Ngày 28-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/03: Cuộc thương khó Đức Giêsu. Tại sao? – Lm. Phao-lô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:38 28/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan

Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”

Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”

Đó là lời Chúa
 
Danh Cha Cả Sáng
Lm. Nguyễn Văn Nghiã
09:16 28/03/2023
Danh Cha Cả Sáng

Đi dâng lễ đồng tế mừng Ngân khánh linh mục muộn của một ông cha bạn (lễ chính thức thì đã qua hơn ba tháng) do các anh em bạn cựu chủng sinh cùng lớp tu ngày xưa tổ chức. Thành phần tham dự Thánh lễ chỉ gói gọn non 50 người thuộc nhóm bạn bè thân thích cùng thân quyến. Trước Thánh Lễ ông cha bạn nhờ chia sẻ đôi điều với anh em. Hỏi ông cha bạn câu Lời Chúa ngài chọn làm kim chỉ nam đời linh mục của ngài. Ngài nói đó là một câu trong lời Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy: “Nguyện Danh Cha cả sáng” (x.Mt 6,9).

Lời tạ ơn đúng nghĩa nhất đó là phải ý thức rõ ơn đã nhận là ơn gì, đâu là nguồn ơn mình lãnh nhận và đồng thời biết sử dụng ân ban cách hữu hiệu đúng đẹp ý người trao ban. Hiệp ý với các linh mục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân thiên chức linh mục đã lãnh nhận trong các dịp quan trọng như Ngân khánh, Kim khánh...thì chắc hẳn chúng ta hiểu rõ ơn ban chính là chức tư tế thừa tác, thiên chức linh mục. Nói theo ngôn ngữ bình dân, chúng ta hiệp với ông cha bạn đây tạ ơn Chúa vì đã được “làm cha” cách đây 25 năm.

“Làm cha”. Một hạn từ vốn quen thuộc của nhà đạo (Công Giáo) và xem ra dễ đón nhận của một thời khá lâu. Thế mà nay nó lại gây sóng gió và trở thành một chủ đề gây tranh luận với nhiều ý kiến khác chiều lẫn trái chiều. Lý do thì có nhiều. Nhưng chủ yếu đó là tệ nạn “giáo sĩ trị”, cung cách hành xử kiểu “cha chú” cùng với một vài hình thái “gương xấu” đáng tiếc và cả đáng trách của các đấng bậc được gọi là “làm cha” trong Giáo Hội Công Giáo.

Ý kiến khác chiều cũng như trái chiều thường viện dẫn lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (x.Mt 23,9). Khi diễn giải lời Chúa Giêsu dạy đừng gọi ai dưới đất này là cha, là thầy hay là người lãnh đạo thì nhiều vị đã biện bạch rằng Chúa cố ý nói quá đi hầu để chúng ta canh phòng sự kiêu ngạo. Điều này dẫu không sai, tuy nhiên theo nhãn quan thần học Thánh Kinh thì những lời của Chúa Giêsu cần được hiểu theo nghĩa chặt hơn nhiều.

Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, khi nói đến cha theo nghĩa là cội nguồn của mọi hiện hữu, mọi sự thiện hảo, mọi phúc lành thì chỉ có một Cha là Cha trên trời. Nếu chúng ta là người bố gia đình hay là mục tử trong giáo hội thì chúng ta chỉ thông dự phần nào đó vai vị “người cha” của Đấng ngự trên trời. Những gì chúng ta truyền lại cho con cái hay cho đoàn chiên không phải là ban mà chỉ là chuyển trao, vì chính chúng ta vốn là người đã lãnh nhận sự sống, ơn lành từ tiên tổ, nhất là từ trên cao. Đã từng mời gọi Hội Đồng giáo xứ thay đổi nội dung băng rôn ngày Lễ Thêm Sức. Thay vì dùng cụm từ “Đức Giám Mục ban Bí tích Thêm Sức” thì dùng cụm từ “Đức Giám Mục cử hành Bí tích Thêm Sức”. Cụm từ “ban Bí tích” hay “ban Thánh Lễ” xem ra dễ gây ngộ nhận. Các thừa tác viên thánh không phải là chủ nhân mà chỉ là những tác nhân trung gian chuyển trao ân lộc thánh thiêng của Thiên Chúa.

Cũng tương tự như thế, nếu xét thầy là người giảng dạy chân lý không thể sai lầm và xét người lãnh đạo là vị dẫn đường không hề lạc lối thì duy chỉ có mình Chúa Kitô mới đích thực là Thầy và là Người Lãnh đạo đúng nghĩa. Trong thân phận thụ tạo thì bất cứ ai dù là đấng bậc cao cả thảy đều có sai lầm trong lời giảng dạy cũng như trong cách thế dẫn đường, đưa lối.

Xin cho Danh Cha trên trời cả sáng. Xin đừng làm vinh danh “ông cha này, ông cha kia, đức cha này, đức cha nọ” cách quá lố. Thánh giáo phụ Irênê nói rằng Danh Thiên Chúa cả sáng khi con người được sống, được sống dồi dào trong bình an và hạnh phúc thật. Chúa Cha đích thực là Cha vì Người đã trao ban tất cả cho Chúa Con. Đấng ngự trên trời thực sự là Cha vì Người đã ban cho nhân loại chúng ta chính Người Con Một. Danh người cha toả sáng qua chính miệng của người cha nhân hậu trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể: “Mọi sự của cha cũng là của con” (Lc 15,31).

Chính khi sống hết tình với đàn chiên được trao ban, chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, chính khi sẵn sàng trao ban những ơn lành mình lãnh nhận cho tha nhân cách hết lòng và không tính toán thì các mục tử mới thực sự thông phần vào tính cha của Đấng ngự trên trời. Nếu như đoàn tín hữu thật lòng nói với mục tử của mình: “Mọi sự của cha đã là của chúng con” thì cách nào đó các mục tử trong Công Giáo sẽ được gọi là “làm cha” mà chắc hẳn ít có ai phàn nàn hay đàm tiếu, và nếu có thì cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mục Vụ Của Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo
Lm. Nguyễn Văn Nghiã
09:22 28/03/2023
Mục Vụ Của Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo

(Tam Châu, 1909 – 2001)

Căn cứ vào 79 thư chung, 1957-1998, xb. Ban Biên Soạn và khẩu hiệu ‘Bác ái chân thành, không giả dối’(2Cr 6,6). Hướng Mục Vụ của Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, nhiều mặt, có thể tóm trong ba chiều hướng : 1) Nhiệm vụ chăn dắt của chủ chăn là mục tử. 2) Lo cho con chiên khỏi lạc đường lầm lối. 3) Hướng dẫn giáo dân sống đạo.

I.Nhiệm vụ chăn dắt chủ chăn là mục tử

Ngày 19.12.1956, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Quản (Administrator Apostolicus) Giáo Phận Phát Diệm, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, sau khi cám ơn trong hai năm qua, hai Linh Mục (cha Phaolô Dương Đức Liêm và cha già Giuse Vũ Văn Kim) khiêm nhường viết :

Tôi xin chào mừng anh chị em trong Chúa và Đức Mẹ. Nay, Tòa Thánh luôn ‘ở cùng chúng con cho đến tận thể’. Để như Thánh Phaolô nói : ‘Tôi sống... chính Chúa Giêsu sống trong tôi’…Tôi thấy đức tin và lòng nhiệt thành của anh chị em thật sâu sa. Đáp lại, tôi quyết tâm sống như chủ chăn ‘hy sinh vì đoàn chiên’ cho chiên ‘khỏi lạc mất’ (Thư Chung, 2004, tr.17)

Vai trò giáo dân. Đc viết 1) Địa vị giáo dân hôm nay. 2) Vai trò giáo dân trong Giáo Hội. 3) Tham dự như Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả. 4) Giáo dân được kêu gọi nên Thánh (Sđd, ttr.176-184) 6) Giáo dân trong giáo xứ. 7) Bổn phận nơi trần thế. (Sđd, ttr. 240-146)

8) Đời sống thánh thiện gia đình Công Giáo. 9) Tầm quan trọng gia đình Công Giáo. 10) Mưu cầu hạnh phúc gia đình (Sđd, ttr. 274-277)

II. Lo cho con chiên khỏi lầm đường lạc lối

Dân sinh. Lo cho dân sinh sống không dễ, các dịp lễ, tết, kỷ niệm. Sau Tết, Đinh Tỵ,1976, chúng ta bước vào Mùa Át (Adventus), dâng lễ tạ ơn và tôi xin nhắc 1) Mỗi gia đình sắm ‘Sổ Rửa Tội’ (A15) bìa cứng. 2) Rửa Tội kịp thời. 3) Giữ đúng luật hôn nhân. 4) Đám tang, đau buồn, đem xác vào nhà thờ làm phép. (Sđd, tr. 24; tr, 117; tr. 121)

Coi sóc trẻ em. Cha mẹ, anh chị lớn trong nhà, quản giáo (GLV), có nhiệm vụ coi sóc trẻ em, theo tuổi, cả xác hồn. Chẳng may, khi chết, kêu tên Giêsu Maria Guise. (Sđd, ttr.31-36)

Đối với nhau. Hãy đoàn kết, yêu thương hòa thuận. Chỉ có thân xác, linh hồn. Ta có đức tin, phép rửa và Chúa Cha toàn năng. (Sđd, tr.36)

Đối với các Cha. Hãy vâng lời, đừng để các ngài phải ưu phiền (x. Dt 12, 13-17) (Sđd, tr.36),

Giáo dân với Giáo sỹ : Hiệp thông, bổn phận và quyền lợi (Sđd, ttr 184-192)

Đối với các Đức Cha đã qua đời. Đau buồn, chúng ta mất Đc Lê Qúi Thanh và Đc Khuyến, đọc kinh và cầu nguyện cho các ngài lên Thiên Đàng. (Sđd, tr. 108 và 145)

Có Đc Yến làm Gm Phó. Xin báo tin, ngày 18.12.1976, sau 7 năm cầu nguyện, Tòa Thánh ban sắc phong cha Giuse Nguyễn Văn Yến, làm Gm Phó Phát Diệm. (Sđd, tr.205)

Đọc học kinh bổn : Mùa Chay, Tháng Mân Côi, Tháng Đức Mẹ, Tuần Làm Phúc…Cha mẹ tối sớm giục con em học kinh bổn. Các cha xứ tổ chức ‘thi, khảo’ có thưởng hàng năm (Sđd, tr.39)

Sống đức tin: Trước tình trạng thiếu Linh Mục, cần 1) Duy trì đức tin cho chính mình và giáo dân. 2) Tìm an ủi đời này và đời sau khi lâm bệnh. 3) Bình an vui vẻ trong tâm hồn. 4) Sự Đạo dem lại hạnh phúc, như các Thánh Philipphe, Phaolô hưởng dùng. 5) Tôi muốn đến thăm từng xứ, nhưng không được. 6) Đừng để ngày nào vắng tiếng kinh, đi lễ Chúa Nhật. (Sđd, tr. 131).

Sống Mùa Chay : Suy ngắm về Ơn Cứu Độ. Ơn giải thoát. (Sđd, tr. 149). Năm 1976 : Đi Đàng Tháng Giá, (tr, 115). Năm 1983, ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giêsu, Bảy Sự đau Đớn Đức Mẹ, (tr. 149). Năm 1996, sa lánh tội lỗi để vào Thiên Đàng. (tr. 289):

Mùa Phục Sinh Cứu Độ 1983 : Hãy chúc tụng Thiên Chúa đã ban Con Một xuốn thế, cứu độ loài người. (Sđd, tr. 154)

Tuổi hết hôn : Trước, bàn hỏi, cầu nguyện, lựa chọn, điều tra, tìm hiểu kỹ nên lấy người lương không. Ngày cưới, chuẩn bị tâm hồn. Sau, bảo đảm hạnh phúc và giáo dục. (Sđd, ttr. 137-144)

Mừng Xuân : Năm Ất Hợi 1995: Chúc Tết. Sống tinh thần “tống cựu nghinh tân” là bỏ tội lỗi, và sống đạo đức thánh hóa gia đình, thăng tiến giới trẻ, giáo dục và thực thi bác ái với ơn thánh. (Sđd, tr. 278)..

III. Hướng dẫn giáo dân sống đạo

Kính Trái Tim Chúa: Trong tháng Thánh Tâm, Chúa nhật các xứ chầu hay giờ Thánh. Hàng ngày đọc kinh Kính Trái Tim. Xin : Hiểu biết Chúa hơn, Xin LTX Chúa yêu thương trẻ em, thanh thiếu niên nên đạo hạnh trong gia đình. Deus Caritas Est (lGa, 4,8) (Thiên Chúa là tình yêu). Chúa phán : Cha truyền cho anh em điều răn mới: Anh em hãy yêu nhau, như Thày yêu anh em (Ga 15, 12). (Sđd, tr. 83)

Kính mến Đức Mẹ: Nói đến Đức Mẹ dấy lên lòng con thảo vớiMẹ hiền.(Sđd, tr.18), Xin Mẹ phù giúp ủi an ( tr. 42). Ban mọi ơn lành (tr. 101) và nhất là chết trong tình yêu Mẹ (tr. 162)

Các Thánh Tử Đạo VN: Trải qua các đời Trịnh Nguyễn (1580-1773), Sơn Tây 1773-1820), Minh Mạng (1820-1847), Tự Đức (1848-1858), Văn Thân (1858-1885) có non 100 ngàn anh hùng Tử Đạo VN, bao nhiêu họ, xứ, trường học bị phá hủy. (Sđd, tr. 59-82)

Năm Thánh 1983, kỷ niệm 1950 năm Ơn Cứu Độ: Xưng tội rước lễ, Đi Đàng Thánh Giá, Ăn Chay, làm phúc bố thí cho kẻ nghèo (Sđd, tr 146-148).

Năm Thánh đặc biệt 2000 Toàn Xá Lớn. Chuẩn bị xa, theo Tông Huấn ‘Tiến Tới Thiên Kỷ Thứ Ba’, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành 1994. Vặt ra, chuẩn bị trong các năm 1997, 1998 và 1999. Qua năm 2000 toàn Giáo Hội cử hành trọng thể. Riêng Phát Diệm nối tiến 2001, 2002. (ttr. 286-287)

Hàng Giáo Phẩm VN: Mãi đến 1668 mới có 4 cha VN. Rồi có Giám Mục VN đầu tiên, 1933; Đc GB Nguyễn Bá Tòng. Giáo phận làm tuần bát nhật chầu Mình Thánh tạ ơn. (Sđd, tr. 47)

Vấn đề truyền giáo: Theo sử liệu, từ thế kỷ 16, Đạo Công Giáo vào Cửa Bạng VN hay Cửa Thánh Giuse, lễ thánh Giuse, 19.3. Ngay thời Lê Trang Tôn 1533, đã có Cha Inêkhu, giảng Đối Với Giáo Hội. Giáo dân theo sát chỉ thị của Vatican II. (Sđd, tr. 87). Các Cha tham dự tĩnh tâm hàng năm. (Sđd. tr.128). Năm 1991: Sống liên kết với Giáo Hội. Có Đức Mẹ đồng hành (Sđd, tr. 234). Cầu nguyện khi nghe tin có ĐGH Phalô VI (Sđd. tr.125) ĐGH Gioan Phaolô I qua đời (tr. 128) hay ĐGH Gioan Phaolô I được bầu (Sđd. tr.127)

Đc Alexandre Marco Thành kỷ niệm 100 năm, 1902-1995. Sau 7 năm lám Gm Phó Hà Nội. Ngày 8.2. 1902, Ngài về làm Gm Phát Diệm, thiếu thốn về vật chất và nhân sự. Đc vất vả. Đc có lòng đạo thâm sâu. Năm 1939, lễ giỗ lần 56. Giáo phận biết ơn và cầu nguyện cho Ngài. (Sđd, ttr 282-184)

Phát Diệm kỷ niệm 100 năm, nhà thờ lớn, 1901-1991. Tu chỉnh đời sống bên trong chu đáo. Tổ chức cấm phòng. Học hỏi Giáo Lý. Ý thức trách nhiệm người giáo. Xây dựng cộng đoàn, xứ đạo. Mỗi xứ thay phiên về nhà chung một ngày. Ba thánh lễ đại trào trên ao hồ vào 6 và 7.10, có các Đc gốc Phát Diệm, các linh mục miền Nam, Việt kiều, các xứ từ Cao Bằng về tham dự. Có 11 giám mục, 150 linh mục và trên 150 ngàn giáo dân. ĐTC gửi Phép Lành và lời chúc mừng. (Sđd, ttr 246-258)

Ban Chấp Hành Xứ, Họ: Chọn bầu ai xứng đáng vào BCH Xứ, Họ với nhiệm kỳ (Sđd, tr 172)

Vấn đề hôn phối: Muốn kết bạn theo Giáo Hội, Trước, phải kiểm điểm xem mình không ngăn trở theo Giáo luật. Sau, theo đúng giao ước và là tròn bổn phận giáo dục con cái. (Sđd, tr. 102)

Lo lắng của chủ chăn: Chúa không bỏ đoàn chiên. Vì giáo dân siêng năng tham dự thánh lễ, xưng tội, thăm kẻ liệt, chịu phép hôn phối và chu toàn giáo dục. (Sđd, ttr. 95-99)

Kêu gọi cứu đói năm 1988, Đất Phát Diệm phân chia ba vùng: Vùng cát (Đồng Chưa, La Vân) đồng bằng vựa lúa (Kim Sơn, Phát Diệm) và tân bồi do bờ biển (Như Tân, Tân Khẩn). Lại hay bị bão, lũ lụt, mất mùa, nên có hai ‘đê’ ngăn chận ‘đê số Mười (?, từ Thanh Hóa kéo dài tới Đò Mười) và quai đê vùng ‘Tân Khẩn’. Đc viết: Người miền trên dang bị đói khổ, nhiều gia đình túng thiếu, không trông nhờ ai. Chúng ta cứu đói lúc này Chúa sẽ thưởng công. (Sđd tr 204)

Kết luận bằng Ban Biên Soạn, viết (Sđd. tr.11) trong giỗ mãn tang, 5.5.2004, về ba đức tính của chủ chăn:

Khó nghèo: Suốt mấy chục năm, Đc đã sống, làm việc, tiếp khách trong một căn phòng nhỏ, thấp, tối, ẩm tại Tòa Giám Mục, với đồ đạc đơn sơ, không chút tiện nghi hiện đại nào.

Nhẫn nhục: Trong thời gian dài, đôi vai gầy của Đc đã gánh vác trách nhiệm nặng nề và chịu đựng tình trạng sức khỏe yếu kém, mà không thấy ngài kêu ca than vãn hoặc bực bội to tiếng với ai.

Bác ái: Đc chọn khẩu hiệu ‘Bác ái không giả dối’ (2Cr 6,6). Đc đã hy sinh bản thân vì mọi người, luôn vui vẻ đón tiếp lớn nhỏ, sang hèn, giàu nghèo mà không ngại bị quấy rầy. Đặc biệt ngài thương giúp những người nghèo khổ, hoạn nạn, tai ương, lũ lụt, mất mùa…

Đúng như lời trên bức trướng của một Giáo Xứ mừng Ngọc Khánh, 60 năm Linh Mục của Đc. 13.3.1997, ngài quả quả là mục tử hiền lành, chủ chăn thánh thiện. Đâu là bí quyết của một đời sống như thế? Thiết tưởng là do tinh thần cầu nguyện. Ai gần Đc cũng thấy ngài rất năng cầu nguyện lâu giờ trong nhà nguyện sáng, trưa, chiều, tối. Chính tại đây, ngài đã tìm được soi sáng, hành động khôn ngoan. Được sức mạnh nâng đỡ trong lúc khó khăn, can đảm, chu toàn sứ mệnh Mục Tử Chúa trao phó.

Lúc 10g30, 5.5.2001, tại Hà Nội, Đc từ trần, thọ 92 tuổi. Giáo Hội VN và Phát Diệm biết ơn thương tiếc Đc và cầu xin Chúa Chiên Lành đón nhận đầy tớ tài giỏi, trung thành vào hưởng niềm vui vĩnh cửu với Chúa trên trời (x. Mt 24, 45)
 
Ở lại trong lời
Lm. Minh Anh
14:44 28/03/2023

Ở LẠI TRONG LỜI
“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.

Hudson Taylor, một Phaolô của thế kỷ 19, truyền giáo 51 năm tại Trung Hoa lục địa; ông đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn. Những ngày cuối đời, ông nói với một người bạn, “Tôi rất yếu, tôi không thể đọc Thánh Kinh; thậm chí, không thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé, và hạnh phúc ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ở lại trong lời’ của Ngài!”, trải nghiệm của Taylor, cũng là trải nghiệm của những bạn trẻ thời Đaniel hoặc trải nghiệm của chính Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay sẽ cho thấy điều đó!

‘Ở lại trong lời’ của ai, giả thiết bạn phải tin vào người ấy! Niềm tin sẽ không có thật cho đến khi nó chạm đến một thái độ; và trên hết, chạm đến một lựa chọn cụ thể của một con người. Bài đọc Đaniel cho thấy thái độ anh hùng và sự lựa chọn anh dũng không phải của một, nhưng của những ba người. Họ chọn chịu ném vào lò lửa khi tỏ thái độ bất tuân lệnh vua, người buộc họ bái lạy tượng thần. Thật tuyệt vời, như vua nhận xét, “Con của thần minh” đã đến, ‘cùng đi với họ’ giữa lửa; Ngài giải thoát họ, đến nỗi Nabucôđônosor đã phải ngưỡng mộ và hẳn, đã cùng họ ca khen, “Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Nếu các ông ‘ở lại trong lời’ của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. ‘Ở lại trong lời’ của Chúa Kitô là làm cho cuộc sống của bạn và tôi phù hợp với cuộc sống của Ngài; là nên giống Ngài, nói như Ngài, làm như Ngài và nhất là làm những gì Chúa Cha muốn Ngài làm. Chúa Giêsu từng nói, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tắt một lời, ‘ở lại trong lời’ của Chúa Giêsu là thuộc về Ngài, nên môn đệ Ngài. Nó còn là một điều gì đó thánh thiêng, một điều gì đó kiên trì bền bỉ mỗi ngày và biết cách đứng dậy, ‘phủi bụi’ bản thân để bắt đầu lại mỗi khi chúng ta chùn bước hay vấp ngã trên đời.

Chúa Giêsu còn nói, “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông!”. Sự thật ở đây chính là tự do Ngài ban; nó sâu xa hơn nhiều so với tự do thế gian. Tự do ở đây không chỉ đơn giản là tự do chính kiến, tự do chọn bất cứ điều gì tôi muốn, khi nào tôi muốn và theo cách tôi muốn. Tự do ở đây là tự do làm điều lành, đạo đức, nội tâm và chính trực; và nhất là được ‘tự do hy tế’, nghĩa là sẵn sàng hiến mình làm một lễ dâng như Ngài đã nên một “Lễ Dâng!”.

Anh Chị em,

“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. Nếu xác tín Lời Chúa là Ánh Sáng, là Sự Sống, và là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, thì khi ‘ở lại trong lời’ của Ngài, chúng ta ở lại trong cung lòng Cha; như Taylor, “Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé”. Quả vậy! Bởi tình yêu vô điều kiện, “Lời” đã làm người, làm một người phàm như bạn và tôi; “Lời” như “Con của thần minh” đã ‘cùng đi với’ các bạn trẻ giữa lửa, Chúa Giêsu cũng sẽ đồng hành, dẫn chúng ta tự do bước đi trong cuộc đời này. ‘Ở lại trong lời’ của Ngài, coi Lời Ngài như “nhà” của mình, bạn và tôi sẽ tự do thoát khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi bị ràng buộc bởi bản năng hầu sống theo các phẩm tính thần linh; chính xác hơn, tự do để nên giống Chúa Giêsu, làm theo ý Ngài. Lúc đó, dù đi qua lửa hay lao vào giông bão cuộc đời, chúng ta vẫn bước đi ung dung, tự do, với phong thái của một người con trai, con gái của Cha trên trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con luôn muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa thích; đó chính là khôn ngoan của con khi con biết ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:00 28/03/2023

28. Đức Mẹ Ma-ri-a là sự an ủi của những kẻ khóc lóc.

(Thánh Germanus of Capua)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 28/03/2023
15. CÂY TÁO

Ông lão họ La ngồi dưới cây táo trước nhà, mấy đứa cháu của ông ta đang gặm táo, ăn một miếng, nói lên một tiếng “ngon thật”.

Ông La nói với các cháu:

- “Qua đây, qua đây, để ông nói với các cháu về cây táo này tại sao nó lại ở đây, đại khái trước đây hơn năm mươi năm, ông chưa hề nghĩ là sẽ ở nơi một vùng đất chưa khai hoang này, đúng vậy, chính là bây giờ các cháu thấy mảnh đất bên cây táo này, lúc đó ông than với người hàng xóm giàu có là thực tế ông rất nghèo."

Ông nói: - “Nếu tôi mà có một trăm đồng thì vui biết mấy.”

Người hàng xóm ấy là một người thông minh, nói với ông: - “Chuyện đó rất dễ, chỉ cần bắt đầu làm cho tốt thì được thôi, đất mà anh đang đứng đó đang giấu gia tài một trăm đồng trở lên, coi anh có đi đào nó lên không?”

Lúc ấy ông là một thanh niên chưa hiểu chuyện, cho nên ngay tối hôm đó ông bắt đầu đào đất, đào một cái hố rất rộng, nhưng không tìm thấy gì cả.

Buổi sáng hôm sau, khi người hàng xóm nhìn thấy cái hố rộng ấy thì cười không ngớt. Ông ta nói: “Anh là thằng ngu, ý tôi là đâu phải nói anh đi đào đất. Vậy cũng tốt, để thưởng cho sự mệt nhọc của anh tôi tặng anh một cây táo nhỏ, đem nó trồng xuống hố, nội trong mấy năm thì anh sẽ thấy tài nguyên sẽ ùn ùn kéo đến.”

Ông bèn đem cây táo trồng xuống, nó từ tử lớn lên, mỗi một năm qua đi, bây giờ cây táo đó lớn sừng sửng trước mặt các cháu. Hơn mười năm qua nó thật có giá trị với ông vượt qua giá trị một trăm đồng. Cho đến hôm nay, nó vẫn cho ông sự khuyến khích lớn nhất, thực tế nó đã cho ông quá nhiều, ông suốt đời không quên được người hàng xóm đó đã hướng dẫn cho mình.”


(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 15:

“Vạn sự khởi đầu nan” và “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là những câu nói giúp chúng ta giải quyết mọi việc trong cố gắng, và luôn nhớ đến những gì mà người khác đã làm cho mình.

Nhố ơn người khác không gì quý hơn là nhớ họ trong lời cầu nguyện, trong những lần đi tham dự thánh lễ, bởi vì đem sự trả ơn này trao cho Đức Chúa Giê-su, Ngài sẽ thay thế chúng ta trả ơn cho người đã giúp mình. Bởi vì họ đã nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi sự đau khổ của chúng ta, cũng như chúng ta nhìn thấy Chúa nơi những đau khổ của người khác vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật Ký Trừ Tà số 232: Ác Quỷ Không Hối Tiếc
Đặng Tự Do
17:00 28/03/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #232: Demons Are Without Remorse”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 232: Ác Quỷ Không Hối Tiếc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những người nhạy cảm tâm linh của chúng ta đã có mặt trong một buổi trừ tà. Những con quỷ đang hành hạ và bóp nghẹt một người bị quỷ ám. Cô choáng váng trước sự hoàn toàn không hối hận hay thậm chí là một chút thương hại của lũ quỷ. Trên thực tế, họ thực sự thích thú khi làm cho người đó đau khổ.

Đây là một cái nhìn sâu sắc quan trọng cho một đội trừ tà. Đương nhiên, chúng ta mong đợi mọi người thể hiện lòng trắc ẩn và đối xử với người khác với ít nhất một chút tôn trọng. Ma quỷ thì không. Chúng sẽ gây ra đau khổ tối đa. May mắn thay, Chúa rất hạn chế chúng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta cần cẩn thận khi ma quỷ xuất hiện và đề phòng điều tồi tệ nhất.

Đôi khi, thật đáng buồn, con người chúng ta cũng làm cho người khác đau khổ. Nhưng chúng ta có một biện pháp khắc phục. Chúng ta có thể thú nhận tội lỗi của mình. Chúng ta có thể cầu xin sự tha thứ từ Chúa và từ những người mà chúng ta đã làm hại. Chúng ta có thể làm hết sức mình để cung cấp bồi thường cho bất kỳ thiệt hại gây ra. Điều này đặc biệt thích hợp trong Mùa Chay này.

Ma quỷ là thứ hết hy vọng. Trong sự từ chối tuyệt đối và không thể thay đổi của chúng đối với Chúa Giêsu, chúng đã từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người chúng ta không bao giờ hết hy vọng trong cuộc đời này, ngay cả khi trút hơi thở cuối cùng. Cuối cùng, chỉ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta mới được cứu.

Mọi người thường cầu xin tôi giải thoát họ khỏi ma quỷ. Một số người đang nghĩ rằng tôi có một lời cầu nguyện đặc biệt nào đó sẽ xua đuổi tà ma của họ. Tôi không thể nghĩ ra đơn thuốc nào lớn hơn cho sự giải thoát hơn là lời thú nhận chân thành và sức mạnh thanh tẩy của lòng thương xót Chúa.
Source:Catholic Exorcism
 
Đức Hồng Y Müller gọi việc chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái là 'sự báng bổ'
Đặng Tự Do
17:01 28/03/2023


Đức Hồng Y Gerhard Müller nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nên sửa sai và nếu cần thiết, trừng phạt các giám mục Đức đã chấp thuận điều mà ngài gọi là “các văn bản dị giáo” và “các đề xuất trực tiếp chống lại đức tin Công giáo”, bao gồm cả việc ban phép lành cho các cặp đồng tính luyến ái.

“ Có những giám mục người Đức đã bỏ phiếu cho các văn bản dị giáo, và theo tôi nên có một quy trình giáo luật chống lại họ,” ngài nói. “Chúng ta có sự đồng đoàn, nhưng cũng có sự ưu việt của Đức Giáo Hoàng, và theo giáo luật, Đức Giáo Hoàng có trách nhiệm yêu cầu giải thích, sửa sai và—trong những trường hợp nghiêm trọng—cách chức các giám mục thách thức giáo lý Công Giáo. Họ nói rằng sự hiểu biết về giáo lý có thể phát triển, nhưng chúng ta không thể phát triển mặc khải,” Đức Hồng Y nói.

Ngài bác bỏ khả năng hai người đồng giới yêu nhau chung thủy có thể được Chúa ban phước. Ngài nói: “Khi chúng ta coi trọng Lời Chúa, điều này là không thể. Chúc phúc cho các cặp đồng giới là báng bổ.”

Đức Hồng Y Gerhard Müller nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nên sửa sai và, nếu cần, trừng phạt các giám mục Đức đã chấp thuận điều mà ngài gọi là “các văn bản dị giáo” và “các đề xuất trực tiếp chống lại đức tin Công giáo.”

Đức Hồng Y Müller cũng đả kích linh mục James Martin, tổng biên tập của tạp chí America, người đã thực hiện mục vụ cho những người LGBT đã nhận được sự ủng hộ và chấp thuận của Đức Thánh Cha. “Cha James Martin nói rằng Đức Thánh Cha đã làm nhiều điều cho những người LGBT, nhưng Đức Thánh Cha nên nói với cha ấy rằng: 'Ông không được biến tôi thành công cụ',” Đức Hồng Y nói.

Vị Hồng Y người Đức đã tuyên bố điều này và nhiều hơn thế nữa trong một cuộc phỏng vấn với Jacopo Scaramuzzi, phóng viên Vatican của tờ La Repubblica, một nhật báo hàng đầu của Ý, trước khi xuất bản cuốn sách mới của ngài Il Papa: Ministryo e Missione (Giáo hoàng: Thừa tác vụ và Truyền giáo) vào ngày 31 tháng 3. Đức Hồng Y Müller đã không có chức vụ chính thức nào tại Vatican kể từ khi Đức Phanxicô quyết định không gia hạn nhiệm kỳ của ngài với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ khi nhiệm kỳ 5 năm của ngài kết thúc vào năm 2017.

Đức Hồng Y Müller cho biết ngài đồng ý với tuyên bố gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng thừa tác vụ của Thánh Phêrô là “suốt đời.” Ngài nhận xét rằng Đức Phanxicô “đã thay đổi” về vấn đề này; trước đó Đức Phanxicô đã nói rằng Đức Bênêđictô XVI đã “mở cửa” cho các vị giáo hoàng từ chức. Đức Hồng Y cho biết ngài đã nhiều lần nói với Đức Phanxicô rằng chức vụ giáo hoàng là trọn đời. Ngài cũng nói rõ rằng ngài không đồng ý với việc từ chức của Đức Bênêđictô.

Nói về Thượng phụ Nga Kirill của Mạc Tư Khoa, người mà ngài biết rõ, Đức Hồng Y Müller nói: “Ông ấy có kiến thức về thần học chứ không phải là không, nhưng ông ấy đã uốn cong những lời của Chúa Giêsu để biện minh cho cuộc chiến chống lại Ukraine, như Putin đã làm. Hơn nữa, ý tưởng về Nước Nga vĩ đại là vô lý.”

Khi được hỏi liệu Kirill có nên chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin hay không, Hồng Y nói, “Ông ta nên làm như vậy, nhưng tôi e rằng đó sẽ là dấu chấm hết của ông ấy.” Ngài nhắc lại rằng “kể từ thời Peter Đại đế, các giám mục Chính thống ở Nga đã phải phục tùng nhà nước. Ngày nay, nhà nước giúp xây dựng lại các nhà thờ, và họ nói về sức mạnh tổng hợp giữa nhà thờ và nhà nước, nhưng với tư cách là một Giáo Hội, chúng ta không thể biện minh cho cái ác.”

Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô “có quyền duy trì liên lạc” với Nga “trong thời điểm khó khăn này,” nhưng ngài nói thêm, “nghĩa vụ của Giáo hội không phải là biện minh cho những gì các hoàng đế làm”. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Ambrôsiô đã chỉ trích Hoàng đế Theodosius sau vụ thảm sát Thêsanôlica

Khi được hỏi tại sao trong quá khứ, ngài đã chỉ trích Đức Phanxicô vì đã gây ra “sự nhầm lẫn” về giáo lý với một số tuyên bố nhất định, Đức Hồng Y trả lời: “Về nguyên tắc, tôi sẽ không bao giờ chỉ trích một giáo hoàng một cách công khai.” Ông nói, “Đức Phanxicô đã không thay đổi, và không thể thay đổi tín lý đã được mặc khải, nhưng nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng tối cao không chỉ là tránh gây nhầm lẫn mà còn phải kiên quyết phủ nhận những điều như vậy.” Ngài nêu ví dụ khi nhà báo nổi tiếng người Ý Eugenio Scalfari nói rằng Đức Thánh Cha nói với ông ta rằng địa ngục không tồn tại. Đức Hồng Y cảm thấy lẽ ra Đức Giáo Hoàng phải lên tiếng bác bỏ “học thuyết khó hiểu” này.

Đức Hồng Y Müller đã kết thúc cuộc phỏng vấn với tờ La Repubblica bằng việc lên án những lời chỉ trích gần đây đối với Đức Gioan Phaolô II ở Ba Lan về cáo buộc che đậy việc các linh mục lạm dụng trẻ vị thành niên. “Đây là những cáo buộc phỉ báng, với mục đích chính trị nhằm gây tổn hại cho Công giáo ở Ba Lan bằng cách chặt đầu nhân vật quan trọng nhất.”
Source:America
 
Con đường Đồng nghị Đức: Thần Học Sai Lầm, Chiến Thuật Đe Dọa và Sự Bất Tuân Hoàn Toàn
Vu Van An
18:19 28/03/2023

Đối với Jonathan Liedl của CNA, các vấn đề với Con đường Đồng nghị đi sâu hơn nhiều so với các đề xuất gây tranh cãi mà nó đưa ra.



Thực vậy, nhìn từ xa, các vấn đề chính của Con đường Đồng nghị Đức dường như đủ rõ ràng. Chúng ở dạng các nghị quyết gây tranh cãi, khi tiến trình kết thúc giai đoạn đầu vào ngày 9-11 tháng 3 với một phiên họp ở Frankfurt, đã tiến triển với đa số áp đảo: ban phước lành cho các cặp đồng tính, đưa ý thức hệ chuyển giới vào thực hành của Giáo hội, thúc đẩy Vatican cho phép việc phong chức bí tích cho phụ nữ, v.v.

Nhưng theo dõi các thủ tục từ phòng họp thượng hội đồng và tìm hiểu sâu xa bối cảnh rộng lớn hơn của Giáo Hội Công Giáo Đức cho thấy một điều gì đó có hệ thống và độc ác hơn nhiều đang diễn ra, trong đó các đề xuất được quảng cáo chỉ là hoa trái có tính hủy diệt.

Các vấn đề của Con đường Đồng nghị nằm ở gốc rễ của toàn bộ vụ việc: nền tảng ba mũi nhọn của các tiền đề thần học thiếu sót nghiêm trọng, các chiến thuật cưỡng bức để ép buộc sự tuân thủ và tinh thần bất tuân đầy kiêu ngạo. Kết quả là một dự án trong đó đức tin phổ quát của Giáo Hội Công Giáo - được dạy bởi huấn quyền, được phát biểu trong Sách Giáo lý và được các tín hữu trên toàn thế giới tuân theo - gần như không thể phát hiện được.

Thần học thiếu sót

Từ góc độ thần học, các vấn đề được đưa ra bởi Con đường Đồng nghị có vẻ khác biệt và đa dạng. Việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng tính liên quan đến nhân học và luân lý thần học, vấn đề về việc truyền chức cho phụ nữ là vấn đề của bí tích học, và một Hội đồng đồng nghị thường trực trong đó giáo dân có thể phủ quyết hàng giám mục thuộc lĩnh vực giáo hội học.

Tuy nhiên, điểm chung của mỗi và mọi đề xuất của Con đường Đồng nghị là chúng được soi sáng bởi cùng một nền thần học căn bản, hoặc sự hiểu biết về bản chất của mặc khải Thiên Chúa cho nhân loại. Ở bình diện căn bản nhất này, nhãn quan thần học làm sinh động Đường lối Đồng nghị được đặc trưng bởi sự nghi ngờ sâu sắc đối với khả năng của Chúa Giêsu Kitô – Lời dứt khoát của Thiên Chúa – đến với chúng ta ngày nay một cách đáng tin cậy qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, qua trung gian là thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội.

Vì không tin tưởng vào khả năng của Giáo hội trong việc giải thích Mặc khải Thiên Chúa, nên các “nguồn” khác xuất hiện như những nguồn giải thích dứt khoát đức tin Công Giáo: cụ thể là cảm thức thế tục về tiến trình lịch sử và kinh nghiệm chủ quan. Các lập luận dựa trên các tiêu chuẩn này chiếm ưu thế trong suốt phiên họp thứ năm của Con đường Đồng nghị. Thí dụ, hầu hết các biện minh cho việc phong chức cho phụ nữ tại phiên họp đều dựa trên cảm thức chủ quan của từng phụ nữ rằng họ được kêu gọi vào thừa tác vụ thụ phong hoặc vào nhu cầu được tri nhận là phải cập nhật thực hành của Giáo hội để phản ảnh các chuẩn mực văn hóa phổ biến ở Đức. Werner Otto, một linh mục, lưu ý rằng ngài không thể tin rằng vấn đề phụ nữ giảng trong Thánh lễ vẫn còn cần được thảo luận vào năm 2023. Ngài đã nhận được một tràng pháo tay nồng nhiệt.

Có lẽ một trong những khoảnh khắc thần học kỳ lạ nhất trong hội nghị Frankfurt diễn ra giữa cuộc thảo luận liên quan đến ý thức hệ chuyển giới, khi Julianne Eckstein, giáo sư thần học ở Münster, lập luận rằng vì sách Sáng thế không phân biệt được những con vật yêu quí và những con vật hoang dã, nên điều chúng ta có thể làm bây giờ là vượt ra ngoài mô tả hạn hẹp của nó về loài người như nam hay nữ. Cũng trong cuộc đàm đạo đó, một nữ tu nói rằng mặc dù chúng ta không biết nhiều về bản chất con người, hay thậm chí về Thiên Chúa, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người, một lập luận ủng hộ cảm thức chủ quan của một người nào đó lấn át thẩm quyền của Giáo hội giảng dạy dựa trên Mặc khải Thiên Chúa. Vẫn còn một đại biểu khác nói rằng chỉ có Truyền thống của Giáo Hội Công Giáo là cản trở việc chấp nhận ý thức hệ chuyển giới, và nó cần phải bị “tiêu diệt”.

Trong tác phẩm Những nguyên tắc của Thần học Công Giáo (1989), Joseph Ratzinger đã đưa ra một mô tả về ít nhất một trong những động lực rõ ràng đang diễn ra: một sự đảo ngược phương trình của nhà thần học người Đức chịu ảnh hưởng Hegel là Karl Rahner về những ý kiến phổ biến của con người về Kitô giáo.

“Nếu các giáo huấn của Kitô giáo có tính nhân bản một cách phổ quát, là những quan điểm phổ quát về lý trí con người, thì phải kết luận là những quan điểm được chấp nhận phổ quát này là Kitô giáo,” Giáo hoàng tương lai Bênêđictô XVI đã viết như thế, mô tả quan điểm này làm suy yếu thẩm quyền của Giáo hội ra sao. “Nếu đúng như vậy, thì người ta phải giải thích Kitô giáo là gì dựa trên những phát hiện phổ quát của lý trí con người.”

Nói cách khác, không hẳn là cách tiếp cận “không điều gì là chắc chắn, nên mọi điều đều được cả”. Thay vào đó, lý trí được cho là giác ngộ của con người đã xuất hiện như một tiêu chuẩn thần học tối hậu, qua đó Kinh thánh và Truyền thống phải bị sàng lọc. Những gì nói đều có giá trị.

Điều này thấy rõ ràng qua cách Con đường Đồng nghị tiếp cận một cách lựa lọc các giáo huấn của Công đồng Vatican II. Bất chấp rõ ràng phủ nhận Dei Verbum, hiến chế tín điều của công đồng về Mạc khải Thiên Chúa, bằng cách bác bỏ tính đặc biệt và dứt khoát của mặc khải Kitô giáo trong bản văn nền tảng của Thượng hội đồng, các tài liệu và các đại biểu của Con đường Đồng nghị thường xuyên sử dụng các khái niệm từ các giáo huấn của Công đồng để biện minh cho các đề xuất của họ. Nhưng được sàng lọc qua một nền thần học căn bản thiếu sót, những khái niệm này trở nên biến dạng, mất cân bằng và bị trừu tượng hóa khỏi các bản văn trong đó chúng được trình.

Giáo huấn của Lumen Gentium 9 về “dân Chúa” được trích dẫn làm cơ sở cho chủ trương để giáo dân vượt qua thẩm quyền của một giám mục hoặc đọc cho ngài viết ra giáo huấn của ngài, bất chấp mọi điều khác mà tài liệu nói về bản chất phẩm trật của Giáo hội; khái niệm “cảm thức đức tin của tín hữu” đã được sử dụng để biện minh cho việc thay đổi tín lý và kỷ luật của Giáo hội trên cơ sở các cuộc thăm dò ý kiến, dường như không biết rằng có ít hơn 5% người Công Giáo Đức đi lễ và việc thiếu hiểu biết hoặc chấp nhận tín lý căn bản của Công Giáo là điều cố hữu; và việc Gaudium et Spes đề cập đến “các dấu chỉ thời đại” đã được nói đến như thể đó là tiêu chuẩn thần học tối hậu, một lập trường gần đây đã bị Cha Thomas Marschler, một linh mục và nhà thần học tại Đại học Augsburg, chỉ trích (xem https://churchlifejournal.nd.edu/articles/signs-of-the-times-as-a-new-locus-theologicus).

Nếu một cách tiếp cận thần học dựa trên những diễn giải méo mó về chùm khái niệm công đồng này - “dân Chúa”, “Dấu chỉ thời đại”, “Cảm thức đức tin của các tín hữu” - nghe có vẻ quen thuộc, đó là bởi vì nó cũng đã được sử dụng để lập luận cho những thay đổi đáng kể đối với Giáo hội thông qua Thượng hội đồng đang diễn ra về tính đồng nghị bởi các nhân vật ở nơi khác, như Hồng Y Robert McElroy, và được cho là hiện diện cả trong “tài liệu làm việc” của giai đoạn lục địa của thượng hội đồng. Do đó, cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến Con đường Đồng nghị Đức cũng có thể sẽ có những hệ luận cho dự án thần học rộng lớn hơn này.

Nhưng trong khi quan điểm thần học này là một điều gì đó xa lạ trong Giáo hội hoàn vũ - mặc dù là một quan điểm ồn ào, có vị trí tốt và được tài trợ tốt - thì nó hoàn toàn thống trị bối cảnh Đức và Con đường Đồng nghị. Hầu hết những lời giải thích của những người Công Giáo Đức vẫn trung thành với huấn quyền đều viện dẫn cuộc khủng hoảng dạy giáo lý kéo dài nhiều thế hệ ở Đức, trong đó hướng dẫn căn bản đã bị bỏ qua bởi các mục tử được đào tạo bởi một cơ sở lãnh đạo thần học hàn lâm thù địch với các vị giáo hoàng của Rôma, huấn quyền và Sách Giáo lý.

Các chiến thuật kiểu [George] Orwell

Tuy nhiên, một thiểu số khá lớn những người tham gia Con đường Đồng nghị, và đặc biệt là các giám mục, không chia sẻ quan điểm thần học bị bóp méo này cũng như không tán thành các giải pháp có vấn đề mà nó đã dẫn đến. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết biết rõ điều đó dựa trên số phiếu bầu tại phiên họp tháng này. Đó là bởi vì các giám mục Đức không đồng ý đã bị khuất phục trước một chiến dịch đe dọa tàn bạo của ban lãnh đạo Con đường Đồng nghị, các đại biểu và thậm chí cả các giám mục đồng nghiệp của họ, nên đã thay đổi kết quả của các cuộc bỏ phiếu quan trọng.

Tại phiên họp trước đó vào tháng 9, các quy tắc đã được thay đổi sau khi một phần ba số giám mục Đức bỏ phiếu chống lại một bản văn thúc đẩy một lối hiểu hoàn toàn bất chính thống về tình dục con người, ngăn cản việc áp dụng văn bản đó. Để ngăn chặn kết quả như vậy xảy ra lần nữa, ban lãnh đạo phiên họp đã vô hiệu hóa một cách hữu hiệu quyền bầu cử bằng cách bỏ phiếu kín, bằng cách bảo đảm rằng việc bỏ phiếu kín phải được toàn thể phiên họp chấp thuận. Thực vậy, điều này đã xảy ra với một nghị quyết hết sức quan trọng ở Frankfurt. Thực thế, khi Giám Mục Phụ Tá Florian Wörner của Augsburg cố gắng yêu cầu bỏ phiếu kín, một điều phải có sự hỗ trợ bằng văn bản của bốn người khác, các đại biểu khác đã yêu cầu được biết tên của các giám mục khác đã tham gia với ngài.

Động thái gây tranh cãi để bỏ phiếu công khai đã hữu hiệu một cách tàn nhẫn. Trong khi 20 giám mục đã bỏ phiếu chống lại bản văn cơ sở về tình dục vào tháng 9 (trong khi 3 giám mục bỏ phiếu trắng), các con số gần như bị đảo ngược khi được đem ra đầu phiếu công khai ngay đối với các bản văn hành động từng bị bác bỏ. Chẳng hạn, trong cuộc bỏ phiếu ban phép lành cho người đồng tính, chín giám mục đã bỏ phiếu “Không”, nhưng 11 vị bỏ phiếu trắng. Và trong cuộc bỏ phiếu chấp nhận đưa ý thức hệ chuyển giới vào thực hành của Giáo hội, 13 giám mục đã bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có 7 giám mục bỏ phiếu chống lại biện pháp này. Trong cả hai trường hợp, nếu các giám mục bỏ phiếu trắng bỏ phiếu chống lại nghị quyết, thì nghị quyết đó sẽ không được thông qua.

Trong khi nhiều người đặt câu hỏi về tư cách đạo đức của một giám mục muốn không đồng ý với các biện pháp này nhưng đã bỏ phiếu trắng thay vì bỏ phiếu “Không” vì sợ phản ứng dữ dội, thì rất ít người bên ngoài hiểu được mức độ mà hàng giám mục Đức bị bao vây một cách hữu hiệu bởi một thế lực thù địch tích cực và mạnh mẽ của bộ máy giáo dân trong giáo hội. Làm giàu nhờ “thuế nhà thờ” do chính phủ thu, Giáo Hội Công Giáo ở Đức sử dụng 800,000 người, một con số cao gần bằng tổng số người Công Giáo Đức đi lễ hầu hết các Chúa nhật (900,000). Thực thế, nhiều nhân viên của Giáo hội ở Đức không tham gia vào các thực hành căn bản của đức tin Công Giáo, chẳng hạn như Thánh lễ Chúa nhật, cũng như không đồng ý với các tín lý cốt lõi của Giáo hội. Tuy nhiên, vì luật lao động của Giáo hội, luật này thậm chí còn được bảo vệ nhiều hơn sau khi hội đồng giám mục Đức thông qua những luật mới vào tháng 11 vừa qua, nên các giám mục có rất ít khả năng loại bỏ các tác nhân thù địch hoặc những người đi trệch khỏi đức tin.

Một điển hình có thể tìm thấy ở Cologne, nơi việc phản đối gay gắt chống lại Đức Hồng Y Rainier Maria Woelki sau khi ngài bị cáo buộc xử lý sai việc lạm dụng giáo sĩ, được nhiều người coi như một nỗ lực che đậy mỏng manh nhằm bịt miệng vị giáo phẩm vốn là người chỉ trích nổi bật Con đường Đồng nghị. Đức Hồng Y Woelki đã phải đối đầu với sự phản đối rộng rãi của các nhân viên của giáo phận thực tế đã hoàn toàn làm tê liệt thừa tác vụ của ngài. Ngài thậm chí đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã không chấp nhận nó, nhưng cũng không đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho vị giáo phẩm đang gặp khó khăn. Đức Hồng Y Woelki, có giáo phận nằm ở nơi được nhiều người coi là thủ đô “LGBTQ” của Đức, đã bỏ phiếu trắng cho nghị quyết ban phước lành cho người đồng tính tại phiên họp tháng này.

Các chiến thuật mà những người đề xướng Con đường Đồng nghị đã sử dụng phù hợp với những lời lẽ hoa mỹ trên sàn phiên họp này. Rất thường xuyên, các giám mục bị khiển trách công khai vì đã đưa ra những sửa đổi đối với các bản văn, thường xuyên bị cáo buộc là thư lại và không quan tâm đến tính đồng nghị thực sự. Trong nhiều trường hợp, còn có ngụ ý cho rằng các giám mục nên tự tử nếu họ không ủng hộ các nghị quyết liên quan đến việc ban phước cho người đồng tính và thay đổi bản dạng phái tính. Trong ít nhất một trường hợp, một giám mục đã bị chế nhạo trong một tràng pháo tay hợp xướng. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng phiên họp thứ năm và cũng là phiên họp cuối cùng này thực sự thuần thục hơn so với cuộc họp tháng 9, lúc một số giám mục từng bỏ phiếu “Không” chống lại bản văn căn bản đã bị áp lực phải thú tội trước toàn thể phiên họp.

Trên thực tế, năm cựu đại biểu đã từ chức để phản đối trước phiên họp cuối cùng, quyết định không tham gia.

Dorothea Schmidt, một trong bốn nữ đại biểu chọn không tham gia Thượng Hội đồng vào tháng Hai, nói với Register: “Những cuộc tấn công cá nhân và phỉ báng thường trút xuống chúng tôi, những người đã lên tiếng theo tinh thần giáo huấn của Giáo hội. Toàn bộ tiến trình Đồng nghị là chính trị, không phải là Đồng nghị như Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn.”

Tinh thần bất tuân

Các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị thường cẩn thận, thậm chí có chiến lược, để không vượt qua những gì họ coi là lằn ranh đỏ do Rôma vạch ra. Trường hợp rõ ràng nhất là quyết định trì hoãn việc bỏ phiếu để thành lập một hội đồng đồng nghị thường trực, điều mà Vatican đã cảnh báo rõ ràng trước khi diễn ra phiên họp. Thay vào đó, các đại biểu đã bỏ phiếu thành lập một “Ủy ban Đồng nghị”, ủy ban này sẽ được giao nhiệm vụ chuẩn bị một Hội đồng Đồng nghị thường trực có thể có, trong khi hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương đầy quyền lực của người Công Giáo Đức cố gắng thu hút sự ủng hộ đối với các đề xuất của họ ở Rôma và nước ngoài.

Trong một số trường hợp khác tại phiên họp Frankfurt, các đại biểu và các nhà lãnh đạo nói tới giáo luật, tín lý và các kỷ luật của Giáo hội, tốt nhất, như là hủ tục hành chính cần được khắc phục trên con đường dẫn đến một kết quả đã định trước, thay vì là những biểu thức đức tin hợp pháp cần được tiếp nhận và định hình theo.

Loại tinh thần bất tuân này không phải là điều mới mẻ. Các giám mục Đức từng bác bỏ Humanae Vitae và lệnh cấm tránh thai nhân tạo với “Tuyên bố Königstein” năm 1968, vốn chưa bao giờ được chính thức hủy bỏ. Người Công Giáo Đức thường xuyên nói về một loại Deutscher Katholizismus [Đạo Công Giáo Kiểu Đức] tự coi mình ở trên và vượt xa những gì Vatican hoặc phần còn lại của Giáo hội hoàn vũ phải nói.

Và, tất nhiên, có những tiền lệ cũ hơn về sự bất tuân của người Đức đối với Rôma, điều mà nhóm đối lập Maria 1.0 đã nhắc nhở các giám mục và đại biểu bên ngoài cuộc họp Thượng hội đồng bằng một tấm biển ghi: Mach nicht den Luther! (“Đừng làm Luther!”) (xem hình).

Trong những tuần sau khi phiên họp kết thúc, tinh thần bất tuân đã bộc phát một cách cụ thể hơn. Bất chấp tuyên bố năm 2021 của Vatican rằng “Giáo hội không có, và không thể có, quyền ban phước cho sự kết hợp của những người đồng tính” và Đức Hồng Y Pietro Parolin nhấn mạnh rằng các giám mục Đức không thể làm gì về vấn đề này nếu không có Giáo hội hoàn vũ, Đức Giám Mục Georg Bätzing nhấn mạnh trên truyền hình Đức rằng việc thực hành sẽ diễn ra ở Đức, dù có hay không có sự chấp thuận của Vatican.

“Chúng tôi sẽ thực hiện nó ở đây,” Giám mục Bätzing nhắc lại khi trả lời câu hỏi liệu ngài có chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đồng ý hay không.

Mặc dù mô tả Con đường Đồng nghị là duy ưu tú, ý thức hệ, không nghiêm túc và không hữu ích, nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa thực hiện bất cứ can thiệp cụ thể nào vào tình trạng của Giáo hội ở Đức. Những người Công Giáo trên thực địa chấp nhận đức tin phổ quát đang khao khát có sự can thiệp, nhưng không tin rằng sẽ có sự giúp đỡ. Các cuộc thảo luận về việc “rời khỏi Giáo hội để vẫn còn là Công Giáo,” hoặc không liên kết với guồng máy Công Giáo được công nhận hợp pháp ở Đức để không bị tội đồng lõa với chủ nghĩa dị giáo tràn lan của nó, đang lan rộng trong nhóm này, cũng như các câu hỏi về việc được chuyển đến các giáo phận chính thống hơn, hoặc thậm chí ở nước ngoài.

Nếu sự rõ ràng và sửa sai từ Rôma không đến sớm, nhiều người lo sợ rằng cùng một nền thần học đáng ngờ, chiến thuật Orwell và tinh thần bất tuân được biểu lộ bởi Con đường Đồng nghị ở Đức sẽ sớm lan rộng ở những nơi khác. Và vì lý do chính đáng: Các thượng hội đồng Đức minh nhiên cho thấy rằng đây là mục tiêu của họ.

Các cuộc thảo luận ở Frankfurt đã đụng đến các chiến lược của Con đường Đồng nghị nhằm thu hút sự ủng hộ đối với các đề xuất của nó ở Rôma và xa hơn thế nữa, vì nhiều mục tiêu của nó - chẳng hạn như phong chức cho phụ nữ hoặc chấm dứt tình trạng độc thân của linh mục - sẽ cần có sự chấp thuận ở bình diện hoàn cầu. Khả năng tạo “video quảng cáo” thậm chí đã được đề cập. Nhiều lần, các đại biểu của Con đường Đồng nghị đã nói về công việc khiêu khích của họ là cần thiết để dẫn đến những thay đổi trong giáo huấn và thực hành của Giáo hội ở những nơi khác trên thế giới.

Nó phản ảnh một vần điệu ngắn nổi tiếng của Kaiser Wilhelm II vào năm 1907, mà chính nhiều người Công Giáo Đức cho rằng vẫn còn đặc trưng cho não trạng của người Đức: Am deutschen Wesen mag die Welt genesen (“Phong cách sống của người Đức sẽ chữa lành thế giới”).

Hoặc, trong trường hợp này, cách “khác biệt” làm Công Giáo của Con đường Đồng nghị Đức sẽ lây nhiễm ra khắp Giáo hội.
 
Đức Thánh Cha gửi thuốc đến Thổ Nhĩ Kỳ cho nạn nhân động đất
Thanh Quảng sdb
19:25 28/03/2023
Đức Thánh Cha gửi thuốc đến Thổ Nhĩ Kỳ cho nạn nhân động đất

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi mười nghìn loại thuốc đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nạn nhân trận động đất lớn hồi tháng Hai. Hội Từ Thiện của Đức Thánh Cha đã phối hợp với Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ nhận thuốc, trong khi đó, các Giám mục Ý cũng bắt tay vào một chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ người dân ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

(Tin Vatican - Benedetta Capelli)

Thánh bộ Bác ái đang gửi thuốc men đến Istanbul theo ý muốn của Đức Thánh Cha để giúp đỡ các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ngày 6 tháng 2 ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khiến 50.000 người thiệt mạng.

Một chuyến hàng ban đầu đã khởi hành vào ngày hôm qua và nhiều chuyến hàng khác đang tiếp tục được gửi đi hôm nay. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Tòa thánh đã cung cấp hướng dẫn về 10.000 loại thuốc cần thiết nhất đã được gửi.

Nước láng giềng Syria, bị tàn phá bởi trận động đất và chiến tranh với 15 triệu người đang gặp nạn, trước đây đã nhận được viện trợ tài chính từ Đức Đức Thánh Cha nhờ Sứ thần Tòa thánh, cơ quan giúp điều phối quá trình giúp đỡ nạn nhân.

“Chúng tôi gửi viện trợ qua máy bay Thổ Nhĩ Kỳ,” Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người phát nguyện của Đức Đức Thánh Cha cho hay. Nỗ lực này có thể thực hiện được là nhờ sự giúp đỡ của các tình nguyện viên."

Các thùng thuốc gửi đi Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay sau trận động đất vào tháng Hai khiến gần hai triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ phải sơ tán, Thánh bộ Bác ái đã gửi thuốc men cũng như thực phẩm như gạo và cá, áo giữ nhiệt, tã lót và nhiều vật liệu khác cho mùa đông. Đồng thời, Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, cũng bắt đầu sứ vụ của mình ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cứu trợ của các Giám mục Ý cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Chúa nhật tuần trước, các giáo xứ trên khắp nước Ý đã thực hiện đợt quyên góp đầu tiên dành cho nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, theo một dự án được thực hiện bởi Hội đồng Giám mục Ý. Việc gây quỹ trở thành "một dấu hiệu cụ thể của tình liên đới với sự tham gia của tất cả các tín hữu trong việc cung cấp các nhu cầu vật chất và tinh thần" cho các nạn nhân trận động đất. Chiến dịch gây quỹ quyên góp sẽ tiếp tục cho đến ngày 30 tháng 4 năm 2023. Caritas Ý cũng đang hỗ trợ nỗ lực này www.caritas.it để đáp ứng ngay những nhu cầu cấp thiết nhất, Hội đồng Giám mục Ý đã trích 500.000 euro từ quỹ “8xmille” của mình để hỗ trợ cho các nạn nhân trước.
 
VietCatholic TV
Tư Lệnh Cảnh Sát Nga chắc mất mạng. Xe tăng phương Tây lũ lượt tràn vào Ukraine. Hậu vận của Putin
VietCatholic Media
03:26 28/03/2023


1. Nga pháo kích dữ dội vào Kyiv để trả thù cho Tư Lệnh Cảnh Sát Nga có lẽ đã thiệt mạng

Nhiều vụ nổ đã được báo cáo ở Kyiv, Ukraine, vào tối thứ Hai 27 tháng Ba theo giờ địa phương, thị trưởng thành phố Vitaliy Klitschko đã cho biết như trên.

“Các vụ nổ ở thủ đô, ban đầu là ở khu dân cư Obolon và Sviatoshynskyi. Tất cả các dịch vụ đang được gửi đến hiện trường”, Klitschko nói.

Klitschko cho biết tại khu dân cư Sviatoshynskyi, các dịch vụ cứu hỏa và cấp cứu đang ứng phó với hiện trường vụ cháy tòa nhà.

“Sơ bộ, không có thương vong,” ông nói.

Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kyiv cho biết trên Telegram rằng còi báo động không kích của thành phố đã được kích hoạt trước các vụ nổ.

“Mối nguy hiểm ở khu vực giáp ranh với thủ đô vẫn còn! Lực lượng phòng không đang trong tình trạng báo động”.

Các phương tiện truyền thông Nga cho rằng vụ tấn công vào Kyiv là để trả thù cho vụ nổ bom nhằm lấy mạng Tư Lệnh Cảnh Sát Nga Mikhail Moskvin ở thành phố Mariupol.

Thị trưởng Vadym Boychenko của hội đồng thành phố Mariupol cho biết lúc 8:07 sáng ngày thứ Hai 28 tháng Ba, theo giờ địa phương, ở khu vực chợ Bakhchivanji ở quận Prymorskyi, trên đại lộ Budivelnykiv “Lực lượng kháng chiến Mariupol tấn công Mariupol bị xâm lược, làm nổ tung chiếc xe của một trong những sĩ quan hàng đầu,” là.

Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Moskvin còn sống vì ông ta đứng bên ngoài chiếc xe khi nó phát nổ. Tuy nhiên, Boychenko bác bỏ khả năng này vì quả bom được điều khiển từ xa. Lực lượng kháng chiến Mariupol không kích nổ trái bom khi Moskvin đã ra khỏi xe.

Vụ tấn công trả đũa vào Thủ đô Kyiv dường như cũng gián tiếp xác nhận cái chết của Moskvin.

2. Ukraine nhận xe tăng đầu tiên của Anh và các phương tiện bọc thép khác

Ukraine đã nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của Anh, cùng với các phương tiện bọc thép khác do phương Tây tài trợ, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov thông báo hôm thứ Hai.

“Hôm nay, tôi vinh dự được thử nghiệm thiết bị mới nhất bổ sung cho các đơn vị thiết giáp của chúng ta cùng với chỉ huy Lực lượng Dù, Thiếu tướng Maksym 'Mike' Myrhorodskyi và những người lính dù của chúng ta,” Reznikov cho biết như trên.

Ông xác định rằng họ đã nhận được Challengers là xe tăng chiến đấu chủ lực từ Vương quốc Anh, xe chiến đấu bộ binh Strykers, xe chuyển quân Cougars thuộc dòng xe tăng bảo vệ chống phục kích từ Hoa Kỳ, và xe chiến đấu bộ binh Marders từ Đức.

Reznikov đã cảm ơn các đồng minh vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

“Cách đây một năm, không ai có thể ngờ rằng sự hỗ trợ của các đối tác lại mạnh mẽ như vậy. Rằng toàn bộ thế giới văn minh sẽ khởi động lại và cuối cùng chống lại kẻ xâm lược đẫm máu, quốc gia khủng bố Nga,” ông nói. “Năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Ukraine đã thay đổi thế giới. Sự kiên cường của người dân Ukraine và kỹ năng của quân đội chúng ta đã thuyết phục mọi người rằng Ukraine sẽ chiến thắng”.

Ông nói thêm rằng “thiết bị mới sẽ giúp đồng hành tốt với các 'anh em' của nó trên chiến trường.”

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức cũng đã giao xe tăng Leopard 2 mà Đức đang tìm kiếm cho Ukraine.

“Vâng, chúng ta đã giao xe tăng Leopard như chúng ta đã thông báo,” Scholz nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Rotterdam hôm thứ Hai. Đức trước đó đã cam kết cung cấp 18 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Các xe tăng hiện đại được biết đến với tốc độ nhanh và tiết kiệm nhiên liệu.

“Đức và Hà Lan đã cùng chuyển giao pháo và đạn dược và đang chuẩn bị, cùng với Đan Mạch, chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 để hỗ trợ Ukraine,” Scholz nói, đồng thời cho biết thêm rằng xe tăng Leopard 1 mà Đức “sắp chuyển giao” cũng “rất hiện đại”.

Một số thông tin cơ bản: Sự xuất hiện của xe tăng Leopard 2 diễn ra sau nhiều tháng tranh luận. Các quan chức Đức do dự trong việc gửi xe tăng tới Ukraine, nói rằng họ đang đợi Mỹ gửi M1 Abrams của riêng mình tới Kyiv.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi các nước ngừng tranh cãi về việc gửi xe tăng.

“Chúng ta đã nói hàng trăm lần về tình trạng thiếu vũ khí,” ông nói trong một lần xuất hiện trực tuyến tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng Giêng. “Chúng ta không thể chỉ dựa vào động lực.”

3. Nhà phân tích Nga cho rằng Putin sẽ bị lấy mạng trước khi xảy ra bất kỳ phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh nào

Lệnh bắt giữ Putin của ICC đang tiếp tục gây ra những hậu quả kinh hoàng đối với cá nhân Putin và nỗ lực chiến tranh của ông ta. Phe đối lập Nga cho rằng Putin là một tên tội phạm bị quốc tế truy nã không có tư cách ra ứng cử tổng thống vào tháng Ba năm tới. Truyền thông Nga hôm Chúa Nhật cũng đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã cách chức chỉ huy quân khu phía đông, Trung tướng Rustam Muradov. Như thế, là chỉ mới 6 tháng, Trung tướng Rustam Muradov đã bị cách chức đến hai lần.

Tuy nhiên, theo một cựu chỉ huy Nga là Igor Girkin, Trung tướng Rustam Muradov tỏ ra rất vui khi bị cách chức lần thứ hai. Theo lập luận của Igor Girkin, Putin không chính thức tuyên chiến với Ukraine mà chỉ gọi cuộc xâm lược là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Các tướng lãnh, là những người có khả năng bị truy tố nhất ngay sau Putin, đang thấy mình đứng trước một tai họa kinh hoàng. Làm sao một tướng lĩnh có thể ra lệnh bắn chết những công dân của một quốc gia có chủ quyền khi chưa chính thức tuyên chiến? Điều này lập tức khiến anh ta trở thành tội phạm chiến tranh.

Các bloggers quân sự Nga chê Trung tướng Rustam Muradov đã phạm các sai lầm chiến thuật dẫn đến việc Nga mất hàng trăm xe tăng trong trận chiến ở thành phố Vuhledar. Gần đây, họ cáo buộc ông Trung Tướng bị khủng hoảng trước lệnh bắt giữ Putin của ICC đã để mặc cho các đơn vị Nga tùy nghi di tản.

Trong bối cảnh đó, tờ Newsweek vừa có thêm các chi tiết khác liên quan đến lệnh bắt giữ Putin của ICC trong bài tường trình nhan đề “Putin Will be Taken Out Before Any War Crimes Trial—Russia Analyst”, nghĩa là “Nhà phân tích Nga cho rằng Putin sẽ bị lấy mạng trước khi xảy ra bất kỳ phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể bị giới tinh hoa của đất nước “bịt miệng” trước khi ông có cơ hội đối mặt với công lý tại tòa án ở The Hague, một nhà phân tích Nga đã nhận định như trên.

Putin đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật toàn cầu vào ngày 18 tháng 3 khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, buộc tội bắt cóc bất hợp pháp trẻ em từ Ukraine sang Nga trong cuộc xâm lược toàn diện của ông ta vào quốc gia láng giềng.

Lệnh bắt giữ về mặt pháp lý bắt buộc 123 quốc gia thành viên của ICC phải thực hiện lệnh bắt giữ cả Putin và ủy viên tổng thống Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova.

Tất cả các quốc gia ICC - bao gồm mọi thành viên của Liên minh Âu Châu, hầu hết các quốc gia Phi Châu, tất cả các quốc gia Latinh và Nam Mỹ ngoại trừ Cuba và Nicaragua, và thậm chí cả Tajikistan - đều được pháp luật yêu cầu bắt giữ Putin nếu ông bước chân vào lãnh thổ của họ, Trung tâm nghiên cứu Âu Châu Phân tích Chính sách, gọi tắt là CEPA, cho biết như trên.

Tuy nhiên, có khả năng nhà lãnh đạo Nga không đến được The Hague.

Vlad Mykhnenko, một chuyên gia về quá trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tại Đại học Oxford của Vương quốc Anh, nói với Newsweek rằng Putin có thể bị siloviki, một nhóm ưu tú gồm các doanh nhân và lãnh đạo Nga, buộc phải im lặng.

Mykhnenko nói: “Với những mối quan hệ rộng rãi của Putin trên khắp Âu Châu và những gì ông ấy có thể nói với các thẩm phán về tham nhũng và những giao dịch mờ ám giữa Mạc Tư Khoa và các thủ đô lớn của phương Tây, sẽ có rất nhiều động lực để buộc ông ấy phải im lặng trước The Hague”.

Mykhnenko cũng nhận định rằng lệnh bắt giữ của ICC đã khiến nhà lãnh đạo Nga “cực kỳ dễ bị tổn thương” ở quê nhà.

Mạc Tư Khoa không công nhận quyền tài phán của ICC hoặc dẫn độ công dân của mình. Tuy nhiên, Mykhnenko lưu ý rằng Putin có thể bị bắt và đưa ra tòa tại The Hague nếu ông ta bị phế truất quyền lực, hoặc nếu giới tinh hoa của Nga gài bẫy để lật đổ ông ta khỏi quyền lực.

Nếu Putin mạo hiểm đến thăm các nước thành viên ICC và “gặp rắc rối”, thì đó có thể là kết quả của việc siloviki sắp đặt để bắt giữ ông ta “nhằm loại bỏ ông ta” hoặc để thiết lập lại mối quan hệ của Nga với phương Tây, Mykhnenko nói.

Ông nói: “Có thể dễ dàng tìm ra một người thay thế, người thậm chí có thể hứa hẹn 'trả thù' cho sự ra đi của nhà lãnh đạo kính yêu, nhưng chỉ để diễn xuất mà thôi.

Mykhnenko cho biết trong bối cảnh Điện Cẩm Linh đang cố gắng bác bỏ lệnh bắt giữ của ICC dưới sự phản đối của dư luận, ông nhận thấy những nhận xét gần đây của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev là “khá bất thường” và để lộ thâm ý ông ta muốn làm tổng thống thêm một lần nữa.

Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga và cũng là thủ tướng trong 8 năm, đã cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Putin theo lệnh của ICC sẽ dẫn đến một lời tuyên chiến chống lại Nga.

“Ông ấy nhảy vào để tuyên bố mình 'thánh thiện hơn cả Giáo hoàng', nồng nhiệt hơn cả Putin, như thể muốn ám chỉ rằng - bất kể điều gì xảy ra với Putin - tôi có thể trở lại vị trí số một, bạn có thể tin tưởng tôi, người cực kỳ yêu nước..” Mykhnenko nói.

“Trong cùng cuộc họp với những người đứng đầu tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, ông ta cũng cố gắng bắt họ phải làm việc chăm chỉ hơn, 'sản xuất 1.500 xe tăng trong năm nay và những năm sau', bằng cách trích dẫn hai bức điện đáng sợ trong Thế chiến thứ hai của Stalin gửi cho các giám đốc điều hành khác nhau của các nhà máy sản xuất xe tăng và máy bay, đe dọa giết chết 'những đồng chí lười biếng' trừ khi họ hoàn thành hạn ngạch sản xuất.

Mykhnenko nói thêm: “Vì vậy, Medvedev tiếp tục những nỗ lực không có kết quả cho đến nay của mình để thu hút siloviki, để tỏ ra cứng rắn và không khoan nhượng khi đối mặt với đối phương phương Tây của Nga.”

Hôm thứ Bảy, Vyacheslav Volodin, một đồng minh của Putin và là chủ tịch quốc hội Nga, đã đề xuất cấm các hoạt động của ICC.

“Cần phải sửa đổi luật cấm bất kỳ hoạt động nào của ICC trên lãnh thổ nước ta,” Volodin cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

4. Vụ nổ làm rung chuyển thành phố Melitopol do Nga xâm lược

Cả quan chức Ukraine và Nga đều thông báo về các vụ nổ vào sáng thứ Hai tại thành phố Melitopol bị xâm lược ở khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine.

“Đã có một số vụ nổ trong thành phố...Chúng tôi đang tìm hiểu xem lần này đối phương đang bị đốt cháy thứ gì,” thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov, người không ở trong thành phố, cho biết trong cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí Kyiv.

Các video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy khói dày bốc lên ở giữa thành phố, nơi tập trung lực lượng xâm lược của Nga cách tiền tuyến gần 100 km.

Vladimir Rogov, một quan chức do Nga bổ nhiệm tại khu vực bị xâm lược của vùng Zaporizhzhia, cho biết có những tiếng nổ “ầm ĩ” trong thành phố vào khoảng 8:15 sáng giờ địa phương.

Rogov cho biết “hệ thống phòng không đã hoạt động” nhưng ông cũng đăng tải video về các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc tại địa điểm xảy ra vụ không kích. Ông cho biết “thông tin về thương vong và thiệt hại đang được làm rõ”.

Ông nói: “Các chiến binh của lực lượng vũ trang Ukraine đang cố gắng chống lại dân thường trong cơn thịnh nộ bất lực, khiến họ khiếp sợ bằng cách nã pháo vào họ bằng vũ khí hạng nặng.

Chính quyền địa phương do Nga chỉ định cho biết một tòa nhà ở trung tâm Melitopol “đã bị phá hủy một phần”.

“Theo thông tin sơ bộ, bốn người bị thương và một số tòa nhà bị hư hại.”

Rogov cho biết tòa nhà bị tấn công nằm gần một trường cao đẳng nơi các lớp học đang diễn ra. Nhưng Fedorov cho biết tòa nhà đã bị lực lượng an ninh Nga xâm lược dùng làm trại lính.

5. Zelenskiy cáo buộc Nga tống tiền bức xạ sau chuyến công du Zaporizhzhia và Dnipro

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy cảm ơn Tổng thư ký Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, vì sự hỗ trợ của ông và cáo buộc Nga tống tiền hạt nhân đối với việc kiểm soát một trong các Nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Các cáo buộc được đưa ra sau khi Zelenksy đến thăm các vùng Zaporizhzhia và Dnipro.

“Tôi đã gặp người đứng đầu IAEA, Rafael Grossi. Chủ đề rất rõ ràng: an ninh của ngành năng lượng, các nhà máy hạt nhân của chúng ta. Trước hết, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, mà Nga vẫn sử dụng để tống tiền thế giới bằng bức xạ,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm từ Dnipro hôm thứ Hai. “Không có kẻ khủng bố nào khác đạt đến độ sâu trắng trợn như vậy, trong đó Nga không ngừng tìm kiếm và tìm thấy một mức độ mới.”

Zelenskiy cho biết việc Nga xâm lược nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đe dọa an ninh toàn cầu.

Ông nói: “Giữ một nhà máy điện hạt nhân làm con tin trong hơn một năm là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong lịch sử của Âu Châu và trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân toàn cầu nói chung. “Việc Nga tiếp tục chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia càng lâu thì mối đe dọa đối với an ninh của Ukraine, toàn bộ Âu Châu và thế giới sẽ càng lớn”.

“Tôi biết ơn các đối tác của chúng ta, biết ơn Grossi vì đã hiểu điều này và hỗ trợ Ukraine trong các vấn đề liên quan,” Zelenskiy nói.

Cuộc gặp của Zelenskiy với Grossi diễn ra trước chuyến thăm của Grossi tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào cuối tuần.

Zelenskiy đã gặp gỡ các binh sĩ tiền tuyến, thăm một bệnh viện quân sự ở Zaporizhia và chứng kiến tác động của cuộc pháo kích của Nga ở Marhanets và Nikopol. Ông cũng tổ chức một cuộc họp Nội các ở Dnipro.

“Tôi vừa tổ chức một cuộc họp của Ban tham mưu - lần đầu tiên ở xa, ở Dnipro. Ngay tại đây - tại thành phố chiến lược của miền trung đất nước chúng ta, sau khi thăm Marhanets và Nikopol, Zaporizhzhia, các vị trí tiền tuyến của các chiến binh của chúng ta ở vùng Zaporizhzhia, “ ông nói. “Chỉ huy các khu vực tác chiến đã báo cáo tình hình thực tế.”

“Mọi chỉ huy đều hiểu rằng đối phương phải chịu trách nhiệm về mọi cuộc tấn công vào các thành phố và làng mạc của chúng ta, vào người dân của chúng ta. Vì Slovyansk, vì Kostiantynivka và Druzhkivka, vì Avdiivka và Toretsk, vì tất cả nỗi đau của người Ukraine – và không chỉ trong cuộc chiến toàn diện, mà còn kể từ năm 2014,” ông nói.

6. Zelenskiy thăm thành phố tiền tuyến Nikopol

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm thành phố tiền tuyến Nikopol, thuộc vùng Dnipropetrovsk, vào hôm thứ Hai.

Nikopol nằm trên bờ sông Dnipro và nằm đối diện với Enerhodar, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Thành phố liên tục bị pháo kích bởi lực lượng Nga từ bên kia sông.

“Nguyên thủ quốc gia đã quan sát tình hình ở quận Nikopol, hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố của đối phương vào Nikopol, Marhanets và các khu định cư khác trong khu vực,” văn phòng của Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố. “Tổng thống được thông báo rằng gần 5.000 tòa nhà trong quận đã bị phá hủy, bao gồm cả các cơ sở y tế và giáo dục.”

7. Lãnh đạo phe đối lập Belarus: Quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus “vi phạm an ninh quốc tế”. Chừng nào ông ta chưa bị bắt, còn nhiều chiêu trò nguy hiểm.

Quyết định của Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus “nhằm mục đích khuất phục Belarus và vi phạm hiến pháp của nước này”, lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Hai.

Tsikhanouskaya nói: “Điều đó vi phạm an ninh quốc tế và tất nhiên là đi ngược lại ý nguyện của người dân. Chúng tôi không phải là một quốc gia hạt nhân và chúng tôi không muốn triển khai vũ khí hạt nhân tại quốc gia của mình.”

Thảo luận về tình hình ở Ukraine, Tsikhanouskaya gọi nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko là “đồng lõa hoàn toàn trong cuộc chiến” và là người “thực hiện mọi mệnh lệnh của Putin”.

Cô ấy cũng tuyên bố rằng cho đến nay đúng là Lukashenko chưa gởi quân tham chiến ở Ukraine, nhưng không thể vì thế mà có thể tin tưởng được ông ta. Chừng nào Putin chưa bị bắt, ông ta còn nhiều chiêu trò nguy hiểm, với sự phụ họa của Lukashenko.

“Đó là lời kêu gọi của những người Belarus phản đối cuộc chiến này và những người lính của chúng ta, những người không có tâm trạng chống Ukraine. Họ không muốn giết hoặc bị giết trên chiến trường vì tham vọng của hai nhà lãnh đạo này.”

Theo Tsikhanouskaya, Lukashenko “chịu trách nhiệm về tội ác xâm lược Ukraine và phải được gọi là nhà tài trợ khủng bố.”

Nhà lãnh đạo phe đối lập lưu ý rằng tình trạng nhân quyền ở Belarus “đang bị bỏ qua” do xung đột ở Ukraine và “không phải tất cả các chính trị gia đều hiểu vai trò của Belarus đối với hòa bình và an ninh khu vực.”

Cô nhấn mạnh rằng người dân Belarus “không chỉ chiến đấu chống lại chế độ của Lukashenko mà còn chống lại sự xâm lược hỗn hợp của Nga ở Belarus.”

8. Tòa Bạch Ốc: Mỹ không thay đổi quan điểm nhưng giám sát chặt chẽ kể từ tuyên bố vũ khí hạt nhân của Putin

“Tư thế răn đe chiến lược” của Mỹ đối với Nga không thay đổi sau khi Tổng thống Nga Vladmir Putin tuyên bố kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Hôm thứ Bảy, ông Putin nói với truyền hình nhà nước Nga rằng Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng Bảy.

Kể từ tuyên bố của Putin, Hoa Kỳ đã không quan sát thấy dấu hiệu của bất kỳ chuyển động cụ thể nào của vũ khí hạt nhân hoặc ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, theo điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về truyền thông chiến lược John Kirby.

“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ chuyển động nào của bất kỳ loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nào kể từ thông báo này, và chúng tôi chắc chắn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, Kirby nói với các phóng viên.

Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi điều này rất, rất chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy điều gì có thể khiến chúng ta thay đổi tư thế răn đe chiến lược của mình.”
 
Lữ Đoàn xe tăng Nga vừa tan tành. Mỹ dự đoán Putin sẽ đầu hàng hay bị bắt khi Kyiv tổng phản công
VietCatholic Media
16:51 28/03/2023


1. Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi 41 cuộc tấn công của Nga ở Bakhmut, Avdiivka và Mariinka. Lữ Đoàn xe tăng Nga tan tành ở Avdiivka

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 28 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân Ukraine đã đẩy lùi 41 cuộc tấn công của lực lượng Nga tại các khu vực Bakhmut, Avdiivvka và Mariinka của Donetsk trong 24 giờ qua.

“Đối phương đang tập trung nỗ lực chính vào các hành động tấn công trên các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Mariinka. Cuộc giao tranh khốc liệt nhất vẫn tiếp diễn ở Bakhmut, Avdiivka và Mariinka.”

Theo quân đội Ukraine, quân đội Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut. Các lực lượng Nga cũng đang gây áp lực lên vùng ngoại ô Ivanivske của Bakhmut và các địa điểm nơi có các đường tiếp tế đi vào Bakhmut.

Diễn biến mới nhất là Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, đã có chuyến thăm các binh sĩ tại thành phố Bakhmut vào ngày 28 tháng Ba.

Trong cuộc gặp gỡ quân phòng thủ Ukraine, ông nói “Làm tiêu hao đối phương là nhiệm vụ chính ở khu vực Bakhmut.”

Theo ông, quân Nga vì sĩ diện vẫn đang tập trung lực lượng chính vào trục Bakhmut, âm mưu bao vây và chiếm lấy thành phố.

Theo bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh, khi thấy quân Wagner có vẻ như sắp chiếm được thành phố Bakhmut, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã hối hả lên kế hoạch đánh thành phố Vuhledar để cũng có một chiến thắng như trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Không may cho ông ta, là quân Nga đại bại ở thành phố Vuhledar đến mức Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 bị khai tử.

Đánh thành phố Vuhledar không xong, ông ta chuyển quân qua thành phố Bakhmut, tìm cách cướp công của quân Wagner ở thành phố này. Tuy nhiên, chiến trường ở đây cũng gay go không kém khi quân Ukraine quyết tâm giữ thành phố này.

Từ hôm 20 tháng Ba, Shoigu rút bớt quân để quay sang đánh thành phố Avdiivka. Kết quả như thế nào? Trong bản tin tình báo ngày 28 tháng Ba, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau::

Trong những ngày gần đây, Nga tiếp tục ưu tiên cho chiến dịch nhằm bao vây thị trấn Avdiivka của tỉnh Donetsk. Tuy nhiên, các lực lượng Nga chỉ đạt được tiến bộ nhỏ với cái giá phải trả là tổn thất nặng nề các xe bọc thép.

Trung đoàn xe tăng số 10 của Nga có thể đã mất một lượng lớn xe tăng khi cố gắng bao vây Avdiivka từ phía nam. Trung đoàn là một phần của Quân đoàn 3, đại đơn vị mới đầu tiên mà Nga dựng nên kể từ tháng 8 năm 2022 để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine.

Nhiều tài khoản nguồn mở cho rằng Quân đoàn 3 đã đặc biệt mắc phải các vấn đề về kỷ luật kém và tinh thần thấp. Mặc dù có thể đã trải qua một thời gian huấn luyện ở Belarus, nhưng đơn vị dường như vẫn thể hiện hiệu quả chiến đấu hạn chế.

Tổn thất của Trung đoàn xe tăng 10 có thể phần lớn là do các cuộc tấn công trực diện yếu kém về mặt chiến thuật tương tự như trong các cuộc tấn công thiết giáp thất bại gần đây của Nga, chẳng hạn như xung quanh thị trấn Vuhledar.

Trong 24 giờ qua, quân Nga đã mất 570 binh sĩ, cùng 7 xe tăng, 13 xe thiết giáp, 15 hệ thống pháo, và 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 28 tháng Ba, khoảng 171.730 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Quân đội Ukraine đã tiêu diệt 3.602 xe tăng Nga, 6.966 xe thiết giáp, 2.653 hệ thống pháo, 525 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 277 hệ thống phòng không, 305 máy bay, 291 máy bay trực thăng, 2.235 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.502 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 287 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Sáng thứ Ba 28 tháng Ba, Tổng thống Zelenskiy đã đến thăm Trostianets, thuộc khu vực Sumy.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm thành phố Trostianets ở vùng Sumy, nơi đã được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga một năm trước.

“Người Ukraine đã chiến đấu – Người Ukraine đang chiến đấu! – cho tự do như một phần của Lực lượng Quốc phòng và An ninh và hay đơn giản là các công dân trên đường phố, trong sân của họ, trên cánh đồng của họ. Ngay tại đây, trong cuộc chiến giành những thành phố như vậy, vì những thị trấn như vậy. Trong trận chiến giành Trostyanets của chúng ta, và các thành phố khác của vùng Sumy, trong trận chiến giành vùng Kyiv, Hostomel, trong trận chiến giành vùng Chernihiv của chúng ta – nhân dân của chúng ta đã chứng minh rằng kẻ xâm lược này sẽ bị chúng ta đánh bại, bởi tinh thần của chúng ta, bởi lòng dũng cảm của chúng ta. Đó là tính cách của người Ukraine. Người dân của chúng ta đã chứng minh điều đó, các chiến binh của chúng ta đã chứng minh điều đó.

“Tính cách của Ukraine đã chiến thắng vào mùa xuân năm ngoái và chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này,” Zelenskiy nói thêm.

Một đoạn video cũng được công bố về bài phát biểu của Tổng thống tại nhà ga đường sắt địa phương, nơi trước đây đã bị quân xâm lược Nga làm hư hại. Tại địa điểm này, Zelenskiy đã trao giải thưởng cho một số người bảo vệ Ukraine.

Như đã đưa tin trước đó, thành phố Trostianets ở vùng Sumy đã bị lực lượng xâm lược của Nga xâm lược vào ngày 1 tháng 3 năm 2022. Chỉ hơn 3 tuần sau, vào ngày 26 tháng 3, Quân đội Ukraine đã giải phóng khu định cư này.

2. Ukraine không quên chuyện sáp nhập Crimea

Trong khi cơn thịnh nộ của cuộc xung đột vang vọng khắp khu vực Donbas phía đông, một cuộc chiến rất khác đang diễn ra ở Crimea: một trong những vụ nổ ban đêm, phá hoại và thông tin sai lệch.

Giành lại Crimea có vẻ như là một nhiệm vụ khó xảy ra đối với Ukraine nhưng quốc gia này vẫn đang nỗ lực đáng kể để làm cho sự xâm lược của Nga trở nên khó chịu nhất có thể. Và người Nga sẽ nỗ lực hết sức để củng cố bán đảo mà họ đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

Điều đó bao gồm việc thuê nhiều công nhân để xây dựng công sự và chiến hào.

Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công ở Crimea với hai mục tiêu: quấy rối hạm đội Hắc Hải của Nga và phá vỡ các tuyến tiếp tế quan trọng của Nga.

Hình ảnh vệ tinh hồi tháng 2 cho thấy Nga đã tăng cường đáng kể thiết bị và thiết giáp tại một số điểm trên khắp miền bắc Crimea.

Một vài chi tiết đã xuất hiện về các cuộc tấn công của Ukraine ở Crimea. Chỉ thỉnh thoảng video truyền thông xã hội không chính thức cung cấp manh mối về những gì đã bị tấn công. Quan chức Ukraine thường thận trọng khi đề cập đến bất kỳ hành động nào ở Crimea.

Nhưng tuần trước, Cơ quan tình báo của Ukraine đã báo cáo rằng các vụ nổ ở thị trấn Dzhankoy của Crimea là do một cuộc tấn công nhằm vào các hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt. Họ cho biết cuộc tấn công là nhằm “phi quân sự hóa Nga và chuẩn bị bán đảo Crimea cho việc phi xâm lược.”

Bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine nhằm “giải phóng” và giành lại Crimea đều gây ra các phản ứng quyết liệt từ Nga. Chỉ trong tuần này, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, đã cảnh báo rằng Nga sẽ sử dụng “bất kỳ loại vũ khí nào” nếu Ukraine cố chiếm lại Crimea.

Nhưng người Nga không mạo hiểm. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công sự phòng thủ rộng lớn như chiến hào gần hoặc ở Crimea, gần thị trấn Armiansk chẳng hạn.

Một số thông tin cơ bản: Crimea từ lâu đã được coi là khu vực bán tự trị với Ukraine khi Nga tuyên bố sáp nhập lãnh thổ này vào tháng 3 năm 2014. Lãnh thổ này nằm trên một bán đảo ở bờ biển phía bắc của Hắc Hải, có đa số người Nga sinh sống và có tầm quan trọng đối với Nga với tư cách là cảng nhà của Hạm đội Hắc Hải. Việc sáp nhập đã gây ra sự phản đối kịch liệt của quốc tế. Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu cáo buộc Putin vi phạm chủ quyền và độc lập của Ukraine.

3. Đức phản đối kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus của Putin là “vô trách nhiệm” và “leo thang”

Đức mô tả thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus là “vô trách nhiệm” và “leo thang”.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết thông báo này là một “nỗ lực tiếp theo nhằm đe dọa hạt nhân từ Nga.”

“Chúng tôi coi những lời hoa mỹ này là vô trách nhiệm và thẳng thừng phản đối. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không bị lung lay trong quá trình hỗ trợ Ukraine tự vệ.”

Bộ Ngoại Giao Đức cho rằng trò này “luôn luôn là một phần của phương pháp tuyên truyền”.

“Đây là những bước leo thang hiện đang được phía Nga tiếp tục, ít nhất là về mặt khoa trương. Nguyên nhân, trách nhiệm cho cuộc xung đột này hoàn toàn nằm ở Mạc Tư Khoa.”

Putin đã công bố vào thứ Bảy kế hoạch của Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Quốc gia láng giềng với Nga này và là một trong những đồng minh thân cận nhất của họ, đã giúp nước này tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Belarus đã không có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình kể từ đầu những năm 1990, khi nước này đồng ý chuyển giao tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt từ thời Liên Xô cho Nga. Putin cho biết hôm thứ Bảy rằng Nga sẽ duy trì quyền kiểm soát đối với bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào đóng tại Belarus.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với CNN rằng họ sẽ “tiếp tục theo dõi tác động” của kế hoạch của Nga nhưng sẽ không điều chỉnh chiến lược vũ khí hạt nhân của mình.

“Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố với CNN hôm thứ Bảy.

4. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ giải thích tại sao đẩy mạnh phản công của Ukraine có thể khiến Putin chấp nhận thất bại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Ukraine Counteroffensive Push Could See Putin Accept Defeat—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ giải thích tại sao đẩy mạnh phản công của Ukraine có thể khiến Putin chấp nhận thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một đánh giá mới, một cuộc phản công thành công của Ukraine “gần như chắc chắn” là cần thiết để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chấm dứt chiến tranh thông qua đàm phán hoặc thất bại quân sự.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận định “có khả năng là cần thiết” rằng Kyiv phải có nhiều chiến thắng quan trọng trước các lực lượng Nga ở Ukraine để đạt được một giải pháp, hoặc Điện Cẩm Linh chấp nhận rằng quân đội của họ không thể giành chiến thắng.

Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Ukraine từ lâu đã thảo luận về một cuộc phản công mùa xuân chống lại các lực lượng Nga. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Sáu cho biết Mạc Tư Khoa đang “tính toán” cho cuộc phản công này, với Bộ Tổng tham mưu “chuẩn bị các giải pháp của riêng mình”.

Quân đội của Kyiv đã đạt được những thành tựu to lớn trong các chiến dịch vào năm 2022, trong đó họ chiếm lại phần lớn khu vực đông bắc Kharkiv và một phần của khu vực phía nam Kherson.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar, nói rằng “thật tốt” khi không ai thảo luận về các hoạt động phản công ở Kharkiv trước khi chúng được thực hiện. Maliar cho biết “sự im lặng đã cho quân đội thời gian để giành chiến thắng và thực hiện công việc của họ.”

Cô nói thêm, chỉ có tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và tổng tư lệnh mới có quyền tiết lộ các kế hoạch quân sự chiến lược.

Trước khả năng xảy ra một cuộc phản công, đây sẽ là “thời điểm thích hợp” để Putin thấy rằng Mạc Tư Khoa “không thể áp đặt ý chí của mình lên Ukraine bằng vũ lực”, ISW cho biết.

Nhưng nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh “rõ ràng không đi đến kết luận nào như vậy,” tổ chức tư vấn này nói thêm.

Lực lượng Ukraine cần một loạt chiến thắng phản công, để cho Mạc Tư Khoa thấy rằng Nga “không thể hy vọng cải thiện kết quả của cuộc chiến bằng cách tiếp tục chiến đấu”. Viện nghiên cứu lập luận rằng có “lý do để kỳ vọng” Kyiv có thể chiến thắng thông qua các cuộc phản công này.

ISW cho biết, với sự hậu thuẫn của phương Tây, Ukraine có thể sẽ cần các hoạt động phản công thành công để “tự mình đóng băng cuộc xung đột một cách hiệu quả bất kể quyết định của Putin”.

Cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các lực lượng của Kyiv không thể tiến hành các hoạt động phản công nếu không có thêm viện trợ của phương Tây.

“Chúng tôi không có đạn dược,” ông nói với tờ báo Nhật Bản, Yomiuri Shimbun.

“Đối với chúng tôi, tình hình ở phía đông không tốt,” ông nói. “Chúng tôi cần xe tăng để giải phóng Ukraine.”

Nhưng hôm thứ Năm, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết một cuộc phản công có thể diễn ra “rất sớm”. Tư Lệnh Lục Quân Ukraine cho biết trên Telegram rằng Ukraine “sẽ tận dụng” những tổn thất nặng nề của Nga xung quanh thành phố Bakhmut phía đông.

Thị trưởng thành phố Kupiansk của Kharkiv, Andrii Besedin, cuối tuần qua đã gợi ý rằng các binh sĩ của Kyiv vẫn chưa có trang thiết bị quân sự cần thiết cho một cuộc tấn công mới. Kupiansk đã được Ukraine chiếm lại trong các chiến dịch phản công vào năm 2022.

Ông nói với tờ El País của Tây Ban Nha hôm thứ Bảy rằng mặc dù các chiến binh Ukraine có đủ thiết bị để tự vệ, nhưng họ “không có thứ chúng ta cần” để phản công.

Ivan Fedorov, thị trưởng lưu vong của Melitopol của Ukraine ở khu vực đông nam Zaporizhzhia, cho biết hôm thứ Bảy rằng các lực lượng Nga trong thành phố đang truyền bá thông điệp về một cuộc phản công của Ukraine để “dọa nạt” người dân.

“Hướng dẫn được phân phát cho cư dân: phải làm gì trong trường hợp Lực lượng Vũ trang phản công,” anh viết trên Telegram.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

5. Quốc hội Hung Gia Lợi chấp thuận cho Phần Lan gia nhập NATO

Quốc hội Hung Gia Lợi đã thông qua dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO, đưa quốc gia Bắc Âu này tiến một bước gần hơn để trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự phương Tây.

Các nhà lập pháp Hung Gia Lợi đã bỏ phiếu 182 thuận và chỉ có 6 phiếu chống và không có phiếu trắng nào, kết thúc nhiều tháng bị đảng Fidesz cầm quyền cản trở về vấn đề này.

Với sự chấp thuận của Hung Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước duy nhất trong số 30 thành viên của Nato không phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan.

Dự luật về việc gia nhập Nato của Thụy Điển vẫn bị mắc kẹt trong quốc hội Hung Gia Lợi.

6. Đồng minh của Putin đe dọa Mỹ bằng vũ khí 'độc nhất vô nhị'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Threatens U.S. With 'Unique' Weapons”, nghĩa là “Đồng minh của Putin đe dọa Mỹ bằng vũ khí 'độc nhất vô nhị'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, gần đây đã gợi ý rằng nước này có thể tấn công Mỹ bằng một loại vũ khí “độc nhất vô nhị”.

Patrushev đã phục vụ trong Hội đồng An ninh của Điện Cẩm Linh từ năm 2008 và là bạn của Putin từ những năm 1970, hai người trước đây từng làm việc cùng nhau trong KGB, lực lượng an ninh chính của Liên Xô. Hôm thứ Hai, tờ báo nhà nước Rossiyskaya Gazeta ở Nga đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Patrushev, trong đó tập trung chủ yếu vào Mỹ và mối quan hệ của nước này với Nga trên trường thế giới. Tại một thời điểm, ông tuyên bố rằng các quan chức Mỹ đã có “sự ngu ngốc thiển cận và nguy hiểm” khi cho rằng Nga không thể đáp trả một cách có ý nghĩa trước một cuộc tấn công phủ đầu. Ông ta đe dọa rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí “độc nhất vô nhị” để đáp trả.

“Vì một số lý do, các chính trị gia Mỹ bị giam giữ bởi chính tuyên truyền của họ vẫn tin rằng trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Nga, Mỹ có khả năng tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn phủ đầu, sau đó Nga sẽ không còn khả năng đáp trả, Patrushev nói. “Đây là sự ngu ngốc thiển cận và rất nguy hiểm...Nga kiên nhẫn và không đe dọa bất kỳ ai bằng lợi thế quân sự của mình. Nhưng chúng ta có vũ khí độc đáo hiện đại có khả năng tiêu diệt bất kỳ đối phương nào, kể cả Hoa Kỳ, trong trường hợp đe dọa đến sự tồn tại của nó.”

Mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ, nhưng luận điệu đối đầu của Mỹ đã được khuếch đại sau cuộc xâm lược Ukraine vào năm ngoái. Cuộc xung đột đó đã dẫn đến việc Mỹ và các đồng minh phương Tây khác cung cấp quân sự rộng rãi cho Ukraine và cam kết duy trì các thỏa thuận quốc phòng của họ trong trường hợp Nga tấn công một quốc gia đồng minh NATO. Ngược lại, các quan chức và chuyên gia Nga đã nhiều lần nêu khả năng tấn công Mỹ trong trường hợp nước này đe dọa đất nước của họ theo một cách nào đó.

Ở giai đoạn này, vẫn chưa rõ “vũ khí độc đáo hiện đại” mà Patrushev có thể đã đề cập đến trong các bình luận của mình là gì. Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia quốc phòng toàn cầu qua email để bình luận.

Tuy nhiên, bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi Putin tuyên bố rằng Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus lần đầu tiên kể từ những năm 1990. Putin tuyên bố rằng động thái này là để đáp trả việc Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo, thứ mà ông gọi là vũ khí có “thành phần hạt nhân” và là “sự leo thang đáng kể”. Trong khi vẫn còn chứa một số chất phóng xạ, uranium nghèo chứa quá ít chất phóng xạ để có thể gây ra tác động đáng kể. Nó được sử dụng để xuyên qua lớp giáp của xe tăng.

7. Lính Nga nói rằng các chỉ huy đã sử dụng 'quân ngăn cản' để ngăn họ rút lui

Tờ The Guardian có bài tường trình nhan đề “Russian soldiers say commanders used ‘barrier troops’ to stop them retreating”, nghĩa là “Lính Nga nói rằng các chỉ huy đã sử dụng 'quân ngăn cản' để ngăn họ rút lui.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các thành viên đơn vị tấn công tuyên bố trong video rằng cấp trên 'muốn xử tử chúng tôi' sau những tổn thất 'kinh hoàng' ở miền đông Ukraine

Các thành viên của một đơn vị tấn công do Nga thành lập gần đây cho biết các chỉ huy của họ đã triển khai binh lính để ngăn họ rút lui và đe dọa giết họ sau khi họ chịu tổn thất “kinh hoàng” ở miền đông Ukraine.

Trong một đoạn video gửi tới Tổng thống Vladimir Putin, một nhóm khoảng hai chục người đàn ông mặc quân phục nói rằng họ là những người còn sót lại của tiểu đoàn Storm, một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Người ta nghe thấy Alexander Gorin, một người lính Nga, nói trong video kháng cáo, lần đầu tiên xuất hiện vào hôm thứ Sáu trên các kênh Telegram của Nga: “Chúng tôi ngồi dưới làn đạn súng cối và pháo binh trong 14 ngày. Chúng tôi đã chịu tổn thất lớn. 34 người bị thương và 22 người chết, bao gồm cả chỉ huy của chúng tôi.”

Một người lính khác cho biết ban đầu đơn vị bao gồm 161 người khi bắt đầu chiến dịch.

Gorin cho biết người của ông đã quyết định quay trở lại trụ sở quân đội Nga nhưng bị cấp trên từ chối không cho di tản: “Họ đặt quân ngăn cản phía sau chúng tôi và không cho chúng tôi rời khỏi vị trí của mình… Họ đe dọa tiêu diệt từng người một và toàn thể đơn vị. Họ muốn xử tử chúng tôi với tư cách là nhân chứng chống lại cách thức hành quân một tội phạm hoàn toàn cẩu thả.”

Lực lượng rào cản hoặc lực lượng chống rút lui là các đơn vị quân đội được bố trí phía sau các lực lượng tiền tuyến để duy trì kỷ luật và ngăn chặn binh lính chạy trốn.

“Các chỉ huy của chúng tôi là một tổ chức tội phạm. Không còn cách nào khác để diễn đạt điều đó”, một binh sĩ Nga khác tự nhận mình là Sergei Moldanov cho biết.

The Guardian đã xác định được tám người đàn ông trong video. Khi được liên lạc, ba người trong số họ xác nhận họ là thành viên của đơn vị Storm và xác minh các chứng từ được cung cấp trong video.

Những người đàn ông khácyêu cầu giấu tên cho biết họ đã được di tản khỏi tiền tuyến.

Đơn vị Storm được Bộ Quốc phòng thành lập vào Tháng Giêng để tham gia cuộc tấn công mùa đông khốc liệt của Mạc Tư Khoa ở miền đông Ukraine. Vào thời điểm thành lập, Bộ Quốc Phòng Nga cho biết đơn vị này “được thiết kế đặc biệt để đột phá các khu vực phòng thủ phức tạp và có tiếng vang nhất của lực lượng vũ trang Ukraine”.

Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông Nga, cũng như các bức ảnh được công bố trên tài khoản mạng xã hội của một số chiến binh, đơn vị này bao gồm phần lớn là các cựu chiến binh Nga đã tham gia cuộc tấn công đầu tiên của Nga ở Ukraine vào năm 2014.

Những người lính Storm trong video cáo buộc rằng họ bị buộc phải đưa tiền hối lộ cho chỉ huy của mình và những người từ chối sẽ bị đưa ra tiền tuyến.

Lời kêu gọi của họ là lời kêu gọi mới nhất trong một loạt các video tương tự đều đặn xuất hiện kể từ Tháng Giêng, trong đó các binh sĩ Nga phàn nàn về cách đối xử tồi tệ mà họ phải chịu.

Nó trùng với cuộc tấn công mùa đông của Mạc Tư Khoa ở miền đông Ukraine và cho thấy quân đội Nga tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tinh thần xuống thấp và quản lý yếu kém. Các clip này cũng là bằng chứng cho thấy Mạc Tư Khoa sẵn sàng đưa binh lính của mình đến những vị trí mà họ phải đối mặt với cái chết trong nỗ lực xuyên thủng hàng phòng ngự của Ukraine.

Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết các lực lượng Nga có thể đã bắt đầu triển khai lực lượng rào cản hoặc “các đơn vị phong tỏa”. “Chiến thuật bắn những người đào ngũ có thể chứng tỏ chất lượng kém, tinh thần thấp kém và sự vô kỷ luật của các lực lượng Nga”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Điện Cẩm Linh phần lớn bác bỏ các thông tin cho rằng quân đội Nga đào ngũ ở Ukraine do điều kiện tồi tệ và tinh thần xuống thấp.

“Có kẻ nào bỏ vị trí chiến đấu không? Vâng, nó đã xảy ra… ngày càng ít đi,” Putin nói vào cuối năm ngoái. “Tôi nhắc lại một lần nữa rằng không có trường hợp nào đào ngũ hàng loạt.

Quân đội Nga, được hỗ trợ bởi nhóm bán quân sự Wagner, đã ném hàng chục nghìn binh sĩ vào trận chiến trong hơn hai tháng nhằm giành lại lãnh thổ ở khu vực Donbas. Nhưng cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa trên một vòng cung dài 160 dặm ở miền đông Ukraine đã mang lại lợi ích tối thiểu với chi phí đáng kinh ngạc. Các quan chức phương Tây ước tính có tới 200.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương ở phía Nga.

Trong một dấu hiệu nữa cho thấy Mạc Tư Khoa không hài lòng với tình hình giao tranh, truyền thông Nga hôm Chúa Nhật đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã cách chức chỉ huy quân khu phía đông, Trung tướng Rustam Muradov.

Việc ông bị sa thải thể hiện sự cải tổ mới nhất của giới lãnh đạo hàng đầu trong bối cảnh hàng loạt thất bại trên chiến trường. Các blogger ủng hộ chiến tranh thân cận với Điện Cẩm Linh đã liên kết việc sa thải Muradov có liên quan đến những nỗ lực bất thành của ông nhằm chiếm thị trấn Vuhledar ở Donetsk.

Dưới sự chỉ huy của Muradov, Nga được cho là đã mất hơn 100 xe tăng và xe bọc thép chở quân trong trận chiến kéo dài ba tuần ở Vuhledar vào tháng trước.

8. Tỷ phú Nga đả kích Putin trong đoạn băng bị rò rỉ: 'Hắn ta là Satan'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Billionaire Slams Putin in Leaked Audio: 'He Is Satan'“, nghĩa là “Tỷ phú Nga đả kích Putin trong đoạn băng bị rò rỉ: 'Hắn ta là Satan'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một đoạn ghi âm bị rò rỉ được cho là giữa hai nhà tài phiệt nổi tiếng của Nga đã mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là “Satan” trong một lời chỉ trích rộng rãi đối với Điện Cẩm Linh.

Một đoạn clip về cuộc trò chuyện được cho là giữa nhà sản xuất âm nhạc người Nga Iosif Prigozhin và tỷ phú Farkhad Akhmedov đã lan truyền khắp các hãng truyền thông Ukraine, bao gồm RBC Ukraine và Channel 5, cũng như trên các mạng xã hội.

Trong đoạn clip, truyền thông Ukraine đưa tin Akhmedov, một cựu chính trị gia gốc Azerbaijan, mô tả nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh là một con quỷ dữ, đồng thời cũng chỉ trích cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

“Hắn là Satan. Hoàn toàn trống rỗng,” Akhmedov nói về Putin, theo Ukrainska Pravda.

Không thể xác minh độc lập tính xác thực của clip cũng như danh tính của những người nói, nhưng Newsweek đã liên hệ qua email tới đại diện của các công ty của Akhmedov và Prigozhin để nhận xét. Điện Cẩm Linh cũng đã được liên lạc để đưa ra bình luận.

Giới tinh hoa chính trị của Nga đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với những người bất đồng chính kiến của công chúng và Điện Cẩm Linh đã đàn áp các quyền tự do dân sự và truyền thông kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào Tháng Giêng năm 2023 rằng các nhà lãnh đạo Nga đang tham gia vào một chiến dịch “tăng cường vận động cắt đứt các nguồn thông tin độc lập và bịt miệng tiếng nói lương tâm.”

Tờ báo độc lập Meduza của Nga lưu vong báo cáo rằng đoạn clip ban đầu được đăng vào ngày 7 tháng 3. Chi nhánh Âu Châu của tờ báo độc lập Nga Novaya Gazeta cũng báo cáo rằng đoạn clip đã xuất hiện vài tuần trước, bao gồm một liên kết đến toàn bộ video.

Trong một bản ghi của hãng truyền thông độc lập MediaZona của Nga, người ta có thể nghe thấy Akhmedov nói rằng lãnh đạo Điện Cẩm Linh “đã lừa mọi người, đồ chết tiệt.”

“Hắn ta chỉ là thứ cặn bã, chỉ là cặn bã, đồ chết tiệt. Và làm đổ máu những người vô tội,” Akhmedov nói.

Đề cập đến cuộc chiến của giới lãnh đạo Điện Cẩm Linh ở Ukraine, hai người nói rằng “chúng đã lấy đi tương lai của đất nước.”

Putin “đã cho đi đất nước, mang lại toàn những thứ chết tiệt,” Prigozhin nói “và chúng ta không có nơi nào để đi”

Trong một video được đăng lên Telegram, Prigozhin gọi đoạn ghi âm là “giả mạo”.

“Các công nghệ hiện tại, mạng lưới thần kinh, chúng cho phép mọi người tạo ra không chỉ giọng nói mà cả toàn bộ cuộc trò chuyện,” anh ta nói, theo Meduza.

Phát biểu với truyền thông nhà nước Nga, sau đó anh ấy nói rằng anh ấy “không nhớ chính xác cuộc trò chuyện này và mạng lưới thần kinh ngày nay cho phép bạn làm nên điều kỳ diệu”.

“Trong mọi trường hợp, những hành động như vậy là một cuộc tấn công vào quyền riêng tư,” anh ta nói với hãng tin Fontanka của Nga.

Anh ấy nói lần cuối cùng anh ấy nói chuyện với Akhmedov là vào Tháng Giêng, nói thêm rằng “tất cả chúng ta đều có những cuộc trò chuyện riêng tư, trong đó một số nghi ngờ có thể được bày tỏ.”

Anh ta nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với cuộc chiến của Điện Cẩm Linh ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng “những gì xảy ra với tôi bây giờ có thể xảy ra với bất kỳ ai”.
 
Ác Quỷ không hối tiếc. Đức Hồng Y Müller gọi việc chúc lành cho tội lỗi là sự báng bổ Thiên Chúa
VietCatholic Media
16:57 28/03/2023


1. Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương kêu gọi tham gia lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh

Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương kêu gọi các tín hữu Công Giáo quảng đại tham gia cuộc lạc quyên truyền thống trong toàn Giáo hội vào Thứ Sáu Tuần Thánh để giúp các cộng đoàn Kitô tại Thánh địa, đặc biệt các nạn nhân động đất tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, tu bổ các nơi thánh, và cả Giáo hội tại Iraq.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong thư của Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và vị Phó Tổng thư ký, công bố hôm 24 tháng Ba vừa qua.

Trong thư, Bộ nhắc đến cuộc động đất dữ dội ngày 06 tháng Hai vừa qua, tại Syria và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ làm cho bao nhiêu người thiệt mạng, và những nơi trước kia Kitô giáo nguyên thủy thịnh hành, với bao nhiêu truyền thống đan tu, nam cũng như nữ, các trường thần học, đã góp phần đào sâu sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, nay bị phá hủy vì động đất. Tại Syria, ngoài thảm trạng chiến tranh kéo dài từ hơn 12 năm nay, động đất còn làm cho bao nhiêu nhà cửa sụp đổ, rất nhiều anh chị em đồng đạo của chúng ta phải di tản, lần này không phải vì nguy cơ bom đạn.

Thư của Bộ cũng nhắc đến những biến cố đau thương tại Thánh địa, những hành vi xúc phạm và phá hoại các nơi thánh do những thành phần cực đoan, cuồng tín, như tại nhà thờ Chúa Chịu Đóng Đinh, dọc theo con đường khổ giá của Chúa Giêsu, và tại Giêrusalem. Tượng thánh giá Chúa bị đập phá. Lá thư của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương có đoạn viết:

“Nơi Tượng Chúa Chịu Đóng Đinh ấy, chúng ta được mời gọi nhận ra đau khổ của bao nhiêu anh chị em cũng đã thấy những thân thể của những người thân yêu dưới những đống gạch đổ nát vì bom đạn, và cùng bước đi trên con đường khổ giá, với ý thức rằng mỗi ngôi mộ, cũng như tại Vương cung thánh đường Anastasis ở Thành thánh Giêrusalem, không phải là lời nói cuối cùng trong cuộc sống trần thế của con người. Sự hiện diện của các tu sĩ dòng Phanxicô tại Thánh địa, không những bảo đảm việc bảo tồn các đền thánh, nhưng còn gìn giữ cuộc sống của các cộng đồng Kitô, thường bị cám dỗ lạc mất ơn gọi của mình để trở thành dân của Lễ Phục sinh tại phần đất được chúc phúc nhờ sự hiện diện của Chúa Cứu Chuộc”.

Trước những thảm cảnh và tình trạng trên đây, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương kêu gọi các tín hữu Công Giáo thế giới quảng đại tham gia cuộc lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh tới đây, ngày 07 tháng Tư, giống như những đồng tiền bé nhỏ của bà góa, được Chúa Giêsu ca ngợi trong Tin mừng. Bộ nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn các giám mục, các cha sở, các cộng đoàn dòng tu và các giáo xứ cũng như những ủy viên trợ giúp Thánh địa ở các nơi, giúp thực hiện cuộc lạc quyên.

2. Nhật Ký Trừ Tà số 232: Ác Quỷ Không Hối Tiếc

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #232: Demons Are Without Remorse”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 232: Ác Quỷ Không Hối Tiếc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những người nhạy cảm tâm linh của chúng ta đã có mặt trong một buổi trừ tà. Những con quỷ đang hành hạ và bóp nghẹt một người bị quỷ ám. Cô choáng váng trước sự hoàn toàn không hối hận hay thậm chí là một chút thương hại của lũ quỷ. Trên thực tế, họ thực sự thích thú khi làm cho người đó đau khổ.

Đây là một cái nhìn sâu sắc quan trọng cho một đội trừ tà. Đương nhiên, chúng ta mong đợi mọi người thể hiện lòng trắc ẩn và đối xử với người khác với ít nhất một chút tôn trọng. Ma quỷ thì không. Chúng sẽ gây ra đau khổ tối đa. May mắn thay, Chúa rất hạn chế chúng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta cần cẩn thận khi ma quỷ xuất hiện và đề phòng điều tồi tệ nhất.

Đôi khi, thật đáng buồn, con người chúng ta cũng làm cho người khác đau khổ. Nhưng chúng ta có một biện pháp khắc phục. Chúng ta có thể thú nhận tội lỗi của mình. Chúng ta có thể cầu xin sự tha thứ từ Chúa và từ những người mà chúng ta đã làm hại. Chúng ta có thể làm hết sức mình để cung cấp bồi thường cho bất kỳ thiệt hại gây ra. Điều này đặc biệt thích hợp trong Mùa Chay này.

Ma quỷ là thứ hết hy vọng. Trong sự từ chối tuyệt đối và không thể thay đổi của chúng đối với Chúa Giêsu, chúng đã từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người chúng ta không bao giờ hết hy vọng trong cuộc đời này, ngay cả khi trút hơi thở cuối cùng. Cuối cùng, chỉ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta mới được cứu.

Mọi người thường cầu xin tôi giải thoát họ khỏi ma quỷ. Một số người đang nghĩ rằng tôi có một lời cầu nguyện đặc biệt nào đó sẽ xua đuổi tà ma của họ. Tôi không thể nghĩ ra đơn thuốc nào lớn hơn cho sự giải thoát hơn là lời thú nhận chân thành và sức mạnh thanh tẩy của lòng thương xót Chúa.
Source:Catholic Exorcism

3. Đức Hồng Y Müller gọi việc chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái là 'sự báng bổ'

Đức Hồng Y Gerhard Müller nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nên sửa sai và nếu cần thiết, trừng phạt các giám mục Đức đã chấp thuận điều mà ngài gọi là “các văn bản dị giáo” và “các đề xuất trực tiếp chống lại đức tin Công Giáo”, bao gồm cả việc ban phép lành cho các cặp đồng tính luyến ái.

“ Có những giám mục người Đức đã bỏ phiếu cho các văn bản dị giáo, và theo tôi nên có một quy trình giáo luật chống lại họ,” ngài nói. “Chúng ta có sự đồng đoàn, nhưng cũng có sự ưu việt của Đức Giáo Hoàng, và theo giáo luật, Đức Giáo Hoàng có trách nhiệm yêu cầu giải thích, sửa sai và—trong những trường hợp nghiêm trọng—cách chức các giám mục thách thức giáo lý Công Giáo. Họ nói rằng sự hiểu biết về giáo lý có thể phát triển, nhưng chúng ta không thể phát triển mặc khải,” Đức Hồng Y nói.

Ngài bác bỏ khả năng hai người đồng giới yêu nhau chung thủy có thể được Chúa ban phước. Ngài nói: “Khi chúng ta coi trọng Lời Chúa, điều này là không thể. Chúc phúc cho các cặp đồng giới là báng bổ.”

Đức Hồng Y Gerhard Müller nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nên sửa sai và, nếu cần, trừng phạt các giám mục Đức đã chấp thuận điều mà ngài gọi là “các văn bản dị giáo” và “các đề xuất trực tiếp chống lại đức tin Công Giáo.”

Đức Hồng Y Müller cũng đả kích linh mục James Martin, tổng biên tập của tạp chí America, người đã thực hiện mục vụ cho những người LGBT đã nhận được sự ủng hộ và chấp thuận của Đức Thánh Cha. “Cha James Martin nói rằng Đức Thánh Cha đã làm nhiều điều cho những người LGBT, nhưng Đức Thánh Cha nên nói với cha ấy rằng: 'Ông không được biến tôi thành công cụ',” Đức Hồng Y nói.

Vị Hồng Y người Đức đã tuyên bố điều này và nhiều hơn thế nữa trong một cuộc phỏng vấn với Jacopo Scaramuzzi, phóng viên Vatican của tờ La Repubblica, một nhật báo hàng đầu của Ý, trước khi xuất bản cuốn sách mới của ngài Il Papa: Ministryo e Missione (Giáo hoàng: Thừa tác vụ và Truyền giáo) vào ngày 31 tháng 3. Đức Hồng Y Müller đã không có chức vụ chính thức nào tại Vatican kể từ khi Đức Phanxicô quyết định không gia hạn nhiệm kỳ của ngài với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ khi nhiệm kỳ 5 năm của ngài kết thúc vào năm 2017.

Đức Hồng Y Müller cho biết ngài đồng ý với tuyên bố gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng thừa tác vụ của Thánh Phêrô là “suốt đời.” Ngài nhận xét rằng Đức Phanxicô “đã thay đổi” về vấn đề này; trước đó Đức Phanxicô đã nói rằng Đức Bênêđictô XVI đã “mở cửa” cho các vị giáo hoàng từ chức. Đức Hồng Y cho biết ngài đã nhiều lần nói với Đức Phanxicô rằng chức vụ giáo hoàng là trọn đời. Ngài cũng nói rõ rằng ngài không đồng ý với việc từ chức của Đức Bênêđictô.

Nói về Thượng phụ Nga Kirill của Mạc Tư Khoa, người mà ngài biết rõ, Đức Hồng Y Müller nói: “Ông ấy có kiến thức về thần học chứ không phải là không, nhưng ông ấy đã uốn cong những lời của Chúa Giêsu để biện minh cho cuộc chiến chống lại Ukraine, như Putin đã làm. Hơn nữa, ý tưởng về Nước Nga vĩ đại là vô lý.”

Khi được hỏi liệu Kirill có nên chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin hay không, Hồng Y nói, “Ông ta nên làm như vậy, nhưng tôi e rằng đó sẽ là dấu chấm hết của ông ấy.” Ngài nhắc lại rằng “kể từ thời Peter Đại đế, các giám mục Chính thống ở Nga đã phải phục tùng nhà nước. Ngày nay, nhà nước giúp xây dựng lại các nhà thờ, và họ nói về sức mạnh tổng hợp giữa nhà thờ và nhà nước, nhưng với tư cách là một Giáo Hội, chúng ta không thể biện minh cho cái ác.”

Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô “có quyền duy trì liên lạc” với Nga “trong thời điểm khó khăn này,” nhưng ngài nói thêm, “nghĩa vụ của Giáo hội không phải là biện minh cho những gì các hoàng đế làm”. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Ambrôsiô đã chỉ trích Hoàng đế Theodosius sau vụ thảm sát Thêsanôlica

Khi được hỏi tại sao trong quá khứ, ngài đã chỉ trích Đức Phanxicô vì đã gây ra “sự nhầm lẫn” về giáo lý với một số tuyên bố nhất định, Đức Hồng Y trả lời: “Về nguyên tắc, tôi sẽ không bao giờ chỉ trích một giáo hoàng một cách công khai.” Ông nói, “Đức Phanxicô đã không thay đổi, và không thể thay đổi tín lý đã được mặc khải, nhưng nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng tối cao không chỉ là tránh gây nhầm lẫn mà còn phải kiên quyết phủ nhận những điều như vậy.” Ngài nêu ví dụ khi nhà báo nổi tiếng người Ý Eugenio Scalfari nói rằng Đức Thánh Cha nói với ông ta rằng địa ngục không tồn tại. Đức Hồng Y cảm thấy lẽ ra Đức Giáo Hoàng phải lên tiếng bác bỏ “học thuyết khó hiểu” này.

Đức Hồng Y Müller đã kết thúc cuộc phỏng vấn với tờ La Repubblica bằng việc lên án những lời chỉ trích gần đây đối với Đức Gioan Phaolô II ở Ba Lan về cáo buộc che đậy việc các linh mục lạm dụng trẻ vị thành niên. “Đây là những cáo buộc phỉ báng, với mục đích chính trị nhằm gây tổn hại cho Công Giáo ở Ba Lan bằng cách chặt đầu nhân vật quan trọng nhất.”
Source:America
 
Thánh Ca
Lời Ca Nguyện Cầu: Sức sống mới trong ánh sáng Phục sinh
Giáo Hội Năm Châu
05:26 28/03/2023