Ngày 14-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:07 14/03/2022

16. Phải tuyệt đối không phỉ báng người khác, người phỉ báng là người mà trời và người đều ghét bỏ.

(Thánh Alphonsus giám mục)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:12 14/03/2022
21. CHUYỆN CƯỜI TÔ CHÂU

Tú tài và tên du côn cùng với thương nhân khi uống rượu thì giao kèo: mỗi người lấy chí nguyện của mình làm trò chơi cá cược.

Thương nhân nói:

- “Tâm cuồng vọng, tâm cuồng vọng, nhưng muốn hồ Tây Thái biến thành muông thú dày đặc, để bắt bán mỗi cân hai mươi xu bạc”.

Tên du côn tiếp miệng nói:

- “Tâm cuồng vọng, tâm cuồng vọng, nhưng mong muốn Trầm Vạn Tam (đại tài chủ) bắt giết con người ta, tôi phải lừa làm gãy xương lưng của nó”.

Tú tài nói:

- “Tâm cuồng vọng, tâm cuồng vọng, nhưng muốn quan coi thi chợt đui con mắt mù lòa, cầm bài văn tồi của tôi, đánh dấu là thí sinh đứng thứ nhất”.

(Kiên Hồ tập)

Suy tư 21:

Con người ta ai cũng có cái tâm cuồng vọng, tức là ham muốn những điều quá sức của mình: người làm biếng muốn trở thành giàu có, học trò dốt muốn thành tiến sĩ, đứa trộm cắp muốn thành chánh án.v.v... thế mới biết sự ước muốn của con người ta thì vô hạn.

Nhưng những ước muốn như thế -thời nay- đều có thể làm được, bởi vì đã có học trò dốt đỗ tiến sĩ, đã có người bất tài làm chánh án, đã có đầy tớ làm ông chủ.v.v...tất cả đều vì tiền và thế tạo nên mà thôi, cho nên xã hội ngày càng rối loạn lên và tụt hậu.

Người Ki-tô hữu là người có một lương tâm chân chính, biết mắc cỡ hổ thẹn trước những gì mà mình không làm mà được; biết thấy nhục trước những gì mà người ta tôn vinh ca tụng mình không đúng; biết áy náy lương tâm trước những mưu mô của mình hay của người khác.

Tâm cuồng vọng thì ai cũng có, nhưng người có sự bình an của Thiên Chúa thì sống thảnh thơi trong giây phút hiện, và phó thác “tâm cuồng vọng” cho Thiên Chúa định liệu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 15/03: Nói mà không làm - Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
06:18 14/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Đó là lời Chúa
 
Được gọi để toả sáng
Lm. Minh Anh
23:24 14/03/2022

ĐƯỢC GỌI ĐỂ TOẢ SÁNG
“Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

Irving Stone, người dành cả cuộc đời để nghiên cứu sự vĩ đại. Ông viết tiểu sử, tiểu thuyết về các chính trị gia, các thiên tài như Michelangelo, Van Gogh, Freud và Darwin... Stone từng được hỏi, “Liệu ông có tìm thấy một sợi dây xuyên suốt cuộc đời của tất cả những nhân vật đặc biệt này không?”. Ông nói, “Tôi viết về những con người mà một lúc nào đó trong đời họ… họ đã có một tầm nhìn, một ước mơ mà họ phải hoàn thành; và họ đã nỗ lực”; “Họ bị đánh vào đầu, bị đánh gục, bị gièm pha… và trong nhiều năm, họ chẳng đi đến đâu! Nhưng mỗi khi bị đánh gục, họ lại khiêm tốn đứng lên. Bạn không thể tiêu diệt những người này. Và vào cuối đời, họ toả sáng khi đã hoàn thành một phần khiêm tốn những gì họ đặt ra; vì lẽ, họ ‘được gọi để toả sáng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Có những con người đã ngã gục, nhưng họ lại khiêm tốn đứng lên; và sau cùng, họ toả sáng” như Stones nói. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra một bài học tuyệt vời, dẫu thật khó để thấm nhuần; nhưng chắc chắn, đó là chìa khoá để có một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc đời toả sáng! Chìa khoá đó có tên, “Khiêm Tốn”; nó sẽ là công cụ để những môn đệ của Chúa Giêsu, những ai ‘được gọi để toả sáng’, toả sáng!

Sẽ rất thú vị và không mâu thuẫn khi nói rằng, Chúa Giêsu muốn chúng ta được tôn vinh! Ngài muốn chúng ta được người khác chú ý! Ngài muốn ánh sáng tốt lành của chúng ta chiếu sáng cho mọi người nhìn thấy, và để ánh sáng đó tạo nên những khác biệt! Thế nhưng, Ngài muốn nó được thực hiện trong sự thật, không phải bằng việc ‘phô diễn’ một nhân cách giả tạo hoặc vay mượn. Ngài muốn “tôi” thực sự toả sáng; vì lẽ, mỗi môn đệ của Ngài đều ‘được gọi để toả sáng’. Bí quyết Ngài tiết lộ, khiêm tốn! “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

Khiêm tốn là đức tính giúp chúng ta thực sự trở nên chính mình. Nó cho phép vượt qua bất kỳ tính cách sai lầm nào mà mỗi người có thể có; và đơn giản, “tôi” là “tôi”. Nó cho phép mỗi người đón nhận tự nhiên những phẩm chất tốt, cũng như những thất bại của mình. Nó không gì khác hơn là ‘trung thực và đúng’ về mình; là sẵn sàng đón nhận bản thân với những tính cách tốt và không tốt; nói cách khác, chân thực và thành tâm. Và khi mọi người nhìn thấy phẩm chất này nơi chúng ta, họ rất ấn tượng; không phải quá nhiều theo cách thế gian, mà theo lẽ thường của con người. Họ sẽ không nhìn chúng ta với cái nhìn ghen tỵ; đúng hơn, họ nhìn và thấy những phẩm chất thực sự chúng ta có. Họ thích chúng, ngưỡng mộ chúng và muốn bắt chước chúng! Như vậy, khiêm tốn giúp bạn toả sáng hơn; và dù bạn tin hay không tin, con người thật của bạn vẫn là một người, ‘một ai đó’ hấp dẫn, mà người khác muốn gặp và làm quen. Thế thôi!

Isaia hôm nay, cũng kêu gọi dân Chúa hãy trở nên khiêm tốn! Ông mỉa mai gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo là “các hoàng tử của Sôđôma”, gọi con cái Israel là “dân thành Gômôra”; đây là hai thành phố thời Abraham, một ‘hình ảnh thu nhỏ’ của tất cả những gì xấu xa nhất, chống lại Thiên Chúa nhất. Thế nhưng, ước mong của Thiên Chúa không phải là lên án, mà là kêu gọi dân Ngài khiêm hạ ăn năn, “Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy!”. Và như một lời hứa, Thánh Vịnh đáp ca cho thấy tấm lòng của Ngài, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.

Anh Chị em,

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”. Ai hạ mình xuống tột cùng trong nhân loại bằng Con Thiên Chúa? Ngôi Hai đã huỷ mình ra không khi mang lấy kiếp người phàm! Sinh ra trong chuồng lừa, lớn lên trong rạp mộc, chết ô nhục trên thập giá mà không mảnh vải che thân. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”. Thiên Chúa đã cho Ngài toả sáng qua biến cố Phục Sinh; để qua mọi thời, “Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, phải bái quỳ!”. Quả thế, Chúa Giêsu là người Thầy, người Bạn, gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta; Ngài ước mong chúng ta, những môn đệ ‘được gọi để toả sáng’ của Ngài, tiếp tục “khiêm tốn đứng lên, sau mỗi lần ngã gục” để rạng sáng cho thế giới, bằng cách học lấy sự khiêm tốn của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tước khỏi con mọi ảo ảnh giả tạo bên trong lẫn bên ngoài, hầu như ngọn hải đăng, con âm thầm toả rạng ánh sáng thật của Chúa mà không ồn ào, động đạc!”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính Thống Giáo Nga, thế lực hậu thuẫn cuộc xâm lăng Ukraina của Putin
RFI
09:08 14/03/2022
Chính Thống Giáo Nga, thế lực hậu thuẫn cuộc xâm lăng Ukraina của Putin

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga không chỉ được thúc đẩy bởi các động cơ mang tính an ninh và quân sự. Đối với chính quyền Putin, tôn giáo là một lý do đặc biệt quan trọng để thuyết phục người Nga về tính chính đáng của một « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Về phần mình, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga công khai hậu thuẫn mạnh mẽ cuộc can thiệp quân sự của điện Kremlin.

Thông điệp chung của chính quyền Putin và Giáo hội Chính Thống Giáo Nga là cuộc tấn công Ukraina là một chiến dịch quân sự cần thiết, để khẳng định một bản sắc Nga, tâm linh tôn giáo Nga, đế chế Nga Chính Thống Giáo nghìn năm tuổi, chống lại phương Tây. Vì thế cuộc xâm lăng Ukraina của ông Putin cũng được một số chuyên gia, nhà quan sát gọi là một cuộc « chiến tranh tôn giáo ». Quan điểm của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga cụ thể ra sao? Chiến tranh Ukraina có phải là « chiến tranh tôn giáo » hay không? Thực hư thế nào? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

1/ Thái độ của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga cụ thể ra sao về cuộc tấn công Ukraina của tổng thống Putin?

Nhật báo Công Giáo La Croix có bài tổng thuật về thái độ của thượng phụ Chính Thống Giáo Matxcơva, Kirill (tức lãnh đạo tối cao của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga), đối với cuộc tấn công Ukraina, do tổng thống Nga phát động ngày 24/02/2022. Kể từ đầu chiến tranh, lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga (*) đã ít nhất ba lần lên tiếng ủng hộ cuộc can thiệp quân sự. Ngày 10/03, tức ngày thứ 15 cuộc chiến, trong một bức thư gửi cha Ioan Sauca, tổng thư ký Hội đồng Đại kết các Giáo hội Thế giới (COE) (bao gồm hàng trăm giáo hội Thiên Chúa Giáo toàn cầu, có trụ sở tại Genève. Đại đa số các giáo hội Chính Thống Giáo tham gia COE), thượng phụ Chính Thống Giáo Nga hoàn toàn bác bỏ trách nhiệm của chính quyền Putin, đồng thời khẳng định bên có trách nhiệm gây ra cuộc chiến tranh tại Ukraina là những thế lực muốn « làm suy yếu nước Nga » (lá thư của thượng phụ Kirill là nhằm trả lời cho việc tổng thư ký Hội đồng Giáo hội Thế giới yêu cầu Giáo hội Matxcơva can thiệp để chấm dứt chiến tranh tại Ukraina).

Thượng phụ Kirill lên án « tư tưởng bài Nga đang lan tràn tại phương Tây với một nhịp độ chưa từng có ». Ông Kirill nêu ra hai « tội lỗi » chính của phương Tây : biến hai dân tộc anh em, Nga và Ukraina, thành kẻ thù, cung cấp ồ ạt vũ khí cho Ukraina. Đây là một thông điệp chính trị mạnh mẽ và rõ ràng từ phía Giáo hội Chính Thống Giáo Nga ủng hộ cuộc chiến của ông Putin, cho dù trong văn bản này không trực tiếp nhắc đến tổng thống Nga.

Trước đó, trong một bài thuyết pháp dài hôm Chủ Nhật 06/03, tại Matxcơva, thượng phụ Kirill đã ủng hộ cuộc can thiệp quân sự của ông Putin tại Ukraina, như một cuộc chiến để « bảo vệ các giá trị truyền thống », một cuộc chiến vì văn minh, chống lại một phương Tây « đang suy đồi ». Một biểu hiện suy đồi được lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Giáo Nga đặc biệt nhấn mạnh là quan hệ hôn nhân đồng giới, và tất cả các hình thức quan hệ luyến ái khác với quan hệ giữa hai người khác giới (nam - nữ). Một điểm đáng chú ý là, thượng phụ Kirill chỉ nhắc đến tình hình vùng Donbass, miền đông Ukraina, khu vực đối đầu giữa các lực lượng ly khai thân Nga và Kiev, mà hoàn toàn làm ngơ trước việc quân đội Nga mở hàng loạt chiến dịch khắp nơi tại Ukraina. Can thiệp quân sự tại Ukraina để bảo vệ dân cư vùng Donbass cũng là quan điểm chính thức của điện Kremlin.

Trước đó, ngày Chủ Nhật 27/02, tức ba ngày kể từ khi ông Putin bất ngờ ra lệnh tấn công Ukraina, thượng phụ Krill đã gọi những ai chống lại sự thống nhất lịch sử của Nga và Ukraina là « những thế lực của cái Ác ».

Lập trường của người đứng đầu Giáo hội Chính Thống Giáo Nga hoàn toàn đồng nhất với lập trường của lãnh đạo tối cao Nga, tổng thống Vladimir Putin. Ngày 21/02/2022, ông Putin có bài diễn văn dài hơn một giờ đồng hồ. Bài phát biểu đi kèm với tuyên bố công nhận hai nước Cộng hòa thân Nga tự phong vùng Donbass (Donetsk và Lugansk), được nhiều nhà quan sát coi như xác lập nền tảng quan điểm để khẳng định tính chính đáng của cuộc can thiệp quân sự Nga.

Trong bài diễn văn này, tổng thống Nga bác bỏ sự tồn tại độc lập của một quốc gia Ukraina, khẳng định sự thống nhất mật thiết về lịch sử, về văn hóa, về tâm linh Nga - Ukraina, đồng thời lên án chính quyền Ukraina đàn áp hàng triệu giáo dân thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina trực thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo Matxcơva.

2/ Giáo hội Chính Thống Giáo Nga có vị trí như thế nào tại Ukrain? Cuộc can thiệp quân sự của ông Putin tác động ra sao đến cộng đồng theo Chính Thống Giáo Nga tại Ukraina?

Trong thế giới Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo đứng hàng thứ ba xét về số lượng tín đồ, sau Công Giáo và các hệ phái Tin Lành. Chính Thống Giáo là một thế giới phức tạp. Chính Thống Giáo Nga - được coi là nhánh lớn nhất của Chính Thống Giáo – đang trong quá trình biến động lớn. Về mặt lịch sử, trong thế giới Chính Thống Giáo nói chung, Tòa thượng phụ tại Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là định chế có uy tín nhất, lâu đời nhất, kế thừa truyền thống Chính Thống Giáo Đông Phương. Trong khi đó Tòa thượng phụ Chính Thống Giáo tại Matxcơva, thành lập vào thế kỷ 16 được coi là định chế có ảnh hưởng rộng lớn thứ hai.

Trước khi Tòa thượng phụ Constantinople công nhận một Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập vào năm 2019, tuyệt đại đa số các tín đồ Chính Thống Giáo tại Ukraina, về nguyên tắc, trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva. Sự ra đời của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập vào năm 2019 là một chấn động lớn đối với thế giới Chính Thống Giáo Nga. Theo một thăm dò dư luận năm 2021, 58% tín đồ Chính Thống Giáo Nga đi theo Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập mới thành lập, với lãnh đạo tối cao là giám mục đô thành Epiphane, 43 tuổi (giám mục đô thành là chức vụ cao nhất của một giáo hội Chính Thống Giáo tự trị). Tuy nhiên, vẫn còn non một nửa tín đồ Chính Thống Giáo tại Ukraina, trung thành với thượng phụ Nga Kirill, và tiếp tục sinh hoạt trong Giáo hội Chính thống Nga, do giám mục đô thành Onuphre 77 tuổi đứng đầu.

Hay nói cách khác, về mặt tâm linh, tôn giáo, đông đảo người dân Ukraina trước khi xảy ra cuộc chiến tranh này vẫn chịu ảnh hưởng mạnh của Matxcơva. Vì vậy, có một cơ sở nhất định để nhấn mạnh đến một quan hệ mật thiết về tâm linh, tôn giáo giữa người Nga với người Ukraina. Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraina của tổng thống Nga đầu năm 2022 này đang đặt bộ phận đông đảo tín đồ Chính Thống Giáo Ukraina, còn trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva, trước quyết định cắt đứt với Chính Thống Giáo Nga.

Theo La Croix, ngay sau khi tổng thống Nga phát động cuộc tấn công Ukraina, lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Giáo vốn trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva, và có quan điểm nước đôi với cuộc chiến giữa phe ly khai thân Nga vùng Donbass, đã có thái độ dứt khoát. Vị giám mục đô thành Onuphre 77 tuổi ví cuộc tấn công của Nga với hành động của Cain (người con đầu lòng của Adam và Eva) giết em trai (được thuật lại trong cuốn Sáng thế ký, cuốn đầu tiên của Kinh Thánh), « một cuộc chiến không thể biện minh được cả về mặt tôn giáo, cũng như thế tục ». Theo nhiều nhà quan sát, với hành động ủng hộ cuộc tấn công Ukraina của chính quyền Putin, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga sẽ mất đi đến 35% tín đồ tại Ukraina, vị thế của Giáo hội này sẽ suy sụp hẳn (theo nhà thần học Jean-François Colosimo). Chưa kể đến những phản kháng dữ dội trong nội bộ giới Chính Thống Giáo Nga tại Nga.

3/ Cuộc tấn công Ukraina của chính quyền Putin có phải là một cuộc « chiến tranh tôn giáo » hay không?

Đối với chính quyền Putin và giới lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga, với người đứng đầu là thượng phụ Kirill, cuộc can thiệp này mang tính tôn giáo. Về mặt quyền lực và lợi ích, Tòa thượng phụ Matxcơva lo ngại các tín đồ Chính Thống Giáo tại Ukraina ngả hẳn sang Giáo hội Chính Thống Giáo độc lập. Cuộc chiến tranh này có thể được coi như một phương tiện để duy trì sức mạnh của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga, vẫn coi Kiev, thủ đô của Ukraina, là mảnh đất thiêng, cái nôi tinh thần của người Nga theo Chính Thống Giáo, hình thành từ thế kỷ IX, cũng như cái nôi của nền văn hóa Nga nói chung.

Đối với chính quyền Putin, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga là một phương tiện chủ yếu để áp đặt quyền lãnh đạo của Matxcơva, với « một thế giới của người Nga » (Rousski Mir), không bị giới hạn trong biên giới quốc gia. Một thế giới thống nhất về ngôn ngữ (tiếng Nga), về tôn giáo (đạo Chính Thống Giáo Nga) và về lịch sử chung (lịch sử các triều đại Nga, từ Vladimir đệ nhất (**), đại công vương Kiev, đến Pierre đệ nhất, Sa hoàng các thời kỳ, cho đến lãnh đạo các chính quyền thời chế độ cộng sản Liên Xô và tổng thống Putin hiện nay).

Theo nhiều nhà quan sát, quan niệm về « Một thế giới của người Nga » thống nhất mà chính quyền Putin nỗ lực truyền bá, với sự hậu thuẫn của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga thoạt tiên có thể coi là một phương tiện của quyền lực mềm để khẳng định sức mạnh của nước Nga, cũng là phương tiện để tái lập một kiểu đế chế Nga mới, với các vùng đất trước đây vốn thuộc Liên Xô cũ, hay đế quốc của các sa hoàng. Theo quan điểm này, Ukraina hay Belarus không thể là một quốc gia độc lập, mà chỉ là một bộ phận của Thế giới Nga : Belarus là « Bạch Nga », Ukraina là « Tiểu Nga ».

Xét về mặt chính trị, lập trường mang tính đế quốc nói trên của chính quyền Putin hoàn toàn đi ngược lại với xu thế hình thành các quốc gia độc lập, xu thế chủ đạo của thế giới đương đại. Chính quyền Putin và giới lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga có thể coi đây là một cuộc chiến tranh tôn giáo, nhưng với đông đảo người Ukraina, cuộc chiến chống lại quân đội Nga là một cuộc chiến tự vệ, bảo vệ quốc gia non trẻ, đang trong giai đoạn thành hình. Sự hình thành của Nhà nước Ukraina độc lập nằm trong xu thế chung là tách tôn giáo ra khỏi chính trị, tách Giáo hội khỏi Nhà nước, tôn giáo không thể dùng để biện minh cho các tham vọng lãnh thổ... Ý thức hệ chính thống hiện nay ở nước Nga chống lại xu thế này của nhân loại đương đại. Nhà thần học Cyrille Hovorun, một chuyên gia nổi tiếng về thần học Chính Thống Giáo, từng làm việc tại Tòa thượng phụ Matxcơva, có một cuộc trả lời phỏng vấn rất đáng chú ý với báo Công Giáo La Croix (***).

Nhà thần học Cyrille Hovorun vạch rõ việc chính quyền Putin, kể từ khi lên nắm quyền, cùng một bộ phận giới Chính Thống Giáo Nga, đã tạo dựng cả một hệ thống quan điểm thần học Chính Thống Giáo mang đầy « tính phát xít và độc tài », để biện minh cho các hành động bạo lực. Theo ông, quan điểm về « một thế giới Nga » (Rousski Mir) không phải là « nền thần học độc tài » duy nhất của nhân loại đầu thế kỷ XXI, nhưng là hệ tư tưởng thần học độc tài đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất. Quan điểm về « một thế giới của người Nga », dựa trên Chính Thống Giáo, không hề là một thứ « quyền lực mềm », bởi đây là một ý thức hệ cho phép các thế lực nắm quyền sử dụng những hình thức bạo lực cao nhất, nhân danh Thiện chống Ác, nhân danh Văn minh chống lại Bạo tàn. Hiện thời thế lực tin tưởng vào quan điểm đó cũng chính là thế lực nắm trong tay vũ khí hạt nhân, thứ vũ khí có khả năng hủy diệt toàn thế giới. Cuộc « chiến tranh tôn giáo » của chính quyền Putin, với Chính Thống Giáo Nga là công cụ, nhắm vào Ukraina, và phương Tây, cũng là một cuộc chiến đặt nhân loại trước bờ vực diệt vong.

Ghi chú

(*) Giáo hội Chính Thống Giáo Nga và FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) được một số nhà quan sát coi như hai định chế gần như được bảo tồn nguyên vẹn sau khi Liên Xô sụp đổ.

(**) Đại công vương Kiev Vladimir đệ nhất (trị vì từ 980 - 1015) được coi như một biểu tượng cho sự hợp nhất thần quyền và thế quyền trong truyền thống chính trị Nga. Vladimir đệ nhất quy theo đạo Thiên Chúa năm 988. Năm 2016, tổng thống Nga Putin khánh thành bức tượng Vladimir đệ nhất tại Matxcơva cao hơn 17 mét, vượt bức tượng Vladimir đệ nhất cao nhất trước đó, ở thủ đô Ukraina.

(***) « Thần học Chính Thống Giáo cần được loại bỏ khỏi tư tưởng Putin và những cực đoan phát xít », La Croix, ngày 10/03/2022.
 
Brent Renaud: Nhà báo Mỹ bị giết ở Ukraine
Đặng Tự Do
16:42 14/03/2022


Một nhà báo Mỹ đã thiệt mạng ở Ukraine khi anh ta và một đồng nghiệp bị bắn gần thủ đô Kiev, cảnh sát khu vực và một quan chức chính phủ cho biết như trên.

Lực lượng cảnh sát Kiev cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật rằng quân đội Nga đã nổ súng vào xe của Brent Renaud và một nhà báo khác ở Irpin, cách thủ đô khoảng 10 kmvề phía tây bắc. Họ cho biết nhà báo bị thương đã được đưa đến một bệnh viện ở Kiev.

Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Anton Herashchenko, đã xác nhận vụ việc trên một kênh Telegram.

Không có bình luận ngay lập tức từ các nhà chức trách Nga.

Nhà báo đang điều trị tại bệnh viện cho biết anh và một đồng nghiệp đã bị bắn sau khi họ bị dừng lại ở một trạm kiểm soát ngay sau một cây cầu ở Irpin.

Juan Arredondo nói với nhà báo Ý Annalisa Camilli trong một cuộc phỏng vấn từ bệnh viện trước khi được đưa đi phẫu thuật rằng người đồng nghiệp đi cùng anh đã bị đánh vào cổ và vẫn nằm trên mặt đất vào hôm Chúa Nhật.

Camilli nói với hãng tin AP rằng cô đã ở bệnh viện khi Arredondo đến và chính Arredondo cũng đã bị thương, bị đánh vào lưng khi dừng lại ở một trạm kiểm soát của Nga.

Anh ta nói với Camilli rằng anh ta và Renaud đang quay phim những người tị nạn chạy trốn khỏi khu vực thì họ bị bắn khi đang ở trong một chiếc xe hơi đến gần một trạm kiểm soát. Người lái xe quay lại nhưng quân Nga vẫn tiếp tục bắn vào họ.

Arredondo cho biết một xe cấp cứu đã đưa anh đến bệnh viện và Renaud “bị bỏ lại”.

Tờ New York Times, trả lời các báo cáo rằng Renaud là phóng viên của tờ báo, cho biết trước đây ông đã làm việc cho tờ báo này nhưng chưa được giao nhiệm vụ cho tờ Times ở Ukraine.

“Chúng tôi vô cùng đau buồn khi biết tin Brent Renaud qua đời”, người phát ngôn của tờ báo cho biết trên Twitter.

“Brent là một nhà làm phim tài năng đã đóng góp cho The New York Times trong nhiều năm.”

“Các báo cáo ban đầu rằng anh ấy làm việc cho Times đã lan truyền vì anh ấy đeo huy hiệu báo Times đã được cấp cho nhiệm vụ nhiều năm trước.”

Khi được hỏi về các báo cáo, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với CBS News rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tham khảo ý kiến của người Ukraine để xác định xem điều này xảy ra như thế nào và sau đó sẽ “thực hiện các hành động thích hợp”.

Sullivan nói: “Đây là một phần và toàn bộ những gì đã từng là hành động gây hấn trơ trẽn của người Nga, nơi họ nhắm vào dân thường, họ nhắm vào bệnh viện, họ nhắm vào nơi thờ phượng và nhắm vào các nhà báo”.
Source:ABC News
 
Đức Hồng Y Krajewski ở Ukraine: Với lời cầu nguyện, chúng ta có thể ngừng chiến tranh
Đặng Tự Do
16:51 14/03/2022


Đức Hồng Y Konrad Krajewski đã chủ sự buổi lễ cầu nguyện liên tôn cho hòa bình tại nhà thờ chính tòa Lviv, vào trưa thứ Năm. Trong số những người tham gia có đại diện của các Giáo hội và cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Ukraine.

Buổi lễ cầu nguyện liên tôn tại Nhà thờ Lviv có sự tham dự của hai Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine: Tổng Giám mục Thủ đô Lviv Mieczyslaw Mokrzycki và nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk. Các giám mục chính thống cũng có mặt, kể cả những người trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Phát biểu sau lễ cầu nguyện, Đức Hồng Y Krajewski, đang ở Ukraine để mang sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến với những người đau khổ, cho biết Giáo hội ở Ukraine đang đoàn kết.

Ngài nói: “Một Giáo hội bị chia rẽ là một tai tiếng lớn, và lưu ý rằng” Hôm nay tất cả chúng ta đều đoàn kết, mọi người cùng nhau cầu nguyện và cầu xin Chúa cho sự bình an, theo Phúc âm.”

Diễn tả lời cầu nguyện hợp xướng đang bay lên “như khói hương”, Đức Hồng Y nói “đây là sức mạnh của chúng ta” và ngài bày tỏ mong muốn “truyền lại sức mạnh này cho người dân Ukraine.”

“Nhờ đức tin, chúng ta có thể dời núi. Tôi tin vào điều đó. Thậm chí nhiều hơn thế để ngăn chặn một cuộc chiến ngu ngốc, “ông nói.

Trong buổi chiều, đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng đã đến thăm biên giới Ukraine-Ba Lan Rawa Ruska-Hrebenne, nơi ngài hỏi thăm tình hình ở đó và gặp gỡ các tình nguyện viên đang giúp đỡ những người tị nạn đang chờ vượt biên.

Sau đó, ngài đã cầu nguyện với những người tị nạn tại Giáo xứ Thánh Gioan Phaolô II ở Lviv và ăn tối với họ.
Source:Vatican News
 
Đức Hồng Y Krajewski ở Ukraine với logic của Tin Mừng
Đặng Tự Do
16:51 14/03/2022


Quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với các nhà báo ở Lviv, Ukraine, hôm thứ Năm, khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

“Tôi không phải là một nhà ngoại giao. Tôi đến đây với logic của Tin Mừng. Đó là những gì Chúa Giêsu sẽ làm. Ngài luôn đứng về phía những người cùng khổ. Đức Thánh Cha cũng sử dụng lôgic này của Phúc Âm”.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski nói với các phóng viên hôm thứ Năm tại thành phố Lviv, miền tây Ukraine, nơi ngài đang bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người đau khổ.

Hiện diện là tình yêu

Vị Hồng Y 58 tuổi, người đứng đầu Văn phòng bác ái của Đức Giáo Hoàng, là cơ quan của Tòa thánh chịu trách nhiệm thực hiện các công việc bác ái cho người nghèo nhân danh Đức Giáo Hoàng, cho biết điều quan trọng là phải có mặt tại “quốc gia bị đau khổ” nhấn mạnh “sự hiện diện là tên đầu tiên của tình yêu”. Bên cạnh việc hỗ trợ tinh thần và chia sẻ đức tin của chúng tôi với những người, “chúng tôi cũng mang theo hy vọng thoát khỏi tình huống khủng khiếp này”.

Có sự giúp đỡ rất cụ thể cho Ukraine thông qua các kênh ngoại giao và cả địa phương. Trong khi đó, các ngoại trưởng Ukraine và Nga đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm. Khi được hỏi liệu có thể nói về các cuộc đàm phán trong khi các bệnh viện đang bị đánh bom, Đức Hồng Y Krajewski nói rằng ngài không phải là một nhà ngoại giao nhưng đã ở đây với “logic của tình yêu” giống như Chúa Giêsu đã làm.

Cầu nguyện, ăn chay, bố thí

Ngài nói về “ba vũ khí tinh vi nhất trên thế giới: cầu nguyện, ăn chay và bố thí”. “Bố thí có nghĩa là điều gì đó khiến tôi đau đớn, tôi đau khổ vì tôi phải chia sẻ bản thân với người khác - và điều này chúng ta phải làm bây giờ, ngay tại Âu Châu, khi chúng ta trả các hóa đơn cao hơn chính vì cuộc chiến này đang tồn tại.” Đề cập đến Tin Mừng trong ngày, ngài nói, “Ai gõ cửa cuối cùng sẽ thấy cửa mở, ai cầu nguyện sẽ nhận được, nhưng chúng ta phải kiên trì.”

Vũ khí mạnh mẽ khác là chay tịnh, đó là “Tôi mời Chúa vào ngay trong tôi, tôi khao khát sự hiện diện của Ngài, qua việc chay tịnh, tôi muốn loại bỏ khỏi tôi mọi thứ không thuộc về Ngài để nhường chỗ cho Ngài.”

Niềm tin có thể dời núi

Ngoài ra còn có vũ khí của đức tin “có thể dời núi, huống chi là những cuộc chiến ngu ngốc như thế này”. Ngài cho biết niềm tin cũng là sức mạnh của những người Ukraine, những người có tình yêu với đất nước và gia đình của họ đã xoay sở để kháng chiến và cứu quê hương của họ. Nó cũng có thể gây sợ hãi cho những ai đang tấn công Ukraine.

Vị Hồng Y 58 tuổi cho biết ngài sẽ rời Lviv và có kế hoạch đi xa nhất có thể về phía đông. Ngài cảm ơn các nhà báo đã có mặt ở đó và nói rằng họ đang làm nhiều điều cho Ukraine.
Source:Vatican News
 
Đức Hồng Y Parolin cảnh báo rằng những lời nói của Thượng Phụ Kirill đang đổ dầu vào lửa
Đặng Tự Do
16:52 14/03/2022


Trong một cuộc hội thảo được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Angelicum ở Rôma vào ngày 9 tháng 3, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên bố vụ đánh bom một bệnh viện nhi đồng ở Mariupol là “không thể chấp nhận được”. Đức Hồng Y cho rằng sự leo thang của cuộc chiến đã lên đến mức mà giờ đây ngài coi là một “cuộc chiến tổng lực”.

Nhân vật số 2 của Tòa thánh đã bình luận về cuộc không kích của Nga mà theo người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk, đã phá hủy một bệnh viện Marioupol có các dịch vụ sản phụ và nhi khoa, giết chết và làm bị thương một số trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngài nói rằng người Nga “không thể nào biện minh được” cho một hành động như vậy.

Được các nhà báo đặt câu hỏi, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng quay lại cuộc thảo luận qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, vào ngày 8 tháng 3. Đức Hồng Y bày tỏ sự thất vọng vì ngài “không nhận được bất cứ sự bảo đảm nào” về việc thiết lập các hành lang nhân đạo từ ngoại trưởng Nga.

Không có cuộc gặp với Kirill vào lúc này

Hãng thông tấn ANSA đưa tin, Đức Hồng Y Parolin cũng nghi ngờ về một cuộc gặp gỡ có thể xảy ra giữa Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Kirill trong bối cảnh hiện tại.

Hôm 18 tháng 2, Đại sứ Nga cạnh Tòa thánh tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đang xem xét tổ chức cuộc gặp thứ hai giữa hai vị - sau cuộc gặp lịch sử ở Cuba vào năm 2016. Cuộc gặp gỡ mới giữa Đức Thánh Cha và Thượng Phụ Kirill dự trù sẽ diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7 này. Phát biểu của Đức Hồng Y Pietro Parolin cho thấy, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, Vatican đã tỏ ra không tha thiết với một cuộc gặp gỡ như thế.

Khi được hỏi về khả năng của một cuộc họp như vậy, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “hiện tại thì không có khả năng nào.” Ngài cho biết tình hình hiện tại là “rất phức tạp” do những căng thẳng hiện có “giữa các Giáo hội.”

Những lời của Kirill có nguy cơ “đổ dầu vào lửa”

Đề cập đến những tuyên bố gần đây của nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga - trong đó ông trình bày cuộc chiến hiện tại như một biện pháp bảo vệ chống lại sự suy giảm các giá trị ở phương Tây - Đức Hồng Y Parolin nói rằng những lời lẽ nhằm bênh vực cho Putin như thế có nguy cơ “làm tăng thêm động lực chiến tranh và dẫn đến sự leo thang cuộc khủng hoảng đến mức không thể giải quyết các vấn đề một cách hòa bình”.
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Marx Cử hành Thánh lễ Đánh dấu 20 Năm Thờ phượng và Chăm sóc Mục vụ cho người đồng tính và chuyển giới
Vũ Văn An
17:56 14/03/2022

Theo CNA trong bản tin ngày 14 tháng 3, 2022, Đức Hồng Y Reinhard Marx đã cử hành Thánh lễ đánh dấu “20 năm thờ phượng và chăm sóc mục vụ cho người đồng tính và chuyển giới” tại Munich, miền nam nước Đức, vào Chúa nhật vừa qua.



Tổng giám mục của Munich và Freising đã dâng thánh lễ vào ngày 13 tháng 3 tại nhà thờ giáo xứ St. Paul, gần Theresienwiese của Munich, nơi cử hành lễ hội Oktoberfest hàng năm, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Phát biểu trong Thánh lễ, Đức Hồng Y nói: “Tôi mong muốn một Giáo hội hòa nhập. Một Giáo hội bao gồm tất cả những ai muốn đi theo con đường của Chúa Giêsu”.

Ngài nói thêm rằng một Giáo hội theo phương thức thượng hội đồng có nghĩa là cởi mở, học hỏi và luôn khởi phát một cách mới mẻ trong đức tin, trong việc tìm kiếm “các khả thể của Thiên Chúa”, cũng như “trong vấn đề chúng ta phải nói gì về tình dục và chúng ta phải nói gì về các mối liên hệ của người ta”.

Vị giám mục 68 tuổi, là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cũng nói: “Vương quốc của Thiên Chúa là để khám phá ra rằng Thiên Chúa là Tình yêu - trong tất cả các chiều kích của nó”. Ngài nói thêm: Điều này bao gồm cả chiều kích tình dục nhưng không giới hạn ở đó.

Ngài nói, “Tất cả các mối liên hệ của con người phải có đặc điểm ở tính ưu việt của Tình yêu. Lúc đó, họ sẽ được Thiên Chúa chấp nhận”.

Hồng Y Marx, người cũng là chủ tịch của Hội đồng Kinh tế của Vatican, đã chỉ trích điều mà ngài gọi là kỳ thị “từ các Kitô hữu chống lại cộng đồng đồng tính luyến ái”, nói rằng ngài “ngỡ ngàng vì điều này vẫn đang tiếp diễn”.

Vị giáo phẩm người Đức nói thêm, mọi người đều có quyền đối với quan điểm của họ, “nhưng việc công nhận và tính ưu việt của Tình yêu, tôi không thể đặt thành câu hỏi trong tư cách một giám mục”.

Ngài kêu gọi một “năng động tính của sự cởi mở”, một điều nên trở thành đặc điểm cho “Con đường Thượng Hội đồng” của Giáo Hội Công Giáo ở Đức; ngài nói rằng đây là ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài nhấn mạnh giá trị của việc tiếp tục “khám phá những gì Thánh thần phải nói với chúng ta ngày nay”.

Sau Thánh lễ, một “buổi tiếp tân không công khai với đại diện của cộng đồng đồng tính và Đức Hồng Y Marx” đã được tổ chức, theo một thông cáo báo chí ngày 7 tháng Ba.

Tổng giáo phận lưu ý rằng "dịch vụ chăm sóc mục vụ cho nam giới của tổng giáo phận cung cấp những ngày cuối tuần dành riêng cho người đồng tính nam, song tính nam và chuyển giới, và có các chương trình khác được cung cấp trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ gia đình và người lớn như tĩnh tâm cho các người đồng tính và chuyển giới".

Tổng giáo phận trích lời một người lãnh đạo dự án cho biết: “Thừa tác vụ Đồng tính tự coi mình như một công việc phục vụ sự hòa giải của Giáo hội với cộng đồng người đồng tính và chuyển giới. Nó hoạt động để giải quyết về mặt thần học những truyền thống và cấu trúc Giáo hội mà trong quá khứ đã dẫn đến hoặc vẫn dẫn đến việc kỳ thị và đánh giá thấp những người đồng tính và chuyển giới, để khắc phục chúng”.

Mục tiêu của tổng giáo phận Munich là để "những người đồng tính và chuyển giới cảm nhận được sự đánh giá cao ở khắp các giáo xứ của toàn giáo phận" và tìm thấy các chương trình "nói về hoàn cảnh cuộc sống của họ, trong đó họ cảm thấy được chấp nhận và coi trọng với tư cách là dân Chúa và thành viên của Giáo hội".

Một số giáo phẩm Đức đã kêu gọi một cách công khai phải thay đổi quan điểm của Giáo hội về đồng tính luyến ái. Cũng đã có những lời kêu gọi tương tự ở nước Áo láng giềng.

Các giám mục Đức cho đến nay đã công khai lên tiếng ủng hộ việc ban phước cho các cuộc kết hợp đồng tính bao gồm Hồng Y Reinhard Marx, Giám mục Franz-Josef Bode của Osnabrück, Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen, và Giám mục Heinrich Timmerervers của Dresden-Meißen.

Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, đã kêu gọi vào tháng 12 năm 2020 phải có những thay đổi đối với phần nói về đồng tính luyến ái trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành vào năm 1992 như một hướng dẫn có thẩm quyền cho các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Theo CNA Deutsch, Giám mục Bätzing nói rằng ngài tin rằng việc thay đổi Sách Giáo lý là điều cần thiết, nó phải bày tỏ sự cởi mở đối với việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái; ngài nói rằng, “chúng ta cần các giải pháp cho việc này.”

Sách Giáo lý quả quyết: “Dựa trên Thánh Kinh, vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự’. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào”.

Nó tiếp tục quả quyết, “Một số không nhỏ những người nam và người nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, sự nghiêng chiều vô trật tự một cách khách quan đó, là một thử thách. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ. Những người này được kêu gọi thực hiện ý Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và, nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp các khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình, với hy lễ thập giá của Chúa”.

Nó kết luận, “Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô Giáo”.
 
Logo và chủ đề của chuyến tông du của Đức Phanxicô đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo
Thanh Quảng sdb
18:20 14/03/2022
Logo và Chủ đề của chuyến Tông du của Đức Phanxicô đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo

"Tất cả được hòa giải trong Chúa Giêsu Kitô" là chủ đề của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo từ ngày 2 đến ngày 5 tháng Bảy năm nay. Logo của cuộc hành trình có các biểu tượng của quốc gia và hình ảnh Đức Thánh Cha đang ban phép lành...

(Tin Vatican)

Khẩu hiệu cho chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã được công bố hôm thứ Hai (14/3/2022), với dòng chữ "Tất cả được hòa giải trong Chúa Giêsu Kitô."

Đức Thánh Cha sẽ tông du quốc gia châu Phi này từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 7 và thăm các thành phố Kinshasa và Goma. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố tin này cùng với logo và chủ đề cho chuyến tông du thứ 37 của Đức Thánh Cha.

Biểu tượng của logo

Ban tổ chức đã giải thích logo: với bản đồ của quốc gia châu Phi với các đường nét màu sắc nói lên mầu cờ của đất nước Congo.

Bản đồ cũng được điểm tô cho thấy sự đa dạng sinh học của vùng đất này, với một đường biên giới mở ở phía tây như một dấu hiệu của sự chào đón nồng nhiệt dành cho sự kiện trọng đại này và những thành quả mà nó sẽ mang lại.

Màu sắc của lá cờ hiển thị màu vàng, tượng trưng cho sự giàu có của đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo với các động vật và thực vật, trên mặt đất cũng như dưới lòng đất. Màu đỏ ở biên giới phía đông nói nên dòng máu của các liệt sĩ đã đổ ra. Màu xanh ở biên giới phía bắc thể hiện niềm khát vọng hòa bình của người dân Congo.

Ở phía bên trái, một cây thánh giá màu xanh nói lên niềm tin vào Thiên Chúa và lòng sùng mộ của người dân Congo đối với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đồng hành và hằng cầu thay nguyện giúp cho dân nước trước Đấng Tối Cao.

Ba người đại diện là biểu tượng cho tình huynh đệ: người nam nữ và trẻ em, hợp nhất làm thành bức tranh, nói lên nỗi niềm mong ước về sự hợp nhất nên một Quà tặng mà chỉ mình Chúa mới có thể ban tặng.

Màu sắc tươi sáng được xử dụng nhằm mang lại cảm xúc và sự năng động đặc trưng của người Congo, sẵn sàng chào đón Vị Đại diện của Chúa Kitô và Người kế vị của thánh Phêrô trong niềm vui và sự hiệp nhất.

Logo cũng có một cành vạn tuế nói nên sự tử đạo của lịch sử đất nước Congo. Lòng bàn tay thể hiện sự hiển thắng, sự tái sinh và sự sống bất tử, cũng như thông điệp về hy vọng mà chuyến thăm của Đức Thánh Cha mang lại.

Cuối cùng, ở trung tâm, giữa cây thánh giá và bản đồ Congo, chúng ta thấy bóng dáng Đức Thánh Cha Phanxicô đang ban phép lành, một niềm vui lớn cho đất nước.

Vẻ đẹp tự nhiên phong phú

Ban tổ chức cũng muốn nêu bật một số khía cạnh của sự đa dạng sinh học được tìm thấy trên lãnh thổ Congo. Chúng bao gồm sông núi miên man, đặc biệt ở phía đông nơi thường có núi lửa phun trào, làm ảnh hưởng đến dân số ở Goma.

Dòng nước chảy phản ánh sự phong phú về mặt thủy văn của đất nước, bao gồm sông Congo và các nhánh của nó, cũng như các hồ nước mênh mông.

Cuối cùng, một cây xanh biểu tượng tất cả hệ thực vật của Congo và đại diện cho sự độc đáo của vùng đất châu Phi và hành tinh này. Ngoài ra còn có đầu con Okapi, nửa như đầu con ngựa vằn và nửa như đầu con hươu cao cổ, một loài động vật đặc trưng của Congo (DRC), một loài duy nhất có tại quốc gia này, chúng sống trong môi trường tự nhiên hoang dã nói nên sự phong phú của các động vật tại đất nước Congo.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trời Sinh Volodymyr Zelensky Để Lãnh Đạo Cuộc Chiến Vệ Quốc Của Ukraine
Nguyễn Văn Nghệ
08:50 14/03/2022
Ngày 24/2/2022 Putin đã xua quân sang xâm chiếm nước Ukraine. Nga gọi việc xâm chiếm Ukraine bằng một cụm từ mỹ miều: “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Ngày 2/3/2022 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết về “Hành động xâm lược Ukraine”, có 141 phiếu ủng hộ (Campuchia cũng nằm trong số các quốc gia ủng hộ), 5 phiếu chống (Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria, Eritrea) và 35 phiếu trắng (Việt Nam bỏ phiếu trắng). Những người có lương tri trên thế giới không ai ủng hộ chiến tranh cả!

Nhìn xem tương quan lực lượng giữa Ukraine và Nga thì Ukraine chẳng khác nào “châu chấu đá voi”. Đây là một cuộc chiến không cân sức chút nào cả. Về phương diện lực lượng quân sự, quân số, vũ khí cũng như về sức mạnh kinh tế và dân số thì Nga áp đảo Ukraine. Đại đa số đều nghĩ thầm là Ukraine sẽ bị quân Nga đánh bại trong vòng 2-3 ngày. Nhưng nay (14/3/2020), sau 18 ngày quân Nga xâm lăng Ukraine mà Ukraine vẫn chưa chiến bại. Ý chí bất khuất quật cường đã giúp quân dân Ukraine trụ đến nay. Trong đó phải kể đến Tổng thống Zelensky là “linh hồn” của cuộc chiến vệ quốc. Tổng thống Zelensky là mục tiêu số một và gia đình của tổng thống là mục tiêu kế tiếp mà quân xâm lược Nga nhắm đến.

Ngày 26/2/2022 Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố qua đoạn video trên Twitter: “Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình, bởi vì vũ khí của chúng tôi là sự thật, và sự thật của chúng tôi đó là: đây là đất của chúng tôi, con cái của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều này [1].

Trước đó váo sáng ngày 25/02/2022 Tổng thống Zelensky tuyên bố: “Tôi đang ở thủ đô, tôi đang ở với người dân của mình. Tôi đang ở trong khu vực chính quyền, cùng với những người có nhiệm vụ cần thiết cho việc vận hành đúng chức năng của quyền lực trung ương”. Tổng thống cho biết thêm: “Gia đình tôi cũng ở Ukraine và các con tôi cũng ở Ukraine. Các thành viên trong gia đình tôi không phải là kẻ phản bội, họ là công dân của Ukraine”[2]

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, lãnh đạo nước Mỹ có ý định sơ tán Tổng thống Zelensky, nhưng Tổng thống Zelensky đã khước từ và nói: “Cuộc chiến đang diễn ra ở đây, tôi cần đạn dược chứ không phải một chuyến đi”[3].

Phía Nga cứ tung tin thất thiệt là Tổng thống Zelensky đã rời khỏi Kiev, hòng lung lạc tinh thần chiến đấu của quân dân Ukraine. Ngày 26/2/2022 Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết: “Ông Zelensky đã rời khỏi Kiev từ hôm qua (25/2), ông ấy đã không còn ở thủ đô mà đã đến Lviv (thành phố phía tây gần biên giới Ba Lan) với đoàn tùy tùng”[4].

Trước những tin đồn thất thiệt ấy, Tổng thống Zelensky trấn an: “Cứ vài ba ngày có thông tin nói rằng tôi đã rời Ukraine, rời khỏi thủ đô Kiev, rời khỏi văn phòng tổng thống. Các bạn thấy đấy, tôi vẫn ở đây. Ông Andriy Borysovich[người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine] vẫn ở đây. Không ai rời đi cả. chúng tôi vẫn làm việc, chúng tôi thích chạy bộ nhưng giờ thì không có thời gian”[5].

Tổng thống Zelensky nêu lý do quân dân Ukraine cầm súng chống xâm lăng: “Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, nếu chúng ta phải đối mặt với một nỗ lực nhằm lấy đi đất nước, sự tự do của chúng ta, cuộc sống của chúng ta và cuộc sống con cái của chúng ta, chúng ta sẽ tự bảo vệ mình. Khi bạn tấn công chúng tôi, bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt của chúng tôi, không phải lưng của chúng tôi”[6]

Ngày 7/3/2022 Tổng thống Zelensky lại khẳng định: “Tôi đang ở Kiev, trên phố Bankova (đặt văn phòng tổng thống) không trốn tránh và tôi không sợ bất kỳ ai cho đến khi chiến thắng”

Tổng thống Zelensky phát biểu tiếp: “Hôm nay là ngày thứ 12 chúng tôi nỗ lực và chiến đấu. Tất cả chúng tôi đều ở trận địa…Những anh hùng của chúng ta: các bác sĩ, nhân viên cứu hộ, người vận chuyển, nhà ngoại giao, nhà báo…Tất cả chúng tôi đều trong cuộc chiến. Tất cả chúng tôi đều góp phần cho chiến thắng, điều chắc chắn chúng ta sẽ giành được, bằng sức mạnh của quân đội, bằng sức mạnh của ngoại giao và bằng sức mạnh của tinh thần”[7].

Những bài phát biểu của Tổng thống Zelensky đều được những người có lương tri ngưỡng mộ, bởi vì những phát biểu xuất phát từ con tim chân thật không hề gian dối: “Tôi kể cho các bạn nghe về 13 ngày chiến tranh, cuộc chiến mà chúng tôi không bắt đầu và chúng tôi không mong muốn. Tuy nhiên chúng tôi phải tiến hành cuộc chiến này, chúng tôi không muốn mất những gì chúng tôi có, những gì là của chúng tôi, đất nước Ukraine của chúng tôi.

“Ukraine không muốn xảy ra cuộc chiến này. Ukraine không muốn trở thành vĩ đại trong những ngày diễn ra cuộc chiến này. Chúng tôi là đất nước đang cứu mọi người mặc dù phải chiến đấu với một trong những đội quân lớn nhất thế giới.

“Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là tồn tại hay biến mất. Đó là câu nói của Shakespeare. Trong 13 ngày câu hỏi này có thể đã được hỏi nhưng bây giờ tôi có thể trả lời dứt khoát cho các bạn. Chắc chắn là tồn tại. Chắc chắn là như vậy.

“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và chúng tôi sẽ không thua. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng, trên biển, trên không. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì đất đai của mình, bất kể giá nào. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong rừng, trên cánh đồng, trên bờ biển, trên đường phố”(Phát biểu qua video trước các nhà lập pháp Anh vào lúc 17h ngày 8/3/2022-Giờ GMT, tức o giờ ngày 9/3/2022 giờ Việt Nam)

Với bài phát biểu này các nhà lập pháp của Nghị viện Anh đều đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Riêng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với Sky News là bài diễn văn này “vô cùng mạnh mẽ”. Ông cho biết thêm: “Tổng thống Zelensky là tinh thần của Ukraine, đó là sự trẻ trung, là tư duy tự do, hướng ra bên ngoài, là người Âu Châu và đó là điều mà Nga hay Tổng thống (Vladimir) Putin không hiểu”.

Có nhiều người Việt Nam “cuồng” Putin đem nghề nghiệp quá khứ của Tổng thống Zelensky ra hòng muốn bôi nhọ Tổng thống Zelensky. Họ gọi Tổng thống Zelensky là “anh hề, chú hề, thằng hề”. Họ gọi như vậy chính là họ tự hạ thấp nhân phẩm của họ. Có những vị từng là “Phụ bếp; Thiến dái heo…” lên làm lãnh đạo nhưng có người nước ngoài nào đem chuyện ấy ra biêu riếu bao giờ đâu?. Người dân Ukraine đã bầu chọn một diễn viên hề lên làm lãnh đạo tử tế để lãnh đạo dân tộc Ukraine chiến đấu để không bị làm nô lệ.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 3/2022: “Chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế”.

Nước Nga thời Putin là kế thừa di sản của cộng sản Liên Xô. Bà Angela Merkel có nhận xét về cộng sản: “là chủ nghĩa gian trá và man rợ”[8]. Do kế thừa di sản “gian trá và man rợ” nên Putin đã ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc bằng việc xua quân xâm lược Ukraine.

Winston Churchill nói: Một dân tộc mà cố tình né tránh chiến tranh vệ quốc thì dân tộc đó sẽ trở thành nô lệ và hậu sinh của họ sẽ nguyền rủa họ.

Hiểu rõ chân lý ấy nên Tổng thống Zelensky đã sát cánh cùng quân dân Ukraine chiến đấu chống quân xâm lược với tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử” cùng “Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính…Hòa bình phải trong vinh quang, đền công lao bao máu xương hùng anh” và “Quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước…Vận nước trong tay ta, là quyền của quân dân ta…quyết không cầu hòa bình đen tối” và “Đánh cho cùng dù phải chết, để mai này về sau con cháu ta sống còn…Thà chết chớ không hề lui. Quyết không hề phản bội quê hương” (Lời bài hát Thề không phản bội quê hương)

Trời không muốn quân dân Ukraine trở thành nô lệ cho Putin nên đã sản sinh ra Volodymyr Zelensky để lãnh đạo nước Ukraine trong cuộc chiến vệ quốc.

Hai câu thơ tương truyền là của anh hùng Mai Xuân Thưởng có thể nói lên nỗi lòng của Tổng thống Zelensky: “Anh hùng mạc bả doanh du luận/ Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu” (Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã tạm dịch: Nên hư công luận phê bình/Đừng đem thành bại xem khinh anh hào/ Mênh mông đất rộng trời cao/ Tấm gương nghĩa liệt ngàn sau vẫn còn).

Người xưa nói: “Không thành công cũng thành nhân”

Những người có lương tri luôn ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của quân dân Ukraine: “Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’ của nước lớn”[9]

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thích:

[1]- nghiencuuquocte.org/2022/03/01/volodymyr-zelensky-tu-dien-vien-hai-thanh-tong-thong-thoi-chien/#more-44046

[2]- ngayday.com/ong-zelensky-the-o-lai-kiev-cung-ngươi-dan-cua-minh-202202251240046

[3][5]- baolongan.vn/tong-thong-ukraine-zelensky-khang-dinh-ong-van-dang-o-thu-do-kiev-a131466.html

[4]- tienphong.vn/chu-tich-duma-quoc-gia-nga-noi-tong-thong-ukraine-da-roi-thu-do-kiev-post1419292-tpo

[6]- plo.vn/quoc-te/bai-phat-bieu-cam-dong-cua-tong-thong-ukraine-truoc-khung-hoang-voi-nga-1044981.html

[7]- tuoitre.vn/tong-thong-zelensky-tuyen-bo-dang-o-kiev-khong-chay-tron-va-khong-so-bat-ky-ai-20220308114410187.htm

[8]- khoa1hocviencsqg.com/2020/02/06/nhung-cau-noi-bat-hu-ve-chu-nghia-cong-san-suu-tam/

[9]- nghiencuuquocte.org/2022/03/06/tuong-nguyen-chi-vinh-noi-ve-xung-dot-nga-ukraine/#more-44178
 
Nước Mỹ Sau Khi Việt Nam Cộng Hòa Chết
Hà Minh Thảo
16:29 14/03/2022
Nước Mỹ Sau Khi Việt Nam Cộng Hòa Chết 13

(Tiếp theo 12)

I./ HIỆP THƯƠNG THỐNG NHẤT QUÊ HƯƠNG

Sự Thật là Mỹ đã có ý đồ tiếp xúc với Bắc Việt từ năm 1962. Trong sách ‘Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt Mỹ 1954-1963’, Tiến sĩ Sử học Phạm Văn Lưu cho biết : ‘Tháng 7/1962, Tổng thống Kennedy đã chỉ thị cho Harriman, trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Geneva về Lào, phải bí mật gặp ngoại trưởng Bắc Việt, Ung Văn Khiêm, để thảo luận về vấn đề Việt Nam, kể cả việc mở một hội nghị khác, bàn về trung lập hóa Việt Nam, để có lý do rút khỏi vùng đất này; nhưng Harriman đã hoàn toàn thất bại. Điều này cho thấy, Mỹ muốn đóng vai chính trong vấn đề thương thảo với Bắc Việt.

Cộng sản Bắc Việt mơ Ðường mòn Hồ Chí Minh, sau khi Mỹ đồng ý ‘trung lập hóa Lào’ sẽ giúp chúng đưa quân vào Nam hầu toàn thắng ‘Mỹ, ngụy’. Là Tổng thống VNCH, ông Ngô Ðình Diệm đã có quyết định khôn ngoan để bảo vệ Ðộc lập cho Tổ Quốc và an ninh cho Ðồng bào.

Lại có một Sự Thật khác là chính Harriman-Lodge đã thuê giết Tổng thống Ngô Đình Diệm và nhị vị bào huynh (nếu có tội, ông Cẩn cần một bản án hợp pháp. Sau đó, chúng đã thua việt cộng để đồng bào rơi vòng đau khổ cộng sản.

A. Những lý do biện minh cho việc dàn xếp đôi bên Nam-Bắc:

1) Hai miền Nam-Bắc nội chiến. Miền Nam được khối Tự Do viện trợ; miền Bắc được các nước cộng sản chi giúp. Bên này tăng viện thì bên kia cũng tăng viện; mức độ chiến tranh sẽ lớn dần, trở thành khốc liệt thì chỉ có nước Việt Nam và dân Việt Nam phải chịu thiệt hại, chứ các nước viện trợ có thiệt thòi gì đâu.

2) Tổng thống Diệm không muốn lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ Mỹ, nhất là sự hiện diện quân tác chiến trên đất Việt độc lập. Sự kiện đó làm miền Nam mất Chính Nghĩa, tạo cho miền Bắc hô hào ‘đánh cho Mỹ cút’. Các chính sách Tố Cộng, Diệt Cộng và Chiêu Hồi từ thời 1955-1958, đã gây cho cộng sản thiệt hại nặng nề. Theo Văn Tiến Dũng, trong ‘Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước’ trang 16, thì trong vòng 3 năm từ 1955-1958, con số thiệt hại lên đến 90%, từ 60.000 cán binh công sản, xuống còn 5.000. Do đó, ông Diệm cho rằng, với Quốc sách Ấp Chiến Lược, VNCH nắm chắc phần thắng mà không cần quân tác chiến Mỹ.

3) Năm 1956, Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng Tuyển cử Thống nhất Ðất Nước, nhưng ông Diệm từ chối vì :

- không có qui định trong Hiệp định Gevèvre 20.07.1954;

- tuyển cử khi đó, còn hơn bây giờ, bị áp lực cộng đảng khắp nơi. Ngày 23.05.2021, cử tri Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bầu Quốc hội khóa 15 đạt bách phân 99,60% làm lan tràn bệnh COVIC-19 chết người…

Những năm 1962-1963, các cơ sở nằm vùng hầu như là tê liệt hoàn toàn, người dân miền Bắc thiếu ăn nên chán ngán chế độ cộng sản rồi. Hồ Chí Minh là con người xảo quyệt; khi ở thế yếu, sẽ dùng chiêu bài hòa hợp, đoàn kết dân tộc để cứu vãn cộng đảng. Nhưng sau đó, ông sẽ tìm mọi cách để tiêu diệt đối thủ của ông.

Tháng 02/1946, Hồ Chí Minh cho bắt và đưa ông Diệm về gặp ông ở Bắc Bộ phủ. Ông Diệm đã tỏ khí phách can trường trong một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hai người, qua đó, ông Diệm đã từ chối đề nghị cộng tác với Hồ Chí Minh qua chức vụ Bộ trưởng Nội vụ:

- « Không thể được, ông có chính sách cứu nước của ông, và tôi có chính sách cứu nước của tôi. Ông có cam đoan rằng ông sẽ bỏ thuyết vô sản chuyên chính không? Khắp nơi, cán bộ ông đang thi hành thuyết đó. Họ giết hết các nhà quốc gia chân chính. Họ giết cả anh tôi ».

Hồ Chí Minh tìm lời chữa mình và nói:

- « Tôi không hay biết gì cả. Nước đang lâm cảnh loạn ly. Xin ông ở lại với tôi để cùng nhau chống Pháp ».

- « Ông biết tôi là ai không? Tôi không phải hạng hèn nhát ».

- « Không, ông không hề hèn nhát ». Họ Hồ vội vàng nói đỡ

- « Vậy thì để cho tôi đi ». Và Hồ Chí Minh để ông Diệm ra đi. (Trích Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, số 118).

Đây là trận đấu cân não giữa một bên là Chủ Quyền Dân Tộc và một bên là chủ quyền của vô sản quốc tế. Ông Diệm biết rõ ông Hồ là tay sai của Cộng sản Quốc tế không hề có ý thức về chủ quyền mà chỉ làm việc theo lệnh Liên Xô và Trung Cộng nên ông Diệm đã không sợ chết một khi cần bảo vệ và công khai hóa lý tưởng và con đường đấu tranh mình đang theo.

Lý tưởng bênh vực Chủ Quyền Quốc gia luôn là điểm quyết định trong lịch trình hoạt động của chí sĩ Ngô Đình Diệm trong các giai đoạn tranh đấu trước khi nắm chính quyền. Tháng 02/1948, ông Diệm và các nhân sĩ phe quốc gia gặp tại Sài Gòn để thảo ra một khung đàm phán với Pháp về vấn đề Ðộc lập Việt Nam. Sau đó, ông Diệm đến Hồng Kông để cố gắng thuyết phục Bảo Đại ủng hộ kế hoạch này; ông cũng vận động các quan chức Pháp nhượng bộ thêm về phạm vi chủ quyền của Việt Nam…

B.- Dự kiến hiệp thương nẩy mầm.

Năm 1962, sau khi dự lễ đăng quang của Quốc vương Maroc, ông Ngô đình Nhu đã đến Paris gặp ông A. Pinay, đại diện Tổng thống Charles De Gaulle, để bàn chuyện hiệp thương với Hồ chí Minh, với sự hiện diện của Giáo sư Bửu Hội, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Rabat (Maroc), từng là cố vấn cho ông Hồ. Nên trong việc này, có thể nói ông Bửu Hội có vai trò cũng quan trọng không kém ông Nhu. Nhiều phiên họp đã diễn ra cả tháng vì Hồ chí Minh đã nhờ ông Jean Sainteny xin Tổng thống De Gaulle giúp. Ông biết ông De Gaulle đang có chủ trương trung lập hóa Đông dương vì hận Mỹ đã ‘hất cẳng’ Pháp và xin Tổng thống Pháp can thiệp để tiếp xúc với Sài gòn. Tổng thống Pháp rất sốt sắng trong việc này.

C.- Tiến trình Hòa bình dự định bắt đầu.

Sự giao thiệp thương thảo bí mật giữa ông Ngô đình Nhu với Cộng sản Hà nội nhằm thúc đẩy hai miền Nam-Bắc Việt Nam tránh một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung quốc. Chúng dạy bọn cộng sản Việt cứ giết nhau đến người Việt cuối cùng.

==>> Ngay ngày 02.11.1963 cho đến thời nay, người Việt tự cho là Quốc gia có giết nhau không? Câu trả lời trong đoạn bài sau.

Để mở đầu cuộc thuơng thảo, VNCH đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng sản Hà nội nếu họ đồng ý tuyên bố đứng trung lập như miền Nam và đồng tham gia khối ‘Các Nước Không Liên Kết’ do Ấn Độ đứng đầu. Qua sự trao đổi thuơng mại với miền Bắc, chính phủ Sài gòn cam kết sẽ cố gắng giúp đồng bào miền Bắc thoát khỏi tình trạng đói kém do đang phải sống bằng hiện vật chu cấp mọi thứ bởi Bắc kinh. Họ lưỡng lự trước đề nghị yêu nước, thương đồng bào, nhưng thật táo bạo này của ông Nhu vì biết rõ những cam kết mà VNCH đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp định Geneva 1954.

1. Với sự tiếp tay và bảo đảm bởi các vị thuộc ngoại giao đoàn.

Tháng 9/1962, Hồ chí Minh nói với Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Ấn độ là muốn bắt tay với Diệm được coi là một người ‘yêu nước theo kiểu ông ta’ (Il est, à sa manière, un patriote). Phạm văn Đồng gợi ý là Đại diện Pháp ở Hà nội Jean François de la Boissière nên viếng thăm Sài Gòn. Tổng thống Diệm, khi bàn cãi với Đại sứ Pháp, không dứt khoát bác triển vọng một giải pháp hoà bình. Những người cầm quyền Sài Gòn muốn Pháp đặt nhịp cầu đó, nhưng Á đông vụ Bộ Ngoại giao không muốn làm tăng thêm sự căng thẳng giữa Mỹ và ông Diệm hầu buộc VNCH phải hoàn toàn phục vụ những mục tiêu của Washington.

Đại sứ Roger Lalouette là một nhà ngoại giao lão luyện, rất rành về những vấn đề Việt Nam. Ông biết một hành động quá lộ liễu sẽ làm ông Diệm bị thay thế rất nhanh để nhường chỗ cho một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Washinton. Nên ông quyết định trao sứ vụ cho Đại sứ Mieczyslaw Maneli, Trưởng phái đoàn Ba lan trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến tại Việt Nam, với một kế hoạch ba giai đoạn cho Việt Nam :

1. mở cuộc đối thoại giữa Hà Nội và Sài Gòn;

2. đặt những trao đổi kinh tế và văn hoá;

3. tổ chức những cuộc hội đàm về chính trị. Maneli đã chuyển tin ra Hà Nội nơi mà ông đi và về.

Đầu tháng 07/1963, ông cho biết khi gặp Thủ tướng Phạm văn Đồng và Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy : « Tôi hỏi nên làm gì nếu Ngô Ðình Nhu mời tôi tới nói chuyện ». Họ trả lời ‘nhận gặp và lắng nghe’. Tôi lại hỏi họ có muốn tôi nói gì. Họ đáp ‘Tất cả những gì đồng chí biết về lập trường của chúng tôi trong sự trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hóa. Một điều chắc chắn là Mỹ phải rút đi. Trên cơ sở chính trị ấy, chúng tôi có thể thương lượng bất cứ điều gì’. Maneli hỏi thêm về khả năng một chính phủ liên hiệp ở miền Nam hay một hình thức liên bang Bắc Nam, ông Đồng trả lời ‘Trên cơ sở độc lập và chủ quyền của Việt Nam, mọi điều đều có thể thương lượng. Hiệp định Genève đã đặt ra nền tảng pháp lý và chính trị : không có căn cứ hay quân đội nước ngoài trên lãnh thổ đất nước chúng tôi. Như thế, chúng tôi có thể đi tới thoả thuận với bất luận người Việt Nam nào ». Miền Bắc sẵn sàng cung cấp than đá không đặt điều kiện nào với giá rẻ để đổi lấy gạo, thực phẩm và cao su, để đối phó với một cơn hạn hán trầm trọng, đồng thời, có thể thoát khỏi viện trợ từ Trung cộng.

Ngày 01.06.1963, Roger Lalouette thông báo cho Tổng thống Diệm những điều mật mà Maneli thâu thập được. Điện Élysée (Tổng thống phủ Pháp) cũng được thông báo về thành quả này và họ không tỏ dấu hiệu chống Lalouette tiếp tục làm chuyện đó. Ngày 25.08.1963, trong cuộc tiếp tân của Quyền Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trương Công Cừu, các Đại sứ Lalouette (Pháp), d’Orlandi (Ý), Goburdhun (Ấn độ) và Đức Khâm sứ Salvatore Asta (Tòa Thánh) đã giới thiệu ông Maneli với ông Nhu. Ông Nhu vui vẻ mời ông Maneli thu xếp để gặp nhau. Ngày hôm sau, văn phòng ông Nhu đã liên lạc và hẹn cuộc gặp vào sáng ngày 02.09.1963.

Sau cuộc gặp gỡ này tại dinh Độc Lập, ông Maneli cho biết ông Nhu đã nói, trong khoảng hai giờ, về chủ nghĩa Cần lao Nhân vị, chính sách Ấp chiến lược, thành quả của VNCH v.v… Còn về vấn đề hiệp thương giữa hai Miền, ông Nhu có ý như sau: « Tôi không chống lại việc đàm phán và hợp tác với miền Bắc, và như ông biết, nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã đề nghị với tôi. Ngay trong những trận giao tranh tàn ác nhất, người Việt Nam cũng không quên ai là người Việt, ai là ngoại quốc. Nếu bắt đầu đối thoại trực tiếp, thì có thể tiến tới xích lại gần. Ủy hội quốc tế, cũng như bản thân ông, sẽ đóng vai trò tích cực ở đây… Trong tương lai gần, tôi không dự liệu điều gì dẫn tới nói chuyện trực tiếp, nhưng sớm muộn có thể sẽ hé ra khả năng… ». Như vậy, ông Nhu chưa có một ý để đi xa hơn nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo cộng sản Hà Nội.

Ngày 20.10.1963, khi tiếp đoàn Đại biểu Viện Kiểm soát Tối cao Liên xô, Hồ chí Minh tuyên bố: « Để hoà bình vãn hồi ở miền Nam Việt Nam hiện nay, chỉ có một cách là Đế quốc Mỹ phải rút khỏi nơi đây, vấn đề miền Nam Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự gỉai quyết, như hiệp định Geneva đã quy định ».

2. Ông Ngô đình Nhu gặp ông Phạm Hùng.

Ông Ngô đình Nhu là nhân vật rất thâm cứu về Trung quốc nên muốn thương thảo với Cộng sản Hà nội nhằm thúc đẩy hai miền Việt Nam tránh khỏi một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung quốc. Từ năm 1962, chính phủ Kennedy đã ép Tổng thống Diệm phải nhận lính tác chiến Mỹ vào nước Việt Nam. Sự hiện diện này khiến cộng sản Hà nội tuyên truyền ‘Miền Nam đang bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, chúng ta phải hy sinh để giải phóng’. Sự lường gạt có hiệu lực rất mạnh trên trên các thiếu niên như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968. Trái lại, những lính Mỹ, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, bị buộc phải đi quân dịch và rời cha mẹ, bạn gái… để đến một nước xa lạ. Họ rất bất mãn.

Năm 2012, ông Cao xuân Vỹ, người đã tháp tùng ông Nhu bí mật gặp Phạm Hùng, tại khu rừng Tánh linh (Bình tuy), đã kể : « Chúng tôi cùng đến Quận Tánh linh, nơi đây có một vùng do cộng quân kiểm soát. Khi đầu, tôi tưởng là đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi, ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét để gặp Phạm Hùng. Sau này, khi ông Vỹ hỏi, ông Nhu chỉ tiết lộ về Ấp Chiến lược. Họ rất sợ chương trình này. Ai chủ trương và để làm gì? Ông Nhu trả lời: đó chỉ là một chủ trương của chính phủ nhằm bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, ngăn ngừa sự xâm nhập, phá phách của du kích các ông… Các ông bảo cán bộ đừng tìm cách đánh phá làng xã, thì chúng tôi sẽ bỏ luật 10/59 ».

D.- Tổng thống Ngô đình Diệm chủ trương để hiệp thương với Miền Bắc phải có 6 giai đoạn:

– Bắt đầu bằng việc cho dân hai Miền trao đổi thư tín tự do;

– Rồi cho dân đi lại tự do giữa hai Miền;

– Cho dân hai Miền được tự do chọn định cư sang bên kia, nếu muốn;

– Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn;

– Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương;

– Và sau cùng là tổng tuyển cử.

Ông Ngô đình Nhu dự tính : Nếu cho người dân tự do chọn nơi định cư, thì căn cứ theo tình trạng về tự do, dân chủ tồi tệ và kinh tế kiệt quệ của Miền Bắc lúc ấy, sẽ có khoảng 3 triệu người dân sẽ dần dần vào định cư ở Miền Nam. Vì vậy ‘mình’ phải chuẩn bị đất cho dân. Ông cũng tính rằng hiện dân số Miền Bắc có tới 23 triệu, trong khi dân số Miền Nam chỉ có 17 triệu. Nếu có được 3 triệu dân Bắc vào định cư ở Miền Nam thì dân số 2 bên sẽ cân bằng. Bầu cử tự do, với sự giám sát Quốc tế thì chắc mình sẽ thắng.

Ð./ Từ năm 1962, chính phủ Kennedy đã ép Tổng thống Diệm phải nhận lính tác chiến Mỹ vào nước Việt Nam. Sự hiện diện của các lính viễn chinh làm Việt Nam mất chính nghĩa (cộng sản Hà nội đã tuyên truyền ‘Miền Nam đang bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, chúng ta phải hy sinh để giải phóng’. Sự lường gạt có hiệu lực rất mạnh trên trên các thiếu niên như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968. Trái lại, những người lính Mỹ, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, bị buộc phải đi quân dịch và rời cha mẹ, bạn gái… để đến một nước xa dù chỉ để dạy Anh ngữ quân đội. Họ rất bất mãn.

Ông Ngô đình Diệm nhận và thi hành sứ vụ Thủ tướng và Tổng thống với tất cả khả năng đạo đức, thâm cứu lý thuyết cùng quan sát tại chổ và kinh nghiệm hành chánh địa phương các cấp của mình để phục vụ Tổ Quốc và Đồng bào. Nghĩa cử của vị Tổng thống từ chối để người lính quốc gia nỗ súng vào nhau vì mình, dù có bị kẻ giết mướn đâm và bắn mình chết cho thấy sự thương người, những đồng bào, dù bên kia chiến tuyến và tôn trọng đời sống con người. Người không muốn tung ra những trận đánh lớn để chiến tranh leo thang và thương vong gia tăng. Do đó, một vài Tướng Mỹ ‘dám’ nghi Tổng thống Diệm là Việt cộng (!). Ông chủ trương : « Chính sách của chúng tôi là chính sách hòa bình. Nhưng không có gì có thể khiến chúng tôi đi chệch khỏi mục tiêu của chúng tôi là sự thống nhất đất nước, thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ. Vì dân tộc, chúng tôi sẽ đấu tranh hết sức mình cho sự thống nhất đất nước. Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hòa bình và dân chủ. Tuy nhiên nếu những cuộc bầu cử là một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ thật sự thì chúng chỉ có ý nghĩa với điều kiện chúng hoàn toàn tự do. Hiện nay, thực tế phải đối mặt với chế độ áp bức Việt minh, chúng tôi nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc ».

Sau đảo chính hụt ngày 11.11.1960, ông Ngô đình Nhu đã nói với Đại sứ Pháp Roger Lalouette là ‘Nếu nước Pháp muốn, giờ của Pháp đã điểm ở Việt Nam’. Sau đó, hàng hóa Pháp sản xuất được dễ dàng nhập cảng vào Việt Nam. Sau cuộc viếng thăm của Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tháng 05/1961 tại Sài gòn khi ông này đề nghị Tổng thống Diệm phải chấp nhận quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, ông Diệm đã ngỏ ý với ông Lalouette là Việt Nam muốn ‘giảm sự chi phối của Mỹ bằng sự hiện diện của một cường quốc khác, ưu tiên là Pháp hay Pháp cùng Anh quốc’. Ngày 24.06.1961, Thủ tướng Michel Debré tiếp kiến ông Ngô đình Nhu, một người thấm nhuần văn hoá Pháp và có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Việt Nam.

Để mở đầu cuộc thuơng thảo, VNCH đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng sản Hà nội nếu họ đồng ý tuyên bố đứng trung lập như Việt Nam Cộng hòa đồng tham gia khối ‘Các Nước Không Liên Kết’ do Ấn độ đứng đầu. Qua sự trao đổi thuơng mại với Miền Bắc, chính phủ Sài Gòn cam kết sẽ cố gắng giúp đồng bào Miền Bắc thoát khỏi tình trạng đói kém do đang phải sống bằng hiện vật chu cấp mọi thứ bởi Bắc kinh, nhất là để đến cán bộ cộng sản không phải theo đường lối Đấu tố của Mao trạch Đông đã khiến 200.000 oan mạng bị giết chỉ trong vài năm. Họ lưỡng lự trước đề nghị yêu nước, thương đồng bào, nhưng thật táo bạo này của ông Nhu vì biết rõ những cam kết mà VNCH đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp nghị Geneva 1954.

II./ THỜI KỲ QU N QUẢN

Lúc hơn 10 giờ ngày 02.11.1963, sau khi Ðài Phát thanh loan tin thất thiệt ‘anh em ông Ngô Ðình Diệm đã tự tử’, nhưng xác nhận một Sự Thật ‘cuộc cướp chánh quyền thành công’ do Mỹ thuê các tướng tá thảm sát Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm. Việc ‘cướp’ luôn là môt ‘hành vi phạm pháp’, nên các chánh phủ trong thời gian quân quản không có tính cách Dân Chủ (không do dân bầu) mà chỉ được chỉ định bởi các tướng, do Mỹ, nắm Chủ quyền VNCH giật dây. Các Thủ tướng, Tổng Bộ trưởng chỉ là những ‘búp bê’ Mỹ và các tuớng muốn thì còn nhảy múa. Chúng bảo thôi thì đem vào kho cất. Xin chứng minh.

Sau khi cướp chánh quyền từ tay Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm, VNCH mất Ðộc lập. Từ đó, Chủ quyền Quốc gia bị bán cho nhà nước Mỹ, đại diện tại Sài Gòn bởi đại sứ khát máu Henry C. Lodge. Các tướng tá cũng như những chính trị gia của cái gọi là ‘Caravelle’*, gần nghĩa với ‘chánh trị salon’ muốn phục vụ Ðất Nước phải được chuẩn nhận bởi hắn.

>> * { Trong danh sách ‘Caravelle’ có tên Cha Gioan Baotixita Hồ Văn Vui, cựu Chánh sở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, bị nghi ngờ không thích chính quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Cha về nương náu tại Tha La với sự chấp thuận của Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Năm 1960 Cha rời Xóm Đạo, qua ngã Campuchia sang Pháp học và tốt nghiệp ngành Xã hội học. Sau trở về Việt Nam, có lúc nhận chức Giám đốc Cơ quan Bác Ái Công Giáo Caritas Việt Nam.

Theo chúng tôi được biết : Trong một bài giảng, Cha đề cập đến từ ‘sáng suốt’ trước một kỳ bầu cử. Một giáo dân ‘đi mét…’ Nhiều giáo dân khác làm chứng mang lại Sự Thật cho Cha. Kẻ théc méc này, nhờ ‘luồn cúi’ hay CIA, nên, lúc nào, cũng có chức trong công quyền cho đến khi tháo chạy trước ngày 30.04.1975.}

1./ Chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ

Sau khi đảo chính, Hiến pháp 1956 bị thay thế bởi Hiến ước tạm thời dự trù chức vụ Thủ tướng. Do quen thân với Big Minh và được OK bởi Lodge, ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng thống thời ông Diệm, đã được Lodge hứa trước để đừng liên can đến đảo chánh 1963. Dương Văn Minh cử ông Thơ đảm nhiệm Thủ tướng. Sự kiện này khiến ông Bùi Diễm phảm đối cho đây là một ‘chánh phủ Diệm không có Diệm’. Do đó, nhiều chính trị gia khác ồn ào phản đối. Họ cho đây là ‘Chính phủ Diệm không có Diệm’. Cuộc tranh quyền giữa những kẻ kém tài và đức, dưới sự dẫn dắt của bọn Mỹ.

Nếu ông Diệm còn thì làm sao có chuyện tướng Đính tuyên bố ‘cho phép tự do nhảy đầm’. Lập tức, cùng với các tướng đồng chí khác, như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân, cùng các nữ sinh viên và học sinh nhảy nhót.

Sáng tinh sương ngày 30.01.1964, trong khi các tướng ‘nhảy đầm’ đang an giấc, tướng Trần Thiện Khiêm (đạo diễn chính cuộc đảo chính 01.11.1963 và thảm sát Tổng thống Diệm đã bị đám Ðính, Ðôn, Kim và Xuân vượt quyền), thừa lịnh ‘toàn quyền Mỹ’, đem lính đến bắt bốn tướng nầy, trong biến cố mệnh danh ‘Chỉnh Lý’ tuyệt đẹp, không đổ máu, nhanh chống chỉ vài giờ. Các tướng này bị buộc tội ‘thân Pháp, mưu toan trung lập hóa VNCH và bị nhốt ở Đà Lạt. Tướng Minh an phận ‘bù nhìn’.

Ngoài ra, cuộc chỉnh lý cũng bắt thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, bị cho là đã giết hai anh em ông Diệm. Bị giam tại trại Hoàng Hoa Thám (Nhảy dù). Sau khi viết tờ khai tướng Thu đã hạ sát cả hai ông (trong Quân đội, lúc đó, không có ai là tướng Thu). Sau đó, dùng dây giày, Nhung đã tự sát. Bí mật vẫn chưa ‘bật mí’.

Tuy nhiên, mục đích chính trong cuộc binh biến này là Khiêm muốn đem bạn thân là tướng Nguyễn Khánh về chia quyền mà hậu quả là đưa VNCH vào gông cùm cộng sản.

Xin mời đọc ‘Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ’ (Stephen B. Young, Nguyễn Vạn Hùng chuyển ngữ) trang 36 và 37 về một biến cố cười ta nước mắt trong cùng ngày 30.01.1964:

- Khi tướng Nguyễn Khánh được mời về Bộ Tham mưu của phe đảo chánh bằng chiếc thiết vận xa* đã khiến ông ta hãi sợ. Vừa đến nơi những người phe đảo chánh đang họp, ông ta cúi người quì trên sàn nhà và xin mọi người tha tội. Người sĩ quan trẻ đã tiến cử ông lúc trước vội kéo ông đứng dậy : « Ðừng làm thế ! Chúng tôi muốn đưa ông lên làm nguyên thủ quốc gia mà».

Dựa trên liên hệ qua đảng phái** mà tướng Nguyễn Khánh khi trở thành Chủ tịch nước chỉ loay hoay trong đảng của mình, bỏ mặc miền Nam Việt Nam chìm đắm trong những hỗn loạn chánh trị. Quân đội miền Nam trước đó vốn đã hùng mạnh, trở nên suy sụp, mất tinh thần chiến đấu. Ðể chận đứng đà leo thang chiến tranh của Việt cộng, Hoa Kỳ không còn con đường nào khác hơn là phải đưa quân chiến đấu của mình vào miền Nam Việt Nam***.

[Ghi chú :

* ông hoảng sợ khi nhớ lại hai ông Diệm và Nhu đã bị giết chết trong loại xe này;

** đảng Ðại Việt;

*** rõ ràng nhà nước Mỹ đã đưa Nguyễn Khánh cầm quyền. Một tướng hề, giết người để làm ‘suy sụp, mất tinh thần chiến đấu’, tạo lý do đưa quân Mỹ vào]

Sau cuộc chỉnh lý thành công, tướng Khánh nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, nhưng hắn lưu tướng Dương Văn Minh làm Quốc trưởng vì Minh đang còn là thần tượng của Phật giáo.

2./ Chánh phủ Nguyễn Khánh

Tướng Nguyễn Khánh có vai trò quan trọng trong việc phản công gây thất bại cho vụ Đảo chính ngày 11.11.1960. Ngày 17.12.1962, bàn giao chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu cho Tướng Trần Thiện Khiêm để nhận chức Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng II Chiến thuật thay Tướng Tôn Thất Đính. Khi Đảo chính ngày 01.11.1963, Khánh án binh bất động. Ngày 02.11.1963, đảo chính thành công, ông tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Do đó, ông được thăng Trung tướng. Ngày 11.12.1963, ông hoán chuyển nhiệm vụ với Tướng Đỗ Cao Trí giữ chức Tư lịnh Quân đoàn I, tướng Trí thành Tư lịnh Quân đoàn II.

Ngày 30.01.1964, được Mỹ ủng hộ và cho phép tướng Khiêm, bạn rất thân của Khánh, và "nhóm các tướng trẻ" làm cuộc "Chỉnh lý" để trao quyền cho Nguyễn Khánh. Ngay sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng thay Dương Văn Minh. Ngày 07.02.1964, ông được Hội đồng này cử ông làm Thủ tướng thay ông Nguyễn Ngọc Thơ.

Việc đầu tiên của hắn là xóa tan cái ‘quá khứ đảng viên Cần Lao’ hầu lấy lòng Lodge và Phật giáo bằng thành lập Tòa án Ðặc biệt để xử tử hình và qui một số hành động của các nhân vật cộng tác với chế độ Ðệ Nhất VNCH vào các tội cố sát, lũng đoạn kinh tế quốc gia v.v… và Sắc luật này còn qui định có hiệu lực hồi tố, trái với nguyên tắc là hình luật chỉ áp dụng cho những hành vi trọng tội xẩy ra sau ngày ban hành luật đó mà thôi. Hai bản án ngày 28.02.1964 và 24.04.1964, hai ông Ðông và Cẩn đã bị tuyên xử tử một cách vô luật pháp.

Ngoài ra, Điều 11, khoản 2, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền ghi: “Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật quốc tế hiện hành, mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.”

i. Phan Quang Đông, bằng phiên tòa diễn ra trong 3 ngày tại Huế, bị kết tội làm mật vụ thời chính quyền Ngô Đình Diệm, đàn áp, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo những người đối lập. Ngày 28.03.1964, ông bị kết án tử hình và bị tịch thu tài sản. Ngày 09.05.1964, ông bị xử bắn tại sân vận động Tự Do tức sân Bảo Long ở Huế. Phiên hành hình ông diễn ra rất ghê rợn. Vợ ông khi ấy đang mang thai và sắp sinh, đã ngất lịm ngay tại pháp trường khi chứng kiến cảnh chồng bị trói vào cọc.

ii. Ngô Ðình Cẩn, ngày 03.11.1963, vào trú tại Dòng Chúa Cứu Thế (Huế) và đang cân nhắc việc xin Mỹ cho phép đi tị nạn chính trị. Cùng ngày, tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn I, từ Đà Nẵng bay ra Huế liên lạc với Đại úy Nguyễn Văn Minh để nhờ nhắn với Ông Cẩn: ‘Thế nào chúng cũng lục soát tư thất tại Phủ Cam. Còn tài sản thì giao cho Trí giữ sau này tình hình yên ổn sẽ trả lại. Đừng lo lắng gì cả. Hắn Thiếu tướng sẽ đảm bảo sinh mạng cho’.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị: "Ngô Đình Cẩn cần được cấp quyền tị naïn nếu ông ta gặp nguy hiểm về thể chất từ bất kỳ phía nào. Nếu ông được cấp quyền tị nạn, hãy giải thích cho chính quyền Huế hiểu rằng bạo lực sẽ làm tổn hại đến uy tín của chế độ mới trên trường quốc tế. Cũng xin nhắc lại với họ rằng Hoa Kỳ từng có hành động tương tự để bảo vệ Thích Trí Quang khỏi chính quyền ông Diệm và trường hợp ông Cẩn lần này cũng tương tự như vậy". Bạch Ốc gửi điện tín đến Đại sứ quán Hoa K ỳ ở Sài Gòn ngày 04.11.1963 đồng ý di tản mẹ con ông Cẩn. Ngày 05.11.1963, ông Cẩn đến lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Huế với một vali Mỹ kim. Cùng sáng đó, tướng Trí, được lệnh Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa hai mẹ con Ông Cẩn vô Sài Gòn. Tướng Trí chỉ hứa với ông Cẩn rằng hai người sẽ an toàn lên một máy bay Mỹ vào Sài Gòn, tại đó quan chức sứ quán sẽ tiếp đón. Ông Cẩn lúc bấy giờ đã có ý định xin được tị nạn ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, ai ngờ sự tàn bạo của người Mỹ đáng khinh, tên Lodge đã sai CIA Conein đến đón hai mẹ con ông Cẩn tại sân bay Tân Sơn Nhất và trao ông Cẩn cho các tướng VNCH chở thẳng vào khám Chí Hòa. Lodge nói rằng tướng Đôn đã hứa sẽ xử Ông Cẩn "về mặt pháp lý và tư pháp". Ông báo với Washington rằng Mỹ không cần phải cấp phép tị nạn cho ông Cẩn nữa. Lodge lý luận rằng vì nếu Cẩn không bị giết, việc bảo vệ ông sẽ tạo ấn tượng rằng Mỹ ủng hộ các hoạt động đi ngược với luật pháp của ông. Hắn kể lại rằng tướng Dương Văn Minh đảm bảo rằng ông Cẩn sẽ nhận được sự khoan hồng ngay cả khi bị kết án tử hình. Tuy nhiên, lời nói này mâu thuẫn với Conein khẳng định Quân lực VNCH (?) muốn ông Cẩn phải chết.

Lodge buộc Lãnh sự tại Huế phải báo cáo rằng đã có hằng ngàn người bao vây tư gia ông Cẩn tại làng Phủ Cam và phao vu ông Cẩn có chứa vũ khí và tài liệu Việt cộng trong nhà ông ta. Thật ra chẳng có gì cả mà là chuyện bịa đặt của Lodge mà thôi.

Nhận được tin trên, Ngoại trưởng Dean Rusk gởi một công điện với nội dung: "Nếu ông Cẩn yêu cầu được trú ẩn, trong tình trạng sinh mạng bị nguy hiểm, tiếp xúc với tướng Trí, yêu cầu bảo vệ thích nghi và đưa ông ta đi”.

Ngày 20.04.1964, ông Cẩn phải ra Toà án Cách mạng. Ngồi ghế chánh án là Đại tá Đặng Văn Quang. Luật sư bào chữa là ông Võ Văn Quan. Nhân chứng tố cáo là bà vợ ông Nguyễn Đắc Phương, bị người của ông Cẩn xô té từ trên lầu cao trước đây.

Toà tuyên án tử hình ông Cẩn với đủ thứ tội. Ông Cẩn nói: "Tôi quân sự không biết, hành chánh không biết, học tầm thường thì làm sao ra lệnh cho ai được?".

Bốn ngày sau khi tuyên án, ông Cẩn đệ đơn xin ân xá. Hai ngày sau đó, Quốc trưởng Dương Văn Minh bác đơn ân xá. Tướng Khánh, đại sứ Lodge có xin ân xá giùm nhưng không được chấp thuận. Nghiêm chỉnh hơn, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn đã gởi thư yêu cầu Dương Văn Minh ân xá cho ông Cẩn vì ông không còn sống bao lâu.

Ra Pháp Trường: Sáng ngày ông Cẩn ra pháp trường, con gái bà Ấm (cháu gọi ông Cẩn là cậu) được phép vào tận trong phòng giam thăm với sự hiện diện của nhân viên coi tù. Chị giơ năm ngón tay ra hiệu cho ông Cẩn (có nghĩa là 5 giờ chiều sẽ bị xử tử). Ông Cẩn khẽ gật đầu. Còn cô cháu gái thì khóc lóc lu bù, và không tiếc lời nguyền rủa những ai phản phúc với ông Cẩn. Ông Cẩn thì vẫn điềm đạm nói với cô cháu gái: "Không có gì đáng buồn mà phải khóc lóc. Làm chính trị là phải như thế. Cậu không có gì oán thán hết. Làm chính trị thì phải biết sẽ có ngày như thế này".

Lưu Ý : Trước đảo chánh 01.11.1963, các tướng tá xưng hô ‘cậu và con’ với ông Cẩn khi nhờ can thiệp này nọ, nay cần phải giết để khỏi bị ‘quê’ và ‘bật mí’. Đôn đã từng xin ông Cẩn cho vô Đạo. Ông Cẩn nhờ Cha Đỗ Bá Ái, Tuyên úy Quân đội, dạy Giáo lý. Nhưng bất thành.

iii. Tại phiên tòa quân sự xử Thiếu tá Đặng Sĩ ngày 02.06.1964, các chuyên viên quân cụ đã phân tích các loại chất nổ M26 và MK3.

Giả thuyết lựu đạn M26 đã bị loại và MK3, được các thẩm phán đặc biệt lưu ý, nhưng rồi cũng bị loại vì, tuy có thể làm chết người do áp lực của hơi nổ, nhưng tác dụng không thể nào gây con số thương vong cao như vậy nhất là ở nơi có khoảng trống.

Không thể để ‘bọn lợi dụng cách mạng đàn áp Công Giáo’ đối với Thiếu tá Sĩ, ngày 07.06.1964, Khối Công dân Công Giáo đã tổ chức cuộc biểu tình lớn với cả 100.000 người tại Công trường Lam Sơn. Chiều hôm đó, tướng Khánh sai Tướng Nguyễn Cao đến gặp Đức cha Nguyễn Văn Bình, Cha Trần Tử Nhản, Dòng Chúa Cứu Thế, và gia đình ông Đặng Sĩ cho biết: ‘Thiếu tá Đặng Sĩ sẽ không bị tuyên án tử hình và đừng quan tâm đến bản án tòa sẽ tuyên ngày mai. Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn những đòi hỏi của Phật giáo mà thôi. Trong một thời gian ngắn, khi tình hình lắng dịu, ông Sĩ sẽ được trả tự do’.

Ngoài ra, ngày 24.11.1963, Thiếu tá Đặng Sĩ bị bắt, giải vào Sài Gòn giam tại Nha An ninh Quân đội. Buổi chiều, ông được đưa đến gặp Thiếu tướng Đỗ Mậu để vị tướng này nói ‘Anh khai cho ông Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho anh đàn áp Phật giáo ở Huế thì anh sẽ được trả tự do’. Ông Sĩ từ chối vì không đúng sự thật. Hôm sau, một Trung úy đã cho ông Sĩ biết ‘nếu đồng ý khai theo ý của Thiếu tướng thì sẽ được cho vào làm việc tại Sài Gòn, vẫn mang cấp bậc cũ và còn được cho một chiếc xe Peugeot 203 mới nữa’.

Ông Sĩ đề nghị ‘Nếu Thiếu tướng đã chỉ thị rõ ràng như vậy thì xin viết tay ra lệnh cho tôi thì tôi mới thi hành’. Đỗ Mậu viết trên một mảnh giấy nhỏ ‘Lưu ý Đặng Sĩ đừng khai dài dòng, chỉ nói mục đích chính cuộc đàn áp. Hỏi Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho y khi nào?’. Sau đó, một Đại úy khác lại ‘Theo ý của Thiếu tướng, Thiếu tá chỉ khai một lời duy nhất: Chính ông Ngô đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá ngày nào, giờ nào, trực tiếp hay qua trung gian... Chỉ cần viết một trang, rồi ký tên là đủ, không cần dài dòng’. Viết xong, trở về phòng giam, ông Sĩ liên lạc nhờ một người quen ở Nha An ninh Quân đội để nhờ photocopy chỉ thị viết tay của Đỗ Mậu và đem đến trao cho bà vợ ông Sĩ để trao cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình gởi cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ hầu báo cho thẩm quyền Mỹ.

Nội vụ bị bại lộ, Tín hữu Công Giáo biểu tình, Hội đồng Quân nhân Cách mạng bắt Tướng Mậu rời khỏi Nha An ninh Quân đội.

3./ Để dung hòa mâu thuẫn giữa các tướng lãnh đạo, giải pháp "Tam đầu chế" ra đời. Ngày 27.08.1964, Trần Thiện Khiêm được Hội đồng Quân lực gồm 53 thành viên tướng tá họp tại Bộ Tổng Tham mưu, bầu vào Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực cùng với hai tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh.

4./ Binh biến ngày 13.09.1964 nhằm lật đổ quyền lực tướng Nguyễn Khánh. Tuy nhiên, dưới áp lực của các tướng trẻ, cuộc binh biến kết thúc êm thắm mà không đạt được bất kỳ mục đích nào.

Ngày 13.09.1964, đảng Đại Việt đảo chính, do Đại tá Huỳnh Văn Tồn, Tư lịnh Sư đoàn 7 Bộ Binh, và Trung tướng Dương Văn Đức, Tư lịnh Quân đoàn IV. Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tham mưu Trưởng liên quân, tại Bộ Tổng Tham mưu không có quân trong tay nên phải cầu cứu với Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn để phản công. Thi phải nhờ Tư lệnh Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến cùng Không quân để phản công, dẹp Đảo chính khá dễ dàng.

Tuy nhiên, mâu thuẫn quyền lực đã nẩy sinh giữa đôi bạn thân Khiêm và Khánh. Sau cuộc binh biến ngày 13.09 này, Khánh nghi ngờ có sự hậu thuẫn của Khiêm, nên vào đầu tháng 10, Khiêm bị Khánh buộc phải bàn giao hai chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Quân lực lại cho Khánh kiêm nhiệm. Ngày 07.10.1964, Khiêm ‘bị’ cử làm Trưởng phái đoàn công du Vương quốc Anh và Liên bang Tây Đức. Ngày 24.10.1964, hết hạn công du, thay vì về nước, Khiêm nhận được quyết định từ Khánh đi làm Đại sứ ở Hoa Kỳ

Giữa năm 1965, nhóm các tướng trẻ do tướng Nguyễn Cao Kỳ và một bạn của Khiêm là tướng Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu, đã buộc Khánh phải rời khỏi mọi chức vụ để đi làm "Đại sứ Lưu động", không ngày trở về. Tháng 10/1965, mãn nhiệm Đại sứ tại Mỹ, Khiêm được lịnh từ Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tiếp đi làm Đại sứ ở Trung Hoa Quốc gia như một hình thức lưu vong ở nước ngoài trong cái thời ‘Thắng làm Vua, thua là Đại sứ’.

5./ Thượng Hội đồng Quốc gia (THÐQG) là cơ quan chấp chính dân sự do Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời (tam đầu chế gồm Minh, Khánh và Khiêm) thành lập ngày 08.09.1964 (gồm: Nguyễn Xuân Chữ, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Văn Huyền, Phan Khắc Sửu, Lương Trọng Tường, Mai Thọ Truyền và Trần Văn Văn,…) để chuyển dần sang Chính phủ dân sự trong thời kỳ Quân quản. Nhưng, cơ cấu này bị Hội đồng Quân lực giải tán vào ngày 20.11.1964 sau một binh biến, chỉ sau hơn 2 tháng hoạt động.

Ngày 27.09.1964, Hội đồng bầu Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch. Ngày 24.10.1964, THÐQG đề cử ông Sửu làm Quốc trưởng và bầu ông Nguyễn Xuân Chưõ làm Quyền Chủ tịch THÐQG, Tổng thư ký là Trần Văn Văn. Ngày 26.10.1964, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (UBLÐQG do Dương Văn tướng Minh làm Chủ tịch) chuyển giao quyền hành Quốc trưởng cho Phan Khắc Sửu.

Lúc đầu, ông Hồ Văn Nhựt được chọn để làm Thủ tướng vì được sự ủng hộ của các thành phần tôn giáo và chính trị. Nhưng, do ông muốn tìm giải pháp hòa hợp dân tộc, và sau những cuộc thảo luận không thỏa đáng với UBLÐQG và nhà nước Mỹ, ông Nhựt đã từ chối chức vụ này. Thay vào đó, Trần Văn Hương được cử làm Thủ tướng, ngày 30.10.1964, bởi Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.

6./ Chánh phủ Trần Văn Hương.

Ngày 04.11.1964, Nội các Trần Văn Hương hình thành hoàn toàn dân sự.

Chính phủ ông Hương dù được hậu thuẫn của nhiều thành phần nhưng bị ông Chữ, các lãnh đạo Phật giáo và lực lượng sinh viên chống đối kịch liệt vì cho rằng thành phần chính phủ không phản ánh nguyện vọng các đảng phái. Ông Hương lại không chịu nhượng bộ cải tổ nên tình hình trở nên tê liệt.

=>> Chúng tôi nhớ rõ : lúc đó, cứ mội chiều, khoảng 18 giờ, Phật tử kéo về Việt Nam Quốc Tự để nghe quý Thầy thuyết pháp chê bay chánh phủ ông Hương, rồi sau đó kéo ra đường biểu tình, khiến Thủ tướng Hương phải tuyên bố qua Ðài Phát thanh gọi đó là các ‘Trò Khỉ’.

Ngày 05.11.1964, ông Chữ từ chức Quyền Chủ tịch. Ngày 18.11.1964, ông Lê Văn Thu được bầu làm Chủ tịch THÐQG. Hội đồng Quân lực ra lệnh giải thể THÐQG ngày 20.11.1964 để lập Hội đồng Quốc gia Lập pháp.

7./ Binh biến ngày 19.12.1964 do Hội đồng Quân lực thực hiện, đã thực sự giải tán cơ cấu THÐQG, bắt giữ các thành viên và chuyển quyền lãnh đạo chính quyền VNCH vào tay các tướng Quân đội.

Tướng Khánh, Tổng Tư lệnh Quân lực cho thành lập Hội đồng Quân lực sau khi các cuộc xung đột giữa các đoàn thể Phật giáo và chính phủ dân sự Trần Văn Hương làm gần như bế tắc chính sự. Phe quân nhân bèn nhân cơ hội đó đứng lên tham chánh.

THÐQG là một cơ quan cố vấn lập pháp không do cử tri bầu mà y đã tạo ra theo yêu cầu Hoa Kỳ và VNCH để đưa ra một quy tắc dân sự. Sự tan rã làm kinh hoàng Mỹ, đặc biệt là đại sứ Maxwell D. Taylor. Ông đã tranh cãi giận dữ với các tướng, kể cả Khánh và đe doạ cắt giảm viện trợ. Họ không thể làm bất cứ điều gì, bởi vì cần thắng chiến tranh.

Lý do việc loại bỏ THÐQG là một cuộc đấu tranh quyền lực trong chính quyền quân sự. Khánh, kẻ đã được cứu thoát khỏi cuộc đảo chính tháng 09/1964 do sự can thiệp của các tướng trẻ, và cần thỏa mãn mong muốn nắm quyền lực của họ. Họ không thích các tướng già, bất lực, cần nghỉ hưu. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, một người cao tuổi được quân đội bổ nhiệm để cai trị dân sự, đã không muốn ký nghị định mà không có sự đồng ý của THÐQG. Thượng hội đồng khuyến cáo chống lại chính sách mới, và các sĩ quan trẻ tuổi, do Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ, đã giải tán cơ chế và bắt giữ một số thành viên cùng với các chính trị gia khác.

Kết quả sự kiện là đại sứ Taylor triệu tập Khánh đến văn phòng ông. Khánh gửi Thiệu, Kỳ, Cang đến, Taylor bắt đầu hỏi "Tất cả các ông có hiểu tiếng Anh không?" một cách khinh miệt và đe dọa cắt giảm viện trợ. Hôm sau, Khánh gặp Taylor và đã đưa ra những cáo buộc Hoa Kỳ muốn có một đồng minh rối; ông chỉ trích Taylor về cách thức của ông ngày hôm trước. Khi Taylor nói với Khánh rằng anh đã mất niềm tin vào sự lãnh đạo của mình, Taylor đã bị đe doạ trục xuất, và đáp lại với những mối đe doạ về tổng số cắt giảm trợ cấp. Tuy nhiên, sau đó Khánh cho biết ông sẽ rời Việt Nam cùng với một số tướng khác, và trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại, Khánh đã nhờ Taylor giúp đỡ việc đi du lịch. Sau đó, ông yêu cầu Taylor lặp lại tên những người lưu vong để xác nhận, và Taylor tuân theo, không biết Khánh đang ghi hình cuộc đối thoại. Sau đó, Khánh trình băng cho các tướng khác, khiến họ nghĩ rằng Taylor muốn họ trục xuất khỏi đất nước của họ để nâng cao uy tín của mình.

Vài ngày sau, Khánh bắt đầu một cuộc tấn công bằng phương tiện truyền thông, nhiều lần chỉ trích chính sách Hoa Kỳ và lên án những gì mà ông coi như là một ảnh hưởng và xâm phạm bất hợp pháp đối với chủ quyền Việt Nam, lên án Taylor và tuyên bố độc lập của quốc gia này trước "thao túng nước ngoài". Khánh và các tướng trẻ bắt đầu chuẩn bị trục xuất Taylor trước khi đổi ý; tuy nhiên, các chiến thuật gây hiểu nhầm của Khánh đã tập hợp các tướng này quanh sự lãnh đạo yếu ớt của ông ta ít nhất là trong tương lai gần. Người Mỹ bị buộc phải từ bỏ sự khăng khăng rằng THÐQG sẽ được phục hồi và không thực hiện được những lời đe doạ của Taylor về việc cắt giảm viện trợ, bất chấp sự chống đối của Sài Gòn.

8./ Phan Huy Quát ngày 16.02.1965 đến 05.06.1965, đảng viên Đại Việt Quốc dân đảng.

Ngày 19.02.1965, Tướng Lâm Văn Phát và các Tá Phạm Ngọc Thảo, Bùi Dzinh và Lê Hoàng Thao đem quân và xe tăng chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất, lùng bắt tướng Nguyễn Khánh. Một lần nữa, Khánh phải đào thoát bằng máy bay ra Vũng Tàu.

Hội đồng các tướng lĩnh đã cử tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư lệnh Quân đoàn Giải phóng Thủ đô, đưa quân về Sài Gòn để phản đảo chính. Được sự ủng hộ của các tướng trẻ, ngày 20.02.1965, tướng Thi buộc quân đảo chính rút lui, sau khi đạt thỏa thuận yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ra lệnh giải nhiệm tướng Khánh, và ép tướng Khánh phải xuất ngoại "trị bệnh".

Về mặt quân sự, VNCH, Mỹ cùng các đồng minh tiếp tục chiến đấu chống lại các hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quy mô và mức độ ác liệt của chiến tranh ngày càng tăng. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16.03.1964, McNamara đưa ra một bức tranh bi thảm, hậu quả của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm: "Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn.". Sau đảo chính 1963, trong một thời gian ngắn, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một "xa lộ thênh thang", lượng hàng vận chuyển vào miền Nam tăng vọt. Trước đây, đoàn vận tải ô tô chỉ vào Khe Hó đổ hàng rồi từ đây dùng voi hay sức người chuyển vào Palin Thừa Thiên. Đầu năm 1964, các đoàn ô tô đã có thể đi tới đieåm traïm ngã ba biên giới Kontum, số lượng vận tải tăng 40 lần so với năm trước, tỉ trọng vận tải cơ giới là 51%. Trước những thất bại này, Tổng thống Mỹ quyết định gởi quân viễn chinh trực tiếp tham chiến tại VNCH.

Khánh chủ trương đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam và đã tuyên bố "Quân đội là cha quốc gia!", uy tín hắn càng lúc càng xuống thấp và mất lòng dân. Nhóm các tướng trẻ, do đó, đã truất phế ông. Ngày 21.02. 1965, ông bị mất tất cả các chức vụ và ngày 22.02.1965 ông trở thành Đại sứ lưu động. Trước khi đi, ngày 25.02.1965, tay nắm theo một miếng đất, ông tuyên bố: "Tôi có mang theo nắm đất quê hương, một ngày nào đó nhất định sẽ trở về". Tuy nhiên, cho đến khi qua đời ông không thể thực hiện được. Nhưng ông đã có dịp cho biết chính Đại sứ Maxwell D. Taylor đã trực tiếp ra lệnh cho ông phải rời khỏi Việt Nam.

Sau khi rời Việt Nam, Khánh, từ năm 1966, hưởng trợ cấp Pháp dành cho những người từng phục vụ quân đội Pháp ở Đông Dương.

9.- Ngày 08.03.1965, Mỹ chính thức đổ quân viễn chinh lên Đà Nẵng. Phía Mỹ đã không thông báo cho VNCH thời gian và địa điểm đổ quân, dù bản tin Bộ Quốc phòng Mỹ 2 hôm trước loan báo Mỹ đổ quân vào VNCH theo yêu cầu của chính phủ VNCH. Sáng 08.03.1965, một sĩ quan Mỹ đến gặp Thủ tướng Phan Huy Quát, yêu cầu (ra lịnh) soạn thảo một thông cáo chung song ngữ Anh-Việt để thông báo rộng rãi, lúc đó ông Quát mới biết quân Mỹ đã đổ bộ vào Việt Nam. Ðiều này cho thấy Mỹ tỏ ra rất coi thường và không tin chế độ Đệ II Cộng hòa. Thủ tướng Quát phải hợp thức hóa việc này bằng cách gọi Tổng trưởng Phủ Thủ tướng Bùi Diễm cùng viên chức Mỹ Melvin Manfull soạn ngay thông cáo chào mừng quân Mỹ, với chỉ đạo: "Viết càng ngắn càng tốt. Chỉ mô tả sự kiện rồi khẳng định rằng chúng ta đã đồng ý mà thôi". Trong những tháng sau đó, Mỹ đổ bộ hàng chục vạn quân, lính Mỹ hiện diện ở khắp miền Nam.

Ngày 25.05.1965, ông quyết định cải tổ Nội các, thay thế một số Tổng trưởng nhưng Giáo dân Công Giáo phản đối. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng không đồng tình nên không phê chuẩn. Tình hình bế tắc kéo dài sang tháng 6 vì bất đồng giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát không giải quyết được; chính phủ hoàn toàn tê liệt.

Ngày 11.06.1965, ông triệu tập chính phủ để giải quyết nhưng không đạt được thỏa hiệp nên ông ra lệnh giải tán chính phủ và từ chức Thủ tướng. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu đã trao lại quyền hành cho Hội đồng tướng lĩnh. Ngay hôm đó, Hội đồng tướng lĩnh đã họp dưới sự chủ tọa của tướng Nguyễn Văn Thiệu để chọn ra người lãnh đạo.

Sự coi thường của Mỹ đối với đám tướng tá đã có từ khi chúng nhận tiền của Mỹ để giết Tổng thống Ngô Ðình Diệm và các chánh trị gia phục tùng chúng. Tiền nhân dạy ‘tu thân, tích đức, tề gia mới trị quốc. Trong đám ‘trị quốc’ sau ngày 02.11.1963 có ai ‘đạo đức’ bằng ông Diệm không. Không phải cứ là bác sĩ, kỹ sư… đều có thể trị quốc được đâu. Công dân Ngô Ðình Diệm đã tốt ngiệp trường Hậu Bổ, từng là Quận và Tỉnh trưởng, rồi bốn lần Vua Bảo Ðại mời làm Thủ tướng, hai lần được cử tri trao quyền Tổng thống qua Trưng cầu dân ý và tuyển cử.

Các vị này quên lời Tiền Nhân dạy ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’. Có thể họ sống thân vinh đến cuối đời ở Hoa kỳ. Nhưng đồng bào vô tội phải sống đời khốn khổ, bị trả thù vì tội ‘dân và lính VNCH’

10./ Giới tuớng lãnh và chánh trị gia thất bại trong việc điều hành quốc sự.

Tổ tiên dạy rằng ‘chỉ trích thì dễ, phá hoại càng dễ hơn, nhưng xây dựng mới khó.

Các tướng lãnh tiếp thu chính quyền và đặt hai cơ quan: Ủy ban Hành pháp Trung ương và Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (lên lon nhanh nhất trong thời Quân quản, do tham dự nhiều binh biến) làm chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc gia với cương vị quốc trưởng trong khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương với cương vị Thủ tướng (sau khi tướng Thi chịu nhường) cho tới khi thành lập nền Nhị Cộng hòa vào năm 1967. Ngày trình diện đồng bào của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia được chọn làm "Ngày Quân lực" 19 Tháng Sáu, kỷ niệm hằng năm bằng cuộc diễn binh ở Sài Gòn.

Sự Thật là, sau khi Đấng Sáng Lập nền Cộng Hòa Việt Nam bị Kennedy để Harriman cho phép Lodge thảm sát, thì các chính trị gia nối tiếp từ 1963 đến 1966 có tới 15 lần thay đổi chính phủ (có quốc gia nào trên Thế giới ‘tệ’ như vậy không, dưới sự đạo diễn của Lodge và Taylor?).

11./ Biến động Miền Trung

Nguyên nhân sâu xa Biến động Miền Trung là sự bất mãn của đồng bào với việc các tướng lãnh tự do tranh giành quyền hành, liên tiếp gây nhiều binh biến, khiến tình hình VNCH không ngớt bị xáo trộn; quần chúng đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, lập Quốc hội Lập hiến, trở lại Chính phủ Dân sự. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Biến động Miền Trung là vụ cách chức Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, người công khai chỉ trích Nguyễn Văn Thiệu (Quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ (Thủ tướng), những việc mà ông cho là bất công, tham nhũng.

Sau khi buộc tướng Khánh phải lưu vong, sự tranh chấp quyền lực giữa các tướng trẻ không thuyên giảm mà lại càng tăng thêm. Hội đồng tướng lĩnh phân thành 4 nhóm Thiệu, nhóm Kỳ, nhóm Thi và nhóm Có (Nguyễn Hữu Có). Do vai trò quan trọng trong các cuộc đảo chính và phản đảo chính, tướng Thi bị xem như là mối nguy cơ làm nổ ra đảo chính quân sự. Ba tướng còn lại hợp sức để chống đối, cử tướng Kỳ làm thủ lĩnh.

Lực lượng Phật giáo, vốn tự xem là lực lượng chính đẩy cao mâu thuẫn giữa quần chúng với chính phủ Diệm, gián tiếp dẫn đến đảo chính 1963, một lần nữa nắm vai trò lãnh đạo quần chúng chống lại chính phủ do các tướng lĩnh lập nên, đòi hỏi thành lập Quốc hội Lập hiến để có Hiến pháp cho Miền Nam Việt Nam, thay cho Chánh phủ Quân nhân cai trị không có căn bản pháp lý là mầm mống biến loạn như năm 1963.

Tại miền Trung, tướng Thi đã có những cáo buộc nảy lửa công khai về tệ tham nhũng cũng như những chỉ trích sự độc tài trong chính phủ của tướng Kỳ. Phong trào Phật giáo ở đâu cũng bùng nổ mạnh hơn hết do lực lượng quân đội của Quân đoàn I do tướng Thi chỉ huy đã không thực hiện các mệnh lệnh trấn áp phong trào Phật giáo từ chính phủ trung ương đưa xuống, là một cách không chính thức chống lại quyền lực của tướng Kỳ.

Nhận định tướng Thi một đối thủ nguy hiểm, tướng Kỳ đã tìm cách liên kết với nhiều tướng lãnh để giải trừ chức vụ của tướng Thi. Phía Hoa Kỳ lúc đó ủng hộ việc tống xuất tướng Thi, vì người Mỹ xem ông là "tướng nổi loạn", không tích cực chống Cộng và còn tỏ ra muốn nói chuyện thương thảo với Bắc Việt. Nắm được quan điểm này của tổng thống Mỹ Johnson, tháng 02/ 1966, trong cuộc họp của Hội đồng tướng lĩnh, tướng Kỳ đã thuyết phục các tướng lĩnh trao quyền cho ông để trục xuất tướng Thi và trấn áp cuộc tranh đấu của Phật giáo.

Ngày 10.03.1966, Kỳ cách chức Tư lệnh Quân đoàn I của Thi và cử Tướng Nguyễn Văn Chuân thay, với lý do rằng ông đã bất lực trước phong trào đấu tranh của Phật giáo tại miền Trung. Tuy nhiên, tướng Kỳ chỉ thị cho giới truyền thông công bố tướng Thi từ chức vì lý do sức khỏe. Ngay khi ra đến Ðà Nẵng để bàn giao chức vụ, Thi bị tướng Nguyễn Hữu Có, khi đó là Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, ra lệnh bắt giữ và đưa vào giam lỏng tại Sài Gòn.

Việc cách chức tướng Thi đã làm bùng nổ thêm phản ứng của phong trào Phật giáo miền Trung. Ngày 12.03.1966, Thượng tọa Thích Trí Quang vận động Phật tử biểu tình ở Huế và Ðà Nẵng, thậm chí kiểm soát các thị xã trong ít ngày. Thích Trí Quang làm "rung chuyển nước Mỹ" khi yêu cầu Mỹ loại bỏ tướng Kỳ. Các tướng Tôn Thất Đính (Thay tướng Chuân bị đưa ra Hội đồng kỷ luật), rồi Huỳnh Văn Cao được cử ra Huế để thay chức vụ của tướng Thi đều bất lực, không thể kiểm soát được binh sĩ Quân đoàn I.

Nhằm giảm nhẹ căng thẳng, ngày 16.03.1966, tướng Kỳ đồng ý đưa tướng Thi ra Ðà Nẵng để xoa dịu quần chúng. Tuy nhiên, khi vừa ra đến nơi, tướng Thi đã có những tuyên bố ngả theo phe tranh đấu. Ngày 17.03.1966, tại Sài Gòn đại sứ Mỹ Lodge đã có cuộc gặp với Thích Trí Quang. Các tướng Thiệu, Kỳ cũng tiếp xúc với thượng tọa Thích Tâm Châu. Các cuộc tiếp xúc đã đạt được thỏa thuận. Ngày 19.03.1966, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra tuyên bố không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dân sự.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và trở nên hỗn loạn. Ngày 03.04.1966, tướng Kỳ tuyên bố là Cộng sản đã xâm nhập vào các phong trào tranh đấu ở miền Trung và sẽ dùng vũ lực để tái lập an ninh. Lời tuyên bố này làm cho cuộc đấu tranh bùng lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chính phủ tướng Kỳ đã có những bước chuẩn bị trước đó. Khối Phật giáo bị chia rẽ khi Thích Tâm Châu tuyên bố ủng hộ chính phủ, hình thành hai khối Ấn Quang, do Trí Quang chỉ huy, và khối Vĩnh Nghiêm, do Tâm Châu lãnh đạo. Do sự chia rẽ này hành động tranh đấu của Phật giáo không thống nhất như lúc năm 1963.

Ngày 14.05.1966, tướng Kỳ đã cho 4.000 binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng, do tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy, được các máy

bay Mỹ chuyên chở, ra Đà Nẵng, dùng vũ lực trấn áp phong trào ly khai. Quân đội nhanh chóng kiểm soát Đà Nẵng, rồi từ đó tiến ra Huế. Phong trào ly khai nhanh chóng chấm dứt. Tướng Thi một lần nữa bị đưa vào Sài Gòn. Tướng Tôn Thất Đính cũng bị bắt giữ và đưa vào nhà giam chờ xét xử.

II. HẬU QUẢ SỰ HIỆN DIỆN LÍNH MỸ TRÊN ĐẤT VIỆT

1. Cuộc đổ bộ Quân viễn chinh Mỹ vào Ðà Nẵng ngày 08.03.1965 do Johnson ra lịnh, đã dâng cho Cộng sản Việt một cơ hội vàng để chúng hô hoán với Thế giới rằng ‘Mỹ xâm lăng Việt Nam’ và phát động cái gọi là ‘giải phóng Miền Nam’. Do đó, giới trẻ Miền Bắc hồ hởi đi bộ đội. Thêm vào đó, ‘Ðường mòn mang tên Bác’ được hình thành, nhờ Harriman-Kenneny giúp hoàn thành để đưa bộ đội và chiến cụ vào Nam. Tết Mậu Thân 1968, lứa tuổi 14-15, thế hệ SBTN (sinh Bắc, tử Nam) được hình thành, đào luyện và xử dụng để xâm nhập vào tận Tòa Ðại sứ kiên cố Mỹ tại Sài Gòn khiến Jonhson phải chấp nhận ‘vừa đánh vừa đàm’ với Bắc Việt tại Paris và thua chạy khiến 58.000 lính Mỹ chết. Có lúc, số lính Mỹ lên đến 500 ngàn ở chiến trận với đầy đủ chiến cụ tối tân.

2. Khủng hoảng xã hội. Sự lên bờ của lính Mỹ lắm đô la phát triển kỷ nghệ mãi dâm. Những ‘snack-bar’ mọc lên như nấm trúng mưa với các đàn bà, thanh nữ trét đầy son phấn. Trên dường Tự Do đẹp đẽ Sài Gòn, phía gần bờ sông, những tiêm may mặc hay bán tạp hóa phải đóng cửa để mở những ‘bar Mỹ’ hầu thu đô-la. Nếu việc kinh doanh thu lắm bạc tiền này thời Pháp thuộc, có kiểm soát bịnh và thu thuế cho ngân sách quốc gia như Ðại thế giới hay Kim chung đã bị Thủ tướng Ngô Ðình Diệm can đảm đóng cửa ngày 01.01.1955 triệt để tiêu trừ tứ đổ tường.

Tội kinh doanh bán dâm bất hợp pháp trong một VNCH mất Chủ quyền tạo dịp để Cộng nô thu góp tiền Ðô, làm điên đảo giới hữu trách cường quốc số một thế giới. Họ chế ra tiền Ðô đỏ, trị giá giới hạn trong thời gian và nội bộ. Tuy nhiên, không đạt bao nhiêu kết quả.

3. Khủng hoảng kinh tế. Sự có mặt của ngoại quân Mỹ gia tăng cường độ chiến tranh vì thanh niên trong tuổi lao động phải nhập Quân Ðội.

- Sự sản xuất bị đình trệ thì lấy đâu đủ sản phẩm để xuất cảng. Do đó, không đủ ngoại tệ để nhập cảng nguyên, nhiên liệu cho việc sản xuất. Trước đây, gạo đủ nuôi đồng bào lẫn xuất cảng thì nay lại phải nhập cảng từ Mỹ.

- Nạn lạm phát phi mã thật nghiêm trọng với bách phân trung bình trên 30-40%/năm, giá cả hàng hóa đều tăng vọt. Theo thống kê, giá một số thực phẩm cuối năm 1965 và cuối năm 1967 như sau: 1 kg thịt gà tăng từ 96 đồng lên 309 đồng (gấp 3,2 lần); 1 kg tôm tươi tăng từ 62 đồng lên 216 đồng (gần 3,5 lần). Tại chợ đen, giá 1 mỹ kim lên tới 270 đồng, 360 (1969), 414 (1971), 640 (1974), 700 (1975).

- Năm 1966, loạt "giấy bạc Đệ Nhị Cộng hòa" được phát hành để ổn định nền kinh tế" bằng cách phá giá đồng tiền Việt, tăng giá hàng hóa lên 100%, tỷ giá chính thức từ 60 đồng đổi 1 mỹ kim sụt còn 117 đồng.

Ðối với cá nhân chúng tôi, chúng tôi tôn trọng quân nhân các quốc gia Ðồng Minh thi hành lịnh chánh phủ. Riêng với các lính Mỹ thi hành quân dịch vừa tốt nghiệp Ðại học phải xa cha mẹ, người yêu. Khi nhập quân ngũ, tôi học Anh văn với Mỹ, nhưng để trở thành Sĩ quan Hải Quân, tôi đã thụ huấn tại Úc Ðại Lợi và, sau đó, không lúc nào nhận sự ‘cố vấn của sĩ quan Mỹ.

(Còn tiếp 1 kỳ)

HÀ MINH THẢO
 
VietCatholic TV
Một cử chỉ rất đẹp của Tổng thống Ukraine anh hùng Volodymyr Zelesnky ngày Chúa Nhật 13/3/2022
VietCatholic Media
06:20 14/03/2022
 
Diễn biến dồn dập: Nga yêu cầu Trung Quốc tiếp tế vũ khí. Quân Nga hạ thủ ký giả Mỹ bên ngoài Kiev
VietCatholic Media
06:23 14/03/2022


1. Nga yêu cầu Trung Quốc tiếp tế vũ khí.

Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự kể từ cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/2, tờ Financial Times và Washington Post đưa tin hôm Chúa Nhật, dẫn lời các quan chức Mỹ.

Tòa Bạch Ốc cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan sẽ đến Rôma vào thứ Hai để gặp gỡ nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Nga, cho đến nay vẫn gọi hành động của mình ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt”, đã thắt chặt hợp tác với Trung Quốc khi họ phải chịu áp lực mạnh mẽ của phương Tây về nhân quyền và một loạt các vấn đề khác.

Bắc Kinh đã không lên án cuộc tấn công của Nga và không gọi đây là một cuộc xâm lược, nhưng đã thúc giục một giải pháp thương lượng.

Washington Post cho biết các quan chức Mỹ chưa xác nhận loại vũ khí nào được yêu cầu hoặc Trung Quốc đã phản ứng như thế nào.

2. Tổng thống Zelensky kêu gọi người Ukraine 'kiên vững'.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi đất nước của ông “kiên vững” trong bài phát biểu hàng đêm của ông vào tối Chúa Nhật 13 tháng Ba.

“Chúng ta đang trải qua những thử thách đáng sợ nhất trong lịch sử của chúng ta, trong cuộc đời của chúng ta,” tổng thống Zelensky nói. “Chúng ta phải kiên vững, chúng ta phải chiến đấu. Và chúng ta sẽ giành chiến thắng. Tôi là một người tin tưởng vào điều này”.

Bài phát biểu của tổng thống Ukraine được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục cuộc tấn công vào Kiev vào hôm Chúa Nhật với các đợt pháo kích. Trong khi đó quân Nga đã tiếp tục tàn phá các thành phố trên khắp Ukraine bằng các cuộc không kích và pháo binh.

Trong một diễn biến đáng quan ngại, Hải quân Nga đã phong tỏa các con đường hàng hải thương mại Ukraine.

Hải quân Nga đã cắt đứt thương mại hàng hải quốc tế của Ukraine thông qua lệnh phong tỏa Biển Đen, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm Chúa Nhật.

Các quan chức Ukraine cũng cho biết Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ khác ở Biển Azov sau một nỗ lực thành công ở phía tây thành phố Mariupol bị bao vây.

Các quan chức cho biết lực lượng hải quân Nga tiếp tục bắn phá các thành phố của Ukraine từ biển vào ngày thứ 17 của cuộc xâm lược Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cũng nhận định rằng Nga đã lên kế hoạch đổ bộ lực lượng ở Bán đảo Krym. Hôm Chúa Nhật, Ukraine cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược của hải quân Nga ở phía nam thành phố Odessa.

Theo Pravda, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Danilov, nhận xét rằng các lực lượng Nga trên Biển Đen đã lên kế hoạch tấn công từ 3 đến 4 ngày trước, nhưng thời tiết xấu đã tạm thời buộc hạm đội phải quay trở lại Sevastopol ở Crimea.

“Chúng tôi hiểu những gì đang xảy ra ở đó và tình hình ở đó đang được kiểm soát,” Danilov nói.

Ông cho biết quân đội Ukraine đã chờ đợi sự xuất hiện của người Nga và đã có kế hoạch tác chiến.

3. Mỹ sẽ 'đáp trả thích đáng' đối với trường hợp của nhà báo Renaud.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Nga sẽ phải đối mặt với “hậu quả thích đáng” đối với vụ giết hại nhà báo Mỹ Brent Renaud vào hôm Chúa Nhật.

“Điều này rõ ràng là gây sốc và kinh hoàng, và tôi vừa mới biết về điều đó khi tôi đến tu hình ở đây, vì vậy tôi sẽ tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp của mình, sẽ tham khảo ý kiến của người dân Ukraine, để xác định điều này đã xảy ra như thế nào và sau đó cân nhắc và hành động,” Sullivan nói như trên trong một cuộc phỏng vấn trên đài CBS “Face the Nation”.

Trong một lần xuất hiện khác trên CNN, ông gọi cái chết của Renaud dưới tay lực lượng Nga là “một sự kiện gây sốc và kinh hoàng.

Ông nói với Dana Bash của CNN: “Đó là một ví dụ nữa về sự tàn bạo của Vladimir Putin và các lực lượng của ông ta. Họ đã nhắm mục tiêu vào các trường học và nhà thờ Hồi giáo, bệnh viện và các nhà báo.” Và đó là lý do tại sao chúng tôi đang nỗ lực để gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hắn ta và cố gắng giúp đỡ người Ukraine bằng mọi hình thức hỗ trợ quân sự mà chúng ta có thể tập hợp, để có thể đẩy lùi sự tấn công của các lực lượng Nga này.”

4. Hội Hồng Thập Tự nói 'tình huống xấu nhất' sắp xảy ra với Mariupol

Mariupol đang hướng tới một “tình huống xấu nhất” nếu Ukraine và Nga không đạt được thỏa thuận nhân đạo về thành phố bị bao vây ở miền đông Ukraine, Hội Hồng Thập Tự Quốc tế cảnh báo hôm Chủ nhật.

“Lịch sử sẽ nhìn lại những gì đang xảy ra ở Mariupol với sự kinh hoàng nếu các bên không đạt được thỏa thuận nhanh nhất có thể,” Hội Hồng Thập Tự viết trong một tuyên bố.

Cơ quan này cho biết hàng trăm nghìn người trong thành phố sẽ không có thức ăn, nước uống và thuốc men và các đường phố của thành phố rải rác những xác chết.

Cơ quan này nói thêm: “Nỗi đau khổ của con người thật là vô biên”.

Lãnh đạo hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Mariupol, Sasha Volkov nói thêm, “Âm thanh của chiến tranh là không ngừng. Các tòa nhà bị tấn công, và mảnh đạn bay khắp nơi. Đây là tình huống mà mọi người dân trong thành phố phải đối mặt”.

Hội Hồng Thập Tự nhấn mạnh rằng “Thời gian không còn nhiều cho hàng trăm nghìn người bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh.”

5. Tổng thống Zelensky trao tặng huy chương cho những người lính bị thương khi lực lượng Nga đang pháo liên tục vào Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesnky đã đến thăm những người lính bị thương trong một bệnh viện ở Kiev hôm Chúa Nhật, trao tặng huân chương cho các quân nhân bị thương trên giường bệnh của họ.

Các bức ảnh từ hiện trường cho thấy tổng thống đang nói chuyện với các thành viên trong quân đội của mình, những người đang ở trong nhiều điều kiện khác nhau.

Một khoảnh khắc đã chụp được cảnh tổng thống xuất hiện để chụp ảnh chung với một người lính nằm liệt giường, người mà sau này đã được trao tặng huân chương.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng đã đến thăm một số binh sĩ Ukraine bị thương khi quân đội Nga bắt đầu áp sát thành phố.

6. Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa chê bai cách tổng thống Biden đối phó với Nga.

Hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bác bỏ ý kiến cho rằng Mỹ có thể châm ngòi cho Thế chiến Ba hoặc một cuộc tấn công hạt nhân bằng cách khiêu khích Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina nói trên Fox News “Sunday Morning Futures” rằng:

“Tất cả chỉ là một trò lừa bịp. Putin biết rằng không ai thắng được trong cuộc chiến hạt nhân. Vì vậy, nếu ông ta ra lệnh tấn công phủ đầu vào Hoa Kỳ, một số tướng lĩnh sẽ bắn vào đầu ông ta.”

“Tôi đang kêu gọi phá hủy nền kinh tế Nga, mặc dù cuộc chiến tại Ukraine và cuộc chiến của chúng ta không phải với người dân Nga. Đó là với Putin. Và cách duy nhất để cuộc chiến này kết thúc là Putin phải vào tù hoặc bị chính người của mình hạ bệ”.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, thuộc đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng cho biết chiến sự ở Ukraine không phải là Thế chiến III.

Thượng nghị sĩ Risch thuộc đơn vị Idaho cho biết Mỹ phải cẩn thận khi đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng “Tôi sẽ không gọi đó là Thế chiến ba,” ông nói trên “Fox News Sunday”.

Thượng nghị sĩ Jim Risch nhấn mạnh rằng cuộc giao tranh ở Ukraine không phải là Thế chiến III. Ông chỉ trích chính quyền Biden vì cách thức cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine

“Đã quá ít, quá muộn ngay từ đầu,” ông nói.

7. Quân Nga pháo vào một chuyến tàu di tản đầy những đứa trẻ.

Một đoàn tàu di tản người tị nạn, bao gồm khoảng 100 trẻ em, đã bị tấn công bởi cuộc pháo kích của Nga ở Ukraine hôm Chúa Nhật, giết chết một người điều khiển đoàn tầu và làm bị thương một người khác. Công ty đường sắt quốc gia Ukraine cho biết như trên trong một báo cáo.

Công ty cho biết đoàn tàu đã bị tấn công gần ga Brusyn ở vùng Donetsk khi đi về phía bắc đến thành phố Lyman để đón thêm nhiều cư dân bỏ trốn.

“Đây là một đòn giáng khủng khiếp vào những người giải cứu dân thường Ukraine hàng ngày đang tìm cách mở con đường sống cho hơn hai triệu người đang chờ được giải cứu.”

Công ty nhấn mạnh thêm rằng họ đang làm việc để cử một chuyến tàu khác đến đón phi hành đoàn và hành khách bị mắc kẹt, trong đó có khoảng 100 trẻ em.

Pavlo Kyrylenko, thống đốc vùng Donetsk, kêu gọi trừng phạt lực lượng Nga đã tấn công đoàn tàu.
 
Tổng thống Ba Lan: Putin thua rồi nhưng có thể gây ra những điều kinh khủng. Thụy Điển bị Nga đe dọa
VietCatholic Media
06:26 14/03/2022


1. Tổng thống Ba Lan cảnh báo Putin có thể sử dụng vũ khí hóa học

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể dùng đến một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vì kế hoạch nhanh chóng chiếm Ukraine của ông ta đã thất bại, ông Andrzej Duda, Tổng thống Ba Lan, nói với BBC.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Sophie Raworth của BBC hôm Chúa Nhật, tổng thống Duda nói rằng Putin sẵn sàng làm “mọi thứ” để giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Tổng thống Ba Lan nói: “Nếu ông ta sử dụng bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào, thì đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

“Và chắc chắn, Liên minh Bắc Đại Tây Dương và các nhà lãnh đạo của nó do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ phải ngồi vào một bàn và họ sẽ thực sự phải suy nghĩ nghiêm túc về những việc phải làm vì khi đó nó bắt đầu trở nên nguy hiểm, không chỉ đối với Âu Châu, mà còn đối với thế giới”.

“Đây là điều mà thế giới chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai,” tổng thống nói. “Và nếu bạn hỏi tôi liệu Putin có thể sử dụng vũ khí hóa học hay không, tôi nghĩ rằng Putin có thể sử dụng bất cứ thứ gì ngay bây giờ, đặc biệt là khi ông ấy đang ở trong một tình huống rất khó khăn.”

“Trên thực tế, về mặt chính trị, ông ấy đã thua trong cuộc chiến này. Và về mặt quân sự, anh ta không thể chiến thắng.”

Tổng thống cảm ơn những người đồng hương của ông đã rất hào phóng đối với những người hàng xóm của họ, những người đang chạy trốn chiến tranh.

“Hãy tưởng tượng rằng 1,5 triệu người tị nạn đã vượt qua biên giới Ba Lan và chúng tôi đã không xây dựng một trại tị nạn nào vì tất cả họ đã được nhận vào nhà riêng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ và khu nghỉ dưỡng,” Duda nói.

Tuy nhiên, dòng người tị nạn có thể gây áp lực rất lớn lên Ba Lan, Duda thừa nhận như thế khi ông trích dẫn ước tính rằng, trong trường hợp xấu nhất, Ba Lan có thể thấy 2.5 triệu người tị nạn từ Ukraine.

Kể từ ngày 24 tháng 2, khi Nga xâm lược Ukraine, 1.68 triệu người đã vượt qua biên giới Ba Lan-Ukraine vào Ba Lan, Bộ đội Biên phòng đã tweet như trên vào sáng Chúa Nhật.

https://www.thefirstnews.com/article/putin-may-use-chemical-weapons-polish-president-warns-28716

2. Thụy Điển chính thức bác bỏ lời đe dọa của Nga

Ngoại trưởng Thụy Điển đã bác bỏ những lời đe dọa mới từ Nga rằng việc quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Mạc Tư Khoa.

Bộ trưởng Ngoại giao Ann Linde nói với hãng thông tấn Thụy Điển “Nga không liên quan gì đến các quyết định độc lập của chúng tôi”, ám chỉ việc Stockholm đang xin gia nhập NATO.

Hãng thông tấn Interfax của Nga hôm thứ Bảy dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết khả năng Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây ra những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng.

3. Thị trưởng thứ hai ở Đông Nam Ukraine bị quân Nga bắt cóc

Thị trưởng của thị trấn Dniprorudne ở vùng Zaporizhzhia, là ông Yevhen Maveyev, đã bị lực lượng Nga bắt cóc vào đầu ngày Chúa Nhật, theo một bài đăng trên Facebook của người đứng đầu chính quyền khu vực Zaporizhzhia, Oleksandr Starukh.

Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã lên án hai vụ bắt cóc trong một bài đăng trên Twitter.

Nga đang tìm cách cài đặt một nhà lãnh đạo mới và một “ủy ban gồm những người được chọn” ở thành phố Melitopol, miền đông nam nước này sau khi bắt cóc thị trưởng Ivan Federov, hôm thứ Sáu.

Nhà lập pháp địa phương Halyna Danylchenko đã đăng một video nói rằng ủy ban sẽ chịu trách nhiệm điều hành thành phố. Các quan chức địa phương khác, bao gồm cả hội đồng được bầu hiện tại của thành phố, đã từ chối hợp tác với các lực lượng Nga và cư dân đã phản đối việc chiếm đóng, hô vang “Melitopol là của Ukraine.”

Tổng thống Ukraine cho rằng Mạc Tư Khoa đang lên kế hoạch cho một “cuộc trưng cầu dân ý” giả mạo ở thành phố Kherson phía nam bị quân Nga chiếm đóng nhằm tuyên truyền rằng người dân muốn ly khai khỏi Ukraine. Tình báo phương Tây cảnh báo trước chiến tranh rằng Mạc Tư Khoa sẽ cố gắng cài đặt chính quyền bù nhìn nếu cuộc xâm lược thành công.

4. Nhiều người biểu tình chống chiến tranh bị giam giữ trên khắp nước Nga

Theo nhóm giám sát OVD-Info, ít nhất 100 người đã bị bắt giữ hôm Chúa Nhật trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở 17 thành phố xung quanh Nga. Số lượng lớn nhất là ở Yekaterinburg, nơi có 24 người bị cảnh sát bắt giữ.

Thủ lĩnh phe đối lập bị bỏ tù Alexey Navalny đã kêu gọi người Nga phản đối chiến tranh tại các quảng trường chính của hàng chục thành phố. Các cuộc biểu tình bị chính quyền Nga coi là bất hợp pháp, họ đã giam giữ hơn 13,000 người trên toàn quốc kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu. Hầu hết các vụ bắt giữ đều diễn ra ở Mạc Tư Khoa và St. Petersburg, nơi các cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào cuối ngày Chúa Nhật.

5. Nga cảnh báo rằng vũ khí vận chuyển là mục tiêu tấn công hợp pháp

Nga đã đẩy mạnh những lời đe dọa của nước này trong bối cảnh nguồn cung cấp quân sự cho các lực lượng của Ukraine tăng mạnh. Trong diễn biến mới nhất, Nga cảnh báo rằng các đoàn xe vận chuyển vũ khí của phương Tây tới Ukraine là “mục tiêu tấn công hợp pháp”.

“Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng việc bơm vũ khí vào Ukraine của hàng loạt quốc gia không chỉ là một con đường nguy hiểm mà còn là những hành động biến những đoàn xe này thành mục tiêu tấn công hợp pháp”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết hôm thứ Bảy trên kênh truyền hình nhà nước.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga có kế hoạch đẩy mạnh việc vận chuyển vũ khí tới các khu vực ly khai ở Ukraine và cử hàng nghìn lính đánh thuê từ Trung Đông tham gia lực lượng của mình tại Ukraine.

https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-03-13/ukraine-update-russia-strikes-targets-ever-closer-to-poland6. Mỹ đổ vũ khí trị giá 200 triệu Mỹ Kim cho Ukraine

Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp thêm 200 triệu Mỹ Kim vũ khí nhỏ, hỏa tiễn chống tăng và phòng không cho Ukraine, khi các quan chức Ukraine cầu xin thêm thiết bị để phòng thủ trước các cuộc pháo kích dữ dội của lực lượng Nga.

Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Bảy đã cho phép hỗ trợ an ninh bổ sung, mở đường cho chuyến hàng “ngay lập tức” các thiết bị quân sự mới tới Ukraine. Một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết như trên.

Quyết định của Biden nâng tổng số viện trợ quân sự Mỹ cung cấp cho Ukraine lên 1.2 tỷ Mỹ Kim kể từ tháng Giêng năm 2021. Nếu tính kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine, tổng số viện trợ quân sự Mỹ đã tăng đến 3.2 tỷ Mỹ Kim.

7. Ukraine cho biết có sự lúng túng về chiến lược trong giới lãnh đạo quân sự Nga

Bộ Quốc phòng Ukraine vừa công bố báo cáo hoạt động hàng ngày tính đến 10 giờ tối thứ Bảy, theo giờ địa phương.

Theo các quan chức quân sự, “sự không chắc chắn của giới lãnh đạo quân sự của Liên bang Nga trong các vấn đề thuộc các mục tiêu chiến lược” và sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng Ukraine đã cản trở việc đạt được các mục tiêu của Nga.

“Các biện pháp đang được thực hiện để khôi phục khả năng chiến đấu và tập hợp lại quân đội Nga. Kẻ thù đang cố gắng dò tìm lại và làm rõ vị trí của các lực lượng vũ trang Ukraine và các cách thức tấn công có thể xảy ra”, báo cáo viết.

Các quan chức cũng cảnh báo về “khả năng cao” về sự tham gia trực tiếp của các lực lượng vũ trang Cộng hòa Belarus chống lại Ukraine cũng như sự gia tăng hoạt động từ các lực lượng đổ bộ đường không.

“Cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự tiếp tục bị phá hủy,” trong khi các lực lượng Nga tiếp tục nỗ lực tấn công thành phố Mariupol.

8. Tổng thống Duda ký luật hỗ trợ người tị nạn từ Ukraine

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký một đạo luật hỗ trợ các công dân Ukraine đến Ba Lan liên quan đến hành động xâm lược có vũ trang của Nga.

Theo các quy định của Đạo luật, công dân Ukraine, những người đã rời bỏ quê hương do sự xâm lược của Nga, sẽ có thể ở lại Ba Lan trong 18 tháng một cách hợp pháp. Nó sẽ áp dụng cho những người đến Ba Lan trực tiếp từ Ukraine và tuyên bố ý định ở lại lãnh thổ của đất nước.

Điều khoản đã được thực hiện cho nhằm trợ giúp các thống đốc và chính quyền địa phương đang tiếp đón công dân Ukraine. Nó có thể bao gồm chỗ ở hoặc cung cấp các bữa ăn tập thể suốt cả ngày. Bất kỳ pháp nhân nào, chủ yếu là một thể nhân điều hành một hộ gia đình, cung cấp chỗ ở và bữa ăn cho công dân Ukraine chạy trốn chiến tranh, đều có thể nhận được trợ cấp sau khi nộp đơn đăng ký tại văn phòng thành phố. Trợ cấp sẽ được thanh toán trong tối đa 60 ngày, và quy định của Hội đồng Bộ trưởng sẽ xác định số tiền trợ cấp.

Một Quỹ Hỗ trợ sẽ được thành lập. Các quỹ của nó sẽ được sử dụng chủ yếu để tài trợ hoặc đồng tài trợ cho các nhiệm vụ liên quan đến viện trợ cung cấp cho công dân Ukraine. Công dân Ukraine đang chạy trốn khỏi chiến tranh cũng sẽ có quyền làm việc trên lãnh thổ của Ba Lan. Họ cũng được tiếp cận các phúc lợi xã hội hoặc tài trợ để giảm lệ phí mà phụ huynh trả cho việc lưu trú của một đứa trẻ trong nhà trẻ, câu lạc bộ trẻ em hoặc trung tâm chăm sóc ban ngày. Công dân Ukraine cũng có thể nộp đơn xin trợ cấp tiền mặt một lần cho sinh hoạt phí lên tới 300 một người. Đặc biệt, đó là chi phí trang trải cho thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ vệ sinh cá nhân và phí nhà ở.

Mọi công dân Ukraine, cư trú hợp pháp tại Ba Lan, sẽ được bảo đảm tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo các nguyên tắc giống như công dân Ba Lan.

Các giải pháp cũng sẽ được đưa ra để bảo đảm việc giáo dục và nuôi dạy trẻ em hoặc học sinh là công dân của Ukraine được điều chỉnh bởi các quy định của Đạo luật.

Tổng cộng 1,675 triệu người đã đến Ba Lan từ Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2, bao gồm 79,800 người vào hôm thứ Bảy và 16,800 người khác vào đầu ngày Chúa Nhật. Tổng thống Andrzej Duda cho biết khoảng 2.5 triệu người có thể sẽ chạy sang Ba Lan, nơi hầu hết những người tị nạn đang được các tình nguyện viên hỗ trợ.

https://interfax.com.ua/news/general/812407.html
 
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC lên án Nga biến thành phố Đức Maria thành nghĩa trang
VietCatholic Media
16:36 14/03/2022

Chúa Nhật 13 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố biến hình của Chúa Giêsu khi đang cầu nguyện.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng Phụng vụ Chúa nhật thứ hai Mùa Chay thuật lại cuộc Biến hình của Chúa Giêsu (x. Lc 9:28-36). Khi đang cầu nguyện trên đỉnh núi cao, Ngài thay đổi diện mạo, áo choàng trở nên sáng chói và rạng rỡ, và dưới ánh sáng vinh quang của Ngài, Môisê và Êlia xuất hiện, nói với Ngài về Lễ Vượt Qua đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Các nhân chứng cho sự kiện phi thường này là các Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, là những người đã lên núi với Chúa Giêsu. Chúng ta tưởng tượng họ tròn mắt trước cảnh tượng có một không hai đó. Và, chắc chắn, nó phải là như vậy. Nhưng thánh sử Luca lưu ý rằng “Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê”, và họ “chợt tỉnh dậy” và nói về sự vinh hiển của Chúa Giêsu (xem câu 32). Sự buồn ngủ của ba môn đệ dường như là một nốt nhạc ngang cung. Sau đó, các tông đồ cũng ngủ quên tại vườn Giệtsimani, trong lúc Chúa Giêsu đau khổ cầu nguyện, dù Ngài đã yêu cầu các ông tỉnh thức (x. Mc 14: 37-41). Sự im lặng này trong những thời điểm quan trọng như vậy thật đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, chúng ta thấy rằng Phêrô, Giacôbê và Gioan ngủ quên trước khi cuộc Biến hình bắt đầu, tức là trong khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở Giệtsimani. Đây rõ ràng là một lời cầu nguyện được kéo dài trong một thời gian khá lâu, trong im lặng và tập trung. Chúng ta có thể nghĩ rằng lúc đầu họ cũng đang cầu nguyện, cho đến khi sự mệt mỏi chiếm ưu thế.

Anh chị em thân mến, liệu giấc ngủ không đúng lúc này có giống với nhiều giấc ngủ của chúng ta xảy ra vào những thời điểm mà chúng ta biết là quan trọng không? Có lẽ vào buổi tối, khi chúng ta muốn cầu nguyện, để dành chút thời gian với Chúa Giêsu sau một ngày vội vã và bận rộn. Hoặc đến lúc trao đổi vài lời với gia đình mà chúng ta không còn sức nữa. Chúng ta muốn tỉnh táo, tập trung, tham gia nhiều hơn nữa, không bỏ lỡ những cơ hội quý giá nhưng không thể, hoặc chúng ta cố gắng cách nào đó nhưng không được.

Thời gian mạnh mẽ của Mùa Chay là một cơ hội về mặt này. Đó là giai đoạn mà Thiên Chúa muốn đánh thức chúng ta khỏi sự uể oải bên trong, khỏi cơn buồn ngủ không để cho Thánh Linh thể hiện chính mình. Bởi vì - chúng ta hãy ghi nhớ điều này - giữ cho trái tim tỉnh táo không phụ thuộc vào một mình chúng ta: đó là một ân sủng và phải được kêu cầu. Ba môn đệ của Tin Mừng cho thấy điều này: họ tốt, họ đã theo Chúa Giêsu lên núi, nhưng bằng sức mình, họ không thể thức được. Điều này cũng xảy ra với chúng ta. Tuy nhiên, các ngài thức dậy chính xác trong quá trình Biến hình. Chúng ta có thể nghĩ rằng chính ánh sáng của Chúa Giêsu đã đánh thức họ. Giống như họ, chúng ta cũng cần ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng khiến chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách khác: nó thu hút chúng ta, nó đánh thức chúng ta, nó khơi dậy ước muốn và sức mạnh của chúng ta để cầu nguyện, nhìn vào bên trong bản thân và dành thời gian cho người khác. Chúng ta có thể vượt qua sự mệt mỏi của cơ thể với sức mạnh của Thánh Linh Thiên Chúa. Và khi chúng ta không thể vượt qua được điều này, chúng ta phải nói với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con. Xin giúp con: Con muốn gặp gỡ Chúa Giêsu, con muốn tập trung chăm chú, tỉnh thức”. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đưa chúng ta ra khỏi cơn buồn ngủ khiến chúng ta không thể cầu nguyện.

Trong Mùa Chay này, sau những vất vả của mỗi ngày, chúng ta sẽ tốt hơn nếu chúng ta đừng tắt đèn trong phòng mà không đặt mình trong ánh sáng của Chúa. Hãy cầu nguyện một chút trước khi ngủ. Hãy cho Chúa cơ hội để làm chúng ta ngạc nhiên và đánh thức trái tim của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm điều này bằng cách mở sách Tin Mừng và để mình ngạc nhiên trước Lời Chúa, bởi vì Kinh Thánh soi sáng bước đi của chúng ta và thổi bùng ngọn lửa trong tâm hồn. Hoặc chúng ta có thể nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh và ngạc nhiên về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta mệt mỏi và có quyền năng thay đổi ngày tháng của chúng ta, mang đến cho chúng một ý nghĩa mới, một ánh sáng mới, bất ngờ.

Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng con luôn tỉnh thức để đón thời gian hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng con.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Thưa anh chị em, chúng ta vừa cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Cuối tuần này, thành phố mang tên Đức Mẹ, Mariupol, đã trở thành một thành phố bị tàn phá bởi cuộc chiến tàn khốc đang tàn phá Ukraine. Đối mặt với sự man rợ của việc giết hại trẻ em và những công dân vô tội và không được bảo vệ, không có lý do chiến lược nào có thể chấp nhận được: điều duy nhất cần làm là chấm dứt các cuộc xâm lược vũ trang không thể chấp nhận được trước khi thành phố bị biến thành một nghĩa trang. Với trái tim đau đớn, tôi thêm tiếng nói của mình vào tiếng nói của những người bình thường, những người cầu xin sự kết thúc của chiến tranh. Nhân danh Thiên Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ, và chấm dứt các vụ đánh bom và các cuộc tấn công! Hãy tập trung thực sự và dứt khoát vào các cuộc đàm phán, và để các hành lang nhân đạo hoạt động hiệu quả và an toàn. Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu các bạn: hãy dừng cuộc thảm sát này lại!

Tôi muốn một lần nữa thúc giục sự chào đón của nhiều người tị nạn, trong đó Chúa Kitô đang hiện diện, và cảm tạ vì mạng lưới đoàn kết tuyệt vời đã hình thành. Tôi yêu cầu tất cả các cộng đồng giáo phận và tôn giáo hãy gia tăng những giây phút cầu nguyện cho hòa bình. Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của hòa bình, Ngài không phải là Thần chiến tranh, và những kẻ ủng hộ bạo lực đã xúc phạm danh ngài. Bây giờ, chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện cho những người đau khổ, và xin Chúa chuyển đổi trái tim họ thành một ý chí kiên định cho hòa bình.

Tôi chào tất cả các bạn, những người ở Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của các giáo phận Napoli, Fuorigrotta, Pianura, Florence và Carmignano; cũng như phái đoàn của Phong trào Bất bạo động.

Tôi cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật may mắn, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Nga chuẩn bị đánh lớn. Nỗ lực tiếp cứu khẩn cấp cho Kiev. Trung Quốc phản ứng trước báo cáo tiếp tế cho Nga
VietCatholic Media
16:40 14/03/2022


1. Brent Renaud: Nhà báo Mỹ bị giết ở Ukraine

Một nhà báo Mỹ đã thiệt mạng ở Ukraine khi anh ta và một đồng nghiệp bị bắn gần thủ đô Kiev, cảnh sát khu vực và một quan chức chính phủ cho biết như trên.

Lực lượng cảnh sát Kiev cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật rằng quân đội Nga đã nổ súng vào xe của Brent Renaud và một nhà báo khác ở Irpin, cách thủ đô khoảng 10 kmvề phía tây bắc. Họ cho biết nhà báo bị thương đã được đưa đến một bệnh viện ở Kiev.

Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Anton Herashchenko, đã xác nhận vụ việc trên một kênh Telegram.

Không có bình luận ngay lập tức từ các nhà chức trách Nga.

Nhà báo đang điều trị tại bệnh viện cho biết anh và một đồng nghiệp đã bị bắn sau khi họ bị dừng lại ở một trạm kiểm soát ngay sau một cây cầu ở Irpin.

Juan Arredondo nói với nhà báo Ý Annalisa Camilli trong một cuộc phỏng vấn từ bệnh viện trước khi được đưa đi phẫu thuật rằng người đồng nghiệp đi cùng anh đã bị đánh vào cổ và vẫn nằm trên mặt đất vào hôm Chúa Nhật.

Camilli nói với hãng tin AP rằng cô đã ở bệnh viện khi Arredondo đến và chính Arredondo cũng đã bị thương, bị đánh vào lưng khi dừng lại ở một trạm kiểm soát của Nga.

Anh ta nói với Camilli rằng anh ta và Renaud đang quay phim những người tị nạn chạy trốn khỏi khu vực thì họ bị bắn khi đang ở trong một chiếc xe hơi đến gần một trạm kiểm soát. Người lái xe quay lại nhưng quân Nga vẫn tiếp tục bắn vào họ.

Arredondo cho biết một xe cấp cứu đã đưa anh đến bệnh viện và Renaud “bị bỏ lại”.

Tờ New York Times, trả lời các báo cáo rằng Renaud là phóng viên của tờ báo, cho biết trước đây ông đã làm việc cho tờ báo này nhưng chưa được giao nhiệm vụ cho tờ Times ở Ukraine.

“Chúng tôi vô cùng đau buồn khi biết tin Brent Renaud qua đời”, người phát ngôn của tờ báo cho biết trên Twitter.

“Brent là một nhà làm phim tài năng đã đóng góp cho The New York Times trong nhiều năm.”

“Các báo cáo ban đầu rằng anh ấy làm việc cho Times đã lan truyền vì anh ấy đeo huy hiệu báo Times đã được cấp cho nhiệm vụ nhiều năm trước.”

Khi được hỏi về các báo cáo, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với CBS News rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tham khảo ý kiến của người Ukraine để xác định xem điều này xảy ra như thế nào và sau đó sẽ “thực hiện các hành động thích hợp”.

Sullivan nói: “Đây là một phần và toàn bộ những gì đã từng là hành động gây hấn trơ trẽn của người Nga, nơi họ nhắm vào dân thường, họ nhắm vào bệnh viện, họ nhắm vào nơi thờ phượng và nhắm vào các nhà báo”.

2. Úc Đại Lợi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các nhà tài phiệt Nga

Úc Đại Lợi đã áp đặt một làn sóng trừng phạt mới đối với các nhà tài phiệt Nga, trong đó có tỷ phú Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ túc cầu Ngoại hạng Anh Chelsea, có trụ sở tại Vương quốc Anh.

Chính phủ Liên bang hôm nay chỉ đích danh 33 cá nhân là đối tượng của các biện pháp trừng phạt mới. Họ bao gồm chủ tịch của Bank Rossiya, Dmitri Lebedev, và giám đốc điều hành của Gazprom, Alexey Miller.

Ngoại trưởng Marise Payne cho biết đến nay, Úc Đại Lợi đã phải áp đặt 460 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tập đoàn vì hành động xâm lược Ukraine của Nga.

“Các biện pháp trừng phạt được công bố hôm nay củng cố cam kết của Úc Đại Lợi trong việc trừng phạt những người đã tích lũy tài sản cá nhân khổng lồ và có ý nghĩa kinh tế và chiến lược đối với Nga, bao gồm cả kết quả của mối quan hệ của họ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.”

3. 'Chưa bao giờ nghe nói về điều đó': Trung Quốc phản ứng trước báo cáo Nga tìm kiếm sự trợ giúp quân sự

Người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã trả lời báo chí trước tin cho rằng Mạc Tư Khoa đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thiết bị quân sự kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến điều đó”.

Phát ngôn nhân Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu, 刘鹏宇) cho biết ưu tiên của Trung Quốc là ngăn chặn tình hình căng thẳng ở Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Tình hình hiện tại ở Ukraine thực sự đáng lo ngại,” ông nói trong một email trả lời cuộc điều tra từ hãng tin Reuters.

Trước đó, thông tấn xã Reuters, cho biết Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự kể từ cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, tờ Financial Times và Washington Post đưa tin hôm Chúa Nhật, dẫn lời các quan chức Mỹ.

Tòa Bạch Ốc cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan sẽ đến Rôma vào thứ Hai để gặp gỡ nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Nga, cho đến nay vẫn gọi hành động của mình ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt”, đã thắt chặt hợp tác với Trung Quốc khi họ phải chịu áp lực mạnh mẽ của phương Tây về nhân quyền và một loạt các vấn đề khác.

Bắc Kinh đã không lên án cuộc tấn công của Nga và không gọi đây là một cuộc xâm lược, nhưng đã thúc giục một giải pháp thương lượng.

Washington Post cho biết các quan chức Mỹ chưa xác nhận loại vũ khí nào được yêu cầu hoặc Trung Quốc đã phản ứng như thế nào.

4. Vương quốc Anh tặng hơn 500 máy phát điện di động cho Ukraine

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo rằng chính phủ sẽ tặng hơn 500 máy phát điện di động cho Ukraine để giúp cung cấp điện cho các công trình trọng điểm như bệnh viện, nhà tạm trú và nhà máy xử lý nước.

Chính phủ Anh đã thành lập một nhóm chuyên trách hỗ trợ mạng lưới điện Ukraine mới, bao gồm nhiều nhà cung cấp điện hàng đầu. Họ sẽ cung cấp máy phát điện từ kho của họ, với nhiều máy dự kiến sẽ được chuyển qua các nước láng giềng. Tổng cộng, chúng sẽ cung cấp đủ điện cho 20,000 ngôi nhà hoặc các tòa nhà tương đương.

Thủ tướng nói: “Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả bi thảm ở Ukraine do sai lầm nghiêm trọng của Vladimir Putin mỗi ngày, và chúng ta sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để hỗ trợ cuộc kháng chiến của Ukraine chống lại cuộc xâm lược bất hợp pháp này thông qua các biện pháp kinh tế, ngoại giao và nhân đạo, như cũng như cung cấp các thiết bị quân sự phòng thủ”.

“Giờ đây, chúng ta sẽ gửi máy phát điện để giảm bớt khó khăn do tình trạng mất điện hiện nay và giúp duy trì hoạt động của các dịch vụ quan trọng để người dân Ukraine có thể tiếp tục bảo vệ đất nước của họ”.

Chính phủ cho biết kế hoạch này xuất hiện từ các cuộc thảo luận gần đây được tổ chức giữa tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đại sứ Ukraine tại Anh, Vadym Prystaiko, Thủ tướng Johnson và bộ trưởng năng lượng, Kwasi Kwarteng.

Kwarteng nói: “Việc gửi các máy phát điện di động đến Ukraine sẽ giúp duy trì hoạt động của các dịch vụ thiết yếu, làm suy yếu nỗ lực của Putin nhằm làm tê liệt nguồn cung cấp điện của Ukraine và giúp hỗ trợ phản ứng cực kỳ dũng cảm của Ukraine đối với cuộc chiến của Điện Cẩm Linh.”

Zelenskiy đã gửi một bài phát biểu mạnh mẽ tới các nghị sĩ bằng liên kết video tới Hạ viện vào tuần trước, trích dẫn lời Shakespeare và Churchill. Ông kêu gọi chính phủ Anh tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và lập lại một vùng cấm bay trên đất nước của ông.

“Xin hãy gia tăng sức ép của các lệnh trừng phạt đối với Nga và vui lòng công nhận quốc gia này là một quốc gia khủng bố. Hãy bảo đảm rằng bầu trời Ukraine của chúng tôi được an toàn. Hãy bảo đảm rằng các bạn làm những gì cần phải làm và những gì được quy định bởi sự vĩ đại của đất nước các bạn.”

Tuy nhiên, Anh, cùng với Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ, đã bác bỏ ý tưởng về vùng cấm bay vì lo ngại rằng nó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga là nước có vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, Anh đã tiếp tục cung cấp thiết bị quân sự cho các lực lượng Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết tuần trước rằng các viện trợ quân sự sẽ bao gồm vũ khí phòng không Starstreak và tên lửa chống tăng Javelin.

Quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Michael Gove, cho biết hôm Chúa Nhật rằng Putin đã “thể hiện mức độ tàn nhẫn vượt quá mức mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên trái đất có thể làm vào lúc này”, và cảnh báo rằng những gì đã xảy ra ở Aleppo, Syria, đã đưa ra “những động thái đáng sợ”.

Thủ tướng Johnson tuần trước nói rằng Putin có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine.

Lãnh đạo Lao động, Keir Starmer, cho biết hôm Chúa Nhật rằng bất kỳ phản ứng nào đối với một cuộc tấn công như vậy sẽ phải được Nato đồng ý.

“Luôn có một nguy cơ leo thang ớn lạnh mà không ai trong chúng ta muốn thấy. Tôi nghĩ giữa một cuộc xung đột như thế này, chúng ta không nên suy đoán chuyện gì sẽ xảy ra,” ông nói với Sky News. “Chúng ta phải làm việc theo từng bước với các đồng minh Nato, phản ứng khi mọi thứ phát triển, nhưng ở giai đoạn này, thảo luận về các phản ứng đối với những gì có thể xảy ra, tôi nghĩ không hữu ích trong một cuộc xung đột như thế này.”

5. Nga chuẩn bị cho một số cuộc tấn công mới

Quân đội Ukraine cho biết quân đội Nga đang cố gắng giành ưu thế tại các vị trí bị chiếm đóng, duy trì nhịp độ tấn công và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.

“Kẻ thù đang hình thành và di chuyển các lực lượng dự bị chiến lược đến biên giới của chúng ta”, bộ tham mưu Ukraine cho biết trong một bản tin hàng ngày vào đầu ngày thứ Hai, và nói thêm rằng các cuộc tấn công mới được dự kiến vào Kharkiv, Sumy và vùng ngoại ô Browari của Kiev.

Phía Ukraine cáo buộc rằng các lực lượng Nga đang phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự cố định ở nước này, trái với luật nhân đạo quốc tế.

Trong một diễn biến khác, Ukraine nói với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, gọi tắt là IAEA, rằng các nhân viên vận hành cơ sở chất thải phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Chernobyl đã ngừng thực hiện các công việc sửa chữa liên quan đến an toàn do kiệt sức.

“Cơ quan quản lý Ukraine đã thông báo với IAEA rằng các nhân viên tại Chernobyl không còn tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị liên quan đến an toàn, một phần do sự mệt mỏi về thể chất và tâm lý của họ sau khi làm việc không ngừng trong gần ba tuần,” IAEA cho biết trong một tuyên bố.

6. Blinken, Kuleba của Ukraine nói chuyện về nỗ lực ngăn chặn chiến tranh

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại Trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, đã thảo luận trong một cuộc gọi viễn liên về các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Nga đối với các nước láng giềng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai.

Người phát ngôn Ned Price cho biết: “Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Kuleba đã thảo luận về những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra để ngăn chặn cuộc chiến vô lý của Putin”.

“Bộ trưởng nhắc lại sự đoàn kết kiên định của Hoa Kỳ với Ukraine để bảo vệ chống lại sự xâm lược tàn bạo tiếp tục của Điện Cẩm Linh.”

Blinken đã lên án một cuộc tấn công của Nga vào một căn cứ lớn của Ukraine gần biên giới với thành viên NATO là Ba Lan, khiến 35 người thiệt mạng và 134 người bị thương.

Blinken viết trên Twitter: “Chúng tôi lên án vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Liên bang Nga nhằm vào Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế ở Yavoriv, gần biên giới của Ukraine với Ba Lan. “Sự tàn bạo phải dừng lại.”

Tòa Bạch Ốc cũng nói thêm rằng: Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Emmanuel Macron của Pháp đã nhấn mạnh cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược Ukraine.

7. Ukraine và Nga sẽ tổ chức một vòng đàm phán mới vào thứ Hai

Mykhailo Podoliak, cố vấn của tổng thống Zelenskyy và một phần của nhóm đàm phán, cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bằng cầu truyền hình.

Tuyên bố của ông trên Twitter đã xác nhận tuyên bố trước đó của Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga.

Ukraine cho biết hàng nghìn người đã di tản khỏi các thành phố nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine đã có thể di tản hơn 5,550 người khỏi các thành phố tuyến đầu vào Chúa Nhật thông qua chín hành lang nhân đạo.

Bà cho biết 3,950 người đã được di tản khỏi các thị trấn và thành phố trong vùng Kiev.
 
Hoạt động của Đức Hồng Y Krajewski ở Ukraine. Đức Hồng Y Parolin bất mãn trước lời nói đổ dầu vào lửa của Kirill
VietCatholic Media
16:47 14/03/2022


1. Đức Hồng Y Krajewski ở Ukraine: “Với lời cầu nguyện, chúng ta có thể ngừng chiến tranh”

Đức Hồng Y Konrad Krajewski đã chủ sự buổi lễ cầu nguyện liên tôn cho hòa bình tại nhà thờ chính tòa Lviv, vào trưa thứ Năm. Trong số những người tham gia có đại diện của các Giáo hội và cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Ukraine.

Buổi lễ cầu nguyện liên tôn tại Nhà thờ Lviv có sự tham dự của hai Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine: Tổng Giám mục Thủ đô Lviv Mieczyslaw Mokrzycki và nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk. Các giám mục chính thống cũng có mặt, kể cả những người trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Phát biểu sau lễ cầu nguyện, Đức Hồng Y Krajewski, đang ở Ukraine để mang sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến với những người đau khổ, cho biết Giáo hội ở Ukraine đang đoàn kết.

Ngài nói: “Một Giáo hội bị chia rẽ là một tai tiếng lớn, và lưu ý rằng” Hôm nay tất cả chúng ta đều đoàn kết, mọi người cùng nhau cầu nguyện và cầu xin Chúa cho sự bình an, theo Phúc âm.”

Diễn tả lời cầu nguyện hợp xướng đang bay lên “như khói hương”, Đức Hồng Y nói “đây là sức mạnh của chúng ta” và ngài bày tỏ mong muốn “truyền lại sức mạnh này cho người dân Ukraine.”

“Nhờ đức tin, chúng ta có thể dời núi. Tôi tin vào điều đó. Thậm chí nhiều hơn thế để ngăn chặn một cuộc chiến ngu ngốc, “ông nói.

Trong buổi chiều, đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng đã đến thăm biên giới Ukraine-Ba Lan Rawa Ruska-Hrebenne, nơi ngài hỏi thăm tình hình ở đó và gặp gỡ các tình nguyện viên đang giúp đỡ những người tị nạn đang chờ vượt biên.

Sau đó, ngài đã cầu nguyện với những người tị nạn tại Giáo xứ Thánh Gioan Phaolô II ở Lviv và ăn tối với họ.
Source:Vatican News

2. Đức Hồng Y Krajewski ở Ukraine 'với logic của Tin Mừng'

Quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với các nhà báo ở Lviv, Ukraine, hôm thứ Năm, khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

“Tôi không phải là một nhà ngoại giao. Tôi đến đây với logic của Tin Mừng. Đó là những gì Chúa Giêsu sẽ làm. Ngài luôn đứng về phía những người cùng khổ. Đức Thánh Cha cũng sử dụng lôgic này của Phúc Âm”.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski nói với các phóng viên hôm thứ Năm tại thành phố Lviv, miền tây Ukraine, nơi ngài đang bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người đau khổ.

Hiện diện là tình yêu

Vị Hồng Y 58 tuổi, người đứng đầu Văn phòng bác ái của Đức Giáo Hoàng, là cơ quan của Tòa thánh chịu trách nhiệm thực hiện các công việc bác ái cho người nghèo nhân danh Đức Giáo Hoàng, cho biết điều quan trọng là phải có mặt tại “quốc gia bị đau khổ” nhấn mạnh “sự hiện diện là tên đầu tiên của tình yêu”. Bên cạnh việc hỗ trợ tinh thần và chia sẻ đức tin của chúng tôi với những người, “chúng tôi cũng mang theo hy vọng thoát khỏi tình huống khủng khiếp này”.

Có sự giúp đỡ rất cụ thể cho Ukraine thông qua các kênh ngoại giao và cả địa phương. Trong khi đó, các ngoại trưởng Ukraine và Nga đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm. Khi được hỏi liệu có thể nói về các cuộc đàm phán trong khi các bệnh viện đang bị đánh bom, Đức Hồng Y Krajewski nói rằng ngài không phải là một nhà ngoại giao nhưng đã ở đây với “logic của tình yêu” giống như Chúa Giêsu đã làm.

Cầu nguyện, ăn chay, bố thí

Ngài nói về “ba vũ khí tinh vi nhất trên thế giới: cầu nguyện, ăn chay và bố thí”. “Bố thí có nghĩa là điều gì đó khiến tôi đau đớn, tôi đau khổ vì tôi phải chia sẻ bản thân với người khác - và điều này chúng ta phải làm bây giờ, ngay tại Âu Châu, khi chúng ta trả các hóa đơn cao hơn chính vì cuộc chiến này đang tồn tại.” Đề cập đến Tin Mừng trong ngày, ngài nói, “Ai gõ cửa cuối cùng sẽ thấy cửa mở, ai cầu nguyện sẽ nhận được, nhưng chúng ta phải kiên trì.”

Vũ khí mạnh mẽ khác là chay tịnh, đó là “Tôi mời Chúa vào ngay trong tôi, tôi khao khát sự hiện diện của Ngài, qua việc chay tịnh, tôi muốn loại bỏ khỏi tôi mọi thứ không thuộc về Ngài để nhường chỗ cho Ngài.”

Niềm tin có thể dời núi

Ngoài ra còn có vũ khí của đức tin “có thể dời núi, huống chi là những cuộc chiến ngu ngốc như thế này”. Ngài cho biết niềm tin cũng là sức mạnh của những người Ukraine, những người có tình yêu với đất nước và gia đình của họ đã xoay sở để kháng chiến và cứu quê hương của họ. Nó cũng có thể gây sợ hãi cho những ai đang tấn công Ukraine.

Vị Hồng Y 58 tuổi cho biết ngài sẽ rời Lviv và có kế hoạch đi xa nhất có thể về phía đông. Ngài cảm ơn các nhà báo đã có mặt ở đó và nói rằng họ đang làm nhiều điều cho Ukraine.
Source:Vatican News

3. Đức Hồng Y Parolin cảnh báo rằng những lời nói của Thượng Phụ Kirill đang 'đổ dầu vào lửa'

Trong một cuộc hội thảo được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Angelicum ở Rôma vào ngày 9 tháng 3, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên bố vụ đánh bom một bệnh viện nhi đồng ở Mariupol là “không thể chấp nhận được”. Đức Hồng Y cho rằng sự leo thang của cuộc chiến đã lên đến mức mà giờ đây ngài coi là một “cuộc chiến tổng lực”.

Nhân vật số 2 của Tòa thánh đã bình luận về cuộc không kích của Nga mà theo người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk, đã phá hủy một bệnh viện Marioupol có các dịch vụ sản phụ và nhi khoa, giết chết và làm bị thương một số trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngài nói rằng người Nga “không thể nào biện minh được” cho một hành động như vậy.

Được các nhà báo đặt câu hỏi, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng quay lại cuộc thảo luận qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, vào ngày 8 tháng 3. Đức Hồng Y bày tỏ sự thất vọng vì ngài “không nhận được bất cứ sự bảo đảm nào” về việc thiết lập các hành lang nhân đạo từ ngoại trưởng Nga.

Không có cuộc gặp với Kirill vào lúc này

Hãng thông tấn ANSA đưa tin, Đức Hồng Y Parolin cũng nghi ngờ về một cuộc gặp gỡ có thể xảy ra giữa Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Kirill trong bối cảnh hiện tại.

Hôm 18 tháng 2, Đại sứ Nga cạnh Tòa thánh tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đang xem xét tổ chức cuộc gặp thứ hai giữa hai vị - sau cuộc gặp lịch sử ở Cuba vào năm 2016. Cuộc gặp gỡ mới giữa Đức Thánh Cha và Thượng Phụ Kirill dự trù sẽ diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7 này. Phát biểu của Đức Hồng Y Pietro Parolin cho thấy, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, Vatican đã tỏ ra không tha thiết với một cuộc gặp gỡ như thế.

Khi được hỏi về khả năng của một cuộc họp như vậy, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “hiện tại thì không có khả năng nào.” Ngài cho biết tình hình hiện tại là “rất phức tạp” do những căng thẳng hiện có “giữa các Giáo hội.”

Những lời của Kirill có nguy cơ “đổ dầu vào lửa”

Đề cập đến những tuyên bố gần đây của nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga - trong đó ông trình bày cuộc chiến hiện tại như một biện pháp bảo vệ chống lại sự suy giảm các giá trị ở phương Tây - Đức Hồng Y Parolin nói rằng những lời lẽ nhằm bênh vực cho Putin như thế có nguy cơ “làm tăng thêm động lực chiến tranh và dẫn đến sự leo thang cuộc khủng hoảng đến mức không thể giải quyết các vấn đề một cách hòa bình”.
Source:Aleteia