Ngày 22-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một món nợ không bao giờ trả nổi
Lm. Minh Anh
00:13 22/03/2022

MỘT MÓN NỢ KHÔNG BAO GIỜ TRẢ NỔI
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!”.

Mark Twain mỉa mai, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Ađam, vị đại ân nhân đầu tiên của loài người, đã mang cái chết xuống trần gian!”. Một nhà tu đức lại an ủi, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Giêsu, vị đại ân nhân đầu tiên của loài người, mang sự sống đời đời cho nhân loại; Ngài đã thay nó, trả cho Thiên Chúa ‘một món nợ không bao giờ trả nổi!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Một món nợ không bao giờ trả nổi’, cũng là một trong những chủ đề chúng ta dừng lại hôm nay! Lời Chúa đưa chúng ta về một Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện! Một Đại Thực Thể có tên là Thiên Chúa, Đấng toàn trí, toàn trị và toàn tri! Mọi tạo vật, kể cả con người, không ai và không thọ tạo nào mà không mắc nợ Ngài. Tuy nhiên, dẫu quyền phép và mạnh mẽ vô song; Ngài vẫn là một Thiên Chúa rất mực nhân từ, hằng xót thương và luôn tha thứ!

Sách Đaniel tường thuật câu chuyện ba người bạn của ông vốn bị đày từ Giêrusalem về Babylon; bất tuân lệnh vua, buộc họ bái lạy tà thần, họ bị ném vào lò lửa. Giữa hoả hào, họ kêu cầu danh Chúa không chỉ cho mình, mà cho cả dân tộc, sản nghiệp của Ngài, “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Chúa uy quyền đã cứu họ! Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài!”.

Với bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Chúa Giêsu, “Khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần?”. Chúng ta có khuynh hướng nói, “Tôi không thể tha trừ khi…”; đối với Chúa Giêsu, không có “trừ khi!”. Chúng ta thích nói, “Tôi chỉ có thể tha đến…”; đối với Chúa Giêsu, không có “đến…!”. Ngài trả lời Phêrô dứt khoát, “Bảy mươi lần bảy!”; nghĩa là phải tha cho người khác theo cấp số nhân, tha luôn và tha mãi. Lời dạy này không có nghĩa là chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước một người không ngừng làm tổn thương mình! Tha thứ không chỉ đơn thuần là nói ra lời; nó liên quan đến việc khôi phục một mối quan hệ đã tan vỡ; liên quan đến sự hàn gắn của cả hai bên. Mối quan tâm chính của chúng ta không phải là bản thân mình, nhưng là hạnh phúc của người khác mà hành động của họ đang thực sự làm họ tổn thương! Mẹ Têrêxa nói, “Nếu thực sự muốn yêu thương, chúng ta phải học cách tha thứ!”.

Sau đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người mắc nợ; qua đó, Ngài cho thấy, chúng ta nợ Thiên Chúa ‘một món nợ không bao giờ trả nổi!’. Từ đó, chúng ta hiểu đầy đủ ý nghĩa câu đọc trong Kinh Lạy Cha, “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Những lời này chứa đựng một sự thật quyết định: không ai có thể đòi hỏi sự tha thứ của Thiên Chúa nếu người ấy không tha thứ cho anh em mình. Đó là một điều kiện! Thánh Phaolô nói, “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô”. Chỉ có lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài trong Chúa Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta khỏi một món nợ như vậy. Nếu Thiên Chúa tha cho chúng ta món nợ rất lớn, thì chúng ta cũng phải tha cho người khác món nợ họ có đối với chính mình.

Anh Chị em,

“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!”. Thiên Chúa thương chúng ta vô ngần, Ngài đã sai Con Một đến thế gian để trả ‘một món nợ không bao giờ trả nổi’ thay chúng ta; nhờ đó, chúng ta được sống muôn đời. Vậy khi yêu thương và tha thứ cho người khác, thì không phải chúng ta nhân đức hay vì người xúc phạm chúng ta tỏ lòng ăn năn hoặc biết lỗi, nhưng chỉ vì Thiên Chúa, Đấng đã tha thứ cho chúng ta! Khi yêu thương và tha thứ, chúng ta đang nên giống Thiên Chúa, Đấng không ngừng yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Những ngày Chay Thánh, Giáo Hội muốn con cái mình hướng lên Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện để kết hiệp mật thiết với Ngài; nhờ tương quan thân tình đó, chúng ta biết sống cho Ngài, như Ngài và vì Ngài… bằng cách tỏ lòng xót thương đối với anh chị em mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Máu Thánh Chúa đã chuộc lại con, trả cho con ‘một món nợ không bao giờ trả nổi’; xin dạy con nhân từ và biết xót thương anh chị em con, như Chúa đã thương xót con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Trở về với Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót
Lm. Đan Vinh
05:12 22/03/2022

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY C
Gs 5,9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
TRỞ VỀ VỚI CHÚA CHA GIÀU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 15,1-3.11-32

(1) Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các Kinh sư thì lẩm bẩm : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này. (11) “Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng : Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho Cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người : ”Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng : “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. (23) Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại. Đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang ờ ngoài đồng. Khi anh ta về gần nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha : “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng !”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

2. Ý CHÍNH :

Trong bài Tin mừng hôm nay đoạn mở đầu (c 1-3) cho biết hòan cảnh của dụ ngôn. Tiếp theo là chính dụ ngôn trình bày về lòng từ bi nhân hậu của một người cha (c 11-32), gồm hai phần chính như sau :
- THÁI ĐỘ BAO DUNG CỦA CHA ĐỐI VỚI ĐỨA CON THỨ : Thể hiện qua các hành động sẵn sàng chia gia tài theo yêu cầu của đứa con ngay khi ông còn sống, nôn nóng chờ mong đứa con đi hoang trở về, chạnh lòng xót thương khi vừa thấy con từ xa và sẵn sàng tha thứ trước khi nó kịp thú tội, lập tức trả lại địa vị làm con, tổ chức bữa tiệc mừng đứa con hoang trở về.
- THÁI ĐỘ HẸP HÒI CỦA CON CẢ : Sau khi biết em đã trở về nhà và được cha không những không trừng phạt mà còn mở tiệc ăn mừng, thì người con cả đã tỏ thái độ hẹp hòi và ganh tị : Không thèm vào nhà, trách cha thiên vị thằng em bất hiếu, khi đối xử bất công với anh là đứa con hiếu thảo. Cuối cùng người cha đã ra gặp và giải tỏa những lời trách móc của người con cả. Ông khuyên anh hãy noi gương ông để bao dung với đứa em tội lỗi vì : “Em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

3. CHÚ THÍCH :

- C 1-3 : + Những người thu thuế : Chỉ trong Tin mừng Nhất lãm (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca) mới đề cập đến hạng người thu thuế này (x. Mt 9,9; Mc 2,14; Lc 5,27). Họ bị coi là tay sai của chính quyền Rô-ma và bị tố cáo đã lạm thu thuế để hưởng lợi bất chính (x. Lc 19,8b). Dân Do thái liệt họ vào hạng người tội lỗi xấu xa, ngang hàng với bọn trộm cắp đĩ điếm (x. Mt 21,31-32). + Những người tội lỗi đến nghe Đức Giê-su giảng: Đây là các tội nhân đã phạm tội công khai như : Gái điếm (x. Lc 7,37), người phụ nữ Sa-ma-ri-a có cuộc hôn nhân bất chính (x. Ga 4,18), người đàn bà ngoại tình (x. Ga 8,3), kẻ bị quỷ ám (x. Lc 8,2) kẻ chơi bời trác táng (x. Lc 15,13.30), hay tên gian phi (x. Lc 23,39). + Những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các Kinh sư : Pha-ri-sêu (hay Biệt phái) là những người Do thái đạo đức, sống tách biệt khỏi quần chúng. Kinh sư (hay Luật sĩ) là những nhà trí thức, xuất thân từ trường Kinh thánh. Họ thường giải thích Kinh thánh trong các hội đường Do thái vào các ngày Sa-bát. Họ được dân chúng kính trọng gọi là “Ráp-bi”, nghĩa là “Thầy” (x. Mt 23,7). + Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng: Người Pha-ri-sêu và Kinh sư trách Đức Giê-su vì đã thu nhận Lê-vi là người thu thuế làm môn đệ, lại còn đến ngồi đồng bàn ăn uống với bọn thu thuế bạn bè của anh ta (x. Lc 5,27-32).
- C 11-13 : + Một người kia có hai con trai : Đây là dụ ngôn chỉ có trong Tin mừng Lu-ca, nói lên lòng bao dung của một người cha ám chỉ Thiên Chúa, đối với đứa con hoang đàng bất hiếu, ám chỉ các người thu thuế tội lỗi.
- C 14-16 : + Đi ở cho một người dân trong vùng : Đứa con thứ này đã rơi vào hòan cảnh túng cực : tự bán mình làm nô lệ cho người dân ngoại và bị người này sai đi chăn heo. Heo là con vật bị Luật Mô-sê coi là nhơ uế, vì được dân ngọai dùng làm lễ vật cúng tế cho thần minh của họ (x. Đnl 14,8). + Ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho : Thân phận của anh ta giờ đây không bằng loài heo nhơ bẩn !
- C 17-20a : + Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ... : Hòan cảnh đói khổ làm cho đứa con thứ phải xét lại hành động sai trái của mình. + Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha : Anh trở về không phải do thương cha, mà chỉ là một hành động tính tóan và vụ lợi ! Dụ ngôn đã không nhấn mạnh đến sự ăn năn sám hối của người con thứ mà chỉ muốn đề cao tình thương bao dung của người cha.
- C 20b-24 : + Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để : Động từ “chạnh lòng thương” là lý do giải thích các hành động sau đó. Động từ nầy tìm thấy trong trình thuật bà góa thành Na-im (7,3) và câu chuyện người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành (10:33). Trong cả ba trường hợp này, “chạnh lòng thương” nên đã cứu sống người sắp chết hoặc tái sinh người đã chết. Cái hôn biểu lộ tình thương tha thứ. Tình thương này được diễn tả qua sự kiện : Ngay khi đứa con còn ở đàng xa, ông đã trông thấy và chủ động chạy ra ôm hôn con để biểu lộ sự tha thứ vô điều kiện, tha ngay trước khi nó kịp nói lời thú tội. + Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây... : Người cha không muốn nghe đứa con nói hết câu xin lỗi, đã sẵn sàng ban cho nó quá điều nó dám mong ước. Ý nghĩa của việc xỏ “nhẫn”, mặc “áo”mới (x. St 41:42) cho thấy người cha đã trả lại địa vị làm con, dù anh ta chỉ dám xin trở thành người làm công cho cha. “Giết bò béo” (St 18,7) cho thấy niềm vui tột đỉnh của người cha muốn chia sẻ niềm vui với người khác. + Chân đi dép : ám chỉ một người tự do, khác với nô lệ phải đi chân đất. Vậy, người cha đã đón nhận lại đứa con tội lỗi trong niềm vui lớn lao; đồng thời phục hồi lại cho nó quyền làm con, vì có người cha nào lại không xót thương con cái mình (x. Tv 103:13).
- C 25-28 : + Người con cả : Tượng trưng cho các đầu mục dân Do thái. + nổi giận và không chịu vào nhà : Anh nổi giận vì nghĩ rằng cha đã cư xử bất công với anh. Anh từ chối vào nhà để tỏ thái độ phản đối cách cư xử bao dung của cha, khi ông không những đón nhận mà còn mở tiệc để ăn mừng thằng con bất hiếu trở về.
- C 29-30 : + Còn thằng con của cha đó : Người con cả không coi người kia là em mình nên dùng cách nói khinh dể, giống như người Pha-ri-sêu đã khinh dể người thu thuế trong dụ ngôn “hai người lên Đền thờ cầu nguyện” (x. Lc 18,11).
- C 31-32 : + Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con : Người cha nhắc cho anh con cả ý thức về tình yêu bao dung của ông mà anh ta vẫn luôn được hưởng. + Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ: Người cha mời gọi anh con cả hãy bước vào ngôi nhà tình thương của cha, cùng chia sẻ niềm vui với cha khi đứa em tội lỗi hồi tâm trở về. + “Em con đây” : Ông chỉnh lại lối xưng hô khinh miệt của người anh : “Thằng con của cha đó” bằng từ yêu thương “Em con đây”. + “Đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” : Qua câu này Đức Giê-su gián tiếp trả lời cho những tiếng xầm xì của người Pha-ri-sêu và mời họ chia sẻ tâm tình của Thiên Chúa đối với những kẻ tội lỗi.

4. CÂU HỎI :

HỎI 1) ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM CỦA CÁC NGƯỜI PHA-RI-SÊU VÀ KINH SƯ LÀ GÌ?
ĐÁP :
* VỀ ƯU ĐIỂM : Các người Pha-ri-sêu và Kinh sư được đánh giá là những người có lòng đạo đức, thể hiện qua việc siêng năng ăn chay cầu nguyện và làm phúc bố thí (x. Mt 6,2.5.16). Họ am tường và tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết, nhất là luật về ngày Hưu lễ (nghỉ việc ngày Sa-bát), luật Thanh tẩy (rửa tay, rửa bình, rửa các đồ đồng, tắm rửa...). Về giáo lý họ cũng tin như Đức Giê-su đã giảng: tin có thiên thần (x. Cv 23,6-8), tin linh hồn bất tử và xác lòai người sau này sẽ sống lại…
* VỀ KHUYẾT ĐIỂM : Đức Giê-su đã nhiều lần lên tiếng sửa dạy và thậm chí còn nặng lời quở trách họ về thói đạo đức giả. Chẳng hạn : Họ chỉ giữ Luật theo hình thức bề ngoài; Tranh nhau ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc và ghế đầu trong hội đường; Ăn mặc lụng thụng để được người ta kính trọng (x. Mt 23,5-6); Tự hào vì đã tuân giữ Lề luật; Tự mãn về sự hiểu biết Luật và khinh thường dân chúng dốt nát; Dẫn đường mù quáng và có thái độ cố chấp khi đề cao truyền thống và luật truyền khẩu, mà quên đi các điều chính yếu của Luật (x. Mt 23,23); Bắt dân chúng tuân giữ các điều khỏan Lề Luật trong từng chi tiết đang khi chính họ lại không hề tuân giữ (x. Mc 12,38-40).

HỎI 2) THÁI ĐỘ CỦA CÁC PHA-RI-SÊU VÀ KINH SƯ ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊ-SU RA SAO?
ĐÁP : Vì không nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai (x. Mc 11,27-33), nên họ thường dò xét, gài bẫy để thử thách và tìm bắt lỗi Người. Họ đòi Người phải làm phép lạ để chứng minh sứ vụ Thiên Sai (x. Mc 8,11). Họ xuyên tạc các phép lạ Người làm để dân chúng đừng tin theo Người và không gia nhập vào Nước Trời do Người thiết lập (x. Mc 3,23-30). Cuối cùng họ liên kết với đảng Hê-rô-đê, và Thượng Hội Đồng Do thái ở Giê-ru-sa-lem để bắt Đức Giê-su và kết án tử hình cho Người cách bất công (x. Lc 22,47-53; 23,1-7.18-25). Họ tiếp tục chế giễu Người khi treo Người trên cây thập giá (x. Lc 23,35). Tuy nhiên, trong số các Pha-ri-sêu cũng có một số tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và sau này đã thành môn đệ của Người như : Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3,1), Ga-ma-li-en (x. Cv 5,34-39) và nhất là tông đồ Phao-lô (x. Cv 22,3).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20b).

2. CÂU CHUYỆN :

1) YÊU THƯƠNG GIÚP TỘI NHÂN HOÁN CẢI HƠN ÁP DỤNG HÌNH PHẠT :
Cha GIO-AN BỐT-CÔ (Gioan Bosco) thường hay đến thăm trại tù giam các em thiếu niên phạm pháp. Một hôm ngài xin ban giám thị cho ngài được dẫn các em tù nhân này đi cắm trại tại một khu rừng ngoài thành phố Tô-ri-nô. Mọi người nghe biết đều ngạc nhiên vì từ trước đến nay chưa từng có người nào dám cho các tù nhân tự do ra ngoài trại giam chơi như vậy. Ban Giám thị sợ các tù nhân sẽ chạy trốn thì họ sẽ phải vào tù thay thế. Cha BỐT-CÔ đã cam đoan nếu có trẻ em nào trốn, thì chính ngài sẽ ở tù thế chỗ, nên cuối cùng họ đành miễn cưỡng chấp thuận và cho một đội lính đi theo canh chừng. Nhưng ngài khăng khăng không cần lính canh, mà chỉ một mình ngài cũng đủ để bảo vệ chúng. Thế là nhà tù đã mở cửa, các em ào ào xếp thành hàng đôi đi tới bìa rừng cắm trại. Hôm ấy chúng thi nhau chơi các trò chơi, ca hát, chạy nhảy và làm đủ trò vui… Em nào cũng thỏa thích vô cùng và răm rắp nghe theo mệnh lệnh của Cha. Chiều về, ngài dẫn một đoàn thiếu niên ngoan ngoãn kỷ luật và xếp hàng quay trở lại nhà tù. Ban quản tù điểm danh không thiếu một em. Họ sửng sốt như được thấy phép lạ. Cha BỐT-CÔ đã chinh phục được những con ngựa nhỏ bé bất kham này nhờ tình yêu tha thiết đối với giới trẻ thiếu niên.

2) LÒNG CHA BAO DUNG THA THỨ CHO ĐỨA CON CÓ LỖI :
RI-SỚT PIN-ĐEO (Richard Pindell) có viết một câu chuyện ngắn về một cậu bé tên là ĐE-VÍT (David). Cậu ta đã nghe theo chúng bạn lén về nhà ăn cắp một số tiền lớn rồi bỏ đi bụi đời. Mấy tháng sau, vì không chịu nổi hoàn cảnh đói khát khổ cực, cậu đã viết một lá thư gửi về cho mẹ. Trong thư, cậu tỏ ra hối lỗi và nhờ mẹ thuyết phục ông bố vốn rất khiêm khắc, để xin ông tha tội và cho cậu được về nhà sum họp với cha mẹ như trước. Nội dung lá thư ấy như sau : “Mẹ kính yêu, trong một vài ngày nữa con sẽ đáp chuyến xe lửa ngang qua nhà mình. Vậy nhờ mẹ xin lỗi bố cho con. Nếu bố bằng lòng tha thứ và chấp nhận cho con về nhà, thì xin mẹ yêu cầu bố hãy cột một miếng vải trắng trên cây táo hồng ở cạnh nhà mình mẹ nhé !”.
Vài ngày sau, Đe-vít lên xe lửa để trở về nhà. Khi xe lửa đang di chuyển đến gần nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong tâm trí Đe-vít: Lúc thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, lúc lại chẳng thấy có miếng vải nào cả. Khi sắp đi ngang qua nhà, trái tim Đe-vít đập nhanh hơn. Cậu quay sang người ngồi cạnh và ấp úng nói : “Thưa ông, ông có thể giúp cháu việc này không ạ?” Được ông ta đồng ý, cậu nói : “Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Vậy phiền ông nhìn vào cây táo ấy và cho cháu biết trên cành cây ấy có cột một miếng vải trắng nào không nhé?”. Khi xe lửa ầm ầm lướt nhanh qua nhà, Đe-vít nhắm mắt lại rồi run giọng hỏi : “Thưa ông, có miếng vải trắng nào treo trên cành cây táo cạnh nhà cháu không ạ?” Ông ta sửng sốt trả lời rằng : “Ô, này cậu bé, không phải chỉ một mà cành cây nào ta cũng thấy có cột vải trắng cả !”
Thì ra sợ con trai không nhìn thấy giải vải trắng, ông bố của cậu bé đã treo thật nhiều vải trắng để chắc chắn cậu sẽ nhìn thấy dấu hiệu tình thương tha thứ để cậu yên tâm trở về.

3) LÒNG MẸ THƯƠNG CON BIỂU LỘ CÁCH NÀO?
Một cô bé 5 tuổi đang ngồi trong lòng mẹ, chợt lên tiếng hỏi : “Mẹ ơi, con có thể nhìn thấy được lòng mẹ không?”. Bà mẹ đáp : “Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem con thấy gì trong đó?” Cô bé nhướng mắt chăm chú nhìn vào đôi mắt của mẹ, rồi em sung sướng kêu lên : “Mẹ ơi ! Con đã nhìn thấy lòng mẹ thương con rồi. Trong mắt mẹ, con chỉ nhìn thấy duy một cô bé tí xíu là chính con đó mẹ ạ !”.
Đối với bà mẹ thì đứa con là tất cả. Mỗi người chúng ta cũng là con do Chúa tạo thành và rất mực yêu thương chúng ta.

4) CHÚA TỎ LÒNG BAO DUNG THA THỨ KHI QUÊN CÁC TỘI TA PHẠM :
Một bà già nọ không mấy ngày là không đến gõ cửa gặp cha xứ, kể cho ngài nghe những giấc mơ của bà. Một hôm bà cho biết đêm qua Chúa lại hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng tiếp tục đến quấy rầy nữa, cha xứ bảo : ”Lần sau nếu Chúa có hiện ra, thì bà hãy hỏi Chúa : “Cha xứ của con đã phạm tội gì nặng nhất? Sau đó bà sẽ tới đây kể lại cho tôi nghe nhé”. Rồi mấy ngày sau không thấy bà già ấy đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì kế hay của mình. Nhưng một tuần sau thì thấy bà quay trở lại.
- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.
- Thế bà có nhớ hỏi Chúa điều tôi đã dặn bà không?
- Thưa cha có chứ.
Cha xứ bắt đầu hồi hộp :
- Thế bà đã hỏi Chúa thế nào?
- Thì con hỏi y như Cha đã bảo : ”Cha xứ con đã phạm tội gì nặng nhất?”
Cha xứ càng hồi hộp thêm :
- Vậy Chúa có trả lời không?
- Có chứ.
Bây giờ thì cha xứ bắt đầu lo lắng thật sự và gặng hỏi :
- Chúa nói sao?
- Chúa nói : ”Ta đã quên hết rồi”.
Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.
(Kể theo ĐHY Phan-xi-cô X. Nguyễn văn Thuận)

3. THẢO LUẬN :

1) Trong bốn việc phải làm khi đi xưng tội như : xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội, thì điều nào quan trọng nhất xứng đáng được giao hòa với Chúa? Tại sao?
2) Trong Mùa Chay này, mỗi người sẽ hồi tâm sám hối tội nào cụ thể nhất và sám hối bằng cách nào?

4. SUY NIỆM :

Tin mừng CN 4 Mùa Chay hôm nay cho thấy tình thương bao dung tha thứ của Thiên Chúa đối với các tội nhân (15,1-32).
Thiên Chúa như một người Cha từ bi nhân hậu luôn “chạnh lòng thương” và sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho lòai người như Thánh vịnh 135 đã ca tụng : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“. Tin mừng qua dụ ngôn Lòng Cha Bao Dung cho thấy tình thương tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân thực lòng sám hối ăn năn :

1) SÁM HỐI LÀ QUYẾT TÂM TRỞ VỀ NHÀ CHA (15,12-19) :
Tội của đứa con thứ là tội bất hiếu khi đòi cha phải chia gia tài cho nó ngay khi ông đang còn sống. Sau đó nó đã bỏ nhà đi hoang và ăn chơi tiêu tán hết số tiền của cha. Đến khi lâm cảnh đói rách phải đi làm thuê làm mướn và bị người chủ là dân ngoại khinh dể và đối xử tệ hơn một con heo. Chính sự cùng khổ đã khiến nó hồi tâm và quyết tâm trỗi dậy quay về xin lỗi cha, với ước mong được cha đối xử chỉ như với một người làm công thôi. Câu“Đứng lên, đi về cùng cha” cho thấy thái độ dứt khoát với quá khứ tội lỗi để về với cha.

2) LÒNG CHA BAO DUNG THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN (15,20-24) :
Về phần người cha, sau khi đứa con thứ ra đi, ông không ngừng buồn sầu nhớ thương, ngày ngày ngóng nhìn ra cổng chờ mong nó mau quay về. Khi thấy bóng con từ xa, ông đã nhận ra nó và “chạnh lòng thương” : Ông không trách mắng hay trừng phạt con, mà chạy tới ôm chầm lấy cổ nó và hôn lấy hôn để, rồi mau mắn trả lại địa vị làm con cho nó, khi truyền cho đầy tớ thay áo mới, đeo nhẫn vào ngón tay, xỏ giầy vào chân và mở tiệc mời bạn bè hàng xóm đến ăn mừng, với lý do: “Tưởng nó đã chết mà nay sống lại, tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đây là sự đón tiếp nồng hậu ngoài sự tưởng tượng của đứa con hoang đàng, nói lên tình thương bao dung nhân hậu của cha. Qua thái độ của người cha chúng ta thấy : Trừng phạt tội nhân giống như dội một thùng nước lên que củi cháy sắp tàn khiến ngọn lửa tin yêu bị tắt ngúm. Còn tha thứ giống như thổi hơi vào tàn lửa tin yêu sắp tắt, khiến ngọn lửa ấy lại bùng cháy lên.

3) PHẢI TRÁNH THÁI ĐỘ HẸP HÒI GANH TỴ CỦA ANH CON CẢ (15,25-32) :
Người anh cả từ ngoài đồng trở về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca, hỏi ra mới biết thằng em đi hoang mới trở về và đã được cha, không những tha tội mà còn mở tiệc ăn mừng. Anh ta tỏ thái độ tức giận với cha bằng cách không thèm bước vào trong nhà. Khi gặp cha, anh đã chỉ trích lối hành xử của cha mà anh cho là bất công với anh (15,29). Thái độ giận dỗi của anh khiến cha phải năn nỉ và cố giải thích để anh cảm thông với lối hành xử yêu thương của cha : ”Tất cả những gì của cha đều là của con “ (Lc 13,31). Dụ ngôn kết thúc bằng lời cha khuyên con hãy đối xử bao dung : “Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Câu chuyện dụ ngôn cho thấy sự khác biệt đối xử với đứa em giữa hai trái tim của người cha và của anh con cả :
– Con tim của con cả thì ích kỷ trái với con tim quảng đại của người cha.
– Con tim của con cả thì hẹp hòi trái với con tim rộng mở của người cha.
– Con tim của con cả thì lạnh lùng trái với con tim nồng ấm của người cha.
– Con tim của con cả thì ganh ghét trái với con tim yêu thương của người cha.
– Con tim của con cả thì cố chấp trái với con tim nhân hậu của người cha.
– Con tim của con cả đòi báo oán trái với con tim tha vô điều kiện của người cha.

4) TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐÁP LẠI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA? :
+ Dụ ngôn người cha bao dung và đứa con hoang đàng nói lên lòng nhân từ giàu lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Chúa đã yêu thương chúng ta với tình yêu bao la như tình yêu của một người cha từ bi nhân hậu, sẵn sàng tha thứ tội lỗi của chúng ta là con cái Ngài : Ngài tha thứ vô điều kiện và tha luôn mãi !
+ Chúa phán : “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng hóa nên trắng như tuyết. Có thắm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông” (Is 1,18) : Dù tội của chúng ta có nặng tới đâu, thì tình thương của Chúa còn sâu nặng hơn gấp bội. Dù tội lỗi chúng ta có nhiều tới mức nào, thì Chúa cũng vẫn hằng chờ đợi để tha thứ, miễn là chúng ta thực lòng sám hối và quyết tâm quay về với Ngài.
+ Thiên Chúa tôn trọng sự tự do ra đi và chờ đợi sự tự giác trở về của chúng ta: Trong những ngày Mùa Chay này mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình thương bao dung của Thiên Chúa là Cha? Phải cấp thời sám hối ăn năn và quay về làm hòa với Cha qua phép giải tội; Hãy đáp lại lòng thương xót của Cha bằng việc sẵn sàng thương xót tha thứ cho những anh em đã xúc phạm đến mình; Quan tâm giúp người thân trong gia đình và bạn bè còn đang sống trong tội lỗi, giúp họ mau hồi tâm sám hối trở về hầu nhận được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa.

5. LỜI CẦU:

LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG. Thật đáng tiếc khi có những người cha trong gia đình và cha trong cộng đoàn... chưa thể hiện được tình thương bao dung của Cha, nên đã làm cho tội nhân e sợ không dám quay về giao hoà với Thiên Chúa Cha. Xin Cha cho các người cha trong gia đình và cha trong cộng đoàn biết yêu thương con cái giống như người cha đầy lòng từ bi nhân hậu trong Tin Mừng hôm nay. Nhờ đó các tội nhân sẽ cảm nghiệm được lòng bao dung của Cha và tự giác quay về giao hòa với Cha trong Mùa Chay thánh này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Kiện Toàn Lề Luật
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:53 22/03/2022
Kiện Toàn Lề Luật

(Thứ Tư sau CN III Mùa Chay – Mt 5,17-19)

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17)

Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường dùng cụm từ: “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn Thầy, Thầy bảo anh em….”(x.Mt 5,43). Đây là một trong những lý do khiến cho một số người lầm tưởng rằng Chúa Giêsu muốn hủy bỏ lề luật, cụ thể là luật của Môsê truyền. Khi khẳng định rằng mình đến không phải để hủy bỏ lề luật mà để kiện toàn thì Chúa Giêsu mặc nhiên nhìn nhận sự cần thiết của lề luật. Tuy nhiên Người lại minh nhiên nói lên sự hữu hạn của chính lề luật và sự bất toàn của việc áp dụng luật lệ nơi nhiều người, nhất là nơi những người đang có vai cao, vị lớn trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Qua cung cách hành xử và lời giảng dạy của Chúa Giêsu chúng ta cùng xem xét việc Người kiện toàn lề luật:

1.Trả lề luật về lại vị trí, vai trò của nó: “lề luật là phương tiện chứ không phải là mục đích. Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định: ‘Ngày Sabbat (lề luật) có ra là vì con người chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabbat”(x.Mc 2,28). Tính hữu hạn của lề luật là nơi chính nó vì nó là phương tiện. Khi phương tiện không thể đạt đến mục đích hoặc đi lệch mục đích thì chúng ta phải để nó ra một bên. Chính Chúa Giêsu đã từng nhiều lần cố tình vi phạm lề luật, đặc biệt luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ là để khẳng định điều này.

2.Lề luật xét về nguồn gốc thì có thiên luật và nhân luật. Thiên luật là luật của Thiên Chúa nên có giá trị tối thượng. Còn nhân luật là luật của con người thì giá trị thấp hơn vì hữu hạn. Sự hạn chế của nhân luật nằm ngay nơi nguồn gốc của nó. Nhân vô thập toàn. Nhân luật luôn có đó nhiều giới hạn vì vừa bất cập lại vừa thái quá. Ngay trong thiên luật tức là luật của Thiên Chúa thì Kitô hữu chúng ta tiếng lương tâm là luật tối thượng. Thế mà tiếng lương tâm của con người vẫn có đó mặt hạn chế vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan hình thành nên lương tâm bối rối, lương tâm phóng khoáng, lương tâm lầm lạc, lương tâm chai lì… Thiên luật khi hiện hữu bằng văn tự thì có đó sự hạn chế bởi văn phong, ngôn từ, cách thế diễn đạt, cách hiểu…Chính vì thế chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa không chỉ hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà còn phải hết cả trí khôn (x.Mc 12,30).

Chúa Giêsu kiện toàn lề luật khi khẳng định mối tương quan giữa thiên luật và nhân luật. Luật của Thiên Chúa luôn ở trên luật của loài người. Luật của loài người phải quy chiếu từ luật của Thiên Chúa. Đã từng nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách nhiều lãnh đạo Do Thái giáo vì họ đã xem nhẹ lề luật của Thiên Chúa mà nắm giữ truyền thống là luật lệ của loài người (x.Mc 7,1-13).

3. “Đã đến lúc người ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (x.Ga 4,23). Việc giữ lề luật phải khởi đi từ bên trong tâm hồn. Giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng bên ngoài mà nội tâm thì trống rỗng thì cũng bằng không mà nhiều khi còn gây ra nhiều hậu quả khó lường cho bản thân và tha nhân. Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo, cách riêng nhóm biệt phái về việc giữ luật bên ngoài cách giả hình này. Người không ngại ngần dùng những lời quở trách gay gắt “khốn cho các ngươi…” (x.Mt 23,27-32).

Lề luật là cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là hiểu cho đúng vai trò, vị trí của lề luật đồng thời phải biết giữ luật cách ý thức, chân thành. Thái độ sống vô kỷ luật quả là đáng trách. Tuy nhiên cung cách sống kiểu “vụ luật” thì thật đáng sợ hơn nhiều. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên dạy chúng ta hãy cẩn trọng về “tinh thần biệt phái mới” trong lối sống đạo. Chính Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh các tông đồ về thứ men độc hại này (x.Mc 8,14-21).

Kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đã làm và chúng ta cũng phải cộng tác với Người liên lỉ, theo khả năng, hoàn cảnh và vai vị của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Có Khi, Phải Thẳng Thừng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:54 22/03/2022
Có Khi, Phải Thẳng Thừng!

(Thứ Năm sau CN III Mùa Chay – Gr 7,23-28; Lc 11,14-23)

Một hiện thực của kiếp nhân sinh, đó là sự nhập nhằng trắng đen. Thực hư, đúng sai, thiện ác, quân tử tiểu nhân…dường như khó phân biệt rõ ràng. Đây là một nhân sinh quan của Kim Dung, tác giả nổi tiếng của nhiều pho truyện võ hiệp kỳ tình Trung Hoa. Cái kiểu nhìn này xem ra khá hợp lý vì nó nhắc nhở chúng ta cẩn trọng hơn trong phán đoán, tránh những ngộ nhận đáng tiếc và có khi là đáng trách. Tuy nhiên bên cạnh nét ưu của kiểu nhìn này thì vẫn có đó mặt hạn chế của nó mà “chủ nghĩa tương đối” sạch sành sanh là một đan cử.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ phản ứng cách thẳng thừng, rõ ràng, dứt khoát khi các dữ kiện khách quan xem ra khá đầy đủ. Lời Chúa giáo hội cho trích đọc trong ngày thứ Năm sau Chúa Nhật III mùa Chay có điểm chung về vấn đề này. Vì dân Chúa đã nhiều bất trung, phản bội, nên Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Giêrêmia: “Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa” (Gr 7,28).

Bài Tin Mừng thánh sử Luca tường thuật việc Chúa Giêsu dùng quyền năng mà trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được. Trong khi đám đông dân chúng đều bỡ ngỡ thán phục thì có một vài người cố chấp, cứng lòng. Họ xuyên tạc rằng Chúa Giêsu lấy quyền tướng quỷ Bêengiêbút mà trừ quỷ rồi còn thách thức Người cho một dấu lạ từ trời xuống. Trước sự cứng lòng không chỉ một mà nhiều lần của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ, Chúa Giêsu đã thẳng thừng: “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán” (Lc 11,23).

Cần phải thẳng thắn, rõ ràng trước hết với chính mình. Trừ những trường hợp mắc tâm bệnh thì chúng ta hầu như ít lầm lẫn về bản thân. Biết mình mà thiếu sự rõ ràng thẳng thắn thì chúng ta thật khó mà sửa những gì cần phải đổi thay. Trung thực với chính mình chính là nét lương thiện căn bản. Có lúc cũng cần phải thẳng thắn với tha nhân, nhất là trong trách vụ của mình. Thật không dễ dàng khi có thái độ dứt khoát rõ ràng kiểu “mất lòng trước được lòng sau”. Tuy nhiên nhiều khi đức công bình và cả đức ái lại đòi buộc chúng ta phải rõ ràng không chỉ vì bản thân người chúng ta tỏ thái độ mà còn vì tập thể đang có liên lụy, nhất là những người nghèo hèn, người kém phận.

Tạ ơn Chúa, trước cuộc chiến tranh đang xảy ra tại Ukraina, rất nhiều nhân sĩ, nhiều lãnh đạo các quốc gia đã bày tỏ rõ ràng nhận định cũng như phản ứng của mình trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 22/03/2022
Chương 47:

THAM LAM, LƯỜI BIẾNG



1. Nhàn rỗi là mồi câu của ma quỷ.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 22/03/2022
28. HỒ DÁN CHÂU PHỦ

Sơn Đông phủ Châu Thanh huyện Ích Bộ có một thư sinh tên là Triệu Bỉnh Trung, lên kinh đô thi đỗ trạng nguyên.

Khi hồi hương, các quan viên địa phương làm tiệc lớn chúc mừng ông ta, sau khi uống mấy ly rượu, đột nhiên trên trời bay đầy tuyết, có người vội vàng mời Triệu Bỉnh Trung đề thơ.

Ngài trạng nguyên nói:

- “Chúng ta cùng nhau đề thơ vậy”.

Thế là, nhìn cảnh bên ngoài sân và ngâm câu đầu tiên:

- “Cắt vụn lông ngỗng trên không múa”.

Quan phủ tiếp lời:

- “Núi nam núi bắc không thấy đất”.

Quan huyện tiếp theo:

- “Lưu ly bích ngói biến thành bạc”.

Lúc ấy, Triệu Bỉnh Trung nhìn thấy tuyết càng rơi càng lớn, các quan viên uống đã nghiêng bên nọ ngửa bên kia, bèn dùng lối chơi chữ kết thúc toàn bài thơ:

- “Hồ dán bôi đen châu phủ rồi”.

(Ký Viên Ký Sở Ký)

Suy tư 28:

Thường thì có lễ là có lạc (vui vẻ) nên gọi là lễ lạc, đó là một nét của văn hóa của hầu hết các dân tộc trên thế giới.

Quan tân trạng nguyên chỉ nhìn thấy cách uống rượu xỉn quắc cần câu của các quan phủ quan huyện, thì biết mấy ông này cai trị dân như thế nào rồi, cho nên mới kết luận bằng một câu thơ: “Hồ dán bôi đen châu phủ rồi”.

Người Ki-tô hữu cũng có những ngày lễ vui vẻ, như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và các ngày lễ thánh quan thầy.v.v...nhưng “lạc” của họ -trước hết- là chia sẻ “một tấm bánh và một chén thánh” trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su, rồi từ niềm vui này, họ biến cái “lạc” vật chất thành bữa ăn huynh đệ không có say xỉn, không có thóa mạ, không có thách đố nhau tửu lượng, không có la ó om sòm...

Bởi vì khi chúng ta tham dự một thánh lễ trọng cách sốt sắng, rồi sau đó “lạc” một cách vô độ, buông tuồng, thì người ta sẽ nói: “người Ki-tô hữu chẳng khác gì người khác, họ lấy rượu bia bôi đen đức tin và thánh lễ của họ rồi”.

Ôi, câu phê bình thật đáng buồn biết bao !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Trở về
Lm. Thái Nguyên
17:39 22/03/2022


TRỞ VỀ

Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm C: Lc 15,1-3. 11-32

Suy niệm

Những người biệt phái và kinh sư vẫn coi khinh những người thu thuế và tội lỗi, khi thấy Chúa Giêsu lui tới với những hạng người đó thì họ xầm xì khó chịu. Trước cái nhìn ngặt nghèo của nhóm biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu nêu lên dụ ngôn Thiên Chúa như “Người cha nhân hậu”. Đó là người cha chấp nhận chia gia tài để người con thứ ra đi, dù biết nó sẽ rơi vào cảnh sa đà, trụy lạc, nhưng tin nó sẽ quay về sau khi vỡ mộng. Thế nên người cha từng ngày mong nó sẽ trở về, và chuẩn bị mọi thứ để đón rước. Thông thường, cha mẹ chỉ chuẩn bị đón rước và ăn mừng đứa con sắp thành tài, sắp thăng quan tiến chức; chứ ai lại mừng cho một thằng nghịch tử; một đứa con bất hiếu bao giờ!

Đúng như người cha dự đoán, sau một thời gian "sống phóng đãng, phung phí hết tài sản", rơi vào cảnh cùng cực, người con đã hồi tâm chuyển ý, thấy mình quá đắc tội với cha nên đã quay về. Tưởng đâu cha sẽ trách mắng, nghiêm phạt, ai ngờ khi vừa thấy bóng dáng con từ xa, thì ông động lòng thương, chạy ra ôm chầm lấy anh và hôn lấy hôn để. Lòng yêu thương và chờ đợi từng ngày khiến ông quên hết lỗi lầm của đứa con hoang đàng. Ông thật là một người cha phung phí vì đã chia gia tài cho một đứa con còn non lòng trẻ dạ. Và giờ đây ông lại đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng cho con. Hơn nữa còn vui mừng mở tiệc liên hoan, đàn ca múa hát để ăn mừng. Một cuộc đón tiếp quá nồng hậu, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Ông đã phung phí tình yêu thương cách quá độ đến mức vô lý. Đúng là "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hề biết đến." (Pascal).

Người anh cả đi làm về thấy cảnh tượng như vậy liền nổi giận, không chịu vào nhà, nặng lời trách móc cha già, vì hành xử như vậy là bất công với anh ta. Anh cho cha thấy bao nhiêu công lao của mình đối với cha mà chưa từng được khen thưởng, đang khi “thằng con của cha đó", nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì lại ăn mừng. Anh không thể vui với cha, nên càng không thể vui với em. Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm. Anh đối chọi với cha và không muốn vào nhà để gặp em. Anh nghĩ cha đã sai lầm khi thưởng kẻ đáng phạt mà không thưởng người đáng công.

Người cha phải ra tận cổng phân trần và năn nỉ anh ta vào nhà chung vui với ông “vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Nhưng xem ra người anh không chấp nhận cho em trở về, vì sợ chiếm mất những gì thuộc về mình. Người cha đã khẳng định với cậu rằng: "Tất cả những gì của cha đều là của con" (Lc 13,31). Hoá ra cả hai người con khác nhau về cách sống bên ngoài nhưng lại rất giống nhau về tâm thế bên trong, vì cả hai đều ở ngoài trái tim của cha, người con thứ vô tình, mà người con cả cũng vô tâm, không cảm nhận được tình yêu thương của cha mà chỉ muốn sống thỏa mãn theo ý riêng mình. Cả hai đều có lối sống như người làm công chứ không phải làm con. Người anh xem ra còn nặng tội hơn em, vì không chấp nhận cha mà cũng không chấp nhận em. Người anh cả phải chăng đại diện cho nhóm Pharisêu và các kinh sư, luôn tự hào về đời sống đạo đức của mình, và muốn cho những kẻ tội lỗi phải chết hơn là được cứu chữa.

Người cha có hai đứa con thật éo le. Người con thứ có vẻ như tượng trưng cho lối sống của những kẻ đang chạy theo của cải vật chất, đang tôn thờ ngẫu tượng, suy tôn vị lãnh tụ lên làm Chúa. Đó cũng là những người đang mất dần đức tin, không còn sống hiệp thông trong Giáo hội; là những người trẻ bỏ gia đình đi bụi đời; là những thanh niên đang chạy theo tiền tài danh vọng; là những thiếu niên đang nghiện ngập và lo tìm thỏa mãn đam mê dục vọng.

Phải chăng người anh cả tượng trưng cho những người giữ đạo để cho mình được an thân yên vị, chứ không vì tình yêu mến. Không có tình yêu với Chúa nên cũng chẳng có tình yêu với nhau, nên không gần gũi, không thân thiện, không chia sẻ, không cảm thông, và càng không muốn tha thứ. Người con cả phải chăng là những tín hữu xưng mình là đạo dòng nhưng lại lười biếng, tự ái, kiêu căng, ích kỷ?

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài yêu chúng ta bằng một thứ tình yêu mà lý trí không tài nào hiểu được. Hãy để cho tim mình ra mềm mại và tan chảy trước tình yêu cao siêu đó. Hãy vào hưởng niềm vui của một đứa con hiếu thảo với Cha và đầy tình huynh đệ với nhau.

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa tình yêu!

dù con đã bao lần sa lạc và lầm lỡ,

nhưng Cha vẫn luôn nâng đỡ thứ tha,

con cảm thấy bước chân Cha vội vã,

khi ra đón đứa con sa ngã trở về.

Cha chẳng nề khi thân con ô uế,

giang tay ôm ấp với tình thương tràn trề,

vẫn như thuở đầu con từng được yêu quí,

nhưng vì bất hiếu con đã bỏ ra đi.

Cha chẳng chấp tội nặng con đã phạm,

mà lại vui làm tiệc đám linh đình,

để cho thấy vẫn một tình cha con,

chẳng có gì làm sứt mẻ hao mòn.

Tình thương Cha chẳng thể nào sánh ví,

thế mà lại có những lần con ganh tị,

khi có người trong sa lạc trở về,

con lại tìm mọi cách để khinh chê,

không đón nhận vì sợ mình lép vế.

Con quên rằng tình Cha luôn thi thố,

mỗi người có một chỗ trong tim Cha,

Cha yêu con chỉ vì con là con,

cho dù con ngoan hiền hay hư hỏng.

Xem ra con cũng như người anh cả,

ở trong nhà nhưng tấm lòng lạc xa,

chưa hiểu nổi mối tình Cha sâu thẳm,

mà chỉ nhắm tới công bằng và hợp lý,

không biết cho đi và bao dung nhân hậu,

đúng là bản thân con vẫn còn thô lậu.

Xin cho con một trái tim cháy sáng,

để biết sống tình yêu Cha vô hạn,

một trái tim tha thứ rất dịu dàng.

một cách ứng xử nhẹ nhàng và thanh thoát,

để tạo an bình và hạnh phúc hòa chan. Amen.
 
Tình Yêu Qua Nhục Thể
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:48 22/03/2022
Tình Yêu Qua Nhục Thể

(Lễ Truyền Tin – 25/3)

Nhục thể, nhục dục là những hạn từ vốn đã bị gán ý nghĩa xấu. Khi nói về các hướng chiều hạ đẳng người ta thường gọi là theo tính xác thịt. Quan niệm nhị nguyên như đã chi phối cái nhìn của con người cách khó sửa đổi. Bên cạnh đó, các trào lưu cách mạng “giải phóng tính dục” cách lệch lạc hay thái quá đã khiến cho thân xác lại bị hạ giá cách bất công.

Mừng Lễ Truyền Tin. Hai từ Truyền tin dễ làm người ta liên tưởng đến vai trò chính đó là Đức Mẹ. Nhưng thực ra đây là ngày Lễ Mừng Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa mà theo truyền thống là một trong ba mầu nhiệm chính của Kitô giáo. Thiên Chúa thể hiện tình yêu bằng việc mang lấy huyết nhục con người. Người đã chọn lấy thân xác làm con đường để yêu thương nhân loại. Lời tác giả thư gửi tín hữu Do Thái: “Thật thế, máu các con bò, con dê, không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.”(Dt 4,4-7).

Với một thân xác, Thiên Chúa ở cùng chúng ta – Emmanuel – chung chia mọi nỗi niềm của kiếp người, đặc biệt là kiếp nghèo hèn, mỏng manh, kém phận. Qua một thân xác, Thiên Chúa ban lời hằng sống là lời chân lý và là lời yêu thương, lời tha thứ. Với một thân xác, Thiên Chúa tiếp xúc với người bệnh tật, cùng khổ để nâng đỡ, chữa lành. Và qua một thân xác Thiên Chúa đón nhận mọi hậu quả do tội lỗi của con người đồng thời trao ban sự sống thần linh cũng như ân tình tha thứ, giải hòa. Và để tiếp tục giáng phúc thi ân cho nhân loại đến tận thế, Thiên Chúa làm người đã ở lại với con người bằng một thân xác – Máu Thịt – cách huyền nhiệm gọi là Bí tích (Bí tích Thánh Thể).

Có thể nói không sợ sai lầm rằng một tình yêu đích thực thì luôn có sự tham gia của nhục thể là thân xác. Một tình yêu đích thật là một tình yêu có sự bồi hồi cả con tim, có sự hao mòn cả thân xác. Một tình yêu đích thật là một tình yêu sục sôi cả huyết quản và nhiều khi quặn đau cả ruột gan.

Một lôgich như tất yếu: Thiên Chúa đã đến với con người, yêu thương con người qua một thân xác thì để đáp trả lại tình yêu ấy, để đón nhận hồng ân tha thứ, con người cũng cần phải qua thân xác. Và Mẹ Maria là người đã thực hiện điều này cách hoàn hảo qua tiếng xin vâng (Lc 2,38). Mẹ đã hiến dâng thân xác mình để cho Tình Yêu hiện diện và trổ sinh hoa trái.

Không ai chối cải cái thân xác con người rất nhiều khi mang “tính xác thịt”, nghĩa là yếu đuối mỏng dòn, dễ nghiêng chiều các chước cám dỗ, đến độ không chỉ là nguyên cớ mà có khi còn là yếu tố của sự xấu hay sự tội. Thế thì làm sao sử dụng nó để yêu thương hay để làm trổ sinh hoa trái thánh thiện?

Con chiên vô tì tích của Cựu Ước là hình ảnh của tấm xác thân tinh tuyền không vướng tội nhơ của Đấng cứu độ. Đây chính là chìa khóa giúp ta nhận ra khi nào thì xác thân ta đóng đúng vai trò của nó trong tiến trình yêu thương, giải hòa, thi ân, giáng phúc. Đó là một thân xác thanh sạch, không tì ố bởi vết tội. Làm thế nào để có được một thân xác tinh tuyền khi phận người chúng ta vốn là kiếp “lực bất tòng tâm” như thánh Phaolô đã từng thú nhận? (x.Rm 7,14-24) Cũng chính thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?... Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20). Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Tình Yêu năng động, hướng tha. Khi xác thân chúng ta là cửa ngõ, là chiếc cầu để cho tình yêu vị tha tuôn ra thì nó đang thanh sạch. Khi xác thân chúng ta là phương thế để cho tha nhân được sống và sống dồi dào tình nó đang tinh tuyền. Đâu có tình yêu là ở đấy có Thiên Chúa ngự. Ánh sáng vào thì bóng tối phải lùi xa.

Tôn trọng tấm thân xác mà chúng ta được ban tặng là một cách thế mừng mầu nhiệm Chúa Nhập Thể. Gìn giữ thân xác thanh sạch bằng con tim đầy tình vị tha cũng là mừng mầu nhiệm Chúa làm người. Và biết dùng thân xác mình để yêu thương, phục vụ tha nhân cho hạnh phúc đời này lẫn đời sau chính là tôn vinh mầu nhiệm Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể cách đúng và đẹp ý Thiên Chúa như nội hàm lời thưa xin vâng của Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin năm xưa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lịch trình các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tuần Thánh
Đặng Tự Do
02:53 22/03/2022
Tuần Thánh trong 2 năm qua đã diễn ra rất lặng lẽ vì đại dịch coronavirus. Năm nay, một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Đấu trường Rôma để chủ tọa Đàng Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vatican đã công bố lịch trình của Đức Giáo Hoàng cho Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, xác nhận rằng ngài sẽ chủ sự các lễ kỷ niệm lớn ở quảng trường Thánh Phêrô lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng ngày 10 tháng 4 theo giờ địa phương. Lần cuối cùng mà nghi lễ này được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô, đã có hơn 40,000 người tham dự.

Trong hai năm qua, các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng trong Tuần Thánh được tổ chức rất ít do đại dịch COVID-19, với nhiều sự kiện được chuyển đến bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô với số lượng người tham dự cực kỳ hạn chế.

Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh lúc 9:30 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lịch trình hiện tại của Vatican cho năm 2022 chưa cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc ly Thứ Năm Tuần Thánh tại đâu. Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm một nhà tù địa phương, hay các trung tâm di dân và tị nạn để dâng thánh lễ.

Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ngài sẽ chủ sư nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều, trước khi đến Đấu trường Côlôsêô để chủ sự buổi đI đàng thánh giá bắt đầu lúc 9 giờ tối.

Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ Canh thức Phục sinh vào ngày 16 tháng 4 tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối và cũng sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh bên ngoài tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, sau đó ngài sẽ ban phép lành Urbi et Orbi truyền thống.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ dâng thánh lễ vào ngày 24 tháng 4 cho Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Vatican cũng xác nhận rằng lễ phong thánh cho Chân phước Charles de Foucauld, Titus Brandsma, và tám vị khác sẽ diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng ngày 15 tháng 5.


Source:Catholic News Agency
 
Chính phủ Ả Rập Xê Út hành quyết 81 người trong một ngày, nhiều nhất trong lịch sử quốc gia
Đặng Tự Do
05:08 22/03/2022


Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi sự chú ý đến hành động này, diễn ra sau khi các tù nhân bị tra tấn và sau các phiên tòa “không công bằng”.

Vào ngày 12 tháng 3, chính phủ Ả Rập Saudi đã hành quyết 81 người trong vụ hành quyết hàng loạt lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Những người bị hành quyết đã bị kết án về các tội danh từ khủng bố, thành viên nhóm cực đoan đến tham gia các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Một báo cáo từ NPR lưu ý rằng đã có 92 vụ hành quyết ở Ả Rập Xê Út vào năm 2022. Số lượng cá nhân bị hành quyết vào cuối tuần qua đã vượt qua vụ hành quyết năm 1980 khi 63 chiến binh bị hàng quyết vì chiếm đền thờ Hồi giáo ở Mecca, vào năm 1979. Những người bị xử tử hôm thứ bảy bao gồm 73 người Saudi, bảy người Yemen và một người Syria.

Một cơ quan báo chí của Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rằng mỗi người trong số những người bị kết án đã được cung cấp quyền tiếp cận với luật sư trong quá trình xét xử. Hãng thông tấn này tuyên bố rằng những người bị buộc tội đã bị kết án về “tội ác ghê tởm” đã cướp đi sinh mạng của dân thường và cảnh sát. Phương pháp hành quyết phổ biến nhất ở Ả Rập Xê Út là chặt đầu.

Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Tổ chức Ân xá Quốc tế. Phó Giám đốc Khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Lynn Maalouf, cho biết trong một tuyên bố:

“Cuộc hành quyết này càng thêm rùng mình khi hệ thống tư pháp còn nhiều khiếm khuyết của Ả Rập Xê Út, vốn đưa ra những bản án tử hình sau những phiên tòa xét xử bất công một cách thô bạo và trắng trợn, bao gồm cả các phán quyết dựa trên 'lời thú tội' bị tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác.”

Maalouf tiếp tục gọi số người chết là “gây sốc” và lưu ý rằng đất nước “thiếu minh bạch” về hình phạt tử hình. Cô tuyên bố rằng số vụ xét xử dẫn đến án tử hình luôn cao hơn những gì chính phủ Ả Rập Xê Út báo cáo.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng các bản án tử hình được đưa ra sau các phiên tòa đáng nghi vấn hoặc không công bằng trong mọi trường hợp mà họ đã ghi nhận. Tổ chức nhân quyền báo cáo tuyên bố về việc tra tấn tràn lan các tù nhân bị giam giữ. Những buổi tra tấn này diễn ra với mục đích rút ra một lời thú tội cho dù đó là sự thật hay không. Những lời thú nhận sai sự thật được đưa ra dưới sự cưỡng ép có thể ảnh hưởng đến phán quyết ngay cả khi chúng được rút lại.

Họ chỉ ra hai trong số những người đàn ông đã bị hành quyết hôm thứ Bảy, những người bị kết tội tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ. Cả hai người đàn ông đều cho biết đã bị tra tấn khi ở trong tù. Một trong những người đàn ông đã bị rụng gần hết răng do bị đấm liên tục vào mặt. Cả hai đều không được điều trị y tế trong thời gian bị giam cầm.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng một phân tích về trường hợp của 5 trong số 41 người đàn ông Hồi Giáo Shiite bị hành quyết cho thấy những vi phạm rõ ràng về thủ tục tố tụng. Mỗi người trong số năm người đàn ông khẳng định lời thú nhận của anh ta đã được thực hiện trong quá trình tra tấn, và mỗi người đều cố gắng rút lại lời khai của mình. Hơn nữa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy rằng các thành viên gia đình của những người bị kết án đã không được thông báo về quyết định hoặc có cơ hội để nói lời từ biệt.

Anh trai của một trong những người bị hành quyết nhận xét:

“Chúng tôi không biết họ bị giết như thế nào và vào thời gian nào, bằng cách nào và ở đâu, có được chôn cất. Tôi tiếp tục tự hỏi, những lời cuối cùng của anh trai tôi là gì? Anh ta có được chôn cất theo nghi thức mai táng của người Hồi Giáo Shiite không? Họ có cầu nguyện trên xác anh ấy không?”

Số vụ hành quyết cao nhất trong một ngày của Ả Rập Xê Út diễn ra khi phần lớn thế giới đang loại bỏ hình phạt tử hình. Một báo cáo từ TIME lưu ý rằng 483 người đã bị hành quyết trên toàn cầu vào năm 2022. Mặc dù con số này có vẻ cao trong ba tháng đầu tiên, nhưng nó đã giảm 26% so với thời điểm này trong năm 2019. So với năm 2015, đỉnh điểm của các vụ hành quyết trên thế giới, nó giảm đến 70%.
Source:Aleteia
 
Quân Nga nã pháo vào vùng ngoại ô Kiev, làm hư hại Nhà thờ Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở thành phố Irpin
Đặng Tự Do
05:09 22/03/2022


Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết:

“Kẻ thù đang chịu tổn thất ở ngoại ô Kiev nhưng vẫn tiếp tục pháo kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự bằng pháo hạng nặng, xe tăng và súng cối. Trong bối cảnh đó, Nhà thờ Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Irpin đã bị hư hại nghiêm trọng.”

Bộ Tổng tham mưu cũng nhắc lại rằng, trong ngày qua, quân đội Nga đã thực hiện 14 cuộc tấn công hỏa tiễn và 40 cuộc không kích vào Ukraine.

Tờ Orthodox Times của Chính Thống Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinople cho biết tất cả các giáo phận Chính Thống Giáo ở Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã yêu cầu các linh mục từ này đừng cầu nguyện cho Thượng Phụ Kirill.

Diễn biến này theo sau việc Thượng phụ Kirill trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin phù hộ cho quân Nga mau thắng trận.

Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cực chỉ báng bổ Đức Mẹ.

Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:

“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo “chúc lành”.

Trong bài giảng của mình sau Phụng Vụ Thánh, khi đề cập đến số lượng Giáo phận của Giáo Hội Chính Thống ở Ukraine đã quyết định ngừng cầu nguyện cho mình, Thượng phụ Kirill biện minh rằng “việc này được thực hiện vì sợ hãi”.

“Chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một Giáo hội tông truyền, cùng một Giáo hội được thành lập ở cả Mạc Tư Khoa và Kiev,” ông nói như trên và từ chối chấp nhận quyền tự trị của Giáo hội Ukraine và việc giải phóng Giáo Hội ấy khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Ông lại nói về những áp lực bên ngoài và “những thế lực ngoại lai đối với Giáo hội muốn phá hủy sự đoàn kết thiêng liêng của các dân tộc chúng ta. Khi ai đó vì sợ hãi mà không chịu cầu nguyện cho vị Thượng Phụ, thì đây là dấu hiệu của sự yếu hèn. Nó không xúc phạm tôi”

Cuối cùng, đề cập đến chiến tranh, ông nói về “các tiến trình chính trị, mà chúng tôi hy vọng sẽ sớm kết thúc”, và cầu nguyện cho Tổng Giám Mục Onoufriy. Onoufriy là Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Thượng Phụ Kirill cũng nhắc lại lời cầu nguyện của mình xin Chúa bảo vệ tất cả những người trên đất Nga, “hiện bao gồm cả Nga, Ukraine và Belarus”.
 
Không tham ô dù chỉ một xu: Hồng Y Becciu nói với tòa án Vatican rằng ngài không phải là kẻ lừa đảo
Đặng Tự Do
05:10 22/03/2022


Lần đầu tiên trong phiên tòa tại Vatican, Hồng Y Angelo Becciu đã bị chất vấn trong phiên tòa xét xử tài chính của Vatican vào thứ Năm. Vị Hồng Y nói với các thẩm phán rằng ngài đã chuẩn bị để trả lời các cáo buộc hình sự với “cái đầu ngẩng cao”. Vị Hồng Y đang bị xét xử vì nhiều tội danh tham ô, lạm dụng chức vụ và cố gắng ngăn cản lời khai của một nhân chứng.

Hồng Y Becciu đã trả lời các câu hỏi từ tòa án về các giao dịch tài chính của ngài với các thành viên trong gia đình nhưng, mặc dù nói rằng ngài “hoàn toàn sẵn sàng tìm kiếm và nói sự thật”, ngài đã từ chối trả lời các câu hỏi về việc thuê Cecilia Marogna, một đặc vụ tình báo tư nhân, viện cớ đó là một bí mật có thể phương hại đến Vatican.

Xuất hiện vào ngày 17 tháng 3 trong ngày đầu tiên của phiên điều trần các bằng chứng trong phiên tòa, bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái, Hồng Y Becciu nói rằng “không dễ dàng” để ngài bảo vệ sự liêm chính của mình trước tòa, sau cái mà ngài gọi là “một vụ thảm sát chưa từng có tiền lệ từ các phương tiện truyền thông.”

Trong tuyên bố mở đầu của mình trước hội đồng ba thẩm phán, vị Hồng Y đã tố cáo một “chiến dịch bạo lực và thô tục” chống lại ngài trên báo chí, mà ngài nói rằng đã có “một tiếng vang trên toàn thế giới.”

Mô tả các cáo buộc chống lại ngài là “vô lý”, “đáng kinh ngạc”, và “quái đản”, vị Hồng Y tự hỏi trước tòa “ai muốn tất cả những điều này và vì mục đích gì?”

Ngoài cáo buộc liên quan đến vụ mua bán tài sản ở London của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Hồng Y Becciu còn phải đối mặt với cáo buộc rằng ngài lạm dụng chức vụ của mình để chuyển tiền cho các thành viên trong gia đình mình, bao gồm 250,000 euro được gửi vào tài khoản ngân hàng được điều khiển bởi anh trai của mình, Antonio Becciu, người điều hành Hợp tác xã Spes, một tổ chức bác ái Công Giáo ở Sardinia.

Hồng Y Becciu phủ nhận mọi hành vi không đúng đắn, nhấn mạnh rằng ngài “không bao giờ lấy một đồng euro, thậm chí một xu cũng không, do ngài quản lý cũng không hề chuyển hướng, sử dụng sai mục đích”
Source:Pillar Catholic
 
Khi nền tảng của sự sống bị phá hủy trong chiến tranh, Thiên Chúa là trụ cột nâng đỡ chúng ta.
Đặng Tự Do
05:11 22/03/2022


Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã dẫn đầu buổi cầu nguyện Molében thời chiến, đó là một buổi cầu nguyện chung hàng ngày cho quân đội Ukraine, được phát sóng lúc 12:00 trưa từ các vùng khác nhau của Ukraine bởi “Zhyve.TV”.

Molében, còn được gọi là molieben, là cử hành Phụng Vụ với các lời cầu nguyện khẩn thiết được sử dụng trong Chính Thống Giáo và các Giáo Hội Công Giáo Đông phương khác nhau để kêu cầu Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, hay một vị thánh hoặc một vị tử vì đạo.

Hình thức hiện tại của Molében có nguồn gốc từ văn hóa Slav, nhưng việc sử dụng nó hiện nay phổ biến ở cả Âu Châu và các Giáo Hội Chính Thống Giáo và Công Giáo Byzantine theo truyền thống Slav.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục đã phản ánh về cách chúng ta cầu nguyện trong chiến tranh, và nơi mọi người có thể tìm thấy một chỗ dựa đáng tin cậy khi thế giới như họ biết, đang bị hủy diệt.

“Mỗi ngày kể từ khi cuộc chiến khủng khiếp này bắt đầu ở Ukraine, mà nhiều người đã gọi là chiến tranh toàn diện, một cuộc chiến tiêu diệt người dân Ukraine, mọi người đều cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện trong chiến tranh có ý nghĩa gì, đặc biệt là khi chúng ta đang cầu nguyện cho chiến thắng của Ukraine trước kẻ thù của họ? Có lẽ chúng ta cần phải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này hàng ngày, và chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa của lời cầu nguyện này cho đến khi chúng ta ăn mừng chiến thắng của Ukraine. Nhưng điều quan trọng là ít nhất phải bắt đầu trên con đường nhận thức và hiểu biết về lời cầu nguyện này”,Đức Tổng Giám Mục giải thích.

Ngài nhấn mạnh rằng ngày nay nhiều người cảm thấy rằng thế giới mà họ từng sống đã sụp đổ, nhưng có một nền tảng mà không ai có thể phá hủy được. Và nền tảng này là Chúa. Chính Ngài là nơi nương tựa và bảo vệ trong những thời điểm khó khăn như vậy. Theo nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, khi một người cầu nguyện trong hoàn cảnh khó khăn, người đó để Chúa hiện diện: “Khi một người cầu nguyện trong chiến tranh, Chúa hiện diện ở nơi đó và trong lời cầu nguyện của người đó. Thiên Chúa, Đấng nhìn vào trái tim của con người, Thiên Chúa là người phán xét cuối cùng của người sống và người chết, Thiên Chúa ban cho sự chiến thắng, đang hiện diện. “

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng người ta có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh, nhưng Chúa, Chúa của hòa bình, là Đấng luôn đặt dấu chấm hết cho nó. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, “vì chúng ta biết rằng sự giải cứu, như một món quà của sự sống, sẽ đến từ một mình Thiên Chúa. Chính hòa bình này sẽ luôn chiến thắng chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ kéo dài mãi mãi, giống như một cơn bão trên biển. Và hòa bình, mà Chúa là cội nguồn, mạnh hơn chiến tranh”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã kêu gọi tất cả người dân Ukraine ngày nay hãy trở thành những chiến binh vì hòa bình dù họ ở bất cứ đâu, và nhấn mạnh rằng những người bảo vệ mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần so với kẻ xâm lược. “Chúa, là Chúa của hòa bình, sẽ củng cố chiến thắng của Ukraine, bởi vì chúng tôi biết rằng chiến thắng không đến từ con người, cũng không phải vũ khí quyết định tất cả, mà là sức mạnh của Chúa”.
Source:UGCC
 
TT. Zelenskyy điện thoại cho ĐGH Phanxicô.
Nguyễn Long Thao
09:55 22/03/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Ba cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ông nói ông hoan nghênh sự hòa giải của Vatican để chấm dứt đau khổ trong đất nước của ông.

Viết trên Twitter vào ngày 22 tháng 3, Zelenskyy cho biết ông đã nói với Đức Giáo Hoàng “về tình hình cứu trợ nhân đạo khó khăn và việc quân đội Nga phong tỏa các hành lang cứu hộ”.

Tổng thống Ukraine cũng nói rằng “vai trò trung gian của Tòa thánh trong việc chấm dứt đau khổ của con người sẽ được đánh giá cao” và cảm ơn Đức Giáo Hoàng “vì những lời cầu nguyện cho Ukraine và hòa bình”.

Trong bài phát biểu trước quốc hội Ý vào ngày 22 tháng 3,TT. Zelenskyy cũng nhắc đến nội dung cuộc gọi điện thoại của mình với Đức Giáo Hoàng Francis.

Phát biểu qua video, tổng thống Ukraine cho biết ông đã nói chuyện với giáo hoàng và Ngài đã nói "những lời rất quan trọng."

Tổng thống cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ông: “Tôi hiểu rằng quý vị ước mong hòa bình. Tôi biết qúy vị phải bảo vệ chính mình, binh lính và dân thường bảo vệ đất nước của họ và bảo vệ mọi người ”.

“Và TT Ukraine đã trả lời,” rằng “dân tộc của chúng tôi đã trở thành quân đội, khi họ thấy kẻ thù của họ gây ra điều ác, sự tàn phá mà nó đã để lại.”

Zelenskyy nói rằng trong cuộc xung đột với Nga, ít nhất 117 trẻ em đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, hàng chục nghìn gia đình bị phá hủy và hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang.“Và tất cả những điều này bắt đầu từ một người,” Ông nói.

Andrii Yurash, đại sứ của Ukraine tại Tòa thánh, cũng đã chia sẻ tin tức về cuộc trò chuyện giữa ĐGH và tổng thống trên Twitter hôm thứ Ba.

Yurash mô tả cuộc điện đàm vào sáng ngày 22 tháng 3, là một “cử chỉ hỗ trợ cho Ukraine.

Cuộc trò chuyện “rất hứa hẹn”, vị đại sứ nhận xét, đồng thời nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nói Ngài đang cầu nguyện và làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt chiến tranh.

Theo Yurash, Zelenskyy đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ukraine.

Tưởng cũng nên nhắc lại ĐGH Phanxicô cũng đã nói chuyện với TT Zelensky trong một cuộc điện đàm vào ngày 26 tháng 2, hai ngày sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào nước láng giềng Ukraine do Tổng thống Vladimir Putin phát động.
 
Các Hiệp sĩ Kha Luân Bố cổ vũ tuần cửu nhật chuẩn bị ngày 25 tháng 3 dâng hiến Ukraine cho Đức Mẹ
Đặng Tự Do
16:12 22/03/2022


“Chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu toàn thể Giáo hội trên thế giới cùng tham gia với chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki của Lviv, Ukraine, đã kêu gọi bắt đầu tuần cửu nhật vào ngày 17 tháng Ba và kết thúc ngày 25 tháng Ba, để chuẩn bị cho việc Đức Thánh Cha Phanxicô dâng hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.

“Chúng tôi đang kêu gọi tất cả các Kitô hữu ở Ukraine tham gia tuần cửu nhật này, và chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu toàn thể Giáo hội trên thế giới sẽ cùng chúng tôi cầu nguyện cho ý định này.”

Tổ chức Hiệp sĩ Kha Luân Bố trên toàn thế giới đang tham gia với sáng kiến này, “Tôi kêu gọi 2 triệu Hiệp sĩ anh em của tôi đoàn kết cầu nguyện với Đức Trinh nữ Maria”, Hiệp sĩ tối cao Patrick Kelly cho biết trong một tuyên bố. “Cùng nhau, chúng ta sẽ cầu xin Đức Mẹ cầu thay cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột, để tiếp thêm sức mạnh cho các Hiệp sĩ Ukraine và Ba Lan của chúng ta đang làm việc chăm chỉ để cứu trợ và giúp mang lại hòa bình và hàn gắn cho khu vực.”

Giáo Hội Chính thống Nga cho đến nay vẫn chưa bình luận gì về tin tức liên quan đến việc thánh hiến.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cho biết việc dâng hiến là một “hành động tinh thần đã được người dân Ukraine chờ đợi từ lâu”, không chỉ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga hiện nay mà kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2014.

Nhà lãnh đạo tinh thần của thiểu số Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, có từ bốn đến năm triệu người, nói:

“Chúng tôi giao phó cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria tất cả những đau khổ của chúng tôi và hy vọng về hòa bình cho người dân đau khổ của chúng tôi”

Chính ngài đã thực hiện một hành động thánh hiến Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, tại Fatima.
Source:Aleteia
 
Linh mục kể lại cuộc chạy trốn kịch tính khỏi Mariupol của khoảng 200 đến 300 người
Đặng Tự Do
16:12 22/03/2022


Tất cả dường như vô vọng cho đến khi một “người được Chúa gửi đến” xuất hiện tại hiện trường.

Hai linh mục Công Giáo đã dẫn đầu một đoàn xe khoảng 100 chiếc rời khỏi Mariupol và các khu vực lân cận vào đầu tháng này, chứng kiến những cảnh tượng mà họ không muốn ai nhìn thấy nhưng cuối cùng tạ ơn Chúa vì có tới 300 sinh mạng đã được cứu.

Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov, đã bị quân đội Nga và binh lính của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một tỉnh ly khai ở miền Đông Donbas của Ukraine, bao vây từ hôm 25 tháng Hai.

Cha Pawel Tomaszewski, một trong hai linh mục, đã mô tả thử thách trong buổi họp Zoom vào sáng thứ Sáu do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, là tổ chức đã hỗ trợ tài chính cho tu viện của ngài ở Mariupol. Cùng với một linh mục thứ ba, người đã rời Mariupol trước đó để điều trị y tế ở Ba Lan, họ là thành viên của cộng đoàn Công Giáo theo nghi thức Latinh của dòng Thánh Phaolô vị ẩn sĩ đầu tiên.

Cha Tomaszewski giải thích cộng đồng nhỏ của ngài đã cố gắng ở lại thành phố như thế nào trong khoảng tuần đầu tiên khi Nga xâm lược Ukraine, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Họ tiếp tục dâng thánh lễ cho cộng đồng Công Giáo ở đó.

Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể khi giao tranh di chuyển từ vùng ngoại ô phía đông của thành phố đến trung tâm của nó. Thất vọng với việc không có tiến bộ quân sự đáng kể nào, các lực lượng Nga bắt đầu ném bom các nguồn cung cấp điện và nước, biết rằng nó sẽ cắt đứt những yếu tố cơ bản để tồn tại và tấn công các khu vực dân sự. Điều đó bao gồm quận nơi có tu viện dòng Thánh Phaolô - một địa điểm nổi bật mà “sẽ là một mục tiêu tốt,” vị linh mục nói.

Hai giáo sĩ mất mọi liên lạc với giáo dân và thế giới bên ngoài.

“Trong bốn ngày, người Nga ném bom và bắn phá hầu như không ngưng nghỉ,” Cha Tomaszewski nói. “Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như thế này trước đây. Chúng tôi không có hầm để trốn. “Vụ nổ súng và ném bom rất căng thẳng. Cả tòa nhà rúng động”.

Ngài cho biết không thể ra ngoài thăm giáo dân. Trên thực tế, ba người phụ nữ đã ra ngoài tìm nước nhưng đã bị bắn chết. Vị linh mục kia đã cố gắng đến phần phía đông của thành phố, nhưng mọi thứ đều bị chặn lại. Rõ ràng là họ sẽ không thể giúp bất kỳ giáo dân nào của họ. Thị trấn hỗn loạn, với nhiều cửa hàng bị cướp bóc.

Được cứu bởi một “người được Chúa sai đi”

Cuối cùng, mặc trang phục giáo sĩ, hai linh mục lấy các tài liệu quan trọng của họ và Mình Thánh Chúa và cố gắng rời khỏi thành phố. Họ đợi cho đến khi tụ tập với một nhóm xe nhỏ, nghĩ rằng số lượng của họ sẽ khiến họ ít bị tổn thương hơn.

Trên đường đến Zaporizhzhia, họ đi qua một số trạm kiểm soát được canh gác bởi các binh sĩ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, là lực lượng đã chiến đấu với quân đội Ukraine từ năm 2014.

Dọc theo cuộc hành trình, họ nhìn thấy những tòa nhà bị thiêu rụi và những người lính chết nằm la liệt trên đường phố. Tại một thời điểm, khi quân đội Ukraine vừa giành chiến thắng trước người Nga, họ phải lái xe quanh những xác quân xâm lược nằm trên đường. Cha Tomaszewski, người đã từng là linh mục ở Mariupol từ năm 2011, nói rằng quân đội Nga không bao giờ đưa những người lính đã chết của họ trở về mà để các xác chết thối rữa ở nơi họ bị bắn hạ.

Họ đến một trạm kiểm soát, nơi binh lính Nga từ chối cho phép những người đàn ông trong độ tuổi từ 18-60 đi xa hơn, có thể là vì họ không muốn những người ấy có thể gia nhập quân đội Ukraine. Đến thời điểm này, quy mô đoàn xe đã lên đến khoảng 100 chiếc, mỗi chiếc có từ hai đến ba người. Trời lạnh cóng, và mọi người đói và khát. Xe hơi hao xăng. Các gia đình có trẻ nhỏ đã phải ngủ qua đêm trong xe lạnh. Một số phụ nữ khuỵu gối, van xin binh lính Nga cho đoàn xe đi qua.

Cả nhóm không thể đi tiếp và không thể quay trở lại Mariupol. Tình hình tưởng chừng như vô vọng.

“Rồi đột nhiên không biết từ đâu, một người được Chúa rõ ràng phái đến, đã tình cờ đi ngang qua,” nói. “Anh ấy nói 'Làng của tôi rất gần đây. Tôi có thể đưa tất cả những người này vào để cho họ thức ăn, nước uống và không để họ chết cóng giữa đêm”.

Người đàn ông hóa ra là trưởng làng Temriuk, một khu vực nông nghiệp cách đường chính khoảng 5 km.

Sau một đêm ở lại đó, người dân trong làng khuyên đoàn xe tìm cách để đến đường chính một lần nữa, tránh trạm kiểm soát của Nga. Thị trưởng của một thị trấn lân cận nói với họ rằng có một hành lang nhân đạo mà họ có thể sử dụng. Họ phải đi qua một trạm kiểm soát khác của Nga, nhưng khi những người lính nhìn thấy dòng xe quá dài, họ ngưng hỏi sau chiếc xe thứ sáu. Cuối cùng, những người trốn thoát đã ở trong lãnh thổ do Ukraine kiểm soát và cảm thấy nhẹ nhõm.

“Thật đẹp biết bao khi thấy những người lính Ukraine cứu chúng tôi,” họ nói với quân đội mà họ gặp trên đường đi, Cha Tomaszewski nói.

Khi được hỏi anh ấy có thông điệp gì cho thế giới, Cha Tomaszewski nhận xét, “Cần có hỗ trợ nhân đạo để giúp Ukraine cho đến khi chúng tôi đánh bại quân đội Nga và chiến tranh chấm dứt.”

Ngài không thể tiếp cận bất kỳ giáo dân nào của mình ở Mariupol, những người tiếp tục sống trong tình trạng bị bao vây. Nhưng, ngài nói, “hy vọng tồn tại đến cùng, nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Chúa”.
Source:Aleteia
 
Lời nguyện cầu Tận hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria Tại Đền thờ Thánh Phêrô 25 tháng 3 năm 2022
Vũ Văn An
16:51 22/03/2022
Chúng tôi vừa nhận được bản dịch rất hay của Cha Tuấn, omi về Lời nguyện Dâng hiến thế giới và cách riêng hai nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Xin đăng tải để bạn đọc Vietcatholic tham gia nghi thức cho sốt sắng.



Lời nguyện cầu Tận hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria Tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô 25 tháng 3 năm 2022

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, trong thời gian thử thách này, chúng con hướng về Mẹ. Là Mẹ của chúng con, Mẹ yêu thương chúng con và biết chúng con: không có mối lo lắng nào của trái tim chúng con được che giấu khỏi Mẹ. Lạy Mẹ của lòng thương xót, chúng con đã thường xuyên cảm nghiệm được sự chăm sóc cẩn trọng cùng sự hiện diện yên bình của Mẹ! Mẹ không bao giờ ngừng hướng dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, Hoàng tử của Hòa bình.

Tuy nhiên, chúng con đã đi lạc khỏi con đường hòa bình đó. Chúng con đã quên bài học rút ra từ những thảm kịch của thế kỷ trước, sự hy sinh của hàng triệu người đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Chúng con đã bỏ qua những cam kết mà chúng con đã thực hiện với tư cách là một cộng đồng các quốc gia. Chúng con đã phản bội ước mơ hòa bình của mọi người và hy vọng của những người trẻ tuổi. Chúng con trở nên bệnh hoạn với lòng tham, chúng con chỉ nghĩ đến quốc gia và lợi ích của chúng con, chúng con trở nên thờ ơ và bị cuốn hút vào những nhu cầu và mối quan tâm ích kỷ của mình. Chúng con đã chọn phớt lờ Chúa, hài lòng với ảo tưởng của mình, trở nên kiêu ngạo và hung hãn, đàn áp những sinh mạng vô tội và tích trữ vũ khí. Chúng con không còn là người trông coi và quản lý ngôi nhà chung của chúng con nữa. Chúng con đã tàn phá trái đất bằng chiến tranh và bởi tội lỗi của mình, chúng con đã làm tan nát tấm lòng của Cha chúng con trên trời, Đấng mong muốn chúng con trở thành anh chị em. Chúng con trở nên thờ ơ với mọi người và mọi thứ, ngoại trừ chính mình. Giờ đây với sự xấu hổ, chúng con kêu lên: Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con!

Lạy Mẹ Rất Thánh, giữa nỗi khốn cùng vì tội lỗi của chúng con, giữa những đấu tranh và yếu đuối của chúng con, giữa bí ẩn của tội ác là sự dữ và chiến tranh, Mẹ nhắc nhở chúng con rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, nhưng vẫn tiếp tục nhìn chúng con bằng tình yêu thương, luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng con. và đem chúng con vào cuộc sống mới. Người đã ban Mẹ cho chúng con và làm cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trở thành nơi nương tựa cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Theo ý muốn nhân từ của Thiên Chúa, Mẹ luôn ở với chúng con; ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử của chúng con, Mẹ vẫn ở đó để hướng dẫn chúng con bằng lòng yêu mến dịu dàng.

Giờ đây chúng con cùng hướng về Mẹ và gõ cửa trái tim Mẹ. Chúng con là những đứa con yêu quý của Mẹ. Trong mọi thời đại, Mẹ khiến chúng con biết đến Mẹ, kêu gọi chúng con hoán cải. Vào giờ phút đen tối này, xin giúp chúng con và ban cho chúng con sự an ủi của Mẹ. Hãy nói với chúng con một lần nữa: "Mẹ ở đây, Mẹ là Mẹ của con đây" Mẹ có thể tháo gỡ những nút thắt của trái tim chúng con và của thời đại chúng con. Chúng con tín thác nơi Mẹ. Chúng con vững tin rằng, đặc biệt là trong những giây phút thử thách, Mẹ sẽ nhậm lời chúng con cầu xin và sẽ giúp đỡ chúng con.

Đó là những gì Mẹ đã làm tại Cana ở Ga-li-lê, khi Mẹ cầu bầu với Chúa Giêsu và Người đã làm việc đầu tiên trong các dấu lạ của mình. Để giữ niềm vui tiệc cưới, Mẹ đã nói với Người: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2: 3). Hỡi Mẹ, xin hãy lặp lại những lời đó và lời cầu nguyện đó, vì trong những ngày này của chúng con, chúng con đã cạn kiệt rượu hy vọng, niềm vui đã vụt tắt, tình huynh đệ đã tàn lụi. Chúng con đã quên nhân tính của mình và phung phí món quà hòa bình. Chúng con đã mở lòng mình trước bạo lực và sự tàn phá. Chúng con rất cần sự giúp đỡ của Mẹ!

Vì thế, Lạy Mẹ, xin nhậm lời cầu xin của chúng con.

Lạy Đức Mẹ như sao mai, xin đừng để chúng con bị đắm tàu trong cơn bão táp chiến tranh.

Lạy Đức Mẹ như hòm Bia Thiên Chúa, xin truyền cảm hứng cho các dự án và con đường hòa giải.

Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy khôi phục hòa bình của Chúa cho thế giới. Hãy loại bỏ hận thù và khát khao trả thù, và dạy chúng con sự tha thứ.

Xin giải thoát chúng con khỏi chiến tranh, bảo vệ thế giới của chúng con khỏi sự đe dọa của vũ khí hạt nhân.

Lạy Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi, xin làm cho chúng con nhận ra nhu cầu cầu nguyện và yêu mến.

Lạy Nữ Vương các gia đình, xin hãy chỉ cho mọi người con đường của tình huynh đệ.

Lạy Nữ vương ban sự bằng an, hãy đem hòa bình đến cho thế giới chúng con.

Hỡi Mẹ, xin cho lời cầu xin đau buồn của Mẹ khuấy động trái tim chai đá của chúng con. Xin cho những giọt nước mắt mà Mẹ đã rơi vì chúng con sẽ làm cho thung lũng khô cằn bởi sự thù hận của chúng con nở hoa một lần nữa. Giữa sấm sét của bom đạn, lời cầu nguyện của Mẹ có thể biến suy nghĩ của chúng con trở nên hòa bình. Vòng tay dịu dàng của Mẹ sẽ xoa dịu những ai đang đau khổ và chạy trốn khỏi cơn mưa bom đạn. Lòng Mẹ bao la có thể an ủi những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và quê hương của họ. Nguyện xin Trái tim đau buồn của Mẹ đem chúng con đến lòng nhân ái và truyền cảm hứng để chúng con mở rộng cửa và quan tâm đến những anh chị em của chúng con, những người bị thương và bị gạt sang một bên.

Lạy Mẹ là Thánh Mẫu Thiên Chúa, khi đứng dưới thập giá, Chúa Giêsu, khi thấy người môn đệ đang ở bên cạnh, đã nói: “Này là con của Mẹ” (Ga 19:26). Bằng cách này, Chúa Giêsu đã giao phó mỗi chúng con cho Mẹ. Người nói với môn đệ và với từng người trong chúng con: “Này là Mẹ của anh em” (c. 27). Lạy Mẹ Maria, giờ đây chúng con ao ước được chào đón Mẹ vào cuộc sống và lịch sử của chúng con. Vào giờ này, cả nhân loại mệt mỏi và quẫn trí đang đứng với Mẹ dưới chân thánh giá, cần phó thác chính mình cho Mẹ và nhờ Mẹ, dâng mình cho Đấng Cứu Thế. Người dân Ukraine và Nga, những người tôn kính Mẹ hết lòng, giờ đây cùng hướng về Mẹ, ngay khi trái tim Mẹ hòa nhịp với lòng từ bi nhân ái đối với họ và đối với tất cả những dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, đói kém, bất công và nghèo đói.

Vì vậy, Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, chúng con long trọng giao phó và dâng hiến chính mình, Giáo Hội, và toàn thể nhân loại, đặc biệt nước Nga và Ukraine. Xin hãy chấp nhận hành động mà chúng con thực hiện, với sự tín thác và lòng yêu mến, để chiến tranh có thể kết thúc và hòa bình lan rộng khắp thế giới. Lời “Xin Vâng” nảy sinh từ trái tim Mẹ đã mở ra cánh cửa lịch sử cho Hoàng tử Hòa bình. Chúng con tin tưởng rằng, qua trái tim của Mẹ, hòa bình sẽ rạng rỡ một lần nữa. Đối với Mẹ, chúng con dâng hiến tương lai của toàn thể gia đình nhân loại, những nhu cầu và kỳ vọng của mọi người, những lo lắng và hy vọng của thế giới.

Qua lời cầu bầu của Mẹ, xin lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên mặt đất và nhịp điệu hòa bình nhẹ nhàng trở lại để đánh dấu những ngày của chúng con. Đức Mẹ của “Xin Vâng”, nơi Chúa Thánh Thần ngự xuống, khôi phục giữa chúng con sự hòa hợp đến từ Thiên Chúa. Nguyện xin Mẹ, là "nguồn hy vọng sống động" của chúng con, tưới nước cho trái tim khô héo của chúng con. Trong lòng Mẹ, Chúa Giêsu đã lấy xác thịt; thúc đẩy và nuôi dưỡng sự hiệp thông của chúng con. Mẹ đã từng lướt qua các đường phố trong thế giới của chúng con; giờ đây xin hãy dẫn dắt chúng con trên những con đường hòa bình. AMEN.
 
Kinh Thánh Hiến Nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ mà Đức Thánh Cha sẽ tuyên đọc ngày 25/3/2022
Thanh Quảng sdb
19:25 22/03/2022
Kinh Thánh Hiến Nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ mà Đức Thánh Cha sẽ tuyên đọc ngày 25/3/2022.



Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, trong thời khắc thử thách này, chúng con hướng về Mẹ. Lạy Mẹ là Mẹ chúng con, Mẹ yêu thương và Mẹ biết chúng con: không có mối ưu tư nào của tâm lòng chúng con mà Mẹ không hay biết. Lạy Mẹ của lòng xót thương, chúng con cảm nghiệm được sự săn sóc ân cần và sự hiện diện an bình của Mẹ. Mẹ không ngừng hướng dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, Vị Hoàng tử của Hòa bình.

Vì chúng con đã rời xa con đường hòa bình, chúng con đã quên đi những bài học từ những thảm kịch của các thế kỷ trước, sự hy sinh của hàng triệu người đã ngã xuống trong hai cuộc thế chiến. Chúng con đã bỏ qua những cam kết mà chúng con đã cam kết với tư cách là cộng đồng quốc tế.

Chúng con đã phản bội lý tưởng hòa bình mà mọi người, đặc biệt những người trẻ tuổi mơ ước. Chúng con bị cuốn hút vào những tham vọng, lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân làm chúng con trở nên thờ ơ lạnh nhạt trước những nhu cầu và ưu tư ích kỷ của mình. Chúng con đã quên Chúa, hài lòng với ảo tưởng của mình, trở nên ngạo mạn và hung hãn, hà hiếp những người nghèo khổ và tích góp vũ khí.

Chúng con đã quên vai trò của mình là người trông coi và quản lý ngôi nhà chung trái đất này. Chúng con đã tàn phá trái đất này bằng chiến tranh và những tham vọng của chúng con, chúng con đã làm tan nát tấm lòng của Cha chúng con ở trên trời, Đấng mong muốn chúng con là anh chị em với nhau. Chúng con trở nên thờ ơ lãnh cảm với mọi người và mọi hoàn cảnh; ngoại trừ chú tâm vào chính mình. Bây giờ với lòng ăn năn xám hối, chúng con kêu lên: Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con!

Lạy Mẹ rất Thánh, giữa trăm ngàn nỗi khốn cùng, vì tội lỗi chúng con, giữa những giao tranh và hạ hèn của chúng con, giữa mầu nhiệm tội ác là sự dữ và chiến tranh, Mẹ nhắc nhở chúng con rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, Ngài không ngừng thương nhìn chúng con bằng tình yêu, luôn sẵn sàng tha thứ, và nâng chúng con lên cuộc sống mới.

Chúa đã ban Mẹ cho chúng con và biến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trở thành nơi nương náu cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Theo ý muốn nhân từ của Thiên Chúa, Mẹ hằng ở bên chúng con; ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của lịch sử, Mẹ vẫn ở đó để hướng dẫn chúng con bằng tình yêu thương dịu hiền trìu mến.

Giờ đây, chúng con hướng về Mẹ và nương tựa nơi trái tim Mẹ. Chúng con, những người con yêu của Mẹ. Trải qua mọi thời, Mẹ luôn dậy dỗ chúng con, kêu gọi chúng con hoán cải! Vào giờ phút đen tối này, xin hãy thương cứu giúp chúng con và giúp chúng con chạy đến nương náu dưới tà áo Mẹ. Xin Mẹ hãy giúp chúng con xác tín: "Mẹ hiện diện ở đây, là Mẹ của chúng con" Mẹ có thể tháo gỡ những nút thắt của trái tim chúng con, những nút bế tắc của thời đại chúng con. Nơi Mẹ, chúng con đặt trọn vẹn niềm tin. Chúng con xác tín rằng Mẹ sẽ nhận lời chúng con cầu xin và nâng đỡ chúng con đặc biệt trong những giờ phút thử thách lâm nguy này.

Đó cũng là những gì Mẹ đã thực hiện tại tiệc cưới Cana, Galilê xưa, khi Mẹ khẩn cầu Chúa Giêsu và Chúa đã thể hiện phép lạ đầu đời của Chúa cho niềm vui tiệc cưới được trọn vẹn, khi Mẹ thân thưa với Chúa: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2: 3).

Lạy Mẹ, xin hãy lặp lại những lời đó với Con yêu quí của Mẹ cho thời đại chúng con, vì chúng con đã cạn kiệt rượu của hy vọng, rượu của niềm vui, rượu của tình huynh đệ héo tàn. Chúng con đã quên nhân tính của chúng con và lãng phí món quà hòa bình của Chúa. Chúng con đã mở lòng cho bạo lực và cho sự tàn phá chết chóc! Chúng con rất cần đến sự giúp đỡ của Mẹ Chúa!

Lạy Mẹ, xin nghe lời chúng con cầu khẩn.

Lạy Nữ Vương Sao Biển, xin gìn giữ con tầu chúng con khỏi phong ba bão táp chiến tranh.

Lạy Nữ Vương, Hòm Bia Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết ngồi lại với nhau trong đàm phán và hòa giải.

Lạy Nữ Vương Thiên đàng, xin hãy ban hòa bình của Chúa cho thế giới chúng con.

Xin giúp chúng con biết loại bỏ hận thù và báo oán, xin hãy dậy chúng con biết tha thứ.

Xin giải thoát chúng con khỏi chiến tranh, bảo vệ thế giới chúng con thoát khỏi sự đe dọa của vũ khí hạt nhân.

Lạy Nữ Vương Mân Côi, xin giúp chúng con nhận ra nhu cầu siêng năng cầu nguyện và yêu mến.

Lạy Nữ hoàng Gia đình, xin hãy chỉ dậy mọi người chúng con, con đường của tình huynh đệ.

Lạy Nữ Vương Hòa bình, xin ban bình an cho thế giới chúng con đang sống.

Lạy Mẹ khoan dung, xin cho lời khẩn cầu tha thiết của trái tim sầu khổ của Mẹ làm thay đổi trái tim chai đá của chúng con. Cầu mong những giọt nước mắt mà Mẹ đã đổ ra vì chúng tôi sẽ làm cho thung lũng sầu khổ của thù hận này nở hoa yêu thương. Giữa những sấm sét gầm xé của bom đạn, lời cầu khẩn của Mẹ làm thay đổi những suy tính của chúng con thành hòa bình. Ước mong sự trìu mến của Mẹ sẽ xoa dịu những ai đang đau khổ vì trốn chạy những cơn mưa bom đạn... Xin Mẹ an ủi những người bị buộc phải rời xa gia đình và quê hương xứ sở vì chiến tranh. Cầu xin Trái tim tân khổ của Mẹ đánh động lòng thương cảm của chúng con và truyền cảm hứng để chúng con biết rộng mở tâm lòng, quan tâm đến những anh chị em chúng con đang bị thương tích và bị gạt ra ngoài xã hội…

Lạy Thánh Mẫu, Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ đứng dưới thập giá Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy người môn đệ đứng bên, Chúa đã phán: “Này là con của Mẹ” (Ga 19:26). Bằng cách này, Người đã giao phó mỗi người chúng con cho Mẹ. Người nói với môn đệ và với từng người chúng con: “Này là Mẹ con” (c. 27).

Lạy Mẹ Maria, giờ đây chúng con mong muốn được đón Mẹ vào cuộc sống và lịch sử của chúng con. Vào giờ phút này, một nhân loại đã mỏi mệt và quẫn trí đang cùng Mẹ đứng dưới chân thập tự giá, cần phó thác chính mình cho Mẹ và nhờ Mẹ, dâng lên Chúa Giêsu Kitô. Chúng con xin dâng lên Mẹ người dân Ukraine và nước Nga, những người hằng tôn kính Mẹ với lòng sùng mộ kính tin, giờ đây đang hướng về Mẹ, với trái tim tan nát, xin Mẹ thương cứu giúp họ, những dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, đói kém, bất công và nghèo đói.

Vì vậy lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, lạy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, chúng con long trọng giao phó và thánh hiến chính mình chúng con, Giáo Hội chúng con và toàn thể nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine cho Mẹ. Xin Mẹ chấp nhận tấm lòng thành khẩn của chúng con mà Mẹ đã nài xin chúng con thể hiện. Xin Mẹ hãy làm cho chiến tranh được sớm kết thúc, cho hòa bình được hiển trị khắp nơi trên thế giới. Xin cho lời “Xin Vâng” mà Mẹ đã đáp lại tôn ý Chúa mở ra cánh cửa lịch sử cho Hoàng tử Hòa bình ngự đến. Chúng con tin tưởng qua trái tim từ mẫu của Mẹ, hòa bình sẽ hiển trị.
 
Top Stories
Text for March 25 consecration prayer for Ukraine, Russia
VietCatholic Network
17:04 22/03/2022
The Vatican has sent bishops around the world the text of the prayer that Pope Francis will lead on March 25 for the consecration of Ukraine and Russia to the Immaculate Heart of Mary.

Here is the full text of the prayer obtained by VietCatholic:

O Mary, Mother of God and our Mother, in this time of trial we turn to you. As our Mother, you love us and know us: no concern of our hearts is hidden from you. Mother of mercy, how often we have experienced your watchful care and your peaceful presence! You never cease to guide us to Jesus, the Prince of Peace.

Yet we have strayed from that path of peace. We have forgotten the lesson learned from the tragedies of the last century, the sacrifice of the millions who fell in two world wars. We have disregarded the commitments we made as a community of nations. We have betrayed peoples’ dreams of peace and the hopes of the young. We grew sick with greed, we thought only of our own nations and their interests, we grew indifferent and caught up in our selfish needs and concerns. We chose to ignore God, to be satisfied with our illusions, to grow arrogant and aggressive, to suppress innocent lives and to stockpile weapons. We stopped being our neighbour’s keepers and stewards of our common home. We have ravaged the garden of the earth with war and by our sins we have broken the heart of our heavenly Father, who desires us to be brothers and sisters. We grew indifferent to everyone and everything except ourselves. Now with shame we cry out: Forgive us, Lord!

Holy Mother, amid the misery of our sinfulness, amid our struggles and weaknesses, amid the mystery of iniquity that is evil and war, you remind us that God never abandons us, but continues to look upon us with love, ever ready to forgive us and raise us up to new life. He has given you to us and made your Immaculate Heart a refuge for the Church and for all humanity. By God’s gracious will, you are ever with us; even in the most troubled moments of our history, you are there to guide us with tender love.

We now turn to you and knock at the door of your heart. We are your beloved children. In every age you make yourself known to us, calling us to conversion. At this dark hour, help us and grant us your comfort. Say to us once more: “Am I not here, I who am your Mother?” You are able to untie the knots of our hearts and of our times. In you we place our trust. We are confident that, especially in moments of trial, you will not be deaf to our supplication and will come to our aid.

That is what you did at Cana in Galilee, when you interceded with Jesus and he worked the first of his signs. To preserve the joy of the wedding feast, you said to him: “They have no wine” (Jn 2:3). Now, O Mother, repeat those words and that prayer, for in our own day we have run out of the wine of hope, joy has fled, fraternity has faded. We have forgotten our humanity and squandered the gift of peace. We opened our hearts to violence and destructiveness. How greatly we need your maternal help!

Therefore, O Mother, hear our prayer.

Star of the Sea, do not let us be shipwrecked in the tempest of war.

Ark of the New Covenant, inspire projects and paths of reconciliation.

Queen of Heaven, restore God’s peace to the world.

Eliminate hatred and the thirst for revenge, and teach us forgiveness.

Free us from war, protect our world from the menace of nuclear weapons.

Queen of the Rosary, make us realize our need to pray and to love.

Queen of the Human Family, show people the path of fraternity.

Queen of Peace, obtain peace for our world.

O Mother, may your sorrowful plea stir our hardened hearts. May the tears you shed for us make this valley parched by our hatred blossom anew. Amid the thunder of weapons, may your prayer turn our thoughts to peace. May your maternal touch soothe those who suffer and flee from the rain of bombs. May your motherly embrace comfort those forced to leave their homes and their native land. May your Sorrowful Heart move us to compassion and inspire us to open our doors and to care for our brothers and sisters who are injured and cast aside.

Holy Mother of God, as you stood beneath the cross, Jesus, seeing the disciple at your side, said: “Behold your son” (Jn 19:26.) In this way he entrusted each of us to you. To the disciple, and to each of us, he said: “Behold, your Mother” (v. 27). Mother Mary, we now desire to welcome you into our lives and our history. At this hour, a weary and distraught humanity stands with you beneath the cross, needing to entrust itself to you and, through you, to consecrate itself to Christ. The people of Ukraine and Russia, who venerate you with great love, now turn to you, even as your heart beats with compassion for them and for all those peoples decimated by war, hunger, injustice and poverty.

Therefore, Mother of God and our Mother, to your Immaculate Heart we solemnly entrust and consecrate ourselves, the Church and all humanity, especially Russia and Ukraine. Accept this act that we carry out with confidence and love. Grant that war may end and peace spread throughout the world. The “Fiat” that arose from your heart opened the doors of history to the Prince of Peace. We trust that, through your heart, peace will dawn once more. To you we consecrate the future of the whole human family, the needs and expectations of every people, the anxieties and hopes of the world.

Through your intercession, may God’s mercy be poured out on the earth and the gentle rhythm of peace return to mark our days. Our Lady of the “Fiat," on whom the Holy Spirit descended, restore among us the harmony that comes from God. May you, our “living fountain of hope,” water the dryness of our hearts. In your womb Jesus took flesh; help us to foster the growth of communion. You once trod the streets of our world; lead us now on the paths of peace. Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo TGP Hà Nội hội ngộ và kết nạp thành viên
BBT TGP Hà Nội
10:13 22/03/2022
Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo TGP Hà Nội hội ngộ và kết nạp thành viên

Giao lưu chia sẻ, lắng nghe huấn từ của Đức TGM Giuse, hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn, và nghi thức kết nạp thành viên mới là những hoạt động nổi bật được diễn ra trong ngày họp mặt của Cộng đoàn Doanh nhân Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội (HCEC). Ngày gặp gỡ được diễn ra vào sáng thứ Ba ngày 22/3/2022 tại nhà thờ giáo xứ Phủ Lý và Công ty cổ phần đầu tư – xây lắp Trường Sơn, Tp. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Xem Hình

Sau hơn một năm gián đoạn vì dịch bệnh, kể từ sau Đại hội toàn thể lần thứ nhất được diễn ra vào ngày 19/12/2020, cho đến hôm nay, các thành viên trong gia đình cộng đoàn Doanh Nhân Công Giáo (HCEC) mới có dịp hội ngộ. Ngày giao lưu gặp gỡ được diễn ra trong bầu khí thật hào hứng, vui tươi, chan hoà tình thân hữu.

Khai mở ngày gặp gỡ, các thành viên cùng quy tụ trong thánh đường giáo xứ Phủ Lý, lắng nghe huấn từ của Đức TGM Giuse.

Ngỏ lời cùng anh chị em doanh nhân, Đức TGM Giuse mời gọi các thành viên cùng với Giáo hội hoàn vũ hướng đến Thượng Hội đồng Giám mục thế giới với tinh thần hiệp hành, đồng thời cùng chung nhịp sống của Tổng Giáo Phận (TGP) trong Năm Công nghị và Truyền giáo. Lộ trình tiền Công nghị của TGP đang diễn ra lần lượt với 33 cuộc hội thảo, để lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm canh tân đức tin của mọi thành phần dân Chúa.

Đức TGM Giuse đã liên kết tinh thần hiệp hành với 3 tôn chỉ của cộng đoàn HCEC đó là cùng nhau hiệp hành trong đời sống đức tin; hiệp hành trong những công việc bác ái tốt đẹp để tỏa sáng tinh thần phúc âm, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn; và cuối cùng là hiệp hành trong đạo đức nghề nghiệp để nối kết chặt chẽ với nhau trong lãnh vực doanh nghiệp.

Tinh thần hiệp hành trong đức tin đã được anh chị em doanh nhân diễn tả cách sống động trong Thánh lễ lúc 9h30, do Đức TGM Giuse chủ sự. Hiệp thông trong Thánh lễ, có sự hiện diện của quý Cha quản hạt, quý Cha trong và ngoài giáo hạt Phủ Lý cùng đông đảo cộng đoàn giáo xứ sở tại.

Trước khi bước vào Thánh lễ, ông chủ tịch cộng đoàn HCEC Giuse Phạm Trọng Khôi đã thay lời cho các thành viên chúc mừng Đức TGM Giuse nhân dịp lễ quan thầy của ngài. Tấm lòng thơm thảo của anh chị em doanh nhân đã được tỏ bày qua bó hoa tươi thắm và tràng pháo tay giòn giã.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, khởi đi từ phụng vụ Lời Chúa lễ kính thánh Giuse, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn suy tư về sự công chính của Thánh Cả. Công chính là một cách gọi khác của sự thánh thiện. Từ đó, Đức TGM Giuse mời gọi anh chị em doanh nhân noi gương Đấng Bảo trợ, phác họa sự công chính trong cuộc sống thường ngày khi biết sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa và cố gắng mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cộng đoàn HCEC vui mừng chào đón 20 thành viên mới trong nghi thức gia nhập cộng đoàn. Như vậy, sau hơn 3 năm thành lập, giờ đây cộng đoàn doanh nhân Công Giáo đã có tổng số khoảng 140 thành viên.

Sau Thánh lễ, anh chị em doanh nhân cùng di chuyển tới Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Trường Sơn. Tại đây mọi người cùng tham dự nghi thức làm phép tượng đài Đức Mẹ do Đức TGM Giuse chủ sự và chia sẻ bữa tiệc vui ấm tình gia đình.

BBT
 
Văn Hóa
Thần học Công Giáo Thế kỷ 20 và Chiến thắng của Maurice Blondel, tiếp theo
Vũ Văn An
18:14 22/03/2022

5. Blondel về khoa hộ giáo

Triết lý hành động của Blondel có nhiều hậu quả thần học. Chúng bắt đầu trở nên rõ ràng trong cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại. Phái Tân kinh viện được hồi sinh, như được Đức Lêô XIII cổ vũ và được Đức Piô X tái khẳng định một cách dứt khoát vào năm 1907, đã thống trị tư tưởng Công Giáo trong thập niên 1890. Đó là một tư tưởng duy hiển nhiên [evidentialist] mạnh mẽ, nếu không phải là duy lý (25). Blondel đã trước hết dự kiến L’Action như một sự can thiệp vào cuộc thảo luận triết học thế tục mà ông đã được biết ở Cao đẳng Sư phạm. Trả lời những người đã đọc L'Action về mặt tâm lý coi nó như một hình thức hộ giáo, Blondel đã viết điều tiếng Anh gọi là "The Letter on Apologetics" [Lá Thư Hộ giáo] (1896) để cho thấy điều mà nền hộ giáo đương thời sẽ phải làm (26). "Lá Thư” bắt đầu bằng việc duyệt xét sáu phương pháp hộ giáo. Phương pháp thứ sáu hay “phương pháp cũ” mà ông gọi là “chủ nghĩa Tôma”, khi ông nhớ lại nó từ các sách giáo khoa mà ông đã đọc khi còn là sinh viên đại học. Ông trích dẫn từ tờ Le Monde bản tóm tắt hội nghị Công Giáo gần đấy về nền hộ giáo hiện đại: “Lý trí chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Rất có thể Người đã tự mạc khải. Lịch sử cho thấy Người đã làm như vậy, và lịch sử cũng chứng minh tính chân chính của Kinh thánh và thẩm quyền của Giáo hội. Do đó, đạo Công Giáo được thiết lập trên cơ sở thực sự hợp lý” (27).

Ở thời điểm trên, Blondel vẫn chưa gặp gỡ chính Thánh Tôma, người không nằm trong chương trình giảng dạy tại Cao đẳng Sư phạm. Việc ông mô tả “chủ nghĩa Tôma” đã phản lại Tu sĩ Đa Minh M.-B. Schwalm, người đã trả lời “Lá Thư” trong Revue Thomiste vào tháng 9 năm 1896. Tại Đại hội Khoa học Công Giáo Quốc tế ở Fribourg vào năm sau, Blondel đã dành năm giờ cùng Schwalm cố gắng giải thích ý định triết học của mình và sau đó phản hồi các lời chỉ trích của vị này trong một bài báo. Năm 1893, ông đã yêu cầu một tu sĩ Đa Minh khác, Reginald Beaudoin, đọc cuốn L’Action và bảo đảm với ông về tính chính thống của nó. Beaudoin trở thành đồng minh và tâm giao của Blondel, và trong tư cách “Socius” hoặc Trợ lý của Cha Bề trên Cả Dòng Đa Minh ở Rôma trong những năm dẫn tới Thông điệp Pascendi, là một người ủng hộ Blondel quan trọng (28).

Giữa các năm 1897 và 1901, Blondel bắt đầu tự đọc Thánh Tôma. Đến năm 1910–1911, ông đã đưa Thánh Tôma vào chương trình giảng dạy tại Aix và Marseilles. Ông bắt đầu “thuyết trình rộng rãi” về Thánh Tôma vào năm sau và tiếp tục trong sáu hoặc bảy năm tiếp theo (29). Đến lúc ông viết cuốn Lịch sử và Tín điều vào năm 1904, ông không còn gọi nền hộ giáo duy lý mà ông đã muốn phê phán là “Chủ nghĩa Tôma” nữa. Chủ yếu để trả lời Cha Gayraud, một cựu tu sĩ Đa Minh và là thành viên của Quốc hội Pháp, Blondel đã phát minh ra một từ ngữ để chỉ cách tiếp cận này. Ông gọi nó là “thuyết hướng ngoại” [extrinsicism]. Nó dường như thách thức các chủ thể nhân bản với một sự mặc khải từ bên ngoài rất ít liên hệ giữa những gì Thiên Chúa mạc khải và các dấu hiệu xác minh nó. Đây là một mạc khải siêu nhiên xây dựng trên hoặc được thêm vào một lối giải thích triết học tương đối tự trị có thể gần như làm cũng như không làm việc thêm vào này. Đối với Blondel, “các nhà duy hướng ngoại” dường như muốn nói, “Đây là một viên đá; tôi phải xác minh rằng mệnh lệnh của Thiên Chúa đòi hỏi bạn phải nhận việc này” (30).

Khẳng định thận trọng của Blondel, theo quan điểm triết học, cho rằng mạc khải hoặc siêu nhiên ứng nghiệm tính năng động sâu sắc nhất của con người chúng ta công khai đối nghịch với cách tiếp cận này. Cách tiếp cận duy hướng ngoại của tân kinh viện có xu hướng xử lý số phận siêu nhiên của chúng ta tách biệt khỏi cùng đích vốn được coi là tự nhiên kéo dài đến cả kiếp sau và tách biệt tự nhiên và ân sủng trong một hệ thống hai tầng. Điều này khiến ta, về mặt lý thuyết, có thể tách biệt hoàn toàn các lĩnh vực như “tôn giáo” và “chính trị”, các mối phúc và Mười Điều Răn, thần học và triết học. Sự nhấn mạnh trong câu trước nên có tính toàn diện.

6. Blondel phê phán L’Action française

Ngoài những gì nó ngụ ý về thần học và triết học, sự phê phán của Blondel đối với “thuyết duy hướng ngoại” trong nền hộ giáo tân kinh viện và lập trường “duy hướng nội” đầy tính xây dựng tương ứng của ông đã có những hậu quả chính trị. Những hậu quả này trở nên rõ ràng trong khoảng thời gian từ năm 1909 đến năm 1913 khi Blondel bảo vệ ẩn danh “những người Công Giáo xã hội” của “các Tuần lễ Xã hội” ở Bordeaux trong một loạt bài báo mà ông ký tên là “Testis” hoặc “Nhân chứng”. Blanchette gọi những bài báo này của Blondel là “các đóng góp quan trọng nhất cho Annales de Philosophie chrétienne [Niên giám Triết học Kitô giáo]” giữa các năm 1905 và 1913 (31).

“Các Tuần lễ Xã hội” là những tuần nghiên cứu định kỳ dành cho tư tưởng xã hội Công Giáo, nhất là Thông điệp Rerum novarum. Chúng được tổ chức bởi Henri Lorin, bạn của Blondel, người mà các bài phát biểu trước công chúng thường lặp lại các chủ đề từ triết lý của Blondel. Tư tưởng của Blondel cũng truyền cảm hứng cho phong trào dân chủ xã hội bình dân, Le Sillon, bị Đức Giáo Hoàng Piô X lên án vào tháng 8 năm 1910. Người sáng lập nó, Marc Sangnier (1873–1950), và nhiều nhà lãnh đạo khác, là học trò cũ của Blondel. Từ Blondel, các người Công Giáo xã hội đã lấy ý niệm người Công Giáo như một sự hiện diện dậy men qua đó sự sống và tình yêu có thể luân chuyển trong môi trường thế tục, đổi mới xã hội Pháp bằng các phương tiện thiêng liêng. Chủ nghĩa chống giáo sĩ của Đệ tam Cộng hòa đã khiến một số lượng đáng kể người Công Giáo Pháp liên minh với L’Action française, một “phong trào quân chủ tiền phátxít [protofascist]”. Giữa tháng 10 năm 1909 và tháng 5 năm 1910, Blondel viết bảy bài báo về ký tên Testis trên Annales de Philosophie chrétienne. Ông đã mua lại tạp chí này vào năm 1905. Bạn của ông là Lucien Laberthonnière đã biên tập nó cho đến khi bị Đức Piô X lên án năm 1913. Động lực thúc đẩy L’Action française là nhà vô thần và duy nghiệm xuất sắc một cách đầy lôi cuốn Charles Maurras (1868–1952). Blondel chỉ trích liên minh Công Giáo-duy nghiệm này nhằm phục hồi nước Pháp trên cơ sở nền thần học của ông về tự nhiên và ân sủng. Ông lập luận, nếu các bình diện riêng biệt và bất khả thẩm thấu của tự nhiên và ân sủng chỉ có thể liên quan với nhau ở bên ngoài, thì một liên minh Công Giáo-duy nghiệm chỉ có thể dẫn đến chủ nghĩa độc đoán và cưỡng bức. Cùng đích thành công của nó sẽ là việc sử dụng bạo lực để áp đặt đức tin, dẫn đến một loại ngoại giáo được thần thánh hóa. Hai bài báo ký tên Testis đầu tiên của Blondel đã bênh vực các người Công Giáo xã hội. Bài thứ ba mô tả điều Blondel gọi là não trạng "dẫn nhập đơn nhất [monophorist]".

Chủ nghĩa dẫn nhập đơn nhất [Monophorisme], một hạn từ mới khác của Blondel, mô tả nền thần học duy ngoại [extrinsicist] về tự nhiên và ân sủng cũng như các hệ quả thực tiễn và chính trị của nó từ một hướng mới. Tiếp theo thông điệp Pascendi, và vay mượn từ “phương pháp hộ giáo Quan phòng” của vị Hồng Y người Bỉ thế kỷ 19, Victor Dechamps (1810–1883), Blondel bắt đầu nói đến “sự dẫn nhập [afference] kép” của “siêu nhiên khi nó xâm nhập một cách cụ thể và lịch sử vào trật tự tự nhiên” (32).

Việc lên tiếng của Dechamps tại Vatican I phần lớn chịu trách nhiệm cho việc nại tới Giáo hội và sự thánh thiện của Giáo Hội như một động lực cho đức tin ở Chương 3 của Hiến chế tín lý Dei Filius. Trong phương pháp Quan phòng của mình, Dechamps nhấn mạnh vào cả “sự kiện bên trong” lẫn “sự kiện bên ngoài”. Điều này gần tương ứng với khái niệm của Blondel về sự “dẫn nhập kép” ơn phúc siêu nhiên của Thiên Chúa như phát xuất “từ cả bên trong lẫn bên ngoài ý thức con người”. Monophorisme sau đó là một "sự dẫn nhập" hoặc đem lại đơn nhất ơn phúc của Thiên Chúa, một dẫn nhập hoàn toàn từ bên ngoài (33). Theo Blondel, những người theo thuyết dẫn nhập đơn nhất không thể tránh khỏi chủ nghĩa duy tự nhiên “ngay cả khi họ đặt nó cạnh một chủ nghĩa siêu nhiên hoàn toàn duy ngoại và độc đoán” (34).

Bài báo thứ tư và thứ năm trong loạt bài này đã nêu ra “những thành quả sai lầm” của chủ nghĩa dẫn nhập đơn nhất duy ngoại trong các lĩnh vực nhận thức luận, siêu hình học và thần học. Cha Pedro Descoqs, S.J. (1877–1946), thuộc trường phái Tôma kiểu Suarez, trong những năm de Lubac làm giáo sư triết học sau đó tại Jersey, đã tham gia cuộc chiến chống lại Blondel. Các bài báo của ngài bảo vệ liên minh chính trị Công Giáo với L’Action française cũng xuất hiện trên các chuyên mục của Annales de Philosophie chrétienne. Bài báo thứ sáu và thứ bảy ký tên Testis là phản hồi của Blondel đối với Descoqs. Sau bài báo cuối cùng ký tên Testis vào tháng 5 năm 1910, Blondel rời sân khấu. Le Sillon bị lên án sau đó vào tháng Tám. Descoqs tiếp tục bảo vệ liên minh Công Giáo-duy nghiệm chống lại Blondel trong các ấn phẩm tiếp theo. Trích dẫn thông điệp Pascendi, việc lên án Le Sillon, và Lời thề năm 1910 chống Duy Hiện đại, Descoqs đã chỉ trích Testis với bút vẽ duy Hiện đại. Những người Công Giáo xã hội được Blondel bênh vực đã bị buộc tội là “duy hiện đại xã hội” (35). Năm 1910, Blondel thu thập bảy bài báo ký tên Testis trong một cuốn sách nhỏ có tên La Semaine Sociale de Bordeaux et le Monophorisme [Tuần lễ Xã hội Bordeaux và Chủ Nghĩa Dẫn nhập Đơn nhất]. Trích dẫn “tiểu luận xuất sắc” này, Hans Urs von Balthasar đã tương phản mưu toan “duy toàn diện” nhằm đạt một phương thức thay thế “chính thống” cho Duy hiện đại với tình yêu hoặc caritas [đức ái] như một hình thức mạc khải và tố cáo chúng như các nỗ lực “nhằm hạ gục đối thủ qua một cách sử dụng vũ lực phi trí thức và phi tâm linh” (36).

Đó vốn là quan điểm của Blondel chống lại điều được ông gọi là“ thuyết dẫn nhập đơn nhất duy ngoại”. Blondel viết vào năm 1910, “Người ta thậm chí phải nói rằng cho đến khi chủ nghĩa dẫn nhập đơn nhất (intégrisme= bảo toàn quá khích) thành công, thì việc tông đồ của Công Giáo sẽ bị tê liệt, cảm thức tôn giáo sẽ bị tha hóa, lòng đạo đức Kitô giáo sẽ ra sai lệch...” (37). Blondel đã được xác minh phần nào muộn màng vào tháng 12 năm 1926 khi Đức Giáo Hoàng Piô XI cấm người Công Giáo tham gia L’Action française. Blondel đã đóng góp cho một số đặc biệt của tờ La Nouvelle Journée. Đức Piô XI đã đọc nó và nhờ sứ thần của ngài tại Pháp viết cho Blondel một “lá thư tháng Tám cảm ơn về bài thuyết trình mà việc đọc nó đã mang lại cho Đức Thánh Cha một một sự hài lòng sống động” (38). Đối thủ cũ của Blondel, Pedro Descoqs, đã sống để chứng kiến việc Đức Giáo Hoàng Piô XII hủy bỏ bản án của người tiền nhiệm.

7. Cuộc tranh luận năm 1931 về “Triết học Kitô giáo”

Trong môi trường thế tục gay gắt của Trường Cao đẳng Sư phạm, cuốn L’Action dường như đã vi phạm tính tự chủ của triết học. Ngược lại, những nhà tư tưởng tân kinh viện như Descoqs, đọc dự án của Blondel như xóa nhòa sự khác biệt giữa tự nhiên và siêu nhiên, đồng thời gây nguy hiểm cho tính nhưng không [gratuity] của siêu nhiên. Blondel cố gắng duy trì sự khác biệt chính thức giữa triết học và thần học, trong khi mở rộng vai trò của triết học, đã nghi vấn cách hiểu đang thịnh hành về triết học và thần học cũng như mối tương quan của chúng trong cả Giáo Hội và lẫn học thuật. Cuộc tranh cãi năm 1931 về "triết học Kitô giáo" đã làm rõ điều này. Cuộc tranh luận bắt đầu khi Blondel xuất bản một loạt tiểu luận để kỷ niệm mười năm thế kỷ ngày qua đời của Thánh Augustinô vào năm 430. Giống như điều ông đã làm trước đó cho Thánh Tôma Aquinô, Blondel đem Thánh Augustinô vào chương trình giảng dạy tại Aix khoảng các năm 1920–1921. Để trả lời Blondel, nhà sử triết học Émile Bréhier đặt câu hỏi "Có chăng một triết học Kitô giáo?" Bréhier trả lời không. Năm 1931, Étienne Gilson đã đưa ra câu trả lời khẳng định nhưng chủ yếu có tính lịch sử. Jacques Maritain và những người khác cũng trả lời như vậy. Chính Blondel cũng tham gia vào cuộc chiến với cuốn sách của mình, Le Problème de la Philosophie catholique (Vấn đề Triết học Công Giáo). Nó bao gồm phần thứ hai của Lá thư năm 1896 được tái hiệu đính, các phiên bản tái hiệu đính của các bài tiểu luận ký tên giả của ông về nền hộ giáo của Đức Hồng Y Dechamps (1905 và 1906), và một phần mới đề cập đến Bréhier và Gilson và tranh luận cho một “nền triết học Công Giáo”.

Khi tranh luận với Dechamps, ông lập luận rằng sự "tương tại" [circumincession] của các dữ kiện bên trong và bên ngoài diễn ra trong hành động. Phản đối cả việc hấp thụ điều này bởi điều kia hoặc chỉ là việc đặt cạnh nhau ở bên ngoài, Blondel đã gây khó khăn cho việc giữ cho triết học và thần học, tự nhiên và ân sủng, hoàn toàn tách biệt nhau (39). Năm 1936, de Lubac cho đăng tải bài “Sur la Philosophie chrétienne” [Về Nền Triết học Công Giáo], một bài báo trong đó, “không có ‘thuyết duy phù hợp [concordism]’”, điều bị Blondel phản đối, ngài cố gắng chứng tỏ rằng các chủ trương của Maritain, Gilson và Blondel “không mâu thuẫn nhau nhưng đáp ứng ba tình huống khác nhau phát sinh ra ba vấn đề khác nhau”. Trong cách de Lubac đọc Blondel, “triết học chưa phải là Kitô giáo vì nó chỉ làm rỗng khoảng không gian trống rỗng sẽ được mạc khải Kitô giáo lấp đầy”. Thành thử, Blondel bác bỏ cụm từ “triết học Kitô giáo” và thay vào đó nói “theo một nghĩa khác” về “nền triết học Công Giáo”. De Lubac kết thúc bài báo của mình “bằng cách phác thảo ý niệm về một ý nghĩa triết học tiếp theo, được soi sáng bởi đức tin Kitô giáo, theo cách suy nghĩ của các Giáo phụ và một số nghiên cứu của Gabriel Marcel” giống như “triết học Công Giáo” theo nghĩa của Blondel (40). Cuộc tranh luận năm 1931 đã đạt được một tầm vóc mô hình nào đó trong các cuộc thảo luận về triết học và thần học. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xem lại cuộc tranh luận này trong thông điệp Fides et ratio năm 1998 của ngài. Trong bài bình luận của mình về thông điệp, Đức Hồng Y Avery Dulles đã lên khung lại cuộc tranh luận của những năm 1930 theo “ba lập trường” triết học của thông điệp (đoạn 75–77) và định vị chủ trương riêng của Đức Giáo Hoàng gần nhất với chủ trương de Lubac, được ngài coi như trung gian giữa Blondel và Gilson (41).

8. “La nouvelle théologie,” 1946–1950

Các chiến tuyến chính trị-thần học trong cuộc tranh cãi giữa Blondel và Descoqs về các tuần lễ xã hội đã giúp xác định cuộc tranh cãi sau chiến tranh về la nouvelle théologie [nền thần học mới] bùng lên sau sự xuất hiện cuốn Surnaturel của de Lubac vào năm 1946. Cho đến năm 1926, khi Đức Giáo Hoàng Piô XI cấm người Công Giáo tham gia vào Phong trào, Garrigou-Lagrange, giống như Pedro Descoqs, từng là thành viên của L'Action française (42). De Lubac có một định hướng chính trị khác, điều này đã giúp truyền cảm hứng cho những nỗ lực của ngài trong "cuộc kháng chiến tinh thần" đối với chủ nghĩa diệt chủng và bài Do Thái của Đức Quốc xã. David Grumett mô tả ngài như “chủ chốt trong việc sáng lập và sau đó biên tập” từ năm 1941 tờ Cahiers du témoignage chrétien, một tạp chí bí mật về cuộc kháng chiến của Pháp. Theo Grumett, khác xa tư thế viễn mơ kiểu Đông-ki-sốt, Cahiers đã trở thành “phương tiện chính để phổ biến thông tin in ấn đáng tin cậy về cuộc chiếm đóng và tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã ở những nơi khác”. Cahiers khuyến khích người Pháp trong cuộc kháng chiến tinh thần và cho phép truy cập "các phiên bản chính xác của các tuyên bố giáo hoàng" lúc đó vốn bị kiểm duyệt trên các tờ báo chính thức (43). Những hoạt động như vậy khiến de Lubac trở thành người chạy trốn trên chính đất nước của mình. Ngài kể lại câu chuyện mang cuốn sổ ghi chép chuẩn bị cho cuốn Surnaturel vào năm 1943, trong khi “bị Gestapo săn lùng,” và duyệt lại nó khi đang lẩn trốn (44). De Lubac trốn tránh Gestapo nhưng họ đã bắt và xử tử bạn và là người đồng tu của ngài là Yves de Montcheuil. John Milbank viết: “Và điều quan trọng là phải nắm vững điều này, các đối thủ chính trị của de Lubac và de Montcheuil — Những người theo chủ nghĩa cực hữu Công Giáo ủng hộ chế độ Vichy và cộng tác với người Đức đang chiếm đóng — cũng là những đối thủ thần học của họ” (45) Do chức vụ của ngài tại tờ Angelicum ở Rome, Garrigou giám sát nền thần học Công Giáo thế kỷ XX. Ngài coi Blondel là một người Duy Hiện đại và khi đọc Surnaturel năm 1946, các khuynh hướng Blondel trong tác phẩm của de Lubac khiến ngài không thể nhầm lẫn được. Ngài gọi điều đang diễn ra tại La Fourvière là “thần học mới”. "La nouvelle théologie, où va-t-elle?" ngài hỏi như thế trong tiêu đề của một bài báo năm 1946 trên tờ Angelicum. Câu trả lời của ngài là nó dẫn thẳng đến Chủ nghĩa duy Hiện đại. Vì định hướng thần học và chính trị liên hệ của họ, Garrigou và de Lubac đã tóm tắt cuộc tranh cãi thần học-chính trị giữa Descoqs và Blondel trong khung cảnh hậu Thế chiến II. Các cuộc chiến sau đó về la nouvelle théologie kết thúc vào năm 1950 với thông điệp Humani generis của Đức Giáo Hoàng Piô XII và việc loại bỏ de Lubac khỏi vị trí giảng dạy của ngài tại La Fourvière. De Lubac nhớ lại việc đọc thông điệp “vào cuối buổi chiều, trong một căn phòng tối, tĩnh lặng, trước một cái rương đang mở...” Ngài thấy “khá kỳ lạ” khi đọc “một cụm từ liên quan đến câu hỏi về siêu nhiên” và “có ý định nhắc lại tín lý đích thực về chủ đề này”. Lúc đó, ngài viết, “Cụm từ đó lặp lại y nguyên những gì tôi đã nói về nó hai năm trước đây trong một bài báo...” (46). Như Peter Henrici đã lưu ý, sau cuộc khủng hoảng Duy hiện đại và Thông điệp Pascendi, có một điều cấm kỵ nào đó trong các giới giáo hội, chống lại việc nói đến tên của Blondel (47). Điều cấm kỵ này, cũng như xu hướng của chúng ta coi những tranh cãi này như những tình tiết riêng lẻ thay vì các chương trong một bi kịch nhiều kỳ, có liên quan đến điều phải được gọi là “bộ máy đàn áp” của thông điệp Pascendi và cái hậu của nó (48). Tuy nhiên, bản tóm tắt quá ngắn gọn này cho thấy mức độ ảnh hưởng ngầm của Blondel đối với tư tưởng Công Giáo giữa các cuộc chiến tranh. Vì điều cấm kỵ này, món nợ đáng kể của de Lubac đối với Blondel dần dần được đưa ra ánh sáng. Điều đó được chính de Lubac xác nhận trong cuốn hồi ký xuất bản không lâu trước khi ngài qua đời. Bản tóm tắt này cũng nên làm ta hiểu rõ làm thế nào nhà triết học người Canada Kenneth Schmitz có thể khẳng định rằng, “Không quá đáng khi cho rằng, cùng với công trình của các học giả giáo phụ, tư tưởng của ông [Blondel] là một xu hướng chính dẫn đến Công đồng Vatican II” (49). Tiếp tục nhận định của Schmitz, chúng ta có thể nói rằng xu hướng của Blondel chủ yếu được dẫn vào Công đồng qua Henri de Lubac.

Còn 1 kỳ

Ghi Chú

25 Kerr mô tả “việc phục hưng của triết học Thomist” sau năm 1879 như giữ “rất y nguyên các tiêu chuẩn hợp lý tính như chúng ta thấy trong Phong trào Ánh sáng” (Twentieth-Century Catholic Theologians 20, 2).

26 Về mối tương quan của L’Action và “Lettre,” xem Blanchette, Maurice Blondel, 144. Ông gọi tiêu đề tiếng Anh là “một chữ dùng sai trong biên tập” nhằm làm mờ ý định triết học chủ yếu của Blondel, ở trang 109.

27 Blondel, The Letter on Apologetics and History and Dogma [Lá thư về Hộ giáo và Lịch sử cùng Tín điều], 145. So sánh Gabriel Daly, Transcendence and Immanence: A Study in Catholic Modernism and Integralism [Siêu việt và Nội tại: Một Nghiên cứu về Thuyết Duy Hiện đại và Duy Toàn diện Công Giáo] (Oxford: Clarendon Press, 1980), chương 1 về “Thần học Căn bản Rôma trong Quý cuối cùng của Thế kỷ XIX".

28 Về Blondel và các tu sĩ dòng Đaminh Schwalm và Beaudoin, xem Blanchette, Maurice Blondel, 173–75.

29 Ibid., 179, 267–72 với cuộc thảo luận về các bản văn được Blondel đọc và giảng dạy.

30 Blondel, The Letter on Apologetics and History and Dogma, 276. Tiếp tục ẩn dụ “tảng đá thánh thiêng” của mình, “kho chứa đức tin thánh thiêng” là “một thiên thạch [một viên đá từ trời] được bảo quản trong tủ kính an toàn khỏi sự tò mò phạm thánh...” (278). Giải thích có tính dẫn nhập của ông về “thuyết duy ngoại” ở các trang 226–31.

31 Blanchette, Maurice Blondel, 233. Ông miêu tả các bài báo ký tên Testis là “việc mở rộng triết lý của Blondel vào hành động xã hội,” ở trang 242.

32 Như trên, 255. Điều thu hút Blondel đến với Dechamps là cuốn hộ giáo của ông “không cho phép tách biệt các động cơ thuần lý cho tính khả tín và động cơ cụ thể cho đức tin”. Về việc Blondel chiếm hữu các quan điểm của Dechamps làm của riêng, xem 228.

33 Blanchette xử lý các bài báo ký tên Testis trong sđd, chương 7. Định nghĩa của ông về “chủ nghĩa dẫn nhập đơn nhất” ở trang 246.

34 Maurice Blondel, “Bài báo ký tên ‘Testis’ thứ ba,” được dịch bởi Peter J. Bernardi, SJ, Communio: International Catholic Review 26 (Winter 1999): 846–74, tr. 872.

35 Blanchette cho rằng có thể Descoqs không biết rằng “Testis” chính là Blondel. Ông cũng nhấn mạnh rằng Blondel không bao giờ gọi Descoqs là một người duy dẫn nhập đơn nhất. Xem Maurice Blondel, 256.

36 Hans Urs von Balthasar, Love Alone is Credible, bản dịch của D.C. Schindler (ấn bản tiếng Đức, 1963; San Francisco: Ignatius Press, 2004), 59 và chú thích 4 trong đó Balthasar giới thiệu người tham chiếu “tiểu luận xuất sắc” của Blondel, “La Semaine Sociale de Bordeaux et le Monophorisme” [Tuần lễ Xã hội Bordeaux và Thuyết Dẫn nhập Đơn nhất] (1910). Về phần mình, Blondel từ chối dành thuật ngữ duy toàn diện [intregralist] cho Maurras và những người theo đảng Công Giáo của ông ta. Thay vào đó, ông gọi cách tiếp cận của họ là "monophorisme [Thuyết Dẫn nhập Đơn nhất]").

37. “La Semaine Sociale de Bordeaux et le Monophorisme, ” 93, như được trích dẫn và dịch bởi Alexander Dru trong “Dẫn nhập” của ông vào Blondel, Letter on Apologetics and History and Dogma [Thư Hộ giáo và Lịch sử và Tín điều], 27. Về cuộc tranh cãi này, xin xem 26–31 và bài báo của Dru “From the Action Française to the Second Vatican Council: Blondel’s La Semaine Sociale de Bordeaux,” [Từ L’Action Française đến Công đồng Vatican II: Tuần lễ Xã hội Bordeaux của Blondel”, Tạp chí Downside 81 (1963): 226–45. Tiểu luận đáng bàn chủ yếu dựa vào nghiên cứu cuối cùng của Peter J. Bernardi về cuộc tranh cãi này, Maurice Blondel, Social Catholicism, & Action Française: The Clash over the Church’s Role in Society during the Modernist Era [Maurice Blondel, Chủ nghĩa Công Giáo Xã hội & Action Française: Cuộc đụng độ về vai trò của Giáo hội trong Xã hội trong Kỷ nguyên Hiện đại] (Washington, DC: The Catholic University of America Press, 2009), “phong trào tiền phát xít bảo hoàng” ở trang 2. Xem thêm Michael Sutton, Nationalism, Positivism and Catholicism: The Politics of Charles Maurras and French Catholics [Chủ nghĩa dân tộc, Chủ nghĩa Duy nghiệm và Công Giáo: Chính trị của Charles Maurras và Người Công Giáo Pháp, 1890–1914 (Cambridge: Cambridge University Press, 1982). Viết vào năm 1963 và 1964, và cảm thấy những người thừa kế của Descoqs và Garrigou đang mất quyền kiểm soát đối với đời sống trí thức Công Giáo, Dru đã đi theo hướng của L’Action française. Viết trong một Giáo hội bị xé nát bởi xung đột thần học đảng phái, bài thuyết minh của Bernardi đầy đủ và hoàn thiện hơn nhiều. Ông chịu những nỗi đau đáng ngưỡng mộ để công bằng với cả hai bên. Ông kết luận, “Trong cuộc tranh cãi giữa Blondel và Descoqs, không người tranh chấp nào có thể tuyên bố chiến thắng toàn diện. Người nào cũng có những hiểu biết quan trọng giúp điều chỉnh chủ trương của người kia. Thật vậy, mỗi người đều sửa đổi quan điểm của mình dưới ánh sáng của những lời chỉ trích” ở trang 268. Bernardi ủng hộ kết luận này với gần 300 trang đầy tính học giả nghiêm ngặt. Tôi hoan nghênh cả tính học giả lẫn ý định hòa giải rất cần thiết của ông. Nhưng cách xử lý công bình của ông đối với cuộc tranh cãi này có xu hướng làm mờ sự bất cân xứng của các chủ trương liên hệ mà Descoqs và Blondel vốn có trong bối cảnh thần học chính trị của những năm 1910–1914. Blondel và Descoqs đã viết sau thời thông điệp Pascendi (1907) với mệnh lệnh cuối cùng của nó cho các ủy ban giám xác và kiểm duyệt giáo phận; việc áp đặt lời Tuyên thệ chống lại chủ nghĩa duy hiện đại (1910); và việc đàn áp mạng xã hội Công Giáo Le Sillon và tạp chí của nó (1910). Sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà thần học tân Thomist có uy tín ở Rome và Pháp đã đem lại cho L’Action française điều được Dru gọi là “một hào quang siêu chính thống”. Xin xem “Lời dẫn nhập” của ông về Letter on Apologetics and History and Dogma [ Lá Thư Hộ giáo và Lịch sử và Tín điều], 31 nơi ông liệt kê những người ủng hộ nó. Không phủ nhận bản chất thực sự của việc Bernardi cẩn thận trình bầy những khác biệt trí thức của họ, cần phải nói rằng việc dương cao bóng ma “Duy hiện đại” trong một môi trường quá nóng như vậy giống như một mối đe dọa hơn là một hình thức trao đổi trí thức, một mối đe dọa được hỗ trợ bởi “việc sử dụng võ lực phi trí thức và phi tâm linh” từng bị Balthasar tố cáo. Những mối đe dọa như vậy thêm một lớp ý nghĩa đáng ngại cho các lập luận của Descoqs. Bernardi nói rõ điều này, ví dụ, ở các trang 155–56, nhưng phần kết luận nhấn mạnh của ông vẫn là vấn đề “minh oan cho nhau” (xem 229–30).

38. Như được trích dẫn trong Blanchette, Maurice Blondel, 324. 39 Về cuộc tranh luận này, xem Blanchette, Maurice Blondel, chương 10; Maurice Nédoncelle, Is There a Christian Philosophy? [Có Triết học Kitô giáo hay không?] Bản dịch của Illtyd Trethowan, O.S.B. (French edition 1956; New York: Hawthorn Books, 1960), đặc biệt là chương 5. Trethowan đã nhân dịp đóng góp của ông cho phần Dẫn nhập về La Letter on Apologetics and History and Dogma, 105–12, đặc biệt ở trang 112, đã tranh cãi cách giải thích của Nédoncelle về Blondel, về vai trò của “siêu nhiên bất định”. Xem thêm Gregory B. Sadler, Reason Fulfilled by Faith: The 1930’s Christian Philosophy Debates in France [Lý trí được nên trọn nhờ Đức tin: Các cuộc tranh luận về triết học Kitô giáo năm 1930 tại Pháp] (Washington, D.C: The Catholic University of America Press,, 2011). Mặc dù có liên hệ rất nhiều, xem ra đã quá muộn để được tham khảo cho bài viết này.

40 de Lubac, At the Service of the Church, 24. Bài báo của De Lubac xuất hiện trên Nouvelle revue théologique, ở 18. Xem những bình luận của Blanchette về de Lubac và các nhà giải thích thần học khác về Blondel “tái dẫn nhập một sự lẫn lộn thần học” vào triết học của Blondel trong Maurice Blondel, 143.

41Đức Hồng Y Avery Dulles, SJ, “Can Philosophy be Christian? The New State of the Question,” in The Two Wings of Catholic Thought: Essays on Fides et Ratio, ed. David Ruel Foster and Joseph W. Koterski, S.J. [Liệu Triết học có thể là Kitô giáo không? Trạng thái mới của vấn đề” trong Hai cánh của tư tưởng Công Giáo: Các tiểu luận về Fides et Ratio, chủ biên David Ruel Foster và Joseph W. Koterski, S.J. (Washington, DC: The Catholic University of America Press, 2003), 3–21, ở tr. 18.)

42 Về chính trị học của Garrigou, xem Peddicord, The Sacred Monster of Thomism [Con Quái vật của Phái Thomist], chương 5 và “Kết luận” đối với Nichols, Reason with Piety. Ông lưu ý rằng việc Garrigou bảo vệ "quyền lực trần thế gián tiếp" trong phản ứng của ngài đối với việc Đức Piô XI lên án L'Action française dựa trên "mối liên hệ của mọi hành vi của con người với ‘cùng đích siêu nhiên của con người'". Về de Lubac, Nichols viết rằng ngài “luôn duy trì lòng tôn sùng mẫu mực đối với nhân vật và các bản văn của Thánh Tôma”, tại các trang 127, 129.

43 David Grumett, De Lubac: A Guide for the Perplexed, with a Foreword by Avery Cardinal Dulles [Hướng dẫn cho người bối rối, với Lời nói đầu của Đức Hồng Y Avery Dulles] (New York / London: T&T Clark, 2007), 40. Chương 2, có tựa đề “Kháng chiến Tinh thần chống chủ nghĩa Quốc xã”, nêu bật đặc điểm “chính trị sâu sắc” của “bối cảnh, động lực và hệ luận của thần học de Lubac”ở tr. 25. Về bối cảnh này, Grumett trích dẫn Joseph A. Komonchak, “Trở về sau cuộc lưu đày: Thần học Công Giáo trong thập niên 1930”, trong The Twentieth Century: A Theological Overview, ed. Gregory Baum [Thế kỷ 20: Tổng quan Thần học, chủ biên Gregory Baum] (Maryknoll, N.Y: Orbis Books, 1999), 35–48. Xem thêm David Grumett, “Yves de Montcheuil: Action, Justice, and the Kingdom in Spiritual Resistance to Nazism” [Yves de Montcheuil: Hành động, Công lý, và Vương quốc trong Kháng chiến Tinh thần chống chủ nghĩa Quốc xã] Theological Studies 68 (2007): 618–41. Grumett nhấn mạnh vai trò của Blondel trong việc truyền cảm hứng cho cuộc kháng chiến tinh thần của Montcheuil chống Đức Quốc xã.

44 de Lubac, At the Service of the Church, 35.

45 John Milbank, The Suspended Middle: Henri de Lubac and the Debate Concerning the Supernatural [Trung gian Lơ lửng: Henri de Lubac và Cuộc tranh luận liên quan đến Siêu nhiên] ( Grand Rapids: Eerdmans, 2005), 3. Trên cùng trang này, Milbank mô tả cuốn Surnaturel như “ có lẽ là bản văn thần học quan trọng của thế kỷ XX,” nhưng nhận thấy nội dung của nó “về căn bản” đã được sửa đổi “dưới áp lực” các tác phẩm sau này The Mystery of The Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên]và Augustinianism and Modern Theology (Thuyết Augustionô và Thần học hiện đại], cả hai được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1965.

46 de Lubac, At the Service of the Church, 71. Tài liệu về la nouvelle théologie rất rộng lớn. Muốn co hai nghiên cứu gần đây, nghiên cứu đầu tiên mang tính thần học nhiều hơn, nghiên cứu thứ hai mang tính lịch sử-thần học nhiều hơn, xem Hans Boersma, Nouvelle Théologie & Sacramental Ontology: A Return to Mystery [Thần học Mới và Hữu thể học Bí tích: Trở về Mầu nhiệm] (Oxford: Oxford University Press, 2009) và Jürgen Mettepenningen, New Theology: Inheritor of Modernism, Precursor of Vatican II [Thần học mới: Người thừa kế Duy Hiện đại, Tiền thân của Công đồng Vatican II] (New York / London: T&T Clark, 2010). Điểm nhấn chính của tôi ở đây là tính liên tục của cuộc tranh cãi này với cuộc tranh cãi trước đó giữa Blondel và Descoqs. Về Blondel và Garrigou, xem Michael J. Kerlin, “Anti-Modernism and the Elective Affinity Between Politics and Philosophy,” in Catholicism Contending with Modernity: Roman Catholic Modernism and Anti-Modernism in Historical Context, ed.Darrell Jodock [Chống Duy hiện đại và sự Gần gũi có lựa chọn giữa chính trị và triết học,” trong Công Giáo cạnh tranh với hiện đại: Chủ nghĩa Duy hiện đại của Công Giáo Rôma và Chủ nghĩa chống Duy hiện đại của trong Bối cảnh Lịch sử, chủ biên Darrell Jodock Cambridge: Cambridge University Press, 2000), chương 11 và id., “Reginald Garrigou-Lagrange: Defending the Faith from Pascendi to Humani Generis [Bảo vệ Đức tin từ Pascendi đến Humani Generis”] U.S. Catholic Historian 25, no. 1 (Winter 2007):: 97–113. Cả hai bài báo mô tả Garrigou một cách đầy thiện cảm. Xem thêm Peddicord, Sacred Monster [Quái vật thánh thiêng], 61–78; 147–60. Về de Lubac và Humani Generis, xem Joseph A. Komonchak, “Theology and Culture at Mid-Century: The Example of Henri de Lubac,” Theological Studies 51 [Thần học và Văn hóa ở giữa Thế kỷ: Điển hình Henri de Lubac”, Nghiên cứu Thần học 51 (1990): 579–602; Dẫn nhập của David L. Schindler cho ấn bản 1998 của The Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên], xxi – xxv, và Grumett, De Lubac: A Guide for the Perplexed [Hướng dẫn cho người bối rối], 47–51. Muốn có cách giải thích khác, hãy xem Milbank, The Suspended Middle [Trung gian Lơ lửng]. Milbank bắt đầu bằng một tuyên bố đầy khiêu khích và gây tranh cãi rằng những người bác bỏ việc de Lubac bị “dính líu trong” lời chỉ trích của “Humani generis” là “chắc chắn sai” (x). Milbank viết: “Ngoài tác phẩm lịch sử của mình, de Lubac còn là một nhà thần học lắp bắp, hơi bị chấn thương, chỉ có thể trình bày chi tiết các xác tín của mình bằng những đoạn quanh co” (7).

47 Henrici, “La descendance blondélienne parmi les jésuites français,” (Hậu duệ Blondel nơi các Tu sĩ Dòng Tên Pháp] 309.

48 Ngay một nhà sử học ôn hòa về cuộc khủng hoảng duy hiện đại như Marvin O’Connell cũng bị ảnh hưởng bởi sự thái quá của chủ nghĩa chống duy hiện đại. Xem Critics on Trial: An Introduction to the Catholic Modernist Crisis [Các nhà phê bình về Xét xử: Dẫn nhập vào Cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại Công Giáo] (Washington, D.C., The Catholic University of America Press, 1994), 341, 347–48. O'Connell nói về "bộ máy đàn áp" của Pascendi ở trang 347.

49 Schmitz, Lời nói đầu cho cuốn của Blondel, Letter on Apologetics and History and Dogma [Lá Thư Hộ giáo và Lịch sử và Tín điều) 6.

 
VietCatholic TV
Quyết thắng cho bằng được, Putin tung gián điệp sang Ukraine lấy mạng Tổng thống Zelenskiy
VietCatholic Media
05:01 22/03/2022


1. Putin phái sát thủ sang Ukraine lấy mạng ông Zelenskiy

Tờ New York Post vừa có bài tường thuật nhan đề “Russian mercenaries in Ukraine to again try to kill Zelenskiy: defense officials”, nghĩa là “Các viên chức Bộ Quốc Phòng cho biết: Sát thủ giết thuê của Nga vào Ukraine để một lần nữa mưu giết chết ông Zelensky.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một nhóm sát thủ giết thuê tinh nhuệ mờ ám của Nga đã tiến vào Ukraine để một lần nữa cố gắng ám sát Tổng thống Volodymyr Zelensky và những người là cánh tay phải của ông, quân đội của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã cảnh báo như trên hôm Chúa Nhật.

“Một nhóm chiến binh nữa có liên hệ với Yevgeny Prigozhin, một nhà tuyên truyền người Nga thân cận với Putin và là chủ sở hữu của [Wagner], đã bắt đầu đến Ukraine hôm nay”, Bộ Quốc phòng Ukraine đăng trong một tweet.

Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chính của bọn tội phạm là loại bỏ giới lãnh đạo quân sự và chính trị hàng đầu của Ukraine.”

Ông Zelensky, 44 tuổi, luôn khẳng định mình là mục tiêu số một của Nga - và gia đình ông đứng thứ hai - và được tường trình là đã sống sót sau hơn một chục vụ ám sát, một trong những cố vấn chính của ông cho biết như trên hồi đầu tháng.

Ít nhất một số nỗ lực trước đó có liên quan đến Wagner, một tổ chức bán quân sự tư nhân do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn bị cáo buộc về một số hành vi tàn bạo tồi tệ nhất trên thế giới và được điều hành bởi một nhà tài phiệt được gọi là “đầu bếp của Putin”.

Fox News, trích dẫn một cảnh báo dài hơn của ban giám đốc tình báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết bên cạnh việc nhắm vào tổng thống, những tên sát thủ giết thuê cũng đang nhắm vào các cố vấn chính của Zelensky, Andriy Ermak, cũng như Thủ tướng Denys Shmyhal

Bài báo cho biết. “Đích thân Putin đã ra lệnh cho một cuộc tấn công nữa… Tất cả những nỗ lực trước đó đều kết thúc với sự thất bại và những kẻ khủng bố bị tiêu diệt”

“Việc tổ chức các vụ ám sát những nhân vật hàng đầu của quốc gia chúng tôi là một phần trong chiến lược của những kẻ xâm lược.”

Bài báo do Fox trích dẫn nhấn mạnh:

“Các kế hoạch của Điện Cẩm Linh đã được quân đội Ukraine, các cơ quan đặc biệt và các cơ quan thực thi pháp luật biết đến,”

“Chúng tôi đã sẵn sàng để đẩy lùi kẻ xâm lược cả ở phía trước và ở phía sau. Sẽ không có cuộc tấn công khủng bố nào thành công “.

Với ước tính khoảng 6,000 thành viên, Nhóm Wagner - còn được gọi là Liga - xuất hiện lần đầu tiên trong các cuộc xung đột trước đó với Ukraine vào năm 2014.

Sau đó, nó có liên quan đến các vụ cưỡng hiếp và cướp bóc thường dân ở Cộng hòa Trung Phi, cũng như vụ phanh thây và chặt đầu một lính đào ngũ của quân đội Syria vào năm 2017.

2. Tổng thống Zelenskiy nói nếu không thương lượng sẽ có nghĩa là 'một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba'

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng ông tin rằng một thất bại trong đàm phán chấm dứt cuộc xâm lược của Nga sẽ có nghĩa là “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm Chúa Nhật, Zelenskiy nói rằng ông “sẵn sàng đàm phán” với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng cảnh báo rằng nếu họ thất bại “điều đó có nghĩa là đây là một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba”.

Tôi đã sẵn sàng đàm phán với ông ta. Tôi đã sẵn sàng trong hai năm qua. Và tôi nghĩ rằng nếu không có đàm phán thì chúng ta không thể kết thúc cuộc chiến này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải sử dụng bất kỳ hình thức nào, bất kỳ cơ hội nào để có thể đàm phán, để có thể nói chuyện với Putin. Nhưng nếu những nỗ lực này thất bại, điều đó có nghĩa rằng đây là một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba.

Zelenskiy nói thêm rằng nếu Ukraine đã “là một thành viên của NATO, cuộc chiến này sẽ không thể bắt đầu.”

Trong một thông điệp video gần đây, Tổng thống Ukraine kêu gọi các cuộc đàm phán “không chậm trễ”, cảnh báo rằng nếu không thì thiệt hại của Nga sẽ là “rất lớn”.

“Chúng tôi luôn nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán. Ông nói. “Và tôi muốn mọi người nghe thấy tôi bây giờ, đặc biệt là ở Mạc Tư Khoa. Đã đến lúc gặp nhau. Đến lúc nói chuyện. Đã đến lúc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và công lý cho Ukraine “.

Oleg Nikolenko, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, gọi hành động của Nga ở Mariupol hôm Chúa Nhật là “một chương của Thế chiến thứ hai”.

“Đầu tiên, chúng đến để phá hủy các thành phố, ném bom bệnh viện, rạp hát, trường học và nơi trú ẩn, giết hại dân thường và trẻ em. Sau đó, chúng cưỡng chế di dời những người đang sợ hãi, kiệt sức đến vùng đất của kẻ xâm lược. Một chương từ Thế chiến thứ hai phải không? Đó là các hành động của quân đội Nga, hôm nay ở Mariupol,” Nikolenko nói.

3. David Beckham trao tài khoản Instagram của mình cho bác sĩ người Ukraine ở Kharkiv

Danh thủ túc cầu David Beckham đã giao quyền kiểm soát tài khoản Instagram của mình cho một bác sĩ người Ukraine làm việc tại thành phố Kharkiv.

Trong suốt Chúa Nhật, Instagram Stories của cựu cầu thủ bóng đá tràn ngập các video và hình ảnh theo dõi bác sĩ gây mê hồi sức trẻ em và người đứng đầu trung tâm cấp cứu khu vực, Iryna, làm việc trong suốt một ngày giữa cuộc xung đột.

Iryna đã cho 71.5 triệu người theo dõi của Beckham xem căn hầm chật chội nơi tất cả phụ nữ mang thai và các bà mẹ mới sinh được di tản đến trong ngày đầu tiên của cuộc xâm lược của Nga. Cô đăng ảnh trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt, nơi chúng sống nhờ máy cung cấp oxy do Unicef tài trợ. Trong một đoạn clip, cô ấy quay cảnh một bà mẹ trẻ, Yana, đang ôm đứa con trai của mình, Mykhailo, đứa trẻ sinh ra có vấn đề về hô hấp và ngôi nhà của gia đình bị phá hủy.

Iryna cho biết hiện cô làm việc “24 giờ một ngày 7 ngày một tuần” và rằng: “Chúng tôi có thể đang mạo hiểm mạng sống của mình, nhưng chúng tôi không nghĩ về điều đó chút nào. Chúng tôi yêu công việc của mình”.

Cô ấy nói thêm: “Các bác sĩ và y tá ở đây, chúng tôi lo lắng, chúng tôi khóc, nhưng không ai trong chúng tôi sẽ bỏ cuộc.”

Beckham, đại sứ của Unicef từ năm 2005, kêu gọi những người theo dõi anh quyên góp cho tổ chức từ thiện đang hoạt động ở Ukraine để cung cấp cho các gia đình khả năng tiếp cận với nước sạch và thực phẩm, cung cấp các bộ dụng cụ sẵn sàng sử dụng cho các bệnh viện phụ sản và bảo đảm các dịch vụ bảo vệ trẻ em được tiếp tục..

Anh nói: “ Nhờ sự đóng góp của các bạn, các máy cung cấp oxy mà họ nhận được đang giúp trẻ sơ sinh sống sót trong điều kiện kinh khủng.

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, là mục tiêu liên tục của các cuộc pháo kích của Nga trong ba tuần.

4. Marina Ovsyannikova, người biểu tình trên truyền hình Nga, chê bai tuyên truyền của Putin

Biên tập viên truyền hình Nga, người đã làm gián đoạn chương trình phát sóng tin tức để phản đối chiến tranh Ukraine cho biết vào hôm Chúa Nhật, rằng cô đã hành động vì phẫn nộ trước những tuyên truyền do chính phủ của Vladimir Putin phổ biến và cho biết bà đã từ chối lời đề nghị tị nạn ở Pháp mặc dù lo sợ sẽ bị trả thù thêm.

Marina Ovsyannikova, người tự mô tả mình là “một người yêu nước”, đã bị tòa án ở Mạc Tư Khoa phạt 30,000 rúp vào tuần trước vì hành động nổi loạn “tự phát” trong đó cô xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp với tấm biển ghi “Không có chiến tranh”.

Hôm Chúa Nhật, cô nói với ABC's This Week rằng cô cần phải lên tiếng sau khi xem kênh Một, nơi mình làm việc, đã phát tán “những lời nói dối” về cuộc chiến Ukraine.

“Sau một tuần đưa tin về tình huống này, bầu không khí trên kênh rất khó chịu đến mức tôi nhận ra rằng mình không thể quay lại đó được”, cô nói. “Tôi có thể thấy những gì trong thực tế đang xảy ra ở Ukraine. Và những gì chúng tôi đã thể hiện trên các chương trình của mình rất khác so với những gì đang diễn ra trong thực tế”.

Cô ấy nói rằng kiến thức mà kênh truyền đạt thông tin sai lệch đã làm cô ấy phẫn nộ.

“Tôi không thể tin rằng một điều như vậy có thể xảy ra, không thể tin rằng cuộc chiến kinh hoàng này có thể xảy ra. Và ngay khi chiến tranh bắt đầu, tôi không thể ăn được. Tôi không thể ngủ được”, cô nói và nhấn mạnh thêm rằng cô đã cân nhắc việc tham gia các cuộc biểu tình công khai ở Mạc Tư Khoa.

“Tôi có thể thấy an ninh đang kéo mọi người đi… và tôi quyết định rằng đây sẽ là một hành động khá vô ích về phần mình. Có lẽ tôi có thể làm điều gì đó có ý nghĩa hơn, có nhiều tác động hơn, nơi tôi có thể thể hiện với phần còn lại của thế giới rằng người Nga đang phản đối chiến tranh.”

“Và tôi có thể cho người dân Nga thấy rằng đây chỉ là tuyên truyền, phơi bày những dối trá của trò tuyên truyền này có thể kích thích một số người lên tiếng phản đối chiến tranh.”

5. Tổng thống Zelenskiy nói Israel là nơi thích hợp để đàm phán

Ông Zelenskiy nói rằng Israel đang thực hiện nhiều nỗ lực để dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình cấp cao nhất giữa nước ông và Nga và đề xuất chúng có thể diễn ra ở Giêrusalem.

Phát biểu trong video hàng ngày kêu gọi người dân Ukraine, sau khi phát biểu trước quốc hội Israel bằng liên kết video, ông Zelenskiy cho biết Thủ tướng Naftali Bennett đã cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Kiev và Mạc Tư Khoa.

Những người cầm biểu ngữ và cờ màu vàng và xanh dương tụ tập để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

“Tất nhiên, Israel có lợi ích, chiến lược bảo vệ công dân của mình. Chúng tôi hiểu tất cả điều đó”, ông Zelenskiy ngồi tại bàn trong chiếc áo phông kaki đặc trưng của mình cho biết.

Ông Zelenskiy cũng lên tiếng kêu gọi Do Thái cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Vòm Sắt

Các báo cáo về cuộc tấn công vào một trường nghệ thuật nơi trú ẩn của 400 thường dân xuất hiện sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy coi hành động của Nga ở Mariupol là “một nỗi kinh hoàng sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế kỷ tới”.

“Thủ tướng Israel… đang cố gắng tìm cách tổ chức các cuộc đàm phán. Và chúng tôi rất biết ơn vì điều này. Chúng tôi biết ơn những nỗ lực của ông ấy, vì vậy, sớm hay muộn, chúng tôi sẽ bắt đầu có các cuộc đàm phán với Nga, có thể là tại Giêrusalem.

“Đó là nơi thích hợp để tìm thấy sự bình yên. Nếu có thể.”

Trong tuần qua, ông Bennett đã tăng cường nỗ lực để đưa hai bên xích lại gần nhau và đã nhiều lần nói chuyện với cả ông Zelenskiy và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuần trước, ông Bennett đã bí mật bay tới Moscow để gặp nhà lãnh đạo Điện Kremlin.

Ông Zelenskiy, người Do Thái, cũng đề cập đến lời cáo buộc của Nga cho rằng ông đứng đầu một chính quyền tán thành “chủ nghĩa Quốc xã”.

Chuyển từ tiếng Ukraine thông thường sang tiếng Do Thái trong bài phát biểu của mình, ông nói: “Các nhà tuyên truyền Nga ngày nay có một công việc khó khăn. Lần đầu tiên, một tổng thống Ukraine đã nói chuyện trước quốc hội Israel, trước người dân Israel, lại bị Mạc Tư Khoa cáo buộc là theo chủ nghĩa Quốc xã “.

“Thực tế này đã chứng minh rằng mọi thứ không như Mạc Tư Khoa nói.”

6. Manolis Androulakis, tổng lãnh sự Hy Lạp nói về Mariupol

Reuters đưa tin rằng Manolis Androulakis, tổng lãnh sự Hy Lạp và là nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cuối cùng di tản Mariupol, đã có một đánh giá kinh hoàng về hoàn cảnh của thành phố:

Tổng lãnh sự Hy Lạp tại Mariupol, nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cuối cùng di tản khỏi cảng Ukraine bị bao vây, hôm Chúa Nhật cho biết thành phố này sẽ đứng vào hàng ngũ những nơi được biết đến là nơi đã bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh trước đây.

Androulakis đã hỗ trợ hàng chục công dân Hy Lạp và người gốc Hy Lạp di tản khỏi thành phố đổ nát kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Anh rời Mariupol vào hôm thứ Ba và sau chuyến đi bốn ngày qua Ukraine, anh ta đã vượt qua Rumania qua Moldavia, cùng với 10 công dân Hy Lạp khác.

“Những gì tôi đã thấy, tôi hy vọng sẽ không ai nhìn thấy,” Androulakis nói khi đến sân bay quốc tế Athens vào Chúa Nhật và đoàn tụ với gia đình.

“Mariupol sẽ trở thành một phần của danh sách các thành phố đã bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn đó là Guernica, Coventry, Aleppo, Grozny, Leningrad”, Androulakis nói.

Theo Bộ Ngoại giao Hy Lạp, Androulakis là nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cuối cùng rời Mariupol, nơi nhiều cư dân đã bị mắc kẹt dưới đợt pháo kích nặng nề trong hơn hai tuần khi lực lượng Nga tìm cách giành quyền kiểm soát.
 
Vô đạo: Nga pháo kích làm tan hoang ngôi nhà thờ đẹp vùng Kiev
VietCatholic Media
05:07 22/03/2022


1. Chính phủ Ả Rập Xê Út hành quyết 81 người trong một ngày, nhiều nhất trong lịch sử quốc gia

Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi sự chú ý đến hành động này, diễn ra sau khi các tù nhân bị tra tấn và sau các phiên tòa “không công bằng”.

Vào ngày 12 tháng 3, chính phủ Ả Rập Saudi đã hành quyết 81 người trong vụ hành quyết hàng loạt lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Những người bị hành quyết đã bị kết án về các tội danh từ khủng bố, thành viên nhóm cực đoan đến tham gia các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Một báo cáo từ NPR lưu ý rằng đã có 92 vụ hành quyết ở Ả Rập Xê Út vào năm 2022. Số lượng cá nhân bị hành quyết vào cuối tuần qua đã vượt qua vụ hành quyết năm 1980 khi 63 chiến binh bị hàng quyết vì chiếm đền thờ Hồi giáo ở Mecca, vào năm 1979. Những người bị xử tử hôm thứ bảy bao gồm 73 người Saudi, bảy người Yemen và một người Syria.

Một cơ quan báo chí của Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rằng mỗi người trong số những người bị kết án đã được cung cấp quyền tiếp cận với luật sư trong quá trình xét xử. Hãng thông tấn này tuyên bố rằng những người bị buộc tội đã bị kết án về “tội ác ghê tởm” đã cướp đi sinh mạng của dân thường và cảnh sát. Phương pháp hành quyết phổ biến nhất ở Ả Rập Xê Út là chặt đầu.

Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Tổ chức Ân xá Quốc tế. Phó Giám đốc Khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Lynn Maalouf, cho biết trong một tuyên bố:

“Cuộc hành quyết này càng thêm rùng mình khi hệ thống tư pháp còn nhiều khiếm khuyết của Ả Rập Xê Út, vốn đưa ra những bản án tử hình sau những phiên tòa xét xử bất công một cách thô bạo và trắng trợn, bao gồm cả các phán quyết dựa trên 'lời thú tội' bị tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác.”

Maalouf tiếp tục gọi số người chết là “gây sốc” và lưu ý rằng đất nước “thiếu minh bạch” về hình phạt tử hình. Cô tuyên bố rằng số vụ xét xử dẫn đến án tử hình luôn cao hơn những gì chính phủ Ả Rập Xê Út báo cáo.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng các bản án tử hình được đưa ra sau các phiên tòa đáng nghi vấn hoặc không công bằng trong mọi trường hợp mà họ đã ghi nhận. Tổ chức nhân quyền báo cáo tuyên bố về việc tra tấn tràn lan các tù nhân bị giam giữ. Những buổi tra tấn này diễn ra với mục đích rút ra một lời thú tội cho dù đó là sự thật hay không. Những lời thú nhận sai sự thật được đưa ra dưới sự cưỡng ép có thể ảnh hưởng đến phán quyết ngay cả khi chúng được rút lại.

Họ chỉ ra hai trong số những người đàn ông đã bị hành quyết hôm thứ Bảy, những người bị kết tội tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ. Cả hai người đàn ông đều cho biết đã bị tra tấn khi ở trong tù. Một trong những người đàn ông đã bị rụng gần hết răng do bị đấm liên tục vào mặt. Cả hai đều không được điều trị y tế trong thời gian bị giam cầm.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng một phân tích về trường hợp của 5 trong số 41 người đàn ông Hồi Giáo Shiite bị hành quyết cho thấy những vi phạm rõ ràng về thủ tục tố tụng. Mỗi người trong số năm người đàn ông khẳng định lời thú nhận của anh ta đã được thực hiện trong quá trình tra tấn, và mỗi người đều cố gắng rút lại lời khai của mình. Hơn nữa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy rằng các thành viên gia đình của những người bị kết án đã không được thông báo về quyết định hoặc có cơ hội để nói lời từ biệt.

Anh trai của một trong những người bị hành quyết nhận xét:

“Chúng tôi không biết họ bị giết như thế nào và vào thời gian nào, bằng cách nào và ở đâu, có được chôn cất. Tôi tiếp tục tự hỏi, những lời cuối cùng của anh trai tôi là gì? Anh ta có được chôn cất theo nghi thức mai táng của người Hồi Giáo Shiite không? Họ có cầu nguyện trên xác anh ấy không?”

Số vụ hành quyết cao nhất trong một ngày của Ả Rập Xê Út diễn ra khi phần lớn thế giới đang loại bỏ hình phạt tử hình. Một báo cáo từ TIME lưu ý rằng 483 người đã bị hành quyết trên toàn cầu vào năm 2022. Mặc dù con số này có vẻ cao trong ba tháng đầu tiên, nhưng nó đã giảm 26% so với thời điểm này trong năm 2019. So với năm 2015, đỉnh điểm của các vụ hành quyết trên thế giới, nó giảm đến 70%.
Source:Aleteia

2. Quân Nga nã pháo vào vùng ngoại ô Kiev, làm hư hại Nhà thờ Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở thành phố Irpin.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết:

“Kẻ thù đang chịu tổn thất ở ngoại ô Kiev nhưng vẫn tiếp tục pháo kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự bằng pháo hạng nặng, xe tăng và súng cối. Trong bối cảnh đó, Nhà thờ Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Irpin đã bị hư hại nghiêm trọng.”

Bộ Tổng tham mưu cũng nhắc lại rằng, trong ngày qua, quân đội Nga đã thực hiện 14 cuộc tấn công hỏa tiễn và 40 cuộc không kích vào Ukraine.

Tờ Orthodox Times của Chính Thống Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinople cho biết tất cả các giáo phận Chính Thống Giáo ở Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã yêu cầu các linh mục từ này đừng cầu nguyện cho Thượng Phụ Kirill.

Diễn biến này theo sau việc Thượng phụ Kirill trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin phù hộ cho quân Nga mau thắng trận.

Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cực chỉ báng bổ Đức Mẹ.

Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:

“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo “chúc lành”.

Trong bài giảng của mình sau Phụng Vụ Thánh, khi đề cập đến số lượng Giáo phận của Giáo Hội Chính Thống ở Ukraine đã quyết định ngừng cầu nguyện cho mình, Thượng phụ Kirill biện minh rằng “việc này được thực hiện vì sợ hãi”.

“Chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một Giáo hội tông truyền, cùng một Giáo hội được thành lập ở cả Mạc Tư Khoa và Kiev,” ông nói như trên và từ chối chấp nhận quyền tự trị của Giáo hội Ukraine và việc giải phóng Giáo Hội ấy khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Ông lại nói về những áp lực bên ngoài và “những thế lực ngoại lai đối với Giáo hội muốn phá hủy sự đoàn kết thiêng liêng của các dân tộc chúng ta. Khi ai đó vì sợ hãi mà không chịu cầu nguyện cho vị Thượng Phụ, thì đây là dấu hiệu của sự yếu hèn. Nó không xúc phạm tôi”

Cuối cùng, đề cập đến chiến tranh, ông nói về “các tiến trình chính trị, mà chúng tôi hy vọng sẽ sớm kết thúc”, và cầu nguyện cho Tổng Giám Mục Onoufriy. Onoufriy là Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Thượng Phụ Kirill cũng nhắc lại lời cầu nguyện của mình xin Chúa bảo vệ tất cả những người trên đất Nga, “hiện bao gồm cả Nga, Ukraine và Belarus”.

3. 'Không tham ô dù chỉ một xu': Hồng Y Becciu nói với tòa án Vatican rằng ngài không phải là kẻ lừa đảo

Lần đầu tiên trong phiên tòa tại Vatican, Hồng Y Angelo Becciu đã bị chất vấn trong phiên tòa xét xử tài chính của Vatican vào thứ Năm. Vị Hồng Y nói với các thẩm phán rằng ngài đã chuẩn bị để trả lời các cáo buộc hình sự với “cái đầu ngẩng cao”. Vị Hồng Y đang bị xét xử vì nhiều tội danh tham ô, lạm dụng chức vụ và cố gắng ngăn cản lời khai của một nhân chứng.

Hồng Y Becciu đã trả lời các câu hỏi từ tòa án về các giao dịch tài chính của ngài với các thành viên trong gia đình nhưng, mặc dù nói rằng ngài “hoàn toàn sẵn sàng tìm kiếm và nói sự thật”, ngài đã từ chối trả lời các câu hỏi về việc thuê Cecilia Marogna, một đặc vụ tình báo tư nhân, viện cớ đó là một bí mật có thể phương hại đến Vatican.

Xuất hiện vào ngày 17 tháng 3 trong ngày đầu tiên của phiên điều trần các bằng chứng trong phiên tòa, bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái, Hồng Y Becciu nói rằng “không dễ dàng” để ngài bảo vệ sự liêm chính của mình trước tòa, sau cái mà ngài gọi là “một vụ thảm sát chưa từng có tiền lệ từ các phương tiện truyền thông.”

Trong tuyên bố mở đầu của mình trước hội đồng ba thẩm phán, vị Hồng Y đã tố cáo một “chiến dịch bạo lực và thô tục” chống lại ngài trên báo chí, mà ngài nói rằng đã có “một tiếng vang trên toàn thế giới.”

Mô tả các cáo buộc chống lại ngài là “vô lý”, “đáng kinh ngạc”, và “quái đản”, vị Hồng Y tự hỏi trước tòa “ai muốn tất cả những điều này và vì mục đích gì?”

Ngoài cáo buộc liên quan đến vụ mua bán tài sản ở London của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Hồng Y Becciu còn phải đối mặt với cáo buộc rằng ngài lạm dụng chức vụ của mình để chuyển tiền cho các thành viên trong gia đình mình, bao gồm 250,000 euro được gửi vào tài khoản ngân hàng được điều khiển bởi anh trai của mình, Antonio Becciu, người điều hành Hợp tác xã Spes, một tổ chức bác ái Công Giáo ở Sardinia.

Hồng Y Becciu phủ nhận mọi hành vi không đúng đắn, nhấn mạnh rằng ngài “không bao giờ lấy một đồng euro, thậm chí một xu cũng không, do ngài quản lý cũng không hề chuyển hướng, sử dụng sai mục đích”
Source:Pillar Catholic

4. Khi nền tảng của sự sống bị phá hủy trong chiến tranh, Thiên Chúa là trụ cột nâng đỡ chúng ta. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nói trong lễ cầu nguyện Moleben

Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã dẫn đầu buổi cầu nguyện Molében thời chiến, đó là một buổi cầu nguyện chung hàng ngày cho quân đội Ukraine, được phát sóng lúc 12:00 trưa từ các vùng khác nhau của Ukraine bởi “Zhyve.TV”.

Molében, còn được gọi là molieben, là cử hành Phụng Vụ với các lời cầu nguyện khẩn thiết được sử dụng trong Chính Thống Giáo và các Giáo Hội Công Giáo Đông phương khác nhau để kêu cầu Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, hay một vị thánh hoặc một vị tử vì đạo.

Hình thức hiện tại của Molében có nguồn gốc từ văn hóa Slav, nhưng việc sử dụng nó hiện nay phổ biến ở cả Âu Châu và các Giáo Hội Chính Thống Giáo và Công Giáo Byzantine theo truyền thống Slav.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục đã phản ánh về cách chúng ta cầu nguyện trong chiến tranh, và nơi mọi người có thể tìm thấy một chỗ dựa đáng tin cậy khi thế giới như họ biết, đang bị hủy diệt.

“Mỗi ngày kể từ khi cuộc chiến khủng khiếp này bắt đầu ở Ukraine, mà nhiều người đã gọi là chiến tranh toàn diện, một cuộc chiến tiêu diệt người dân Ukraine, mọi người đều cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện trong chiến tranh có ý nghĩa gì, đặc biệt là khi chúng ta đang cầu nguyện cho chiến thắng của Ukraine trước kẻ thù của họ? Có lẽ chúng ta cần phải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này hàng ngày, và chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa của lời cầu nguyện này cho đến khi chúng ta ăn mừng chiến thắng của Ukraine. Nhưng điều quan trọng là ít nhất phải bắt đầu trên con đường nhận thức và hiểu biết về lời cầu nguyện này”,Đức Tổng Giám Mục giải thích.

Ngài nhấn mạnh rằng ngày nay nhiều người cảm thấy rằng thế giới mà họ từng sống đã sụp đổ, nhưng có một nền tảng mà không ai có thể phá hủy được. Và nền tảng này là Chúa. Chính Ngài là nơi nương tựa và bảo vệ trong những thời điểm khó khăn như vậy. Theo nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, khi một người cầu nguyện trong hoàn cảnh khó khăn, người đó để Chúa hiện diện: “Khi một người cầu nguyện trong chiến tranh, Chúa hiện diện ở nơi đó và trong lời cầu nguyện của người đó. Thiên Chúa, Đấng nhìn vào trái tim của con người, Thiên Chúa là người phán xét cuối cùng của người sống và người chết, Thiên Chúa ban cho sự chiến thắng, đang hiện diện. “

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng người ta có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh, nhưng Chúa, Chúa của hòa bình, là Đấng luôn đặt dấu chấm hết cho nó. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, “vì chúng ta biết rằng sự giải cứu, như một món quà của sự sống, sẽ đến từ một mình Thiên Chúa. Chính hòa bình này sẽ luôn chiến thắng chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ kéo dài mãi mãi, giống như một cơn bão trên biển. Và hòa bình, mà Chúa là cội nguồn, mạnh hơn chiến tranh”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã kêu gọi tất cả người dân Ukraine ngày nay hãy trở thành những chiến binh vì hòa bình dù họ ở bất cứ đâu, và nhấn mạnh rằng những người bảo vệ mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần so với kẻ xâm lược. “Chúa, là Chúa của hòa bình, sẽ củng cố chiến thắng của Ukraine, bởi vì chúng tôi biết rằng chiến thắng không đến từ con người, cũng không phải vũ khí quyết định tất cả, mà là sức mạnh của Chúa”.
Source:UGCC
 
Newsweek: Báo Nga tiết lộ số lính hy sinh, quân dân kinh hãi, oán hờn Putin. 1 ngày, mất 14 xe tăng
VietCatholic Media
15:22 22/03/2022


1. Quân đội Ukraine đã công bố báo cáo hoạt động tính đến 10h tối nay.

Theo các quan chức, các lực lượng Nga đang chiếm được hành lang trên bộ với Crimea và đang ngăn chặn việc tiếp cận Biển Azov.

Thành phố Sumy cũng bị phong tỏa một phần trong khi pháo kích tiếp tục vào thành phố Kharkiv.

Báo cáo cũng tuyên bố Nga đang thực hiện “các chiến dịch tuyên truyền tích cực” nhằm vào quân nhân của các lực lượng vũ trang Belarus tham gia cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thêm, các lực lượng Nga tiếp tục sử dụng mạng lưới sân bay của Cộng hòa Belarus và đang cố gắng xây dựng lại đoạn đường sắt từ Valuyki đến Kupyansk để cải thiện công tác hậu cần.

Hôm thứ Hai, các lực lượng Ukraine tuyên bố họ đã đẩy lùi 13 cuộc tấn công của đối phương và phá hủy 14 xe tăng, 8 xe chiến đấu bộ binh, 2 xe bọc thép hạng nhẹ đa năng, 3 hệ thống pháo và 4 xe kéo pháo, trong khi các đơn vị phòng không đánh trúng 2 mục tiêu trên không của đối phương.

Các quan chức quân sự cho biết, mặc dù Nga không chủ động mở các cuộc tấn công bộ binh mà chủ yếu chỉ dùng pháo binh và máy bay ném bom, Ukraine ước tính Nga vẫn mất khoảng 300 binh lính trong 24 giờ qua.

“Kẻ thù có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bom và thực hiện các cuộc pháo kích vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng cách sử dụng pháo binh, máy bay, vũ khí chính xác cao và đạn dược bắn bừa bãi.”

2. Số thương vong đáng kinh ngạc của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine vô tình được tiết lộ

Vào ngày thứ 26 của cuộc xâm lược vào Ukraine, hôm thứ Hai 21 tháng Ba, tờ Komsomolskaya Pravda của Nga cho biết 9,861 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc phiêu lưu quân sự của Putin.

Người ta sợ rằng con số thật cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, con số này, nếu chính xác, đã có nghĩa là số người Nga đã chết ở Ukraine chỉ trong 26 ngày đã gấp 4 lần số quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan trong 20 năm.

Con số đó sẽ khiến cuộc xâm lược Ukraine đẫm máu hơn nhiều so với cuộc xâm lược tồi tệ của Liên Xô vào Afghanistan kéo dài từ 24 tháng 12, 1979 đến 15 tháng Hai, 1989, tức là 9 năm, 1 tháng, 3 tuần và 1 ngày, con số thương vong của Nga là 14,453 binh sĩ.

Tờ Komsomolskaya Pravda cho biết có 16,153 người khác bị thương trong cuộc giao tranh.

Trong khi đó, hôm 13 tháng Ba, Ukraine cho biết 1,300 binh sĩ của họ đã thiệt mạng. Người Nga tuyên bố con số này phải cao hơn gấp đôi.

Mặc dù rất khó để xác định các báo cáo chính xác về chiến tranh ở Ukraine, nhưng một điều xem ra hiển nhiên là Nga đã đạt được rất ít tiến bộ trong tuần qua.

Sự kháng cự dai dẳng và các vấn đề về đường tiếp tế đã khiến bước tiến của Nga bị đình trệ.

Và đã có báo cáo về các cuộc đào ngũ trên diện rộng trong các lực lượng của Nga.

Hết nhiên liệu và hết lương thực, nhiều binh sĩ Nga đã bỏ lại xe tăng và xe tải và bỏ đi.

Ukraine tuyên bố cho đến nay đã có 5 tướng Nga thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Mặc dù có rất nhiều tin xấu đối với quân đội Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là tin tốt đối với người dân Ukraine.

Các thành phố như Kiev và Mariupol vẫn bị ném bom và pháo kích không ngừng, với nhiều tòa nhà bị phá hủy và hàng nghìn dân thường thiệt mạng.

Tuần trước, tướng Mỹ David Petraeus cho biết nếu quân đội Nga tiến vào Kiev, số lượng binh sĩ Nga thiệt mạng có thể sẽ tăng vọt.

https://www.9news.com.au/world/russia-ukraine-war-death-toll-russian-soldiers-killed-kremlin-Kiev-invasion/92d7a75a-914b-4ef1-ab87-973faec330a3

3. Đại diện của Quốc Hội Cộng hòa Lithuania thăm Kiev

Đại diện của Seimas, tức là Quốc Hội của Cộng hòa Lithuania đã đến Kiev để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ukraine trong cuộc xâm lược quân sự của Nga.

“Hôm nay tôi đã gặp phái đoàn Seimas của Cộng hòa Lithuania. Đây là phái đoàn Quốc Hội đầu tiên từ các nước đối tác Âu Châu của chúng tôi đến Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga vào đất nước chúng tôi. Tôi cảm ơn những người bạn Lithuania của tôi vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine, sự giúp đỡ của họ “, Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko, người đã gặp các nghị sĩ Lithuania, đăng trên Telegram.

Ông nói thêm rằng ông rất vui được gặp Phó Chủ tịch Seimas của Cộng hòa Lithuania Paulius Saudargas, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Seimas Laurynas Kasčiūnas, và Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Phát triển Bền vững Justinas Urbanavičius.

Ông Klitschko nhấn mạnh: “Các nghị sĩ Lithuania cũng kêu gọi đại diện Quốc Hội các nước Liên Hiệp Âu Châu khác đến Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Ukraine trong cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập và tự do của họ”.

4. Biden nói đã có các dấu hiệu rõ ràng cho thấy 'Putin đang cân nhắc sử dụng vũ khí sinh học và hóa học,

Hôm thứ Hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết những cáo buộc của Nga rằng Kiev có vũ khí sinh học và hóa học là sai sự thật và cho thấy rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc việc sử dụng chúng trong cuộc chiến chống Ukraine.

Ông Biden đã đưa ra lập trường trên tại một sự kiện Bàn tròn Kinh doanh vào hôm thứ Hai:

Lưng của Putin đã chạm vào bức tường và bây giờ ông ấy đang nói về những cáo buộc sai sự thật mà ông ấy mới dựng lên, bao gồm khẳng định rằng chúng tôi ở Mỹ có vũ khí sinh học cũng như hóa học ở Âu Châu, đơn giản là không đúng.

Putin cũng đang gợi ý rằng Ukraine có vũ khí sinh học và hóa học ở Ukraine. Đó là một dấu hiệu rõ ràng là ông ấy đang cân nhắc sử dụng cả hai thứ đó “.

Nhận xét này lặp lại những bình luận trước đó của các quan chức ở Washington và các nước đồng minh, những người đã cáo buộc Nga lan truyền một tuyên bố sai sự thật và vô lý rằng Ukraine có chương trình vũ khí sinh học như một chiêu bài để tiến hành các cuộc tấn công sinh học hoặc hóa học của chính mình.

Không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào, Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Kiev lên kế hoạch tấn công hóa học nhằm vào người dân của mình để làm tiền đề cho Mạc Tư Khoa sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xâm lược Ukraine.

Đầu tháng này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nói chuyện với Nikolay Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo ông về hậu quả đối với “bất kỳ quyết định nào có thể xảy ra của Nga đối với việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine”.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi đã nói chuyện trực tuyến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Trong buổi nói chuyện với quôc dân đồng bào hôm thứ Ba 22 tháng Ba, và trên Tweeter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi cho biết ông đã có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng trực tuyến. Ông đã thông báo với Đức Thánh Cha Phanxicô về tình hình nhân đạo khó khăn và việc quân đội Nga phong tỏa các hành lang nhân đạo.

Tổng thống Zelensky đã viết điều này trên Twitter như sau:

“Tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô. Đã nói với Ngài về tình hình nhân đạo khó khăn và việc quân đội Nga chặn các hành lang cấp cứu. Vai trò trung gian của Tòa thánh trong việc chấm dứt đau khổ của con người luôn được đánh giá cao. Cảm ơn vì những lời cầu nguyện cho Ukraine và hòa bình”

Ngày Chúa Nhật 20 tháng 3, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với những người hành hương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Thật không may, cuộc xâm lược bạo lực chống lại Ukraine không dừng lại, một cuộc tàn sát vô nghĩa, trong đó mỗi ngày đều có sự lặp lại của những vụ tàn sát và sự tàn bạo. Không có lời biện minh nào cho điều này! Tôi cầu xin tất cả những người có liên quan trong cộng đồng quốc tế hãy thực sự cam kết chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này.

Tuần này, hỏa tiễn và bom lại rơi xuống dân thường, người già, trẻ em và bà mẹ mang thai. Tôi đã đến gặp những đứa trẻ bị thương đang ở đây, ở Rôma này. Một em bị mất một cánh tay; một em bị thương ở đầu... những đứa trẻ vô tội. Tôi nghĩ đến hàng triệu người tị nạn Ukraine, những người phải chạy trốn bỏ lại tất cả mọi thứ, và tôi cảm thấy vô cùng đau đớn cho những người thậm chí không có khả năng trốn thoát. Biết bao ông bà, những người ốm đau, nghèo khổ phải ly tán với gia đình, bao trẻ em và những người mỏng manh bị bỏ rơi dưới làn bom đạn mà không thể nhận được sự giúp đỡ và tìm được sự an toàn ngay cả trong những hầm trú ẩn của các trận không kích. Tất cả điều này là vô nhân đạo! Thật vậy, nó cũng báng bổ vì nó đi ngược lại sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt là chống lại cuộc sống con người không có khả năng tự vệ, vốn phải được tôn trọng và bảo vệ, không được loại bỏ, và điều này phải là ưu tiên hàng đầu hơn bất cứ chiến lược nào! Chúng ta đừng quên đó là sự tàn ác vô nhân đạo và báng bổ! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho những người đang đau khổ.

Tôi cảm thấy an ủi khi biết rằng những người bị bỏ lại dưới bom đạn không thiếu sự gần gũi của các vị chủ chăn của họ, những người trong những ngày tang thương này đang sống Phúc Âm của tình bác ái và tình huynh đệ. Tôi đã nói chuyện với một số người trong số họ qua điện thoại trong những ngày này, họ gần gũi với dân Chúa. Cảm ơn các anh chị em thân mến vì chứng tá này và sự hỗ trợ cụ thể mà anh chị em đang can đảm trao ra cho rất nhiều người đang tuyệt vọng! Tôi cũng nghĩ đến vị Tổng Giám Mục mới được bổ nhiệm làm Sứ thần, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người từ đầu cuộc chiến đã ở lại Kiev cùng với các cộng sự viên của mình và cùng với sự hiện diện của ngài, hàng ngày tôi gần gũi với những người Ukraine tử đạo. Chúng ta hãy gần gũi với dân tộc này, chúng ta hãy đón nhận họ bằng tình cảm, bằng sự cam kết và lời cầu nguyện cụ thể. Và làm ơn, chúng ta đừng quen với chiến tranh và bạo lực! Chúng ta đừng mệt mỏi khi chào đón họ với sự hào phóng như chúng ta đang làm bây giờ, không chỉ trong trường hợp khẩn cấp, mà còn trong những tuần và những tháng tới. Như anh chị em biết, lúc đầu chúng ta làm tất cả những gì có thể để chào đón tất cả mọi người, nhưng sau đó chúng ta có thể quen với nó, và tâm hồn của chúng ta dịu lại một chút, và chúng ta quên điều đó đi. Chúng ta hãy nghĩ đến những người phụ nữ và trẻ em này, những người trong thời gian không có việc làm, phải chia tay chồng, sẽ bị truy lùng bởi những con 'kên kên' của xã hội. Làm ơn, chúng tôi hãy bảo vệ họ.

Tôi mời gọi mọi cộng đoàn và tất cả các tín hữu hiệp nhất với tôi vào Thứ Sáu ngày 25 tháng Ba, Lễ Truyền Tin, cho Hành động Trọng thể Hiến dâng nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, để Mẹ là Nữ Vương Hòa bình, có thể giúp chúng ta có được bình an.
 
Một linh mục kể lại cuộc chạy trốn khỏi Mariupol, những gì ngài thấy trên đường đi
VietCatholic Media
16:10 22/03/2022


1. Mở lại cuộc hành hương quốc tế của các quân nhân tại Lộ Đức

Sau hai năm bị bãi bỏ vì đại dịch, cuộc hành hương quốc tế của các quân nhân Công Giáo tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, miền nam Pháp được mở lại năm nay, từ ngày 11 đến 17 tháng Năm tới đây, và có chủ đề là: “Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Đây là cuộc hành hương quốc tế thứ 62. Thói quen này do sáng kiến của các vị tuyên úy quân đội Pháp và Đức sau Thế chiến thứ II, như một đóng góp cho sự hòa giải giữa các nước Âu châu. Đức cha Werner Freistetter, Giám mục giáo hạt quân đội Áo cho biết ngày nay những cuộc hành hương này vẫn còn giúp cơ hội gặp gỡ và trao đổi thân hữu với nhau giữa giới quân nhân và cùng nhau cử hành các buổi lễ và cầu nguyện. Các quân nhân Công Giáo tham dự đến từ hơn 40 quốc gia. Đức cha nói: ‘Chúng ta hãy để cho mình được hiệp nhất nhờ tinh thần Lộ Đức, tinh thần chữa lành, hòa giải và thân hữu’.

Cuộc hành hương quốc tế cuối cùng là lần thứ 61 đã diễn ra vào tháng Năm 2019 với hơn 12,000 quân nhân của hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Từ 8g30 đến 9g30 sáng, các cha tuyên úy quân đội và các linh mục địa phương đã ngồi tòa giải tội cho các quân nhân và các khách hành hương.

Trong thánh lễ bế mạc lúc 9g30 sáng Chúa Nhật 19 tháng 5, Đức Cha Antoine Pierre Louis Marie de Romanet, Giám Mục giáo phận quân đội Pháp cùng 14 Giám Mục trên thế giới và một vị Giám Mục Công Giáo Đông phương cử hành thánh lễ bên trong Hội Trường Thánh Piô X. Đây là Hội Trường lớn nhất tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Tuy nhiên, vẫn không đủ chỗ. Nhiều người phải đứng ngoài theo dõi qua các màn ảnh khổng lồ.

Đồng tế với các Giám Mục, còn có khoảng 200 linh mục bao gồm các cha tuyên úy đi chung với các đoàn hành hương, và các linh mục Pháp.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha de Romanet chia sẻ các cảm tưởng của ngài trước các chứng từ của các quân nhân như trường hợp Trung Tá Brice Erbland người đã trình bày đề tài “Trực thăng chiến đấu và người Phi công Công Giáo”, và các chứng từ trong buổi tưởng niệm được tổ chức ở quảng trường Charles-de-Gaulle / vào tối hôm thứ Bẩy 18 tháng Năm.

Là những người liều mình xông pha trước hòn tên mũi đạn, các quân nhân từ khắp nơi trên thế giới đã rất xúc động trước những lời nguyện giáo dân với những ý chỉ cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho các tín hữu Kitô đang bị bách hại, cho các đồng đội của họ vào lúc này đây đang xông pha tại tiền tuyến, cho những người bị thương, và cho ơn chữa lành cho các quân nhân, gia đình và những ai bị thương tổn thể lý và tâm hồn vì các cuộc chiến tranh.

Nghi thức cảm động nhất là nghi thức lưu luyến chia tay Đức Mẹ Lộ Đức. Các quân nhân cùng hát bài Ave Maria để chia tay Đức Mẹ, và chia tay nhau trong lời cầu nguyện xin Đức Mẹ luôn phù hộ che chở họ trong những ngày sắp tới khi trở về với đơn vị để nhận lãnh các trách vụ đè nặng lên vai người quân nhân.

2. Các Hiệp sĩ Kha Luân Bố cổ vũ tuần cửu nhật chuẩn bị ngày 25 tháng 3 dâng hiến Ukraine cho Đức Mẹ

“Chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu toàn thể Giáo hội trên thế giới cùng tham gia với chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki của Lviv, Ukraine, đã kêu gọi bắt đầu tuần cửu nhật vào ngày 17 tháng Ba và kết thúc ngày 25 tháng Ba, để chuẩn bị cho việc Đức Thánh Cha Phanxicô dâng hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.

“Chúng tôi đang kêu gọi tất cả các Kitô hữu ở Ukraine tham gia tuần cửu nhật này, và chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu toàn thể Giáo hội trên thế giới sẽ cùng chúng tôi cầu nguyện cho ý định này.”

Tổ chức Hiệp sĩ Kha Luân Bố trên toàn thế giới đang tham gia với sáng kiến này, “Tôi kêu gọi 2 triệu Hiệp sĩ anh em của tôi đoàn kết cầu nguyện với Đức Trinh nữ Maria”, Hiệp sĩ tối cao Patrick Kelly cho biết trong một tuyên bố. “Cùng nhau, chúng ta sẽ cầu xin Đức Mẹ cầu thay cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột, để tiếp thêm sức mạnh cho các Hiệp sĩ Ukraine và Ba Lan của chúng ta đang làm việc chăm chỉ để cứu trợ và giúp mang lại hòa bình và hàn gắn cho khu vực.”

Giáo Hội Chính thống Nga cho đến nay vẫn chưa bình luận gì về tin tức liên quan đến việc thánh hiến.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cho biết việc dâng hiến là một “hành động tinh thần đã được người dân Ukraine chờ đợi từ lâu”, không chỉ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga hiện nay mà kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2014.

Nhà lãnh đạo tinh thần của thiểu số Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, có từ bốn đến năm triệu người, nói:

“Chúng tôi giao phó cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria tất cả những đau khổ của chúng tôi và hy vọng về hòa bình cho người dân đau khổ của chúng tôi”

Chính ngài đã thực hiện một hành động thánh hiến Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, tại Fatima.
Source:Aleteia

3. Linh mục kể lại cuộc chạy trốn kịch tính khỏi Mariupol của khoảng 200 đến 300 người

Tất cả dường như vô vọng cho đến khi một “người được Chúa gửi đến” xuất hiện tại hiện trường.

Hai linh mục Công Giáo đã dẫn đầu một đoàn xe khoảng 100 chiếc rời khỏi Mariupol và các khu vực lân cận vào đầu tháng này, chứng kiến những cảnh tượng mà họ không muốn ai nhìn thấy nhưng cuối cùng tạ ơn Chúa vì có tới 300 sinh mạng đã được cứu.

Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov, đã bị quân đội Nga và binh lính của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một tỉnh ly khai ở miền Đông Donbas của Ukraine, bao vây từ hôm 25 tháng Hai.

Cha Pawel Tomaszewski, một trong hai linh mục, đã mô tả thử thách trong buổi họp Zoom vào sáng thứ Sáu do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, là tổ chức đã hỗ trợ tài chính cho tu viện của ngài ở Mariupol. Cùng với một linh mục thứ ba, người đã rời Mariupol trước đó để điều trị y tế ở Ba Lan, họ là thành viên của cộng đoàn Công Giáo theo nghi thức Latinh của dòng Thánh Phaolô vị ẩn sĩ đầu tiên.

Cha Tomaszewski giải thích cộng đồng nhỏ của ngài đã cố gắng ở lại thành phố như thế nào trong khoảng tuần đầu tiên khi Nga xâm lược Ukraine, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Họ tiếp tục dâng thánh lễ cho cộng đồng Công Giáo ở đó.

Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể khi giao tranh di chuyển từ vùng ngoại ô phía đông của thành phố đến trung tâm của nó. Thất vọng với việc không có tiến bộ quân sự đáng kể nào, các lực lượng Nga bắt đầu ném bom các nguồn cung cấp điện và nước, biết rằng nó sẽ cắt đứt những yếu tố cơ bản để tồn tại và tấn công các khu vực dân sự. Điều đó bao gồm quận nơi có tu viện dòng Thánh Phaolô - một địa điểm nổi bật mà “sẽ là một mục tiêu tốt,” vị linh mục nói.

Hai giáo sĩ mất mọi liên lạc với giáo dân và thế giới bên ngoài.

“Trong bốn ngày, người Nga ném bom và bắn phá hầu như không ngưng nghỉ,” Cha Tomaszewski nói. “Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như thế này trước đây. Chúng tôi không có hầm để trốn. “Vụ nổ súng và ném bom rất căng thẳng. Cả tòa nhà rúng động”.

Ngài cho biết không thể ra ngoài thăm giáo dân. Trên thực tế, ba người phụ nữ đã ra ngoài tìm nước nhưng đã bị bắn chết. Vị linh mục kia đã cố gắng đến phần phía đông của thành phố, nhưng mọi thứ đều bị chặn lại. Rõ ràng là họ sẽ không thể giúp bất kỳ giáo dân nào của họ. Thị trấn hỗn loạn, với nhiều cửa hàng bị cướp bóc.

Được cứu bởi một “người được Chúa sai đi”

Cuối cùng, mặc trang phục giáo sĩ, hai linh mục lấy các tài liệu quan trọng của họ và Mình Thánh Chúa và cố gắng rời khỏi thành phố. Họ đợi cho đến khi tụ tập với một nhóm xe nhỏ, nghĩ rằng số lượng của họ sẽ khiến họ ít bị tổn thương hơn.

Trên đường đến Zaporizhzhia, họ đi qua một số trạm kiểm soát được canh gác bởi các binh sĩ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, là lực lượng đã chiến đấu với quân đội Ukraine từ năm 2014.

Dọc theo cuộc hành trình, họ nhìn thấy những tòa nhà bị thiêu rụi và những người lính chết nằm la liệt trên đường phố. Tại một thời điểm, khi quân đội Ukraine vừa giành chiến thắng trước người Nga, họ phải lái xe quanh những xác quân xâm lược nằm trên đường. Cha Tomaszewski, người đã từng là linh mục ở Mariupol từ năm 2011, nói rằng quân đội Nga không bao giờ đưa những người lính đã chết của họ trở về mà để các xác chết thối rữa ở nơi họ bị bắn hạ.

Họ đến một trạm kiểm soát, nơi binh lính Nga từ chối cho phép những người đàn ông trong độ tuổi từ 18-60 đi xa hơn, có thể là vì họ không muốn những người ấy có thể gia nhập quân đội Ukraine. Đến thời điểm này, quy mô đoàn xe đã lên đến khoảng 100 chiếc, mỗi chiếc có từ hai đến ba người. Trời lạnh cóng, và mọi người đói và khát. Xe hơi hao xăng. Các gia đình có trẻ nhỏ đã phải ngủ qua đêm trong xe lạnh. Một số phụ nữ khuỵu gối, van xin binh lính Nga cho đoàn xe đi qua.

Cả nhóm không thể đi tiếp và không thể quay trở lại Mariupol. Tình hình tưởng chừng như vô vọng.

“Rồi đột nhiên không biết từ đâu, một người được Chúa rõ ràng phái đến, đã tình cờ đi ngang qua,” nói. “Anh ấy nói 'Làng của tôi rất gần đây. Tôi có thể đưa tất cả những người này vào để cho họ thức ăn, nước uống và không để họ chết cóng giữa đêm”.

Người đàn ông hóa ra là trưởng làng Temriuk, một khu vực nông nghiệp cách đường chính khoảng 5 km.

Sau một đêm ở lại đó, người dân trong làng khuyên đoàn xe tìm cách để đến đường chính một lần nữa, tránh trạm kiểm soát của Nga. Thị trưởng của một thị trấn lân cận nói với họ rằng có một hành lang nhân đạo mà họ có thể sử dụng. Họ phải đi qua một trạm kiểm soát khác của Nga, nhưng khi những người lính nhìn thấy dòng xe quá dài, họ ngưng hỏi sau chiếc xe thứ sáu. Cuối cùng, những người trốn thoát đã ở trong lãnh thổ do Ukraine kiểm soát và cảm thấy nhẹ nhõm.

“Thật đẹp biết bao khi thấy những người lính Ukraine cứu chúng tôi,” họ nói với quân đội mà họ gặp trên đường đi, Cha Tomaszewski nói.

Khi được hỏi anh ấy có thông điệp gì cho thế giới, Cha Tomaszewski nhận xét, “Cần có hỗ trợ nhân đạo để giúp Ukraine cho đến khi chúng tôi đánh bại quân đội Nga và chiến tranh chấm dứt.”

Ngài không thể tiếp cận bất kỳ giáo dân nào của mình ở Mariupol, những người tiếp tục sống trong tình trạng bị bao vây. Nhưng, ngài nói, “hy vọng tồn tại đến cùng, nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Chúa”.
Source:Aleteia