Ngày 29-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/03: Tự do lựa chọn cho tha nhân – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.
Giáo Hội Năm Châu
02:20 29/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”

“Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’

“Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” 54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”

Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !”

Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Đó là lời Chúa
 
Sự Thương Khó Đức Giêsu
Lm. Thái Nguyên
06:06 29/03/2023

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN LỄ LÁ
https://www.youtube.com/watch?v=Q_BamxCs40E


SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU
Chúa Nhật Lễ Lá năm A : Mt 26, 14-27, 66

Suy niệm

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong năm Phụng vụ. Trong tuần thánh, chúng ta chứng kiến những giây phút cuối đời trần thế của Chúa Giêsu, và cử hành cuộc thương khó của Ngài là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta. Cũng như dân Do Thái xưa, chúng ta cầm cành lá trên tay để đón mừng Chúa như vị Vua hòa bình của thế giới. Nhưng qua bài Thương Khó, chúng ta lại thấy bao nhiêu tội lỗi nhân loại của chúng ta trút lên mình Chúa. Ngài tự gánh hết những tội tình của thế nhân, và muốn rửa sạch hết những tội ác của con người trong cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Vì thế, khi nghe kể lại cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giêsu, ta không thể nghe như nghe những câu chuyện lịch sử khác, nhưng nghe như một thiên tình sử muôn đời của Thiên Chúa gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại thiên tình sử đó trong chính cuộc đời mình, cảm nhận từ chính tâm hồn mình, nói một cách khác là nội tâm hóa biến cố đau thương và tử nạn của Chúa Giêsu.
Qua bài Thương Khó, ta cần khám phá ra con người mình qua cách hành xử của Philatô, Hêrôđê, Phêrô, Giuđa, các thượng tế, khách qua đường… nghĩa là thấy mình cũng không tránh khỏi những tội phạm tương tự như họ: gian dối, phản bội, ích kỷ, cao ngạo, làm chứng gian, hiềm thù, ghen ghét, độc ác…Vì những tội lỗi đó mà dung nhan của Chúa Giêsu nơi chúng ta bị bầm dập, tồi tàn, đến nỗi người ta không còn nhận ra hình dạng của Chúa trong đời sống của mình.

Phải thấy được tất cả những điều đó qua mọi hành vi và thái độ sống của chúng ta đối với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, gợi lên trong ta tâm tình sám hối sâu xa để làm một bước chuyển hóa, bằng cách dám chết đi cho tội lỗi để khơi sáng lại dung nhan Chúa Giêsu trong trái tim và trên khuôn mặt của mình. Không có sự thao thức và niềm khao khát này, tâm hồn ta vẫn trơ trọi, chai lì, dù có qua bao nhiêu tuần thánh nữa cũng vậy thôi, và điều đáng sợ là có thể mất đi cơ hội ngàn đời.

Mở đầu cuộc thương khó là việc nhà cầm quyền Do Thái tìm cách bắt Đức Giêsu. May mắn cho họ là có sự tiếp tay của Giuđa. Không biết động cơ nào đã thúc đẩy anh làm một việc tầy trời, là tìm cách nộp Thầy cho các thượng tế. Anh ta là một trong nhóm Mười Hai, được Thầy Giêsu tuyển chọn giữa bao nhiêu người, và anh cũng đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy. Thời gian ba năm tuy không dài, nhưng đậm đà tình nghĩa Thầy trò với những sướng khổ, vui buồn trên đường loan báo Tin Mừng, đủ để cho anh nhận ra vai trò và sứ mạng từ trời của Thầy, với những bài giảng cuốn hút, nhất là anh đã chứng kiến những phép lạ lớn lao. Tại sao bỗng chốc lại trở nên tan tác?

Phải chăng vì ham tiền mà Giuđa tìm cách bán Thầy mình? Dù sao thì biến cố xức dầu tại Bêtania, Gioan đã nhận định về Giuđa rằng: “y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”. Nhưng bán Thầy chỉ có ba mươi đồng thì có nghĩa gì đâu. Phải chăng Giuđa có một âm mưu gì lớn lao chứ không thể ti tiện như thế? Người ta nghi anh thuộc phái Zêlốt, nhóm ái quốc cực đoan, luôn tìm cách nổi dậy để đánh đuổi quân Rôma, giành lại độc lập cho Palestin. Chính vì biết Thầy có một quyền lực siêu phàm, nên anh muốn đặt Thầy trong trường hợp đã rồi, để Thầy không còn đường nào khác hơn, là phải ra tay hành động để làm cuộc cách mạng như anh đã dự trù. Nhưng rồi anh đã sửng sốt khi thấy mọi sự ngoài dự định của mình. Thầy đưa tay chịu nộp chứ không ra tay hành động.
Đức Giêsu đã đoán trước được sự việc. Trong bữa tiệc ly, Ngài nhắc khéo anh đến ba lần, để anh kịp thời tỉnh ngộ. Nhưng anh đã mê man trong thế trận mà mình đã bày ra, không ngờ kẻ sa lưới lại là anh. Dù đã đan tâm phản bội Thầy, đưa Thầy vào chỗ chết, nhưng anh ta vẫn sốt sắng tham dự trọn vẹn Bí Tích Thánh Thể mà Thầy vừa thiết lập, là chính thực tại của mầu nhiệm cứu chuộc mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trọn vẹn bằng sự hiến tế trên thập giá. “Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người”.

Có ai ngờ người đồng bàn thân thiết với Thầy lại là kẻ phản bội. Đúng như lời Thánh vịnh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (41,10). Dù đã là môn đệ Chúa, đang trên bước đường theo Chúa, vẫn ở bên Chúa, vẫn chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ, nhưng coi chừng tâm ý ta đã khác, đức tin đã phai, tình mến đã nhạt. Đó cũng là điều gây thương tổn nặng nề cho trái tim Đức Giêsu, Đấng cứu độ ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đối diện với Thập giá Chúa,
con thấy mọi loang lổ của tâm hồn,
đều được phơi bày trên thân xác Chúa,
Con kiêu căng nên Chúa phải bị treo.
Con ích kỷ nên Chúa chẳng còn gì.
Con lãnh đạm nên Chúa bị bỏ rơi.
Con no thỏa nên Chúa đành đói khát.
Con ham muốn nên Chúa phải trần truồng.
Con hà tiện nên Chúa chịu oan khiên.
Con lười biếng nên Chúa phải ưu phiền.
Con ghen ghét nên Chúa bị đâm thâu.
Con gian dối nên Chúa đội mão gai.
Con buông thả nên Chúa bị nhục mạ.
Con xa hoa nên Chúa chịu đóng đinh.
Con tham lam nên Chúa chịu hành hình.
Con hận thù nên Chúa chết điêu linh...
Tội con không thể nào mà nói hết,
con có chết bao lần cũng không xong,
nhưng rồi Chúa đã chết cho con sống,
cho thế nhân niềm tin yêu hy vọng,
cho những ai lòng sám hối cậy trông,
được vượt qua khỏi cảnh đời tang tóc..
Xin xóa tội con theo lượng cả đức từ bi.
Xin cứu vớt con khỏi sa vòng lâm lụy.
Ôi Thập giá Chúa mãi mãi đáng yêu vì!
tay chắp gối quỳ lòng con mãi niệm suy. Amen.





 
Con đường vinh quang ngang qua Thập giá
Lm. Đan Vinh
06:10 29/03/2023

CHÚA NHẬT LỄ LÁ A
- KIỆU LÁ : Mt 21,1-11
-THÁNH LỄ : Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 27,11-54
CON ĐƯỜNG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ

I. HỌC LỜI CHÚA

1A. TIN MỪNG KIỆU LÁ : Mt 21,1-11
(1) Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ (2) và bảo : “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. (3) Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng. Người sẽ gởi lại ngay. (4) Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ : (5) Hãy bảo thiếu nữ Xi-on : Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. (6) Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. (7) Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên : (8) Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. (9) Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy : “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”. (10) Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : “Ông này là ai vậy?” (11) Đám đông trả lời : “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”.

1B. TIN MỪNG TRONG THÁNH LỄ : Mt 27,11-54

2. Ý CHÍNH PHỤNG VỤ CN LỄ LÁ :
Phụng vụ CN Lễ Lá gồm hai phần :
- Phần đầu lễ, bài Tin Mừng diễn tả cuộc khải hoàn của Đức Giê-su như một ông vua ngồi trên lưng lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, giữa những tiếng hoan hô tưng bừng của mọi người : ” Hoan hô con Vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”.
- Nhưng rồi đến bài Tin mừng trong thánh lễ thuật lại buổi xử án Đức Giê-su và cuộc khổ hình của Người, khi phải vác cây thập giá lên Núi Sọ, chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp như một kẻ tội đồ. Người vô tội nhưng đã chịu hình phạt thập giá đau thương nhục nhã của một tử tội để đền tội thay cho mọi người chúng ta.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-6 : + Thầy trò đến gần Giê-ru-sa-lem : Theo Tin Mừng Gio-an (x Ga 12,1), sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su tới Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khỏang gần 3 cây số vào buổi chiều, và thầy trò đã đến ở trọ qua đêm tại Bê-ta-ni-a trong nhà ba chị em Mác-ta Ma-ri-a và La-da-rô. + Tới làng Bết-pha-ghê : Giữa Bê-ta-ni-a và Giê-ru-sa-lem có làng Bết-pha-ghê, nằm dưới chân núi Ô-liu về phía Đông. + Sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó… : Câu này nói lên tính siêu việt nơi con người Đức Giê-su: Ngài có cái nhìn thấu suốt không gian thời gian, thấu suốt tâm can con người (x. Mt 9,4; Lc 7,39-40). + Một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh : Chỉ Tin Mừng Mát-thêu mới nói đến con vật là lừa mẹ và lừa con. Còn ba Tin Mừng kia chỉ nói đến một con lừa tơ chưa một lần sử dụng, như dành riêng cho công việc linh thánh này. + “Chúa cần đến chúng” : Chủ lừa chắc là chỗ quen biết trước nên Đức Giê-su căn dặn môn đệ trả lời như vậy. Từ “Chúa” ở đây ám chỉ ông chủ lừa này đã tin Người là Đấng Thiên Sai.
- C 7-9 : + Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường : Dân chúng ở đây phần lớn là những người từ xứ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Họ nghỉ trong các quán trọ trên đường vào Thành, hoặc tạm trú trên sườn núi Cây Dầu. Những người này phấn khởi ra đón vị Vua Thiên Sai mà họ hy vọng sẽ giúp họ chống lại ách thống trị của ngoại bang. Họ lấy áo lót đường và chặt cành cây Ô-liu trải trên lối đi để bày tỏ lòng trọng kính Đức Giê-su như một vị Vua Thiên Sai theo phong tục Cận Đông thời bấy giờ. + Con vua Đa-vít : Dân chúng đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, là “Con Vua Đa-vít” khi họ thấy Người làm cho hai người mù được sáng mắt (x. Mt 20,30), và truyền cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại (x. Ga 11,45). Đó là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Is 29,18-19; 25,7-9). + Hoan hô : Dân chúng nô nức theo sau và phấn khởi hoan hô Người bằng lời hoan hô được ghi trong Thánh Vịnh 118 (x. Tv 118,25-26).

4. HỎI ĐÁP :
- HỎI 1 : Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mấy lần trong đời của Người?
ĐÁP : Đọc Tin Mừng Mát-thêu, ta có cảm tưởng Đức Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần duy nhất trong cuộc sống trần gian. Nhưng thực ra, Người đã lên Đền thờ ít là 5 lần quan trọng : Lần 1 khi mới sinh được 40 ngày (x. Lc 2,22-24). Lần 2 năm 12 tuổi, trẻ Giê-su theo cha mẹ lên Đền thờ (x. Lc 2,42). Lần 3,4,5 : Trong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng, mỗi năm Đức Giê-su đều lên Đền thờ dự lễ Vượt Qua (x. Ga 2,13; 5,1; 12,12), và vào nhiều lễ khác (x. Ga 7,10.14; 10,22-23).

- HỎI 2 : Tại sao Người không cưỡi ngựa mà lại dùng lừa?
ĐÁP : Đức Giê-su ngồi trên lừa con chưa mang ách và chưa ai cưỡi cho thấy Người là Đấng Thiên Sai. Vì lừa mẹ ám chỉ dân Do thái đã từng mang ách của Luật Mô-sê (x. Cv 15,10), còn lừa con ám chỉ dân ngoại chưa từng mang ách, giờ đây sẽ được mang ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Đức Ki-tô (x. Mt 11,29-30). Người cưỡi trên mình lừa thay ngựa để nói lên sự khiêm tốn và hiếu hòa của Vua Thiên Sai. Bên Do thái, các bậc vua chúa quan quyền thường dùng lừa thay vì dùng ngựa. Như hoàng tử Áp-sa-lon đã chết thảm khi đang cưỡi lừa (x. 2 Sm 18,9).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5).

2. CÂU CHUYỆN :

1) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG TỘT ĐỈNH CỦA CHÚA GIÊ-SU :
Vào một ngày Chúa Nhật nọ, BOB lái xe đưa vợ đi mua sắm một số đồ cần dùng. Hai vợ chồng bàn nhau vào một tiệm cầm đồ bình dân để tìm mua hàng rẻ. Bà chủ tiệm chỉ cho họ một số hàng quá hạn cần thanh lý. Bà vợ của BOB cầm lên xem một cây Thánh giá đã cũ, rồi ghé tai chồng nói nhỏ: “Đây là cây Thánh giá bằng bạc đắt tiền mà sao bà chủ tiệm lại để giữa các món hàng rẻ tiền này?” Sau đó, hai vợ chồng đã mua được cây Thánh giá ấy với giá chỉ một đôla ! Về đến nhà, BOB liền mang cây Thánh giá ra lau chùi sạch sẽ. Một lát sau, cây Thánh giá cũ kia đã trở nên bóng lộn và giá trị đã tăng lên cả trăm đôla ! Rồi BOB trân trọng đặt cây Thánh giá kia lên bàn. Sau đó cậu con trai của BOB đi học giáo lý về. Cậu chăm chú nhìn cây Thánh giá và tự nhiên hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. BOB rất ngạc nhiên trước thái độ của con trai và hỏi cậu nguyên nhân tại sao khóc như thế? Bấy giờ cậu bé trả lời như sau : “Thưa ba, hôm nay ở nhà thờ con học giáo lý về cây Thánh giá của Chúa Giê-su. Con biết Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại, nên đã sẵn lòng chịu chết trên cây Thánh giá, để đền tội thay cho chúng ta. Vì thế khi nhìn thấy cây Thánh giá này, con liền nghĩ đến tình thưong của Chúa thật quá lớn lao, và dù con đã cố kìm nén lại mà tự nhiên nước mắt cứ chảy ra !”.

2) MỖI NGƯỜI ĐỀU GÓP PHẦN VÀO VIỆC ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU :
Danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đã để lại nhiều bức tranh nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh "Ba cây thập giá".
Chiêm ngưỡng tác phẩm, hầu như ai cũng chú ý vào ba cây thập giá ở trung tâm : giữa hai cây thập giá của hai tên gian phi, thập giá của Chúa Giê-su đã nổi bật. Dưới chân thập giá là một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ sự hận thù ganh ghét... tác giả như muốn nói rằng : mọi người đều góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giê-su trên cây thập giá.
Khi quan sát đám đông, người ta thấy một gương mặt dường như bị mất hút trong bóng tối, nhưng chỉ cần một vài nét cũng đủ để các nhà chuyên môn nhận ra đó là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt là tác giả bức tranh.
Tại sao giữa đám đông đằng đằng sát khí muốn thảm sát Chúa Giê-su, mà Rembrandt lại chèn thêm khuôn mặt của mình vào? Câu trả lời duy nhất có lẽ là do ông đã ý thức về tội lỗi của mình. Rembrandt như muốn thú nhận chính ông khi phạm tội cũng đã gián tiếp hành hình và treo Chúa Giê-su trên cây thập giá.

3) TÌNH YÊU CỦA CHÚA TRỔI VƯỢT HƠN TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI PHÀM :
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta xem ra còn quyến luyến với tình cảm gia đình nên nói với đạo sĩ : "Vợ con của con rất thương yêu con, nên chắc sẽ không bằng lòng cho con thoát tục theo thầy đâu".
Nghe vậy, vị đạo sĩ muốn chứng minh cho anh chàng biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ năng chết giả. Sau khi thực tập thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy về nhà áp dụng kỹ thuật chết giả này. Quả thật, anh ta đã áp dụng tuyệt vời bài học chết giả bằng việc nhắm mắt xuôi tay và ngừng thở, nhưng vẫn có thể nghe được tiếng khóc than của vợ con và người thân trong gia đình.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng tang quyến. Sau giây phút tưởng niệm người quá cố, ông bảo với vợ con đang khóc thương người mới qua đời như sau : "Tôi có bí quyết để cứu sống người này, nếu có ai sẵn lòng chết thay thì anh ta sẽ sống lại".
Bấy giờ anh chàng giả chết rất ngạc nhiên khi nghe từng người trong gia đình anh nêu ra các lý do để từ chối chết thay anh. Sau cùng anh lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe chính người vợ nghĩa thiết của anh đã tóm lại quyết định của mọi người trong gia đình như sau : "Tôi nghĩ là không ai đồng ý chết thay cho chồng tôi đâu. Thực ra dù không có anh ta, thì chúng tôi vẫn có thể sống được ! ".

4. LOÀI NGƯỜI LUẬN TỘI THIÊN CHÚA :
Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy ngày tận thế. Hàng tỉ tỉ người tập trung tại một cánh đồng rộng lớn trước toà Thiên Chúa để chờ Ngài xét xử. Nhiều người sợ hãi. Nhưng nhiều người khác lại nổi giận.
Một phụ nữ nói : “Sao Chúa có thể xét xử chúng tôi được? Ngài có biết gì về đau khổ đâu ! Chúng tôi đã phải chịu khủng bố, đánh đập, tra tấn và giết chết.” Vừa nói bà vừa vạch tay áo cho thấy một con số do một trại tập trung Đức quốc xã xâm vào cánh tay bà.
Tiếp theo, một người đàn ông da đen cúi đầu xuống, để lộ một sợi dây thừng đang quấn quanh cổ ông : “Tôi đã bị buộc cổ như thế này chỉ vì tội làm người da đen, bị rứt khỏi những người thân yêu, rồi bị dẫn xuống chiếc tàu chật cứng như nêm, bị bán làm nô lệ, làm việc nặng nhọc cho đến chết”.
Sau đó, một cô gái với dòng chữ “con hoang” khắc trên trán lên tiếng : “Tôi phải chịu đựng sự sỉ nhục này vượt sức… vượt sức…”. Cô nghẹn ngào không nói tiếp được.
Nhiều tiếng nói khác tiếp theo… Mọi người đều trách Chúa vì những khổ đau họ đã gánh chịu khi còn sống. Ngài sung sướng quá vì cứ sống ở trên trời chỉ toàn ngọt ngào và sáng láng, chẳng hề có một chút mồ hôi, nước mắt, đói khát, sợ hãi, hận thù. Bởi vậy Ngài có biết gì về những nỗi khổ của loài người đâu !
Thế rồi họ nhất trí bắt Ngài phải xuống sống ở trần gian. Tuy nhiên phải làm sao cho Ngài sống y như một người thường để không ai biết Ngài là Thiên Chúa, và cũng không cho Ngài được sử dụng quyền phép Thiên Chúa của Ngài. Rất nhiều góp ý được đưa ra :
– Hãy cho Ngài trở thành một tên Do thái.
– Làm sao để người ta nghĩ Ngài là một đứa con hoang, để không ai biết Cha thật của Ngài là ai.
– Ngài phải làm việc bận rộn đến nỗi bà con Ngài tưởng Ngài bị mất trí.
– Ngài phải nếm nỗi đau bị những người bạn thân nhất phản bội.
– Ngài phải bị đưa ra toà án để phải chịu quan tòa luận tội cách bất công.
– Ngài phải bị kết án là một tay lừa đảo và bị xử tử ô nhục trên cây thập tự.
– Trước khi chết, Ngài còn phải nếm mùi bị tra tấn và lăng nhục.
– Cuối cùng phải cho Ngài nếm mùi chết cô đơn và bị người thân bỏ rơi khủng khiếp đến mức nào.
Lời góp ý cuối cùng đưa ra xong, mọi người im lặng… Và bỗng nhiên họ nhận ra rằng chính Chúa đã thi hành bản án ấy từ lâu ! (Flor McCarthy)

3. SUY NIỆM :

1) ĐẠO Công Giáo LÀ CON ĐƯỜNG VINH QUANG QUA THẬP GIÁ :
Người tín hữu là người chấp nhận đi trên Con Đường của Chúa Giê-su : Là đòi phải bỏ đi ý riêng của mình để vâng theo ý Thiên Chúa muốn như lời cầu của Chúa Giê-su với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha”, và như Người đã dạy các môn đệ : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Mỗi người tín hữu chúng ta cần ý thức rằng : Ai đi Con Đường Giê-su sẽ không được dừng lại lúc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem với cành lá, quần áo trải thảm trên đường, và đám đông hoan hô… nhưng phải trung thành theo Chúa trên đường thập giá, kết thúc trên Núi Sọ, chịu chết ô nhục giữa hai tên trộm cướp như một kẻ đại gian đại ác.
- Trên đường lên Giê-ru-sa-lem mọi người đều đi theo Chúa và đều là môn đệ của Chúa. Nhưng trên đường lên Núi Sọ thì chỉ còn ít người đi theo Chúa. Có những người đã phản nộp Thầy như Giu-đa, có người chối bỏ Thầy như Phê-rô. Còn những môn đệ còn lại thì đều hèn nhát bỏ Thầy mà chạy trốn…

2) TÔN VINH CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI :
- Bài Tin Mừng khi rước lá thuật lại việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị Vua Thiên Sai, được dân chúng theo sau hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Gia-ca-ri-a. Vào thời Đức Giê-su, nhiều người Do thái đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến để lãnh đạo dân đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi Do thái và thiết lập một Triều Đại Mới, giống như triều đại của vua Đa-vít và vua Sa-lô-mon xưa. Nhưng thực ra sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su không phải như dân Do thái đang trông đợi. Người là Đấng Thiên Sai nhưng là ông Vua “Mục Tử tốt lành, hiền hậu và khiêm nhường”. Người đã xưng mình là Vua trước mặt quan Tổng Trấn Phi-la-tô, khi hai tay đang bị trói, thân thể bị đòn đánh tan nát; khi phải đứng trước tòa án như một tội nhân. Danh hiệu Vua của Chúa Giê-su được ghi bằng dòng chữ viết tắt “INRI” gắn trên cây thập giá, nghĩa là : “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”.
- Đức Giê-su chính là Vua nhưng không phải như một ông Vua trần tục, đòi được người khác hầu hạ, nhưng là ông Vua Mục Tử Tốt Lành, hiền hậu và khiêm nhường :
+ Là Vua Mục Tử : Người biết rõ đàn chiên, yêu thương mọi con chiên và chăm sóc từng con, nhất là sẵn sàng đi tìm những con đi hoang, băng bó những con bị thương tích, âu yếm và vác chúng trên vai mà đưa về đàn. Ngày nay Người yêu thương đàn chiên Hội Thánh và yêu đến tột cùng, khi thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với Hội Thánh mọi ngày và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng Hội Thánh. Người cũng nêu gương khiêm nhường cho chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy học nơi Người sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
+ Là Vua Hòa Bình : Người không ngồi trên ngựa chiến uy quyền khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng khiêm tốn ngồi trên con lừa. Người đến không để kết án và trừng phạt tội nhân, nhưng để yêu thương, tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối ăn năn như tha tội người trộm lành trên cây thập tự. Người là Vua Mục Tử bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng chịu chết để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Vua Giê-su?

3) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA VUA GIÊ-SU :
Một số việc các tín hữu chúng ta cầm thực hiện để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su và xứng đáng được Chúa Cha đón nhận vào Nước Trời đời sau :
+ Siêng năng cầu nguyện : Lý do Tông đồ Phê-rô sa ngã và hèn nhát chối Thầy ba lần là vì quá tự tin vào sức riêng hơn tin cậy vào ơn Chúa, đã ăn uống no say và không theo lời Thầy dạy :” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.
+ Luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha : Khi gặp rủi ro, bệnh tật và những điều trái ý cực lòng, chúng ta hãy xin vâng theo ý Chúa Cha. Tránh đi coi bói toán, tin vào bùa phép và các thứ mê tín khác… Hãy xin Chúa thêm sức mạnh giúp chúng ta chấp nhận những đau khổ không thể tránh khỏi, coi đau khổ gặp phải như phương thế để đền tội mình và góp phần cứu rỗi anh em.
+ Tránh cố tình phạm tội như Giu-đa, vì sẽ bị phạt chung số phận với ma quỷ như lời Chúa phán : “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.
+ Sẵn sàng tha thứ cho những kẻ có lỗi với mình như lời kinh Lạy Cha, noi gương Chúa Giê-su đã tha thứ cho Phê-rô sau khi ông chối Thầy ba lần; Hãy năng cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình noi gương Chúa Giê-su đã xin Cha tha cho những kẻ làm khốn mình.
+ Luôn giữ bình tĩnh và dùng tình thương để hoán cải kẻ thù, noi gương Chúa Giê-su đã ứng xử với Giu-đa khi anh ta hôn mặt để nộp Người cho kẻ thù.
+ Kiên nhẫn chịu đựng khi bị khích bác, noi gương Chúa Giê-su đã im lặng chịu đựng trước những lời hò hét đả đảo của đám đông cuồng nộ.
+ Thực lòng sám hối và tin yêu Chúa noi gương kẻ trộm lành trên cây thập tự khi trách bạn : “Mi chịu cùng một án, mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, bị như thế này là đích đáng, vì xứng với tội ta đã làm. Còn ông Giê-su này đâu có làm điều gì xấu?” và cầu xin Chúa Giê-su : “Lạy ông Giê-su. Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng”. Chúa Giê-su đã lập tức tha tội và ban ơn cứu độ cho anh khi phán: “Ta bảo thật. Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta”.
+ Quyết tâm loại trừ tính ganh ghét : Sau cùng, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm loại trừ tính ganh ghét những ai hơn mình, để tránh phạm thêm tội ác khác như các đầu mục Do Thái xưa đã ganh ghét và giết hại Chúa Giê-su.

4. THẢO LUẬN :
Trước đau khổ thập giá gặp phải do bản thân, người khác và do hoàn cảnh tự nhiên gây ra, chúng ta phải ứng xử thế nào để thể hiện đức tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày Tuần Thánh này :
Vì Chúa đã lấy thịt mình mà nuôi dưỡng chúng con, xin giúp chúng con năng nhớ đến những người nghèo khó gần bên để nhường cơm xẻ áo cho họ.
Vì Chúa đã xao xuyến buồn sầu trong vườn Cây Dầu, xin giúp chúng con sẵn lòng chấp nhận chén đắng đau khổ gặp phải trong cuộc sống.
Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin giúp chúng con dám lên tiếng bênh vực công lý. Vì Chúa đã bị xỉ nhục nhạo cười, xin giúp chúng con nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân.
Vì Chúa đã vác cây thập giá nặng nề, xin giúp những ai đang đau khổ trên giường bệnh, biết sẵn sàng vác Thánh giá đời mình mà theo chân Chúa.
Vì Chúa đã bị lột áo và chịu đóng đinh tay chân vào thập giá, xin giúp chúng con biết đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa.
Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin giúp chúng con biết cầu nguyện điều tốt cho tha nhân.
Vì Chúa đã phục sinh vinh quang, xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự trái ý xảy đến với niềm cậy trông phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa…
Nhờ đó, sau này chúng con hy vọng sẽ được tham phần vào hạnh phúc với Chúa trong Nước Trời muôn đời.- AMEN.
 
Hãy nâng không chỉ những cành lá, mà tâm hồn
Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
10:50 29/03/2023
Hãy nâng không chỉ những cành lá, mà tâm hồn

SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Mt 26, 14-27,66)

Chúng ta bước vào Tuần Thánh, Tuần Thương Khó hay còn gọi là Chúa nhật Lễ Lá, phụng vụ Giáo Hội làm cho chúng ta sống lại mầu nhiệm khổ nan, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Đây là một tuần thánh thiện và bi thảm, nhưng cũng là tuần chiến thắng khải hoàn, không chỉ vì Chúa Kitô đã vinh thắng khải hoàn được dân chúng đón tiếp, nhưng trên hết vẫn là vì Chúa đã chiến thắng : Phục Sinh. Tình yêu khải hoàn, chiến thắng, và "mặc dù" không có thánh giá nhưng "qua" (nhờ) thánh giá.

Pascal nói : "Điều khiến chúng ta tin là thập giá, nhưng những gì chúng ta tin là chiến thắng của thập giá, chiến thắng của cuộc sống". "Thập giá là hình ảnh cao cả nhất Thiên Chúa đã tự hiến thân mình. Karl Rahner nói : "Để biết Thiên Chúa là ai, tôi phải quỳ gối dưới chân thập giá ".

Hôm nay Thánh giá là trung tâm phụng vụ của Hội Thánh, cho những ai tham dự, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta không hổ thẹn về Thập giá Chúa Kitô, chúng ta không sợ Thập giá. Trái lại, chúng ta yêu thương và tôn thờ Thánh giá, vì Thánh giá là dấu chỉ của sự hòa giải, của tình yêu mạnh hơn cái chết: đó là dấu hiệu của Đấng Cứu Chuộc chết và sống lại vì chúng ta. Ai tin vào Chúa Giêsu bị đóng đinh và sống lại, phải chịu vác thập giá để chứng tỏ rằng Thiên Chúa là tình yêu. Với sự hiến thân hoàn toàn trên cây Thánh Giá, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã chiến thắng vĩnh viễn tội lỗi và sự chết. Vì lý do này, chúng ta hãy đón nhận Đấng Cứu Thế với niềm vui: "Chúng ta hãy dõi bước theo Người trong hành trình Thương Khó và đi lên dự lễ. Không phải trải dài trước Người, hành trình dài, những cành lá dừa và cành lá ôlui, những tấm thảm hoặc bất cứ cái gì tương tự như thế, nhưng để trải dài sự khiêm nhường của chúng ta trong sự khiêm nhường tột độ"(Thánh Anrê de Créte).

Vì vậy, như đám đông cử hành cách đây chưa đầy 2000 năm, hôm nay chúng ta hãy chào đón Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem và có các môn đệ tháp tùng Người trong lễ Vượt Qua và cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng Cứu Chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. "

Để giúp chúng ta thích ứng với giáo huấn từ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, phụng vụ hôm nay tường thuật lịch sử cuộc thương khó theo thánh Matthêu. Theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu là người tôi tớ chịu đau khổ chịu chết vì chúng ta, Người bị bỏ rơi. Chúa Kitô bị bỏ rơi như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, mục nát đi, thì mời sinh nhiều bông hạt. Tiếng kêu cô đơn của Chúa : « Lạy Chúa tôi, nhân sao Chúa bỏ tôi» (Mt 27,46), không phải là tiếng kêu thất vọng. Thật thế, Thiên Chúa Cha bỏ rơi tự nhiên trở thành sự phó thác cho Thiên Chúa Cha, và sự phó thác này cho phép hòa giải vũ trụ vạn vật, kể từ lúc người trộm lành được đón nhận vào thiên đàng : Gioan đón nhận Đức Maria về nhà làm Mẹ mình, người Mẹ đã sinh hạ người con mới. Có được điều ấy là nhờ Chúa Giêsu phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha trong một cử chỉ hoàn toàn tin tưởng và phó thác yêu thương. Bằng cách này, như Người đã hứa, Thánh Giá Cứu Chuộc lôi kéo tất cả đến với Người, và với Chúa Cha trong sự hiệp thông sâu xa hoàn thành (viên mãn) với Thiên Chúa là Cha.

Theo Thánh Matthêu, tất cả đều can dự vào cái chết của Chúa Giêsu. Tất cả cùng tham gia vào thảm kịch này: trực tiếp hay gián tiếp; hành động hay không hành động. Một trong những điều Mathêu kể là sau khi Chúa Giêsu trút hơi thở (Mt 27,51-53), thì màn trong Đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, mà trời đất thì chuyển rung và đá vỡ ra. Mồ kẻ chết liền mở ra; xác nhiều vị thánh đã qua đời nay sống lại, và, bước ra khỏi mồ sau khi Chúa Giêsu sống lai, họ tiến vào Thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Điều này muốn nói quyền lực của sự chết bị phá tan. Theo Marcô, cái chết của Chúa Giêsu đúng là một Đại Tin Mừng, quyền lực của tội lỗi và sự chết bị bẽ gãy. Có thể sống trong một lịch sử khác, lịch sử cứu độ. Khả năng này được trao cho chúng ta ngày hôm nay. Điều quan trọng không phải là lìa xa Chúa Kitô, nhưng là ở bên Chúa, từng bước dõi theo Chúa và với Chúa cầu cùng Thiên Chúa Cha. Có thế, chúng ta hoàn thành cuộc xuất hành, con đường được Chúa Kitô hướng dẫn, Người là Môsê mới và chân thật, dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Amen.

Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
 
Không thể phi thường hơn
Lm. Minh Anh
14:12 29/03/2023

KHÔNG THỂ PHI THƯỜNG HƠN
“Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Năm 125 sau Công Nguyên, Aristeides giải thích sự thành công lạ thường của “một tôn giáo mới!”. Ông viết, “Bất kỳ một Kitô hữu chân chính nào rời khỏi thế giới, họ đều hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa; họ mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn! Như ‘bất tử’, họ đang đi từ một nơi này đến một nơi khác gần đó; một sự dịch chuyển ‘không thể phi thường hơn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng ‘bất tử’ của Aristeides thật phù hợp với Lời Chúa hôm nay! “Chim sắp chết, chim kêu thống thiết; người sắp chết, nói lời nói thiệt!”. Biết mình sắp chết, Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố rất thật, ‘không thể phi thường hơn’, “Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Ghi lại lời này của Chúa Giêsu, tác giả lùi lại lời tựa Phúc Âm của mình; ở đó, phượng hoàng Gioan chấp cánh bay về tận mút cùng của tạo thành, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa; và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Cùng Chúa Cha, Ngôi Lời đã có mặt trước cả Abraham, trước cả phút chào đời của bất cứ tạo vật nào! Tuy nhiên, Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, xuống thế làm người, và Ngài vẫn ở với Chúa Cha. Trở về với Chúa Cha, Ngài vẫn ở với loài người; và giờ đây, đang ở với Cha, vừa đang ở với chúng ta. Đây là sự hiện diện tất yếu của một tình yêu bất tử nơi Thiên Chúa, một sự hiện diện ‘không thể phi thường hơn!’.

Chúa Giêsu còn nói, “Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đây là một tóm kết gọn ghẽ điều Chúa hứa với Abraham, một người hoàn toàn “tuân giữ” những gì Thiên Chúa nói và xem ra “không bao giờ chết”; sách Sáng Thế hôm nay tiết lộ, “Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác”. Giao ước Chúa lập với Abraham; về sau, với Đavít thật bền bỉ, “Dòng dõi ngươi sẽ trường tồn vạn kỹ”, đã nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”, một giao ước ‘không thể phi thường hơn!’.

Nói rằng, “sẽ không bao giờ phải chết”, Chúa Giêsu nói đến cái chết của linh hồn. Ai giữ lời Ngài, sẽ không biết đến cái chết ‘kiểu đời đời’ này! Bởi lẽ, họ đã bắt đầu chia sẻ cuộc sống Thiên Chúa ‘ở đây và lúc này’, một cuộc sống vượt quá cái chết thể xác. Nếu trao phó đời mình cho Chúa, chúng ta cũng sẽ bắt đầu sống cuộc sống không bị cái chết làm gián đoạn. Cuộc sống hiệp thông với Chúa sẽ không bị phá vỡ bởi cái chết; đúng hơn, được đào sâu hơn qua cái chết! Thật tiếc, người Do Thái không nhận ra! Nếu nhận ra ‘Chủ Nhân’ của sự sống và cái chết là ai, họ sẽ tò mò thay vì tức giận, hy vọng thay vì dể duôi, đón nhận thay vì báng bổ!

Anh Chị em,

“Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đó là lời hứa tuyệt vời của Giêsu Hằng Hữu, Đấng chết cho tội lỗi của con người và sống lại cho sự bất tử của nó! Ngài đang sống trong bạn, trong tôi, ngay trong thế giới thê lương này. Vì thế, ngày ngày, không chỉ khi còn sống, chúng ta hân hoan ca tụng Ngài, mà cả khi rời khỏi thế giới này, chúng ta “mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn!”. Là con của ‘Đấng Bất Tử’, chúng ta đang được thông chuyển sự sống thần linh và sống đời đời của Ngài. Quả thế, một khi tuân giữ Lời Thiên Chúa, chúng ta đã quá vĩ đại! Do đó, đừng để cho sự tẻ nhạt của đời sống với những tân toan kéo ghì chúng ta xuống. Hãy sống tâm thế của con cái Thiên Chúa ngay giữa đời sống thường nhật này, “Tâm hồn luôn hướng lên cao cùng với lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Và như thế, bạn và tôi ‘không thể phi thường hơn!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu hèn yếu, con được gọi cho một sứ vụ lớn. Đừng để con hoá tầm thường; vì như vậy, con sẽ cản trở những công trình ‘không thể phi thường hơn’ Chúa dành cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 29/03/2023

29. Chúng ta tìm kiếm thánh sủng thì nên nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a tìm kiếm cho.

(Thánh Albert the Great)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 29/03/2023
16. TIỂU ÂU NGHỊCH NGỢM

Tiểu Âu là một đứa trẻ nghịch ngợm, từ trước đến nay nó chưa bao giờ nghe lời khuyên bảo của người khác, ngược lại lấy đó làm trò cười.

Một hôm, nó và chị nó là Ni Á đi vào trong vườn hoa, vườn hoa của chị nó trồng thì được cắt tỉa gọn gàng và dễ thương, rất nhiều hoa tươi tắn bắt đầu nở, nhưng vườn hoa của nó trồng thì toàn là lá và nhiều cỏ dại mọc.

Ni Á nói với Tiểu Âu:

- “Tiểu Âu nè, vườn hoa của em rất lộn xộn, dọn dẹp gọn gàng đi em, mẹ nói rất đúng, em không phải là người thực tế, em mãi mãi không biết từ cấp thứ nhất của cái thang mà bắt đầu, để treo lên tốt hơn.”

Tiểu Ân nghịch ngợm cười lớn, cười xong thì chạy trèo lên cây lê, khi nó sắp trèo lên chỗ cao nhất thì nhìn xuống nói lớn:

- “Ni Á, chị xem này, không phải em trèo lên so với cấp thứ nhất của cái thang còn cao hơn sao?”

“Rắc” một tiếng, cành cây bị nó nhún mạnh gãy toang, Tiểu Âu rơi từ trên không trung xuống, gãy một cánh tay.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 16:

Người kiêu ngạo thì thường bỏ ngoài tai những lời góp ý, khuyên bảo của người khác, họ thường coi mình là trung tâm của tri thức, hiểu biết và khôn ngoan, cho nên họ thường té rất đau trong hiểu biết của họ.

Lu-xi-phe không nhìn thấy sự tốt lành của Thiên Chúa nên kiêu ngạo coi mình như Thiên Chúa, và bị phạt rất thảm khốc đời đời trong hỏa ngục, bởi vì như Đức Chúa Giê-su đã nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”(Lc 14, 17)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng: chứng tá, Thánh Phaolô
Vu Van An
14:14 29/03/2023
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của Thánh Phaolô. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong lộ trình dạy giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta hãy bắt đầu nhìn vào một số nhân vật, theo những cách thức và thời điểm khác nhau, đã làm chứng mẫu mực cho việc niềm đam mê Tin Mừng có nghĩa gì. Và nhân chứng đầu tiên đương nhiên là Thánh Tông đồ Phaolô. Tôi muốn dành hai bài giáo lý này cho ngài.

Và tiểu sử của Thánh Phaolô thành Tácxô là tiêu biểu về phương diện này. Trong chương đầu tiên của Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong phần tường thuật của Sách Tông đồ Công vụ, chúng ta có thể thấy lòng nhiệt thành của ngài đối với Tin Mừng xuất hiện sau khi ngài trở lại, và thay thế cho lòng nhiệt thành trước đó của ngài đối với đạo Do Thái. Ngài là một người nhiệt thành đối với luật Môsê của Do Thái giáo, và sau khi trở lại, lòng nhiệt thành này vẫn tiếp tục, nhưng để công bố, rao giảng Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô yêu mến Chúa Giêsu. Saolô – tên đầu tiên của Thánh Phaolô – vốn đã rất sốt sắng, nhưng Chúa Kitô đã hoán cải lòng sốt sắng của ngài: từ Lề Luật đến Tin Mừng. Lòng nhiệt thành của ngài trước tiên muốn phá hủy Giáo hội, sau đó lại xây dựng Giáo hội. Chúng ta có thể tự hỏi: điều gì đã xảy ra, chuyển từ hủy diệt sang xây dựng? Điều gì đã thay đổi ở Thánh Phaolô? Lòng nhiệt thành của ngài, sự phấn đấu của ngài cho sự vinh hiển của Thiên Chúa, đã được biến đổi như thế nào? Điều gì đã xảy ra ở đó?

Thánh Tôma Aquinô dạy rằng đam mê, theo quan điểm luân lý, không tốt cũng không xấu: việc sử dụng đức hạnh làm cho nó tốt về mặt luân lý, còn tội lỗi làm cho nó xấu.[1] Trong trường hợp của thánh Phaolô, điều đã thay đổi ngài không phải là một ý tưởng hay một xác tín đơn giản: đó là cuộc gặp gỡ, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh – đừng quên điều này, chính cuộc gặp gỡ với Chúa đã thay đổi một cuộc đời – chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đã biến đổi toàn bộ con người ngài. Nhân tính của Thánh Phaolô, niềm đam mê của ngài đối với Thiên Chúa và vinh quang của Người không bị tiêu diệt, nhưng được Chúa Thánh Thần biến đổi, “hoán cải”. Đấng duy nhất có thể thay đổi tâm hồn chúng ta, thay đổi, đó là Chúa Thánh Thần. Và nó là như vậy cho mọi khía cạnh của cuộc sống ngài. Cũng như trong Bí tích Thánh Thể: bánh và rượu không biến mất, nhưng trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Lòng nhiệt thành của Thánh Phaolô vẫn còn đó, nhưng nó trở thành lòng nhiệt thành của Chúa Kitô. Nó thay đổi hướng đi nhưng lòng nhiệt tình vẫn là một. Chúa được phục vụ với nhân tính của chúng ta, với những đặc quyền và đặc điểm của chúng ta, nhưng điều thay đổi mọi thứ không phải là một ý tưởng, mà là chính cuộc sống, như chính thánh Phaolô đã nói: “Ai ở trong Đức Kitô, thì người ấy là tạo vật mới” – nó thay đổi anh chị em từ bên trong, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô thay đổi anh chị em từ bên trong, nó biến anh chị em thành một con người khác – “cái cũ đã qua đi, này cái mới đã đến” (2 Cr 5:17). Nếu một người ở trong Chúa Kitô, người ấy là tạo vật mới, đấy là ý nghĩa của tạo vật mới. Trở thành Kitô hữu không phải là một vũ hội hóa trang làm thay đổi khuôn mặt của anh chị em, không! Nếu anh chị em là Kitô hữu, tấm lòng của anh chị em sẽ thay đổi, nhưng nếu anh chị em là một Kitô hữu ở bề ngoài, thì điều này sẽ không xảy ra: những Kitô hữu giả dạng, không, họ sẽ không làm được sự thay đổi này. Sự thay đổi thực sự là sự thay đổi của trái tim. Và điều này đã xảy ra với Thánh Phaolô.

Niềm đam mê Tin Mừng không phải là vấn đề hiểu biết hay nghiên cứu – anh chị em có thể học tất cả thần học anh chị em muốn, anh chị em có thể nghiên cứu Kinh thánh và tất cả những thứ đó, và trở thành người vô thần hay thế tục, đó không phải là vấn đề học tập; trong lịch sử đã có nhiều nhà thần học vô thần, không! Học hành hữu ích nhưng không sản sinh đời sống mới của ân sủng; đúng hơn, hoán cải nghĩa là trải qua cùng kinh nghiệm “sa ngã và phục sinh” mà Saolô/Phaolô đã sống và là nguồn gốc của sự biến đổi lòng nhiệt thành tông đồ của ngài. Thật vậy, như Thánh Inhaxiô nói: “Không phải vì biết nhiều, mà là nhận ra và trân quí mọi sự trong nội tâm, điều ấy mới làm hài lòng và thỏa mãn”. [2] Mỗi người chúng ta, hãy suy nghĩ. “Tôi là một người mộ đạo” – “Tốt thôi” – “Tôi cầu nguyện” – “Vâng” – “Tôi cố gắng tuân theo các điều răn” – “Vâng” – “Nhưng Chúa Giêsu ở đâu trong cuộc sống của anh chị em?” – “À, không, tôi làm những điều Giáo hội ra lệnh”. Nhưng Chúa ơi, Người ở đâu? Anh chị em đã gặp Chúa Giêsu chưa, anh chị em đã nói chuyện với Chúa Giêsu chưa? Nếu anh chị em đọc Tin Mừng hoặc nói chuyện với Chúa Giêsu, anh chị em có nhớ Chúa Giêsu là ai không? Và đây là điều mà chúng ta thường thiếu; một Kitô giáo, tôi muốn nói, không phải không có Chúa Giêsu, nhưng với một Chúa Giêsu trừu tượng… Không! Chúa Giêsu đã bước vào cuộc đời anh chị em như thế nào, Người đã bước vào cuộc đời của Thánh Phaolô như thế nào, và khi Chúa Giêsu bước vào, mọi thứ đều thay đổi. Đã nhiều lần chúng ta nghe những lời bình luận về người ta: “Nhưng hãy xem ông này, ông ta vốn là người xấu xa, bây giờ ông là người tốt lành, bà ta là người tốt lành… ai đã thay đổi họ? Chúa Giêsu, họ đã tìm thấy Chúa Giêsu. Đời sống Kitô hữu của anh chị em có thay đổi không? “Không, ít hay nhiều thì có…”. Nếu Chúa Giêsu không bước vào cuộc đời anh chị em, thì nó không thay đổi. Anh chị em chỉ có thể là Kitô hữu ở bên ngoài. Không, Chúa Giêsu phải bước vào và điều này thay đổi anh chị em, và điều này đã xảy ra với thánh Phaolô. Đó là tìm thấy Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta, đó là điều đưa anh chị em tiến tới. Điều tương tự cũng xảy ra, sự thay đổi này, đối với tất cả các thánh, những người đã tiến bước khi họ tìm thấy Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể suy nghĩ thêm về sự thay đổi diễn ra nơi Thánh Phaolô, người từ một kẻ bắt bớ đã trở thành tông đồ của Chúa Kitô. Chúng ta lưu ý rằng có một loại nghịch lý trong ngài: quả thực, bao lâu còn cảm thấy mình là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ngài cảm thấy mình được phép bắt bớ, bắt bớ, thậm chí giết chết, như trường hợp Thánh Stêphanô; nhưng khi được Chúa Phục Sinh soi sáng, ngài khám phá ra mình là “kẻ phạm thượng và bắt bớ” (x. 1Tm 1:13) – đây là điều ngài nói về mình, “trước đây tôi đã phạm thượng và bách hại” – lúc ấy ngài bắt đầu trở thành thực sự có khả năng yêu thương. Và đó là cách thế. Nếu một người trong chúng ta nói: “À, cảm ơn Thiên Chúa, vì con là người tốt, con làm điều tốt, con không phạm tội trọng…”, thì đây không phải là con đường tốt, đây là con đường tự mãn, đó là con đường không công chính hóa anh chị em, nó khiến anh chị em hếch mũi lên… Đó là một người Công Giáo thanh lịch, nhưng một người Công Giáo thanh lịch không phải là một người Công Giáo thánh thiện, họ chỉ thanh lịch thôi. Người Công Giáo chân chính, người Kitô hữu đích thực là người tiếp nhận Chúa Giêsu bên trong, một điều thay đổi trái tim anh chị em. Đây là câu hỏi tôi hỏi tất cả anh chị em hôm nay: Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi đã để Người bước vào trái tim tôi, hay tôi giữ Người trong tầm với nhưng để Người không thực sự bước vào bên trong? Tôi có để mình được Người thay đổi không? Hay Chúa Giêsu chỉ là một ý tưởng, một thần học đang đi trước… Và lòng nhiệt thành là khi một người tìm thấy Chúa Giêsu và cảm thấy ngọn lửa, giống như Thánh Phaolô, phải rao giảng Chúa Giêsu, phải nói về Chúa Giêsu, phải giúp đỡ mọi người, phải làm những điều tốt đẹp. Khi một người tìm thấy ý tưởng về Chúa Giêsu, người đó vẫn là một người có ý thức hệ của Kitô giáo, và điều này không công chính hóa được, chỉ có Chúa Giêsu mới công chính hóa chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, và xin Chúa Giêsu này thay đổi cuộc đời chúng ta từ bên trong và giúp chúng ta giúp đỡ người khác. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________________

[1] Cfr Quaestio “De veritate” 24, 7.

[2] Linh Thao, Chú Giải, 2, 4.
 
Đức Giáo Hoàng phải vào bệnh viện vì nhiễm trùng đường hô hấp
Đặng Tự Do
16:34 29/03/2023
Sau buổi triều yết chung sáng thứ Tư 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã được chở đến bệnh viện bằng xe cứu thương.

Lúc 8:30 tối ngày thứ Tư 29 tháng Ba, theo giờ địa phương Rôma, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Trong vài ngày qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phàn nàn về một số khó khăn về hô hấp và chiều nay ngài đã đến bệnh viện Đa Khoa Agostino Gemelli để kiểm tra y tế.

Kết quả kiểm tra cho thấy một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (không bao gồm nhiễm trùng Covid 19), và sẽ cần một vài ngày điều trị y tế thích hợp tại bệnh viện.

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm động trước nhiều thông điệp nhận được và bày tỏ lòng biết ơn về sự gần gũi và lời cầu nguyện.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi, đã bị cắt bỏ một phần phổi phải khi bị viêm phổi nặng khi còn trẻ.

Đức Thánh Cha đã chia sẻ đôi điều về kinh nghiệm đó trong một bài viết cho tờ New York Times vào ngày 26 tháng 11 năm 2020.

Tôi nhớ vào ngày 13 tháng 8 năm 1957. Tôi được đưa đến bệnh viện, người nhận ra rằng bệnh của tôi không phải là loại bệnh cúm mà bạn có thể điều trị bằng aspirin. Ngay lập tức họ rút một lít rưỡi nước ra khỏi phổi của tôi, và tôi vẫn ở đó chiến đấu cho sự sống của mình. Tháng 11 năm sau, họ phẫu thuật để cắt bỏ thùy trên bên phải của một lá phổi. Tôi hiểu phần nào cảm giác của những người mắc Covid-19 khi họ phải vật lộn để thở bằng máy thở.

Ngài đã kể lại rằng vào dịp đó, một y tá hiểu biết đã cứu mạng ngài như thế nào.

Theo tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, tin tức chính thức từ Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, là Đức Thánh Cha chỉ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, nhà báo người Á Căn Đình Elisabetta Piqué, được coi là có nguồn tin tốt ở Vatican, đã báo cáo trên tờ La Nacion, rằng Đức Phanxicô có thể đã bị đau tim hôm nay.

Cô báo cáo từ các nguồn của mình rằng khi trở lại Casa Santa Marta, sau buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng bắt đầu cảm thấy “đau ngực”. Bác sĩ riêng của ngài, Massimiliano Strappetti, khuyên ngài nên đến ngay Bệnh viện Gemelli. Ngài đã được đưa đến đó bằng xe cấp cứu. Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha có vẻ ổn, mặc dù rõ ràng là bị đau ở đầu gối vào những lúc chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng và di chuyển khỏi xe giáo hoàng.

Piqué lưu ý rằng trong cuốn sách “Sức khỏe của các Giáo hoàng” của Nelson Castro xuất bản năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng vào năm 2004, khi còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, ngài đã mắc bệnh tim, một “cơn tiền nhồi máu”. Nhưng sau khi nhập viện vài ngày, ngài không còn vấn đề gì về tim nữa.
Source:Aleteia
 
Sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô: Đây là dòng thời gian về các vấn đề y tế của ngài trong những năm gần đây
Đặng Tự Do
16:36 29/03/2023
Vatican cho biết hôm thứ Tư rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phải nhập viện “vài ngày” sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Đức Thánh Cha Phanxicô 86 tuổi, người đã trải qua hầu hết 10 năm làm giáo hoàng trong tình trạng sức khỏe tương đối tốt, đã phải đối mặt với một số tình trạng y tế đau đớn trong vài năm qua.

Đây là một biểu đồ thời gian về những mối quan tâm sức khỏe gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Tháng 12 năm 2020

Một cơn đau thần kinh tọa trong những ngày cuối cùng của năm 2020 đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô không thể chủ trì các nghi lễ của Vatican vào đêm giao thừa và ngày đầu năm mới.

Đức Thánh Cha Phanxicô bị đau thần kinh tọa trong nhiều năm; ngài đã nói về điều đó trong một cuộc họp báo trên chuyến bay trở về sau chuyến đi tới Brazil vào tháng 7 năm 2013.

“Đau thần kinh tọa rất đau, rất đau! Tôi không muốn điều đó xảy ra với bất kỳ ai,” ngài nói về tình trạng bắt đầu ở lưng dưới và có thể gây ra cơn đau chạy dọc từ mặt sau của đùi và chân xuống bàn chân.

Tháng Giêng 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng buộc phải hủy bỏ thêm ba lần xuất hiện trước công chúng vào cuối Tháng Giêng do chứng đau dây thần kinh tọa.

Tháng 7 năm 2021

Một vấn đề với ruột kết của ngài đã khiến Đức Giáo Hoàng phải nhập viện vào ngày 4 tháng 7 năm 2021.

Theo Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua cuộc phẫu thuật để giảm bớt tình trạng hẹp ruột kết do viêm túi thừa. Ca phẫu thuật kéo dài ba giờ bao gồm phẫu thuật cắt nửa đại tràng trái, cắt bỏ một bên đại tràng.

Vatican cho biết trong 11 ngày ở lại Bệnh viện Gemelli ở Rome, Đức Thánh Cha đã có “tiến triển lâm sàng bình thường” trong quá trình hồi phục.

Tháng Giêng 2022

Tại các cuộc họp vào Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng ngài đang gặp vấn đề với đầu gối.

“Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi ngồi yên, nhưng hôm nay tôi bị đau ở chân… Tôi đau, nếu tôi đứng cũng đau,” Đức Thánh Cha nói với các nhà báo đến Vatican từ Trung tâm Truyền thông Kitô giáo có trụ sở tại Jerusalem vào ngày 17 tháng Giêng.

Ngài giải thích thêm trong buổi tiếp kiến chung vào tuần sau, nói rằng lý do ngài không thể chào đón những người hành hương như thường lệ là vì “chân phải của tôi có vấn đề tạm thời,” dây chằng đầu gối bị viêm.

Tháng 2 năm 2022

Vào cuối tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy bỏ hai sự kiện công cộng do bị đau đầu gối theo yêu cầu nghỉ ngơi của bác sĩ.

Trong tháng sau đó, ngài được giúp đi lên xuống cầu thang, nhưng vẫn tiếp tục đi và đứng mà không cần trợ giúp.

Tháng 4 năm 2022

Trong chuyến viếng thăm Malta vào cuối tuần đầu tiên của tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng thang máy để xuống máy bay. Một thang máy đặc biệt cũng đã được lắp đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ở Rabat, để Đức Phanxicô có thể đến thăm và cầu nguyện trong hang hầm mộ mà không cần đi thang bộ.

Trên chuyến bay trở về vào ngày 3 tháng 4, ngài nói với các nhà báo rằng “sức khỏe của tôi hơi yếu, tôi có vấn đề về đầu gối khiến việc đi lại gặp khó khăn”.

Trong cử hành tưởng niệm Chúa chịu chết vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Vatican, Đức Thánh Cha không phủ phục trước bàn thờ, như ngài đã làm trong quá khứ.

Ngài cũng không chủ sự Thánh lễ Vọng Phục sinh vào ngày 16 tháng 4 hay tham gia rước nến Phục sinh mà ngồi ở phía trước cộng đoàn trên một chiếc ghế màu trắng.

Vatican cho biết vào ngày 22 tháng 4 và ngày 26 tháng 4, chương trình nghị sự của Đức Phanxicô đã được hủy bỏ để kiểm tra y tế và nghỉ ngơi cho đầu gối của ngài. Ngày hôm sau, Đức Giáo Hoàng nói với những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung rằng đầu gối của ông khiến ông không thể đứng lâu.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bắt đầu ngồi yên trong chiếc pope mobile khi chào đón những người hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Vào ngày 30 tháng 4, ngài nói rằng bác sĩ của ngài đã yêu cầu ngài không được đi bộ.

Tháng 5 năm 2022

Vào đầu tháng 5, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài sẽ trải qua một thủ thuật y tế trên đầu gối của mình, “một can thiệp bằng sự xâm nhập”, theo đó ngài có thể muốn nói đến một mũi tiêm trị liệu, đôi khi được sử dụng để giảm đau đầu gối do đứt dây chằng.

Hai ngày sau, lần đầu tiên ngài sử dụng xe lăn ở nơi công cộng kể từ cuộc phẫu thuật ruột kết vào tháng 7 năm 2021. Trong suốt tháng 5, ngài tiếp tục sử dụng xe lăn và tránh đứng và đi lại nhiều.

Theo một tổng giám mục người Á Căn Đình thân cận với Đức Giáo Hoàng, Đức Phanxicô cũng trải qua hơn hai giờ phục hồi chức năng cho đầu gối mỗi ngày.

Việc điều trị “đang mang lại kết quả”, Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández đã viết trên Twitter vào ngày 14 tháng 5 sau khi ngài có cuộc gặp riêng với Đức Phanxicô.

Ngoài vấn đề đầu gối, “ngài khoẻ hơn bao giờ hết,” Đức Cha Fernández nói thêm.

Trước đó, bộ trưởng du lịch của Li Băng đã nói rằng một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến nước này vào tháng 6 đã bị hoãn lại do sức khỏe của Đức Thánh Cha.

Đức Giáo Hoàng đã đứng lâu hơn khi cử hành Thánh lễ ngày 15 tháng 5 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau đó, một chủng sinh đến từ Mễ Tây Cơ đã chụp được khoảnh khắc vui vẻ giữa những người hành hương và Đức Thánh Cha khi ngài chào đón họ từ xe giáo hoàng.

Một số người đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã hiện diện trong Thánh lễ, mặc dù ngài bị đau đầu gối, Đức Phanxicô đáp lại: “Con có biết cha cần gì cho đầu gối của mình không? Một chút rượu tequila.”

Tháng 6 năm 2022

Đầu tháng 6, Vatican đã hoãn chuyến thăm dự kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan vì lý do sức khỏe. Chuyến đi đã được lên kế hoạch từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 7 nhưng đã bị hoãn lại “theo yêu cầu của các bác sĩ của ngài, và để không gây nguy hiểm cho kết quả điều trị đầu gối mà ngài đang trải qua”.

Chưa đầy một tuần sau, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không chủ sự Thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa vào ngày 16 tháng 6 vì các vấn đề về đầu gối của ngài và “các nhu cầu phụng vụ cụ thể của việc cử hành.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét về sức khỏe của ngài và nói về những ảnh hưởng của tuổi già nói chung trong buổi tiếp kiến chung ngày 15 tháng Sáu.

“Khi bạn già, bạn không còn kiểm soát được cơ thể của mình. Người ta phải học cách chọn điều gì nên làm và điều gì không nên làm,” Đức Thánh Cha nói. “Sức sống của thể xác suy tàn và bỏ rơi chúng ta, mặc dù trái tim chúng ta không ngừng khao khát. Sau đó, người ta phải học cách thanh lọc ham muốn: kiên nhẫn, chọn những gì trước yêu cầu cơ thể và cuộc sống. Khi về già, chúng ta không thể làm những điều như khi còn trẻ: cơ thể có một tốc độ khác, và chúng ta phải lắng nghe cơ thể và chấp nhận những giới hạn của nó. Tất cả chúng ta đều có những vấn đề như thế. Bây giờ tôi cũng phải chống gậy.”

Vào cuối tháng, vào ngày 28 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chống gậy đến gặp các giám mục từ Brazil và nói với các ngài: “Tôi đã có thể đi bộ được ba ngày rồi.”

Tháng 8 năm 2022

Vào ngày 4 tháng 8, Vatican thông báo rằng Massimiliano Strappetti, một y tá của Vatican, đã được bổ nhiệm làm “trợ lý chăm sóc sức khỏe cá nhân” của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tháng 11 năm 2022

José María Villalón, bác sĩ trưởng của đội bóng đá Atlético de Madrid, được tuyển dụng để hỗ trợ Đức Thánh Cha Phanxicô chữa các vấn đề về đầu gối. Ông nói rằng Đức Giáo Hoàng là “một bệnh nhân rất tốt bụng và rất bướng bỉnh theo nghĩa là có những thủ tục phẫu thuật mà ngài không muốn” và rằng “chúng tôi phải cung cấp cho ngài những phương pháp điều trị bảo thủ hơn để ngài đồng ý”.

Tháng Giêng 2023

Trong một cuộc phỏng vấn do Associated Press đăng tải vào ngày 25 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo rằng bệnh viêm túi thừa của ngài đã quay trở lại. Ngài nhấn mạnh rằng ngài có “sức khỏe tốt” và đối với tuổi của ngài điều đó là “bình thường”.

Tháng 2 năm 2023

Vào ngày 23 tháng 2, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bị “cảm nặng”. Đức Giáo Hoàng đã phát các bản sao các bài phát biểu của mình vào hai cuộc hẹn vào buổi sáng thay vì đọc to chúng như thường lệ.

Tháng 3 năm 2023

Vào ngày 29 tháng 3, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ ở lại bệnh viện ở Rôma trong “vài ngày” do bị nhiễm trùng đường hô hấp.


Source:Catholic News Agency
 
Nhật ký trừ tà #233: Phải chăng có những lời nguyền từ đời này sang đời khác?
Đặng Tự Do
17:12 29/03/2023


Lời nguyền thế hệ, tiếng Anh gọi là generational curse, là một thói quen hoặc hành vi đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ cố gắng bảo đảm rằng cuộc sống mà họ hướng tới sẽ giúp con cái họ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trẻ em tự thực hành những gì chúng đã học được và những gì chúng thu thập được từ các thế hệ trước. Đây không hẳn là một điều tồi tệ, những bài học bạn được dạy khi còn trẻ có thể là kim chỉ nam cho bạn sau này trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc nhìn lại quá khứ thường vẽ nên một bức tranh rõ ràng.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #233: Generational Curses?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #233: Phải chăng có những lời nguyền từ đời này sang đời khác?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

James là một người nghiện rượu nặng. Sau một trận ốm nặng suýt cướp đi mạng sống của mình, James ngừng uống rượu. Anh thề sẽ trở lại với đức tin của mình sau khi đã lìa xa Giáo Hội trong một thập kỷ. Tuy nhiên, khi anh bắt đầu trở lại với Thánh lễ Công Giáo, anh bắt đầu có những phản ứng kỳ lạ.

Anh ta bị ngất nhiều lần khi tham gia các hoạt động tôn giáo. Vào ban đêm, anh cảm thấy bị tấn công bởi các thế lực tà ác. Anh tỉnh dậy với những vết bầm tím và trầy xước lớn trên tay và chân. Các vết xước luôn là ba vết. Hãy lưu ý rằng các vết xước của ma quỷ thường có dạng bộ ba cái như một sự chế nhạo Chúa Ba Ngôi.

Kỳ lạ thay, ngay cả khi anh ấy đã ngừng uống rượu, những chai rượu vẫn xuất hiện xung quanh anh ấy một cách khó hiểu. Vị hôn thê của anh ấy thực sự đã chứng kiến những cái chai đột nhiên xuất hiện bên cạnh anh ấy như thể rơi ra khỏi cơ thể anh ấy. Các thế lực tà ác dường như đang cám dỗ anh ta.

Linh mục giáo xứ của anh ấy đã giới thiệu anh ấy đến mục vụ trừ tà của chúng tôi. Trong những buổi đầu tiên, anh ấy đã tiến bộ rất nhiều. Ngoài việc tham dự các buổi trừ tà hàng tuần, anh và vị hôn thê của mình lần hạt Mân Côi hàng ngày và thường xuyên lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả việc xưng tội thường xuyên. Tuy nhiên, sau một vài tuần, anh ấy đột nhiên ngừng tham gia các phiên trừ tà. Anh ấy ngừng lãnh nhận các bí tích và nói rằng anh ta không còn tin nữa. Đó là một sự dừng lại đáng kinh ngạc mà không có lời giải thích rõ ràng.

Nhưng vài tháng ngắn ngủi sau, anh trở lại. Anh ấy nói với Nhà Trừ Tà rằng các cuộc tấn công tâm linh đã trở nên tồi tệ đến mức anh ấy không thể chịu đựng được. Các buổi trừ tà lại bắt đầu và lại mang lại lợi ích rõ rệt. Các cuộc tấn công của ma quỷ đã trở nên ít nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, đối với Nhà Trừ Tà, dường như có thứ gì đó ngăn cản sự giải phóng hoàn toàn. Các phiên đã không được hiệu quả đầy đủ. Theo cảm hứng, Nhà trừ tà hỏi James, “Có bất kỳ sự liên quan nào của hội Tam điểm hay giáo phái khác trong gia đình anh không?” James trả lời: “Ông tôi là thành viên Tam Điểm hạng 33.”

Vì vậy, Chuyên gia trừ tà đã đưa James qua những lời cầu nguyện để hóa giải mọi lời nguyền liên quan đến hội Tam điểm cộng với bất kỳ lời nguyền thế hệ nào khác. Trong buổi tiếp theo, James cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Anh ấy nói rằng nó gần giống như “một công tắc đã bật” và anh ấy đã được giải thoát. Đã vài năm trôi qua và lũ quỷ vẫn chưa quay trở lại. Anh ấy đã kết hôn hạnh phúc và thực hành đức tin.

Ngày nay có một số cuộc thảo luận về việc liệu những lời nguyền thế hệ có thực sự tồn tại hay không. Giáo Hội Công Giáo đã không nói rõ ràng về điều này và có nhiều chỗ cho sự bất đồng và tranh luận. Tuy nhiên, những nhà trừ tà cấp cao mà tôi biết đều biến những lời nguyền thế hệ thành một phần thường xuyên trong chức vụ của họ.

Một số nhà thần học không đồng ý và gợi ý rằng bí tích rửa tội sẽ hoàn toàn xóa bỏ mọi sự lây truyền hậu quả của tội lỗi thế hệ. Đúng là phép rửa tẩy sạch con người khỏi vết nhơ của Tội Nguyên Tổ. Tuy nhiên, nó không xóa sạch tất cả các hiệu ứng của nó. Ví dụ, đau khổ và cái chết vẫn còn trong thế giới của chúng ta vì tội Nguyên Tổ, bất chấp sức mạnh của phép rửa tội.

Những người khác dạy rằng chúng ta không mắc tội lỗi của các thế hệ trước. Đây là sự thật. Nhưng hậu quả tội lỗi của họ có thể và quả thật ảnh hưởng đến chúng ta. Ví dụ, nếu cha mẹ tôi đều nghiện ma túy, tôi không chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ. Nhưng những tác động tiêu cực của việc lớn lên trong một gia đình nghiện ma túy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tôi.

Nhưng tôi nhận thấy rằng việc dỡ bỏ những lời nguyền thế hệ dường như tương đối dễ dàng đối với hầu hết mọi người, cũng như đối với James. Có lẽ là do con cái không có tội. Mặt khác, tôi nhận thấy rằng việc loại bỏ các tác động của bói toán, chẳng hạn như thực hành phù thủy, nếu bản thân các cá nhân đã phạm tội nghiêm trọng này, không phải là điều dễ dàng và cần có thời gian và sự thanh tẩy đáng kể.

Chúng ta sống trong một thế giới sa ngã. Hậu quả của tội lỗi ở khắp mọi nơi. Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ và hành động của Kẻ Ác. Nhưng chúng ta vẫn tràn đầy hy vọng và tự tin. “Ở đâu tội lỗi gia tăng, ở đó ân sủng càng tuôn tràn gấp bội... nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5:20-21).
Source:Catholic Exorcism
 
Lịch trình các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tuần Thánh
Đặng Tự Do
20:51 29/03/2023
Tuần Thánh trong 2 năm 2020 và 2021 đã diễn ra rất lặng lẽ vì đại dịch coronavirus. Năm ngoái, một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Đấu trường Rôma để chủ tọa Đàng Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vatican đã công bố lịch trình của Đức Giáo Hoàng cho Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, xác nhận rằng cũng như năm ngoái ngài sẽ chủ sự các lễ kỷ niệm lớn ở quảng trường Thánh Phêrô và bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, lúc 8:30 tối ngày thứ Tư 29 tháng Ba, theo giờ địa phương Rôma, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Trong vài ngày qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phàn nàn về một số khó khăn về hô hấp và chiều nay ngài đã đến bệnh viện Đa Khoa Agostino Gemelli để kiểm tra y tế.

Kết quả kiểm tra cho thấy một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (không bao gồm nhiễm trùng Covid 19), và sẽ cần một vài ngày điều trị y tế thích hợp tại bệnh viện.

Thành ra, vẫn không chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đích thân chủ sự các cử hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh hay không. Nếu tình hình sức khoẻ của ngài khả quan, dưới đây là những gì sẽ xảy ra.

Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, 2 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng theo giờ địa phương. Năm ngoái, khi nghi lễ này được tái tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô, đã có hơn 40,000 người tham dự.

Trong hai năm qua đại dịch coronavirus, các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng trong Tuần Thánh được tổ chức rất ít do các biện pháp phòng dịch COVID-19, với nhiều sự kiện được chuyển đến bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô với số lượng người tham dự cực kỳ hạn chế.

Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh lúc 9:30 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lịch trình hiện tại của Vatican cho năm 2022 chưa cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc ly Thứ Năm Tuần Thánh tại đâu. Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm một nhà tù địa phương, hay các trung tâm di dân và tị nạn, hay một giáo xứ xa xôi bên ngoài thành phố Rôma để dâng thánh lễ.

Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ngài sẽ chủ sư nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều, trước khi đến Đấu trường Côlôsêô để chủ sự buổi đi đàng thánh giá bắt đầu lúc 9 giờ tối.

Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ Canh thức Phục sinh vào ngày 8 tháng 4 tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối và cũng sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh bên ngoài tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, sau đó ngài sẽ ban phép lành Urbi et Orbi truyền thống.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ dâng thánh lễ vào ngày 16 tháng 4 cho Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Vatican cũng xác nhận rằng Đức Thánh Cha sẽ tông du Hung Gia Lợi từ 28 đến 30 Tháng Tư.
Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn ĐGM tân cử Phêrô Kiều Công Tùng
Lm. Đình Chẩn
10:42 29/03/2023
 
VietCatholic TV
Lệnh bắt Putin diễn ra thế nào? Khép lại trang sử buồn, Trung Tá Dù Nga đền tội, cùng cả Lữ Đoàn Dù
VietCatholic Media
03:16 29/03/2023


1. Trung Tá, Tiểu Đoàn Trưởng lính Dù Nga, đền tội sau khi gần hết đơn vị đã tử trận

Hai ký giả Will Stewart và Chris Jewers của tờ Daily Mail có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Russian commander who oversaw notorious slaughter of hundreds of Ukrainian troops is found dead from gunshot wound at his home”, nghĩa là “Chỉ huy Nga giám sát vụ tàn sát khét tiếng hàng trăm binh sĩ Ukraine được tìm thấy đã chết vì vết thương do đạn bắn tại nhà riêng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những chỉ huy khét tiếng nhất của Vladimir Putin, Trung Tá Dmitry Lisitsky, đã chết vì vết thương do đạn bắn ở tuổi 48, vào lúc 10 giờ sáng ngày 26 tháng Ba, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga và Ukraine.

Có nhiều tranh cãi về việc ai đứng sau cái chết của anh ta. Ukraine cáo buộc anh ta bị 'thanh lý' để trả thù cho vụ tàn sát khét tiếng hàng trăm binh sĩ của họ trong cuộc rút lui vào năm 2014 trong 'vạc dầu Ilovaisk'.

Các nguồn tin Nga khẳng định anh ta đã tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng săn trong nhà bếp, ở thành phố quê hương Stavropol, trong bối cảnh 'trầm cảm' vì cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Lisitsky - người nhận huân chương cao quý nhất của Nga, là huy chương Anh hùng nước Nga - là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù của Lữ Đoàn Dù 247 thuộc Sư Đoàn Dù số 7.

Lữ Đoàn Dù 247 đã chịu 'tổn thất nặng nề' khi Nga rút khỏi Kharkiv vào năm ngoái và 'việc thanh lý Lisitsky sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chiến đấu của trung đoàn', các phương tiện truyền thông Ukraine tuyên bố.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Nga cho biết thi thể của anh ta được tìm thấy trong căn hộ của anh ta ở Stavropol.

Các đồng nghiệp cho biết Lisitsky gần đây đã rất chán nản vì 'một lời phàn nàn về những hành động bất hợp pháp của anh ta đối với các binh sĩ thuộc quyền' trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

'Vạc dầu Ilovaisk' đề cập đến vụ tàn sát ít nhất 366 quân nhân và tình nguyện viên Ukraine khi họ rút lui khỏi vòng vây ở khu vực Donetsk vào năm 2014.

Lisitsky chỉ huy tiểu đoàn Dù Nga bị cáo buộc tấn công người Ukraine trong thời gian ngừng bắn đã được các bên đồng ý để rút lui trong hòa bình.

Anh ta bị cáo buộc đã ra lệnh nổ súng vào người Ukraine khi họ tiến ra. Cùng với 366 người chết, còn có 450 người bị thương và 300 người bị bắt.

Vì chuyện này, Putin đã trao cho anh ta huân chương Anh hùng nước Nga vào năm 2015.

Các lực lượng Ukraine đã vào thành phố Ilovaisk vào ngày 18 tháng 8 năm 2014, nhưng nhanh chóng bị bao vây bởi lực lượng nổi dậy thân Nga có liên hệ với cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và binh lính từ các lực lượng vũ trang của Nga.

Vào sáng ngày 29 tháng 8, những người lính Ukraine bắt đầu rời thành phố theo một thoả thuận rút lui trong hòa bình, nhưng phía Nga đã nổ súng vào họ - theo lệnh của Lisitsky.

Một cuộc điều tra hình sự về sự bội ước của Nga ở Ilovaisk đã được mở bởi Tổng công tố Ukraine, và bộ trưởng quốc phòng Ukraine vào thời điểm đó buộc phải từ chức, ít nhất một phần vì trách nhiệm của ông ta trong thất bại của trận chiến.

Hàng năm, Ukraine tổ chức một ngày tưởng niệm vào ngày 29 tháng 8 - được chọn vì đây là ngày chứng kiến số lượng binh sĩ thiệt mạng cao nhất trong trận chiến.

Trong khi đó, ở Nga, những người lính Nga tham gia trận chiến được ca ngợi và thường được giới quân sự gọi là 'Ngọn gió phương Bắc'.

Lữ Đoàn Dù cận vệ 247 cũng chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Bucha trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, do Putin phát động vào tháng 2 năm 2022.

Vào ngày 9 tháng 9 năm 2022, có thông tin cho rằng toàn bộ đơn vị đã bị tiêu diệt trong cuộc phản công nhanh chóng của Ukraine ở vùng Kharkiv. Lisitsky nhanh chân chạy thoát vì biết chắc rằng nếu rơi vào tay quân Ukraine, anh ta khó sống. Ngay trước cái chết, anh ta làm việc tại bộ chỉ huy Sư Đoàn Dù số 7.

Một số nhân vật quân sự cấp cao của Nga đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tính đến ngày 11 tháng 7 năm 2022, các nguồn tin Ukraine cho biết 14 tướng Nga đã thiệt mạng.

Trong khi một số tuyên bố chủ quyền của Kyiv bị Nga phản đối, bốn tuyên bố đã được cả hai bên xác nhận. Việc mất dù chỉ hai tướng cũng được coi là hiếm.

Hàng chục nhà lãnh đạo quân sự cấp thấp hơn cũng đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh.

2. Biden lo ngại về kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus

Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ông lo ngại về kế hoạch của Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus.

“Họ chưa làm điều đó, trừ khi có chuyện gì đó xảy ra khi tôi đang ở trên trực thăng,” Biden nói. “Chắc chắn rồi, tôi lo lắng về điều đó.”

“Tôi đã nói chuyện gì với các bạn trong năm qua? Đây là kiểu nói chuyện nguy hiểm và đáng lo ngại,” Biden nói thêm.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Mạc Tư Khoa sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng 7, ông Putin nói với đài truyền hình nhà nước Russia 1.

3. Đích thân Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, chỉ huy cuộc phản công ở thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 29 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tình hình ở thành phố Bakhmut phía đông đang tranh chấp vẫn “trong tầm kiểm soát” và Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, đang trực tiếp nắm quyền kiểm soát việc phòng thủ của thành phố, hướng đến việc tái chiếm toàn thành phố này.

Ông cũng cho biết trận chiến khốc liệt nhất tập trung ở một số khu vực ở phía đông Donetsk và Luhansk, và các đơn vị của quân Ukraine đã đẩy lùi những nỗ lực tiến công mới nhất của lực lượng Nga. Trong ngày qua, quân Ukraine đã đẩy lùi 24 cuộc tấn công của Nga.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết “Đối phương tiếp tục cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của chúng ta xung quanh thị trấn và gửi những đơn vị tinh nhuệ nhất của chúng tới đó.”

Ông nói rằng Lữ Đoàn Dù số 46, một trong những đơn vị thiện chiến nhất của quân Ukraine, đang trấn giữ làng Ivanivske, cách thành phố Bakhmut vài km về phía tây.

“Nếu chúng ta mất Ivanivske, tình hình ở khu vực phía nam thành phố sẽ phức tạp. Mất Ivanivske cũng sẽ mang lại quyền kiểm soát cụ thể đối với con đường tới Chasiv Yar, và sẽ cho phép hậu phương và sườn của chúng ta bị tấn công từ phía nam.”

Ông nhấn mạnh rằng “Mặc dù đã tăng cường độ hỗ trợ bằng pháo binh và không quân cho quân Wagner, nhưng điều đáng chú ý là quân Nga đã không đạt được bất kỳ thành công nào trong vài ngày qua.”

“Những bước tiến chiến thuật của chúng là tối thiểu, bất chấp cường độ giao tranh.”

Đại tướng Oleksandr Syrskyi cho biết nhiệm vụ chính của Ukraine tại thành phố Bakhmut ở miền đông là “tiêu diệt lực lượng áp đảo của đối phương và gây tổn thất nặng nề cho chúng”.

“Chúng ta đang ở thời điểm mà đối phương, cố gắng chiếm Bakhmut, đã tung tất cả các đơn vị tốt nhất của mình vào để đạt được chiến thắng”

“Nhiệm vụ của chúng ta là tiêu diệt càng nhiều đối phương càng tốt và tạo điều kiện để chúng ta phát động một cuộc phản công. Do đó, anh em cần phải hạ gục những đơn vị đối phương đang ở phía trước của anh em. Anh em đã chứng minh rằng anh em có thể làm được điều này”, ông nói với các binh sĩ.

“Chúng ta muốn tiếp cận biên giới Ukraine, chúng ta muốn tiêu diệt đối phương ở đây, gần Bakhmut, ở các khu vực khác. Điều quan trọng là các anh em tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình một cách gương mẫu, và điều quan trọng nhất là anh em trở về đơn vị của mình một cách an toàn và bình an vô sự sau khi hoàn thành nhiệm vụ”, Tướng Syrskyi nói với các binh sĩ.

Ông nói thêm: “Nhờ chủ nghĩa anh hùng và tính chuyên nghiệp của quân đội, các hành động phối hợp và khéo léo, sử dụng hiệu quả khả năng cơ động và vũ khí, chúng ta đang giữ vững pháo đài Bakhmut bất chấp nhiều đồn thổi và dự báo khác nhau”.

4. Tổng giám đốc IAEA cho biết hành động quân sự đang gia tăng gần nhà máy điện hạt nhân của Zaporizhzhia

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế,, gọi tắt là IAEA, ông Rafael Grossi, cho biết các hành động quân sự đang gia tăng xung quanh nhà máy điện hạt nhân của Zaporizhzhia.

Phát biểu từ Dnipro ở Ukraine, trước chuyến thăm nhà máy, Grossi cho biết tình hình “không khá hơn chút nào”.

“Hành động quân sự vẫn tiếp tục,” ông nói với CNN. “Thực tế là nó đang tăng lên. Ngày càng có nhiều binh lính, xe quân sự, pháo binh hạng nặng, nhiều hành động quân sự hơn xung quanh nhà máy.”

Grossi cho biết thêm, nhà máy điện đã “bị mất điện nhiều lần”.

Chuyến thăm của tổng giám đốc sẽ là chuyến thăm thứ hai của ông tới nhà máy và là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi IAEA thiết lập sự hiện diện thường trực tại địa điểm này vào tháng 9 năm ngoái, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Tôi muốn tự mình xem tình hình thế nào, nói chuyện với ban quản lý ở đó, đó là ban quản lý của Nga,” Grossi nói với CNN.

Công ty độc quyền năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga, Rosatom, cho biết hôm thứ Ba rằng Nga sẵn sàng thảo luận về tình hình tại nhà máy với người đứng đầu IAEA.

“Trong vài giờ nữa, bản thân tôi và nhóm của mình, chúng tôi sẽ lại vượt qua chiến tuyến – như chúng tôi đã làm năm ngoái,” Grossi nói. “Tôi sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn của mình để cố gắng thiết lập sự bảo vệ xung quanh nhà máy và cứu tất cả chúng ta khỏi một tai nạn hạt nhân với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.”

Người đứng đầu IAEA cho biết mức độ rủi ro hiện tại tại nhà máy là “cực kỳ cao và hoàn toàn không thể đoán trước, chính xác là vì chúng ta đang ở trong vùng chiến sự.”

Hôm thứ Hai, Grossi đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người đang đến thăm các vùng Zaporizhzhia và Dnipro. Sau đó, trong bài phát biểu hàng đêm vào thứ Hai, Zelenskiy đã cảm ơn Grossi vì sự hỗ trợ của ông.

5. Ukraine thành lập các đơn vị máy bay không người lái mới

Chính phủ Ukraine thông báo rằng ba công ty mới được tài trợ bởi các khoản quyên góp đã sẵn sàng triển khai máy bay không người lái do Ukraine sản xuất để chiến đấu.

Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng phụ trách đổi mới, phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, cho biết việc thành lập các công ty sản xuất máy bay không người lái sẽ mang lại “một đường lối hoàn toàn mới để quản lý, đào tạo và phát triển học thuyết sử dụng máy bay không người lái”.

Fedorov cho biết các công ty sẽ có xe bán tải, trực thăng tấn công và các trạm Starlink. Tất cả các máy bay không người lái hoặc phương tiện bay không người lái đều được sản xuất tại Ukraine.

“Các máy bay không người lái sẽ thực hiện các nhiệm vụ do thám và tấn công. Chúng sẽ được sử dụng để dẫn đường cho pháo binh, giúp các binh sĩ đạt hiệu quả cao nhất có thể trong các trận chiến đô thị và cứu mạng sống”, Fedorov nói. “Những chiếc xe bán tải sẽ được sử dụng cho các cuộc tấn công của các nhóm di động vào lãnh thổ của đối phương, vận chuyển hàng hóa và di tản những người bị thương.”

Máy bay không người lái đã đóng một vai trò quan trọng - trong cả hai chế độ tấn công và trinh sát - đối với lực lượng Ukraine trong năm qua.

Fedorov cho biết thiết bị được mua bởi các nhà tài trợ tư nhân.

Hơn 1,5 triệu đô la đã được huy động thông qua việc bán 100.000 gói muối từ một mỏ ở Soledar, một thị trấn đã bị các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner chiếm giữ vào tháng Giêng.

6. Việc bắt giữ Putin có thể diễn ra như thế nào

Putin đã trở thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật toàn cầu trong bối cảnh ông đang tiếp tục xâm lược Ukraine, khi ông bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, buộc tội bắt cóc trái phép trẻ em từ Ukraine sang Nga.

123 quốc gia thành viên của ICC có nghĩa vụ pháp lý bắt giữ Putin nếu ông vào lãnh thổ của họ.

Ông ta cũng có thể phải đối mặt với việc bị bắt trong một cuộc đảo chính do giới tinh hoa Nga dàn dựng, hoặc thậm chí có thể bị công dân Nga bắt giữ.

Vì vậy, việc bắt giữ nhà lãnh đạo Nga có thể diễn ra như thế nào – và phản ứng của Điện Cẩm Linh có thể là gì?

Hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bị đặt ngoài vòng pháp luật toàn cầu.

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ ông vào ngày 18 tháng 3, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Kể từ đó, một số quốc gia thành viên của tòa án đã cân nhắc xem liệu họ có bắt giữ và giao nộp Putin cho tòa án ở The Hague hay không.

Không rõ liệu Putin có bao giờ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc bắt cóc bất hợp pháp trẻ em Ukraine hay không. Tuy nhiên, nếu ông ta vào lãnh thổ của các quốc gia thành viên ICC, họ có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện lệnh bắt giữ Putin và ủy viên tổng thống Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova.

Tuy nhiên, đó có thể không phải là rủi ro duy nhất đối với Putin sau lệnh bắt giữ, bởi ông còn phải đối mặt với viễn cảnh xấu hổ, nhục nhã hoặc thậm chí là chết dưới tay đối phương cả trong và ngoài nước.

Tất cả các quốc gia ICC - bao gồm mọi thành viên của Liên minh Âu Châu, hầu hết các quốc gia Phi Châu, tất cả các quốc gia Latinh và Nam Mỹ ngoại trừ Cuba và Nicaragua, và thậm chí cả Tajikistan - đều được pháp luật yêu cầu bắt giữ Putin nếu ông bước chân vào lãnh thổ của họ, Trung tâm nghiên cứu Âu Châu Phân tích Chính sách, gọi tắt là CEPA, cho biết như trên.

ICC không có lực lượng cảnh sát riêng để thực thi lệnh bắt giữ và phụ thuộc vào 123 quốc gia thành viên của mình để hỗ trợ bằng cách đặt các cá nhân dưới sự bắt giữ của cơ quan thực thi pháp luật quốc gia—điều không phải lúc nào cũng diễn ra trong quá khứ. Cựu lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir có hai lệnh bắt giữ từ ICC từ năm 2009 và 2010. Mặc dù đã đến thăm các quốc gia thành viên của ICC kể từ đó, nhưng ông vẫn ở ngoài vòng pháp luật.

Trong khi một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có Đức và Mỹ, đã nhấn mạnh cam kết tuân thủ lệnh bắt giữ Putin của ICC, thì Hung Gia Lợi, cũng là thành viên của liên minh quân sự gồm 30 thành viên, tuyên bố sẽ không bắt giữ ông Putin, nếu ông ta nhập cảnh vào nước này.

Gergely Gulyas, chánh văn phòng của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, cho biết vào ngày 23 tháng 3 rằng mặc dù đất nước của ông là một bên ký kết Quy chế Rôma, hiệp ước đã tạo ra ICC và phê chuẩn nó vào năm 2001, nhưng không có cơ sở nào trong luật pháp Hung Gia Lợi cho phép bắt Putin.

Thông báo đó được đưa ra sau khi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Putin theo lệnh của ICC sẽ dẫn đến một lời tuyên chiến chống lại Nga.

Ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về việc liệu Putin có thể bị bắt vào tháng 8 này trong chuyến đi dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 8 này tại Nam Phi, là quốc gia cũng có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt giữ hay không..

Đối phương của Putin bên trong?

Vlad Mykhnenko, một chuyên gia về quá trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tại Đại học Oxford, nói với Newsweek rằng ông tin rằng Putin có thể bị bắt và đưa ra tòa ở The Hague nếu ông ta bị tước bỏ quyền lực, hoặc nếu giới tinh hoa Nga sắp đặt gài bẫy ông ta trong một vụ bắt giữ để lật đổ ông ta khỏi quyền lực.

“Bởi vì Điện Cẩm Linh, thứ nhất là hoang tưởng về sự an toàn của Putin và thứ hai là tin rằng Hoa Kỳ điều hành thế giới, Putin sẽ không đặt chân lên lãnh thổ của một quốc gia thành viên ICC để tránh bất kỳ sự xấu hổ nào,” Mykhnenko nói và nhấn mạnh thêm rằng Putin có khả năng sẽ không mạo hiểm đến Dushanbe, Tajikistan hoặc Nam Phi.

Và nếu Putin mạo hiểm đến thăm các quốc gia thành viên ICC và “gặp rắc rối”, thì đó có thể là kết quả do siloviki sắp đặt để bắt giữ ông ta “nhằm loại bỏ ông ta,” Mykhnenko nói. Siloviki là thành ngữ chỉ một nhóm ưu tú gồm các doanh nhân và nhà lãnh đạo Nga.

Ông nói: “Có thể dễ dàng tìm ra một người thay thế, người thậm chí có thể hứa hẹn 'trả thù' cho sự ra đi của nhà lãnh đạo kính yêu, nhưng chỉ là diễn xuất mà thôi.”

Boris Bondarev, một cựu quan chức ngoại giao Nga đã từ chức công khai vì cuộc xâm lược Ukraine năm ngoái, cũng nói với Newsweek vào tháng trước rằng Putin có thể bị thay thế, và cuối cùng ông có thể bị buộc phải từ chức nếu thất bại trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

“Putin có thể bị thay thế. Ông ấy không phải là một siêu anh hùng. Ông ta không có bất kỳ siêu năng lực. Ông ta chỉ là một nhà độc tài tầm thường,” Bondarev nói.

Mykhnenko đã so sánh Putin với Slobodan Milosevic, người bị truy tố vào năm 1999 bởi tiền thân của ICC, là Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ.

Mykhnenko nói: “Sau khi Milosevic mất quyền lực ở quê nhà, nhà lãnh đạo mới của Serbia, trong cố gắng thiết lập lại mối quan hệ với phương Tây, đã giao Milosevic cho tòa án ở The Hague.

“Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo thời hậu Putin có thể sử dụng kịch bản tương tự để thiết lập lại mối quan hệ với phương Tây.”

Tuy nhiên, trong kịch bản này, Putin thậm chí có thể không đến được The Hague.

“Với những mối quan hệ rộng rãi của Putin trên khắp Âu Châu và những gì ông ấy có thể nói với các thẩm phán về tham nhũng và những giao dịch mờ ám giữa Mạc Tư Khoa và các thủ đô lớn của phương Tây, sẽ có rất nhiều động lực để khiến ông ấy im lặng trước khi đến được The Hague”.

Cùng với nguy cơ bị giới thượng lưu Nga giao nộp, Putin có thể gặp rắc rối khi đến thăm các quốc gia khác, ngay cả khi họ thân thiện với chế độ Nga và không tìm cách bắt giữ ông như trường hợp của Milosevic.

Vào năm 2001, nhà hoạt động Peter Tatchell, trong tư cách công dân, đã cố gắng bắt giữ Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tại Brussels, Bỉ, vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Anh ta bị các vệ sĩ của Mugabe hành hung và đánh bất tỉnh. Mugabe chưa bao giờ bị ICC buộc tội về bất kỳ tội danh nào và qua đời vào năm 2019.

Khi Putin đến một quốc gia thân thiện, ông ta hoàn toàn có thể bị các công dân của quốc gia ấy bắt giữ hay làm nhục.

Mykhnenko cho rằng lệnh bắt giữ của ICC cũng đã khiến Putin trở nên “cực kỳ dễ bị tổn thương” và “bị sỉ nhục” ở chính nước Nga.

Ông nói: “Đó là lý do tại sao Cẩm Linh TV trở nên rất im lặng. Họ không muốn những người Nga bình thường nghe đến lệnh bắt giữ Putin của ICC dù chỉ trong một câu, vì điều đó phá hủy sức hút của ông ta, và khiến ông ta trông giống như một tên tội phạm, hay một kẻ chuyên quyền trong thế giới thứ ba.”

Phản ứng của Nga có thể là gì?

Những lời đe dọa của Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga và cũng là thủ tướng trong 8 năm, về khả năng ông Putin bị bắt giữ đã gây ra báo động. Ông nói rằng nếu chính quyền Đức cố gắng bắt giữ tổng thống Nga theo lệnh của ICC, thì đó sẽ là một lời tuyên chiến.

Đức là một trong 30 thành viên của NATO, cùng với Hoa Kỳ, vì vậy cảnh báo của Medvedev cho thấy rằng bất kỳ vụ bắt giữ nào cũng sẽ khiến liên minh quân sự này có chiến tranh với Nga, châm ngòi cho Thế chiến thứ Ba.

Khi được Newsweek liên hệ, ICC cho biết: “Tòa án không bình luận về các tuyên bố chính trị” Newsweek cũng đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

Rabea Bönnighausen, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Liên bang Đức, nói với Newsweek rằng “Đức, giống như tất cả các quốc gia thành viên của ICC, có nghĩa vụ hợp tác với ICC (và do đó thực hiện lệnh bắt giữ) theo Điều 86 của Quy chế Rôma và Mục 2 trong Luật Hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế.”

Olga Lautman, thành viên cấp cao không thường trú tại CEPA và là nhà nghiên cứu điều tra cấp cao tại Viện Liêm chính Âu Châu, lưu ý rằng Medvedev và các quan chức và nhà tuyên truyền khác của Điện Cẩm Linh đã đưa ra một số lời đe dọa chống lại các quốc gia thành viên ICC nếu họ tuân thủ lệnh bắt giữ Putin, nhưng những điều này có thể sẽ chứng minh là vô căn cứ.

“Trong trường hợp giả định rằng Putin bị một thành viên ICC bắt giữ, tôi không tin Nga sẽ làm bất cứ điều gì,” bà nói với Newsweek, đồng thời cho biết thêm rằng điều này có thể phụ thuộc vào quốc gia thành viên và đòn bẩy mà Nga có thể có đối với quốc gia đó.

“Khi nói đến Đức hoặc bất kỳ quốc gia NATO nào, Nga sẽ không có hành động nào vì họ hoàn toàn hiểu rằng họ không sẵn sàng đối đầu trực tiếp với NATO.”

Lautman cho biết Nga có thể gây áp lực cho các bên ký kết ở Phi Châu và các quốc gia không thuộc NATO khác để buộc họ không tuân thủ.

“Cá nhân tôi, Putin là một kẻ hèn nhát và tôi không tin rằng ông ấy sẽ mạo hiểm ra khỏi nước Nga và có nguy cơ bị bắt giữ.”

Nhận xét của Lautman được lặp lại bởi Oleksandr Moskalenko, Thành viên Đảng Dân chủ tại CEPA, người đã nói với Newsweek rằng “sự cuồng loạn” của Medvedev “không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.”

“Điều đó giống như đe dọa một sĩ quan cảnh sát được lệnh của tòa án đến và đưa một người đến phiên tòa. Không có gì mang tính cá nhân trong hành động của một quốc gia trong trường hợp này – quốc gia đó nhận mệnh lệnh, nó có nghĩa vụ hợp tác và nó hợp tác,” Moskalenko nói.

Ông nói thêm: “Như tất cả chúng ta đã thấy, Nga không có khả năng đối phó ngay cả với Ukraine, chứ chưa nói đến NATO”.
 
Tuyên bố của Tòa Giám mục Kontum về vụ xúc phạm thánh lễ. Ukraine vạch trần một tin giả của Nga
VietCatholic Media
04:59 29/03/2023


1. Thông báo của Tòa Giám mục Kon Tum về việc xúc phạm thánh lễ

TOÀ GIÁM MỤC KON TUM

146 Trần Hưng Đạo - Kon Tum - Việt Nam

Số 48/VT/’23/Tgmkt

THÔNG BÁO

V/v xúc phạm Thánh Lễ tại Nhà nguyện Giáo họ Phaolô, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi

Văn phòng Toà Giám mục Kon Tum trân trọng thông báo tới Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Gia đình Giáo phận.

Như quý Cha và Anh Chị Em đã biết, vào lúc 18h15’ ngày 22 tháng 3 năm 2023, khi Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, chánh xứ Đăk Giấc đang dâng Thánh Lễ tại nhà nguyện Giáo họ Phaolô thuộc Giáo xứ Đăk Giấc, một nhóm cán bộ của xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, đã đến yêu cầu Cha Tiên dừng Thánh Lễ, với những lời lẽ gắt gỏng và có hành vi xúc phạm đến niềm tin của người Công Giáo, xúc phạm đến sự thánh thiêng của Thánh Lễ, vốn là trung tâm của toàn thế đời sống Kitô giáo, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu chúng ta. Vì thế, việc làm này đã gây bức xúc và làm tổn thương cho anh chị em giáo họ Phaolô, cũng như đối với quý Cha và Anh Chị Em giáo dân trong và ngoài Giáo phận Kon Tum.

Đức Cha Aloisiô, Giám mục Giáo phận Kon Tum cũng đã đến thăm để bày tỏ tình hiệp thông với cha xứ cũng như anh chị em thuộc Giáo họ Phaolô xa xôi này. Và sáng hôm nay, ngày 27 tháng 3 năm 2023, bằng một văn thư chính thức gửi chính quyền tỉnh Kon Tum và huyện Ngọc Hồi, Tòa Giám Mục đã lên án hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến sự thánh thiêng của Thánh Lễ, đồng thời đưa ra những kiến nghị để Chính quyền sớm công nhận Nhà Nguyện của Giáo họ Phaolô và các Nhà Nguyện khác trong các buôn làng thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum.

Xin quý Cha và Gia đình Giáo phận tiếp tục cầu nguyện cho Giáo họ Phaolô nói riêng và Giáo phận chúng ta nói chung để những nguyện vọng chính đáng của Anh Chị Em giáo dân ở những vùng khó khăn sớm được giải quyết, hầu tránh những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra tại nhà nguyện Giáo họ Phaolô.

Kon Tum, ngày 27 tháng 3 năm 2023

T/M Tòa Giám Mục Kon Tum

Linh mục Phêrô Lê Văn Hùng

Chánh Văn Phòng Tòa Giám Mục

2. Tuyên bố của chính phủ Ukraine về việc chính quyền Nga kích động hận thù tôn giáo

Tuyên truyền của Nga đã biến việc tập hợp các tín hữu cho nghi lễ thiêng liêng thành một cuộc biểu tình phản đối

Các phương tiện thông tin đại chúng của Điện Cẩm Linh và các kênh Telegram ủng hộ chiến tranh đã lan truyền thông tin giả mạo tuyên bố rằng người Ukraine tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở Kyiv để phản đối việc trục xuất các đại diện của Tòa Thượng phụ Giáo Hội Chính thống Ukraine ở Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC MP, khỏi Tu viện hang động ở Kyiv.

Để làm bằng chứng, họ công bố một bức ảnh cho thấy một đám đông người tụ tập gần Tu viện.

Đây là hàng giả. Bức ảnh được chụp vào ngày 12 tháng 3 vừa qua. Vào ngày hôm đó, các tín hữu đã tập trung để tham dự Phụng Vụ Thánh tại Tu viện hang động Kyiv, được cử hành bởi nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Ukraine là Đức Tổng Giám Mục Epiphanius tại Nhà thờ Đức Mẹ Yên Giấc, thuộc lãnh thổ của tu viện.

Vào ngày 10 tháng 3, Cục Dự trữ Quốc gia đã gửi cảnh báo tới Tu viện nam giới của UOC MP về việc chấm dứt thỏa thuận ngày 19 tháng 7 năm 2013 về việc sử dụng miễn phí các tòa nhà tôn giáo và các tài sản khác của tu viện sau khi Tổ công tác liên ngành phát hiện vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Theo phát hiện của nhóm, các đại diện của UOC MP phải rời khỏi cơ sở Lavra trước ngày 29 tháng 3.

3. Đức Thánh Cha phê chuẩn tự sắc cập nhập bài trừ nạn lạm dụng tính dục

Hôm 25 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn chung kết ấn bản mới của Tự sắc về việc bài trừ nạn lạm dụng tính dục trong Giáo hội. Sau gần bốn năm áp dụng thử nghiệm, Tự sắc đã được nhiều lần bổ túc và nay được Đức Thánh Cha ấn định như bản chung kết.

Tự sắc mang tựa đề “Vos estis lux mundi”, Các con là ánh sáng thế gian, dài 10 trang. Sau phần dẫn nhập, được chia làm hai thiên với tổng cộng 19 điều khoản. Thiên thứ I gồm 5 điều khoản trình bày những quy định tổng quát, và thiên thứ II liệt kê trong 14 điều khoản những quy định liên quan đến các giám mục và các vị tương đương. Văn kiện pháp lý này được công bố lần đầu tiên ngày 09 tháng Năm năm 2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng Sáu sau đó để thử nghiệm. Còn Tự sắc cập nhật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30 tháng Tư tới đây.

Trong Tự sắc, Đức Thánh Cha thiết định các quy luật và thủ tục về việc trình báo những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, đồng thời cũng bảo đảm sao cho các giám mục và các Bề trên dòng tường trình trách nhiệm về hoạt động của các vị. Tự sắc ấn định nghĩa vụ buộc các giáo sĩ và tu sĩ phải trình báo các vụ lạm dụng. Mỗi giáo phận phải có một hệ thống có thể được dân chúng lui tới, liên lạc dễ dàng để đón nhận những lời tố giác lạm dụng.

Điểm mới nhất trong Tự sắc cập nhật là: ngoài các giám mục và bề trên dòng, nay cả các giáo dân điều hành các hiệp hội quốc tế các giáo dân được Tòa Thánh nhìn nhận, cũng có trách nhiệm trong lãnh vực này, giống như các giám mục và bề trên dòng.

Tự sắc cập nhật củng cố những quy luật về việc giữ thanh danh và lãnh vực riêng tư của tất cả những người liên hệ, và người bị điều tra phải được coi là vô tội, trong khi chờ đợi xác nhận trách nhiệm của họ khi bị cáo buộc.

Ngoài ra, Tự sắc tiếp tục nói về những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục, không những trên các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương, nhưng cả những vụ bạo hành và xách nhiễu tình dục như kết quả của sự lạm dụng quyền bính. Vì thế, điều này cũng bao gồm cả trường hợp giáo sĩ bạo hành tình dục các nữ tu, các chủng sinh và các tập sinh đã trưởng thành.

Tự sắc coi những thái độ che đậy, như một loại hành động đặc thù, hệ tại “hành động hoặc bỏ sót nhắm can thiệp vào hoặc tránh né những cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra theo giáo luật, hành chánh hoặc hình luật, đối với một giáo sĩ hay một tu sĩ về các tội ác “lạm dụng tính dục”. Đây là trường hợp những người có vị thế trách nhiệm đặc thù trong Giáo hội, thay vì truy tố những lạm dụng do người khác phạm, thì lại che giấu, bao che kẻ bị coi là có tội, thay vì bảo vệ các nạn nhân.

Tự sắc minh xác rằng nghĩa vụ tiến hành cuộc điều tra khi có những tố giác là của giám mục tại nơi xảy ra những vụ được tố giác.
 
Ukraine cảnh báo: Putin sắp xếp trốn qua Tầu trước khi bị bắt. Mỹ hô hào truy tố thêm tội ác Putin
VietCatholic Media
15:31 29/03/2023


1. Mỹ ủng hộ thành lập tòa án đặc biệt để truy tố tội ác của Nga đối với Ukraine

Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố tội ác xâm lược — một diễn biến quan trọng trong nỗ lực buộc các quan chức cấp cao Cẩm Linh phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.

“Vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử, tôi vui mừng thông báo rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc thành lập một tòa án quốc tế chuyên truy tố tội ác xâm lược Ukraine,” Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth Van Schaack tuyên bố hôm thứ Hai.

Thông báo về việc Hoa Kỳ hỗ trợ phát triển một cơ quan như vậy “dưới hình thức một tòa án quốc tế bắt nguồn từ hệ thống tư pháp của Ukraine, với các yếu tố quốc tế,” theo lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được đưa ra sau khi Ukraine và các quốc gia khác trong nhiều tháng qua đã thúc đẩy việc tạo ra cơ chế này”.

Một số bối cảnh khác: Mặc dù có một số cơ quan khác nhau như Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, có thể truy tố tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, nhưng họ không có khả năng truy tố tội xâm lược.

Do đó, Đại sứ lưu động Ukraine Anton Korynevych vào tháng 12 đã lập luận rằng những cơ chế hiện có này không đủ để bảo đảm rằng những người ra quyết định ở Mạc Tư Khoa phải đối mặt với sự trừng phạt vì cuộc chiến chống lại Ukraine.

Korynevych nói với CNN tại Washington, DC vào thời điểm đó: “Chúng ta có một lỗ hổng, một lỗ hổng trong trách nhiệm giải trình, khi chúng ta nói về trách nhiệm đối với tội ác xâm lược Ukraine”.

“Về mặt pháp lý, hiện tại, không có cơ chế quốc tế nào có thể điều tra và truy tố tội ác xâm lược Ukraine,” ông giải thích.

2. Nga bắn hỏa tiễn hành trình trong cuộc tập trận ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã bắn một cặp hỏa tiễn siêu thanh vào một mục tiêu giả ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản vào sáng thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

“Một đội gồm hai tàu hỏa tiễn đã thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn chung nhằm vào một lá chắn biển mô phỏng một tàu chiến mô phỏng của đối phương,” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết: “Mục tiêu đã bị tấn công thành công ở khoảng cách 100 km bởi một cú tấn công trực tiếp từ hai hỏa tiễn hành trình Moskit.”

Cuộc diễn tập hôm thứ Ba diễn ra sau khi Nga tiến hành các cuộc tập trận vào đầu tháng này ở Biển Nhật Bản, còn được gọi là Biển Đông, với một tàu ngầm tấn công mục tiêu trên đất liền cách xa hơn 1.000 km bằng hỏa tiễn hành trình Kalibr – cùng loại với hỏa tiễn hành trình Kalibr là hỏa tiễn Mạc Tư Khoa thường xuyên sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

3. Quan chức Mỹ cho biết các tuyến bay mới của máy bay không người lái của Mỹ qua Hắc Hải hạn chế việc thu thập thông tin tình báo liên quan đến chiến tranh Ukraine

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng quyết định của Mỹ điều máy bay không người lái giám sát xa hơn về phía nam trên Hắc Hải sau khi một máy bay phản lực của Nga va chạm với một máy bay không người lái của Mỹ hồi đầu tháng này “chắc chắn hạn chế khả năng thu thập thông tin tình báo” của chúng ta liên quan đến cuộc chiến Ukraine.

Một quan chức quân đội Mỹ giải thích rằng máy bay không người lái bay ở khoảng cách xa hơn làm giảm chất lượng thông tin tình báo mà chúng có thể thu thập, đồng thời lưu ý rằng các vệ tinh gián điệp có thể bù đắp ở một mức độ nào đó nhưng có thời gian đến mục tiêu ngắn hơn, một lần nữa làm giảm hiệu quả so với máy bay không người lái giám sát.

Sau khi máy bay phản lực của Nga va chạm với máy bay không người lái Reaper của Mỹ hồi đầu tháng này, Mỹ đã bắt đầu bay các máy bay không người lái giám sát của mình xa hơn về phía nam và cao hơn trên Hắc Hải so với trước đây, đặt chúng cách xa không phận xung quanh Bán đảo Crimea và các phần phía đông của Bán đảo Crimean và các phần phía đông của Hắc Hải.

Khi CNN lần đầu tiên đưa tin về sự thay đổi này, một quan chức Hoa Kỳ cho biết các tuyến đường mới là một phần trong nỗ lực “tránh hành động quá khiêu khích”, vì chính quyền Biden tiếp tục thận trọng để tránh bất kỳ sự việc nào có thể leo thang thành xung đột trực tiếp với các lực lượng Nga. Quan chức này cho biết các chuyến bay không người lái sẽ tiếp tục theo cách này “trong thời điểm hiện tại”, nhưng nói thêm rằng đã có “sự khao khát” quay trở lại các tuyến đường gần lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Khi được hỏi về tác động của các tuyến đường mới đối với việc thu thập thông tin tình báo, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Tướng Patrick Ryder nói với CNN rằng “chúng tôi sẽ không thảo luận về các nhiệm vụ, tuyến đường hoặc thời gian của các hoạt động. Chúng tôi cũng sẽ không thảo luận về các hoạt động tình báo ngoài việc nói rằng chúng tôi duy trì khả năng giám sát mạnh mẽ trong khu vực và hơn thế nữa.”

Thông tin thêm về các tuyến đường của Hoa Kỳ: Sau vụ va chạm với máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 3, các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay trong không phận quốc tế. Tuy nhiên, các tuyến đường mới đặt các chuyến bay cách bờ biển Ukraine hơn 40 hải lý, thay vì 12 hải lý thường được công nhận là giới hạn không phận của một quốc gia.

Theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, có lo ngại rằng một khi Mỹ đã chuyển đường bay ra khỏi các khu vực gần bờ biển Ukraine hơn thì sẽ khó quay trở lại và khẳng định quyền tự do bay cho máy bay Mỹ. Hải quân Hoa Kỳ đã không đi vào Hắc Hải kể từ tháng 12 năm 2021.

Vụ bắn rơi máy bay không người lái đánh dấu lần đầu tiên máy bay quân sự Nga và Mỹ tiếp xúc trực tiếp kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược Ukraine.

4. Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi 24 cuộc tấn công của Nga trong ngày qua khi cuộc chiến khốc liệt nhất đang diễn ra ở các khu vực phía đông

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 29 tháng Ba, quân đội Ukraine cho biết trận chiến khốc liệt nhất tập trung ở một số khu vực ở phía đông Donetsk và Luhansk – và rằng các đơn vị của họ đã đẩy lùi những nỗ lực tiến công mới nhất của lực lượng Nga.

Bộ Tổng tham mưu cho biết “các thị trấn Bilohorivka, Bakhmut, Avdiivka, Mariinka và vùng ngoại ô của những thị trấn này vẫn là tâm điểm của cuộc giao tranh” và Lực lượng Phòng vệ Ukraine “đã đẩy lùi 24 cuộc tấn công của đối phương ở các khu vực trên trong ngày qua”.

Các lực lượng Nga kiểm soát việc tiếp cận cả Bakhmut và Avdiivka ở miền đông Ukraine trên ba mặt. Họ đã đạt được những thành tựu nhỏ trong những tuần gần đây nhưng không thể bao vây quân đội Ukraine ở cả hai nơi. Hầu hết các chiến tuyến phía đông ít thay đổi trong ba tháng đầu năm.

Ngoài khu vực Donbas, Bộ Tổng tham mưu cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thị trấn Bohodukhiv ở vùng Kharkiv đã khiến dân thường bị thương và nhà cửa bị hư hại.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các lực lượng Nga đã tiếp tục bắn xuyên biên giới vào các khu định cư ở vùng Sumy phía bắc, cũng như tại các thị trấn và làng mạc ở vùng Kharkiv.

Bộ Tổng tham mưu cũng cho biết các lực lượng Nga - trong khi đang phòng thủ ở mặt trận phía nam Zaporizhzhia - đã nổ súng vào một số khu định cư.

Lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện “năm cuộc tấn công vào các khu vực tập trung nhân viên và thiết bị quân sự của quân xâm lược trong ngày. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đã đánh vào một sở chỉ huy, một khu vực tập trung nhân lực, vũ khí và khí tài của địch và một kho đạn dược.”

5. Putin thương lượng với Tập Cận Bình để bảo đảm có chỗ trú ẩn ở Trung Quốc và một thỏa thuận không dẫn độ

Ký giả Chris Jewers của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin 'negotiated guarantees for his safety with President Xi in case he loses power, with shelter in China and a non-extradition agreement', Ukraine believes”, nghĩa là “Ukraine tin rằng Putin 'thương lượng với chủ tịch Tập Cận Bình để bảo đảm an toàn cho ông ta, có chỗ trú ẩn ở Trung Quốc và một thỏa thuận không dẫn độ'“ Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ukraine tin rằng Vladimir Putin đã đàm phán về các bảo đảm an toàn cho ông ta với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong trường hợp ông ta bị phế truất.

Người ta nghi ngờ rằng nếu ông bị phế truất, nhà lãnh đạo Nga sẽ ẩn náu ở Trung Quốc với một thỏa thuận không dẫn độ, nghĩa là Trung Quốc sẽ không đưa ông ra nước ngoài để đối mặt với các cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược của ông.

Ông Tập thăm Mạc Tư Khoa và gặp nhà độc tài Nga vào tuần trước, cả hai tuyên bố tình hữu nghị và cam kết quan hệ chặt chẽ hơn, khi các lực lượng của Putin tiếp tục vật lộn để giành các lợi ích nhỏ nhoi trong cái mà họ gọi là 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine.

Chi tiết đầy đủ về các cuộc trò chuyện của họ trong hội nghị thượng đỉnh chưa được công bố, nhưng cuộc gặp đã được nhiều người biết đến khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Putin, bất kể các quốc gia phương Tây - như Mỹ, Anh, Đức và các đồng minh NATO khác - đoàn kết ủng hộ Ukraine.

Một số nhà phân tích cũng giải thích cuộc gặp là một minh chứng cho thấy ông Tập có quyền lực lớn hơn trong mối quan hệ, với việc Bắc Kinh đã giúp cứu Nga khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế của Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược.

Bây giờ, theo một cố vấn của Bộ Nội Vụ Ukraine, người ta tin rằng một trong những chủ đề của cuộc trò chuyện trong hội nghị thượng đỉnh là về sự an toàn của Putin trong trường hợp ông ta bị mất quyền lực.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, hôm nay đã tweet rằng có khả năng đây là một trong những 'chủ đề đàm phán chính' giữa Putin và Tập Cận Bình trong cuộc gặp của họ vào tuần trước.

Nếu Putin bị phế truất, Gerashchenko cho biết thỏa thuận này sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga trốn sang Trung Quốc, với một thỏa thuận không dẫn độ được áp dụng.

Báo cáo về thỏa thuận này được đưa ra sau khi ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế buộc tội bắt cóc bất hợp pháp trẻ em Ukraine đưa sang Nga.

Gerashchenko viết: “Có thể một trong những chủ đề đàm phán chính giữa Putin và Tập Cận Bình là bảo đảm an toàn cá nhân của Putin trong trường hợp ông ấy mất quyền lực, một nơi trú ẩn khả dĩ cho ông ấy ở Trung Quốc và không dẫn độ ra tòa án quốc tế”.

Mặc dù hiếm khi có bất đồng quan điểm công khai nào ở Nga do luật hà khắc chống tự do ngôn luận, đã có những báo cáo về sự không hài lòng đối với sự lãnh đạo của Putin.

Những thất bại quân sự thê thảm của Nga ở Ukraine đã dẫn đến những lời xì xào bàn tán của phe đối lập - đặc biệt là giữa các nhóm ủng hộ chiến tranh, theo đường lối cứng rắn.

Trong khi cơn thịnh nộ, họ có xu hướng hướng nhiều hơn đến các tướng lĩnh Nga thất bại, và các nhà lãnh đạo quân sự khác - chẳng hạn như Yevgeny Prigozhin của Wagner và nhà độc tài Chechnya Ramzan Kadyrov - đã lên tiếng nhiều hơn về sự không hài lòng của họ đối với tiến trình của cuộc chiến.

Nếu quỹ đạo cuộc chiến của Putin ở Ukraine tiếp tục đi xuống và sự bất mãn trong giới tinh hoa Nga lên đến đỉnh điểm, những người trong Điện Cẩm Linh hoặc những kẻ cơ hội có thể nổi loạn. Điều này có thể khiến Putin bị loại bỏ khỏi vị trí quyền lực tối cao của mình.

Một âm mưu phối hợp nhằm đảo chính thông qua ý chí và ảnh hưởng chính trị - như trong trường hợp các tổng thống Gorbachev và Khrushchev trước ông - có thể sẽ xuất phát từ bên trong cơ cấu quyền lực chính thức của Nga.

Nếu thất bại trong cuộc chiến tại Ukraine, Putin gần như chắc chắn sẽ bị bắt; và chính quyền mới trong cố gắng tái lập quan hệ với phương Tây và thoát khỏi các lệnh trừng phạt sẽ giao nộp ông ta hay bắn chết ông ta. Ngay cả trong trường hợp ông ta đạt được một thoả thuận hòa bình với Ukraine, khả năng ông ta phải ra trước công lý cũng rất cao. Phe đối lập ở Nga nói rằng trong tư cách là một tên tội phạm, ông ta không thể ra ứng cử tổng thống vào tháng Ba năm tới.

Thành ra,Putin có thể sẽ phải tìm cách chạy trốn đến nơi an toàn ở nước ngoài để tránh đối mặt với sự trừng phạt trong nước. Một thỏa thuận như vậy với Tập Cận Bình sẽ khiến Trung Quốc trở thành điểm đến lý tưởng của Putin.

Từ dòng tweet của Gerashchenko, người ta vẫn chưa biết rõ ông Tập sẽ được lợi gì từ một thỏa thuận như vậy, và Putin sẽ đáp lại ông Tập những gì.

Nếu Putin mất quyền lực, ông ấy có thể sẽ bị coi là vô dụng trong kế hoạch của chính Bắc Kinh đối với thế giới, và ông ấy sẽ bị coi là một kẻ bị truy nã.

ICC đã ban hành lệnh bắt giữ vào đầu tháng này với cáo buộc Putin phạm tội ác chiến tranh khi bắt cóc trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. ICC cho biết có cơ sở hợp lý để tin rằng Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân.

Các quan chức Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Putin, nhà lãnh đạo tối cao của Nga kể từ ngày cuối cùng của năm 1999, sẽ dẫn đến một lời tuyên chiến chống lại cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Phát biểu sau khi lệnh bắt giữ được ban hành vào hôm 18 tháng Ba, một chuyên gia cho rằng cáo buộc của ICC có thể khiến Putin bị phế truất nhanh hơn.

Thẩm phán Geoffrey Nice, công tố viên chính trong phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, cho biết việc ICC ban hành lệnh bắt giữ Putin là 'cực kỳ quan trọng'.

Ông gợi ý rằng việc Putin bị 'dán nhãn và bị đối xử như tội phạm' có thể truyền cảm hứng cho một sự thay đổi chế độ hoặc 'khuyến khích quá trình thay thế'.

'Có đủ thông tin rò rỉ để chỉ ra rằng có một số người không hài lòng với sự lãnh đạo của ông ta', Sir Geoffrey nói với Sky News

'Điều đó quan trọng bởi vì người đàn ông này bây giờ bị coi là một tên tội phạm. Nhiều người nói rằng anh ta lẽ ra phải bị coi là tội phạm vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu.'

Geoffrey nói thêm rằng, theo quan điểm pháp lý, cuộc chiến ở Ukraine hiện nay là một cuộc chiến đang được 'dẫn dắt bởi một tên tội phạm'.

6. Các binh sĩ Nga phải đối mặt với cuộc điều tra sau khi phàn nàn về “lãnh đạo tội phạm”

Theo một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, ASTRA, các binh sĩ của một đơn vị quân đội Nga đã phàn nàn với Tổng thống Vladimir Putin về các chỉ huy “tội phạm” của họ và bị ép vào các tình huống chiến đấu tự sát hiện đang bị văn phòng công tố quân sự thẩm vấn.

ASTRA cho biết họ đã nói chuyện với thân nhân của những người đàn ông phục vụ trong đơn vị Storm thuộc lữ đoàn 8 của quân đội Nga.

Tuần trước, những người đàn ông nói trong một video rằng họ đã bị giam giữ trong các chiến hào ở làng Vodiane gần Donetsk. Sau đó, họ đã được gửi đến Donetsk.

Hai thành viên trong đơn vị đã biến mất và “được cho là đã bị đưa vào danh sách truy nã vì đã rời khỏi đơn vị mà không được phép”

Thông điệp video tuần trước, gửi tới Putin, cho thấy khoảng 20 người đàn ông của biệt đội Storm nói rằng những người đàn ông bị ném vào chiến hào “rải rác xác chết”.

Họ cũng tuyên bố trong video rằng “lính chắn” – còn được gọi là “quân ngăn cản” – để ngăn chặn bất kỳ đơn vị nào rút lui – “đã chống lại chúng tôi và không cho chúng tôi rời khỏi vị trí của mình. Bây giờ họ không cho chúng tôi đi đâu cả, họ đe dọa sẽ tiêu diệt chúng tôi”, những người lính nói. “Chúng tôi đang gặp nguy hiểm.”

“Họ đang đe dọa tiêu diệt chúng tôi từng người một và cả đơn vị”, một binh sĩ nói thêm. “Họ muốn xử tử chúng ta với tư cách là nhân chứng tố cáo một thủ lĩnh tội phạm hoàn toàn cẩu thả.”

“Lãnh đạo của chúng tôi đã quyết định chỉ đạo chúng tôi tấn công bằng hỏa lực thô sơ khiến chúng tôi phải ngồi dưới hỏa lực của súng cối và pháo binh trong 14 ngày. 34 người bị thương, 22 người thiệt mạng. Đại đội trưởng của chúng tôi đã bị giết.”

Những người lính cho biết họ chưa bao giờ nhìn thấy lãnh đạo chính thức của họ. “Lãnh đạo của lữ đoàn 8 là một nhóm tội phạm,” một người nói.

7. Chính phủ Ukraine sẽ nhận được khoản viện trợ ngân sách thứ hai từ Hoa Kỳ,

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết chính phủ sẽ nhận thêm 2,5 tỷ USD từ Mỹ như một khoản trợ cấp để hỗ trợ các dịch vụ nhà nước như trả lương và phúc lợi.

Khoản hỗ trợ ngân sách này là một phần trong cam kết trị giá 9,9 tỷ USD của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine vào năm 2023 và tách biệt với hỗ trợ quân sự.

Shmyhal cho biết các khoản tiền sẽ đến thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế và Hiệp hội Phát triển Quốc tế.

Ông cho biết khoản viện trợ này sẽ được sử dụng “để trả lương cho những người cấp cứu, giáo viên, bác sĩ của chúng ta, để giúp đỡ những người hưu trí, những người phải di dời trong nước, những người khuyết tật và các gia đình có thu nhập thấp.”

Thông tin thêm về viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine: Việc giải ngân của Hoa Kỳ là một phần của chương trình hỗ trợ quốc tế rộng rãi cho nền kinh tế Ukraine. Shmyhal lưu ý rằng kể từ đầu năm, Ukraine đã nhận được gần 5 tỷ USD hỗ trợ từ Liên Hiệp Âu Châu và hơn 2 tỷ USD từ Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có một gói hỗ trợ mới đã được đồng ý với Qũy Tiền Tệ quốc tế trị giá 15,6 tỷ đô la.

“Chúng ta đã nhận được hỗ trợ tài chính từ Vương quốc Anh, Ngân hàng Thế giới, Đức, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ái Nhĩ Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Băng Đảo và Estonia. Na Uy đã gia hạn chương trình trợ cấp cho 50.000 người Ukraine đang phải đối mặt với điều kiện sống khó khăn và phải hứng chịu sự xâm lược của Nga,” ông Shmyhal nói.

Vào tháng 2, Hoa Kỳ đã bắt đầu giải ngân 9,9 tỷ đô la hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho chính phủ Ukraine. Khoản tài trợ được công bố hôm thứ Ba là đợt thứ hai. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã hỗ trợ ngân sách 13 tỷ USD.

Ukraine đã dự báo thâm hụt ngân sách là 36 tỷ đô la vào năm 2023, với gần như tất cả doanh thu của chính phủ được dành cho nỗ lực chiến tranh.

8. Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không chia sẻ dữ liệu theo thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng sau khi Nga nói rằng họ sẽ không

Nga sẽ không cung cấp cho Mỹ dữ liệu về lực lượng hạt nhân được chia sẻ nửa năm một lần theo hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng và để đáp lại, Mỹ cũng sẽ không làm như vậy, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết như trên.

Việc Mạc Tư Khoa không cung cấp thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước New START, là thỏa thuận song phương duy nhất còn lại giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ việc đình chỉ của Nga, mà Tướng Kirby gọi là “không hợp lệ về mặt pháp lý.”

“Hôm qua, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi sâu hơn với Nga, thúc đẩy họ vào cuối tháng sắp tới, sẽ có một cuộc trao đổi dữ liệu sáu tháng một lần, theo hiệp ước. Nga đã trả lời rằng họ sẽ không cung cấp thông tin đó. Và như một biện pháp đối phó ngoại giao, Hoa Kỳ sẽ không cung cấp lại thông tin đó.”

Tướng Kirby đã mô tả quyết định không cung cấp dữ liệu để đáp lại hành động của Nga “như một biện pháp đối phó hợp pháp nhằm khuyến khích Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước” và lưu ý rằng “Việc Nga không trao đổi dữ liệu này sẽ… vi phạm hiệp ước, thêm vào những vi phạm hiện có của nước này đối với Hiệp ước START mới.”

Ông cho biết: “Vì lợi ích của sự ổn định chiến lược, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy sự minh bạch công khai về cấp độ và tư thế của lực lượng hạt nhân của chúng ta”.

9. Bộ Quốc phòng Nga cho biết việc sản xuất một số loại đạn dược sẽ tăng gấp 7 lần

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Ba rằng việc sản xuất các loại đạn riêng lẻ sẽ tăng từ 7 đến 8 lần vào cuối năm nay.

Các nhà phân tích phương Tây đã bày tỏ sự hoài nghi rằng năng lực công nghiệp quân sự và chuỗi cung ứng của Nga có thể được tăng tốc nhanh chóng như vậy.

Thông tin này được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đi thăm các doanh nghiệp ở khu vực Chelyabinsk và Kirov. Bộ Quốc Phòng Nga đã công bố video Shoigu đến thăm một nhà máy sản xuất đạn và đạn cỡ nòng lớn.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các dự án đang được thực hiện để hiện đại hóa và mở rộng năng lực sản xuất, cũng như tăng năng suất lao động.

Nó cho biết điều này sẽ tăng sản lượng “để đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga và vào cuối năm nay, việc sản xuất các sản phẩm riêng lẻ sẽ tăng gấp 7 đến 8 lần”.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước Nga rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang “phát triển với tốc độ rất nhanh” và sẽ sản xuất lượng đạn dược nhiều gấp ba lần so với lượng đạn dược cung cấp cho Ukraine bởi phương Tây mà ông ta gọi là “những kẻ châm ngòi xung đột”.

10. Video Nga tuyên bố chiếu cảnh phụ nữ và trẻ em đe dọa quân đội Ukraine được tiết lộ là giả

Andrey Kelin, Đại Sứ Nga tại Vương Quốc Anh đã tung ra một video mà ông ta cho rằng nó cho thấy cảnh quân đội Ukraine bắn vào một chiếc xe hơi chở hai mẹ con sau khi nghe người phụ nữ nói tiếng Nga. Một phân tích của CNN cho thấy video này đã bị lật tẩy là giả mạo

Đoạn phim được dàn dựng bắt đầu với cảnh một người đàn ông mặc quân phục Ukraine dừng xe vì “vi phạm luật giao thông” trước khi nói với người phụ nữ ngồi trong xe: “Đồ khốn nạn, đưa giấy tờ cho tôi”.

Sau khi nghe người phụ nữ nói tiếng Nga, người đàn ông mặc đồng phục gọi cô là “con lợn, đồ ngu xuẩn” và dùng súng trường bắn nhiều phát đạn khiến đứa trẻ ngồi trong xe sợ hãi. Cả người phụ nữ và đứa trẻ đều có thể nghe thấy tiếng la hét.

Đoạn video camera đã được chia sẻ rộng rãi trên các tài khoản Telegram của Nga và thậm chí trên các tài khoản Twitter chính thức, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao Nga và Đại sứ quán Nga ở Luân Đôn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nguồn mở trên Twitter đã định vị địa lý đoạn phim và xác nhận rằng nó được quay trong lãnh thổ do Nga tạm chiếm ở khu vực Donetsk của Ukraine.

Một phân tích của CNN xác nhận vị trí nằm ở ngoại ô thành phố Makiivka, cách tiền tuyến khoảng 30 kilômét.

Người dân địa phương thậm chí đã đến địa điểm này và chụp ảnh những cành cây có hình dạng đặc biệt, càng chứng thực vị trí địa lý của video.

Một kênh Telegram thân Nga với hơn 300.000 người ghi danh, Veteran Notes, đã thừa nhận rằng video này là giả mạo.

“Video này là giả mạo. Đây là một bài tập hỏng. Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu về các hoạt động thông tin như vậy”

Sau khi bị cộng đồng nguồn mở vạch trần, tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Nga đã gỡ video xuống mà không thừa nhận vụ việc là bịa đặt.

Đại sứ quán Nga tại Vương quốc Anh vẫn có video vào lúc 12 giờ đêm theo giờ địa phương Luân Đôn.

11. Anh và Ba Lan sẽ xây dựng những ngôi làng tạm thời ở Ukraine để làm nơi ở cho những người rời bỏ nhà cửa do chiến tranh

Ngoại trưởng Ba Lan, Zbigniew Rau, nói với các phóng viên báo chí rằng Anh và Ba Lan có kế hoạch xây dựng hai ngôi làng tạm thời ở Ukraine với nhà ở cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa do cuộc xâm lược của Nga.

Luân Đôn cam kết cung cấp tới 10 triệu bảng (tương đương khoảng 12,3 triệu Mỹ Kim) để cung cấp chỗ ở và điện cho hơn 700 người Ukraine phải di tản.

Zbigniew Rau cho biết hai ngôi làng lưu trú sẽ được xây dựng ở Lviv ở phía tây Ukraine và Poltava ở phía đông, đồng thời cho biết thêm các đồng minh cũng sẽ cung cấp máy phát điện trị giá 2,6 triệu bảng Anh hay 3,2 triệu đô la “để hỗ trợ tới 450.000 người thông qua trường học, bệnh viện và các trung tâm cộng đồng ở các khu vực tiền tuyến và tái chiếm, bao gồm Kharkiv, Donetsk, Zaporizhia, Mykolaiv, Odesa và Kherson.”

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khiến hàng triệu người không có điện, nước và hệ thống sưởi trung tâm.

Tuyên bố của chính phủ Ukraine cho biết: “Việc mất điện trên diện rộng, kéo dài từ 8 đến 12 giờ một ngày, đã buộc các gia đình phải dùng đến các biện pháp tuyệt vọng để sinh tồn, như làm tan tuyết để lấy nước và nung gạch để sưởi ấm”.

Zbigniew Rau nói thêm rằng Vương quốc Anh và Ba Lan cũng sẽ quyên góp tới 2,5 triệu bảng Anh hay 3,1 triệu đô la cho Hội Hồng Thập Tự Ukraine “để hỗ trợ những người sống qua cái lạnh khắc nghiệt trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt”.

“Trong năm qua, Putin đã tiếp tục tấn công vào các ngôi nhà dân sự và cơ sở hạ tầng, khiến người dân Ukraine phải trả giá đắt. Mối quan hệ đối tác mới giữa Anh và Ba Lan này sẽ giúp mang lại ánh sáng, hơi ấm và nhà ở cho những người cần thiết nhất”

“Từ những trang sử của Ba Lan, chúng ta biết rằng Ukraine đang chiến đấu không chỉ vì tự do của họ mà còn vì tự do của chúng ta. Không có Âu Châu tự do nếu không có Ukraine tự do” Ngoại trưởng Ba Lan nói

Đáp lại thông báo này, Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyy nói rằng “hàng trăm người đã có cơ hội có một cuộc sống mới vì Nga đã lấy đi cuộc sống cũ của họ”.
 
Lạnh xương sống: Linh mục trừ tà giải thích có hay không những lời nguyền từ đời này sang đời khác?
VietCatholic Media
17:04 29/03/2023


1. Đức Cha Marcuzzo tố giác những vụ tấn công chống Kitô tại Thánh địa

Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, nguyên Đại diện Đức Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem tại Nazareth, tố giác những vụ tấn công và xách nhiễu các trường học Kitô tại đây trong những ngày này.

Hôm 27 tháng Ba vừa qua, hãng tin Asia News cho biết khoảng 6 giờ 30 chiều ngày 16 tháng Ba vừa qua, một số người đã bắn vào trường học và tu viện của các nữ tu Dòng Phan Sinh, một hành động được coi như nguy hiểm chưa từng có, vì lần đầu tiên một trường Kitô giáo bị bắn như vậy tại Israel.

Vụ thứ hai xảy ra hôm 24 tháng Ba: một số người đeo mặt nạ đã tấn công trường học và tu viện của các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Các nữ tu kể lại: sau khi mở cổng, các chị thấy nhóm người ấy đeo mặt nạ đen, đòi các chị phải hoán cải theo Hồi giáo, trong tháng chay tịnh Ramadan thánh thiêng này. Thủ phạm vụ này là năm người trẻ; họ bỏ chạy khi những người canh gác đến nơi.

Cũng có những vụ tấn công chống các nơi thờ phượng và trung tâm của Kitô giáo do các thành phần Do thái cực đoan. Vụ gần đây nhất là hôm 19 tháng Ba, tại Mộ của Đức Maria, và trước đó hồi đầu tháng Hai, có những nhóm cực đoan xúc phạm và phá hoại nghĩa trang Kitô trên Núi Sion.

Trước những vụ bất bao dung này, Đức Cha Marcuzzo nhắc đến và ca ngợi lập trường của hai vị Iman thế giá ở thành Nazareth, chủ trì các Đền thờ Hồi giáo, mạnh mẽ lên án những cử chỉ vừa nói của những người trẻ Hồi giáo trong tháng chay Ramadan này.

Hôm 27 tháng Ba, các trường học Công Giáo ở Israel đã tấn công và ngày 28 tháng Ba, có những buổi hội luận và những lúc suy tư tại các trường. Đức Cha Marcuzzo nói: “Trong tư cách là Giáo hội và lãnh đạo Kitô, chúng ta muốn làm cho tình hình được lắng dịu, không tranh cãi. Mấu chốt chính là những vụ đó xảy ra trong một bối cảnh căng thẳng, rộng lớn hơn hiện thời tại Israel, một sự leo thang căng thẳng mau lẹ đang xảy ra, với những vụ biểu tình ở nhiều nơi ở Israel, phản đối vụ Thủ tướng Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh tụ phe cực hữu, đe dọa lật đổ chính phủ Israel hiện nay.

2. Nhật ký trừ tà #233: Phải chăng có những lời nguyền từ đời này sang đời khác?

Lời nguyền thế hệ, tiếng Anh gọi là generational curse, là một thói quen hoặc hành vi đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ cố gắng bảo đảm rằng cuộc sống mà họ hướng tới sẽ giúp con cái họ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trẻ em tự thực hành những gì chúng đã học được và những gì chúng thu thập được từ các thế hệ trước. Đây không hẳn là một điều tồi tệ, những bài học bạn được dạy khi còn trẻ có thể là kim chỉ nam cho bạn sau này trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc nhìn lại quá khứ thường vẽ nên một bức tranh rõ ràng.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #233: Generational Curses?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #233: Phải chăng có những lời nguyền từ đời này sang đời khác?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

James là một người nghiện rượu nặng. Sau một trận ốm nặng suýt cướp đi mạng sống của mình, James ngừng uống rượu. Anh thề sẽ trở lại với đức tin của mình sau khi đã lìa xa Giáo Hội trong một thập kỷ. Tuy nhiên, khi anh bắt đầu trở lại với Thánh lễ Công Giáo, anh bắt đầu có những phản ứng kỳ lạ.

Anh ta bị ngất nhiều lần khi tham gia các hoạt động tôn giáo. Vào ban đêm, anh cảm thấy bị tấn công bởi các thế lực tà ác. Anh tỉnh dậy với những vết bầm tím và trầy xước lớn trên tay và chân. Các vết xước luôn là ba vết. Hãy lưu ý rằng các vết xước của ma quỷ thường có dạng bộ ba cái như một sự chế nhạo Chúa Ba Ngôi.

Kỳ lạ thay, ngay cả khi anh ấy đã ngừng uống rượu, những chai rượu vẫn xuất hiện xung quanh anh ấy một cách khó hiểu. Vị hôn thê của anh ấy thực sự đã chứng kiến những cái chai đột nhiên xuất hiện bên cạnh anh ấy như thể rơi ra khỏi cơ thể anh ấy. Các thế lực tà ác dường như đang cám dỗ anh ta.

Linh mục giáo xứ của anh ấy đã giới thiệu anh ấy đến mục vụ trừ tà của chúng tôi. Trong những buổi đầu tiên, anh ấy đã tiến bộ rất nhiều. Ngoài việc tham dự các buổi trừ tà hàng tuần, anh và vị hôn thê của mình lần hạt Mân Côi hàng ngày và thường xuyên lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả việc xưng tội thường xuyên. Tuy nhiên, sau một vài tuần, anh ấy đột nhiên ngừng tham gia các phiên trừ tà. Anh ấy ngừng lãnh nhận các bí tích và nói rằng anh ta không còn tin nữa. Đó là một sự dừng lại đáng kinh ngạc mà không có lời giải thích rõ ràng.

Nhưng vài tháng ngắn ngủi sau, anh trở lại. Anh ấy nói với Nhà Trừ Tà rằng các cuộc tấn công tâm linh đã trở nên tồi tệ đến mức anh ấy không thể chịu đựng được. Các buổi trừ tà lại bắt đầu và lại mang lại lợi ích rõ rệt. Các cuộc tấn công của ma quỷ đã trở nên ít nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, đối với Nhà Trừ Tà, dường như có thứ gì đó ngăn cản sự giải phóng hoàn toàn. Các phiên đã không được hiệu quả đầy đủ. Theo cảm hứng, Nhà trừ tà hỏi James, “Có bất kỳ sự liên quan nào của hội Tam điểm hay giáo phái khác trong gia đình anh không?” James trả lời: “Ông tôi là thành viên Tam Điểm hạng 33.”

Vì vậy, Chuyên gia trừ tà đã đưa James qua những lời cầu nguyện để hóa giải mọi lời nguyền liên quan đến hội Tam điểm cộng với bất kỳ lời nguyền thế hệ nào khác. Trong buổi tiếp theo, James cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Anh ấy nói rằng nó gần giống như “một công tắc đã bật” và anh ấy đã được giải thoát. Đã vài năm trôi qua và lũ quỷ vẫn chưa quay trở lại. Anh ấy đã kết hôn hạnh phúc và thực hành đức tin.

Ngày nay có một số cuộc thảo luận về việc liệu những lời nguyền thế hệ có thực sự tồn tại hay không. Giáo Hội Công Giáo đã không nói rõ ràng về điều này và có nhiều chỗ cho sự bất đồng và tranh luận. Tuy nhiên, những nhà trừ tà cấp cao mà tôi biết đều biến những lời nguyền thế hệ thành một phần thường xuyên trong chức vụ của họ.

Một số nhà thần học không đồng ý và gợi ý rằng bí tích rửa tội sẽ hoàn toàn xóa bỏ mọi sự lây truyền hậu quả của tội lỗi thế hệ. Đúng là phép rửa tẩy sạch con người khỏi vết nhơ của Tội Nguyên Tổ. Tuy nhiên, nó không xóa sạch tất cả các hiệu ứng của nó. Ví dụ, đau khổ và cái chết vẫn còn trong thế giới của chúng ta vì tội Nguyên Tổ, bất chấp sức mạnh của phép rửa tội.

Những người khác dạy rằng chúng ta không mắc tội lỗi của các thế hệ trước. Đây là sự thật. Nhưng hậu quả tội lỗi của họ có thể và quả thật ảnh hưởng đến chúng ta. Ví dụ, nếu cha mẹ tôi đều nghiện ma túy, tôi không chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ. Nhưng những tác động tiêu cực của việc lớn lên trong một gia đình nghiện ma túy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tôi.

Nhưng tôi nhận thấy rằng việc dỡ bỏ những lời nguyền thế hệ dường như tương đối dễ dàng đối với hầu hết mọi người, cũng như đối với James. Có lẽ là do con cái không có tội. Mặt khác, tôi nhận thấy rằng việc loại bỏ các tác động của bói toán, chẳng hạn như thực hành phù thủy, nếu bản thân các cá nhân đã phạm tội nghiêm trọng này, không phải là điều dễ dàng và cần có thời gian và sự thanh tẩy đáng kể.

Chúng ta sống trong một thế giới sa ngã. Hậu quả của tội lỗi ở khắp mọi nơi. Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ và hành động của Kẻ Ác. Nhưng chúng ta vẫn tràn đầy hy vọng và tự tin. “Ở đâu tội lỗi gia tăng, ở đó ân sủng càng tuôn tràn gấp bội... nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5:20-21).
Source:Catholic Exorcism

3. Đức Thánh Cha gửi thuốc đến Thổ Nhĩ Kỳ cho nạn nhân động đất

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi mười nghìn loại thuốc đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nạn nhân trận động đất lớn hồi tháng Hai. Quan Phát Chẩn của Đức Thánh Cha đã phối hợp với Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ nhận thuốc, trong khi đó, các Giám mục Ý cũng bắt tay vào một chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ người dân ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thánh bộ Bác ái đang gửi thuốc men đến Istanbul theo ý muốn của Đức Thánh Cha để giúp đỡ các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ngày 6 tháng 2 ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khiến 50.000 người thiệt mạng.

Một chuyến hàng ban đầu đã khởi hành vào ngày hôm qua và nhiều chuyến hàng khác đang tiếp tục được gửi đi hôm nay. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Tòa thánh đã cung cấp hướng dẫn về 10.000 loại thuốc cần thiết nhất đã được gửi.

Nước láng giềng Syria, bị tàn phá bởi trận động đất và chiến tranh với 15 triệu người đang gặp nạn, trước đây đã nhận được viện trợ tài chính từ Đức Đức Thánh Cha nhờ Sứ thần Tòa thánh, cơ quan giúp điều phối quá trình giúp đỡ nạn nhân.

“Chúng ta gửi viện trợ qua máy bay Thổ Nhĩ Kỳ,” Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người phát nguyện của Đức Đức Thánh Cha cho hay. Nỗ lực này có thể thực hiện được là nhờ sự giúp đỡ của các tình nguyện viên.”

Ngay sau trận động đất vào tháng Hai khiến gần hai triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ phải di tản, Thánh bộ Bác ái đã gửi thuốc men cũng như thực phẩm như gạo và cá, áo giữ nhiệt, tã lót và nhiều vật liệu khác cho mùa đông. Đồng thời, Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, cũng bắt đầu sứ vụ của mình ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúa nhật tuần trước, các giáo xứ trên khắp nước Ý đã thực hiện đợt quyên góp đầu tiên dành cho nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, theo một dự án được thực hiện bởi Hội đồng Giám mục Ý. Việc gây quỹ trở thành “một dấu hiệu cụ thể của tình liên đới với sự tham gia của tất cả các tín hữu trong việc cung cấp các nhu cầu vật chất và tinh thần” cho các nạn nhân trận động đất. Chiến dịch gây quỹ quyên góp sẽ tiếp tục cho đến ngày 30 tháng 4 năm 2023. Caritas Ý cũng đang hỗ trợ nỗ lực này www.caritas.it để đáp ứng ngay những nhu cầu cấp thiết nhất, Hội đồng Giám mục Ý đã trích 500.000 euro từ quỹ của mình để hỗ trợ cho các nạn nhân trước.