Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
Đó là lời Chúa
(Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Chay – 2V 5,1-15a; Lc 4,24-30)
Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa luôn vượt quá tầm trí hiểu cũng như tầm kiểm soát của loài người. Thiên Chúa luôn tự do nên không một ai, không một thế lực nào có thể kìm giữ ơn lành cho riêng mình. Người đồng hương Nagiaret những tưởng rằng mình có thể độc quyền ân phúc từ người con của quên hương mình, Giêsu. Họ đã lầm. Từ chỗ thất vọng trong nỗ lực độc quyền, độc chiếm ơn lành thì họ đã nhẫn tâm chọn thái độ đáng trách đó là “ăn không được thì đạp đổ”. Họ đã kéo Chúa Giêsu lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi (x. Lc 4,29-30). Tình yêu và ân phúc của Thiên Chúa là dành cho mọi người. Không một ai, một cơ chế, một tập thể nào có thể độc quyền nắm giữ cho riêng mình.
Thiên Chúa luon tự do trong việc biểu lộ quyền năng và tình yêu của mình của mình. Thoạt đầu tể tướng Naaman cũng như nhiều người lầm tưởng rằng quyền năng của Thiên Chúa phải được tỏ bày qua những nghi lễ long trọng. Ông chưa thể hiểu rằng với Đấng dựng nên vũ trụ đất trời thì quyền năng của Người không bị trói buộc, không bị hạn chế trong các nghi lễ của loài người, kể cả lễ nghi của các tập thể tôn giáo. Thiên Chúa có thể biểu lộ quyền năng, ban ơn lành cho loài người chúng ta bằng nhiều cách thế. Nhờ biết khiêm nhu nghe lời người hầu gái, tể tướng Naaman đã làm một việc bình thường là xuống tắm dưới sông Giođan bảy lần và ông đã lãnh nhận ân phúc được chữa lành khỏi căn bệnh nan y là phung cùi.
Chước cám dỗ độc quyền Thiên Chúa và độc quyền cách thức đón nhận ân phúc của Người luôn có đó nơi chúng ta nhất là khi chúng ta xem ra là những người có chút liên hệ gì đó và có chút vai vị gì đó trong tập thể tôn giáo. Tôi là Kitô hữu nên tôi phải được ưu tiên hơn bà con lương dân hay anh chị em khác đạo chứ! Để đón nhận ơn lành của Thiên Chúa thì phải theo thể thức và quy định của tôi, của chúng tôi, vì tôi, chúng tôi là những người có chức và có quyền!
Mong sao con mắt đức tin chúng ta mở ra để nhận biết Thiên Chúa là Đấng luôn tự do và chúng ta chỉ là loài thụ tạo. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người và bất cứ ai cũng đều là con cái của Người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Thứ Ba sau Chúa Nhật III Mùa Chay – Mt 18,21-35)
“Thưa Thầy, nếu anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Chúa Giêsu trả lời với Phêrô rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mười lần bảy”. Và Người kể câu chuyện dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót tha thứ”. Một anh nọ đã được Đức Vua tha bổng cho món nợ kếch xù mười ngàn yến vàng, dù anh ta không xin tha mà chỉ xin khất một thời gian để trả nợ. Thế mà ngay liền sau đó khi ra về anh ta lại cứng lòng với một người bạn đang mắc nợ anh ta môt món nợ chẳng đáng gì là một trăm quan tiền mà lại còn độc ác bắt anh bạn này tống giam vào ngục. Sau khi biết sự tình thì nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ sai người bắt anh này giao cho lý hình hành hạ và tống giam cho đến khi trả hết nợ. Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu kết: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (x.Mt 18.21-35).
Chúng ta dễ nghĩ ngay đến việc tha thứ cho nhau như là một trong những điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ cho mình. Nói là điều kiện thì không sai nhưng xem ra không thật chính xác. Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta là vô điều kiện và luôn đi bước trước. Thánh tông đồ dân ngoại đã cảm nhận chân lý này khi khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, cho chúng ta được giao hòa với Cha trên trời ngay khi chúng ta còn là kẻ có tội. (x.Rm 5,5-8). Theo nội dung dụ ngôn Chúa Giêsu kể thì chính Đức Vua đã xót thương tha bổng cho anh mắc nợ vua mười ngàn yến vàng trước.
Thiên Chúa trao ban ân phúc và lòng thương xót cách quảng đại. Nước từ thượng lưu dạt dào tuôn đổ thì hệ quả là hạ lưu ắt phải thông dòng. Việc chúng ta sống quảng đại và nhân từ với nhau là hệ quả tất yếu nếu chúng ta thực sự đã đón nhận ân tình bao la của Thiên Chúa cách hữu hiệu. Hạ lưu mà không thông dòng là một dấu chỉ chưa nhận được nước từ thượng lưu đỏ về. Thực ra là có nhận được nhưng không có hiệu quả. Đã nhận mà không phát sinh hiệu quả thì rất có thể gây ra hậu quả khôn lường. Hiện tương lụt lội, lũ quét trong giới tự nhiên là một hình ảnh.
Mùa Chay lại về. Đoàn tín hữu Công Giáo, cách riêng ở Việt Nam thế nào cũng nô nấp đến “tòa cáo giải”. Chúng ta có thực sự nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa cách hữu hiệu không thì hãy xem dấu chỉ là tấm lòng của chúng ta với tha nhân. Phải chăng có đó nhiều người từ tòa cáo giải trở về mà vẫn chưa nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Đúng hơn là có nhận mà không sinh hiệu quả và thậm chí lại sinh nhiều hậu quả đáng tiếc.
Thiên Chúa rộng ban lòng thương xót cho chúng ta cách quảng đại và vô điều kiện. Các khả năng và nhiều điều kiện thuận lợi chúng ta có được chính là quà tặng của Thiên Chúa. Người cũng tuôn đổ ân lành cho nhiều người qua trách vụ lớn này, chức bậc cao trọng kia ngoài xã hội hay trong Giáo hội. Phúc lành của Thiên Chúa nếu không phát sinh hiệu quả với dấu chỉ “thông dòng” thì cũng có thể gây ra nhiều hậu quả thật khó lường.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Từ tối ngày 17 đến ngày 18 tháng 3 năm 2023)
Chủ đề : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)
I. KHAI MẠC:
Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)
Kính thưa cộng đoàn, sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi đi từ chiều ngày thứ Sáu đến chiều thứ Bảy trước Chúa Nhật IV Mùa Chay đến nay là năm thứ 9 được cử hành trên toàn thế giới, một sáng kiến cầu nguyện và hòa giải trong Mùa Chay mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn, được cử hành. Để chuẩn bị cho Lễ Chúa Phục Sinh, các nhà thờ sẽ mở cửa trong suốt thời gian cử hành sáng kiến, nhằm giúp cho các tín hữu và khách hành hương có cơ hội dừng đôi phút để chầu Thánh Thể và xưng tội, giúp nhiều người đến bí tích Hòa Giải, trở về với Chúa, sống những giờ phút cầu nguyện và tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống.
24 giờ cho Chúa năm nay, ngoài những ý tưởng trên còn có một ý chính là bắt chước người thu thuế kêu xin với Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Chúng ta cùng đặt mình trước Thánh Thể Chúa và hồi tâm cảm nghiệm tình Chúa yêu ta và đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa.
Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần Đặt Mình Thánh Chúa
Hát : Thờ Lạy Chúa Giêsu
(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương, hát xong và đọc lời nguyện sau)
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có loài người chúng con. Chúng con tôn thờ và kính lạy Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong đó có mỗi người chúng con. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật giữa chúng con đây, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.
Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.
Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa, chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa, chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa, sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.
Chúa là Đấng "vạn vật được tạo thành" (Ga 1, 3). Chúa là Đấng nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Chúa đang ở giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.
Lạy Thiên Chúa đầy tình thương mến, xin ôm ấp tất cả chúng con giờ đây đang thờ lạy trước Thánh Thể tình yêu Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.
Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.
Hát : Con Thờ Lạy Hết Tình (Hoài Chiên)
1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.
2. ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.
3. Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.
Vị chủ sự xướng :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Trước nhan thánh Chúa giờ đây. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Chúng con ý thức về thân phận tội lỗi bất toàn của chúng con. Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con, vì chúng con là kẻ có tội.
Cộng đoàn đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.
Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một Cha là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Ấy vậy mà chúng con vô tình bạc nghĩa vong ơn với Chúa.
Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con xin Chúa đoái thương gìn giữ Ðức Giáo Hoàng là đấng đại diện Chúa ở trần gian, Ðức Giám Mục Giáo phận chúng con và Cha xứ chúng con. Nhất là xin Chúa bỏ qua những bất toàn của các đấng các bậc. Chúng con lại xin Chúa đoái thương cách riêng đến các linh hồn nơi luyện ngục nhất là những linh hồn khi còn sống đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.
Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã chịu chết vì chúng con, nhưng Chúa chưa lấy làm đủ, Chúa còn lập phép Mình Thánh rất đáng kính này để ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Ôi lòng Chúa thương yêu chúng con vô cùng! Chúng con không tài nào suy thấu được. Nhưng chúng con chưa mến yêu và kính thờ Chúa hết lòng, hết sức cho đủ, lại còn xúc phạm tới Phép Mình Thánh Chúa, thậm chí rước Mình Thánh Chúa cách bất xứng.
Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể, biết thương xót và tha thứ cho nhau như Chúa đã thương va tha thứ cho chúng con.
Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.
(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)
II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :
Hát : Xin cho con biết lắng nghe
Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18,9-14)
Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,9-14)
Đó là Lời Chúa
Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)
Để xác định thái độ nội tâm và hình thức bề ngoài khi hướng về Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đặt hai nhân vật tương tự đại diện cho con người ngày hôm nay : một bên là người pharisiêu công chính tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo và bên kia là người thu thuế, tội lỗi, tay sai cho bọn đế quốc, vơ vét tiền bạc trên lưng của đồng bào (Lc 18, 9-14).
Khi đọc lý do tại sao người Pharisiêu lại tạ ơn Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng sự hào phóng của ông thực sự là một người ” tốt “, không chê trách được gì. Điều này dường như không phải là quan điểm của Đức Giêsu, Ngài không kể dụ ngôn này cho những người công chính, nhưng “cho những ai hay tự hào mình là người công chính.”
Người Pharisêu tiêu biểu cho người bảo thủ cảm thấy mình phù hợp với Thiên Chúa và tha nhân, coi khinh kẻ khác. Người thu thuế là kẻ đã phạm một lỗi lầm, nhưng anh nhìn nhận lỗi lầm đó và khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Anh ta không nghĩ cứu được mình nhờ công nghiệp riêng mình, nhưng đúng hơn nhờ lòng thương xót Chúa. Sự ưu tiên của Đức Giêsu giữa hai người này rõ rệt, như câu cuối cùng của dụ ngôn minh chứng: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, tức là, được tha và hoà giải với Chúa; người Pharisêu trở về nhà trong tình trạng y như hồi ra đi vẫn giữ cảm giác về sự công chính của mình, mà phải mất sự công chính của Chúa.
Trong thực tế, người Pharisiêu đã đặt ra cho mình chỉ tiêu công chính. Ông không như những người khác : ăn chay, nộp thuế… Ông tự xây dựng hình ảnh người công chính cho mình khi quên mất điều quan trọng nhất của lề Luật là tình yêu tha nhân.
Tệ hơn nữa là thái độ của ông. Ông “tạ ơn Thiên Chúa ”; nhưng không được, ông thích liệt kê những kẻ tội lỗi. Trong lời cầu nguyện, ông không cần đến Thiên Chúa. Như thế, ông không công chính với chính mình, sức mạnh nội tâm của ông cho phép ông vượt lên trên mức tầm thường, nhưng ông đã coi thường sự đáng kính của ông. Một người hài lòng với chính mình, làm sao có thể giao tiếp được với Thiên Chúa?
Người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Anh chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm. Anh đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng anh đang khao khát : “Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội. ” Chính vì lòng khao khát này mà anh được Chúa đoái thương và lời nguyện xin của anh được Ngài chấp nhận. Một kẻ tội lỗi như anh, có thể chứa đựng lòng thương xót, bởi vì không giống như các pharisiêu đóng cửa lòng mình và thỏa mãn với sự đầy đủ của mình, anh mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng mà anh đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng của mình.
Giống như hầu hết các dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy hai nhân vật trái ngược nhau. Những người thu thuế hôm qua là những người Pharisêu mới của ngày nay! Ngày nay người thu thuế, kẻ phạm tội, nói với Chúa: “Lạy Chúa con tạ ơn Chúa, vì con không phải như những người Pharisêu có lòng tin kia, giả hình và bất bao dung, lo lắng về sự ăn chay, nhưng trên thực tế sống còn xấu hơn chúng con.” Thật nghịch lý, xem ra dường như có những kẻ cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con là kẻ vô thần!”
Rochefoucauld nói rằng sự giả hình là đồ cống nạp nết xấu trả cho nhân đức. Ngày nay đó thường là đồ cống nạp nhân đức trả cho nết xấu. Thực vậỵ điều này được tỏ bày ra, nhất là những kẻ tỏ ra mình xấu hơn và vô sỉ hơn mình là, ngõ hầu không xuất hiện kém hơn những kẻ khác. Nhà triết học Tin Lành Soren Kierkegaard viết : ” Ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, nhưng đức tin”.
Một kết luận thực tế : Rất ít người có lẽ không ai luôn đóng vai trò người Pharisêu hay là luôn trong vai trò người thu thuế, tức là, công chính trong mọi sự hay là tội lỗi trong mọi sự. Phần đông chúng ta có một chút ít cho cả hai trong cuộc sống. Lúc tồi tệ nhất chúng ta ứng xử như quan thu thuế trong cuộc sống, kinh doanh vô đạo đức, và lúc khác chúng ta như người Pharisiêu trong đền thờ, được cho là hợp lý bởi hành vi tôn giáo của chúng ta. Nói cách khác, ngày nay chúng ta phải quay lại với những từ ngữ xung quanh việc đạt tới ý chỉ nguyên thủy. Điều tệ nhất có lẽ là hành động như người thu thuế trong sự sống hàng ngày của chúng ta và như người Pharisêu trong nhà thờ. Những người thu thuế là kẻ tội lỗi, là những người không có áy náy lương tâm, là những kẻ coi tiền bạc và nghề nghiệp trên mọi sự khác. Những người Pharisêu, ngược lại, là rất khắc khe và chăm chú đến lề luật trong sự sống hằng ngày của mình. Như vậy chúng ta xem ra như người thu thuế trong sự sống hằng ngày và như người Pharisêu trong đền thờ, nếu như người thu thuế chúng ta lả kẻ tội lỗi, và như người Pharisêu, chúng ta tin chúng ta là công chính.
Nếu chúng ta đành cam chịu nên một ít của cả hai, bấy giờ chúng ta hãy nên kẻ nghịch của điều chúng ta mới diễn tả: Pharisêu trong sự sống hằng ngày và thu thuế trong nhà thờ! Như người Pharisêu, chúng ta phải cố gắng trong sự sống hằng ngày không làm kẻ trộm và người bất chính, nhưng theo những điều răn của Chúa và trả những món nợ chúng ta mắc; như người thu thuế, khi chúng ta ra trước mặt Chúa, chúng ta phải công nhận rằng chút ít gì chúng ta đã làm là hoàn toàn ân huệ của Chúa, và chúng ta hãy cầu xin, cho chính chúng ta và cho tất cả mọi người, lòng thương xót Chúa. Amen.
Hát: THÁNH VỊNH 50 – Lm. Kim Long
1. Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài
2. Vâng con nay đã biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
3. Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
4. Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
Công bố lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Mt 18, 21-35)
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)
Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi : lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý; và lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng làm sao tha thứ? Làm sao chữa lành? Ðó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình..., thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ trở nên càng khó !
Phêrô hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có tới bảy lần chăng?" Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình 3 lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ IV thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!
Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22). Chúa còn bảo : "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc 17,4). Người còn đi xa hơn nữa : "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt 5, 23-24).
Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ. Chúa Giêsu tuyên bố: “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).
Thật không dễ để tha thứ : Mình có lỗi mà đi làm hòa đã khó, huống chi khi người khác có lỗi với mình và mình là nạn nhân ! Vì "khi một người cảm thấy bị thương tổn, người ấy sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu" (Sứ điệp Mùa Chay 2001 của ÐTC Gioan Phaolô II). Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau.... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (Sứ điệp...).
Lúc sinh thời, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho ngày hòa bình thế giới năm 2002 là : "Không có tha thứ thì sẽ không có Hòa Bình". Năm 1975 : "Hòa Giải là con đường dẫn đến Hòa Bình"; và chủ đề của năm 1997 : "Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại Hòa Bình". Như thế tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa.
Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người nhưng không phải không làm được. Tha thứ cho người khác vì lợi ích của chính ta, chính ta được tha thứ, điều ấy sẽ làm ta hạnh phúc hơn. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”. Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận. Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác: “Ngươi này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?” (Sir 27, ). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ nói rằng: ‘Tôi tha thứ nhưng tôi chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho tôi…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.
Ước gì mỗi người chúng ta, để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa – tha thứ thật lòng. Và khi tha thứ chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ, chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.
Lạy Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, xin dạy con bài học nhân ái, độ lượng và thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho mọi người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.
Hát : Bài Ca Thống Hối ( Hoàng Ái Việt )
Đk : Ôi Chúa Giê-su nghe lời thống thiết khấn cầu. Tội lỗi vô ơn, đã làm Chúa những ưu sầu. Ôi Chúa Giê-su con nguyện yêu Chúa sớm chiều. Đáp đền lòng thương suốt đời ca khen tình yêu
1. Biết mấy năm rồi hồn con đã phụ tình Chúa. Biết mấy năm trường lòng Chúa khát khao mong chờ. Trìu mến cuộc đời tâm hồn đắm trong bùn nhơ. Ánh mắt nhân từ luôn nhìn đến chốn mịt mù. Hãy đón con về, về nơi Thánh Tâm mạch sống. Giũ hết tội đời cho hồn trinh khiết sạch trong.
2. Biết mấy lưỡi đòng hồn con đã đâm tình ái? Biết mấy đanh sâu con đóng chân tay Chúa Trời. Chúa vẫn nhân từ mong chờ thứ tha tội con. Con những vô ơn để lòng Chúa những héo mòn. Hỡi Chúa nhân lành này con khóc than tội lỗi. Đón đứa con hư quay về với Thánh tình Cha..
3. Nước mắt chan hòa hồn con ngước lên nhìn Chúa. Khóc lóc đau thương tội lỗi xưa nay xin chừa. Dứt hết tội tình băng hồn đến nơi tình yêu. Tắm nước trong lành cho đời hết kiếp tiêu điều. Hãy đón con về, về nơi Thánh Tâm từ ái. Giúp sức cho con vững lòng chiến đấu từ đây.\
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ
(Mời cộng đoàn quì)
Chủ sự :
Anh chị em thân mến,
Hiệp cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu nguyện thiết tha để xin Người thương xót chúng ta là những kẻ tội lỗi.
Ý cầu nguyện
(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)
1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, trở nên những tấm bánh được bẻ ra cho muôn người.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
2. Lạy Chúa Giêsu đang hiện trong Bí tích Thánh Thể, Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng mến nơi chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
3. Lạy Chúa Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này với lòng trong sạch, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, đợi chờ ngày được tham dự vào sự sống viên mãn mai sau.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xưa trên Thánh Giá, Chúa đã tha thứ cho người trộm lành biết sám hối ăn năn và xin Chúa Cha tha thứ con người nào lầm vì chẳng biết. Xin Chúa thương xót và tha thứ cho chúng con vì những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa. Xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài giúp chúng con thêm hiểu biết về Bí tịch nhiệm mầu cao cả này.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
Chủ sự :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.
IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
Hát : Ca Thánh Thể.
Lời nguyện.
Phép Lành Mình Thánh Chúa.
V. BẾ MẠC
Hát kết thúc
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
CHẢY MÃI, CHẢY ĐẾN THA NHÂN
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”.
“Người đàn ông đã cùng tôi ăn tối đã giết anh trai tôi”. Đó là lời của một phụ nữ xinh đẹp tại một bữa tiệc. Ruth đã kể về John, người đã sát hại anh cô như thế nào. John thụ án 18 năm; sau đó, ổn định tại một trang trại, nơi cô gặp anh sau 20 năm vụ án. Được thôi thúc bởi Chúa Kitô, cô tìm John, nói lời tha thứ. Nhiều người sẽ không gọi đây là một câu chuyện thành công: John chưa trở lại đạo! Nhưng tại một bữa tiệc khác, giọng John vỡ ra khi nói: “Kitô hữu là những người duy nhất mà bạn có thể giết con trai họ; họ sẽ biến bạn thành một phần của gia đình họ. Tôi không biết “Ai đó” trên cao, nhưng chắc chắn, Ngài đang săn lùng tôi!”. Câu chuyện của John còn dang dở; John vẫn chưa tin. Nhưng như Chúa Kitô đã chết cho bạn, bất kể bạn từ chối hay chấp nhận Ngài, Ruth “tha nợ” cho John mà không cần điều kiện.
Thậm chí, cô còn trở thành bạn của anh!
Kính thưa Anh Chị em,
Bài đọc Đaniel cho thấy con người nợ Chúa thật nhiều! “Vì tội lỗi, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu”. Tin Mừng cho thấy, người cũng nặng nợ với người: một người nợ lớn, một người nợ nhỏ; cả hai không trả nổi, nài xin ‘chủ mình’ hoãn lại. Chủ chạnh thương, tha cho người thứ nhất món nợ cực lớn, nhưng người này không tha cho bạn mình món nợ cực nhỏ. Và Chúa Giêsu kết luận, “Cha Tôi trên trời cũng xử với các con đúng như thế!”. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hẹp hòi đến độ sẽ xét xử người, như ‘người cư xử với người’; Lời Chúa muốn nói, ai không mở lòng với anh em, không thể mở ra cho Thiên Chúa! Như vậy, không tha thứ là đánh mất những gì đã nhận được; suối tắc nghẽn, ao tù tanh tưởi. Vì thế, người nợ lớn đã bất ngờ được tha, nay bất ngờ bị rút lại. Ai biết tha thứ, người ấy giữ được thứ tha!
Điều Chúa Giêsu đang nói là sự cho đi và nhận lại. Điều thú vị là, chúng ta thường dễ dàng nghĩ đến việc ‘tha cho người’ hơn là xin ‘tha cho mình’. Con nợ thứ nhất xem ra chân thành, “Anh sấp mình dưới chân chủ”; thực ra, anh chỉ là một diễn viên giỏi! Bởi sau khi được xoá khoản nợ khổng lồ, anh bủn xỉn với con nợ cỏn con của anh; thay vì thương xót, “Y tóm lấy, bóp cổ mà nói, ‘Hãy trả nợ cho ta!’”. Tại sao? Bởi lẽ y không động lòng trước tình yêu vô hạn và xót thương của chủ. Tha thứ, nếu là thật, phải ảnh hưởng đến mọi sự nơi chúng ta. Nó là một điều gì đó phải ‘xin, cho; nhận và cho lại’. Như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân’.
Anh Chị em,
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”. Sai lỗi là việc của người, thứ tha là việc của Trời. Nếu Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta phải tha bảy mươi lần bảy, thì làm sao Ngài thoát khỏi việc ‘không vô hạn’ trong sự tha thứ của Ngài? Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài!”. Bao lâu không đi vào quỹ đạo xót thương của Thiên Chúa, bấy lâu chúng ta không thể tha thứ cho người khác. Không phải tha ‘bảy lần’ nhưng tha ‘vô hạn lần bảy’. Hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô, một trái tim khơi mỏ mạch mọi ân sủng thứ tha qua các Bí Tích! Hãy kết nối, khai thông đời mình vào dòng chảy thần linh ấy và như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân’, chúng ta trào tràn sức sống, lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa cho anh chị em mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng rửa sạch tội con vốn ‘đỏ hơn son’ bằng Máu Châu Báu của Ngài, cho con biết ném tội của anh chị em con xa thật xa như Chúa đã ném tội lỗi con tận mãi ngàn khơi!”, Amen.
(Tgp. Huế)
15. Nếu tôi không có tình cảm mộ mến Đức Mẹ Ma-ri-a, thì tôi không thể bảo đảm chắc chắn linh hồn tôi.
(Thánh John Berchmans)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Lâm Cát là một quả phụ, mỗi buổi sáng, trước khi chưa bắt đầu công việc quay sợi, thì bà ta vẫn cứ thành tâm cầu nguyện.
Một hôm, bà ta đang đọc một lời cầu nguyện có liên quan đến việc khuyên nên làm việc thiện, thì một anh sáng lóe lên trong tâm hồn của bà.
Bà than thở:
- “Lạy Thiên Chúa tình yêu, con chỉ có cái khung dệt này là tất cả gia sản của con mà thôi, mà nó thì cũng có thể làm cho con ấm no. Mùa đông sắp tới rồi, căn nhà này thì rất là lạnh, các ngón tay của con lạnh cứng không làm việc được, còn tiền thuê nhà thì chưa trả ! Một người sắp trở thành kẻ ăn mày thì có thể làm được việc thiện gì chứ?
Nhưng bà ta vẫn cảm thấy mình nhất định có thể tận lực giúp người khác làm một vài việc thiện. Bà ta nhớ là mình có một người bạn đang bệnh rất nặng, bà ta ra kế hoạch:
- “Hôm nay tôi sẽ đi chăm sóc bạn mình, tôi có thể quay sợi dệt ở nhà bạn, đồng thời nhất định làm cho bạn mình cảm thấy vui vẻ."
Thế là bà ta mở trong tủ chén bát lấy ra hai quả táo mà có người đã biếu cho, sau đó thì đến nhà người bạn.
Người bạn bị bệnh nặng ấy vừa thấy bà Lâm Cát thì rất vui mừng không thể tưởng tượng, cô ta phấn khởi nói:
- “Bạn Lâm Cát thân yêu của tôi, gần đây tôi được kế thừa một gia sản, bạn lại đây ở với tôi, chăm sóc tôi được không? Như vậy bạn có thể tiết kiệm được tiền thuê nhà, quay sợi của bạn cộng thêm sản nghiệp nhỏ của tôi, thì chúng ta có thể không lo âu gì nữa, sống vui vẻ qua ngày.”
Bà Lâm Cát rất vui vẻ tiếp nhận lời đề nghị này, nên ngay tối hôm đó dọn nhà đến ở trong nhà của người bạn. Nhiều năm gần đây, đây là đêm thứ nhất mà bà ta an nhàn tự tại và không còn phiền não với cuộc sống nữa.
(Một trăm câu chuyện)
Suy tư ngắn 1:
Trong cuộc sống, đừng nói mình không thể làm việc thiện được vì mình nghèo. Chỉ sợ lòng mình không mở ra mà thôi.
Một nụ cười với người thân yêu, một lời an ủi với người bất hạnh, đưa tay dẫn người già qua đường.v.v...đều là việc thiện mà ai cũng có thể làm được.
Mình mở lòng ra thì ân sủng Chúa sẽ làm việc.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Theo Tuần báo The Catholic Weekly của Tổng giáo phận Sydney, Phiên họp cấp lục địa của Đại Dương Châu bàn về tính đồng nghị đã kết thúc vào ngày 10 tháng 2.
Các Giám mục Công Giáo của Đại Dương Châu đã xác định “sự hoán cải sinh thái là ưu tiên truyền giáo khẩn cấp” cho toàn thể Giáo hội khi kết thúc cuộc họp kéo dài một tuần ở Suva, Fiji.
Cuộc họp năm 2023 của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương (FCBCO) đã họp từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 2 như một phần của giai đoạn lục địa của thượng hội đồng về tính đồng nghị.
Các Giám mục từ Úc, New Zealand và Quần đảo Thái Bình Dương đã đến thăm Fiji, trải nghiệm sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng vào nền văn hóa của người Fiji, tác động của việc khai thác mỏ và biến đổi khí hậu, đồng thời nghe các cuộc nói chuyện từ các viên chức cao cấp của Vatican và các diễn giả địa phương.
Trong một tuyên bố kết thúc, các Giám mục cho biết họ tìm cách trở thành những người đặt cơ sở trên Kinh thánh, Truyền thống và “cách giải thích của họ trong các truyền thống văn hóa của chúng ta”.
Tuyên bố cho biết, “Các giáo dân, những người có sứ mệnh ở giữa lòng thế giới, đặc biệt đòi hỏi được đào tạo theo truyền thống giảng dạy và hành động của Giáo hội đối với các vấn đề xã hội và khủng hoảng sinh thái – nghĩa là Giáo huấn Xã hội Công Giáo”.
“Chúng ta không được làm thành ‘thân thể của Chúa Kitô’ để tự giam mình và được bảo vệ khỏi thế gian.”
“Trên hết, việc đào tạo nên uốn nắn chúng ta trở thành những người vui vẻ chấp nhận lời mời tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa.”
Thánh lễ khai mạc hội nghị Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương được cử hành bởi Đức Hồng Y Michael Czerny SJ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican.
Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Czerny nói với các Giám mục rằng Kitô hữu, là muối và ánh sáng, không phải cho chính họ mà là để nêm nếm và soi sáng cho người khác.
Đức Hồng Y Czerny nói, “Chúng ta không được làm thành ‘thân thể của Chúa Kitô’ để tự giam mình và được bảo vệ khỏi thế giới”.
“Đúng hơn, chúng ta được sáp nhập vào Giáo hội để được hòa lẫn vào lịch sử như muối và ánh sáng.
“Há niềm đam mê đối với Chúa Kitô không đáng để mạo hiểm hay sao? Chúa Giêsu đồng hành với các bước đi của chúng ta và tiếp tục gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta: há điều này không làm thay đổi cảm thức của chúng ta về những rủi ro hay sao?”
Các Giám mục cũng đã nghe từ Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng, Sơ Nathalie Becquart XMCJ, người hiện đang thực hiện chuyến công du vòng quanh thế giới trong giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị.
Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, Đức Tổng Giám Mục Loy Chong của Suva, cũng kết thúc nhiệm kỳ của mình, với Đức Giám Mục Anthony Randazzo của Broken Bay được bầu làm người kế nhiệm ngài.
Đức Giám Mục Randazzo nói, “Được chọn làm Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, tôi tha thiết cầu nguyện để các Giáo Hội ở Châu Đại Dương cùng nhau bước đi trên con đường của Chúa Kitô trong tinh thần đồng nghị.
“Châu Đại Dương rộng lớn, và vì vậy làm việc cùng nhau không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn, mà còn là một cách thiết yếu cho thừa tác vụ, cuộc sống và sứ mệnh.”
Cuộc họp của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương cũng chịu trách nhiệm chuẩn bị bản trả lời của Châu Đại Dương cho tài liệu của giai đoạn lục địa, “Mở rộng không gian cho chiếc lều của bạn.”
“Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm và chờ đợi một bản giao hưởng có tính Thái Bình Dương đặc thù gồm những tiếng nói thần học…”
Tài liệu cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nói rằng các Giám mục đã được mời hình dung một “nền thần học của Thái Bình Dương” mang lại tiếng nói đặc biệt cho khu vực.
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia, cho biết điều đang dần xuất hiện là “một giọng nói hoặc bản giao hưởng của các giọng nói đặc trưng của Thái Bình Dương”.
Ngài nói, “Bạn không có một tiếng nói chung ở Thái Bình Dương; bạn có nhiều tiếng nói.
“Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm và chờ đợi một bản giao hưởng có tính Thái Bình Dương chuyên biệt gồm nhiều tiếng nói thần học, bởi vì thần học ở khu vực này của thế giới dựa trên một tập hợp các sự kiện khác với các khu vực khác trên thế giới.
“Không phải chỉ là thần học phương Tây từng được xuất khẩu.”
“Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước,
Chúa trên mặt nước bao la,
Tiếng Chúa đầy quyền năng,
Tiếng Chúa đầy huy hoàng.” (Tv 29:3)
Thật là một niềm vui lớn đối với các Giám mục của Châu Đại Dương khi tập trung tại Fiji trong tuần này để cầu nguyện và xem xét sứ mệnh chung của chúng tôi trong tư cách những người trưởng chăn chiên trong khu vực của chúng tôi. Khi chúng tôi cầu nguyện cho dân của mình, chúng tôi cũng biết họ đã cầu nguyện cho phiên họp và thừa tác vụ của chúng tôi.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã tạo cơ hội cho chúng tôi cầu nguyện với nhau, xây dựng các mối liên hệ huynh đệ, học hỏi lẫn nhau và xem xét những thách thức mục vụ chung. Sự chậm trễ do đại dịch COVID-19 gây ra có nghĩa là chúng tôi đặc biệt trân trọng cơ hội tụ họp này.
Cuộc họp của chúng tôi tập trung vào ba chủ đề: Chăm sóc đại dương; Trở thành một Giáo hội đồng nghị hơn; và Đào tạo để truyền giáo.
Châu Đại Dương là một mạng lưới các hòn đảo lớn nhỏ đa dạng phong phú. Bản sắc và vị trí Đại dương của chúng tôi cung cấp bối cảnh để chúng tôi tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa. Trong khu vực của chúng tôi, cuộc khủng hoảng sinh thái là một mối đe dọa hiện sinh đối với người dân và cộng đồng của chúng tôi. Nó được trải nghiệm trong mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương, hạn hán, lũ lụt và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn và thường xuyên hơn.
Đức Hồng Y Michael Czerny SJ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, đã chủ sự Thánh lễ khai mạc và đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Chúng tôi hoan nghênh sự nhấn mạnh của ngài về một cách tiếp cận toàn diện để chăm sóc sức khỏe của con người và tất cả các tạo vật. Điều này khẳng định túi khôn văn hóa của các dân tộc chúng tôi.
Chúng tôi nhìn nhận sự hoán cải sinh thái như một ưu tiên truyền giáo khẩn cấp không chỉ cho chúng tôi mà còn cho toàn thể Giáo hội. Hơn nữa, chúng tôi cảm thấy được kêu gọi để làm cho tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe ở các cấp chính quyền cao nhất ở quốc gia của chúng tôi, và cả ở bình diện hoàn cầu - trong Giáo hội và xã hội rộng lớn hơn - vì lợi ích của ngôi nhà đại dương của chúng tôi và các dân tộc ở đó.
Các chủ đề trở thành một Giáo hội đồng nghị hơn và đào tạo để truyền giáo đã được Ban Điều hành Liên đoàn lựa chọn sau khi suy nghĩ về các bản tổng hợp của các Hội đồng Giám mục cho giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng quốc tế về một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Truyền giáo. Mặc dù khu vực của chúng tôi rất đa dạng về nhiều mặt, nhưng hai chủ đề này là mối quan tâm quan trọng trong mỗi Hội đồng của chúng tôi.
Châu Đại Dương là quê hương của một số Giáo Hội địa phương trẻ nhất thế giới và cũng là nơi có nền văn hóa tiếp tục lâu đời nhất trên thế giới. Chúng tôi đánh giá cao sự phức tạp của thế giới đương thời mà người dân của chúng tôi phải thương thảo. Mặc dù tuổi trẻ có thể kéo theo những tổn thương, nhưng nó cũng mang lại sự tươi mới và sức sống. Chúng tôi được biết rằng các Giáo Hội trẻ nhất trong khu vực của chúng tôi có những bài học để dạy cho các Giáo Hội lâu đời hơn về tính đồng nghị và về việc duy trì sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ Tin Mừng với các nền văn hóa và xã hội địa phương.
Một cách đặc biệt, đồng hành với những người trẻ của chúng tôi bằng những cách can đảm, sáng tạo và hấp dẫn hơn là một khía cạnh thiết yếu của sứ mệnh đối với Giáo hội của chúng tôi trong bối cảnh thế giới của chúng ta ngày nay. Trong Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay, chúng tôi khuyến khích họ tham gia vào các cử hành địa phương và quốc tế.
Chúng tôi đã chia sẻ những suy tư của mình về nhiều cách mà các Giáo Hội của chúng tôi đang sống tính đồng nghị và làm thế nào để chúng có thể trở nên đồng nghị hơn. Như mọi khi, mong muốn của chúng tôi là trở thành cộng đồng của những người theo Chúa Giêsu Kitô ngày càng gần gũi hơn, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đến Vương quốc của Chúa Cha.
Chúng tôi nhận ra rằng trong tư cách những người hành hương, chúng tôi luôn ở trên một hành trình, và đôi khi có thể rẽ lầm. Khi chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma, chúng tôi đặt niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chắc chắn sẽ đồng hành với chúng tôi.
Thật vậy, thời gian đáng kể trong tuần của chúng tôi đã được dành để chờ đợi các cuộc họp Thượng Hội đồng đó, khi chúng tôi cầu nguyện và biện phân bản trả lời của chúng tôi cho Tài liệu Làm việc của Giai đoạn Lục địa của Thượng Hội đồng. Được hướng dẫn bởi tiếng nói của dân Chúa ở Châu Đại Dương, chúng tôi thúc đẩy công việc đã được thực hiện để bảo đảm cho tiếng nói đặc trưng của Châu Đại Dương được tiếp tục vang vọng qua các tài liệu của Thượng Hội đồng. Bản trả lời của chúng tôi sẽ được hoàn thành trong vài tuần tới.
Chúng tôi đã có thể hiểu biết thêm về tính đồng nghị thông qua kinh nghiệm của cuộc tụ họp của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao việc nghe về kinh nghiệm của Thượng Hội đồng từ những nơi khác trên thế giới thông qua sự hiện diện và đóng góp của Nữ tu Nathalie Becquart XMCJ, Phó tổng thư ký Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng. Cũng giống như ở Châu Đại Dương, không có mẫu “một kích thước phù hợp với tất cả”. Chúng tôi cảm thấy được khẳng định khi trả lời theo cách riêng của chúng tôi trong bối cảnh của chúng tôi.
Bản chất bối cảnh và mong muốn trở nên đồng nghị hơn của chúng tôi đòi hỏi một sự đào tạo toàn diện cho toàn thể dân Chúa – giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ. Việc đào tạo toàn diện đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện đối với con người. Nó xem xét các khía cạnh thể chất, cảm xúc, xã hội, tinh thần và trí thức của con người và thừa nhận rằng chúng ta là những tạo vật trong sáng thế của Thiên Chúa.
Việc đào tạo luôn luôn phục vụ sứ mệnh, vốn có nhiều chiều kích: chứng nhân của cuộc sống; loan báo Tin Mừng cách minh nhiên; hoán cải; gia nhập và phát triển bên trong cộng đồng Kitô hữu; và tự mình trở thành tác nhân loan báo Tin Mừng. Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi khẳng định rằng đời sống chứng tá đòi phải bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên; tôn trọng mọi sự sống; thúc đẩy công lý và hòa bình; và một sự hoán cải sinh thái mang tính bản thân, cộng đồng và cơ cấu.
Khi chúng tôi cùng nhau bước đi trên con đường đồng nghị, các chương trình đào tạo của chúng tôi cần nhấn mạnh hơn đến sự bao gồm, minh bạch, trách nhiệm giải trình, năng quyền liên văn hóa, các phương pháp thần học mới và lãnh đạo theo cách hợp tác và tham gia nhiều hơn. Những nỗ lực của chúng tôi nên trang bị cho Giáo hội của chúng tôi để tiếp cận và làm phong phú một nền văn hóa hiếu khách, gặp gỡ và đối thoại trong một thế giới bị đánh dấu bởi cả tội lỗi lẫn ân sủng trên con đường lữ hành của chúng tôi đến vương quốc của Thiên Chúa.
Chúng tôi tìm cách trở thành những người đặt cơ sở trên Kinh thánh và Truyền thống, cũng như cách giải thích Kinh thánh trong truyền thống văn hóa của chúng tôi. Giáo dân, những người có sứ mệnh ở giữa lòng thế giới, đặc biệt đòi hỏi được đào tạo theo truyền thống giảng dạy và hành động của Giáo hội về các vấn đề xã hội và khủng hoảng sinh thái – nghĩa là Giáo huấn Xã hội Công Giáo. Trên hết, việc đào tạo nên uốn nắn chúng ta trở thành những người vui vẻ đón nhận lời mời tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa.
Chúng tôi rời khỏi cuộc tụ họp của mình với sứ mệnh này, tập chú sâu sắc hơn bao giờ hết trong tâm và trí của chúng tôi. Chúng tôi mang theo mình những hy vọng và ước mơ của người dân chúng tôi và của khu vực Châu Đại Dương quý giá của chúng tôi.
Thánh Phêrô Chanel, Cầu Cho Chúng Con
Thánh Maria Thánh Giá MacKillop, Cầu Cho Chúng Con
Thánh Pedro Calungsod, Cầu Cho Chúng Con
Chân Phước Phêrô To Rot, Cầu Cho Chúng Con
Chân phước Diego Luis de San Vitores, Cầu cho chúng con
Chân phước Giovanni Battista Mazzucconi, Cầu cho chúng con
CNA - Jonah McKeown
Đức Thánh Cha Phanxicô đã được bầu chọn làm giáo hoàng cách đây 10 năm, vào ngày 13 tháng 3 năm 2013. Kể từ đó, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã thay đổi như thế nào?
Nói theo thống kê, Giáo hội đã phát triển, theo kịp và thậm chí vượt quá mức tăng dân số chung của thế giới. Tổng số người Công Giáo trên toàn thế giới đã tăng từ 1,253 tỷ vào năm 2013 lên 1,378 tỷ vào năm 2021, tăng gần 10%. Trong cùng thời kỳ, dân số thế giới nói chung tăng 9,1%, theo Thống kê của Thế giới.
Bất chấp sự gia tăng này, Giáo hội đã có gần 2 triệu người rửa tội vào năm 2020 so với năm 2013. Số lượng các cuộc hôn nhân đã giảm 702.246, tức gần một phần ba. Con số lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu cũng giảm lần 12% và 13%, mặc dù mức độ tham dự Thánh lễ tương đối ổn định ở 13 quốc gia có người Công Giáo nhất trên thế giới.
Một nhà nghiên cứu Công Giáo nói với CNA trong tuần này rằng lý do lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm lãnh nhận các bí tích không khó đoán - ba trong số 10 năm triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đã được đánh dấu bởi ảnh hưởng của đại dịch trên toàn thế giới. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất, theo Mark Gray, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Tông đồ (CARA) của Đại học Georgetown, nói với CNA:
“Tôi không biết liệu thế giới Công Giáo có thay đổi nhiều như thế giới nói chung đã thay đổi hay không.”
“Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục đã phải cố gắng vượt qua một số thay đổi nhân khẩu học thực sự đầy thách thức trong đại dịch. Và Giáo Hội Công Giáo đã vượt qua những điều này tốt hơn so với các giáo phái khác. Vì vậy, tôi có thể nói là có một cơn gió đang chống lại Giáo hội.”
Ông cảnh báo, việc thuyên giảm lãnh các bí tích trên toàn thế giới không chỉ do đại dịch, mà đúng hơn là một phần do xu hướng nhân khẩu học trên toàn thế giới về tỷ lệ sinh giảm. Theo các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, tuổi thọ khi sinh đã tăng trên toàn cầu từ 51 tuổi vào năm 1960 lên 72 tuổi vào năm 2020. Đồng thời, Ông Gray viết, tỷ lệ sinh trên 1.000 người đã giảm từ 32 năm 1960 xuống 17 vào năm 2020.
“Số lượng ca sinh dự kiến sẽ giảm hàng năm trong tương lai gần, cuối cùng sẽ vượt qua số tử vào năm 2085, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc,” ông Gray viết trong một bài đăng trên blog ngày 9 tháng 3.
“Dân số sẽ tăng lên trong những thập niên sắp tới khi tuổi thọ tiếp tục tăng nhưng đồng thời tỷ lệ sinh sẽ giảm và điều đó sẽ dẫn đến ít người được rửa tội hơn, ít người rước lễ lần đầu hơn, ít học sinh hơn và thậm chí còn ít các cuộc hôn nhân hàng năm vì những thay đổi về nhân khẩu học mà chúng ta đang trải qua.”
Ông Gray cho rằng toàn bộ tác động của việc phong tỏa do đại dịch COVID-19, vốn ngăn cản người Công Giáo trên khắp thế giới tiếp cận các bí tích trong một thời gian, có thể sẽ mất nhiều năm để trở lại đầy đủ. Ông cũng cảnh báo rằng hai trong số những nguồn có thẩm quyền nhất về số lượng người Công Giáo cung cấp dữ liệu bị chậm trễ đáng kể. Bộ dữ liệu đầy đủ gần đây nhất có trong ấn bản hiện tại của Thống kê Vatican vào năm 2020, mặc dù tờ báo của Vatican đã xuất bản một bản tóm tắt về số liệu thống kê năm 2021 vào đầu tháng này. Danh mục Công Giáo Chính thức, bao gồm Hoa Kỳ, sẽ kéo dài đến hết năm 2021.
Ông Gray cho hay: “Bất kỳ tác động nào, tích cực hay tiêu cực, mà Giáo hoàng Phanxicô có thể đã có sẽ bị lu mờ bởi tác động của đại dịch COVID-19 khi dữ liệu mới nhất của năm 2020 và 2021 phát hành. Chúng tôi ý thức khi phân tích các dữ liệu của Giáo hội trong những năm này, chúng tôi sẽ thấy số người đi tham dự Thánh lễ và thực hành bí tích thấp hơn trong thời gian phong tỏa, hạn chế và giới hạn số người tụ tập trong hai năm đó.”
Các chỉ số thống kê khác đưa ra một bức tranh hỗn hợp về sự phát triển của Giáo hội trong một số lĩnh vực và sự suy thoái ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, tổng số học sinh trong các trường Công Giáo tăng 7,3% so với các năm 2013.
“Một trong những dấu hiệu tươi sáng cho Giáo hội là sự phát triển trong lãnh vực giáo dục toàn cầu; Ông Gray lưu ý với CNA rằng nhiều thanh niên trên thế giới đang được giáo dục trong các trường Công Giáo hơn so với những năm trước.
Con số các linh mục triều trên toàn thế giới dường như không thay đổi trong 10 năm dưới triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong khi số linh mục dòng giảm nhẹ. Số lượng các nữ tu trên toàn thế giới bị giảm mạnh gần 11%.
“Số lượng ca sinh dự kiến sẽ giảm hàng năm trong tương lai, cuối cùng sẽ vượt qua số tử vào năm 2085, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc,” ông Gray tiên đoán trong một bài đăng trên blog ngày 9 tháng 3.
Chính phủ Ukraine đã chấm dứt thỏa thuận với Giáo Hội Chính thống Ukraine do Nga kiểm soát, gọi tắt là UOC-MP, hay UOC, về việc sử dụng miễn phí các tòa nhà tôn giáo nằm ở Hạ Lavra, một phần của tu viện Chính thống quan trọng nhất của Ukraine.
Các thành viên nhà thờ của UOC-MP phải rời khỏi cơ sở của Hạ Lavra trước ngày 29 tháng 3, theo một tuyên bố được Bộ Văn hóa công bố vào ngày 10 tháng 3.
Trước đó, nhà nước Ukraine đã không gia hạn cho UOC thuê một phần khác của Kyiv Pechersk Lavra được gọi là Thượng Lavra, trong quá trình giành lại quyền kiểm soát tu viện.
Vào năm 2013, dưới thời tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, tòa thượng phụ có liên hệ với Điện Cẩm Linh đã ký một thỏa thuận thuê sử dụng các tòa nhà của Hạ Lavra ở trung tâm Kyiv trong một thời gian không xác định.
Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy bắt đầu kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng thuê Hạ Lavra của UOC vào đầu tháng 12, cuối cùng kết luận rằng Giáo Hội này đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng, theo tuyên bố của Bộ Văn hóa.
Ngoài Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cơ sở của Lavra cũng được sử dụng bởi một bảo tàng viện.
UOC đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trong những tháng gần đây do mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với Nga, cũng như việc phát hiện ra hộ chiếu Nga, những truyền đơn tuyên truyền chống Ukraine trong các cuộc đột kích trên toàn quốc vào các địa điểm tôn giáo của Giáo Hội này. Các cuộc tìm kiếm cũng đã diễn ra tại Kyiv Pechersk Lavra.
Mặc dù tuyên bố độc lập khỏi Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga vào tháng 5 và lên án cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, UOC vẫn phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa trong hệ thống phẩm trật của thế giới Chính thống.
Vào ngày 1 tháng 12, Zelenskiy tuyên bố bắt đầu thủ tục cấm mọi hoạt động của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine.
Kyiv Pechersk Lavra (“pecherska” có nghĩa là “hang động”), được thành lập vào năm 1051, là một trong những tu viện đầu tiên ở Kyivan Rus. Nó thuộc về chi nhánh Ukraine của Tòa thượng phụ Đại kết Constantinople cho đến năm 1688 khi nó bị Nhà thờ Chính thống Nga sáp nhập.
Từ năm 1688, Lavra đã được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của đế quốc Nga.
Vào ngày 7 Tháng Giêng vừa qua, Giáo Hội Chính thống giáo độc lập của Ukraine lần đầu tiên tổ chức lễ Giáng Sinh tại Kyiv Pechersk Lavra.
Source:Kyiv Independent
Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, hôm thứ Bảy đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết phục Ukraine ngừng cái mà ông ta gọi là “một cuộc đàn áp” chống lại nhóm Chính Thống Giáo Ukraine có lịch sử thân Nga.
Hôm thứ Sáu, chính quyền Kyiv đã ra lệnh cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, phải rời khỏi khu phức hợp tu viện nơi họ đặt trụ sở. Đó là động thái mới nhất chống lại một hệ phái Chính Thống Giáo mà chính phủ cho là thân Nga và hợp tác với Mạc Tư Khoa.
Kirill kêu gọi Đức Giáo Hoàng “nỗ lực hết sức để ngăn chặn việc buộc đóng cửa tu viện, vì điều này sẽ dẫn đến vi phạm quyền của hàng triệu tín hữu Ukraine”. Một tuyên bố của Thượng Phụ Kirill đăng trên trang web của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cho biết như trên.
Kirill ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. UOC cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với Nga và Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và đồng thời than thở rằng họ là nạn nhân của một cuộc săn lùng phù thủy chính trị.
Kể từ tháng 10, Cơ quan An ninh Ukraine đã thường xuyên tiến hành khám xét các nhà thờ của UOC, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các giám mục và những người ủng hộ tài chính của họ, đồng thời mở các vụ án hình sự đối với hàng chục giáo sĩ của họ.
Kirill cho biết thật đáng tiếc khi các quyền và tự do của tín hữu Ukraine bị vi phạm trắng trợn.
Ngoài lời kêu gọi được đặc biệt gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, Thượng Phụ Kirill cũng gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury Justin Welby, người đứng đầu Nhà thờ Coptic của Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros cũng như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và người đứng đầu nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.
Bộ văn hóa Ukraine cho biết UOC có thời hạn đến ngày 29 tháng 3 để rời khỏi khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra 980 tuổi, nơi họ đặt trụ sở chính.
Ngày nay, hầu hết các tín hữu Chính thống Ukraine thuộc về một Giáo Hội Chính Thống Giáo khác, được gọi là Giáo Hội Chính thống Ukraine, được thành lập cách đây 4 năm và được Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope công nhận.
Theo cách giải thích của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope, Kitô Giáo đến Ukraine trước khi đến Nga. Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople đã bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Ukraine. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv.
Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác. Khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra nguyên là của Giáo Hội Chính Thống Ukraine, ngày nay gọi tắt là OCU. Năm 1688, Sa hoàng Nga đã tịch thu trao cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
Bọn cầm quyền cộng sản đã quốc hữu hóa và trao cho Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sử dụng theo hình thức thuê mướn miễn phí. Nay Bộ văn hóa Ukraine không cho thuê nữa, không thể coi là đàn áp tôn giáo. Đó là một vấn đề công bằng và hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước.
Source:Reuters
Nga lợi dụng Đức Giáo Hoàng, nói láo trắng trợn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về thảm kịch ở Ukraine và khẳng định “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican”
Nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, là người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, tuyên bố với các phương tiện truyền thông Nga rằng Đức Thánh Cha giao cho ông ta phổ biến và vận động tại Nga một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Tuyên bố này của Sevastyanov gây kinh ngạc cho nhiều người vì đó hầu chắc không phải là cách Vatican hành động.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Nación được công bố vào Chúa Nhật 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Elisabetta Piqué, một người nhà báo chuyên về Vatican và là phóng viên tại Ý của tờ La Nación rằng “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican, nhưng có một ‘sứ vụ hòa bình’, trong đó Vatican đang nỗ lực làm việc để chấm dứt cuộc xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine.
Mặc dù cho rằng rất khó có khả năng cho một cuộc gặp gỡ giữa Vladimir Putin và Volodimir Zelenskiy ở Vatican có thể diễn ra trong tương lai, nhưng ngài nói rằng việc tổ chức một cuộc họp đại biểu thế giới có thể mang ý nghĩa xoay chuyển cuộc chiến bi thảm này ngay giữa lòng Âu Châu khi nó đã bước sang năm thứ hai. Mặt khác, ngài không loại trừ rằng do đặc điểm của nó, cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine có thể bị coi là một cuộc diệt chủng”.
Hôm 28 tháng 2, tờ Sputnik của Nga đánh đi bản tin nhan đề “Pope's peace plan for Ukraine puts inclusivity first – Cleric”, nghĩa là “Giáo sĩ nói: Kế hoạch hòa bình của Đức Giáo Hoàng dành cho Ukraine ưu tiên cho việc hội nhập.” Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bài báo của tờ Sputnik.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vạch ra tầm nhìn của mình để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đặt sự bao gồm và tôn trọng tất cả các ngôn ngữ và văn hóa là cốt lõi của nỗ lực hòa bình, một giáo sĩ quen thuộc với văn bản nói với Sputnik.
Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã đề nghị hòa giải giữa Nga và Ukraine. Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, nói với Sputnik hồi đầu tháng này rằng Đức Giáo Hoàng 86 tuổi đã sẵn sàng tới Mạc Tư Khoa và Kiev để giúp họ chấm dứt cuộc xung đột.
Sevastyanov nói với Sputnik hôm thứ Hai 27 tháng Hai rằng:
“Sự hòa giải và sự tha thứ lẫn nhau là đức tính chính yếu của Kitô giáo. Vatican là một nền tảng đàm phán cho tất cả các mục tiêu của các cuộc đàm phán nhắm đến một nền hòa bình lâu dài và công bằng cho tất cả mọi người”.
Sevastyanov, người đứng đầu Liên minh các tín hữu quốc tế, là một giáo phái của những người không phải tín hữu chính thống Nga, cho biết kế hoạch của Đức Giáo Hoàng đã mô tả các cuộc đàm phán là một phương tiện để đạt được hòa bình, và bao gồm và hợp tác là mục tiêu cuối cùng của nó.
“Nga, Ukraine và Âu Châu là một phần của một thế giới toàn diện cho tất cả mọi người! Thay vì chiến tranh, cần có sự hợp tác và nỗ lực để tạo ra một không gian kinh tế xã hội công bằng chung. Bất kỳ văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo nào cũng phải được bảo vệ và tôn trọng,” Sevastyanov trích dẫn kế hoạch nói.
Giáo sĩ Nga nói rằng các bên tham gia cuộc xung đột sẽ ngừng sự tấn công và ngồi xuống bàn đàm phán để tìm một giải pháp có lợi sẽ khiến mọi người cảm thấy được tôn trọng. Kế hoạch cũng gợi ý rằng việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại.
Bản tin của Sputnik đến đây là hết, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh với quý vị cụm từ “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại”. Đó chính là thâm ý của người Nga. “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại” chắc chắn sẽ chấm dứt chiến tranh, ít ai hồ nghi về điều này, vì một khi người Ukraine không có vũ khí trong tay, họ còn biết làm gì hơn là đầu hàng trước đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo, chiến tranh sẽ chấm dứt ở Ukraine, nhưng sẽ bùng lên ở Moldova, Estonia, Lithuania, Latvia và cả ở Ba Lan.
Source:Sismografo
1. Nga tiếp tục tấn công Bakhmut, nhưng đã chựng lại sau các tổn thất nặng nề; và đang quay sang bắn phá một thành phố phía đông khác gần đó
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 13 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân đội Nga tiếp tục tấn công thành phố Bakhmut miền đông Ukraine vào hôm Chúa Nhật.
Thành phố Sloviansk, nằm cách Bakhmut khoảng 59 km về phía tây bắc, cũng bị tấn công.
“Trong ngày qua, đối phương đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào một cơ sở hạ tầng dân sự ở Sloviansk, khu vực Donetsk. Đối phương cũng đã thực hiện bốn cuộc không kích và bắn khoảng 20 lần từ nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn”.
Sloviansk là một trong những thị trấn được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lưu ý trong tuần này là mục tiêu tiềm năng tiếp theo của Nga nếu Bakhmut thất thủ.
“Chúng ta hiểu rằng sau Bakhmut, người Nga có thể tiến xa hơn. Họ có thể đến Kramatorsk, họ có thể đến Sloviansk, đó sẽ là con đường rộng mở cho người Nga sau Bakhmut đến các thị trấn khác ở Ukraine, theo hướng Donetsk,” Tổng thống Zelenskiy nói “Đó là lý do tại sao các chàng trai của chúng ta đang đứng đó.”
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, không có bước tiến nào được xác nhận của lực lượng Nga ở Bakhmut, nhưng khó có thể thiết lập bức tranh chính xác về những gì đang xảy ra ở thành phố bị bao vây phía đông.
Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, các tuyến đường tiếp tế vẫn hoạt động ở chiến trường Bakhmut
“Các tuyến đường hậu cần vào và ra khỏi Bakhmut vẫn đang hoạt động, có nghĩa là “việc cung cấp đạn dược” cho thành phố bị bao vây hoàn toàn là khả thi”
“Thời tiết áp đặt những hạn chế của nó. Nhưng hiện tại, các tuyến hậu cần đang hoạt động. Việc cung cấp đạn dược là có thể, mặc dù rất khó khăn. Di tản những người bị thương là có thể.”
Thành phố phía đông Ukraine là một chiến trường quan trọng trong cuộc xâm lược của Nga và đã chứng kiến nhiều tuần giao tranh đẫm máu giữa quân đội Ukraine và các chiến binh từ nhóm quân sự tư nhân Nga Wagner.
Thay vì tiến thẳng vào trung tâm, các nhóm Wagner đã tìm cách bao vây thành phố theo một vòng cung rộng từ phía bắc. Vào Tháng Giêng, họ đã chiếm được thị trấn Soledar gần đó, và kể từ đó đã chiếm được một loạt làng mạc và thôn xóm ở phía bắc Bakhmut.
Bakhmut có các kết nối đường bộ quan trọng đến các khu vực khác của vùng Donetsk; về phía đông giáp Luhansk, tây bắc giáp Sloviansk và tây nam giáp Kostiantynivka.
Tuy nhiên, một chiến thắng của Nga sẽ mang ý nghĩa biểu tượng lớn hơn là ý nghĩa quân sự.
2. Quân Wagner quay lại, cận chiến trong thành phố Bakhmut, 239 quân xâm lược bị loại khỏi vòng chiến
Sáng thứ Hai, 13 tháng Ba, phát ngôn nhân của lực lượng liên hợp phía Đông Ukraine, Đại Tá Serhiy Cherevaty, cho biết ba mươi chín vụ cận chiến đã diễn ra ở phần phía Đông của thành phố Bakhmut trong ngày Chúa Nhật 12 tháng Ba, 239 quân xâm lược bị thiệt mạng và 293 người khác bị thương.
Ông nói: “Bakhmut vẫn là tâm điểm của các cuộc xung đột. Sau khi tập trung những nhóm được huấn luyện tốt nhất của Tập đoàn Wagner, đối phương đang cố gắng quay lại chọc thủng tuyến phòng thủ của chúng ta. Trong ngày qua, họ đã pháo kích 161 lần trên khắp khu vực tiền tuyến của Bakhmut, bao gồm Berkhivka, Zaliznianske và Bakhmut. 39 vụ cận chiến trong thành phố đã xảy ra và đối phương mất 239 người và 293 người bị thương”
Ngoài ra, theo Đại Tá Cherevatyi, hai xe tăng T72 của Nga đã bị bắn trúng và một hệ thống hỏa tiễn đất đối không Osa đã bị phá hủy ở hướng đó.
3. Trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin thừa nhận lực lượng Ukraine đang chiến đấu ác liệt ở Bakhmut
Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Nga Wagner, đã thừa nhận rằng các lực lượng Ukraine đang chiến đấu ác liệt ở Bakhmut, và nói rằng họ đang “chiến đấu giành giật từng mét”.
Trong một tin nhắn âm thanh mới được đăng trên trang Telegram của mình vào hôm Chúa Nhật, Prigozhin cho biết, “tình hình ở Bakhmut rất khó khăn, đối phương đang chiến đấu từng mét. Chúng ta càng ở gần trung tâm thành phố, trận chiến càng khó khăn, càng có nhiều pháo binh chống lại chúng ta và càng có nhiều xe tăng.”
Prigozhin nói thêm: “Người Ukraine đang tung ra những nguồn dự trữ vô tận.
4. Cựu Tư lệnh Nga chia sẻ đánh giá ảm đạm về lực lượng của Putin
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Former Russian Commander Shares Dismal Assessment for Putin's Forces”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh Nga chia sẻ đánh giá ảm đạm về lực lượng của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Igor Girkin, cựu chỉ huy quân đội Nga, gần đây đã chia sẻ đánh giá đáng thất vọng của ông về lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng họ “không có cơ hội” chiếm một số khu vực nhất định sau một mùa đông không thành công ở Ukraine.
Trong một video được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine đăng lên Twitter vào Chúa Nhật, Girkin cho biết: “Thật không may, chiến dịch mùa đông không thành công và thực tế là quân đội Ukraine đã không phải gánh chịu một thất bại chiến lược dẫn đến việc chiếm dóng Trans-Dniester.”
Ukraine đã nhận được nhiều gói viện trợ từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm ngoái. Điện Cẩm Linh đã cáo buộc phương Tây giúp cho Ukraine có khả năng giữ vững phòng tuyến bất chấp những nỗ lực của Nga. Tháng trước, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Vladimir Solovyov cho biết “đối phương của Nga sẽ cung cấp mọi thứ, họ sẽ cung cấp cho Ukraine mọi thứ, cho đến khi chúng ta giải quyết chúng một cách nghiêm khắc và rõ ràng”.
Trong video do Gerashchenko chia sẻ, Girkin nói thêm: “Các lực lượng Nga không có cơ hội chiến đấu để tiến tới Trans-Dniester bằng đường bộ sau khi rời khỏi khu vực tập kết bên hữu ngạn và rút lui khỏi Kherson. Thật không may, chúng ta không thể lập lại cuộc vượt sông Dnipro một cách nhanh chóng mà không gặp phải sự kháng cự. Hiện tại, cả hạm đội và bộ binh của chúng ta đều không có đủ sức mạnh để tiêu diệt các hệ thống phòng thủ chống hạm và phòng không của đối phương”.
Các thành phố lớn của Ukraine bao gồm Kherson, Kyiv, Odessa và Bakhmut là tâm điểm của các cuộc pháo kích và giao tranh ác liệt của Nga kể từ cuộc xâm lược của Putin vào quốc gia Đông Âu này. Gần đây nhất, Bakhmut, thuộc vùng Donetsk của Ukraine, là nơi diễn ra các trận chiến kéo dài nhiều tháng giữa các lực lượng Nga và lực lượng bán quân sự chống lại quân đội Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đây tuyên bố sẽ bảo vệ thành phố “pháo đài”, nhưng binh lính Nga đã dần giành được lãnh thổ ở đó trong những tuần gần đây. Các nhà phân tích cho rằng trận chiến có khả năng kết thúc “sắp xảy ra” ở Bakhmut.
Tổn thất chiến trường mới nhất của Nga cho thấy quân đội của Putin đã mất 159.090 nhân viên, trong một ngày mất 1.090 quân, theo Bộ Quốc phòng Ukraine hôm Chúa Nhật. Ngoài ra, Nga đã mất 3.466 xe tăng, 304 máy bay phản lực quân sự và 259 hệ thống phòng không kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Theo Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, những tổn thất lặp đi lặp lại mà quân đội của ông Putin gánh chịu thậm chí đã bắt đầu làm cạn kiệt kho dự trữ đã tồn tại hàng thập kỷ.
“Nga đang cạn kho dự trữ vũ khí. Hỏa tiễn và thiết bị quân sự đã được tích lũy trong nhiều thập kỷ.” Danilov nói: “Một nền kinh tế tham nhũng không thể cung cấp cho tiền tuyến, viện trợ nước ngoài cho nước Nga khủng bố bây gờ là vấn đề quan trọng hàng đầu.”
Trong khi đó, Gerashchenko đã đăng một dòng tweet khác của Girkin vào Chúa Nhật cho thấy cựu sĩ quan quân đội lên án giới lãnh đạo Nga hiện tại.
“Một lần nữa, tôi không tin rằng chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này dưới sự lãnh đạo của Bộ Quốc phòng Nga hiện tại và đội ngũ tài năng, đáng kinh ngạc,” Girkin nói.
Giám đốc Chương trình Chiến lược Lớn tại Các Ưu tiên Quốc phòng, Rajan Menon, nói với Newsweek vào Chúa Nhật, “Tại thời điểm này, tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy bên nào tin rằng họ đang thua trong cuộc chiến—hoặc sẽ thua. Tôi cũng không hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc sớm. Đặt cược của Putin có thể là thời gian vẫn ủng hộ ông ta vì ông ta có quân số và vũ khí lớn hơn và sự thống nhất của phương Tây cuối cùng sẽ bị lung lay. Những tổn thất lớn gần đây về binh lính và vũ khí dường như không thành vấn đề với ông ta.”
Ông nói thêm: “Ukraine tin rằng khi các vũ khí mới được hứa hẹn của phương Tây (đặc biệt là xe tăng và xe bọc thép chở quân) đến với số lượng đầy đủ và mặt đất cứng lại sau mùa mưa, thì họ có thể tiến hành một cuộc phản công. Động thái đó có thể sẽ diễn ra ở phía nam - hướng tới Melitopol như một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm cắt hành lang trên đất liền của Nga tới Crimea bằng cách tiến tới vùng duyên hải Biển Azov.
5. Các quan chức tình báo xác nhận danh tính của tù binh Ukraine bị hành quyết trên video gây phẫn nộ
Các quan chức tình báo Ukraine đã chính thức xác nhận danh tính của tù nhân chiến tranh đã hét lên: “Vinh quang cho Ukraine!” trước khi anh ta bị hành quyết trong một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, xác định anh ta là một tay súng bắn tỉa thuộc Tiểu đoàn 163 của Lữ đoàn xe tăng biệt lập 119 của Vùng Chernihiv. Anh tên là Oleksandr Ihorovych Matsiyevsky. CNN trước đó đưa tin những người thân yêu của Matsiyevsky và chỉ huy của anh ta đã nhận ra anh ta là người đàn ông trong video.
Các quan chức cho biết SBU đã đưa ra kết luận sau khi liên lạc với gia đình và đồng đội của tay súng bắn tỉa, cũng như giải quyết các tài liệu ảnh và video.
Người đứng đầu SBU Vasyl Malyuk cho biết trong một tuyên bố trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv: “Đây là một Anh hùng thực sự, người thậm chí khi đối mặt với cái chết, đã chứng minh cho cả thế giới thấy tính cách và sự bất khả chiến bại của người Ukraine là như thế nào”. “Chính những người bảo vệ này đang bảo vệ đất đai của chúng ta ngày nay, điều đó có nghĩa là đối phương nhất định sẽ bị đánh bại. Bởi vì Chiến thắng vĩ đại của Ukraine được tạo nên từ những hành động anh hùng của những người như Oleksandr Matsiyevsky. Vinh quang anh hùng! Vinh quang cho các anh hùng! Niềm tự hào cho Ukraine!”
Matsiyevsky được gọi nhập ngũ vào tháng 3 năm 2022. Kể từ cuối tháng 12, anh được thông báo mất tích gần làng Krasna Hora ở khu vực phía đông Donetsk, theo SBU. Tay súng bắn tỉa bị bắn chết vào ngày 30 tháng 12. Thi thể của anh ta được đưa về nhà vào tháng Hai.
SBU cho biết họ đang làm việc để xác định các quân nhân Nga tham gia vụ hành quyết và điều tra vụ giết người theo Điều 438 của Bộ luật Hình sự Ukraine
Các quan chức ở Kyiv, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã thẳng thừng lên án hành động giết người của quân Nga là một tội ác chiến tranh.
6. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã trao tặng huân chương Anh Dũng Bội Tinh Ukraine cho một người lính bị lực lượng Nga hành quyết bằng súng máy.
Người lính được cơ quan an ninh Ukraine xác định là Oleksandr Igorevich Matsievskyi sau khi có những tranh cãi về danh tính của anh ta sau khi xuất bản đoạn video nghiệt ngã ghi lại cái chết của anh ta.
Trong bài phát biểu hàng đêm của mình, Zelenskiy cho biết Matsievskyi đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng đối với người dân Ukraine.
Ông nói: “Hôm nay tôi đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Ukraine cho Oleksandr Matsievskyi, một người lính. Một người đàn ông mà tất cả người Ukraine sẽ biết. Một người đàn ông sẽ được nhớ đến mãi mãi. Vì sự dũng cảm của anh ấy, vì sự tự tin của anh ấy ở Ukraine và vì ‘Vinh quang cho Ukraine!’”
Đoạn video, lần đầu tiên được lưu hành trên Telegram vào thứ Hai tuần trước, cho thấy anh trong bộ quân phục chiến đấu của Ukraine được lính Nga trao cho một điếu thuốc như ân huệ cuối cùng trước khi bị xử bắn. Anh hút điếu thuốc đó gần nơi dường như là một vị trí chiến đấu. Người lính sau đó rút điếu thuốc khỏi miệng, thổi khói và có thể nghe thấy tiếng nói “Slava Ukraini” (Vinh quang cho Ukraine), trước khi quân Nga bắn nhiều phát vào anh ta bằng súng máy.
Đoạn video, được cho là do binh lính Nga đăng lên Telegram, đã dẫn đến một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Liên Hiệp Quốc và, ở Ukraine, là cuộc tìm kiếm danh tính của một người đàn ông được ca ngợi là anh hùng dân tộc và là biểu tượng của sự phản kháng.
Quân đội Ukraine hôm thứ Ba ban đầu xác định người lính này là Tymofiy Shadura thuộc Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 30 nhưng cảnh báo rằng không thể đưa ra xác nhận cuối cùng cho đến khi thi thể được tìm thấy từ lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.
Theo Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 30, anh ta mất tích vào ngày 3 tháng 2 gần Bakhmut, nơi chiến tranh ác liệt đã diễn ra trong bảy tháng, với hàng nghìn người thiệt mạng.
Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Ukraine và các blogger lại cho rằng người đàn ông bị sát hại là Oleksandr Igorevich Matsievskyi, 42 tuổi, người cũng được triển khai tới Bakhmut vào tháng 11.
“Chúng ta đã nhận được kết luận giám định pháp y xác nhận người lính trong video là Oleksandr Matsievskyi,” Cơ quan An ninh Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật. “Đây là kết quả của một loạt các hành động điều tra, bao gồm liên lạc với người thân và họ hàng của người quá cố, cũng như giải quyết ảnh và tài liệu video. Người đàn ông này là một anh hùng thực sự, người thậm chí khi phải đối mặt với cái chết, đã chứng minh cho cả thế giới thấy tính cách và sự bất khuất của người Ukraine là như thế nào”.
7. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, không có bước tiến nào được xác nhận bởi các lực lượng Nga ở Bakhmut.
Trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết, mặc dù các lực lượng Nga và các đơn vị từ Tập đoàn Wagner bán quân sự đã tiếp tục phát động các cuộc tấn công trên bộ vào thành phố, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã đạt được bất kỳ tiến bộ nào.
“Các lực lượng Nga đã không thực hiện bất kỳ bước tiến nào được xác nhận trong Bakhmut từ ngày 11 tháng 3.”
ISW cho biết: “Các nguồn tin của Ukraine và Nga tiếp tục đưa tin về các cuộc giao tranh ác liệt trong thành phố, nhưng các chiến binh của Tập đoàn Wagner có khả năng ngày càng bị chèn ép ở các khu vực đô thị, chẳng hạn như khu liên hợp công nghiệp AZOM, và do đó khó đạt được những bước tiến đáng kể”.
Bức tranh chính xác về những gì đang xảy ra ở Bakhmut rất khó thiết lập vì giao tranh ác liệt.
Lần đầu tiên sau tám tháng, có vẻ như người Nga đang chuẩn bị chiếm một thành phố của Ukraine, mặc dù đó là một thành phố nhỏ nơi hơn 90% dân số trước chiến tranh đã tản cư.
Hệ thống phòng thủ của Ukraine trong và xung quanh thành phố Bakhmut phía đông đã bị siết chặt trong những tuần gần đây bởi sự kết hợp của pháo binh, hỏa lực súng cối và các cuộc không kích dữ dội cũng như sự tăng cường đáng kể của các lực lượng bộ binh, cả quân chính quy Nga và các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Wagner.
8. Quân đội Nga sắp hết xe tăng T-72 và sẽ hết rất nhanh chóng
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Russian Army Is Running Out Of T-72 Tanks—And Quickly”, nghĩa là “Quân đội Nga sắp hết xe tăng T-72 và sẽ hết rất nhanh chóng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Tình trạng thiếu xe tăng của Nga tồi tệ hơn so với suy nghĩ của một số nhà quan sát trước đây. Kho dự trữ xe tăng nhiều nhất của Điện Cẩm Linh, chiếc T-72 cổ điển thời Chiến tranh Lạnh, đang cạn kiệt nhanh chóng.
Sự thiếu hụt T-72 ngày càng trầm trọng giúp giải thích tại sao người Nga ngày càng trang bị cho các tiểu đoàn mới được huy động của họ các xe tăng T-62 và T-80B lỗi thời.
Khi nói đến việc đánh giá kho vũ khí xe tăng của Nga, một trong những nguồn độc lập tốt nhất là một người dùng Twitter có tài khoản @partizan_oleg.
Dựa trên dữ liệu chưa được phân loại từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm và các nguồn khác, bao gồm cả nguồn mở Oryx tỉ mỉ đếm tổn thất phương tiện được xác nhận trực quan trong giai đoạn hiện tại của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, @partizan_oleg đã đưa ra ước tính về số lượng xe tăng mà người Nga còn lại sau nhiều cuộc tấn công hơn một năm chiến đấu gian khổ.
Đánh giá của họ về kho dự trữ T-72 đã thay đổi - theo chiều hướng xấu hơn. Vào giữa tháng 2, @partizan_oleg cho rằng Nga tham chiến với gần 2.000 chiếc T-72 nặng 50 tấn, chở được 3 người với pháo chính nòng trơn 125 ly.
Trong 12 tháng giao tranh đầu tiên, quân Ukraine đã tiêu diệt hoặc chiếm được gần 1.200 chiếc T-72 hoặc có khả năng là những chiếc T-72 mà Oryx có thể xác nhận. Vì chắc chắn đã có những tổn thất về xe tăng mà không để lại bằng chứng bằng video hoặc hình ảnh, nên số lượng của Oryx là một số lượng chưa đủ. Nếu Oryx xác nhận 80% thiệt hại, thì người Nga thực sự đã xóa sổ 1.500 chiếc T-72.
Nhưng theo thống kê trước đó của @partizan_oleg, người Nga có 6.900 chiếc T-72 cũ trong kho, khoảng một phần ba trong số đó có thể phục hồi được sau nhiều thập kỷ bị ăn mòn bởi mưa, tuyết và các chu kỳ nóng và lạnh.
Vấn đề, đối với Điện Cẩm Linh, là số lượng tháng Hai của @partizan_oleg đã bị tắt. Kiểm tra kỹ số lượng của họ vào thứ Ba, @partizan_oleg nhận ra rằng, trên thực tế, người Nga có thể chỉ có 1.500 chứ không phải 6.900 chiếc T-72 cũ trong kho. “Và nhiều chiếc trong số đó có lẽ không ở trong tình trạng tốt”.
Việc điều chỉnh lại khá đơn giản. @partizan_oleg bắt đầu với số lượng thân T-72 mà ngành công nghiệp Liên Xô đã sản xuất trong 23 năm sản xuất từ năm 1968 đến 1991—18.000—và bắt đầu trừ đi các xe tăng mà Liên Xô và Nga đã mất trong chiến đấu hoặc xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài.
Đó là cách họ có được số lượng T-72 dự trữ chiến tranh thấp hơn nhiều. @partizan_oleg thừa nhận, biến số lớn là dữ liệu sản xuất của họ có thể không bao gồm mẫu T-72 đầu tiên, T-72 “Ural” thô sơ. Không rõ có bao nhiêu chiếc Ural mà nhà máy Uralvagonzavod ở khu vực Sverdlovsk có thể đã sản xuất sau đó được cất giữ. Có lẽ hàng trăm. Có lẽ một vài ngàn.
Nhưng ngay cả sau khi thêm một số chiếc Urals rất cũ vào cuộc khảo sát T-72 của @partizan_oleg, một kết luận rõ ràng không thể tránh khỏi là người Nga có thể đã mất 2/3 số T-72 đang hoạt động hoặc trong kho lưu trữ có thể phục hồi.
Vì vậy, lý do tại sao Điện Cẩm Linh rút khỏi kho lưu trữ những chiếc xe tăng T-62 thậm chí còn cũ hơn bất kỳ chiếc T-72 nào, cũng như những chiếc T-80B gần như cùng thời với những chiếc T-72 đời đầu là điều dễ hiểu. Ngành công nghiệp Nga chỉ có thể sản xuất một số ít xe tăng mới mỗi tháng - quá ít để tạo ra khoản thiệt hại hàng tháng ở mức ba con số.
Tất cả những gì có thể nói là người Nga đang cạn kiệt xe tăng. Và rất nhanh chóng.
1. Vụ thảm sát kinh hoàng tại Đức
Đau buồn, đoàn kết và bàng hoàng là những cảm xúc được bày tỏ ở Đức khi nước này phải đối mặt với vụ xả súng hàng loạt khiến bảy người thiệt mạng tại một nơi thờ phượng của giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va ở Hamburg.
Một số người khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch sau khi một tay súng bắn súng lục bán tự động vào nơi thờ phượng vào khoảng 9 giờ tối, giờ địa phương hôm thứ Năm.
Các nhà chức trách xác định thủ phạm là Philipp F, 35 tuổi, cựu thành viên của cộng đồng Nhân Chứng Giê-hô-va, người được cho là đã rời nhóm khoảng 18 tháng trước với những điều kiện tồi tệ. Sau vụ xả súng, tay súng đã chết khi quay súng tự sát.
Thị trưởng Hamburg Peter Tschentscher mô tả tin tức này là “sự chấn động” trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại địa điểm xảy ra vụ tấn công rằng ông “không nói nên lời” trước vụ việc.
Bên ngoài Hamburg, người dân trên khắp nước Đức đã bị sốc và đau buồn trước tin tức này.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, các nhà chức trách đã được thông báo rõ ràng về Philipp F vào tháng trước sau khi một người ẩn danh báo cáo rằng anh ta đang thể hiện hành vi đáng lo ngại và có cảm xúc xấu đối với cộng đồng. Sau khi cảnh sát tiến hành kiểm tra đột xuất nhà của anh ta vào ngày 7 tháng 2, họ không tìm thấy dấu hiệu của bệnh tâm thần và cho phép anh ta giữ khẩu súng của mình sau khi hài lòng rằng nó đã được cất giữ đúng cách.
Ở Đức, những người từ 18 tuổi trở lên không có tiền án tiền sự được phép sở hữu súng nếu họ đáp ứng một số yêu cầu pháp lý nhất định. Các số liệu chính thức cho thấy có hơn 940.000 chủ sở hữu súng tư nhân đã ghi danh ở Đức, nhiều người trong số họ là những vận động viên bắn súng thể thao hoặc thợ săn.
Vụ nổ súng mới nhất đã làm gia tăng áp lực buộc chính phủ phải kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn và thắt chặt các biện pháp xung quanh quyền sở hữu súng, một vấn đề vốn đã nằm trong chương trình nghị sự sau hàng loạt vụ việc liên quan đến súng trong vài năm qua.
Vào tháng 12, vũ khí bất hợp pháp nằm trong số vũ khí được tìm thấy trong các cuộc truy quét được thực hiện nhằm vào các thành viên của một nhóm cực hữu bị tình nghi âm mưu lật đổ chính phủ Đức.
Hai năm trước đó, vào tháng 2 năm 2020, một kẻ cực đoan cực hữu đã giết chết 10 người Đức không phải da trắng và làm bị thương 5 người khác ở trung tâm thành phố Hanau, trong một vụ được coi là một trong những vụ tấn công có động cơ chủng tộc tồi tệ nhất ở nước này trong những năm gần đây.
2. Một âm mưu đảo chính đang diễn ra tại Moldova
Hàng nghìn người đã tập trung tại thủ đô Chișinău của Moldova để tham gia một cuộc biểu tình do một đảng thân Nga tổ chức, nơi những người biểu tình chỉ trích chính phủ thân Âu Châu vì chi phí sinh hoạt tăng cao.
Cuộc biểu tình hôm Chúa Nhật là một trong loạt cuộc biểu tình chống lại chính phủ mới thân EU, được tổ chức bởi một nhóm có tên là Phong trào vì Nhân dân.
Nhóm này được hỗ trợ bởi đảng Shor thân thiện với Nga, nắm giữ sáu ghế trong cơ quan lập pháp của Moldova và được lãnh đạo bởi một nhà tài phiệt đã bị Anh cấm vận.
Do Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho Moldova trong năm qua, các hóa đơn đã tăng lên gấp 6 lần ở quốc gia 2,6 triệu dân này. Cuộc khủng hoảng năng lượng và chiến tranh ở nước láng giềng Ukraine cũng góp phần làm lạm phát tăng 30%.
Với sự giúp đỡ về kinh tế của phương Tây, chính phủ đã trợ cấp các hóa đơn năng lượng nhưng nhiều người vẫn đang gặp khó khăn.
Chính quyền Moldova tuyên bố đây là một âm mưu của các nhóm do Nga hậu thuẫn được đào tạo để gây ra tình trạng bất ổn hàng loạt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát của nước này cho biết trong một cuộc họp báo rằng một số đặc vụ Nga đã bí mật thâm nhập vào các nhóm “đánh lạc hướng”, trong đó có công dân Nga, những người đã được hứa trả 10.000 đô la để tạo ra “sự rối loạn hàng loạt” nhằm gây bất ổn cho Moldova.
Cảnh sát cho biết 54 người biểu tình đã bị bắt và 4 người bị truy tố về hành vi đánh bom.
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Moldova trong những tuần gần đây. Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc vào tháng 2 rằng Nga, với sự giúp đỡ của các cá nhân đóng giả người biểu tình chống chính phủ, đang tìm cách lật đổ chính phủ của cô và ngăn cản đất nước của cô gia nhập Liên minh Âu Châu.
Sandu, một đồng minh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sử dụng Moldova trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Moldova, một quốc gia Đông Âu nhỏ có chung đường biên giới với Ukraine, có quân đội Nga đồn trú tại khu vực ly khai Transnistria.
3. Thách thức Tòa Thánh, Nicaragua đóng cửa đại sứ quán Vatican ở Managua, và đại sứ quán Nicaragua tại Vatican
Nhà độc tài Nicaragua Daniel Ortega đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Vatican ở Managua và Đại sứ quán Nicaragua tại Vatican ở Rôma.
Diễn biến này xảy ra vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô so sánh chính phủ Nicaragua với một chế độ độc tài. Daniel Ortega xem đây là bước đầu trong xu thế “đình chỉ” quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Một nguồn tin của Vatican nói với thông tấn xã Reuters rằng mặc dù việc đóng cửa không tự động có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Managua và Tòa thánh, nhưng chúng là những bước nghiêm trọng hướng tới khả năng đó.
Chính quyền của Ortega ngày càng bị quốc tế cô lập kể từ khi ông ta bắt đầu đàn áp mạnh tay những người bất đồng chính kiến sau các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra vào năm 2018. Ortega gọi các cuộc biểu tình là một âm mưu đảo chính chống lại chính phủ của ông.
Đức Cha Rolando Alvarez, một người lớn tiếng chỉ trích Ortega, đã bị kết án hơn 26 năm tù ở Nicaragua vào tháng trước với các tội danh bao gồm phản quốc, phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và tung tin sai sự thật.
Alvazez bị kết án sau khi ngài từ chối rời khỏi đất nước cùng với 200 tù nhân chính trị được chính phủ của Ortega trả tự do và đưa đến Hoa Kỳ. Đức Cha Alvarez từ chối lên máy bay và bị tước quyền công dân.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tuần trước với hãng tin tức trực tuyến Mỹ Latinh Infobae trước lễ kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của mình vào thứ Hai, Đức Thánh Cha đã so sánh việc Đức Cha Alvarez bị bỏ tù và những gì đang xảy ra ở Nicaragua với “chế độ độc tài Cộng sản năm 1917 hoặc chế độ Quốc Xã của Hitler năm 1935”.
Nhân viên ở cả hai đại sứ quán đều đã cạn kiệt trong nhiều năm chỉ còn một đại biện lâm thời cho Vatican ở Managua và hầu như không có ai cho đại diện cho Nicaragua ở Rôma.
Mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Nicaragua và bọn cầm quyền đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng kể từ cuộc đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2018, khi Giáo hội đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên.
Giáo Hội đã kêu gọi công lý cho hơn 360 người đã chết trong tình trạng bất ổn.
Giám mục Nicaragua Silvio Baez, cũng là một người chỉ trích chính phủ, đã phải sống lưu vong vào năm 2019.
Một năm trước, Vatican đã phản đối Nicaragua về việc trục xuất Sứ thần Tòa Thánh, và nói rằng hành động đơn phương là phi lý và không thể hiểu nổi.
Đức Tổng Giám Mục Waldemar Sommertag, người từng chỉ trích việc Nicaragua trượt dài khỏi nền dân chủ, đã phải đột ngột rời khỏi đất nước sau khi bọn cầm quyền ra lệnh trục xuất ngài. Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa cũng bị trục xuất sau đó.
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay 12 tháng Ba
Chúa Nhật 12 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng ta là Giacóp, người đã cho chúng ta giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người phụ nữ lại nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng ta đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng ta thờ Đấng chúng ta biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ các tín hữu đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng ta mọi sự.” Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng ta tin. Quả thật, chính chúng ta đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Chúa Nhật này, Tin Mừng trình bày cho chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ và hấp dẫn nhất mà Chúa Giêsu có – đó là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (x. Ga 4:5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ nghỉ chân bên một cái giếng ở Samari. Một người phụ nữ đến và Chúa Giêsu nói với bà: “Xin cho tôi chút nước uống” (c. 8). Tôi muốn tạm dừng ngay tại cụm từ này: Cho tôi chút nước uống.
Cảnh này mô tả Chúa Giêsu, khát và mệt mỏi. Một phụ nữ Samaria tìm thấy Người vào giờ nóng nực nhất, giữa trưa, đang xin nước giải khát như một người hành khất. Đó là hình ảnh về sự hạ mình của Thiên Chúa. Thiên Chúa hạ mình trong Đức Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta. Ngài đến với chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, Ngài đã hạ mình xuống. Khát như chúng ta, Ngài cũng phải chịu cơn khát như chúng ta. Nghĩ đến cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói: Ngài là Chúa, là Thầy “xin tôi nước uống. Như thế, Ngài cũng khát như tôi. Ngài chia sẻ cơn khát của tôi. Ngài thực sự ở gần tôi, Chúa ơi! Chúa đang chạm đến sự bần cùng của con. Nhưng con không thể tin được! “Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới, từ chỗ thấp nhất của con người con, nơi không ai có thể chạm tới” (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologna 2022, 55-56). Và Chúa đã đến với con từ bên dưới và Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới bởi vì Chúa đang khát và khao khát con. Thật ra, cơn khát của Chúa Giêsu không chỉ thuộc thể xác. Nó diễn tả những khát khao sâu thẳm nhất cuộc đời chúng ta, và trên hết là khát khao tình yêu của chúng ta. Ngài còn hơn cả một kẻ ăn mày. Ngài “khát” tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ bộc lộ vào lúc tột đỉnh cuộc khổ nạn của Người, trên thập giá, nơi mà trước khi chết, Chúa Giêsu sẽ nói: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát khao tình yêu đó đã đưa Ngài xuống, hạ mình xuống, hạ cố trở thành một người trong chúng ta.
Nhưng Chúa xin nước uống, lại chính là Đấng cho chúng ta uống. Gặp người phụ nữ Samari, Người nói với bà về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần. Và từ thập giá, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người (x. Ga 19:34). Khát khao tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu. Và Người làm với chúng ta điều Người đã làm với người phụ nữ Samari – Người đến gặp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Người chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa ban cho chúng ta nước hằng sống làm cho sự sống vĩnh cửu trào dâng trong chúng ta.
Cho tôi chút nước uống. Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không chỉ là một lời yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samaria, nhưng là một tiếng kêu – đôi khi im lặng – gặp gỡ chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta làm dịu cơn khát của người khác, chăm sóc cơn khát của người khác. Có bao nhiêu người nói với chúng ta “cho tôi chút nước uống” - trong gia đình của chúng ta, tại nơi làm việc, ở những nơi khác mà chúng ta tìm thấy chính mình. Họ khao khát được gần gũi, được chú ý, được lắng nghe. Đó là những người khao khát Lời Chúa và cần tìm một ốc đảo trong Giáo hội để họ có thể uống. Hãy cho tôi chút nước là một tiếng kêu được nghe thấy trong xã hội của chúng ta, nơi mà tốc độ điên cuồng, sự vội vàng để tiêu thụ, và đặc biệt là sự thờ ơ, nền văn hóa lạnh nhạt đó, tạo ra sự khô khan và trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên điều này – “cho tôi uống với” là tiếng kêu cứu của nhiều anh chị em thiếu nước sinh hoạt, trong khi ngôi nhà chung của chúng ta tiếp tục bị ô nhiễm và biến chất. Kiệt sức và khô héo, xã hội cũng “khát nước”.
Trước những thách thức đó, bài Tin Mừng hôm nay cống hiến nước hằng sống cho mỗi người chúng ta để có thể trở thành nguồn suối tươi mát cho người khác. Và như vậy, giống như người phụ nữ Samari bỏ vò bên giếng và đi gọi những người cùng làng với mình (x. câu 28), chúng ta cũng sẽ không còn chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn cơn khát của chính mình, cơn khát vật chất, trí tuệ của chúng ta, hay cơn khát văn hóa, nhưng với niềm vui được gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ làm dịu cơn khát của người khác, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, không phải với tư cách là ông chủ, mà là những người phục vụ của Lời Chúa, Đấng đã khao khát chúng ta, Đấng không ngừng khao khát chúng ta. Chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi khát khao của họ và chia sẻ tình yêu mà Người đã trao cho chúng ta. Một câu hỏi đặt ra cho chính tôi và tất cả anh chị em nảy sinh: Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác, cơn khát của mọi người, cơn khát mà rất nhiều người trong gia đình tôi, trong xóm tôi đang có không? Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có khao khát Thiên Chúa không? Tôi có biết rằng tôi cần tình yêu của Người như nước để sống không? Và rồi: Tôi đang khát, tôi có quan tâm đến cơn khát của người khác, cơn khát tinh thần, cơn khát vật chất của họ không?
Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên đường đi.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những người đến từ Madrid và Spalato.
Tôi chào các nhóm giáo xứ từ Padua, Caerano San Marco, Bagolino, Formia và Sant'Ireneo ở Rôma.
Thứ Sáu này, ngày 17 tháng Ba và thứ Bảy, ngày 18, sáng kiến “24 Giờ cho Chúa” sẽ được lặp lại trong toàn thể Giáo Hội. Đây là thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện, thờ phượng và lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Vào chiều Thứ Sáu, tôi sẽ đến một giáo xứ ở Rôma để cử hành Nghi thức Sám Hối. Cách đây một năm, trong bối cảnh này, chúng ta đã cử hành nghi thức trọng thể Thánh Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu xin hồng ân hòa bình. Hành động phó thác của chúng ta không chùn bước, niềm hy vọng của chúng ta không lung lay! Chúa luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của dân Người nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta hãy hiệp nhất trong đức tin và liên đới với anh chị em của chúng ta đang đau khổ vì chiến tranh. Đặc biệt chúng ta đừng quên những người dân Ukraine đang bị vùi dập!
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
1. Giao tranh dữ dội: Các đơn vị tấn công của Wagner cố gắng tiến tới các quận trung tâm của Bakhmut
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 13 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua quân xâm lược tập trung vào các cuộc tấn công có tính chất thăm dò các hướng Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Shakhtarsk. Lực lượng Phòng vệ đã đẩy lùi hơn 100 cuộc tấn công tại các khu vực nói trên.
Riêng tại thành phố Bakhmut, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Lục quân Ukraine, đang đích thân chỉ huy các lực lượng phòng thủ Ukraine tại thành phố này.
Tướng Syrskyi cho biết tình hình xung quanh Bakhmut, thuộc khu vực Donetsk, vẫn còn khó khăn - các đơn vị tấn công của Nhóm Wagner và quân chính quy Nga đang tiến công từ nhiều hướng, cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của quân đội Ukraine và tiến tới các quận trung tâm của thành phố.
Sáng sớm ngày thứ Hai, 235 quân Wagner bị bắn chết khi đang cố gắng tấn công chiếm nhà máy thép Azom nơi Tổng thống Zelenskiy đã thăm viếng hôm 20 tháng 12. Đối phương rút lui nhưng chỉ một giờ sau lại đến cùng với lính Dù Nga. Giao tranh vẫn còn đang tiếp diễn.
Trong các trận chiến khốc liệt, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã gây ra tổn thất đáng kể cho đối phương.
Nga có vẻ đặc biệt chú ý đến một chiến thắng tại thành phố Bakhmut nên đã tung một lực lượng quân đông đảo cố sức chiếm thành phố này. Tuy nhiên, có vẻ như họ đã cạn kiệt xe tăng nên chủ yếu các xe tăng Nga xông trận trong ngày qua đều là những chiếc T62, có thể bị hạ gục bởi bất cứ súng chống tăng nào của quân Ukraine.
“Mọi nỗ lực chiếm thành phố của đối phương đều bị đẩy lùi bởi pháo binh, xe tăng và các vũ khí hỏa lực khác. Việc bảo vệ pháo đài vẫn tiếp tục!” Tướng Syrskyi nhấn mạnh.
Trong 24 giờ qua, quân phòng thủ Ukraine bắn cháy 8 xe tăng Nga, 5 xe thiết giáp. 710 lính Nga và Wagner tử trận.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 13 Tháng Ba, 159.800 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.
Ngoài ra, Ukraine đã tiêu diệt 3.474 xe tăng Nga, 6.774 xe thiết giáp, 2.503 hệ thống pháo, 493 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 259 hệ thống phòng không, 304 máy bay chiến đấu, 289 máy bay trực thăng, 2.109 máy bay không người lái, 907 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.354 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 251 đơn vị thiết bị chuyên dùng.
2. Thống Đốc Nga báo cáo ít nhất 4 hỏa tiễn đã được phóng vào đất Nga.
Vyacheslav Gladkov, Thống Đốc Belgorod của Nga, cho biết hệ thống phòng không của thành phố Belgorod đã bắn hạ bốn hỏa tiễn. Gladkov cho biết một người đã bị thương và các ngôi nhà bị hư hại do mảnh vỡ hỏa tiễn. Anh ta không nói rõ ai là người đã bắn hỏa tiễn nhưng trước đây anh ta luôn cáo buộc lực lượng Ukraine ở phía bên kia biên giới thực hiện các cuộc tấn công tương tự.
Trong cuộc họp báo lúc 1h40 chiều, thứ Hai 13 tháng 3, Vyacheslav Gladkov, báo cáo rằng các hệ thống phòng không đã bắn hạ 4 hỏa tiễn ở thành phố Belgorod và vùng ngoại ô vào sáng thứ Hai.
Theo Gladkov, một phụ nữ bị thương và hai ngôi nhà tư nhân bị hư hại do mảnh vỡ rơi xuống.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, chính quyền Belgorod thường xuyên báo cáo các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn trong khu vực. Vào cuối Tháng Giêng vừa qua, Gladkov nói rằng tổng cộng 25 thường dân đã thiệt mạng và 96 người bị thương do pháo kích của Ukraine.
3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:
Trong những tuần gần đây, chủ sở hữu của Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, có khả năng đã mất quyền tuyển dụng trong các nhà tù của Nga do những tranh chấp liên tục của ông ta với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga. Prigozhin rất có khả năng hướng các nỗ lực tuyển dụng tới các công dân Nga tự do.
Kể từ đầu tháng 3 năm 2023, Wagner đã thành lập các nhóm tiếp cận cộng đồng có trụ sở tại các trung tâm thể thao ở ít nhất 40 địa điểm trên khắp nước Nga.
Trong những ngày gần đây, các nhà tuyển dụng trá hình của Wagner cũng tổ chức các buổi nói chuyện về nghề nghiệp tại các trường trung học ở Mạc Tư Khoa, phân phát các bảng câu hỏi có tựa đề 'đơn ứng tuyển của một chiến binh trẻ' để thu thập thông tin liên lạc của các học sinh quan tâm.
Khoảng một nửa số tù nhân mà Wagner đã triển khai ở Ukraine có khả năng gánh chịu thương vong và các sáng kiến mới khó có thể bù đắp cho sự mất mát của con đường tuyển mộ tù nhân.
Nếu lệnh cấm kéo dài, Prigozhin có thể sẽ buộc phải giảm quy mô hoặc cường độ hoạt động của Wagner ở Ukraine.
4. Quan chức Ukraine tiết lộ thời điểm quan trọng để Kyiv phản công ở Donbas
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Official Reveals Key Moment for Kyiv To Counterattack in Donbas”, nghĩa là “Quan chức Ukraine tiết lộ thời điểm quan trọng để Kyiv phản công ở Donbas.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Theo một quan chức cấp cao của Ukraine, các lực lượng Ukraine đang “chờ điều kiện thời tiết được cải thiện” để tiến hành một cuộc phản công chống lại quân đội Nga.
Serhiy Haidai, thống đốc khu vực phía đông Luhansk, cho biết trên Telegram hôm thứ Hai rằng các chiến binh Ukraine sẽ chờ thời cơ trong “vài tuần” trước khi bắt tay vào một cuộc phản công ở khu vực Donbas.
Luhansk, cùng với Donetsk ở miền đông Ukraine, đã rơi vào xung đột vũ trang vào năm 2014. Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã giành quyền kiểm soát một số khu vực của Luhansk và Donetsk, đồng thời Mạc Tư Khoa sáp nhập trái phép bán đảo Crimea ở phía nam lục địa Ukraine.
Được gọi chung là khu vực Donbas, Donetsk và Luhansk đã chứng kiến giao tranh ác liệt nhất kể từ khi bùng nổ cuộc chiến tổng lực vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Các lực lượng Nga đang nỗ lực để chiếm phần lãnh thổ còn lại của Luhansk, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC
Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Lục quân Ukraine, cho biết trên Telegram hôm thứ Bảy rằng “cần phải có thời gian để tích lũy dự trữ và bắt đầu một cuộc phản công, điều sẽ không còn xa.”
Cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, cho biết hôm thứ Sáu rằng các lực lượng của Ukraine “không vội vàng” nhưng sẽ “tổ chức lại trong hai tháng tới”.
Ông nói với tờ La Stampa của Ý: “Chúng ta sẽ làm quân Nga kiệt sức ở Bakhmut và sau đó tập trung ở nơi khác.
Các đồn đoán từ lâu đã bủa vây thời điểm Ukraine sẽ bắt tay vào một cuộc phản công, vốn được cho là sẽ diễn ra trong những tháng mùa xuân ấm áp hơn. Tháng trước, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek rằng Ukraine đang “chờ đợi nguồn cung cấp thiết bị phương Tây để bắt đầu cuộc phản công của chính chúng ta.”
Nhưng khi thời tiết ấm lên, thì mùa bùn lầy khét tiếng của Ukraine cũng được cân nhắc. Được gọi là “rasputitsa”, nhiệt độ ấm hơn tạo ra điều kiện lầy lội cản trở các hoạt động quân sự.
William Reno, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tây Bắc, trước đây đã nói với Newsweek: “Bùn là một yếu tố, đặc biệt khi lái xe trên một con đường không trải nhựa”.
Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng di chuyển của các phương tiện, cựu thiếu tá Quân đội Hoa Kỳ John Major cũng nói với Newsweek. Ông nói thêm rằng bùn gây ra các vấn đề về bảo trì, di chuyển và chuỗi cung ứng.
Ông lập luận: “Vì bùn hạn chế những con đường bạn có thể đi, điều đó làm tăng khả năng bị tấn công.
Vào ngày 9 tháng 2 năm 2023, Bộ Quốc phòng Anh đề cập đến hiện tượng tan băng vào mùa xuân, lập luận rằng cả các chỉ huy Ukraine và Nga “rất có thể sẽ tìm cách tránh lên kế hoạch cho các cuộc tấn công lớn” từ giữa đến cuối tháng Ba.
“Thời tiết tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine,” Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nói thêm.
5. Tập Cận Bình đến thăm Nga vào đầu tuần tới, có thể sẽ nói chuyện với Tổng thống Zelenskiy
Reuters cho biết Tập Cận Bình của Trung Quốc, gần đây đã nhận nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong lịch sử cộng sản nước này, và có kế hoạch đến thăm Mạc Tư Khoa ngay trong tuần tới.
Chuyến viếng thăm sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ với Nga vào thời điểm một số thành phần ở phương Tây đang bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể bắt đầu cung cấp vũ khí để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Theo Wall Street Journal, Tập Cận Bình cũng có kế hoạch nói chuyện với Volodymyr Zelenskiy lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Chủ tịch Trung Quốc sẽ nói chuyện qua zoom với tổng thống Ukraine. Diễn biến này có khả năng xảy ra sau chuyến thăm Mạc Tư Khoa vào tuần tới, tờ báo đưa tin, trích dẫn các nguồn quen thuộc với vấn đề này.
6. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Bộ Quốc Phòng Nga muốn Lực lượng Wagner thiệt hại nặng ở Bakhmut
Xung đột giữa Bộ Quốc phòng Nga và nhà tài chính Yevgeny Prigozhin của Tập đoàn Wagner có thể đã lên đến đỉnh điểm khi hàng nghìn chiến binh đã hy sinh khi chiến đấu ở Bakhmut.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, Bộ Quốc phòng Nga “hiện đang ưu tiên loại bỏ Wagner trên các chiến trường ở Bakhmut” mà họ kết luận là đang làm chậm bước tiến của họ trong khu vực.
ISW cho biết cuộc xung đột bắt đầu khi Prigozhin tiến hành một chiến dịch “phỉ báng không ngừng” chống lại các nhân vật cấp cao trong quân đội Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov.
Giờ đây, nhóm này đã không thể hiện được sự tiến bộ, người ta tin rằng các quan chức Bộ Quốc phòng Nga đang “nắm bắt cơ hội để cố tình sử dụng cả lực lượng tinh nhuệ và lực lượng bị kết án của Wagner ở Bakhmut trong nỗ lực làm suy yếu Prigozhin và làm hỏng tham vọng giành ảnh hưởng lớn hơn của ông ta ở Điện Cẩm Linh.”
ISW tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã trở nên “báo động” trước tham vọng chính trị của Prigozhin vào tháng 10 năm ngoái.
Putin có khả năng đã ngăn Bộ Quốc phòng Nga tấn công trực tiếp vào Prigozhin mà thay vào đó tạo ra các điều kiện để giới lãnh đạo quân đội Nga có thể nắm lại nhiều quyền lực hơn. Những điều kiện như vậy có khả năng đe dọa Prigozhin, người bắt đầu tăng cường chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga và làm sâu sắc thêm xung đột giữa lực lượng Wagner và giới lãnh đạo quân sự.
7. Giao tranh cận chiến đang ngày càng phổ biến ở Bakhmut
Theo một chỉ huy phó Ukraine, giao tranh vẫn tiếp diễn ở Bakhmut suốt ngày đêm.
“Tình hình ở Bakhmut vô cùng căng thẳng. Đối phương đang cố gắng tấn công các vị trí của Lực lượng vũ trang Ukraine và làm mọi cách để tiến lên”, Thiếu tá Rodion Kudriashov, phó chỉ huy Lữ đoàn tấn công biệt lập số 3 của Ukraine, cho biết hôm thứ Hai.
“Tình hình căng thẳng, nhưng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của AFU. Chúng tôi đang sử dụng biện pháp phòng thủ cơ động và đang phản công lại các phần có vấn đề.”
“Trong các trận đánh bộ binh, khi chúng ta giành lại vị trí của mình và tấn công địch, các đơn vị của chúng tôi thực sự phải nhảy vào chiến hào của địch trước và đánh bật địch ra khỏi chiến hào. Có những cuộc đấu súng đang diễn ra ở khoảng cách 10 đến 50 mét,” Kudriashov nói với mạng truyền hình Espreso TV của Ukraine.
8. Phân tích của ISW cho thấy Bộ quốc phòng Nga có thể đang sử dụng Bakhmut để giảm bớt ảnh hưởng của Wagner
Theo phân tích của phương Tây, Bộ Quốc phòng Nga có khả năng sử dụng cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut của Ukraine để làm suy yếu lực lượng Wagner nhằm làm suy yếu Yevgeny Prigozhin, người sáng lập công ty quân sự tư nhân.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington đã nhận xét hôm Chúa Nhật rằng tốc độ tiến công của Nga đã chậm lại sau khi Ukraine rút quân khỏi phía đông thành phố vào khoảng ngày 7 tháng 3.
ISW đánh giá rằng Bộ Quốc phòng “có khả năng nắm bắt cơ hội để cố tình sử dụng cả lực lượng tinh nhuệ và lực lượng tội phạm của Wagner ở Bakhmut nhằm nỗ lực làm suy yếu Prigozhin và làm hỏng tham vọng giành ảnh hưởng lớn hơn của ông ta ở Điện Cẩm Linh.”
ISW nói thêm rằng Bộ Quốc Phòng Nga đã “ngày càng hạn chế khả năng của Prigozhin trong việc tuyển dụng những người bị kết án và buộc Prigozhin phải công khai thừa nhận sự phụ thuộc của mình vào Bộ Quốc phòng Nga.”
Prigozhin thường ám chỉ đến sự căng thẳng trong mối quan hệ, lưu ý rằng trong khi ông ở trong và xung quanh Bakhmut, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và chỉ huy chiến dịch Ukraine, Valery Gerasimov, chưa bao giờ đến đó.
ISW cũng lưu ý rằng Prigozhin đã “bóng gió rằng Bộ Quốc phòng Nga đã sử dụng Wagner để gánh chịu gánh nặng của cuộc chiến tranh đô thị tiêu hao nhằm bảo tồn các lực lượng thông thường của Nga.”
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản tin hàng ngày hôm thứ Hai rằng sau nhiều tháng giao tranh ác liệt xung quanh Bakhmut, Wagner có thể đang thiếu nhân lực.
Prigozhin, người đã sử dụng hàng nghìn tù nhân làm bộ binh, có thể đã mất khả năng tuyển dụng từ các nhà tù do xung đột đang diễn ra với Bộ Quốc phòng Nga.
“Nếu lệnh cấm có hiệu lực, Prigozhin có thể sẽ buộc phải giảm quy mô hoặc cường độ hoạt động của Wagner ở Ukraine,” Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
“Khoảng một nửa số tù nhân mà Wagner đã triển khai ở Ukraine có khả năng đã chịu thương vong”
Đáp lại, Wagner đã bắt đầu tuyển dụng tại các câu lạc bộ thể thao và phòng tập thể dục ở Nga.
9. Tổng thống Phần Lan tiết lộ lý do xin gia nhập NATO
Tổng thống Phần Lan cho rằng lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với NATO là một yếu tố khiến nước này theo đuổi tư cách thành viên của liên minh.
Trong một cuộc phỏng vấn của Fox News được phát sóng vào Chúa Nhật, Tổng thống Sauli Niinistö nói với người dẫn chương trình Shannon Bream rằng lời cảnh báo của Putin đối với các quốc gia khác gia nhập NATO đã có tác dụng ngược lại.
Trong khi cả Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, thì việc gia nhập liên minh của họ đã bị đình trệ ở Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các quy tắc do liên minh quân sự đặt ra, tất cả 30 quốc gia thành viên phải chấp thuận đơn ghi danh trước khi các quốc gia được cấp quyền tham gia.
Quyền hạn của Niinistö bị hạn chế theo hệ thống của Phần Lan. Tuy nhiên, ông vẫn có ảnh hưởng lớn đối với chính trị đối ngoại của đất nước và là người lãnh đạo lực lượng phòng thủ của quốc gia.
Phần Lan đã có một lịch sử căng thẳng với Nga và nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong hơn một thế kỷ cho đến khi giành được độc lập vào năm 1917. Đất nước này cũng đã chiến đấu chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Mùa đông, nơi họ đã nhượng lại lãnh thổ hiện là một phần của Nga.
Niinistö cho biết ông nghĩ thật “mỉa mai” khi Putin biện minh cho cuộc xâm lược rằng ông ta không muốn NATO mở rộng. Bây giờ, hai quốc gia có thể sớm trở thành thành viên mới nhất của NATO.
1. Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa phải rời khỏi tất cả các cơ sở của Kyiv Pechersk Lavra
Chính phủ Ukraine đã chấm dứt thỏa thuận với Giáo Hội Chính thống Ukraine do Nga kiểm soát, gọi tắt là UOC-MP, hay UOC, về việc sử dụng miễn phí các tòa nhà tôn giáo nằm ở Hạ Lavra, một phần của tu viện Chính thống quan trọng nhất của Ukraine.
Các thành viên nhà thờ của UOC-MP phải rời khỏi cơ sở của Hạ Lavra trước ngày 29 tháng 3, theo một tuyên bố được Bộ Văn hóa công bố vào ngày 10 tháng 3.
Trước đó, nhà nước Ukraine đã không gia hạn cho UOC thuê một phần khác của Kyiv Pechersk Lavra được gọi là Thượng Lavra, trong quá trình giành lại quyền kiểm soát tu viện.
Vào năm 2013, dưới thời tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, tòa thượng phụ có liên hệ với Điện Cẩm Linh đã ký một thỏa thuận thuê sử dụng các tòa nhà của Hạ Lavra ở trung tâm Kyiv trong một thời gian không xác định.
Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy bắt đầu kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng thuê Hạ Lavra của UOC vào đầu tháng 12, cuối cùng kết luận rằng Giáo Hội này đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng, theo tuyên bố của Bộ Văn hóa.
Ngoài Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cơ sở của Lavra cũng được sử dụng bởi một bảo tàng viện.
UOC đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trong những tháng gần đây do mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với Nga, cũng như việc phát hiện ra hộ chiếu Nga, những truyền đơn tuyên truyền chống Ukraine trong các cuộc đột kích trên toàn quốc vào các địa điểm tôn giáo của Giáo Hội này. Các cuộc tìm kiếm cũng đã diễn ra tại Kyiv Pechersk Lavra.
Mặc dù tuyên bố độc lập khỏi Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga vào tháng 5 và lên án cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, UOC vẫn phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa trong hệ thống phẩm trật của thế giới Chính thống.
Vào ngày 1 tháng 12, Zelenskiy tuyên bố bắt đầu thủ tục cấm mọi hoạt động của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine.
Kyiv Pechersk Lavra (“pecherska” có nghĩa là “hang động”), được thành lập vào năm 1051, là một trong những tu viện đầu tiên ở Kyivan Rus. Nó thuộc về chi nhánh Ukraine của Tòa thượng phụ Đại kết Constantinople cho đến năm 1688 khi nó bị Nhà thờ Chính thống Nga sáp nhập.
Từ năm 1688, Lavra đã được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của đế quốc Nga.
Vào ngày 7 Tháng Giêng vừa qua, Giáo Hội Chính thống giáo độc lập của Ukraine lần đầu tiên tổ chức lễ Giáng Sinh tại Kyiv Pechersk Lavra.
Source:Kyiv Independent
2. Thượng Phụ Kirill yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm một điều không thể
Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, hôm thứ Bảy đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết phục Ukraine ngừng cái mà ông ta gọi là “một cuộc đàn áp” chống lại nhóm Chính Thống Giáo Ukraine có lịch sử thân Nga.
Hôm thứ Sáu, chính quyền Kyiv đã ra lệnh cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, phải rời khỏi khu phức hợp tu viện nơi họ đặt trụ sở. Đó là động thái mới nhất chống lại một hệ phái Chính Thống Giáo mà chính phủ cho là thân Nga và hợp tác với Mạc Tư Khoa.
Kirill kêu gọi Đức Giáo Hoàng “nỗ lực hết sức để ngăn chặn việc buộc đóng cửa tu viện, vì điều này sẽ dẫn đến vi phạm quyền của hàng triệu tín hữu Ukraine”. Một tuyên bố của Thượng Phụ Kirill đăng trên trang web của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cho biết như trên.
Kirill ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. UOC cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với Nga và Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và đồng thời than thở rằng họ là nạn nhân của một cuộc săn lùng phù thủy chính trị.
Kể từ tháng 10, Cơ quan An ninh Ukraine đã thường xuyên tiến hành khám xét các nhà thờ của UOC, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các giám mục và những người ủng hộ tài chính của họ, đồng thời mở các vụ án hình sự đối với hàng chục giáo sĩ của họ.
Kirill cho biết thật đáng tiếc khi các quyền và tự do của tín hữu Ukraine bị vi phạm trắng trợn.
Ngoài lời kêu gọi được đặc biệt gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, Thượng Phụ Kirill cũng gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury Justin Welby, người đứng đầu Nhà thờ Coptic của Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros cũng như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và người đứng đầu nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.
Bộ văn hóa Ukraine cho biết UOC có thời hạn đến ngày 29 tháng 3 để rời khỏi khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra 980 tuổi, nơi họ đặt trụ sở chính.
Ngày nay, hầu hết các tín hữu Chính thống Ukraine thuộc về một Giáo Hội Chính Thống Giáo khác, được gọi là Giáo Hội Chính thống Ukraine, được thành lập cách đây 4 năm và được Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope công nhận.
Theo cách giải thích của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope, Kitô Giáo đến Ukraine trước khi đến Nga. Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople đã bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Ukraine. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv.
Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác. Khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra nguyên là của Giáo Hội Chính Thống Ukraine, ngày nay gọi tắt là OCU. Năm 1688, Sa hoàng Nga đã tịch thu trao cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
Bọn cầm quyền cộng sản đã quốc hữu hóa và trao cho Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sử dụng theo hình thức thuê mướn miễn phí. Nay Bộ văn hóa Ukraine không cho thuê nữa, không thể coi là đàn áp tôn giáo. Đó là một vấn đề công bằng và hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước.
Source:Reuters
3. Kế hoạch hòa bình ma, của Nga, không phải của Vatican
Nga lợi dụng Đức Giáo Hoàng, nói láo trắng trợn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về thảm kịch ở Ukraine và khẳng định “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican”
Nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, là người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, tuyên bố với các phương tiện truyền thông Nga rằng Đức Thánh Cha giao cho ông ta phổ biến và vận động tại Nga một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Tuyên bố này của Sevastyanov gây kinh ngạc cho nhiều người vì đó hầu chắc không phải là cách Vatican hành động.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Nación được công bố vào Chúa Nhật 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Elisabetta Piqué, một người nhà báo chuyên về Vatican và là phóng viên tại Ý của tờ La Nación rằng “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican, nhưng có một ‘sứ vụ hòa bình’, trong đó Vatican đang nỗ lực làm việc để chấm dứt cuộc xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine.
Mặc dù cho rằng rất khó có khả năng cho một cuộc gặp gỡ giữa Vladimir Putin và Volodimir Zelenskiy ở Vatican có thể diễn ra trong tương lai, nhưng ngài nói rằng việc tổ chức một cuộc họp đại biểu thế giới có thể mang ý nghĩa xoay chuyển cuộc chiến bi thảm này ngay giữa lòng Âu Châu khi nó đã bước sang năm thứ hai. Mặt khác, ngài không loại trừ rằng do đặc điểm của nó, cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine có thể bị coi là một cuộc diệt chủng”.
Hôm 28 tháng 2, tờ Sputnik của Nga đánh đi bản tin nhan đề “Pope's peace plan for Ukraine puts inclusivity first – Cleric”, nghĩa là “Giáo sĩ nói: Kế hoạch hòa bình của Đức Giáo Hoàng dành cho Ukraine ưu tiên cho việc hội nhập.” Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bài báo của tờ Sputnik.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vạch ra tầm nhìn của mình để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đặt sự bao gồm và tôn trọng tất cả các ngôn ngữ và văn hóa là cốt lõi của nỗ lực hòa bình, một giáo sĩ quen thuộc với văn bản nói với Sputnik.
Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã đề nghị hòa giải giữa Nga và Ukraine. Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, nói với Sputnik hồi đầu tháng này rằng Đức Giáo Hoàng 86 tuổi đã sẵn sàng tới Mạc Tư Khoa và Kiev để giúp họ chấm dứt cuộc xung đột.
Trước khi tiếp tục bài báo của Sputnik, Thụy Khanh xin mở ngoặc để nói thêm: Người Ukraine gọi thủ đô của mình là Kyiv, người Nga gọi là Kiev.
Sputnik cho biết tiếp:
Sevastyanov nói với Sputnik hôm thứ Hai 27 tháng Hai rằng:
“Sự hòa giải và sự tha thứ lẫn nhau là đức tính chính yếu của Kitô giáo. Vatican là một nền tảng đàm phán cho tất cả các mục tiêu của các cuộc đàm phán nhắm đến một nền hòa bình lâu dài và công bằng cho tất cả mọi người”.
Sevastyanov, người đứng đầu Liên minh các tín hữu quốc tế, là một giáo phái của những người không phải tín hữu chính thống Nga, cho biết kế hoạch của Đức Giáo Hoàng đã mô tả các cuộc đàm phán là một phương tiện để đạt được hòa bình, và bao gồm và hợp tác là mục tiêu cuối cùng của nó.
“Nga, Ukraine và Âu Châu là một phần của một thế giới toàn diện cho tất cả mọi người! Thay vì chiến tranh, cần có sự hợp tác và nỗ lực để tạo ra một không gian kinh tế xã hội công bằng chung. Bất kỳ văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo nào cũng phải được bảo vệ và tôn trọng,” Sevastyanov trích dẫn kế hoạch nói.
Giáo sĩ Nga nói rằng các bên tham gia cuộc xung đột sẽ ngừng sự tấn công và ngồi xuống bàn đàm phán để tìm một giải pháp có lợi sẽ khiến mọi người cảm thấy được tôn trọng. Kế hoạch cũng gợi ý rằng việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại.
Bản tin của Sputnik đến đây là hết, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh với quý vị cụm từ “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại”. Đó chính là thâm ý của người Nga. “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại” chắc chắn sẽ chấm dứt chiến tranh, ít ai hồ nghi về điều này, vì một khi người Ukraine không có vũ khí trong tay, họ còn biết làm gì hơn là đầu hàng trước đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo, chiến tranh sẽ chấm dứt ở Ukraine, nhưng sẽ bùng lên ở Moldova, Estonia, Lithuania, Latvia và cả ở Ba Lan.
Source:Sismografo
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 10 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã có bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.
Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã thảo luận về lời kêu gọi của Thánh Phaolô về mối quan hệ cá vị của chúng ta với Chúa Kitô, và ý nghĩa của nó đối với vai trò của người giáo dân trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.
Dưới đây là những ý chính:
Phớt lờ Chúa
Đức Hồng Y Cantalamessa bắt đầu bằng cách trích dẫn những lời của Thánh Phaolô rằng “họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo”
Do đó, ngài khẳng định rằng “tội lỗi tột cùng” là “từ chối tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.” Điều này có vẻ xa lạ đối với chúng ta, vì “Đối với chúng ta, việc không tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa dường như không phải là một tội chết người và khủng khiếp”.
Ngài giải thích rằng, để hiểu ý của Thánh Phaolô, “chúng ta cần hiểu rõ những gì ẩn giấu trong điều này: đó là sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, không dành cho Người sự quan tâm xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc ‘phớt lờ’ Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là ‘không biết rằng Ngài tồn tại’ mà là ‘hành động như thể Ngài không tồn tại’.
Một mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu
Nhưng thông điệp này của Thánh Phaolô có liên quan đến chúng ta ngày nay như thế nào?
Đức Hồng Y Cantalamessa gợi ý rằng nó không nằm quá nhiều trong chẩn đoán của Thánh Phaolô về tình hình của chúng ta cho bằng trong giải pháp đề xuất của thánh nhân. Khi nhấn mạnh đến “ơn cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô mang đến”, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta không chỉ canh tân luân lý, trở lại với Luật pháp Môise, như các tiên tri trong Cựu Ước thúc giục, nhưng phải quay trở lại mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu.
Đức Hồng Y Cantalamessa nói, đôi khi đây là một khái niệm mà người Công Giáo miễn cưỡng chấp nhận, vì họ thích nói về các mối quan hệ “giáo lý”, “bí tích” hoặc “Giáo Hội” với Chúa Kitô. Ngài lưu ý rằng trong suốt 5 thế kỷ qua, linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem bất kỳ cuộc nói chuyện nào về mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa “với sự nghi ngờ”.
Ngài nhấn mạnh, cách tiếp cận này là hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, vì không còn có thể coi là điều hiển nhiên, đức tin ngày nay phải được hiểu chủ yếu như một mối quan hệ cá vị, vì “nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của quyết định cá nhân..”
Giáo dân là những người loan báo Tin Mừng
Trong phần cuối cùng của bài giảng, Đức Hồng Y Cantalamessa chuyển sang xem xét câu hỏi làm thế nào để thắp lên “tia sáng tìm kiếm Chúa Giêsu” trong trái tim của những người khác.
Ngài nói rằng: “Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Đấng Kitô làm thay đổi cuộc sống đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã trải qua ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc tụ họp, bằng cách nghe một chứng tá. “
Ngài nói, điều này cho thấy một vai trò đặc biệt quan trọng đối với giáo dân, những người “được hòa nhập nhiều hơn vào kết cấu cuộc sống mà trong đó những hoàn cảnh đó thường xảy ra”.
Đức Hồng Y Cantalamessa kết luận, những giáo dân đã “khám phá ra ý nghĩa của việc biết một Chúa Giêsu hằng sống và mong muốn chia sẻ khám phá của họ với những người khác”, nên trở thành những tác nhân chính trong sứ mệnh truyền bá phúc âm của Giáo Hội.
Toàn văn bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai của Giáo triều Rôma: Tin Mừng là quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa
Từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi - hay Loan Báo Tin Mừng - của Thánh Phaolô Đệ Lục đến Tông huấn Evangelii Gaudium - hay Niềm Vui Phúc Âm - của vị đương kim Giáo Hoàng, chủ đề truyền giáo luôn là tâm điểm chú ý của Huấn quyền. Các thông điệp vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II đã góp phần vào việc này, cũng như việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Phúc Âm Hóa do Đức Bênêđictô XVI thúc đẩy. Mối quan tâm tương tự có thể được nhìn thấy trong tiêu đề được đặt cho tông hiến cải tổ Giáo triều Praedicate Evangelium - hay Rao Giảng Tin Mừng - và trong tiêu đề “Bộ Loan báo Tin Mừng” được trao cho Thánh bộ Truyền bá Đức tin lâu đời. Mục đích tương tự hiện đang được giao cho Thượng hội đồng của Giáo Hội. Đối với điều này, tức là đối với việc rao giảng Tin Mừng, tôi muốn cống hiến bài suy niệm này.
Định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất về truyền giáo là định nghĩa có thể đọc được trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, trong đó các Tông đồ được định nghĩa là: “những người loan báo Tin Mừng cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (1 Pr 1:12). Định nghĩa ấy chứa đựng điều cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng, cụ thể nội dung của nó là Tin Mừng, và phương pháp của nó là trong Chúa Thánh Thần.
Để biết từ “Phúc Âm” có nghĩa gì, cách an toàn nhất là hỏi người đầu tiên dùng từ Hy Lạp này và khiến nó trở nên phổ biến trong ngôn ngữ Kitô giáo, đó là Tông đồ Phaolô. Chúng ta may mắn được sở hữu một bài bình luận do chính tay ngài viết giải thích ý nghĩa của từ “Phúc Âm”, đó là Thư gửi tín hữu Rôma. Chủ đề của lá thư được loan báo với những lời này: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin” (Rm 1:16).
Đối với sự thành công của mọi nỗ lực mới trong việc truyền giáo, điều quan trọng là phải làm rõ cốt lõi thiết yếu của việc loan báo Kitô giáo, và không ai đã nhấn mạnh điều đó tốt hơn vị Tông đồ trong ba chương đầu tiên của Thư gửi tín hữu Rôma. Tôi tin chắc rằng việc hiểu và áp dụng thông điệp của ngài vào hoàn cảnh hiện tại sẽ quyết định việc con cái Thiên Chúa sẽ được sinh ra từ những nỗ lực của chúng ta hay liệu chúng ta buộc phải lặp lại những gì tiên tri Isaia đã than thở:
“Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió: chúng con chẳng giải thoát được thế gian, cũng chẳng sinh sản thêm dân cư cho mặt đất”. (Is 26:18).
Sứ điệp của Thánh Tông đồ trong ba chương đầu của Bức Thư này có thể được tóm tắt trong hai điểm: thứ nhất, tình trạng của con người trước mặt Thiên Chúa là gì sau tội lỗi; và thứ hai, làm thế nào một người thoát khỏi nó, nghĩa là làm thế nào một người được cứu bởi đức tin và trở thành một tạo vật mới. Chúng ta hãy noi theo Thánh Tông đồ trong lối lý luận chặt chẽ của ngài. Tốt hơn, chúng ta hãy đi theo Thần Khí nói qua Người.
Ai từng đi máy bay chắc cũng từng nghe thông báo: “Hãy thắt dây an toàn vì chúng ta sắp đi vào vùng nhiễu động”. Lời cảnh báo tương tự nên được gửi đến những người sắp đọc những lời sau đây của Phaolô:
“Quả thật, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.” (Rm 1:18-23)
Tội lỗi cơ bản, đối tượng chính của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được xác định, như có thể thấy, trong từ asebeia, tức là trong sự bất kính. Chính xác thì sự bất kính này bao gồm những gì? vị Tông đồ ngay lập tức giải thích, với chúng ta rằng nó bao gồm việc từ chối “tôn vinh” và “cảm tạ” Thiên Chúa. Thật kỳ lạ! Đối với chúng ta, việc không tôn vinh và tạ ơn Chúa dường như không phải là một tội lỗi chết người và khủng khiếp. Chúng ta cần hiểu những gì ẩn giấu đằng sau điều này: đó là sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, không dành cho Người sự quan tâm xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc “phớt lờ” Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là “không biết rằng Ngài tồn tại” mà là “hành động như thể Ngài không tồn tại”.Trong Cựu Ước, chúng ta nghe Môsê kêu gọi dân chúng: “Hãy biết rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa!” (x. Đnl 7:9) và tác giả Thánh Vịnh đã tiếp nhận tiếng kêu này khi nói: “Hãy nhận biết Chúa là Thiên Chúa: Người đã dựng nên chúng ta và chúng ta thuộc về Người!” (Tv 100:3). Về cốt lõi, phạm tội là từ chối “sự công nhận” này; đó là nỗ lực của tạo vật nhằm xóa bỏ sự khác biệt vô hạn tồn tại giữa nó và Chúa, theo sáng kiến riêng của nó, gần như bằng sự kiêu ngạo. Theo cách này, tội lỗi tấn công chính gốc rễ của mọi sự; đó là “dùng sự gian ác để áp chế chân lý.” Đó là một điều gì đó nham hiểm và khủng khiếp hơn nhiều so với những gì con người có thể tưởng tượng hoặc nói ra. Nếu con người biết khi còn sống, cũng như họ sẽ biết vào lúc chết, thế nào là phủ nhận Thiên Chúa, thì họ sẽ chết vì kinh hoàng.
Chúng ta đã nghe nói rằng sự phủ nhận này đã hình thành trong việc thờ ngẫu tượng, theo đó tạo vật được tôn thờ thay vì Đấng Tạo Hóa. Trong việc thờ ngẫu tượng này, người ta không “chấp nhận” Thiên Chúa, mà tự mình tạo ra một vị thần; chính họ quyết định về Chúa chứ không phải ngược lại. Các vai trò được đảo ngược: con người trở thành thợ gốm và Chúa là bình sành mà con người nhào nặn theo ý muốn. Ngày nay, nỗ lực cổ xưa này đã mang một hình thức mới. Nó không hệ tại ở việc đặt một cái gì đó vào vị trí của Thiên Chúa – thậm chí là chính mình, nhưng ở việc bãi bỏ, một cách thuần túy và đơn giản, vai trò được biểu thị bởi từ “Thiên Chúa”. Đó là chủ nghĩa hư vô! Không có gì thay thế vào chỗ của Chúa. Nhưng không cần phải tập trung vào vấn đề này vào lúc này; nó sẽ làm gián đoạn việc lắng nghe vị Tông đồ, người thay vào đó tiếp tục lập luận chặt chẽ của mình.
Thánh Phaolô tiếp tục bản cáo trạng của mình bằng cách chỉ ra ở mức độ đạo đức những kết quả phát sinh từ việc chối bỏ Thiên Chúa. Từ đó dẫn đến sự tan rã chung về đạo đức, một “dòng chảy trầm luân” thực sự kéo nhân loại vào chỗ diệt vong. Và ở đây, vị Tông đồ đã vẽ một bức tranh ấn tượng về những tệ nạn của xã hội ngoại giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần giữ lại từ phần này của thông điệp Thánh Phaolô không phải là danh sách các tật xấu mà ngài liệt kê, là những gì cũng được trình bày bởi các nhà đạo đức khắc kỷ thời đó. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, điều gây bối rối là Thánh Phaolô coi tất cả những rối loạn đạo đức này không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Công thức nêu rõ điều này được lặp lại đến ba lần:
Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế […] Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại […] Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng (Rm 1:24,26,28).
Thiên Chúa chắc chắn không “muốn” những điều như vậy, nhưng Ngài “để mặc” chúng để làm cho con người hiểu sự phủ nhận của họ sẽ dẫn đến đâu. Thánh Augustinô viết: “Những hành động này mặc dù là hình phạt, nhưng chúng cũng là tội lỗi, bởi vì hình phạt của sự gian ác chính là sự gian ác; Chúa can thiệp để trừng phạt cái ác và từ sự trừng phạt của chính Ngài, những tội lỗi khác tràn ngập.”
Trước mặt Thiên Chúa không có sự phân biệt giữa Do Thái và Hy Lạp, giữa tín hữu và dân ngoại: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 3:23). Thánh Tông đồ muốn làm sáng tỏ điểm này đến nỗi ngài dành trọn chương hai và một phần ba của Bức thư cho điều đó. Toàn thể nhân loại đang ở trong tình trạng diệt vong này, chứ không phải cá nhân này hay dân tộc kia hay cá nhân nọ.
Trong tất cả những điều này, đâu là tính thời sự của sứ điệp mà tôi đang nói tới? Nó nằm trong phương thuốc mà Tin Mừng đề nghị cho tình trạng này. Nó không bao gồm việc tham gia vào cuộc đấu tranh để cải cách đạo đức của xã hội và sửa chữa những tệ nạn của nó. Đối với Thánh Phaolô, điều đó giống như muốn nhổ một cái cây bằng cách bắt đầu ngắt bỏ những chiếc lá hoặc những cành nhô ra nhất, hoặc lo lắng về việc loại bỏ cơn sốt hơn là chữa trị căn bệnh đã gây ra nó.
Được dịch sang ngôn ngữ hiện tại, điều này có nghĩa là việc truyền giáo không bắt đầu bằng luân lý, mà bằng kerygma – hay rao giảng; bằng ngôn ngữ của Tân Ước, không phải với Lề Luật, nhưng với Tin Mừng. Và nội dung và cốt lõi của nó là gì? Thánh Phaolô có ý gì qua từ “Phúc Âm” khi ngài nói đó là “quyền năng của Thiên Chúa cho mọi kẻ tin?” Tin vào cái gì? Thưa: “Sự công chính của Thiên Chúa đã được bày tỏ!” (Rm 3:21): đây là điều mới mẻ. Không phải con người đột nhiên thay đổi cuộc sống và phong tục của họ và bắt đầu làm điều tốt. Sự kiện mới là, khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã hành động; Ngài phá vỡ sự im lặng; Ngài là Đấng đầu tiên mở rộng bàn tay của mình cho con người tội lỗi.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy trực tiếp lắng nghe vị Tông đồ giải thích cho chúng ta “hành động” này của Thiên Chúa bao gồm những gì. Chúng là những từ mà chúng ta đã đọc hoặc nghe hàng trăm lần, nhưng chúng ta thích nghe đi nghe lại những giai điệu của một bản giao hưởng tuyệt vời:
“Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cho nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính.” (Rm 3,23-26).
Tôi muốn trấn an mọi người ngay lập tức: Tôi không có ý định đưa ra một bài giảng nào khác về sự công chính hóa bởi đức tin. Có một mối nguy hiểm khi chỉ nhấn mạnh vào vấn đề này. Điều Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta không phải là một học thuyết, mà là một sự kiện, thực ra là một con người. Chúng ta không được cứu một cách chung chung “nhờ ân sủng;” chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không được công chính hóa một cách chung chung “nhờ đức tin”; nhưng chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Mọi thứ đã thay đổi “nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.” Bài bình luận xác thực về việc Giáo Hội đứng vững hay sụp đổ (articulum stantis et cadentis Ecclesiae) không phải là một học thuyết, mà là một con người.Tôi kinh ngạc mỗi khi đọc phần này của Thư gửi tín hữu Rôma. Sau khi đã mô tả, bằng giọng điệu mà chúng ta đã nghe, về tình trạng tuyệt vọng của nhân loại, vị Tông đồ có can đảm nói rằng nó đã thay đổi triệt để vì những gì đã xảy ra vài năm trước, trong một phần ít người biết đến của Đế Quốc Rôma, bởi một người đàn ông độc thân, đã chết trên thập tự giá! Chỉ có ánh sáng rực rỡ từ Chúa Thánh Thần mới có thể mang lại cho một người can đảm để tin và công bố tin tức khó tin này, đặc biệt là vì chính người đàn ông này đã từng “nổi giận” nếu có ai dám công bố một điều như vậy trước mặt anh ta. Thầy Phó Tế Stêphanô đã phải trả giá cho sự tức giận của chính người đàn ông này.
Trong chúng ta, cú sốc được xoa dịu bởi hai mươi thế kỷ được xác nhận, nhưng chúng ta hãy nghĩ xem những lời của vị Tông đồ chắc hẳn đã nghe như thế nào đối với những người có học vào thời đó. Bản thân ngài cũng nhận thức được điều đó; vì điều này, ngài cảm thấy cần phải nói: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng” (Rm 1:16). Thật vậy, người ta có thể xấu hổ về Tin Mừng. Tôi không thể hiểu làm thế nào các nhà sử học có thể thành thật tin trong một thời gian dài rằng Phaolô đã rút ra xác tín mới của mình từ các giáo phái Hy Lạp, hay từ nguồn nào khác, mà tôi không biết. Ai đã từng tưởng tượng, hoặc có thể tưởng tượng một cách nhân bản một điều như vậy?
Nhưng chúng ta hãy trở lại với ý định cụ thể của chúng ta, đó là truyền giáo. Chúng ta có thể học được gì từ lời của Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe? Đối với những người ngoại đạo, Thánh Phaolô không nói rằng phương thuốc cho việc thờ ngẫu tượng của họ nằm ở việc đặt câu hỏi kỹ hơn về vũ trụ để quay trở lại từ thụ tạo đến Đấng Tạo Hóa. Đối với người Do Thái, ngài không nói rằng biện pháp khắc phục nằm ở việc quay lại tuân giữ Luật Môise một cách hoàn hảo hơn. Biện pháp khắc phục không ở phía trên chúng ta hoặc đằng sau chúng ta; nó ở trước mặt chúng ta và bao gồm việc tin vào “sự cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.”
Thật ra, Thánh Phaolô không nói điều gì hoàn toàn mới. Nếu ngài là tác giả của thông điệp chưa từng có này, thì những ai nói rằng người sáng lập thực sự của Kitô giáo là Saulô thành Tắcsô, chứ không phải Chúa Giêsu thành Nagiarét, sẽ đúng. Nhưng họ đã nhầm! Thánh Phaolô không làm gì khác ngoài việc tiếp nhận lời tuyên bố khai mạc của Chúa Giêsu: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), và thích ứng lời tuyên bố ấy với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trên môi miệng thánh nhân “ăn năn” không có nghĩa như trong những lời rao giảng của các tiên tri xa xưa và Thánh Gioan Tẩy Giả: Hãy trở lại, tuân giữ Luật pháp và các điều răn! Thay vào đó, nó có nghĩa là: Tiến một bước nhảy vọt; hãy vào Vương quốc đã đến một cách nhưng không giữa các ngươi! Hãy tin vào Tin Mừng! Hoán cải là tin tưởng. Thánh Thomas Aquinas đã viết: “Sự hoán cải đầu tiên hệ tại ở việc tin tưởng: Prima conversio fit per fidem”.
Tất nhiên, cả Chúa Giêsu và Phaolô đều không dừng lại ở điểm này. Khi rao giảng, Chúa Giêsu giải thích việc chào đón Nước Trời đòi hỏi điều gì và Thánh Phaolô dành toàn bộ phần thứ hai của Bức thư để liệt kê các việc phải làm, hay các nhân đức, là đặc điểm của những người đã trở thành tạo vật mới. Ngài kết thúc kerygma bằng parenesis, nghĩa là công bố về những gì Thiên Chúa đã làm cùng với việc giải thích những gì chúng ta phải làm. Điều quan trọng là thứ tự phải tuân theo trong cuộc sống và trong việc loan báo, bắt đầu từ đâu. Như Thánh Grêgôriô Cả đã nói, “người ta không đạt được đức tin bắt đầu từ các nhân đức, mà đạt được các nhân đức bắt đầu từ đức tin.” Mọi sáng kiến rao giảng Tin Mừng muốn bắt đầu bằng việc cải cách các phong tục của xã hội, mà không – hoặc trước đó – cố gắng thay đổi tâm hồn con người, cuối cùng sẽ không đạt được kết quả gì, hoặc còn làm cho tồi tệ hơn nữa, trong lĩnh vực chính trị.
Nhưng không cần phải nhấn mạnh ngay cả về điều đó vào lúc này. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp nhận lời dạy tích cực của vị Tông đồ. Lời Chúa nói gì với một Giáo Hội – mặc dù bị tổn thương trong chính mình và bị tổn thương trước con mắt của thế giới – đang trào dâng niềm hy vọng và muốn tiếp tục, với động lực mới, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình? Thánh Phaolô nói rằng cần phải bắt đầu lại từ con người của Chúa Kitô, để nói về Ngài “trong thời gian và ngoài thời gian;” không bao giờ coi diễn ngôn về Ngài là đương nhiên hoặc đã hoàn tất. Chúa Giêsu không được ở phía sau, nhưng ở trung tâm của mọi lời loan báo.
Thế giới thế tục cố gắng hết sức (và thật không may, nó đã thành công!) để giữ danh Chúa Giêsu cách biệt, hoặc bịt miệng, trong mọi diễn ngôn về Giáo Hội. Chúng ta phải làm mọi cách để danh Ngài luôn vang xa. Không dấu đằng sau, vì danh Chúa là sức mạnh và là sự sống của Giáo Hội. Mở đầu Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, chúng ta đọc thấy những lời này:
Tôi mời tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính thời điểm này, hãy làm mới cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để cho Người gặp gỡ họ; Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng nghỉ mỗi ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình (EG,3).
Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên cụm từ “cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô” xuất hiện trong một tài liệu chính thức của Huấn Quyền. Mặc dù có vẻ đơn giản, cách diễn đạt này chứa đựng một điều mới lạ mà chúng ta phải cố gắng hiểu. Trong việc chăm sóc mục vụ và tâm linh của Công Giáo, những cách khác để quan niệm về mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô đã quen thuộc trong quá khứ. Những cách ấy nói về mối quan hệ giáo lý, bao gồm việc tin vào Chúa Kitô; về mối liên hệ bí tích, về mối liên hệ Giáo Hội, với tư cách là các chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô; người ta cũng nói về một mối quan hệ thần bí hoặc phu thê dành riêng cho một số linh hồn có đặc sủng. Không có cuộc nói chuyện nào - hoặc ít nhất là không được ưa chuộng để nói về mối quan hệ cá vị, chẳng hạn như giữa tôi và bạn, mở ra cho mọi tín hữu.Trong suốt 5 thế kỷ bỏ lại sau lưng chúng ta – được gọi một cách không thích hợp là thời kỳ “Phản Cải cách” – linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem xét cách thức quan niệm về ơn cứu rỗi này với sự nghi ngờ. Người ta thấy trong đó nguy cơ của chủ nghĩa chủ quan, nghĩa là coi đức tin và ơn cứu độ như một kinh nghiệm cá nhân, không có mối liên hệ thực sự với Truyền thống và với đức tin của phần còn lại của Giáo Hội. Sự gia tăng của các trào lưu và giáo phái trong thế giới Tin lành càng củng cố niềm tin này.
Giờ đây, tạ ơn Chúa, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới trong đó chúng ta cố gắng nhìn ra những khác biệt, không nhất thiết là sự xung đột lẫn nhau và do đó phải đấu tranh, nhưng, trong chừng mực có thể, chúng ta xem đó là sự phong phú được chia sẻ. Trong môi trường mới này, lời khuyên có “mối quan hệ cá vị với Chúa Kitô” không có gì nguy hiểm. Thật vậy, cách quan niệm về đức tin này đối với chúng ta dường như là cách duy nhất có thể thực hiện được, vì đức tin không còn được coi là điều hiển nhiên, và nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của phán đoán cá nhân. Sự thành công của một sứ vụ truyền giáo không còn có thể được đo lường bằng số lần xưng tội và số lần rước lễ được phân phát, nhưng bằng bao nhiêu người đã chuyển từ Kitô hữu trên danh nghĩa sang Kitô hữu thực sự, nghĩa là xác tín và tích cực trong cộng đoàn.
Chúng ta hãy cố gắng hiểu “cuộc gặp gỡ cá vị” nổi tiếng này với Chúa Kitô thực sự bao gồm những gì. Tôi nói nó giống như gặp trực tiếp một người sau nhiều năm quen biết họ chỉ qua một bức ảnh. Người ta có thể biết những cuốn sách về Chúa Giêsu, giáo lý, dị giáo về Chúa Giêsu và các quan niệm về Chúa Giêsu, nhưng không biết Ngài hằng sống và hiện diện. (Tôi nhấn mạnh vào hai tính từ này: một Chúa Giêsu hằng sống và một Chúa Giêsu hiện diện!). Đối với nhiều người, ngay cả những tín hữu đã chịu phép rửa tội, Chúa Giêsu là một nhân vật trong quá khứ, một nhân vật chứ không phải một người đang sống.
Sẽ giúp hiểu được sự khác biệt khi nhìn vào những gì xảy ra trong lĩnh vực con người khi bạn đi từ quen biết một người đến yêu người đó. Người ta có thể biết mọi thứ về một người phụ nữ hay một người đàn ông: tên họ, bao nhiêu tuổi, học ngành gì, gia đình ra sao… Rồi một ngày nọ, một tia lửa được thắp lên và người ta yêu người phụ nữ đó hoặc người đàn ông đó. Mọi thứ đều thay đổi. Họ muốn ở bên người ấy, có người ấy cho riêng mình, sợ làm mất lòng hoặc không xứng đáng với người ấy.
Chúng ta có thể làm gì để ngọn lửa này về con người Chúa Giêsu được thắp lên trong lòng nhiều người? Nó sẽ không được nhen nhóm trong lòng bất cứ ai lắng nghe sứ điệp Tin Mừng trừ khi nó bùng cháy nơi người công bố Tin Mừng – ít nhất như một khao khát và như một quyết tâm. Đã có và có những trường hợp ngoại lệ; lời Chúa có sức mạnh riêng và đôi khi có thể hành động, ngay cả khi được thốt ra bởi những người không sống theo lời Chúa; nhưng đó là ngoại lệ.
Để an ủi và khuyến khích những người làm việc trong lãnh vực Phúc Âm hóa một cách có tổ chức, tôi muốn nói với họ rằng không phải mọi sự đều tùy thuộc vào họ. Họ góp phần vào việc tạo ra các điều kiện để tia lửa đó bùng cháy và lan rộng, sau đó mọi sự xảy ra theo những cách bất ngờ nhất vào những khoảnh khắc không ngờ nhất. Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Chúa Kitô làm thay đổi cuộc đời đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã kinh nghiệm ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc tụ họp, bằng cách nghe một chứng tá, bằng cách kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong một khoảnh khắc đau khổ tột cùng, và – tôi không thể im lặng về điều đó, bởi vì nó cũng xảy ra với tôi – khi nhận được điều được gọi là phép rửa của Thánh Thần.
Ở đây, chúng ta thấy nhu cầu ngày càng phải dựa vào giáo dân, nam cũng như nữ, để truyền giáo. Họ được đưa vào nhiều hơn trong kết cấu cuộc sống mà những hoàn cảnh đó thường xảy ra. Cũng vì số lượng khan hiếm, hàng giáo sĩ dễ làm mục tử hơn là những kẻ đánh cá linh hồn: chăn dắt những người đến với Giáo Hội bằng lời và các bí tích dễ dàng hơn là “chèo ra chỗ nước sâu” (Lc 5:4) để thu phục những người ở xa. Giáo dân có thể đảm nhận cho chúng ta nhiệm vụ của ngư dân. Nhiều người trong số họ đã khám phá ra ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu hằng sống và háo hức chia sẻ khám phá của họ với những người khác.
Đối với nhiều người, các phong trào Giáo Hội phát sinh sau Công đồng là nơi họ khám phá ra điều này. Trong bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh 2012, ngày Thứ Năm Tuần Thánh cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Bất cứ ai xem xét lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra tiến trình đổi mới thực sự, vốn thường diễn ra dưới những hình thức bất ngờ trong các phong trào sống động và gần như hữu hình hóa sức sống vô tận của Giáo Hội thánh thiện, sự hiện diện và hiệu quả của Chúa Thánh Thần.” Bên cạnh những trái tốt, một số phong trào này cũng đã sinh ra trái xấu. Chúng ta nên nhớ câu nói: “Đừng ném con trẻ ra ngoài cùng với nước tắm”.
Tôi kết thúc bằng những lời kết trong cuốn “Hành Trình Tâm Trí Đến Với Chúa” của Thánh Bonaventura vì chúng gợi ý nơi bắt đầu để nhận ra, hoặc làm mới lại, “cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô” của chúng ta và trở thành những người loan báo can đảm về cuộc gặp gỡ này:
“Sự khôn ngoan bí nhiệm nhất này không ai biết ngoại trừ người nhận được nó; không ai nhận được nó ngoại trừ những người mong muốn nó; không ai mong muốn điều đó ngoại trừ những người được đốt cháy bên trong bởi Thánh Linh Thiên Chúa được Chúa Kitô gửi đến trái đất.”
1. Augustinô, De natura et gratia, 22,24.
2.S.Th. I-IIae, q.113, a. 4.
Source:Cantalamessa