Ngày 14-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/03: Chúa Giêsu Đến Để Kiện Toàn Lề Luật – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:59 14/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Đó là lời Chúa
 
Chung một đường, cùng một đích
Lm Minh Anh
14:47 14/03/2023

CHUNG MỘT ĐƯỜNG, CÙNG MỘT ĐÍCH
“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”.

Một nhà tu đức nói, “Khi ngu khờ, chúng ta muốn chinh phục thế giới; khi khôn ngoan, chúng ta muốn chinh phục cái tôi! Cuộc sống của bạn không được đo bằng những gì giành được, nhưng bằng nỗ lực của toàn bộ xác hồn khi xác và hồn ‘chung một đường, cùng một đích’; đó là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Chung một đường, cùng một đích’, đó cũng là chí hướng phải có nơi người môn đệ Chúa Giêsu mà Lời Chúa hôm nay cho thấy! Quả vậy, mọi lề luật cũ và mới đều ‘chung một đường’: “yêu như Chúa yêu”; ‘cùng một đích’: ‘Kính mến Chúa trên hết mọi sự!’.

Môisen, trong bài đọc thứ nhất, nói với dân, “Tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa mà truyền dạy cho anh em biết lề luật và huấn lệnh Ngài!”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Từ Môisen đến Chúa Giêsu, việc giữ luật được thực hiện theo hai cách: chu toàn điều được yêu cầu, và hoàn thành những điều còn thiếu. Chúa Giêsu chu toàn luật cũ và hoàn thành nó bằng luật mới yêu thương. Ngài chu toàn nó không chỉ bằng cách hoàn thành mỗi giới răn, nhưng bằng việc cho thấy mọi giới răn đều ‘chung một đường, cùng một đích’. Đường đó là đường yêu thương, đường dâng hiến; và đích tự nhiên của chúng là chính Thiên Chúa. Phaolô thật chí lý khi nói, “Yêu thương là chu toàn cả lề luật!”.

Chúa Giêsu nói thêm, “Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”. Ngài đang nói đến ‘tính toàn diện’ của luật mới. Các giới răn đi trên đường yêu thương sẽ không bao giờ bị giới hạn; trái lại, toả lan và vươn đến tận cùng trái đất! Không vật tạo thành nào trong vũ trụ lại nằm ngoài quy luật yêu thương Ngài dạy; không thực thể nào, dù là nhỏ nhất, thoát khỏi yêu cầu của luật yêu thương này. Sử dụng phép ẩn dụ, “một chấm, một phẩy”, Ngài cho thấy sự ‘hoàn thiện tuyệt đối’ của luật. Tình yêu và đòi hỏi của nó vươn tới chỗ xa nhất của vũ trụ, đến sinh vật nhỏ nhất được tạo thành, và đến tận mút cùng của thời gian!

Các điều của luật cũ được nêu trong Mười Điều Răn như ‘ngươi không được giết người; không được tà dâm…’ là những vi phạm nghiêm trọng nhưng dễ xác định, chúng chỉ là những hành động bên ngoài; nhưng các điều răn của luật mới như ‘ngươi không được biểu lộ sự tức giận; không được ham muốn trong lòng; hãy tha thứ cho kẻ thù…’ diễn đạt tinh tế hơn, và vì thế, chúng thường khó giữ hơn. Sống những giới răn này với động cơ thích hợp và thái độ ân cần, tận tụy, là điều ‘khiến cho một con người trở nên vĩ đại!’. Lấy tình yêu làm động lực cho mọi hành động, không chỉ giúp chúng ta lên thiên đàng, mà còn giúp chúng ta được chia sẻ nhiều hơn trong hạnh phúc và vinh quang của Đấng ở trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Bản thân Chúa Giêsu chính là toàn bộ lề luật. Và toàn bộ lề luật này được kiện toàn bằng chính cái chết của Ngài. Ngài đã “khôn ngoan chinh phục cái tôi”, nên Ngài đã “chinh phục cả thế giới”. Bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã chịu chi phối bởi tất cả lề luật Cựu Ước và luật tự nhiên, nhưng Ngài đã mặc cho chúng một giá trị vĩnh cửu bằng tình yêu trao hiến của Ngài cho Chúa Cha và tha nhân, triệt để cho đến chết. Như thế, việc tuân giữ lề luật của chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi bạn và tôi làm mọi sự chỉ vì ước mong trở nên giống Chúa Giêsu. Và Ngài đã là toàn bộ lề luật, thì cả chúng ta cũng thế, chúng ta trở nên một Giêsu khác, ‘chung một đường, cùng một đích’ với Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con khôn ngoan chinh phục cái tôi, để dù không chinh phục cả thế giới, con, với tư cách môn đệ Ngài, vẫn có thể chinh phục cho Chúa những ai Chúa trao cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 14/03/2023

16. Nếu con lấy lòng nhiệt thành đọc kinh Kính Mừng, thì nhất định con sẽ làm cảm động đến Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ Ma-ri-a.

(Thánh Monfort)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 14/03/2023
2. MƯA

Có một thương gia phi ngựa nhanh để về nhà, ông ta từ Niên Trung của thành phố Du Lân vội vàng trở về, trên người mang rất nhiều tiền. Trời đang mưa lớn như trút, thật tội nghiệp cho người thương gia ấy toàn thân đều bị thấm ướt, tâm tình ông ta rất là bực bội, trên đường đi không ngừng oán trách Thiên Chúa, tại sao đúng lúc ông ta trở về nhà thì lại cho thời tiết xấu như thế?

Ông ta băng vào một chỗ trong rừng giữa mưa, đột nhiên trong rừng nhảy ra một tên cướp, tay cầm súng, ngón tay đang để trong cò súng. Trong tình huống kinh hãi như thế ông ta run cầm cập, trong lòng nghĩ mình chắc chết. Nhưng có ai ngờ được vì mưa lớn nên thuốc súng bị ướt nên súng không thể dùng được. Người thương gia nhìn thấy tình hình như vậy lập tức quất ngựa phi nước đại chạy khỏi đó, cuối cùng thoát khỏi nguy hiểm.

Sau khi ông ta đã đến nơi an toàn, tự mình nói:

- “Mình than phiền thời tiết xấu thực ra mình rất là ngu xuẩn. Mình nên đem nó biến thành quà tặng của Thiên Chúa và cam tâm tình nguyện mới đúng. Giả như hôm nay trời nắng đẹp, không khí vừa trong lành vừa sảng khoái, thì bây giờ mình toàn thân đầy máu gục bên đường rồi. Con cái mình mãi mãi đợi không thấy cha chúng nó trở về, mình đã than phiền trận mưa lớn này, nhưng nó đã cứu mạng sống và tiền bạc của mình."

(Một trăm câu chuyện)

Suy tư ngắn 2:

Trong cuộc sống, mọi sự đều do Thiên Chúa an bài sắp xếp, đôi lúc chuyện xảy ra thì mình oán trời trách người, thực ra tất cả đều có lợi cho linh hồn của chúng ta. Bởi vì một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng là ý của Thiên Chúa.

Chúng ta nhìn việc trước mắt để oán trách, nhưng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt quá khứ hiện tại và tương lai, nên Ngài biết linh hồn chúng ta cần gì để ban cho, dù việc đó không có lợi cho thân xác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phiên họp cấp lục địa về tính đồng nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu
Vu Van An
13:53 14/03/2023

Phiên họp cấp lục địa về tính đồng nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 2 năm 2023.

Theo trang mạng chính thức của nó, https://bangkok.synod2023.org, Phiên họp đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan (Nhà Gieo Trồng) của Tổng giáo phận Bangkok. Các đại biểu phát xuất từ 29 quốc gia thống thuộc Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu.



Họ được chia thành ba nhóm chính: Nhóm thứ nhất bao gồm 3 đại diện của từng Hội đồng Giám Mục (chủ tịch và 2 đại biểu được đề cử). Nhóm thứ hai gồm các chủ tịch của các phân ban của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu. Nhóm thứ ba bao gồm thành viên của Ủy ban Đồng nghị Châu lục. Bởi thế, trong số các đại biểu, có 6 Hồng Y, 5 Tổng Giám Mục, 18 Giám Mục, 28 linh mục, 4 nữ tu vá 19 giáo dân.

Các tham dự viên tại phiên họp ở Bangkok có nhiệm vụ đào sâu và tiếp tục biện phân những điều đã xuất hiện trong các giai đoạn trước, tức giai đoạn giáo phận và quốc gia, nhằm mục đích phát biểu có hệ thống các câu hỏi mở một cách chính xác hơn và chứng minh cũng như lên xương thịt cho các tầm nhìn thông sáng phát xuất từ các Giáo Hội địa phương, nhưng nay trong viễn ảnh châu lục.

Cũng như các phiên họp châu lục khác, Phiên họp kết thúc bằng việc soạn thảo Tài liệu Sau cùng của Giai đoạn Châu lục. Tài liệu này phải là thành quả của con đường đồng nghị chân chính, tôn trọng diễn trình đồng nghị đã được thực sự thi hành, nhờ thế phản ảnh được tiếng nói của dân Chúa ở Châu lục.

Trong thánh lễ khai mạc, Đức Hồng Y Oswald Gracias cho hay: “trong ba ngày sắp tới, chúng ta sẽ cùng đi với Chúa Giêsu lên Núi Tabor, lắng nghe Người, bước đi với Người để thấy Chúa hiển linh”.

Ngày họp thứ nhất, 24 tháng 2, 2023

Thánh lễ Chúa Thánh Thần sáng nay đặt dưới sự chủ tọa của Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi SVD, Tổng Giám mục Tokyo và là Tổng Thư ký của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu.

Trong bài giảng, ngài kể lại những kinh nghiệm của mình trong tư cách một nhà truyền giáo, nơi ngài chứng kiến những tình huống tuyệt vọng và thờ ơ hủy hoại tinh thần và linh hồn, cũng như những tình huống hy vọng và tình yêu mang lại sự sống và niềm vui trong tinh thần liên đới. Thánh lễ kết thúc với việc làm phép Nến, tượng trưng cho Ánh sáng của Chúa Kitô, là ánh sáng truyền cảm hứng và thúc đẩy người ta phản ảnh hành trình của Thượng hội đồng.

Trong phiên định hướng, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y Mario Grech, đã nhắc nhở các đại biểu rằng “tất cả chúng ta đều là những người học hỏi Tính đồng nghị”. Ngài nói, “một Giáo hội Đồng nghị là một Giáo hội biết lắng nghe,” nhấn mạnh rằng sự thành công của tiến trình phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của dân Chúa và mục tử. Ngài lưu ý rằng tính đồng nghị hữu hiệu không bao giờ đặt người dân và các mục tử vào thế cạnh tranh, nhưng giữ cho họ liên lạc với nhau liên tục. Đức Hồng Y Grech kết luận bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe; lắng nghe Chúa Thánh Thần và trong tư cách một Giáo hội lắng nghe, Giáo hội không được giới hạn vào một thuật ngữ hoa mỹ nhưng đúng hơn là truyền đạt thực tại.

Bà Christina Kheng, từ Ủy ban Phương pháp Thượng Hội đồng, đã chia sẻ quan điểm của bà về hành trình của Thượng Hội đồng. Bà nói rằng tất cả những người có mặt ở đây đều là người tham gia, không phải người ngoài cuộc. Mục đích của Thượng hội đồng không phải là để tạo ra các tài liệu, mà là để gieo những giấc mơ, vẽ ra những tầm nhìn, khơi dậy niềm tin, băng bó những vết thương, dệt nên những mối liên hệ, đánh thức một bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một tinh thần tháo vát tươi sáng. Bà cũng nói rằng những người tham gia không bị buộc phải đưa ra một tuyên bố, mà là gặp gỡ nhau như một cộng đồng biện phân, và trải nghiệm việc cùng nhau bước đi trong Chúa Thánh Thần trong tư cách dân Chúa ở Châu Á.

Là một phần trong tiến trình suy gẫm của Thượng Hội đồng, các đại biểu đã được giới thiệu về linh đạo của việc biện phân, qua bài thuyết trình của Cha Anthony James Corcoran SJ, Giám quản Tông tòa tại Kyrgyzstan. Ngài nói rằng sự biện phân là một hành trình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, một việc chết đi theo sau là việc trỗi dậy, nghĩa là trong việc từ bỏ các kế hoạch, các chắc mẩm và nghị trình của mình, đồng thời để bản thân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào cuộc sống mới.

Cha Clarence Devadass nhấn mạnh rằng Khung Dự thảo là một tài liệu làm việc được thiết kế để cho phép các đại biểu cùng nhau hành trình trong lời cầu nguyện ngõ hầu biện phân, thảo luận và suy tư và ngài cũng nhấn mạnh rằng Dự thảo nhằm bắt đầu quá trình biện phân, ngõ hầu kết luận của nó đại diện cho giấc mơ, các ước mơ, hoài bão và nỗi buồn của lục địa.

Đức cha Stephen Chow SJ, Giám mục Hồng Kông, Bà Susan Pascoe, Thành viên của Ủy ban Đặc trách Thượng Hội đồng về Giai đoạn Lục địa, và bà Joy Candelario, Thành viên tham gia Hội nghị Lục địa Châu Á về Tính đồng nghị từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi luật tân, là các điều hợp viên hôm nay.

Những người tham gia nói gì

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng hội đồng, giải thích rằng “Sứ mệnh của chúng ta là cố gắng đưa Thánh ý Chúa vào thực hành. Tiến đến chỗ biết được Ý Muốn của Thiên Chúa là một nhiệm vụ. Người ta có thể tự mình đi đến kết luận thông qua sự biện phân bản thân. Nhưng sẽ an toàn hơn nếu việc biện phân này được thực hiện như một giáo hội, như một cộng đoàn giáo hội. Đó là Giáo hội Đồng nghị, một Giáo Hội cam kết thực hiện Thánh ý Thiên Chúa. Và để chắc chắn rằng chúng ta đang thi hành thánh ý Thiên Chúa, chúng ta mời tất cả những người đã được rửa tội đến gặp nhau, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau biện phân với các vị mục tử của họ vì dù sao, chúng ta có hồng ân này trong Giáo hội, đó là thừa tác vụ của các giám mục. Các giám mục có đó để hướng dẫn cộng đồng, để giúp cộng đồng chắc chắn hơn rằng chúng ta đang thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Và chúng ta, trong tư cách một Giáo Hội, sẽ thành công trong việc thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Nó sẽ đem lại một đóng góp to lớn cho nhân loại. Nó sẽ mang đến một sự khác biệt bởi vì Thiên Chúa yêu thế giới. Thiên Chúa yêu thương con người. Tất cả những gì chúng ta cần là tìm cách nhận ra Tình Yêu của Người và thực thi, đưa vào thực hành Tình Yêu của Thiên Chúa. Dù sao, đây là hoạt động mục vụ của tất cả các Kitô hữu”

Khi được hỏi về việc mở rộng không gian trong lều của chúng ta, ngài trả lời “À, ý tưởng này phát xuất từ cuộc họp Frascati vì tài liệu được viết tại Frascati sau khi nhận định về sự đóng góp của các hội đồng giám mục khác nhau. Ý tưởng là Giáo hội phải mở cửa. Đó là một Giáo Hội liên tục thi hành sứ mệnh. Và khi chúng ta thực hiện sứ mệnh, không ai bị loại trừ. Không ai bị loại trừ khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa. Và một lần nữa, để có thể tiếp cận và tương tác với mọi người, đó không phải là điều mà chúng ta đã hoàn thành, được thực hiện bởi một cá nhân hay một nhóm nhỏ. Tất cả những người có thiện chí đều được mời tham gia vào sứ mệnh cao đẹp này.”

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay được phỏng vấn về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, ngài nói “Giáo hội Đồng nghị là Giáo hội đồng hành với nhau. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi tất cả mọi người, những người Công Giáo trên toàn thế giới hãy thực sự suy tư về Thượng Hội đồng. Điều này có nghĩa là không có ai bị bỏ rơi. Nó quay trở lại Công đồng Vatican II vốn nhấn mạnh rằng việc thánh hiến phép rửa tội của chúng ta khiến chúng ta trở thành thành viên của gia đình này và không ai bị loại ra khỏi gia đình. Những người yếu đuối, bệnh tật, họ là một phần của gia đình.

"Tôi đã có một Thượng Hội Đồng trong tổng giáo phận của tôi và chúng tôi đã cố gắng hết sức để nhìn, để tiếp cận với mọi người. Tôi rất vui vì chúng tôi có thể mời được một số người đã lâu không đi nhà thờ.

"Chúng tôi cũng có thể mời những người chuyển giới, những người thực sự cảm thấy rất xấu hổ về bản thân nhưng họ đã đến buổi gặp mặt của chúng tôi. Chúng tôi cũng có những người đã kết hôn bên ngoài Giáo Hội. Vì vậy, mọi người, có những khó khăn, chúng tôi hiểu. Nhưng mọi người đều thuộc về Giáo hội. Ý tưởng là để bày tỏ lòng cảm thương của Chúa Kitô đối với mọi người, bao gồm tất cả mọi người và khiến mọi thành viên của Giáo hội cảm thấy rằng họ quan hệ. Họ rất quan trọng. Họ tham gia.

Và họ thực hiện sứ mệnh của Giáo hội mà chúng ta đang ở đây cho Thượng hội đồng lục địa, trong đó, cả Châu Á cùng nhau suy tư. Đây vẫn là một phần của diễn trình.

Diễn trình sẽ tiếp tục. Chúng ta suy nghĩ ở bình diện thế giới và sau đó một lần nữa sau một số suy nghĩ, chúng ta sẽ lại gặp nhau. Chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho Giáo hội đối với mọi tín hữu của Giáo hội, đặc biệt là những người yếu đuối. Xin Thiên Chúa phù hộ anh chị em và cảm ơn anh chị em đã tham gia vào cuộc cùng nhau bước đi của chúng ta này".

Cha Anthony James Corcoran, SJ., Giám quản Tông tòa tại Kyrgyzstan được yêu cầu chia sẻ ý tưởng về tính đồng nghị, ngài nói rằng “Thượng hội đồng không có gì hoàn toàn mới trong Giáo hội. Ngược lại, ngay từ thế kỷ thứ 4, Thánh Gioan Kim Khẩu, giáo phụ vĩ đại của Giáo hội, đã nói rằng Thượng hội đồng và Giáo hội đồng nghĩa với nhau. Vì vậy, tôi đoán nó đòi hỏi hai điều. Đầu tiên, đó là sự tín thác, và tín thác Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Đây là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Người hứa sẽ ở bên Giáo Hội cho đến tận thế. Người hứa không những cứu chúng ta mà còn thánh hóa chúng ta. Vì vậy, Thượng hội đồng thực sự là một cách để nói xin vâng.

Cần có sự tín thác, sự mạnh dạn, vốn thực sự là niềm tín thác và một thực hành.

Thứ hai, tôi nghĩ Thượng Hội Đồng, một việc luôn luôn cùng đi với nhau, hành trình với nhau có nghĩa là chúng ta sẽ biết rất rõ chúng ta là ai. Khi chúng ta không chỉ cùng nhau hành trình dựa trên chính bản thân mình, chúng ta hành trình với đức tin của chúng ta, phép rửa của chúng ta và đức tin lớn lao của gia đình chúng ta. Và chúng ta đang hành trình tiến tới cõi vĩnh hằng ngay trong cuộc đời này. Thượng hội đồng và làm việc với nhau không bao giờ tách biệt khỏi việc chúng ta là ai trong tư cách người Công Giáo, chúng ta ở trong Giáo hội, chúng ta có truyền thống tông đồ.

Không có Thượng hội đồng, không có việc làm việc với nhau bên ngoài bối cảnh đó. Và sau đó, chúng ta thực sự có thể tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ chúc lành cho chúng ta trong những gì chúng ta đang làm.”

Khi được hỏi về việc mở rộng không gian cho lều của chúng ta, ngài trả lời “Mở rộng không gian cho lều của chúng ta! Tôi thực sự thích kiểu nói đó. Bởi vì nó đúng như thế bất cứ khi nào chúng ta tin cậy Chúa Thánh Thần và để Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Giống như Người mở rộng trái tim và linh hồn của chúng ta.

Từ chúng ta, Người tạo ra hơn tổng số những con người của chúng ta và việc nối dài này luôn là một thao tác đòi hỏi một điều mới mẻ, một điều gì đó chúng ta chưa quen thuộc. Nhưng đó là cách hoạt động của Chúa Thánh Thần luôn gia tăng, luôn mở rộng. Để chúng ta trở thành hơn những con người mà chúng ta được kêu gọi trở thành.”

Ngày họp thứ hai: Chúa Thánh Thần như Đấng Trung Gian

Ngày thứ hai của đại hội mở đầu bằng một lời cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt và khuyến khích tất cả những người tham gia vào cuộc hành trình của Thượng hội đồng này. Lời cầu nguyện Thượng hội đồng, vốn có một quá khứ lịch sử phong phú, hạn từ đầu tiên trong tiếng Latinh, có nghĩa là “Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đứng trước mặt Chúa,” đã được sử dụng hàng trăm năm tại nhiều Công đồng, Thượng hội đồng và các cuộc họp khác của Giáo hội.

Nữ tu Nathalie Becquart XMCJ, Phó thư ký của Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng, đưa ra định hướng cho ngày làm việc, nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là kết quả của Thượng hội đồng về giới trẻ. “Nếu chúng ta tin rằng tính đồng nghị là phương tiện để trở thành Giáo hội theo Thánh ý Thiên Chúa, trong động lực biện phân và cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể chắc chắn rằng mình sẽ có ân sủng để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trở thành một Giáo hội Đồng nghị”.

Nữ tu nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là một món quà, và biện phân nằm ở tâm điểm của nó.

Nữ tu mô tả trình thuật về Đường Emmau như một cuộc hành hương đồng nghị. Tất cả chúng ta được mời gọi bắt chước phong cách đồng nghị của Chúa Giêsu.

Các đại biểu được yêu cầu trải qua tiến trình Thượng hội đồng bằng cách sử dụng kỹ thuật ‘Đàm thoại thiêng liêng’. Giai đoạn đầu tiên, “trình bầy”, là thời điểm trong đó mỗi người nói về kinh nghiệm của mình với tiến trình đồng nghị; không có bình luận hoặc can thiệp, sau đó là hai phút im lặng để cho phép lời chia sẻ thẩm thấu. Giai đoạn thứ hai, “Dành chỗ cho người khác” là giai đoạn mỗi thành viên nói về điều có âm hưởng nhất từ những gì người kia đã nói; không khuyến khích thảo luận, và im lặng được tuân theo như bước trước. Chúng ta được mời gọi bắt chước phong cách đồng nghị của Chúa Giêsu. Giai đoạn thứ ba, “cùng nhau xây dựng” là một cơ hội tham gia để nhận ra thành quả của bài góp ý, ghi nhận những điểm gặp nhau, các câu hỏi chung, các xung đột và các tiếng nói tiên tri. Chiến lược này cho phép các khoảng thời gian ân sủng, giúp nhóm hỏi câu hỏi quan trọng nhất: Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta đi đâu?

Các nhóm suy niệm và cầu nguyện về các vấn đề sau đây: có bất cứ vấn nạn hoặc vấn đề nào chưa được giải quyết thỏa đáng trong phần nói về “Khoảng trống” của bản thảo không? Liệu có thể thêm hoặc cải thiện bất cứ thực tại, kinh nghiệm hoặc lo lắng nào của người châu Á trong “Khoảng trống” không?

Trong phiên họp thứ hai vào buổi sáng, các nhóm đã xem xét và cân nhắc về năm mối quan tâm cấp bách nhất mà lục địa châu Á phải đối đầu.

Các phối trí viên ngày hôm đó là Đức Cha Anil Joseph Thomas Couto, Tổng Giám mục Delhi, bà Christina Kheng, Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng về Phương pháp luận, và bà Momoko Nishimura, thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Thượng Hội đồng của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu. Các phối trí viên đã nhắc nhở các đại biểu rằng chính trách nhiệm chứ không phải khả năng riêng của họ, phải lên tiếng trong tư cách tiếng nói của châu Á.

Các phiên họp buổi sáng kết thúc với lời cầu nguyện trước Bí tích Thánh Thể, là động lực cho cuộc hành hương này.

Phiên thứ ba trong ngày cho phép các nhóm xem xét Khung Dự thảo của Tài liệu Làm việc.

Ngày kết thúc với Thánh Lễ, có chủ đề là Thánh Lễ cho Châu Á, do Đức Hồng Y Joseph Coutts, Tổng Giám Mục Hưu trí của Karachi và là Thành Viên của Hội Đồng Thượng Hội Đồng, chủ tế.

Giống người môn đệ trên đường Emmau, cuộc hành trình này có tính liên tục, vang vọng lời lẽ trong Kinh thánh: “Lòng chúng ta há chẳng nóng lên khi Người nói chuyện với chúng ta dọc đường và khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” - Lc 24:32



Những người tham gia nói gì

Khi được hỏi về thành quả chính của giai đoạn tham vấn trước đây, Đức cha Joseph Chusak Sirisuth, Giám mục Nakhon Ratchasima, Thái Lan, cho biết: “Ở Thái Lan, sau khi chúng tôi có một Thượng hội đồng với các cuộc đối thoại ở cấp giáo xứ, giáo phận và quốc gia, một thái độ mới đã mở ra, rất có ý nghĩa và quan trọng. Trước đây, Giáo hội có cấu trúc theo kiểu kim tự tháp, trong đó cấp trên truyền lệnh cho cấp dưới hoặc tín hữu, những người chỉ lắng nghe và làm theo.

Nhưng trong thời đại của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho chúng ta cơ hội thực hiện công nghị ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ.

Chúng tôi có nhiều thành quả từ việc đi ra ngoài để lắng nghe và khám phá, không những chỉ để tìm nội dung, mà còn để lắng nghe, một tiến trình quan trọng nhất trong việc thực hiện một thượng hội đồng. Chúng tôi được yêu cầu cùng bước đi với nhau, đó là một điều mới mẻ. Không phải chỉ đi nghe rồi bỏ đi, mà là lắng nghe nhau nhiều hơn. Chúng tôi đã lắng nghe cả những anh chị em tín hữu của tất cả các nhóm kể cả những người thường xuyên đi nhà thờ, những người hiếm khi đến nhà thờ hoặc xa nhà thờ, và những người thậm chí đã rời bỏ Giáo Hội. Ngoài ra, chúng tôi đã tiếp cận để lắng nghe các anh chị em Kitô hữu ngoài Công Giáo. Chúng tôi cũng đã tiếp cận để lắng nghe những người ngoại đạo vì chúng tôi sống với nhau trong xã hội. Khi lắng nghe nhau, chúng tôi cởi mở thái độ và tâm trí, đó là cách chữa trị cho việc chúng ta không đối thoại với nhau, chỉ biết sống cuộc sống của chính mình và có những ý tưởng của riêng mình, nếu những điều này thái quá đến mức có thể dẫn đến tranh cãi.”

Đức cha Pablo Virgilio S. David, D.D., Giám mục Giáo phận Kalookan, Phi luật tân được hỏi về ý nghĩa của kiểu nói là một Giáo hội Đồng nghị, ngài giải thích rằng “Tính đồng nghị và việc là Giáo hội được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt ngang với nhau trên thực tế. Và ba yếu tố quan trọng trong việc phát triển thành một Giáo hội đồng nghị hơn là: hiệp thông, tham gia và truyền giáo. Hiệp thông là Phép Rửa chung mà chúng ta đã cùng nhau lãnh nhận với tư cách môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể tham gia vào đời sống của Giáo hội, cũng như sứ mệnh của Giáo hội nếu chúng ta không gắn bó với Giáo hội trong mối dây ràng buộc hoặc hiệp thông thiêng liêng.”

Khi được hỏi về việc mở rộng không gian lều của chúng ta, ngài trả lời như sau “Mở rộng lều của chúng ta có nghĩa là chúng ta phải cổ vũ sự hiệp thông, tham gia và truyền giáo. Chúng ta phải học cách bao gồm và đồng nghị hơn, không chỉ với những người Công Giáo đã được rửa tội, mà còn với những người đồng đạo khác không theo Công Giáo Rôma, hoặc thậm chí với những tín đồ khác không nhất thiết phải là Kitô hữu. Có nghĩa đừng để sót ai vì trong Tin Mừng Gioan chương 14, Chúa nói trong nhà Cha Ta có nhiều phòng, nghĩa là lều của Chúa Cha rất rộng. Chúa có thể tiếp nhận tất cả chúng ta".

Cô Christina Kheng, thành viên của Ủy ban Phương pháp của Thượng Hội đồng được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, cô suy nghĩ rằng “Tính đồng nghị đối với tôi liên quan nhiều đến cuộc hành trình hơn là điểm đến. Đó là về việc trở thành bạn đồng hành với nhau, đối thoại với nhau. Mặc dù chúng ta có thể có những khác biệt, nhưng điều thực sự quan trọng là cởi mở để lắng nghe nhau, cố gắng hiểu nhau và cùng nhau tìm ra giải pháp. Điều quan trọng không phải là mọi người đều đồng ý, có cùng quan điểm, hay mọi người đều giống nhau, mà là cố gắng lắng nghe đối phương, kiên nhẫn, chờ đợi nhau và biết rằng đây là một diễn trình đang diễn ra mà chúng ta đang ở trên cùng một con đường với nhau như một gia đình của Thiên Chúa. Tạo không gian cho tất cả chúng ta. Và cũng như vậy, chúng ta cũng phải sẵn sàng tiếp nhận nhau như anh chị em".

Cô Teresa Wu, một đại biểu của Đài Loan, chia sẻ suy nghĩ của cô rằng "tính đồng nghị không chỉ có trên giấy tờ, trong các tài liệu, hay trên bàn và trong các cuộc thảo luận.

"Được ở đây, gặp gỡ nhiều người, cùng đối thoại, chia sẻ, thảo luận, điều này truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Đó mới thực sự là Giáo hội. Nó ở dưới chiếc Lều lớn.

"Mọi người đều chia sẻ tự do và có niềm vui. Tôi nghĩ rằng đây là tinh thần của Giáo hội mà chúng ta cần phải mang theo.

"Tôi rất vui khi được ở đây, và chắc chắn, tôi sẽ chia sẻ điều này khi tôi trở về.

"Trên thực tế, đó là điều tôi đã và đang làm, bởi vì phiên dịch một phần tin tức tiếng Anh sang tiếng Trung hoa qua chia sẻ trực tuyến hoặc hàng ngày với đất nước của tôi. Đó là một cơ hội tuyệt vời, một niềm vui và một món quà.”

Và trong tư cách một nữ giáo dân đại diện trong phiên họp này, cô được yêu cầu nói vài lời với các nữ giáo dân châu Á, và cô đã trả lời rằng “Tôi thực sự muốn khuyến khích tất cả các nữ giáo dân khác rằng các chị em có nhiều điều để chia sẻ. Mọi người đều có các thiên phú và tài năng để đóng góp cho Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng cần học cách làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe trong Giáo hội, cách nói chuyện, cách tương tác với người khác, cách chia sẻ và kể câu chuyện của mình. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang tiếp tục hành trình đào sâu tâm linh của chính mình, phát triển đức tin của chính mình và trưởng thành đức tin cùng với những người khác. Và đó là cách tất cả chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng mới với nhau trong Giáo hội Đồng nghị, nơi mọi người đều đồng trách nhiệm đối với sứ mệnh. Mọi người đều có một vai trò. Mọi người đều có tiếng nói.”

Ngày thứ ba và cuối cùng: Tiếng nói của sự IM LẶNG

Ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của Phiên họp Đồng nghị Lục địa Châu Á bắt đầu với lời cầu nguyện ‘Adsumus Sancte Spiritus’ [Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con có mặt tại đây] với Chúa Thánh Thần, tiếp theo là phần chia sẻ suy nghĩ và quan điểm của các đại biểu trong nhóm của họ với sự giúp đỡ của những người điều hành trong ngày.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich SJ, Tổng Giám Mục Luxembourg, và Tổng Tường Trình Viên của Đại Hội Đồng Thường Lệ Lần Thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã phát biểu trước các đại biểu, nhấn mạnh ba điểm; thứ nhất, mỗi đại biểu là một nhạc cụ, hoạt động thống nhất với nhau, tạo nên một bản giao hưởng, phải được thực hiện lặp đi lặp lại, có kỷ luật và đồng điệu với những người khác. Thứ hai, tính đồng nghị đòi hỏi sự khiêm nhường. Và cuối cùng, một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội được Chúa Kitô truyền sứ mệnh loan báo Tin Mừng và phục vụ quên mình mọi người của Thiên Chúa.

Cha Clarence Devadass, một thành viên của Nhóm Sáng kiến và Soạn thảo, đã trình bày một số điểm nổi bật của Khung Dự thảo sửa đổi của Tài liệu Cuối cùng, cũng như các quy trình liên quan đến việc kết hợp các sửa đổi do các đại biểu đề xuất với sự suy nghĩ trong im lặng để chuẩn bị cho cuộc đối thoại tâm linh trong các nhóm.

Sau những suy tư về những thay đổi trong cấu trúc giáo hội để tăng cường tính đồng nghị của Giáo hội ở châu Á và những gì mong muốn được thấy trong các phiên họp tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024 của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, các đại biểu đã chia sẻ những suy nghĩ cuối cùng của họ về khuôn khổ cuối cùng của Phiên chung kết. Tài liệu theo sau là một lời cầu nguyện im lặng.

Trong phần phát biểu kết luận, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã chia sẻ quan điểm của ngài về Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á Lục địa kéo dài ba ngày, đồng thời bảo đảm với các đại biểu rằng hành trình của họ tại Thượng Hội đồng này sẽ có nhiều hoa trái và những đóng góp của họ sẽ không bị lãng quên bởi Thượng hội đồng Giám mục của Giáo hội phổ quát.

Đức Tổng Giám Mục Kikuchi, Tổng thư ký của Liên hội đồng Giám mục Á Châu, đã đưa ra lời cảm ơn cuối cùng, ghi lại lòng biết ơn đối với tất cả những người tham gia vào việc bảo đảm rằng Thượng Hội đồng Châu Á đã thành công.

Thánh lễ kết thúc được chủ sự bởi Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon và Chủ tịch của Liên hội đồng Giám mục Á Châu. Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Bo nói rằng hành trình đồng nghị tương đối giống như hành trình của Chúa Giêsu trong hoang địa – đầy thử thách nhưng cần thiết, thông qua một quá trình lắng nghe, gặp gỡ và biện phân.

Đức Hồng Y Bo tuyên bố rằng cần phải thay đổi thái độ trong cách tiếp cận của chúng ta đối với những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Ngài đưa ra từ L.E.N.T như một từ viết tắt cho sự thay đổi thái độ này:

L = [Letting go] Buông Tay. Chúng ta cần học cách buông bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta trở thành một Giáo hội Đồng nghị.

E = [Encounter] Gặp gỡ. Hành trình trên con đường làm môn đệ có một mục tiêu cụ thể - gặp gỡ Chúa Kitô và được nhắc nhở về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hướng tới một ‘nền văn hóa gặp gỡ’.

N = [Neighbourliness] Tình Láng giềng. ‘Ai là người thân cận của tôi?’ (x. Lc 10:29). Bất chấp những căng thẳng khác nhau, chúng ta được mời gọi để giúp đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn.

T = [Transformation] Biến đổi. Trong cuộc hành trình đồng nghị này, ngài nói rằng chúng ta được mời gọi để lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta và giúp chúng ta với những ân sủng biến đổi của Thiên Chúa khi chúng ta cùng nhau bước đi trong cuộc hành trình đồng nghị này ‘để phục vụ một mình Người’.

Vào cuối Bí tích Thánh Thể, mười hai đại diện của các nhóm trong Thượng hội đồng, đặt trước vị chủ tế, những ngọn nến mà họ mang theo trong Lễ khai mạc Thánh Thể như một lễ vật tượng trưng cho những tương tác của họ trong ba ngày này.

Những người tham gia nói gì?

Đức Hồng Y Charles Cardinal Muang Bo, chủ tịch Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar khi được hỏi về việc mở rộng không gian của lều chúng ta, ngài trả lời “thí dụ như việc mở rộng không gian và mở rộng lều, hôm qua chúng ta đã nói chuyện và thảo luận về sự căng thẳng trong Giáo Hội Á Châu.

Căng thẳng, với một số người như giám mục và linh mục, căng thẳng với người trẻ, căng thẳng với vai trò của phụ nữ, căng thẳng với người nghèo, v.v. Nhưng căng thẳng tự nó có vẻ như là những trở ngại hay khó khăn nhưng thực ra căng thẳng là ân sủng thúc đẩy của Thần khí mà chúng ta nhận được.

Bằng cách xem xét các vấn đề, không gian của chúng ta, lều của chúng ta tự động được mở rộng. Bằng cách lắng nghe những căng thẳng, chúng ta cung cấp cho một số người như những người trẻ hoặc phụ nữ. Chúng ta dành phần lớn không gian cho Giáo hội của chúng ta. Nhưng không chỉ có vậy, sự căng thẳng tôn giáo và liên tôn giáo, chúng ta dành chỗ cho các tôn giáo khác và các nền văn hóa khác.

Vì vậy, theo nghĩa toàn bộ tiến trình của Thượng hội đồng, chúng ta càng tiến tới, chúng ta càng mở rộng lều của mình về phía những người khác. Thay vì hướng nội, chúng ta cũng đi ra ngoài, hướng ngoại và ôm lấy nhau và chúng ta không loại trừ bất cứ ai mà bao gồm tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta cố gắng lắng nghe bằng trái tim, bằng cách lắng nghe bằng tình yêu, chúng ta luôn mở rộng lều và không gian của mình cho người khác.”

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, Fr. Qaiser Feroz, Thư ký Ủy ban Quốc gia về Truyền thông Xã hội của Pakistan trả lời “Đối với tôi, Tính đồng nghị là một linh đạo và một kinh nghiệm sống động của Giáo hội. Ở đây tại Thái Lan, chúng ta tụ họp với nhau và có đại diện từ khắp các quốc gia châu Á và cũng có đại diện từ Vatican. Tất cả chúng ta cùng nhau, chúng ta đang cầu nguyện, chúng ta đang suy tư và đây là một kiểu tĩnh tâm đồng nghị mà chúng ta đang trải qua.

Phiên họp Đồng nghị này là một lời kêu gọi từ Thiên Chúa mà chúng ta quy tụ lại với nhau, để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và để xem những mối quan tâm ở cấp độ châu Á là gì. Vì vậy, chúng ta ở đây để chia sẻ mối quan tâm của chúng ta và lắng nghe nhau.

Hầu hết các mối quan tâm đã được nêu bật trong bài chia sẻ và tôi muốn chia sẻ với anh chị em rằng có những mối quan tâm như việc đào tạo, nghĩa là việc đào tạo linh mục và giáo dân của chúng ta, phải có tính đồng nghị. Và sự lãnh đạo của chúng ta cũng phải có tính đồng nghị, nghĩa là cùng nhau hành trình.

Vì vậy, đồng hành cùng nhau có nghĩa là lắng nghe nhau và giúp đỡ nhau. Và cũng có mối quan tâm về sinh thái, môi trường, chăm sóc ngôi nhà chung và cũng có những lo ngại về tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng"

Ông Joshua Eka Pramudya, một đại biểu của Indonesia chia sẻ ý kiến về Giáo hội Đồng nghị: “Tôi là một đại biểu của tuổi trẻ trong Thượng hội đồng này. Thật vinh dự cho tôi khi được tham gia vào một quá trình tuyệt vời trong Phiên họp đồng nghị.

Chúng ta nói với nhau về việc lắng nghe và chúng ta cũng học hỏi việc truyền thông một điều gì đó. Lắng nghe là một trong những phần quan trọng của Thượng hội đồng. Chúng ta cũng học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần và cách lắng nghe người khác vì lắng nghe là để hiểu nhau và hiểu thêm những gì người khác đang nghĩ về chúng ta. Hy vọng rằng Thượng Hội đồng có thể mang lại một tương lai tốt đẹp cho Giáo hội và cho tất cả những ai tham gia vào Thượng Hội đồng này”.

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành Giáo hội Đồng nghị, bà Momoko Nishimura, đại diện từ Nhật Bản nói rằng “Tính đồng nghị là bản chất của Giáo hội.

"Không những chỉ cho Giáo hội, mà cho tất cả nhân loại. Chúng ta muốn được đồng nghị. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn trở thành anh chị em, được lắng nghe, mọi người đều quan trọng. Theo cách đó, không những chỉ Giáo hội cần phải đồng nghị, mà tôi nghĩ rằng toàn thể nhân loại cần phải đồng nghị. Vì vậy, đối với tôi, tính đồng nghị giống như bản chất của một hữu thể nhân bản".
 
Ngừng bắn, bước đầu tiên cho hòa bình ở Ukraine
Thanh Quảng sdb
16:19 14/03/2023
'Ngừng bắn, bước đầu tiên cho hòa bình ở Ukraine'

Quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, phản hồi về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và cho biết Tòa thánh đang cố gắng dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình. Ngài nói chuyện với các phóng viên bên lề buổi ra mắt cuốn sách của Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro.

(Tin Vatican - Valerio Palombaro)

"Chúng tôi đang cố gắng nỗ lực với tất cả sự sáng tạo của mình" để dàn xếp lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine và "bước đầu tiên phải là ngừng bắn."

Điều này đã được Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, nhắc lại khi nói chuyện với các nhà báo tại trụ sở của tờ La Civiltà Cattolica bên lề buổi giới thiệu cuốn sách "Atlas của Đức Phanxicô: Vatican và Chính Trị Quốc Tế."

Đức Hồng Y Parolin nhắc nhớ, Tòa Thánh có một tầm nhìn khác với tầm nhìn của từng quốc gia riêng lẻ vì Tòa Thánh có “một tầm nhìn phổ quát” và một cách tiếp cận khác để tìm kiếm hòa bình.

ĐTC mong muốn gặp cả hai tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky và cho biết thêm, ngài muốn đến thăm cả Moscow và Kyiv, "bởi vì ĐTC tin rằng việc phục vụ hòa bình chỉ có thể thực hiện được, nếu ĐTC gặp được cả hai vị tổng thống".

Và suy tư về mười năm “rất căng thẳng” của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô được cử hành cùng ngày, ngài lưu ý rằng “những năm đó đã mang lại cho Giáo hội khả năng lắng nghe nhiều hơn thế giới”.

Rộng mở đón nhận tỵ nạn

Về vấn đề di dân, vốn cũng là chủ đề trong các cuộc gặp song phương giữa Đức Hồng Y Parolin và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni bên lề buổi giới thiệu sách, theo Đức Hồng Y, cần phải “chuyển dịch” những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha thành các chính sách cho các quốc gia.

ĐHY nói: “Người ta đã nhấn mạnh đến các chính sách ngăn chặn, hạn chế như thế nào,” trong khi “chúng tôi đề nghị nên chuyển sang một chính sách mới cởi mở hơn, chào đón hơn”.

Đối thoại với Trung Quốc

Trả lời một câu hỏi khác, Hồng Y Ngoại trưởng nhắc lại tầm quan trọng của thỏa thuận đã đạt được trong triều giáo hoàng này giữa Tòa thánh và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Vatican nêu ra "một hy vọng" và một cuộc đối thoại mà "cả hai bên đều mong muốn tiếp tục". ĐHY tóm tắt: “Chúng tôi chỉ yêu cầu cho người Công Giáo có thể có liên lạc với Giáo hội Hoàn vũ.

Nhận xét về chuyến viếng thăm Bắc Kinh đã được lên kế hoạch vào cuối tháng 4 của Đức Tổng Giám Mục Stephen Chow của Hồng Kông, chuyến thăm đầu tiên sau nhiều năm, Đức Hồng Y Parolin mô tả đây là “sự hiện thực hóa chiều kích điển hình của Giáo hội Hồng Kông là một ‘cầu nối’ giữa Giáo hội Trung Quốc đại lục và Giáo hội hoàn vũ" và do đó mô tả nó là "một hành động tích cực."

Theo Đức Hồng Y, chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ “có thể xảy ra, mặc dù cho có một quyết định dứt khoát.”

Con đường đồng nghị ở Đức

Cuối cùng, về cuộc bỏ phiếu của các giám mục Đức, vào cuối quá trình thượng hội đồng, để chấp thuận việc ban phép lành cho các cặp đồng tính, Tòa Thánh đã bày tỏ rõ ràng về vấn đề này, Đức Hồng Y Parolin nói, đồng thời lưu ý rằng một Giáo hội địa phương “không thể đưa ra quyết định như vậy khi một quyết định liên quan đến kỷ luật của Giáo hội toàn cầu."
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh: Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc ‘không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể’
Vu Van An
16:36 14/03/2023

Theo Courtney Mares của CNA, Bộ trưởng ngoại giao của Vatican đã nói rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để làm cho thỏa thuận “hoạt động tốt hơn”.



Trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn cho EWTN News, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia của Vatican, nói rằng các nhà ngoại giao Tòa thánh đang “đàm phán để cải thiện” thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, lần đầu tiên được ký vào năm 2018.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói, “Rõ ràng, mục tiêu là đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể, mà chắc chắn thỏa thuận này không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể do phía bên kia: Họ chỉ sẵn sàng đi xa và đồng ý với một số điều nhất định. Nhưng đó là điều có thể xảy ra vào thời điểm đó.

“Thực sự đó không phải là thời điểm tuyệt vời để ký kết thỏa thuận, vì nhiều lý do. Nó luôn luôn khó khăn; nó luôn bị đảng Trung Quốc sử dụng để gây áp lực lớn hơn đối với cộng đồng Công Giáo, đặc biệt là đối với điều gọi là Giáo hội hầm trú. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết tiến theo”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, người không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán trên, nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Trung Quốc, mà Vatican đã gia hạn hai lần trong 5 năm qua, là thành quả của một quá trình lâu dài dưới ba triều giáo hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói, “Và hầu hết các thỏa thuận đã được Tòa thánh và chính quyền Trung Quốc đồng ý và chấp nhận vào thời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô.

“Nên, đó là chuyện phần nào quá chi ly lưu ý tới từng chi tiết nhỏ [gạch ngang chữ t và đánh dấu chấm trên chữ i]”.

Nhà ngoại giao Tòa thánh cho biết ngài tin rằng các thẩm quyền Vatican và Trung Quốc đã ngày càng “hiểu biết hơn, tôn trọng hơn” đối với nhau trong những năm qua.

Ngài nói thêm, “Tất cả mọi điều đang được thực hiện rõ ràng trong bối cảnh chính trị nội bộ của Trung Quốc. … Và do đó, chúng ta có thể đạt được nhiều điều”.

Tập Cận Bình của Trung Quốc đã đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong tư cách chủ tịch vào tuần trước tại một phiên họp nghị viện cho có lệ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, một nghị viện đã nhất trí bỏ phiếu cho Tập trong một cuộc bầu cử không có ứng cử viên nào khác.

Vào năm 2018, sáu tháng trước khi Tòa thánh lần đầu tiên ký thỏa thuận với Bắc Kinh, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vốn đã xác nhận một sự thay đổi hiến pháp, loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ, cho phép Tập Cận Bình có khả năng cai trị suốt đời.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, sự tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo đã xuống cấp. Tập Cận Bình đã bị quốc tế lên án ngày càng nhiều vì cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, và các quan chức nhà nước ở các vùng khác nhau của Trung Quốc đã dỡ bỏ thánh giá và phá hủy các tòa nhà của Giáo Hội.

Vào tháng 11 năm 2022, Vatican nói rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản được quy định trong thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục.

Một tuyên bố được đưa ra vào ngày 26 tháng 11 nói rằng “Tòa thánh ghi nhận với sự ngạc nhiên và hối tiếc” rằng Giám mục John Peng Weizhao đã được bổ nhiệm làm “Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây”, một giáo phận không được Vatican công nhận.

Tuyên bố viết, “Tòa Thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không lặp lại, vẫn đang chờ thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng, và tái khẳng định sự sẵn sàng hoàn toàn của mình để tiếp tục đối thoại một cách tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm”.

Trong cuộc phỏng vấn với EWTN, Đức Tổng Giám Mục Gallagher xác nhận rằng “đang có các cuộc đàm phán về việc bổ nhiệm các giám mục khác.”

Ngài nói: “Chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục cuộc đối thoại đó”.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi ngài coi những thách thức ngoại giao lớn nhất hiện nay là điều gì, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng cuộc chiến ở Ukraine, biến đổi khí hậu và xung đột ở Trung Đông, một phần châu Phi và sự bất ổn của Mỹ Latinh là những vấn đề hàng đầu mà cộng đồng quốc tế phải đối diện.

Ngài nói, “Nhưng một trong những điểm chung của người Trung Quốc, Giáo Hội Công Giáo và Tòa thánh là chúng tôi không nghĩ đến hàng tháng, thậm chí hàng năm. Chúng tôi nghĩ tới một khoảng thời gian dài hơn nhiều. Và chúng tôi hy vọng rằng, với thời gian, mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc sẽ trở nên ‘bình thường’ hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn nhiều.

“Và khi chúng tôi khởi hành từ đây, chúng tôi vẫn cam kết, tin rằng những người Công Giáo tốt cũng có thể là những công dân tốt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
 
Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng: 10 sự thật thú vị về Cha Gabrielle Amorth
Đặng Tự Do
17:23 14/03/2023


Hôm 21 tháng 2 vừa qua, Sony Pictures đã phát hành đoạn giới thiệu cho bộ phim “The Pope's Exorcist” hay “Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng”. Tuy nhiên, một số nhân vật không đồng tình với việc miêu tả Cha Gabrielle Amorth, sinh ngày 1 tháng Năm 1925 và qua đời vào ngày 16 tháng Chín 2016.

Sony Pictures đưa tin rằng bộ phim “được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về Cha Gabriele Amorth, Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng.” Thật ra, ngài là nhà trừ tà của giáo phận Rôma, nhưng Sony Pictures khuếch đại lên là “Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng.”

Các linh mục như Đức Ông Stephen Rossetti và Cha José Antonio Fortea, trong số những người khác, chỉ ra rằng bộ phim dường như không lấy cảm hứng từ cuộc đời của vị linh mục nổi tiếng người Ý.

Ngược lại, hành động của con quỷ, cũng như chức vụ của người trừ tà, đã được phóng đại cho mục đích điện ảnh.

Nam diễn viên Russell Crowe không có bất cứ nét nào giống với Cha Gabriele Amorth. Vậy vị linh mục người Ý này thực sự là ai? Dưới đây là 10 sự kiện thật sự về vị linh mục này:

1. Ngài thành lập Cơ quan trừ quỷ quốc tế

Cha Gabriele Amorth có lẽ là nhà trừ quỷ nổi tiếng nhất trên thế giới. Cùng với Cha René Laurentin, ngài thành lập Hiệp hội trừ quỷ quốc tế vào năm 1994. Gần 20 năm sau, hiệp hội này có 800 thành viên trừ quỷ và 120 phụ tá.

2. Ngài trở thành một nhà trừ tà ở tuổi 60

Cha Amorth sinh ra ở Modena, Ý, vào ngày 1 tháng 5 năm 1925 và được thụ phong linh mục vào năm 1951. Mặc dù được công chúng biết đến với chức vụ trừ quỷ, nhưng ngài chỉ nhận nhiệm vụ này 35 năm sau khi thụ phong linh mục và lúc gần 60 tuổi..

3. Ngài đã thực hiện hàng ngàn lần trừ tà

Trong 30 năm mục vụ của mình, cho đến khi qua đời ở tuổi 91, người ta ước tính rằng ngài đã thực hiện gần 160.000 vụ trừ quỷ. Ngài đã nói vào năm 2000: “Tôi nói chuyện với ma quỷ mỗi ngày. Tôi nói chuyện với nó bằng tiếng Latinh. Tôi đã chiến đấu với nó, ngày này qua ngày khác, trong suốt 14 năm.”

Một số lễ trừ tà này đã được ghi lại bằng camera truyền hình.

4. Ngài nhắc nhở thế giới rằng ma quỷ là điều có thật

Cha José Antonio Fortea, một nhà thần học chuyên về quỷ học, đã gặp Cha Amorth vào năm 1995 trong thời gian nghiên cứu thần học về trừ tà.

Ngài nhớ lại vào năm 2016: “Tiếng nói mạnh mẽ và dứt khoát của ngài đã nói với hàng triệu người về hành động của ma quỷ. Một mình ngài, một người duy nhất, đã tìm cách hồi sinh sứ vụ này trong một quốc gia, và sau đó ảnh hưởng của ngài lan rộng khắp mọi nơi trong Giáo hội. Phương tiện để đạt được điều này chỉ đơn giản là nói những gì ngài đã thấy.

5. Ngài từng là một nhà báo

Trong số các hoạt động ngài thực hiện trong cuộc đời mình, công việc nổi bật của ngài là ký giả. Trong nhiều năm, ngài đã chỉ đạo nguyệt san “Madre de Dios” nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa” và làm việc với nhóm Famiglia Cristiana và Radio Maria.

6. Ngài giải thích tại sao ma quỷ sợ Thánh Gioan Phaolô II

Cha Gabriele Amorth đã giải thích vào năm 2011 tại sao ma quỷ lại sợ Thánh Gioan Phaolô II đến vậy.

Theo vị linh mục, “ma quỷ trả lời, 'bởi vì con người ấy đã phá vỡ kế hoạch của tôi.' Và Cha Gabriele Amorth nghĩ Satan đang đề cập đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Nga và Đông Âu.

“Một câu trả lời khác mà Satan dành cho tôi, đó là 'bởi vì con người ấy đã lôi kéo rất nhiều người trẻ tuổi khỏi tay tôi.' Có rất nhiều người trẻ, nhờ Đức Gioan Phaolô II, đã được hoán cải.”

7. Cha Gabriele Amorth đã cảnh báo về quân khủng bố Hồi Giáo ISIS

Vào năm 2015, ngài tuyên bố rằng: “ISIS là Satan. Mọi thứ xảy ra đầu tiên trong các lĩnh vực tâm linh, sau đó chúng trở thành hiện thực trên trái đất này.”

8. Cha Gabriele Amorth cảnh báo về ma quỷ trong chính trị

Vào một dịp khác, ngài nói rằng “ma-quỉ thích thâu tóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người nắm giữ chức vụ chính trị”.

Ngài cũng bảo đảm rằng “Hitler và Stalin đã bị ám. Làm sao tôi biết được? Bởi vì họ đã giết hàng triệu người. Thật không may, một lễ trừ tà đối với họ sẽ không đủ, vì họ đã bị thuyết phục về những gì họ đang làm. Chúng ta không thể nói rằng đó là sự chiếm hữu theo nghĩa chặt chẽ của từ này, mà đúng hơn là sự chấp nhận hoàn toàn và tự nguyện các gợi ý của ma quỷ.”

9. Cha Gabriele Amorth phản đối việc sử dụng hình xăm

Trong cuốn sách “Manual de Demonología” của Simone Iuliano, Cha Gabriele Amorth và Cha Mario Granato đã viết một lời tựa khi các ngài đề cập đến chủ đề hình xăm.

Theo các ngài, người có hình xăm đã phạm tội ác không tự nguyện, vì nó tấn công “Đền thờ của Chúa”, tức là cơ thể của bạn, một chi thể trong thân thể của Chúa Kitô.

10. Cha Gabriele Amorth đã viết hơn 20 tác phẩm về ma quỷ, trừ tà và tà ác.

Cha Gabriele Amorth đã viết khoảng hai mươi cuốn sách về kinh nghiệm của mình với tư cách là một nhà trừ quỷ. Những cuốn bán chạy nhất ở Ý là “Nhà trừ tà kể câu chuyện của mình” và cuốn “Trận chiến của tôi với Satan”.
Source:Church POP
 
Nhật Ký Trừ Tà Số 230: Ma quỷ gây nghiện ăn
Đặng Tự Do
17:24 14/03/2023


Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều người cho biết họ thèm ăn gần như tất cả mọi thứ, họ nhìn lên đồng hồ sốt ruột chờ cho đến 12 giờ khuya để lao vào ăn uống cho thỏa thích sau một ngày chay tịnh. Các sách khôn ngoan chỉ ra rằng đó là một cám dỗ thường thấy khi chúng ta ăn chay.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài đề cập đến một trường hợp tương tự nhưng nghiêm trọng hơn, trong có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #230: Demons of Obesity”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà #230: Ma quỷ gây nghiện ăn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi hơi ngạc nhiên khi “Sean” nói với tôi rằng anh ấy bắt đầu ăn một cách không kềm lại được. Anh nói: “Con không thể ngừng ăn. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây.” Gia đình đang phải khóa tủ lạnh vào ban đêm nếu không anh ta sẽ ăn hết mọi thứ bên trong. Điều kỳ lạ là trước đây Sean chưa bao giờ mắc chứng nghiện ăn hay bất kỳ hành vi cưỡng chế nào khác. Nhưng việc anh ta mắc chứng bệnh ma quỷ và hành vi cưỡng bức này có thể là một triệu chứng cho thấy sự hiện diện của ma quỷ.

Tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn đến thực tế có thể xảy ra về “những con quỷ nghiện ăn” khi một người bị quỷ ám khác, không liên quan với Sean, nói với tôi về một vấn đề tương tự. Cô ấy cũng bắt đầu ăn một cách bắt buộc, điều này khiến cô ấy vô cùng ngạc nhiên. Giống như Sean, cô ấy nói, “Con không thể ngừng ăn.” Cô ấy cũng mắc phải căn bệnh ma quỷ, trong trường hợp này là kết quả của một lời nguyền từ một người họ hàng cay đắng.

Sau đó, một trường hợp thứ ba về chứng nghiện ăn không rõ nguyên nhân cùng với sự ám ảnh của ma quỷ gần đây đã xuất hiện. Các chi tiết đều giống nhau: một chứng nghiện ăn không giải thích được đột nhiên xuất hiện giữa cơn đau khổ do ma quỷ gây ra.

Ma quỷ có thể xúi giục một người nào đó lao vào những hoạt động ngoại thường, hay hành xử một cách cưỡng ép không? Chúng có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống cưỡng bức không? Là một nhà tâm lý học lâu năm, tôi không thích đổ lỗi cho ma quỷ về hành vi gây nghiện của mọi người. Tôi đã dành 30 năm để hỗ trợ điều trị cho những người như vậy vượt qua cơn nghiện của họ.

Nhưng ba trường hợp này khác nhau. Các trường hợp hành vi mà tôi đã điều trị trước đây với tư cách là một nhà tâm lý học đều có nguyên nhân, triệu chứng bình thường và thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Ba trường hợp kể trên là bất thường và chỉ xuất hiện dưới ánh sáng của sự hiện diện ngoại thường của ma quỷ. Trong những trường hợp bất thường này, chúng tôi đang “chữa trị” cho họ bằng những lời cầu nguyện giải thoát siêng năng bên cạnh những can thiệp trị liệu thông thường khi cần thiết.

Có nhiều điều chúng ta chưa biết về thế giới phi tự nhiên. Chúng ta đang khám phá lại mục vụ trừ tà sau nhiều năm bị lãng quên. Chúng ta nên tiếp tục cởi mở và học hỏi từ những gì chúng ta trải nghiệm, đặc biệt là khi những nhà trừ quỷ khác báo cáo những trải nghiệm tương tự. Điều cũng quan trọng không kém là những nhà trừ quỷ chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhau và do đó nâng cao kiến thức của chúng ta để phục vụ những người đau khổ.

Nếu bạn tin rằng bạn đang đau khổ vì sự hiện diện của “Những con quỷ nghiện ăn”, tôi đề nghị lời cầu nguyện sau đây:

Nhân Danh Thánh +Chúa Giêsu, tôi quở trách, tôi từ chối và tôi từ bỏ ma quỷ nghiện ăn. Nhân danh + Chúa Giêsu, tôi đuổi chúng đi. Nhân danh thánh của Ngài, tôi loại bỏ tất cả. (3 lần)

Xin lưu ý rằng lời cầu nguyện ra lệnh này chỉ nên được sử dụng trên cơ thể của chính mình vì một cá nhân có quyền theo luật tự nhiên đối với chính mình. Khi cầu nguyện cho những người mà chúng ta không có thẩm quyền như vậy, chúng ta sử dụng những lời cầu nguyện giải thoát, xin Chúa can thiệp, thay vì những lời cầu nguyện ra lệnh.
Source:Catholic Exorcism
 
Cấp tiến hết ga: Tiến Trình Công Nghị Đức đề nghị cho giáo dân được giải tội
Đặng Tự Do
17:25 14/03/2023


Hôm thứ Sáu 10 tháng Ba, Tiến Trình Công Nghị Đức đã chấp thuận tiến tới việc chính thức ủng hộ việc giáo dân giảng trong các thánh lễ, rửa tội và hỗ trợ hôn nhân, mặc dù các điều khoản kêu gọi việc cho giáo dân được giải tội và xức dầu bệnh nhân đã bị loại bỏ thông qua một sửa đổi do hội đồng giám mục đưa ra.

Trong văn bản có nhan đề “Tuyên bố của Tin Mừng bởi Giáo dân trong Lời và Bí tích,” đã được thông qua, Hội Đồng Giám Mục Đức viết: “Các giám mục ủy thác cho các nhân viên mục vụ rao giảng trong các thánh lễ” như một phần trong sứ mệnh giáo hội của họ, để họ có thể thực hiện công việc rao giảng của mình một cách chính thức và nhân danh Giáo hội,”

Trong cuộc tranh luận trên sàn, Đức Giám Mục Ansgar Puff, một Giám Mục Phụ Tá của Köln, nói rằng mặc dù ngài tán thành việc giáo dân cung cấp những suy tư về Kinh Thánh ngoài Thánh lễ, nhưng “bài giảng và việc chủ sự Thánh Thể liên quan đến nhau.”

Nhưng vị giám mục này ngay lập tức bị Giám mục Peter Kohlgraf của Mainz phản đối, người nói rằng ông đã lớn lên ở Köln vào thời mà việc rao giảng của giáo dân được thực hành, và “điều đó không bao giờ làm tổn thương bất cứ ai.”

Một số nữ tu cũng kêu gọi giáo dân rao giảng và ban bí tích. Một người thậm chí còn gợi ý rằng phụ nữ trong cộng đồng tôn giáo của cô ấy sẽ không đến gặp linh mục để xưng tội vì họ muốn lãnh nhận bí tích hòa giải với một người có thể “đồng hành với họ”. Ý kiến cho phép người giáo dân hay một người thánh hiến không có chức thánh được giải tội, đã bị bác bỏ, nhưng có thể được xem xét lại trong tương lai.

Ngày hôm trước, hội đồng đã thông qua một biện pháp yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô bãi bỏ luật độc thân linh mục. Họ yêu cầu ngài “xem xét lại mối liên hệ giữa việc truyền chức thánh và nghĩa vụ sống độc thân”. Biện pháp này đã nhận được sự ủng hộ của 44 giám mục trong số 60 giám mục. Mười một người bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có năm người bỏ phiếu Không.

Trước cuộc bỏ phiếu, Tiến Trình Công Nghị Đức đã tranh cãi gay gắt với nhau về hai cụm từ “xem xét lại” hay “hủy bỏ”. Một số người yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô “hủy bỏ” luật độc thân linh mục. Một số người khác yêu cầu ngài “xem xét lại” luật độc thân linh mục.

Một số ý kiến lập luận rằng việc yêu cầu “xem xét lại” là không đủ mạnh, phải “hủy bỏ” ngay lập tức luật độc thân linh mục; nhưng cụm từ “xem xét lại” cuối cùng đã thắng thế.

“Chúng ta cần phải thông minh,” Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich nói, gợi ý rằng cụm từ “xem xét lại” là lựa chọn tốt nhất để được thông qua bởi Tiến Trình Công Nghị vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét.

Không có biện pháp nào được thông qua bởi Tiến Trình Công Nghị có bất kỳ hiệu lực ràng buộc nào trong các giáo phận của Đức nếu đấng bản quyền địa phương từ chối. Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng các biện pháp này sẽ được thực hiện ở hầu hết các giáo phận, trong một số trường hợp là do các giám mục ủng hộ chúng, nhưng trong những trường hợp khác là do áp lực mạnh mẽ đối với các giám mục từ các nhân viên Giáo hội, các phương tiện truyền thông Công Giáo và thậm chí cả các giám mục anh em.

Trong cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu, nhiều ký giả quan ngại rằng Tiến Trình Công Nghị Đức đã đi quá xa khi chấp nhận phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính là những điều đã được Vatican khẳng định là không thể chấp nhận được. Những biện pháp như thế có thể dẫn đến ly giáo. Giám Mục Peter Kohlgraf khẳng định không thể dẫn đến ly giáo vì ông tin rằng sau Đức, hàng loạt các Giáo Hội khác cũng sẽ làm theo.
Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Tĩnh tâm Mùa Chay Thánh 2023
Văn Minh
09:41 14/03/2023
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Tĩnh tâm Mùa Chay Thánh 2023

“Đi theo Chúa trên con đường thánh giá” là đề tài chia sẻ của Linh mục (Lm) Luy Gonzaga Maria Phạm Y Phan CMR, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong buổi tĩnh tâm diễn ra lúc 19g thứ Hai, Tuần III, Mùa Chay, nhân dịp ngài được Lm Chánh xứ Martinô Đoàn Văn Hoàng Thanh Đạm, mời về giảng phòng cho cộng đoàn giáo xứ vào các ngày 13,14 và 15, 03, 2023.

Sau bài Tin Mừng Lc 4, 24-30, Lm Luy Gonzaga Maria diễn giảng về biến cố vượt qua của Chúa Giêsu trên con đường thập giá để Cứu độ cho nhân loại. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy vác thập của đời mình để bước đi theo chân Chúa. Nghĩa là; đón nhận tất cả những biến cố sảy đến với mình trong cuộc sống hàng ngày và thưa hai tiếng “xin vâng” như Mẹ Maria với một niềm tin và hy vọng tràn đầy. Tuy nhiên, khi đối diện với thập giá thì ai mà không lo lắng và sợ hãi, thậm chí còn trách móc và oán hận nữa.

Như lời ĐTC Phanxicô nói về hai điều cám dỗ mà mỗi người chúng ta thường hay gặp phải; đó là:

Khi nghĩ về Đức kitô thì không có thập giá

Khi nghĩ về thập giá thì lại không có Đức Kitô

Quả thật, không có một vinh quang nào mà không có trải qua đau khổ bằng cách này hay cách khác, đau khổ nơi gia đình, đau khổ nơi làm việc...vv. Những lúc như thế, chúng ta đừng có nhìn nhau với con mắt oán hận hay trách móc, mà là cùng nhau nhìn lên thánh giá Chúa mà nguyện cầu cho có thêm nghị lực để biết chấp nhận những biến cố đang sảy ra đến với mình, để có một trái tim rộng mở biết yêu thương và đón nhận anh em trong tình yêu thương hiệp nhất.

Kết thúc bài giảng, Lm chủ tế mời gọi mỗi người tín hữu trong Mùa Chay Thánh này, hãy từ bỏ chính mình và vác thập mình hàng ngày mà đi theo chân Chúa, từ bỏ những đam mê trần thế, và cùng nhau quyết tâm đứng lên trở về với Cha trên trời. Bởi vì, chỉ có Ngài mới là người Cha nhân hậu và hết mực yêu thương chúng ta.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 20g, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ Lm chủ tế và cùng nhau hát vang bài “Năm xưa trên cây sồi”.
 
Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế Miền Hà Nội Mừng Quan Thầy Thánh Giu-Se
Hiệp Hội Mến Thánh Giá Hà Nội
10:35 14/03/2023
Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế Miền Hà Nội Mừng Quan Thầy Thánh Giu-Se

Vào lúc 18h30, thứ Hai ngày 13/3/2023, quý Hội viên trong Hiệp hội Mến Thánh Giá (MTG) miền Hà Nội quy tụ về ngôi nhà thờ Mẹ của Tổng Giáo Phận hân hoan mừng lễ Quan thầy thánh Giu-se. Thánh lễ do Cha Tổng Đại diện An-tôn Nguyễn Văn Thắng chủ sự. Hiệp dâng trong Thánh lễ có Cha phó Giuse Trần Xuân Vị, quý Sơ Hội dòng MTG Hà Nội, quý Thầy, đông đảo quý Hội viên trong Hiệp hội và cộng đoàn dân Chúa.

Xem Hình

Ngỏ lời đầu lễ, Cha Tổng Đại diện An-tôn chúc mừng Hiệp hội trong ngày mừng lễ Quan thầy với những lời chúc tốt đẹp nhất. Thật trùng hợp, hôm nay cũng là ngày kỉ niệm 10 năm khai mạc sứ vụ của Đức Giáo Hoàng, ngài cũng kêu gọi quý Hội viên và cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.

Cắt nghĩa Lời Chúa trong bài giảng, Cha phó Giu-se dẫn chứng một nhân vật có địa vị trong xã hội, một tướng chỉ huy quân đội có tên Na-a-man, bị mắc bệnh phong hủi, nhưng đã được Thiên Chúa chữa cho lành sạch và được hưởng ơn cứu độ nhờ biết dẹp bỏ thành kiến, bỏ tính kiêu căng, biết làm theo và tin vào Lời của Thiên Chúa.

Hướng về thánh Giu-se Quan thầy, Cha Giu-se khẳng định: Chính thánh Giu-se là người luôn biết từ bỏ mọi thành kiến, sống đơn sơ khiêm nhường, luôn biết đón nhận và mau mắn thi hành Lời Chúa. Từ đó, ngài mời gọi mỗi thành viên trong Hiệp hội nói riêng và cộng đoàn nói chung hãy noi gương bắt chước thánh Giu-se Quan thầy về những nhân đức cao đẹp ấy để được lãnh nhận ơn cứu độ.

Cuối Thánh lễ, một vị đại diện cho Hiệp hội đã bày tỏ tâm tình tri ân tới Cha Tổng Đại diện An-tôn, Cha phó Giu-se, quý Sơ dòng MTG Hà Nội, quý Thầy và cộng đoàn đã hiện diện và cầu nguyện cho Hiệp hội trong ngày lễ Quan thầy.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giu-se Quan thầy, xin Chúa ban cho mỗi hội viên trong Hiệp hội MTG Tại thế luôn biết sống hiệp nhất, yêu thương. Noi gương thánh Quan thầy sống đơn sơ, khiêm tốn và biết mau mắn thự hành Lời Chúa để thăng tiến hơn trong đời sống Đức tin.

Được biết, trước đó vào thứ Bảy ngày 11/3/2023, để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Quan thầy cho sốt sắng và nhìn lại chính mình trong mùa Chay thánh, quý Hội viên trong Hiệp hội đã tổ chức tĩnh tâm, Chầu Thánh Thể và đón nhận Bí tích Hòa giải. Buổi tĩnh tâm do cha Tổng Đại diện An-tôn hướng dẫn.

Hiệp Hội Mến Thánh Giá Hà Nội
 
VietCatholic TV
Zelenskiy: Wagner và lính Dù Nga bỏ chạy, Ukraine thắng lớn ở Bakhmut, đập tan 102 cuộc tấn công
VietCatholic Media
03:06 14/03/2023


1. Tổng thống Zelenskiy cám ơn Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 92 hạ gục Wagner và lính Dù Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết tương lai của đất nước ông đang được quyết định ở miền đông Ukraine, nơi giao tranh “rất cam go”.

“Tình hình ở phía đông rất khó khăn và rất đau đớn. Chúng ta cần tiêu diệt sức mạnh quân sự của đối phương, và chúng ta sẽ làm được,” ông nói trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Hai. “Bilohorivka và Maryinka, Avdiivka và Bakhmut, Vuhledar và Kamyanka - và tất cả những nơi khác mà tương lai của chúng ta đang được quyết định. Nơi mà tương lai của chúng ta, tương lai của tất cả người dân Ukraine đang được đấu tranh giành giật.”

Zelenskiy cho biết ông rất biết ơn mọi người lính đã liều mạng trong những trận chiến này.

Ông nói: “Tôi cảm ơn tất cả những người đang bảo vệ vị trí của mình và chiến đấu cho Ukraine và những người anh em của họ. “Cảm ơn tất cả những người không bao giờ làm thất vọng những người bên cạnh họ trên đường dây!”

Tổng thống Ukraine nói thêm: “Hôm nay, tôi muốn công nhận các binh sĩ của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 92 vì những hành động thành công của họ ở khu vực Bakhmut.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sáng sớm ngày thứ Hai, 235 quân Wagner đã bị bắn chết khi đang cố gắng tấn công chiếm nhà máy thép Azom nơi Tổng thống Zelenskiy đã thăm viếng hôm 20 tháng 12. Đối phương rút lui nhưng chỉ một giờ sau lại đến cùng với lính Dù Nga. Giao tranh diễn ra dữ dội nhưng các binh sĩ Ukraine của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 92 đã anh dũng đẩy lui hết cuộc tấn công này đến cuộc tấn công khác. Đến chiều tối quân Nga rút lui bỏ lại hàng trăm xác đồng đội cùng một số xe tăng và xe thiết giáp. Thiệt hại của đối phương đang được kiểm đếm.

Nga có vẻ quyết liệt muốn giành cho được một chiến thắng tại thành phố Bakhmut nên đã tung một lực lượng quân đông đảo cố sức chiếm thành phố này. Tuy nhiên, có vẻ như họ đã cạn kiệt xe tăng nên chủ yếu các xe tăng Nga xông trận trong ngày qua đều là những chiếc T62. Theo các binh sĩ Ukraine, T62 có thể bị hạ gục bởi bất cứ súng chống tăng nào của quân Ukraine. Loại xe tăng này không có lớp giáp chống các vũ khí chống tăng hiện đại, bắn trúng chỗ nào nó cũng nổ tung.

2. Nga phát động hơn 100 cuộc tấn công trong một ngày, tất cả đều thất bại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Launched Over 100 Failed Attacks in a Single Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga đã phát động hơn 100 cuộc tấn công trong một ngày duy nhất, tất cả đều thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo quân đội Ukraine, Nga bị cáo buộc đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công thất bại nhằm vào Ukraine chỉ trong một ngày.

Các cuộc tấn công bị cáo buộc là dấu hiệu mới nhất cho thấy Nga đang phải vật lộn để đạt được tiến bộ trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Putin hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng, quyết định, nhưng lợi ích quân sự của ông đã bị nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ của Ukraine cản trở sau khi nước này nhận được sự hỗ trợ từ các chính phủ phương Tây.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

Các lực lượng của Putin tiếp tục trì trệ ở Ukraine sau hơn một năm xung đột, với giao tranh chủ yếu tập trung ở các khu vực cực đông của Ukraine, bao gồm cả Donbas.

Nga đã tiếp tục giành được một số lợi ích hạn chế, bao gồm xung quanh Bakhmut, một thành phố phía đông từng là nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc xung đột.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã chia sẻ bản cập nhật hoạt động mới nhất từ chiến trường vào thứ Hai, viết rằng lực lượng của họ đã đập tan 102 cuộc tấn công từ 5 thành phố quan trọng, bao gồm cả Bakhmut, trong bối cảnh suy đoán rằng Nga có thể áp sát thành phố này.

“Quân xâm lược Nga không từ bỏ ý định xâm lược Ukraine. Bất chấp những tổn thất đáng kể, đối thủ vẫn tiếp tục các hành động tấn công theo hướng Limansky, Bakhmutsky, Avdiiv, Maryinsky và Shakhtar. Ngày hôm qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ đã đẩy lùi 102 cuộc tấn công của đối phương theo các hướng này,” Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói.

Cô cho biết Nga đã thực hiện các cuộc tấn công khác, bao gồm ba cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, bao gồm cả ở thành phố Sloviansk. Trong bối cảnh thất bại, Nga đã chuyển sang tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự của Ukraine trong mùa đông nhằm nỗ lực gây thêm áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải ngồi vào bàn đàm phán.

Bộ Tổng tham mưu cho biết Nga đã tiến hành 8 cuộc không kích và “thực hiện 49 vụ pháo kích từ các hệ thống phản lực”, đồng thời cảnh báo rằng mức độ đe dọa hỏa tiễn trên khắp Ukraine vẫn ở mức cao.

Quân đội Ukraine cáo buộc Nga sử dụng “chiến thuật khủng bố” chống lại Ukraine, cáo buộc mới nhất trong một số cáo buộc rằng Nga đã vi phạm nhân quyền trong suốt cuộc chiến.

“Liên bang Nga tiếp tục sử dụng các chiến thuật khủng bố, thực hiện pháo kích bừa bãi vào các khu định cư, đồng thời vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn của Luật Nhân đạo Quốc tế”

Khi Ukraine tuyên bố đẩy lùi các cuộc tấn công này, cả Nga và Ukraine tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát Bakhmut, một thành phố mà các chuyên gia cho rằng có tầm quan trọng mang tính biểu tượng hơn đối với Nga, khi Mạc Tư Khoa tìm cách giành chiến thắng hiếm hoi sau nhiều tháng đình trệ.

Cố vấn của Zelenskiy Mykhailo Podolyak đã công bố hai mục tiêu của Ukraine đối với Bakhmut trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai.

Podolyak nói: “Chúng tôi có hai mục tiêu: thứ nhất, cắt giảm nhân lực sẵn sàng chiến đấu của họ càng nhiều càng tốt và ép họ vào một số trận đánh quan trọng mệt mỏi; thứ hai, là làm gián đoạn cuộc tấn công của họ và tập trung nguồn lực của chúng ta ở nơi khác cho cuộc phản công mùa xuân”.

3. Bộ Quốc Phòng Tây Ban Nha cho biết những người lính Ukraine đầu tiên sẽ hoàn thành khóa huấn luyện trên xe tăng Leopard của Tây Ban Nha trong tuần này

Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai, nhóm binh sĩ Ukraine đầu tiên được huấn luyện vận hành và bảo trì xe tăng Leopard 2A4 của Tây Ban Nha sẽ kết thúc khóa huấn luyện của họ trong tuần này.

Nhóm đầu tiên bao gồm 10 kíp lái hoàn chỉnh và nhân viên hỗ trợ, bao gồm tổng cộng 55 binh sĩ.

“Các khóa học này được triển khai sau cam kết của Tây Ban Nha đóng góp vào nỗ lực phòng thủ của Ukraine với sự đóng góp của xe tăng được chính thức hóa,” tuyên bố viết. “Vào thời điểm đó, Ukraine đã yêu cầu đào tạo kíp lái và nhân viên bảo trì để triển khai hoạt động của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A.”

Một số bối cảnh khác: Tây Ban Nha đã đồng ý gửi sáu xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 tới Ukraine, một phần trong nỗ lực phối hợp với Đức, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Hà Lan, để cung cấp cho Kyiv khoảng 80 xe Leopard 2. Đức sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 18 chiếc Leopard 2A6 biến thể tiên tiến hơn.

4. Mỹ cho biết chuyến thăm Iran của nhà lãnh đạo Belarus mở rộng “mối quan hệ sâu sắc” giữa Mạc Tư Khoa và Tehran

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết chuyến thăm của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tới Iran “về mặt nào đó là sự mở rộng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Iran và Nga”.

“Đó là điều chúng ta đang theo dõi rất chặt chẽ. Đây là hai con chim cùng lông và đôi khi chúng bay thành bầy với nhau,” Price nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao.

Như những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, nhà lãnh đạo Belarus, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã gặp Tổng thống Ebrahim Raisi tại Tehran vào thứ Hai, và hai người “đã ký một lộ trình hợp tác toàn diện giữa các quốc gia cho giai đoạn 2023-2026.”

5. Tòa Bạch Ốc nói: Hoa Kỳ đang khuyến khích chủ tịch Trung Quốc nói chuyện với Zelenskiy của Ukraine

Hoa Kỳ đã khuyến khích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Hai, giữa các báo cáo rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc gọi với Zelenskiy.

“Chúng tôi đã khuyến khích Chủ tịch Tập tiếp cận với Tổng thống Zelenskiy vì chúng tôi tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chính Chủ tịch Tập nên nghe trực tiếp quan điểm của Ukraine chứ không chỉ quan điểm của Nga về vấn đề này”, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên. “Trên thực tế, chúng tôi đã ủng hộ Bắc Kinh để mối liên hệ đó sẽ diễn ra.”

Ông cho biết Hoa Kỳ đã khuyến khích cuộc trò chuyện đó “công khai” cũng như “riêng tư với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Sullivan nói thêm rằng các quan chức Mỹ đã “nói chuyện với những người đồng cấp Ukraine của chúng ta ngày hôm nay” và rằng người Ukraine chưa chính thức nhận được xác nhận sẽ có một cuộc gọi điện thoại hoặc một cuộc họp video với ông Tập.

“Chúng ta hy vọng sẽ có. Đó sẽ là một điều tốt vì nó có khả năng mang lại sự cân bằng và thực tế hơn cho cách mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiếp cận vấn đề này và chúng ta hy vọng điều đó sẽ tiếp tục ngăn cản họ lựa chọn cung cấp vũ khí cho Nga,” Sullivan nói thêm.

6. Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ mở các vụ án tội ác chiến tranh chống lại Nga về cuộc xâm lược Ukraine

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đang lên kế hoạch mở hai vụ án tội ác chiến tranh liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và ban hành lệnh bắt giữ đối với “một số người”, theo New York Times và Reuters, dẫn lời các quan chức hiện tại và trước đây biết rõ về quyết định này, là những người không được phép phát biểu công khai.

Theo New York Times, các trường hợp này sẽ tiêu biểu cho các cáo buộc quốc tế đầu tiên được đưa ra kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Nga và được đưa ra sau nhiều tháng làm việc bởi các nhóm điều tra đặc biệt của ICC.

Vụ án đầu tiên mà ICC chuẩn bị mở là về cáo buộc Nga bắt cóc trẻ em Ukraine. Thứ hai là việc Nga “không ngừng” tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm nguồn cung cấp nước và bình gas, theo New York Times.

Theo Công tố viên trưởng của ICC, Karim Khan, bước đầu tiên là trình bày các cáo buộc của mình trước một hội đồng gồm các thẩm phán trước khi xét xử, họ sẽ quyết định liệu các tiêu chuẩn pháp lý có được đáp ứng để ban hành lệnh bắt giữ hay liệu các nhà điều tra có cần thêm bằng chứng hay không.

Người đứng đầu ICC đã đến thăm Ukraine vào tháng trước để thăm dò các cuộc tấn công của Nga vào năng lượng và cơ sở hạ tầng khác.

Khan nói với các phóng viên trong chuyến thăm rằng “tôi nghĩ chúng ta thấy rõ ràng một mô hình về số lượng, quy mô và phạm vi của các cuộc tấn công nhằm vào lưới điện của Ukraine. Và chúng ta cần xem xét tại sao điều đó lại xảy ra; họ có phải là mục tiêu hợp pháp hay không; và liệu họ có bị tấn công vì những lý do khác hay không.”

“Dường như có rất nhiều thiệt hại ở Ukraine, và rất có thể đó là một phần của chính sách và một phần của kế hoạch và chúng ta cần tìm hiểu tận cùng vấn đề và xem liệu có trách nhiệm hình sự hay không và nếu có thì chúng ta có một Tòa án Hình sự Quốc tế có thẩm quyền để xem xét vấn đề này hay không,” ông nói thêm.

Khi được hỏi liệu quy trình của tòa án có thể quá chậm để đáp ứng mong đợi của người Ukraine hay không, công tố viên hàng đầu cho biết: “Điều mọi người muốn không phải là những chiến thắng kiểu Pyrrhic.”

“Là một công tố viên, chúng tôi là nhân viên của tòa án. Chúng tôi không ở đây để nhận được một tràng pháo tay bằng một trò ảo thuật. Bất cứ khi nào chúng tôi hành động, mọi người nên tin tưởng rằng đây không phải là một quá trình chính trị”

Thông tin cơ bản khác: Đầu tháng này, CNN đã đưa tin về Arina Yatsiuk, 15 tuổi, một trong 345 trẻ em Ukraine đã biến mất kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, theo thống kê chính thức của Ukraine.

Chính phủ Ukraine cho biết nhiều trẻ em mất tích đã bị cưỡng bức đưa tới Nga. Chính phủ Nga không phủ nhận việc nhận trẻ em Ukraine và đã biến các gia đình Nga nhận con nuôi thành tâm điểm tuyên truyền.

Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với CNN hôm thứ Hai rằng họ đã thúc đẩy ICC trong một thời gian để xin lệnh bắt giữ các cá nhân Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

“Ukraine đã và đang thúc đẩy ICC truy tố các quan chức Nga liên quan đến các tội ác chiến tranh, kể cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phải chịu trách nhiệm cuối cùng”

7. Chính phủ Anh cho biết Nga vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” đối với an ninh của Vương quốc Anh

Chính phủ Anh cho biết Nga tiếp tục là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” đối với an ninh của Vương quốc Anh trong một đánh giá về chính sách an ninh quốc gia được công bố hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh Ben Wallace cho biết như trên.

Báo cáo, được gọi là “Làm mới đánh giá tích hợp năm 2023”, đã công bố việc mở rộng đầu tư quốc phòng thêm 5 tỷ bảng Anh, hay khoảng 6 tỷ USD, trong hai năm tới.

“Điều đã thay đổi là an ninh tập thể của chúng ta hiện nay về bản chất có liên quan đến kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine,” đánh giá này, là bản cập nhật trên một đánh giá được xuất bản vào năm 2021, cho biết như trên.

Về lâu dài, Vương quốc Anh sẽ đặt mục tiêu tăng “cam kết chi tiêu cơ bản” cho quốc phòng từ 2% GDP lên 2,5%, đánh giá cho biết.

Bản báo cáo nói rằng Trung Quốc “đặt ra một thách thức mang tính thời đại đối với loại trật tự quốc tế mà chúng ta muốn thấy,” và xác định “mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga và sự hợp tác ngày càng tăng của Nga với Iran” là hai diễn biến gây “quan ngại đặc biệt”.

Về Nga, đánh giá cho rằng mục tiêu của Vương quốc Anh sẽ là “ngăn chặn và thách thức khả năng cũng như ý định của Nga nhằm phá vỡ an ninh của Vương quốc Anh, Euro-Atlantic và trật tự quốc tế rộng lớn hơn”.

Về Trung Quốc, báo cáo đã công bố tăng gấp đôi khoản tài trợ “để xây dựng các nghiên cứu về năng lực của Trung Quốc trong toàn chính phủ nhằm hiểu rõ hơn về Trung Quốc và cho phép chúng ta can dự một cách tự tin vào những nơi mà chúng ta có lợi khi làm như vậy”.

Đáp lại sự gia tăng chi tiêu quốc phòng, Tobias Ellwood, chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Quốc phòng của Vương quốc Anh, nói với Sky News hôm thứ Hai rằng Nga và Trung Quốc “sẽ thở phào nhẹ nhõm vì chúng tôi đã không đầu tư thêm vào lực lượng vũ trang của mình vào thời điểm này..”

Phát biểu trước quốc hội Vương quốc Anh về báo cáo, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng “ở mọi châu lục trên thế giới, Vương quốc Anh ngày nay đã đi cao hơn so với những gì đã đạt được trong nhiều năm”.

8. Nga và Liên Hiệp Quốc đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm 60 ngày

Nga và Liên Hiệp Quốc đã đồng ý gia hạn thêm 60 ngày cho thỏa thuận ngũ cốc Ukraine sau các cuộc đàm phán ở Geneva, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết vào hôm thứ hai.

“Phái đoàn liên ngành Nga của chúng ta vừa hoàn thành một vòng đàm phán khác với các đại diện của Liên Hiệp Quốc do Tổng thư ký UNCTAD R. Greenspan và người đứng đầu OCHA M. Griffiths dẫn đầu,” Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Nhà ngoại giao này cho biết thêm Mạc Tư Khoa đã đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc hiện tại, kéo dài đến ngày 18 tháng 3, thêm 60 ngày.

“Nhưng chỉ trong 60 ngày,” Vershinin nói. “Bất kỳ chính sách ngũ cốc nào khác sẽ phụ thuộc vào thực tế —không phải dựa trên những gì đã nói mà là những gì đã làm — trong tiến trình bình thường hóa xuất khẩu nông sản của chúng ta, bao gồm thanh toán ngân hàng, hậu cần vận tải, bảo hiểm, giải phóng các hoạt động tài chính và tiếp tục cung cấp amoniac thông qua Tolyatti -Đường ống Odessa.”

Tại sao xuất khẩu ngũ cốc rất quan trọng? Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp thực phẩm quan trọng cho thế giới. Trước chiến tranh, Ukraine - được biết đến như một trong những vựa lúa mì của thế giới - sẽ xuất khẩu khoảng 3/4 lượng ngũ cốc mà nước này sản xuất. Theo số liệu của Ủy ban Âu Châu, khoảng 90% số hàng xuất khẩu này được vận chuyển bằng đường biển, từ các cảng Hắc Hải của Ukraine. Do đó, chiến tranh và tác động của nó đối với xuất khẩu ngũ cốc có những tác động lớn, đặc biệt là ở Nam bán cầu, nơi phụ thuộc rất nhiều vào chúng.
 
Âm mưu nham hiểm của trùm Wagner. Putin tái mặt: Nga cạn kiệt đạn pháo, lính Dù Nga thương vong cao
VietCatholic Media
16:43 14/03/2023


1. Giao tranh ác liệt diễn ra tại thành phố Bakhmut, 740 lính Nga tử trận cùng 10 xe tăng, 15 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 14 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong ngày qua giao tranh đã diễn ra ác liệt tại 3 khu vực với hơn 100 cuộc tấn công. Tất cả đều bị bẻ gãy.

Ở hướng Kupiansk, khu vực Kharkiv, quân đội Nga một lần nữa đang cố gắng tiến hành các cuộc tấn công bằng cách tấn công biển người vào các vị trí của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở làng Hrianykivka, nơi hầu như không còn dân thường, vì ngôi làng liên tục nằm dưới làn đạn của đối phương.

“Một nhóm bắn tỉa của lực lượng biên phòng đã xác định được người đứng đầu đơn vị Nga và loại khỏi vòng chiến người này, có thể là một sĩ quan mà chúng ta chưa xác định được cấp bậc. Mất chỉ huy, quân xâm lược ngưng tấn công và bỏ chạy.”

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau nỗ lực bất thành các lực lượng Nga đã nã pháo vào các khu định cư của các quận Kupiansk, Chuhuiv và Kharkiv bằng tất cả các loại vũ khí. Đặc biệt, quận Vovchansk đã bị hỏa hoạn.

“Một quả đạn trúng một đơn vị của Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước, một quả đạn khác trúng một xe hơi dân sự và người phụ nữ ngồi trong xe hơi này chết tại chỗ. Ít nhất năm ngôi nhà tư nhân đã bị hư hại.”

Nhận xét về tình hình ở Bakhmut, Chuẩn tướng Oleksii Hromov lưu ý rằng các cuộc giao tranh ở vùng ngoại ô và bên trng thành phố vẫn tiếp tục với cường độ ác liệt. Ông nói: “Cho đến nay, đây là một trong những khu vực khốc liệt nhất của mặt trận, nơi các cuộc đụng độ chiến đấu và pháo kích liên tục của đối phương đang diễn ra.”

Tuy nhiên, ông nhận xét rằng số đạn pháo của quân Nga bắn ra đã giảm bớt một cách đáng kể. Trung bình trong một ngày của Tháng Giêng, quân Nga bắn khoảng 23.000 quả đạn pháo. Con số này là khoảng 15.000 một ngày trong mấy ngày gần đây, đặc biệt là sau khi kho đạn pháo ở Svatove bị đánh trúng nổ hơn một ngày, một đêm.

Trong bối cảnh đó, do thiếu pháo binh yểm trợ, quân Nga bị thiệt hại nặng trong các cuộc tấn công lấn chiếm ở thành phố Bakhmut. Hy vọng có thể chiếm được thành phố Bakhmut của quân Nga đang tàn phai dần trước các con số thương vong kinh hoàng.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng báo cáo rằng đối phương đang tích cực tung ra các hoạt động chiến đấu theo hướng Svatove-Kreminna. Trung Đoàn 752 Súng Trường Cơ Giới và không quân Nga tấn công quân Ukraine tại Bilohorivka nhưng không thành công. Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhận xét rằng “Sau một thời gian tấn công không thành công, đối phương đang tập hợp lại, cố gắng phản công theo một số hướng nhất định, nhưng bị tổn thất đáng kể và phải rút lui.”.

Quân xâm lược Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào khu vực Odesa bằng máy bay chiến thuật.

“Máy bay Su-24 đã bắn 4 hỏa tiễn chống radar, có lẽ là Kh-31P, về hướng bờ biển”.

Các hệ thống phòng không Ukraine đã bắn rơi các hỏa tiễn của Nga trên biển, nhưng các mảnh vỡ và sóng nổ đã làm hư hại một trường mẫu giáo trên bờ biển và một số ngôi nhà dân. Không có thương vong nào được báo cáo.

Quân xâm lược Nga đã tấn công trung tâm Kramatorsk, vùng Donetsk, bằng một hỏa tiễn vào sáng thứ Ba, khiến một người thiệt mạng và bảy người khác bị thương.

Trong diễn từ trước quốc dân đồng bào, Tổng thống Zelenskiy nói:

“Kramatorsk. Một hỏa tiễn của Nga đánh trúng trung tâm thành phố. Sáu tòa nhà cao tầng bị hư hại. Ít nhất ba người bị thương. Một người đã chết. Tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình! Các hoạt động cấp cứu vẫn đang tiếp diễn”.

Ông lên án việc Nga tiếp tục chiến đấu chống lại thường dân, hủy hoại cuộc sống và không để lại gì cho con người.

“Mọi cuộc tấn công cướp đi sinh mạng vô tội phải dẫn đến một bản án hợp pháp và công bằng trừng phạt tội giết người. Chắc chắn sẽ như vậy,” Zelenskiy nói.

Trong 24 giờ qua, 740 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 10 xe tăng, 15 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 14 Tháng Ba, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 160.540 binh sĩ Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương bao gồm 3.484 xe tăng, 6.789 xe thiết giáp, 2.519 hệ thống pháo, 495 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 260 hệ thống phòng không, 304 máy bay, 289 máy bay trực thăng, 2.120 máy bay không người lái, 907 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.367 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 256 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh khẳng định Nga sắp hết đạn pháo

Trong những tuần gần đây, tình trạng thiếu đạn pháo của Nga có thể đã trở nên tồi tệ đến mức việc phân bổ đạn pháo có tầm sát thương cao được áp dụng ở nhiều nơi trên mặt trận. Đây gần như chắc chắn là lý do chính giải thích tại sao gần đây không có đơn vị nào của Nga có thể tạo ra hành động tấn công có ý nghĩa về mặt tác chiến.

Nga gần như chắc chắn đã phải dùng đến việc tung ra kho vũ khí cũ mà trước đây được phân loại là không phù hợp để sử dụng.

Một sắc lệnh của tổng thống ngày 03 tháng 3 năm 2023 đã đưa ra các biện pháp để Bộ Thương mại và Công nghiệp bỏ qua thẩm quyền của những người quản lý các ngành công nghiệp quốc phòng không đạt được mục tiêu sản xuất của họ.

Nga đang ngày càng áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế chỉ huy vào tổ hợp công nghiệp quân sự của mình vì nước này nhận ra rằng năng lực sản xuất quốc phòng của mình là một lỗ hổng chính trong 'hoạt động quân sự đặc biệt' ngày càng tiêu hao.

3. Nga thừa nhận cơ hội chiến thắng ở Ukraine đang bị thu hẹp

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Admits Chances of Victory in Ukraine are Narrowing”, nghĩa là “Nga thừa nhận cơ hội chiến thắng ở Ukraine đang bị thu hẹp.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Phát ngôn viên hàng đầu của điện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov đã gợi ý rằng cơ hội chiến thắng của Nga ở Ukraine đang bị thu hẹp dần.

Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước đó đã nói rằng Nga có thể đạt được chiến thắng ở Ukraine thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, với một số điều kiện không thể thương lượng. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, ông cho biết các mục tiêu chiến tranh của nhà lãnh đạo Nga hiện chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp quân sự.

Nga đã khẳng định trong suốt cuộc xung đột, vốn đã qua mốc một năm vào ngày 24 tháng 2, rằng Crimea, mà Putin đã sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine vào năm 2014, phải là một phần của quốc gia này trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai. Putin cũng đã nói rằng bốn khu vực của Ukraine mà ông sáp nhập bất hợp pháp vào tháng 9 năm 2022 cũng phải được công nhận là của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm nhằm vô hiệu hóa việc sáp nhập bốn khu vực do Nga kiểm soát một phần là Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ, không công nhận các vụ thôn tính.

Hôm thứ Hai, ông Peskov nói với các phóng viên rằng các mục tiêu do Putin đặt ra trong cái mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” hiện không thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.

“Đối với chúng tôi, ưu tiên tuyệt đối tiếp tục và sẽ luôn là đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tại thời điểm này, chúng chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp quân sự”.

Vào tháng 10 năm 2022, Peskov nói với tờ báo Nga Izvestia rằng các mục tiêu của Putin trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine là không thay đổi, nhưng chúng có thể đạt được thông qua đàm phán.

“Hướng đi không thay đổi, hoạt động quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục, nó tiếp tục để chúng ta đạt được mục tiêu của mình”, ông Peskov được trích dẫn vào thời điểm đó. “Tuy nhiên, chúng ta đã nhiều lần nhắc lại rằng chúng ta vẫn sẵn sàng đàm phán để đạt được các mục tiêu của mình.”

Zelenskiy trước đó đã tắt khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Nga sau khi Ukraine bị tấn công bằng một loạt hỏa tiễn sau vụ nổ trên cây cầu bắc qua eo biển Kerch, cây cầu duy nhất nối Bán đảo Crimea đã sáp nhập với Nga, vào tháng 10.

Nhận xét của Peskov được đưa ra khi Nga tiếp tục với mục tiêu chiếm toàn bộ khu vực Donbas phía đông của Ukraine. Năm nay, Nga đã giành quyền kiểm soát thị trấn khai thác muối Soledar và hy vọng sẽ sớm chiếm được thành phố Bakhmut, nơi lực lượng hai bên đã đụng độ kể từ tháng 7 năm 2022.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine qua email để bình luận.

4. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: Nga và Trung Quốc “rõ ràng” liên kết với nhau trong tuyên truyền về cuộc chiến ở Ukraine

Nga và Trung Quốc “rõ ràng” đã liên kết với nhau về tuyên truyền và thông tin sai lệch liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong khi đó Hoa Kỳ và phương Tây đã không đầu tư đủ trong nhiều năm để chống lại những thông tin sai lệch đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price đã cho biết như trên.

Ned Price nói với các phóng viên: “Mỹ với tư cách là một quốc gia, phương Tây với tư cách là một xã hội, đã chậm chấp nhận và nhận ra mức độ mà Trung Quốc và Nga đã thực hiện các hoạt động trong không gian thông tin liên quan đến các mục tiêu quốc gia của họ”.

Ned Price nói rằng Trung Quốc và Nga “đã chi hàng chục tỷ đô la” cho thông tin sai lệch trong những năm qua, và “tôi tin rằng chúng ta sắp sửa đối mặt với tư cách là một quốc gia và một xã hội.”

“Tôi nghĩ rằng nó đã được đề cập đến đến, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đã tung ra các nguồn lực và năng lượng vào lãnh vực này mà lẽ ra chúng ta nên làm. Những năm gần đây, tất cả chúng ta mới thấy được mặt tối của cuộc cách mạng truyền thông trong công nghệ kỹ thuật số.”

“Trong khi đó, người Nga và đặc biệt là người Trung Quốc đang làm việc trong mặt tối đó,” ông nói.

Ned Price lưu ý rằng cuộc chiến ở Ukraine đã giúp đánh thức phương Tây về vấn đề này, nói rằng, “khi các nền dân chủ được khơi dậy, như trong trường hợp cuộc xâm lược Ukraine của Nga, thì các nền dân chủ đã thể hiện sức mạnh của họ vào năm ngoái.”

“Các chế độ chuyên quyền yếu hơn do kết quả của năm ngoái. Vì vậy, tôi tin rằng khi được khơi dậy thì chúng ta sẽ thành công, nhưng chúng ta chưa được khơi dậy đủ”.

Ned Price mô tả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh có “phòng phản hồi” và “vòng phản hồi” để truyền bá những câu chuyện sai sự thật về chiến tranh, đồng thời cho biết, “họ cố gắng thu hút ngày càng nhiều sự chú ý bằng cách chia sẻ những câu chuyện.”

Những nỗ lực đưa thông tin sai lệch này trên thực tế là do nhà nước tài trợ, bởi vì “ở Nga và Trung Quốc, chúng ta thường tin rằng các hoạt động truyền thông lớn đều được chính phủ của họ liên kết chặt chẽ”.

Ned Price nhấn mạnh rằng rằng Trung tâm Tham gia Toàn cầu của Bộ Ngoại giao, được giao nhiệm vụ chống lại thông tin sai lệch của nước ngoài, đã đưa ra một báo cáo cách đây vài năm cho thấy chính phủ Nga “điều hành thông tin sai lệch ở các cấp cao nhất của chính phủ” và “hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc được điều hành tại các cấp chính quyền cao nhất.”

Ông nói thêm rằng người đứng đầu Trung tâm Tham gia Toàn cầu tại Bộ Ngoại giao sẽ tới Đông Âu “nơi thường xuyên xảy ra các hoạt động lặp lại và phổ biến thông tin sai lệch của Nga” và sẽ tham gia với các chính phủ ở đó về cách “đóng cửa nó”. hoặc giảm thiểu hoặc hạn chế nó,” thay vì “đợi những người này lặp lại và công bố nó.”

5. Ngũ Giác Đài cho biết cuộc chiến Ukraine “quá linh hoạt” để đưa thêm kinh phí vào ngân sách năm 2024

Yêu cầu ngân sách trị giá 842 tỷ đô la năm 2024 của Ngũ Giác Đài không bao gồm tài trợ bổ sung cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga do không thể đoán trước được tuổi thọ của cuộc xung đột, các quan chức cho biết khi họ tóm tắt chi tiết về yêu cầu.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng yêu cầu ngân sách năm tài chính 2024 của Ngũ Giác Đài có 300 triệu đô la cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine “luôn nằm trong ngân sách”, nhưng nếu không thì “không có khoản tài trợ nào khác của Ukraine ở đây”.

“Nếu đó vẫn là một vấn đề đang diễn ra trong năm 2024, thì chúng ta dự kiến sẽ giải quyết vấn đề đó bằng các khoản dự phòng, dự phòng hoặc tài trợ bổ sung, đó là cách mà mọi hoạt động khẩn cấp đã được giải quyết trong khoảng 50 năm liên tiếp trong chính phủ này. Vì vậy, không có gì khác nhau ở đây. Hiện tại tình thế quá linh hoạt để đưa bất cứ điều gì dự đoán cho năm 2024,” Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói.

Ông nhấn mạnh rằng việc không có nguồn tài trợ bổ sung “không quan trọng đối với chúng ta.”

Một số bối cảnh khác: Kể từ cuộc xâm lược của Nga hơn một năm trước, Hoa Kỳ đã hỗ trợ khoảng 30 tỷ đô la cho Ukraine. Ngân sách của Tòa Bạch Ốc, được công bố vào tuần trước, bao gồm 6 tỷ USD từ Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao cho Ukraine và các đồng minh Âu Châu khác.

Mặc dù yêu cầu ngân sách của Ngũ Giác Đài có thể không bao gồm khoản tài trợ bổ sung dành riêng cho Ukraine, nhưng nó bao gồm khoản tăng gần 6 tỷ đô la tài trợ cho vũ khí, đạn dược “được thông báo và gây áp lực bởi cuộc chiến ở Ukraine và những thứ mà chúng ta đã cung cấp đến Ukraine”

6. Liên Hiệp Âu Châu gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt Nga vì xung đột Ukraine

Hội đồng Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai tuyên bố họ đã gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine thêm sáu tháng.

Các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15 tháng 9 năm 2023, nhắm vào “những người chịu trách nhiệm phá hoại hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine”.

Các biện pháp trừng phạt hiện tại áp dụng cho 1.473 cá nhân và 205 tổ chức, bao gồm hạn chế đi lại, đóng băng tài sản và cấm cung cấp tiền hoặc các nguồn lực kinh tế khác cho các cá nhân và tổ chức được liệt kê.

“Trong kết luận của Hội đồng Âu Châu ngày 9 tháng 2 năm 2023, Liên Hiệp Âu Châu nhắc lại sự lên án kiên quyết của mình đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine, điều này cấu thành một sự vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và đã mang lại đau khổ và hủy diệt to lớn cho Ukraine và người dân của họ,” hội đồng cho biết.

“Nga phải chấm dứt cuộc chiến tàn bạo của mình ngay lập tức,” Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu nói.

Việc Liên Hiệp Âu Châu gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga diễn ra sau khi khối này thông qua gói trừng phạt thứ 10 vào tháng Hai.

7. Âm mưu nham hiểm Wagner trả tiền cao cho người Ukraine tham gia cùng họ ở Bakhmut chống lại đồng bào mình

Ivan Federov, thị trưởng của thành phố Melitopol, vừa cáo buộc một âm mưu nham hiểm Wagner. Chúng trả tiền cao cho người Ukraine tham gia chiến đấu ở Bakhmut chống lại đồng bào mình. Các quan sát viên lạc quan thì cho rằng điều này chứng tỏ hai điều: Thứ nhất, trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin đã cạn kiệt nhân sự. Thứ hai, y đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ người Nga vì bị Bộ Quốc Phòng Nga chèn ép.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Group Trying to Pay Ukrainians to Join Them in Bakhmut: Official”, nghĩa là “Quan chức cho biết: Tập đoàn Wagner đang cố gắng trả tiền cho người Ukraine để tham gia cùng họ ở Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Công ty quân sự tư nhân của Nga, Tập đoàn Wagner, được tường trình đã bắt đầu trả tiền cho người Ukraine để chiến đấu cho họ khi mối quan hệ của họ với Điện Cẩm Linh ngày càng xấu đi.

Được thành lập và điều hành bởi nhà tài phiệt Yevgeny Prigozhin, Wagner là một tổ chức lính đánh thuê có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine mà trước đây bị cáo buộc là làm việc theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong những tháng gần đây, các lực lượng của họ đã tham gia rất nhiều vào trận chiến giành Bakhmut, một thành phố ở vùng Donetsk đang tranh chấp được binh lính Ukraine bảo vệ chống lại nỗ lực thiết lập quyền kiểm soát của Nga. Trong khi giá trị chiến lược của thành phố đã bị một số người nghi ngờ, Ukraine vẫn cho rằng việc phòng thủ thành phố Bakhmut có tầm quan trọng sống còn.

Tuy nhiên, gần đây, đã xuất hiện các báo cáo cho thấy mối quan hệ của Tập đoàn Wagner với chính phủ Nga đang căng thẳng, dẫn đến việc tập đoàn gặp khó khăn trong tuyển dụng. Theo một báo cáo của Kyiv Independent từ thứ Hai, Wagner bị cáo buộc đã bắt đầu trả tiền cho các công dân Ukraine để tham gia cùng họ.

Tuyên bố bắt nguồn từ Ivan Federov, thị trưởng của thành phố Melitopol do Ukraine kiểm soát, người đã tuyên bố trong một chương trình tin tức gần đây rằng ông đã nghe nói về việc Wagner cố gắng trả tiền cho cư dân thành phố của mình để tham gia cuộc chiến của họ. Lời đề nghị được tường trình là 200.000 rúp Nga, tương đương khoảng 2.600 USD, một tháng để chiến đấu cho nhóm quân sự tư nhân. Các báo cáo trước đó từ các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine đã đề cập đến các chiến thuật tương tự.

Tuyên bố của Federov không thể được xác nhận một cách độc lập vào thời điểm này, mặc dù chúng giống với các báo cáo khác liên quan đến tình trạng của Wagner. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

Một báo cáo hôm thứ Hai từ Bộ Quốc phòng Anh đã lặp lại những tuyên bố về những khó khăn trong việc tuyển dụng của Wagner, với nhận định rằng nhóm này “rất có thể đang điều hướng các nỗ lực tuyển dụng tới các công dân Nga tự do”. Sự thay đổi này được cho là do mối quan hệ ngày càng căng thẳng của nhóm với các nhà lãnh đạo quốc phòng ở Điện Cẩm Linh, nơi trước đây đã cho phép nhóm tuyển dụng từ các tù nhân Nga, đề nghị các tù nhân được giảm án sau thời gian sáu tháng phục vụ ở Ukraine. Prigozhin trước đó đã cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga phản quốc và tuyên bố rằng họ đang giữ lại các lô hàng đạn dược cho lực lượng Wagner đang chiến đấu ở Bakhmut.

Những nỗ lực mới này được cho là liên quan đến các trung tâm tuyển dụng được thành lập tại các địa điểm thể thao, trong khi đại diện của Wagner bị cáo buộc nhắm đến các học sinh trung học.

“Trong những ngày gần đây, những kẻ tuyển dụng Wagner trá hình cũng đã tổ chức các buổi nói chuyện về nghề nghiệp tại các trường trung học ở Mạc Tư Khoa, phân phát các bảng câu hỏi có tựa đề 'đơn ứng tuyển của một chiến binh trẻ' để thu thập thông tin liên lạc của các học sinh quan tâm,” báo cáo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh giải thích.

Nói chuyện với Newsweek qua email, chuyên gia quốc phòng Rajan Menon nói rằng mặc dù những tin đồn về việc tuyển dụng Wagner chưa được xác nhận, nhưng chúng sẽ không làm ông ngạc nhiên, với lý do nhóm này không thể tiếp tục nhận tù nhân.

“Những người lính-tù binh của Wagner đã phải chịu thương vong rất cao trong trận chiến giành Bakhmut, và nếu Prigozhin muốn Wagner tham gia dày đặc các trận chiến để nâng cao vị thế chính trị của mình ở Nga, là điều mà rõ ràng là anh ta làm, thì hiển nhiên là anh ta phải tuyển dụng từ những nơi khác,” Menon nói. “Ông ấy đã đề cập rằng một địa điểm sẽ là các trường học của Nga có học sinh đủ tuổi nhập ngũ, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên nếu ông ấy cũng quyết định chuyển sang các khu vực do Nga xâm lược ở Ukraine.

“Wagner có thể tiếp tục là một nhân tố trong cuộc chiến này, mặc dù nó thiếu quân số và vũ khí hạng nặng cần thiết để trở thành một nhân tố chính, nhưng hiệu quả của nó chắc chắn sẽ bị xói mòn bởi mối quan hệ độc hại với giới chức hàng đầu của Nga cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Vị thế của Nhóm này ở Nga cũng phụ thuộc vào việc cuộc chiến giành Bakhmut, mà Prigozhin đã đánh cược danh tiếng của mình, sẽ kết thúc như thế nào.”
 
Quá điên: Công nghị cấp tiến hết ga của Đức đề nghị cho giáo dân được giải tội. Ma quỷ gây nghiện ăn
VietCatholic Media
17:22 14/03/2023


1. “Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng”: 10 sự thật thú vị về Cha Gabrielle Amorth

Hôm 21 tháng 2 vừa qua, Sony Pictures đã phát hành đoạn giới thiệu cho bộ phim “The Pope's Exorcist” hay “Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng”. Tuy nhiên, một số nhân vật không đồng tình với việc miêu tả Cha Gabrielle Amorth, sinh ngày 1 tháng Năm 1925 và qua đời vào ngày 16 tháng Chín 2016.

Sony Pictures đưa tin rằng bộ phim “được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về Cha Gabriele Amorth, Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng.” Thật ra, ngài là nhà trừ tà của giáo phận Rôma, nhưng Sony Pictures khuếch đại lên là “Nhà trừ tà của Đức Giáo Hoàng.”

Các linh mục như Đức Ông Stephen Rossetti và Cha José Antonio Fortea, trong số những người khác, chỉ ra rằng bộ phim dường như không lấy cảm hứng từ cuộc đời của vị linh mục nổi tiếng người Ý.

Ngược lại, hành động của con quỷ, cũng như chức vụ của người trừ tà, đã được phóng đại cho mục đích điện ảnh.

Nam diễn viên Russell Crowe không có bất cứ nét nào giống với Cha Gabriele Amorth. Vậy vị linh mục người Ý này thực sự là ai? Dưới đây là 10 sự kiện thật sự về vị linh mục này:

1. Ngài thành lập Cơ quan trừ quỷ quốc tế

Cha Gabriele Amorth có lẽ là nhà trừ quỷ nổi tiếng nhất trên thế giới. Cùng với Cha René Laurentin, ngài thành lập Hiệp hội trừ quỷ quốc tế vào năm 1994. Gần 20 năm sau, hiệp hội này có 800 thành viên trừ quỷ và 120 phụ tá.

2. Ngài trở thành một nhà trừ tà ở tuổi 60

Cha Amorth sinh ra ở Modena, Ý, vào ngày 1 tháng 5 năm 1925 và được thụ phong linh mục vào năm 1951. Mặc dù được công chúng biết đến với chức vụ trừ quỷ, nhưng ngài chỉ nhận nhiệm vụ này 35 năm sau khi thụ phong linh mục và lúc gần 60 tuổi..

3. Ngài đã thực hiện hàng ngàn lần trừ tà

Trong 30 năm mục vụ của mình, cho đến khi qua đời ở tuổi 91, người ta ước tính rằng ngài đã thực hiện gần 160.000 vụ trừ quỷ. Ngài đã nói vào năm 2000: “Tôi nói chuyện với ma quỷ mỗi ngày. Tôi nói chuyện với nó bằng tiếng Latinh. Tôi đã chiến đấu với nó, ngày này qua ngày khác, trong suốt 14 năm.”

Một số lễ trừ tà này đã được ghi lại bằng camera truyền hình.

4. Ngài nhắc nhở thế giới rằng ma quỷ là điều có thật

Cha José Antonio Fortea, một nhà thần học chuyên về quỷ học, đã gặp Cha Amorth vào năm 1995 trong thời gian nghiên cứu thần học về trừ tà.

Ngài nhớ lại vào năm 2016: “Tiếng nói mạnh mẽ và dứt khoát của ngài đã nói với hàng triệu người về hành động của ma quỷ. Một mình ngài, một người duy nhất, đã tìm cách hồi sinh sứ vụ này trong một quốc gia, và sau đó ảnh hưởng của ngài lan rộng khắp mọi nơi trong Giáo hội. Phương tiện để đạt được điều này chỉ đơn giản là nói những gì ngài đã thấy.

5. Ngài từng là một nhà báo

Trong số các hoạt động ngài thực hiện trong cuộc đời mình, công việc nổi bật của ngài là ký giả. Trong nhiều năm, ngài đã chỉ đạo nguyệt san “Madre de Dios” nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa” và làm việc với nhóm Famiglia Cristiana và Radio Maria.

6. Ngài giải thích tại sao ma quỷ sợ Thánh Gioan Phaolô II

Cha Gabriele Amorth đã giải thích vào năm 2011 tại sao ma quỷ lại sợ Thánh Gioan Phaolô II đến vậy.

Theo vị linh mục, “ma quỷ trả lời, 'bởi vì con người ấy đã phá vỡ kế hoạch của tôi.' Và Cha Gabriele Amorth nghĩ Satan đang đề cập đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Nga và Đông Âu.

“Một câu trả lời khác mà Satan dành cho tôi, đó là 'bởi vì con người ấy đã lôi kéo rất nhiều người trẻ tuổi khỏi tay tôi.' Có rất nhiều người trẻ, nhờ Đức Gioan Phaolô II, đã được hoán cải.”

7. Cha Gabriele Amorth đã cảnh báo về quân khủng bố Hồi Giáo ISIS

Vào năm 2015, ngài tuyên bố rằng: “ISIS là Satan. Mọi thứ xảy ra đầu tiên trong các lĩnh vực tâm linh, sau đó chúng trở thành hiện thực trên trái đất này.”

8. Cha Gabriele Amorth cảnh báo về ma quỷ trong chính trị

Vào một dịp khác, ngài nói rằng “ma-quỉ thích thâu tóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người nắm giữ chức vụ chính trị”.

Ngài cũng bảo đảm rằng “Hitler và Stalin đã bị ám. Làm sao tôi biết được? Bởi vì họ đã giết hàng triệu người. Thật không may, một lễ trừ tà đối với họ sẽ không đủ, vì họ đã bị thuyết phục về những gì họ đang làm. Chúng ta không thể nói rằng đó là sự chiếm hữu theo nghĩa chặt chẽ của từ này, mà đúng hơn là sự chấp nhận hoàn toàn và tự nguyện các gợi ý của ma quỷ.”

9. Cha Gabriele Amorth phản đối việc sử dụng hình xăm

Trong cuốn sách “Manual de Demonología” của Simone Iuliano, Cha Gabriele Amorth và Cha Mario Granato đã viết một lời tựa khi các ngài đề cập đến chủ đề hình xăm.

Theo các ngài, người có hình xăm đã phạm tội ác không tự nguyện, vì nó tấn công “Đền thờ của Chúa”, tức là cơ thể của bạn, một chi thể trong thân thể của Chúa Kitô.

10. Cha Gabriele Amorth đã viết hơn 20 tác phẩm về ma quỷ, trừ tà và tà ác.

Cha Gabriele Amorth đã viết khoảng hai mươi cuốn sách về kinh nghiệm của mình với tư cách là một nhà trừ quỷ. Những cuốn bán chạy nhất ở Ý là “Nhà trừ tà kể câu chuyện của mình” và cuốn “Trận chiến của tôi với Satan”.
Source:Church POP

2. Nhật Ký Trừ Tà #230: Ma quỷ gây nghiện ăn

Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều người cho biết họ thèm ăn gần như tất cả mọi thứ, họ nhìn lên đồng hồ sốt ruột chờ cho đến 12 giờ khuya để lao vào ăn uống cho thỏa thích sau một ngày chay tịnh. Các sách khôn ngoan chỉ ra rằng đó là một cám dỗ thường thấy khi chúng ta ăn chay.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài đề cập đến một trường hợp tương tự nhưng nghiêm trọng hơn, trong có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #230: Demons of Obesity”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà #230: Ma quỷ gây nghiện ăn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi hơi ngạc nhiên khi “Sean” nói với tôi rằng anh ấy bắt đầu ăn một cách không kềm lại được. Anh nói: “Con không thể ngừng ăn. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây.” Gia đình đang phải khóa tủ lạnh vào ban đêm nếu không anh ta sẽ ăn hết mọi thứ bên trong. Điều kỳ lạ là trước đây Sean chưa bao giờ mắc chứng nghiện ăn hay bất kỳ hành vi cưỡng chế nào khác. Nhưng việc anh ta mắc chứng bệnh ma quỷ và hành vi cưỡng bức này có thể là một triệu chứng cho thấy sự hiện diện của ma quỷ.

Tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn đến thực tế có thể xảy ra về “những con quỷ nghiện ăn” khi một người bị quỷ ám khác, không liên quan với Sean, nói với tôi về một vấn đề tương tự. Cô ấy cũng bắt đầu ăn một cách bắt buộc, điều này khiến cô ấy vô cùng ngạc nhiên. Giống như Sean, cô ấy nói, “Con không thể ngừng ăn.” Cô ấy cũng mắc phải căn bệnh ma quỷ, trong trường hợp này là kết quả của một lời nguyền từ một người họ hàng cay đắng.

Sau đó, một trường hợp thứ ba về chứng nghiện ăn không rõ nguyên nhân cùng với sự ám ảnh của ma quỷ gần đây đã xuất hiện. Các chi tiết đều giống nhau: một chứng nghiện ăn không giải thích được đột nhiên xuất hiện giữa cơn đau khổ do ma quỷ gây ra.

Ma quỷ có thể xúi giục một người nào đó lao vào những hoạt động ngoại thường, hay hành xử một cách cưỡng ép không? Chúng có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống cưỡng bức không? Là một nhà tâm lý học lâu năm, tôi không thích đổ lỗi cho ma quỷ về hành vi gây nghiện của mọi người. Tôi đã dành 30 năm để hỗ trợ điều trị cho những người như vậy vượt qua cơn nghiện của họ.

Nhưng ba trường hợp này khác nhau. Các trường hợp hành vi mà tôi đã điều trị trước đây với tư cách là một nhà tâm lý học đều có nguyên nhân, triệu chứng bình thường và thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Ba trường hợp kể trên là bất thường và chỉ xuất hiện dưới ánh sáng của sự hiện diện ngoại thường của ma quỷ. Trong những trường hợp bất thường này, chúng tôi đang “chữa trị” cho họ bằng những lời cầu nguyện giải thoát siêng năng bên cạnh những can thiệp trị liệu thông thường khi cần thiết.

Có nhiều điều chúng ta chưa biết về thế giới phi tự nhiên. Chúng ta đang khám phá lại mục vụ trừ tà sau nhiều năm bị lãng quên. Chúng ta nên tiếp tục cởi mở và học hỏi từ những gì chúng ta trải nghiệm, đặc biệt là khi những nhà trừ quỷ khác báo cáo những trải nghiệm tương tự. Điều cũng quan trọng không kém là những nhà trừ quỷ chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhau và do đó nâng cao kiến thức của chúng ta để phục vụ những người đau khổ.

Nếu bạn tin rằng bạn đang đau khổ vì sự hiện diện của “Những con quỷ nghiện ăn”, tôi đề nghị lời cầu nguyện sau đây:

Nhân Danh Thánh +Chúa Giêsu, tôi quở trách, tôi từ chối và tôi từ bỏ ma quỷ nghiện ăn. Nhân danh + Chúa Giêsu, tôi đuổi chúng đi. Nhân danh thánh của Ngài, tôi loại bỏ tất cả. (3 lần)

Xin lưu ý rằng lời cầu nguyện ra lệnh này chỉ nên được sử dụng trên cơ thể của chính mình vì một cá nhân có quyền theo luật tự nhiên đối với chính mình. Khi cầu nguyện cho những người mà chúng ta không có thẩm quyền như vậy, chúng ta sử dụng những lời cầu nguyện giải thoát, xin Chúa can thiệp, thay vì những lời cầu nguyện ra lệnh.
Source:Catholic Exorcism

3. Cấp tiến hết ga: Tiến Trình Công Nghị Đức đề nghị cho giáo dân được giải tội,

thông qua việc giáo dân giảng trong thánh lễ, luật độc thân linh mục và phong chức linh mục cho phụ nữ

Hôm thứ Sáu 10 tháng Ba, Tiến Trình Công Nghị Đức đã chấp thuận tiến tới việc chính thức ủng hộ việc giáo dân giảng trong các thánh lễ, rửa tội và hỗ trợ hôn nhân, mặc dù các điều khoản kêu gọi việc cho giáo dân được giải tội và xức dầu bệnh nhân đã bị loại bỏ thông qua một sửa đổi do hội đồng giám mục đưa ra.

Trong văn bản có nhan đề “Tuyên bố của Tin Mừng bởi Giáo dân trong Lời và Bí tích,” đã được thông qua, Hội Đồng Giám Mục Đức viết: “Các giám mục ủy thác cho các nhân viên mục vụ rao giảng trong các thánh lễ” như một phần trong sứ mệnh giáo hội của họ, để họ có thể thực hiện công việc rao giảng của mình một cách chính thức và nhân danh Giáo hội,”

Trong cuộc tranh luận trên sàn, Đức Giám Mục Ansgar Puff, một Giám Mục Phụ Tá của Köln, nói rằng mặc dù ngài tán thành việc giáo dân cung cấp những suy tư về Kinh Thánh ngoài Thánh lễ, nhưng “bài giảng và việc chủ sự Thánh Thể liên quan đến nhau.”

Nhưng vị giám mục này ngay lập tức bị Giám mục Peter Kohlgraf của Mainz phản đối, người nói rằng ông đã lớn lên ở Köln vào thời mà việc rao giảng của giáo dân được thực hành, và “điều đó không bao giờ làm tổn thương bất cứ ai.”

Một số nữ tu cũng kêu gọi giáo dân rao giảng và ban bí tích. Một người thậm chí còn gợi ý rằng phụ nữ trong cộng đồng tôn giáo của cô ấy sẽ không đến gặp linh mục để xưng tội vì họ muốn lãnh nhận bí tích hòa giải với một người có thể “đồng hành với họ”. Ý kiến cho phép người giáo dân hay một người thánh hiến không có chức thánh được giải tội, đã bị bác bỏ, nhưng có thể được xem xét lại trong tương lai.

Ngày hôm trước, hội đồng đã thông qua một biện pháp yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô bãi bỏ luật độc thân linh mục. Họ yêu cầu ngài “xem xét lại mối liên hệ giữa việc truyền chức thánh và nghĩa vụ sống độc thân”. Biện pháp này đã nhận được sự ủng hộ của 44 giám mục trong số 60 giám mục. Mười một người bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có năm người bỏ phiếu Không.

Trước cuộc bỏ phiếu, Tiến Trình Công Nghị Đức đã tranh cãi gay gắt với nhau về hai cụm từ “xem xét lại” hay “hủy bỏ”. Một số người yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô “hủy bỏ” luật độc thân linh mục. Một số người khác yêu cầu ngài “xem xét lại” luật độc thân linh mục.

Một số ý kiến lập luận rằng việc yêu cầu “xem xét lại” là không đủ mạnh, phải “hủy bỏ” ngay lập tức luật độc thân linh mục; nhưng cụm từ “xem xét lại” cuối cùng đã thắng thế.

“Chúng ta cần phải thông minh,” Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich nói, gợi ý rằng cụm từ “xem xét lại” là lựa chọn tốt nhất để được thông qua bởi Tiến Trình Công Nghị vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét.

Không có biện pháp nào được thông qua bởi Tiến Trình Công Nghị có bất kỳ hiệu lực ràng buộc nào trong các giáo phận của Đức nếu đấng bản quyền địa phương từ chối. Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng các biện pháp này sẽ được thực hiện ở hầu hết các giáo phận, trong một số trường hợp là do các giám mục ủng hộ chúng, nhưng trong những trường hợp khác là do áp lực mạnh mẽ đối với các giám mục từ các nhân viên Giáo hội, các phương tiện truyền thông Công Giáo và thậm chí cả các giám mục anh em.

Trong cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu, nhiều ký giả quan ngại rằng Tiến Trình Công Nghị Đức đã đi quá xa khi chấp nhận phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính là những điều đã được Vatican khẳng định là không thể chấp nhận được. Những biện pháp như thế có thể dẫn đến ly giáo. Giám Mục Peter Kohlgraf khẳng định không thể dẫn đến ly giáo vì ông tin rằng sau Đức, hàng loạt các Giáo Hội khác cũng sẽ làm theo.
Source:National Catholic Register
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay: Mong Nhận Được Ơn Từ Bi – Sáng tác: Nguyễn Văn Khâm – Trình bày: Cẩm Yến
Khắc Thái
01:55 14/03/2023
 
Thánh Ca Mùa Chay: Bước chân tìm về. Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
05:02 14/03/2023