Ngày 16-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Giuse Người Gia Trưởng Gương Mẫu
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
06:26 16/03/2010
Thánh Giuse- Người gia trưởng gương mẫu

Ca dao Việt Nam có câu:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gian khổ cuộc đời không ai sánh bằng cha”.

Thực vậy, người cha là mái hiên che chắn cho gia đình trước biết bao giông tố của cuộc đời. Người cha còn là núi thái sơn cho con cái nương tựa, là cây cao bóng cả mang lại bóng mát cho gia đình. Tình của người cha có thể không dạt dào, nhưng công ơn của người cha thật cao như núi thái sơn cao vời. Người cha đã gánh trên vai mình trách nhiệm nuôi dưỡng, bao bọc chở che cho cả gia đình. Người cha có trách nhiệm sẽ quên bản thân mình để gầy dựng gia đình mỗi ngày một tốt hơn. Người cha chấp nhận những gian khổ cuộc đời để nuôi dưỡng gia đình. Chỗ đứng của người cha trong gia đình thật cần thiết, cần thiết đến nỗi người ta bảo rằng: “Còn cha gót đỏ như son – Mất cha, gót mẹ gót con đen xì”. Và cũng thật bất hạnh cho những ai không có cha, vì “con không cha như nhà không nóc”.

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một ngưởi cha mẫu mực cho các gia trưởng: đó chính là Thánh cả Giuse. Ngài thực sự là một gia trưởng mẫu mực cho các người làm cha. Ngài đã gánh trên vai mình một gia đình đầy bất trắc truân chuyên. Một gia đình mà ngay từ đầu đã gặp bất trắc khi mà Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Dầu Giuse không hiểu hết. Nhưng tấm lòng của Ngài thật quảng đại và bao dung. Ngài đã vui lòng đón nhận Maria về nhà làm bạn theo thánh ý Chúa. Khi sinh con, có lẽ Ngài cũng vất vả tìm cái nôi thật ấm cúng giữa trời đêm sương tuyết nơi đồng hoang mông quạnh. Belem năm đó thật lạnh. Cái lạnh của thời tiết và cái lạnh của tình người đã gây nên những khó khăn, khốn khó chồng chất. Nhưng Giuse đã giúp cho gia đình vượt qua. Ngài đã làm tất cả để mang lại hơi ấm cho hài nhi Giê-su. Ngài không buông xuôi trước khó khăn. Ngài luôn can đảm để vượt qua. Cuộc đời bể dâu đâu dừng lại ở đó. Gian nan tư bề như muốn phá nát gia đình của Ngài. Hê-rô-đê ra lệnh truy nã hài nhi Giê-su. Ngài đã chẳng quản ngại ra đi trong đêm thâu, băng đồi lội suối, đến lánh nạn nơi đất khách quê người. Dầu nơi đất khách quê người hay khi đã trở về quê hương, Thánh Giuse luôn tận tụy hy sinh để kiếm tìm miếng cơm manh áo cho gia đình. Bằng đôi bàn tay chai sần, bằng ý chí kiên cường và bằng tấm lòng hy sinh tận tụy Ngài đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Lâu nay người ta vẫn nghĩ gia đình thánh gia là gia đình khó nghèo. Cái nghèo đói của thiếu thốn tư bề luôn bủa vây đến gia đình thánh gia. Thực sự không phải vậy. Vì gia đình thánh gia có người cha tận tụy lao động, có người mẹ chăm chỉ may vá, có người con luôn phụ giúp cha mẹ, chắc chắn không thể là gia đình khó khăn. Nhưng chắc một điều là họ sống khó nghèo. Họ không vì tiền mà tham lam, mà bán rẻ lương tri. Họ không hà tiện để làm giầu cho bản thân. Họ không phóng túng tiêu pha xa xỉ. Họ luôn sống thanh bần, đạm đạc. Họ sống khó nghèo để tâm hồn thanh thoát khỏi những ràng buộc của danh lợi thú trần gian. Họ đã sống trọn vẹn mối phúc của sự khó nghèo vì Nước Trời chính là gia nghiệp của các Ngài.

Ước gì những người làm cha hôm nay biết noi gương thánh Giuse để trở nên chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Ước gì những người làm cha luôn tận tụy hy sinh để xây dựng gia đình mình thắng tiến và bình an. Ước gì các người làm cha luôn quảng đại bao dung để tha thứ cho những lỗi lầm của con cái và kiên nhẫn trong việc giáo dục các con.

Nguyện xin thánh Cả Giuse cầu bầu cùng Chúa cho các người cha luôn tìm được niềm vui trong những hy sinh vì hạnh phúc gia đình. Nguyện xin Chúa nhìn đến bao hy sinh vất vả của những người cha đã tiều tụy theo năm tháng vì gánh nặng của gia đình, vì hạnh phúc của đàn con. Xin Chúa ban cho các ngài được nhìn thấy phúc đức cao dày của các ngài nơi những người con hiếu thảo thành tài. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Thơ: Hồng ân cứu độ
Ngô xuân Tịnh
07:43 16/03/2010
Trong hoang địa ngày xưa rắn cắn
Biết bao người chết thật thảm thương
Mai Sen treo rắn đồng lên
Người nào rắn cắn ngước nhìn khỏi ngay

Chúa Kitô đây Chiên-Vô-Tội
Hiến thân rồi thập giá treo lên
Thê nhân tội lỗi vững tin
Được đời sống mới vững bền thiên thu

Ôi thế nhân mặc dù tội lỗi
Con Chúa Trời chí ái trao ban
Để cho tất thảy chúng nhân
Tin Người sẽ được chứa chan phúc lành

Phúc trường sanh tuyệt vời lãnh nhận
Thoát khỏi tay thần chết diệt vong
Tình yêu Thiên Chúa vô cùng
Dẫn đưa nhân loại thoát vùng khổ đau

Ôi Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Muôn muôn đời một dạ tín trung
Dù con tội lỗi khốn cùng
Máu đào Chúa rửa sạch trong tội tình

Xin cho con thực tình hối cải
Quyết một lòng tội lỗi tránh xa
Trở về với Chúa người Cha
Đón hồng ân Chúa mưa sa dạt dào

Cho cuộc sống tuôn trào hạnh phúc
Trong mọi lúc luôn được bình an
Ngợi ca tình Chúa chứa chan
Sống trong hy vọng ngập tràn tin yêu

Phủ thật nhiều làn sóng Chúa ơi
Lời phúc âm để con tiếp cận
Lời Chúa chính thật của ăn
Đèn soi hướng dẫn lữ hành trần gian

Tin vững vàng quyền năng của Chúa
Chết phục sinh luôn ở với con
Thánh Thần Chúa hứa luôn luôn
Đồng hành trên mọi lối mòn thế gian

Cùng dựng xây thiên đàng dưới thế
Muôn thế hệ đón nhận hồng ân
Hồng ân cứu độ tuôn tràn
Phúc lành sung mãn hân hoan tràn đầy

Rồi đến ngày Chúa Cha đã định
Về thiên đình vui hưởng thánh nhan
Phúc vinh viên mãn ngập tràn
Vĩnh hằng con Chúa vinh quang huy hoàng.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:36 16/03/2010
THÁNH ĐỨC

N2T


Một giếng dầu phát hỏa, công ty mời các chuyên gia chữa lửa đến, tuy nhiên lửa cháy quá bạo trong phạm vi mười thước, các nhân viên cứu hỏa đều không thể đến gần, trong tình hình khẩn cấp ấy thì chỉ có cách tìm nhân viên cứu hỏa địa phương đến giúp đỡ. Nửa giờ sau, có một chiếc xe cứu hỏa đã cũ đang cà rịch cà tang lái tới, sau đó bắt đầu cứu hỏa, không lâu thì lửa bị giập tắt.

Công ty rất là cảm kích, mấy ngày sau thì tổ chức lễ chúc mừng cám ơn các nhân viên cứu hỏa đã có tinh thần tận trung với chức nghiệp, có lòng nhân ái, rồi sau đó ban tặng một tấm ngân phiếu với một số tiền lớn, do đội trưởng đội cứu hỏa đại diện tiếp nhận. Khi ký giả hỏi đội trưởng làm thế nào để sử dụng số tiền này, đội trưởng trả lời:

- “Việc thứ nhất là đem chiếc xe cứu hỏa bị hư đi công xưởng để sửa chữa cái hệ thống thắng xe chết tiệt ấy.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Có người mới sinh ra là đã có nhân đức thánh thiện như Đức Mẹ Maria.

Có người cố gắng luyện tập nên có nhân đức thánh thiện như các thánh nam nữ trên trời.

Các nhân đức thánh thiện đều bắt đầu từ những suy nghĩ thánh thiện bởi ơn Chúa soi sáng, do đó mà trên thế giới có rất nhiều điều kỳ diệu xảy ra bởi tâm hồn những người có nhân đức thánh thiện.

Đội cứu hỏa địa phương không có phương tiện xe cứu hỏa tối tân hiện đại, nhưng họ đã mau chóng giập tắt lửa là vì họ có lương tâm ngay chính và đạo đức nghề nghiệp, đó chính là thánh đức của họ và điều quý giá nhất của con người. Nếu họ không có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp thì họ sẽ từ chối cứu lửa vì phương tiện không có; nếu họ chỉ là những người làm chiếu lệ để lãnh lương thì họ sẽ không mau mắn đi cứu hỏa...

Người Ki-tô hữu có nhân đức thánh thiện là người có một lương tâm nhạy cảm trước những đau khổ, là người biết động lòng trắc ẩn trước một biến cố đau thương, là người luôn thao thức trước những bất công đang xảy ra trong xã hội và trong Giáo Hội.

Người có thánh đức đem cuộc sống giữa xã hội này biến thành cuộc sống như trên thiên đàng vậy.

Ai suy nghĩ thì hiểu.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 16/03/2010
Chương 25:

THẬP GIÁ



“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

(Lc 9, 23)


N2T


1. Nếu con cam tâm vác thập giá thì thập giá có thể nâng đỡ con, khiến con hy vọng đi đến nơi miến đất phúc lành, ở đó sẽ không có đau khổ.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 16/03/2010
N2T


391. Cơ hội không phải xuất hiện nơi bản thân mình, nhưng là tự mình sáng tạo ra.

 
Trở về với nội tâm
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
19:32 16/03/2010
Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay, Năm C

Suy niệm Tin Mừng Gioan (Ga 8, 2-11)

Con người có đôi mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi hướng vào nội giới, vào nội tâm mình. Chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người chung quanh nhưng khuôn mặt duy nhất trên đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy trực diện, đó là khuôn mặt của chính mình! Một nốt ruồi nhỏ trên khôn mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không nhìn thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác, ta thấy tỏ tường; còn những lầm lỗi tệ hại của mình thì lại không hay biết. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán người khác mà chẳng bao giờ biết phê phán bản thân.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của họ. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của bản thân. Chính vì thế, Chúa Giê-su muốn dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách mình trước rồi trách người khác sau. Cổ nhân cũng thường dạy như thế: "Tiên trách kỷ hậu trách nhân."

Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giê-su, họ hối thúc Chúa Giê-su đưa ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Về phần mình, Chúa Giê-su muốn dẫn dắt những người tưởng mình vô tội trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi mình mà hoán cải.

Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giê-su im lặng. Người thinh lặng và tạo nên bầu khí tĩnh lặng để tạo cơ hội cho mọi người tự vấn lương tâm. Người muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết trên đất.

Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giê-su lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!".

Rồi Người lại ngồi xuống thinh lặng, tiếp tục viết, viết trên đất để tạo bầu khí yên tĩnh cho mọi người hồi tâm.

Sau một hồi nhìn lại nội tâm mình trong yên lặng, những con người hăm hở kết tội người phụ nữ giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi của họ, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là những viên đá trên tay họ lụp cụp rơi xuống. Ai nấy xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giê-su và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm lên án người khác, có khi còn ít tội hơn mình!

Trở về với nội tâm để thấy được tội lỗi của mình là điều kiện tiên quyết để cải thiện bản thân.

Nếu tôi biết được mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.

Nếu tôi biết khuôn mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc; bao lâu chưa thấy những vết dơ trên mặt, thì không hi vọng có khuôn mặt sạch sẽ hơn.

Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình.

***

Lạy Chúa Giê-su, trở về với nội tâm để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó thực hiện và cũng chẳng được bao người quan tâm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con thực hiện công việc hệ trọng nầy.

Xin cho Lời Chúa trở nên tấm gương soi tâm hồn, giúp chúng con nhận ra những nết xấu làm vấy bẩn tâm hồn, làm suy thoái nhân cách và giúp chúng con cải thiện kịp thời để trở nên người có phẩm chất cao đẹp đáng được Chúa và mọi người mến yêu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được 25 tuổi
Bùi Hữu Thư
05:39 16/03/2010
Đức Thánh Cha Benedict XVI ca ngợi “những thành quả dồi dào.”

VATICAN CITY, ngày 15 tháng 3, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã hoan nghênh “những hoa trái dồi dào” của sáng kiến vị tiền nhiệm của ngài đã đề ra 25 năm về trước: “một cuộc gặp gỡ hàng năm của các người trẻ có đức tin,” đến với nhau để “khám phá sự huy hoàng của Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha suy tư về kỷ niệm một phần tư thế kỷ của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới trong điệp văn gửi cho ban tổ chức năm nay vào ngày 22 tháng 2, và được phổ biến hôm nay.

Ngài trình bầy một suy niệm về trình thuật của Thánh Mác-cô về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một thanh niên.

Đức Thánh Cha nói: "Trình thuật này bầy tỏ hữu hiệu sự việc Chúa Giêsu hết sức quan tâm đối với giới trẻ, đối với các bạn, đến những khao khát, những hy vọng của các bạn, và cho thấy ước muốn mạnh mẽ của Người là được gặp gỡ từng cá nhân các bạn và khai mở một cuộc đối thoại với từng người trong các bạn. Thực vậy, Chúa Kitô đã ngưng cuộc hành trình để trả lời câu hỏi của người thanh niên, và bầy tỏ lòng hoàn toàn sẵn sàng lắng nghe người thanh niên này, chàng là người được thúc đẩy bởi một khao khát mạnh mẽ là được nói với vị ‘đại sư phụ’, để học hỏi nơi Người cách sống trên đời.”

Trích dẫn một trong những chủ đề chính của giáo triều của ngài, Đức Thánh Cha nhắc rằng “Cái nhìn của Chúa Giêsu là trọng tâm của chính cuộc gặp gỡ này và của tất cả các kinh nghiệm Kitô hữu. Thực vậy, Kitô giáo không chỉ là một luân lý, nhưng là một kinh nghiệm với Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta, dù trẻ hay già, giầu hay nghèo; Người yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Người."

Đức Thánh Cha khẳng định: “Trong tình yêu này chúng ta tìm thấy nguồn gốc của tất cả đời sống Kitô hữu và lý do nền tảng của việc truyền giáo. Nếu chúng ta thực sự đã gặp gỡ Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm gì khác hơn là làm nhân chứng cho những ai chưa bắt gặp ánh mắt của Người!”
 
Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo Xứ Tin Lành Luther ở Roma
LM Trần Đức Anh OP
07:55 16/03/2010
ROMA.- ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi tín thác nơi Chúa trên con đường tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi hát kinh chiều chúa nhật 14-3-2010 với Cộng đoàn giáo xứ Tin Lành Luther ở Roma. Cộng đoàn này có 350 tín hữu, hầu hết là người nói tiếng Đức. Họ đã mời ĐTC đến thăm nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 tại đây.

Trong bài giảng, sau khi quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm về việc những người Hy lạp xin các tông đồ tỏ Chúa Giêsu cho họ, và ý nghĩa việc bỏ mình đi để tìm được sự sống, ý nghĩa của thánh giá trong cuộc đời Kitô hữu, ĐTC khẳng định rằng: ”Chúng ta đã nghe bao nhiêu lời than phiền về việc không có những phát triển mới trong phong trào đại kết Kitô. Nhưng chúng ta phải nói và nói với lòng biết ơn sâu xa rằng đã có bao nhiêu tiến bộ trong sự hiệp nhất; chẳng hạn sự kiện chúng ta hiện diện nơi đây, trong chúa nhật ”Hãy vui lên này” (Laetare), chúng ta cùng nhau hát thánh ca, lắng nghe lời Chúa, lắng nghe nhau, tất cả cùng nhìn về Chúa Kitô duy nhất. Và như thế, khi làm chứng cho Chúa Kitô duy nhất, trước tiên chúng ta cũng phải nói rõ ràng chúng ta không sống chia rẽ, nhưng sống niềm vui và hy vọng, và sự hiệp nhất này càng càng có thể trở nên sâu đậm hơn”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Chắc chắn là chúng ta chưa được hài lòng vì những thành công về đại kết trong những năm gần đây, vì chúng ta chưa thể uống cùng một chén và cùng đứng với nhau quanh bàn thờ. Điều này phải làm cho chúng ta đau buồn, vì đó là một tình trạng tội lỗi, nhưng sự hiệp nhất không phải là do con người tạo ra: chúng ta phải tín thác nơi Chúa, vì chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự hiệp nhất. Chúng ta hy vọng rằng Ngài sẽ mang lại cho chúng ta sự hiệp nhất”.

Trước đó, khi đến nhà thờ Chúa Kitô của Tin Lành Luther vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã được mục sư chánh sở Jen Martin Kruse cùng với Hội đồng giáo xứ gồm 8 người tiếp đón, và ngài tiến vào thánh đường giữa tiếng vỗ tay chào đón của hàng trăm tín hữu ngồi chật nhà thờ”.

Mục Sư Kruse cũng như bà chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đều bày tỏ niềm vui được đón tiếp Đức Giám Mục Roma và nhắc nhớ cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 tại đây hồi năm 1983. Hai vị cũng nhắc đến tình bạn của Giáo xứ với Phong trào Tổ Ấm (Focolari) Cộng đồng thánh Egidio và các Đan sĩ Biển Đức Thánh Phaolô ngoại thành.

ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng tháp tùng ĐTC trong cuộc viếng thăm. Tuyên bố với hãng tin Công giáo Đức KNA sau đó, ĐHY nói rằng cuộc viếng thăm của ĐTC gia tăng sự hiệp nhất. Nguyên sự cầu nguyện chung với nhau cũng là một điều đáng kể. (SD 15-3-2010)
 
Sứ điệp của ĐTC Benêđictô XVI nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 25
LM Trần Đức Anh OP
07:59 16/03/2010
Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 25
sẽ cử hành ngày Chúa nhật Lễ Lá 28-3-2010


Thưa Thầy nhân lành, con phải là gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17)

Các bạn thân mến,

Năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ngày Quốc Tế giới trẻ, mà Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2 đã muốn như một cuộc hẹn hằng năm của các tín hữu trẻ trên toàn thế giới. Đây là một sáng kiến tiên tri đã mang lại nhiều thành quả dồi dào, giúp các thế hệ Kitô trẻ gặp gỡ nhau, lắng nghe Lời Chúa, khám phá vẻ đẹp của Giáo Hội và sống những kinh nghiệm nồng nhiệt về đức tin, làm cho nhiều người đi tới quyết định tận hiến cho Chúa Kitô.

Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 25 năm nay là một giai đoạn tiến về Đại Hội Giới Trẻ thế giới sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2011 tại Madrid, nơi mà tôi hy vọng sẽ có đông đảo các bạn đến sống biến cố hồng phúc này.

Để chuẩn bị cho cuộc cử hành ấy, tôi muốn đề nghị với các bạn một vài suy tư về đề tài năm nay: ”Thưa Thày nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17), rút từ giai thoại Tin Mừng về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với chàng thanh niên giàu có; đề tài này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 bàn đến hồi năm 1985 trong một Lá Thư rất hay, lần đầu tiên được gửi đến giới trẻ.

1. Chúa Giêsu gặp chàng thanh niên

Phúc Âm thánh Marco kể lại: ”Trong khi Chúa Giêsu đi đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: ”Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu đáp: ”Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các giới răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy tôn kính cha mẹ”. Anh ta nói: ”Thưa Thầy, tất cả những điều đó, con đã tuân giữ từ thủa nhỏ. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: Anh chỉ thiếu một điều, là hãy bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,17-22).

Trình thuật này diễn tả sống động sự quan tâm đặc biệt của Chúa Giêsu đối với người trẻ, đối với các bạn, đối với những mong đợi, hy vọng của các bạn và chứng tỏ Chúa nồng nhiệt đích thân gặp các bạn và đối thoại với mỗi người trong các bạn. Thực vậy, Chúa Kitô dừng lại để trả lời câu hỏi của người đối thoại, biểu lộ sự hoàn toàn sẵn sàng đối với chàng thanh niên, và Ngài cảm động vì ước muốn nồng nhiệt của anh mong được nói với” Thầy Nhân Lành”. Qua đoạn Phúc Âm này, vị Tiền Nhiệm của tôi muốn khuyên mỗi người các bạn ”hãy phát triển cuộc đối thoại riêng với Chúa Kitô - một cuộc đối thoại có tầm quan trọng cơ bản và thiết yếu đối với một người trẻ” (Thư gửi giới trẻ, số 2).

2. Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến

Trong trình thuật Phúc Âm, thánh Marcô nhấn mạnh điều này ”Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến” (Xc Mc 10,21). Trong cái nhìn của Chúa có trọng tâm cuộc gặp gỡ rất đặc biệt và toàn thể kinh nghiệm Kitô giáo. Thực vậy, Kitô giáo trước tiên không phải là một nền luân lý, nhưng là cảm nghiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng đích thân yêu thương chúng ta, dù già hay trẻ, nghèo hay giầu; Ngài cũng yêu chúng ta khi chúng ta quay lưng lại với Ngài.

Khi bình luận về cảnh tượng này, ĐGH Gioan Phaolô 2 ngỏ lời với các bạn trẻ và thêm rằng: ”Cha cầu chúc các con cảm nghiệm được một cái nhìn như thế! Cha cầu chúc các con cảm nghiệm chân lý này: Chúa Kitô đang thương mến nhìn các con!” (Thư gửi giới trẻ, số 7). Một tình thương được biểu lộ trên Thập Giá một cách đầy đủ và trọn vẹn như thế, khiến thánh Phaolô kinh ngạc viết lên: ”Người đã thương yêu và nạp mình vì tôi” (Gl 2,20). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 còn viết: ”Ý thức rằng Chúa Cha vẫn luôn yêu thương chúng ta trong Con của Ngài, và Chúa Kitô yêu thương mỗi người và mãi mãi, điều ấy trở thành một điểm vững chắc nâng đỡ toàn thể cuộc sống nhân trần của chúng ta” (Thư gửi giới trẻ, số 7), và giúp chúng ta vượt thắng mọi thử thách: sự khám phá tội lỗi chúng ta, đau khổ, nản chí.

Trong tình thương ấy có nguồn mạch toàn thể đời sống Kitô giáo và lý do nền tảng của công cuộc rao giảng Tin Mừng: nếu chúng ta thực sự đã gặp Chúa Giêsu, chúng ta không thể không làm chứng về Ngài cho những người chưa được gặp cái nhìn của Ngài!

3. Khám phá dự phóng đời sống

Nơi người trẻ trong Phúc Âm, chúng ta có thể nhận thấy một hoàn cảnh rất giống tình trạng mỗi người trong các bạn. Cả các bạn cũng có nhiều phẩm tính, nghị lực, ước mơ, hy vọng: đó là những nguồn tài nguyên các bạn có dồi dào! Chính tuổi trẻ của các bạn cũng là một sự phong phú lớn lao không những cho các bạn, nhưng còn cho cả người khác nữa, cho Giáo Hội và thế giới.

Chàng thanh niên giàu có hỏi Chúa Giêsu: ”Con phải làm gì?”. Giai đoạn hiện nay trong cuộc sống của các bạn là thời kỳ khám phá những hồng ân mà Thiên Chúa rộng ban cho các con và khám phá những trách nhiệm của các bạn. Cũng vậy, đây là giai đoạn thực hiện những chọn lựa cơ bản để xây dựng dự phóng cuộc sống của các bạn. Vì thế, đây là lúc các bạn hỏi mình về ý nghĩa đích thực của cuộc sống và tự hỏi: ”Tôi có thỏa mãn về cuộc sống của tôi hay không? Có thiếu cái gì nữa không?”

Như chàng thanh niên trong Phúc Âm, có lẽ các bạn cũng sống trong những hoàn cảnh bấp bênh, xáo trộn hoặc đau khổ, khiến các bạn khao khát một cuộc sống không tầm thường và các bạn tự hỏi: một cuộc sống thành đạt hệ tại điều gì? Tôi phải làm gì? Dự phóng cuộc sống của tôi có thể như thế nào? ”Tôi phải làm gì để cuộc sống của tôi có giá trị và ý nghĩa trọn vẹn?” (Ibid. số 3).

Các bạn đường sợ đương đầu với những câu hỏi như thế! Chúng không đè nặng các bạn, nhưng biểu lộ những khát vọng cao cả, hiện diện trong tâm hồn các bạn. Vì thế, hãy lắng nghe chúng. Những câu hỏi ấy đang chờ đợi những câu trả lời không hời hợt, nhưng có khả năng thỏa mãn những mong đợi đích thực của các bạn về sự sống và hạnh phúc.

Để khám phá dự án cuộc sống có thể làm cho các bạn thực sự hạnh phúc, các bạn hãy lắng nghe Chúa, Đấng có một dự phóng yêu thương cho mỗi người các bạn. Với lòng tín thác, các bạn hãy hỏi Chúa: ”Lạy Chúa, đâu là dự phóng Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha dành cho cuộc đời của con? Đâu là ý Chúa? Con muốn chu toàn ý Chúa”. Các bạn hãy tin chắc Chúa sẽ trả lời cho các bạn. Các bạn đừng sợ câu trả lời của Chúa! ”Thiên Chúa lớn hơn trái tim của chúng ta và thấu suốt mọi sự” (1 Ga 3,20)

4. Hãy đến và theo Thầy!

Chúa Giêsu mời gọi chàng thanh niên giàu có hãy đi xa hơn việc thỏa mãn những khát vọng và dự phóng bản thân của anh và nói: ”Hãy đến và theo Thầy!” Ơn gọi Kitô giáo phát sinh từ một đề nghị yêu thương của Chúa và chỉ có thể được thực hiện nhờ một câu trả lời yêu thương: ”Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hiến toàn thân, không tính toán và so đo theo phàm nhân, nhưng với lòng tín thác không chút dè dặt nơi Thiên Chúa. Các thánh đón nhận lời mời gọi yêu sách ấy và ngoan ngoãn bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Sự trọn lành của các vị, theo tiêu chuẩn đức tin, đôi khi thực là khó hiểu theo cái nhìn của con người. Sự trọn lành ấy hệ tại không đặt mình ở vị thế trung tâm nữa, nhưng quyết định đi ngược dòng sống theo Tin Mừng” (Biển Đức 16, bài giảng nhân lễ phong thánh, Oss. Rom., 12-13.10.2009, tr.6).

Hỡi các bạn quí mến, noi gương bao nhiêu môn đệ của Chúa Kitô, các bạn cũng hãy hân hoan đón nhận lời mời gọi theo Chúa, sống nồng nhiệt và phong phú trong thế giới này. Thực vậy, qua bí tích rửa tội, Chúa gọi mỗi người trong các bạn bước theo Ngài bằng những hành động cụ thể, yêu mến Ngài hơn mọi sự và phụng sự Ngài nơi các anh chị em mình. Rất tiếc là chàng thanh niên giàu có không đón nhận lời mời của Chúa Giêsu và ra đi trong buồn sầu. Anh ta không tìm được can đảm rời bỏ những của cải vật chất để tìm được điều thiện hảo lớn hơn do Chúa Giêsu đề nghị.

Sự buồn rầu của chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm là điều nảy sinh trong tâm hồn của mỗi người khi họ không có can đảm theo Chúa Kitô, thực hiện những chọn lựa đúng đắn. Nhưng không bao giờ quá trễ để trả lời Chúa.

Chúa Giêsu không bao giờ ngừng hướng cái nhìn yêu thương và mời gọi trở thành môn đệ của Ngài, nhưng Ngài đề nghị với một số người một sự chọn lựa quyết liệt hơn. Trong Năm Linh Mục này, tôi muốn khuyên các người trẻ và thiếu niên hãy chăm chú nếu Chúa mời gọi họ đón nhận một hồng ân trọng đại hơn, trong đời sống linh mục thừa tác, và sẵn sàng quảng đại, hăng hái đón nhận dấu hiệu yêu thương đặc biệt ấy, cùng với một linh mục, với vị linh hướng, bắt đầu hành trình phân định cần thiết. Rồi, hỡi các bạn trẻ nam nữ quí mến, các bạn đừng sự nếu Chúa gọi các bạn vào đời sống tu trì, đời đan tu, thừa sai hoặc thánh hiến đặc biệt: Ngài biết ban niềm vui sâu xa cho những người can đảm đáp lại!

Ngoài ra, tôi cũng mời tất cả những người cảm thấy ơn gọi sống đời hôn nhân hãy đón nhận ơn gọi ấy trong đức tin, dấn thân đặt những nền tảng vững chắc để sống một tình yêu lớn lao, chung thủy và cởi mở đón nhận sự sống, là sự phong phú và ân phúc cho xã hội và cho Giáo Hội.

5. Hướng về đời sống vĩnh cửu

”Con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Câu hỏi này của chàng thanh niên trong Phúc Âm có vẻ xa vời đối với những bận tâm của nhiều người trẻ ngày nay, vì như Vị Tiền Nhiệm của tôi đã nhận xét, ”chúng ta chẳng phải là thế hệ mà thế giới và sự tiến bộ trần thế chiếm trọn chân trời cuộc sống sao?” (Thư gửi giới trẻ, số 5). Nhưng câu hỏi về ”sự sống đời đời” xuất hiện đặc biệt trong những lúc đau thương của cuộc sống, khi chúng ta bị mất người thân cận hoặc khi chúng ta sống kinh nghiệm thất bại.

Nhưng ”sự sống đời đời” mà chàng thanh niên giàu có nói đến là gì? Chúa Giêsu giải thích điều này khi Ngài nói với các môn đệ và quả quyết: ”Thầy sẽ gặp lại các con và tâm hồn các con sẽ vui mừng và không ai có thể tước đoạt niềm vui của các con” (Ga 16,,22). Đó là những lời cho thấy một đề nghị phấn khởi về hạnh phúc vô tận, về niềm vui được tràn đầy tình thương của Chúa mãi mãi.

Việc tự hỏi về tương lai chung kết đang chờ đợi mỗi người chúng ta mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống, vì nó hướng dẫn dự phóng cuộc sống về những chân trời không bị giới hạn và phù du, nhưng bao la và sâu xa, làm cho ta yêu mến thế giới, vốn được Thiên Chúa yêu thương dường nào, hiến thân cho việc phát triển thế giới ấy, nhưng luôn giữ niềm tự do và niềm vui phát sinh từ đức tin và từ đức cậy. Đó là những chân trời giúp chúng ta không tuyệt đối hóa những thực tại trần thế, cảm thấy rằng Thiên Chúa chuẩn bị chúng ta đến một viễn tượng lớn lao hơn, và lập lại như thánh Augustino: ”Chúng ta cùng mong ước quê hương thiên quốc, chúng ta khao khát quê hương thiên quốc, chúng ta cảm thấy mình là lữ khách trên trần thế này” (Chú giải Phúc Âm thánh Gioan, Bài giảng 35, 9). Mắt hướng nhìn về sự sống vĩnh cửu, chân phước Pier Giorgio Frassati, qua đời năm 1925, lúc mới 24 tuổi, đã nói: ”Tôi muốn sống thực chứ không sống vất vưởng!” và trên tấm hình chụp một cuộc leo núi, gửi cho một người bạn, chân phước viết: ”Hướng lên cao”, ám chỉ sự trọn lành Kitô giáo, nhưng cũng ám chỉ đời sống vĩnh cửu.

Các bạn trẻ thân mến, tôi khuyên các bạn đừng quên viễn tượng này trong dự phóng đời sống các bạn: chúng ta được kêu gọi sống vĩnh cửu. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để mãi mãi ở với Ngài. Ngài sẽ giúp các bạn mang lại một ý nghĩa trọn vẹn cho những chọn lựa của các bạn và mang lại phẩm chất cho cuộc đời các bạn.

6. Các giới răn, con đường yêu thương đích thực

Chúa Giêsu nhắc nhở chàng thanh niên giàu có về 10 giới răn như những điều kiện cần thiết để ”được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Các giới răn là những điểm tham chiếu thiết yếu để sống trong tình yêu thương, để phân biệt rõ ràng thiện ác và kiến tạo một dự phóng cuộc sống vững chắc và lâu bền. Cả các bạn, Chúa Giêsu cũng hỏi xem các bạn có biết các giới răn không, các bạn có quan tâm huấn luyện lương tâm của mình theo luật Chúa và mang ra thực hành hay không.

Chắc hẳn đây là những câu hỏi đi ngược dòng so với não trạng ngày nay vẫn đề nghị một thứ tự do không bị các giá trị, luật lệ và các qui luật khách quan ràng buộc, và kêu mời phủ nhận mọi giới hạn được đề ra cho những ước muốn trong lúc này. Nhưng loại đề nghị như thế, thay vì dẫn đến tự do đích thực, chỉ dẫn con người đến chỗ trở thành nô lệ cho chính mình, cho các ý muốn nhất thời, cho những thần tượng như quyền hành, tiền bạc, lạc thú vô độ và những cám dỗ của thế giới, làm cho họ không còn khả năng theo ơn gọi yêu thương bẩm sinh nữa.

Thiên Chúa ban cho chúng ta các giới răn vì Ngài muốn giáo dục chúng ta về tự do đích thực, vì Ngài muốn cùng với chúng ta xây dựng một Vương quốc tình thương, công lý và hòa bình. Nghe và mang các giới răn ra thực hành không có nghĩa là trở nên tha hóa, nhưng tìm được con đường tự do và yêu thương đích thực, vì các giới răn không giới hạn hạnh phúc, nhưng chỉ dẫn cách tìm được hạnh phúc. Đầu cuộc nói chuyện với chàng thanh niên giàu có, Chúa Giêsu đã nhắc nhở rằng luật do Thiên Chúa ban là tốt lành, vì Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành.

7. Chúng tôi cần các bạn

Ngày nay ai sống thân phận người trẻ thì thường phải đương đầu với nhiều vấn đề phát sinh từ nạn thất nghiệp, thiếu những tham chiếu lý tưởng chắc chắn và viễn tượng cụ thể cho tương lai. Đôi khi người ta có cảm tưởng bất lực đứng trước những khủng hoảng và sự trôi dạt ngày nay. Tuy có khó khăn, nhưng các bạn đừng nạn chí và đừng từ bỏ những ước mơ của mình! Trái lại hãy vun trồng trong tâm hồn những ước muốn cao thượng về tình huynh đệ, công lý và hòa bình. Tương lai nằm trong tay người nào biết tìm kiếm và thấy được những lý do mạnh mẽ để sống và hy vọng. Nếu các bạn muốn, thì tương lai nằm trong tay các bạn, vì những năng khiếu và sự phong phú mà Chúa giữ trong tâm hồn mỗi người trong các bạn, được uốn nắn nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, có thể mang lại hy vọng đích thực cho thế giới! Chính niềm tin vào tình thương của Chúa làm cho các bạn mạnh mẽ và quảng đại, mang lại cho các bạn can đảm thanh thản tiến bước trên đời đời và đảm nhận trách nhiệm gia đình và nghề nghiệp. Hãy dấn thân xây dựng tương lai của các bạn qua những hành trình nghiêm túc của sự huấn luyện bản thân và học hànhk để phục vụ công ích một cách khéo léo và quảng đại.

Trong Thông điệp mới đây về sự phát triển nhân bản toàn diện, Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý), tôi đã liệt kê một số thách đố hiện nay, rất cấp thiết và quan trọng đối với cuộc sống của thế giới này: đó là sự sử dụng các tài nguyên trái đât và tôn trọng môi sinh, sự phân chia đúng đắn các của cải và sự kiểm soát các cơ cấu tài chánh, tình liên đới với những nước nghèo trong khuôn khổ gia đình nhân loại, cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới, thăng tiến phẩm giá lao công của con người, phục vụ nền văn hóa sự sống, kiến tạo hòa bình giữa các dân tộc, đối thoại liên tôn, sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội.

Đó là những thách đố mà các bạn được kêu gọi trả lời để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Đó là những thách đố đòi một dự phóng cuộc sống có nhiều yêu sách và làm say mê, trong đó cần đặt tất cả những phong phú của các bạn theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong các bạn. Đây không phải là thực hiện những cử chỉ anh hùng hoặc ngoại thường, nhưng là hành động bằng cách làm cho những năng khiếu và khả năng của mình được sinh lợi, dấn thân tiến bộ liên tục trong tin yêu.

Trong Năm Linh Mục này, tôi mời gọi các bạn hãy tìm hiểu cuộc đời các thánh, đặc biệt là các thánh linh mục. Các bạn sẽ thấy rằng Thiên Chúa hướng dẫn họ và họ đã tìm được con đường của mình, ngày này qua ngày khác, trong niềm tin, cậy, mến. Chúa Kitô kêu gọi mỗi người các bạn dấn thân với Ngài và đảm nhận những trách nhiệm của mình để kiến tạo nền văn minh tình thương. Nếu các bạn sống theo Lời Chúa, thì cả con đường của các bạn cũng sẽ chiếu sáng rạng ngời và dẫn các bạn đến những mục tiêu cao cả, mang lại vui mừng và ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.

Xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, tháp tùng các bạn qua sự che chở của Mẹ. Tôi hứa nhớ đến cạc bạn trong kinh nguyện và thân ái chúc lành cho các bạn.

Vatican ngày 22 tháng 2 năm 2010

+ Biển Đức XVI, Giáo Hoàng
(LM. Trần Đức Anh, OP, chuyển ý)
 
Giáo hội Anh giáo Canada đề nghị hiệp thông chính thức với Giáo Hội Công Giáo
Dominic David Trần
13:27 16/03/2010
VANCOUVER, CANADA ngày 16 tháng Ba, 2010 / 03:30 am (CNA/EWTN News).- Vào ngày 12 tháng Ba, các vị lãnh đạo của tổ chức Hiệp thông Anh giáo Truyền thống tại Canada, Traditional Anglican Communion (TAC) đã gởi thơ đến Đức Thánh Cha Benedictô 16 để chính thức yêu cầu được trở thành hiệp nhất với Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Một vị Giám mục lãnh đạo của Hội Đồng đã phát biểu; "Đề nghị xin hiệp nhất với Giáo hội Công Giáo là điều mà tôi tin rằng sẽ là thành phần của phong trào có tầm mức trên toàn thế giới.”

Đức Giám mục Peter Wilkinson của Giáo phận British Comlumbia thuộc TAC là người đã viết thỉnh nguyện thư ngày 12 tháng Ba năm 2010. Cũng trong ngày thứ Hai tuần này Đức Giám mục Wilkinson đã thảo luận qua điện thoại với Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu CNA về Tông Hiến Anglicanorum Coetibus của Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16. Tông Hiến này đã được ban hành năm ngoái và để giải quyết các phuơng cách do Toà Thánh Vatican đã đề nghị để cho các Cộng Đồng Anh Giáo được hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

Ngay khi Tông Hiến của Đức Giáo Hoàng Benedicto vừa được ban hành, các tín hữu thuộc phái Tin Lành Luther cũng như thuộc phái Chính thống Thiên Chúa giáo đã gọi cho tôi và hỏi rằng " Làm cách nào để chúng tôi tham gia dự phần vào hiệp thông như Tông Hiến đã ban" Đức Giám mục Wilkinson phát biểu.

Đức Giám mục Wilkinson tán dương: "Đó là một phong trào có tầm vóc toàn thế giới phát khởi nên phần lớn từ tầm nhìn xa thấy rộng của Chân phước cố Giáo hoàng Phao-lồ đệ nhị" và "bởi viễn kiến thông thái cũng như sự kiên định một cách lịch thiệp tuyệt vời của Đức Giáo hoàng đương nhiệm Benedicto-người đã thực sự trở thành một niềm hứng khởi cho chúng tôi."

Tham chiếu đến lá thơ được viết trước đây đã gởi đến Toà Thánh đề cập đến việc xin hiệp nhất với Tòa Thánh Roma, Đức Giám mục Wilkinson đã viết trong thỉnh nguyện thư đến Điện Vatican trong ngày 12 tháng Ba rằng; " Xin phép Hội Đồng Giám Mục của Giáo hội Công giáo-Anh giáo Canada (Tổ chức Hiệp thông Anh Giáo Truyền thống Canada) để tỏ bày sự tri ân của Anh Em chúng tôi vì câu trả lời rất tích cực của Ngài trong thư ngày 16 tháng Mười Hai năm 2009 đối với Thỉnh nguyện thư chúng tôi đã gởi đến Thánh Bộ Tín Lý ngày 05 tháng Mười năm 2007 trong đó Anh Em chúng tôi bày tỏ ước vọng "đi tìm một phương cách tập thể và thuộc về Giáo hội để trở thành người Công giáo-Anh giáo trong hiệp thông với Tòa Thánh, đồng thời cùng trân qúy sự tuyên xưng hoàn toàn Đức Tin Công giáo và với truyền thống riêng của chúng tôi đã được trân trọng gìn giữ cho đến thời điểm viết thỉnh nguyện thư này."

" Chúng tôi đã đọc kỹ và nghiên cứu rất cẩn thận Tông Hiến Anglicanorum Coetibus và các Quy tắc phụ lục cũng như các bản nhận định hướng dẫn kèm theo." Đức Giám mục Wilikinson bổ sung thêm, "Và giờ đây, để đáp lại lời Ngài mời gọi Anh Em chúng tôi liên lạc với Thánh Bộ để khởi sự tiến hành tiến trình Ngài đã vạch ra, Anh Em chúng tôi trân trọng thỉnh cầu rằng Tông Hiến được thực thi tại Canada; và xin rằng Hội Đồng Giám Mục chúng tôi có thể thiết lập một Hội Đồng Điều Hành Lâm thời gồm bộ ba Giáo sĩ (hay bộ ba Giám mục); và Hội Đồng này sẽ được trao nhiệm vụ và thẩm quyền để đệ trình lên Đức Thánh Cha một Bộ Ba Đề bạt như là danh sách đệ trình Tòa Thánh các ứng viên Giám mục để xin bổ nhiệm Cơ cấu Đấng Bản quyền tiên khởi.

Thỉnh nguyện thư kết thúc như sau; "Hội Đồng hy vọng và cầu nguyện rằng những đề xuất này có thể hữu ích trong việc thiết lập chuỗi tuần tự theo tiến trình thực hiện trong lời đáp trả rất thân tình, lịch lãm và bao dung của Đức Thánh Cha đối với Thỉnh nguyện thư của Hội Đồng."

Các Thỉnh nguyện viên khác ký tên trong thư này là Đức Cha Craig Botterill, Giám Mục Anh Giáo Truyền Thống Giáo Tỉnh Lãnh thổ Đại Tây Dương Canada, và Đức Cha Carl Reid, Giám mục Giáo Tỉnh Lãnh thổ Miền Trung Canada.

Với khoảng 60 vị Giám mục trong Hội Đồng Giám Mục, tổ chức Hiệp Thông Anh Giáo Truyền thống Canada TAC có các giáo xứ trong 13 Tỉnh Bang trên toàn cõi Canada.
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Công Giáo HK lên tiếng chống dự luật Cải Tổ Y Tê hiện tại
Trần Mạnh Trác
15:59 16/03/2010
Washington - Đức Hồng y Francis George, OMI, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Công Giáo HK, lưu hành tuyên bố sau đây về tình hình cải cách chăm sóc sức khỏe:

Cái giá phải trả thì quá cao; sự thiệt hại thì quá lớn.

Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã từ lâu và thống nhất ủng hộ sự cải cách chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ, rút tỉa kinh nghiệm từ những trải nghiệm về chăm sóc y tế tại các giáo xứ Công Giáo trước những nỗi đớn đau của các bà mẹ không đủ điều kiện y tế trước khi sinh, các gia đình không thể đảm bảo chất lượng chăm sóc cho con cái của họ, và của những người không thể có bảo hiểm vì thiếu điều kiện.

Trong suốt cuộc thảo luận về chăm sóc sức khỏe trong năm qua, Hội Đồng giám mục đã kêu gọi một phương thức lưỡng đảng để giải quyết việc chăm sóc y tế quốc gia. Các giám mục đã kêu gọi có trợ giúp y tế cần thiết và thích hợp cho tất cả những người đang bị bệnh, bị thương hoặc có nhu cầu y tế, và rằng không ai có thể cố ý giết người qua sự mở rộng tài trợ liên bang về phá thai hoặc cho các kế hoạch bảo hiểm có phá thai. Đây là những quy định mà Tu chánh án Hyde đã qui định từ lâu, và đã được thông qua hàng năm trên mỗi dự luật liên bang về chăm sóc sức khỏe và những cuộc điều tra dân ý cũng cho thấy rằng đạo luật này phản ánh ý nguyện của đại đa số dân chúng. Người dân Mỹ và các giám mục Công giáo cũng đã được hứa hẹn rằng, điều luật cuối cùng sẽ không có việc sử dụng quỹ liên bang cho phá thai và rằng nguyên trạng về pháp lý sẽ được duy trì.

Tuy nhiên, các giám mục đã thất vọng và hoang mang khi biết rằng cơ sở để bỏ phiếu về chăm sóc sức khỏe sẽ là dự luật được Thượng viện thông qua vào dịp lễ Giáng sinh. Dù cho có nhiều phủ nhận cũng như nhiều giải thích của các ủng hộ viên, dự luật Thượng viện đã không giống như dự luật được Hạ viện chấp thuận vào tháng mười một, đó là dự luật của Thượng viện đã cố ý không bao gồm ngôn ngữ của Tu Chánh Án Hyde. Dự luật này mở rộng tài trợ liên bang và vai trò của chính phủ liên bang trong việc cung cấp các thủ tục phá thai. Và như thế, nó buộc tất cả chúng ta trở nên tham gia vào một hành động vi phạm sâu sắc lương tâm của nhiều người, là cố ý sát hại những thành viên của gia đình lòai người đang chờ đợi được sinh ra nhưng lại không được mong muốn.

Điều gì làm cho các giám mục lo ngại sâu sắc về dự luật của Thượng viện? Vấn đề có thể tóm tắt ngắn gọn như sau. Về nguyên trạng của vấn đề phá thai trong chính sách liên bang, như phản ánh trong Tu chính án Hyde, thì bảo hiểm phá thai không được trợ cấp bởi bất kỳ kế hoạch liên bang nào. Trong dự luật Thượng viện, đã có nhiều kế hoạch được chính phủ trợ cấp mà chỉ duy nhất có một kế họach đa tiểu bang là không có trợ cấp phá thai - tất cả các kế hoạch khác (bao gồm nhiều kế hoạch đa tiểu bang) có bảo hiểm phá thai, và được miễn trừ thuế liên bang. Điều này có nghĩa rằng các cá nhân hoặc gia đình có hoàn cảnh y tế phức tạp có thể bị buộc phải lựa chọn và đóng góp cho một kế hoạch bảo hiểm phá thai, nhằm đáp ứng nhu cầu sức khỏe cụ thể của họ.

Hơn nữa, dự luật Thượng viện cho phép và dành riêng nhiều tỷ đô la tài trợ mới nằm ở bên ngoài phạm vi của các dự chi bị chi phối bởi Tu Chánh Án Hyde và những qui định tương tự. Theo văn bản dự luật, trong năm năm tới các quỹ mới này sẽ trợ cấp các Trung tâm Y tế Cộng đồng (ví dụ Sec. 10503), sẽ được lập ra với điều kiện bắt buộc phải bảo đảm phá thai, mặc dù các quy định hiện nay không phù hợp với TCA Hyde. Các quy định, tuy nhiên, có thể thay đổi, trừ phi chúng là những qui định đã được quản lý theo những quy chế có sẵn.

Ngoài ra, không có một điều khoản nào trong dự luật của Thượng viện bảo vệ quyền lương tâm đã có từ lâu đời và đã áp dụng rộng rãi để chống lại việc phá thai như ở TCA Hyde / Weldon. Hơn nữa, dù là dự luật của Thượng Viện hay của Hạ Viện, cũng không có sự bảo vệ quyền lương tâm bên ngoài bối cảnh phá thai. Bất kỳ điều luật cuối cùng nào, để có sự công bằng cho tất cả mọi người, cần phải hòa giải với các vấn nạn tôn giáo và đạo đức đã có trong pháp luật hiện hành, dù là để áp dụng cho cá nhân hoặc cho các tổ chức.

Việc phân tích về các lỗ hổng trong luật pháp như trên đã không được hoàn toàn chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Y tế Công giáo. Họ tin rằng các khuyết điểm mà họ cũng nhận biết là chính xác có thể được thay đổi sau khi dự luật được thông qua. Các giám mục, tuy nhiên, thẩm định rằng những sai sót cơ bản này đã làm vô hiệu những điều tốt mà dự luật thúc đẩy. Cái hy vọng rằng những vấn nạn đạo đức có thể được đáp ứng sau khi dự luật được thông qua thì cũng như là đòi hỏi chúng ta, trong cách nói dân giả của miền Trung Tây, là mua một con lợn mà chỉ được thấy cái cọc mà thôi.

Thật là một bi kịch bởi vì những sự kiện lần lượt xảy ra thực sự không cần phải xảy ra. Hiện trạng về vấn đề lương tâm và phá thai là chúng ta đang có sự đồng thuận quốc gia nhờ Tu Chánh Án Hyde. Hạ Vỉện đã can đảm áp dụng chính sách Hyde vào dự luật của mình. Sự thiếu vắng Tu Chánh Án Hyde trong dự luật Thượng viện và sự bế tắc sau đó không phải là một tai nạn. Những người trong Thượng viện muốn tẩy xóa Tu Chánh Án Hyde ra khỏi luật pháp quốc gia chính là những người đang cản trở việc cải cách chăm sóc sức khỏe.

Đây không phải là những lý sự trên tiểu tiết. Những thiếu sót cố ý trong dự luật Thượng viện đã không thể giúp chúng tôi kết thúc các câu hỏi về đạo đức và chúng tôi vẫn phải tìm kiếm một cách thức để hòa hợp các quan tâm của Tổng Thống và của chúng tôi để cung cấp chăm sóc y tế cho hàng triệu người mà sự săn sóc chính về sức khỏe bây giờ là các phòng cấp cứu. Theo Đức Giáo hoàng Benedict đã nói với Đại sứ Tòa Thánh Miguel Diaz khi ông trình bày chứng minh thư là "có một sự tương quan không thể phá vỡ được giữa đạo đức của sự sống và mọi khía cạnh đạo đức khác của xã hội."

Do đó hai nguyên tắc cơ bản tiếp tục là mối quan tâm của các giám mục Công giáo là: chăm sóc sức khỏe có nghĩa là chăm sóc mọi nhu cầu về sức khỏe cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi; và mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không nên là mở rộng kinh phí phá thai và bắt buộc tất cả mọi người trả tiền phá thai. Bởi vì những nguyên tắc này đã không được tôn trọng, cho nên mặc dù có những điều tốt mà các dự luật có ý định hoặc có thể đạt được, các giám mục Công giáo rất tiếc phải phản đối cho đến khi những vấn đề đạo đức nghiêm trọng trên được giải quyết.
 
Thánh mẫu học của Martin Luther và các hệ luận của nó đối với một thánh mẫu học đại kết
Vũ Văn An
17:16 16/03/2010
Trong các cuộc đối thoại đại kết, câu hỏi thường đặt ra hơn cả và chưa được giải đáp chính là các câu hỏi liên quan tới các niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ. Thực ra, người khởi xướng phong trào Thệ Phản đã nghĩ, đã tin và đã có thứ lòng sùng kính nào đối với Mẹ Chúa Giêsu? Những ý nghĩ, những niềm tin và những thực hành ấy hiện mang hình dáng ra sao trong Giáo Hội Luthêrô? Và nó có thể góp phần như thế nào vào một thánh mẫu học hợp nhất? Đó là một số điểm sẽ được nói tới ở đây.

Các ảnh hưởng đối với thánh mẫu học của Luther

Các niềm tin và thái độ đối với Đức Mẹ mà Martin Luther có đều đã được điều kiện hóa và chịu ảnh hưởng của các giáo huấn Công Giáo cùng thời lúc cuộc Cải Cách nổ ra, cũng như của nền giáo dục lúc thiếu thời và của nền giáo dục lúc ông tu học để trở thành một linh mục trong Dòng Thánh Augustinô. Quan điểm của ông sau này có diễn biến trong tư cách một nhà thần học thánh kinh đối diện với hình thức sùng kính cao độ cuối thời Trung Cổ dành cho các thánh và Đức Mẹ. Rồi trong tư cách canh cải Giáo Hội Công Giáo, các quan điểm của ông đã mang nhiều mầu sắc bút chiến cũng như phản ứng chống lại điều ông coi là lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo. Sau cùng, trên bình diện căn bản, làm nền cho cuộc phân ly, thánh mẫu học của Luther đã dựa hẳn vào Kitô học của mình.

Kitô học của Luther

Không thể hiểu được thánh mẫu học của Luther nếu không đặt nó vào và nếu không khởi đi từ ngữ cảnh Kitô học của ông. Thực vậy, các quan điểm của Luther có liên hệ mật thiết với nền thần học lấy Chúa Kitô làm tâm điểm và các hậu quả của nền thần học này đối với phụng vụ và kinh nguyện. Khía cạnh chính trong Kitô học của Luther ảnh hưởng và định vị cho thánh mẫu học của ông chính là: Chúa Kitô là đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (1Tm 2:5). Do đó, bất cứ lời ca tụng hay lòng tôn sùng nào đối với Đức Mẹ cũng như đối với các thánh đều phải được coi là việc nhìn nhận các công trình vĩ đại của Thiên Chúa thực hiện nơi các ngài và cho các ngài mà thôi. Luther cũng nhấn mạnh rằng không được lẫn lộn hay mơ hồ gì cả giữa công phúc của Đức Mẹ cũng như của các thánh và công phúc của Chúa Kitô.

Chúa Kitô là sự công chính của Thiên Chúa và khi sự công chính này được ban cho con người thì nó hoàn toàn là nhưng không, không ai có công đối với nó hết. Đó là sự công chính đầu hết của Kitô hữu; loại công chính thứ hai là điều con người thực hiện vì lòng biết ơn và “là sản phẩm của loại công chính thứ nhất” và theo gương Chúa Kitô. Đàng khác, không được gán bất cứ quyền lực thần thiêng hay ma thuật gì cho Đức Mẹ và các thánh. Tất cả đều do Thiên Chúa mà ra.

Sự khai triển ra thánh mẫu học của Luther

Cậu thiếu niên Luther vốn được dưỡng dục trong một bầu khí thiêng liêng nhấn mạnh tới việc tôn kính Đức Mẹ cả về lòng đạo đức bản thân lẫn trong các cử hành phụng vụ. Cho nên không ngạc nhiên gì khi còn là sinh viên, bị con dao cắt chẩy máu chân, cậu đã kêu lên “Xin Đức Mẹ giúp con!”. Sau này, ông nhìn vấn đề khác đi. Năm trước khi qua đời, Luther nói rằng: “… cung cách trắng trợn đang tràn đầy mọi sự liên quan tới việc thờ lạy các thánh theo kiểu ngẫu thần… Và Đức Maria cũng đang được mọi người thờ lạy như đấng trung gian và cứu giúp trong mọi tình huống khó khăn”.

Tuy nhiên, suốt đời ông, Luther lúc nào cũng yêu mến Đức Mẹ và duy trì hầu hết các tín điều truyền thống về Đức Mẹ vốn được Giáo Hội Công truyền dạy lúc ấy và bây giờ, còn dự ứng cả tín điều Vô Nhiễm Thai mà lúc ấy chưa được công bố. W.M. Cole, trong bài “Was Luther a Devotee of Mary” đăng trên tập san Marian Studies số 20 (1970), cho hay: “… trong các quyết nghị của 95 đề án, Luther bác bỏ bất cứ lời phạm thượng nào đối với Đức Trinh Nữ, và nghĩ rằng người ta phải xin lỗi vì những điều ác được nghĩ hay được nói ra phạm đến Ngài”. Nhưng ông kịch liệt lên án bất cứ thực hành phụng vụ hay sùng kính nào muốn gợi ý rằng Đức Mẹ ngang hàng với Chúa Kitô cách này hay cách khác, hoặc làm người ta sao lãng ý niệm coi một mình Chúa Kitô đã tự đủ để làm Đấng Cứu Thế. Điều này có thể thấy rõ qua lời Luther khuyên người ta sử dụng kinh Kính Mừng: “ai có đức tin vững vàng, hãy đọc kinh Kính Mừng mà không sợ nguy hiểm! Ai yếu đức tin có thể không cần đọc kinh Kính Mừng mà vẫn không nguy hiểm đến ơn cứu rỗi của mình” (Bài giảng 11-03-1523), và ở chỗ khác ông nói: “ai không có đức tin thì khuyên là không nên đọc kinh Kính Mừng” (Sách Kinh Riêng, 1522).

Xét chung, Luther bác bỏ tính thích hợp cũng như hiệu quả lời cầu bầu và khẩn nguyện của các thánh, kể cả của Đức Mẹ. Một trong những bác bỏ này có thể là phản ứng chống lại điều ông gọi là chủ nghĩa giáo hoàng hay chủ nghĩa Rôma vốn bị ông cho là một mưu toan thờ lạy Đức Mẹ (Mariolatry). Tuy thế, mặc dù ông kết thúc bài chú giải Kinh Ngợi Khen bằng những lời này “Xin Chúa Kitô ban ơn cho chúng ta nhờ lời cầu bầu và vì Đức Maria, Mẹ thân yêu của Người! Amen”, thì điều này không hẳn bất nhất với phương thức được ông viết trước đó trong cùng bài chú giải: “Hãy nhớ rằng Thiên Chúa cũng thực hiện công trình của Người ở trong bạn, và đặt căn bản ơn cứu rỗi của bạn không trên công trình nào khác mà là chính công trình của Người ở trong bạn… Để lời cầu bầu của người khác giúp bạn trong ơn này là điều đúng đắn và chính xác; tất cả chúng ta phải cầu nguyện và làm việc cho nhau. Nhưng không ai nên tùy thuộc việc làm của người khác, nếu Thiên Chúa không làm việc trong họ” (1).

Những yếu tố không thay đổi trong niềm tin của Luther đối với Đức Mẹ

Nhiều niềm tin của Luther vẫn phù hợp với các niềm tin của Giáo Hội Công Giáo, và được ông duy trì suốt đời.

Sinh Chúa Kitô cách đồng trinh và trọn đời đồng trinh

Luther chấp nhận các niềm tin truyền thống cho rằng Chúa Kitô sinh bởi một trinh nữ và trinh nữ này mãi mãi đồng trinh. “Chúa Kitô… là Con Trai duy nhất của Đức Maria, và Đức Trinh Nữ Maria không có con nào khác ngoài Người ra” (2). “Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế của ta, là hoa quả thực sự và tự nhiên của lòng dạ đồng trinh Maria… và ngài còn đồng trinh mãi sau đó” (3). Đàng khác, Luther còn cho rằng việc hạ sinh Chúa Kitô không hề gây đau đớn cho Đức Mẹ vì ở đây lời chúc dữ ngỏ với Evà về việc sinh con trong đau đớn không áp dụng cho Đức Mẹ. Ngài vốn không có tội.

Đức Mẹ không mắc tội (Vô Nhiễm Thai)

Luther chấp nhận rằng Đức Maria được tượng thai vô nhiễm nguyên tội, một niềm tin, phải đợi tới năm 1854 mới được Giáo Hội Công Giáo chính thức công bố thành tín điều. Dù quan điểm của Luther về học lý này không hoàn toàn rõ ràng và dù vẫn có tranh luận về các khía cạnh kỹ thuật của ý niệm trung cổ liên quan tới việc tượng thai và linh hồn, cũng như không biết Luther có thay đổi quan điểm hay không, nhà học giả Piepkon của Giáo Hội Luthêrô vẫn cho rằng Luther nhìn nhận học lý này một cách dứt khoát, không ngả nghiêng (4). Chính Luther viết như sau: “Quả là một niềm tin đầy dịu ngọt và đạo hạnh khi cho rằng việc phú ban linh hồn cho Đức Maria đã được thực hiện mà không vướng tội nguyên tổ; đến nỗi chính lúc phú ban linh hồn ấy, Đức Maria đã được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ… khi tiếp nhận một linh hồn trong trắng do Thiên Chúa phú ban; như thế, ngay từ giây phút đầu tiên bắt đầu sống, ngài đã thoát khỏi mọi thứ tội rồi” (Bài giảng ngày Tượng Thai Mẹ Thiên Chúa, năm 1527).

Quan niệm của Luther về Vô Nhiễm Thai có khác với quan niệm của Công Giáo. Ông vốn dựa vào Thánh Augustinô mà nghĩ rằng Đức Maria đã được tượng thai trong tội nhưng đã được thanh tẩy nhờ việc phú ban linh hồn sau khi tượng thai (5). Luther cũng cho rằng việc Vô Nhiễm Thai của Đức Maria khác với việc Vô Nhiễm Thai của Chúa Kitô: “Trong khi các hữu thể nhân bản đều được tượng thai trong tội, cả phần hồn lẫn phần xác, còn Chúa Kitô được tượng thai không mắc tội cả phần hồn lẫn phần xác, thì Đức Trinh Nữ Maria, lúc được tượng thai, về phần xác, không có ơn thánh, nhưng về phần hồn thì đầy ơn thánh” (6). Theo một tác giả (7), đây là cố gắng của Luther nhằm “chứng tỏ rằng Chúa Kitô thực sự mang lấy bản tính sa ngã của con người tuy nhiên lại không mắc tội nguyên tổ… Sự vô tội của Chúa Kitô… hoàn toàn nhờ công trình của Chúa Thánh Thần vì Luther nhấn mạnh tới tính chất tội lỗi của thân xác được Người tiếp nhận từ Đức Maria, do đó đã theo quan điểm của Thánh Augustinô, vốn là quan điểm bác bỏ việc Đức Mẹ vô nhiễm thai”.

Điều đáng lưu ý ở đây là: dựa vào ý niệm sola Scriptura (chỉ có Thánh Kinh), Luther không tin việc áp đặt học lý Vô Nhiễm Thai của Đức Mẹ lên mọi tín hữu (8).

Mẹ Thiên Chúa

Trong bài chú giải Kinh Ngợi Khen, Luther nhiều lần quả quyết rằng vì là Mẹ Chúa Kitô nên Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa: “những điều cao cả (ở đây) không là gì khác hơn việc ngài trở thành Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó, biết bao nhiêu điều tốt lành vĩ đại khác đã được ban cho ngài đến nỗi không ai có thể hiểu được… Bởi đó, con người đã tóm tắt hết mọi vinh dự của ngài vào một từ ngữ duy nhất để gọi ngài là Mẹ Thiên Chúa” (9). Luther cũng quả quyết: “Chắc chắn một điều: Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa chân thực và chân thật” (10).

Hồn xác lên trời

Mặc dù, để giữ vững nguyên tắc sola Scriptura của mình, Luther không chủ trương thành một tín điều, ông vẫn viết như sau về học lý Mông Triệu: “Không còn hoài nghi gì nữa việc hiện nay Đức Maria đang ở trên thiên đàng. Làm sao có việc ấy thì ta không biết. Và vì Chúa Thánh Thần không cho ta biết gì về điều ấy, nên ta không thể biến nó thành một tín điều” (Bài giảng ngày Lễ Mông Triệu). Tuy nhiên, niềm tin này đã không ngăn cản ông bác bỏ hai ngày lễ Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu, vì căn cứ vào nền thần học qui Kitô của ông, Đức Maria chỉ nên được tôn kính trong những ngày lễ tập chú vào Chúa Kitô, như lễ Truyền Tin, Lễ Thăm Viếng và Lễ Dâng Con Vào Đền Thờ (Thanh Tẩy).

Nữ Vương Thiên Đàng

Về tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng, quan điểm của Luther có nhiều mơ hồ. Chính ông, trong bài chú giải Kinh Ngợi Khen, đã viết như sau: “Nhất thiết… phải giữ trong phạm vi và không nên làm quá mà gọi ngài là ‘Nữ Vương Thiên Đàng’, một danh nghĩa rất đúng, ấy thế nhưng không được biến ngài thành một nữ thần có thể ban phát ơn phúc hay trợ giúp người ta, như một số người vốn giả thiết khi họ cầu nguyện và chạy đến với… ngài chứ không chạy đến với Thiên Chúa. Ngài đâu ban được gì, Thiên Chúa mới ban cho ta tất cả” (11). Dù chấp nhận danh xưng “Nữ Vương Thiên Đàng” không sai, nhưng quan tâm thường hằng của Luther là tránh khuynh hướng thờ ngẫu thần đối với Đức Maria, như ở chỗ khác ông từng viết: “Nhưng giờ đây chúng ta thấy có những người chạy đến với ngài xin giúp đỡ và an ủi, như thể ngài là thần minh, đến nỗi tôi sợ rằng hiện đang có nhiều ngẫu thần giáo trên thế giới hơn bao giờ khác” (12).

Tuy thế, có tác giả (13) đã ghi nhận rằng: “có lẽ ngạc nhiên hơn cả là khi hiểu được việc này: phòng chôn cất ông tại nhà thờ Wittenberg, là nhà thờ ông từng ghim 95 đề án của mình trên cửa, có trang trí bức điêu khắc năm 1521 của Peter Vischer tạc cảnh Đội Triều Thiên cho Đức Mẹ”.

Mẫu mực của mọi Kitô hữu

Điều hết sức rõ ràng trong thần học của Luther về Đức Mẹ là: đối với ông, Đức Maria là mẫu mực của tín hữu và trên hết là điển hình cho hành động của Thiên Chúa; chính Thiên Chúa hạ bệ kẻ quyền thế; với đức khiêm nhường của ngài, lời ngượi khen của Đức Maria là một hành vi đức tin; lòng đạo hạnh của ngài đã nhẩy mừng hân hoan trong Thiên Chúa một cách vô vị lợi; ngài không khoe khoang khoác lác về công trạng của ngài, nhưng cho rằng Thiên Chúa đã đoái hoài nhìn tới thân phận thấp hèn của mình.

Về việc qua Đức Mẹ đến với Thiên Chúa, Luther rất nhất quán với việc ông không khích lệ những người quá tôn vinh các nhân đức của Đức Mẹ đến quên vai trò cứu chuộc của Chúa Kitô. Ông viết: “…đối với ngài, bạn sẽ được khuyến khích để yêu mến và ca tụng Thiên Chúa vì ơn thánh của Người… Nhờ thế, tâm hồn bạn sẽ được tăng cường về đức tin, đức cậy và đức mến… Không điều gì làm vui lòng ngài hơn là qua ngài bạn đến với Thiên Chúa cách đó…” (14).

Luther luôn lên án những người nâng Đức Mẹ lên một bậc quá cao, quá phóng đại đến độ làm ta tương phản với ngài thay vì với Thiên Chúa. Làm như thế sẽ khiến chúng ta ra sợ sệt không dám noi gương ngài vì gương ấy cao quá (15). Đức Mẹ cũng được coi là người, vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng, nên không cần nhiều lời hoa mỹ để nói lên lòng tôn sùng của ngài đối với Thiên Chúa: “Đức Maria cũng không kể lể riêng từng điều tốt lành một mà gom chúng lại với nhau để chỉ nói một tiếng rằng ‘Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả’. Nghĩa là “Mọi sự Người làm cho tôi đều cao cả”. Ở đây, ngài dạy ta rằng lòng tôn sùng trong tâm hồn càng cao, thì càng cần ít lời nói hơn (16).

Trong Kinh Ngợi Khen, Đức Maria còn dạy ta nhiều điều hơn nữa về việc đặt thứ tự ưu tiên cho các đáp ứng của ta đối với công trình của Thiên Chúa nơi ta và nơi người khác: “Trước nhất, mọi người trong chúng ta phải chú ý tới điều Thiên Chúa làm cho mình hơn là mọi công trình Người làm cho người khác… Thứ hai, Đức Mẹ dạy chúng ta rằng mọi người đều phải cố gắng đi đầu trong việc ca ngợi Thiên Chúa, bằng cách biểu lộ các công trình mà Người đã làm vì mình, sau đó mới đến các công trình Người làm cho người khác” (17).

Tóm lại, Martin Luther tin và dạy rằng: Đức Maria là Mẹ vĩnh viễn đồng trinh của Thiên Chúa; ít nhất linh hồn ngài cũng đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông; ngài đang ở trên thiên đàng (nhưng không biết ngài lên thiên đàng như thế nào) và danh nghĩa Nữ Vương Thiên Đàng là danh nghĩa đúng nhưng không được dẫn người ta tới ngẫu thần giáo; sau cùng và có lẽ quan trọng nhất, ngài là mẫu mực và gương sáng cho mọi Kitô hữu.

Tuy không loại bất cứ điều gì thích hợp vốn dùng để tôn vinh Đức Maria, Luther vẫn nhấn mạnh rằng Chúa Kitô là đấng cứu chuộc duy nhất và tự mình Người đã đủ để cứu chuộc nhân loại, và mặc dù không kết án việc kêu khấn Đức Mẹ và các thánh (bao lâu không thái quá), cả Đức Mẹ và các thánh cũng chả làm gì được cho ta, Thiên Chúa làm tất cả.

Thánh Mẫu Học của Giáo Hội Luthêrô hiện nay

Đôi khi khó mà hiểu rõ niềm tin của Giáo Hội Luthêrô đối với Đức Mẹ hiện nay ra sao, vì hiện có sự phân cực và nhiều dị biệt về tín lý và thực hành giữa các hệ phái khác nhau trong cộng đồng Luthêrô. Phương thức của bài này là tập chú vào các Tuyên Tín Luthêrô (Lutheran Confessinals), là bộ trước tác làm nền cho thần học Luthêrô và các giáo huấn của Giáo Hội Luthêrô hoàn cầu, và rồi khảo sát những điểm bắt đầu rời xa các trước tác ấy. Phần lớn các trước tác này được viết ra đầu thập niên 1500 do những nhà lãnh đạo nổi bật nhất của Phong Trào Cải Cách tại Đức, và sau khi Martin Luther chết, được gom lại thành một bộ sách vào năm 1580 dưới tên Sách Nghị Ước (Book of Concord) (18).

Trong bộ Sách Nghị Ước trên, Tuyên Tín Augsburg năm 1530 chiếm vị thế nổi bật, đuợc coi là công trình thần hoc chủ yếu của cộng đồng Luthêrô. Theo lời của Công Thức Nghị Ước, “người theo Luthêrô coi Tuyên Tín này như kinh tin kính có tính Kitô Giáo chân chính mà mọi Kitô hữu phải chấp nhận sau Lời Chúa mà thôi”.

Như thế, bộ Sách Nghị Ước nói gì về Đức Maria? Dù bộ sách này nói đến Đức Mẹ rất ít, nhưng khi nhắc đến ngài thì nó đã nhắc một cách cung kính và tôn vinh. Thí dụ, Điều XXII trong Hộ Giáo cho Tuyên Tín Augsburg, người theo Luthêrô tuyên bố rằng “Đức Maria diễm phúc cầu cho Giáo Hội”. Sách Hộ Giáo này cũng quả quyết rằng Đức Maria “xứng đáng được những vinh dự cao qúy nhất” và mong muốn cho “

gương sáng của ngài được học hỏi và bắt chước”.

Hai học lý Công Giáo, tức sự đồng trinh vĩnh viễn của Đức Mẹ và tư cách Mẹ Thiên Chúa của ngài, đều được Sách Nghị Ước ủng hộ. Trong Phần I của Các Điều Khoản Smalcald, Chúa Giêsu được công bố “sinh ra từ Đức Maria tinh ròng, thánh thiện, và vĩnh viễn đồng trinh” và tại Điều VIII của Công Thức Nghị Ước, người theo Luthêrô tuyên xưng rằng: “Đức Maria, nữ trinh diễm phúc nhất, không tượng thai một con người nhân bản tầm thường, mà là một con người nhân bản vốn thực sự là Con của Thiên Chúa chí thánh, như thiên thần đã làm chứng. Người biểu lộ sự uy nghi thần thánh của mình ngay trong bụng Mẹ và cho thấy Người đã sinh ra bởi một trinh nữ và việc sinh hạ này không làm hại tới sự đồng trinh của ngài. Cho nên, ngài thật là Mẹ Thiên Chúa mà vẫn mãi đồng trinh”.

Công Thức Nghị Ước đã không hàm hồ nói rõ niềm tin vào Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như sau: “… chúng tôi tin, dạy và tuyên xưng rằng Đức Maria thụ thai và sinh hạ không phải một người tầm thường, bình thường, chỉ là người mà là Con đích thực của Thiên Chúa; vì lý do này, ngài được gọi đúng và đúng ngài là Mẹ Thiên Chúa”. Xa hơn chút nữa: “Cho nên, ngài thực sự là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, Dei genitrix…”.Niềm tin vào Mẹ Thiên Chúa này nhất quán với giáo huấn của Công Đồng Êphêsô năm 431. Như thế, theo Sách Nghị Ước, Đức Maria là nhân vật chủ yếu đối với người Luthêrô ‘tuyên tín’.

Chỗ mà phái Luthêrô có vấn đề với giáo huấn và thực hành Công Giáo liên quan tới Đức Maria chủ yếu thuộc phạm vi ngài được đặt ngang hàng với Chúa Kitô trong vai rò Đấng Trung Gian Mọi Ơn hay Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô, Đấng mà người Cải Cách coi là đấng cứu chuộc duy nhất. Vai trò Đức Maria là nguyên mẫu và mẫu mực cho mọi Kitô hữu, thì không có tranh cãi chi.

Theo một tác giả (19), “Như phái Luthêrô từng phán đoán, đỉnh cao các giáo huấn sai lầm của Giáo Hội Công Giáo Rôma nằm trong các tín điều của họ về Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria. Đối với người Luthêrô, các tín điều này không có căn bản trong Thánh Kinh và chỉ được sự hỗ trợ đáng hồ nghi của truyền thống… và tạo thành không hơn không kém một cuộc tấn công trực diện vào giáo huấn thiêng liêng theo đó con người chỉ tìm được ơn cứu rỗi nhờ công nghiệp của Chúa Kitô mà thôi”. Theo cái nhìn của tác giả này, “phán đoán tổng hợp về nền thánh mẫu học Công Giáo do một số thần học gia theo phái Luthêrô nêu ra chứng tỏ nền thánh mẫu học ấy không hợp Thánh Kinh, chỉ là một sản phẩm của sự cao ngạo giáo hoàng, và là một bác bỏ học lý về sự công chính” (20).

Các niềm tin của người Luthêrô hiện nay về Đức Maria

Xét tổng quát, ta có thể an tâm nói rằng: thánh mẫu học của Luther gần gũi với Giáo Hội Công Giáo hơn là với thần học của phái Luthêrô hiện đại. Trong yếu tính, người Luthêrô ngày nay tin rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Họ cũng chủ trương rằng Đức Maria đồng trinh khi thụ thai Chúa Kitô nhưng phần lớn cho rằng ngài có nhiều con tự nhiên khác và do đó không trọn đời đồng trinh. Họ đặt căn bản điều đó trên các đoạn nhắc đến các anh chị em của Chúa Kitô như trong Ga 2:12; Ga 7:3-5; họ cũng chủ trương rằng: mặc dù Đức Maria không giao hợp với Thánh Giuse trước khi sinh ra Chúa Giêsu (Mt 1:18), nhưng điều đó không có nghĩa là ngài không bao giờ giao hợp.

Xét chung, người Luthêrô hiện nay không tin việc Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ hay việc ngài không có tội trong suốt cuộc đời ngài. Về việc Mông Triệu của Đức Mẹ, người Luthêrô hiện nay tin rằng những ai qua đời đều được cứu rỗi trên thiên đàng cùng với Chúa Kitô, đến nỗi Đức Mẹ cũng đâu có khác chi các thánh và những người chưa được phong thánh nhưng qua đời trong ân nghĩa Chúa.

Giống như chính Luther, người Luthêrô tin rằng ta có thể đến với Thiên Chúa qua Đức Maria và các thánh, nhưng không phải nhờ lời cầu bầu của các ngài hay nhờ rút tỉa được công phúc của các ngài (vì ta chỉ được cứu rỗi nhờ công nghiệp của một mình Chúa Kitô mà thôi) mà là nhờ bắt chước các nhân đức của các ngài, nhất là đức khiêm nhường. Đức Mẹ vốn là mẫu mực cho mọi Kitô hữu noi theo.

Người Luthêrô ngày nay thấy khó khăn với tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng. Dù Đức Maria được họ tôn kính rất cao, nhưng họ vẫn sợ rằng tước hiệu đó sẽ dẫn tới ngẫu thần giáo, đặt Đức Mẹ ngang hàng với Chúa Kitô Vua. Sau cùng, điều rõ ràng là người Luthêrô cực lực bác bỏ bất cứ ý niệm nào coi Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô và là Trung Gian Mọi Ơn.

Một nguyên tắc trổi vượt mà Luther và các người Luthêrô ngày nay đều cực lực bênh vực là: niềm tin nào không có trong Thánh Kinh thì chỉ nên khoan nhưựng coi nó như một hành vi đạo hạnh, chứ không thể biến nó thành một tín điều buộc mọi người phải tin.

Các hệ luận cho một thánh mẫu học đại kết

Như các nhận định từ trước đến nay đã chỉ ra, trong một Giáo Hội Kitô hợp nhất, gồm cả người Luthêrô, bất cứ nền thánh mẫu học giá trị nào muốn được coi là chân chính chứ không phải chỉ là một thứ mẫu số chung do tương nhượng mà có, gồm những niềm tin mơ hồ, bất toàn, phải hội đủ ít nhất các đặc tính sau đây:

a) Việc tổng hợp các niềm tin lại với nhau phải đặt căn bản vững chắc trên Thánh Kinh; nếu Thánh Kinh không thực sự coi chúng là ‘có thể chứng minh được’, thì ít ra chúng cũng phải nhất quán với Thánh Kinh;

b) Nền thánh mẫu học đại kết phải vững vàng và trung thực dựa vào nền bác học có phê phán về Thánh Kinh hay nhất hiện có, một nền bác học biết giải thích Thánh Kinh, nhất là những đoạn về Đức Mẹ, không những trên bình diện lịch sử mà cả trên bình diện biểu tượng nữa;

c) Bất cứ nền thánh mẫu học nào cũng phải nhất quán với và phục vụ nền Kitô học đại kết hiện có;

d) Bất cứ nền thánh mậu học nào cũng cần phải bớt theo hình loại học Kitô (Chistotypical) và theo hình loại học giáo hội (ecclesiatypical) nhiều hơn, để Đức Maria không còn ‘bị’ giải thích một cách loại suy với Chúa Kitô nhiều như ngày nay (có lẽ vì thế mà bị nhìn như là cạnh tranh với Người) nhưng càng ngày càng phải được nhìn dưới hình loại học giáo hội mà sứ mệnh là đem Chúa Kitô “sinh ra nơi con người khắp thế gian” (21);

e) Bất cứ cách nào cũng không được đề cao lòng tôn kính Đức Maria vì công trạng riêng của ngài hay vì ngài đáng công hơn các thánh khác;

f) Không bao giờ được đặt ngài ngng hàng với hay cao hơn Con Trai của ngài;

g) Giáo Hội Công Giáo Rôma không nên quá nhấn mạnh tới các tín điều hiện gây khó khăn cho các đối thoại đại kết, nhất là về các tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc hay Trung Gian Mọi Ơn;

h) Mọi giáo phái phải nhìn nhận Đức Maria là mẫu mực cho mọi Kitô hữu, như người chỉ đường cho ta tới Chúa Kitô và theo lời Jurgen Moltmann, như “dấu chỉ sự cởi mở của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với sự hợp nhất và sự sống vĩnh cửu của toàn hể tạo vật” (22);

Có thể tạo ra được một tình thế đại kết như thế hay không là điều còn phải bàn. Tuy nhiên, với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể xẩy ra, với điều kiện mọi bên đều phải cố gắng như nhau để tìm cơ sở cho càng nhiều hội tụ càng hay. Dù sao, nếu không có sự hợp nhất hoàn toàn, thì hiện vẫn có nhiều dịp may để cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô đối thoại giúp cho người Công Giáo hiểu đầy đủ hơn vai trò của Đức Mẹ trong Giáo Hội trong khi người Luthêrô có thể gia tăng lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa. Như A.V. Horst từng viết: “Các Kitô hữu Luthêrô nên chào đón cơ hội được trợ giúp trong cuộc phát triển này… Là các thành viên của một giáo hội tuyên xưng và tuyên tín, họ nên nhớ tới lòng sùng kính Mẹ Diễm Phúc của Martin Luther, tới lòng sùng kính các bậc tổ phụ và tổ mẫu của chúng ta trong đức tin, tới các lời khuyên dạy của Tuyên Tín Augsburg và các tuyên tín khác vốn cao lời ca ngợi Đức Maria và thúc giục tín hữu theo gương các thánh. Còn có cách nào khác tốt hơn để cám ơn ngài cho bằng dấn thân vào việc tìm kiếm đầy sáng tạo các hình thức mới cho lòng tôn sùng và kính mến Đức Maria trong thiên niên kỷ mới này” (23).

Viết theo Michael Jarvis, ‘The Mariology of Martin Luther and its Implications for an Ecumenical Mariology’ trong The Australasian Catholic Record July 2007.

_______________________________________________________________________________________________________________________________

(1) J. Pelikan, ed. Luther’s Works [LW] (St Louis: Concordia Publishing House,1956) 21: 355.

(2) Đã dẫn, 22:214

(3) Đã dẫn, 22:23.

(4) Xem Martin Luther’s Devotion to Mary tại http:ic.net/~erasmus/RAZ95.HTM

(5) LW 43: 40-41

(6) Đã dẫn 43:40-41

(7) G. Yule, Luther: Theologian for Catholics and Protestants (Edinburgh: T & T Clark, 1985 tr.100.

(8) Xem Martin Luther’s Devotion to Mary tại http:ic.net/~erasmus/RAZ95.HTM

(9) LW 21:326

(10) LW 24:107

(11) LW 21:327-8

(12) LW 21:323-4

(13) P. Stravinskas, trong Faith and Reason số Xuân 1994, tr.8

(14) LW 21:322-3

(15) LW 21:323

(16) LW 21:325

(17) LW 21:318-9

(18) Sách Nghị Ước gồm 8 công trình được viết trong các thế kỷ từ thứ 3 tới thứ 16: 1) ba kinh tin kính (symbols) công giáo và đại kết của Giáo Hội, tức Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, Kinh Tin Kính Nixêa và Kinh Tin Kính Athanasiô; 2) Tuyên Tín Augsburg “không thay đổi”, do Philip Melanchton viết năm 1530; 3) Hộ Giáo cho Tuyên Tín Augsburg do Philip Melanchton viết năm 1531; 4) Các Điều Khoản Smalcald, do Martin Luther viết năm 1537; 5) Khảo Luận về Quyền Bính và Tính Tối Thượng Của Giáo Hoàng, do Martin Luther viết năm 1537; 6) Sách Giáo Lý Nhỏ của Luther, viết năm 1529; 7) Sách Giáo Lý Lớn của Luther, viết năm 1529; và 8) Công Thức Nghị Ước, do một số thần học gia nổi tiếng của Giáo Hội Luthêrô viết năm 1577, trong đó có James Andrae và Martin Chemnitz.

(19) Myron A. Marty, Lutherans and Roman Catholicism: The Changing Conflit 1917-1963 Notre-Dame: University of Notre-Dame Press, 1968, tr.188.

(20) đã dẫn, tr,189.

(21) A.V. Horst, ‘Mary in Current Theology: a Lutheran View’, Currents in Theology and Mission, 15(1988) tr. 413.

(22) J. Moltmann, ‘Can there be an Ecumenical Mariology?’ trong Hans Kung and Jurgen Moltmann eds. Mary in the Churches (Edinburgh: T&T Clark Ltd, 1983) XV.

(23) Đã dẫn, tr.417
 
Việc mục vụ trong giáo phận Roma
Linh Tiến Khải
20:16 16/03/2010
Một số nhận định của Đức Hồng Y Agostino Vallini về việc mục vụ trong giáo phận Roma

Cách đây gần 2 năm ngày 27 tháng 6 năm 2008 Đức Hồng Y Agostino Vallini đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định thay thế Đức Hồng Y Camillo Ruini làm Giám Quản giáo phận Roma.

Đức Hồng Y Vallini sinh năm 1940 tại Poli thuộc giáo phận Tivoli, gần Roma. Ngài đã từng làm giáo sư tại Đại Học Giáo Hoàng Laterano và tại Phân khoa thần học của đại học Napoli nam Italia và cũng từng là phân khoa trưởng tại đây. Tiếp đến cha Vallini đã được Tòa Thánh chỉ định làm Giám Mục phụ tá giáo phận Napoli trong 10 năm trời, rồi làm Giám Mục chính tòa giáo Phận Albano 5 năm. Sau đó Đức Cha Vallini đã giữ chức Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa thánh 5 năm, trước khi được bổ nhiệm làm Giám Quản giáo phận Roma.

Đức Thánh Cha là Giám Mục của giáo phận Roma, nhưng vì phải lo cho các hoạt động đa diện của Giáo Hội hoàn vũ và các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, nên ngài chỉ định một Hồng Y thay ngài cai quản giáo phận. Cùng cộng tác với Đức Hồng Y Giám Quản Vallini hiện có một Giám Mục Tổng Phụ Tá là Đức Tổng Giám Mục Luigi Moretti và 6 Giám Mục Phụ Tá là: Đức Cha Armando Brambilla đặc trách mục vụ y tế; Đức Cha Paolino Shiavon, đặc trách vùng Nam Roma; Đức Cha Ernesto Mandara, đặc trách vùng Trung Roma; Đức Cha Benedetto Tuzia, đặc trách vùng Đông Roma; Đức Cha Guerino di Torra, đặc trách vùng Bắc Roma; Đức Cha Giuseppe Marciante đặc trách vùng Đông Roma. Tổng cộng cả 5 vùng giáo phận Roma có 337 giáo xứ. Theo thống kê năm 2004 giáo phận Roma có 5.390 linh mục trong đó có 1.740 linh mục giáo phận và 3.650 linh mục dòng, 5.630 tu huynh và 21.900 nữ tu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Agostino Vallini về công tác mục vụ trong giáo phận Roma.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y từ khi làm Giám Quản giáo phận Roma đến nay Đức Hồng Y đã quyết định dành một ngày trong tuần để gặp gỡ các Linh Mục giáo phận Roma, bắt đầu từ 8 giờ sáng trở đi. Linh Mục nào cũng có thể tới gặp mà không cần phải lấy hẹn trước. Tại sao vây?

Đáp: Lý do là vì tôi ý thức rằng làm cha sở ngày nay không phải là điều dễ dàng: vị linh mục phải tìm thấy nơi Giám Mục của mình điểm quy chiếu, một người anh, một người cha. Đây là một kiểu sống gần gũi với nhau, dựa trên tư tưởng Chúa đã chọn các linh mục và tôi chỉ có thể gần gũi các vị trên con đường cuộc sống. Càng có tương quan với nhau bao nhiêu, lại càng có sự hiệp thông và đồng ý với nhau bấy nhiêu. Và điều này tạo thuận tiện cho việc cai quản giáo phận.

Hỏi: Công tác mục vụ trong giáo phận Roma tiến hành theo các đường hướng nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chúng tôi đang làm một cuộc kiểm thực mục vụ nảy sinh từ một đòi hỏi cấp thiết: vì cách đây 10 năm giáo phận Roma đã sống một thời điểm mạnh mẽ liên quan tới căn tính và tính cách hữu hình của mình, qua chiến dịch truyền giáo với sự tham gia của 10.000 thừa sai trong tất cả mọi lãnh vực cuộc sống. Trong các năm sau đó mục vụ giáo phận đã tập trung vào các đề tài quan trọng như: gia đình, giới trẻ, việc giáo dục. Khi được chỉ định làm Giám Quản tôi đã tự hỏi làm sao để hòa mình vào lộ trình ân sủng và sự thánh thiện này của giáo phận để có thể hướng dẫn nó. Và tôi đã hiểu rằng địa bàn là Công Nghị giáo phận đã sống. Vì thế với sự khích lệ của Đức Thánh Cha chúng tôi đã quyết định làm một cuộc kiểm thực: thực tại của thành phố Roma đã thay đổi, và không còn có thể coi đức tin như là một giả thiết nữa. Chúng tôi khởi hành từ câu hỏi này: ”Tín hữu giáo phận Roma ý thức mình là Giáo Hội như thế nào, và họ có cảm thấy trách nhiệm loan báo Chúa Kitô hay không?” Có 5 đề tài cần được kiểm thực: việc tham dự các buổi cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật; việc làm chứng cho tình bác ái; việc khai tâm cuộc sống Kitô; mục vụ giới trẻ; và mục vụ gia đình. Hai lãnh vực đầu đang được kiểm chứng trong năm nay, không phải chỉ tại các giáo xứ mà trong mọi thực tại của cuộc sống giáo phận.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giáo phận Roma có gương mặt như thế nào?

Đáp: Tại trung tâm Roma nơi có các dinh thự của các cơ cấu chính quyền người dân sống nhưng không ở trong các vùng này và các giáo xứ thường nhỏ. Nhưng khi đi ra các vùng chung quanh xa lộ vòng đai thì các cộng đoàn lớn hơn, có khi tới 45.000 người, và công tác mục vụ cũng phong phú hơn. Sau cùng có những vùng Giáo Hội đã làm việc từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xây được các nhà thờ. Hiện có 8 vùng còn đang được xây dựng và cần phải mở thêm 10 vùng khác. Trong một năm rưỡi vừa qua tôi đã viếng thăm được 90 giáo xứ, và tôi thấy các giáo xứ này sinh động và có ý nghĩa đối với khu vực dân cư chung quanh. Được như thế là nhờ sự dấn thấn của công tác mục vụ trung tâm cầu nguyện. Tại nhiều vùng ngoại ô giáo xứ là điểm quy tụ và có các đề nghị sinh hoạt duy nhất.

Hỏi: Tương quan giữa giáo phận, Tòa Giám Quản với Đức Thánh Cha như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Roma, trung tâm của Kitô giáo với Tòa của Người Kế Vị Thánh Phêrô có một tinh thần đại đồng, mà các giáo phận khác có thể ít cảm thấy hơn. Thật là một vinh dự đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn khi nhân danh Đức Thánh Cha cai quản và điều hợp công việc của giáo phận này.

Tôi được đặc ân thường được Đức Thánh Cha tiếp riêng để báo cáo cho Người biết các vấn đề quan trọng nhất trong lãnh vực mục vụ và nhận các chỉ thị của Đức Thánh Cha. Hàng năm Đức Thánh Cha thường viếng thăm một số giáo xứ và người có buổi gặp gỡ các linh mục vào dịp bắt đầu Mùa Chay và khai mạc đại hội giáo phận với diễn văn đề ra đường hướng mục vụ cho cả năm.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Giám Quản, tại Romna có nhiều Đại Học Giáo Hoàng. Sinh hoạt của các đại học này có gây cản trở cho việc nhìn thấy các viễn tương khác hay không?

Đáp: Ý thức của giáo phận đã được củng cố đặc biệt trong 50 năm qua, tức từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trở đi. Để đạt mục đích này chính Đức Gioan XXIII đã ước muốn di chuyển tòa Giám Quản về bên cạnh Đền thờ thánh Gioan Laterano, là Nhà Thờ Chính Tòa của giáo phận Roma. Chiều kích rộng rãi và to lớn của giáo phận khiến cho việc cai quản công tác mục vụ phức tạp hơn. Nhưng các cơ cấu tổ chức theo giáo luật bù đắp cho vấn đề này.

Cuộc sống mục vụ được suy tư trong các giáo xứ và giáo hạt, rồi lên cao hơn là trong từng vùng có một Giám Mục Phụ Tá đặc trách. Các lựa chọn quan trọng của việc cai quản giáo phận đều được thảo luận trong hội đồng giáo hạt. Đây là các cơ cấu của việc tham dự sinh động thực sự.

Hỏi: Ngày xưa người ta nói Roma là thủ đô của Kitô giáo. Ngày nay nó có còn thật như vậy nữa không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Ngày nay Roma vẫn còn có ý thức là Giáo Hội mẹ, với tất cả các khó khăn gắn liền với thời đại chúng ta đang sống. Số tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật được khoảng 20%, các ơn gọi ít so với nhu cầu mục vụ, nhưng bù lại có các linh mục sinh viên theo học tại các Đại Học Giáo Hoàng ở Roma, giúp một tay. Tuổi trung bình của các linh mục giáo phận Roma không cao, vào khoảng 50. Cuộc sống chung của hàng giáo sĩ trong các giáo xứ là một sự phong phú. Và tôi phải hài lòng nhấn mạnh rằng bên cạnh các trung tâm quốc gia và quốc tế của các hiệp hội và phong trào khác nhau, sự hiện diện của hàng ngũ giáo dân được chuẩn bị và có phẩm chất cao gia tăng và lớn mạnh trong các giáo xứ. Các giáo xứ Roma soạn thảo các đề nghị rao truyền Tin Mừng chung quanh nhân tố nền tảng của chương trình mục vụ.

Ngoài ra trong giáo phận Roma còn có ý thức bác ái rất cao. Cha Luigi Di Liego, Giám Đốc Caritas Roma, đã để lại dấu vết các hoạt động của ngài. Tổ chức Caritas Roma có khoảng 400 nhân viên và mấy ngàn thiện nguyện viên làm việc trong các hợp tác xã do Caritas gợi hứng trong mọi lãnh vực.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, mới đây Đức Hồng Y đã kêu gọi ông Alemano thị trưởng Roma tìm ra các phương thế giúp giải quyết tệ nạn những người thất nghiệp đứng ở các ngã tư đường chùi xe. Trong một thành phố có đa chủng tộc sinh sống như Roma, đâu là kiểu chung sống có thế có thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Giữa ông thị trưởng Roma và Tòa Giám Quản có sự cộng tác thân tình. Dĩ nhiên cần phải làm việc nhiều để rộng mở cho sự đại đồng và tiếp đón người thuộc mọi chủng tộc. Tại Roma không có nạn kỳ thị chủng tộc, nhưng đây đó cũng có vài dấu chỉ của sự bất khoan nhượng. Vì thế cần phải tỉnh thức để tạo thuận tiện cho tính cách hợp pháp của những người sinh sống tại đây, và cùng nhau ý thức về các bổn phận nhân bản và Kitô trong việc tiếp đón người nước ngoài.

Trong một thông cáo mới đây tôi có than phiền về các thái độ khai thác bóc lột, lạm dụng và tăng giá cả có hại cho người di cư tị nạn và các giai tầng yếu kém trong xã hội. Chẳng hạn như việc bắt người ta trả 500 Euros cho một chỗ ngủ là một hành động không có tinh thần Kitô.

(Jesus, Febbraio 2010, trang 7476)
 
Báo Vatican: Các Giám Mục Mỹ đại diện cho quan điểm của Giáo hội Công giáo về cải cách chăm sóc sức khỏe
Trần Mạnh Trác
22:42 16/03/2010
Vatican, 16 Tháng Ba 2010 (CNA / EWTN News). - Trong một bình luận, phóng viên Marco Bellizzi của tờ báo Vatican L'Osservatore Romano (LOR) cho biết rằng các Giám mục Công giáo Mỹ đã đại diện tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo khi các ngài chỉ trích dự luật chăm sóc sức khỏe hiện tại.

"Không có hỗ trợ mù quáng cho việc cải cách y tế," là đầu đề bài viết trên LOR, bài viết giải thích rằng "các dự luật chăm sóc sức khỏe của Thượng viện Hoa Kỳ là không thể chấp nhận được" ". Nó không thể được hỗ trợ và những vấn nạn về đạo đức không thể bị trì hoãn cho đến một thời điểm sau này. "

"Trong khi quốc hội Hoa Kỳ, bị áp lực bởi tổng thống Obama, đang ở trong một thời điểm rất quan trọng cho vận mệnh của việc cải cách, và tòa Bạch Ốc đã đầu tư rất nhiều năng lượng và uy tín chính trị, thì các giám mục Mỹ lại một lần nữa làm sáng tỏ quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, là một quan điểm đã nhiều lần được giải thích với những thông điệp thường xuyên gửi đến các thượng nghị sĩ và dân biểu, cũng như gởi đến chính ông Obama. "

Theo tờ báo Vatican, tuyên bố ngày thứ hai của Đức Hồng Y Francis George đã "làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm bắt nguồn từ quan điểm của Hiệp hội Y tế Công giáo (CHA,) trong đó, bằng lời lẽ của Sơ Carol Keehan, đã kêu gọi hỗ trợ phiên bản của Thượng viện, và trì hoãn đến một thời điểm về sau những đòi hỏi thay đổi liên quan tới vấn đề đang gây tranh cãi nhất là nguồn tài trợ liên bang cho phá thai.... "

"Quan điểm của CHA," tờ LOR giải thích, "không phản ánh bất kỳ nhận thức nào của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. (USCCB )"

Tờ báo Vatican cũng cho tiết tại sao USCCB hỗ trợ phiên bản của Hạ Viện, bao gồm Tu Chánh Án Stupak, vì có ngôn ngữ ngăn chặn việc sử dụng quỹ liên bang để trả tiền cho phá thai.

Tờ LOR khẳng định rằng " việc chờ cho đến sau khi dự luật được thông qua là không thể chấp nhận được, vì có nhiều vấn nạn đạo đức", và lập lại trong ngoặc kép câu tục ngữ miền Trung Tây của Đức Hồng y George's: "nó giống như là mua 'một con lợn mà chỉ thấy có một cái cọc mà thôi '. Cái điều lo sợ, rõ ràng, là sau này có thể thấy rằng đó là một con mèo, "bài báo giải thích thêm ý nghĩa của câu tục ngữ.

Tờ báo Vatican cũng đề cập tới "các hình thức đang gây áp lực trên nhiều giới phò sự sống tại Hoa Kỳ " để hỗ trợ dự luật chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các cuộc tấn công vào USCCB của một chuyên gia pháp luật về y tế, Giáo sư Timothy Stolfzfus Jost, từ trường Luật của Đại học Washington và Lee.

"Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa, cũng giống như của ma quỷ, đang ẩn núp trong những chi tiết nhỏ," L'Osservatore viết, trích dẫn một bài mới nhất của Đức Tổng Giám Mục Denver, Charles J. Chaput. OFM Cap.

Tờ báo Vatican cũng lập lại trong ngoặc kép lời Đức Tổng giám mục Chaput về tính cách "không trung thực đang kéo dài, khó chịu và quá thường xuyên của cuộc tranh luận quốc gia về chăm sóc sức khỏe trong những ngày cuối của nó. Đau đớn nhất là những nhóm 'Công Giáo' mà vì sự háo hức của họ để đạt được một số đặc quyền (deal) đã bán rẻ sứ mệnh làm chứng nhân của cộng đồng Công giáo và có nguy cơ giúp đỡ một dự luật xấu trở thành một đạo luật xấu. "

"Dự luật của Thượng viện, theo Tổng giám mục Chaput, hỏng (fails) vì nó không ngăn cản tài trợ (liên bang) cho việc phá thai, không bảo vệ đầy đủ quyền lương tâm và không cung cấp y tế cho người nhập cư,".

Bài báo kết luận bằng cách trích dẫn lời của TGM Denver, gần đây đã nhắc nhở mọi người rằng "các nhóm, hiệp hội và các ấn phẩm thương mại tự mô tả là 'Công Giáo' hoặc 'phò sự sống' mà ủng hộ dự luật của Thượng viện - bất kỳ ý định của họ là gì – thì đang gây ra một tai hại nghiêm trọng cho Quốc Gia và cho Giáo Hội, phá hoại tư cách chứng nhân của cộng đồng Công giáo.
 
Top Stories
Vietnam lässt prominenten Dissidenten frei (tiếng Đức)
net-tribune.de/ap
05:10 16/03/2010
Hanoi - Vietnam hat einen der prominentesten Dissidenten aus der Haft entlassen. Der schwer kranke katholische Pfarrer Thadeus Nguyen Van Ly wurde am Montag freigelassen, damit er ärztlich versorgt werden kann. Das sagten Angehörige am Dienstag der Nachrichtenagentur AP. Der 63-Jährige hatte im Gefängnis zwei Schlaganfälle erlitten. Ly ist nach Angaben seiner Schwester Nguyen Thi Hieu auf der rechten Körperseite teilweise gelähmt, und er kann nicht ohne Stock gehen. Er sei vom Gefängnis aus mit einem Krankenwagen in seine Heimatstadt Hue gebracht worden, sagte Hieu.

Ly war mehrfach inhaftiert. Zuletzt wurde er 2007 unter dem Vorwurf der Verbreitung regierungsfeindlicher Propaganda zu acht Jahren Haft und fünf Jahren Hausarrest verurteilt.

(Source: http://www.net-tribune.de/nt/node/19765/news/Vietnam-laesst-prominenten-Dissidenten-frei
 
Vietname: Padre libertado diz que volta para a prisão após tratamento (tiếng Bồ Đào Nha)
Aeiou.expresso
05:12 16/03/2010
Hanói, 16 mar (Lusa) - O padre dissidente vietnamita Nguyen Van Ly, que saiu da prisão na segunda feira para receber tratamento durante um ano, voltará depois para a prisão, segundo afirmou hoje à AFP.

O padre, de 62 anos, teve três acidentes vasculares cerebrais (AVC), em 2009, segundo a família. Ele próprio disse que há quatro meses lhe foi diagnosticado um tumor no cérebro.

"Isto não foi uma libertação", declarou o padre, que foi condenado em 2007 a oito anos de prisão por propaganda contra o regime comunista vietnamita.

(Source: http://aeiou.expresso.pt/vietname-padre-libertado-diz-que-volta-para-a-prisao=f571169)
 
Le Vietnam libère le dissident Van Ly
AP
05:13 16/03/2010
HANOI — Le Vietnam a libéré un des principaux défenseurs de la démocratie, le prêtre catholique Thadeus Nguyen Van Ly victime de deux attaques en prison, pour qu'il reçoive un traitement médical, a annoncé sa famille mardi.

Thadeus Nguyen Van Ly a été remis lundi en liberté conditionnelle pour une année pour raisons médicales, ont précisé à l'AP son neveu, Nguyen Van Hai, et sa soeur, Nguyen Thi Hieu. On ignore si ce prêtre catholique de 63 ans, condamné à huit ans d'emprisonnement en mars 2007 pour son rôle dans l'organisation du Parti du progrès et du Bloc 8406, mouvement défiant le principe du parti unique, sera libéré en cas d'amélioration de sa santé.

Dans un entretien lundi à RFI, Van Ly a appelé les autorités vietnamiennes à le libérer définitivement. "Ma condamnation était injuste et barbare". "Je ne me suis jamais considéré comme un détenu, mais comme un prisonnier de conscience", a-t-il souligné.

Emprisonné régulièrement, Van Ly a été libéré lundi matin à 4h de la prison de Ba Sao, dans la province de Ha Nam dans le nord du pays et emmené par ambulance dans sa ville natale Hué, a ajouté sa soeur.

Depuis ses accidents cérébraux, Van Ly est paralysé du côté droit mais peut se déplacer avec une canne.

(http://www.google.com/hostednews/canadianpress/article/ALeqM5hcj3Vng0HSJNSViq5e6K18NjwOPQ)
 
Libération au Vietnam d'un prêtre dissident (avocat américain)
La-croix/AFP
05:15 16/03/2010
WASHINGTON, 15 mars 2010 (AFP) - Le Vietnam a libéré lundi le prêtre dissident Nguyen Van Ly, qui avait été condamné à 8 ans de prison en 2007 pour "propagande" contre le régime communiste, a annoncé son avocat américain.

La libération de M. Ly, né en 1946 et dont la santé inquiétait ses proches, a été décidée à la plus grande joie de ses défenseurs. Alors que sa soeur était venue lui rendre visite dans la prison de Hanoï où il était détenu, les gardes lui ont dit d'attendre, "et tout d'un coup ils ont amené Père Ly à 4 heures du matin et ont dit: +Il a été libéré+", a déclaré à l'AFP Maran Turner, son avocat basé à Washington.

Le prêtre, dont la libération avait été réclamée par 37 sénateurs américains ainsi que par l'Union européenne, est depuis retourné dans sa ville natale de Hué (centre) où il est maintenant entouré par sa famille, a indiqué l'avocat.

M. Ly, qui avait déjà passé 14 ans derrière les barreaux, avait notamment été accusé en 2007 d'être à l'origine du "bloc 8406", un mouvement pro-démocratie né le 8 avril 2006 et appelant ouvertement au multipartisme. Le Parti communiste exerce un pouvoir absolu au Vietnam.

En février et en décembre dernier, sa soeur Nguyen Thi Hieu s'était inquiétée de problèmes d'hypertension ayant entraîné une attaque.

L'organisation de défense des droits de l'Homme Amnesty International avait alors appelé à sa libération.

"Il va mieux", a précisé son défenseur. "Il peut se déplacer et marcher avec une canne".

Le Vietnam et le Vatican n'ont pas de relations diplomatiques mais ont entamé un rapprochement. Hanoï affirme respecter la liberté de culte, mais maintient un étroit contrôle sur toutes les Eglises.

Selon un récent rapport de la diplomatie américaine, au moins 60 opposants politiques - avocats, militants des droits de l'homme ou blogueur - étaient détenus dans les geôles vietnamiennes à la fin de l'année 2009.

(Source: http://www.la-croix.com/afp.static/pages/100315223803.kancyngw.htm)
 
Un célèbre prêtre dissident vietnamien sort de prison pour soins médicaux
Romandie/AFP
05:17 16/03/2010
HANOI - Un célèbre prêtre dissident vietnamien, à qui l'on a diagnostiqué une tumeur au cerveau, est sorti de prison lundi pour suivre pendant un an des traitements médicaux, traitements à l'issue desquels il devra, affirme-t-il mardi, retourner derrière les barreaux.

Le père Nguyen Van Ly, 62 ans, a eu trois attaques cérébrales l'an dernier selon sa famille. Les médecins ont diagnostiqué la tumeur au cerveau, de deux centimètres, il y a quatre mois, indique-t-il lui-même.

"Ce n'est pas une libération", a affirmé à l'AFP le prêtre, condamné en 2007 à huit ans de prison pour propagande contre le régime communiste vietnamien.

"Les autorités suspendent temporairement ma peine de prison pour que je puisse me faire soigner", a-t-il ajouté, joint par téléphone dans sa maison familiale de Hué (centre). "Après mon traitement médical, je retournerai en prison".

Après 12 mois, sa famille pourra cependant demander une nouvelle suspension de peine si sa santé continue de se dégrader, a encore dit le prêtre, qui reste en attendant en résidence surveillée.

En voyant "mon état de santé s'aggraver, (les autorités) ont voulu que ma famille s'occupe de moi et soit responsable", a poursuivi le père Ly. "J'ai encore mal dans mon bras et mon pied droits", a-t-il encore indiqué, précisant toutefois que ses membres étaient "moins paralysés" qu'après ses attaques.

En 2007, Nguyen Van Ly avait notamment été accusé d'être à l'origine du "bloc 8406", un mouvement pro-démocratie né le 8 avril 2006 et appelant au multipartisme. Le Parti communiste exerce un pouvoir sans partage au Vietnam.

Dès l'ouverture de son procès, le prêtre, qui avait déjà passé 14 années en détention, avait défié la cour. Il avait dénoncé une "loi de la jungle", avant qu'un policier ne lui recouvre la bouche. Les juges avaient bouclé les débats et rendu leur verdict en trois heures et demi.

Depuis, des élus américains avaient appelé à sa libération. Le Parlement européen, qui le qualifie de "prisonnier de conscience", avait déploré qu'il ne puisse pas bénéficier de soins médicaux adéquats en prison.

Mardi, Reporters sans frontières s'est félicité que "les autorités (aient) enfin fait preuve d'un minimum de compassion" à son égard. Mais l'organisation de défense des médias basée à Paris a exhorté Hanoï à "renoncer définitivement à l'idée de le renvoyer en prison". Nguyen Van Ly est aussi responsable d'une publication dissidente.

En décembre, la soeur du père, Nguyen Thi Hieu, avait indiqué que son frère, qui était détenu dans le nord du pays, avait déjà été hospitalisé pendant près d'un mois.

Depuis plusieurs mois, la famille du dissident tirait la sonnette d'alarme sur sa santé. Mais en août, Hanoï avait refusé de l'inclure dans une liste de plus de 5.000 amnistiés, expliquant que la mesure de clémence n'était accordée "qu'aux personnes ayant fait des progrès dans leur rééducation".

Human rights watch a aussi salué mardi la sortie de prison du prêtre, mais jugé qu'il n'aurait, à l'origine, pas dû être envoyé en prison.

Dénombrant au Vietnam "plus de 400 prisonniers de conscience", détenus pour "avoir simplement essayé de pratiquer leur religion ou appelé à des réformes pacifiques", l'organisation basée à New York a dénoncé le dossier encore "déplorable en matière de droits de l'Homme" de Hanoï.

Le Vietnam rejette systématiquement les accusations de violation des droits de l'Homme portées contre lui.

(Source: AFP / 16 mars 2010, http://www.romandie.com/ats/news/100316081819.6350b5bx.asp)
 
Wietnam: czołowy działacz demokratyczny zwolniony (tiếng Ba Lan)
Wiadomosci.Onet.pl
05:18 16/03/2010
Wietnam zwolnił na roczne leczenie jednego z czołowych działaczy demokratycznych, katolickiego księdza Thadeusa Nguyena Van Ly, częściowo sparaliżowanego po dwóch wylewach, których doznał w więzieniu - poinformowała jego rodzina.

63-letni ksiądz został zwolniony w poniedziałek rano z więzienia w prowincji Ha Nam (północny Wietnamu) i przewieziony karetką do swego miasta rodzinnego Hue.

- Z tego, co wiem, nie został zwolniony bezwarunkowo. Wypuszczono go tylko na 12-miesięczne leczenie - powiedział jego siostrzeniec Nguyen Vu Viet przez telefon ze Stanów Zjednoczonych.

W poniedziałkowym wywiadzie dla Radio France International Ly zaapelował do władz Wietnamu o jego zwolnienie na stałe. - Mój wyrok był niesprawiedliwy i niecywilizowany. Nigdy nie uważałem się za więźnia, tylko za więźnia sumienia - zaznaczył. Jak dodał, cztery miesiące temu zdiagnozowano u niego guza mózgu.

W 2007 r. Ly został skazany na 8 lat pozbawienia wolności, a następnie 5 lat aresztu domowego za szerzenie antyrządowej propagandy. Zarzucono mu m.in., że był współtwórcą "boku 8406", prodemokratycznego ruchu wzywającego do wprowadzenia systemu wielopartyjnego. Od 1970 r. spędził w więzieniu w sumie 16 lat.

Organizacje obrony praw człowieka z zadowoleniem przyjęły zwolnienie Ly, ale podkreśliły, że Wietnam przetrzymuje jeszcze setki innych działaczy prodemokratycznych. W ciągu ostatnich kilku miesięcy władze uwięziły 16 działaczy.

- Zwalniając ojca Ly, rząd Wietnamu nie oczyścił swego ubolewania godnego konta w dziedzinie praw człowieka - powiedziała Sophie Richardson z Human Rigths Watch.

Ly ma sparaliżowaną prawą stronę ciała, przez co nie jest w stanie jeść ani pisać prawą ręką, ale może chodzić wspierając się na lasce - powiedział jego siostrzeniec.

(Source: http://wiadomosci.onet.pl/2142001,12,wietnam_czolowy_dzialacz_demokratyczny_zwolniony,item.html)
 
Vietnam excarcela a un destacado defensor de los derechos humanos, el padre Ly (tiếng Tây Ban Nha)
yucatan.com.mx
05:21 16/03/2010
Hanoi, 16 de Marzo (EFE).- El sacerdote católico Nguyen Van Ly, uno de los más destacados defensores de los Derechos Humanos en Vietnam, ha sido excarcelado tras cumplir tres de los cinco años de prisión que le impusieron en 2007 por difundir propaganda contra el Estado, informaron hoy los medios.

El religioso de 63 años dijo que su salud ha empeorado mucho durante su encarcelamiento y que sufrió tres ataques cardiovasculares, en mayo, julio y noviembre de 2009.

“La tercera vez, me enviaron a un hospital policial en Hanoi. Hallaron que tenía dos arterias del cuello obstaculizadas, pero lo más serio fue que descubrieron que tengo un tumor de 2,5 centímetros en el cerebro, en el lado izquierdo”, dijo en una conversación telefónica Ly, que reproduce “Radio Free Asia".

El activista señaló que los médicos que le examinaron piensan que “el tumor puede estar afectando nervios y causando parálisis en el lado derecho del cuerpo".

Ly fue liberado el lunes por la mañana y esa misma tarde llegó a su casa en Hue, en la región central de Vietnam.

De momento, sus planes son dejar que su familia le cuide y enterarse de lo que ha ocurrido en el mundo durante su internamiento, porque en prisión solo pudo leer dos periódicos.

El padre Ly, candidato al premio Sajarov en 2009, ha pasado unos 16 años en prisión en las últimas tres décadas por defender reformas democráticas en Vietnam.

(Source: http://www.yucatan.com.mx/noticia.asp?cx=99$0912010000$4264413&f=20100316)
 
Vietnam laat zieke dissident uit gevangenis (tiếng Hòa Lan)
Novum
05:23 16/03/2010
(Novum/AP) - Vietnam heeft maandag de dissident Thadeus Nguyen Van Ly uit de gevangenis gelaten. De 63-jarige katholieke priester is in de gevangenis door twee beroertes getroffen en moet medisch worden behandeld.

In een interview met de Vietnamese dienst van Radio France Internationale noemde Ly zijn veroordeling 'oneerlijk en onbeschaafd'. "Ik beschouw mijzelf niet als een gevangene, maar als een gewetensgevangene", zei hij.

Ly heeft jaren in de gevangenis of onder huisarrest doorgebracht, omdat hij pleitte voor de invoering van een meerpartijstelsel in Vietnam. Mensenrechtengroepen zijn blij dat Ly uit de gevangenis mag, maar wijzen er op dat nog vele anderen die zich inzetten voor democratie zijn opgesloten.

Ly is door de beroertes aan de rechterzijde van zijn lichaam gedeeltelijk verlamd. Inmiddels kan hij weer lopen met een stok.

(Source: http://buitenland.nieuws.nl/589521)
 
Vietnam releases Catholic democracy activist for health reasons
Earthtimes
05:27 16/03/2010
Hanoi - A Vietnamese Catholic dissident released from a jail where he was imprisoned on political charges said Tuesday that he was in precarious health with a brain tumor. Father Nguyen Van Ly, 63, was released from prison in Hanoi Monday and taken to his home in Hue by taxi. He was sentenced in 2007 to eight years for "spreading propaganda against the Vietnamese state."

"I have always affirmed that I am not a criminal offender, but a prisoner of conscience," Ly said.

Ly was among the founders of Bloc 8406, a group of dissidents and activists who issued a manifesto calling for multiparty democracy and freedom of expression and religion in 2006.

His sister, Nguyen Van Hieu, said Ly had suffered three strokes while in prison, and was released on a one-year medical probation.

Western human rights organizations welcomed the news of Ly's release while condemning an ongoing crackdown on other democracy activists, religious figures, writers and internet bloggers.

Sophie Richardson, Asia director of Human Rights Watch, called Ly's release a step in the right direction, but said he was among hundreds of Vietnamese "prisoners of conscience" who "should never have been arrested in the first place."

"The US government should still put Vietnam back on its blacklist of religious freedom violators," Richardson said.

Ly's imprisonment had long been an irritant to relations between Vietnam and the US as well as the European Union.

A group of US senators sent a letter in July to President Nguyen Minh Triet calling for Ly's immediate release.

(Source: http://www.earthtimes.org/articles/show/314286,vietnam-releases-catholic-democracy-activist-for-health-reasons.html)
 
Liberazione a metà: p. Van Ly dovrà tornare in prigione dopo le cure
Asia-News
07:52 16/03/2010
Il sacerdote cattolico e attivista democratico ha un tumore al cervello ed è semi-paralizzato dopo tre ictus. Dopo le cure dovrebbe scontare il resto della pena. È stato minacciato di non compiere “attività antigovernative” mentre è fuori della prigione.

Hanoi (AsiaNews) – P. Taddeo Nguyen Van Ly, il sacerdote cattolico liberato ieri per motivi di salute, dovrà tornare in prigione fra un anno, dopo le cure. P. Van Ly ha sofferto di ictus, che gli hanno paralizzato una parte del corpo e ha bisogno di cure contro un tumore al cervello. Era stato imprigionato nel 2007 con una condanna di 8 anni per la sua opera a favore della democrazia e per i diritti umani.

Liberato ieri pomeriggio, alle 17 è giunto all’arcivescovado di Hue, la diocesi in cui egli è incardinato, e accolto da alcuni familiari e sacerdoti (v. foto). Era stato rilasciato alle 4 del mattino dalla prigione di Ba Sao, nel Nord. È rimasto fermo in una stazione di polizia per oltre tre ore, dove lo hanno minacciato: durante la sua “liberazione temporanea” non deve in modo assoluto implicarsi in “attività anti-governative”.

Alla sua condanna nel 2007, il governo di Hanoi è stato oggetto di critiche da gruppi per i diritti umani e dai governi Usa e dell’Unione europea. La sua liberazione è stata perorata dalla famiglia e dall’arcidiocesi di Hue.

“Questa non è una liberazione”, ha detto p. Van Ly ad alcuni giornalisti. “le autorità – ha continuato – hanno sospeso la mia sentenza perché io mi prenda cura della salute. Dopo le cure dovrò tornare in prigione”.

Il sacerdote, fra i membri fondatori del “Blocco 8406”, un movimento che domanda la fine del Partito unico in Vietnam, ha subito diversi ictus negli anni scorsi, che l’hanno lasciato paralizzato in parte. Ai giornalisti ha confidato che quattro mesi fa gli hanno scoperto un tumore al cervello di 2 centimetri e mezzo.

“Non sono soddisfatto – ha detto p. van Ly - con quello che le autorità chiamano ‘ sospensione temporanea’ della mia pena. Se accetto il termine ‘sospensione temporanea’, significa che io accetto la sentenza che mi hanno dato. E non accetto nemmeno una ‘sospensione permanente’, perché questo significa accettare la sentenza”.

Il sacerdote non ha mai accettato la sentenza di 8 anni a lui comminata, né la definizione di “criminale” data dai giudici alla sua attività. Egli insiste a definirsi “prigioniero di guerra”.

P. Va Ly ha già subito 14 anni in carcere – tra il 1977 e il 2004 – per le sue battaglie in difesa della libertà di religione e dei diritti umani nel Paese comunista.

Secondo osservatori, in Vietnam si assiste a una recrudescenza dell’oppressione contro gruppi democratici, chiese e minoranze, dovuta a un rafforzamento dell’ala dura del Partito.
 
Temporarily free, Fr Van Ly to go back to prison after treatment
Asia-News
08:32 16/03/2010
The Catholic priest and pro-democracy activist has a brain tumour and is partially paralysed after three strokes. Following his medical treatment, he is expected to go back to prison. After his release, he was threatened not to engage in anti-government activities whilst outside prison.

Hanoi (AsiaNews) – Fr Thaddeus Nguyen Van Ly, the Catholic priest who was released yesterday on medical grounds, will have to go back to prison a year from now, after his medical treatment. Fr Van Ly suffered a stroke and is now partially paralysed. He needs treatment for a brain tumour as well. He was jailed in 2007 after receiving an eight-year sentence for his action in favour of democracy and human rights.

After leaving Ba Sao prison (northern Vietnam) at 4 am yesterday, the clergyman arrived around 5 pm at the Bishop’s Residence in Hue, where he is incardinated. Family and fellow priests (pictured) were there to welcome him. Between release and arrival, he spent three hours at a police station, where he was warned not to engage in anti-government activities during his temporary freedom.

When Fr van Ly was convicted in 2007, the Vietnamese government was criticised by human rights organisations as well as the governments of the United States and the European Union. His family and the archdiocese of Hue pleaded for his freedom.

“This is not liberation,” Nguyen Van Ly, 62, told reporters. “The authorities temporarily suspended my prison sentence so that I can take care of myself. After my medical treatment I will return to prison,” he said.

The clergyman was a founding member of ‘Bloc 84-06’, a pro-democracy movement that seeks to end Vietnam’s one-party state.

In recent years, he has suffered a number of strokes that left him partially paralysed. He told journalists that he was recently diagnosed as having a two-and-half centimetre brain tumour.

“I’m not satisfied with what they call the temporary suspension of my sentence because if I accept the term ‘temporary suspension’, it suggests that I accept the sentence they gave me. I don’t accept even a ‘permanent suspension’ because this also means I accept the sentence,” Ly said.

Ultimately, he said he could never accept the eight-year sentence; he refuses the ‘criminal’ label pinned on him by the authorities. Instead, he views himself as a “prisoner of war”.

Between 1977 and 2004, he spent 14 years in prison for his action in favour of religious freedom and human rights in the Communist nation.

According to some observers, the authorities are cracking down on pro-democracy groups, Churches and minorities because of hard-line elements in the Communist Party.
 
Viet Nam: Catholic Priest should be unconditionally released
Amnesty International Press Release
11:41 16/03/2010
AMNESTY INTERNATIONAL
PRESS RELEASE

16 March 2010
For immediate release

Viet Nam: Catholic Priest should be unconditionally released

A Vietnamese human rights activist and Catholic priest who was temporarily allowed to leave detention yesterday should be unconditionally and permanently released, Amnesty International urged today.

Father Nguyen Van Ly, who is serving an eight year jail term for spreading “propaganda” against the state in 2007, was yesterday released for a period of 12 months on humanitarian grounds to receive medical treatment.

Ly, 63, has already served three years in prison. He is one of the founders of the internet-based pro-democracy movement “Bloc 8406” and participated in banned political groups.

“Father Ly should never have been detained in the first place. His release should be unconditional and permanent and he should be allowed to receive proper medical care,” said Amnesty International’s Viet Nam researcher Brittis Edman. “This small positive step is happening against the backdrop of a deteriorating human rights situation, with 16 dissidents imprisoned in the last six months alone, and dozens more currently detained for criticism of government policies.”

Nguyen Van Ly’s health has rapidly deteriorated in prison. He suffers from partial paralysis following a stroke in November last year and doctors have also discovered a brain tumour.

He will remain under surveillance during the temporary release period while he lives at a house for retired priests in the diocese of the Archbishop of Hue, in central Viet Nam, where he has previously stayed.

The peaceful pro-democracy activist has been jailed three times since the 1970s. Amnesty International first adopted Father Ly as a prisoner of conscience in December 1983, and following subsequent arrests.

Amnesty International continues to urge the government of Viet Nam to amend or repeal national security provisions of the Penal Code which are used to silence and detain activists. These provisions are in direct breach of international treaties ratified by Viet Nam. The authorities must allow peaceful dissent, debate, freedom of speech and assembly consistent with Viet Nam’s obligations under international law, and release all prisoners of conscience.

END/

Public Document
****************************************
For more information please call Amnesty International's press office in London, UK, on +44 20 7413 5566 or email: press@amnesty.org

International Secretariat, Amnesty International, 1 Easton St., London WC1X 0DW, UK www.amnesty.org
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhận định của USCIRF về việc LM Nguyễn Văn Lý được tự do
Việt Long /RFA
07:41 16/03/2010
Ông Scott Flipse, Ủy viên Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF), vừa trả lời phỏng vấn của RFA để đưa ra nhận xét về việc linh mục Nguyễn Văn Lý được trả tự do.

Kết quả của hành động

Việt Long: Ông vui lòng cho biết cảm nghĩ của Ủy ban của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế trước tin linh mục Nguyễn Văn Lý vừa được trả tự do.

Ông Scott Flipse: Chúng tôi đón mừng tin đó và việc đó xác nhận là sự lưu tâm của quốc tế cũng như hành động của Hoa Kỳ đã đem lại kết quả.

Việt Long: USCIRF có thay đổi gì về đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần được lưu tâm vê tự do tôn giáo, sau khi cha Lý đã được trả tự do?

Ông Scott Flipse: Việc trả tự do cho LM Lý là tin vui cho linh mục và gia đình cũng như cho những người quan tâm đến sự an nguy của Ngài. Tuy nhiên sự quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nói chung thì vẫn còn nguyên đó. Tình trạng đàn áp tôn giáo không phải chỉ xảy ra với cha Lý, mà đối với nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động độc lập.

Việt Long: Thông cáo báo chí của USCIRF hôm thứ sáu có lên án Việt Nam cầm giữ LS Lê thị Công Nhân vài ngày sau khi được trả tự do. Ông có thể cho biết lý do sự lên án đó?

Ông Scott Flipse: Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế e rằng cô Lê Thị Công Nhân chỉ bị chuyển từ một trại tù sang một nhà tù khác. Mới ra khỏi tù thì cô lại bị cầm giữ và thẩm vấn ngay sau khi nói lên ý tưởng của mình, thể hiện quyền tự do phát biểu. Và cha Lý cũng sẽ không im lặng được. Ủy ban tự do tôn giáo Mỹ mong rằng Việt Nam không những cho cha Lý được săn sóc sức khỏe lúc khẩn cấp mà còn không nên bắt buộc ngài phải im lặng khi phát biểu để bênh vực trong thái độ ôn hoà cho vấn đề cải tổ luật pháp và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Việt Long: Trong chuyến đi vừa rồi ngoài linh mục Nguyễn Văn Lý, luât sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân mà phái đoàn USCIRF được tiếp xúc, thì phái đoàn còn gặp được tù nhân lương tâm nào khác nữa?

Ông Scott Flipse: Chúng tôi cũng được gặp linh mục Phan Văn Lợi ở Huế và Hoà thượng Thích quảng Độ ở Sài Gòn, hai nhân vật đang bị quản chế, mà chúng tôi coi như còn bị giam giữ vì họ vẫn mất tự do.

Dự luật nhân quyền

Việt Long: Việc đề nghị Quốc hội thông qua dự luật nhân quyền cho Việt Nam đã diễn tiến ra sao?

Ông Scott Flipse: Quốc hội sẽ sớm thảo luận dự luât đó trong năm nay. Đạo lụât này sẽ có tác dụng tốt đẹp cho quan hệ song phương Mỹ Việt về lâu dài.

Việt Long: Ông dự kiến chính sách dân chủ và tôn giáo của Việt Nam sẽ ra sao?

Ông Scott Flipse: Bộ ngoại giao Mỹ đã nói công khai với Quốc hội rằng Việt Nam thụt lùi trong lĩnh vực nhân quyền, cũng là điều Ủy Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế vẫn nói trong 4 năm nay. Việt Nam có khoan dung cho một số tổ chức tôn giáo, nhưng lại siết chặt bàn tay kiểm soát đối với hoạt động của những tổ chức tôn giáo độc lập, hay với những ai bị coi là thách đố về về chính trị đôi với Nhà nước, hoặc những người đối lập chính trị có tổ chức.

Như chúng tôi thấy trong 1 năm rưỡi vừa qua, nhiều hoạt động tôn giáo ôn hoà đã bị phá vỡ. Nhiều người bị bắt giữ. Nhà nước tiếp tục gây áp lực cho đạo Hoà Hảo, cấm đoán việc tu tập tại làng Mai của môn sinh thiền sư Thích Nhầt Hạnh. Các tu sinh bị sách nhiễu và giải tán. Những điều đó chứng tỏ Hà Nội không mấy tiến bộ về tự do tôn giáo, và Hoa Kỳ có thể đem lại những tác động mạnh trong mối quan hệ song phương khi nêu những vấn đề đó với Việt Nam.

Việt Long: Nếu nói chuyện được với Việt Nam hôm nay, ông sẽ có lời nhắn ra sao về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo?

Ông Scott Flipse: Ý kiến của chúng tôi cũng khá đơn giản. Việt Nam không nên e ngại về sự tiến bộ của những quyền tự do và quyền công dân cũng như tính cách pháp trị tại Việt Nam. Đó là trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền đối với người dân Việt, trong khi Việt Nam càng ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế.

Tương lai của Việt Nam là của những thế hệ trẻ đó, những người muốn tạo dựng sự cởi mở, và dân chủ, và nhân quyền. “Bất kỳ chính quyền nào giải quyết những vấn đề ấy thì cũng tạo thêm được giàu mạnh cho đất nước. Hoa Kỳ sẽ ủng hộ những ai muốn cho Việt Nam được thêm thịnh vượng song song với quyền tự do rộng lớn hơn”.

Việt Long: Xin cảm ơn Ông.

(Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-Scott-Flipse-USCIRF-over-the-release-of-Father-Nguyen-Van-Ly-VLong-03152010220532.html)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vòng Tay Cứu Thế
Nguyễn Bá Khanh
22:33 16/03/2010

VÒNG TAY CỨU THẾ



Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Giang tay Chúa cứu nhân loài

Dấu đanh thập giá có hoài lòng tin?

(nbk)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền