“Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về”.
Kính thưa Anh Chị em,
Giữa lưu đày, qua miệng ngôn sứ Êzêkiel, Thiên Chúa đã nói với dân như thế, “Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về”. Thật trùng hợp, Thánh Gioan hôm nay cũng đã giải thích lời ‘tiên tri’ của thượng tế Caipha theo chiều hướng quy tụ đó, “Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”. Nơi Chúa Giêsu, lời hứa tự ngàn xưa được thực hiện; lòng Trời nên hiện thực, một lòng Trời muốn quy tụ tất cả về một mối. Vậy mà đọc tiếp Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, ‘lòng người khác xa lòng Trời!’.
Giữa cảnh lưu đày, Israel vẫn nghe những lời đầy hứa hẹn; rằng, Thiên Chúa sẽ đem họ về, cho định cư trong đất hứa, thanh tẩy mọi tà thần, đặt Đavít làm vua với triều đại bền vững muôn đời, “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Ngài ví mình như người mục tử chăn dắt đoàn chiên; đáp ca hôm nay cũng nhắc lại, “Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”. Đó là lòng Trời, lòng Thiên Chúa, lòng xót thương, lòng thứ tha. Lòng Trời bao la như thế, nhưng ‘lòng người khác xa lòng Trời’, Tin Mừng hôm nay tiết lộ điều đó; sau khi Lazarô được Chúa Giêsu cho trổi dậy, các thượng tế và biệt phái sợ mất ảnh hưởng, vì thế, họ quyết định giết Ngài.
Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết thay, cái chết quy tụ; Ngài quy tụ con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về với Chúa Cha; Ngài quy tụ trái tim con người về cùng một mối, cùng tôn thờ Thiên Chúa; Ngài quy tụ con cái trong gia đình về với cha mẹ; Ngài quy tụ lòng người về với chân thiện mỹ. Hơn thế nữa, Gioan nói, ‘Chúa Giêsu chết thay để mọi người khỏi chết’. Một cái chết ý nghĩa biết bao! Cuộc đời chúng ta cũng sẽ đầy ý nghĩa và giá trị khi biết tháp nhập vào cái chết của Ngài.
Nhà truyền giáo người Anh George Whitefield đã học được rằng, điều quan trọng là quy tụ nhiều linh hồn về cho Chúa hơn là về cho mình, cho người. Ông không nản lòng khi làm sáng danh Chúa khiến kẻ thù của ông ghét ghen, đặt điều vu khống ông. Ngày kia, Whitefield nhận được một lá thư hung ác buộc tội ông. Ông trả lời thật ngắn gọn và nhã nhặn rằng, “Chân thành cảm ơn bạn. Bản thân tôi còn tồi tệ hơn những gì bạn nói về tôi. Với tình yêu trong Chúa Kitô, George Whitefield”.
Anh Chị em,
Như Chúa Giêsu, Whitefield không tìm cách bào chữa; ông quan tâm đến việc quy tụ nhiều người về cho Chúa. Ngắm nhìn thập giá Chúa Giêsu trong những ngày hôm nay, chúng ta thấy đây là dấu chỉ của sự quên mình; dấu chỉ quy tụ. Lắm lúc chúng ta chỉ quan tâm lôi kéo nhiều người về với mình, chứ không phải về cho Thiên Chúa; như giới lãnh đạo thời Chúa Giêsu, chúng ta ghen tị khi người khác trổi trang hơn mình; ghen tị sẽ trở thành đố kỵ; đố kỵ đưa đến tức giận; tức giận đưa đến loại trừ. Như thế, lòng chúng ta quá thế tục, khác xa lòng Chúa, khác xa lòng Trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘lòng người khác xa lòng Trời’, những ngày Tuần Thánh, xin cho biết mặc lấy ước muốn quy tụ anh chị em con về cho Chúa; để được vậy, xin cho con biết quên mình mỗi ngày”, Amen.
(Tgp. Huế)
Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Phụng vụ Lời Chúa của ngày lễ soi sáng 2 điều: Thần tượng và đau thương.
1. THẦN TƯỢNG. Ðây là lần duy nhất trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng như thể các “fan cuồng” chào đón Ngài như thần tượng. Dân chúng cuồng nhiệt đến độ cởi cả áo trải ra đường cho Chúa đi, tay thì mừng rỡ vẫy cành lá, miệng thì reo hò tung hô: Hoan hô Chúa! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Vạn tuế Con vua Đavít! Dân chúng thực sự tôn vinh Đức Giêsu là Vua, là Chúa. Như thế, Lễ Lá thôi thúc lòng chúng ta rạo rực niềm vui tôn thờ Chúa như niềm vui được chào đón thần tượng của mình.
2. ĐAU THƯƠNG. Chúa Giêsu là thần tượng nhưng không lo chăm chút, đánh bóng cho bản thân mình, mà đã quên mình dám chấp nhận đau thương vì yêu nhân loại. Vì yêu mà Chúa khiêm nhường quên mình đến nỗi bằng lòng chịu chết. Dẫu cho người đời có lật lọng tráo trở, thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen để rồi kết tội, chế giễu, nguyền rủa, đánh đòn, đóng đinh Chúa thì Ngài vẫn cứ một lòng một dạ yêu thương. Chúa yêu thương nên chấp nhận đau thương để bày tỏ cho chúng ta thấy một tình yêu lớn nhất khi dám hy sinh tính mạng vì yêu.
Lễ Lá, xin Chúa cho mỗi người chúng ta vui mừng chào đón Chúa là thần tượng yêu thương vào lòng dạ, vào cuộc đời mình. Để mỗi người sung sướng cảm nhận được lòng Chúa thương xót, và dấn thân bước đi theo Chúa trên con đường yêu thương tha nhân dám chấp nhận đau thương của những hy sinh mất mát. Amen.
59. Thế gian là một loại bảo vật quý giá, nhưng không thể so với một linh hồn, linh hồn so với tất cả thế giới thì quý trọng vạn phần.
(Thánh John Chrysostom)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Khi con gái xuất giá (lấy chồng), thì muốn lấy tất cả những thứ trong phòng đem theo về nhà chồng.
Ban đêm phụ thân đứng nép bên cửa sổ nhìn trộm thấy con gái ngồi dưới đèn tự nói một mình:
“Mấy cái áo này đem đi mặc, mấy cái đồ dùng này đem đi dùng”.
Phụ thân chăm chăm nhìn trộm, bất giác râu tóc lộ vào trong kẻ hở cửa sổ, con gái túm lấy nói:
“Mấy sợi tóc lộn xộn này cũng đem theo dùng để cắm kim”.
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 101:
Tranh tối tranh sáng thì mờ mờ ảo ảo không thấy rõ ràng nên sự lợi dụng càng lúc càng lớn, hoặc nhầm lẫn thật tai hại, vì tranh tối tranh sáng mà con gái thấy râu tóc của cha mình qua kẻ hở cửa sổ, mà tưởng là mớ tóc lộn xộn nên túm lấy dùng để cắm kim.
Tâm hồn con người ta khi chưa dứt khoát giữa sự thiện và sự ác thì dễ phát sinh những việc làm không quang minh chính đại, bởi vì mờ mờ ảo ảo là nguyên nhân của những mưu mô đen tối và là nơi ẩn núp của mọi cám dỗ, bởi đó Đức Chúa Giê-su mới nói Ngài là ánh sáng thế gian, và ai đi trong ánh sáng ấy thì sẽ trở nên con cái của sự sáng…
Người Ki-tô hữu nhờ Lời Chúa soi dẫn nên cuộc sống của họ luôn phản chiếu lại ánh sáng của Tin Mừng phục sinh, tâm hồn họ không mờ mờ ảo ảo nên cách đối xử với người cũng rất là trong sáng, không phải để lấy điểm, nhưng là để làm sáng danh Thiên Chúa trong cuộc sống của mình…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng: Mc 14, 1-15, 47.
“Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”
Bạn thân mến,
Hôm nay chúa nhật Lễ Lá, là ngày Giáo Hội kỷ niệm dân Do Thái ngày xưa đã đón Đức Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng, và để mở đầu cho cuộc thương khó của Đức Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà phải chịu chết trên thánh giá. Ý nghĩa của ngày lễ Lá là như thế, nhưng tâm tình của bạn và tôi cũng như của những người Ki-tô hữu khác trong thánh lễ này lại mang tâm trạng khác, tôi xin chia sẻ với bạn những tâm tình này:
1. Tình cảm của con người.
Bạn có thấy tình cảm của con người không, cụ thể là người Do Thái đối với Đức Chúa Giê-su đó, hôm nay tình cảm họ dành cho Ngài thật dạt dào trân trọng, họ tôn sùng Ngài cách cuồng nhiệt, và nếu giờ phút ấy Đức Chúa Giê-su xách động quần chúng đứng lên lật đổ nhà vua, đuổi quân Rô-ma ra khỏi đất nước, thì chắc quần chúng vẫn nghe theo, nhưng Đức Chúa Giê-su không làm như thế, bởi vì Ngài biết lòng dạ của người dân, tình cảm của con người hay thay đổi, nay trắng mai đen, nay hoan hô mai đả đảo.
Tình cảm của dân Do Thái hôm qua cũng là tình cảm của bạn và tôi hôm nay, giống nhau như đúc ở sự hay thay đổi: thích thì hoan hô, không thích thì đả đảo, dù cho đối tượng là người tốt hay người vô tội.
2. Sự khiêm hạ và hiền hòa của Đức Chúa Giê-su.
Trước một đám người cuồng nhiệt hoan hô mình, Đức Chúa Giê-su biết đó chỉ là sự phấn chấn nhất thời của họ, và ngày mai chính họ sẽ lên án mình cách bất công, nhưng Ngài vẫn cứ đón nhận lời tung hô của họ mà không cau có, dỗi hờn hay chỉ trích. Thái độ hiền hòa ngồi trên mình lừa mẹ tiến vào thành Giê-ru-sa-lem của Đức Chúa Giê-su đã nói lên tất cả sự khiêm cung của Ngài, chính những lời tung hô “vạn tuế con Vua Đa-vít” “Đấng ngự đến nhân danh Chúa” của người Do Thái như một lời tiên tri ứng nghiệm nơi Ngài, Đấng Thiên Chúa làm người.
Sự khiêm cung và hiền hòa của Đức Chúa Giê-su là một bài học cho chúng ta, khi chúng ta biết bạn bè chơi khăm mình thì nhất định sẽ nổi giận và không thèm tham gia với họ, khi chúng ta biết những lời khen ngợi của mọi người chỉ là lời khen giả tạo và hàm ý chê bai, thì chúng ta đùng đùng nổi giận...
Bạn thân mến,
Chúa nhật lễ lá là bắt đầu tuần thánh mà cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua, Giáo Hội cho chúng ta nghe tường thuật bài Thương Khó của Đức Chúa Giê-su trong ngày chúa nhật Lễ Lá, là để cho bạn và tôi cùng chia sẻ với những đau khổ của Ngài đã chịu vì yêu thương bạn và tôi, cũng như yêu thương nhân loại. Và cũng để cho bạn và tôi học được bài học khiêm tốn và hiền hòa nơi Đức Chúa Giê-su, Đấng từng tuyên bố mình là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Cảnh sát đã phạt một linh mục Công Giáo vì đã cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự trong bối cảnh bị khóa trên toàn quốc.
Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan, đã áp dụng khoản tiền phạt 500 euro hay 595 Mỹ Kim đối với Cha Hughes, là cha sở của giáo xứ Mullahoran và giáo xứ Loughduff ở County Cavan, sau khi ngài dâng thánh lễ với một số ít giáo dân hiện diện, tờ Irish Catholic đưa tin hôm 20 tháng Ba.
Theo các biện pháp y tế của chính phủ, việc thờ phượng có giáo dân tham dự đã bị đình chỉ ở nước này kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2020. Các thánh lễ có giáo dân tham dự cũng bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 trong đợt đại dịch coronavirus đầu tiên.
Trong một bản tin của giáo xứ ngày 21 tháng 3, Cha Hughes viết: “Chúa Nhật tới đánh dấu cuộc hành trình Tuần Thánh. Thật khó tin khi đã sang đến năm thứ hai mà mọi người không thể đến tham gia các nghi lễ của Tuần Thánh”.
“Bất chấp quy mô của nhà thờ và các đền thánh, và bất kể sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Nhà tạm, nhà thờ đã bị Gardaí coi là một điểm nóng gây ra lây lan vi-rút”.
“Người dân có thể đi mua sắm, đưa con cái đến trường và nhiều người đang làm việc trong môi trường khép kín. Chúng ta đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi từ chối Chúa của chúng ta và Chúa Giêsu Kitô bằng cách tránh xa các nơi thờ phượng vì các quan chức chính phủ nói rằng chúng ta phải làm như thế”.
Vị linh mục phục vụ tại Giáo phận Ardagh và Clonmacnoise tiếp tục: “Tôi không chấp nhận yêu cầu này của những người không nhận ra điều sai trái mà họ đang làm. Chúng ta có quyền phản đối, đó là quyền hiến định của chúng ta miễn là nó diễn ra trong hòa bình; đó là quyền hiến định của chúng ta để thực hành đức tin của chúng ta và tập hợp để cầu nguyện cùng nhau”.
“Đối với những người sợ bị nhiễm vi-rút trong nhà thờ thì họ có quyền lựa chọn tự do ở nhà và sống cuộc sống của họ như họ nghĩ là tốt nhất”.
“Tôi đã được báo cáo lại và Gardaí đã phạt tiền vì tôi đã cử hành thánh lễ với những người có mặt. Tôi sẽ thực hiện quyền hiến định của mình ngay cả khi mọi người phàn nàn, mặc dù tôi không tuân theo vị giám mục của mình khi tôi đi ngược lại lời khuyên của ngài. Chúng ta không thể khước từ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể”.
Tháng 11 năm 2020, Gardaí đã yêu cầu Cha Hughes khóa cửa nhà thờ khi ngài cử hành thánh lễ để ngăn không cho giáo dân tham dự. Nhưng ngài vẫn tiếp tục mở rộng cửa nhà thờ.
Trích dẫn các nguồn tin thân cận với vị linh mục, tờ báo nói thêm rằng Cha Hughes sẽ không đóng tiền phạt và sẵn sàng bị bỏ tù thay vì ngừng cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự.
Source:Catholic News Agency
Ý đang chuẩn bị cho một cuộc khóa cửa vào Tuần Thánh và Lễ Phục sinh trong khi các trường hợp Covid-19 đang gia tăng theo cấp số nhân. Quốc gia này đang phải đối mặt với một đợt hạn chế khác, khi chính phủ cố gắng ngăn chặn sự gia tăng gần đây của các trường hợp coronavirus, do sự hiện diện của các biến thể mới.
Một nửa trong số 20 khu vực của Ý, bao gồm các thành phố Rôma, Milan và Venice, đã bắt đầu áp dụng các hạn chế liên quan đến coronavirus từ thứ Hai 15 tháng 3. Các biện pháp sẽ có hiệu lực đến ngày 6 tháng 4, theo một sắc lệnh được nội các của Thủ tướng Ý Mario Draghi thông qua.
Ở những vùng được đánh dấu là “vùng đỏ”, người dân sẽ không thể rời khỏi nhà ngoại trừ lý do công việc hoặc sức khỏe, và tất cả các cửa hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa. Trong “vùng cam”, mọi người bị cấm rời khỏi thị trấn và khu vực của họ - trừ khi có lý do công việc hay sức khỏe - các quán bar và nhà hàng sẽ không được phục vụ tại chỗ.
Ngoài ra, vào cuối tuần lễ Phục sinh, toàn bộ đất nước sẽ được coi là “khu vực đỏ” và sẽ bị phong tỏa toàn quốc từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 4.
Source:CNN
Tân Tổng thống Tanzania, bà Samia Suluhu Hassan hôm thứ Bảy đã dẫn đầu đoàn người đến viếng người tiền nhiệm John Magufuli của bà, là người đã đột ngột qua đời vào tuần này sau một căn bệnh bí ẩn.
Những người đưa tang xếp hàng dài trên các con phố ở Dar es Salaam để tiễn biệt cố tổng thống, nhiều người khóc lóc, thậm chí té xỉu và những người khác ném những cánh hoa khi quan tài, được kéo lên một chiếc xe quân sự, từ một nhà thờ đến Sân vận động Uhuru để an táng.
Tanzania là một quốc gia Phi Châu với dân số 62 triệu người. Bắc giáp Kenya và Uganda; Nam giáp Zambia và Mozambique. Đông giáp Ấn Độ Dương; và Tây giáp Rwanda, Burundi và Cộng Hoà Dân Chủ Congo. Giáo Hội tại Tanzania có hơn 12 triệu tín hữu, chiếm 19% dân số, với 27 giáo phận và 7 tổng giáo phận.
Tổng thống Magufuli là một người Công Giáo nhiệt thành, ông đã phục vụ trong cương vị tổng thống từ ngày 5 tháng 11 năm 2015 cho đến ngày 17 tháng 3 vừa qua, khi chính phủ thông báo ông đã đột ngột qua đời.
Tổng thống Magufuli đã có công đưa quốc gia đến các thành công rực rỡ về kinh tế, nên ông được dân chúng mến mộ. Trong một diễn biến hiếm hoi, Tòa Thánh đã loan tin về cái chết của ông.
Hassan, người đã tuyên thệ nhậm chức vào thứ Sáu đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia này, đã dẫn đầu đoàn diễu hành của chính phủ đi ngang qua quan tài, được treo cờ Tanzania, và gửi lời chia buồn đến vợ của Magufuli.
Nhiều người mặc đồ đen, hoặc màu xanh lá cây và màu vàng của đảng cầm quyền, nhưng rất ít người bên trong sân vận động hoặc trong đám đông chật cứng bên ngoài đeo khẩu trang.
Chính phủ thông báo hôm thứ Tư rằng tổng thống Magufuli, mới 61 tuổi, đã chết vì bệnh tim tại một bệnh viện ở Dar es Salaam sau ba tuần không xuất hiện trước công chúng.
Đầu tiên chính phủ phủ nhận tổng thống bị bệnh và một số người đã bị bắt vì tung tin đồn rằng ông đang được điều trị bệnh coronavirus ở nước ngoài. Cho nên, tin tức tổng thống qua đời gây đột ngột cho người dân Tanzania.
Hassan đã thông báo thời gian để tang 21 ngày. Di hài cố tổng thống sẽ được đưa đến một số thành phố trên khắp Tanzania trước khi được an táng tại quê nhà Chato.
Source:Reuters
Chính phủ cho biết hôm thứ Bảy, Tổng thống Tayyip Erdogan đã rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi hiệp định quốc tế được đề ra nhằm bảo vệ phụ nữ, gây ra các cuộc biểu tình phản đối và những lời chỉ trích từ những người cho rằng cần phải giải quyết tình trạng bạo lực gia đình đang ngày càng gia tăng.
Hiệp ước của Hội đồng Âu Châu, được gọi là Công ước Istanbul, cam kết ngăn chặn, và truy tố những hình thức bạo hành phụ nữ nhằm xóa bỏ bạo lực gia đình và thúc đẩy bình đẳng. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Công ước này vào năm 2011 nhưng nạn giết phụ nữ đã gia tăng ở nước này trong những năm gần đây.
Không có lý do nào được đưa ra cho việc rút lui trên Công báo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã thông báo quyết định này vào đầu giờ ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ hàng đầu cho biết luật trong nước thay vì những thứ bên ngoài sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ.
Đại hội, được tổ chức tại thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia rẽ Đảng cầm quyền AK của Erdogan và thậm chí cả gia đình ông. Năm ngoái, các quan chức cho biết chính phủ đang cân nhắc rút ra khỏi Công ước trong bối cảnh các tranh cãi liên quan đến cách thế hạn chế bạo lực ngày càng tăng đối với phụ nữ.
“Mỗi ngày chúng ta thức dậy với tin tức về một vụ bạo hành phụ nữ”, Hatice Yolcu, một sinh viên ở Istanbul, nơi hàng trăm phụ nữ mang cờ tím diễu hành phản đối quyết định rút lui này nói.
“Cái chết không bao giờ kết thúc. Phụ nữ chết. Không có gì xảy ra với cánh đàn ông”, cô nói.
Marija Pejcinovic Buric, tổng thư ký của Hội đồng 47 quốc gia Âu Châu, gọi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là “thảm hoạ”.
“Động thái này là một trở ngại rất lớn... và tồi tệ hơn bao giờ bởi vì nó gây phương hại cho việc bảo vệ phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trên khắp Âu Châu và xa hơn nữa”, cô nói.
Nhiều người bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong đảng AK có nguồn gốc Hồi giáo của Erdogan nói rằng hiệp ước này làm suy yếu cấu trúc gia đình, và khuyến khích bạo lực.
Một số người cũng phản đối nguyên tắc bình đẳng giới tính của Công ước và coi đó là nguyên tắc thúc đẩy đồng tính luyến ái.
Những người chỉ trích việc rút ra này nói rằng quyết định này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời xa Liên minh Âu Châu hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn đang tìm cách gia nhập.
Đức cho biết quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là sai lầm. “Cả truyền thống văn hóa dân tộc hay tôn giáo cũng không thể đóng vai trò như một cái cớ để bỏ qua bạo lực đối với phụ nữ”, Bộ Ngoại giao Đức nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ công bố số liệu thống kê chính thức về số các phụ nữ bị giết hàng năm. Tuy nhiên, nhiều người, căn cứ trên báo chí, cho rằng phải có hàng ngàn phụ nữ bị giết mỗi năm tại quốc gia Hồi Giáo này.
Source:Reuters
Ánh Quang Đời Đời, Lời Chúa trở thành xác phàm từ Đức Trinh Nữ Maria khi, với lời sứ thần truyền tin, Mẹ đã đáp lại: “Này là nữ tỳ của Chúa” (x. Lc 1:38). Lễ phụng vụ cử hành mầu nhiệm khôn tả này đã chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ vĩ đại Dante Alighieri, một tiên tri của niềm hy vọng và là nhân chứng của lòng khao khát bẩm sinh muốn có một hiện tại vô hạn trong trái tim con người. Vào dịp Lễ Trọng kính việc Truyền Tin Chúa năm nay, tôi sẵn lòng hòa giọng của mình vào dàn đồng ca tuyệt vời của những vị đáng kính để tưởng nhớ Ông trong năm đánh dấu tròn bảy trăm năm ngày Ông qua đời.
Ở Florence, nơi tính thời gian từ lúc Nhập Thể, ngày 25 tháng 3 là ngày đầu tiên của năm dương lịch. Bởi vì nó gần với ngày xuân phân và việc Giáo hội cử hành các mầu nhiệm vượt qua, lễ Truyền tin cũng được liên kết với việc tạo dựng thế giới và bình minh của cuộc tạo dựng mới qua sự cứu chuộc mà Chúa Kitô đã chiếm được trên thập giá. Do đó, nó mời gọi chúng ta, dưới ánh sáng của Ngôi Lời thành xác phàm, chiêm niệm kế hoạch yêu thương vốn là trái tim và nguồn cảm hứng của tác phẩm nổi tiếng nhất của Dante, Bi Kịch Thần Thiêng, mà trong khổ thơ cuối cùng của nó, Thánh Bernard tôn vinh sự kiện nhập thể bằng những câu thơ bất hủ :
“Trong lòng mẹ tình yêu đã nhen nhóm,
Đầy hơi ấm và hòa bình vĩnh cửu,
Sau một thông sáng như vậy, bông hoa này đã nảy mầm ”(Par. XXXIII, 7-9) *.
Trước đó, trong Purgatorio (Luyện Ngục), Dante đã miêu tả cảnh Truyền tin được điêu khắc trên một vách núi đá (X, 34-37, 40-45).
Vào ngày kỷ niệm này, tiếng nói của Giáo hội khó có thể vắng mặt trong lễ tưởng niệm chung về con người và nhà thơ Dante Alighieri. Tuyệt vời hơn hết, Dante biết cách thể hiện bằng vẻ đẹp thi ca chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu. Thi ca của ông, một trong những biểu thức cao nhất của thiên tài con người, là kết quả của một nguồn cảm hứng mới và sâu sắc hơn, mà nhà thơ gọi là:
“Bài thơ thánh thiêng
Được cả trời lẫn đất sắp đặt” (Đoạn XXV, 1-2).
Với Tông thư này, tôi muốn cùng với các vị Tiền nhiệm của tôi, những vị đã tôn vinh và tán dương nhà thơ Dante, đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của ông, và đề nghị ông một lần nữa để được Giáo hội, đại bộ phận các tín hữu, các học giả văn học, các nhà thần học và nghệ sĩ xem xét. Tôi sẽ duyệt lại một cách ngắn gọn các can thiệp này, tập trung vào các vị Giáo hoàng của thế kỷ trước và những tuyên bố quan trọng hơn của các ngài.
1. Các vị Giáo hoàng của thế kỷ trước và Dante Alighieri
Một trăm năm trước, vào năm 1921, Đức Bênêđíctô XV đã tưởng niệm 600 năm ngày mất của nhà thơ bằng cách ban hành một Thông điệp [1] đề cập đến những can thiệp trước đó của các vị Giáo hoàng, đặc biệt là Đức Lêô XIII và Thánh Piô X, và bằng cách khuyến khích việc khôi phục Nhà thờ Thánh Phêrô Cả ở Ravenna, thường được biết với tên San Francesco, nơi cử hành tang lễ của Dante và là nơi hài cốt của ông được chôn cất. Đức Giáo Hoàng đánh giá cao nhiều sáng kiến được đưa ra để cử hành ngày lễ kỷ niệm và bênh vực quyền của Giáo hội, “vốn là mẹ đối với Ông”, được giữ vai trò chủ đạo trong các lễ kỷ niệm đó, tôn vinh Dante như một trong những người con của Giáo Hội [2]. Trước đó, trong một Thư gửi Đức Tổng Giám Mục Pasquale Morganti của Ravenna, Đức Bênêđíctô XV đã phê chuẩn chương trình lễ kỷ niệm bách chu niên, nói thêm rằng “cũng có một lý do đặc biệt tại sao chúng ta cho rằng lễ kỷ niệm Ông trọng thể nên được tổ chức với lòng biết ơn và sự tham gia rộng rãi: đó là sự kiện Alighieri là của chúng ta… Thật vậy, ai có thể phủ nhận rằng Dante của chúng ta đã nuôi dưỡng và thổi bùng ngọn lửa thiên tài và những thiên phú thi ca của Ông bằng cách lấy cảm hứng từ đức tin Công Giáo, đến mức Ông đã ca tụng những mầu nhiệm cao vời của tôn giáo trong một thi ca gần như thần thiêng? ”[3]
Trong một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bằngg sự thù địch đối với Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã tái khẳng định lòng trung thành của nhà thơ đối với Giáo hội, “sự kết hợp mật thiết của Dante với Tòa này của Thánh Phêrô”. Thật vậy, ngài nhận định rằng tác phẩm của nhà thơ, dù nói lên “sự vĩ đại và sắc sảo của thiên tài Ông”, đã rút tỉa “cảm hứng mạnh mẽ” từ chính đức tin Kitô giáo. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng tiếp tục viết, “chúng ta ngưỡng mộ ở ông không những chiều cao vời vợi của thiên tài mà còn cả chiều rộng mênh mông của chủ đề mà thánh tôn giáo đã cung ứng cho thi ca của ông”. Để tán dương Dante, Đức Bênêđíctô đã gián tiếp trả lời những người phủ nhận hoặc chỉ trích nguồn cảm hứng tôn giáo trong tác phẩm của ông. “Nơi Alighieri, thở mạnh một lòng sùng kính mà chúng ta cũng cảm thấy; đức tin của ông cùng vang vọng với đức tin của chúng ta… Vinh quang lớn lao của Ông là làm một nhà thơ Kitô giáo, là ca hát bằng những nốt nhạc gần như thần thiêng những lý tưởng Kitô giáo mà ông vốn say mê chiêm niệm trong tất cả vẻ đẹp huy hoàng của chúng ”. Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng công trình của Dante cho thấy một cách hùng hồn và hữu hiệu “thật sai lầm khi nói rằng sự vâng phục của tâm trí đối với Thiên Chúa là một cản trở đối với thiên tài, mà thực ra đã thúc đẩy và nâng cao nó”. Đức Giáo Hoàng viết tiếp, vì lý do này, "các giáo huấn Dante để lại cho chúng ta trong tất cả các tác phẩm của ông, nhưng đặc biệt trong thi phẩm ba phần của Ông”, có thể dùng “ như một hướng dẫn quý giá nhất cho những người đàn ông và đàn bà của thời đại chúng ta ”, đặc biệt các sinh viên và học giả, vì“ khi sáng tác thi phẩm của mình, Dante không có mục đích nào khác ngoài việc nâng cao những kẻ tử sinh từ tình trạng khốn cùng, nghĩa là từ tình trạng tội lỗi, và dẫn họ đến tình trạng hạnh phúc, nghĩa là tình trạng ơn thánh Thiên Chúa”.
Năm 1965, kỷ niệm bảy trăm năm ngày sinh của Dante, Thánh Phaolô VI đã can thiệp trong một số dịp. Ngày 19 tháng 9 năm đó, ngài đã hiến tặng một cây thánh giá bằng vàng để tô điểm cho ngôi đền ở Ravenna, nơi bảo tồn lăng mộ của Dante, nơi trước đây vốn thiếu "dấu hiệu của tôn giáo và hy vọng" [4]. Ngày 14 tháng 11, ngài đã gửi một vòng nguyệt quế vàng đến Florence, để gắn lên Giếng Rửa Tội của Nhà thờ Thánh Gioan. Cuối cùng, khi kết thúc Công đồng chung Vatican II, ngài muốn tặng các Nghị phụ Công đồng một ấn bản có tính nghệ thuật của Bi Kịch Thần Thiêng. Tuy nhiên, trên hết, Đức Giáo Hoàng Phaolô đã tôn vinh hoài niệm về thi hào bằng một Tông thư, đó là tông thư Altissimi Cantus, [5], trong đó ngài tái khẳng định mối tương quan mạnh mẽ giữa Giáo hội và Dante Alighieri. “Một ai đó có lẽ sẽ hỏi tại sao Giáo Hội Công Giáo, qua ý chí và việc làm của Vị Đứng Đầu Hữu Hình của mình, lại để tâm cử hành hoài niệm về nhà thi sĩ Florence và tôn vinh ông. Câu trả lời khá dễ và có ngay lập tức: Dante Alighieri là của chúng ta bởi một quyền đặc biệt: Của chúng ta, nghĩa là, của Đạo Công Giáo, vì mọi sự đều hít thở tình yêu dành cho Chúa Kitô; của chúng ta, vì ông rất yêu mến Giáo Hội, được ông ca hát ngợi khen; của chúng ta, vì ông nhìn nhận và tôn kính Vị Đại Diện của Chúa Kitô trên trần gian nơi Giám Mục Rôma”.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng viết thêm, quyền này thay vì biện minh cho chủ nghĩa háo thắng nào đó, cũng bao hàm một nghĩa vụ: “Dante là của chúng ta, chúng ta có thể nhấn mạnh như thế, nhưng chúng ta nói điều này không phải để coi Ông như một chiến tích để tôn vinh chúng ta, mà là để nhắc nhở bổn phận của chúng ta, trong khi tôn vinh Ông, biết khám phá những kho tàng vô giá về tư tưởng và tình cảm Kitô giáo hiện hữu trong tác phẩm của Ông. Vì chúng ta tin chắc rằng chỉ bằng cách đánh giá cao tốt hơn tinh thần tôn giáo của nhà thơ vĩ đại, chúng ta mới có thể hiểu và thưởng thức đầy đủ hơn các phong phú tinh thần kỳ diệu của nó”. Nghĩa vụ này cũng không miễn trừ Giáo hội việc chấp nhận cả những lời chỉ trích mang tính tiên tri do nhà thơ phát biểu liên quan đến những người có trách nhiệm loan báo Tin Mừng và đại diện, không phải chính họ, mà là Chúa Kitô. “Giáo hội không ngần ngại thừa nhận rằng Dante đã phê bình gay gắt hơn một vị Giáo hoàng, và đã có những lời quở trách nặng nề đối với các định chế giáo hội và những người từng là đại diện và thừa tác viên của Giáo hội”. Tất cả đều như nhau, rõ ràng là “những thái độ bốc lửa như vậy không bao giờ làm lung lay đức tin Công Giáo vững chắc và lòng hiếu thảo của Ông đối với Thánh Giáo Hội”.
Đức Phaolô VI tiếp tục minh họa điều làm cho cuốn Bi Kịch trở thành một nguồn phong phú hóa thiêng liêng mà ai cũng tiếp cận được. “Thi phẩm của Dante có tính phổ quát: trong phạm vi mênh mông của nó, nó bao trùm cả trời và đất, vĩnh cửu và thời gian, các mầu nhiệm Thiên Chúa và các sự kiện con người, Tín lý và giáo huấn thánh thiêng rút ra từ ánh sáng của lý trí, thành quả của kinh nghiệm bản thân và biên niên sử của lịch sử”. Trên hết, ngài nhấn mạnh mục đích nội tại của các trước tác của Dante, và đặc biệt là của Bi Kịch Thần Thiêng, một mục đích không phải lúc nào cũng được đánh giá rõ ràng hoặc được thừa nhận một cách đúng lý. “Mục đích của Bi Kịch Thần Thiêng chủ yếu có tính thực tế và biến đổi. Nó không chỉ tìm cách có những vần thơ đẹp đẽ và nâng cao đạo đức, mà còn tạo ra một sự thay đổi triệt để, đưa những người đàn ông và đàn bà từ hỗn mang tới khôn ngoan, từ tội lỗi đến thánh thiện, từ khốn cùng đến hạnh phúc, từ việc thấy địa ngục đáng sợ đến việc thấy thiên đường tuyệt đẹp”.
Viết vào thời điểm căng thẳng quốc tế nghiêm trọng, Đức Giáo Hoàng không ngừng tìm cách đề cao lý tưởng hòa bình, và tìm thấy trong tác phẩm của Dante một phương tiện quý giá để khuyến khích và duy trì lý tưởng đó. “Hòa bình của các cá nhân, gia đình, quốc gia và cộng đồng nhân loại, nền hòa bình bên trong và bên ngoài, riêng tư và công cộng này, trật tự thanh bình này bị xáo trộn và lung lay vì lòng đạo đức và công lý đang bị chà đạp. Để khôi phục trật tự và ơn cứu rỗi, đức tin và lý trí, Beatrice và Virgil, Thập giá và Đại bàng, Giáo hội và Đế quốc được kêu gọi hoạt động một cách hòa hợp ”. Trong mạch này, ngài nói tới thi phẩm của Dante như bài tụng ca hòa bình. “Bi Kịch Thần Thiêng là một thi phẩm hòa bình: Inferno (Hỏa Ngục) là bài truy điệu hòa bình vĩnh viễn bị mất, Purgatorio (Luyện Ngục) là thánh ca nuối tiếc hy vọng hòa bình, và Paradiso (Thiên Đàng) là khải hoàn ca hòa bình được sở hữu trọn vẹn và vĩnh viễn”.
Đức Giáo Hoàng viết tiếp, nhìn cách đó, Bi kịch là “một thi phẩm về việc cải thiện xã hội thông qua việc đạt được tự do thoát khỏi sự nô dịch cho cái ác và hướng đến sự nhận biết và yêu mến Thiên Chúa” và là một biểu thức nói lên chủ nghĩa nhân bản đích thực. “Nơi Dante, tất cả các giá trị nhân bản - trí thức, đạo đức, xúc cảm, văn hóa và công dân - đều được thừa nhận và đề cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc đánh giá cao và quý trọng này là kết quả của kinh nghiệm sâu sắc của ông về cõi thần thiêng, khi việc chiêm niệm của ông dần dần được thanh lọc khỏi các yếu tố trần thế ”. Do đó, cuốn Bi kịch có thể được mô tả đúng là Thần thiêng, và Dante được gọi là “nhà thơ cao cả” và, theo lời mở đầu của cùng một Tông thư, “chủ tể ca khúc siêu phàm”.
Khi ca ngợi các thiên phú văn chương và nghệ thuật phi thường của Dante, Đức Phaolô VI cũng nhắc lại một nguyên tắc quen thuộc. “Thần học và triết học có liên quan đến vẻ đẹp một cách nội tại: đối với các giáo huấn của chúng, vẻ đẹp tạo nên bộ áo và sự trang điểm của chính nó. Thông qua âm nhạc và nghệ thuật ảnh tượng và nghệ thuật tạo hình, vẻ đẹp mở ra một con đường làm cho các giáo huấn cao cả của chúng trở thành dễ tiếp cận đối với nhiều người khác. Nhiều người không dễ dàng hiểu được những luận bàn bác học và lý luận tinh tế, nhưng họ vẫn khao khát tấm bánh sự thật. Bị thu hút bởi vẻ đẹp, họ nhận ra và đánh giá cao ánh sáng của sự thật và sự thành toàn được nó mang lại. Đó là điều chủ tể bài ca siêu phàm đã hiểu và đạt được; đối với ông, vẻ đẹp trở thành người tớ gái của sự thiện và sự thật, và sự thiện là một điều của sự mỹ ”. Trích dẫn một dòng từ cuốn Bi Kịch, Đức Giáo Hoàng Phaolô kết luận với lời khuyên: "Mọi vinh dự nên được dành cho nhà thơ siêu lỗi lạc!" (Inf. IV, 80).
Thánh Gioan Phaolô II thường nhắc đến Dante trong các bài diễn văn của ngài. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến ngày 30 tháng 5 năm 1985, lễ khánh thành triển lãm Dante ở Vatican. Giống như Đức Phaolô VI, ngài đề cao thiên tài nghệ thuật của Dante, nói đến tác phẩm của nhà thơ như là “một viễn kiến về thực tại đề cập đến cuộc sống sắp tới và mầu nhiệm Thiên Chúa với sinh khí của tư tưởng thần học được biến đổi bởi ánh huy hoàng kết hợp bởi nghệ thuật và thi ca”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đặc biệt suy tư về một hạn từ chủ chốt trong Bi Kịch: “Transumanare: vượt qua con người. Đây là nỗ lực cuối cùng của Dante: để bảo đảm rằng gánh nặng của những gì là nhân bản sẽ không phá hủy điều thần thiêng trong chúng ta, cũng như sự vĩ đại của thần thiêng sẽ không phá hủy giá trị của những gì là nhân bản. Vì lý do này, nhà thơ đã giải thích một cách đúng đắn lịch sử bản thân của mình và lịch sử của toàn thể nhân loại trong một chìa khóa thần học”.
Đức Bênêđíctô XVI thường xuyên nói tới cuộc hành trình của Dante và từ thi ca của ông, đã rút ra nhiều điểm để suy tư và suy gẫm. Thí dụ, khi nói về chủ đề của Thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu), ngài bắt đầu từ chính viễn kiến của Dante về Thiên Chúa, nơi Người “ánh sáng và tình yêu là một và cùng là một điều”, để nhấn mạnh sự mới lạ tìm thấy trong tác phẩm của Dante. “Dante tri nhận một điều hoàn toàn mới… ánh sáng vĩnh cửu được biểu lộ trong ba vòng tròn mà Dante đề cập bằng cách sử dụng những câu thơ súc tích quen thuộc với chúng ta:
‘Ôi Ánh sáng Trường cửu, ngự duy nhất trong chính Ngài,
Hiểu biết duy nhất chính Ngài, và được chính Ngài biết đến,
Và hiểu biết, yêu mến và mỉm cười với chính Ngài!’(Đoạn XXXIII, 124-126).
Thật vậy, ấn tượng hơn cả sự mặc khải này về Thiên Chúa như một vòng tròn Ba Ngôi tri thức và tình yêu, là sự biện phân của Người về một khuôn mặt con người - khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô - trong vòng tròn trung tâm của ánh sáng đó. Do đó, Thiên Chúa có một khuôn mặt con người và - chúng ta có thể nói thêm - một trái tim con người ” [6]. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tính độc đáo trong viễn kiến của Dante, một điều đã đem lại một biểu thức thi ca cho sự mới mẻ của kinh nghiệm Kitô giáo, phát sinh từ mầu nhiệm nhập thể: “sự mới lạ của một tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa mang lấy khuôn mặt con người, và còn hơn thế nữa, mang lấy máu thịt, toàn thể nhân tính của chúng ta” [7].
Trong Thông điệp đầu tiên của tôi, tức Thông điệp Lumen Fidei (Ánh sáng Đức tin) [8], tôi đã mô tả ánh sáng đức tin bằng cách sử dụng một hình ảnh rút từ Paradiso; hình ảnh này nói về ánh sáng đó như một
“Tia sáng,
Sau đó giãn nở thành ngọn lửa sống động,
Và, giống một vì sao trên trời, đang lấp lánh trong tôi” (Par. XXIV, 145-147).
Sau đó, tôi đã kỷ niệm 750 năm ngày sinh của Dante bằng một sứ điệp, trong đó tôi tỏ ý hy vọng rằng “hình tượng Alighieri và tác phẩm của ông sẽ được mọi người hiểu và đánh giá cao”. Tôi đề nghị đọc Bi Kịch như “một cuộc hành trình sử thi, đúng hơn, một cuộc hành hương thực sự, có tính bản thân và nội tâm, nhưng cũng mang tính cộng đồng, giáo hội, xã hội và lịch sử”, vì “nó trình bầy mô hình cho mọi cuộc hành trình đích thực, nhờ đó nhân loại được kêu gọi bỏ lại phía sau điều mà nhà thơ gọi là 'sân đập lúa khiến chúng ta hết sức tự hào' (Đoạn XXII, 151), để đạt được một trạng thái mới hòa hợp, hòa bình và hạnh phúc " [9]. Như thế, Dante có thể nói với những người đàn ông và đàn bà trong thời đại của chúng ta như “một nhà tiên tri của hy vọng, người loan báo trước khả thể cứu chuộc, giải phóng và thay đổi sâu sắc cho từng cá nhân và cho toàn thể nhân loại” [10].
Gần đây hơn, vào ngày 10 tháng 10 năm 2020, trước một phái đoàn từ Tổng giáo phận Ravenna-Cervia dự lễ khánh thành Năm Dante, tôi đã thông báo ý định ban hành Tông Thư này. Tôi nhận định rằng tác phẩm của Dante cũng có thể làm phong phú thêm tâm trí của tất cả những người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người, một khi đã đã được dẫn nhập vào thi ca của Ông “theo cách họ có thể tiếp cận được, chắc chắn, một mặt, vẫn cảm nhận một khoảng cách rất xa so với tác giả và thế giới của ông, và tuy thế, về mặt khác, cũng cảm thấy một cộng hưởng đáng kể đối với kinh nghiệm của chính họ” [11].
________________________________________________________________
* Bản tiếng Anh của H. W. Longfellow (1867).
[1] Trong Praeclara Summorum (30 Tháng Tư, 1921): AAS 13 (1921), 209-217.
[2] Xem Đd, 210.
[3] Thư Nobis ad Catholicam (28 tháng 10, 1914): AAS 6 (1914), 540.
[4] Diễn văn với Hồng Y Đoàn và Phủ doãn Rôma (23 Tháng 12, 1965): AAS 58 (1966), 80.
[5] Xem AAS 58 (1966), 22-37.
[6] Diễn văn với Các Tham Dự viên Hội Nghị do Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum cổ vũ, 23 tháng 1 2006: Insegnamenti 2006 II/1, 92-93.
[7] Đd 93.
[8] Xem No. 4: AAS 105 (2013), 557.
[9] Sứ điệp gửi Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, (4 tháng 5, 2015): AAS 107 (2015), 551-552.
[10] Đd 552.
[11] L’Osservatore Romano, 10 tháng 10, 2020, p. 7.
[12] Xem Confessions, I, I, 1: PL 32, 661.
Kỳ tới: 2. Cuộc đời Dante Alighieri
Nhân ngày Lễ Lá – ngày Giới trẻ Thế giới, chiều thứ Bảy 27/3/2021, tại khuôn viên nhà thờ Giáo xứ An Hải – Giáo Hạt Hội An- Giáo phận Đà Nẵng. Ban Đặc trách Mục vụ Giới trẻ và Sinh viên Giáo phận đã tổ chức NGÀY GIỚI TRẺ VÀ SINH VIÊN GIÁO PHẬN, có hơn 450 bạn trẻ tham dự. Đây là dịp gặp mặt, học hỏi và làm mới hành trình sống Đức tin của các Bạn trẻ và Sinh viên đang học tập và sinh hoạt mục vụ tại Giáo phận.
Xem Hình
Chương trình từ 13 đến 19 giờ, với chủ đề: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem” (Mt 20,18). LÀM TƯƠI MỚI NIỀM TIN, HY VỌNG VÀ TÌNH YÊU. Cha Giuse Bùi Quang Minh, S.J. đã thuyết giảng và đối thoại với các bạn trẻ về đề tài: HỌC VÀO ĐỜI VỚI “BỐ TRẺ” GIUSE. Qua mẫu gương đời sống Thánh Giuse tại Nazaret, Cha đã mời gọi Bạn trẻ chạy đến với Chúa trong mọi biến cố, dự án và hoàn cảnh của cuộc đời. Bạn trẻ học được tình bạn, nét đơn sơ, sự đồng cảm, sẻ chia với mọi người xung quanh trong Đời sống Thánh Giuse tại Bê-lem. Đời sống Thánh Giuse tại Ai-cập cho các ban trẻ bài học: cần
Sau giờ giờ học hỏi chia sẻ, các ban trẻ cùng nhau đi Đường Thánh Giá cách trong thể. Các nhân vật và hành trình cuộc thương khó Chúa Giê-su, được các ban tái hiện lại một cách sinh động, làm ấn tượng sâu sắc và tâm tình sám hối cầu nguyện nơi các tham dự viên.
Cao điểm là Thánh lễ do Đức Cha Giuse- Giám mục Giáo phận Chủ sự, Cha PX Nguyễn Ngọc Hiến – Đặc trách Giới trẻ Giáo phận, Quí Cha đặc trách Giới trẻ các Giáo Hạt, Quí Cha đặc trách Sinh viên cùng đồng tế với Đức Giám Mục.
Trong bài giảng, Đức Cha nói đến niềm vui và cơ hội gặp gỡ của các bạn trẻ, cùng học hỏi, suy tư và khám phá Đức tin, lớn lên trong tình hiệp nhất trong thân thể Mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Khi Chúa tiến vào Thành Giê-ru-sa-lem, Dân chúng reo hò tung hô. các bạn trẻ ngày nay cũng bị tác động của đám đông, cũng tung hô Danh Chúa vì những ơn riêng mỗi người đón nhận được. Nhưng Khi gặp khó khăn thử thách, như trình thuật việc Chúa chịu thương khó khổ hình, các bạn trẻ bị dao động, bị tác động thay đổi, thậm chí thay đổi cả Chính kiến…. có khi hùa theo quyền lực để kết án anh chị em. Đức cha Giuse đã trích Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2020, được cử hành vào Ngày Lễ Lá 05/04/2020 ở cấp Giáo phận trên toàn thế giới với chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14). Đức Cha đã đánh động một số bạn trẻ sống thờ ơ lãnh đạm, sống hình thức, hời hợt, sống ảo trên mạng xã hội mà quên đi then chốt là đồng hành đỡ nâng đời sống gia đình. Đừng bắt chước như Giu-đa tham lam ích kỷ, mất niềm hy vọng vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng bắt chước gương Thánh Phê-rô, sống khiêm nhu, tự hạ, …. Biết hối cải trở về đường ngay nẻo chính, đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Đức Cha cũng khuyến khích khả năng riêng của mỗi Bạn trẻ trong việc xây dựng gia đình Giáo Hội và xã hội.
Cuối Thánh lễ, một Bạn Đại diện đã có lời cám ơn Đức Giám Mục Giáo phận, Quí Cha, quí Tu sĩ đồng hành, các ban ngành của Giáo phận và Giáo xứ An Hải … đã nâng đỡ cộng tác cho ngày Giới trẻ của Giáo phận Đà Nẵng được thành công tốt đẹp.
Xin Thiên Chúa, qua lời Bầu cử Đức Maria và Thánh Cả Giuse ( trong Năm Thánh Giuse ) ban cho các bạn trẻ: an lành, tình yêu, nghi lực, sự sẻ chia, lòng nhiệt thành cộng tác xây dung Giáo Hội và xã hội ….. và một đức tin kiên trung để giới thiệu Chúa một cách sáng tạo cho các bạn của mình nơi đang sống và làm việc.
Tô-ma Trương Văn Ân
( Gioan.3 : 14- 15 )
-‘ Khi nào Ta chịu treo lên khỏi mặt đất- Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.‘
( Gioan.12 : 32 )
Philatô cho viết tấm biển đặt trên khổ giá đề rằng: Giêsu Nazaret vua Do Thái. Tấm biển ấy nhiều người Do Thái đã đọc, vì chỗ Chúa bị đóng đinh sát bên thành và lại viết bằng các tiếng Hipri, La tinh Hy Lạp. Vậy các thượng tế Do Thái thưa với Philatô: Xin ngài đừng viết vua Do Thái, nhưng là tên này đã xưng mình là vua Do TThái. Philatô đáp: Điều ta đã viết là đã viết.
Khi lính tráng đã đóng đinh Đức Giêsu rồi, thì họ lấy áo sống Ngài mà chia làm 4 phần, mỗi người 1 phần, họ lấy cả chiếc áo chùng nữa, nhưng áo chùng ấy lại không có đường khâu, từ trên xuống dưới dệt liền một tấm. Họ mới bảo nhau: Ta đừng xé ra, nhưng hãy bốc thăm xem ai được, ngõ hầu Kinh Thánh được nên trọn :
‘ Chúng chia nhau áo xống tôi,
Và áo chùng của tôi chúng đã bỏ thăm’.
Lính tráng đã thi hành các điều ấy.
Đứng bên khổ giá Đức Giêsu, có Mẹ Ngài và người chị em của Mẹ Ngài, Maria vợ của Klôpa và Maria
người Magdala. Vậy Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : Hỡi Bà, này là con Bà ! Đoạn lại nói với môn đồ : Này là Mẹ con ! Và từ giờ đó môn đồ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình.
Sau đó Đức Giêsu biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để Kinh Thánh được nên trọn, thì Ngài nói : Ta khát ! Sẵn có một bình đầy dấm, thì người ta lấy bọt biển thấm đầy dấm cài vào một nhánh bài hương mà đưa lên miệng Ngài. Khi đã nếm dấm rồi, Đức Giêsu nói : Đã hoàn tất ! Đoan gục đầu xuống, Ngài phó thác linh hồn.
Vì là ngày dọn lễ, kẻo xác chết còn lại trên khổ giá ngày hưu lễ và ngày hưu lễ này là một đại lễ, nên người Do thái xin Philatô cho đập bể ống chân các người bị xử mà cất xác đi. Vậy lính đến đập bể ống chân người thứ nhất và cả người kía chịu đóng đanh làm một với Ngài. Đến bên Đức Giêsu thấy Ngài đã chết, thì không đập bể ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài và lập tức có máu và nước chảy ra. Người trông thấy đã làm chứng và chứng của người ấy là xác thực và người ấy biết mình đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin. Các điều ấy đã xảy ra là để Kinh Thánh được nên trọn :
‘Không một xương nào của Người đã bị giập’.
Lại còn lời Kinh Thánh khác nói :
‘ Chúng sẽ trông lên người chúng đã đâm’……
( Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan : đoạn 19 từ câu 17 đến 37 )
Mây ngừng trôi che lấp ánh mặt trời,
Vũ trụ ngưng đọng, vạn vật im hơi,
Khắc khoải âu sầu ngày tang trần thế.
Chân đồi lớp người cuốn như sóng bể,
Bọn quan binh đang la hét mở đường,
Tiếng roi vun vút vọng xoáy bi thương,
Tội nhân bị lôi đi không thương tiếc.
Thân mình nát tan, áo quần tơi tả,
Vòng mạo gai đâm suốt chặt quanh đầu,
Máu nhỏ dòng loang lổ khắp châu thân,
Quá kiệt sức nên nhiều lần ngã gục.
Tai vang dội biết bao lời sỉ nhục,
Các thượng tế, luật sĩ, cả đám dân,
Ngẩng mặt đắc chí, hò hét rần rần,
Say đắc thắng vì âm mưu hoàn hảo.
Người nhân đức bước sau buồn ảo não,
Hai phụ nữ dìu theo Người Mẹ hiền,
Lòng Bà dâng trào đau xót triền miên,
Tội tình chi hỡi Con Mẹ yêu dấu !
Tới đỉnh đồi nơi lý hình đang đợi,
Chúng cởi trói, lột áo mà chia nhau,
Giật mạo gai gẫy nát đâm vào đầu,
Để quyết liệt bắt đầu cho bản án.
Bắt tội nhân nằm ngửa trên thập ác,
Và tay chân bị lôi kéo giãn ra,
Tới lỗ đinh còn một khoảng cách xa,
Nghe xương cốt đang tách ra rơi rụng.
Những nhát búa đập mạnh để chọc thủng,
Chân tay tội nhân vặn vẹo đau thương,
Toàn thân quằn quại đau đớn khôn lường,
Không cuộc hành hình nào dã man hơn thế !
Thập giá dựng lên cùng hai tử tội,
Một tử tội biết thống hối kêu cầu,
Khát khao mong đợi diễm phúc bấy lâu,
Đang nhận được vinh quang nơi Thiên Quốc.
Ngước nhìn trời Tù nhân cầu nguyện :
Xin tha cho những kẻ làm khốn mình,
Xót thương Gio-an người đệ tử chân tình,
Trao cho Mẹ nhận người con đau khổ.
Rồi xuất thần ngước mặt kêu : Ta khát !
Một lý hình nhúng dấm chua đưa lên,
Sau khi nếm, nghiêng đầu qua một bên,
Kêu : Đã hoàn tất ! Gục đầu tắt thở.
Lòng quặn đứt Bà Mẹ hiền chết ngất,
Khi lính cầm đòng đâm suốt nương nong,
Máu và nước tuôn xuống chảy thành dòng,
Bà đã chết cùng người Con yêu dấu !
Vũ trụ chuyển rung, quay cuồng tinh đẩu,
Bầu trời vần vũ, lốc cuộn bật mồ,
Đền thờ màn xé, mưa sóng tràn bờ,
Có phải chăng đây là ngày tận thế?
Dấu minh chứng cho muôn ngàn thế hệ,
Người tử tội : Đấng Cứu Thế Hiến Mình !
Chết nhục nhã cho ta sống quang vinh.
Bản Ai ca nhiệm mầu đồi Thập Giá !
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ tư tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Chúa Giêsu thành Nagiarét: một bản thể”
Tóm tắt:
Theo Đức Hồng Y, mầu nhiệm Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi không phải điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con người cho bằng khẳng định Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng yêu thương và hiến dâng chính Ngài vì tôi, một tạo vật khốn khổ và vô ơn. Chúa Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi chúng ta bước vào mối quan hệ cá vị với Ngài. Đây là trọng tâm của bài giảng Mùa Chay tuần này và cũng là bài giảng sau cùng trong Mùa Chay năm nay.
Vị Hồng Y chỉ ra rằng, trong hai thiên niên kỷ qua, các nhà thần học, các Công Đồng của Giáo hội và các Giáo phụ đã đi đến việc xác lập rằng Chúa Giêsu có hai bản tính, là ‘con người thật’ và ‘Thiên Chúa thật’, nhưng hai bản tính ấy kết hợp trong một bản thể duy nhất. Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.
Vị Hồng Y Dòng Anh Em Hèn Mọn khiêm tốn thừa nhận rằng đây cũng là trường hợp của ngài. “Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!”
Đức Hồng Y cho rằng ngài thiếu kinh nghiệm của Thánh Phaolô, kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu trên đường đến Đamát.
Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật - chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da Vinci, Napôlêon - là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu, Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:
Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc này, đến với cuộc gặp gỡ cá vị mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).
Quan niệm hiện đại về sự tôn trọng và phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm này có thể được hiểu trong bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là tình yêu. Chúng ta có được bản sắc của mình như một con người không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”
Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô. Và khi mối quan hệ này được thực hiện, những khổ nạn như đau khổ, túng quẫn, bắt bớ, đói kém, trần truồng, hiểm nguy, hoặc gươm giáo - như Thánh Phaolô đã đề cập - sẽ không tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô. Là một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu thương, vị Tông đồ Dân ngoại mời gọi chúng ta nhìn vào tất cả những nguy hiểm và khổ nạn này, bao gồm cả đại dịch Covid-19 hiện tại, dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi, vì “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”
Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trong bài suy niệm cuối cùng này, chúng ta dự định đi sâu vào sự thật rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét còn sống! Ngài không phải là ký ức của quá khứ; Ngài không chỉ là một nhân vật, nhưng là một bản thể. Chắc chắn, Ngài sống ‘bởi Thánh Linh’, nhưng cách sống này mạnh hơn cách sống khác ‘bởi xác thịt’, vì nó cho phép Ngài sống bên trong chúng ta, không phải bên ngoài hay bên cạnh chúng ta.
Khi xem xét lại tín lý này, chúng ta đã đi đến nút thắt nối hai đầu lại với nhau. Như tôi đã nói ở phần đầu, Chúa Giêsu, ‘con người thật’ và Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa thật’, giống như hai cạnh của một hình tam giác, và đỉnh là Chúa Giêsu ‘một bản thể’. Chúng ta hãy nhớ lại một cách vắn tắt tín điều về sự hiệp nhất bản tính của Chúa Kitô đã bắt nguồn như thế nào. Công thức ‘một bản thể’ áp dụng cho Chúa Kitô có từ thời Tertullian, nhưng phải mất hơn hai thế kỷ suy ngẫm để hiểu ý nghĩa thực sự của điều đó và làm thế nào nó có thể được dung hòa với tuyên bố rằng Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, nghĩa là ‘thuộc hai bản tính’.
Một giai đoạn quan trọng là Công đồng Êphêsô năm 431, nơi danh hiệu của Đức Maria Theotokos, đấng đã sinh ra Thiên Chúa, được xác định. Nếu Đức Maria có thể được gọi là ‘Mẹ Thiên Chúa’, mặc dù chỉ sinh ra bản tính con người của Chúa Giêsu, thì điều đó có nghĩa là trong Chúa Kitô, nhân tính và thần tính tạo thành một bản thể duy nhất. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng chỉ đạt được tại Công đồng Chalcedon vào năm 451, với công thức mà chúng ta muốn trích dẫn ở đây trong phần liên quan đến sự hợp nhất của Chúa Kitô:
Noi theo các Thánh phụ, tất cả chúng tôi đồng thanh dạy
chỉ có một và cùng một Chúa Con, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta [..],
các thuộc tính của mỗi bản tính vẫn được nguyên vẹn
và gặp gỡ nhau trong một bản thể và một ngôi vị duy nhất
Nếu việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa Nicê mất một thế kỷ, thì việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa thứ hai này đã kéo dài hàng thế kỷ tiếp theo, cho đến ngày nay. Chỉ nhờ vào định hướng thuận lợi gần đây đối với đối thoại đại kết, người ta mới có thể khôi phục lại sự hiệp thông giữa cái được gọi là Giáo hội Nestoriô và Đơn Nhất Tính của Đông phương và Giáo hội Chính thống. Trong hầu hết các trường hợp, người ta nhận thấy rằng sự khác biệt nằm ở thuật ngữ hơn là tín lý. Tất cả đều phụ thuộc vào ý nghĩa được gán cho từ ‘bản tính’ và ‘bản thể’ hoặc ‘ngôi vị’
Từ tính từ ‘một’ đến danh từ ‘bản thể’
Một lần nữa, khi đã bảo đảm được nội dung bản thể luận và khách quan của tín lý này, để hồi sinh nó, giờ đây chúng ta cần làm nổi bật các chiều kích chủ quan và hiện sinh của tín lý đó. Thánh Grêgoriô Cả nói rằng Kinh thánh ‘phát triển cùng với những người đọc nó’ (cum legentibus crescit). Điều tương tự cũng nên áp dụng cho tín lý. Tín lý là một ‘cấu trúc mở’: và nó ngày càng lớn mạnh và phong phú hơn, theo thước đo là Giáo hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, khi trải nghiệm những vấn đề mới và đối mặt với những nền văn hóa mới.
Thánh Irênô đã nói điều đó với tầm nhìn ngoại thường vào cuối thế kỷ thứ hai, khi ngài viết rằng một sự thật được mạc khải ‘giống như một loại rượu mùi có giá trị được đựng trong một cái bình có giá trị. Nhờ Chúa Thánh Thần, sự thật này ngày càng trẻ ra và làm trẻ lại cái bình đựng nó”. Giáo hội có thể đọc Kinh thánh và tín lý theo cách luôn luôn mới, bởi vì chính tín lý được làm mới bởi Chúa Thánh Thần! Đó là bí mật tuyệt vời và đơn giản đằng sau tuổi trẻ lâu năm của Truyền thống và do đó, của những tín lý là biểu hiện cao nhất của Truyền thống. Một học giả vĩ đại về tín lý Kitô Giáo của thế kỷ trước, Jaroslav Pelikan đã viết rằng “Truyền thống là đức tin sống động của người chết, chủ nghĩa duy truyền thống là đức tin chết của người sống”.
Ngoài ra, tín điều về Chúa Kitô ‘một bản thể’ là một cấu trúc mở và nó có thể đáp ứng những nhu cầu mới của đức tin, không giống với những nhu cầu của thế kỷ thứ năm. Ngày nay, không ai phản đối việc Chúa Kitô là ‘một người’. Như chúng ta đã thấy lần trước, có một số người phủ nhận bản tính ‘Thiên Chúa’ của Ngài và thích nói rằng Chúa Kitô là một con người ‘trần thế’, trong đó Thiên Chúa cư ngụ hoặc tác động một cách siêu phàm. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một người duy nhất.
Yếu tố quan trọng nhất liên quan đến tín điều Chúa Kitô là ‘một bản thể’, không nằm nhiều trong tính từ ‘một’ như trong danh từ ‘bản thể’. Thực tế rằng Chúa Giêsu Kitô là ‘một và cùng một (unus et idem), không quan trọng cho bằng Ngài là một ‘bản thể’. Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.
Mục tiêu liên tục của chúng ta là làm sống lại tín lý, bắt đầu lại từ nền tảng Kinh thánh của tín lý này. Vì vậy, chúng ta hãy ngay lập tức chuyển sang chính Kinh thánh. Chúng ta hãy bắt đầu từ trang Tân Ước tường thuật ‘cuộc gặp gỡ cá vị’ nổi tiếng nhất với Chúa Phục Sinh từng xảy ra trên trái đất này: đó là cuộc gặp gỡ của Tông đồ Phaolô. ‘Saulô, Saulô, sao ngươi bắt bớ ta?’ ‘Ngài là ai?’ ‘Ta là Chúa Giêsu, người mà ngươi đang bắt bớ! “ (x. Cv 9: 4-5). Thật là một ánh sáng mạnh mẽ! Hai mươi thế kỷ sau, ánh sáng đó vẫn chiếu rọi Giáo hội và trên thế giới. Nhưng chúng ta hãy đọc chính cách thánh nhân mô tả sự kiện này:
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa vào đức tin được biết Người. (Phi; 3:7-10)
Tôi gần như ngượng ngùng khi dám thêm kinh nghiệm ít ỏi của mình vào kinh nghiệm của vị Tông đồ. Nhưng chính Phaolô, với câu chuyện của mình, đã khuyến khích ta làm điều đó, chính xác là để làm chứng cho ân sủng của Thiên Chúa. Trong khi nghiên cứu và giảng dạy Kitô học, tôi đã tự mình nghiên cứu khá nhiều về khái niệm ‘bản thể’ trong thần học, về các định nghĩa và những cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Tôi đã biết những cuộc thảo luận bất tận về bản thể hay ngôi vị duy nhất của Chúa Kitô trong thời đại Byzantine, những phát triển hiện đại của khái niệm này liên quan đến chiều kích tâm lý của con người, với vấn nạn theo sau là cái ‘Tôi’ của Chúa Kitô, vốn đang được tranh luận trong thời nghiên cứu thần học của tôi. Theo một nghĩa nào đó, tôi biết mọi thứ về con người của Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Chúa Giêsu một cách cá vị!
Chính đoạn thư này của Thánh Phaolô đã giúp tôi hiểu được sự khác biệt. Trên hết là câu: ‘được biết Người.’ Đại từ đơn giản đó - ‘Người’ (auton) - đối với tôi dường như chứa đựng nhiều sự thật về Chúa Giêsu hơn là toàn bộ các quan điểm về Kitô học. ‘Người’ có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô ‘bằng xương bằng thịt.’ Nó giống như gặp một người trực tiếp, sau khi đã biết bức ảnh của họ trong nhiều năm. Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!
Ngôi vị là trong mối quan hệ
Suy ngẫm về khái niệm ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi, thánh Augustinô trước tiên và thánh Tôma Aquina sau ngài, đã đi đến kết luận rằng ‘ngôi vị’, trong Thiên Chúa, có nghĩa là mối quan hệ. Chúa Cha là như thế trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Con: tất cả bản thể của Ngài đều bao gồm trong mối quan hệ này, vì Chúa Con là như vậy trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha. Tư tưởng hiện đại đã xác nhận sự sáng suốt này. Như nhà triết học Hegel đã viết: ‘Nhân cách đích thực bao gồm việc phục hồi bản thân bằng cách lao vào người khác.’ Một người là một người đang trong hành động mở lòng với một người ‘khác’ thông qua sự so sánh lẫn nhau mà qua đó họ có được nhận thức về bản thân. Trở thành một người là tình trạng ‘ở trong mối quan hệ.’
Điều này đặc biệt áp dụng cho các ngôi vị thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là ‘những mối quan hệ thuần túy’, hoặc theo thuật ngữ thần học là ‘mối quan hệ tồn tại’; tuy nhiên điều này cũng áp dụng cho mọi người trong cõi được tạo thành. Con người được đề cập không được biết trong thực tế của người ấy trừ khi nhập vào ‘mối quan hệ’ với họ. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi ta bước vào mối quan hệ cá nhân từ một cái ‘Tôi’ đến ‘Người’, với Ngài. ‘Đức tin không kết thúc với các định nghĩa, nhưng với các sự vật,’ như thánh Tôma Aquina đã nói. Chúng ta không thể hài lòng với việc tin vào ‘một bản thể’ như một công thức, nhưng chúng ta cần tiếp cận với người đó và thông qua đức tin và lời cầu nguyện, ‘chạm’ vào điều ấy.
Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật - chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da Vinci, Napôlêon - là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu, Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:
Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc này, đến với cuộc gặp gỡ cá nhân mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).
Trong cuộc sống của hầu hết mọi người, có một sự kiện nào đó chia cuộc sống ấy thành hai phần, được ghi dấu là “trước” và “sau” sự kiện ấy. Đối với những người đã kết hôn, đó là cuộc hôn nhân của họ, và họ phân chia cuộc sống của họ như thế này: “trước khi kết hôn” và “sau khi kết hôn”; đối với các giám mục và linh mục thì đó là sự thánh hiến hay phong chức của các ngài; đối với những người tận hiến đó là lễ tuyên khấn của họ. Theo quan điểm tâm linh, chỉ có một sự kiện xác định một cách triệt để ‘trước’ và ‘sau’. Cuộc sống của mọi người được phân chia giống hệt như lịch sử vũ trụ: ‘trước Chúa Kitô’ và ‘sau Chúa Kitô’, trước cuộc gặp gỡ cá vị của họ với Chúa Giêsu và sau đó.
Chúng ta có thể nhìn thoáng qua cuộc gặp gỡ này, nghe về điều đó, khao khát điều đó, nhưng chỉ có một cách để trải nghiệm điều đó. Nó không phải là thứ bạn có thể đạt được bằng cách đọc sách hoặc nghe giảng. Chúng ta chỉ có thể đạt được điều đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần! Vì vậy, chúng ta biết ai để cầu xin điều đó và chúng ta biết rằng Người không mong đợi điều gì khác ở chúng ta. Per tesciamus da Patrem, noscamus atque Filium: ‘Xin ban cho chúng con để nhờ Ngài, chúng con có thể biết Chúa Cha và chúng con cũng có thể biết Chúa Con’ để chúng con có thể biết Người qua một trải nghiệm thay đổi cuộc đời.
Chúa Kitô, như một bản thể ‘thần thánh’
Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa. Nếu chúng ta dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bỏ lỡ sự mặc khải an ủi nhất được bao hàm trong tín điều về Chúa Kitô là một bản thể ‘thần thánh’. Chúng ta sẽ không bao giờ biết ơn đủ đối với Giáo hội sơ khai vì đã chiến đấu, đôi khi theo nghĩa đen cho đến giọt máu cuối cùng, để giữ vững chân lý rằng Chúa Kitô là ‘một bản thể duy nhất’ và bản thể này không gì khác hơn chính là Con Thiên Chúa hằng sống, một trong ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy cố gắng hiểu tại sao.
Sự đóng góp hiệu quả nhất và lâu bền nhất của Thánh Augustinô cho thần học là việc sáng lập tín điều Ba Ngôi dựa theo tuyên bố của Thánh Gioan: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4: 8). Tình yêu nào cũng kéo theo một người đang yêu, một người được yêu, và tình yêu hợp nhất giữa họ. Và chính trong những thuật ngữ này, Thánh Augustinô định nghĩa ba ngôi vị thần linh: Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là người được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết các Ngài.
Không có tình yêu nào mà không phải là tình yêu dành cho ai đó hay dành cho cái gì đó, cũng như không có kiến thức mà không có cái gì đó cần biết. Không có tình yêu ‘trống rỗng’, không có đối tượng. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi; Thiên Chúa yêu ai để tình yêu ấy được định nghĩa là tình yêu? Thiên Chúa có yêu con người không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu chỉ trong vài trăm triệu năm.Thiên Chúa có yêu vũ trụ không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu trong hàng chục tỷ năm. Và trước đó Chúa yêu ai trong tình yêu của Ngài? Lời giải thích được tiết lộ trong Kinh thánh và được Giáo hội làm sáng tỏ nói rằng Thiên Chúa là tình yêu đến muôn đời, ab aeterno, bởi vì, trước khi có bất cứ điều gì để yêu bên ngoài Ngài, Ngài đã có Ngôi Lời bên trong chính mình, là người Con mà Ngài yêu với tình yêu vô bờ bến, đó là ‘trong Chúa Thánh Thần.’
Điều này không giải thích ‘làm thế nào’ sự hiệp nhất có thể đồng thời là Ba Ngôi (đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết được vì điều đó chỉ xảy ra nơi Thiên Chúa), nhưng nó đủ để chúng ta hiểu “tại sao”, trong Thiên Chúa, sự đa dạng không mâu thuẫn với sự hiệp nhất. Đó là bởi vì ‘Chúa là tình yêu’! Nếu một vị Chúa hoàn toàn là kiến thức hay luật pháp, hoặc hoàn toàn là quyền năng, thì chắc chắn Ngài sẽ không cần phải là ba ngôi (thực tế là điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn); nhưng một Thiên Chúa, trên hết mọi sự, là tình yêu, có thể là ba ngôi, bởi vì không thể có tình yêu giữa ít hơn hai người.
Theo quan điểm của tôi, điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con người không phải là Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi, mà là Thiên Chúa là tình yêu. Như Henry de Lubac đã viết: ‘Thế giới cần biết: Sự mặc khải Thiên Chúa là tình yêu phá vỡ tất cả những gì thế giới tưởng tượng trước đây về thần thánh’ Điều đó rất đúng, nhưng trên thực tế, chúng ta còn lâu mới rút ra được tất cả những kết luận cần thiết từ cuộc cách mạng đó. Bằng chứng cho điều này là hình ảnh của Thiên Chúa thịnh hành trong vô thức con người là hình ảnh của một hữu thể tuyệt đối, chứ không phải là một tình yêu tuyệt đối; một Thiên Chúa toàn trí và toàn năng và trên hết là một đấng công bình. Tình yêu và lòng thương xót được coi là một biện pháp sửa chữa uốn nắn công lý. Chúng là số mũ, không phải là cơ số.
Chúng ta, những người hiện đại, tuyên bố rằng con người là giá trị tối cao cần được tôn trọng trong mọi lĩnh vực, là nền tảng cuối cùng của phẩm giá con người. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm hiện đại này chỉ có thể được hiểu bằng cách bắt đầu từ Chúa Ba Ngôi. Nhà thần học Chính thống Johannes Zizioulas đã nêu bật quan niệm này rất rõ ràng, bằng cách cho thấy sự sinh hoa kết quả và làm phong phú lẫn nhau đạt được trong cuộc đối thoại giữa thần học Latinh và Hy Lạp về Chúa Ba Ngôi. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông cho thấy khái niệm hiện đại về con người là một nhánh trực tiếp của học thuyết Ba Ngôi và ông giải thích như thế này:
“Tình yêu là một phạm trù bản thể học bao gồm việc cho người khác có chỗ để tồn tại như tha nhân và có được sự tồn tại của mình trong và thông qua tha nhân ấy. Đó là một thái độ tự hạ mình, một sự trao ban bản thân […]. Đó là điều xảy ra trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Chúa Cha yêu thương hiến mình cho Chúa Con và để Người tồn tại như một Người Con. […] Vậy, đây là ý nghĩa của việc trở thành một con người dưới ánh sáng của thần học Ba Ngôi. Nó đòi hỏi một cách tồn tại mà chúng ta có được bản sắc của mình không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”
Vì vậy, là một Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Kitô có một mối quan hệ yêu thương với chúng ta, đó là nền tảng cho sự tự do của chúng ta (x. Gl 5, 1). ‘Người đã yêu tôi và xả thân vì tôi’ (Gl 2,20): người ta có thể dành hàng giờ để lặp lại điều này với chính mình trong sự ngạc nhiên không ngừng. Người, là Chúa, đã yêu tôi, một sinh vật vô ơn khốn khổ! Người đã hiến thân - mạng sống của mình, máu của chính mình - cho tôi. Đặc biệt cho tôi! Ta chìm trong vực thẳm kinh ngạc đó!
Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô. Điều đó áp dụng cho tất cả mọi người nhưng có một ý nghĩa đặc biệt đối với các mục tử của Giáo hội. Sau Thánh Augustinô, nhiều người lặp lại rằng tảng đá mà Chúa Giêsu hứa sẽ thành lập Giáo hội của mình là đức tin của Phêrô, vì Người đã tuyên bố Người là ‘Đấng Mêsia, Con của Thiên Chúa hằng sống.’ (Mt 16:16). Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bỏ qua những gì Chúa Giêsu đã nói khi giao nhiệm vụ đó cho Thánh Phêrô: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? … Hãy chăm sóc chiên của Thầy!’ (x. Ga 21: 15-16). Sứ vụ mục tử kín múc sức mạnh bí mật từ tình yêu dành cho Chúa Kitô. Đức ái, không thua kém đức tin, khiến người mục tử nên một với tảng đá là Chúa Kitô.
‘Điều gì sẽ ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô?’
Tôi muốn kết thúc bằng cách nêu bật hệ quả của tất cả những điều này đối với cuộc sống của chúng ta, vào thời điểm đại nạn cho toàn thể nhân loại như thời điểm hiện tại. Hãy để Tông đồ Phaolô giải thích điều đó cho chúng ta. Trong Thư gửi các tín hữu Rôma, thánh nhân viết:
Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8:35)
Đó không phải là một danh sách trừu tượng và chung chung. Những nguy hiểm và khổ nạn mà thánh nhân liệt kê là những điều mà ngài thực sự đã trải qua trong cuộc đời mình. Ngài mô tả chi tiết về chúng trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrinhtô, nơi ngài thêm vào những thử thách được liệt kê ở đây một thử thách khiến ngài đau khổ nhất, đó là sự chống đối cố chấp từ một số thành viên trong cộng đồng của ngài (x. 2Cor 11: 23ff.). Nói cách khác, vị Tông đồ đã khảo sát trong tâm trí của mình tất cả những thử thách mà ngài đã phải chịu đựng, xác minh rằng không có thử thách nào là quá khó đối với với tình yêu của Chúa Kitô và do đó, kết thúc một cách đắc thắng rằng: ‘Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’ (Rm 8:37).
Vị Tông đồ ngầm mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm như vậy. Ngài gợi ý một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu. Ngài mời gọi chúng ta bộc lộ tất cả những nỗi đau của trái tim, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự phức tạp, chẳng hạn như khiếm khuyết về thể chất hoặc đạo đức không cho phép chúng ta vui vẻ chấp nhận bản thân như hiện tại, ký ức đau đớn hoặc nhục nhã, sai lầm mà chúng ta phải chịu đựng, sự phản đối vô cảm điếc lác của người khác... Ngài mời gọi chúng ta nhìn tất cả điều này dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi và ngăn chặn bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào, tự nói với chính mình giống như vị Tông đồ: ‘Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8:31).
Ngay sau đó, Tông đồ Phaolô nâng tầm mắt khỏi cuộc sống cá nhân của mình để bao quát thế giới xung quanh ngài và hiện sinh của con người nói chung:
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.(Rm 8: 38-39).
Một lần nữa, ngay cả ở đây cũng không phải là một danh sách trừu tượng. Thánh nhân nhìn vào thế giới ‘của riêng mình’, cùng với những sức mạnh khiến nó trở nên bị đe dọa: cái chết với sự bí ẩn của nó, cuộc sống hiện tại với sự bất định của nó, sức mạnh của các vì sao hoặc của địa ngục đã gây ra rất nhiều nỗi kinh hoàng cho con người thời cổ đại. Một lần nữa, chúng ta được mời làm điều tương tự: hãy nhìn bằng con mắt đức tin vào thế giới xung quanh chúng ta và khiến chúng ta kinh hoàng hơn nữa khi giờ đây con người đã có được sức mạnh để phá vỡ nó bằng vũ khí và sự thao túng của chính mình. Cái mà Thánh Phaolô gọi là ‘chiều cao’ và ‘chiều sâu’ là dành cho chúng ta - trong kiến thức nâng cao của chúng ta về các chiều kích của vũ trụ - cái lớn vô cùng phía trên chúng ta và cái nhỏ vô cùng bên dưới chúng ta. Hiện tại, nguyên tố nhỏ bé vô tận đó là coronavirus, đã khiến cả nhân loại phải quỳ gối trong một năm.
Một tuần sau sẽ là Thứ Sáu Tuần Thánh và ngay sau đó là Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh. Bằng cách sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không quay trở lại cuộc sống trước đây như Lagiarô, nhưng chuyển sang một cuộc sống tốt hơn, không phải lo lắng. Chúng ta hãy hy vọng điều đó cũng sẽ xảy ra như vậy đối với chúng ta - hãy hy vọng rằng, như Đức Thánh Cha vẫn thường nhắc đến, thế giới có thể trỗi dậy từ ngôi mộ của đại dịch, không giống như trước đây, mà là một thế giới tốt đẹp hơn.
1.Tertullian, Adversus Praxean, 27, 11.
2.Denzinger – Schoenmetzer, Enchiridion Symbolorum, nrs. 301-302.
3.St Gregory the Great, Moralia in Job, XX, 1.
4.St Irenaeus, Adversus Haereses, III, 24,1.
5.Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine, 5 vols. (1973–1990). Chicago: University of Chicago Press
6.St Augustine, De Trinitate, V,5,6.
7.F. Hegel, Lectures on the Philosophy of Religion, Humanity Press, vol. III, New York, 1962, p.25.
8.St Thomas Aquinas, S.Th., II-IIae, q.1, a.2, ad 2.
9.St Augustine, De Trinitate, VI, 5, 7; IX, 22.
10.H. de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Parigi 1950, ch. 5.
11.J. Zizioulas, L’idea di persona umana deriva dalla Trinità: [Ý tưởng về con người nhân loại từ Chúa Ba Ngôi], Bài giảng tại Milan năm 2015.
Source:Cantalamessa
1. Cảnh sát ở Ái Nhĩ Lan phạt một linh mục Công Giáo vì dâng lễ có giáo dân tham dự
Cảnh sát đã phạt một linh mục Công Giáo vì đã cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự trong bối cảnh bị khóa trên toàn quốc.
Gardaí, tức là lực lượng cảnh sát Ái Nhĩ Lan, đã áp dụng khoản tiền phạt 500 euro hay 595 Mỹ Kim đối với Cha Hughes, là cha sở của giáo xứ Mullahoran và giáo xứ Loughduff ở County Cavan, sau khi ngài dâng thánh lễ với một số ít giáo dân hiện diện, tờ Irish Catholic đưa tin hôm 20 tháng Ba.
Theo các biện pháp y tế của chính phủ, việc thờ phượng có giáo dân tham dự đã bị đình chỉ ở nước này kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2020. Các thánh lễ có giáo dân tham dự cũng bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 trong đợt đại dịch coronavirus đầu tiên.
Trong một bản tin của giáo xứ ngày 21 tháng 3, Cha Hughes viết: “Chúa Nhật tới đánh dấu cuộc hành trình Tuần Thánh. Thật khó tin khi đã sang đến năm thứ hai mà mọi người không thể đến tham gia các nghi lễ của Tuần Thánh”.
“Bất chấp quy mô của nhà thờ và các đền thánh, và bất kể sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Nhà tạm, nhà thờ đã bị Gardaí coi là một điểm nóng gây ra lây lan vi-rút”.
“Người dân có thể đi mua sắm, đưa con cái đến trường và nhiều người đang làm việc trong môi trường khép kín. Chúng ta đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi từ chối Chúa của chúng ta và Chúa Giêsu Kitô bằng cách tránh xa các nơi thờ phượng vì các quan chức chính phủ nói rằng chúng ta phải làm như thế”.
Vị linh mục phục vụ tại Giáo phận Ardagh và Clonmacnoise tiếp tục: “Tôi không chấp nhận yêu cầu này của những người không nhận ra điều sai trái mà họ đang làm. Chúng ta có quyền phản đối, đó là quyền hiến định của chúng ta miễn là nó diễn ra trong hòa bình; đó là quyền hiến định của chúng ta để thực hành đức tin của chúng ta và tập hợp để cầu nguyện cùng nhau”.
“Đối với những người sợ bị nhiễm vi-rút trong nhà thờ thì họ có quyền lựa chọn tự do ở nhà và sống cuộc sống của họ như họ nghĩ là tốt nhất”.
“Tôi đã được báo cáo lại và Gardaí đã phạt tiền vì tôi đã cử hành thánh lễ với những người có mặt. Tôi sẽ thực hiện quyền hiến định của mình ngay cả khi mọi người phàn nàn, mặc dù tôi không tuân theo vị giám mục của mình khi tôi đi ngược lại lời khuyên của ngài. Chúng ta không thể khước từ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể”.
Tháng 11 năm 2020, Gardaí đã yêu cầu Cha Hughes khóa cửa nhà thờ khi ngài cử hành thánh lễ để ngăn không cho giáo dân tham dự. Nhưng ngài vẫn tiếp tục mở rộng cửa nhà thờ.
Trích dẫn các nguồn tin thân cận với vị linh mục, tờ báo nói thêm rằng Cha Hughes sẽ không đóng tiền phạt và sẵn sàng bị bỏ tù thay vì ngừng cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự.
Source:Catholic News Agency
2. Tình hình Tuần Thánh tại Vatican
Ý đang chuẩn bị cho một cuộc khóa cửa vào Tuần Thánh và Lễ Phục sinh trong khi các trường hợp Covid-19 đang gia tăng theo cấp số nhân. Quốc gia này đang phải đối mặt với một đợt hạn chế khác, khi chính phủ cố gắng ngăn chặn sự gia tăng gần đây của các trường hợp coronavirus, do sự hiện diện của các biến thể mới.
Một nửa trong số 20 khu vực của Ý, bao gồm các thành phố Rôma, Milan và Venice, đã bắt đầu áp dụng các hạn chế liên quan đến coronavirus từ thứ Hai 15 tháng 3. Các biện pháp sẽ có hiệu lực đến ngày 6 tháng 4, theo một sắc lệnh được nội các của Thủ tướng Ý Mario Draghi thông qua.
Ở những vùng được đánh dấu là “vùng đỏ”, người dân sẽ không thể rời khỏi nhà ngoại trừ lý do công việc hoặc sức khỏe, và tất cả các cửa hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa. Trong “vùng cam”, mọi người bị cấm rời khỏi thị trấn và khu vực của họ - trừ khi có lý do công việc hay sức khỏe - các quán bar và nhà hàng sẽ không được phục vụ tại chỗ.
Ngoài ra, vào cuối tuần lễ Phục sinh, toàn bộ đất nước sẽ được coi là “khu vực đỏ” và sẽ bị phong tỏa toàn quốc từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 4.
Source:CNN
3. Người dân Tanzania bày tỏ lòng kính trọng với cố tổng thống Công Giáo Magufuli
Tân Tổng thống Tanzania, bà Samia Suluhu Hassan hôm thứ Bảy đã dẫn đầu đoàn người đến viếng người tiền nhiệm John Magufuli của bà, là người đã đột ngột qua đời vào tuần này sau một căn bệnh bí ẩn.
Những người đưa tang xếp hàng dài trên các con phố ở Dar es Salaam để tiễn biệt cố tổng thống, nhiều người khóc lóc, thậm chí té xỉu và những người khác ném những cánh hoa khi quan tài, được kéo lên một chiếc xe quân sự, từ một nhà thờ đến Sân vận động Uhuru để an táng.
Tanzania là một quốc gia Phi Châu với dân số 62 triệu người. Bắc giáp Kenya và Uganda; Nam giáp Zambia và Mozambique. Đông giáp Ấn Độ Dương; và Tây giáp Rwanda, Burundi và Cộng Hoà Dân Chủ Congo. Giáo Hội tại Tanzania có hơn 12 triệu tín hữu, chiếm 19% dân số, với 27 giáo phận và 7 tổng giáo phận.
Tổng thống Magufuli là một người Công Giáo nhiệt thành, ông đã phục vụ trong cương vị tổng thống từ ngày 5 tháng 11 năm 2015 cho đến ngày 17 tháng 3 vừa qua, khi chính phủ thông báo ông đã đột ngột qua đời.
Tổng thống Magufuli đã có công đưa quốc gia đến các thành công rực rỡ về kinh tế, nên ông được dân chúng mến mộ. Trong một diễn biến hiếm hoi, Tòa Thánh đã loan tin về cái chết của ông.
Hassan, người đã tuyên thệ nhậm chức vào thứ Sáu đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia này, đã dẫn đầu đoàn diễu hành của chính phủ đi ngang qua quan tài, được treo cờ Tanzania, và gửi lời chia buồn đến vợ của Magufuli.
Nhiều người mặc đồ đen, hoặc màu xanh lá cây và màu vàng của đảng cầm quyền, nhưng rất ít người bên trong sân vận động hoặc trong đám đông chật cứng bên ngoài đeo khẩu trang.
Chính phủ thông báo hôm thứ Tư rằng tổng thống Magufuli, mới 61 tuổi, đã chết vì bệnh tim tại một bệnh viện ở Dar es Salaam sau ba tuần không xuất hiện trước công chúng.
Đầu tiên chính phủ phủ nhận tổng thống bị bệnh và một số người đã bị bắt vì tung tin đồn rằng ông đang được điều trị bệnh coronavirus ở nước ngoài. Cho nên, tin tức tổng thống qua đời gây đột ngột cho người dân Tanzania.
Hassan đã thông báo thời gian để tang 21 ngày. Di hài cố tổng thống sẽ được đưa đến một số thành phố trên khắp Tanzania trước khi được an táng tại quê nhà Chato.
Source:Reuters
4. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi hiệp ước Âu Châu về chống bạo hành đối với phụ nữ
Chính phủ cho biết hôm thứ Bảy, Tổng thống Tayyip Erdogan đã rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi hiệp định quốc tế được đề ra nhằm bảo vệ phụ nữ, gây ra các cuộc biểu tình phản đối và những lời chỉ trích từ những người cho rằng cần phải giải quyết tình trạng bạo lực gia đình đang ngày càng gia tăng.
Hiệp ước của Hội đồng Âu Châu, được gọi là Công ước Istanbul, cam kết ngăn chặn, và truy tố những hình thức bạo hành phụ nữ nhằm xóa bỏ bạo lực gia đình và thúc đẩy bình đẳng. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Công ước này vào năm 2011 nhưng nạn giết phụ nữ đã gia tăng ở nước này trong những năm gần đây.
Không có lý do nào được đưa ra cho việc rút lui trên Công báo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã thông báo quyết định này vào đầu giờ ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ hàng đầu cho biết luật trong nước thay vì những thứ bên ngoài sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ.
Đại hội, được tổ chức tại thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia rẽ Đảng cầm quyền AK của Erdogan và thậm chí cả gia đình ông. Năm ngoái, các quan chức cho biết chính phủ đang cân nhắc rút ra khỏi Công ước trong bối cảnh các tranh cãi liên quan đến cách thế hạn chế bạo lực ngày càng tăng đối với phụ nữ.
“Mỗi ngày chúng ta thức dậy với tin tức về một vụ bạo hành phụ nữ”, Hatice Yolcu, một sinh viên ở Istanbul, nơi hàng trăm phụ nữ mang cờ tím diễu hành phản đối quyết định rút lui này nói.
“Cái chết không bao giờ kết thúc. Phụ nữ chết. Không có gì xảy ra với cánh đàn ông”, cô nói.
Marija Pejcinovic Buric, tổng thư ký của Hội đồng 47 quốc gia Âu Châu, gọi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là “thảm hoạ”.
“Động thái này là một trở ngại rất lớn... và tồi tệ hơn bao giờ bởi vì nó gây phương hại cho việc bảo vệ phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trên khắp Âu Châu và xa hơn nữa”, cô nói.
Nhiều người bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong đảng AK có nguồn gốc Hồi giáo của Erdogan nói rằng hiệp ước này làm suy yếu cấu trúc gia đình, và khuyến khích bạo lực.
Một số người cũng phản đối nguyên tắc bình đẳng giới tính của Công ước và coi đó là nguyên tắc thúc đẩy đồng tính luyến ái.
Những người chỉ trích việc rút ra này nói rằng quyết định này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời xa Liên minh Âu Châu hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn đang tìm cách gia nhập.
Đức cho biết quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là sai lầm. “Cả truyền thống văn hóa dân tộc hay tôn giáo cũng không thể đóng vai trò như một cái cớ để bỏ qua bạo lực đối với phụ nữ”, Bộ Ngoại giao Đức nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ công bố số liệu thống kê chính thức về số các phụ nữ bị giết hàng năm. Tuy nhiên, nhiều người, căn cứ trên báo chí, cho rằng phải có hàng ngàn phụ nữ bị giết mỗi năm tại quốc gia Hồi Giáo này.
Source:Reuters