Ngày 24-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 24/03/2008
TÀI LỚN THÀNH TỰU MUỘN

N2T


Trang vương của nước Sở vừa lên ngôi, liên tục ba năm việc gì cũng không làm. Hựu tư mã của triều đình trong lòng rất nôn nóng, một hôm nhịn không nổi ngầm nói với Trang vương: “Đại vương, có một con chim lớn đậu trên đỉnh núi phía nam, ba năm trời không vỗ cánh, không bay mà cũng không kêu, an tĩnh đến nổi người ta tưởng lầm là không có nó, đại vương nghĩ rằng đó là loại chim gì ?”

Trang vương hiểu ý tứ của Hựu tư mã, trả lời: “Ba năm không vỗ cánh, là vì nó muốn cánh lớn dài mà chắc nịch; không bay mà cũng không kêu là nó muốn quan sát tình huống của bên dưới. Nếu nó không bay thì thôi, nhưng nếu nó bay thì bay vút tận trời cao; nó không kêu thì thôi, chứ nếu nó kêu thì nhất định hống to kinh người.”

Nửa năm sau, Sở Trang vương bắt đầu lo chuyện chính sự, chỉ một thời gian ngắn đã bãi miễn mười ông quan sứ, cất nhắc chín quan viên, xử phạt năm vị đại thần, lưu dụng sáu vị xử sĩ, khí thế quốc gia đổi mới, biến tình hình thành mới tất cả, chính trị thái bình.

Sở Trang vương không vì thế mà lấy làm thỏa mãn, ông ta còn chỉ huy quân đội tiến đánh nước Tề, đánh bại nước Tấn, trở thành bá chủ thiên hạ.

(Mặc tử: Dụ lão)

Suy tư:

Có những em bé chậm nói, đến khi nói được thì là nói những lời như người lớn nói; có những trẻ em chậm chạp trong lời nói, nhưng khi lớn lên thì ăn nói khôn ngoan...

Thời nay có những người thông minh nhưng tính khí bộp chộp không kiên nhẫn, thế là trở thành kẻ dại dột, làm hư bột hư đường (chuyện đại sự), bởi bì họ ỷ lại vào cái thông minh của mình mà không dựa vào nền tảng của suy tư; mà những người khôn ngoan thì xem ra chậm chạp nhưng lại thành công, bởi vì họ dùng:

- 50% để suy nghĩ.

- 35% để nghe.

- 10% để nhìn.

- 05% để nói.

Nói thật ít, nhìn thật rõ, nghe minh bạch và suy thật nhiều, thì nhất định sẽ thành công.

Sách Châm Ngôn dạy rằng:

“Người nói năng dè dặt là người hiểu biết,

kẻ giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan.

Nếu biết giữ thinh lặng,

kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan;

nếu biết ngậm môi,

kẻ đó được coi là người thông hiểu.” (Cn 17, 27-28)


Sở Trang vương không vội vàng hấp tấp hành xử việc nước khi mới lên ngôi vua, nhưng nghe ngóng, quan sát, suy nghĩ trong ba năm mới bắt đầu trị nước, kết quả thành công thật rực rỡ.

Đó chính là sự khôn ngoan vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 24/03/2008
N2T


2. Rước lễ là đường tắt an toàn nhất để lên thiên đàng.

(Thánh Pius X)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ Phúc Lợi Xã Hội Tới Nghiên Cứu Tế Bào Gốc
Vũ Văn An
00:59 24/03/2008

Từ Phúc Lợi Xã Hội Tới Nghiên Cứu Tế Bào Gốc



Tuần qua, tại Parramatta, NSW, Australia, đã diễn ra Hội Nghị Lưỡng Niên Các Liên Hệ Nhân Dụng Ngành Phúc Lợi Xã Hội Công Giáo, quy tụ các vị tổng giám đốc, giám đốc và các nhà chuyên nghiệp ngành này. Đây là cơ hội để các vị gặp nhau và thảo luận các vấn đề quan trọng thuộc lãnh vực liên hệ nhân dụng và để họ liên kết với các đồng nghiệp khác trong ngành phúc lợi xã hội.



Chủ đề của hội nghị lần này là: Phúc Lợi Xã Hội Công Giáo: Các Liên Hệ Nhân Dụng Đang Thay Đổi Trong Các Cộng Đồng Đang Thay Đổi. Lên tiếng trong Hội Nghị lần này, Đức Cha Kevin Manning, giám mục Parramatta, cho hay: quan tâm hàng đầu của các dịch vụ phúc lợi xã hội Công Giáo là truyền bá sứ điệp hy vọng của Phúc Âm, là trở thành “khuôn mặt Chúa Kitô” cho những người thiếu thốn, qua tiếp xúc bản thân, gương sáng, ảnh hưởng, bênh vực, các dự án và hoạt động. “Mục tiêu trước nhất của nó là tiếp nối công việc của Chúa Kitô trong việc nhìn nhận phẩm giá của mọi nhân vị, mời gọi họ sống trọn cuộc sống họ, và nhất là vươn cánh tay ra ôm lấy người nghèo, người kém thế hay bị đẩy ra ngoài lề xã hội, cũng như những ai bị các thách đố của đời đè bẹp”.

Đức cha Manning cũng cho hay: “Trung tâm của các dịch vụ xã hội là ý thức công bằng, một niềm hoài mong rằng mọi người đều có quyền có phẩm giá, thoả mãn được các nhu cầu căn bản, được an toàn, có nhà ở, được chăm sóc thoả đáng, và được yêu thương”.

Đối với Đức cha, gia đình, cá nhân và các mối liên hệ giữa họ với nhau chính là rường cột của xã hội và của Giáo Hội. “Sự kiện ấy đã được nói rõ trong nhiều giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, dù có những ràng buộc xúc cảm khá mạnh và nhiều thiện chí, việc sống chung và duy trì được các liên kết thích đáng, song song với việc sắp xếp các điểm chuyển tiếp trong đời, đôi khi thật khó khăn đối với một số người, khó khăn đến độ họ trở thành “kẹt cứng” và sau cùng hết hành động nổi… Nếu chúng ta muốn tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô: ‘Con đến để họ được sống và được sống sung mãn’ (Ga 10:10), thì bắt buộc chúng ta phải cung cấp cho họ các dịch vụ chuyên nghiệp có phẩm chất giúp họ nhận ra và sống thực tiềm năng của họ ở trên đời trong một tinh thần hy vọng. Mọi người chúng ta đều muốn một cuộc sống trọn hảo. Nhưng không phải ai ai cũng có đồng đều cơ hội thực hiện điều ấy. Nhiều người vẫn từng và còn bị hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác cầm chân. Chính vai trò các dịch vụ xã hội Công Giáo trong tư cách những con người mang hy vọng sẽ giúp mọi người tiến tới khả thể kia”.

Khá nhiều các diễn giảng nổi tiếng đã được mời đóng góp trong Hội Nghị này. John Della Bosca, Bộ Trưởng Các Liên Hệ Kỹ Nghệ Bang New South Wales đã trình bày với Đại Hội nhiều cái nhìn thông sáng về lịch sử các khai triển từng được đưa ra nhằm dẫn đến một hệ thống liên hệ kỹ nghệ hài hoà toàn quốc. Stephen Rothman, Thẩm Phán Tối Cao Bang New South Wales, nói về nhiệm vụ các chủ nhân phải dùng các phương thức chăm sóc và thường luật. Giáo sư Joellen Riley của Đại Học New South Wales khảo sát tác dụng của cuộc bầu cử Liên Bang và hướng đi tương lai của các liên hệ kỹ nghệ. Robyn Alexander, nhà nghiên cứu và là tác giả tập tài liệu Understanding Australian Industrial Relations, trình bầy vấn đề thương thảo tập thể có tính bao hàm (inclusive collective bargaining). Trong khi Damien Power thuộc cơ quan Centacare tại Canberra nói tới kinh nghiệm của ông trong việc khai triển các thoả thuận liên hệ nhân dụng hiện đại. Michael McDonald, Tổng Giám Đốc Ủy Ban Công Giáo về Liên Hệ Nhân Dụng, Giáo Sư Marian Baird của Đại Học Sydney và Jim Booth của Centacare tại Vùng Tây Bắc New England lập thành ban thảo luận xem sét một loạt các vấn đề liên hệ nhân dụng khác.

Nghiên Cứu Tế Bào Gốc



Trong khi đó, tại Tổng Giáo Phận Sydney, Đức Hồng Y George Pell hoan nghênh công việc của nhóm nghiên cứu Adelaide là nhóm đã được Tổng Giáo Phẩm cấp ngân khoản 100,000 đô-la để hỗ trợ việc nghiên cứu tế bào gốc người lớn.

Nhóm này do Phó Giáo Sư Stan Gronthos thuộc Phòng Thí Nghiệm Xương và Ung Thư của Viện Hanson, và Bác Sĩ Simon Koblar, thuộc trường Y Khoa Adelaide, điều khiển.

Ngân khoản của Tổng Giáo Phận Sydney sẽ giúp nhóm này thăm dò khả năng của tế bào gốc lấy từ tế bào của tủy răng để dị biệt hóa thành tế bào thần kinh, và khảo sát xem chúng có tiềm năng điều trị những người bị đột qụy hay không.



Đức Hồng Y Pell cho hay: “dự án của Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar đem lại nhiều tư tưởng và lối suy nghĩ mới liên quan đến việc dùng tế bào gốc người lớn để nghiên cứu và tìm ra phương thức điều trị mới cho người bị đột qụy. Cuộc nghiên cứu của họ sẽ khởi diễn và cổ vũ một sự hợp tác mới giữa các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này, và tôi rất hài lòng khi thấy việc tổng giáo phận Sydney cấp ngân khoản sẽ đóng góp đáng kể để đảm bảo công cuộc nghiên cứu của họ tiếp tục diễn tiến. Đây thực sự là một cuộc nghiên cứu hợp đạo đức, nhiều đổi mới và nhằm mục đích cải thiện sự sống…”

Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar là một trong 10 mười nhóm nạp đơn xin cấp ngân khoản này. Một ban tuyển chọn độc lập đã được thành lập để cứu xét các đơn xin, dựa trên các phúc trình từ một đến hai trọng tài do chính đương đơn đề cử, và một trọng tài của ban tuyển chọn. Ban tuyển chọn này gồm Bác Sĩ Peter McCullagh, một nhà nghiên cứu y khoa nay đã về hưu và hiện là thành viên của Ủy Ban Cấp Giấy Phép Trong Hội Đồng Quốc Gia Nghiên Cứu Sức Khỏe Và Y Khoa, Giáo Sư Colin Thomson, Giáo Sư Thỉnh Giảng Phân Khoa Luật, Trường Đại Học Wollongong và là chủ tịch Ủy Ban Úc Châu về Đạo Đức Sức Khỏe, và Bác Sĩ Bernadette Tobin, giám đốc Trung Tâm Plunkett về Đạo Đức tại Bệnh Viện St Vincent, Sydney. Ủy ban đã đồng thanh chấp nhận dự án củ Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar.

Bác Sỉ Tobin phát biểu rằng dù cả mười đơn xin đều hội đủ các tiêu chuẩn chọn lựa và phản ảnh “các tiêu chuẩn rất cao về tính ưu việt khoa học”, nhưng dự án Gronthos-Koblar nổi bật vì một số lý do sau đây. “Chúng tôi được khuyến cáo là các nhà nghiên cứu này đã đấm quá cả trọng lượng của chính họ. Một trong các trọng tài nhận định rằng cuộc nghiên cứu đầy tính canh tân của Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar có cơ may đảm lại nhiều kiến thức mới rất quan trọng. Và với những kiến thức mới ấy là các cách chữa trị và điều trị mới. Thêm vào đó, Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar còn hướng dẫn một nhóm nghiên cứu được thiết lập với một thành tích đã công bố nhiều ấn phẩm giá trị trong lãnh vực nghiên cứu tế bào gốc người lớn”.

Hiện nay, tổng giáo phận Sydney đang tài trợ ba loại nghiên cứu khác nhau về tiềm năng điều trị của tế bào gốc người lớn. Trong năm 2003, tổng giáo phận đã cấp ngân khoản cho Giáo Sư Alan Mackay-Sim của Đại Học Griffith tiến hành dự án nghiên cứu xem liệu tế bào gốc người lớn lấy từ mũi ra có tiềm năng chữa được bệnh Parkinson hay không. Năm 2005, ngân khoản đã được cấp cho Bác Sĩ Pritinder Kaur của Viện Ung Thư Peter McCallum để tiến hành dự án thăm dò tiềm năng dùng tế bào gốc người lớn lấy từ da ra có thể tái tạo được da người sau khi bị phỏng nặng hay không.

Con số các đơn xin cấp ngân khoản mỗi năm một gia tăng: 4 đơn năm 2003, 8 đơn năm 2005 và 10 đơn năm 2007.

Vũ Văn An

Theo tin và hình ảnh của Damir Govorcin, The Catholic Weekly, 23-03-2008
 
Lá thư của nhà báo và tân tòng Madgi Alla gởi cho giám đốc báo Il Corriere della Sera
Bart. Phan Trần Thái, SDB (dịch)
10:43 24/03/2008

Cập bến sau một hành trình dài: Cuộc gặp gỡ quyết định với Đức Thánh Cha



Lá thư của Madgi Alla - nhà báo tân tòng cải đạo từ Hồi giáo, được rửa tội bởi ĐTC vào đêm vọng Phục Sinh tại Roma - gởi cho giám đốc báo Il Corriere della Sera (Người đưa tin buổi chiều), đăng trên báo này ngày lễ Phục Sinh 23-3-2008

Kinh thưa ngài giám đốc,

Tân tòng Magdi Allam
Điều mà tôi muốn nói với ngày đây liên quan đến sự chọn lựa đức tin tôn giáo và cuộc sông cá nhân của tôi, điều mà tôi không muốn làm ảnh hưởng đến tờ báo Il Corriere della Sera, nơi tôi hân hạnh được làm việc từ 2003 trong tư cách phó giám đốc. Tôi viết cho ngài với tư cách là nhân vật chính của một biến cố. Ngày hôm qua tôi đã từ bỏ đức tin Hồi giáo để cải đạo sang Công giáo. Như thế, nhờ ơn Chúa, một cuộc thai nghén từ lâu được nuôi dưỡng trong đau khổ và niềm vui, giữa suy tư sâu xa và thầm kín với sự bày tỏ ý thức công khai, nay đã trổ sinh trái chín. Tôi đặc biệt cám ơn Đức Thánh Cha Benedicto 16 đã trao ban những Bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm Sức va Thánh Thể cho tôi trong đền thờ Thánh Phêro trong lễ trọng Vọng Phục Sinh. Và tôi đã nhận một tên thánh rất là đơn sơ và rõ ràng: “Cristiano” (người Kitô hữu).

Thế là kể từ hôm qua tôi mang tên là “Magdi Cristiano Allam”. Đối với tôi đó là ngày đẹp nhất trong đời. Đón nhận hồng ân đức tin Kitô giáo trong dịp lễ Phục Sinh từ chính tay của Đức Thánh Cha, đối với một giáo dân đó là một sự ưu ái khôn lường. Đối với một người bé nhỏ gần 56 tuổi đời như tôi, đây là một biến cố lịch sử, phi thường và không thể quên, đánh dấu một bước ngoặc căn cơ và dứt khoát với quá khứ. Phép lạ phục sinh của Chúa Kitô đã soi chiếu trên tâm hồn tôi và giải thoát hồn tôi khỏi bóng tối của một giáo thuyết của sự thù ghét và bất bao dung với “người khác” thay vì đặt lên hàng đầu tình yêu và sự kính trọng đối với tha nhân như một nhân vị; thế là tâm trí tôi được thanh thoát khỏi một thứ ý thức hệ luôn hợp thức hóa sự dối trá và giấu giếm, sự chết chóc bạo lực vốn dẫn đến việc sát nhân và tự sát, sự tùng phục mù quáng và độc đoán; tôi được tháp nhập vào một tôn giáo chính thực của Chân lý, của Sự sống và Tự do. Trong Cuộc Vượt Qua đầu tiên của tôi như một người Kitô giáo tôi đã không chỉ khám phá ra Giêsu, lần đầu tiên tôi còn khám phá được Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Chúa của Đức tin và Lý trí.

Điểm cập bến.

Cuộc cải đạo sang Công giáo của tôi là điểm cập bến của một cuộc suy tư nội tâm sâu xa và lâu dài mà tôi không thể tránh né. Bởi vì đã năm năm rồi tôi bị bó buộc trong một cuộc sống được bảo hộ an ninh, với bảo vệ ở nhà và cảnh sát hộ tống trong mọi di chuyển, do những đe dọa và những án tử dành cho tôi từ phía nhưng người hồi giáo quá khích và khủng bố tại nước Ý cũng như hải ngoại. Tôi đã phải tự vấn mình về thái độ của những người đã công khai phát hành fatwe, về những phản ứng pháp lý Hồi giáo tố cáo tôi - một người Hồi giáo - là “kẻ thù của Hồi giáo”, là “giả hình, là Kitô hữu copto giả dạng Hồi giáo để gây hại cho Hồi giáo”, là “tên dối trá và kẻ bôi nhọ đạo Hồi”, để rồi kết án tử cho tôi. Tôi tự hỏi tại sao tôi, một người đấu tranh không mỏi mệt và cách xác tín cho một “Hồi giáo ôn hòa”, chấp nhận làm người tiên phong đương đầu với những tố cáo của Hồi giáo cực đoan và khủng bố, cuối cùng lại bị kết án tử nhân danh Hồi giáo trên cơ sở hợp pháp hóa của Kinh Coran. Và thế là tôi phải đi đến xác nhận rằng sự lấn lướt của hiện tượng Hồi giáo quá khích và khủng bố trên tầm mức thế giới không phải là sự ngẫu nhiên, mà căn rễ của sự xấu vốn từ trong tính chất của Hồi giáo vốn bạo lực và hay gây xung đột.

Trong lúc đó, Chúa quan phòng đã cho tôi gặp gỡ những người công giáo sống đạo một cách ngay lành, với chứng tá và sự thân tình của họ, họ đã dần trở nên điểm quy chiếu trên sơ đồ chắc chắn của chân lý và sự kiên vững của các giá trị. Trước tiên là những người bạn trong hiệp hội Comunione e Liberazione (Hiệp Thông và Giải Phóng), đứng đầu là cha Julian Carròn; rồi từ những tu sĩ giản dị như cha Gabriele Mangiarotti, sơ Maria Gloria Riva, cha Carlo Maurizi và cha Yohannis Lahzi Gaid; rồi sự quen biết với những tu sĩ Saledieng, nhờ ơn cha Angelo Tengattini và cha Maurizio Verlezza tôi đã có được mối thân tình cha Bề Trên cả Pasqual Chavez Villanueva; cho đến vòng tay của các vị chủ chăn như Hồng y Tarcisio Bertone, các Đức cha Luigi Negri, Giancarlo Vecerrica, Gino Romanazzi e đặc biệt Đức cha Rino Fisichella đồng hành với tôi trong hành trình thiêng liêng dẫn đến việc đón nhận đức tin Kitô giáo. Nhưng không thể chối cãi rằng cuộc gặp gỡ lạ thường và ý nghĩa trong việc quyết định cải đạo của tôi chính là cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, người mà tôi rất kính phục và ủng hộ trong tư cách là tín đồ Hồi giáo bởi sự sắc bén trong việc trình bày tương quan giữa Đức tin và lý trí như là nền tảng của tôn giáo chân chính và văn minh nhân loại, điều mà giờ đây tôi muốn dấn mình cách hoàn toàn như một Kitô hữu hầu đón lấy sinh khí của ánh sáng mới để hoàn thành sứ mạnng mà Chúa đã dành cho tôi.

Sự chọn lựa và những đe dọa.

Thưa ngài giám đốc, ngài đã hỏi tôi có sợ bị mất mạng không, vì ngài biết rằng việc cải đạo sang Kitô giáo chắc chắn sẽ gây cho tôi nhiều phiền phức và thậm chí án tử vì tội phản đạo. Ngài có lý đấy. Tôi biết tôi sẽ gặp phải điều gì, nhưng tôi đối diện với nó ngẩng cao đầu và lưng đứng thẳng với một sự kiên vững nội tâm của một người chắc chắn về đức tin của mình. Và tôi sẽ tiếp tục kiên vững hơn sau hành vi lịch sử và can đảm của Đức Thánh cha, người mà ngay từ phút đầu biết được nguyện vọng của tôi đã muốn đích thân trao ban các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho tôi. Đức Thánh Cha đã công bố một sứ điệp rõ ràng và có tính cách mạng cho một Giáo Hội mà đến giờ vẫn còn quá thận trọng trong việc cải đạo cho các tín đồ Hồi giáo, tránh né việc cho gia nhập đạo ở những đất nước đa số Hồi giáo và im lặng trước thực tế việc cải đạo ở các nước Kitô giáo. Vì lo sợ. Nỗi lo sợ không che chở được cho những người cải đạo trước án tử của họ vì tội phản đạo, và nỗi lo sợ các tín hữu Kitô giáo ở các nưới Hồi giáo sẽ bị trả đũa. Thế nhưng, hôm nay, với chứng ta của mình, Đức Benedicto 16 muốn nói với chúng ta rằng phải chiến thắng sự sợ hãi và đừng sợ gì khi khẳng định chân lý về Đức Giêsu ngay cả với những người Hồi giáo.

Hãy ngừng bạo lực.

Trên góc nhìn của mình tôi xin nói rằng đã đến lúc chấm dứt sự phóng túng và bạo lực của những người Hồi giáo vốn không tôn trọng tự do chọn lựa tôn giáo. Ở Ý có hàng ngàn người cải đạo sang Hồi giáo và họ sống an bình với đức tin mới. Nhưng lại có hàng ngàn người Hồi giáo cải đạo sang Kitô giáo thì lại buộc lòng phải che giấu đức tin mới vì sợ bị sát hại bởi những người Hồi giáo cực đoan trà trộn giữa chúng ta. Một trong những trường hợp này đã được nói đến trong bài viết đầu tiên của tôi trên tờ Il Corriere della Sera ngày 3/9/2003 với tựa đề “Những hang toại đạo mới của những người Hồi giáo cải đạo”. Đó là một cuộc điều tra về những người tân tòng nói về nỗi cô đơn thiêng liêng và nhân bản của họ, trước sự trốn tránh của các cơ quan nhà nước và sự im lặng của Giáo hội trong việc chăm lo bảo vệ an toàn cho họ. Thế nhưng tôi cầu mong rằng, từ hành vi lịch sự của Đức Thánh Cha và từ lời chứng của tôi, sẽ dấy lên một niềm tin rằng đã đến lúc đi ra khỏi bóng tối của hang toại đạo và khẳng định công khai ý muốn được là chính mình một cách tròn đầy. Nếu chúng ta không đảm bảo được tự do tôn giáo ngay tại Ý quốc này, là cái nôi của Kitô giáo, là nhà của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể lên án được sự vi phạm tự do tôn giáo ở những nơi khác trên thế giới? Tôi cầu xin Thiên Chúa để Lễ Phục Sinh đặc biệt này mang lại sự phục sinh tinh thần cho tất cả các tín hữu trong Đức Kitô, những người nào vẫn còn bị sự sợ hãi khuất phục.

Madgi Allam

Ngày 23 tháng 3 năm 2008

Báo Il Corriere della Sera, 23 tháng 3 năm 2008
 
Người Hồi giáoTân tòng mới được ĐTC rửa tội cho biết mạng sống bị đe dọa
Phụng Nghi
11:12 24/03/2008
ĐTC rửa tội cho Allam


Vatican (Reuters) – Ngày Chủ nhật hôm qua, một tác gia Hồi giáo và nhà phê bình chủ nghĩa chính thống Hồi giáo cực đoan mới được Giáo hoàng Bênêđictô XVI rửa tội hôm chủ nhật, nói rằng đạo Hồi là một tôn giáo “bạo động về thể lý”; ông cũng cho biết vì cải đạo nay ông đang trong tình trạng rất hiểm nguy.

“Tôi biết rõ được điều tôi đang chống đối, nhưng sẽ đối diện số mạng của tôi, đầu ngẩng cao, lưng thẳng đứng và với sức mạnh nội tâm của người kiên vững về đức tin của mình.”

Trong một tiến độ vào đêm thứ Bảy làm sửng sốt nhiều người, Đức giáo hoàng đã rửa tội cho ông Magdi Allam, 55 tuổi, người Ai cập, trong thánh lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và được truyền hình đi khắp thế giới.

Ông Allam lấy tên “Christian (Người Kitô hữu)” làm tên rửa tội. Cuộc cải đạo theo Công giáo của ông được giữ kín chỉ được tiết lộ trong một bản tuyên bố chưa đầy một giờ trước khi nghi lễ cử hành.

Trong ấn bản ngày Chủ nhật của tờ báo hàng đầu Corriere della Sera nơi ông làm phụ tá giám dốc, Allam nói: “…gốc rễ của điều ác là bản chất của một Hồi giáo bạo động về mặt thể lý và xung đột về mặt lịch sử.”

Allam từng mạnh mẽ bênh vực Israel, người đã có lần được một tờ báo Israel gọi là “người Hồi giáo Xiôn” (tức là người ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do thái), đã sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát vì những đe dọa đến sinh mạng, đặc biệt là sau khi ông chỉ trích lập trường của Iran đối với Israel.

Ông cho biết trước khi theo đạo ông đã không ngừng tự hỏi tại sao một kẻ đã tranh đấu cho điều mà ông gọi là “Hồi giáo ôn hòa lại bị người ta “nhân danh Hồi giáo và căn cứ trên tính hợp pháp của kinh Koran mà kết tội tử hình”.

Cuộc cải đạo của ông, được ông gọi là “ngày hạnh phúc nhất đời tôi” xảy ra chỉ hai ngày sau khi người lãnh đạo tổ chức al Qaeda - Osama bin Laden - kết án Đức giáo hoàng là thành phần của một “cuộc thánh chiến mới” chống Hồi giáo.

Tòa thánh Vatican dường như đau đầu vì phải đối diện với các chỉ trích của thế giới Hồi giáo về chuyện cải đạo.

Đức hồng y Giovanni Re nói với một tờ nhật báo Ý: “Cải đạo là một vấn đề riêng tư, một chuyện cá nhân và chúng tôi hy vọng rằng phép thanh tẩy không bị Hồi giáo giải thích một cách tiêu cực.”

Tuy vậy, việc rửa tội rất công khai cho Allam do Đức giáo hoàng cử hành làm bàng hoàng cộng đồng Hồi giáo nước Ý, một số người lãnh đạo công khai đặt câu hỏi tại sao Vatican lại chọn rọi sáng việc đó để mọi người chú ý như thế.

Yaha Sergio Yahe Pallavicini, phó chủ tịch Công đồng Hồi giáo Ý nói với Reuters: “Điều làm tôi ngạc nhiên là Vatican làm cho việc cải đạo này thành lớn chuyện. Tại sao ông ta không thực hiện chuyện này tại giáo xứ địa phương nơi cư ngụ?”

Một án tử hình khác nữa

Allam là tác giả nhiều cuốn sách, cho hay ông biết rõ cuộc cải đạo của ông chẳng khác gì tạo cho ông “một bán án tử hình khác vì tội bội giáo”, tội bỏ đức tin của mình.

Nhưng ông nói sẵn sàng chịu nguy hiểm như thế vì “cuối cùng ông đã thấy được ánh sáng, do ơn phúc thần thiêng.”

Năm 2006 Allam đã bênh vực Đức giáo hoàng sau bài diễn từ của ngài tại Regensburg, nước Đức, bị nhiều người Hồi giáo coi như đã mô tả đạo Hồi là một tôn giáo bạo động.

Ông nói ông đã quyết định theo đạo Công giáo sau nhiều năm tìm kiếm sâu xa tận đáy lòng. Ông khẳng định là giáo hội Công giáo đã “quá dè dặt trong việc cải đạo người Hồi giáo.”

Trong thánh lễ Phục sinh hôm sáng ngày Chủ nhật sau khi đã rửa tội Allam, Đức giáo hoàng trong kinh nguyện, tuy không đề cập đến tên ông, nhưng nói đến “phép lạ” cải đạo theo Kitô giáo vẫn còn tiếp diễn 2000 năm sau ngày phục sinh của Đức Kitô.

Bản tuyên bố của Vatican về việc cải đạo của Allam nói: “Đối với giáo hội Công giáo, bất cứ ai xin nhận phép Thanh tẩy sau cuộc tìm kiếm cá nhân sâu sắc, sau sự chọn lựa hoàn toàn tự do và chuẩn bị thích đáng, cũng có quyền nhận lãnh.”

Bản tuyên bố cũng nói mọi người mới nhận đức tin đều “cùng quan yếu trước tình yêu Thiên Chúa và được đón mời vào cộng đồng Giáo hội”.
 
Cha Lombardi bình luận về sự ra đi gần đây của các nhân vật nổi tiếng trong Giáo hội
Peter Nguyễn Minh Trung
12:15 24/03/2008
Cha Lombardi bình luận như trên về những sự ra đi gần đây của các nhân vật nổi tiếng trong Giáo hội.

VATICAN - Giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh, cha Fedirico Lombardi, đã phát hiểu trong một buổi bình luận về sự ra đi gần đây của Đức Tổng Giám Mục thành Mosul (Iraq) và chị Chiara Lubich.

Đức TGM Paulos Faraj Rahho nghi lễ Chaldean của thành Mosul, Iraq đã qua đời ít lâu sau khi ngài bị những kẻ khủng bố bắt cóc vào ngày 29 tháng 02. Chị Lubich, 88 tuổi, qua đời hôm 14 tháng 03 vừa qua ở nhà riêng gần Rome. Chị Lubich là sáng lập viên phong trào Focolare Tổ Ấm.

Cha dòng Tên Fedirico Lombardi nhận định về cái chết của hai nhân vật Công Giáo trên vào đoạn cuối của chương trình truyền hình Vatican hàng tuần "Octava Dies".

Cha Lombardi giải thích: "Chúa Giêsu, con Thiên Chúa đã chết cho chúng ta và cùng chúng ta. Và Người đã phục sinh. Những ai chết trong Người, làm chứng cho tình yêu giữa trần thế và sống đời phục vụ chân chính, cũng sẽ được thông phần vào sự sống đời đời."

Cha Lombardi nói tiếp "Đức Thánh Cha tưởng nhớ lại tình yêu của Đức TGM Rahho dành cho những kẻ nghèo hèn và khuyết tật, ngài cũng gợi lại sự cống hiến của chị Chiara cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô giáo và kiến tạo tình huynh đệ giữa mọi người."

Cha Lombardi tiếp tục: "Đức Thánh Cha Benedict XVI tha thiết lặp lại rằng Thiên Chúa không tự Ngài đi vào đời sống của chúng ta, nhưng Ngài đến thông qua các Thánh. Và có lẽ chúng ta có thể khẳng định rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu đối với chúng ta là đồng hành cách đặc biệt bởi những con người đã cũng đồng hành với Chúa trong cuộc đời trần thế của Người cho mãi đến lúc chết.

"[Điều này] vì cuộc hành trình trần thế của Chúa Giêsu cho đến tận cùng Thập Giá chỉ trong một con đường duy nhất, nhưng Người không cô độc; và những kẻ có được hồng ân biết làm thế nào để kết hợp một cách ý thức trong đức tin vào cuộc đời, cuộc khổ nạn và tử nạn của Đức Kitô, sẽ trở nên dấu chỉ to lớn của niềm hy vọng cho nhiều người: Họ phụng sự cách lớn lao cho cộng đồng và anh em họ."

Cha Lombardi kết luận: "Bởi vì các Thánh giúp chúng ta hiểu được những gì họ đã khám phá tự bản thân trong một con đường đầy ánh sáng và rạng ngời, đó thực sự là con đường mở ra cho tất cả những ai được Thiên Chúa yêu mến. Người đồng hành cùng các Thánh, chịu chết vì họ và với họ. Điều đó cũng là tuyệt đối cho tất cả chúng ta."

Tưởng cũng nên nhắc lại vào ngày 29/02 Đức TGM Paulos Faraj Rahho bị khủng bố bắt, bọn chúng đã bắn vào chân ngài. Chặn xe của ngài bằng cách nổ xúng làm xì hơi bánh xe, giết 2 cận vệ và đẩy Đức TGM Rahho vào cốp xe của bọn chúng. Trong bóng tối khi nằm ở cốp xe, ngài đã xoay sở để rút được chiếc điện thoại di động ra gọi về Tòa Tổng Giám Mục và nói với các nhân viên tại đó rằng không được chi trả bất cứ khoản tiền nào hầu giúp ngài có thể được tự do.

Nhân viên của Tòa Tổng Giám Mục thuật lại: "Đức Cha Rahho tin rằng số tiền nếu được trả để ngài tự do sẽ không được bọn khủng bố dùng vào những việc tốt lành, nhưng ngược lại, chúng sẽ dùng số tiền ấy để giết thêm người và gieo rắc thêm tội ác."

Đức TGM Rahho hay còn được dân chúng Mosul biết đến dưới những cái tên như Safina, Con Thuyền Lớn, còn giáo dân thì gọi ngài cách tôn kính.

(dịch và tổng hợp từ các báo)
 
Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Alexy II chúc mừng Lễ Phục Sinh Đức Thánh Cha
Peter Nguyễn Minh Trung
12:18 24/03/2008
VATICAN CITY - Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Alexy II của Moscow và toàn nước Nga đã gửi lời chúc mừng Phục Sinh đến Đức Thánh Cha Benedict XVI. Trong lời chúc mừng, Đức Thượng Phụ Alexy II nêu bật sự lạc quan và niềm vui mừng tuyệt đối vào thông điệp Kitô giáo này.

Đài phát thanh Vatican tường thuật lại rằng trong thông điệp chúc mừng, Đức Thượng Phụ Alexy II bày tỏ "với toàn bộ tâm tình, cầu chúc niềm vui, sức khỏe và phúc lành của mùa Phục Sinh Thánh" đến Đức Thánh Cha.

Thông điệp tiếp tục với đoạn viết: "Thế giới đương đại đặt chúng ta trước những khó khăn và thách thức. Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, những vụ xung đột đẫm máu vẫn tiếp diễn, sự thù địch giữa con người với nhau trở nên gay gắt hơn, những điều ấy vẫn tiếp tục hòng lèo lái các giá trị Kitô giáo ra khỏi đời sống xã hội."

"Nếu thực tế bao vây chúng ta quá phức tạp, các Kitô hữu được mời gọi để đánh bại chủ nghĩa hoài nghi cũng như sự ô nhục và những khó khăn, để nhờ đó nhận lãnh cảm hứng từ niềm hoan lạc của Lễ Phục Sinh và Lời Chúa Kitô."

Thông tấn xã Itar-Tass cho biết Đức Thượng Phụ Alexy II cũng gửi thông điệp đến những vị đứng đầu của các Giáo hội Tin Lành.

Lễ Phục Sinh của Chính Thống Giáo tại Nga được cử hành theo lịch Julian, tức là vào ngày 27 tháng 04.
 
Trung quốc hạn chế số người dự lễ Phục sinh tại vùng hẻo lánh ở Tây tạng
Phụng Nghi
13:29 24/03/2008
Thánh đường Công giáo tại Cizhong
Cizhong, Trung quốc (AFP) – Giáo hội Công giáo Tây tạng tại Cizhong, một khu vực hẻo lánh nằm gần dãy núi Hy mã lạp sơn, do những biến động chống Trung quốc tại thủ đô của Tây tạng là Lhasa mà được lệnh phải hạn chế số người đến dự lễ Phục sinh.

Kết quả là cộng đồng nhỏ bé chỉ có 1000 giáo dân này, nơi vùng rừng núi nên thơ, giữa một khu vực dân cư đa số theo Phật giáo, do những biến động mới đây, đã bị ảnh hưởng đến vấn đề họ quan tâm nhất, đó là tôn giáo.

Theo lời những người dân địa phương cho biết thì Chủ nhật Phục sinh là ngày quan trọng nhất cho cộng đoàn tín hữu tại Cizhong, nơi có ngôi thánh đường cổ gần 100 năm, vì mối tương đồng giữa sự phục sinh của Đức Kitô và tín ngưỡng luân hồi của Phật giáo Tây tạng.

Tay tạng và Đức Lạt ma
“Sự phục sinh của Đức Kitô là khía cạnh lôi cuốn nhất đối với người Công giáo Tây tạng sinh sống tại đây”, đó là lời của cụ Francis Fang Jicuo, một người Công giáo Tây tạng nhiệt tâm đã sống đức tin tại đây suốt cuộc đời dài 80 năm.

Lễ Phục sinh này lại đặc biệt quan trọng vì Cha Yao Fei, gốc người Mông cổ, gần 40 tuổi, dáng người thấp bé, mắt đeo kính, chỉ mới đến vùng Cizhong này hồi tháng 2 năm nay.

Đây là vị linh mục thường trú đầu tiên ở đây kể từ khi các giáo sĩ người Pháp bị trục xuất không bao lâu sau khi nước Trung hoa cộng sản được thành lập vào năm 1949.

Bên trong thánh đường
Ông cụ Fang nói kể từ đó, các linh mục Công giáo chỉ thỉnh thoảng mới được cử đến Cizhong vào những dịp lễ đặc biệt như Giáng sinh và Phục sinh.

Nghi thức ngày chủ nhật là phụng vụ đầu tiên Cha Yao cử hành tại thánh đường Cizhong. Nhà thờ này xây năm 1910, gần 50 năm sau khi đạo Công giáo được truyền vào vùng này do các thừa sai người Pháp và Thụy sĩ.

Tuy nhiên, sau cuộc biến động gây chết chóc ngày 14 tháng 3 tại Lhasa, công an từ quận Diqing (Địch khánh) ở Tây tạng, phía tây bắc tỉnh Yunnan (Vân nam), bắt các chức sắc giáo hội chỉ được giới hạn các nghi lễ với số tham dự dưới 100 người.

Họ không cho biết lý do, nhưng lệnh được ban hành ngay sau cuộc bạo động tàn tệ nhất từ gần 20 năm nay ở Tây tạng

Trung quốc nói có 18 thường dân vô tội và 1 sĩ quan công an bị giết trong cuộc biến động ngày 14 tháng 3 tại thủ đô của Tây tạng là Lhasa.

Chính phủ lưu vong Tây tạng đóng tại thành phố đồi núi Ấn độ là Dharamshala lại cho biết tổn thất sinh mạng một tuần suốt vùng Hy mã lạp sơn và các tỉnh lân cận lên đến 99 người.

Cha Yao nói với thông tấn xã AFP hôm thứ Sáu Tuần Thánh: “Chúng tôi ước tính chỉ có khoảng 80 giáo hữu từ các làng xã (ở Cizhong) tới tham dự những nghi lễ ngày lễ Phục sinh, vì các tín hữu ở các làng mạc khác không được phép đến tham dự.

Nằm ở cao độ 2000 met (6,600 feet) bên trên mực nước biển, dọc theo sông Lancang – được biết nhiều hơn với tên gọi Mekong (Cửu Long) – Cizhong chỉ cách biên giới vùng Tự trị Tây tạng của Trung quốc có 120 cây số (75 miles)

Cha Yao nói giáo hội Công giáo ở đây phải đương đầu với những khó khăn tương tự như Phật giáo trong việc phát triển và mở rộng. Cha nói thêm ngài hy vọng sẽ hợp tác với những Phật tử địa phương vùng Diqing (Địch khánh) nhằm giúp các tôn giáo phục vụ xã hội tốt đẹp hơn.

Ở Olympia bên Hy Lạp thả chim bồ câu cầu cho Hòa Bình


Ngài cho biết chính phủ cộng sản quản trị cả hai giáo hội Công giáo và Phật giáo tại Trung quốc, và tương tự như nhau, Bắc kinh từ chối thương thảo trực tiếp với cả Tòa thánh Vatican lẫn vị lãnh đạo Tây tạng lưu vong là đức Đạt Lai Lạt Ma.

Cha nói: đồng thời, chính phủ cộng sản cũng đã công nhận rằng suốt 20 năm tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, chỉ nguyên sự phong phú vật chất mà thôi không thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh của dân chúng Trung quốc.

“Dân chủ và tôn giáo, cả hai đều quan trọng để giải quyết các vấn đề xã hội. Ai cũng biết điều đó.”

“Nếu các vấn đề xã hội không thể giải quyết được bằng dân chủ và tôn giáo, thì hỗn loạn sẽ hoành hành trong xã hội.”

Được giáo dục trong chủng viện Công giáo tại Bắc kinh, cha Yao gốc người vùng Nội Mông phiá bắc Trung quốc và trước kia đã phục vụ giáo hội Công giáo tại tỉnh Fujian (Phúc kiến) nằm ở phía đông nam Trung quốc.

Tại Cizhong, cha hy vọng sẽ cộng tác với cụ già 80 tuổi Francis và các gia đình Tây tạng khác đã theo đạo Công giáo suốt bao thế hệ, nhằm rao truyền đức tin cho những người khác trong vùng nông thôn dân cư sống rải rác này.

Cụ ông Francis nói: “Thân phụ tôi đã làm việc tại nhà thờ này với Cha Andre người Pháp đến đây vào những năm 1920.”

“Đã có 6 linh mục tại nhà thờ này, tất cả đều ngậm đắng nuốt cay mà đến đây để dậy dỗ chúng tôi tình yêu thương và đức từ tâm của Chúa. Chúng tôi vui mừng được có Cha Yao là vị linh mục đầu tiên từ Trung quốc đến Cizhong.”
 
ĐTC: Hãy chúc tụng Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc sống
Linh Tiến Khải
18:19 24/03/2008
CASTEL GANDOLFO: Trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa thứ hai hôm qua, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người chúc tụng Thiên Chúa trong mọi trạng huống cuộc đời.

Bài ca Halleluia trong tiếng do thái có nghĩa là ”hãy chúc tụng Thiên Chúa” vang vọng trong đêm Phục Sinh, diễn tả niềm vui của các môn đệ, của bà Maria Madalena, của các phụ nữ, của hai môn đệ trên đường về làng Emmaus, và của 11 Tông đồ, đã gặp gỡ Chúa phục sinh. Nó là bài ca của toàn thể Giáo Hội và của từng Kitô hữu. Lời kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng mà Kitô hữu thưa lên với Mẹ Maria, giống như một loan báo mới, mời gọi Mẹ vui lên, vì Con Thiên Chúa Mẹ đã cưu mang trong lòng đã sống lại. Chúng ta hãy để cho lời ca Halleluia ấy thấm nhuần mọi trạng huống cuộc sống chúng ta và biến cuộc sống trở thành lời tụng ca Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha cũng nhắc cho mọi người biết ngày 24 tháng 3 là ngày Giáo Hội tưởng niệm các thừa sai đã chết vì Chúa Kitô và Tin Mừng trong năm 2007 vừa qua. Nó diễn tả lòng biết ơn của Giáo Hội đối với các vị và là lời mời gọi từng người ngày càng can đảm sống chứng tá cho niềm hy vọng và lòng tin nơi Chúa Kitô tử nạn và phục sinh.

24 tháng 3 cũng là ngày quốc tế chống bệnh lao phổi. Đức Thánh Cha cầu mong thế giới ngày càng dấn thân loại trừ căn bệnh này. Ngài cũng kêu gọi các cơ cấu công giáo trợ giúp các bệnh nhân và xin Chúa phục sinh chữa lành an ủi và trao ban cho họ bình an.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tang lễ Soeur nguyên Tổng Quyền Dòng Đức Mẹ Mân Côi Việt Nam tại Saigòn
LM Fx. Nguyễn Hùng Oánh
11:37 24/03/2008
SAIGÒN - Lúc 7 giờ ngay 24-3-2008, tại Nhà nguyện Tinh Dòng Truyền Tin Việt Nam, Chí hòa, của Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Việt Nam, Cha Hạt trưởng Đoàn Văn Thịnh chủ tế với 23 Cha dồng tế củ hành lễ An táng cho Soeur Maria Mađalêna Nguyễn Thị Ngự, nguyên Tổng Quyền Dòng (1959-1961). Soeur Ngự sinh năm 1917 về với Chúa ngày 20-3-2008, hưởng thọ 91 tuổi vói 60 Năm Khấn Dòng.

Soeur Maria Mađalêna Ngự
Cả Tỉnh Dòng dự Thánh Lễ với bốn hàng ghế của cháu chắt Soeur, với đại diện nơi Soeur đã giúp như Bảy Hiền, Cái Sắn, Chí hoà, đặc biệt ở Giáo xứ Song Vĩnh, Ba rịa-Vũng tàu. Chính Soeur một tay đã xây Nhà thờ Song Vĩnh (1974), đặt nền mong cho Nhà thờ lớn bây giờ.

Các soeurs đều công nhận rằng Soeur Madalena đã góp công sức cho việc phát triển Dòng Mân Côi, chắc là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn ở trên trời rất hài lòng về các soeurs Dòng của ngài. Được biết Đức Cha Hồ ước muốn lập một Dòng thuộc quyền địa phận bên cạnh các Dòng ngoại đang hoat động rất có hiệu quả trong địa phận: Mến Thánh giá, Dòng Kín Carmel, Dòng Saint Paul, Dòng Sư huynh Lasan, nên ngày 10-11-1940, ngài viết đơn xin phép Tòa Thánh lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi chu. thuộc quyền địa phận Bùi chu. Do thế chiến thứ hai, đơn bị thất lạc. Ngày 10-6-1946, ngài gửi đơn lần nữa và ngày 18-7-1946 Tòa Thánh phúc đáp cho phép thành lập và ngày 08-9-1946, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, Đức Cha công bố Sắc lệnh lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi ở Trung linh. Biến cố 1954, một số nữ tu ở lại, Dòng vào Nam thiết lập trụ sở chính tại Chí hòa và phát triển mạnh. Theo lời mời của Đức Tổng Giám mục Philadelphia, 12 nữ tu sang Hoa kỳ phục vụ tại Đại Chủng viện Saint Charles Borromeo. Dòng cũng có mặt tại Pháp (Cộng đoàn Vannes Bretagne ) Ngày 03-10-2003, Tổng Công hội 18 quyết định lập hai Tĩnh Dòng: Tĩnh Dòng Truyền Tin ở Việt Nam và Tĩnh Dòng Nữ vương Hòa bình ở Hoa kỳ, trụ sở chính của Dòng ở 67 Trường Chinh, Phường 12, Tân bình.

Trường Mầm Non
Vào khu vực Nhà Dòng ở Chí hoà, thấy rõ hoạt động hiệu quả của Quý soeurs: các em học mẫu giáo đăng ký học nhiều quá, Dòng không nhận xuể, phụ huynh phải chờ một, hai năm. Ngôi trường mẫu giáo một trệt ba lầu dài trăm mét, các em vui đùa dầy sân. Phụ huynh tín nhiệm, ngay cả cán bộ cũng cố gửi con vào học rất nhiều. Đức Cha Hồ có công sáng lập, Saigon và các nơi khác ăn quả.
 
Sinh viên Công Giáo thắp sáng niềm hy vọng nơi Giáo xứ Nam Am, Giáo phận Hải Phòng
Maria Vũ Ngân
12:28 24/03/2008
HẢI PHÒNG - Giáo xứ Nam Am, một trong những cái nôi truyền thống của Địa phận Hải Phòng, mảnh đất ghi dấu bao vị anh hùng tử Đạo, ghi dấu tiểu chủng viện thời kỳ phôi thai của Địa phận. Giáo xứ được Đức cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương ưu ái gọi là “Con tim của Địa phận Hải Phòng”. Giáo xứ với Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi được thiết kế bằng gỗ khang trang, tráng lệ vào bậc nhất miền Bắc Việt Nam. Lễ Phục Sinh năm nay tại Giáo xứ nhân lên muôn niềm vui khi được chào đón các bạn sinh viên Công Giáo (SVCG) Hải Hà (SV Hải Phòng và Hà Tây đang học tại Hà Nội) và SVCG Hải Phòng (SV cả nước đang học tại Hải Phòng) theo lời mời của cha xứ Antôn Nguyễn Văn Thục cùng về thắp lửa Phục Sinh tại Giáo xứ.

Chiều thứ 7 Tuần Thánh, mưa nặng hạt, cái khắc nghiệt của thời tiết vẫn không hề làm nản lòng gần 200 bạn sinh viên đã vượt qua một chặng đường rất dài hơn 100Km từ Hà Nội và Hải Phòng đến Giáo xứ. Khoảng 2 giờ chiều, các bạn sinh viên đã đặt chân đến Đền Thánh và đội mưa cùng Cha xứ và Giáo dân Nam Am tham dự cuộc đi đàng Thánh Giá trọng thể xung quanh làng. Hình ảnh ấy làm cảm kích lòng yêu mến của giáo dân trong Giáo xứ đối với các bạn. Mưa càng lúc càng nặng hạt hơn nhưng trên mỗi gương mặt trẻ ấy luôn thấy sức trẻ và niềm hy vọng bừng sáng. Chính các bạn đang cùng chia sẻ với Chúa Giêsu trên hành trình vác Thánh Giá lên đồi Golgotha ngày ấy.

19 giờ 30 phút, sau khi được Cha xứ thiết đãi một bữa cơm trọng thể tại nhà xứ, các bạn sinh viên cùng tham dự ngắm Dấu Đanh trong nhà thờ và bước vào thánh lễ đêm Vọng Phục Sinh. Không khí buổi lễ thật trang trọng với nghi thức mang đậm nét đặc trưng của một Địa phận Dòng đã sưởi ấm trái tim của những sinh viên xa nhà. Sau thánh lễ, trời bỗng tạnh mưa. Tạ ơn Chúa về Hồng ân đặc biệt ấy. Niềm vui trào dâng trên khuôn mặt mỗi bạn trẻ. 0giờ 45phút, chương trình đốt lửa trại và giao lưu với chủ đề “thắp sáng niềm hy vọng” được bắt đầu với nghi thức thắp lửa do cha xứ chủ sự. Sau thánh lễ đã có rất đông các bạn trẻ trong Giáo xứ và bà con giáo dân cùng ở lại. Tiếng nhạc nền của những bài hát sinh hoạt giới trẻ và cử điệu “ Nổi lửa lên nối vòng tay lớn” đã xóa tan đi khoảng cách ngại ngần, tất cả các bạn đều bị cuốn vào những vũ điệu sôi động cùng nắm tay nhau trong vòng tròn sinh hoạt...

Bầu khí hoàn toàn lắng đọng, khác hẳn với lúc các bạn vui chơi, khi cha xứ đọc Tin Mừng và hướng dẫn các bạn chia sẻ theo chủ đề: “Thắp sáng niềm hy vọng Kittô giáo”. Đoạn Tin Mừng được chọn là: “Đức Giêsu hiện ra cùng hai môn đệ trên đường Emmau” (Lc24, 13-35). Các bạn cùng thinh lặng suy gẫm theo gợi ý chia sẻ của cha xứ. Ngài nói về sự thất vọng của hai môn đệ khi thấy Thầy mình đã mất và quyết định trở về quê để sống những năm tháng còn lại như chưa hề có Thầy Giêsu trên đời. Qua đó, cha liên hệ đến tâm trạng thất vọng, chán nản của các bạn SV cách riêng là những bạn SVCG hiện nay khi phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống và thực tại xã hội; thất vọng trong học hành thi cử, thất vọng khi phải đối diện với cuộc sống học đường với bao bất công, rồi tương lai nghề nghiệp, thất vọng trong tình yêu, thất vọng với thực tại xã hội,... Tất cả những điều đó dễ khiến các bạn mất thăng bằng trong cuộc sống và không tìm được lý tưởng và hướng đích cho bản thân. Điều đó dễ khiến các bạn rơi vào ngõ cụt của cuộc sống. Cha khẳng định, đó là do các bạn chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh; cá bạn đang vắng bóng niềm hy vọng Kitô giáo trong mình. Cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmau ngày xưa, hoàn toàn chán nản thất vọng khi nghĩ đối diện với mồ chôn Thầy mình, nhưng niềm hy vọng được khơi lên khi Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh và bừng sáng khi các ông nhận ra Thầy lúc Ngài bẻ bánh. Vì thế ngay lập tức, các ông “trở lại Giêrusalem” gặp anh em và nói “Chúa đã chỗi dậy thật rồi”(Lc24, 34). Ngài xác tín rằng, ánh lửa Phục sinh đã được đốt lên, trong niềm vui Phục Sinh tràn ngập, hy vọng tình yêu nơi Đức Giêsu đóng đinh và Phục Sinh sẽ đốt lên lửa yêu mến nơi các bạn, sẽ làm sống dậy niềm hy vọng đã bị lãng quên nơi các bạn. Và các bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực và đích điểm trong hành trình HY vọng của mình. Sau giờ chia sẻ của cha xứ, các bạn được giao lưu với nhau, chia sẻ những cảm nhận, những kỷ niệm thú vị trong chuyến hành hương về Nam Am và cùng giao lưu lửa trại, ăn đêm, nướng khoai và hát đối,...Lửa Phục sinh đang bừng cháy lên trên khuôn mặt mỗi sinh viên. Các bạn đã vui chơi và giao lưu mà quên đi cả thời gian và mệt mỏi sau chuyến đi dài. 4giờ 30 phút, buổi giao lưu kết thúc khi trời rạng sáng và các bạn chỉ được chợp mắt một lúc rồi lại chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh vào 6 giờ sáng.

Sau bữa điểm tâm sáng tại nhà xứ, những giây phút cha con quây quần, lưu luyến chia tay nhau. Các bạn sinh viên đã chia sẻ những cảm nhận về con người và mảnh đất Nam Am ấm áp đầy tình người, về sự nhiệt tình của các cô bác và anh chị em giới trẻ lo phục vụ cơm nước và chỗ ăn nghỉ cho các bạn. Tất cả các bạn đều thấy xúc động và tâm hồn đều dâng niềm cảm mến. Tạm biệt cha xứ, tạm biệt mảnh đất Nam Am nồng hậu, hiếu khách. Các bạn sinh viên ra về và trong trái tim mỗi bạn trẻ, chính tình yêu Đức Giêsu Phục Sinh và tình yêu con người nơi mảnh đất xa xôi này đã thắp lên trong các bạn lửa tình yêu và hy vọng. Và cũng chính sức trẻ và nhiệt huyết nơi các bạn đang đem một luồng gió mới nơi các bạn trẻ giáo xứ Nam Am. Xin mượn lời thơ của thi sĩ Fhóneer người Pháp để nói về niềm hy vọng đang được khơi lên trên hành trình đang tiến bước của các bạn.

“Cuối đường bạn đi không còn là đường

nhưng là đích điểm lữ hành

Cuối dốc bạn leo không còn là dốc

nhưng là đỉnh cao tuyệt đối

Cuối đêm tối tăm không còn là đêm

nhưng là hừng đêm rạng rỡ

Cuối mùa đông giá không còn là đêm

Nhưng là mùa xuân ấm áp

Cuối giờ bạn chết không còn là chết

nhưng là sự sống vĩnh hằng

Cuối phút thất vọng không còn là thất vọng

nhưng là hy vọng tràn đầy

Cuối cùng của nhân loại không còn là người

Nhưng là Thiên Chúa làm Người ở giữa chúng ta

Chính Ngài là vui mừng và hy vọng”
 
Thăm nhà thờ đá Vĩnh Hòa, Saigòn
Đỗ Lộc Hưng
16:57 24/03/2008
THĂM NHÀ THỜ ĐÁ VĨNH HOÀ

Ra Bắc nhớ về Bùi Chu - Phát Diệm
Vào Nam phải đến Gia Kiệm – Hố Nai


Câu nói truyền miệng ấy đã tồn tại trong giới nhà đạo mình hơn nửa thế kỷ nay, hẳn vì những nơi ấy là vùng đông giáo dân, có nhiều nhà thờ đẹp ? Sang đến thiên niên kỷ này thì điểm đến của mọi người ghé thành phố Saigòn cũng còn là một số nhà thờ mới lạ, độc đáo… mà một trong những ngôi thánh đường có kiến trúc đẹp ấy phải kể đến nhà thờ Đá – Vĩnh Hoà, thuộc hạt Phú Thọ, quận 11.

Đi theo đường Lạc Long Quân, hướng từ Quận Tân Bình sang quận 11, gần đến vòng xoay Đầm Sen rẽ trái theo đường Ông Ích Kiêm, dẫn vào Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 11 cũng là đường đến giáo xứ Vĩnh Hoà.

Nhà thờ có diện tích 12,5m x 33m nằm trong khuôn viên đất chưa đầy 900m2 được thiết kế bởi linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dòng Chúa Cứu Thế từ ý tưởng của linh mục chánh xứ GB. Vũ Mạnh Hùng sau một lần hành hương về Phát Diệm, ghé thăm nhà thờ Đá, được cảm hướng bởi lời Đức Giêsu: “Con người mà thinh lặng thì đá cũng lên tiếng” ( Lc 1,9c40). Linh mục đã kể lại điều này cho giáo dân và dược sự đồng tình. Với lối kiến trúc Á Đông mang nặng hồn Việt. Nhìn ngôi nhà thờ từ phía cuối tính từ đất lên tháp cao 27m; ba tầng, người xem cảm nhận hình bóng ngôi đình làng Việt Nam xưa. Nhận ra được những nét đẹp của văn hoá truyền thống cổ kính. Công trình qủa là một lối diễn tả Đức tin theo truyền thống dân tộc. Mặt chính diện trên tầng tháp cao là bức tranh đá khắc hình Trống đồng Đông Sơn, lồng trong một khung vuông, gợi nhớ huyền thoại dựng nước thời Hùng Vương với sự tích bánh chưng (vuông) bánh dày ( tròn) phản ánh triết lý sống của người Việt Nam ta là mong ước đạt đến sự viên mãn, hòa hợp trời và đất. Đó cũng là niềm tin và đích đến của người tín hữu là được hưởng một nền HOÀ BÌNH VĨNH CỬU trong nước Thiên Chúa. Phía trên cửa vòm là bước tranh khắc đá Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi thánh Gioan Baotixita, Đấng bao trợ của giáo xứ. Bên phải, bên trái và hai bên hông còn được trang trí nhiều bức tranh tạc trên đá gần thành tường nhà thờ rất mỹ thuật, ghi lại cuộc đời Đức kitô trong Tân Ước.

Phía trong nhà thờ tầng trệt là chính diện 300 chỗ, cùng với tầng lửng 100 chỗ. Toàn bộ kết cấu phần móng, khung, mái, đều được đổ bê tông cốt thép. Tường nhà thờ sử dụng đá thiên nhiên từ Thánh Hoá đem vào. Đá được các nghệ nhân, thợ đá lành nghề từ làng đá Hoa Lư – Ninh Bình, quê hương của nhà thờ Đá Phát Diệm chế tác. Điểm độc đáo là các viên đá đều được mài bóng theo qui cách 1m x 40 x 0,20m, mỗi viên nặng trên 150kg. các tảng đá chân đế, bê cột nặng cả tấn đều được chặm trổ hoa văn công phu rồi đem chở vào Nam với gần trăm chuyến xe vận tải nặng, mỗi xe chỉ chở được 60 viên một lần.

Mặt tiền cung thành được trang trí bằng bức phông gỗ quý với những nét chạm khắc gỗ tinh xảo Tứ quí thực vật là Mai – Lan – Cúc – Trúc cùng những họa tiết Lân – Sư chầu toà được thể hiện như bày tỏ tấm lòng tôn kính của loài thụ tạo dâng lên Đấng tác thành mọi vật, mọi loài. Mười bốn chặng đàng Thánh giá cũng được thay đổi cho phù hợp với con đường khổ nạn. Chặng thứ I diễn tả Chúa lập phép Thánh Thể qua bữa tiệc ly. Chặng mười bốn là Chúa Phục Sinh được thể hiện dưới dạng gò đồng nổi rất thẩm mỹ và công phu.

Dẫn tôi lên tháp chuông và tham quan tầng hầm nhà thờ được sử dụng làm hội trường, ông Nguyễn Văn Thơi, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ năm nay 68 tuổi kể cho tôi nghe thời gian ròng rã ba năm trời thi công, từ cha xứ đến mọi người giáo dân già trẻ, lớn bé đều hết lòng vì nhà Chúa. Cha xứ ra Bắc vào Nam như con thoi. Hàng tuần các họ cử người ra công trường, các đoàn thể từ các em Thiếu Nhi Thánh Thể đến đoàn phạt Tạ Thánh Tâm ai ai cũng muốn góp chút ít công sức, tiết kiệm phần ăn tiêu sinh hoạt để có nơi thờ phụng xứng hợp. Ông cho biết đội lao động tình nguyện gồm 17 thành viên, hằng tối, trực chuyển đá từ 22h đến 2 giờ sáng. Tính ra đã chuyển đến 60.000 viên gạch và hàng chục bệ đá. Các vị trong ban đại diện khu giáo điều động người trực, mỗi tuần một khu lo hậu cầu, dọp dẹp và điều đáng nói là trong suốt thời gian thi công, các sinh hoạt mục vụ không hề gián đoạn. Ông Trần Văn Tân, một nhà giáo vừa về hưu, nay đang là phó khu Mông Triệu tâm sư, giáo xứ Vĩnh Hòa chỉ mới được thành lập từ năm 1991, tách ra từ giáo xứ Phú Bình. Số giáo dân hiện nay khoàng 4000 người. Cha xứ, giáo dân sống rất chan hoà. Ông cho biết tại Vĩnh Hoà không xảy ra bệnh dịch “gà công nghiệp mổ nhau”, như Đức hồng y từng cảnh báo. Đó chính là sự trưởng thành của người giáo dân hôm nay, nhận rõ cộng đoàn họ đang sinh hoạt cần gì, phải làm gì để trở thành những viên đá sống động.

Ngày 24.6.2007, Đức hồng y GB Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc- Giám mục Mỹ Tho và đông đảo các linh mục đã về dâng lễ tạ ơn cung hiến thánh đường Vĩnh Hòa. Dịp này Đức hồng y đã chính thức xác định tên Nhà thờ Đá Vĩnh Hoà. Ngài nhấn mạnh là đã nhìn thấy trong những viên đá sống động ấy biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, biết bao công lao khó nhọc của giáo dân và mọi người xa gần.

Chắc hẳn từ ngôi nhà thờ Đá này sẽ thôi thúc đời sống đức tin của người tín hữu ngày một vững vàng, chắc chắn hơn.
 
Hội thảo về Học thuyết Xã hội Công Giáo tại Xuân Lộc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:19 24/03/2008
XUÂN LỘC - Ngày 12 - 13 tháng 03 năm 2008, tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Uỷ Ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức 2 ngày Hội thảo về

Học thuyết Xã hội Công giáo.Tổ chức Công giáo Misereor của Đức quốc tài trợ.
Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, chủ tịch UBBAXH, chủ nhà và chủ toạ.

Có sự tham dự của Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, cựu Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Chủ tịch Uỷ ban truyền giáo, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Giám đốc đài phát thanh Véritas Manila, Philippin, Ông Lê Minh Sơn, Trưởng ban tôn giáo dân tộc Tỉnh Đồng Nai.

Cùng với 85 tham dự viên thuộc 25 giáo phận( thiếu Bắc ninh) và đại diện 17 dòng tu cùng một số giáo dân hoạt động trong các tổ chức bác ái xã hội.
Toà Giám Mục Xuân lộc đang xây dựng, dù bề bộn nhưng vẫn ân cần chu đáo, tạo mọi thuận lợi cho các tham dự viên.

Cuộc hội thảo tập trung 2 điểm: học hỏi với 6 bài thuyết trình về những điểm cơ bản của học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo và bàn thảo các hoạt động, mối tương quan giữa uỷ ban trung ương và giáo phận.

Ban tổ chức:
- Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Chủ tịch UB BAXH
- Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, cựu Chủ tịch UB BAXH
- Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH

Điều phối hội thảo:
- Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
- Cô Đoàn Tâm Đan

Ban thư ký hội thảo:
- Nt. Têrêsa Đỗ Thị An
- Nt. Têrêsa Trì Thị Minh Thuý
- Anh Martinô Trần Tuấn Huy

Sau những viên văn khai mạc, chào mừng của Đức cha Chủ tịch, Đức cha Cựu Chủ tịch và Ông Lê Minh Sơn, cuộc hội thảo bắt đầu công việc với đầy ắp chương trình.

Các bài tham luận:

Các tham dự viên lắng nghe nhiều bài thuyết trình. Sau mỗi bài đều có thảo luận chung.
- Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.
- Cha Guy Maria Nguyễn Hồng Giáo, OFM, với đề tài: nhân phẩm và nhân quyền trong Học thuyết Xã hội Công giáo.
- Cha Nguyễn Thái Hợp, OP, trình bày đề tài: Liên đới xã hội theo quan điểm Công giáo.
- Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, với đề tài: Học thuyết Xã hội Công giáo và các vấn đề xã hội Việt Nam.
- Anh Martinô Trần Tuấn Huy trình bày bài: hoạt động xã hội của người Công giáo Việt Nam.
- Sr. Maria Consolata Hồ Thị Chính, MTG Chợ Quán, chia sẽ kinh nghiệm dấn thân xã hội của Hội Dòng.
- Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, giới thiệu Học thuyết Xã hội Công giáo và môi trường và gởi đến các tham dự viên nhiều tài liệu để tham khảo thêm.

Các buổi thảo luận

- Thảo luận về mối tương quan giữa UB BAXH và các Ban BAXH giáo phận.
- Thảo luận về hoạt động cứu trợ thiên tai và xây dựng hệ thống phòng ngừa thiên tai tại các giáo phận.
- Giới thiệu cách thực hiện bản đồ xã hội của giáo phận.
- Thảo luận các hoạt động xã hội tại các giáo phận.

Sau 2 ngày làm việc, Ban thư ký tổng kết và đề đạt những nguyện vọng của UBBAXH các Giáo phận lên Đức Cha Chủ Tịch.

Trong diễn văn kết thúc, Đức cha Chủ tịch đã chia sẽ kinh nghiệm của Ngài trong việc xây dựng mới cơ sở Toà Giám mục và Đại Chủng Viện Xuân lộc. Đức Cha muốn đổi tên UBBAXH thành CARITAS VIỆT NAM.

Trong Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết: Bản chất Giáo hội được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: rao giảng Lời Chúa, cử hành các bí tích và phục vụ bác ái. Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái đối với Giáo hội không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Giáo hội là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu phải là tiêu chuẩn, đòi buộc tính phổ quát của tình yêu, một tình yêu luôn hướng đến những người túng quẫn mà chúng ta gặp gỡ, dù họ là ai đi nữa (Số 25).

Hy vọng với nội quy Caritas Việt Nam và cách thức tổ chức chặt chẽ, Caritas Việt Nam và Caritas các giáo phận sẽ góp phần tích cực vào công việc phục vụ bác ái của Giáo hội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hội Hồng Thập tự Pháp và các hoạt động của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái
Thợ Gốm
03:20 24/03/2008
HỒNG THẬP TỰ PHÁP TẶNG CƠ SỞ 32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU ĐỂ LÀM VIỆC TỪ THIỆN - XÃ HỘI.

Hội Hồng Thập tự Pháp đã quyết định tặng cho Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn các bất động sản vì họ thấy rằng, hơn ai hết các soeurs Vinh Sơn sẽ tiếp tục công việc từ thiện xã hội mà họ đã làm. Ý muốn này thể thiện rõ trong thư đề ngày 23 tháng 7 năm 1958. Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, họ đã để các soeurs Vinh Sơn sử dụng các bất động sản này thông qua hợp đồng thuê với giá tượng trưng 1 đồng mỗi năm.

Sau 5 tháng, Tổng thống đã chấp nhận ý muốn của họ thông qua Nghị định 533 – TC ngày 27/12/1958 cho phép Hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn Phaolô, thâu nhận bất động sản của Hội Hồng Thập Tự Pháp. Nghị định đính chánh 102 – TC Ngày 20/3/1959, kèm theo hai phụ bổn đề nghị đặc cách miễn thuế trước bạ cà con niêm (con tem) chiếu theo quyết định của Ông Bộ trưởng Bộ Tài Chánh, ngày 31/12/1958, số 5423/BTC/TV và đặc cách cả lệ phí Sinh thời tặng dữ.

Ngày 31/12/1958, sinh thời tặng dữ (hợp đồng tặng cho) được lập bởi vị Chưởng khế tại Sài – Gòn, ông PHAM VAN PHAN, trước sự hiện diện của Ông GEORGES – HENRI DUCHESNE, Tổng Đại Diện Hội Hồng Thập Tự Pháp, soeur LLOBET, Giám Tỉnh Tu hội Hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn. Và hai nữ tu khác làm chứng, Soeur Francoisse de Montgolfier, soeur Bùi Thị Ngọc Yến. (xem Sinh thời tặng dữ)

Ngày 2/4/1959, vào trước bạ tại Sài Gòn (phòng 4). Chủ sự trước bạ là ông Hà Văn Sửu.

Hiện nay, khi trích sao sổ điền thổ, Tu hội Nữ tử Bác ái vẫn còn đứng tên chủ quyền bằng khoán 632, tức cơ sở 32 bia Nguyễn Thị Diệu, nó cũng còn thể hiện trên bản đồ địa chính (xem trích sao sổ điền thổ, bản đồ địa chính).

Như thế, không một ai có thể phủ nhận chủ quyền của các soeur Vinh Sơn trên cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu.

Hội Hồng Thập Tự Pháp là một tổ chức tôn giáo hoạt động cho mục đícg từ thiện – xã hội. Quý bạn đọc có thể vào http://www.croix-rouge.fr/goto/index.asp để biết thêm tổ chức và các hoạt động của họ hiện nay.

Thiết tưởng cũng cung cấp cho quý bạn đọc một số hoạt động của các soeurs Vinh Sơn, Tỉnh Dòng Việt Nam. Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn là dòng tu có tôn chỉ là tận hiến cho Thiên Chúa, sống thành Cộng đoàn huynh đệ để phục vụ Đức Kitô nơi những người kém may mắn, neo đơn, bệnh tật, xem họ như anh em của mình.

Sau đây là một sồ hoạt động:

Dấn thân phục vụ các bệnh nhân tại:

- Trại phong Bến Sắn, Ấp Khánh Bình, Ân Uyên, Bình Dương

- Trại phong Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai

- Trại phong Di Linh, Lâm Đồng

- Trại phong II, Gia Hiệp, Gia Lành, Di Linh, Lâm Đồng

- Trung tâm Mai Hòa nuôi dưỡng bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối không nơi nương tựa, được cấp giấy phép số 433/QĐ –UB TP cấp ngày 17/01/2001, địa chỉ Lô 6, xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh

- Nồi súp miễn phí hàng ngày cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện Ung Bứu, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Đa Khoa Đà Lạt, bệnh viện Da Liễu Núi Sạn và bệnh viện Lao Phổi Núi Sạn Nha Trang, bệnh viện Lao Phổi Cần Thơ.

- Và rất nhiều tu sĩ khác làm công nhân viên tại các bệnh viện Công lập.

Về giáo dục:

- Mở các lớp tình thương tại những nơi xa xôi hẻo lánh hoặc cho những con em của người di dân, không có nơi ở ổn định. Tại TP Hồ Chí minh có 9 trường, với khoảng 38 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 5.

- Trường Khiếm Thính Mai Anh, số 1 Ngô Quyền, TP Đà Lạt.

- Trường Khuyết tật Trí tuệ Mai Linh, số 91A Tổ 1, láng Cát, Đông Yên, Châu Đức, Bà rịa – Vũng Tàu.

- Mở các trường mầm non trong nhiều tỉnh thành.

- Hỗ trợ và động viên các gia đình khó khăn tạo điều kiện cho con em họ được đến trường.

Các hoạt động khác:

- Trung tâm dạy nghề Phước Lộc, Bà Rịa –Vũng Tàu, tạo công ăn việc làm cho các thiếu nữ miền quê thất học: thêu may, nữ công gia chánh, quản gia.

- Mái ấm Mai Linh, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nơi nương tựa của các thiếu nữ lầm lỡ muốn nuôi con, theo giấy phép số 687/QĐ – UB, cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Mai Linh.

- Nhà Dưỡng Lão cho những người già neo đơn tại 469 Nơ Trang Long, TP Hồ Chí Minh.

- Câu lạc bộ hướng nghiệp cho các thiếu nữ mồ côi, khuyết tật, tại nhà chính Tỉnh dòng 42 Tú Xương, quận 3.

- Thăm viếng, chăm sóc các người già neo đơn tại địa phương.

- Đồng hành với người di dân nhất là giới thanh thiếu nữ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhân phẩm và Nhân quyền trong học thuyết xã hội của Giáo Hội
Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM
22:48 24/03/2008
NHÂN PHẨM và NHÂN QUYỀN TRONG HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Tôi được phân công trình bày tóm lược về Con người trong Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Tài liệu sử dụng là cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo (viết tắt TL) do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình soạn thảo và xuất bản năm 2004, bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007). Một tài liệu khác là tập The Social Agenda. A collection of Magisterial Texts, cũng do Hội đồng nói trên xuất bản nhân dịp Năm thánh 2000, bản dịch Việt ngữ của Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM, mang tựa đề: Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội. Một hợp tuyển những văn kiện của Huấn quyền, Tp HCM, năm 2001. Bài giới thiệu của tôi tương ứng với Mục II của cuốn Agenda social (=AS) nhan đề Con người [AS chia thành Mục thay vì Chuơng], và chương Ba của tập Tóm lược, nhan đề Con người và Nhân quyền. Đây là chương nền tảng, nằm trong phần I của tập sách, còn phần II và III là những phần áp dụng. Gọi là chương nền tảng vì chính cuốn TL khẳng định: “Trong HTXH của mình, GH trước tiên đưa ra một cái nhìn tổng thể về con người và một sự am hiểu trọn vẹn về những chiều hướng cá nhân và xã hội của con người” (số 522).

Chương Ba gồm 4 mục lớn: I/ HTXH và nguyên tắc Nhân vị; II/ Con người như Hình ảnh Thiên Chúa; III/ Những khía cạnh đa dạng của Con người (Tính thống nhất, – Mở ra với siêu việt và độc nhất vô nhị, - Tự do,- Phẩm giá bình đẳng của mọi người, - Bản tính xã hội); IV/ Nhân quyền.

Thay vì lần lượt tóm tắt những điểm trên, tôi sẽ tập trung vào hai mục: Nhân phẩm và Nhân quyền

Phần I
NHÂN PHẨM

HTXH của GH gắn liền mật thiết với quan niệm thần học về con người. Trong Thông điệp Phát triển các dân tộc (số 13), Đức Thánh Cha Phaolô VI viết rằng vì muốn giúp cho con người đạt tới sự triển nở sung mãn, nên Giáo Hội đề nghị cho họ “một cái nhìn bao quát về con người và loài người” ( une vision globale de l’homme et de l’humanité). Nhân sinh quan ấy, tuy dựa trên giáo lý đức tin, nhưng không đi ngược với quan niệm triết học nghĩa là tự nhiên về con người, trái lại kiện toàn quan niệm ấy.

1. Phẩm giá “tự nhiên” của con người

Phẩm giá tự nhiên, nghĩa là phẩm giá nội tại con người có, duy chỉ vì nó là người, không phải do xã hội hay quyền bính nhân loại nào ban cho. Phẩm giá tự nhiên, do đó, cũng có nghĩa là lý trí con người có thể nhận ra nó.

Con người là một sinh vật trong thiên nhiên và là một phần của thế giới vật chất, nhưng đồng thời lại vượt lên trên nó nhờ trí khôn và tự do. Bằng chứng là con người có khả năng hiểu biết thiên nhiên, và nhờ đó có thể biến đổi thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên theo ý mình, nghĩa là làm chủ nó. Triết học từ xa xưa đã định nghĩa con người là con vật có lý trí. Và dân gian cũng nói như thế (chẳng hạn trong chuyện ngụ ngôn thi vị Con cọp và người nông phu). Khi ĐGH Gioan-Phaolô II quả quyết “con người là trung tâm và đỉnh cao của mọi thụ tạo trên trái đất”, thì đó không hẳn là một khẳng định của giáo lý và chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể chấp nhận, dù không tin vào một Thiên Chúa tạo thành. Đàng khác, nhờ trí khôn và tự do, con người là động vật duy nhất trên trái đất có một đời sống tinh thần và đặc biệt là đời sống đạo đức, luân lý. “Con người không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay một yếu tố vô danh trong xã hội loài người” (Vui Mừng và Hy vọng, số 14). Mọi vật có thể được sử dụng như phương tiện cho con người nhưng chính con người thì không là phương diện cho bất cứ vật nào khác. Mỗi người đều có phẩm giá riêng làm cho họ luôn luôn là một giá trị tự nơi bản thân mình và cho bản thân mình; nhờ phẩm giá đó, họ vượt lên trên thế giới vật chất về mặt giá trị. Một trong các châm ngôn của nền đạo đức học của triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) là: “Bạn hãy kính trọng nhân tính (con người) như một cứu cánh, không bao giờ đối xử với nó như một phương tiện”. Đó là một nền đạo đức rất cao cả, dựa hoàn toàn trên lý trí hay bản tính nhân loại. Kant đối chọi “phẩm giá” hay “phẩm cách”(dignity) với “trị giá” (price): trị giá là một giá trị mà người ta có thể tìm được cái gì tương đương với nó (ví dụ trị giá của một tác phẩm nghệ thuật), còn phẩm giá là cái làm cho mỗi con người là “độc nhất vô nhị”, không thay thế nổi. Con người chỉ có phẩm giá, không có trị giá. Người ta không được phép nhìn con người theo khía cạnh duy lợi ích; không được dùng con người làm phương tiện để đạt tới điều gì khác, chẳng hạn để mua vui, hay ngay cả để phục vụ công ích xã hội hoặc phục vụ tiến bộ khoa học.

2. Phẩm giá “siêu việt”

Những điều nói trên về nhân phẩm theo quan điểm triết học không bị chối bỏ trong cái nhìn của đức tin, trái lại còn được nâng lên tới tột đỉnh, theo nguyên tắc: ân sủng kiện toàn tự nhiên. GHXH khẳng định phẩm giá con người là siêu việt và có giá trị siêu việt vì được đặt cơ sở trên chính mầu nhiệm Tạo thành và mầu nhiệm Cứu chuộc

2.1. Con nguời nhìn trong trật tự tạo thành

Phẩm giá siêu việt của con người phát xuất trước tiên từ việc con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người và giống như Người (x. ST 1,26-28). “Theo thông điệp căn bản của Kinh Thánh (…), hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người” (TL, số 108. Giống như yếu tố lý trí là yếu tố phân biệt trong định nghĩa triết học về con người). HTXHGH nhấn mạnh đặc biệt điểm giáo lý này. Bản Tóm lược viết thêm: “Giống (như) Thiên Chúa, điều này chứng tỏ bản chất và hiện hữu của con người có liên quan tới Thiên Chúa một cách hết sức sâu xa. Đây là một mối quan hệ tự thân, vì thế không phải là một cái gì đó đến sau và được thêm vào từ bên ngoài. Toàn thể cuộc sống con người chẳng qua chỉ là một sự tìm kiếmThiên Chúa. Mối quan hệ này của con người có thể không được người ta biết đến, thậm chí bị bỏ quên hay từ chối, nhưng không bao giờ bị loại bỏ hẳn” (số 109). Tất cả sự cao cả của con người nằm chính ở đây. Dù chỉ là sự cao cả “nhận được” nhưng nó không hề bị mất đi dù con người phạm tội, bởi vì con người tự thân là hình ảnh Thiên Chúa.

Nói tóm lại, câu nói: con người là hình ảnh của Thiên Chúa có thể được coi như định nghĩa của Kitô giáo về con người.

Truyền thống thần học thường giải thích thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” theo ba nghĩa (x. Homme/Image de Dieu, trong: Dictionnaire de Théologie, Cerf, Paris 1988).

- Một là con người có khả năng đi vào một mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, khả năng đối thoại với Người;

- Hai là con người có khả năng tự lập, tự trị (autonomie), tự quyết và một sự tự do đồng sáng tạo (liberté co-créatrice) nào đó với Thiên Chúa;

- Ba là con người có khả năng làm chủ, tức là thống trị và biến đổi vạn vật.

Trong ba nghĩa này thì nghĩa thứ nhất là đặc thù của Kitô giáo, vì như trên kia đã nói, lý trí tự nhiên cũng nhìn nhận khả năng tự lập, sáng tạo và làm chủ của con người, -dĩ nhiên không phải là tuyệt đối. Các thánh Giáo phụ đã gọi khả năng đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa là capax Dei (x. TL, số 109). Công đồng Vaticanô II quả quyết: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian này được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình họ (sola creatura quam Deus propter seipsam voluerit)” (x.TL, số 133)

2.2. Con người trong trật tự Cứu chuộc

Phẩm giá con người lại còn “được biểu lộ rạng ngời” trong vận mệnh của nó: con người được gọi “làm con trong Người Con” và “được dành cho sự sống đời đời”.

Đức Kitô, Ađam mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và về tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính mình và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người (x. TL, 121). Chính trong mầu nhiệm Nhập thể, phẩm giá con người được mặc khải và nâng lên, vì “Đức Kitô, Con Thiên Chúa, qua sự nhập thể của mình đã tự kết hợp chính mình một cách nào đó với mỗi một con người” (TL số 105). “Trong căn bản, mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm con người làm thành một mầu nhiệm duy nhất” (J.Mouroux: Sur la dignité de la personne humaine, trong: L’Eglise dans le monde de ce temps. Tome II, coll. Unam Sanctam 65b, Cerf, Paris 1967, tr.249). “Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Cl 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch; bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được đảm nhận chứ không bị tiêu diệt, do đó nơi chúng ta nữa, bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá vô song” (Hc Vui mừng và Hy vọng, số 22, x.Tđ Đấng Cứu chuộc loài người, số 13). Nếu tội lỗi có làm tổn thương phẩm giá ấy thì ơn cứu chuộc được thực hiện bằng thập giá đã dứt khoát trả lại nó cho con người.

3. Nhận định

Trong Giáo huấn của GH về con người, ta có thể thấy ba điểm nhấn sau đây.

3.1- Trước hết, giáo huấn ấy nhắc đi nhắc lại rằng con người có tính siêu việt (transcendence). “Mở ra với siêu việt là một đặc tính thiết yếu của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo”, đó là giải thích của GH (TL, số 130). Một vài triết thuyết cũng nói tới tinh siêu việt của con người, nghĩa là con người luôn vượt qua khỏi chính mình, nhưng các thuyết ấy chỉ nhìn nhận tính siêu việt chiều ngang, và phủ nhận siêu việt chiều dọc (vươn lên với Đấng Tuyệt Đối). Con người bị đóng khung lại trong thế giới vật chất và thời gian lịch sử này. Vì thế các nền Nhân bản dựa trên quan niệm đó (thường gọi là Nhân bản vô thần) không tìm được biện minh tối hậu cho sự cao cả của con người cũng như bất lực trong việc phục vụ thực sự lợi ích của con người, và thậm chí nhiều khi còn xâm phạm phẩm giá con người cách trầm trọng.

3.2- Giáo huấn của GH cũng nhấn mạnh con người toàn diện, tức con người trong mọi chiều kích của nó: thể xác và linh hồn (vật chất và tinh thần), cá nhân và xã hội, tự nhiên và siêu nhiên (“tâm linh”), hoặc nói theo cuốn TL, “ thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí” (số 13). Một sự phát triển xã hội đích thực không được bỏ quên một khía cạnh thiết yếu nào của con người, và cũng không được đảo lộn trật tự (về giá trị) của các chiều kích đó, chẳng hạn đặt vật chất lên trên tinh thần, gia tăng của cải vật chất mà làm hại cho luân lý, đạo đức. Ngay tục ngữ ta cũng nói: tốt danh hơn lành áo, chết vinh hơn sống nhục…

3.3- Ta cũng nhận thấy GH thường nói tới sự thật toàn vẹn về con người. Sự thật toàn vẹn ấy bao gồm một thực tế thường bị phủ nhận hoặc lờ đi, đó là tội lỗi (x.TL số 115-119). Tội lỗi làm cho con người suy yếu đi và thường xuyên đe dọa mọi công trình của con người. Tội lỗi không nằm trong bản chất con người, nghĩa là không phải thiết yếu đối với con người, nhưng nó được bao hàm trong tự do của nó, và trong thực tế con người tự do đã “sa ngã”. Vì thế tự do cũng phải được giải phóng (x. TL 143).

4. Hai quan niệm giản lược về con người

Tất cả HTXHGH được xây dựng trên cơ sở quan niệm trên đây về con người, và cũng từ quan niệm này, Giáo Hội đánh giá hoặc phê phán các chủ trương chính sách, các tổ chức cơ cấu, các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị cũng như mọi học thuyết có liên quan tới các mặt đó. Quả thế, “trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo. Thật vậy, toàn bộ HTXH Công giáo chẳng qua chỉ là sự khai triển nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm” (TL số 107). Hiến chế Vui mừng và Hy vọng lấy lại tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Piô XII (Thông điệp truyền thanh lễ Giáng sinh 24/12/1944): “Cả trong đời sống sống kinh tế - xã hội nữa, phảitôn trọng và thăng tiến phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế-xã hội” (số 63).

Ở đây, tôi đề nghị dừng lại ở hai quan niệm lớn đã và đang có ảnh hưởng trên thế giới, đó là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

a. Ngoài định nghĩa đã nêu trên đây về con người (là con vật có lý trí), triết học còn định nghĩa con người là con vật xã hội. Chiều kích xã hội là một chiều kích thiết yếu của con người. HTXHGH cũng khẳng định như vậy, nhưng nhờ đức tin soi sáng, GH có thể đi đến tận nền tảng sâu xa nhất của xã hội tính của con người. GH biết rằng Thiên Chúa không tạo dựng con người như một hữu thể đơn độc, nhưng Ngài muốn tạo con người thành một “hữu thể xã hội”, vì thế “con người chỉ có thể tăng trưởng và thực hiện ơn gọi của mình trong tương quan với kẻ khác” (TL, số 149). Như vậy, không được phép đối chọi con người với xã hội như hai thực thể chống nghịch nhau, hoặc để cho cá nhân mỗi con người tan biến trong tập thể.

Theo Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II,“sai lầm căn bản của chủ nghĩa xã hội là ở quan niệm về con người” khi “coi cá nhân chỉ đơn giản là một nhân tố, một phần tử trong cấu trúc xã hội”, tương tự như một bộ phận trong một guồng máy hay một hệ thống, “đến nỗi điều thiện hảo (bonum) của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào hoạt động của bộ máy kinh tế và xã hội”, thậm chí “chính điều thiện hảo ấy cũng có thể có được mà không cần đến chọn lựa tự do của cá nhân, không cần quyết định duy nhất, tuyệt đối và có trách nhiệm [của cá nhân] trước điều thiện hay điều ác. Như thế, con người chỉ còn là một tổng hợp [tổng hòa] những tương quan xã hội, và lúc ấy con người không còn được quan niệm như một chủ thể có quyền tự quyết về luân lý.” (Thông điệp Bách chu niên, số 13, x.TL số 125. Có thể xem thêm Thông điệp Spe Salvi của ĐGH Bênêđictô, số 21). Nguyên nhân sâu xa của sai lầm trên là thuyết vô thần. Đức Thánh Cha giải thích: “Việc phủ nhận Thiên Chúa cắt đứt con người khỏi gốc rễ của mình,và vì thế, khuyến khích việc tổ chức lại trật tự xã hội mà không đếm xỉa gì đến phẩm giá và trách nhiệm của ngôi vị” (Bách chu niên, số 13).

b. Sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Đông Âu, Đức Gioan-Phaolô II cảnh cáo rằng như thế không đương nhiên có nghĩa là các nước đang phát triển chỉ còn chọn lựa duy nhất là chủ nghĩa tư bản. Ngài phân biệt hai cách hiểu tên gọi “CNTB”. Theo cách thứ nhất, “CNTB” chỉ về nền kinh tế thị trường, (cũng có thể gọi là “kinh tế thương mại” hay “kinh tế tự do”), nghĩa là “một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của kinh doanh, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm về hậu quả đối với các phương tiện sản xuất, cũng như sự sáng tạo tự do của con người trong địa hạt kinh tế”. Hiểu như thế thì, theo ngài, giải pháp CNTB là thích hợp. Còn cách thứ hai hiểu CNTB như “một hệ thống, trong đó tự do kinh tế không hề bị giới hạn trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc” –, một khuôn khổ nhằm làm cho tự do kinh tế có thể thực sự phục vụ tự do của con người …TBCN theo nghĩa này thì không thể chấp nhận được (Bách chu niên, số 42, x. TL số 335).

Văn minh Tây phương hiện đại tỏ ra rất đề cao con người, nhưng không phải con người hiểu như ngôi vị mà là con người như cá nhân,- chủ thể của những quyền lợi và bổn phận. Nó có khuynh hướng giới hạn quyền bính của các định chế và truyền thống (gia đình, giáo hội, nhà nước) thường bị coi là “áp bức và ngu dân”, để ưu tiên cho các quyền lợi của cá nhân (chẳng hạn nhìn nhận những cuộc sống chung của hai người đồng phái là hợp pháp như hôn nhân, chỉ vì quyền lợi của những người trong cuộc). Nhưng vì không đề ra được cho các cá nhân một lẽ sống có giá trị, nên lớp trẻ một thời được hưởng thụ mọi tiện nghi của xã hội tiêu thụ, đã quay lại chống chính cái xã hội nuông chiều họ ấy, chống lại mọi biểu tượng của quyền uy (Establishment), đòi bãi bỏ mọi thứ cấm đoán, luật lệ. Dường như họ muốn một sự tự do không hạn chế, dù không biết dùng tự do để làm gì. Phải chăng chủ nghĩa cá nhân của nền văn hóa Tây phương hiện đại là hậu quả kéo dài của chủ nghĩa Tự do (Libéralisme), phát sinh từ phong trào Khai Minh (Enlightenment) của châu Âu thế kỷ XVIII và cuộc đại cách mạng Pháp 1789?

Nền văn minh Tây phương hiện đai nói là đề cao con người, nhưng vì cắt đứt con người khỏi mọi chiều kích siêu việt và những chân lý nền tảng khách quan, nên thực tế nền văn minh ấy lại thường hạ thấp con người, thậm chí chà đạp con người, như lịch sử thế kỷ XX đã cho ta thấy, và như chúng ta vẫn đang thấy diễn ra khắp nơi.

Phần II
NHÂN QUYỀN


Trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, lãnh vực nhân quyền chiếm một vị trí rất quan trọng, có thể nói là trọng tâm, nhất là kể từ thời Đức Thánh Cha Gioan XXIII, đến nỗi đối với nhiều người, tư tưởng và hành động của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II xem ra có thể đồng hoá với việc bảo vệ và thăng tiến nhân quyền, và gần như thu tóm vào trong việc đó (x Roger Etchegaray: Préface cho cuốn Giorgio Filibeck: Les droits de l’homme dans l’enseignement de l’Eglise: De Jean XXIII à Jean-Paul II, Cité du Vatican 1992).

Tuy nhiên ở đây người ta thường gặp hai loại ý kiến phê bình Giáo Hội. Một đàng, không ít người cho rằng GH chỉ mới nói tới nhân quyền gần đây thôi, còn trước kia thì cương quyết bài bác. Theo một cách nhìn khác, có người lại nghĩ rằng GH ngày nay bàn về nhân quyền một cách trệch hướng so với truyền thống. (x. G.Filibeck: Sđd, Note liminaire, tr 9 và Walter Kasper, Nền tảng thần học của nhân quyền, bản dịch Việt ngữ đăng trong Cầu nguyện và Suy tư, 1999, tr.181-182). Vì lý do trên, chúng ta cần nhắc lại vài nét lịch sử liên quan tới vấn đề nhân quyền.

I- MỘT CHÚT LỊCH SỬ

Từ thời Trung cổ Tây phương và cả trước đó, đã có những phác thảo luật pháp về các quyền con người, nhưng phải đợi đến hạ bán thế kỷ XVIII, người ta mới gặp những bản Tuyên ngôn nhân quyền đầy đủ.

Trước hết là bản Tuyên ngôn độc lập của Hiệp Chủng Quốc ngày 4.7.1776, cũng như những bản Tuyên ngôn lập hiến khác về quyền của các tiểu bang thuộc liên bang Hoa-Kỳ (Virginia, Pensylvania, Maryland và Bắc Carolina năm 1776; Vermont năm 1777; Massachusetts năm 1780; New Hamshire năm 1783). Bản Tuyên ngôn long trọng khẳng định: “Chúng tôi coi là hiển nhiên những chân lý sau đây: Mọi người được dựng nên bình đẳng, được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả nhượng”. Tuyên ngôn nhấn mạnh đến quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tiếp đến là Tuyên ngôn quyền Con người và quyền Công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) của Pháp năm 1789. (x. René Coste, L’Eglise et les Droits de l’homme, Desclée Paris 1982, bản dịch Việt ngữ: Giáo Hội và vấn đề nhân quyền, ronéo, không đề tên dịch giả và năm in, tr. 12). Đây là khúc ngoặt quyết định trong lịch sử nhân quyền, vì tuy chịu ảnh hưởng của bản Tuyên ngôn của Hoa-Kỳ, bản Tuyên ngôn nhân quyền này không dựa trên những xác tín tôn giáo nhưng coi nhân quyền là quyền tự nhiên dựa trên bản tính con người. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc ra đời trong phong trào đòi tự do dân chủ do những người châu Âu định cư tại Mỹ khởi xướng chống lại chính quyền thuộc địa Anh, còn Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp dựa trên trào lưu triết học duy lý thế kỷ XVII và XVIII, được mệnh danh là Triết học Ánh Sáng (philosophie des Lumières). Mặc dù các nhà cách mạng Pháp chỉ muốn dựa trên lý trí và đã quyết liệt chống lại Giáo Hội nhưng chính “sức năng động đặc thù của Kitô giáo”, đặc biệt là “chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo thời Phục Hưng” đã góp phần sinh ra bản Tuyên ngôn nhân quyền của họ (x.R Coste, sđd tr.13).

Lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ mà nó đề ra, rốt cuộc cũng chỉ dành cho một thiểu số trong xã hội là giai cấp tư sản. Thiếu sót lớn của nó là quan niệm con người như một cá nhân đơn độc và do đó trừu tượng, không phải con người mang tính xã hội, con người liên đới với đồng loại, đặc biệt với người nghèo khổ, người bị bỏ rơi. Thực tế, quan niệm đó đã hỗ trợ cho thuyết Tự do kinh tế tức chủ nghĩa Tư bản, dẫn tới sự ra đời của giai cấp công nhân và việc bóc lột khủng khiếp giai cấp này. Nó cũng đã đẩy mạnh sự ra đời của các chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội mệnh danh là khoa học của Marx và Engels, mà về sau sẽ trở thành chủ nghĩa Cộng sản (hay chủ nghĩa xã hội hiện thực).

Bản tuyên ngôn nổi tiếng của thời hiện đại là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10.12.1948. Tác giả chính của bản văn này là René Cassin, nhà luật học nổi tiếng người Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thế giới đã nhất trí với nhau về một tuyên ngôn khẳng định những quyền căn bản của con người, với xác tín rằng: “Việc nhìn nhận phẩm giá của hết mọi người trong gia đình nhân loại và các quyền lợi bình đẳng, bất khả nhượng của con người là nền tảng để có được tự do, công lý và hoà bình trên thế giới” (Tuyên ngôn, Lời mở đầu). Từ Tuyên ngôn 1789 của Pháp đến Tuyên ngôn quốc tế này, đã có một bước tiến lớn trong ý thức về nhân quyền: thay vì chỉ nhấn mạnh tới các quyền tự do cá nhân, người ta đã đề cao thêm các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Về sau, ý thức ấy sẽ còn được mở rộng tới quyền tập thể của các dân tộc, chủng tộc, nhóm dân thiểu số v.v. như quyền được phát triển, được chia sẽ của cải, được hưởng hoà bình (x.René Coste, sđd, tr 27 và 32).

Liên Hiệp Quốc còn tiếp tục công việc phát huy nhân quyền bằng nhiều văn kiện quan trọng khác, như: Hiệp ước về qui chế cho người tị nạn (1951), Hiệp ước về quyền chính trị của phụ nữ (1952), Tuyên ngôn về quyền trẻ em (1959), Hiệp ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (1966). Tuyên ngôn về quyền của người tàn tật (1975).

Xét về mặt pháp lý, Tuyên ngôn quốc tế chỉ là một nghị quyết, không phải một thỏa ước; nó chỉ nêu một “lý tưởng chung cho mọi dân tộc, mọi quốc gia vươn tới” (Lời mở đầu), do đó cũng chỉ mang hình thức một sức mạnh trị tinh thần mà thôi, nhưng trong thực tế ảnh hưởng của nó rất lớn và không ngừng gia tăng.

Bản Tuyên ngôn quốc tế này đã được đại đa số các nước hoan nghênh, nhưng bị nhiều nước Hồi giáo phê bình vì cho rằng bản Tuyên ngôn không tính đến bối cảnh văn hóa và tôn giáo của các nước ngoài châu Âu. Năm 1981, đại diện Iran tại Liên Hiệp Quốc phát biểu: “Tuyên ngôn là một cách hiểu “thế tục” về truyền thống Do-thái và Kitô giáo; người Hồi giáo không thể áp dụng nó mà không vi phạm Luật căn bản (sharia) của mình.” Đối lại bản Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc, họ cũng đưa ra bản Tuyên ngôn Cairo về nhân quyền trong Hồi giáo, đuợc Tổ chức các nuớc Hồi giáo biểu quyết ủng hộ ngày 30.6.2000. Bản tuyên ngôn này có những điều phù hợp với bản tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc nhưng cũng có những điều bất cập, ví dụ: Không được ép buộc ai thay đổi tôn giáo mình để theo một tôn giáo khác hoặc trở thành vô thần, nhưng cũng không ai được quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng của mình. Nguyên do của những bất cập nói trên là: tất cả mọi quyền lợi và mọi tự do được nêu lên trong bản Tuyên ngôn đều phải lệ thuộc vào luật Hồi giáo Sharia (Luật căn bản). Nói cách khác nền tảng của các bản Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp và của Liên Hiệp Quốc là bản tính con người, còn trong Hồi giáo, luật Sharia là nguồn của nhân quyền.

II. GIÁO HỘI VÀ NHÂN QUYỀN

l. Những phản ứng tiêu cực buổi đầu

Trong phong trào đấu tranh cho tự do và nhân quyền trong vài thế kỷ qua, Giáo Hội nói chung đã có một thời gian dài tỏ ra thờ ơ, thậm chí chống đối tiêu cực. Chẳng hạn Đức Giáo Hoàng Piô VI đã kịch liệt chống lại bản Tuyên ngôn quyền Con người và quyền Công dân (1789) trong Tông thư Quod aliquantum (1891), trong đó các loại” tự do mới” bị coi là “nhưng quyền kỳ quái” hoặc “quyền ảo tưởng”. Nhưng bản “cáo trạng” mạnh mẽ nhất, dứt khoát nhất chống lại phong trào nhân quyền cuối thế kỷ XIX hẳn là bản Syllabus kèm theo Thông điệp Quanta cura của ĐGH Piô IX (1864), đó là bảng liệt kê 80 sai lầm của thời đại. Hình như những gì liên quan tới nhân quyền đều gây dị ứng cho GH thế kỷ XVIII và XIX. Ngay cả với bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), GH cũng tỏ ra dè dặt trong một thời gian khá dài.

Thái độ này thật đáng ngạc nhiên, khi mà chúng ta đã có cả một truyền thống Kitô giáo riêng rất cổ kính về các quyền con người. Truyền thống ấy bắt nguồn từ Kinh Thánh, khởi đi từ xác quyết rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa. Đây là một xác quyết mang tính cách mạng so với ý thức hệ Đông phương theo đó thì chỉ có nhà vua mới là hình ảnh của Trời. Vì là hình ảnh của Chúa nên mỗi người trong tư cách là người, bất kể thuộc chủng tộc, dân tộc, phái tính hay văn hóa nào, đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Chưa nói tới Tân Ước, ngay Cựu Ước cũng đã có biết bao qui định và yêu sách về tôn trọng và bảo vệ sự sống, bảo vệ con người, nhất là người nghèo khổ, bé mọn. René Cassin và các môn sinh của ông đã coi bảng Thập giới là “một trong những nền tảng lịch sử chính yếu của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền”, và một đồ đệ của ông đã nói: “Các lệnh truyền của Thiên Chúa, trong thực tế, trùng hợp với những quyền lợi của con người” (R.Coste, sđd tr.61).

Truyền thống Kinh Thánh trên đã sớm được kết hợp với thuyết cổ truyền về quyền tự nhiên. Thánh Tôma Aquinô đặt phẩm giá con người trên sự kiện là con người là ngôi vị có lý trí, tự do, hiện hữu vì lợi ích riêng của chính mình. Học thuyết này sẽ được nhiều nhà thần học về sau tiếp tục khai triển, như Vitoria, Las Casas, và tạo thành điểm gặp gỡ cho quan niệm Kinh Thánh về nhân quyền với quan niệm tân thời về quyền con người.

Vậy chắc chắn GH không chống lại chính các quyền con người, -GH không thể làm như thế, nhưng có lẽ GH phản đối cách thức người ta trình bày, giải thích các quyền đó, và thường sử dụng chúng để công kích GH trực tiếp hay gián tiếp. Đừng quên bầu không khí thù nghịch, bài Kitô giáo, bài giáo sĩ rất mạnh mẽ phát sinh từ hậu bán thế kỷ XVIII, với phong trào triết học duy lý như đã nói trên, kéo dài mãi qua đầu thế kỷ XX. Dù sao, chắc hẳn phải có những lý do phức tạp và quan trọng nào đó mới giải thích nổi thái độ của GH đối với phong trào nhân quyền trong giai đoạn này.

2. Giáo Hội quyết liệt dấn thân cho nhân quyền

Sự thay đổi thật ra đã bắt đầu với Đức Lêô XIII, người đã có cái nhìn cởi mở đối với thời đại mới, được tiếp nối bởi các Đức Giáo Hoàng Piô XI và Piô XII. Chống lại Đức Quốc Xã, Đức Piô XII viết: “Con người trong tư cách là một ngôi vị, có những quyền nhận được từ Thiên Chúa, và đứng trước một tập thể nào các quyền ấy cũng phải được bảo vệ nguyên vẹn, không được phủ nhận, hủy bỏ hay xao nhãng” (Thông điệp Mit brennender Sorge, trích theo R.Coste, sđd, tr.40). Trong Sứ điệp lễ Giáng sinh năm 1942, ngài khẳng định một lần nữa: “ Mỗi cá nhân đều có quyền đòi hỏi được bảo vệ những quyền lợi riêng của mình; mỗi cá nhân đều có quyền hưởng một khu vực nhất định và riêng biệt gồm những quyền lợi mà không ai được tùy tiện xâm phạm. Đó là những quyền vĩnh viễn chỉ con người mới có, phát sinh từ trật tự pháp lý mà Thiên Chúa đã muốn” (Trích trong Thông điệp Hoà bình trên trái đất, số 2, AS, số 70).

Được mở đường như trên bởi các vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Gioan XXIII là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã chấp nhận một cách chính thức ý tưởng về các quyền con người dựa trên nhân phẩm, và đề cập tới nhân quyền một cách qui mô, chuyên đề trong Thông điệp Hoà bình trên trái đất, năm 1963 (trong Phần I, số 1-24 ). Người ta lưu ý tới hai đặc điểm: Thông điệp lặp lại những điều quan trọng nhất trong Tuyên ngôn quốc tế năm 1948, nhưng khác với bản Tuyên ngôn, bản văn của Đức Gioan XXIII nối liền quyền lợi với nghĩa vụ; đàng khác tuy là một văn kiện tôn giáo, nhưng các quyền con người ở đây lại được đặt chủ yếu trên nền tảng luật tự nhiên mà mọi người công nhận. Cũng trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha đánh giá cao bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, coi đó là “một trong những công việc trọng đại nhất” mà tổ chức này đã thực hiện,”một bước tiến dẫn tới sự thành lập một tổ chức pháp lý chính trị trong cộng đồng thế giới” (Phần IV, số 8). Nên biết rằng trước Đức Gioan XXIII, Giáo Hội chưa bao giờ lên tiếng đồng tình. Nhưng sau ngài, có thể nói các vị Giáo Hoàng không ngần ngại ca ngợi cả tổ chức Liên Hiệp Quốc lẫn bản Tuyên ngôn của tổ chức, mỗi khi có dịp. Chính thái độ cởi mở của ngài đối với các khát vọng của thế giới về công lý và hoà bình đã góp phần vào thành công của Thông điệp Hoà bình trên trái đất nơi các chính phủ và tổ chức chính trị ở cả hai phía tư bản và cộng sản thời bấy giờ. Hội đồng châu Âu đánh giá: “Thông điệp (đó) là một bản Hiến chương lớn nữa đến sau những Hiến chương lớn khác của lịch sử … Nó đến nhắc nhở rằng hoà bình chỉ đạt được nhờ tôn trọng vị trí ưu việt của pháp quyền và nhờ bảo vệ và phát triển các quyền của con người” (Theo Gustave Martelet, Les idées maitresses de Vatican II, DDB, Paris 1966, tr.142).

Nối tiếp con đường của Gioan XXIII, Công Đồng Vaticanô II khẳng định vị trí hàng đầu của ngôi vị con người trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội, và nhìn nhận rằng ý thức ngày càng mãnh liệt về nhân phẩm và nhân quyền là một tiến bộ của loài người (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 73). “Giáo Hội dựa vào Phúc Âm được ủy thác cho mình, công bố những quyền của con người, nhìn nhận và tôn trọng năng động của thời hiện đại hiện đang cổ võ cho những quyền ấy khắp nơi” (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 41). Nhưng liền theo đó, Công Đồng cảnh báo trước cám dỗ cho rằng “các quyền lợi của con người chỉ được duy trì trọn vẹn khi loại bỏ mọi Lề luật của Thiên Chúa”, mà “thật ra, đi theo con đường này là (…) làm cho phẩm giá con người tiêu tan.” ( Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 41).

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II còn đi xa hơn các vị tiền nhiệm trong mức độ ngài triển khai một cách có hệ thống tất cả mọi hậu quả của nhân phẩm trên bình diện nhân quyền, đến nỗi người ta đã có thể viết: “Với Đức Gioan-Phaolô II, nhân quyền trở thành bộ khung của giáo huấn xã hội của Giáo Hội” (Michel Schooyans, Centesimus Annus et la “Sève Généreuse” de Rerum Novarum, trong De “Rerum novarum” à “Centesimus annus”, Cité du Vatican 1991, tr.48). Đề tài Nhân quyền được đề cập tới không biết bao nhiêu lần, trong nhiều văn kiện, nhiều dịp, kể cả những chuyến du hành mục vụ của ngài trên thế giới.

Tuyên bố long trọng đầu tiên được đưa ra ngay sau khi ngài lên ngôi, trong Thông điệp Đấng Cứu chuộc loài người, năm 1979, trong đó ngài coi việc tôn trọng nhân quyền là nền tảng cho hoà bình và hoà hợp trong xã hội loài người (số 17). Rồi sau đó liên tiếp trong nhiều Thông điệp, Tông thư hay Tuyên bố, ngài đưa giáo huấn này vào trong lãnh vực học thuyết xã hội. Nhất là ngài không mệt mỏi hành động cho nhân phẩm, nhân quyền, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ các quốc gia, dân tộc nữa.

Chúng ta cũng không được quên hoạt động của các tổ chức của Toà thánh, đặc biệt là Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hoà bình, của Đại diện của Toà thánh trong nhiều tổ chức quốc tế, cũng như không nên coi nhẹ đóng góp của nhiều Hội đồng Giám mục, tiêu biểu là Hội nghị của các Giám mục Mỹ La-tinh tại Medellin năm 1968 và Puebla năm 1979.

Sự dấn thân nhiều mặt của Giáo Hội chắc chắn đã đóng góp rất đáng kể vào việc thăng tiến nhân quyền, cho dù các hoạt động đó không được mọi người ưa thích.

3. Vài lời dạy về nhân quyền

Sau đây, xin tóm tắt vài lời dạy của Giáo Hội liên quan tới nhân quyền, theo bản Tóm lược (số 152-159) và cuốn Agenda Social (số 66-77).

3.1- Nền tảng

Nhân quyền đặt nền tảng trên phẩm giá của ngôi vị con người và phát sinh trực tiếp và đồng thời từ chính bản tính của họ, do đó trí khôn có thể nhận thức được, còn đức tin thì mang lại cho chúng một nền tảng vững chắc hơn.

3.2- Những đặc tính

Vì nằm ngay trong bản tính con người nên các quyền con người là

- phổ quát, nghĩa là chung cho hết mọi người trong tư cách là người (ai ai cũng có bản tính người như nhau),

- bất khả xâm phạm, không ai được phép xâm phạm vì bất cứ lý do nào,

- và bất khả nhượng, cũng giống như ta không thể nhượng tính người của mình cho ai, và ai cố tước đọat các quyền ấy khỏi người khác là xâm phạm tới bản tính của chính họ.

Giữa con người với nhau luôn luôn tồn tại những khác biệt, đôi khi rất quan trọng, như khả năng thể lý, khả năng trí tuệ, khác nhau về giới tính, chủng tộc v.v., nhưng bản tính và phẩm giá của mọi người là như nhau, vì thế mọi kỳ thị liên quan tới các quyền con người là không thể chấp nhận, và “trái với ý Thiên Chúa.” (Vui mừng và Hy vọng, số 29; AS, số 76). Người ta nói nhân quyền là quyền tự nhiên, quyền do thiên nhiên, chứ không phải do một ai hay một thể chế nào ban phát cho, vì thế “sức mạnh của nó là bất diệt” (TĐ Hòa bình trên trái đất, số 30; AS, số 74). Dĩ nhiên đối với đức tin Kitô giáo, luật tự nhiên cũng do chính Thiên Chúa tạo ra và nền tảng tối hậu của nhân phẩm và của nhân quyền cũng là Thiên Chúa.

- Có thể thêm đặc tính không thể phân chia. Các quyền căn bản của con người liên kết với nhau thành một tổng thể, do đó phải bảo vệ chúng không chỉ một cách riêng lẻ là đủ, nếu bảo vệ một phần các quyền mà thôi sẽ là gián tiếp không nhìn nhận tất cả các quyền con người, vì các quyền đó tương ứng với những đòi hỏi của nhân phẩm.

Tuy nhiên vẫn có thể nói tới một thứ trật tự về giá trị ưu tiên nào đó. Trong danh sách các quyền con người của ĐGH Gioan-Phaolô II lập trong TĐ Bách chu niên (số 47), quyền được sống nằm trên hết, còn quyền tự do tôn giáo “hiểu như quyền được sống trong chân lý của niềm tin của mình và phù hợp với phẩm giá siêu việt của con người, theo một nghĩa nào đó, (là) nguồn mạch và tổng hợp của các quyền” khác (x.TL, số 155).

3.3 - Nhân quyền, xã hội và chính quyền

Cho dù đặc tính xã hội là thiết yếu cho con người, (x. Vui mừng và Hy vọng, số 24-25; AS, số 60) thì vẫn đúng là “các quyền này có trước xã hội và phải được xã hội công nhận” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1930; AS, số 71.); chính quyền phải tôn trọng nhân phẩm, do đó tôn trọng nhân quyền, phải đưa ra những khung luật cần thiết để bảo vệ và thăng tiến nhân quyền; nếu chà đạp hoặc phủ nhận các quyền này, chính quyền sẽ mất tính hợp pháp về mặt luân lý, cho dù họ có tìm cách tồn tại dựa vào sức mạnh hay bạo lực. Nền tảng đích thực và bền vững của thể chế dân chủ, chính là ở chỗ biết nhìn nhận rõ rệt các quyền con người (TĐ Bách chu niên, số 47; AS, số 67).

3.4- Quyền lợi và nghĩa vụ.

Đã có quyền lợi thì cũng có nghĩa vụ, điều này đúng cả trên bình diện xã hội lẫn bình diện luật tự nhiên. Thí dụ: quyền được sống kèm theo nghĩa vụ phải bảo tồn sự sống, quyền được hưởng một đời sống xứng hợp buộc ta có nghĩa vụ phải ăn ở cho có phẩm cách; quyền được tự do tìm chân lý buộc ta có bổn phận càng phải nhiên cứu và mở mang tầm học tập” (TĐ Hoà bình trên trái đất số 29). “Bởi thế, người nào chỉ biết đòi hỏi quyền lợi mà quên nghĩa vụ của mình hay không chu toàn nghĩa vụ đó, tức là dùng tay này phá hủy công việc tay kia đang xây dựng” (TĐ nói trên, số 30; TL, 156; AS, số 74).

3.5- Quyền của các dân tộc và quốc gia

Phạm vi nhânquyền được mở rộng ra để bao gồm cà quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia. “Điều gì đúng với cá nhân thì cũng đúng với các dân tộc”(TL, số 157). “Các quyền của các quốc gia không là gì khác hơn là ‘các quyền con người’ được vun đắp ở cấp đời sống cộng đồng’” (TL, số 157).

3.6- Nhiệm vụ loan báo Tin mừng và Nhân quyền.

Sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ của Hội Thánh bao gồm việc thăng tiến và giải phóng con người về mọi mặt để con người được ngày càng sống xứng với nhân phẩm hơn. Vì thế bảo vệ và thăng tiến nhân quyền là một phần của sứ mạng đó.

GHI CHÚ:

Quyền lợi và nghĩa vụ bên trong Giáo Hội

Giáo Hội có nguồn gốc thần linh, đó là nét đặc thù thiết yếu phải trở thành điểm qui chiếu mỗi khi muốn đặt cơ sở cho những qui định và luật lệ của Giáo Hội và áp dụng chúng vào thực tế đời sống của cơ chế Giáo Hội cũng như những mối liên quan giữa các thành viên của Giáo Hội. Vì nguồn gốc của nhân phẩm là Thiên Chúa, Giáo Hội được mời gọi một cách đặc biệt phải nêu cao chứng tá về đức công bằng. Các quyền lợi và nghĩa bên trong Giáo Hội, như được chỉ rõ trong bộ Giáo luật, phải được thực hiện trong một viễn tượng hiệp thông, vượt lên các giới hạn của một chủ nghĩa cá nhân bất kể tới công ích cũng như một tinh thần vụ luật thiếu bác ái.

Có thể coi: Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 31-38; Giáo luật các điều 204-231; Sứ điệp cuối kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám mục 1974.

Kết luận

Trong thời đại chúng ta có nhiều chủ thuyết nhân bản chủ trương loại trừ Thiên Chúa để cho con người được tôn vinh, nhưng thực tế thì sao ? Một khi không còn được nhìn nhận và yêu mến theo phẩm giá là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, con người dễ dàng trở thành mồi ngon cho những thế lực khác nhau khai thác, như ý thức hệ, quyền lực kinh tế, chủ nghĩa tiêu thụ, công nghệ tình dục, những hệ thống chính trị phi nhân, sự thống trị của khoa học- kỷ thuật, của các phương tiện truyền thống xã hội v.v. (x. Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân, số 5). GH xác tín rằng “không một luật lệ nào của con người có thể bảo đảm phẩm giá và tự do của họ bằng Phúc Âm của Chúa Kitô đươc trao phó cho GH” (Hc Vui mừng và Hy vọng, số 41, AS số 44).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giorgio Filibeck, Les droits de l’ homme dans l’enseignement de l’Eglise: de Jean XXIII à Jean-Paul II. Cité du Vatican, 1992.
2. Conseil Pontifical Justice et Paix, De Rerum novarum à Centesiums annus. Textes intégraux des deux Encycliques avec deux études de Roger Aubert et Michel Schooyan. Cité du Vatican 1991
3. Gustave Martelet. Les idées maitresses de Vatican II, Desclée de Brouwer 1966.
4. René Coste, L’Eglise et les droit de l’homme desclée, Paris 1982 ( Bản dịch Việt ngữ: Giáo Hội và vấn đề nhân quyền, không ghi dịch giả và năm ấn hành).
5. Nhiều tác giả, Dieu au XXe siècle, Sous la direction de Bruno Chenu et Marcel Neusch, Bayard, Paris 2002
6. Vatican II, La liberté religieuse, Collection Unam sanctam 60, Cerf, Paris 1967.


PHỤ TRƯƠNG

I. TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN

(trích)

Điều 2: Mỗi người có thể đòi cho mình mọi quyền lợi và mọi tự do công bố trong bản Tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm nào khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, gia thế hay bất cứ tình trạng nào khác.

Ngoài ra đối với cá nhân không được có sự phân biệt nào dựa trên qui chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của một nước hay một lãnh thổ của người đó, bất kể quốc gia hay lãnh thổ ấy độc lập, được bảo trợ hay không độc lập hoặc bị giới hạn về chủ quyền một cách nào đó.

Điều 3: Mọi cá nhân đều có quyền sống, quyền tự do và được an ninh.

Điều 4: Không được bắt ai làm nô lệ hay tôi tớ. Cấm chỉ chế độ nô lệ và đối xử như nô lệ dưới mọi hình thức.

Điều 5: Không được tra tấn ai, bắt chịu những hình phạt hay đối xử tàn bạo, phi nhân và hạ nhân cách.

Điều 6: Mỗi người đều có quyền được nhìn nhận như pháp nhân ở mọi nơi.

Điều 7: Mỗi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách đồng đều, không phân biệt. Mọi người đều có quyền được bảo vệ đồng đều trước mọi sự kỳ thị, vi phạm bản Tuyên ngôn này và trước mọi sự khiêu khích khiến cho phải bị kỳ thị như thế.

Điều 9: Không ai có thể bị bắt bớ, cầm giữ hay lưu đày một cách tùy tiện.

Điều 12: Không được tự ý can thiệp vào đời tư, gia đình, nhà cửa hay thư từ của bất cứ ai, cũng không được xúc phạm tới danh dự và thanh danh của bất cứ ai. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ để chống lại sự can thiệp và xúc phạm đó.

Điều 13: 1.Mọi người đều có quyền đi lại tự do và chọn nơi cư trú trong lãnh thổ một quốc gia.

2.Mọi người đều có quyền rời nước, kể cả quốc gia của mình, và trở về lại.

Điều 14: 1. Khi bị truy nã, mọi người đều có quyền đi tìm chỗ trú ẩn và được trú ẩn ở các nước khác.

2. Nhưng không thể viện tới quyền này khi những cuộc truy nã ấy căn cứ trên tội ác theo luật chung hay dựa trên những hành vi đi ngược lại các mục tiêu và nguyên tắc của LHQ.

Điều 16: 1. Khi đến tuổi kết hôn, nam nữ, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo, có quyền kết hôn với nhau và xây dựng gia đình. Cả hai đều có quyền ngang hàng nhau về hôn nhân, trong khi còn là vợ chồng và khi đã ly dị.

2. Chỉ được cho kết hôn khi vợ chồng tương lai ưng thuận một cách tự do và đầy đủ.

3. Gia đình là yếu tố tự nhiên và căn bản của xã hội; gia đình có quyền được xã hội và Nhà nước bảo vệ.

Điều 18: Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao hàm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, cũng như quyền tự do bày tỏ tôn giáo hay niềm tin của mình, một cách cá nhân hay tập thể, riêng tư hay công khai, bằng sự dạy dỗ, làm các việc đạo, cử hành phụng vụ và các nghi thức.

Điều 19: Mọi cá nhân đều có quyền tự do tư tưởng và phát biểu. Quyền này bao hàm quyền không bị ai quấy nhiễu về những quan điểm của mình và quyền tìm kiếm, thu nhận cũng như phổ biến những thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện nào, bất cứ ranh giới quốc gia.

Điều 23: 1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền hưởng những điều kiện công bình và thoả đáng để làm việc, và quyền được bảo vệ để khỏi bị thất nghiệp.

2. Mọi người đều có quyền hưởng một mức lương bằng nhau khi làm cùng một việc.

3. Ai làm việc đều có quyền hưởng một mức lương công bình và thoả đáng, có thể bảo đảm cho bản thân cũng như gia đình mình một cuộc sống phù hợp với nhân phẩm và, nếu có, được hỗ trợ thêm bởi mọi phương thế bảo vệ của xã hội.

4. Mọi người đều có quyền cùng với người khác thành lập những nghiệp đoàn và tham gia các nghiệp đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.

Điều 26: 1. Mọi người đều có quyền được giáo dục. Sự giáo dục ấy phải miễn phí, ít ra là ở cấp sơ đẳng và căn bản. Buộc mọi người phải được giáo dục cấp sơ đẳng. Phải phổ cập hoá nền giáo dục kỷ thuật và chuyên nghiệp. Phải mở cửa cho mọi người theo đuổi nền giáo dục cao cấp một cách bình đẳng, dựa vào thành tích của mỗi người.

2. Sự giáo dục phải nhắm phát triển trọn vẹn nhân cách của con người, cũng cố thêm việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục cũng phải tạo tạo điều kiện cho mọi quốc gia, mọi tập thể chủng tộc hay tôn giáo thông cảm, bao dung và thân thiện với nhau, cũng như hỗ trợ cho các hoạt động của LHQ được phát triển để duy trì hoà bình.

3. Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn hình thức giáo dục cho con cái mình.

II. TUYÊN BỐ CỦA LHQ VỀ VIỆC LOẠI TRỪ BẤT BAO DUNG.

(18-12-1982)

Điều 1: 1.Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do theo một tôn giáo hay bất cứ nột niềm tin nào họ chọn lựa, cũng như biểu lộ tôn giáo hay niềm tin của mình cách cá nhân hay tập thể, cả công khai lẫn riêng tư, bằng tế tự và những nghi thức, những thực hành và giảng dạy.

2. Không ai bị bó buộc khiến cho sự tự do theo một tôn giáo hay một niềm tin mà họ chọn lựa có thể bị vi phạm.

3. Quyền biểu lộ tôn giáo hay niềm tin chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp và trong những trường hợp tiên liệu cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hay luân lý hay những tự do về quyền lợi căn bản của kẻ khác.

Điều 3: Sự kỳ thị giữa người với người vì những lý do tôn giáo hay niềm tin là một sự xúc phạm tới phẩm giá con người và phủ nhận Hiến chương LHQ và phải bị kết án như một sự vi phạm các quyền con người và những quyền tự do căn bản được tuyên bố trong Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và được trình bày chi tiết trong những công ước quốc tế liên quan đến nhân quyền, và như một trở ngại cho mối quan hệ hữu nghị và hoà bình giữa các dân tộc.

Điều 5: 1.Cha mẹ hoặc, nếu cần, những người giám hộ luật định cho đứa trẻ có quyền tổ chức đời sống trong gia đình phù hợp với tôn giáo hay niềm tin của họ và bằng cách quan tâm đến nền giáo dục đạo đức mà họ nghĩ là đứa trẻ cần phải được dạy dỗ theo đó.

2. Mọi đứa trẻ, trong lãnh vực tôn giáo hay niềm tin, đều được quyền nhận một nền giáo dục phù hợp với ước nguyện của cha mẹ hoặc người giám hộ luật định của chúng, và không thể bị bó buộc nhận một sự đào tạo liên quan tới một tôn giáo hay một niềm tin ngược với nguyện vọng của cha mẹ hay người giám hộ luật định của chúng. Vì lợi ích đứa trẻ là nguyên tắc chỉ đạo.

3. Trẻ em phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức kỳ thị căn cứ trên tôn giáo hay niềm tin. Nó phải được giáo dục trong một tinh thần thông cảm (compréhension), khoan dung, hữu nghị giữa các dân tộc, tinh thần hoà bình và huynh đệ đại đồng, tinh thần tôn trọng tự do tôn giáo hay niềm tin của kẻ khác và trong ý thức đầy đủ rằng nó phải dùng năng lực và các tài năng mình phục vụ đồng loại…

4. (…)

5. Những thực hành tôn giáo hoặc niền tin trong đó một đứa bé được giáo dục không được làm hại tới sức khoẻ thể lý hay tinh thần (mental) cũng như sự phát triển đầy đủ của nó…


TÀI LIỆU THAM KHẢO
7. Giorgio Filibeck, Les droits de l’ homme dans l’enseignement de l’Eglise: de Jean XXIII à Jean-Paul II. Cité du Vatican, 1992.
8. Conseil Pontifical Justice et Paix, De Rerum novarum à Centesiums annus. Textes intégraux des deux Encycliques avec deux études de Roger Aubert et Michel Schooyan.
Cité du Vatican 1991
9. Gustave Martelet. Les idées maitresses de Vatican II, Desclée de Brouwer 1966.
10. René Coste, L’Eglise et les droit de l’homme desclée, Paris 1982 ( Bản dịch Việt ngữ: Giáo Hội và vấn đề nhân quyền, không ghi dịch giả và năm ấn hành).
11. Nhiều tác giả, Dieu au XXe siècle, Sous la direction de Bruno Chenu et Marcel Neusch, Bayard, Paris 2002
12. Vatican II, La liberté religieuse, Collection Unam sanctam 60, Cerf, Paris 1967.
 
Tin Đáng Chú Ý
Chú chó 'Conan' biết cầu nguyện với sư phụ của mình
Photo: AFP/Toru Yamanaka
18:56 24/03/2008
OKINAWA -- Chú chó chihuahua có tên 'Conan' đang cầu nguyện cùng với sư phụ của mình là Thượng chủ Thần giáo Joei Yoshikuni tại ngôi Chùa thời danh Shuri-Kannondo trên quần đảo Okinawa, mạn Tây Nam nước Nhật vào sáng hôm nay ngày 24/3/2008.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nến Phục Sinh
Nguyễn Đăng Khoa
00:09 24/03/2008

NẾN PHỤC SINH



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa, Giáo phận Vinh, Việt Nam.

..Cho con là nến hồng

là nến sáng, nến sáng tỏa lan địa cầu

Ca vang lời Thánh ca nguyện cầu

Lời kinh nhiệm mầu,

Cầu cho quê huơng an bình…

(Trích ca khúc Cho Con Là Nến Sáng của Alpha Linh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền