Ngày 07-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay 8 Tháng Ba 2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:44 07/03/2020
Bài Ðọc I: St 12, 1-4a

"Abraham, người cha dân Chúa, được kêu gọi".

Trích sách Sáng Thế.

Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: "Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc. Ta sẽ ban phúc cho ai chúc phúc ngươi, và chúc dữ cho ai chúc dữ ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được diễm phúc". Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài

Xướng: Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Xướng: Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa: chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng tôi. Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 8b-10

"Thiên Chúa kêu gọi và chiếu soi chúng ta".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Ti-mô-thêu.

Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Ðấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Ðức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9

"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".

Ðó là lời Chúa.
 
Covid -19 Biến Hình
Nguyễn Trung Tây
02:41 07/03/2020
Từ ngày Covid-19 xuất hiện trên trần gian, tôi tự nhiên thay đổi, nói theo ngôn ngữ nhà đạo mùa Chay, tôi biến hình.

Tôi bây giờ rửa tay thường xuyên hơn. Không phải chỉ rửa để mà rửa, nhưng rửa thành thật hơn, rửa từng ngón tay, rửa đầu ngón tay, và rửa giữa các ngón tay. Mà không phải chỉ riêng mình, tôi thấy sinh viên trong trường và cộng đồng tu sĩ nơi tôi sinh hoạt, ai cũng vậy. Trước giờ cơm, sau giờ cơm, nơi tập trung hàng người rồng rắn vẫn là bồn nước. Mọi người nhìn nhau, cười toe toét trong khi rửa tay thiệt thà.

Và không phải chỉ riêng tôi, bạn tôi cũng thế, qua những tin tức đăng trên những trang mạng, FaceBook, Twitter, tôi thấy họ cũng chia sẻ bây giờ vợ chưa nhắc nhở, họ cũng đã nhanh nhẹn và siêng năng rửa tay hơn, nhằm bảo vệ chính mình từ vi khuẩn viêm phổi Covid-19 có thể bám ở tay. Tôi cũng đọc được trên trang mạng một hàng status ngợi khen Covid-19 giỏi hơn các bà mẹ và bà vợ. Chủ nhân hàng status nói từ bao lâu nay, mặc cho mẹ la mắng, vợ càm ràm, anh chàng vẫn lười biếng rửa tay. Nhưng từ ngày Covid-19 lên ngôi, anh chàng thay đổi, rửa tay thật thà và thường xuyên. Hiện tượng rửa tay chống dịch cúm Covid-19 phổ biến đến nỗi bài nhạc rap “Ghen cô Vy” nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả Hoa Kỳ và Pháp.

Rõ ràng, nhân vật lãnh nhận được những lợi ích ngay trước mặt nếu rửa tay thường xuyên hơn chẳng ai khác nhưng chính là mình. Cơ hội siêu vi khuẩn Covid-19 xâm nhập cơ thể, đe dọa tính mạng cá nhân giảm hẳn, nếu rửa tay thường xuyên.

Covid-19 không ai ngờ có khả năng thay đổi thói quen lười biếng rửa tay của rất nhiều người. Hy vọng rất nhiều thói quen rửa tay thiệt thà sẽ trở thành một đức tính của nhân loại ngay cả khi Covid-19 đã trở thành một kỷ niệm.

Mùa Chay về, người tín hữu có hẳn cả một khoảng thời gian 40 ngày để bước vào sa mạc, cầu nguyện, ăn chay, để biến hình như Đức Giêsu trong sa mạc.

Tôi chọn lựa ăn chay kiêng thịt, để dành số tiền dự tính ăn thêm, ăn ngon, để kính tặng những người anh chị em kém may mắn hơn mình. Những cái chọn lựa này, tương tự như chọn lựa rửa tay sẽ khiến đời tôi thay đổi. Bởi tôi bước ra đường, hòa mình với những trăn trở của tha nhân, tôi biến hình, hóa ra nhân ái hơn… Trong bối cảnh của Mùa Chay và sa mạc, tôi biến hình trở nên thiết tha với mình và với thế giới nhiều hơn.

Suy niệm trong lăng kiếng Mùa Chay, Covid-19 cũng là một cơ hội để trần gian biến hình, trở nên sạch hơn, thiết tha và thực thà với chính mình hơn. Tôi rửa tay sạch, sinh viên và tu sĩ nơi tôi sinh hoạt truyền giáo cũng rửa tay sạch, nhiều người rủ nhau rửa tay sạch, trần gian đều rửa tay sạch, thế là thế giới trở nên sạch hơn!

Mùa Chay, bạn, tôi và nhiều người tín hữu đều hy sinh những món ngon áo đẹp, dành số tiền đó kính tặng tha nhân, thế là thế giới từng ngày biến hình chuyển đổi trở nên tương tự thiên đàng, nơi đó con người bác ái và biết đặt tha nhân lên trước lợi ích cá nhân y như Đức Giêsu của Tin Mừng.

Mùa Chay kéo dài 40 ngày. Tôi vẫn còn một khoảng thời gian dài để rửa tay và biến hình…

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 07/03/2020

15. Mỗi lần cần cho tha nhân thì mỗi lần tay họ đầy tràn.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:19 07/03/2020
62. NHẬN GÁI ĐĨ LÀM MẸ

Ở trong tỉnh Phúc Kiến có một cô gái làm đĩ, mặc dù dung mạo không còn sắc sảo như trước, nhưng vẫn còn mấy phần nhan sắc, nhưng tìm nơi để kiếm chồng thì hình như không được như ý.

Lại có một con trai của người Phúc Kiến, từ nhỏ đã tiến cung làm hoạn quan, nghe nói mẹ ở Thượng Kiến bèn sai người đi mời mẹ đến đoàn tụ.

Bà mẹ rất phấn khởi đi đến đợi ngoài cung, hoạn quan vừa nhìn thấy mẹ mình tuổi đã lớn, dung mạo khó coi, bèn nói với người hầu:

- “Đây không phải là mẹ của ta, mẹ của ta làm gì mà xấu như xạ xoa thế này?”

Nói xong thì nghênh ngang bỏ đi.

Sau đó, người hầu thấy ông ta ham hư vinh, bèn đến Phúc Kiến tìm kiếm người phụ nữ đẹp, thì tìm được gái đĩ ấy và đem về cung. Quả nhiên tên hoạn quan bái kiến và nhận gái đĩ làm mẹ mình.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 62:

Người ta có thể nhận giặc làm mẹ vì hiểu lầm chứ không ai nhận đĩ làm mẹ, nhưng trên cõi đời này không có chuyện gì mà không xảy ra, cho nên chuyện nhận đĩ làm mẹ thì cũng có thật.

Chuyện tên hoạn quan vì thích hư vinh mà nhận gái đĩ làm mẹ, cũng giống như chuyện người Ki-tô hữu vì tham lam những sự thế gian mà nhận ma quỷ làm chúa, làm cha mẹ của mình vậy. Họ là những người con cái của Thiên Chúa nhưng đã phủ nhận Ngài là cha của mình, họ là những người môn đệ của Đức Chúa Giê-su nhưng lại nhận mình là đệ tử của ma quỷ khi họ đã vì hư vinh mà chối bỏ ân sủng của bí tích Rửa Tội là nguồi mạch mọi ân sủng của Thiên Chúa...

Thời nay hình như không ai nhận gái đĩ làm mẹ vì khoa học ngày càng tiến bộ để xác minh lý lịch, nhưng thời nay vẫn còn có rất nhiều người mang danh Kitô hữu vui lòng nhận ma quỷ là phụ mẫu của mình, họ không cậy nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa để “xác minh lý lịch” thiêng liêng của mình, nhưng lại dựa vào sự dối gạt danh vọng phù phiếm của ma quỷ để làm cho mình trở thành con cái của nó.

Thảm hại thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 07/03/2020
Chúa Nhật II MÙA CHAY

Tin mừng : Mt 17, 1-9.

“Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời”.


Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã mặc khải cho ba tông đồ biết chính Ngài là Đấng Mê-si-a, là Thiên Chúa làm người và là Đấng cứu độ trần gian bằng sự biến hình chói sáng của Ngài, cũng vậy, cũng đã lắm lúc chúng ta làm cho người khác không nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, và tệ hơn, đã làm cho họ hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa trong niềm tin của chính chúng ta –người Ki-tô hữu.

Do đó mà chúng ta cần phải biến đổi trong cách nhìn, trong cách đối xử của chúng ta, để họ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong vũ trụ này, và nhất là trong cuộc sống của chính chúng ta.

1. Biến đổi trong cách nhìn.

Thánh Phê-rô và hai thánh tông đồ Gia-cô-bê và Gioan đã nhìn thấy sự biến hình của Đức Chúa Giê-su, và các ngài đã nhìn thấy quang cảnh trên núi Ta-bo-rê này sao mà đẹp, không những đẹp mà còn cảm thấy hạnh phúc dễ chịu, bởi vì cái nhìn của thánh Phê-rô cũng như hai tông đồ kia, đã được ánh sáng huy hoàng của Đức Chúa Giê-su biến đổi, đặc biệt là biến đổi từ trong tâm hồn của các ngài.

Cuộc sống của người Ki-tô hữu chúng ta cũng cần phải được biến hình, biến hình từ cái nhìn tiêu cực với anh chị em thành cái nhìn tích cực; biến hình từ cái nhìn bi quan với cuộc sống thành cái nhìn lạc quan, để đời sống hôm nay của chúng ta trở thành cuộc sống chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su. Và khi chúng ta đã biến đổi cách nhìn của mình, thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và cuộc sống sao mà đẹp lạ lùng...

2. Biến đổi trong cách đối xữ.

Không một ai có thể tự biến đổi mình nếu không có ơn của Chúa giúp đỡ, cũng không ai có thể trở thành người có ích cho mọi người nếu không được Lời Chúa chiếu soi và dẫn đường, bởi vì như thánh Phê-rô đã nhìn thấy mọi sự chung quanh mình đều đổi mới vì có Đức Chúa Giê-su hiện diện.

Người Ki-tô hữu có Đức Chúa Giê-su là ánh sáng soi dọi, nên cuộc biến hình của họ rất dễ dàng nếu họ biết đi trong ánh sáng của Ngài.

Đã nhiều lần chúng ta có những thái độ không mấy đẹp khi đối xử với tha nhân, vì chúng ta chưa thấy được sự biến hình sáng láng của Đức Chúa Giê-su; đã nhiều lần chúng ta coi nhẹ tình thân của tha nhân đối với chúng ta bởi vì chúng ta cứ chuộng vẻ bên ngoài để đối xử với nhau, nên không nhìn thấy sự biến hình của Đức Chúa Giê-su nơi người anh em chị em của mình.

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su biến hình sáng chói như mặt trời để củng cố đức tin của các tông đồ, và cũng là một biến cố to lớn đối với ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan.

Chính Ngài –ngày hôm nay- cũng biến đổi thân mình nơi những người mà chúng ta gặp gỡ: Ngài biến hình thành người ăn xin bên vệ đường; ngài biến hình thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa; Ngài biến hình thành anh công nhân dưới quyền của chúng ta, và biến thành người anh em chị em đang ở trong cộng đoàn với chúng ta, nhưng chúng ta chưa biến đổi cách nhìn của mình để nhìn thấy Ngài, chưa biến đổi thái độ trong cách đối xử, để đối đãi Ngài cho xứng đáng trong cuộc sống hàng ngày của mình...

Nếu không tích cực biến đổi cách nhìn và nếu không mau biến đổi thái độ cư xử của chúng ta với tha nhân, thì cho dù chúng ta tham dự thánh lễ hằng ngày và rước lễ thường xuyên, thì cũng không nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông báo đặc biệt của Tòa Thánh liên quan đến các hoạt động của Đức Thánh Cha trong những ngày tới
Đặng Tự Do
16:36 07/03/2020
Trong các ngày tới, Đức Thánh Cha không hiện diện cụ thể nhưng qua truyền hình. Đức Thánh Cha sẽ cử hành các Thánh Lễ riêng, nghĩa là không có dân chúng tham dự.

Hôm thứ Bẩy 7 tháng Ba, Phòng Báo chí Tòa thánh đã ra thông báo liên quan đến các hoạt động của Đức Thánh Cha trong những ngày tới. Các dàn xếp mới đã được thực hiện như là biện pháp phòng ngừa trước những lo ngại liên tục về coronavirus, hay còn gọi là COVID-19.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra một tuyên bố vào chiều thứ Bảy, loan báo rằng “Liên quan đến các sự kiện trong những ngày sắp tới, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha vào ngày Chúa Nhật 8 tháng Ba sẽ diễn ra từ Thư viện của Dinh Tông tòa chứ không phải từ cửa sổ hướng ra quảng trường [Thánh Phêrô]. Buổi đọc kinh sẽ được truyền trực tiếp bởi Vatican News và trên các màn hình ở quảng trường Thánh Phêrô, và được Truyền thông Vatican phân phát cho các phương tiện truyền thông có yêu cầu, để các tín hữu có thể tham gia. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 11 tháng Ba sẽ được tổ chức theo cách tương tự.

Tuyên bố giải thích rằng các quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của chính quyền Ý và “là cần thiết để tránh nguy cơ lây lan COVID-19 khi một nhóm đông đảo người phải tập trung tại các trạm kiểm tra an ninh trước khi có thể vào quảng trường Thánh Phêrô. Hơn nữa, Văn phòng Báo chí cho biết, tuân thủ các quy định của Cục Y tế và Vệ sinh của Quốc gia Thành Vatican, sự tham dự của các tín hữu trong Thánh lễ tại Santa Marta sẽ bị đình chỉ cho đến ngày Chúa Nhật 15 tháng Ba. Nói cách khác, Đức Thánh Cha sẽ cử hành các Thánh Lễ riêng”, nghĩa không có dân chúng tham dự.

Tưởng cũng nên biết thêm, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong trường hợp không đi tông du nước ngoài và không đi thăm các giáo phận của Italia, các vị Giáo Hoàng thường hiện diện bên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong dinh Tông Tòa để cùng đọc kinh Truyền Tin, hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, nếu là mùa Phục sinh, với các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 12g trưa. Trước khi đọc kinh, ngài cũng ban một huấn từ, và sau khi đọc kinh ngài cũng có thể chào thăm các tín hữu và kêu gọi sự chú ý của họ đến những tình huống nghiêm trọng trên thế giới.

Giải thích về thực hành này, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng kinh Truyền Tin là “một bản tóm tắt về ‘sử thi Kitô giáo’ trong ba cuốn sách: lời mời gọi và sáng kiến của Thiên Chúa, phản ứng vâng phục của con người, trong lời xin vâng; và kết quả của sự vâng phục này, là Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể.”

Các buổi đọc kinh Truyền Tin, hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng được phát trực tiếp trên đài truyền hình công cộng Rai Uno của Ý và Mạng lưới Eurovision. Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng cũng ban phép lành cho các tín hữu và khách hành hương trên quảng trường Thánh Phêrô và những ai theo dõi qua truyền hình và đài phát thanh.


Source:Vatican News
 
Thượng hội đồng Giám mục tới được triệu tập vào năm 2022
Thanh Quảng sdb
18:16 07/03/2020
Thượng hội đồng Giám mục tới được triệu tập vào năm 2022

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho Thương hội đồng Giám mục tới là: Hiệp thông, Liên đới và Truyền giáo.

(Tin Vatican)

Trong một tuyên cáo chính thức của Tòa thánh được công bố vào sáng thứ Bảy 7/3/20, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký Thánh bộ về Giám mục, tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI vào tháng 10 năm 2022, với chủ đề: Hiệp thông, Liên đới và Truyền giáo.

Hiệp thông: con đường của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba

Chủ đề Hiệp thông là yếu tính quan trọng của triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô. Vào tháng 10 năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng hội đồng Giám mục do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI khởi xướng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Từ lúc bắt đầu sứ vụ của tôi với tư cách là Giám mục Rôma, tôi đã hết lòng yểm trợ Thượng hội đồng, như là một trong những di sản quý giá nhất của Công đồng Vatican II, đó chính là con đường hiệp thông mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba này”.

Gần đây, trong bài nói chuyện với Ủy ban Thần học Quốc tế năm 2018, Đức Thánh Cha cho biết chủ đề của sự hiệp thông là rất quan trọng trong trái tim của ngài: sự hiệp thông là một phong cách, chúng ta cùng nhau tiến bước, và đó là điều mà Chúa mong đợi nơi Giáo hội của Ngài trong thiên niên kỷ thứ ba này.

Để thúc đẩy sự hiệp thông và hỗ trợ cho Giáo hoàng

Thượng hội đồng giám mục được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập khi kết thúc Công đồng Vatican II. Theo Giáo luật thì Thượng hội đồng là một số các giám mục được chọn từ các Hội đồng Giám mục địa phương khác nhau trên thế giới, triệu tập lại vào những thời điểm cố định nhằm kiến tạo sự hiệp thông chặt chẽ hơn giữa Giáo hoàng La Mã và các giám mục, để hỗ trợ cho Đức Thánh Cha trong việc duy trì và thăng tiến đức tin, đạo đức, tuân thủ và củng cố kỷ cương trong Giáo hội, cũng như học hỏi các vấn đề liên quan đến các hoạt động của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Thông thường, Thượng hội đồng giám mục được nhóm họp mỗi 3-4 năm, hoặc trong các trường hợp bất thường được gọi là Thương Hội đồng bất thường hoặc đặc biệt tùy theo sự quyết định của Giáo hoàng.

Một Thượng hội đồng bất thường được Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào năm 2014 để học hỏi và xem xét về những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giáo Tin mừng; và một năm sau đó lại có Thượng hội đồng bình thường với chủ đề của “Định mệnh và sứ mệnh của gia đình” trong Giáo hội và trong Thế giới đương đại. Năm 2018, một Thượng hội đồng bình thường khác tập trung vào “đức tin nơi giới trẻ và sự phân định nghề nghiệp của giới trẻ” theo như ý của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Gần đây nhất, vào tháng 10 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập một Thượng hội đồng đặc biệt cho toàn vùng Amazon, để tìm ra những con đường mới cho việc truyền giảng Tin mừng cho toàn khu vực rộng lớn này...
 
Áp dụng những Quy tắc ngăn chặn việc nhiễm trùng Covid–19 tại Quốc gia Thành phố Vatican
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
19:48 07/03/2020
Ngày 6.3.2020, Văn phòng Thống đốc Quốc gia Thành phố Vatican đã áp dụng một số biện pháp thận trọng để ngăn chặn về việc giảm thiểu rủi ro lan tràn dịch Convid-19 trong nội địa Vatican như sau:

a. quy định về việc đăng tải tại nơi làm việc và việc nhập các dịch vụ dành cho công chúng, nghĩa là, đông đúc và quá cảnh ngoài các dịch vụ thương mại, về các quy tắc phòng ngừa và lây lan bệnh nhiễm trùng Covid-19 do Sở Y tế và Vệ sinh (DSI) ban hành vào ngày 25 tháng 2 và phổ biến bằng điện tử.

b. đình chỉ các cuộc họp và các sự kiện xã hội trong đó có liên quan đến nhân viên y tế hoặc nhân viên phụ trách thực hiện các dịch vụ công cộng thiết yếu.

c. đình chỉ hoặc các biện pháp hiện tại để hạn chế quyền truy cập vào tất cả các hoạt động được thực hiện trong môi trường kín và/hoặc với kích thước hạn chế có sự tham gia của những người không được phép liên quan đến khoảng cách an toàn giữa các cá nhân ít nhất là 1 mét.

d. áp dụng các biện pháp vệ sinh ngoại lệ trên các phương tiện giao thông công cộng,

e. đình chỉ mọi hoạt động đào tạo

f. hạn chế du lịch và đi lại trừ khi thật cần thiết

g. người chăm sóc bệnh nhân bị cấm ở lại trong các phòng chờ của dịch vụ Bảo vệ Y tế của Quốc gia Thành phố Vatican, trừ khi có chỉ định cụ thể của nhân viên y tế có trách nhiệm.

h. cư dân trong Quốc gia Thành phố Vatican (khoảng 600 người), trong trường hợp có xuất hiện các triệu chứng giống như cúm (ho khan, cảm lạnh, đau họng, sốt, khó thở) có thể liên hệ với Cơ quan Bảo vệ Y tế DSI của Thống Đốc ( Điện thoại 06.6987.9325) hoặc Phòng Điều hành của Dịch vụ An ninh và Bảo vệ Dân sự (Điện thoại 06.698.112) để sắp xếp Bác sĩ DSI viếng thăm tại nhà, tránh trực tiếp đến các phòng khám DSI.

i. tương tự, đối với các cư dân bên ngoài Quốc gia Thành phố Vatican và những ai được hỗ trợ bởi Quỹ Chăm sóc Sức khỏe (FAS), nên liên hệ với Bác sĩ Đa khoa của Quỹ Chăm sóc Sức khỏe trong khu vực của họ, tránh trực tiếp đến các phòng khám DSI.

Tuy nhiên, DSI sẵn sàng tối đa để chuyển tải những thông tin và những lời khuyên về việc nhiễm Covid 19 đang diễn ra.

Nhân dịp này, cần thiết tuyệt đối áp dụng đúng các quy tắc vệ sinh do DSI ban hành trước đây và Ban Tổng thư ký này gửi qua email vào ngày 25 tháng 2, và làm theo lời khuyên về vệ sinh được minh họa trong thông cáo được đăng ở những nơi chính Quốc gia.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Covid-19 Và Con Đường Trở Về
Gioan Lê Quang Vinh
09:14 07/03/2020
Covid-19 Và Con Đường Trở Về

Virus Corona lan truyền ở mức độ chóng mặt làm con người thời đại thấy kinh hãi. Và mỗi người, ngoài việc phòng bệnh hoặc tìm cách chữa bệnh, còn đặt ra những câu hỏi sâu xa hơn về phận người và về cung cách sống của mình.

Nhiều người nhận ra Covid-19 không chỉ là cơn dịch bệnh, mà đó còn là phép thử của nhân cách con người. Sự hy sinh cho đồng loại, xả thân vì ích chung là những nét sáng. Nhưng bên cạnh đó, sự thờ ơ, những tham vọng và sự đầu cơ làm cho bức tranh nhân loại có những nét mờ đáng sợ.

Đây cũng là dịp cho nhân loại nhận thấy rõ ràng rằng tài năng, quyền lực, tiền bạc và vũ khí trở thành con số không trước con virus nhỏ bé. Vũ khí tối tân cũng không diệt được con virus. Có cha giàng lễ nhấn mạnh điều này. Khoa học một thời tưởng mình là bá chủ, có thể điều khiển thiên nhiên, giờ đây bất lực đứng nhìn. Quyền uy tột bậc của thế gian cũng không sai khiến nổi con virus.

Covid-19 đâp mạnh vào những ảo tưởng kiêu ngạo của con người. Bất chợt con người nhìn thấy mình trần trụi, như thời con người đầu tiên phạm tội kiêu ngạo. Ông Ađam và bà Eva khi đã bất tuân lệnh Chúa thì lập tức nhận ra mình trần trụi và cô độc.

Thời nay, khi con người quyết định “phải sửa đổi Kinh Thánh cho phù hợp với các yêu cầu của thời đại mới” thì họ chợt nhận ra rằng mình bất lực. Lời Thiên Chúa không phải để con người lợi dụng. Lời hằng sống chỉ đem lại sự sống nếu con người khiêm tốn đón nhận.

Nhưng may mắn thay, Covid-19 tức khắc trở thành cơ hội cho nhiều người tìm về nguồn cội đời mình. Từng lời cầu nguyện vang lên khắp nơi, từ mọi tầng lớp, kể cả người vô thần có người cũng đấm ngực nhìn lên Trời cao.

Covid-19 giúp con người xức tro vào chính mình, xé lòng mình ra. Và lời Vua David của Do Thái ngày xưa lại là lời của hôm nay: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Thượng Đế của con” (TV 130). Con người biết mình đang ở đâu. Đỉnh cao của ảo tưởng kiêu ngạo hóa ra là vực sâu của kiếp người tội lỗi.

Thế giới gặp Covid-19 cũng không khác con tàu Royal Mail Ship Titanic gặp nạn năm 1912. Đang ăn chơi nhảy múa trên con tàu được cho là “unsinkable” (không thể chìm được) vì có tiềm vọng kính, vì vỏ tàu có hai lớp, con người chợt nhận ra sự an toàn là con số không.

Và lúc ấy, ban nhạc đang chơi những bản nhạc tình để mọi người khiêu vũ, bất chợt đổi thành bản thánh ca “Nearer My God To Thee” (Chúa ơi cho con hầu kề gần bên Chúa hơn).

Và tín hiệu SOS (Save Our Souls, Xin cứu linh hồn chúng con) lần đầu được phát đi.

Lời cầu nguyện từ thẳm sâu hôm nay cũng giống như bản thánh ca cuối cùng và tín hiệu SOS trên con tàu Titanic năm xưa. Đó là dấu hiệu cho thấy con người nhận ra thân phận thật của mình là tro bụi, mỏng dòn, phù du. Xức tro trên đầu chưa làm người ta nhận ra mình là tro bụi thì Covid-19 giúp chúng ta xác tín thêm điều ấy. Covid-19 lan đi thì con người chợt nhận ra lối về.

Khôn ngoan nhận ra dấu chỉ của thời đại thì con người sẽ bình an và đi đúng con đường Chúa đã vạch cho mình.

Thánh Vịnh 51 vẫn luôn là lời mời gọi khiên tốn quay về: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (TV 51,19).

Gioan Lê Quang Vinh
 
Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther 4
Vũ Văn An
18:01 07/03/2020
Giống vị tiền hô của Người, Chúa Kitô không những nói “Hãy thống hối ăn năn” (Mt 3:2; 4:17), nhưng thêm lời đức tin khi nói rằng “Nước trời đã gần kề”. Chúng ta không chỉ rao giảng một trong các lời ấy mà phải cả hai; chúng ta phải đem ra từ kho lẫm của mình những điều mới và những điều cũ, tiếng nói của lề luật lẫn lời nói của ơn thánh (Mt 13:52). Chúng ta phải đem ra tiếng nói lề luật mà con người có lẽ được tạo ra để kính sợ và tiến tới chỗ nhận biết tội lỗi của mình và nhờ thế hoán cải ăn năn, có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng chúng ta không nên dừng ở đó vì đó mới chỉ là đả thương chứ chưa băng bó, đánh đập chứ chưa chữa lành, sát hại chứ chưa làm cho sống động, dẫn xuống cõi chết chứ chưa sống lại, hạ nhục chứ chưa tôn vinh. Cho nên, chúng ta cũng phải rao giảng lời ban ơn thánh và lời hứa tha thứ nhờ thế đức tin được giảng dậy và khởi động. Không có lời ơn thánh này, các việc làm theo lề luật, việc ăn năn tội, việc thống hối, và mọi việc khác được thực hiện và giảng dậy một cách vô ích.

Các vị giảng thuyết về thống hối và ơn thánh, đến ngày nay, vẫn còn đó, nhưng họ không giải thích lề luật và lời hứa của Thiên Chúa để người ta có thể nhờ họ mà học được nguồn gốc của thống hối và ơn thánh. Thống hối phát xuất từ lề luật của Thiên Chúa, nhưng đức tin và ơn thánh phát xuất từ lời hứa của Thiên Chúa, như Rm 10:17 nói “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Chúa Kitô”. Thành thử, con người được an ủi và đề cao nhờ đức tin vào lời Thiên Chúa hứa sau khi chịu nhục và bị dẫn tới chỗ biết mình nhờ các đe dọa và nỗi kính sợ lề luật của Thiên Chúa. Do đó, ta đọc trong Tv 30:6, “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo”.

Ta hãy coi điều ấy đã đủ để nói về các việc làm nói chung và đồng thời cả về các việc làm mà các Kitô hữu tự làm cho mình nữa. Sau cùng, ta cũng nên nói tới những điều họ làm cho những người lân cận của họ. Người ta không sống cho riêng mình trong thân xác tử sinh này, chỉ làm việc cho một mình nó, mà còn sống cho mọi người trên mặt đất; đúng hơn, họ chỉ sống cho những người khác, không cho riêng một mình họ. Để đạt mục đích này, họ bắt thân xác họ phại phục tùng để họ có thể phục vụ người khác cách thành thực và tự do hơn, như thánh Phaolô viết trong Rm 14:7-8: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa”. Ở đời này, họ thậm chí không được ở nhưng không mà không làm việc vì những người lân cận, vì nhất thiết họ sẽ phải nói năng, xử sự với, và trao đổi quan điểm với người khác, như Chúa Kitô, khi đã nên giống người ta (Pl 2:7), vốn hiện hữu dưới hình thức một con người và chuyện vãn với những con người, như Barúc 3:38 quả quyết.

Tuy nhiên, con người không cần bất cứ thứ nào trong số ấy để được công chính hóa và cứu rỗi. Do đó, họ nên được hướng dẫn trong mọi việc họ làm bằng ý tưởng này và chiêm niệm một mình điều duy nhất này mà thôi, để họ có thể phục vụ và sinh ích cho những người khác trong mọi việc họ làm, không quan tâm đến điều gì ngoài nhu cầu và lợi điểm của người lân cận mà thôi. Thành thử, Thánh Tông Đồ truyền cho ta phải dùng đôi tay mà làm việc để có thể giúp đỡ người túng thiếu, mặc dù, ngài có lẽ đã nói rằng chúng ta nên làm việc để hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, ngài nói: “để có gì chia sẻ với người túng thiếu” (Eph 4:28). Đó là điều biến việc chăm sóc thân xác thành một việc làm của Kitô hữu, nghĩa là nhờ có sức khỏe và tiện nghi, chúng ta có thể làm việc, mua sắm, và để dành quĩ để giúp đỡ người túng thiếu, nhờ cách này, chi thể mạnh có thể phục vụ chi thể yếu hơn, và chúng ta có thể trở nên con cái Thiên Chúa, mỗi người biết chăm sóc và làm việc cho người khác, mang gánh nặng của nhau và nhờ thế chu toàn lề luật của Chúa Kitô (Gl 6:2). Đó mới là cuộc sống Kitô hữu đích thực. Ở đây, đức tin thực sự tích cực nhờ tình yêu (Gl 5:6), nghĩa là, nó tìm được biểu thức trong các việc làm trong việc phục vụ tự do nhất, thực hiện một cách vui vẻ và đầy yêu thương, với tình yêu này, người ta sẵn lòng phục vụ người khác không hy vong được ban thưởng; và cho riêng họ, họ hoàn toàn hài lòng với sự viên mãn và phong phú của đức tin.

Thành thử, Thánh Phaolô, sau khi giảng dạy để tín hữu Philiphê biết họ trở nên giầu có xiết bao nhờ đức tin vào Chúa Kitô, trong đó, họ nhận được mọi sự, đã nhắn nhủ họ rằng “Nếu quả thật sự liên kết với Chúa Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:1-4). Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng rằng Thánh Tông đồ đã truyền áp dụng qui luật này vào đời sống Kitô hữu, nghĩa là, chúng ta nên dành mọi việc làm của chúng ta để tạo phúc lợi cho người khác, vì mỗi người đều có nhiều châu báu dư thừa trong đức tin của mình đến độ mọi việc làm khác và trọn cuộc sống họ giống như một thứ thặng dư; với sự thặng dư này, họ có thể phục vụ và tạo thiện ích cho người lân cận của họ, vì lòng nhân từ đầy thiện chí.

Như một điển hình cho cuộc sống ấy, Thánh Tông đồ trưng dẫn Chúa Kitô, ngài viết rằng “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn hiện hữu trong hình dạng (form) Thiên Chúa nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy hình dạng nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Và trong hình dạng con người, Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2:5-8). Lời có tính cứu rỗi của Thánh Tông Đồ này đã bị làm lu mờ đối với chúng ta bởi những kẻ không hiểu chút gì về các lời lẽ của ngài, “hình dạng Thiên Chúa”, “hình dạng nô lệ”, “hình dạng con người”, “giống phàm nhân”, và áp dụng chúng vào bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Thánh Phaolô có ý nói: mặc dù Chúa Kitô tràn đầy trong hình dạng Thiên Chúa và giầu có trong mọi sự, đến nỗi, Người không cần việc làm cũng như đau khổ để biến Người thành công chính và được cứu rỗi (vì Người vốn có những điều ấy thừ thuở đời đời), thế nhưng Người không vênh váo vì chúng và không đề cao Người hơn chúng ta và tỏ ra uy quyền hơn chúng ta, dù Người có quyền làm thế; nhưng, trái lại, Người đã sống, đã lao công, đã làm việc, đã chịu đau khổ, và đã chết giống như mọi con người khác và trong phong cách và trong hành động Người không có gì khác một con người, chỉ như thể Người cần tất cả những điều này, và không có gì từ hình dạng Thiên Chúa. Nhưng Người làm tất cả các điều này vì chúng ta, để Người có thể phục vụ chúng ta và mọi điều Người hoàn thành trong hình dạng nô lệ này có thể trở thành của chúng ta.

Do đó, giống như Chúa Kitô là đầu của mình, người Kitô hữu được đầy tràn và trở nên phong phú nhờ đức tin và nên hài lòng với hình dạng Thiên Chúa mà nhờ đức tin họ có được; chỉ có điều, như tôi đã nói, họ nên gia tăng đức tin này cho đến khi nó hoàn hảo. Vì đức tin này chính là cuộc sống của họ, sự công chính của họ, và là sự cứu rỗi của họ: nó cứu họ và làm họ trở nên đáng được chấp nhận, và ban cho họ mọi điều vốn là của Chúa Kitô, như đã nói ở trên và như Thánh Phaolô quả quyết ở Gl 2:20 khi ngài viết “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa”. Mặc dù, Kitô hữu được tự do đối với mọi việc làm, họ vẫn phải tự trút bỏ chính mình, mang lấy hình dạng nô lệ, nên giống con người, sống trong hình dạng con người, và phục vụ, giúp đỡ, và bằng mọi cách, cư xử với người lân cận của họ như họ thấy Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, đã cư xử và còn tiếp tục cư xử với người lân cận này. Họ phải làm điều này cách tự do, không quan tâm đến điều gì ngoài việc được Thiên Chúa chấp thuận.

Họ nên nghĩ rằng; ‘mặc dầu tôi là một con người bất xứng và đang bị kết án, Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã ban cho tôi mọi châu báu công chính và cứu rỗi mà không cần tới tôi, chỉ do lòng thương xót tinh tuyền, tự do, để từ nay trở đi, tôi không cần điều gì ngoại trừ đức tin, một đức tin tin rằng điều này đúng sự thật. Do đó, tại sao tôi lại không nên, một cách tự do, hân hoan và hết lòng, hết ý chí, làm những điều tôi biết là đẹp lòng và được người Cha, Đấng ban phát cho tôi những kho tàng vô giá như thế, chấp nhận? Bởi thế, tôi sẽ hiến mình tôi như một Chúa Kitô cho người lân cận của tôi, hệt như Chúa Kitô đã hiến mình cho tôi; tôi sẽ không làm bất cứ điều gì ở đời này ngoại trừ những điều tôi thấy là cần thiết, sinh ích và có tính cứu rỗi cho người lân cận của tôi, vì qua đức tin, tôi đã có dư đầy mọi điều thiện hảo nơi Chúa Kitô”.

Như thế, từ đức tin tuôn trào tình yêu và niềm vui nơi Chúa Kitô, và từ tình yêu, phát sinh một tâm trí hân hoan, sẵn lòng, và tự do phục vụ người lân cận hết lòng mà không quan tâm gì tới biết ơn hay không biết ơn, ca ngợi hay trách mắng, được hay mất. Vì người ta không phục vụ để đặt người khác dưới nghĩa vụ. Họ không phân biệt giữa bạn bè và địch thủ hay dự ứng lòng biết ơn hay vô ơn của họ, nhưng một cách tự do và sẵn lòng nhất, họ dành chính họ và tất cả những gì họ sở hữu bất kể họ phí phạm đối với những người vô ơn hay họ nhận được phần thưởng biết ơn. Như Cha của họ làm thế nào trong việc phân phối mọi sự cho mọi người cách hào phóng và tự do, làm cho “mặt trời mọc cho cả kẻ dữ lẫn người lành” (Mt 5:45), người con cũng phải làm mọi sự và chịu đựng mọi sự như thế với một niềm vui trao ban tự do, cũng là niềm vui mà, qua Chúa Kitô, họ thấy nơi Thiên Chúa, Đấng ban phát các thiện ích lớn lao ấy.

Do đó, nếu chúng ta nhận ra các điều lớn lao và qúy giá đã ban cho ta, như lời Thánh Phaolô nói ở Rm 5:5, lòng chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu khiến chúng ta trở thành những công nhân tự do, hân hoan và quyền năng, thành những người chiến thắng mọi khổ đau, thành những người phục vụ người lân cận, nhưng đồng thời là chúa mọi sự.

Tuy nhiên, đối với những ai không nhận ra các ơn phúc ban cho họ qua Chúa Kitô, Chúa Kitô quả đã sinh ra vô ích; họ đi đường của họ với các việc làm của họ và sẽ không bao giờ tiến tới chỗ nếm được hay cảm nhận được những điều này. Như người lân cận của chúng ta cần và thiếu điều chúng ta có dư thế nào, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cũng cần và thiếu lòng thương xót của Người như vậy. Do đó, như Cha trên trời của chúng ta đã tự do đến, trong Chúa Kitô, để giúp chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải tự do giúp đỡ người lân cận chúng ta như thế bằng thân xác chúng ta và các việc làm của nó, và mỗi người hãy trở thành như thể một Đấng Kitô đối với người khác để chúng ta là Đấng Kitô đối với nhau và Chúa Kitô là như nhau trong mọi người, nghĩa là, chúng ta trở thành các Kitô hữu thực sự.

Như thế ai có thể thấu hiểu hết các kho tàng và vinh quang của đời sống Kitô hữu? nó có thể làm mọi sự và có mọi sự, không hề thiếu thứ gì. Nó làm chủ trên tội lỗi, sự chết, và hoả ngục, ấy thế nhưng đồng thời nó lại hầu hạ, phục vụ và gây ích cho mọi người. Nhưng tiếc thay, thời ta, đời sống này không ai trên thế giới biết tới; nó không được rao giảng cũng không được tìm kiếm; chúng ta hoàn toàn không biết đến danh tánh mình và không biết tại sao mình là các Kitô hữu hay mang tên Kitô hữu. Chắc chắn chúng ta được đặt tên theo Chúa Kitô, không phải vì Người xa vắng chúng ta, nhưng vì Nguời cư ngụ trong ta, nghĩa là, vì chúng ta tin Người và là các Đấng Kitô đối với nhau và làm cho các người lân cận của chúng ta như Chúa Kitô làm cho chúng ta. Nhưng thời ta, chúng ta được lý thuyết của con người giảng dậy không đi tìm điều gì ngoại trừ công phúc, phần thưởng, và những điều vốn là của chính chúng ta; về Chúa Kitô, chúng ta chỉ làm cho Người trở thành một ông đốc công nghiêm khắc hơn Môsê gấp bội.

Chúng ta có một điển hình trổi vượt về một đức tin như thế nơi Trinh Nữ Diễm Phúc. Như đã được viết trong Luca 2:22, ngài được thanh luyện theo luật Môsê, theo tục lệ của mọi phụ nữ, mặc dù, ngài không buộc phải giữ luật đó và không cần được thanh luyện. Tuy nhiên, vì tình yêu tự do và tự ý, ngài tình nguyện tùng phục lề luật giống mọi phụ nữ khác để ngài không làm phật lòng hay khinh bỉ họ. Ngài không được công chính hóa bởi việc làm này, nhưng vì đã công chính nên ngài làm việc ấy một cách tự do và tự ý. Việc làm của chúng ta cũng phải như thế, chứ không phải để chúng ta được công chính hóa bởi chúng, vì chúng ta vốn đã được công chính hóa trước đó bằng đức tin, nên chúng ta làm tất cả những điều ấy một cách tự do và hân hoan vì ích lợi cho người khác.

Thánh Phaolô cũng đã cắt da qui đầu cho môn đệ Timôtê của ngài, không phải vì việc cắt da qui đầu này cần thiết để ông được công chính hóa, nhưng để ông không làm mất lòng hay khinh bỉ những người Do Thái yếu đức tin và chưa nắm vững tính tự do của đức tin. Nhưng mặt khác, khi họ coi thường tính tự do của đức tin và nhấn mạnh rằng việc cắt da quy đầu cần thiết cho việc công chính hóa, ngài đã phản kháng họ và không cho phép Titô được cắt da quy đầu (Gl 2:3). Ngài không sẵn lòng làm phật lòng hay coi thường bất cứ đức tin yếu ớt của ai và đã chiều theo ý muốn của họ trong nhất thời thế nào, ngài cũng không sẵn lòng để tính tự do của đức tin bị xâm phạm và coi thường bởi những người cứng đầu, coi mình được công chính hóa nhờ việc làm như thế. Ngài chọn con đường trung dung, nể nang người yếu đuối trong một thời gian, nhưng luôn cứng rắn với những kẻ cứng cổ, để ngài có thể hoán cải mọi người tiếp nhận tính tự do của đức tin. Điều chúng ta làm nên được làm bằng cùng một lòng nhiệt thành như thế để nâng đỡ kẻ yếu đuối trong đức tin, như nói ở Rm 14:1; nhưng chúng ta nên cương quyết chống lại những ông thầy ương ngạnh dạy về việc làm. Về điều này, chúng ta sẽ nói thêm sau này.

Kỳ sau: Chúa Kitô và việc nộp thuế
 
VietCatholic TV
Tổ trác: Truyền thông nhà nước phát trực tiếp dân Vũ Hán chửi bới phó thủ tướng, trước khi kéo xuống
Giáo Hội Năm Châu
01:41 07/03/2020
Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, các phương tiện truyền thông của đảng cộng sản Trung Quốc đã phát trực tiếp một video trong đó có những lời chỉ trích mạnh mẽ các nhà lãnh đạo đảng vì sự giả dối và chủ nghĩa hình thức.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có bài tườn thuật xong. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Video này đã lan truyền rộng rãi từ hôm thứ Sáu 6 tháng Ba trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc và đã được đăng, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, trên các trang web của tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily -人民日報) và tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times - 环球时报).

Đoạn video cho thấy Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan -孙春兰) đến thăm quận Thanh Sơn (Qingshan - 青山区) của Vũ Hán. Thành phố này là tâm chấn của dịch bệnh, đã bị cô lập với phần còn lại của đất nước kể từ ngày 23 tháng Giêng.

Theo truyền thông của đảng cộng sản Trung Quốc, Tôn Xuân Lan đến để kiểm tra việc phân phối thuốc, thực phẩm và rau quả tươi cho cư dân bị cấm rời khỏi nhà. Những thứ này được trao qua các ủy ban khu phố.

Trong video, Tôn Xuân Lan và đoàn tùy tùng của bà được nhìn thấy đang đi thăm một cộng đồng dân cư khi nổi lên các tiếng thét của người dân “láo khoét, láo khoét, mọi thứ đều là láo khoét,” trong khi một người khác hét lên “chủ nghĩa hình thức”. Đó là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các biện pháp không hiệu quả được thực hiện bởi các quan chức chính phủ chỉ nhắm đến các khía cạnh bề ngoài mà thôi.

Trên thực tế, người dân địa phương đã mạnh mẽ chỉ trích bọn cầm quyền im lặng và trì hoãn việc đưa ra các báo động về sự bùng phát coronavirus, gây thiệt hại kinh hoàng về nhân mạng, và những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế.

Lời giải thích hợp lý nhất cho các hành vi phản kháng của những người phàn nàn là họ thực ra đã không nhận được thực phẩm và thuốc men, trong khi truyền thông nhà nước mù quáng ca ngợi hiệu quả của các chính sách chống lại coronavirus của chính phủ ở Vũ Hán và trên khắp Trung Quốc.

Ít nhất trong một tuần qua, bọn cầm quyền Bắc Kinh đã cố ý đưa ra các con số rất thấp về thương vong và nhiễm coronavirus trên khắp Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu 6 tháng Ba, Bắc Kinh nói chỉ có khoảng 145 trường hợp nhiễm bệnh mới được báo cáo tại Hồ Bắc, với 30 người chết, 29 người ở Vũ Hán và một người ở Hải Nam.

Điều khôi hài đã xảy ra là tờ Nhân dân Nhật báo, tờ Thanh niên Bắc Kinh, và Thời báo Hoàn cầu đã đăng các bài báo cùng với video với những lời chửi bới thậm tệ trên trang web của họ trong vài giờ, trước khi xóa đi.

Video này dù đã bị xóa, nhưng vẫn còn được công khai đưa lên trên các mạng xã hội của Trung Quốc. Trên Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc bắt chước như Twitter, người ta đăng video này nhưng nói khéo rằng chính phủ trung ương đã ra lệnh cho chính quyền địa phương điều tra và giải quyết vấn đề ngay lập tức. Người khác lại nói: Vũ Hán đã bắt đầu một cuộc điều tra với hơn 3,000 người được phỏng vấn, để tìm hiểu những lời phàn nàn.

Do đó, video này vẫn có thể truy cập trên phương tiện truyền thông xã hội tại Hoa Lục.

Một video khác cũng được đăng trên truyền hình nhà nước và các mạng xã hội của Trung Quốc. Video này lấy từ Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng cho tháng Ba, trong đó Đức Phanxicô cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc và người dân Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng xuất hiện trên màn hình TV Trung Quốc và trên các mạng xã hội ở Hoa Lục. Sau khi Vatican gửi 600,000 khẩu trang y tế đến Trung Quốc. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã công khai cảm ơn Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh vì sự viện trợ nhân đạo này cho Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Bẩy 7 tháng Ba, Trung Quốc cho biết trong ngày thứ Sáu có thêm 30 người thiệt mạng. Như thế, đến nay đã có 3,015 trường hợp tử vong, nhưng nói rằng con số nhiễm bệnh mới là không đáng kể, chỉ có 143 trường hợp trong 24 giờ qua.

Triệu Lập Kiên ( Zhao Lijian -赵立坚), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã lên tiếng chỉ trích các thuật ngữ được dùng trên các phương tiện truyền thông thế giới như “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc”, và “virus Tập Cận Bình” là vô trách nhiệm.

Những lời chỉ trích này rõ ràng là nhắm đến Hoa Kỳ. Trong hai ngày liên tiếp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã công khai gọi COVID-19 là “virus Vũ Hán” hay “coronavirus Vũ Hán”


Source:Asia News
 
Giáo Hội tại Á Châu giữa cơn khủng hoảng dịch coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:24 07/03/2020
Con số các trường hợp nhiễm coronavirus tại Nam Hàn đã vượt quá con số 7,000, với hầu hết các trường hợp nhiễm virus mới vẫn được xác định chủ yếu tại thành phố Daegu, cách Hán Thành 300km về phía đông nam. Thành phố này được xem là tâm điểm của sự bùng phát virus ở quốc gia này. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Nam Hàn đã đặt hai thành phố Daegu và Cheongdo, hay còn gọi là Thành Đô, vào danh sách các “khu vực quan tâm đặc biệt”. Một thành phố gần đó vừa được chính phủ Nam Hàn liệt kê vào danh sách này là thành phố Khánh Sơn, tên tiếng Hàn là Gyeongsan. Thành phố thứ ba này có biên giới với cả hai thành phố nêu trên.

Cả 3 thành phố đều thuộc về tổng giáo phận Daegu. Trong thánh lễ trực tuyến hôm Chúa Nhật 1 tháng Ba, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Đức Tổng Giám Mục Tađêô Cho Hwan-Kil đã lên tiếng xin những chủ nhân của các tòa nhà cho những người khác mướn mở tiệm hãy giảm bớt tiền nhà như một cử chỉ bác ái trong Mùa Chay. “Thực tế trong những ngày này họ không mua bán được,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Cho đến nay, đã có hơn 40 trường hợp tử vong, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi có tiền sử bệnh.

Khoảng 60 phần trăm các trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus có liên quan đến một chi nhánh của giáo phái Shincheonji /shing chong dzi/ ở Daegu, thành phố lớn thứ tư của đất nước với dân số 2,5 triệu người.

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên của giáo phái Shincheonji cho biết họ đã quyên ra 12 tỷ won, tức là 10.1 triệu Mỹ kim, cho cuộc chiến chống lại sự lây lan của COVID-19.

Sáng thứ Ba 3 tháng Ba, chính quyền thủ đô Hán Thành đã quyết định niêm phong các trung tâm sinh hoạt của giáo phái Shincheonji. Chính quyền Hán Thành nói là giáo phái Shincheonji đã cố tình đưa thông tin sai lạc và không hợp tác với chính quyền, làm đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân.

Hôm thứ Hai 2 tháng Ba, ông Lý đã xin lỗi vì sự lây lan của căn bệnh và tuyên bố sẽ hợp tác hoàn toàn với các nỗ lực của chính phủ nhằm chống lại dịch bệnh này.

“Thay mặt cho các tín hữu Shincheonji, tôi thành thật xin lỗi công chúng,” ông Lý Vạn Hy nói trong một cuộc họp báo được tổ chức bên ngoài Hán Thành.

“Chúng tôi không cố ý gây ra điều này, nhưng nhiều người đã bị nhiễm bệnh.”

Ông đã quỳ xuống trước các phóng viên và những người tham dự giữa cuộc họp báo ở quận Gia Bình (Gapyeong), cách Hán Thành khoảng 60 km về phía đông, trong khi một số người biểu tình hét lớn những lời lăng mạ và những khẩu hiệu yêu cầu ông Lý phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, các trường hợp nhiễm coronavirus đã được xác nhận tại Nhật Bản đã tăng trên 1,000 trường hợp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nhiễm coronavirus là từ con tàu du lịch bị cách ly Diamond Princess. Các nhà tổ chức Thế vận hội đã nhấn mạnh điều này nằm bác bỏ suy đoán rằng Thế vận hội Mùa hè Tokyo có thể bị hủy bỏ.

Các ca nhiễm mới tiếp tục tăng tại các địa điểm khác nhau, từ tỉnh Kumamoto ở phía tây nam đến Hokkaido ở phía bắc.

Điều đó nhấn mạnh sự lây lan của virus trên toàn quốc và đặt ra câu hỏi về việc liệu Thế vận hội Olympic, được dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 7, có thể được diễn ra hay không.

Chủ tịch Thế vận hội Tokyo 2020 cho biết phương án hủy bỏ Thế vận hội không nằm trong suy tính của ban tổ chức.

“Tôi hoàn toàn không tính đến khả năng này,” Yoshiro Mori nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.

Khi được hỏi khi nào ban tổ chức có thể đưa ra quyết định có duy trì Olympic hay không, Mori, nguyên là thủ tướng Nhật, cho biết: “Tôi có phải là Chúa đâu mà tôi biết.”

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu các trường học đóng cửa trong tháng này, các công ty đang khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và các sự kiện thể thao đang bị hủy bỏ hoặc nếu có thì chỉ được chơi trong các vận động trường trống không.

Cho đến nay, các thánh lễ tại Nhật Bản vẫn được tổ chức như thường lệ.

Hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản, ANA Holdings và đối thủ là Japan Airlines Co cho biết họ sẽ hủy một số chuyến bay nội địa từ ngày 6 đến 12 tháng 3 do không có khách.

Tại Iraq, chính phủ ra lệnh cấm các cuộc tụ họp công cộng lớn. Họ đóng cửa các trường học, các trường đại học cũng như các nhà hàng và quán cà phê. Tuy nhiên, quyết định của chính phủ xem ra không được chấp hành. Người dân Iraq cho rằng chính phủ đang thổi phồng sự nguy hiểm của coronavirus để cấm đoán các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, để chứng tỏ thiện chí, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê đã quyết định hủy bỏ các thánh lễ trước nguy cơ dịch bệnh lan tràn tại Iraq.

Tại một lễ hội hàng năm ở Chechnya, 20,000 người đã đến để nếm thử các món tỏi hoang dã, tham gia các hội thảo và xem các điệu múa truyền thống. Người Chechnya tin rằng tỏi có công dụng nhất định trong tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Một người tham dự nói:

“Thực sự có rất nhiều vitamin trong loại cây này. Nó chắc chắn khởi động khả năng miễn dịch của bạn. Tỏi có tác dụng rất có lợi cho sức khỏe và thể lực tổng quát của bạn.

Và bạn cần gì trong cuộc chiến chống lại bất kỳ virus nào? Chỉ cần một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người tham gia lễ hội này đều trở nên khỏe mạnh hơn một chút và chắc chắn được bảo vệ hơn nhằm chống lại coronavirus.”

Tỏi hoang dã thường được thu hoạch vào tháng Giêng hoặc tháng Hai và là thành phần chính trong bữa ăn trong các gia đình Chechnya.