Ngày 15-03-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xưng tội
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:24 15/03/2015
XƯNG TỘI

Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta thực hành ba việc rất quan trọng là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bố thí. Cầu nguyện sẽ sinh ích lợi cho linh hồn. Ăn chay hãm mình sẽ tăng sức mạnh cho thể xác và việc bố thí sẽ mang lợi ích đến tha nhân. Thực hành ba việc trên sẽ thánh hóa và dẫn đường chúng ta trên con đường trọn lành.

Một việc rất quan trọng là giao hòa với Thiên Chúa, anh chị em và bản thân qua việc lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Có nghĩa là xưng thú những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm hoặc là những thiếu xót trong bổn phận. Trong chương đầu của Sách Sáng Thế Ký, kể về việc hai ông bà nguyên tổ Ađam và Evà đã phạm tội trái lệnh Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người và hỏi: Người ở đâu? Và ai đã cho ngươi biết là người trần truồng? Có phải người ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không? (Stk 3,11). Thiên Chúa hỏi người đàn bà: Người đã làm gì thế? Thiên Chúa không tìm kiếm những thông tin về việc đã xảy ra thế nào. Thiên Chúa thấu tỏ mọi sự trong ngoài. Thiên Chúa hỏi, là muốn ông bà xưng thú lỗi lầm. Chúa muốn con người tự xét lương tâm, xưng tội và thật lòng sám hối.

Câu truyện của Cain và Aben cũng thế, sau khi Cain đã giết em mình vì sự ghen tị. Thiên Chúa không kết tội nhưng mời gọi Cain xưng thú lỗi lầm. Thiên Chúa đã phán với Cain: Aben, em người đâu rồi? Người đã làm gì vây? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu đến Ta (Stk 4, 10). Ngay từ đầu, Ađam, Evà và Cain đều có thái độ trốn tránh và đổ lỗi. Ông Ađam đổ lỗi cho bà Evà. Bà Evà đổ lỗi cho con rắn. Cain không nhận trách nhiệm. Xét mình, nhiều khi chúng ta cũng tìm cách đổ quanh để tránh tội, có khi đổ lỗi cho ngừoi khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho văn hóa, đổ lỗi cho môi trường ảnh hưởng và có khi đổ lỗi cho cả Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã trao ban Mười Giới Răn cho ông Môisen trên núi Sinai để hướng dẫn con dân đi trong đường lối Chúa. Mười Giới Răn là Kim Chỉ Nam căn cốt giúp chúng ta thực hành sống lề luật và là tấm gương sáng để soi xét lòng mình. Thay vì nhìn những lỗi lầm của người khác, chúng ta hãy tịnh tâm nhìn lại chính mình.

1. Xét mình

Có nghĩa là xét xem trong thời gian từ lần xưng tôi trước cho đến bây giờ, mình đã phạm những tội gì trong các điều răn của Chúa và của Giáo Hội. Những tội chúng ta đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và cả những điều thiếu xót.

2. Xưng tội

Xưng tội là thú các tội mình đã xét mình. Khi xưng tội là cáo tội mình với Chúa qua trung gian cha giải tội. Xưng tội với thái độ khiêm nhường để nhận mình là kẻ có tội. Hãy xưng tội một cách chân thành và không giấu tội nào, nhất là tội trọng.

3. Ăn năn tội

Ăn năn tội thật là nhận rằng mình đã xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Chúng ta hối hận và quyết tâm sửa đổi. Chúng ta phải giục lòng ăn năn tội trước khi vào xưng tội.

4. Đền tội

Sau khi khuyên bảo, cha giải tội ra việc đền tội. Việc đền tội có thể là đọc kinh hay làm một việc gì tốt để đền tội. Chúng ta biết rằng những kinh hay những việc làm không đền bù hết các tội được đâu. Mà là chính công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô trên thập giá mới tha thứ và đền tội thay.

5. Dốc lòng chừa

Dốc lòng chừa là quyết tâm từ bỏ đường tà để sống tốt hơn. Chúng ta có thể hứa cố gắng sửa đổi và tránh xa dịp tội. Hứa thực hành các nhân đức tốt mỗi ngày một chút, chúng ta có thể tiến bước trên con đường trọn lành.

Con mắt thể xác nhận biết nhiều việc xảy ra trong cuộc sống trần gian. Chúng ta có thể phân biệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, đẹp và xấu. Mắt tâm hồn tinh sạch của chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Ai cũng có mắt, nhưng một số người bị khiếm thị hay mù lòa đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Ánh sáng mặt trời vẫn luôn chiếu sáng. Những người mù lòa không thấy ánh sáng vì mắt của họ bị khiếm thị che kín. Đối với chúng ta cũng vậy, mắt tâm hồn của chúng ta bị mù lòa vì tội lỗi và các việc làm xấu xa phủ kín như tấm gương bị hoen ố. Mùa Chay Thánh, chúng ta phải suy xét những cửa sổ của ngũ quan đang tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chúng ta cần rửa sạch tinh tuyền và thanh luyện qua Bí Tích Hòa Giải. Tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự bình an thanh thản.

Xưng tội là một phương thuốc diệu kỳ chữa lành tâm bệnh, tha thứ tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về thân bệnh. Chúng ta lo lắng nhiều và tìm mọi cách để chữa lành. Nhiều khi chúng ta đã phải chờ đợi hằng giờ ở bệnh viện hoặc văn phòng của bác sĩ để chẩn bệnh, khám bệnh và chữa bệnh. Chúng ta có thể dùng mọi thứ thuốc, thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc Tây và thuốc Gia Truyền và Vật Lý trị Liệu dù khó khăn, cay đắng và khổ cực, chúng ta vẫn cố gắng mỗi ngày để thoát hiểm.

Chúng ta đang dùng nhiều thời gian để chăm sóc cho sức khỏe về thể xác. Vậy sự sống của phần linh thiêng thì sao? Chúng ta cần tự vấn lương tâm, xét mình, sửa sai và xưng thú tội lỗi để được ơn tha tội. Chúng ta có thể dành ra một vài giờ trong Mùa Chay Thánh này để tìm đến với Thầy Giêsu xin ơn chữa lành. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ kết thúc cuộc sống đời tạm này. Thân xác của chúng ta sẽ ra đi và tan rữa trở về cát bụi. Đời sống tâm linh quan trọng hơn nhiều, linh hồn của chúng ta sẽ sống đời đời. Hạnh phúc bất diệt ngày sau.

Truyện kể: Vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng: Trẫm thấy khanh phẩm chất tốt lành, sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét ở đời? Hứa Kính Tôn trả lời: Tâu bệ hạ: Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng rỡ vì ruộng đất mầu mỡ phì nhiêu, nhưng kẻ bộ hành lại bực bội vì đường xá trơn trượt dơ bẩn. Trăng mùa Thu sáng vằng vạc trong bầu trời đêm, các thi nhân thưởng du ngâm vịnh làm thơ, nhưng người làm việc mờ tối ban đêm lại không ưa trăng thanh sáng tỏ. Trời đất vạn vần vốn vô tư không thiên vị, mà thời tiết nắng mưa vẫn bị người đời trách hận ghét thương.

Còn hạ thần đâu phải là người hoàn hảo thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong đời, thì nên bình tâm suy xét và đừng vội tin theo. Vua mà nghe theo lời thị phi, thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi, thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi, thì gia đình ly tán bất hòa. Tiếng thị phi của thế gian thì nọc độc hơn rắn, bén hơn lưỡi gươm và có thể giết người không thấy máu.


Hãy trở về với lòng mình. Thân xác, linh hồn và thần trí cần được tẩy gột và tinh luyện. Mỗi người hãy tự đứng trên đôi chân của mình. Chúng ta không đổ lỗi cho người khác, cũng không cậy dựa vào nhân đức của người và cũng đừng tưởng hời nghe theo lời thị phi của người đời mà nhận những lời khen lao giả trá và vinh quang hão huyền . Triều thiên vinh sáng sẽ dành cho những ai biết tỉnh thức và sẵn sàng hiện diện trước tòa Đấng Chí Công với tâm hồn thanh sạch.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo Ấn phong toả xa lộ, chặn các đoàn tầu để phản đối vụ hãm hiếp một nữ tu
Đặng Tự Do
17:13 15/03/2015
Làn sóng bất mãn của người Công Giáo tại Ấn đã dâng lên tới cao độ sau khi một tu viện và cũng là một trường học bị tấn công và một nữ tu 72 tuổi bị 8 tên côn đồ hãm hiếp và đánh đập tàn bạo vào đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bẩy 14 tháng Ba.

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Bẩy, cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Kolkata, cũng gọi là Calcultta, cho biết tu viện Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại Ranagath, đã bị tấn công và cướp phá trong nhiều giờ từ lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bẩy mà không nhận được sự trợ giúp của cảnh sát.

Sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, bọn cướp đã trói 3 nữ tu và bắt đầu cướp phá. Nữ tu hiệu trưởng cũng là bề trên tu viện đã gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bọn cướp xông vào phòng của sơ lục soát, phá hoại tài sản và lấy tiền, một máy tính xách tay và điện thoại di động sau đó đã hãm hiếp sơ.

"Chúng tôi sẽ tìm ra thủ phạm là những kẻ phải bị trừng phạt. Những điều như thế này chưa bao giờ xảy ra tại bang này", Đức Cha Thomas D'Souza, Tổng Giám Mục của Kolkata nói. Kolkata là nơi Mẹ Teresa đã hoạt động trong hầu hết cuộc đời của mình. Các nữ tu tại đây rất được tôn kính.

Bạo lực chống lại các nữ tu tại Ấn đã gia tăng trong các năm gần đây. Một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7 năm 2013. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

Sáng thứ Bẩy, học sinh và cha mẹ đã xuống đường để phản đối. Họ chặn đoàn tàu trên tuyến Sealdah-Ranaghat và phong tỏa Quốc lộ 34 trong nhiều giờ nhằm phản đối vụ việc. Cư dân khác tham gia với họ.
 
ĐTC: Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn
Linh Tiến Khải
11:40 15/03/2015
Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng ta biết bao! ĐTC nói:

Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người, nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. Như trong việc tạo dựng cả trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga 13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn. Ngài nói: Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.

Ngài đã đặc biệt chào các nhóm tín hữu đến từ Granada Tây Ban Nha, cũng như từ Mannheim Đức, và các đoàn hành hương các giáo phận Perugia, Pordenone, Pavia, giáo xứ thánh Giuse Roma, và từ giáo phận Piacenza Bobbio. ĐTC cũng chào các bạn trẻ Serravalle Scrivia, Rosolina và Verdellino Zingonia đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, cũng như các bạn trẻ giáo phận Lodi và người trẻ thuộc hạt Romana Vittoria Milano về Roma cử hành nghi thức hứa theo Chúa Giêsu. Ngài cũng chào các bạn trẻ giúp lễ tỉnh Besana vùng Brianza và các nhóm thiện nguyện tham dự cuộc biểu tình “Cùng nhau cho công ích”. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin tất cả đừng quên cầu nguyện cho ngài.
 
Những kỳ vọng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại Belarus
Đặng Tự Do
18:43 15/03/2015
Đức Thượng Phụ Zaslavl Pavel - Thượng Phụ Chính Thống Giáo Minsk và Toàn Belarus
Sau khi đến Minsk tối thứ Năm 12 tháng Ba, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nói chuyện với Đài phát thanh Vatican về kỳ vọng của ngài trong cuộc hành trình.

Đức Hồng Y cho biết mục đích chính của ngài là tăng cường quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, và để trao những lời khích lệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến cộng đồng Công Giáo thiểu số tại Belarus là những người đã bảo tồn và tuyên xưng đức tin của mình, ngay cả trong thời khủng bố.

Ngài cho biết thêm là chuyến thăm của ngài là một dấu hiệu của mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Belarus.

"Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này là tuyệt vời," Đức Hồng Y nói. "Thực sự, đó là ý chí của cả hai bên để tiến về phía trước trong mối quan hệ này, và để xây dựng mạnh mẽ hơn một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai bên."

Khi được hỏi về cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine, Đức Hồng Y Parolin đã ca tụng vai trò của Belarus trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực.

"Đối với các nhà ngoại giao Vatican, Belarus là một nước quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh của các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine. Tôi muốn nhấn mạnh điều này là các cuộc đàm phán đã được tổ chức và dẫn đến việc ký kết ‘Thỏa thuận Minsk’, là một bước ngoặt có thể dẫn đến một giải pháp hòa bình trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. "

Hôm thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Hồng Y Parolin đã gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Ngoại trưởng Vladimir Makei.

Trong các cuộc họp, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo.

Tổng thống Lukashenko cho biết: "Chính sách của tôi về vấn đề này và các chính sách của toàn bộ nhà nước Belarus đều dựa trên một luận đề, đó là, mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường của mình để đến với Thiên Chúa, qua các Giáo Hội. Đó là quyền của mỗi cá nhân và không ai có thể xâm phạm. Chúng tôi ngăn chặn những nỗ lực nhằm thiên vị một Giáo Hội và làm mất ổn định tình hình tôn giáo tại Belarus. "

Tổng thống nói thêm là Giáo Hội Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này có vai trò "rất lớn" và "vô giá" trong việc giữ gìn hòa bình và hợp tác liên tôn tại Belarus.

Đức Hồng Y Parolin cũng đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Zaslavl Pavel là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Minsk và Toàn Belarus. Đức Thượng Phụ đã mô tả cuộc họp giữa hai vị là "thân ái và cởi mở".
 
Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cảnh cáo về những nhượng bộ của Tòa Thánh trong việc tấn phong Giám Mục tại Trung quốc
Đặng Tự Do
19:41 15/03/2015
Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra ít quan tâm đến những nhượng bộ do Tòa Thánh đề xuất liên quan đến việc phong chức giám mục Công Giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng tại Hương Cảng vào ngày 12 tháng 3, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết Tòa Thánh có thể chấp nhận một thỏa thuận với Bắc Kinh cho phép chính phủ nước này sàng lọc các ứng viên chức Giám Mục.

Dự thảo của chính sách mới là Tòa Thánh đề ra ba ứng viên Giám Mục, Trung quốc chọn một trong ba người ấy và sau cùng Đức Giáo Hoàng chuẩn y.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng trả lời rằng Vatican phải tôn trọng "truyền thống lịch sử và thực tế của người Công Giáo ở Trung Quốc." Phát ngôn viên Trung quốc nói: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với Vatican". Tuy nhiên, ông ta thẳng thừng bác bỏ các đề nghị của Cha Lombardi và khẳng định rằng các giám mục phải được lựa chọn bởi Hội Công Giáo Yêu nước do chính phủ hậu thuẫn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere Della Sera, nghiã là Tin Chiều, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu toà của Hương Cảng, cảnh báo rằng "Trung Quốc chỉ muốn một sự khuất phục vô điều kiện" trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, người từng chỉ trích rất mạnh mẽ Đức Hồng Y Ivan Dias, người Ấn Độ, là cựu tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đã quay sang chỉ trích các viên chức người Ý. Ngài nói:

"Các quan chức Ý trong Giáo triều Rôma không biết rõ chế độ độc tài Trung Quốc vì họ chưa từng bao giờ phải sống qua một chế độ Cộng sản".

"Tôi luôn luôn tin tưởng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin, cho đến khi tôi phát hiện ra rằng ngài đã ủng hộ quá đáng một thỏa thuận mà trong giai đoạn hiện nay sẽ chỉ là một sự khuất phục vô điều kiện. Các nhà đàm phán Trung Quốc đặt một tài liệu trên bàn yêu cầu ký vào và người của chúng ta không có khả năng hoặc sức mạnh để đưa ra các đề xuất khác. Liệu chúng ta có muốn hy sinh sự đề cử và thánh hiến các giám mục cho một cuộc đối thoại không chân thành hay không? "

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cũng nói rằng ngài đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong vòng 45 phút. Đức Giáo Hoàng đã so sánh Đức Hồng Y với cậu bé David người đã chống lại tên khổng lồ Goliath. Đức Hồng Y nói thêm: "Đức Giáo Hoàng cho thấy hoàn toàn tin tưởng tôi. Ngài không ngây thơ đâu, và sẽ không nhượng bộ những điều kiện này."

Thông tấn xã ANSA cho biết là đáp lại những nhận xét của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng "có một sự sẵn sàng để nói chuyện, một cuộc đối thoại có những nhịp điệu và thời gian của nó, và chúng tôi hy vọng sẽ dẫn đến một số kết quả".
 
Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân trận bão kinh hoàng ở Vanuatu
Đặng Tự Do
20:31 15/03/2015
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn.

Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.”

Từ sáng thứ Sáu 13 tháng Ba, bão với lốc xoáy Pam ở cấp 5 với sức gió 300km/h đã đánh vào hòn đảo gây tàn phá nặng nề. Ít nhất 40 người trong tỉnh Penama ở phía bắc thủ đô Port Vila bị chết và nhiều người khác bị thương. Hàng ngàn người trong 83 hòn đảo của Vanuatu đã lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất vì nhà cửa của họ bị tàn phá thành bình địa.

Trong tổng số 267, 000 dân, 70% là người Tin Lành, 12.4% là người Công Giáo.
 
Taliban đánh bom vào hai nhà thờ ở Lahore, Pakistan giết chết 14 người dự lễ
Nguyễn Việt Nam
21:17 15/03/2015
Mười bốn người đã thiệt mạng và hơn 70 người bị thương khi hai kẻ đánh bom tự sát Taliban tấn công vào một nhà thờ Kitô Giáo ở Lahore, Pakistan vào sáng Chúa Nhật 15 tháng Ba. Biểu tình bạo động chống Taliban đã bùng lên tại nhiều thành phố để phản kháng nhà cầm quyền bất lực bảo vệ dân lành.

Các quan chức Pakistan cho biết các vụ đánh bom đã xảy ra trong thời gian cầu nguyện tại hai nhà thờ Công Giáo và Tin Lành nằm cách nhau khoảng 500m tại khu phố Youhanabad của thành phố Lahore, nơi tập trung hơn 100,000 Kitô hữu.

Ít nhất 4,000 người đã lập tức xuống đường tuần hành phản đối. Kitô hữu cũng đã xuống đường tại các thành phố khác, bao gồm Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, Peshawar, Multan và Quetta.

Bác sĩ Mohammad Saeed Sohbin, giám đốc bệnh viện đa khoa Lahore, nói với AFP: "Chúng tôi đã nhận được 14 thi thể người chết và 70 người bị thương". Con số này không bao gồm thi thể của những kẻ nổ bom tự sát và của hai người Taliban bị tình nghi dính líu vào vụ đánh bom và đã bị đám đông cuồng nộ đánh chết.

Cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba là tồi tệ nhất trong hơn một năm qua nhắm vào các Kitô hữu Pakistan, là nhóm tôn giáo thiểu số tại quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo này.

Một nhân chứng tại chỗ tên là Jacob David cho biết người ta phải nhảy ra khỏi cửa sổ nhà thờ để thoát chết. Phát ngôn viên cảnh sát Nabila Ghazanfar nói hai cảnh sát bảo vệ các nhà thờ đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công

Trong một tuyên bố gửi qua email cho các phương tiện truyền thông, Jamaat-ul-Ahrar phát ngôn viên của bọn Taliban lên tiếng ca tụng các vụ tấn công tự sát này và thề sẽ tiếp tục chiến dịch của họ nhằm tiến tới một nhà nước Pakistan xây dựng trên luật Hồi giáo Sharia.
 
Lại một tòa nhà nữa bị sập tại Bangladesh
Nguyễn Việt Nam
21:45 15/03/2015
Mái nhà của một nhà máy xi măng năm tầng được xây dựng ở Bangladesh đã bị sập hôm Thứ Năm 12 tháng Ba, giết chết ít nhất bốn công nhân và chôn vùi nhiều người khác.

Khoảng 150 công nhân đang làm nhiệm vụ tại đây khi biến cố này xảy ra tại Mongla thuộc huyện Bagerhat.

Ít nhất 40 người đã được cứu từ dưới đống đổ nát và còn đến hơn 40 người nữa bị mắc kẹt bên dưới. Đa số những người sống sót đã được nhập viện với những vết thương rất nặng.

Nguyên nhân gây ra sự sụp đổ vẫn còn đang được điều tra.

Những người sống sót cho biết khoảng 50 đến 60 người đang làm việc trên mái nhà trong khi khoảng 90 người khác đang ở tầng trệt khi tòa nhà sụp đổ.

Nhà máy bên bờ biển này nằm cách thủ đô Dhaka khoảng 135 km về phía tây nam thuộc sở hữu của một tổ chức phúc lợi quân đội.

Ngày 24 tháng Tư 2013, Rana Plaza, một tòa nhà thương mại tám tầng, đã bị sụp đổ ở Savar, một vùng ngoại ô của thủ đô của Bangladesh. Việc tìm kiếm những người chết đã kết thúc vào ngày 13 tháng Năm với con số người chết lên đến 1,129 người và làm bị thương khoảng 2,515 người khác.

Đây được coi là tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử, cũng như một sự thất bại nặng nề nhất về kiến trúc gây ra tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người hiện đại.
 
Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu hủy bỏ buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại St. Louis, Missouri
Nguyễn Việt Nam
22:01 15/03/2015
Buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại một giáo xứ ở St. Louis đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Bộ Giáo Lý Đức Tin Tòa Thánh.

Ivan Dragicevic, là một trong những người tuyên bố đã thấy Đức Mẹ hiện ra trong nhiều năm tại Medjugorje, được dự kiến sẽ nói chuyện ở St. Louis hôm 18 tháng Ba. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy bỏ.

Đức Tổng Giám mục Robert Carlson của St. Louis đã đưa ra một thông cáo cho biết:

“Tôi đã nhận được yêu cầu từ Bộ Giáo lý Đức tin để nhắc nhở mọi người không nên tham dự vào các sự kiện nhằm đề cao cái gọi là những thị kiến tại Medjugorje và đặc biệt là đề cao ông Ivan Dragicevic. Tôi cũng được yêu cầu thông tin rộng rãi cho các tín hữu”.

Ngày 17 tháng Ba năm 2010, Tòa Thánh công bố rằng, theo yêu cầu của các giám mục Bosnia và Herzegovina, Tòa Thánh đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Đức Hồng Y Camillo Ruini, lúc ấy là Giám Quản Rôma, để điều tra hiện tượng Medjugorje.

Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban đã chính thức hoàn tất cuộc điều tra. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố kết luận chung cuộc về vấn đề này.

Tuy nhiên, với diễn biến mới này có lẽ người ta cũng đoán được kết luận chung cuộc.
 
Đức Thánh Cha lên án vụ tấn công kinh hoàng của Taliban tại Lahore, Pakistan
Đặng Tự Do
22:27 15/03/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Pakistan và tình liên đới với nhóm thiểu số Kitô giáo đang chịu nhiều bách hại tại đất nước này sau một vụ tấn công khủng bố kép hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba đã khiến ít nhất 14 người chết và hàng chục người khác bị thương ở thành phố Lahore. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng tố cáo thế giới đang "cố gắng che giấu" sự bách hại nhắm vào các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói với các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Ba rằng:

"Với nỗi đau, rất đau đớn, tôi đã được biết về cuộc tấn công khủng bố vừa mới diễn ra hôm nay tại hai nhà thờ ở thành phố Lahore ở Pakistan, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong và thương tích".

Một nhóm khủng bố Taliban, tự xưng là Jamatul Ahrar, đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Các cuộc tấn công kép đã diễn ra tại hai nhà thờ chỉ cách nhau 500 mét trong khu Youhanabad là khu vực Kitô giáo lớn nhất của thành phố. Một trong hai ngôi nhà thờ là nhà thờ Công Giáo Thánh Gioan, còn nhà thờ kia là nhà thờ Anh Giáo Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Đây là những nhà thờ Kitô giáo: Các Kitô hữu đang bị bách hại. Anh chị em chúng ta đã đổ máu ra chỉ vì họ là Kitô hữu. Trong khi bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho các nạn nhân và gia đình của họ, tôi cầu xin Chúa, là nguồn mạch mọi sự, ban hồng ân hòa bình và hòa hợp cho đất nước này. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cầu nguyện: "Để chính sách khủng bố chống lại các Kitô hữu, mà thế giới cố gắng che giấu, có thể kết thúc, và hòa bình được xuất hiện."

"Những cuộc tấn công đã khiến người ta nghĩ rằng dân chúng không còn an toàn ở bất cứ nơi đâu," Sadaf Saddique, người đứng đầu một tổ chức trợ giúp các trẻ em bị bóc lột của Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói với Đài phát thanh Vatican từ Lahore, ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra.

Luật sư Saddique cho biết, "Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Youhanabad thể bị tấn công, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng bọn khủng bố dám đi vào nơi này, và tấn công một thị trấn lớn như thế của Kitô Giáo. "

Kitô hữu chiếm khoảng 2% trong tổng số hơn 182 triệu dân Pakistan, và đã từng là mục tiêu của bạo lực ngày càng căng thẳng và nguy hiểm trong những năm gần đây.
 
Kitô hữu Cộng Hòa Trung Phi lên tinh thần trước viễn tượng chuyến viếng thăm nước này của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
22:55 15/03/2015
Chuyến viếng thăm nước Cộng hòa Trung Phi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào Tháng Mười Một sắp tới sẽ là "một dấu chỉ về lòng nhân lành của Thiên Chúa và là một sự an ủi" cho người dân của một đất nước đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Tòa Thánh đã chính thức xác nhận Đức Giáo Hoàng sẽ tông du đến châu Phi vào tháng Mười Một, và Cộng hòa Trung Phi sẽ có trong hành trình của ngài.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga cho biết cuộc chiến đã tàn phá nặng nề Cộng hòa Trung Phi giờ đây đã lắng đọng, ít nhất là tạm thời, do sự can thiệp của một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. "Các binh sĩ hòa bình giống như một bác sĩ đã giúp đưa đất nước chúng tôi đến tình trạng của một con bệnh đang hồi phục." Nhưng ngài nói rằng hòa bình là mong manh, và có thể sụp đổ bất cứ khi nào nếu các lực lượng của Liên Hợp Quốc rút ra.

Mặc dù cuộc chiến đã dịu đi, cuộc sống bình thường vẫn chưa trở lại, Đức Tổng Giám Mục nói. Khoảng 30,000 người đang sống trong các trại tị nạn ở thủ đô, với nhiều ngàn người khác tìm kiếm nơi trú ẩn trong các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. "Nhiều người không thể trở về nhà, vì nhà cửa của họ đã bị phá hủy. Các trẻ em không thể đến trường, trong khi những người đàn ông và phụ nữ không có công ăn việc làm" do hạ tầng cơ sở kinh tế của nước này đã bị triệt tiêu gần như hoàn toàn.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga nói rằng nhiệm vụ của ngài trong tư cách một giám mục là "trông chừng và chăm sóc đoàn chiên và đem lại cho họ niềm hy vọng." Ngài nói thêm rằng, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và thông điệp hy vọng của Ngài, sẽ "mang lại sức mạnh mới cho người dân Cộng hòa Trung Phi."
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cô Tịch
Diệp Hải Dung, Australia
21:15 15/03/2015
CÔ TỊCH
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
Xin thinh lặng
như đêm buồn cô tịch
Em xa rồi cành nhớ tiếc cánh hoa
Chờ mong gì năm tháng
cũng phôi pha..
Xuân còn đó tình qua loa mấy độ..
(DHD)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 10/03 – 16/03/2015: Điện thoại thông minh làm gia tăng ngoại tình, đổ vỡ gia đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:01 15/03/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thông điệp về sinh thái sẽ được công bố trong một năm đặc biệt quan trọng đối với nhân loại

Một thông điệp của Đức Thánh Cha về môi trường sẽ được công bố trong "một năm quan trọng đối với nhân loại", chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình nói trong một hội nghị tại Ái Nhĩ Lan.

Phát biểu hôm 05 tháng 3 tại Chủng Viện Thánh Patrick ở Maynooth, Đức Hồng Y Peter Turkson nói năm 2015 sẽ là năm quan trọng để thảo luận và quyết định về môi trường và những bất bình đẳng toàn cầu. Theo Đức Hồng Y đó là các vấn đề có liên quan chặt chẽ. Ngài nhắc đến những hội nghị của Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ được triệu tập trong năm nay về đề tài này cũng như một hội nghị về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng Mười Hai tại Paris.

Đức Hồng Y Turkson cho biết thêm Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên kêu gọi bảo vệ môi trường, và lặp lại những thông điệp của các vị tiền nhiệm của ngài, là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói:

"Đối với người Kitô hữu chăm sóc môi trường là chăm lo cho kỳ công sáng tạo đang diễn tiến của Thiên Chúa. Đó là một nghĩa vụ"

Theo Đức Hồng Y, các hiệp định quốc tế cần phải giải quyết các nguyên nhân gây tổn hại môi trường. Tuy nhiên, vị Hồng Y người Ghana nói rằng các hiệp định chính trị "không có khả năng mang lại hiệu quả nếu không có sự hoán cải về luân lý và một sự thay đổi nơi con tim."

Ngài kết luận rằng người Công Giáo phải "trở thành nghệ nhân của cuộc cách mạng về sự dịu dàng" với thiên nhiên để mang lại sự thay đổi đó.

2. Giáo Hội Maronite thúc đẩy việc hiến tặng nội tạng ở Li Băng

Giáo Hội Công Giáo Maronite đã đồng thanh khuyến khích việc hiến tặng các nội tạng.

Trong một thỏa thuận với Ủy ban quốc gia Li Băng về việc hiến tặng nội tạng sau khi qua đời, Hội Đồng Giám Mục Maronite đã có một cuộc họp và đi đến quyết định thành lập một văn phòng nhằm thúc đẩy sự đóng góp này trong các giáo xứ, giáo phận, và các tổ chức chăm sóc sức khỏe Công Giáo.

Cha Edgar Haiby, một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Maronite nói rằng văn phòng mới được thành lập sẽ tiếp cận với các tín hữu và bảo đảm với họ rằng việc tự nguyện hiến các cơ phận của con người sau khi qua đời là phù hợp với giáo huấn Công Giáo.

3. Làn sóng bách hại Kitô Giáo tiếp tục tăng tại Ấn Độ

Hôm 17 tháng Hai, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói:

"Chính phủ của tôi đảm bảo rằng công dân của quốc gia này có hoàn toàn tự do tín ngưỡng và rằng mọi người đều có quyền giữ đạo hay theo một tôn giáo do mình lựa chọn mà không bị ép buộc hoặc bị lung lạc. Chính phủ của tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm tôn giáo, thuộc các tôn giáo đa số hay thiểu số kích động hận thù chống lại những người khác, công khai hoặc ngấm ngầm. Chính phủ của tôi sẽ là một chính phủ mang lại sự tôn trọng bình đẳng cho tất cả các tôn giáo."

"Ấn Độ là đất của Phật và Gandhi. Sự tôn trọng bình đẳng dành cho tất cả các tôn giáo phải có trong DNA của mỗi người Ấn Độ. Chúng tôi không thể chấp nhận bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo nào vì bất kỳ lý do nào và tôi mạnh mẽ lên án bạo lực như vậy. Chính phủ của tôi sẽ hành động mạnh mẽ trong vấn đề này. "

Tuy nhiên, tổ chức World Watch Monitor nói trong những lời của ông Narendra Modi chỉ có zero phần trăm là sự thật. Để chứng minh, World Watch Monitor cho biết đầu tháng Ba này 20 nhà truyền giáo Tin Lành đã bị bắt và bị đánh đập bởi cảnh sát ở Jaipur, một thành phố có 3,1 triệu dân ở tây bắc Ấn Độ.

Sau sự can thiệp của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cảnh sát trả tự do cho họ nhưng răn đe rằng họ sẽ bị buộc vào tội "ép buộc cải đạo người khác" nếu họ không rời khỏi thành phố này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan - Bharatiya Janata Party. Từ khi ông Modi lên nắm quyền vào ngày 26 tháng Năm năm 2014, hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của trong mấy tháng vừa qua. Gần đây nhất là Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Đức Tổng Giám mục Portase Rugambwa, chủ tịch Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã buộc phải hủy bỏ việc tham dự một hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Ấn sau khi thị thực nhập cảnh của hai vị đã bị từ chối vào phút chót.

4. Đức Giáo Hoàng dành được sự ưa chuộng rộng rãi tại Mỹ

Các cuộc thăm dò của Pew Research Center vào tháng Hai cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất được ưa chuộng tại Mỹ, cả trong số người Công Giáo lẫn những người không Công Giáo.

Các cuộc thăm dò này cho thấy 70% công chúng Mỹ có cảm tình với Đức Giáo Hoàng. Trong số những người Công Giáo, 90% có cảm tình với ngài, và 57% "rất mộ mến". Những con số này gần bằng với những con số thăm dò vào năm 1990 dành cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cảm tình dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhất quán trong mọi giới bao gồm nam và nữ giới, người già và người trẻ được phỏng vấn, chính trị bảo thủ và tự do. Tuy nhiên, cảm tình cao nhất là "rất mộ mến" dành cho ngài đặc biệt cao (lên tới 95%) trong số những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ ít nhất một lần trong tuần.

5. Các giám mục Đức lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine

Hội đồng Giám mục Đức đã đưa ra một tuyên bố lặp lại việc lên án "sự sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea vào Nga và sự can thiệp quân sự tiếp tục của Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine."

Các giám mục Đức nói những hành động này của Nga là "không thể chấp nhận được" bởi vì chúng gây nguy hiểm cho hòa bình châu Âu và làm leo thang cuộc xung đột.

Bình luận về lời tuyên bố này của Hội Đồng Giám Mục Đức, hôm thứ Sáu 6 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp nói:

"Người dân Ukraine cảm thấy hạnh phúc trước một đánh giá trung thực từ Giáo Hội thông qua tiếng nói chung của các giám mục Đức."

6. Chính thống Nga bày tỏ sự hài lòng rằng số ca nạo phá thai đã giảm hẳn từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản

Linh mục Alexey Komov thuộc Ủy ban Gia đình của Giáo Hội Chính thống Nga nói với một cơ quan thông tấn Ý rằng đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc bảo vệ sự sống con người, hôn nhân và gia đình ở Nga.

Ngài nói với thông tấn xã SIR Europe rằng hiện nay chính phủ Nga trợ cấp $10,000 cho mỗi gia đình khi đứa con thứ hai chào đời và những quảng cáo phá thai cũng như những "quảng cáo ồn ào trong lối sống đồng tính" bị cấm tại Nga.

"Số lượng các ca nạo phá thai ở Nga giảm gấp năm lần trong vòng 25 năm qua, từ bốn triệu một năm xuống còn khoảng 700,000"

Cha Komov nói thêm. "Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. 700,000 thai nhi bị giết trong một năm là quá cao."

Trong lãnh vực này Chính Thống Giáo Nga mong muốn "có sự hợp tác với các Giáo Hội anh em trong lĩnh vực bảo vệ sự sống, gia đình, các giá trị truyền thống và công ích. Và rõ ràng, chúng ta nên hợp tác với nhau vì chúng ta đang bị tấn công bởi nhiều xu hướng tiêu cực rất đa dạng ".

7. Đức Hồng Y Parolin đến thăm Belarus

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đến thăm Belarus từ 12 đến 15 Tháng Ba, theo lời mời của chính phủ nước này.

Với chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Parolin tại Belarus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn "tôn vinh lịch sử đau đớn của Belarus và chia sẻ niềm hy vọng cho tương lai của người dân tại quốc gia này", cũng như ghi nhận "vai trò của Belarus như là nơi gặp gỡ của các bên trong cuộc xung đột bi đát đang làm rung chuyển khu vực". Một thông báo của Hội Đồng Giám Mục Belarus đã cho biết như trên.

Tưởng cũng nên nhắc lại là thỏa hiệp ngưng bắn tại Ukraine có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15 tháng Hai đã được ký kết tại Minsk, thủ đô của Belarus.

Quốc gia Đông Âu với 9,5 triệu dân này giáp giới với cả Nga và Ukraine. 80% dân số theo Chính Thống Giáo và 14% là người Công Giáo.

8. Đức Hồng Y tân cử Miến Điện kêu gọi hòa bình và hòa giải quốc gia

Vị Hồng Y tiên khởi của Miến Điện là Đức Hồng Y Charles Maung Bo vừa lên tiếng kêu gọi đối thoại giữa quân đội nước này và các nhóm phiến quân, bao gồm cả nhóm quân đội Kachin Độc lập.

Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 4 tháng Ba cho biết trong bài giảng trước 50,000 khách hành hương tại đền thánh Đức Mẹ Nyaunglebin, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, người vừa được tấn phong Hồng Y hôm 14 tháng Hai, đã kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột gần đây đã làm 200,000 người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong bối cảnh của những cuộc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến và các nhóm dân tộc thiểu số, một cố vấn nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa cảnh báo rằng nhà nước được quân đội hậu thuẫn tại Miến Điện đang “đi lạc hướng”.

Quốc gia Đông Nam Á này đã cam kết sẽ đưa ra những cải cách dân chủ và tổ chức bầu cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên ông Zeid Ra'ad al-Hussein cố vấn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã cảnh báo hôm thứ Tư 25 tháng Hai rằng “các diễn biến gần đây liên quan đến quyền con người của các dân tộc thiểu số, tự do ngôn luận và quyền biểu tình ôn hòa khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi về đường hướng cải cách đó”.

Trích dẫn việc bỏ tù những người biểu tình hòa bình, các nhà báo và các nhân vật đối lập, cũng như cuộc đàn áp người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo tại Miến Điện. Ông Zeid bày tỏ lo ngại rằng một nhà nước độc tài đang từ từ trở lại.''

9. Đức Hồng Y Cipriani Thorne nói: Các chương trình ứng dụng trên điện thoại thông minh làm gia tăng ngoại tình, đổ vỡ gia đình

Tổng kết những cuộc họp mục vụ trong tổng giáo phận Lima, Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne, là Tổng Giám Mục thủ đô Peru nói trên Radio Lima hôm 3 tháng Ba rằng sự phổ biến của WhatsApp đang gây đổ vỡ cho nhiều gia đình và ngày càng có nhiều người lừa dối người phối ngẫu của họ.

Phát biểu trên đài phát thanh trong chương trình của ngài, Đức Hồng Y khẳng định các ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí dành cho điện thoại di động đang có một tác động tiêu cực đến đời sống của các cặp vợ chồng và gia đình.

Đức Hồng Y nói:

"Liên quan đến điện thoại di động, bao nhiêu người trở thành không chung thủy và bao nhiêu gia đình bị tan vỡ bởi WhatsApp? Tôi không lạc hậu, nhưng phải có một ai đó dám nói lên sự thật về những gì đang xảy ra. Có bao nhiêu người không chung thủy trên WhatsApp? Những cuộc gặp gỡ phiêu lưu với một phụ nữ khác, với một người đàn ông khác, tất cả trên một mạng lưới ít nhiều là ẩn danh."

Cũng như Viber, WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí phổ biến được biết nhiều nhất trên thế giới với hơn 600 triệu người sử dụng trên toàn thế giới.

Những ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí này không để lại dấu vết trên hóa đơn điện thoại gia đình, và rất “di động” - người ta có thể gọi cho nhau bất cứ nơi nào miễn có Wifi hay có nối kết internet.