Ngày 19-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đừng Phạm Tội Nữa - Đừng Lên Án Nhau
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
04:12 19/03/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

Chúa nhật 5 Mùa Chay-C(21-3-10)

Dành cho Cá nhân, Gia đình, Nhóm, Hội Đòan

Chủ đề: * ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA !

* ĐỪNG LÊN ÁN NHAU !

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ theo sự tác động của Thánh Thần:

Bài đọc 1: I-sai-a: (43:16-21). “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. (câu 18)

1/ Tật tôi hay nói lại những chuyện cũ làm xào xáo gia đình thế nào?

Khi kể lại những điều sai sót cũ chỉ làm khổ cho vợ, chồng…

2/ Chia sẻ những nỗ lực bạn làm để cải tiến gia đình và cộng đoàn?

Khen ngợi, uỉ an, ghi nhận những điều hay việc tốt của nhau.

Bài đọc 2: Philipphê (3:8-14). “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (câu 8)

1/ Cho biết những kết quả đời sống mới của tôi khi có Chúa làm chủ?

Tôi được vui mừng, bình an, tha thứ với dẫn dắt của Lời Chúa.

2/ Những gì đã giúp bạn quyết bỏ đời sống cũ để có được Đức Kitô?

Cầu nguyện liên lỉ với Lời Chúa và quyết tâm lánh xa các dịp tội.

Tin Mừng: Gioan (8:1-11). “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (câu 11)

1/ Tôi đã được Chúa nhắc nhở về những lỗi lầm của mình cách nào?

Nhắc qua lương tâm, qua người bên cạnh, các biến cố lớn nhỏ…

2/ Khi tố cáo người anh em, bạn đã mắc phải những tính xấu nào ?

Tôi kiêu căng, nói hành, thiếu bác ái. ghen tương, giận hờn..

3/ Lòng thương xót của Chúa với người phụ nữ và với tôi thế nào?

B- Trong ba bài đọc trên giúp bạn và tôi có những bài học sau:

1/ Bí quyết chống cám dỗ: Có nhiều cách để thắng cám dỗ như sau:

a/ Chọn đúng bạn: Thánh Phaolô khuyên: Anh em chớ có lầm: “Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu.” (1Cor 15,33). Hãy tìm kiếm, chơi với những bạn tốt ở trường học hay nơi làm việc và tránh xa các dịp nguy hiểm như tiền bạc, trai gái… Để dùng thì giờ hữu hiệu, bạn hãy vào một Nhóm để Chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện giúp nhau.

b/ Sống hiệp nhất: Tại sao các gia đình, Nhóm, Hội đoàn, Phong trào hôm nay hay chia rẽ, lộn xộn? Vì họ thiếu học hỏi Lời Chúa nên hay muốn hơn người khác, tranh giành chức vụ, tiền bạc,. .v..v…Bạn và tôi hãy cùng với các Tín hữu khác sống hoà hợp, yêu thương: “Đức mến thì nhẫn nhục hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không vui mừng khi thấy sự gian ác; nhưng vui khi thấy điều chân thật.” (1 Cor 13, 4-6)

2/ Sự quan tâm về Gia đình: Công Đồng Vatican II nói về Gia đình như sau: Khuyên bảo và giúp các thanh thiếu niên, những người đã đính hôn được học giáo lý, nâng đỡ các đôi vợ chồng, giúp những người có gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần.

Các Gia đình Kitô hữu là chứng nhân quý báu nhất của Đức Kitô trườc mặt thế gian, bằng tất cả đời sống chung thủy với nhau.

C- Câu Kinh Thánh thục giục bạn và tôi chọn Sống tuần này:

TÔI KHÔNG LÊN ÁN CHỊ ĐÂU! THÔI CHỊ CỨ VỀ ĐI VÀ TỪ NAY ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA ! ( Gioan 8, 11)

1/ Tôi không cho mình là trong sạch để lên án, kết tội người khác.

2/ Bạn cương quyết bỏ một tội, mà mình hay lỗi phạm nhiều nhất.

D- Bạn và tôi cùng dựa vào Lời Chúa để Cầu nguyện:

Lạy Cha, Đức Kitô đã nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Chúa muốn dạy chúng con biết mình cũng lả kẻ có nhiều tội; đừng vội để ý nói xấu, kết án người khác. Hãy bắt chước lòng thương xót và quảng đại của Chúa với người lỗi lầm, hãy tha thứ, để họ sám hối ăn năn và không phạm tội nữa.

Con quyết noi gương Mẹ Maria luôn suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành, để xứng đáng là người Tín hữu trưởng thành.

Hoa thơm cỏ lạ: KHI CHÚA THA THỨ, NGÀI CẤT BỎ TỘI LỖI VÀ PHỤC HỒI TỘI NHÂN. / When God forgives, He removes the sin and restores the sinner

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI. (Ga 3, 30)

Phó tế: Gioan B. Maria Nguyễn Văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Chúa xót thương
Lm Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R
10:37 19/03/2010
Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay, Năm C (Ga 8, 1-11).

DẪN

Chuyện đời không thiếu việc con người kết án lẫn nhau.

Tư tưởng Thiên Chúa không như tư tưởng của người đời.

Trình thuật Tin Mừng (Ga 8, 1-11) là bằng chứng: Chúa kết án tội chứ không kết án người tội lỗi.

I. ĐÁM ĐÔNG VÀO HÙA

Một buổi sáng nọ, một đám đông các kinh sư và người Pha-ri-siêu dẫn một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình đến trước mặt Đức Giê-su. (Ga 8, 3). Họ đã chất vấn Đức Giê-su về việc xét xử bà này. “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền dạy chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5).

Mới thoáng qua thì đàm đông này xem ra có lý lẽ, nhưng sâu xa, họ đang cố tình gài bẫy Đức Giê-su hầu có cớ bắt Người. Mặt khác, dường như họ đang toa rập với nhau, âm mưu tìm cách “giết người diệt khẩu” càng sớm càng tốt để ngầm bao che cho kẻ tòng phạm, vì theo luật thì người đàn ông tòng phạm với bà ta cũng phải bị ném đá (x Ed 16, 38-40).

Đức Giê-su biết rõ tâm địa gian manh của họ. Bằng thái độ lặng thinh viết trên đất, xem ra Người không chú ý đến những người xung quanh và dường như muốn từ chối nói chuyện với họ.

Vì sự cố chấp của đám đông “họ cứ hỏi mãi” (Ga 8, 7), Đức Giê-su đã trả lời: “Ai trong các ông không có tội thì cứ lấy đá ném chị này trước đi” (Ga 8, 7). Lời Đức Giê-su đã xoáy vào tim đen của đám đông khiến họ phải suy nghĩ và đã rút êm “lần lượt bỏ đi, bắt đầu là những người lớn tuổi” (Ga 8, 9). Hẳn những viến đá mà đám đông lăm le ném người đàn bà ngoại tình nay đã ném thẳng vào lương tâm những kẻ sống hùa và buộc họ phải suy nghĩ mà thay đổi hành vi của mình.

II. CON NGƯỜI YẾU HÈN

Phần người phụ nữ, chị đã bị bắt quả tang đang ngoại tình. Tội chứng ràng rành, không còn gì để nói nên chị ta chỉ thinh lặng và cũng không thiết nghĩ đến chuyện tố cáo kẻ tòng phạm. Chị ta chỉ còn biết phó mình cho sự định đoạt của đám đông và người ta đã buộc chị phải đứng giữa đám đông để chịu xét xử.

Lẽ tự nhiên, Thiên Chúa ban cho con người khả năng giới tính để truyền sinh. Hoạt động giới tính tự nó thật tốt đẹp và phù hợp với sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên một khi người ta lạm dụng hoạt động này, cụ thể là thực hiện ngoài hôn nhân và trái tự nhiên thì sẽ sinh hậu quả tai hại làm hủy hoại thuần phong mỹ tục.

Ấy vậy mà, Kinh Thánh đã từng thuật những chuyện hủ hoại: Vua Đa-vít đã từng phạm tội cướp vợ (bà Bát-sa-ve) mà còn giết luôn người chồng (tướng U-ri-a) (x. 2S 11, 2 tt); hai ông thủ lãnh cùng âm mưu hành động đồi bại với bà Su-san-na vợ của ông Giô-gia-kim nhưng âm mưu không thành (x. Đn 13, 1tt); người con hoang đàng mang tiền phung phí với bọn điếm (x. Lc 15, 30); thánh Phao-lô từng than khóc vì dân thành Cô-rin-tô sống gian dâm phóng đãng (x. 2Cr 12, 21)…

Chuyện Kinh thánh đã vậy, trong gian dân những chuyện ngoại tình cũng không ít nên ngày nay, tình trạng hôn nhân thiếu chung thủy và gia đình đổ vỡ đang ngày càng gia tăng. Thế mới biết, thân phận con người yếu hèn: điều thiện muốn thì không làm nhưng điều ác không muốn thì lại làm (x. Rm 7, 19).

Bởi thế, ý thức phận người yếu hèn, người tín hữu phải luôn trông cậy ơn Chúa giải thoát “Tôi thật là một người khốn khổ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta” (Rm 7, 24).

III. THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT

Đám đông đã rút đi. Nơi xét xử chỉ còn lại hai người: Thiên Chúa xót thương và con người yếu hèn.

Trước đám đông gào thét đến cuồng loạn kết án tử người đàn bà ngoại tình, Đức Giê-su đã thinh lặng và không đồng tình với đám đông la ó đang gây thêm đau khổ cho người tội lỗi.

Khi bị chất vất gay gắt, Đức Giê-su mới lên tiếng. Người không nói: Đừng ném đá chị ta. Nếu nói thế chẳng khác nào Người đã không thi hành lề luật. Đức Giê-su cũng không nói: Cứ việc ném đá chị ta. Bởi nói thế, Người đã đánh mất con chiên lạc đang đối diện với Người. Đức Giê-su đã nói: “Ai trong các ông không có tội thì cứ lấy đá ném chị này trước đi” (Ga 8, 7). Vậy là, chỉ có người vô tội mới có quyền xét xử người đàn bà ngoại tình. Nói cách khác, ở đây chỉ có Thiên Chúa làm người Đức Giê-su Ki-tô mới có quyền xét xử.

Đức Giê-su đã xét xử vụ án này ra sao? Người đã không kết án mà chỉ thương xót và khuyên bảo người đàn bà bỏ đường tội lỗi: “Tôi không kết án chị đâu! Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11).

Nếu thế, phải chăng Đức Giê-su dung túng cho kẻ có tội?

Thực ra, Đức Giê-su chỉ kết án tội chứ không kết án người có tội. Người đã cho người đàn bà phạm tội một con đường sống với điều kiện “ Chị về đi; từ nay, đừng phạm tội nữa!”.

Thiên Chúa đã đoái thương người tội lỗi. Có thể nói được: Thiên Chúa ghét tội chứ không ghét người có tội.

Chúa đã đối xử bao dung. Nếu người thẳng tay như người ta thường đối xử với nhau thì không có các vị thánh: Phê-rô, Mát-thêu, Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Ma-ri-a Mác-đa-la… Nếu Người đối xử thẳng tay với con người như họ đáng tội thì mỗi người chúng ta chắc gì còn hiện diện trên đời.

Trước tình thương của Chúa, người tín hữu được mời gọi: tin tưởng vào lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa; sống lòng bao dung ấy bằng cách đấm ngực mình chứ đừng đấm ngực người khác; quyết tâm sửa đổi đời sống: “Đừng phạm tội nữa!”.

KẾT

Người đời dễ lâm vào tình trạng xét đoán và muốn xét xử người khác, trong khi bản thân mình tội lỗi chất đầy.

Bao lâu còn trong thân xác con người, chẳng ai dám quả quyết mình trong sạch. Thế nên người tín hữu được mời gọi cố gắng hoàn thiện bản thân và ứng xử bao dung.

Thiên Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc. Chỉ mình Người mới có quyền xét xử. Dầu vậy, Thiên Chúa chỉ kết án tội chứ không kết án người có tội. Người không cho kẻ dữ phải diệt vong nhưng chỉ muốn họ bỏ đường tà để được sống.
 
Thưa không
Lm Vũđình Tường
16:07 19/03/2010
Thưa Ngài, không có ai cả.

Đó là câu trả lời người phụ nữ bị các Kinh Sư và người Pharisiêu tố cáo với Đức Kitô về tội ngoại tình, bị bắt quả tang.

Theo luật Môisen thì hạng đàn bà đó phải ném đá chết. Còn Thầy dậy sao? Họ hỏi thế cố ý gài bẫy, tìm bằng cớ tố cáo Người.

Đức Kitô đáp

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi

Nghe vậy họ lần lượt rút lui, già trước, trẻ sau. Chỉ còn lại một mình Đức Kitô và người phụ nữ, Ngài hỏi chị

Không ai lên án chị sao?

Chị đáp

Thưa Ngài, không có ai

Đức Kitô đáp

Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu. Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.

Cầu mong

Chúng ta cầu mong người này thay đổi, người khác thống hối. Xin cho người hàng xóm thay đổi, bớt nhậu nhẹt, xóm ngõ có thái bình. Cha mẹ xin Chúa cho con cái ăn năn, quay về đàng lành.

Ước mong người khác thay đổi. Xin cho họ thống hối, ăn năn trở lại là việc làm tốt lành, thánh thiện. Điều này hợp với tinh thần Phúc âm. Cầu cho người thay đổi, nhưng chớ quên ta. Người khác cần thống hối, còn mình thì không. Phải chăng là tự dối lòng. Hoặc tự nhận mình công chính; thiên hạ là phường tội lỗi.

Tự nhận công chính là thái độ của nhóm người tố cáo chị phụ nữ hôm nay Phúc Âm ghi lại. Họ tự nhận mình công chính, sạch tội trước mặt Chúa. Còn chị phụ nữ kia đáng bị ném đá chết. Đây không phải lần đầu nhóm này làm thế. Vài tuần trước đây chính họ vui mừng báo tin cho Đức Kitô biết về cái chết bất ưng của 18 người bị tháp Silôa đè và một số bị Philatô giết lấy máu hoà với con vật làm lễ tế thần.

Đức Kitô bảo họ.

Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao. Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Luca 13,2-4

Tố cáo người là tự nhận mình trong sạch hơn người mình tố cáo. Đức Kitô nhìn rõ tâm hồn từng người. Ngài nói với họ. Ai tự nhận vô tội, hay ít tội thì hãy kết án người khác đi.

Câu nói ngắn gọn nhắc họ nhìn lại chính mình, nhớ lại việc cũ đã làm, tự xét mình, tự vấn lương tâm. Hy vọng dẫn đến thống hối.

Thống hối

Tất cả cần thống hối. Không trừ ai. Hãy xét hành vi, quan hệ ta với người, ta với Chúa, để nhận ra khiếm khuyết, sai trái. Hoán cải, thay đổi tâm, tính trở nên tốt hơn. Cuộc sống bên ngoài ồn ào là dấu chỉ quên lãng đời sống thầm lặng nội tâm.

Cải hoá

Thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu thành Philiphê 3,1-14 cho biết thống hối, ăn năn giúp liên kết mật thiết với Chúa.

Liên kết đến mức vui mừng đau khổ vì Chúa. Theo ngài, hoàn thiện có được là do kết hợp với Đức Kitô. Kết hợp do lòng tin, không phải do lề luật. Lúc thành công, vui sướng đã đành. Khi thất bại, lúc gian truân cần liên kết để nhận thêm nguồn an ủi, trợ lực chống lại cám dỗ nghi ngờ hay bất trung. Theo thánh nhân đau khổ vì Chúa là một vinh dự, một đặc sủng mà chỉ những tâm hồn kết hợp mật thiết với Chúa mới có thể hiểu được và vui mừng đón nhận đặc ân ấy.

Thực ra cuộc đời mấy ai tránh khỏi đau khổ, mệt mỏi, chán chường. Đừng lãng phí, hãy biến chúng thành nguồn ân sủng bằng cách kết hợp với Đức Kitô. Đau khổ cho Ngài và với Ngài. Cải tạo đau khổ biến chúng thành nguồn ân sủng, phúc đức. Điều này có thể làm được vì chính thánh Phaolô đã làm, cách thánh tử đạo đã thực hiện.

Kitô hữu kết hợp với Chúa không phải phấn đấu đơn độc vì có ân sủng Chúa ban, tăng sức giúp chống trả chước cám dỗ của ba thù.

Thánh Phaolô không nhắc lại tội xưa vì mặc cảm. Ngài nhắc lại để thấy tình yêu Chúa vĩ đại hơn tội ta phạm. Dụ ngôn hôm nay cho thấy Đức Kitô có cách đối xử tốt lành dành cho tội nhân thành tâm thống hối, ăn năn. Ngài biết rõ các Kinh Sư và Pharisiêu dùng chị phụ nữ làm cớ để gài bẫy. Tuy thế Ngài không vội kết án họ. Tạo cho họ cơ hội, giúp họ suy nghĩ, hồi tâm, nhớ lại việc đã làm.

Đấng duy nhất có quyền kết án tội nhân là Đấng vô tội. Đấng đó đến từ trời cao xuống thế, không phải để kết án, Ngài đến vực dậy những hối nhân thành tâm quay về.
 
Ngày phán xét cuối cùng trước mặt Thiên Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS
16:17 19/03/2010
Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C (Isaiah 43: 16-21; Psalm 126; Philippians 3: 8-14; John 8: 1-11)

Thiên Chúa của Sách Xuất Hành là Thiên Chúa của những dấu chỉ hùng vĩ và kỳ diệu. Nhựng Thiên Chúa của Isaiah được thiết đặt tự Người thực hiện như Người đã mô tả những ý định của Người về việc giải phóng và khôi phục dân Israel. Họ phải quên đi tất cả những điều mà Thiên Chúa đã hoàn thành trong quá khứ vì họ sẽ phôi phai so với những gì mà Thiên Chúa mang trong tâm trí cho tương lai ấy.

Một trong những dấu chỉ xác nhận tiêu chuẩn quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa là cuộc sống nơi mà không có một bóng người và sự sinh hoa kết trái. Nơi mà duy nhất chỉ có đất cằn cỗi hoang vu. Đây là những bằng chứng không chỉ trong những đời sống cá nhân mà còn đối với những quốc gia và dân tộc. Phép lạ của Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị loại bỏ đối với quá khứ xa xôi trong tâm trí vì Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Đứng trước biết bao đau khổ và sự tàn phá trên thế giới nó quan trọng hơn không chỉ để nhớ mà còn tin vào nó với tất cả tâm hồn của chúng ta. Mặc dù những gì mà chúng ta có thể thấy Thiên Chúa chắc chắn quan tâm đến để thực hiện một điều mới mẻ nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận nó.

Nhiều người làm việc cật lực để vươn tới đỉnh cao hoặc để đạt được những mục tiêu của họ chỉ phát hiện ra rằng nó để lại trong họ những trống vắng, bất ổn và tìm kiếm cái gì đó nhiều hơn nữa. Cái không muốn sau cùng thực sự họ đã muốn. Thánh Phao-lô đã có một trạng nghiệm về trạng thái này. Ông là một ngươi rất hoàn hảo, được đào tạo uyên thâm cà hai thế giới Hy Lạp và Do Thái. Ông được vô vàn tôn kính trong lãnh vực tôn giáo và có uy tín đối với sự tồn tại cả hai lòng tôn sùng tuyệt đối cũng như sự hăng hái nhiệt thành về đường lối của Thiên Chúa. Ông dường như không đấu tranh với sự thiếu tự tin hoặc với một ý thức rằng ông đang rơi vào tình trạng thiếu khôn ngoan những tiêu chuẩn của Thiên Chúa – trong thực tế, ông hoàn toàn tự hào về những thành tựu tôn giáo mà ông đã thực hiện. Nhưng cuộc gặp gỡ bất ngờ trước sự việc Chúa phục sinh “đã tan biến” tất cả! Bất thình lình, tất cả những thành quả của ông hoàn toàn vô giá trị. Chúng vô giá trị mà chúng lại có vẻ như vậy trong sự so sánh đối vơi sự liên kết với Đức Ki-tô và vinh quang cùng quyền lực về sự phục sinh của Người.

Thánh Phao-lô vẫn là người lèo lái nhưng đó là tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô đẩy ông về phía trước. Vì chúng ta đào sâu thêm mối liên kết của chúng ta với Thiên Chúa rất nhiều trong những điều mà chúng ta đã một lần đánh giá cao có thể tàn phai và đánh mất đi sự lộng lẫy của chúng. Sau cùng, một điều gì đó quan trọng hơn nhiều có thể là của chúng ta.

Đánh giá và lên án người khác là lỗi phổ biến thuộc con người. Người ta có thể trở nên xấu xa, cố chấp và khắc nghiệt với người khác trong khi vẫn không nhận ra những nhược điểm của chính bản thân mình một cách điềm nhiên. Chúng ta thấy điều đó trên các phương tiện truyền thông: những người bị rêu rao trước công chúng và bị bôi nhọ vì những thiếu sót của họ - nó hầu như là một trò bắn giết thú vật. Người ta có thể quy kết những xấu xa, nham hiểm của họ cho người khác và cảm thấy thoải mái đối với bản thân. Thật không may, đây cũng là một điều rất phổ biến trong số những người tự coi mình như một tôn giáo. Những cuộc tranh luận xoay quanh những tôn giáo và những vấn đề đạo đức khác nhau của chính thời đại chúng ta đã tạo ra cấp độ chấn động của sự hiểm ác, hận thù và không quyết tâm để nhận thấy để thấy dung mạo của Thiên Chúa trong những đối thủ của mình.

Thuyết cơ giới được vận hành trong một câu chuyện nổi tiếng về một phụ nữ bị cáo buộc tội ngoại tình. Đám đông muốn kích động và tất cả mọi lăng mạ và sự cuồng nộ của chính họ quy kết cho người phụ nữ rủi ro này, người mà đã trở thành giơ đầu chịu báo. Chúa Giê-su không chấp nhận những lôi cuốn cuồng thú của đám đông. Người không lên án phụ nữ này, người cũng không đưa ra những vấn đề với những luật lệ và truyền thống. Những đám đông hành hình luôn chờ đợi một người nào đó thực hiện hành động bạo lực trước vì điều đó cho người khác “được phép” làm theo.

Chúa Giê-su không thực hiện một điều gì theo kiểu cách đó – thực tế, sự im lặng và dửng dưng xét đoán của Người có lẽ làm nản lòng họ. Người chỉ nhấn mạnh một điều duy nhất ai là người vô tội ở vào trí ấy để thực hiện sự kết án này. Điều này cùng việc viết hoặc vẽ những điều vô nghĩa trên cát của Người đã hiển nhiên tạo ra nhiều tự vấn. Từng người, từng người một bỏ rơi những cục đá trên mặt đất và lén lút ra đi.

Trong cuộc hội thoại với người phụ nữ ấy Chúa Giê-su khước từ thực hành lên án hoặc một bản án mà thay vào đó người truyền đạt những lời khuyên tinh thần sâu lắng. Câu chuyện này không hàm ý về việc Chúa Giê-su tha thứ cho người phụ nữ ấy mà là một lời khuyến cáo cho tất cả rằng sự phẫn nộ và cáu giận đạo đức để lên án và trừng phạt thì thường là một sự che giấu cho tội lỗi và nham hiểm tiềm ẩn của chính chúng ta. Đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ mà chúng ta ai nấy đề thiếu thốn sự ngợi khen của Thiên Chúa và tất cả đều cần đến sự thương xót và tha thứ.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Bên Mẹ Lộ Đức cuối đông (1)
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:32 19/03/2010
Nhân dịp kỳ gặp gỡ các linh mục nước ngoài đang làm mục vụ tại Pháp do Ủy Ban Truyền giáo trực thuộc HĐGM Pháp tổ chức vào tuần thứ hai của Tháng Ba vừa qua tại Lộ Đức, chúng tôi lại có dịp trở về bên Mẹ. Hễ ai đã một lần đặt chân đến đây chắc chắn vẫn còn ao ước được trở lại những lần tiếp theo. Lộ Đức, mảnh đất tâm linh, đã trở thành địa danh quen thuộc của khách hành hương trên toàn thế giới.

Thông thường vào mùa đông, phần lớn các địa điểm đón khách hành hương như khách sạn tạm ngưng hoạt động, vì số người đến đây thưa thớt. Hơn nữa, Lộ Đức nằm tại một vị trí tương đối hẻo lánh, cách xa các thành phố lớn, cho nên việc đi lại cũng không đơn giản. Quả thật, trong chuyến hành hương cuối đông vừa rồi, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng phương tiện tàu xe công cộng. Do chịu ảnh hưởng của đợt tuyết rơi, các tàu siêu tốc đều phải giảm tốc độ để bảo đảm an toàn. Nếu chuyến tàu đầu tiên bị chậm trễ, thì những hành trình tiếp theo khi đổi sang chuyến tàu khác cũng bị nhỡ nhàng. Đặc biệt, một số tuyền đường sắt bị ngưng trệ hoàn toàn. Có một vài nhóm khởi hành từ sáng thứ hai đầu tuần và phải mất hai ngày mới đến được Lộ Đức.

Vào thời điểm khởi hành, ngoài trời tuyết vẫn tiếp tục rơi đợt cuối cùng trong mùa đông. Tuy chuyến hành trình bị trễ hơn so với dự kiến 45 phút, chúng tôi vẫn có may mắn an toàn trở về bên Mẹ mà không bị rơi rớt lại dọc đường. Đến nơi lúc 2 giờ 30 sáng, chúng tôi vòng vo trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ để đi gõ cửa các khách sạn với chút hy vọng mong manh là cánh cửa sẽ hé mở. Nhưng tất cả đều đóng kín. Chẳng là trước hành trình này, chúng tôi thông báo với địa điểm nơi diễn ra khóa họp là sẽ đến nơi vào khoảng 2 giờ sáng trong đêm, và ngay lập tức bị khước từ đón tiếp vào giờ ấy. Chúng tôi bèn đề nghị họ kiếm cho một khách sạn nào đó thì một tuần sau nhận được trả lời là không tìm được. Thế là không còn cách nào khác, sau khi xong công việc mục vụ chúa nhật tại giáo xứ, chúng tôi lên đường trong đêm để kịp cho phiên họp đầu tiên vào trưa hôm sau trong niềm phó thác.

Sau khi không tìm được nơi trú ngụ trong khách sạn, chúng tôi rảo bước tiến về thánh địa. Bầu không khí tĩnh mịch và thanh bình bao trùm khắp nơi đây. Không một tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Dân cư trong vùng đang chìm sâu trong giấc ngủ say. Tuyết vẫn cứ thanh thản nhẹ rơi mà không gây ra một tiếng động nào. Những hạt tuyết trắng như bông bay liệng chung quanh ánh đèn diệu huyền như nhắn nhủ mỗi người ghi nhớ phước lộc bởi trời tuôn đổ chan chứa xuống cho nhân loại qua sự cầu bầu của Mẹ Maria dịu hiền. Lần lượt tìm đến hai hướng chính dẫn vào thánh địa nhưng đành bất lực vì cổng khóa then cài. Sau cùng, chúng tôi cũng tìm được con đường mòn phía bên trên vương cung thánh đường men theo sườn đồi dẫn xuống hang đá nơi Mẹ hiện ra năm xưa với thiếu nữ Bernadette. Được về bên Mẹ, ai nấy đều thầm thĩ giãi bày với Mẹ và tín thác tất cả cho Mẹ. Ánh nến vẫn cháy sáng xua tan màn đêm tăm tối và lan tỏa hơi ấm. Mạch nước bên hang vẫn róc rách tuôn chảy. Hai hình ảnh này gợi nhớ bí tích thánh tẩy mà mỗi Kitô hữu được lãnh nhận để trở nên con cái Thiên Chúa và tham dự vào sứ mệnh của Đức Kitô.

Qua Mẹ để đến với nhà nguyện chầu Thánh Thể bên phía bên kia dòng suối, nhưng nhà nguyện này vào mùa đông cũng đóng cửa nốt. Đang quanh quẩn bên phía tòa nhà gần đó, chúng tôi phát hiện căn phòng nhỏ số 3 mang tên đức cha Billère không khóa. Cảm giác đầu tiên bước vào thật ấm áp và dễ chịu. Tuy nhiên, một lúc sau cái lạnh lại ập đến vì căn phòng không có sưởi. Độ ẩm và hơi lạnh tích tụ lâu ngày trong đó hòa quyện vào nhau giống như cái lạnh trong tủ đá lạnh. Một đêm bên Mẹ thật ấn tượng và có anh em cho rằng cái đêm ấy đã sống đủ cho cả một Mùa Chay.

(Còn tiếp)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:55 19/03/2010
NƯỚC TRONG VEO KHÔNG CÓ CÁ

N2T


Một thanh niên đi vào phòng cấp cứu, nói: “Bác sĩ, tôi nhức đầu quá, bác sĩ có thể cho tôi thuốc uống được không ?”

- “Tôi sẽ cho thuốc”, bác sĩ nói tiếp: “Nhưng phải khám đã, anh uống rượu nhiều quá phải không ?”

Người thanh niên nổi giận, nói: “Rượu à ! Từ trước đến nay tôi chưa hề đụng đến cái thứ dơ bẩn ấy.”

- “Có hút thuốc không ?”

- “Hút thuốc thật là tởm lợm, suốt đời tôi không bao giờ hút thuốc.”

- “Câu hỏi tiếp theo thật mắc cở,, nhưng...anh biết có một vài thanh niên sống không có nề nếp...buổi tối anh hay đi bậy bạ không ?”

- Đương nhiên là không, bác sĩ cho rằng tôi là hạng người ấy sao ? Mỗi buổi tối đúng mười giờ là tôi lên giường ngủ rồi.”


- “Vậy thì...” bác sĩ lại hỏi: “Anh nói loại đau đầu này có phải giống như kim châm không ?”

- “Đúng vậy” người ấy tiếp lời: “Thật đúng như người ta cầm kim chích vào đầu vậy đó.”

- “Anh bạn, vấn đề của anh thật ra rất đơn giản. Anh quá coi trọng mình, bây giờ chúng tôi chỉ giúp cho anh tinh thần thoải mái là được rồi.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Người ăn uống điều độ, có cuộc sống quân bình nề nếp thì ít khi mang bệnh truyền nhiễm, nhưng có căn bệnh mà thời nay mọi người thường mắc phải, đó là bệnh căng thẳng thần kinh.

Trong đời sống thiêng liêng của người Ki-tô hữu cũng thế, ai luôn cầu nguyện và tham dự các bí tích thì ít phạm tội khi bị cám dỗ, nhưng họ thường mắc phải một cám dỗ, đó là quá coi trọng các hành vi đạo đức của mình mà coi thường tha nhân, tạm gọi là tội “kiêu ngạo trong tư tưởng”, bởi vì họ không tỏ thái độ kiêu ngạo bên ngoài bằng hành động như chỉ trích người khác, nói lời phỉ báng hoặc có hành vi khinh miệt tha nhân.

Khi con người ta không nhận ra mình là người bất toàn, thì dù cho họ có ít phạm tội hơn những người khác thường phạm, nhưng sẽ có một ngày sự “kiêu ngạo trong tư tưởng” sẽ bùng phát, và lúc đó thì họ sẽ trở thành mồi ngon của ma quỷ, nghĩa là họ dễ dàng phê bình chỉ trích người khác bằng ngôn hành của mình.

Nơi chỗ nước trong veo thì ít khi có cá để câu (ngoại trừ cá trong chậu kiểng hoặc hồ cá kiểng), người thường coi trọng mình nhân đức hơn những người khác thì thường dễ mắc bệnh kiêu ngạo trong tư tưởng, bệnh này chỉ có cuộc sống hòa đồng, bình dân và khiêm tốn với tha nhân thì mới chữa được mà thôi.

Không ai câu cá nơi chỗ nước trong veo, ma quỷ cũng không dại gì cám dỗ những người luôn cầu nguyện và siêng năng chịu các bí tích bằng những cám dỗ tầm thường, nhưng chúng nó sẽ gia tăng sự “kiêu ngạo trong tâm hồn” nơi những con người ấy.

Hãy coi chừng kẻo mắc bẩy ma quỷ.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 5 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:00 19/03/2010
CHỦ NHẬT 5 MÙA CHAY

Tin mừng: Ga 8, 1-11

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”


Bạn thân mến,

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

“Mọi người nhao nhao chế nhạo con giun đất:

- Mày không có mắt, không thể thấy.

- Mày không có tai, không thể nghe.

- Mày không có chân, không thể đi.

- Mày không có cánh, không thể bay.

- Mày là một phế vật cái gì cũng không có...!


Giun đất khóc lớn tố khổ với Đấng Tạo Hóa:

- “Tại sao Ngài dựng nên con thấp kém hèn mọn không có gì là có lợi...”

- “Này con, bản thân của sinh mệnh là không phân biệt cao thấp quý tiện”- Đấng Tạo Hóa buồn thương nói tiếp: “Ta không coi thường con, tại sao con lại tự coi thường mình chứ ?...” (Trích trong: "Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay", người dich Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.)

Trong cuộc sống hàng ngày,

- Có những lúc chúng ta chế nhạo người tội lỗi: Mày là đứa tội lỗi không xứng đáng đến nhà thờ.

- Có những lúc chúng ta cười nhạo người mới theo đạo: Mày là đứa đạo theo, biết gì giáo lý mà nói.

- Có những lúc chúng ta cười nhạo người anh em nghèo khó: Mày là đứa nghèo mạt rệp không xứng đáng làm bạn với tao.

- Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người dốt nát: Mày một chữ cắn đôi cũng không biết không được tham gia vào công tác nhà xứ.

- Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người tàn tật: Mày là thứ đui què không làm được gì cho ai.

- Có những lúc chúng ta cười khinh chê cô gái đứng đường: Đồ thứ đĩ điếm dơ bẩn...

Bạn thân mến,

Chúng ta kết án tha nhân như những người Pha-ri-siêu và biệt phái kết án người phụ nữ ngoại tình, trong khi đó chúng ta là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Mỗi một người là một tạo vật có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa, cho nên dù họ có xấu xí, thất học, nghèo nàn hay tội lỗi hoặc là người mới theo đạo, thì thái độ mà chúng ta nên có đối với họ chính là tôn trọng, cảm thông và cầu nguyện...

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Vâng, nếu ai trong chúng ta tự cho mình là vô tội thì hãy lên án tha nhân trước đi !

Đúng là lời cảnh cáo nghiêm khắc với chúng ta là những người thích lên án tha nhân và anh chị em mình.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Dấu yêu thương
Sa Mạc Hồng
18:56 19/03/2010
Con nép bên lòng Chúa
Thánh giá chợt nghiêng mình
Con ngước lên nhìn Chúa
Bồi hồi những dấu đinh

Lòng con buồn man mác
Nghĩ đến bao tội tình
Của con và nhân loại
Hằn trên những dấu đinh

Chúa ơi, Ngài cao thẳm
Nhìn xuống cõi u minh
Ngài mở lòng cứu rỗi
Bằng chính những dấu đinh!
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 19/03/2010
N2T


4. Ngoài trừ trên thập giá thì bất cứ nơi nào cũng không thể cứu linh hồn, không thể có hy vọng lên thiên đàng.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 19/03/2010
N2T


394. Không có ai trời sinh ra là lạc quan hoặc bi quan, chính thái độ quyết định xu hướng phát triển.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một “Dòng Thác Hồng Ân” cho Đức Thánh Cha: Lời cầu chúc của Đức Hồng Y Bertone
Bùi Hữu Thư
20:49 19/03/2010
Ngày Lễ Thánh Giuse, một buổi trình diễn âm nhạc mừng Đức Thánh Cha Benedict XVI

ROME, Thứ Sáu ngày 19 tháng 3, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Đức Hồng Y Bertone đã chúc Đức Thánh Cha “một Dòng Thác Hồng Ân” nhân ngày lễ thánh quan thầy rửa tội của ngài.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã mừng lễ thánh Giuse bằng âm nhạc nhờ một buổi trình diễn tác phẩm của Haydn, theo bầu khí mùa chay, đặc biệt là ngày thứ sáu: “Bẩy Lời Cuối của Chúa Kitô trên Thập Giá”, được tổ chức để mừng ngài chiều nay tại Vatican, trong sảnh đường Clémentine. Ngày lễ của Đức Thánh Cha là ngày nghỉ tại Vatican.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, SDB, đã giới thiệu buổi trình diễn và nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha giống thánh quan thầy rửa tội của ngài, là Thánh Giuse, về nhiều đức tính.

Đức Hồng Y đã chấm dứt bằng cách gợi lại một bức tranh về Thánh Giuse do thánh Don Bosco đã cho phác họa và được treo tại Turin trong Vương Cung Thánh Đường thánh Maria Ausiliatrice: vời thánh Giuse ẵm hài nhi Giêsu trên cánh tay trái, Đức Mẹ Maria đứng bên trái của Chúa Giêsu, và thánh Giuse tiếp nhận thay cho Giáo Hội và thế giới, những bông hồng do Chúa Giêsu “dịu dàng” trao sang từ tay phải.

Đề cập đến những cơn sóng gió qua đó Đức Thánh Cha phải hướng dẫn Giáo Hội, Đức Hồng Y Bertone đã kết luận: “Chúng con cầu xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha một dòng thác hồng ân, và chúng con kính dâng lên ngài một món quà là buổi trình diễn văn nghệ này như một sự bồi dưỡng về tinh thần.”

Ban hòa tấu “Bốn nhạc cụ Henschel” của thành phố Munich – với hai vĩ cầm violon, một alto và một tiểu vĩ cầm violoncelle – và nữ danh ca mezzo soprano người Ý gốc Đức Susanne Kelling, đã trình bầy nhạc phẩm nổi tiếng “Bẩy Lời Cuối của Chúa Kitô trên Thập Giá” (1786) của nhạc sĩ cũng có tên Giuse là Joseph, Haydn (1732-1809), nhưng với một ấn bản mới của “Cuộc Thương Khó” của do nhạc sĩ José Peris Lacasa biên soạn.

Nhạc sĩ người Tây Ban Nha này cũng là một giáo sư Đại Học, sanh năm 1924, và là môn đệ của Carl Orff, ông coi âm nhạc của Haydn vừa có tính cách “tôn giáo thâm sâu” vừa “tuyệt diệu.” Ông đã thêm vào nguyên tác của Haydn, đoạn nhạc này cho dọng ca nữ mezzo soprano, bằng cách viết thêm nhạc cho lời nguyên bản – là đoạn Phúc Âm và một bài giảng ngắn. Sau đó ông đã thêm phần cho 4 nhạc cụ giây vào ấn bản này, hôm nay được trình tấu tại Vatican.

Theo nhạc sĩ José Peris Lacasa, chính Đức Thánh Cha, khi nghe nói đến soạn bản Tây Ban Nha thì ngài đã ngỏ ý muốn nghe.

Vào cuối buổi trình tấu, Đức Thánh Cha đã cám ơn các nhạc công và ca sĩ soprano đã dùng giọng mình để diễn tả Lời Chúa Giêsu trên Thập Giá, ngài cũng cám ơn nhạc sĩ đã soạn lại nhạc phẩm của Haydn, và hai Hồng Y Bertone và Sodano.

Ngài đã nói về tác phẩm của Haydn như một tiêu biểu “của những phương thức cao quý nhất để dùng nghệ thuật mà kết hiệp với đức tin.”

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng nhạc sĩ được gởi hứng bởi Thánh Kinh. Ngài giải thích: “Trên thập giá khổ hình, Thiên Chúa đã nói qua Chúa Kitô lời yêu thương tuyệt vời và chân thành nhất, đó là Chúa Giêsu tự hiến thân hoàn toàn và quyết liệt. Chính Người là lời cuối cùng của Thiên Chúa, không theo ý nghĩa của thứ tự thời gian mà là ý nghĩa về giá trị.”

Ngài tiếp: “Tôi có thể đã đi một chút quá xa với suy tư này, nhưng có lẽ người xứng đáng phải là Franz Joseph Haydn.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bầy tỏ ước nguyện là tất cả mọi người có thể “theo sát Chúa Giêsu như Đức Mẹ Maria Đồng Trinh” và như vậy sẵn sàng để “mừng lễ Phục Sinh, đã gần kề.”
 
Ái Nhĩ Lan: Tông Thư của Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ được phổ biến ngày Thứ Bẩy 20 tháng 3.
Bùi Hữu Thư
08:06 19/03/2010
Bằng tiếng Anh và Ý

ROME, Thứ Năm 18 tháng 3, (Le Monde vu de Rome) – Tòa Thánh cho hay Tông Thư của Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi người Công Giáo Ái Nhĩ Lan sẽ được phổ biến thứ bẩy tới, ngày 20 tháng 3. Chính Đức Thánh Cha đã tuyên bố hôm qua trong buổi triều kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, bằng tiếng Anh, khi nói với người Ái Nhĩ Lan đang mừng lễ Thánh Patrick, rằng ngài sẽ ký bức thư ngày thứ sáu 19 tháng 3, vào ngày lễ trọng mừng kính Thánh Giuse, Đấng bảo vệ Giáo Hội.

Ngày thứ sáu 19 tháng 3, là lễ trọng mừng Thánh Giuse Le 19 mars, thánh bổn mạng của Đức Thánh Cha Benedict XV -Joseph Ratzinger, và cũng là một ngày nghỉ lễ tại Vatican.

Toàn bản văn của lá thư sẽ được phổ biến ngày mai, bằng tiếng Anh và Ý, với một tổng hợp của hai ngôn ngữ này.

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Tòa Thánh, sẽ có một buổi họp báo ngắn gọn vào sáng thứ bẩy, lúc 11 giờ nhân dịp này.

Người ta sẽ không ngạc nhiên về sự lựa chọn của Đức Thánh Cha cho ngày phổ biến lá thư, sau những vụ lạm dụng tính dục trong thập niên 80 đã bôi nhọ giáo phận Dublin, nếu người ta nhớ được tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 15 tháng 8, 1989 ”Redemptoris Custos”, “về gương sáng và nhiệm vụ của Thánh Giuse trong đời sống Chúa Kitô và Giáo Hội.”

Tài liệu này đánh dấu đệ bách chu niên thông điệp của Đức Thánh Léon XIII ”Quamquam pluries” và Đức Gioan Phaolô đã đọc kinh cầu này của Đức Thánh Cha Pecci: “Lạy Cha mến yêu, xin gìn giữ chúng con khỏi mọi nhớp nhơ vì sai lầm và vì tham nhũng..; xin cho chúng con sống hiền hòa và xin trợ giúp chúng con từ trời cao, trong cuộc chiến chúng con phải phấn đấu với bóng tối…; và cũng như Cha đã cứu hài nhi Giêsu khỏi bị giết hại, xin bảo vệ Giáo Hội hôm nay khỏi sa cạm bẫy của kẻ thù và tất cả những khó khăn.” Người ta cũng nhớ rằng, năm 2010 là một năm “Léon XIII” và vào dịp này, Đức Thánh Cha Benedict XV sẽ đi Carpineto Romano, vào ngày 5 tháng 9, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 200 của Đức Thánh Cha Léon XIII, ngày 2 tháng 3, 1810.
 
Phán quyết của tòa án Liên Hiệp Âu Châu về Thánh Giá cần phải được xét lại
LM. Nguyễn Hữu Thy
09:14 19/03/2010
Phán quyết của tòa án LH Âu Châu về Thánh Giá cần phải được xét lại

Nhà nước và Giáo Hội Công Giáo ở Ý rất hài lòng khi tòa án về nhân quyền của Liên Hiệp Âu Châu ở Straßburg/Pháp tuyên bố sẽ rút lại quán quyết đầy tranh cãi về việc cấm treo tượng Thánh Giá ở các phòng học tại các trường công lập tại Ý và một lần nữa sẽ đưa ra bàn thảo một cách kỹ càng và rộng rãi hơn.

Vào cuối tháng 01. 2010, đúng với thời hạn luật định, chính phủ Ý đã đưa ra lời kháng án chống lại phán quyết của tòa án LH Âu Châu đưa ra vào tháng 11. 2009 ủng hộ đơn kiện của một người đàn bà yêu cầu cấm treo tượng Thánh Giá trong các phòng học công lập ở Ý vì lý do là để tôn trọng sự tự do tôn giáo của các học sinh ngoài Kitô giáo và đã cho rằng người đàn bà này có lý. Trước khi đâm đơn kiện lên tòa án Âu Châu, người đàn bà này đã từng kiện tại các tòa án Ý, nhưng đơn kiện của bà đã không được chấp nhận.

Ngày 02.03.2010, một Ủy ban gồm năm quan tòa của tòa án Liên Hiệp Âu Châu đã chấp nhận đơn kháng án của nước Ý và quyết định sẽ đưa vấn đề ra thảo luận và cứu xét một cách kỹ càng và đầy đủ hơn. Bây giờ đại pháp viện gồm mười bảy quan tòa của tòa án Liên Hiệp lại một lần nữa phải bàn thảo, cân nhắc và phê phán vấn đề một cách hết sức chính xác, công minh, thận trọng và khách quan hơn.

Hội đồng các Giám Mục Ý đánh giá quyết định trên của Ủy ban tòa án Âu Châu là phản ứng đầu tiên của một „bước đi đúng hướng“. Còn Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội Đồng các Giám Mục (HĐGM) Ý, gọi thông báo của tòa án LH Âu Châu ở Straßburg sẽ đưa xét lại phán quyết của mình là một „hành động của trí năng lành mạnh“. Với văn phòng báo chí của HĐGM Ý (SIR), Đức Hồng Ý Bagnasco còn thêm: „Đây cũng chính là một quyết định đã được tất cả mọi người chờ đợi từ lâu, bởi vì, quyết định này tỏ ra biết tôn trọng truyền thống của đất nước chúng tôi“.

Còn Franco Frattini, Bộ trưởng ngoại giao Ý, cũng „rất hài lòng“ đón nhận quyết định tích cực này từ Straßburg và tuyên bố rằng các lý do mà nước Ý nêu lên trong bản kháng án đã được lắng nghe. Ngài Aldo Giordano, vị đại diện thường trực của Vatican tại nghị viện Âu Châu cũng cho rằng quyết định vừa rồi của tòa án Âu Châu là một „tin vui“. Quyết định ấy đáp ứng những chờ đợi của hàng triệu người thiện tâm ở Âu Châu cũng như ở các châu lục khác. Ngài Giordano hy vọng rằng sự tranh cãi do sự phán quyết vội vàng của tòa án Âu Châu trong năm 2009 gây ra đã đóng góp vào việc tái khám phá ra ý nghĩa quan trọng chân thực của biểu tượng Thánh Giá Đức Kitô. Ngài còn thêm: „Nhân loại khẩn thiết cần đến biểu tượng Thánh Giá, một biểu tượng cao cả chứa đựng giá trị của một sự hòa giải và sự tôn trọng chân thành đối với các đồng loại qua giới luật tình yêu là biết hy sinh sự sống mình cho người khác“.

Giuseppe Dalla Torre, Bộ trưởng tư pháp Ý và chủ tịch tòa án nhà nước Vatican cũng ca ngợi quyết định mới nhất của tòa án Âu Châu là hợp lý. Ông hy vọng rằng nay đến lượt đại pháp viện Âu Châu cần phải công nhận những luận cứ nước Ý trình bày trong đơn kháng án là hoàn toàn hợp lý. Với văn phòng báo chí SIR, ông còn cho rằng chính sự việc tòa án Âu Châu chấp nhận ý kiến của nước Ý đưa ra và tái đưa vấn đề ra thảo luận lại đã cho thấy rằng những phản ứng chống đối lại phán quyết trước kia của tòa án Âu Châu còn mang một „tầm quan trọng sâu xa hơn, chứ không chỉ hợp lý mà thôi“.

Đức Hồng Y Peter Erdö, chủ tịch Ủy ban Cố vấn các HĐGM Âu Châu, phát biểu rằng những quyết định thuộc lãnh vực các lợi ích tôn giáo thì cần phải tùy thuộc phạm vi quốc gia. Đức Tổng Giám Mục Budapest, thủ đô Hung Gia Lợi, còn kêu gọi tòa án Straßburg hãy hồi phục lại sự tin cậy vào các định chế Âu Châu „nơi nhiều người công dân Âu Châu, nơi các Kitô hữu, nơi các người có đức tin và nơi tất cả những người thiện tâm, là những người đã từng cảm thấy bị thương tổn nặng nề do phán quyết trước kia của tòa án Âu Châu gây nên“.

Bà tiến sĩ Maria Flachsbarth phụ trách vấn đề tôn giáo của nhóm dân biểu Đảng Thiên Chúa Giáo Thống Nhất (CDU) ở Đức đã tích cực chào đón quyết định của tòa án Âu Châu tái đưa vấn đề ra cứu xét một cách nghiêm chỉnh. Thứ tư vừa qua, 3.3.2010, bà Flachsbarth đã tuyên bố rằng quyền tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp lại một cách độc điệu „vào việc bó buộc phải từ bỏ một biểu tượng tôn giáo“

Tuy nhiên, mãi cho đến nay, người ta vẫn chưa biết khi nào thì tòa đại pháp viện của LH Âu Châu sẽ tái đưa vấn đề ra bàn thảo và phê phán. Còn việc mời các phe liên quan và các đại diện của các nước tham dự vào cuộc tọa đàm của đại pháp viện Âu Châu là một điều có thể làm, nhưng không nhất thiết. Một điểm quan trọng khác là sự phán quyết của đại pháp viện lần này sẽ là phán quyết sau cùng và sẽ không còn chấp nhận các kháng án nữa.

Lm Nguyễn Hữu Thy
 
Người Latino đang biến đổi cả khung cảnh tôn giáo tại Hoa kỳ
Phụng Nghi
10:30 19/03/2010
HARTFORD, Conn. - Một cuộc nghiên cứu thực hiện tại trường Đại học Trinity cho biết sự gia tăng dân số người Latino ở Hoa kỳ từ năm 1990 đến 2008 đã giúp cho Giáo hội Công giáo tại đây duy trì được vị trí hàng đầu trong số các tôn giáo toàn quốc. Trải dài suốt khoảng thời gian 18 năm đó, số người Công giáo tại Mỹ tăng thêm được 11 triệu giáo dân, phần lớn sự gia tăng này là nhờ số 9 triệu người Công giáo Latino đã nhập cư vào Hoa kỳ. Do vậy, năm 2008 số giáo dân Công giáo ở Mỹ có tới 32% là người Latino. Năm 1990, tỷ lệ này là 20%.

Tuy nhiên, dù vẫn quân bình, Giáo hội Công giáo cũng còn mất mát nơi 31 triệu người lớn Latino ở Mỹ khi số người tự nhận theo đạo Công giáo đã giảm từ 66% năm 1990 xuống còn 60% năm 2008.

Tương tự như dân chúng Mỹ nói chung, số người Latino tự nhận mình theo Kitô giáo đã giảm – từ tỷ lệ 91% năm 1990 xuống còn 82% năm 2008. Nhưng các tôn giáo hoặc niềm tin khác cũng chẳng thành công trong việc thu hút được họ.

Phản ảnh khuynh hướng chung trong toàn quốc, đã có một sự nhảy vọt đáng kể về con số những người được mệnh danh là Nones (tức là những người khi trả lời các cuộc thăm dò, nghiên cứu, đã cho biết họ không theo tôn giáo nào).

Số Nones đã tăng gấp bốn lần nơi người Latino: từ 900 ngàn (hay 6%) năm 1990 thành gần 4 triệu (hay 12%) năm 2008. Các tôn giáo có số tín đồ tăng gấp ba lần trong 18 năm đó gồm có các hệ phái Tin Lành, như Nhân chứng Jehovah và Adventist, và truyền thống Kitô giáo Chung không hệ phái (non-denominational Christian Generic tradition). Số tín đồ theo hệ phái Pentecost tăng gấp đôi trong thời gian đó nhưng chỉ theo kịp được với đà gia tăng dân số người Latino.

Những con số nói trên cũng như sẽ nói dưới đây được trình bầy trong một bản tường trình mới: Tôn giáo của người Latino tại Mỹ từ 1990 đến 2008: Tăng trưởng, Đa dạng và Biến thái. Báo cáo này cũng dọi sáng vào các khuynh hướng tôn giáo chính yếu nơi người Latino, xét theo tuổi tác, địa lý, giáo dục, phái tính, tình trạng hôn nhân, ngôn ngữ, sinh quán và hoạt động chính trị. Cuộc nghiên cứu là kết quả của ARIS (American Religious Identification Survey, Thăm dò căn tính tôn giáo của người Mỹ), được tiến hành do Juhem Navarro-Rivera, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu chủ nghĩa tục hóa trong Xã hội và Văn hóa thuộc trường Đại học Trinity, cùng với hai giáo sư trường đại học này là Barry A. Kosmin và Ariela Keysar

Navarro-Rivera đưa ra nhận xét: “Trong 18 năm đó, có lẽ ít có hiện tượng nào đã thay đổi Hoa kỳ và tôn giáo ở Mỹ bằng việc gia tăng số dân Latino tại đây. Số người lớn Latino tăng gấp đôi, từ 14.6 triệu lên 30.8 triệu để trở thành nhóm thiểu số lớn nhất tại Mỹ. Sự tăng trưởng lớn lao do hơn 16 triệu người đó đã không tránh khỏi có một ảnh hưởng chính yếu lên bộ mặt tôn giáo và các chiều hướng ở cả mức độ toàn quốc lẫn tiểu bang.”

ARIS 2008 là đợt thứ ba trong một loạt những cuộc nghiên cứu xuất sắc có mục đích phân tích các tín ngưỡng và các mô hình tôn giáo của người Mỹ trong 48 tiểu bang kề cận trên đất liền. Các đợt trước được thực hiện trong năm 1990 và 2001. Cuộc thăm dò năm 2008 tiến hành trên 54,461 người lớn (bằng Anh ngữ và tiếng Spanish) còn gồm một phần đặc biệt về ngôn ngữ dùng và sinh quán của người Latino.

Trong số mẫu của ARIS 2008, có 3169 cá nhân tự nhận mình là người Latino. Sai số cuộc thăm dò là + hay - 1.74%. Để có sự chính xác trong việc phân tích, kết quả cuộc thăm dò năm 2008 đã được đem so sánh với ARIS 1990, vì nó cho phép có được một khoảng thời gian dài để nhìn lại các khác biệt về thế hệ và biến thái tạo ra do cuộc di dân lớn lao gần đây.

Sau đây là các điểm đáng chú ý trong cuộc nghiên cứu:

  • Người Latino càng cư ngụ ở Mỹ lâu thì càng ít giữ đạo Công giáo. Hơn nữa, những người thông thạo Anh ngữ nhất lại là những người ít cho mình là Công giáo, và thường tự nhận là Nones hoặc theo các truyền thống Kitô giáo bảo thủ.
  • Căn tính tôn giáo của người Latino cũng cho thấy có yếu tố phái tính, tương tự như dân số Mỹ nói chung. Hai truyền thống ở các cực đối nhau trong lãnh vực tôn giáo trình bầy sự bất quân bình lớn nhất về phái tính: Dân số Nones đa số là nam giới (61%), trong khi đó số người theo Tin Lành Pentecost đa số là phụ nữ (58%).
  • Tình trạng hôn phối cho thấy có nhiều mô hình khác biệt. Tỷ lệ những người không kết hôn sống chung với một người bạn đời (ngoài hôn nhân dân sự hoặc tôn giáo) thay đổi từ 15% nơi những người Nones tới 11% nơi người Công giáo tới 7% nơi người theo Kitô giáo khác (không phải Công giáo). Thêm vào đó, trong số người Latino tự nhận đang sống ly thân thì đa số lại là phụ nữ Công giáo, điều này cho thấy phụ nữ Latino trung thành với các giáo huấn của Giáo hội Công giáo cấm ly dị và tái hôn hơn là nam giới Latino.
  • Có trên 1.1 triệu nam giới Latino đã kết hôn tự nhận là Nones, nhưng chỉ có 400 ngàn phụ nữ Nones đã kết hôn, điều này cho hay không có sự thuần nhất về vấn đề tôn giáo nơi nhiều cặp vợ chồng và nhiều gia đình Latino.
  • Sự khác biệt đáng kể về tuổi tác cũng thấy nơi những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau: Tỷ lệ người Nones và các hệ phái Tin Lành cao ở lớp người dưới 30 tuổi. Đây là những truyền thống đang tăng tiến nhanh chóng nhất nơi người Latino.
  • Khác biệt về giai cấp cũng là điều rõ rệt. Nhóm có trình độ học vấn cao nhất là những người Nones (25% có văn bằng đại học) trái lại những người ít học nhất thường theo các hệ phái Tin Lành (chỉ 8% có trình độ đại học). Những người Latino theo Tin Lành chính thống có mức lợi tức gia đình cao nhất trong khi đó những người theo các Tin Lành hệ phái có lợi tức thấp nhất. Những người theo truyền thống Kitô giáo Chung không hệ phái là những người sống ở ngoại ô nhiều nhất.
  • Việc theo đảng phái hoặc ghi danh đầu phiếu nơi người Latino cũng thay đổi theo truyền thống tôn giáo. Cuộc nghiên cứu cho thấy người Công giáo Latino và những người Nones đa số thích theo Đảng Dân chủ, trong khi đó những người theo các truyền thống Kitô giáo không phải là Công giáo thường thích Đảng Cộng hoà hơn.


Keysar gợi ý là “các cộng đồng và hình thái tôn giáo Latino rõ rệt đang nổi trội nơi nhiều vùng khác nhau ở Mỹ, cho thấy có những sự khác biệt về yếu tố dân số học xã hội (socio-demographics) và quốc gia xuất xứ của họ.”

  • Sự thay đổi về địa lý đáng chú ý nhất là việc chuyển truyền thống Kitô giáo Chung xuống miền Nam, gần gấp ba lần dân số người Latino trong vùng. Tại Texas, trong số tín đồ theo truyền thống Kitô giáo Chung, người Latino tăng từ 8% năm 1990 lên thành 20% năm 2008. Tỷ lệ người Latino trong số dân Công giáo ở Texas giảm tử 73% xuống còn 66% trong thời gian 18 năm, trong khi đó số người Latino Nones tăng từ 15% lên 28% nơi tất cả những người Texas tự nhận không theo tôn giáo nào.
  • Người Latino chiếm 51% tổng số tín hữu Công giáo tại California năm 1990, tăng lên thành 56% năm 2008. Người Latino Nones trong tiểu bang này tăng từ 10% lên 24% tổng số người Nones tại California.
  • Tỷ lệ (không phải là số liệu) người Nones đã giảm nơi người Latino ở New York. Tuy nhiên, các Hệ phái Tin Lành, như Seventh Day Adventists và Nhân chứng Jehovah, chiếm thêm đất tại New York và Florida để trở thành 1/10 dân số người Latino trong hai tiểu bang này.


Kosmin cho biết rằng “trong khi số người di dân Latino đang góp phần đáng kể vào sự ổn định của đạo Công giáo tại Mỹ, thế hệ trẻ và những người sinh tại Mỹ có khuynh hướng phân cực giữa những người bỏ đạo và những người hướng theo các truyền thống Kitô giáo bảo thủ.”

Tóm lại, bản báo cáo cho thấy người Latino đang trải qua một cuộc biến thái để trở thành đa dạng hơn về tôn giáo, cũng như họ đang biến đổi cả khung cảnh tôn giáo Hoa kỳ.

Cũng nên chú ý là, trái với ý kiến rất phổ biến cho rằng người Latino tại Mỹ đang bỏ đạo Công giáo để theo các giáo hội Tin Lành, đúng ra họ càng ngày càng thế tục hóa hơn bằng cách không theo tôn giáo nào.

Ghi chú: Người Latino là những người xuất xứ từ châu Mỹ Latinh. Có nhiều trường hợp khó phân biệt họ với người Hispanic (xuất xứ từ Tây ban nha). Theo Cơ quan Thống kê Hoa kỳ, hiện nay những nhóm người sau đây được liệt kê là Hispanic hoặc Latino:

Mễ, Puerto Rico, Cuba, Cộng hòa Dominican, Trung Mỹ, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Nicaragua, Panama, Salvador, Nam Mỹ, Argentina, Bolivia, Chile, Columbia, Ecuador, Paraguay, Peruvia, Uruguay, Venezuela. Người Brazil không thuộc nhóm này.
 
Bộ Ngoại Giao Đức đòi VN trả tự do hoàn toàn cho cha Nguyễn Văn Lý
Hà Long
11:17 19/03/2010
Berlin, 18/3/2010 - Ủy Ban Nhân Quyền của chính phủ Đức, ông Nooke kêu gọi VN trả tự do cho Cha Nguyễn Văn Lý.

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Đức vào ngày 18 tháng ba 2010 thì Chính phủ Liên bang Đức qua ông Guenter Nooke, đặc trách về Ủy Ban Nhân Quyền và Viện Trợ Nhân Đạo cho báo chí biết rằng:

"Tôi lưu ý rằng chính quyền Việt Nam đã hoãn lại một năm tù cho cha Lý. Đây là một bước đi đúng hướng, để tiếp theo phải hoàn toàn trả tự do cho ngài. Tôi thành tâm cầu chúc cha Lý mau bình phục tốt sau thời gian tình trạng sức khỏe đau yếu nghiêm trọng.

Đồng thời tôi kêu gọi các quan chức tại Việt Nam hãy thực hiện những điều lệ quốc tế và hãy thả hết tất cả các tù nhân chính trị đang bị giam tù vì muốn bảo vệ niềm tin vào đạo của họ."

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Đức còn cho biết thêm: Linh mục công giáo Nguyễn Văn Lý đã bị kết án năm 2007 với bản án 8 năm tù giam vì phê bình nhà cầm quyền VN. Cha Lý được xem là một trong những tù nhân chính trị quốc tế nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Năm 2009, cha Lý bị đột quỵ hai lần về tim mạch.

Chính phủ Liên bang Đức, trong những tháng vừa qua đã nhiều lần đòi hỏi trả tự do cho cha Nguyễn Văn Lý ở bình diện ngoại giao cao cấp.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Liên minh công nghệ và xí nghiệp ở Roma
LM Trần Đức Anh, OP
18:34 19/03/2010
VATICAN.-- Trong buổi tiếp kiến dành cho Liên minh công nghệ và xí nghiệp ở Roma sáng 18-3-2010, ĐTC kêu gọi tận dụng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay để duyệt lại các kiểu mẫu phát triển và tổ chức lại thế giới tài chánh.

Ngỏ lời với 200 doanh nhân, ĐTC nhắc lại Thông điệp của ngài, ”Bác ái trong chân lý”, và nói: ”Trong thông điệp này tôi nhận xét rằng chúng ta đang đi từ một giai đoạn phát triển trong đó người ta đã dành ưu tiên cho những gì là vật chất và kỹ thuật so với những gì là luân lý đạo đức và tinh thần và tôi khuyến khích đặt nơi trọng tâm nền kinh tế và tài chánh con người mà Chúa Kitô đã biểu lộ phẩm giá sâu xa nhất của họ (số 25). Ngoài ra, tôi cũng đề nghị làm sao để chính trị không phải tùng phục các cơ cấu tài chánh, cần cải tổ và kiến tạo các hệ thống luật pháp và chính trị quốc tế (số 67).

Mặt khác, đứng trước nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhất là nơi giới trẻ, sự nghèo nàn về kinh tế của nhiều công nhân, và sự xuất hiện những hình thức nô lệ mới, ĐTC kêu gọi giới kinh tế hãy nhắm mục tiêu ưu tiên là làm sao để mọi người đạt được công ăn việc làm xứng đáng (số 32 và 63).

Cũng trong diễn văn, ĐTC kêu gọi chống lại não trạng duy cá nhân chủ nghĩa và duy vật, não trạng này thúc đẩy đề nghị bỏ việc đầu tư vào nền kinh tế thực sự, để ưu tiên dành vốn liếng đầu tư vào thị trường tài chánh để có thể kiếm lợi mau lẹ và dễ dàng hơn, đứng trước tình trạng nhiều xí nghiệp tại đây gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các xí nghiệp tại những nước không có hệ thống bảo vệ xã hội cho các công nhân.

ĐTC không quên nhắc nhở các doanh nhân đừng cạnh tranh bất chính giữa các xí nghiệp cũng như không quên nghĩa vụ xã hội của mình của mình, đồng thời khuyến khích sự sản xuất có chất lượng cao để đáp ứng những nhu cầu thực sự của dân chúng. Sau cùng, ngài nói rằng: ”Người chủ xí nghiệp quan tâm đến công ích được mời gọi luôn nhìn hoạt động của mình trong khuôn khổ của một toàn thể chung. Việc tổ chức như thế, nhờ sự tận tụy của các nhân viên và tình huynh đệ trong những chọn lựa kinh tế và tài chánh, sẽ tạo nên một thị trường có khả năng cạnh tranh hơn và hợp với dân chúng hơn, được tinh thần phục vụ linh hoạt” (SD 18-3-2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Phan Thiết mừng bổn mạng Đức Cha Giuse
Hồng Hương
10:55 19/03/2010
Sáng ngày 19.3.2010, Lễ trọng kính Thánh Cả Giuse, gia đình giáo phận Phan Thiết trong tâm tình hân hoan và tạ ơn đã quy tụ về nhà thờ Chánh Tòa hiệp dâng Thánh lễ mừng Bổn Mạng Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo phận.



Hiện diện trong thánh lễ có Đức Cha Nicôla, Đức Cha Phaolô, Đức ông, 45 linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và đông đảo anh chị em giáo dân của các xứ trong khu vực Tp Phan Thiết. Trước khi cử hành Thánh lễ, linh mục niên trưởng đại diện gia đình Gp chúc mừng lễ Đức cha Giuse, các linh mục và các anh em nhận Thánh Cả làm Bổn Mạng.



Đức Cha Giuse trong bài giảng đã nhấn mạnh đến 3 nét nổi bật trong cuộc đời Thánh Giuse là: cuộc sống âm thầm và khiêm nhường; tuân giữ trọn vẹn các lề luật trong đạo; mở lòng quảng đại đón nhận lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa muốn trong đời mình. Chính gương sống của Thánh Cả đã ảnh hưởng đến tâm hồn của Chúa Giêsu trong những năm thơ ấu để chuẩn bị cho chương trình của Người sau này. Đức Cha cũng mời gọi cộng đoàn, cách riêng các Gia trưởng và những người mừng Bổn Mạng hôm nay năng đến với Thánh Cả Giuse để cầu nguyện và học sống theo các nhân đức của ngài vì: Không ai đến với Thánh Cả Giuse mà phải về tay không.
 
Caritas GP Phan Thiết và Qúy Ân Nhân thăm tặng quà cho Giáo điểm vùng Đami
Tâm Phúc
11:08 19/03/2010
Ngày 18.3.2010, Ban Caritas Gp Phan Thiết cùng với vợ chồng ông bà Trần Thị Hương và Trịnh Ngọc Tường, Việt kiều Canada, đã đến thăm và tặng quà cho bà con các giáo điểm truyền giáo trong vùng cao hẻo lánh ít ai biết đến gần khu vực Đami.



Buổi sáng, đoàn đã vượt đoạn đường gồ ghề đèo dốc để lần lượt đến với giáo điểm Đa Kim 1, Đa Kim 2 và La Dày. Đến nơi, đoàn được cha Antôn Nguyễn Bá Thiện đón tiếp và hướng dẫn tận tình để các ân nhân tiếp xúc và trao đổi với bà con. Cha Thiện cho biết, dân cư trong giáo điểm đa phần là các gia đình nghèo đến lập nghiệp sống rải rác cách xa nhau trong đồi núi. Số giáo dân hiện nay tại Đa Kim 1: 380; Đa Kim 2: 440 và La Dày: 470. Buổi chiều, đoàn đến thăm giáo họ Đa Tro và Đaguri. Tại mỗi nơi, ông bà Tường thay mặt các ân nhân đã có lời thăm hỏi, chúc sức khoẻ và trao tận tay bà con 400 phần quà trị giá 60 triệu đồng. Đoàn cũng đến thăm cộng đoàn các nữ tu đang phục vụ tại các giáo điểm.



Trước đó, chiều ngày 17.3.2010, vợ chồng ông bà Tường cũng đã trao tặng 12 căn nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và 100 phần quà cho bà con hoàn cảnh khó khăn thuộc giáo xứ Kim Ngọc, Gp Phan Thiết. Qua ban Caritas Gp Phan Thiết, ông bà tiếp tục nhận hồ sơ hỗ trợ các bệnh nhân nghèo cần mổ cườm mắt.

Việc chia sẻ với người nghèo của ông bà và các ân nhân thật có ý nghĩa, đặc biệt trong tâm tình của Mùa Chay Thánh.
 
Hội Gia Trưởng Giáo Phận Thái Bình mừng Lễ Bổn Mạng
Trường Giang
11:32 19/03/2010
Sáng thứ Sáu (19/03/2010), ngày lễ thánh Giuse, bổn mạng Giáo Hội, cũng là bổn mạng hội gia trưởng giáo phận Thái Bình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, cùng nhiều cha trong giáo phận dâng thánh lễ cầu nguyện cho các thành viên trong hội, tại giáo xứ Thượng Phúc.



Hội gia trưởng giáo phận Thái Bình, thành phần gồm những người chồng và người cha trong các gia đình Công Giáo trong giáo phận. Hội này đã thành lập và hoạt động nhiều năm nay, đặc biệt là trong dịp lễ thánh Giuse bổn mạng của mình.

Hôm nay, theo lời mời gọi của vị chủ chăn giáo phận, giáo xứ Thượng Phúc (trung tâm giáo hạt Thái Thụy) đón khoảng gần hai ngàn người về dự lễ. Các thành viên từ các giáo xứ xa xôi (Hưng Yên) đến các giáo xứ trong tỉnh Thái Bình.

8 giờ tập trung tại khuôn viên giáo xứ Thượng Phúc, một không gian rộng và râm mát, với những hàng cây cổ thụ tán cao, những chậu hoa cây cảnh đẹp và lý tưởng, để nghe Đức cha thuyết trình về đề tài “gia đình là tế bào của xã hội và Giáo Hội”. Trong suốt gần hai giờ, các cử tọa bị thu hút trong những ý tưởng chia sẻ về thực trạng đời sống gia đình ngày nay, kèm theo những câu chuyện lẫn những bằng chứng xác thực về gia đình, được báo đài nói nhiều trong thời gian qua; các tham dự viên cảm thấy hài lòng và tâm đắc. Cuối buổi thuyết trình, các tham dự viên đặt ra nhiều câu hỏi và những vấn nạn, mong được Đức cha giải thích. Cách trả lời vui và bằng những câu chuyện dí dỏm của Đức cha phần nào đã làm cho các thành viên cảm thấy hài lòng và phấn khích. Trong khi thuyết trình, khu vực khuôn viên thánh đường và trong nhà thờ có các tòa giải tội và có các cha túc trực để ban bí tích hòa giải cho những hối nhân muốn trở về với Chúa trong mùa chay thánh và trong ngày lễ bổn mạng của hội mình.



10 giờ thánh lễ đồng tế được diễn ra trong bầu khí vui mừng và trang nghiêm tại linh đài Mẹ La Vang giáo xứ Thượng Phúc. Trong bài giảng Đức cha nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của những người làm chồng, làm cha trong gia đình. Vì người chồng là trụ cột của một gia đình, do vậy hãy sống là một tấm gương về nhân đức, về cách cư xử đối với vợ và con cái, đồng thời là người lo lắng chu toàn bổn phận trong gia đình mình. Khi Đức cha nói đoạn, có mấy bà có lẽ thuộc giáo xứ Thượng Phúc nhìn nhau và nói nhỏ: “Nếu ông chồng nào cũng đối xử với vợ con như lời Đức cha giảng hôm nay thì gia đình nào cũng vui và hạnh phúc lắm!”. Nắm bắt được ý tưởng của buổi hội thảo cũng như trong bài giảng, kết thúc thánh lễ, xa xa phía cuối sân, dưới bóng những cây nhãn, mấy ông cũng to nhỏ: “Chà chà…nay có vẻ Đức giám bênh mấy bà, mà ‘nói’ các ông hơi mạnh…”.



Trước khi nhận phép lành cuối thánh lễ, một vị đại diện các thành viên gia trưởng toàn giáo phận vui mừng cám ơn Đức cha, quý cha và mọi thành phần đến tham dự và góp phần làm nên thánh lễ thật sốt sáng và nhiều ơn ích này.
 
Thống Kê Dân Số 2010: Trong tầm tay của chúng ta.
Lưu Hiền Đức
13:01 19/03/2010
Thống Kê Dân Số 2010: Trong tầm tay của chúng ta.

Từ ngày 15 tháng 3 năm 2010, mọi gia đình ở Hoa Kỳ bắt đầu nhận được phong bì với 10 câu hỏi từ Census Bureau (Văn Phòng Kiểm Kê Dân Số) thuộc bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Cứ mỗi 10 năm, chính phủ Mỹ tiến hành kiểm tra dân số với chi phí khổng lồ. Ngân sách liên bang Hoa Kỳ phân bố khoảng 400 tỉ Mỹ Kim mỗi năm cho các chính quyền địa phương cũng như các tổ chức cộng đồng để phục vụ người dân Hoa Kỳ. Cụ thể là chính phủ liên bang sẽ cấp ngân sách cho bệnh viện, trường học, xây dựng sửa chữa đường xá, các trường dạy nghề miễn phí, các khu người già. Sự phân bố này tỉ lệ với dân số nhiều hay ít ở từng địa phương. Do đó kết quả chính xác có được từ kiểm tra dân số sẽ đảm bảo tính công bằng của việc phân bổ ngân sách.

Một trong những lợi ích khác là việc phân bổ lại số hạ nghị sĩ trong quốc hội liên bang Hoa Kỳ. Hạ nghị viện có 435 hạ nghị sĩ từ 50 tiểu bang. Con số này là cố định. Tuy nhiên cứ sau 10 năm thì tùy theo dân số tăng giảm ở mỗi tiểu bang, số hạ nghị sĩ của mỗi tiểu bang sẽ tăng hay giảm. Ví dụ hiện tại tiểu bang Washington có 9 hạ nghĩ sĩ liên bang, California có 53, Texas có 32. Nếu dân chúng di dân từ nơi này sang nơi khác và thống kê của Census chính xác thì nơi nào có thêm dân nhập cư sẽ giành thêm được ghế hạ nghị sĩ từ tiểu bang khác, và ngược lại. Lịch sử cho thấy, sau tất cả các cuộc thống kê dân số trong lịch sử, đều có sự dịch chuyển số hạ nghị sĩ của tiểu bang. Càng có nhiều hạ nghị sĩ thì tiểu bang sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong các vấn đề của liên bang như bầu cử tổng thống, các luật về thuế, phúc lợi.

Người Việt tị nạn chúng ta ít nhiều đều nhận ra sự công bằng và tương đối đáng tin cậy của chính quyền Hoa Kỳ. Lá phiếu bầu cũng như những kiến nghị của chúng ta được lắng nghe và trân trọng bởi chính quyền địa phương cũng như chính phủ liên bang. Đa số chúng ta rời bỏ quê hương Việt Nam vì muốn được sống trong đất nước tự do, dân chủ và quí trọng con người. Do đó chúng ta đừng bỏ qua cơ hội quí báu này mà hãy tham gia một cách tích cực vào các chương trình như thế này. Sự im lặng hoặc coi thường chương trình kiểm kê dân số là chúng ta tự khước từ những quyền lợi mà chúng ta được hưởng.

Chính phủ chi rất nhiều tiền cho Census, nhưng nếu mỗi gia đình làm ngơ không điền vào phiếu một cách trung thực thì chính phủ sẽ tiêu tốn thêm 57 Mỹ kim cho nhân viên đến tận nhà để lấy thông tin, tiền này là tiền thuế của chính chúng ta đóng cho chính phủ. Nhất là trong tình hình thiếu hụt ngân sách của liên bang, ngoài các lý do kể trên, tiết kiệm tiền của chúng ta cũng là động lực để chúng ta tham gia thống kê dân số một cách đầy đủ và trung thực.

1. Theo luật thì tất cả thông tin trong phiếu chúng ta khai được giữ bí mật 72 năm, do đó đừng sợ có ai dùng thông tin của mình để đòi nợ, trục xuất chúng ta.

2. Tất cả nhà thờ đều có ban thiện nguyện để giúp chúng ta điền vào phiếu nếu chúng ta không hiểu tiếng Mỹ.
 
Lễ Mừng Kính Bổn Mạng Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney
Diệp Hải Dung
15:31 19/03/2010
SYDNEY - Sáng thứ Sáu 19/03/2010 rất đông đủ mọi người đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly tham dự Lễ mừng kính Thánh Cả Giuse Quan Thầy của Trung Tâm nhân dịp kỷ niệm 10 Năm Khánh Thành 2000 – 2010.

Xem hình ảnh

Quý Cha và mọi người tập trung trước tượng đài Thánh Giuse và dâng kinh nguyện, giờ kinh nguyện rất số sắng. Đặc biệt Ban Mục Vụ Trung Tâm dâng lên Thánh Cả Giuse những lời nguyện, nguyện xin Ngài chúc lành cho Trung Tâm và cho tất cả mọi người trong Cộng Đồng được an lành khỏe mạnh.

Sau đó mọi người cùng tiến vào hội trường tham dự Thánh lễ gồm quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Phương cùng đồng tế. Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói về Thánh Giuse cũng ban ơn và làm nhiều phép lạ. Ngài là một người rất khiêm cung và công chính. Ngài chính là gương mẫu để chúng ta noi theo sống đẹp lòng Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Hoàng Đức Tính Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, mọi người và chúc mừng Quan Thầy Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly kỷ niệm 10 Năm Khánh Thành. Đặc biệt ông cũng cám ơn ông Brian D’arcy Giám Đốc Công Trình Xây Cất Trung Tâm đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse mà trước kia ông Brian đã điều công xây cất và hiện nay ông cũng đang tiến hành xây cất 14 Chặng Đàng Thánh Giá và Lễ đài tại Trung Tâm. Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Quan Thầy Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse.
 
Dan viện Cát Minh Huế kỉ niệm 100 năm thành lập
Trương Trí
15:37 19/03/2010
HUẾ - Sáng ngày 19.3.2010, Đan viện Cát Minh Huế đã long trong mừng lễ Thánh cả Giuse, đồng thời bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 thành lập 1909-2009.

Xem hình ảnh

Trong niềm hân hoan tạ ơn Thiên Chúa, Thánh cả Giuse và Mẹ Maria, rất đông cộng đoàn yêu mến Đan viện đã từ khắp nơi về đây tham dự thánh lễ. Hầu hết các dòng tu nam nữ thuộc Tổng giáo phận Huế đều có mặt: Các linh mục và tu sĩ Dòng Chúa cứu thế Huế, Đan viện phụ và các linh mục Đan sĩ Đan viện Thiên an, các linh mục và tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế, các sư huynh và tu sĩ dòng Lasan Huế, Bề trên và các nữ tu dòng Thánh Phaolô, Bề trên và các nữ tu dòng Mến Thánh giá Huế, Bề trên và các nữ tu dòng Con Đức Mẹ đi viếng Huế, đặc biệt Bề trên và các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm Huế là một dòng láng giềng kế cận đã tích cực giúp đở trong mọi công việc đón tiếp và phục vụ trong dịp đại lễ này. Ngoài ra, còn có đông đảo các hội dòng ba tại thế cũng sốt sắng tham dự và hiệp dâng lời cầu nguyện với Đan viện.

Đúng 10 giờ, đoàn rước Đức Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Huế F.X.Lê Văn Hồng chủ sự thánh lễ đồng tế, Đức Đan viện phụ Đan viện Thiên an Stêphanô Huỳnh Quang Sanh và linh mục đoàn trong và ngoài giáo phận. Đi đầu là Thánh giá đèn hầu, tiếp đến là Phép lành Tòa thánh nhân dịp Bế mạc năm thánh, Kinh Thánh được cung kính nâng cao trước đoàn linh mục trong tiếng hát ngợi ca Thánh cả Giuse hòa với tiếng kèn trống tưng bừng mà uy nghiêm của đội kèn giáo xứ chính tòa Phủ cam.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục chủ sự đã nói:”Hôm nay phụng vụ giáo hội long trọng mừng kính lễ Thánh cả Giuse, người bạn trăm năm và thanh sạch của Đức trinh nữ Maria, người cha nuôi khả ái của Chúa Giêsu và là quan thầy đầy quyền năng của giáo hội. Hôm nay cũng là ngày lễ tạ ơn dịp bế mạc Năm Toàn xá đã được khai mở cách đây đúng một năm dịp kỷ niệm bách chu niên thành lập Đan viện Cát minh Huế 1909-2009.

Một năm qua đi với bao ân huệ và hồng phúc mà tình thương của Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống trên Đan viện, trên mỗi chị em, trên mỗi tâm hồn đã tìm đến Đan viện này để kính viếng và cầu nguyện suốt trong thời gian qua, xin dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ giáo hội.

Bế mạc năm toàn xá không có nghĩa là chúng ta dừng lại, là kết thúc một hành trình, là chấm dứt một cố gắng vươn lên. Không, vì đây là một bế mạc mở, vì năm toàn xá được coi như là một điểm nhấn quan trọng để giúp chúng ta lấy đà tiến xa hơn, cao hơn trong đời sống cầu nguyện và phục vụ, để gắn bó chị em một cách trọn vẹn và dứt khoát hơn trong đời sống thánh hiến, để yêu mến thầy Giêsu tha thiết hơn và phục vụ các linh hồn một cách đắc lực hơn. Hiểu như thế thì hôm nay cũng như mỗi ngày của cuộc đời tận hiến luôn là một sự khởi đầu mới mẻ với Chúa Giêsu trong hành trình tình yêu và dâng hiến.

Cộng đoàn hiện diện xin hiệp ý với quý tu sĩ Đan viện Cát Minh Huế dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và giáo hội Mẹ, sốt sắng cầu nguyện để ơn huệ của Chúa trong năm Thánh vừa qua sinh nhiều hoa trái tốt lành và thánh thiện trong tâm hồn.”

Sau thánh lễ, Mẹ bề trên Đan viện đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục phụ tá, Đức Đan viện phụ Đan viện Thiên an, Quý linh mục, các hội dòng nam nữ, các tu hội tại thế và cộng đoàn dân Chúa đã vì lòng yêu mến Đan viện, đã hiệp dâng lời cầu nguyện và tạ ơn với với Đan viện không chỉ trong thánh lễ bế mạc trọng thể này, mà suốt trong năm toàn xá vừa qua, đồng thời mời gọi mọi luôn đồng hành với Đan viện trong sự cầu nguyện hằng ngày.

Đức Giám mục chủ sự đã thay quyền Đức Thánh cha ban phép lành toàn xá cho cộng đoàn hiện diện trong thánh lễ hôm nay.

Kết thúc thánh lễ, Đức Giám mục phụ tá đã khai mở biểu tượng: Tạ ơn Thiên Chúa Ba ngôi kỷ niệm bách chu niên thành lập Đan viện Cát Minh Huế, đặt ở trước núi nhân tạo Đức mẹ Cát Minh phía trước Nguyện đường trong tiếng vổ tay chúc mừng của cộng đoàn dân Chúa.
 
Thánh lễ trọng kính Thánh Giuse tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
16:23 19/03/2010
HÀ NỘI -- Sáng ngày 19 tháng 3 năm 2010, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, đại diện Đức Tổng Giám mục Giuse, đã chủ sự Thánh lễ trọng mừng kính Thánh Giuse – Bạn trăm năm Đức Maria. Thánh Giuse được chọn làm bổn mạng của Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, của Tổng Giáo phận Hà Nội, Giáo tỉnh Hà Nội và Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam.

Xem hình ảnh

Cùng đồng tế với Đức Cha phụ tá có khoảng 60 linh mục triều và dòng trong Tổng giáo phận Hà Nội. Quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh và đông đảo bà con giáo dân từ các giáo xứ đã về nhà thờ Chính Tòa để tham dự Thánh lễ trọng hôm nay.

9h45 sáng, một đoàn rước long trọng với gần 200 chủng sinh và khoảng 60 linh mục khởi đi từ nhà nguyện của Tòa Tổng Giám mục tiến vào nhà thờ Chính tòa, nơi hàng ngàn anh chị em giáo hữu đang tề tựu để chuẩn bị tham dự Thánh lễ.

Đức Cha Lôrensô ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa về ý nghĩa của Thánh lễ hôm nay: “Thánh lễ mừng kính Thánh cả Giuse năm nay diễn ra thật trọng thể, vì được cử hành trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công Giáo Việt Nam mừng kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 năm ngày thiết lập hai giáo phận đại diện Tông Tòa là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chính ngày lễ hôm nay, cách đây gần 400 năm, cha Đắc Lộ đã lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Bắc Việt để rao giảng Tin Mừng, do đó Giáo hội Việt Nam đã long trọng nhận thánh Giuse làm bổn mạng.

Trong thánh lễ này, chúng ta tha thiết cầu xin thánh Giuse bảo vệ, phù trì Tổng Giáo phận Hà Nội trong bàn tay quyền phép và lòng từ ái của ngài. Xin Thánh nhân gìn giữ cộng đồng dân Chúa, các tu sỹ nam nữ, chủng sinh, các linh mục và nhất là là những người nhận Thánh Giuse làm bổn mạng. Chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Tổng Giám mục Giuse – vị chủ chăn đáng kính của chúng ta – đang điều dưỡng tại Roma. Tôi đã thay mặt toàn thể mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận gửi lời kính chúc mừng bổn mạng của ngài. Trong bức thư hồi âm, Đức Tổng Giuse cho biết: tuy đang ở xa nhưng ngài vẫn luôn hướng về Hà nội thân yêu và luôn cầu nguyện cho chúng ta những điều thánh thiện và tốt đẹp nhất. Với thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho ngài”.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Lôrensô đã quảng diễn về những dấu ấn đặc biệt và những nhân đức cao quý của thánh Giuse. Thánh Giuse được gọi là vị thánh Có chức vị cao quý vì người là bạn trăm năm của Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, và là Cha nuôi của Đức Giêsu. Thánh Giuse là đấng Bảo trợ Hội Thánh. Đức Cha Lôrensô nhấn mạnh về hai nhân đức nổi bật của Thánh Giuse, đó là sự khôn ngoan và lòng dũng cảm, trong mọi biến cố nguy nan hay bình lặng, Thánh Giuse luôn tỏ ra điềm tĩnh, quyết tâm và mau mắn ứng phó, với một nghị lực bền bỉ và ý chí kiên trung bền vững. Và ngài kết luận: “Trí dũng của Giuse không phải là cái trí của vị học giả, cái dũng của hàng khanh tướng, nhưng là của bậc thánh nhân. Trí dũng ấy tuy bề ngoài bình dị, nhưng lại rất siêu việt, vì trong tâm hồn ngài có Thiên Chúa ngự trị, có sức mạnh của Thánh Thần tác động. Đó là trí dũng của Đạo Kitô mà mọi người chúng ta đều có thể đạt tới”.

Kết thúc Thánh lễ, mọi người cùng hiệp ý với Đức Cha Lôrensô và quý Cha dâng lại giáo phận cho thánh Giuse và cầu nguyện với ngài để xin ngài bầu cử cùng Chúa ban cho muôn ơn lành và bình an./.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chăn Chiên
Josephhoa Phạm
22:13 19/03/2010

CHĂN CHIÊN



Ảnh của Josephhoa Phạm

“Ta là mục tử nhân lành. Ta biết chiên ta, và chiên ta biết ta”

(Gio 10:14).

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền