Ngày 30-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con mắt đức tin của anh mù
Giuse Đinh Lập Liễm
08:00 30/03/2011
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A
+++
A. DẪN NHẬP

Khoa học ngày nay đã thu được những bước tiến đáng kể nhằm phục vụ đời sống con người. Riêng ngành y học đã tìm ra được những phương pháp tân kỳ để khống chế bệnh tất, nhưng bệnh tật cũng chưa giảm được bao nhiêu. Bệnh mù lòa vẫn còn thống trị trên thế giới, hiện nay trên thế giới còn khỏang 13 triệu người mù. Người mù là bệnh nhân rất đáng thương vì họ luôn phải sống trong đêm tối. Không có đức tin, người ta dễ thất vọng trong cảnh sống này. Văn hào Montferland đã tự tử vì không chịu được cảnh sống như vậy.

Đức Giêsu tỏ ra thông cảm với những người ở trong tình trạng xấu số như vậy. Một hôm, đi ngang qua, Ngài thấy một anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Mặc dầu chưa cần phải xin, Ngài đã nhổ nước miếng xuống đất, nhào thành bùn bôi vào mắt anh, rồi bảo anh hãy đi rửa ở hồ Siloê, anh đã làm và anh được sáng mắt. Chính việc Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sabbat đã làm cho nhóm biệt phái tức giận, mở cuộc điều tra rộng rãi và cặn kẽ nhằm phủ nhận phép lạ này. Nhưng kết quả là nhóm biệt phái phủ nhận phép lạ, không tin Đức Giêsu, lại còn đi sâu vào sự mù tối; còn anh mù được khỏi bệnh đã cương quyết khẳng định phép lạ này và còn tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế :”Lạy Thầy, con tin”.

Mỗi người trong chúng ta đều có hai con mắt để nhìn, để thấy những sự vật chung quanh. Ai không có khả năng trông thấy thì gọi là mù. Tuy nhiên, chúng ta có hai cặp mắt : cặp mắt thể xác và cặp mắt tinh thần hay đức tin. Cặp mắt thân xác chỉ cung cấp cho chúng ta được cái nhìn của lòai người, chỉ thấy những gì tỏ lộ ra bên ngòai như trường hợp ông Samuel xức dầu cho Eliab một người cao lớn khỏe mạnh theo cặp mắt xác thịt của ông. Còn cặp mắt đức tin cung cấp cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa như trường hợp ông Samuel biết xức dầu cho Đavít; và anh mù nhờ cặp mắt đức tin mà nhận ra và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Cặp mắt đức tin này quan trọng hơn vì nó giúp chúng ta xem điều gì đẹp lòng Chúa (Ep 5,9).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : 1Sm 16,1b.6-7.10-13

Lúc đầu dân Do thái chỉ có các phán quan cai trị, sau này dân chúng muốn tìm cho mình một ông vua để cai trị. Vị vua đầu tiên được chọn là Saul, nhưng vị vua này chỉ giải quyết vụ việc theo quan điểm chính trị và ý riêng hơn là ý Chúa, nên Chúa bỏ ông và thay thế bằng một vị vua khác đẹp lòng Ngài hơn.

Chúa truyền cho ông Samuel đến nhà ông Giêsê để xức dầu phong một người khác làm vua. Giêsê có 8 người con trai, lúc đầu ông xức dầu cho Eliab, một người cao lớn khỏe mạnh, nhưng Chúa không đồng ý và bảo :”Không phải người phàm nhìn sao, Thiên Chúa cũng nhìn thế, bởi vì người phàm chỉ trông thấy điều lộ trước mắt, còn Giavê trông thấy điều ẩn kín trong lòng (1Sm 16,7). Sau cùng, Samuel chọn Đavít để xức dầu, một đứa con nhỏ nhất mà ban đầu Giêsê coi thường, không giới thiệu.

+ Bài đọc 2 : Ep 5,8-14

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Ephêsô hãy từ bỏ nếp sống cũ là sống trong giả dối và tội lỗi để được làm con của ánh sáng; đồng thời hãy sống theo giáo huấn của Đức Kitô là ánh sáng đích thực :

-“Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng (c. 8).
-“Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật (c. 9).
-“Anh em hãy nhìn xem điều gì đẹp lòng Chúa (c. 10).

Lời thánh Phaolô trong bài đọc này :”Hãy thức dậy, đừng mê ngủ nữa”, chính là lời nói với các Kitô hữu hôm nay.

+ Bài Tin mừng : Ga 9,1-41

Trình thuật việc Đức Giêsu chữa mắt cho người mù từ bẩm sinh khá dài. Có rất nhiều chi tiết và mỗi chi tiết có một ý nghĩa riêng. Các thánh Giáo phụ đã cắt nghĩa nhiều về vấn đề này, nhất là việc “lấy bùn hòa nước bọt xức mắt người mù”. Nhưng tựu trung, tất cả mọi hành vi đó là dấu chỉ để mọi người tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin như thế mà người ta có sự sống.

Như vậy, cùng một lúc Đức Giêsu làm hai phép lạ : chữa cặp mắt thể xác cho anh mù có cái nhìn của lòai người, và chữa cặp mắt đức tin cho anh này có cái nhìn Thiên Chúa. Trong hai phép lạ chữa mắt thì việc chữa mắt đức tin quan trọng hơn vì nhờ cặp mắt này mà người mù đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và đã tuyên xưng :”Lạy Thầy, con tin”, rồi anh sấp mình trước mặt Ngài (Ga 9,37).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Xin cho con sáng mắt sáng lòng

I. ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa một người mù tự thuở mới sinh. Mới nghe qua, chúng ta thấy không có vẻ gì khác với các phép lạ khác mà Đức Giêsu đã làm. Tuy nhiên, đối với thánh Gioan, việc Đức Giêsu làm phép lạ không chỉ đơn thuần là một phép lạ, nhưng đó là một dấu chỉ, để từ đó khơi dậy niềm tin và củng cố niềm tin cho các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay. Điều này đã được chính vị thánh sử quả quyết trong lời kết sách Tin mừng của mình :”Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng : Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20,31).

Thánh Gioan với một ngòi bút rất linh động đã mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người mù từ thuở mới sinh. Câu chuyện gặp gỡ và chữa người mù này có thể được chia làm ba phần :

1. Sự kiện chữa người mù

Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một ngừời mù từ mới sinh ngồi ăn xin bên vệ đường. Các môn đệ cũng thấy thế và nêu lên ngay thắc mắc của các ông cũng như của mọi người Do thái thời bấy giờ vì theo họ, bệnh tật đều do tội mà ra :”Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” ? Đức Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ nói :”Chuyện đó xẩy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Thánh Gioan mô tả việc chữa bệnh này bằng vài dòng vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa tượng trưng :”Nói xong, Đức Giêsu nhỏ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta :”Anh hãy đi đến suối Siloê mà rửa (Siloê có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được”(Ga 9,6-7).

2. Mở cuộc điều tra rộng rãi

Nhóm biệt phái không tin nên mở cuộc điều tra rộng rãi và cặn kẽ, từ đương sự đến những người láng giềng và cả cha mẹ đương sự nữa. Nhưng phép lạ quá hiển nhiên không thể chối cãi được vì chính đương sự khẳng định điều đó. Kết quả là : Đức Giêsu là Đấng quyền năng mở mắt kẻ đui mù. Nhưng làm sao họ chấp nhận được ? Vì chấp nhận tức là chối bỏ tất cả tòa nhà đạo giáo của họ. Nên họ quyết định gạt bỏ một sự thật hiển nhiên và gây khó dễ cho đương sự. Tuy thế, anh không sợ cường quyền, cương quyết phân bua :”Xưa nay chưa từng nghe nói có ai mở mắt một người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì không làm được gì”.

3. Đức tin của anh mù

Vì lập trường cương quyết của anh mù tin vào Đức Giêsu, nên anh bị trục xuất khỏi hội đường. Nhưng Đức Giêsu đâu có bỏ anh ? Ngài xuất hiện với một sáng kiến mới :”Biết họ đã trục xuất anh, Ngài đến gặp anh”. Và cuộc đối thọai với anh mù đã được lành dẫn anh đến việc tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là “Con Người” :”Lạy Thầy, con tin”, anh tuyên xưng và “sấp mình xuống trước mặt Ngài”.

Qua sự việc này, A. Marchadour giải thích :”Đức Giêsu đã đưa anh qua một giai đọan quyết định, từ một “Giêsu tiên tri” đến một “Giêsu là Con Người”, Đấng Cứu Thế đưa anh vào cộng đồng của thời kỳ cuối cùng… Người mù sấp mình xuống trước “Con Người”, nhận ra thiên tính của Ngài, bởi vì theo thánh Gioan, sự thờ lạy chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa… và danh xưng Chúa (Seigneur) nói lên căn tính thần linh của Đức Giêsu. Nhận ra Đức Giêsu như là Đấng mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa, việc thờ lạy Ngài là đỉnh cao của cuộc hành trình của anh mù (Fiches dominicales A, tr 92).

Việc chữa lành người mù này chia ra thành hai hạng người với hai lập trường trái ngược nhau : tin và không tin nhận Đức Giêsu là Chúa.

J. Potin kết luận : “Trong lúc người mù được thấy, người Do thái lại lao mình vào sự mù tối. Những dấu lạ Đức Giêsu làm cho họ thêm cứng lòng. Họ tưởng mình biết vì cho rằng mình biết Maisen và Lề Luật cấm chữa bệnh vào ngày Sabbat. Thật ra họ từ chối ánh sáng thật. Với Đức Giêsu, thảm trạng này làm thành một trường hợp phải đặt thành “vấn đề” trong tiến trình ý định của Thiên Chúa, bởi lẽ những người không tin, người ngọai tìm thấy ánh sáng cho đức tin vào “Con Người”, trong lúc đó, những kẻ “thấy”, những người Do thái lại trở nên mù tối, bị lóa mắt vì những sự thật giả dối của họ. Đức Giêsu nói :”Vì thế họ ở trong tội lỗi của họ” (Fiches dominicales A, tr 93).

II. CHÚA CHỮA CHÚNG TA KHỎI MÙ TINH THẦN

1. Nói về bệnh mù

Tuy khoa học nói chung và ngành y học nói riêng đã đạt được những bước tiến khá cao trong việc chữa các bệnh tật, nhưng chưa đẩy được bệnh mù. Hiện nay trên thế giới có khỏang 13 triệu người mù. Họ bị mù hoặc là do bẩm sinh, hoặc do một tai nạn, hoặc do bệnh tật gây nên.

Bệnh mù cũng có cấp độ :

- Quáng gà : bệnh con mắt không phải mù mà không trông thấy rõ khi chập tối, giống như gà vậy.

- Thong manh : bệnh làm cho mắt không thấy đường tuy con mắt vẫn mở như người thường.

- Mù tịt : con mắt không trông thấy gì, không những không thấy những vật chung quanh mà lúc nào cũng như ở trong đêm tối.

Khi nói về bệnh mù thì ai cũng hiểu là mù thể xác nghĩa là không trông thấy sự vật chung quanh mình. Nhưng đứng về phương diện thiêng liêng, ta thấy còn bệnh mù nữa là mù tinh thần hay mù đức tin.

Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác nhau :
Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân.
Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta làm đau lòng tha nhân.
Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.
Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.
Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.
Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.
Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.
Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người mà khiến ta hay lên án (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 122).

2. Mù thể xác và mù tinh thần

a) Bệnh mù thể xác

Mù thể xác có nhiều cấp độ nhưng nói chung là không thấy rõ hoặc không thấy sự vật ở chung quanh. Anh mù trong Tin mừng hôm nay ngồi ăn xin bên vệ đường có lẽ là người mù tịt không biết Đức Giêsu đi qua, nhưng Ngài động lòng thương cứu chữa anh, đồng thời cũng qua phép lạ này Đức Giêsu muốn giới thiệu cho các môn đệ : Ngài là ánh sáng trần gian. Ngài nhổ nước miếng trên đất, trộn thành bùn và xức vào mắt anh mù, rồi bảo anh ta :”Hãy đến hồ Siloê mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được.

Anh ta sung sướng vô cùng vì được nhìn thấy sự vật chung quanh. Trước đây người ta kể cho anh nghe đủ mọi thứ chuyện chung quanh nhưng anh ta không có một khái niệm nào về sự vật. Đối với anh lúc nào cũng là đêm tối dầy đặc. Bây giờ anh được trực tiếp ngắm xem cảnh vật, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng kỳ lạ… không cần phải cắt nghĩa cho anh nữa.

Truyện : Trời đất đẹp thế này.
Một bé trai bị mù từ mới sinh. Nhờ một cuộc giải phẫu, em bắt đầu thấy được. Một hôm má em đem em ra khỏi nhà , lần đầu tiên em thấy bầu trời mặt đất. Em kêu lên với mẹ em :”Má ơi, sao trước đây má không kể cho con là trời đất đẹp đến thế này” ! Người mẹ òa lên khóc, đáp :”Con ạ, mẹ đã cố gắng kể cho con nghe, nhưng con không thể hiểu mẹ”(Arthur Tonne).

Số phận anh mù trong Tin mừng hôm nay đã được thay đổi hòan tòan. Anh xác nhận là anh đã khỏi mù, anh đã được trông thấy. Mọi người láng giềng xác nhận rằng chính anh ta là người mù ngồi ăn xin ở vệ đường xưa nay, bây giờ được sáng mắt. Đây là một sự thực hiển nhiên không thể chối cãi được.

b) Bệnh mù tinh thần
Câu chuyện anh mù được chữa khỏi không phải là một câu chuyện đơn giản và hiển nhiên, khiến mọi người phải chấp nhận. Có những người cố tình nhắm mắt lại không chấp nhận sự thật hiển nhiên đó. Họ khẳng định rằng đây không phải là anh mù trước kia, mà là một người nào giống anh ta.

Còn tệ hơn nữa, các người biệt phái cố tình bẻ quặp sự thật bằng cách trớ trêu lý luận rằng: ông Giêsu đã chữa mắt cho người mù trong ngày hưu lễ vì luật trong hưu lễ là cấm làm việc. Ai vi phạm là kẻ có tội. Mà kẻ tội lỗi thì không thể là người bởi Thiên Chúa và không thể làm được phép lạ. Đó là lý luận cứng nhắc đã làm mù mắt người Do thái. Nhưng thực tế vẫn xẩy ra, nghĩa là đã có phép lạ.

Người biệt phái tìm cách chối bỏ sự thật : họ cho người được sáng mắt này không phải là người ăn xin bấy lâu nay; họ cho đòi cha mẹ anh ta đến hạch hỏi, đe dọa đủ thứ, còn anh mù được khỏi bệnh phải trình tòa hai ba lần để xét hỏi. Mục đích của họ là ép anh mù và cha mẹ anh ta phải chối bỏ cái thực tế được sáng mắt. Tất cả những tình tiết trên có thể đưa đến kết luận rằng người sáng mắt lại là anh mù, còn kẻ mù quáng lại chính bọn biệt phái vẫn tự cho mình thông minh sáng suốt mọi sự.

Phần kết của đọan Tin mừng, thánh Gioan đã ghi lại câu nói của Đức Giêsu :”Chính vì để luận xét mà Ta đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy sẽ trở nên mù”(Ga 9,39). Từ sự mù – sáng đôi mắt thể xác, Đức Giêsu đi đến kết luận về sự mù – sáng đôi mắt tinh thần. Quả vậy, người mù được thấy, được sáng con mắt đức tin. Anh đã nhận ra Giêsu : từ một vị ân nhân của mình, đến một tiên tri và tiến một bước dài tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Trong khi ấy, người Do thái mà cụ thể là những biệt phái lại đi vào sự mù tối. Họ không nhận ra Giêsu Nazareth là ai, họ chỉ biết đó là một người không tuân thủ lề luật, dám làm việc ngày hưu lễ cho dù đó là việc tốt. Họ đã từ chối ánh sáng thật và cuối cùng đã lên án cho Ngài.

3. Xin cho được “sáng mắt sáng lòng”

Trong một bài hát nào đó tôi có đọc thấy bốn từ ngữ “sáng mắt sáng lòng” và tôi liên tưởng đến anh mù trong bài Tin mừng hôm nay được Đức Giêsu đã làm cho anh được “sáng mắt sáng lòng”. Anh mù từ mới sinh này được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt, với con mắt này anh đã nhìn thấy những vật chung quanh một cách dễ dàng, giải thóat anh khỏi sự tối tăm từ bao lâu nay : anh đã được “sáng mắt”.

Nhưng còn hơn thế nữa, Đức Giêsu còn mạc khải cho anh biết không những Ngài chỉ là một vị ân nhân, một tiên tri và Ngài còn là Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã cho anh cái nhìn bằng cặp mắt đức tin để nhờ cái nhìn đó mà anh đã qùi xuống trước mặt Đức Giêsu (cử chỉ tôn thờ :”Ngươi chỉ được tôn thờ Thiên Chúa mà thôi”) và tuyên xưng :”Lạy Chúa, con tin”(Ga 5,37) : anh đã được “sáng lòng”.

Anh mù hôm nay đã được Đức Giêsu cho được “sáng mắt sáng lòng”. Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta cũng phải xin Chúa cho được sáng mắt và sáng lòng. Nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quí, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin còn quan trọng hơn.

Những người chỉ biết tôn thờ vật chất, tiền của, danh vọng, xác thịt… là những người chỉ biết nhìn bằng cặp mắt thể xác để được sáng mắt. Họ có thể giống như con heo khi thấy được thức ăn thì ăn rồi quay ra ngủ, thức dậy rồi lại ăn. Không biết gì khác ngòai việc ăn uống ngủ nghỉ, không biết tới tương lai, khi nào người ta giết thì chết.

Con người được “sáng lòng” là người biết vươn lên cao cho xứng với “linh ư vạn vật”, vươn tới hạnh phúc tuyệt đối là Thượng Đế, biết mình từ đâu tới, sống phải làm gì và hậu thế sẽ ra sao ? Họ cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng ăn uống có chừng mực, tránh những thức ăn có nguy hại cho tâm hồn để chuẩn bị cho tương lai. Những người này đã dùng cặp mắt đức tin để nhìn sự vật trong cuộc sống hằng ngày.

Trong cuộc sống của Kitô hữu, không những chúng ta phải nhìn bằng con mắt thể xác như mọi người nhưng còn phải dùng con mắt đức tin để thấy những thực tại siêu nhiên và có thể nhìn thấy Chúa.

Về vấn đề này, thánh Thêôphilo, Giám mục thành Antiokia, gửi cho Antiôcô có viết :”Nếu bạn nói : “Hãy tỏ cho tôi biết Thiên Chúa của bạn”, thì tôi có thể trả lời : Hãy tỏ cho tôi biết con người của bạn, rồi tôi sẽ tỏ cho bạn biết Thiên Chúa của tôi”. Vì thế, bạn hãy cho biết mắt tâm hồn bạn có nhìn thấy và tai lòng bạn có nghe được không.

Cũng như những người nhìn xem bằng con mắt thể xác thì nhìn thấy những việc diễn ra trong cuộc sống trần gian này : họ nhìn thấy sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, đẹp và xấu, thanh nhã và thô thiển, cân xứng với bất cân xứng, ngắn với dài. Tai cũng vậy, nó phân biệt được tiếng bổng tiếng trầm, tiếng du dương. Về tai và mắt tâm hồn cũng vậy, chúng có thể nghe và nhìn thấy Thiên Chúa.

Quả thật, Thiên Chúa được nhìn thấy do những kẻ có thể nhìn thấy Ngài nếu họ biết mở con mắt tâm hồn ra. Ai cũng có mắt, nhưng một số người bị mù lòa và không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nếu những người mù không nhìn thấy, thì chẳng phải tại ánh mặt trời không chiếu sáng, nhưng người mù phải nhận rằng chính tại mình, tại mắt mình. Đối với bạn cũng thế, mắt tâm hồn của bạn bị mù lòa là do tội lỗi và các hành động xấu xa của bạn (Các bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 106-107) .

Chúng ta có thể kết luận : Con người có cặp mắt thể xác và tinh thần. Cả hai cặp mắt đều quan trọng để nhìn xem. Nhưng nếu có trường hợp đối chọi nhau giữa hai cặp mắt ấy thì với danh nghĩa là Kitô hữu, chúng ta phải dành ưu tiên cho con mắt tinh thần, nghĩa là tuy bị mù về con mắt thể xác, nhưng lại ngời sáng về con mắt đức tin : Không sáng mắt nhưng sáng lòng !

Truyện : Xin được sáng lòng.
Chuyện kể rằng : có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu :”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.

Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Tôma thành Cantorbéry để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện câu kết thúc :”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.
 
Xin cho con đừng thấy!
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:08 30/03/2011
Chúa Nhật IV Mùa Chay A
“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Lời khẳng định của Chúa Giêsu xem ra khó nghe thậm chí thật khó hiểu nếu không ở trong ngữ cảnh lúc bấy giờ. Cùng với anh mù từ thưở mới sinh, chúng ta chân thành tin nhận “Người là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Dưới cái nhìn đức tin này chúng ta có thể hiểu phần nào lời tuyên bố của Đấng Cứu Độ.
1. Người làm cho kẻ tự cho mình là thấy, là sáng, là am hiểu, trở nên đui mù, nghĩa là nhận ra sự lệch lạc, sai lầm của mình:
Xem quả thì biết cây. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai. “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbat”, kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi thì làm sao có thể làm đựơc những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Một dấu lạ vượt quá khả năng bình thường của con người là làm cho kẻ mù từ thưở mới sinh được trông thấy. Đúng là một dấu lạ tốt đẹp. Một hành vi tự nó là tốt đẹp được thực hiện trong một hoàn cảnh trái với quy định của luật lệ thì có còn là tốt đẹp chăng? Nếu luật lệ ấy thuộc hàng thiên luật (như luật tự nhiên, luật mạc khải) thì nói chung là không còn là tốt đẹp vì “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Tuy nhiên nếu luật đó thuộc hàng nhân luật (như luật quốc gia, luật Hội Thánh…), thì các việc tốt đẹp cao cả như việc cứu sống người hay mở mắt người mù thì luôn ở trên các quy định của nhân luật. Chúa Kitô không chỉ một lần như trong câu chuyện hôm nay mà đã nhiều lần vạch trần sự sai lầm của một số người biệt phái, luật sĩ khi họ tuyệt đối hoá nhân luật như luật Lễ nghỉ hay các tập tục tiền nhân mà xem nhẹ và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa như đức công bình và đạo yêu thương, lòng từ bi và tình thương xót.
Chước cám dỗ muốn tuyệt đối hoá các chỉ thị, các quy định hay luật lệ của mình, dù chỉ là phàm nhân, vẫn còn đó dưới mọi hình thức. Tình trạng “phép vua thua lệ làng hay đạo trời còn dưới ý con người” vẫn đang tồn tại cách này cách khác ngoài xã hội và có khi cả trong các tập thể tôn giáo. Xin cho ánh sáng Đấng Cứu độ chiếu soi sự u minh của những người tự cho mình là sáng nhưng thực ra đang ở trong mê lầm. “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).
2. Người làm cho người không xem thấy được thấy: Con người thường xem xét dựa vào cái bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận cõi sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, để có một cái nhìn quân bình và toàn diện, cần phải biết nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa. Đức Kitô, cuộc đời, những lời giảng dạy và các hoạt động của Người chính là cách thế giúp ta nhìn nhận cuộc đời, con người, các sự vật, hiện tượng cách đúng đắn và chuẩn mực.
Chúa Kitô không chỉ dùng quyền năng làm cho anh mù từ thưở mới sinh được thấy ánh sáng tự nhiên, Người còn khai mở con mắt đức tin của anh khiến anh can đảm nhìn nhận và tuyên xưng Người là một vị Ngôn sứ cho dù phải bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Các môn đệ vốn mù tối lầm lạc khi cho rằng anh mù từ thưở mới sinh là do tội của anh ta hoặc do tội của cha mẹ anh ta. Chúa Kitô đã mở mắt cho các ngài để các ngài nhận ra rằng có nhiều sự dữ là do tội lỗi con người gây ra nhưng cũng có nhiều sự dữ xảy ra mà chẳng do bởi lỗi của người này hay người kia. “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể được ” (Mt 19,26). Qua các sự dữ, Thiên Chúa có thể làm nổi rõ quyền năng và tình yêu của Người.
3. Là ánh sáng thế gian, Chúa Kitô thúc bách ta phải thấy cả những điều ta không muốn thấy. Quả thật, rất nhiều khi ta bị cám dỗ “được không nhìn thấy” để khỏi phải vất vả, khỏi phải hy sinh hay khỏi phải dấn thân, chia sẻ… Mở cửa ra, nhìn thấy người tàn tật, thế là được mời gọi chia sẻ. Một đôi lần thì có thể được, nhưng một ngày mà đến ba bốn lần nhìn thấy thì sao đây? Thấy chuyện bất công là được mời gọi săn tay áo để tạo lập sự công bằng… Không nguyên chỉ vất vả mà còn biết bao điều phiền toái có thể ập đến. Lắm khi chưa được mạ thì má đã sưng hoặc cảnh ai thổi lữa người đó bỏng môi là điều dường như khó tránh.
Lạy Chúa xin cho con đừng thấy. Một lời cầu xin để mình được an phận. Ánh sáng đã đến thế gian. Chúa Kitô đã đến thế gian, Người làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không thích nhìn thấy cũng phải thấy, ngoại trừ chính họ tự ý bịt mắt không muốn nhìn. Không cứu sống là đang giết chết. Không làm điều lành là đã làm điều dữ (x.Mc 3,1-5). Phải làm ngay hôm nay những gì ta thấy phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…Một lời cầu xin thật chính đáng và phải đạo mà Kitô hữu thường xuyên đọc. Thế nhưng khi Chúa cho ta thấy, cho ta biết việc phải làm thì sao đây? Có khi nào ta bị cám dỗ “ước gì đừng thấy, ước gì đừng biết” chăng?
 
Tôi bước đi như một chú lừa (7)
ĐHY Roger Etchegaray/ LM Điệp
16:27 30/03/2011
Tôi bước đi như một chú lừa (tiếp theo)

Con đường hướng đến Thánh Giá.

Cuộc Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu không chỉ là đoạn đường ngắn ngủi đi từ vườn Cây Dầu lên tới đỉnh Calvariô mà thôi . Con đường Thánh Giá sẽ không thể hiểu nổi …nếu ở bên ngoài con đường HƯỚNG đến Thánh Giá , và con đường này không bao giờ có tận : trọn vẹn cuộc đời của Đức Kytô luôn phải được cảm nhận như một hành trình hướng đến Thánh Giá . Vì thế , khi suy niệm về cuộc Thương Khó … mà chỉ gặp được Đức Giêsu ở cuối đường thôi thì không đủ .

Cái nhìn đầu tiên đưa chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm của chính thân phận Con Thiên Chúa làm người : “Vâng lời cho đến chết trên Thánh Giá .”(Ph 2, 8) .”Khi vào trần gian , Đức Kytô thân thưa : “Lạy Thiên Chúa , này con đây , con đến để thực thi ý Ngài .” (Do Thái 10 , 5 – 7) và Ngài dám khẳng định rằng “lương thực” của Ngài là làm theo ý của Đấng đã sai Ngài đến (Gio 4 , 34) . Một sự thừa nhận không thể hiểu thấu cho ta cái cảm nghiệm về cuộc thương khó trọn vẹn và liên tục của một hữu thể chấp nhận từ bỏ đến như thế và hoàn toàn trống vắng ngay cả cái bản thể của mình !

Ngay từ đầu Đức Giêsu đã quá biết con đường đưa Ngài đến với Thánh Giá và suốt cuộc đời mình , Ngài luôn sống với cái tâm thức về Thánh Giá , thậm chí cả cái “giờ” cao điểm của Thánh Giá nữa .Trọn vẹn phong cách của Ngài đặt nền trên giây phút mà Ngài gọi là “giờ của Ta” – giờ do chính Chúa Cha ấn định . (xx Gio 2 , 4 ; 7, 30 ; 8 , 20 ; 12 , 23 ; 13 , 1 ; 16 , 32 ; 17 , 1 ) . Ngài không đoán trước về Thánh Giá … mà cái bóng của Thánh Giá soi sáng và đo lường hiện hữu của Ngài . Khi Ngài nói đến “giờ” của mình … thì không bao giờ thời gian đã đọng lại ở một gánh nặng nào đó của thảm kịch (Lc 12, 50) . “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến”!Thầy biết nói gì đây ?Lạy Cha , xin cứu con khỏi giờ này , nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Gio 12, 27) .Biết bao nhiêu đấu tranh nội tâm đã xảy ra nơi Ngài trước khi thốt lên những lời kinh khủng của giây phút hấp hối (Mc 14 , 33 và 36) ! Thánh sử Luca cho chúng ta thấy rằng : khiđến giờ lên Giêrusalem lần cuối , Đức Giêsu “trân mặt” … lên đường …(9,51) …vì ý thức được điều gì đang đợi chờ Ngài ở đó .

Tuy nhiên Đức Giêsu không đến với Thánh Giá như một….con người máy , một con người khắc kỷ bị từ khước hay một con vật bị lùa đi . Ngài đi tới không ngại ngần và cũng chẳng hãi sợ …đồng thời –trên con đường đi của mình – Ngài lặng lẽ công bố -lúc này hay lúc khác – cuộc Thương Khó mình sẽ chịu … rồi tiếp tục sống cách rất bình yên giây phút hiện tại của mình . Cho đến cuối đời lúc nào cũng rạng rỡ nới Đức Giêsu niềm an bình tuyệt diệu : không gì dễ chịu cho bằng sự phó thác hoàn toàn của người con trong vòng tay Cha mình .(Lc 24 , 46)

Hoà giải bằng Thánh Giá Chúa Kitô.

Ngày nay người ta không muốn dừng lại trước Thánh Giá chút nào cả …hay , nếu có dừng lại, thì cũng rất ngắn ngủi … rồi người ta vội vội vàng vàng để đi đến với biến cố Phục Sinh … cho rằng điểm cuối cùng mới là quan trọng …Thế nhưng không phải là không có lý do khi cả bốn tác giả Tin Mừng – vốn là những con người bình dị – lại dành quá nhiều thời gian cho những chi tiết trong tường thuật của mình về cuộc Thương Khó như thế . Không phải chỉ vì vô tình mà thánh Phaolô cho chúng ta biết là Đức Kytô đã hoà giải tất cả bằng cách “ mang lại bình an nhờ máu Ngài đổ ra trên Thánh Giá”(Col 1, 20) … đồng thời ông cũng dám công bố là ông đã quyết định để “ không còn muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kytô , mà là Đức Giêsu Kytô chịu đóng đinh vào Thánh Giá” ( 1 Co 2,2) … để rồi ông cho thấy rõ cái “quá ư bất lợi” của lời rao giảng vốn là “ điều ô nhục đối với người Do Thái , sự điên rồ đối với dân ngoại.” ấy (1Co 1, 23) .Chính với Thánh Giá – lưỡi giáo của sứ điệp ông rao giảng – mà Phaolô không ngừng đấu khẩu với tất cả những ai tìm cách để “cất bỏ” nó đi hoặc làm cho nó trở nên dễ chịu hơn .

Thánh Giá là nơi vừa giúp chúng ta ý thức được về chiều sâu của tình trạng sa ngã nơi chúng ta , vừa giúp chúng ta nhìn ra sự cao cả của tình yêu mang đến ơn cứu độ cho chúng ta , vì chính tình yêu đã treo Đức Kytô lên Thánh Giá … chứ không phải là những mũi đinh nhọn đâu . Thánh Giá là cuốn sách vĩ đại trong đó nhân loại đọc thấy toàn bộ lịch sử của mình – lịch sử mà chỉ khi nào con người đọc ở bề trái của nó mới có thể hiểu được . Người ta phải bắt đầu từ thời cuối cùng ngược lên cho đến giai đoạn khởi đầu : bởi vì Đức Kytô – Adam mới – mới thực sự là Adam đầu tiên : Đấng Cứu Thế có trước kẻ tội phạm và sự tha thứ đi trước tội lỗi …Cuối cùng và một cách rất ư nghịch thường … đó là tội lỗi thực ra chỉ là dịp để mang lại cho Thiên Chúa niềm vui vì có được “điều kiện” để tha thứ cho chúng ta , và Thiên Chúa chỉ có thể hé mở cho chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Người khi Người bày tỏ lòng thương xót của Người cho chúng ta . Đó cũng là lý do cho chúng ta thấy tại sao – trong kinh Tin Kính – chúng ta được kêu gọi không phải là để tin chuyện tội lỗi nhưng là để tin vào lòng dung thứ , tin vào ơn tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta .

Hãy nhìn vào Tông Đồ Phêrô – con người “sa ngã” tới ba lần ở vào cái giây phút quan trọng nhất – ông cũng là con người mà Đấng Phục Sinh đã khơi gợi để ông tuyên xưng tới ba lần tình yêu của mình với Thầy : ông là hình ảnh tiên báo cho cái dân tộc mới này bao gồm những con người vốn rất ư nhu nhược … nhưng lại trở thành – theo kiểu nói của Phaolô – những sứ giả của sự hòa giải (2 Co 5 , 18-20) – một sự hoà giải không ngang tầm với chuyện những thứ loại hầu bao và thậm chí cũng không ngang tầm với chuyện thánh lớn thánh nhỏ … mà là ơn tha thứ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa Hằng Sống .

Cái cảnh quang sầu thảm của trần thế hôm nay hoàn toàn không thể làm cho chúng ta thất vọng …Bởi vì – ẩn mình sau cái bề rộng và bề dày của sự dữ – tôi luôn luôn nhận được ở khắp nơi hàng ngàn ngàn những bông hoa nhỏ xíu của niềm hy vọng thấm đẫm nước mắt của những nạn nhân và máu của các tử đạo.

Ba nụ hôn trong cuộc Thương Khó

Trong thảm kịch của cuộc Thương Khó – nơi mà tất cả được ghi dấu bởi bạo lực và hận thù , nơi mà như Bossuet nói : “tất cả đều biến thành thánh giá” – có ba nụ hôn … để chúng ta suy gẫm …

Nụ hôn thứ nhất là của con người đã hôn Chúa Giêsu trong ngôi nhà người ta mời Chúa đến . Không quan trọng gì chuyện người phụ nữ của lần xức dầu thơm mang dấu ấn của giờ an táng ấy có phải là Maria Magdala hay là Maria của Bêtania hay không (Mt 26 , 6 – 13) , cũng chẳng có gì là quan trọng việc chị ta có phải là “người phụ nữ tội lỗi” của lần xức dầu đầu tiên như dấu chỉ của sự thống hối hay không (Lc 7,36-50) . Điều quan trọng là nhìn thấy Chúa Giêsu đón tiếp một phụ nữ khiêm tốn và nhẹ nhàng biết bao khi chị ta “ lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người , lấy tóc mình mà lau ,rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”

Nụ hôn thứ hai là một nụ hôn xúc phạm . Đó là nụ hôn của kẻ phản bội , của Yuđa – kẻ đã chọn cái hành vi thanh lịch nhất của tình bạn hữu để làm dấu chỉ tồi tệ nhất cho sự phản trắc : “Tôi hôn ai thì chính là người đó . Các anh bắt lấy !” (Mt 26, 48-50) .Đứng trước cái cử chỉ của người môn đệ trơ trẽn và dày mặt … tiến đến ôm hôn mình …Chúa Giêsu đã đáp lại bằng một thái độ cảm thán nặng sầu tủi và hoàn toàn phó thác cho ý muốn của Chúa Cha : “Bạn Ta , con hãy làm như mình muốn !”

Nụ hôn thứ ba chính là nụ hôn của Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá . Tin Mừng không nói gì đến nụ hôn này … nhưng chắc chắn là có nụ hôn này … Chúng ta dễ dàng để có thể tưởng tượng ra rằng : khi đón nhận cái xác bất động của con mình trên gối mình , Đức Maria đã trùm phủ những nụ hôn trên mặt con . Tất cả các bà mẹ – trong hoàn cảnh đớn đau ấy – đều không làm gì khác hơn … Và nụ hôn cuối cùng của Đức Maria trở thành dấu chỉ xúc động của sự gắn kết trọn vẹn của Ngài vào hiến tế của Đức Kytô Cứu Thế .

Một người kytô hữu mà không hiểu được nụ hôn của “Mađalêna” , không cảm thấy bất xứng cái nụ hôn của Yuđa , và không động lòng với nụ hôn của Đức Mẹ … thì – nơi con người đó – chẳng còn gì là con người nữa … và anh ta cũng chẳng còn gì để mà đợi trông nơi cuộc Thương Khó của Đức Giêsu nữa ! Con người đó trở thành thành phần của đàn chiên mà – theo ngôn ngữ của Claudel – nó “ ngủ và rống … trong giấc ngủ sâu như loài thú .”

“Xuống ngục tổ tông”

Chúng ta hầu như không quan tâm gì đến tín điều này trong Kinh Tin Kính hiện vẫn rộn rã vang lên một cách lạ hoắc trong cái không gian văn hoá vốn là của chúng ta lúc này đây . Thế nhưng … nếu tín điều này là thành phần của nội dung cốt yếu của đức tin chúng ta … thì chúng ta phải tự hỏi chính mình xem : việc Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông có ý nghĩa gì đối với chúng ta ?

Vào giây phút sinh thì , Chúa Giêsu đã “xuống ngục tổ tông ”. Không quan trọng gì những tư tưởng mang tính vũ trụ học loay hoay trong cái hình ảnh này … nhưng chúng ta phải biết rằng cái kiểu nói Kinh Thánh về “ngục tổ tông” nhằm trình bày nơi chốn mà mọi người qua đời an nghỉ … dù họ là những con người công chính hay là những kẻ vô đạo … Khi đến với họ , Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng Ngài gắn bó biết bao với thân phận của con người : một sự gắn bó vượt trên cả hành vị của sự chết để được chia sẻ một tình trạng với tất cả những gì làm nên sự nhập định nhiệm mầu . Với “ thời gian an nghỉ giữa kẻ chết “ này , Chúa Giêsu cũng cho thấy được tất cả những hậu quả của tội lỗi . Chúng ta đạt tới đỉnh điểm của lý luận về mầu nhiệm Nhập Thể … bởi vì tất cả là hoa trái thuần tuý của một tình yêu nhưng không .

Đồng thời cũng phải nhận ra rằng việc Đức Kytô đi xuống này cũng đã là một sự tôn vinh chiến thắng của Ngài trên sự chết . Điều đã làm các kytô hữu tiên khởi mê say đó là cuộc phiêu lưu kỳ thú của Chúa Giêsu xuống “ngục tổ tông” , nơi con người gần như bị giam cầm và cuộc giải phóng Ngài thực hiện . Thời gian “ở giữa những kẻ chết” này của Ngài – vì thế – cũng là một cách linh động hoá chiến thắng của Chúa Giêsu trên Satan , kẻ vốn muốn cầm giữ những người chết . Từ đấy – nhờ Đức Kytô – “ngục tổ tông” hoàn toàn khác với hỏa ngục … bởi vì chỉ thực sự có cái chết – “cái chết thứ hai” mà Khải Huyền nói tới – đối với những ai chối từ ơn cứu chuộc .

Phụng Vụ Syrie tung hô : “Như một vận động viên phóng xuống nước , Ngài nhào vào “ngục tổ tông” để tìm lại hình ảnh của Ngài chìm ngập trong đó” ; và – hỡi Adam mới – này đây là công cuộc trở lại địa đàng mà con người đã bị đuổi ra khỏi trước đây . Người ta không thể tách rời hai mặt của một thực tại duy nhất : xuống và lên (Rm 10 , 3-8 ; Ep 4,7-10) , hạ mình và vinh thăng (Ph 2, 6-11) . Phải đi đến chỗ khẳng định rằng việc Vinh Thăng của Đức Kytô trùng hợp với sự kiện Ngài sống lại : ngay từ khi phục sinh , Chúa Giêsu đã được Chúa Cha vinh thăng và Ngài đã “ở bên hữu Chúa Cha “ rồi . Nhìn từ phía Thiên Chúa thì sáng Phục Sinh cũng đã là sự kiện Lên Trời rồi .

Lịch sử hôm nay của chúng ta đang ở trong hành trình đi xuống của Đức Kytô vào âm phủ . Chúng ta thường ở trong âm phủ với thời gian dài hơn “một mùa” … nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đụng chạm hành trình đi xuống này khởi sự từ chính cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu trong niềm chắc chắn về một hành trình đi lên nhằm giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi .

“Và Ngài lên trời”.

Tất cả đều nằm trong mầu nhiệm Phục Sinh - từ biến cố Sống lại cho đến sự kiện Lên Trời - dù vẫn dàn trải theo trình tự của thời gian … Tất cả y như những hình ảnh chất chồng lên nhau để rồi sáng tỏ dần dần … đến độ thánh sử Luca cô đọng thời gian bốn mươi ngày ấy trong chỉ một ngày : ngày Lễ Phục Sinh (24,50-51). Quả thực là ngay từ khi ra khỏi mộ , Đức Kytô đã được vinh thăng “bên hữu Chúa Cha” rồi : Sống Lại và Vinh Thăng là hai sự kiện không thể tách biệt nhau . Hơn nữa – với thánh Gioan – thì ân sủng của Thánh Thần vốn dồi dào trong cuộc vinh thăng đưa vào vinh quang đã có hiệu lực ngay chiều Phục Sinh ( 20 , 17 – 22 ) . Thật là tội nghiệp cho cái cách tính thời gian nghèo nàn trong các thứ niên lịch này nọ của con người ! Với Thiên Chúa : không có vấn đề thời gian .

Nhưng không gian “trời” mà Đức Giêsu vinh thăng …ấy là như thế nào ? Chắc chắn không là không gian “trời” của các nhà thiên văn hay các phi hành gia và dĩ nhiên cũng không là cái không gian “trời” của môn khí tượng học vốn chiếm khá nhiều chỗ trong các phương tiện truyền thông hôm nay . Việc tạo dựng thì không giống như một cái thùng khổng lồ và mong manh chứa đựng những thứ hạng “ở trên” hay “ ở dưới” . Thật là tội nghiệp cái môn vũ trụ luận của con người ! Với Thiên Chúa , không gian không hiện hữu .

Xin các bạn đừng loay hoay với những bức tranh về không gian “ trời” ấy làm gì … dù chúng rất hữu ích cho việc giúp chúng ta có thể suy nghĩ đôi chút về điều không thể suy tưởng được … Bởi vì “trời” : đó chính là Thiên Chúa . Đức Kytô chính là tình yêu trông thấy của Thiên Chúa vô hình (Gio 14 , 8 – 9 ) . Một dấu chỉ thì có thể định chỗ định vị được … nhưng tình yêu thì không . Những con người có tinh thần mạnh mẽ sẽ mỉm cười đứng trước cái quang cảnh Lên Trời hơi có vẻ kịch bản ấy … nhưng hình ảnh nhìn thấy đó không khuyến khích chúng ta tiếp tục tưởng tượng nữa : “Hỡi những người Galilê , sao còn đứng mãi đó mà nhìn trời làm gì ?” (Tđcv 1 , 11).

“Lạy Cha chúng con ở trên trời … xin hãy ở trên đó luôn đi !” : Prévert đã mai mỉa như thế đó . Ong ta không hiểu rằng khi tự đặt vấn đề về “trời” … thì không phải là buông mình vào trong một giấc mơ ngây ngô nhưng là đào sâu trái đất này để biết cho tường cho tận sự hiện diện ẩn tiềm : đó là Thiên Chúa ở trong chúng ta . Đó là tìm cho ra “trời” ngay trên mặt đất này , “dưới đất cũng như trên trời” . Con người đã ở trên trời rồi … ngay từ khi nối kết với Thiên Chúa . Khi lên trời , Đức Kytô không rời xa chúng ta … ngược lại Ngài còn hiện diện rõ ràng hơn nơi chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài gửi đến cho chúng ta . Qua đó , Ngài thực hiện chương trình đầy yêu thương của Thiên Chúa : đó là “qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kytô” (Ep 1 , 10 )

Vậy thì “trời” là gì ? Là tất cả mọi người… cùng với chúng ta : toàn thể tạo dựng – cuối cùng – được giao hoà …“Trời” là gì ? Là trọn vẹn Thiên Chúa … nơi tất cả chúng ta .

“Đụng sờ để Tin ?

Chúng ta ở trong thế giới của những con người “ muốn luôn luôn được đụng và sờ” : để có thể đảm bảo về một thực tế , nhất định là phải đụng tới được , phải sờ vào được hay ít ra thì cũng có thể có được một dấu chứng loằng ngoằng nào đó từ một cái “máy sự thật” !!! Trong bối cảnh một nền văn hoá như thế … thì TIN vào cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu Kytô – đối với ngững người vô tín – là như một thứ ảo tưởng ! Dù thế thì Giáo Hội không ngừng thân thưa với Chúa của mình : “Rabbouni” – “lạy Thầy” – như Maria Magđala trong buổi sớm Chúa Sống Lại (Gio 20 , 16). Mỗi người trong chúng ta sống niềm tin phục sinh ấy , sống mầu nhiệm trông thấy của Vị Thiên Chúa hằng sống .

Chúng ta cũng thường hành động như Tông Đồ Thomas – con người thực dụng vốn chỉ hài lòng với chủ thuyết thực tế của mình . Ở buổi mai của biến cố Phục Sinh , sự chắc chắn duy nhất nơi Thomas - một sự chắc chắn đau đớn : đó là Thánh Giá ! Còn lại chẳng qua là những chuyện dông dài của đám “phụ nữ thánh thiện” thế thôi ! Đức Kytô đã có thể bỏ mặc cho cái con người lỗi hẹn với anh em mình ấy chai cứng trong “tình trạng vô tín” của mình vì anh ta đã vắng mặt trong lần hiện ra đầu tiên của Ngài với các Tông Đồ …Thế nhưng Ngài đã không làm như vậy … ngược lại tám ngày sau , rất rạch ròi với Thomas , Ngài lập lại cùng một cảnh tượng như trước … và đáp ứng ngay với những đời hỏi của người môn đệ mình , Ngài đưa ra cho ông những bàn tay còn in dấu lỗ đinh và chỉ cho ông cạnh sườn bị đâm thâu : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”(Gio 20 , 27) . Và Thomas , nhảy từ đỉnh này qua đỉnh khác , đã làm một cuộc tuyên xưng đức tin kích phát nhất mà Tin Mừng ghi lại :”Lạy Chúa , lạy Thiên Chúa của con”. Không một ai khác có thể nhận diện rõ ràng được như thế về Đấng Bị Treo vốn là Thiên Chúa .

Tóm lại , cái nền văn hoá độc tôn khoa học – mặc dù có những kiêu hãnh hay “bị cận thị” đấy – nhưng có thể cũng có lý : phải đụng tới được thì mới tin ! Thế nhưng với Chúa Giêsu … thì những chứng nhân của Ngài không cần phải như vậy . Phải “đụng” tới được những con người nam cũng như nữ trong hôm nay luôn sống là môn đệ của Đấng Sống Lại . Đáp lại lời của Đức Kytô : “ Phúc cho những ai không thấy mà tin” là câu trả lời của thánh Gioan : “Điều mà chúng tôi đã thấy tận mắt , điều tay chúng tôi đã chạm tới được : đó là Lời sự sống” (1 Gio 1 , 1-4) . Giáo Hội được cấu tạo bởi một dây chuyền khổng lồ những con người làm chứng luôn gửi đi – từ thế hệ này đến thế hệ khác – một kinh nghiệm cá nhân thật hơn một khảo nghiệm khóa học nhiều .

Nếu bản thân chúng ta tin … thì chính là vì chúng ta đã thấy và đã đụng tới được những con người tin – những kytô hữu – và chúng ta vẫn còn gặp họ mỗi ngày để nâng đỡ đức tin mong manh của chúng ta . Thế còn những người khác thì sao ? Họ có nhìn thấy nơi chúng ta những chứng nhân chân thực như thế không ? Rất rất nhiều người – để có thể tin – vẫn đợi chờ để nhìn thấy chúng ta , để đụng tới chúng ta như nhìn thấy và đụng tới Đấng Sống Lại .

Sự mới mẻ của Phục Sinh

Lại Phục Sinh . Về phía Chúa Giêsu Kytô … thì luôn luôn là như thế :Đức Kytô đã sống lại , Ngài không chết nữa . Thế nhưng về phía chúng ta … thì không phải lúc nào cũng như thế … vì nhân loại sống trong một khu nghĩa trang vĩ đại … và có vẻ như người ta lết lê hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác giữa những ánh chớp rực sáng của biến cố sống lại . Thường nằm nhiều hơn là đứng … nhưng không bao giờ thất vọng , chúng ta luôn sẵn sàng để cùng sống lại với Đức Kytô .

Phục Sinh : đó là một buổi sáng mới . Bắt đầu từ bình minh hôm ấy , giòng lịch sử - vốn đã trải dài từ lâu – bỗng đổi chiều mãi mãi : nó đã có một chiều hướng dứt khoát cho mình . Như thời của buổi đầu Sáng Thế , đấy là một khởi sự thanh tân . Một tạo dựng mới hình thành cùng với Đấng Bị Treo hằng sống . “ Đây là ngày Thiên Chúa tạo thành” : Phụng Vụ Phục Sinh vang ca như thế . Kytô hữu là người lữ hành dưới Anh Mặt Trời bừng sáng ; họ là người thợ của một Ngày không tận .

Phục Sinh : đó là những con người mới .Cử hành biến cố Phục Sinh ( hay đúng hơn là cử hành những lần “sống lại” của chính mình) : đó là cùng với Đức Kytô vượt qua cái chết để vào sự sống . “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1 Co 5,7) . Điều mà thánh Phaolô nói với những người kytô hữu tiên khởi thì cũng là lời nhắn nhủ dành cho mỗi người trong chúng ta .

Phục Sinh : đó là một thế giới mới . “Sao lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?” (Lc 24 , 5) . Dĩ nhiên là cái chết vẫn không cất đi cái mặt nạ thê thảm của nó … thế nhưng giữa lòng thế giới đã có một lỗ hổng được mở và những năng lực của sự Sống Lại bung tỏa : một tương lai dành cho chúng ta nếu chúng ta đón nhận . Không còn gì là u tối , không còn gì là định mệnh , sự bất khả trở thành điều có thể …

Ngôi mộ của Đức Kytô – vốn đã trở thành chiếc nôi cho Giáo Hội – ngôi mộ ấy không cần phải bảo vệ và cũng chẳng cần phải chiếm lại làm gì : nó đã trống ! Đức Kytô hằng sống đến Galilê trước chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống . Sự mới mẻ của Phục Sinh phải bừng sáng mọi nơi . Chúng ta có sẵn sàng để trở thành những chứng nhân cho đến “ tận cùng trái đất” , nghĩa là xa , rất xa … cho mãi đến tận sâu thẳm của mỗi chúng ta không ?
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 30/03/2011
N2T

1. Người vong ân bội nghĩa ạ, khi Thiên Chúa ở với ngươi thì ngươi cảm thấy vui vẻ, vậy thì tại sao người vẫn nhẫn tâm đắc tội với Ngài ?”

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Đức Tin và thử thách
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:39 30/03/2011
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay, Nam A


Trong bài viết “Đôi mắt”, Linh mục Nguyễn Tầm Thường suy niệm về đôi mắt mù lòa của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế. Chúa Kitô đã chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới, đó là mắt đức tin. Xin được mượn tư tưởng của ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: “Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh”.

“Mắt em là một dòng sông,

Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em...”

(Lưu Trọng Lư)

Đôi mắt là cửa sổ và là cửa chính của tâm hồn cũng như của thân xác. Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp. Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon... mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn... Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng.” (St 3,4 -7). (x.Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 -71)

Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:

- Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.

- Evà nhìn trái táo và thấy sướng mắt.

- Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. (sđd. tr. 72). “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. Mắt hai người đã mở ra. Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam, Evà đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù lòa chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Kitô đã đến trần gian chữa lành sự mù lòa ấy, hàn gắn lại vết thương thuở sa ngã của Nguyên Tổ.

Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù lòa của Nguyên Tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian. “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thuở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt đức tin.

Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu của người mù tăng dần theo với thử thách.

Thánh Gioan kể có bốn cuộc thử thách.

- Thử thách lần thứ nhất (Ga 9,8-12), những người láng giềng và những người trước kia thường thấy anh ta ăn xin chất vấn: “hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”. Người mù xác nhận: “Tôi đi, tôi rửa, tôi nhìn thấy”. Anh không biết Chúa là ai: “Ông ấy ở đâu, tôi không biết”. Anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: "Một người tên Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi".

- Thử thách lần thứ hai (Ga 9,12-17), những chất vấn của giới Pharisiêu và lời nhạo báng: “một ngưởi tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”. Trước sức ép của họ, anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng "Ngài thật là vị tiên tri".

- Thử thách lần thứ ba (Ga 9,18-23), họ gọi cha mẹ của anh ta đến để làm chứng, nhưng hai người sợ hãi nên nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Anh mù trực tiếp trả lời về nguồn ánh sáng đã đón nhận.

- Thử thách lần thứ tư (Ga 9,24-34), người Pharisiêu dùng đến Lề Luật. Người mù không cần biết đến Luật. Anh ta dựa vào cảm nghiệm cá nhân đã gặp Đức Kitô. Cuộc tra vấn của giới chức tôn giáo khiến anh khẳng định: "Người từ Thiên Chúa mà đến".

Khi bị trục xuất ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu gặp lại anh và mạc khải cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, anh liền tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, tôi tin” (Ga 9,37). Niềm tin của người mù tăng triển qua ba giai đoạn. Từ không biết ông ấy ở đâu cho đến ông ấy là một tiên tri, rồi sấp mình thờ lạy Ngài. Sự tiến triển niềm tin qua những lần thử thách. Càng gặp thử thách niềm tin càng sáng lên. Thử thách càng cao đức tin càng mạnh. Người mù trung thành với cảm nghiệm của mình. Đức tin lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.

Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Silôác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisiêu đang tra vấn, khủng bố anh : “Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Silôác Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy”. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: ”Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin”. Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.

Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin. Phép lạ chữa người mù thuở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù lòa của nhân loại, với một điều kiện: Tin vào Ngài.

Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù lòa tâm hồn. Người mở mắt cho Dakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9,1 -10). Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7,36 -50). Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23,32 - 43)...

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xóa tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô.

“Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12). Hãy luôn cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức tin, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường phải đi và những việc phải làm để đạt đến hạnh phúc thật.à 2

 
Đức Tin và thử thách
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:40 30/03/2011
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay, Năm A


Trong bài viết “Đôi mắt”, Linh mục Nguyễn Tầm Thường suy niệm về đôi mắt mù lòa của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế. Chúa Kitô đã chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới, đó là mắt đức tin. Xin được mượn tư tưởng của ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: “Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh”.

“Mắt em là một dòng sông,

Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em...”

(Lưu Trọng Lư)

Đôi mắt là cửa sổ và là cửa chính của tâm hồn cũng như của thân xác. Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp. Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon... mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn... Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng.” (St 3,4 -7). (x.Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 -71)

Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:

- Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.

- Evà nhìn trái táo và thấy sướng mắt.

- Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. (sđd. tr. 72). “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. Mắt hai người đã mở ra. Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam, Evà đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù lòa chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Kitô đã đến trần gian chữa lành sự mù lòa ấy, hàn gắn lại vết thương thuở sa ngã của Nguyên Tổ.

Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù lòa của Nguyên Tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian. “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thuở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt đức tin.

Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu của người mù tăng dần theo với thử thách.

Thánh Gioan kể có bốn cuộc thử thách.

- Thử thách lần thứ nhất (Ga 9,8-12), những người láng giềng và những người trước kia thường thấy anh ta ăn xin chất vấn: “hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”. Người mù xác nhận: “Tôi đi, tôi rửa, tôi nhìn thấy”. Anh không biết Chúa là ai: “Ông ấy ở đâu, tôi không biết”. Anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: "Một người tên Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi".

- Thử thách lần thứ hai (Ga 9,12-17), những chất vấn của giới Pharisiêu và lời nhạo báng: “một ngưởi tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”. Trước sức ép của họ, anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng "Ngài thật là vị tiên tri".

- Thử thách lần thứ ba (Ga 9,18-23), họ gọi cha mẹ của anh ta đến để làm chứng, nhưng hai người sợ hãi nên nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Anh mù trực tiếp trả lời về nguồn ánh sáng đã đón nhận.

- Thử thách lần thứ tư (Ga 9,24-34), người Pharisiêu dùng đến Lề Luật. Người mù không cần biết đến Luật. Anh ta dựa vào cảm nghiệm cá nhân đã gặp Đức Kitô. Cuộc tra vấn của giới chức tôn giáo khiến anh khẳng định: "Người từ Thiên Chúa mà đến".

Khi bị trục xuất ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu gặp lại anh và mạc khải cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, anh liền tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, tôi tin” (Ga 9,37). Niềm tin của người mù tăng triển qua ba giai đoạn. Từ không biết ông ấy ở đâu cho đến ông ấy là một tiên tri, rồi sấp mình thờ lạy Ngài. Sự tiến triển niềm tin qua những lần thử thách. Càng gặp thử thách niềm tin càng sáng lên. Thử thách càng cao đức tin càng mạnh. Người mù trung thành với cảm nghiệm của mình. Đức tin lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.

Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Silôác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisiêu đang tra vấn, khủng bố anh : “Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Silôác Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy”. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: ”Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin”. Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.

Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin. Phép lạ chữa người mù thuở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù lòa của nhân loại, với một điều kiện: Tin vào Ngài.

Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù lòa tâm hồn. Người mở mắt cho Dakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9,1 -10). Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7,36 -50). Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23,32 - 43)...

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xóa tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô.

“Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12). Hãy luôn cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức tin, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường phải đi và những việc phải làm để đạt đến hạnh phúc thật.à 2

 
Người ùù được Chúa chữa lành
Tuyết Mai
22:44 30/03/2011
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay, Nam A

Bây giờ tôi mới thật sự hiểu là tật bệnh mù mắt của con người từ khi bẩm sinh chẳng phải vì tội lỗi của chúng ta hay của cha mẹ chúng ta gây nên, nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa Cha vì Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa” (Ga 9, 1-41). Thì dù cho chúng ta đã bị mù hay khuyết tật từ lúc bẩm sinh cũng không phải do tội lỗi của chúng ta hay của cha mẹ. Mà là để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi chúng ta. Lời của Chúa Giêsu đã rành rành như thế, nên chúng ta là con cái của Ngài, khi được sinh ra làm sao, thì chấp nhận như vậy, không oán trách Thiên Chúa, cũng không nên oán trách cha mẹ của mình; tuy dù thời buổi văn minh hiện đại đã chứng minh rõ ràng là có những căn bệnh chết người như bệnh Aids, bệnh ung thư, thì 90% con cái sẽ bị chết vì ung thư và bệnh Aids? Những đứa trẻ được sinh ra từ nơi cha mẹ này, lớn lên sẽ được cho biết rằng mình cũng sẽ chết vì chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm và đau đớn đó!. Sự việc chứng minh rành rành ra đó nhưng Chúa bảo không phải do tội lỗi của ai cả! Mà là để công việc Thiên Chúa được tỏ ra nơi họ.

Có phải Thiên Chúa muốn chứng tỏ quyền năng của Người là trên sự chữa lành cho con người mang những chứng bệnh không may mắn?. Nếu phải, thì ngay cả ngày hôm nay, sự chữa lành của Thiên Chúa vẫn xẩy ra nhan nhãn hằng ngày trên khắp cùng thế giới đấy chứ!. Chúa đã chứng tỏ quyền năng của Ngài, khi mà con người văn minh với những máy móc hiện đại, những bác sĩ dựa vào máy móc ấy, mà cấp giấy Tử cho bệnh nhân của họ và cho họ biết thời gian sống của họ sẽ còn được bao lâu họ sẽ ra đi, từ giã cõi trần. Quả thật Chúa Giêsu phán một câu: “Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian”, giúp cho con người hiểu được rằng sự sống tin vào Thiên Chúa giúp cho chúng ta thật nhiều trong niềm tin, niềm cậy trông, và hy vọng được Thiên Chúa chữa lành. Vì Ngài thật sự có mặt trên trần gian, Ngài đang sống giữa chúng ta. Vì thế bao nhiêu người được Chúa đến chữa lành thoát qua khỏi mọi bệnh tật trầm kha nguy hiểm, đã gây bao nhiêu sự chia ly của gia đình ở những căn bệnh sợ hãi ấy!. Tung hô, vạn vạn tuế, Thiên Chúa muôn đời nhân lành của nhân loại chúng ta!. Ngài vẫn sống và sống ban cho nhân loại chúng ta cuộc sống dồi dào, cho những ai tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa.

Có phải Thiên Chúa đã luôn ban cho chúng ta một cuộc đời sáng sủa, an lành, và tràn đầy hy vọng, khi chúng ta biết sống nghĩ đến người khác và biết chia sẻ mọi nỗi niềm đau?. Cuộc đời nếu chúng ta than thở và luôn trách móc cho mọi Hồng Ân Thiên Chúa ban, có lẽ ta nên suy nghĩ lại?. Có phải vì lòng tham mà chúng ta trở nên tất bật, vất vả, và bon chen giữa chợ đời. Khi gọi là chợ đời thì làm sao ai thảnh thơi cho được?. Chợ đời đã dậy chúng ta phải tranh dành, chụp giựt, đánh nhau, cho đến khi có một người thắng và một người thua, để sống giữa chợ đời bon chen tăm tối đó!. Và có phải trái đất Chúa ban cho con người thật rộng lớn bao la hay không?. Núi có, biển có, sông ngòi có, và đồng ruộng mênh mông bát ngát cò bay thẳng cánh, sao chúng ta không chọn sống, để chọn sống giữa chợ đời? Làm con người chúng ta ra dữ giằn, điêu ngoa, và hay tranh chấp?. Thường con người sống ở miền quê, bản tánh thật thà chất phát, biết xót xa cho nhau, trông chừng và thường rất tin tưởng ở nhau. Cửa nhà lồng lộng gió bay từ cửa trước ra đến cửa sau, không then cài kín mít, dù chẳng có một ai ở trong nhà. Thoải mái thật, sung sướng thật, bình an thật, như đang được sống trong Thiên Đàng vậy!. Còn chúng ta chọn sống ngay giữa chợ đời thì chẳng ai dám để cửa ngỏ; chẳng ai dám tin tưởng nơi ai; tin rằng sự dữ luôn rình rập và có thể giết chết chúng ta không biết lúc nào mà thôi!.

Khi chúng ta chọn lối sống, chỗ để sống, và cách sống hiền lành thì cũng giúp rất nhiều cho chúng ta lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Con người thường sống gần với Chúa là khi họ chọn sống gần với thiên nhiên. Mọi biến chuyển chung quanh cũng dễ để chúng ta biết có thời giờ mà tránh. Không phải để tránh những biến cố nguy hiểm xẩy ra nhưng là vì con người biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, mà thoát được những cái chết không đáng để cho xẩy ra, như cướp bóc, phiến loạn, và sống vô luật lệ như phường trộm cướp. Người Nhật đã dậy cả thế giới về điều đó!?. Người Nhật nếu họ không biết tuân lệnh, tự trọng, và lòng thương yêu, thì số tử vong có lẽ sẽ được nhân lên gấp trăm???. Như chuyện của một đứa trẻ chỉ độ 9 tuổi thế mà em đã cho cả thế giới một bài học rất quý rất đáng để mà bắt chước theo.

Lậy Chúa là Đấng lòng lành vô cùng! Xin giúp chúng con biết thân phận của mình mà chấp nhận cuộc đời. Một cuộc đời sống giữa đầm sen, nhưng luôn là sen mà chẳng phải là bùn tanh hôi. Một cuộc đời nếu phải ở giữa chợ đời nhưng chẳng phải là phường du côn du đãng mà chọn là người tông đồ giúp việc cho Chúa. Băng bó cho ai cần được băng bó. Cho ai cần được có chén cơm, manh áo, nước lã. Cho ai được một lời an ủi mà cả đời họ chẳng bao giờ được nghe thì còn gì bằng!?. Vì có phải Thiên Chúa luôn ở trong và ở với chúng con, đồng hành cùng chúng con, và luôn giúp đỡ chúng con, để chúng con mang tình yêu của Chúa gieo vãi trên mọi bước đường đời chúng con đi ……. Amen.

 
Người mù được Chúa chữa lành
Tuyết Mai
22:45 30/03/2011
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay, Nam A

Bây giờ tôi mới thật sự hiểu là tật bệnh mù mắt của con người từ khi bẩm sinh chẳng phải vì tội lỗi của chúng ta hay của cha mẹ chúng ta gây nên, nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa Cha vì Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa” (Ga 9, 1-41). Thì dù cho chúng ta đã bị mù hay khuyết tật từ lúc bẩm sinh cũng không phải do tội lỗi của chúng ta hay của cha mẹ. Mà là để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi chúng ta. Lời của Chúa Giêsu đã rành rành như thế, nên chúng ta là con cái của Ngài, khi được sinh ra làm sao, thì chấp nhận như vậy, không oán trách Thiên Chúa, cũng không nên oán trách cha mẹ của mình; tuy dù thời buổi văn minh hiện đại đã chứng minh rõ ràng là có những căn bệnh chết người như bệnh Aids, bệnh ung thư, thì 90% con cái sẽ bị chết vì ung thư và bệnh Aids? Những đứa trẻ được sinh ra từ nơi cha mẹ này, lớn lên sẽ được cho biết rằng mình cũng sẽ chết vì chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm và đau đớn đó!. Sự việc chứng minh rành rành ra đó nhưng Chúa bảo không phải do tội lỗi của ai cả! Mà là để công việc Thiên Chúa được tỏ ra nơi họ.

Có phải Thiên Chúa muốn chứng tỏ quyền năng của Người là trên sự chữa lành cho con người mang những chứng bệnh không may mắn?. Nếu phải, thì ngay cả ngày hôm nay, sự chữa lành của Thiên Chúa vẫn xẩy ra nhan nhãn hằng ngày trên khắp cùng thế giới đấy chứ!. Chúa đã chứng tỏ quyền năng của Ngài, khi mà con người văn minh với những máy móc hiện đại, những bác sĩ dựa vào máy móc ấy, mà cấp giấy Tử cho bệnh nhân của họ và cho họ biết thời gian sống của họ sẽ còn được bao lâu họ sẽ ra đi, từ giã cõi trần. Quả thật Chúa Giêsu phán một câu: “Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian”, giúp cho con người hiểu được rằng sự sống tin vào Thiên Chúa giúp cho chúng ta thật nhiều trong niềm tin, niềm cậy trông, và hy vọng được Thiên Chúa chữa lành. Vì Ngài thật sự có mặt trên trần gian, Ngài đang sống giữa chúng ta. Vì thế bao nhiêu người được Chúa đến chữa lành thoát qua khỏi mọi bệnh tật trầm kha nguy hiểm, đã gây bao nhiêu sự chia ly của gia đình ở những căn bệnh sợ hãi ấy!. Tung hô, vạn vạn tuế, Thiên Chúa muôn đời nhân lành của nhân loại chúng ta!. Ngài vẫn sống và sống ban cho nhân loại chúng ta cuộc sống dồi dào, cho những ai tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa.

Có phải Thiên Chúa đã luôn ban cho chúng ta một cuộc đời sáng sủa, an lành, và tràn đầy hy vọng, khi chúng ta biết sống nghĩ đến người khác và biết chia sẻ mọi nỗi niềm đau?. Cuộc đời nếu chúng ta than thở và luôn trách móc cho mọi Hồng Ân Thiên Chúa ban, có lẽ ta nên suy nghĩ lại?. Có phải vì lòng tham mà chúng ta trở nên tất bật, vất vả, và bon chen giữa chợ đời. Khi gọi là chợ đời thì làm sao ai thảnh thơi cho được?. Chợ đời đã dậy chúng ta phải tranh dành, chụp giựt, đánh nhau, cho đến khi có một người thắng và một người thua, để sống giữa chợ đời bon chen tăm tối đó!. Và có phải trái đất Chúa ban cho con người thật rộng lớn bao la hay không?. Núi có, biển có, sông ngòi có, và đồng ruộng mênh mông bát ngát cò bay thẳng cánh, sao chúng ta không chọn sống, để chọn sống giữa chợ đời? Làm con người chúng ta ra dữ giằn, điêu ngoa, và hay tranh chấp?. Thường con người sống ở miền quê, bản tánh thật thà chất phát, biết xót xa cho nhau, trông chừng và thường rất tin tưởng ở nhau. Cửa nhà lồng lộng gió bay từ cửa trước ra đến cửa sau, không then cài kín mít, dù chẳng có một ai ở trong nhà. Thoải mái thật, sung sướng thật, bình an thật, như đang được sống trong Thiên Đàng vậy!. Còn chúng ta chọn sống ngay giữa chợ đời thì chẳng ai dám để cửa ngỏ; chẳng ai dám tin tưởng nơi ai; tin rằng sự dữ luôn rình rập và có thể giết chết chúng ta không biết lúc nào mà thôi!.

Khi chúng ta chọn lối sống, chỗ để sống, và cách sống hiền lành thì cũng giúp rất nhiều cho chúng ta lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Con người thường sống gần với Chúa là khi họ chọn sống gần với thiên nhiên. Mọi biến chuyển chung quanh cũng dễ để chúng ta biết có thời giờ mà tránh. Không phải để tránh những biến cố nguy hiểm xẩy ra nhưng là vì con người biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, mà thoát được những cái chết không đáng để cho xẩy ra, như cướp bóc, phiến loạn, và sống vô luật lệ như phường trộm cướp. Người Nhật đã dậy cả thế giới về điều đó!?. Người Nhật nếu họ không biết tuân lệnh, tự trọng, và lòng thương yêu, thì số tử vong có lẽ sẽ được nhân lên gấp trăm???. Như chuyện của một đứa trẻ chỉ độ 9 tuổi thế mà em đã cho cả thế giới một bài học rất quý rất đáng để mà bắt chước theo.

Lậy Chúa là Đấng lòng lành vô cùng! Xin giúp chúng con biết thân phận của mình mà chấp nhận cuộc đời. Một cuộc đời sống giữa đầm sen, nhưng luôn là sen mà chẳng phải là bùn tanh hôi. Một cuộc đời nếu phải ở giữa chợ đời nhưng chẳng phải là phường du côn du đãng mà chọn là người tông đồ giúp việc cho Chúa. Băng bó cho ai cần được băng bó. Cho ai cần được có chén cơm, manh áo, nước lã. Cho ai được một lời an ủi mà cả đời họ chẳng bao giờ được nghe thì còn gì bằng!?. Vì có phải Thiên Chúa luôn ở trong và ở với chúng con, đồng hành cùng chúng con, và luôn giúp đỡ chúng con, để chúng con mang tình yêu của Chúa gieo vãi trên mọi bước đường đời chúng con đi ……. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh đô Rôma chuẩn bị đón một phần ba triệu người tới dự lễ phong chân phước Đức Gioan Phaolô II
Bùi Hữu Thư
06:20 30/03/2011
ROME (CNS) – Ban tổ chức thuộc Giáo Hội và chính quyền điạ phương đang lo đáp ứng với con số ít nhất là 300.000 người tại quảng trường Thánh Phêrô và các khu vực kế cận nhân dịp lễ phong chân phước cho cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 1 tháng 5.

Đức Ông Liberio Andreatta, giám đốc Opera Romana Pellegrinaggi, cơ quan hành hương trực thuộc Vatican, nói với các phóng viên ngày 29 tháng Ba: “Rôma đã sẵn sàng tiếp đón bất cứ khách hành hương nào muốn đến tham dự. Trước đây, các báo chí loan tin về các con số hàng triệu người và nói là tất cả các khách sạn đều hết chỗ. Điếu ấy không đúng sự thật.”

Linh mục Cesare Atuire của Opera Romana Pellegrinaggi nói, ngay khi Đức Thánh Cha Benedict XVI tuyên bố ngày phong chân phước, các công ty du lịch và nhiều người đã đăng ký hàng loạt phòng khách sạn. Bây giờ ngày phong chân phước chỉ còn vài tháng nữa, họ đã có một ý niệm chính xác hơn về con số phòng ngủ còn cần thiết và họ đang tìm cách mở rộng thêm nhiều phòng khác.

Ngài nói, ngoài ra còn có hai chỗ cắm trại bên ngoài Rôma sẽ được dành cho các khách hành hương muốn đỡ tốn kém. Các xe điện thông thường không hoạt động vào cuối tuần, sẽ cho chạy theo một lịch trình đặc biệt để đưa họ tới tham dự đêm canh thức cầu nguyện ngày 30 tháng Tư tại Hý Trường Maximus ở Rôma và tới thánh lễ sáng hôm sau.

Đức Ông Andreatta nói: Vì Đức Thánh Cha là giám mục thành Rôma và các khách hành hương sẽ dùng đa số thì giờ tại Rôma thay vì tại Vatican, Giáo Phận Rôma có trách nhiệm về đa số các biến cố.

Giáo phận đang quyên tiền các công ty lớn tại Ý để kiếm ít ra $1,7 triệu để trang trải các chi phí cho 300.000 khách hành hương dịp phong chân phước.

Đức Ông Andreatta nói: mặc dầu thánh đô Rôma, các khách sạn, quán ăn và cửa tiệm sẽ được hưởng nhuận lợi của khách hành hương, cuộc khủng hoảng về ngân sách vẩn đè nặng trên nước Ý khiến cho giáo phận phải tìm đến các đóng góp của mạnh thường quân thay vì xin ngân khoản của chính quyền điạ phương.

Ngân khoản cần thiết để xây dựng một sân khấu và gắn hệ thống âm thanh tại Hý Trường Circus Maximus, thêm xe buýt chuyên chở, trả tiền vé xe buýt và xe điện ngầm trong phí khoản tổng cộng cho mỗi khách hành hương, thuê và dựng các hàng rào kiểm xoát và ngăn chặn, và thuê khoảng 12 màn ảnh đại vĩ tuyến.

Ngài nói: Các màn ảnh sẽ được đặt tại quảng trường chung quanh Vatican và trong đa số các giáo đường trong trung tâm lịch sử của Rôma để cho những ai không thể đến được quảng trường Thánh Phêrô vẫn có thể theo dõi Thánh Lễ.

Một công ty Ý đã dâng cúng 1 triệu chai nước lọc, và một nhà hàng đã tặng thực phẩm để cho vào hàng ngàn hộp thức ăn trưa.

Cha Atuire cho hay tính tới ngày 29 tháng Ba, con số khách hành hương đông nhất đến từ Ý, rồi đến quê hương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô là Ba Lan, tiếp theo là Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Cơ quan Opera Romano Pellegrinaggi đã thiết trí một mạng lưới đặc biệt -- www.jpiibeatus.org – để trợ giúp các khách hành hương đăng ký và lấy tin tức. Mạng lưới này có 5 thứ tiếng kể cả tiếng Anh.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Côte d'Ivoire
LM Trần Đức Anh OP
10:08 30/03/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 tha thiết kêu gọi chấm dứt xung đột và đối thoại xây dựng giữa các phe lâm chiến tại Côte d'Ivoire để tái lập hòa bình tại nước này.

Ngỏ lời bằng tiếng Pháp trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng 30-3-2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

“Từ lâu tôi thường nghĩ đến nhân dân nước Côte d'Ivoire, đang bị chấn thương vì cuộc nội chiến đau thương và vì những căng thẳng trầm trọng về xã hội và chính trị.

“Trong khi tôi bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người đã mất người thân yêu và đang đau khổ vì bạo lực, tôi khẩn thiết gióng lên lời kêu gọi hãy khởi sự tiến trình đối thoại xây dựng vì công ích càng sớm càng tốt. Sự đối nghịch bi thảm càng làm cho việc tái lập sự tôn trọng và sống chung hòa bình trở nên cấp thiết hơn. Không thể từ bỏ một nỗ lực nào trong chiều hướng này.

“Với những tâm tình ấy, tôi quyết định gửi ĐHY Peter Kodwo Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đến Côte d'Ivoire, để ngài biểu lộ tình liên đới của tôi và của Giáo Hội hoàn vũ với các nạn nhân cuộc xung đột và khích lệ hòa giải và hòa bình”.

Côte d'Ivoire ở trong tình trạng phân rẽ và nội chiến từ sau cuộc bầu cử tổng thống hồi cuối tháng 11 năm ngoái với 2 ứng viên đều tuyên bố mình thắng cử, đó là tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo, và ông Alassane Ouattara, được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là đắc cử.

Trong tuần qua, cuộc nội chiến gia tăng cường độ: hôm 29-3-2011, khoảng 30 ngàn người đã chạy vào khu vực nhà thờ Công Giáo ở Duekoué ở miền tây Côte d'Ivoire để tránh các cuộc giao tranh giữa quân đội hai phe. Nhiều người bị thương trong số những người tị nạn.

Cùng ngày 29-3, Cao Ủy tị nạn LHQ tố giác các cuộc xung đột đang gia tăng tại miền tây, miền trung và đông Côte d'Ivoire, càng làm gia tăng tình trạng đau thương của dân chúng.

Theo Cao Ủy, cho đến nay đã có hơn 450 người thiệt mạng, từ 700 ngàn đến 1 triệu người phải di tản trong số này có 112 ngàn người Côte d'Ivoire chạy sang nước Liberia láng giềng để lánh nạn kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. Hiện nay mỗi người có từ 300 đến 400 người vượt qua biên giới để tị nạn chiến tranh. Nếu tính cả số người Côte d'Ivoire chạy sáng các nước khác ở miền tây Phi châu để tị nạn, thì con số lên tới 116 ngàn người. (SD 30-3-2011)
 
Top Stories
Jiangmen, first Episcopal ordination in 2011 after Beijing-Holy See tensions
Jian Mei
08:47 30/03/2011
Mgr. Liang Jiansen is Bishop of Jiangmen (Guangdong), a diocese vacant since 2007. All the bishops who participated in communion with the Holy See. The priorities of the newly-ordained: the formation of priests, nuns and laity. In the diocese there is a shrine that commemorates the place where St. Francis Xavier died in 1552 (Shangchuan).

Jiangmen (AsiaNews) - Mgr Paul Liang Jiansen was ordained today as the new bishop of the Diocese of Jiangmen (Guangdong), which has been without a pastor since 2007.

This is the first Episcopal ordination in China in 2011 and is the first since tension between China and the Holy See, as a result of the illicit ordination of Chengde (see 20/11/2010 Chengde, eight bishops in communion with Pope participate in illicit ordination) and the National Assembly of Catholic Representatives (see 09/12/2010 Assembly elects new leadership, causing major harm to the Church), where some bishops were forced to participate, against the express recommendations of the Holy See.

Bishop Liang, 46, is approved by the pope and recognized by Beijing. He told AsiaNews that he feels "relieved" and "sustained" by the fact that the liturgy was held in a smooth way. The ordination was attended by at least 1300 the faithful of his diocese and other parts: from the province of Shanxi and Guangdong, from Hong Kong and Macao.

The bishop is happy to have been ordained by his former seminary classmates of 20 years ago. presided over the liturgy Bishop Gan Junqiu of Guangzhou presided the liturgy, which was concelebrated by Bishops Liao Hongqing of Meizhou and Su Yongda of Zhenjiang.

Also participating were Bishop Tan Yanquan of Guangxi, Bishop Li Suguang of Jiangxi and Bishop Shen Bin of Haimen. All the bishops who attended are legitimate and in communion with the Holy See.

The liturgy, held in the Cathedral of the Sacred Heart of Mary, in Jiangmen, was also attended by his mother and relatives.

Born May 6, 1964, Mgr. Liang studied at the regional seminary in Wuhan (Hubei) and was ordained priest in 1991. He became vicar general in 2000 and was elected bishop of Jiangmen in November 2009.

"My cross is heavy - he said - but I trust in the Lord to protect and help me live out this episcopal ministry". There are 7 priests and more than 20 sisters, serving a Catholic population of about 20 thousand in the diocese. “There will be five or six new Baptisms at Easter”, he added.

The prelate plans to strengthen the spiritual formation for priests and nuns and will begin formation training for the laity, and he hopes to restore church properties still not yet returned to the diocese.

Mgr. Liang’s predecessor was Mgr. Peter Paul Li Panjshir, who died in 2007 at 95.

The Diocese of Jiangmen, once assigned to the Maryknoll missionaries, is famous mainly because within its boundaries there is the island of Shangchuan and the church that commemorates the place where in 1552, Saint Francis Xavier died, a place of pilgrimage for thousands of faithful.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Jiangmen,-first-Episcopal-ordination-in-2011-after-Beijing-Holy-See-tensions-21167.html)
 
Pope urges revival of prayer and confession, in era of ''lost conscience''
AsiaNews
08:49 30/03/2011
At the general audience, Benedict XVI speaks of St. Alphonsus Liguori stressing the actuality of his motto “he who prays is saved”. Appeal for reconciliation in Côte d'Ivoire, where the Pope has sent Cardinal Turkson.

Vatican City (AsiaNews) - In our era, marked by “signs of loss of conscience and morality and in which there is an obvious lack of esteem for the sacrament of confession", the shepherd of souls and the confessor must have "fidelity to Catholic moral teaching "and" a charitable understanding, and gentle attitude ", so penitents may "feel guided, supported and encouraged in their journey of faith and Christian life”.

This is the teaching of "Doctor of the Church", Saint Alphonsus Liguori, described by Benedict XVI to 20 thousand faithful gathered in St. Peter's Square for the general audience. During the gathering, the Pope also appealed for reconciliation in Côte d'Ivoire, where he announced the dispatch of Ghanaian Cardinal Peter Kodwo Turkson, ,president of the Pontifical Council for Justice and Peace "to express my solidarity and that of the universal Church to victims of the conflict and encourage reconciliation and peace. "

Returning to St. Alphonsus, the Pope described him as a "great moralist Monk," to whom we are "highly indebted" for his work especially for simple people, and author of the words and music of one of the best-loved Italian Christmas carols "You come down from the stars".

Benedict XVI stressed the relevance of the Neapolitan saint’s teachings on moral issues and in particular with regard to the tasks of the confessor. In his day, he explained, " a very strict interpretation of the moral life had spread, partly because of the Jansenist mentality that instead of nourishing trust and hope in the mercy of God, fomented fear that depicted a severe and grim God far from the image revealed in Jesus". St. Alphonsus "offers a balanced and convincing synthesis between the needs of God's law and the dynamics of conscience and freedom of man in adherence to truth and goodness allowing maturation and personal fulfilment. He recommended pastors of souls and confessors, to be faithful to Catholic moral teaching, having a charitable, understanding and gentle attitude, so penitents may feel guided, supported and encouraged in their journey of faith and Christian life. "

Alfonso was born in Naples in 1696. A gifted young man, at only 16 years of age he was awarded a degree in civil and canon law and became the most brilliant lawyer of the Court of Naples, winning all his cases for eight years. However, in 1723 "outraged by the corruption and injustice in the forensic sphere" he decided to leave the profession to become a priest despite the opposition of his father. He had "great teachers" and in 1726 was ordained a priest. In the Diocesan Congregation of the missions he began his apostolic mission of evangelization and catechesis among the most humble strata of the population of Naples.

"Quite a few of these people, poor and simple, whom he was addressing, were often in the grips of vices and performed criminal acts. He patiently taught them to pray, encouraging them to improve their way of life. Alfonso obtained excellent results: in the poorest neighbourhoods of the city groups of people multiplied who, in the evening, met in private homes and shops, to pray and meditate on the Word of God under the guidance of some catechists trained by Alfonso and other priests, who regularly visited these groups of believers. When, at the behest of the archbishop of Naples, these meetings were held in the chapels of the city, they took on the name of 'Evening Chapels'. They were a real source of moral education, social rehabilitation, mutual support among the poor: theft, duels, prostitution almost disappeared. "

"Although the social and religious context of the time of St. Alphonsus was very different from ours, the 'Evening Chapels' appear a model of missionary activity that can inspire us today for a new evangelization, especially among the poorest, and to build a more human, just and fraternal solidarity in society. Priests were given the task of spiritual ministry, and well-formed lay Christian leaders can be effective, authentic Gospel leaven in society. "

At 35 St. Alphonsus came into contact with farmers and shepherds of the inner regions of the kingdom, who were spiritually and materially poor. In 1732 he founded the Religious Congregation of the Most Holy Redeemer. "These men, led by Alfonso, were true itinerant missionaries, reaching even the most remote villages exhorting to conversion and perseverance in the Christian life, especially through prayer. Even today, the Redemptorists, scattered in many countries around the world with new forms of apostolate continue this mission of evangelization. I think of them with gratitude, urging them to always be faithful to the example of their holy founder. " In 1762 he was appointed bishop of St. Agatha of the Goths, which he left in 1765 due to illness. "He was a saint exclaimed Pope Pius VI at the news of his death in 1787. And he was not wrong. " He was beatified in 1816 and canonized in 1787 and in 1817 Pope Pius IX proclaimed him a Doctor of the Church and Pope Pius XII in 1950, wanted him patron saint of confessors and moralists

Finally, Benedict XVI underlined his insistence "on the need for prayer" and recalled the motto of the saint, "he who prays is saved," and the exhortation of John Paul II: "Our Christian communities must become schools of prayer. It is therefore essential that education in prayer becomes a priority of all pastoral planning”.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Pope-urges-revival-of-prayer-and-confession,-in-era-of-lost-conscience-21163.html)
 
Vietnam: La Commission épiscopale ‘Justice et Paix’ annonce un colloque destiné à étendre son action dans l’ensemble du pays
Eglises d'Asie
08:54 30/03/2011
Eglises d'Asie - La Commission épiscopale ‘Justice et Paix’ de l’Eglise catholique du Vietnam n’a encore que quelques mois l’existence. Elle a été créée au mois d’octobre dernier, lors de la dernière assemblée de la Conférence épiscopale. Les objectifs qui lui ont été assignés sont les mêmes que ceux du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’ de Rome, auquel elle est affiliée, à savoir la promotion de la justice et de la paix conformément...

... aux idéaux de l’Evangile et de la doctrine sociale de l’Eglise. Lors de sa création, cette nouvelle commission a été placée sous la responsabilité de l’évêque du diocèse de Vinh, Mgr Paul Nguyên Thai Hop. Un peu plus tard, le P. Antoine Nguyên Ngoc Son, qui a une longue expérience de l’action sociale, a été nommé au poste de secrétaire général.

Malgré sa création toute récente, la commission s’est déjà manifestée publiquement à plusieurs reprises. On a particulièrement retenu sa première intervention à la veille du procès intenté, le 27 octobre 2010, aux huit fidèles de la paroisse de Côn Dâu pour leur résistance aux pouvoirs publics. Dans une lettre au Tribunal populaire de Da Nang, Mgr Hop demandait entre autres choses le report de l’action judiciaire (1), sinon la présence d’avocats auprès des accusés. Quelque temps après, le 22 décembre 2010, la même commission était intervenue auprès des autorités civiles de Soc Trang, dans le sud du Vietnam, pour soutenir une communauté de religieuses de la Providence de Portieux revendiquant une propriété confisquée par la municipalité (2).

Une récente lettre signée du président de la commission et de son secrétaire laisse présager que ces premières actions, pour une part inspirées par les circonstances, seront suivies d’autres, davantage organisées (3). La lettre adressée aux évêques du Vietnam annonce l’ouverture d’un colloque au centre pastoral de Saigon, le 27 mars prochain, et en détaille le programme. Si l’on en juge d’après les indications contenues dans la lettre, il s’agit avant tout de présenter la commission nationale à l’ensemble de l’Eglise et d’établir un réseau de sous-commissions dans l’ensemble des diocèses. La commission nationale demande à chacun des évêques de désigner des représentants pour prendre la responsabilité de ces sous-commissions diocésaines. Par ailleurs, les participants du colloque pourront entendre des conférences traitant de sujets comme « La justice et la peur dans le contexte du Vietnam d’aujourd’hui ». La lettre annonce aussi la création d’un site Internet chargé de diffuser des informations sur la commission et ses activités (4).

Après avoir résumé les 44 années de l’histoire du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’ et mis en valeur son rôle dans l’Eglise universelle, les auteurs de la lettre précisent les orientations de la commission vietnamienne. « Elle a été créée, écrivent les auteurs, pour présenter et promouvoir la dimension sociale et humaine de l’Evangile. » Elle souhaite travailler au progrès humain des catholiques et des non-catholiques ainsi qu’au développement du pays.

(1) Voir EDA 538
(2) VietCatholic News, 23 décembre 2010.
(3) Site de la Conférence épiscopale du Vietnam, 19 mars 2011.
(4) www.conglyhoabinh.org

(Source: Eglises d'Asie, 24 mars 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục trong Tương quan với Giáo xứ và Giáo phận
LM Anthony Đào quang Chính, O.P.
08:53 30/03/2011
Linh mục là ai?

Có nhiều định nghĩa về linh mục. Theo truyền thống, thì linh mục là mục tử, dựa trên hình ảnh của Chúa là đấng chăn chiên lành; là alter Christus, nghĩa là Đức Kitô đệ nhị vì ngài thi hành các bí tích thay mặt Chúa Giêsu; là môn đệ theo Chúa. Theo lối mới, linh mục là người Chúa gọi và chọn, thi hành ba nhiệm vụ căn bản trong Giáo hội: điều hành, giảng dậy và tư tế. Linh mục là người phục vụ, và Giáo hoàng là tôi tớ của các tôi tớ Chúa (servus servorum Dei). Vị giáo hoàng đầu tiên dùng cụm từ “tôi tớ của các tôi tớ Chúa” là thánh Gregory I (590-604). Vào thời đó, bị ảnh hưởng trần tục, tổng giám mục thành Constantinople là John the Faster chọn tước hiệu Giáo phụ Toàn Cầu (Ecumenical Patriarch). Đức giáo hoàng Gregory nhận tước hiệu khiêm hạ để chỉ vai trò và chức tước của người thay mặt thánh Pherô ở Roma. Sau đó, các vị giáo hoàng khác đôi khi cũng dùng tước hiệu này. Đến thế kỷ thứ 9 thì các vị giáo hoàng dùng thường xuyên hơn. Có vẻ “hay hay” vài hoàng đế Âu châu thời trung cổ cũng nhận mình là tôi tớ các tôi tớ. Từ thế kỷ thứ 12, cụm từ dành riêng cho Giáo hoàng. Sau công đồng Vatican II, các vị giáo hoàng dùng tước hiệu này rất thường xuyên thay vì những cụm từ khác quá nghi thức và trần thế.

Một định nghĩa mà nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, ưa thích “linh mục là người bình thường có ơn gọi thần thiêng.” (Priests are “the ordinary people with a holy call.”)

Đúng vậy, linh mục là người bình thường như muôn vàn người khác. Theo kiểu nói Á đông, thì vẫn còn hỉ, nộ, ái, ố, thất tình, lục dục và khuy‎ết điểm. Trong khi cần giảng hay nói giỏi, có vị nói “cà lăm,” lắp bắp; cần điều hành tốt, thì trước khi đi tu, đứng gần bét các môn kinh tế và quản trị; cần xuất sắc với vai trò tư tế, tức là cử hành bí tích, thì “luống ca luống cuống, lập cà lập cập” trước đám đông. Có vị gặp người khác phái, run lẩy bẩy như thằn lằn đứt đuôi. Ngược lại, có vị bị phê bình, là nói chuyện cứ tươm tướp, dòn như pháo rang. Vị khác luôn xưng mình là cha, dù nói chuyện với các cụ lớn hơn cả tuổi bố mẹ mình. Lại đôi khi đi vào “lịch sử” cách không oai hùng cho lắm. Việt Nam chúng ta có nhiều đời vua, nào Tiền Lê rồi Hậu Lê, nào Tiền Lý rồi Hậu Lý. Tiền đây nghĩa là trước, nay bị ghép vào tên riêng các ngài thành ra tiền bạc.

Nhưng linh mục là người có ơn gọi thần thiêng. Điểm quan trọng, làm sao nhận ra ơn gọi thần thiêng? Phải chăng trong giấc ngủ, Chúa hiện ra và nói “cha chọn con” hay một dấu chỉ hữu hình cho thấy ứng viên là linh mục? Đã có nhiều câu truyện rất “thơ mộng” về ơn gọi, nhưng hình như trong vạn người, mấy ai được như vậy? Vài vị quả quyết “nếu Chúa chọn làm linh mục, dù ở trong bụi tre, Chúa cũng lôi ra.” Hỡi ơi, trên thực tế thì chưa thấy ai ở trong bụi tre mà Chúa gọi ra bao giờ, chỉ bị tre cào rách mặt thì nhiều!!!

Làm cách nào nhận ra ơn gọi thần thiêng?

Ứng viên, khi bước lên đại chủng viện, cùng với văn hóa và hiểu biết trần thế, lưu tâm đến ba khía cạnh quan trọng “tu đức, trí thức và mục vụ.” Bên cạnh ba khía cạnh này, Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong “Priestly Formation Program” (PPF) nhấn mạnh huấn luyện nhân bản. Mục đích huấn luyện nhân bản giúp ứng viên nhận ra mình và tha nhân cùng nhịp cầu nối kết chứ không cản trở nhau. Nói cách khác, không sợ tha nhân, và không coi bản thân hoặc tha nhân như cơn cám dỗ. Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đưa ra tiêu chuẩn huấn luyện qua “Pastores Dabo Vobis.” Nếu ứng viên nhận thấy hội đủ điều kiện như học vấn -ít là trung bình- chấp nhận sống đời thanh khiết, vâng phục quyền bính, không mê thích của cải trần thế, không đi tu trốn nợ đời, thì như vậy, có dấu hiệu làm linh mục, tức là ơn gọi thần thiêng.

Các loại linh mục: triều và dòng.

Khi đi tu, ứng viên lựa chọn một trong hai lối sống: triều hoặc dòng. Linh mục triều chú trọng mục vụ nơi xứ đạo, còn linh mục dòng, với ơn đặc sủng, thường chú tâm đến sinh hoạt liên xứ đạo, liên địa phận, như truyền giáo, cấm phòng chung, dậy học, truyền thanh, truyền hình, báo chí.. Linh mục triều ngày xưa còn được gọi là các cha quan triều. Lý do, các ngài đội mũ ba chòm trong giống mũ các quan. Lại có người giải thích quan triều vì làm quan cho Chúa. Linh mục triều tuyên thệ thanh khiết và vâng phục giám mục. Với nhu cầu mục vụ, ngài có quyền tư hữu sống độc lập. Còn linh mục dòng thì chung sống trong cộng đoàn. Nhà dòng đặt nền tảng trên đời sống chung và ba lời khuyên phúc âm, vâng lời, thanh sạch và thanh khiết, nên tu sĩ khấn ít là ba lời này. Tuy nhiên, thời nay, luật lệ về tư hữu và sống chung nơi linh mục dòng không đòi hỏi như xưa. Nhiều dòng cho phép tu sĩ ở riêng và sở hữu một số bất động sản thiết yếu như xe cộ, sách vở, quần áo, máy móc…

Số linh mục trên thế giới.

Dù là triều hay dòng, các vị được gọi chung là linh mục. Theo số thống kê hằng năm gửi đến tòa thánh, và do trung tâm CARA nghiên cứu tôn giáo của đại học Georgetown phổ biến, hiện có khoảng 408. 024 linh mục trên toàn thế giới.


* Tính theo triệu người.

• Bình quân, một linh mục coi sóc mục vụ hơn 3. 500 người Công giáo.

Tổng số linh mục không khác biệt nhiều tính từ năm 1970 đến 2007. Hơn thế nữa, hiện đang có chiều hướng ổn định và đi lên, nếu nhìn đến số tân linh mục (6.660 vị vào năm 2007). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số tín hữu gia tăng rất nhanh. Từ 653.600.000 vào năm 1970 thành 1.147.000.000 người, tức là gần gấp đôi. Riêng số thống kê dành cho tu sĩ nam nữ là:


Như vậy, tổng số nam nữ tu sĩ giảm rất nhiều.

Riêng tại Hoa kỳ, thống kê như sau:


* Tính theo triệu người.

• Bình quân, một linh mục coi sóc mục vụ 6. 200 người Công giáo.

Còn tại Việt Nam, theo tài liệu của tổng giáo phận Huế thì:


• Bình quân, một linh mục Việt Nam coi sóc mục vụ 1. 600 người.

Các giáo phận có nhiều linh mục nhất tại miền Nam là tổng giáo phận thành phố Sài gòn (Hồ chí Minh) với 610; miền Trung là Nha Trang 179 và miền Bắc là Bùi chu 224. Tuy nhiên, nếu tính cả linh mục dòng không làm việc trực tiếp cho giáo phận, có lẽ con số còn cao hơn?

Mục vụ linh mục.

Như đã nêu trên, ba bổn phận chính của linh mục là tư tế (munus liturgicum,) giảng dậy (ngày trước gọi là tiên tri -munus docendi-) và điều hành (ngày trước gọi là vương giả -munus regendi-).

• Bổn phận tư tế. Bổn phận này tập trung vào bí tích mà phổ thông nhất là bí tích thánh thể và giao hòa, tức là dâng lễ và giải tội.

• Bổn phận giảng dậy. Linh mục có trách nhiệm rao giảng và dậy dỗ lời Chúa. Cùng với giám mục, ngài là người thay mặt Giáo hội giải thích Thánh-Kinh, lời Chúa và các giáo huấn của Giáo hội.

• Bổn phận điều hành. Có lẽ không gì rõ nét cho bằng lời dậy dỗ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II gửi đến giám mục hai tiểu bang Pensylvania và New Jersey dịp “Ad Limina” vào năm 2004 do hãng thông tấn Zenith đăng tải. “Dựa trên nền tảng tốt đẹp của bổn phận “munus regendi” (điều hành) và với những thách đố của tân truyền giáo…vị giám mục, trước hết cần phải là một chứng nhân, một bậc thầy và là người điều hành khôn ngoan tài sản của Giáo hội..tất cả những gì vị giám mục nói và làm, diễn đạt uy quyền của lời nói và việc làm của Chúa. Anh em không chỉ là người kế vị các tông đồ với quyền bính và năng lực, nhưng trên hết, cần là chứng nhân qua đời sống tông đồ.”

Nếu giám mục có trách nhiệm “munus regendi” nơi giáo phận, thì linh mục cũng có bổn phận như vậy trong giáo xứ mà mình được bổ nhiệm.

Sau khi hội đủ đòi hỏi cần thiết và căn bản trong đại chủng viện, linh mục cần tiếp tục cập nhật hóa khả năng, qua khóa thường huấn do giáo phận hoặc dòng tu tổ chức. Khóa thường huấn không chỉ giúp linh mục giảng dậy hay và chính xác, mà còn hoàn thiện thêm bổn phận tư tế và điều hành. Nên nhìn nhận nơi đây, việc tham dự các khóa thường huấn không được chú trọng cho lắm. Đây là điểm đáng buồn. Thực tế cho thấy nhiều giáo dân tiếp tục cập nhật hóa hiểu biết về thần học, thánh kinh và mục vụ, trong khi bậc chủ chăn sống những “giáo huấn” của vài chục năm về trước. Chính vì vậy nhiều ngộ nhận đã xẩy ra.

Bổn phận linh mục với giáo xứ.

Bổn phận tư tế, giảng dậy, điều hành rất rõ nét trong mục vụ nơi xứ đạo.

• Bổn phận tư tế nơi giáo xứ. Vì Giáo hội Công giáo điều hành theo hệ thống kim tự tháp, nên xứ đạo là xương sống của giáo phận, và giáo phận là xương sống giáo hội. Giáo xứ hằng ngày có thánh lễ, hàng tuần có bí tích giải tội. Tang ma, hôn nhân, hội họp, sinh hoạt, ngay cả không thuộc phạm vi tôn giáo, cũng ở giáo xứ. Nhiều chức sắc tôn giáo bạn tỏ vẻ ngưỡng mộ lòng sùng đạo của giáo dân Công giáo. Thánh lễ Chúa nhật đầy chật nhà thờ. Trong khi đó, trừ những dịp đặc biệt như Tết, Trung thu, Ngày Vía, các tín đồ mới đến nơi thờ phượng. Bên cạnh bí tích là những phụng vụ tôn giáo –có khi được gọi là “á bí tích”- như chầu thánh thể, phụng vụ các giờ kinh, ngắm đàng thánh giá, lần hạt..Đa số đoàn thể Công giáo tiến hành đều quen thuộc với sinh hoạt phụng vụ này.

• Bổn phận giảng dậy. Giáo xứ khác nhau không chỉ vì cấu trúc và văn hóa, nhưng còn do khả năng Chúa ban cho các vị mục tử khi giảng dậy. Một giáo xứ có các cha soạn bài giảng kỹ lưỡng cộng thêm với năng khiếu truyền đạt tư tưởng sẽ thu hút nhiều người nghe hơn. Một số dòng tu chú trọng giảng thuyết và dùng giảng thuyết như phương tiện truyền giáo chính. Địa phận St. Peterburgh bang Florida, số báo ngày 12-12-2009 khuyên linh mục nên chuẩn bị bài giảng ít là trước một tuần để vừa sống, vừa chiêm niệm và soạn bài. Ngoài ra, thăm dò cho biết, bài giảng trung bình vừa đủ để người nghe ghi nhớ là khoảng từ 10-13 phút. Có lẽ cần ghi nhận nơi đây sự khác biệt giữa bài giảng của mục sư tin lành và linh mục Công giáo. Linh mục Công giáo soạn bài giảng (homily) theo khuôn mẫu phụng vụ. Còn mục sư tin lành soạn bài giảng theo chủ đề (sermon). Chủ đề có thể dựa trên khía cạnh xã hội, mục vụ, triết lý và Thánh-Kinh. Tuy nhiên, thực sự thời giờ mục sư dành cho soạn bài giảng 20 tiếng cho một tuần! Bên cạnh chú ý đến bài giảng như trung tâm phụng vụ, lợi điểm nữa nơi mục sư là họ nhận được sự góp ý chân thành và nâng đỡ từ gia đình. Thường thường mục sư “giảng” cho vợ con –có khi nhiều lần- nghe trước khi giảng cho cộng đoàn. Vợ con hiểu thì cộng đoàn hiểu? Còn nơi linh mục Công giáo thì không rõ thống kê thực tập bao nhiêu lần và dành bao nhiêu giờ cho bài giảng!!!

• Bổn phận điều hành nơi giáo xứ. Đây là thách đố lớn nữa nơi các linh mục. Một mặt các ngài cố tránh khỏi ràng buộc của vật chất, mặt khác cần rành rẽ điều hành, mà có điều hành nào không liên quan đến vật chất? Hơn thế nữa, chủng viện không dậy quản trị kinh doanh, đến lúc làm cha xứ thì phải lo cả kinh doanh lẫn quản trị. Vào thời buổi kinh tế khó khăn, cha xứ bận tâm lo tài chánh. Không đủ chi thu thì không thể điều hành giáo xứ tốt đẹp; muốn đủ chi thu thì phải nói đến tiền; nói đến tiền thì rất dễ bị gắn thêm bảng hiệu tiền vào tên mình. Bên cạnh đó, còn trăm thứ phải lo, nào là thuế má, tu bổ, sửa sang, xây dựng, trả các thứ “bill,” bảo hiểm. Đấy là chưa kể đến một vài thuế khác đóng cho địa phận ngoài số phần trăm dựa trên tiền thu nhập hằng năm. Tưởng cũng nên biết, ý nhất có 3 loại cần nộp cho địa phận hằng năm: thuế dựa trên lợi tức giáo xứ, tiền truyền giáo (DSF –Diocesan Service Fund hoặc DDF –Diocesan Development Fund), và tiền phí tổn trả cho nhân viên thu tiền của mình !!! Nhiều cha xứ than phiền về loại đóng góp cuối cùng. Đã phải đóng tiền mà còn trả tiền cho việc đóng tiền. Đương nhiên hàng năm địa phận thường xuyên cử nhân viên xuống kiểm soát sổ chi tiêu, tài sản cách kỹ lưỡng. Nhân viên không là người của địa phận người là của công ty tư nhân độc lập, nhờ vậy, các nhận xét và phê bình mang tính cách khách quan.

Bên cạnh các bổn phận chính, một giáo xứ sinh động nhờ sinh hoạt trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến giáo xứ. Nhiều địa phận phân chia đoàn thể hoặc ủy ban làm nhiều loại:

• Ủy ban phụng vụ: đây là những hội đoàn trực tiếp liên quan đến sinh hoạt phụng vụ như ca đoàn, đọc sách thánh, thừa tác viên thánh thể ngoại lệ, giúp lễ.
• Ủy ban điều hành giáo xứ như nhân viên văn phòng, hội đồng tài chánh, hội đồng mục vụ.
• Công giáo tiến hành như hội các bà mẹ Công giáo, thiếu nhi thánh thể, liên minh thánh tâm, dòng ba Đa minh, Phanxicô, Giới trẻ.
• Công giáo tương trợ như Guadalupanas, Knight of Columbus, yểm trợ ơn gọi.
• Dĩ nhiên không thể quên xót một sinh hoạt rất quan trọng phải có. Đó là giáo lý cho tân tòng và các em xưng tội rước lễ, thêm sức. Giáo xứ Hoa kỳ rất chú trọng chương trình này, và không ngần ngại đầu tư công sức cũng như tài chánh vào huấn luyện thiếu nhi. Nói cách khác đi, một giáo xứ chết và không tương lai nếu không lưu tâm chương trình giáo lý.

Tất cả sinh hoạt của những đoàn thể trên cần sự nâng đỡ của cha xứ.

Liên hệ giữa giáo xứ, giáo dân và cha xứ

Chuyên gia tôn giáo nhận định, tệ hại nhất sẽ xẩy ra khi chỉ nhìn giáo xứ như thể chế thế quyền mà cha xứ đóng vai trò “manager”, chủ nhân, quản trị, điều hành, nhân viên được thuê. Vai trò này có thể do giáo dân nhìn vào cha xứ, có thể do cha xứ sống như vậy. Thực rõ ràng, một cha xứ được giáo dân thương mến nhiều hay ít, phần lớn nhờ khả năng và cố gắng, hơn là chức vị ngài đang mang. Dĩ nhiên, với tư cách linh mục, giáo dân thường dễ bầy tỏ lòng yêu thương và nâng đỡ, nhưng không có nghĩa đó sẽ là việc tất nhiên.

Giáo xứ là thân thể hữu hình của Đức Kitô. Giáo xứ đem mọi người hợp nhất trong Nước Trời. Đây là nơi chốn chuẩn bị mầu nhiệm Nước Trời khi sống yêu thương, đùm bọc và tha thứ. Qua việc cử hành bí tích, mọi người nhận ra mình là anh em của cùng một Cha, dù khác mầu da, ngôn ngữ, trẻ già, nam nữ, nhân dạng.

Liên hệ giữa giáo xứ, giáo dân và cha xứ được định đoạt qua trình độ tinh thần của giáo xứ. Linh mục là vị lãnh đạo, là mục tử hướng dẫn đoàn chiên mà giám mục ủy thác. Linh mục không phải chỉ là người điều hành. Ngài là người lo lắng đời sống tinh thần và xã hội cho giáo xứ, cho giáo dân của ngài. Ngài chịu trách nhiệm trước giám mục và hơn thế nữa, trước Thiên Chúa.

Nhưng giáo xứ cũng làm nên linh mục. Cầu nguyện cho các ngài, góp ý, thực thi chương trình, tham gia sinh hoạt giáo xứ, tích cực đóng góp truyền giáo qua giáo xứ. Và đương nhiên, nhất là qua yêu thương, tương kính giữa cha xứ với giáo dân. Nhiều cha chánh, phó xứ đã buồn rầu chia sẻ: “Mình có làm gì đâu mà sao cả nhà họ chê bai, dèm pha mình? Mình chào, họ cũng phớt lờ đi.” Trong khi đó, giáo dân thì cho biết: “làm cha mà không khiêm tốn, mặt lúc nào cũng nghếch lên trời, giống như vừa đi vừa vác cằm!” Khổ nỗi chính cha cũng không biết thế nào là “vác cằm.” Mà không biết ai vác cằm nhỉ? Cha hay giáo dân?

Câu truyện phổ thông kể lại, đức giám mục địa phận đến thăm hầu hiểu dân trước khi bổ nhiệm cha xứ mới. Đa số nguyện vọng đều rất giá trị như “chúng con xin một cha giảng hay; chú tâm đến giới trẻ đang bị bỏ rơi; lo lắng các cụ già cô đơn; đừng chỉ đến với người giầu; tận tâm truyền giáo cho anh em tân tòng, người bỏ đạo; mở thêm lớp dậy Thánh-Kinh; lưu ý ý dân, đừng độc tài; không kiêu hãnh; hòa nhã; nối lại nhịp cầu với các vị chức sắc của hội đồng mục vụ đã bị cha xứ cũ bỏ quên; đừng chỉ nghe người thân cận; liên hệ tốt với nhà nước..” Vài tháng sau, giáo xứ vẫn chưa có cha xứ mới. Giáo dân viết thư hỏi tại sao. Đức giám mục trả lời: “Tôi vẫn chưa tìm ra, vì chính tôi cũng không hội đủ tiêu chuẩn mà ông bà đề nghị.”
 
Tân Tổng Đại Diện GP Mỹ Tho nhậm chức tại Gx Nữ Vương Hòa Bình
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
10:20 30/03/2011
MỸ THO ngày 30.03.2011 -- Sau khi Cha Phêrô Hồ Bản Chánh, nguyên Tổng Đại Diện Giáo phận Mỹ Tho, được Đức Cha Phaolô - Giám mục Giáo phận - đồng ý cho ngài thôi chức Tổng Đại Diện theo như nhiều lần ngài đã xin, Đức Cha đã bổ nhiệm Cha Phaolô Trần Kỳ Minh lên làm Tổng Đại Diện Giáo phận Mỹ Tho. Đồng thời Cha Tổng Đại Diện mới cũng là Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận, và Cha Sở Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, thay thế cho cha Giuse Bùi Văn Hoàng đã qua đời. Nhà thờ của Giáo xứ nằm trong Trung Tâm Mục Vụ, nên nhà thờ này cũng là nơi diễn ra hầu hết các sinh hoạt phụng vụ cấp Giáo phận.
Xem hình ảnh
Trước khi nhậm chức Cha Sở Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, Cha Phaolô Trần Kỳ Minh là Cha sở Giáo xứ Ba Giồng, và Quản hạt Cái Bè. Ngài sinh năm 1952, thụ phong linh mục ngày 01.10.1991 khi đó đang phục vụ tại Giáo xứ Thủ Ngữ. Sau khi chịu chức linh mục, cha Phaolô làm cha phó Giáo xứ Thủ Ngữ phụ giúp cha sở Phêrô Hồ Bản Chánh, và sau đó là cha sở Carôlô Lê Văn Lô đến năm 2002. Từ 2002 đến đầu năm 2011 cha Phaolô làm cha sở Giáo xứ Ba Giồng.

Thánh lễ nhậm chức của cha tân quản xứ Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình diễn ra vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 30.03.2011, do Đức Cha Phaolô chủ tế. Đoàn đồng tế được rước từ Hội Trường của Trung Tâm Mục Vụ sang nhà thờ của Giáo xứ. Bên ngoài nhà thờ được trang trí nhiều cờ đang bay phất phới với nhiều màu sắc khác nhau; ngay chính diện mặt tiền nhà thờ có tấm bảng to treo trên cao với dòng chữ “Hân hoan chào mừng Cha Sở mới.” Đoàn đồng tế từ từ tiến vào nhà thờ trong lúc ca đoàn hát vang bài ca nhập lễ. Các hàng ghế trong nhà thờ đã chật kín chỗ ngồi.

Cùng đồng tế với Đức Cha có khoảng 60 linh mục trong Giáo phận gồm các cha ở gần, còn quý cha ở xa thuộc tỉnh Long An và Đồng Tháp không được mời vì không muốn quý cha đi lại vất vả trong mùa mưa. Tham dự Thánh lễ gồm có quí Bề Trên và quí soeur dòng Mến Thánh Giá Tân An, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, quí nam nữ tu sĩ, quí cựu chủng sinh Gioan 23, và khá đông giáo dân đã được mời đến từ các giáo xứ Ba Giồng, Thủ Ngữ, Tân Hiệp, Chợ Cũ, Antôn, Bình Tạo, An Đức, Chánh Tòa và nhiều giáo dân của Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình đến mừng Cha Sở mới và hiệp thông trong thánh lễ.

Thánh lễ nhậm chức bắt đầu với việc Đức Cha trao cho cha tân quản xứ chìa khoá nhà thờ mà từ nay ngài có bổn phận quản lý, tiếp theo là phần đặt tay trên Kinh Thánh và tuyên xưng đức tin long trọng của cha tân quản xứ; tiếp theo là lời hứa trung thành với huấn quyền của Hội Thánh trong việc coi sóc đoàn chiên mới được trao phó.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha chia sẻ ý nghĩa các bài đọc Kinh Thánh mà chính cha Tổng Đại Diện mới Phaolô đã chọn. Đức Cha nói đến sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần, tấn phong làm Đấng Messia và sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho những người nghèo khổ, băng bó những tấm lòng tan nát. Đức Cha cũng nói Giáo hội là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, cho nên loan báo Tin Mừng cho muôn dân là sứ mạng chính yếu của Giáo Hội.

Từ đó, Đức Cha nhấn mạnh đến nghĩa vụ loan báo Tin Mừng rất cao cả nhưng cũng rất khó khăn mà linh mục, nhất là cha xứ, phải chu toàn. Linh mục rao giảng để khơi dậy, củng cố và nuôi dưỡng đức tin nơi những người nghe. Đức Cha nhắc nhớ linh mục cần siêng năng học hỏi và suy niệm lời Kinh Thánh mà Chúa Thánh Thần là tác giả. Linh mục phải không ngừng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, để hiểu cho đúng lời Chúa, và biết hướng dẫn giáo dân đưa vào ứng dụng trong đời sống.

Để kết thúc bài giảng, Đức Cha cho rằng để hoàn thành sứ mạng yêu thương và phục vụ thì con người linh mục cần phải rất khiêm nhường, có tinh thần đối thoại, lòng dào dạt yêu thương. Một cha xứ lý tưởng, vừa là một người cha, vừa là một người mẹ, vừa là một người thầy, vừa là một người bạn. Tất cả những đặc tính đó, linh mục không những cần trong việc điều hành giáo xứ, mà còn rất cần trong tòa giải tội. Hối nhân gặp linh mục trong tòa giải tội, giống như gặp chính Chúa Giêsu, lãnh nhận được sự an ủi, ánh sáng và ơn tha thứ, được ngài chữa lành các thương tích, nhận được Thần Lực và Thần Khí mới để làm lại cuộc đời.

Sau bài giảng lễ của Đức Cha, cha tân quản xứ lặp lại trước mặt Đức Cha những lời hứa của ngày lễ thụ phong linh mục. Kế đến là phần trao các nhiệm vụ quản xứ: Đức Cha mời cha tân quản xứ rung chuông thay thế việc giật chuông nhà thờ (vì nhà thờ sử dụng chuông điện), Đức Cha dẫn cha tân quản xứ đến toà giải tội, đến ghế chủ toạ cộng đoàn; sau cùng cha tân quản xứ lên mở cửa nhà tạm, quì xông hương và thờ lạy Thánh Thể trong giây lát.

Sau đó thánh lễ như thường lệ. Đến phần chúc bình an, cha tân quản xứ đi từ cung thánh xuống phía cộng đoàn để chúc bình an cho một số người người đại diện cho cộng đoàn phụng vụ.

Rồi sau lời nguyện hiệp lễ, cha tân quản xứ được Đức Cha giới thiệu ngỏ lời cùng cộng đoàn Dân Chúa.

Cuối cùng, ông chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình đại diện giáo dân chúc mừng cha tân quản xứ.

Vị đại diện đã bắt đầu bài chúc mừng với những lời cám ơn gửi đến quí Đức Cha, quí Cha và quí khách vì sự hiện diện đầy an ủi và khích lệ của họ đối với gia đình giáo xứ chánh toà phải chia tay với người cha kính yêu là cha sở Giu-se, người đã coi sóc, dạy dỗ, đồng hành với giáo xứ trong mọi vui buồn, đã chia sẻ vui mừng và hy vọng của từng người, từng gia đình và từng giới trong giáo xứ trên 14 năm qua. Phần tiếp theo của bài chúc mừng là lời cám ơn gửi đến Đức Giám mục giáo phận vì đã bổ nhiệm một linh mục đạo đức, tài năng và giàu kinh nghiệm mục vụ làm quản xứ mới của giáo xứ chánh toà. Đến phần chúc mừng cha tân quản xứ, vị đại diện nói:

Lễ nhậm chức của Cha tân quản xứ đã kết thúc lúc 11 giờ; tiếp theo là bữa tiệc thân mật của Giáo xứ khoản đãi Đức Cha, quí cha, quí nam nữ tu sĩ, quí cựu chủng sinh và quí khách mời.
 
Tĩnh tâm tại Giáo Xứ Việt Nam ở Seattle
Nguyễn An Quý
16:32 30/03/2011
Linh mục Giuse Nguyễn Việt Hưng thuộc Dòng Tận Hiến, ngài phụ trách Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, ngài đến với Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle để hướng dẫn buổi Tĩnh Huấn nói về tầm quan trọng của việc học hỏi Giáo lý để xây dựng đức tin. Buổi Tĩnh huấn được bắt đầu từ tối thứ sáu 25-03-2011 ngày lễ Đức Mẹ Truyền Tin đến Chúa nhật III Mùa Chay ngày 27-03-2011. Tin Mừng của Chúa Nhật III Mùa Chay nói về nước hằng sống ( Joan 4, 5-42) trong câu chuyện Thánh Gioan kể Chúa Giêsu gặp người đàn bà xứ Samaria và Chúa Giêsu đã xin nước uống từ người đàn bà này, với câu nói khá thành khẩn: “xin bà cho tôi uống nước”. Tiến trình của Buổi Tĩnh Huấn kéo dài tổng cộng hơn 20 tiếng hồ qua các chương trình được thay đổi từng ngày, từng buổi gồm Thánh Lễ, giảng thuyết, thảo luận với các đề tài khác nhau rất phong phú, nhờ đó giáo dân tham dự được nâng cao sự hiểu biết về giáo lý để củng cố đức tin của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Lần đầu tiên, nơi đây có được buổi tĩnh tâm đông nhất so với những lần tĩnh tâm trước, sự có mặt thường xuyên của gần 600 giáo dân đến tham dự với tất cả lòng nhiệt thành và thật sự mọi người đều muốn học hỏi thêm để củng cố đức tin.

Trong những ngày tĩnh huấn, cha Nguyễn Việt Hưng đã chia sẽ Lời Chúa qua những bài giảng của từng Thánh lễ khá phong phú, sau đây là bài giảng của ngài trong Thánh lễ vào sáng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay lúc 11:30:

“Kính thưa cha Chánh xứ, kính thưa thầy sáu Mậu, thưa quý Soeurs và quý Ông Bà, Anh Chị Em. Ở Mỹ nếu chúng ta mua những đồ dùng cũ, gọi là second hand, như quần áo cũ, xe cũ , đồ dùng cũ, máy móc cũ người ta gọi là second hand. Kiến thức cũng vậy, chúng ta có kiến thức cũng là second hand, vì do từ người khác, người khác nói với chúng ta, dạy chúng ta, hoặc chúng ta đọc sách do người khác viết, hay chúng ta coi TV…Trên thực tế, ít có những gì do chúng ta tự khám phá ra. Đức tin cũng vậy, đức tin có được cũng là thứ second hand. Thánh Phaolô nói, tin là do nghe, nhưng làm sao nghe được nếu không có người nói, làm sao nói được nếu người đó không có người sai đi. Đức tin được khởi đi từ nghe, thì cũng là một thứ second hand vậy. Đức tin của chúng ta cũng do nghe, nghe từ đâu? nghe từ cha mẹ, khi còn nhỏ, cha mẹ đã dạy cho chúng ta biết Chúa, yêu Chúa, biết sợ tội, biết yêu người nghèo khó. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta học đức tin nơi nhà trường, từ các lớp giáo lý, nơi các bài giảng trong các Thánh Lễ, qua bài suy niệm trong các cuộc tĩnh tâm, do sách vở báo chí mà chúng ta đọc được qua các sách đạo, qua chương trình phát thanh, qua TV, qua các Web. Tất cả đức tin đến với chúng ta là do nghe, chúng ta tạm gọi là đức tin second hand. Nhưng đức tin không được dừng lại ở đó, mà đức tin phải tiến qua một bước nữa mà tôi tạm gọi là First hand. Chúng ta nhớ có một lần Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai, người ta nói với chúng con Thầy là ai? Đó là một thứ đức tin Second hand. Các tông đồ thưa với Chúa, người thì nói thế này, người nói thế này... Đức Kitô nói: còn chúng con, chúng con bảo Thầy là ai? Điều này Đức Kitô đã đưa vấn đề đi xa hơn là đức tin trở thành một cái gì cao siêu hơn, nó không dừng lại ở điểm nghe người ta nói về Đức Kitô mà đức tin được nẩy nở từ một cảm nghiệm của tôi về Đức Kitô, sự liên hệ mật thiết của tôi về Đức Kitô, và nếu chúng ta thấy trong bài tin mừng hôm nay, Thánh Gioan kể rằng, nhiều người Samarian đã tin vào Đức Kitô vì tin vào lời người phụ nữ thành Samaria nói về Đức Kitô, nhưng khi gặp Đức Kitô rồi, họ lại nói với người phụ nữ rằng: chúng tôi tin không phải vì tin vào lời của chị mà chính chúng tôi đã gặp Đức Kitô. Như vậy đức tin từ second hand đã trở thành First hand. Đức tin bao giờ cũng vậy, Đức tin bắt đầu từ nghe, nhưng đức tin không dừng lại ở đó, đức tin phải tiến qua một giai đoạn khác mà Đức Kitô mong muốn, giai đoạn chúng ta gặp gỡ với chính Ngài. Hai ngày qua chúng ta đã nói về đức tin. Đức tin không phải là chấp nhận những gì mà chúng ta không hiểu, thực sự đức tin phải là những gì tương quan giữa chúng tôi với Chúa. Tương quan mà Chúa muốn mỗi ngày một tha thiết hơn, sâu xa hơn, gần gủi hơn với Đức Kitô và với Thiên Chúa. Tương tự như kinh nghiệm về tình yêu, đọc các sách viết về tình yêu, người ta nói về những gì của tình yêu, khi nào mình yêu, khi nào đến với dấu chỉ của tình yêu, đọc các chuyện nói về tình yêu cho đến khi chúng ta là người thực sự yêu, nó khác nhau lắm. Cũng như một người học về luật làm thơ cho đến khi người đó thực sự làm thơ, thì nó khác nhau lắm. Chúng ta biết về Đức Kitô, chúng ta biết Ngài đang giảng dạy cho chúng ta về Ngài qua các môn đệ của Ngài, sách vở đang giảng dạy cho chúng ta về Ngài, các linh mục, tu sĩ giảng dạy cho chúng ta biết về Ngài, nhưng những cái đó chỉ trên lý thuyết thôi. Đức tin đó chỉ có ảnh hưởng trên đời sống của chúng ta khi chính ý thức của chúng ta và sự phán đoán mỗi ngày của chúng ta, cho đến khi chúng ta gặp được Đức Kitô, chúng ta có liên hệ với Ngài, thì đức tin đó sẽ trở thành đức tin của những người Samaria đã gặp Đức Kitô đang nói mỗi ngày với họ. Những việc làm của chúng ta trong đời sống hằng ngày cũng trải qua kinh nghiệm đó. Chúng ta học và khi chúng ta hành, hai cái khác nhau lắm, lý thuyết và thực hành khác nhau lắm. Có nhiều người học rồi không bao giờ làm được, có người trong đời sống đức tin kể từ khi rửa tội cho đến khi chết cũng chỉ là học thôi, nó chỉ là lý thuyết thôi, nó không tiến sang được giai đoạn thực hành là giai đoạn gặp gỡ Đức Kitô. Ở trong mỗi khóa học, chúng tôi thường hay nhắc, phải gặp Đức Kitô. Khi gặp được Đức Kitô thì đời sống chúng ta được thay đổi, nhưng gặp Đức Kitô bằng cách nào? Làm sao đức tin của tôi được thay đổi từ Second hand được trở thành First hand, làm sao? Có thể có nhiều cách, nhưng hai cách thông thường mà người Kitô hữu được mời gọi, đó là gặp gỡ Đức Kitô trong Thánh kinh của Ngài và gặp Ngài trong kinh nguyện.

Người phụ nữ Samaria đã gặp Đức Kitô, đối thoại với Ngài, và Đức Kitô đã khôn khéo đưa chị ta đi vào thực trạng về đời sống của chị là một người đàn bà đi từ hạnh phúc và đã qua năm đời chồng không có hạnh phúc. Đức Kitô qua đối diện, qua đối thoại, Ngài đã dẫn chị đi từng bước, từng bước một, qua từng câu chuyện, Ngài đề cập đến thực trạng của đời chị và người phụ nữ cũng đã chân thành nói với Ngài: “tôi không có chồng”.

Anh chị em thân mến, gặp Đức Kitô là chính là lúc chúng ta đối diện với con người thật của chúng ta, không che đậy, không mang mặt nạ. Vì thế gặp Đức Kitô trong kinh nguyện, chúng ta sẽ thấy, chúng ta gặp được con người thật của chúng ta. Con người yêu thương, hay con người chuyên chỉ trích, thích phản đối, con người khiêm tốn hay kêu ngaọ, con người biết cộng tác với người khác, hay luôn coi người khác là đối thủ của mình.

Trong một đoạn tin mừng nói về chuyện Gia Kêu: Gia Kêu là một người thu thuế vừa giàu có, vừa có thế lực. Ông ta muốn gặp Đức Kitô, nhưng thực sự ông không dám mời Ngài về nhà, khi nghe người ta nói nhiều về Đức Kitô. Một hôm, khi Đức Kitô đang đi qua một nơi mà dân chúng tụ tập theo Người quá đông đảo, vì ông ta lùn nên ông đã trèo lên một cành cây để được nhìn thấy Đức Kitô. Chúa thấy ông ta bèn nói : “Giakêu hãy xuống mau, hôm nay ta đến nhà ngươi” và Đức Kitô trong hân hoan mừng vui đã đến nhà ông Gia-Kêu thật. Chắc chắn có nhiều bạn bè hôm đó, và toàn là những người thu thuế. Khi Đức Kitô vừa ngồi vào bàn ăn thì Gia Kêu liền đứng lên thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nửa phần gia tài của con, con cho người nghèo”. Lạ thật, một điều mà cả đời ông chưa bao giờ nghĩ đến, cả đời ông chỉ biết thu tích, ông không bao giờ nghĩ tới người nghèo. Tại sao hôm nay ông lại nghĩ tới người nghèo? chỉ vì Đức Kitô đã đến thăm ông. Chúng ta cũng thấy lạ lùng là Đức Kitô chưa giảng dạy gì hết. Ngài đến và ngồi vào bàn ăn thôi, thì ông Gia Kêu đã được thay đổi rồi, và sau đó ông ta lại nói tiếp với Chúa: “nếu tôi có làm thiệt hại ai thì tôi xin đền lại gấp bốn”. Quả thật khi Đức Kitô đến đã làm thay đổi con người của ông Gia-Kêu. Ông ta đã biết thương ngưòi nghèo khó, biết nhận ra những gì mình đã làm thiệt hại cho những người anh em chung quanh. Nếu không có Đức Kitô, làm sao Gia Kêu được thay đổi. Thánh Phaolô cũng vậy, ông miệt mài trên con đường bắt bớ những người theo Chúa, cho đến khi ông gặp gỡ Chúa thì ông đã thốt lên: Chúa muốn con làm gì ? và Phaolô đã thay đổi, và đã quay trở về .

Anh chị em thân mến, qua tin mừng cho chúng ta thấy, khi gặp Đức Kitô đầu tiên là chúng ta gặp được chính mình, con người thật của mình. Nếu không thì cứ nghĩ mình thánh lắm, cứ nghĩ mình tốt lắm, khi gặp Đức Kitô rồi, chúng ta sẽ giống Gia Kêu, chúng ta thấy mình có tội, chúng ta giống Phaolô đã hỏi Chúa: Chúa muốn con làm gì? Giống Thánh Phêrô khi gặp Chúa: Thầy xa con ra, Thầy đứng xa một chút được không, con tội lỗi lắm…

Anh chị em thân mến, khi chúng ta gặp được Đức Kitô là lúc chính chúng ta nhận ra con người thật của mình. Mỗi ngày, chúng ta cũng nên thưa với Chúa, xin Chúa đến thăm con, xin Chúa đến thăm gia đình con, đến thăm giáo xứ con, để chúng con nhận rõ tình trạng hiện tại của con, cái gì cần phải thay đổi và chắc chắn không có Đức Kitô thì không ai có thể thay đổi được. Và sau cùng, anh chị em thân mến, khi gặp Đức Kitô, Gia Kêu đã trở thành người có lòng quảng đại, chắc chắn ông ta nghèo đi vì nửa phần gia tài, ông đã hứa với Chúa cho người nghèo, số còn lại ông đền gấp bốn cho những ai ông đã làm thiệt hại. Ông sẽ trở nên nghèo thật, nhưng trong đời sống tình thương ông cảm thấy sung sướng hơn, giàu có và hạnh phúc hơn nhiều, vì thế Đức Kitô đã nói : “hôm nay ơn cứu rỗi đã dến với gia đình này”. Anh chị em thân mến. Đức Kitô không nói hôm nay Gia-kêu được lên Thiên Đàng mà Ngài nói “Hôm nay gia đình này được ơn cứu rỗi”và quả thật, Gia Kêu đã cảm thấy hạnh phúc hơn, sung mãn hơn, con người đã tự biết mình, biết người và biết Chúa và vì thế ông đã sống và trở thành một con người mới. Người phụ nữ Samaria, sau khi gặp gỡ Đức Kitô cũng đã trở thành con người mới, nên chị ta trở về làng hân hoan nói với mọi người rằng: hãy ra xem một người đã nói về tất cả đời sống của tôi, chắc ông ấy phải là Đức Kitô. Bà đã làm truyền giáo, Phaolô đã làm truyền giáo, Phêrô đã làm truyền giáo khi gặp Đức Kitô, Gia Kêu đã trở thành nhà truyền giáo khi ông sống quảng đại, biết thương người khác. Khi đã có Đức Kitô, không bao giờ mất đi dấu chỉ, một trong những dấu chỉ mà chúng ta gặp Thiên Chúa là gì ? là chúng ta gặp anh em, bao giờ cũng vậy. Khi tôi gặp Đức Kitô, chính là lúc tôi gặp anh em tôi. Đức Kitô là hạnh phúc, là tất cả, và tôi coi cái đó, không thể thiếu cho mình được…

Kính thưa Cha, kính thưa thầy sáu và qúy ông bà anh chị em, hôm nay trong tin mừng đã nói : “xin cho tôi nước uống”. Đây cũng là điều mà mỗi người chúng ta cũng cần xin với Chúa cho chúng ta nước uống. Xin Chúa cho chúng con nước uống. Chúa sẽ hỏi, nước gì ? con cần nước gì? Và chắc chắn mỗi người lại cần một thứ nước khác nhau: nước của hạnh phúc, của niềm vui, của bình an, của can đảm. Có người cần xin cho được nước khiêm tốn, biết chấp nhận người khác, có người xin nước lòng quảng đại biết nghĩ đến người khác. Mỗi người hôm nay đều hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa, gia đình con, cá nhân con, giáo xứ con cần nước. Chúa hỏi nước gì thì hãy trở lời với Ngài, và khi chúng ta có nước của Chúa rồi, thì chúng ta phải là người đem nước đó cho người khác, giống như người phụ nữ thành Samaria, và đó là công việc truyền giáo,.Amen

Seattle, Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lệnh Tổ quốc gọi lên đường
Văn Quảng
10:36 30/03/2011
LỆNH TỔ QUỐC
GỌI LÊN ĐƯỜNG


vì tự do,vì dân chủ
vì vẹn toàn lãnh thổ
chào mừng 5 năm Khối 8406

những tia chớp phát ra từ ngục tối
tín hiệu khẩn cấp Nghĩa Hùng Nghiên Thủy Trội...
gởi Tuổi Trẻ gởi Đồng Bào
trong từng ngọn đuốc có chúng tôi
giờ hành động đã điểm

những đốm lửa chuyển lên từ mộ lạnh
tôi Năm Cồn Dầu tôi Tùng Hà Nội tôi Hải Đà Nẵng...
gởi lòng vào tám mươi triệu con tim
chị Hòa Hảo anh Thái Hà em Bắc Giang...
bà con ta đang vào mùa bão lửa

một cánh én đem thân làm ngòi nổ
lệnh Tổ Quốc gọi lên đường
Cù Huy Hà Vũ!
Cù Huy Hà Vũ!
 
Giáo dân Thái Hà thắp nến cầu nguyện cho LS. Cù Huy Hà Vũ
Khánh An / RFA
13:31 30/03/2011
Giáo dân Thái Hà thắp nến cầu nguyện cho LS Vũ

Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội đã kêu gọi các giáo dân của giáo xứ đến tham dự 2 buổi thắp nến cầu nguyện vào tối 2 và 3 tháng 4 để cầu nguyện cho Công lý và Sự thật.

Trong thời điểm được xem là nhạy cảm khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra phiên tòa xét xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ (4/4), giáo xứ Thái Hà, Hà Nội đã kêu gọi các giáo dân của giáo xứ đến tham dự 2 buổi thắp nến cầu nguyện vào tối thứ 7 và Chủ nhật tuần này (2 và 3/4) để cầu nguyện cho Công lý và Sự thật thể theo lời yêu cầu của gia đình TS. Cù Huy Hà Vũ.

Cần quyền tự do tư tưởng

Khánh An phỏng vấn LM. Vũ Khởi Phụng, chánh xứ giáo xứ Thái Hà và được linh mục cho biết về lý do tổ chức buổi cầu nguyện:

LM Vũ Khởi Phụng: Việc đấy thì chính gia đình anh Cù Huy Hà Vũ đã đến đây xin giáo xứ Thái Hà cầu nguyện đặc biệt cho anh Vũ trong lúc anh Vũ sắp sửa ra tòa. Tất nhiên, giáo xứ Thái Hà không có lý do gì để từ chối việc cầu nguyện đó cả.

Giáo xứ Thái Hà cũng nhận thấy trong vụ anh Cù Huy Hà Vũ có nhiều điều khuất tất, nhiều điều không được rõ ràng, có những cái xem ra vi phạm nghiêm trọng vấn đề công bình và nhân phẩm, có những cách hành xử không được trong sáng trong vụ bắt và xử anh Cù Huy Hà Vũ. Vì thế, không phải chỉ vì cá nhân của anh Cù Huy Hà Vũ nhưng mà vì cái vấn đề chung của xã hội là cần sự trong sáng, cần quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, cần một sự thẳng thắn về mặt pháp lý.
Vì tất cả những điều đó nên Thái Hà nghĩ rằng chuyện này cũng có một phần do gia đình anh Cù Huy Hà Vũ yêu cầu, nhưng cũng có một điều khác là nó đụng đến một vấn đề bao trùm cả xã hội, vì lẽ đó mà giáo xứ Thái Hà đồng ý có buổi cầu nguyện cho anh Cù Huy Hà Vũ và cho vấn đề Công bình và Nhân phẩm trong xã hội.

Khánh An: Gia đình TS. Cù Huy Hà Vũ có phải là người Công giáo không?

LM Vũ Khởi Phụng: Gia đình anh không phải là người Công giáo nhưng có lẽ bởi vì không phải bây giờ mới cầu nguyện mà trước đây Thái Hà cũng đã từng cầu nguyện, cho nên chị vợ anh Cù Huy Hà Vũ và em gái là chị Xuân Bích đã ngỏ ý xin cộng đoàn Thái Hà cầu nguyện. Chúng tôi tưởng trong trường hợp này cũng là một trường hợp rất quý bởi vì người ta có nghĩ tới sự thành tâm của mình trong đức tin thì người ta mới xin mình cầu nguyện. Chúng tôi sẽ cầu nguyện theo ý của gia đình anh Cù Huy Hà Vũ thôi.

Giúp xã hội công bình

Khánh An: Thưa linh mục, vụ bắt giữ và xét xử TS. Cù Huy Hà Vũ được xem là một vụ việc rất nhạy cảm, nhiều người tỏ ra rất ngại khi đề cập đến vụ việc này, thế nhưng Thái Hà vẫn tổ chức cầu nguyện, linh mục không e ngại vấn đề “nhạy cảm” này sao?

LM Vũ Khởi Phụng: Từ xưa tới nay, giáo xứ Thái Hà vẫn luôn luôn có những buổi cầu nguyện, không những về Cù Huy Hà Vũ nhưng mỗi khi có chuyện gì xảy ra trong xã hội, khi là một vấn đề, khi là một thiên tai, ví dụ như vụ các giáo dân Tam Tòa thì Thái Hà cũng cầu nguyện, khi xảy ra vụ Cồn Dầu thì Thái Hà cũng cầu nguyện, bây giờ xảy ra vụ anh Cù Huy Hà Vụ thì cũng vậy thôi.

Bên cạnh đó có những thiên tai như động đất ở Trung Quốc hay Nhật Bản, Miến Điện thì giáo xứ Thái Hà vẫn luôn luôn có buổi thắp nến cầu nguyện. Nếu có một sự nhạy cảm nào đấy thì do hoàn cảnh tự nhiên đưa đến thôi, chứ còn giáo xứ Thái Hà không chủ trương tạo ra những tình hình nhạy cảm. Đôi khi giáo xứ Thái Hà gặp phải những tình hình tự bản chất của nó là nhạy cảm chứ không phải là do Thái Hà gây ra.

Khánh An: Vẫn biết là như thế nhưng vụ việc nhạy cảm này liệu có khiến cho giáo xứ Thái Hà vốn đã là “điểm nóng” thì lại trở nên “nóng” hơn không?

LM Vũ Khởi Phụng: Tôi không thấy có vấn đề gì cả bởi vì cầu nguyện là một bổn phận của mọi giáo xứ. Xưa nay trong Hội thánh vẫn cầu nguyện cho công lý và hòa bình thì vụ này cũng như thế. Còn nếu mà vì vụ này mà sinh ra cái gì đấy gọi là nhạy cảm hay phiền phức thì cái đó là ngoài ý muốn của giáo xứ Thái Hà.

Khánh An: Quan điểm riêng của linh mục về vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ là như thế nào?

LM Vũ Khởi Phụng: Tôi thì tất nhiên về mặt chi tiết, tôi không phải là người theo dõi vụ này từ đầu tới cuối, nhưng tôi thấy vụ này đã bắt đầu từ những chuyện gây ra thắc mắc ngay từ lúc bắt anh Cù Huy Hà Vũ. Hoàn cảnh khi bắt anh, rồi cách luận tội mà tôi thấy là cách luận tội ấy chưa thuyết phục được chúng tôi. Cho nên chúng tôi nghĩ trong một hoàn cảnh như thế thì mình phải cầu nguyện cho chân lý và công lý được sáng tỏ thôi.

Khánh An: Linh mục có hy vọng gì trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 4/4 tới đây không?

LM Vũ Khởi Phụng: Tôi có trao đổi với gia đình anh Cù Huy Hà Vũ xem triển vọng của vụ này ra sao thì chính người nhà anh Cù Huy Hà Vũ nói rằng không thể đoán trước. Cho nên chúng tôi làm việc này không phải là nhằm tới một kết quả gì cho thật cụ thể, nhưng mà có cảm thấy một yêu cầu bức thiết là xã hội chúng ta phải trong sáng hơn, phải thẳng thắn hơn, công khai hơn. Chúng tôi hy vọng là những sự việc xảy ra như vậy có thể góp phần mỗi ngày một tí để làm cho xã hội trong sáng và công bình hơn.

Khánh An: Vâng, cảm ơn linh mục Vũ Khởi Phụng đã dành thời gian cho đài Á Châu Tự Do.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cái mù kỳ thị
Tuyết Mai
22:51 30/03/2011
Thời buổi văn minh của ngày nay thật chúng ta bậc làm cha mẹ không còn biết thế nào để dậy con cái nữa cả, vì chúng đã ở cái tuổi trưởng thành. Mà bên Nước Mỹ này thì luật lệ cũng càng ngày phải càng sửa đổi thật nhiều để phù hợp cho đúng với danh nghĩa Tự Do. Hôm nay tiện các con của chúng tôi có mặt tại nhà đầy đủ, ba chúng nó muốn khẳng định một vấn đề mà đối với chúng con gọi đó là kỳ thị chủng tộc. Nếu gọi là kỳ thị thì thật tình hầu hết mọi gia đình người Việt Nam chúng ta ai cũng có cái máu đó!. Mà trên thế gian này thì không ai không có cái chứng bệnh kỳ thị chủng tộc. Cái máu kỳ thị chủng tộc dẫn đưa chúng ta trở về lịch sử của thời Chúa Giêsu xưa. Ngài đã bị dân làng của Ngài kỳ thị một cách rõ ràng khi Ngài trở về quê quán.


Khi vấn đề kỳ thị được đặt ra, chúng ta mới cảm nhận thật sự là chúng ta có kỳ thị. Như bên Mỹ đây, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta phải va chạm đến biết bao nhiêu con người, khác chủng tộc với chúng ta, nơi công sở làm. Nước Mỹ là một quốc gia hùng mạnh giầu có nhất trên thế giới. Luôn luôn là quốc gia đi hàng đầu để viện trợ cho những quốc gia gặp biến cố tang thương đau khổ, gần nhất đây là Nhật Bản. Ai trên toàn khắp thế giới không phủ nhận là nước Mỹ to lớn nhất, hùng mạnh nhất, và đông dân số nhất. Vì anh Mỹ được danh tiếng giầu có nhất nên viện trợ cũng nhiều nhất, nhưng thay vì nhận lại được lời cám ơn của những con người chịu ơn, thì toàn là những lời trách móc, lên án, thù ghét Nước Mỹ, và dân Mỹ thậm tệ???. Có những quốc gia đứng hàng thứ hai, ba, tư, và ..... hàng thứ mười. Không phải lúc nào họ cũng đáp ứng được công việc viện trợ cả đâu, nhưng ít ai lên tiếng trách móc phê phán vì họ than rằng họ không có đủ tiền để viện trợ, thế là chấm hết cuộc bàn cãi. Hỏi cả thế giới, như vậy có công bằng hay không, và cho những quốc gia đã và đang nhận ơn viện trợ của Mỹ???. Dù là viện trợ cơ khí, thiên tai, nghèo đói, nhân sự, dân sự, và v.v.v...... Mặc dù Nước Mỹ hiện đang gặp vấn nạn lớn của quốc gia là kinh tế đang trên đà suy sụp trầm trọng. Bây giờ từ trên xuống dưới đều phải có chiến dịch cắt xén. Cắt xén từ trong bộ quốc phòng, quân đội, và mọi tầng lớp của xã hội. Còn những quốc gia khác thì sung sướng quá, khỏe ru, cứ dựa vào anh lớn là anh Mỹ thì tha hồ mặc sức buôn bán làm ăn. Làm lớn thì luôn khổ là vậy!. Gặp nạn thì chẳng có quốc gia nào tỏ lòng thương xót. Tôi không nhớ hồi nước Mỹ gặp nạn của 911, có thế giới bạn nào giúp một bàn tay không nhỉ!???. Hay cũng chỉ nhận được sự hỗ trợ trong Nước Mỹ mà thôi!??.


Nhìn sơ qua về lịch sử của Nước Mỹ thì người dân đầu tiên bước chân lên phần đất sữa mật này, không phải là người Mỹ chính gốc mà họ là người di dân từ Âu Mỹ qua. Người dân gốc chính tông của Mỹ họ là dân mọi da đỏ. Kế đến những dân da trắng này mới đến Phi Châu, bắt đem về biết bao nhiêu dân da đen để làm nô lệ cho dân Mỹ Trắng. Khi Nước Mỹ phồn thịnh và văn minh hơn, họ xây cất đường rầy xe lửa, lúc nầy Nước Mỹ có thêm người Mỹ vàng đầu tiên là anh Tầu. Rồi dần dần là anh Mễ tiến qua biên giới để kiếm sống và kiếm ăn. Nước Mỹ nổi tiếng là nước có rất nhiều di dân đông nhất thế giới, vì anh có được Tự Do. Thử hỏi từ khi lập Nước cho đến thời gian để có 50 tiểu bang, cùng bao nhiêu giống dân khác nhau, Nước Mỹ trở nên hùng mạnh vì dù có mọi khác biệt của chủng tộc, đã kết cấu và kết thành, sống hòa thuận với nhau thật không phải là chuyện dễ???.


Những ai đã, đang, và đang xin trở thành công dân Mỹ, đều hiểu rằng không còn Nước nào trên khắp toàn thế giới mạnh, giầu, tự do cho bằng Nước Mỹ. Như câu lập luận của biết bao nhiêu con người tự hào được sống trên đất Mỹ nhất là được sống trong Quận Cam. Có rất nhiều người từ khắp cùng tiểu bang khác mong được thuyên chuyển và đến cho được Quận Cam để sống. Như khắp thế giới quốc gia nào bằng so sánh bằng được Nước Mỹ?. Tiểu bang nào giầu, an toàn, và mạnh cho bằng bang Cali?. Quận nào phồn thịnh, nhiều dân VN cho bằng quận Cam?. Và hạt nào đông đúc dân VN cho bằng hạt Westminster?. Ấy vậy! Nhưng có rất nhiều người không biết là mình đang tận hưởng tất cả những gì đất nước Hoa Kỳ đang nuôi dưỡng chúng ta. Không biết mang ơn Nước Mỹ và dân Mỹ. Đó có phải gọi là nuôi ong tay áo không nhỉ!????. Có phải thực tế rằng Nước Mỹ phải có gì lợi chúng ta mới qua đây chứ!. Không lợi sao cả thế giới chỉ thích ham được qua Nước Mỹ mà thôi!. Dù phải tốn biết bao nhiêu tiền của!. Dù có những cơ quan được hóa trang thành những nơi mua bán người chỉ để mang người qua Mỹ rồi trả nợ sau, v.v.v.....?.


Chuyện ở đây là vì ông xã của tôi không thích cho các con chúng lấy người ngoại quốc. Mỹ, Mễ, Tầu, Tầu Việt, Phi, Lào, Campuchia, Mỹ đen, v.v…. tất cả ổng đều không chấp thuận. Mà nhất nhất chỉ cho phép chúng con chọn bạn đời là người Việt Nam mà thôi!. Việt Bắc, Trung, Nam, ổng không kỳ thị, miễn là người Việt thì ok. Tôi và các con cảm thấy rằng chồng tôi ổng khe khắt quá và kỳ thị quá!?.


Vấn đề này thì chồng tôi đã gieo vào lòng chúng con, từ cái tuổi chúng còn rất nhỏ. Đến Trung Học các con tôi cũng có bạn trai là người Việt. Vào nhóm trong nhà thờ cũng chơi với các bạn là người Việt. Học Việt Ngữ cũng toàn là bạn người Việt. Lên đại học cũng tiếp tục có bạn là người Việt, nhưng các cháu chưa tìm gặp được ai người Việt mà tâm đầu ý hợp, chưa kể là bạn trai của hai đứa con gái chúng tôi trong quá khứ, có những cái tánh mà chúng không ưa không chịu được là tỏ ra có quyền hành trên chúng, là điều mà con gái chúng tôi rất dị ứng. Dị ứng nhất là cái tánh ích kỷ. Chưa gì mà đã tỏ ra làm quyền, làm cao, đòi hỏi như vật sở hữu của mình. Con chúng tôi được sanh đẻ trên đất Mỹ, sống theo văn hóa của Mỹ, được giáo dục theo luật lệ của người Mỹ, ra đời làm việc trong xã hội văn minh của người vì chúng là người Mỹ.


Chúng hiện thời đang theo học về Luật Mỹ, thì hỏi điều kiện đặt ra để các con tôi phải tuân, e rằng chồng tôi sau này sẽ vô cùng đau khổ vì cái ổng đòi hỏi không phù hợp với chúng. Để cách nghĩa cho ba chúng hiểu là không phải các cháu chê người Việt hay nắm đũa cả nắm. Cháu chỉ phản kháng và không đồng ý khi ba chúng chê người ngoại quốc, nếu không có lý do chính đáng. Các cháu chọn bạn đời là con người có trái tim nhân ái chứ không phải là chọn giống. Nếu phải chọn thì thà các cháu chọn chồng ngoại quốc mà biết thương yêu, thông cảm, quý trọng gia đình, ngay cả biết tôn trọng văn hóa của người Việt. Chứ mang tiếng là người Việt mà từ chối nguồn cội, nền văn hóa phong tục tập quán của cha ông mình, chồng chúa vợ tôi, coi rẻ vợ, thì là người chồng Việt không xứng đáng.


Các cháu còn nói nhiều nhiều nữa mà ba của chúng không biết nói gì hơn, là công nhận các cháu có phần nói rất đúng. Nhưng cả hai bên đều đồng ý đưa tới quyết định vấn đề là nếu phải chọn để làm ba chúng buồn, thì xin ba chúng thông cảm vì đó là cuộc đời riêng tư của chúng là chúng chọn chồng cho chúng, chứ không phải chọn là để cho ba chúng happy. Còn một vấn đề khó nói nữa là thành phần gay với lesbien của hiện tại. Các cháu nhỏ thuộc thế hệ sau, lớn lên bất kỳ ở đâu thì thành phần gay cũng chiếm một tỷ số không nhỏ. Bạn của chúng quen cũng là gay, tuy chúng không phải gay, nhưng lại rất cởi mở và rất bênh vực khi chúng tôi có những lời lẽ không đẹp dành cho bạn chúng. Chúng cảm thấy rất khó chịu vì những tư tưởng và lời nói không được cởi mở của chúng tôi. Chúng tranh cãi để bênh vực bạn Gay của chúng, là tất cả họ là con người được Chúa tác tạo y như chúng ta, tại sao cha mẹ lại nhìn họ bằng cặp mắt khinh bỉ và rẻ khinh?. Chúng còn có vẻ educate chúng tôi là tại sao Thiên Chúa tác tạo ra họ để cho tất cả mọi người nhìn họ và kỳ thị họ như con quái vật chứ!??. Có phải Chúa là Thiên Chúa của Tình Yêu hay không???. Nếu Thiên Chúa là chính thực Chúa của tình yêu thương thì Thiên Chúa phải yêu thương tất cả những ai được Ngài tạo dựng nên. Nếu không chúng sẽ tìm và tin vào một Thiên Chúa nào mà Ngài sẽ muôn đời yêu thương tất cả mọi người, không trừ một ai!. Chúng ta là bậc làm cha mẹ phải trả lời và dậy dỗ chúng sao đây???. Ai phải trong vấn đề này?. Đó có phải Giáo Hội chúng ta đã tốn hao biết bao nhiêu tiền bạc, bán nhà thờ, bán những công trình làm việc nhân đạo, dảm lương các Linh Mục, và cắt xén biết bao nhiêu việc phụng tự, vì lý do trên????.


Ý tôi thì không bằng lòng nhưng cũng không phản đối với chúng lắm trong vấn đề lấy chồng ngoại quốc. Bởi cái lẽ đương nhiên chúng ta cũng phải sống với thực tế là hằng ngày chúng ta đi làm việc, giao tiếp với biết bao nhiêu người Mỹ trắng và Mỹ da mầu. Chúng ta nói được tiếng Mỹ. Sống trên đất Mỹ. Là công dân Mỹ. Chồng tôi và tôi cả hai đều có trình độ đại học. Nhất là ông lại học về Luật Mỹ. Vậy tại sao ông lại quá cố chấp trên vấn đề chọn chồng cho con?. Lập luận của tôi là nếu được chọn, thì thưa vâng mọi chuyện sẽ không gọi là vấn đề để đặt ra. Nhưng nếu không được thì gia đình tự nhiên bị chia rẽ hay sao?. Kỳ thị và muốn sống chia rẽ chỉ vì con không theo ý thích riêng của mình?. Chọn chồng là cho chúng sống hạnh phúc cả đời chứ có cho riêng mình đâu?. Trừ khi chúng ta sợ mất con. Trừ khi chúng ta ở VN mới qua, một câu tiếng Anh cũng không biết, thì đó là vấn đề chính mà các con phải thông cảm cho cha mẹ, để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hai ông bà được phù hợp trong cuộc sống ngày lại ngày này!.


Thật phải cho chồng tôi có ý tưởng của một người già, mang theo nặng truyền thống, văn hóa của người Việt. Muốn con cái phải biết nói tiếng Việt, đọc được tiếng Việt, theo văn hóa cổ truyền của người Việt, và sau cùng là cho ông được mãn nguyện với là phải có chồng người Việt, con cháu tất cả nói được tiếng Việt, và tiếp nối với những gì là nguyện vọng rất Việt Nam của ông. Còn tôi thì trẻ hơn ông nhiều. Tôi học hết bậc trung học bên Mỹ. Làm việc cho người Mỹ. Sống bên Mỹ gần hơn hai phần ba số tuổi đời tôi sống bên VN. Nên chúng tôi có khác nhau thật nhiều trong sự suy nghĩ, kinh nghiệm đời, học vấn, v.v..... Trong thâm tâm tôi thì luôn chọn cuộc sống an nhàn, đơn giản, và thương yêu nhau, nhất là sức khỏe càng ngày càng suy thoái của tôi, và đó là lý do chính tôi xin nghỉ việc. Đòi hỏi của tôi rất ít. Ăn để mà sống chứ không phải ngược lại. Mong con lớn lên, học thành tài, ra đời để giúp chính mình, và cho anh chị em, không phải ăn bám của ai hết ngay cả của chính phủ. Không mong con cái phải hiếu đễ vì đó là tánh ích kỷ. Bao nhiêu sự dậy dỗ tôi tin rằng với Tình Yêu Thiên Chúa ban cho, Ngài sẽ sắp xếp tất cả!. Nên tôi giao cho Ngài tất cả!. Những lời các con tôi nói đã làm cho tôi suy nghĩ lại lung lắm về vấn đề gay hay lesbien. Tại sao chúng ta mang danh là Kitô hữu lại có tánh kỳ thị???. Kỳ thị thật đã làm chúng ta chùn bước và không dấn bước theo chân Chúa được. Khi đi ủy lạo cứu người chúng ta có đặt ra câu hỏi là chọn cứu giống dân nào trước hay sau???. Người VN trước, rồi đến da trắng, da vàng, da đỏ, và sau rốt hết mới là giống da đen????.


Kỳ thị là cái máu sẵn có của người VN suốt dòng lịch sử. Thời xưa cha mẹ đặt đâu thì con cái phải ngồi đó!. Không có quyền tự chọn nhất là phận làm con gái. Trong nhờ đục chịu. Ngày nay vẫn còn nhan nhãn xẩy ra là kỳ thị tôn giáo. Nếu anh hay chị khác tôn giáo thì chẳng bên nào được cha mẹ chấp nhận. Vẫn còn nhan nhãn sự kỳ thị giầu nghèo. Nếu anh nghèo thì đừng nên đèo bòng. Nếu anh bắc kỳ thì đừng nên lấy vợ nam kỳ kẻo chẳng biết quán xuyến gì việc nhà cửa hay biết tằn tiện, mà chỉ luôn ăn hàng ghi sổ. Quả thật là đủ mọi hình thức của sự kỳ thị.


Lậy Thiên Chúa giầu tình yêu thương! Xin ban và chữa lành cho chúng con có được đôi mắt sáng ngời của đức tin. Chữa lành mắt chúng con để biết nhìn mọi người qua lăng kính thương yêu mà thôi, chứ không phải qua mầu da. Thay đổi chúng con sống trong thần khí Chúa. Bước theo Chúa phải bỏ mọi thành kiến, ích kỷ, và cái tôi nhỏ nhen của chúng con. Chấp nhận anh chị em dù họ xuất xứ từ đâu vì có phải tất cả họ đều là anh chị em của chúng con?. Cũng có quyền hít thở cùng bầu không khí Chúa ban. Ngay cả thú vật trên toàn cầu chúng cũng có quyền ấy cơ mà!. Chúng con là ai mà dám khinh dể anh chị em mình?. Cùng là hạt bụi sẽ trở về cùng cát bụi, chẳng lẽ có hạt bụi này lại thơm tho tốt lành hơn hạt bụi kia hay sao???. Amen.



 
Văn Hóa
Lạy Cha nếu có thể
Jos. Tú Nạc, NMS
22:55 30/03/2011
Cha biết gì và Cha đã thấy chi
Khi phải đứng lặng nhìn Con giây phút.
Cha thể thấy qua tâm hồn thần khí
Thấy không Cha, Con mục đích cuối cùng

.
Cha thể thấy mục đích Con đơn giản
Những gì Con làm cố gắng thành công.
Phải chăng Con những suy tư mở rộng
Hay âm thầm Con giấu kín bên trong.


Cha thể thấy hy vọng trái tim Con
Khi Con cố tạo khởi đầu trong sáng.
Ví Cha đoái nhìn thập giá của Cha
Con ở đó giữa cuộc đời nhắm mắt.


Cha thể nói Con một sư đổi thay
Vì chúng đã đâm con bằng ngọn giáo.
Cha tha chúng vì Con đã hoàn thành
Và hãy cho Con về nơi nương náu.


Con có thể ở mãi cạnh bên Cha
Không còn nữa những gì Con che giấu.
Cất cao đầu Con tán tụng ngợi ca
Và trông chờ tình yêu Cha đắm đuối.


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cỏ May Bên Đường
Vũ Đình Huyến, Lm
21:07 30/03/2011
CỎ MAY BÊN ĐƯỜNG
Ảnh của , Vũ Đình Huyến Lm (CMC)
Đường làng còn chút cỏ khô
Dấu chân côi cút mơ hồ bụi bay
Tủi thân ăn ớt không cay
Khổ qua không đắng, chanh xoài không chua.
(Trích thơ của Luân Tâm)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền