Ngày 13-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa yêu trao tặng quá nhiều
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:29 13/03/2021
CHÚA YÊU TRAO TẶNG QUÁ NHIỀU

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.”- Đó là sứ điệp Tin Mừng tình thương và sự sống của Phúc Âm tuần này.

1. Thiên Chúa trao ban. Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu luôn thôi thúc người yêu tặng quà để chứng tỏ tình yêu. Tình yêu luôn đi liền với quà tặng. Yêu ít tặng ít, yêu nhiều tặng nhiều, yêu hết mình thì trao tặng tất cả. Vì yêu mà Thiên Chúa ban tặng Con Một cho nhân loại, và Người Con ấy lại ban tặng cả mạng sống để cứu độ. Sự trao tặng tất cả này diễn tả tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Chính khi Chúa yêu đến độ trao ban cả mạng sống thì là lúc tình yêu hóa thành bất tử như lời kinh Hòa Bình: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

2. Con người đón nhận. Quà tặng luôn cần người trao và người nhận. Thiên Chúa đã yêu thương tặng quà, con người cũng cần đón nhận bằng cách mở lòng tin yêu. Phải nhận ra tình yêu thì người ta mới nhận được hạnh phúc. Chúa ban tặng ân sủng, và con người phải thật lòng tin nhận thì mới được cứu độ, mới được sống muôn đời.

Đức tin đưa chúng ta vào liên hệ tình nghĩa gắn bó đến độ dám sống chết cho Chúa tựa như trong đời nhờ tin yêu mà người ta nên tình nghĩa vợ chồng gắn bó với nhau, hy sinh cho nhau. Vợ chồng coi nhau như những quà tặng quý giá Chúa trao ban cho mình thì gia đình hạnh phúc biết bao.

Và điều kì diệu là: khi yêu tặng quà người ta không thấy mất mát buồn bã, mà lại thấy hân hoan hạnh phúc. Quà tặng tình yêu hy sinh cứu độ hóa thành niềm vui sự sống muôn đời. Amen.

 
Cuộc Hành Hương Về Miền Ánh Sáng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
14:22 13/03/2021
Cuộc Hành Hương “Về Miền Ánh Sáng”

(Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm B 2021)

Đến Chúa Nhật thứ 4 này, có thể nói được, dân Chúa đã đi được một nửa đoạn đường Mùa Chay; nếu đem so sánh “40 ngày phụng vụ Mùa Chay” của Hội Thánh hôm nay với “40 năm trường hành về Đất Hứa” của dân Israel xưa, thì quả thật, đi được một “nửa đoạn đường” là một “thành công đáng để ăn mừng”. Riêng đối với các anh chị em dự tòng dọn mình lãnh các Bí Tích Khai Tâm, thì Chúa Nhật hôm nay sẽ cử hành “nghi lễ Khảo Hạch lần II”, hoàn tất một giai đoạn chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng bước vào thời điểm đón nhận các Bí Tích Gia Nhập Kitô giáo.

Phải chăng, chính trong những ý nghĩa trên mà phụng vụ Chúa Nhật hôm nay mang một sắc thái “vui mừng”; chẳng những được biểu lộ ngay trong “sắc hồng” nơi lễ phục của Chủ tế, mà còn bằng những lời hiệu triệu đầy hoan vui của Isaia trong bài Ca Nhập Lễ: “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở reo mừng và hân hoan tận tưởng nguồn an ủi chứa chan”.

Thế nhưng, để hiểu cho thật rõ ý nghĩa thâm sâu của niềm vui mà sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật hôm nay muốn chuyển tải, chắc chắn chúng ta phải nại đến các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố.

Trước hết, Lời Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta niềm vui ngút ngàn của dân Israel vào thời bị lưu đày bên Babylon. Làm sao không vui được, khi cả một dân tộc, vì những tội tầy trời như sách Sử Biên Niên quyển thứ hai kê khai: “tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem…; họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri…”, và đã bị Chúa đánh phạt te tua: “cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua…; họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường…”, nhưng rồi đã nhận được một tin vui ngút ngàn: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.

Từ thân phận của một “tội nhân bị kết án lưu đày” nơi quê xa đất khách đến địa vị của những “người con được đoàn tụ trở về” trong ngôi đền thờ nơi quê cha đất tổ làm sao chẳng mừng vui; từ cuộc sống tăm tối, nô lệ đầy thất vọng buồn tênh của những kẻ bị Thiên Chúa chối từ, đoán phạt…, đã quay sang cuộc đời bước đi trong ánh sáng đầy hy vọng của lòng xót thương và sự khoan dung tha thứ của Thiên Chúa, chắc chắn phải chìm ngập trong một niềm hoan hỉ lớn lao !

Và đó không là tiêu đích của Mùa Chay Kitô giáo đó sao? Mùa Chay của những con người cảm nhận thật rõ thân phận tội lỗi yếu hèn, tăm tối, cách xa… để hôm nay hoán cải trở về làm lại cuộc đời trong ánh sáng của ân sủng cứu độ. Riêng đối với các anh chị em dự tòng, cuộc “hoán cải đầu tiên” nầy để “đón nhận Tin Mừng”, để được bước vào con đường ánh sáng của niềm tin Kitô, chắc chắn phải rung lên trong tận cõi lòng một niềm vui sâu xa, đầy ắp.

Thế nhưng, câu chuyện “niềm vui trở về từ cuộc lưu đày Babylon” của dân Israel xưa, thật ra cũng chỉ là “hình bóng tiên trưng” để như ngón tay trỏ chỉ về một cuộc “hồi hương vĩ đại hơn”, một cuộc giải thoát đích thực hơn, trọn vẹn hơn, không phải bởi một “hoàng đế thuộc giới loài người như vua Cyro của Ba Tư”, mà là của một Đấng đến từ Thiên Chúa, đích thị là Con Một Thiên Chúa, như xác quyết của Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt”.

Nhưng để được “tin Người Con ấy” lại không là chuyện dễ dàng; nhất là khi “Người Con ấy” đã không chọn cho mình thân phận của một “hoàng đế uy phong quyền thế”, một lối “chấp chính đăng quang lẫm liệt oai hùng”; mà lại chọn con đường khổ nạn, chọn cái “Giờ” quá ư bạc bẽo, tầm thường để chấp chánh đăng quang: “Giờ” của một tội nhân, một “Ecce Homo” bị kết án tàn bạo trước toà Philatô; “Giờ” của một tên tử tội trần truồng bị treo trên thập giá !

Và đây chính là một “mạc khải lạ lùng” của Thiên Chúa, một “hành vi cắc cớ” của một Đấng quyền năng, một Đấng ưa chọn cái nhỏ bé, thấp hèn để làm nên chuyện lớn; chọn cái tội lỗi, tật nguyền, xấu hoắc… để làm nên tuyệt tác kỳ công; chọn mão gai, thập giá và cả cái chết tủi nhục để làm nên cuộc chiến thắng lẫy lừng của phục sinh vinh hiển… Thì ra, đây chẳng khác nào câu chuyện “con rắn đồng của Môsê trong hoang mạc thời “xuất hành về Đất hứa” mà chính Đức Kitô nhắc lại: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời”.

Hình tượng “con rắn trong sa mạc”, biểu tượng của tội lỗi và sự chết, so sánh với việc “Con Người được giương cao”, biểu tượng của Thập Giá tình yêu cứu độ, chính là hình ảnh làm nổi bật tính liên tục của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu ấy đã được khẳng định từ trong Cựu ước, theo thời gian, càng rõ nét, cuối cùng quy tụ cách mạnh mẽ, lớn lao nơi chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, và là Đấng “bị treo lên để kéo mọi sự lên với Ngài” (Ga 12,32).

Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (Ga 3, 15). Hình bóng cũ đã được hoàn tất bằng thực tại mới. Hình bóng cũ thoáng qua, thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (Dt 13, 8). Đó chính là chân lý mà thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô trong BĐ 2 hôm nay đã long trọng khẳng quyết: “Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi !”.

Chúa Kitô chấp nhận được “giương lên” như con rắn sa mạc để tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đã biến cây thập giá đau đớn, thất bại, tủi nhục, thành cây thánh giá vinh quang mang lại chiến thắng lẫy lừng, đem về hồng ân cứu độ. Quả thật, Thập giá chính là “địa chỉ” ghi đậm Tình Yêu của Chúa Cha hiến dâng Con Một và sự tỏ bày mạnh mẽ niềm vâng phục vẹn toàn thánh ý Chúa Cha của Đức Kitô.

Quả thật, lịch sử cứu rỗi đó chính là một bi kịch dài giữa “con rắn địa đàng” hay “con rắn lửa hoang mạc” biểu trưng của tội lỗi, chết chóc…, và “con rắn đồng của Môsê” dấu chỉ của tình thương chữa lành, tha thứ, cứu độ… Chính vì thế, trong Đêm vọng phục sinh, Hội Thánh đã công bố Tin mừng Phục sinh khi Ánh Nến phục sinh vừa bừng lên chiếu soi đêm tăm tối bằng những lời sống động:

“Ôi ! Tội A-đam quả là cần thiết,

Tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô.

Ôi ! Tội đã hóa thành hồng phúc,

Nhờ tội chúng con mới có được

Đấng Cứu Tinh cao cả dường nầy ! (Exultet).

Thì ra, câu chuyện mà Lời Chúa muốn kể cho chúng ta trong Chúa Nhật 4 Mùa Chay (Năm B) nầy lại là câu “chuyện tình mang tính biện chứng” trong “trường ca Cứu Độ” mà các cặp đôi liên luôn liền kề: YÊU THƯƠNG–PHẢN BỘI; SÁM HỐI–THỨ THA; SA NGÖCỨU ĐỘ…; và dĩ nhiên, đích điểm hay kết luận cuối cùng đó vẫn là “ánh sáng cứu độ sẽ tràn ngập trên mỗi thân phận người và trên toàn thế giới”, như đã tràn ngập tâm hồn của một Nicôđêmô trong cuộc đàm thoại ban đêm với Chúa Kitô, và của tất cả những ai chấp nhận từ bỏ bóng tối của lầm lạc, tội lỗi… để đến với Đấng là “đường, chân lý, sự sống”, Đấng đã từng khẳng định với Nicôđêmô ngày xưa: “ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Và như thế, hành trình của đoạn đường Mùa Chay còn lại của chúng ta hay của các anh chị em dự tòng lại là cuộc thể hiện một đức tin nhập cuộc, cùng với toàn dân Chúa, lên đường đổi mới cuộc sống, lên đường làm cuộc hành hương về miền ánh sáng, lên đường tái thiết “đền thờ Giêrusalem” là chính tâm hồn mình, cuộc sống mình, gia đình mình, Hội Thánh mình… để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị. Vâng, tiếng gọi của Mùa chay hôm nay đó chính là tiếng gọi của Vua Cyrô năm nào trên đoàn dân Israel lưu đầy nơi đất khách Babylon: “Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa… hãy tiến lên”!”. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 13/03/2021

46. Trong khi phạm tội thì hy vọng có cơ hội được cứu, chẳng qua đó chỉ là hy vọng hảo huyền.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 13/03/2021
88. BÓI TOÁN RẤT DỄ

Có con trai của người bói toán không thích kế tục nghề bói toán của phụ thân, người bói toán rất giận dữ, nên càng trách mắng.

Con trai nói:

- “Thứ trò chơi dối người ấy ai lại không biết?”

Qua ngày hôm sau có người đội mưa đến nhà xin bói toán, người bói toán nói với con trai:

- “Mày nói bói toán dễ, vậy thì bói cho ông ta đi !”

Đứa con trai đến trước mặt người xin coi bói toán hỏi:

- “Ông là người từ hướng đông đến phải không?”

Người ấy trả lời:

- “Phải”

- “Ông họ Trương phải không?”

- “Phải”

- “Vợ ông nói ông đến coi bói toán phải không?”

“Phải !”


Sau khi người ấy đi khỏi, người bói toán rất kinh ngạc hỏi con trai:

- “Mày làm sao mà biết mấy chuyện ấy?”

Con trai trả lời:

- “Hôm nay có gió đông bắc, người ấy từ hướng tây mà đến, trên vai đều có ướt, đó là con phải suy đoán mới biết. Trên cái cán dù của người ấy khắc rõ chữ “Thanh Hà trấn”, mà người ở Thanh Hà trấn đều là họ Trương, hơn nữa mưa lớn như thế này, ông ta không vì vợ thì dám vì ba mẹ ông ta mà đi sao?”

(Tiếu Tán)

Suy tư 88:

Coi bói toán thật dễ nếu người ta có chút kiến thức và có tính nhạy bén trong cuộc sống, bởi vì có rất nhiều người làm nghề bói toán nhưng không bói cho mình được một quẻ tốt xấu ra sao, và cũng có rất nhiều người bỏ rất nhiều tiền đi coi bói, nhưng vận rủi vẫn cứ như…oan hồn đi kè kè bên họ…

Đứa con trai đã “ngộ” ra được coi bói toán là thứ trò dối người nên không thèm học.

Người Ki-tô hữu tin vào bói toán là người mê tín dị đoan và là người bị lung lạc đức tin, những người này chỉ có một phần mười tin vào Thiên Chúa, chín phần mười thì tin vào ma quỷ và tin vào lời bói của ông thầy bói toán, họ chưa “ngộ” ra được mình đang đi trong cõi mê muội bóng tối, mặc dù họ đã được ánh sáng Lời Chúa soi dọi.

Tai hại thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Hai 15/3: Đức tin: điều cần thiết để được chữa lành - Suy Niệm của linh mục Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
23:27 13/03/2021


Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 14-March-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 4, 43-54

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ. Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về. Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

Ðó là lời Chúa.
 
Khẳng định của mọi khẳng định
Lm. Minh Anh
23:28 13/03/2021
KHẲNG ĐỊNH CỦA MỌI KHẲNG ĐỊNH
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Kính thưa Anh Chị em,

Có thể nói, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nổi bật với khẳng định của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Đây là một ‘khẳng định của mọi khẳng định’; vì lẽ, “Ga 3, 16” là Tin Mừng rút gọn như muốn hét lên, như muốn thổ lộ những lời dỗ dành ngon ngọt hầu rót vào tim con người một sứ điệp duy nhất: Thiên Chúa quá yêu thương nó.

Có đến bốn chân lý căn bản mà chúng ta có thể rút ra với sự soi sáng của Lời Chúa hôm nay.Trước hết, “Thiên Chúa đã yêu thế gian”. Thiên Chúa yêu con người; chúng ta biết điều này nhưng sẽ không bao giờ hiểu hết chiều kích sâu thẳm trong tình yêu của Người. Người là Cha yêu thương chúng ta bằng một tình yêu lớn lao và trọn vẹn, một tình yêu trổi vượt hơn bất cứ tình yêu nào mà chúng ta có thể trải nghiệm trong đời. Tình yêu của Người thật hoàn hảo; đó là tình yêu của một Thiên Chúa từ bi, khoan dung và nhẫn nại. Sách Sử Biên Niên hôm nay viết, “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung”; nhưng “Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân và đền thờ của Người”.

Thứ hai, “Đã ban Con Một”. Tình yêu Chúa Cha thể hiện qua việc tặng trao Con Một là Chúa Giêsu Kitô cho thế gian. Con Một có nghĩa là tất cả đối với Cha; quà tặng Giêsu được ban, nghĩa là Chúa Cha ban cho chúng ta tất cả; qua đó, Thiên Chúa ban sự sống thần linh cho chúng ta. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả, Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta chết, thì Người làm cho sống lại trong Đức Kitô”.

Thứ ba, “Để ai tin vào Con của Người”. Phản ứng thích hợp duy nhất chúng ta có thể thực hiện đối với quà tặng Giêsu chính là tin. Tin vào quyền năng biến đổi của việc đón nhận Giêsu vào đời sống mình; tin rằng, quà tặng Giêsu mang đến vô vàn ân phúc; Thánh Phaolô nói, “Trong Ngài, chúng ta lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác”; nhất là ân sủng của Thánh Thần vốn biến đổi để chúng ta nên thánh mỗi ngày. Đón nhận Con Thiên Chúa đi vào cuộc đời mình, chúng ta tin tưởng vào sứ mệnh của Ngài, lắng nghe Lời Ngài, sống Lời Ngài và nên giống Ngài.

Thứ tư, “Không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Kết quả của việc đón nhận Chúa Giêsu và dâng mạng sống mình cho Ngài là chúng ta trở nên một tạo vật mới; sống sự sống mới trong Ngài; không còn chết trong tội lỗi nhưng sống đời sống vĩnh cửu không chỉ mai ngày nhưng ngay hôm nay. Như thế, để được rỗi, không cách nào khác ngoài việc tin nhận Chúa Con. Chúng ta nhận biết, tin yêu, chấp nhận và đón nhận sự thật này như một ‘khẳng định của mọi khẳng định’.

Lần đầu tiên, Tin Mừng du nhập vào Nhật nhờ một phần Thánh Kinh trôi dạt vào bờ, được một bậc vị vọng vớt lên, ông tò mò đọc; sau đó, ông được tặng một cuốn Thánh Kinh và được các nhà truyền giáo hướng dẫn; Tin Mừng đã đến Nhật như thế! Khi hoàng hậu Hàn Quốc mất đi đứa con nhỏ của mình, một nữ tỳ đã nói với bà về thiên đàng, nơi đứa trẻ đã đi, và Đấng Cứu Độ sẽ đưa bà đến đó; Tin Mừng đến Hàn Quốc bởi một nô tỳ! Sự thành công của việc truyền giáo ở Telugu, Ấn Độ, phụ thuộc một phần vào John Cloud, một kỹ sư xây kênh đào trong thời kỳ đói kém, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động mà ông đã rao giảng hàng ngày với vỏn vẹn một câu “Ga 3, 16”, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Kết quả là 10.000 người đã được rửa tội trong một năm!

Anh Chị em,

Những ngày Mùa Chay, chúng ta đọc lại và thưởng thức từng lời, từng chữ khẳng định này, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi hư mất, nhưng được sống đời đời”. Đây là toàn bộ lẽ thật về một Thiên Chúa yêu thương ngàn đời, Đấng không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không yêu, không cứu, không xót thương. Một điều Người mong chờ chúng ta, là nhìn lên Thánh Giá, nơi Con của Người bị treo lên, mà tin rằng Người hằng yêu thương, mãi mãi yêu thương, một ‘khẳng định của mọi khẳng định’ không bao giờ phai nhoà.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin gia tăng tình yêu và niềm tin của con vào Chúa, hầu con không hư mất nhưng được sống đời đời, vì đó là một ‘khẳng định của mọi khẳng định’ Chúa hứa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của ĐTGM Rodolfo Weber của Passo Fundo về trường hợp Cha Elizeu Lisboa Moreira
Đặng Tự Do
05:08 13/03/2021


Một linh mục đã bị bắt ở Brazil sau khi cầm một cây súng giả đi cướp hai cửa hàng tạp hóa và một hiệu thuốc trong một vụ phạm tội kéo dài một giờ vào hôm 2 tháng Ba vừa qua tại thủ phủ Passo Fundo của bang Rio Grande do Sul.

Cha Elizeu Lisboa Moreira, 27 tuổi, đã là một linh mục ở thành phố Tapejara, gần Passo Fundo, kể từ khi ngài được thụ phong vào tháng 8 năm 2019. Từ khi đại dịch coronavirus, chứng kiến quá nhiều cái chết của người thân, ngài mắc một chứng bệnh tâm thần và phải thường xuyên dùng thuốc.

Tuy nhiên, ba tuần trước khi xảy ra vấn đề, Cha Moreira đã tự động ngưng dùng thuốc vì chủ quan cho rằng mình đã khỏi bệnh. Hôm 2 tháng Ba, ngài đã đến Passo Fundo để dự tang lễ của em gái bạn mình, chứng kiến cái chết này đã khiến cơn bệnh tái phát.

Những hành vi của Cha Moreira đã bị camera an ninh ghi lại. Ngài đội chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ, và đã thực hiện cùng một cách trong cả ba vụ cướp. Đầu tiên, ngài chọn một số mặt hàng trong cửa tiệm, đưa chúng đến quầy thu ngân. Chĩa cây súng giả vào nhân viên, ngài lấy hết tiền trong quầy thu ngân rồi bỏ đi. Tổng cộng, ngài cướp đi 650 Real, tức là khoảng 115 Mỹ Kim.

Ba cuộc tấn công diễn ra từ 5 giờ chiều đến 6 giờ chiều. Những người chủ cửa hàng đã báo cáo với cảnh sát, họ đã chặn được vị linh mục đang lái một chiếc xe Hyundai IX35, với bảng số xe thuộc tổng giáo phận Passo Fundo. Để tránh những vấn đề phức tạp hơn nữa, cảnh sát đã giam giữ ngài.

Trong một video, Đức Tổng Giám Mục Rodolfo Weber của Passo Fundo đã đề cập đến thảm kịch này như sau:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang sống trong một thời gian đầy thử thách đối với tất cả chúng ta. Và do đó, một thực tại đang tác động và gây hoang mang cho tất cả chúng ta cũng như cho các công việc của Giáo Hội và toàn thể xã hội là những vụ cướp do linh mục Moreira thực hiện. Sự kiện này gây sốc và thu hút sự chú ý của xã hội. Tôi cảm thấy rất buồn và suy nghĩ về sự kiện đó rất nhiều.

Năm ngoái, vị tổng đại diện giáo phận, là người đã hướng dẫn ngài trong những năm ngài được đào tạo thành linh mục, nhận thấy rằng ngài có những hành vi lạ lùng và thúc giục ngài tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Và ngài đã làm theo lời khuyên này. Ngài bắt đầu điều trị tâm thần. Nhưng ngài đã ngừng uống thuốc ba tuần trước.

Giáo hội có giáo luật, luật này phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Bước đầu tiên là ngưng các thừa tác vụ của ngài như một biện pháp ad cautelam, nghĩa là biện pháp thận trọng. Biện pháp này có mục tiêu bảo vệ ngài như một linh mục, một người của công chúng, và một con người. Sẽ có một phiên tòa giáo luật. Chúng tôi không biết mọi thứ sẽ phát triển như thế nào. Hiện tại có một vết sẹo sâu và ngài sẽ cần phải làm việc rất kiên nhẫn để chữa lành nó.

Cần phải tạo ra bầu không khí thuận lợi để phân định. Khi một điều gì đó rất nghiêm trọng xảy ra trong cuộc đời của một linh mục, chúng ta không thể vội vàng làm mọi việc. Thời gian sẽ giúp phân định và chữa lành.

Khi có một vụ tai tiếng trong Giáo hội, luôn có xu hướng phổ biến nó rất ồn ào trên các phương tiện truyền thông với những lời kết án. Tôi không nói rằng vụ này không phải là một tai tiếng, nhưng gần như có một chấn động tập thể trong một thời điểm như thế này.

Tôi xin anh chị em cầu nguyện thêm cho ngài trong những chuỗi ngày khó khăn sắp tới.

Luật sư Maura Leitzke của Cha Moreira đã đến thăm ngài trong tù một ngày sau khi ngài bị bắt. Cô nói trong một video rằng ngài không biết mình đang làm gì khi cướp các cửa hàng.

“Ngài nói với tôi rằng đến sáng hôm nay ngài mới nhận ra hậu quả những gì ngài đã làm và yêu cầu tôi xin lỗi các nạn nhân.”

Cô nói rằng những người gặp ngài hàng ngày nói với cô rằng ngài trông trầm lặng hơn và nhìn lơ đãng trong vài ngày qua.

Leitzke cho biết cô đã nói chuyện với các nhà tâm lý học trong tù, và “họ xác nhận rằng ngài bị khủng hoảng tâm thần và không biết mình đang làm gì. Tôi đang chuẩn bị một đơn kiện pháp lý mới để đưa ngài ra khỏi tù dựa trên lời khai của họ”.

“Vào tháng 9 năm 2020, ngài bắt đầu điều trị tâm thần bằng một chất có kiểm soát. Vào tháng 12, ngài đã trải qua một cuộc đánh giá mới và được yêu cầu tiếp tục uống thuốc. Nhưng ba tuần trước, ngài đã quyết định ngừng dùng chúng,” cô luật sư nói.

“Những người biết ngài nhận xét rằng ngài là một người chu đáo và yêu thương. Nhưng một phần xã hội đã lên án ngài. Một số người nghĩ rằng một linh mục không thể mắc sai lầm, rằng một linh mục không thể có vấn đề,” cô nói.

Diễn biến mới nhất là vào ngày 11 tháng Ba, ngài đã được chuyển đến một bệnh viện tâm thần cách đó 288km. Luật sư Leitzke cho biết các cáo buộc hình sự có thể sẽ được bãi bỏ.
Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép bức tượng Đức Mẹ bị quân khủng bố Hồi Giáo IS xúc phạm
Đặng Tự Do
15:49 13/03/2021


Một bức tượng của Đức Trinh nữ Maria từng bị Nhà nước Hồi giáo xúc phạm đã có mặt trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Erbil hôm Chúa Nhật tuần qua.

Bức tượng bị chặt đầu, và bàn tay bị cắt đứt, trước đây được đạt trong nhà thờ Thánh Adday ở Karemlesh, một thị trấn toàn tòng Kitô Giáo nằm cách Mosul 28km về phía Đông.

Bức tượng đã được phục hồi một phần; đầu bức tượng đã được thay thế, mặc dù hai bàn tay thì chưa làm xong.

Phát biểu ngày 7 tháng 3 với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Cha Thabet Habeb, Cha sở của giáo xứ Thánh Adday, kể lại rằng lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của Đức Trinh Nữ bị chặt đầu, ngài đã trải qua “một cảm giác rất buồn, vì tôi thấy nhà thờ của mình hoang tàn, bức tượng cùng với bao nhiêu thứ khác bị phá phách. Chúng tôi đã cầu nguyện trước bức tượng Đức Trinh Nữ này trong nhiều năm mà nay bức tượng đã bị phá hủy. Bức tượng là một điều gì đó rất quan trọng đối với giáo xứ, đối với nhà thờ của chúng tôi”.

Cha Habeb cho biết bức tượng “sẽ trở lại Karemlesh và sẽ ở trong nhà thờ của chúng tôi khi chúng tôi trở về”.

Vị linh mục hy vọng rằng kết quả của chuyến thăm Iraq của Đức Thánh Cha là chính phủ và thế giới sẽ nhìn vào “Giáo Hội tử đạo này, và thấy rằng Giáo Hội phải được trợ giúp để có thể tiếp tục mang đến ánh sáng Tin Mừng”.

Nhà nước Hồi giáo tràn qua các vùng đất rộng lớn ở Syria và Iraq vào năm 2014, đưa ra tối hậu thư cho các gia đình Kitô hữu và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác – là phải chuyển sang đạo Hồi, hoặc phải chết hoặc phải ra đi.

Vào năm 2017, đồng bằng Ninivê đã được giải phóng khỏi sự cai trị của Nhà nước Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency
 
Tối Cao Pháp Viện quy định các quan chức chính phủ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vi phạm tự do tôn giáo
Đặng Tự Do
15:50 13/03/2021


Hôm thứ hai, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết rằng các quan chức chính phủ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vi phạm tự do tôn giáo.

Trong vụ kiện Uzuegbunam kiện Preczewski, với tỷ số áp đảo 8 trên 1, Tối Cao Pháp Viện phán quyết rằng một sinh viên đại học bị hạn chế và có lúc bị cấm truyền giảng Tin Mừng trong khuôn viên trường đại học công lập có thể kiện các quan chức nhà trường về những thiệt hại về mặt danh nghĩa, vì họ đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của anh ta.

Thẩm phán Clarence Thomas là tác giả của ý kiến đa số, trong khi Chánh án John Roberts là người duy nhất phản đối.

Nhóm Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, là tổ chức khởi kiện các vụ việc nhân danh tự do tôn giáo, đã hoan nghênh phán quyết của tòa án.

“Khi các quan chức chính phủ tham gia vào các hành vi sai trái mà không bị hậu quả nào, thì điều đó khiến nạn nhân mất quyền truy tố, làm xói mòn cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ các quyền hiến pháp và khuyến khích chính phủ tham gia vào các vi phạm trong tương lai,” Kristen Wagoner, tổng cố vấn của ADF nói.

“Chúng tôi rất vui mừng khi Tòa án Tối cao đã cân nhắc đứng về phía công lý cho những nạn nhân”, Wagoner nói.

Vụ việc liên quan đến Chike Uzuegbunam, một tín hữu Tin lành, khi đang theo học tại Georgia Gwinnett College vào năm 2016, đã tìm cách truyền giáo cho các sinh viên khác. Nhà trường có một chính sách nghiêm ngặt giới hạn nơi anh ta có thể truyền giáo và thời điểm anh ta có thể làm như vậy.

Ngay cả sau khi xin được giấy phép truyền giáo, anh đã bị ra lệnh dừng lại, vì nhà trường nói là các sinh viên khác phàn nàn. Khi anh khởi kiện các quan chức trường đại học đứng sau chính sách này, thì họ đã thay đổi chính sách và cho rằng vụ việc hiện đã được giải quyết.

Tuy nhiên, Uzuegbunam vẫn đòi bồi thường thiệt hại danh nghĩa cho những vi phạm quyền của mình. Tòa án đã phán quyết có lợi cho anh ta vào thứ Hai.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện không chỉ có lợi cho người sinh viên Tin lành này. Nó còn có tác dụng chặn đứng các cách hành xử chèn ép các tôn giáo đã rộ lên từ khi xảy ra đại dịch coronavirus.

Tại California, trong khi bao nhiêu người vào một siêu thị cũng được thì chỉ được một người vào cầu nguyện trong các nhà thờ rộng mênh mông.
Source:Catholic News Agency
 
Người Thụy Sĩ đồng ý cấm phụ nữ mặc burqa Hồi Giáo
Đặng Tự Do
15:51 13/03/2021


Một đề xuất cực hữu nhằm cấm che mặt ở Thụy Sĩ đã giành được chiến thắng sít sao trong một cuộc trưng cầu dân ý vào hôm Chúa Nhật.

Các kết quả chính thức tạm thời cho thấy biện pháp sửa đổi hiến pháp Thụy Sĩ được thông qua với biên độ 51.2% phiếu thuận và -48.8% phiếu chống.

Đề xuất theo hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ không đề cập trực tiếp đến đạo Hồi, và thực ra cũng nhằm mục đích ngăn chặn những người biểu tình bạo lực trên đường phố đeo mặt nạ, tuy nhiên các chính trị gia địa phương, truyền thông và các nhà vận động đã gọi đó là lệnh cấm burqa.

“Ở Thụy Sĩ, truyền thống của chúng tôi là bạn thể hiện khuôn mặt của mình. Đó là dấu hiệu cho thấy các quyền tự do cơ bản của chúng tôi”, Walter Wobmann, chủ tịch ủy ban trưng cầu dân ý và là thành viên quốc hội của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ, đã nói trước cuộc bỏ phiếu.

Ông nói: “Che mặt là biểu tượng cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng trở nên nổi bật ở Âu Châu và không có chỗ đứng ở Thụy Sĩ”.

Các nhóm Hồi giáo đã lên án cuộc bỏ phiếu và nói rằng họ sẽ thách thức nó.

“Quyết định của ngày hôm nay mở ra những vết thương cũ, mở rộng hơn nữa nguyên tắc bất bình đẳng pháp lý và gửi một tín hiệu rõ ràng về sự loại trừ đối với thiểu số Hồi giáo,” Hội đồng Trung tâm của người Hồi giáo ở Thụy Sĩ cho biết.

Họ thề sẽ đưa ra những thách thức pháp lý đối với luật này và tổ chức gây quỹ để giúp đỡ những phụ nữ bị phạt.

Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ cho biết: “Việc áp dụng các quy định về trang phục trong hiến pháp không phải là một cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ mà là một bước lùi vào quá khứ”, Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ đưa ra lập trường trên, đồng thời bổ sung thêm các giá trị trung lập, khoan dung và xây dựng hòa bình của Thụy Sĩ trong cuộc tranh luận.

Pháp đã cấm đeo khăn che mặt nơi công cộng vào năm 2011 và Đan Mạch, Áo, Hà Lan và Bulgaria có lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần đối với việc đeo khăn che mặt nơi công cộng.
Source:Reuters
 
Cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa nữ quyền vào nhà thờ ở Oaxaca
Đặng Tự Do
15:51 13/03/2021


Một nhóm nữ quyền tham gia cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ ở thành phố Oaxaca hôm Chúa Nhật 7 tháng Ba đã tấn công nhà thờ hai thánh Cosmas và Damian, cũng như các tòa nhà khác, cả công cộng lẫn tư nhân.

Là một phần của cuộc biểu tình được tổ chức ở Mexico cho Ngày Quốc tế Phụ nữ, những người phụ nữ đeo mặt nạ được trang bị gậy gộc đã phá cửa ngoài nhà thờ hai thánh Cosmas và Damian, đập vỡ cửa sổ, xâm nhập vào bên trong vẽ những hình vẽ dâm dục lên tường nhà thờ, phá hủy tủ kính, cửa sổ, băng ghế dài và tòa giải tội.

Một bức tượng của Thánh Thánh Giuđa Tađêô cũng bị phá hủy, và một trong những băng ghế đã bị hư hại và bị ném ra đường.

Trong cuộc tuần hành qua thành phố, chúng cũng cũng tấn công nhà thờ chính tòa Oaxaca, Bộ Y tế của tiểu bang, và các tòa nhà tư nhân và công cộng khác.

Ngày quốc tế phụ nữ đã được biến một cách tinh ranh thành ngày tấn công vào các nhà thờ để đòi hỏi cái gọi là quyền phá thai và hô hào cổ võ cho trào lưu đồng tính.

Tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, những người biểu tình sau đó đã tuần hành qua trung tâm thành phố đến trụ sở của đảng Đảng Công lý và Pháp luật đang cầm quyền với các biển hiệu của nhóm phụ nữ phò phá thai và cờ cầu vồng ủng hộ quyền của người LGBT. Giống như trong các cuộc biểu tình năm ngoái, họ bất chấp lệnh cấm tụ tập vì đại dịch của chính quyền Ba Lan.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Kurt Koch ủng hộ ý tưởng ngày lễ Phục sinh chung cho người Công Giáo và Chính thống giáo
Đặng Tự Do
17:11 13/03/2021
Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô Giáo, đã ủng hộ một đề xuất rằng Công Giáo và Chính thống giáo làm việc với nhau để thống nhất cử hành Lễ Phục sinh vào một ngày chung.

Một đại diện của Tòa Thượng phụ Constantinople thuộc Hội đồng các Giáo hội Thế giới, gọi tắt là WCC, cho biết một ngày Lễ Phục sinh chung có thể là một dấu chỉ khích lệ cho phong trào đại kết.

Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo Job Getcha của Telmessos gợi ý rằng năm 2025, kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên Nicê, sẽ là một năm tốt để giới thiệu việc cải cách lịch này.

Phát biểu với hãng thông tấn Thụy Sĩ Kath.ch, Đức Hồng Y Kurt Koch hoan nghênh đề xuất này, và nói rằng kỷ niệm Công đồng Nicê là “một cơ hội tốt” cho sự thay đổi này.

Công Đồng đầu tiên tại Nicê, được tổ chức vào năm 325, đã quyết định rằng Lễ Phục sinh sẽ được cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau khi trăng tròn sau khi bắt đầu mùa xuân, lấy ngày sớm nhất có thể cho Lễ Phục sinh là ngày 22 tháng 3 và muộn nhất có thể là ngày 25 tháng 4.

Ngày nay, các Kitô hữu Chính thống sử dụng lịch Julian để tính ngày Phục sinh thay vì lịch Gregoriô, được giới thiệu vào năm 1582 và được hầu hết thế giới sử dụng. Bởi vì lịch Julian tính một năm dài hơn một chút, lịch này hiện chậm hơn 13 ngày so với lịch Gregoriô.

Đức Hồng Y Koch nói “Tôi hoan nghênh động thái của Đức Tổng Giám Mục Job của Telmessos” và “Tôi hy vọng rằng nó sẽ nhận được được một phản ứng tích cực.”

“Sẽ không dễ dàng để thống nhất về một ngày lễ Phục sinh chung, nhưng đó là điều rất đáng làm,” ngài nói. “Ước mơ này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Tawadros của Coptic ấp ủ.”

Đức Cha Getcha lưu ý rằng ngay từ năm 1997, WCC đã tổ chức một cuộc tham vấn để thảo luận về một ngày lễ Phục sinh chung cho người Công Giáo và Chính thống giáo. Vào thời điểm đó, WCC đã được quyết định giữ nguyên các tiêu chuẩn do Công Đồng Nicê thiết lập.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli Nguyên Đại Diện Không Thường Trú ở Việt Nam, được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Ấn Độ
Thanh Quảng sdb
17:34 13/03/2021


Đức Tổng Giám Mục Girelli được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Ấn Độ thay thế Đức Tổng Giám Mục Giambattista Diquattro, người được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên chuyển tới Brazil ngày 21 tháng 8 năm 2020.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy (13/3/2021) đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli làm Sứ thần Tòa thánh tại Ấn Độ. Vị Sứ thần người Ý 67 tuổi này cho tới nay hiện là Sứ thần Tòa thánh tại Israel và Cyprus, và Đại sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine.

Trách nhiệm mới của Đức Tổng Giám Mục Girelli, người đã từng phục vụ trong một số phái bộ ngoại giao của Tòa Thánh ở châu Á, sửa soạn bước sang tuổi 68.

ĐTGM Leopoldo Girelli sinh ngày 13 tháng 3 năm 1953 tại Predore, Bergamo thuộc vùng Lombardy, bắc nước Ý, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 6 năm 1978 cho Giáo phận Bergamo. Ngài có bằng tiến sĩ thần học và bằng thạc sĩ về giáo luật.

Ngài gia nhập cơ quan ngoại giao của Tòa thánh vào ngày 13 tháng 7 năm 1987, và làm việc trong các phái đoàn Ngoại giao của Giáo hoàng tại Cameroon, New Zealand và tại Bộ phận phụ trách các vấn đề chung của Bộ Ngoại giao Vatican, và cuối cùng là tại Tòa Khâm sứ tại Hoa Kỳ, nơi ngài giữ chức Tham tán.

Khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia vào ngày 13 tháng 4 năm 2006, ngài được phong làm Tổng giám mục ngày 17 tháng 6 năm 2006.

Sau đó, vào ngày 10 tháng 10 năm 2006, Ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Đông Timor. Ngày 13 tháng 1 năm 2011, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, Đại sứ Tòa thánh tại Malaysia và Brunei, và Nguyên Đại Diện Không Thường Trú tại Việt Nam. Ngài cũng được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 18 tháng 6 năm 2011.

Vào ngày 13 tháng 9 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Ngài làm Sứ thần Tòa thánh tại Israel và Khâm sứ Tòa thánh tại Jerusalem và Palestine. Hai ngày sau, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Síp. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ĐTGM còn nói được tiếng Anh và tiếng Pháp.
 
Phò phá thai là phò chủ nghĩa duy khả năng
Vũ Văn An
19:29 13/03/2021

Lauren Pope là một nhà văn tự do và là bà mẹ 6 con, dạy học tại nhà. Khi không viết hoặc dạy trẻ nhỏ cách viết, bà thích nói chuyện với tất cả những ai chịu lắng nghe về sự cần thiết của Đạo đức Sống Nhất quán (Consistent Life Ethic). Trên The Catholic Herald ngày 11 tháng 3 năm 2021, bà có bài viết về bộ mặt thực của phong trào phò phá thai: chủ nghĩa duy khả năng (ableism). Nguyên văn xem tại Catholicherald.co.uk/the-pro-choicers-coded-defense-of-ableism:



Phần lớn cuộc trò chuyện về phá thai, và đặc biệt về phá thai ở thai kỳ cuối, thực sự là việc bảo vệ dấu mặt cho chủ nghĩa duy khả năng (ableism).

Khi bạn nhận được một chẩn đoán không tốt trước khi sinh (như tôi đã nhận được), các bác sĩ thường nói với bạn về những đau khổ khôn cùng mà con bạn sẽ phải trải qua nếu nó sống sót. Họ vẽ ra viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Đối với đứa con của tôi, đó là phổi kém phát triển, chân tay bị vẹo, bại não và “khuyết tật phát triển” ngu ngốc. Một số tiên lượng trong số này là chính xác, nhưng các tiên lượng khác thì không, nhưng chúng đã được trình bày với tôi một cách hoàn toàn chắc chắn và hoàn toàn vô vọng.

Tôi được cái may là các bác sĩ của tôi đã không lải nhải về những rủi ro này và nhanh chóng chuyển qua chuyện khác khi tôi nói với họ rằng tôi hiểu, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Tôi đã từng chứng kiến vô số phụ nữ mà bác sĩ của họ đã gây chuyển dạ sau một biến cố đáng lo ngại trước khi sinh mà không trình bày các phương án thay thế. Một số bác sĩ có thể đưa ra phương án tiếp tục mang thai, nhưng sau đó cảm thấy tội lỗi và đã thúc đẩy các cha mẹ phải xấu hổ vì đã không dám “ngăn chặn đau khổ”. Như thể một điều như vậy thậm chí có thể xẩy ra.

Bằng cách xác định rằng một số cuộc sống không đáng sống, chúng ta nói với những người sống sót những điều kiện như vậy rằng tốt hơn họ nên chết đi.

Chúng ta nói với họ rằng chúng ta coi họ là gánh nặng còn bản thân chúng ta là thương xót muốn giúp họ chấm dứt “sự khốn khổ” của họ. Việc tìm kiếm các dịch vụ dành cho người khuyết tật trở nên khó khăn hơn và một cuộc chiến khó khăn hơn trong việc tiếp cận các cơ sở cho phép người khuyết tật có cuộc sống độc lập hơn.

Sự tàn ác đội lốt Cảm thương

Đó không phải là lòng cảm thương. Đó là sự tàn ác. Chúng ta đang nói với người ta rằng cuộc sống của họ không có giá trị. Bạn của tôi, Beth Fox, đã có một bài phát biểu tuyệt vời tại hội nghị quốc tế về Tái nhân hóa (rehumanize) (bài nói chuyện của chị ấy bắt đầu ở phút thứ hai mươi hai), nhưng một câu nói thực sự nổi bật đối với tôi. Chị ấy nói: “Họ hỏi,‘Ai muốn sống như vậy?’ Tôi! Tôi sẽ sống như thế!"

Những khuyết tật của chị ấy được phát hiện trước khi chị được sinh ra và các bác sĩ của mẹ chị nghĩ rằng chị sẽ không thể sống sót cho đến khi sinh. Và nếu chị ấy có sống sót đi nữa, thì cuộc sống của chị ấy cũng sẽ thật khốn khổ. Họ thúc giục mẹ chị phá thai chị. Beth cho hay, “Về phẩm chất cuộc sống, họ không thể sai lầm hơn thế. Cuộc đời của tôi có rất nhiều điều đáng sống. Và mỗi ngày tôi đều biết ơn mẹ tôi đã có đủ sức mạnh và can đảm để nói với các bác sĩ rằng phá thai không phải là lựa chọn của bà, rằng bà muốn chiến đấu vì tôi và cho tôi cơ hội chiến đấu".

Cuộc sống của chị ấy hiện vẫn là một cuộc chiến đấu. “Nhưng tôi không tin rằng mình bị khuyết tật nặng nề. Tôi tin rằng tôi có những thách thức, nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có những thách thức”. Một người bạn không thể làm toán, nhưng cô ấy thích toán. “Tôi gặp khó khăn khi leo cầu thang. Bạn có thể leo cầu thang, nhưng bạn không thể làm toán. Tôi có thể làm toán, nhưng tôi không thể leo cầu thang. Đối với tôi, tất cả đều giống nhau".

Dối trá phá thai

Thay vì lắng nghe những người trong cộng đồng khuyết tật vốn lớn tiếng khẳng định rằng họ thấy cuộc sống của họ tràn đầy tình yêu thương, tốt đẹp và hy vọng, thì phe phò phá thai lại thúc đẩy sự dối trá cho rằng một số người thà chết còn hơn. Họ coi là tiến bộ việc "ngăn ngừa" khuyết tật bằng cách giết người khuyết tật trước khi họ được sinh ra. Xem ra họ không biết rằng làm thế là làm cho thế giới của chúng ta trở nên u ám xiết bao.

Khi các nhà hoạt động cho người khuyết tật vạch trần cách xảo quyết mà việc phá thai gây hại cho người khuyết tật, họ thường bị coi thường và bị coi là con nít. Những người sống với những điều kiện bị coi là lý do “cần” phải phá thai không được coi là chuyên gia về tình trạng của họ. Kinh nghiệm sống không có ý nghĩa gì đối với một xã hội muốn người khuyết tật biến mất hơn là lớn tiếng về cuộc sống của họ.

Chính sự hiện hữu của người khuyết tật và đa dạng thần kinh là một lời kêu gọi tất cả chúng ta tạo nên một thế giới bao gồm hơn. Thay vì thừa nhận thách thức đó và làm việc để cải thiện thế giới cho mọi cư dân của nó, nhóm vận động hành lang phá thai lại tìm cách bịt miệng những tiếng nói khuyết tật bằng cách ngăn không cho họ sinh ra.

Xã hội phải ngừng ra lệnh cho những gì tạo nên một cuộc sống xứng đáng và nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người. Khuyết tật không tước bỏ nhân tính của chúng ta.
 
Tại cột mốc 8 năm, liệu Đức Phanxicô có nên hạ thấp nhiệt độ hay không?
Vũ Văn An
22:20 13/03/2021

Thứ bẩy, ngày 13 tháng 3 là kỷ niệm đúng 8 năm từ ngày Đức Phanxicô lên ngôi Giáo Hoàng. Nhân dịp này, nhà bào John Allen, trên tờ Crux, có bài nói đến chiến lược "hạ thấp nhiệt độ" của Joe Biden, một chiến lược xem ra thành công, ngược hẳn chiến lược của người tiền nhiệm và theo ông, Đức Phanxicô cũng nên theo cùng một chiến lược như thế. Nguyên văn xin xem tại https://cruxnow.com/news-analysis/2021/03/at-his-eight-year-mark-will-francis-try-turning-down-the-temperature/



Hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký kế hoạch cứu trợ Coronavirus trị giá 1.9 nghìn tỷ USD thành luật sau khi Hạ viện và Thượng viện thông qua, đánh dấu gói kích thích kinh tế tham vọng nhất do một tổng thống Mỹ đề xuất kể từ chính quyền Johnson vào những năm 1960. Đây là nền tảng của chương trình 100 ngày đầu tiên của ông Biden và là một thành tựu đáng kể theo các tiêu chuẩn chính trị thông thường.

Khi cố gắng giải thích điều đó xảy ra như thế nào, Ezra Klein của New York Times gần đây đã đưa ra một cách giải thích hấp dẫn: Klein lập luận, trong căn bản, Biden đã hoán đổi việc nổi tiếng để lấy chính sách.

Duyệt xét mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông chính dòng, Klein thấy rằng ngay cả sau cuộc bầu cử, Trump đã xuất hiện trên các tiêu đề nhiều gấp đôi so với Biden và ông ấy cũng dẫn đầu trong các tìm kiếm trên Google. Ngay bây giờ, những người Mỹ điển hình có thể sống qua nhiều ngày mà không nghe bất cứ điều gì có tính bản thân từ hoặc về người hiện là tổng thống của họ, nhưng vị cựu tổng tư lệnh của họ vẫn gần như ở khắp mọi nơi.

Klein cho rằng, cốt lõi của hiện tượng này là một chiến lược có ý của Biden, bắt nguồn từ một kết luận chủ chốt của khoa học chính trị đương thời: tức là, sự phân cực tiêu cực hiện là lực lượng mạnh mẽ nhất trong đời sống công cộng. Người ta không phải lúc nào cũng được động viên ủng hộ một ý tưởng bởi vì một người nào đó mà họ thích ủng hộ nó, nhưng họ gần như luôn bị thúc đẩy phản đối một ý tưởng nếu một người nào đó mà họ không thích tán thành nó.

Chẳng hạn, bằng cách tránh biến mình thành trung tâm của sự chú ý, không ai ở Nhà Trắng gọi chương trình kích thích là “Kế hoạch Biden” - tổng thống đã giảm bớt động cơ khiến những người bảo thủ bác bỏ các chính sách của ông. Kể từ khi các cuộc thăm dò cho thấy biện pháp kích thích đang đi trước Biden khoảng 10-20 điểm về mức độ ưa thích, chiến lược của Biden dường như đang phát huy tác dụng.

Người phát ngôn của Biden gọi chiến lược này là “giảm nhiệt độ”. Người ta nghĩ ngay đến tình trạng của triều giáo hoàng Phanxicô, đang đánh dấu kỷ niệm tám năm của nó vào hôm thứ Bảy.

Dường như được tăng sức bởi cuộc khủng hoảng Coronavirus, Đức Phanxicô 84 tuổi vẫn có một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho Giáo hội và thế giới.

Về mặt nội bộ, danh sách các việc cần làm của ngài có cuộc cải cách Giáo triều Rôma vốn kéo dài âm ỉ, một cuộc quét dọn sâu rộng việc quản lý tiền bạc, cuộc chiến chống giáo sĩ lạm dụng tình dục, tăng quyền cho phụ nữ và giáo dân, một phương thức ra quyết định có tính cách hợp tác hơn (“đồng nghị” theo cách sử dụng từ ngữ của ngài), và v.v...

Về đối ngoại, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra viễn kiến về một thế giới hậu Covid, tập chú vào cảm thức sâu sắc hơn về tình huynh đệ và tình liên đới nhân bản, công bằng kinh tế cho các dân tộc nghèo nhất trên thế giới, bảo vệ môi trường tự nhiên và chấm dứt xung đột vũ trang.

Một yếu tố đe dọa thành tựu của chương trình nghị sự này là sự phân cực tiêu cực vốn là một lực lượng mạnh mẽ trong Đạo Công Giáo. Dù tốt dù xấu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như hầu hết các nhân vật công của thời đại này, là người gây chia rẽ. Nơi một số người Công Giáo, ngài đã gợi hứng một sự ủng hộ nhiệt tình; nơi nhiều người khác, có lẽ một thiểu số tương đối nhỏ nhưng kiên quyết, ngài khiến người ta hoài nghi và chống đối một cách phản xạ.

Trong bối cảnh đó, có lẽ Đức Phanxicô có thể phải cân nhắc việc đánh cắp một trang từ sách vở của Biden để tự đưa mình ra khỏi phương trình, ít nhất trong chừng mực chức vụ và trách nhiệm công cộng của ngài cho phép.

Điều đó có thể sẽ ra sao? Nói chung, điều đó hình như có nghĩa phải giảm khuôn mặt công cộng của chính ngài và để các mục trong nghị trình của ngài cho người khác thục hiện, cho dù những “người khác” này là các tác nhân cá nhân, các nhóm hoặc định chế.

Người ta có thể nghi ngờ rằng các hạn chế liên quan đến Coronavirus là vốn qúy trong việc làm giảm khuôn mặt của Đức Giáo Hoàng, vì nó có nghĩa sẽ không có những biến cố công cộng quy mô lớn nào ở Rôma và việc đi lại quốc tế bị hạn chế. Tuy nhiên, cùng các giới hạn này cũng phải được áp dụng vào các nhân vật công khác, nên theo nghĩa tương đối, họ không nên làm nhiều quá để phân phối lại sự chú ý.

Tất nhiên, Đức Giáo Hoàng không thể gạt sang một bên các yêu cầu của việc quản trị - ngài không thể ngừng bổ nhiệm các giám mục, hay ban hành các sắc lệnh, hoặc phê duyệt ngân sách, hoặc bất cứ điều gì khác cần thiết để giữ cho Giáo hội hoạt động, tất cả những điều đó chắc chắn sẽ trở thành các mục tin tức.

Tuy nhiên, ngài có thể tránh những phương tiện không chính thức có tính cách thu hút sự chú ý nhiều hơn, chẳng hạn như phỏng vấn, xuất hiện trong phim tài liệu, xuất bản sách, gọi điện thoại và gửi thư mà cuối cùng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và tham gia vào các cử chỉ "riêng tư" rõ ràng nhằm mục đích được công bố công khai.

Trong khi chờ đợi, Đức Phanxicô có thể khuyến khích những người khác thúc đẩy các ưu tiên của ngài, bất kể đó có thể là các viên chức Vatican (những người thường ít được biết đến hơn và do đó ít gây phân cực hơn), các giám mục trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo của các phong trào và dòng tu, hoặc những tác nhân khác trong môi trường Công Giáo.

Giống như chương trình kích thích của Biden, phần lớn nghị trình của Đức Giáo Hoàng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng. Gần như mọi người đều ủng hộ tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn, đa số ủng hộ các vai trò lớn hơn cho phụ nữ và giáo dân, và, trong một Giáo hội mà hai phần ba số thành viên hiện nay là ở thế giới đang phát triển, phần lớn nghị trình về công bằng xã hội của Đức Giáo Hoàng gây được tiếng vang rộng rãi.

Như trong chính trị Hoa Kỳ, chiều kích phân cực trong cuộc đàm luận Công Giáo về các chủ đề này thường không phải là nội dung của một đề nghị nào đó, mà là ai đứng sau đề nghị đó và ai chống lại đề nghị đó.

Trong tám năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chứng tỏ ngài rất giỏi trong việc đọc các dấu hiệu của thời đại, dò thấu được việc Giáo hội và thế giới cần gì ở ngài trong một thời điểm nhất định.

Tuy nhiên, cho dù hai trường hợp khác nhau ra sao, điều mà điển hình Biden gợi ý là: có lẽ điều mà Giáo hội và thế giới cần ngay bây giờ từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ đơn giản là ít hơn đi - ít cá tính hơn, nghĩa là, để có nhiều chính sách hơn.
 
Bài Giảng Mùa Chay thứ ba của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa trước Giáo triều Rôma ngày 12/3/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
01:15 13/03/2021

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 12 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ ba tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Nhưng các con nói rằng Thầy là ai?”

Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Chúng ta hãy nhắc lại ngắn gọn về chủ đề và tinh thần của các bài suy niệm Mùa Chay hiện nay. Mục đích của chúng ta là để phản ứng lại với xu hướng đang rất phổ biến là nói về Giáo Hội ‘etsi Christus non daretur’, nghĩa là nói về Giáo Hội như thể Chúa Kitô không tồn tại, như thể mọi thứ đều có thể hiểu được mà không có Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đã có ý định phản ứng với điều đó theo một cách khác thường: không phải bằng cách cố gắng thuyết phục thế giới và giới truyền thông về sai lầm của họ, nhưng bằng cách đổi mới và củng cố đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô. Không phải bằng con đường hộ giáo, mà là bằng con đường tâm linh.

Để nói về Chúa Kitô, chúng ta đã chọn cách an toàn nhất, là tín lý: Chúa Kitô là người thật, Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, Chúa Kitô là một bản thể duy nhất. Con đường tín lý không hề cũ và lỗi thời. Như Kierkegaard, một trong những nhà tư tưởng hiện sinh chính yếu, đã nói: ‘Thuật ngữ tín lý của Giáo Hội sơ khai giống như một lâu đài cổ tích, nơi những hoàng tử đẹp trai nhất và những công chúa xinh đẹp nhất an nghỉ. Bạn chỉ phải đánh thức họ dậy, để họ nhảy lên trong vinh quang’.

Vâng, đó là chìa khóa: hãy đánh thức lại các tín điều, truyền sự sống cho chúng một lần nữa, giống như khi Thánh Linh nhập vào bộ xương khô của Edêkien và chúng ‘sống lại và đứng vững trên đôi chân của mình’ (Ed 37:10). Lần trước, chúng ta đã cố gắng làm điều đó liên quan đến tín điều của Chúa Kitô là ‘con người thật’; hôm nay chúng ta muốn làm điều tương tự với tín điều của Chúa Kitô là ‘Thiên Chúa thật’.

Tín điều về Chúa Kitô ‘Thiên Chúa thật’

Vào năm 111 hoặc 112 sau Chúa Giáng Sinh, Pliny Cháu [Pliny the Younger, cháu của Pliny là người rất nổi tiếng trong đế quốc La Mã – chú thích của người dịch] là thống đốc của miền Bithynia và Pontus [ngày nay là hầu hết lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ – chú thích của người dịch], đã viết một bức thư cho hoàng đế Trajan, xin ông cho lời khuyên về cách cư xử trong những phiên tòa được dựng nên để chống lại các tín hữu Kitô. Ông viết cho hoàng đế, ‘trên cơ sở những thông tin thu thập được, tất cả những gì họ bị cáo buộc và tất cả những gì họ đã làm sai là nhóm họp vào một ngày ấn định trước bình minh để hát bởi các ca đoàn thay phiên nhau một bài thánh ca về Chúa Kitô là Thiên Chúa: carmen Christo quasi Deo dicere’. Chúng ta đang ở Tiểu Á, một vài năm sau cái chết của vị Tông đồ cuối cùng, là Thánh Gioan, và các Kitô hữu đã công bố thần tính của Chúa Kitô trong các bài hát! Niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô được sinh ra cùng với sự ra đời của Giáo Hội.

Tuy nhiên, đức tin đó giờ đây còn lại những gì? Trước hết, chúng ta hãy tóm tắt những khía cạnh chính trong lịch sử tín lý về thần tính của Chúa Kitô, sau này được Công đồng Nicê long trọng xác lập vào năm 325 với những lời chúng ta lặp lại trong Kinh Tin kính: ‘Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô…Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa…Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha’. Ngoài cách diễn đạt, ý nghĩa sâu xa hơn của định nghĩa Nicê, có thể được tóm lược như thánh Athanasiô, là nhân chứng và thông dịch viên có thẩm quyền nhất của Công Đồng, rằng trong mọi ngôn ngữ và mọi thời đại, Chúa Kitô phải được công nhận là Thiên Chúa theo ý nghĩa cao nhất và vững chắc nhất mà từ ngữ Thiên Chúa có trong ngôn ngữ và văn hóa đó, chứ không phải theo nghĩa phái sinh (derivative) hay thứ cấp nào.

Phải mất một thế kỷ để chân lý đó theo nghĩa triệt để của nó được xác lập vững chắc và được toàn thể Kitô Giáo chấp nhận. Một khi cố gắng sau cùng của bè rối Ariô do làn sóng truyền bá man rợ bởi những kẻ dị giáo (người Goth, người Visigoth và người Lombard) đã được khắc phục, thì tín điều này đã trở thành một tài sản được công nhận bởi toàn bộ Kitô Giáo, cả Đông phương và Tây phương.

Cuộc Cải cách Tin lành giữ nguyên giá trị và trên thực tế đã nâng cao vai trò trung tâm của nó; tuy nhiên cuộc Cải cách này đã giới thiệu một yếu tố mới mà sau này sẽ mở đường cho những phát triển tiêu cực. Để phản ứng lại chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa duy danh vốn xem thường các tín lý đến mức thuần túy chỉ là những suy đoán tài tình, các nhà cải cách Tin lành tuyên bố rằng: ‘Biết về Chúa Kitô có nghĩa là nhận ra những lợi ích của Ngài, chứ không phải là một cuộc điều tra về bản chất và cách thức nhập thể của Ngài. Chúa Kitô ‘đối với tôi’ trở nên quan trọng hơn Chúa Kitô ‘trong chính Ngài’. Khách quan và tín điều đối lập với tri thức chủ quan và nội tại; ‘Chứng từ bên trong’ của Chúa Thánh Thần về Chúa Giêsu trong lòng mỗi tín hữu được đặt ở vị thế cao hơn so với lời chứng bên ngoài về Chúa Giêsu do Giáo Hội đưa ra và trong một số trường hợp, còn cao hơn cả chính Kinh thánh.

Từ cách giải thích đó, các chủ nghĩa Khai sáng và Duy lý đã tìm thấy cơ sở thích hợp để triệt hạ tín lý. Đối với Kant, điều quan trọng là lý tưởng đạo đức do Chúa Kitô đề xuất, chứ không phải là bản thể của chính Ngài. Thần học tự do của thế kỷ mười chín thực tế hạ giảm Kitô Giáo xuống thành đơn thuần là một chiều kích đạo đức và thành kinh nghiệm về tình phụ tử của Thiên Chúa. Phúc Âm bị tước bỏ mọi yếu tố siêu nhiên như phép lạ, thị kiến, sự phục sinh của Chúa Kitô. Kitô Giáo bị biến thành một lý tưởng đạo đức cao siêu có thể đạt được cho dù không có thần tính của Chúa Kitô và ngay cả khi không có sự tồn tại lịch sử của Ngài. Gandhi, người không may, đã biết đến Kitô Giáo trong phiên bản rút gọn này, đã viết: ‘Tôi thậm chí không quan tâm nếu ai đó chứng minh rằng con người Chúa Giêsu thực sự không bao giờ tồn tại và những gì được đọc trong Phúc âm là thành quả của trí tưởng tượng của tác giả. Bởi vì Bài giảng trên núi sẽ vẫn đúng trong mắt tôi’.

Phiên bản giản lược của Kitô Giáo gần gũi nhất với chúng ta là phiên bản được Bultmann phổ biến, lần này với danh nghĩa loại bỏ những huyền thoại được thần thoại hóa. Như ông đã viết: “Công thức ‘Chúa Kitô là’ không đúng theo mọi nghĩa, khi ‘Chúa’ được coi là một thực thể có thể bị khách quan hóa, cho dù bạn giải thích công thức đó theo Ariô hay Nicê, theo nghĩa chính thống hay cấp tiến. Chỉ đúng nếu ‘Chúa’ được hiểu là một sự kiện thần thánh hóa hiện thực”. Nói cách ít che đậy hơn: Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, nhưng trong Chúa Kitô có Thiên Chúa (hoặc Thiên Chúa đang hoạt động nơi Ngài). Chúng ta đang ở rất xa so với tín lý được xác định tại Công Đồng Nicê. Rõ ràng là người ta muốn giải thích tín lý bằng các phạm trù hiện đại, nhưng trên thực tế đây không gì khác hơn là một sự tái tạo, đôi khi theo cùng một thuật ngữ, các giải pháp cổ xưa (của Phaolô thành Samosata, Marcellus thành Ancyra, Photinus), đã được đánh giá và bác bỏ bởi lương tâm của Giáo Hội.

Nếu một người chuyển từ những gì các nhà thần học nói sang những gì những người bình thường nghĩ về thần tính của Chúa Kitô - theo các cuộc khảo sát khác nhau - thì anh ta sẽ không nói nên lời. Sau một công đồng địa phương bị thống trị bởi các đối thủ của Công Đồng Nicê (công đồng Rimini, năm 359 sau Chúa Giáng Sinh), thánh Giêrôm (Jerome) đã viết rằng cả thế giới ‘thút thít và sửng sốt khi nhận ra những người đó chính là những người Ariô một lần nữa’. Chúng ta còn có nhiều lý do hơn để phải thút thít và cảm thấy choáng váng.

Chúa Giêsu Kitô “Thiên Chúa thật” trong các sách Phúc âm

Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta cần phải kiên định với mục đích của mình. Chúng ta hãy gác lại những gì thế gian nghĩ và cố gắng đánh thức lại trong chính chúng ta niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô. Một đức tin tràn đầy ánh sáng, không mờ mịt, một đức tin có thể đồng thời khách quan và chủ quan, không chỉ dựa trên niềm tin mà còn phải sống trong thực tế. Ngay cả ngày nay Chúa Giêsu cũng không quan tâm nhiều đến những gì ‘người ta’ nói về Ngài, cho bằng những gì các môn đệ nói về Ngài. Câu hỏi liên tục được đưa ra là: ‘Nhưng các con nói rằng Thầy là ai?’ (Mt 16:15). Đây là câu hỏi mà chúng ta cố gắng trả lời trong buổi tĩnh tâm hôm nay.

Chúng ta hãy bắt đầu với các sách Phúc âm. Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, thần tính của Chúa Kitô không bao giờ được tuyên bố một cách công khai, nhưng điều đó liên tục được hiểu. Chúng ta hãy nhớ đến một số câu nói của Chúa Giêsu: “Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mt 9: 6); “Không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha và không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con” (Mt 11: 27); “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25: 31-32). Ai, nếu không phải là Thiên Chúa, có thể tuyên bố nhân danh chính mình để tha tội và xưng mình là thẩm phán chung thẩm của nhân loại và lịch sử?

Một sợi tóc hoặc một miếng nước bọt cũng đủ để tái tạo DNA của một người, cũng thế chỉ một dòng Phúc âm, nếu được đọc mà không có thành kiến, cũng đủ để tái tạo DNA của Chúa Giêsu, để khám phá ra những gì Ngài nghĩ về bản thân mình, nhưng Ngài không thể công khai nói ra để tránh hiểu lầm. Mỗi trang Phúc âm đều toát lên sự siêu việt thiêng liêng của Chúa Kitô.

Nhưng chính Gioan là người đã biến thiên tính của Chúa Kitô thành mục tiêu chính, và là chủ đề bao trùm Phúc Âm của ngài. Ngài kết thúc Tin Mừng của mình bằng cách tuyên bố rằng: ‘Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người’ (Ga 20:31), và kết thúc Bức thư đầu tiên của ngài gần như bằng những lời tương tự: ‘Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời’ (Ga 5:13).

Một ngày nọ, cách đây nhiều năm, tôi đang cử hành thánh lễ trong một tu viện dòng kín. Đoạn Tin Mừng của phụng vụ là bài Phúc Âm theo Thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu đã nhiều lần thốt lên những lời này: “Nếu các ông không tin là TÔI HẰNG HỮU, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.. Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là TÔI HẰNG HỮU.. trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, TÔI HẰNG HỮU!” Cụm từ ‘TÔI HẰNG HỮU’, trái với bất kỳ quy tắc ngữ pháp nào, được viết hoa trong bài đọc, chắc chắn kết hợp với một số nguyên nhân bí ẩn khác, đã châm ngòi cho một tia lửa. Cụm từ đó ‘bùng nổ’ trong tôi.

Từ những nghiên cứu của mình, tôi biết rằng Phúc Âm Thánh Gioan chứa đựng khá nhiều từ ‘TA LÀ’, ego eimi, được Chúa Giêsu thốt ra. Tôi biết đó là một yếu tố quan trọng đối với Kitô học về Ngài; qua đó, Chúa Giêsu tự đặt cho mình cái tên mà theo ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã đặt cho mình để ‘các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta’ (Is 43:10). Tuy nhiên, kiến thức của tôi là sách vở, bất động và không khơi dậy bất kỳ cảm xúc đặc biệt nào. Hôm đó, nó là một cái gì đó hoàn toàn khác. Chúng tôi đang ở trong Mùa Phục sinh và nghe như thể chính Đấng Phục sinh đã xưng tên mình trước trời đất. ‘TA LÀ’ của Ngài đã khai sáng và tràn ngập vũ trụ. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, giống như một khán giả đang tình cờ chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ và phi thường, hoặc một kỳ quan thiên nhiên vĩ đại. Đó chỉ đơn giản là một cảm xúc của niềm tin không hơn, nhưng đó là một trong những thứ mà một khi đã qua đi sẽ để lại một dấu ấn không thể phai mờ.

Thánh Linh của Chúa Giêsu đã cho phép Thánh Gioan đạt được một kỳ tích đáng kinh ngạc. Ngài đón nhận các chủ đề, biểu tượng, kỳ vọng, nói chung, là tất cả những gì sống động về mặt tôn giáo, cả nơi người Do Thái lẫn trong thế giới Hy Lạp, để tất cả những điều này có thể phục vụ một ý tưởng, một nhân vật tốt hơn là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế của thế giới. Ngài đã học ngôn ngữ của những người đương thời, để có thể hét lên bằng ngôn ngữ đó, với tất cả sức lực của mình, chân lý cứu rỗi duy nhất, Lời xuất sắc, ‘Lời nhập thể’.

Chỉ có một xác tín được mạc khải, được Thiên Chúa và Thánh Linh của Ngài ủng hộ và nâng đỡ, mới có thể mở ra trong một cuốn sách với sự nhất mực khăng khăng và nhất quán như vậy, bắt đầu từ hàng ngàn điểm khác nhau và luôn đi đến một kết luận giống nhau: đó là danh tính đầy đủ về bản chất giữa Chúa Cha và Chúa Con: ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (Ga 10,30). ‘Một,’ ở dạng trung tính trong tiếng Latinh unum, bạn nhớ nhé, đó là một thứ cùng một bản chất, không phải của một nhân vật (masculine unus)!

“Corde creditur: ta tin bằng cả trái tim”

Cũng như chúng ta đã làm đối với nhân tính của Chúa Kitô, giờ đây, trong khi vẫn giữ được chiều kích khách quan và bản thể học, chúng ta cũng có thể chỉ ra tín điều cổ xưa về thần tính của Ngài có thể bao hàm và nâng cao giá trị của quan điểm chủ quan và chức năng hiện đại như thế nào. Mặt khác, làm điều ngược lại đã được chứng minh là khá khó khăn. Chúng ta hãy đặt đối lập luận lý biện chứng “một trong hai” với luận lý “và-và” của Công Giáo.

Để minh bạch chúng ta cần phải rõ ràng rằng không có gì trong số những cái gọi là ‘Kitô học từ bên dưới’ coi Chúa Giêsu như là ‘nhà tiên tri cánh chung và là đấng mặc khải cao nhất về Chúa Cha’ làm điểm xuất phát của họ, hoặc coi Chúa Giêsu là ‘người mà trong đó nhận thức về Thiên Chúa đã đạt đến cấp độ cao nhất’ (F. Schleiermacher), hay xem Chúa Kitô là ‘một con người trong đó bản chất thần thánh tồn tại’ (không phải một ngôi vị thần thánh tồn tại trong bản chất con người!). Tôi nhắc lại: không phái nào trong số những trường phái Kitô học này, đã cố đạt được mục tiêu là nắm lấy mầu nhiệm thực sự của đức tin Kitô và bảo vệ thần tính trọn vẹn của Chúa Kitô. Lý do của sự thất bại đó được Chúa Giêsu giải thích và được Thánh Gioan tường thuật rất rõ: ‘Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống’(Ga 3:13). Quả thật, nếu Ngài mong muốn, Ngài thật sự có thể trở thành con người nhưng con người không thể biến thành Chúa!

Trên những cơ sở như vậy, chúng ta có thể khôi phục và nâng cao toàn bộ chiều kích chủ quan và cá vị của tín điều: Chúa Kitô ‘đối với tôi’ được các nhà Cải cách ban cho tính ưu việt, Chúa Kitô được biết đến từ những lợi ích của Ngài và chứng tá bên trong của Thánh Linh. Đây là hoa trái tốt nhất của đại kết, đó là ‘những khác biệt được hòa giải’, chứ không phải là những khác biệt chống đối, như Đức Thánh Cha của chúng ta đã nói. Đó không phải là sự nhượng bộ ‘pro bono pacis’ nghĩa là ‘vì hòa bình’, mà là nhu cầu và sự phong phú hóa lẫn nhau. Tất cả chúng ta cần phải cung cấp cho đức tin của mình chiều kích cá nhân, thân mật đó, để nó có thể không phải là một sự lặp lại chết chóc các công thức cổ xưa hoặc hiện đại. Về điểm này, tất cả chúng ta đều được kêu gọi hành động: Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành.

Thánh Phaolô nói: ‘Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ’(Rm 10:10). Theo nhận xét của Thánh Augustinô ‘Đức tin nảy sinh từ cội rễ của trái tim’. Theo quan điểm Công Giáo, cũng như Chính thống giáo, và sau đó là quan điểm Tin lành, việc tuyên xưng đức tin đúng đắn, chính thống, tức là giai đoạn thứ hai của quá trình, thường trở nên quan trọng đến mức làm lu mờ giai đoạn đầu tiên diễn ra ở nơi sâu thẳm tiềm ẩn của tâm hồn. Tất cả các luận thuyết về đức tin, hay De fide, được viết sau Nicê, đề cập đến tính chính thống của đức tin; ngày nay người ta sẽ đề cập đến như những fides quae, chứ không phải với những fides qua, tức là như những điều để tin chứ không phải như các hành động tin tưởng cá vị.

Hành động đức tin đầu tiên này, chính vì nó diễn ra trong lòng, nó phải là một hành động ‘số ít’, không thể được thực hiện bởi ai khác ngoài một cá nhân, trong sự cô độc tuyệt đối với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu nhiều lần hỏi cùng một câu hỏi: ‘Anh có tin vào Con Người không?’ (Ga 9:35; Ga 11:26); và mỗi khi câu hỏi này được đưa ra, nó gợi lên từ trái tim tiếng kêu của đức tin: ‘Vâng, lạy Chúa, con tin!’

Chúng ta cũng cần chấp nhận trải qua khoảnh khắc đó, trải qua cuộc kiểm tra đó. Nếu một người trả lời ngay câu hỏi của Chúa Giêsu “Anh có tin vào Con Người không?”, mà không cần suy nghĩ: “Tôi chắc chắn tin” và thậm chí thấy lạ khi một tín hữu, một linh mục hay một giám mục, lại đặt ra câu hỏi đó với mình, thì có lẽ điều này có nghĩa là người ấy vẫn chưa khám ra ý nghĩa thực sự của niềm tin, có lẽ họ chưa bao giờ trải qua sự sững sờ của lý trí trước đức tin. Thần tính của Chúa Kitô là đỉnh cao nhất, là đỉnh ‘Everest’ của đức tin. Tin vào một Thiên Chúa, Đấng sinh ra trong chuồng gia súc và chết trên cây thập tự giá! Điều này còn đòi hỏi cao hơn rất nhiều so với việc tin vào một vị thần xa xôi, là người có thể được tưởng tượng bởi bất kỳ ai theo ý muốn.

Cần phải bắt đầu bằng cách đánh đổ trong chúng ta, những tín hữu, và trong chúng ta, hàng giáo sĩ của Giáo Hội, sự lầm tưởng cho rằng chúng ta ổn về phương diện đức tin, và có lẽ chúng ta vẫn cần phải làm việc về cả đức mến. Rốt cuộc, có thể là tốt, ít nhất là trong một thời gian nào đó, chúng ta không muốn chứng minh bất cứ điều gì với bất cứ ai, nhưng muốn đào sâu sự hiểu biết trong lòng về đức tin, muốn khám phá lại cội nguồn của đức tin trong tâm hồn mình!

Chúng ta cần tạo lại các điều kiện để khôi phục niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô, để tái tạo niềm tin bùng phát đã làm nảy sinh tín điều Nicê. Nhiệm thể Giáo Hội đã từng tạo ra một nỗ lực tối cao, qua đó, trong đức tin, Giáo Hội đã vượt lên trên mọi hệ thống con người và mọi phản kháng của lý trí. Thủy triều của đức tin đã từng lên đến mức cao nhất và dấu ấn của nó đã được để lại trên đá. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải làm cho thủy triều đức tin dâng lên trở lại, vì dấu tích thôi thì chưa đủ. Lặp lại Kinh Tin Kính Nicê thôi chưa đủ; cần phải lặp lại niềm tin bùng phát vào thần tính của Chúa Kitô mà chúng ta đã có vào lúc bấy giờ, và điều này vẫn chưa có gì sánh được qua các thời đại.

Thông lệ của Giáo Hội (và không chỉ của Giáo Hội Công Giáo!) quy định việc tuyên xưng đức tin cho các ứng viên, trước khi nhận nhiệm vụ giảng dạy thần học. Việc tuyên xưng đức tin đó thường đòi hỏi phải đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính cũng như phải dạy những điều nhất định được chỉ định một cách cụ thể - và tránh dạy những điều khác cũng được nêu rõ một cách cụ thể không kém - mà vào thời điểm đó trong lịch sử là những vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Hãy nghĩ về lời thề chống lại chủ nghĩa hiện đại!

Tôi tin rằng một điều trên hết nên được xác định chắc chắn: bất cứ ai giảng dạy thần học cho các thừa tác viên Phúc Âm trong tương lai phải tin chắc vào thần tính của Chúa Kitô. Điều này nên được xác định chắc chắn thông qua sự phân định thẳng thắn và huynh đệ, thay vì thông qua một lời thề. Sau Công đồng Vatican II (chắc chắn không phải vì Công đồng!), có cả một thế hệ linh mục hoàn thành chủng viện và được thụ phong với những ý tưởng rất bối rối và mù mờ về Chúa Giêsu mà họ phải công bố cho mọi người và thể hiện trên bàn thờ trong các Thánh lễ. Tôi tin chắc rằng nhiều cuộc khủng hoảng trong đời sống linh mục đã bắt đầu và vẫn bắt đầu từ đó.

Đại kết và truyền giáo

Những gì chúng ta đã nêu bật cho đến nay cũng có những hậu quả quan trọng đối với phong trào đại kết Kitô Giáo. Có thể có hai loại đại kết: đại kết của đức tin và đại kết của sự hoài nghi; điều thứ nhất liên kết tất cả những người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần; còn điều thứ hai liên kết tất cả những ai hài lòng với việc ‘diễn dịch’ những điều này theo cách riêng của họ và theo hệ thống triết học riêng của họ. Đó là một loại đại kết, trong đó, cùng lắm là tất cả họ đều tin vào những điều giống nhau bởi vì không ai thực sự tin vào bất cứ điều gì, theo nghĩa sâu xa của từ ‘niềm tin’.

Sự phân biệt cơ bản của các loại tinh thần, trong lãnh vực đức tin, không phải là giữa Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành, mà là giữa những người tin vào Chúa Kitô Con Thiên Chúa và những người không tin vào Người; theo thuật ngữ của thánh Phaolô, là giữa ‘tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta’ (1 Cr 1: 2), và những người không kêu cầu danh đó.

Một sự hiệp nhất mới và vô hình đang được xây dựng, xuyên suốt các Giáo Hội khác nhau. Sự hiệp nhất thiêng liêng vô hình như vậy, đến lượt nó, lại cần đến sự phân định của thần học và của Huấn quyền, để ngăn cho nó đừng rơi vào nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chủ quan không kiềm chế. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được cám dỗ đó, người ta không thể nào không chú ý đến nó.

Một ‘đại kết tinh thần’ đích thực không chỉ bao gồm việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, mà còn phải bao gồm việc chia sẻ cùng một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Nó bao gồm cái mà Thánh Augustinô gọi là ‘socialetas sanctorum’, nghĩa là sự hiệp thông của các thánh, mà đôi khi đáng tiếc có thể không trùng với ‘Communio sacramentorum’, tức là có cùng các dấu chỉ bí tích.

Đức tin vào thần tính của Chúa Kitô là điều quan trọng trên hết về phương diện truyền giáo. Có một số nhất định các cấu trúc và tòa nhà bằng kim loại sẽ sụp đổ nếu người ta chạm vào một điểm nhất định hoặc loại bỏ một viên đá nào đó. Việc xây dựng đức tin Kitô là như vậy, và ‘viên đá góc’ của nó là thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Một khi điều đó đã bị loại bỏ, mọi thứ đều tan rã và sụp đổ, bắt đầu từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi được tạo thành bởi ai nếu Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa? Không phải ngẫu nhiên mà một khi thần tính của Chúa Kitô được đặt trong dấu ngoặc, thì Ba Ngôi cũng được đặt trong dấu ngoặc.

Thánh Augustinô nói: ‘Không có gì là kỳ công khi tin rằng Chúa Giêsu đã chết; điều này được tin tưởng ngay cả bởi những người ngoại giáo và những kẻ chống đối chúng ta; mọi người đều tin vào điều đó. Nhưng sẽ là một kỳ tích thực sự tuyệt vời khi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại’. Và thánh nhân kết luận rằng: ‘Đức tin Kitô là sự phục sinh của Chúa Kitô’. Điều tương tự cũng phải nói về nhân tính và thần tính của Chúa Kitô, được thể hiện lần lượt qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu là một con người; Điều tạo nên sự khác biệt giữa người tin và người không tin là niềm tin rằng Ngài cũng là Thiên Chúa. Đức tin Kitô là thần tính của Chúa Kitô.

‘Biết Chúa Kitô là nhận biết những lợi ích của Ngài’

Những người Cải cách nói: ‘Biết về Chúa Kitô là nhận ra những lợi ích của Ngài’. Chúng ta hãy kết thúc chính xác bằng cách nhớ lại một số lợi ích này, có khả năng đáp ứng nhu cầu sâu sắc nhất của những người cùng thời với chúng ta: đó là nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và vượt qua cái chết.

Đúng là con người hiện đại đã ngừng băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống. Cách đây vài năm, một trí thức nổi tiếng đã viết: ‘Tôn giáo sẽ chết. Đó không phải là một điều ước, cũng không phải là một lời tiên tri cho vấn đề đó. Đó đã là một sự thật đang chờ đợi sự thành toàn của nó… Ngay khi thế hệ của chúng ta và có lẽ thế hệ con cái của chúng ta đã qua đi, không ai còn có thể coi nhu cầu mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa là một vấn đề thực sự cơ bản… Công nghệ đã đưa tôn giáo đến thời kỳ hoàng hôn’. Chắc chắn, ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống không phải là vấn đề đối với những người đã gán cho mình những ý nghĩa khác. Ngay khi tuổi trẻ, sức khỏe, danh vọng biến mất, nhiều người bắt đầu hỏi lại câu hỏi đó. Nó lại xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm này của đại dịch, trong đó con người thường bị giam giữ trong nhà của họ, cuối cùng đã có thời gian để suy nghĩ và đặt câu hỏi.

Bức tranh "The Scream" - “Tiếng thét” của Edvard Munch.
Có một bức tranh, một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hiện đại, truyền tải một cách trực quan đâu là nơi mà xác tín cho rằng cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cuối cùng sẽ dẫn người ta đến. Trên phông nền màu đỏ, một người đàn ông chạy qua cầu và băng qua hai người trông như thể họ không biết hoặc không quan tâm đến bất cứ điều gì; mắt anh ấy mở to; anh ấy kêu lên với hai tay vòng quanh miệng tạo thành một cái loa, rõ ràng là một tiếng kêu tuyệt vọng. Tất nhiên, tôi đang nói đến bức tranh “Tiếng thét” của Edvard Munch.

Chúa Giêsu nói: ‘Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống’ (Ga 8:12). Bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu Kitô có thể chống lại sự cám dỗ lớn lao khi thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, là điều thường dẫn đến tự sát. Ai tin vào Chúa Kitô thì không bước đi trong bóng tối: họ biết mình từ đâu đến, đi đâu và phải làm gì trong thời gian chờ đợi. Trên tất cả, họ biết rằng họ được ai đó yêu thương và rằng ai đó đã hiến mạng sống của chính mình để chứng minh điều đó cho họ!

Chúa Giêsu cũng nói: ‘Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống’ (Ga 11:25). Và sau này, vị Thánh Sử sẽ viết cho các Kitô hữu: ‘Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.[…] Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời’ (1 Ga 5:13, 20). Chính vì Chúa Kitô là ‘Thiên Chúa thật’, Ngài cũng là ‘sự sống đời đời’ và là Đấng ban sự sống đời đời. Điều này không nhất thiết loại bỏ nỗi sợ hãi về cái chết nhưng mang lại cho người tin Chúa sự chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc bằng cái chết.

Hãy để một điều gì đó của tất cả những điều này bùng lên trở lại trong tâm trí vào các ngày Chúa Nhật khi chúng ta công bố điều thứ hai của Kinh Tin kính như hiện nay:

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

1. Søren Kierkegaard, Diary, II, A 110 (year 1837).
2. Pliny the Younger, Epistularum liber, X, 96.
3. Philipp Melanchthon, Loci theologici, in Corpus Reformatorum, Brunsvigae 1854, p. 85.
4. See Gandhi on Christianity. Robert Ellsberg (ed). Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1991.
5. R. Bultmann, Glauben und Verstehen, II, Tübingen 1938, p. 258.
6. St Jerome, Dialogus contra Luciferianos, 19 (PL 23, 181): ‘Ingemuit totus orbis et arianum se esse miratus est.’
7. Mk 13:31; Mt 24:35; Lk 21:33.
8. St Augustine, Tractates on the Gospel of John, 26,2 (PL 35,1607).
9. St Augustine, Enarrationes in Psalmos 120, 6.
10. In the magazine MicroMega 2, 2000, pp. 187f.
Source:Cantalamessa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp lần Thứ 75 Tại Melbourne
Trần Văn Minh
03:44 13/03/2021
Melbourne, Vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy Ngày 13/3/2021. Tại Nhà thờ Holy Eucharist, Saint Albans, Melbourne. Thánh lễ đồng tế giỗ Cha Trương Bửu Diệp nhân 75 năm ngày mất của cha, do Hội Bác Ái Cha Trương Bửu Diệp tổ chức thật trọng thể và được Đại diện Ban Mục Vu Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, và mọi người trong đó có cả những người Úc trong Tiểu Bang về hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện cho Cha Trương Bửu Diệp sớm được Giáo Hội công nhận trong tiến trình phong thánh.

Cha chủ tế xông hương


Xem hình

Ban tổ chức các vị nữ mặc áo dài tím mùa chay, quý vị nam mang cà vạt tím. Tấm băng rôn chào mừng ngày giỗ được treo phía ngoài đường trước con đường dẫn đến ngôi thánh đường để cho mọi người qua lại đều thấy. Vì đây là lần đầu tiên tổ chức lễ giỗ Cha tại giáo xứ này. Rất tiếc, năm nay ngày lễ giỗ cha vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Wu Hán Trung quốc, nên vâng lời kêu gọi của giáo quyền TGP Melbourne, ban tổ chức đã tổ chức lễ giỗ gọn hơn mọi năm.

Bàn thờ di ảnh Cha Trương Bửu Diệp làm bằng gỗ với hoa đèn được đặt bên cạnh tòa giảng với lư hương và cặp đèn cao. Ca đoàn Nữ Vương của Cộng đoàn Việt Nam thuộc giáo xứ Thánh Gia Maidstone phụ trách phần thánh ca giúp buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng hơn.

Như đã tường trình, vì số người về dâng lễ có những người trẻ và cả người Úc nên trong phần giới thiệu cũng dùng song ngữ Việt Anh để giới thiệu về tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp. Phần giới thiệu do cô Xuân trình bày cùng được Thầy Đạt chiếu trên màn ảnh. Rước đoàn đồng tế, từ Thánh giá nến cao cho đến các thừa tác viên đọc sách, đều mặc đồng phục rước quý cha lên bàn thờ.

Thánh lễ do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB chủ tế cùng với 6 cha đồng tế. Cùng với Trong bài chia sẻ, Linh mục chủ tế đã nói về tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp, một người đã sống hết mình kể cả hy sinh mạng sống của mình theo gương Chúa Giêsu cho đoàn chiên, nên cha được Chúa cho cha chìa khóa kho tàng ân sủng ban phát, để chia sẻ các ơn mà ai đến với cha cũng được ban cho. Cũng xin những ân của Chúa ban cho cha để cha ban lại cho chúng ta, được các bác sỹ, những luật sư, các nhà khoa học chứng minh được là những phép lạ, để Ủy ban Tuyên Thánh cứu xét, để nếu đẹp lòng Chúa thì cha Diệp sẽ được tuyên thánh.



Thánh lễ kết thúc, sau khi ông Trịnh Hùng và bà Hội Trưởng Đỗ Thị Nhơn lên cám ơn quý cha và toàn thể mọi người đã về dâng lễ để cầu cho Cha Trương Bửu Diệp sớm được tuyên chân phước. Cha chủ tế đã làm phép nến cho những ai có nến, Sau phép lành cuối lễ, mọi người lên nhận qùa của Hội Bác Ái Cha Trương Bửu Diệp. Mọi người nhận quà là một phần ăn và ra về. Vì như đã nói ở trên, Ban Tổ chức của hội đã phải tổ chức sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, và sự cho phép của giáo và chính quyền

Đây là lễ giỗ cha trong mùa dịch, nên số người bị hạn chế đến tham dự. Bù lại Ban tổ chức đã nhờ ABTV Úc Châu do anh Bằng Lê, trực tuyến chiếu lại trên hai kênh Youtube và Facebook, cho những người trong hội và thân hữu được tham dự cách gián tiếp buổi lễ giỗ lần thứ 75 của Cha Trương Bửu Diệp tại Melbourne.
 
VietCatholic TV
Thảm kịch cho Giáo Hội khi linh mục quên uống thuốc, tuyên bố của tổng giáo phận. Gương ĐHY Sarah
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:03 13/03/2021


1. Thảm họa khi một linh mục quên uống thuốc. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục bản quyền.

Một linh mục đã bị bắt ở Brazil sau khi cầm một cây súng giả đi cướp hai cửa hàng tạp hóa và một hiệu thuốc trong một vụ phạm tội kéo dài một giờ vào hôm 2 tháng Ba vừa qua tại thủ phủ Passo Fundo của bang Rio Grande do Sul.

Cha Elizeu Lisboa Moreira, 27 tuổi, đã là một linh mục ở thành phố Tapejara, gần Passo Fundo, kể từ khi ngài được thụ phong vào tháng 8 năm 2019. Từ khi đại dịch coronavirus, chứng kiến quá nhiều cái chết của người thân, ngài mắc một chứng bệnh tâm thần và phải thường xuyên dùng thuốc.

Tuy nhiên, ba tuần trước khi xảy ra vấn đề, Cha Moreira đã tự động ngưng dùng thuốc vì chủ quan cho rằng mình đã khỏi bệnh. Hôm 2 tháng Ba, ngài đã đến Passo Fundo để dự tang lễ của em gái bạn mình, chứng kiến cái chết này đã khiến cơn bệnh tái phát.

Những hành vi của Cha Moreira đã bị camera an ninh ghi lại. Ngài đội chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ, và đã thực hiện cùng một cách trong cả ba vụ cướp. Đầu tiên, ngài chọn một số mặt hàng trong cửa tiệm, đưa chúng đến quầy thu ngân. Chĩa cây súng giả vào nhân viên, ngài lấy hết tiền trong quầy thu ngân rồi bỏ đi. Tổng cộng, ngài cướp đi 650 Real, tức là khoảng 115 Mỹ Kim.

Ba cuộc tấn công diễn ra từ 5 giờ chiều đến 6 giờ chiều. Những người chủ cửa hàng đã báo cáo với cảnh sát, họ đã chặn được vị linh mục đang lái một chiếc xe Hyundai IX35, với bảng số xe thuộc tổng giáo phận Passo Fundo. Để tránh những vấn đề phức tạp hơn nữa, cảnh sát đã giam giữ ngài.

Trong một video, Đức Tổng Giám Mục Rodolfo Weber của Passo Fundo đã đề cập đến thảm kịch này như sau:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang sống trong một thời gian đầy thử thách đối với tất cả chúng ta. Và do đó, một thực tại đang tác động và gây hoang mang cho tất cả chúng ta cũng như cho các công việc của Giáo Hội và toàn thể xã hội là những vụ cướp do linh mục Moreira thực hiện. Sự kiện này gây sốc và thu hút sự chú ý của xã hội. Tôi cảm thấy rất buồn và suy nghĩ về sự kiện đó rất nhiều.

Năm ngoái, vị tổng đại diện giáo phận, là người đã hướng dẫn ngài trong những năm ngài được đào tạo thành linh mục, nhận thấy rằng ngài có những hành vi lạ lùng và thúc giục ngài tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Và ngài đã làm theo lời khuyên này. Ngài bắt đầu điều trị tâm thần. Nhưng ngài đã ngừng uống thuốc ba tuần trước.

Giáo hội có giáo luật, luật này phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Bước đầu tiên là ngưng các thừa tác vụ của ngài như một biện pháp ad cautelam, nghĩa là biện pháp thận trọng. Biện pháp này có mục tiêu bảo vệ ngài như một linh mục, một người của công chúng, và một con người. Sẽ có một phiên tòa giáo luật. Chúng tôi không biết mọi thứ sẽ phát triển như thế nào. Hiện tại có một vết sẹo sâu và ngài sẽ cần phải làm việc rất kiên nhẫn để chữa lành nó.

Cần phải tạo ra bầu không khí thuận lợi để phân định. Khi một điều gì đó rất nghiêm trọng xảy ra trong cuộc đời của một linh mục, chúng ta không thể vội vàng làm mọi việc. Thời gian sẽ giúp phân định và chữa lành.

Khi có một vụ tai tiếng trong Giáo hội, luôn có xu hướng phổ biến nó rất ồn ào trên các phương tiện truyền thông với những lời kết án. Tôi không nói rằng vụ này không phải là một tai tiếng, nhưng gần như có một chấn động tập thể trong một thời điểm như thế này.

Tôi xin anh chị em cầu nguyện thêm cho ngài trong những chuỗi ngày khó khăn sắp tới.

Luật sư Maura Leitzke của Cha Moreira đã đến thăm ngài trong tù một ngày sau khi ngài bị bắt. Cô nói trong một video rằng ngài không biết mình đang làm gì khi cướp các cửa hàng.

“Ngài nói với tôi rằng đến sáng hôm nay ngài mới nhận ra hậu quả những gì ngài đã làm và yêu cầu tôi xin lỗi các nạn nhân.”

Cô nói rằng những người gặp ngài hàng ngày nói với cô rằng ngài trông trầm lặng hơn và nhìn lơ đãng trong vài ngày qua.

Leitzke cho biết cô đã nói chuyện với các nhà tâm lý học trong tù, và “họ xác nhận rằng ngài bị khủng hoảng tâm thần và không biết mình đang làm gì. Tôi đang chuẩn bị một đơn kiện pháp lý mới để đưa ngài ra khỏi tù dựa trên lời khai của họ”.

“Vào tháng 9 năm 2020, ngài bắt đầu điều trị tâm thần bằng một chất có kiểm soát. Vào tháng 12, ngài đã trải qua một cuộc đánh giá mới và được yêu cầu tiếp tục uống thuốc. Nhưng ba tuần trước, ngài đã quyết định ngừng dùng chúng,” cô luật sư nói.

“Những người biết ngài nhận xét rằng ngài là một người chu đáo và yêu thương. Nhưng một phần xã hội đã lên án ngài. Một số người nghĩ rằng một linh mục không thể mắc sai lầm, rằng một linh mục không thể có vấn đề,” cô nói.

Diễn biến mới nhất là vào ngày 11 tháng Ba, ngài đã được chuyển đến một bệnh viện tâm thần cách đó 288km. Luật sư Leitzke cho biết các cáo buộc hình sự có thể sẽ được bãi bỏ.
Source:Crux

2. Đức Hồng Y Robert Sarah, một Người Hướng dẫn Tinh thần đích thực

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register ngày 24 tháng Hai, 2021, ngài đã trình bày một số nhận định liên quan đến việc Đức Hồng Y Robert Sarah thôi giữ chức tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cardinal Robert Sarah, an Authentic Spiritual Guide

By Father Raymond J. de Souza

Đức Hồng Y Robert Sarah, một Người Hướng dẫn Tinh thần đích thực


Ở tuổi 75 và sức khỏe rõ ràng còn rất tốt, Đức Hồng Y Robert Sarah có thể còn nhiều năm phục vụ với nhiều thành quả phía trước, nhưng việc nghỉ hưu khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích kết thúc một trong những chuỗi nhiệm vụ đáng chú ý nhất đối với bất kỳ vị giám mục nào trong Giáo Hội.

Đức Hồng Y Sarah, được thụ phong linh mục năm 1969, thuộc thế hệ thứ nhất của các hoa trái từ các hoạt động truyền giáo thuở ban đầu ở Phi Châu. Ngài thường nhắc nhớ rằng tấm gương của các linh mục truyền giáo trong làng của ngài đã đánh thức trong ngài tình yêu cầu nguyện và lòng kính trọng đối với chức tư tế như thế nào. Ngài là một trong những linh mục bản xứ đầu tiên ở quê hương Guinea của mình.

Tổng Giám Mục có tên trong danh sách bị ám sát

Đức Hồng Y Sarah được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Conakry, thủ đô của Guinea, vào năm 1979, chỉ sau 10 năm làm linh mục, ở tuổi 34. Guinea đang rơi vào khủng hoảng chính trị, và không rõ ai có thể lãnh đạo Giáo hội địa phương một cách hiệu quả chống lại những kẻ giết người trong chế độ của Ahmed Sékou Touré.

Đức Tổng Giám Mục Raymond-Marie Tchidimbo của Conakry đã bị Sékou Touré bắt giam vào năm 1971 trong một chiến dịch đàn áp trên quy mô lớn, bao gồm cả đàn áp tôn giáo. Ngài bị giam giữ tại trại tập trung khét tiếng Camp Boiro trong tám năm. Vào tháng 8 năm 1979, một thỏa thuận đã đạt được với Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Tchidimbo được trả tự do, lưu đày đến Rôma và từ chức.

Tổng giám mục của Conakry trong hoàn cảnh như vậy không phải là một chức vụ hấp dẫn. Tòa Thánh đã giao trách nhiệm ấy cho Cha Sarah trẻ, người không ảo tưởng về viễn cảnh tử đạo đang chờ đợi ngài. Đức Tổng Giám Mục Sarah đã can đảm thách thức chế độ độc tài theo chủ nghĩa Mác xít và khiến Sékou Touré thù hận.

Năm 1984, Sékou Touré đột ngột gặp vấn đề về tim trong một chuyến đi đến Ả Rập Xê Út và được đưa đến Hoa Kỳ để cấp cứu y tế, tại đây hắn ta đột ngột qua đời. Trên bàn làm việc của hắn ở Conakry là danh sách những người sẽ bị ám sát, có lẽ sẽ có hiệu lực nếu hắn ta trở lại. Đức Tổng Giám Mục Sarah đã có tên trong danh sách.

Sau khi Sékou Touré qua đời, Giáo hội và xã hội bị bao vây bởi xung đột liên tục với chế độ. Sau hơn 20 năm làm tổng giám mục, khi được bổ nhiệm vào Giáo triều Rôma, Đức Tổng Giám Mục Sarah đã nói thẳng thừng:

“Tôi biết rằng người dân Guinea rất quý trọng và yêu mến tôi. Nhưng tôi rời Guinea với ấn tượng rằng tôi bị chính phủ ghét bỏ vì tôi nói sự thật”.

Các hoàng tử Phi Châu ở Rome

Khi Đức Tổng Giám Mục Sarah đến Rome vào năm 2001, ngài đã bước vào bóng tối của các giám mục Tây Phi cao ngất ngưởng, cũng được phong chức giám mục ở các quốc gia bản địa của các ngài vào đầu những năm 30 tuổi.

Đức Hồng Y vĩ đại Bernardin Gantin của Benin đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đưa đến Rôma vào những năm 1970, được phong làm Hồng Y trong nhiệm kỳ cuối cùng của ngài vào năm 1977 cùng với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào chức vụ tổng trưởng Bộ Giám Mục. Đến năm 2002, Đức Hồng Y Gantin được ngưỡng mộ vô cùng đã trở thành niên trưởng của Hồng Y Đoàn. Là một người thánh thiện mang vẻ đẹp vương giả, nếu Đức Gioan Phaolô II qua đời 10 năm trước đó, vị Hồng Y người Phi Châu này có lẽ đã được nhiều người ưu ái đưa lên kế vị ngài.

Năm 2002, Đức Hồng Y Gantin nghỉ hưu tại quê hương Benin của mình, và vai trò lãnh đạo Phi Châu ở Rôma được trao cho Đức Hồng Y Phanxicô Arinze của Nigeria. Người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã được thăng chức cùng năm đó với công việc mà Đức Hồng Y Sarah cuối cùng sẽ nhận được, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Đức Hồng Y Arinze, một thành quả khác của hoạt động truyền giáo ban đầu của Giáo Hội ở Phi Châu, là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong Giáo triều của Đức Gioan Phaolô và thường xuyên hiện diện tại Hoa Kỳ, nơi ngài nhận được vô số lời mời.

Sau khi Đức Hồng Y Arinze nghỉ hưu vào năm 2008, chiếc áo choàng được chuyển sang Tổng Giám Mục Sarah, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 phong Hồng Y vào năm 2010. Đức Bênêđíctô cũng là người đã bổ nhiệm ngài đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng “Cor Unum”, điều hành các công việc bác ái của Đức Giáo Hoàng.

Có vẻ như Đức Hồng Y Sarah đã học được từ những người Tây Phi của mình rằng vai trò của ngài bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ quản lý bộ phận của mình.

Là một người phát ngôn thực sự cho Giáo Hội tại Phi Châu, mà Đức Phaolô Đệ Lục gọi là “quê hương mới của Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Sarah sẽ mang đến cho cuộc thảo luận Công Giáo toàn cầu kinh nghiệm của sứ vụ truyền giáo trong Giáo Hội trẻ và trưởng thành, một sự tương phản so với sự mệt mỏi và thối chí của nhiều người đến từ “các quốc gia Công Giáo cũ” đã làm xuất huyết sức sống và năng lượng.

Bộ ba nghĩa vụ của Giáo Hội - và Hồng Y Sarah

“Bản chất sâu xa nhất của Giáo hội được thể hiện trong một bộ gồm ba trách nhiệm của mình”, Đức Bênêđíctô XVI viết trong thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu, 25). “Công bố lời Chúa (kerygma-Martyria), cử hành các bí tích (leitourgia), và thi hành sứ vụ bác ái (diakonia). Các nhiệm vụ này giả định lẫn nhau và không thể tách rời”.

“Trách nhiệm” hay “nghĩa vụ” là cách dịch của thuật ngữ tiếng Latinh munus (số ít) hoặc munera (số nhiều), vốn có ý nghĩa phong phú hơn nhiều. Một munus không chỉ là một sứ vụ hay nhiệm vụ, mà còn là một nhiệm vụ trang trọng, một sứ mệnh, thậm chí là một căn tính. Thánh Phaolô VI đã bắt đầu thông điệp Humanae Vitae (Sự sống con người liên quan đến việc điều hòa sinh sản) của ngài bằng cách nói về những munera nghiêm trọng nhất mà cha mẹ phải gánh vác trong việc lưu truyền sự sống của con người.

Đức Hồng Y Sarah lần đầu tiên được đưa đến Rôma vào năm 2001 bởi Đức Thánh Gioan Phaolô II, người đã bổ nhiệm ngài làm thư ký tại Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc (Propaganda Fidei), là cơ quan của Vatican chịu trách nhiệm giám sát việc truyền giáo cho muôn dân, tức là việc công bố lời Chúa - kerygma-Martyria.

Sau đó, ngài được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm người đứng đầu “Cor Unum”, là hội đồng thực thi các công việc bác ái – diakonia - của Đức Giáo Hoàng.

Cuối cùng, vào năm 2014, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng chức lên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nơi ngài được phụ trách về leitourgia, đời sống bí tích của Giáo hội. Đức Hồng Y Sarah đã sống - không chỉ trong phạm vi các bổ nhiệm, mà bằng lòng nhiệt thành và sự tận tâm – đối với bộ ba nghĩa vụ của Giáo Hội.

Một nhà tiên tri và người hướng dẫn

Trước tin tức nghỉ hưu của ngài, nhiều bài bình luận đã cho thấy Đức Hồng Y Sarah là người thừa kế chương trình cải cách phụng vụ của Đức Bênêđíctô XVI. Có sự thật trong đó. Trọng tâm của tầm nhìn của Đức Bênêđíctô đối với việc cải cách phụng vụ không phải là một hình thức ngoại thường, hay Tridentine, của Thánh lễ, mà theo định nghĩa vẫn là ngoại thường. Đúng hơn, Đức Bênêđíctô đã nhìn thấy con đường phía trước trong cử hành ad orientem của hình thức thông thường, hoặc Novus Ordo [ad orientem nghĩa là ‘hướng đông’. Thánh Basilô Cả quả quyết rằng ‘cầu nguyện quay mặt về hướng đông là luật bất thành văn lâu đời của Giáo Hội’. Trong các tác phẩm của các ngài, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah dùng từ ‘ad orientem’ không giới hạn theo nghĩa đen là phương hướng địa lý, nhưng ‘ad orientem’ là hướng về Thiên Chúa, để đề cao phục vụ trang nghiêm và phê phán các cử hành như một màn trình diễn trong đó các linh mục là nhân vật chính – chú thích của người dịch] Đức Hồng Y Sarah đã cố gắng hết sức để thúc đẩy thực hành đó với những thành công hạn chế; dự án đó sẽ tiếp tục khi những người khác tiếp nối.

Đức Hồng Y Sarah là người thừa kế của Đức Bênêđíctô nhiều hơn nữa trong việc trở thành một tiếng nói tiên tri và hướng dẫn tinh thần thông qua ba cuốn sách phỏng vấn của ngài, tất cả đều là những tác phẩm Công Giáo được chào đón ở tầm mức quốc tế. Đức Hồng Y Ratzinger đã đi tiên phong trong hình thức này vào năm 1984 với cuốn “The Ratzinger Report” – “Báo cáo Ratzinger”; bây giờ mỗi vị Hồng Y và cả những người phụ tá cho các ngài đều có sách phỏng vấn. Sự kiện những cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah đến được với đông đảo khán giả trong bối cảnh lộn xộn như vậy thật đáng chú ý; hơn thế nữa, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra khoảng chục cuốn sách phỏng vấn cùng một lúc, không cuốn nào tạo nên những ảnh hưởng như “The Ratzinger Report” – “Báo cáo Ratzinger”, “Crossing the Threshold of Hope” – “Vượt Qua Ngưỡng Hy Vọng” của Đức Gioan Phaolô II hay bộ ba cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah: “God or Nothing” – “Có Chúa Hay Không Có Gì”, “The Power of Silence” – “Sức Mạnh Của Sự Im Lặng” và “The Day Is Now Far Spent” – “Ngày Đã Tàn”.

Một phần là tự truyện, một phần là những cảnh báo tiên tri, một phần là duyệt lại văn hóa Giáo Hội, những cuốn sách này trên hết là lời mời gọi khôi phục lại địa vị nguyên thủy của Thiên Chúa - trong cầu nguyện, trong công bố, trong sứ mệnh, trong phụng vụ và trật tự xã hội. Trong các cuốn sách của mình, Đức Hồng Y Sarah đã tiếp cận một lượng khán giả vượt xa giới hạn của Giáo triều Rôma, trở thành một người cha và người hướng dẫn tinh thần thực sự.

Chuyện gì tiếp theo?

Nhiều mục tử đã nghỉ hưu nói rằng, được giải phóng khỏi gánh nặng của công việc hành chính, họ có thể “trở lại làm linh mục”. Điều này có vẻ đúng hơn đối với các Hồng Y và giám mục. Không nghi ngờ gì nữa, với cuộc sống nội tâm mãnh liệt của mình - ba ngày không ăn trong vùng hoang dã là một dấu ấn của cuộc sống khổ hạnh của ngài ở Guinea - có thể mong đợi rằng Đức Hồng Y Sarah sẽ dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống ẩn dật, cô độc và cầu nguyện.

Người ta cũng mong đợi rằng ngài sẽ tiếp tục vai trò hướng dẫn tinh thần của mình. Ngài nhận được nhiều lời mời thuyết giảng hơn nhiều so với khả năng ngài có thể nhận khi giữ các chức vụ trong Giáo triều Rôma. Bây giờ ngài có thể tự do đảm nhận công việc đó.

Sự phát triển của Internet đã làm cho một giám mục, hoặc thậm chí một linh mục, có thể có một tác động rất lớn. Đồng thời, thế giới kỹ thuật số của những tranh cãi được thổi phồng đang là mối nguy hiểm hiện nay. Chính Đức Hồng Y Sarah đã vượt qua mối nguy hiểm đó vào năm ngoái khi được cho là đã tán thành tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò về đại dịch; ngài nhanh chóng tránh xa cuộc tranh cãi này. Giờ đây, Đức Hồng Y Sarah sẽ có cơ hội thuyết giảng với thế giới đó mà không rơi vào những cuộc luận chiến phân cực. Nó có thể mất một chút sức mạnh của sự im lặng.
Source:National Catholic Register
 
Tĩnh tâm Mùa Chay cùng Giáo triều Rôma – Bài suy niệm thứ ba của ĐHY Raniero Cantalamessa 12/3/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:43 13/03/2021

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 12 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ ba tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Nhưng các con nói rằng Thầy là ai?”

Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Chúng ta hãy nhắc lại ngắn gọn về chủ đề và tinh thần của các bài suy niệm Mùa Chay hiện nay. Mục đích của chúng ta là để phản ứng lại với xu hướng đang rất phổ biến là nói về Giáo Hội ‘etsi Christus non daretur’, nghĩa là nói về Giáo Hội như thể Chúa Kitô không tồn tại, như thể mọi thứ đều có thể hiểu được mà không có Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đã có ý định phản ứng với điều đó theo một cách khác thường: không phải bằng cách cố gắng thuyết phục thế giới và giới truyền thông về sai lầm của họ, nhưng bằng cách đổi mới và củng cố đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô. Không phải bằng con đường hộ giáo, mà là bằng con đường tâm linh.

Để nói về Chúa Kitô, chúng ta đã chọn cách an toàn nhất, là tín lý: Chúa Kitô là người thật, Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, Chúa Kitô là một bản thể duy nhất. Con đường tín lý không hề cũ và lỗi thời. Như Kierkegaard, một trong những nhà tư tưởng hiện sinh chính yếu, đã nói: ‘Thuật ngữ tín lý của Giáo Hội sơ khai giống như một lâu đài cổ tích, nơi những hoàng tử đẹp trai nhất và những công chúa xinh đẹp nhất an nghỉ. Bạn chỉ phải đánh thức họ dậy, để họ nhảy lên trong vinh quang’.

Vâng, đó là chìa khóa: hãy đánh thức lại các tín điều, truyền sự sống cho chúng một lần nữa, giống như khi Thánh Linh nhập vào bộ xương khô của Edêkien và chúng ‘sống lại và đứng vững trên đôi chân của mình’ (Ed 37:10). Lần trước, chúng ta đã cố gắng làm điều đó liên quan đến tín điều của Chúa Kitô là ‘con người thật’; hôm nay chúng ta muốn làm điều tương tự với tín điều của Chúa Kitô là ‘Thiên Chúa thật’.

Tín điều về Chúa Kitô ‘Thiên Chúa thật’

Vào năm 111 hoặc 112 sau Chúa Giáng Sinh, Pliny Cháu [Pliny the Younger, cháu của Pliny là người rất nổi tiếng trong đế quốc La Mã – chú thích của người dịch] là thống đốc của miền Bithynia và Pontus [ngày nay là hầu hết lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ – chú thích của người dịch], đã viết một bức thư cho hoàng đế Trajan, xin ông cho lời khuyên về cách cư xử trong những phiên tòa được dựng nên để chống lại các tín hữu Kitô. Ông viết cho hoàng đế, ‘trên cơ sở những thông tin thu thập được, tất cả những gì họ bị cáo buộc và tất cả những gì họ đã làm sai là nhóm họp vào một ngày ấn định trước bình minh để hát bởi các ca đoàn thay phiên nhau một bài thánh ca về Chúa Kitô là Thiên Chúa: carmen Christo quasi Deo dicere’. Chúng ta đang ở Tiểu Á, một vài năm sau cái chết của vị Tông đồ cuối cùng, là Thánh Gioan, và các Kitô hữu đã công bố thần tính của Chúa Kitô trong các bài hát! Niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô được sinh ra cùng với sự ra đời của Giáo Hội.

Tuy nhiên, đức tin đó giờ đây còn lại những gì? Trước hết, chúng ta hãy tóm tắt những khía cạnh chính trong lịch sử tín lý về thần tính của Chúa Kitô, sau này được Công đồng Nicê long trọng xác lập vào năm 325 với những lời chúng ta lặp lại trong Kinh Tin kính: ‘Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô…Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa…Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha’. Ngoài cách diễn đạt, ý nghĩa sâu xa hơn của định nghĩa Nicê, có thể được tóm lược như thánh Athanasiô, là nhân chứng và thông dịch viên có thẩm quyền nhất của Công Đồng, rằng trong mọi ngôn ngữ và mọi thời đại, Chúa Kitô phải được công nhận là Thiên Chúa theo ý nghĩa cao nhất và vững chắc nhất mà từ ngữ Thiên Chúa có trong ngôn ngữ và văn hóa đó, chứ không phải theo nghĩa phái sinh (derivative) hay thứ cấp nào.

Phải mất một thế kỷ để chân lý đó theo nghĩa triệt để của nó được xác lập vững chắc và được toàn thể Kitô Giáo chấp nhận. Một khi cố gắng sau cùng của bè rối Ariô do làn sóng truyền bá man rợ bởi những kẻ dị giáo (người Goth, người Visigoth và người Lombard) đã được khắc phục, thì tín điều này đã trở thành một tài sản được công nhận bởi toàn bộ Kitô Giáo, cả Đông phương và Tây phương.

Cuộc Cải cách Tin lành giữ nguyên giá trị và trên thực tế đã nâng cao vai trò trung tâm của nó; tuy nhiên cuộc Cải cách này đã giới thiệu một yếu tố mới mà sau này sẽ mở đường cho những phát triển tiêu cực. Để phản ứng lại chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa duy danh vốn xem thường các tín lý đến mức thuần túy chỉ là những suy đoán tài tình, các nhà cải cách Tin lành tuyên bố rằng: ‘Biết về Chúa Kitô có nghĩa là nhận ra những lợi ích của Ngài, chứ không phải là một cuộc điều tra về bản chất và cách thức nhập thể của Ngài. Chúa Kitô ‘đối với tôi’ trở nên quan trọng hơn Chúa Kitô ‘trong chính Ngài’. Khách quan và tín điều đối lập với tri thức chủ quan và nội tại; ‘Chứng từ bên trong’ của Chúa Thánh Thần về Chúa Giêsu trong lòng mỗi tín hữu được đặt ở vị thế cao hơn so với lời chứng bên ngoài về Chúa Giêsu do Giáo Hội đưa ra và trong một số trường hợp, còn cao hơn cả chính Kinh thánh.

Từ cách giải thích đó, các chủ nghĩa Khai sáng và Duy lý đã tìm thấy cơ sở thích hợp để triệt hạ tín lý. Đối với Kant, điều quan trọng là lý tưởng đạo đức do Chúa Kitô đề xuất, chứ không phải là bản thể của chính Ngài. Thần học tự do của thế kỷ mười chín thực tế hạ giảm Kitô Giáo xuống thành đơn thuần là một chiều kích đạo đức và thành kinh nghiệm về tình phụ tử của Thiên Chúa. Phúc Âm bị tước bỏ mọi yếu tố siêu nhiên như phép lạ, thị kiến, sự phục sinh của Chúa Kitô. Kitô Giáo bị biến thành một lý tưởng đạo đức cao siêu có thể đạt được cho dù không có thần tính của Chúa Kitô và ngay cả khi không có sự tồn tại lịch sử của Ngài. Gandhi, người không may, đã biết đến Kitô Giáo trong phiên bản rút gọn này, đã viết: ‘Tôi thậm chí không quan tâm nếu ai đó chứng minh rằng con người Chúa Giêsu thực sự không bao giờ tồn tại và những gì được đọc trong Phúc âm là thành quả của trí tưởng tượng của tác giả. Bởi vì Bài giảng trên núi sẽ vẫn đúng trong mắt tôi’.

Phiên bản giản lược của Kitô Giáo gần gũi nhất với chúng ta là phiên bản được Bultmann phổ biến, lần này với danh nghĩa loại bỏ những huyền thoại được thần thoại hóa. Như ông đã viết: “Công thức ‘Chúa Kitô là’ không đúng theo mọi nghĩa, khi ‘Chúa’ được coi là một thực thể có thể bị khách quan hóa, cho dù bạn giải thích công thức đó theo Ariô hay Nicê, theo nghĩa chính thống hay cấp tiến. Chỉ đúng nếu ‘Chúa’ được hiểu là một sự kiện thần thánh hóa hiện thực”. Nói cách ít che đậy hơn: Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, nhưng trong Chúa Kitô có Thiên Chúa (hoặc Thiên Chúa đang hoạt động nơi Ngài). Chúng ta đang ở rất xa so với tín lý được xác định tại Công Đồng Nicê. Rõ ràng là người ta muốn giải thích tín lý bằng các phạm trù hiện đại, nhưng trên thực tế đây không gì khác hơn là một sự tái tạo, đôi khi theo cùng một thuật ngữ, các giải pháp cổ xưa (của Phaolô thành Samosata, Marcellus thành Ancyra, Photinus), đã được đánh giá và bác bỏ bởi lương tâm của Giáo Hội.

Nếu một người chuyển từ những gì các nhà thần học nói sang những gì những người bình thường nghĩ về thần tính của Chúa Kitô - theo các cuộc khảo sát khác nhau - thì anh ta sẽ không nói nên lời. Sau một công đồng địa phương bị thống trị bởi các đối thủ của Công Đồng Nicê (công đồng Rimini, năm 359 sau Chúa Giáng Sinh), thánh Giêrôm (Jerome) đã viết rằng cả thế giới ‘thút thít và sửng sốt khi nhận ra những người đó chính là những người Ariô một lần nữa’. Chúng ta còn có nhiều lý do hơn để phải thút thít và cảm thấy choáng váng.

Chúa Giêsu Kitô “Thiên Chúa thật” trong các sách Phúc âm

Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta cần phải kiên định với mục đích của mình. Chúng ta hãy gác lại những gì thế gian nghĩ và cố gắng đánh thức lại trong chính chúng ta niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô. Một đức tin tràn đầy ánh sáng, không mờ mịt, một đức tin có thể đồng thời khách quan và chủ quan, không chỉ dựa trên niềm tin mà còn phải sống trong thực tế. Ngay cả ngày nay Chúa Giêsu cũng không quan tâm nhiều đến những gì ‘người ta’ nói về Ngài, cho bằng những gì các môn đệ nói về Ngài. Câu hỏi liên tục được đưa ra là: ‘Nhưng các con nói rằng Thầy là ai?’ (Mt 16:15). Đây là câu hỏi mà chúng ta cố gắng trả lời trong buổi tĩnh tâm hôm nay.

Chúng ta hãy bắt đầu với các sách Phúc âm. Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, thần tính của Chúa Kitô không bao giờ được tuyên bố một cách công khai, nhưng điều đó liên tục được hiểu. Chúng ta hãy nhớ đến một số câu nói của Chúa Giêsu: “Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mt 9: 6); “Không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha và không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con” (Mt 11: 27); “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25: 31-32). Ai, nếu không phải là Thiên Chúa, có thể tuyên bố nhân danh chính mình để tha tội và xưng mình là thẩm phán chung thẩm của nhân loại và lịch sử?

Một sợi tóc hoặc một miếng nước bọt cũng đủ để tái tạo DNA của một người, cũng thế chỉ một dòng Phúc âm, nếu được đọc mà không có thành kiến, cũng đủ để tái tạo DNA của Chúa Giêsu, để khám phá ra những gì Ngài nghĩ về bản thân mình, nhưng Ngài không thể công khai nói ra để tránh hiểu lầm. Mỗi trang Phúc âm đều toát lên sự siêu việt thiêng liêng của Chúa Kitô.

Nhưng chính Gioan là người đã biến thiên tính của Chúa Kitô thành mục tiêu chính, và là chủ đề bao trùm Phúc Âm của ngài. Ngài kết thúc Tin Mừng của mình bằng cách tuyên bố rằng: ‘Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người’ (Ga 20:31), và kết thúc Bức thư đầu tiên của ngài gần như bằng những lời tương tự: ‘Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời’ (Ga 5:13).

Một ngày nọ, cách đây nhiều năm, tôi đang cử hành thánh lễ trong một tu viện dòng kín. Đoạn Tin Mừng của phụng vụ là bài Phúc Âm theo Thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu đã nhiều lần thốt lên những lời này: “Nếu các ông không tin là TÔI HẰNG HỮU, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.. Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là TÔI HẰNG HỮU.. trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, TÔI HẰNG HỮU!” Cụm từ ‘TÔI HẰNG HỮU’, trái với bất kỳ quy tắc ngữ pháp nào, được viết hoa trong bài đọc, chắc chắn kết hợp với một số nguyên nhân bí ẩn khác, đã châm ngòi cho một tia lửa. Cụm từ đó ‘bùng nổ’ trong tôi.

Từ những nghiên cứu của mình, tôi biết rằng Phúc Âm Thánh Gioan chứa đựng khá nhiều từ ‘TA LÀ’, ego eimi, được Chúa Giêsu thốt ra. Tôi biết đó là một yếu tố quan trọng đối với Kitô học về Ngài; qua đó, Chúa Giêsu tự đặt cho mình cái tên mà theo ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã đặt cho mình để ‘các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta’ (Is 43:10). Tuy nhiên, kiến thức của tôi là sách vở, bất động và không khơi dậy bất kỳ cảm xúc đặc biệt nào. Hôm đó, nó là một cái gì đó hoàn toàn khác. Chúng tôi đang ở trong Mùa Phục sinh và nghe như thể chính Đấng Phục sinh đã xưng tên mình trước trời đất. ‘TA LÀ’ của Ngài đã khai sáng và tràn ngập vũ trụ. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, giống như một khán giả đang tình cờ chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ và phi thường, hoặc một kỳ quan thiên nhiên vĩ đại. Đó chỉ đơn giản là một cảm xúc của niềm tin không hơn, nhưng đó là một trong những thứ mà một khi đã qua đi sẽ để lại một dấu ấn không thể phai mờ.

Thánh Linh của Chúa Giêsu đã cho phép Thánh Gioan đạt được một kỳ tích đáng kinh ngạc. Ngài đón nhận các chủ đề, biểu tượng, kỳ vọng, nói chung, là tất cả những gì sống động về mặt tôn giáo, cả nơi người Do Thái lẫn trong thế giới Hy Lạp, để tất cả những điều này có thể phục vụ một ý tưởng, một nhân vật tốt hơn là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế của thế giới. Ngài đã học ngôn ngữ của những người đương thời, để có thể hét lên bằng ngôn ngữ đó, với tất cả sức lực của mình, chân lý cứu rỗi duy nhất, Lời xuất sắc, ‘Lời nhập thể’.

Chỉ có một xác tín được mạc khải, được Thiên Chúa và Thánh Linh của Ngài ủng hộ và nâng đỡ, mới có thể mở ra trong một cuốn sách với sự nhất mực khăng khăng và nhất quán như vậy, bắt đầu từ hàng ngàn điểm khác nhau và luôn đi đến một kết luận giống nhau: đó là danh tính đầy đủ về bản chất giữa Chúa Cha và Chúa Con: ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (Ga 10,30). ‘Một,’ ở dạng trung tính trong tiếng Latinh unum, bạn nhớ nhé, đó là một thứ cùng một bản chất, không phải của một nhân vật (masculine unus)!

“Corde creditur: ta tin bằng cả trái tim”

Cũng như chúng ta đã làm đối với nhân tính của Chúa Kitô, giờ đây, trong khi vẫn giữ được chiều kích khách quan và bản thể học, chúng ta cũng có thể chỉ ra tín điều cổ xưa về thần tính của Ngài có thể bao hàm và nâng cao giá trị của quan điểm chủ quan và chức năng hiện đại như thế nào. Mặt khác, làm điều ngược lại đã được chứng minh là khá khó khăn. Chúng ta hãy đặt đối lập luận lý biện chứng “một trong hai” với luận lý “và-và” của Công Giáo.

Để minh bạch chúng ta cần phải rõ ràng rằng không có gì trong số những cái gọi là ‘Kitô học từ bên dưới’ coi Chúa Giêsu như là ‘nhà tiên tri cánh chung và là đấng mặc khải cao nhất về Chúa Cha’ làm điểm xuất phát của họ, hoặc coi Chúa Giêsu là ‘người mà trong đó nhận thức về Thiên Chúa đã đạt đến cấp độ cao nhất’ (F. Schleiermacher), hay xem Chúa Kitô là ‘một con người trong đó bản chất thần thánh tồn tại’ (không phải một ngôi vị thần thánh tồn tại trong bản chất con người!). Tôi nhắc lại: không phái nào trong số những trường phái Kitô học này, đã cố đạt được mục tiêu là nắm lấy mầu nhiệm thực sự của đức tin Kitô và bảo vệ thần tính trọn vẹn của Chúa Kitô. Lý do của sự thất bại đó được Chúa Giêsu giải thích và được Thánh Gioan tường thuật rất rõ: ‘Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống’(Ga 3:13). Quả thật, nếu Ngài mong muốn, Ngài thật sự có thể trở thành con người nhưng con người không thể biến thành Chúa!

Trên những cơ sở như vậy, chúng ta có thể khôi phục và nâng cao toàn bộ chiều kích chủ quan và cá vị của tín điều: Chúa Kitô ‘đối với tôi’ được các nhà Cải cách ban cho tính ưu việt, Chúa Kitô được biết đến từ những lợi ích của Ngài và chứng tá bên trong của Thánh Linh. Đây là hoa trái tốt nhất của đại kết, đó là ‘những khác biệt được hòa giải’, chứ không phải là những khác biệt chống đối, như Đức Thánh Cha của chúng ta đã nói. Đó không phải là sự nhượng bộ ‘pro bono pacis’ nghĩa là ‘vì hòa bình’, mà là nhu cầu và sự phong phú hóa lẫn nhau. Tất cả chúng ta cần phải cung cấp cho đức tin của mình chiều kích cá nhân, thân mật đó, để nó có thể không phải là một sự lặp lại chết chóc các công thức cổ xưa hoặc hiện đại. Về điểm này, tất cả chúng ta đều được kêu gọi hành động: Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành.

Thánh Phaolô nói: ‘Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ’(Rm 10:10). Theo nhận xét của Thánh Augustinô ‘Đức tin nảy sinh từ cội rễ của trái tim’. Theo quan điểm Công Giáo, cũng như Chính thống giáo, và sau đó là quan điểm Tin lành, việc tuyên xưng đức tin đúng đắn, chính thống, tức là giai đoạn thứ hai của quá trình, thường trở nên quan trọng đến mức làm lu mờ giai đoạn đầu tiên diễn ra ở nơi sâu thẳm tiềm ẩn của tâm hồn. Tất cả các luận thuyết về đức tin, hay De fide, được viết sau Nicê, đề cập đến tính chính thống của đức tin; ngày nay người ta sẽ đề cập đến như những fides quae, chứ không phải với những fides qua, tức là như những điều để tin chứ không phải như các hành động tin tưởng cá vị.

Hành động đức tin đầu tiên này, chính vì nó diễn ra trong lòng, nó phải là một hành động ‘số ít’, không thể được thực hiện bởi ai khác ngoài một cá nhân, trong sự cô độc tuyệt đối với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu nhiều lần hỏi cùng một câu hỏi: ‘Anh có tin vào Con Người không?’ (Ga 9:35; Ga 11:26); và mỗi khi câu hỏi này được đưa ra, nó gợi lên từ trái tim tiếng kêu của đức tin: ‘Vâng, lạy Chúa, con tin!’

Chúng ta cũng cần chấp nhận trải qua khoảnh khắc đó, trải qua cuộc kiểm tra đó. Nếu một người trả lời ngay câu hỏi của Chúa Giêsu “Anh có tin vào Con Người không?”, mà không cần suy nghĩ: “Tôi chắc chắn tin” và thậm chí thấy lạ khi một tín hữu, một linh mục hay một giám mục, lại đặt ra câu hỏi đó với mình, thì có lẽ điều này có nghĩa là người ấy vẫn chưa khám ra ý nghĩa thực sự của niềm tin, có lẽ họ chưa bao giờ trải qua sự sững sờ của lý trí trước đức tin. Thần tính của Chúa Kitô là đỉnh cao nhất, là đỉnh ‘Everest’ của đức tin. Tin vào một Thiên Chúa, Đấng sinh ra trong chuồng gia súc và chết trên cây thập tự giá! Điều này còn đòi hỏi cao hơn rất nhiều so với việc tin vào một vị thần xa xôi, là người có thể được tưởng tượng bởi bất kỳ ai theo ý muốn.

Cần phải bắt đầu bằng cách đánh đổ trong chúng ta, những tín hữu, và trong chúng ta, hàng giáo sĩ của Giáo Hội, sự lầm tưởng cho rằng chúng ta ổn về phương diện đức tin, và có lẽ chúng ta vẫn cần phải làm việc về cả đức mến. Rốt cuộc, có thể là tốt, ít nhất là trong một thời gian nào đó, chúng ta không muốn chứng minh bất cứ điều gì với bất cứ ai, nhưng muốn đào sâu sự hiểu biết trong lòng về đức tin, muốn khám phá lại cội nguồn của đức tin trong tâm hồn mình!

Chúng ta cần tạo lại các điều kiện để khôi phục niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô, để tái tạo niềm tin bùng phát đã làm nảy sinh tín điều Nicê. Nhiệm thể Giáo Hội đã từng tạo ra một nỗ lực tối cao, qua đó, trong đức tin, Giáo Hội đã vượt lên trên mọi hệ thống con người và mọi phản kháng của lý trí. Thủy triều của đức tin đã từng lên đến mức cao nhất và dấu ấn của nó đã được để lại trên đá. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải làm cho thủy triều đức tin dâng lên trở lại, vì dấu tích thôi thì chưa đủ. Lặp lại Kinh Tin Kính Nicê thôi chưa đủ; cần phải lặp lại niềm tin bùng phát vào thần tính của Chúa Kitô mà chúng ta đã có vào lúc bấy giờ, và điều này vẫn chưa có gì sánh được qua các thời đại.

Thông lệ của Giáo Hội (và không chỉ của Giáo Hội Công Giáo!) quy định việc tuyên xưng đức tin cho các ứng viên, trước khi nhận nhiệm vụ giảng dạy thần học. Việc tuyên xưng đức tin đó thường đòi hỏi phải đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính cũng như phải dạy những điều nhất định được chỉ định một cách cụ thể - và tránh dạy những điều khác cũng được nêu rõ một cách cụ thể không kém - mà vào thời điểm đó trong lịch sử là những vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Hãy nghĩ về lời thề chống lại chủ nghĩa hiện đại!

Tôi tin rằng một điều trên hết nên được xác định chắc chắn: bất cứ ai giảng dạy thần học cho các thừa tác viên Phúc Âm trong tương lai phải tin chắc vào thần tính của Chúa Kitô. Điều này nên được xác định chắc chắn thông qua sự phân định thẳng thắn và huynh đệ, thay vì thông qua một lời thề. Sau Công đồng Vatican II (chắc chắn không phải vì Công đồng!), có cả một thế hệ linh mục hoàn thành chủng viện và được thụ phong với những ý tưởng rất bối rối và mù mờ về Chúa Giêsu mà họ phải công bố cho mọi người và thể hiện trên bàn thờ trong các Thánh lễ. Tôi tin chắc rằng nhiều cuộc khủng hoảng trong đời sống linh mục đã bắt đầu và vẫn bắt đầu từ đó.

Đại kết và truyền giáo

Những gì chúng ta đã nêu bật cho đến nay cũng có những hậu quả quan trọng đối với phong trào đại kết Kitô Giáo. Có thể có hai loại đại kết: đại kết của đức tin và đại kết của sự hoài nghi; điều thứ nhất liên kết tất cả những người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần; còn điều thứ hai liên kết tất cả những ai hài lòng với việc ‘diễn dịch’ những điều này theo cách riêng của họ và theo hệ thống triết học riêng của họ. Đó là một loại đại kết, trong đó, cùng lắm là tất cả họ đều tin vào những điều giống nhau bởi vì không ai thực sự tin vào bất cứ điều gì, theo nghĩa sâu xa của từ ‘niềm tin’.

Sự phân biệt cơ bản của các loại tinh thần, trong lãnh vực đức tin, không phải là giữa Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành, mà là giữa những người tin vào Chúa Kitô Con Thiên Chúa và những người không tin vào Người; theo thuật ngữ của thánh Phaolô, là giữa ‘tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta’ (1 Cr 1: 2), và những người không kêu cầu danh đó.

Một sự hiệp nhất mới và vô hình đang được xây dựng, xuyên suốt các Giáo Hội khác nhau. Sự hiệp nhất thiêng liêng vô hình như vậy, đến lượt nó, lại cần đến sự phân định của thần học và của Huấn quyền, để ngăn cho nó đừng rơi vào nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chủ quan không kiềm chế. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được cám dỗ đó, người ta không thể nào không chú ý đến nó.

Một ‘đại kết tinh thần’ đích thực không chỉ bao gồm việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, mà còn phải bao gồm việc chia sẻ cùng một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Nó bao gồm cái mà Thánh Augustinô gọi là ‘socialetas sanctorum’, nghĩa là sự hiệp thông của các thánh, mà đôi khi đáng tiếc có thể không trùng với ‘Communio sacramentorum’, tức là có cùng các dấu chỉ bí tích.

Đức tin vào thần tính của Chúa Kitô là điều quan trọng trên hết về phương diện truyền giáo. Có một số nhất định các cấu trúc và tòa nhà bằng kim loại sẽ sụp đổ nếu người ta chạm vào một điểm nhất định hoặc loại bỏ một viên đá nào đó. Việc xây dựng đức tin Kitô là như vậy, và ‘viên đá góc’ của nó là thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Một khi điều đó đã bị loại bỏ, mọi thứ đều tan rã và sụp đổ, bắt đầu từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi được tạo thành bởi ai nếu Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa? Không phải ngẫu nhiên mà một khi thần tính của Chúa Kitô được đặt trong dấu ngoặc, thì Ba Ngôi cũng được đặt trong dấu ngoặc.

Thánh Augustinô nói: ‘Không có gì là kỳ công khi tin rằng Chúa Giêsu đã chết; điều này được tin tưởng ngay cả bởi những người ngoại giáo và những kẻ chống đối chúng ta; mọi người đều tin vào điều đó. Nhưng sẽ là một kỳ tích thực sự tuyệt vời khi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại’. Và thánh nhân kết luận rằng: ‘Đức tin Kitô là sự phục sinh của Chúa Kitô’. Điều tương tự cũng phải nói về nhân tính và thần tính của Chúa Kitô, được thể hiện lần lượt qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu là một con người; Điều tạo nên sự khác biệt giữa người tin và người không tin là niềm tin rằng Ngài cũng là Thiên Chúa. Đức tin Kitô là thần tính của Chúa Kitô.

‘Biết Chúa Kitô là nhận biết những lợi ích của Ngài’

Những người Cải cách nói: ‘Biết về Chúa Kitô là nhận ra những lợi ích của Ngài’. Chúng ta hãy kết thúc chính xác bằng cách nhớ lại một số lợi ích này, có khả năng đáp ứng nhu cầu sâu sắc nhất của những người cùng thời với chúng ta: đó là nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và vượt qua cái chết.

Đúng là con người hiện đại đã ngừng băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống. Cách đây vài năm, một trí thức nổi tiếng đã viết: ‘Tôn giáo sẽ chết. Đó không phải là một điều ước, cũng không phải là một lời tiên tri cho vấn đề đó. Đó đã là một sự thật đang chờ đợi sự thành toàn của nó… Ngay khi thế hệ của chúng ta và có lẽ thế hệ con cái của chúng ta đã qua đi, không ai còn có thể coi nhu cầu mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa là một vấn đề thực sự cơ bản… Công nghệ đã đưa tôn giáo đến thời kỳ hoàng hôn’. Chắc chắn, ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống không phải là vấn đề đối với những người đã gán cho mình những ý nghĩa khác. Ngay khi tuổi trẻ, sức khỏe, danh vọng biến mất, nhiều người bắt đầu hỏi lại câu hỏi đó. Nó lại xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm này của đại dịch, trong đó con người thường bị giam giữ trong nhà của họ, cuối cùng đã có thời gian để suy nghĩ và đặt câu hỏi.

Bức tranh "The Scream" - “Tiếng thét” của Edvard Munch.
Có một bức tranh, một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hiện đại, truyền tải một cách trực quan đâu là nơi mà xác tín cho rằng cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cuối cùng sẽ dẫn người ta đến. Trên phông nền màu đỏ, một người đàn ông chạy qua cầu và băng qua hai người trông như thể họ không biết hoặc không quan tâm đến bất cứ điều gì; mắt anh ấy mở to; anh ấy kêu lên với hai tay vòng quanh miệng tạo thành một cái loa, rõ ràng là một tiếng kêu tuyệt vọng. Tất nhiên, tôi đang nói đến bức tranh “Tiếng thét” của Edvard Munch.

Chúa Giêsu nói: ‘Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống’ (Ga 8:12). Bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu Kitô có thể chống lại sự cám dỗ lớn lao khi thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, là điều thường dẫn đến tự sát. Ai tin vào Chúa Kitô thì không bước đi trong bóng tối: họ biết mình từ đâu đến, đi đâu và phải làm gì trong thời gian chờ đợi. Trên tất cả, họ biết rằng họ được ai đó yêu thương và rằng ai đó đã hiến mạng sống của chính mình để chứng minh điều đó cho họ!

Chúa Giêsu cũng nói: ‘Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống’ (Ga 11:25). Và sau này, vị Thánh Sử sẽ viết cho các Kitô hữu: ‘Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.[…] Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời’ (1 Ga 5:13, 20). Chính vì Chúa Kitô là ‘Thiên Chúa thật’, Ngài cũng là ‘sự sống đời đời’ và là Đấng ban sự sống đời đời. Điều này không nhất thiết loại bỏ nỗi sợ hãi về cái chết nhưng mang lại cho người tin Chúa sự chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc bằng cái chết.

Hãy để một điều gì đó của tất cả những điều này bùng lên trở lại trong tâm trí vào các ngày Chúa Nhật khi chúng ta công bố điều thứ hai của Kinh Tin kính như hiện nay:

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

1. Søren Kierkegaard, Diary, II, A 110 (year 1837).
2. Pliny the Younger, Epistularum liber, X, 96.
3. Philipp Melanchthon, Loci theologici, in Corpus Reformatorum, Brunsvigae 1854, p. 85.
4. See Gandhi on Christianity. Robert Ellsberg (ed). Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1991.
5. R. Bultmann, Glauben und Verstehen, II, Tübingen 1938, p. 258.
6. St Jerome, Dialogus contra Luciferianos, 19 (PL 23, 181): ‘Ingemuit totus orbis et arianum se esse miratus est.’
7. Mk 13:31; Mt 24:35; Lk 21:33.
8. St Augustine, Tractates on the Gospel of John, 26,2 (PL 35,1607).
9. St Augustine, Enarrationes in Psalmos 120, 6.
10. In the magazine MicroMega 2, 2000, pp. 187f.
Source:Cantalamessa
 
Khủng bố Hồi Giáo IS không thể ngờ có ngày bức tượng chúng chặt đầu lại được Đức Thánh Cha làm phép
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 13/03/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép bức tượng Đức Mẹ bị quân khủng bố Hồi Giáo IS xúc phạm

Một bức tượng của Đức Trinh nữ Maria từng bị Nhà nước Hồi giáo xúc phạm đã có mặt trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Erbil hôm Chúa Nhật tuần qua.

Bức tượng bị chặt đầu, và bàn tay bị cắt đứt, trước đây được đạt trong nhà thờ Thánh Adday ở Karemlesh, một thị trấn toàn tòng Kitô Giáo nằm cách Mosul 28km về phía Đông.

Bức tượng đã được phục hồi một phần; đầu bức tượng đã được thay thế, mặc dù hai bàn tay thì chưa làm xong.

Phát biểu ngày 7 tháng 3 với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Cha Thabet Habeb, Cha sở của giáo xứ Thánh Adday, kể lại rằng lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của Đức Trinh Nữ bị chặt đầu, ngài đã trải qua “một cảm giác rất buồn, vì tôi thấy nhà thờ của mình hoang tàn, bức tượng cùng với bao nhiêu thứ khác bị phá phách. Chúng tôi đã cầu nguyện trước bức tượng Đức Trinh Nữ này trong nhiều năm mà nay bức tượng đã bị phá hủy. Bức tượng là một điều gì đó rất quan trọng đối với giáo xứ, đối với nhà thờ của chúng tôi”.

Cha Habeb cho biết bức tượng “sẽ trở lại Karemlesh và sẽ ở trong nhà thờ của chúng tôi khi chúng tôi trở về”.

Vị linh mục hy vọng rằng kết quả của chuyến thăm Iraq của Đức Thánh Cha là chính phủ và thế giới sẽ nhìn vào “Giáo Hội tử đạo này, và thấy rằng Giáo Hội phải được trợ giúp để có thể tiếp tục mang đến ánh sáng Tin Mừng”.

Nhà nước Hồi giáo tràn qua các vùng đất rộng lớn ở Syria và Iraq vào năm 2014, đưa ra tối hậu thư cho các gia đình Kitô hữu và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác – là phải chuyển sang đạo Hồi, hoặc phải chết hoặc phải ra đi.

Vào năm 2017, đồng bằng Ninivê đã được giải phóng khỏi sự cai trị của Nhà nước Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency

2. Tối Cao Pháp Viện quy định các quan chức chính phủ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vi phạm tự do tôn giáo

Hôm thứ hai, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết rằng các quan chức chính phủ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vi phạm tự do tôn giáo.

Trong vụ kiện Uzuegbunam kiện Preczewski, với tỷ số áp đảo 8 trên 1, Tối Cao Pháp Viện phán quyết rằng một sinh viên đại học bị hạn chế và có lúc bị cấm truyền giảng Tin Mừng trong khuôn viên trường đại học công lập có thể kiện các quan chức nhà trường về những thiệt hại về mặt danh nghĩa, vì họ đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của anh ta.

Thẩm phán Clarence Thomas là tác giả của ý kiến đa số, trong khi Chánh án John Roberts là người duy nhất phản đối.

Nhóm Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, là tổ chức khởi kiện các vụ việc nhân danh tự do tôn giáo, đã hoan nghênh phán quyết của tòa án.

“Khi các quan chức chính phủ tham gia vào các hành vi sai trái mà không bị hậu quả nào, thì điều đó khiến nạn nhân mất quyền truy tố, làm xói mòn cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ các quyền hiến pháp và khuyến khích chính phủ tham gia vào các vi phạm trong tương lai,” Kristen Wagoner, tổng cố vấn của ADF nói.

“Chúng tôi rất vui mừng khi Tòa án Tối cao đã cân nhắc đứng về phía công lý cho những nạn nhân”, Wagoner nói.

Vụ việc liên quan đến Chike Uzuegbunam, một tín hữu Tin lành, khi đang theo học tại Georgia Gwinnett College vào năm 2016, đã tìm cách truyền giáo cho các sinh viên khác. Nhà trường có một chính sách nghiêm ngặt giới hạn nơi anh ta có thể truyền giáo và thời điểm anh ta có thể làm như vậy.

Ngay cả sau khi xin được giấy phép truyền giáo, anh đã bị ra lệnh dừng lại, vì nhà trường nói là các sinh viên khác phàn nàn. Khi anh khởi kiện các quan chức trường đại học đứng sau chính sách này, thì họ đã thay đổi chính sách và cho rằng vụ việc hiện đã được giải quyết.

Tuy nhiên, Uzuegbunam vẫn đòi bồi thường thiệt hại danh nghĩa cho những vi phạm quyền của mình. Tòa án đã phán quyết có lợi cho anh ta vào thứ Hai.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện không chỉ có lợi cho người sinh viên Tin lành này. Nó còn có tác dụng chặn đứng các cách hành xử chèn ép các tôn giáo đã rộ lên từ khi xảy ra đại dịch coronavirus.

Tại California, trong khi bao nhiêu người vào một siêu thị cũng được thì chỉ được một người vào cầu nguyện trong các nhà thờ rộng mênh mông.
Source:Catholic News Agency

3. Người Thụy Sĩ đồng ý cấm phụ nữ mặc burqa Hồi Giáo

Một đề xuất cực hữu nhằm cấm che mặt ở Thụy Sĩ đã giành được chiến thắng sít sao trong một cuộc trưng cầu dân ý vào hôm Chúa Nhật.

Các kết quả chính thức tạm thời cho thấy biện pháp sửa đổi hiến pháp Thụy Sĩ được thông qua với biên độ 51.2% phiếu thuận và -48.8% phiếu chống.

Đề xuất theo hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ không đề cập trực tiếp đến đạo Hồi, và thực ra cũng nhằm mục đích ngăn chặn những người biểu tình bạo lực trên đường phố đeo mặt nạ, tuy nhiên các chính trị gia địa phương, truyền thông và các nhà vận động đã gọi đó là lệnh cấm burqa.

“Ở Thụy Sĩ, truyền thống của chúng tôi là bạn thể hiện khuôn mặt của mình. Đó là dấu hiệu cho thấy các quyền tự do cơ bản của chúng tôi”, Walter Wobmann, chủ tịch ủy ban trưng cầu dân ý và là thành viên quốc hội của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ, đã nói trước cuộc bỏ phiếu.

Ông nói: “Che mặt là biểu tượng cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng trở nên nổi bật ở Âu Châu và không có chỗ đứng ở Thụy Sĩ”.

Các nhóm Hồi giáo đã lên án cuộc bỏ phiếu và nói rằng họ sẽ thách thức nó.

“Quyết định của ngày hôm nay mở ra những vết thương cũ, mở rộng hơn nữa nguyên tắc bất bình đẳng pháp lý và gửi một tín hiệu rõ ràng về sự loại trừ đối với thiểu số Hồi giáo,” Hội đồng Trung tâm của người Hồi giáo ở Thụy Sĩ cho biết.

Họ thề sẽ đưa ra những thách thức pháp lý đối với luật này và tổ chức gây quỹ để giúp đỡ những phụ nữ bị phạt.

Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ cho biết: “Việc áp dụng các quy định về trang phục trong hiến pháp không phải là một cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ mà là một bước lùi vào quá khứ”, Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ đưa ra lập trường trên, đồng thời bổ sung thêm các giá trị trung lập, khoan dung và xây dựng hòa bình của Thụy Sĩ trong cuộc tranh luận.

Pháp đã cấm đeo khăn che mặt nơi công cộng vào năm 2011 và Đan Mạch, Áo, Hà Lan và Bulgaria có lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần đối với việc đeo khăn che mặt nơi công cộng.
Source:Reuters

4. Cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa nữ quyền vào nhà thờ ở Oaxaca

Một nhóm nữ quyền tham gia cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ ở thành phố Oaxaca hôm Chúa Nhật 7 tháng Ba đã tấn công nhà thờ hai thánh Cosmas và Damian, cũng như các tòa nhà khác, cả công cộng lẫn tư nhân.

Là một phần của cuộc biểu tình được tổ chức ở Mexico cho Ngày Quốc tế Phụ nữ, những người phụ nữ đeo mặt nạ được trang bị gậy gộc đã phá cửa ngoài nhà thờ hai thánh Cosmas và Damian, đập vỡ cửa sổ, xâm nhập vào bên trong vẽ những hình vẽ dâm dục lên tường nhà thờ, phá hủy tủ kính, cửa sổ, băng ghế dài và tòa giải tội.

Một bức tượng của Thánh Thánh Giuđa Tađêô cũng bị phá hủy, và một trong những băng ghế đã bị hư hại và bị ném ra đường.

Trong cuộc tuần hành qua thành phố, chúng cũng cũng tấn công nhà thờ chính tòa Oaxaca, Bộ Y tế của tiểu bang, và các tòa nhà tư nhân và công cộng khác.

Ngày quốc tế phụ nữ đã được biến một cách tinh ranh thành ngày tấn công vào các nhà thờ để đòi hỏi cái gọi là quyền phá thai và hô hào cổ võ cho trào lưu đồng tính.

Tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, những người biểu tình sau đó đã tuần hành qua trung tâm thành phố đến trụ sở của đảng Đảng Công lý và Pháp luật đang cầm quyền với các biển hiệu của nhóm phụ nữ phò phá thai và cờ cầu vồng ủng hộ quyền của người LGBT. Giống như trong các cuộc biểu tình năm ngoái, họ bất chấp lệnh cấm tụ tập vì đại dịch của chính quyền Ba Lan.
Source:Catholic News Agency