Ngày 23-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khao khát nước hằng sống
Giuse Đinh Lập Liễm
08:02 23/03/2011
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY A
+++

A. DẪN NHẬP

Trong sa mạc khô cháy, nước là một nhu cầu khẩn thiết cho cuộc sống. Dân Israel thiếu nước trầm trọng trong sa mạc. Thiên Chúa đã thỏa mãn nhu cầu của họ bằng cách truyền cho ông Maisen lấy gậy đập vào tảng đá, nước tuôn trào lai láng cho dân và đàn gia súc giãn cơn khát (Bài đọc 1). Tuy nhiên, nước đó mới là nước vật chất làm thỏa mãn thể xác được chốc lát, Đức Giêsu tại bờ giếng Giacóp còn giới thiệu cho người phụ nữ Samaria một thứ nước khác, một thứ nước uống vào sẽ không bao giờ khát nữa, nước đó là Nước Hằng Sống. Chúa sẽ ban thứ nước ấy cho những ai biết tin nhận Đức Giêsu vì chính Ngài là nguồn nước trường sinh.

Ai trong chúng ta mà không khát nước ? Không có nước con người không thể sống được. Vì vậy người ta đang có nỗ lực tạo ra những nguồn nước sạch cung cấp cho cuộc sống hằng ngày, và nhu cầu tiêu thụ nước càng ngày càng tăng, càng cấp bách. Nhưng đó chỉ là nước vật chất nhằm thỏa mãn nhữnng cơn khát của thân xác, uống vào vẫn còn khát.

Ngòai ra, người ta còn những cơn khát khác, đó là khát vọng tinh thần, những khát vọng vô biên, cần phải được thỏa mãn. Như trường hợp người phụ nữ Samaria, mặc dù ở bên giếng nước mà cõi lòng vẫn còn khát và cơn khát ấy chỉ có thể được thỏa mãn bằng một thứ nước siêu nhiên là nước Hằng sống mà Chúa Giêsu ban cho. Chúng ta cũng hãy khao khát đi tìm Chúa là nguồn nước hằng sống để được thỏa mãn cơn khát vọng vô biên, như đàn nai tìm đến suối nước trong, vì chính Chúa mới có thể thỏa mãn được mọi khát vọng của con người :

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
(Tv 61,2)
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Xh 17,3-7

Thiên Chúa yêu thương dân Israel, đã chọn họ làm dân riêng của Ngài, nên đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Ai cập. Trên cuộc hành trình về Đất hứa, Ngài đã nuôi dân bằng manna và chim cút, nhưng sau đó dân chúng thiếu nước uống. Họ cằn nhằn trách móc ông Maisen, họ nổi lọan định ném đá ông và định quay trở về Ai cập. Chúa đã can thiệp cho dân có nước uống. Theo lệnh của Chúa, ông Maisen lấy gậy đập vào tảng đá ở Horeb, nước liền chảy ra lai láng, dân chúng và đàn vật được uống thỏa thuê. Cũng chính nơi này, ông Maisen gọi là Meriba và Massa, có nghĩa là nơi dân Israel đã nổi lọan và thử thách Chúa.

Nhờ sự kiện này mà dân tin tưởng là Thiên Chúa luôn hiện diện bên họ, nâng đỡ họ, bênh vực họ và đưa họ về Đất hứa chảy sữa cùng mật.

+ Bài đọc 2 : 5,1-2.5-18

Trong thư gửi cho tín hữu Rôma thánh Phaolô cho biết : Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng niềm cậy trông. Dù gặp bao gian nan thử thách trong cuộc sống, ngài luôn tin tưởng vào Đức Kitô, chấp nhận tất cả để chỉ có một khát vọng là loan báo Tin mừng cho lương dân… Khi đã được trở lại với Chúa, Ngài chỉ còn biết sống cho Chúa Kitô, đồng lao cộng khổ với Ngài, cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài nên đã nói :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà Đức Kitô sống trong tôi”. Với Đức Kitô sống trong mình, thánh Phaolô đã trở nên một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Niềm khao khát rao giảng Đức Kitô cho người khác đã thúc bách Ngài :”Caritas Christi urget me”.

+ Bài Tin mừng : Ga 4,5-42

Bản văn Tin mừng hôm nay là một trong những đọan hay nhất và đẹp nhất của Tin mừng theo thánh Gioan. Ở đây ghi lại một cách thi vị và đầy tình người cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ ở giếng Giacóp. Không ngờ, ban đầu Đức Giêsu xin người phụ nữ Samaria cho nước uống, rồi qua câu chuyện trao đổi, Ngài lại mạc khải cho chị ta một thứ nước uống, uống vào sẽ không bao giờ khát, đó chính là nước Trường sinh :”Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”(Ga 4,13).

Qua lời hứa trên, Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện, không chỉ ở núi Garazim hay trong đền thờ Giêrusalem nữa, mà ở ngay trong chính con người chúng ta, làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống đời đời. Hãy tin tưởng và trông cậy vào Ngài vì chính Ngài là nguồn nước trường sinh.

Qua câu chuyện trên, không những chị phụ nữ Samaria đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chị còn loan báo cho dân làng nhận biết Đức Giêsu là Đấng mang lại ơn cứu độ, vì họ đã được mắt thấy tai nghe, không cần phải dựa vào lời chị phụ nữ nữa. Chúng ta cũng phải đi loan báo Đức Giêsu cho những người khác như vậy.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Niềm khát vọng của chúng ta

I. ĐỨC GIÊSU HỨA BAN NƯỚC HẰNG SỐNG

1. Tình hình tại vùng Samaria

Vào thời Đức Giêsu, xứ Palestina kéo dài từ bắc xuống nam dài gần 200 cây số, chia thành ba vùng : phía bắc là Galilea, phía nam là Giuđêa, và giữa hai phần đó là Samaria. Con đường ngắn nhất từ Giuđea đến Galilea là đi ngang qua xứ Samaria, mất khỏang ba ngày. Nếu muốn tránh Samaria thì phải đi đường vòng qua sông Giorđan thì xa gấp đôi. Đức Giêsu đã chọn đi con đường ngắn này.

Người Samaria nguyên gốc là người Do thái, nhưng do cuộc sống chuyển biến, họ có nhiều liên hệ với ngọai bang nên bị người Do thái cho là lai căng, thậm chí là bội giáo, và thường khinh thị, không muốn giao tiếp. Vì thế, luật sĩ Do thái quen nói :”Nước người Samaria ô trọc hơn tiết heo”.

Nghe tin Gioan Tẩy giả bị bắt giam, Đức Giêsu quyết định rời Giuđea, vì người biệt phái tỏ ra ghen tức, nghi kỵ, phản kháng (Ga 4,1). Ngài đã dùng con đường ngắn nhất để đi đến miền Galilêa là đi ngang qua Samaria. Đức Giêsu đã làm một cuộc hành trình đi Galilêa theo như Gioan viết :”Đức Giêsu tới thành gọi là Kikha thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khỏang giờ thứ sáu”(Ga 4,5-6).


2. Đức Giêsu xin nước uống

Giếng Gacóp này sâu 32 mét, phải có dây và gầu mới múc được nước. Đức Giêsu đang ngồi nghỉ mệt trên miệng giếng thì có một người phụ nữ ra múc nước. Ngài nói với chị ta :”Cho tôi chút nước uống”. Câu nói này có vẻ tự nhiên, nhưng theo tục lệ lúc bấy giờ thì thật lạ tai đối với nhiều người và không thể chấp nhận được. Đức Giêsu biết thế Ngài điềm nhiên phá bỏ tập tục đó. Đây là lần đầu tiên, song không phải là lần cuối. Các tông đồ cũng ngạc nhiên về chuyện này.

Còn đối với chị phụ nữ này, lời nói của Đức Giêsu cũng làm cho chị ta kinh ngạc, quay lại hỏi :”Tôi là người Samaria và ông là người Do thái, sao ông lại xin tôi cho ông uống nước”? Tác giả Gioan giải thích cho những độc giả Hy lạp của ngài rằng : người Do thái và Samaria vốn không giao tiếp với nhau. Đức Giêsu đã trả lời với chị ta :”Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị : cho tôi chút nước uống với, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống”.

3. Đức Giêsu ban nước hằng sống

Chị phụ nữ còn đang thắc mắc về câu nói của Ngài, Đức Giêsu trả lời tiếp cho chị :”Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”(Ga 4,4,14). Chị ta nói với Đức Giêsu :”Thưa Ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga 4,15).

Qua câu chuyện trao đổi giữa Đức Giêsu và chị phụ nữ này, Ngài đã tiết lộ cho chị : chính Ngài là Đấng Messia, gọi là Đức Kitô. Chính Ngài sẽ ban cho chị và mọi người nước hằng sống. Ngòai ra, Ngài còn mạc khải một điều mới mẻ về việc tôn thờ : việc tôn thờ Thiên Chúa này khác với quan niệm của biệt phái và quan niệm của người thời bấy giờ :”Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những ngưởi tôn thờ mà Chúa Cha muốn” (Ga 4, 23).

4. Mục đích của câu truyện

Phải chăng thánh sử Gioan dùng mẩu truyện người phụ nữ này cốt ý cho mỗi người chúng ta đặt lại vấn đề đức tin của cá nhân mình. Mỗi người chúng ta, dù nam hay nữ, dù trong trạng thái nào của cuộc sống, có thể là một người phụ nữ Samaria, chúng ta cần gặp và trực diện với Đức Giêsu.

Có một câu nói trong sách của Hồi giáo như sau :”Khát thì tìm nước, nhưng nguồn nước cũng đi tìm người khát”. Đức Giêsu là nguồn nước sự sống Người tìm đến với mọi người chúng ta. Để tiến sâu vào con đường khám phá đức tin, chúng ta phải vượt qua được hiện cảnh của mình, như người phụ nữ, đào sâu vào quá khứ tội lỗi, nhận thực ra mình là ai. Và đó là giây phút được giải thóat, được thứ tha, được yêu thương, được nhận ra nguồn sống mới. Muốn bắt đầu cuộc hành trình đức tin thực sự, chúng ta phải cất bước đi tới.

II. NIỀM KHAO KHÁT CỦA TÂM HỒN TÔI

1. Khao khát nước uống thường ngày

Kinh nghiệm cho thấy nước vô cùng thiết yếu cho đời sống. Thiếu nhà cửa, quần áo, người ta vẫn sống được, thiếu thức ăn người ta cũng có thể sống được một thời gian dài, nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.
Khi dựng nên vườn địa đàng, Sách Thánh cho chúng ta biết, Thiên Chúa đã làm nên một con sông chẻ ra bốn nhánh để tưới tiêu cho sinh vật. Ông bà tổ tiên Adong Evà đã dùng nước ngọt ấy cho đến khi phạm tội thì mất, đất đai lại trở nên khô cằn.

Theo những số liệu thu thập được, hiện nay nguồn nước lòai người thừa hưởng trên hành tinh này thật phong phú, vào khỏang 1,3 tỉ đến 1,4 tỉ kilômét khối, trong đó nước mặn ở đại dương chiếm 98,77%, hai băng đảo (Bắc và Nam cực) chiếm 1,19%, nước trên mặt đất liền chiếm 0,017%, nước ngầm chiếm 0,007% và hơi nước trong khí quyển 0,001%.

Theo báo cáo của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, hiện nay có 1,2 tỉ người (1/4 dân số thế giới) không có đủ nước sạch để uống. Hằng năm có khỏang 15 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển vì bệnh mà nguyên nhân trước tiên là dùng nước bẩn.

Nước uống đối với nhiều nước trên thế giới đang có nguy cơ bị thiếu vì việc lãng phí nước uống trở thành nghiêm trọng. Đặc biệt là nhiều bể nước ngọt bị các phế thải công nghiệp làm ô nhiễm. Nước uống tại một số nước châu Âu được cho vào chai lọ để bán, Hà lan đã phải nhập nước uống từ Thụy điển.

Các nhà khoa học cho rằng tới năm 2000, số dân tăng nhanh, sẽ dùng hết một nửa tổng số nước ngọt có trên quả đất. Và có thể năm 2040, với việc tăng dân số lên gấp đôi, tòan số nước ngọt dự trữ sẽ không còn nữa (Báo Đại Đòan Kết, số 8, th 3/97, tr 6).

Hiện nay Việt nam chúng ta cũng thiếu nước sạch bởi vì nhiều nguồn nước đã bị các chất thải của các nhà máy công nghiệp làm ô nhiễm, nhiều nơi đã trở nên trầm trọng. Để giải quyết cấp thời, nhiều người đã sản xuất nước tinh khiết đóng chai đem bán trên thị trường, cung cấp nước sạch để tránh bệnh tật. Việc uống nước tinh khiết đóng chai, đóng thùng hiện nay đã trở nên phổ biến, ngay cả vùng nông thôn.

2. Những khát vọng tinh thần

Con người muốn vươn lên, muốn đạt tới hạnh phúc nhưng hạnh phúc còn xa tầm tay. Đồng ý rằng đã có những mảnh hạnh phúc, mỗi người có thể hưởng hạnh phúc ấy trong hòan cảnh cụ thể của mình như “được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ”, nhưng con người chưa thỏa mãn được những thứ hạnh phúc ấy, muốn vươn lên tới hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu. Vì vậy, con người luôn có nhiều khát vọng, muốn cho mọi sự tốt đẹp được xẩy ra như :

- Khát khao chân lý vì cuộc sống đầy gian dối.
- Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc.
- Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công.
- Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận.
- Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh.
- Khao khát niềm tin giữa cảnh đời đầy nghi kỵ.
- v.v….

Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống”.

Chúng ta hãy nhìn vào phụ nữ Samaria, mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ sáu mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi được gặp Đức Giêsu, trò truyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 114).
Truyện : Erman Coen.
Erman Coen được mệnh danh là Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giầu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện…

Trong buổi giảng Mùa Vọng tại nhà thờ Đức Bà Cả ở Paris, Ngài nói :

“Tôi đã đi khắp mặt đất, tôi đã yêu thế gian, tôi đã biết thế giới, và tôi đã học được rất nhiều : không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã vào tìm nó nơi không có. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng nó có, ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp…
Ôi lạy Chúa, điều con mong ước mọi giờ, mọi ngày con đã tìm ở đâu ? Và con đã tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.

3. Khao khát đi tìm Chúa

Ước vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn vì con người vẫn muốn vươn lên đến cái gì tuyệt đối, mà ở trần gian này không có cái gì là tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối, hay nói đúng hơn : Tất cả là hư vô ! Tìm trong hư vô thì chẳng tìm được gì cả !

Tác giả Thánh vịnh 42 đã mô tả lòng con người luôn muốn hướng về Chúa, muốn tìm đến Chúa để được thỏa mãn tâm hồn như đàn nai giải khát bên dòng suối :

Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong.
Hồn con cũng trông mong
Tìm đến Ngài, lạy Chúa.

Thánh Augustinô đã đi tìm Chúa trong mọi nơi mà không thấy, tâm hồn ngài bị chao đảo như con thuyền giữa sóng gió biển khơi. Sau khi đã trở lại với Chúa, Ngài đã phải nói :”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khỏai cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Chỉ có Chúa mới thỏa mãn được những khát khao của con người. Đúng như Thánh vịnh 61,2 nói :

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Truyện : Thiên Chúa là gì ?
Nhiều người đến gặp một thiền sư nổi tiếng để trình bầy với ông ta rằng : chúng tôi được sai đến để xin ông nói cho chúng tôi biết rõ : Thiên Chúa là gì ?
Nhà hiền triết trả lời :
- Để tôi suy nghĩ rồi 8 ngày sau hãy trở lại.
Tám ngày trôi qua, họ trở lại thì vị thiền sư bảo :
- Hãy trở lại 8 ngày sau nữa.
Đúng 8 ngày sau họ quay trở lại và cũng nhận được câu trả lời như thế.
Cuối cùng quá bực mình vì cứ nghe một câu trả lời như nhau nên họ mới mỉa mai hỏi ông ta rằng :
- Cho đến lúc nào ông hết nói với họ câu : “Tám ngày sau hãy trở lại”.
Chính lúc đó vị thiền sư mới nghiêm mặt nói với họ :
- Tôi sẽ trả lời như thế mãi với các ông bao lâu còn hỏi tôi câu hỏi đó. Riêng tôi, tôi biết chắc rằng có Thiên Chúa. Người hiện hữu, nhưng tôi không thể và không bao giờ có thể nói được Ngài là gì (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, tr 18).

Thiên Chúa đâu có phải là đối tượng để lý trí con người tìm hiểu như một sự vật. Ngài là Đấng siêu việt, vượt trên mọi lý trí phàm nhân, Ngài là Đấng vô ngôn (ineffabilis) nghĩa là không thể dùng lời nói mà diễn tả được.

Ngay trong phạm vi tình yêu, người ta cũng chưa định nghĩa được tình yêu là gì, mà chỉ có thể cảm nghiệm được tình yêu. Cứ yêu đi thì mới biết tình yêu là gì như thánh Augustinô đã nói “ama et fac quod vis : cứ yêu đi rồi làm gì thì làm, nghĩa là sẽ hiểu được tình yêu.

Sở dĩ con người thời nay khó chấp nhận và khó tiếp cận được với thế giới siêu linh, với các chân lý tôn giáo là vì lòng trí họ chỉ muốn dừng lại trên những sự kiện vật chất bên ngòai để tìm hiểu tư duy hoặc chỉ dựa vào khả giác để lý giải mọi sự. Đó cũng là trường hợp của người phụ nữ Samaria khi nghe Chúa nói đến “nước hằng sống”, “nước siêu nhiên” thì chị ta không thể hiểu và chỉ nghĩ tới nước tự nhiên để uống. Hoặc các môn đệ đi mua thức ăn về mời Chúa dùng thì Chúa nói đến một thứ lương thực thiêng liêng cần hơn, các ông không hiểu và chỉ nghĩ đến các thức ăn thể xác. Do đó, với lối suy nghĩ quá vật chất, quá giới hạn trong không gian và thời gian thì con người mãi mãi cho các chân lý tôn giáo là phi lý, khó chấp nhận và không bao giờ có thể mở mắt nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa.

Với con mắt xác thịt, không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy Chúa vì Chúa là Đấng tuyệt đối siêu việt, Ngài không ở đó ở đây cho ta trông thấy, nhưng với con mắt đức tin chúng ta có thể tìm thấy Chúa trong tha nhân, vì tha nhân là Chúa. Ta xử đối thế nào với tha nhân là ta xử đối thế ấy với Chúa. Trong ngày chung thẩm Chúa sẽ xét xử chúng ta về điều này .

Truyện : Tha nhân là Chúa.
Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lớn tiếng hỏi:
- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế ?
- Ta đang ghi những ai yêu mến Thiên Chúa.
Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm cho vị tu sĩ thất vọng, Ông nói với thiên thần :
- Xin ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chỉ là câu trích dẫn thư 1Ga 4,20:”Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú :”Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thóat khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi”(Trích Mỗi ngày một tin vui).
 
Định mệnh: Một góc cảm nhận về thiên tai tại Nhật Bản
An Nam
08:55 23/03/2011
Định mệnh : Một góc cảm nhận về thiên tai tại Nhật Bản

Khá lâu rồi tôi không gặp vị ẩn sĩ. Hôm nay tôi sẽ đi gặp ngài để vấn ý, xem ngài nghĩ thế nào về thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản hôm 11 tháng Ba vừa qua.

Tôi : Thưa ngài, tôi biết ngài kính sợ Thiên Chúa. Ngài đã từng rao giảng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cai quản muôn loài. Vậy ngài nghĩ sao về thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản ?

Ẩn sĩ : Đó lời cảnh tỉnh cho nhân loại.

Tôi : Xin ngài nói rõ hơn.

Ẩn sĩ : Nước Nhật và cả thế giới đang mãi mê lao động, xây cất, trồng tỉa, buôn bán, ăn chơi…

Tôi : Đúng. Họ muốn xây dựng thiên đường cho mình trên trái đất này.

Ẩn sĩ : Sai lầm. Phù hoa. Tất cả là phù hoa. Không thể có thiên đường trên trái đất này. Thiên Chúa muốn cảnh tỉnh để con người hồi tâm trở về nguồn cội của mình, tìm kiếm quê hương đích thực, tìm sự sống đời đời.

Tôi : Ngài đang cầm cuốn sách gì vậy ?

Ẩn sĩ : cuốn Kinh Thánh.

Tôi : Kinh Thánh có đề cập gì tới những vấn nạn như thảm họa vừa qua không ?

Ẩn sĩ : Có. Trong Tin Mừng Luca, chương 13. Có vài người đến báo tin cho Chúa Giêsu về những người Galilê bị Philatô giết. Người nói với họ: “Các ngươi tưởng những người Galilê ấy là hạng tội lỗi hơn mọi người Galilê khác, vì đã phải khốn như thế sao? Không đâu! Ta bảo các ngươi! Nhưng nếu các ngươi không hối cải, thì các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Hay mười tám người đã bị tháp Silôam đổ xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội nợ hơn mọi người trú ngụ tại Yêrusalem sao? Không đâu! Ta bảo các ngươi! Nhưng nếu các ngươi không hối cải, các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt y như thế.”

Tôi : Lời này cứng rắn quá !

Ẩn sĩ : Đúng. Thiên Chúa rất nhân hậu và hay tha thứ. Nhưng Người cũng rất công minh. Có lần Người đã nói : « Ngươi sẽ không ra khỏi địa ngục cho đến khi nào trả hết đồng xu cuối cùng.»

Tôi : Câu này làm tôi chợt nghĩ đến mấy ông tham nhũng.

Ẩn sĩ : Gieo gió thì gặt bão. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu.

Tôi : Thiên võng khôi khôi….., nghĩa là ?

Ẩn sĩ : Nghĩa là : Lưới trời lồng lộng, xem ra có vẻ thưa, sơ sài; nhưng không để lọt một sự gì.

Tôi : Trước những thảm họa, khốn đốn của con người, Kinh Thánh không có câu trả lời nào sao?

Ẩn sĩ : Có.

Tôi : Xin ngài cho biết.

Ẩn sĩ : Anh hãy đọc sách Giô-na.

Tôi : Xin lỗi ngài, tôi không có giờ.

Ẩn sĩ : Đó chỉ là một tập sách mỏng trong bộ Cựu Ước.

Tôi : Một tập sách mỏng ? Vậy ngài có thể tóm tắt ?

Ẩn sĩ : Dân thành Ninive sống bê tha, tội lỗi. Thiên Chúa sai ngôn sứ Giô-na đến cảnh báo họ. Giô-na đến Ninive và loan báo :«Còn bốn mươi ngày nữa Ninive sẽ bị tiêu diệt!»

Tôi : Dân Ninive phản ứng thế nào ?

Ẩn sĩ : Dân thành Ninive tin vào lời ngôn sứ Giô-na. Họ đã sám hối, từ bỏ cuộc sống tội lỗi.

Tôi : Rồi sao nữa ?

Ẩn sĩ : Sau bốn mươi ngày tai ương đã không xảy ra. Họ được bình an. Họ đã thay đổi được định mệnh.

Tôi : Con người có thể thay đổi được định mệnh ?

Ẩn sĩ : Đúng. Với tấm lòng thành, niềm tin và lời cầu nguyện, con người có thể thay đổi được định mệnh. Đó là nghệ thuật, là niềm vui, là lối thoát Thiên Chúa mạc khải cho những ai tin vào Người.

Tôi : Xin cảm ơn ngài.

Tháng Ba 2011
 
Có chăng một lương tâm Công Giáo?
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
08:58 23/03/2011
CÓ CHĂNG MỘT LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO?

Hán Việt Từ Ðiển của ông Nguyễn văn Khôn, định nghĩa LƯƠNG TÂM là “lòng thiện mà người ta sẵn có"(trg. 567). Nhưng nhân loại ngày nay lại có một cá tính chung là người ta không muốn bất cứ ai có quyền trên mình. Người ta chỉ muốn hoàn toàn được tự do quyết định mọi việc; người ta ghét bỏ thẩm quyền (authority) và mệnh lệnh, đặc biệt nhất là người ta đã có một ý niệm lạ lùng về lương tâm cá nhân và tạo cho nó vai trò của một vị thần, thần tự do.

Trong thâm tâm của con người, vấn đề tự do của lương tâm mang một huyền thoại là nó luôn luôn tốt đẹp; còn thẩm quyền luôn luôn phải mang một ấn tượng là đàn áp và đè nén. Trong giáo hội, nhất là ở phương Tây, nhiều người không còn muốn vâng lời Linh Mục, Giám Mục, hay cả Ðức Giáo Hoàng. Người ta cãi lại: “Nhưng chúng tôi vâng lời Chúa.” Nhưng Chúa không trực tiếp nói chuyện với chúng ta. Người ta có thể tưởng tượng Chúa nói chuyện với mình qua ý niệm sai sai lầm về “lương tâm.” Nhưng “lương tâm” trong trường hợp này thường mang ý nghĩa là cảm giác chủ quan của con người, tách biệt khỏi bất cứ sự tìm kiếm chân lý nào.

Trong khi đó, Chúa mời gọi chúng ta nghe theo những giáo huấn của Ngài và những giảng dạy của giáo hội, nhất là người ta phải HÌNH THÀNH LƯƠNG TÂM CỦA MÌNH THEO NHỮNG GIÁO HUẤN ĐÓ.

Trong sách Nhị Luật (Deuteronomy 18:15-20), Chúa đã sai một tiên tri có giáo huấn nhiều thẩm quyền như Môi Sê (Moses) đến với dân chúng. Lời của Chúa được thể hiện qua miệng lưỡi của tiên tri ấy bởi vì dân chúng Do Thái lúc bấy giờ đã sợ sự “hiện hình” (Theophany) ở núi Sinai. Họ “không thích” nghe và thấy những tiếng sấm vang, sét dậy, và lửa rực như thế nữa. Họ đã sợ “tiếng của Chúa” qua những hiện tượng thiên nhiên như vậy, họ nài xin ông Môi Sê cầu cùng Chúa ngưng những hiện tượng “đáng sợ” ấy lại và họ chỉ muốn Chúa nói chuyện với họ qua ông Môi Sê mà thôi. Từ đó, lời của Chúa đã được dân chúng đón nhận qua miệng lưỡi của những “đấng làm thày” (Rabbis).

Chính Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Matthêô (23:1-3), cũng dạy dân chúng về những Kinh Sĩ (Scribes), có người còn dịch là Luật sĩ, Thày thông luật, hay Ký lục…, đây là những người chuyên sao chép lại bộ Cựu Ước (thuở ấy nhân loại chưa có máy in) và họ còn được được phép giảng dạy về những lề luật của Chúa. Thứ hai là các Biệt Phái (Pharisees, có người còn phiên âm qua tiếng Việt là Pha-ri-siêu), những “chuyên gia” về kinh Torah (tiếng Hi Lạp là Pentateuch, dịch qua tiếng Việt là Ngũ Kinh. Gồm 5 quyển sách đầu tiên của bộ Cựu Ước), đồng thời họ cũng được phép diễn giải lề luật của Chúa. Những người này rất được dân chúng trọng vọng, họ “ngồi trên ngai của Môi Sê”, nhưng đa số có cuộc sống giả hình (hypocrites), nên Chúa đã dạy “hãy nghe những gì họ giảng dạy, nhưng đừng theo những việc họ đã làm.”

Trong thời của Chúa Giêsu, dân chúng vẫn tiếp tục chấp nhận thẩm quyền. Thẩm quyền cho họ sự bình an trong tâm hồn vì qua đó họ biết chắc được Thánh Ý của Chúa. Ngày nay, người ta đã cho thẩm quyền một ý nghĩa sai lầm cũng như người ta đã cho sự tự do của lương tâm một ý nghĩa sai lầm. Lương tâm không phải là một cảm giác hay tình cảm; nó không phải là ước muốn chủ quan của con người để làm chuyện này hay không làm chuyện khác; lương tâm không phải là “điều mà mọi người đều làm”; lương tâm cũng không phải là tiếng nói nho nhỏ trong thâm tâm bảo chúng ta về điều này hay điều khác.

LƯƠNG TÂM LÀ MỘT PHÁN ÐOÁN THỰC DỤNG VỀ ÐIỀU LÀNH HAY ÐIỀU DỮ.

Ðể có được một phán đoán chính đáng, người ta phải tìm cho được sự thật khách quan của vấn đề, độc lập hẳn với cảm giác và sự xúc động của mình. Lương tâm, trước tiên, là tìm kiếm sự thật luân lý. Mọi người đều được sinh ra với ước muốn làm điều lành tránh điều dữ (ai cũng biết câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”). Ðiều đáng khao khát nhất về đời sống luân lý của con người là tìm và biết được sự lành, chẳng hạn như biết được sự thật.

Trước khi quyết định về một vấn đề, người ta phải trải qua một tiến trình tự thấu hiểu về chân lý đạo đức. Chân lý hay sự thật đạo đức không phải được cấu tạo bởi những gì người ta nói, hay ảnh hưởng bởi xã hội, hoặc áp lực của số đông… nhưng bởi luật tự nhiên và lề luật của Thiên Chúa. Giáo hội đã được ủy thác diễn giải cách chân chính về cả hai lề luật đó. Sứ mạng về thẩm quyền giáo huấn của giáo hội là minh chứng chân lý của Chúa để mọi người theo và có những quyết định luân lý chính đáng.

Con người trong xã hội ngày nay đang có một quan niệm lạ lùng đến phạm thánh là nếu người ta nghe theo “tiếng lương tâm” thì người ta chắc chắn sẽ lên thiên đàng. Nói cách khác, người ta không cần phải tìm kiếm điều đúng và thật mà vẫn có thể lên thiên đàng.

Ðó là một lỗi lầm vô cùng quan trọng, đưa đến quan niệm sai lầm về sự tội. Cùng một ý niệm đó, người ta có thể giải thích rằng Hitler và bọn tội phạm của Ðệ Tam Quốc Xã Ðức trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến đều đã lên thiên đàng, vì họ đã đi theo “tiếng lương tâm” của họ. Phạm sự thánh! Hitler và đồng bọn có thể có niềm tin vào những việc họ đã làm, nhưng họ đã có thể và nên biết sự thật luân lý của những việc đó, thí dụ như việc tàn sát dân Do Thái vô tội là sai. Vì vậy họ đã có tội.

Trước khi có một quyết định, người ta bắt buộc phải tìm kiếm sự thật luân lý khách quan. Chỉ sau đó người ta mới có tự do và bình an nghe theo tiếng lương tâm của mình. Một người chỉ có thể lên thiên đàng nếu người ấy chân thành và cố gắng nghe theo một lương tâm đã chỉ bảo cho anh/chị ta cách rõ ràng về điều đúng và thật. Như vậy, “thẩm quyền” ở đây có thể được xem như một điều hữu ích và cụ thể. Thẩm quyền giáo huấn của giáo hội giúp chúng ta đạt được những quyết định luân lý chính xác. Ðó là một điều cao quí và là sự giải thoát.

Trong thập niên 1960's, người ta đã nói nhiều đến tự do chủ nghĩa (libertinism), và người ta bảo nhau rằng mỗi người là một giáo hoàng cho chính mình, không ai có quyền bảo họ điều nào là đúng, điều nào là sai. Nhưng trong thâm tâm sâu thẳm của mỗi người, ai cũng khao khát một “hướng dẫn viên” có thẩm quyền giúp mình quyết định trong những trường hợp khó khăn.

Ðức Kitô vẫn luôn giảng dạy với thẩm quyền. Chúng ta cần lắng nghe tiếng của Ngài trong giáo hội. Cũng không nên quên rằng Chúa không những rao giảng điều chính đáng, Ngài còn ban ơn sức mạnh cho chúng ta thực hiện được điều chính đáng ấy. Chúa kêu mời chúng ta theo Ngài qua đời sống luân lý, Ngài muốn chúng ta đi ngược lại những điều sai quấy mà xã hội đã cho là chấp nhận được, thí dụ như việc phá thai. Ðiều này có nghĩa mặc dù xã hội “cho phép” nhưng nếu điều đó không phù hợp với lề luật của Thiên Chúa thì một Kitô hữu chân chính vẫn phải khước từ. Dù sao, Chúa vẫn luôn luôn tăng sức mạnh và trợ giúp chúng ta nếu chúng ta chạy đến với Ngài.

Thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô) đã viết rằng bên cạnh lề luật do sự suy tư của con người đã có nền tảng của “lề luật muôn đời” trong tư tưởng của Chúa. Tất cả những gì đã được Chúa tạo dựng trên thế gian này đã là sự mô phỏng của những gì của chính Chúa. Bởi vì Chúa là Ðấng bất biến, nên mọi sự do Chúa dựng nên cũng bất biến. Lề luật muôn đời trong tư tưởng của Chúa đặt căn bản trên sự tự nhiên của vạn vật khi chúng phản ảnh sự hoàn hảo của Ngài. Lề luật muôn đời dành cho những hành động của nhân loại đặt căn bản trên sự tự nhiên của hành động của con người được phản ảnh bởi sự hoàn hảo của Thiên Chúa nhận ra trong con người. Sự phán đoán của suy tư nhân loại về sự luân lý của hành động con người chỉ là sự phản ảnh hay sự tham dự của tâm trí con người trong tâm trí bất biến và muôn đời của Thiên Chúa. (Phần IIa, Chương III: Hạnh Phúc và Luân Lý, trong bộ Summa Theologica).

Sự khác biệt giữa lương tâm “thế tục” và lương tâm luân lý hay lương tâm Công Giáo được ghi nhận rõ ràng qua Phúc Âm thánh Gioan (12:1-11). Một môn đệ của Chúa, ông Giu-đa, đã cho việc bà Maria dùng thuốc thơm quí giá mà lau chân cho Chúa Giêsu là phí phạm. Bất cứ hành động hay lời nói nào biểu dương tình yêu Thiên Chúa sẽ luôn luôn bị chống đối bởi những người mà lương tâm của họ đã đặt trên việc phải làm giàu về vật chất thế gian hay tạo dựng vinh quang cá nhân đến tự kiêu của họ. Họ sẽ cho những lời nói hay hành động đó là thách đố hoặc khinh chê họ. Giu-đa đã tỏ ra, một cách giả hình, là mình biết lo lắng cho những người cần được giúp đỡ bằng cách trách cứ Maria không biết nghĩ đến người nghèo.

Trong xã hội ngày nay, người ta vẫn có thể tìm thấy những người hoàn toàn “đồng ý” với Giu-đa. Tư tưởng bỏ đi tất cả mọi sự, ngay cả những gì quí giá nhất của một người, để theo Ðức Kitô đã trở thành điều cuồng tín đối với họ. Ngược lại, Maria đã hy sinh món qùa quí giá nhất của bà cho Chúa. Qua sự khai sáng của Thánh Linh, bà đã nhận ra và theo Chúa. Ðối với Maria, Ngài không chỉ là một thày dạy tốt, một nhà thuyết pháp hùng hồn, hay một nhà đạo đức gương mẫu, Ngài còn cao trọng hơn vì đã là người cứu bà ra khỏi cảnh tội lỗi. Bà đã nhận ra điều đó bởi Chúa và trong Chúa. Ðối với bà, Chúa Giêsu xứng đáng với tất cả tình yêu và sự sùng kính của bà. Bà đã thực hiện điều mà sau này thánh Phaolô đã nói: “Tôi coi tất cả mọi sự như đã thua lỗ bất lợi, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi chấp nhận thua lỗ mọi sự và coi là phân bón tất cả, để được Ðức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính dựa vào lề luật, nhưng là sự công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, sự công chính tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin.” (Philippê 3:8-9)

Cũng như Maria, người ta có thể dâng cả cuộc đời cho Chúa Kitô để rồi lại nhận ra sự sống thật mà Chúa trao tặng lại quí giá dường bao. Ngược lại, Giu-đa, kẻ đã sống kề cận bên Chúa suốt ba năm trời, chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa đã làm, nhất là biết được tình thương bao la của Chúa. Thế mà ông ta vẫn phản bội Chúa! Giu-đa đã sống bằng lương tâm thế tục, hay đúng hơn ông ta đã để cho dục vọng chế ngự thay vì mở lòng đón nhận sự dạy dỗ và linh ứng của Chúa Giêsu. Người ta đã sống bằng dục vọng khi người ta sống ngoài ân sủng và ơn khôn ngoan trong Chúa. Một người sống ngoài ơn Chúa, không sớm thì muộn con tim của người ấy sẽ trở nên khô cằn, lương tâm trong sáng trở nên lu mờ rồi đưa đến lầm lẫn, ngay cả cái “tính bổn thiện” từ thuở sinh ra cũng bị tàn lụi dần, con người của anh/chị ta sẽ trở nên mảnh đất màu mỡ cho Satan xâm nhập.

Qua gương của Giu-đa, người ta có thể học được bài học rằng ngay cả những người qua vẻ bề ngoài tưởng như rất “đạo đức”, “thánh thiện”, nhưng những người ấy vẫn có thể sống ngoài ơn Chúa nếu họ không mở lòng lắng nghe tiếng Chúa và đón nhận ơn sủng của Ngài. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các giáo hữu thành Roma: “Vì vậy một người sẽ trở nên thù nghịch với Thiên Chúa khi người ấy sống theo dục vọng của mình mà không tuân theo lề luật của Chúa, và thật ra người ấy cũng không thể tuân theo được. Những ai sống theo dục vọng của mình thì không thể làm hài lòng Thiên Chúa.” (Rom. 8:7-8)

Ðể tránh trở thành một Giu-đa khác, người ta phải làm sự chọn lựa, ÐỨNG VỀ PHÍA CHÚA, ÐẶT TRỌNG TÂM CỦA ÐỜI SỐNG HẰNG NGÀY VÀO CHÚA từ buổi tinh sương khi thức dậy và luôn luôn trong ngày. Qua việc minh chứng chân lý của Kinh Thánh, “chúng ta cùng chết với Ngài để rồi cùng Ngài sống lại” (Rom. 6:8), chúng ta có thể ngăn cản được sự tấn công của Satan, kẻ làm cho con tim của chúng ta trở nên chai đá, lơ là với Chúa và cuối cùng phản bội lại Ngài.

Giu-đa đã phản bội Đức Kitô vì ông ta đã không để cho chân lý của Chúa thay đổi mình. Một người sống trong chân lý của Chúa sẽ luôn luôn được một lương tâm chân chính và sự bình an trong tâm hồn, qua những hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Ngược lại, nếu chiều theo dục vọng, người ta sẽ trở nên bất an, không hạnh phúc, rồi cuối cùng trở nên vong thân và mất Chúa mãi mãi...

 
Chỉ có Chúa mới lấp đầy khao khát của con người
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:05 23/03/2011
Chúa Nhật 2 mùa chay (Gioan 4, 5-42)

Có đi cả ngày trời trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung như đoàn dân Do-Thái ngày xưa trong hoang địa mới cảm nhận được cái khát hành hạ người ta đến độ nào và nhu cầu được uống cho đã khát mới bức xúc làm sao. Thế nên khi bị cơn khát dày vò, họ đổ lỗi cho Mô-sê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá. (bài đọc I, sách xuất hành 17. 3-7)

Thế nhưng ngoài cơn khát tự nhiên là khát nước, con người luôn có những khao khát mà không có gì trên thế gian có thể làm cho no thoả. Người ta gọi đây là khát vọng vô biên. Đây là cơn khát về mặt tâm linh nên chẳng có thứ nước nào trên đời có thể làm dịu bớt.

Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng hôm nay (Gioan 4, 5-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải lần lượt chia tay với cả năm người đó, để tìm hạnh phúc với người thứ sáu. Rốt cuộc chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp.

Chính vì thế nên Chúa Giê-su khẳng định với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại.” Qua đó, Chúa Giê-su muốn nói không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.

Ông Arthur Schopenhauer (1788-1860), một triết gia người Đức cho rằng “những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”

Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho người phụ nữ Samari cũng như cho chúng ta một Nguồn Suối mang lại hạnh phúc: “Ai uống nước nầy sẽ lại khát, còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14). Chúa Giê-su chính là Mạch Nước đó.

Xưa kia, Augustinô là người mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy trái tim khao khát của ngài. Mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mô-ni-ca, Augustinô mới khám phá Thiên Chúa là Nguồn Suối đáp ứng khát vọng của ngài và đem lại niềm hoan lạc vô biên. Bấy giờ lòng đầy hoan lạc, Augustinô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”.

Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14)

Lạy Chúa Giê-su, còn rất nhiều người đang khát Chúa mà vẫn chưa tìm thấy Chúa là Nguồn Nước mang lại hoan lạc và no thỏa cho tâm hồn. Xin cho họ được nhận biết Chúa chính là Nguồn Suối mà họ hằng khát khao.

Xin cho chúng con, như người phụ nữ Samari xưa, sau khi gặp được Chúa là Nguồn Nước trường sinh, thì cũng mau mắn giới thiệu cho mọi người đến gặp Chúa, để họ cũng được no thoả nơi Chúa là Mạch Suối mang lại sự sống đời đời.
 
Tấm bánh bẻ ra
Ca Nguyễn
10:11 23/03/2011
Người dân Nhật Bản đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, nơi đó có hàng ngàn thân xác trôi dạt, nơi đó đã tồn đọng bao giọt nước mắt tan thương, và chưa dừng lại ở đó, họ đang phải đối mặt với những hệ lũy khó lường khác nữa. Nhưng chính nơi đó đã để lại và thấy rõ những mảnh vụn- tấm bánh được bẻ ra và trao ban một cách có hiệu quả đáng khâm phục.
Hẳn không ít người còn nhớ câu chuyện được tường thuật của một viên chức người việt, kể về một đứa bé 9 tuổi. Giữa cơn hoạn nạn khốn cùng nhưng lại có những tâm hồn mang đậm tính giáo dục, đã làm không ít bao người phải rơi lễ khi biết được cử chỉ cao đẹp của một “ ý thức tầm cỡ”.
“ Còn nhiều người đói hơn con chú ạh”!
Đó là câu nói gắn liền với hành động của một “ý thức tầm cỡ”. Tôi tạm dùng cụm từ trên để dễ bề so sánh cho điều tôi dẫn chứng sau.
Tháng 10 năm 2010, khúc ruột Miền Trung- Việt Nam đã phải oằn mình chống đỡ một trận lụt được ví như trận Đại hồng Thủy, với con số thống kê số người chết hàng trăm người chứ không phải như các báo đưa tin chỉ có 86 người, thiệt hại về tài chính thì không lường hết chứ không phải chỉ vài tỷ đồng, chưa nói đến là ảnh hưởng của thể lý và tinh thần. Bởi chẳng biết đến khi nào người dân vùng lũ, trẻ em nơi ấy có thể lấy lại được nụ cười. Thế nhưng hãy nhìn xem người ta cư xử với người nghèo như thế nào?
Một đoàn cứu trợ không được tiếp cận người dân, bị Phó Chủ Tịch đuổi thẳng tay với lý do là chưa được phép của chính quyền địa phương đã xảy ra tại xã Quảng Văn, Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình. Rồi một vụ mất hàng cứu trợ ngay trong môi trường giáo dục tại trường tiểu học Long Giang, xã Phúc Đồng, Hương Khê, Hà Tĩnh, như là một chuyện phiếm phu, khi Thầy giáo đang cầm mớ chìa khóa, nhưng lại kêu mất hàng cứu trợ chỉ trong một đêm, sự việc rồi học sinh vùng lũ vẫn được kê danh sách là đã nhận được máy tính, máy in, sách bút. Nhưng đáp lại lời cám ơn với công ty hảo tâm là “hàng đã mất, chìa khóa Thầy vẫn giữ ”(sic). Đau thương hơn nữa, người ta nhẫn tâm để cho người già, trẻ em chết rét khi những cánh quần áo biến thành giẻ lau, quần áo cứu trợ tung bay lơ lửng trải dài từ khu chợ, sân ga, tới quảng trường Hồ Chí Minh và ngay trước mặt tiền những ngôi nhà cao tầng nằm giữa Thành Phố Vinh. Người dân lấy làm phẫn nỗ trước những cử chỉ tàn nhẫn, vô tâm, thiếu trách nhiệm trên của những chức danh.
Hồi còn nhỏ, tôi đã thuộc làu bài ca đến trường, “ lá lành đùm lá rách”. Nhưng khi lớn lên thì xem ra những ông Thầy giáo kia, bà Chủ tịch nọ chưa bằng đứa trẻ 9 tuổi dám nhường phần ăn của mình trong cơn hoạn nạn, vì em luôn ý thức được còn nhiều người đói hơn mình. Người ta càng khâm phục đứa bé ấy bao nhiêu, thì người ta càng phẫn nộ cho những tri thức giởm bấy nhiêu. Tình yêu thương con người đã bị tha hóa một cách tàn nhận đến như vậy đấy! Và hình như người ta đã quá quen thuộc với sự vô cảm của người nghèo đói trong con hoạn nạn.
Mùa chay là lúc thuận tiện nhất để mỗi tín hữu chúng ta thể hiện giới luật yêu thương. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ yêu thương, tha thứ trong những ngày chay thánh, sau đó thì lại thôi. Không phải vậy, giáo hội kêu mời chúng ta hãy quay trở về với một tấm lòng thành, hãy ăn năn sám hối, bám vào tiếng kêu mời của con Thiên Chúa để hoán cải từ tâm, và đó là dịp thuận tiện nhất. Quy lại thì giáo hội mong đợi người tín hữu chúng ta xoay chuyển lại cái tham sân si của mình. Tấm bánh bẻ ra là sự hiệp thông và chia sẻ mà giáo hội luôn kêu mời mỗi người chúng ta hãy sẵn lòng thực thi để cho muôn người được hưởng dùng, việc bẻ ra tấm bánh không nhất thiết phụ thuộc vào một cá nhân hay tập thể nào đó, mà đó là trách nhiệm và lương tri của mọi người. Tấm bánh được bẻ ra hay đúc lại là sự góp công và ý thức của toàn xã hội không phân biệt tầng lớp.
Bốn mươi ngày chay tĩnh đã bước sang một phần hai chặng đường, lời kêu mời hãy ăn năn sám hối vẫn còn vang vọng, quanh ta vẫn còn đó những tấm gương xấu gương lành, nhưng sự khép lại của một đời người sẽ là cái gì! Thân phận con người thật yếu đuối, đôi lúc chúng ta muốn vượt qua những chước cám dỗ nhưng lại làm không được, nhưng với ơn Chúa giúp, những người có lương tri và những người luôn tin vào Tin Mừng sẽ vượt thắng tất cả.
 
Hãy sống lạc quan
Tuyết Mai
10:12 23/03/2011
Sống lạc quan là sao?. Sống lạc quan cónghĩa là trong bất cứ tình huống hay tình cảnh nào, chúng ta cũng biết chấpnhận, và phải vui vẻ chấp nhận, trong biết bao nhiêu Hồng Ân mà Chúa ban chochúng ta hằng ngày. Có nghĩa là khi chúngta sống lạc quan, sẽ rất ít khi chúng ta than phiền và trách móc hay đổ thừacho ai. Tự mình mình làm. Tự mình phải có trách nhiệm trên chính việccủa mình làm hay mình gây ra. Dù việcmình làm đã hư hỏng đến mười mươi, nhưng với sự điềm đạm và kiên nhẫn của mình,sẽ sửa được những gì sai trái chúng ta đã lỡ làm. Sống bên cạnh một người lạc quan, sẽ chochúng ta sự bình thản và rất bình yên. Người lạc quan có thói quen biết sống từng ngày một. Biết xem tất cả những gì mình đã, đang, vàsẽ có, tất tất là Hồng Ân Chúa ban. Nhiều người nhìn người khác lại cho là họ cực khổ và tội nghiệpquá!. Thưa không đúng 100% đâu!. Không những thế mà có thể chúng ta đã đánhgiá rất sai cho người đó. Thường conngười sống lạc quan, họ rất tự chủ và tự tin những gì xẩy đến cho họ, và họchấp nhận tất cả!. Cả cái sai trái củahọ nữa!. Khi họ biết họ sai thì họ sẽsửa và rất chân thật để đi xin lỗi người. Hay dễ cho người nói những lời nói cảm ơn khi ai giúp họ làm điềugì.

Nhữngngười sống lạc quan thường rất tự tin nơi chính mình. Họ chẳng cần phải bắt chước ai, hay học theoai những gì gọi là thói đời hư hỏng, không thực tế lắm!. Thường thì người sống lạc quan rất biếtngười và biết ta. Rất biết sống kính sợThiên Chúa. Và rất biết sau cuộc đờinày họ sẽ đi về đâu!?. Người có lốisống lạc quan họ rất vui vẻ với người và không bao giờ có con mắt xách mé để ýdòm chừng ai cả!. Đối xử ai cũng nhưai, vì họ hiểu được rằng ai cũng có cái nết xấu nết tốt trong người. Nên họ chọn cái tốt của người mà họ chơi vàkết bạn. Có phải mệt lắm thay, khi cuộcđời trần thế của chúng ta thì ai cũng có Thánh Giá riêng để vác? Sao ta lại cứmuốn Thánh Giá của người phải nặng hơn của mình, thì mới vui vẻ. Hay ta cứ muốn anh chị em của mình phải nghèođói xác xơ hơn, để mừng vui trong dạ. Hoặc nếu chúng ta không chỉ trích người, nói xấu người, hay lên án ngườithì ngày ấy chúng ta sẽ ăn không ngon và ngủ không yên?.

Cóphải cuộc sống của con người trên trần gian đầy khổ ải này, vẫn chưa đủ mệt mỏicho chúng ta hay sao?. Nhất là nhữnglời than thở nghe như ai oán, ỉ ôi!. Nhất là những lời chua cay đắng đót để tặng cho nhau. Nhất là gieo vào lòng con trẻ những hình ảnhkhông tốt, cộng tất cả những bi quan mà chúng ta đã vô tình dậy cho chúngtrẻ. Cách đó không dẫn đưa con trẻ đếnđược một tương lai an lành và tốt đẹp. Sống lạc quan chẳng những cho chính chúng ta có được cuộc sống yêu đời,cho gia đình được giây phút thoải mái, và bình an. Và mọi người chung quanh nhờ đó mà bắt chướchọc theo chăng?. Con người sống tronglạc quan thường tìm thấy hạnh phúc dù rất nhỏ chung quanh mình. Họ biết dừng chân để thở và để ngắm hoa quảđồng nội. Nhìn ngắm thiên nhiên hùng vĩvà đẹp đẽ làm sao. Chim trời cá biển vàmọi sinh linh đang sống và đang thở chung quanh chúng ta. Tất cả cùng hòa chung nhịp điệu của cuộcsống. Hít thở khí trời để cảm nhậnThiên Chúa tràn đầy yêu thương. Mộttình yêu cho nhân loại rất nhưng không.

Cảmtạ Thiên Chúa hằng ngày cũng đủ cho chúng ta hạnh phúc tràn trề. Kiếm tìm hạnh phúc đâu cho xa?. Ngay trước mặt chúng ta là có gia đình. Sống trên đời còn hạnh phúc nào bằng tìnhgia đình?. Vợ hiền, con ngoan, conthảo?. Cuộc đời trần gian thì như cơngió thoảng, xem sự việc phiên phiến mà thôi!. Cư xử với anh chị em bằng trái tim cởi mở và thông cảm, vì ai biết cuộcđời sau này của ta ra sao? Hôm nay ta còn trên lưng voi nhưng ngày mai đây talại xuống lưng chó ngồi. Cuộc đời thayđổi ai biết đâu mà ngờ. Nhưng nếu tasống luôn tốt thì dù hôm nay chúng ta nghèo hay ngày mai chúng ta giầu, thì aicũng yêu thương chúng ta mà không nỡ bỏ không giúp đỡ.

Luậtsống của con người không khác với luật Yêu Thương của Thiên Chúa. Chúa dậy chúng ta thật nhiều là phải yêuthương nhau. Có yêu thương thì “một câylàm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Còn ngược lại nếu chúng ta sống không biếtyêu thương nhau thì có 10 cây cũng thành tan tác hoang sơ trụi lủi. Cuộc đời con người sống có Chúa, luôn đượcChúa ban cho cuộc sống đầy lạc quan. Dùphong ba bão táp, có Chúa trong đời, ta sẽ trải qua mọi thử thách một cáchkhông khó mấy!. Còn quyền lực nào chobằng quyền lực của Thiên Chúa?. Nươngtựa ai cho bằng nương tựa vào Thiên Chúa?. Linh hồn nào khôn ngoan cho bằng đặt hết niềm cậy trông vào ThiênChúa?. Thế giới nào hạnh phúc cho bằng Quê Hương của chúng ta ở Trên Trời?. Nơi mà Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần đang trông đợi, chờmong những đứa con luôn sống khát khao để được nhìn ngắm Thiên Nhan và ThiênQuốc của Người. Amen.
 
Cái khát của con người
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:15 23/03/2011
Chúa Nhật III Mùa Chay A
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III mùa Chay, đặc biệt bài đọc thứ nhất (Xh 17,3-7) và bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) hướng chúng ta đến chủ đề “nước”. Đi trong sa mạc, dân Chúa xưa đã nổi loạn với Môsê vì thiếu nước và Thiên Chúa đã ban cho họ nước chảy ra từ tảng đá tại Horeb. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu đã dừng chân bên giếng nước Giacob, Người đã xin một phụ nữ Samaria chút nước và Người hứa ban cho chị ta nước trường sinh.
Nói đến nước là nói đến một trong những nhu cầu căn bản của con người xét như loài có sự sống. Thiếu nước là như sự chết đang cận kề. Người ta có thể vượt qua những thiếu thốn của cải, tiện nghi… và người ta cũng có thể chịu đựng cái đói trong một thời gian khá dài, trên dưới một tháng, thế nhưng không một ai có thể cầm cự với cái khát quá dăm bảy ngày. Chính vì thế mà việc đáp ứng nhu cầu khát nước trở thành một việc cấp thiết mang tính sống còn. Vượt trên các loài sinh vật bậc thấp, loài người chúng ta ngoài cái khát tự nhiên là khát nước thì còn có nhiều nổi khát xuất phát từ nhu cầu của sự phản tỉnh hay sự tự nhận biết về hiện hữu của mình.
A. Những cái khát của kiếp nhân sinh:
1. Khát mong được nhìn nhận: Tôi là một con người. Đây là một chân lý hiển nhiên. Thế mà vẫn đã từng có, trong quá khứ và ngay cả hôm nay, rất nnhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người. Đó là trẻ em, phụ nữ, người nô lệ, người bất hạnh, quả phụ, cô nhi, ngoại kiều, người nghèo hèn, kém phận… Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy rõ hiện tượng này. Các Ngôn sứ đã không ngừng lên tiếng về đề tài này. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacob phải chăng không là ngoại lệ. Dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà có thể chị chưa được nhìn nhận như là một người vợ? Phải chăng chị vẫn còn bị xem như một thứ “sở hữu” của người chồng?
Khi sinh thời mẹ Têrêxa thành Calcutta gặp gỡ rất nhiều người bất hạnh, xấu số. Sau khi gặp mẹ, họ đã từng tâm sự rằng: họ mãn nguyện vì cho dẫu chưa được sống như một con người thì họ cũng đã được chết như một con người. Chúa Kitô mạnh mẽ tuyên bố rằng không cần đã giết người thì mới bị đoán phạt, nhưng nếu loại bỏ tha nhân từ trong tâm trí và lối ứng xử của ta tức là không nhìn nhận tha nhân như là một con người thì ta cũng đã đáng bị trừng phạt (x.Mt 5,21-22).
Người ta không chỉ khát khao được nhìn nhận như một con người mà con mong được nhìn nhận như là một người khác. Điều này nói lên sự độc lập, khác biệt của tha nhân đối với ta. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, dù nỗ lực làm cho “mình với ta tuy hai mà một” nhưng họ vẫn phải luôn ý thức để tôn trọng sự thật “ta với mình tuy một mà vẫn là hai”. Quả thật người ta sẽ chẳng còn là chính mình một khi bị đồng hóa do bởi một ai đó hay bởi một thế lực nào đó.
2. Khát mong được chấp nhận và được đón nhận: Được nhìn nhận như là một con người, như là một người khác vẫn chưa đủ nếu ta không được kẻ khác chấp nhận và đón nhận. Từ đáy sâu thẳm của từng người, luôn có đó khát mong được tha nhân chấp nhận và đón nhận mình như mình đang là, đang có. Một trong những lẽ sống của con người là khi thấy mình còn có giá trị, đang còn hữu ích cho ai đó. Và điều này được chứng thực khi tha nhân chấp nhận và đón nhận ta. Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến cho nhiều người, kể cả giới trẻ tìm đến cái chết bằng sự tự vẩn thì người ta nhận ra một trong những nguyên nhân chính đó là vì họ mang mặc cảm bị người chung quanh khước từ.
Con người chúng ta thường bị cám dỗ chấp nhận hay đón nhận kẻ khác“với điều kiện”. Người ta phải thế này, phải thế kia thì tôi mới nhận, mới tiếp. Có những điều kiện mang tính khách quan, nhưng cũng không thiếu những điều kiện mang tính chủ quan hoặc duy ý chí. Điều này mặc nhiên nói lên rằng ta sẽ chỉ nhận nhau khi hội đủ điều kiện theo ý mình và nếu vì lý do gì đó mà không đủ điều kiện thì sẽ bị loại trừ.
B. Chúa Kitô: Đấng giải khát cho nhân loại:
“Chị cho tôi xin chút nước uống”. Khi mở miệng xin người phụ nữ chút nước, Chúa Giêsu nhìn nhận sự hiện hữu của chị và cả sự cần thiết của chị. Tin mừng tường thuật Chúa Giêsu đi đường mỏi mệt, Người đang cần nước uống và Người không có gầu. Như thế việc Người xin chị phụ nữ cho chút nước là một việc tự nhiên, rất thật của đời thường. “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”. Không đơn thuần là câu hỏi vặn ngược mà thực chất là lời khẳng định của chị: Dù là Samaria, dù là phụ nữ, thì tôi cũng là một con người như ông và ông đang cần tôi. Chị Samaria đã được giải khát, môt cái khát nền tảng của kiếp nhân sinh là được nhìn nhận.
“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời giới thiệu của chị phụ nữ với dân làng đã nói lên sự thỏa khát vô bờ của chị. Chị đã được Chúa Giêsu đón nhận như chị đang là, dù chị đã trãi đời với năm người đàn ông và đang chung sống bất chính với người thứ sáu. Mà chắc gì người thứ sáu này sẽ nhận chị! Chúng ta đừng quên thời bấy giờ hiếm có chuyện đàn bà bỏ đàn ông mà ngược lại.
Các Ngôn sứ thường lên án tội lỗi của dân Chúa xưa và loan báo các hình phạt họ phải chịu. Thế nhưng sau đó lại gợi mở về sự khoan dung tha thứ của Chúa. “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nỗi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!...Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,7-8). Mọi người và mỗi người đều có chỗ đứng trong Trái Tim Cực thánh của Đấng Cứu Độ. Không một ai là đồ bỏ đi. Bất cứ ai cũng đều được Thiên Chúa đón nhận, chỉ trừ khi họ cố tình khước từ. Vì đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 12,32).
“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước trường sinh” (Ga 7,38). Biết bao con người đang khát ở quanh ta. Là Kitô hữu, ước gì chúng ta góp phần giải khát cho tha nhân khi nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau.
 
Đối thoại Truyền tin
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:22 23/03/2011
Thiên Sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria là một cuộc đối thoại. Các nhà chú giải đã chia ra ba sườn chính về thể văn mà thánh Luca sử dụng trong cuộc đối thoại của khung cảnh Truyền Tin.

- Thể văn báo tin việc sinh hạ :
*Thiên sứ hiện ra – Phản ứng của người được thị kiến là sợ hãi – Lời loan báo về việc thụ thai và sinh hạ, đặt tên cho con trẻ, tương lai của con trẻ – Chất vấn: làm thế nào được? – Thiên sứ khẳng định điều loan báo với một dấu hiệu.
*Ví dụ: báo tin về sự sinh ra của Isaac (St 17), Samson (Tl 13, 1-23), Samuel (1Sm 1), Gioan Tẩy Giả (Lc 1, 5-25).
*Nội dung sứ điệp là loan báo về việc Thiên Chúa can thiệp lạ thường nơi một phụ nữ sinh ra một người con làm vị cứu tinh dân tộc.

- Thể văn kêu gọi vào một sứ mạng :
*Thiên sứ hiện ra – Ơn gọi sứ mạng – Giải thích và dấu hiệu – Kết luận.
*Ví dụ: Maisen (Xh 3, 1-12), Geđeon (Tl 6, 11-23)
*Thiên sứ hiện ra trực tiếp cho người được Chúa gọi.

- Thể văn giao ước, hay lập lại giao ước:
Một người trung gian như Ngôn Sứ, Vua, Tư Tế trình bày ý định của Thiên Chúa và toàn dân đáp lại “Chúng tôi sẽ thực hành điều Ngài dạy” (Xh 19, 7; 24, 3-7; Er 10, 12; Nkm 5, 12).

Cả ba thể văn bổ túc cho nhau diễn tả sắc thái độc đáo có một không hai trong lịch sử qua biến cố Truyền Tin. Để thấy được sự trang trọng, độc đáo của cuộc đối thoại Truyền Tin, cần so sánh khung cảnh truyền tin của Thiên sứ Gabriel cho ông Zacaria và cho Đức Maria.

- Về địa điểm :
Thiên sứ hiện ra với Zacaria ở đền thờ Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của Israel, giữa làn khói hương nghi ngút. Với Đức Maria, Thiên sứ đến gặp Mẹ tại Nazareth, một thôn làng chẳng mấy ai biết đến (Ga1,46; 7,41). Nazareth thuộc miền đất Galilê, gần vùng dân ngoại (Is 8, 23; Mt 4,14).

- Về nhân vật :
Zacaria là tư tế thuộc giòng Abia, Isave thuộc giòng Aaron. Cả hai ông bà thuộc thành phần có địa vị xã hội. Hai ông bà tuân giữ lề luật chu đáo (Lc 1, 6). Họ tượng trưng cho người công chính theo Cựu ước. Còn Maria chỉ là một thôn nữ tầm thường, một người nghèo của Giavê.

- Đi vào nội dung đối thoại thì hoàn toàn đảo ngược.
Thái độ của Thiên sứ :
* Với Zacaria : Thiên sứ coi mình như chủ nhà. Giọng nói Thiên sứ như ra lệnh, thị oai. Thiên sứ phạt Zacaria khi ông tỏ dấu nghi ngờ.
* Với Maria : Thiên sứ là khách, đi đến nhà của Maria, một làng quê hẻo lánh. Thiên sứ tỏ vẻ kính cẩn vì nhìn thấy nơi thôn nữ mộc mạc dáng vẻ oai nghi của “Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng ”

- Công trạng và ân huệ
* Với Zacaria: Thiên sứ bảo rằng: Lời cầu nguyện của ông đã được Chúa chấp nhận, vợ ông sẽ thụ thai (Lc 1, 13). Như vậy tất cả đều dựa trên công trạng phúc đức của con người, đúng theo tinh thần Cựu ước.
* Với Đức Maria: Tất cả đều là Ân huệ của Chúa. Thiên sứ chào Maria là “người được Thiên Chúa yêu thương chiếu cố” (Lc 1,28). Mọi sự đều là ân huệ và tình thương của Chúa.

- Kết quả : Zacaria bị quở trách vì “không chịu tin vào Lời Chúa” (Lc 1, 20). Maria được ca ngợi vì “đã tin rằng Lời Chúa sẽ thực hiện” (Lc 1, 45. 38). Isave được cưu mang Gioan “sẽ làm lớn trước mặt Chúa ” (Lc 1, 15). Maria cưu mang “Con Đấng Tối Cao ” (Lc 1, 32), “Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Đức Maria, ta thấy rằng: công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa là cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời được bắt đầu một cách rất âm thầm. Một cuộc đối thoại Truyền Tin tại một làng quê, giữa Thiên Sứ với một thôn nữ chẳng mấy người biết. Chúa Giêsu đã diễn tả sự khởi đầu bé nhỏ nhưng thành quả lại lớn lao qua dụ ngôn hạt cải: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4, 31-32). Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức nhỏ bé. Như thế người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy Ngài là một Thiên Chúa vĩ đại: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ”( 1Cr 1, 27).

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Thiên Chúa chọn những ai sống đẹp lòng Ngài. Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9, 12. 16), và cũng vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ân huệ nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận. Thiên sứ nói với Đức Maria: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế Đấng Thánh con của bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc. 1, 35).

Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên”. Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước. Câu Xh 40, 34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”. Việc Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” có ý nghĩa thâm sâu. Luca so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt Hòm Giao Ước của Thiên Chúa. Luca so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria thì có “Thiên Chúa hiện diện ” trong Mẹ. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của Ngài trong “lều tạm”. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt. Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Đức Maria đã tự do đáp tiếng “Xin vâng ”.

Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 56, Công Đồng Vatican II đã giải thích ý nghĩa quan trọng của câu chuyện Truyền Tin và sự ưng thuận tự do của Đức Maria: “Các thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại ”. Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria ; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”. Và so sánh với Evà, các Giáo phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh ” và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống ”.

Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Lần Thứ 18 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ rằng: Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria trao ban bản tính nhân loại cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ với lời tự do chấp nhận: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Dưới chân Thánh Giá, nơi thánh Gioan, Đức Maria đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn mình : “Hỡi bà, này là con bà”. Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố Nhập Thể, Mẹ đã trở thành Mẹ loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Con Mẹ. Cuộc đối thoại Truyền Tin là khoảnh khắc Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời.

Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi muốn trở thành một con người giữa nhân loại. Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một đến giữa chúng ta, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài đối với trần gian. Giây phút Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân. Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời. Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể. Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).

Ngắm thứ nhất Mùa Vui: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Lời kinh mỗi người chúng ta dâng lên từ mầu nhiệm này là xin cho mình được sống khiêm nhường. Đức Maria vâng lời Chúa qua trung gian của Thiên thần. Mẹ biểu lộ nhân đức khiêm nhường tuyệt vời. Vâng phục Chúa, qua “xin vâng” như lời Thiên thần truyền. Mẹ nhận mình là một người tôi tá. Rõ ràng, trong sự vâng phục, trong tiếng xin vâng của Mẹ là một niềm trông cậy. Mẹ tin tưởng phó thác cả đời sống cho Đấng đã tuyển chọn mình.

Đức khiêm nhường là nhân đức nền tảng, từ đó mới có thể xây dựng lâu đài các nhân đức khác. Giữa lòng Mùa Chay Thánh, mừng lễ Truyền Tin, học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường. Mùa Chay là mùa sám hối để canh tân. Mùa Chay là mùa đổi đời, trút bỏ đi những gì là cồng kềnh, những gì là cũ kỹ, những gì là tăm tối, những gì là tội lỗi để khoác vào đời sống của mình một tấm áo mới trong niềm tin yêu Chúa. Lòng khiêm tốn, sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Marialà mẫu gương cho chúng ta noi theo. Luôn thưa xin vâng với Chúa trong khiêm nhường của người tôi tớ, để cảm nghiệm mình được hân hạnh cộng tác với Chúa và thấy Chúa đang làm biến chuyển tâm hồn sẵn sàng cưu mang Chúa trong tâm hồn mình. Đó là niềm vui muôn thưở của người Kitô hữu hôm nay.
 
Cho tôi xin nước uống
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:14 23/03/2011
Chúa Nhật 3 Mùa Chay

Sứ điệp Mùa Chay năm 2011 có đoạn tóm tắt ba ý tưởng của bài Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay như sau: “Chị cho tôi xin nước uống” (Ga 4,7). Lời thỉnh cầu này của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria, được tường thuật lại cho chúng ta trong phụng vụ của Chúa Nhật thứ ba, diễn tả tình yêu tha thiết của Thiên Chúa đối với mọi người và muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta ước muốn trao ban “nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (câu 14). Đó là ân huệ Chúa Thánh Thần, Đấng biến các kitô hữu thành “những người thờ phượng đích thực”, có khả năng cầu xin Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (câu 23). Chỉ duy nước này mới có thể làm đỡ cơn khát sự thiện, sự thật và vẻ đẹp của chúng ta ! Chỉ nước này, được ban cho chúng ta qua Chúa Con, mới có thể tưới mát những sa mạc của tâm hồn lo lắng và không được thỏa mãn “bao lâu nó không nghỉ yên bên Chúa”, theo kiểu nói danh tiếng của thánh Augustinô. (số 2).

1. “Cho tôi xin nước uống." (Ga 4,7).

Bài Tin Mừng kể lại một cuộc gặp gỡ nhìn qua rất bình thường giữa một khách bộ hành khát nước và một phụ nữ đi múc nước. Người phụ nữ Samaria mỗi ngày ra giếng kín nước. Giếng Giacóp sâu 39m nên việc múc nước cho người và gia súc uống rất khó nhọc. Tại Palestina, một đất nước khô khan, cằn cỗi thì nước cũng quý hóa như lúa, như gạo, nước là nguồn sống cơ bản của con người. Dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc, không có nước uống, đã cảm thấy cái nguy sắp phải chết, nên đã kêu trách ông Môsê, bài đọc 1 kể lời trách móc đó: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì? Có phải là để chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?”.

Thế nhưng, cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Giacóp thật lạ lùng. Sau một cuộc hành trình xa dưới nắng nóng, mệt mỏi, Chúa Giêsu khát nước, đến giếng nước và gặp người kín nước. Giếng nước có liên hệ tới vài câu chuyện trong Cựu ước. Ở miền Cận Đông thời xưa, giếng nước là nơi tốt nhất để gặp gỡ. Sách Sáng Thế cho hai ví dụ xảy ra ở giếng nước đều đánh dấu một biến cố quan trọng trong lịch sử dân Israel: người lão bộc của ông Abraham gặp cô Rêbêca vào trao nhẫn cưới, hỏi vợ cho Isaac (St 24,10-27); Ông Giacóp và cô Rakhen gặp nhau tại giếng nước và nên duyên vợ chồng (St 29,1-14).

Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin. Xin nước uống là tạo dịp gặp gỡ, là bắc một nhịp cầu qua vực sâu ngăn cách hai dân tộc Samaria và Do thái vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ ngàn xưa. Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Chúa Giêsu lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samaria. Chúa Giêsu đã phá bỏ những hàng rào ngăn cách để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.

Khát nước và xin nước uống là một điều tự nhiên bình thường. Nhưng ở đây không phải Chúa khát nên xin nước uống mà chỉ là dịp để Ngài đề cập đến một vấn đề quan trọng hơn. Chúa muốn nói cho phụ nữ biết: chính chị là người đang khát, và Chúa cũng muốn nói cho chị biết: Ngài là ai, là người sẽ làm cho chị hết khát: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”.

Từ việc xin nước uống, Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ Samaria biết Ngài là Đấng Cứu Thế khao khát nhân loại “Ngài là người đến tìm chúng ta trước. Ngài xin ta cho Ngài nước uống, vì Thiên Chúa khao khát chúng ta” (GLCG # 2560).

2. “Nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Những cuộc gặp gỡ đối thoại với Nicôđêmô,Matta và Maria, Lêvi, Giakêu… Chúa Giêsu đều giúp họ thay đổi cuộc đời.

Bài tường thuật cho thấy một quá trình thay đổi nhận thức của người phụ nữ về Chúa Giêsu. Trước hết chị ta nhận thấy Chúa Giêsu là một khách bộ hành lạ mặt, một người Do Thái (câu 9). Nhưng khi Chúa Giêsu tỏ ra thấu hiểu cuộc đời riêng tư của chị, thì chị nhận ra đó là một vị Ngôn Sứ (câu 19). Cuối câu chuyện, chị được biết thêm Ngài là Đấng Kitô (c.25–26). Sau đó dân làng Samaria tuyên xưng “Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (c.42). Người phụ nữ Samaria cũng thay đổi trong ngôn ngữ khi nói chuyện với Chúa. Lúc đầu chị gọi Chúa Giêsu là Ông, kế đó là Thưa Ngài, rồi từ việc nhận thức Ngài là một tiên tri đến Đấng Thiên Sai.

Khi đã khám phá được con người của Chúa Giêsu, người phụ nữ Samaria cũng khám phá ra được thứ nước mà Ngài muốn ban tặng. Lúc đầu, khi nghe nói đến nước, người phụ nữ nghĩ tới thứ nước trong giếng Giacóp. Nhưng rồi, từ thứ nước bên ngoài ấy, Chúa Giêsu đã dẫn người phụ nữ đi tìm thứ nước nằm ngay trong lòng con người, thứ nước đem lại sự sống đời đời. Thứ nước ấy chính là Thần khí và Sự thật.

Giống như Philipphê khi đã gặp được Chúa Giêsu liền đi tìm Nathanaen để loan báo Tin Mừng; Bà Maria Mađalêna đã vội vã đi tìm các môn đệ và loan báo là đã gặp thấy Chúa; Người phụ nữ Samaria không còn quan tâm đến giếng nước và vò nước nữa, chị chạy một mạch về làng, thông báo về nước hằng sống vừa khám phá: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Mọi người tin lời chị, họ đến gặp Chúa Giêsu và họ cũng tin Chúa. Sau khi gặp Chúa, người phụ nữ đã tin và làm chứng cho Chúa giữa những người Samaria trong làng. Chị đã dẫn đưa bà con trong làng đến gặp Đức Kitô, nguồn nước hằng sống. Dân làng sau khi gặp Chúa, đã xin Chúa ở lại với họ, và hân hoan tuyên xưng rằng: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

3. “Thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Trong bài đọc II, thánh Phaolô so sánh ơn Chúa Thánh Thần với một thứ nước kỳ diệu mà Thiên Chúa đổ vào lòng các tín hữu. Đó là Thánh Thần tình yêu. Thánh nhân viết: “trông đợi như thế (nghĩa là trông đợi hưởng vinh quang với Chúa), ta sẽ không thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta”.

Nước Hằng Sống mà Chúa Giêsu ban tặng chính là Thánh Thần tình yêu. Từ nay nhân loại thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Để giải thích điều này, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Nếu Thiên Chúa là thần khí, thì để gặp Ngài, con người cũng phải dùng thần khí của mình tức tâm hồn mình để gặp Ngài. Vì chỉ có thần khí mới gặp được và hòa nhập được với thần khí. Như vậy nghĩa là phải gặp Ngài trong chính tâm hồn mình. Thật vậy, nơi dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất, chính là cung lòng của mỗi người chúng ta. Không gì linh thánh bằng con người, hay tâm hồn con người, vì “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23). Và cũng không nơi nào linh thiêng bằng cung lòng con người: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,17; 6,19). Có gặp được Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình, thì mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh Thể, trong nhà thờ, trong tha nhân, trong thiên nhiên. Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình mà mình không gặp được, thì mong gì gặp được Thiên Chúa ở bên ngoài. Thánh Augustinô đã từng than thở: “Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con”. Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, còn phải gặp Ngài trong sự thật. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, người gian dối, không thành thật thì không thể gặp được Ngài.

Lời mạc khải của Chúa Giêsu bên giếng Giacóp mời gọi chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thờ phượng “trong thần khí” là thờ phượng theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; thờ phượng “trong sự thật” là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Thờ phượng Chúa Cha, dưới tác động của Chúa Thánh Thần và được nuôi dưỡng bằng mọi chân lý đến từ Chúa Giêsu. Khi tụ họp với nhau hay khi làm việc thờ phượng cách riêng rẽ, chúng ta đều được Thánh Thần trợ giúp để có thể cầu nguyện, ngợi khen, thờ phượng, cảm tạ, tuyên xưng Chúa Kitô và Thiên Chúa.(x. Ep 5,18-20; 6,18; Rm 8,26-27; Cl 3,16-17).

Hãy tin vào Chúa Giêsu để lãnh nhận nước hằng sống, hầu mang lại sự sống đời đời là chính là Thánh Thần tình yêu của Thiên Chúa. Tin là gặp gỡ Chúa Giêsu như người phụ nữ Samaria và những người đồng hương của chị đã gặp và đã khám phá ra nguồn nước trường sinh. Niềm tin vào Chúa Giêsu là điều kiện cần thiết để được ơn cứu độ, và niềm tin ấy là hoa quả của Thánh Thần (x. Ga 5,22; 1Cor 1,9). Con người có niềm tin viên mãn cũng là con người đầy Thánh Thần (Cv 6,5; 11,24). Sứ vụ của Thánh Thần là củng cố, làm cho niềm tin phát triển và trở nên viên mãn. Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Con Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết khao khát, tìm kiếm và sống các mầu nhiệm đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican nói các nghiên cứu về triết học của giáo hội phải chống lại những hoài nghi về sự thật
Bùi Hữu Thư
06:53 23/03/2011
VATICAN (CNS) – Một tài liệu mới của Vatican nói: Khi huấn luyện các linh mục và giảng dậy các sinh viên về triết học, Giáo Hội Công Giáo phải chống lại một cảm nghĩ đã lan rộng rất nhiều là không có gì là chân lý trường cửu, và khách quan.

Tòa Thánh nói, vì có rất nhiều sinh viên bị ảnh hưởng bời nền văn hóa hoài nghi sự thật, sẽ cần phải có thêm một năm học nữa trước khi một sinh viên có thể có được bằng cử nhân triết học được Giáo Hội công nhận.

“Sắc lệnh về việc Cải Tổ Môn Triết Học của Giáo Hội,” được phổ biến ngày 22 tháng Ba tại Vatican, cập nhật hóa các tiêu chuẩn được ban hành năm 1979. Sắc lệnh này được Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, giám quản Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, ký và trình bầy.

Phần mở đầu của sắc lệnh nói việc cải tổ cần thiết chính là vì có một biến chuyển trong ý thức văn hóa về “quan niệm chân lý”. Thực vậy, nhiều khi có sự mất tin tưởng vào khả năng của trí thông minh con người để đạt được chân lý khách quan và hoàn vũ -- một sự thật con người có thể dựa vào đó để định hướng cho cuộc đời của họ.”

Sắc lệnh nói người ta phải ý thức rằng trừ khi có những cái gì là sự thật, thì không có cái gì là bác ái và yêu thương chân thành. Tài liệu này cũng nói: Môn triết học giúp cho người ta biết công nhận tầm quan trọng của lý luận của con người và giúp họ trau dồi khả năng luận lý để có thể phân định sự thật. Đồng thời, các nghiên cứu về triết học chuẩn bị cho họ học môn thần học bằng cách giúp họ nhìn nhận rằng kiến thức và chân lý không chỉ giới hạn ở những gì họ có thể thấy và đụng chạm được.
 
TT Hoa Kỳ Barrack Obama viếng mộ phận đức cố TGM Roméro
Dominic David Trần
08:48 23/03/2011
Tổng Thống Hoa Kỳ Obama kính viếng mộ phần Đức cố Tổng Giám Mục Roméro

để tỏ bày sự ủng hộ sứ vụ của Vị Lãnh đạo Nhân Quyền đã bị ám sát chết.

Thủ Đô SAN SALVADOR, nước Cộng Hòa El Salvador lúc 22:30PM EST ngày 22/03/2011 theo tin mới cập nhật của Thông Tấn Xã Canada và AP của Hoa Kỳ - Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đứng trang nghiêm, đôi mắt nhắm lại trong những phút mặc niệm cá nhân trước mộ phần của Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, cố Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Công Giáo Thủ Đô San Salvador của nước Cộng Hòa El Salvador. Đức cố TGM Romero, Đấng Bản Quyền của Giáo Hội Công Giáo El Salvador đã được vinh danh như là vị Anh Hùng Dân Tộc (a national hero) của nước này- được kính trọng như một khuôn mặt lừng danh quốc tế trong phong trào Nhân Quyền hiện đại - Đức TGM Romero đã không ngừng tranh đấu cho những người nghèo khổ trong suốt cuộc nội chiến đẫm máu của nước El Salvador.

Chuyến viếng thăm vào lúc 10:30PM tối nay Thứ Ba 22/03/2011 của Tổng thống Hoa Kỳ Obama tại mộ phần của Đức Tổng Giám Mục Romero; là những giờ phút cuối cùng của chuyến công du chớp nhóang 5 ngày đi thăm các nước Châu Mỹ LaTinh; đã là một cử chỉ mang tính chất biểu tượng mà một số các nhà quan sát và bình luận trên thế giới gọi là Sự Công nhận của Chính Phủ và Nước Hoa Kỳ đối với sự nghiệp cao cả của Đức Tổng Giám Mục Romero.

Tổng Thống Obama cùng Đức Cha Jose Luis Escobar Alas, Tổng Giám Mục San Salvador đương nhiệm, đã tham quan Đại Thánh Đường Quốc Gia El Salvador và để bày tỏ lòng kính trọng trước vị lãnh đạo Công giáo đã bị ám sát chết cách đây 31 năm bởi một sĩ quan của quân đội El Salvador- một đội quân do Hoa Kỳ hậu thuẫn trước đây.

Ngày nay, Đức cố TGM Romero đang ở trên đường của tiến trình Giáo Hội Công Giáo mở hồ sơ xin tuyên phong Hiển thánh cho ngài tại Tòa Thánh Vatican. Đức cố TGM Romero đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại mọi sự áp bức, bách hại của quân đội Salvador bạo tàn- vì trong suốt 12 năm nội chiến họ đã giết chết ít nhất là 75,000 thường dân vô tội của đất nước này. Cái giá máu ngài phải trả là: Đức TGM Romero đã bị ám sát chết bởi một viên đạn bắn trúng ngay vào tim ngài khi Đức Tổng Giám Mục Romero đang dâng Thánh Lễ trong nguyện đường của Bệnh viện thủ đô San Salvador vào ngày 24 tháng Ba năm 1980.

Trong bài giảng Thánh Lễ vào một ngày trước đó, (hình chụp ngài trong ngày 21 tháng Ba năm 1980 kèm theo) Đức Tổng Giám Mục Romero, lúc ấy 63 tuổi , đã khuyến nhủ Quân Đội El Salvador rằng; " Trong danh thánh Chúa và vì những người dân Salvador đang chịu bao khổ đau, tôi cầu nguyện, tôi xin các anh em, tôi yêu cầu anh em, tôi ra lệnh cho anh em, nhân danh Thiên Chúa - các anh em hãy chấm dứt ngay việc bách hại, tàn sát đồng bào."

Các chiến sĩ du kích thuộc tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Farabundo Marti (FMNL) , nhóm phiến loạn có vũ trang ngày trước- giờ đây đã trở thành một Đảng phái chính trị công khai của nước này, đã gọi chuyến công du của Tổng Thống Obama là chuyến viếng thăm mang tính chất lịch sử. Tổng Thống Mauricio Funes, người đầu tiên thuộc Đảng thiên Tả đã được bầu lên làm Tổng Thống El Salvador vào năm 2009- đã phá vỡ thời kỳ 20 năm dài cầm quyền của Đảng bảo thủ cánh Hữu Nationalist Republican Alliance (Đảng Liên Minh Cộng Hòa Quốc Gia - NRA) . Ngày 24 tháng Ba năm 2010, nhân danh Chính Phủ Salvador - Tổng Thống Maurio Funes thay mặt nước Cộng Hòa chân thành xin lỗi về vai trò của chính phủ trong sự ám sát Đức Tổng Giám Mục Romero (xin xem lại bài này của VietCatholic đăng ngày này năm 2010.)

Tổng Thống Hoa Kỳ Obama và Tổng Thống El Salvador Funes sau đó đã cùng thắp nến trên hai bên thành mộ phần của Đức TGM Romero (xem hình), ngôi mộ của ngài được tạc theo tư thế như ở lễ quốc táng ngài , với hai tượng có khuôn mặt 2 người nữ đối diện ở hai góc mộ.

Robert White, Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại El Salvador trong đầu thập niên 1990, tuần qua đã tuyên bố; " Chuyến công du viếng thăm El Salvador lần này là một bản tuyên cáo rằng là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không còn xác định nước này có liên quan với những chính phủ độc quyền toàn trị nữa."

Cho đến giờ này chưa có cá nhân nào chính thức bị tuyên án về tội giết chết Đức cố Tổng Giám Mục Romero.

Ủy Ban Công Lý và Sự Thật Quốc Gia El Salvador đã được thành lập; ngay sau khi Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại Hòa Bình tại El Salvador ký kết trong năm 1992; đã xác định rằng một trong những kẻ chủ mưu ra lệnh ám sát Đức TGM Romero- chính là Chuẩn úy Roberto D'Aubuisson, một trong những sáng lập viên của Đảng bảo thủ cánh Hữu Nationalist Republican Alliance (Đảng Liên Minh Cộng Hòa Quốc Gia - NRA). Trước khi chết vì bệnh ung thư vào năm 1992, D'Aubuisson chối rằng y không có ra lệnh ám sát Đức TGM Romero; và Đảng cánh Hữu của y không bao giờ chấp nhận kết qủa thanh tra của Ủy Ban Công Lý và Sự Thật Quốc Gia El Salvador. Tất cả những cá nhân khác có tham gia trong việc ám sát Đức TGM Romero và hơn 75,000 người dân El Salvador vô tội - sẽ không bao giờ bị trừng phạt bởi theo một lệnh ân xá cho họ được dàn xếp vào năm 1993.

Đức TGM Romero sinh ra trong một gia đình khiêm hạ thuộc tỉnh miền Tây Salvador; ngài đã tỏ ước vọng tu trì và trở thành giáo sĩ ngay từ thời tuổi nhỏ.

Suốt trong cuộc nội chiến, các Biệt Đội Hành quyết và Tử Thần theo như tên gọi; bao gồm các viên chức, mật vụ, quân đội và cảnh sát do các giới thế lực và giàu có tại nước này tài trợ; đã giết chết biết bao nhiêu là chủng sinh, giáo sĩ, linh mục, nam nữ tu sĩ Giáo Hội Công Giáo đang phục vụ tại những khu làng quê nghèo đói hẻo lánh quá xa thủ đô San Salvador- báo cáo cuối cùng của Ủy Ban Công Lý và Sự Thật Quốc Gia El Salvador đã nêu rõ như vậy.

Uy tín và tiếng tăm của Đức TGM Romero vang dội trên khắp đất nước El Salvador và trên toàn thế giới vì ngài luôn bênh vực và đứng lên bảo vệ đồng bào của ngài.

Ngài trở thành "Tiếng Nói của những kẻ không được nói , những người không còn nói được nữa <đã bị giết chết>, những người mất quyền được nói ; và những kẻ không có quyền được nói ." Và cứ vào mỗi Chúa Nhật ngài lại lên tiếng cáo giác những kẻ chủ mưu, những kẻ đồng loã trong những vụ thảm sát tập thể cũng như những cuộc hành quân giết chết biết bao dân lành vô tội. Vì vậy; trong con mắt của bọn bảo thủ, cực đoan cánh hữu tại Salvador thỉ Đức TGM Romero là người " đối nghịch, phản động, phá rối " với chúng .

" Thưa anh em qúy mến, các vị cũng là đồng bào của chúng tôi, chúng ta cùng là người đồng bào một nước với nhau, tại sao anh em lại nỡ lòng dạ nào đi giết chết những người anh em đồng bào là dân lành vô tội của chính anh em. Không có người lính, không có người sĩ quan hay chiến sĩ quân đội có vũ trang nào bị buộc phải tuân theo một mệnh lệnh phàm nhân của người thế gian để đi ngược lại với Lề Luật của Thiên Chúa! " Đó chính là những lời thuyết giảng cuối cùng của ngài tại Đại Thánh Đường San Salvador - nơi mà Đức TGM Romero được an táng tại tầng hầm ngay dưới chân bàn thánh.

Các Thanh Tra Viên của Ủy Ban cũng tìm được nhiều bằng chứng cho thấy Đức TGM Romero đã nhận được nhiều lời cảnh cáo đe dọa sẽ giết chết ngài trước đó và những người cộng sự với Đức TGM Romero đã quyết định không tháp tùng hay đi chung với Đức TGM Romero nữa " để tránh né những rủi ro không cần thiết ! "

Còn nhớ trong chuyến Tông du lần đầu tiên đến thăm Các nước Trung Mỹ vào năm 1983 với ngôi vị Giáo Hoàng, Đấng Đáng Kính Đức Thánh Cha Gioan Phao-Lồ đệ Nhị ngày ấy đã qùy gối nguyện kinh bên mộ của Đức TGM Romero và ngài đã ca ngợi Đức TGM Romero như là " một vị Mục Tử sốt sắng; nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa và phục vụ anh em cho đến hy sinh cả mạng sống của riêng mình."

Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo Salvador đã không thành công trong cáo thỉnh vụ án phong Chân Phước cho " Thánh Romero của Châu Mỹ " theo cách nói của người châu Mỹ La Tinh- dưới triều đại của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-Lồ đệ Nhị. Tiến trình và cáo thỉnh vụ án xin tuyên phong Chân phước này chỉ mới đuợc khởi sự vào tháng Năm 2005 nghĩa là dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Benedicto XVI.

Nhưng không phải ai ai cũng vui mừng trước việc Tổng Thống Hoa Kỳ đến thăm viếng mộ phần của Đức TGM Romero hết cả đâu.

Mario Valenti, cựu Tổng Thống, chủ tịch và là thành viên của Arena đã phát biểu với Nhật Báo El Mundo trong tuần vừa qua rằng " Ông Obama cũng nên ghé thăm mộ của Chuẩn Úy Roberto d'Aubuisson."

Thế nhưng Tổng Thống Obama đến El Salvador chỉ để chào kính Đức cố Tổng Giám Mục Romero mà thôi , và Tổng Thống Obama nhẹ nhàng cúi đầu xuống- sau khi mở mắt ra- qua đôi phút mặc niệm suy tư trước mộ phần Đức cố Tổng Giám Mục Romero.

Tất cả những tín hữu, những người tuân phục Phúc âm đều mong muốn những điều tốt đẹp trọn lành cho người khác, và nghĩ tốt cho người khác. Vậy căn cứ vào Lời của Chúa, chúng ta cũng rút ra những bài học về chuyện đại sự trên đây của Tổng Thống Obama.

- Theo gương Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ Nhị trong mặc niệm và suy niệm về Đức cố TGM Romero; "Người Mục Tử nhân lành và công chính hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên." và "Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương, Phúc thay cho những ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ." Tổng Thống Obama đang cố tìm lại điểm son cho nước Mỹ.

-Với những người cộng sự đã bỏ rơi Đức cố TGM Romero thì như đã chép trong Phúc Âm rồi : " Hãy qua cửa hẹp mà vào!"

-Với những người như Mario Valenti và Roberto d'Aubuisson thì Tổng Thống Obama cũng có thể nghĩ; "Tại sao ông chủ phải biết ơn đầy tớ vì chủ đã trả lương cho chúng để phục vụ theo ý chủ."

-Với riêng Roberto d'Aubuisson và đồng bọn chủ mưu thì " không có gì che dấu được sự thật." Kỷ niệm 30 năm ngày hy sinh của Đức cố TGM Romero, cho dẫu những che đậy kỹ lưỡng của họ và Đảng sát nhân của họ, chính các sĩ quan an ninh mật vụ đồng lõa với Roberto đã khai hết lại sự thật. (VietCatholic News 25/03/2010)

Chính Đức Chúa Giêsu khi còn sinh thì trên Thập Gía cứu chuộc đã kêu xin; " Lạy Cha, xin tha tội cho họ vì lầm mà chẳng biết việc chúng làm." Những Mục Tử nhân lành của thời đại hiện nay như Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-Lồ đệ Nhị; Các Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, TGM Oscar A. Romero và biết bao nhiêu tín hữu khác chỉ cần được sống trong Công lý Hòa Bình và Tình yêu của Thiên Chúa và như Thánh Augustine đã nguyện; " Lạy Chúa Chúa đã dựng nên con và suốt đời con thao thức cho đến khi được an nghỉ trong ân sủng của Chúa. Amen"
 
Tổng Thống Hoa Kỳ Obama kính viếng mộ phần Đức cố Tổng Giám Mục Roméro
Dominic David Trần
10:33 23/03/2011
SAN SALVADOR, 22/03/2011 - Theo tin mới cập nhật của Thông Tấn Xã Canada và AP của Hoa Kỳ - Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đứng trang nghiêm, đôi mắt nhắm lại trong những phút mặc niệm cá nhân trước mộ phần của Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, cố Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Công Giáo Thủ Đô San Salvador của nước Cộng Hòa El Salvador. Đức cố TGM Romero, Đấng Bản Quyền của Giáo Hội Công Giáo El Salvador đã được vinh danh như là vị Anh Hùng Dân Tộc (a national hero) của nước này- được kính trọng như một khuôn mặt lừng danh quốc tế trong phong trào Nhân Quyền hiện đại - Đức TGM Romero đã không ngừng tranh đấu cho những người nghèo khổ trong suốt cuộc nội chiến đẫm máu của nước El Salvador.

Chuyến viếng thăm vào lúc 10:30PM tối nay Thứ Ba 22/03/2011 của Tổng thống Hoa Kỳ Obama tại mộ phần của Đức Tổng Giám Mục Romero; là những giờ phút cuối cùng của chuyến công du chớp nhóang 5 ngày đi thăm các nước Châu Mỹ LaTinh; đã là một cử chỉ mang tính chất biểu tượng mà một số các nhà quan sát và bình luận trên thế giới gọi là Sự Công nhận của Chính Phủ và Nước Hoa Kỳ đối với sự nghiệp cao cả của Đức Tổng Giám Mục Romero.

Tổng Thống Obama cùng Đức Cha Jose Luis Escobar Alas, Tổng Giám Mục San Salvador đương nhiệm, đã tham quan Đại Thánh Đường Quốc Gia El Salvador và để bày tỏ lòng kính trọng trước vị lãnh đạo Công giáo đã bị ám sát chết cách đây 31 năm bởi một sĩ quan của quân đội El Salvador- một đội quân do Hoa Kỳ hậu thuẫn trước đây.

Ngày nay, Đức cố TGM Romero đang ở trên đường của tiến trình Giáo Hội Công Giáo mở hồ sơ xin tuyên phong Hiển thánh cho ngài tại Tòa Thánh Vatican. Đức cố TGM Romero đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại mọi sự áp bức, bách hại của quân đội Salvador bạo tàn- vì trong suốt 12 năm nội chiến họ đã giết chết ít nhất là 75,000 thường dân vô tội của đất nước này. Cái giá máu ngài phải trả là: Đức TGM Romero đã bị ám sát chết bởi một viên đạn bắn trúng ngay vào tim ngài khi Đức Tổng Giám Mục Romero đang dâng Thánh Lễ trong nguyện đường của Bệnh viện thủ đô San Salvador vào ngày 24 tháng Ba năm 1980.

Trong bài giảng Thánh Lễ vào một ngày trước đó, (hình chụp ngài trong ngày 21 tháng Ba năm 1980 kèm theo) Đức Tổng Giám Mục Romero, lúc ấy 63 tuổi , đã khuyến nhủ Quân Đội El Salvador rằng; " Trong danh thánh Chúa và vì những người dân Salvador đang chịu bao khổ đau, tôi cầu nguyện, tôi xin các anh em, tôi yêu cầu anh em, tôi ra lệnh cho anh em, nhân danh Thiên Chúa - các anh em hãy chấm dứt ngay việc bách hại, tàn sát đồng bào."

Các chiến sĩ du kích thuộc tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Farabundo Marti (FMNL) , nhóm phiến loạn có vũ trang ngày trước- giờ đây đã trở thành một Đảng phái chính trị công khai của nước này, đã gọi chuyến công du của Tổng Thống Obama là chuyến viếng thăm mang tính chất lịch sử. Tổng Thống Mauricio Funes, người đầu tiên thuộc Đảng thiên Tả đã được bầu lên làm Tổng Thống El Salvador vào năm 2009- đã phá vỡ thời kỳ 20 năm dài cầm quyền của Đảng bảo thủ cánh Hữu Nationalist Republican Alliance (Đảng Liên Minh Cộng Hòa Quốc Gia - NRA) . Ngày 24 tháng Ba năm 2010, nhân danh Chính Phủ Salvador - Tổng Thống Maurio Funes thay mặt nước Cộng Hòa chân thành xin lỗi về vai trò của chính phủ trong sự ám sát Đức Tổng Giám Mục Romero (xin xem lại bài này của VietCatholic đăng ngày này năm 2010.)

Tổng Thống Hoa Kỳ Obama và Tổng Thống El Salvador Funes sau đó đã cùng thắp nến trên hai bên thành mộ phần của Đức TGM Romero (xem hình), ngôi mộ của ngài được tạc theo tư thế như ở lễ quốc táng ngài , với hai tượng có khuôn mặt 2 người nữ đối diện ở hai góc mộ.

Robert White, Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại El Salvador trong đầu thập niên 1990, tuần qua đã tuyên bố; " Chuyến công du viếng thăm El Salvador lần này là một bản tuyên cáo rằng là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không còn xác định nước này có liên quan với những chính phủ độc quyền toàn trị nữa."

Cho đến giờ này chưa có cá nhân nào chính thức bị tuyên án về tội giết chết Đức cố Tổng Giám Mục Romero.

Ủy Ban Công Lý và Sự Thật Quốc Gia El Salvador đã được thành lập; ngay sau khi Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại Hòa Bình tại El Salvador ký kết trong năm 1992; đã xác định rằng một trong những kẻ chủ mưu ra lệnh ám sát Đức TGM Romero- chính là Chuẩn úy Roberto D'Aubuisson, một trong những sáng lập viên của Đảng bảo thủ cánh Hữu Nationalist Republican Alliance (Đảng Liên Minh Cộng Hòa Quốc Gia - NRA). Trước khi chết vì bệnh ung thư vào năm 1992, D'Aubuisson chối rằng y không có ra lệnh ám sát Đức TGM Romero; và Đảng cánh Hữu của y không bao giờ chấp nhận kết qủa thanh tra của Ủy Ban Công Lý và Sự Thật Quốc Gia El Salvador. Tất cả những cá nhân khác có tham gia trong việc ám sát Đức TGM Romero và hơn 75,000 người dân El Salvador vô tội - sẽ không bao giờ bị trừng phạt bởi theo một lệnh ân xá cho họ được dàn xếp vào năm 1993.

Đức TGM Romero sinh ra trong một gia đình khiêm hạ thuộc tỉnh miền Tây Salvador; ngài đã tỏ ước vọng tu trì và trở thành giáo sĩ ngay từ thời tuổi nhỏ.

Suốt trong cuộc nội chiến, các Biệt Đội Hành quyết và Tử Thần theo như tên gọi; bao gồm các viên chức, mật vụ, quân đội và cảnh sát do các giới thế lực và giàu có tại nước này tài trợ; đã giết chết biết bao nhiêu là chủng sinh, giáo sĩ, linh mục, nam nữ tu sĩ Giáo Hội Công Giáo đang phục vụ tại những khu làng quê nghèo đói hẻo lánh quá xa thủ đô San Salvador- báo cáo cuối cùng của Ủy Ban Công Lý và Sự Thật Quốc Gia El Salvador đã nêu rõ như vậy.

Uy tín và tiếng tăm của Đức TGM Romero vang dội trên khắp đất nước El Salvador và trên toàn thế giới vì ngài luôn bênh vực và đứng lên bảo vệ đồng bào của ngài.

Ngài trở thành "Tiếng Nói của những kẻ không được nói , những người không còn nói được nữa <đã bị giết chết>, những người mất quyền được nói ; và những kẻ không có quyền được nói ." Và cứ vào mỗi Chúa Nhật ngài lại lên tiếng cáo giác những kẻ chủ mưu, những kẻ đồng loã trong những vụ thảm sát tập thể cũng như những cuộc hành quân giết chết biết bao dân lành vô tội. Vì vậy; trong con mắt của bọn bảo thủ, cực đoan cánh hữu tại Salvador thỉ Đức TGM Romero là người " đối nghịch, phản động, phá rối " với chúng .

"Thưa anh em qúy mến, các vị cũng là đồng bào của chúng tôi, chúng ta cùng là người đồng bào một nước với nhau, tại sao anh em lại nỡ lòng dạ nào đi giết chết những người anh em đồng bào là dân lành vô tội của chính anh em. Không có người lính, không có người sĩ quan hay chiến sĩ quân đội có vũ trang nào bị buộc phải tuân theo một mệnh lệnh phàm nhân của người thế gian để đi ngược lại với Lề Luật của Thiên Chúa! " Đó chính là những lời thuyết giảng cuối cùng của ngài tại Đại Thánh Đường San Salvador - nơi mà Đức TGM Romero được an táng tại tầng hầm ngay dưới chân bàn thánh.

Các Thanh Tra Viên của Ủy Ban cũng tìm được nhiều bằng chứng cho thấy Đức TGM Romero đã nhận được nhiều lời cảnh cáo đe dọa sẽ giết chết ngài trước đó và những người cộng sự với Đức TGM Romero đã quyết định không tháp tùng hay đi chung với Đức TGM Romero nữa " để tránh né những rủi ro không cần thiết ! "

Còn nhớ trong chuyến Tông du lần đầu tiên đến thăm Các nước Trung Mỹ vào năm 1983 với ngôi vị Giáo Hoàng, Đấng Đáng Kính Đức Thánh Cha Gioan Phao-Lồ đệ Nhị ngày ấy đã qùy gối nguyện kinh bên mộ của Đức TGM Romero và ngài đã ca ngợi Đức TGM Romero như là " một vị Mục Tử sốt sắng; nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa và phục vụ anh em cho đến hy sinh cả mạng sống của riêng mình."

Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo Salvador đã không thành công trong cáo thỉnh vụ án phong Chân Phước cho " Thánh Romero của Châu Mỹ " theo cách nói của người châu Mỹ La Tinh- dưới triều đại của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-Lồ đệ Nhị. Tiến trình và cáo thỉnh vụ án xin tuyên phong Chân phước này chỉ mới đuợc khởi sự vào tháng Năm 2005 nghĩa là dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Benedicto XVI.

Nhưng không phải ai ai cũng vui mừng trước việc Tổng Thống Hoa Kỳ đến thăm viếng mộ phần của Đức TGM Romero hết cả đâu.

Mario Valenti, cựu Tổng Thống, chủ tịch và là thành viên của Arena đã phát biểu với Nhật Báo El Mundo trong tuần vừa qua rằng " Ông Obama cũng nên ghé thăm mộ của Chuẩn Úy Roberto d'Aubuisson."

Thế nhưng Tổng Thống Obama đến El Salvador chỉ để chào kính Đức cố Tổng Giám Mục Romero mà thôi , và Tổng Thống Obama nhẹ nhàng cúi đầu xuống- sau khi mở mắt ra- qua đôi phút mặc niệm suy tư trước mộ phần Đức cố Tổng Giám Mục Romero.

(Nguồn: Canadian Press & Associated Press/Jim Kuhnhenn and Any Cabrera)
 
Tòa Thánh quyết định tăng cường việc học triết trước khi học thần học
LM Trần Đức Anh OP
12:10 23/03/2011
VATICAN -. Hôm 22-3-2011, Bộ giáo dục Công Giáo đã công bố nghị định cải tổ việc học triết trong chương trình học đạo: từ 2 năm được tăng thành 3 năm trước khi học thần học.

ĐHY Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, cùng với vị Tổng thư ký là Đức TGM Jean Louis Brugès O.P và Cha Charles Morerod O.P, Viện trưởng Giáo Hoàng đại học thánh Tomaso Aquino ở Roma, đã mở cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu nghị định mới.

ĐHY Tổng trưởng cho biết nghị định này tiếp theo sau các văn kiện trước đây của Bộ cải tổ việc học giáo luật năm 2002, và về các Học viện cao đẳng các khoa học tôn giáo năm 2008. Sở dĩ Bộ ban hành nghị định mới là vì sự yếu kém trong việc huấn luyện triết trong tại nhiều tổ chức đào tạo của Giáo Hội, thiếu những điểm tham chiếu vững chắc, nhất là về bộ môn giảng dạy và chất lượng của giáo chức. Sự yếu kém này đi kèm cuộc khủng hoảng về việc học triết nói chung, trong một thời đại mà chính lý trí bị đe dọa vì trào lưu duy lợi ích, vì chủ thuyết nghi ngờ và duy tương đối, thái độ ngờ vực của lý trí trong việc nhận viết chân lý liên quan đến những vấn đề cơ bản của đời sống”.

ĐHY Grocholewski cũng nhắc đến Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM “Pastores davo vobis” (Thầy sẽ ban cho các con những mục tử), công bố hồi năm 1992, với đoạn khẳng định rằng việc chuẩn bị triết học cho các ứng sinh linh mục “là một giai đoạn thiết yếu trong việc huấn luyện trí thức cho họ: chỉ có một triết học lành mạnh mới có thể giúp các ứng sinh linh mục phát triển một ý thức có suy tư về quan hệ thiết yếu giữa tinh thần con người và chân lý, chân lý được mạc khải trọn vẹn cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô”.

Tiến trình soạn thảo Nghị định cải tổ việc học triết trong các trường đạo được khởi sự năm 2004, và tiến hành qua hai khóa họp toàn thể của Bộ giáo dục Công Giáo vào năm 2005 và 2008. Sau cùng, hồi tháng giêng năm nay, ĐTC Biển Đức 16, đã phê chuẩn nghị định này “theo thể thức đặc biệt” trong buổi tiếp kiến dành cho ĐHY Tổng trưởng Grocholewski.

Nghị định là một tập sách nhỏ, gồm có 2 phần: trước tiên là phần tiền đề trình bày những lý do và tinh thần của cuộc cải tổ; tiếp đến là phần chứa đựng những qui luật mới, thay thế các qui luật trước đây trong Tông Hiến “Sapientia christiana” (Sự khôn ngoan Kitô giáo), và những qui luật áp dụng đi kèm.
Nghị định mới phân biệt rõ ràng giữa Phân khoa của Giáo Hội về triết học, với chương trình 2 năm triết học như thành phần của chương trình thần học trong các phân khoa và các chủng viện của Giáo Hội. Cả hai thực tại trên đây đều được duyệt lại theo Nghị định mới.

- Từ nay, chương trình 2 năm triết trước khi bắt đầu thần học trước đây sẽ được kéo dài thành 3 năm, hoặc 6 bán niên, và theo qui định hiện hành ở Âu Châu trong tiến trình Bologna, nó phải gồm 180 tín chỉ.

Nghị định mới cũng thiết định phẩm trật các môn trong 3 năm triết: gồm các môn bắt buộc, như triết học hệ thống và lịch sử triết học; tiếp đến là những môn bắt buộc bổ túc, như phương pháp luận, sinh ngữ, và sau cùng là các môn bổ túc nhiệm ý như các yếu tố văn chương hoặc nhân văn.

Đức TGM Brugès, người Pháp, nhận xét rằng: “Cho đến nay, quá nhiều khi các sinh viên trong ban triết cũng như thần học, chỉ đọc các thủ bản giáo khoa, mà không đi đến tận nguồn. Vì thế Nghị định cải tổ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc chính các băn bản của các tác giả quan trọng nhất” (Ord. art.60,1).

Việc học triết không phải chỉ giới hạn vào Thánh Tomaso Aquino và các giáo phụ khác, nhưng cũng phải cởi mở đối với các trào lưu mới. Khoa siêu hình học phải có một chỗ đứng đặc biệt trong học trình, ngoài ra cũng cần để ý đến các trường phái tư tưởng bản xứ, ví dụ hướng đi ở Á châu hoặc Phi châu.

Nghị định cũng nói về ban giảng huấn triết học với các điều kiện cần phải có, chu kỳ học trình, việc cải tổ các Học viện triết được tháp nhập vào các phân khoa của Giáo Hội, v.v. Các phân khoa triết học Công Giáo phải có ít nhất 7 giáo sư có bằng tiến sĩ triết học.

Văn kiện mới của Bộ giáo dục Công Giáo có ảnh hưởng tới khoảng 400 phân khoa thần học và 40 phân khoa triết học của Giáo Hội Công Giáo. Tại 10 nước Âu Châu, có những phân khoa thần học Công Giáo ở trong khuôn khổ của Đại học công lập. Văn kiện này cũng ảnh hưởng tới hàng ngàn chủng viện trong toàn thể Giáo Hội.
Nghị định mới có hiệu lực từ tháng 1-2012, và cho đến niên khóa 2012-2013 phải được áp dụng tại tất cả các trung tâm đào tạo của Giáo Hội.

Trong cuộc họp báo, Cha Charles Morerod O.P, Viện trưởng đại học thánh Tomaso Aquino, trình bày về tầm quan trọng của khoa siêu hình học đối với việc học thần học và nhấn mạnh rằng “một nền thần học mà không có triết học là điều không thể có được”. “Tầm quan trọng của triết học cũng gắn liền trực tiếp với ước muốn của con người được biết chân lý và tổ chức chân lý”. (SD 22-3-2011)
 
Tòa thánh kêu gọi cải cách Thần học
Trầm Thiên Thu
18:09 23/03/2011
Tòa thánh nói rằng với khả năng con người suy nghĩ dưới ánh sáng của thuyết tương đối (relativism), các linh mục và các thần học gia cần nghiên cứu thêm về triết học. Đây là một trong các điểm chính của “Sắc lệnh về Cải cách Triết học Giáo hội” (Decree on the Reform of Ecclesiastical Studies of Philosophy) mà ĐGH Biển Đức XVI đã chuẩn nhận ngày 28/1 (lễ thánh Thomas Aquinas, TS Giáo hội), và ĐHY Zenon Grocholewski, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Công giáo, đã giới thiệu ngày 22/3/2011.

ĐHY giải thích rằng giáo hội luôn luôn thích nghi với việc đáp lại các nhu cầu thay đổi các trường hợp văn hóa - lịch sử, và nhiều tổ chức giáo sĩ ngày nay đang thiếu về sự hình thành triết học.

Ngài nói: “Sự thiếu sót này một phần đáng lưu ý vào một thời điểm mà chính lý lẽ bị đe dọa bởi chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism), chủ nghĩa hoài nghi (skepticism), thuyết tương đối và không tin vào khả năng của lý lẽ để biết sự thật có liên quan các vấn đề nền tảng của cuộc sống”.

Các hướng dẫn mới hợp với “Fides et Ratio” (Tín lý và Luận lý) của ĐGH Gioan-Phaolô II, chú thích rằng “thần học luôn luôn có và tiếp tục có nhu cầu đóng góp về triết học”.

Các vấn đề sâu xa

ĐHY Grocholewski nói rằng giáo hội muốn khôi phục siêu hình học (metaphysics), nghĩa là triết lý sẽ đặt ra các vấn đề sâu xa nhất về con người. Ngài nhấn mạnh rằng kỹ thuật và khoa học không thể “thỏa mãn sự khao khát của con người liên quan các vấn đề cơ bản: Hạnh phúc bao gồm những gì? Tôi là ai? Thế giới là kết quả của cơ hội? Số phận tôi thế nào? v.v… Ngày nay, hơn bao giờ hết, khoa học cần sự khôn ngoan”.

ĐHY Grocholewski nói rằng “ơn gọi căn nguyên” (original vocation) của thần học cần được sửa đổi lại: “Nghiên cứu về sự thật với chiều kích khôn ngoan và trừu tượng”. ĐHY còn nhấn mạnh tầm quan trọng của luận lý học, gọi đó là kỷ luật kết cấu lý lẽ và đã biến mất vì khủng hoảng hiện nay về văn hóa Kitô giáo.

Không có mâu thuẫn

Hiệu trưởng ĐH Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas (Angelicum), linh mục dòng Đa Minh Charles Morerod, nói thêm rằng không hề có mâu thuẫn giữa triết học và đức tin. Ngài nói: “Kitô giáo bao gồm sự hài hòa giữa Thiên Chúa và lý lẽ con người. Tầm quan trọng của triết học trực tiếp liên quan ước muốn của con người là biết sự thật và tổ chức sự thật đó. Kinh nghiệm cho thấy rằng kiến thức triết học giúp chúng ta tổ chức tốt hơn, kết hợp với các quy luật khác, việc nghiên cứu bất kỳ khoa học nào”.

Ngài nói thêm: “Siêu hình học muốn biết toàn bộ thực tế – tột đỉnh trong kiến thức về Nguyên nhân Tiên quyết về mọi thứ – và cho thấy quan hệ hỗ tương giữa các lĩnh vực khác nhau về học hỏi, tránh mọi kết luận về chính mỗi khoa học”.

Như vậy các mức độ triết học giáo hội sẽ lên tới 180 tín chỉ (credits), từ chương trình 2 năm tới 3 năm. Cũng sẽ có nhiều đòi hỏi nghiêm ngặt đối với các giáo sư, đòi hỏi nhiều đối với các tiến sĩ triết học, với nhiều bằng cấp đạt được ở học viện giáo sĩ. Chương trình thần học sẽ kông kéo dài hơn, nhưng sẽ có thêm các tín chỉ triết học trong 3 năm đầu.

(Chuyển ngữ từ Catholic.org)
http://www.catholic.org/college/story.php?id=40796


 
Top Stories
Japon: Séisme du 11 mars 2011: Lettre d’un secouriste japonais d’origine vietnamienne
Ha Minh Thanh
17:11 23/03/2011
Japon, 21/03/2011 -- La lettre ci-dessous, rédigée par un policier japonais d’origine vietnamienne (1), a été mise en ligne le 17 mars 2011 sur le blog de l’écrivain vietnamien Pham Viêt Dao (http://phamvietdaonv.blogspot.com/). Elle rapporte les faits et les réactions dont son auteur a été témoin au cours des opérations de secours aux victimes du tremblement de terre et du tsunami du 11 mars dernier. La traduction française est de la Rédaction d'Eglises d'Asie.

Bonjour Dao,

Comment allez-vous, toi et ta famille ? Ici, ces derniers jours, tout s’est emballé et je suis emporté comme dans un tourbillon. Quand j’ouvre les yeux, je ne vois que des cadavres. Mais si je les ferme, je les vois encore. Chacun de nous doit chaque jour assurer une permanence de 20 heures sur 24. Après des journées de 48 heures, nous aspirons à poursuivre la recherche des victimes. Il n’y a ni électricité ni eau et la nourriture se fait rare. A peine avons-nous fini d’évacuer la population que nous recevons l’ordre de procéder à une nouvelle évacuation.

Je suis à Fukushima, à 25 km environ de la centrale nucléaire. Que d’événements j’ai vécus ! Il y aurait de quoi écrire un livre sur la générosité humaine qui s’est déployée au cours de ces événements catastrophiques.

Hier, j’ai trouvé et secouru un Vietnamien qui s’appelle Toan. Il était venu des Etats-Unis, en tant qu’ingénieur nucléaire, pour travailler à la centrale de Fukushima. Il a été blessé au tout début, lors de la première secousse du tremblement de terre. Dans l’affolement général, il n’avait encore pu contacter personne. Dès que j’ai eu connaissance de son cas, je me suis mis en rapport avec l’ambassade américaine. Il faut reconnaître qu’ils ont été d’une remarquable rapidité. Aussitôt, un hélicoptère de l’armée américaine est arrivé jusqu’à l’hôpital et l’a transporté sur un navire de la VIIème flotte.

Il y avait aussi un certain nombre de stagiaires vietnamiennes dans cette région (2). Je les cherche mais je n’ai encore recueilli aucune information à leur sujet. Dès que j’aurai des renseignements sûrs comme leur nom, leur lieu de travail, il sera plus facile de les trouver. Mais au Japon, la police ne contrôle pas les identités aussi rigoureusement qu’au Vietnam et la loi interdit la diffusion de renseignements personnels, ce qui rend notre recherche plus difficile. J’ai rencontré une Japonaise qui travaillait avec sept jeunes filles venues du Vietnam en qualité de stagiaires. Le lieu où elle travaillait était environ à 3 km de la côte. Cette femme m’a dit que les jeunes Vietnamiennes ne parlaient pas le japonais. Au début de l’évacuation, elles la suivaient, mais elle les a ensuite perdues et elle ne sait pas ce qu’elles sont devenues. Elle ignore si elles sont encore vivantes… Elle ne se souvient que du nom de l’une d’entre elles, Nguyên Thi Huyên (ou Hiên ?), qui travaillait directement avec elle.

Je n’ai pas encore vu par ici les représentants de l’ambassade et du gouvernement vietnamiens. J’ai pourtant lu sur les sites officiels qu’on s’occupait des ressortissants vietnamiens avec beaucoup de soin. Tout cela n’est que du vent…

Nous-mêmes, les policiers, nous avons faim et soif et nos vêtements sont en lambeaux. Ce doit être bien pire pour les stagiaires vietnamiennes. Le plus pénible maintenant, c’est le froid. Nous souffrons de la faim, de l’absence d’électricité, du manque d’information. Malgré cela, la population reste calme.

La dignité des gens et leurs sens des valeurs morales restent intacts et aucun désordre ne se produit. Cependant, si la situation se prolonge encore une semaine, il est possible que la sécurité se dégrade et qu’il devienne impossible de la maintenir. Ce sont aussi des êtres humains. Lorsque la faim est venue à bout de leur sens de la dignité, les hommes peuvent faire n’importe quoi. Le gouvernement met en place un pont aérien pour acheminer de la nourriture et des médicaments vers cette région… mais cela reste une petite goutte d’eau dans la mer…

Il y a beaucoup de faits que j’aimerais vous raconter et que vous pourriez mettre en ligne sur votre site. Mais il y en a tellement que je ne sais pas lequel commencer. Hier, j’ai fait une très émouvante rencontre avec un enfant japonais qui a donné une leçon d’humanité à l’adulte que je suis. Dans la soirée, j’avais été envoyé dans une école primaire pour y aider un groupe de secours autonome à distribuer de la nourriture aux victimes du séisme. Dans la file des gens qui attendaient, j’ai repéré un petit garçon de 9 ans environ. Il ne portait sur lui qu’un T-shirt et un short alors qu’il faisait très froid. Il se tenait à l’extrémité de la file d’attente. J’ai eu peur qu’il ne reste plus rien pour lui lorsque viendrait son tour. Je me suis approché et je l’ai interrogée. Il m’a raconté que, dans son école, il était en cours de gymnastique lorsque le tremblement de terre et le tsunami sont survenus. Son père qui travaillait près de là est accouru. Depuis le balcon du troisième étage de son école, il a vu l’auto de son père emportée par la vague. Il est certaine à 100 % qu’il est mort. Quand je lui ai demandé où était son mère, il m’a dit que son maison était située juste au bord de la mer. Son mère et son petit frère n’avaient certainement pas pu se sauver à temps. Tandis que je l’interrogeai sur ses parents, le petit garçon a longtemps détourné le regard, les larmes aux yeux. Voyant qu’il avait froid, je me suis défait de mon manteau de policier et je l’ai mis sur ses épaules. Ce faisant, le paquet contenant ma ration alimentaire pour le repas du soir est tombé par terre. Je l’ai ramassé et je le lui ai donné en lui disant: « Quand arrivera ton tour, il n’y aura certainement plus rien pour toi. C’est ma part mais j’ai déjà mangé. Prends-la, tu auras un peu moins faim ! » le petit garçon a pris le paquet contenant la nourriture entre ses mains et s’est inclinée pour me remercier. J’avais imaginé qu’il aurait tout mangé sur le champ. Mais non ! le paquet entre ses mains, elle s’est dirigée vers l’endroit où les responsables distribuaient les rations. Il a déposé le paquet dans la caisse où se trouvaient les rations prêtes à être distribuées. Puis il est revenue prendre son place dans la file d’attente. Tout à fait déconcerté, je lui demandais pourquoi il n’avait pas mangé la ration alimentaire, mais était allée la remettre avec les autres. Il m’a répondu: «Parce qu’il y a encore beaucoup de personnes qui ont encore plus faim que moi ! Je l’ai remise dans la caisse pour que la distribution se passe équitablement. »

Après avoir écouté tout cela, je me suis détourné et suis allé dans un endroit isolé pour que l’on ne me voie pas pleurer. J’étais totalement bouleversé. Pouvais-je me douter qu’en ce moment de misère extrême, un garçon de 9 ans en classe élémentaire me donnerait une telle leçon d’humanité, une émouvante leçon d’abnégation et d’esprit de sacrifice.

Un peuple où les enfants de 9 ans savent supporter l’épreuve avec endurance et acceptent de se sacrifier pour les autres est très certainement un peuple d’une grandeur hors du commun. Ce pays est en train de vivre les minutes les plus chargées de risque de son histoire, mais je suis convaincu qu’il est appelé à revivre avec encore plus de vigueur grâce à des citoyens qui savent se sacrifier dès leur plus jeune âge.

Je pense en ce moment à une phrase du Vieux Fuwa, ancien président du Parti communiste japonais (3). En tant que professeur, il avait fait un cours sur le capitalisme où il disait: « Si Marx revenait parmi nous, il ajouterait cette phrase à son livre Le Capital: ‘Le communisme n’a pu être réalisé que dans un seul endroit, sur la terre japonaise.’ »

J’arrête ici ces quelques lignes en te souhaitant une bonne santé. Voilà venue l’heure de reprendre la permanence. (…)

Ha Minh Thanh

Notes:
(1) NdT: En l’absence d’informations supplémentaires, on ne peut que supposer la raison de la présence au Japon d’un policier d’origine vietnamienne. Bien qu’il existe depuis très longtemps une petite communauté d’origine vietnamienne installée au Japon, c’est à l’époque de l’exode des boat-people du Vietnam que des Vietnamiens se sont installés en nombre au Japon et y ont fait souche, prenant la nationalité vietnamienne. Le Japon avait toutefois été critiqué par la communauté internationale pour le relativement petit nombre de boat-people qui avaient été acceptés sur son sol. Dans le cas de Ha Minh Thang, qui signe cette lettre de son nom vietnamien, nous savons seulement qu’il a conservé l’usage de la langue vietnamienne et nous pouvons supposer qu’étant policier, il a été naturalisé japonais.
(2) Les « stagiaires », souvent désignés comme des « étudiants stagiaires », viennent au Japon dans le cadre de programmes officiels pour une durée de deux ou trois ans durant laquelle ils sont censés être formés à un métier ou à une technique spécifique. En réalité, ils sont employés le plus souvent comme main-d’œuvre non qualifiée sur les chantiers, les PME, dans les secteurs de la pêcherie, de la transformation des produits de la pêche ou bien encore la métallurgie. Originaires de nombreux pays asiatiques, les plus nombreux viennent de Chine, du Vietnam et d’Indonésie. Dès le 15 mars, le gouvernement de Chine populaire a organisé le rapatriement d’une partie des 20 000 à 30 000 Chinois qui auraient été présents dans les cinq préfectures touchées par le tsunami.
(3) Fuwa Tetsuzo a présidé le Parti communiste japonais jusqu’à l’an 2000. Il a mené le parti à son apogée électorale à la fin des années 1990 (avec plus de 12 % des suffrages exprimés et plus de 40 parlementaires).
 
Hong Kong Issues Chinese Social Doctrine Compendium
Francis Wong
11:44 23/03/2011
Cardinal Turkson Urges Parish Groups to Promote Teachings
HONG KONG, MARCH 22, 2011 (Zenit.org).- Parish-based groups that work toward the implementation of Catholic social teaching are the hands and feet of the Pontifical Council for Justice and Peace, says its president.

Cardianl Peter Turkson said this Sunday in Hong Kong at the launch of the Chinese translation of the Compendium of the Social Doctrine of the Church. The Compendium, prepared by the Pontifical Council for Justice and Peace, was released in 2004.

The event, which gathered some 200 priests, religious sisters and laypeople, was part of the cardinal's three-day visit to Hong Kong.

The cardinal said that Catholic social teaching is an "ongoing development," and that it has not come to its conclusion. He added that the doctrine must continually respond to ever-changing social realities.

The 62-year-old Ghanaian prelate urged Chinese-speaking Catholics to make the best use of the latest Chinese version of the compendium.

Cardinal Turkson emphasized that parish-based social concern groups and diocesan justice and peace commissions are the feet of the Vatican council to promote and to witness Catholic social teaching.

The Diocese of Hong Kong began to translate the compendium six years ago, under the advocacy of the then ordinary bishop -- also a well known human rights defender -- Cardinal Joseph Zen.

Franciscan Father Stephen Chan, who worked on the translation project, said to the gathering that the compendium is a timely gift to every Christian and all people, so "it is the responsibility of Chinese Catholics to make this teaching known among the Chinese population, wherever they may be."
 
Vatican: Priests Can't Skip Metaphysics -- Calls for More Philosophy Study at Ecclesiastical Institutions
Zenit
11:45 23/03/2011
VATICAN CITY, MARCH 22, 2011 (Zenit.org).- With the human ability to think under fire from relativism, priests and theologians need to study more philosophy, the Vatican says. This was one of the main points of the "Decree on the Reform of Ecclesiastical Studies of Philosophy," which Benedict XVI approved Jan. 28 (the feast of St. Thomas Aquinas), and Cardinal Zenon Grocholewski, prefect of the Congregation for Catholic Education, presented Tuesday.

The cardinal explained that the Church is always adapting to respond to the needs of changing historical-cultural circumstances, and that many ecclesial institutions today are lacking in philosophical formation.

This absence is particularly noteworthy at a time "in which reason itself is menaced by utilitarianism, skepticism, relativism and distrust of reason's ability to know the truth regarding the fundamental problems of life," he reflected.

New guidelines are in accordance with Pope John Paul II's "Fides et Ratio," the cardinal added, which notes that "theology has always had and continues to have need of a philosophical contribution."

Deep questions
Cardinal Grocholewski said the Church intends to recover metaphysics, namely a philosophy that will again pose the most profound questions of the human being.

The Vatican official stressed that technology and science cannot "satiate man's thirst in regard to the ultimate questions: What does happiness consist of? Who am I? Is the world the fruit of chance? What is my destiny? etc. Today, more than ever, the sciences are in need of wisdom."

He said that the "original vocation" of philosophy needs to be recovered: "the search for truth and its sapiential and metaphysical dimension."

The cardinal also emphasized the importance of logic, calling it a discipline that structures reason and that has disappeared because of the present crisis of Christian culture.

No contradiction

The rector of the Pontifical University of St. Thomas Aquinas (Angelicum), Dominican Father Charles Morerod, added that there is no contradiction between philosophy and faith.

"Christianity presupposes a harmony between God and human reason," he said.

"The importance of philosophy is linked directly with the human desire to know the truth and to organize it," the rector explained. "Experience shows that knowledge of philosophy helps us to better organize, in cooperation with other disciplines, the study of any science."

"Metaphysics seeks to know the whole of reality -- culminating in knowledge of the First Cause of everything -- and to show the mutual relationship between the different fields of learning, avoiding any closing in on themselves of the individual sciences," he added.

Ecclesiastical philosophy degrees will thus increase to 180 credits, going from two-year programs to three-year. There will also be more stringent requirements for professors, with greater demands for doctors in philosophy, preferably with degrees earned from an ecclesiastical institution. Theology degree programs will not be longer, but will have more philosophy credits during the first years.
 
World needs peacemakers strengthened by faith, pope says at audience
Cindy Wooden
15:27 23/03/2011
VATICAN CITY (CNS) -- The world needs peace and it needs peacemakers who are strengthened by faith and committed to promoting reconciliation among peoples, Pope Benedict XVI said.

During his weekly general audience at the Vatican March 23, the pope continued his series of audience talks about the doctors of the church, focusing on St. Lawrence of Brindisi, an Italian Capuchin and famed preacher.

Pope Benedict said the priest, who served as a military chaplain at the beginning of the 1600s, "applied himself heroically to efforts toward peace and reconciliation between the nations and peoples of Europe."

"The moral authority he enjoyed made him an adviser who was much sought after and listened to," the pope said.

"Today, just as in the time of St. Lawrence, the world needs peace, it needs peaceful and pacifying men and women. All those who believe in God must always be sources of peace and peacemakers," Pope Benedict told an estimated 10,000 people gathered in St. Peter's Square for the first outdoor audience of the spring.

The pope said St. Lawrence had a great gift for languages and spoke German and French in addition to Italian and to the classic languages: Latin, Greek, Hebrew and Syrian.

But his linguistic skills were not the key to his success in politics and in evangelization, the pope said.

Although he held positions of great importance and had a heavy workload, "Lawrence cultivated a spiritual life of exceptional fervor, dedicating much time to prayer and especially to the celebration of the holy Mass, which often would last for hours."

The pope said St. Lawrence knew large sections of the Bible by heart and would spend hours each day praying with the Scriptures.

He was convinced that "listening to and accepting the word of God would produce an interior transformation that would lead to holiness," Pope Benedict said.

"Today, too, the church needs well-prepared, zealous and courageous apostles for the new evangelization so that the light and beauty of the Gospel would prevail over the cultural currents of ethical relativism and religious indifference," the pope said.

At the end of the audience, Pope Benedict spoke briefly with a Canadian aboriginal leader, Grand Chief David Harper of Manitoba's Keewatinowi Okimakanak people.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phái đoàn các Giám mục Việt Nam hủy bỏ chuyến đi Nhật Bản
VietCatholic
10:10 23/03/2011
TOKYO - Vài tuần trước đây, chúng tôi có đưa tin là một phái đoàn Việt Nam gồm 10 giám mục sẽ đi thăm Giáo hội Nhật Bản chuyến đi Nhật dự trù từ ngày 21-27/3/2011. Tuy nhiên vì tình trạng thiên tai tại Nhật, nên chuyến đi đã được tuyên bố hủy bỏ vào ngày 17/3/2011 vừa qua.

Trước những tai ương và khó khăn mà người Nhật đang phải gánh chịu, xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho nước Nhật và cho những người Việt Nam cự ngụ tại Nhật được luôn bình an vững tin vào ơn quan phòng của Thiên Chúa.

Một tin vui từ Nhật bản là vào chiều ngày 26/3 tới đây tại Tokyo sẽ có lễ truyền chức Linh mục cho một phó tế gốc Việt Nam thuộc dòng Phanxicô, và truyền chức Phó tế cho 2 tu sĩ gốc Việt Nam, một thuộc dòng Phanxicô và một thuộc dòng Salêsiêng.

Hiệp thông trong lời cầu nguyện và chúc mừng các Tân chức, gia đình tân chức và Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Nhật Bản.
 
Tân Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa nhậm chức
GP Hưng Hóa
10:26 23/03/2011
HƯNG HÓA - Như chúng ta đã biết, ngày 01 tháng 03 năm 2011, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô 16 bổ nhiệm Đức cha Antôn Vũ Huy Chương làm Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt và Đức cha Gioan Vũ Tất làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa.

Theo sự sắp xếp của Tòa Giám Mục, hôm nay, ngày 22 tháng 03 năm 2011, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất nhận chức Giám mục chính Tòa Giáo phận Hưng Hóa tại nhà thờ chính tòa Sơn Lộc, dưới sự chủ tọa của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, chủ tịch HĐGMVN. Cùng đồng tế với ngài còn có Quí Đức cha trong Giáo tỉnh Hà Nội:

1. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, phó chủ tịch HĐGMVN
2. Đức cha Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Giáo phận Bùi Chu
3. Đức cha Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng
4. Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn
5. Đức cha Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm
6. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Giáo phận Thái Bình
7. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
8. Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh
9. Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, Giám mục phụ tá Giáo phận Hà Nội
10. Ngoài ra còn có Đức cha Phanxicô Xavier Lê Văn Hồng, Giám mục phụ tá Giáo phận Huế
11. Đông đảo các linh mục và tu sĩ nam nữ trong và ngoài Giáo phận cùng hàng ngàn giáo dân tham dự thánh lễ.

Sau phần sám hối, Đức Tổng Giám mục Hà Nội chủ sự nghi thức trao Giáo phận cho Đức cha Gioan Maria Vũ Tất.

Trong bài chia sẻ Thánh lễ, Đức cha Gioan Maria nói lên tâm tình của ngài trong ngày hồng phúc qua 04 câu hỏi:

1. Tôi được ai sai đi công tác?
2. Tôi là ai mà được Chúa sai đi công tác?
3. Tôi được sai đi làm gì?
4. Tôi được sai đi đến với những ai?

Làm mọi người hiện diện hết sức ngạc nhiên bởi cách đặt vấn đề và lập luận rất lôgích và thực tiễn. Mọi người đều có quyền hi vọng về một chương trình và kế hoạch mới mà Chúa sẽ thực hiện qua vị tân Giám mục này.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Hà Nội thay mặt HĐGMVN có lời chúc mừng và động viên Đức tân Giám mục Gioan Maria.

Cuối cùng, Đức cha Gioan Maria, tân Giám mục chính tòa, có lời cảm ơn quí Đức cha, quí cha, quí khách, quí nam nữ tu sĩ và bà con giám dân xa gần đã đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện, động viên ngài nhân ngày nhận chức.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bất khoan dung tại Âu Châu: Liệu bế tắc sẽ làm tan rã Vương Quốc Bỉ ?
Trần Mạnh Trác
17:28 23/03/2011
Trong khi thế giới chú ý đến những biến động ở Trung Đông và thảm họa tại Nhật Bản, thì ngay tại Âu Châu, theo quan điểm của Robert Marquand bỉnh bút của tờ The Christian Science Monitor, các rạn nứt chính trị có thể dẫn tới một vụ ly dị giữa hai sắc dân của nước Bỉ, giữa 6.5 triệu người nói tiếng Hà Lan ở miền Flanders (Flemish) phía bắc, và 4.5 triệu người nói tiếng Pháp ở vùng Wallonia (Walloon) phía nam.

Nước Bỉ, thủ đô của Liên Hiệp Châu Âu và của NATO, mới đây đã đạt được một kỷ lục kỳ quái: Trong tháng Hai vừa qua Bỉ đã hạ Iraq để trở thành quốc gia lâu nhất của thế giới không thể thành lập được một chính phủ sau cuộc bầu cử tháng Sáu năm ngóai.

Cứ đà này thì hai miền Flanders và Wallonia sẽ phải chia tay nhau.

Ai sẽ giữ Brussels?

Lờ mờ trên các kịch bản ly khai là một vấn đề nan giải: Ai sẽ giữ thành phố Brussels? Đó là một thành phố nằm giữa vùng Flanders, nhưng 85 % dân Brussels lại nói tiếng Pháp!

Đây là một kịch bản mà giới lãnh đạo Châu Âu lo sợ. Họ đã không ngừng tìm cách xoa dịu những thách thức để củng cố một Âu Châu thống nhất trước bất cứ biến động nào có khả năng gây bất ổn dù cho đó là những phong trào ly khai đã tàn rụi ở Tây Ban Nha hoặc ở Ý.

Trước đây ở bên Bỉ, mỗi khi đề cập tới ý tưởng phân chia, người ta cho đó là một câu nói bâng đùa duyên dáng. Những quan ngại về ly khai đã không được chú ý vì người Bỉ luôn luôn dàn xếp các bế tắc của họ qua các cuộc đàm phán "đi đêm" và bởi vì tất cả những trào lưu chính trị chính của vùng Flanders đều coi sự việc ly khai là cực đoan. Dù gì đi nữa thì "sự Thảnh Thơi" vẫn từng là cái "quốc hồn quốc túy" của nước Bỉ.

Nhưng bây giờ thì đã khác, hai miền trôi dạt ra hai ngã khác xa nhau. Những nối kết giữa hai sắc dân không còn nhiều, thậm chí các chương trình truyền hình cũng đổi. Mỗi vùng áp đặt những luật lệ "lịch thiệp" để hổ trợ ngôn ngữ của mình, vô hình chung đó cũng là một cách "lịch sự" để thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc. Về chính trị hai vùng khác nhau như nước với lửa, vùng Flanders được coi là khu vực bảo thủ nhất châu Âu, ngược lại vùng Wallonia là vùng của chủ nghĩa xã hội.

Những khác biệt này đã được một chính trị gia người Flemish, Bart de Wever, khai thác.

Ông de Wever là người theo chủ nghĩa dân tộc "mềm dẻo". Ông không cổ võ chống Hồi giáo hay Do Thái giáo. Ông tuyên bố tin tưởng về tương lai của Châu Âu nhưng đặc biệt cũng hi vọng một nước Flanders độc lập.

De Wever được chú ý đến lần đầu tiên vào năm 2008 khi ông tiến vào vòng chung kết của một chương trình đố vui trên truyền hình có tên là "Những người thông minh nhất trên thế giới." Ông là một chính trị gia lọai "bán hàng lẻ." Ba hoặc bốn đêm mỗi tuần, ông la cà tới các quán rượu và các cuộc tụ họp với một thông điệp đơn giản đó là: người Flemish thịnh vượng phía bắc không nên bảo lãnh an sinh xã hội và thanh toán nợ nần cho người Walloon nghèo phía nam.

Luận điệu chính trị thọat mới nghe thì rất giống như những điều của Thú Tướng Đức, bà Angela Merkel, đã cằn nhằn về việc các quốc gia vùng Địa Trung Hải thiếu kỷ luật tài chính trong những năm khủng hoảng kinh tế vừa qua. Trong thực tế, đây không chỉ là một luận điệu "mị dân" nhưng cũng là rất thực tế với tình trạng "túi tiền" của dân chúng Flemish.

Chủ trương một ngôn ngữ duy nhất cho vùng Flanders của De Wever đã bị chỉ trích là nghịch lý trong một châu Âu đa ngôn ngữ mà ngay tại trung tâm Brussels người ta cũng đã thấy có sự hỗn hợp của tiếng Ả Rập, tiếng Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu đó là một thực tế thì hình như người Flemish bây giờ không muốn chấp nhận nó nữa.

Trong cuộc bầu cử tháng Sáu vừa qua, de Wever đã giành chiến thắng chưa từng có, chưa hề có một lãnh tụ đơn độc nào đã thu được hơn vài phần trăm ở Bỉ, nhưng de Wever lần này giành được 30 % của Flanders. Chiến thắng này đủ để đưa đảng của ông lên vị trí đứng đầu.

Không thể sống chung

Sâu sắc hơn, những gì de Wever làm chỉ là một cố gắng để công khai hóa ý tưởng thầm kín mà phần đông dân Flemish ấp ủ. Ông bước vào chính trường với một số "lời nói thẳng" của người Flemish: Chúng ta không thể sống chung với nhau; cuộc hôn nhân Flemish-Walloon đã chấm dứt, chúng ta nghịch nhau như sao Hỏa và sao Kim, và nếu chúng ta chấp nhận sự thực càng sớm chừng nào thì sự việc sẽ dễ dàng hơn chừng đó, có ít nhất sáu quốc gia còn nhỏ hơn Flanders ở châu Âu.

De Wever đã từ chối chức thủ tướng và ông cũng tránh những bàn luận về "cuộc phiêu lưu ly khai". Là một người bảo thủ, ông phản đối ly khai. Tuy nhiên ông công khai gọi nước Bỉ là "một quốc gia thất bại", và cuối năm trước ông đã từng tuyên bố với tạp chí Der Spiegel của Đức rằng: "Nước Bỉ sẽ tự nhiên bốc hơi đi mất."

Kể từ tháng Tám, de Wever có nhiều cuộc đàm phán không có kết quả với các đảng xã hội của Wallonia. Lúc đầu, các nhà phân tích cho rằng de Wever thiếu kinh nghiệm và nghĩ rằng ông ta sẽ "cháy". Nhưng các cuộc thăm dò ở Flanders đả cho thấy tăm tiếng của ông ta càng ngày càng tăng.

Hiện nay de Wever muốn người Walloon phải chấp thuận trên văn bản, một kế hoạch thành lập một "chế độ Liên Minh" trước khi ông thành lập một chính phủ. Dưới chế độ liên minh những ngân khỏan tài trợ cho miền nam sẽ giảm. Nhưng những người nói tiếng Pháp, Walloon, thì thấy một liên minh như thế chỉ là một đòn chí tử dẫn tới ly khai. Họ phản đối và muốn thành lập chính phủ trước khi đàm phán về đề nghị của de Wever. Không phe nào nhượng bộ phe nào.

"De Wever hiện nay liên tục rêu rao rằng nước Bỉ không thể họat động được nữa", theo nhận xét của ông Pieter Lagrou, một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Brussels. "Trong bầu không khí chính trị hiện nay, thì những điều mỗi khi ông ta nói, đều là những sự thật đang hiện ra rõ ràng hơn."

"De Wever không muốn mang tiếng làm thủ tướng của một nước mà ông muốn chia cắt", theo ý kiến của ông Karel Lanno, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ở Brussels. "Tôi cũng hiểu những lo ngại của vùng Wallonia. Nhưng Wallonia nên nhìn vào tấm gương của Slovakia. Slovakia đã từ từ tiến lên mãi.." Nhắc lại, xứ Slovakia đã tách ra khỏi Cộng hòa Séc trong vụ "ly dị nhung," trở thành độc lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1993.

Cuộc chiến văn hóa.

Nhìn bề ngòai thì một người dân nói tiếng Pháp vẫn có thể lái xe 15 dặm về phía nam của Brussels để tới Rhode-Saint-Genese (hoặc, theo tiếng Flemish thì là Sint-Genesius-Rode). Đây là một vùng ngoại ô duyên dáng có nhiều công viên cây xanh bóng mát, và có đa số là người Walloon trong một vùng của người Flemish. Đây cũng là một trong sáu thành phố có luật bảo đảm bình đẳng về ngôn ngữ, và đã trở thành một khu nghỉ mát lý tưởng cho người Walloon giàu có ở Brussels. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh văn hóa vẫn âm thầm diễn ra.

Bà thị trưởng của Rhode-Saint-Genese, Myriam Delacroix-Rolin, là một phụ nữ ăn nói cân nhắc. Bà đảm nhiệm chức vụ thị trưởng từ năm 1989 và cho biết rằng những năm gần đây đã trở thành một cơn ác mộng vì những quy định mới nhằm mục đích làm cho cuộc sống của những người nói tiếng Pháp khó khăn hơn. Những bất bình của bà có thể liệt ra thành một danh sách dài: các hãng bất động sản vùng Flanders mua những chung cư trống nhưng từ chối không bán cho người nói tiếng Pháp. Các chính sách mới giới hạn nhà ở, trường học, và thể thao dùng tiếng Pháp. Trẻ em Flemish không được phép đến trường học Pháp và thậm chí người ta còn điều tra con trẻ để tìm hiểu xem cha mẹ chúng đọc lọai tạp chí nào hầu tìm bắt người vi phạm. Các thư viện công cộng với hơn 25 % số sách ngọai ngữ (không phải là tiếng Hà Lan) thì bị từ chối tài trợ. Các giáo viên tiếng Pháp phải vượt qua một bài kiểm tra nghiêm ngặt. Vân vân và vân vân...

"Đối với người Flemish thì ý tưởng chính là quyền thừa kế đất, lợi lộc trên một lãnh thổ và quyền kiểm soát nó," bà Delacroix-Rolin nói. "Đối với người nói tiếng Pháp, thì vấn đề là quyền phổ quát mà họ được hưởng."

"Mục tiêu hiện nay không đơn giản là để buộc mọi người phải nói tiếng Hà Lan, nhưng là để người Pháp phải bỏ đi", bà tiếp tục. "Phần lớn mọi người đều nói tiếng Hà Lan. Tôi thông thạo cả hai ngôn ngữ, tòan bộ nhân viên thành phố là song ngữ. Tuy nhiên, sau nhiều năm nhiều quyền đã bị loại bỏ, thì dù cho chúng tôi biết song ngữ cũng vẫn không đủ, bởi vì chúng tôi không thuộc về văn hóa Flemish. Tôi đã làm thị trưởng 22 năm, nhưng tôi không còn có quyền ra quyết định. Khi một quyết định hành chánh được thực hiện, tôi đọc nó trên báo.. ".

Những quy tắc gây ra nạn phân biệt đối xử trên xuất phát từ cách giải thích hệ thống pháp luật của liên bang được thông qua vào năm 1994, theo ông Willy Fautre, chủ tịch hội nhân quyền không ranh giới ở Brussels. Trước đó những người Pháp cho rằng việc người Flemish diễn giải lại pháp luật cho phù hợp với lợi ích của họ là không được phép. Tuy nhiên, ông Fautre nói, những thay đổi luật liên bang năm 1994 "đã cho phép giải thích ... và đã nhấn mạnh và tăng cường các điều kiện về bản sắc riêng biệt."

Trong quá khứ vùng Wallonia không phải lúc nào cũng yếu thế. Trong chiếu dài lịch sử của Bỉ, hầu hết người Pháp là tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Người Flemish thường là nông dân nghèo còn Wallonia là vùng thép và than đá của châu Âu. Trong thế kỷ 19 giới quý tộc Pháp kiểm soát cảng Antwerp ở Flanders. Trong Thế Chiến I, binh lính Flemish được đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp, họ thường không hiểu mệnh lệnh của cấp trên và thường dẫn đến những thương vong lớn. Kết quả của những sự chênh lệch này là một phong trào chống Pháp bất bạo động của người Flemish được thành lập. Phương châm của phong trào, AVV-VVK (Tất cả mọi thứ cho Flanders - Flanders cho Chúa Kitô), từng là hàng tít của tờ nhật báo của người Flemish, de Standaard, từ 1918 cho đến 1999.

Sau Thế chiến II, số phận của hai cộng đồng đảo ngược. Flanders bắt đầu hưởng những sự phát triển của một nền kinh tế toàn cầu trong khi Wallonia rút vào bóng tối với tình trạng rỉ sét của những nhà máy lỗi thời.

Bị mắc kẹt

Đối với những người sinh sống ở thủ đô Brussels thì tình trạng bế tắc là một thời đen tối. Không mấy ai nhìn thấy một con đường giải thóat và khi nhờ cậy vào Hiến pháp thì nhiều người coi là không mạch lạc, không cung cấp một giải pháp rõ ràng. Theo ông Lagrou, những chính trị gia dường như bị mắc kẹt bởi "các quy tắc của trò chơi" và mắc kẹt trong những xung đột nhỏ nhen. "Các quy tắc phải thay đổi, nhưng không ai nhìn thấy phải làm thế nào, và vì vậy chúng tôi cảm thấy bị mắc kẹt trong một hệ thống đang thoái hóa. Nước Bỉ cần một Hiến pháp mới và một hệ thống liên bang mới ... nhưng làm thế nào?" ông tự hỏi.

Ngay phía bắc của Brussels là một vùng ngoại ô Flemish duyên dáng có một thiểu số người Pháp. Tiếng Hà Lan là ngôn ngữ chính thức duy nhất ở đây. Bên cạnh thị trấn là một cửa hàng của một người Pháp (xin giấu tên). Ông ta sở hữu cửa hàng trọn cuộc đời và muốn con trai mình tiếp tục, nhưng ông tỏ ra rất bi quan. Vẻ lo sợ hiện ra rõ ràng trên nét mặt. Năm ngoái, khi việc kinh doanh giảm sút, ông in nhiều thẻ song ngữ đặt lên quầy với hy vọng tìm thêm khách hàng từ cả hai cộng đồng.

Một tuần sau, cảnh sát đã ra lệnh cho ông có 24 giờ để dẹp bỏ chúng. "Họ không thân thiện", ông nói khi tả về cảnh sát.

Bây giờ ông có cảm tưởng như là mọi người trong thành phố đã nhìn ông ta với một con mắt khác, và những sự khác biệt nho nhỏ có vẻ như trở thành lớn hơn. "Thật đáng buồn, buồn, buồn," ông nói. "Cảnh sát không thèm nói tiếng Pháp với chúng tôi. Họ làm như không hiểu bất cứ điều gì chúng tôi nói. Và họ trở nên thô lỗ và thù địch. Nhưng khi họ đi tới người bán cá Hy Lạp gần đó, tôi nghe họ nói tiếng Pháp. Tôi thật không biết những gì đang xảy ra với chúng tôi."
 
Dầu RUM
Trầm Thiên Thu
17:56 23/03/2011
Dầu Rum (safflower oil) là loại dầu chiết xuất từ cây rum, và là loại dầu ăn phổ biến. Nghiên cứu cho thấy rằng mỗi ngày dùng một lượng dầu rum trong 16 tuần sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tim.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng một lượng dầu rum có thể cải thiện sức khỏe về mức cholesterol tốt, đường máu, độ nhạy insulin và viêm nhiễm ở các phụ nữ hậu mãn kinh béo phì bị tiểu đường Type 2.

Phát hiện này có được sau 18 tháng từ khi các nhà nghiên cứu phát hiện dầu rum làm giảm mỡ bụng và làm tăng mô cơ bắp ở các phụ nữ sau 16 tuần dùng dầu rum.

Việc kết hợp các biên pháp sức khỏe này được cải thiện nhờ dầu rum kết hợp với hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome), một số triệu chứng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường.

Các phát hiện mới này chứng tỏ hàng ngày dùng một lượng dầu rum trong chế độ ăn uống – khoảng 1 và 2/3 muỗng – là cách an toàn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Martha Belury, GS khoa dinh dưỡng tại ĐH Quốc gia Ohio và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói: “Các phụ nữ tham gia nghiên cứu không thay gì trong chế độ ăn uống với dầu rum. Họ chỉ thêm dầu rum vào những gì họ vẫn làm. Họ nói rằng những người cần một chút chất béo tốt theo kiểu này – đặc biệt khi họ là phụ nữ béo phì đã bị tiểu đường. Tôi tin các phát hiện này giúp người ta chắc chắn khi dùng loại dầu tốt này trong chế độ ăn uống hàng ngày – có thể thêm dầu rum và giấm vào món trộn, hoặc thêm dầu rum vào các món nấu. Lời khuyên này có thể áp dụng cho mọi người”.

Nghiên cứu này đã xuất hiện trên website và trên tạp chí Clinical Nutrition.


(Chuyển ngữ từ The Times Of India)
 
Cha mẹ tốt
Trầm Thiên Thu
17:59 23/03/2011
Thủ tướng Anh David Cameron và phó thủ tướng Nick Clegg vừa phải điều khiển cuộc sống gia đình họ vừa phải lãnh đạo đất nước.

Ông Cameron có 3 con, ông khôi hài rằng ông thích “làm rối tung lên”, còn ông Clegg nói rằng ông không thích nói về các vấn đề khó nói – nhưng họ luôn quan tâm các con.

Ông thủ tướng nói rằng ông không đủ thời gian dành cho các con, nhưng ông tin rằng nấu ăn với các con và làm rối tung lên đã giúp gia đình ông rèn luyện mối quan hệ thân mật.

Ông nói: “Càng biết cho đi càng nhận lại nhiều. Càng dành thời gian cho con cái càng được chúng đáp lại. Thời gian là thứ tôi không luôn có, nhưng lại là thứ tôi thấy mình có lợi nhiều, vui vẻ nhiều, đó là nấu ăn với các con. Đơn giản chỉ là làm mấy cái bánh ngọt. Thật kỳ diệu khi bạn làm rối tung lên, vui lắm, và thú vị nữa”.

Theo ông Clegg lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ (Lib Dem), nhưng theo ông, bí quyết để làm cha mẹ tốt là tránh các câu hỏi tế nhị của con cái. Ông nói đôi khi ông từ chối trả lời những câu hỏi liên miên “tại sao” của các con ông là Antonio, Alberto và Miguel.

Ông nói: “Là người cha, người ta phải làm hầu hết những thứ ngược với những gì phải làm trong công việc hàng ngày”.

Ông nói thêm: “Là một nhà chính trị, tôi phải trả lời nhiều câu hỏi. Là người cha, tôi nghĩ không phải là lúc nào cũng phải trả lời các câu hỏi “tại sao”, vì người ta không bao giờ trả lời hết, đừng lo ngại khi không trả lời các câu hỏi “tại sao” như vậy”.


(Chuyển ngữ từ The Times Of India)
 
Thông Báo
Phân Ưu: LM Giuse Vũ Đức vừa qua đời tại Detroit
LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm
15:23 23/03/2011

Phân Ưu

Được tin
LM. Giuse Vũ Đức
Tuyên Úy Bệnh Viện
vừa qua đời lúc 10giờ sáng Thú Tư 23,03, 2011,
tại nhà thương VA John Dingell, Detroit, nơi ngài làm Tuyên Úy, hưởng thọ 67 tuổi.

Cha Vũ Đức sinh ngày 25/08/1944 tại Ninh Bình. Thụ phong Linh Mục 1970, địa phận Cần Thơ.
Sau khi sang Hoa Kỳ, Cha lần lượt phục vụ ở Oklahoma City (1980-1986),
Tuyên Úy Quân Đội (1986-1993), và từ năm 1993 đến nay là Tuyên Úy Bệnh Viện.
Sinh thời, Cha viết và xuất bản nhiều sách và ‘cẩm nang’ giúp đỡ
cho rất nhiều bệnh nhân có bệnh nan y ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam.

Chương trình Tang Lễ:

Thứ Năm 24/3, 6pm: Thăm viếng- Phát tang
Thứ Sáu 25/3, 6:pm: Thăm viếng, Thánh Lễ
Thứ Bảy 26/3, 9:30 am: Thánh lễ an táng do Đức Cha Higgins,
Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Quân Đội Hoa Kỳ chủ sự,
và sau đó thi hài của ngài sẽ được di chuyển để an nghỉ tại Holy Sepulcher Cemetery, TGP Detroit.

Tất cả chương trình được cử hành tại Nhà Thờ Giáo Xứ Đức Mẹ Ban Ơn Lành,
TGP. Detroit, 26256 Ryan Rd. Warren, MI 48091 (nửa mile S. of FWY 696).
Liên Lạc: Cha Ninh, (586) 322-0047; Văn phòng GX: Eileen (586)755-1313;
Chủ Tịch Nguyễn Hữu Nam: (586) 382-1055; Tang quyến: Chú Trung (em trai) 405-596-9023.

Liên Đoàn chân thành chia buồn cùng tang quyến trước sự mất mát lớn lao trong gia đình.
Nguyện xin Thiên Chúa thương ban cho Linh Hồn Linh Mục Giuse
được hưởng nhan Thánh Chúa trên Thiên Quốc muôn đời.

Kính xin mỗi Linh Mục dâng 1 Thánh Lễ và xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho ngài.

Kính báo,
Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN HK
 
Văn Hóa
Vinashin - quả đấm thép!
lykhách
10:35 23/03/2011
Quá đói! trộm con gà ư? có tội
Tòa đảng xử dân tù ở rạch ròi
Đảng cầm quyền cướp hơn bốn tỉ đô chia nhau bỏ túi
Chưa đến mức cần kỷ luật, chỉ cần rút kinh nghiệm nhiệm kỳ tới!

Hỏi đến mức nào cần xét tội?
Đến mức nào chỉ cần tự kiểm điểm thôi?
Tội là dân cùng, không tiền, tội nghèo, tội đói
Vô tội là tham quan dốt, nhân thân tốt, đảng sáng suốt soi!

Còng lưng nước mắt mồ hôi, mấy chục triệu con người
Lắm kẻ cơm không đủ no, rách trên hở dưới
Oằn vai phục vụ đám cầm quyền cơm no bò cỡi
Học thuyết nô lệ hiện sinh có tên: “chủ nghĩa xã hội”

Đảng chưa có lệ dùng văn hóa từ chức
Quen thói tham lam, dốt nát, vô liêm sĩ, chụp giựt
Tư cách, nhận thức không bằng một đứa bé nước Nhật
Mà vẫn đứng đầu một đất nước hơn tám mươi triệu dân!

Quen chai sạn văn hóa mặt dầy
Lãnh đạo ra đường xe cộ đó đây
Nghênh ngang bụng bia, mặt phệ bóng nhẫy
Khác biệt dường bao, lếch thếch đám dân gầy!

Văn hóa thời nay phi văn hóa
Chính trị thời nay là hăm dọa
Kinh tế thời nay đầy xỏ lá
Đạo đức thời nay ngập sa đọa

Vinashin - quả đấm thép
Đã thoi thật mạnh vào bụng dân thiếu ăn xẹp lép
Sẽ còn giáng thêm những quả đấm tiếp
Đến rách áo hở quần văng cả dép!

Ôi dân ta một giống dân tội nghiệp
Vẫn oằn vai còng lưng chịu đựng ức hiếp
Vẫn nhẫn nhịn sợ vì chưa nhận biết
Đầu càng cúi thấp, thua thiệt càng lâu
Một khi nao cùng biết ngẩng cao đầu
Đảng sẽ ngã lộn nhào như sâu bọ!

Ôi! hãy sống giùm dân tôi*
Hãy nói giùm dân tôi
Hãy thở giùm dân tôi
Bởi sống mà coi như chết rồi
Bởi miệng có như câm cấm nói
Bởi thở mà như cầm cự hơi!

Nghe tự nghìn xưa tiếng thở dài
Nghe thời đại nghẹn tiếng thở bi ai
Nghe hình như nhiều tiếng thở khắc khoải
Bao thế hệ theo sẽ nín thở trả tiền lời!

Vinashin! con tàu định mệnh
Báo hiệu nước thời mạt vận bấp bênh
Chưa kịp ra khơi tàu lớn chìm tại bến
Tai họa chập chùng cứ đến hẹn lại lên!

Rồi sẽ ra khơi như thế nào?
Biển lớn Tàu giành, chật như cái ao
Chính thể cướp giật ngày càng trân tráo
Đất nước thế này mãi mãi hay sao?

* (mượn ý “Hãy Sống Giùm Tôi” - TCS)
 
Lời cầu cho Nhật Bản
Trầm Thiên Thu
18:03 23/03/2011
LỜI CẦU CHO NHẬT BẢN
.
Chuyện thảm họa năm cũ

Ở Hiroshima

Nổ tung bom nguyên tử

Khiến tang thương bao nhà

Lò hạt nhân nguyên tử

Ở Fukushima

Người Nhật sợ nó “thở”

Thế giới chung nỗi lo

Cầu Trời thương phù hộ

Cho cuộc sống bình an

Xin thế giới nâng đỡ

Giúp nước Nhật đứng lên


Tháng Ba, 2011

.

PRAYER FOR JAPAN

The story of the old year

In Hiroshima

The A-bombs exploded

A lot of people suffered


.
Now is the nuclear reactor

In Fukushima

Worried about its burst

The fear of all the world


.
May God bless Japan!

Their lives be full of peace

Let’s help Japanese

For they could stand up!


March of 2011



 
Phú Hộ và Ladarô
Trầm Thiên Thu
18:06 23/03/2011
(Diễn ý Lc 16:19-31)

Có một người phú hộ

Sống cuộc đời sang giàu

Cứ ngày ngày yến tiệc

Vui mừng và xôn xao

Có một người nghèo khó

Cứ nằm chờ dưới bàn

Mong được vụn bánh nhỏ

Ăn cho đỡ đói lòng

Không ai thèm để ý

Vì còn vui tiệc tùng

Chó còn liếm vết thương

Ladarô tủi phận

Đến một ngày cuối đời

Và Ladarô chết

Chúa trọng thưởng Nước Trời

Ladarô hạnh phúc

Phú hộ nọ cũng chết

Bị đày xuống âm ty

Phú hộ thật bất ngờ

Ngước nhìn trời nguyện ước:

“Xin Thiên Chúa xót thương

Cho xin một chút nước

Để miệng lưỡi bớt khát

Đỡ phần nào đau thương”

Lẽ nào được như vậy

Cả đời sướng nhiều rồi

Giờ này “bó tay” thôi

Còn nài van chi nữa?

Ladarô suốt đời

Sống gian nan, khổ cực

Giờ này được bù đắp

Là lẽ công bằng thôi

Đôi nơi nay tách rời

Không ai qua lại được

Chuyện sướng hay khổ trước

Có hệ quả khác nhau

Về báo gia đình biết?

Cũng vô ích mà thôi

Bao lời cảnh báo trước

Mà họ có nghe ai!

Tục ngữ Việt Nam nói:

“Ai cười người hôm trước

Hôm sau người cười lại”

Thật minh nhiên mười mươi!

Lạy Chúa Trời chí thánh

Xin giúp con yêu người

Bằng tấm lòng mở rộng

Và nhịn nhục, hy sinh



Mùa Chay – 2011



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sức Sống Tiềm Tàng
Sông Thanh
21:28 23/03/2011
SỨC SỐNG TIỀM TÀNG
Ảnh của Sông Thanh (Hình chụp tại Collins Park, Michigan)
Xin Chúa tô đậm đời con,
Bằng những màu đỏ thắm,
Giữa một trời mùa đông.
(Sông Thanh)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền