BÀI ĐỌC 1 Xh 3:1-8a,13-15
Bài trích sách Xuất hành.
Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây.
Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.
Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?”
Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!”
Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.”
Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”
Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?”
Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.’”
Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 1Cr 10:1-6,10-12
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.
Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 4:17
Chúa nói: anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.
TIN MỪNG Lc 13:1-9
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng:
“Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này:
“Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’
Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”
Đó là Lời Chúa.
2S 7,4-5a.12.14a-16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a
Thánh Giuse định bỏ trốn. Tại sao? Có hai lý do.
Lý do thứ nhất: trách nhiệm quá nặng nề. Nhận một người vợ là một trách nhiệm nặng. Chịu trách nhiệm về bản thân đã là nặng. Chịu trách nhiệm về một người khác càng nặng hơn. Chịu trách nhiệm về một người mình không biết rõ lại càng khó khăn hơn nữa. Và theo luật Do thái, chịu trách nhiệm về một bào thai không có nguồn gốc là tội rất nặng.Nên thánh Giuse tìm giải pháp an toàn nhất là bỏ trốn.
Lý do thứ hai: sự việc không liên quan. Nói không liên quan cũng không đúng hẳn. Vì hai bên đã hứa hôn. Đã hứa hôn là có liên quan. Đã liên quan là có trách nhiệm. Nhưng không liên quan vì bào thai Đức Mẹ mang trong mình không rõ nguồn gốc. Rõ ràng bào thai ấy không liên quan với thánh Giuse.
Nhưng sau khi được nghe ý Chúa qua lời thiên sứ, thánh Giuse thấy có liên quan nên đã đảm nhận trách nhiệm. Sứ thần nói: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
Lời thiên sứ mời thánh Giuse vào bốn trách nhiệm. Trách nhiệm thứ nhất: vì là dòng dõi vua Đavít nên thánh Giuse phải có trách nhiệm với lời Chúa hứa từ ngàn xưa, như sách Samuel tường thuật. Trách nhiệm thứ hai: vì đã kết hôn nên thánh Giuse có trách nhiệm đón Đức Mẹ về. Trách nhiệm thứ ba: vì Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu nên thánh Giuse có trách nhiệm làm cha. Trách nhiệm thứ tư:vì được Thiên Chúa tuyển chọn nên thánh Giuse có trách nhiệm với ơn cứu độ của toàn dân. Tất cả là thánh ý Thiên Chúa. Đã được loan báo từ ngàn xưa qua miệng các tiên tri. Và vì lợi ích của tất cả mọi người. Hiểu được như thế thánh Giuse đã đảm nhận trách nhiệm.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đề cao cá nhân và hưởng thụ. Ai cũng trốn tránh trách nhiệm. Ai cũng tìm chữ an. Trước là an thân. Tiếp đến là an nhàn. Sau là an hưởng. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những điều tồi tệ trong xã hội. Napoléon nói: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.Trốn tránh trách nhiệm khiến cho thế giới càng trở nên tồi tệ hơn. Đảm nhận trách nhiệm làm cho thế giới tốt hơn. Ta thấy điều đó qua những biến cố gần đây.
Mấy năm qua nhân loại khốn khổ vì đại dịch covid-19. Khi dịch đến ai cũng hoang mang sợ hãi. Đóng kín cửa. Cách ly. Xa tránh mọi người. Nhưng biết bao người lâm vào cảnh cô đơn không nơi nương tựa, không ai giúp đỡ. Có những người chết vì tuyệt vọng, sợ hãi, và bị bỏ rơi. May thay đã có những tấm lòng vàng xuất hiện. Doanh nhân Hoàng tuấn Anh đã sáng chế cây ATM gạo. Bác sỹ Trần anh Tú đã sáng chế cây ATM oxy. Nhiều giáo xứ đã mở ra siêu thị 0đồng. Nhiều người mở dịch vụ đi chợ hộ. Tại Saigon, Gần 1000 linh mục tu sỹ nam nữ đã tình nguyện phục vụ trong các bệnh viện cách ly bệnh nhân F0. Tại Huế, Xuân lộc và nhiều giáo phận cũng tương tự. Các ngài phục vụ bằng dọn dẹp vệ sinh, bằng phục vụ bác sỹ và bệnh nhân, bằng ca múa giúp vui. Và nhất là bằng cầu nguyện. Trong lúc thập tử nhất sinh lời cầu nguyện có sức an ủi và củng cố tinh thần mạnh mẽ. Nhờ những hoạt động của những người tốt mà tình trạng các bệnh viện và các bệnh nhân đã được cải thiện rất nhiều.
Gần đây là cuộc chiến Nga – Ucraina. Thật là một thảm cảnh kinh hoàng. Bao thành phố bị thiêu rụi. Bao gia đình tan tác. Bao mạng người tử vong. Bao vết thương. Bao đau khổ. Nhưng trong những thảm cảnh ấy lại xuất hiện những tấm lòng vàng. Tôi thật cảm động khi thấy người Ba lan mở ra những trung tâm đón tiếp người tị nạn Ucraina. Người Ba lan quỳ trên đường phố cầu nguyện cho Ucraina. Các bà mẹ đưa xe nôi ra ga tầu để các bà mẹ Ucraina xuống tầu có sẵn xe nôi đẩy con để còn rảnh tay mang vác hành lý. Cảm động nhất là câu chuyện cậu bé Ucraina 11 tuổi, một mình vượt 1000 cây số sang Slovakia tìm người thân. Đi đến đâu em cũng được giúp đỡ. Lên tầu được nhân viên soát vé hướng dẫn và cho chỗ ăn nghỉ. Xuống ga em được mọi người đưa vào trung tâm tiếp cư. Số điện thoại ghi trên mu bàn tay liền được gọi cho người thân đến đón em về. Và em đã đến nơi bình an. Những tấm lòng vàng đã khiến cho các nạn nhân chiến tranh Ucraina được ấm lòng. Ủng hộ của thế giới khiến các chiến binh vững tinh thần. Và việc khắp nơi đồng loạt phản đối chiến tranh cũng khiến kẻ xâm lăng phải chùn bước.
Những biến cố đang diễn ra trên thế giới và trong nước không nằm ngoài trách nhiệm của chúng ta. Hôm nay thiên sứ nhắc cho thánh Giuse bốn trách nhiệm. Thánh Cả lại nhắc ta có 5 trách nhiệm. 1. Ta có trách nhiệm vì là gia đình Thiên Chúa nên mọi người đều là anh em. Bất cứ anh em gặp vấn đề gì ta đều có trách nhiệm. 2. Ta có trách nhiệm vì là thân thể Chúa Kitô nên một chi thể bị đau thì cả toàn thân phải tiếp cứu. 3. Ta có trách nhiệm vì giúp người khác là giúp chính mình. Nếu hôm nay cái ác thành công đè bẹp hàng xóm, ngày mai nó sẽ tấn công nhà chúng ta. 4. Ta có trách nhiệm vì những người anh em bé nhỏ nhất là chính Chúa Kitô. Khi phục vụ anh em hoạn nạn là phục vụ Chúa Kitô. 5. Ta có trách nhiệm vì phải làm chứng cho Chúa. Mọi biến cố nhất là trong những tai ương hoạn nạn đều là cơ hội cho ta sống đức tin và đức ái. Hãy noi gương Thánh Cả Giuse đảm nhận trách nhiệm. Công trình của Chúa sẽ được thực hiện.
Lạy Thánh Cả Giuse. Xưa Thánh Cả đã can đảm lãnh nhận trách nhiệm bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ, để công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được thành công. Nay xin Thánh Cả giúp chúng con biết noi gương ngài, đảm nhận trách nhiệm với anh em và xã hội, để Chúa được vinh danh và mọi người được ơn cứu độ. Amen.
Giuse Ngô Quang Kiệt
Hôm nay ta sẽ rút ra hai bài học từ hai bài đọc.
Bài học một từ bài đọc một.
Bài học hai từ bài đọc ba, tức bài Tin Mừng.
1. Bài học một.
Bài đọc I trong 5 Chúa nhật Mùa Chay cứ tuần tự thuật lại 5 giai đoạn trong lịch sử cứu độ, hay còn được hiểu là 5 giai đoạn trong cuộc hành trình loài người tìm gặp Chúa (1). Hôm nay tới giai đoạn của Môsê. Bài đọc I kể chuyện Chúa hiện ra với Môsê, điều đáng để ý là Chúa không hiện ra với ông trong Đền thờ mà là trong sa mạc (thật ra thời dân ở Ai Cập làm gì có đền thờ, nhưng chí ít cũng chọn một nơi “ngon” hơn một chút); và hay ho hơn nữa, Chúa hiện ra không phải khi Môsê đang cầu nguyện mà trong lúc ông đang chăn cừu. Vậy là, Chúa hiện ra cho Môsê ở một nơi “phàm trần” và trong một sinh hoạt “phàm trần.”
Chúng ta có biết đặc điểm của người giáo dân được CĐ Vatican 2 kể ra là gì không? Hãy mở Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 4, bàn về giáo dân, số 31, thấy ngay: “tính cách phàm trần (trần thế) là tính cách riêng biệt và đặc thù của người giáo dân” mà người giáo dân chiếm 99,99% dân Chúa.
Vậy là, Chúa không bắt người giáo dân phải vào đền thờ mới gặp được Chúa. Sẽ có lúc Chúa đòi như thế, như hôm nay Chúa nhật ta đến Nhà Thờ (nhưng đó không phải là bài học ta rút từ bài đọc 1 hôm nay). Chúa cũng không đòi chúng ta phải ngưng công việc thường ngày, rồi quỳ đọc kinh cầu nguyện, bấy giờ Chúa mới hiện ra. Không. Ngài đã gặp Mose đang khi ông chăn cừu, trong sa mạc đất phàm.
Khi ở Chicago, ghé thăm văn phòng của một bà giáo dân làm việc cho giáo xứ, tôi ngạc nhiên thấy trong phòng bà lúc nào cũng có ngọn nến. Bà tới nơi làm việc, việc đầu tiên là đốt ngọn nến. Hỏi bà lý do, bà có sẵn ngay: nơi làm việc là nơi thánh.
Ta thử đọc lại câu chuyện Mô-sê: Hãy cởi dép ra vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. Dù Môsê đang đứng tại một nơi phàm trần giữa hoang địa, nhưng Chúa bảo ông rằng đó là nơi thánh. Điều gì đã khiến nơi đó thành nơi thánh? Thưa chính là sự hiện diện của Chúa. Mà Chúa chẳng ngại gì hiện diện giữa nơi phàm trần, nơi mà người giáo dân sống và làm việc. Ta nghe thêm Công Đồng nói: “Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả dệt thành đời sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, (…) để họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình: tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác.”
Ta nhắc lại những điều đó của Công Đồng, để cho thấy ta được gọi và được gặp Chúa ngay tại nơi ta ở là chốn phàm trần, tại nơi ta làm việc là nơi trần thế. Không cần thắp lên ngọn nến bằng sáp như bà kia khi đến nơi làm việc, nhưng cứ buôn bán lương thiện, chạy xe (ôm, xích lô, taxi, tải…) không ép giá, thi cử không quay cóp, dạy học theo lương tâm, làm các nghề sự nghiệp hành chánh công minh chánh trực… ắt sẽ là những ngọn nến có khi còn sáng hơn ngọn nến sáp kia nhiều, vì được đốt bằng tim gan, xương máu của ta. Làm việc tận tuỵ sao không tiêu hao xương máu được !
Vậy là bài học một rút từ bài đọc một là ta hãy biến nơi phàm trần ta ở, chốn trần thế ta làm việc trở thành nơi thánh bằng cách để Chúa đến ở với ta.
2. Bài học hai
Bài học hai rút ra từ bài Tin Mừng. Bài Tin Mừng nhắc đến 2 biến cố đẫm máu, tuy thua xa bom nổ đạn rơi chết người do cuộc xâm lược của Nga tại Ucraina đang diễn ra…, nhưng cũng gây kinh hãi: “Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.” Vậy là họ bị giết ngay trong khu vực đền thờ, mới có máu chiên bò sát sinh hoà lẫn với máu của người bị giết. Đó là chuyện người ta kể cho Chúa nghe.
Đáp lại, Chúa kể cho họ nghe chuyện mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Nhà thờ Ngọc Lâm, tỉnh Thái Nguyên sáng 17-1-13 sập mái, chết mấy người, bị thương trên 5 chục. Cũng ghê ! Ta thử theo chân các nhà lịch sử Kinh Thánh để hiểu hơn một chút hai cuộc chết chóc mà Tin Mừng nhắc đến. (2)
Lúc đó Phi-la-tô, tên rất quen thuộc, vì ta có nhắc đến tên ông này trong kinh Tin Kính, Philatô có một quyết định rất tốt rằng Giê-ru-sa-lem cần có một hệ thống dẫn nước mới và tân tiến hơn. Ông quyết định xây cất hệ thống đó, và để đài thọ cho việc này, ông đề nghị dùng một phần tiền của Đền Thờ. Nghe đến ý tưởng sử dụng tiền của Đền Thờ vào việc không phải đền thờ (trần thế) cũng đủ khiến dân Do-thái cầm vũ khí chống lại. Khi dân chúng tụ tập lại thì Phi-la-tô cho lính của ông cải trang trà trộn với họ. Lính được lệnh mang gậy thay vì gươm. Đến lúc được báo hiệu, lính xông vào dân chúng và phân tán họ. Việc đó đã diễn ra đúng nhưng vì bọn lính đã hành động rất hung dữ, đi quá lệnh trên, gây thiệt mạng cho một số thường dân người Galilê.
Còn về phần mười tám người bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết, cho đến nay vẫn còn là một sự kiện bí mật. Nhưng có người cho rằng họ đã lãnh việc xây ống dẫn nước của Phi-la-tô, một công việc mà dân chúng ghét. Vì số tiền công họ lãnh đều là tiền của Chúa và đáng lẽ họ phải tình nguyện trả lại vì tiền đó từ đền thờ, tức là một cách lấy trộm của Chúa. Khi tháp Si-lô-ê đổ xuống trên họ thì dân chúng cho rằng vì họ đã bằng lòng làm công việc đó, cho nên Chúa phạt nhãn tiền. Người Do-thái đã nghiêm khắc kết buộc “đau khổ” và “tội lỗi” với nhau. Trước đó rất lâu, Êlipha đã nói với Gióp rằng: "Có ai vô tội mà bị tiêu diệt đâu?" (G 4,7) Đây là một giáo lý độc ác, cay nghiệt như Gióp đã biết rõ. Chúa Giê-su đã bác bỏ thuyết đó đối với một số trường hợp cá nhân. Như người mù thủa mới sinh : “chẳng phải lỗi nó, chẳng phải tội cha mẹ nó.”
Mà thường những thánh nhân là những người chịu đau khổ nhiều nhất. Thánh vịnh nói: «Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân». Các Ki-tô hữu thời sơ khai, các thánh tử đạo, thường là những người hiền đức nhưng cuộc đời của họ nhiều khi gặp toàn nghịch cảnh, và có khi phải chết một cách thảm thiết. Chẳng hạn rất nhiều Ki-tô hữu bị Nê-rô cho sư tử xé xác và bị thiêu sống tập thể. Chính thánh Tê-rê-xa A-vi-la cũng gặp rất nhiều thử thách, đến nỗi bà phải than với Chúa: «Bây giờ con mới hiểu tại sao Chúa lại quá ít bạn như thế, vì Chúa thường đối xử với bạn thân thiết của Chúa như thế này đây!».
Cho nên khi nói về hai cuộc chết chóc trên, Chúa Giêsu muốn nói ngay, chẳng phải họ có tội mà họ chết đâu. Chúa Giê-su còn đi xa hơn nữa và nói rằng nếu các thính giả của Ngài không chịu nhìn vào chết chóc đó mà ăn năn thì họ cũng sẽ bị tiêu diệt.
Trong thời Chúa Giêsu cũng như thời chúng ta, chúng ta dễ bị cám dỗ giải thích các biến cố cách thiếu bác ái đối với người khác. Biết bao lần người ta đã nghe những lối giải thích bộc phát như sau: Trời phạt nó. Đó là án phạt của Chúa, hoặc chúng ta dẽ lạm dụng kiểu nói “trời có mắt” để biện minh cho ý của chúng ta, để tạo cho mình mối quan tâm được Chúa ưu đãi hơn những người khác.
Và rồi chúng ta cũng dễ có cám dỗ ngược lại và gán ép cho Chúa những biến cố bất lợi xảy đến cho chính chúng ta: Trời bỏ tôi. Chúa làm ngơ giả điếc. Ngài trả thù mà... Đôi khi những biến cố đó chỉ là do những nguyên nhân thiên nhiên vô hồn (thời tiết, bệnh truyền nhiễm, tai biến tự nhiên...). Cần phải hết sức thận trọng khi giải thích những gì xảy đến cho ta.
Người khôn ngoan nhất là người -như Chúa Giêsu dạy- biết lợi dụng tất cả những gì xảy đến để hoán cải không ngừng, để tạ ơn Chúa khi gặp những biến cố may mắn, để xin cho tâm hồn vững mạnh và biết tùng phục ý Chúa khi gặp các biến cố xui xẻo. Như thế lời Kinh thánh sau đây sẽ nên trọn cho chúng ta: “Mọi sự đều góp phần sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa ” (Rm 8,28). Amen.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh
--------------------------------------------------
(1) Bài đọc I các Chúa nhật Mùa Chay có một bố trí đặc biệt, không liên quan tới bài Tin Mừng, như các CN Thường Niên. Nó diễn đạt lại 5 giai đoạn của lịch sử cứu độ, CN I : Thời nguyên thủy; CN II : Thời Abraham; CN III : Thời Mô-sê; CN IV : Thời Đất Hứa; CN V : Thời các ngôn sứ.
(2) theo giải thích trong bài chia sẻ của cha Hàm
20. Lời nói thành khẩn và thái độ nhã nhặn thì là sức mạnh cảm hóa sẽ thắng sự phẩn nộ và chỉ trích, do đó khi không cần thiết thì không nên trách người.
(Thánh Angela)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Quy Hữu Quang ở Côn Sơn đảm nhậm huyện quan huyện Ngô Hưng, mỗi khi thăng đường làm việc thì người ở văn thư, thuộc hạ, từng đoàn đứng vây quanh công án, tựa hồ như không muốn ông ta an vị được.
Ông ta rất giận dữ bèn lấy bút son chấm đầy mực đỏ nói với mọi người:
- “Tại sao các người không lui ra mau, ta rảy đây này !”
(Ký Viên Ký Sở Ký)
Suy tư 27:
Có những người khi giận thì la hét nạt nộ om sòm, có người khi giận thì chứi bới loạn lên, có người khi giận dữ thì xách dao rượt đuổi đòi chém, lại có người khi giận lên thì mặt đỏ tay run.v.v...
Khi nóng giận thì tâm hồn của con người ta biến thành hỏa ngục, chỉ thấy những khuyết điểm của anh chị em, và không nhìn thấy tình cảm của người khác đã dành cho mình.
Ai cũng có tính khí nóng giận, nhưng người Ki-tô hữu biết dùng Lời Chúa và các bí tích để thánh hóa cơn nóng giận của mình thành việc phục vụ tha nhân cách tích cực hơn.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng: Lc 13, 1-9
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Bạn thân mến,
Dụ ngôn cây vả không ra trái mà bạn và tôi vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào, Đức Chúa Giê-su không khách sáo nói lên ý của ông chủ là muốn đốn cây vả vô dụng, nhưng đồng thời Ngài cũng cho thấy Thiên Chúa đã vì tình yêu mà kiên nhẫn và chờ đợi chúng ta hối cải...
1. Yêu thương là kiên nhẫn.
Ông chủ đã kiên nhẫn với cây vả thêm một năm nữa và hy vọng nó sẽ ra trái thơm ngon, cha mẹ kiên nhẫn với con cái để nó nhận biết cái sai của mình mà tha thứ; bạn bè tốt và tri kỷ thì kiên nhẫn với những khuyết điểm của người bạn mình, tất cả những kiên nhẫn này đều bắt nguồn từ sự yêu thương
Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, đã kiên nhẫn trước những tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Người, và chưa hối cải nhìn nhận Người là Cha rất nhân từ của họ, tình yêu này được thôi thúc lên bởi sự hy sinh của Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết trên thập giá để xin Chúa Cha kiên nhẫn với những cứng đầu vô ơn bội nghĩa của nhân loại để họ hối cải, Ngài đã chết trên thập giá để làm một bằng chứng yêu thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa Cha.
2. Yêu thương là chờ đợi.
Khi yêu nhau người ta thường hay chờ đợi, dù cho sự chờ đợi này có hạn chế trong một ngày hoặc một hai năm, yêu nhau người ta cũng lấy làm vui mừng để mà chờ đợi nhau khi có hẹn hò dù cho mưa gió bão bùng, và sự chờ đợi nào của con người cũng có giới hạn của nó. Nhưng sự chờ đợi của Thiên Chúa thì khác với nhân loại, Người không chờ đợi một hai hay ba năm, nhưng sẽ chờ đợi cho đến lúc nào chúng ta biết hối cải ăn năn...
Có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ hai mươi năm, có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ đến ba mươi năm, có người bốn mươi năm và có người bảy mươi, tám mươi năm thời gian dài cả một đời người, vậy mà Thiên Chúa vẫn chờ đợi, Người chờ đợi trong yêu thương chứ không trách móc, trong tha thứ chứ không phải án phạt...
Bạn thân mến,
Mùa chay là mùa của yêu thương, mùa của hối cải và trở về với Cha nhân từ trên trời, do đó Người muốn mỗi người trong chúng ta học nơi Người cách yêu thương anh em như Người đã yêu thương chúng ta, đó là kiên nhẫn và chờ đợi anh em khi họ cố chấp mà xúc phạm đến mình:
- Kiên nhẫn khi người khác nóng giận với mình đó là yêu thương.
- Kiên nhẫn khi người khác coi thường mình đó là yêu thương.
- Kiên nhẫn khi người khác nói móc họng mình đó là yêu thương.
- Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em tỏ ra bất mãn với mình, đó là yêu thương.
- Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em hiểu lầm mình đó là yêu thương.
Kiên nhẫn và chờ đợi là yêu thương, là ý lực sống và thực hành của bạn và tôi đối với tất cả mọi người trong tuần mùa chay này.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.
Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.
Thứ Sáu tuần trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa.
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 18 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ hai cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Phụng vụ Thánh Thể”.
Mở đầu bài suy niệm, Đức Hồng Y nói:
Từ quan điểm nghi lễ và phụng vụ, ngày nay chúng ta có một nguồn tài nguyên mới mà các Giáo phụ của Giáo hội và các tiến sĩ thời Trung cổ không có. Nguồn lực mới mà chúng ta có là mối quan hệ hợp tác giữa các tín hữu Kitô và người Do Thái. Từ những ngày đầu tiên của Giáo hội, các yếu tố lịch sử khác nhau đã làm nổi bật sự khác biệt giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đến mức tạo ra sự tương phản giữa hai tôn giáo này với nhau, như thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã làm. Tách mình ra khỏi người Do Thái – trong việc ấn định lễ Phục sinh, những ngày chay tịnh, và nhiều thứ khác - trở thành một loại mật khẩu. Người ta thường buộc tội kẻ thù của mình và những kẻ dị giáo là những kẻ đang tìm cách “Do Thái Giáo hóa”.
Thảm kịch của người Do Thái, biến cố Shoa [biến cố diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã gây ra trong thế chiến thứ hai – chú thích của người dịch], và bầu không khí đối thoại mới với Do Thái giáo, do Công đồng Vatican II khởi xướng, đã giúp hiểu rõ hơn về ma trận Thánh Thể của người Do Thái. Ta không thể hiểu Lễ Vượt Qua của người Kitô giáo nếu nó không được coi là sự hoàn thành của những gì Lễ Vượt Qua của người Do Thái đã tiên báo, cũng thế, Bí tích Thánh Thể không được hiểu đầy đủ nếu nó không được coi là sự hoàn thành những gì người Do Thái đã làm và đã nói trong nghi thức bữa ăn Vượt Qua. Kết quả quan trọng đầu tiên của sự thay đổi này là ngày nay không có học giả nghiêm túc nào đưa ra giả thuyết rằng Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo được giải thích dưới ánh sáng của bữa ăn tối thịnh hành trong một số tôn giáo bí ẩn của Hy Lạp, như người ta từng thử làm như thế trong hơn một thế kỷ.
Các Giáo Phụ của Giáo Hội đã giữ lại Sách Thánh của dân tộc Do Thái, nhưng không giữ lại phụng vụ của họ, mà các ngài không còn được tiếp cận, sau khi Giáo hội tách khỏi các Hội đường Do Thái. Do đó, các ngài sử dụng những hình tượng có trong Kinh thánh - con chiên vượt qua, sát tế Isaác, Menkixêđê, manna - nhưng không sử dụng bối cảnh phụng vụ cụ thể trong đó người Do Thái cử hành tất cả những kỷ niệm này, đó là bữa ăn nghi lễ được cử hành, mỗi năm một lần trong bữa ăn tối Vượt qua (Seder) và hàng tuần khi thờ phượng tại hội đường. Tên gọi đầu tiên mà Thánh Thể được thánh Phaolô chỉ định trong Tân Ước là “bữa ăn của Chúa” (kuriakon deipnon) (1Cr 11:20), có liên quan rõ ràng đến bữa ăn của người Do Thái mà từ nay nó khác đi vì niềm tin vào Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự liên tục - không phải đối lập - giữa Cựu ước và Tân ước, giữa Do Thái giáo và Kitô giáo.
Bí tích Thánh Thể và Berakah của người Do Thái
Đây là quan điểm mà Đức Bênêđíctô XVI cũng đã đưa ra trong chương đề cập đến về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong cuốn sách thứ hai của ngài về Chúa Giêsu thành Nazareth. Theo quan điểm phổ biến của các học giả ngày nay, ngài chấp nhận phân tích biên niên của Johannine, theo đó Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu không phải là một bữa ăn Vượt Qua mà là một bữa ăn chia tay long trọng. Với Louis Bouyer, ngài còn cho rằng người ta có thể “theo dõi sự phát triển của phụng vụ thánh thể của Kitô giáo [nghĩa là của lễ qui - canon] từ berakah của người Do Thái.”
Vì nhiều lý do văn hóa và lịch sử khác nhau, từ thời trường phái học tập – scholasticism - trở đi, thần học đã cố gắng giải thích Bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của triết học, đặc biệt là sử dụng các quan niệm của Aristotle về bản chất và tình cờ. Đây cũng là một cách để đặt hiểu biết mới về thời đại của họ trong việc phục vụ đức tin và do đó bắt chước phương pháp luận của các Giáo phụ. Trong thời đại của chúng ta, chúng ta cần làm điều tương tự với kiến thức mới của mình — trong trường hợp của chúng ta là kiến thức lịch sử và phụng vụ hơn là kiến thức triết học. Trong bối cảnh một số nghiên cứu đã bắt đầu theo hướng này, đặc biệt là của Louis Bouyer, tôi muốn chỉ ra ánh sáng chói lọi đang chiếu xuống Bí tích Thánh Thể Kitô khi chúng ta xem xét các tường thuật của Phúc Âm về việc thiết lập bí tích này so với nền tảng của những gì chúng ta biết về bữa ăn nghi lễ của người Do Thái. Sự đổi mới trong hành động của Chúa Giêsu sẽ không bị giảm đi mà còn được nâng cao.
Mối liên hệ giữa nghi thức cũ và mới được trình bày trong Didachè, một bản viết về thời đại các tông đồ mà chúng ta có thể coi là bản phác thảo đầu tiên của một nghi thức Thánh Thể. Nghi thức Do Thái bao gồm một loạt các lời cầu nguyện được gọi là “Berakah” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “Thánh Thể”. Khi bắt đầu bữa ăn, mỗi người lần lượt cầm một chén rượu trên tay và trước khi đưa lên môi, lặp lại một lời chúc tụng mà phụng vụ hiện tại khiến chúng ta phải lặp lại gần như nguyên văn vào lúc dâng bánh: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”
Nhưng bữa ăn chỉ chính thức bắt đầu khi người cha của gia đình, hoặc người đứng đầu cộng đồng, bẻ chiếc bánh để chia cho các thực khách. Và, trên thực tế, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Và đây, cử chỉ này - vốn chỉ là một sự chuẩn bị - đã trở thành hiện thực. Hình ảnh trở thành sự kiện.
Sau khi làm phép bánh, các món ăn thông thường được dọn ra. Khi bữa ăn sắp kết thúc, các thực khách đã sẵn sàng cho hành động nghi lễ trọng đại kết thúc lễ kỷ niệm và mang lại ý nghĩa sâu sắc nhất. Mọi người đều rửa tay, như lúc ban đầu. Sau khi hoàn thành việc này, đặt trước mặt anh ta một chén rượu pha với nước, anh ta cất lên ba lời cầu nguyện tạ ơn: lời cầu nguyện thứ nhất dành cho Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, lời cầu nguyện thứ hai vì sự giải phóng khỏi Ai Cập, lời thứ ba vì Ngài vẫn tiếp tục công việc của mình vào thời điểm hiện tại. Khi lời cầu nguyện kết thúc, chiếc chén được truyền từ tay này sang tay khác và mọi người cùng uống. Đây là nghi thức cổ xưa được Chúa Giêsu thực hiện rất nhiều lần trong đời.
Thánh Luca kể rằng Chúa Giêsu sau khi ăn xong, cầm lấy chén thánh và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:20). Một điều gì đó mang tính quyết định xảy ra vào lúc Chúa Giêsu thêm những lời này vào công thức của lời cầu nguyện tạ ơn, tức là kinh Berakah của người Do Thái. Nghi lễ đó là một bữa tiệc linh thiêng, trong đó mọi người cử hành và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng Cứu Rỗi của họ vì đã cứu chuộc dân tộc của Ngài để tạo thành một giao ước tình yêu với họ được đóng ấn bằng huyết của một con chiên. Giờ đây, vào chính thời điểm mà Chúa Giêsu, với tư cách là Chiên thật của Thiên Chúa, quyết định hiến mạng sống cho mình, Ngài tuyên bố rằng Giao ước Cũ mà tất cả mọi người đều đang cử hành qua các nghi thức phụng vụ đã được kết thúc. Vào lúc đó, với một vài từ đơn giản, Người lập Giao ước mới và vĩnh cửu trong Máu của Người.
Bằng cách thêm các từ “hãy làm điều này để nhớ đến Thầy,” Chúa Giêsu mang lại một ý nghĩa lâu dài cho món quà của mình. Từ quá khứ, cái nhìn hướng về tương lai. Tất cả mọi thứ Chúa Giêsu đã làm trong bữa ăn tối ấy đều được đặt trong tay của chúng ta. Bằng cách lặp lại những gì Chúa Giêsu đã làm, hành động trung tâm của lịch sử nhân loại, là cái chết của Ngài vì thế giới được tái hiện. Hình ảnh con chiên vượt qua trở thành một sự kiện trên thập tự giá được ban cho chúng ta trong bữa ăn tối như một bí tích, nghĩa là, như một sự tưởng niệm vĩnh viễn về sự kiện này.
Tư tế và của lễ
Tôi đã nói điều này liên quan đến khía cạnh phụng vụ và nghi lễ của sự thánh hiến. Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang cách xem xét khác, thuộc loại cá nhân và hiện sinh, hay nói cách khác là về vai trò mà chúng ta, các linh mục và tín hữu, thực hiện tại thời điểm đó của Thánh lễ. Điều quan trọng thiết yếu là phải biết bản chất của hy tế và chức tư tế của Chúa Kitô bởi vì chức tư tế Kitô giáo bắt nguồn từ đó, cả bí tích rửa tội chung cho tất cả mọi người và chức vụ thừa tác viên được truyền chức.
Trên thực tế, chúng ta không còn là “các tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê”; chúng ta là những tư tế “theo phẩm trật của Chúa Giêsu Kitô”; tại bàn thờ, chúng ta hành động “in persona Christi”, tức là chúng ta đại diện cho Thầy Cả Thượng Phẩm là Chúa Kitô. Hội nghị chuyên đề về chức tư tế, được tổ chức tại Đại Thính Đường này vào tháng trước, đã nói vô số về chủ đề này so với những gì tôi có thể nói trong bài phản ánh ngắn gọn của mình (nhân tiện, đã chuẩn bị trước ngày đó), nhưng cần phải nói điều gì đó ở đây để hiểu về Bí tích Thánh Thể.
Thư gửi cho các tín hữu Do Thái giải thích tính mới mẻ và tính độc đáo của chức tư tế của Chúa Kitô bao gồm: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9: 12). Mỗi tư tế khác dâng một cái gì đó bên ngoài chính mình, Đức Kitô đã tự hiến chính mình; mọi tư tế khác dâng của lễ, Chúa Kitô đã tự biến mình thành của lễ! Thánh Augustinô đã tóm tắt trong một vài từ về bản chất của loại chức vụ tư tế mới này, trong đó tư tế và của lễ là cùng một người: “Ideo sacerdos quia Greekium”, là tư tế vì là của lễ. Học giả người Pháp René Girard đã định nghĩa sự hy sinh mới lạ này của Chúa Kitô là “sự thật trung tâm trong lịch sử tôn giáo của nhân loại”, điều này đã chấm dứt vĩnh viễn liên minh nội tại giữa thánh thiêng và bạo lực.
Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa trở thành của lễ hiến tế. Nhân loại không còn là những con người dâng lễ vật cho Thiên Chúa để xoa dịu và làm vui lòng Ngài nữa; chính Thiên Chúa đã hy sinh thân mình vì nhân loại, hy sinh Con Một của Người cho đến chết vì chúng ta (x. Ga 3,16). Chúa Giêsu không đến bằng máu của người khác, nhưng bằng máu của chính mình; Người không đặt tội lỗi của mình lên vai người khác - súc vật hay loài người - nhưng Người đặt tội lỗi của người khác lên vai mình: “Người đã gánh vác tội chúng ta trong thân mình trên gỗ thập giá” (1 Pt 2, 24). Tất cả điều này có nghĩa là trong Thánh lễ, chúng ta phải đồng thời là tư tế và cũng là của lễ hiến tế.
Trước điều này, chúng ta hãy suy ngẫm về những lời truyền phép: “hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm nhỏ của mình, đó là, tôi đã khám phá ra ý nghĩa cá vị và giáo hội của việc truyền phép Thánh Thể như thế nào. Đây là cách tôi đã sống giây phút dâng mình trong Thánh Lễ những năm đầu tiên của chức linh mục: Tôi nhắm mắt, cúi đầu, tôi cố gắng xa lánh mọi thứ xung quanh tôi để đồng nhất với Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố trong Tiệc Ly những từ đó lần đầu tiên: “Accipite et manducate: Hãy cầm lấy mà ăn…”. Chính phụng vụ đã thấm nhuần thái độ này, làm cho những lời truyền phép được phát âm bằng giọng trầm và bằng tiếng Latinh, khi cong mình trên các bánh thánh.
Sau đó là cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II. Thánh lễ bắt đầu được cử hành trong khi hướng nhìn về cộng đoàn; không còn bằng tiếng Latinh, mà bằng ngôn ngữ của người dân. Điều này giúp tôi hiểu rằng thái độ của tôi không nói lên ý nghĩa đầy đủ của việc tôi tham gia vào việc truyền phép. Chúa Giêsu của Bữa Tiệc Ly không còn tồn tại nữa! Chúa Kitô Phục sinh hiện đang tồn tại: chính xác là Chúa Kitô, Đấng đã chết nhưng hiện đang sống đời đời (x. Kh 1:18). Nhưng Chúa Giêsu này là “Chúa Kitô toàn diện”, Đầu và Thân hợp nhất không thể tách rời. Vì vậy, nếu chính Đức Kitô toàn thể này là Đấng đã công bố những lời truyền phép, thì tôi cũng đồng thanh với Người. Đúng vậy, tôi phát âm những lời ấy “in personal Christi”, nhân danh Chúa Kitô, nhưng cũng là “ở ngôi thứ nhất”, tức là nhân danh tôi.
Kể từ ngày đó khi tôi hiểu ra điều này, tôi bắt đầu không còn nhắm mắt vào lúc truyền phép nữa, nhưng tôi nhìn - ít nhất là đôi khi - những người anh em trước mặt tôi, hoặc, nếu tôi cử hành thánh lễ một mình, tôi nghĩ đến những người tôi có thể gặp gỡ trong ngày và những người mà tôi phải dành thời gian của mình, hoặc tôi thậm chí nghĩ đến toàn thể Giáo hội, và hướng về họ, tôi nói cùng với Chúa Giêsu: “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.. hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”.
Sau đó, Thánh Augustinô đã đến để xóa bỏ mọi nghi ngờ khỏi tôi. Ngài viết trong một đoạn văn nổi tiếng trong cuốn De civitate Dei – Thành trì của Chúa - rằng In ea re quam offert, ipsa [Ecclesia] offertur - Hội Thánh hiến dâng chính mình trong Hy tế mà Hội Thánh tiến dâng. Gần gũi hơn với chúng ta là nhà huyền bí Mễ Tây Cơ Concepcion Cabrera de Armida, được gọi là Conchita, chết năm 1937 và được phong chân phước vào năm 2015. Với người con trai Dòng Tên của bà, sắp được thụ phong linh mục, bà viết: “Hãy nhớ rằng, con trai của mẹ, khi con cầm trong tay Mình Thánh Chúa, con đừng nói: 'Này là Mình Chúa Giêsu và này Máu Người,' nhưng con sẽ nói: 'Này là Mình Ta, Này là Máu Ta, nghĩa là, trong con phải có một sự biến đổi hoàn toàn, con phải đánh mất chính mình trong Ngài, để trở thành 'một Chúa Giêsu khác’”
Tất cả những điều này không chỉ áp dụng cho các giám mục và linh mục được thụ phong, nhưng cho tất cả những người đã được rửa tội. Một văn bản nổi tiếng của Công Đồng diễn đạt theo cách này:
Các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả của mình, góp phần vào việc dâng lễ trong bí tích Thánh Thể… Bằng cách tham gia vào hy tế Thánh Thể, nguồn gốc và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng Hy tế thánh thiêng và chính họ cho Thiên Chúa; vì vậy tất cả mọi người, cả khi dâng lễ và rước lễ, đều hoàn thành phần việc của mình trong hành động phụng vụ, nhưng không phải như nhau, nhưng một số theo cách này và một số theo cách khác.
Có hai thân thể của Chúa Kitô trên bàn thờ: có thân thể thật của Ngài (thân thể “sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”, đã chết, sống lại và lên trời) và có thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Thật thế, cơ thể thật của Ngài thực sự hiện diện trên bàn thờ và nhiệm thể của Người hiện diện một cách bí nhiệm, trong đó “một cách bí nhiệm” có nghĩa là: nhờ sự kết hợp không thể tách rời Đấng là Đầu. Không có sự nhầm lẫn giữa hai sự hiện diện, khác biệt nhưng không thể tách rời.
Vì có hai “của lễ” và hai “hồng ân” trên bàn thờ - một là để trở thành mình và máu của Chúa Kitô (bánh và rượu) và một là để trở thành nhiệm thể của Chúa Kitô - thì có cũng là hai “lời cầu khẩn” trong Thánh Lễ, tức là hai lời khẩn cầu cùng Chúa Thánh Thần. Lời thứ nhất là: “Giờ đây, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”; và lời cầu thứ hai, được đọc sau khi truyền phép: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Ðức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Cha qua mọi thời đại.”
Đây là cách Thánh Thể làm nên Giáo Hội: Thánh Thể làm nên Giáo Hội, làm cho Giáo Hội trở thành Thánh Thể! Nói một cách tổng quát, Bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn gốc hay nguyên nhân của sự thánh thiện của Giáo hội; Thánh Thể cũng là “hình thái” của Giáo Hội, tức là mô hình của Giáo Hội. Sự thánh thiện của người Kitô hữu phải được thực hiện theo “hình thái” của Bí tích Thánh Thể; sự thánh thiện ấy phải là một sự thánh thiện của Thánh Thể. Người Kitô hữu không thể tự giới hạn mình trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, người ấy phải trở thành Thánh Thể với Chúa Giêsu.
Mình và Máu
Bây giờ chúng ta có thể rút ra những hậu quả thiết thực của tín lý này đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu trong lời truyền phép, chính chúng ta quay về phía anh chị em mình, và nói: “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy.. hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy”, chúng ta phải biết “mình” và “máu” nghĩa là gì, để biết những gì chúng ta trao ra.
Trong Kinh Thánh, từ “Corpo”, “Body”, “Mình” không chỉ ra một thành phần hay một bộ phận nào đó của con người, kết hợp với những thành phần khác là linh hồn và tinh thần, tạo thành một con người hoàn chỉnh. Theo ngôn ngữ Kinh thánh, và do đó trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu và thánh Phaolô, “Mình” chỉ toàn thể của một người, trong chừng mực người đó sống cuộc đời của mình trong một thân thể, trong tình trạng vật chất và hữu hình. Do đó, “Mình” chỉ toàn bộ cuộc sống. Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta cả cuộc đời của Người như một hồng ân, từ giây phút đầu tiên khi nhập thể cho đến giây phút cuối cùng, với tất cả những gì cụ thể lấp đầy cuộc sống đó: thinh lặng, đổ mồ hôi, vất vả, cầu nguyện, đấu tranh, sỉ nhục. …
Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Này là Máu Thầy”. Ngài thêm gì với từ “Máu” nếu Ngài đã cho chúng ta cả cuộc đời trong cơ thể mình? Thưa: Ngài thêm cái chết! Sau khi cho chúng ta sự sống, Ngài cũng cho chúng ta phần quý giá nhất là cái chết của Người. Trên thực tế, thuật ngữ “Máu” trong Kinh Thánh không chỉ một bộ phận của cơ thể, nghĩa là một bộ phận của một người; nhưng chỉ ra một biến cố: là cái chết. Nếu máu là tâm điểm của sự sống (như người ta đã nghĩ như vậy), thì sự “đổ ra” của nó là dấu chỉ mềm dẻo của cái chết. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của Mình và Máu Chúa, tức là sự sống và sự chết của Chúa!
Bây giờ, đến lượt chúng ta, chúng ta dâng lên những gì, khi dâng mình và máu mình, cùng với Chúa Giêsu, trong Thánh lễ? Chúng ta cũng dâng lên những gì Chúa Giêsu đã dâng: sự sống và cái chết. Với từ “Mình”, chúng ta cho tất cả những gì cụ thể cấu thành nên cuộc sống của chúng ta trên thế giới này: thời gian, sức khỏe, năng lượng, kỹ năng, tình cảm, kể cả những nụ cười. Với từ “Máu”, chúng ta cũng thể hiện sự trao ban cái chết của mình. Không nhất thiết phải là cái chết dứt khoát, tử đạo cho Chúa Kitô hay cho anh em. Tất cả những gì trong chúng ta, ngay bây giờ, chuẩn bị và lường trước cái chết: tủi nhục, thất bại, bệnh tật nằm bất động, những hạn chế do tuổi tác, sức khỏe, tất cả những điều đó, nói một cách dễ hiểu, “hành hạ” chúng ta.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta, ngay khi bước ra khỏi Thánh lễ, cố gắng hết sức để nhận ra những gì chúng ta đã nói; rằng chúng ta thực sự cố gắng, với tất cả những giới hạn của mình, để cống hiến cho những người khác và những anh chị em của chúng ta “Mình” của chúng ta, đó là thời gian, năng lượng, sự chú ý; nói tắt một lời là cuộc sống của chúng ta. Do đó, điều cần thiết là, sau khi đã nói: “Hãy cầm lấy mà ăn”, chúng ta thực sự để mình “bị ăn” và trên hết là để mình bị ăn thịt bởi những người không làm điều đó với tất cả sự tế nhị và ân sủng mà chúng ta mong đợi. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, đi đến Rôma để chết ở đó như một vị tử đạo, đã viết: “Tôi là lúa mì của Chúa Kitô: xin cho tôi được nhai từ răng của các loài thú, để trở nên bánh tinh khiết cho Chúa”. Mỗi người trong chúng ta, nếu bạn quan sát kỹ xung quanh, đều có những cái răng nhọn hoắt để nhai: đó là sự chỉ trích, tương phản, đối lập che đậy hay công khai, sự khác biệt về quan điểm với những người xung quanh, sự đa dạng về tính cách.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cử hành Thánh lễ với sự tham dự cá nhân này, nếu tất cả chúng ta thực sự nói, vào lúc truyền phép, một số nói to và một số im lặng, tùy theo mục vụ của mỗi người: “Hãy cầm lấy mà ăn”. Một linh mục quản xứ và thậm chí hơn thế nữa, một giám mục, cử hành thánh lễ của mình theo cách này, sau đó tiến hành: cầu nguyện, rao giảng, giải tội, tiếp dân, thăm bệnh, lắng nghe, giảng dạy… Ngày của ngài cũng là Bí tích Thánh Thể. Một thầy tâm linh vĩ đại người Pháp, Pierre Olivaint (1816-1871), từng nói: “Vào buổi sáng, trong Thánh lễ, tôi là tư tế và Chúa Giêsu là của lễ; suốt ngày, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là của lễ”. Như thế, một linh mục bắt chước “Người Mục Tử nhân lành”, bởi vì anh ta thực sự hiến mạng sống của mình cho đàn chiên của mình.
Chữ ký của chúng ta trên món quà
Tôi muốn tóm tắt lại, với sự giúp đỡ của một ví dụ con người, điều gì xảy ra trong việc cử hành Thánh Thể. Hãy nghĩ về một gia đình lớn, trong đó có một người con trai, con trai đầu lòng, người rất ngưỡng mộ và yêu thương cha mình. Nhân ngày sinh nhật của ông, anh ấy muốn tặng cho bố mình một món quà quý giá. Tuy nhiên, trước khi đưa nó cho ông, anh đã bí mật yêu cầu tất cả các anh chị em của mình ghi chữ ký của họ vào món quà. Do đó, điều này đến trong tay người cha như một dấu hiệu của tình yêu thương của tất cả những người con của mình, không có sự phân biệt, ngay cả khi trên thực tế, chỉ có một người đã phải trả giá cho điều đó.
Đây là điều xảy ra trong hy tế Thánh Thể. Chúa Giêsu vô cùng ngưỡng mộ và yêu mến Cha Trên Trời. Ngài muốn tặng Chúa Cha mỗi ngày, cho đến tận thế, món quà quý giá nhất mà người ta có thể nghĩ đến, đó là cuộc đời của chính Người. Trong thánh lễ, Ngài mời gọi tất cả anh chị em của mình ghi chữ ký của mình lên món quà, để món quà ấy đến với Thiên Chúa là Cha như món quà không thể tách rời của tất cả con cái của ngài, dù chỉ một người đã trả giá cho món quà này. Và giá ấy to lớn dường nào!
Chữ ký của chúng ta là một vài giọt nước được trộn với rượu trong chén. Chúng không là gì khác ngoài nước, nhưng được trộn trong ly, chúng trở thành một thức uống duy nhất. Chữ ký của tất cả mọi người là tiếng Amen trang trọng mà cộng đoàn đáp, hoặc hát, ở cuối bài tụng ca: “Nhờ Người, với Người và trong Người, Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”. “AMEN!”
Chúng ta biết rằng những người đã ký cam kết sau đó có nghĩa vụ tôn trọng chữ ký của họ. Điều này có nghĩa là, khi rời Thánh lễ, chúng ta cũng phải làm cho cuộc sống của mình trở thành một món quà của tình yêu đối với Cha vì lợi ích của anh chị em chúng ta. Tôi xin nhắc lại, chúng ta không chỉ được mời gọi để cử hành Bí tích Thánh Thể, mà còn là biến mình thành Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng ta điều này!
1. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thư gửi dân thành Magnesia, 10,3.
2. Joseph Ratzinger (Bênêđíctô XVI), Chúa Giêsu thành Nazareth, Phần II: Tuần Thánh: Từ Lối vào Giêrusalem đến sự Phục sinh (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 311, và xem tất cả ch. 5, trang 103-144. Xem thêm Louis Bouyer, Thánh Thể: Thần học và Tâm linh của Cầu nguyện Thánh Thể (1966; Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1989).
3. Thánh Augustinô, Tự Thú, X, 43
4. R. Girard, Des choses cachées depuis la fondation du monde, Grasset, Paris 1978.
5. Thánh Augustinô, De civitate Dei,, X, 6.
6. Conchita. Nhật ký tâm linh của một người mẹ, nhuận sắc bởi M.-M. Philipon, New York, Nhà Alba 1978, tr. 87.
7. Lumen gentium, 10-11.
8. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thư gửi người Rôma, 4,1.
Hôm 14 tháng 3 năm 2022, tại Vatican, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Latvia, Edgars Rinkēvičs, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô để thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại hiện nay, đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, và tác động của nó đối với tình hình an ninh trong khu vực và trên toàn Âu Châu.
“Edgars Rinkēvičs bày tỏ lời cảm ơn tới Giáo Hội Công Giáo Rôma và Đức Giáo Hoàng vì sự ủng hộ mạnh mẽ và có nguyên tắc đối với Ukraine và người dân Ukraine. Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực phải được thực hiện để cộng đồng quốc tế có thể bảo đảm viện trợ nhân đạo cho người dân ở Ukraine.”
Ngoại trưởng cũng cảm ơn Tòa thánh vì lập trường kiên định không công nhận việc sáp nhập Latvia vào Liên Xô. Năm 2022 cũng là kỷ niệm một trăm năm kể từ khi ký kết và có hiệu lực của một công ước giữa Cộng hòa Latvia và Tòa thánh.
“Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại với sự ấm áp về chuyến thăm của ngài tới Latvia vào năm 2018 và ngài khen ngợi thực tế rằng xã hội ở Latvia có thể sống trong hòa bình và hòa hợp giữa các quốc gia”
Ngày 13 tháng 3 đánh dấu chín năm kể từ khi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio của Á Căn Đình được bầu làm Giáo hoàng, lấy tên là Phanxicô.
Source:.lsm.lv
Đức Hồng Y Vincent Nichols đã tấn phong cựu Giám mục Anh Giáo của Ebbsfleet, là Đức Cha Jonathan Goodall lên hàng linh mục Công Giáo. Hơn 20 linh mục đã đồng tế trong thánh lễ.
Trong đoàn đồng tế còn có Đức Cha Kenneth Nowakowski, Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Anh. Ngài được mời đến khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục hoành hành để cùng cộng đoàn cầu nguyện cho hòa bình và chấm dứt các hành động thù địch gây ra bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Đức Cha Jonathan Goodall là một trong hai vị Giám Mục Anh Giáo quyết định gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Các động thái này diễn ra sau khi Giáo Hội Công Giáo đón nhận hai vị Giám Mục Anh Giáo là Michael Nazir-Ali và Peter Forster.
Các giám mục Anh giáo mới nhất quyết định “bơi qua sông Tiber” là Jonathan Goodall, người từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet, trong tám năm, và John Goddard, cựu giám mục của Burnley. Cả hai đều là đã kết hôn và được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cụm từ “swim the Tiber” hay “bơi qua sông Tiber” là cách nói bóng bẩy để chỉ việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tiber là con sông bao quanh Rôma.
“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” Đức Cha Goodall cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tổng Giám mục Canterbury.
“Cuộc sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tư cách môn đệ của tôi với tư cách là một Kitô hữu trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên - và trong nửa cuộc đời tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục - ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Kitô. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì đức tin đó. Tôi mong tất cả anh chị em hãy tin rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói đồng ý với lời kêu gọi và lời mời hiện tại của Thiên Chúa, chứ không phải từ chối những gì tôi đã biết và kinh nghiệm trong Giáo hội Anh, là điều mà tôi mang ơn rất sâu sắc.”
Vợ của Đức Cha Goodall, là bà Sarah, cũng quyết định theo đạo Công Giáo.
Giáo phận Ebbsfleet được thành lập vào năm 1994 để phục vụ các giáo xứ Anh giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Một giám mục khác của Ebbsfleet, Andrew Burnham, cũng đã trở thành một người Công Giáo trước đây, khi từ chức vào năm 2010 để cùng với những cựu thành viên Anh giáo khác tham gia vào Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.
Tổng giám mục của Canterbury Justin Welby cho biết trong tuyên bố trên trang web của mình rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Goodall “với sự hối tiếc.”
“Tôi vô cùng biết ơn Đức Cha Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài và Sarah, cho cả chức vụ trong tương lai của ngài và hướng đi họ đang được kêu gọi trong cuộc hành trình liên tục phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.
Sau lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Westminster của Công Giáo vào ngày 12 tháng 3, Cha Goodall sẽ phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ của giáo xứ Thánh William thành York ở Stanmore trong Tổng giáo phận Westminster và ở quận Harrow phía bắc London.
Cha Goddard hy vọng sẽ được bổ nhiệm vào một giáo xứ trong Tổng giáo phận Liverpool sau khi ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Tom Williams của Liverpool tấn phong trong một buổi lễ ngày 2 tháng 4 tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool.
Ngài nói với tờ Catholic Herald rằng: “Tôi không có niềm vui nàolớn hơn trong cuộc sống là được phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ. Đó có lẽ là món quà lớn nhất đối với một linh mục.”
Năm ngoái, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, Michael Nazir-Ali, và cựu Giám mục của Chester, Peter Forster, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2019, Giám Mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của Nữ hoàng và là giám mục Anh giáo truyền thống, đã trở thành một người Công Giáo.
Source:cbcew.org.uk
Đức Hồng Y George Pell đã kêu gọi Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, công khai khiển trách hai giám mục cao cấp nhất của Âu Châu vì những gì ngài gọi là “sự bác bỏ hoàn toàn và thẳng thừng” giáo huấn về đạo đức tình dục của Giáo Hội.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15 tháng 3, Đức Hồng Y Pell đã yêu cầu CDF “can thiệp và đưa ra tuyên bố phán quyết” đối với những nhận xét của Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị, và Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.
Đức Hồng Y Pell đã đưa ra yêu cầu này vài ngày trước đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho cơ quan truyền hình Công Giáo Đức K-TV vào ngày 11 tháng Ba.
Hồng Y Hollerich, Dòng Tên, Tổng Giám Mục Luxembourg và Giám mục Bätzing của Limburg đều đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đồng tính trong các cuộc phỏng vấn gần đây.
Tháng trước, Hồng Y Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị kéo dài đến tháng 10 năm sau, đã tuyên bố rằng giáo huấn của Giáo Hội như hiện tại là “sai lầm” và rằng “nền tảng xã hội học-khoa học” của giáo huấn đó, dựa trên điều mà “người ta từng lên án như tội lỗi kê gian”, không còn đúng nữa.
Giám mục Bätzing lập luận trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 3 rằng các mối quan hệ đồng giới là được phép và không phải là tội lỗi và Sách Giáo lý nên được thay đổi một phần để phản ánh điều này.
Hai vị giám chức cũng tuyên bố sẽ không sa thải bất kỳ linh mục hay giáo dân đồng tính nào khỏi các cơ quan trong giáo phận của họ. Giám mục Bätzing nói: “Không ai phải sợ mất việc làm của mình” vì lý do đồng tính luyến ái. “Làm thế nào một người sống cuộc sống thân mật cá nhân của họ không phải là việc của tôi.”
Đức Hồng Y Pell nói rằng sự dạy dỗ như vậy là “sai lầm”, vì nó “không chỉ bác bỏ các tín lý Do Thái - Kitô Giáo chống lại hoạt động tình dục đồng giới, mà còn làm suy yếu và bác bỏ giáo huấn về hôn nhân một vợ một chồng, là sự kết hợp độc quyền của một người nam và một người nữ.”
Vị Hồng Y người Úc cho biết ngài nhận ra những thách thức phải đối mặt bởi số lượng tín hữu ngày càng giảm ở các nước nói tiếng Đức và những nơi khác, nhưng nói thêm rằng phản ứng duy nhất có thể là “tái khám phá những lời hứa của Chúa Giêsu” và đón nhận mạnh mẽ hơn “kho tàng đức tin không phai nhạt”.
Ngài nhấn mạnh rằng giải pháp là “đừng chạy theo các mệnh lệnh đang thay đổi của nền văn hóa thế tục đương thời. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã chỉ ra nhiều năm trước, đó là con đường dẫn đến sự tự hủy hoại của Giáo hội.”
Source:National Catholic Register
Theo tờ The Pillar, sau nhiều năm mong đợi, hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành kế hoạch tái cấu trúc Giáo triều Rôma, tức các cơ quan và định chế hành chính trung ương chịu trách nhiệm hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong việc lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, và thường được gọi là Vatican.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết vào ngày 19 tháng 3 rằng các cải cách của ngài nhằm đảm bảo để các văn phòng của giáo triều phục vụ nhu cầu của các giám mục giáo phận và sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng, và nhấn mạnh “tính minh bạch và hành động phối hợp” – vốn là những câu trả lời sắc cạnh cho mối quan tâm lâu nay của Đức Giáo Hoàng đối với việc các văn phòng của Vatican xem ra có tính lãnh thổ, mờ đục và không linh hoạt.
Các qui tắc này, được công bố trong tông hiến Praedicate evangelium, giao nhiệm vụ cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh việc phối trí hành chính, đồng thời cải tổ lớn và kết hợp các văn phòng liên hệ nhưng vốn độc lập lâu nay. Chính Đức Thánh Cha đảm nhận trách nhiệm đối với các bộ phận truyền giáo và truyền giảng Tin mừng của Giáo triều Rôma, đồng thời nâng cao địa vị của vị phát chẩn, người phối hợp các công việc bác ái của Vatican.
Bản văn này cũng tuyên bố trực tiếp rằng giáo dân có thể giám sát một số văn phòng, hoặc bộ sở, của Giáo triều, trong khi giới hạn đặc quyền đó tùy theo thẩm quyền và trách nhiệm của chính văn phòng đó.
Nhưng trong khi báo chí cho rằng Praedicate evangelium làm nổi bật “tính bình đẳng pháp lý” của tất cả các cơ quan của Vatican, thì khái niệm này thực sự được vay mượn từ Pastor Bonus, tông hiến năm 1988 mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thay thế.
Việc công bố Praedicate evangelium vào ngày 19 tháng 3 của Đức Giáo Hoàng đã gây bất ngờ cho hầu hết những người theo dõi Vatican, dù việc ban hành bản văn này đã được mong đợi hầu suốt triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, bắt đầu từ năm 2013.
Các quy tắc được công bố hôm thứ Bảy được đưa ra sau khi các bản dự thảo lưu hành trước đó gợi ý một loạt các thay đổi mạnh mẽ hơn so với những thay đổi cuối cùng đã được Đức Phanxicô lựa chọn - các bản dự thảo trước đó cho thấy vai trò của Quốc vụ khanh cao hơn nhiều so với vai trò mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cuối cùng đã quyết định, cùng với nhiều thay đổi được đề nghị trước đây nhưng không có trong bản văn sau cùng này, như đề xuất trước đây dành nhiều thẩm quyền giảng dạy tín lý cho các hội đồng giám mục quốc gia hoặc khu vực chẳng hạn.
Về mặt cấu trúc, bản văn mô tả một Vatican trong đó Phủ Quốc Vụ Khanh, mà trong Bản văn cũng gọi là Văn Phòng Thư Ký Của Đức Giáo Hoàng (Papal Secretariat), được trao cho vai trò phối hợp các dự án và sáng kiến liên cơ quan của Vatican.
Đức Giáo Hoàng định nghĩa lại thuật ngữ “dicastery” [tổng bộ] - trong khi trước đây vốn là một thuật ngữ chung để chỉ một số loại văn phòng của Vatican, Praedicate evangelium đã tinh chỉnh thuật ngữ này, sử dụng nó theo nghĩa hạn chế để mô tả các văn phòng Vatican trước đây được gọi là “thánh bộ” [congregations] - các văn phòng hành chính trung ương với các nhiệm vụ quản trị các lĩnh vực đặc thù như giáo dục hoặc tín lý, và trong đó các Hồng Y tạo thành một loại hội đồng giám sát công việc của họ.
Chẳng hạn, Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đã được đổi tên thành Tổng Bộ [Dicastery] Giáo lý Đức tin, và Bộ Giáo dục Công Giáo, nay được hợp nhất với Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, trở thành Tổng Bộ [Dicastery] Văn hóa và Giáo dục.
Vai trò của Tổng Bộ Giáo lý Đức tin hiện nay được sửa đổi theo các quy định mới của Vatican. Trong khi thánh bộ này trước đây có trách nhiệm phê duyệt các bản văn của Vatican, từ bất cứ bộ phận nào liên quan đến đức tin và đạo đức, Tổng bộ hiện nay phải được hỏi ý kiến về những vấn đề đó, và được giao nhiệm vụ thực hiện một quá trình hợp tác và thực hành hơn trong việc làm việc với các bộ phận khác của Vatican, khi các nhiệm vụ được phát triển.
Trong số những phát triển đáng kể là sự kết hợp của một số văn phòng Vatican tập trung vào việc phúc âm hóa thành một tổng bộ lớn mà về phương diện kỹ thuật sẽ do chính Đức Giáo Hoàng đứng đầu.
Tổng Bộ Phúc âm hóa kết hợp Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, cơ quan vốn quản lý việc điều hành của Giáo hội trong các lãnh thổ truyền giáo, với Hội đồng Giáo hoàng về việc Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, một văn phòng được phát động dưới thời Giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI. Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, được biết đến với cái tên “Truyền bá Đức Tin” (propaganda Fide), có phạm vi quản lý rộng rãi bao gồm nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, và là một trong những thánh bộ giàu có và có ảnh hưởng nhất của Vatican.
Bản văn thiết lập Tổng Bộ mới cho Dịch vụ Bác ái không có song hành nào trong Pastor Bonus.
Văn phòng mới, một cơ sở sẽ do vị phát chẩn của Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Konrad Krajewski đứng đầu, “là một biểu hiện đặc biệt của lòng thương xót và, khởi đi từ chính sách ưu tiên chọn người nghèo, người dễ bị tổn thương và người bị loại trừ, thực hiện công việc hỗ trợ và giúp đỡ ở mọi nơi trên thế giới, đối với những người này nhân danh Giám Mục Rôma, vị trong những trường hợp nghèo đói đặc biệt hoặc cần thiết khác sẽ đích thân giàn xếp việc giúp đỡ để phân bổ đến họ".
Phương thức của Đức Giáo Hoàng đối với ủy ban bảo vệ trẻ em bị lạm dụng đã gây ra phản ứng gay gắt từ một số người ủng hộ việc bảo vệ trẻ em.
Thay vì hiện hữu với tư cách là một cơ quan độc lập của Vatican, Ủy ban Giáo hoàng về việc Bảo vệ Các Vị thành niên hiện nằm trong khuôn khổ của Tổng bộ Giáo lý Đức tin, mà bộ phận kỷ luật cũng có trách nhiệm xét xử các cáo buộc hành vi sai trái nghiêm trọng về tình dục.
Người Ái Nhĩ Lan ủng hộ những người sống sót và nạn nhân bị lạm dụng, là Marie Collins, người đã từ chức ủy ban vào năm 2017 vì thất vọng với tốc độ cải cách của Vatican, đã tweet vào ngày 19 tháng 3 rằng ủy ban “giờ đây đã chính thức mất đi vẻ ngoài độc lập”.
Không rõ mối liên hệ chức năng giữa Tổng Bộ Giáo lý Đức tin và ủy ban thực sự sẽ như thế nào, hay liệu sự thay đổi chỉ đơn giản là một phần trong cố gắng tổng thể nhằm định vị các ủy ban tư vấn vào các văn phòng tổng bộ liên hệ, dường như chỉ để lập ngân sách, lập kế hoạch và đơn giản hóa Sơ đồ tổ chức.
Đáng chú ý, các cơ cấu tài chính của Tòa thánh được liệt kê tách biệt với các bộ sở của Giáo triều Rôma, trong một sự công nhận rõ ràng đối với địa vị riêng biệt của chúng trong bộ máy hành chính của Vatican. Và, có điều đáng chú ý là, các văn phòng tài chính dường như không chia sẻ kế hoạch đặt lại tên chung được áp dụng cho hầu hết các cơ quan khác của Vatican.
Hội đồng Kinh tế, theo luật vẫn phải do một Hồng Y đứng đầu, giữ quyền giám sát gần như tất cả các chính sách và vấn đề tài chính của Vatican. Văn phòng Kinh tế, giống như Phủ Quốc Vụ Khanh, được mô tả là “Văn phòng Thư ký của Đức Giáo Hoàng” [Papal Secretariat] về các vấn đề kinh tế và tài chính, với “quyền kiểm soát và giám sát” trong các vấn đề hành chính và tài chính của giáo triều, và với “quyền kiểm soát đặc biệt” đối với Qũy Đồng Xu Thánh Phêrô (Peter's Pence) và các quỹ giáo hoàng khác.
Tuy nhiên, trong một điểm cải tổ đáng chú ý khác liên quan tới nhiệm vụ của văn phòng, nó nay đơn thuần “cộng tác” với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cơ quan có “năng quyền độc hữu” đối với các vấn đề liên quan đến chức năng ngoại giao và bất cứ điều gì liên quan đến luật pháp quốc tế.
Văn phòng và hội đồng kinh tế cũng không mở rộng tới bất cứ điều gì được duy trì bởi bí mật nhà nước, mà hiện đang nằm dưới sự giám sát của Ủy ban về Các Vấn đề dành riêng, hiện do Đức Hồng Y nhiếp chính, Kevin Farrell, đứng đầu.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã coi việc cải cách tài chính của giáo triều Rôma là điều nền tảng trong triều đại giáo hoàng của ngài, nhưng nhiều nỗ lực cải cách ban đầu của ngài đã dẫn đến xung đột giữa Văn phòng Kinh tế, do Đức Hồng Y George Pell lãnh đạo đầu tiên, và Phủ Quốc Vụ Khanh.
Các cuộc đụng độ giữa hai bộ phận đó trong những năm gần đây bao gồm vụ mua bán tài sản ở London, một cuộc điều tra của Vatican dẫn đến việc buộc tội 10 cựu quan chức và cộng sự tại Phủ Quốc Vụ Khanh.
Những cải cách trước đây do Đức Phanxicô ban hành đã loại bỏ quyền kiểm soát tài sản và ngân quỹ của Giáo hội khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh, chuyển giao chúng cho APSA, tức cơ quan quản lý tài sản có chủ quyền của Tòa thánh hoặc đặt chúng dưới sự giám sát của Văn phòng Kinh tế. Chúng bao gồm các khoản tiền được sử dụng cho vụ nhà đất London năm 2018 hiện là tâm điểm của một phiên tòa hình sự ở Thành phố Vatican.
Tuy nhiên, phiên tòa hình sự ở Vatican cũng liên quan đến việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sử dụng ngân quỹ cho các hoạt động bí mật và các hành vi bị coi là gián điệp trong nội bộ Vatican, và các bị cáo trong những vụ này, Đức Hồng Y Angelo Becciu và Cecilia Marogna đã nại bí mật nhà nước để từ chối đưa ra bằng chứng trước tòa.
Dù Praedicate evangelium khẳng định rằng giáo dân có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong một số cơ quan của Vatican - một thông lệ đã bắt đầu trong những năm gần đây – bản văn không chỉ ra bất cứ tiêu chuẩn nào về việc trả công cho các chuyên gia được mời giữa các vai trò hành chính của Vatican. Những giáo dân thực sự làm việc trong các cơ quan của Vatican trong những năm gần đây đã đưa ra lời phàn nàn rằng Tòa thánh - đang đối đầu với những rắc rối lớn về ngân sách - không có khả năng trả mức lương đủ sống, và thang lương của họ phản ảnh hầu hết chỉ là lương thư ký, và họ buộc phải nhận thu nhập bổ sung từ giáo phận của họ hoặc các dòng tu.
Trong ba tháng tới, Vatican sẽ bắt đầu dự án lớn chuyển đổi tổ chức từ cơ cấu của Pastor bonus sang cơ cấu mới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành - quá trình chuyển đổi này dường như sẽ đòi hỏi mọi thứ từ tập trung hóa ngân sách, đánh giá tình trạng dư thừa nhân sự và thậm chí đặt hàng văn phòng phẩm mới để phản ánh các thay đổi về tên. Tông hiến mới có hiệu lực từ ngày 5 tháng 6.
Trưa 19 tháng 03 năm 2022, Phòng báo chí Toà Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Vinh-Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Chính tòa Ban Mê Thuột làm Giám mục Chính tòa giáo phận Hải phòng, đồng thời, kiêm Giám quản Tông tòa giáo phận Ban Mê Thuột “trống tòa và theo ý Toà Thánh”.
Giáo phận Hải Phòng đã trống Tòa từ khi Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội ngày 17 tháng 11 năm 2018.
TIỂU SỬ Đức Giám Mục VINH-SƠN NGUYỄN VĂN BẢN
Ngài sinh ngày 26 tháng 11 năm 1956, tại Tuy Hòa, Phú Yên
- Từ năm 1968 đến 1975: tu học tại chủng viện Qui Nhơn
- Từ năm 1975 đến 1988: học triết học và thần học ở phân khoa thần học II tại Tuy Phước, Bình Định, và ở trung tâm Mằng Lăng, Phú Yên
- Từ năm 1988 đến 1993: giúp mục vụ tại giáo xứ Tuy Hòa, Phú Yên
- Thụ phong linh mục tại Tuy Hòa ngày 16/09/1993, do Đức Giám Mục Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn
- Từ năm 1993 đến năm 1996: phó xứ Tuy Hòa
- Từ năm 1996 đến năm 2005: học tại Học Viện Công Giáo Paris (Pháp), thạc sĩ thần học Kinh Thánh và văn bằng cao cấp về Nghiên cứu Kinh Thánh (DSEB)
- Từ năm 2005 đến năm 2009: đặc trách đào tạo chủng sinh của giáo phận và dạy môn Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang
- Chuyên viên Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa 12 năm 2008 tại Rôma
- Ngày 21/02/2009: được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Ban Mê Thuột
- Ngày 12/05/2009: thụ phong giám mục tại nhà thờ Chánh tòa Ban Mê Thuột do Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể làm chủ phong, hai Đức cha Giuse Võ Đức Minh và Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri làm phụ phong
- Châm ngôn giám mục: Hãy bước theo Thần Khí (Spiritu ambulate)
- Ngày 19/03/2022: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Hải Phòng, kiêm Giám quản Tông tòa giáo phận Ban Mê Thuột
Đức cha Vinh-Sơn Nguyễn Văn Bản đã và đang đảm nhiệm các trách vụ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam:
- Tại Đại hội lần thứ XI (4-8/10/2010) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Vinh-Sơn được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc và giữ trách vụ này đến năm 2019
- Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9 đến 4/10/2019), Đức Cha Vinh-Sơn được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
LTS: Bài đọc 1 CN III năm C trích sách Xuất Hành (Xh 3,1-8a.13-15), nói về Môisê diện kiến bụi gai bốc lửa mà không bị thiêu rụi. Hình ảnh dâng trào những cảm xúc. Xin được suy tư cùng bạn đọc.
Con như bụi gai
Lạc loài ghềnh núi,
Lửa trời đã tới
đốt cháy trong tim.
Im lìm,
Không tiêu tán,
Không phát sáng, gai vẫn là gai.
Chúa gọi lần hai
Tỉnh lay, xuyên thấu,
Đưa những tâm hồn như Môisê yêu dấu
Tới gần Chúa hơn.
Con vẫn ngạnh ương, gai không biến mất !
Lửa tình nơi phát xuất,
Biến đất thành linh thiêng.
Gai vẫn trơ nguyên, um tùm choán đất.
Môisê phủ sấp
Lãnh sứ mệnh ra đi
Gậy trong tay làm bao dấu lạ kỳ.
Gai ở lại, lợm lỳ đeo bám !
Trải dài năm tháng
Gai vẫn là gai,
Thần trí kêu nài
Lửa sao không huỷ?
Đức Kitô đến
Gai vẫn um tùm.
Hạt giống Tin Mừng
Bị gai bóp nghẹt.
Chúa ra đi hiến thân chịu chết
Mão đội đầu lại cũng kết bằng gai.
Con còn biết ngỏ cùng ai
Chúa sao không huỷ bụi gai bạc tình?
Chúa đã dạy con từ bỏ mình
Con còn tiếc nuối những nhục vinh
Bụi gai nhờ đó càng thêm rậm
Con hiểu từ đây phải hành trình.
Con như bụi gai,
Lạc loài ghềnh núi.
Chúa không xử tội
Con nguyện THEO NGÀI./.
Lm Phêrô Hồng Phúc.
(Chút cảm nhận về Thánh Cả Giuse, ban trăm năm Đức Maria)
Giuse thời Cựu Ước,
Con bà vợ hai của Giacop, bị anh em ruồng bỏ bán sang Ai Cập...
Và Chúa đã dun dủi,
Khiến ông trở thành vị quan lớn quyền uy.
Để lúc Ai Cập, và cả Israel trong thời đói khát lâm nguy,
Ai “đến với Giuse” sẽ được ngài ra tay cứu giúp !
Lại cũng một Giuse
“Anh chồng hờ thầm lặng” của thời Tân ước,
Nhân vật cuối cùng
trong chiếc thang dòng tộc Đavít kể từ Abraham (1)
Hay người đầu tiên,
trong bảng Phả Hệ ngược dòng về Ađam (2),
Nhưng trên tất cả,
“Bạn đời” của Đức Maria, Mẹ Đấng Emmanuel Cứu Thế !
Nếu “hoa hồng”, biểu tượng của tình yêu diễm lệ,
Nếu “Cây trúc”, biểu trưng của người quân tử Phương Đông,
Thì hoa huệ,
Dấu chỉ của một tâm hồn khiết tịnh trinh trong,
Nên Giuse Tân ước,
Thường được gắn trên tay một cành hoa huệ trắng !
Dù cho sách “Ngụy Thư” đã kể,
“Chiếc gậy trổ hoa”
hay “chim bồ câu đậu trên đầu” (3)… chàng Giuse thầm lặng,
Để tuyên xưng huyền nhiệm trinh thai của Mẹ Chúa Trời,
Thì Giuse suốt hai ngàn năm vẫn tỏa sáng rạng ngời,
Trong cuộc sống chứng nhân một đời “Công Chính”.
Giuse Công chính khi quyết chọn Luật Cha là “thánh lịnh”,
Để một đời nghiêm cẩn từng chữ từng câu !
Giuse Công chính
Từ độ thanh xuân cho đế thuở bạc đầu,
Kính vợ thương con trọn tấm lòng bao dung khả ái.
Giuse Công chính khi một đời yên lặng
Để lắng nghe lời phán dạy nhiệm mầu vĩ đại,
Để âm thầm khiêm hạ mà vâng phục tin yêu.
Dẫn mang phận “chồng hờ”, “cha ghẻ”… chẳng sao !
Miễn “thánh ý nhiệm mầu” trên cao vuông tròn thể hiện !
Đã mấy ngàn năm,
Người ta nhắc mãi chuyện “anh chồng hờ thầm lặng”,
Hay chuyện “Người Công chính”, “bác phó mộc Giuse”…
Vâng, chuyện “Trái tim người cha” – Patris Corde,
Cho dẫu ngài chẳng để lại tiếng nào,
Trong bốn Tin Mừng hay cả ngàn trang Tân ước !
Xin dâng về ngài,
Kính mừng Thánh Cả Giuse, đấng dư đầy ơn phước,
Lời tôn vinh, câu chúc tụng ngợi khen.
Giũa biển đời đang bão bùng, u ám, mây đen…
Một lần nữa,
Xin bảo bọc, chở che, giữ gìn… hỡi “người cha công chính” !
Sơn ca Linh (19.3.2022)
1. Quân đội Nga sa sút tinh thần được tường thuật là tự bắn vào chân mình để tránh giao tranh
Tinh thần của các lực lượng Nga xâm lược xuống thấp đến mức các binh sĩ được tường thuật là đã tự bắn vào chân mình để tránh giao tranh - sử dụng đạn của Ukraine để có vẻ như họ đã bị quân phòng thủ bắn trúng.
Quân đội Nga đã được tường trình rộng rãi là đã mất tinh thần trong cuộc xâm lược, mà cho đến nay đã khiến 14,000 binh sĩ Nga mất mạng, theo ước tính mới nhất của chính quyền Ukraine.
Trong một cuộc trò chuyện giữa những người lính bị chặn bởi cơ quan truyền thông Belarus NEXTA, một người Nga nói, “Họ đã bắn chúng tôi trong 14 ngày. Chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi đang ăn cắp thực phẩm, đột nhập vào nhà. Chúng tôi đang giết hại dân thường,” tờ Sun của Hoa Kỳ đưa tin.
Các binh sĩ Nga được cho là đã sử dụng đạn của Ukraine để tự bắn vào chân mình để tránh giao tranh.
“Các binh sĩ Nga tự bắn vào chân để được về nhà. Có những xác chết ở khắp mọi nơi,” anh ta nói tiếp.
Một người lính khác được nghe nói rằng đồng đội của anh ta đang “tìm đạn dược của Ukraine để tự bắn vào chân và đến bệnh viện.”
Theo báo cáo: Những kẻ đào ngũ phải đối mặt với sự trừng phạt khắc nghiệt ở quê hương, vì vậy việc sử dụng vũ khí và đạn của Ukraine làm cho vết thương do họ tự gây ra giống như vết thương trên chiến trường.
Tờ Mirror đưa tin: Một người lính gọi về nhà cho mẹ được nghe thấy trong một đoạn âm thanh bị chặn nói rằng những người lính vỡ mộng đang sử dụng đạn 7.62mm do kẻ thù bắn chứ không phải 5.62mm do súng trường tấn công AK-47 của chính họ bắn.
Các binh sĩ Nga bị bắt đã được xuất hiện trên video khóc nức nở khi họ xin lỗi vì đã giết hại dân thường Ukraine, bao gồm cả trẻ em - và thừa nhận rằng cuộc xâm lược do Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh là một “sai lầm khủng khiếp”.
Tuy nhiên, các cảnh quay về những binh lính bị bắt đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Ukraine có đang vi phạm Công ước Geneva, vốn quy định các biện pháp bảo vệ tù binh.
2. Xung đột Ukraine: Putin đưa ra yêu cầu của mình trong cuộc điện thoại Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định quan điểm của mình một cách hết sức cẩn trọng khi trở thành người trung gian giữa với Nga và Ukraine - và điều này dường như đang được đền đáp.
Tổng thống Vladimir Putin đã gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan và nói với ông những yêu cầu chính xác của Nga đối với một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Trong vòng nửa giờ sau khi kết thúc cuộc điện thoại, BBC đã phỏng vấn người phát ngôn và cố vấn hàng đầu của ông Erdogan, là Ibrahim Kalin. Ông Kalin là một phần của nhóm nhỏ các quan chức đã lắng nghe cuộc gọi.
Theo Ông Kalin, các yêu cầu của Nga được chia thành hai loại.
Bốn yêu cầu đầu tiên không quá khó để Ukraine đáp ứng.
Đứng đầu trong số đó là sự chấp nhận của Ukraine rằng nước này phải trung lập và không được xin gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận điều này.
Có những yêu cầu khác trong danh mục này mà hầu hết dường như là các yếu tố nhằm bảo vệ thể diện cho phía Nga.
Ukraine sẽ phải trải qua một quá trình giải trừ quân bị để bảo đảm nước này không phải là mối đe dọa đối với Nga. Sẽ phải có sự bảo vệ đối với tiếng Nga ở Ukraine. Và có một thứ gọi là loại bỏ ý thức hệ quốc xã.
Việc loại bỏ ý thức hệ quốc xã gây xúc phạm sâu sắc đối với ông Zelensky. Bản thân ông là người Do Thái và một số người thân của ông đã chết trong Holocaust, nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông Zelensky sẽ dễ dàng chấp nhận. Có lẽ chỉ cần Ukraine lên án tất cả các hình thức của chủ nghĩa tân phát xít và hứa sẽ kiểm soát chúng.
Loại thứ hai là khó khăn nhất, và trong cuộc điện đàm, ông Putin nói rằng sẽ cần các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông và Tổng thống Zelensky trước khi có thể đạt được thỏa thuận về những điểm này. Ông Zelensky đã nói rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Nga và đàm phán tay đôi với ông ấy.
Ông Kalin không nói cụ thể hơn về những vấn đề này, chỉ nói đơn giản rằng chúng liên quan đến tình trạng của Donbas, ở miền đông Ukraine, những phần đã tách khỏi Ukraine và nhấn mạnh đến tính chất Nga của những miền này cũng như tình trạng của Crimea.
Mặc dù ông Kalin không nói chi tiết, nhưng có giả thiết là Nga sẽ yêu cầu chính phủ Ukraine từ bỏ lãnh thổ ở miền đông Ukraine. Điều đó sẽ gây tranh cãi sâu sắc.
Giả thiết khác là Nga sẽ yêu cầu Ukraine phải chính thức chấp nhận Crimea mà Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là một viên thuốc đắng cho Ukraine.
Tuy nhiên, các yêu cầu của Tổng thống Putin không quá khắc nghiệt như một số người lo ngại và chúng dường như không xứng đáng với tất cả bạo lực, đổ máu và tàn phá mà Nga đã gây ra đối với Ukraine.
Với sự kiểm soát nặng nề của mình đối với các phương tiện truyền thông Nga, không quá khó để Putin và các đệ tử của mình rêu rao rằng tất cả những điều này như một chiến thắng lớn.
Tuy nhiên, đối với Ukraine, sẽ có những lo lắng nghiêm trọng.
Nếu các chi tiết nhỏ của bất kỳ thỏa thuận nào không được giải quyết một cách cẩn thận, Putin hoặc những người kế nhiệm ông luôn có thể sử dụng chúng như một cái cớ để xâm lược Ukraine một lần nữa.
Một thỏa thuận hòa bình có thể mất nhiều thời gian để giải quyết. Ukraine đã phải gánh chịu hậu quả kinh hoàng trong vài tuần qua, và việc xây dựng lại các thị trấn và thành phố mà Nga đã làm hư hại và phá hủy sẽ mất nhiều thời gian.
Bản thân Vladimir Putin thì sao? Đã có những ý kiến cho rằng ông ta lâm vào tình trạng tâm thần không cân bằng. Tuy nhiên, Ông Kalin nói ông không nhận ra các dấu hiệu của một người đã hóa điên nơi Putin.
Dù sao, ngay cả khi Putin cố gắng trình bày một thỏa thuận với Ukraine như một chiến thắng vẻ vang trước chủ nghĩa phát xít mới, thì vị thế của ông ta ở quê nhà vẫn đang suy yếu trầm trọng. Nhiều nhà tài phiệt Nga đang cố gắng loại bỏ Putin, kể cả bằng các giải pháp bạo lực.
https://www.bbc.com/news/world-europe-60785754
3. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken khẳng định Puatin đã phạm 'tội ác chiến tranh' ở Ukraine
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết Washington sẽ bảo đảm 'trách nhiệm giải trình và hậu quả' đối với các hành vi tội ác của Nga tại Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, lặp lại bình luận của Tổng thống Joe Biden, người đã gán cho Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh”.
Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Năm, ông Blinken cho biết các chuyên gia của Bộ Ngoại giao đang trong quá trình lập hồ sơ và đánh giá các tội ác chiến tranh ở Ukraine để giúp các nỗ lực quốc tế hướng tới trách nhiệm giải trình, nhưng ông nói rõ ràng là Nga đã và đang có hành vi tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột.
“Hôm qua, Tổng thống Biden nói rằng - theo quan điểm của ông ấy - tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý,” Ngoại trưởng Blinken nói với các phóng viên.
“Cố ý nhắm vào dân thường là một tội ác chiến tranh. Sau tất cả sự hủy diệt trong ba tuần qua, tôi thấy rất khó để kết luận rằng người Nga đang làm khác”.
Tổng thống Biden đã khiến Điện Cẩm Linh tức giận vào hôm thứ Tư khi ông gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” - một bình luận mà Mạc Tư Khoa quở trách là “luận điệu không thể chấp nhận được và không thể tha thứ được”. Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ còn đi xa hơn khi mô tả Putin là một “nhà độc tài giết người” và “một tên côn đồ thuần túy”.
Trong khi đó, tại Bộ Ngoại giao, Blinken cam kết bảo đảm trách nhiệm giải trình cho các vụ lạm dụng ở Ukraine.
“Khi tôi nói với các bạn rằng sẽ có trách nhiệm và hậu quả đối với bất kỳ tội ác chiến tranh nào đã được thực hiện, tôi hy vọng các bạn sẽ lắng nghe tôi,” nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói với các phóng viên. “Nhưng hành động luôn lớn hơn lời nói.”
Nga đã tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 sau một tháng bế tắc kéo dài hàng tháng khi Mạc Tư Khoa tập trung quân đội gần biên giới Ukraine yêu cầu chấm dứt việc NATO mở rộng sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Theo Liên hợp quốc, cuộc chiến đã khiến hơn 3.1 triệu người phải rời khỏi Ukraine và các khu vực bị tàn phá trên khắp đất nước. Các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Kiev, đã tan hoang vì sự bắn phá và bao vây của Nga.
Hôm thứ Năm, các quan chức Ukraine cho biết một cuộc tấn công của Nga đã giết chết 21 người ở thị trấn Merefa bên ngoài thành phố Kharkiv ở phía đông đất nước. Trước đó một ngày, Ukraine cáo buộc lực lượng Nga đánh bom một nhà hát đang trú ẩn thường dân ở thành phố Mariupol, miền nam đang bị bao vây.
Ba tuần sau cuộc xâm lược, các quan chức Mỹ cho biết Nga tiếp tục đối mặt với những thất bại về quân sự và hậu cần trong chiến dịch của mình trong bối cảnh Ukraine kháng cự dữ dội.
Ngoại trưởng Blinken cho biết hôm thứ Năm rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công hóa học để leo thang chiến tranh, và lưu ý rằng Washington đã dự đoán chính xác các tuần trước khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Ngoại trưởng Blinken nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin rằng Mạc Tư Khoa có thể đang tạo tiền đề để sử dụng vũ khí hóa học và sau đó đổ lỗi cho Ukraine để biện minh cho việc leo thang các cuộc tấn công nhằm vào người dân Ukraine.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cho biết Washington tin rằng Mạc Tư Khoa sẽ đưa lính đánh thuê từ nước ngoài đến để chiến đấu trong cuộc xung đột. Ông nói thêm rằng Nga sẽ bắt cóc “một cách có hệ thống” các quan chức địa phương của Ukraine để thay thế họ “bằng những con rối”.
Mỹ và các đồng minh đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với nền kinh tế Nga, cũng như các hình phạt tài chính đối với Putin và giới tinh hoa trong nội bộ của ông sau cuộc xâm lược.
Washington cũng đã tăng cường hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Kiev. Sau khi ký ngân sách Mỹ hỗ trợ 13.6 tỷ USD cho Ukraine, tổng thống Biden đã thông báo viện trợ quân sự bổ sung 800 triệu Mỹ Kim cho nước này trong tuần này.
Hôm thứ Năm, Blinken kêu gọi “tất cả các quốc gia” sử dụng bất kỳ đòn bẩy nào mà họ có thể có với Nga để giúp kết thúc chiến tranh, đặc biệt ông chỉ ra Trung Quốc trong nhận xét của ông.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Đặc biệt, chúng tôi tin rằng Trung Quốc có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình với Putin và bảo vệ các quy tắc và nguyên tắc quốc tế mà nước này tuyên bố ủng hộ.
Trong tuần qua, các quan chức Mỹ đã đe dọa Trung Quốc về “hậu quả” nếu viện trợ cho Nga Ukraine trong bối cảnh báo chí đưa tin rằng Mạc Tư Khoa yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Bắc Kinh.
Trong các tuyên bố công khai, Trung Quốc đã ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh, nhưng nước này không lên án cuộc xâm lược. Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khi Đại hội đồng kêu gọi rút quân đội Nga khỏi Ukraine.
Trong khi ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để bảo đảm một lệnh ngừng bắn, Ngoại trưởng Blinken hôm thứ Năm cho biết Mạc Tư Khoa dường như không nghiêm túc về việc kết thúc chiến tranh.
Blinken nói: “Ngoại giao đòi hỏi cả hai bên tham gia một cách thiện chí để giảm leo thang và tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Putin đã sẵn sàng để dừng lại”.
Blinken cũng xác nhận rằng một công dân Mỹ đã bị giết ở Ukraine mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhiều lần khuyến cáo người Mỹ không nên đến Ukraine - bao gồm cả việc tình nguyện tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Nga - đồng thời kêu gọi các công dân Mỹ đã ở trong nước nên rời khỏi nước này ngay lập tức.
Các phương tiện truyền thông Mỹ xác định công dân Mỹ thiệt mạng ở Ukraine là Jimmy Hill, 68 tuổi.
Dẫn lời các thành viên trong gia đình của Hill, Fox News cho biết nhân viên xã hội đã thiệt mạng khi đang cố gắng tìm kiếm thức ăn ở thành phố Chernihiv.
Em gái của Hill, Cheryl Hill Gordon, đã viết trên Facebook rằng anh ấy đang chờ “trong một hàng bánh mì với một số người khác khi họ bị bắn hạ bởi các tay súng bắn tỉa của quân đội Nga”.
Cô ấy nói thêm, “Thi thể của anh ấy đã được cảnh sát địa phương tìm thấy trên đường phố.”
4. Tổng thống Zelenskyy cảm ơn Ý đã đề nghị xây dựng lại nhà hát Mariupol
Tổng thống Zelenskyy của Ukraine đã cảm ơn chính phủ Ý đã đề nghị xây dựng lại nhà hát ở phía nam thành phố Mariupol đã bị quân Nga ném bom.
Bộ trưởng Văn hóa Ý Dario Franceschini cho biết đất nước của ông đã sẵn sàng để tái thiết lại tòa nhà, đồng thời nói thêm rằng “các nhà hát của tất cả các quốc gia thuộc về toàn thể nhân loại”.
“Bạn đã nêu một tấm gương sáng để noi theo. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại Ukraine đến viên gạch cuối cùng”, Zelenskyy trả lời trên Twitter.
1. Nga tung ra các biện pháp trừng phạt đối với 13 người Mỹ, bao gồm Biden, con trai Hunter và Hillary Clinton
Hôm thứ Ba, Nga đã công bố các biện pháp trừng phạt chống lại những người Mỹ bao gồm Tổng thống Joe Biden, con trai đầy tai tiếng Hunter Biden và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Theo BBC, động thái này - mà Mạc Tư Khoa gọi là “lệnh trừng phạt cá nhân” và “danh sách cấm” được đưa ra dựa trên “nguyên tắc có qua có lại” - ngăn những người có tên vào Nga và đóng băng bất kỳ tài sản nào họ có ở đó.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các hạn chế - được đưa ra trong bối cảnh làn sóng trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đã làm tê liệt nền kinh tế Nga - là “hậu quả” của cái mà họ gọi là “chính sách cực kỳ bạo lực” của Tòa Bạch Ốc.
Bộ Ngoại giao cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ áp dụng đối với các quan chức Mỹ, sĩ quan quân đội, nhà lập pháp, chủ doanh nghiệp và các nhân vật truyền thông “không xác định”.
Nhưng các biện pháp - nhắm vào tổng cộng 13 người Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - sẽ không ngăn cản họ tham gia vào các liên lạc cấp cao với Nga.
2. Ngoại trưởng Latvia đến Vatican để thảo luận với Tòa Thánh về tình trạng Ukraine
Hôm 14 tháng 3 năm 2022, tại Vatican, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Latvia, Edgars Rinkēvičs, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô để thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại hiện nay, đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, và tác động của nó đối với tình hình an ninh trong khu vực và trên toàn Âu Châu.
“Edgars Rinkēvičs bày tỏ lời cảm ơn tới Giáo Hội Công Giáo Rôma và Đức Giáo Hoàng vì sự ủng hộ mạnh mẽ và có nguyên tắc đối với Ukraine và người dân Ukraine. Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực phải được thực hiện để cộng đồng quốc tế có thể bảo đảm viện trợ nhân đạo cho người dân ở Ukraine.”
Ngoại trưởng cũng cảm ơn Tòa thánh vì lập trường kiên định không công nhận việc sáp nhập Latvia vào Liên Xô. Năm 2022 cũng là kỷ niệm một trăm năm kể từ khi ký kết và có hiệu lực của một công ước giữa Cộng hòa Latvia và Tòa thánh.
“Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại với sự ấm áp về chuyến thăm của ngài tới Latvia vào năm 2018 và ngài khen ngợi thực tế rằng xã hội ở Latvia có thể sống trong hòa bình và hòa hợp giữa các quốc gia”
Ngày 13 tháng 3 đánh dấu chín năm kể từ khi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio của Á Căn Đình được bầu làm Giáo hoàng, lấy tên là Phanxicô.
Source:.lsm.lv
3. Đức Hồng Y tấn phong cựu Giám mục Anh giáo Jonathan Goodall lên chức linh mục Công Giáo
Đức Hồng Y Vincent Nichols đã tấn phong cựu Giám mục Anh Giáo của Ebbsfleet, là Đức Cha Jonathan Goodall lên hàng linh mục Công Giáo. Hơn 20 linh mục đã đồng tế trong thánh lễ.
Trong đoàn đồng tế còn có Đức Cha Kenneth Nowakowski, Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Anh. Ngài được mời đến khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục hoành hành để cùng cộng đoàn cầu nguyện cho hòa bình và chấm dứt các hành động thù địch gây ra bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Đức Cha Jonathan Goodall là một trong hai vị Giám Mục Anh Giáo quyết định gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Các động thái này diễn ra sau khi Giáo Hội Công Giáo đón nhận hai vị Giám Mục Anh Giáo là Michael Nazir-Ali và Peter Forster.
Các giám mục Anh giáo mới nhất quyết định “bơi qua sông Tiber” là Jonathan Goodall, người từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet, trong tám năm, và John Goddard, cựu giám mục của Burnley. Cả hai đều là đã kết hôn và được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cụm từ “swim the Tiber” hay “bơi qua sông Tiber” là cách nói bóng bẩy để chỉ việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tiber là con sông bao quanh Rôma.
“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” Đức Cha Goodall cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tổng Giám mục Canterbury.
“Cuộc sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tư cách môn đệ của tôi với tư cách là một Kitô hữu trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên - và trong nửa cuộc đời tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục - ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Kitô. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì đức tin đó. Tôi mong tất cả anh chị em hãy tin rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói đồng ý với lời kêu gọi và lời mời hiện tại của Thiên Chúa, chứ không phải từ chối những gì tôi đã biết và kinh nghiệm trong Giáo hội Anh, là điều mà tôi mang ơn rất sâu sắc.”
Vợ của Đức Cha Goodall, là bà Sarah, cũng quyết định theo đạo Công Giáo.
Giáo phận Ebbsfleet được thành lập vào năm 1994 để phục vụ các giáo xứ Anh giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Một giám mục khác của Ebbsfleet, Andrew Burnham, cũng đã trở thành một người Công Giáo trước đây, khi từ chức vào năm 2010 để cùng với những cựu thành viên Anh giáo khác tham gia vào Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.
Tổng giám mục của Canterbury Justin Welby cho biết trong tuyên bố trên trang web của mình rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Goodall “với sự hối tiếc.”
“Tôi vô cùng biết ơn Đức Cha Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài và Sarah, cho cả chức vụ trong tương lai của ngài và hướng đi họ đang được kêu gọi trong cuộc hành trình liên tục phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.
Sau lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Westminster của Công Giáo vào ngày 12 tháng 3, Cha Goodall sẽ phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ của giáo xứ Thánh William thành York ở Stanmore trong Tổng giáo phận Westminster và ở quận Harrow phía bắc London.
Cha Goddard hy vọng sẽ được bổ nhiệm vào một giáo xứ trong Tổng giáo phận Liverpool sau khi ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Tom Williams của Liverpool tấn phong trong một buổi lễ ngày 2 tháng 4 tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool.
Ngài nói với tờ Catholic Herald rằng: “Tôi không có niềm vui nàolớn hơn trong cuộc sống là được phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ. Đó có lẽ là món quà lớn nhất đối với một linh mục.”
Năm ngoái, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, Michael Nazir-Ali, và cựu Giám mục của Chester, Peter Forster, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2019, Giám Mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của Nữ hoàng và là giám mục Anh giáo truyền thống, đã trở thành một người Công Giáo.
Source:cbcew.org.uk
4. Đức Hồng Y Pell kêu gọi Vatican khiển trách 2 Giám mục cao cấp của Âu Châu vì bác bỏ giáo huấn luân lý của Giáo Hội
Đức Hồng Y George Pell đã kêu gọi Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, công khai khiển trách hai giám mục cao cấp nhất của Âu Châu vì những gì ngài gọi là “sự bác bỏ hoàn toàn và thẳng thừng” giáo huấn về đạo đức tình dục của Giáo Hội.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15 tháng 3, Đức Hồng Y Pell đã yêu cầu CDF “can thiệp và đưa ra tuyên bố phán quyết” đối với những nhận xét của Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị, và Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.
Đức Hồng Y Pell đã đưa ra yêu cầu này vài ngày trước đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho cơ quan truyền hình Công Giáo Đức K-TV vào ngày 11 tháng Ba.
Hồng Y Hollerich, Dòng Tên, Tổng Giám Mục Luxembourg và Giám mục Bätzing của Limburg đều đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đồng tính trong các cuộc phỏng vấn gần đây.
Tháng trước, Hồng Y Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị kéo dài đến tháng 10 năm sau, đã tuyên bố rằng giáo huấn của Giáo Hội như hiện tại là “sai lầm” và rằng “nền tảng xã hội học-khoa học” của giáo huấn đó, dựa trên điều mà “người ta từng lên án như tội lỗi kê gian”, không còn đúng nữa.
Giám mục Bätzing lập luận trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 3 rằng các mối quan hệ đồng giới là được phép và không phải là tội lỗi và Sách Giáo lý nên được thay đổi một phần để phản ánh điều này.
Hai vị giám chức cũng tuyên bố sẽ không sa thải bất kỳ linh mục hay giáo dân đồng tính nào khỏi các cơ quan trong giáo phận của họ. Giám mục Bätzing nói: “Không ai phải sợ mất việc làm của mình” vì lý do đồng tính luyến ái. “Làm thế nào một người sống cuộc sống thân mật cá nhân của họ không phải là việc của tôi.”
Đức Hồng Y Pell nói rằng sự dạy dỗ như vậy là “sai lầm”, vì nó “không chỉ bác bỏ các tín lý Do Thái - Kitô Giáo chống lại hoạt động tình dục đồng giới, mà còn làm suy yếu và bác bỏ giáo huấn về hôn nhân một vợ một chồng, là sự kết hợp độc quyền của một người nam và một người nữ.”
Vị Hồng Y người Úc cho biết ngài nhận ra những thách thức phải đối mặt bởi số lượng tín hữu ngày càng giảm ở các nước nói tiếng Đức và những nơi khác, nhưng nói thêm rằng phản ứng duy nhất có thể là “tái khám phá những lời hứa của Chúa Giêsu” và đón nhận mạnh mẽ hơn “kho tàng đức tin không phai nhạt”.
Ngài nhấn mạnh rằng giải pháp là “đừng chạy theo các mệnh lệnh đang thay đổi của nền văn hóa thế tục đương thời. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã chỉ ra nhiều năm trước, đó là con đường dẫn đến sự tự hủy hoại của Giáo hội.”
Source:National Catholic Register
Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.
Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.
Thứ Sáu tuần trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa.
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 18 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ hai cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Phụng vụ Thánh Thể”.
Mở đầu bài suy niệm, Đức Hồng Y nói:
Từ quan điểm nghi lễ và phụng vụ, ngày nay chúng ta có một nguồn tài nguyên mới mà các Giáo phụ của Giáo hội và các tiến sĩ thời Trung cổ không có. Nguồn lực mới mà chúng ta có là mối quan hệ hợp tác giữa các tín hữu Kitô và người Do Thái. Từ những ngày đầu tiên của Giáo hội, các yếu tố lịch sử khác nhau đã làm nổi bật sự khác biệt giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đến mức tạo ra sự tương phản giữa hai tôn giáo này với nhau, như thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã làm. Tách mình ra khỏi người Do Thái – trong việc ấn định lễ Phục sinh, những ngày chay tịnh, và nhiều thứ khác - trở thành một loại mật khẩu. Người ta thường buộc tội kẻ thù của mình và những kẻ dị giáo là những kẻ đang tìm cách “Do Thái Giáo hóa”.
Thảm kịch của người Do Thái, biến cố Shoa [biến cố diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã gây ra trong thế chiến thứ hai – chú thích của người dịch], và bầu không khí đối thoại mới với Do Thái giáo, do Công đồng Vatican II khởi xướng, đã giúp hiểu rõ hơn về ma trận Thánh Thể của người Do Thái. Ta không thể hiểu Lễ Vượt Qua của người Kitô giáo nếu nó không được coi là sự hoàn thành của những gì Lễ Vượt Qua của người Do Thái đã tiên báo, cũng thế, Bí tích Thánh Thể không được hiểu đầy đủ nếu nó không được coi là sự hoàn thành những gì người Do Thái đã làm và đã nói trong nghi thức bữa ăn Vượt Qua. Kết quả quan trọng đầu tiên của sự thay đổi này là ngày nay không có học giả nghiêm túc nào đưa ra giả thuyết rằng Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo được giải thích dưới ánh sáng của bữa ăn tối thịnh hành trong một số tôn giáo bí ẩn của Hy Lạp, như người ta từng thử làm như thế trong hơn một thế kỷ.
Các Giáo Phụ của Giáo Hội đã giữ lại Sách Thánh của dân tộc Do Thái, nhưng không giữ lại phụng vụ của họ, mà các ngài không còn được tiếp cận, sau khi Giáo hội tách khỏi các Hội đường Do Thái. Do đó, các ngài sử dụng những hình tượng có trong Kinh thánh - con chiên vượt qua, sát tế Isaác, Menkixêđê, manna - nhưng không sử dụng bối cảnh phụng vụ cụ thể trong đó người Do Thái cử hành tất cả những kỷ niệm này, đó là bữa ăn nghi lễ được cử hành, mỗi năm một lần trong bữa ăn tối Vượt qua (Seder) và hàng tuần khi thờ phượng tại hội đường. Tên gọi đầu tiên mà Thánh Thể được thánh Phaolô chỉ định trong Tân Ước là “bữa ăn của Chúa” (kuriakon deipnon) (1Cr 11:20), có liên quan rõ ràng đến bữa ăn của người Do Thái mà từ nay nó khác đi vì niềm tin vào Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự liên tục - không phải đối lập - giữa Cựu ước và Tân ước, giữa Do Thái giáo và Kitô giáo.
Bí tích Thánh Thể và Berakah của người Do Thái
Đây là quan điểm mà Đức Bênêđíctô XVI cũng đã đưa ra trong chương đề cập đến về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong cuốn sách thứ hai của ngài về Chúa Giêsu thành Nazareth. Theo quan điểm phổ biến của các học giả ngày nay, ngài chấp nhận phân tích biên niên của Johannine, theo đó Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu không phải là một bữa ăn Vượt Qua mà là một bữa ăn chia tay long trọng. Với Louis Bouyer, ngài còn cho rằng người ta có thể “theo dõi sự phát triển của phụng vụ thánh thể của Kitô giáo [nghĩa là của lễ qui - canon] từ berakah của người Do Thái.”
Vì nhiều lý do văn hóa và lịch sử khác nhau, từ thời trường phái học tập – scholasticism - trở đi, thần học đã cố gắng giải thích Bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của triết học, đặc biệt là sử dụng các quan niệm của Aristotle về bản chất và tình cờ. Đây cũng là một cách để đặt hiểu biết mới về thời đại của họ trong việc phục vụ đức tin và do đó bắt chước phương pháp luận của các Giáo phụ. Trong thời đại của chúng ta, chúng ta cần làm điều tương tự với kiến thức mới của mình — trong trường hợp của chúng ta là kiến thức lịch sử và phụng vụ hơn là kiến thức triết học. Trong bối cảnh một số nghiên cứu đã bắt đầu theo hướng này, đặc biệt là của Louis Bouyer, tôi muốn chỉ ra ánh sáng chói lọi đang chiếu xuống Bí tích Thánh Thể Kitô khi chúng ta xem xét các tường thuật của Phúc Âm về việc thiết lập bí tích này so với nền tảng của những gì chúng ta biết về bữa ăn nghi lễ của người Do Thái. Sự đổi mới trong hành động của Chúa Giêsu sẽ không bị giảm đi mà còn được nâng cao.
Mối liên hệ giữa nghi thức cũ và mới được trình bày trong Didachè, một bản viết về thời đại các tông đồ mà chúng ta có thể coi là bản phác thảo đầu tiên của một nghi thức Thánh Thể. Nghi thức Do Thái bao gồm một loạt các lời cầu nguyện được gọi là “Berakah” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “Thánh Thể”. Khi bắt đầu bữa ăn, mỗi người lần lượt cầm một chén rượu trên tay và trước khi đưa lên môi, lặp lại một lời chúc tụng mà phụng vụ hiện tại khiến chúng ta phải lặp lại gần như nguyên văn vào lúc dâng bánh: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”
Nhưng bữa ăn chỉ chính thức bắt đầu khi người cha của gia đình, hoặc người đứng đầu cộng đồng, bẻ chiếc bánh để chia cho các thực khách. Và, trên thực tế, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Và đây, cử chỉ này - vốn chỉ là một sự chuẩn bị - đã trở thành hiện thực. Hình ảnh trở thành sự kiện.
Sau khi làm phép bánh, các món ăn thông thường được dọn ra. Khi bữa ăn sắp kết thúc, các thực khách đã sẵn sàng cho hành động nghi lễ trọng đại kết thúc lễ kỷ niệm và mang lại ý nghĩa sâu sắc nhất. Mọi người đều rửa tay, như lúc ban đầu. Sau khi hoàn thành việc này, đặt trước mặt anh ta một chén rượu pha với nước, anh ta cất lên ba lời cầu nguyện tạ ơn: lời cầu nguyện thứ nhất dành cho Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, lời cầu nguyện thứ hai vì sự giải phóng khỏi Ai Cập, lời thứ ba vì Ngài vẫn tiếp tục công việc của mình vào thời điểm hiện tại. Khi lời cầu nguyện kết thúc, chiếc chén được truyền từ tay này sang tay khác và mọi người cùng uống. Đây là nghi thức cổ xưa được Chúa Giêsu thực hiện rất nhiều lần trong đời.
Thánh Luca kể rằng Chúa Giêsu sau khi ăn xong, cầm lấy chén thánh và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:20). Một điều gì đó mang tính quyết định xảy ra vào lúc Chúa Giêsu thêm những lời này vào công thức của lời cầu nguyện tạ ơn, tức là kinh Berakah của người Do Thái. Nghi lễ đó là một bữa tiệc linh thiêng, trong đó mọi người cử hành và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng Cứu Rỗi của họ vì đã cứu chuộc dân tộc của Ngài để tạo thành một giao ước tình yêu với họ được đóng ấn bằng huyết của một con chiên. Giờ đây, vào chính thời điểm mà Chúa Giêsu, với tư cách là Chiên thật của Thiên Chúa, quyết định hiến mạng sống cho mình, Ngài tuyên bố rằng Giao ước Cũ mà tất cả mọi người đều đang cử hành qua các nghi thức phụng vụ đã được kết thúc. Vào lúc đó, với một vài từ đơn giản, Người lập Giao ước mới và vĩnh cửu trong Máu của Người.
Bằng cách thêm các từ “hãy làm điều này để nhớ đến Thầy,” Chúa Giêsu mang lại một ý nghĩa lâu dài cho món quà của mình. Từ quá khứ, cái nhìn hướng về tương lai. Tất cả mọi thứ Chúa Giêsu đã làm trong bữa ăn tối ấy đều được đặt trong tay của chúng ta. Bằng cách lặp lại những gì Chúa Giêsu đã làm, hành động trung tâm của lịch sử nhân loại, là cái chết của Ngài vì thế giới được tái hiện. Hình ảnh con chiên vượt qua trở thành một sự kiện trên thập tự giá được ban cho chúng ta trong bữa ăn tối như một bí tích, nghĩa là, như một sự tưởng niệm vĩnh viễn về sự kiện này.
Tư tế và của lễ
Tôi đã nói điều này liên quan đến khía cạnh phụng vụ và nghi lễ của sự thánh hiến. Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang cách xem xét khác, thuộc loại cá nhân và hiện sinh, hay nói cách khác là về vai trò mà chúng ta, các linh mục và tín hữu, thực hiện tại thời điểm đó của Thánh lễ. Điều quan trọng thiết yếu là phải biết bản chất của hy tế và chức tư tế của Chúa Kitô bởi vì chức tư tế Kitô giáo bắt nguồn từ đó, cả bí tích rửa tội chung cho tất cả mọi người và chức vụ thừa tác viên được truyền chức.
Trên thực tế, chúng ta không còn là “các tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê”; chúng ta là những tư tế “theo phẩm trật của Chúa Giêsu Kitô”; tại bàn thờ, chúng ta hành động “in persona Christi”, tức là chúng ta đại diện cho Thầy Cả Thượng Phẩm là Chúa Kitô. Hội nghị chuyên đề về chức tư tế, được tổ chức tại Đại Thính Đường này vào tháng trước, đã nói vô số về chủ đề này so với những gì tôi có thể nói trong bài phản ánh ngắn gọn của mình (nhân tiện, đã chuẩn bị trước ngày đó), nhưng cần phải nói điều gì đó ở đây để hiểu về Bí tích Thánh Thể.
Thư gửi cho các tín hữu Do Thái giải thích tính mới mẻ và tính độc đáo của chức tư tế của Chúa Kitô bao gồm: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9: 12). Mỗi tư tế khác dâng một cái gì đó bên ngoài chính mình, Đức Kitô đã tự hiến chính mình; mọi tư tế khác dâng của lễ, Chúa Kitô đã tự biến mình thành của lễ! Thánh Augustinô đã tóm tắt trong một vài từ về bản chất của loại chức vụ tư tế mới này, trong đó tư tế và của lễ là cùng một người: “Ideo sacerdos quia Greekium”, là tư tế vì là của lễ. Học giả người Pháp René Girard đã định nghĩa sự hy sinh mới lạ này của Chúa Kitô là “sự thật trung tâm trong lịch sử tôn giáo của nhân loại”, điều này đã chấm dứt vĩnh viễn liên minh nội tại giữa thánh thiêng và bạo lực.
Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa trở thành của lễ hiến tế. Nhân loại không còn là những con người dâng lễ vật cho Thiên Chúa để xoa dịu và làm vui lòng Ngài nữa; chính Thiên Chúa đã hy sinh thân mình vì nhân loại, hy sinh Con Một của Người cho đến chết vì chúng ta (x. Ga 3,16). Chúa Giêsu không đến bằng máu của người khác, nhưng bằng máu của chính mình; Người không đặt tội lỗi của mình lên vai người khác - súc vật hay loài người - nhưng Người đặt tội lỗi của người khác lên vai mình: “Người đã gánh vác tội chúng ta trong thân mình trên gỗ thập giá” (1 Pt 2, 24). Tất cả điều này có nghĩa là trong Thánh lễ, chúng ta phải đồng thời là tư tế và cũng là của lễ hiến tế.
Trước điều này, chúng ta hãy suy ngẫm về những lời truyền phép: “hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm nhỏ của mình, đó là, tôi đã khám phá ra ý nghĩa cá vị và giáo hội của việc truyền phép Thánh Thể như thế nào. Đây là cách tôi đã sống giây phút dâng mình trong Thánh Lễ những năm đầu tiên của chức linh mục: Tôi nhắm mắt, cúi đầu, tôi cố gắng xa lánh mọi thứ xung quanh tôi để đồng nhất với Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố trong Tiệc Ly những từ đó lần đầu tiên: “Accipite et manducate: Hãy cầm lấy mà ăn…”. Chính phụng vụ đã thấm nhuần thái độ này, làm cho những lời truyền phép được phát âm bằng giọng trầm và bằng tiếng Latinh, khi cong mình trên các bánh thánh.
Sau đó là cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II. Thánh lễ bắt đầu được cử hành trong khi hướng nhìn về cộng đoàn; không còn bằng tiếng Latinh, mà bằng ngôn ngữ của người dân. Điều này giúp tôi hiểu rằng thái độ của tôi không nói lên ý nghĩa đầy đủ của việc tôi tham gia vào việc truyền phép. Chúa Giêsu của Bữa Tiệc Ly không còn tồn tại nữa! Chúa Kitô Phục sinh hiện đang tồn tại: chính xác là Chúa Kitô, Đấng đã chết nhưng hiện đang sống đời đời (x. Kh 1:18). Nhưng Chúa Giêsu này là “Chúa Kitô toàn diện”, Đầu và Thân hợp nhất không thể tách rời. Vì vậy, nếu chính Đức Kitô toàn thể này là Đấng đã công bố những lời truyền phép, thì tôi cũng đồng thanh với Người. Đúng vậy, tôi phát âm những lời ấy “in personal Christi”, nhân danh Chúa Kitô, nhưng cũng là “ở ngôi thứ nhất”, tức là nhân danh tôi.
Kể từ ngày đó khi tôi hiểu ra điều này, tôi bắt đầu không còn nhắm mắt vào lúc truyền phép nữa, nhưng tôi nhìn - ít nhất là đôi khi - những người anh em trước mặt tôi, hoặc, nếu tôi cử hành thánh lễ một mình, tôi nghĩ đến những người tôi có thể gặp gỡ trong ngày và những người mà tôi phải dành thời gian của mình, hoặc tôi thậm chí nghĩ đến toàn thể Giáo hội, và hướng về họ, tôi nói cùng với Chúa Giêsu: “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.. hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”.
Sau đó, Thánh Augustinô đã đến để xóa bỏ mọi nghi ngờ khỏi tôi. Ngài viết trong một đoạn văn nổi tiếng trong cuốn De civitate Dei – Thành trì của Chúa - rằng In ea re quam offert, ipsa [Ecclesia] offertur - Hội Thánh hiến dâng chính mình trong Hy tế mà Hội Thánh tiến dâng. Gần gũi hơn với chúng ta là nhà huyền bí Mễ Tây Cơ Concepcion Cabrera de Armida, được gọi là Conchita, chết năm 1937 và được phong chân phước vào năm 2015. Với người con trai Dòng Tên của bà, sắp được thụ phong linh mục, bà viết: “Hãy nhớ rằng, con trai của mẹ, khi con cầm trong tay Mình Thánh Chúa, con đừng nói: 'Này là Mình Chúa Giêsu và này Máu Người,' nhưng con sẽ nói: 'Này là Mình Ta, Này là Máu Ta, nghĩa là, trong con phải có một sự biến đổi hoàn toàn, con phải đánh mất chính mình trong Ngài, để trở thành 'một Chúa Giêsu khác’”
Tất cả những điều này không chỉ áp dụng cho các giám mục và linh mục được thụ phong, nhưng cho tất cả những người đã được rửa tội. Một văn bản nổi tiếng của Công Đồng diễn đạt theo cách này:
Các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả của mình, góp phần vào việc dâng lễ trong bí tích Thánh Thể… Bằng cách tham gia vào hy tế Thánh Thể, nguồn gốc và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng Hy tế thánh thiêng và chính họ cho Thiên Chúa; vì vậy tất cả mọi người, cả khi dâng lễ và rước lễ, đều hoàn thành phần việc của mình trong hành động phụng vụ, nhưng không phải như nhau, nhưng một số theo cách này và một số theo cách khác.
Có hai thân thể của Chúa Kitô trên bàn thờ: có thân thể thật của Ngài (thân thể “sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”, đã chết, sống lại và lên trời) và có thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Thật thế, cơ thể thật của Ngài thực sự hiện diện trên bàn thờ và nhiệm thể của Người hiện diện một cách bí nhiệm, trong đó “một cách bí nhiệm” có nghĩa là: nhờ sự kết hợp không thể tách rời Đấng là Đầu. Không có sự nhầm lẫn giữa hai sự hiện diện, khác biệt nhưng không thể tách rời.
Vì có hai “của lễ” và hai “hồng ân” trên bàn thờ - một là để trở thành mình và máu của Chúa Kitô (bánh và rượu) và một là để trở thành nhiệm thể của Chúa Kitô - thì có cũng là hai “lời cầu khẩn” trong Thánh Lễ, tức là hai lời khẩn cầu cùng Chúa Thánh Thần. Lời thứ nhất là: “Giờ đây, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”; và lời cầu thứ hai, được đọc sau khi truyền phép: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Ðức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Cha qua mọi thời đại.”
Đây là cách Thánh Thể làm nên Giáo Hội: Thánh Thể làm nên Giáo Hội, làm cho Giáo Hội trở thành Thánh Thể! Nói một cách tổng quát, Bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn gốc hay nguyên nhân của sự thánh thiện của Giáo hội; Thánh Thể cũng là “hình thái” của Giáo Hội, tức là mô hình của Giáo Hội. Sự thánh thiện của người Kitô hữu phải được thực hiện theo “hình thái” của Bí tích Thánh Thể; sự thánh thiện ấy phải là một sự thánh thiện của Thánh Thể. Người Kitô hữu không thể tự giới hạn mình trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, người ấy phải trở thành Thánh Thể với Chúa Giêsu.
Mình và Máu
Bây giờ chúng ta có thể rút ra những hậu quả thiết thực của tín lý này đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu trong lời truyền phép, chính chúng ta quay về phía anh chị em mình, và nói: “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy.. hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy”, chúng ta phải biết “mình” và “máu” nghĩa là gì, để biết những gì chúng ta trao ra.
Trong Kinh Thánh, từ “Corpo”, “Body”, “Mình” không chỉ ra một thành phần hay một bộ phận nào đó của con người, kết hợp với những thành phần khác là linh hồn và tinh thần, tạo thành một con người hoàn chỉnh. Theo ngôn ngữ Kinh thánh, và do đó trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu và thánh Phaolô, “Mình” chỉ toàn thể của một người, trong chừng mực người đó sống cuộc đời của mình trong một thân thể, trong tình trạng vật chất và hữu hình. Do đó, “Mình” chỉ toàn bộ cuộc sống. Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta cả cuộc đời của Người như một hồng ân, từ giây phút đầu tiên khi nhập thể cho đến giây phút cuối cùng, với tất cả những gì cụ thể lấp đầy cuộc sống đó: thinh lặng, đổ mồ hôi, vất vả, cầu nguyện, đấu tranh, sỉ nhục. …
Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Này là Máu Thầy”. Ngài thêm gì với từ “Máu” nếu Ngài đã cho chúng ta cả cuộc đời trong cơ thể mình? Thưa: Ngài thêm cái chết! Sau khi cho chúng ta sự sống, Ngài cũng cho chúng ta phần quý giá nhất là cái chết của Người. Trên thực tế, thuật ngữ “Máu” trong Kinh Thánh không chỉ một bộ phận của cơ thể, nghĩa là một bộ phận của một người; nhưng chỉ ra một biến cố: là cái chết. Nếu máu là tâm điểm của sự sống (như người ta đã nghĩ như vậy), thì sự “đổ ra” của nó là dấu chỉ mềm dẻo của cái chết. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của Mình và Máu Chúa, tức là sự sống và sự chết của Chúa!
Bây giờ, đến lượt chúng ta, chúng ta dâng lên những gì, khi dâng mình và máu mình, cùng với Chúa Giêsu, trong Thánh lễ? Chúng ta cũng dâng lên những gì Chúa Giêsu đã dâng: sự sống và cái chết. Với từ “Mình”, chúng ta cho tất cả những gì cụ thể cấu thành nên cuộc sống của chúng ta trên thế giới này: thời gian, sức khỏe, năng lượng, kỹ năng, tình cảm, kể cả những nụ cười. Với từ “Máu”, chúng ta cũng thể hiện sự trao ban cái chết của mình. Không nhất thiết phải là cái chết dứt khoát, tử đạo cho Chúa Kitô hay cho anh em. Tất cả những gì trong chúng ta, ngay bây giờ, chuẩn bị và lường trước cái chết: tủi nhục, thất bại, bệnh tật nằm bất động, những hạn chế do tuổi tác, sức khỏe, tất cả những điều đó, nói một cách dễ hiểu, “hành hạ” chúng ta.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta, ngay khi bước ra khỏi Thánh lễ, cố gắng hết sức để nhận ra những gì chúng ta đã nói; rằng chúng ta thực sự cố gắng, với tất cả những giới hạn của mình, để cống hiến cho những người khác và những anh chị em của chúng ta “Mình” của chúng ta, đó là thời gian, năng lượng, sự chú ý; nói tắt một lời là cuộc sống của chúng ta. Do đó, điều cần thiết là, sau khi đã nói: “Hãy cầm lấy mà ăn”, chúng ta thực sự để mình “bị ăn” và trên hết là để mình bị ăn thịt bởi những người không làm điều đó với tất cả sự tế nhị và ân sủng mà chúng ta mong đợi. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, đi đến Rôma để chết ở đó như một vị tử đạo, đã viết: “Tôi là lúa mì của Chúa Kitô: xin cho tôi được nhai từ răng của các loài thú, để trở nên bánh tinh khiết cho Chúa”. Mỗi người trong chúng ta, nếu bạn quan sát kỹ xung quanh, đều có những cái răng nhọn hoắt để nhai: đó là sự chỉ trích, tương phản, đối lập che đậy hay công khai, sự khác biệt về quan điểm với những người xung quanh, sự đa dạng về tính cách.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cử hành Thánh lễ với sự tham dự cá nhân này, nếu tất cả chúng ta thực sự nói, vào lúc truyền phép, một số nói to và một số im lặng, tùy theo mục vụ của mỗi người: “Hãy cầm lấy mà ăn”. Một linh mục quản xứ và thậm chí hơn thế nữa, một giám mục, cử hành thánh lễ của mình theo cách này, sau đó tiến hành: cầu nguyện, rao giảng, giải tội, tiếp dân, thăm bệnh, lắng nghe, giảng dạy… Ngày của ngài cũng là Bí tích Thánh Thể. Một thầy tâm linh vĩ đại người Pháp, Pierre Olivaint (1816-1871), từng nói: “Vào buổi sáng, trong Thánh lễ, tôi là tư tế và Chúa Giêsu là của lễ; suốt ngày, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là của lễ”. Như thế, một linh mục bắt chước “Người Mục Tử nhân lành”, bởi vì anh ta thực sự hiến mạng sống của mình cho đàn chiên của mình.
Chữ ký của chúng ta trên món quà
Tôi muốn tóm tắt lại, với sự giúp đỡ của một ví dụ con người, điều gì xảy ra trong việc cử hành Thánh Thể. Hãy nghĩ về một gia đình lớn, trong đó có một người con trai, con trai đầu lòng, người rất ngưỡng mộ và yêu thương cha mình. Nhân ngày sinh nhật của ông, anh ấy muốn tặng cho bố mình một món quà quý giá. Tuy nhiên, trước khi đưa nó cho ông, anh đã bí mật yêu cầu tất cả các anh chị em của mình ghi chữ ký của họ vào món quà. Do đó, điều này đến trong tay người cha như một dấu hiệu của tình yêu thương của tất cả những người con của mình, không có sự phân biệt, ngay cả khi trên thực tế, chỉ có một người đã phải trả giá cho điều đó.
Đây là điều xảy ra trong hy tế Thánh Thể. Chúa Giêsu vô cùng ngưỡng mộ và yêu mến Cha Trên Trời. Ngài muốn tặng Chúa Cha mỗi ngày, cho đến tận thế, món quà quý giá nhất mà người ta có thể nghĩ đến, đó là cuộc đời của chính Người. Trong thánh lễ, Ngài mời gọi tất cả anh chị em của mình ghi chữ ký của mình lên món quà, để món quà ấy đến với Thiên Chúa là Cha như món quà không thể tách rời của tất cả con cái của ngài, dù chỉ một người đã trả giá cho món quà này. Và giá ấy to lớn dường nào!
Chữ ký của chúng ta là một vài giọt nước được trộn với rượu trong chén. Chúng không là gì khác ngoài nước, nhưng được trộn trong ly, chúng trở thành một thức uống duy nhất. Chữ ký của tất cả mọi người là tiếng Amen trang trọng mà cộng đoàn đáp, hoặc hát, ở cuối bài tụng ca: “Nhờ Người, với Người và trong Người, Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”. “AMEN!”
Chúng ta biết rằng những người đã ký cam kết sau đó có nghĩa vụ tôn trọng chữ ký của họ. Điều này có nghĩa là, khi rời Thánh lễ, chúng ta cũng phải làm cho cuộc sống của mình trở thành một món quà của tình yêu đối với Cha vì lợi ích của anh chị em chúng ta. Tôi xin nhắc lại, chúng ta không chỉ được mời gọi để cử hành Bí tích Thánh Thể, mà còn là biến mình thành Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng ta điều này!
1. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thư gửi dân thành Magnesia, 10,3.
2. Joseph Ratzinger (Bênêđíctô XVI), Chúa Giêsu thành Nazareth, Phần II: Tuần Thánh: Từ Lối vào Giêrusalem đến sự Phục sinh (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 311, và xem tất cả ch. 5, trang 103-144. Xem thêm Louis Bouyer, Thánh Thể: Thần học và Tâm linh của Cầu nguyện Thánh Thể (1966; Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1989).
3. Thánh Augustinô, Tự Thú, X, 43
4. R. Girard, Des choses cachées depuis la fondation du monde, Grasset, Paris 1978.
5. Thánh Augustinô, De civitate Dei,, X, 6.
6. Conchita. Nhật ký tâm linh của một người mẹ, nhuận sắc bởi M.-M. Philipon, New York, Nhà Alba 1978, tr. 87.
7. Lumen gentium, 10-11.
8. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thư gửi người Rôma, 4,1.
1. Một trong những chỉ huy nhảy dù hàng đầu của Nga đã bị giết ở Ukraine trong một cú sốc mới nhất đối với nỗ lực chiến tranh đang suy yếu của Vladimir Putin.
Cái chết của Đại tá Sergei Sukharev, thuộc Trung đoàn Nhảy dù Phòng vệ 331 từ Kostroma, đã được đài truyền hình nhà nước ở Mạc Tư Khoa xác nhận.
Trước đó, việc “thanh lý” của ông đã được Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin của Ukraine tuyên bố.
Tuyên bố của Ukraine cho biết: “Chỉ huy Trung đoàn Dù Kostroma, Đại tá Sergei Sukharev… đã đi lạc trong các cuộc tập trận quân sự, nhưng đã trở về nhà đúng đường”. Đó là cách nói bóng bẩy giễu cợt để nói rằng ông ấy đã thiệt mạng.
Báo cáo cho biết, cấp phó của ông ta là Thiếu tá Sergei Krylov cũng đã thiệt mạng cùng với ông ta.
Họ là một trong số những người bị giết từ trung đoàn Kostroma "vinh quang", được coi là một trong những lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất của Nga.
Nga thừa nhận rằng trung sĩ nhất Sergei Lebedev, trung sĩ Alexander Limonov và hạ sĩ Yuri Degtyaryov cũng đã thiệt mạng.
Sukharev đã được xuất hiện trên truyền hình Nga vào tháng Giêng khi ông dẫn quân của mình trở về từ Kazakhstan, nơi họ được gửi đến sau một làn sóng phản đối.
Người Nga mô tả nhiệm vụ của họ là “gìn giữ hòa bình” và Sukharev cho biết lực lượng của ông đã bảo vệ một nhà máy điện quan trọng ở Almaty.
Cũng bị giết trong cuộc giao tranh gần đây nhất của Ukraine là sĩ quan tình báo quân đội Sergey Vishnyakov, thuộc Lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt Biệt kích số 22 của GRU.
Anh ta được cho là đã thiệt mạng khi chiến đấu gần Mariupol trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Grad của tiểu đoàn Azov quân Ukraine.
Trung tá Yuri Agarkov, từ Volgograd, chỉ huy một trung đoàn súng trường cơ giới, đã chết trong một cuộc hành quân đặc biệt.
Thiếu tá Ruslan Petrukhin, phó tiểu đoàn trưởng Lữ đoàn súng trường cơ giới số 38, cũng được cho là đã thiệt mạng khi tham gia chiến dịch ở Ukraine.
Nga đã không công bố số người chết ước tính ở Ukraine trong hơn hai tuần.
Có những tuyên bố rằng nó đã lên đến khoảng 7,000 người với nghi ngờ rằng con số thực sự đang được giữ bí mật để ngăn chặn việc suy giảm sự ủng hộ ở Nga.
Tuy nhiên, con số hàng ngày - bao gồm cả những binh sĩ tinh nhuệ - cho thấy Nga đang xuất huyết lực lượng của mình trong một "chiến dịch quân sự" được cho là nhằm tăng cường an ninh của nước này, và "xóa sổ" Ukraine.
Nga đã chứng kiến cái chết của ít nhất 4 tướng lĩnh ở Ukraine.
Trước đây, Mạc Tư Khoa đã triển khai Trung đoàn Nhảy dù Phòng vệ 331 ở Chechnya trong hai cuộc chiến sau khi Liên Xô sụp đổ, ở Gruzia năm 2008 và ở Donbas năm 2014.
2. Tại sao có quá nhiều tướng Nga bị giết trong cuộc chiến tại Ukraine?
Theo New York Times, quân đội Ukraine đã chặn được cuộc gọi của một tướng Nga và giết chết ông ta. Tờ báo dẫn lời hai quan chức quân đội Mỹ cho biết có các báo cáo chứng thực những tin đồn rằng quân đội Nga đang sử dụng thông tin liên lạc không an toàn mà Ukraine có thể chặn được.
Ukraine cho biết họ đã giết 4 tướng cho đến nay, một con số cực kỳ bất thường đối với các sĩ quan cấp cao như vậy.
New York Times đưa ra một số chi tiết về cái chết của một trong 4 vị tướng mà thông tin liên lạc được cho là dẫn đến cái chết của ông.
Tờ báo đưa tin: “Người Ukraine đã chặn được một cú gọi của một vị tướng, xác định vị trí địa lý và tấn công vị trí ông ta đang đứng, giết chết ông và các nhân viên của ông.”
Một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với The Wall Street Journal rằng tình báo Ukraine đã thành lập một đơn vị đặc biệt để săn lùng các chỉ huy cấp cao của Nga.
Khi thông báo về cái chết của Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, bị giết gần Kharkiv, các quan chức Ukraine đã đề cập đến “những vấn đề nghiêm trọng về liên lạc.”
Có vẻ như để chứng minh quan điểm đó, Ukraine đã phát hành âm thanh với mục đích cho thấy một binh sĩ Nga báo cáo cái chết của Gerasimov với cấp trên.
Trong cuộc gọi, người lính nói rằng hệ thống thông tin liên lạc Era được ca ngợi của Nga đã ngừng hoạt động ở Ukraine, buộc họ phải sử dụng các đường dây không an toàn.
3. Putin lạnh lùng kêu gọi 'tự thanh lọc' nước Nga khỏi 'những kẻ cặn bã và phản bội'
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu có mầu sắc hoang tưởng và lo sợ trong bài diễn văn gởi người Nga. Ông kêu gọi “tự thanh lọc” đất nước và ví phương Tây với Đức Quốc xã.
“Người dân Nga sẽ luôn có thể phân biệt những người yêu nước thực sự với những kẻ cặn bã và phản bội và chỉ cần nhổ họ ra như một con ruồi vô tình bay vào miệng họ”, ông Putin nói trong một bản dịch được xuất bản bằng tiếng Anh của Điện Cẩm Linh.
“Tôi tin rằng sự tự thanh lọc xã hội một cách tự nhiên và cần thiết như vậy sẽ củng cố đất nước của chúng ta, sự đoàn kết, gắn bó và sự sẵn sàng đối phó với bất kỳ thách thức nào”.
Putin tiếp tục nói rằng Ukraine đang “hành động giống như Đức Quốc xã đã làm”, và tuyên bố rằng chính quân đội Ukraine đang ném bom vào chính người dân của mình để đổ thừa cho Nga. Ông cũng cho biết phương Tây đang cố gắng “loại bỏ” Nga.
“Phương Tây đã xé bỏ lớp mặt nạ lịch sự và bắt đầu có những hành động thô bạo thể hiện bản chất thực sự của nó,” nhà độc tài nói.
“ Người ta không thể không nhớ đến những cuộc tàn sát của Đức Quốc xã bài Do Thái ở Đức trong những năm 1930, và sau đó là những cuộc tàn sát do tay sai của chúng gây ra ở nhiều nước Âu Châu tham gia cuộc xâm lược của Đức Quốc xã chống lại đất nước chúng ta trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”
Putin luôn nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông là một sứ mệnh “phi hạt nhân hóa” và ông đang giải phóng người dân ở vùng Donbas, những người mà ông tuyên bố là nạn nhân của chế độ diệt chủng.
Nhà độc tài đã tiếp tục trấn áp những người bất đồng nội bộ, bảo đảm rằng những công dân từ chối tuân theo đường lối của Điện Cẩm Linh sẽ phải ngồi tù.
Nika Belotserkovskaya sinh ra ở Ukraine, 51 tuổi, một blogger thực phẩm nổi tiếng, đã trở thành một trong những người đầu tiên bị buộc tội theo luật “tin giả” vì các bài báo của anh về chiến tranh.
Trong một diễn biến khác, Ukraine đã giao cho Belarus để trao lại cho Nga thi thể của hơn 2,500 lính Nga tử trận tại Ukraine. Dư luận tại Nga sẽ rất khác khi các gia đình Nga nhận được các thi hài này.
4. Ukraine đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong vụ kiện chống lại Nga tại Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ.
Tòa án yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã báo cáo điều này trong bài nói chuyện với đồng bào hôm thứ Năm.
“Ukraine đã giành được chiến thắng hoàn toàn trong vụ kiện chống lại Nga tại Tòa án Công lý Quốc tế, gọi tắt là ICJ. ICJ đã ra lệnh cho Nga ngay lập tức dừng cuộc xâm lược. Lệnh này có giá trị ràng buộc theo luật pháp quốc tế. Nga phải tuân thủ ngay lập tức. Bỏ qua lệnh sẽ cô lập Nga thậm chí xa hơn nữa”, ông nói.
Vào ngày thứ ba của cuộc xâm lược, Ukraine đã đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu kẻ xâm lược phải chịu trách nhiệm vì đã bóp méo khái niệm diệt chủng. Rốt cuộc, Nga thực sự đang cố gắng thay đổi thực tế để biện minh cho cuộc tấn công của mình. Vì vậy, trên thực tế, Tòa án phải quyết định liệu tội ác diệt chủng có được thực hiện ở Ukraine hay không. Thực tế là Nga vẫn cố xuyên tạc mọi chuyện khi cho rằng Ukraine bị cho là phạm tội diệt chủng ở vùng Donetsk và Luhansk nên Nga buộc phải sử dụng vũ lực quân sự.
5. Tàu chiến Nga đi qua eo biển Nhật Bản - có thể trên đường tới Ukraine
Một tàu chiến của Nga đã đi qua eo biển Tsugaru của Nhật Bản trong tuần này.
Các tàu chiến của Nga đã được phát hiện đi qua một eo biển ở Nhật Bản trong tuần này - và họ có thể đang chở quân và thiết bị quân sự tới Ukraine, một báo cáo của Nhật Bản cho biết như trên.
Theo Kyodo News, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 4 tàu đổ bộ của Nga đã được phát hiện đi qua eo biển Tsugaru.
Hai con tàu đầu tiên được nhìn thấy vào đêm thứ Ba và hai chiếc còn lại được phát hiện vào sáng thứ Tư.
Eo biển Tsugaru cách thành phố Vladivostok của Nga khoảng 440 dặm về phía đông
Nhật Bản xử phạt quan chức quốc phòng Nga, nhà xuất khẩu vũ khí
Nhật Bản cho biết họ sẽ đóng băng tài sản của 15 cá nhân và 9 tổ chức của Nga, bao gồm cả Thứ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Nga, Igor Kostyukov.
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết họ cũng sẽ trừng phạt nhà xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước, Rosoboronexport.
Các biện pháp mới nhất có nghĩa là Nhật Bản hiện đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 76 cá nhân, 7 ngân hàng và 12 tổ chức khác ở Nga.
6. Các vụ nổ nghe thấy trong Lviv: Báo cáo
Theo đài truyền hình Ukraine 24, ít nhất ba vụ nổ đã được nghe thấy ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine.
Ukraine 24 đã đăng một đoạn video ngắn trên Telegram vào sáng thứ Sáu, trong đó có thể nhìn thấy một đám khói hình nấm bốc lên ở đường chân trời.
Quân đội Ukraine nói rằng một cuộc tấn công trên bộ của Nga vào thủ đô Ukraine trong tương lai gần là “không thể xảy ra”, với lý do thiếu các chỉ huy giàu kinh nghiệm cũng như thương vong nặng nề và tinh thần của các lực lượng Nga thấp.
Bộ Quốc Phòng Ukraine cũng cho biết Nga đang cố gắng bù đắp tổn thất của họ bằng lính đánh thuê từ Syria và đã tuyển dụng 1,000 tình nguyện viên.
7. Cuộc xâm lược của Nga 'chùn bước' trong bối cảnh các vấn đề hậu cần: Vương quốc Anh
Bộ Quốc phòng Anh cho biết các vấn đề hậu cần đang tiếp tục khiến “cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine chùn bước”.
Bộ cho biết trong bản cập nhật thông tin tình báo mới nhất: “Việc điều động xuyên quốc gia thiếu chuẩn bị, thiếu kiểm soát trên không và khả năng vận chuyển hạn chế đang ngăn cản Nga tiếp tế hiệu quả cho quân đội tiền phương của họ, ngay cả những yếu tố cơ bản như lương thực và nhiên liệu”.
“Các cuộc phản công liên tục của Ukraine đang buộc Nga phải chuyển một số lượng lớn quân sang bảo vệ đường tiếp tế của chính họ. Điều này đang hạn chế nghiêm trọng tiềm năng tấn công của Nga.”
1. Nga kêu gọi trả lại Alaska, bồi thường cho các lệnh trừng phạt
Điện Cẩm Linh đang yêu cầu Mỹ trả lại Alaska và trả tiền bồi thường cho Nga do các lệnh trừng phạt tê liệt của Tòa Bạch Ốc được áp đặt sau cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nghị sĩ Oleg Matveychev, người thường phát biểu thay mặt các quan chức chính phủ hàng đầu, đã đưa ra những yêu cầu kỳ quặc vào hôm Chúa Nhật trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh truyền hình nhà nước Nga.
Mặc dù Nga là quốc gia khởi sự cuộc chiến, Matveychev nói: “Chúng ta nên suy nghĩ về việc bồi thường thiệt hại do các lệnh trừng phạt và cuộc chiến gây ra, bởi vì điều đó quá tốn kém và chúng ta nên lấy lại nó,” Matveychev nói.
Matveychev sau đó cho biết ông ta muốn được “trả lại tất cả tài sản của Nga, của đế chế Nga, Liên bang Xô viết và nước Nga hiện tại, đã bị chiếm giữ bởi Hoa Kỳ”.
Điều đó bao gồm Alaska và thậm chí cả Pháo đài Ross, California, một khu vực nhỏ ở Hạt Sonoma từng là tiền đồn cực nam của Đế chế Nga ở Bắc Mỹ và đã bị bán tháo vào năm 1841.
Dân biểu Doma cũng cho biết nhu cầu của anh ta bao gồm cả Nam Cực.
“Chúng tôi đã phát hiện ra nó, vì vậy nó thuộc về chúng tôi,” anh nói
Matveychev tiếp tục đưa ra những tuyên bố ngông cuồng khác vào hôm Chúa Nhật, nói rằng anh ấy muốn “trả lại tất cả các huy chương đã bị lấy đi bất hợp pháp từ các vận động viên của chúng tôi trong tất cả các kỳ Olympic”
Ông cũng cho biết Mỹ nên cho phép Nga dẫn độ Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc phòng thí nghiệm chống doping của Nga, người đã cho rằng các vận động viên Olympic Nga sử dụng doping.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tàn phá nước Nga, đang hướng tới tình trạng vỡ nợ, và sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này trong nhiều năm. Chỉ 18 ngày sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đồng Rúp của Nga hiện chỉ còn 28% giá trị so với đồng Mỹ Kim.
2. Ngoại trưởng Nga thề xóa bỏ sự phụ thuộc kinh tế vào các nước phương Tây
Hôm Thứ Ba, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố sẽ loại bỏ sự phụ thuộc kinh tế vào Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, nói rằng Mạc Tư Khoa “lẽ ra đã làm điều đó từ lâu”.
“Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tự nhận thấy rằng cả chú Sam hay bất kỳ ai khác đều không thể đưa ra quyết định nhằm phá hủy nền kinh tế của chúng tôi”, Lavrov nói trước câu hỏi về các lệnh trừng phạt nghiêm khắc được đưa ra trong vài tuần qua đang làm phá giá mạnh đồng Rúp.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tìm cách loại bỏ sự phụ thuộc này. “Chúng ta nên làm điều đó từ lâu.”
3. Những bức ảnh đau lòng cho thấy các trẻ sơ sinh bị tách khỏi cha mẹ, và hành lang của bệnh viện Mariupol đầy những người bị thương
Những bức ảnh đau lòng hôm thứ Ba cho thấy những em bé bị tách khỏi cha mẹ và hành lang đầy những thường dân bị thương tại một bệnh viện ở Mariupol. Người ta lo ngại rằng cha mẹ của những đứa bé này đã qua đời.
Bệnh viện này cũng chính là nơi mà một khoa sản đã bị tấn công bởi một cuộc không kích của Nga vào tuần trước.
Trong một bức ảnh, những đứa trẻ vừa chào đời, bị tách khỏi cha mẹ, được quấn trong những bộ quần áo quá rộng.
Bên ngoài bệnh viện, xác chết chất đống bên ngoài. Các nhà xác của Mariupol đã hoạt động hết công suất trong cuộc vây hãm thành phố cảng phía nam kéo dài nhiều tuần.
Mariupol vẫn chưa được tiếp tế thực phẩm, nước hoặc nguồn điện kể từ khi lực lượng Nga bao vây thành phố hơn một tuần trước. Thành phố đã bắt đầu đào những ngôi mộ tập thể cho những cư dân đã chết vào tuần trước.
4. Người đứng đầu NATO cảnh báo liên minh có thể cần tăng cường lực lượng ở sườn phía đông
Người đứng đầu NATO cho biết: Việc Nga xâm lược Ukraine có nghĩa là NATO cần áp dụng một “thế trận quân sự” mới, bao gồm cả việc tăng cường khả năng lực lượng ở sườn phía đông của liên minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “cuộc họp bất thường” sắp tới của các bộ trưởng quốc phòng tại Brussels vào thứ Tư sẽ xảy ra “vào một thời điểm quan trọng” đối với liên minh.
Stoltenberg nói, cuộc xâm lược liên tục của Nga vào Ukraine, cùng với sự “hợp nhất quân sự” với Belarus, “tạo ra một thực tế an ninh mới trên lục địa Âu Châu”.
“Vì vậy, chúng ta cần thiết lập lại tư thế quân sự của NATO đối với thực tế mới này. Điều này có thể bao gồm nhiều lực lượng hơn đáng kể ở phần phía đông của liên minh ở trạng thái sẵn sàng cao hơn và với nhiều trang thiết bị được chuẩn bị trước.”
Ông nói: “Chúng tôi cũng sẽ xem xét những sự gia tăng lớn đối với các hoạt động triển khai trên không và hải quân, tăng cường khả năng phòng thủ hỏa tiễn và phòng không tổng hợp, củng cố khả năng phòng thủ mạng và tổ chức nhiều cuộc tập trận ngày càng lớn hơn”
Stoltenberg nói thêm: “Các lực lượng tăng viện lớn cho quốc phòng sẽ đòi hỏi sự gia tăng đầu tư lớn.
Ngoài các quan chức quân sự hàng đầu từ các nước NATO, cuộc họp hôm thứ Tư sẽ bao gồm đại diện của Ukraine và ba quốc gia chưa phải là thành viên bao gồm Phần Lan, Thụy Điển và Gruzia - cũng như Liên minh Âu Châu.