Ngày 13-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cửa
Lm Vũđình Tường
07:23 13/03/2008
Cửa gắn liền với cuộc sống thường nhật thế mà ít khi ta nhận ra giá trị thực tiễn hay để ít phút suy tư về nhiệm vụ của cửa. Cửa gắn liền với cuộc đời khi còn sống và sau khi chết. Mọi người từ già đến trẻ, hiền lương, dân bụi đời, người vô gia cư không nhà cửa thế mà hàng ngày cũng phải chui qua năm bảy lần cửa để xin ăn. Để hiện diện nơi đây quý vị đã để sau lưng năm bảy lần cửa khép. Trước hết là cửa phòng rồi đến cửa nhà, đi gần thì cửa xe, đi xa thì cửa máy bay và gần đây nhất là cửa thánh đường. Không phải chỉ con người mới cần cửa mà cầm thú cũng có như cửa hang, cửa chuồng. Thiên nhiên cũng tạo ra nhiều loại cửa thiên nhiên như cửa sông, cửa biển. Không biết thiên nhiên có gọi chúng là cửa không nhưng nhân loại chúng ta đặt cho chúng cái tên quen thuộc, gần gũi là cửa. Mỗi khi nhắc đến ai cũng có thể hình dung ra được hình dạng các cửa thiên nhiên này.

TÊN LOẠI CỬA

Có nhiều loại cửa khác nhau tùy theo mục đích dùng mà con người đặt tên cho chúng. Thí dụ cửa nhà, cửa bếp, cửa tủ, cửa xe, cửa phòng. Trong tất cả các loại cửa chỉ có cửa miệng là khó đặt tên nhất vì không định được nhiệm vụ rõ ràng của cửa miệng. Cửa miệng được xử dụng cho muôn vàn mục đích mà không ai dám gọi tên chúng vì nếu đặt tên cho chúng là tự mình chuốc lấy nguy khốn, ngay cả trường hợp nói lên sự thật.

KÍCH THƯỚC CỬA

Cửa nhân tạo có kích thước giống nhau, rập khuôn và tương tự nhau. Cửa thiên nhiên không giống nhau về kích thước lẫn vóc dáng. Cửa lớn nhất là cửa biển, nhỏ hơn là cửa sông, cửa rạch. Nơi cửa biển cửa sông mang lại nguồn lợi tôm cá lớn nuôi sống dân chài quanh vùng, đồng thời thoát nước tránh nạn lụt giết hại sinh linh, phá tan mùa màng. Cửa nhỏ nhất nhưng lại ồn ào, xì xèo, to nhỏ, khen chê, thánh thiện hay ma quỷ, điêu ngoa, ngọt ngào hay thối tha nhất lại là cửa miệng. Cửa miệng thường được dùng trong hai việc trái ngược nhau, tùy theo tâm của người nói hoặc là để rao giảng Tin Mừng, hay tin đồn. Miệng được dùng để khen, ca tụng và cũng được dùng để chê, nguyền rủa. Miệng gieo lời hay ý đẹp và miệng gieo những tư tưởng sai trái, tục tĩu như hũ mắm thối gặp nước mưa. Chính vì vậy cho nên nó có tên chung chung là cửa miệng. Người ta chỉ dám vịnh về cái miệng như miệng sang hèn, hẹp rộng, lẻo mép, tía lia hay môi dầy vân vân mà không ai đặt tên cho nó cả. Lấy hết sức bình sinh phê phán trong lúc cả giận mất khôn cũng chỉ dám đưa ra câu: ăn muối ăn mắm gì mà nói kiểu cha đời thiên hạ. Đố ai dám đặt tên cho cửa miệng cái tên thích hợp, nếu gọi là cửa thập cẩm thì không đúng. Vì những món thập cẩm thường là món ngon. Còn miệng thập cẩm có pha trộn ngon và tệ. Miệng để làm chứng về đức tin và miệng để thề gian, lừa lọc. Tất cả đều phản ảnh bởi nội tâm bên trong. Vì thế mà Chúa Giêsu nói không phải những gì từ ngoài vào qua cửa miệng làm cho ta ra dơ bẩn nhưng chính là những gì phát ra từ cửa miệng.

TÂM ĐỊA CỦA CỬA

Có câu chuyện vui, đứa bé cố với tay lên cao bấm chuông nhưng vẫn không bấm được. Thấy thương hại người đi đường bấm dùm. Đứa nhỏ không cám ơn còn toét miệng ra cười. Người đi đường thành thật hỏi sao vậy cháu? Đứa nhỏ nói. ‘Chạy đi ông ơi, còn chần chờ gì nữa, không thì khốn bây giờ. Thằng cha gác cổng nhà này hung lắm.’

Xin liệt kê một số loại cửa thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cửa mang ý nghĩa riêng của nó vì mục đích cánh cửa đó được dùng, hay vì nó che đậy, chứa đựng sự thật sau cánh cửa. Tất cả các loại cửa liệt kê sau không ít thì nhiều cũng liên quan đến cuộc sống thường ngày mỗi người trong chúng ta. Có những loại cửa chúng ta đi qua vì cần, lại có những loại cửa chúng ta bị cám dỗ dẫn vào và có những cánh cửa vào vì tò mò, hiếu kì muốn vào cho biết.

1) Loại cửa cần thiết ngày nào cũng cần đến bất kể ngày đêm, ra vào nhiều ít tùy người, đêm bảy ngày ba, thiếu nó thì chạy đôn, chạy đáo đi tìm cho ra không thì khốn đó là cửa nhà vệ sinh.

2) Có những cửa không ai muốn vào mà thiên hạ còng tay đẩy vào, vào là mất tự do, cái gì cũng bị giới hạn, ngay cả chỗ nằm, giờ giấc ăn ngủ cũng được phân chia rõ ràng, mạch lạc chi li. Ai sống sau cánh cửa loại này đều mong muốn mau được thoát ra đó là cửa nhà tù, trại giam.

3) Có loại cửa mới nghe nói đến đã giật mình, run sợ như sét đánh ngang tai. Người đến cửa này lòng đau như cắt, mặt mày xám ngắt, ủ dột trông không còn giọt máu, chân tay bủn rủn thế mà vẫn phải vào chầu chực hàng giờ đó là cửa bệnh viện.

4) Loại cửa vì tò mò tình nguyện bước vào mắt điên đảo, ngó trước nhìn sau sợ người quen bắt gặp. Loại cửa này dẫn vào con đường ăn chơi trác táng, thân gầy tiều tụy cuộc đời mong manh phiêu bạt nhẹ như làn thuốc khói, tan xác qua cơn gió thoảng. Đi vào loại cửa này thì dễ mà thoát ra thì khó vì những cám dỗ trập trùng, biến thiên vạn hóa. Đó là cửa dẫn vào con đàng ăn chơi tội lỗi.

5) Có loại cửa khi đi vào thì vui vẻ, hớn hở khi ra thì nhẵn túi mặt nhăn như đít bị. Có người còn bị tàn gia bại sản, tra chân vào tù. Loại cửa này dính vào bị mê hoặc như có tà ma ám ảnh, sống mơ màng trong mơ. Người vào cửa này thường khó thoát khỏi vòng đồi trụy, gian trá, lừa lọc. Cuộc đời luôn mơ gỡ gạc, thua đến chạy rụi cuộc đời. Đó là loại cửa đỏ đen, cửa các sòng bài, nhà chứa.

6) Có loại cửa phải qua trung gian, bắt mối khi vào phải khúm núm ra vẻ chân tình, kính cẩn, không dám ngó ngang ngó dọc sợ mất cảm tình thì nguy khốn. Trong người ôm ấp lễ ngãi, quà cáp long trọng mua chuộc lòng chủ đó là cửa quan quyền.

7) Có loại cửa khi bước vào một cách long trọng, kính cẩn, với tất cả tâm tình thiết tha. Khi ra thần khí tỉnh táo, tâm hồn thanh thản, yên tâm hơn. Trong tất cả các loại cửa kể trên chỉ có loại cửa này đáng lưu ý nhất. Đó là cửa chùa hay cửa nhà thờ. Hình như những tâm hồn hay thăm viếng loại cửa này đều là những tâm hồn đơn sơ, chân thành. Ở tuổi trưởng thành vì công ăn việc làm, vì tài trí, vì sức mạnh, vì bạn bè người ta ngại đi đến cửa này. Bao nhiêu mời gọi, bao nhiêu lời khuyên bảo, năn nỉ người ta cũng ngại đến. Con người chạy đến trong than khóc khi bác sĩ lắc đầu bó tay hết thuốc chữa, không còn trông vào sức mạnh trần thế lúc đó con người mới trở về cánh cửa nhà thờ.

8) Sau cùng là loại cửa không to lắm, không sâu nhưng nghìn trùng xa cách, tự mình không đi ngang cửa này được mà do người thân trịnh trọng, lòng se thắt quặn đau khiêng vào. Từ quan chí dân ai cũng vào một lần và vào trong lúc trắng tay không mang theo được gì. Khi bước vào người đó chân tay bị trói chặt, mặt phủ vải không nhìn thấy sự đời. Đó là cửa mồ.

Chúng ta tạm đóng các cánh cửa trên lại để nhấn mạnh đến một loại cửa hy vọng. Loại cửa vô hình này rất quan trọng cho cuộc sống tại thế và cuộc sống trường cửu sau này. Có hai loại cửa vô hình hoàn toàn đối nghịch nhau như hai kẻ tử thù là trung tâm của bài này. Hai cánh cửa bề thế ấy người công giáo nào cũng được học đến, nói đến nhiều trong đời đó là cửa thiên đàng và cửa hỏa ngục.

CỬA THIÊN ĐÀNG, CỬA HỎA NGỤC

Kinh thánh nhiều lần nói về các loại cửa khác nhau. Cửa thiên đàng trần gian hay cửa vườn địa đàng nơi tổ tiên con người phạm tội bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Người dơ cao tay đón chào tin bị đuổi nhà của A dong Eva là ma quỷ, chúng đăng quảng cáo cho thuê phòng với giá rẻ khắp nơi đón chào hai ông bà tổ phụ. Để ngăn ngừa hai ông bà đừng thuê phòng của ma quỷ:

- Chúa Giêsu vội ra thông cáo mời gọi hãy đi vào cửa hẹp. Mat 7,13 Lk 13,24.

- Chúa dậy đóng cửa phòng để cầu nguyện, để ăn chay hãm mình. Mat 6,6

- Chúa dậy mở cửa bố thí bánh cho bạn vào đêm khuya. Lk 11,6-7

- Câu chuyện người hành khất Lazaro nằm trước cửa nhà giầu xin ăn. Lk 16,19

- Cửa tiệc cưới đóng lại không cho 5 trinh nữ mang đèn mà không mang dầu tùy thân nên đến trễ. Mat 25,11-12

Chúa Giêsu là cửa.

- Qua Ngài để đến cùng Chúa Cha để có sự sống đời đời. Jn10,9.

- Ta là cửa chuồng chiên Jn10,7.

- Ai qua cửa này sẽ có sự sống đời đời Jn10,9.

Chúng ta lượt qua một vài loại để làm sáng tỏ vấn đề các cửa trên.

Ý NGHĨA CỬA TRONG THÁNH KINH

Tất cả các cửa nhắc đến trong thánh kinh được chia làm hai loại hoặc cửa đó liên quan đến cửa thiên đàng hay ngược lại cửa đó liên quan đến địa ngục. Xin mời chúng ta lần lượt duyệt qua các cánh cửa trên để hiểu thêm về việc Chúa Kitô mời gọi chúng ta đi qua cửa hẹp. Cánh cửa hẹp đây không gì khác hơn là cánh cửa vô hình nằm sâu trong cõi lòng con người, cửa tâm hồn. Vì nó là cửa hẹp nên cần phải mở hết ra cho rộng để ân sủng Chúa đi ngang dễ dàng. Cũng nên nhớ cửa hẹp này có nhiều cánh cửa như từ bi, bác ái, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại….

Trước hết là cửa hẹp trong phúc âm Mat 7,13 Lk 13,24. Đức Kitô so sánh hai loại cửa: cửa dẫn tới tàn phá, chết chóc, con người ưa chọn vì nó rộng, thênh thang đầy cám dỗ. Ai rộng mở cửa này thì cửa hẹp bị che khuất. Loại cửa rộng bao la đi vào sẽ bị lạc không biết đường về. Nó dẫn ta đi trong âm thầm và từ từ gặm nhấm giết chết lòng người một cách êm dịu nên con người không cảm thấy cái hại diệt vong khi cảm nghiệm được thì không đủ can đảm thu hơi tàn, sức lực đứng dậy. Đành đầu hàng buông xuôi theo cơn lốc cuộc đời. Trái lại cửa hẹp khó đi nhưng dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Vì là cửa hẹp nên phải khiêm nhường, đi trong yêu thương, đôi khi phải nhường nhịn nhau mới đi lọt. Thánh Luca dặn thêm để vào cửa hẹp con người phải phấn đấu, cố gắng hết khả năng để tiến vào, đừng nản chí dọc đường, đừng bỏ ngang vì khó khăn nhưng ai phấn đấu sẽ lọt vào cửa này vì cùng đồng hành với Đức Kitô. Đây là loại cửa chính Đức Kitô đã đi vào và cũng chính Đức Kitô đi ra mở đường cho những ai muốn theo Chúa. Câu đầu tiên trong thánh vịnh số 1 dậy hạnh phúc những ai không nghe đường lối gian tà của phường gian ác nhưng theo đường lối Chúa đi. Cửa rộng và cửa hẹp chính là lối sống con người tự chọn cho mình. Chúng ta hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa cánh cửa cuộc đời. Chọn sống phóng túng, gian tà là chọn cửa rộng. Sống trung tín theo đường lối Chúa, ăn chay, đền tội mình và tội tha nhân là chọn cửa hẹp dẫn đến sự sống. Chọn cửa nào thì sống với những gì có sau cánh cửa đó. Chọn con đường sống là chọn được Chúa bảo vệ đi theo đường lối Chúa và làm điều Chúa chỉ dậy. Chúa dậy đóng cửa phòng để cầu nguyện, để ăn chay hãm mình Mat 6,6, để thổ lộ tâm tình hay tâm sự cùng Chúa và chỉ mình Chúa biết. Đây là tâm tình của những người đạo đức thật luôn trông cậy vào Chúa. Trong phòng kín họ nhìn lại biến cố trong ngày, xét mình, xem lại thành quả đạt được mong ngày mai làm được nhiều việc lành phúc đức hơn. Làm như thế họ không mong người ta khen là đạo đức, thánh thiện nhưng làm vì lòng yêu mến Chúa.

ĐÓNG CỬA LÒNG

Một trong những dụ ngôn rõ ràng nhất khi nói về cửa rộng chính là câu chuyện Lazaro nằm ngoài cổng nhà phú hộ giầu có, mong được ăn những mảnh bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống đất mà cũng không được. Lazaro chết trong đói khát, bệnh tật (Lk 16,19). Ông không nhận được một chút xót thương nào từ cửa nhà người phú hộ. Ông không nhận được lời an ủi nào nơi cửa miệng nhà giầu. Bạn ông là con chó đến liếm mủ chảy ra từ mụn ghẻ đầy mình. Cánh cửa lòng xót thương người nghèo khổ, đói khát trong tâm hồn nhà phú hộ nọ đóng chặt. Ông chỉ sống cho mình và những người giầu có, cùng giai cấp như ông. Giai cấp cùng đinh nghèo khổ trong xã hội không được đếm xỉa đến. Môn đăng hộ đối là điều nên tránh trong xã hội vì con đường này dẫn đến khinh người và câm lặng, không chạnh lòng thương xót những anh chị em khác nghèo không cùng giai cấp với mình.

Có sự liên hệ mật thiết giữa hai cánh cửa vô hình: cửa lòng trong tâm hồn mỗi người và cánh cửa vĩnh cửu đời sau. Tâm hồn nào có lòng độ lượng, khoan dung, yêu người thì cánh cửa lòng họ gắn liền với cửa thiên quốc. Người có lòng độ lượng khoan dung, kính sợ Thiên Chúa. Người có lòng từ bi nhân hậu, bác ái, ôn hòa là người nắm giữ chìa khóa nước trời. Ngược lại, tâm hồn nào có lòng khinh người, kiêu kăng, ngược đãi anh chị em đồng loại, coi thường con người sẽ tạo nên những mắt xích trói chặt, xiềng xích, đóng kín cánh cửa lòng họ ngăn cản người đó tiến vào cánh cửa thiên quốc.

Cánh cửa khác nhắc đến trong phúc âm đó là trường hợp chần chừ, thờ ơ, biếng nhác trong việc đáp lại tiếng kêu cứu của anh em đồng loại trong dụ ngôn mở cửa bố thí bánh cho người bạn mượn thực phẩm vào đêm khuya Lk 11,6-7. Người nhà ra mở cửa vì tiếng kêu nài nỉ của đồng loại nên đáp lại chứ không cho vì lòng thương người. Đúng hơn anh ta thương mình. Nếu không cho họ gõ cửa hoài mình cũng không yên. Bố thí đi cho xong việc. Dẫu thế anh ta vẫn được trả ơn. Thiên Chúa giầu lòng xót thương sẽ đáp lại những ai kêu đến Ngài. Ngoài ý nghĩa xót thương chúng ta còn thấy ý nghĩa khác. Đó là xả thân. Để mở được cửa nhà và cửa tâm hồn anh ta phải chấp nhận hy sinh, từ bỏ chăn êm nệm ấm, bỏ giấc ngủ tiến ra mở cửa nhà chào khách. Mời khách vào nhà là thêm việc ngoài việc tiếp đãi còn phải chu toàn phép giao tế giữa chủ khách. Mở cửa nhà mời đón khách, ngay cả khách lỡ độ đường, đi liền với việc mở cửa tâm hồn, cửa con tim chan chứa tình yêu thương.

Phúc âm nhắc đến người khách lỡ độ đường vào đêm khuya và người bạn không mấy thân quen gõ cửa giữa đêm vay thực phẩm. Anh chủ này không giầu có như nhà phú hộ. Cửa tâm hồn anh ta chưa đóng chặt vì anh vẫn còn cảm thấy bị người khác quấy rầy không ngủ được nên đáp lại lời xin cho êm chuyện. Lúc đầu anh chối khéo nhà đóng cửa rồi, các con đang ngủ không thể dậy lấy bánh cho anh được. Vì kì kèo lâu nên anh dậy cho bạn mượn bánh đêm khuya. Người đi mượn bánh giữa đêm là người có tâm tình cao thượng đáng được đề cao. Bạn anh đến nhà vào lúc đêm khuya. Nhà nghèo không có gì tiếp bạn anh chạy đi vay mượn ít bánh tiếp khách. Mặc dù khách đến bất chợt, không báo trước, lại còn đến vào đêm khuya nhưng anh không ngần ngại. Trái lại ân cần đón tiếp. Con đường hẹp này coi trọng con người hơn vật chất, kể cả giấc ngủ và sự an toàn của chủ nhà. Ngày nay có thể hiểu người vay mượn bánh đêm khuya chính là người giúp ta, nâng đỡ khi ta xa Chúa. Họ cho vay những kinh nghiệm sống, giúp ta đứng dậy trở về cùng Chúa. Tiếp sức giúp ta làm lại cuộc đời. Chúa không trực tiếp với ta bằng xương thịt như xưa nhưng mượn con cái Chúa làm công việc khuyên bảo, an ủi, giúp đỡ nhau. Ma quỷ cũng học theo phương cách trên nhưng dùng với mục đích xấu. Xúi con người đi vào con đường rộng, sai trái, chống lại tha nhân, gây chia rẽ hận thù để chúng thủ lợi. Chúng ta hãy cầu xin cho có nhiều bạn tốt biết cho ta vay mượn kinh nghiệm đứng dậy trở về mỗi khi vấp ngã.

MỐI TÌNH RƠI RỚT

Một cánh cửa khác tôi muốn chia sẻ đó là cánh cửa lòng, vòng tay chào đón đầy tha thứ yêu thương nơi cửa nhà trong dụ ngôn người cha nhân từ. Hình ảnh người con hoang đàng trong Luke 15: 11 lại đến trong trường hợp này. Hai người con đại diện cho những loại cửa khác nhau. Trước hết cả hai con đều sống trong tình thương nơi nhà cha. Người em bỏ đi, theo sở thích riêng. Anh đi qua những cánh cứa ăn chơi, nghiện ngập, phung phí tài sản, sức lực, tuổi xuân. Khi hoạn nạn đến không còn nơi nương tựa. Anh đi tìm việc làm nhưng bị xua đuổi tàn tệ. Cuối cùng anh đứng dậy trở về nhà cha. Điều gì làm cho anh trở về căn nhà mà trước đây anh tự nguyện ra đi? Thưa nguyên nhân dẫn anh mạnh dạn trở về ngưỡng cửa xưa vì nơi tim anh còn sót lại tâm tình yêu mến của cha anh. Không phải anh yêu cha anh nhưng tình yêu của cha anh còn vương vấn trong tim anh. Chính mối tình dang dở này dẫn anh trở về với người cha. Anh đã nói chi trước khi trở về: nhiều người làm công cho cha tôi được đối xử tử tế. Anh tự nhủ không lẽ mình là con mà bị ngược đãi sao? Chính vì nghĩ đến lòng tốt của cha mà anh đã mạnh dạn đứng dậy trở về. Anh không trở về vì đói. Yếu tố này chưa đủ mạnh kéo anh đứng lên đi về nhà cha. Đói chỉ là nguyên nhân, chất xúc tác, thức tỉnh con người anh. Động lực chính thúc đẩy anh đứng dậy trở về vì tình cha vương vấn trong tim. Tình thương đó thể hiện qua việc cha anh đối xử tốt với con ăn đầy tớ. Cha ta đối xử tốt với bao nhiêu người. Nghĩ tới đây anh mạnh dạn đứng dậy lên đường. Anh không nghĩ đến món tiền lớn cha anh đưa cho trước khi ra đi. Anh không nghĩ đến nhà cao cửa rộng của cha. Anh không nghĩ đến những món quà đắt giá cha trao cho trong dịp sinh nhật, giáng sinh hay quà tết. Có một điều khắc sâu trong tim anh đó là lòng thương người của cha anh trải rộng với tha nhân. Khi trở về anh mong được đối xử như người xa lạ. Họ được cho ăn uống đầy đủ, nhân phẩm được đề cao, được đối xử bình đẳng và sống cho ra người.

CỬA CHUỒNG CHIÊN

Từ những cánh cửa trên Chúa Giêsu dẫn ta đến cánh cửa công chính là chính Đức Kitô tuyên bố được thánh sử Gioan ghi lại trong chương 10. Ta là cửa chuồng chiên. Ai không vào cửa này đường đường chính chính mà vào bằng lối khác thì đó là kẻ trộm. Người công chính an tâm bước qua cánh cửa nhà mình. Đức Kitô ví mình như cánh cửa bảo vệ đàn chiên. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta Ta biết chúng và chúng nghe tiếng Ta. Ai đi qua cửa Giêsu mà vào sẽ được an toàn, được bảo vệ, được che chở, được thêm sức mạnh và nếu đi lạc thì chủ chiên sẽ đi tìm vác trên vai mang về.

LỢI ÍCH CỦA CỬA

Cửa vừa bảo vệ người trong nhà vừa ngăn cản kẻ gian bước vào. Cánh cửa ngăn cản ruồi, muỗi, luồng gió lạnh đêm khuya tràn vào, giữ hơi ấm trong nhà. Cánh cửa linh hồn ngăn cản vi trùng tội lỗi xâm nhập hồn ta. Cánh cửa là dấu chỉ đâu là con đường tiến vào. Cánh cửa là nơi con người phát ra tiếng gọi, báo hiệu người trong nhà có người tới. Cánh cửa còn được dùng để trang trí vào những dịp lễ long trọng như cưới hỏi, mừng sinh nhật, giáng sinh, đón quý khách vào nhà biểu hiệu lòng yêu mến. Một vài nơi có phong tục trưng bày bàn thờ ông bà ngay trước cửa, nhang đèn hương khói tỏa cao. Cửa là nơi chào đón người thân và cũng là địa điểm tiễn biệt. Đến thăm ai mà chưa có lời mời vào thì chưa được bước ngang qua cửa nhà. Cửa có những dấu hiệu báo cho biết lành dữ trước khi ta bước qua. Như trường hợp ngoài cửa ghi đặm chữ xanh đỏ: coi chừng chó dữ. Cửa còn có năm bảy lần khóa, khóa sống, khóa chết, then cài trên dưới. Ai có chìa khóa mới qua lọt được những cửa trên. Người làm chủ chùm chìa khóa các cửa trên là người có quyền bước qua ngưỡng cửa danh chính ngôn thuận bất kể ngày cũng như đêm. Tuy nhiên có trường hợp vào cửa nhà mình mà lén lút như kẻ trộm. Những lần như thế nói lên việc làm sai trái, không chính đáng, thường gắn liền với mặc cảm tội lỗi. Cách vào cửa cho biết người quen hay lạ, thân hay không, công chính hay phường tội lỗi. Rõ ràng nhất là những lần chui cửa sổ rón rén vào phòng ngủ (anh đi chơi đến sáng mới về, vợ giật mình thức giấc hỏi anh đi làm sớm vậy. Để khỏi cãi nhau, người chồng đáp gọn. ‘Hôm nay anh làm thêm giờ’, đến sở làm suốt ngày ngồi ngáp.)

Nhìn qua khe cửa để nhận diện người thân hay xa lạ. Điều này giúp ta đi đến quyết định có nên mở cửa đón tiếp hay không, như trường hợp khi có ai gõ cửa thì trong nhà nhìn ra nhận diện quen hay lạ. Cửa làm nhiệm vụ thông tin, bảo vệ, mang lại an toàn cho người cư ngụ.

Cửa nhà được bôi dầu mỡ để khỏi bị kẹt, khó mở. Cửa tâm hồn không thoa dầu mỡ thường nhưng được chăm sóc bằng chính Mình và Máu Thánh Đức Kitô, bằng các phép bí tích, bằng cầu nguyện, bằng đọc Lời Chúa.

CỬA MỒ

Đức tin công giáo bắt đầu nơi cửa mồ, tại mồ trống. Các tông đồ thắc mắc hỏi nhau ai lăn hòn đá cửa mồ. Tảng sánh tinh sương các ông chạy ra thăm mộ Chúa. Đến nơi họ kinh ngạc vì cửa mộ đã mở sẵn. Nhìn vào trong các ông không thấy xác Chúa. Mồ trống không đem đến đức tin nhưng làm các ông la hoảng mất Thầy. Từ cửa mồ trống các ông tìm ra sự thật và các ông đã tin: Chúa đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Các ông đã gặp Chúa và đã tin. Cửa mồ không còn là điều sợ hãi cho những ai có lòng tin vào Đức Kitô vì Ngài đã sống lại từ cõi chết, phá tan cửa mồ đi ra, để lại mộ trống. Ai tin vào Ngài cũng sẽ bước ra khỏi cửa mộ như chính Đức Kitô là Đấng đầu tiên bước ra khỏi mộ. Cửa mộ không còn phải là nghìn trùng xa cách nữa mà chỉ là giấc ngủ ngàn thu chờ ngày sống lại bước ra từ giã cử mồ vào chốn trường sinh, vĩnh cửu vui vẻ chan hòa. Khi Chúa Kitô còn tại thế Chúa đã gọi Lazaro ra khỏi mồ mặc dù hai người chị là Martha và Maria ngăn cản rằng. Thưa Thầy có mùi rồi vì an táng đã ba ngày. Đức Kitô khẳng định Ta là sự sống và là sự sống lại ai tin vào Ta sẽ không chết đời đời. Sau câu nói đó Ngài gọi Lazaro và ông đã bước ra khỏi mồ theo tiếng gọi, tay chân còn cuốn khăn liệm. Lazaro bước ra khỏi mồ, Chúa Kitô cũng bước ra khỏi mồ. Chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa. Chúng ta còn nhớ trước khi về trời Chúa Kitô đã tâm sự cùng các tông đồ: trong nhà Cha Thầy còn nhiều chỗ ở. Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con để Thầy ở đâu thì các con cũng sẽ ở đó với Thầy. Thomas thưa xin chỉ cho chúng con biết đường đi. Chúa đáp Ta là đường là sự thật và là sự sống. Đi theo con đường Chúa đi để đến căn phòng mà Chúa đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Để vào qua cửa phòng đó chúng ta cần bước ra khỏi mộ tối tăm, hôi thối, đầy chết chóc than van, bước vào ánh sáng huy hoàng, vinh quang, rực rỡ. Cửa phòng đó có một lối đi duy nhất là đi qua cửa chuồng chiên mà Chúa Kitô là chủ nhắc đến trong phúc âm Gioan 10,7. Ai sống theo đường lối Chúa cũng sẽ bỏ mồ trống, sẽ hiên ngang bước ra, từ giã cửa mồ như Lazaro để bước vào phòng trống mà Đức Kitô đi trước dọn chỗ cho chúng ta.

KẾT LUẬN

Giáo Hội kêu gọi chúng ta hãy bước trên con đường tha thứ, hòa giải. Đừng trói buộc, xiềng xích nhau. Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của mẹ Giáo Hội, cởi trói cho nhau, rộng mở cửa tâm hồn, giang rộng vòng tay chào đón các anh chị em khác. Mời gọi nhau cùng bước qua cửa thánh đường để hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa. Hãy mở cửa xót thương đón nhận mọi người vì Danh Đức Kitô. Hãy sống thương yêu để được Chúa xót thương.
 
Sứ Điệp Phúc Âm: Những ngày cuối đời: Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem,chịu đau khổ, hành hình và chết trên Thánh Giá.
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
09:10 13/03/2008
Ngày 19 tháng 3, 2008: CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM A.

Sách Tiên Tri Isaia 50:4-7;Thư gửi Philipphê 2:6-11 và Bài Thương Khó Mathhiêu 26:14-27,66

Sứ Điệp Phúc Âm: Những ngày cuối đời: Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem để rồi chịu đau khổ, hành hình và chết nhục nhã trên Thánh Giá.

Câu hỏi giáo lý

1. Ý nghĩa cành lá dừa trong truyền thống Cận Đông (Near East).

Cây dừa được nhìn thấy ở những ranh giới sa mạc miền Cận Đông. Thân cây dừa thẳng tấp, vươn cao tạo ý nghĩa hướng thượng, linh thánh trong dân Babylon. Cành lá dừa được dùng trang trí trong các đền thờ thần thánh thời bấy giờ. Thời Cỗ La Mã, cành lá dừa tượng trưng cho vui mừng và chiến thắng vinh quang. Nó cũng được tạo thành vòng hoa chiến thắng khoác lên cổ những anh hùng dân tộc.

Người Do Thái đã dùng cành lá dừa trải đường đón Chúa vào Giêrusalem, vui mừng tung hô Ngài như một vị vua khải hoàn. Sách Khải Huyền 7:9 cành lá dừa nói lên chiến thắng của những anh hùng tử đạo và được trang hoàng trong hang toại đạo. Người Việt Nam gọi là cành thiên tuế.

Cây dừa tượng trưng cho thanh thoát và thánh thiện.

Cành lá dừa tượng trưng cho chiến thắng vinh quang. Tử đạo cũng được coi là chiến thắng. Vị tử đạo là anh hùng đáng được tặng ban cành là chiến thắng thiên tuế.

2. Lịch sử Chúa Nhật Lễ Lá

Chúa Nhật trước Chúa Nhật Phục Sinh. Chúa Nhật Lễ Lá cũng được gọi là Chúa Nhật Thương Khó (Passion Sunday) bắt đầu Tuần Thánh (Holy Week). Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hòa trộn vui và buồn. Dân chúng hoan hô Chúa như một vị vua chiến thắng khải hoàn vào Giêrusalem, nhưng đồng thời ngay sau đó, chúng ta cũng nghe Bài Thương Khó tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Nghi thức làm phép lá và kiệu lá bắt đầu ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ Tư. Sau đó lan tràn sang Âu Châu và những vùng phụ cận.

Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1955 phục hồi Tuần Thánh và kêu gọi giáo dân hướng về việc suy tôn Chúa Kitô là Vua chiến thắng tội lỗi, cái chết và phục sinh vinh quang.

3. Tạm Nhật Thánh hay Tam Nhật Vượt Qua (Easter Triduum)

Đó là Ba ngày Thánh cử hành ba biến cố quan trọng của Chúa Giêsu:

Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa (Mass of The Lord’s Supper), kỷ niệm việc Chúa lập Bí Tích Thánh Thể. Có nghi thức rửa chân, nhưng không phải là “Thánh lễ rửa chân” như ngườI ta quen gọi. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly sẽ không có thánh lễ trên toàn thế giới cho tới tối Thứ Bảy, đêm Vọng Phục Sinh và mừng Chúa Phục Sinh.

Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) cử hành cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu (Celebration of the Lord’s Passion). Phụng vụ bắt đầu sau 3giờ chiều và phải kết thúc trước mặt trời lặn. Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chết, ngày ăn chay kiêng thịt. Có rước lễ sau nghi thức hôn kính ảnh chuộc tội, nhưng không có “thánh lễ hôn chân Chúa!” như nhiều người hay gọi.

Thứ Bảy Tuần Thánh, Đêm Vọng Phục Sinh (Easter Vigil), cử hành Chúa Phục Sinh (Mass of the resurrection of the Lord). Đêm Vọng Phục Sinh bắt đầu bằng việc làm phép lửa, kiệu Nến Phục Sinh, Công Bố Tin Mừng Phục Sinh, Các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước trình bày lịch sử cứu độ, lặp lại lời hứa khi Rửa Tội, Phụng Vụ Phép Rửa (Rửa tội cho người lớn), và phụng Vụ Thánh Thể.

Triduum (ba ngày thánh, cử hành ba biến cố: đau khổ, tử nạn và phục sinh của một con người là Chúa Giêsu) đòi buộc linh mục coi xứ phải cử hành cả ba và chỉ một chỗ thôi.
 
Thánh ca: Chiên Vượt Qua (Victimae Pascali)
Phạm Xuân Thu
09:16 13/03/2008
 
Thánh Giuse, cành Huệ trắng
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
10:32 13/03/2008
THÁNH GIUSE, CÀNH HUỆ TRẮNG

Nhìn ngắm Thánh Cả Giuse, ai trong chúng ta cũng nhận ra cành huệ trắng trên tay Ngài cầm. Cành huệ trắng biểu trưng cho tâm hồn thanh sạch được tôn phong cho Ngài với những ý nghĩa mà chúng ta có thể chia sẻ trong bài viết này.

Biểu tượng tâm hồn thanh sạch:

Một cõi lòng trong, một tâm hồn thanh khiết, nói đến một con người toàn vẹn, vì “mọi sự xấu đều từ trong lòng mà ra” (Mc 7, 15). Thanh sạch là điều kiện tiên quyết của một con người đụng chạm đến việc thánh thiêng. Các nền văn hoá xưa gắn liền việc thanh sạch với tế tự, điều này đòi hỏi không chỉ dựa trên đời sống luân lý mà còn xuất phát từ chính yếu của đòi hỏi tế tự. Thánh Giuse được trao ban một đặc ân vượt trội, chính Ngài được tuyển chọn trở thành người tư tế dâng chính cuộc đời của mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Đời sống dâng hiến xuất phát từ tâm hồn thanh sạch của Ngài để bảo đảm cho gia đình Nazareth toàn vẹn, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chúa Giêsu Đấng rất Thánh Con Thiên Chúa. Hằng ngày, luôn gần với sự thánh thiêng, cuộc đời của Thánh Giuse cũng luôn đòi hỏi thanh sạch, như là một điều kiện và trong điều kiện này chúng ta có thể bắt gặp một trong những nỗ lực thánh hiến của Ngài để học sống theo Ngài. Trước tiên cần kể đến, Thánh Giuse là một con người ở giữa chúng ta, là một con người nghĩa là cũng có nhiều cám dỗ vây quanh như chúng ta. Thánh Giuse sống thánh thiện không duy chỉ do ý chí của Ngài mà còn nhờ vào việc kết hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Giuse nhưng trong sự kiện lắng nghe tiếng Chúa để đón Maria về làm vợ thì đã toát yếu lên cả cuộc đời của Ngài chọn lựa theo Ý Thiên Chúa. Để tâm hồn trong trắng là lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa và thi hành điều Thiên Chúa muốn. Không hề có sự vẩn đục nào có thể vào trong ý muốn lành thánh của Thiên Chúa được, bởi vậy tư tưởng loài người khác hẳn với tư tưởng của Thiên Chúa. Điều thứ hai có thể học nơi Thánh Giuse để giữ tấm lòng thanh sạch là xa lánh các điều dơ bẩn, đó là nỗ lực của chính bản thân. Bà Sara giữ mình thanh khiết khi nhiều người lao vào trong tội (Tb 3, 14), giữ mình là một cộng tác của con người với ân sủng của Thiên Chúa, Thánh Giuse cũng thế Ngài giữ mình khỏi những điều xấu xa. Phục vụ gia đình Thánh cần có con người Thánh, con người Thánh ấy chính là bậc cha mẹ, người có trách niệm cai quản cộng đoàn. Thánh Thiện không đến từ con người mà đến từ Thiên Chúa, con người Thánh là con người kết hợp thâm sâu với Chúa bằng tất cả nội lực của mình để thể hiện: “Yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn”. Người thanh sạch cần thiết cho một gia đình thánh biết bao vì chính chúng ta được mời gọi phục vụ gia đình thánh trong Bí tích Hôn Nhân.

Thanh Sạch biểu lộ vẻ đẹp siêu phàm:

Diễm tình ca ca ngợi một vẻ đẹp của hoa huệ giữa bụi gai và sánh ví vẻ đẹp trên hết mọi vẻ đẹp: “Em là đoá thủy tiên của Sa-rôn đồng bằng, là bông huệ thắm hồng trong thung lũng. - Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ có khác gì cánh huệ giữa bụi gai”. (Dc 2,1). Tâm hồn trong sạch không những chỉ cần thiết cho mình mà còn cần thiết cho người khác, để còn là hương tinh khiết giữa hôi tanh bụi trần, để còn là huệ trắng giữa bụi gai, và còn là màu trắng giữa những màu nhem nhúa. Ca ngợi vẻ đẹp của tấm lòng thanh giữa cõi lòng tục, người Việt Nam sánh ví vẻ đẹp và hương hoa ấy qua hình ảnh: “Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng, nhị vàng bông trắng lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nét đẹp không những chỉ nổi lên giữa đầm lầy mà còn là che khuất mùi tanh của bùn lầy. Trong sạch là một mối quan tâm đặc biệt để còn lại cho đời những hương thơm, chính vì vậy mà người Việt luôn khuyên nhủ con cháu: “giấy rách phải giữ lấy lề”, xa cách những lối sống làm bẩn đi tâm hồn thanh khiết: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và thường nhắn nhủ theo gương cách sống của tiền nhân “lui quan tìm về chỗ thanh”. Thanh sạch nghĩa là giũ bỏ những gì có thể làm nhơ uế tâm hồn, nghĩa là chấp nhận vai trò hy sinh để sống thanh khiết. Bao nhiêu cái có ở đời chẳng bằng chữ thanh. Thánh Giuse gương mẫu cho chúng ta về lòng thanh sạch, bởi Ngài đã từng ở tuổi thanh niên như chúng ta, từng ở cạnh người đẹp như chúng ta, Ngài bảo vệ thanh danh cho người phụ nữ, tôn trọng phẩm giá của người nữ và bảo vệ cho phẩm giá đó bằng nguyện một đời giữ tấm lòng trong. Có lẽ cần lại nói một lần nữa về lời dạy của Chúa Giêsu: “Cái xấu từ trong lòng người mà ra”, để nhấn mạnh lại rằng tấm lòng thanh sẽ nhìn thấy tất cả lả ân huệ Chúa ban, thấy tất cả mọi người đều là hình ảnh đáng quý trọng của Thiên Chúa và cũng là một động cơ thúc đẩy nỗ lực thăng tiến phẩm giá con người. Cái siêu phàm được thực hiện trong cõi thường phàm, nên không thể nói, không thực hiện được mà cần nên nói, thực hiện được để siêu nhiên được thực hiện trên tự nhiên. Thanh sạch ngày hôm nay giữa chúng ta xem như một điều xa xỉ, nhưng thực tế nếu không còn thanh sạch cõi trần này sẽ ngập tràn rác rưởi, hôi tanh. Chúng ta cứ thử xem thế giới đang cần gì: một môi trường xanh, một sinh thái tự nhiên, một bầu khí trong lành không ô nhiễm và cũng cần đến những cõi lòng thanh để xây dựng một thế gới hoà bình thật sự.

Thanh sạch biểu lộ tâm tình phó thác:

“Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28). Bàn về chữ “nhàn” trong văn hoá, người ta gặp thấy lối chiết tự của người Trung Hoa là ý nghĩa: “Thị tại môn tiền náo / Nguyệt lai môn hạ nhàn. Chợ ở cửa trước thì “náo”, còn trăng vào cửa sau thì “nhàn”! qua cách viết chữ tượng hình của Trung Hoa: giữa chữ môn mà có chữ thị thì thành náo, còn giữa chữ môn mà có chữ nguyệt thì thành nhàn!”. Nhàn ở đây là tâm trạng có được khi tịnh tâm sau khi hoàn thành công việc. Chúa Giêsu thường hay tìm nơi thanh vắng cầu nguyện khi Ngài hoàn tất công việc một ngày. Bí quyết của sống nhàn là bí quyết của đời sống phó dâng: “Lo gì ngày mai mai sẽ lo”. Sống nhàn là để thở hít bấu khí của tâm hồn làm cho thanh thoát. Nhàn không có nghĩa là rỗi, nhàn mang tính hoàn toàn phó thác hết sau khi đã tận lực: “Làm việc như thể mọi sự tuỳ thuộc vào mình và trông cậy như thể mọi sự tuỳ thuộc vào Thiên Chúa”. Phó thác không phải là ỷ lại nhưng là biết mình có giới hạn, nhận ra mình trong con người khiêm hạ, biết rằng mình có được đều là hồng ân Thiên chúa. Nhàn không có nghĩa ở không mà nhàn có nghĩa là dành thời gian nuôi sống tâm linh. Hãy nhìn ngắm xem bông huệ, đó là một lời mời gọi cuộc sống giản đơn không cồng kềnh phức tạp, Trần Nhân Tông trong bài ca (Đắc thủ lâm tuyền Thánh Đạo Ca) ghi rằng:

Công danh chẳng chuộng,

Phú quý chẳng màng,

Tần Hán xưa nay,

Xem đà nhàn hạ…

Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim


Chữ nhàn ở đây chỉ về cuộc đời của người trút bỏ hết mọi sang giàu, của cải vật chất để sống cuộc đời tâm linh chỉ mong siêu thoát: Trong tâm tình Kitô giáo chúng ta gặp “Sống giữa trần mà chẳng thuộc về trần”, trong lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu trước khi rời bỏ trần thế: ”Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17, 14 – 17). Phúc âm không trình bày việc ra đi của Thánh Giuse, đó phải chăng cũng là một ngụ ý “Sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” là con người bất tử trong sự sống của mình khi đạt đến mức độ đời sống thanh cao.

Là con người giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, như cách sánh ví huệ trắng giữa bụi gai, sen giữa bùn lầy… Thánh Giuse, Ngài đi trọn con đường của Chúa Giêsu “con tự hiến thánh con để họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19), con đường nên thánh cho mọi người, chính vì vậy nhờ công nghiệp của Ngài chúng ta cũng nguyện Thánh Giuse giúp chúng ta đi trên con đường của Chúa: Biết sống vui, sống thánh, sống phó thác, sống khiêm hạ.
 
Ai Là Giuđa? Giuđa Là Ai?
Tuyết Mai
13:19 13/03/2008
Ai Là Giuđa? Giuđa Là Ai?

Lậy Chúa!

Thoạt nghe cái tên Giuđa hình như chẳng ai trong chúng con là có cảm tình với cái tên ấy cả! và cũng chẳng trách được chúng con là vì năm nào vào Mùa Chay chúng con cũng được nghe nhắc đi nhắc lại cái tên " Giuđa Phản Bội Bán Chúa ấy!". Dẫu sao chúng con cũng phải cám ơn Chúa vì cái ông Giuđa này, đã nhắc cho chúng con biết kiểm điểm lại mình hằng năm, xem xét lại tấm lòng và con người của mình có phải là một Giuđa thứ hai hay không? để đến Tòa Giải Tội mà Hòa Giải với Chúa để xin Chúa ban cho chúng con thêm sức mạnh mà biến đổi tâm hồn và tấm lòng của chúng con ngày một nên giống Chúa để thấy thương anh chị em chúng con hơn. Biết yêu thương, nhường nhịn, chịu đựng, hy sinh, và tha thứ cho nhau, để tội chúng con được Chúa tha.

Trong thế giới của một nền văn minh chuộng và yêu duy vật của thế kỷ thứ 21 này xem ra chúng con cũng còn rất nhiều những con người giống như Giuđa lắm, chẳng ai biết rõ được tận đáy lòng của chúng con và những mưu toan xảo quyệt của loài người chúng con ngoài Chúa, phải không Chúa?

Có phải Giuđa được Chúa chọn là hình ảnh của con người luôn có một đầu óc tinh xảo và khôn lanh hơn cả những con người khôn lanh của muôn thời đại? Thế mới biết con người đôi khi mù quáng đến độ vì tham sân si mà đã bán Thầy của mình với giá rẻ có 30 đồng bạc. Đây là nói về Giuđa trong người luôn có giữ tiền bạc chứ không phải một Giuđa bị Thầy bỏ đói hay Thầy đã áp bức hoặc đã làm gì mình mà phải hành xử một cách điên rồ và mù quáng như vậy! Phải chăng cái tên Giuđa này khi ai trong chúng con nói đến thì đều bỉu môi và đều làm như là mình thánh thiện lắm vậy! Nào là ừ nó chết thì là đáng đời và đáng tội của hắn lắm! nhưng hỡi ôi Chúa thật đau lòng vì chúng con chỉ yêu Chúa trên chóp lưỡi đầu môi mà thôi! và trong mỗi một con người của chúng con thì không biết đã biến thành “Giuđa bán Chúa” bao nhiêu lần trong một ngày của 24 giờ đồng hồ?

Trong chúng con hằng ngày cũng có rất nhiều lúc cư xử với Chúa y như vậy! Có nhiều lúc chúng con đội lốt là một Phêrô chối Chúa. Có nhiều khi chúng con lại đang tâm trở thành một Giuđa phản bội Chúa. Lắm lúc chúng con lại về phe của quân Biệt Phái và Pharisêu nhạo báng, chê cười, khinh dể, lên án, và đóng đinh Chúa.

Vâng thưa Chúa! Trong cuộc sống hiện tại của chúng con hình như ai ai cũng đang chạy theo danh, lợi, thú của trần gian mà quên đi Chúa mới là Nguồn Hạnh Phúc, là Ánh Sáng Chiếu Tỏa cho thế gian, là Đường, và là Chân Lý, để mong đem tất cả chúng con được trở về Hưởng cuộc sống muôn đời trên Nước Vĩnh Hằng, nơi mà không còn Sinh, Bệnh, Lão, Tử, và Tham, Sân, Si.

Trong Mùa Chay của năm nay, nhất là trong Tuần Thánh này, Cảm Tạ Chúa luôn nhắc nhở chúng con rằng thế gian này chỉ là một nơi tạm trú là đất tạm dung. Tất cả sẽ không còn là nghĩa lý gì và sẽ chẳng đem theo được một thứ chi ngoài Tình Yêu Thiên Chúa và Yêu Tha Nhân, Amen.
 
Nơi Cha Hào, con đã gặp 'Đức Giêsu chịu đóng đinh'
Phêrô Vũ Văn Thìn
13:33 13/03/2008
Gương Chứng Nhân:

NƠI CHA HÀO, CON ĐÃ GẶP "ĐỨC GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH"

Mấy ngày hôm nay, mỗi khi quỳ trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chiêm ngắm Tượng Chịu Nạn hay tham dự Thánh Lễ, trong tôi luôn hiện lên một hình ảnh của hai "con người": Chúa Giêsu gục đầu trong cơn hấp hối trên Thánh Giá và Cha Giuse Vũ Văn Hào, một linh mục của Chúa gục đầu chịu đựng cơn hành hạ của căn bệnh ung thư phổi trong giờ phút cuối cùng.

Ngày 10 tháng 03, sau khi nhận được tin Cha trở về Giáo phận Hải Phòng, về giáo xứ mà Cha đang coi sóc. Được phép của Bề Trên Đại Chủng Viện Hà Nội, bốn anh em chúng tôi (hai người đại diện cho anh em chủng sinh Giáo Phận và hai người là con thiêng liêng của cha) vội vàng ra bệnh viện thăm Cha lần cuối.

Tới cửa phòng bệnh, khác với mọi lần chúng tôi thường bắt tay hay cúi đầu chào mọi người hiện diện ở đó. Nhưng lần này, tất cả chúng tôi chẳng ai nói gì, lặng lẽ đứng ở cửa phòng hoà cùng ánh mắt và nhịp tim với mọi người hướng nhìn về cha. Tim tôi bắt đầu đau nhói và lồng ngực nghẹn ứ, khó thở. Tôi cố nén nỗi cảm xúc đang trào lên trong mình để không cho nước mắt ứa ra. Trước mắt tôi là hình ảnh "một con người": mặt tái nhạt, mắt nhắm, hai môi khô hé mở, tóc và cổ áo đậm ướt mồ hôi; ngồi gục đầu nghiêng về bên phải giữa hai người đang đỡ hai nách; một tay buông thõng, một tay nắm chặt cây song của thành giường. Dù đang được thở qua sự hỗ trợ của bình ôxi, nhưng ngài luôn bị giật vì phải chiến đấu với cơn đau đang xé trong lồng ngực để đón lấy chút ôxi quý báu…

Càng nhìn ngắm Cha tôi càng thấy ngực mình nặng trĩu và ngộp thở. Một sự phản xạ của con người, tôi thầm thĩ trong đầu: Lạy Chúa, cuộc đời một linh mục cả đời sống vì Chúa và Giáo Hội được đáp trả như thế này sao ? Một mục tử phục vụ biết bao cộng đoàn nay đau đớn trên gường mà chỉ có mấy người thân tín bên cạnh mình này sao ? - Một con người khốn khổ. Thật sự tôi đã thốt lên trong trí mình như thế và nghĩ rằng không biết trong lòng Cha lúc này có nghĩ như vậy không ? Ngài có cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi trong lúc này không ? Và tôi thấy thoáng qua sự thất vọng của đời linh mục.

Nhưng rồi hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh lại hiện ra trong tôi. Một Con Người tưởng như cũng bị Chúa Cha hoàn toàn bỏ rơi, ẩn mình đi trước đau khổ và sự kêu la kiếm tìm của Con mình: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27,46; Mc 15,34). Nhưng chính trong lúc này khuôn mặt của Chúa Cha lại được tỏ hiện một cách rõ nét nhất. Thiên Chúa Cha đang thực hiện cuộc tự hủy nơi Chúa Con, một tình yêu cứu thoát tự cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Càng ngắm cha, tôi càng nhận ra rõ một cây thập giá vô hình đang bao trùm lấy ngài. Ngực tôi từ từ nhẹ lại, vì hình ảnh của "một con người khốn khổ" trong tôi không còn nữa nhưng là hình ảnh của một người Cha kiên cường đang kết hiệp với Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn. Bây giờ, cảm xúc trong tôi không còn là cảm xúc của một tình cảm đơn thuần, nhưng là một cảm xúc thiêng liêng sâu xa từ phía bên trong. Tôi luôn giữ cái cảm xúc như vậy. Trước mắt tôi lúc này luôn hiện lên song song một hình ảnh hai "con người": Một Đức Kitô qua bao năm rao giảng và thực thi sứ điệp tình yêu, nay gục đầu vâng theo thánh ý Chúa Cha hiến tế để cứu độ nhân loại; Một con người, linh mục của Chúa - Alter Christus qua bao năm hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa và Nước Trời, nay cũng đang cúi đầu đón nhận những cơn đau xé của bệnh tật để thông phần vào sự đau khổ của Chúa Giêsu thực hiện một hiến tế dâng lên Thiên Chúa mà cầu nguyện cho Giáo Phận và con cái.

Thật là như thế, suốt thời gian bệnh trầm trọng, những cơn đau xé và ngộp thở không cho Cha được nằm. Dường như Cha ngồi cả ngày lẫn đêm. Dẫu vậy, Cha vẫn tỏ lộ đức kiên nhẫn một cách lạ thường, sự suy phục và phó thác hoàn toàn, không hề kêu rên hay có một phản ứng để biểu lộ sự đau đớn dữ dội của căn bệnh ung thư. Có chăng, thỉnh thoảng tôi chỉ thấy ngài cắn răng và nheo mắt lại để cố nén cơn đau xé đang giật lên trong lồng ngực của ngài... Chỉ có thái độ xin vâng và phó thác đối với Thiên Chúa, chỉ có một tình yêu kết hiệp với Đức Kitô chịu đóng đinh mới khiến Cha làm như vậy.

Nhân đức của Cha không chỉ biểu hiện trong những ngày tháng đau bệnh, nhưng đã được ngài sống trong cả cuộc đời. Đó chính là một trái tim của Alter Christus: thánh thiện, hiền lành, bình dị, khó nghèo và tận tâm vì Giáo Hội. Tất cả những người giáo dân đã được ngài phục vụ từ khi còn làm thầy hay khi đã chịu chức linh mục mà tôi tiếp xúc, họ đều khẳng định như thế. Với anh em chủng sinh chúng tôi, dù ít hay nhiều khi được sống bên Cha cũng đều cảm nhận được điều đó. Cha thực sự là mẫu gương của một mục tử nhân lành.

Trên giường bệnh, Cha hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa. Lúc còn đi lại được, ngài vẫn đòi con cái đưa đến cầu nguyện với Đức Mẹ nơi một hang đá nhỏ tại một góc bệnh viện. Ngày 08 tháng 03, ngài giục con cái đi mua hoa về dâng Đức Mẹ, vì Mẹ là một người nữ tuyệt vời nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chiều ngày 10, trong lúc ngài đang lâm cơn đau đớn và khó thở, bác sĩ đến gọi tên và tiêm hỗ trợ hô hấp cho Cha, Cha vẫn cố ngẩng đầu, mở to đôi mắt và miệng mấp máy lời cám ơn dù không phát ra tiếng; khi sắp đưa Cha ra xe, tôi bồi hồi cúi xuống, cầm lấy tay ngài, cố nén cảm xúc nói với Cha: "Cha ơi ! Cha sắp về Giáo Phận, anh em chúng con kính chào Cha. Tất cả anh em Chủng sinh chúng con luôn ở bên Cha trong tình yêu mến và lời cầu nguyện…". Cha cố gắng ngước mắt nhìn chúng tôi. Đôi mắt mở tròn đờ đẫn nhưng tràn đầy tình yêu và thần khí, đôi môi mấp máy ngượng ngạo cố nói với chúng tôi điều gì mà không ra tiếng. Ngài phải nói ba lần chúng tôi mới hiểu được là câu: "chào… !". Khi tất cả chúng tôi nhắc lại câu đó ngài biết đã hiểu thì mới thôi. Bỗng nhiên Cha mở to đôi mắt quay sang nhìn chằm chằm vào mặt anh Hiệu và anh Thắng rồi nói điều gì đó mà tất cả chúng tôi không nghe được. Nhưng chúng tôi nhận ra đó là là một thông điệp tình yêu từ trái tim của người Cha muốn tặng cho người con thiêng liêng của mình. Tôi không sao kìm được nỗi cảm xúc. Thật là một con người trong những giây phút đang phải đấu tranh với sự đau đớn nhất vẫn đầy nhân bản và tình thân yêu. Tôi thầm nói với anh Hiệu rằng: "Anh ơi ! hãy mãi mãi giữ lấy ánh mắt và thông điệp ấy của Cha !".

Ngay lúc đó, chiếc giường của xe cứu thương được đẩy vào phòng. Chúng tôi nhao nhác đưa Cha ra xe. Cánh cửa xe được đóng lại và từ từ chuyển bánh, chúng tôi mấy anh em cảm động bồi hồi nhìn theo với một tâm trạng khác lạ. Cha trở về Giáo Phận, với giáo xứ mà Cha đã tận tình phục vụ gần hai mươi năm nay. Anh em chúng tôi không ai nói gì, nhưng tất cả đều trong một ý nghĩ: "Cha ơi ! Chúng con chào Cha !" . Một lời chào bồi hồi và xúc động đối với người Cha đầy kính trọng và yêu mến. Còn tôi, từ sâu thẳm trong tâm trí và trái tim muốn thốt lên rằng: "Cha ơi, nơi cha, con đã gặp được Đức Kitô chịu đóng đinh !".
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 13/03/2008
CHÂU CHÂU UỐNG NƯỚC

N2T


Ngày xưa, có một loại chim tên là Châu Châu,đầu của nó rất nặng, lông đuôi của nó cong lên cao cao, thường trở về bên hồ nước uống nước, bởi vì đầu nặng chân nhẹ, nên chỉ cần thân chúi phía trước thì bị té nhào phía trước.

Châu Châu thử rất nhiều lần, cũng trăn trở rất lâu, cuối cùng cũng nghĩ ra được một cách, đó là nhờ một con Châu Châu khác cắn vào lông vũ của nó lôi mạnh ra sau, như thế thì có thể uống được nước.

Con người ta cũng như vậy, đơn độc một mình không cách gì uống nước được, phải tìm một người khác có thể cắn vào lông vũ (danh dự) mà kéo họ lại, giúp họ một tay để họ uống nước.

(Hàn Phi tử: Thuyết lâm hạ)

Suy tư:

Con chim Châu Châu cũng khôn ngoan nghĩ ra một cách để có thể uống được nước mà không bị té chúi đầu về phía trước. Con người ta cũng như con Châu Châu, cần phải có người giúp đỡ mới có thể đứng vững trong cuộc sống xô bồ của xã hội kim tiền hưởng thụ hôm nay.

- Chồng cần có sự giúp đỡ của vợ, và ngược lại vợ cũng cần có sự giúp đỡ của chồng, để xây dựng một gia đình hạnh phúc vui vẻ.

- Con cái cần có sự dạy dỗ bảo ban của cha mẹ mới có thể mạnh khỏe đi ra với đời.

- Học trò cần có sự giúp đỡ của thầy cô giáo mới có thể đứng vững trên đôi chân kiến thức của mình.

- Cấp dưới cần có sự nâng đỡ của cấp trên mới có thể có kinh nghiệm trong công việc được giao phó.

- Bạn bè tốt cần có sự nâng đỡ nhau, để cùng nhau thăng tiến trong đời sống đạo cũng như đời..v.v...

Người Ki-tô hữu khôn ngoan thì biết Chúa Giê-su là chỗ dựa duy nhất của họ, ngoài Chúa ra thì họ không còn nơi nào nương tựa khác, bởi vì thánh Phê-rô tông đồ đã xác tín với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 68) Và Chúa Giê-su cũng đã nói với chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”(Mt 11, 28)

Biết cậy nhờ Chúa Giê-su nâng đỡ là người khôn ngoan nhất trong những người khôn ngoan.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 13/03/2008
N2T


27. Bởi vì chúng ta thường phạm tội, nên linh hồn của chúng ta cần phải uống thuốc thường luôn.

(Thánh Ambrosius)
 
Hai câu nói của Chúa Giêsu than cùng Chúa Cha trong cuộc tử nạn
Bs. Nguyễn Thị Thanh
20:31 13/03/2008
HAI CÂU CHÚA GIÊSU THAN CÙNG CHÚA CHA TRONG CUỘC TỬ NẠN

Nhân vào Tuần Thánh 2008, nhắc nhở, tưỡng niệm về Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, chúng con suy gẩm về Con Người Nhập Thế bí nhiệm của Thiên Chúa qua hai lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Người than thở nguyện cầu, kêu đến Đức Chúa Cha. Đức Chúa Giêsu đã kêu cứu đến Đức Chúa Cha hai lần, đầu và cuối cuộc tử nạn. Trong hai lần kêu đó, con thấy ẩn một sự đau khổ vô biên khát khao van xin và một chút âu yếm đòi hỏi !? Hai lần kêu than của Chúa Giêsu đã làm con thương cảm khóc lóc và đau xót vô ngần, và đã ám ảnh con từ thuở còn bé nhỏ đến già. Con đã suy gẩm và cảm thấy Chúa Giêsu đau khổ vào thời khắc ấy và kéo dài đến ngày nay, còn hơn chính ngay lúc đang ở vào trung tâm cuộc tử nạn. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng cũng chính thật rất người qua hai câu cầu nguyện và nói chuyện cùng Đức Chúa Cha vào hai thời điểm đầu và cuối cuộc tử nạn.

Câu thứ nhất là lời cầu nguyện trong vườn Giệt-Sê-Ma-Ni: Trước khi đi chịu cực hình, Chúa Giêsu đem các môn đệ tới một nơi cho họ nghĩ, rồi dẩn theo Phêrô và 2 môn đệ khác theo người đi một quảng, người nói: “Lòng ta buồn rầu quá đổi muốn chết được, các con hãy ở lại đây mà thức với ta.” Rồi Chúa bước xa ra mấy bước sấp mình xuống đất cầu nguyện rằng:

“Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén đắng nầy xa ra khỏi Con, nhưng không phải theo ý Con! mà là theo ý Cha.” (Theo Phúc Âm thánh Mathêô, Marco và Luca)

Người cầu nguyện như vậy ba lần, mà vẩn lập lại một câu nói như trên mà thôi. Con cảm thấy thảm sầu trong trí nảo và trong trái tim quá đổi, thương cảm Chúa quá, biết giải thích làm sao cho cùng. Thương ôi, Người là Chúa Tể Toàn Năng của vủ trụ vô biên mà đành chấp nhận làm một ‘Con Người-thật-là-Người trước một khổ hình kinh khiếp không phải chỉ vì đau khổ vật chất mà còn hơn nữa là đau khổ tinh thần’. Chúa Giêsu vô cùng tình cảm, Người hãi hùng, run en trong thân xác Con Người và Thánh Linh Thiên Chúa.

Chúa đi trở lại thấy các môn đệ ngủ thì nói rằng: “Thế các con không thức với ta được một giờ hay sao?...” Người muốn tìm một chút tình cảm nơi các môn đồ nhưng không có. Người trách họ không có chút tình cảm an ủi Người trong cơn đau khổ. Điều nầy nói lên Chúa Giêsu khao khát lòng yêu mến, sự an ủi đền bồi phạt tạ của chúng ta biết chừng nào!! “Hãy tỉnh thức mà cầu nguyện kẻo sa cơn thử thách. Tâm thần thì sẵn sàng nhưng xác thịt thì yếu nhược.” Chính Người nói với Người (vì các môn đồ phần lớn đều ngủ, hay chập chờn ngủ) và nói với chúng ta.

Chúng ta thấy vào giây phút đó Chúa bị cám dổ không muốn uống chén đắng, nhưng vì phải tuân theo chương trình Cứu chuộc của Cha trên trời, Chúa chấp nhận uống tận cùng chén đắng. Thiên Chúa mặc xác người mà còn sợ yếu nhược, còn phải sợ sa chước cám dổ huống chi chúng ta.

Hởi ơi ! Chúa là đấng toàn năng, thiếu gì cách Chúa cứu nhân loại, cớ sao người phải chịu khổ hình làm vậy!! Nhưng Chúa muốn vậy, Chúa cố tình làm như vậy, chỉ vì trí khôn hèn mọn của chúng ta chỉ cảm được sự thật hiển nhiên. Từ đó chương trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa, lòng yêu thương lớn lao của Người đối với nhân loại trở nên dễ dàng cho chúng ta hiểu. Đồng thời Người muốn chúnh ta cũng phải hiểu rằng đó cũng là con đường mà chúng ta phải đi, nhất quyết phãi đi để đến với Thiên Chúa như một sự thanh tẩy qua lữa đau khổ.

Thât vậy, nơi đây Chúa Giêsu chứng minh cho chúng ta thấy ‘Theo Người’ chúng ta không thể có con đường nào khác ngoài việc chấp nhận chén đắng đau khổ, chấp nhận tử đạo liên lỉ !

Chúng con cảm thấy khiếp sợ, khi Chúa gởi chén đắng cho chúng con, nhưng chúng con được phép van xin “Ước gì sự đau khổ, đói nghèo, chiến tranh, tội lỗi, sa đọa trụy lạc xác thịt, tham lam của cải chức quyền địa vị thế gian xa ra khỏi chúng con….”. Nhưng Chúa đã chịu quá nhiều đau khổ thay cho chúng ta, giờ đây Người nói: “Hởi con đau khổ và gánh nặng, hãy đến cùng Cha, Cha sẽ làm cho nó ra nhẹ nhàng…” để nâng đở chúng con trên bước đường thử thách khó khăn vô tận.

Lời kêu than thứ hai với Đức Chúa Cha: Cuối cùng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá. Khi sức hơi Người đã mỏn mòi, Chúa thấy công việc Cứu Thế của Người hoàn tất, đáng ra Chúa vui vẻ mà trối phú Thánh Linh trong tay Đức Chúa Cha, nhưng Người lại đau khổ vạn bội đến nổi Chúa la lớn tiếng lên một lời than vản hãi hùng với Đức Chúa Cha, tại sao vậy?:

“Ớ Cha, vì cớ nào mà Cha bỏ Con.” (Phúc Âm theo thánh Gioan)

Đây là lời Lời cầu cứu Đức Chúa Cha thứ hai và cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi người phú linh hồn trong tay Chúa Cha. Câu nói của Chúa Giêsu nghe thật áo nảo, buồn phiền, thảm thương làm sao!! Câu nói nghe như nhuốm vẻ âu yếm trách móc và thất vọng nảo nùng: Trên thập giá, Chúa Giêsu thấy công việc cứu chuộc đã hoàn tất, ngài sắp trút linh hồn để về cùng Đức Chúa Cha. Vậy thì tại sao ngài còn đau khổ quá đổi mà thốt lớn lên câu than thở trên ?

Trên Thánh Giá sắp đến giờ lâm chung, Chúa Giêsu thấy trước, số người không hưỡng nhờ công ơn cứu chuộc của Người quá ít; số người phản bội Người trên thế gian, mà nhất là ngày nay, quá lớn, quá thập bôi lớn hơn hàng tỷ lần người được cứu rổi. Vì thế Người đau khổ quá mà thốt lên câu thập phần thất vọng trên.

Thêm nữa, Chúa Giêsu thương yêu chúng ta vô cùng vô tận, Chúa hiểu rõ rằng trong cuộc đời trần gian nầy, dù chúng ta tin cậy Chúa đến đâu cũng có nhiều giây phút, nhiều ngày, nhiều tháng hay cả nhiều năm, chúng ta yếu đuối sa ngã, thì ngay lập tức Satan lợi dụng những khoảng khắc đ1o mà lôi cuốn chúng ta theo nó. Chúng ta cũng cảm thấy đơn côi cô độc, và cảm thấy như Chúa đã bỏ chúng ta mất rồi. Vì vậy Chúa đưa ra một trình trạng áo nảo để dạy chúng ta, trong những hoàn cảnh như vậy thì hãy chạy đến cùng Chúa cất lớn tiếng than “Chúa ơi, vì sao mà Chúa bỏ con vậy, hở Chúa?”. Thánh Thần Ngài sẽ đến với chúng ta ngay lập tức trong chương trình mầu nhiệm của Người như Đức Chúa Cha đã đến với Người.

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia chỉ trong thời gian ba năm, và trong một vùng nhỏ bé so với trái đất, Chúa đã đuổi ma quỉ ra khỏi thân xác biết bao nhiêu người, kể cả với vị môn đồ mà Người chọn lựa thay mặt Người trên trần thế là Phêrô. Vậy thì ngày nay trên quả địa cầu này, với số người lên đến trên 8 tỷ, thì sẽ có biết bao nhiêu người bị quỉ ám, trong đó có thể có cả con. Xin Chúa hãy đuổi Satan xa ra khỏi chúng con. Xin đuổi chúng đi thật xa ra khỏi những kẻ đang bị quỉ ám, và quá nhiều tuổi thanh xuân, tuổi bé thơ, hàng tu sĩ và hàng giáo phẩm đang đắm chìm trong trụy lạc xác thịt !!! Chúng con khẩn cầu Chúa luôn luôn và mãi mãi hãy đuổi Satan xa ra khỏi dân Chúa. Xin Chúa hãy nhậm lời, chúng con khẩn nài.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ mang lại cho nền kinh tế Úc 231 triệu Úc Kim
Thúy Dung
05:54 13/03/2008
Một nghiên cứu độc lập cho thấy Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ mang lại cho nền kinh tế Úc 231 triệu Úc Kim.

Báo cáo của Phòng Thương Mại Sydney dựa trên con số những bạn trẻ đăng ký tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho đến đầu tháng Hai và tính đến những chi phí về du lịch, các cơ hội thương nghiệp, chi phí ăn ở, di chuyển của các bạn trẻ đã đưa ra con số ít nhất Úc sẽ thu được 231 triệu Úc Kim.

Báo cáo được đưa ra hôm thứ Tư 12/3 đã được chào đón nồng nhiệt trong bối cảnh đồng tiền Úc đang không ngừng lên giá. Với con số 125,000 bạn trẻ từ các nước vào Úc, các chuyên gia về hối xuất tin rằng đồng tiền Úc có thể sẽ ngang giá với đồng Mỹ Kim trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Ông Danny Casey, trưởng ban điều hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nhận xét: “Báo cáo này củng cố quan điểm của nhiều người là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 sẽ không chỉ mang lại những lợi ích xã hội nhưng sẽ còn đem lại những ích lợi trước mắt cho ngành du lịch Sydney, và những thương vụ lớn nhỏ”.

Ông Patricia Forsythe, Giám Đốc Phòng Thương Mại Sydney nhận xét: “Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 sẽ đưa Sydney lên hàng những thành phố hàng đầu thế giới và nâng cao uy tín văn hóa của thành phố chúng ta”.

Mặc dù những biến cố chính sẽ diễn ra chủ yếu tại Sydney, hàng chục ngàn bạn trẻ sẽ viếng thăm các thành phố khác trong chương trình gọi là Những Ngày Giáo Phận.
 
Chính phủ Campuchia tổ chức cuộc họp liên tôn quốc gia đầu tiên.
UCAN
05:57 13/03/2008
Phnom Penh (UCAN CA04538.1487 Ngày 7-3-2008) - Khoảng 60 lãnh đạo và đại biểu đại diện cho 42 tôn giáo, giáo phái hay cộng đồng tôn giáo sống và làm việc tại Campuchia đã cùng nhau tham dự cuộc họp liên tôn cấp quốc gia đầu tiên.

Bộ tôn giáo và phụng tự của chính phủ đã tổ chức cuộc họp này hôm 20-2-2008 tại Hội trường Chakto Mok ở Phnom Penh nhằm thúc giục các lãnh đạo tôn giáo làm việc chung với nhau trong tinh thần hợp tác và hiệp nhất.

Thủ tướng Hun Sen, chủ sự cuộc họp, khen ngợi các lãnh đạo đã đóng góp cho đất nước và khuyến khích họ tiếp tục việc làm của họ.

Các cá nhân và tổ chức tôn giáo ở Campuchia "đã tích cực đóng góp trong các lĩnh vực phát triển, hòa bình và an ninh", ông nói. "Ðể thúc đẩy và thực hành hòa hợp tôn giáo hữu hiệu", các tổ chức tôn giáo nên "tránh xung đột với đất nước", ông khuyên.

Kun Hang, nhân viên của bộ tôn giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng sống trong hòa hợp trong xã hội Campuchia. Ông Hang còn báo cáo về tình trạng tôn giáo ở Campuchia, theo ông có 20 giáo phái, và 22 hội tôn giáo và tổ chức phi chính phủ hoạt động chính thức trong nước.

Hơn 95% trong khoảng 14 triệu dân Campuchia thuộc Phật giáo Ter Viet (Theravada), quốc giáo. Hai giáo phái - Mohanikay và Thammayut - có 55,583 tu sĩ và 4,307 ngôi chùa, theo ông Hang.

320,167 tín đồ Hồi giáo ở Campuchia có 277 thánh đường Hồi giáo và 333 surav, ông cho biết thêm. Surav là một nơi cầu nguyện nhỏ hơn và ít trang trọng hơn thánh đường Hồi giáo.

Kitô giáo có nhiều chi nhánh và nhà thờ tự ở Campuchia, ông Hang lưu ý và cho biết Giáo hội Công giáo có 25 nhà thờ và 52 nhà nguyện khác với tổng cộng 18,584 tín hữu. Các Giáo hội và giáo phái Kitô khác có 193 nhà thờ và 1,434 nơi cầu nguyện khác với 155,207 tín đồ.

Ngoài ra còn có các đại diện của các tín ngưỡng khác như Phật giáo Mahayana, có 90 ngôi đền và 22 nơi thờ phượng nhỏ hơn; Barhoi (Bahai), có bảy nơi cầu nguyện; và Toaday (đạo Cao Ðài thành lập ở Việt Nam), có hai đền thờ. Barhoi có 6,300 tín đồ và Toaday có 2,959 tín đồ gốc Việt.

Tại cuộc họp, các tổ chức tôn giáo đã giới thiệu các dịch vụ xã hội, lịch sử, quy định, giáo lý và mục tiêu của mình. Các cá thể trình bày các hoạt động, dịch vụ và quan tâm của họ.

Có 30 người Công giáo tham dự cuộc họp, trong đó có ba nhân viên Giáo hội ở thủ đô, chín vị đại diện hạt đại diện tông tòa Phnom Penh, và hai hạt phủ doãn Battambang và Kompong mỗi hạt có chín đại diện. Có 22 giáo dân, bốn linh mục, hai giám mục và hai nữ tư.

Vong Thim, giáo dân 29 tuổi đến từ Kompong Thom, nhận thấy việc các tôn giáo khác nhau ở Campuchia nhóm họp và chia sẻ về chính họ rất có ý nghĩa. Anh nói: "Chúng ta có thể tìm hiểu nhau nhiều hơn. Khi chúng ta biết nhau, chúng ta có thể hiểu nhau, và xây dựng hòa bình và hòa hợp giữa các tôn giáo cùng chung sống".

Sem Kit, cũng đến từ Kompong Thom, thuộc hạt Battambang, cũng mong muốn cuộc họp đầu tiên này sẽ "giúp tất cả các tôn giáo hiểu nhau hơn".

Chị nói với UCA News: "Ðôi khi trong làng và trong các cộng đồng địa phương, người ta thiếu hiểu biết. Ðôi khi họ phân biệt đối xử với nhau. Thậm chí các lãnh đạo cộng đồng còn làm bẽ mặt lẫn nhau. Làm sao chúng ta có thể sống hòa thuận với nhau?" Chị hy vọng sau cuộc họp này mọi người sẽ tăng cường hợp tác và yêu thương nhau hơn.

Một bản tuyên bố gồm chín mục được các lãnh đạo tôn giáo tán thành trong cuộc họp, cám ơn thủ tướng "đã cảm thông, rộng lượng và ủng hộ, cho phép người dân Campuchia được tự do tín ngưỡng".

Họ tuyên bố tôn trọng và ủng hộ Phật giáo là quốc giáo; tôn trọng các truyền thống, văn hóa và luân lý của người Khmer; và tuân giữ luật pháp, và các chính sách và quy định của nhà nước vì hòa bình, an ninh và quy định pháp luật.

Họ còn hứa xây dựng hợp tác và đoàn kết giữa các tôn giáo, và sống đạo bằng tình thương và bác ái, không can thiệp vào các tôn giáo khác.

Bản tuyên bố nhấn mạnh sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng cá nhân và cam kết cải thiện mức sống của người dân đồng thời không ép buộc họ cải đạo.
 
Tang lớn cho Giáo Hội tại Iraq: Đức Tổng Giám Mục Paulos Faraj Raho, người bị bắt cóc, đã chết
Đặng Tự Do
12:20 13/03/2008
Sau hai ngày nặng nề, yên lặng bao trùm lên tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Mosul, khi thời hạn do quân khủng bố Hồi Giáo đưa ra đã qua đi …

Quân khủng bố loan báo Đức Tổng Giám Mục Paulos Faraj Raho, người bị bắt cóc hôm 29/2/2008 đã qua đời. Bọn bắt cóc đã gọi điện thoại cho Tòa Giám Mục Mosul hướng dẫn các viên chức Giáo Hội đến chỗ nhận xác Đức Tổng Giám Mục đem về chôn cất.

Trong thông cáo do phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra vài giờ trước đây, cha Federico Lombardi cho biết Đức Thánh Cha “đau buồn sâu xa” trước tin dữ này. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã lên án hành động dã man của bọn khủng bố coi đó là “một hành vi vô nhân đạo chà đạp phẩm giá con người”. Ngài bày tỏ hy vọng “thảm kịch này canh tân một lần nữa và với cường độ mạnh hơn những nỗ lực của tất cả mọi người và đặc biệt của cộng đồng quốc tế cho nền hòa bình của quốc gia đang bị xâu xé này”.

Trong những ngày qua, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã liên tục đưa ra lời thỉnh cầu quân khủng bố trả tự do cho Đức Cha Raho.

Chính quyền Iraq đã làm hết sức có thể. Thủ tướng Iraq, Nuri al Maliki, đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát mở một cuộc tìm kiếm sâu rộng trong khu vực nhưng không có kết quả nào.

Giáo Hội địa phương cũng đã làm hết sức có thể để giải thoát cho Đức Tổng Giám Mục. Các cuộc thương lượng qua điện thoại giữa quân khủng bố với Tòa Tổng Giám Mục Mosul, Hội Mensajeros de la Paz (Những Sứ Giả của Hòa Bình), tổ chức đứng ra dàn xếp với quân khủng bố Hồi Giáo tại Iraq nhằm trả tự do cho Đức Tổng Giám Mục Paulos Faraj Rahho đã không đi đến được thỏa thuận nào. Quân khủng bố Hồi Giáo không những liên tục đòi nâng tiền chuộc (lần đầu tiên chúng đòi 1.8 triệu Mỹ Kim) nhưng còn đòi hỏi thêm các yêu sách chính trị mà Giáo Hội Công Giáo tự mình không thỏa mãn được các yêu sách này.

Truyền hình và truyền thanh Iraq đã liên tục phát trên làn sóng điện lời kêu gọi trả tự do cho Đức Cha Rahho, một người bị bệnh tim rất nặng, đang đau yếu và cần trị liệu hàng ngày. Các lời kêu gọi trả tự do cho Đức Cha Rahho của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Iraq và trên thế giới được lặp đi lặp lại xen lẫn với những lời lên án hành vi bắt cóc này của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo Sunni và Shiite.

Người ta không rõ là Đức Tổng Giám Mục Rahho qua đời vì bệnh tim hay bị bọn bắt cóc sát hại.

Đức Cha Rahho đã bị phục kích hôm thứ Sáu vừa qua sau khi ngài ra khỏi Vương Cung Thánh Đường Thánh Linh của Mosul, nơi ngài chủ sự cuộc đi Đàng Thánh Giá trọng thể. Một nhóm vũ trang khủng bố thuộc các thành phần Hồi Giáo quá khích tại Mosul đã xả súng bắn vào xe của ngài giết chết 3 người cận vệ trước khi bắt cóc Đức Tổng Giám Mục.
 
Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Đức Thánh Cha gởi các bạn trẻ Chúa Nhật Lễ Lá
+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
12:30 13/03/2008

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊ-NÊ-ĐI-TÔ XVI

GỬI CÁC BẠN TRẺ NHÂN NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ XXIII

TẠI SYDNEY - 2008



“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.

Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”
(Cv 1, 8)

Các bạn trẻ thân mến!

1. Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXIII

Với niềm vui lớn lao, Cha luôn nhớ lại thời gian chúng ta đã cùng trải qua tại Cologne vào tháng tám năm 2005. Khi kết thúc cuộc biểu lộ không thể nào quên về lòng tin và sự nhiệt thành của các con đó, mà hình ảnh vẫn còn ghi khắc sống động trong tâm trí Cha đây, Cha đã hẹn các con cho cuộc gặp gỡ lần tới sẽ được tổ chức tại Sydney vào năm 2008. Đó sẽ là Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXIII với chủ đề là: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8). Chúa Thánh Thần và sứ mạng truyền giáo chính là tư tưởng chủ đạo trong việc chuẩn bị thiêng liêng cho cuộc gặp gỡ tại Sydney. Trong năm 2006, chúng ta đã tập trung suy niệm về Chúa Thánh Thần như là Thần Chân Lý; năm 2007, chúng ta tìm cách khám phá sâu xa hơn về Thần Khí Tình Yêu, để tiến đến Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2008 bằng suy tư về Thần Khí Sức Mạnh và Chứng Nhân ban cho chúng ta lòng can đảm sống Tin mừng và mạnh dạn công bố Tin Mừng.

Vì thế, điều căn bản là mỗi người trẻ các con, trong các cộng đoàn của các con và cùng với những người phụ trách, hãy suy tư về Tác nhân chính của lịch sử cứu độ, chính là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Chúa Giêsu, để các con có thể đạt đến những mục tiêu cao cả sau đây: nhận ra căn tính thật của Thần Khí, trước hết là bằng cách nghe Lời Chúa trong Mạc khải của Kinh Thánh; ý thức rõ về sự hiện diện liên tục và tích cực của Người trong đời sống Giáo Hội, cách đặc biệt khi các con tái khám phá ra Chúa Thánh Thần chính là “linh hồn”, là hơi thở sống động của đời sống người Kitô hữu, nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo - Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể; nhờ đó, các con trưởng thành trong việc hiểu biết về Chúa Giêsu ngày càng sâu xa và vui tươi hơn, và đồng thời có thể thực hành Tin Mừng cách hiệu quả trong bình minh của thiên niên kỷ thứ ba.

Bằng sứ điệp này, Cha muốn gởi đến các con một gợi ý suy niệm mà chúng con có thể đào sâu trong suốt năm chuẩn bị này; điều đó sẽ giúp các con kiểm chứng lại chất lượng niềm tin của mình vào Chúa Thánh Thần, tái khám phá lại nếu niềm tin ấy đã bị mất, tăng cường nếu niềm tin ấy còn yếu kém, và sống niềm tin trong mối quan hệ với Chúa Cha và Con của Người là Đức Giêsu Kitô nhờ tác động không thể thiếu của Chúa Thánh Thần. Các con đừng bao giờ quên rằng: Giáo Hội, và cả nhân loại đang hiện diện chung quanh các con bây giờ và đang chờ đợi các con trong tương lai, trông chờ nhiều vào giới trẻ các con, bởi vì các con mang trong mình ân huệ cao cả nhất của Chúa Cha: Thần Khí của Chúa Giêsu.

2. Lời hứa về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh

Việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa nói về những gì liên quan đến mầu nhiệm và công trình của Chúa Thánh Thần mở ra cho chúng ta những mặc khải to lớn có thể tóm tắt như sau.

Ít lâu trước ngày Thăng Thiên, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Và đây, chính Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24, 49). Điều đó đã xảy ra trong ngày lễ Hiện Xuống khi các ông tụ họp cầu nguyện trong Nhà Tiệc ly cùng với Đức Trinh Nữ Maria. Việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội mới sinh là việc thực hiện một lời hứa xa xưa hơn của Thiên Chúa, lời hứa đã được loan báo và chuẩn bị trong suốt Cựu Ước.

Quả thật, ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh giới thiệu Thần Khí Chúa như ngọn gió “bay lượn trên mặt nước” (x. St 1, 2). Kinh Thánh nói Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi con người (x. St 2, 7), qua đó truyền sự sống cho con người.Sau tội nguyên tổ, thần khí sự sống của Thiên Chúa được thể hiện nhiều lần trong lịch sử nhân loại, thúc đẩy các ngôn sứ khuyên nhủ dân được chọn trở về với Thiên Chúa và trung thành tuân giữ các giới răn của Người. Trong thị kiến nổi tiếng của ngôn sứ Edêkien, Thiên Chúa, với thần khí của Người, làm cho dân Israel - tượng trưng bằng những “bộ xương khô” - sống lại ( x. 37, 1-14). Ngôn sứ Giôen nói tiên tri về một “sự tuôn traøn thần khí” trên tất cả mọi người, không trừ ai. Tác giả thánh đã viết: “Sau đó Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm…Trong những ngày ấy, Ta cũng sẽ đổ thấn khí Ta trên tôi nam tớ nữ” (3, 1-2).

Khi “thời gian tới hồi viên mãn” (x. Gl 4, 4), Thiên Thần Chúa đã loan báo cho Trinh Nữ thành Nagiarét rằng Thánh Thần - “quyền năng Đấng Tối Cao” - sẽ xuống và rợp bóng trên Cô. Con trẻ mà Cô sắp sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa (x. Lc 1, 35). Theo cách diễn tả của ngôn sứ Isaia, Đấng Messia sẽ là một người mà trên người đó Thần Khí Chúa sẽ ngự (x. 11, 1-2; 42, 1). Đó chính là lời tiên tri mà Chúa Giêsu đã trưng dẫn khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người trong hội đường thành Nagiarét: Truớc sự ngạc nhiên của các thính giả, Người nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19; x. Is 61, 1-2). Khi nói với những người hiện diện, Chúa Giêsu qui chiếu vào chính Người những lời tiên tri này khi Người quả quyết rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Và, trước khi chịu chết trên thập giá, Người đã nói với các môn đệ nhiều lần về việc Chúa Thánh Thần sẽ đến, Ngài là “Đấng Bảo Trợ” với sứ vụ làm chứng cho Người và trợ giúp các tín hữu bằng cách dạy họ và hướng dẫn họ vươn tới Chân Lý toaøn veïn (x. Ga 14, 16-17. 25-26; 15, 26; 16, 13).

3. Lễ Hiện Xuống, khởi điểm cho sứ vụ của Giáo Hội

Chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, “Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’ ”(Ga 20, 22). Rồi mạnh mẽ hơn, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông Đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ; “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa tản ra đậu xuống từng người một” (2, 2-3).

Chúa Thánh Thần đã đổi mới các Tông Đồ từ bên trong, ban cho các ông tràn đầy một sức mạnh khiến các ông can đảm công bố không sợ hãi rằng: “Chúa Kitô đã chết và đã sống lại!”. Được giải thoát khỏi mọi sợ haõi, các ông bắt đầu tự tin rao giảng (x. Cv 2, 29; 4, 13; 4, 29. 31). Những ngư phủ nhát đảm miền Galilê đã trở nên những người loan báo Tin Mừng quả cảm. Ngay cả những kẻ thù của các ông cũng không hiểu bằng cách nào mà “những người không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân” (x. Cv 4, 13) như các ông lại có thể trở nên can đảm đến thế và vui mừng chịu đựng những khó khăn, đau khổ và bắt bớ. Không gì có thể ngăn chặn các Tông đồ. Các ông đã trả lời cho những kẻ ra sức bịt miệng các ông: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4, 20). Giáo Hội đã được khai sinh như thế đó và từ ngày Hiện Xuống, Giáo Hội không ngừng loan truyền Tin Mừng “cho tới tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý hiệp thông

Nhưng để hiểu sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta phải trở lại Phòng Tiệc ly nơi các môn đệ tụ họp với nhau (x. Lc 24, 49), cầu nguyện cùng với Đức Maria laø người “Mẹ”, trong niềm mong đợi Thần Khí đã được hứa. Đó chính là hình ảnh Giáo Hội non trẻ mà tất cả các cộng đoàn Kitô hữu phải bắt chước. Sự thành công của công tác tông đồ và truyền giáo trước hết không phải là kết quả của các phương pháp và chương trình mục vụ đã được soạn thảo cách thông thái và “hiệu quả”, nhưng chính là hoa trái của sự cầu nguyện liên lỉ của cả cộng đoàn (x. Phaolô VI, Evangelii Nungtiandi, số 75). Ngoài ra, muốn cho sứ vụ đạt hiệu quả, các cộng đoàn phải hiệp nhất, tức là phải có “một lòng một ý” (x. Cv 4, 32), và phải sẵn sàng minh chứng cho tình yêu và niềm vui mà Chúa Thánh Thần thấm nhuần tâm hồn các tín hữu (x. Cv 2, 42). Tôi Tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã viết rằng: Ngay cả trước khi là hành động, sứ vụ của Giáo Hội là làm chứng và chiếu sáng cho người khác. (x. Encycl. Redemptoris mission, số 26). Đó chính là điều đã xảy ra vào thời kỳ đầu của Kitô giáo khi những người ngoại giáo – theo giaùo phuï Tertullien ghi nhận – đã theo đạo Chúa vì thấy tình thương ngự trị trong cộng đồng người Kitô hữu: “Nhìn xem – dân ngoại bảo nhau – họ yêu thương nhau bieát dường nào” (x. Apologetique, số 39#7).

Để kết thúc suy tư vắn tắt này về Lời Chúa trong Kinh Thánh, Cha mời các con suy gẫm xem cao quý biết bao ân huệ to lớn nhất mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại – đó là Chúa Thánh Thần, là bằng chứng cao nhất về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ thể như tiếng “vâng vì sự sống” mà Chúa muốn trao cho mỗi thụ tạo của Người. Tiếng “vâng vì sự sống” này đạt được sự viên mãn trong Chúa Giêsu thành Nagiarét và trong chiến thắng của Người trên sự dữ bằng con đường cứu độ. Về điều này, chúng ta không bao giờ được quên rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu, và cũng là của Thần Khí, không thể đơn giản hóa như một câu chuyện thông thường, nhưng phải trở nên “tin tốt lành cho người nghèo, sự giải thoát cho kẻ tù đày, ánh sáng cho người mù…” Đó chính là điều đã diễn ra trong ngày Hiện Xuống, và đã trở nên hồng ân và nhiệm vụ của Giáo Hội đối với thế giới, là sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội.

Chúng ta là hoa trái của sứ vụ đó của Giáo Hội nhờ hành động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mang trong mình dấu ấn tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, dấu ấn đó chính là Chúa Thánh Thần. Đừng bao giờ quên rằng Thần Khí Chúa luôn nhớ đến từng người chúng ta, và Ngài muốn, đặc biệt qua các con, các bạn trẻ, thổi lên trong thế giới ngọn gió và ngọn lửa của một lễ Hiện Xuống mới.

5. Chúa Thánh Thần - “Vị Thầy nội tâm”

Các bạn trẻ thân mến, ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hành động với sức mạnh trong Giáo Hội, và các hoa trái của Thần Khí thì phong phú tùy theo mức độ chúng ta sẵn sàng mở lòng mình ra cho sức mạnh đổi mới của Người. Vì thế, điều quan trọng là mỗi người trong chúng ta phải biết Người, đi vào trong mối tương quan với Người và để Người hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, tại điểm này, có một câu hỏi tự nhiên nảy sinh: Đối với tôi, Chúa Thánh Thần là ai?

Trong thực tế, đối với nhiều Kitô hữu, Chúa Thánh Thần vẫn là “người vô danh vĩ đại”. Đó là lý do tại sao, trong khi chúng ta chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, Cha muốn mời caùc con đào sâu hiểu biết cá nhân của caùc con về Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Niceùe - Constantinople). Quả thật, Chúa Thánh Thần, thần khí tình yêu của Cha và Con, là nguồn mạch sự sống thánh hóa chúng ta, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Tuy nhiên, biết Thần Khí không thì chưa đủ; chúng ta phải đón tiếp Người như người hướng dẫn linh hồn chúng ta, như “Vị Thầy nội tâm”, Đấng đưa chúng ta vào Mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ minh Người có thể mở lòng chúng ta đón nhận đức tin và cho phép chúng ta sống đức tin tròn đầy mỗi ngày. Chính Người thúc đẩy chúng ta đi đến với tha nhân, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu và làm chúng ta nên những ngöôøi loan baùo cho tình thương của Thiên Chúa.

Cha biết rõ là giới trẻ các con mang trong tâm hồn mình sự ngưỡng mộ và tình yêu lớn lao đối với Chúa Giêsu, các con mong muốn gặp Người và nói chuyện nhiều với Người. Các con hãy nhớ rằng chính sự hiện diện của Thần Khí trong chúng ta đã củng cố, tạo nên và xây dựng con người chúng ta trên chính Con Người của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh. Vậy, các con hãy thân quen với Chúa Thánh Thần để cũng nên thân quen với Chúa Giêsu.

6. Bí tích Thêm Sức và Thánh Thể

Các con có thể hỏi Cha: Bằng cách nào caùc con có thể để Chúa Thánh Thần đổi mới mình và caùc con lớn lên trong đời sống thiêng liêng như thế nào? Câu trả lời, như caùc con đã biết, là đây: Chúng ta có thể làm được việc đó nhờ các Bí tích, bởi vì đức tin được nảy sinh và được củng cố nhờ các Bí tích, đặc biệt các Bí tích khai tâm Kitô giáo: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể, các Bí tích này bổ sung cho nhau và không thể tách lìa nhau (x. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 1285). Sự thật về ba Bí tích nằm ở cội nguồn đời sống Kitô hữu này dường như bị lãng quên trong đời sống đức tin của nhiều Kitô hữu. Những người này xem các Bí tích ấy như những cử chỉ đã hoàn tất trong quá khứ, không có một ảnh hưởng thực tế nào trong hiện tại, tựa như những rễ cây không có nhựa sống. Cũng có nhiều bạn trẻ, sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, thì bắt đầu sao lãng đời sống đạo. Cũng có những bạn trẻ không nhận lãnh Bí tích này. Trong khi đó, chính nhờ các Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và tiếp theo đó, Bí tích Thánh Thể, mà Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên con của Chúa Cha, nên những người em của Chúa Giêsu, nên thành phần của Giáo Hội Người, có khả năng làm chứng thật cho Tin Mừng và vui sống đức tin.

Vì thế, Cha mời các con suy nghĩ về điều Cha đang viết cho các con. Ngày nay, điều đặc biệt quan trọng là tái khám phá Bí tích Thêm Sức và tìm lại giá trị của Bí tích này đối với sự phát triển đời sống thiêng liêng của chúng ta. Những ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức nên nhớ rằng họ đã trở nên những “đền thờ của Chúa Thánh Thần”: Chúa ở trong họ. Nên luôn ý thức điều này và ra sức làm cho kho tàng trong mình mang lại những hoa quả của sự thánh thiện. Những ai đã được rửa tội và chưa nhận lãnh Bí tích Thêm Sức, hãy chuẩn bị nhận lãnh Bí tích này, vì bằng cách đó các con sẽ trở nên những Kitô hữu “trọn vẹn”, bởi Thêm Sức hoàn thiện ân sủng Thánh Tẩy (x. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 1302-1304). Thêm Sức cho chúng ta sức mạnh đặc biệt để làm chứng cho Thiên Chúa và làm vinh danh Người bằng tất cả đời sống chúng ta (x. Rm 12, 1). Thêm Sức làm chúng ta ý thức sâu sắc việc chúng ta thuộc về Giáo Hội - “Thân Thể của Chúa Kitô” – mà tất cả chúng ta là những thành viên sống động của Thân Thể này, trong sự liên đới với nhau (x. 1 Cr 12, 12-25). Bằng cách để chính mình được Thần Khí hướng dẫn, mỗi người đã được rửa tội có thể đóng góp cho công cuộc xây dựng Giáo Hội nhờ những đặc sủng Thần Khí ban cho, vì “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12, 7). Khi Thần Khí hành động, Người đem đến cho linh hồn những hoa quả của Ngưới, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, và tiết độ” (Gl 5, 22). Đối với những ai trong các con chưa lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, cha gửi đến lời mời gọi chân tình là hãy chuẩn bị nhận lãnh Bí tích này, hãy xin các linh mục giúp các con. Đó là một cơ hội nhận được ân sủng đặc biệt mà Chúa dành cho các con. Đừng bỏ qua cơ hội này!

Cha muốn nói thêm một chút về Bí tích Thánh Thể. Để lớn lên trong đời sống Kitô hữu, chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô. Quả thật, chúng ta được rửa tội và thêm sức để lãnh nhận Thánh Thể (x. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, 1322; Sacramentum Caritatis, số 17). “Là cội nguồn và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội, Thánh Thể là một “lễ Hiện Xuống vĩnh viễn” bởi vì mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần - Đấng kết hợp chúng ta cách sâu xa hơn với Chúa Kitô và biến đổi chúng ta trong Người. Các bạn trẻ thân mến, nếu các con thường xuyên tham dự Thánh lễ, nếu các con dành một ít thời gian để chầu Mình Thánh Chúa, thì Cội nguồn Tình yêu là Bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng con vui vẻ quyết tâm dâng hiến cuộc sống các con cho Tin Mừng. Đồng thời các con cũng sẽ cảm nghiệm rằng mỗi khi chúng ta không thành công bằng sức riêng mình, Chúa Thánh Thần sẽ đến biến đổi chúng ta, Người tuôn đổ trên chúng ta sức mạnh của Người và biến chúng ta nên những chứng nhân đầy tràn lòng nhiệt thành truyền giáo của Chúa Kitô phục sinh.

7. Sự cần thiết và khẩn cấp của sứ mạng truyền giáo

Nhiều bạn trẻ nhìn cuộc đời mình với nhiều lo âu và đặt cho mình nhiều câu hỏi về tương lai. Họ áy náy tự hỏi: Làm sao chúng tôi có thể hòa nhập vào một xã hội được đánh dấu bằng quá nhiều bất công và đau khổ nặng nề? Chúng tôi phải phản ứng như thế nào trước tính ích kỷ và bạo lực thỉnh thoảng xem ra đang thắng thế? Làm sao chúng tôi có thể làm cho cuộc sống đầy ý nghĩa? Làm sao chúng tôi có thể làm cho những hoa quả của Thần Khí đã nói ở trên - “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (x. Số 6) - có thể tràn ngập thế giới mang đầy vết thương và dễ vỡ này, đặc biệt là thế giới của người trẻ? Trong những điều kiện nào Thần Khí ban sự sống của công cuộc tạo dựng lần thứ nhất và đặc biệt là của công cuộc tạo dựng lần thứ hai, tức là công cuộc cứu chuộc, trở nên linh hồn mới của nhân loại? Chúng ta đừng quên rằng một khi ân huệ của Chúa càng lớn - ân huệ của Thần Khí Chúa Giêsu lớn hơn cả - thì thế giới càng cần nhận lãnh ân huệ đó, và vì thế sứ vụ của Giáo Hội trong việc làm chứng cho ân huệ đó càng lớn lao và hứng thú hơn. Và đối với các con, Ngày Giới trẻ Thế giới là một cách thức để các con bày tỏ lòng ao ước được tham gia vào sứ vụ này.

Về khía cạnh này, các bạn trẻ thân mến, Cha muốn nhắc chúng con về một số chân lý căn bản để các con suy niệm. Một lần nữa, Cha muốn nhắc lại rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể lấp đầy những khát vọng sâu sa nhất trong tâm hồn con người; Chỉ một mình Chúa Kitô mới có thể nhân tính hoá nhân loại và đưa nhân loại đạt đến “sự thần thánh hoá của mình”. Bằng quyền lực của Thần Khí, Người thấm đẫm chúng ta lòng bác ái thiêng liêng, làm cho chúng ta có khả năng yêu mến người thân cận và sẵn sàng phục vụ họ. Chúa Thánh Thần soi sáng, mạc khải cho chúng ta Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Người chỉ cho chúng ta con đường làm sao để nên giống Chúa Kitô hơn, hầu chúng ta có thể trở nên “sự diễn tả và khí cụ của tình yêu tuôn trào từ Chúa Kitô “ (x. Deus caritas est, số 33). Những ai để mình được Thần Khí hướng dẫn hiểu rằng việc dấn thân phục vụ Tin Mừng không phải là một lựa chọn tùy ý, vì họ ý thức về tính khẩn cấp của việc truyền thông Tin Mừng cho tha nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng chúng ta chỉ có thể làm chứng cho Chúa Kitô khi chúng ta để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vì Người là “tác nhân chính của sự phúc âm hóa” (x. Evangelii nuntiandi, số 75) và “tác nhân chính của việc truyền giáo” (x. Redemptoris missio, số 21).

Các bạn trẻ thân mến, như những vị tiền nhiệm đáng kính của Cha - Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II - đã nói trong nhiều dịp: Ngày nay, việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin cần thiết hơn bao giờ hết (x. Redemptoris missio, số 1). Có những người cho rằng trình bày kho tàng quí báu của đức tin cho những người không chia sẻ nó là bất bao dung đối với những người đó; thực sự không phải là như vậy, bởi vì trình bày Chúa Kitô không có nghĩa là áp đặt Người (x. Evangelii nuntiandi, số 80). Hai ngàn năm trước, mười hai Tông Đồ đã hy sinh mạng sống mình để làm cho Chúa Kitô được biết và được yêu. Từ đó, suốt bao thế kỷ, Tin Mừng tiếp tục lan truyền nhờ những người nam và người nữ được thúc đẩy bởi cùng một lòng nhiệt thành truyền giáo như thế. Ngày nay cũng vậy, các môn đệ Chúa Kitô không tiếc thời gian và năng lực phục vụ Tin Mừng. Các bạn trẻ, hãy để cho tình yêu của Thiên Chúa bao bọc lấy các bạn và hãy đáp trả cách quảng đại lời mời gọi khẩn cấp của Người, giống như nhiều vị chân phước và các vị thánh trẻ đã làm trong quá khứ, cũng trong thời gian gần đây. Cách đặc biệt, Cha bảo đảm với các con rằng Thần Khí của Chúa Giêsu ngày nay đang mời gọi giới trẻ các con mang Tin mừng của Ngài tới các bạn đồng trang lứa với các con. Người lớn thường gặp khó khăn khi tới gần thế giới người trẻ do không hiểu biết đầy đủ và khó thuyết phục các con; đó có lẽ là một dấu chỉ cho thấy Thần Khí thúc ép chúng con – chính người trẻ - phải lãnh nhận trách nhiệm loan báo Tin mừng cho người trẻ. Các con biết rõ những lý tưởng, những ngôn ngữ, và cả những vết thương, những mong đợi và lòng khao khát điều tốt đẹp mà các bạn trẻ ở tuổi các con đang ấp ủ. Một thế giới mênh mông những tình cảm, công việc, học hành, mơ ước và cả đau khổ của người trẻ… đang chờ đợi các con. Mỗi người trong các con phải can đảm hứa với Chúa Thánh Thần là sẽ mang một bạn trẻ đến với Chúa Giêsu Kitô theo cách thức các con cho là tốt nhất, biết cách “ trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của các con, nhưng bằng thái độ dịu dàng và trân trọng” (x. 1 Pr 3, 15).

Nhưng để đạt được mục đích này, các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy nên thánh và nên những nhà truyền giáo, bởi vì không bao giờ chúng ta có thể tách sự thánh thiện ra khỏi việc truyền giáo (x. Redemptoris missio, số 90). Các con đừng sợ trở nên những nhà truyền giáo thánh thiện như Thánh Phanxicô Xavie, người đã rảo khắp vùng Viễn Đông rao giảng Tin Mừng tới sức cùng lực kiệt, hay như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là nhà truyền giáo mặc dầu chưa bao giờ bước chân ra khỏi Dòng Kín Cát Minh; cả hai vị này đều là “Quan Thầy của các Xứ Truyền giáo”. Các con hãy sẵn sàng dấn thân để rọi sáng thế giới bằng chân lý của Chúa Kitô; để sẵn sàng lấy tình yêu đáp trả mọi hận thù và mọi khinh rẻ sự sống; để công bố niềm hy vọng của Chúa Kitô phục sinh trên khắp hoàn cầu.

8. Cầu xin một “Lễ Hiện Xuống mới” trên thế giới

Các bạn trẻ thân mến, Cha mong đợi được gặp đông đảo các con tại Sydney vào tháng Bảy 2008. Đó là một cơ hội Chúa đã sắp đặt để cho chuùng ta được cảm nghiệm trọn vẹn sức mạnh của Thánh Thần. Hãy đến đông đảo để tạo nên một dấu chỉ hy vọng và một sự nâng đỡ quý báu cho các cộng đoàn của Giáo Hội Australia, những người đang chuẩn bị đón tiếp các con. Đối với các bạn trẻ của đất nước này, đây sẽ là cơ hội đặc biệt để giới thiệu vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng cho một xã hội đang bị tục hóa trong nhiều cách. Australia, cũng như toàn châu Đại Dương, cần tái khám phá những cội rễ Kitô giáo của mình. Trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám muïc “Giáo Hội tại châu Đại Dương”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại châu Đại Dương chuẩn bị một cuộc tân Phúc Âm hóa cho những dân tộc hiện đang khao khát Chúa Kitô… Một cuộc tân Phúc Âm hóa là điều ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội tại châu Đại Dương” (số 18).

Cha mời các con dành thời giờ cho việc cầu nguyện và học hỏi thiêng liêng trong giai đoạn cuối này của cuộc hành trình tiến đến Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXIII, để tại Sydney các con sẽ có khả năng làm mới lại những lời đã hứa khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức. Chúng ta sẽ cùng nhau khẩn cầu Chúa Thánh Thần, tin tưởng cầu xin Thiên Chúa ban hồng ân của một lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và cho nhân loại của ngàn năm thứ ba này.

Nguyện xin Đức Maria, Người đã cùng cầu nguyện với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc ly, đồng hành cùng các con trong những tháng này và xin Mẹ cầu bầu cho tất cả người trẻ Kitô hữu được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần để tâm hồn các con được cháy lửa yêu mến. Hãy nhớ rằng Giáo Hội tin cậy nơi caùc con! Chúng tôi, những Mục Tử, chúng tôi cầu nguyện cách riêng cho các con để các con có thể yêu và làm cho người khác yêu Chúa Giêsu ngày càng nhiều hơn và để các con trung thành bước theo Người. Với những tâm tình này, Cha chúc lành cho tất cả các con trong tình mến sâu xa.

Từ Lorenzago, ngày 20 tháng bảy 2007

BÊNÊDICTÔ XVI

© Copyright 2007 - Libreria Editrice Vaticana
 
Đã tìm thấy xác Đức Tổng Giám Mục Paulos Rahho tại Mosul- Iraq
Ngọc Loan
12:40 13/03/2008
Vatican: Các vị lãnh đạo Cộng Giáo tại Iraq đã báo tin cho biết họ đã tìm thấy xác của Đức Tổng Giám Mục Paulos Faraj Rahho tại Mosul vào ngày Thứ Năm 13/3, sau khi bọn bắt cóc cho biết nơi họ đã chôn cất ngài.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã gọi vụ bắt cóc và giết chết một vị Tổng Giám Mục Iraq là một “hành động bạo lực vô nhân đạo mà nó xâm phạm đến phẩm giá con người và làm nguy hại nghiêm trọng đến sự chung sống giữa cư dân Iraq thân yêu”.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Chalđê Paulos Faraj Rahho tại Mosul, 65 tuổi đã bị bắt cóc vào ngày 29/2 trong lúc người lái xe và 2 người cận vệ không vũ trang đã bị giết tại chỗ. Kể từ đó Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần công khai kêu gọi để thả tự do cho Ngài.

Trong một điện văn được gởi tới trong ngày Thứ Năm 13/3 tới Đức Hồng Y Emmanuel-Karim Delly tại Baghdat, Thượng Phụ Giáo Hội Công Giáo Chalđê, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói sau khi được báo tin đến “cái chết thể thảm” của vị Tổng Giám Mục, mà Đức Giáo Hoàng đã gọi ngài là một “vị mục tử nhiệt thành”, Đức Giáo Hoàng muốn gởi tới tín hữu Công Giáo Chalđê và tất cả các tín hữu Kitô tại Iraq biết rằng Đức Thánh Cha gần gũi với họ.

Đức Giáo Hoàng cũng nói ngài đang cầu nguyện để Thiên Chúa tỏ lòng “khoan nhân để biến cố thảm thương này sẽ xây dựng một tương lại hòa bình cho vùng đất tử đạo tại Iraq”.

Linh Mục Dòng Tên Federico Lombardi, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã được báo tin ngay lập tức sau khi tìm thấy xác của Đức Tổng Giám Mục Rahho.

“Chúng ta tất cả tiếp tục hy vọng và cầu nguyện cho sự tự do cho Ngài, nhưng tiếc thay, bạo lực vô lý và bất công nhất vẫn đè nặng trên cư dân Iraq và nhất là trên cộng đồng thiểu số Kitô Giáo, là những người mà Đức Giáo Hoàng và tất cả chúng ta gần gũi cách đặc biệt trong lời cầu nguyện và trong sự liên kết tới giờ phút đau thương to lớn này”.

Cha Lombardi nói rằng Tòa Thánh Vatican hy vọng “biến cố thảm thương” sẽ dẫn đến một sự cam kết mạnh mẽ cho tất cả mọi người, nhất là các cộng đồng quốc tế, làm việc cho hòa bình tại Iraq.

Đức Giám Mục Phụ Tá Công Giáo Chalđê Warduni tại Baghdat đã nói với Thông Tấn Xã Công Giáo SIR rằng bọn bắt cóc đã báo cho các vị lãnh đạo Giáo Hội vào ngày 12/3 rằng “Tổng Giám Mục Rahho rất đau yếu”, rồi vài tiếng đồng hồ sau họ điện thoại một lần nữa nói rằng ngài đã chết.

Đức Giám Mục Warduni nói “Sáng nay (thứ Năm 13/3) họ đã điện thoại và nói cho chúng tôi chỗ chôn cất ngài”.

Giáo Hội đã gởi nhiều thanh niên trẻ tới khu vực ngoại ô Mosul nơi bọn bắt cóc chỉ điểm nơi chôn cất, và xác của ngài đã được tìm thấy.

“Chúng tôi không biết là nguyên nhân vì sức khoẻ hiểm nghèo của ngài hay ngài đã bị giết”. Đức Giám Mục Warduni đã muốn nói tới tình trạng bệnh tim của ngài mà phải cần uống thuốc mỗi ngày. “Bọn bắt cóc chỉ nói rằng ngài đã chết”.

Đức Giám Mục Công Giáo Chalđê Rabban al Qas tại Arbil đã nói cho Thông Tấn Xã Công Giáo AsiaNews rằng “Thật là một thánh giá nặng nề cho giáo hội trước lễ Phục Sinh”.

Đức Tổng Giám Mục Rahho đã bị bắt cóc sau khi hướng dẫn buổi suy gẫm Chặng Đàng Thánh Giá tại Thánh Đường Thánh Linh tại Mosul. Tất cả 4 người đang đi trên chiếc xe hơi bị tấn công, tài xế và 2 cận vệ đã bị bắn và chết tại chỗ.

Bọn bắt cóc, lúc đầu đòi tiền chuộc 1 triệu Mỹ Kim, sau đó lên 2 triệu và cuối cùng lên 3 triệu.

Trong khi những người đứng làm trung gian đã liên lạc với bọn bắt cóc, thế nhưng công an và các viên chức tình báo vẫn không thể tìm ra chúng.

Thủ Tướng Iraq Nouri al-Maliki đã ra lệnh cho lực lượng Iraq phải nỗ lực tối đa để cứu thoát vị Tổng Giám Mục, thế nhưng vị chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại vùng phía Bắc Iraq nói rằng ông không tin là Đức Tổng Giám Mục sẽ được tìm thấy sống sót.

Thiếu Tướng Mark P Herling đã nói vào ngày 5/3 rằng Đức Tổng Giám Mục Rahho “có thể dễ dàng bị giết và đây thật là điều đáng tiếc”.

Khi vừa được tin Đức Tổng Giám Mục bị bắt cóc, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã bắt đầu kêu gọi cầu nguyện để ngài được tự do và kêu gọi chấm dứt đến bạo lực tại Iraq.

Trong lời kêu gọi vào ngày Chúa Nhật 9/3 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng đã nói, rất nhiều người Iraq “tiếp tục chịu đau khổ vì bạo lực mù quáng và phi lý, là điều chắc chắn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa”.
 
Sứ thần Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ: Giáo Hội chẳng bao giờ muốn các giáo sĩ trở thành các chính trị gia
Nguyễn Việt Nam
12:51 13/03/2008
Mexico - Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ vừa lên tiếng cho biết Giáo Hội không muốn nhìn thấy các giáo sĩ được bầu các chức vụ chính trị “vì Giáo Hội muốn các linh mục là linh mục và giám mục là giám mục. Giáo Hội không muốn các ngài dính líu trực tiếp vào chính trị”.

“Chúng tôi sẽ không cố để có một linh mục làm thị trưởng, vì chúng tôi có một sứ vụ khác. Vai trò của các linh mục thuần tuý là tôn giáo. Không có lý do gì để mất thời gian tranh cãi về chuyện này. Chúng tôi biết chắc chắn nghĩa vụ mà chúng tôi phải hoàn thành”.

Đức Tổng Giám Mục Pierre đã đưa ra nhận định trên sau khi ban phép lành trong lễ đặt viên đá đầu tiên xây Chủng Viện Đức Mẹ Guadalupe. Nhiều nguồn tin cho biết một linh mục có thể sẽ ra tranh cử theo gương Đức Giám Mục Fernando Armindo Lugo Méndez, đang ra tranh cử tổng thống Paraguay bất chấp sự phản đối của Bộ Giám Mục và các Đức Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục Paraguay.

Hôm thứ Tư, Đức Sứ Thần cũng đã đi thăm các nạn nhân vụ lũ đập Malpaso. Đức Cha cũng đã đi thăm viếng vùng nơi hơn 3000 người đã phải sơ tán vì lũ trong 5 tháng qua.
 
Top Stories
Thailande: Première femme catholique à être nommée au Sénat, Teresa Yuwade Nimsomboon espère être une voix forte pour l’Eglise catholique de Thaïlande
Eglises d’Asie
12:40 13/03/2008
Thailande: Première femme catholique à être nommée au Sénat, Teresa Yuwade Nimsomboon espère être une voix forte pour l’Eglise catholique de Thaïlande

« Dieu, selon sa volonté, m’a donné l’opportunité d’être au service de mon peuple. » Le 19 février dernier, Teresa Yuwade Nimsomboon, 62 ans, présidente de l’Association catholique de Thailande, a été nommée sénatrice par le Comité de sélection pour un mandat de trois ans. La joie de la nomination passée, la première femme catholique sénatrice a pris à cœur ses responsabilités et souhaite, dès à présent, être une voix pour son Eglise ainsi que pour les femmes et les enfants de son pays.

Teresa Nimsomboon
La composition du Sénat thaïlandais se déroule en deux temps. Un Comité de sélection choisit 74 sénateurs sur une liste élaborée par la Commission électorale, puis 76 autres sénateurs sont élus au suffrage universel direct, soit un par province, Bangkok comptant pour une province. Les élections ont eu lieu le 2 mars dernier. Selon les rédacteurs de la Constitution thaïlandaise, cette formule, en vigueur depuis dix ans, permet de diversifier les membres de la Chambre haute du Parlement. Sur les 74 sénateurs récemment nommés, on trouve ainsi un paysan, un ancien général, un handicapé ou bien encore un journaliste. Soixante-deux sont des hommes, douze des femmes et tous sont diplômés de l’université. Le Sénat a le pouvoir de valider les textes de loi votés par la Chambre des représentants, de surveiller l’administration des affaires de l’Etat, de confirmer les nominations à la tête des agences étatiques indépendantes ou encore de démettre les haut fonctionnaires convaincus de corruption.

Pour Teresa Yuwade Nimsomboon, sa nomination est due au fait que le Comité de sélection a réalisé « l’importance d’avoir des catholiques ou des représentants d’autres religions minoritaires » au Sénat (1). La nouvelle sénatrice souhaite mettre à profit son mandat pour inciter le gouvernement à travailler dans des domaines qui n’ont, jusqu’à maintenant, pas ou peu été abordés. Elle pense notamment aux femmes et aux enfants de son pays, celles et ceux qui vivent dans les zones rurales et qui n’ont pas la chance d’avoir accès aux outils de promotion sociale. Pour Teresa Yuwade, certains champs d’action, comme l’éducation, sont à revoir au point que les enfants sont en train de « devenir des victimes des nouvelles technologies » et qu’il devient urgent de mettre en place des programmes éducatifs afin d’inciter les jeunes Thaïlandais à choisir entre le bon et le mauvais grâce à des cours d’éthique et de morale. Résumant la tâche qui l’attend, Teresa Yuwade affirme qu’elle a « l’intention de travailler au service de la justice et d’user de [sa] position pour défendre les droits de l’homme », ajoutant qu’elle n’oubliera pas son devoir d’être une bonne chrétienne, vivant chaque jour la Parole de Dieu pour « être un lien efficace entre le gouvernement et les religions ».

Après sa nomination, la réaction des catholiques ne s’est pas fait attendre. Mgr George Yod Phimphisan, évêque du diocèse d’Udon Thani et président de la Commission pour les communications sociales de la Conférence épiscopale, a salué la nouvelle en reconnaissant l’effort du Comité de sélection pour assurer la représentation au Parlement de différentes religions. « Elle sera notre voix et pourra transmettre les opinions et les points de vue de l’Eglise catholique de Thaïlande », s’est réjoui l’évêque. Depuis des années déjà, Teresa Yuwade cumule les postes à responsabilité dans diverses organisations humanitaires. Elle a ainsi été présidente de l’Association catholique de Thaïlande de 2003 à aujourd’hui, après avoir été conseillère auprès de l’Association des femmes de Thaïlande entre les années 2000 et 2003 et membre du Comité consultatif économique et social national à partir de 2001. Son poste de présidente de la Confédération des organisations féminines de l’ASEAN (Association des nations de l’Asie du Sud-Est), en 2002, lui a, en outre, permis d’affirmer sa notoriété qui aujourd’hui lui permet de siéger au Sénat.

(1) Près de 95 % des 64 millions de Thaïlandais sont bouddhistes. Les musulmans représentent 4 % de la population, principalement dans le sud du pays. Les chrétiens forment 1 % de la population (dont 0,42 % de catholiques), d’origine chinoise, vietnamienne, laotienne et des minorités du Nord.

(Légende photo: Teresa Yuwade Nimsomboon. Photo © Ucanews)

Source: Eglises d’Asie - Dépêches du 13 MARS 2008
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
350 xây dựng Giáo hội Việt Nam: lịch sử lập Chủng viện thánh Giuse, đào tạo linh mục bản xứ
Gs. Trần Văn Cảnh
12:23 13/03/2008
THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS
350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam (Bài 8)

Lập chủng viện thánh Giuse
Đào tạo linh mục bản xứ


Sứ mệnh căn bản mà Tòa Thánh đã ủy nhiệm cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris là thiết lập hàng giáo sĩ địa phương: “Lý do chính yếu khiến Thánh Bộ gởi các ngài là những người có chức giám mục đến những vùng nói trên (Trung Hoa, Bắc Việt và Nam Việt) là để, bằng mọi cách thế và phương pháp có thể, các ngài nắm lấy trách nhiệm giáo huấn người trẻ hầu giúp họ thâu thập đủ các khả năng, để tiến tới chức linh mục. Truyền chức linh mục cho họ rồi, các ngài hãy sai họ về địa phương gốc của họ với sứ mệnh phục vụ đạo kitô hết lòng mình, dưới sự hướng dẫn của các ngài. Vậy xin các ngài hãy luôn ghi nhớ mục đích này trước mắt mình là dẫn đưa đến chức linh mục, một số đông càng nhiều càng tốt và càng có khả năng càng hay, những người có khả năng, đào tạo họ và giúp họ tiến triển trong môi trường của họ (... )”.

Ngay từ việc làm dầu tiên của các thừa sai khi đến Viễn Ðông là họp công đồng vào đầu năm 1664 ở Ayuthia để soạn thảo chương trình và xác định nguyên tắc hành động, không kể việc soạn bản “Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo”, các thừa sai hiện diện, hai đức cha Ðại Diện Tông Tòa cũng như các linh mục thừa sai, tất cả đều đồng ý rằng việc lập chủng viện đào tạo linh mục địa phương là sứ mệnh hàng đầu và là điều khẩn cấp phải làm.

1. Công đồng Ayuthia quyết định lập chủng viện đào tạo linh mục địa phương

“Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo”, như chúng ta đã xem ở bài 6, đã được soạn thảo với 10 chương qui tụ trong ba phần. Ba chương đầu nói về con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai, người truyền giáo cần phải có. Năm chương tiếp theo, các chương 4, 5, 6, 7 và 8, nói về việc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến: giảng dậy bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan, bằng trung dung. Hai chương 9 và 10 nói về việc tổ chức giáo hội, qua 3 khía cạnh: tổ chức giáo xứ, các thầy kẻ giảng và việc đào tạo linh mục bản xứ.

Về điểm cuối cùng liên quan đến việc đào tạo linh mục bản xứ, tất cả các thừa sai đều đồng ý lấy quyết định phải thành lập chủng viện. Trong tình trạng hiện thời, với số nhân sự thừa sai ít ỏi, lại phải bận bịu với công việc truyền giáo, chỉ cần lập một chủng viện.

Nhưng ở đâu? Câu trả lời mau chóng đã được mọi người nhìn ra: phải đặt ở Xiêm La. Những tiêu chuẩn cần thiết để một chủng viện có thể sinh hoạt kết quả thì ai cũng thấy: phải có bình an và tự do giảng dậy, phải có điều kiện di chuyển và phương tiện cũng như khả năng thâu nhận chủng sinh. Trong tình trạng bách hại hiện nay, Việt Nam không thuận tiện. Chỉ có Xiêm là nơi mà Công Giáo được tự do hành đạo và truyền đạo, nơi mà các người ngoại quốc đủ mọi quốc tịch, Âu châu hay Á châu, đều có thể ra vào dễ dàng, các chủng sinh có thể đi lại không có vấn đề, lại là nơi có các thuyền bè buôn bán di chuyển và chuyên chở thuận tiện nối liền các nước khắp vùng Viễn Ðông, Nhật, Tầu, Việt Nam,… với các nước Âu Châu, Pháp, Anh, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha,… Thế là nơi đặt chủng viện đã được quyết định: ở nước Xiêm.

Ðiều thứ hai mà công đồng Ayuthia đã quyết định liên quan đến chủng viện là đưa ra những nguyên tắc tổng quát về tổ chức nội bộ. Thrước nhất về chủng sinh, chủng viện sẽ tiếp nhận các chủng sinh hay thừa sai Âu Châu để hoàn tất công việc đào tạo của họ, để họ cùng có chung một đường hướng và một phương pháp truyền giáo hữu hiệu và thích ứng với các xứ Viễn Ðông. Sau nữa, chủng viện, được thiết kế như “một trường đời sống hoàn hảo” lấy mẫu gương cuộc sống của Chúa với các tông đồ khi xưa, tiếp dón và đào tạo tất cả các chủng sinh địa phương mà các thừa sai gởi về. Không quên vấn đề vật chất cụ thể, công đồng đã quyết định bổ nhiệm một Tổng quản lý để quản trị các vấn đề vật chất tại chủng viện.

Chiếu theo những quyết định này, ở lại Ayuthia, đức cha Lambert đã đảm nhiện công việc thực hiện.

2. Ðức cha Lambert được vua Pha Narai cho đầt và vật liệu xây chủng viện

Hai giám mục Ðại Diện Tông Tòa đến kinh đô nước Xiêm vào năm 1662 và 1664, đã tạo một tiếng vang, đồn khắp Ayuthia. Vua Phra Narai đang cai trị nước Xiêm lúc đó, là người lịch thiệp, có tinh thần cởi mở, khoan nhân với người ngoại quốc, tỏ ý muốn gặp các giám mục Pháp. Nghĩ rằng đây là dịp thuận tiện có thể làm tăng uy tín các vị thừa sai và hữu ích cho việc truyền giáo, Ðức cha Pierre Lambert de la Motte nhận lời mời và cùng đoàn tùy tòng đến gặp vua.

Vua Phra Narai đã tiếp đón các ngài một cách lịch thiệp và trang trọng, theo lễ nghi của nước Xiêm lúc đó. Ðức cha Lambert cám ơn lòng tốt của vua đã cho phép ngài và các linh mục cộng sự được lưu trú trong vương quốc Xiêm La, lại được đặc ân được vua tiếp kiến. Vua hỏi thăm Ðức cha về nước Pháp: địa thế thế nào, thương mại ra sao, tài nguyên giầu nghèo, quân đội mạnh yếu, … Vua cũng hỏi thăm về lý do khiến Ðức cha và các cộng sự bỏ nước đi sang Viễn Ðông, mà đặc biệt là Xiêm La. Về vấn đề tôn giáo, vua hỏi đức cha: “ Ngài có nghĩ rằng đạo của ngài tốt hơn đạo của chúng tội không”? Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Ðức cha Lambert kể cho vua nghe về những sự thật của đạo Kitô, về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, về sự phát triển của đạo công giáo ở Âu châu,…Bỗng vua Phra Narai ngắt lời đức cha và nói với ngài: “Tôi có một người anh em bị bại liệt tứ chi. Nếu ngài có thể chữa lành được cho em tôi, thì tất cả chúng tôi sẽ theo đạo ngài”. Nói thế rồi vua xin cáo từ Ðức cha và các linh mục cộng sự.

Trở về trại, Ðức cha liền triệu tập tất cả các giáo hữu lại và kể cho họ nghe lời vua Phra Narai đã hứa và xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện với ngài. Trong suốt ba ngày, Ðức giám mục, các linh mục, các bổn đạo, mọi người cùng cầu nguyện. Sáng ngày thứ tư, mấy vị quan triều đến nhà nguyện, quì sập bái lậy Ðức cha Lambert và báo tin cho ngài hay rằng tình trạng sức khoẻ của hoàng tử anh em của vua tốt đẹp hơn. Hoàng tử có thể nhúc nhích được tứ chi, trái với tình trạng hoàn toàn tê liệt trước đây. Trong nhà nguyện nhỏ, mọi người cảm động khôn xiết. Ðức cha liền nói với các quan triều: “Các quan hãy về nói với vua rằng, với lời cầu nguyện, tôi chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe lời và hoàng tử sẽ được chữa lành và sẽ có một sức khoẻ tốt đẹp. Nhưng nếu thiếu tin thì vua nên bái sợ sự công thẳng của Chúa, vì Ngài sẽ để cho người anh em vua lại rơi vào tình trạng ốm liệt”.

Các quan triều đã về thuật lại với vua và theo lời người ta kể thì vua có vẻ lo lắng và đăm chiêu trong nhiều ngày. Ít lâu sau đó, vua Phra Narai sai gởi khoảng một chục trẻ con các quan triều đến theo học các khoa học Âu châu với các cha thừa sai.

Trong tình trạng thuận lợi có tâm tình tốt đẹp của vua, Ðức cha Lambert đã biên một văn thơ ngày 29.05.1665, gởi lên vua Phra Narai, đề nghị mở một trường học, tại thủ đô Ayuthia hay một nơi nào khác ở ngoại ô cũng được, để dậy các khoa học cần thiết cho một quốc gia. Và để tránh nghi kỵ, Ðức cha đã thêm rằng “các thừa sai sẽ chẳng hề xen lấn vào chính sự quốc gia, cũng chẳng màng đến những sự thế gian”. Rồi ngài kết luận rằng: “hy vọng rằng lòng nhân từ của vua sẽ khấng ban cho chúng tôi một đền thờ để làm việc thờ kính tôn giáo”.

Mãi đến cuối tháng 12.1665, lá thơ của Ðức cha mới đến tay vua Phra Narai, vì vị quan triều chuyển thơ bị đau. Nhà vua đã chấp nhận những điều Ðức cha xin và đầu năm 1666, vua đã cấp cho các thừa sai người Pháp một mảnh đất khá rộng ở Bản (làng) Phahet, bên bờ sông Ménam, cạnh khu Việt kiều. Vua cũng hứa sẽ cung cấp vật liệu để xây cất một nhà nguyện và một chủng viện. Đc Lambert mừng lắm. Ðể đề phòng tránh nạn hỏa hoạn và bảo vệ các sách vở và đồ thờ, Ngài cho xây hai phòng nhà gỗ, lợp ngói. Ðồng thời Ngài cho xây một ngôi nhà lớn: tầng dưới bằng gạch, là nhà ở, có thể chứa dễ dàng vài chục người; tầng trên bằng gỗ, là nhà nguyện. Phần đất còn lại chung quanh nhà thờ, Ðức cha trù tính sẽ để làm nghĩa địa và vườn cây, giống như mô hình các làng xứ đạo Pháp. Toàn khu đất đó của các thừa sai người Pháp, ngài muốn đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuse để tỏ lòng cám ơn thánh cả vì những bầu cử mà thánh cả đã làm cho các thừa sai và ngài đặt tên là Trại Thánh Giuse. Như vậy, vào năm 1666 này, nói được là tại kinh đô Ayuthia có thêm “Khu người Pháp” sau khi đã có những khu kiều dân khác như: Bồ Đào Nha, Hoà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, vân vân.

Xin xác định rõ một chút rằng, tuy ở gần, nhưng “Khu người Pháp”, hay “Trại Thánh Giuse”, hay “Chủng Viện Thánh Giuse” là nơi cư trú của các đức cha, các linh mục thừa sai, các chủng sinh, các nhân viên phục vụ, bệnh xá, trường học, v.v. của người Pháp, khác với “Khu người Việt”. Khu người Việt tại Ajuthia là khu mà người Việt Nam cư ngụ, gồm cả lương lẫn giáo, có trên trăm người, đàn ông đàn bà, già trẻ lớn bé, trong đó một số khá đông có đạo. Đức cha Lambert vẫn đến đây dạy dỗ, cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho giáo dân, cũng như gặp gỡ và rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Trong khu này, người công giáo việt nam họp thành giáo xứ thánh Giuse, có nhà thờ và nhà xứ riêng.

Thế là từ năm 1666, cơ sở chủng viện thánh Giuse đã được xây cất tại Ayuthia, nước Xiêm La để đào tạo các linh mục bản xứ cho các giáo hội Viễn Ðông, ít nhất là các giáo hội mà Tòa Thánh đã ủy thác cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa. Từ nay, trong nhà này, các chủng sinh việt nam, trung hoa, xiêm la,… những thanh niên có hiểu biết, khả năng và đức độ,…sẽ có thể được đào tạo tại chỗ, để trở thành linh mục, tiếp tay cho các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng.

Cũng tại đây, như chung ta vừa nói qua ở trên, nhiều sinh hoạt bác ái cũng đã và sẽ được thực hiện, khiến có một số người cảm kích và xin trở lại đạo và khiến vua Phra Narai đã tiếp kiến đức cha Lambert lần thứ hai và hỏi chuyện ngài về đạo Công Giáo. Ðó là chuyện chúng ta sẽ bàn đến trong một dịp khác. Bây giờ xin trở lại vần đề truyền chức linh mục, thành lập chủng viện và đào tạo linh mục.

3. Chủng viện thánh Giuse khai giảng đào tạo các giáo sĩ Việt Nam tiên khởi

Sau quyết định của Công Ðồng Ayuthia năm 1664 về việc thành lập chủng viện, trong năm 1665, một số đơn xin truyền chức đã đến từ các cộng đoàn không thuộc thẩm quyền Hội Thừa Sai. Vào năm 1665 chẳng hạn, Tòa Giám Mục Macao đã gởi ba thầy xin được phong chức linh mục. Ðức cha Lambert đã tiếp họ và thấy rằng họ đã chưa được chuẩn bị đủ, nên đã từ chối truyền chức ngay cho họ, mà đề nghị họ phải học thêm thần học. Rồi ba thanh niên khác cũng trình diện, xin học thần học, trong đó có François Pérez, sinh quán tại địa phận Méliapour, Án Ðộ, con của một gia đình hỗn hợp, cha là Bồ Ðào Nha, mẹ là Á châu. Sau đó, Macao đã gởi đến 6 thầy khác để xin được truyền chức linh mục. Ðức cha Lambert cũng đã đưa ra một đề nghi là học tiếp thần học trong một hay hai năm, trước khi nhận lãnh chức linh mục. Ba thầy đồng ý ở lại. Thế là lớp thần học đầu tiên đã được mở tại chủng viện thánh Giuse, vào năm 1665, với 9 chủng sinh, do một ban giáo sư gồm 3 vị là Ðức cha Lambert de la Motte, cha François Deydier và cha Louis Laneau, mà cha Louis Laneau lãnh trách nhiệm giám đốc điều khiển chung.

Thế là lớp thần học đầu tiên đã được mở tại chủng viện thánh Giuse, vào năm 1665, do cha Louis Laneau điều khiển, với sáu chủng sinh. Chủng viện Thánh Giuse đã tiếp đón và đào tạo các thanh niên địa phương, trong đó, ít nhất là lúc đầu, chính yếu là các thầy giảng, thanh niên Việt Nam. Ba năm sau khi thành lập khóa thần học đầu tiên, ngày 31.03.1668, Ðức Cha Lambert đã truyền chức cho hai linh mục, cha Giuse TRANG, vị linh mục Việt Nam tiên khởi đến từ Ðàng Trong và cha François Perez. Rồi cha Luca BỀN, một linh mục Ðàng Trong khác. Vào tháng sáu cùng năm 1668 này, Ðức cha cũng đã truyền chức cho hai vị linh mục việt nam đầu tiên đến từ Ðàng Ngoài. Ðó là cha Gioan HUỆ và Bênêditô HIỀN. Năm 1672, trong chuyến kinh lý Ðàng Trong lần thứ nhất, Ðức cha Lambert đã mang theo 10 người trẻ việt nam về học ở chủng viện Thánh Giuse.

Không kể những linh mục dòng, hoặc triều cho các địa phận khác ở Viễn Ðông, nguyên cho Ðịa Phận Ðàng Ngoài, Ðức cha Lambert đã truyền chức cho 11 linh mục việt nam. Ðó là các vị sau đậy:

1668, tháng sáu, ở Xiêm cho hai cha:
1. Gioan HUỆ, coi Thanh Hóa rồi Kiên Lao, Sơn Nam (1668-1671) và
2. Bênêditô HIỀN, sinh tại làng Ðong Hiên, huyện Chân Phúc, (1668-1696);

1670, ở Việt Nam cho bảy cha:
3. Mactinô MÁT(1670-1684), gốc là một nhà sư, coi sóc nửa tỉnh Thanh Hóa,
4. Giacôbê CHIÊU (1670-1683), giám quản Hải Dương và Bắc Sơn Nam, rồi Nghệ An, Thanh Hóa,
5. Philiphê NHÂN (1670-1672), chính xứ Kẻ Võ, coi sóc phần bắc tỉnh Thanh Hóa,
6. Antôn QUẾ (1670-1685), sinh tại Bến Triều, Thanh Hóa, trong một gia đình nhà nho thượng lưu, coi sóc Hải Dương và Kinh Bắc,
7. Simon KIÊN (1670-1684), sinh tại Kiên La, Sơn Nam, coi sóc làng Kiên Lao,
8. Lêôn TRỤ (1670-1692), sinh tại làng Ðông Hồ, huyện Ðông Quan coi sóc địa hạt nửa tỉnh Nghệ An,
9. Vitô TRI (1670-1705), coi sóc vùng nam tỉnh Thanh Hóa, rồi Nghệ An, Sơn Nam và Kinh đô

1677 ở Xiêm cho hai cha:
10. Philiphê TRÀ (1677-1685), sinh quán Trà Lũ, Sơn Nam,
11. Dominicô HẢO (1677-1697), sinh quán làng Thụy Nhai, tỉnh Sơn Nam

Ðề tựa cho tập tài liệu của đức cha NÉEZ “Hàng Giáo sĩ Bắc Kỳ trế kỷ 17 và 18” để xuất bản, đức cha J. de GUÉBRIANT, Nguyên Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa, Giám Quản Canton và Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1921-1935 đã viết những dòng sau đây về Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris: “Hội ghi vào ở ngay những điều khoản đầu tiên của chương thứ nhất bản nội qui của Hội những dòng sau đây, những dòng trình bày sáng kiến vĩ đại của việc tông đồ hiện đại: Mục đích hàng đầu mà Thiên Chúa đã ban cho các Giám Mục và giáo sĩ Pháp, tập họp nhau thành hội, ở giữa thế kỷ 17, để hoạt động hoán cải các người ngoại giáo ở các nước ngoài, và ý định chính yếu của Tòa Thánh khi gửi họ đến các Miền Truyền Giáo, với các tước hiệu Ðại Diện Tông Tòa và Thừa Sai là để tiến hành nhanh chóng việc hoán cải các dân ngoại, không những bằng cách rao truyền cho họ Tin Mừng, mà còn nhất là bằng cách chuẩn bị với những phương thế tốt nhất để nâng lên hàng giáo sĩ những người trong số các tân tòng hoặc con cháu họ được xét thấy xứng hợp với chức bậc thánh thiện ấy, hầu tạo lập trong mỗi nước một hàng giáo sĩ, và một hàng giáo phẩm, như Chúa Giêsu và các tông đồ đã thiết lập trong Giáo Hội “.

Ðọc lại những dòng chữ này và nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn thật ai cũng sẽ phải nhận rằng người có công rất lớn trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam là Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Chính Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, từ 350 năm nay, 1558-2008, đã thiết lập hàng giáo sĩ cho Việt Nam. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà các giáo dân được đào luyện, hiểu biết đạo hơn và dám can đảm bảo vệ đức tin. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà Giáo Hội Việt Nam đã được hân hạnh có 117 thánh tử vì đạo. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà Tin Mừng vẫn tiếp tục được rao truyền cho lương dân. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà Giáo Hội Việt Nam được phát triển, chẳng những có linh mục mà có cả giám mục, đủ khả năng để đi đến việc thành lập Hàng Giáo Phẩm vào năm 1960. Có giám mục là những vị kế nghiệp các thánh tông đồ, thì, như đàn ong có ong chúa, Giáo Hội Việt Nam có người lãnh đạo, chỉ đường, truyền sức sống, phát triển năng lực.

Nhờ các Thừa Sai Hải Ngọại Paris, hai giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài đã được thiết lập vào năm 1659. Rồi hôm nay, 2008, đã lớn lên vói 26 giáo phận, qui tụ trong 3 tổng giáo phận và đã có 5 hồng y: Trịnh Như Khuê (1899-1978), Trịnh Văn Căn (1921-1990), Phạm Ðình Tụng (1919- ), Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) và Phạm Minh Mẫn (1934- ). Tạ Ơn Chúa ! Cám ơn các Thừa Sai Hải Ngoại Paris !

Paris, ngày 13 tháng 03 năm 2008
 
Sinh viên Công giáo gặp gỡ Đức Kitô tại Dòng Thiên An Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
14:23 13/03/2008
HUẾ, Việt Nam (11/03/2008) - Những giây phút trầm lắng trước Chúa Giêsu Thánh Thể, giúp cho nhiều sinh viên vươn lên để sống ơn gọi KiTô hữu tốt hơn, đã được nhấn mạnh trong ngày tĩnh tâm của sinh viên Công Giáo Huế tại dòng Thiên An.

‘’Anh Lazarô! Hãy ra khỏi mồ!, có nhiều ý nghĩa cho các bạn sinh viên công giáo, vươn lên, sống tốt hơn trong ơn gọi Kitô hữu qua Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, để các bạn gặp Chúa và làm chứng cho Ngài giữa môi trường đại học’’, Đức Viện Phụ Stéphane Huỳnh Quang Sanh dòng Thiên An Huế, đã phát biểu trong lời chào mừng hàng trăm sinh viên, đến tĩnh tâm tại đây hôm Chúa nhật V mùa Chay 09/03/2008.

Thiên An không phải là địa danh nhưng là tên riêng của Đan viện, do linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích đặt tên. Đan viện Thiên An ở giữa rừng thông thanh vắng cách Huế 7 cây số về hướng Tây Nam. Nơi đây, có ngôi nhà thờ hầm bằng đá kiên cố không bị lay chuyển, khi trên hầm bị lãnh 17 quả vừa bom, vừa đạn Canon, trong biến cố tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Được thành lập năm 1940, qua 68 năm tồn tại vì có Thiên Chúa hiện diện trong Thánh Thể, ngôi nhà thờ hầm kiên cố này, là điểm hẹn của hơn 600 sinh viên Công Giáo thuộc các trường Đại học và Cao đẳng Huế, đến đây để gặp gỡ Chúa Giêsu.

Cô Anna Trương Thị Phương Thơ, đến từ trưòng Văn Hoá nghệ thuật vui mừng cho biết, cô đã thực sự sống trước Thánh Thể sau 2 giờ sám hối và xưng tội với Chúa. Người sinh viên năm 3 này nói rằng nhiều lần vì ham chơi, cô đã bỏ lễ Chúa nhật, vì thế cô ngại ngùng không rước Mình Thánh Chúa, bây giờ Phương Thơ cảm thấy an tâm hơn vì đã gặp được Chúa.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến, đặc trách sinh viên Công Giáo đã mời 20 linh mục triều và dòng giải tội cho sinh viên, Cha Tuyến giải thích rằng toà giải tội là nơi chúng ta gặp chính Chúa, vì nơi đó Thiên Chúa đang chờ đợi để ban ơn tha thứ.

Sinh viên Phêrô Nguyễn Phúc Bằng có nhận xét, giới trẻ ngày nay do sống xa nhà, nên nhiều sinh viên sống không có định hướng. Anh Bằng nói:’’tĩnh tâm, cầu nguyện, xét mình, xưng tội đã giúp tôi gặp Chúa và cảm nghiệm về lòng thương xót của Ngài’’.

Tại buổi gặp mặt ý nghĩa này, nhiều vấn nạn được đặt ra cho người sinh viên Công Giáo hôm nay, bạn có bị mất phương hướng không? Bạn có bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy toàn cầu hoá không? Tôi sống đời này để làm gì? Đâu là lý do sự hiện diện của tôi trên trái đất này? Cái gì đang định hướng đời tôi? Chúa muốn tôi làm gì trong quãng đời còn lại?

Đó là lý do linh mục Đôminicô Phan Văn Anh ( tức nhạc sĩ Minh Anh) đã chia sẻ qua cuốn sách:’’ Sống Có Định Hướng’’, của một Mục sư Tin Lành người Mỹ tên là Rick Warren ( Rich-cơ –Va rân ), Cha Anh cho biết, đây là cuốn sách được bán chạy nhất hiện nay vì hơn 20 triệu cuốn đã đến với hàng triệu độc giả trên khắp thế giới, đã giúp chúng ta tìm được ý nghĩa, mục đích đời mình trong tiến trình gặp gỡ Đức KiTô.

Đón nhận bí tích Hòa giải
Cha Minh Anh giải thích rằng Không có Thiên Chúa, cuộc sống không có mục đích. Không có mục đích, đời thật vô nghĩa. Mà nếu vô nghĩa, thì cuộc đời chẳng đáng là gì và thật vô vọng. Thảm hoạ lớn nhất không phải là cái chết, nhưng đó là một cuộc sống không có mục đích. Vậy để biết mục đích đời mình, bạn hãy hỏi Thiên Chúa’’.

Một bạn sinh viên thắc mắc: ‘’Cầu nguyện, mình xin gì, Chúa biết rồi sao lại phải xin nhiều lần như vậy’’. Vị Linh hướng, giải thích để bạn đó hiểu rằng tương giao giữa Chúa với mình như hơi thở. Cầu nguyện là giúp cho mình tĩnh tâm gặp gỡ Chúa.

Vào buổi chiều trong ngày Đức Tổng giám mục Huế, Stêphanô Nguyễn Như Thể đã đến gặp gỡ với các tham dự viên tại đây, ngài khuyến khích các sinh viên hãy sống có định hưóng, để khám phá ý nghĩa và mục đích đời mình theo gương Đức KiTô.

Trong buổi chiều yêu thương ấy, Linh mục Alphongsô Nguyễn Hữu Long, giáo sư Đại chủng viện Huế đã cùng cha đặc trách sinh viên, dâng Thánh lễ trong ngôi nhà thờ hầm kiên cố, hôm nay đã mọc lên ngọn tháp cao vút, tượng trưng cho lời cầu nguyện của những sinh viên, phóng lên tận trời cao, và từ trời cao có tiếng nhắn nhủ với các bạn sinh viên rằng ‘’Này bạn! Hãy ra khỏi mồ’’.
 
Tin Đáng Chú Ý
Ðiều trần quan hệ song phương Việt-Mỹ, nhân quyền Việt Nam tại Thượng Viện Hoa Kỳ
Thanh Hùng/Người Việt
00:55 13/03/2008
Ðiều trần quan hệ song phương Việt-Mỹ, nhân quyền Việt Nam tại Thượng Viện Hoa Kỳ

Ông Christopher Hill, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Ðông Á Thái Bình Dương, tại buổi điều trần ở Thượng Viện Hoa Kỳ chiều ngày 12 Tháng Ba, 2008 nói: “Quan hệ song phương từ đối đầu sang hợp tác. Nhân quyền, dân chủ vẫn tồn đọng.”

TNS Barbara Boxer: “Nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhân quyền vẫn chưa tiến bộ.”


WASHINGTON DC (NV) - “Mười ba năm qua, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã chuyển từ thế đối đầu sang hợp tác. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều... Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần quan tâm, và chúng ta đặc biệt quan tâm đến lãnh vực nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.” Ông Christopher Hill, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương đã phát biểu như vậy trong buổi điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ hôm qua, 12 Tháng Ba, 2008.

Phụ tá ngoại trưởng Christopher Hill
Buổi điều trần được tổ chức tại Tiểu Ban Á Ðông Thái Bình Dương, thuộc Ủy Ban Quan Hệ Ðối Ngoại, Thượng Viện Hoa Kỳ, dưới sự chủ tọa của Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer.

Diễn giả có mặt trong buổi điều trần gồm có ông Christopher Hill, cô Janet Nguyễn (giám sát viên Orange County, California), ông Ðỗ Hoàng Ðiềm (chủ tịch đảng Việt Tân), ông Matthew Daley (chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Hoa Kỳ-Ðông Nam Châu Á), bà Sophie Richardson (đại diện Ủy Ban Châu Á, tổ chức Human Rights Watch) và bà Ann Mills Griffiths (Giám đốc điều hành Ủy Ban Quốc Gia Những Gia Ðình Có Thân Nhân Mất Tích Hoặc Bị Cầm Tù).

Khá đông báo giới Việt, Mỹ, kể cả đại diện Thông Tấn Xã Việt Nam, đã có mặt tại buổi điều trần. Ðặc biệt, trong phần mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Boxer đã giới thiệu một nhân vật từ hàng cử tọa, bà Ngô Mai Hương, vợ của Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ đang bị cầm tù tại Việt Nam.

Trong lời phát biểu mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Boxer đã khái quát sự tiến bộ trong quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian qua. Bà cũng nhấn mạnh đến sự thay đổi tích cực về đời sống kinh tế của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bà nói: “Vẫn còn một lãnh vực đặc biệt mà chúng ta không thấy có sự tiến bộ. Ðó là vấn đề nhân quyền.”

Nhân vật điều trần đầu tiên, cũng là nhân vật được đặc biệt quan tâm, là Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill, vừa từ Việt Nam trở về sau một chuyến đi dài ngày sang Châu Á. Những phát biểu của ông Hill cho thấy một Hoa Kỳ đang chọn lựa tiếp cận Việt Nam theo phương hướng của đối tác hơn là đối đầu. Ông Hill, trong phần mở đầu, đã nói: “Mối quan hệ song phương đã tiến triển đáng kể từ khi bang giao giữa hai quốc gia được tái lập hồi năm 1995.” Tuy nhiên, cũng trong phần mở đầu, ông thừa nhận rằng “vẫn còn một số vấn đề, đặc biệt trong lãnh vực nhân quyền.”

Ông Hill đã điểm qua những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong mối quan hệ hai nước, gồm có quan hệ kinh tế, các vấn đề an ninh và khu vực, cuộc chiến chống HIV/AIDS, nhân quyền, tự do tôn giáo, con nuôi và giáo dục.

Trong vấn đề an ninh khu vực, ông Hill phát biểu rằng: “Sự chú tâm của Hoa Kỳ trong khối ASEAN và APEC về những vấn đề tự do mậu dịch, chống khủng bố đã gia tăng cùng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam.” Ông Hill cũng nhấn mạnh là Hoa Kỳ luôn tìm kiếm sự ủng hộ đầy đủ trong các vấn đề gìn giữ an ninh và hòa bình tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong khuynh hướng này, ông nói: “Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An trừng phạt Iran.”

Những trình bày của ông Hill về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho thấy Hoa Kỳ nhìn nhận những điểm tích cực trong nhiều lãnh vực của Việt Nam, đồng thời nhìn thấy Việt Nam như một đối tác ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, như ông phát biểu, “trong lãnh vực tự do dân sự và chính trị, Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết trầm trọng.”

Nhiều tên tuổi đã được ông Hill nhắc đến bài phát biểu của mình, gồm có Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Khối 8406...

Trước đó, trong phần mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Boxer cũng đã cho đưa ra hai tấm hình phóng lớn gồm có hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng, trong một phiên xử tại Huế, và hình gia đình Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ bị giam giữ tại Việt Nam gần bốn tháng qua.

Trong lãnh vực này, ông Hill nói rằng những đối thoại nhân quyền là phương cách tốt để Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra những quan ngại của mình cho phía Việt Nam. Ông nói: “Chúng ta đã nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại phải tập trung vào các hành động cụ thể, cứng rắn bởi chính phủ để cải thiện tình hình nhân quyền, và phải tạo ra kết quả tích cực.”

Liên quan đến điều này, bà Sophie Richardson cũng phát biểu trong phiên điều trần của mình rằng: “Trong khi sự cam kết kinh tế và các lãnh vực khác giữa hai quốc gia tiến triển tốt, thì khu vực nhân quyền Việt Nam chuyển sang tình hình tệ hơn.” Bà Richardson nói rằng Việt Nam vẫn luôn cho là đất nước này không có tù chính trị, không có sự đàn áp chính trị, vậy mà người dân Việt Nam vẫn còn bị bỏ tù vì những quyền rất căn bản, như thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, lập hội... Bà nói chính sự bắt giam công dân như vậy là vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người.

Ông Christopher Hill cũng nhấn mạnh có những việc mà Hoa Kỳ muốn thấy Việt Nam thực hiện ngay lập tức. Một trong các việc ấy là Việt Nam cần chấm dứt sử dụng những điều luật kiểu như điều 88 trong bộ luật hình sự, nhân danh “an ninh quốc gia” để bắt giam những người bị gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Về vấn đề này, ông Hill nói rằng Hoa Kỳ muốn Việt Nam thả tất cả tù chính trị đang bị cầm giữ.

Về phần điều trần của ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, ông đã nêu lên các vấn đề liên quan đến tình hình hiện tại ở Việt Nam, những thách thức và những cơ hội, và những đề nghị cụ thể cũng đã được trình bày. Ông Ðiềm kêu gọi rằng Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam (HR 3069), đã được thông qua tại Hạ Viện, nên được Thượng Viện thông qua, và sau đó là Tổng Thống Bush ký thành luật.

Ông Ðiềm cũng đã nhắc lại trường hợp các đảng viên Việt Tân, gồm ông Leon Trương và Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, đã bị bắt trong khi cổ vũ các nguyên tắc bất bạo động tại Việt Nam. Ông Leon Trương đã được thả hồi Tháng Mười Hai vừa qua, trong khi ông Quân hiện vẫn còn bị giam giữ và vợ ông thì bị từ chối visa vào Việt Nam thăm chồng hồi tuần rồi.

Giám Sát Viên Orange County Janet Nguyễn, từ California, cũng được mời điều trần trước Thượng Viện. Cô nói rằng người dân Việt Nam không có quyền chọn chính quyền và rằng tình trạng bắt người vô cớ, tịch thu tài sản không qua xét xử vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Cô nhận định là việc lấy Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia quan tâm đặc biệt là “vội vã.”

Buổi điều trần bắt đầu lúc 2 giờ 30 chiều, mở màn với điều trần của ông Christopher Hill, đến cô Janet Nguyễn và kết thúc bằng một “panel” bốn người gồm ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, ông Matthew Daley, bà Sophie Richardson và bà Ann Mills Griffiths.

Trong phía nghe điều trần còn có Thượng Nghị Sĩ James Webb (Virginia), một người được cộng đồng Việt Nam biết đến khá nhiều do ông đã từng là cựu chiến binh Việt Nam, đồng thời là cựu bộ trưởng hải quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan.

Cũng trong ngày có buổi điều trần, Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez đã tiếp bà Ngô Mai Hương và ông Duy Hoàng, đại diện của đảng Việt Tân, để cùng thảo luận các cách thức để dân biểu này cùng các đồng viện có thể tạo thêm áp lực đến với Cộng Sản Việt Nam để Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân sớm được thả tự do.

Tại buổi gặp gỡ, Dân Biểu Sanchez nói: “Tôi không thể nào hình dung được nỗi đau đớn mà bà Ngô Mai Hương và gia đình đang phải trải qua. Bà Hương tưởng rằng sẽ được về Việt Nam thăm chồng mình nhưng đã bị chính quyền Việt Nam ngăn chận thu hồi thị thực mà không có lời giải thích. Ðây là một hành vi không thể chấp nhận được.”

“Tôi kêu gọi Tổng Thống Bush hãy cùng với Quốc Hội để yêu cầu Nhà Cầm Quyền Việt Nam phải phóng thích Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân,” bà Sanchez nói tiếp.

Văn phòng Dân Biểu Sanchez cũng cho báo Người Việt biết, hôm 11 Tháng Ba vừa qua, một lá thư do bà và 11 dân biểu Hạ Viện khác ký đã được gởi đến Tổng Thống Bush yêu cầu can thiệp trả tự do cho Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân.

(Nguồn: Bài và hình: Thanh Hùng/Người Việt (tường trình từ Washington DC) Wednesday, March 12, 2008)
 
Văn Hóa
Thánh Nữ… khó tính
Trương Phú Thứ
14:14 13/03/2008
Thánh Nữ… khó tính

Vào dịp tết Mậu Tý, chỉ một lúc sau khi VietCatholic đăng tải truyện ngắn Nồi Cháo Gà Đêm Trừ Tịch, tôi đã phải ôm cái điện thọai đến gần hai tiếng đồng hồ để nghe bà chị họ giảng dậy luật đạo luật đời. Bà chị tôi nổi tiếng “lắm điều”, ăn ở với họ hàng lối xóm như bát nước đầy, tính tình ngay thẳng và lại rất hơi khó tính. Ở Mỹ đến hơn ba chục năm rồi mà bà chị tôi vẫn “quê một cục”. Mua nhà thì bắt con phải tìm được chỗ nào sát cạnh ngay bên nhà thờ để “sớm tối cầu nguyện thầm thĩ với Chúa”. Đi chợ nhặt được vài đồng cũng bắt con tìm cho được người quản lý để xem ai mất thì trả lại cho người ta. Dành dụm được món tiền nào là lo gửi giúp những bệnh nhân phong cùi và các em cô nhi. Bà chị tôi là một thánh nữ chưa được … phong thánh.

Tiếng bà chị tôi vẫn to và khỏe như ngày nào, cho dù chị đã lãnh tiền già được mấy năm rồi.

“ Lậy Chúa tôi, cậu không sợ mất linh hồn sa hỏa ngục à?”

Bà chị tôi càm ràm:

“Chết mà gặp ông thánh Phêrô thì chết đòn. Ông thánh là người Tây đánh cho mấy roi là cứ nát mông.”

Tôi chưa kịp trả lời thì cái loa phát thanh ở Cái Sắn ngày nào tiếp tục bài bản:

“Cậu phải nhớ là tội trộm cắp thì phải xưng tội với Chúa và còn phải xưng tội với người mất của nữa đấy.”

Bà chị tôi bắt đầu lý giải ra những điều răn Đức Chúa Trời rồi các điều luật hội thánh để dứt khóat kết án rằng cho dù chỉ im lặng tán trợ anh Đô trộm nồi cháo gà của cô giáo Thi cũng là tội trọng bị phạt xuống hỏa ngục cho mấy thằng quỷ bẻ răng. Tôi làm sao cãi lại người đàn bà trên vai vế mà kinh bổn thì chẳng câu nào mà không thuộc. Tôi chỉ im lặng nghe, hết dọa dẫm rồi đến khuyên bảo. Cái máy phát thanh đã gần hết pin. Tôi bắt đầu phân giải rằng đã xưng tội và làm việc đền tội rồi. Tôi cũng đã xin lỗi cô giáo Thi và cô cũng đã rộng lòng tha thứ rồi. Chúa đã tha tội, cô giáo Thi cũng đã tha thứ. Thế nhưng chỉ có một người chẳng ăn nhậu gì đến cái nồi cháo gà của cô giáo Thi là bà chị họ rất yêu quý và hơi chút “lắm điều” của tôi lại vẫn còn nhiều thắc mắc khiếu nại. Bà chị tôi chưa có một ngày làm việc ở tòa án nhưng kiểu cách phê phán và kết án lại rất minh bạch, đâu ra đó. Khó ai có thể phản bác hay bẻ gẫy lý luận của bà “trạng” nhà tôi.

“Thế lúc xưng tội thì cha bắt cậu làm việc gì để đền tội.”

Tôi “thành thật khai báo” là cha chỉ nói lần sau có đứa nào nó rủ đi ăn trộm thì đừng dại dột mà theo đi. Chắc là cha đã nghe nhiều “ông” xưng tội ăn trộm gà rồi nên ngài khuyên bảo như vậy. Bà chị tôi tỏ vẻ như không bằng lòng vì cha dễ quá chứ trộm cắp như vậy thì phải mang ra phơi nắng ba ngày cho đáng tội. Tôi bèn lấy giọng nhẹ nhàng mà kèo nài:

“Tội gì Chúa cũng tha hết, mình ăn năn hối lỗi và không bao giờ dám ăn trộm gà qué nữa thì Chúa đâu có chấp nhặt ba cái lẻ tẻ đó.”

Bà chị tôi có vẻ dịu giọng:

“ Thế cô giáo Thi nói gì?”

Chuyện tôi và anh Đô mãi đến hơn hai chục năm sau mới xin lỗi cô giáo Thi cũng hơi dài dòng nên tôi phải kể lại từng chi tiết như sau:

Vào cuối năm 1990 tôi mới được tin đại gia đình nhà anh Đô định cư ở Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California. Gia đình anh mở tiệm bán thực phẩm nên cũng khá giả. Tôi vội mua vé máy bay đến cuối tuần đi thăm anh. Thôi, tình nghĩa Cái Sắn nơi quê người thì có bút mực nào diễn tả cho được. Anh em mừng vui khóc sụt sùi ngay tại sân bay. Anh đưa tôi về nhà không mấy xa trung tâm thành phố. Cả đại gia đình nhà anh Đô sống trong một khu nhà giống như trại lính với vườn tược bát ngát bao bọc. Cơ ngơi này trước kia là trại nuôi gà tây, ông bà chủ về hưu nên bán lại cho gia đình anh Đô với giá rẻ không ngờ. Hai cụ thân sinh của anh Đô còn đến trước bàn thờ trong phòng khách dâng kinh nguyện cảm tạ Chúa đã cho gặp người lối xóm nơi đất khách quê người rồi cứ nói đi nói lại “phải ở đây chơi vài tháng rồi đi đâu hãy đi”. Sau hơn một tiếng đồng hồ chuyện trò thăm hỏi, tôi theo anh Đô ra tuốt góc vườn sau bắt hai con vịt vào làm bữa cơm tối. Vịt Mỹ có khác, con nào con nấy mập ú đỏng đảnh với bộ lông mượt mà.

Lúc chạng vạng tối, mâm cỗ đã bầy biện sẵn trên bàn. Đĩa tiết canh đỏ ngầu bên cạnh mớ rau thơm đủ lọai. Thịt luộc chấm nước mắm gừng, bát nấu măng khô với đĩa bún trắng ngần. Cả nhà ngồi quây quần quanh bàn ăn, chuyện trò rôm rả như ngày Tết. Chuyện xưa chuyện cũ có tiếng cười và cũng có nước mắt. Ăn xong, anh Đô cầm tay kéo tôi ra phía sau nhà để xe có bộ bàn ghế bằng nhựa đã xỉn mầu. Anh cười nhạt cúi xuống lôi cái điếu cầy làm bằng nhôm, thong thả nhét bi thuốc lào vào nõ điếu rồi bật quẹt rít một hơi thật dòn dã. Tôi hơi ngạc nhiên:

“Sang đây mà anh còn đào đâu ra cái món độc vậy?”

Anh Đô qươ tay nói trong hơi khói:

“Chúa tôi, đến cần sa ma túy mò đâu cũng thấy, cái thứ này có mà đầy chợ.”

Anh Đô diễn giải nghe rất hợp lý lại thật mượt mà “những bản tường trình y khoa họ chỉ nói đến bệnh tật và chết chóc gây ra bởi thuốc lá chứ chưa từng có một trường hợp nào liên lụy đến thuốc lào. Các cụ nhà mình đã bao nhiêu đời nghiên cứu kỹ lưỡng âm dương hòa hợp. Ăn cái anh thuốc lào vừa nhàn nhã lại…mát phổi.” Tôi thấy lý luận của anh Đô thật quá đúng sách vở nên chẳng dám có lời bàn. Chúng tôi ngồi nói chuyện ngày xưa và tôi được biết cô giáo Thi hiện đang sống ở Houston, đô thị to lớn và ồn ào của tiểu bang Texas. Tôi gợi ý là hôm nào hai anh em mình phải đến thăm cô giáo Thi và đồng thời xin cô giáo tha thứ vì đã ăn trộm nồi cháo gà của cô. Anh Đô nhiệt liệt hưởng ứng và thúc giục tôi xem “ngày lành tháng tốt” để lên đường. Đang lúc chúng tôi nói chuyện rổn rảng thì được nghiêm lệnh vào nhà đọc kinh tối. Cả ba thế hệ ngồi gần chật phòng khách bắt đầu kinh nguyện. Những lời kinh tiếng hát mà cả vài chục năm nay tôi mới được nghe lại sao mà đầm ấm và thân thương đến như vậy. Giọng hát của chị Hoa vẫn tinh khôi và trong sáng như thời con gái “ Mẹ ơi đóai thương xem nước Việt Nam. Trời u ám chiến tranh điêu tàn…”. Sau kinh nguyện, tôi hỏi chị Hoa rằng bây giờ hết chiến tranh rồi mà chị còn hát như vậy thì Đức Mẹ biết đâu mà ban ơn. Chị Hoa nói bây giờ không còn bom đạn nhưng chiến tranh chống nghèo đói, chống bệnh tật, chống bất công, chống tham nhũng, chống đàn áp vẫn còn đấy nên phải xin Mẹ cứu giúp. Tôi chẳng còn lý lẽ gì để cãi lại chị Hoa mà chỉ biết tâm phục khẩu phục người thiếu phụ xinh đẹp đảm đang của ruộng đồng Cái Sắn.

Hai ngày cuối tuần ở nhà anh Đô, chúng tôi cũng đã xếp đặt được một chuyến đi Houston với chỉ một mục đích thăm và xin lỗi cô giáo Thi. Chúng tôi gặp nhau ở phi trường Houston rồi mướn xe đi thăm thú thành phố nắng như đổ lửa. Ngồi ở một tiệm mì rất đông khách, chúng tôi đã liên lạc được với cô giáo Thi và hẹn sẽ đến thăm vào buổi chiều. Cô giáo rất vui mừng vì vừa tìm lại được người xưa cảnh cũ “quý hóa quá, quý hóa quá”.

Tôi lái xe, anh Đô ngồi bên cạnh bắt đầu “kéo gỗ”. Nhà cô giáo Thi cũng dễ tìm. Sân trước có tượng Đức Mẹ mầu trắng giữa những bụi hoa mầu sắc đủ lọai rất trang trọng. Chỉ nhìn hoa cỏ phối trí thật nhịp nhàng và đẹp mắt thì tôi cũng yên tâm là đã đến đúng nhà mà không cần nhìn vào cái bảng số mầu xanh đậm trên một tấm bảng mầu đỏ thẫm. Cô giáo Thi mở cửa đón khách với chút ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Hơn chục năm trời nơi xứ lạ mà lại còn tìm được đến nhau thì ‘quý hóa quá, qúy hóa quá”. Cô giáo Thi không già hơn xưa nhiều và vẫn ở một mình trong căn nhà khá rộng rãi cho một người độc thân. Ngày mới sang đây cô cũng đi làm cho một công ty chuyên sản xuất dụng cụ khoan mỏ dầu nên dư điều kiện để mua nhà với giá rất rẻ. Bàn tay cô thật khéo léo, trong ngòai chỗ nào cũng thấy mát mắt.

Chúng tôi ngồi ở phòng khách nói chuyện, thăm hỏi người mất người còn và nhất là bà con bị kẹt lại bây giờ ra sao? Cô giáo Thi cho biết là đa số bà con mình đã chạy được. Anh Đô gãi đầu gãi tai chỉ vì lo làm ăn mà không có dịp đi thăm những người xóm làng còn thân thuộc hơn ruột thịt. Cô giáo Thi bắt chúng tôi ở lại ăn cơm tối, cô còn ra lệnh “hai anh em đã bỏ cả công ăn việc làm đến thăm cô thì phải ở đây”. Trong lúc cô giáo Thi bận rộn trong nhà bếp thì tôi và anh Đô sửa lại cái máng nước sau nhà bị gió thổi rơi xuống đất. Chúng tôi còn sửa lại tòan bộ máng nước chung quanh nhà cho thật chắc chắn. Lúc ra ngòai gọi chúng tôi vào ăn cơm, cô giáo Thi cứ khen rối rít “hai anh em khéo tay quá”.

Bữa cơm “nhà quê” đã được dọn sẵn trên bàn. Cá kho với riềng thơm ngào ngạt. Canh rau mùng tơi nấu tôm. Thịt gà xào rau cải. Sau khi cầu nguyện tạ ơn Chúa, anh Đô mặt đỏ tía tai cúi gầm mặt xuống nói mấy lời xin lỗi cô giáo Thi vì tội trộm cắp năm xưa. Cô giáo cứ xua tay “thanh niên nghịch ngợm cho vui chứ tội lỗi gì”.

Thế là chúng tôi đã sạch tội. Cha đã thay Chúa tha tội và bây giờ cô giáo Thi là người mất của cũng tha tội. Không biết bà chị họ tôi có tha tội cho chúng tôi không? Tôi bàn với anh Đô là khi nào bà chị họ tôi về chầu Chúa thì chúng tôi sẽ đặt tên là thánh nữ…khó tính.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thị Kiến Hồi Sinh - The Vision Of Rebirth
Lm. Trần Cao Tường
11:58 13/03/2008

THỊ KIẾN HỒI SINH - the vision of rebirth



Ảnh của Cao Tường

Nhiều thân cây đã không còn chất sống như những bộ xương khô rã rời.

Nhiều trái tim đã khô cằn cạn kiệt sinh khí yêu thương, đời như đã hết.

Trong những tuyệt vọng nhất giữa cảnh lưu đầy với dân Do Thái bên Babylon vào cuối thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Ezekiel bỗng thấy được một thị kiến hồi sinh. Đâu là bí mật?

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền