Ngày 22-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa không muốn sự dữ
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
04:34 22/03/2019
Chúa Nhật III mùa Chay năm C

Lịch sử cứu độ vẫn miệt mài trôi, vẫn cưu mang một sức sống lớn không thể tả để cứu sống mọi con người, mọi thời đại, vẫn mãi mãi trao ban bình an, trao ban sự tha thứ và cứu chuộc…

Tất cả chỉ có thể có nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa, thì đã không có lịch sử cứu độ, không có bất cứ một cái gì. Và nếu Thiên Chúa không là một Thiên Chúa yêu thương, thì trước sự tàn phá của tội lỗi và lòng bất trung của con người, cũng đã không còn bất cứ một cái gì tồn tại.

Lịch sử cứu độ đã chứng minh tình thương của Thiên Chúa là tất cả, làm cho tồn tại tất cả, hồi sinh tất cả, vinh thăng tất cả. Tình thương vô vàn của Thiên chúa không bao giờ tắt liệm. Đó là một thứ tình đã có từ muôn đời, mãi đến hôm nay, và sẽ còn về sau, sẽ còn đến muôn đời. Đó là tình yêu vĩnh cửu.

Trên cõi đời, không có bất cứ một lý do nào khác ngoài tình thương của Thiên Chúa: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực … Ta đã nghe tiếng chúng kêu than … nên Ta xuống cứu chúng” (bài đọc 1). Bởi tất cả mọi thứ có được là nhờ tình thương vô cùng của Thiên Chúa.

Vậy, Thiên Chúa yêu thương, sao con người vẫn đau khổ? Sự dữ vẫn tồn tại? Ngay trong bài Tin Mừng, chúng ta đã thấy sự đau khổ: nhiều người Galilê bị quan Philatô giết chết. Mười tám người khác bị tháp Silôe đổ đè chết.

- Qua tất cả những sự dữ, có thể là do con người gây nên cho nhau. Lòng thù hận của con người đã dẫn đến không biết bao nhiêu oan khuất, thê lương. Giống như quang Philatô đã sát hại nhiều người.

- Có thể thiên nhiên cuồn nộ và phản lại con người. Nhiều trường hợp, sự cuồn nộ của thiên nhiên có phần "góp sức" đáng kể của con người, bởi họ đã không sử dụng thiên nhiên để phát triển chúng, để mang lại lợi ích cho chính sự sống của họ.

Lịch sử cận và hiện đại cho thấy, con người, vì tư lợi, đã vắt kiệt sức thiên nhiên, đã tàn nhẫn sát hại thiên nhiên cách thô bạo. Việc làm này không chỉ trong một số thời điểm nhất định nào, nhưng là cả một quá trình...

Hiện nay, dù đã nhận ra sự tồn vong của giống nòi đang ngày càng bị đe dọa trầm trọng, nhưng vì tư lợi và lợi lộc trước mắt mà loài người chẳng những không dừng, lại còn đưa bàn tay sâu hơn vào việc cư xử tàn bạo với mẹ thiên nhiên của mình. Nhiều người chân chính lo sợ sự trả giá mà con cháu chúng ta phải gánh lấy hậu quả do chính hành động của cha ông chúng...

- Sự dữ có thể ập đến do nhiều lý do: con người không thể lường hết những rủi ro, thiếu năng lực, không nhìn thấy hết những bất cập, sự bất toàn của chính mình, hoặc tham lam, ước ao giàu có nhưng không bằng con đường lao động chân chính, thù ghét nhau... mà những công trình khai phá thiên nhiên, những công trình mà con người nỗ lực dựng xây... không bảo đảm chắc chắn, không bảo đảm an toàn... đã và sẽ còn làm cho biết bao nhiêu người phải chết, phải thương tật, bệnh tật và nghèo đói suốt đời...

- Qua tất cả các sự dữ, Chúa nhắc nhở chúng ta về thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình, để chúng ta luôn sẵn sàng cho bất cứ lúc nào, nếu phải kết thúc hành trình đời mình.

- Dù Thiên Chúa không muốn sự dữ xảy ra. Nhưng trong trường hợp sự dữ đã xảy ra, Thiên Chúa có thể rút ra từ sự dữ, những điều tốt lành. Thậm chí, Người còn lấy ra từ sự dữ những giá trị thánh, giá trị hằng sống, giá trị cứu độ, giá trị vĩnh cửu...

Nhận định này bắt nguồn từ chính mạc khải của Thiên Chúa. Chẳng hạn, tổ phụ Giuse bị các anh ghen ghét và bán cho người Aicập. Không ai ngờ, từ trong sự kiện tàn độc này, Chúa muốn tổ phụ cứu sống cả gia đình mình.

Hoặc chính Chúa Giêsu, Đấng đã bị loài người loại trừ, thì Thiên Chúa đã dùng chính sự chết và sống lại của Người để cứu độ loài người, cho phép những kẻ mang thân phận loài người cùng được phục sinh, cùng được thừa hưởng cơ nghiệp vĩnh cửu của Người trong nhà Thiên Chúa, trong chính sự sống trường tồn của Thiên Chúa.

- Qua sự dữ mà ta đang phải đối mặt, Chúa có thể giáo dục ta như người cha dùng roi để đánh con mình. Qua sự dữ mà ta kiên trung chịu đựng, đức tin của ta sẽ mạnh mẽ hơn, lòng cậy trông sẽ vững vàng hơn, tình yêu mến sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.

- Chúng ta cần ghi nhớ: Chúa công bằng vô cùng. Bởi khi một người gặp phải nhiều khổ đau ở đời này, họ sẽ không hoặc giảm việc đền tội mà họ phải gánh chịu ở đời sau.

- Trong Hội Thánh, giáo lý về đến tội thay là một giáo lý đẹp. Biết bao nhiêu người hy sinh cho người khác, để đền tội thay cho những kẻ tội lỗi. Và tất cả những người được chọn làm vật tế sinh, Chúa sẽ có cách của Chúa để trả lại cách cân xứng những gì mà họ phải chấp nhận.

Ví dụ:

* Chúa Giêsu vô tội đền tội thay cho cả trần gian, nay đã vinh hiễn đến muôn đời trong ơn phục sinh.

* Các vị thánh của Chúa như thánh Têrêsa Avila, cả một đời đan tu, phải chấp nhận quá nhiều đau khổ để khai sinh dòng Carmel cho Hội Thánh.

* Và biết bao nhiêu người công chính chấp nhận chết thay cho người không công chính để đền thay tội lỗi của họ...

* Chúng ta cũng có thể đền tội thay cho nhau, và đền tội thay cho các Đẳng Linh Hồn để cầu nguyện cho họ mau được về hưởng tôn nhan Chúa…

* Tất cả những người sống hay chết, một khi đã thực hành việc đền tội thay cho anh chị em mình, chắc chắc được Chúa thưởng công cân xứng với những gì họ đã hy sinh như Chúa Giêsu, như các thánh của Chúa.

Vậy đứng trước bất cứ biến cố nào, dù cho đó là sự dữ, chúng ta hãy luôn có một ý thức vững vàng rằng, Thiên Chúa không bao giờ muốn có sự dữ. Ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự tốt đẹp. Cả khi con người không còn tốt đẹp như thuở ban đầu do tội lỗi mà chính họ gây ra, Thiên Chúa đã không vì thế mà hủy bỏ công trình của Người. Thay vì hủy bỏ, Thiên Chúa đã cứu độ, đã tái tạo, đã đi tìm con người và đưa họ về sống trong tình yêu mà muôn đời Người vẫn dành cho họ.

Khi chạm phải bất cứ thử thách nào, ta cần bình tâm, để có thể sáng suốt nhận ra sự dữ bởi đâu; đâu là sự quan phòng của Chúa; đâu là cách Chúa dùng để giáo dục ta; đâu là bài học, là sự tốt lành mà Chúa có thể rút ra từ sự dữ để trao ban cho ta...

Đối diện với sự dữ, ta cầu xin Chúa đón nhận mình, đón nhận những khổ đau mà ta đang từng giờ, từng khắc chịu đựng nó.

Ta xin Chúa ban ơn, để với cây thánh giá mà bản thân đang phải gánh lấy, sẽ đưa ta về tháp nhập thánh giá Chúa Kitô, để cùng Chúa Kitô, ta cũng trở nên vật tế sinh đền tội chính mình, đền tội thay cho thế gian, cho mọi anh chị em của mình.

Điều quan trọng nhất, đó là hãy sống tốt từng thời khắc, để nếu chính ta phải đối diện với sự dữ, đối diện với cái chết là sự dữ lớn, thì ta vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng, luôn trong tình trạng lành thánh, đáng hưởng tôn nhan Chúa.

Lạy Chúa, chúng con ăn năn tội. Mỗi lần chứng kiến sự dữ, nhất là sự dữ ập đến bất ngờ, chúng con càng phải ăn năn tội nhiều hơn, để luôn luôn trong tư thế sẵn sàng cho thời điểm Chúa gọi chúng con. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:02 22/03/2019

116. Ai thực hành hoàn thiện một loại đức hạnh, thì tất nhiên cũng có thể có các đức hạnh khác.

(Thánh nữ Birgitta)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 22/03/2019
65. MƠ THẤY CHÂU CÔNG

Có một thầy giáo nọ ngủ trong giờ học, sau khi tỉnh lại thì nói láo với học trò:

- “Ta vừa nằm mộng thấy Châu công ?”

Qua ngày hôm sau, học trò cũng bắt chước thầy giáo mà ngủ trong lớp, thầy giáo dùng thước đập học trò tỉnh dậy, nói:

- “Sao con không đọc sách mà lại ngủ vậy ?”

Học trò đáp:

- “Con cũng vừa đi gặp Châu công ?”

Thầy giáo hỏi:

- “Châu công nói gì ?”

Học trò trả lời:

- “Châu công nói: hôm qua ta thật không nhìn thấy thầy giáo của ngươi !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 65:

Người ta thường nói: thầy nào trò nấy.

Thầy nói dối thì trò cũng nói dối, mà nói dối còn bạo hơn thầy nữa, đó là hệ quả của việc nói dối do người lớn gây ra.

Thời nay có những người coi việc nói dối là “chuyện thường ngày” không đáng tội: cấp dưới nói dối cấp trên, cấp trên nói dối cấp trên nữa, cấp trên nữa lại nói dối cấp dưới, làm cho xã hội loạn và niềm tin giữa người với nhau không còn nữa.

Có mà nói không là nói dối, không mà nói có cũng là nói dối, đúng mà nói sai là nói dối, sai mà nói đúng cũng là nói dối. Chỉ có những ai “có thì nói có, không thì nói không” như lời của Đức Chúa Giê-su dạy thì mới là người chân thật có tâm hồn ngay thẳng và biết kính sợ Thiên Chúa...

Nói dối là con cái của ma quỷ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hai bài học từ hai bài đọc
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
14:09 22/03/2019
CN 3 C Mùa Chay

Hôm nay ta sẽ rút ra hai bài học từ hai bài đọc. Bài học một từ bài đọc một. Bài học hai từ bài đọc ba, tức bài Tin Mừng.

1. Bài học một.

Bài đọc I trong 5 Chúa Nhật Mùa Chay cứ tuần tự thuật lại 5 giai đoạn trong lịch sử cứu độ, hay còn được hiểu là 5 giai đoạn trong cuộc hành trình loài người tìm gặp Chúa (1). Hôm nay tới giai đoạn của Môsê. Bài đọc I kể chuyện Chúa hiện ra với Môsê, điều đáng để ý là Chúa không hiện ra với ông trong Đền thờ mà là trong sa mạc (thật ra thời dân ở Ai Cập làm gì có đền thờ, nhưng chí ít cũng chọn một nơi “ngon” hơn một chút); và hay ho hơn nữa, Chúa hiện ra không phải khi Môsê đang cầu nguyện mà trong lúc ông đang chăn cừu. Vậy là, Chúa hiện ra cho Môsê ở một nơi “phàm trần” và trong một sinh hoạt “phàm trần.”

Chúng ta có biết đặc điểm của người giáo dân được CĐ Vatican 2 kể ra là gì không? Hãy mở Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 4, bàn về giáo dân, số 31, thấy ngay: “tính cách phàm trần (trần thế) là tính cách riêng biệt và đặc thù của người giáo dân” mà người giáo dân chiếm 99,99% dân Chúa.

Vậy là, Chúa không bắt người giáo dân phải vào đền thờ mới gặp được Chúa. Sẽ có lúc Chúa đòi như thế, như hôm nay Chúa Nhật ta đến Nhà Thờ (nhưng đó không phải là bài học ta rút từ bài đọc 1 hôm nay). Chúa cũng không đòi chúng ta phải ngưng công việc thường ngày, rồi quỳ đọc kinh cầu nguyện, bấy giờ Chúa mới hiện ra. Không. Ngài đã gặp Môse đang khi ông chăn cừu, trong sa mạc đất phàm.

Khi ở Chicago, ghé thăm văn phòng của một bà giáo dân làm việc cho giáo xứ, tôi ngạc nhiên thấy trong phòng bà lúc nào cũng có ngọn nến. Bà tới nơi làm việc, việc đầu tiên là đốt ngọn nến. Hỏi bà lý do, bà có sẵn ngay: nơi làm việc là nơi thánh.

Ta thử đọc lại câu chuyện Mô-sê: Hãy cởi dép ra vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. Dù Môsê đang đứng tại một nơi phàm trần giữa hoang địa, nhưng Chúa bảo ông rằng đó là nơi thánh. Điều gì đã khiến nơi đó thành nơi thánh ? Thưa chính là sự hiện diện của Chúa. Mà Chúa chẳng ngại gì hiện diện giữa nơi phàm trần, nơi mà người giáo dân sống và làm việc. Ta nghe thêm Công Đồng nói: “Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả dệt thành đời sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, (…) để họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình: tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác.”

Không cần thắp lên ngọn nến bằng sáp như bà kia khi đến nơi làm việc, nhưng cứ buôn bán lương thiện, chạy xe (ôm, xích lô, taxi, tải…) không ép giá, thi cử không quay cóp, dạy học theo lương tâm, làm các nghề sự nghiệp hành chánh công minh chính trực, chu toàn bổn phận cha mẹ, vợ chồng con cái trong gia đình…, ắt sẽ là những ngọn nến có khi còn sáng hơn ngọn nến sáp kia nhiều, vì được đốt bằng tim gan, xương máu của ta. Làm việc tận tuỵ sao không tiêu hao xương máu được !

Vậy là bài học một rút từ bài đọc một là ta hãy biến nơi phàm trần ta ở, chốn trần thế ta làm việc trở thành nơi thánh bằng cách để Chúa đến ở với ta.

2. Bài học hai

Bài học hai rút ra từ bài Tin Mừng. Bài Tin Mừng nhắc đến 2 biến cố đẫm máu, tuy thua xa các vụ bắn chết 50 người tại hai đền Hồi giáo bên New Zealand mới đây, hay không kêu to như vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân Trung Quốc năm nào (12-8-2015), cũng không dã man như vụ giết 6 người tại Bình Phước 4 năm trước đây (7-7-2015), nhưng cũng gây kinh hãi: “Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.” Vậy là họ bị giết ngay trong khu vực đền thờ, mới có máu chiên bò sát sinh hoà lẫn với máu của người bị giết. Đó là chuyện người ta kể cho Chúa nghe.

Đáp lại, Chúa kể cho họ nghe chuyện mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Nhà thờ Ngọc Lâm, tỉnh Thái Nguyên sáng 17-1-13 sập mái, chết mấy người, bị thương trên 5 chục. Cũng ghê ! Ta thử theo chân các nhà lịch sử Kinh Thánh để hiểu hơn một chút hai cuộc chết chóc mà Tin Mừng nhắc đến. (2)

Lúc đó Phi-la-tô, tên rất quen thuộc, vì ta có nhắc đến tên ông quan này trong kinh Tin Kính, Philatô có một quyết định rất tốt rằng Giê-ru-sa-lem cần có một hệ thống dẫn nước mới và tân tiến hơn. Ông quyết định xây cất hệ thống đó, và để đài thọ cho việc này, ông đề nghị dùng một phần tiền của Đền Thờ. Nghe đến ý tưởng sử dụng tiền của Đền Thờ vào việc không phải đền thờ (trần thế) cũng đủ khiến dân Do-thái cầm vũ khí chống lại. Khi dân chúng tụ tập lại thì Phi-la-tô cho lính của ông cải trang trà trộn với họ. Lính được lệnh mang gậy thay vì gươm. Đến lúc được báo hiệu, lính xông vào dân chúng và phân tán họ. Việc đó đã diễn ra đúng nhưng vì bọn lính đã hành động rất hung dữ, đi quá lệnh trên, gây thiệt mạng cho một số thường dân người Galilê.

Còn về phần mười tám người bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết, cho đến nay vẫn còn là một sự kiện bí mật. Nhưng có người cho rằng họ đã lãnh việc xây ống dẫn nước của Phi-la-tô, một công việc mà dân chúng ghét. Vì số tiền công họ lãnh đều là tiền của Chúa và đáng lẽ họ phải tình nguyện trả lại vì tiền đó từ đền thờ, tức là một cách lấy trộm của Chúa. Khi tháp Si-lô-ê đổ xuống trên họ thì dân chúng cho rằng vì họ đã bằng lòng làm công việc đó, cho nên Chúa phạt nhãn tiền. Người Do-thái đã nghiêm khắc kết buộc “đau khổ” và “tội lỗi” với nhau. Trước đó rất lâu, Êlipha đã nói với Gióp rằng: "Có ai vô tội mà bị tiêu diệt đâu?" (G 4,7) Đây là một giáo lý độc ác, cay nghiệt như Gióp đã biết rõ. Chúa Giê-su đã bác bỏ thuyết đó đối với một số trường hợp cá nhân. Như người mù thủa mới sinh : “chẳng phải lỗi nó, chẳng phải tội cha mẹ nó.”

Mà thường những thánh nhân là những người chịu đau khổ nhiều nhất. Thánh vịnh nói: «Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân». Các Ki-tô hữu thời sơ khai, các thánh tử đạo, thường là những người hiền đức nhưng cuộc đời của họ nhiều khi gặp toàn nghịch cảnh, và có khi phải chết một cách thảm thiết. Chẳng hạn rất nhiều Ki-tô hữu bị Nê-rô cho sư tử xé xác và bị thiêu sống tập thể. Chính thánh Tê-rê-xa A-vi-la cũng gặp rất nhiều thử thách, đến nỗi bà phải than với Chúa: «Bây giờ con mới hiểu tại sao Chúa lại quá ít bạn như thế, vì Chúa thường đối xử với bạn thân thiết của Chúa như thế này đây!».

Cho nên khi nói về hai cuộc chết chóc trên, Chúa Giêsu muốn nói ngay, chẳng phải họ có tội mà họ chết đâu. Chúa Giê-su còn đi xa hơn nữa và nói rằng nếu các thính giả của Ngài không chịu nhìn vào chết chóc đó mà ăn năn thì họ cũng sẽ bị tiêu diệt.

Trong thời Chúa Giêsu cũng như thời chúng ta, chúng ta dễ bị cám dỗ giải thích các biến cố cách thiếu bác ái đối với người khác. Biết bao lần người ta đã nghe những lối giải thích bộc phát như sau: Trời phạt nó. Đó là án phạt của Chúa, hoặc chúng ta dễ lạm dụng kiểu nói “trời có mắt” để biện minh cho ý của chúng ta, để tạo cho mình mối quan tâm được Chúa ưu đãi hơn những người khác.

Và rồi chúng ta cũng dễ có cám dỗ ngược lại và gán ép cho Chúa những biến cố bất lợi xảy đến cho chính chúng ta: Trời bỏ tôi. Chúa làm ngơ giả điếc. Ngài trả thù mà... Đôi khi những biến cố đó chỉ là do những nguyên nhân thiên nhiên vô hồn (thời tiết, bệnh truyền nhiễm, tai biến tự nhiên...). Cần phải hết sức thận trọng khi giải thích những gì xảy đến cho ta.

Người khôn ngoan nhất là người -như Chúa Giêsu dạy- biết lợi dụng tất cả những gì xảy đến để hoán cải không ngừng, để tạ ơn Chúa khi gặp những biến cố may mắn, để xin cho tâm hồn vững mạnh và biết tùng phục ý Chúa khi gặp các biến cố xui xẻo. Như thế lời Kinh thánh sau đây sẽ nên trọn cho chúng ta: “Mọi sự đều góp phần sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa ” (Rm 8,28). Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh

--------------------------------------------------

(1) Bài đọc I các Chúa Nhật Mùa Chay có một bố trí đặc biệt, không liên quan tới bài Tin Mừng, như các CN Thường Niên. Nó diễn đạt lại 5 giai đoạn của lịch sử cứu độ, CN I : Thời nguyên thủy ; CN II : Thời Abraham ; CN III : Thời Mô-sê ; CN IV : Thời Đất Hứa ; CN V : Thời các ngôn sứ.

(2) theo giải thích trong bài chia sẻ của cha Hàm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lịch sử diệu kỳ của Nhà Thánh Loreto, nơi ĐTC ký Tông huấn Vive Cristo, esperanza nuestra
Đặng Tự Do
07:32 22/03/2019
Sáng thứ Hai ngày 25 tháng 3, Lễ Thiên Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Basilica della Santa Casa, nghĩa là Đền thờ Nhà Thánh, hay còn gọi là Đền thánh Đức Mẹ Loreto; cách Rôma 280 km về phía Đông Bắc. Tại đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ký Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên có tên là “Vive Cristo, esperanza nuestra” (tiếng Tây Ban Nha), có nghĩa là “Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta”.

Tựa đề này cũng là những lời mở đầu của văn bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha của Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên được trình bày dưới hình thức một lá thư gửi đến giới trẻ.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 20 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích như sau: “Với cử chỉ này, Đức Thánh Cha có ý phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria tài liệu hoàn thành công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 3 đến 28 tháng 10 năm ngoái, 2018, với chủ đề: ‘Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi’”.

Chúng tôi xin được giới thiệu qua về lịch sử diệu kỳ của ngôi đền thờ này.

Nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ

Đền thánh Đức Mẹ Loreto là một trong các trung tâm Thánh Mẫu được tôn sùng và thu hút đông đảo các tín hữu nhất trên khắp thế giới. Và đúng như vậy, vì theo truyền thống, theo các chứng từ của các vị Giáo Hoàng và các Thánh, đây là nơi căn nhà của Đức Mẹ ở Nagiarét khi xưa đã được các Thiên thần dời về đây.

Nhà Thánh nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ được coi là nơi “sáng tạo mới” - tức là ơn cứu chuộc của chúng ta – đã bắt đầu. Trong nhiều thế kỷ qua, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đền thờ này để cầu nguyện và tìm kiếm sự cầu bầu của Đức Mẹ. Hàng ngàn phép lạ được ghi nhận là do Đức Mẹ ban ơn cho các tín hữu kính viếng đền thánh này.

Truyền thống tôn kính và lịch sử của Nhà Thánh, nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, đã có từ thời các thánh Tông đồ. Từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, Nhà Thánh đã là nơi tấp nập các khách hành hương, và một hang đá được xây ngay bên cạnh Nhà Thánh. Năm 313, Đại đế Constantine đã xây một Vương cung thánh đường lớn bao trùm Nhà thánh Nagiarét và hang đá. Vào khoảng năm 1090, quân Hồi Giáo xâm chiếm Thánh địa, cướp bóc và phá hủy nhiều đền thờ linh thiêng đối với các Kitô hữu. Một trong số đó là Vương cung thánh đường ở Nagiarét, nhưng Nhà thánh và hang đá vẫn còn nguyên.

Khi thánh Phanxicô Assisi đến thăm Thánh Địa (1219-1220), ngài từng cầu nguyện nhiều lần tại Nhà Thánh này. Thánh Louis thứ Chín, Vua nước Pháp, cũng đã đến thăm và rước lễ trong đền thờ này khi ngài lãnh đạo một cuộc thập tự chinh để giải phóng Thánh địa khỏi tay quân Hồi Giáo. Một nhà thờ khác được xây dựng trên nền ngôi nhà thờ cũ trong thế kỷ 12 để bảo vệ Nhà Thánh. Vương cung thánh đường thứ hai này cũng bị phá hủy sau đó khi quân Hồi Giáo đánh bại quân thập tự chinh vào năm 1263. Một lần nữa, Nhà Thánh thoát khỏi sự hủy diệt và vẫn còn nguyên vẹn dưới đống đổ nát của Vương cung thánh đường. Cuối cùng, vào năm 1291, quân thập tự chinh đã bị đánh đuổi hoàn toàn khỏi Thánh địa và chính tại thời điểm này trong lịch sử, Nhà Thánh biến mất khỏi Palestine và xuất hiện ở một nơi ngày nay chúng ta gọi là Croatia, và một ngôi đền lớn nhất được xây dựng ở đó để bao bọc Nhà Thánh, gọi là đền Đức Mẹ Trsat (tiếng Ý gọi là Tersatto).

Nhà Thánh tại Tersatto

Truyền thống cho chúng ta biết rằng vào ngày 10 tháng 5 năm 1291, Nhà Thánh Nagiarét đã được các Thiên thần dỡ khỏi nền móng ở Nagiarét và đưa băng qua Địa Trung Hải từ Palestine đến một ngọn đồi của làng Dalmatia thuộc thị trấn nhỏ Tersatto.

Cha sở nhà thờ Thánh George, tại Tersatto, là cha Alexander Georgevich, đã rất kinh ngạc trước sự hiện diện bất ngờ của một nhà thờ nhỏ và cầu nguyện xin được soi sáng. Những lời cầu nguyện của ngài đã được trả lời khi Đức Trinh Nữ xuất hiện với ngài trong giấc ngủ và nói với ngài rằng đây thực sự là Nhà thánh Nagiarét, nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ và đã được đưa đến đây nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Để xác nhận những gì Mẹ nói với ngài, ngài tức khắc được phục hồi sức khỏe, khỏi hẳn những căn bệnh mà ngài đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Anh chị em giáo dân được khích lệ đến hành hương tại đây và nhiều người nhận được các ơn lạ.

Nhà Thánh tại Loreto

Năm 1294, khi quân Hồi Giáo tiến chiếm Albania và có khả năng sẽ phạm thánh, ngôi nhà đột nhiên biến mất khỏi Tersatto. Một số người chăn chiên quả quyết đã nhìn thấy vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 1294, Nhà Thánh được các Thiên thần nâng lên lơ lửng trên không, băng qua biển Adriatic và đến một khu rừng cách thành phố Recanati của Ý 6.5km. Tin tức lan truyền nhanh chóng và hàng ngàn người đến xem ngôi nhà nhỏ giống như một nhà thờ. Ngôi nhà trở thành nơi hành hương và nhiều phép lạ đã diễn ra ở đó. Nhưng kẻ cướp từ khu vực rừng cây gần đó bắt đầu làm khổ những người hành hương, vì vậy Nhà Thánh được đưa đến một nơi an toàn hơn cách đó không xa. Nhưng ở nơi này cũng không xong vì hai anh em sở hữu mảnh đất đang tranh cãi nhau. Ngôi nhà đã được chuyển đến địa điểm hiện nay. Hai anh em nhà nọ trở nên hòa thuận với nhau ngay khi Nhà Thánh định cư ở vị trí cuối cùng. Thật là lạ lùng, bất cứ nơi nào Nhà Thánh đáp xuống, ngôi nhà đều nằm vững chãi một cách kỳ diệu trên mặt đất, mặc dù không có nền móng gì cả.

Đứng trước những phép lạ tuôn đổ trên những người hành hương, giáo quyền và người dân muốn biết chắc chắn đây có phải là Nhà Thánh ở Nagiarét không. Vì thế họ đã gửi một phái đoàn gồm 16 người đàn ông đến Tersatto và sau đó đến Nagiarét để xác định chắc chắn nguồn gốc của Nhà Thánh. Mười sáu người đàn ông, tất cả đều là các công dân đáng tin cậy, đã mang theo các số đo và chi tiết đầy đủ của Nhà Thánh, và sau vài tháng trở lại với báo cáo rằng theo ý kiến của họ, Nhà Thánh này đã thực sự đến từ Nagiarét.

Phản ứng của các vị Giáo Hoàng

Trong nhiều thế kỷ, nhiều vị Giáo Hoàng đã công nhận tính xác thực của Nhà Thánh và các phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ khi các tín hữu hành hương đến đây. Sự sùng kính của các vị Giáo Hội đối với Nhà Thánh được thể hiện qua vô số các ân xá được trao cho những người đến thăm Nhà Thánh. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên ban các ân xá, sau đó đến Đức Giáo Hoàng Urbanô VI. Ngài đã ban ân xá cho các tín hữu hành hương đến đây vào ngày lễ mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Các Đức Giáo Hoàng Boniface IX và Martin V cũng ban nhiều ân xá. Một bảng liệt kê danh sách các vị Giáo Hoàng ban ân xá cho các tín hữu hành hương trong nhiều thế kỷ qua đã thể hiện xác tín của các ngài về tính xác thực của Nhà Thánh tại Đền Thờ Loreto.

Kinh cầu Đức Bà Loreto

Kinh cầu Đức Bà mà chúng ta thường đọc còn được gọi là Kinh cầu Đức Bà Loreto vì đây là nơi xuất phát kinh cầu này vào năm 1558, và sau đó được Đức Giáo Hoàng Xittô V phê duyệt và truyền công bố trong toàn thể Giáo Hội vào năm 1587. Đó là một trong 5 kinh cầu được chính thức phê duyệt dùng trong toàn thể Giáo Hội.

Các vị Thánh đã từng hành hương đền thờ Nhà thánh Loreto

Bất cứ nơi nào có đền thờ Đức Mẹ đích thực hiện ra, bạn có thể chắc chắn sẽ có nhiều phép lạ. Điều này đặc biệt đúng tại Nhà Thánh, nơi đã có rất nhiều người được chữa khỏi không thể giải thích được về mặt Y khoa. Trên thực tế, ít nhất ba vị Giáo Hoàng đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu tại đền thờ Nhà thánh Loreto.

Hơn hai ngàn người đã được Giáo hội phong thánh, phong chân phước hoặc tôn kính đã đến thăm Nhà Thánh. Thánh Têrêxa thành Lisieux, Thánh Anphongsô Liguori, Thánh Frances Cabrini, Hồng Y Newman, Thánh John Neumann và Thánh Phanxicô đệ Salê đều đã viếng thăm Nhà Thánh.

Thánh Phanxicô Assisi vào những năm đầu của thế kỷ 13 đã thành lập một tu viện tại Sirolo, phía bắc Recanati. Trước sự hoang mang của một nhóm các tu sĩ, Thánh Phanxicô đã tiên báo trước rằng trước khi kết thúc thế kỷ đó, một thánh đường sẽ được xây dựng gần đó, nơi nổi tiếng hơn Rôma hoặc Giêrusalem và các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến hành hương Thánh địa này. Lời tiên tri này đã được chứng minh là đúng khi Nhà Thánh Loreto đến vào ngày 10 tháng 12 năm 1294.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đến thăm Đền thờ nhân kỷ niệm 50 năm chuyến viếng thăm Đức Gioan 23. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Bênêđíctô chính thức phó dâng Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và Năm Đức tin cho Đức Mẹ Loreto.


Source:Catholic Tradition
 
Linh mục Việt Nam, cộng tác viên VietCatholic, qua đời bất ngờ, gây sững sờ tại Perth, Australia
Đặng Tự Do
08:42 22/03/2019
Tổng giáo phận Perth, Australia cho biết cha Giuse Trần Minh Nhựt, 48 tuổi, đã qua đời “đột ngột và bất ngờ” vào đêm thứ Năm rạng ngày thứ Sáu 22 tháng Ba, và cái chết của ngài đang được pháp y điều tra. Tổng giáo phận từ chối bình luận thêm vào thời điểm hiện nay.

Báo chí địa phương đưa tin về cái chết của ngài cho biết cha Nhựt được nhiều người yêu mến vì những hoạt động hăng say đầy nhiệt tình của ngài. Ngài là một người chơi thể thao rất khoẻ mạnh. Cái chết đột ngột của ngài không khỏi gây ngỡ ngàng và sửng sốt, và nhiều người đang mong mỏi sớm biết được kết quả điều tra của pháp y.

Trước đây, ngài làm chính xứ Whitfords, một vùng ngoại ô phía bắc thành phố Perth, trong vòng 15 năm.

Cha Giuse Trần Minh Nhựt, được giáo dân và học sinh yêu mến gọi là “Cha Joe”, gần đây đã chuyển từ giáo xứ Whitfords ở phía bắc thành phố Perth đến giáo xứ St. Francis Xavier, Armadale ở phía Đông Nam thành phố. Ngài coi sóc xứ mới đã được hơn một năm nay.

Trong thư gởi cho các phụ huynh, trường Sacred Heart cho biết:

“Cộng đoàn nhà trường vô cùng đau buồn vì sự ra đi của ngài, và ghi nhớ tình yêu mến, khiếu khôi hài và sự quan tâm sâu sắc của ngài dành cho tất cả mọi người.”

“Nhà trường sẽ thảo luận về cách tôn vinh cuộc sống của Cha Joseph và sẽ truyền đạt thông tin này khi kế hoạch được hoàn thành.”

Nhà trường yêu cầu phụ huynh và các em nhớ đến mẹ, và chị em của cha Joe trong lời cầu nguyện.

Cha Giuse Trần Minh Nhựt là một nhân vật nổi tiếng và được yêu mến trong cộng đồng. Tháng Hai năm ngoái gần 2,000 người đã tham dự thánh lễ tại Our Lady of the Mission Church – Nhà thờ Đức Mẹ của Giáo Hội Truyền giáo - tiễn biệt ngài về xứ mới.

Trong một bài phát biểu chia tay được công bố trên tờ Record của tổng giáo phận, anh chị em giáo dân đã nói rất nhiều về tác động của Cha Joe đối với cộng đồng.

“Cha [Joe] là một linh mục của người dân. Ngài không ở trên bục giảng cao vời vợi, ngoài tầm với. Nhưng ngài ở đây đồng hàng với chúng tôi.”

“Ngài thuờng đi bộ với chúng tôi và chia sẻ cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, không chỉ là một linh mục mà còn là một người bạn, một người bạn đồng hành, một người hướng dẫn. Ngài dành thời gian cho chúng tôi và không bao giờ nói ‘không’.”

“Chúng con sẽ nhớ cha và thường nghĩ về tất cả những khoảng thời gian vui vẻ chúng ta đã có với nhau - vì khiếu hài hước tuyệt vời của cha luôn là niềm vui đối với chúng con. Với trái tim nặng trĩu, chúng con để cha ra đi, vì chúng con biết ở nơi khác anh chị em cũng cần đến cha.”

Cha Joe đã làm việc tại giáo xứ Armadale chỉ mới hơn một năm trước khi qua đời.

Xin quý cha và anh chị em trong các cộng đoàn truyền thông của VietCatholic trên thế giới dâng lễ và cầu nguyện cho linh hồn Cha Giuse Trần Minh Nhựt.
 
Linh mục Canada bị đâm trong khi cử hành thánh lễ được trực tiếp truyền hình
Đặng Tự Do
15:52 22/03/2019
Một linh mục đã bị đâm trong khi cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Giuse ở Montreal vào sáng thứ Sáu 22 tháng Ba.

Cha Claude Grou, giám đốc Đền Thờ, đã bị một người đàn ông dùng con dao lớn tấn công khi ngài đang cử hành Thánh lễ sáng. Thánh lễ đang được Sel + Lumiere TV phát trực tiếp, nhưng video này sau đó đã bị xóa khỏi trang web.

Cha Grou cố gắng bỏ chạy khi kẻ tấn công lao về phía ngài, nhưng cha bị hung thủ quật ngã xuống đất và bị đâm một lần. Tên tấn công chỉ ngưng lại khi các tín hữu tham dự thánh lễ lao lên bàn thờ quật ngã hắn xuống.

Cha Grou đã được đưa xe cứu thương đưa đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Theo thông cáo mới nhất của Tổng giáo phận Montreal, ngài đang trong tình trạng ổn định và vết thương của ngài không nghiêm trọng.

Các nhân viên an ninh tại Đền Thờ đã bắt giữ thủ phạm trước khi cảnh sát đến. Cảnh sát đang giam giữ người đàn ông này để điều tra.


Source:Catholic Herald
 
Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bác bỏ những chỉ trích nhắm vào Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Đặng Tự Do
17:29 22/03/2019
Trong tuyên bố hôm 21 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bày tỏ sự thất vọng của các ngài trước những cáo buộc gần đây tại Âu Châu cho rằng vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã “chậm chạp” trong việc đề ra các chính sách có hiệu quả nhằm bài trừ tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội.

Các Giám Mục nhận xét cay đắng rằng các thế lực thù địch với Giáo Hội lạm dụng tội lỗi lạm dụng tính dục để tấn Công Giáo Hội đã đành, nhưng ngày nay còn có cả các giáo sĩ hùa theo những luận điểm này là điều thực sự đáng quan ngại.

Các ngài nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, người từng là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cho biết vị Giáo Hoàng Ba Lan đã phê chuẩn các đặc miễn giáo luật cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ vào năm 1994 và Giáo Hội tại Ái Nhĩ Lan 1996, để các Giám Mục tại quốc gia này có thể áp dụng các chính sách không khoan nhượng đối với tội lỗi lạm dụng tính dục; trước khi ngài công bố những sáng kiến của ngài vào tháng Năm năm 2001 trong tài liệu “Sacramentorum sanctitatis tutela” – “Bảo vệ sự tôn nghiêm của các bí tích”, và các chuẩn mực phải tuân giữ nhằm đối phó với “Các tội ác hết sức nghiêm trọng”.

Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cũng công bố trên trang web chính thức của Hội Đồng Giám Mục toàn bộ tuyên bố của Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Krákow.


Source:Informacje KEP
 
Tuyên bố của Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz: Đức Gioan Phaolô II trước các lạm dụng tình dục trong Giáo Hội
Đặng Tự Do
17:39 22/03/2019
Tuyên bố: “Đức Gioan Phaolô II trước các lạm dụng tình dục trong Giáo Hội”.

+ Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz
Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Krákow.


Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
Các ý kiến mới nổi lên cho rằng Đức Gioan Phaolô II đã chậm chạp trong việc hướng dẫn Giáo Hội phản ứng lại tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi một số giáo sĩ là những nhận xét đầy thành kiến và mâu thuẫn với các sự kiện lịch sử.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thay thế trách nhiệm của các giám mục ở các quốc gia riêng lẻ. Khi quan sát cuộc sống của các giáo hội địa phương, ngài đặc biệt chú ý đến cách thức các giám mục đối phó với vấn đề mới nổi lên này. Khi cần thiết, ngài giúp đỡ các vị, thường là theo sáng kiến của riêng ngài. Ngài đã làm như vậy theo lời thỉnh cầu của các Hội Đồng Giám Mục địa phương.

Đây là cách ngài phản ứng lại trước cuộc khủng hoảng liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Vào thập niên 1980, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu lên men trong Giáo Hội tại Mỹ, trước hết Đức Giáo Hoàng quan sát các hoạt động của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và khi ngài đi đến kết luận rằng cần có các công cụ mới để chống lại những tội ác này, ngài đã trao cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội những quyền lực mới. Đối với các giám mục, những điều này là một dấu chỉ rõ rệt cho thấy hướng đi mà các ngài phải theo đuổi trong cuộc chiến đấu chống lại tội ác này. Điều đó có thể thấy rõ khi nhớ lại rằng vào năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành một đặc miễn giáo luật (indult) cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ và hai năm sau đó cho Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan, được áp dụng một chính sách gọi là không khoan nhượng. Ngài không có ý định dung túng cho tội ác ấu dâm trong Giáo Hội, nhưng quyết liệt chiến đấu chống lại nó.

Khi rõ ràng rằng các giám mục địa phương và bề trên các dòng tu vẫn không thể đối phó với vấn đề này, và cuộc khủng hoảng đang lan rộng sang các quốc gia khác, ngài nhận ra rằng nó không chỉ liên quan đến thế giới nói tiếng Anh (Anglo-Saxon) mà còn mang đặc tính toàn cầu.

Chúng ta biết rằng, vào năm 2002, đã có một làn sóng các tiết lộ ở Hoa Kỳ, từ các ấn phẩm được biết đến với tên là “Spotlight”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ rằng chỉ một năm trước những sự kiện này, vào tháng 5 năm 2001, theo sáng kiến của Đức Thánh Cha, tài liệu “Sacramentorum sanctitatis tutela” - “Bảo vệ sự tôn nghiêm của các bí tích” đã được công bố. Vào thời điểm đó, Đức Giáo Hoàng đã ban hành các quy tắc phải tuân giữ nhằm đối phó với “Các tội ác nghiêm trọng nhất” này. Chúng ta nên biết tầm quan trọng có tính đột phá trong hành động pháp lý này. Đức Gioan Phaolô II truyền rằng tất cả các tội ác lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi của hàng giáo sĩ đều thuộc thẩm quyền của Tòa án Tông Tòa do Bộ Giáo Lý Đức Tin đứng ra xét xử. Ngài cũng bắt buộc mỗi giám mục và bề trên dòng tu phải báo cáo với Bộ Giáo Lý Đức Tin tất cả những ai phạm vào các tội ác đó, nếu xác suất phạm tội có thể được xác nhận trong cuộc điều tra sơ bộ được quy định bởi bộ Giáo Luật. Các thủ tục tố tụng tiếp theo được tiếp tục dưới sự kiểm soát của Tòa án Tông Tòa.

Những phân tích về cuộc khủng hoảng đã được Đức Gioan Phaolô II trình bày vào tháng Tư năm 2002 cho các vị Hồng Y người Mỹ được triệu tập đến Vatican sau việc công bố của tờ “Spotlight”. Nhờ vào các quy luật rõ ràng đã được Đức Giáo Hoàng chỉ ra, mức độ lạm dụng tại Hoa Kỳ đã suy giảm. Cho đến nay, những phân tích này vẫn tiếp tục đóng vai trò là điểm tham chiếu cho tất cả những ai dấn thân đấu tranh chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ. Nó giúp chẩn đoán cuộc khủng hoảng và chỉ ra lối thoát. Điều này đã được xác nhận bởi Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội tại Vatican được triệu tập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là vị trong cuộc chiến chống lại vấn đề này đang quyết tâm đi theo con đường của những người tiền nhiệm mình.

Cuối cùng, tôi phải nói một lời về trường hợp của Maciel Delgollado. Người ta nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã che đậy hoạt động tội phạm của người này. Các sự kiện cho ta thấy điều ngược lại mới là đúng. Hãy để tôi nhắc các bạn rằng Bộ Giáo lý Đức tin đã bắt đầu điều tra những lời cáo buộc chống lại Delgollado trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, chính xác là vào tháng 12 năm 2004. Vào thời điểm đó, Đức Ông Charles Scicluna, khi đó là Chưởng Lý (Promoter of Justice) và bây giờ là Tổng giám mục, đã được gửi đến Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ cùng với một luật sư khác, để thực hiện các cuộc điều tra cần thiết về vấn đề này. Quyết định khởi động cuộc điều tra này chỉ có thể được đưa ra với sự hiểu biết và ưng thuận của Đức Gioan Phaolô II. Các hoạt động này đã không bị gián đoạn ngay cả trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II, và do đó, có thể được kết thúc bằng một bản án ngay vào đầu triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI.

+ Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz
Krácow, ngày 20 tháng Ba năm 2019


Source:Informacje KEP
 
Hãy trở về trong chính bạn! Bài giảng Mùa Chay thứ hai năm 2019 của Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng
Vũ Văn An
23:21 22/03/2019


Thánh Augustinô đã đưa ra một lời kêu gọi mà mặc dù cách nay đã rất nhiều thế kỷ nó vẫn duy trì được sự liên quan của nó: “In teipsum redi. In interiore homine habitat veritas” (“Hãy trở về trong chính bạn. Chân lý ở trong con người nội tâm”). Trong một bài diễn văn với mọi người, ngài còn hô hào điều này kiên quyết hơn nữa:

"Trở về với trái tim bạn. Tại sao bạn lại ra khỏi chính mình? Ra khỏi chính mình, bạn sẽ diệt vong. Tại sao lại theo những con đường bỏ vắng? Hãy trở về từ cảnh lang thang từng đưa bạn đi quá xa như thế và hãy trở về với Chúa. Hãy làm nhanh lên. Đầu tiên, bạn hãy trở về với trái tim bạn; bạn đã đi lang thang và trở thành một người xa lạ với chính bạn: bạn không biết chính bạn, tuy nhiên bạn vẫn đang tìm kiếm Đấng đã dựng nên bạn! Bạn hãy trở về, hãy trở về với trái tim bạn, tách mình ra khỏi thân xác bạn. . . . Hãy trở về với trái tim bạn; hãy nhìn thấy ở đó những gì bạn có thể nhận thức về Thiên Chúa, vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Kitô ngự trong con người nội tâm, và chính trong con người bên trong của bạn, bạn được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa".

Tiếp tục những lời bình luận đã bắt đầu Mùa Vọng năm ngoái về câu trong thánh vịnh “linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta hãy suy ngẫm về “nơi” trong đó, mỗi người chúng ta có thể tiếp xúc với Thiên Chúa hằng sống. Theo một nghĩa phổ quát và bí tích, “nơi” này chính là Giáo hội, nhưng theo nghĩa bản thân và hiện sinh, nó là trái tim chúng ta, điều mà Kinh thánh gọi là “bản ngã bên trong”, “con người giấu ẩn của trái tim”. Mùa phụng vụ mà chúng ta đang sống cũng nhắc nhở chúng ta theo hướng này. Trong bốn mươi ngày này, Chúa Giêsu ở trong sa mạc và đó là nơi chúng ta cần gặp Người. Không phải tất cả chúng ta có thể vào một sa mạc ngoại giới, nhưng tất cả chúng ta có thể ẩn náu trong sa mạc bên trong trái tim của chúng ta. Thánh Augustinô nói “Chúa Kitô sống trong con người nội tâm”.

Nếu chúng ta muốn một mô hình hoặc một biểu tượng có thể giúp chúng ta thực hiện được sự trở về này trong chính chúng ta, thì Tin Mừng cung cấp nó trong tình tiết Giakêu. Giakêu là người muốn biết Chúa Giêsu, và để làm như vậy, ông đã rời khỏi nhà, đi qua đám đông và trèo lên một thân cây. Ông tìm kiếm Người ở bên ngoài. Nhưng rồi Chúa Giêsu nhân đi ngang qua thấy ông và nói với ông, “Này Giakêu, lẹ lẹ xuống đây; vì hôm nay tôi phải ở nhà anh” (Lc 19: 5). Chúa Giêsu mang Giakêu trở về nhà ông và ở đó, ngoài tầm mắt công chúng, không có ai mục kích, một phép lạ đã xảy ra; ông nhận ra Chúa Giêsu thực sự là ai và tìm thấy ơn cứu rỗi. Chúng ta thường giống như Giakêu. Chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu và chúng ta tìm kiếm Người ở ngoài đường phố, giữa đám đông, nhưng chính Chúa Giêsu mời chúng ta trở về ngôi nhà trái tim mình, nơi Người muốn gặp chúng ta.

Nội tâm tính, một giá trị đang gặp khủng hoảng



Nội tâm tính là một giá trị đang gặp khủng hoảng. “Cuộc sống nội tâm” mà có lúc gần như đồng nghĩa với đời sống thiêng liêng, thay vào đó, giờ đây có xu hướng bị nhìn một cách nghi ngờ. Có những cuốn từ điển về linh đạo hoàn toàn bỏ qua các chữ “nội tâm tính” và “hồi tâm” (“recollection”), và những chữ khác nói lên sự tiềm chế (reservations). Thí dụ, người ta cho rằng dù sao chăng nữa, không hề có chữ nào trong Kinh thánh tương ứng một cách chính xác với những chữ này, hoặc chúng có thể bị ảnh hưởng dứt khoát bởi triết học Platông, hoặc chúng nghiêng về chủ nghĩa duy chủ quan, v.v. Một triệu chứng nói nhiều với ta về sự mất khiếu thưởng thức và lòng qúy trọng đối với nội tâm tính này là số phận của cuốn “Gương Chúa Kitô”, một cuốn sách thuộc loại thủ bản dẫn nhập ta vào đời sống nội tâm. Từ tư thế là một cuốn sách được các Kitô hữu yêu thích nhất sau Kinh thánh, chỉ trong vài thập niên, nó đã trở thành một cuốn sách bị lãng quên.

Một số nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này đã có từ xưa và cố hữu trong chính bản chất của chúng ta. Thành phần cấu thành ra chúng ta, vì chúng ta được cấu thành gồm xác thịt và tinh thần, có nghĩa: chúng ta giống như một mặt phẳng nghiêng, nhưng một mặt phẳng nghiêng ra phía ngoài, hữu hình và đa nguyên. Giống như vũ trụ sau vụ nổ ban đầu (thuyết nổi tiếng Big Bang, Vụ nổ lớn), chúng ta cũng đang trong giai đoạn mở rộng và di tâm. “Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới” (Gv 1: 8). Chúng ta liên tục “quay ra ngoài” nhờ năm chiếc cửa hoặc cửa sổ các giác quan của chúng ta.

Thay vào đó, các nguyên nhân khác chuyên biệt và chuyên đề hơn. Một là sự liên quan do “các vấn đề xã hội”, một sự liên quan chắc chắn có giá trị tích cực trong thời đại chúng ta, nhưng nếu nó không được tái cân bằng, nó có thể nhấn mạnh xu hướng hướng ngoại và việc phi bản vị hóa con người nhân bản. Trong nền văn hóa thế tục của thời ta, vai trò mà đời sống nội tâm của Kitô hữu thường chu toàn đã được tâm lý học và phân tâm học đảm nhiệm; tuy nhiên, việc đảm nhận này không đi xa hơn vô thức và chủ quan tính của nó, coi nhẹ mối liên hệ mật thiết của đời sống nội tâm với Thiên Chúa.

Trong phạm vi giáo hội, việc Công đồng Vatican khẳng định ý tưởng “Giáo hội trong Thế giới Ngày nay” có lúc đã thay thế lý tưởng xưa chạy trốn thế gian bằng lý tưởng chạy về phía thế gian. Việc từ bỏ đời sống nội tâm và xu hướng hướng ngoại tạo thành một khía cạnh, một trong những khía cạnh nguy hiểm nhất, là hiện tượng duy thế tục. Thậm chí hiện đang có một nỗ lực nhằm biện minh cho xu hướng mới này về mặt thần học lấy tên là “Cái chết của Thần học về Thiên Chúa” hay “Kinh thành Thế tục”. Họ nói: Chính Chúa đã lập gương đó cho chúng ta. Bằng cách nhập thể, Người tự làm rỗng chính Người, Người ra khỏi chính Người và đời sống nội tâm của Ba Ngôi; Người trở thành “tục hóa”, nghĩa là, Người trở nên tan hòa vào thế tục. Người trở thành một Thiên Chúa “ở bên ngoài chính Người”.

Nội tâm tính trong Kinh thánh

Như mọi khi, lúc có cuộc khủng hoảng về một giá trị truyền thống, Kitô giáo phải đáp ứng bằng cách thực hiện một cuộc thâu tóm về một mối (recapitulation), nghĩa là quay trở lại buổi đầu của mọi sự để đưa chúng hướng về phía sinh hoa trái mới. Nói cách khác, chúng ta cần bắt đầu lại từ lời Thiên Chúa và dưới ánh sáng Lời này và trong cùng một Truyền thống, tái khám phá yếu tố chủ yếu và trường cửu, giải thoát nó khỏi các yếu tố lỗi thời mà nó vốn tích lũy qua nhiều thế kỷ. Đây là phương pháp luận được Công đồng Vatican II tuân theo trong mọi việc làm của nó. Vào mùa xuân trong thiên nhiên, chúng ta tỉa các nhánh cây mọc từ mùa trước để tạo ra sự phát triển mới từ thân cây thế nào, chúng ta cũng cần phải làm như vậy trong đời sống của Giáo hội.

Các tiên tri của Israel đã nỗ lực thay đổi quan tâm của dân từ các thực hành thờ phượng và nghi lễ bên ngoài sang nội tâm tính của mối liên hệ với Thiên Chúa. Chúng ta đọc trong Isaia, “Dân này lại gần Ta chỉ bằng lỗ miệng và ngoài môi, chúng tôn vinh Ta, còn lòng chúng, chúng tách xa Ta, và việc chúng kính thờ Ta chỉ là giới điều do phàm nhân dạy thuộc lòng”(Is 29:13). Lý do là vì “Người phàm chỉ trông thấy (điều lộ trước) mắt, còn Chúa trông thấy (điều ẩn đáy) lòng" (xem 1 Sm 16: 7). Và chúng ta đọc trong một tiên tri khác, “Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo các ngươi!” (Ge 2:13).

Đó là loại cải cách mà Chúa Giêsu đã tiếp nhận và mang đến chỗ chu toàn. Bất cứ ai xem xét việc làm của Chúa Giêsu và lời lẽ của Người, ngoài các quan tâm tín lý và quan điểm về lịch sử tôn giáo, sẽ nhận thấy một điều trên hết: Người muốn đổi mới lòng đạo của người Do Thái, một thứ lòng đạo thường kết thúc ở các nông cạn duy nghi lễ và pháp trị, và Người thay thế ở trung tâm nó bằng một mối liên hệ mật thiết và sống thực với Thiên Chúa. Người không bao giờ mệt mỏi nhắc đến nơi “bí mật” là trái tim, nơi cuộc tiếp xúc thực chất diễn ra với Thiên Chúa và thánh ý sống động của Người và giá trị của mọi hành động phụ thuộc vào đó (xem Mc 15: 10tt). Lời kêu gọi bước vào cuộc sống nội tâm tìm thấy cơ sở kinh thánh sâu sắc và khách quan nhất của nó trong tín lý về việc Thiên Chúa - Cha, Con và Thánh Thần - cư ngụ trong linh hồn đã chịu phép rửa.



Với thời gian trôi qua, một điều gì đó đã trở nên mờ ảo trong viễn kiến Kinh Thánh về đời sống nội tâm Kitô giáo và góp phần vào cuộc khủng hoảng mà tôi đã nói ở trên. Trong một số đường hướng linh đạo, như một số đường hướng huyền nhiệm vùng sông Rhine, đặc tính khách quan của đời sống nội tâm này bị che khuất. Họ khăng khăng đòi quay trở lại “đáy của linh hồn” qua điều họ gọi là “hướng nội” ( “introversion”). Nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng liệu cái “đáy của linh hồn” này thuộc thực tại Thiên Chúa hay thuộc thực tại bản ngã hay tệ hơn, liệu nó có nghĩa cả hai thứ trong một hỗn hợp phiếm thần hay không.

Trong những thế kỷ gần đây, phương pháp trên, kết cục, đã thắng thế nội dung nội tâm tính Kitô giáo, có lúc giản lược nó vào một loại kỹ thuật tập trung và thiền định hơn là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống trong trái tim một con người, cho dù ở mọi thời đại đều có những điển hình tuyệt vời về đời sống nội tâm Kitô giáo. Chân phước Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi bước theo thứ nội tâm khách quan thuần khiết nhất khi bà viết, “Tôi đã tìm thấy Thiên đường trên trái đất, vì Thiên đàng là Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong linh hồn tôi”.

Trở về nội tâm tính

Nhưng chúng ta hãy trở về hiện tại. Tại sao khẩn thiết phải nói về cuộc sống bên trong và tái khám phá xu hướng về nó? Chúng ta đang sống trong một nền văn minh hoàn toàn hướng ngoại. Những gì chúng ta quan sát trong phạm vi vật lý đang xảy ra trong phạm vi thiêng liêng. Chúng ta gửi tàu thăm dò đến ngoại tầng thái dương hệ và chụp hình những gì có trên các hành tinh xa xôi; ngược lại, chúng ta không biết điều gì đang khuấy động vài ngàn mét dưới lớp vỏ Trái đất và do đó, chúng ta không thành công trong việc dự đoán các trận động đất và phun trào núi lửa. Chúng ta cũng biết những gì đang xảy ra lúc này, trong thời gian thực, ở phía bên kia thế giới, nhưng chúng ta vẫn không biết sự bồn chồn trong sâu thẳm trái tim mình. Chúng ta sống như thể chúng ta đang ở trong một chuyển động ly tâm với tốc độ cao.

Trốn thoát, nghĩa là ra ngoài bản ngã mình, đã trở thành một loại khẩu hiệu. Thậm chí còn có thứ “văn học trốn thoát” (escape literature) và “giải trí trốn thoát” (escape entertainment) nữa. Có thể nói, trốn thoát đã trở thành định chế hóa. Im lặng gây sợ hãi. Chúng ta không thành công trong việc sống, làm việc và học hành mà không có một loại nói năng hay âm nhạc nào đó xung quanh ta. Đó là một loại horror vacui (sợ chân không), khiến chúng ta phải tê liệt theo cách này.



Tôi đã từng có kinh nghiệm đi vào một vũ trường, khi được mời nói chuyện với những người trẻ tụ tập ở đó. Nó đủ cho tôi một ý tưởng về những gì chiếm ưu thế ở đó: tiếng ồn khàn khàn và tiếng đinh tai nhức óc như ma túy. Tôi đã đưa ra một số câu dò hỏi một số người trẻ đang trên đường ra khỏi vũ trường, và khi tôi hỏi, “Tại sao các bạn lại họp nhau ở nơi này?” Một số đã trả lời, “nhờ vậy, chúng tôi khỏi phải suy nghĩ!” Thật dễ tưởng tượng những loại thao túng nào những người trẻ tuổi này phải tiếp giáp khi họ đã từ bỏ việc suy nghĩ.

Lệnh của Pharaoh Ai Cập cho người Do Thái là “Hãy áp đặt công việc nặng nề hơn lên vai chúng; sau đó chúng sẽ phải ráng làm nó và không còn chú ý gì đến các lời lẽ lừa đảo [của Môsê]" (xem Xh 5: 9). Lệnh lạc ngầm, nhưng không kém thẩm quyền của các pharaoh tân thời là “Hãy áp đặt tiếng ồn ào đinh tai nhức óc lên những người trẻ này để làm chúng sững sờ đến không còn suy nghĩ gì nữa và không thể đưa ra quyết định tự do nào; sau đó chúng sẽ đi theo các xu hướng phù hợp với chúng ta, họ sẽ mua những gì chúng ta bảo họ mua, và họ sẽ nghĩ theo cách chúng ta muốn họ nghĩ!” Đối với lĩnh vực giải trí và quảng cáo rất quan trọng trong xã hội của chúng ta, các cá nhân chỉ được tính như “những người xem” (viewers), như các số thống kê làm cho số lượng “khán giả” tăng lên.

Cần phải chống lại sự hạ giá này bằng tiếng “không!” mạnh mẽ! Những người trẻ cũng là những người có trái tim lớn nhất và sẵn sàng nổi dậy chống lại chế độ nô lệ; trong thực tế, có những nhóm người trẻ đang phản ứng đối với cuộc tấn công này và, thay vì trốn chạy, họ đã tìm kiếm những nơi và thời gian để im lặng và suy ngẫm để chính họ tìm thấy Thiên Chúa, trong chính họ. Có rất nhiều người trong số họ, dù không ai nói về họ. Một số người trong số họ đã lập những nhà cầu nguyện và chầu Thánh Thể liên tục, và nhiều mạng lưới mang đến cho nhiều người trong số họ cơ hội để tụ họp với nhau.

Nội tâm tính là con đường dẫn đến cuộc sống đích thực. Ngày nay người ta nói rất nhiều về tính chân thực và biến nó thành tiêu chuẩn thành công hay thất bại ở trong đời. Nhà triết học có lẽ nổi tiếng nhất trong thế kỷ trước, Martin Heidegger, đã đặt khái niệm này vào trung tâm hệ thống của ông. Đối với một Kitô hữu, tính chân thực đich thực không đạt được trừ khi người ta sống “coram Deo”, trước nhan Thiên Chúa. Søren Kierkegaard viết,

“Người chăn bò nào (nếu điều này là điều có thể) là một bản ngã trực tiếp trước đoàn gia súc của mình là một bản ngã rất thấp, và cũng như thế, một chủ nhân là một bản ngã trực tiếp trước các nô lệ của ông ta thực sự không phải là một bản ngã - vì trong cả hai trường hợp, đều thiếu một tiêu chuẩn. . . . Thực tại vô hạn . . . bản ngã có được là nhờ ý thức mình hiện hữu trước mặt Thiên Chúa, nhờ trở thành một bản ngã nhân bản có tiêu chuẩn là Thiên Chúa!”

Ông cũng đưa ra quan điểm cho rằng “Người ta đang nói rất nhiều về sự đau khổ và khốn khổ của con người, nhưng chỉ có đời sống bị phí phạm là đời sống của những người. . . không bao giờ trở nên có ý thức được và theo nghĩa sâu sắc nhất, không bao giờ có được ấn tượng rằng có một Thiên Chúa và “họ” chính bản thân họ, hiện diện trước vị Thiên Chúa này”.

Tin Mừng thuật lại câu chuyện về một trong những người “chăn đoàn gia súc” này. Hắn rời bỏ nhà cha mình và đã phung phí của cải và tuổi trẻ của mình để sống một cuộc sống phóng đãng. Nhưng một ngày kia, “hắn đến với chính mình”. Hắn duyệt lại đời mình, chuẩn bị những lời hắn sẽ nói và quay trở lại nhà cha mình (xem Lc 15:17). Việc hóan cải của hắn xảy ra vào thời điểm đó, ngay trước khi hắn bắt đầu hồi hương, lúc hắn còn ở một mình giữa chuồng heo. Nó xảy ra ngay lúc “hắn đến với chính mình”. Sau đó, hắn chỉ làm theo những gì hắn đã quyết định. Việc hoán cải bên ngoài của hắn đã được đi trước bởi một hoán cải bên trong và nhận được giá trị của nó từ đó. Thật phong phú xiết bao khi tuyên bố rằng “anh ấy đã đến với chính mình”!

Không phải chỉ những người trẻ mới bị cuốn theo làn sóng tập chú bên ngoài. Nó cũng đúng đối với những người dấn thân nhất và tích cực nhất trong Giáo hội. Bao gồm cả các tu sĩ! Sự xao lãng là tên của căn bệnh hiểm nghèo đang cài bẫy tất cả chúng ta. Kết cục, chúng ta giống như một bộ quần áo mặc ngược chìa linh hồn chúng ta cho ngọn gió bốn phương. Trong một bài phát biểu trước các bề trên của một dòng chiêm niệm, Thánh Phaolô VI nói,

“Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới dường như bị kìm kẹp bởi một cơn sốt đã xâm nhập cả vào nơi tôn nghiêm và sự cô tịch của chúng ta. Tiếng ồn và cảnh huyên náo ầm ĩ đã xâm chiếm gần như mọi thứ. Người ta không còn khả năng hồi tâm được nữa. Giữa hàng ngàn thứ gây xao lãng, họ thường phung phí năng lực của mình nhịp bước với nhiều hình thức văn hóa hiện đại. Báo chí, tập san và sách vở đã xâm chiếm sự thân mật tư riêng của các gia hộ và trái tim chúng ta. Khó khăn hơn trước khi phải tìm một cơ hội cho việc hồi tâm, trong đó linh hồn thành công trong việc gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa”.

Thánh Têrêxa Avila đã viết một tác phẩm tên là Lâu đài Bên Trong chắc chắn là một trong những thành quả trưởng thành nhất của giáo huấn Kitô giáo về đời sống nội tâm. Nhưng thật không may, vẫn còn một “lâu đài bên ngoài” và ngày nay chúng ta nhận thấy rằng mình đang bị vây kín trong lâu đài này - đã bị khóa cửa và không thể vào lại. Tù nhân của thế giới bên ngoài! Thánh Augustinô mô tả cuộc sống của ngài theo cách đó trước khi hoán cải:

“Chúa ở trong con, trong khi con ở bên ngoài: chính ở đó con đã tìm kiếm Chúa, và, trong tư cách một tạo vật dị dạng, lao đầu vào những thứ đẹp đẽ mà Chúa đã tạo nên. Chúa đã ở bên con, nhưng con đã không ở bên Chúa. Chúng giữ con cách xa Chúa, những điều tốt đẹp mà nếu chúng không ở trong Chúa thì hoàn toàn không hiện hữu”.

Có bao nhiêu người trong chúng ta cần lặp lại lời thú tội cay đắng này: “Chúa ở trong con, trong khi con ở bên ngoài”. Có một số người mơ về sự cô tịch nhưng họ chỉ mơ điều đó thôi. Họ yêu nó miễn là nó vẫn ở trong giấc mơ của họ và không bao giờ kết cục có thực chất. Họ thực sự trốn tránh nó và sợ nó. Việc im lặng biến mất là một triệu chứng nghiêm trọng. Hầu như ở khắp nơi các dấu hiệu đặc trưng trong mọi hành lang tu viện ra lệnh “Silentium!” (giữ im lặng), đã bị gỡ bỏ. Tôi tin rằng tình trạng lưỡng nan sau đây đang treo lơ lửng ở nhiều môi trường tu trì: hoặc im lặng hoặc chết! Hoặc chúng ta tìm được một môi trường và thì giờ im lặng và sống nội tâm hoặc dần dần sẽ có sự trống rỗng thiêng liêng. Chúa Giêsu gọi hỏa ngục là “bóng tối bên ngoài” (Mt 8:12), và việc gọi đó rất có ý nghĩa.

Chúng ta không cần phải để mình bị lừa bởi các phản chứng thường gặp: chúng ta tìm thấy Thiên Chúa ở bên ngoài chính mình, nơi anh chị em của chúng ta, nơi người nghèo, nơi cuộc đấu tranh cho công lý của chúng ta; chúng ta tìm thấy Người trong Bí tích Thánh Thể vốn ở bên ngoài chúng ta, nơi lời của Thiên Chúa. . . . Tất cả điều này đều đúng. Nhưng đâu là nơi bạn thực sự “gặp” được người anh em hay người nghèo nếu không phải ở trong trái tim bạn? Nếu bạn chỉ gặp họ ở bên ngoài thì đó không phải là một con người bạn gặp, mà là một điều. Bạn va vào họ nhiều hơn là gặp họ. Đâu là nơi bạn gặp Chúa Giêsu Thánh Thể nếu không phải trong đức tin, một điều vốn ở bên trong bạn? Một cuộc gặp gỡ đích thực giữa người với người không thể xảy ra ngoại trừ giữa ý thức của hai người, hai ý chí tự do, nghĩa là giữa hai cuộc sống nội tâm.

Thật là một sai lầm khi nghĩ rằng, việc nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, rốt cuộc, có thể gây hại cho một dấn thân tích cực cho vương quốc và cho công lý; nói cách khác, thật sai lầm khi nghĩ rằng việc khẳng định tính ưu việt của ý định có thể gây hại cho hành động. Nội tâm tính không đối lập với hành động mà một cách nào đó, nó thực hiện hành động. Không hề giảm bớt tầm quan trọng của việc làm việc cho Chúa, nội tâm tính thiết lập việc này và bảo tồn nó.

Vị ẩn tu và nơi ẩn tu của ngài

Nếu chúng ta muốn bắt chước điều Thiên Chúa làm bằng cách nhập thể, chúng ta hãy bắt chước Người cho trọn. Đúng là Người đã tự làm rỗng Người và ra khỏi chính Người và ra khỏi đời sống nội thẳm của Thiên Chúa Ba Ngôi để đi vào thế gian. Tuy nhiên, chúng ta biết cách điều đó xảy ra: “Người vẫn giữ nguyên điều Người là và mang lấy điều Người không là”, một câu ngạn ngữ cổ nói như thế về việc Nhập thể. Không từ bỏ cõi lòng của Cha Người, Ngôi Lời đã giáng thế ở giữa chúng ta. Bây giờ chúng ta cũng đi vào thế giới nhưng không bao giờ rời bỏ chính mình hoàn toàn. Gương Chúa Kitô nói, “Một người thiêng liêng nhanh chóng hồi tâm vì họ không bao giờ lãng phí chú ý của mình vào những điều bên ngoài. Không việc làm bên ngoài, không doanh nghiệp nào có thể đứng cản trở họ. Họ tự thích ứng theo sự việc như chúng xảy ra”.

Nhưng chúng ta cũng hãy cụ thể tìm hiểu cách tái khám phá và duy trì thói quen sống cuộc sống nội tâm. Môsê là một người rất năng động. Nhưng chúng ta đọc thấy rằng ông có một chiếc lều di động được xây dựng cho chính ông, và ở mỗi giai đoạn của cuộc xuất hành, ông sẽ dựng lều bên ngoài khu trại và thường xuyên vào đó để hỏi ý kiến Chúa. Ở đó, Chúa “nói chuyện trực tiếp với Môsê, như một người nói chuyện với người bạn của mình” (Xh 33:11).



Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể làm điều đó. Chúng ta không thể luôn luôn rút về một nhà nguyện hoặc một nơi cô tịch để thiết lập cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa. Thánh Phanxicô thành Assisi gợi ý một chiến thuật khác nằm trong tầm tay của chúng ta. Sai anh em của ngài ra khắp phố phường trên thế giới, ngài nói với họ, chúng ta luôn có một nơi ẩn dật với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và, giống các nhà ẩn tu, bất cứ khi nào chúng ta muốn, chúng ta đều có thể đi vào nơi ẩn tu đó: “anh thân xác của chúng ta là phòng tu và linh hồn của chúng ta là vị ẩn tu sống trong phòng đó để cầu nguyện với Thiên Chúa và suy niệm”.

Đó cùng là một lời khuyên mà Thánh Catarina thành Siena đã phát biểu với hình ảnh của “phòng tu nội tâm” mà mỗi người chúng ta mang trong mình; luôn luôn có thể rút về đó bằng các suy nghĩ của chúng ta để khôi phục cuộc tiếp xúc sống động với Sự thật đang ngự trị trong chúng ta. Thánh Ambrôsiô nói rằng Chúa Giêsu mời chúng ta vào phòng tu bên trong vốn không bị giới hạn bởi các bức tường này, khi ngài nói, “khi các con cầu nguyện, hãy vào phòng bên trong của các con, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha của các con một cách bí mật" (Mt 6:6).

Chúng ta đã nghe ngay từ đầu lời kêu gọi tận đáy lòng của Thánh Augustinô trở về với trái tim của chúng ta. Chúng ta hãy kết luận bằng cách lắng nghe một lời kêu gọi khác với cùng một mục tiêu cũng rất chân thành, đó là lời kêu gọi mà Thánh Anselmô của Canterbury gửi đến người đọc ở đầu cuốn Proslogion của ngài:

“Hãy đến ngay bây giờ, hỡi người tầm thường, hãy bay trong chốc lát ra khỏi các vụ việc của bạn, hãy trốn thoát một chút ra khỏi sự hỗn loạn trong suy nghĩ của bạn. Hãy đặt sang một bên lúc này các lo toan nặng nề của bạn và để lại phía sau các lao khổ gây mệt mỏi của bạn. Hãy từ bỏ chính mình một chút cho Chúa và nghỉ ngơi một chút trong Người. Hãy đi vào phòng bên trong tâm hồn của bạn, đóng mọi thứ trừ Thiên Chúa và những gì có thể giúp bạn trong cuộc tìm kiếm Người của bạn và sau khi đã khóa cửa, hãy tìm kiếm Người [Mt. 6: 6]. Giờ đây, hãy nói, hỡi toàn bộ trái tim tôi, hãy nói với Thiên Chúa: 'Con tìm kiếm thánh nhan Chúa, Lạy Chúa, Con tìm thánh nhan Ngài'” [Tv 27: 8].

Với những mong muốn và ý định này, chúng ta hãy bắt đầu ngày làm việc của mình để phục vụ Giáo hội.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhà thờ Giáo xứ Thọ Vực thuộc giáo phận Hà Tĩnh bị cháy và thiệt hại nặng nề
Đa minh Tiến Khởi
11:32 22/03/2019
HÀ TĨNH - Như báo chí đã đưa, vào khoảng 8h30 ngày 21/3/2019, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra làm cháy rụi toàn bộ phần gỗ và phẩn trong của Nhà thờ giáo xứ Thọ Vực thuộc giáo hạt Ngàn Sâu (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), ước tính thiệt hại trên 3 tỷ đồng, bao gồm hệ thống trần gỗ, mái lợp, bàn thờ, bàn quỳ, hệ thống điện, quạt điện, âm thanh loa máy và những vật dụng cần thiết khác.

Theo người dân kể lại thì thời điểm một số bà con giáo xứ và tốp thợ xây đang xây tháp chuông gần đó nghe những tiếng nổ lớn cùng mùi khét và khói bốc lên mù mịt và đánh kẻng báo động Nhà thờ bị cháy. Đã có rất đông giáo dân cũng như các lương dân trong vùng ồ ạt kéo đến cứu chữa, đến khoảng 11 giờ thì ngọn lửa được khống chế. Thế nhưng do ngọn lửa bốc lên quá nhanh và đã lan tỏa khắp cả Nhà thờ nên đã gây thiệt hại rất lớn, tất cả tài sản bên trong Nhà thờ hầu như bị thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân gây ra vụ cháy được xác định là do sự cố chập điện phía trần nhà bằng gỗ rồi lan tỏa sang các thiết bị điện và đổ xuống gây cháy cả hệ thống bàn quỳ cũng như hệ thống bên trong.

Trên tinh thần tương thân, hiệp thông và chia sẻ, chiều ngày 22/3/2019, Cha quản hạt Gioanbaotixita Nguyễn Huy Tuấn, Quý Cha và các vị đại diện Hội đồng mục vụ các giáo xứ trong giáo hạt Ngàn Sâu đã đến viếng thăm, động viên và chia sẻ những mất mát của giáo xứ.

Giáo xứ Thọ Vực nằm trên địa bàn xã Hà Linh, một xã vùng sâu của huyện Hương Khê, có trên 250 hộ gia đình, với 950 nhân danh được phân bố trên 4 giáo họ. Đây là nơi hàng năm luôn phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Cuộc sống người dân nơi đây còn vô vàn khó khăn. Với biến cố này, giáo xứ thật sự hết sức khốn đốn, chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ, sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm, quảng đại để vực dậy tinh thần tu sửa Nhà Chúa.

Quí vị nào muốn giúp đỡ và đóng góp, xin liên lạc với cha quản xứ:

LM Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Hùng
Nhà thờ giáo xứ Thọ Vực, xóm 4, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0915.327.555 hoặc 0342.866.881
Email: johnnguyenmyloc@gmail.com
 
Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc: Mừng Lễ Thánh Giuse-
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
18:13 22/03/2019
Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc: Mừng Lễ Thánh Giuse- Sinh hoạt Ngày Truyền Thống

Trong bối cảnh giáo dục hiện nay tại Việt Nam, sự tồn tại của một Trường Công Giáo có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có tính cách pháp nhân như Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc quả thật chỉ có một không hai.Tất cả là nhờ hồng ân Thiên Chúa và sự bảo trợ đặc biệt của Thánh Cả Giuse. Vì thế, hằng năm, vào ngày Lễ Kính Thánh Giuse 19/3, Trường đều tổ chức mừng lễ, cùng với những sinh hoạt trong ngày Truyền Thống này.

Xem Hình

Trong ngày này,các cựu sinh viên được mời trở lại thăm trường, gặp gỡ quý thầy cô và giao lưu với các sinh viên đang theo học. Chương trình cũng có phần giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, truyền cảm hứng học tập giữa thầy và trò, định hướng cho tương lai giữa các doanh nghiệp, công ty với sinh viên học sinh. Vì thế, như lời Cha Hiệu Trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy chia sẻ “Mục đích của Ngày Truyền thống là để ôn lại những gì đã qua với lời tri ân, cảm tạ Thiên Chúa, cám ơn nhau vì những thành công gặt hái được, và cũng mở ra hy vọng cho tương lai, ngay cả trên những sai sót, giới hạn…”

Với những lời giáo huấn rất tâm huyết dành cho sinh viên trong ngày Truyền Thống, Cha Hiệu Trưởng nhắc nhớ sinh viên luônphải cố gắng sống xứng đáng là học sinh của Trường Công Giáo đầu tiên tại Việt Nam, mang tên Cao Đẳng Hòa Bình- Xuân Lộc. Cha cho biết thêm,vì là một Trường Công Giáo, nên Trường đã nhận được rất nhiều sự ưu ái, tin tưởng từ các doanh nghiệp, công ty. Những nơi này luôn sẵn sàng đón nhận các sinh viên thực tập, cho dẫu họ phải chấp nhận những thiệt thòi về tiến độ sản xuất, haygiảm lợi nhuận. Không chỉ nhận sinh viên thực tập, màcác công ty còn tạo điều kiện việc làm cho các sinh viên của Trường Cao Đẳng Hòa Bình- Xuân Lộc sau khi ra trường. Để có thể thu hút niềm tin nơi các công ty, doanh nghiệp này, là nhờ vào chính nội lực, “chất Công Giáo” của Trường đang có, những nỗ lực từ quý Cha, quý Soeur, quý Thầy Cô, và của rất nhiều sinh viên thực tập đã làm nên. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạt sạn từ một số nhỏ sinh viên Trường khi đi thực tập, đã làm ảnh hưởng đến những nét đẹp chung. Vì thế, Cha Hiệu Trưởng nhắc nhở các sinh viên-học sinh phải luôn kiểm điểm chính mình, phải cố gắng học và sống với những gì được học và giáo dục, nhất là về đạo đức. “Có thể chúng ta chưa giỏi về chuyên môn, chưa có được tính chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta phải là những sinh viên- học sinh luôn sống với những giá trị Tin Mừng, sống công bằng, chân thật, bác ái, và đạo đức trong khi học và làm việc như triết lý giáo dục của Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đề ra “Đào tạo, giáo dục thăng tiến con người toàn diện.”

Phần chia sẻ của một sinh viên đã tốt nghiệp và doanh nhân đã làm cho chương trình thêm đa sắc thái. Ngoài những lời tri ân nhà trường, cựu sinh viên đã thân tình chia sẻ với các em sinh viên suy tư anh đã đúc kết được “Nhà Trường đã cố gắng đào tạo chúng ta, phần còn lại là ý thức, trách nhiệm về công việc của chúng ta lãnh nhận” và khi làm việc “ cần thể hiện tính trách nhiệm trong kiến thức – tinh thần, và trên hết phải có đạo đức nghề nghiệp”. Anh Nguyễn Ngọc Toán,là một doanh nhân, diễn giả của những chương trình khởi nghiệp, và là mộtKitô hữuđã truyền cảm hứng cho các sinh viên cách thức thành công trong việc học, nghề nghiệp và cuộc sống, cũng như tạo dấu nhấn cho các em về niềm tự hàokhi được họctrong Trường Cao Đẳng Hòa Bình, Xuân Lộc, một trường Công Giáo đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam.

Trước khi cử hành Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Giuse, Thầy Hiệu PhóThanh Toản đại diện quý Thầy Cô, sinh viên- học sinh mừng Bổn mạng Cha Hiệu Trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy, cũng như cám ơn ngài vì biết bao công sức Cha đã gầy dựngvà phát triển Trường.

11g00: Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Giuse do Cha Hiệu Trưởng chủ tế với sự đồng tế của quý Cha, và sự hiệp thông dâng lễ sốt sắngcủa các em sinh viên- học sinh, quý Dì, quý Thầy Cô Giáo, nhân viên, doanh nhân và ân nhân…

Trong bài giảng Thánh Lễ, Cha Chủ tế đã chia sẻ về những nhân đức nổi bật của Thánh Giuse mà Kinh Thánh đã ca ngợi: Đấng Công Chính, Cha của những kẻ tin…. Với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Thánh Giuse đã hoàn toàn phó thác cuộc đời mình vào Thiên Chúa và để Ngài định liệu. Liên ý đến Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong hành trình từ khởi sự, gầy dựng cho đến giai đoạn phát triển hiện nay là doân huệ của Chúa, là nhờ sự bầu cử và bảo trợ của Thánh Giuse. Để rồi, “một khi các con nhận ra hồng ân này, cùng với cố gắng yêu mến Chúa, cố gắng học, các con sẽ học giỏi, học tốt, sẽ trở thành những con người đạo đức, trưởng thành, những người có nhân cách tốt cho gia đình, xã hội.”

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha Hiệu Trưởng đã chân thành cám ơn đến quý Cha quản sinh, quý Dì Dòng Đa Minh Thánh Tâm - trong công tác giảng dạy và quản sinh-, quý Thầy Cô, nhân viên Trường, quý doanh nghiệp, công ty, ân nhân đã cùng cộng tác, nâng đỡ để Trường được phát triển.

Sau Thánh Lễ là chương trình Lễ Hội Ẩm Thực vui nhộn, hào hứng từ các gian hàng do thầy cô và các em sinh viên- học sinh đảm nhiệm và tham gia.

Nếu với khóa 1 chỉ vỏn vẹn 320 sinh viên (2011) thì năm 2018,Trường Cao Đẳng Hòa Bình – trực thuộc Tòa Giám Mục Xuân Lộc- đã đào tạo được gần 2000 sinh viêncủa 5 khóa ra trường. Trong năm 2019 này, Trường đang có khoảng gần 3000 sinh viên- học sinh theo học, đến từ các tỉnh thành của cả nước. Uy tín, số lượng học sinh của trường mỗi ngày tăng lênlà nhờ vào ơn Chúa, phương thức giáo dục, đào tạo với sinh viên học sinh trong triết lý giáo dục tinh thần Kitô giáo, điển hình như khi đảm nhận trông coi gần 1500 em sinh viên- học sinh nội trú tại trường, do quý Cha và quý Dì làm quản sinh. Sống môi trường nội trú, hằng ngày các em đều dậy sớm, tham dự Thánh Lễ, và nghiêm túc tuân theo kỷ luật trong khihọc, sinh hoạt, chơi,… Nhờ đó, các em lược bớt dần những thói quen xấu, hình thành những thói quen mới, tốt, học sống nhân bản Kitô giáo, các sống và ứng xử của một sinh viên- học sinh Trường Công Giáo.

Một sự phát triển rất lớn khác nữa của Trường khi liên kết với Trường Đại Học Sư phạmTp. HCM đểđào tạo giáo viên Đại Học Mầm Non, hệ vừa học vừa làm vớilớp đầu tiên cho gần 80 sinh viên được khai giảng hôm tháng 12/2018 vừa qua. Và trong tương lai, Trường sẽ mở những lớp đào tạo Giáo viên Tiểu Học bậc Đại Học với cùng mô hình tổ chức.

Mới đây, để tạo cho các em có điều kiện, môi trường thuận tiệntích lũy khả năng học ngoại ngữ, chuẩn bị cho tương lai, hiện tại Trường đã chính thức mở Trung Tâm Ngoại Ngữ cho các sinh viên- học sinh gồm tiếng Anh, Nhật và Hàn.

Ước mong sao Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc sẽ mỗi ngày phát triển hơn nữa trong ân thánh của Thiên Chúa và nhờ lời cầu nguyện, động viên khích lệ của mọi người.

Tin: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P

Hình ảnh: Lê Văn Lê Việt
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Thiên Thần truyền tin
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:34 22/03/2019
Lễ Thiên Thần truyền tin

Theo tập tục nếp sống đức tin Công Giáo mỗi khi người tín hữu tụ tập đọc kinh ở nhà tư hoặc ở thánh đường, thường bắt đầu giờ đọc kinh cầu nguyện với Kinh truyền tin:

Xướng: Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng….. Thánh Maria……
Xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
Kính mừng….. Thánh Maria……
Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đáp: Và ở cùng chúng con.
Kính mừng….. Thánh Maria……
Xướng: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

Những lời kinh này nói đến biến cố ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm đã xảy ra ở làng Nazareth bên nước Do Thái: Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria, báo tin Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người trong cung lòng Maria. Chúa Giêsu xuống trần gian mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho linh hồn con người khỏi hình phạt tội lỗi do tội tổ tông Ông Adong và Bà Eva gây ra khi xưa trong vườn địa đàng.

Thiên Thần Gabriel là một trong ba Tổng lãnh Thiên Thần, sứ giả của Thiên Chúa, có nhiệm vụ mang sứ điệp của Thiên Chúa từ trời cao xuống cho con người trên trần gian. Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel hiện đến báo tin cho Đức Mẹ Maria Chúa Giêsu xuống làm người, hiện đến báo mộng cho Thánh Giuse nhận Maria làm người bạn đường, hiện ra cùng Thầy cả thượng phẩm Zacharia trong đền thờ về sự sinh ra cửa Thánh Gioan tiền hô, hiện ra trên cánh đồng Bethlehem báo tin cho các mục đồng đêm Chúa Giêsu giáng sinh, hiện đến báo cho Tháng Giuse đem gia đình đi tỵ nạn sang nước Aicập, hiện đến báo tin bảo Thánh Giuse đem gia đình trở về quê nhà làng Nazareth nước Do Thái.

Lễ mừng kính Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Maria, trước hết được Giáo hội Chính Thống bên Đông phương mừng từ thế kỷ thứ 6. Đến thế kỷ thứ 7. Giáo hội bên Roma bắt đầu mừng kính lễ này trong lịch phụng vụ.

Lễ mừng Chúa Giesu sinh ra được mừng kính vào ngày 25. tháng 12. Nên lễ truyền Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng trinh nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần được mừng kính trước đó chín tháng. Như thế vào ngày 25. Tháng ba hằng năm.

„ Thiên Thần Gabriel trước hết chào Maria không bằng tiếng Do Thái Schalom- Bình an ở cùng chị!, nhưng bằng tiếng Hylạp“ chaire - Xin chào Chị, hãy vui mừng lên!“. Lời chào này của Thiên thần Gabriel có thể nói là ý nghĩa khởi đầu của Kinh thánh Tân ước.

Lời chào này Thiên Thần cũng nói với các mục đồng đêm Chúa Giêsu sinh ra: Ta báo tin cho anh em một tin vui mừng lớn lao. ( Lc, 2,10).

Trong phúc âm theo Thánh Gioan thuật lại: Các Tông Đồ „ vui mừng khi họ gặp lại Thầy Giêsu đã sống lại hiện đến với họ. ( Ga 20,20). Và khi nói lời từ gĩa các Tông đồ Chúa Giêsu đã nói: Thầy sẽ gặp lại anh em , và lòng anh em sẽ vui mừng , và không ai sẽ lấy đi mất niềm vui mừng này khỏi anh em.( Ga 16,22).

Niềm vui mừng trong những đoạn văn này thật ra như là ân đức của Đức Chúa Thấnh Thần, như là món qùa tặng của Đấng Cứu Thế. Cũng vậy lời chào mừng của Thiên Thần là âm thanh hòa hợp lan tỏa trong suốt thời gian nơi Giáo Hội được tấu vang lên khi loan báo Phúc âm - Tin mừng Chúa Giêsu Kitô.

„ Vui mừng lên“ trước hết là lời chào mừng tiếng Hylạp, và đồng thời cùng với lời của Thiên Thần mở ra cánh cửa đến các dân tộc trên trần gian, diễn tả sứ địêp Kitô giáo mang chiều kích đại đồng toàn cầu. và đồng thời cũng là lời có xuất xứ từ kinh thánh cựu ước. Và như thế nói lên sự nối tiếp liên tục của lịch sử ơn cứu chuộc nói đến trong kinh thánh. Hai chú giải Kinh Thánh Stanislas Lyonnet và Rene đã dẫn chứng ra lời chào của Thiên Thần Gabriel với Maria đã được loan báo nói tiên tri trước đó và được hiện thực nơi sách Tiên tri Zefonia 3,14-17: Vui mừng lên, hỡi thiếu nữa Sion, Hò reo vui lên nào, hỡi Israel…Đức Vua của Israel ngự ở giữa ngươi.

Lời tiên tri nói „ Đức Vua Israel, Thiên Chúa ở giữa ngươi“ theo từng chữ nghĩa: „ Thiên Chúa ở trong cung lòng ngươi“. Như thế Tiên tri Zefonia đã lấy lại những lời trong sách Xuất Hành thuật lại dân Israel trở về Israel từ nước bị làm nô lệ bên Aicập, Thiên Chúa đã hướng dẫn họ và Hòm bia giao ước của Thiên Chúa ở giữa họ như cách thế Thiên Chúa cư ngụ nơi „trong cung lòng dân Israel“ ( Xh 33,3- 34,9). Thiên Thần Gabriel đã nói chính lời này với Maria“ Chị sẽ thụ thai trong cung lòng và sinh một con trai.( Lc 1,31).

Như vậy Maria xuất hiện như thiếu nữ Sion. Lời đoan hứa tiên báo của Zion trở thành hiện thực nơi Maria với cách thế không ngờ trước. Maria trở thành Hòm Bia Giao Ước, cung lòng Maria là nơi chốn cư ngụ của con Thiên Chúa.

Lời chào „ Vui mừng lên, đầy ân sủng“ của Thiên Thần nói với Maria ẩn chứa hai yếu tố niềm vui và ân sủng . Trong tiếng Hylạp từ ngữ vui mừng và ân sủng ( Chaire và charis) có cùng một nguồn gốc từ ngữ. Vui mừng và ân sủng cùng gắn bó liên kết với nhau.“ ( Joseph Ratzinger Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog Die Kindheitsgeschichten, Herder 2012, Chương hai, trang 37- 39).

Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel mang sứ điệp Thiên Chúa truyền tin cho Maria. Rồi Thiên Thần ra đi trở về trời. Và sứ điệp ở lại với Maria. Trong tận thâm tâm Maria đã sống cảm nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa với mình tromg suốt dọc đời sống làm mẹ Chúa Giêsu.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long