Ngày 02-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 03/03: Làm Hòa – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR.
Giáo Hội Năm Châu
02:18 02/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Đó là lời Chúa
 
Hướng Thượng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:01 02/03/2023
Hướng Thượng

(Chúa Nhật II Mùa Chay A)

Chủ đề chính của bài Tin Mừng Chúa Nhật I mùa Chay cả ba năm A - B - C đều tập trung vào chủ đề “các chước cám dỗ”. Và bài Tin mừng Chúa Nhật II mùa Chay của cả ba năm A - B - C cũng tập trung vào một chủ đề “lên núi cao, Chúa biến hình”. Dưới cái nhìn tổng quát thì hình như Hội Thánh muốn chúng ta khởi đầu mùa chay thánh bằng sự gột bỏ những gì là “tiêu cực” do thần dữ cám dỗ để rồi cùng với Chúa Giêsu lên núi cao mà phát triển điều “tích cực” là cái nhìn và con tim của chúng ta.

Càng lên cao, tầm nhìn càng thêm bao quát là một điều dễ hiểu và dễ chấp nhận. Những người được dịp lên núi cao hay đã từng sử dụng phương tiện hàng không đều không khỏi bị cám dỗ phóng tầm nhìn đến quang cảnh chung quanh hay bên dưới. Quả thật, với cuộc sống thường nhật kiểu tà tà sát mặt đất thì luôn có đó nhiều điều rất cụ thể vượt khỏi tầm nhìn của chúng ta. Và cũng từ cái nhìn hướng đến các vật thể trong thực tế vốn bị giới hạn thì chúng ta cũng có thể bị hạn chế tầm nhìn trong những lãnh vực “phi vật thể”. Chính vì thế, khi có dịp thuận tiện, người ta thường đến những nơi quang đãng hay lên chỗ cao, không chỉ để hít thở không khí trong lành mà còn được dịp phóng tầm nhìn bao quát hơn, rộng mở hơn.

Hãy lên cao! Càng lên cao, tâm hồn càng khoáng đạt hơn, rộng mở hơn. Các tu sĩ, đúng hơn là các đan sĩ trong truyền thống Kitô giáo nói riêng và trong các tôn giáo nói chung thường chọn những nơi cao để làm chốn tu tập. Càng lên cao thì lòng ta dường như càng nhẹ nhàng, thanh thoát và khoáng đạt hơn. Bài Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Chay tường thuật sự kiện Chúa Kitô đưa ba môn sinh lên núi cao. Các sự kiện xảy ra trên núi Tabôrê ngày ấy dễ làm chúng ta dán mắt vào việc Chúa biến hình oai nghiêm sáng láng. Tuy nhiên xin đừng quên nội dung câu chuyện đàm đạo giữa Chúa Kitô với Môsê và Êlia. Đó là cuộc tử nạn mà Chúa Kitô sẽ phải chịu tại Giêrusalem. Đây chính là đỉnh cao hay là điểm tới của tình yêu mà Chúa Kitô tỏ bày cho nhân loại là hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Tình yêu làm phát sinh tình yêu. Lòng quảng đại làm triển nở lòng quảng đại. Quy luật tác động dây chuyền đã thể hiện hiệu năng ở lãnh vực này. Bị thúc bách một cách nào đó, Phêrô vội lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy muốn, chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Êlia” (Mt 17,4). Thế còn Phêrô và hai người bạn đồng môn là Giacôbê và Gioan sẽ ở đâu? Giả như Chúa Giêsu chấp thuận lời thỉnh cầu của thánh Phêrô thì tối hôm ấy, ba môn đệ của Người hẳn phải ở ngoài trời, trên cây hay trong bụi bờ nào đó. Tuy nhiên điều chúng ta chợt khám phá ở đây, đó là khi lên cao, được chiêm ngắm phần nào vinh quang của Thầy Giêsu thì tâm hồn của Phêrô đã mở ra. Ngài như quên hẳn mình đi.

Dệt xây một tâm hồn biết hướng thượng: Nếu hạn hẹp sự lên cao ở phạm trù không gian thì không biết bao người đã lên quá cao mà tâm hồn vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Với công nghệ hàng không hiện đại như hôm nay, rất nhiều người đã từng lên rất cao so với mặt đất. Theo thống kê thì mỗi ngày có hàng ngàn chuyến bay xuyên lục địa. Những người có điều kiện sử dụng phương tiện hàng không, thường là những người của tiền dư dả, ít ra là không thiếu. Thế nhưng lời cảnh giác của Chúa Kitô vẫn còn đó: người giàu có thì khó vào Nước trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24). Dù đã lên cao nhưng trái tim của nhiều người vẫn có thể chưa rộng mở. Như thế việc lên cao chỉ là một trong những phương thế, một trong những nguyên cớ để có được lòng hướng thượng.

Người có tâm hồn biết hướng thượng là người biết khao khát những giá trị cao cả, tốt đẹp trên những sự tốt đẹp bình thường mà nhiều người vẫn hằng tìm kiếm. Họ không dừng lại với chuyện cơm áo gạo tiền cho bản thân, không dừng lại với chức quyền, danh phận hay lạc thú trần gian cách ích kỷ. Trái tim của họ luôn ấp ủ số phận của nhiều người. Tầm nhìn của họ luôn vượt quá những gì đang trông thấy. Khát mong của họ luôn vươn tới những giá trị vĩnh cửu, trường tồn… Có thể gọi họ là người sống có lý tuởng, muốn cống hiến hơn là tìm cách hưởng thụ.

Các chuyên gia xã hội học, các nhà đạo đức ngày nay đều có chung nhận định rằng con người, cách riêng giới trẻ hôm nay, trên thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng đang mất dần sự hướng thượng, chí cống hiến. Cùng với công nghệ hiện đại, ngành quảng cáo tiếp thị như đang tiếp sức xây dựng một lối sống hưởng thụ vị kỷ. Người người đua nhau kiếm tiền để hưởng thụ ích kỷ. Công ăn việc làm, đúng hơn là thu nhập tiền bạc như đang là mục tiêu của việc học tập của giới trẻ hôm nay mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định là “não trạng duy kinh tế” (x.Thư chung HĐGM VN năm 2007 số 11; 12). Chính vì thế mà chí cống hiến, sự hướng thượng ngày càng mai một.

Để lên cao, đúng hơn là để có tâm hồn hướng thượng cần thiết phải rủ bỏ nhiều vướng bận gây cản trở. Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế ký gợi mở ý tưởng là hãy ra đi. Giavê Thiên Chúa mời gọi Abraham ra đi: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Tuổi đời đã 75, trên mức xưa nay hiếm, đang chưa có người nối dõi tông đường, cùng với nghề chăn nuôi súc vật, thế mà ra đi đến nơi chưa từng biết, quả là một quyết định thiếu chín chắn và liều lĩnh. Nếu gọi quyết định ấy là dại dột hay điên rồ thì cũng không ngoa. Vậy mà Abraham đã ra đi theo lời Chúa gọi. Thế nhưng với cái quyết định liều lĩnh hay điên rồ ấy thì một thời kỳ mới của công trình cứu độ đã mở ra. Phải nhìn nhận rằng dù tuổi đã cao nhưng tâm hồn Abraham luôn ấp ủ những gì tốt đẹp hơn, cao hơn nữa.

Mùa chay thánh đã về, Kitô hữu chúng ta không được phép dừng lại ở việc sám hối, ăn năn về tội lỗi đã phạm mà còn phải dệt xây tấm lòng hướng thượng với chí cống hiến cao đẹp. Trong nông nghiệp, không ai làm cỏ chỉ để cho mảnh đất sạch sẽ mà là để trồng tỉa các loại cây hữu ích. “Anh em hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8). Lời của thánh Gioan Tẩy giả một cách nào đó thúc bách ta không ngừng lên cao, hướng thượng để cùng với Chúa Kitô sau khi xuống núi thì “cương quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Những chủ quan đạo đức
Lm Minh Anh
14:14 02/03/2023
NHỮNG CHỦ QUAN ĐẠO ĐỨC

Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, với ‘những chủ quan đạo đức’, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình. Khi điều này xảy ra, tốt trở nên xấu; nhân đức trở thành tệ nạn; công chính trở nên bất chính! Như một giảng viên giáo lý, người đã kể những mẫu chuyện về sự giả hình của giới biệt phái; sau đó, cô ấy nói với các trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không như những người biệt phái!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, với nhận xét “Sự kiêu ngạo rất tinh tế” của Powell, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘những chủ quan đạo đức’. Thú vị hơn, điều này lại xảy ra nơi những kẻ tưởng mình là ‘thánh’, các luật sĩ và biệt phái. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ, nói với môn đệ của Ngài về họ rằng, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các luật sĩ và biệt phái? Không nhiều! Thật đáng nghi! Bởi lẽ, công chính của họ chỉ là thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh thiện. Và điều gì ở bên trong những linh hồn như thế? Ở đó, hẳn rất nhiều tự mãn, tự lừa dối bản thân với ‘những chủ quan đạo đức’. Đó là một thái độ hợm hĩnh khi họ tự cho mình là thánh hơn người! Đọc Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó; thế nhưng, trên thực tế, bạn và tôi cũng rất dễ để trở nên mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, bài đọc thứ nhất hôm nay cho biết, người cùng thời với Êzêkiel cũng vấp phải ‘những chủ quan đạo đức’ khi họ nghĩ rằng, họ chính trực, Chúa thì không! Vì thế, Thiên Chúa phán, “Các ngươi nói, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, ‘Có phải đường lối của Ta không chính trực? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?’”.

Như vậy, xem ra ranh giới giữa ‘chính trực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện và vờ thánh thiện’ khá mong manh! Đó là lý do tại sao tôi phải luôn xét mình với một nhận thức sâu sắc về sự giới hạn và khốn cùng của bản thân. Tôi đang theo đuổi một ‘thánh thiện thực’, hay đang ruổi theo một ‘thánh thiện ảo’ khi chỉ tìm kiếm cái tôi và tô vẽ nó? Nói cách khác, tôi thích ‘giả vờ làm thánh’ hay thích ‘nên thánh thực’ mà không giả vờ? Đừng quên, “Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc”. Vì thế, thái độ đúng đắn của bạn và tôi là xin Ngài xót thương. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Anh Chị em,

“Nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa khiêm tốn nhìn nhận phận mình; mùa tháo cởi và ném xa ‘những chủ quan đạo đức’. Cốt lõi của sự thánh thiện thực nơi một con người là chính trực bên trong lẫn bên ngoài. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng Toàn Thánh, hiền lành và khiêm nhượng, cũng là Đấng từng nói, “Nào ai bắt tôi được lỗi gì!”. Vì rằng, như nước với dầu, kiêu ngạo xa lạ với thánh thiện, không bao giờ hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa Giêsu không thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu căng! Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu hãnh! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứu con khỏi những huyễn danh phù phiếm; giúp con cởi bỏ và liệng xa ‘những chủ quan đạo đức’, hầu con có thể yêu thương đón nhận anh chị em con. Lạy Chúa, xin thương xót con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 02/03/2023

6. Người yêu mến Đức Mẹ rất dễ dàng tìm được Thiên Chúa.

(Thánh Albertus Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 02/03/2023
76. KÊU THẲNG TÊN MẸ

Nước Tống có một người trí thức, ba năm học tập ở nước ngoài, sau khi trở về thì kêu thẳng tên mẹ, bà mẹ hỏi anh ta học hành ra sao, mà lại kêu tên mẹ như thế.

Anh ta nói:

“Ở trên đời này, con chỉ sùng bái các hiền nhân, nếu không ai hơn được vua Nghiêu và vua Thuấn, thì con cũng kêu tên của họ ra. Ở trong vũ trụ, con cho rằng cái lớn nhất, không gì vượt qua trời và đất, nhưng con cũng kêu tên của chúng nó. Bây giờ mẹ không tài giỏi, không sáng suốt như vua Nghiêu, vua Thuấn, cũng không vĩ đại như trời và đất, tại sao con không thể kêu tên mẹ ra chứ?”

Bà mẹ nói:

“Theo như lời con nói thì tất cả những gì con đã học qua, con đều có thể thực hành được, nếu vậy, thì con nên thực hành thêm một bước, sau đó thì kêu tên mẹ thêm một lần nữa!”

( Chính Quốc sách)

Suy tư 76:

Cha mẹ là người sinh ra ta, bổn phận tự nhiên của người làm con là phải hiếu với các ngài, nói theo kiểu bình dân: trời sinh ra đã như thế.

Cha mẹ bỏ bê con cái, sinh con ra đem bỏ thùng rác kiến bò khắp mình, hoặc bỏ trưỡc cổng bệnh viện để hy vọng ai đó có lòng nhân từ đem về nuôi… đó là việc làm trái ngược với tự nhiên và vô lương tâm; con cái mà chửi cha, mắng mẹ, đánh cha mẹ, giết cha mẹ là trái ngược với tự nhiên, là ác ôn côn đồ, đáng bị nguyền rủa.

Có người học được cha mẹ cho đi học bên tây bên tàu, khi trở về nhà thì coi cha mẹ không ra gì, đối xử với cha mẹ và người thân cận y như là cha mẹ của cha mẹ không bằng: kiêu ngạo, phách, ba hoa chích choè… Nếu cha mẹ không nuôi nấng, không cho con đi học, không yêu thương chăm sóc thì thử hỏi lấy gì mà kiêu căng chứ?

Vì vậy việc trước tiên mà con cái phải học và thực hành là thảo kính cha mẹ, vui vẻ với anh chị em, yêu thương và giúp đỡ mọi người, đó là việc làm hợp với lẽ tự nhiên và là lệnh truyền của Chúa vậy.

Càng học hành nhiều, càng đọc sách thánh hiền nhiều thì phải biết yêu thương và thảo kính cha mẹ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lột bỏ thói hư
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
17:45 02/03/2023


Khi đến Thái Lan, du khách thường tìm đến chùa Vàng ở Wat Traimit tại Bangkok để chiêm ngắm bức tượng Phật ở tư thế ngồi cao đến 3 mét, nặng 5 tấn rưỡi !
Theo sử sách thì bức tượng nầy được đúc bằng vàng nguyên khối, vào khoảng từ thế kỷ 13 đến 15. Trong thời chiến tranh nổ ra giữa Thái Lan và Miến Điện, người Thái sợ bức tượng quý báu nầy lọt vào tay người Miến nên đã trát bê tông bao bọc tượng, che giấu khối vàng bên trong nhằm đánh lừa quân địch. Thế là những thế hệ người Thái sau nầy cứ tưởng đây chỉ là bức tượng bê tông tầm thường nên có thời bị đặt vào nơi bất xứng và bị lãng quên.
Vào năm 1955, bức tượng được di dời đến một ngôi đền mới. Trong khi vận chuyển, một số giây thừng ràng quanh tượng bị đứt làm cho tượng ngã lăn xuống đất, lớp bê tông bọc tượng bị nứt ra, cho thấy ánh vàng lấp lánh bên trong. Thế là nhờ sự cố không may nầy, người ta phát hiện ra đây là bức tượng vàng nguyên khối rất đẹp và quý báu đã bị che phủ bằng bê tông suốt hàng trăm năm qua.
Thế là từ đó, bức tượng trước đây bị xem thường, rẻ rúng vì bị bọc bởi một lớp bê tông xấu xí, giờ đây trở nên bức tượng vàng rất đáng quý trọng, được nhiều Phật tử chiêm ngưỡng, ái mộ, được du khách khắp nơi thăm viếng, được xem là quốc bảo của Thái Lan.

Trong 33 năm sống ở dương gian, Chúa Giê-su cũng sống trong hoàn cảnh tương tự. Mặc dù Ngài vốn là Thiên Chúa toàn năng uy quyền vinh hiển, nhưng đã hạ mình xuống thế, mặc lấy thân xác người phàm, trở nên người bình dị. Vì thế Ngài bị xem thường.
Thế rồi qua biến cố hiển dung trên núi, vinh quang rạng ngời được ẩn giấu nơi Chúa Giê-su được biểu lộ, nên ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan mới thấy được sự sáng láng vinh hiển của Ngài, mới biết được Ngài là Con chí ái của Thiên Chúa Cha.

Hôm nay, Ki-tô hữu chúng ta cũng gặp hoàn cảnh tương tự.
Nhờ lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con Thiên Chúa, thành chi thể của Chúa Giê-su, là đền thờ của Chúa Thánh Thần… có giá trị cao quý hơn bất cứ báu vật nào trên thế gian.
Tuy nhiên, sự cao quý tốt đẹp nầy thường bị bao bọc bởi một “lớp bê tông”, tựa như bức tượng Phật vàng ở Thái Lan, làm cho chúng ta bị mất giá trị trước mặt người đời.
Nơi người nầy, lớp “bê tông” bao bọc có thể là tính kiêu căng, tự phụ, tham lam, ích kỷ… Nơi người khác là lòng ghen ghét, hận thù… Những “lớp bê tông” nầy làm cho người ta trở nên tầm thường, xấu xa, mất giá…
Tiếc thay, nhiều người không muốn phá bỏ “lớp bê tông” xấu xí nầy, cứ để cho nó đeo bám vào người cho đến chết.
Còn chúng ta, hôm nay mỗi người hãy tự hỏi mình: Đến bao giờ tôi mới quyết tâm đục bỏ lớp vỏ xấu xí nầy để nét đẹp của người Ki-tô hữu được tỏ ra?

Lạy Chúa Giê-su,
Xưa kia trên núi cao, Chúa để cho vinh quang của Chúa, vốn bị che phủ bởi thân xác phàm trần, được biểu lộ… để cho ba môn đệ thân tín được thấy chân dung đích thực của Chúa.
Xin Chúa cũng giúp chúng con lột bỏ những thói hư tật xấu đang bao bọc chúng con, để dung mạo người con Thiên Chúa nơi chúng con được tỏ ra trước mặt mọi người. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Đổi đời đẹp đẽ
Lm Nguyễn Xuân Trường
19:04 02/03/2023

ĐỔI ĐỜI ĐẸP ĐẼ

Mùa Chay cứ phải hy sinh hãm mình để làm gì? Để làm đẹp. Chúa Giêsu biến hình trên núi sáng láng rạng ngời cho thấy: Mùa Chay là mùa đổi đời đẹp đẽ: Đẹp nhờ hy sinh hãm mình, đẹp như ánh sáng rạng ngời vinh quang Chúa.

1. Đẹp đẽ. Ai cũng thích đẹp, vui sướng khi chiêm ngưỡng người đẹp, cảnh đẹp. Thế nên, ngày nay rất nhiều người dùng mỹ phẩm và đi thẩm mỹ làm đẹp. Con người thích ngắm nhìn, chiêm ngưỡng cái đẹp hơn là nghe về những điều đúng sai tốt xấu. Thế nên Chúa đã cho các môn đệ chiêm ngắm vẻ đẹp thần thánh của Ngài trước khi bảo họ vâng nghe lời Ngài.

2. Đau đớn. Để đẹp đẽ thì cần trải qua đau đớn. Nhiều người đã phải trải qua những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đau đớn để được đẹp đẽ. Cả những người đẹp như hoa hậu hay nam thần cũng vẫn cần trải qua vất vả tập luyện kiêng khem. Tảng đá cần trải qua nhiều đau đớn của cưa cắt đục đẽo mới thành bức tượng đẹp. Chúa Giêsu cũng phải vất vả leo lên núi cao mới biến hình đẹp đẽ, phải trải qua đau đớn thập giá mới được phục sinh vinh quang. Chúng ta phải khổ chế hãm mình mới mong được đẹp cả hồn lẫn xác.

3. Độc đáo. Để đẹp đẽ nổi bật thì cần độc đáo. Hàng hiệu đẹp hơn hàng chợ. Đồ hiệu mà còn sợ bị đụng hàng. Đang hân hoan hí hửng diện bộ đồ đẹp đẽ độc đáo đi dự sự kiện mà lại bị đụng hàng thì thôi hết đẹp, hết vui. Chúa Giêsu thật độc đáo khi “Người đưa các môn đệ đi riêng ra một chỗ.” Trong xã hội tục hóa hưởng thụ hôm nay, môn đệ Chúa rất cần một lối sống riêng độc đáo.

4. Đạo đức. “Hãy vâng nghe lời Người!” Làm đẹp bằng cách để cho Lời Chúa chiếu rọi cuộc đời chúng ta như ánh sáng chiếu vào các ô cửa kính màu đẹp lung linh rực rỡ. Đó là cái đẹp của thánh thiện đạo đức giống như Chúa là Đấng Thánh.

Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ - vẻ đẹp của siêu việt chứ không phải của siêu mẫu. Mùa Chay ta hãy chạy đến với Chúa để được đổi đời đẹp đẽ. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn xe lửa kinh hoàng ở Hy Lạp
Đặng Tự Do
05:19 02/03/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp hôm thứ Tư nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ tai nạn xe lửa ở miền bắc Hy Lạp.

Các nhà chức trách cho biết ít nhất 36 người chết và hơn 75 người phải nhập viện sau khi hai đoàn tàu va chạm gần Vale of Tempe, một thung lũng sông cách Athens khoảng 235 dặm về phía bắc, ngay trước nửa đêm ngày 28/2.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ va chạm giữa tàu khách và tàu chở hàng. Người quản lý nhà ga ở thành phố Larissa gần đó đã bị chính quyền bắt giữ hôm thứ Tư, theo Associated Press. Hai người khác đã bị tạm giữ để thẩm vấn.

Lực lượng cấp cứu vẫn đang tìm kiếm mảnh vỡ của một số toa tàu bị đâm vào thứ Tư. Nhiều toa tàu bị trật bánh và ít nhất một toa bốc cháy. Đài truyền hình nhà nước ERT của Hy Lạp đưa tin rằng một số người đã bị văng khỏi tàu do va chạm và thi thể của các nạn nhân được tìm thấy cách nơi xảy ra vụ tai nạn 30 đến 40m.

Đức Thánh Cha Phanxicô “rất đau buồn khi biết về thiệt hại về người và thương tật do vụ tai nạn xe lửa gần Larissa, và ngài gửi lời bảo đảm về lời cầu nguyện của mình tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này”, một bức điện tín ngày 1 tháng 3 gửi các giám mục Hy Lạp cho biết.

“Khi phó dâng linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót yêu thương của Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành đến những gia đình đang thương tiếc người thân của họ. Đối với những người bị thương, những nhân viên cấp cứu và tất cả những người đang trợ giúp, Đức Thánh Cha ban phước lành của ngài như bảo chứng về sức mạnh và tình hiệp nhất trong Chúa.”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hy Lạp, Kostas Karamanlis, đã từ chức sau vụ tai nạn, gọi đó là nghĩa vụ của ông “như một dấu hiệu cơ bản về sự tôn trọng đối với ký ức của những người đã chết một cách oan uổng,” AP đưa tin.
Source:National Catholic Register
 
Saulô sao ngươi bắt bớ Ta? Tiến thoái lưỡng nan về Phụng vụ cho các Giám mục Giáo phận
J.B. Đặng Minh An dịch
05:21 02/03/2023


Ngày 20 tháng Hai, Đức Hồng Y Arthur Roche, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã công bố một sắc lệnh nhằm thắt chặt hơn nữa việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống. Có những phản ứng rất mạnh. Tờ Catholic Herald chạy hàng tít lớn “Saulô sao ngươi bắt bớ Ta.” Trong số các phản ứng nhẹ nhàng hơn, có bài của Cha Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ National Catholic Register, ngài vừa có bài viết nhan đề “Liturgical Dilemma for Diocesan Bishops”, nghĩa là “Tiến thoái lưỡng nan về Phụng vụ cho các Giám mục Giáo phận.”

Một tranh chấp về việc miễn chuẩn đã phát triển thành một mệnh lệnh bức chế từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đang đặt các giáo phận vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Kỷ luật phụng vụ thật tế nhị. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô, thắt chặt các quy định trong việc thực hiện Tự Sắc Traditionis Custodes - được Đức Thánh Cha ban hành vào ngày 20 tháng 2 - có nghĩa là Rôma đã quyết định rằng ưu tiên là phải gạt cho được “hình thức ngoại thường” hoặc Thánh lễ Tridentinô” ra bên ngoài các nhà thờ giáo xứ.

Từ đó gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các giám mục giáo phận.

Trong hầu hết các giáo phận, số người tham dự hình thức Thánh lễ cũ rất ít, thậm chí rất bé nhỏ. Tại Giáo phận Arlington, Virginia, nơi có một trong những sự hiện diện Thánh lễ theo truyền thống lớn nhất, Đức Cha Michael Burbidge ước tính rằng chỉ có 2,5% người đi Lễ đã tham dự Thánh lễ Latinh Truyền thống. Ở hầu hết các giáo phận khác của Hoa Kỳ, con số sẽ là một phần nhỏ của 2,5% đó, có thể ít hơn một nửa của 1%.

Do đó, những người Công Giáo dự Thánh lễ Latinh Truyền thống hiếm khi đủ tầm cỡ để tạo ra các vấn đề trong giáo phận, ngay cả khi họ muốn làm như vậy, nhưng phải khẳng định ngay đó là điều mà họ thường không làm. Ngược lại, mặc dù nhỏ, nhưng những cộng đoàn như vậy thường đưa ra bằng chứng đầy cảm hứng về các gia đình trẻ cố gắng sống đời sống bí tích sôi nổi, xây dựng nền văn hóa Công Giáo. Nếu cộng đoàn Thánh lễ Latinh Truyền thống đã ổn định hoặc phát triển được một thời gian, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ của một số linh mục.

Nếu giám mục muốn vâng lời Rôma, thì bây giờ ngài phải trục xuất giáo đoàn đó khỏi nhà thờ giáo xứ, có thể vào các cơ sở trường học gần đó, như đã làm ở một số nơi ở Arlington, hoặc đơn giản là loại bỏ hoàn toàn usus antiquior, hay hình thức thánh lễ cổ như đã làm ở Arlington. Không có gì ngạc nhiên khi một số giáo dân, đã thấy rằng điều đó “tàn ác và bất công”, mặc dù Đức Cha Burbidge không muốn làm bất kỳ điều gì trong những điều này trước khi Rôma ra lệnh đàn áp.

Hãy xem xét một giáo phận khác, nơi vị giám mục đang đóng cửa các nhà thờ giáo xứ vì thiếu giáo dân tham dự thánh lễ. Nếu đồng thời đóng cửa một nhà thờ đối với một cộng đoàn sôi nổi, thì ngài có nguy cơ không chỉ bị coi là độc ác mà còn là ngu ngốc.

Do đó, đại đa số các giám mục đã kín đáo lờ đi Tự Sắc Traditionis Custodes, mắt nhắm mắt mở cho phép các cộng đoàn địa phương tiếp tục hoạt động như hiện tại. Điều đó hầu như không đáng ngạc nhiên. Trong nhiều thế hệ hiện nay, hầu hết các chỉ thị phụng vụ từ Rôma, về bất kỳ chủ đề nào và dưới thời bất kỳ giáo hoàng nào, chỉ được tuân thủ một phần, nếu có.

Giờ đây, Rôma đã buộc việc cử hành hình thức thánh lễ này phải được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích chấp thuận để các cộng đoàn như thế có thể tiếp tục thờ phượng Chúa một cách thanh thản. Do đó, một giám mục, nếu muốn tiếp tục như mình đã làm, có thể bị cám dỗ coi thường luật pháp, và đó không bao giờ là một tình huống mang lại bình an trong lòng.

Ngược lại, nếu ngài nhiệt tình thực thi các mong muốn của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngài sẽ gặp phải một khó khăn khác. Câu hỏi đặt ra là ngài đang làm gì đối với những lạm dụng phụng vụ khác? Sự nhiệt tình có tương xứng không?

“Tôi rất buồn vì những lạm dụng trong việc cử hành phụng vụ ở mọi phía,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong một lá thư gửi các giám mục kèm theo Tự Sắc Traditionis Custodes. “Cũng giống như Đức Bênêđíctô XVI, tôi lấy làm tiếc về thực tế là ‘ở nhiều nơi, các quy định của Sách lễ mới không được tuân theo trong việc cử hành, mà thực sự được hiểu như là một sự cho phép hoặc thậm chí là một đòi hỏi của sự sáng tạo, dẫn đến những biến dạng hầu như không thể chịu nổi’.”

Nếu một giám mục đuổi các cộng đoàn truyền thống ra ngoài đường trong khi thanh thản chịu đựng những lạm dụng nghiêm trọng, thậm chí đến mức phạm thánh trong phụng vụ, thì có vẻ như ngài rất vui lòng chịu đựng điều mà Đức Thánh Cha coi là “không thể chịu đựng được”.

Sẽ có sự tuân theo quy định của Rôma trong văn bản luật - trục xuất những người cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống - trong khi bỏ qua một bối cảnh rộng lớn hơn “các hành vi lạm dụng ở tất cả các bên”. Đường lối hành động kỳ lạ khó hiểu như vậy làm giảm uy tín của giám mục đối với các linh mục và giáo dân của chính mình. Một lần nữa, không phải là một kết quả mang lại bình an trong lòng.

Hãy xem xét tình thế tiến thoái lưỡng nan của Đức Cha Edward Scharfenberger ở Albany, New York. Trong vòng vài ngày kể từ khi công bố tài liệu của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, giáo phận đã hủy bỏ các Thánh lễ truyền thống ở tất cả các giáo xứ đã cung cấp các thánh lễ này. Có hai giáo xứ như thế trong giáo phận. Một số Thánh lễ truyền thống của giáo phận chủ yếu được cử hành vào các ngày trong tuần.

Người Công Giáo ở Albany nghĩ như thế nào? Albany, trong cuộc khủng hoảng triền miên trong nhiều năm, hiện đang chìm trong các dàn xếp bồi thường lạm dụng tình dục. Giáo phận hiện đang phải gánh chịu một sự ngạc nhiên khi đấng bản quyền lâu năm của giáo phận, là Đức Cha Howard Hubbard, đã nghỉ hưu vào năm 2014, thỉnh cầu được huyền chức ở tuổi 84. Một số người suy đoán rằng ngài muốn tự mình thoát khỏi các cuộc điều tra về lạm dụng tình dục, vì đã thừa nhận rằng ngài đã giải quyết sai các trường hợp trong nhiều năm. Những người khác suy đoán rằng ngài muốn kết hôn. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng.

Giữa hàng loạt nỗi kinh hoàng đang bủa vây ngài, liệu nó có tăng cường sự tôn kính đối với vị giám mục hiện tại của Albany không khi ngài lựa chọn, như một ưu tiên cấp bách liệu giáo xứ ở Little Falls có Thánh lễ truyền thống vào sáng thứ Tư không? Ngài sẽ nổi bật vì sự vâng lời nhanh chóng ở Rome; nhưng các giáo dân gần gũi ngài hơn có thể ít nhiệt tình hơn. Do đó, gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan của giám mục giáo phận.

Hãy xem xét Chicago. Đức Hồng Y Blase Cupich đã thực hiện các hạn chế của Tự Sắc Traditionis Custodes vào năm 2021, thậm chí ký sắc lệnh của ngài vào Ngày Giáng Sinh! Tuy nhiên, phải đến Mùa Vọng năm 2022, ngài mới dỡ bỏ việc chuẩn chước nghĩa vụ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật vì đại dịch coronavirus.

Đức Hồng Y Cupich được khen ngợi ở Rôma, nhưng có thể các linh mục và tín hữu Chicago sẽ thắc mắc về các ưu tiên mục vụ của ngài. Ngài coi việc ngăn cản người Công Giáo đi lễ Chúa nhật theo truyền thống quan trọng hơn là lôi kéo những người Công Giáo khác đi lễ? Một lần nữa, không phải là một tình huống mang lại bình an trong lòng.

Bằng cách ép buộc các giám mục địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí đã làm suy yếu những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của chính ngài về tính đồng đoàn và đồng nghị, bao gồm cả những gì ngài đã viết trong Điều 2 của Tự Sắc Traditionis Custodes:

“Giám Mục giáo phận, trong tư cách là người điều hành, thăng tiến và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo Hội địa phương được giao phó cho ngài, có thẩm quyền điều chỉnh các cử hành phụng vụ trong giáo phận của ngài. Do đó, ngài có thẩm quyền hoàn toàn trong việc cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 trong giáo phận của ngài, theo các hướng dẫn của Tòa Thánh.”

Trong đại đa số các giáo phận trên toàn thế giới, những người tham dự Thánh lễ Latinh Truyền thống hoàn toàn không phải là vấn đề, trong khi vẫn có những lạm dụng phụng vụ khác. Nếu hành động của Rôma được thực hiện đối với cái trước, ảnh hưởng đến một phần rất nhỏ trong đàn chiên của Chúa mà Rôma vẫn không làm gì đối với các lạm dụng Phụng Vụ, thì điều đó sẽ gây tổn hại đến uy tín của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Trong Desiderio Desideravi, tông thư của ngài nhân dịp kỷ niệm một năm Tự Sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích “một chủ nghĩa cá nhân cao độ trong phong cách cử hành đôi khi biểu lộ một cơn mê được che giấu một cách sơ sài muốn trở thành trung tâm của sự chú ý… đây không phải là những hành vi phổ biến nhất, tuy nhiên, không phải hiếm các cộng đoàn đã bị lạm dụng như vậy” (#54).

Cụm từ “không phải hiếm” cho thấy mức độ kinh hoàng phổ biến hơn so nhiều với việc cung cấp thánh lễ cổ. Giám mục địa phương đang làm gì để ngăn chặn giáo dân của mình khỏi những lạm dụng mà Đức Thánh Cha than phiền?

Câu hỏi cấp bách không phải là giám mục địa phương đang làm gì với ít hơn 1 phần 10 của 1% các Thánh lễ Latinh Truyền thống ở địa phương. Nhưng là các lạm dụng Phụng Vụ khác, đó là lý do tại sao sắc lệnh của Rôma tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan ở địa phương.
Source:National Catholic Register
 
Bất chấp lời 'Không' từ Vatican, các Giám mục Đức vẫn tiến lên với Kế hoạch cho Hội đồng Công Nghị
Đặng Tự Do
05:25 02/03/2023


Bất chấp những lời cảnh báo lặp đi lặp lại từ Vatican, một lá thư của chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức được công bố hôm thứ Tư xác nhận rằng các kế hoạch thành lập một Hội đồng Công Nghị Đức đang được tiến hành.

Trong bức thư— đề ngày 23 tháng 2 và được công bố ngày 1 tháng 3 — Đức Giám mục Georg Bätzing viết rằng các giám mục Đức coi “mối quan ngại” của Vatican về một Hội đồng Công Nghị một cách nghiêm túc.

Thông điệp được gửi tới Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và các bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Dòng Tên Luis Ladaria, và Bộ Giám mục, Đức Hồng Y Marc Ouellet.

Vị giám mục người Đức nói với các Hồng Y rằng một “ủy ban công nghị” người Đức sẽ chuẩn bị một hội đồng công nghị trong ba năm. Động thái này, Đức Giám mục Bätzing viết, là “một dấu hiệu cho thấy vẫn còn một nhu cầu lớn để làm sáng tỏ về sự hợp tác trong tương lai của thượng hội đồng”.

Trong một bức thư dài bốn trang hồi tháng Giêng, Vatican đã viết “rằng cả Tiến Trình Công Nghị cũng như cơ quan do nó bổ nhiệm cũng như hội đồng giám mục đều không có thẩm quyền thành lập ‘Hội đồng Công Nghị’ ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ.”

Phản hồi của Giám mục Bätzing nói rằng hiện nay phía Đức muốn đào sâu vào các vấn đề thần học do Rôma nêu ra.

“Vì vậy, tôi mong các ngài thông cảm nếu tôi không giải quyết các khía cạnh riêng lẻ trong nhận xét của các ngài trong bức thư này, nhưng tôi rất vui và biết ơn nhận lời đề nghị trò chuyện mà các ngài đã đề xuất.”

Cuộc trò chuyện, Đức Giám mục Bätzing cho biết thêm, nên tiếp tục ở Rôma “càng sớm càng tốt” - nhưng sau cuộc họp cuối cùng của Thượng Hội đồng Đức tại Frankfurt.

Các giám mục Đức sẽ nhóm họp trong tuần này tại thị trấn Dresden của Đông Đức cho phiên họp khoáng đại của họ.

Khi bắt đầu cuộc họp này, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, Đức Tổng Giám mục Nikola Eterović, cho biết ngài đã “được ủy nhiệm” để “chỉ rõ cách giải thích chính xác nội dung của bức thư này, thậm chí không một giám mục giáo phận nào có thể thiết lập một Hội đồng Công Nghị ở cấp giáo phận hoặc giáo xứ.”

Sứ thần cũng tuyên bố, rằng tính đồng nghị không có nghĩa là tạo ra “các thể chế mới với nguy cơ gia tăng thêm bộ máy quan liêu”.

Thay vào đó, ngài cảnh báo các giám mục Đức, “điều cần thiết là hồi sinh các cơ quan giáo phận hiện có trong tinh thần đồng nghị.”

Ngài nói: “Tính đồng nghị là một vấn đề về tinh thần và phong cách hơn là về cấu trúc.”

Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về kế hoạch thành lập một Hội đồng Công Nghị thường trực cho Giáo hội Đức.

Một cơ quan như vậy sẽ hoạt động “như một cơ quan tư vấn và ra quyết định về những phát triển thiết yếu trong Giáo hội và xã hội,” theo một đề xuất của Tiến Trình Công Nghị.

Quan trọng hơn, nó sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận đối với kế hoạch mục vụ, các vấn đề về tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Đáp lại những lời cảnh báo từ Rôma về việc thực hiện một bước như vậy, Giám mục Bätzing vào Tháng Giêng đã gợi ý rằng ông sẽ theo đuổi một “lựa chọn dự phòng”.

Vị giám chức người Đức cho biết: “Chúng ta ở Đức đang tìm kiếm một cách thực sự cân nhắc và quyết định cùng nhau mà không vượt qua các quy định giáo luật vốn ảnh hưởng đến thẩm quyền của giám mục”.

Đối với những phản đối được đưa ra tại các cuộc họp ở Vatican - và được xác nhận trong một lá thư được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận - Giám mục Bätzing vào Tháng Giêng đã lặp lại lời công khai bác bỏ những lo ngại này - và tuyên bố rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự gây tranh cãi của mình bất kể phải đối mặt với những phản đối đó.

Các giám mục của Cologne, Regensburg, Passau, Eichstätt và Augsburg đã viết thư cho Vatican vào ngày 21 tháng 12 năm 2022. Họ nêu ra điều mà Giám mục Bätzing thừa nhận là “những câu hỏi chính đáng và cần thiết” — đặc biệt là liệu các giám mục có thể bị buộc phải tuân theo thẩm quyền của một hội đồng như vậy hay không..

Bức thư của Vatican lưu ý rằng các ngài không phải tuân theo. Thông điệp, được viết bằng tiếng Đức, nhắc nhở Đức Giám mục Bätzing rằng, theo Lumen Gentium, Công đồng Vatican II dạy rằng “việc tấn phong giám mục, cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cũng ban cho nhiệm vụ giảng dạy và cai quản, tuy nhiên, rất tự nhiên, chỉ có thể được thực hiện trong sự hiệp thông phẩmm trật với người đứng đầu và các thành viên của Giám Mục đoàn.”

Dài bốn trang, lá thư mới nhất của Vatican gửi Đức cho biết nó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận. Bức thư được ký bởi Đức Hồng Y Parolin, Đức Hồng Y Ladaria và Đức Hồng Y Ouellet.

Cảnh báo về mối đe dọa của một cuộc ly giáo mới từ Đức, Vatican đã can thiệp vào tháng 7 năm 2022 chống lại một Hội đồng Công Nghị Đức.
Source:National Catholic Register
 
Ở cửa ngõ Thượng hội đồng về tính đồng nghị: Xu hướng đế chế của Đức Phanxicô?
Vu Van An
14:09 02/03/2023

Trước thềm Thượng Hội đồng Giám Mục về tính đồng nghị, một Thượng Hội đồng hướng tới phân quyền, John Allen của trang mạng CruxNow nhận định một vài động thái gần đây của Đức Phanxicô xem ra đi ngược lại chiều hướng này.



Các động thái

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đánh dấu năm thứ 25 tại chức của ngài vào năm 2003, nhà thần học Công Giáo người Mỹ Richard McBrien đã phát biểu thay cho nhiều nhà phê bình cấp tiến khi nói rằng di sản của Đức Giáo Hoàng chắc chắn là ô hợp, với điểm tiêu cực lớn nhất là “sự tái tập trung quyền lực của ngài vào ngôi vị giáo hoàng có hại cho giáo huấn của [Công đồng Vatican II] về tính tập đoàn.”

Tất nhiên, Đức Gioan Phaolô II được coi là một nhà bảo thủ. Giả thiết trong nhiều giới cho rằng với sự chuyển tiếp sang Đức Giáo Hoàng Phanxicô cấp tiến hơn, viễn kiến Vatican II về tính tập đoàn, nghĩa là chuyển quyền kiểm soát nhiều vấn đề từ Rôma qua các giám mục địa phương, cuối cùng sẽ được thực hiện.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô dường như đã thúc đẩy những kỳ vọng đó, khi nói vào năm 2015 rằng Giáo Hội Công Giáo có thể sử dụng một “sự phân quyền lành mạnh”. Với “Thượng hội đồng giám mục về tính đồng nghị” được nhiều người ca ngợi, Đức Phanxicô và các phụ tá của ngài đã nói rằng họ muốn việc tham khảo ý kiến và đưa ra quyết định chung trở thành một đặc điểm cốt lõi của đời sống Giáo hội.

Tuy nhiên, một số câu chuyện gần đây dường như kể một điều hơi khác.

Trong một động thái một lần nữa khuấy động tình cảm Công Giáo truyền thống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuần này đã ban hành một phúc nghị (rescript), nghĩa là một sắc lệnh pháp lý, yêu cầu các giám mục địa phương phải xin phép Vatican trước khi cho phép cử hành Thánh lễ Latinh trước Công đồng Vatican II tại các nhà thờ giáo xứ, hoặc cho phép các linh mục thụ phong sau ngày 16 tháng 7 năm 2021, sử dụng nghi thức cũ hơn này.

Các hãng tin bảo thủ đã ghi nhận sự tương phản giữa lời hoa mỹ về phân quyền của Đức Giáo Hoàng và lực đẩy tập quyền rõ ràng của phúc nghị. Thành thật mà nói, đó không phải là thí dụ duy nhất.

Hai ngày sau, Đức Phanxicô ban hành một công cụ pháp lý khác, công cụ này là một tự sắc, liên quan đến di sản tài chính của Tòa Thánh. Về bản chất, sắc lệnh quy định rằng tất cả tài sản của các tổ chức được tạo ra bởi các cơ quan của Giáo triều La Mã, hoặc bởi các thực thể khác có liên quan đến Tòa thánh, đều thuộc về Vatican và chịu sự kiểm soát của Đức Giáo Hoàng.

Tháng 8 năm ngoái, khi công bố một báo cáo tài chính, Văn phòng Kinh tế đã xác định 92 “thực thể” như vậy, bao gồm các vương cung thánh đường lớn ở Rome – Đức Bà Cả, Thánh Phaolô Ngoại thành, Thánh Gioan Latêranô, ngoài ra còn có Nhà thờ Thánh Phêrô – cũng như một loạt các quỹ tài trợ, tổ chức và quỹ dự trữ được tạo ra trong nhiều năm.

Về mặt kỹ thuật, đây là các cơ quan của Vatican và do đó phải lệ thuộc Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, từ lâu hầu hết đã hoạt động với quyền tự chủ đáng kể và nhân viên coi tài sản là của họ để quản lý và sử dụng khi họ thấy phù hợp. Do đó, đây là một cú đánh thức khá dữ dội, để thức tỉnh và phát hiện ra rằng không, họ chỉ là “những người được ủy trị”, không phải là “chủ sở hữu”.

Hoặc, hãy xem xét một phúc nghị ban hành tháng 6 năm ngoái xác định rằng trước khi thành lập một nhóm mới như là “hiệp hội công khai của các tín hữu”, với mục tiêu trở thành một dòng tu, giám mục giáo phận trước tiên phải xin phép Vatican. Qui định đó được xây dựng dựa trên một sắc lệnh trước đó từ năm 2020 yêu cầu các giám mục phải xin phép trước khi thành lập một cộng đồng tu trì mới thuộc quyền giáo phận, do đó, đã mở rộng một phúc nghị năm 2016 yêu cầu họ ít nhất phải tham khảo ý kiến của Vatican.

Trước đây, tất cả các bước đó có thể được thực hiện bởi một giám mục giáo phận, với việc Vatican chỉ tham gia vào bức tranh nếu dòng tu mới muốn được công nhận là "thuộc giáo hoàng", không chỉ đơn giản là "thuộc giáo phận". Bây giờ, Vatican phải can dự ngay từ đầu.

Ngoài ra, hãy xem xét một số câu truyện bên ngoài nước Ý chỉ trong vài ngày qua liên quan đến hai tu viện nhỏ của các nữ tu.

Trong trường hợp đầu tiên, hai nữ tu Dòng Clara Nghèo khó đã bị trục xuất khỏi đời sống tu trì theo sắc lệnh của Vatican vì không chịu từ bỏ tu viện của họ trên Bờ biển Amalfi sang trọng của Ý, nơi tài sản ước tính trị giá từ 50 đến 60 triệu mỹ kim. Với lý do số lượng ngày càng giảm, Vatican đã ra lệnh đóng cửa tu viện và bổ nhiệm một người giám sát để xử lý tài sản.

Hai nữ tu không muốn rời đi, trong số những điều khác, họ nói rằng họ muốn chăm sóc một nữ tu 97 tuổi sống trong tu viện từ năm 1955. Sự bất chấp dẫn đến lệnh trục xuất.

Cách đó khoảng 270 dặm về phía bắc, 13 nữ tu Biển Đức đang phải đối mặt với mối đe dọa tương tự sau khi bất chấp lệnh của Vatican để thay thế Mẹ Bề trên của họ. Các nữ tu đã dựng rào chắn trong tu viện, khóa cổng chính và cắt đứt đường dây điện thoại, hy vọng rằng bằng cách nào đó một kháng cáo chống lại sắc lệnh của Vatican sẽ thành công.

Nói một cách tổng quát, người ta có thể thắc mắc tại sao Vatican lại tham gia vào công việc chỉ có tính quản lý vi mô, bởi vì, trong những trường hợp khác, những bế tắc như thế này thường được giao cho các dòng tu và giáo phận liên quan giải quyết, trên cơ sở mối nguy chỉ là quá nhỏ.

Các động lực

Lý do gì vậy? Tại sao vị giáo hoàng của “phân quyền lành mạnh” dường như đang chủ trì một triều đại giáo hoàng ngày càng có tính đế chế?

Để bảo vệ Đức Phanxicô, một số biện pháp tập trung này phản ảnh mong muốn cải cách của ngài.

Chẳng hạn, việc khẳng định quyền kiểm soát đối với các dòng tu mới, một phần là phản ứng trước sự kiện này là một số lượng đáng báo động các dòng tu này đã vướng vào các vụ bê bối lạm dụng. Tương tự như vậy, việc khẳng định quyền sở hữu đối với tất cả các tài sản liên quan đến Vatican được coi là một cách để bảo đảm rằng các biện pháp minh bạch và trách nhiệm giải trình mới của Đức Phanxicô cũng đến được với các thực thể này, bất chấp chúng có thể cách xa hoạt động hàng ngày của Đức Giáo Hoàng bao nhiêu.

Tuy nhiên, ngoài cải cách, gần như chắc chắn có những nhân tố khác đang tác động, một trong số đó có tính cấu trúc và nhân tố khác có tính tâm lý.

Về mặt cấu trúc, các giám đốc điều hành của bất cứ cơ sở chính trị nào thường tìm cách tăng cường quyền lực của ngành hành pháp. Trong cuốn sách nổi tiếng The Imperial Presidency của mình, Arthur Schlesinger đã xác định cả Franklin D. Roosevelt, đảng viên Đảng Dân chủ và Nixon, đảng viên Đảng Cộng hòa, đều là các kiến trúc sư của quyền hành pháp được mở rộng đáng kể ở Hoa Kỳ.

Chỉ trong thời đại siêu phân cực, bất cứ ai cũng ngạc nhiên khi cả vị giáo hoàng bảo thủ lẫn vị giáo hoàng cấp tiến dường như đều thích thẩm quyền giáo hoàng, ở mức độ gần như ngang nhau.

Còn đây là vấn đề tâm lý: Hầu hết các tân giáo hoàng, đặc biệt những vị từng lãnh đạo các giáo phận trong một thời gian, có thể nhậm chức với niềm tin rằng hầu hết các giám mục khác cũng nghĩ như các vị. Xét cho cùng, các vị vừa được bầu với hai phần ba phiếu bầu trong Hồng Y đoàn, và hầu hết những người bạn giám mục của vác vị có thể chia sẻ quan điểm của các vị...

Dựa trên giả định cho rằng “hầu hết các giám mục” muốn những gì Đức Giáo Hoàng muốn, thật dễ dàng để ủng hộ sự phân quyền và tính tập đoàn.

Tuy nhiên, theo thời gian, mọi vị giáo hoàng đều phải tính đến sự kiện này là có nhiều giám mục không thực sự chia sẻ chương trình nghị sự của của các vị. Đức Gioan Phaolô II có Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô có Đức Hồng Y Gerhard Müller – và trong cả hai trường hợp, Martini và Müller không chỉ nói cho riêng mình.

Khi các vị giáo hoàng bắt đầu nghe thấy tiếng thời gian chung tận tới gần, điều trở nên ít tự nhiên hơn là nghe theo các phán quyết của một bộ phận dễ dàng bị chia rẽ và không tài nào đoán trước được gồm đến khoảng 5,000 giám mục Công Giáo trên khắp thế giới, và dễ dàng bị cám dỗ cai trị bằng sắc lệnh nhiều hơn.

Ngày càng có nhiều nhà quan sát tin rằng chúng ta hiện đang bước vào giai đoạn đó của kỷ nguyên Phanxicô. Do đó, chiều kích hoạt động này của ngôi vị giáo hoàng sẽ được dung hòa như thế nào với các khái niệm giáo hội học có khả năng được trình bày rõ ràng bởi Thượng hội đồng về tính đồng nghị sắp diễn ra, do đó, sẽ rất hấp dẫn để theo dõi.
 
Ý cầu nguyện tháng Ba của Đức Thánh Cha: Cầu cho các nạn nhân bị lạm dụng
Thanh Quảng sdb
15:19 02/03/2023
Ý cầu nguyện tháng Ba của Đức Thánh Cha: Cầu cho các nạn nhân bị lạm dụng

Trong ý cầu nguyện cho tháng 3 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân bị lạm dụng, và ngài nói Giáo hội phải phục vụ để bảo vệ và cung cấp không gian an toàn cho các nạn nhân.

(Tin Vatican)

“Để đối phó với các trường hợp lạm dụng, đặc biệt là những trường hợp do các thành viên của Giáo hội phạm phải, việc cầu xin sự tha thứ là không đủ,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp video công bố ý cầu nguyện của ngài vào tháng 3 năm 2023.

Đức Thánh Cha trong tháng này sẽ cầu nguyện cách đặc biệt cho các nạn nhân bị lạm dụng.

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ ý cầu nguyện tháng Ba

Trong thông điệp của mình, ĐTC nhấn mạnh rằng các nạn nhân là nhân vật chính trong việc chống lại lạm dụng, “nỗi đau và vết thương tâm lý của họ có thể chữa lành nếu họ tìm ra câu trả lời – nếu có những hành động cụ thể để sửa chữa những nỗi đau mà họ đã phải chịu và để ngăn chặn chúng không xảy ra nữa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội không thể che giấu sự lạm dụng, bất kể nó xảy ra ở đâu, nhưng thay vào đó, Giáo hội phải phục vụ như một kiểu mẫu trong việc chống lại sự lạm dụng – bao gồm cả việc làm sáng tỏ vấn đề lạm dụng trong xã hội và trong gia đình.

Là một phần của những ưu tư, Giáo hội cũng phải “cung cấp không gian an toàn cho các nạn nhân được lắng nghe, được hỗ trợ về mặt tâm lý và được bảo vệ.”

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đau khổ vì những điều sai trái do các tín hữu của Giáo hội gây ra cho họ; ước gì họ tìm thấy trong chính Giáo hội những lo lắng cụ thể đối trước nỗi đau và sự thống khổ của họ.
 
Vatican công bố logo và khẩu hiệu chuyến Tông du Hungary của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thanh Quảng sdb
15:29 02/03/2023
Vatican công bố logo và khẩu hiệu chuyến Tông du Hungary của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Chúa Kitô, tương lai của chúng ta” là khẩu hiệu cho Chuyến tông du nước ngoài lần thứ 41 của Đức Thánh Cha Phanxicô, đến Budapest, Hungary, từ ngày 28 đến 30 tháng Tư.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vừa công bố logo và khẩu hiệu chính thức vào cho Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary, vào ngày 28-30 tháng Tư.

“Chúa Kitô, tương lai của chúng ta” là khẩu hiệu chuyến Tông du của Đức Thánh Cha tới thủ đô Budapest, thủ đo Hungary nhân chuyến tông du nước ngoài lần thứ 41 của ngài.

Hôm thứ Hai, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, thông báo Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến viếng thăm quốc gia Đông Âu này sau khi đã nhận lời mời của chính quyền dân sự và Giáo hội.

Trong chuyến Tông du kéo dài ba ngày, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm những người tị nạn và người nghèo, cũng như với các trẻ em của Trung tâm Chân phước László Batthyány-Strattmann. Ngài cũng dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các tín hữu, chính quyền địa phương, giáo sĩ và tu sĩ.

Hơn một nửa số người Hungary theo Thiên Chúa giáo và ít nhất 37% dân số được xác định là người Công Giáo.

Theo các nguồn tin địa phương, kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine, gần 1 triệu người Ukraine đã lánh qua Hungary với tư cách là người tị nạn.

Ý nghĩa của logo và phương châm

Phần trung tâm của logo tượng trưng cho cây Cầu Xích của Thủ đô Budapest, cây cầu lâu đời nhất của Hungary bắc qua sông Danube.

Một biểu tượng của thủ đô và quốc gia, ban đầu nó được xây dựng để kết nối các thành phố Buda và Pest.

Nó gợi lên ý tưởng, thường được Đức Thánh Cha nhắc đến, về tầm quan trọng của việc xây dựng những nhịp cầu giữa con người với nhau.

Màu của Tòa thánh (vàng và trắng) và của Hungary (đỏ, trắng và xanh lá cây) gặp nhau trên hai trụ cầu.

Logo được bao quanh bởi một vòng tròn tượng trưng cho Bí tích Thánh Thể và thế giới được Chúa Kitô cứu chuộc.

Ở phía bên trái của vòng tròn, là một cây thánh giá gợi lại bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 12 tháng 9 năm 2021 tại Budapest, trong đó ngài bày tỏ hy vọng rằng cây thánh giá có thể trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai.

Bên phải vòng tròn là khẩu hiệu “Chúa Kitô, tương lai của chúng ta”, cùng với dòng chữ “Giáo hoàng Phanxicô tới Hungary, 28-30 tháng 4 năm 2023.”
 
Người Lính Ukraine Được Cứu Nhờ Lần Chuỗi Mân Côi
Đặng Tự Do
17:31 02/03/2023


Một năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, một linh mục Công Giáo đã kể lại việc một người lính Ukraine đã thoát chết nhờ lần chuỗi Mân Côi.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Cha Josafat Boyko, thành viên của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể và là cha sở của nhà thờ hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô ở Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine, giải thích rằng một phần thánh chức của ngài là cung cấp sự hướng dẫn tâm linh cho những người lính đang chiến đấu với cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Cha Josafat Boyko cho biết một người lính nói với ngài rằng sau khi rời khỏi nơi anh ta đang ở để ra chỗ thanh vắng lần chuỗi Mân Côi, 'một quả bom đã rơi' vào chỗ anh ta vừa bước ra. 'Như vậy, nhờ lần chuỗi Mân Côi, anh ấy đã được cứu thoát khỏi cái chết.'

Cha Boyko nhấn mạnh rằng, trước thảm kịch ở Ukraine, “tiếng nói của Giáo hội là rất quan trọng để nói lên sự thật.”

“Giáo hội phải lên tiếng. Giáo Hội phải hét lên sự thật với thế giới về cuộc chiến ở Ukraine,” anh nói.

Ngài nói: “Nhiều người đang chết” ở Ukraine, và nhờ những tiếng nói bảo vệ sự thật người Ukraine đã được biết đến với việc bảo vệ “người dân và đất đai của họ”.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi cuộc tấn công vũ trang của Nga chống lại Ukraine bắt đầu, cho đến ngày 12 tháng 2 năm nay, đã có 18.955 thương vong dân sự được ghi nhận ở nước này, với 7.199 người thiệt mạng và 11.756 người bị thương.

Tuy nhiên, Cha Boyko chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ vài năm trước. “Ukraine kể từ năm 2014 đã ở trong tình trạng chiến tranh không tuyên bố. Nga bắt đầu tấn công Ukraine bằng cách tấn công một số vùng lãnh thổ của tỉnh Donetsk, Luhansk và Crimea,” ông nói.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, vị linh mục nói, “các nhà thờ ở nhiều nơi đã trở thành nơi trú ẩn cho những người phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.”

“Vì vậy, Giáo hội với tư cách là một tổ chức bắt đầu giúp lấy lương thực từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới cho người nghèo và túng thiếu.”

Ngoài ra, Cha Boyko nói rằng “chúng tôi phát trực tuyến trên YouTube những lời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình.”

Ngài giải thích rằng những người “không có nhà thờ” cũng có thể tiếp cận những lời cầu nguyện “thông qua internet”.

Vị linh mục người Ukraine nhấn mạnh rằng “chúng tôi tiếp tục rao giảng Tin Mừng và tiếp tục cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga, cũng như những gì Đức Mẹ Fatima đã nói vào năm 1917, khi Mẹ yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho nước Nga”.

Ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thúc đẩy hòa bình chứ không phải thù hận.”

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cống hiến hết mình tại các giáo xứ để phân phát thực phẩm và quần áo cho người nghèo và trợ giúp cho các quân nhân.
Source:Catholic News Agency
 
Antiôkia cổ đại là một trong những thành phố bị động đất tàn phá nặng nề nhất
Đặng Tự Do
17:33 02/03/2023


Antiôkia cổ đại là một điểm đến hành hương tôn giáo được ưa chuộng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố này trong những cái nôi sớm nhất của Kitô Giáo và là thủ đô nổi tiếng của Đế chế Rôma. Tiếc thay, Antiôkia ngày nay, thường được gọi là Antakya, là “một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất bởi những trận động đất gần đây đã giết chết hàng chục nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Được xây dựng vào khoảng năm 300 trước Chúa Giáng Sinh ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố này từng được mệnh danh là Rôma của phương Đông. Trên thực tế, truyền thống cho rằng chính Thánh Phêrô là giám mục của Antiôkia nhiều năm trước khi trở thành giám mục tiên khởi của Rôma. Ngài đã ở Antiôkia đến bảy năm.

Chương 11 của Sách Công vụ Tông đồ nói rằng Antiôkia là thành phố mà lần đầu tiên các môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu”. Truyền thống đã tôn Thánh Phêrô là người sáng lập Giáo hội Antiôkia, theo lời tường thuật của Sách Công vụ, không chỉ kể về việc hai thánh Tông đồ Phêrô và Bácnaba đã đến thành phố Thổ Nhĩ Kỳ này, mà còn về lời rao giảng của các ngài.

Truyền thống cho rằng tại Knisset Mar Semaan Kefa, trong tiếng Aramaic, có nghĩa là “Hang động của Thánh Phêrô”, Thánh Phêrô đã cử hành Bí tích Thánh Thể cho cộng đồng này. Đây có thể là nơi thờ phượng đầu tiên của Giáo Hội Antiôkia cổ đại.

Mặc dù thành phố đã sống sót sau một số trận động đất trong quá khứ, nhưng trận động đất mới nhất thì khác. Theo một bài báo của Gamze Yilmazel, “Các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đang tuần tra để gìn giữ hòa bình, đã lăn bánh qua toàn bộ những con phố chỉ còn là đống đổ nát. Các thi thể vẫn được cho là đang thối rữa dưới đống đổ nát”.

Yilmazel khẳng định trận động đất tấn công đất nước vào ngày 6 tháng 2 và các dư chấn của nó “đã quét sạch các di tích tôn giáo và di sản thế giới trong thành phố. Các di tích lịch sử trên khắp khu vực đã bị ảnh hưởng”.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Di tích Thế giới, Bénédicte de Montlaur, nói với NPR rằng “các trận động đất đã làm hư hại các công trình kiến trúc trải dài hàng thế kỷ và nhiều nền văn hóa, từ pháo đài Rôma đến nhà thờ Hồi giáo lịch sử đến nhà thờ linh thiêng của Kitô Giáo. Chúng ta không nghi ngờ gì về điều đó. Di sản bị mất trong những sự kiện bi thảm này sẽ mất nhiều năm để sửa chữa và chúng ta sẽ cần một sự huy động quốc tế lớn để hỗ trợ những nỗ lực của địa phương.”
Source:Aleteia
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cuộc gặp gỡ trên đỉnh núi cao
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
21:59 02/03/2023
Hình ảnh cuộc gặp gỡ trên đỉnh núi cao

Những cuộc họp thượng đỉnh giữa chính phủ các quốc gia đất nước, giữa các khối liên hội đoàn…thường được tổ chức với những vị trách nhiệm đứng đầu ngày càng cần thiết, để cùng nhau thảo luận về một cung cách sinh hoạt chung với nhau, và giảm bớt như có thể những trái ngược gây ra hiểu lầm hay thiệt hại cho nhau!

Trong nếp sống tinh thần đức tin có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh không?

Từ mấy thập niên nay, sau thời Công đồng Vaticanô 2. đã có những cuộc gặp gỡ liên tôn giáo giữa các vị chức sắc đứng đầu các tôn giáo trên bình diện các nước trên thế giới. Các Vị gặp nhau trong tình huynh đệ cùng nhau cầu nguyện chung, cùng tìm hiểu tôn trọng xích lại gần nhau, nhất là cùng xây dựng nếp sống hoà bình giữa nhau, dù có những khác biệt về niềm tin, về cung cách con đường thực hành niềm tin…

Ngày xưa Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người cũng đã có cuộc gặp gỡ ở trên đỉnh núi cao, ngọn núi Tabor bên nước Do Thái với hai vị chức sắc Thánh thời Cựu ước trước Chúa Giêsu, như kinh thánh viết thuật lại. ( Mt 17,1-8)

”Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.4 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.7 Bấy giờ, Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.”

Phúc âm nói đến con số sáu “Sáu ngày sau”. Trong bài tường thuật về sáng tạo trời đất, thú vật, cây cỏ và con người, Thiên Chúa sáng tạo xây dựng công trình trong sáu ngày. Con số sáu là con số kinh thánh, và con người được Thiên Chúa tạo dựng nên vào ngày thứ sáu, ngày cao điểm của công trình sáng tạo thiên nhiên, và con người cũng là triều thiên cao điểm của công trình sáng tạo.

Sáu ngày trước cuộc gặp gỡ trên núi cao Tabor cùng với ba Tông đồ Phero, Giacobe và Gioan, Tông đồ Phero đã tuyên xưng đức tin với Chúa Giêsu ” Thầy là Đức kitô Con Thiên Chúa hằng sống!” ( Mt 16,16).

Như thế với thông tin về thời gian nói lên cuộc gặp gỡ biến hình của Chúa Giêsu quy hướng vào bản tính thiên chúa ( thiên tính) của Chúa Giêsu cùng nói lên sự linh thiêng cao cả.

Chúa Giêsu cùng với ba Tông đồ lên một ngọn núi cao. Phúc âm không nói đến tên ngọn núi, nhưng thời cựu ứơc đã nói đến tên ngọn núi Tabor ( sách Thẩm Phán 4-5) và Thánh Vịnh 89,13 đã nói đến ngọn núi Tabor là ngọn núi thánh của Thiên Chúa.

Ngay từ thế kỷ 4. sau Chúa Giêsu, khi nghiên cứu địa lý kinh thánh Đức Giám Mục Cyillo thành Jerusalem ( +386) đã qủa quyết ngọn núi Chúa Giêsu lên gặp gỡ biến hình là núi Tabor. Ngày nay đến hành hương lên núi Tabor cao 588 mét ở miền bắc nước Do Thái vùng Galiliee, có thánh đường lớn với ba khung cửa phía mặt tiền do Dòng Phanxicô xây dựng năm 1924 trên nền hoang tàn để nát dấu vết còn xót lại của những đền thờ, tu viện thời xa xưa đã xây dựng ở đây.

Ngọn núi cao xưa nay là hình ảnh nơi chốn gần gũi với Thiên Chúa. Trong cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian cũng đã sống trải qua nơi những ngọn núi: núi cám dỗ, núi bài giảng Tám mối phúc thật, núi Golgotha, nơi Ngài bị đóng đinh vào thập giá, và sau cùng cũng trở về trời từ đỉnh núi Sion.

Trên đỉnh núi khi biến hình áo của Chúa Giêsu trở nên trắng tinh sáng chói. Tấm áo mầu trắng nói lên sự trong sạch tinh tuyền cùng niềm vui mừng, ánh sáng mầu trắng trong thấu suốt.

Thánh Gioan tông đồ trong sách Khải Huyền trong những thị kiến trên trời đã nói đến ” Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng” (KH 3,5), “ Bấy giờ mỗi người trong số họ đã được lãnh một áo trắng…”. (Kh 6,11). Đó đây cũng bắt gặp hình tượng các vị Thiên Thần của Chúa có phẩm phục mầu trắng. Và ngày nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội, em bé hay người lớn được rửa tội cũng khoác mặc áo mầu trắng.

Hình tượng Chúa Giêsu Kitô phục sinh được khắc vẽ với y phục mầu trắng sáng chói như tuyết. Lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh và trong suốt 40 ngày sau lễ mừng cho đến lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, phẩm phục phụng vụ trong thánh lễ là mầu trắng.

Trong Kinh Tin Kính có câu tuyên xưng về Chúa Giêsu Kitô” Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng” diễn tả mầu ánh sáng trắng trong tinh tuyền phát ra từ nơi Ngài.

Cuộc biến hình gặp gỡ thượng đỉnh không chỉ ở trên đỉnh ngọn núi cao, nhưng còn có hai vị cao cả thời Cựu ước trước Chúa Giêsu cùng hiện đến đàm đạo với Ngài nữa : Tiên tri Mose và Tiên tri Elija ( Mt 17,3).

Hai vị Tiên tri thời Cựu ước xa xưa trong Do Thái giáo là hai vị chức sắc lãnh đạo hàng đầu dân Thiên Chúa. Các Vị không còn trên trần gian nữa. Tiên tri Mose đã qua đời trên đường dẫn dân Do Thái trở về quê hương Do Thái từ đất nước Ai Cập ( Sách dân số 34,10). Tiên tri Elija đã được Thiên Chúa cho cỡi xe có lửa cháy sáng rực trở về trời ( 2 Các Vua 2,11). Hai Vị Tiên tri lãnh đạo hàng đầu này là những vị gần gũi với Thiên Chúa cách khác thường đặc biệt.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa khai mở thời tân ước, cùng đàm đạo với hai Vị tiên tri chức sắc hàng đầu, thời Cựu ước qúa khứ đã qua, nhưng có vị trí chỗ đứng sát gần Thiên Chúa, nói lên sự liên tục trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa cho con người trên trần gian.

Và Thiên Chúa qua Chúa Giesu Kitô trong dòng lịch sử thời gian nhân loại luôn gần bên con người nơi Lời giảng dậy, sự hy sinh dấn thân chịu chết và sống lại của Người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Táo bạo: Ukraine đồng loạt tấn công Crimea và Melitopol. Tình hình Bakhmut. Đức tặng thêm Leopard
VietCatholic Media
03:17 02/03/2023


1. Bán đảo Crimea bị tấn công, hàng chục tiếng nổ vang lên suốt đêm

Sáng thứ Năm 2 tháng Ba, Thống Đốc bán đảo Crimea, do Nga dựng lên, là Sergey Aksyonov, cho biết từ 21 giờ tối thứ Tư 1 tháng Ba, cho đến sáng nay, nhiều tiếng nổ đã vang lên gần một đơn vị quân đội Nga ở Bakhchysarai thuộc bán đảo Crimea bị tạm chiếm, cùng với những tiếng nổ khác cũng được nghe thấy ở Yalta, Gurzuf và các khu định cư khác trên bờ biển phía nam của bán đảo.

“Ở Bakhchysarai, đã xảy ra một vụ nổ trong khu vực của đơn vị quân đội trên phố Simferopolska.”

Sergey Aksyonov lưu ý rằng đó không hẳn là doanh trại quân đội này bị đánh trúng vì những tiếng nổ đó có thể là do hoạt động của các đơn vị phòng không. Tuy nhiên, cư dân địa phương cho biết cửa kính nhà họ bị vỡ nên họ không tin rằng đó là do hỏa lực phòng không của quân Nga.

Ở Yalta, Gurzuf và một số khu định cư khác người ta cũng nghe thấy những tiếng nổ lớn. “Mọi thứ xung quanh vỡ vụn - đồ đạc và cửa sổ, chuông báo động xe hơi kêu. Có cả âm thanh của máy bay.”

Quân Nga đang tích cực chuyển quân và các khí tài chiến tranh chuẩn bị cho các trận đánh lớn vào mùa xuân. Quân Ukraine rõ ràng là đang cố tấn công vào các tuyến đường tiếp tế của Nga.

2. Nga tuyên bố quân đội ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Crimea

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, nói rằng quân đội nước này đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “quy mô lớn” vào Crimea.

“Sáu phương tiện tấn công không người lái của Ukraine đã bị hệ thống phòng không bắn hạ. Thêm bốn phương tiện bay không người lái của Ukraine đã bị vô hiệu hóa bằng các phương tiện chiến tranh điện tử”

Konashenkov nhấn mạnh rằng không có thương vong, nhưng CNN cho biết ông ta không công bố bất kỳ bằng chứng hình ảnh nào về máy bay không người lái, cũng như không cung cấp thông tin chi tiết về các địa điểm mà máy bay không người lái được cho là đã bị hạ gục.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng các hệ thống tác chiến điện tử đã ngăn chặn các máy bay không người lái của Ukraine cố gắng tấn công Krasnodar và vùng lân cận Adygea ở phía tây nam nước Nga. Chính quyền Nga cũng tuyên bố rằng một máy bay không người lái của Ukraine đã bị rơi gần Kolomna ở khu vực Mạc Tư Khoa, nhưng không thể định vị được hình ảnh của chiếc máy bay không người lái này.

3. Bộ Tổng tham mưu quân Ukraine cho biết quân Nga đang tấn công dữ dội vào Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm mùng 2 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết không quân Ukraine đã tiến hành 16 cuộc tấn công vào các vị trí của lực lượng Nga trong 24 giờ qua để giải vây cho thành phố Bakhmut.

“Trong ngày hôm qua, Lực lượng Không quân của Lực lượng Phòng vệ đã phát động 16 cuộc tấn công vào các cụm quân nhân và thiết bị quân sự của quân xâm lược. Ngoài ra, quân phòng thủ của chúng ta đã bắn hạ một máy bay không người lái loại Orlan-10 của đối phương”

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công một cụm đối phương, hai kho đạn và hai hệ thống tác chiến điện tử.

“Trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không của Bộ Quốc phòng đã phát động 11 cuộc tấn công vào các cụm quân của địch, trong khi lực lượng hỏa tiễn và pháo binh đã đánh vào 9 cụm đối phương, vũ khí và khí tài chiến tranh khác, cũng như hai vị trí phòng không của quân xâm lược. Một hệ thống hỏa tiễn, một trạm tác chiến điện tử và một kho đạn dược”.

Trong khu vực Donetsk, như chúng tôi đã đưa tin, các cuộc giao tranh đã diễn ra dữ dội tại phiá Bắc thành phố Bakhmut. Trung Đoàn 254 Súng Trường Cơ Giới của Nga, 2 Lữ Đoàn Dù 51 và 137 của Sư Đoàn Dù 106 từ thành phố Vuhledar rút về đây, đã cùng với quân Wagner tấn công vào phía Bắc thành phố. Giao tranh trên đường phố trong khu dân cư đã diễn ra. Quân Ukraine đã bắn cháy 7 chiếc xe tăng T90 và 8 xe thiết giáp. Lực lượng tổng hợp của Nga bỏ chạy để lại hàng trăm xác đồng đội. Lữ đoàn tấn công sơn cước số 10 của quân Ukraine truy kích đối phương tịch thu thêm được 10 hệ thống pháo và một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hanna Maliar, quân Nga đã quay trở lại với một lực lượng còn đông hơn và giao tranh đang diễn ra rất quyết liệt. Theo tin tức sơ khởi, trong đêm 1 tháng Ba, lính biên phòng và Địa Phương Quân, thuộc Lực lượng Phòng vệ Ukraine, đã phá vỡ một cuộc tấn công của đối phương ở Bakhmut và tiêu diệt 5 nhóm lính đánh thuê Wagner.

Trong vùng Luhansk, trong đêm qua, lực lượng đặc biệt SBU phá hủy sáu xe tăng Nga trong một đêm. Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết: “Hai nhóm của Trung tâm Hoạt động Đặc biệt 'A' của Cơ quan An ninh Ukraine đã tổ chức một cuộc săn đêm theo hướng Luhansk. Họ đã dùng các máy bay không người lái tấn công thành công vào 6 xe tăng của đối phương, tất cả đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn”.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết quân đội Nga đang tập trung nỗ lực chính để tiến hành các chiến dịch tấn công ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk.

Cô nhấn mạnh rằng đối phương tiếp tục vi phạm các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, thực hiện các cuộc tấn công bằng pháo vào các cơ sở dân sự và nhà ở, cố gắng phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Trong ngày, quân đội Nga đã tiến hành ba cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các đối tượng dân sự ở khu vực Kharkiv, khiến một số dân thường bị thương. Ngoài ra, đối phương đã tiến hành hơn 20 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và 16 cuộc không kích, đặc biệt là sử dụng hai máy bay không người lái Shahed-136, cuối cùng đã bị quân phòng thủ Ukraine bắn hạ.

Ở một số khu vực thuộc hướng Zaporizhzhia và Kherson, đối phương đang cố gắng tạo điều kiện để chuyển sang thế tấn công.

Trong 24 giờ qua, quân Nga mất 650 binh sĩ, 7 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 5 xe chuyển quân và nhiên liệu, chủ yếu tại thành phố Bakhmut.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Ba, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 149.890 binh sĩ Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương cũng bao gồm 3.395 xe tăng, 6.638 xe thiết giáp, 2.393 hệ thống pháo, 479 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống phòng không, 300 máy bay chiến đấu, 288 máy bay trực thăng, 5.257 xe chuyển quân và nhiên liệu, 18 tàu chiến, 2.055 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Lực lượng phòng không Ukraine đánh chặn 80% hỏa tiễn của đối phương

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm mùng 2 tháng Ba, qua cầu truyền hình, Trung tướng Serhiy Nayev, Tư lệnh Lực lượng Liên hợp của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết hiệu quả của các hệ thống phòng không Ukraine đã được cải thiện đáng kể và tỷ lệ hỏa tiễn của đối phương bị bắn hạ là 80%.

“Hiện tại, tỷ lệ hỏa tiễn bị bắn hạ đã thay đổi rất nhiều, ít nhất là 80%. Và trong một số trường hợp nó thậm chí còn cao hơn. Các chuyên gia phòng không của chúng ta đã trở nên chuyên nghiệp và thành thạo hơn. Nhưng đối phương cũng đang thay đổi chiến thuật và phương pháp sử dụng các phương tiện tấn công trên không. Vì vậy, chúng ta phân tích mọi thứ sau mỗi cuộc tấn công. Phân tích này được thực hiện và các chỉ huy, theo đó, đưa ra quyết định phù hợp để khả năng phục hồi của lực lượng phòng không có thể ở mức cao nhất.

5. Phi trường thành phố Melitopol trong vùng Nga tạm chiếm bị tấn công

Phi trường thành phố Melitopol bị Nga xâm lược đã bị tấn công bằng một loạt vụ nổ vào tối thứ Tư, theo các quan chức Ukraine. Cả các quan chức thân Nga cũng nói như trên.

Melitopol là một thành phố thuộc khu vực Zaporizhzhia, có vị trí chiến lược, bị tạm chiếm từ cuối tháng Hai, 2022. Người Nga đã sử dụng làm trung tâm hậu cần kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Thị trưởng của thành phố là ông Ivan Fedorov cho biết Nga đã chuyển các tổ hợp hỏa tiễn S300 và các “vũ khí có độ chính xác cao” khác tới thành phố này, chúng được sử dụng để bắn phá các khu dân cư của Zaporizhzhia.

Các lực lượng Ukraine đã nhiều lần tấn công Melitopol trong vài tuần qua trong nỗ lực giành lại đất ở phía nam đất nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ khí tầm xa.

Vladimir Rogov, một thành viên của chính quyền dân sự-quân sự thân Nga của khu vực, cho biết trên Telegram rằng “một loạt vụ nổ đã được nghe thấy trong phi trường thành phố vào tối nay.” Ông trấn an rằng hệ thống phòng không của Lực lượng Vũ trang Nga đang hoạt động để ngăn chặn chống lại các cuộc tấn công.

Fedorov cho biết thành phố phía nam đang rung chuyển vì những vụ nổ mạnh. Ông cũng kể lại rằng các vụ nổ đã làm rung chuyển căn cứ quân sự của đối phương nằm ở sân bay Melitopol hàng chục lần trong một năm bị tạm chiếm.

6. Thủ tướng Đức cam kết nước này sẽ tăng năng lực sản xuất và sửa chữa đạn dược để hỗ trợ Ukraine

Đức sẽ tăng cường sản xuất đạn dược cũng như khả năng sửa chữa vũ khí để hỗ trợ tốt hơn cho cuộc chiến của Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga, nhà lãnh đạo nước này cho biết hôm thứ Tư.

“Sự hỗ trợ kéo dài một năm hiện nay của Ukraine cũng đã mang lại cho chúng ta kiến thức cho phép chúng ta bảo đảm rằng cũng có đủ nguồn cung cấp, với các phụ tùng thay thế, để chúng ta tạo ra khả năng sửa chữa vũ khí được sử dụng trong chiến tranh, tại các địa điểm bên ngoài của Ukraine,” Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng ta sẽ bảo đảm rằng việc sản xuất đạn dược phải tiên tiến, cả đối với vũ khí mà chúng ta tự cung cấp và những loại đến từ kho cổ điển có sẵn ở Đông Âu.”

Berlin tuần trước thông báo sẽ gửi thêm 4 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine.

7. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng các mối đe dọa hạt nhân của Nga là rỗng tuếch, và chỉ là một phần của 'Hoạt động thông tin'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Nuclear Threats Are Empty, Part of 'Information Operation:' ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng các mối đe dọa hạt nhân của Nga là rỗng tuếch, và chỉ là một phần của 'Hoạt động thông tin'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine là một phần của “hoạt động thông tin” và “rất khó có thể” thành hiện thực.

Một báo cáo được công bố bởi nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã trích dẫn báo cáo của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về Chính sách Colin Kahl, người nói rằng ông không nghĩ rằng Nga “có khả năng” sử dụng vũ khí hạt nhân trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện trước đó trong ngày.

ISW cho biết lời khai của Kahl phù hợp với “đánh giá liên tục của chính họ rằng Nga khó có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.”

Báo cáo của ISW cho biết: “ISW đã đánh giá rằng việc Nga viện dẫn các mối đe dọa hạt nhân và học thuyết hạt nhân là một phần của hoạt động thông tin nhằm làm nản lòng Ukraine và phương Tây nhưng không thể hiện bất kỳ ý định cụ thể nào của Nga trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân”

Kahl cho biết trong chứng từ trước Hạ viện rằng ông tin tưởng quân đội Nga sẽ không sử dụng vũ khí do “hậu quả nghiêm trọng” sẽ xảy ra nếu vũ khí được sử dụng.

“Chúng ta đã nói rất rõ ràng với giới lãnh đạo cấp cao nhất của Nga... rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine, ở bất kỳ quy mô nào, sẽ được coi là một sự kiện thay đổi thế giới, và sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng vượt xa mọi thứ”. Kahl nói.

Ông nói thêm: “Rất nhiều hạn chế mà chúng ta đang áp dụng sẽ không còn áp dụng trong một thế giới mà Nga đã vượt qua ngưỡng đó. Nhưng tin tốt là tôi không nghĩ họ có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Tuần trước, ông Putin tuyên bố rằng Nga đang đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START mới, là thỏa thuận vũ khí hạt nhân cuối cùng được chia sẻ giữa Mỹ và Nga.

Putin đã đề xuất khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng 9 năm ngoái, nhấn mạnh rằng đó “không phải là một trò lừa bịp” mà ông ấy “chắc chắn sẽ sử dụng mọi phương tiện có sẵn để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta”.

Một số người đã bày tỏ lo ngại đặc biệt rằng Nga có thể dùng đến chiến tranh hạt nhân nếu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thực hiện đúng lời đe dọa chiếm lại lãnh thổ Crimea do Nga xâm lược.

Tuy nhiên, cựu nhà ngoại giao Nga, ông Vladimir Bondarev, gần đây đã nói với Newsweek rằng luận điệu hạt nhân của Putin trong suốt cuộc chiến kéo dài một năm là một trò lừa bịp, và nên bị Ukraine và các đồng minh phương Tây bác bỏ.

“ Putin đang bịp bợm và chúng ta biết rằng ông ấy đã bịp bợm về các mối đe dọa hạt nhân,” Bondarev, người đã từ chức vì cuộc xâm lược Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tuần trước. “Người Ukraine đã phục hồi một số phần lãnh thổ của họ và không có sự trả đũa hạt nhân nào.”

“Nếu bạn sợ Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, thì bạn đã thua trong cuộc chiến chống lại ông ấy và ông ấy thắng. Nếu Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, OK, hãy đe dọa lại ông ta.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

8. Trung tướng Hoa Kỳ phác thảo chìa khóa để đánh bại cuộc giao tranh tàn bạo kiểu thế chiến thứ nhất của Wagner ở Bakhmut

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lt. Gen. Outlines Key to Beating Wagner's Brutal 'WWI' Fighting in Bakhmut”, nghĩa là “Trung tướng Hoa Kỳ phác thảo chìa khóa để đánh bại cuộc giao tranh tàn bạo kiểu thế chiến thứ nhất của Wagner ở Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một quan chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đã phác thảo những gì lực lượng Ukraine cần để thành công trên tiền tuyến đối với cuộc chiến kiểu Thế chiến thứ nhất ở Ukraine.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, Trung tướng Douglas Sims, giám đốc điều hành tại Bộ Tham mưu Liên quân và các quan chức khác của Bộ Quốc phòng đã cung cấp lời khai về việc giám sát viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine.

Trong tuyên bố khai mạc trước ủy ban, Sims cho biết lực lượng Ukraine cần được huấn luyện nhiều hơn và cung cấp vũ khí để đánh bại các bước tiến của Nga.

Ông cho biết phần hoạt động tích cực nhất của chiến trường hiện nay là xung quanh thị trấn Bakhmut ở vùng Donetsk.

Sims mô tả tình hình hiện tại giữa Ukraine và Nga là “tĩnh”, với việc cả hai bên sử dụng một lượng lớn pháo binh dẫn đến “những thay đổi tối thiểu về lãnh thổ” và “số lượng thương vong đáng kể”.

Theo Sims, quân đội Nga đã đạt được “những lợi ích nhỏ mọn với chi phí đáng kể.”

Sims mô tả cuộc giao tranh hiện tại ở Ukraine đã “tái tạo điều kiện của Chiến tranh thế giới thứ nhất.”

Ông nói: “Quân đội Nga, với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Wagner theo hợp đồng, đã chiến đấu ác liệt để đánh bại hệ thống phòng thủ của Ukraine, sử dụng một lượng lớn pháo binh và hàng nghìn binh sĩ được huy động và các hợp đồng nhân sự từ các nhà tù.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, quân đội Nga đang “thực hiện các chiến thuật tấn công mới để bù đắp cho những hạn chế về sức mạnh chiến đấu hiện tại nhằm đối phó với những thất bại liên tục trong các cuộc tấn công”.

Một sĩ quan dự bị Ukraine nói với ISW rằng chiến thuật mới của Nga có khả năng bị ảnh hưởng một phần bởi các hoạt động của Tập đoàn Wagner xung quanh Bakhmut. Tập đoàn Wagner chủ yếu dựa vào “các cuộc tấn công trực diện với quy mô lớn”, nhưng ISW cho biết các cuộc tấn công đã “không đạt được mục tiêu quan trọng về mặt chiến thuật”.

Các nguồn tin của Nga nói với ISW rằng Tập đoàn Wagner đã giành được lợi thế ở phía bắc Bakhmut trong tuần này ở vùng ngoại ô phía đông và hướng tới Koperatyvna Vulystia, gần trung tâm thành phố Bakhmut, cũng như hướng tới Ivanivske.

Để tăng cường khả năng của Ukraine, Sims cho biết Mỹ đã tập trung nỗ lực vào việc cung cấp thiết bị và đạn dược cùng với việc đào tạo nhân sự. Quân đội Hoa Kỳ đang có ý định tạo ra các lực lượng “đáng tin cậy trong chiến đấu” có khả năng kết hợp hỏa lực và di chuyển để “đạt được sự cơ động” và tăng khả năng tổng thể của các lực lượng Ukraine. Một đường lối gắn kết để đào tạo với các đồng minh và đối tác Âu Châu vẫn là một phần quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Sims cho biết Mỹ đã huấn luyện 1.000 người Ukraine kể từ Tháng Giêng và tổng cộng hơn 4.000 người Ukraine tại các căn cứ Âu Châu và Mỹ kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Ông nói thêm rằng thành công của Ukraine cũng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các thiết bị liên quan đến cơ động, bao gồm các phương tiện mặt đất, các cuộc không kích, pháo và xe tăng từ các đối tác và đồng minh, những thứ đang “tăng cường đáng kể” khả năng của Ukraine.

Hoa Kỳ cũng đang cung cấp các loại vũ khí quan trọng, thiết bị y tế và thời tiết lạnh cũng như các hệ thống phòng thủ Patriot để giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Dựa trên các khóa đào tạo trước đó, Sims cho biết ông “tin tưởng” rằng Ukraine sẽ triển khai các hệ thống phòng không Patriot “với chuyên môn tương tự như họ sử dụng hàng ngày với năng lực phòng không hiện tại”.

Khi cuộc chiến ở Ukraine kỷ niệm một năm vào ngày 24 tháng 2, chính quyền Biden đã công bố hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine. Gói quân sự mới nhất có tổng trị giá 2 tỷ USD, bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, đạn pháo bổ sung, đạn dược cho hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser và thiết bị rà phá bom mìn.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để bình luận.
 
Nỗi buồn của Tòa Thánh trước tai nạn hỏa xa kinh hoàng. Tiến thoái lưỡng nan về Phụng vụ cho các GM
VietCatholic Media
05:17 02/03/2023


1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn xe lửa kinh hoàng ở Hy Lạp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp hôm thứ Tư nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ tai nạn xe lửa ở miền bắc Hy Lạp.

Các nhà chức trách cho biết ít nhất 36 người chết và hơn 75 người phải nhập viện sau khi hai đoàn tàu va chạm gần Vale of Tempe, một thung lũng sông cách Athens khoảng 235 dặm về phía bắc, ngay trước nửa đêm ngày 28/2.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ va chạm giữa tàu khách và tàu chở hàng. Người quản lý nhà ga ở thành phố Larissa gần đó đã bị chính quyền bắt giữ hôm thứ Tư, theo Associated Press. Hai người khác đã bị tạm giữ để thẩm vấn.

Lực lượng cấp cứu vẫn đang tìm kiếm mảnh vỡ của một số toa tàu bị đâm vào thứ Tư. Nhiều toa tàu bị trật bánh và ít nhất một toa bốc cháy. Đài truyền hình nhà nước ERT của Hy Lạp đưa tin rằng một số người đã bị văng khỏi tàu do va chạm và thi thể của các nạn nhân được tìm thấy cách nơi xảy ra vụ tai nạn 30 đến 40m.

Đức Thánh Cha Phanxicô “rất đau buồn khi biết về thiệt hại về người và thương tật do vụ tai nạn xe lửa gần Larissa, và ngài gửi lời bảo đảm về lời cầu nguyện của mình tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này”, một bức điện tín ngày 1 tháng 3 gửi các giám mục Hy Lạp cho biết.

“Khi phó dâng linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót yêu thương của Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành đến những gia đình đang thương tiếc người thân của họ. Đối với những người bị thương, những nhân viên cấp cứu và tất cả những người đang trợ giúp, Đức Thánh Cha ban phước lành của ngài như bảo chứng về sức mạnh và tình hiệp nhất trong Chúa.”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hy Lạp, Kostas Karamanlis, đã từ chức sau vụ tai nạn, gọi đó là nghĩa vụ của ông “như một dấu hiệu cơ bản về sự tôn trọng đối với ký ức của những người đã chết một cách oan uổng,” AP đưa tin.
Source:National Catholic Register

2. Tiến thoái lưỡng nan về Phụng vụ cho các Giám mục Giáo phận

Ngày 20 tháng Hai, Đức Hồng Y Arthur Roche, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã công bố một sắc lệnh nhằm thắt chặt hơn nữa việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống. Có những phản ứng rất mạnh. Tờ Catholic Herald chạy hàng tít lớn “Saulô sao ngươi bắt bớ ta.” Trong số các phản ứng nhẹ nhàng hơn, có bài của Cha Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ National Catholic Register, ngài vừa có bài viết nhan đề “Liturgical Dilemma for Diocesan Bishops”, nghĩa là “Tiến thoái lưỡng nan về Phụng vụ cho các Giám mục Giáo phận.”

Một tranh chấp về việc miễn chuẩn đã phát triển thành một mệnh lệnh bức chế từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đang đặt các giáo phận vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Kỷ luật phụng vụ thật tế nhị. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô, thắt chặt các quy định trong việc thực hiện Tự Sắc Traditionis Custodes - được Đức Thánh Cha ban hành vào ngày 20 tháng 2 - có nghĩa là Rôma đã quyết định rằng ưu tiên là phải gạt cho được “hình thức ngoại thường” hoặc Thánh lễ Tridentinô” ra bên ngoài các nhà thờ giáo xứ.

Từ đó gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các giám mục giáo phận.

Trong hầu hết các giáo phận, số người tham dự hình thức Thánh lễ cũ rất ít, thậm chí rất bé nhỏ. Tại Giáo phận Arlington, Virginia, nơi có một trong những sự hiện diện Thánh lễ theo truyền thống lớn nhất, Đức Cha Michael Burbidge ước tính rằng chỉ có 2,5% người đi Lễ đã tham dự Thánh lễ Latinh Truyền thống. Ở hầu hết các giáo phận khác của Hoa Kỳ, con số sẽ là một phần nhỏ của 2,5% đó, có thể ít hơn một nửa của 1%.

Do đó, những người Công Giáo dự Thánh lễ Latinh Truyền thống hiếm khi đủ tầm cỡ để tạo ra các vấn đề trong giáo phận, ngay cả khi họ muốn làm như vậy, nhưng phải khẳng định ngay đó là điều mà họ thường không làm. Ngược lại, mặc dù nhỏ, nhưng những cộng đoàn như vậy thường đưa ra bằng chứng đầy cảm hứng về các gia đình trẻ cố gắng sống đời sống bí tích sôi nổi, xây dựng nền văn hóa Công Giáo. Nếu cộng đoàn Thánh lễ Latinh Truyền thống đã ổn định hoặc phát triển được một thời gian, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ của một số linh mục.

Nếu giám mục muốn vâng lời Rôma, thì bây giờ ngài phải trục xuất giáo đoàn đó khỏi nhà thờ giáo xứ, có thể vào các cơ sở trường học gần đó, như đã làm ở một số nơi ở Arlington, hoặc đơn giản là loại bỏ hoàn toàn usus antiquior, hay hình thức thánh lễ cổ như đã làm ở Arlington. Không có gì ngạc nhiên khi một số giáo dân, đã thấy rằng điều đó “tàn ác và bất công”, mặc dù Đức Cha Burbidge không muốn làm bất kỳ điều gì trong những điều này trước khi Rôma ra lệnh đàn áp.

Hãy xem xét một giáo phận khác, nơi vị giám mục đang đóng cửa các nhà thờ giáo xứ vì thiếu giáo dân tham dự thánh lễ. Nếu đồng thời đóng cửa một nhà thờ đối với một cộng đoàn sôi nổi, thì ngài có nguy cơ không chỉ bị coi là độc ác mà còn là ngu ngốc.

Do đó, đại đa số các giám mục đã kín đáo lờ đi Tự Sắc Traditionis Custodes, mắt nhắm mắt mở cho phép các cộng đoàn địa phương tiếp tục hoạt động như hiện tại. Điều đó hầu như không đáng ngạc nhiên. Trong nhiều thế hệ hiện nay, hầu hết các chỉ thị phụng vụ từ Rôma, về bất kỳ chủ đề nào và dưới thời bất kỳ giáo hoàng nào, chỉ được tuân thủ một phần, nếu có.

Giờ đây, Rôma đã buộc việc cử hành hình thức thánh lễ này phải được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích chấp thuận để các cộng đoàn như thế có thể tiếp tục thờ phượng Chúa một cách thanh thản. Do đó, một giám mục, nếu muốn tiếp tục như mình đã làm, có thể bị cám dỗ coi thường luật pháp, và đó không bao giờ là một tình huống mang lại bình an trong lòng.

Ngược lại, nếu ngài nhiệt tình thực thi các mong muốn của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngài sẽ gặp phải một khó khăn khác. Câu hỏi đặt ra là ngài đang làm gì đối với những lạm dụng phụng vụ khác? Sự nhiệt tình có tương xứng không?

“Tôi rất buồn vì những lạm dụng trong việc cử hành phụng vụ ở mọi phía,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong một lá thư gửi các giám mục kèm theo Tự Sắc Traditionis Custodes. “Cũng giống như Đức Bênêđíctô XVI, tôi lấy làm tiếc về thực tế là ‘ở nhiều nơi, các quy định của Sách lễ mới không được tuân theo trong việc cử hành, mà thực sự được hiểu như là một sự cho phép hoặc thậm chí là một đòi hỏi của sự sáng tạo, dẫn đến những biến dạng hầu như không thể chịu nổi’.”

Nếu một giám mục đuổi các cộng đoàn truyền thống ra ngoài đường trong khi thanh thản chịu đựng những lạm dụng nghiêm trọng, thậm chí đến mức phạm thánh trong phụng vụ, thì có vẻ như ngài rất vui lòng chịu đựng điều mà Đức Thánh Cha coi là “không thể chịu đựng được”.

Sẽ có sự tuân theo quy định của Rôma trong văn bản luật - trục xuất những người cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống - trong khi bỏ qua một bối cảnh rộng lớn hơn “các hành vi lạm dụng ở tất cả các bên”. Đường lối hành động kỳ lạ khó hiểu như vậy làm giảm uy tín của giám mục đối với các linh mục và giáo dân của chính mình. Một lần nữa, không phải là một kết quả mang lại bình an trong lòng.

Hãy xem xét tình thế tiến thoái lưỡng nan của Đức Cha Edward Scharfenberger ở Albany, New York. Trong vòng vài ngày kể từ khi công bố tài liệu của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, giáo phận đã hủy bỏ các Thánh lễ truyền thống ở tất cả các giáo xứ đã cung cấp các thánh lễ này. Có hai giáo xứ như thế trong giáo phận. Một số Thánh lễ truyền thống của giáo phận chủ yếu được cử hành vào các ngày trong tuần.

Người Công Giáo ở Albany nghĩ như thế nào? Albany, trong cuộc khủng hoảng triền miên trong nhiều năm, hiện đang chìm trong các dàn xếp bồi thường lạm dụng tình dục. Giáo phận hiện đang phải gánh chịu một sự ngạc nhiên khi đấng bản quyền lâu năm của giáo phận, là Đức Cha Howard Hubbard, đã nghỉ hưu vào năm 2014, thỉnh cầu được huyền chức ở tuổi 84. Một số người suy đoán rằng ngài muốn tự mình thoát khỏi các cuộc điều tra về lạm dụng tình dục, vì đã thừa nhận rằng ngài đã giải quyết sai các trường hợp trong nhiều năm. Những người khác suy đoán rằng ngài muốn kết hôn. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng.

Giữa hàng loạt nỗi kinh hoàng đang bủa vây ngài, liệu nó có tăng cường sự tôn kính đối với vị giám mục hiện tại của Albany không khi ngài lựa chọn, như một ưu tiên cấp bách liệu giáo xứ ở Little Falls có Thánh lễ truyền thống vào sáng thứ Tư không? Ngài sẽ nổi bật vì sự vâng lời nhanh chóng ở Rome; nhưng các giáo dân gần gũi ngài hơn có thể ít nhiệt tình hơn. Do đó, gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan của giám mục giáo phận.

Hãy xem xét Chicago. Đức Hồng Y Blase Cupich đã thực hiện các hạn chế của Tự Sắc Traditionis Custodes vào năm 2021, thậm chí ký sắc lệnh của ngài vào Ngày Giáng Sinh! Tuy nhiên, phải đến Mùa Vọng năm 2022, ngài mới dỡ bỏ việc chuẩn chước nghĩa vụ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật vì đại dịch coronavirus.

Đức Hồng Y Cupich được khen ngợi ở Rôma, nhưng có thể các linh mục và tín hữu Chicago sẽ thắc mắc về các ưu tiên mục vụ của ngài. Ngài coi việc ngăn cản người Công Giáo đi lễ Chúa nhật theo truyền thống quan trọng hơn là lôi kéo những người Công Giáo khác đi lễ? Một lần nữa, không phải là một tình huống mang lại bình an trong lòng.

Bằng cách ép buộc các giám mục địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí đã làm suy yếu những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của chính ngài về tính đồng đoàn và đồng nghị, bao gồm cả những gì ngài đã viết trong Điều 2 của Tự Sắc Traditionis Custodes:

“Giám Mục giáo phận, trong tư cách là người điều hành, thăng tiến và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo Hội địa phương được giao phó cho ngài, có thẩm quyền điều chỉnh các cử hành phụng vụ trong giáo phận của ngài. Do đó, ngài có thẩm quyền hoàn toàn trong việc cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 trong giáo phận của ngài, theo các hướng dẫn của Tòa Thánh.”

Trong đại đa số các giáo phận trên toàn thế giới, những người tham dự Thánh lễ Latinh Truyền thống hoàn toàn không phải là vấn đề, trong khi vẫn có những lạm dụng phụng vụ khác. Nếu hành động của Rôma được thực hiện đối với cái trước, ảnh hưởng đến một phần rất nhỏ trong đàn chiên của Chúa mà Rôma vẫn không làm gì đối với các lạm dụng Phụng Vụ, thì điều đó sẽ gây tổn hại đến uy tín của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Trong Desiderio Desideravi, tông thư của ngài nhân dịp kỷ niệm một năm Tự Sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích “một chủ nghĩa cá nhân cao độ trong phong cách cử hành đôi khi biểu lộ một cơn mê được che giấu một cách sơ sài muốn trở thành trung tâm của sự chú ý… đây không phải là những hành vi phổ biến nhất, tuy nhiên, không phải hiếm các cộng đoàn đã bị lạm dụng như vậy” (#54).

Cụm từ “không phải hiếm” cho thấy mức độ kinh hoàng phổ biến hơn so nhiều với việc cung cấp thánh lễ cổ. Giám mục địa phương đang làm gì để ngăn chặn giáo dân của mình khỏi những lạm dụng mà Đức Thánh Cha than phiền?

Câu hỏi cấp bách không phải là giám mục địa phương đang làm gì với ít hơn 1 phần 10 của 1% các Thánh lễ Latinh Truyền thống ở địa phương. Nhưng là các lạm dụng Phụng Vụ khác, đó là lý do tại sao sắc lệnh của Rôma tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan ở địa phương.
Source:National Catholic Register

3. Bất chấp lời 'Không' từ Vatican, các Giám mục Đức vẫn tiến lên với Kế hoạch cho Hội đồng Công Nghị

Bất chấp những lời cảnh báo lặp đi lặp lại từ Vatican, một lá thư của chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức được công bố hôm thứ Tư xác nhận rằng các kế hoạch thành lập một Hội đồng Công Nghị Đức đang được tiến hành.

Trong bức thư— đề ngày 23 tháng 2 và được công bố ngày 1 tháng 3 — Đức Giám Mục Georg Bätzing viết rằng các giám mục Đức coi “mối quan ngại” của Vatican về một Hội đồng Công Nghị một cách nghiêm túc.

Thông điệp được gửi tới Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và các bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Dòng Tên Luis Ladaria, và Bộ Giám mục, Đức Hồng Y Marc Ouellet.

Vị giám mục người Đức nói với các Hồng Y rằng một “ủy ban công nghị” người Đức sẽ chuẩn bị một hội đồng công nghị trong ba năm. Động thái này, Đức Giám Mục Bätzing viết, là “một dấu hiệu cho thấy vẫn còn một nhu cầu lớn để làm sáng tỏ về sự hợp tác trong tương lai của thượng hội đồng”.

Trong một bức thư dài bốn trang hồi tháng Giêng, Vatican đã viết “rằng cả Tiến Trình Công Nghị cũng như cơ quan do nó bổ nhiệm cũng như hội đồng giám mục đều không có thẩm quyền thành lập ‘Hội đồng Công Nghị’ ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ.”

Phản hồi của Giám mục Bätzing nói rằng hiện nay phía Đức muốn đào sâu vào các vấn đề thần học do Rôma nêu ra.

“Vì vậy, tôi mong các ngài thông cảm nếu tôi không giải quyết các khía cạnh riêng lẻ trong nhận xét của các ngài trong bức thư này, nhưng tôi rất vui và biết ơn nhận lời đề nghị trò chuyện mà các ngài đã đề xuất.”

Cuộc trò chuyện, Đức Giám Mục Bätzing cho biết thêm, nên tiếp tục ở Rôma “càng sớm càng tốt” - nhưng sau cuộc họp cuối cùng của Thượng Hội đồng Đức tại Frankfurt.

Các giám mục Đức sẽ nhóm họp trong tuần này tại thị trấn Dresden của Đông Đức cho phiên họp khoáng đại của họ.

Khi bắt đầu cuộc họp này, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, cho biết ngài đã “được ủy nhiệm” để “chỉ rõ cách giải thích chính xác nội dung của bức thư này, thậm chí không một giám mục giáo phận nào có thể thiết lập một Hội đồng Công Nghị ở cấp giáo phận hoặc giáo xứ.”

Sứ thần cũng tuyên bố, rằng tính đồng nghị không có nghĩa là tạo ra “các thể chế mới với nguy cơ gia tăng thêm bộ máy quan liêu”.

Thay vào đó, ngài cảnh báo các giám mục Đức, “điều cần thiết là hồi sinh các cơ quan giáo phận hiện có trong tinh thần đồng nghị.”

Ngài nói: “Tính đồng nghị là một vấn đề về tinh thần và phong cách hơn là về cấu trúc.”

Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về kế hoạch thành lập một Hội đồng Công Nghị thường trực cho Giáo hội Đức.

Một cơ quan như vậy sẽ hoạt động “như một cơ quan tư vấn và ra quyết định về những phát triển thiết yếu trong Giáo hội và xã hội,” theo một đề xuất của Tiến Trình Công Nghị.

Quan trọng hơn, nó sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận đối với kế hoạch mục vụ, các vấn đề về tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Đáp lại những lời cảnh báo từ Rôma về việc thực hiện một bước như vậy, Giám mục Bätzing vào Tháng Giêng đã gợi ý rằng ông sẽ theo đuổi một “lựa chọn dự phòng”.

Vị giám chức người Đức cho biết: “Chúng ta ở Đức đang tìm kiếm một cách thực sự cân nhắc và quyết định cùng nhau mà không vượt qua các quy định giáo luật vốn ảnh hưởng đến thẩm quyền của giám mục”.

Đối với những phản đối được đưa ra tại các cuộc họp ở Vatican - và được xác nhận trong một lá thư được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận - Giám mục Bätzing vào Tháng Giêng đã lặp lại lời công khai bác bỏ những lo ngại này - và tuyên bố rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự gây tranh cãi của mình bất kể phải đối mặt với những phản đối đó.

Các giám mục của Cologne, Regensburg, Passau, Eichstätt và Augsburg đã viết thư cho Vatican vào ngày 21 tháng 12 năm 2022. Họ nêu ra điều mà Giám mục Bätzing thừa nhận là “những câu hỏi chính đáng và cần thiết” — đặc biệt là liệu các giám mục có thể bị buộc phải tuân theo thẩm quyền của một hội đồng như vậy hay không..

Bức thư của Vatican lưu ý rằng các ngài không phải tuân theo. Thông điệp, được viết bằng tiếng Đức, nhắc nhở Đức Giám Mục Bätzing rằng, theo Lumen Gentium, Công đồng Vatican II dạy rằng “việc tấn phong giám mục, cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cũng ban cho nhiệm vụ giảng dạy và cai quản, tuy nhiên, rất tự nhiên, chỉ có thể được thực hiện trong sự hiệp thông phẩmm trật với người đứng đầu và các thành viên của Giám Mục đoàn.”

Dài bốn trang, lá thư mới nhất của Vatican gửi Đức cho biết nó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận. Bức thư được ký bởi Đức Hồng Y Parolin, Đức Hồng Y Ladaria và Đức Hồng Y Ouellet.

Cảnh báo về mối đe dọa của một cuộc ly giáo mới từ Đức, Vatican đã can thiệp vào tháng 7 năm 2022 chống lại một Hội đồng Công Nghị Đức.
Source:National Catholic Register
 
Bất ngờ: Moscow nói Kyiv vượt biên tấn công nơi Putin sắp đến. Vuhledar: 130 chiến xa Nga bị phá hủy
VietCatholic Media
17:22 02/03/2023


1. Putin phải hủy bỏ chuyến đi tới Stavropol vì có các báo cáo quân Ukraine đánh tràn qua biên giới vào vùng Briansk của Nga

Các phương tiện truyền thông Nga đã đăng tải các báo cáo tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã tiến vào lãnh thổ Nga ở vùng Briansk, giáp biên giới phía bắc Ukraine. Theo thông tấn xã Tass của nhà nước Nga, người đứng đầu khu vực, Alexander Bogomaz, đã đưa tin và rằng “theo thông tin mới nhất, quân Ukraine đã tiến vào hai ngôi làng, và có một trận chiến đang diễn ra”.

Thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng nhưng Tass cũng đưa tin: “Lực lượng an ninh xác nhận rằng một chiến dịch đang được tiến hành ở khu vực biên giới để tiêu diệt những kẻ vi phạm biên giới quốc gia”.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đã đưa tin trên kênh Telegram của mình rằng phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, trong bài phát biểu hàng ngày trên phương tiện truyền thông của mình, nói rằng Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã phải hủy bỏ chuyến đi dự kiến tới Stavropol do tình hình ở vùng Briansk”.

Trong cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông của mình, Peskov cho biết đang diễn ra một cuộc tấn công của “những kẻ khủng bố”.

Tass cũng cho rằng “những kẻ phá hoại đã tấn công cả Lyubechan và Sushany”, và rằng “lực lượng Ukraine đã bắn vào một chiếc xe, giết chết một người và làm bị thương một đứa trẻ 10 tuổi khác”.

Nó báo cáo: “FSB đã xác nhận với TASS rằng ở khu vực biên giới của vùng Briansk 'các biện pháp đang được thực hiện để tiêu diệt những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine có vũ trang đã vi phạm biên giới nhà nước.'“

Các tuyên bố đã không được xác minh độc lập. Trước đó, Tình báo Anh cảnh báo: Nga hiện đang phóng máy bay không người lái của Iran từ khu vực Briansk, gần Kyiv hơn -

Nga bắt đầu phóng máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất từ vùng Briansk với hy vọng rút ngắn khoảng cách tới Kyiv và kéo căng lực lượng phòng không Ukraine, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã cho biết như trên trong bản tin tình báo mới nhất.

Ngày 27 tháng 2, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận đã bắn hạ 11 máy bay không người lái Shahed trong tổng số 14 chiếc được phóng trong đêm. Những chiếc máy bay không người lái Shahed này rất có thể được phóng từ vùng Briansk của Nga. Trước đây, điểm phóng duy nhất được quan sát thấy từ giữa tháng 12 năm 2022 là từ Lãnh thổ Krasnodar, bên kia Biển Azov.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết: “Một bãi phóng thứ hai sẽ giúp người Nga có một trục tấn công khác, gần Kyiv hơn. Điều này có khả năng làm giảm thời gian bay trên bầu trời Ukraine và làm căng thẳng hơn nữa hệ thống phòng không của Ukraine”.

Như đã đưa tin trước đó, trong bản cập nhật trước đó, tình báo Anh cho biết khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Nga bị ảnh hưởng đáng kể do việc mất máy bay trinh sát tầm xa A-50U, vốn bị hư hại cách đây vài ngày do một vụ nổ tại sân bay Machulyshchi ở Belarus..

2. Cập nhật chiến tranh: Hơn 170 cuộc tấn công của đối phương bị đẩy lùi ở miền đông Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 2 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi hơn 170 đợt tấn công của đối phương ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk, nơi quân đội Nga đang tập trung lực lượng và tiến hành các hoạt động tấn công tích cực.

Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành 16 đợt không kích nhằm vào các cụm nhân sự và thiết bị quân sự của Nga. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã bắn hạ máy bay không người lái Orlan-10 của Nga. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng 1 cụm địch, 2 kho đạn và 3 mục tiêu quan trọng khác của địch.

Trong khi đó, những kẻ xâm lược Nga đã tiến hành 14 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các mục tiêu dân sự ở các khu vực Kharkiv, Poltava và Donetsk. Thương vong trong dân thường đã được báo cáo. Các khu chung cư, nhà ở biệt lập bị đạn địch làm hư hại.

Ngoài ra, quân đội Nga đã tiến hành 21 cuộc không kích, cụ thể là bằng hai máy bay chiến đấu không người lái Shahed-136. Tất cả các máy bay không người lái tấn công của đối phương đã bị bắn hạ. Quân xâm lược Nga cũng đã nổ súng bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt 58 lần.

Tại thành phố Bakhmut, quân Nga đã tăng quân cho 3 Trung Đoàn quân chính quy và các lực lượng quân Wagner tấn công vào phía Bắc thành phố Bakhmut. Ukraine đã bắt đầu vào mùa xuân, thời tiết ấm lên, băng tuyết chảy ra tạo thành một cảnh lầy lội rất khó di chuyển. Chính vì thế, quân Nga phải tung một lượng lớn xe thiết giáp bao gồm các xe chiến đấu bộ binh, thiết giáp chuyển quân để cố vượt qua các vùng lầy lội. Số xe tăng Nga xung trận đang có xu hướng ít đi vì một số lớn xe tăng Nga đã bị bắn cháy trong những ngày trước đó.

Trung Đoàn 254 Súng Trường Cơ Giới của Nga, 2 Lữ Đoàn Dù 51 và 137 của Sư Đoàn Dù 106 từ thành phố Vuhledar rút về đây, đã cùng với quân Wagner tấn công dữ dội vào phía Bắc thành phố.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong 24 giờ qua, các lực lượng Nga đã mất 715 binh sĩ, 2 xe tăng và 20 xe thiết giáp.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 2 Tháng Ba, Nga đã mất khoảng 150.605 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch bao gồm 3.397 xe tăng, 6.658 xe thiết giáp, 2.398 hệ thống pháo, 480 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống tác chiến phòng không, 300 máy bay, 288 trực thăng, 2.058 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.264 xe chuyển quân và nhiên liệu và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. 130 xe tăng và xe thiết giáp của Nga bị quân Ukraine phá hủy ở thành phố Vuhledar

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tank Loss in Vuhledar Reveals Russia Is Repeating Key Mistakes: Expert”, nghĩa là “Chuyên gia nhận định rằng tổn thất xe tăng ở Vuhledar tiết lộ Nga đang lặp lại những sai lầm chủ yếu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Thông tin Ukraine phá hủy hàng chục xe tăng Nga ở Vuhledar cho thấy quân đội của ông Vladimir Putin đang phạm sai lầm chủ yếu trong cuộc chiến đang diễn ra, một chuyên gia quân sự nói với Newsweek.

Tờ New York Times đưa tin hôm thứ Tư rằng sau trận chiến ở Vuhledar thuộc vùng Donetsk, Ukraine tuyên bố rằng họ đã phá hủy ít nhất 130 xe tăng và xe bọc thép của Nga.

Trung tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Daniel Davis nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng tổn thất được báo cáo của Nga cho thấy một số “lỗi và sai lầm chiến thuật... theo những cách mà lẽ ra họ nên biết là không hiệu quả”.

Báo cáo từ New York Times được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, bước sang năm thứ hai vào ngày 24 tháng 2.

Davis, người cũng là thành viên cấp cao và chuyên gia quân sự tại Defense Priorities, nói rằng những tổn thất do Ukraine báo cáo là “đau đớn” đối với Nga và lưu ý rằng chúng cho thấy mức độ “không đủ năng lực mà họ sở hữu”.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, thuộc Chương trình An ninh Quốc tế, cũng đưa ra nhận xét tương tự với Newsweek và nói rằng tổn thất của Nga là “quá lớn”.

Cancian nói: “Ở một khía cạnh nào đó, điều đó cho thấy người Nga không thể tấn công Ukraine một cách hiệu quả, rằng họ đang ở một cấp độ chiến thuật vẫn chưa được phối hợp tốt”. “Nga đã không thể sử dụng cái được gọi là vũ khí kết hợp. Đó là khiến bộ binh, xe tăng, pháo binh, không quân và các kỹ sư của bạn cùng làm việc với nhau.”

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã cung cấp cho Ukraine hàng chục cơ chế phòng thủ quân sự. Mỹ gần đây cũng đồng ý gửi 31 xe tăng M1 Abrams trong khi Đức đồng ý gửi xe tăng Leopard tới Ukraine. Tuy nhiên, trong trận chiến gần đây nhất ở Vuhledar, Ukraine đã không tiếp cận được với xe tăng phương Tây và thay vào đó sử dụng xe tăng do chính họ tự cung tự cấp.

Cancian và Davis đồng ý rằng mặc dù xe tăng phương Tây sẽ giúp Ukraine, nhưng chúng sẽ không thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến.

“Xe tăng phương Tây sẽ hữu ích, chúng sẽ không thay đổi cuộc chơi. Không có viên đạn bạc nào,” Cancian nói. “Chúng ta tiếp tục hy vọng rằng chúng ta có thể cung cấp cho người Ukraine một loại vũ khí nào đó sẽ thay đổi cuộc chơi và xoay chuyển tình thế. Không một loại vũ khí nào có thể làm được điều đó, nó sẽ là tác động tích lũy của tất cả các loại vũ khí và sự huấn luyện kết hợp với tinh thần và sự kiên định của người dân Ukraine.”

Tương tự, Davis nói rằng anh “có niềm tin không thể nghi ngờ rằng ngay khi Ukraine có được những chiếc xe tăng phương Tây này, mọi thứ trên chiến trường sẽ thay đổi.... Về mặt lịch sử và thực tế, công nghệ chưa bao giờ hoạt động tự một mình nó, mà luôn cần có sự phối hợp với cách con người vận hành nó.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Các quan chức Ukraine báo cáo nhiều cuộc tấn công của Nga trên nhiều khu vực

Người Ukraine đã báo cáo các cuộc tấn công ở khu vực Bilohorivka và Kreminna ở khu vực Luhansk phía đông của Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm mùng 2 tháng Ba, qua cầu truyền hình, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai: “Các khu định cư của chúng ta dọc theo tiền tuyến liên tục bị pháo kích, mặc dù thực tế là có nhiều dân thường ở đó. Đối phương nhận thức rõ điều này và vẫn nã đạn bằng vũ khí hạng nặng”.

Trong hai tháng qua, tiền tuyến gần biên giới của vùng Luhansk và Kharkiv đã chứng kiến các cuộc đọ súng dữ dội cũng như giao tranh trong các khu rừng phía tây Kreminna, do quân Nga nắm giữ.

Hayday nói: “Họ cũng có rất nhiều máy bay không người lái cảm tử Lancet, và họ đang cố gắng sử dụng chúng để tìm kiếm các vị trí và thiết bị cũng như gây hỏa hoạn.”

Ngoài ra còn có giao tranh ác liệt ở phía đông thị trấn Kupyansk, nằm trong cùng khu vực.

Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine đã công bố video trinh sát trên không trong khu vực, nói rằng trong vài ngày qua, 117 chuyến bay trinh sát bằng máy bay không người lái đã giúp khắc phục hỏa lực pháo binh đối phương.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết, ở khu vực phía bắc Kharkiv, một số thường dân đã bị thương trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga. Ông báo cáo rằng các cuộc pháo kích dữ dội dọc theo tiền tuyến chạy theo hướng bắc-nam trên biên giới Luhansk-Kharkiv.

Phía tây nam thành phố Donetsk, “đối phương đã tiến hành các hành động tấn công nhưng không thành công”.

CNN có video định vị địa lý do một lữ đoàn Ukraine công bố cho thấy một số xe tăng và xe chiến đấu của Nga bị tấn công gần thị trấn Avdiivka.

“Ở các hướng Zaporizhzhia và Kherson, đối phương đang phòng thủ, nhưng ở một số khu vực khác, đối phương đang cố gắng tạo điều kiện cho một cuộc tấn công.”

5. Các chỉ huy Ukraine cho biết họ đang quyết giữ Bakhmut giữa các cuộc tấn công dữ dội vào thành phố phía đông

Các lực lượng Nga tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công của họ ở khu vực Bakhmut ở miền đông Ukraine, nhưng video định vị địa lý và các báo cáo từ tiền tuyến cho thấy quân Nga không chiếm được thêm lãnh thổ nào trong 24 giờ qua.

“Chúng ta đã bóp nghẹt đối phương một chút,” một binh sĩ thuộc Lữ đoàn 93 cho biết, theo bình luận video do Lực lượng bộ binh Ukraine đăng tải. “Đã yên tĩnh hơn một chút, nhưng vẫn có những cuộc đấu súng ở ngoại ô. Có những vụ nổ cô lập, đạn đang bay. Nhưng chúng tôi đang đứng vững ở Bakhmut. Không ai sẽ rút lui.”

Đại tá Yurii Madyar, chỉ huy Lữ đoàn 28, cho biết trong một tin nhắn video trên Telegram rằng “Bakhmut vẫn đứng vững, nhưng cái giá phải trả để giữ vững thành phố ngày càng trở nên khó khăn”.

“Đối phương đã hoành hành trong ngày cuối cùng trước hết với ý định phá hủy thành phố này, tiêu diệt càng nhiều càng tốt những sinh mạng còn lại ở đây — và bằng mọi giá chiếm được thành phố Bakhmut, hay bao vây nó và chặn các tuyến đường di chuyển của quân đội, cũng như các con đường vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết,” Madyar nói.

Ông nói thêm rằng có những trận chiến liên quan đến vũ khí nhỏ ở phía bắc Bakhmut, và có “giao tranh trên đường phố ở các vùng ngoại ô dọc theo vùng ngoại ô phía đông, bắc và nam và tây-nam.”

Đại Tá Madyar cho biết các đơn vị Ukraine “đang trấn giữ sườn phía bắc để ngăn đối phương bao vây Bakhmut.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã ngăn chặn đối phương ở khu vực này trong một thời gian dài và không cho phép chúng tuyên truyền với toàn thế giới về những thành công lớn trong cuộc tấn công của chúng ở khu vực này.”

Khi mặt đất mềm đi vào mùa xuân, Madyar cho biết ông thấy trước đối phương không thể “thực hiện bất kỳ hoạt động nhanh chóng nào”.

Oleksii Reva, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Bakhmut, cho biết vẫn còn những trận chiến khốc liệt để giành lấy thành phố. “Thật đau đớn khi chứng kiến những gì đạn pháo của đối phương đang gây ra cho thành phố”

“Ở Bakhmut cực kỳ nguy hiểm,” Reva nói. “Đối phương đang phá hủy thành phố một cách không thương tiếc, làm bị thương và giết hại thường dân. Cho đến nay, người Nga đã phá hủy hơn 4.400 tòa nhà dân cư.”

Bộ Tổng tham mưu quân đội cho biết trong khi “đối phương tiếp tục tiến công trong khu vực Bakhmut,” các cuộc tấn công vào các khu định cư ở phía tây Bakhmut - Khromove, Ivanivske, Orikhovo-Vasylivka và Chasiv Yar - đã bị đẩy lùi.

6. Bộ Ngoại giao xác nhận Nga đã gửi công hàm chính thức cho Mỹ về việc rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân quan trọng

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nga đã trao cho Mỹ công hàm ngoại giao chính thức về việc nước này rút khỏi New START, một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân quan trọng.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Tôi nghĩ công bằng mà nói rằng những gì chúng ta biết được từ công hàm ngoại giao đó không cho chúng ta biết bất cứ điều gì mà chúng ta chưa biết từ những tuyên bố công khai phát đi từ Mạc Tư Khoa”.

Price gọi quyết định đơn phương đình chỉ hiệp ước của Nga là “đáng tiếc” và “vô trách nhiệm”.

“Nga không khá hơn trong một thế giới nơi hai cường quốc hạt nhân lớn nhất không còn tham gia kiểm soát vũ khí song phương,” Price nói, đồng thời cho biết thêm rằng “Việc Nga sẵn sàng thúc đẩy sự bất ổn, thúc đẩy những luận điệu hạt nhân vô trách nhiệm, gây nguy hiểm cho mọi quốc gia trên hành tinh này. “

Price nói rằng Mỹ vẫn tuân thủ hiệp ước, “bao gồm cả giới hạn số lượng của New START” đối với vũ khí hạt nhân, nhưng gợi ý rằng điều đó có thể thay đổi tùy thuộc vào “cách hàng xử của Nga”.

“Nếu chúng ta thấy Nga thực hiện các bước đòi hỏi bất kỳ hình thức thay đổi nào trong quan điểm hoặc đường lối hạt nhân của chính chúng ta, chúng ta sẽ thực hiện những điều chỉnh phù hợp”.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết hôm thứ Hai rằng họ “vẫn nhận được thông báo, gần đây như hôm nay, theo hiệp ước, các thông báo thường xuyên,” nhưng “chúng tôi hy vọng rằng ngay sau khi việc đình chỉ đó được chính thức hóa, những điều đó sẽ dừng lại.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước tuyên bố rằng ông đang đình chỉ sự tham gia của đất nước mình vào hiệp ước, gây nguy hiểm cho hiệp ước cuối cùng còn lại quy định hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Hiệp ước đặt ra giới hạn về số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa được triển khai mà cả Mỹ và Nga có thể sở hữu. Lần cuối cùng nó được gia hạn vào đầu năm 2021 trong 5 năm, nghĩa là hai bên sẽ sớm cần bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác.

Theo hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng, cả Mỹ và Nga đều được phép tiến hành kiểm tra các cơ sở vũ khí của nhau, mặc dù các cuộc kiểm tra đã bị tạm dừng từ năm 2020 do đại dịch Covid-19.

7. Putin nói rằng ông đang chuẩn bị cho cuộc gặp với Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc tại Mạc Tư Khoa

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Tư rằng ông sẵn sàng cho chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mạc Tư Khoa.

Putin cho biết ông có kế hoạch gặp người đồng cấp và phái đoàn Trung Quốc về một tuyến tàu điện ngầm ở Mạc Tư Khoa trong chuyến thăm thủ đô Nga. Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, một bộ phận của Nga thuộc doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, đã tham gia xây dựng một phần của tuyến tàu điện ngầm.

“ Tôi dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc, và nếu chương trình nghị sự cho phép, chúng ta rất sẵn lòng giới thiệu với các vị khách của mình. Ít nhất, tôi nghĩ rằng các thành viên của phái đoàn sẽ có thể nhìn thấy nó”, ông Putin nói trong lễ khai mạc tuyến đường sắt.

Một số bối cảnh chính: Bắc Kinh đã từ chối thừa nhận bản chất của cuộc xung đột Ukraine – cho đến nay họ vẫn tránh gọi đó là một “cuộc xâm lược” – và tiếp tục hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho Mạc Tư Khoa.

Khi Nga tiếp tục hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc đã tuyên bố “không có giới hạn” đối với tình bạn với nước láng giềng phương bắc và đã trao cho Điện Cẩm Linh một huyết mạch kinh tế.

Các nguồn tin thân cận với tình báo cho biết Nga đã nhiều lần yêu cầu máy bay không người lái và đạn dược từ Trung Quốc, và giới lãnh đạo Trung Quốc đã tích cực tranh luận trong vài tháng qua về việc có gửi viện trợ sát thương hay không.

8. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Trung Quốc không được gửi vũ khí cho Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Năm kêu gọi Trung Quốc không gửi vũ khí để hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thay vào đó yêu cầu Bắc Kinh gây áp lực lên Mạc Tư Khoa để rút quân.

Trong một bài phát biểu trước quốc hội Đức, Reuters đưa tin Scholz nói rằng thật đáng thất vọng khi Bắc Kinh kiềm chế không lên án cuộc xâm lược của Nga, mặc dù ông hoan nghênh những nỗ lực của họ đối với việc giảm leo thang hạt nhân.

“Thông điệp của tôi tới Bắc Kinh rất rõ ràng: hãy sử dụng ảnh hưởng của bạn ở Mạc Tư Khoa để thúc giục quân đội Nga rút đi. Và đừng cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho kẻ xâm lược Nga.”

Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, trước cuộc họp G20 ở Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Đức cho biết như trên.

“Trước cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào Ukraine và vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc, sự trung lập là phần thưởng cho kẻ xâm lược,” Annalena Baerbock nói.

Cuộc họp G20 đã diễn ra cùng với một loạt các cuộc gặp song phương khó xử bị lu mờ bởi những bất đồng về cuộc chiến ở Ukraine, với một số người tham dự rõ ràng không mong đợi các cuộc gặp mặt trực tiếp bên lề như vẫn thường được mong đợi.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Khi các lực lượng Ukraine tiếp tục bảo vệ Bakhmut, thuộc khu vực Donetsk, nhiệt độ tăng cao hiện đang tạo ra điều kiện lầy lội mà tiếng Ukraine gọi là 'bezdorizhzhia', hạn chế việc di chuyển qua các vùng nông thôn.

Điều kiện di chuyển kém thường cung cấp một số lợi thế quân sự cho các lực lượng phòng thủ. Nhiệt độ đất ban ngày đã tăng lên và hiện nay phần lớn ở trên mức đóng băng. Như đã xảy ra từ giữa tháng 2 năm 2023, khả năng đóng băng qua đêm và tan băng vào ban ngày vẫn có thể xảy ra cho đến tuần sau.

Dự báo ấm hơn so với điều kiện trung bình trong thời gian còn lại của mùa đông và mùa xuân sẽ làm giảm điều kiện di chuyển hơn nữa.

Gần như chắc chắn rằng vào cuối tháng 3, điều kiện di chuyển sẽ ở mức tồi tệ nhất sau đợt tan băng cuối cùng. Điều này sẽ tạo thêm ma sát cho các hoạt động trên bộ và cản trở việc di chuyển trên địa hình của các phương tiện bọc thép hạng nặng, đặc biệt là trên mặt đất bị xáo trộn ở khu vực Bakhmut.

10. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine lý giải vì sao Nga gây căng thẳng ở khu vực Transnistria của Moldova

Nga đang tạo ra một tình huống căng thẳng xung quanh Moldova và Transnistria, một lãnh thổ tách ra khỏi Moldova, không được công nhận. Mạc Tư Khoa làm như thế để theo đuổi hai mục tiêu: thứ nhất là chuyển sự chú ý của quốc tế khỏi cuộc chiến ở Ukraine; và thứ hai là chứng minh một loại “chiến thắng” nào đó cho khán giả Nga.

Phát ngôn viên của cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, gọi tắt là GUR, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 2 tháng Ba.

Theo ông, “Tình báo quốc phòng của Ukraine đang theo dõi những diễn biến ở Moldova và cái gọi là nước cộng hòa Transnistria không được công nhận.”

“Ở Transnistria, người Nga có một lực lượng rất hạn chế. Có những kho mà họ bảo vệ ở đó. Nhưng hầu như không còn gì trong các kho đó, và bất cứ thứ gì còn được giữ ở đó đều cũ và không sử dụng được. Và ở Moldova, họ vẫn đang cố gắng về mặt chính trị để gây bất ổn tình hình bằng một chiến dịch 'cờ giả'“

Ông nhớ lại rằng theo một kịch bản tương tự, người Nga đã từng can thiệp vào Donetsk và Luhansk. “Theo chúng tôi, bằng cách tạo ra căng thẳng ở Moldova, Nga đặt ra hai mục tiêu. Đầu tiên là nỗ lực đánh lạc hướng công chúng Âu Châu khỏi các sự kiện diễn ra ở Ukraine. Họ thấy rằng mọi sự chú ý đều tập trung vào Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp viện trợ. Vì vậy, họ đang cố gắng đốt lên một ngọn lửa mới ở Âu Châu”

Thứ hai, “điều này nhằm vào khán giả trong nước của Nga. Xét cho cùng, họ chẳng thu được gì trong cái gọi là 'chiến dịch quân sự đặc biệt'. Vì vậy, họ cần thể hiện một số loại 'chiến thắng' cho người dân của họ. Bây giờ họ đang cố kích động một loại cách mạng để tạo ra ảo tưởng rằng 'thế giới ủng hộ họ' và rằng 'người dân Moldova ủng hộ họ'“

Người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ phía Nam Ukraine, Natalia Humeniuk, nói rằng không loại trừ khả năng xảy ra các hành động khiêu khích ở biên giới với Moldova, nhưng hiện tại không có hoạt động của đối phương nào được quan sát thấy ở khu vực Transnistria.
 
Nhờ thói quen lần chuỗi Mân Côi, người lính Ukraine tránh được trái bom Nga. Động đất ở Antiôkia
VietCatholic Media
17:30 02/03/2023

1. Người Lính Ukraine Được Cứu Nhờ Lần Chuỗi Mân Côi

Một năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, một linh mục Công Giáo đã kể lại việc một người lính Ukraine đã thoát chết nhờ lần chuỗi Mân Côi.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Cha Josafat Boyko, thành viên của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể và là cha sở của nhà thờ hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô ở Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine, giải thích rằng một phần thánh chức của ngài là cung cấp sự hướng dẫn tâm linh cho những người lính đang chiến đấu với cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Cha Josafat Boyko cho biết một người lính nói với ngài rằng sau khi rời khỏi nơi anh ta đang ở để ra chỗ thanh vắng lần chuỗi Mân Côi, 'một quả bom đã rơi' vào chỗ anh ta vừa bước ra. 'Như vậy, nhờ lần chuỗi Mân Côi, anh ấy đã được cứu thoát khỏi cái chết.'

Cha Boyko nhấn mạnh rằng, trước thảm kịch ở Ukraine, “tiếng nói của Giáo hội là rất quan trọng để nói lên sự thật.”

“Giáo hội phải lên tiếng. Giáo Hội phải hét lên sự thật với thế giới về cuộc chiến ở Ukraine,” anh nói.

Ngài nói: “Nhiều người đang chết” ở Ukraine, và nhờ những tiếng nói bảo vệ sự thật người Ukraine đã được biết đến với việc bảo vệ “người dân và đất đai của họ”.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi cuộc tấn công vũ trang của Nga chống lại Ukraine bắt đầu, cho đến ngày 12 tháng 2 năm nay, đã có 18.955 thương vong dân sự được ghi nhận ở nước này, với 7.199 người thiệt mạng và 11.756 người bị thương.

Tuy nhiên, Cha Boyko chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ vài năm trước. “Ukraine kể từ năm 2014 đã ở trong tình trạng chiến tranh không tuyên bố. Nga bắt đầu tấn công Ukraine bằng cách tấn công một số vùng lãnh thổ của tỉnh Donetsk, Luhansk và Crimea,” ông nói.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, vị linh mục nói, “các nhà thờ ở nhiều nơi đã trở thành nơi trú ẩn cho những người phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.”

“Vì vậy, Giáo hội với tư cách là một tổ chức bắt đầu giúp lấy lương thực từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới cho người nghèo và túng thiếu.”

Ngoài ra, Cha Boyko nói rằng “chúng tôi phát trực tuyến trên YouTube những lời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình.”

Ngài giải thích rằng những người “không có nhà thờ” cũng có thể tiếp cận những lời cầu nguyện “thông qua internet”.

Vị linh mục người Ukraine nhấn mạnh rằng “chúng tôi tiếp tục rao giảng Tin Mừng và tiếp tục cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga, cũng như những gì Đức Mẹ Fatima đã nói vào năm 1917, khi Mẹ yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho nước Nga”.

Ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thúc đẩy hòa bình chứ không phải thù hận.”

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cống hiến hết mình tại các giáo xứ để phân phát thực phẩm và quần áo cho người nghèo và trợ giúp cho các quân nhân.
Source:Catholic News Agency

2. Antiôkia cổ đại là một trong những thành phố bị động đất tàn phá nặng nề nhất

Antiôkia cổ đại là một điểm đến hành hương tôn giáo được ưa chuộng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố này trong những cái nôi sớm nhất của Kitô Giáo và là thủ đô nổi tiếng của Đế chế Rôma. Tiếc thay, Antiôkia ngày nay, thường được gọi là Antakya, là “một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất bởi những trận động đất gần đây đã giết chết hàng chục nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Được xây dựng vào khoảng năm 300 trước Chúa Giáng Sinh ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố này từng được mệnh danh là Rôma của phương Đông. Trên thực tế, truyền thống cho rằng chính Thánh Phêrô là giám mục của Antiôkia nhiều năm trước khi trở thành giám mục tiên khởi của Rôma. Ngài đã ở Antiôkia đến bảy năm.

Chương 11 của Sách Công vụ Tông đồ nói rằng Antiôkia là thành phố mà lần đầu tiên các môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu”. Truyền thống đã tôn Thánh Phêrô là người sáng lập Giáo hội Antiôkia, theo lời tường thuật của Sách Công vụ, không chỉ kể về việc hai thánh Tông đồ Phêrô và Bácnaba đã đến thành phố Thổ Nhĩ Kỳ này, mà còn về lời rao giảng của các ngài.

Truyền thống cho rằng tại Knisset Mar Semaan Kefa, trong tiếng Aramaic, có nghĩa là “Hang động của Thánh Phêrô”, Thánh Phêrô đã cử hành Bí tích Thánh Thể cho cộng đồng này. Đây có thể là nơi thờ phượng đầu tiên của Giáo Hội Antiôkia cổ đại.

Mặc dù thành phố đã sống sót sau một số trận động đất trong quá khứ, nhưng trận động đất mới nhất thì khác. Theo một bài báo của Gamze Yilmazel, “Các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đang tuần tra để gìn giữ hòa bình, đã lăn bánh qua toàn bộ những con phố chỉ còn là đống đổ nát. Các thi thể vẫn được cho là đang thối rữa dưới đống đổ nát”.

Yilmazel khẳng định trận động đất tấn công đất nước vào ngày 6 tháng 2 và các dư chấn của nó “đã quét sạch các di tích tôn giáo và di sản thế giới trong thành phố. Các di tích lịch sử trên khắp khu vực đã bị ảnh hưởng”.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Di tích Thế giới, Bénédicte de Montlaur, nói với NPR rằng “các trận động đất đã làm hư hại các công trình kiến trúc trải dài hàng thế kỷ và nhiều nền văn hóa, từ pháo đài Rôma đến nhà thờ Hồi giáo lịch sử đến nhà thờ linh thiêng của Kitô Giáo. Chúng ta không nghi ngờ gì về điều đó. Di sản bị mất trong những sự kiện bi thảm này sẽ mất nhiều năm để sửa chữa và chúng ta sẽ cần một sự huy động quốc tế lớn để hỗ trợ những nỗ lực của địa phương.”


Source:Aleteia

3. Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Phi phê bình tập trận với Nga

Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Phi phê bình chính phủ nước này tập trận chung với quân đội Nga và Trung Quốc.

Cuộc tập trận dài 10 ngày tên là “Thao diễn Mosi II” ở mạn đông bờ biển Nam Phi, cho tới hôm 27 tháng Hai vừa qua. Đức Giám Mục Malusi Mpumlwana, thuộc Giáo hội Anh giáo Ethiopia, Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Phi, nói rằng đứng trước kỷ niệm một năm Nga bắt đầu tấn công Ukraine, cuộc tập trận này chứng tỏ sự thiếu “lòng cảm thương cơ bản” đối với Ukraine.

Trong những tháng gần đây, Nam Phi bị dư luận phê bình ồ ạt vì thái độ thân thiện với Nga. Chính phủ Nam Phi nhấn mạnh sự trung lập và bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc đối với nghị quyết chống Nga.

Đức Giám Mục Mpumlwana kêu gọi chính phủ của Tổng thống Cyril Ramaphosa ở Nam Phi theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên các quyền con người. Thay vì bênh vực Nga, thành viên của Khối các nước đang lên, gọi tắt là BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chính phủ Nam Phi cần lợi dụng tư cách thành viên khối BRICS này để thăng tiến hòa bình. Ngài ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì những nỗ lực cổ võ hòa bình và hứa ủng hộ các Giáo hội Kitô tại Nam Phi.