Ngày 30-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ trước Mộ Chúa thứ Ba Tuần Thánh. Giuđa kẻ phản bội. Suy Niệm của Lm Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:18 30/03/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 30-March-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 26, 14-25

“Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người. Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.

Ðó là lời Chúa.
 
Yêu Thương, Dấu Chỉ Loan Báo Tin Mừng
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:08 30/03/2021
Yêu Thương, Dấu Chỉ Loan Báo Tin Mừng

Trong nhãn quan đức tin, chúng ta thấy tất cả mọi lời chúng ta nói, mọi việc chúng ta làm hôm nay đều có giá trị cho hậu thế cũng như có giá trị cho phần rỗi linh hồn mỗi người. Trong số đó, lời nói và hành vi yêu thương có thể cho là giá trị cao cả nhất vì yêu thương không chỉ là dấu hiệu người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giê-su, nhưng là kết quả cho hạnh phúc Nước Trời mai sau. Yêu Thương, là di chúc mà Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ nói riêng và cho tất cả mọi người nói chung trước khi Ngài về Trời. Trong khuôn khổ của Ngày Thứ 5 Tuần Thánh, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về đề tài yêu thương như là dấu chỉ loan báo Tin Mừng. Nhưng để yêu thương trở thành dấu chỉ Loan báo Tin Mừng, chúng ta cần thể hiện lời nói và hành vi yêu thương như thế nào? Phải chăng yêu thương là phục vụ? Yêu thương là trao ban, là hy sinh, là tự huỷ, là trở nên một trong nhau, là tha thứ,…?

Như chúng ta biết, Giê-su hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa ở với nhân loại. (x.Lc 17, 20-25). Ngài đã chấp nhận làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã thể hiện tình yêu qua Lời Ngài chúc phúc, khuyên răn và chữa lành cho tất cả những ai tìm đến với Ngài. Không những thế, Ngài còn làm nhiều phép lạ để thi thố quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Đức Giê-su không đến để lên án hoặc giết chết nhưng để cứu chữa con người và để con người được sống dồi dào. Tình yêu nơi Đức Giê-su không dừng lại ở lý thuyết nhưng bằng cả con người, bằng cả mạng sống của chính Ngài để miễn sao loài người chúng ta đón nhận được ân sủng của Thiên Chúa cũng như sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Cũng vì tình yêu của một người Thầy và muốn tình yêu đó được nối tiếp cho các môn đệ, hôm nay, “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”(Ga 13,1). Tình yêu đó được diễn tả cụ thể qua việc Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.(x.Ga 13,5) Một cử chỉ của một vị Thiên Chúa đầy yêu thương ngang qua sự cúi mình, khiếm tốn để phục vụ con người. Như vậy, Yêu thương đòi hỏi phải chấp nhận từ bỏ chính mình để cho người khác được lớn lên và được tôn trọng. Yêu thương gắn liền với hành vi phục vụ và dấn thân cho tha nhân mà không ngại khổ và ngại khó. Yêu thương là cho đi và trao ban cái mình có cho anh chị em mà không so đo hay tính toán một điều gì.

Quả thật, Đức Giê-su không dừng lại ở việc rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông về việc phục vụ và hy sinh cho nhau,(x.Ga 13,14) mà Ngài còn lập Bí Tích Thánh Thể để ban Mình Máu Thịt của chính Ngài nhằm nuôi sống muôn người. Một tình yêu vượt trên mọi tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô, là chấp nhận tự huỷ chính mình cho người khác. Như thế, yêu thương là trở nên một với người mình yêu. Đức Giê-su vì yêu nên muốn trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho con người được trở nên một với Ngài mỗi lần đón nhận Ngài. Vì yêu nên Ngài đã tự nguyện chấp nhận trở thành tấm bánh bẻ ra cho muôn người được hưởng dùng. Chính Đức Giê-su đã khẳng định: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. (Ga 6, 51). Như vậy, Bí tích Thánh Thể là Bí tích Yêu Thương, là Bí Tích Hiệp Thông. Không thể đón nhận Bí tích Yêu Thương hay Hiệp Thông từ Chúa mà ta lại thiếu hiệp thông và yêu thương anh chị em chúng ta.

Chúng ta được đón nhận tình yêu nhưng không từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta cũng được mời gọi hãy cho, hãy yêu mọi người xung quanh chúng ta một cách nhưng không như thế. Tuy nhiên, làm sao đời sống yêu thương của chúng ta có thể trở nên dấu chỉ Loan báo Tin Mừng nếu không xuất phát từ nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa? Quả thật, đúng như vậy. Đức Giê-su Ki-tô, hình ảnh Thiên Chúa hữu hình đã để lại cho chúng ta mẫu gương sống ‘Mầu nhiệm Tình Thương’của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Di chúc mà Đức Giê-su muốn dành cho chúng ta trước khi Ngài về với Chúa Cha, đó là giới răn Yêu Thương. Đây cũng là dấu chỉ người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa, như Đức Giê-su đã phán: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”(Ga 13,35). Như vậy, để yêu thương trở thành dấu chỉ loan báo Tin Mừng, chúng ta phải thực hành lối sống yêu thương như thế nào?

Quả thật, con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Chúng ta không thể nói yêu ai, thương ai mà chúng ta lại không thực hành, không muốn hy sinh, dấn thân hay phục vụ họ. Làm sao chúng ta giới thiệu Đạo Yêu Thương cho người khác, trong khi mình sống hận thù, ghen ghét, ích kỷ, hẹp hòi,…? Điều này, chính Thánh Gioan Tông Đồ đã cảnh cáo mọi người: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”(1Ga 3, 18). Như vậy, chúng ta phải yêu thương như thế nào để trở thành chứng nhân Loan báo Tin Mừng cho người khác? Phải chăng chúng ta phải yêu thương bằng hành động cụ thể không chỉ bằng lý thuyết suông hay lời nói bâng quơ. Chẳng hạn chúng ta thực hành lời kinh ‘Thương người có 14 mối’, trong đó chúng ta được mời gọi thương xác 7 mối: “là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết” và thương linh hồn bảy mối: “lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Nếu chúng ta thực hành những điều đó cách thường xuyên và đúng đắn, chúng ta đang trở nên hình ảnh thiết thực của Đạo Công Giáo, Đạo yêu thương cho anh chị em đồng loại. Mặt khác, chúng ta sống đời sống yêu thương là biết nhạy bén để nhận ra được hình ảnh Đức Giê-su nơi mọi người, nhất là nơi người nghèo khổ và tật nguyền, nơi người tai nạn bị bỏ rơi, nơi những gia đình đang gặp khó khăn, nơi những người lang thang cơ nhỡ,…Hãy học lấy cung cách giúp đỡ và yêu thương của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (x. Lc 10, 29-37) để biết quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc những mảnh đời đầy gian nan và khốn khổ. Đừng sống vô tâm, ích kỷ, dửng dưng và loại trừ như thái độ của lão nhà giàu đã đối xử với Lazaro trong Tin Mừng. (x. Lc 16,19-31).

Chúng ta có thể dẫn ra một vài cách thức yêu thương thực tế nơi môi trường sống thường ngày để giúp người khác nhận ra chúng ta là con cái của Đức Giê-su, hiện thân Tình Yêu của Thiên Chúa nơi trần gian. Yêu thương là loan báo Tin Mừng khi mỗi chúng ta biết sống tinh thần hy sinh phục vụ cho những hoàn cảnh khổ đau và bệnh tật mà không kêu ca hay phản kháng. Tại các nhà thuốc nơi vùng miền truyền giáo, các nữ tu hoặc các y bác sĩ cần biết tận tình, dễ thương, dễ mến đối với các bệnh nhân đến với mình. Chúng ta sẵn sàng niềm nở đón tiếp và tạo mối dây thân tình với họ, nhờ đó, phần nào họ được tôn trọng, được an ủi, được chữa lành bệnh tâm lý trước khi chữa bệnh thể xác. Phải chăng qua thái độ đón tiếp và phục vụ tận tình đó, chúng ta đang tự giới thiệu một hình ảnh yêu thương của Đạo chúng ta cho họ. Công việc đó nói lên tất cả mà không cần phải rao giảng hay tuyên truyền bằng lý thuyết. Một ví dụ tiếp theo để giúp người khác được cảm hoá và hiểu về Đạo Công Giáo, đạo yêu thương, đạo bác ái của chúng ta: Yêu thương qua việc ra đi và thăm viếng các gia đình nghèo khổ, già cả neo đơn, bệnh hoạn tật nguyền,…không chỉ dừng lại ở việc trò chuyện, hỏi han, thăm viếng đầu môi trót lưỡi, nhưng chúng ta có thể sẵn sàng bắt tay ngay vào việc lau chùi vệ sinh, thay đồ áo, giặt giũ, nấu ăn cùng họ, sửa sang hoặc xây nhà cho họ nếu thật sự quá tồi tàn,…Hành vi cử chỉ thiết thực như thế, không chóng thì chầy, sớm muộn người ta cũng tự đặt câu hỏi: tại sao người Công Giáo lại tốt như thế? Và cứ như vậy, chúng ta cứ yêu thương và cứ phục vụ bằng đời sống thường ngày, chắc chắn nhiều người ở nhiều nơi sẽ được thúc đẩy và sẽ dễ dàng nhận ra được sự quan tâm của Thiên Chúa ngang qua những người Công Giáo biết sống yêu thương bằng những hành động cụ thể và gần gũi.

Thật vậy, chúng ta chỉ thật sự yêu thương được tha nhân và dấn thân trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta luôn biết kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô, nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta không thể cảm nếm được tình yêu dạt dào của Thiên Chúa mà không trao ban, sớt chia cho tha nhân. Chúng ta được mời gọi một khi đã đón nhận được tình yêu ngọt ngào từ nguồn mạch Lời Chúa, nhất là từ Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta không thể không ra đi để trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người bắng sự quan tâm hơn là vô tâm -vô cảm, bằng đời sống yêu thương hơn là ghen ghét - hận thù, bằng đời sống hy sinh phục vụ hơn là khép mình - ích kỷ, bằng đời sống cho đi hơn là lãnh nhận, bằng cuộc sống vui tươi hơn là buồn phiền, bằng đời sống xây đắp-nối kết hơn là dửng dưng hay loại trừ nhau. Như thế, nhờ đó, đời sống yêu thương của chúng ta mới thật sự là phương thức Loan báo Tin Mừng một cách rõ ràng nhất.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Giờ Chầu Thứ Năm Tuần Thánh
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:12 30/03/2021
Giờ Chầu Thứ Năm Tuần Thánh

01/4/2021

I. KHAI MẠC

Người dẫn đọc :

Lạy Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Chúa đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình yêu thương của Chúa. Trước Thánh Thể Chúa giờ đây, chúng con hồi tưởng lại trong bữa Tiệc Vượt Qua năm xưa ấy, vì xót thương nhân loại cho đến tận cùng, Chúa đã ban Thịt Máu Mình cho các môn đệ, để ở với họ "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Chúa đã giữ lời hứa, và giờ đây Chúa đang ở với chúng con. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đầy lòng trắc ẩn, chậm bất bình và rất mực khoan dung (x.Tv 103, 8 ), xin lấy tình thương mà ôm tất cả nhân loại chúng con giờ đây đang thờ lạy Chúa, trong tình yêu vô biên của Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

Hát bài : Đây Phép Nhiệm Mầu …

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM

Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người ngồi)

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (1Cr 11, 23-26)

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là cgs trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".

Ðó là lời Chúa.

Cầu nguyện

(Người dẫn mời mọi người ngồi rồi đọc với tâm tình cầu nguyện)

Lạy Chúa Giêsu, thật chúng con không thể hiểu nổi, Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con biết là chừng nào. Chúa đã yêu chúng con bằng một tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng con, ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng con tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, để được sống đời đời.

Khi nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19;1 Cr 11, 24). Như thế là sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh. Với lời trên, cho thấy Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì tình yêu và thương xót.

Chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa.

Chúng con xin muôn vàn tán tạ hồng ân Chúa.

Chúng con xin hợp cùng thần thánh trên trời và mọi người dưới thế quì thờ lạy Chúa.

Hát bài : Thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa

---Thinh lặng mất phút suy ngắm-----

Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 1-15).

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Ðó là lời Chúa.

Cầu nguyện

(Người dẫn mời mọi người ngồi đọc với tâm tình cầu nguyện)

Lạy Chúa Giêsu, chiều nay chúng con vừa cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa giữa chúng con.

Giờ đây, chúng con đến bên Chúa trong Giờ chầu đặc biệt của tối Thứ Năm Tuần Thánh lịch sử này, hầu cảm nghiệm tình yêu tự hiến của Chúa, “yêu thương cho đến cùng” như Thánh Gioan đã thuật lại trong Bữa Tiệc Ly (x.Ga 13,1). Chúng con cũng muốn được ở bên Chúa như ba người môn đệ thân tín đã được Chúa kêu mời đi vào vườn Cây Dầu, cùng Chúa canh thức để đón nhận thánh ý Chúa Cha (x.Mt 26,36) mà vâng phục cho nỗi bằng lòng chịu chết (x.Pl 2,8; Dt 5,8).

Lạy Chúa, dù con người chúng con vốn yếu đuối, nhưng cũng xin Chúa ban thêm sức mạnh, để chúng con được cùng Chúa sống những giờ phút cuối cuộc đời dương thế của Chúa, biết cùng Chúa sống mầu nhiệm vượt qua trong những ngày cực thánh này…

Thánh Gioan gợi lên trong chúng con nhớ lại : "Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2). Thật kinh ngạc, kinh ngạc đến lạ thường về tình yêu của Chúa dành cho các môn đệ. Cũng như các môn đệ, Chúa đã yêu thương chúng con đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối cùng của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng con. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ cho con người lầm lạp tội lỗi chúng con. Và cũng chính hôm nay, Chúa còn truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

Lạy Chúa, tưởng niệm việc Chúa thiết lập Giao Ước mới trong Mình và Máu Thánh Chúa. Việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể chức Tư Tế và trao giới răn mới như trăn trối cuối cùng của Chúa trước khi từ giã trần gian. Chúa đã yêu mến các kẻ thuộc về mình còn ở trong thế gian. Chúa đã yêu thương họ đến cùng. Tình yêu được diễn tả bằng việc rửa chân môn đệ.

Tình yêu phải như vết dầu loang lan tỏa tới khắp cả mọi người. Tình yêu càng rộng, cuộc chiến thắng của Chúa càng mau tới giai đoạn hoàn tất.

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, một lần nữa, Chúa mời gọi chúng con : “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Chúa thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng con tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng con cũng thưa “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng con cam kết thực hiện điều Chúa đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Chúa để lại cho những ai được Chúa kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Chúa, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Chúa đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha Đấng từ bi lân tuất, trong ngôi vị Thiên Chúa, nhưng Chúa đã trở nên thấp hèn để cảm thông, chia sẻ với chúng con. Còn chúng con cùng trong thân phận làm người như nhau, đáng lẽ chúng con phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhưng chúng con thường để cho ganh ghét, hận thù thắng thế. Ðiều răn mới Chúa truyền cho chúng con: hãy yêu thương. Xin cho chúng con mau mắn thi hành điều Chúa truyền trong gia đình, trong xóm đạo, nơi công sở... của chúng con. Ước gì nước Tình Yêu Chúa mau hiển trị. Amen.

Hát bài : Thầy là Cây Nho

Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10, 25-37)

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Cầu nguyện

(Người dẫn mời mọi người ngồi đọc với tâm tình cầu nguyện)

Lạy Chúa Giêsu, đó là lời của Chúa dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng con "Hãy đi và làm như vậy".

Nhưng thưa Chúa, có người trong chúng con sẽ hỏi : Hãy đi và làm như vậy là thế nào? Chắc chắn Chúa sẽ trả lời là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Như thế, chúng con phải hiểu rằng, tất cả chúng con phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng con gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.

Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng tình anh em đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34). Chúng con thường đứng nhìn và sắp xếp người khác để xem ai là thân cận của chúng con, mà không lo trở thành người thân cận của bất cứ ai chúng con gặp trong lúc cần thiết.

Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ", mỗi người chúng con tự đặt ra cho mình đây, không phải là một câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tới mỗi người chúng con đây. Những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông, chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới!

"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37). Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cúi xuống trên chúng con, Chúa đã trở thành tôi tớ của chúng con để cứu chuộc chúng con. Xin ban ơn trợ giúp, đẻ chúng con có thể yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Cầu nguyện xướng đáp (Người dẫn mời mọi người quì)

Người xướng : Lạy Chúa, giữa một nền văn hóa bị tục hóa, ích kỷ và hưởng thụ; một nền văn hóa đưa con người đến văn minh của sự chết, một nền văn hóa thiếu vắng tình yêu thương, hiến thân và lòng quảng đại. Xin Chúa dạy chúng con thực hành lời Chúa dạy, ngõ hầu chúng con biểu lộ và làm chứng về một Thiên Chúa tình yêu, giầu lòng thương xót nhân loại.

Mọi người đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con

Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con, vì chúng con chưa nỗ lực hết sức mình để làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Những việc bác ái của chúng con đôi khi còn để cho người ta thấy chứ không phải làm sáng Danh Chúa.

Mọi người đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con

Mọi người cứ dấu này mà nhận biết các con là mộn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau. Xin Chúa giúp chúng con biết bỏ đi những gì gây xáo trộn, mất đoàn kết, làm rạn nứt tình tương thân tương ái cộng đoàn. Để chúng con bày tỏ lòng yêu mến Chúa, bằng việc yêu thương giúp đỡ mọi người, nhờ đó, họ sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Chúa.

Mọi người đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con

Người xướng : Lạy Chúa, chúng con hết lòng thành kính cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng con trong Bữa Tiệc Ly. Được Mình Máu thánh Chúa dưỡng nuôi quả là niềm hạnh phúc tuyệt vời. Xin thương xót chúng con. Xin thay đổi trái tim nguội lạnh của chúng con. Xin khơi dậy trong chúng con tâm tình yêu thương, hy vọng và dâng hiến. Xin giúp chúng con kiên tâm suy niêm tình thương Chúa, để tâm hồn chúng con dào dạt ân tình Chúa. Lạy Chúa, ơn thánh Chúa làm được tất cả.

Mọi người đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 30/03/2021

62. Lơ đãng trong việc được phúc trường sinh là một sai lầm cực lớn, bởi vì khi mất đi linh hồn thì là một sai lầm lớn nhất không cách gì bù đắp được.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 30/03/2021
3. XIN KIẾP SAU THÀNH PHỤ THÂN

Có một chủ nợ kêu tất cả những người mắc nợ ông ta đến và dặn dò:

- “Các ông ai chưa trả hết nợ cho ta, thì có thể thề với ta và nói rõ ràng là kiếp sau phải trả nợ như thế nào, thì ta sẽ đốt tất cả các giấy nợ để khỏi phải trả”.

Người mắc nợ ít nói:

- “Tôi nguyện kiếp sau sẽ biến thành ngựa cho ông chủ cưỡi để trả nợ.”

Chủ nợ gật đầu đem giấy nợ đốt đi.

Người mắc nợ tương đối nhiều nói:

- “Tôi nguyện kiếp sau biến thành con trâu.”

Chủ nợ cũng gật đầu.

Người mắc nợ nhiều nhất nói:

- “Tôi nguyện kiếp sau biến thành phụ thân.”

Chủ nợ nghe xong thì giận dữ, người ấy vội vàng giải thích:

- “Tôi mắc nợ quá nhiều, không thể biến thành trâu thành ngựa mà có thể trả nợ được, cho nên tôi mới tình nguyện biến thành phụ thân của ngài, làm quan lớn, tiền bạc vào như nước, lưu lại hàng vạn tài sản để ngài dùng, như thế không phải là có thể trả hết nợ cho ngài sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 3:

Ở đời ai cũng có mắc nợ nhau: nợ vật chất và nợ tinh thần, cả hai đều phải trả ngay đời này hoặc phải trả đời sau.

Nợ trả đời này thì khỏi phải trả đời sau.

Nợ vật chất thì có thể trả ngay được, nhưng nợ tinh thần thì khó mà trả ngay được, vì con người ta ai cũng có tính kiêu ngạo và tự ái…dỏm, nên thường không muốn hạ mình xin lỗi người khác.

Nợ tinh thần là: vu oan giá họa làm mất tiếng tốt của người khác, lỗi đức công bằng với tha nhân, nói xấu làm mất danh dự của người khác, làm tổn thương tâm hồn của người khác bằng lời nói hoặc hành vi của mình.v.v…và còn nhiều điều khác nữa, mà đôi khi, chúng ta không để ý đến vì đã có “thói quen” mắc nợ tinh thần.

Người Ki-tô hữu đều biết rõ mắc nợ ai thì phải trả, dù là nợ vật chất hay nợ tinh thần, đời này trả một nhưng đời sau thì phải trả gấp trăm ngàn lần, nhất là nợ tinh thần làm thương tổn đến người khác.

Ai cố tình không muốn trả nợ thì hãy nhìn lên Thánh Giá có Đức Chúa Giê-su, vì tội lỗi chúng ta mà Ngài phải trả giá nợ rất đắc, đó là chết cách nhục nhã trên cây thánh gía như tên trộm cướp, để cứu chuộc chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đêm Vọng Phục Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:47 30/03/2021
Ngọn Lửa Mới

(Lc 24, 1-12)

Anh chị em thân mến, sau Nghi thức Làm Phép Lửa, Nến Phục Sinh được thắp lên như sự hiện diện của chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa chúng ta. Từ trong bóng tối đêm đen, Nến Phục Sinh dẫn chúng ta bước vào ánh sáng cử hành long trọng đêm Vọng Phục Sinh. Cây Nến này chính là biểu tượng trong mùa Phục Sinh.

Chúng ta vừa rước Nến Phục Sinh cháy sáng với lửa được làm phép vào nhà thờ đặt trên chân nến, đến phần làm phép Nước, Nến sẽ được nhúng vào nước, sau đó Tân Tòng được Rửa tội bằng Nước Phép này, những người đã chịu phép Rửa tội sau khi lặp lại lời hứa cũng được rảy trên mình cùng một nước phép này.

Trên thân Nến có các mẫu tự Hy Lạp: Alpha và Omega (có nghĩa là “chữ đầu” và “chữ cuối”trong bảng mẫu tự Hy Lạp), tượng trưng cho Chúa Kitô là đầu và là cuối (là nguyên thủy và cùng đích) của tất cả mọi tạo vật. Nến cũng được đánh dấu theo năm, năm nay là năm 2021. Cây Nến này được thắp sáng suốt cả Mùa Phục Sinh, trong các Thánh lễ và sẽ được đốt lên vào mỗi dịp cử hành phép Rửa tội cũng như trong Thánh lễ An táng.

40 ngày Chay Thánh qua đi, nay Giáo hội bước vào 50 ngày Mùa Phục Sinh và kêu gọi con cái mình Mừng vui lên. Này người trần hỡi hãy vui lên Al-lê-lui-a, vì Chúa đã sống lại thật rồi đem niềm vui cho thế giới. Chúa đã sống lại rồi, vinh quang tỏa lan khắp nơi. Chúa đã sống lại rồi, cho muôn người hưởng phúc quê Trời.

Mừng vui lên! Hỡi anh chị em!!! Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia.

Chúa Giêsu sống lại là một biến cố siêu việt, một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người, nền tàng cho niềm tin của người kitô hữu chúng ta. Chúa sống lại được chứng thực, không chỉ là ngôi mộ trống, khăn liệm được xếp gọn gàng mang tính khả giác, mà là bằng chứng từ trời. Thiên Thần làm chứng tỏ tường khi nói : “Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5-6).

Chúa Giêsu sống lại như lời Người đã báo trước : “Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”. (x.Mt 20,17-19; Mc 10,33-34; Lc 18,31-33). Đây cũng là trọng tâm lời rao giảng của các tông đồ : “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại” (Cv 1,22; 2,23.32; 3,15; 13,30; 17,3.8; 26,23). Thánh Phêrô đứng chung với mười một Tông đồ rao giảng : “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 24). Thánh Phaolô công bố: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Đức Tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị” (1Cr, 15, 14-17). Các Tông đồ tuyên xưng : “Chúa Giêsu Kitô ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”.

Xác tín của các Tông đồ về mầu nhiệm Phục Sinh được Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI diễn giải : “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì sự tử nạn của Đức Kitô mất hết ý nghĩa cao trọng thiêng liêng. Như thế, Thập giá chỉ là bi kịch khổ hình và Đức Kitô chịu chết đã làm cuộc sống trở thành phi lý. Trái lại, mầu nhiệm Phục Sinh chứng tỏ Người chịu nạn chịu chết “đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15, 4).

Như thế, tuyên xưng của Thánh Phaolô về mầu nhiệm phục sinh đã có từ Kinh Thánh, Thánh Phaolô là người lãnh nhận và truyền lại : “Tôi đã truyền đạt cho anh chị em những gì mà bản thân tôi đã nhận được, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Lời Thánh Kinh, Ngài đã được mai táng trong mồ, Ngài đã sống lại theo lời Thánh Kinh” (1Cr 15, 3-4).

Nhờ Phục sinh, phép Rửa Tội mới có giá trị: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta đuợc dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4-5).

Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì không có sự sống đời đời vì “cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong” (1Cr 15,18). Như vậy, “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 18-19).

Phải tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh để được cứu rỗi : “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9).

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội Tổ Tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.

Vậy chúng ta có thể cao rao : “Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Bài Học Loan Báo Tin Mừng Từ Cây Thánh Giá
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
20:49 30/03/2021
Bài Học Loan Báo Tin Mừng Từ Cây Thánh Giá

Chúng ta thật hạnh phúc được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Đạo Công Giáo đã dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích, nhất là cho chúng ta biết được nguồn gốc của con người từ đâu và sẽ đi về đâu. Cái đặc biệt nhất để nhận biết người Công Giáo là Cây Thánh Giá. Cây Thánh Giá, nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng sáng lập nên đạo Công Giáo đã chịu đóng đinh và chịu chết. Trong ngày thứ 6 Tuần Thánh, chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô, một phần để suy tôn Thánh Giá Chúa, một phần để nhận ra tội ác của mỗi người nhằm sửa lỗi, dốc lòng chừa và làm mới lại đời sống tâm linh hằng ngày. Trong tâm tình suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta cùng nhau rút ra một vài bài học quý giá từ Cây Thánh Giá cho việc Loan Báo Tin Mừng trong thời đại ngày hôm nay.

Nhìn lên cây Thánh Giá, chúng ta thấy một hình ảnh rất cụ thể đó là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh và chịu chết trên đó. Giường nằm của cây Thánh Giá có hai chiều rõ rệt: chiều dọc của Cây Thánh Giá, hướng về trời và đất; chiều ngang hướng về tha nhân, thiên nhiên và vạn vạt.

Từ cây Thánh Giá, nhìn từ chiều dọc, chúng ta sẽ đón nhận được bài học từ Đức Giêsu đối với Chúa Cha, hướng về Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. Với chiều dọc này, Đức Giê-su không chỉ là xuất phát từ Thiên Chúa, là trung gian duy nhất của Thiên Chúa đối với con người và vũ trụ, nhưng Ngài cũng là trung gian của nhân loại, khi Ngài là con người thật sự để chuyển cầu mọi nhu cầu, ước nguyện lên Chúa Cha. Bài học trước tiên là sự Vâng Phục.

Là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su đã không nhất quyết duy trì địa vị nhưng đã vâng phục chấp nhận mặc lấy thân phận phàm hèn qua việc làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. (x. Pl 2, 6-11) Không chỉ dừng lại ở việc làm người thật sự, nhưng Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện vâng phục trong mọi sự vì yêu. Đức Giêsu luôn từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa Cha như lời Người phán:“Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38). Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4, 34). Nơi Thánh Giá, Đức Giê-su vâng phục triệt để ngay cả chấp nhận hy sinh bản thân mình: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha". (Mt 26, 39). Một sự vâng phục tự nguyện của Đức Giê-su vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Đây là bài học rất cần thiết cho mỗi chúng ta trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Có vâng phục, chúng ta mới dám dấn thân và hy sinh ý riêng mình để ý Chúa và ý bề trên được thể hiện nhằm mưu cầu cho công tác truyền giáo.

Bài học thứ 2 là sự Khiêm Hạ

Nơi Thánh Giá, chúng được làm sáng tỏ hơn câu nói của Chúa Giê-su: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,..”(Mt 11,28). Chúa Giê-su, hình ảnh của Thiên Chúa khiêm nhu và hiền lành trong khi Ngài hiện diện ở mọi nơi trong lúc giảng dạy. Bài học khiêm tốn tột cùng của một vị Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành lại để cho loài thụ tạo đóng đinh; Là Đấng ban sự sống nhưng dám chấp nhận bị giết chết bởi kẻ chết; là Đấng có quyền trên mọi sự lại chấp nhận nhỏ bé trong bàn tay hữu hạn của con người để rồi bị bắt, bị đóng đinh và bị giết chết. Quả thật, sự khiêm tốn từ Thánh Giá có giá trị rất lớn cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng trong mọi môi trường. Đến với tha nhân nếu thiếu sự khiêm tốn chắc chắn chúng ta sẽ khó được đón nhận. Vì ai cũng thích người khiêm tốn. Khiêm tốn tạo nên sự ‘dĩ hoà vi quý’, tạo nên lối sống văn hoá quan tâm hơn là loại trừ nhau, dễ dàng xây nên ‘chiếc cầu nối kết’ hơn là ‘bức tường ngăn cách’ trong công cuộc truyền rao Tin Mừng.

Bài học thứ 3 là Yêu Thương

Vì là Thiên Chúa Tình Yêu và để muốn cứu độ nhân loại, Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể đã làm người để đồng lao cộng khổ với con người trong hành trình dương thế và đỉnh cao của tình yêu đó là chấp nhận chết cách nhục nhã trên cây thánh giá nhằm cứu độ muôn người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Yêu là hy sinh, yêu là cho đi tất cả vì người mình yêu. Yêu thương là chu toàn lề luật là vậy (x. Rm 13,10). Chúa Giê-su, hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa cư ngụ nơi trần gian để lại bài học thật đáng quý để từ nay ai biết yêu thương là người ấy là con Thiên Chúa. Ai yêu thương thì có Chúa Giê-su ở cùng. Quả thật, sứ vụ Loan báo Tin Mừng sẽ không tiến triển và lan rộng nếu mỗi người ki-tô hữu thiếu đi đời sống yêu thương và bác ái.

Bài học thứ 4 là sự Thinh Lặng

Giữa bao lời tri hô, căm phận và ồn ào của đám đông cũng như của những vị lãnh đạo Do Thái, Đức Giê-su, Thiên Chúa Ngôi Hai đã âm thầm và lặng im xem ra như thất bại và bất lực hoàn toàn trước ánh mắt của loài người, nhưng đó lại là bài học thinh lặng cao độ của một vị Thiên Chúa làm người để chấp nhận mọi sự vì tình yêu. Ngài đã trở nên như con chiên hiền lành bị đem đi giết nhưng đem lại hiệu quả khôn lường: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7), và nhờ cái chết của Người, “Người sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế Ta sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản... bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân, nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,11-12). Sự thầm lặng của Vị Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su là bài học thật tuyệt vời để nói rõ với mọi người rằng không cần đao to búa lớn, không cần ồn ào náo nhiệt mới là giới thiệu Tin Mừng, nhưng nhiều khi nhờ sự im lặng, âm thầm mà công việc lại rất hiệu quả. Sự tiếp cận tha nhân, nhất là những người chưa cùng niềm tin trong thái độ nhẹ nhàng, âm thầm chắc sẽ dễ dàng chuyển tải sứ điệp của Chúa Ki-tô hơn là khua chiêng múa trống cũng như ồn ào xung xăng.

Mặt khác, nơi Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta không chỉ học những bài học nơi chiều dọc nhưng chúng ta được hướng dẫn và noi gương Chúa nơi chiều ngang.

Quả thật, không thể Loan báo Tin Mừng nếu mọi ki-tô hữu bỏ qua trường học Thánh Giá. Mầu nhiệm Thánh Giá giới thiệu trọn vẹn những phương cách và các đức tính tốt để mỗi chúng ta ra đi Loan báo Tin Mừng. Thật vậy, không thể đến với tha nhân (qua chiều ngang cây Thánh Giá) nếu chúng ta không đến với Thiên Chúa. Hay nói cách khác, không gặp gỡ hay ở lại với Thiên Chúa (ngang qua chiều dọc cây Thánh Giá), chúng ta không thể gặp gỡ hay ở lại với anh chị em chúng ta được (qua chiều ngang của cây Thánh Giá). Phải chăng Gioan Tồng Đồ đã nhắc nhở chúng ta điều này: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4,20) Vì thế, người Loan báo Tin Mừng là người nối kết chặt chẽ, thâm sâu và nhuần nhuyễn với 2 chiều dọc - ngang của cây Thánh Giá. Tại sao vậy? Vì nhờ đó, chúng ta sẽ có sức mạnh và lòng nhiệt huyết khi chúng ta hướng đến chiều dọc của cây Thánh Giá, tức hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự. Nơi Ngài, chúng ta những người Loan báo Tin Mừng sẽ kín múc được nhiều ân sủng, nhựa sống, tình yêu, nguồn bình an nhằm đủ sức, đủ tâm, đủ tài, đủ lửa nhiệt huyết, đủ tình yêu quảng đại, đủ hy sinh phục vụ, đủ vâng phục, đủ khiêm tốn,…để trao ban và rắc gieo cho nhiều người nơi môi trường sống thường ngày chúng ta, là chiều ngang của cây Thánh Giá.

Tuy nhiên, nơi Thánh Giá Chúa Giê-su, Ki-tô, chúng ta được hướng dẫn và nhắc nhở rằng làm sao Loan báo Tin Mừng trong khi chúng ta sống khô khan-nguội lạnh, thiếu đời sống gắn chặt với Thiên Chúa? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu mỗi người luôn mang bộ mặt buồn thảm và khó chịu? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu chúng ta cứ thích ở lại trong sự tự tôn-tự kiêu-tự hào-tự khép mình, mà không chịu tập sống khiêm tốn để dấn thân ra đi giới thiệu niềm vui Tin Mừng? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu mỗi người môn đệ của Chúa luôn sống trong tâm trạng hận thù-ghen ghét, nóng giận, la lối, ác độc, hiềm khích, nói hành nói xấu,…? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu môn đệ của Chúa không trung thành-trung tín trong đời sống bổn phận cũng như trong bậc sống của mình?...

Chính vì thế, nơi Thánh Giá, trường học Loan báo Tin Mừng, mỗi kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa để biết hy sinh hãm mình trong mọi việc dầu có khó khăn gian nan, để biết chấp nhận mọi cái thử thách trái với ý riêng của mình, để biết yêu thương dẫu bị phản bội và đối xử bất công, để biết tha thứ dẫu bị hiểu nhầm hay bị hận thù và ngay cả giết chết. Qua cách sống học từ cây Thánh Giá, với sự nỗ lực của bản thân cùng với Ơn Chúa ban, chúng ta dần dần trở thành những cây thơm cỏ ngọt luôn lan tỏa hương hoa cho môi trường sống chung quanh, nhất là cho những người chưa cùng niềm tin với chúng ta. Qua Thánh Giá và nỗ lực sống đúng như vậy, mỗi kitô hữu sẽ trở nên những gương sống-gương sáng nhằm thu hút cũng như cảm hóa được nhiều người mọi nơi mọi lúc, nhất là anh chị đồng bào chưa cùng niềm tin.

Thật vậy, trường học Thánh Giá đã mở ra với nhiều bài học thuận lợi cho việc Loan Báo Tin Mừng, nhưng tự sức con người chúng ta vốn mỏng giòn-yếu đuối rất khó để có thể lĩnh hội hoặc chiếm hữu tất cả nếu thực sự thiếu sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là Đấng Chủ Lực trong việc Loan Báo Tin Mừng. Chúng ta khiêm tốn nhận ra sự bất lực-bất xứng của bản thân để mau chóng chạy đến van xin sự thánh hóa, hướng dẫn và bảo trợ của Ngài, nhất là ơn khôn ngoan và sức mạnh để chúng ta biết sống đơn sơ như bồ câu và khôn ngoan như con rắn (x.Mt 10,16) nơi môi trường đẫy dẫy những giằng bẫy của thế gian.

Chúng ta vừa cùng nhau nêu ra một vài bài học trên đây từ cây Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô, mong ước rằng mỗi chúng ta sẽ nắm được phần nào cho đời sống tâm linh của mình và nhờ đó, chúng ta dễ dàng được thôi thúc ra đi để mang nhiều niềm vui và sự bình an của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận mà trao ban cho mọi người ở mọi nơi. Từ bài học Cây Thánh Giá Chúa, chúng ta cũng mau chóng cất lên quyết tâm như thánh Phaolô Tông đồ xưa “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14)” và “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1 Cr 9,16).

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Thắp sáng Sứ điệp Tình thương
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
22:59 30/03/2021
LỄ PHỤC SINH 2021
THẮP SÁNG SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG

Đêm canh thức Vượt qua khởi sự bằng nghi thức thắp sáng nến Phục sinh và ba lần chủ tế vừa giơ cao nến sáng vừa tung hô: "Ánh sáng Chúa Kitô". Đó là ánh sáng những ngọn nến nhấp nhô giữa trời đêm.

Với phụng vụ, ánh sáng ấy biểu trưng cho điều mà chủ tế tuyên xưng: "Ánh sáng Chúa Kitô". Vì thế, ánh sáng trong đêm gọi về ý nghĩa thiêng liêng và thánh thiện: Chúa Kitô chiếu giãi Ánh Phục sinh giữa những đêm tối trần gian.

Những đêm tối ấy chính là bóng tối trong đời mà thế giới và từng người có thể đang đối mặt. Nó là tội lỗi, là cám dỗ, hoặc những khổ đau, những lúc thiếu vắng niềm tin, bị chao đảo, bị mất phương hướng.

Đêm tối ấy còn là những nghi kỵ mà những người thân trong gia đình dành cho nhau. Vợ chồng không đủ niềm tin vào nhau, gia đình ly tán.

Bóng đêm như ập xuống cuộc đời mỗi người khi bị tấn công bởi những thất bại, bởi chạm phải sự nham hiểm của lòng người, hay mất mát trong việc làm ăn, lúc bệnh tật, lúc rơi vào hoàn cảnh bi đát mà không còn chỗ nương tựa...

Ngay lúc này, dù ơn Phục sinh đã soi rọi, dịch tễ vẫn như vũ bão, tàn sát cơ man đồng loại của mình. Người chết, chết trong đơn độc, trong tủi phận.

Nhiều quốc gia, bệnh nhân tăng đến nỗi không kịp chữa trị, đành chọn lựa những ưu tiên về sức khỏe, tuổi tác và cơ may sống sót cao hơn...

Hơn một năm, đại dịch toàn cầu đã khiến nhân loại phải chứng kiến nhiều bi thương. Trong đó, người thân còn sống thậm chí không thể chứng kiến người thân chết. Họ biết người thân chết mà không biết làm sao cứu chữa...

Bóng đêm của đại dịch khắc sâu vết hằn không dễ xóa trong lịch sử nhân loại. Bóng đêm đau đớn. Bóng đêm không gồm những giọt sương nhưng ngập tràn nước mắt. Bóng đêm ghê rợn. Bóng đêm mang đầy nỗi chết chóc...

Bóng đêm dày đặc. Nó khiến bao nhiêu người hoang mang, nghi nan, nao núng, mất niềm tin vào cuộc sống, mất đức tin vào Đấng mình tôn thờ.

Với bản thân, trải qua quá nhiều đêm tối trong đời mình, trong đời những người thân và của biết bao sinh linh mà mình chứng kiến, cũng như chính trận dịch thiên niên kỷ, tôi càng thâm tín: Ánh Phục sinh được công bố giữa thực tại của đời sống phủ đầy bóng đêm, càng khiến niềm tin Phục sinh thật ý nghĩa.

Dù đi giữa đường hầm, vẫn có đó Ánh sáng. Bên trên đường hầm, Ánh Phục sinh chan chứa thắp đầy ủi an, hy vọng, tình yêu, lẽ sống, ý nghĩa sống...

Bởi đó chính là "Ánh sáng Chúa Kitô". Vì thế, đang khi mừng lễ Phục sinh, mừng mùa Phục sinh, tôi thấy mầu nhiệm Phục sinh đang vượt thắng, đang soi rọi từng ngõ ngách của thế giới này.

Có một đáng tiếc: Tôi từng nghe những nói về "thế giới Kitô giáo" (châu Âu), không phải cảm thông nhưng cười cợt giữa lúc dịch hoành hành dữ dội...

Với cái nhìn của loài người, hôm nay người này có thể tự đắc vì chiến thắng của bản thân, người kia có thể đang lầm lủi bước đi.

Nhưng với đức tin Kitô của mình, tôi muốn trưng cho mọi người, và nếu có thể, nói với cả loài người rằng, chúng ta đang giáp mặt cùng đêm tối dày đặc. Chúng ta đang trải qua đau thương của lịch sử cứu độ mà người Dothái - dân riêng của Thiên Chúa - xưa phải đối diện: hết nô lệ đến lưu đày; hết lưu đày này đến lưu đày khác; tất cả những thứ thiêng liêng nhất: tôn giáo, quốc gia, dân tộc, lịch sử, văn hóa, luật pháp của riêng mình... đều bị cáo chung.

Cho nên quá ý nghĩa, khi giữa bóng đêm mà chúng ta mừng lễ Phục sinh; giữa bóng đêm mà chúng ta thắp sáng nến Phục sinh; giữa trời đêm dày đặc, chúng ta tuyên xưng Chúa sống lại. Giữa bóng đêm, niềm tin chúng ta không giảm mà như tăng cao...

Đường hy vọng ở phía trước. Dân Dothái khi đi trong bóng tối đã không nhìn thấy bất cứ điều gì. Nhưng sau khi mọi sự đã đi qua, họ mới nhận ra, bàn tay Chúa dẫn đưa quá diệu kỳ.

Có những lúc, Chúa phải đánh đòn chúng ta, Chúa phải giáo dục chúng ta. Chúa phải dùng ngọn roi thật đau, thật thấm thía để lôi chúng ta về phía Chúa.

Nếu bây giờ, ai đứng ngoài nhìn vào những quốc gia có truyền thống Kitô - lại có quá nhiều người ngã xuống, nhiều người còn lại thì đau khổ, gục ngã - lại mỉa mai họ bị đày đọa, thì đó là cái nhìn của con người, cái nhìn nông nổi.

Cái nhìn vô cảm ấy đúng hay sai, tôi không xét đoán. Chỉ xin ghi nhớ: Mỗi người có một thân phận. Thân phận từng người không do mình nắm số mệnh. Ai cũng tin, số mệnh của đời người do một Đấng quyền năng khác nắm giữ.

Đứng trước những hoàn cảnh đau thương, tê tái, là người đúng nghĩa thì không phải dùng những lời sát phạt, đả kích, gièm pha để tuôn ra trong lúc này.

Nếu là người đúng nghĩa, chúng ta sẽ có ánh nhìn cảm thông, có đôi mắt ứa lệ cùng, có sự sớt chia, thương cảm.

Xin Chúa ban cho những ai đang lâm hoàn cảnh khổ đau, những gia đình, những phận người đang bị bóng đêm đè bẹp được nhìn thấy Ánh sáng Phục sinh là chính Chúa Kitô chiến thắng mà Hội Thánh đang công bố.

Xin Chúa ban cho từng người niềm hy vọng, để giữa cõi đời, nếu còn đó ngọn roi Chúa giáo dục, sẽ bám vào Chúa, tin tưởng Chúa nhiều hơn.

Đặc biệt, những ngày ôn dịch đen tối, từng người vững vàng trong Ánh sáng Phục sinh của Đấng Toàn Năng, để cùng phục sinh vinh hiển với Chúa.



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm người kế vị Đức Hồng Y Tagle tại tổng giáo phận Manila
Đặng Tự Do
15:28 30/03/2021


Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Jose Fuerte Advincula làm tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, kế vị Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra thông báo được chờ đợi từ lâu, vào ngày 25 tháng Ba, Lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ.

Đức Hồng Y Advincula, hiện là Tổng Giám Mục của Capiz, miền trung Phi Luật Tân, đã được tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái 2020.

Vị Hồng Y sẽ sang tuổi 69 vào ngày 30 tháng 3, tiếp quản quyền lãnh đạo tổng giáo phận Manila từ Đức Hồng Y Tagle, người được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vào ngày 8 tháng 12 năm 2019.

Đức Hồng Y Tagle đến Rome vào tháng 2 năm 2020 sau khi làm tổng giám mục Manila từ năm 2011. Đức Cha Broderick Pabillo, một Giám Mục Phụ Tá ở Manila, đã được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa trong thời gian Đức Giáo Hoàng xem xét ai sẽ là tổng giám mục tiếp theo.

Việc bổ nhiệm này khiến Đức Hồng Y Advincula trở thành nhà lãnh đạo Giáo hội nổi bật nhất ở Phi Luật Tân, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Mễ Tây Cơ. Khoảng 85% trong số 110 triệu người Phi Luật Tân là người Công Giáo đã được rửa tội.

Vị Hồng Y sẽ chăn dắt một tổng giáo phận với khoảng 2.5 triệu người Công Giáo, lớn hơn đáng kể so với tổng giáo phận Capiz, nơi có khoảng 800,000 người Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y ở lại Syria nói thời gian không còn nhiều để phục hồi sau 10 năm chiến tranh
Đặng Tự Do
15:29 30/03/2021


Một vị Hồng Y người Ý đã ở lại Syria trong suốt thời gian cuộc nội chiến kéo dài 10 năm đã nói rằng ngài lo ngại “thời gian không còn nhiều” để tái thiết đất nước khi quốc gia này rơi vào cảnh nghèo đói sâu sắc hơn.

Đức Hồng Y Mario Zenari đã cư trú tại Damascus với tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lần đầu tiên nổ ra trên các đường phố của nước này vào tháng 3 năm 2011. Ngài đã ở bên trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô của Syria khi tòa nhà này bị phiến quân pháo kích, đe dọa tính mạng của ngài vào năm 2013. Và trong năm qua, ngài đã liên tục vận động cho nhu cầu nhân đạo của 11 triệu người Syria, những người mà ngài cho rằng đã phải hứng chịu “quả bom đói nghèo” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp coronavirus.

Đức Hồng Y Zenari cho biết: “Hòa bình, tôi nhắc lại, sẽ không đến với Syria nếu không tái thiết và không phục hồi kinh tế.”

“Nhưng người Syria sẽ phải đợi bao lâu? Thời gian không còn nhiều. Nhiều người đã mất hy vọng. Cần có những giải pháp cấp bách và căn cơ”.

Đức Hồng Y đã phát biểu qua Zoom từ Damascus tại một sự kiện ảo do tổ chức bác ái Công Giáo Caritas Internationalis tổ chức.

Đức Hồng Y Zenari nói rằng “bế tắc chính trị hiện tại” giữa các bên trong cuộc xung đột Syria phải được khắc phục thông qua “các bước hỗ tương và thiện chí, từng bước từ chính phủ Syria, phe đối lập và các bên tham gia quan trọng từ bên ngoài”.

“Tiến trình hòa bình trong thời điểm này bị bế tắc hoàn toàn. Ngược lại, sự nghèo khổ đang chuyển động về phía trước rất nhanh”, ngài nói.

Đức Hồng Y Zenari cho biết, khoảng 90% dân số Syria đang sống dưới mức nghèo khổ, trích dẫn số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc và lưu ý rằng đây là “tỷ lệ cao nhất trên thế giới”.

Ngân hàng Thế giới ước tính nước này đã phải chịu thiệt hại về cơ sở hạ tầng trị giá ít nhất 197 tỷ Mỹ Kim trong cuộc xung đột.

Khi Đức Hồng Y Zenari lần đầu tiên đến Syria với tư cách là Sứ thần Tòa thánh vào năm 2008, nền kinh tế của đất nước đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 4% mỗi năm.
Source:Catholic News Agency
 
Gia đình Công Giáo Ba Lan, bị Đức quốc xã giết hại vì giúp đỡ người Do Thái, đang trên con đường tuyên Chân phước
Đặng Tự Do
15:30 30/03/2021


Sáng sớm ngày 24 tháng 3 năm 1944, một đội tuần tra của Đức Quốc xã đã bao vây ngôi nhà của Józef và Wiktoria Ulma ở ngoại ô làng Markowa ở đông nam Ba Lan. Họ phát hiện ra tám người Do Thái đã tìm nơi ẩn náu với cặp vợ chồng và hành quyết họ.

Cảnh sát Đức Quốc xã sau đó đã giết chết Wiktoria, 32 tuổi, đang mang thai, và người chồng 44 tuổi của cô. Khi những đứa con của hai vợ chồng bắt đầu la hét khi chứng kiến cảnh cha mẹ bị sát hại, Đức quốc xã cũng bắn chết họ: Stanisława, 8 tuổi, Barbara, 7 tuổi, Władysław, 6 tuổi, Franciszek, 4 tuổi, Antoni, 3 tuổi và Maria, 2 tuổi.

Người ta cho rằng Wiktoria đã chuyển dạ trong vụ thảm sát vì một nhân chứng sau đó nói rằng anh ta nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh bên cạnh thi thể của cô.

Bây giờ, 77 năm sau, án phong thánh cho Józef và Wiktoria - được người Ba Lan gọi là “Những người Samaritanô nhân hậu của làng Markowa” - đang tiến triển.

Người Công Giáo Ba Lan đánh dấu ngày kỷ niệm họ qua đời trong một thánh lễ buổi sáng tại giáo xứ Thánh Dorothy ở Markowa, thuộc tổng giáo phận Przemyśl. Đức Tổng Giám Mục Adam Szal của Przemyśl chủ sự thánh lễ.

Buổi lễ cũng trùng vào Ngày Quốc gia tưởng nhớ những người Ba Lan giải cứu người Do Thái dưới sự chiếm đóng của Đức.

Vị tổng giám mục bày tỏ sự vui mừng trước sự tiến bộ trong án tuyên thánh của cặp vợ chồng này, là những người hiện được gọi là Tôi tớ của Chúa, một danh hiệu được sử dụng khi bắt đầu tiến trình tuyên thánh.

“Chúng ta cảm ơn tấm gương về cuộc sống của gia đình Ulma. Món quà sự sống của họ là một dấu chỉ cho chúng ta rằng đôi khi chúng ta phải hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.”

Trong bài giảng của mình, Cha Witold Burda, cáo thỉnh viên án tuyên thánh, ca ngợi Józef và Wiktoria là mẫu gương cho các tín hữu Kitô.

“Gia đình Ulma luôn đặt luật Chúa lên trên hết trong cuộc sống hàng ngày,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency
 
Vì đại dịch coronavirus Đền Thờ Thánh Phêrô không được trang trí hoa, nhưng Hà Lan sẽ tặng hoa hồng cho Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
15:36 30/03/2021




Theo một truyền thống bắt đầu từ năm 1985, nhờ ông Nic van der Voort nhân dịp phong chân phước cho Thánh Titus Bransma, ngày nay được em của ông là Charles van der Voort tiếp tục, hàng năm thềm Đền Thờ Thánh Phêrô được trang hoàng bởi 30 công ty sản xuất hoa tại Hà Lan với 2, 500 bông hồng Avanlanche, 6,000 hoa huệ đủ mầu và 8,000 hoa huệ vàng, thêm 1,200 hoa tulip đỏ, vàng, cam, trắng, hồng và tím, 2,500 hoa jacinthe thơm ngào ngạt, rhododendron, hoa mận, acer, forsithia vàng, strelizia, magnolia, delphinum trắng, xanh, hồng, nâu, và các hoa đặc biệt khác như hoa eliconia mầu da cam... Và tại ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô có những hoa lan trắng mảnh mai.

Ông Charles van der Voort cho biết hàng năm có những xe vận tải chở hoa đã chạy suốt 24 tiếng từ Thứ Hai Tuần Thánh để cho sự phục sinh của Chúa được thể hiện huy hoàng với cơ man những hương thơm ngào ngạt, và biết bao mầu sắc và hình thể chung quanh bàn thờ.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp, các bậc thềm của Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma vào lễ Phục sinh không được trang điểm bằng hoa Hà Lan, vì các tín hữu không được phép tụ tập trong buổi ban phép lành Phục sinh và đọc sứ điệp Urbi et Orbi truyền thống. Tuy nhiên, nhà thiết kế hoa Paul Deckers từ Posterholt, là người phụ tách chính trong việc sắp xếp các hoa Hà Lan trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô từ năm 2015, vừa thông báo rằng một chuyến vận chuyển hàng nghìn bông hoa hồng sang Rôma sẽ khởi hành vào thứ Hai Tuần Thánh. Họ dự kiến sẽ có mặt tại thủ đô của Ý vào thứ Năm Tuần Thánh.

Trước khi lên đường, những bông hồng Avalanche đã được Đức Cha Hans van den Hende, Giám Mục Rotterdam chúc phúc.

Theo Deckers, những bông hồng không chỉ dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà còn dành cho những người già trong các trung tâm chăm sóc và cư trú ở Rôma như một dấu hiệu của hy vọng. Hoa hồng Avalanche là loại hoa hồng lớn, có thân dài và ít gai. Theo Deckers, chúng tượng trưng cho hy vọng, sự thuần khiết, sức mạnh, sự kết nối, sự đơn giản và lòng thương xót. Những người bán hoa ở Hà Lan cũng đã tặng 20,000 bông hồng vào lễ Phục sinh năm ngoái. Nhưng sau đó chúng được dành cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hà Lan.

Deckers nói: “Tôi biết Đức Giáo Hoàng rất thích hoa hồng Avalanche. Chúng tôi gửi tặng ngài những hoa hồng bốn màu. Chúng tượng trưng cho cuộc sống mới, và mùa xuân”.
Source:Kerk Net
 
Tại sao Đức Tổng Giám Mục Paris giải thể Giáo xứ St. Merry?
Đặng Tự Do
15:36 30/03/2021


Một trung tâm mục vụ thử nghiệm ở trung tâm thủ đô nước Pháp đã bị đóng cửa vào ngày 1 tháng 3 theo chỉ thị của Đức Tổng Giám Mục Paris.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã công bố quyết định đóng cửa Trung tâm Mục vụ Saint-Merry, trong khu vực Beaubourg-Les Halles, trong một lá thư gửi cộng đồng này vào ngày 7 tháng Hai.

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, quyết định này, đang được bàn tán xôn xao trên các phương tiện truyền thông ở Pháp, không phải là một quyết định một sớm một chiều, nhưng thực ra là kết quả của nhiều năm căng thẳng giữa một số giáo dân của giáo xứ và ba linh mục cuối cùng của giáo xứ này.

Trung tâm mục vụ này đã được thành lập vào năm 1975 bởi Đức Hồng Y François Marty, tổng giám mục lúc bấy giờ của Paris. Sau Công đồng Vatican II, trung tâm này được dự định là nơi để “phát minh ra những phương thức mới cho Giáo hội ngày mai”. Nó nhanh chóng trở thành điểm nóng của trào lưu Công Giáo cấp tiến.

Các hoạt động trong nhà thờ Gothic thế kỷ 16 được giám sát bởi cả các linh mục và anh chị em giáo dân, là những người có thể đưa ra các quyết định liên quan đến phụng vụ và thuyết giảng trong các thánh lễ Chúa Nhật.

Nhà thần học người Tây Ban Nha José Arregi đã mô tả trung tâm này là “một nhà thờ mở, nơi không đặt thành vấn đề những chuyện như giấy tờ hợp pháp, tôn giáo, giáo lý chính thống, khuynh hướng tình dục, hay bản sắc giới tính”. Nói cụ thể là như thế này: cái gọi là Hội Đồng Giáo Xứ gồm khoảng 20 người có đầu óc cấp tiến rất cực đoan. Trong video này, quý vị và anh chị em có thể thấy 20 giáo dân này mời các nhà sư, các đạo trưởng Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, và các thầy rabbi Do Thái Giáo đến thuyết pháp. Họ tự hào là những người Công Giáo cởi mở, có khả năng tinh thông các khái niệm Phật Pháp như Niết Bàn, thuyết Luân Hồi, Nghiệp Chướng, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, có khả năng giải thích các surah của Kinh Koran vân vân và vân vân. Họ bị tẩu hỏa nhập ma với các đạo lý trái ngược và mâu thuẫn gay gắt với nhau.

Để đáp lại bức thư của Đức Tổng Giám Mục Aupetit, các thành viên giáo dân của cộng đồng này đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến, đã thu được khoảng 12,000 chữ ký, kêu gọi Đức Tổng Giám Mục tiếp tục đối thoại và để cho họ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của mình.

Karine Dalle, người phát ngôn của tổng giáo phận, nói với CNA rằng quyết định này không liên quan đến tính chất mục vụ của trung tâm, mà là do sự thái quá nghiêm trọng tại giáo xứ có từ nhiều năm trước.

Cô nói rằng hai cha sở cuối cùng của giáo xứ Saint-Merry – là Cha Daniel Duigou, là Cha sở từ 2015 đến 2019, và Cha Alexandre Denis từ 2019 đến 2020 - đã phải xin từ chức vì các ngài không thể thiết lập được một cuộc đối thoại với các nhân vật chủ chốt tại trung tâm mục vụ. Người tiền nhiệm của các vị, là Cha Jacques Mérienne, cũng phải từ chức sau chín năm lãnh đạo giáo xứ trong bối cảnh khó khăn vào cuối nhiệm kỳ của ngài.

Người phát ngôn của tổng giáo phận Paris giải thích rằng Đức Tổng Giám Mục quyết định thu hồi vị thế đặc biệt của Saint-Merry sau khi Cha Denis đã ra đi cách đây vài tháng trong tình trạng suy nhược tâm thần trầm trọng vì bị các giáo dân tẩu hỏa nhập ma này đàn áp.

Cô Dalle nói: “Sự hợp tác giữa các linh mục và giáo dân không còn nữa, và Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã đưa ra một quyết định có trách nhiệm khi đối mặt với tình huống vô vọng khi các linh mục của ngài lần lượt đổ bệnh”.

Trong lá thư ngày 7 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Aupetit tố cáo “sự gian ác, thiếu đức bác ái và ý chí hủy diệt” mà ngài cáo buộc Hội Đồng Giáo Xứ đã thể hiện với các mục tử liên tiếp của họ.

Đức Tổng Giám Mục cho biết sau khi Cha Duigou quyết định ra đi, ngài đã cử Đức Ông Benoist de Sinety, là cha tổng đại diện của tổng giáo phận Paris đến coi sóc tạm thời. Đức Ông tường trình với ngài rằng một nhóm nhỏ trong Hội Đồng Giáo Xứ “đã ngăn chặn bất kỳ quá trình thảo luận tự do nào” và “ tạo ra một bầu không khí trong đó đức bác ái dường như bị lãng quên hoàn toàn”.

Ba linh mục cuối cùng không phải là các linh mục có khuynh hướng bảo thủ. Nói như thế vẫn chưa đúng. Các vị thực ra được biết đến với các quan điểm rất cấp tiến của họ. Đặc biệt, Cha Duigou đã khai thác các tính năng thử nghiệm tại Saint-Merry và hình thức quản trị của nó, thậm chí còn đề cao nó, và đã từng có ý muốn nhân rộng “điển hình tiên tiến” này một cách đại trà trong toàn thể Giáo Hội trong một cuốn sách năm 2018 có tựa đề “Lettre ouverte d'un curé au Pape François”, nghĩa là “Thư ngỏ của một mục tử gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Theo một nguồn thạo tin bên trong giáo xứ, bầu khí độc hại bên trong giáo xứ này là do một thành phần cứng rắn của cộng đồng - khoảng 20 người, chủ yếu là những người trên 70 tuổi. Họ là những người “bất khoan dung” và có “tâm lý bè phái” đã làm cho nhiều giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, đã bỏ đi giáo xứ khác, thậm chí bỏ đạo.

Nguồn tin nói với CNA: “Những người này đều ở độ tuổi 20 vào năm 1968, là thời kỳ bất ổn dân sự ở Paris, và họ đã cùng nhau định hình cộng đồng này bằng một trực giác ban đầu đẹp đẽ. Nhưng rồi họ cùng nhau già đi với những cố chấp của riêng mình, mà không bao giờ đổi mới bản thân hoặc chào đón những người mới, cắt đứt bản thân khỏi thực tế”.

“Những người trẻ chạy trốn vì những đề nghị của họ bị từ chối một cách có hệ thống và họ không nhận ra đức tin của mình trong một môi trường xa lạ như vậy”.

Nguồn tin nói rằng sự hung hăng của nhóm chủ yếu nhắm vào các linh mục của họ, những người mà họ coi là những nhân vật có thẩm quyền nhưng không được họ hoan nghênh.

“Các linh mục này không phải là người tranh cãi với họ, nhưng chính thẩm quyền của các ngài là vấn đề. Họ từ chối chính thẩm quyền này và họ muốn vị linh mục phải im lặng để mặc cho họ muốn làm gì thì làm”, nguồn tin bình luận.

“Trong các cuộc họp mục vụ, họ chống lại ý kiến và quan điểm của các linh mục một cách có hệ thống. Họ nghĩ rằng họ là những người duy nhất hiểu Giáo hội ngày nay phải như thế nào nhưng chính họ lại không có khả năng tự vấn lương tâm”.

CNA đã hỏi những giáo dân liên quan về những cáo buộc này, nhưng họ đã từ chối không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Monde của Pháp, Guy Aurenche, một thành viên lâu năm của nhóm mục vụ, đã tố cáo “tính thẳng thừng trong quyết định đơn phương và tàn bạo” của tổng giáo phận Paris, nhưng lưu ý rằng vị linh mục cuối cùng “có thể đã bị họ thách thức một cách quá quyết liệt”.

Aurenche gợi ý rằng quyết định đóng cửa trung tâm có thể được thúc đẩy bởi sự thù địch của tổng giáo phận đối với một nơi “chào đón vô điều kiện các Kitô hữu đồng tính luyến ái và những người ly hôn và tái hôn dân sự, sự tham gia của nam giới và phụ nữ trong việc chuẩn bị phụng vụ và chính sách đồng -trách nhiệm của giáo dân và linh mục”.

Tuy nhiên, lời buộc tội này đã bị tổng giáo phận phủ nhận một cách mạnh mẽ, Cô Dalle cho rằng nếu đúng như vậy thì Đức Tổng Giám Mục có thể đã kết thúc cuộc thử nghiệm này từ lâu rồi.

“Chúng tôi biết rằng, đằng sau tất cả những điều này, có những người chân thành đã từng đến nhà thờ đó thường xuyên và không hiểu quyết định của Đức Tổng Giám Mục vì họ không phải là thành viên trung tâm của Hội Đồng Giáo Xứ và không trải nghiệm các phương pháp quản trị từ bên trong”, Dalle nói với CNA.

Mặc dù không loại trừ khả năng giáo phận có thể cho phép các thí nghiệm mục vụ tương tự trong tương lai, nhưng cô nói rằng họ không thể theo mô hình của Saint-Merry, trong đó người ta bác bỏ chính thể chế cũng như nền tảng của Giáo hội.

Bất chấp phán quyết của Đức Tổng Giám Mục, các cựu lãnh đạo của Hội Đồng Giáo Xứ đang tìm cách thiết lập lại cộng đồng. Gần đây họ đã ra mắt trang web Saint-Merri-Hors-les-Murs, nghĩa là giáo xứ Thánh Merry Ngoại Thành, sau khi giáo phận giành lại quyền kiểm soát trang web chính thức của giáo xứ. Họ có ý định “thành lập các tổ chức tư vấn và hướng tới tương lai của nhà thờ riêng của họ”.
Source:Catholic News Agency
 
Những cách thức để nhận được Ơn Toàn Xá trong Tuần Thánh
Đặng Tự Do
15:48 30/03/2021
Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.

Ơn Toàn Xá áp dụng cho những tội lỗi đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong Tuần Thánh cho chính mình hoặc cho một người đã qua đời nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong những công việc sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định. Cứ mỗi lần thực hiện một trong những công việc này thì được một Ơn Toàn Xá.

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh

a. Sau khi Mình Thánh Chúa được kiệu sang một bàn thờ phụ sau Thánh Lễ Tiệc Ly, Ơn Toàn Xá được ban cho những ai đọc hay hát bài thánh ca Thánh Thể “Tantum Ergo”.

Tiếng Latinh:

1. Tantum ergo Sacramentum
Veneremur cernui:
Et antiquum documentum
Novo cedat ritui:
Praestet fides supplementum
Sensuum defectui.

2. Genitori, Genitoque
Laus et iubilatio,
Salus, honor, virtus quoque
Sit et benedictio:
Procedenti ab utroque
Compar sit laudatio.
Amen.

1. Nào ta hãy sấp mình thờ lạy,
Trước bí tích cực trọng này.
Nghi lễ cũ nhường nghi lễ mới
Thông ban tràn đầy ân sủng.
Đức tin sẽ dạy ta biết Đức Kitô
hiện diện,
Khi giác quan con người không
cảm thấy gì.

2. Dâng về Chúa Cha trường tồn,
Cùng Chúa Con, Đấng giải thoát,
Cùng Chúa Thánh Thần, Đấng
phát sinh từ Thiên Chúa
Ơn cứu độ, danh dự, phép lành,
Sức mạnh và quyền năng vô tận
Là của Ba Ngôi muôn đời.
Amen.

b. Ơn Toàn Xá cũng được ban cho những ai chầu Mình Thánh Chúa trong nửa giờ.

Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

a. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tôn kính Thánh Giá trong Phụng Vụ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa.

b. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai sốt mến đi Đàng Thánh Giá.

Trong Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh

a. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham dự việc lần chuỗi Mân Côi từ hai người trở lên.

b. Ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham dự việc cử hành Canh thức Phục sinh vào ban đêm và lặp lại các lời hứa khi rửa tội, là một phần của phụng vụ trong Thánh lễ đó.

Trong Chúa Nhật Phục Sinh

Ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu tham dự buổi đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới (Urbi et Oebi) bằng cách hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô hay theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.
Source:Catholic News Agency
 
Ý tưởng kỳ quái: Hãng Rapper Lil Nas X sản xuất Giày Satan đã dấy nên một luồng chống đối nơi những người theo đạo Thiên Chúa giáo bảo thủ.
Thanh Quảng sdb
16:33 30/03/2021
Ý tưởng kỳ quái: Hãng Rapper Lil Nas X sản xuất "Giày Satan" đã dấy nên một luồng chống đối nơi những người theo đạo Thiên Chúa giáo bảo thủ.

(Church Pop 29/3/2021)

Đôi giày Nike Air Max có chứa một giọt máu người, trong một ngôi sao năm cánh và trích câu Phúc âm Luca 10:18 lời Chúa Giê su phán: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như cơn sét!”. Đôi giày này giá bán ra là $ 1,018 đô một đôi và được bán hết trong vòng chưa đầy một phút.

Hãng Rapper đã sản xuất 666 đôi, mỗi đôi đều có số riêng biệt. Bao bì hộp đựng có in đầy hình ảnh satan và được quảng cáo trên trang web có ghi chú cả bản văn Kinh thánh Công Giáo.

Tuy thế, hãng Nike nói với các thông tấn xã tin tức rằng họ không can dự gì vào việc sản xuất này. Hãng đã đệ đơn kiện hãng Lil Nas X và MSCHF, những người làm ra các sản phẩm này.

Đơn kiện hãng Rapper và MSCHF vì đã sản xuất những đôi giày này "mà không có sự chấp thuận hoặc phép của Công ty Nike và Nike không có liên hệ gì với việc sản xuất này."

Giầy được quảng cáo như sau:

- Giầy Satan - Hiệu MSCHF x Lil Nas X

- Mẫu Nike Air Max '97

- Chứa 60cc mực và 1 giọt máu người

- Chỉ sản xuất 666 đôi

- Mỗi đôi đều được đánh số riêng

- Giá mỗi đôi $ 1,018

- Ngày sản xuất 29 tháng 3 năm 2021
 
Hơn 500 người biểu tình ôn hòa đã bị quân đội đảo chánh Myanmar giết chết!
Thanh Quảng sdb
17:50 30/03/2021
Hơn 500 người biểu tình ôn hòa đã bị quân đội đảo chánh Myanmar giết chết!

Các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án mạnh mẽ các tướng lãnh của cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, giết chết hơn 500 người dân vô tội biểu tình ôn hòa đòi tôn trọng một chính phủ dân sự hợp hiến!

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Hơn 500 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong các cuộc đàn áp tàn nhẫn của quân đội đối với những người biểu tình ôn hòa kể từ ngày 1 tháng 2 do quân đội đảo chánh chính phủ dân sự được bầu ra và do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Tính đến ngày 29 tháng 3, 510 người được xác nhận là đã thiệt mạng vì bị lực lượng an ninh quân đội giết hại, trong số đó có “Trẻ em, sinh viên, thanh niên và thường dân bị thiệt mạng vì biểu tình ôn hòa chống lại cuộc đảo chính của quân đội!” Thông tấn xã AAPP cho biết con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Các cuộc đột kích, bắt giữ, giam giữ, trát bắt và đe dọa vẫn tiếp tục không ngừng...

Các cuộc biểu tình hàng ngày trên khắp Myanmar của những người biểu tình không vũ trang đã phải đối diện với hơi cay, đạn cao su và đạn thật. Trong số 14 thường dân thiệt mạng hôm thứ Hai, AAPP cho biết ít nhất 8 người ở quận Dagon của thủ đô Yangon, một thành phố đông dân nhất. Thông tấn xã AAPP cho hay các lực lượng an ninh trong khu vực đã bắn một loại vũ khí nặng hơn bình thường vào những người biểu tình đang trú ẩn sau hàng rào bao cát...

Truyền hình nhà nước cho biết lực lượng an ninh đã xử dụng "vũ khí chống bạo động" để giải tán đám đông mà họ mô tả là "những kẻ khủng bố bạo lực". Một người dân địa phương cho biết lực lượng an ninh đã trấn áp khu vực này cả đêm lẫn ngày, khiến cho có thêm người tử vong. Người dân đã chứng kiến quân đội chở một thi thể bị bỏng nặng trên đường phố vào buổi sáng.

Vào thứ Bảy, khi quân đội đánh dấu Ngày Lực lượng Vũ trang hàng năm với cuộc diễu hành và biểu dương sức mạnh quân sự đã dẫn đến một trong những cuộc tắm máu tồi tệ nhất mà nội trong ngày có ít nhất 107 người thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em.

Lên án

Khi số thường dân thiệt mạng vượt qua con số 500 người, các cường quốc trên thế giới đã mạnh mẽ lên án sự tàn nhẫn của quân đội chống lại phong trào khôi phục dân chủ và đòi trả tự do cho bà Suu Kyi.

Washington đã đình chỉ một hiệp định thương mại với Myanmar và Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres kêu gọi một mặt trận toàn cầu để gây áp lực lên chính quyền quân đội sau khi hơn 100 người biểu tình thiệt mạng trong một vụ đàn áp đẫm máu vào cuối tuần qua.

Ông Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc bạo lực chống lại người dân vô tội như vậy, khiến nhiều người thiệt mạng”. Ông nói: “Chúng ta cần đoàn kết và đồng lòng lên án để gây áp lực nhằm đảm bảo rằng tình hình một chính phủ dân sự hợp hiến phải được phục hồi.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào thứ Tư (31/3/2021) để thảo luận về tình hình tại Myanmar.

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Hai đã thông báo rằng Hiệp định Thương mại và Đầu tư được ký kết vào năm 2013, sẽ bị đình hoãn cho đến khi nền dân chủ được phục hồi...

Bãi rác

Một chiến dịch chống lại sự cai trị của quân đội đang làm tê liệt nền kinh tế quốc gia, kêu gọi dân chúng đình công việc thu rác và hãy vứt rác ra vùng Kyeemyindaing, phía tây Yangon. "Cuộc đình không hốt rác này nhằm mục đích phản đối chính quyền! và chiến dịch này được mọi người tham gia." Những hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy những đống rác chồng chất trong thành phố.

Thái Lan đẩy người tị nạn về lại Myanmar

Các nhóm nhân đạo hôm thứ Hai cáo buộc Thái Lan đã đẩy hàng nghìn người đã chạy trốn trước những đàn áp của quân đội Myanmar. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm thứ Ba đã bác bỏ cáo buộc này, ông cho rằng dân chúng tự nguyện trở về nhà. Tuy nhiên, ông cho biết, đất nước của ông sẵn sàng mở vòng tay giúp bất cứ ai chạy thoát khỏi vùng chiến tranh, như đất nước Thái đã từng làm trong những thập niên gần đây.

Các cuộc không kích như để trả đũa cho một cuộc tấn công của du kích Quân Giải phóng Quốc gia Karen vào một đồn quân sự của chính phủ, đã giết chết 10 binh sĩ và bắt sống 8 người. Đây là nhóm tranh đấu đòi quyền tự trị cho người Karen. Theo một số cơ quan cứu trợ nhân đạo đã làm việc với người Karen hôm Chủ nhật cho hay nhóm này có khoảng 2.500-3.000 người tị nạn đã vượt qua Thái Lan hôm Chủ nhật.

Sự áp đảo quân sự Myanmar

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã chịu đựng một thời gian dài dưới sự cai trị độc tài của một chính quyền quân sự từ năm 1962 đến năm 2011. Trong gần 5 thập kỷ, hầu như những người bất đồng chính kiến bị thủ tiêu, khiến quốc tế phải lên án và trừng phạt. Quá trình tự do hóa dần dần được bắt đầu vào những năm 2010, dẫn đến các cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo được thành hình vào năm sau đó.

Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 của quân đội bắt giữ những người lãnh đạo trong chính phủ dân sự do bà Suu Kyi lãnh đạo. Quân đội cho rằng có sự gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020, và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Suu Kyi giành được chiến thắng.

Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả cuộc đảo chính quân sự và đàn áp, nhưng cho đến nay những áp lực ngoại giao này vẫn chưa thuyết phục được các tướng lĩnh nhượng bộ! Các biện pháp trừng phạt và lên án dường như không có ảnh hưởng và hiệu quả gì trên chính quyền quân đội độc tài Myanmar cả!
 
Nguyên văn Tông thư Candor Lucis Aeternae: Ba người đàn bà của Bi Kịch: Đức Maria, Beatrice và Thánh Lucia
Vũ Văn An
21:26 30/03/2021

7. Ba người đàn bà của Bi Kịch: Đức Maria, Beatrice và Thánh Lucia



Khi cử hành mầu nhiệm nhập thể, nguồn ơn cứu độ và niềm vui cho toàn thể nhân loại, Dante không thể không hát những lời ca tụng Đức Maria, Mẹ Đồng trinh, người, bằng sự chấp nhận trọn vẹn và hoàn toàn đối với kế hoạch của Thiên Chúa, đã giúp cho Ngôi Lời trở nên xác phàm. Trong tác phẩm của Dante, chúng ta tìm thấy một luận thuyết tuyệt vời về Thánh Mẫu Học. Với chất trữ tình tuyệt vời, đặc biệt trong lời kinh của Thánh Bernard, nhà thơ đã tổng hợp suy tư của thần học về nhân vật Đức Maria và sự tham dự của ngài vào mầu nhiệm Thiên Chúa:

“Lạy Mẹ đồng trinh, nữ tử của Con Mẹ,
Khiêm tốn và cao trọng hơn mọi tạo vật khác,
Giới hạn đã định của lời khuyên vĩnh viễn,
Mẹ là người đem lại sự cao quý
Cho bản tính nhân loại đến nỗi Đấng tạo dựng ra nó
Không khinh khi tự biến mình thành tạo vật của nó” (Đoạn XXXIII, 1-6).

Điều nghịch lý mở đầu và hàng loạt các tương phản tiếp theo tôn vinh tính độc đáo của Đức Maria và vẻ đẹp kỳ diệu của ngài.

Chỉ cho thấy đấng diễm phúc được trình bầy trong bông hồng mầu nhiệm, Thánh Bernard mời gọi Dante chiêm ngắm Đức Maria, đấng đã ban cho Ngôi Lời nhập thể một khuôn mặt con người:

“Giờ đây, hãy nhìn vào khuôn mặt rất giống
Khuôn mặt Chúa Kitô; vì độ sáng của nó chỉ
Có thể chuẩn bị cho ngươi thấy Chúa Giêsu Kitô” (Đoạn XXXII, 85-87).

Mầu nhiệm Nhập thể một lần nữa được sự hiện diện của Tổng lãnh thiên thần Gabriel gợi lên. Dante hỏi Thánh Bernard:

"Thiên thần là ai mà một cách hết sức hân hoan
Đã nhìn vào đôi mắt Nữ vương của chúng ta,
Say mê đến nỗi như như được tạo ra từ lửa? " (103-105).

Thánh Bernard trả lời:

“Ngài là người đem cành vạn tuế
Đến Mẹ Maria, khi Con Thiên Chúa
Được lệnh mang lấy gánh nặng của chúng ta”(112-114).

Các câu nhắc đến Đức Maria có rất nhiều trong Bi Kịch Thần Thiêng. Trong Purgatorio, ở mỗi bước trên đường, ngài đều hiện thân cho các cuộc chiến chống lại các thói hư; ngài là ngôi sao mai giúp nhà thơ xuất hiện từ khu rừng tối tăm và tìm kiếm núi Thiên Chúa; ngài là sự hiện diện không cùng, qua lời khẩn cầu danh ngài,

“Danh của loài hoa đẹp mà tôi từng cầu khẩn
Sáng chiều… ”(Đoạn XXIII, 88-89),

đã chuẩn bị để người hành hương gặp gỡ Chúa Kitô và mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dante không bao giờ đơn độc trong cuộc hành trình của Ông. Ông để mình được hướng dẫn, đầu tiên bởi Virgil, một biểu tượng của lý trí con người, và sau đó là Beatrice và thánh Bernard. Giờ đây, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Ông có thể leo lên quê hương trên trời của chúng ta và tận hưởng trọn vẹn niềm vui vốn là khát vọng suốt đời của ông:

“Và tinh chế
Trong trái tim tôi vị ngọt ngào từ nó sinh ra” (Đoạn XXXIII, 62-63).

Chúng ta không được cứu một mình, nhà thơ dường như lặp lại, ý thức được nhu cầu của mình:

“Tôi đến không phải từ chính tôi” (Inf. X, 61).

Cuộc hành trình cần được thực hiện với sự đồng hành của người khác, những người có thể hỗ trợ chúng ta và hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan và thận trọng.

Ở đây ta thấy sự hiện diện của các người đàn bà trong thi phẩm có ý nghĩa xiết bao. Khi bắt đầu cuộc hành trình gian khổ của Dante, Virgil, người hướng dẫn đầu tiên của ông, đã an ủi và động viên Dante kiên trì vì có ba người đàn bà đang cầu bầu cho ông và sẽ hướng dẫn những bước đi của ông: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đại diện cho đức ái; Beatrice, đại diện cho đức cậy; và Thánh Lucia, đại diện cho đức tin. Beatrice được giới thiệu trong những câu thơ xúc động sau đây:

“Tôi là Beatrice, người mời gọi bạn tiến bước;
Tôi đến từ đó, nơi tôi sẵn lòng trở về;
Tình yêu đã thúc đẩy tôi, khiến tôi phải lên tiếng” (Inf. II, 70-72).

Vì vậy, tình yêu dường như là phương thế duy nhất để cứu rỗi chúng ta, tình yêu thần thiêng biến đổi tình yêu con người. Beatrice, đến lượt nàng, nói tới sự chuyển cầu của một người đàn bà khác, Đức Trinh Nữ Maria:

"Một Mệnh Phụ dịu dàng trên Thiên đàng, người buồn rầu
Trước trở ngại này, trở ngại mà tôi gửi bạn tới,
Để sự phán xét nghiêm khắc ở trên cao kia bị bẻ gẫy”(94-96).

Thánh Lucia lúc đó can thiệp, nói với Beatrice:

“Này Beatrice,… lời ngợi khen Thiên Chúa đích thực,
Tại sao không giúp đỡ chàng, người yêu bạn như thế,
Vì bạn, chàng đã phát sinh từ bầy đàn thô thiển?" (103-105).

Dante nhận ra rằng chỉ có ai được tình yêu thúc đẩy mới có thể thực sự hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình và đưa chúng ta đến sự cứu rỗi, đến cuộc sống đổi mới và do đó đến hạnh phúc.

8. Thánh Phanxicô, người phối ngẫu của Công Nương Nghèo

Trong bông hồng trắng tinh khiết của những người được diễm phúc, với Đức Maria ở trung tâm rạng rỡ của nó, Dante đặt một số vị thánh mà cuộc đời và sứ mệnh được ông mô tả. Ông trình bầy họ như những người nam và người nữ, trong những biến cố cụ thể của cuộc sống và bất chấp nhiều thử thách, đã đạt được mục đích tối hậu của cuộc đời và ơn gọi của họ. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến Thánh Phanxicô thành Assisi, như được mô tả trong Khổ thơ XI của Paradiso, lãnh vực của những người khôn ngoan.

Thánh Phanxicô và Dante có nhiều điểm chung. Thánh Phanxicô, cùng với các môn đệ của mình, rời khỏi tu viện và đi vào giữa dân chúng, trong các thị trấn nhỏ và đường phố của các thành phố, rao giảng cho họ và thăm nhà của họ. Bất thường đối với thời đại đó, Dante đã quyết định sáng tác thi phẩm tuyệt vời của mình về thế giới bên kia bằng tiếng bản địa, và đưa vào câu chuyện của mình các nhân vật cả nổi tiếng lẫn ít người biết, nhưng có phẩm giá bằng với những người cai trị thế giới này. Một đặc điểm chung khác cho cả hai là sự nhạy cảm của họ đối với vẻ đẹp và giá trị của sáng thế như là sự phản ảnh và dấu ấn của Đấng Tạo Hóa. Trong lời diễn giải của Dante về Kinh Lạy Cha, chúng ta không thể nào không nghe thấy tiếng vọng của Ca Khúc Mặt Trời của Thánh Phanxicô:

“Muôn vật,
Ca tụng Danh Cha và sự toàn năng của Cha… ” (Purg. XI, 4-5).

Trong Khổ thơ XI của Paradiso, sự so sánh này càng rõ ràng hơn nữa. Sự thánh thiện và khôn ngoan của Thánh Phanxicô nổi bật chính vì Dante, từ trên trời nhìn xuống trái đất, thấy sự tầm thường thô thiển của những người tin tưởng vào của cải trần gian:

“Hỡi Ngài, Đấng chăm sóc những kẻ tử sinh cách kỳ cục,
Các tam đoạn luận thiếu xót xiết bao Khiến Ngài đập đôi cánh của mình quá thấp!" (1-3).

Toàn bộ lịch sử của Thánh Phanxicô, “cuộc đời đáng ngưỡng mộ” của ngài, xoay quanh mối liên hệ đặc biệt của ngài với Côg Nương Nghèo:

“Nhưng để tôi có thể tiến bước một cách đỡ tối tăm hơn, từ nay
vì hai người yêu nhau này, Phanxicô và Nàng Nghèo,
hãy nghe lời nói tản mạn của tôi” (73-75).

Khổ thơ về Thánh Phanxicô nhắc lại những khoảnh khắc nổi bật trong cuộc đời của ngài, những thử thách của ngài và cuối cùng là khoảnh khắc khi ngài đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, nghèo khó và chịu đóng đinh, nhận được sự xác nhận tối hậu của Thiên Chúa khi ngài tiếp nhận các dấu thánh:

“Sau khi thấy các dân tộc này bất kham đối với việc hoán cải,
và để không ỡ đó vô ích,
Ngài trở về với hoa trái hương thảo Ý Đại Lợi,
Trên tảng đá giá buốt giữa Tiber và Arno,
Từ Chúa Kitô, ngài đã nhận được dấu ấn cuối cùng,
Mà trong suốt hai năm, ngài mang trong chân tay ngài” (103-108).

9. Chấp nhận chứng từ của Dante Alighieri

Lúc kết thúc việc thoáng nhìn này về công trình của Dante Alighieri, một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm và suy tư gần như vô tận trong mọi lĩnh vực nghiên cứu về con người, chúng ta được mời suy gẫm về tầm quan trọng của nó. Sự phong phú của các nhân vật, các câu chuyện, các biểu tượng và hình ảnh gợi hình mà nhà thơ đặt ra trước mắt chúng ta chắc chắn đánh thức lòng ngưỡng mộ, thán phục và biết ơn của chúng ta. Ở Dante, chúng ta gần như có thể nhìn thấy tiền thân của nền văn hóa đa phương tiện của chúng ta, trong đó ngôn từ và hình ảnh, biểu tượng và âm thanh, thi ca và điệu vũ hội tụ để truyền tải một thông điệp duy nhất. Vì vậy, có thể hiểu được rằng thi phẩm của ông đã gợi hứng cho việc tạo ra vô số tác phẩm nghệ thuật thuộc mọi thể loại.

Nhưng công trình của nhà thơ tối cao cũng nêu lên nhiều câu hỏi đầy khiêu khích cho thời đại chúng ta. Ông có thể truyền đạt điều gì cho chúng ta trong thời đại ngày nay? Có phải Ông vẫn có điều gì muốn nói với chúng ta hay đề nghị với chúng ta? Thông điệp của ông có liên quan hoặc hữu ích cho chúng ta không? Nó vẫn còn thách thức chúng ta hay không?
Nếu chúng ta có thể nói thay cho ông, thì ngày nay Dante không chỉ muốn được đọc, bình luận, nghiên cứu và phân tích. Đúng hơn, ông yêu cầu được nghe và thậm chí bắt chước; ông mời chúng ta trở thành bạn đồng hành của ông trong cuộc hành trình. Hôm nay, ông cũng muốn cho chúng ta thấy con đường dẫn đến hạnh phúc, con đường đúng đắn để sống cuộc sống nhân bản trọn vẹn, thoát ra từ khu rừng tăm tối trong đó, chúng ta đánh mất phương hướng và cảm thức giá trị đích thực của mình. Cuộc hành trình của Dante và viễn kiến của ông về cuộc sống bên kia cái chết không những là một câu chuyện để kể; chúng còn hơn một trình thuật về kinh nghiệm bản thân, dù đặc biệt ra sao.

Nếu Dante kể câu chuyện của mình một cách đáng ngưỡng mộ bằng cách sử dụng ngôn ngữ bình dân, đó là bởi ông có một thông điệp quan trọng để truyền tải, một thông điệp nhằm đánh động tâm trí chúng ta, biến đổi và thay đổi chúng ta ngay cả lúc này, trong cuộc sống hiện tại này. Một thông điệp có thể và nên làm cho chúng ta đánh giá đầy đủ con người thật của chúng ta và ý nghĩa của những cuộc đấu tranh hàng ngày của chúng ta để đạt được hạnh phúc, sự thành toàn và cùng đích của chúng ta, quê hương đích thực của chúng ta, nơi chúng ta sẽ hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, Tình yêu vô hạn và vĩnh cửu. Dante là một người thời ông với những nhạy cảm khác với các nhậy cảm của chúng ta trong một số lĩnh vực, nhưng chủ nghĩa nhân bản của ông vẫn hợp thời và có liên quan, một điểm tham chiếu chắc chắn cho những gì chúng ta hy vọng sẽ đạt được trong thời đại của chúng ta.

Do đó, thật phù hợp khi ngày kỷ niệm năm nay đóng vai trò một động lực làm cho công trình của Dante được biết đến và đánh giá cao hơn, dễ tiếp cận và hấp dẫn, không những đối với các sinh viên và học giả mà còn đối với tất cả những người tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi sâu sắc nhất của họ và mong muốn sống cuộc sống của họ cách trọn vẹn, bằng cách dấn thân một cách có chủ đích trên hành trình đời sống và đức tin của chính họ, với lòng biết ơn vì hồng phúc và trách nhiệm tự do.

Do đó, tôi bày tỏ một đánh giá sâu sắc đối với các thầy cô say mê truyền đạt sứ điệp của Dante và dẫn nhập nhiều người khác vào sự phong phú về văn hóa, tôn giáo và đạo đức chứa đựng trong các công trình của ông. Tuy nhiên, di sản vĩ đại này kêu gọi được tiếp cận ở bên ngoài các giảng đường trường học và đại học.

Tôi kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt là ở các thành phố gắn liền với cuộc đời của Dante, các định chế học thuật và hiệp hội văn hóa cổ vũ các sáng kiến nhằm làm cho sứ điệp của ông được biết đến nhiều hơn trong sự trọn vẹn của nó.

Một cách đặc biệt, tôi khuyến khích các nghệ sĩ đem lại cho thi ca của Dante một tiếng nói, một khuôn mặt và trái tim, một hình thức, một màu sắc và một âm thanh bằng cách đi theo con đường cái đẹp mà ông từng đi qua một cách thành thạo bậc thầy. Và do đó, truyền đạt các chân lý sâu sắc nhất và công bố, bằng ngôn ngữ nghệ thuật của họ, một sứ điệp về hòa bình, tự do và tình huynh đệ.

Vào thời điểm đặc biệt này trong lịch sử, bị bao phủ bởi những tình huống vô nhân đạo sâu xa và sự thiếu tin tưởng và triển vọng cho tương lai, khuôn mặt của Dante, nhà tiên tri của hy vọng và là nhân chứng cho khát vọng hạnh phúc của con người, vẫn có thể cung cấp cho chúng ta những lời nói và gương sáng có thể khuyến khích chúng ta trên hành trình của mình. Dante có thể giúp chúng ta tiến bước một cách thanh thản và can đảm trên hành trình đời sống và đức tin mà mỗi người chúng ta được kêu gọi thực hiện, cho đến khi tâm hồn chúng ta tìm được sự bình an và niềm vui đích thực, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng của toàn thể nhân loại:

“Tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Đoạn XXXIII, 145).

Từ Điện Vatican, ngày 25 tháng 3, Lễ trọng thể Truyền tin Chúa, năm 2021, năm thứ chín trong triều Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
TGP Sàigòn : Đại hội Giới trẻ Mùa Chay 2021
Văn Minh
09:14 30/03/2021
Dưới cái nóng gay gắt ban trưa vẫn không làm cho hơn 1000 bạn trẻ từ khắp nơi trong Tổng Giáo phận Sài Gòn kéo nhau về giáo xứ Tân Phước, giáo hạt Phú Thọ, tham gia ngày Đại hội Giới trẻ Mùa Chay 2021 với chủ đề “Cho tiềm năng trỗi dậy” diễn ra lúc 13g30 thứ Bảy ngày 27.3.2021.

Mặc dù chương trình Đại hội chưa bắt đầu, nhưng các bạn trẻ từ khắp nơi đã lên đường trở về giáo xứ Tân Phước để cùng hòa nhịp với không khí tưng bừng của ngày Đại hội.

Xem Hình

Trước giờ khai mạc, quảng trường nhà thờ giáo xứ Tân Phước đã được các bạn linh hoạt viên làm nóng lên với bầu khí sôi động và nhiệt huyết tuổi trẻ qua các bài cử điệu tràn đầy sức sống.

Chương trình chính thức bắt đầu với các workshops lúc 13g30:

Workshop lầu I: Đề tài “Cùng nhau phát triển toàn diện”

Về đời: Nhằm giúp cho có sức khỏe về thân thể, trí tuệ, tình cảm, tinh thần.

Về đạo: giúp cho Thể lý, tâm lý, văn hóa, tâm linh và phân định ơn gọi.

Workshop lầu II: Đề tài “Làm bạn với Social Media” chúng ta phải tỉnh thức khi sử dụng mạng xã hội Media, ứng sử đúng cách như một Kitô hữu, tận dụng Facebook & Linkendia để hỗ trợ, phân bổ thời gian hợp lý giữa cuộc sống và mạng xã hội.

Workshop lầu III: Đề tài “Cùng nhau cầu nguyện” để nhận ra Chúa, Chúa ở trong tôi, và nhận ra rằng bạn không bao giờ cô đơn.

Đã bao giờ chúng ta nghe cầu nguyện qua 5 giác quan chưa?

Thứ nhất: Thị giác, thính giác, xúc giác, khiếu giác, vị giác hoặc là bằng một bài hát.

Workshop lầu IV: Đề tài “Cùng đến với nhau” để học cách giữ lời hứa, học cách làm việc nhóm, góp ý đừng chỉ trích nhau, chủ động khi làm việc trong nhóm.

Trong giờ giải lao, tranh thủ trò chuyện với bạn nữ Têrêsa Nguyễn Lê Hồng Ngân, giáo xứ Lộc Hưng cho biết; em rất vui khi được tham gia Đại hội lần này, phần nào giúp cho em sống đạo được tốt hơn, được giao lưu học hỏi những điều hay ý đẹp nơi các bạn, giúp em thêm nghị lực và mục tiêu sống cho mình.

Bạn Maria Đào Thị Mừng, Giáo phận Thái Bình, Sinh viên năm 3 Công nghệ Thông tin TPHCM chia sẻ; năm 2020 lỡ hẹn Đại hội vì dịch bệnh Covid-19, và đây là lần đầu em tham gia Đại hội. Tất cả các bạn đến đây tuy có khác biệt nhau nhưng lại có chung một niềm tin vào Đức kitô, và em mong Đại hội sẽ tổ chức mỗi năm.

Đúc kết workshops, Lm Gioan Lê Quang Việt – Đặc trách Giới trẻ TGP Sài Gòn lên cắt băng giới thiệu (Ngân hàng Nước trời) và mời gọi các bạn trẻ hãy ra đi làm sinh lợi những nén bạc mà Chúa đã trao.

Đỉnh cao của Đại hội là Thánh lễ trọng thể do Đức Giám Mục (ĐGM) Louis Nguyễn Anh Tuấn – Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn nhân dịp về thăm Mục vụ và chủ tế Thánh lễ Lá (Khai mạc Tuần Thánh) diễn ra lúc 17g tại thánh đường giáo xứ Tân Phước. Đồng tế cùng ngài có Lm Gioan Lê Quang Việt – Chánh xứ Tân Phước – Đặc trách Giới trẻ TGP Sài Gòn, Lm Đaminh Phạm Khắc Duy, Phó xứ Tân Phước cùng 7 Lm trong và ngoài giáo hạt Phú Thọ.

Trước Thánh lễ, ĐGM Louis cử hành nghi thức làm phép lá ngay trước quảng trường. Sau đó, ĐGM cùng các Lm cầm cành lá trên tay tiến vào ngôi thánh đường hiệp dâng Thánh lễ.

Sau bài thương khó, ĐGM Louis chia sẻ với các bạn trẻ với hai ý để cùng nhau cầu nguyện: Thứ nhất, mỗi khi chăm ngắm Chúa Giêsu chịu nạn, chịu chết và Phục sinh. Thì chúng ta mới cảm nhận được Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và chịu hiến tế trên cây thập tự cho đến hơi thở cuối cùng vì nhân loại.

Thứ hai: Từ những con người trên tay cầm cành lá tung hô Vua Giêsu, nhưng ít giờ sau lại giơ tay lên án đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Như vậy, ở đâu đó Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Ở đâu đó vẫn còn có những người trong đám đông Giêrusalem trối bỏ Chúa, trối bỏ người thân, trối bỏ vợ chồng và anh em ruột thịt của mình…

Kết thúc, ĐGM nhắn nhủ: Mỗi khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trên cây thánh giá, là chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Ngài. Như lời Chúa nói: “Ai tin vào Ta thì sẽ được sống muôn đời”.

Thánh lễ tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể và khép lại lúc 19g. Trước ban phép lành cuối lễ, vị Chủ tịch giáo xứ Tân Phước thay mặt lên cảm ơn ĐGM Louis, các Lm đã về hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Đồng thời, chúc mừng ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn trong sứ vụ mới đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhân dịp này, các bạn trẻ cũng gởi đến ĐGM cùng các Lm món quà lưu niệm.

Sau Thánh lễ, các nhóm hạt thay nhau trình diễn các tiết mục văn nghệ và chia sẻ những kỹ năng kinh nghiệm sinh hoạt của nhóm mình đến 20g30. Kế đó, Lm Antôn Nguyễn Quang Chấn cùng các bạn có những giây phút lắng đọng để cùng nhau suy niệm và cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Trước khi bế mạc, Lm Gioan Lê Quang Việt lên ngỏ lời cảm ơn Ban Giảng huấn và mời gọi tất cả các bạn trẻ mở sáng đèn trên chiếc điện thoại di động và cùng nhau múa hát vang bài “Hãy thắp sáng lên” và lời của bài hát cũng thay cho nghi thức được sai đi làm chứng nhân cho quê hương Nước Trời mai sau.
 
VietCatholic TV
Tin vui: Giáo Hội sắp có thêm 10 vị thánh. Cả một gia đình Ba Lan được tuyên Chân Phước
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:08 30/03/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm người kế vị Đức Hồng Y Tagle tại tổng giáo phận Manila

Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Jose Fuerte Advincula làm tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, kế vị Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra thông báo được chờ đợi từ lâu, vào ngày 25 tháng Ba, Lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ.

Đức Hồng Y Advincula, hiện là Tổng Giám Mục của Capiz, miền trung Phi Luật Tân, đã được tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái 2020.

Vị Hồng Y sẽ sang tuổi 69 vào ngày 30 tháng 3, tiếp quản quyền lãnh đạo tổng giáo phận Manila từ Đức Hồng Y Tagle, người được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vào ngày 8 tháng 12 năm 2019.

Đức Hồng Y Tagle đến Rome vào tháng 2 năm 2020 sau khi làm tổng giám mục Manila từ năm 2011. Đức Cha Broderick Pabillo, một Giám Mục Phụ Tá ở Manila, đã được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa trong thời gian Đức Giáo Hoàng xem xét ai sẽ là tổng giám mục tiếp theo.

Việc bổ nhiệm này khiến Đức Hồng Y Advincula trở thành nhà lãnh đạo Giáo hội nổi bật nhất ở Phi Luật Tân, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Mễ Tây Cơ. Khoảng 85% trong số 110 triệu người Phi Luật Tân là người Công Giáo đã được rửa tội.

Vị Hồng Y sẽ chăn dắt một tổng giáo phận với khoảng 2.5 triệu người Công Giáo, lớn hơn đáng kể so với tổng giáo phận Capiz, nơi có khoảng 800,000 người Công Giáo.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y ở lại Syria nói thời gian không còn nhiều để phục hồi sau 10 năm chiến tranh

Một vị Hồng Y người Ý đã ở lại Syria trong suốt thời gian cuộc nội chiến kéo dài 10 năm đã nói rằng ngài lo ngại “thời gian không còn nhiều” để tái thiết đất nước khi quốc gia này rơi vào cảnh nghèo đói sâu sắc hơn.

Đức Hồng Y Mario Zenari đã cư trú tại Damascus với tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lần đầu tiên nổ ra trên các đường phố của nước này vào tháng 3 năm 2011. Ngài đã ở bên trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô của Syria khi tòa nhà này bị phiến quân pháo kích, đe dọa tính mạng của ngài vào năm 2013. Và trong năm qua, ngài đã liên tục vận động cho nhu cầu nhân đạo của 11 triệu người Syria, những người mà ngài cho rằng đã phải hứng chịu “quả bom đói nghèo” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp coronavirus.

Đức Hồng Y Zenari cho biết: “Hòa bình, tôi nhắc lại, sẽ không đến với Syria nếu không tái thiết và không phục hồi kinh tế.”

“Nhưng người Syria sẽ phải đợi bao lâu? Thời gian không còn nhiều. Nhiều người đã mất hy vọng. Cần có những giải pháp cấp bách và căn cơ”.

Đức Hồng Y đã phát biểu qua Zoom từ Damascus tại một sự kiện ảo do tổ chức bác ái Công Giáo Caritas Internationalis tổ chức.

Đức Hồng Y Zenari nói rằng “bế tắc chính trị hiện tại” giữa các bên trong cuộc xung đột Syria phải được khắc phục thông qua “các bước hỗ tương và thiện chí, từng bước từ chính phủ Syria, phe đối lập và các bên tham gia quan trọng từ bên ngoài”.

“Tiến trình hòa bình trong thời điểm này bị bế tắc hoàn toàn. Ngược lại, sự nghèo khổ đang chuyển động về phía trước rất nhanh”, ngài nói.

Đức Hồng Y Zenari cho biết, khoảng 90% dân số Syria đang sống dưới mức nghèo khổ, trích dẫn số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc và lưu ý rằng đây là “tỷ lệ cao nhất trên thế giới”.

Ngân hàng Thế giới ước tính nước này đã phải chịu thiệt hại về cơ sở hạ tầng trị giá ít nhất 197 tỷ Mỹ Kim trong cuộc xung đột.

Khi Đức Hồng Y Zenari lần đầu tiên đến Syria với tư cách là Sứ thần Tòa thánh vào năm 2008, nền kinh tế của đất nước đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 4% mỗi năm.
Source:Catholic News Agency

3. Gia đình Công Giáo Ba Lan, bị Đức quốc xã giết hại vì giúp đỡ người Do Thái, đang trên con đường tuyên Chân phước

Sáng sớm ngày 24 tháng 3 năm 1944, một đội tuần tra của Đức Quốc xã đã bao vây ngôi nhà của Józef và Wiktoria Ulma ở ngoại ô làng Markowa ở đông nam Ba Lan. Họ phát hiện ra tám người Do Thái đã tìm nơi ẩn náu với cặp vợ chồng và hành quyết họ.

Cảnh sát Đức Quốc xã sau đó đã giết chết Wiktoria, 32 tuổi, đang mang thai, và người chồng 44 tuổi của cô. Khi những đứa con của hai vợ chồng bắt đầu la hét khi chứng kiến cảnh cha mẹ bị sát hại, Đức quốc xã cũng bắn chết họ: Stanisława, 8 tuổi, Barbara, 7 tuổi, Władysław, 6 tuổi, Franciszek, 4 tuổi, Antoni, 3 tuổi và Maria, 2 tuổi.

Người ta cho rằng Wiktoria đã chuyển dạ trong vụ thảm sát vì một nhân chứng sau đó nói rằng anh ta nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh bên cạnh thi thể của cô.

Bây giờ, 77 năm sau, án phong thánh cho Józef và Wiktoria - được người Ba Lan gọi là “Những người Samaritanô nhân hậu của làng Markowa” - đang tiến triển.

Người Công Giáo Ba Lan đánh dấu ngày kỷ niệm họ qua đời trong một thánh lễ buổi sáng tại giáo xứ Thánh Dorothy ở Markowa, thuộc tổng giáo phận Przemyśl. Đức Tổng Giám Mục Adam Szal của Przemyśl chủ sự thánh lễ.

Buổi lễ cũng trùng vào Ngày Quốc gia tưởng nhớ những người Ba Lan giải cứu người Do Thái dưới sự chiếm đóng của Đức.

Vị tổng giám mục bày tỏ sự vui mừng trước sự tiến bộ trong án tuyên thánh của cặp vợ chồng này, là những người hiện được gọi là Tôi tớ của Chúa, một danh hiệu được sử dụng khi bắt đầu tiến trình tuyên thánh.

“Chúng ta cảm ơn tấm gương về cuộc sống của gia đình Ulma. Món quà sự sống của họ là một dấu chỉ cho chúng ta rằng đôi khi chúng ta phải hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.”

Trong bài giảng của mình, Cha Witold Burda, cáo thỉnh viên án tuyên thánh, ca ngợi Józef và Wiktoria là mẫu gương cho các tín hữu Kitô.

“Gia đình Ulma luôn đặt luật Chúa lên trên hết trong cuộc sống hàng ngày,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency

4. Mười vị tử đạo tại Guatemala sắp được tuyên chân phước

Ngày 23 Thánh Giêng năm ngoái, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của ba linh mục thừa sai và bảy giáo dân, trong đó có một thiếu niên mười hai tuổi, bị giết vì sự oán ghét đức tin, trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1991 tại Guatamala.

Ba linh mục vừa nói thuộc dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, sinh tại Tây Ban Nha. Trước tiên là cha José Maria Gran Cirera, được gửi tới Guatemala năm 1975. Tại đây, cha dấn thân phục vụ và bênh vực dân nghèo và các thổ dân. Cha bị ám sát ngày 4/6 năm 1980 cùng với ông Domingo del Barrio Batz, ông từ nhà thờ và cũng là một giáo lý viên, trong lúc đi viếng thăm mục vụ tại một số làng mạc.

Vị linh mục thứ hai là cha Faustino Villanueva, được gửi sang Guatemala năm 1959, đảm trách nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Quiché. Cha bị ám sát ngày 10/7/1980. Thứ ba là cha Juan Alonso Fernández, đến Guatemala năm 1960, năm cha được chịu chức linh mục. Từ năm 1963 đến 1965, cha được gửi đi truyền giáo tại Indonesa và sau đó trở lại Guatemala, cha thành lập giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương ở Lancetillo. Cha đã bị tra tấn và giết chết ngày 15/2/1981.

Cùng với ba linh mục, có bảy giáo dân được phong chân phước, trong đó có bốn giáo lý viên.

Trong sứ điệp công bố hôm 21/3/2021 vừa qua, để thông báo lễ phong chân phước, Hội đồng Giám mục Guatemala đã nhắc lễ phong chân phước năm 2017 cho bốn vị tử đạo trong thời kỳ nội chiến tại nước này và nay “Chúa lại ban cho chúng ta cơ hội được chúc tụng và cảm tạ Ngài vì lễ phong chân phước cho mười vị tử đạo thuộc giáo phận Quiché, vào ngày 23/4 tới đây. Tại giáo phận này, công cuộc loan báo Tin mừng được đẩy mạnh trong thập niên 1940 với sự tham dự của nhiều người dấn thân phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và xã hội. Chứng tá và tấm gương của các vị tử đạo giúp chúng ta củng cố niềm tin nơi sự phục sinh của Chúa Kitô và mang lại cho chúng ta cơ hội được tôn kính các vị vì đã hiến mạng kể cả cho những kẻ thù. Việc nhớ lại cuộc sống và hoạt động của các vị tái khẳng định niềm hy vọng theo đó ta phải chết đi để sống, và không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì tha nhân.”

Các giám mục cũng nhận định rằng “Thiên Chúa thật là cao cả đối với chúng ta, vì giữa bạo lực không thể kiểm soát nổi trong những năm kinh hoàng ở Guatemanla, vẫn có ánh sáng và hy vọng chiếu tỏa rạng người, và ngày hôm nay, chúng ta gặt hái thành quả sự trung thành và sự thánh thiện qua chứng tá của các vị tử đạo”.
Source:Fides
 
Đau lòng: Giáo dân thao túng, mời sư sãi đến nhà thờ thuyết pháp, ĐTGM Paris phải giải thể giáo xứ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:35 30/03/2021


1. Vì đại dịch coronavirus Đền Thờ Thánh Phêrô không được trang trí hoa, nhưng Hà Lan sẽ tặng hoa hồng cho Đức Giáo Hoàng

Theo một truyền thống bắt đầu từ năm 1985, nhờ ông Nic van der Voort nhân dịp phong chân phước cho Thánh Titus Bransma, ngày nay được em của ông là Charles van der Voort tiếp tục, hàng năm thềm Đền Thờ Thánh Phêrô được trang hoàng bởi 30 công ty sản xuất hoa tại Hà Lan với 2, 500 bông hồng Avanlanche, 6,000 hoa huệ đủ mầu và 8,000 hoa huệ vàng, thêm 1,200 hoa tulip đỏ, vàng, cam, trắng, hồng và tím, 2,500 hoa jacinthe thơm ngào ngạt, rhododendron, hoa mận, acer, forsithia vàng, strelizia, magnolia, delphinum trắng, xanh, hồng, nâu, và các hoa đặc biệt khác như hoa eliconia mầu da cam... Và tại ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô có những hoa lan trắng mảnh mai.

Ông Charles van der Voort cho biết hàng năm có những xe vận tải chở hoa đã chạy suốt 24 tiếng từ Thứ Hai Tuần Thánh để cho sự phục sinh của Chúa được thể hiện huy hoàng với cơ man những hương thơm ngào ngạt, và biết bao mầu sắc và hình thể chung quanh bàn thờ.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp, các bậc thềm của Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma vào lễ Phục sinh không được trang điểm bằng hoa Hà Lan, vì các tín hữu không được phép tụ tập trong buổi ban phép lành Phục sinh và đọc sứ điệp Urbi et Orbi truyền thống. Tuy nhiên, nhà thiết kế hoa Paul Deckers từ Posterholt, là người phụ tách chính trong việc sắp xếp các hoa Hà Lan trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô từ năm 2015, vừa thông báo rằng một chuyến vận chuyển hàng nghìn bông hoa hồng sang Rôma sẽ khởi hành vào thứ Hai Tuần Thánh. Họ dự kiến sẽ có mặt tại thủ đô của Ý vào thứ Năm Tuần Thánh.

Trước khi lên đường, những bông hồng Avalanche đã được Đức Cha Hans van den Hende, Giám Mục Rotterdam chúc phúc.

Theo Deckers, những bông hồng không chỉ dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà còn dành cho những người già trong các trung tâm chăm sóc và cư trú ở Rôma như một dấu hiệu của hy vọng. Hoa hồng Avalanche là loại hoa hồng lớn, có thân dài và ít gai. Theo Deckers, chúng tượng trưng cho hy vọng, sự thuần khiết, sức mạnh, sự kết nối, sự đơn giản và lòng thương xót. Những người bán hoa ở Hà Lan cũng đã tặng 20,000 bông hồng vào lễ Phục sinh năm ngoái. Nhưng sau đó chúng được dành cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hà Lan.

Deckers nói: “Tôi biết Đức Giáo Hoàng rất thích hoa hồng Avalanche. Chúng tôi gửi tặng ngài những hoa hồng bốn màu. Chúng tượng trưng cho cuộc sống mới, và mùa xuân”.
Source:Kerk Net

2. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 150 năm thánh Alfonso được tôn phong Tiến sĩ Hội thánh

Thánh Alfonso, thánh Tổ Dòng Chúa Cứu Thế, được Đức Giáo Hoàng Pio IX tôn làm Tiến sĩ Hội thánh, với Tông sắc ngày 23/3/1871. Ngài là nhà luân lý nổi bật của Giáo hội.

Trong sứ điệp gửi đến cha Michael Brehl, Bề trên tổng quyền dòng Chúa Cứu Thế, Đức Thánh Cha nhận xét rằng thánh Alfonso được đào tạo trong não trạng luân lý ngặt nghèo, nhưng đã hoán cải, trở nên từ nhân qua việc lắng nghe thực tại. Thánh nhân dần dần hoán cải, tiến đến một nền mục vụ thừa sai, có khả năng gần gũi dân chúng, biết đồng hành với bước đường của họ, chia sẻ cuộc sống cụ thể của dân chúng giữa những giới hạn và thách đố lớn.

Đức Thánh Cha viết: “Theo gương thánh Alfonso, tôi mời gọi các nhà thần học luân lý, các thừa sai và các cha giải tội hãy có tương quan sinh động với các thành phần dân Chúa, và hãy nhìn cuộc sống từ góc nhìn của họ, để hiểu những khó khăn thực sự mà họ gặp và giúp họ chữa lành các vết thương, vì chỉ có tình huynh đệ đích thực “mới biết nhìn sự cao cả thánh thiêng của tha nhân, biết khám phá thấy Thiên Chúa nơi mọi người, biết chịu đựng những phiền toái của cuộc sống chung, gắn bó với tình thương của Thiên Chúa, biết mở rộng con tim cho tình yêu của Thiên Chúa để tìm kiếm hạnh phúc của người khác, như Chúa Cha nhân từ tìm kiếm hạnh phúc cho họ”
Source:Holy See Press Office

3. Tại sao Đức Tổng Giám Mục Paris giải thể Giáo xứ St. Merry?

Một trung tâm mục vụ thử nghiệm ở trung tâm thủ đô nước Pháp đã bị đóng cửa vào ngày 1 tháng 3 theo chỉ thị của Đức Tổng Giám Mục Paris.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã công bố quyết định đóng cửa Trung tâm Mục vụ Saint-Merry, trong khu vực Beaubourg-Les Halles, trong một lá thư gửi cộng đồng này vào ngày 7 tháng Hai.

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, quyết định này, đang được bàn tán xôn xao trên các phương tiện truyền thông ở Pháp, không phải là một quyết định một sớm một chiều, nhưng thực ra là kết quả của nhiều năm căng thẳng giữa một số giáo dân của giáo xứ và ba linh mục cuối cùng của giáo xứ này.

Trung tâm mục vụ này đã được thành lập vào năm 1975 bởi Đức Hồng Y François Marty, tổng giám mục lúc bấy giờ của Paris. Sau Công đồng Vatican II, trung tâm này được dự định là nơi để “phát minh ra những phương thức mới cho Giáo hội ngày mai”. Nó nhanh chóng trở thành điểm nóng của trào lưu Công Giáo cấp tiến.

Các hoạt động trong nhà thờ Gothic thế kỷ 16 được giám sát bởi cả các linh mục và anh chị em giáo dân, là những người có thể đưa ra các quyết định liên quan đến phụng vụ và thuyết giảng trong các thánh lễ Chúa Nhật.

Nhà thần học người Tây Ban Nha José Arregi đã mô tả trung tâm này là “một nhà thờ mở, nơi không đặt thành vấn đề những chuyện như giấy tờ hợp pháp, tôn giáo, giáo lý chính thống, khuynh hướng tình dục, hay bản sắc giới tính”. Nói cụ thể là như thế này: cái gọi là Hội Đồng Giáo Xứ gồm khoảng 20 người có đầu óc cấp tiến rất cực đoan. Trong video này, quý vị và anh chị em có thể thấy 20 giáo dân này mời các nhà sư, các đạo trưởng Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, và các thầy rabbi Do Thái Giáo đến thuyết pháp. Họ tự hào là những người Công Giáo cởi mở, có khả năng tinh thông các khái niệm Phật Pháp như Niết Bàn, thuyết Luân Hồi, Nghiệp Chướng, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, có khả năng giải thích các surah của Kinh Koran vân vân và vân vân. Họ bị tẩu hỏa nhập ma với các đạo lý trái ngược và mâu thuẫn gay gắt với nhau.

Để đáp lại bức thư của Đức Tổng Giám Mục Aupetit, các thành viên giáo dân của cộng đồng này đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến, đã thu được khoảng 12,000 chữ ký, kêu gọi Đức Tổng Giám Mục tiếp tục đối thoại và để cho họ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của mình.

Karine Dalle, người phát ngôn của tổng giáo phận, nói với CNA rằng quyết định này không liên quan đến tính chất mục vụ của trung tâm, mà là do sự thái quá nghiêm trọng tại giáo xứ có từ nhiều năm trước.

Cô nói rằng hai cha sở cuối cùng của giáo xứ Saint-Merry – là Cha Daniel Duigou, là Cha sở từ 2015 đến 2019, và Cha Alexandre Denis từ 2019 đến 2020 - đã phải xin từ chức vì các ngài không thể thiết lập được một cuộc đối thoại với các nhân vật chủ chốt tại trung tâm mục vụ. Người tiền nhiệm của các vị, là Cha Jacques Mérienne, cũng phải từ chức sau chín năm lãnh đạo giáo xứ trong bối cảnh khó khăn vào cuối nhiệm kỳ của ngài.

Người phát ngôn của tổng giáo phận Paris giải thích rằng Đức Tổng Giám Mục quyết định thu hồi vị thế đặc biệt của Saint-Merry sau khi Cha Denis đã ra đi cách đây vài tháng trong tình trạng suy nhược tâm thần trầm trọng vì bị các giáo dân tẩu hỏa nhập ma này đàn áp.

Cô Dalle nói: “Sự hợp tác giữa các linh mục và giáo dân không còn nữa, và Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã đưa ra một quyết định có trách nhiệm khi đối mặt với tình huống vô vọng khi các linh mục của ngài lần lượt đổ bệnh”.

Trong lá thư ngày 7 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Aupetit tố cáo “sự gian ác, thiếu đức bác ái và ý chí hủy diệt” mà ngài cáo buộc Hội Đồng Giáo Xứ đã thể hiện với các mục tử liên tiếp của họ.

Đức Tổng Giám Mục cho biết sau khi Cha Duigou quyết định ra đi, ngài đã cử Đức Ông Benoist de Sinety, là cha tổng đại diện của tổng giáo phận Paris đến coi sóc tạm thời. Đức Ông tường trình với ngài rằng một nhóm nhỏ trong Hội Đồng Giáo Xứ “đã ngăn chặn bất kỳ quá trình thảo luận tự do nào” và “ tạo ra một bầu không khí trong đó đức bác ái dường như bị lãng quên hoàn toàn”.

Ba linh mục cuối cùng không phải là các linh mục có khuynh hướng bảo thủ. Nói như thế vẫn chưa đúng. Các vị thực ra được biết đến với các quan điểm rất cấp tiến của họ. Đặc biệt, Cha Duigou đã khai thác các tính năng thử nghiệm tại Saint-Merry và hình thức quản trị của nó, thậm chí còn đề cao nó, và đã từng có ý muốn nhân rộng “điển hình tiên tiến” này một cách đại trà trong toàn thể Giáo Hội trong một cuốn sách năm 2018 có tựa đề “Lettre ouverte d'un curé au Pape François”, nghĩa là “Thư ngỏ của một mục tử gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Theo một nguồn thạo tin bên trong giáo xứ, bầu khí độc hại bên trong giáo xứ này là do một thành phần cứng rắn của cộng đồng - khoảng 20 người, chủ yếu là những người trên 70 tuổi. Họ là những người “bất khoan dung” và có “tâm lý bè phái” đã làm cho nhiều giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, đã bỏ đi giáo xứ khác, thậm chí bỏ đạo.

Nguồn tin nói với CNA: “Những người này đều ở độ tuổi 20 vào năm 1968, là thời kỳ bất ổn dân sự ở Paris, và họ đã cùng nhau định hình cộng đồng này bằng một trực giác ban đầu đẹp đẽ. Nhưng rồi họ cùng nhau già đi với những cố chấp của riêng mình, mà không bao giờ đổi mới bản thân hoặc chào đón những người mới, cắt đứt bản thân khỏi thực tế”.

“Những người trẻ chạy trốn vì những đề nghị của họ bị từ chối một cách có hệ thống và họ không nhận ra đức tin của mình trong một môi trường xa lạ như vậy”.

Nguồn tin nói rằng sự hung hăng của nhóm chủ yếu nhắm vào các linh mục của họ, những người mà họ coi là những nhân vật có thẩm quyền nhưng không được họ hoan nghênh.

“Các linh mục này không phải là người tranh cãi với họ, nhưng chính thẩm quyền của các ngài là vấn đề. Họ từ chối chính thẩm quyền này và họ muốn vị linh mục phải im lặng để mặc cho họ muốn làm gì thì làm”, nguồn tin bình luận.

“Trong các cuộc họp mục vụ, họ chống lại ý kiến và quan điểm của các linh mục một cách có hệ thống. Họ nghĩ rằng họ là những người duy nhất hiểu Giáo hội ngày nay phải như thế nào nhưng chính họ lại không có khả năng tự vấn lương tâm”.

CNA đã hỏi những giáo dân liên quan về những cáo buộc này, nhưng họ đã từ chối không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Monde của Pháp, Guy Aurenche, một thành viên lâu năm của nhóm mục vụ, đã tố cáo “tính thẳng thừng trong quyết định đơn phương và tàn bạo” của tổng giáo phận Paris, nhưng lưu ý rằng vị linh mục cuối cùng “có thể đã bị họ thách thức một cách quá quyết liệt”.

Aurenche gợi ý rằng quyết định đóng cửa trung tâm có thể được thúc đẩy bởi sự thù địch của tổng giáo phận đối với một nơi “chào đón vô điều kiện các Kitô hữu đồng tính luyến ái và những người ly hôn và tái hôn dân sự, sự tham gia của nam giới và phụ nữ trong việc chuẩn bị phụng vụ và chính sách đồng -trách nhiệm của giáo dân và linh mục”.

Tuy nhiên, lời buộc tội này đã bị tổng giáo phận phủ nhận một cách mạnh mẽ, Cô Dalle cho rằng nếu đúng như vậy thì Đức Tổng Giám Mục có thể đã kết thúc cuộc thử nghiệm này từ lâu rồi.

“Chúng tôi biết rằng, đằng sau tất cả những điều này, có những người chân thành đã từng đến nhà thờ đó thường xuyên và không hiểu quyết định của Đức Tổng Giám Mục vì họ không phải là thành viên trung tâm của Hội Đồng Giáo Xứ và không trải nghiệm các phương pháp quản trị từ bên trong”, Dalle nói với CNA.

Mặc dù không loại trừ khả năng giáo phận có thể cho phép các thí nghiệm mục vụ tương tự trong tương lai, nhưng cô nói rằng họ không thể theo mô hình của Saint-Merry, trong đó người ta bác bỏ chính thể chế cũng như nền tảng của Giáo hội.

Bất chấp phán quyết của Đức Tổng Giám Mục, các cựu lãnh đạo của Hội Đồng Giáo Xứ đang tìm cách thiết lập lại cộng đồng. Gần đây họ đã ra mắt trang web Saint-Merri-Hors-les-Murs, nghĩa là giáo xứ Thánh Merry Ngoại Thành, sau khi giáo phận giành lại quyền kiểm soát trang web chính thức của giáo xứ. Họ có ý định “thành lập các tổ chức tư vấn và hướng tới tương lai của nhà thờ riêng của họ”.
Source:Catholic News Agency