Ngày 11-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bối Cảnh Do Thái Của Kinh Lạy Cha
Vũ Văn An
02:23 11/03/2008
Bối Cảnh Do Thái Của Kinh Lạy Cha

Chúa Giêsu là một người Do Thái thuần thành. Từ những ngày còn trong bụng Mẹ, Người đã bắt đầu cùng Mẹ cất lời ca ngợi Thiên Chúa hàng ngày, nhất là dịp Mẹ đi thăm dì Elizabeth và đem Con vào Đền Thờ (Lc 1:46ff; 2:22ff)). Lớn lên, đã chủ động rất nhanh cuộc sống thân mật với Thiên Chúa. Cậu bé mười hai tự ý hay vì say mê quá mà ‘quên cả đường về’ tiếp tục ở lại Giêrusalem “vừa nghe các thầy dạy, vừa đặt câu hỏi” khiến “ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 3:46-47). Diễn trình ấy không phải một mà hẳn phải rất nhiều lần. Vì mặc dù không đến trường đào tạo nào, Người cũng đã mặc nhiên trở thành một rabbi, hiển nhiên đến nỗi những người khó tính như luật sĩ và biệt phái cũng không dám tước bỏ danh hiệu. Có điều vị rabbi này phụng sự Thiên Chúa không phải chỉ ngoài môi mép mà bằng cuộc sống cầu nguyện nội tâm sâu sắc, múc từ dòng sữa Mẹ…

Nhà thờ Kinh Lậy Cha trên núi Olivê ở Jerusalem
Các môn đệ của Người tuy là những người lao động chất phác, nhưng phần đông cũng là những tín hữu trung thành của hội đường. Thầy trò ra vào hội đường không hẳn như một bổn phận phải chu toàn mà là như một nhu cầu phải thoả mãn. Hội đường thì hạn hữu mà nhu cầu thì vô chừng. Thầy trò hiển nhiên phải thoả mãn nhu cầu thiêng liêng ấy khắp mọi nơi, bất cứ lúc nào. Bởi thế mà có lời yêu cầu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” và thế là chúng ta có Kinh Lạy Cha (Lc 11: 1-4; Mt 6:9-13). Thầy không cần tra cứu lâu la. Trò không cần thắc mắc dài dòng. Thầy như rút từ trong ruột rút ra. Trò hiểu nội dung từng câu từng chữ nằm lòng như đã được nghe cha ngâm, mẹ ngắm từ lúc nằm nôi. Không một soạn giả Phúc Âm nào nhắc đến bất cứ câu hỏi nào từ phía các môn đệ, mặc dù, đối với nhiều vấn đề khác, các ông không những thắc mắc mà còn “rầm rì” phản đối là đàng khác. Được như thế là vì Kinh Lạy Cha, dù có rất nhiều nét độc đáo phi thường, vẫn là Kinh của một người Do Thái thuần thành, xuất thân từ một dân tộc được đặc điểm hóa và nổi bật nhất về cầu nguyện.

1. Tin Tưởng Hoàn Toàn

Người Do Thái có thói quen đến với Chúa bằng cả một lòng tin tưởng tuyệt đối rằng Người mong muốn các lời cầu nguyện của họ và Người sẽ nhận các lời cầu nguyện ấy. Các thầy rabbis cho hay: “Đấng Thánh Thiện ước ao lời cầu nguyện của kẻ công chính”. Còn Thánh Vịnh Gia thì bảo: “Chúa gần gũi những ai kêu cầu Người, những ai kêu cầu Người trong sự thật” (Tv 145:18). “Họ kêu cầu Chúa lúc túng quẫn và Người giải thoát họ khỏi bĩ cực” (Tv 107:6). Thiên Chúa nói về người lành: “Khi nó kêu cứu đến Ta, Ta sẽ đáp ứng lại nó” (Tv 91:15).

Bởi lẽ trên, người Do Thái không bao giờ hoài nghi sức mạnh của lời cầu nguyện. Các thầy rabbis dạy rằng “Cầu nguyện, khí giới của miệng, hết sức mạnh mẽ” (1). Họ luôn tin rằng lỗ tai Thiên Chúa và trái tim Người luôn mở rộng đón nhận lời cầu nguyện của con cái mình. “Mọi người đều bình đẳng khi họ cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa, dù là đàn bà hay nô lệ, khôn ngoan hay ngu muội, giầu hay nghèo” (2). Dù cả thế giới cùng cầu nguyện một lúc, Thiên Chúa vẫn nghe thấy lời cầu của từng người. Họ trích dẫn câu: “Ôi Đấng nghe thấu lời cầu, muôn xác thịt ngỏ cùng Người (một lúc)” (Tv 65:2). Rồi nghĩ thêm: “Một ông vua phàm trần chỉ lắng nghe được hai hay ba người một lúc, chứ không thể nghe thêm; Thiên Chúa không như thế, vì mọi người có thể cầu nguyện với Người, và Người lắng nghe họ tất cả cùng một lúc. Lỗ tai con người nghe riết sẽ chán; nhưng lỗ tai Thiên Chúa không bao giờ chán nghe. Người không bao giờ mỏi mệt vì lời cầu nguyện của con người” (3). Người cũng sẽ không bao giờ chán ngán vì bị con cái quấy rầy. Các thầy rabbis hay kể lại dụ ngôn này: “Một người kia đến thăm bạn, được bạn tiếp đón ân cần, đặt anh nằm ghế bành bên cạnh. Hôm sau anh ta đến nữa, được người bạn cho ngồi ghế dựa. Hôm sau nữa lại đến, được anh ta cho ngồi ghế đẩu. Lần thứ tư, anh được bạn bảo: ‘cái ghế gác chân xa quá, tao lấy không được cho mày’. Thiên Chúa thì không thế. Vì bất cứ khi nào Israel gõ cửa nhà Thiên Chúa, Đấng Thánh đều hớn hở, như lời đã chép: Vì có dân tộc nào vĩ đại bằng dân tộc có được một Thiên Chúa ở gần họ như Thiên Chúa chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu” (4). Đối với một con người, bạn hữu càng lúc càng ít được chào đón sau mỗi lần viếng thăm, cho đến lúc trở thành ‘của nợ’, còn với Thiên Chúa, không bao giờ như thế cả.
Khi Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy năm 70 CN và khi người Do Thái không thể dâng hy lễ được nữa thì cầu nguyện đã trở thành hy lễ và lễ dâng tối cao. Nhưng trước đó nữa, nhiều rabbis đã chủ trương rằng trước nhan Thiên Chúa, cầu nguyện cao cả hơn lễ hy sinh. “Thiên Chúa phán với Israel: Hãy siêng năng việc sùng kính, vì không có đức tính nào đẹp hơn cầu nguyện. Cầu nguyện cao cả hơn mọi hy lễ” (5). “Trong luật hy lễ có qui định: Ai có bò mộng hãy dâng bò mộng; nếu không, anh ta hãy dâng con dê hay con chiên, hoặc con bồ câu; và nếu anh ta không đủ sức dùng bồ câu, anh ta hãy dâng một nắm bột. Còn nếu anh ta không có cả một nắm bột, thì anh ta khỏi phải mang gì tới, mà chỉ cần mang tới lời cầu nguyện” (6).

Các bậc thầy Do Thái cũng cho hay phải cầu nguyện liên lỉ chứ không phải chỉ khi cần thiết. Sách Talmud, sau khi nhấn mạnh câu nói của Sách Huấn Ca “Hãy kính trọng thầy thuốc trước khi con cần tới ông ta”, đã nói rằng: “Đấng Thánh phán, cũng như việc của Ta là tạo cho mưa và sương rơi xuống đất và làm cho cây cối mọc lên để nuôi sống con người thế nào, thì con cũng buộc phải cầu nguyện với Ta, và ca ngợi Ta vì các công trình của Ta như thế; con không nên nói, con đang thịnh vượng giầu có, cần chi phải cầu nguyện? Bao giờ bất hạnh xẩy ra cho con, con mới đến khẩn cầu. Con phải dự ứng trước và cầu nguyện ngay trước khi bất hạnh xẩy ra!” (7). Cầu nguyện không hẳn là lời kêu cầu lúc cần kíp nguy kịch cho bằng lời chuyện trò và tình bằng hữu liên tiếp và không dán đoạn với Thiên Chúa.

2. Giãi Bầy Cõi Lòng

Người Do Thái nói tới các cảm xúc trong tâm hồn khiến người ta cầu nguyện (8). Ta phải đem hết mọi điều trong trái tim ta ra thổ lộ cùng Chúa. Nhờ thế, ta buộc phải khảo sát các thèm muốn trong tâm hồn mình xem chúng có chứa một điều chi không thánh thiện, không công chính hay đê tiện hay không.”Cầu nguyện đem lại hậu quả hữu ích là thanh tẩy, gọt dũa và làm tâm hồn ta cao thượng. Nó xua đuổi các tư tưởng xấu và do đó giúp ta thoát được nhiều đau đớn buồn khổ” (9). “Con sẽ chúc tụng Thiên Chúa mọi lúc: miệng con sẽ luôn luôn ca ngợi Người” (Tv 34:2). “Ôi lạy Chúa, hãy mở môi con; và miệng con sẽ ca ngợi Người” (Tv 51:17).

Di tích nhà người Do thái thới Chúa Giêsu ơ cạnh nhà thờ Kinh Lậy Cha
Trước nhất phải tỏ dạ biết ơn và lời tạ ơn. “Con sẽ ca ngợi Chúa, vì Chúa đã nghe lời con” (Tv 118:21). “Con sẽ dâng hy lễ lên Chúa với lời tạ ơn thiết tha” (Giôna 2:9). Một rabbi từng nói: “Dù không thể liên tục dâng mọi lời cầu nguyện lên, song lời cầu nguyện tạ ơn, thì không bao giờ được gián đoạn”. Ấy thế nhưng phải cẩn thận để tạ ơn Chúa vì những điều đúng đắn. “Đừng vui mừng, khi kẻ thù ngươi vấp ngã”. Sách Talmud có một câu nói rất đáng yêu: “Các Thiên Thần muốn hát bài ca ngợi Thiên Chúa khi người Ai Cập bị chết chìm dưới biển, nhưng Thiên Chúa quở trách các vị mà nói rằng: ‘Ta há lại nghe các ngươi đàn hát khi con cái Ta chết chìm trước mắt Ta hay sao?’” (10). Các thầy dạy Do Thái đều nhấn mạnh rằng: người ta không bao giờ nên tạ ơn Chúa vì bất cứ bất hạnh nào xẩy tới cho người khác.

Khi cầu nguyện, lúc nào người ta cũng phải nghĩ đến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Dù đến với Thiên Chúa trong yêu thương và tin cậy cũng như tin tưởng bao nhiêu, người ta vẫn phải kính trọng, khiến họ, là tạo vật, không được xuồng xã với Đấng Hóa Công. Rabbi Simon nói rằng: “Khi cầu nguyện, con người phải nghĩ rằng Shechinah (Vinh Quang Thiên Chúa) đang ngự trước mặt họ” (11). Nghĩ đến sự thánh thiện của Thiên Chúa khi cầu nguyện là phải nghĩ đến hai điều khác nữa. Thứ nhất là ý muốn vâng phục và làm Chúa vui lòng. Thánh vịnh gia thân thưa: “Lời Chúa dịu ngọt biết bao đối với con, dịu ngọt thơm tho hơn mật ong đối với miệng lưỡi con!”. “Miệng con sẽ ngâm ngợi lời Chúa, vì mọi giới răn Chúa đều chân thật” (Tv 119: 103, 172). Thứ hai là nỗi sợ sệt phạm tới Chúa. Chỉ người có bàn tay sạch sẽ và tâm hồn trong trắng mới được lên đồi Chúa (Tv 24:3,4). Vì thế, Thánh vịnh gia quyết tâm: “Lạy Chúa, con sẽ rửa tay con cho vô tội để rảo quanh bàn thờ Chúa” (Tv 26:6).

Và trên tất cả, khi cầu nguyện, con người phải giãi bầy cho Chúa mọi yếu đuối của mình. Họ quá biết rõ sự bất ổn của cuộc đời, sự vô vọng của họ trước rủi may và đổi thay của cuộc sống, ánh sáng đời sống có thể đột nhiên vụt tắt nhường chỗ cho bóng đêm. Thánh vịnh gia cho hay: “Chúa là thành lũy cho kẻ bị bóc lột, một thành lũy trong cơn khốn khó” (Tv 9:9). Sách Talmud cho hay: “Cả khi lưỡi gươm đã kề cổ, cũng không nên mất lòng cậy trông cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (12). “Hãy cậy trông Chúa và cầu nguyện nữa” (13).

Phần lớn lời cầu nguyện của người Do Thái là thống hối. “Cổng nước mắt không bao giờ đóng” (14). Cả khi cộng đoàn không thể đem gì tới, họ vẫn có thể khóc và cầu nguyện, và Thiên Chúa sẽ tiếp nhận chúng (15). Họ gán cho lời kinh thống hối một sức mạnh khá phi thường. Họ luôn luôn thán phục trước điều ta có thể gọi là nghịch lý của Thiên Chúa. Điều Người phán ra là bất di bất dịch; luật lệ của Người không thể vi phạm; phán xử của Người không thể tránh được. Cho nên xem ra án Thiên Chúa phạt kẻ có tội là không thể thay đổi được. Nhưng một sự kiện vẫn đúng là vẫn có những thứ như lòng xót thương đầy diệu kỳ của Thiên Chúa. Người Do Thái tin theo nghĩa đen rằng lời cầu nguyện của một tâm hồn thống hối có thể biến đổi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thành lòng thương xót của Người. “Tại sao lời cầu nguyện của kẻ công chính lại giống như chiếc cào? Vì chiếc cào chuyển động thóc lúa từ nơi này đến nơi khác thế nào thì lời cầu nguyện của người công chính cũng chuyển động các phẩm tình xót thương như vậy” (16). Một lần kia, khi Rabbi Ishmael giữ nhiệm vụ thầy cả, ông đã bước vào nơi cực thánh để dâng hương. Tại đấy, ông đã thấy Thiên Chúa, và cầu nguyện cùng Người rằng: “Xin ý Chúa dùng lòng xót thương khuất phục cơn thịnh nộ của Ngài”, và Thiên Chúa gật đầu đồng ý (17). Có lẽ hình ảnh đáng ngạc nhiên nhất trong mọi trước tác tôn giáo của Do Thái là hình ảnh Thiên Chúa cầu xin chính mình cho lòng xót thương của mình thắng vượt. Rab cho hay: lời cầu nguyện của Chúa như sau: “Chớ chi ý Ta là lòng xót thương của Ta thắng vượt lòng tức giận của Ta, chớ chi nó thắng vượt các thuộc tính công bằng và phán xử của Ta, và ước chi ta đối xử với con cái Ta theo thuộc tính xót thương, chứ không cư xử với chúng theo đường công lý nghiêm ngặt” (18). Israel Abrahams trích một câu của Solomon Ibn Gabirol trong cuốn Royal Crown được ông coi là một ca khúc linh hứng bậc nhất chỉ sau Sách Thánh Vịnh: “Từ Ngài con chạy đến với Ngài” (19).

Lời cầu nguyện cao qúy nhất vẫn là lời cầu nguyện của cộng đồng. Lời cầu nguyện của cá nhân luôn có nguy cơ rơi vào vị kỷ; và do đó, lời cầu nguyện cao qúy nhất chính là lời cầu nguyện của cộng đoàn, một cơ sở mà cá nhân không bao giờ nên phân ly. “Israel chỉ được cứu chuộc khi hợp lại thành cộng đoàn: khi mọi người hiệp nhất, họ mới tiếp nhận được sự hiện hữu của Shechinah (vinh quang Thiên Chúa)” (20). Chỉ những ai chia sẻ buồn vui với cộng đoàn, như Mô-sen chia sẻ các khốn quẫn của dân mình, mới nhận được niềm an ủi của cộng đoàn (21). Khi người công chính ở cận kề cái chết, họ vẫn không quan tâm tới chính thân phận mình nhưng quan tâm tới nhu cầu của cộng đoàn. Lúc người ta cho biết ông sắp chết (Dân Số 27:12-14), Mô-sen không lo lắng cho chính ông, nhưng lo lắng để Thiên Chúa đề cử một lãnh tụ khác thay thế ông (22). Có lẽ trường hợp ngoại thường nhất trong đường hướng cầu nguyện này là lời cầu nguyện của các rabbi như sau: “Lạy Chúa, xin đừng để lời cầu của kẻ gây chiến được dâng lên trước nhan Chúa” (23). Ý niệm hàm chứa trong đó là kẻ gây chiến có thể xin cho thời tiết nắng ấm trong khi toàn thể cộng đồng lại cần mưa thuận. Không phải vì tư tưởng Do Thái lên án hay không quan tâm tới lời cầu nguyện bản thân và tư riêng, trái lại là đàng khác; mà chỉ là vì họ rất tởm gớm tính vị kỷ trong lời cầu nguyện, và do đó, nhấn mạnh tới nhu cầu cầu nguyện trong và với cộng đoàn. Và ta hẳn nhớ rằng các chữ như con, cho con, của con không hề có mặt trong Kinh Lạy Cha.

3. Các đặc điểm của cầu nguyện

Người Do Thái tin vào sự bền bỉ trong cầu nguyện. Mô-sen vẫn cứ cầu xin lòng xót thương của Chúa, dù Chúa đã cho ông hay: “đủ rồi, đừng nói với Ta việc ấy nữa!” (Đệ Nhị Luật 3:26). Người khác chắc đã chấm dứt từ lâu khi lời cầu nguyện của họ không được đáp ứng! Sau cái tội thờ bò vàng, Mô-sen khẩn cầu cho dân suốt bốn mươi ngày (Đệ Nhị Luật 9:18, 25). Các Rabbis thường nhắc lại truyện Vua Hezekiah trong cơn bệnh hiểm nghèo vẫn không ngừng cầu nguyện dù tiên tri Isaiah, nhân danh Thiên Chúa, thông báo cho ông hay ông sẽ chết chứ không sống được (Isaiah 38:1-5). Ông cho vị tiên tri này hay: trong gia đình ông, có một truyền thống, dù gươm sắc đã kề vào cổ một người, người đó cũng không ngưng van xin thương xót (24). Cầu nguyện, thống hối và bố thí là ba thứ có thể làm cho Thiên Chúa rút lại các sắc lệnh của Người (25). Người Do Thái thấy không có gì sai và bất tự nhiên trong việc nài nẵng Thiên Chúa.

Bên trong nhà thờ Kinh Lậy Cha
Bền bỉ kiên nhẫn đã đành, lời cầu nguyện cũng phải kèm theo lòng khiêm tốn. Người cầu nguyện luôn minh xác mình không muốn điều gì khác ngoài thánh ý Thiên Chúa. Người Do Thái luôn coi những lời mở đầu kinh cầu nguyện sau đây như là tiêu chuẩn: “Xin Chúa vui lòng ban…”; “nếu đẹp mắt Chúa, xin hãy…”. “Hãy học cách nói: Đấng Toàn Năng làm bất cứ điều chi cũng là vì lợi ích chúng ta” (26). Không ai được cầu nguyện mà lại mong việc đáp trả như một quyền lợi. Lời cầu nguyện cao ngạo luôn là điều tởm gớm. Có một câu ngạn ngữ hơi lạ: “Có ba điều tội người ta thường phạm hàng ngày: tư tưởng xấu, trông chờ vào cầu nguyện, và vu vạ. Người cầu nguyện nào nghĩ mình đáng được đáp ứng, sẽ không được đáp ứng bao giờ” (27). Ý niệm đàng sau câu ngạn ngữ đó là nhiều người tin tưởng vào cầu nguyện đến độ kiêu căng cho rằng Thiên Chúa phải thực hiện điều họ cầu xin. Sự đáp trả lời cầu xin luôn luôn là một ân huệ chứ không hề là một quyền lợi. “Đừng biến lời cầu nguyện của ngươi thành một yêu sách hay một đòi hỏi cố định, cần phải được thực hiện đầy đủ, mà chỉ là lời khẩn khoản xin ơn thương xót, một khẩn khoản có thể được ban cho mà cũng có thể không” (28). Ngay trong cầu nguyện, người ta vẫn phải nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng Hoá Công, còn mình chỉ là tạo vật.

Đối với người Do Thái, nguyện giúp cầu thay hết sức qúy giá. Nó là lời cầu nguyện nhân danh người khác. Lời cầu nguyện này luôn được đáp ứng trước hết (29). Rab cho hay: “Bất cứ ai có quyền cầu nguyện nhân danh người khác mà bỏ lỡ không làm như thế là một kẻ có tội” (30). Đây là một điển hình khác cho thấy người Do Thái rất tởm gớm tính vị kỷ trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho người khác ít nhất cũng quan trọng như cầu nguyện cho chính mình.

4. Hình thức chủ nghĩa

Chính vì lời cầu nguyện giữ một vị thế cao như thế trong tư tưởng và cuộc sống của người Do Thái như thế, nên nó rất dễ rơi vào nguy hiểm và lạm dụng, những nguy hiểm và lợi dụng Chúa Giêsu biết rất rõ khi Người nói với các môn đệ về việc cầu nguyện. Nguy hiểm tai hại nhất đương nhiên là hình thức chủ nghĩa. Vì người Do Thái lo lắng sao cho lời cầu nguyện không bị xao lãng, trái lại phải có chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống, nên họ có khuynh hướng muốn tạo ra nhiều quy luật và qui định bao quanh nó. Tuy nhiên rất nhiều người viết đã tỏ ra bất công đối với người Do Thái trong việc đương đầu với vấn đề này. Ta thấy có hai lý do chính cho thái độ bất công ấy. Thứ nhất, cái hình thức chủ nghĩa kia sở dĩ có đó là hoàn toàn phát sinh do quyết tâm và ý muốn muốn đem lại cho việc cầu nguyện chỗ đứng xứng đáng của nó. Thứ hai, không ai khác đã ý thức được nguy cơ kia bằng chính người Do Thái, nên chính họ đã đưa ra nhiều biện pháp để vượt qua hình thức chủ nghĩa ấy và quả thực họ đã vượt qua trong nhiều trường hợp.

A. Hình thức chủ nghĩa về thời gian

Người Do Thái đạo hạnh cầu nguyện mỗi ngày ba lần: lúc 9 giờ sáng, lúc 12 giờ trưa và lúc 3 giờ chiều. Người Do Thái thích truy nguyên sự vật, nên họ thường gán lời cầu nguyện ban sáng cho Abraham (Sáng Thế 19:27), lời cầu nguyện buổi trưa cho Isaac (Sáng Thế 24:63) và lời cầu nguyện buổi chiều cho Giacóp (Sáng Thế 28:11). Đanien cũng cầu nguyện ngày ba lần, mặt hướng về Giêrusalem (Đanien 6:10). Quả tình điều này dễ trở thành hình thức chủ nghĩa, như một dịp để khoa trương, chọn nơi cầu nguyện để ai ai cũng thấy lúc mình cầu nguyện. Chính vua Đavít đã từng nói: “Buổi chiều, rồi buổi sáng, buổi trưa, tôi cầu nguyện và la lớn (cho mọi người nghe?) (Thánh vịnh 55:17). Dĩ nhiên điều này dễ trở thành một chu kỳ cầu nguyện có tính nghi thức; nhưng quả tình, người Do Thái sùng đạo thường vẫn khát khao “cầu nguyện liên lỉ ngày đêm” (31).

B. Hình thức chủ nghĩa về nơi chốn

Ngoài việc phải cầu nguyện đúng giờ, người Do Thái còn phải cầu nguyện đúng chỗ nữa. Abba Benjamin cho hay: “Lời cầu nguyện của người ta chỉ được Thiên Chúa nghe khi được thực hiện trong Hội Đường” (32). Rabbi Huna thì nói: “Ai muốn xác định một địa điểm để cầu nguyện, sẽ được Thiên Chúa của Abraham giúp đỡ” (33). Rabbi Jochanan cho rằng người ta nên dành một chỗ riêng biệt cho cầu nguyện (34). Hai thánh Phêrô và Gioan lên Đền Thờ vào lúc 3 giờ chiều ‘giờ cầu nguyện” khi các ngài gặp người què ở Cửa Đẹp và chữa cho anh ta (Công Vụ 3:1). Nhưng sẽ lầm lẫn nếu coi việc đó như qui luật duy nhất của cầu nguyện. Cũng chính vị Rabbi Jochanan này đã thêm: ”người cầu nguyện tại nhà mình sẽ bao bọc nhà ấy bằng những bức tường sắt” (35), một câu nói rất đẹp về việc cầu nguyện tại gia đình. Có lời Diễn Giải (Midrash) về một trong các Thánh Vịnh như sau: “Thiên Chúa phán với Israel: Hãy cầu nguyện tại Hội Đường thị xã; nếu không thể, thì cầu nguyện tại cánh đồng; nếu không thể, thì cầu nguyện tại nhà; nếu không thể, thì cầu nguyện tại giường; mà nếu không được nữa, thì ở im lặng mà cầu nguyện bằng chính trái tim ngươi” (36). Không có chỗ nào thiếu sự hiện diện của Chúa. Cả những người đang làm việc trên ngọn cây hay trên dàn dựng xây cất, vẫn được phép đứng tại chỗ cầu nguyện vào giờ cầu nguyện (37). Luật định rằng tại Hội Đường, phải hướng về Giêrusalem, còn ở Đền Thờ phải hướng về Nơi Cực Thánh mà cầu nguyện. Nhưng đồng thời cũng có lời các rabbis dạy rằng: “Người mù hay người không định được phương hướng, thì chỉ cần hướng lòng mình lên Cha trên Trời” (38). Quả có một chủ nghĩa hình thức về nơi chốn, nhưng bên kia chủ nghĩa hình thức này, người ta biết rõ Thiên Chúa không cư ngụ trong bất cứ Đền Thờ nào do tay con người dựng nên.

C. Hình thức chủ nghĩa trong các kinh soạn sẵn

Hình thức cầu nguyện vĩ đại nhất của người Do Thái là Kinh Shemoneh ‘Esreh có nghĩa là Kinh Mười Tám. Nó gồm mười tám lời cầu nguyện dưới hình thức chúc tụng, tất cả đều bắt đầu bằng câu “Chúc tụng Chúa”. Nó được xưng tụng là Tefillah có nghĩa là Kinh Cầu Nguyện, vì nó quả là kinh tuyệt hảo. Nó là một phần trong phụng vụ tại Hội Đường, và người Do Thái đạo hạnh nào cũng phải đọc nó ngày ba lần. Nó còn có cả bản rút ngắn cho những ai không đọc được bản đầy đủ: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con hiểu biết đường lối Chúa; cắt bì tâm hồn chúng con, kính sợ Chúa, và xin tha thứ tội lỗi để chúng con được cứu chuộc. Xin gìn giữ chúng con khỏi sầu buồn. Cho chúng con no nê trong đồng cỏ đất Chúa, và quy tụ mọi kẻ ly tán khắp mặt địa cầu. Xin cho người công chính hân hoan trong việc tái thiết đô thành của Chúa và thiết dựng Đền Thờ của Chúa, cũng như trong việc triển nở tù và Đavít, tôi tớ Chúa, và trong việc chiếu rọi ánh sáng con trai Jesse, người được Chúa xức dầu. Cả trước khi chúng con kêu cầu, Chúa đã đáp lời. Lạy Chúa, xin chúc tụng Chúa, Đấng nghe lời cầu của chúng con” (39).

Đây là bộ kinh cầu nguyện cho mọi biến cố của cuộc sống. Những lời cầu nguyện này được trình bầy trong thiên khảo luận thuộc Bộ Mishnah gọi là Berachoth, có nghĩa là các lời chúc tụng. Khi thấy hoa trái, rượu nho hay rau cỏ hoặc bất cứ sản phẩm nào của trái đất, người ta đều có thể cầu nguyện: “Chúc tụng Chúa đã dựng nên hoa trái cây này, hoa trái cây nho, hoa trái trái đất” (6:1). Khi thấy sao băng, động đất, sấm chớp và bão tố, người ta sẽ cầu nguyện: “Chúc tụng Đấng mà quyền lực và sức mạnh phủ đầy thế giới”. Khi thấy nuí non, đồi nương, sông ngòi, sa mạc, người ta có thể cầu nguyện “chúc tụng Đấng dựng nên mọi sự”… Nhiều người coi đó như hình thức chủ nghĩa hoặc một thứ niệm thần niệm chú nào đó, nhưng người ta cũng dễ thấy một người có thói quen cầu nguyện như thế nhất thiết phải sống trong một thế giới đầy tràn Thiên Chúa, một thế giới trong đó không điều gì và không biến cố gì lại không hướng tâm hồn con người về Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng tạo dựng và che chở muôn loài.

D. Hình thức chủ nghĩa về độ dài lâu

Chúa Giêsu đặc biệt cảnh giới về việc ‘nói nhiều’ (Mátthêu 6:7). Và giáo huấn của các thầy rabbis cũng chú trọng nhiều đến khía cạnh này. Rabbi Me’ir cho hay: “Con người luôn nên ít lời đối với Thiên Chúa” (40). Rabbi Chijja ben Abba thì bảo: “Kẻ nào kéo dài lời cầu nguyện của mình, và tính toán căn cứ vào việc ấy (nghĩa là trông mong vào phần thưởng dựa theo độ dài của kinh) cuối cùng sẽ phải đau lòng” (41).

ĐHY Mẫn và giáo dân Việt nam thăm nhà thờ Kinh Lậy Cha
Về khía cạnh này, thực ra các rabbis chủ trương có lúc phải ngắn gọn, có khi phải dài dòng. Mô-sen chẳng hạn, khi cầu cho Miriam, chỉ vỏn vẹn một câu “Lạy Chúa, xin hãy chữa chị ấy” (Dân Số 12:13). Nhưng chính Mô-sen cũng từng cho biết “Tôi cầu nguyện với Chúa suốt bốn mươi ngày đêm” (Đệ Nhị Luật 9:18) (42). Quả tình, nhiều khi người Do Thái hay dài dòng kể ra thật nhiều tước hiệu của Chúa lúc cầu nguyện, như phần thứ hai Kinh Kaddish chẳng hạn: “Chớ chi danh Đấng Thánh được chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh, được hiển dương, tán dương, tôn kính, tán tụng và ca khen”. Trong khi ấy, giáo huấn của các thầy rabbis cho hay chỉ nên áp dụng cho Chúa ba tĩnh từ sau: cao cả, toàn năng và đáng tôn kính (43).

Nhưng vẫn có những khuynh hướng đi ngược lại: “Bất cứ khi nào người công chính kéo dài lời cầu nguyện của họ, họ cũng đều được nhận lời” (44). “Ước chi con người ta có thể cầu nguyện suốt ngày” (45). Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng đối với lời cầu nguyện của những tâm hồn đầy yêu thương, liên tục tìm kiếm Chúa hiện diện.

Lên án hình thức chủ nghĩa cho lời cầu nguyện của người Do Thái là chuyện quá dễ. Người ta còn trích dẫn được cả những câu như: nếu đọc lướt mất một chữ trong lời kinh soạn sẵn cũng đã có tội rồi (46). Nhưng thực ra, đối với giáo huấn chính thức, không có gì đáng phải xa tránh hơn hình thức chủ nghĩa trong cầu nguyện. Vì người Do Thái nhấn mạnh đến đòi hỏi đầu tiên cần có lúc cầu nguyện bằng một từ khó mà phiên dịch nổi. Họ bảo “cầu nguyện cần có kawannah” (47). Kawannah là tập trung ý định và lòng sùng mộ; nó là thái độ trong đó mắt, trí và tâm thẩy đều tập chú vào Thiên Chúa. Việc đòi phải có thái độ này trong lúc cầu nguyện được tìm thấy cùng khắp các suy tư và trước tác sùng kính của Do Thái. “Điều quan trọng không phải là nhiều hay ít, miễn là lòng ngươi hướng về trời” (48). “Mọi sự đều tùy thuộc vào thái độ kawannah trong trái tim ngươi” (49). Ngay lúc đang bước đi, người ta cũng phải dừng lại để cầu nguyện và “hướng lòng mình lên Chúa trong kính sợ, thán phục và run rẩy” (50). Vì hành động bước đi cũng có thể làm người ta xao lãng không tập trung được tư tưởng và ý định của tâm hồn. “Người cầu nguyện phải điều hướng được trái tim mình”(51). Rab cho hay: “Ai không tĩnh trí thì không nên cầu nguyện”. Rabbi Chanina cho hay khi tức tối ông không bao giờ dám cầu nguyện (52). Người Do Thái có thói quen cầu nguyện bằng cách đứng dang hai tay ra. Điều ấy được Rabbi Ammi giải thích: “Lời cầu nguyện của người ta sẽ không được khấng nhận ngoại trừ anh ta đặt trái tim mình vào hai bàn tay” (53). “Người cầu nguyện hãy cúi mắt xuống dưới, nhưng hãy hướng lòng lên trên” (54). Và Rabbi Eleazar cho hay: ‘Con người luôn phải thử nghiệm chính mình: nếu anh ta biết điều hướng tâm hồn mình, thì hãy để anh ta cầu nguyện; nếu không, đừng để anh ta cầu nguyện” (55).

Thành thử ra, đối với một người Do Thái sùng mộ, hình thức chủ nghĩa là điều đáng tởm. “Không nên đọc một lời cầu nguyện như thể đọc một tài liệu”; và để tránh điều đó, mỗi ngày phải đọc một lời cầu nguyện mới (56). Một khi lời cầu nguyện trở thành một trách vụ cố định hay một gánh nặng, nó hết còn là lời cầu nguyện đúng nghĩa nữa (57).

5. Ba lời cầu nguyện tiêu biểu

Ba lời cầu nguyện lớn người Do Thái nay vẫn dùng và là ba lời cầu nguyện người Kitô hữu có thể mô phỏng.

A. Kinh đêm trước khi ngủ: “Xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con và là Vua vũ trụ, Đấng đã làm cho bàn tay ngủ ập xuống đôi mắt con, và giấc ngủ ngon ập xuống mí mắt con. Lạy Chúa là Thiên Chúa con và là Thiên Chúa tổ tiên con, nếu đẹp ý Chúa xin cho con nằm xuống trong an bình và cho con thức dậy cũng trong bình an. Xin đừng để tư tưởng con làm con bối rối, cả các giấc mơ xấu lẫn những tưởng tượng quái dị, nhưng xin cho giấc ngủ con được hoàn hảo trước mặt Chúa. Xin hãy làm mắt con luôn linh sáng kẻo con lâm vào giấc ngủ chết chóc vì chính Chúa đã ban ánh sáng cho con ngươi mắt con. Lạy Chúa, xin chúc tụng Chúa, Đấng đã ban ánh sáng cho toàn thể thế giới trong vinh quang của Người” (58).

B. Kinh sáng: “Lạy Chúa, đấng đã kích thích người chết, xin chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa con, nếu đẹp ý Chúa, xin ban cho con trái tim tốt, bản tính tốt, hy vọng tốt, con mắt tốt, linh hồn tốt, linh hồn khiêm nhu và một tinh thần khiêm hạ; xin cho danh Chúa đừng bị chúng con tục hóa và biến chúng con thành trò cười cho miệng lưỡi người đời; xin cho mục đích của chúng con không bị cắt bỏ, hy vọng chúng con không bị phiền nhiễu, và chúng con không cần đến ơn phúc xác thịt máu huyết và đặt trọn sự sống còn của chúng con trong tay họ, vì ơn phúc của họ thật nhỏ nhoi mà nhục nhã họ đem lại thật to lớn; xin hãy đặt gia nghiệp chúng con trong Lề Luật Chúa, với những ai thực thi ý Chúa; xin hãy mau dựng xây nhà Chúa, đền thánh Chúa, đô thị Chúa, đền thờ Chúa ngay trong thời đại chúng con’ (59).

C. Kinh chiều: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, nếu đẹp ý Chúa, xin ban cho chúng con cuộc sống lâu dài, cuộc sống bình an, cuộc sống tốt lành, cuộc sống ơn phúc, cuộc sống đầy đủ, cuộc sống khỏe mạnh phần xác, cuộc sống biết sợ tội, cuộc sống không điếm nhục đáng trách, cuộc sống phồn thịnh và danh dự,và cuộc sống trong đó chúng con biết bám vào tình yêu Luật Chúa và kính sợ thiên đàng, cuộc sống được Chúa đổ đầy ý muốn làm lành trong tâm hồn chúng con” (60).

Nói tóm lại, khi các môn đệ tới xin Chúa dạy họ cầu nguyện, họ đã đến với Người bằng một gia tài cầu nguyện vô giá, một gia tài mà nhờ Người càng trở nên vĩ đại và có giá trị hơn nữa.

Chú Thích
(1) Tanh. Beshallah 9. f. iiia.
(2) I. Abrahams trích dẫn: Studies in Pharisaism and the Gospels, Bộ thứ hai, 82.
(3) Midrash bàn về Thánh Vịnh 65.
(4) Midrash bàn về Thánh Vịnh 4: T.B. Yoma 76a.
(5) Isaiah I. 11, 13: Tanh. Wayera I, f 31b.
(6) Hosea 14:2: Tanh. B. Zaw, viii, 9a.
(7) Huấn Ca 33:31: Exod. R. ch.xxiii.
(8) M. Friedlander, The Jewish Religion 280-284.
(9) M.Friedlander, The Jewish Religion 183.
(10) T. B. Yebamoth 64a.
(11) San. 22a.
(12) T. B. Ber. 5a.
(13) R. Deut. Ii.
(14) T. B. Ber. 32b.
(15) R. Exod. Xxviii. 4.
(16) Yeb. 64a.
(17) T. B. Ber. 7a.
(18) Ber. 7a.
(19) I. Abrahams, Studies in Pharisaism and the Gospels, Bộ Thứ Hai, 90.
(20) Aboth 2:5.
(21) Ta’an. IIa.
(22) Sifre Num. Pinehas 138f. 52a.
(23) T. Jer. Joma 5:2.
(24) Sifre Deut. 29; Ber. 10a.
(25) Jer. Ta’an. 65b; Jer.Sanh. 28c.
(26) Ber. 60b.
(27) Ber. 32b; 55a; Baba Bathra 164b; Rosh Hashanah 18a.
(28) Aboth. 2:13.
(29) Baba Quama 92a.
(30) Ber.12b
(31) Tan. B., Mikkez 98a-98b.
(32)Ber. 6a.
(33)Ber 6b.
(34) Jer. Ber. 8b.
(35) Jer. Ber. 8d.
(36) Midrash Thánh vịnh iv. 9. 23b. Pesickta 158b.
(37) M. Ber. 4:4.
(38) Ber. 30a.
(39) Ber. 29a.
(40) Ber. 61a.
(41) Ber. 32b.
(42) Mechilta 29a.
(43) Ber. 33b.
(44) Yoma 29b.
(45) Ber. 21a.
(46) Ber. 5:5.
(47) Jer. Ber. 7a.
(48) Ber. 17a.
(49) Meg. 20a.
(50) Tanh. Lek leak 24a.
(51) Ber. 3:6.
(52) Erub. 65a.
(53) Ta’an 8a.
(54) Yeb. 105b.
(55) Ber. 30b.
(56) J. Ber. 38a.
(57) Ber. 29b.
(58) Ber. 60b
Vũ Văn An
(Theo William Barclay, The Plain Man Looks At The Lord’s Prayer,
Fonatana Books 1964)

(Xem tiếp: 2. Lạy Cha Chúng Con; 3. Danh Cha Cả Sáng; 4. Nước Cha Trị Đến; 5. Ý Cha Thể Hiện; 6. Lương Thực Hàng Ngày; 7. Tha Nợ; 8. Cám Dỗ).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 11/03/2008
DỆT GIỎI GIÀY TRẮNG

N2T


Vị trí của nước Lỗ nằm ở phía bắc, bốn mùa rõ ràng, áo lạnh, giày dép, mũ nón cho mùa đông là những đồ dùng rất cần thiết. Có một đôi vợ chồng, chồng giỏi về nghề dệt vải làm giày, vợ giỏi về dùng lụa để làm mũ, hai vợ chồng muốn dời nhà qua nước Việt ở phía nam.

Bạn bè nghe nói thì khuyên họ từ bỏ ý định đó đi: “Ông bà mà dời qua nước Việt thì dứt khoát phải chết đói.”

Hai vợ chồng này không hiểu được ý tứ trong lời nói ấy, bạn bè giải thích: “Vị trí nước Việt ở phía nam, khí hậu nóng nực, người ta quen đi chân không và cắt tóc, không giống phong tục của nước Lỗ. Bên đó không ai mua giày, và cũng chẳng ai mua mũ, mặc dù hai vợ chồng anh tay nghề giỏi, nhưng không có thị trường cần thiết, thì làm sao có thể nuôi gia đình qua ngày đoạn tháng chứ ?”

(Hàn Phi tử: Thuyết lâm thượng)

Suy tư:

Thời nay, dù là thời của @, thời của công nghệ cao hay là thời của khoa học kỷ thuật, thì con người ta cũng cần phải có một nghề giỏi để kiếm sống, bởi vì có công nghệ cao mà không có tay nghề xử lý thì công nghệ cao sẽ trở thành công nghệ thấp.

Thời nay, dù là thời của sản xuất sản phẩm hàng loạt theo dây chuyền, thì người ta vẫn cứ tuyển chọn những người có tay nghề vững vàng vào những khâu quan trọng, bởi vì dù là sản phẫm dây chuyền do máy móc làm, nhưng nếu không có bàn tay chuyên môn thì sản phẩm không thể tốt được.

Thời nay, dù cho con người ta ngồi ở nhà mở vi tính đọc Kinh Thánh, mở truyền hình coi Đức Giáo Hoàng làm lễ và nghe ngài giảng, thì người ta vẫn luôn cần đến những linh mục bằng xương bằng thịt, bởi vì Kinh Thánh trong vi tính và Đức giáo hoàng làm lễ trong truyền hình –dù là đẹp và hoành tráng- thì chỉ là những hình ảnh, không thể bằng một linh mục bằng xương bằng thịt hằng ngày giảng Lời Chúa, sống Lời Chúa và tiếp cận với giáo dân trong cuộc sống đời thường.

Tuy nhiên, có tay nghề tốt để sản xuất dây chuyền, và công nghệ cao, mà không có thị trường tiêu thụ thì cũng sạt nghiệp; có linh mục thông kim bác cổ mà chỉ ngồi trong nhà xứ lộng kiếng bốn bề thì thật uổng công Giáo Hội quá chừng...

Ai hiểu được thì hiểu !
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 11/03/2008
N2T


25. Trong bí tích Thánh Thể thần ân được ban rất nhiều, linh hồn mất sức mạnh có thể bù đắp. Khi phạm tội thì mất tất cả vẻ đẹp có thể hồi phục.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Số phận của người tị nạn Irak
Linh Tiến Khải
02:38 11/03/2008
Số phận của người tị nạn Irak

Phỏng vấn bà Margarita Tileva, người Bulgari, phối hợp viên miền của Ủy ban công giáo quốc tế về di cư, về số phận của người tị nạn Irak

Kể từ khi Hoa Kỳ đánh chiếm Irak và lật đổ Saddam Hussein làn sóng bạo lực ngày càng gia tăng khiến cho gần 3 triệu người Irak phải di cư ra nước ngoài sinh sống. Theo thống kê của viện FAFO Na Uy công bố hồi tháng 5 năm 2007 Giordani có từ 450 đến 700 ngàn người tị nạn Irak, trong khi tại Siria có từ 1,3 tới 1,5 triệu và tại Libăng có 50-60 ngàn người.

Trong số từ 450 đến 700 ngàn người Irak tị nạn tại Giordani chỉ có hơn 51 ngàn người khai báo với văn phòng Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc. 22% người lớn có công ăn việc làm và 70% sống trong thủ đô Amman. Ngân khoản trợ giúp họ là 35,7 triệu mỹ kim. Trong số các người tị nạn nói trên 46% nam giới trên 16 tuổi có một văn bằng hay bằng tiến sĩ, 42% nữ giới có trình độ học vấn đại học. Về phương diện tôn giáo 66% theo Hồi giáo hệ phái Sunnít, 17% theo hệ phái Shiít, và 12% theo Kitô giáo.

Cho tới nay văn phòng Cao ủy đặc trách người tị nạn Irak tại Giordani đã chỉ di chuyển được 7.551 người tới 13 quốc gia trên thế giới: đứng đầu là Hoa Kỳ với 5.560 người, tiếp đến là Canada với 598 người, thứ ba là Australia 506, Thụy Điển 447, Anh quốc 164, Brasil 108 và Hòa Lan 48. Xem đó đủ biết đa số người tị nạn Irak không có hy vọng ra khỏi các quốc gia A Rập láng giềng.

Việc trở về Irak xem ra rất khó khăn và chậm chạp. Và số người trốn chạy Irak vẫn tiếp tục mỗi ngày. Ông Marco Rogia thuộc văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Irak nhưng có trụ sở tại Amman vì lý do an ninh, cho biết trong tình trạng chiến tranh bạo lực tiếp điễn hàng ngày hiện nay không có các thống kê chính thức liên quan tới số người Irak hồi hương.

Mới đây chính quyền vùng biên giới Irak cho biết số người chạy qua Siri bằng xe vận tải và xe bus nhỏ là 137.000, nhưng sau đó có 100.000 trở lại Irak. Đây là con số không được văn phòng tị nạn của Liên Hiệp Quốc xác nhận, vì tổ chức này không có điều kiện để kiểm chứng. Tuy nhiên ông Rogia cũng ghi nhận thêm rằng đây chưa phải là việc trở về thường xuyên và đông đảo, vì có nhiều người chỉ về để xem nhà cửa ruộng vườn của họ ra sao. Ngoài ra cũng có người về nhưng lại tìm đến một nơi khác không phải là quê sinh của họ. Người tị nạn Irak thường xin tị nạn tại ba nước Hoa Kỳ, Canada và Australia. Nhưng chỉ có 1% có hy vọng được nhận.

Riêng đối với các tín hữu Kitô Irak, tình trạng bị khủng bố, bách hại và kỳ thị khiến cho càng ngày càng có nhiều người rời bỏ Irak. Phong trào bắt cóc hàng giáo sĩ tu sĩ để tống tiền tiếp tục gia tăng, và giờ đây không chỉ có các linh mục tu sĩ là mục tiêu, mà có cả Giám Mục nữa. Chiều ngày 29-2-2008 Đức Cha Paulos Faraj Rahho, Tổng Giám Mục Mossul đã bị bắt cóc trong một cuộc phục kích. Người tài xế và hai cận vệ của ngài bị sát hại.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 2-3-2008 Đức Thánh Cha đã đích thân lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Đức Tổng Giám Mục Rahho. Đức Thánh Cha cho biết ngài hiệp ý với lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ Emmanuael III Delly và các cộng sự viên để Đức Tổng Giám Mục Rahho sớm được trả tự do.

Hôm mùng 2-3-2008 Đức Cha Georges Casmoussa, Tổng Giám Mục giáo phận Mossul của Giáo Hội Công Giáo Siri, đã nhận được một cú điện thoại của những kẻ bắt cóc. Đức Cha đang thương lượng về vấn đề trả tiền chuộc mạng cho Đức Cha Rahho, nhưng không được tiếp xúc trực tiếp với Đức Cha Rahho nên không biết tình hình sức khỏe của Đức Cha ra sao. Đức Tổng Giám Mục Rahho năm nay 66 tuổi, từ 7 năm nay coi sóc tổng giáo phận Mossul có 18 ngàn tín hữu công giáo nghi lễ Canđê.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Margarita Tileva, người Bulgari, phối hợp viên miền của Ủy ban công giáo quốc tế về di cư, về số phận của người tị nạn Irak.

Đây là Ủy ban trợ giúp người tị nạn Irak bỏ quê hương sang lánh nạn tại các nước láng giềng trong vùng Trung Đông. Trong 10 năm qua bà Tileva đã làm việc trong các vùng có khủng hoảng từ Afghanistan tới Liberia, từ Indonesia tới Darfur bên Sudan.

Hỏi: Thưa bà, người tị nạn Irak có đặc thái nào và tình trạng sống của họ bên Giordania ra sao?

Đáp: Người Irak tị nạn bên Giordania không là ai cả, và họ không được thừa nhận như người tị nạn. Đây là tình trạng duy nhất mà tôi đã thấy trên toàn thế giới. Một đàng họ ở trong tình trạng giống như tình trạng của các người tị nạn khác tại nhiều nơi trên thế giới này. Nghĩa là họ là những người đã phải rời bỏ quê hương vì bị đe dọa an ninh, do chiến tranh hay do các tai ương thiên nhiên gây ra. Nhưng đàng khác họ lại chỉ được coi như là ”khách” của các nước láng giềng với Irak. Họ có thể ở lại bao lâu họ muốn, khi không tạo ra các vấn đề. Nước Giordania đã không ký nhận các thỏa hiệp Genève và không thừa nhận người Irak là người tị nạn, và Giordania cũng không sử dụng từ này để gọi họ.

Hỏi: Lý do tại sao thưa bà?

Đáp: Lý do là vì nếu không, thì Giordania sẽ có các bổn phận trợ giúp người tị nạn, chẳng hạn như tìm ra cơ may cho họ để có thể di chuyển họ tới một quốc gia khác. Nhưng điều này khiến cho chính quyền Amman rất hoảng sợ, và nó cũng khiến cho các chính quyền Damasco và Beirut âu lo, vì phải đương đầu với các khó khăn đối với người tị nan đã thế, mà còn đối với cả dân chúng nữa, vì lớp người nghèo của các quốc gia này cũng rất đông.

Hỏi: Ngoài ra nước Giordania cũng đã phải tiếp đón hơn 2 triệu người Palestine nữa, có đúng thế không thưa bà?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhiều người Palestine đã có quốc tịch Giordania hay sống trong các trại tị nạn và nhận được trợ giúp. Tôi cũng nghĩ đến người tị nạn Sudan, từ bao năm nay sống quanh thủ đô Khartum. Nhưng mà cả trong trường hợp này nữa họ cũng có quốc tịch Sudan.

Hỏi: Còn người tị nạn Irak thì vừa không được coi là người tị nạn, vừa không hy vọng có quốc tịch Giordania, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, rất tiếc đó là sự thật. Người tị nạn Irak trong lúc này đang phải ở trong một loại âm phủ không có lối thoát. Nếu không có phép thì họ không thể làm việc, và nếu có tìm ra việc làm thì lại bị coi là làm việc bất hợp pháp. Nhiều người đã hy vọng trốn chạy qua tới Giordania thì họ sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện nay tình trạng sống của họ tại đây ngày càng tồi tệ thêm. Đối với nhiều người khác thì không có hy vọng trờ về Irak, vì bạo lưc tiếp diễn và gia tài sản nghiệp đã bị phá hủy tất cả không còn gì. Điều này giúp hiểu rằng người dân Irak sẽ còn phải lưu lại đây lâu hơn là họ tưởng nghĩ.

Hỏi: Tại sao đa số người tị nạn Irak lại không khai báo và ghi danh nơi nơi văn phòng Cao Ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Amman, thưa bà?

Đáp: Lý do là vì đa số người tị nạn Irak có một quan niệm sai lầm về văn phòng cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc. Họ nghĩ rằng văn phòng này hiện diện chỉ để bảo đảm cho việc di chuyển tất cả mọi người dân Irak tới một nước khác. Thật khó có thể giải thích cho họ hiểu rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng có các hạn hẹp của nó, và chỉ làm việc dựa trên con số người tị nạn mà các quốc gia tiếp nhận xác định. Nhưng mà ít nhất điều kiện là những người xin tị nạn qua văn phòng của Cao Ủy cũng có thể bảo đảm cho họ một hình thức được che chở đầu tiên.

Hỏi: Như thế cũng có nghĩa là các người tị nạn Irak không cảm thấy được che chở đủ tại Giordania này, hay sao thưa bà?

Đáp: Chúng tôi gọi họ là người tị nạn theo từ vựng quốc tế, vì họ đã phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn chiến tranh và bạo lực. Nhưng có lẽ phải nghĩ tới một từ vựng mới để gọi họ chăng, vì ở Giordania này họ không được chính quyền coi là dân tị nạn mà chỉ được coi là ”khách” thôi.

(Avvenire 27-1-2008)
 
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: Hội nghị thượng đỉnh Công Giáo-Chính Thống Giáo Nga đã gần kề
Đặng Tự Do
08:30 11/03/2008
Vatican - Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã ANSA, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhận định rằng thời điểm cho một hội nghị thượng đỉnh Công Giáo-Chính Thống Giáo Nga đã gần kề.

ĐHY Tarcisio Bertone
Theo Đức Hồng Y Bertone, bất chấp những khó khăn “vẫn còn nguyên” chưa được giải quyết, trong thời gian ngắn sắp tới Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI có thể gặp gỡ Đức Thượng Phụ Alexei II. Đức Hồng Y đã cho biết như trên sau khi ngài trở về sau chuyến viếng thăm Azerbaijan, nơi ngài đã vào thăm Vương Cung Thánh Đường Chính Thống Giáo tại Baku.

Đức Hồng Y cho biết thêm đã có những nỗ lực để vượt qua những khó khăn trong quan hệ giữa hai bên và tiến trình xích lại gần nhau đã có những kết quả cụ thể. Trong thời gian qua, Tòa Thánh đã nhiều lần thảo luận về một cuộc họp thượng đỉnh với Chính Thống Giáo nhưng cuối cùng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bác bỏ viện cớ Công Giáo không từ bỏ chính sách chiêu dụ tín đồ.

Ba vấn đề thường được Chính Thống Giáo Nga nêu ra để phàn nàn Giáo Hội Công Giáo là vấn đề “chiêu dụ tín đồ”, vấn đề trả lại các tài sản của Giáo Hội Công Giáo mà cộng sản đã tịch thu giao cho Chính Thống Giáo quản lý, và vấn đề các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.

Thượng phụ Alexei II thường xuyên cho rằng hiện nay Giáo Hội Công Giáo tại Nga luôn tìm cách rửa tội cho các tín hữu Chính Thống Giáo Nga và bác bỏ luận cứ cho rằng nhiều người Nga tự xưng mình là tín hữu Chính Thống Giáo nhưng thực sự không thuộc về một Giáo Hội nào. Diễn biến mới nhất là hôm 4/12/2006, thông tấn xã Interfax cho biết Đức Thượng Phụ Alexei II đã đưa ra lời phàn nàn với các giáo sĩ Chính Thống Giáo tại Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô Đấng Cứu Độ ở Mạc Tư Khoa rằng “việc truyền giáo của Công Giáo vẫn tiếp tục”. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Tòa Thánh “đưa ra những bước cụ thể để cải thiện tình hình”. Ngài cảnh cáo rằng nếu tình hình không thay đổi “các cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với các đại diện của Giáo Hội Công Giáo La Mã chỉ là các biến cố có tính cách nghi lễ, không giúp xoa dịu đau thương của những người phải gánh chịu những hành vi không huynh đệ” của Giáo Hội Công Giáo.

Trong số 144 triệu dân Nga, chỉ có 600,000 là các tín hữu Công Giáo.

Thượng phụ Alexei II cũng thường đưa ra lời cảnh cáo các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương - đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukrain - về các mưu toan cải đạo. Sau khi Liên Sô chiếm Lviv vào năm 1944, Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức Đông Phương đã bị lãnh tụ Stalin đàn áp thẳng tay và bị xóa sổ hoàn toàn. Các linh mục và giáo dân bị buộc theo Chính Thống Giáo. Nhiều linh mục từ chối theo Chính Thống Giáo đã bị giết, hoặc bị lưu đày; trong số bị lưu đày nầy, có Đức Tổng Giám Mục Josyf Slipyj. Hiện nay, sau sự tan rã của chế độ Sô Viết, những nguời Công Giáo thuộc nghi lễ Đông Phương đang được phục hồi dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Lubomir Husar, và được trả lại những nơi thờ phượng. Nhưng Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã nhiều lần chống lại việc trao trả nầy.

Nhiều người Chính Thống Giáo nhưng trước đó là người Công Giáo nghi lễ Đông Phương đã quay trở lại và Đức Thượng Phụ cho rằng trong 10 năm qua, những nguời Công Giáo theo nghi thức Đông Phương Hy Lạp đã gây thiệt hại cho ba giáo phận của Chính Thống Giáo tại Ukain.

Mới đây, phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga lại đưa ra một khó khăn mới nữa và nói rằng đó là một điểm then chốt gây ra tình trạng căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Vatican: khái niệm “lãnh thổ giáo luật” (canonical territory).

Đức Cha Hilarion của Chính Thống Giáo thành Vienna nói với thông tấn xã Interfax rằng ngài hy vọng có thể có “những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và tổng thể” về những phản đối của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đối với sự tồn tại của 4 giáo phận Công Giáo tại Nga. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cho rằng Nga là “lãnh thổ giáo luật” của họ. Trong khi đó, Vatican không nhìn nhận khái niệm này.

Đức Cha Hilarion ghi nhận “Nhiều người phương Tây nghĩ rằng khái niệm ‘lãnh thổ giáo luật’ đã mất đi ý nghĩa hoàn toàn trong tình trạng tân tiến hiện nay, vì người Chính Thống Giáo cùng sống chung với các tín hữu Công Giáo, Tin Lành và các tôn giáo khác”.

Đức Cha Hilarion là người lãnh đạo của Chính Thống Giáo tại Áo – một quốc gia theo truyền thống là Công Giáo.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đại Kết Kitô Giáo nói rằng ngài thực sự kinh ngạc trước đề nghị của Chính Thống Giáo đòi Giáo Hội Công Giáo phải giải thể 4 giáo phận tại Nga đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dựng lên vào năm 2002. Tưởng cũng nên biết là trước đó các giáo phận tại Nga được coi là các miền giám quản tông tòa.

Đức Hồng Y Walter Kasper nêu thắc mắc là tại sao các giáo phận Công Giáo không thể tồn tại ở Nga trong khi các giáo phận Chính Thống Giáo lại có quyền hiện diện tại Tây Âu.
 
Đức Thánh Cha sẽ không đưa ra bất cứ thay đổi nào nữa trong lời nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Nguyễn Việt Nam
08:45 11/03/2008
Bất chấp “những thất vọng” của một số nhà lãnh đạo Do Thái, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ không đưa ra bất cứ thay đổi nào nữa trong lời nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh theo nghi thức Phụng Vụ tiền Công Đồng Vatican II. Đức Hồng Y Walter Kasper đã cho biết như trên.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Đức ARD, Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Ủy Ban Đối Thoại với Do Thái Giáo cho biết là không cần phải thay đổi gì nữa vì bản văn do Đức Thánh Cha đưa ra hồi tháng Hai vừa qua “hoàn toàn chính xác về phương diện Thần Học”.

Theo dự trù, trong tuần này Đức Hồng Y Walter Kasper sẽ gặp gỡ một số nhà lãnh đạo Do Thái là những người đang cố hết sức thuyết phục Tòa Thánh thay đổi lần nữa bản văn mới vừa được đưa ra trong tháng qua. Đức Hồng Y đã nói thẳng là sẽ không có thay đổi nào nữa. Ngài hy vọng quan hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo có thể được canh tân trên tình anh em dù có những “khó chịu” liên quan bởi sự bất đồng này.

Trong số ra ngày 6/2, tờ L'Osservatore Romano (Quan Sát Viên Rôma) đã đưa ra một thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh theo đó Đức Thánh Cha đã truyền cho sửa lại lời cầu cho người Do Thái trong Phụng Vụ tiếng La Tinh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong sách lễ Rôma 1962.

Thay đổi này chỉ áp dụng cho “hình thức ngoại thường” của Phụng Vụ (ý chỉ Thánh lễ tiếng La Tinh). Sách Lễ Rôma dành cho nghi thức Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican II vẫn giữ nguyên lời cầu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như hiện nay.

Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái Giáo đã xin Đức Thánh Cha duyệt xét lại lời cầu dành cho người Do Thái trong nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết. Cụ thể, họ xin bỏ đi những ý liên quan đến “sự mù quáng” không tin vào Chúa Kitô là Mêsia như đã được loan báo.

Nhiều người còn đi xa hơn khi lên tiếng yêu cầu Giáo Hội phải bỏ đi ý cầu nguyện cho sự trở lại của người Do Thái.

Lời cầu mới bỏ đi những ý liên quan đến “sự mù quáng” nhưng vẫn giữ ý cầu nguyện cho sự hoán cải của người Do Thái.

Lời cầu mới được Đức Thánh Cha sửa đổi đã từng được Đức Thánh Cha Piô XII, và Đức Thánh Cha Gioan XXIII sửa lại. Bản đang dùng trong sách lễ 1962 là bản của Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Phiên bản mới do L'Osservatore Romano công bố như sau:

Oremus et pro Iudaeis. Ut Deus et Dominus noster illuminet corda eorum, ut agnoscant Iesum Christum salvatorem omnium hominum.

Oremus.

Flectamus genua.

Levate.

Omnipotens sempiterne Deus, qui vis ut omnes homines salvi fiant et ad agnitionem veritatis veniant, concede propitius, ut plenitudine gentium in Ecclesiam Tuam intrante omnis Israel salvus fiat. Per Christum Dominum nostrum. Amen.


Nghiã là:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho người Do Thái: Xin Thiên Chúa là Chúa chúng ta soi sáng tâm hồn họ, để họ nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Chúng ta hãy quỳ gối.

Chúng ta hãy đứng lên.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho mọi người được cứu độ và nhận ra chân lý, xin vì lòng thương xót Chúa cho toàn thể nhà Israel cũng được giải thoát khi cùng toàn thể nhân loại tiến vào Giáo Hội của Chúa, nhờ Chúa Kitô chúng ta. Amen.
 
Hai thần học gia Tây Ban Nha bị phê bình
Thúy Dung
09:37 11/03/2008
Madrid - Khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bắt đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, đã có những đồn thổi cho rằng ngài, người đã ký Tuyên Ngôn Domius Iesus ngày 6/8/2000, và Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ đặt nhiều ưu tiên vào lãnh vực Kitô Học. Cụ thể, vào tính duy nhất của ơn Cứu Độ từ Chúa Kitô và qua trung gian Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha và Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có những nỗ lực mãnh liệt chống lại trào lưu tôn giáo tương đối trong đó Chúa Kitô được xem như một trong số rất nhiều những nhân vật mang lại “giải thoát” cho thế giới; và Giáo Hội Công Giáo cũng chỉ là một trong nhiều con đường dẫn đến “sự giải thoát”.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó đánh giá tầm mức những nỗ lực như thế từ phía Đức Thánh Cha và Bộ Giáo Lý Đức Tin vì Tòa Thánh chưa có một kỷ luật nào liên quan đến vấn đề này. Cho đến nay, các quyết định kỷ luật đều đến từ các Hội Đồng Giám Mục.

Vụ gần đây nhất là vụ Cha Phêrô Phan Đình Cho do ủy ban Tín Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra liên quan đến cuốn Being Religious Interreligously xuất bản năm 2004.

Mới đây nhất, Comisión Episcopal para la Doctrina de la Fe (Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin) Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha vừa đưa ra những lời phê bình hai Thần Học Gia thường viết về chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và Kitô học là cha José María Vigil, người Tây Ban Nha nhưng đang sống ở Panama, và cha José Antonio Pagola, người đã làm cha tổng đại diện giáo phận San Sebastián của Tây Ban Nha trong 22 năm qua.

Trung tuần tháng Giêng, các Giám Mục Tây Ban Nha đã chỉ trích cuốn Theology of Religious Pluralism (Thần Học về Đa Nguyên Tôn Giáo) do cha Vigil viết chung với Đức Giám Mục Pedro Casaldaliga của Ba Tây, xuất bản năm 2005.

Các Đức Giám Mục phàn nàn rằng trong cuốn sách này, cha Vigil đã đệ lộ rõ ngài là một triết gia duy lý khước từ khả năng sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người, gạt ra ngoài lề những truyền thống trong việc đọc và diễn giải Thánh Kinh, phủ nhận huấn quyền là người diễn dịch chân thật Lời Chúa..

Theo các Đức Giám Mục Tây Ban Nha, cha Vigil đã đưa ra những kết luận tương tự như những gì đã bị lên án trong trường hợp của cha Jacques Dupuis (Dòng Tên, người Bỉ) và cha Roger Haight (Dòng Tên, người Mỹ).

Trong khi các Đức Giám Mục Tây Ban Nha đồng thanh lên án cuốn Theology of Religious Pluralism của cha Vigil; cuốn Jesus: A Historical Approximation (Chúa Giêsu: Một Tiếp Cận Lịch Sử) của cha José Antonio Pagola ít bị lên án hơn. Cuốn sách này được xuất bản năm 2007 và đã được tái bản đến lần thứ 8 chỉ trong chưa đầy một năm.

Đức Cha Demetrio Fernández González của giáo phận Tarazona nhận định rằng “Chúa Giêsu của cha Pagola không phải là Chúa Giêsu của Giáo Hội” và trong tay cha Pagola, “Chúa Giêsu là một con người ngoại thường nhưng không cùng bản thể với Chúa Cha”.

Cha José Rico Pavés, thư ký Comisión Episcopal para la Doctrina de la Fe chỉ trích rằng cuốn sách của cha Pagola chứa đựng những hoài nghi liên quan đến những trình thuật về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, diễn dịch lời Chúa mang đầy tính đấu tranh giai cấp, bỏ qua chiều kích tội riêng từng người và ơn cứu độ.

Những lời phê phán cha Pagola chưa được Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha chính thức thông qua.
 
Không có các ''tội mới'' mà chỉ là điểm mù của giới truyền thông
Phụng Nghi
14:03 11/03/2008
Nhận định của Philip Lawler (CWN)

Khi chấm dứt cuộc phỏng vấn dành cho báo L'Osservatore Romano, Tổng giám mục Gianfranco Girotti có lẽ nghĩ rằng sứ điệp chính của ngài là kêu gọi người Công giáo năng dùng nhiệm tích Xưng Tội. Thế nhưng ngài biết rất ít về chuyện giới truyền thông Anh ngữ đã biến cuộc phỏng vấn thành việc đem một danh sách các tội lỗi mới được duyệt xét và phổ biến thay thế các tội lỗi cũ.

(Xin coi bản tin của Reuters trong phần phụ lục).

Tổng giám mục Girotti, nói với nhật báo của Tòa thánh về “các hình thức mới của tội phạm đến xã hội” trong thời đại chúng ta. Ngài đề cập đến những vi phạm như nghiên cứu làm hủy diệt phôi người, làm suy thoái môi trường, buôn lậu ma túy. Chỉ vài giờ sau, hàng chục nguồn tin của giới truyền thông loan rằng Vatican đã xét lại tận gốc rễ Mười Điều Răn và đưa ra một danh sách “các tội mới”.

Như thường lệ, một tờ báo bên nước Anh, The Daily Telegraph, nhảy vào đầu trận tuyến với bản tin giật gân và sai lạc nhất. Báo này loan tin một cách phi lý rằng danh sách Tổng giám mục đưa ra đã thay thế 7 mối tội đầu theo truyền thống Công giáo:

“Bản danh sách mới thay thế bản danh sách nguyên thủy được ĐGH Gregoriô Cả lập vào thế kỷ thứ 6 gồm các tội: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, biếng nhác.”

(Xin coi bản tin của Daily Telegraph trong phần phụ lục)

Khi một viên chức đứng hàng thứ hai ở Vatican cho báo chí phỏng vấn, ngài không đề xướng các giáo lý mới của Giáo hội. Rõ ràng là Tổng giám mục Girotti cố đưa ra một viễn ảnh mới và nổi bật về những chân lý hằng cửu. Nỗ lực của ngài bị phản ứng ngược – nhưng biến thành lời tố giác.

Một độc giả bình thường, dựa ý kiến vào bản tin ngớ ngẩn của Daily Telegraph, có thể kết luận rằng “tội”, theo cách hiểu của người Công giáo, không gì hơn là vi phạm điều luật do một nhóm người ở Roma đặt ra. Nếu những luật lệ này hoàn toàn là tùy hứng, thì các viên chức Vatican có thể tự ý thay đổi luật; một số tội sẽ không còn nữa và các “tội mới” khác sẽ thay thế. Nhưng ý thức về tội như thế là điều buồn cười.

Tội là một lầm lỗi khách quan: một vi phạm luật của Chúa. Điều gì là tội lỗi hôm nay, ngày mai vẫn còn là tội lỗi, và tội trọng vẫn còn là tội trọng, dù các biên tập viên báo Daily Telegraph có nhận ra đó là mối đe dọa về luân lý hay không. Danh sách truyền thống các tội trọng vẫn còn nguyên không suy suyển, không có gì có thể thay thế được. Tham lam, mê ăn uống, mê dâm dục là những sai lầm hôm nay, như vẫn mãi mãi là những sai lầm dù trước đây một ngày, một năm hay một thế kỷ. Nếu như Tổng giám mục Girotti có đề cập đến những tội lỗi “mới”, là vì những vi phạm mà ngài kể tên (như thay đổi về di truyền) là những điều không thể xảy ra trong quá khứ, và những việc khác (như buôn lậu ma túy trên trường quốc tế) là điều thường thấy ngày nay nhiều hơn, trong một xã hội toàn cầu hóa. Giả như một thế kỷ trước đây người ta có thể sa vào các hoạt động như thế, thì họ cũng đã phạm tội rồi.

Một tội không phải là một tội chỉ vì một Tổng giám mục đã tuyên bố nó là tội. Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta rằng tội “là một vi phạm chống lại lý trí, chân lý và lương tâm ngay thẳng…” Giáo huấn về “lý trí, chân lý, và lương tâm ngay thẳng” không đổi thay để đáp ứng các khuynh hướng chính trị, cũng không thay đổi theo ý thích nhất thời của các viên chức tại Tòa thánh Vatican

Điểm cốt yếu trong cuộc phỏng vấn dánh cho báo L'Osservatore Romano là người Công giáo cần khôi phục lại ý thức về tội lỗi, dùng nhiệm tích Giải tội, và nhận ơn tha thứ các lầm lỗi của mình. Tổng giám mục Gianfranco Girotti nhấn mạnh: tội là một thực tế không ai thoát khỏi.

Ngài nói rằng thế giới hiện đại không hiểu biết rõ rệt bản chất của tội lỗi. Giới truyền thông, khi tường thuật cuộc phỏng vấn, đã vô tình làm sai lạc quan điểm chính yếu của ngài.



Phụ lục 1



Bản tin của hãng Thông tấn Reuters:

Vatican lập danh sách “các tội mới” gồm cả chuyện ô nhiễm môi trường

Vatican (Reuters) – Chớ làm ô nhiễm môi trường. Hãy cảnh giác việc làm thay đổi di truyền.

Thời đại mới mang đến các tội mới. Vì thế Vatican nói với bổn đạo rằng họ nên ý thức về các tội “mới” như làm hại môi trường. Hướng dẫn được ban ra hồi cuối tuần khi Tổng giám mục Gianfranco Girotti, nhân vật số hai của Vatican trong địa hạt đôi khi mù mờ là tội lỗi và thống hối, nói về các tội của thời tân tiến.

Khi được hỏi ngài nghĩ điều gì là những “tội lỗi mới” hôm nay, ngài cho tờ báo của Vatican là L'Osservatore Romano biết rằng khu vực nguy hiểm nhất đối với các linh hồn thời đại tân tiến là thế giới đạo đức sinh học, nơi vẫn chưa được khai phá.

Ngài nói: “(Trong lãnh vực đạo đức sinh học) có những địa hạt chúng ta phải tuyệt đối lên án một số vi phạm các quyền căn bản của nhân loại qua các thử nghiệm và thay đổi di truyền học mà hậu quả khó tiên đoán hay kiểm soát được.”

Vatican chống các nghiên cứu về tế bào gốc nào làm phá hủy phôi và đã cảnh giác chống lại viễn ảnh phúc chế vô tính con người (human cloning).

Tổng giám mục Girotti, trong cuộc phỏng vấn với chủ đề “Các Hình Thức Mới về Tội Xã Hội” cũng liệt kê các vi phạm về sinh thái học (ecological) là những tội mới.

Trong mấy tháng vừa qua, Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhiều lần kêu gọi việc bảo vệ môi trường, nói rằng các vấn đề như khí hậu thay đổi đã trở nên rất quan trọng cho toàn thể nhân loại.

Dưới triều đại Bênêđictô và vị tiền nhiệm là Gioan Phaolô, Vatican đã tỏ ra cấp tiến trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Tòa thánh đã lắp đặt những phiến quang điện (photovoltaic cells) trên các tòa nhà để phát sinh điện lực, và chủ trì một cuộc hội nghị khoa học để thảo luận về tăng nhiệt toàn cầu và khí hậu thay đổi, qui kết phần lớn do việc con người dùng nhiên liệu lấy từ quặng mỏ.

Girotti là nhân vật thứ hai ở “Tòa Xá Giải” của Vatican, phụ trách các vấn đề về lương tâm. Ngài cũng liệt kê việc buôn lậu ma túy, các bất công xã hội và kinh tế trong danh sách các tội mới.

Tuy nhiên Girotti than van rằng càng ngày càng ít người Công giáo đi xưng tội.

Ngài trưng dẫn một cuộc nghiên cứu của trường Đại học Công giáo ở Milan cho biết có tới 60% giáo dân Công giáo ở Italia không còn đi xưng tội nữa.

Trong nhiệm tích Xưng tội, người Công giáo xưng thú tội của mình với một linh mục, vị này nhân danh Chúa tha tội cho người đó.

Nhưng cũng trong nghiên cứu của trường Đại học Công giáo nói trên, được biết có 30% người Công giáo Ý tin rằng không cần linh mục làm người trung gian của Chúa để tha tội, và 20% cảm thấy không thoải mái khi phải khai ra tội mình với một người khác.

Phụ lục 2



Bản tin của Daily Telegraph:

Đâu là “tội trọng” ở thời đại chúng ta?

Vatican đã vạch ra 7 tội trọng mới ở thời đại chúng ta, nhằm làm cho các tín đồ xét đến hậu quả gia tăng mà cuộc sống của họ gây ra với người khác dưới ánh sáng của việc toàn cầu hóa.

Danh sách mới kết án sự thay đổi về di truyền, làm thí nghiệm trên con người, làm ô nhiễm môi trường, gây bất công xã hội, gây ra nghèo đói, trở thành giàu có vì tà dâm, và xử dụng ma túy.

Bản danh sách này thay thế bản nguyên thủy do Giáo hoàng Gregoriô Cả lập vào thế kỷ thứ 6, gồm: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét. Buồn thảm được thay thế bằng lười biếng vào thế kỷ 17.

Đâu là các “tội trọng” trong thời đại chúng ta?

Bạn nghĩ rằng Vatican có quyền đổi mới danh sách cũ hay không? Bản chất của tội lỗi đã thay đổi ra sao kể từ thế kỷ thứ 6?

Thế còn đâu là các nhân đức thánh thiện trong thời đại mới.
 
Mở mộ cha thánh Pio để chuẩn bị trưng bầy cho tín hữu kính viếng thi hài thánh nhân
Linh Tiến Khải
17:35 11/03/2008
Lúc 10 giờ tối Chúa Nhật 2-3-2008 Đức Cha Domenico D'Ambrosio, Tổng Giám Mục giáo phận Malfredonia đã chủ sự lễ nghi mở mộ thánh Pio Pietrelcina, để kiểm chứng tình trạng thi hài thánh nhân và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo tồn thánh tích cho hậu thế.

Cha Pio Năm dấu thánh
Cha Pio thuộc dòng Capucino được ơn mang năm dấu thánh Chúa cả đời tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người. Cha qua đời lúc 2 gờ 30 sáng ngày 23-9-1968 trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy người. Chiều ngày 26-9-1968 quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người, và ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề ”Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968.

Từ ngày đó trở đi cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu lại tụ tập về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.

Ngày 23-9-1969 Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa. Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983. Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu Cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về Cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990 kết thúc các tìm hiểu cuộc đời Cha Pio. Năm 1997 các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa. Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho Cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.

Vào năm 2001 ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học. Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002 Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho Cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.

Trở lại với lễ nghi mở mộ cha thánh Pio năm dấu: lễ nghi đã bắt đầu với bài đọc thư thứ I thánh Phêrô Tông Đồ và một đoạn thư của Cha Thánh Pio. Sau đó các thợ nề đã di chuyển tấm đá cẩm thạch mầu xanh trên mộ Cha Pio và đưa quan tài lên. Đức Cha D'Ambrosio và hai vị phụ tá kiểm điểm sự nguyên vẹn của 6 triện bằng xi đỏ đóng lên quan tài tối ngày 26-9-1968, đập vỡ và gỡ các triện đó ra. Quan tài được mở ra và Đức Tổng Giám Mục xông hương di hài và mọi người hát kinh Te Deum Tạ Ơn Chúa. Hiện diện trong lễ nghi cũng có các thân nhân của Cha Thánh Pio và một số Giám Mục lân cận.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Domenico D'Ambrosio về việc mở mộ thánh Pio thành Pietrelcina và trưng bầy cho tín hữu kính viếng bắt đầu từ tháng 4 tới đây. Đức Tổng Giám Mục cũng là vị đại diện Tòa Thánh trông coi đền thánh Pio, là nơi hằng năm có tới 7 triệu tín hữu đến hành hương.

Hỏi: Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho biết một vài cảm tưởng sau khi Đức Cha chủ sự lễ nghi mở mộ cha thánh Pio tối ngày mùng 2 tháng 3 vừa qua?

Đáp: Chắc chắn giây phút chúng tôi đã sống là một thời điểm đặc biệt và đầy cảm xúc. Riêng tôi đã cảm nghiệm được một cách sâu xa cái phong phú ngoại thường nơi sự thánh thiện của Cha Pio, và sự ít ỏi và hạn hẹp của chúng ta tất cả, mà trong nhiều múc độ và cương vị khác nhau chúng ta đều được mời gọi tiếp tục công trình của người. Cũng như tôi đã nói hôm trước, tôi nhớ mãi những gì Đức Gioan Phaolo II nhắn nhủ khi gửi tôi tới đây: ”Đức Cha là người giữ gìn gia tài của Cha Pio”. Gia tài đích thật và lớn lao nhất đối với một người, được mời gọi hướng dẫn với tinh thần trách nhiệm một giáo đoàn và các công trình của thánh Pio, là sự thánh thiện. Vì thế khi đứng trước thi hài của thánh Pio, là người trong hơn 50 năm đã khiến cho cuộc sống của mình tỏ lộ mầu nhiệm cuộc Đóng Đanh của Chúa, chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ, không được chuẩn bị, không thích hợp để làm cử chỉ đơn sơ ấy.

Hỏi: Xác cha thánh Pio ở trong tình trạng nào thưa Đức Cha?

Đáp: Nếu có thể dùng một tính từ thì tôi xin nói rằng xác của người ở trong tình trạng ”dè dặt”. Dĩ nhiên nếu qúy vị hỏi cảm tưởng của tôi thì tôi biết nói gì bây giờ? Chắc chắn là tôi đã muốn trông thấy gương mặt của cha Pio. Nhưng cách đây 40 năm đã không có việc săn sóc nào cả và giải pháp vội vã của việc chôn cất đã khiến cho kết qủa không có thể nói là được ”hoàn hảo”. Tuy nhiên chúng ta có xác của thánh Pio: sọ và các chi thể phía trên một phần là xương, các ngón tay còn nguyên, một chân đã khô đét. Và phần còn lại của cơ thể như các chuyên viên đã ghi nhận, các tế bì bị dính vào lớp dưới của hòm. Tóm lại cần phải thực hiện nhiều can thiệp để bảo đảm việc duy trì thích đáng xác của cha thánh và trưng bầy cho các tín hữu sùng mộ người kính viếng.

Hỏi: Tại sao giáo quyền đã đi tới chỗ quyết định mở mộ cha thánh Pio thưa Đức Cha?

Đáp: Như qúy vị biết trong Giáo Hội có truyền thống xác nhận thi hài của các vị ứng viên của các cuộc phong chân phước hay phong thánh, cũng như truyền thống cứ thỉnh thoảng lại tái xác nhận thi hài các thánh xa xưa trong qúa khứ. Chúng ta chỉ nghĩ tới 3 lần xác nhận thánh tích của thánh Phanxicô thành Assisi trong khoảng thời gian 800 năm. Trong trường hợp của cha thánh Pio, thì hơi ngoại thường một chút, vì việc thừa nhận đã không được làm trước khi phong chân phước và phong thánh. Tôi đã không biết các lý do đã ngăn cản việc thừa nhận đó, nhưng sau bao nhiêu năm thì người ta cảm thấy cần phải duyệt xét tình trạng duy trì xác cha thánh Pio. Trong nghĩa đó đã có lời xin đồng nhất của toàn tỉnh dòng Anh em Capucino hèn mọn, gửi Bộ Phong Thánh, qua trung gian vị tổng thỉnh nguyện viên, kèm theo xác tín và sự liên kết của tôi. Rồi đã có huấn thị và sắc lệnh giao phó cho tôi nhiệm vụ thành lập tòa án giáo phận để tiến hành việc thừa nhận xác cha thánh theo các chỉ dẫn, mà Bộ Phong Thánh đã gửi cho tôi.

Hỏi: Phải cần bao nhiêu thời gian cho các giảo nghiệm và chôn xác cha thánh Piô trở lại thưa Đức Cha?

Đáp: Liên quan tới các tiến trình duy trì xác cha thánh Pio, theo các chuyên viên thì cần phải có từ 30 đến 40 ngày. Vì thế chúng tôi mới xác định ngày 24 tháng 4 là ngày bắt đầu trưng bầy xác cha thánh Piô cho mọi người kính viếng. Còn việc chôn xác cha thánh trở lại, thì ngoài việc để xác ngài trong hầm nhà thờ như cho tới nay, chúng tôi chưa có quyết định nào. Ban đầu thì đã chỉ nghĩ tới việc trưng bầy xác cha thánh cho tín hữu kính viếng trong vài tháng, nhưng vì có nhiều lời xin của tín hữu khắp nơi trên thế giới, nên phải kéo dài thời gian cho các cuộc kính viếng, có lẽ ít ra là một năm.

Hỏi: Thưa Đức Cha, mộ mới có giống như mộ hiện nay hay không?

Đáp: Chúng tôi cũng chưa biết mộ mới sẽ ra sao. Hướng được lựa chọn là một hòm kín, theo gương Đấng sáng lập dòng là thánh Phanxicô Khó Khăn. Như mọi người chúng ta đều biết là xương thánh Phanxicô được đựng trong một hòm bằng đá đóng kín.

Hỏi: Sự kiện mở huyệt để kiểm chứng xác cha thánh Pio đã kéo theo một vài tranh luận, rất là khó chịu, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Rất tiếc đó là sự thật. Có một nhóm nhỏ phản đối việc cho mở mộ và kiểm chứng xác cha thánh Pio, nhưng họ lại có thể tạo ra sự ồn ào trên các phương tiện truyền thông, vượt ngoài mọi dự đoán.

Nếu qúy vị đã hiện diện tại San Giovanni Rotondo chiều Chúa Nhật mùng 2 tháng 3 vừa qua, thì sẽ trông thấy hàng trăm tín hữu tới đền thánh với nến sáng trong tay để tỏ lòng sùng mộ cha thánh Pio và tỏ tình liên đới với Giám Mục và các tu sĩ dòng Capucino, trong các tháng qua đã bị mạ lị, vu khống nặng nề. Chúng tôi đã bị tố cáo là có các hành động phạm thánh, khủng khiếp, rùng rợn. Nhưng điều mà chúng tôi đang làm là một cử chỉ của lòng sùng kính, tế nhị và yêu thương. Nhưng chiến dịch chửi bới và vu khống đó vẫn tiếp tục không ngớt. Phải kiên nhẫn thôi, vì chúng tôi không thể dùng cùng các thứ vũ khí như thế, nhưng mà trên bình diện pháp luật dân sự Italia nó cũng không có ý nghĩa: có liên quan gì giữa việc trưng giáo luật và việc ra trình bầy vụ việc giữa tòa án dân sự? Dĩ nhiên là có cái gì không ổn thỏa rồi, nhưng mà nó khiến cho người ta khó chịu. Về phần tôi thì tôi nói với họ rằng: Anh chị em yêu mến cha thánh Piô phải không? Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu mến cha thánh Pio. Chúng tôi là những người giữ gìn gia tài này và chúng tôi muốn bảo đảm và duy trì gia tài đó trong các cách thế tốt đẹp nhất, chính vì chúng tôi yêu kính cha thánh Piô.

(Avvenire 4-3-2008)
 
Top Stories
Huê: les impressions d’une jeune étudiante non chrétienne après une journée de récollection, vécue en compagnie de ses amis catholiques
Eglises d’Asie
16:57 11/03/2008
Huê: les impressions d’une jeune étudiante non chrétienne après une journée de récollection, vécue en compagnie de ses amis catholiques

Le 5 février dernier, par une journée de pluie, fréquente en cette saison à Huê, le monastère bénédictin de Thiên An accueillait les étudiants catholiques de la ville pour une journée de récollection de Carême. Malgré la boue des chemins, rendant difficile l’accès au monastère perché au sommet de la colline, étudiants et étudiantes de toutes disciplines se sont venus nombreux participer à cette journée de ressourcement spirituel. Parmi eux, se trouvaient des étudiants non chrétiens venus là par sympathie, curiosité ou d’autres motivations particulières. Bùi Thi Thu Hiên, étudiante de la faculté des sciences de Huê, était dans ce cas. Ses confidences ont été recueillies par Nguyên Dông et diffusées par VietCatholic News, le 10 mars dernier.

Interrogée sur ses premières impressions, l’étudiante a exprimé, avec un sourire, sa satisfaction d’avoir pu venir à bout de la première épreuve, à savoir la côte boueuse et glissante menant au monastère. La motivation principale qui l’a poussée à venir participer à ce rassemblement spirituel de catholiques, a-t-elle confié ensuite, c’est l’amour et un désir de spiritualité. Son ami actuel est un étudiant catholique qui lui a beaucoup parlé des activités religieuses auxquelles il participe. Elle s’est dite intriguée par le rôle joué par la foi chrétienne dans la vie de son ami. Elle admire en particulier sa foi en Dieu et sa vie vécue en communion avec le Seigneur. Elle l’a souvent entendu dire que la confiance en Dieu permettait de traverser toutes les épreuves. Tout ceci l’a incité à davantage connaître la foi chrétienne.

Thu Hiên a reconnu ignorer beaucoup de choses de la religion catholique, y compris la signification du Carême. Elle a été impressionnée par l’ambiance chaleureuse et communicative du groupe, qui l’a transportée dans un monde différent de celui qui lui est familier. Elle a apprécié particulièrement les moments de silence qui lui ont permis d’être seule à seule avec sa conscience et lui ont donné l’occasion de se livrer à une révision approfondie de sa vie comme de sa personnalité. Elle éprouve maintenant en elle-même un désir de s’améliorer, sentiment qui, jusqu’ici, lui était inconnu.

Interrogée pour savoir ce qu’elle rapporterait de ce séjour dans un monastère bénédictin, en compagnie de ses amis catholiques, l’étudiante a répondu avoir, en premier lieu, découvert la charité en acte dans le groupe où elle a vécu. Elle éprouve de l’attirance pour certains éléments de la foi catholique, en particulier, la croyance en un Dieu unique. Et elle se promet de continuer son approfondissement de la doctrine chrétienne et de prolonger ses relations avec le groupe des étudiants catholiques.

Huê, ville historique du Centre-Vietnam, ancienne capitale de la dynastie des Nguyên, est aujourd’hui un haut lieu de la culture vietnamienne et une importante ville universitaire. C’est aussi le siège d’un archidiocèse qui a pour suffragants cinq autres au diocèse du Centre. Son archevêque, Mgr Etienne Nguyên Nhu Thê, est secondé par un évêque auxiliaire, Mgr F.-X. Lê Van Hông. La population catholique, qui s’élevait à 76 000 fidèles en 1970 (10,9 % de l’ensemble des habitants), a régressé par suite des migrations survenues dans les dernières années de la guerre du Vietnam. En 1979, il n’y avait plus que 41 000 catholiques à Huê. En 2006, le chiffre des fidèles était remonté à 66 700. Mais les catholiques ne formaient plus que 3,1 % de la population. Le diocèse accueille aussi l’un des six grands séminaires officiels du pays.

Légende photo: De jeunes Vietnamiennes attendent de se confesser lors de leur récollection de Carême au monastère de Thiên An, à Huê.

Photo © Vietcatholic

(Source: Eglises d’Asie - Dépêches du 11 MARS 2008 - BIS)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh tâm tại giáo xứ Vũng Tầu và tham quan Tượng Chúa Kitô Vua ở núi Tao Phùng
Maria Vũ Loan
01:52 11/03/2008
VŨNG TẦU - Vào một chiều ngày đầu tháng ba, chúng tôi ghé thăm giáo xứ Vũng Tàu, giáo phận Bà Rịa, trong dịp tham quan thành phố biển, một địa danh rất quen thuộc với người dân Sài Gòn.

Giáo xứ Vũng Tàu nằm giữa thành phố, bây giờ có nhiều con đường rộng và sạch đẹp. Nhà thờ có lối kiến trúc khá cầu kỳ nhưng lại dễ bắt mắt. Sân nhà thờ vắng lặng vì trước giờ lễ năm phút, nhiều người mới đến. Thánh lễ chiều thứ sáu, 07/3/2008 nằm trong ba ngày tĩnh tâm dành cho người lớn do cha phó xứ giảng thuyết.

Hàng ghế bên các bà thì ngồi đủ nhưng phía bên các ông trông vắng hẳn. Có lẽ do nằm trong khu du lịch nên công việc đã chiếm hết thời gian của các ông chăng? Vả lại, ở đâu cũng thế, quí bà quí cô xem ra có phần sốt sắng hơn quí ông.

Cha phó rất trẻ trung và khoan thai, cha mỉm cười chào khách lạ đường xa. Tôi đến đúng vaò thời điểm tĩnh tâm của giáo xứ ở đây.

Chủ đề của ba ngày tĩnh tâm là "Giáo dục gia đình Công giáo", một chủ đề lớn, có tính “thời sự” trong năm Giáo dục Kitô giáo. Ba phần đề tài chia ra ba ngày là:

- Sự khác biệt giữa các thế hệ trong gia đình.

- Giáo dục nhân bản trong gia đình

- Giáo dục đức tin trong gia đình

Tôi bị cuốn hút bởi phần đề tài “Giáo dục nhân bản trong gia đình” mà cha phó trình bày rất sâu sắc. Bài giảng lướt qua bốn ý chính: Các bậc cha mẹ cần quan tâm giáo dục nhân bản; nhân cách; lương tâm cho con cái và đồng thời còn là tấm gương sáng nữa.

Cuộc sống ngày càng phát triển; người ta quan tâm đến kinh tế hơn là chú ý đến con người. Nhiều người làm cách này cách khác để được giàu có hơn, đáp ứng cho cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vun quén cho con khá giả…tất cả những điều đó làm người ta tất bật, tâm trí của họ chỉ dành cho công việc; sự quan tâm đến con cái đã hiếm, việc giáo dục nhân bản cho chúng còn khó hơn. Thực tế đã chứng minh, có nhiều gia đình tan rã vì cha mẹ và con cái có một khoảng cách về thời gian; mà không có tình thương, sự chăm chút của cha mẹ thì con cái khó nên người.

Giáo dục nhân cách cho con cái là cho con hành trang vào đời; tức là bước vào đời bằng cách sống có trách nhiệm mà biết sống có trách nhiệm là một trong những đức tính trưởng thành. Mục đích của con người là mỗi cá nhân phải nên người trưởng thành, tự lập chứ không thể bám vào một cái gì đó mong tìm sự an thân.

Còn giáo dục lương tâm là giúp con có cách sống ngay thẳng, có ý thức nhạy bén trước cái đúng cái sai. Hiện tượng suy thoái đạo đức hiện nay là sự dối trá. Lời nói dối cứ tiếp diễn làm cho người ta không còn tin vào nhau, mà khi không còn tin vào nhau thì cuộc sống mất đi nét đẹp của văn minh và hạt giống Tin Mừng khó mà có đất sống!

Trong một gia đình Công giáo, để cha mẹ trở nên tấm gương sáng cho con cái thì chính cha mẹ phải sống theo chuẩn mực đạo đức của mười điều răn và biết dạy con tuân theo giáo huấn của Giáo Hội vì Giáo Hội là tiếng nói của Chúa.

Nếu sau bài giảng là phần đối thoại thì thật là tuyệt vời. Việc giảng tĩnh tâm lồng trong thánh lễ là phổ biến ở nhiều nơi, và tôi quan sát thấy giảng phòng sẽ rất sinh động vì không phải là độc thoại, nhưng là "đối thoại" dù có mất nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ giúp giáo dân đi vào thực tế cuộc đời.

Sáng sớm hôm sau trên đường đến tham quan núi Tao Phùng, tôi mới được biết, giáo xứ Vũng Tàu còn có trách nhiệm quản lý, tu sửa khu vực nơi có tượng Chúa Giêsu giang tay trên núi cao 32 mét, được coi là cao nhất thế giới vì tượng Chúa ở Brazil chỉ cao 26 mét. Tôi cố gắng leo lên các bậc thang cuối cùng, trong lòng tượng Chúa để chiêm ngắm cảnh đẹp bên dưới, nhìn cận cảnh khuôn mặt của Chúa và thấy mình nhỏ bé để khiêm tốn hơn.

Trên đường đi đến núi, tôi khơi bị khựng trong lòng vì anh thợ chụp hình và một số người bán hàng rong bóp méo lòng thương tâm với những chào hàng có tínhc ách quá thương mại. Tại sao họ không tin rằng cách làm ăn chân thật sẽ làm cho họ khá hơn và khi nuôi dưỡng lòng tin với khách du lịch thì chính họ được tồn tại trong công việc của mình?

Rời thành phố biển trên chiếc xe Karosa 60 chỗ ngồi, tôi sảng khóai vì được nước biển ngấm vào da thịt, tôi bỗng ước ao cánh tay của Chúa trên núi ôm lấy nhiều người và hơi ấm từ cánh tay của Ngài làm cho người ta có thên nhân bản, nhân cách, lương tâm và niềm tin trong cuộc sống hôm nay dù cha mẹ họ là ai và họ có biết Chúa hay không.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ Ủy ban ''lung lạc'' đến 'đàn két công giáo'' - Vài suy tư
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
16:50 11/03/2008
TỪ ỦY BAN “LUNG LẠC” ĐẾN “ĐÀN KÉT CÔNG GIÁO” – VÀI SUY TƯ

Ý nghĩa lớn của những cuộc cầu nguyện

Kể từ khi Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt kêu gọi giáo dân hợp ý cầu nguyện cho việc đòi lại Tòa Khâm sứ đến nay đã hơn 3 tháng. Ba tháng trong cuộc hành trình lịch sử của Giáo hội để đòi công lý và sự công bằng quả là ngắn ngủi. Ngắn ngủi vì chuyện đòi công lý, sự thật của Giáo hội Công giáo nói riêng, của dân tộc này nói chung, đã gần hai phần ba thế kỷ. Nhưng sự tiến bộ cứ nặng nề, chậm chạp và nhiều lúc không thèm biến chuyển bởi cơ chế độc tài Đảng trị một thời gian quá dài.

Nhưng ba tháng qua, đã là một khoảnh khắc đáng nhớ trong đời sống Giáo hội Việt Nam. Một khoảnh khắc lịch sử, khi những giáo dân chân yếu tay mềm dám đứng lên đòi quyền được sống bình đẳng, quyền có tiếng nói, quyền được tôn trọng. Những giáo dân không một tấc sắt trong tay biết đoàn kết đã làm chùn tay bạo quyền và làm kinh động cả thế giới hiện đại.

Đó là một việc có ý nghĩa lớn lao, lớn lao hơn tất cả những mục tiêu nhỏ nhoi là đòi lại một khu đất, một tài sản. Ý nghĩa đó không chỉ với người giáo dân Công giáo mà còn lớn lao với cả một dân tộc, một đất nước.

Thời phong kiến, tất cả mọi vật trên trời dưới đất, trong đất nước này, đều là của vua. Vua có đủ quyền hành xử, định đoạt tất cả, kể cả mạng sống của mình thì sự sợ hãi của người dân là đương nhiên Bởi họ không có quyền quyết định ngay chính sinh mệnh, tài sản của mình.

Thời Cộng sản, từ chỗ một Đảng khi sinh ra “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. Không quê hương sương gió tơi bời” – Tố Hữu – được đưa về Việt Nam, được nhân dân nuôi dưỡng bằng công sức của mình để Đảng lớn lên. Đến lúc Đảng đã trở thành cha mẹ của nhân dân tự khi nào không rõ. Từ chỗ người dân là người chủ nuôi nấng Đảng, Đảng đã thay ngôi đổi chủ trở thành người ban phát ơn huệ cho dân “Tình Đảng tình dân như tình mẫu tử” - lời bài hát. Câu cửa miệng “ơn Đảng, ơn chính phủ” đã trở thành một câu tụng niệm bắt buộc phải có trên đầu lưỡi mọi người dân.

Từ chỗ cả đất nước này, mấy chục dân tộc cùng nhau đoàn kết viết lên bao trang sử oai hùng chống ngoại xâm, nhất là bọn Đại hán phương bắc đã làm rạng danh non sông với tôn chỉ “Tổ quốc trên hết”. Đến nay, trên bất cứ bàn thờ nào của bất cứ một cuộc hội họp, một hội trường công cộng nào, cờ Tổ quốc chỉ ngang hàng cờ Đảng – Đảng đã to lớn ngang bằng Tổ quốc?

Nhưng Tổ quốc là khái niệm khá trừu tượng, còn Đảng là một thực thể cụ thể. Vì vậy để được yêu nước và tỏ lòng yêu nước người dân cũng cần được Đảng cho phép, những cuộc ngăn chặn vây ráp bắt bớ những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Trường Sa và Hoàng Sa vừa qua đã là một ví dụ hùng hồn.

Khi tất cả là của Đảng, từ cơm ăn, áo mặc, từ không khí mình hít thở đến tư tưởng của mình đều nhờ ơn Đảng, vị thế người dân được phân định bằng cơ chế xin – cho thì người dân chỉ là hạng nô lệ, phụ thuộc dù được rêu rao dưới những mỹ từ “dân chủ, dân quyền”. Thực chất là một hệ thống bảo đảm quyền lợi, quyền sinh sát cho một nhóm người không biết đang đại diện cho ai.

Để duy trì hệ thống thống trị đó, Đảng dùng phương thức lấy “chuyên chính vô sản – bạo lực cách mạng” làm phương thế xử sự, lấy học thuyết Mác – Lê nin vô thần làm nền tảng đường hướng cho cả xã hội, thì căn bệnh sợ hãi đã thấm vào máu thịt, nó như một thứ bệnh gia truyền qua nhiều đời.

Chính vì vậy, việc những người giáo dân đoàn kết đứng lên cùng nhau cầu nguyện, nói lên ý nguyện của mình khác ý Đảng, trái với những tiền lệ xưa nay trong xã hội Cộng sản, là điều thực sự có ý nghĩa lớn lao.

Để đối phó với những việc làm của người Công giáo, đã có nhiều con bài, nhiều mưu ma chước quỷ được tung ra, kể cả phương án dùng sức mạnh súng đạn. Nhưng tất cả không có ý nghĩa trước niềm tin đơn sơ và mộc mạc, nhiệt thành của người Công giáo Việt Nam vào Thiên Chúa, vào Giáo hội, trước sự đoàn kết hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ, của lương tâm nhân loại bị đánh thức.

Và đến khi đó, những cò mồi, hệ thống tay sai được tận dụng triệt để. Nhất là những cò mồi trong cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo”? Giáo hội Phật giáo quốc doanh, Ban Tôn giáo…

Vài nét lịch sử

Theo nhiều tài liệu, Chủ tịch Hổ Chí Minh có chính sách đoàn kết lương giáo thời kỳ đầu cách mạng – Khi đó, Đảng chỉ là Đảng lao động, chính phủ tập hợp nhiều Đảng phái - đã tạo được sự thống nhất của đất nước trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Kết quả khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945 bốn vị Giám mục Công giáo thừa nhận ông là chủ tịch chân chính của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Khi đó ông đã cử một người Công giáo là ông Nguyễn Mạnh Hà làm bộ trưởng Kinh tế đầu tiên. Tại buổi lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ và lễ thành lập Liên đoàn Công giáo vào tháng 10 năm 1945 tại Phát Diệm có sự hiện diện của ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Thậm chí Giám mục Lê Hữu Từ còn được cử làm cố vấn tối cao của Chính phủ.

Về chính sách, chính phủ Việt Minh đã ban hành những chỉ thị nghiêm ngặt, cấm đoán mọi hành động xúc phạm tôn giáo, nhất là việc phá huỷ nơi thờ cúng, người phạm tội có thể bị xử tử hình. Đây là một cố gắng thực sự nhằm hạn chế bất hoà đối với người Công giáo. Năm 1949, uỷ viên nội vụ Nam Bộ Ung Văn Khiêm nghiêm cấm "mọi hành động phẫn nộ hay khiêu khích đối với người Thiên chúa giáo". Không những không cấm đoán việc thờ Chúa, Việt Minh còn cho phép tổ chức những cuộc đại lễ nhân những ngày lễ đạo trọng đại. Mỗi năm vào dịp Nô-en, bao giờ Hồ Chí Minh cũng gửi thư chúc mừng đồng bào Công giáo.

Đó là những chính sách ban đầu của Đảng với người Công giáo, khi mà Đảng cần sự hợp tác để tiến hành cuộc cách mạng dân tộc thời kỳ đang non trẻ.

Nhưng những năm tháng mặn nồng chưa hiểu hết nhau ban đầu nhanh chóng qua đi, Khi Đảng đã cứng chân mạnh tay, những tổ chức Công giáo đều bị Đảng kiểm soát chặt chẽ nhất là khi đàn anh Cộng sản Trung Quốc ra đời. Đặc biệt từ 1953 trở đi, chủ trương tiến hành "đấu tranh giai cấp" và phát động cải cách ruộng đất trong những vùng kháng chiến kiểm soát (ở những nơi có nhiều giáo dân), Việt Minh lúc đó cũng không còn giấu giếm bản chất cộng sản của mình thì sự đối xử đã diễn ra với chiều hướng khác.

Đó cũng là cung cách xử sự của những kẻ từ ở độ đến tiến hành chiếm nhà.

Trước làn sóng ồ ạt của một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” của cả triệu người Công giáo và cả không công giáo quyết tâm từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa, quê hương chôn rau cắt rốn của mình để di cư vào nam. Nhà nước Việt Nam buộc có những động thái mới. Tháng 3 năm 1955, giữa lúc cuộc di cư ở miền Bắc đang ào ạt, Uỷ ban liên lạc Công giáo đã được thành lập dưới sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để nhằm “phổ biến chính sách của nhà nước trong đồng bào Công giáo, động viên đồng bào ủng hộ chế độ và tham gia các tổ chức quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc” .

Ngay ngày hôm sau khi tổ chức này ra đời, Khâm mạng Toà thánh John Dooley và các Giám mục giáo tỉnh miền bắc, trong một lá thư đề ngày 12 tháng ba, đã lên án Uỷ ban này, coi đó là “một hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Việt Nam”. (Theo Trần Thị Liên- Vấn đề Công giáo miền bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956) tạp chí Thời Đại mới, Tháng 3/2005)

Với nhận thức sâu sắc về một nguy cơ, Giám mục Trịnh Như Khuê đã “treo chén” (không được phép thi hành sứ vụ linh mục) hai linh mục tham gia Ủy ban này như một cách thể hiện thái độ ngay từ những ngày đầu của Giáo hội Công giáo, không thể để một Giáo hội tự trị được manh nha thành lập.

Có lẽ với sự nhanh nhẹn mẫn cảm của những vị chủ chăn trác việt của Giáo hội những ngày tháng đó, dám chấp nhận đau đớn, khốn đốn mà Giáo hội Việt Nam đã tránh được những hậu quả đau lòng cho ngày nay.

Để đánh giá tác dụng thực chất của Ủy ban này, chỉ cần một câu của những người Công giáo gọi tên Ủy ban này là “Ủy ban Lung lạc Công giáo Việt Nam” và sau này là “Ủy ban Đàn két Công giáo” là đã nói lên tất cả.

Những người Công giáo tham gia ở đó gồm các linh mục, các trí thức, giáo dân... với những động cơ và hoàn cảnh khác nhau. Có những người do hoàn cảnh, có những kẻ do tinh thần, niềm tin, lòng yêu nước đơn sơ đặt nhầm chỗ, có những người chính bản thân mình được nổi tiếng, được bổng lộc.

Thậm chí, cũng không thiếu những vị mơ đến chức vụ như của Lưu Bách Niên – “Giáo hoàng đen” của Trung Quốc cộng sản hiện nay.

Nhưng tất cả mọi hoạt động của Ủy ban này, nhằm mục đích gì thì giáo dân và hàng giáo phẩm chân chính đã không lạ.

Nó đã có tác dụng gì với người Công giáo, với đất nước, với dân tộc, với chính Nhà nước đã tạo dựng nên và nuôi nó sống bấy lâu nay?

Những hoạt động, những tâm nguyện của giáo dân là chuyện xa lạ với cái Ủy ban này, điều này đã được kiểm chứng qua quá trình dài. Điển hình như vụ Tòa Khâm sứ, Hà Đông, Thái Hà vừa qua, những người trong hệ thống này chắc không bận đi nước ngoài tất cả, chưa thoát ly hoàn toàn với Giáo hội, với xã hội Việt Nam. Nhưng không một tiếng nói, không một từ ngữ nào được nhắc đến, dù họ có trong tay đến mấy tờ báo và hàng năm vẫn họp hành, ăn ngủ và lĩnh kinh phí đều đều.

Ngay một Giáo xứ tại Hà Nội, có một vị danh sách hoành tráng, trang trọng trong “Ủy ban đàn két Công giáo” kia, nhưng khi giáo dân nô nức đồng loạt ký đơn đề nghị xin lại Tòa Khâm sứ, đã phản đối rằng: “Không nên ký, vì làm thế thì phường, Nhà thờ sẽ mất thi đua”? Hỡi ôi, cái danh hão, cái hư vị vẫn còn nặng nề đến thế thì ai sẽ nhả ra? Và trong con mắt giáo dân, họ sẽ được “kính trọng” như thế nào?

Nhìn lại cả một quá trình hình thành và phát triển, dù có đầy rẫy những bản báo cáo hay ho trong những kỳ đại hội, dù nó được làm chủ hai tờ báo mang danh Công giáo Việt Nam, dù đã được tặng thưởng Huân chương Hổ Chí Minh thì cũng cần nói thật: Nó đã không có tác dụng cho người đã thành lập nên nó lẫn những người nó muốn tác động.

Tác dụng duy nhất, nếu có là ngân sách hàng năm có chỗ chi tiêu, những đồng tiền thuế của người dân có chỗ mà ném vào không ai được thắc mắc. Những linh mục, những tu sỹ, giáo dân sau những kỳ họp, có thể vênh vang trước những đấng bản quyền, trước những giáo dân khác, vì họ là những người “tiến bộ” được Nhà nước tin dùng? Thậm chí, nếu cuộc sống cá nhân của họ có những điều tai tiếng, không gương mẫu, thì đã có chỗ đã hoạt động, kẻo không có đường lùi.

Còn tác hại của nó? Có thể dẫn chứng rất nhiều tại đây, nhưng cái dễ nhìn thấy nhất là cái “Ủy ban đàn két này” đã làm hỏng tinh thần đoàn kết ngay của những người Công giáo. Giữa những người tham gia và những người không tham gia, giữa hàng giáo sĩ với nhau, và giữa giáo dân với hàng giáo sĩ.

Tất cả những sự mất đoàn kết đó, hậu quả không chỉ là người Công giáo phải chịu như ý muốn của một ai đó, mà là cả dân tộc này phải gánh chịu. Khi thiếu đoàn kết, sức mạnh dân tộc, nguyên khí đất nước đã hao mòn đi nghiêm trọng.

Thiết nghĩ đã đến lúc, cần đưa nó về vị trí của nó: Con số không.

Nhiều người Công giáo đã lầm tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho mình khi nhiệt tình hăng hái vào Ủy ban này để được Đảng và Nhà nước trọng dụng. Hoặc như cái mốt một thời “ta cũng là cán bộ Nhà nước như ai” được ưu đãi có nhà, có xe… hoặc chiếm một vị trí quyền lực.

Nhưng tất cả đều sẽ là ảo tưởng. Khi chế độ Cộng sản hiện nguyên hình, tất cả họ chỉ là một thứ công dân hạng bét. Những đồng chí, những học trò của ông Hồ Chí Minh giai đoạn sau này, đã không còn có những chiêu như hồi cách mạng còn non trẻ.

Tất cả hệ thống công quyền song trùng, bùng nhùng chồng chéo hiện nay với hơn 6 triệu công chức, thử tìm xem một người Công giáo chân chính nào đã được tham gia hệ thống từ chức vụ Chủ tịch Huyện trở lên của hơn 500 huyện thị và 64 tỉnh, thành phố? Trong hệ thống lực lượng vũ trang với quân số không nhỏ so với số dân hiện nay, thử tìm có được một sĩ quan nào người Công giáo chân chính hay không?

Và ngay cả trường hợp được trọng dụng nếu có, để có chức có quyền, có những mối lợi trong hệ thống công quyền tham nhũng:

Những Hồ Tôn Hiến thời nay

Càng mê chức tước, càng dầy mưu gian

Giỏi tranh ghế, giỏi tranh bàn

Tham tiền, tham gái, tham ăn, tham nhà

Mưu đồ khi đã nghĩ ra

Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều


(Lê Khả Sỹ - Gặp Nguyễn Du trong mộng)

Thì đó có là tiêu chí phấn đấu của những người Công giáo sống yêu thương và chia sẻ cho tha nhân, làm muối đất và ánh sáng?

Ngay cả những người mang danh Công giáo tham gia trên các diễn đàn Quốc hội, từ linh mục đến tu sĩ, giáo dân, đã có bao giờ trong lịch sử Quốc hội Việt Nam họ có được một tiếng nói để bênh vực quyền lợi của hơn 8 triệu giáo dân Công giáo? Hay cũng chỉ là những lời ngợi ca liên miên không dứt như một bài ca truyền thống, công việc của những con két thường làm?

Điều đó để nói lên rằng: Câu chuyện con chó và người thợ săn vẫn còn mang tính thời sự.

Thiết nghĩ đã đến lúc người Công giáo hãy nhận chân giá trị của mình, đừng ảo tưởng những điều không có thật bởi những ngôn từ bóng bẩy, lừa mị kia.

Và cũng qua đó, ta thấy rõ hơn những gì là gian trá, những gì là lương tâm và sự thật, điều cấp thiết cho Giáo hội và xã hội hiện nay để đi lên theo kịp thời đại.

Hà Nội, Ngày 12 tháng 3 năm 2007
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bướm
Diệp Hải Dung
00:10 11/03/2008

HOA BƯỚM



Ảnh của Diệp Hải Dung - Australia

Bướm bay vì hoa nở?

Hoa nở vì bướm bay?

Hương sắc vốn có thật

Tình ý nào ai hay!

(Trích thơ của Lê Hân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền