mạc khải cho con!

Và tôi đã tìm thấy gì trong sự đầu hàng? Bình yên, nhẹ nhàng, tự do. Chúa đã cởi xiềng xích… Tôi thấy tự do để yêu Ngài vì chính con người Ngài; tự do yêu mến Thiên Chúa vì Người đã yêu tôi cách tuyệt vọng trước. Bất chấp những gánh nặng và nỗi đau lòng của tôi, vì những thập giá của tôi, cuối cùng tôi đã có thể nói với Chúa: “Con luôn yêu Chúa, luôn luôn, luôn luôn.”

Có lẽ Chúa đang nói với chúng ta rằng tình yêu của Ngài không chỉ được đo lường bằng thể chất, bằng phép lạ và sự chữa lành, nhưng có lẽ còn hơn thế nữa, khi không có những điều đó. Rằng tình yêu của Người được thể hiện, thậm chí còn sâu sắc hơn, trong những thập giá, những thử thách và giông bão của cuộc đời chúng ta, trong sự vắng bóng của quyền năng và tình yêu của Người.

Tôi đã học được cách ngừng hỏi tại sao và bắt đầu hỏi cái gì. Như Cha Jacques Philippe nói, để có “can đảm” để bỏ qua một số câu hỏi chưa được trả lời và hỏi, “Chúa muốn gì ở con?” Tự do. Bẻ gãy xiềng xích. Tự do khi biết rằng đó không phải là bức tranh của con, mà là của Chúa. Tự do khi biết rằng đường lối của Chúa vượt xa đường lối của con, vượt quá tầm hiểu biết của con. Tự do để biết rằng Chúa sẽ làm bất cứ điều gì để đưa con đến với Ngài, thậm chí làm tan nát trái tim con, bởi vì phần thưởng lớn hơn rất nhiều.
Source:Aleteia